" Cỏ Ven Đường PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cỏ Ven Đường PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo “Mối liên hệ giữa đầu óc và chữ nghĩa càng phức tạp thì con người anh càng bị chìm vào nỗi cô đơn.” Lời đầu sách Natsume Soseki (1867 - 1916) luôn được nhắc đến như một trụ cột của văn đàn Nhật Bản thời Meiji. Là một trong những thanh niên ưu tú được chính quyền đương thời gửi sang Anh du học, ông có điều kiện tốt để trở thành một giáo sư chuyên về văn học Anh. Nhưng cuối cùng, ông đã chọn viết văn chuyên nghiệp như một con đường, dù không ít chông gai, cho phép ông sống tự do với năng khiếu vốn có. Nói một cách cụ thể thì lựa chọn này cho phép ông, với tư duy độc lập của một trí thức và tinh thần trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, được tự do phát biểu tư tưởng bằng lời nói riêng và theo cách nói riêng, trong khi trào lưu hiện đại hóa như một con sóng lớn ào qua, làm thay đổi mọi phương diện trong xã hội Nhật Bản. Đề tài chủ yếu trong sáng tác của Natsume Soseki là thân phận của trí thức trong xã hội đương thời. Đặt hình tượng người trí thức vào vị trí trung tâm trong tác phẩm, Soseki không đơn thuần chỉ kể những câu chuyện. Văn phong tiểu thuyết của ông thể hiện rõ phong thái trầm tư của người trí thức. Trầm tư trước bàn viết. Trầm tư trên đường đi. Trầm tư khi chứng kiến những biểu hiện kỳ quặc của con người. Trầm tư với những tham vọng và cảm giác bất lực của cá thể nhỏ nhoi trong dòng đời cuộn chảy. Lối viết đặc thù ấy cứ như thể hiện rằng tác giả chẳng buồn tạo ra kịch tính trong tác phẩm, chẳng cần dụng công cho cốt truyện, chẳng để tâm xem câu chuyện mình kể có hấp dẫn hay không. Nhưng rồi không biết tự lúc nào, phong thái trầm tư của nhân vật cuốn người đọc vào thế giới bên trong tác phẩm. Đi theo bước chân của nhân vật, nhìn theo cái nhìn của nhân vật, người đọc cũng trở thành một lữ khách trầm tư, để rồi thỉnh thoảng chợt thấy những sự vật sự việc lâu nay vẫn tồn tại quanh mình hiển lộ trong một vầng sáng mới. Thế giới ấy không giống như một tòa nhà đồ sộ đã được xây hoàn chỉnh để người đọc chiêm ngưỡng và đánh giá, một khách thể sừng sững trước mắt người đọc, mà như một lối cỏ tình cờ mở ra trước mắt để người đọc đi vào, dẫn người đọc bước đi và quan sát thế giới quanh mình một cách tự nhiên như người ta đang sống. Cỏ ven đường cũng là một tiểu thuyết mang phong thái trầm tư như vậy. Tác phẩm này vẫn được xem là một kiểu tự truyện của Natsume Soseki, có lẽ vì Kenzo, nhân vật chính trong truyện, là một người làm nghề dạy học nhưng chỉ muốn dành hết thời gian cá nhân cho việc đọc và viết trong không gian tĩnh lặng của thư phòng. Kenzo cũng từng được gửi sang làm con nuôi ở một gia đình khác, và cũng là người có kinh nghiệm du học ở London. Nói cách khác, trong thế giới tiểu thuyết của Soseki, Kenzo trong Cỏ ven đường có đặc điểm nổi rõ hơn các nhân vật trong những tiểu thuyết khác vì mang đậm bóng dáng của tác giả trong cuộc sống đời thường, do được xây dựng từ chất liệu gồm nhiều thông tin về cuộc đời thực của tác giả. Nhưng đó không phải là điều quan trọng nhất mà nhân vật này nói riêng và tác phẩm nói chung mang đến cho người đọc. Vậy đâu là điều quan trọng ở Kenzo? Tưởng như nhân vật trầm tư này chỉ tình cờ chia sẻ với người đọc vài mảng ký ức của đời anh, do những cuộc gặp gỡ tình cờ ở quãng đời hiện tại. Nhưng một lúc nào đó, người đọc chợt nhận thấy Kenzo chẳng khác gì một “ngón tay chỉ trăng”, và câu chuyện của cuộc đời của một người vô danh lặng lẽ đôi khi chợt sáng lên những ý nghĩa bất ngờ trong khoảnh khắc suy nghiệm. Điều đó, chứ không phải những nhân vật với chức danh cụ thể hay hoạt động xã hội nổi bật, tự nhiên giúp người đọc hiểu được rõ ràng và sâu sắc về sự tồn tại và thân phận của người trí thức, không phải chỉ là vấn đề riêng của xã hội Nhật Bản đương thời, mà là tình hình chung gắn với những quan niệm cố hữu của con người và những quy luật tự nhiên chi phối bản chất của đời sống. Kenzo tự biết mình là kẻ vô dụng trong những công việc của cuộc sống đời thường, vì điều đó được thể hiện quá rõ trong cái nhìn của mọi người xung quanh hướng vào anh, khi anh thậm chí không biết cách buộc gọn mối dây cho chiếc rương hành lý. Kenzo cũng biết là mình có đời sống vật chất nghèo nàn, khi chiếc ví của anh thường xuyên trống rỗng, và những khoản chi nhỏ nhặt cũng trở thành sự thúc bách khiến cho tâm trạng anh u uất nặng nề. Nhưng anh vẫn tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn. Thái độ sống như vậy đã làm cho Kenzo trở thành một hiện thân của người trí thức, với bản chất cố hữu định hình nên thân phận của họ, cùng tất cả những hệ lụy kèm theo. Thú vị hơn, thái độ sống ở Kenzo đã thể hiện rất rõ quan niệm của Natsume Soseki về sự thoải mái trong đời sống. Đó là sự thoải mái về phương diện tinh thần, giúp người ta luôn giữ một khoảng cách nhất định với mọi sự xô bồ của thế giới xung quanh, có vậy mới cảm nhận ở mức độ tinh tế, mới đạt đến những suy nghiệm sâu xa về bản chất của thế giới và ý nghĩa trong sự tồn tại của con người. Theo Soseki thì sự thoải mái này là nguồn gốc đã làm nên cả thế giới phong nhiêu của văn hóa truyền thống Nhật Bản. Ông gần như đã dành cả cuộc đời viết văn để đề cao sự thoải mái đó, đồng thời phê phán trào lưu hiện đại hóa đã làm cho giá trị này bị mai một dần đi trong xã hội đương thời. Với thái độ thoải mái như vậy, Kenzo trong Cỏ ven đường sẽ giúp người đọc nhận thấy một người trí thức thì mong manh và mạnh mẽ ra sao. Họ không hề giàu có và hữu dụng theo quan niệm phổ biến ở đời, nhưng họ giàu có và hữu dụng theo cách riêng của họ. Không hấp dẫn như một bữa ăn ngon trước mắt, cũng không đầy mãnh lực như của cải bạc tiền, sự tồn tại của người trí thức thầm lặng và vô hình như một loại dưỡng khí cho đời sống. Nhưng, phải chăng như cái lọ rỗng thì mới cắm được hoa, cuộc đời vẫn không thể thiếu một lớp người thầm lặng và mong manh như vậy? Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm Cỏ ven đường, như một nỗ lực trong quá trình học hỏi, chia sẻ những giá trị tinh hoa của văn chương Natsume Soseki nói riêng và văn học Nhật Bản nói chung, với tinh thần sẵn sàng tiếp nhận những bình luận của quý độc giả góp ý về cuốn sách. Người dịch 1. Kenzo đi xa về rồi lập nghiệp ở sâu bên trong khu Komagome(*), không biết khi đó đã là bao nhiêu năm sau ngày anh rời Tokyo ấy nhỉ? Anh thậm chí còn cảm thấy nỗi lòng cô quạnh khi hiếm hoi mới có dịp đặt chân lên miền đất cố hương. Cơ thể anh vẫn còn vương vất thứ mùi của xứ sở xa xôi mà anh vừa rời bỏ. Anh thấy khó chịu với chuyện này, nghĩ rằng mình cần phải rũ bỏ thứ mùi kia sớm được ngày nào hay ngày ấy. Thế là anh càng không nhận ra niềm tự hào và sự thỏa mãn của bản thân lẩn khuất bên trong mùi hương đó. Với vẻ nóng lòng thường có khi người ta mang tâm trạng ấy, anh cứ đều đặn ngày hai bận đi về trên đoạn đường từ Sendagi đến Oiwake. Một ngày kia, trời có mưa lất phất. Khi ấy anh vẫn đi về phía khu Hongo vào đúng thời điểm như thường lệ, chỉ che dù chứ không mặc áo khoác ngoài hay sử dụng trang phục đi mưa. Và anh chợt gặp một người xuất hiện bất ngờ, cách cửa hàng xe kéo(*) chẳng bao xa. Người ấy đi lên con dốc chỗ cổng sau của đền Nezu(*), có vẻ như đi về phía bắc và ngược hướng với anh. Khi Kenzo nhìn bâng quơ theo con đường phía trước, anh đã lọt vào tầm mắt người ấy từ lúc hai bên còn cách nhau khoảng chừng mười căn nhà. Bất giác, anh đưa mắt nhìn tránh sang chỗ khác. Anh đã định đi lướt qua bên cạnh người ấy với vẻ phớt lờ. Nhưng anh cần phải xác nhận đường nét gương mặt người ấy một lần nữa, nên lại liếc nhìn về phía người ấy lúc hai bên giáp nhau trong khoảng cách chừng hai, ba căn nhà. Khi đó, người ấy ngay lập tức nhìn đăm đăm vào dáng vẻ anh. Đường vắng người qua lại. Giữa hai người chỉ có những sợi mưa mỏng mảnh vẫn buông rơi không dứt, nên chẳng hề có điều gì cản trở hai bên nhận mặt nhau. Kenzo liền lảng tránh hướng nhìn rồi lại bước đi, vẫn nhìn thẳng phía trước. Nhưng người kia thì đứng sững lại ở vệ đường, chẳng có vẻ gì định nhấc chân cất bước mà cứ đăm đăm nhìn theo anh đang đi lướt qua. Kenzo cảm thấy như thể gương mặt của người đàn ông ấy bám theo bước chân mình mà chuyển động tiến lên từng bước. Anh không gặp người này đã bao năm rồi nhỉ? Anh cắt đứt quan hệ với người này cách đây đã rất lâu, hồi anh xấp xỉ hai mươi tuổi. Rồi từ dạo ấy đến nay đã qua mười lăm, mười sáu năm, mà rốt cuộc trong khoảng thời gian ấy hai người tuyệt nhiên chẳng một lần giáp mặt. So với thuở ấy, cả địa vị lẫn hoàn cảnh của anh đã đổi khác hoàn toàn. Giờ đây, anh đội mũ phớt và có bộ râu đen, so với hình ảnh ngày xưa có mái đầu gần như cạo trọc thì ngay bản thân anh cũng không khỏi có cảm giác như đó là hai người không cùng thời đại vậy. Nhưng trong khi đó, người kia lại quá nổi bật vì chẳng hề thay đổi. Anh ước đoán thể nào người kia cũng đã sáu lăm, sáu sáu tuổi, nhưng trong lòng lại cứ thắc mắc, vì nghĩ rằng sao tóc ông ấy giờ vẫn còn đen hệt ngày xưa. Nét riêng thể hiện ở việc ông vẫn cố chấp giữ thói quen để đầu trần ra đường không khác gì thuở trước cũng là một nhân tố khiến cho anh cảm thấy lạ lùng. Dĩ nhiên anh không muốn chạm mặt ông ấy. Anh vẫn mong rằng nếu hiếm hoi có dịp nào chạm mặt, sẽ là trường hợp chẳng hạn như người kia mặc trang phục sang trọng hơn mình. Nhưng người kia trước mắt anh lúc này thì nhất định chẳng ai nhìn vào mà có thể đánh giá là người đang có hoàn cảnh sống sung túc. Cứ cho rằng không đội mũ là quyền tự do của người ta, nhưng nếu nhìn vào bộ kimono hay chiếc áo khoác haori(*) mà đoán định thì chỉ có thể cho rằng đây là một thị dân có tuổi thuộc tầng lớp trung lưu trở xuống. Anh còn để ý rằng loại dù ông ấy đang cầm trông hơi nặng, là loại được dệt từ sợi bông xen lẫn với sợi len. Hôm ấy, sau khi về nhà anh vẫn không quên được người đàn ông đã gặp trên đường. Nhiều lần, lòng anh day dứt vì ánh mắt người ấy đứng lại bên vệ đường đăm đăm nhìn theo anh. Nhưng anh chẳng bộc bạch điều gì với vợ. Cố tật của anh là lúc tâm trạng không thoải mái thì không nói chuyện với vợ, cho dù có chuyện muốn nói bao nhiêu đi chăng nữa. Vợ anh cũng là kiểu đàn bà mà ngoài những chuyện cần thiết thì tuyệt nhiên không mở miệng với đức ông chồng cứ lặng thinh. 2. Hôm sau Kenzo vẫn đi qua nơi ấy vào thời điểm như mọi bận. Anh cũng đi qua nơi đó vào ngày hôm sau nữa. Nhưng người đàn ông không đội mũ thì chẳng thấy xuất hiện từ bất cứ đâu. Anh cứ đi về trên đoạn đường quen thuộc như một thứ máy móc và cũng như một phận sự phải làm. Sau năm ngày liên tiếp trôi qua trong bình yên như thế, đến sáng ngày thứ sáu thì người đàn ông không đội mũ lại đột ngột hiện ra từ chỗ khuất phía sau con dốc ở đền Nezu, khiến Kenzo sợ hãi. Cũng ở nơi gần giống như lần trước, thời điểm so với lần đó hầu như không xê dịch bao nhiêu. Lần này Kenzo tuy biết đối phương đang tiến lại gần mình nhưng định vẫn bước đi như cỗ máy qua đường quen thuộc và như một phận sự phải làm. Nhưng thái độ người kia thì hoàn toàn ngược lại. Ông ta chăm chú nhìn anh bằng đôi mắt tập trung tất cả sự chú ý khiến cho bất cứ ai cũng không khỏi cảm thấy bất an. Chỉ cần một thoáng là đọc thấy rõ ràng, từ đôi mắt đã có vẻ mờ đục, nỗi lòng ông ấy trong khi đang tiến đến gần anh. Một dự cảm kỳ lạ chợt nổi lên trong lòng Kenzo - người đã đi lướt qua bên cạnh ông ta với thái độ cứng rắn hết mực. Chỉ thế này thì không thể xong chuyện được đâu. Nhưng hôm ấy sau khi về nhà, anh rốt cuộc cũng không nói chuyện với vợ về người đàn ông không đội mũ. Thời điểm vợ chồng anh kết hôn đã là bảy, tám năm về trước. Hồi đó mối quan hệ với người đàn ông kia đã bị cắt đứt trong quá khứ xa xăm, mà địa điểm kết hôn cũng không phải cố hương Tokyo, nên về phần vợ anh thì chẳng có lý do gì để trực tiếp biết về người ấy. