" Cô Nàng Cửa Hàng Tiện Ích - Murata Sayaka PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cô Nàng Cửa Hàng Tiện Ích - Murata Sayaka PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo CÔ NÀNG CỬA HÀNG TIỆN ÍCH ———★——— Tác giả MURATA SAYAKA Người dịch AN VY Đơn vị phát hành NHÃ NAM Nhà xuất bản HÀ NỘI ebook©vctvegroup 05-01-2022 Ở cửa hàng tiện ích 24 giờ lúc nào cũng tràn ngập âm thanh. Tiếng chuông báo khách đến, tiếng Idol quảng cáo sản phẩm mới phát trên loa. Tiếng mời chào khách của nhân viên, tiếng quét mã hàng. Tiếng cho hàng vào giỏ, tiếng nhấc túi bánh mì hay tiếng gót giày bước. Tất cả trộn lẫn thành “âm thanh cửa hàng tiện ích 24 giờ”, không ngừng chạm vào màng nhĩ tôi. Tôi ngước mắt lên khi nghe âm thanh lách cách của chai nước trôi ra từ trong băng trượt thế chỗ một chai khác vừa được mua. Nhiều khách thường mua nước uống ướp lạnh sau cùng rồi ra quầy tính tiền luôn nên cơ thể tôi phản ứng với âm thanh đó và cứ thế tự nhiên cử động. Thấy vị khách nữ tay cầm chai nước khoáng nhưng chưa ra tính tiền ngay mà còn đứng ngó nghiêng quầy đồ tráng miệng, tôi lại thu ánh mắt về phía dưới tay mình. Vừa nghe ngóng thông tin từ vô số âm thanh rơi vãi khắp cửa hàng, tôi vừa xếp cơm nắm mới nhập về lên kệ. Cơm nắm, bánh sandwich và salad bán chạy nhất vào khoảng thời gian này của buổi sáng. Bên cạnh tôi là Sugawara nhân viên làm thêm đang kiểm hàng bằng chiếc máy quét nhỏ. Còn tôi thì xếp ngay ngắn những đồ ăn tươi mới vừa được máy móc làm ra lên kệ. Món cơm nắm trứng cá phô mai mới ra tôi xếp thành hai hàng ở giữa, bên cạnh là hai hàng cơm nắm cá hồi xốt mayonnaise bán chạy nhất, còn cơm nắm nhân cá bào không được yêu thích lắm thì xếp trong góc. Công việc này ăn thua ở tốc độ nên hầu như tôi không phải động não mà chính những quy tắc đã ăn sâu vào người đưa ra chỉ thị cho cơ thể. Lạch cạch, tôi ngoái lại vì tiếng đồng xu va rất khẽ, đưa ánh mắt về phía quầy tính tiền. Người nghịch tiền trên tay hay trong túi thường là người mua nhanh bao thuốc hoặc tờ báo rồi về luôn nên tôi cũng rất nhạy cảm với âm thanh của tiền xu. Y như rằng, một người đàn ông tay cầm lon cà phê, tay kia thọc trong túi đang tiến đến gần quầy thu ngân. Tôi nhanh chóng di chuyển như trượt vào quầy, đứng đợi sẵn ở đó để không bắt khách phải chờ. “Xin chào quý khách!” Hơi cúi người đón lấy lon cà phê vị khách nam vừa chìa ra. “À, cho thêm một bao thuốc lá số 5!” “Dạ vâng ạ!” Tôi nhanh tay rút lấy bao Marlboro Light Menthol và quét qua máy. “Quý khách vui lòng nhấn vào nút xác nhận tuổi ạ!” Thấy khách tay nhấn nút nhưng mắt lại liếc sang tủ bày đồ ăn nhanh, tôi liền dừng tay. Đáng lẽ có thể hỏi “Quý khách cần thêm gì không ạ?” nhưng khi khách trông có vẻ lưỡng lự mua hay không thì tôi sẽ đợi một chút. “Thêm một xúc xích bao bột chiên giòn nữa!” “Dạ vâng. Cảm ơn quý khách!” Tôi