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng vợ Kenzo biết chuyện chỉ là do tin đồn, do bản thân anh trước đó đã kể ra, hoặc là nghe từ người thân của anh. Dù theo cách nào thì điều đó cũng hầu như chẳng thành vấn đề đối với Kenzo. Chỉ là có một sự kiện liên quan đến chuyện này, xảy ra sau khi anh đã lập gia đình và cho đến bây giờ lắm lúc vẫn gợn lên trong cõi lòng anh. Năm, sáu năm trước đây, dạo anh còn đang sinh sống ở tỉnh khác, một hôm bỗng có phong thư dày, với nét chữ có vẻ nữ tính, để trên bàn nơi anh làm việc. Khi ấy anh đã nhăn nhó mà đọc lá thư kia. Nhưng dù anh có mải miết đọc bao nhiêu thì vẫn không đọc hết. Rốt cuộc anh bèn đưa cho vợ sau khi lướt mắt qua khoảng một phần năm nội dung thư, viết bằng chữ nhỏ chi chít đến hai mươi trang giấy nửa khổ(*). Khi ấy, anh cần phải giải thích cho vợ về lai lịch của người đàn bà đã tự tay viết ra bức thư dài đến vậy. Và rồi liên quan đến người đàn bà kia, anh cũng nhất thiết phải nói đến người đàn ông luôn để đầu trần ấy. Kenzo nhớ rằng dạo đó, bản thân mình đã bị thúc ép vì sự cần thiết phải làm như vậy. Nhưng về chuyện mình đã giải thích cho vợ chi tiết đến mức nào thì anh không còn nhớ, vì anh là một người dễ thay đổi tâm tính. Vợ anh là đàn bà nên có lẽ vẫn còn nhớ rõ, nhưng giờ anh chẳng thích thú gì việc khơi câu chuyện lên lần nữa và thử nêu thắc mắc với vợ để mong làm sáng tỏ mọi điều. Anh cực ghét phải nghĩ đến người đàn bà đã viết ra bức thư dài nọ, trong mối tương liên với người đàn ông không đội mũ kia. Bởi điều đó sẽ trở thành yếu tố trung gian gợi nhắc về quá khứ bất hạnh của anh tự thuở nào. May mắn là cuộc sống trước mắt không để anh rỗi rãi mà chăm chú lưu tâm vào việc đó. Về đến nhà, thay quần áo xong anh liền bước vào thư phòng ngay. Anh luôn cảm thấy những việc mình cần làm đang chất chồng như núi trên sàn hẹp của căn phòng sáu chiếu(*). Nhưng nói đúng ra thì so với thực trạng làm việc, sự thôi thúc cho rằng phải làm việc mới là điều chi phối anh sâu sắc hơn nhiều. Hẳn nhiên trong lòng anh phải cảm thấy bứt rứt. Trong căn phòng sáu chiếu này, sau khi mở những thùng sách mang từ chốn xa về, anh đã trải qua một vài tuần ngồi khoanh chân giữa mớ sách phương Tây chất cao như núi. Rồi anh cầm lên từng cuốn đại để có biết qua, lần lượt đọc chừng hai, ba trang mỗi cuốn. Do vậy mà việc sắp xếp cho gọn gàng chốn thư phòng vô cùng quan trọng đối với anh chẳng bao giờ xong được. Cho đến khi có một người bạn thân đến nhà, thấy sốt ruột trước tình trạng ấy bèn thoăn thoắt xếp hết chỗ sách kia lên kệ mà chẳng bận tâm đến cả thứ tự lẫn số lượng sách. Đa số những người quen biết anh đều phê phán chứng suy nhược thần kinh ở anh. Còn bản thân anh thì tin rằng khí chất của mình vốn dĩ là như vậy. 3. Thật ra, Kenzo bị công việc dồn đuổi ngày này qua ngày khác. Sau khi về nhà anh cũng chẳng có được chút thời gian thư thả. Rồi anh lại còn đọc những thứ muốn đọc, viết những điều muốn viết, suy nghĩ những vấn đề anh muốn suy nghĩ. Vì vậy tâm hồn anh hầu như không hề biết thong thả là gì. Anh lúc nào cũng dính chặt vào trước bàn làm việc. Anh có vẻ bận rộn đến mức hiếm khi nào đặt chân đến những chốn vui chơi. Lần nọ có người bạn rủ đi xem hát tuồng, anh khéo léo từ chối nhưng trong lòng lại hết sức ngạc nhiên, nghĩ rằng sao người khác lại có thời gian rỗi thế nhỉ. Và anh tuyệt nhiên không hề nhận ra rằng, về thái độ đối với thời gian, mình cũng giống hệt như những kẻ chỉ biết có đồng tiền. Lẽ đương nhiên là anh phải né tránh các hoạt động xã giao. Và phải né tránh cả con người. Mối liên hệ giữa đầu óc và chữ nghĩa càng phức tạp thì con người anh càng bị chìm vào nỗi cô đơn. Cũng có lúc anh mơ hồ nhận ra cảm giác cô quạnh ấy. Nhưng mặt khác, anh lại có sự tự tin kỳ lạ được hun đúc trong sâu thẳm tâm hồn. Cho nên trong khi chọn lối sống hướng đến sự hoang liêu quạnh quẽ, anh luôn hiểu rằng như thế lại càng đúng là bản tính của mình. Anh không hề nghĩ rằng mình đang làm cho dòng máu ấm nóng của con người khô cạn dần đi. Anh bị những người thân xem là một kiểu người kỳ dị. Nhưng đối với anh, điều đó không hẳn là nỗi khổ đau sâu sắc. Nền tảng giáo dục khác nhau thì đành chịu vậy thôi. Anh thường tự biện hộ trong lòng như vậy. “Vẫn cứ mèo khen mèo dài đuôi!” Cách lý giải quen thuộc của vợ anh là thế. Đáng thương thay, Kenzo không thể vượt qua những lời phê phán này của vợ. Anh tỏ vẻ bất bình mỗi khi bị vợ nói như thế. Lúc thì trong lòng anh cảm thấy phiền muộn vì vợ không hiểu mình. Lúc thì anh nặng lời mắng vợ. Rồi có lúc, anh một mực phủ nhận lời vợ nói. Thế là với vợ anh, những lời cáu giận của chồng nghe cứ như vọng âm ngôn từ của người cố tỏ ra mạnh mẽ. Vợ anh chẳng làm gì ngoài việc sửa câu “Mèo khen mèo dài đuôi” thành “Miệng hùm gan sứa”. Anh có một người anh ruột và một người chị cùng cha khác mẹ. Nói về họ hàng thân thích thì anh chỉ có hai chỗ ấy mà thôi. Đáng buồn là với cả hai người, anh đều chẳng qua lại thân thiết gì cho lắm. Việc trở nên xa cách với anh chị của mình cũng là sự thực lạ đời không mấy dễ chịu đối với anh. Nhưng anh thấy công việc của bản thân vẫn quan trọng hơn là duy trì sự kết nối với người trong gia tộc. Vả lại, ký ức về ba, bốn lần anh đã gặp họ sau khi trở lại Tokyo cũng phần nào biện minh giúp cho anh. Nếu người đàn ông để đầu trần không đột ngột hiện ra giữa đường đi, chắc hẳn khi đó anh vẫn chỉ mỗi ngày hai bận đi về qua khu Sendagi đều đặn theo lịch trình thường lệ, chứ chẳng đưa chân đến nơi nào khác cả. Chắc hẳn trong khoảng thời gian ấy, khi đến Chủ nhật cho phép cơ thể được nghỉ ngơi, anh cũng chẳng làm gì khác hơn là nằm suốt nửa ngày trên sàn chiếu, buông duỗi tay chân đã rã rời mệt mỏi mà tận hưởng cảm giác thư nhàn. Nhưng tới Chủ nhật kế tiếp, anh chợt nhớ đến người đàn ông đã hai lần tình cờ gặp trên đường. Và như thể chợt nảy ra ý định, anh đã tìm đến nhà chị gái. Nhà chị ấy gần con dốc Tsunokami(*) ở khu Yotsuya, nằm sâu trong góc phố ở vị trí cách con đường lớn chừng trăm mét. Chồng của chị ấy là một người họ hàng của Kenzo, nên thật ra cũng là họ hàng của chị. Nhưng về tuổi tác thì hai người chỉ là đồng niên hoặc chênh nhau một tuổi, nên đối với Kenzo, cả hai vợ chồng đều hơn anh khoảng chừng một giáp. Chồng chị vốn là người họ hàng làm việc cho văn phòng hành chính của quận Yotsuya, nên kể cả bây giờ khi anh đã thôi việc ở đó, chị ấy vẫn cứ sống trong nếp nhà cũ kỹ thuở ban đầu, với lý do không muốn rời xa mảnh đất vẫn còn nhiều cảm giác thân thương, mặc dù không thuận tiện cho chỗ làm hiện tại. 4. Chị gái Kenzo là người bị bệnh hen suyễn, cứ phải thở khò khè quanh năm suốt tháng. Vậy mà bẩm sinh chị lại còn bị chứng sợ bẩn thái quá, nên nhất định không chịu ngồi yên nếu như không quá mệt. Chị cứ phải đi lại loay hoay suốt trong gian nhà nhỏ hẹp để sắp đặt sửa sang gì đó. Trong mắt Kenzo, vẻ tất bật không yên như thế trông thật tội nghiệp. Chị còn là kiểu đàn bà đặc biệt thích chuyện trò. Mà cách nói chuyện của chị lại chẳng có chút nào thanh lịch. Ngồi đối diện với chị, Kenzo luôn phải im lặng với vẻ mặt khổ sở. Bởi vì đấy là chị của mình mà! Sau khi nói chuyện với chị ấy, bao giờ Kenzo cũng tự nhủ trong lòng như vậy hãy ăn món sushi đi nhé. Hôm ấy vẫn như thường lệ, Kenzo gặp chị trong trang phục đã được buộc gọn bằng dây vải, đang lục lọi bên trong chiếc tủ có nhiều ngăn. “Ồ, thật hiếm khi cậu đến chơi nhà! Nào, cậu dùng cái này đi.” Chị đưa cho Kenzo chiếc đệm ngồi rồi đi ra chỗ hiên nhà rửa tay. Còn lại một mình, Kenzo nhìn quanh bên trong gian phòng khách. Chỗ ranma(*) có treo bức thư pháp cũ kỹ đã quen thuộc với anh từ thuở bé. Anh chợt nhớ tận mười lăm, mười sáu năm về trước có được nghe anh rể giải thích rằng danh tính Tsutsui Ken được ghi lạc khoản trên bức ấy chắc hẳn là nhà thư pháp nào đó trong giới hatamoto(*) với chữ viết cực đẹp. Dạo ấy anh thường đến chơi nhà và cứ anh anh em em với anh rể suốt. Thế là, tuy tuổi tác chênh lệch như chú cháu nhưng hai người hết chọc giận chị gái anh khi đấu vật với nhau trong phòng khách, lại bị bắt phải dọn dẹp vì đã leo lên nóc nhà hái vả ăn rồi vứt vỏ sang vườn nhà bên cạnh. Cũng có dạo anh đã giận anh rể vô cùng, vì anh ấy hứa sẽ mua cho loại la bàn gắn trong chiếc hộp nhưng không giữ lời, mãi vẫn chẳng thấy mua. Lại có chuyện khôi hài là sau khi cãi nhau với chị gái, anh đã xác định rằng chị ấy có chủ động xin lỗi thì cũng chẳng bỏ qua, nhưng đợi mãi mà chị không xin lỗi nên đành phải lóc cóc tự mình tìm đến, rồi vì anh chẳng biết làm gì nên cứ đứng lặng im trước cổng cho đến khi được gia chủ gọi vào... Ngắm bức thư pháp cũ, Kenzo rọi ngọn đèn ký ức sáng choang vào bản thân anh thời niên thiếu. Anh cảm thấy khó chịu với chính mình, vì đối với vợ chồng người chị từng thân thiết thế kia, giờ đây anh lại khó mà thật sự nghĩ tốt về họ. “Gần đây sức khỏe chị thế nào? Không có cơn suyễn nào quá nặng chứ ạ?” Anh hỏi thăm khi nhìn vào gương mặt chị gái đang ngồi đối diện mình. “Ừ, cảm ơn cậu. Cũng may là vẫn không sao cả. Ờ thì riêng về công việc nhà chị vẫn túc tắc xoay xở được... Nhưng tuổi tác thì vẫn cứ là tuổi tác mà. Không thể nào làm việc xông xáo như ngày xưa được nữa. Ngày xưa, dạo mà Ken-chan(*) hay đến chơi ấy nhỉ, chị cứ tất tả xắn áo xắn quần lên, đúng là còn cọ rửa luôn cả đáy nổi ấy chứ, nhưng bây giờ làm gì mà khỏe như thế được. Có điều may mắn là ngày nào chị cũng uống sữa được thế này...” Kenzo tuy vậy nhưng hằng tháng vẫn không quên gửi chị một khoản tiền tiêu vặt. “Chị có vẻ hơi gầy đi đấy nhỉ?” “Có gì đâu, đành chịu thôi vì tạng người chị nó vốn vậy. Chị xưa nay chưa bao giờ mập cả. Vẫn là do chứng rối loạn lo âu đấy. Bị chứng ấy thì không mập được đâu.” Chị vén tay áo chìa cho Kenzo xem cánh tay gầy guộc không cơ bắp. Quầng thâm hình bán nguyệt trên lớp da trông như chùng xuống bên dưới mắt khiến cho đôi mắt to và sâu của chị nhuốm vẻ u buồn. Kenzo im lặng nhìn mãi vào chỗ lòng bàn tay thô ráp ấy. “Nhưng thật tuyệt vời khi Ken-chan thành đạt. Lúc cậu xuất ngoại chị cứ tưởng mình khó mà còn sống đến khi chị em gặp lại nhau, thế mà cậu đã thành công trở về rồi đấy nhỉ. Giá bố mẹ còn sống thì chắc vui lắm đấy!” Đôi mắt chị ngấn nước tự bao giờ. Thuở Kenzo còn bé, chị vẫn hay lặp lại câu nói cứ như luôn ở cửa miệng rằng, “Sau này nếu chị làm có tiền thì Ken-chan muốn gì chị cũng sẽ mua cho”. Rồi thoắt cái chị lại bảo, “Thằng bé này tính khí kỳ quặc đến thế thì làm sao nên người cho được!” Kenzo thầm cười khổ trong lòng khi nhớ lại những lời lẽ và cách nói của chị ngày xưa. 5. Tuy khơi gợi những ký ức cũ xưa là thế, hình ảnh người chị lâu ngày không gặp đã già đi càng lưu dấu rõ ràng trong mắt Kenzo. “À mà chị bao nhiêu tuổi rồi ấy nhỉ?” “Chị già rồi ấy chứ. Năm mốt rồi cậu ạ.” Chị cười để lộ ra hàm răng thưa đã xỉn vàng. Kenzo cũng bất ngờ với sự thật là chị đã năm mươi mốt tuổi. “Vậy là tuổi chị nhiều hơn em hơn một giáp chứ nhỉ. Em cứ tưởng cách nhau nhiều lắm là mười, mười một tuổi thôi kia.” “Sao lại chỉ cách nhau một giáp? Chị hơn Ken-chan những mười sáu tuổi cơ! Vì anh nhà chị tuổi Mùi thuộc sao Tam Bích(*), còn chị thuộc sao Tứ Lục mà. Ken-chan thì chắc là sao Thất Xích nhỉ?” “Chẳng biết là sao gì, nhưng em ba mươi sáu rồi ạ.” “Cậu cứ thử tính xem. Chắc là sao Thất Xích đấy mà.” Kenzo thậm chí còn không hiểu tại sao phải tính sao cho tuổi của mình. Câu chuyện về tuổi tác đến đó thì dừng hẳn. “Hôm nay chị ở nhà một mình ạ?” Anh thử hỏi thăm về anh Hida. “Tối qua anh ấy cũng vắng nhà. Chỉ riêng phần việc của anh ấy thì mỗi tháng chỉ đâu khoảng chừng ba, bốn lần, nhưng vì còn làm giúp người khác nữa. Vả lại, chỉ cần thêm một đêm thì chắc cũng có thù lao đấy, cho nên cả việc của người khác tự nhiên anh ấy cũng lại muốn nhận làm. Cứ như dạo gần đây, có lẽ số đêm ngủ lại bên ấy cũng xấp xỉ số đêm anh ấy về nhà. Tùy tình hình, cũng có thể số đêm ở lại còn nhiều hơn ấy chứ.” Kenzo im lặng nhìn chiếc bàn làm việc của anh Hida được đặt sát bên chỗ vách trượt. Hộp đựng nghiên mực, bao thư, giấy viết dạng cuộn được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp. Cạnh đó có hai, ba cuốn sổ ghi chép thu chi xếp đứng, gáy bọc da màu đỏ quay về phía anh ngồi. Bên dưới còn có đặt chiếc bàn tính nhỏ sạch sẽ bóng loáng. Theo tin đồn thì nghe đâu dạo này anh Hida có quan hệ với người đàn bà khác, thu xếp cho người ấy ở ngay cạnh chỗ làm. Kenzo có thể đoán rằng, hay là có lẽ vì chuyện đó mà anh ta không về nhà, lần này qua lần khác cứ nói rằng mình phải trực đêm. “Anh Hida dạo này ra sao? Hình như hầu hết mọi người khi có tuổi thường thay đổi tính cách, trở nên đứng đắn hơn thì phải.” “Vẫn chẳng thay đổi chút nào đâu. Chỉ riêng anh ấy là được sinh ra để chơi bời, nên đành chịu vậy. Nào diễn trò, nào hát xướng, nào đấu vật. Chỉ cần có tiền là anh ấy cứ rong chơi quanh năm suốt tháng thôi mà. Nhưng thật kỳ lạ, chẳng biết do tuổi tác hay thế nào mà so với hồi xưa thì có vẻ như anh ấy cư xử nhẹ nhàng hơn một chút. Mọi chuyện vốn dĩ như Ken-chan cũng biết, quá thô bạo luôn ấy nhỉ? Nào đánh nào đá, rồi còn nắm tóc chị lôi xềnh xệch khắp phòng...” “Tại vì đổi lại, chị cũng chẳng chịu thua cơ mà?” “Thế nào chứ chị thì rốt cuộc có bao giờ kiếm chuyện nọ kia đâu!” Kenzo chợt cảm thấy buồn cười vì nhớ lại hồi trước chị ấy chẳng chịu thua ai cả. Chuyện hai người gây gổ chắc chắn không phải kiểu chịu lép một bề như lời chị tự kể mới đây. Đặc biệt về khẩu khí thì chị hơn anh Hida cả chục lần. Thế mà người chị chẳng chịu thua kém ai như vậy lại bị chồng lừa dối, cứ thực bụng tin rằng những hôm không về nhà thì chắc chắn là anh ấy ngủ lại ở công ty. Anh cảm thấy tội nghiệp lạ lùng trước tình cảnh đó. “Lâu ngày không gặp, để em mời chị ăn món gì đó nhé?” Anh nhìn gương mặt chị giây lâu rồi bảo. “Cảm ơn. Cậu đã nói vậy thì, tuy không hẳn là hiếm có dịp được ăn, nhưng giờ hãy ăn món sushi đi nhé.” Chị ấy là kiểu người mà hễ có khách, cho dù là ở thời điểm nào, cũng nhất định phải mời ăn. Vì chẳng còn cách nào khác, đã đến lúc Kenzo muốn thong thả mở lời với chị về câu chuyện mang theo vẫn chất chứa trong lòng, sau khi sửa lại dáng ngồi cho thoải mái. 6. Có lẽ do gần đây Kenzo đã hoạt động trí óc quá nhiều nên dạ dày lại có vẻ gì đó bất ổn. Đôi khi anh tập thể dục, như thể sực nhớ ra, thì trái lại chỉ càng cảm thấy nặng nề ở cả vùng ngực và vùng bụng. Anh vẫn luôn cẩn trọng giữ gìn, ngoài ba bữa ăn vẫn cố gắng không đưa thêm bất cứ món gì vào miệng, nhưng đành chịu thua trước người chị cứ ép anh quá mức. “Món ăn cuộn rong biển thì có gì hại sức khỏe đâu. Hiếm hoi mới có dịp chị mua để chiêu đãi Ken-chan, cho nên nhất định cậu phải ăn đấy nhé! Cậu không thích à?” Cực chẳng đã, Kenzo đành phải phồng má nhồm nhoàm nhai món cuộn rong biển chẳng lấy gì làm ngon trong khuôn miệng đã rạc đi vì hút thuốc lá vô tội vạ. Vì chị quá nhiều lời nên mãi mà Kenzo chưa thốt ra được điều anh muốn nói. Có điều muốn hỏi nhưng cứ ở tình thế bị động trong trò chuyện kiểu này, anh dần dần cảm thấy rấm rứt khó chịu. Mà có vẻ như chị không hề nhận ra điều đó. Là kiểu người thích mời người khác ăn và cũng thích trao các tặng vật, chị ấy chợt nói ra ý định tặng Kenzo bức tranh cuộn dọc mà anh đã có lời khen dạo trước - một bức vẽ Lạt Ma đã cũ. “Chả là trong nhà có món ấy cũng chẳng biết làm gì, nên cậu giữ nó đi. Có gì đâu, anh Hida cũng chẳng hề cần đến, bức Lạt Ma cáu bẩn ấy mà.” Kenzo chỉ cười méo mó chứ chẳng nói là nhận hay không nhận. Thế rồi đột nhiên chị ấy hạ giọng như nói ra chuyện bí mật nào đó. “Ken-chan, thật ra chị đã nhiều lần định nói sau khi cậu trở về, nhưng rồi đến bây giờ mà vẫn chưa nói đấy. Phần vì đoán Ken-chan hẳn cũng rất bận rộn khi mới về nước, phần vì lúc chị vừa định sẽ đến chỗ cậu thì lại có mợ Osumi nên hơi khó nói chuyện. Mà như cậu biết đấy, chị có muốn xoay sang cách viết thư thì cũng đành thúc thủ đúng không?...” Lời mào đầu của chị dài lê thê mà cũng khá khôi hài. Hồi bé, cho dù có bị bắt tập viết bao nhiêu chị cũng không nhớ được. Chữ đơn giản đến mấy rốt cuộc cũng chẳng đọng lại trong đầu chị. Nghĩ rằng chị cứ thế mà sống cho đến bây giờ ở độ tuổi năm mươi, Kenzo vừa cảm thấy tội nghiệp vừa có phần xấu hổ cho người dù sao cũng là chị của mình. “Vậy thì chuyện chị nói ấy mà, rốt cuộc là chuyện gì thế ạ? Thật ra hôm nay em đến cũng vì có chút chuyện muốn nói với chị đấy.” “Vậy sao? Vậy trình tự theo lệ thường là nghe chuyện của cậu trước nhỉ. Sao cậu lại không kể sớm đi?” “Nhưng em chưa kể được ấy chứ!” “Có cần phải e ngại đến thế không! Mình chẳng phải là chị em sao, cậu?” Chị không hề nhận ra thực tế rõ ràng, rằng mình nói quá nhiều nên đối phương chẳng có cơ hội mà mở miệng. “Thôi thì hãy nghe xong chuyện của chị trước đã. Chuyện mà chị muốn nói ấy là chuyện gì nào?” “Thật ra chị cũng khó nói vì rất ái ngại cho Ken-chan, nhưng phần vì thể lực cứ sa sút dần theo tuổi tác, lại thêm anh nhà chị là kiểu người thế đấy: Chỉ cần biết có riêng bản thân mình, chứ còn vợ thì sao, hỏi vậy là vẻ mặt anh ấy như thể muốn nói rằng tôi làm sao biết được... Tất nhiên thu nhập hằng tháng vốn ít ỏi, đã vậy còn bảo chẳng có cách nào khác vì cũng phải giao tế, thế là xong chuyện luôn nhưng mà...” Vì theo kiểu đàn bà nên câu chuyện của chị vòng vo quá đỗi. Mãi mà vẫn chưa có vẻ gì là dễ đi vào điều cần nói. Nhưng Kenzo đã rõ ý chính trong câu chuyện ấy rồi. Anh nghĩ rằng hẳn chị muốn khoản tiền tiêu vặt hằng tháng được tăng thêm chút đỉnh. Nghe kể rằng ngay cả bây giờ chị vẫn thường bị chồng vay mượn khoản tiền kia, anh vừa thấy mủi lòng nhưng lại vừa tức giận với điều chị cậy nhờ. “Cậu nghĩ xem có cách nào giúp chị với nhé. Thể trạng chị thế này thì dù sao cũng chẳng sống được lâu.” Đó là những lời chị nói ra sau cùng. Kenzo tuy vậy cũng không thể nói lời từ chối. 7. Ngày mai có việc, nên giờ anh về nhà rồi còn phải thu xếp trong tối hôm nay. Đúng là anh cảm thấy ít nhiều phiền muộn khi phải đối diện với bà chị chẳng hề có ý niệm về giá trị của thời gian, cứ nói chuyện huyên thuyên chẳng bao giờ kết thúc. Anh định ra về vào lúc nào thuận tiện. Và rồi đúng ngay trước lúc về thì rốt cuộc anh đã nói đến người đàn ông không đội mũ. “Thật ra, gần đây em có gặp ông Shimada đấy.” “Ồ, cậu gặp ở đâu?” Giọng có vẻ ngạc nhiên, chị hỏi. Chị là người ưa cố tình tạo nét biểu cảm hơi thái quá, theo kiểu thường thấy ở dân Tokyo ít học. “Ở gần chỗ cánh đồng Ota(*) ấy.” “Thế chẳng phải ngay gần chỗ cậu sao? Thế nào, có bắt chuyện gì không?” “Bắt chuyện thì thật ra cũng đâu có chuyện gì để nói...” “Ừ nhỉ. Phải là phía Ken-chan lên tiếng trước thôi. Bởi vì cũng chẳng có lẽ nào để ông ta mở lời kiểu ấy được.” Chị nói theo kiểu đang cố gắng hết mình để đón ý Kenzo. “Thấy ông ta ăn mặc thế nào?” Sau khi hỏi thêm Kenzo câu ấy, chị bảo, “Vậy hẳn ông ấy vẫn chẳng được thoải mái lắm đâu, cậu nhỉ.” Xem ra trong lòng chị cũng đồng cảm ít nhiều, nhưng khi nhắc chuyện quá khứ của người kia thì vẻ chán ghét vô cùng bắt đầu thể hiện qua khẩu khí. “Dù tàn nhẫn đến đâu, làm gì có người lại tàn nhẫn đến vậy cơ chứ! Bảo rằng hôm nay đã là hạn cuối rồi, nên dù gì đi nữa cũng cứ đòi bằng được. Viện lẽ thế nào vẫn cứ ngồi lì ra không nhúc nhích. Rốt cuộc chị cũng nổi điên lên, bảo rằng xin lỗi nhé, em không có tiền, nhưng nếu bác chịu lấy đồ đạc thì cứ lấy cả xoong nồi mà đi vậy. Thế là lão nói luôn, vậy tôi lấy nồi đi nhé. Cậu thấy có choáng không!” “Nói lấy nồi chứ nồi nặng thì làm sao mà mang đi được nhỉ?” “Nhưng với con người tham lam thậm tệ ấy thì cũng không hẳn không tìm cách nào đó để mà mang đi đâu. Lão là loại người hành động với tâm địa xấu xa như vậy, vì định rằng hôm ấy sẽ không để cho chị nấu cơm đấy chứ. Dù sao đi nữa, chắc chắn tương lai chẳng có gì là tốt đẹp đâu.” Câu chuyện này đối với Kenzo không đơn giản chỉ nghe như một chuyện khôi hài. Anh nhận thấy bản thân mình ngày xưa, bị vướng mắc vào chuyện đôi co như vậy đã xảy ra giữa chị và ông ấy, phải nói là cái bóng đáng thương chứ không hẳn buồn cười. “Chị này, em đã gặp ông Shimada hai lần rồi đấy. Mà từ giờ trở đi chưa biết rồi lúc nào lại gặp.” “Thôi nào, cậu cứ làm ngơ đi. Gặp bao nhiêu lần cũng có sao đâu, phải không nào?” “Nhưng mà chẳng biết liệu ông ta có cố tình đi qua đoạn đó, để tìm kiếm nhà em chẳng hạn, hay là có việc đi qua đó và chỉ tình cờ gặp mặt thôi.” Chị cũng chẳng có lời giải đáp cho nghi vấn đó, chỉ nói linh tinh với Kenzo để anh không cảm thấy khó chịu. Những lời ấy cứ vang vọng trong lòng Kenzo như kiểu lời nói ngọt phỉnh phờ. “Sau đận ấy ông ta chẳng bao giờ đến đây nữa chứ?” “Ờ, khoảng hai, ba năm trở lại đây tuyệt nhiên không hề đến nữa.” “Còn trước đó thì sao?” “Trước đó ấy à? Không tới mức như cơm bữa, nhưng đôi khi cũng có đến đấy. Mà chuyện đó cũng buồn cười lắm kia. Hễ đến là lúc nào cũng khoảng mười một giờ ấy nhé. Nếu mà không cho ăn cơm lươn hay món gì đó thì nhất định không chịu về đâu. Ngày ba bữa cũng mong ăn được một bữa ở nhà người khác, chắc lão ta nghĩ bụng vậy đó mà. Nhưng thói quen ăn mặc nọ kia thì lão ấy khá là tươm tất nhỉ...” Câu chuyện chị nói thường hay bị lạc đề, nhưng Kenzo nghe chuyện có thể đoán biết, quả là vì chuyện tiền nong mà kể cả sau khi anh rời Tokyo, hai bên ít nhiều vẫn còn duy trì mối quan hệ. Nhưng ngoài điều đó ra, anh chẳng còn biết được gì khác nữa. Về tình hình hiện tại của ông Shimada thì đúng là mù tịt. 8. “Bây giờ ông Shimada vẫn ở chỗ cũ chăng?” Ngay cả câu hỏi đơn giản này chị ấy cũng không thể trả lời rành mạch. Kenzo hơi đi chệch khỏi trọng tâm vấn đề. Nhưng anh không nghĩ đến chuyện chủ động truy hỏi về chỗ ở hiện tại của ông Shimada, nên cũng không thấy thất vọng gì cho lắm. Anh tin rằng trường hợp này không cần thiết phải căn vặn đến điều như vậy. Anh nghĩ rằng ví như có căn vặn đến cùng thì chẳng qua cũng chỉ là một kiểu thỏa mãn tính hiếu kỳ mà thôi. Sử dụng thời gian của anh để làm chuyện như vậy quá là hoang phí. Anh chỉ dùng trí tưởng tượng để hình dung trong đầu khung cảnh mà anh vẫn thấy ngày còn nhỏ, là ngôi nhà ông ấy và quang cảnh xung quanh nhà. Nơi ấy có hào nước rộng lớn chạy dài cả trăm mét dọc theo một bên đường. Nước trong con hào đó là nước tù nên bị vẩn đục trông ghê mắt do bùn phân hủy. Đôi chỗ còn gợn lên màu xanh, thậm chí còn xông lên mũi anh thứ mùi khó chịu. Anh nhớ rằng khuôn viên nhếch nhác nọ được xem như cơ ngơi của người có tên là [...]. Chạy dài suốt bên kia hào nước là dãy nhà tập thể. Hầu như mỗi căn trong dãy nhà ấy đều có trổ một ô cửa sổ vuông, ảm đạm. Vì dãy nhà cứ chạy dài hun hút sát bên bức tường xây bằng đá, nên hoàn toàn không nhìn thấy gì ở bên trong khuôn viên. Ở phía đối diện với khu này là những căn nhà nhỏ một tầng nằm rải rác. Tất nhiên, dãy phố ấy trông xô lệch với những ngôi nhà cũ mới nằm xen lẫn. Cứ lộ ra những khoảng trống đó đây, tựa như hàm răng của người già. Ông Shimada đã cất nhà sau khi mua mảnh đất nhỏ hẹp trong số những khoảng trống nơi ấy. Kenzo không biết ngôi nhà ấy được làm xong khi nào. Nhưng lần đầu tiên anh đến đó là lúc nhà mới cất chưa được bao lâu. Tuy nhà hẹp chỉ có bốn gian nhưng trong cái nhìn còn trẻ thơ khi đó, anh vẫn thấy gỗ làm nhà có vẻ đã được lựa chọn khá cẩn thận. Cách bố trí phòng ốc cũng công phu. Gian phòng sáu chiếu quay về phía Đông, và trong mảnh vườn hẹp rải đầy lá thông có dựng cây đèn lồng đá Mikage(*) đồ sộ to quá mức. Là người ưa sạch sẽ, ông Shimada vén vạt áo kimono giắt vào thắt lưng, luôn tay dùng khăn ướt lau cột nhà và sàn ván lối đi ở ngoài hiên, rồi đi chân trần ra khoảng sân ở phía trước gian phòng hướng nam mà dọn cỏ. Có lúc ông dùng cào nạo vét luôn cả mương nước trước cổng nhà. Có cây cầu gỗ dài chỉ chừng bốn thước(*) bắc qua mương nước ấy. Ngoài căn nhà ấy, ông Shimada còn cất một gian nhà đơn sơ để cho thuê. Rồi ông làm một lối đi rộng chừng ba thước, để có thể đi thông ra đằng sau qua khoảng trống ở giữa hai căn nhà. Khoảng đất lầy lội đằng sau, không hẳn là ruộng cũng không hẳn là nương. Hễ giẫm lên cỏ lại lớp nhớp nước. Chỗ trũng nhất thì lúc nào cũng như cái ao cạn. Dường như ông Shimada có ý định dần dà rồi trên khoảng đất ấy cũng sẽ xây thêm gian nhà nhỏ cho thuê. Nhưng kế hoạch đó chẳng bao giờ được thực hiện. Nơi ấy mùa đông vẫn thường có vịt trời sà xuống, nên ông thường bảo lần tới sẽ bắt cho một con... Cứ thế, Kenzo lần lại ký ức thuở xưa từ chuyện này nối tiếp sang chuyện khác. Bây giờ mà đến đó chắc là phải sửng sốt vì mọi thứ đổi thay, biết vậy nhưng anh lại cứ nghĩ về quang cảnh của hai mươi năm trước như chuyện của hiện thời. “Có thể lúc này anh nhà chị vẫn còn đang gửi thiệp chúc mừng năm mới đấy.” Lúc Kenzo rời đi, chị gái anh nói vậy và bảo anh ở lại trò chuyện đến chập tối thì sẽ có anh Hida về nhà, nhưng với anh cũng không cần phải thế. Hôm ấy nhân tiện đi thăm hỏi nhiều nơi lâu ngày không gặp, anh cũng ghé vào nhà anh ruột ở trước chùa Yakuo, khu Ichigaya, định dò hỏi về ông Shimada, nhưng rồi tâm trạng dần thay đổi vì cảm thấy thời gian đã muộn, mà cho dù có hỏi cũng chẳng biết phải làm gì, nên cứ để ngỏ việc ấy mà trở về khu Komagome. Đêm hôm ấy, anh lại bận túi bụi vì công việc của ngày kế tiếp. Thế là anh quên hẳn chuyện về ông Shimada. 