khử trùng tay bằng dung dịch rửa tay khô rồi mở tủ gói chiếc xúc xích lại. “Quý khách có cần chia đồ lạnh và đồ nóng thành túi riêng không ạ?” “À, không cần, không cần. Cứ cho chung vào!” Tôi nhanh tay cho lon cà phê, thuốc lá và xúc xích vào túi nylon cỡ S. Trong khi đó, vị khách vốn đang nghịch đám tiền xu trong túi như chợt nhớ ra điều gì đó bất giác đưa tay lên túi áo trước ngực. Nhìn hành động tôi đoán chắc ông ta sẽ trả bằng thẻ điện tử đây. “Thanh toán bằng thẻ Suica nhé!” “Dạ vâng. Quý khách vui lòng chạm thẻ vào đây ạ!” Cơ thể tôi tự động đọc được từng cử chỉ nhỏ lẫn ánh mắt của khách hàng rồi hành động theo phản xạ. Tai và mắt trở thành bộ phận cảm ứng đọc từng cử động nhỏ hay ý muốn của khách. Chú ý từng tiểu tiết sao cho không quan sát quá mức cần thiết khiến khách khó chịu trong khi tay vẫn hoạt động thoăn thoắt theo thông tin thu được. “Hóa đơn đây ạ! Xin Cảm ơn quý khách!” Nhận tờ hóa đơn, người đàn ông nói nhỏ “Cảm ơn” rồi bước đi. “Xin lỗi để quý khách phải đợi. Xin chào quý khách!” Tôi cúi chào vị khách nữ đứng xếp hàng tiếp đó. Cảm thấy thời gian buổi sáng đang hoạt động chuẩn xác trong cái hộp ánh sáng nhỏ bé này. Bên ngoài khung cửa kính được lau chùi không sót một vết vân tay, mọi người đang hối hả bước đi. Một ngày mới bắt đầu. Đây là thời gian thế giới tỉnh giấc, vòng quay thế gian bắt đầu vào guồng. Còn tôi cũng trở thành một mắt xích xoay chuyển trong vòng quay đó. Tôi trở thành một bộ phận của thế giới, quay liên tục trong khung thời gian được gọi tên “buổi sáng” này. Định chạy đi xếp tiếp cơm nắm thì chị Izumi trưởng nhóm nhân viên bán thời gian gọi. “Furukura, quầy em còn mấy tờ năm nghìn yên nhỉ?” “Dạ, còn có hai thôi ạ!” “Gay nhỉ, sao hôm nay nhiều tờ mười nghìn yên thế chứ. Trong két cũng không còn mấy nữa nên qua giờ cao điểm buổi sáng rồi nhập hàng hòm hòm chắc chị phải ra ngân hàng luôn thôi.” “Vâng ạ!” Dạo này thiếu người làm ca đêm nên cửa hàng trưởng cũng phải vào làm, ban ngày thì có tôi và chị Izumi cũng là nhân viên bán thời gian tuổi sàn sàn tôi xoay xở với cửa hàng chẳng khác gì nhân viên chính thức. “Thế khoảng mười giờ chị đi đổi tiền vậy. À, mà hôm nay còn có khách đặt sushi cuộn đậu phụ nên khách tới em xử lý luôn nhé!” “Vâng!” Nhìn đồng hồ đã sang chín rưỡi. Giờ cao điểm buổi sáng cũng sắp qua, phải nhanh tay nhập hàng cho xong để chuẩn bị giờ bán hàng buổi trưa. Tôi vươn vai rồi quay lại quầy hàng xếp tiếp cơm nắm. Những chuyện có từ trước khi được sinh ra là một nhân viên cửa hàng tiện ích đã ít nhiều phai nhạt, tôi chẳng nhớ rõ lắm. Là đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình bình thường, được thương yêu và lớn lên cũng rất đỗi bình thường ở một khu dân cư vùng ngoại ô thành phố. Nhưng tôi lại bị coi là đứa trẻ kỳ lạ. Ví như hồi học mẫu giáo, có vụ con chim nhỏ chết ở công viên. Đó là con chim nhỏ màu xanh rất đẹp, chắc được nhà ai đó nuôi. Những đứa trẻ khác đứng vây quanh, khóc cho con chim đầu ngoẹo sang một bên, hai mắt nhắm nghiền. Khi một đứa con gái mở miệng: “Làm sao bây giờ” thì tôi lập tức nhấc con chim đặt lên tay rồi mang đến chỗ mẹ đang ngồi chuyện phiếm ở ghế đá. “Gì thế này Keiko? Ôi… một chú chim nhỏ… Nó bay từ đâu đến chăng… Tội nghiệp quá. Mình xây mộ cho nó nhé!” Đáp lại người mẹ đang dịu dàng xoa đầu tôi, tôi bảo: “Ăn nó đi mẹ!” “Hả?” “Bố thích thịt chim nướng mà, hôm nay nướng nó lên ăn đi mẹ!” Sợ mẹ không nghe rõ tôi lặp lại rành rọt thì mẹ co rúm lại, còn mẹ đứa trẻ khác ngồi bên cạnh cũng há hốc mồm, trợn tròn mắt kinh khiếp. Tôi suýt phì cười vì nom mặt cô ấy kỳ cục quá nhưng thấy bị nhìn chằm chặp vào tay tôi lại nghĩ hay một con không đủ nhỉ? “Hay con đi bắt thêm về nhé?” Khi tôi quay sang liếc hai ba con chim sẻ đang tung tăng gần đó thì mẹ tôi có vẻ đã hoàn hồn, lấy hết hơi hét lên giọng đầy chỉ trích: “Keiko!!” “Mình phải đào mộ và chôn con chim nhỏ con ạ. Đấy, ai cũng khóc con thấy không. Bạn mất thì mình phải buồn chứ. Đúng không? Tội nghiệp phải không con?” “Vì sao? Nó chết rồi mà!” Mẹ không thốt nên lời với câu hỏi của tôi. Tôi chỉ hình dung ra cảnh bố, mẹ và em gái nhỏ đang vui mừng ăn con chim. Bố tôi thích chim nướng, còn tôi và em gái cực mê món gà rán. Công viên nhiều chim thế sao không bắt mang về, sao không ăn mà lại phải chôn con chim đó, tôi đã không thể lý giải được điều này. Mẹ tôi vẫn ra sức nói: “Nghe này, con chim bé nhỏ và tội nghiệp, con thấy không? Mình cùng xây mộ và cúng hoa cho nó nhé!” Và cuối cùng mọi người cũng làm như thế nhưng tôi vẫn không thể hiểu nổi. Ai cũng nói con chim đáng thương rồi khóc lóc nhưng lại quay sang giết những bông hoa quanh đó. Cái cảnh tượng mọi người nói “Hoa đẹp quá! Chắc chim nhỏ thích lắm đây!” trông thật điên rồ. Con chim nhỏ được chôn xuống cái hố đào bên trong hàng rào có cắm biển “cấm vào”, trên mặt mộ cắm que kem gỗ ai đó vừa nhặt từ thùng rác về, xác của những bông hoa được rải đầy trên mộ. “Đó con thấy không Keiko, thật buồn, thật đáng thương!” mẹ tôi cứ lầm bầm cho tôi nghe thấy nhưng tôi chẳng nghĩ thế chút nào. Chuyện tương tự như thế xảy ra nhiều lần. Hồi mới vào tiểu học, trong giờ thể dục từng có vụ ầm ĩ vì bọn cọn trai gây gổ nhau. “Ai gọi cô giáo đi!” “Ngăn các bạn ấy lại đi!” Có tiếng hét lên, phải rồi, phải ngăn lại, nghĩ vậy tôi mở tủ đựng dụng cụ ngay bên cạnh, lôi cái xẻng ra rồi chạy về phía thằng con trai đang làm loạn và phang thẳng vào đầu nó. Xung quanh bao trùm tiếng la hét, thằng con trai ôm đầu ngã lăn đùng ra đó. Thấy nó ôm đầu nằm im bất động tôi lại giơ cái xẻng lên định ngăn nốt thằng kia thì đám con gái vừa khóc vừa gào: “Keiko, đừng! Dừng lại!” Thầy giáo chạy tới, choáng váng trước thảm cảnh và yêu cầu tôi giải