9. Anh lại quay về với cái tôi thường lệ, có thể dùng phần lớn sức lực cho công việc của mình. Thời gian của anh cứ chảy trôi êm ả. Nhưng trong dòng trôi êm ả ấy luôn có sự bứt rứt không ngừng dằn vặt anh. Người vợ phải nhìn anh từ xa thì không hề có ý định xen vào nên vẫn cứ điềm nhiên. Kenzo chỉ có thể cho rằng đó là sự lãnh đạm mà một người vợ không nên có. Hơn nữa, trong lòng chị vẫn thầm trách móc chồng, giống như anh tự trách bản thân. Thời gian chồng mình ở trong thư phòng càng lâu thì ngoại trừ những việc cần thiết, sự giao tiếp giữa hai vợ chồng hẳn phải càng ít lại. Lý lẽ phía vợ anh là thế. Tất nhiên là vợ Kenzo cứ để anh được ở một mình trong thư phòng, chị chỉ làm bạn với con cái mà thôi. Các con cũng hiếm khi bước chân vào thư phòng. Thảng hoặc có vào thì thế nào cũng bị Kenzo mắng vì nghịch phá gì đó. Mặc dù mắng mỏ nhưng đối với lũ con không gần gũi với mình, trong lòng anh vẫn cảm thấy phần nào thiếu vắng. Vào Chủ nhật tuần kế tiếp, anh hoàn toàn không bước ra khỏi nhà. Khoảng bốn giờ anh đi ra nhà tắm công cộng để thay đổi không khí, sau khi trở về chợt có cảm giác lâng lâng dễ chịu, nên anh nằm thả lỏng chân tay trên sàn chiếu rồi không ngờ lại ngủ thiếp đi. Cứ thế cho đến lúc bị vợ đánh thức vì đến giờ cơm tối, anh ngủ như chết không hề biết gì cả. Nhưng khi trở dậy ngồi vào trước mâm cơm, anh thoáng có cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng từ trên xuống, sau đó hắt hơi hai cái thật mạnh. Vợ anh ngồi cạnh vẫn lặng thinh. Anh cũng không nói gì, nhưng nhấc đũa lên mà vẫn biết trong lòng có cảm giác khó chịu đối với người vợ ít tinh thần san sẻ như thế. Và ngược lại vợ anh cũng cảm thấy không được thoải mái ở vị trí của mình, thầm hỏi sao chồng không khuyến khích mình cư xử hoạt bát đúng kiểu một người vợ bình thường, bằng cách cởi mở kể với mình mọi chuyện. Tối hôm ấy, anh nhận ra rõ ràng mình đã có ít nhiều triệu chứng bị cảm. Anh tự nhủ mình nên thận trọng đi ngủ sớm, nhưng rốt cuộc lại thức đến hơn mười hai giờ vì vướng chút công việc dở dang. Lúc anh đi nằm thì mọi người trong nhà đều đã ngủ. Kenzo uống bột sắn dây pha nước nóng và mong cơ thể đổ mồ hôi, rồi đành cứ thế mà chui vào trong mớ chăn đệm lạnh. Anh cảm thấy lạnh một cách lạ lùng và rất khó đi vào giấc ngủ. Nhưng chẳng mấy chốc, đầu óc mệt mỏi đã cuốn anh vào giấc ngủ sâu. Sáng hôm sau, anh cảm thấy nhẹ nhõm không ngờ khi tỉnh giấc. Nằm trong chăn đệm, anh nghĩ rằng mình đã khỏi bệnh cảm. Tuy nhiên, cho đến lúc phải trở dậy rửa mặt thì cơ thể anh uể oải đến mức việc dùng nước lạnh như mọi ngày cũng thành ra đáng ngại. Anh gắng gượng thử đến bàn ăn, nhưng bữa sáng chẳng ngon miệng chút nào. Như thông lệ thường ngày, anh vẫn ăn ba bát cơm, vậy mà hôm ấy anh đã xong bữa sau một bát, rồi phù phù thổi và uống nước trà nóng vừa mới cho quả mơ ngâm vào. Nhưng bản thân anh cũng không hiểu được ý nghĩa của việc ấy. Lần này vợ cũng ngồi bên cạnh Kenzo xới cơm, nhưng chẳng nói chuyện gì cả. Anh bực dọc ít nhiều vì thấy thái độ ấy chẳng khác gì khéo tỏ ra lạnh nhạt. Anh cố ý ho lên hai, ba tiếng, nhưng vợ anh vẫn chẳng đoái hoài gì. Kenzo tròng vội chiếc áo sơ mi trắng qua đầu, thay Âu phục xong là rời khỏi nhà đúng giờ như thường lệ. Vợ anh vẫn như mọi khi cầm mũ tiễn chồng ra trước cửa, nhưng lúc này anh nhận thấy đó là biểu hiện ở một người chỉ coi trọng hình thức, nên lại phiền muộn trong lòng. Sau khi ra khỏi nhà, anh nhiều lần có cảm giác khó chịu. Lưỡi khô ráp nặng nề, toàn thân uể oải như người đang bị sốt. Anh tự bắt mạch cho mình và sửng sốt vì mạch đập nhanh. Tiếng mạch đập rần rật chạm vào đầu ngón tay hòa lẫn với tiếng điểm giây của chiếc đồng hồ bỏ túi, truyền đến tai anh những tiết tấu lạ lùng. Tuy vậy, anh vẫn gắng chịu đựng để hoàn thành phần việc phải làm ở bên ngoài. 10. Anh về nhà đúng giờ như thường lệ. Lúc anh thay quần áo, vợ anh vẫn như mọi khi vẫn đứng ngay bên cạnh, cầm bộ áo anh thường mặc ở nhà. Anh nhăn nhó nhìn sang phía vợ: “Mình trải chăn đệm đi. Tôi ngủ đấy.” “Vâng.” Vợ anh trải chăn đệm theo lời anh nói. Anh lập tức chui vào nằm trong chăn. Anh không nói lời nào với vợ về chuyện mình bị cảm. Vợ anh cũng tỏ ra chẳng để ý gì về điều đó. Với tình trạng ấy, cả hai đều ôm mối bực dọc trong lòng. Kenzo đang nhắm mắt chập chờn thì vợ anh đến bên đầu nằm gọi: “Mình có ăn cơm không?” “Tôi chẳng muốn ăn cơm gì cả.” Vợ anh im lặng trong giây lát, nhưng không có vẻ là sẽ đứng lên và ra khỏi phòng ngay. “Mình bị làm sao à?” Kenzo không đáp, nửa gương mặt vùi bên dưới mép chăn. Vợ anh khẽ đưa tay sờ lên trán anh mà vẫn không nói gì. Đến tối thì có bác sĩ tới. Anh được chẩn đoán là chỉ bị cảm xoàng, nhận thuốc nước và thuốc làm giảm triệu chứng. Anh đã uống các loại thuốc ấy từ tay vợ đưa cho. Ngày hôm sau anh lại sốt cao hơn. Đặt túi cao su đựng đá chườm lên đầu chồng theo lời bác sĩ dặn, vợ anh đã dùng tay giữ cho chiếc túi khỏi rơi, trong khi đợi người giúp việc mua về dụng cụ để treo túi - loại được chế tạo bằng niken, có đế chèn vào dưới đệm nằm. Trạng thái mê man kéo dài hai, ba ngày liên tục, đến mức đầu óc Kenzo hầu như chẳng ghi nhớ được gì trong khoảng thời gian đó. Khi tỉnh lại, anh nhìn lên trần nhà với vẻ mặt bình thản. Rồi nhìn sang vợ anh đang ngồi bên gối. Anh nhớ ra rằng mình đã đột nhiên đổ bệnh khiến vợ phải chăm nom. Nhưng anh lại quay mặt đi chẳng nói gì. Vì vậy, anh chẳng để lại chút ấn tượng nào trong lòng vợ về tình cảm của người chồng cả. “Mình bị làm sao thế?” “Tôi bị cảm mà. Chẳng phải bác sĩ nói vậy sao?” “Chuyện đó thì tôi biết.” Đến đó, cuộc hội thoại bị bỏ lửng. Vợ anh cau mặt chẳng nói gì thêm nữa rồi đi ra khỏi phòng. Kenzo vỗ tay gọi vợ quay trở lại. “Chứ mình nói tôi bị làm sao?” “Bị làm sao ấy à?... Mình bị ốm, chẳng phải tôi đây đã thay đá chườm, cho uống thuốc hay sao? Khi ấy mình nào là kêu vướng víu, nào là bảo tránh ra đằng kia đi, thật là...” Vợ anh chẳng nói thêm nữa mà nhìn xuống. “Tôi không nhớ mình đã nói như vậy.” “Đó là những lời nói trong lúc sốt cao nên có lẽ mình không nhớ được. Nhưng tôi cho rằng ít nhất nếu thường ngày mình không nghĩ thế thì dù ốm đến đâu cũng chẳng có lẽ nào lại nói ra như vậy.” Trong trường hợp này, thay vì tự nhìn lại bản thân để biết rốt cuộc có những sự thật nào ẩn sâu trong lời nói của vợ, Kenzo lại là kiểu người muốn trấn áp vợ mình ngay lập tức bằng năng lực tư duy. Nếu chỉ đơn thuần dựa trên lý lẽ mà xa rời vấn đề thực tế thì vợ anh vẫn thua cuộc ở trường hợp này. Bởi vì khi bị sốt hầm hập, khi đang say ma túy hay là đang nằm mơ, người ta không nhất thiết chỉ nói lên những điều mình vẫn nghĩ. Nhưng lý lẽ như thế chắc chắn không đủ để vợ anh tâm phục. “Tôi biết rồi. Vì đằng nào mình cũng chỉ xem tôi như con ở mà thôi. Mình chỉ cần lo cho riêng bản thân mình...” Kenzo bực dọc nhìn theo sau dáng vợ đứng lên rời chỗ. Anh tuyệt nhiên không nhận ra rằng mình đang dùng uy quyền của lý lẽ để lừa dối bản thân. Trong cái nhìn của anh, một người đã trau dồi trí óc đến đầu đến đũa bằng năng lực học vấn, thì vợ anh chính xác là loại người hoàn toàn không hiểu chuyện, vì tự trong thâm tâm không biết ngoan ngoãn tuân theo lý lẽ rõ ràng này. 11. Tối hôm ấy, vợ lại đến ngồi bên gối Kenzo, mang cho anh cháo nấu trong nồi đất. Chị vừa múc cháo ra bát vừa hỏi, “Mình ngồi dậy được không?” Lưỡi anh vẫn nổi đầy mụn rộp. Anh hầu như không muốn đưa thứ gì vào trong khoang miệng đầy cảm giác nặng nhọc và như thể cứ dày cộm lên. Thế mà không hiểu vì sao anh ngồi dậy trên chỗ đệm nằm, gắng cầm lấy bát cháo từ tay vợ. Nhưng chỉ có những miếng cháo lợn cợn trôi lạo xạo vào trong cổ họng, nên chỉ ăn được mỗi một bát thì anh đã lau miệng rồi nằm xuống lại ngay. “Mình vẫn chưa thấy thèm ăn à?” “Chẳng ngon miệng chút nào.” Vợ anh rút từ obi(*) ra một tấm danh thiếp. “Người này đến trong lúc mình đang ngủ, nhưng tôi đã thoái thác với lý do là mình bị ốm và để cho người đó về rồi.” Kenzo vẫn đang nằm nhưng chìa tay ra nhận tấm danh thiếp in trên loại giấy torinoko(*) và thử đọc họ tên, đó là người anh chưa từng gặp và cũng chưa nghe tên bao giờ. “Người đó đến khi nào?” “Chắc là hôm kia ấy. Tôi cũng định nói qua với mình, nhưng thấy mình chưa qua cơn sốt nên cố tình im lặng.” “Đó là người chẳng quen biết gì cả nhỉ.” “Nhưng nghe nói muốn gặp mình vì chút chuyện của ông Shimada nên mới tìm đến ấy.” Vợ Kenzo nhìn vào mặt anh khi nói vậy, đặc biệt nhấn mạnh mấy âm tiết của cái tên gọi Shimada. Trong đầu anh lập tức hiện lên bóng hình người đàn ông không đội mũ mà dạo gần đây anh đã gặp trên đường. Cho đến lúc ấy, anh tuyệt nhiên chẳng có cơ hội để nhớ về người đàn ông nọ. “Mình có biết ông Shimada à?” “Lúc nhận được lá thư dài do người phụ nữ tên là Otsune gửi đến, chẳng phải mình có kể chuyện đó sao?” Kenzo không trả lời, lại nhặt lên ngắm nhìn tấm danh thiếp mà anh đã đặt xuống. Anh không rõ liệu hồi ấy mình đã kể với vợ chi tiết đến mức nào về chuyện của ông Shimada. “Chuyện đó là khi nào ấy nhỉ? Chắc khá lâu rồi chứ?” Kenzo cười nhăn nhó khi nhớ lại cảm giác lúc anh đưa cho vợ lá thư dài dòng kia. “Ờ nhỉ. Chắc cũng được bảy năm rồi. Từ hồi nhà mình còn ở chỗ Senbondori mà lại.” Senbondori là tên của khu phố ở ngoại ô một thành phố nọ. Dạo ấy gia đình anh đã từng sinh sống ở đó một thời gian. Vợ anh ngừng lời một lúc rồi bảo, “Về ông Shimada, dù mình không nói ra đi nữa thì tôi cũng biết vì có nghe anh trai mình nói chuyện.” “Anh ấy đã nói chuyện gì rồi?” “Chuyện gì ấy à?... Đại để ông ấy là người chẳng tốt đẹp gì mấy, chuyện đó đúng không?” Có vẻ như vợ Kenzo vẫn đang muốn biết anh nghĩ gì về người đàn ông ấy. Nhưng ngược lại, anh có ý lảng tránh điều này. Anh lặng thinh và nhắm mắt lại. Trước khi mang khay có đựng nồi đất và chén bát rời đi, vợ anh đã nhắc lại thế này thêm lần nữa: “Nghe bảo người có tên trên tấm danh thiếp kia rồi sẽ lại đến đấy. Khi ra về, người ta có nói rằng mai kia mình đỡ ốm thì sẽ lại đến thăm.” Chẳng có cách nào khác, Kenzo đành phải mở mắt ra. “Chắc là sẽ đến chứ. Dù sao đi nữa, một khi đã tự xưng là thay mặt cho ông Shimada thì nhất định sẽ lại đến rồi.” “Nhưng mà mình có gặp mặt không, nếu như người ta đến?” Nếu nói thật lòng thì anh không muốn gặp. Vợ anh lại càng không muốn cho chồng gặp người đàn ông lạ lùng này. “Có lẽ mình không gặp thì hơn.” “Gặp cũng được, vì cũng có gì đáng sợ đâu cơ chứ.” Vợ anh có thể nhận ra, lời nói ấy của chồng mình lại thể hiện cái tôi như thường lệ. Kenzo không thích thế, nhưng nghĩ rằng đó là cách đúng đắn thì đành phải chịu thôi. 12. Chẳng bao lâu, Kenzo khỏe hẳn. Anh lại tiếp tục với lối sống lúc thì say sưa đọc, lúc thì chăm chú viết, rồi cũng có lúc chỉ khoanh tay suy nghĩ mà thôi. Đang trong thời gian ấy thì trước cửa nhà anh lại bất ngờ xuất hiện người đàn ông đã một lần hoài công tìm đến. Kenzo nhận lấy và ngắm nhìn giây lâu tấm danh thiếp mà anh vẫn còn nhớ có tên Yoshida Torakichi in trên giấy torinoko. Vợ anh nhỏ giọng hỏi, “Mình có định gặp không?” “Có gặp. Mình cứ mời vào phòng khách đi.” Vợ anh có chút lưỡng lự, vẻ mặt như muốn từ chối. Nhưng hiểu ra khi nhìn vào cung cách của chồng, chị lại rời khỏi thư phòng mà không nói gì cả. Yoshida là một người đàn ông phương phi vạm vỡ, có vẻ ở độ tuổi bốn mươi. Anh ta mặc áo khoác haori vải sọc, sợi dây đeo đồng hồ lấp lánh buộc vào dải obi may bằng loại nhiễu trắng cho đến dạo ấy vẫn thịnh hành. Qua ngôn ngữ giao tiếp thì thấy anh ta rõ là một thị dân. Tuy vậy nhưng điều đó tuyệt nhiên không thể hiện anh ta là một thương nhân thành thạo. Chẳng hạn khi cần nói “thì ra là vậy”, anh ta lại cố ý kéo dài thành “thì...ì... ra”, hoặc thay cho câu “đúng thế thật”, anh ta trả lời là “chí lý vô cùng”, ý chừng tỏ ra mình cảm phục sâu sắc. Kenzo tiếp khách có đầu đuôi trình tự, trước hết cần hỏi chuyện về Yoshida, bắt đầu từ lai lịch xuất thân của người này. Nhưng Yoshida là người hoạt ngôn hơn gia chủ, nên trước khi được hỏi đã chủ động giải thích sơ lược về lai lịch bản thân. Anh ta vốn sinh sống ở Takasaki. Và công việc của anh là ra vào để giao lương thực cho doanh trại quân đội ở đó. “Từ mối quan hệ ấy, dần dà tôi có thể trông cậy các sĩ quan... Chả là tôi may mắn trở thành chỗ đặc biệt thân cận với chồng của cô Shibano, cũng là một người trong số đó.” Kenzo nghe tên gọi Shibano thì nhớ ra ngay. Đó là họ của một quân nhân dạo trước đã cưới cô con gái người vợ sau của ông Shimada. “Nhờ mối liên hệ đó mà anh quen biết ông Shimada à?” Hai người trò chuyện một lúc về viên sĩ quan có tên là Shibano ấy. Nào chuyện anh ta giờ không còn ở Takasaki nữa; rằng anh ta đã chuyển công tác đi xa hơn về phía Tây, đến nay đã được mấy năm rồi; rồi anh ta không thay đổi, vẫn rượu chè nên đời sống chẳng được dư dật mấy... Tất cả những chuyện này đều rõ ràng là thông tin mới mẻ đối với Kenzo, nhưng đồng thời cũng chẳng phải là những chủ đề khiến anh hào hứng cho lắm. Chẳng có ác cảm gì với đôi vợ chồng kia, Kenzo chỉ bình thản nghe và biết rằng câu chuyện là như vậy. Nhưng lúc chuyện đi dần vào vấn đề chủ yếu, rốt cuộc chuyện về ông Shimada cũng được nói ra, thì tự nhiên anh cảm thấy khó chịu. Yoshida bắt đầu tập trung trình bày về tình trạng khốn khó của người luống tuổi kia. “Bởi vì ông ấy thương người quá, nên không ngờ bị lừa rồi mất hết tất cả. Cứ làm những chuyện thế nào ấy, chẳng hạn trong khi chẳng thấy được chút triển vọng nào mà lại vẫn cứ bỏ tiền ra.” “Thương người quá ấy à? Chứ không phải là vì tham lam quá hay sao?” Cứ cho là ông ta đang khốn cùng đúng như lời Yoshida nói, Kenzo vẫn chỉ có thể lý giải mọi chuyện theo cách ấy mà thôi. Nhưng e rằng có vẻ khả nghi khi nói rằng ông ấy khốn cùng. Người đại diện quan trọng là Yoshida cũng không cố biện minh cho điều đó. “Hoặc cũng có thể là như vậy...” Anh ta cười khỏa lấp với câu nói chỉ đến đó mà thôi. Dù vậy, sau đó anh ta lập tức đưa ra lời đề nghị, hỏi rằng liệu có thể gửi cho ông ấy mỗi tháng một ít tiền được không. Là một người chính trực, Kenzo rốt cuộc đã đến lúc phải nói rõ về hoàn cảnh kinh tế của mình với người đàn ông xa lạ chỉ vừa mới gặp lần đầu ấy. Anh cố gắng thuyết phục đối phương về chuyện hằng tháng mình chẳng còn đồng nào để lại, bằng cách giải thích cho người kia hiểu rõ mình phải làm thế nào với thu nhập một trăm hai mươi, ba mươi yên mỗi tháng, mà chi tiêu cứ hết khoản nọ đến khoản kia. Yoshida chốc chốc lại theo thói quen nói những lời “thì...