thích. “Tại các bạn bảo ngăn lại nên em ngăn bằng cách nhanh nhất thôi ạ.” Thầy bối rối lập bập bảo tôi không được dùng vũ lực. “Nhưng các bạn bảo ngăn lại cơ mà. Em thấy làm thế thì bạn Yamazaki và bạn Aoki sẽ dừng ngay thôi ạ.” Tôi lễ phép giải thích cho thầy giáo đang nổi cáu một cách vô lý, còn mẹ thì bị mời tới buổi họp hội đồng. Thấy nét mặt mẹ nghiêm trọng cúi gập đầu trước giáo viên “Vâng, tôi xin lỗi, xin lỗi…” tôi mới nghĩ có vẻ việc mình làm là sai nhưng vẫn không thể hiểu vì sao lại sai. Hay khi một cô giáo nổi cáu tới mất kiểm soát, vừa đập sổ điểm danh lên bàn vừa gào thét, còn học sinh thì bắt đầu khóc lóc cũng vậy. “Cô ơi, chúng em xin lỗi ạ!” “Em xin cô!” Mặc cho học sinh thảm thiết van xin cô vẫn không bình tĩnh lại, tôi lập tức chạy tới gần cô, thật nhanh tụt cả váy lẫn quần lót những mong cô ngưng gào thét. Cô giáo trẻ choáng váng, bật khóc rồi im lặng. Giáo viên lớp bên cạnh chạy sang, hỏi han tình hình, tôi giải thích rằng từng xem trên ti vi thấy con gái bị tụt quần áo thì im lặng, vậy mà trường lại họp hội đồng. “Tại sao, sao con không hiểu hả Keiko…” Trên đường về sau khi bị gọi đến trường, mẹ ôm tôi thì thào tội nghiệp. Hình như tôi lại làm gì đó sai nhưng vì sao sai thì tôi vẫn không hiểu. Bố mẹ lo lắng nhưng vẫn thương tôi. Không muốn để bố mẹ phải buồn, phải xin lỗi hết người này đến người kia, tôi quyết định sẽ chẳng nói chuyện với bất kỳ ai khi ra khỏi nhà. Tôi bắt chước theo mọi người hoặc làm theo chỉ thị, chỉ một trong hai cách ấy, chứ tuyệt đối không chủ động làm gì nữa. Người lớn thấy tôi không nói gì linh tinh cũng không tự tiện hành động thì có vẻ yên tâm hơn. Lên cấp ba, việc tôi quá im lặng lại thành có vấn đề. Nhưng với tôi, im lặng là cách tốt nhất, là cách đối phó hợp lý nhất để tồn tại. Dù sổ học bạ bị phê “Cần hòa đồng với các bạn và ra ngoài chơi!” song tôi vẫn không lung lay, không nói gì ngoài lúc bắt buộc. Đứa em gái kém hai tuổi của tôi thì lại rất “bình thường”, khác hẳn tôi. Nhưng không vì thế mà nó xa lánh tôi, ngược lại rất bám chị. Khi em bị mẹ mắng vì những việc rất đỗi bình thường, tôi lại gần mẹ để hỏi lý do “sao mẹ cáu vậy?”. Mẹ nghe tôi hỏi thì dừng thuyết giáo, em tôi liền nghĩ được tôi bênh nên lúc nào cũng nói “cảm ơn chị”. Không thích bánh kẹo hay đồ chơi nên tôi cũng hay nhường chúng cho em. Chính vì thế mà lúc nào nó cũng bám rịt lấy tôi. Gia đình nâng niu, yêu thương tôi, cho nên lúc nào cũng lo lắng cho tôi. “Làm sao ‘chữa’ cho con được nhỉ?” Tôi vẫn nhớ khi nghe bố mẹ nói chuyện với nhau như vậy, tôi nghĩ chắc mình phải sửa chữa cái gì đó. Rồi có đợt bố chở tôi lên phố rõ xa để khám tư vấn tâm lý. Đầu tiên, ngay lập tức họ nghi do gia đình có vấn đề, nhưng bố là một nhân viên ngân hàng điềm đạm chăm chỉ, mẹ thì hơi yếu đuối nhưng hiền lành, em lại rất quấn chị. Cuối cùng bác sĩ phán