ì...ra là vậy” hay “chí lý vô cùng” và nghe lời biện bạch của Kenzo với thái độ chân thành hòa nhã. Nhưng liệu anh ta tin lời anh đến đâu, anh ta bắt đầu nghi ngờ anh từ chỗ nào, về những điểm đó thì Kenzo cũng không biết được. Chỉ nhận thấy dường như anh ta trước sau vẫn coi trọng việc tỏ vẻ nhún nhường. Anh ta tất nhiên chẳng nói ra lời nào gay gắt và tuyệt đối không hề có thái độ vòi vĩnh. 13. Cho rằng vậy là đã thảo luận xong chút việc Yoshida mang đến, trong lòng Kenzo thầm mong anh ta sẽ ra về. Nhưng thái độ người kia rõ ràng đi ngược lại điều anh mong đợi. Tuy không nhắc gì thêm về chuyện tiền nong đã dừng luôn ở đó, anh ta không hề nhúc nhích mà vẫn cứ nói mãi không ngừng về những chuyện vô thưởng vô phạt trong thiên hạ. Thế là tự nhiên đề tài câu chuyện lại quay về với hoàn cảnh của ông Shimada. “Thế nào ấy nhỉ? Cũng vì có tuổi nên dạo gần đây ông ấy toàn nói ra những chuyện nghe có vẻ cô quạnh vô cùng!... Liệu có thể nhờ anh làm cách nào nối lại mối quan hệ như hồi trước được không?” Kenzo hơi bị lúng túng khi phải trả lời câu hỏi đó. Anh đành im lặng nhìn chiếc gạt tàn thuốc đặt giữa hai người. Trong đầu anh hiện lên rõ mồn một hình ảnh người đàn ông luống tuổi cầm chiếc dù nặng tay, được làm bằng loại vải dệt từ sợi bông xen lẫn với sợi len và ném về phía anh cái nhìn kỳ lạ. Anh không thể quên rằng ngày xưa đã mang ơn người đó. Nhưng đồng thời anh không ngăn được nỗi chán ghét, là phản ứng tình cảm đối với ông ấy từ cốt cách của mình. Anh bị mắc kẹt trong sự mâu thuẫn đó, nên hồi lâu không thể nào mở miệng. “Đã cất công tìm đến thế này, tôi xin anh hãy vui lòng chấp thuận riêng điều đó ạ!” Yoshida lại càng tỏ vẻ nhã nhặn hơn. Nghĩ theo hướng nào Kenzo vẫn không thích nối lại mối quan hệ, nhưng phải thừa nhận rằng sẽ là không phải đạo nếu anh cứ nhất mực chối từ việc đó. Anh đã xác định rằng dù không thích thì vẫn sẽ thuận theo lẽ phải. “Anh đã nói thế thì tôi xin vâng vậy. Cứ nói với ông ấy rằng đại khái là tôi đồng ý. Nhưng dù có qua lại thì mối quan hệ cũng không thể nào như ngày xưa được nữa, nên về chuyện này cũng mong anh truyền đạt sao cho đừng có sự hiểu lầm. Vả lại, trong hoàn cảnh hiện nay, khả năng thỉnh thoảng tôi lại đến thăm và an ủi động viên ông ấy là rất khó...” “Thế nghĩa là trước mắt anh chỉ cho phép được lui tới thôi phải không ạ?” Kenzo ghét nghe từ “lui tới”. Vì chẳng thể trả lời là phải thế hay không phải nên anh lại lặng thinh. “Ôi dà, thế thì tốt rồi ạ!... Vì tình thế bây giờ với ngày xưa khác hẳn nhau mà.” Yoshida nói câu ấy với vẻ mặt tỏ ra rằng cuối cùng mình cũng đã hoàn thành phận sự. Sau đó, anh ta giắt vào thắt lưng hộp thuốc lá nãy giờ cầm trên tay, rồi nhanh chóng ra về. Kenzo tiễn anh ta ra cửa rồi vào thư phòng ngay. Anh định sẽ sớm thu xếp công việc ngày hôm ấy nên vội đến bên bàn, nhưng trong lòng cứ như có điều gì vướng mắc, nên mãi mà việc không trôi chảy như đã định. Trong thời gian ấy vợ anh có ghé vào một chút. Chị cất tiếng gọi “Mình ơi” chừng hai lượt, nhưng Kenzo không quay lại mà vẫn cứ ngồi mãi trước bàn. Sau khi vợ im lặng lui ra, Kenzo tiếp tục làm việc cho đến cuối giờ chiều, tuy rằng công việc không tiến triển. Rốt cuộc anh cũng ngồi vào bàn ăn cơm tối trễ hơn thường lệ. Anh bắt đầu trò chuyện với vợ vào lúc ấy. “Người đàn ông tên Yoshida vừa đến thật ra là ai vậy?” Vợ anh hỏi. “Nghe nói trước đây anh ta làm công việc gì đó kiểu như là cung cấp vật tư cho lục quân ở Takasaki.” Kenzo trả lời. Tất nhiên là nội dung trao đổi không lẽ nào lại chỉ dừng ở đó. Vợ anh muốn chồng giải thích cho mình hiểu, về những điều như mối quan hệ giữa Yoshida và Shibano, hay chuyện qua lại giữa anh ta và ông Shimada. “Chắc thể nào anh ta cũng xin tiền hay gì đó đúng không?” “Ờ đúng đấy.” “Vậy mình phản hồi sao?... Chắc thế nào cũng phải từ chối nhỉ?” “Ừ, tôi từ chối. Vì nếu không từ chối thì chẳng có cách nào khác cả.” Hai vợ chồng họ mỗi người lại âm thầm có suy nghĩ riêng về hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Đối với anh thì khoản chi tiêu hằng tháng, rồi những khoản khác phải chi tiêu, là thù lao bù đắp cho công việc khá nặng nhọc. Trong khi đó, đối với vợ anh, người chi dùng hết khoản tiền có được, thì không thể nói rằng đó là mức thu nhập dư dả. 14. Kenzo định dừng câu chuyện luôn ở đó và rời khỏi bàn ăn. Nhưng vợ anh vẫn còn điều muốn hỏi. “Vậy rồi anh ta nhã nhặn mà ra về thôi chứ? Hơi kỳ nhỉ?” “Nhưng bị từ chối thì đâu còn cách nào khác được, phải không? Chẳng lẽ lại cãi nhau à!” “Nhưng mà, sau khi ra về với thái độ ngoan ngoãn thế kia, thì chắc rồi lại sẽ tìm đến nữa.” “Có tìm đến cũng chẳng sao.” “Nhưng đến là khó chịu! Phiền phức thế kia mà.” Kenzo đoán là vợ anh đã ở trong gian phòng bên cạnh và lắng nghe cuộc đối thoại vừa qua, chẳng bỏ sót chút nào. “Mình có nghe câu chuyện phải không, nghe rành rọt ấy?” Vợ anh không thừa nhận điều chồng mình nói ra nhưng cũng không phủ nhận. “Vậy thì như thế là được rồi đúng không?” Kenzo kết thúc câu chuyện luôn với câu nói đó, rồi lại đứng lên đi về phía thư phòng. Là kiểu người độc đoán, anh tin rằng trong trường hợp này thì vốn dĩ không cần giải thích gì cho vợ. Về điểm này, vợ anh cũng là kiểu đàn bà công nhận rằng chồng mình có quyền như thế. Nhưng chỉ là công nhận quyền của chồng mình ở bề ngoài, còn trong lòng chị luôn cảm thấy không vừa ý. Đối với vợ anh, thái độ gia trưởng của chồng thể hiện trong việc này việc khác chắc chắn không phải là điều dễ chịu. Nỗi thắc mắc vẫn không ngừng gợn lên trong thẳm sâu lòng chị, rằng vì sao chồng lại không chia sẻ với mình thêm một chút. Tuy vậy, chị không hề chú ý nhận ra sự thật, là bản thân mình không có đủ tư chất và khả năng cư xử khéo léo để khuyến khích chồng mình chia sẻ. “Hình như mình đã nhận lời nối lại mối quan hệ với ông Shimada phải không?” “Ơ...” Vẻ mặt Kenzo như muốn hỏi là chuyện đó thì có vấn đề gì. Thông thường, cứ nói chuyện đến đây là vợ anh sẽ luôn im lặng. Với bản tính vốn có, hễ chồng tỏ thái độ thế kia thì chị bỗng cảm thấy khó chịu, nên chẳng có tâm trạng để mà tiến thêm dù chỉ một bước thôi kể từ lúc ấy. Lối hành xử tỏ ra thiếu quan tâm như vậy lại có tác dụng ngược đối với tính cách của người chồng, khiến cho tính gia trưởng ở anh ngày một mạnh thêm. “Vì chuyện chẳng liên quan đến mình hay gia đình bên mình gì cả, nên tôi tự quyết định cũng chẳng hề gì, có phải không?” “Nếu thế mình chẳng cần phải để tâm đến tôi trong bất cứ việc gì. Bởi vì mình là người mà dẫu có thế nào cũng chẳng buồn để tâm, dù tôi có xin mình để tâm đến tôi đi chăng nữa...” Đối với Kenzo là người có học thức, những lời vợ anh nói ra nghe thấy rõ là chuyện lạc đề. Anh cho rằng dù sao đi nữa, chuyện lạc đề như vậy chỉ có thể là bằng chứng của sự kém cỏi về trí tuệ. Lại bắt đầu rồi đấy. Anh thầm có cảm giác như thế trong lòng. Nhưng vợ anh lập tức trở lại với vấn đề vẫn đang trao đổi, nói ra chuyện cần thu hút sự chú ý của anh: “Nhưng chắc hẳn với bố là chuyện không hay chứ? Đến giờ mà mình lại kết nối quan hệ với người kia...” “Mình nói bố là ý nói cha tôi đấy à?” “Thì tất nhiên là bố mình rồi chứ.” “Chẳng phải là cha tôi đã mất tự bao giờ rồi sao?” “Nhưng nghe nói trước khi nhắm mắt, ông cụ có dặn rằng sau khi cắt đứt mối quan hệ với ông Shimada thì từ giờ trở đi tuyệt đối không được qua lại nữa, chẳng phải sao?” Kenzo còn nhớ rõ tình thế khi cha mình với ông Shimada bất hòa rồi cắt đứt quan hệ. Nhưng anh lại chẳng có được nhiều kỷ niệm tha thiết chan chứa tình thương đối với cha. Hơn nữa, về chuyện tuyệt giao này nọ, anh không nhớ là đã nghe những lời dặn dò nghiêm trọng như thế. “Những chuyện đó mình nghe ai nói vậy? Tôi không nghĩ là đã nói với mình.” “Không phải mình đâu. Tôi đã nghe anh mình nói đấy.” Đối với Kenzo, câu trả lời của vợ chẳng phải điều lạ lùng khó hiểu mà cũng không gây cảm giác gì. Đồng thời, cả chủ ý của cha và những điều anh trai đã nói đều chẳng có tác động gì ghê gớm lên anh cả. “Cha là cha, anh là anh, tôi là tôi, biết làm sao được. Không ở vị thế của tôi mà nhìn nhận, thì chẳng có lý do xác đáng đến mức phải cự tuyệt vấn đề qua lại.” Nói cạn lời như thế, trong lòng Kenzo thầm biết sự thật là chuyện qua lại kia khiến anh thấy khó chịu vô cùng. Nhưng vợ anh không nhận biết được những điều trong lòng anh cảm thấy. Chị đơn giản nghĩ rằng chồng mình lại vẫn theo thói quen cố chấp, dù vô ích vẫn một mực chống lại ý kiến của mọi người. 15. Kenzo ngày xưa được người ấy nắm tay dẫn đi cùng. Người ấy đã may Âu phục cỡ nhỏ cho Kenzo. Trong những tháng ngày xưa cũ đó, ngay cả người lớn cũng chưa mấy quen thuộc với trang phục nước ngoài, nên thợ may chẳng biết tí gì đến những vấn đề như phong cách ăn mặc của trẻ em. Áo khoác của anh có gắn hai chiếc cúc thẳng hàng ở chỗ eo, còn phần ngực thì cứ để mở. Loại vải dạ có điểm những chấm trắng cũng cứng đơ sột soạt, cảm giác cực kỳ thô ráp lúc chạm vào. Đặc biệt, chiếc quần tây là loại quần chỉ dành cho những người chuyên dạy cưỡi ngựa, màu nâu nhạt và có đường xẻ dọc. Nhưng dạo đó anh đã rất thích thú khi khoác lên bộ quần áo kia và được người ấy nắm tay dẫn đi cùng. Chiếc mũ dạo ấy cũng là một món đồ hiếm có đối với anh. Với chiếc mũ nỉ trông giống như một chiếc nồi cạn đáy đội vừa vặn trên cái đầu gần như cạo trọc, anh cảm thấy mãn nguyện vô cùng. Rồi cũng có lần, như mọi khi, anh vẫn được người ấy nắm tay dẫn đến rạp diễn kịch nghệ xem ảo thuật. Lần ấy ảo thuật gia mượn chiếc mũ của anh, biểu diễn màn chọc thủng ngón tay ra ngoài từ bên trong chóp mũ bằng dạ đen rõ quý, nên anh vừa kinh ngạc vừa thấp thỏm, rồi thử vuốt ve khắp chiếc mũ mấy lượt khi nó lại được trả về tay anh. Người ấy còn mua cho anh mấy con cá vàng có đuôi dài. Rồi chiều theo ý anh mà mua cho những bức tranh võ sĩ hoặc tranh in mộc bản nhiều màu, loại có hai hay ba bức dính liền nhau. Anh còn có cả mũ giáp đầu rồng và áo giáp hiodoshi(*) vừa với vóc người. Hầu như cứ mỗi hôm một lần, anh khoác lên mình những loại trang phục võ sĩ ấy, vung tít cây phất trần chỉ huy làm bằng giấy màu vàng. Anh còn được sở hữu thanh kiếm ngắn đeo ở cạnh sườn, loại vừa tầm để trẻ con sử dụng. Trên chốt khóa của thanh kiếm ấy có chạm hình chú chuột đang tha quả ớt đỏ. Anh đã nâng niu thanh kiếm này cứ như báu vật, cả chú chuột được làm bằng bạc và quả ớt làm bằng san hô. Đôi khi anh muốn thử tuốt kiếm ra khỏi vỏ. Và cũng nhiều lần anh gắng rút kiếm ra. Nhưng thanh kiếm chẳng bao giờ trượt ra khỏi vỏ... Nhờ hảo ý của người ấy mà món trang sức thời phong kiến này rốt cuộc vẫn được trao về tay Kenzo nhỏ bé. Anh cũng hay được người ấy dẫn lên thuyền. Trên đó luôn có người chèo thuyền khoác chiếc koshimino(*) mà quăng lưới. Trong mắt anh thuở còn thơ dại, những con cá đối lớn nhỏ lên tận mặt nước mà búng quẫy cứ sáng lấp lánh tựa bạch kim. Đôi khi người chèo thuyền chèo ra khơi xa đến một, hai dặm(*), bắt cả loại cá tráp đen còn nhỏ. Vào những lần như vậy, do sóng lớn đánh vào làm con thuyền lắc lư nên ngay lập tức anh cảm thấy nặng đầu. Nhiều lần anh nằm bò ra trong thuyền vì thế. Anh vui nhất những khi có cá nóc mắc vào trong lưới. Anh dùng loại đũa làm bằng gỗ liễu sam gõ vào bụng cá nóc hệt như đánh trống kankara-daiko(*) vậy, rồi thích thú nhìn bụng cá cứ phồng lên xẹp xuống... Sau lần tiếp chuyện Yoshida, trong lòng Kenzo bỗng nhiên cứ dồn dập trào dâng những ký ức tuổi thơ như vậy. Tất cả những ký ức kiểu này tuy rời rạc nhưng đều tươi tắn rạng ngời lên trong cõi lòng anh. Vả chăng, tuy khá là rời rạc nhưng chuyện nọ chuyện kia nhất định phải gắn với người ấy không thể tách rời. Anh cảm thấy như thể mình càng níu vào những sự việc cỏn con thì những manh mối càng sinh sôi điệp trùng bất tận, đồng thời lại có hình ảnh người đàn ông luôn để đầu trần đan cài vào từng chút từng chút manh mối trong số đó. Anh đã rất khổ sở khi nhận ra điều này. Mặc dù nhớ những khung cảnh này rất rõ, tại sao mình không nhớ ra được tâm tư của chính mình dạo ấy? Đây là câu hỏi lớn đối với Kenzo. Trên thực tế, anh đã quên sạch tâm tư tình cảm của chính mình thuở ấy đối với người đã chăm sóc anh đến vậy, khi anh còn trong tuổi ấu thơ. Nhưng không lẽ nào mình lại quên điều đó, nên cũng có thể là ngay từ đầu, riêng đối với người ấy thì mình không có tình cảm theo tinh thần đáp nghĩa đền ơn. Kenzo nghĩ vậy. Không chỉ có thế, anh cho rằng bản thân mình vốn dĩ là con người như thế. Anh không kể với vợ về những ký ức thuở ấu thơ mà mình đã nhớ ra gắn với sự việc này. Vì vợ anh là người dễ xúc động, anh thậm chí không nghĩ rằng nếu mình làm thế biết đâu sẽ giúp cho phản ứng xúc cảm ở chị dịu bớt đi. 16. Ngày anh chờ đợi chẳng bao lâu đã đến. Một chiều nọ, Yoshida và ông Shimada cùng xuất hiện trước cửa nhà Kenzo. Kenzo không biết nên dùng lời lẽ như thế nào, nên cư xử thế nào với con người của ngày xưa ấy. Bây giờ ở anh thiếu hẳn những rung cảm tự nhiên để biết cách ứng xử mà không cần suy xét. Hàn huyên với người đã hơn hai mươi năm không gặp nhưng anh chẳng có được cảm giác thân thương là mấy, trái lại toàn đáp lời với thái độ gần như lãnh đạm. Ông Shimada hồi trước vẫn có tiếng là người kiêu ngạo, đến mức anh chị của Kenzo chỉ vì điều đó mà rất ghét ông ta. Thật ra chính Kenzo cũng e ngại trong lòng về điều đó. Kenzo giờ đây tự nhận định là khả năng rất cao bản thân sẽ bị người đàn ông này làm tổn thương lòng tự ái, thậm chí chỉ đơn giản vì cách nói chuyện thôi. Nhưng ông Shimada lịch sự hơn anh tưởng. Có vẻ ông ta cố ý không lược bỏ những lời ở cuối câu mà chú trọng việc ngắt câu đàng hoàng rõ rệt với những từ như “...đấy nhỉ?” hay “...không ạ?” Kenzo nhớ hồi xưa, lúc anh còn nhỏ tuổi cứ bị người này gọi là Kenbo, Kenbo. Dù đã tuyệt giao nhưng về sau hễ cứ gặp mặt thì ông ta vẫn cứ gọi suốt là Kenbo, Kenbo theo kiểu đó, nên chuyện quá khứ khiến anh khó chịu ấy cũng tự nhiên lại thoáng gợn trong lòng. Nhưng nếu chỉ thế này chắc cũng ổn thôi. Trong tình huống như vậy, Kenzo cố gắng hết sức để không tỏ ra khó chịu với hai người. Dường như đối phương cũng muốn ra về theo cách ôn hòa nhất có thể, nên không hề nói đến điều gì khiến Kenzo khó chịu. Bởi thế nên tất nhiên là chủ đề trò chuyện giữa đôi bên hầu như không có những chuyện theo hướng nhắc về hoài niệm cũ lẽ ra phải được đề cập đến. Cuộc trò chuyện cứ thường xuyên đứt quãng. Kenzo chợt nghĩ đến chuyện đã gặp trong buổi sáng trời mưa. “Gần đây cháu đã hai lần nhìn thấy bác trên đường. Thỉnh thoảng bác vẫn đi qua khu đó ạ?” “Thật ra bởi vì chỗ mà trưởng nữ của Takahashi về làm dâu ở ngay trước khu này...” Kenzo không hề biết Takahashi là ai cả. “Ồ...” “Chắc là cậu biết chứ? Ở khu Shiba(*) ấy mà.” Kenzo cũng cảm giác là thuở nhỏ có nhớ đã nghe nói rằng gia đình người vợ sau của ông Shimada sống ở Shiba, rằng gia đình ấy làm công việc gì đó như quản lý đền thờ hay trụ trì ở trong chùa thì phải. Nhưng với người trong gia đình ấy, anh chỉ có vỏn vẹn hai, ba lần gặp một cậu trai trạc tuổi anh có tên gọi là Yo, ngoài ra chẳng hề nhớ là đã từng gặp ai khác cả. “Nếu khu Shiba, chắc là cô ấy về làm dâu nhà em gái của bà Ofuji đấy nhỉ?” “Không, nhà bà chị chứ. Không phải là người em gái đâu.” “Ồ...” “Chỉ cô Yozo thì mất đi, còn mấy chị em gái đều được gả đến những chỗ đàng hoàng, sống hạnh phúc cả đấy. Cô trưởng nữ kia, chắc cậu biết chứ nhỉ, đến làm dâu nhà [...]. Thì ra nhà [...] không phải là cái tên Kenzo mới được nghe. Nhưng đó là người đã chết khá lâu rồi. “Hoàn cảnh khó khăn vì nhà chỉ có đàn bà với trẻ con, nên hễ có việc gì là chú ơi chú ơi, có vẻ quý tôi lắm. Vả lại, dạo gần đây do bên ấy sửa sang nhà cửa cần có người giám sát, nên hầu như ngày nào tôi cũng đi qua trước khu này.” Kenzo chợt nhớ chuyện ngày xưa mình đã được người này dẫn đến hiệu sách ở bờ ao, rồi được ông ấy mua cho loại sách gập thác bản(*). Là người chưa từng mua món gì mà không nhất định đòi hạ giá dù chỉ được một hoặc hai zeni(*), lần đó người này cũng khăng khăng không hề suy suyển, cúi gập người để nài chủ hiệu sách vỏn vẹn chỉ năm rin(*) tiền thừa. Đối với anh, khi ấy cứ thơ thẩn bên cạnh, tay ôm tập sách gập in mẫu chữ của Đổng Kỳ Xương(*), thái độ như thế chẳng hay ho gì mà khó coi quá đỗi. Cánh thợ mộc hay thợ sơn nhà bị một người như thế này giám sát chắc phải bực mình lắm đây! Kenzo vừa nghĩ vậy vừa nhìn mặt ông Shimada mà nở một nụ cười méo mó. Nhưng dường như ông Shimada chẳng chút để tâm đến điều này. 17. “Nhưng may phước là người ra đi vẫn còn sách để lại, nên tuy mất anh ấy mà cuộc sống về sau nói chung không khốn khó, vẫn còn xoay xở được chỗ nọ chỗ kia.” Ông Shimada nói vậy, lối nói như thể người nào trong thiên hạ cũng đều phải biết đến sách do [...] làm ra. Nhưng khốn khổ thay, Kenzo lại không biết tên tác giả đó. Anh đoán đó có thể là từ điển hoặc sách giáo khoa, nhưng cũng không có hứng thú mà hỏi rõ. “Thật ra sách là thứ tuyệt vời, vì hễ làm ra một lần thì sẽ bán được mãi ấy nhỉ?” Kenzo im lặng. Không còn cách nào khác, Yoshida đành phải thế chỗ anh, đại khái nói rằng chỉ có sách mới mang lại mọi thứ. “Những việc liên quan đến tang lễ đã xong, nhưng sau khi [...] mất đi thì nhà chỉ còn có đàn bà, nên thật ra tôi đã chịu trách nhiệm thương lượng với cửa hàng bán sách. Vì vậy tôi là người quyết định khoản tiền hằng năm bên kia cần phải trả.” “Ôi, nể thật đấy! Thảo nào lúc học hành cảm giác cũng khá tốn kém, vì dường như phải đầu tư tiền bạc nhiều đến vậy, nhưng hễ thành đạt thì hóa ra trường hợp như thế lại kiếm được khá tiền. Người ít học không thể nào bì kịp!” “Rốt cuộc là được lợi đấy chứ!” Nội dung hai người vừa trao đổi chẳng gây cho Kenzo được chút hứng thú nào. Từ lúc đó câu chuyện toàn bị đưa đẩy tới những vấn đề kỳ quặc, khiến anh không thể tỏ thái độ tán đồng dù có muốn bày tỏ đến đâu. Anh cảm thấy lóng ngóng chẳng biết làm gì, chẳng có cách nào hơn là cứ lần lượt nhìn mặt hai người khách, rồi thỉnh thoảng nhìn ra phía mảnh vườn. Đó cũng lại là mảnh vườn khó coi và thiếu sự chăm sóc. Cạnh hàng rào là một cây thông không biết lên xanh tự bao giờ, lá màu xanh sẫm mọc um tùm trông như bị ngạt thở. Ngoài ra, hầu như chẳng có cây gì cho ra cây. Mặt đất chẳng mấy khi có nhát chổi quét qua, lồi lõm với sỏi cuội rải rác. “Tiên sinh đây cũng tậu một cái xem thế nào chứ ạ?” Yoshida đột ngột quay về phía Kenzo. Kenzo đành cười khổ. Chẳng có cách nào hơn, anh đành góp lời rằng, “Vâng, tôi cũng muốn tậu lắm.” “Có gì khó khăn đâu. Đã sang tận bên Tây kia mà!” Đó là câu nói của người đàn ông luống tuổi. Câu ấy nghe như thể ông ta tự chi tiền đóng học phí nọ kia để đưa Kenzo đi Tây vậy, nên nét mặt anh tỏ vẻ bất bình. Nhưng xem ra người luống tuổi kia chẳng nhận biết chút gì về điều đó. Ông ta vẫn tỉnh khô nhìn Kenzo đang có vẻ phiền lòng. Cuối cùng, Yoshida cũng giắt hộp thuốc lá quen dùng vào chỗ thắt lưng. “Thôi thì, hôm nay có lẽ chúng ta xin phép cáo từ ở đây vậy.” Anh ta nói mấy lời gợi nhắc, có vẻ như rốt cuộc cũng đã định ra về. Kenzo vừa mới trở vào phòng sau khi tiễn chân hai người khách. Anh lại ngồi xuống tấm đệm và cứ thế khoanh tay nghĩ ngợi. Thật ra họ tìm đến để làm gì thế nhỉ? Thế này có khác gì đến để làm cho người ta khó chịu đâu! Họ thấy như vậy là vui chắc? Trước mặt anh vẫn còn để nguyên món quà xã giao lúc nãy ông Shimada mang đến. Anh lơ đãng nhìn ngắm hộp bánh kẹo trông có vẻ sơ sài. Vợ anh không nói gì, bắt đầu thu dọn các thứ như cốc chén uống trà hay chiếc gạt tàn thuốc, rồi cuối cùng đứng trước mặt anh vẫn đang ngồi im lặng. “Mình vẫn ngồi lại đấy à?” “Không, cũng đến lúc rời chỗ rồi.” Kenzo lập tức dợm đứng lên. “Chắc họ lại đến nữa chứ?” “Có lẽ là sẽ đến.” Anh nói thẳng như vậy, rồi cứ thế vào trong thư phòng. Nghe có tiếng chổi quét dọn ở phòng khách một lúc. Khi tiếng chổi ngưng thì có tiếng trẻ con tranh nhau hộp bánh kẹo. Lúc anh nhận ra rằng mọi thứ đã nhanh chóng trở nên tĩnh lặng, thì bầu trời cuối ngày lại đổ mưa. Kenzo chợt nhớ đến chuyện đôi giày bao(*), cứ định là sẽ mua sẽ mua nhưng rốt cuộc vẫn còn để ngỏ. 18. Đã mấy ngày mưa liên tiếp. Đến khi mây quang, bầu trời như vừa được nhuộm màu, rọi xuống mặt đất bao la những tia nắng rạng ngời rực rỡ. Vợ anh ngày ngày mang tâm trạng nặng nề u uất, chỉ biết tập trung vào công việc vá may, đã ra trước hiên nhà ngước nhìn bầu trời xanh khi ấy. Thế rồi đột nhiên chị mở ngăn kéo tủ. Chị thay quần áo rồi đến trước mặt chồng. Lúc này, Kenzo vẫn để tay chống cằm, lơ đãng ngắm mảnh vườn nhếch nhác. “Mình đang nghĩ gì vậy?” Kenzo hơi ngoái đầu, nhìn vợ trong trang phục mặc đi ra phố. Khoảnh khắc ấy, anh chợt nhìn ra nét mới bất ngờ nơi người vợ. “Mình đi đâu à?” “Vâng.” Theo anh thì câu trả lời của vợ quá vắn tắt. Anh lại trở về là con người vốn lặng lẽ cô đơn. “Thế còn bọn trẻ?” “Tôi dẫn chúng đi luôn. Vì để ở nhà thì chắc là chúng nó ồn ào phiền phức lắm.” Kenzo trải qua buổi chiều Chủ nhật ấy lặng lẽ một mình. Vợ anh về nhà sau khi anh đã ăn cơm tối rồi về lại thư phòng, kể từ lúc lên đèn thì đã một, hai tiếng trôi qua. “Tôi về rồi đây.” Vợ anh chẳng xin lỗi vì mình về muộn mà cũng chẳng nói gì. Ở chị thiếu sự uyển chuyển theo cách ấy, đó là điều khiến anh không được hài lòng. Anh chỉ hơi ngoái nhìn mà không nói gì cả. Điều đó lại trở thành nhân tố trung gian khiến tâm trạng vợ anh trở nên u ám. Chị cứ thế đứng lên đi về phía gian phòng vốn là chỗ sinh hoạt chung của gia đình. Từ lúc đó hai người vẫn chưa có dịp nào nói chuyện. Họ cũng chẳng phải đôi vợ chồng thân mật, theo kiểu hễ nhìn thấy mặt là tự nhiên có điều muốn nói. Hơn nữa, họ đã quá nhàm trong mắt nhau để thể hiện tình thân như vậy. Hai, ba ngày sau đó, trò chuyện trong bữa cơm, lần đầu tiên vợ anh mới nói đến những điều đã gặp trong chuyến đi hôm ấy. “Hôm nọ về thăm nhà, tôi có gặp ông chú ở Moji. Ngạc nhiên thật đấy! Mới nghĩ là chắc vẫn còn ở Đài Loan, thế mà đã trở về tự bao giờ không biết.” Ông chú ở Moji mà vợ anh nói đến là chỗ quen biết chung của cả hai vợ chồng, là kiểu người khiến họ không được phép chủ quan lơ đễnh. Dạo Kenzo còn sinh sống ở tỉnh khác, ông ta đột nhiên đáp xe lửa đến nơi, bảo rằng đột xuất có việc cần nên xin anh dù sao thì cũng thu xếp giúp đỡ cho một chút. Kenzo cho mượn khoản tiền tiết kiệm anh gửi ở ngân hàng địa phương tuy ít ỏi, sau đó ông ta gửi cho anh giấy biên nhận có dán tem(*) hoành tráng, được chuyển đến qua đường bưu điện. Trong đó thậm chí còn có ghi thêm câu “Nhưng về việc thanh toán tiền lãi...”, khiến Kenzo nghĩ rằng ông ta là người quá nghiêm túc, nhưng rồi số tiền cho mượn ấy biệt tăm không bao giờ trở lại. “Giờ chú ấy làm việc gì thế nhỉ?” “Tôi không hề biết chú ấy làm gì. Chú bảo rằng có lập ra công ty gì đó, rất muốn có anh Kenzo tham gia vào, nên định là mai kia sẽ đến chơi.” Sau đó Kenzo cũng chẳng cần hỏi nữa. Hồi xưa lúc mượn tiền, ông chú này cũng nói chung chung rằng đang xây dựng công ty gì đó, nên anh nghĩ đó là sự thật. Bố vợ anh cũng chẳng nghi ngờ về việc ấy. Ông chú kia đã khéo lựa lời thuyết phục ông cụ, lôi kéo ông đến tận Moji, rồi chỉ cho ông cụ tòa nhà đang xây của người xa lạ nào đó, nói rằng đây là công ty mình hiện đang xây dựng. Thật ra ông ta đã dùng thủ đoạn này để lừa bố vợ anh số tiền vốn lên đến mấy nghìn. Ngoài chuyện này Kenzo chẳng muốn biết gì thêm về con người ấy nữa. Vợ anh dường như cũng không muốn nhắc đến. Nhưng vẫn như thường lệ, nội dung trò chuyện chưa chấm dứt ở đây. “Bởi vì hôm ấy trời quá đẹp, nên trước khi về nhà tôi có vòng qua chỗ anh trai mình, khá lâu rồi không sang bên ấy.” “Thế à?” Nhà bố mẹ vợ anh ở khu phố Koishigawadai(*), còn nhà anh trai Kenzo ở trước chùa Yakuo, khu Ichigaya, vợ anh có ghé thăm cũng không phải đi đường vòng xa lắm. 19. “Tôi nói chuyện ông Shimada có đến nhà thì anh ấy hết sức ngạc nhiên. Anh ấy bảo rằng bây giờ lẽ đâu lại còn tìm đến nữa, rằng lẽ ra Kenzo chẳng nên qua lại với hạng người như thế...” Gương mặt vợ anh ít nhiều tỏ ý đang mượn chuyện để bóng gió xa xôi. “Mình cất công vòng đến trước chùa Yakuo để nghe anh ấy nói vậy à?” “Mình lại giễu cợt tôi kiểu đó nữa rồi. Sao mình cứ toàn nghĩ xấu về chuyện người khác như thế nhỉ? Chỉ là tôi có hơi áy náy vì đã quá lâu rồi không gặp, nên trên đường về thì ghé qua thăm một chút thôi.” Vợ anh thỉnh thoảng vẫn đến thăm nhà người anh ruột mà bản thân anh