một câu vô thưởng vô phạt rằng: “Dành thêm nhiều tình cảm cho cháu và dõi theo cháu thôi”, và dù thế nào thì bố mẹ vẫn rất mực yêu thương nuôi nấng tôi. Không có bạn ở trường nhưng tôi cũng không bị ai bắt nạt, cuối cùng rồi cũng qua được thời cấp một và cấp hai thành công mà chẳng cần hé răng nói nhiều. Tốt nghiệp cấp ba lên đại học tôi vẫn không thay đổi gì. Về cơ bản, giờ giải lao tôi chỉ có một mình, ít khi nói chuyện riêng với ai. Tuy không xảy ra rắc rối gì giống như hồi tiểu học nhưng bố mẹ lại lo cứ thế này tôi sẽ khó mà hòa nhập được với xã hội. Còn tôi cứ thế thành người lớn cùng suy nghĩ “mình phải chữa khỏi bệnh thôi”. Cửa hàng Smile Mart trước ga Hiirocho khai trương vào ngày mồng Một tháng 5 năm 1998, khi tôi đang là sinh viên năm thứ nhất. Tôi vẫn nhớ rõ hôm tìm được cửa hàng này trước khi nó khai trương. Hồi đó mới vào đại học, tôi đi xem kịch Nō nằm trong chương trình của trường, lúc về chỉ có một mình không có bạn đi cùng nên tôi bị nhầm đường, đi lạc vào khu phố văn phòng xa lạ từ lúc nào không hay. Lúc nhận ra thì xung quanh không một bóng người. Con phố chỉ toàn những tòa nhà cao tầng màu trắng lấp lánh hệt như mô hình giả làm bằng giấy vậy. Một thế giới chỉ có những tòa nhà, giống hệt một thành phố ma. Giữa trưa Chủ nhật mà con phố không một bóng người ngoài tôi. Bị cảm giác đi lạc vào thế giới lạ xâm chiếm, tôi nhanh chân tìm ga tàu điện ngầm. Cuối cùng cũng tìm thấy biển ga tàu, thở phào chạy tới thì quang cảnh một tòa nhà màu trắng muốt có tầng trệt trông giống như một bể cá trong suốt đập vào mắt tôi. Chẳng có gì ngoài tấm áp phích dán trên cửa kính nhìn xuyên thấu “Khai trương cửa hàng Smile Mart trước ga Hiirocho! Cần tuyển nhân viên!”. Nhòm vào bên trong cửa kính cũng chẳng có ai, chắc đang trong quá trình hoàn thiện nên tường còn phủ nylon và chỉ có những kệ hàng màu trắng trống trơn. Không thể tin nổi ở nơi vắng vẻ thế này lại mọc ra một cửa hàng tiện ích. Tiền gia đình chu cấp hằng tháng đủ sống nhưng tôi vẫn muốn làm thêm. Tôi ghi lại số điện thoại trên tấm áp phích để hôm sau gọi thử. Sau màn phỏng vấn đơn giản tôi được nhận vào làm ngay. Họ bảo tôi tuần tiếp theo sẽ bắt đầu thực tập, và khi tôi đến vào giờ quy định, trông tiệm đã giống một cửa hàng tiện ích hơn so với lần trước. Kệ đồ tạp hóa hoàn thiện với văn phòng phẩm và khăn tay được xếp gọn gàng. Những người làm thêm mới được tuyển giống tôi tập trung bên trong cửa hàng. Một cô gái cỡ sinh viên như tôi, một cậu thanh niên chắc đang làm nghề tự do, một chị lớn hơn tôi một chút trông giống bà nội trợ, tất cả khoảng 15 người với độ tuổi và trang phục khác nhau, đi đi lại lại thiếu tự nhiên trong cửa hàng. Cuối cùng thì nhân viên đào tạo của công ty cũng xuất hiện, phát đồng phục cho mọi người. Tôi mặc đồng phục, chỉnh trang lại theo đúng như tấm poster ảnh mẫu. Con gái tóc dài cần buộc lại, đồng hồ và đồ trang sức phải tháo ra, chúng tôi khi nãy trông còn lộn xộn, thoắt cái đã xếp thành một hàng trông rất ra dáng “nhân viên cửa hàng”. Bài học đầu tiên là nét mặt và chào hỏi. Chúng tôi vừa nhìn tấm poster người mẫu cười vừa phải nâng khóe miệng lên hệt như thế, đứng thẳng lưng, xếp thành hàng và lần lượt nói: “Kính chào quý khách!”. Nam nhân viên đào tạo của công ty đi đến từng người để kiểm tra, ai giọng lí nhí hay nét mặt không tươi tỉnh sẽ nhận ngay chỉ thị: “Làm lại!” “Chị Okamoto, tươi nữa lên, không phải ngại! Cậu Aizaki, nói to nữa nào! Nào làm lại đi! Furukura, tốt tốt! Đứng rồi, giọng phải khỏe khoắn như thế!” Bắt chước video mẫu xem trong phòng nghỉ và mẫu của huấn luyện viên dễ ợt với tôi. Trước tới giờ nào có ai chỉ cho tôi biết: “Đây mới là nét mặt, giọng nói bình thường đấy!” đâu cơ chứ. Còn hai tuần nữa là đến ngày khai trương, nhân viên công ty đóng làm khách, chúng tôi ghép thành cặp rồi miệt mài tập cùng vị khách giả tưởng ấy. Nào là mỉm cười nhìn vào mắt “quý khách” sau đó cúi đầu chào, đồ vệ sinh phụ nữ phải cho vào túi giấy, chia đồ lạnh và đồ nóng ra túi riêng, rồi thì khử trùng tay khi có khách gọi đồ ăn nhanh. Tiền thật được cho vào máy tính tiền cho quen nhưng hóa đơn thì cộp chữ “đào tạo” to đùng, khách cũng là đồng nghiệp mặc đồng phục giống hệt nên cảm giác như đang chơi đồ hàng vậy. Điều thú vị là mỗi người một kiểu từ sinh viên, thành viên ban nhạc, làm tự do, đến nội trợ, học sinh lớp bổ túc khi cùng khoác lên người bộ đồng phục liền đồng loạt bị tái tạo thành sinh vật có tên “nhân viên cửa hàng”. Mỗi ngày, sau khi việc đào tạo kết thúc, trút bỏ bộ đồng phục ra thì tất cả lại trở về nguyên trạng. Điều này khiến tôi cảm thấy việc thay áo như để biến thành một sinh vật khác vậy. Sau hai tuần đào tạo cũng đến ngày khai trương cửa hàng. Hôm đó tôi đến từ sáng. Những chiếc kệ trống trơn giờ đã ăm ắp hàng hóa. Hàng được nhân viên công ty xếp san sát tạo cảm giác không thật cho lắm. Tới giờ khai trương, vào khoảnh khắc cánh cửa mở ra, tôi chợt nghĩ “khách thật là đây”. Không phải khách hàng giả tưởng như khi đào tạo mà là “những vị khách thật sự”. Có rất đông người. Bởi cửa hàng nằm trong phố văn phòng nên tôi hình dung chắc sẽ chỉ toàn khách đóng bộ vest hay đồng phục, nhưng những người đầu tiên bước vào lại trông giống cư dân quanh đây, trên tay họ là tờ giảm giá mới được phát. Vị khách đầu tiên là một bà lão. Tôi chỉ biết đơ ra nhìn quang cảnh bà lão chống gậy bước vào đầu tiên rồi nhiều khách cầm phiếu giảm giá cơm nắm và cơm hộp cứ thế tràn vào cửa hàng. “Furukura, nói gì đi chứ!” Bị nhân viên công ty nhắc tôi sực tỉnh. “Kính chào quý khách! Hôm nay có giảm giá nhân dịp khai trương! Mời quý khách mua hàng!” Tiếng chào mời vọng lên trong tiệm có “khách” nghe khác hẳn. Không ngờ “khách” lại