hiếm khi tìm đến. Có nghĩa là chị thay mặt chồng, theo đạo lý ở đời mà qua lại thăm nom. Vì vậy dẫu sao Kenzo cũng chẳng có lý do gì để phàn nàn về chuyện này cả. “Anh ấy lo lắng cho mình đấy, bảo rằng khởi sự giao du với kiểu người như vậy thì không chắc được rồi sẽ lại xảy ra chuyện phiền phức gì đâu.” “Nói phiền phức nghĩa là phiền phức thế nào?” “Về chuyện đó, nếu không xảy ra thì chắc là bản thân anh ấy cũng đâu nhận biết được. Nhưng dù sao đi nữa cũng chẳng thể nào êm thấm, mình có nghĩ thế không?” Kenzo không thể nghĩ rằng chuyện hẳn là êm thấm. “Nhưng vì tránh điều không phải đạo...” “Thế nhưng một khi đã trả tiền rồi chấm dứt quan hệ thì chẳng có gì là không phải đạo cả, đúng không?” Thuở ấy, mối quan hệ giữa hai bên đã kết thúc với khoản tiền được bố của Kenzo trao cho ông Shimada, gọi là để trả công nuôi dưỡng. Đó là chuyện xảy ra đúng vào mùa xuân năm Kenzo hai mươi hai tuổi. “Hơn thế nữa, mình đã được đưa về nhà những mười bốn, mười lăm năm trước khi có chuyện trả tiền kia, phải không nào?” Chính Kenzo cũng không biết rõ liệu từ năm mấy tuổi đến năm mấy tuổi thì mình được nuôi dưỡng hoàn toàn nhờ vào tay ông Shimada. “Nghe bảo là từ ba tuổi đến bảy tuổi. Anh mình nói thế mà.” “Có lẽ vậy.” Kenzo tìm lại trong ký ức khoảng thời gian mình trải qua thuở nhỏ đã tan biến như một giấc mơ. Trong đầu anh hiện lên nhiều bức tranh chi tiết cứ như được nhìn qua kính mắt vậy. Nhưng nhìn vào những bức tranh ấy thì không bức nào có ghi ngày tháng cả. “Nghe nói có ghi như thế vào chứng thư đàng hoàng, nên chắc là ổn thỏa chứ không thể sai được.” Anh chưa từng xem những thứ giấy tờ liên quan đến chuyện xóa tên mình khỏi sổ hộ khẩu. “Lẽ nào mà mình lại không xem. Chắc là mình đã quên rồi đấy.” “Nhưng cũng đành chịu, cứ cho là tôi quay về với gia đình vào năm tám tuổi, thì cho đến lúc nhập lại vào hộ khẩu, ít nhiều tôi cũng di chuyển qua lại giữa hai nhà. Vì cũng không hẳn là mối quan hệ đã hoàn toàn chấm dứt.” Vợ anh im lặng. Không hiểu sao Kenzo lại cảm thấy buồn vì điều đó. “Thật ra tôi cũng có thích thú gì đâu.” “Vậy mình cắt đứt chẳng phải tốt hơn à? Rõ chán cho mình, giờ đây mà còn qua lại với một người như thế! Còn bên kia, thật ra thì cảm thấy thế nào ấy nhỉ?” “Về chuyện đó thì tôi mù tịt. Tôi nghĩ là chắc hẳn ông ta cũng phải thấy chán chứ.” “Anh mình dặn là cần phải thận trọng, vì nói chung chắc chắn ông ta vẫn có ý định kiếm tiền nên mới tìm đến đấy.” “Nhưng chuyện tiền nong thì ngay từ đầu tôi đã từ chối dứt khoát rồi, nên chẳng sao đâu.” “Nhưng mà cũng không chắc là từ giờ trở đi ông ấy lại chẳng giở chuyện gì ra nói.” Vợ anh từ đầu đã có dự cảm trong lòng như vậy. Là người sống thiên về lý trí và cứ tin rằng mình đã ngăn chặn được chuyện kia, Kenzo lại nghe nỗi bất an mới thoáng gợn trong đầu. 20. Cảm giác bất an ấy ít nhiều vẫn lởn vởn theo anh trong công việc. Nhưng công việc của anh lại bộn bề đến nỗi cảm giác ấy đã bị vùi chôn mất dạng tận nơi nào. Vậy nên thấm thoắt cũng đã đến cuối tháng, trước khi ông Shimada lại xuất hiện trước nhà Kenzo lần nữa. Người vợ đến trước mặt anh với cuốn sổ thu chi trong nhà, được ghi chép bằng bút chì trông rõ là nhếch nhác. Là người sống theo thông lệ gom hết số tiền mình làm lụng kiếm được bên ngoài mà giao vào tay vợ, Kenzo thấy bất ngờ trong tình huống ấy. Trước kia chưa bao giờ có chuyện tới cuối tháng vợ chìa cho anh xem nội dung ghi chép rõ ràng các khoản chi tiêu cả. Ờ thì đại khái chắc cũng thu vén được. Anh vẫn thường nghĩ thế, cho nên bản thân không ngần ngại hỏi vợ lúc cần tiền. Có khi chỉ riêng tiền mua sách hằng tháng cũng đã thành khoản chi đáng kể. Tuy thế vợ anh vẫn thản nhiên. Là người chẳng hiểu biết mấy về kinh tế, đôi khi thậm chí anh ngờ rằng vợ đã thiếu kiểm soát trong việc chi tiêu. “Mình phải đưa tôi xem nội dung quản lý tiền bạc hằng tháng cho đàng hoàng đấy nhé!” Nét mặt vợ anh có vẻ không hài lòng. Theo cách nhìn nhận riêng, chị cảm thấy bản thân là người quản lý tiền nong trung thực nhất trên đời. “Vâng.” Chị chỉ đáp lời anh có vậy, thế rồi rốt cuộc đến cuối tháng cũng không đưa cho Kenzo sổ ghi chép thu chi. Khi tâm trạng vui vẻ thì Kenzo cũng im lặng bỏ qua điều đó. Nhưng cũng có khi, lúc không vui, anh lại trở nên chấp nhất, cố tình ép vợ cho xem sổ. Tuy vậy nhưng được đưa cho xem thì anh thấy lộn xộn rối rắm, mãi vẫn chẳng hiểu ra. Ví như có nghe hiểu lời giải thích của vợ về nội dung đã ghi trong sổ thì anh vẫn không thể nhìn ra những chuyện khác, chẳng hạn thực tế hằng tháng phải tốn ngần nào để mua thực phẩm làm món ăn, rồi cần phải có bao nhiêu gạo, rồi những khoản tiền ấy liệu có quá đắt hay là quá rẻ không... Lúc này anh cũng chỉ nhận lấy cuốn sổ thu chi từ tay vợ, rồi nhìn thoáng qua một lượt thôi. “Nhìn chung có gì thay đổi không?” “Nếu mình không tìm cách nào đó xoay xở giúp tôi thì...” Vợ anh giải thích chi tiết với chồng về tình hình kinh tế gia đình hiện tại. “Không hình dung nổi nhỉ! Thế là đến nay mình đã giỏi thu vén lắm rồi đấy nhỉ.” “Thật ra chẳng tháng nào có tiền dư đâu.” Kenzo cũng không thể mong là sẽ có dư. Anh cũng nhớ vào khoảng cuối tháng trước, nghe đâu nhóm bạn cũ định sẽ đi chơi xa chừng bốn, năm người và cũng có thiệp mời tham gia gửi đến anh, nhưng khi đó chỉ vì không có hai yên cho chi phí tham dự nên anh đã từ chối đi cùng. “Nhưng cứ dè sẻn tằn tiện rồi có vẻ cũng qua ngày chứ nhỉ?” “Dù có qua hay không thì cũng chẳng còn cách nào khác, chứ không hẳn là chỉ với mức thu nhập này vẫn cứ sống được, nhưng mà...” Vẻ ngập ngừng, vợ anh kể lại đầu đuôi chuyện đã mang đến tiệm cầm đồ những bộ kimono cùng với obi của chị vốn được cất giữ trong hộc tủ. Ngày xưa anh vẫn thường tận mắt nhìn thấy anh chị mình gói vào khăn furoshiki(*) những bộ trang phục đàng hoàng để dùng trong giao tiếp, len lén mang đi rồi lại mang về. Hình ảnh anh chị với vẻ cứ lo ngại, sợ người khác biết chuyện mình làm, trông chẳng khác gì những kẻ lẩn lút vì phạm tội, đã để lại những ấn tượng buồn như vết cứa trong tâm hồn thơ dại của anh. Sự liên tưởng như vậy khiến anh lúc này lại càng thêm phiền muộn. “Mình nói chuyện cầm đồ tức là tự mình mang đi cầm hay sao?” Là người cho đến thời điểm ấy chưa từng đích thân bước chân qua cửa tiệm cầm đồ, anh nghĩ lẽ nào người vợ ít nếm trải khốn khó hơn mình lại thản nhiên ra vào một nơi như thế. “Không phải. Tôi nhờ người khác đấy.” “Nhờ ai?” “Bà cụ ở nhà Yamano ấy mà. Như thế thuận tiện vì bên nhà họ có sổ ghi của tiệm cầm đồ mà họ thường lui tới.” Tới đó thì Kenzo không hỏi thêm gì nữa. Chẳng những chồng không may cho vợ dù chỉ một bộ kimono tử tế, mà để góp thêm vào kinh tế gia đình, vợ còn phải đưa ra tiệm cầm đồ những món mình đã mang sang đây từ nhà bố mẹ, đó thực sự là nỗi hổ nhục của người chồng. 21. Kenzo quyết định sẽ làm việc nhiều hơn một chút. Liền ngay sau đó, nỗ lực xuất phát từ quyết định của anh biến thành những tờ tiền hằng tháng nhận được, rồi lại chuyển sang tay vợ anh. Lấy từ túi trong của chiếc áo khoác trên bộ Âu phục, anh ném bừa thứ mình vừa nhận được lên sàn chiếu, vẫn còn nguyên trong một phong thư. Vợ anh im lặng cầm lên, nhìn vào mặt sau thì biết ngay đâu là nguồn gốc số tiền ấy. Sự thiếu hụt trong kinh tế gia đình được bổ sung trong thinh lặng không lời theo kiểu cách như vậy. Lúc đó vẻ mặt vợ anh cũng chẳng vui gì mấy. Nhưng chị nghĩ rằng, có lẽ nếu được chồng trao cho số tiền ấy kèm thêm mấy lời nói ngọt ngào, chắc mình sẽ vui ra mặt. Còn Kenzo lại nghĩ, nếu vợ vui vẻ nhận lấy món tiền kia thì chắc mình cũng nói được mấy tiếng ngọt ngào. Thế là số tiền xoay xở được để đáp ứng nhu cầu vật chất, rốt cuộc lại trở thành thất bại nặng nề hơn về phương diện làm thỏa mãn nhu cầu tinh thần trong mối quan hệ giữa hai người. Để qua đi cảm giác thiếu vắng vào lúc đó, sau hai, ba ngày thì vợ Kenzo đưa cho anh xem một tấm vải. “Tôi định may kimono cho mình, nhưng vải này liệu có được không?” Vẻ mặt vợ anh đang rạng ngời tươi tắn. Nhưng trong mắt Kenzo, dường như biểu hiện ấy có pha lẫn sự cố gắng vụng về. Anh nghi ngờ sự thiếu trong sáng đó. Thế là anh chủ ý không để cho vẻ đáng yêu của vợ dẫn dụ mình. Vợ anh rời đi với thái độ gần như phật ý. Ngay sau đó, anh tự hỏi vì sao mình lại bị chế ngự bởi trạng thái tâm lý buộc phải làm cho vợ phật lòng, nên càng cảm thấy khó chịu. Trong dịp chuyện trò với vợ lần kế tiếp, anh đã nói thế này: “Tôi không phải là người thờ ơ lãnh đạm như mình vẫn nghĩ đâu. Chỉ vì tôi có ý tự kiềm chế bản thân, không để cho tình cảm nồng nhiệt thể hiện ra bên ngoài, nên đành phải cư xử vậy.” “Chẳng có người nào lại làm chuyện xấu tính như vậy cả, đúng không?” “Chẳng phải mình vẫn làm thế suốt đấy à?” Vợ Kenzo nhìn anh với vẻ như bực dọc. Chị hoàn toàn không hiểu được lý lẽ của Kenzo. “Dạo này đầu óc mình rõ là kỳ quặc nhỉ! Dường như cho dù có thế nào, mình cũng chẳng chịu nhìn tôi theo cách thỏa đáng hơn.” Kenzo chẳng được thư thả trong tâm hồn để lắng nghe những lời vợ nói. Anh đau khổ đến mức tự cảm thấy bực dọc vì mình đã có thái độ lạnh lùng thiếu tự nhiên. “Mình chẳng xem ai ra gì cả mà cứ tự khổ sở một mình thì đành chịu.” Có vẻ như họ là cặp vợ chồng rốt cuộc rồi vẫn không thể nói hết chuyện cùng nhau. Vậy nên cả hai đều không thể nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi con người hiện tại của mình. Phần công việc phụ trội mà Kenzo mới vừa kiếm được chẳng phải là khó khăn gì lắm so với vốn hiểu biết hay trình độ tri thức của anh. Chỉ là anh không thích phải hao phí thời gian và sức lực cho công việc đó. Đối với anh hiện nay, tiêu phí một cách vô nghĩa những khoảng thời gian trống là điều đáng sợ hơn tất cả. Anh là kiểu người luôn nghĩ rằng mình sẽ làm xong việc gì đó và phải làm xong việc gì đó trong thời gian còn sống trên đời. Anh thu xếp xong công việc làm thêm và trở về nhà bao giờ cũng là lúc trời chiều đã muộn. Ngày hôm ấy, bước chân vội vàng trong mỏi mệt, về đến trước nhà anh đã mở cửa chính có những chấn song gỗ bằng động tác không mấy nhẹ nhàng. Khi đó vợ anh từ bên trong bước ra, vừa nhìn thấy anh đã nói ngay rằng, “Người kia lại đến đấy mình ạ.” Nói đến ông Shimada thì vợ anh lúc nào cũng gọi là người kia người kia, nên Kenzo hầu như đoán được ai đã đến trong thời gian anh không có ở nhà. Anh cứ im lặng bước vào gian phòng sinh hoạt chung của gia đình, được vợ giúp thay từ Âu phục sang y phục truyền thống. 22. Anh ngồi cạnh chiếc lò ủ than(*) và hút một điếu thuốc. Rồi ngay sau đó mâm cơm tối đã được dọn lên trước mặt anh. Anh liền hỏi vợ: “Có vào không?” Câu hỏi đột ngột đến mức vợ anh không hiểu ấy là cái gì vào. Vợ Kenzo hơi sửng sốt nhìn anh, rồi từ thái độ của người chồng đang đợi câu trả lời, chị mới bắt đầu hiểu ra ý nghĩa câu hỏi đó. “Người kia ấy à?... Nhưng vì lúc đó mình đang vắng nhà nên...” Vợ anh trả lời kiểu như đang viện lẽ, vẻ đoán rằng chồng chắc sẽ không vui nếu biết mình không mời ông Shimada vào phòng khách. “Mình không mời vào à?” “Vâng, chỉ đứng trước nhà một chút thôi.” “Ông ấy có nói gì không?” “Ông ta xin lỗi vì lẽ ra đã đến sớm hơn nhiều, nhưng do mới đi xa ít lâu nên bẵng đi một dạo.” Từ xin lỗi cứ âm vang trong tai Kenzo như một lời chế giễu. “Có chuyện đi xa nữa kia à? Nói rằng ông ấy có việc cần về quê thì tôi cũng không thể hình dung ra ấy chứ! Ông ta có nói với mình là đã đi đến chỗ nào không?” “Chẳng nói gì về chuyện đó cả, chỉ nói rằng chuyến đi là do có người nhờ ông đến, ở chỗ cô con gái ông ta. Hình như là nhà của ai đó có tên Onui thì phải.” Kenzo cũng nhớ hồi ấy có gặp người đàn ông đã cưới cô Onui ấy, họ là Shibano. Nơi công tác của Shibano thì gần đây anh cũng nhờ nghe Yoshida nói chuyện mà được biết. Đó là một thành phố ở miền Chugoku, nơi đóng quân của sư đoàn hay lữ đoàn gì đó. “Quân nhân phải không? Người đã cưới cô gái tên là Onui ấy?” Vì Kenzo bỗng ngưng trò chuyện, nên sau một lúc ắng lặng thì vợ anh khơi gợi bằng câu hỏi như thế. “Mình biết rõ nhỉ?” “Vào lúc nào đó tôi có nghe anh mình nói chuyện.” Kenzo gợi lại trong lòng hình ảnh sóng đôi của Onui và Shibano mà anh đã gặp ngày xưa. Shibano là một người cơ bắp với nước da sậm màu, nhưng về đường nét trên gương mặt thì rõ ràng lại là kiểu đàn ông có ngoại hình ấn tượng. Cô Onui có dáng người thanh thoát, làn da trắng và khuôn mặt thon dài. Anh nhận thấy dường như nét đẹp nổi bật ở cô là đôi mắt có đuôi với hàng mi rậm. Họ kết hôn hồi Shibano còn là thiếu úy hay trung úy gì đấy. Kenzo vẫn nhớ đã một lần bước vào ngôi nhà mới của họ. Lúc ấy, Shibano tập thể hình sau khi từ doanh trại trở về, rồi uống rượu lạnh ừng ực từ cái cốc đặt trên nắp lò ủ than hình chữ nhật. Cô Onui thì phô làn da trắng, đứng chải tóc mai trước tủ gắn gương soi. Với phần được chia cho trong đĩa, anh cứ liên tục gắp ăn những miếng sushi vắt(*)... “Cô Onui ấy là người đẹp lắm phải không mình?” “Sao mình hỏi vậy?” “Nghe nói họ đã định gả cô ấy cho mình, có phải không?” Đúng là cũng không phải không có chuyện như thế. Hồi Kenzo mười lăm, mười sáu tuổi, có lần anh để một người bạn đợi ngoài đường, còn riêng mình thì ghé vào nhà ông Shimada một lúc. Onui khi đó tình cờ đang đứng trên chiếc cầu nhỏ bắc qua mương nước trước cổng nhà nhìn ra đường, nên hơi mỉm cười chào Kenzo mới đến. Người bạn đã tận mắt nhìn thấy cảnh ấy, vì mới bắt đầu học tiếng Đức, đã trêu chọc Kenzo, bảo rằng “Frau(*) đang tựa cửa chờ đợi đấy!” Nhưng tính về tuổi tác, Onui hơn Kenzo một tuổi. Hơn nữa, dạo ấy đối với phái nữ thì Kenzo chẳng nhìn ra ai đẹp ai xấu, cũng chẳng có cảm tình hay ác cảm với ai. Mà ở anh còn có thứ cảm xúc lạ lùng giống như là cảm giác xấu hổ, khiến cho anh hễ định tiếp cận nữ giới thì, bằng sức mạnh tự nhiên, lại càng bật nảy ra xa cứ như quả bóng cao su vậy. Việc tác hợp cho anh và Onui còn để ngỏ những chuyện rầy rà khác, rồi bị gạt đi như một vấn đề dù thế nào thì cũng chẳng đến đâu. 23. “Sao mình lại không cưới cô Onui ấy vậy?” Kenzo ngẩng phắt lên nhìn khi vẫn đang ngồi trước mâm cơm, như một người vừa bị đánh thức khỏi giấc mơ hoài niệm. “Nào có vấn đề gì được đặt ra đâu! Vì chỉ riêng mình ông Shimada có ý định như thế. Vả lại lúc ấy tôi vẫn còn là trẻ con mà.” “Chắc không phải là con ruột của người kia đúng không?” “Tất nhiên rồi. Cô Onui là người con mà bà Ofuji dẫn theo.” Ofuji là tên người vợ sau của ông Shimada. “Nhưng nếu mình mà thành đôi với cô Onui, thì không biết bây giờ ra sao nhỉ?” “Đã không thành thì làm sao biết được, có phải không?” “Nhưng nếu như vậy cũng có thể là hạnh phúc đấy chứ nhỉ?” “Có lẽ thế.” Kenzo hơi có vẻ phiền lòng. Đến đấy, vợ anh không nói gì thêm nữa. “Sao mình lại hỏi đến chuyện đó? Có ý nghĩa gì đâu.” Vợ anh có cảm giác như mình bị quở trách. Nhưng chị không có đủ can đảm để vượt qua điều đó. “Vì dẫu sao ngay từ đầu mình đã không ưng tôi mà lại...” Kenzo buông đũa, gãi mạnh tay lên đầu. Thế là đám gàu lưu cữu bắt đầu rơi lả tả. Rồi cứ thế, hai vợ chồng mỗi người làm việc của mình ở phòng riêng. Sau khi các con đến chào rồi rời đi, Kenzo vẫn đọc sách như thường lệ. Vợ anh thì sau khi cho các con đi ngủ lại bắt đầu công việc may vá đang làm dở hồi trưa. Cách một ngày sau đó, hai người mới lại nhắc đến chuyện về cô Onui. Lần ấy cũng khởi sự từ một chuyện tình cờ. Lúc đó vợ Kenzo cầm một tấm bưu thiếp vào phòng anh. Vẫn như mọi lần, sau khi trao bưu thiếp cho chồng, chị chưa rời đi luôn mà ngồi xuống bên cạnh. Mất kiên nhẫn vì Kenzo cầm trên tay tấm bưu thiếp vừa nhận được mà mãi vẫn chưa có ý định xem, vợ anh bèn giục: “Mình này, tấm bưu thiếp đó từ chỗ anh Hida gửi đến đấy.” Rốt cuộc Kenzo cũng rời mắt khỏi cuốn sách. “Thấy ghi là có việc gì đó liên quan đến người kia ấy mà.” Đúng là trên bưu thiếp có lời nhắn Kenzo hãy đến, vì có việc cần gặp về chuyện của ông Shimada, bên cạnh đó còn ghi rõ ngày giờ. Người viết cũng chủ ý lịch sự ngỏ lời xin lỗi vì đã vô phép nhắn gọi anh. “Chuyện thế nào ấy nhỉ?” “Tôi chẳng hiểu gì cả. Mà chắc cũng đâu có gì cần thảo luận. Vì tôi chẳng bao giờ có kiểu khơi chuyện ra để thảo luận cơ mà.” “Cho dù không phải mọi người khuyên nhủ rằng mình không được qua lại nọ kia... Trên ấy có ghi là anh trai mình cũng có mặt, phải không?” Trên bưu thiếp có ghi đúng như lời vợ anh vừa nói. Nhìn vào tên anh trai, trong đầu Kenzo lại thoắt hiện hình ảnh Onui. Cũng như ông Shimada có ý tác hợp cho anh và cô này để tạo mối liên hệ gắn kết lâu dài về sau giữa hai gia đình, hình như mẹ ruột cô ấy cũng hy vọng có thể gả con gái mình cho anh của Kenzo. “Phải giữ mối quan hệ thế này với gia đình Ken-chan chứ nhỉ, tuy là dì cũng thường xuyên được đưa đến nhà Ken-chan đấy...” Bà Ofuji đã nói với Kenzo như vậy, nhớ lại thì chuyện đó giờ cũng đã xưa cũ mất rồi. “Nhưng người chồng của cô Onui hiện nay vốn dĩ là chỗ đã hứa hôn rồi chứ?” “Hứa hôn rồi nhưng hình như họ định hủy hôn ước đi thì phải.” “Thật ra, cô Onui muốn lấy ai ấy nhỉ?” “Chuyện đó thì biết làm sao được!” “Vậy còn anh mình thì sao?” “Chuyện đó tôi cũng không được biết.” Trong ký ức thời thơ ấu của Kenzo không hề có chuyện gì đậm nét về tình cảm để có thể giải đáp cho những điều vợ anh thắc mắc. 24. Liền sau đó, Kenzo viết bưu thiếp hồi âm với nội dung tỏ ý tán thành. Và rồi đến ngày giờ đã định, anh lại cất bước sang chỗ dốc Tsunokami theo lời hứa. Anh là kiểu người cực kỳ chính xác về giờ giấc. Một mặt, con người anh gần như ngay thẳng đến cứng nhắc, nhưng mặt khác, tính cách ấy lại càng khiến cho anh quá ư nhạy cảm. Trên đường đi, có khoảng hai lần anh đã lấy đồng hồ ra xem giờ. Thực tế là hiện tại, anh dường như luôn phải chạy đua với thời gian từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ. Anh vừa đi vừa suy nghĩ về công việc của mình. Công việc ấy không hề tiến triển đúng như anh dự định. Hễ anh tiến thêm một bước đến gần mục tiêu, thì mục tiêu ấy lại lùi ra xa anh thêm một bước. Và anh cũng nghĩ đến vợ mình. Chị bị chứng rối loạn lo âu, hồi trước từng phát tác dữ dội, giờ đây tự nhiên đã dịu đi, dù vậy vẫn không ngừng hắt vào lòng anh cái bóng mờ lo lắng. Rồi anh cũng nghĩ đến gia đình bên vợ. Tình hình có vẻ như gia đình đang chịu áp lực về kinh tế là nguyên nhân khiến cho tinh thần anh trở nên trì trệ trong chuyến hải hành. Rồi anh lại phải gộp cả anh chị mình và ông Shimada vào chung một mối mà suy nghĩ. Anh phải suy nghĩ trong điều kiện đặt bản thân mình vào sự gắn kết máu thịt và với mọi chuyện đã xảy ra, trong lúc tất cả đều là những hình bóng suy tàn với sắc màu phai nhạt. Lúc đến nhà chị gái thì lòng anh nặng trĩu. Nhưng trái lại, khí sắc thì tỏ ra hưng phấn. “Anh gọi đến thật là làm phiền cậu quá đi...” Anh Hida cất tiếng chào. Đây cũng không phải là thái độ anh ta cư xử với Kenzo thuở trước. Nhưng Kenzo không cảm thấy hài lòng, mà đúng hơn là còn đau khổ cho niềm tự hào rằng chỉ có một mình anh ta mới có thể xuất sắc làm chồng của chị gái Kenzo giữa dòng đời biến động. “Chẳng là anh có muốn dứt ra một chút hay thế nào thì cũng bận bịu không sao xong việc. Thật ra, chẳng hạn như tối qua anh cũng phải trực cơ. Tối nay thực tế cũng có người nhờ giúp, nhưng vì có hẹn với cậu nên anh từ chối, rốt cuộc giờ mới về được tới nhà đây...” Cứ lặng thinh nghe anh Hida nói, anh cảm thấy như thể tin đồn rằng anh ta sắp xếp cho người đàn bà lạ ở gần nơi làm việc là bịa đặt hoàn toàn. Nếu diễn đạt bằng cách nói theo lối cổ thì anh ta - một người chỉ thông thạo chữ nghĩa và tính toán, ngoài ra chẳng có học vấn hay tài cán gì đáng kể - lẽ nào lại được trọng vọng như thế trong công ty ở thời đại bây giờ... Trong lòng Kenzo thậm chí còn dấy lên nỗi nghi ngờ như vậy. “Chị đâu rồi ạ?” “Mà Onatsu lại còn lên cơn suyễn như mọi lần nữa đấy.” Đúng như anh Hida nói, chị gái Kenzo đang thở khò khè trong tư thế tựa vào chiếc gối buộc(*) đặt trên hộp đựng dụng cụ may vá. Đứng nhìn vào gian phòng là chỗ sinh hoạt chung của gia đình, Kenzo thấy đầu tóc chị rối bù trông đáng thương quá đỗi. “Chị cảm thấy thế nào?” Chị thậm chí không thể ngẩng thẳng đầu lên được, nhìn Kenzo với gương mặt nhỏ nhắn vẫn cứ ở tư thế xoay nghiêng. Dường như chị định cất tiếng chào và lực rướn liền kéo căng cổ họng, nên cơn ho trước đó đã ít nhiều lắng xuống giờ lại thêm một đợt bùng lên. Kiểu ho ấy hễ chưa dứt cơn này thì đã có cơn khác, rồi lại cơn khác nữa cứ kéo đến không ngừng, nên chỉ đứng bên cạnh mà nhìn cũng thấy khiếp. “Chắc chị mệt lắm nhỉ!” Anh nhíu mày lẩm nhẩm câu ấy như nói với chính mình. Một người đàn bà lạ mặt, trông trạc tuổi bốn mươi, từ phía sau đang xoa lưng cho chị. Cạnh người ấy là một chiếc khay có đựng lọ mạch nha cùng chiếc đũa liễu sam. Người đàn bà chào Kenzo, bảo: “Đâu như từ hôm kia đấy cậu.” Chị ấy cứ thế đến những ba, bốn ngày, có vẻ suy kiệt đi vì không ăn không ngủ, rồi sau đó lại dần dần trở về như cũ nhờ sức bật của quá trình thích ứng linh hoạt. Chuyện như vậy đã trở thành quen thuộc trong mấy năm gần đây. Kenzo không phải là không biết điều đó, nhưng khi nhìn chị ho rũ rượi và thở cứ như sắp đứt hơi ngay trước mắt mình thì hơn cả chính người mắc bệnh, anh cảm thấy vô cùng lo lắng. “Chị mà cử động để lên tiếng chắc sẽ làm cơn ho bộc phát thôi. Cứ giữ yên đi ạ. Em đi ra đằng kia đây mà.” Kenzo nói thế khi cơn hen của chị đã dịu đi một lúc, rồi quay lại chỗ ngồi. 25. Anh Hida ngồi đọc sách với vẻ mặt bình thản. Anh ta bảo, “Ôi dà, lại cơn bệnh kinh niên như mọi bận ấy mà”, và không hề chia sẻ với Kenzo sự quan tâm lo lắng cho người bệnh. Trong đời sống mà cùng chứng ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi năm bao nhiêu lần, thì tự nhiên hình ảnh người vợ tội nghiệp đã trở nên nhàm cũ, dường như không còn khiến cho người đàn ông này thấy thương cảm chút nào. Thực ra, anh ta là người chưa bao giờ thốt ra được lời nào dịu dàng với người vợ đã chung sống đến gần ba mươi năm. Thấy Kenzo vào phòng, anh ta liền đặt úp quyển sách đang đọc dở xuống, rồi gỡ đôi kính gọng thiếc ra. “Mới đây trong lúc cậu vào chỗ phòng sinh hoạt gia đình, anh giở ra đọc vớ vẩn đấy thôi.” Anh Hida và việc đọc sách, ấy lại là một sự kết hợp vô cùng khập khiễng. “Sách gì đấy, anh?” “Dào, đâu phải loại sách để người như Ken-chan đọc đến. Sách cũ thôi mà.” Anh Hida cười và cầm lấy quyển sách úp trên bàn đưa cho Kenzo. Kenzo hơi sửng sốt vì không ngờ đó lại là một cuốn Jozan kỷ đàm(*). Dù vậy, tính cách người đàn ông này được thể hiện quá rõ, qua việc anh ta có thể thản nhiên mà đọc loại sách này trong khi hoàn toàn dửng dưng nghe vợ mình đang lên cơn hen tưởng chừng sắp đứt hơi. “Anh là người nệ cổ nên thích kiểu truyện kodan(*) theo lối cũ thế này.” Có vẻ như anh ta nghĩ rằng Jozan kỷ đàm là kiểu truyện kodan thông thường thì phải. Nhưng cũng không đến mức nhầm lẫn cho rằng Yuasa Jozan, tác giả tập truyện này, là nghệ nhân biểu diễn kodan. “Đúng là một học giả đấy nhỉ, ông tác giả ấy mà. So với Kyokutei Bakin thì sao nhỉ? Anh cũng có Bát khuyển truyện của Bakin đấy...” Quả thật anh ta có bộ Bát khuyển truyện, là bản đặt in hoạt tự trên giấy Nhật. Những quyển sách được xếp chồng lên nhau ngay ngắn trong tủ sách làm bằng gỗ ngô đồng. “Ken-chan có sách Họa đồ các danh thắng ở Edo(*) không?” “Không ạ.” “Sách đó thú vị đấy. Anh rất thích. Hay để anh cho cậu mượn nhé? Vì dẫu sao anh cũng đã biết rõ về những nơi xưa cũ vốn được gọi là miền Edo, như Nihonbashi hay Sakurada chẳng hạn.” Anh ta lấy ra một, hai tập sách từ trong tủ sách khác ở phía trên góc lõm trang trí của gian phòng, ấy là loại sách cũ có bìa giấy Mino(*) màu vàng nhạt. Rồi anh ta hành xử cứ như Kenzo là người mà ngay cả tên sách Họa đồ các danh thắng ở Edo cũng chưa từng nghe đến. Một Kenzo như thế vẫn còn nhớ những hoài niệm thân thương thuở thiếu thời, khi niềm vui lớn nhất là lôi những cuốn sách ấy ra từ trong kho sách, rồi say sưa chọn xem tranh minh họa hết trang này đến trang kia. Trong số đó, hình ảnh tiêu biểu mà giờ đây anh còn nhớ được là tranh vẽ núi Phú Sĩ và tấm rèm vải của cửa hiệu Echigo(*), ở chỗ có tên gọi là khu phố Suruga(*). Xem sách kiểu như vậy là chuyện quá đỗi thư nhàn trong những ngày tháng ấy, chứ dù có muốn cũng chẳng kiếm đâu được chút thời gian rỗi để đọc loại sách không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nghiên cứu của mình. Kenzo thầm nghĩ trong lòng như vậy. Anh vừa cảm thấy buồn bực vừa tội nghiệp cho bản thân mình giờ đây cứ tất bật vội vàng. Vì chưa thấy anh trai của Kenzo xuất hiện trước giờ hẹn, có lẽ để khỏa lấp đi khoảng thời gian ấy nên anh Hida cứ tỏ ra hay chuyện, liên tục trò chuyện về sách vở. Dường như anh ta tự tin rằng chuyện về sách vở thì có nói bao nhiêu Kenzo cũng không cảm thầy phiền. Khổ thay, hiểu biết của anh ta lại ở mức độ cho rằng Jodan kỷ đàm là loại truyện kodan phổ biến. Dù vậy, anh ta cũng có trọn bộ Phong tục họa báo(*) ngày xưa, không thiếu một quyển nào. Khi đã hết chuyện về sách vở, anh ta đành phải đổi sang đề tài khác. “Chắc cũng sắp đến rồi đấy nhỉ. Ý anh nói cậu Cho ấy mà. Cậu ấy đã nói đến thì chẳng lẽ nào lại quên đâu. Mà hôm nay là ngày sau ca làm việc nên cậu ấy có muộn cũng mười một giờ là phải về thôi. Hay nếu tiện thì mình đi đón nhỉ?” Dường như lúc này tình hình lại có sự chuyển biến. Nghe từ phía phòng sinh hoạt gia đình có tiếng chị gái Kenzo ho dữ dội như lửa cháy bùng lên. """