là sinh vật tạo ra những âm thanh như thế này. Tiếng bước chân âm vang, tiếng nói chuyện, tiếng cho gói bánh vào giỏ, tiếng mở tủ chứa đồ uống ướp lạnh. Chới với giữa vô vàn âm thanh được khách hàng tạo ra tôi vẫn liên tục cất cao giọng “Kính chào quý khách!” Núi đồ ăn và bánh kẹo được xếp đẹp mắt đến mức tôi có cảm giác không thật kia bị sụp xuống trong nháy mắt dưới bàn tay “khách hàng”. Cửa tiệm từng như đồ hàng giờ đã lột xác thật sinh động nhờ những bàn tay ấy. Người đầu tiên đến quầy tính tiền chính là người bước chân đầu tiên vào cửa hàng, một bà lão cao tuổi quý phái. Tôi đứng sau quầy tính tiền miệng lẩm nhẩm lại quy trình. Bà lão đặt giỏ hàng lên quầy, bên trong có bánh su kem, bánh sandwich và vài miếng cơm nắm. Vị khách đầu tiên tới tính tiền khiến nhân viên trong quầy đứng ngay ngắn hơn. Tôi cúi chào khách đúng như được đào tạo trong sự quan sát của nhân viên công ty. “Kính chào quý khách!!” Tôi cất giọng bằng tông giống hệt cô người mẫu trong video đào tạo. Đón lấy giỏ hàng và bắt đầu quét mã hàng như đã được học. Nhân viên công ty đứng bên cạnh tôi nhanh tay cho đồ vào túi. “Ở đây sáng mở từ mấy giờ vậy cháu?” Bà lão hỏi. “Dạ, hôm nay mở từ 10 giờ ạ! Còn từ giờ thì mở cửa suốt thưa quý khách!” Nhân viên công ty nhanh nhảu tiếp lời khi tôi không trả lời được suôn sẻ câu hỏi không có trong chương trình đào tạo. “Cửa hàng sẽ mở cửa 24 giờ từ hôm nay. Cả năm không nghỉ. Nên kính mời quý khách tới bất kể lúc nào ạ!” “Ồ, đêm cũng bán sao? Sáng cũng vậy hả?” “Dạ vâng.” Tôi gật đầu, bà lão cười tủm tỉm: “Thật tiện quá! Bác còng thế này đi lại khó khăn lắm. Siêu thị thì lại xa.” “Vâng, từ hôm nay cửa hàng sẽ mở 24 giờ. Mời quý khách tới bất kể lúc nào ạ!” Tôi lặp lại đúng lời nhân viên công ty đang đứng bên cạnh. “Tuyệt quá! Thế thì nhân viên cửa hàng mệt lắm đây!” “Xin cảm ơn quý khách!” Bắt chước nhân viên công ty tôi gập người chào, bà lão cười: “cảm ơn cháu. Lần sau bác lại ghé nhé!” rồi rời khỏi quầy. Nhân viên công ty đứng bên hỗ trợ cho hàng vào túi khen: “Furukura, được đó! Quá chuẩn luôn! Tính tiền lần đầu mà rất bình tĩnh! Cứ thế phát huy nhé! Nào, khách tiếp theo đấy!” Tôi ngoảnh ra theo lời nhắc thì một vị khách xách giỏ với rất nhiều cơm nắm giảm giá đang tiến lại gần. “Kính chào quý khách!” Tôi cúi chào cùng tông giọng giống khi nãy và đỡ lấy giỏ hàng. Lần đầu tiên tôi được trở thành một bộ phận của thế giới. Giây phút này, tôi thấy mình như vừa được sinh ra. Chính xác ngày hôm nay tôi đã được sinh ra là một bộ phận bình thường của thế giới. Đôi lúc tôi lại dùng máy tính, tính thời gian kể từ ngày hôm ấy. Cửa hàng Smile Mart trước ga Hiirocho chưa từng nghỉ một ngày, luôn sáng đèn mở cửa liên tục, và vừa rồi là lần thứ 19 đón ngày mồng Một tháng 5, tính ra đã một trăm năm mươi nghìn tám trăm giờ trôi qua. Tôi 36 tuổi, còn cửa hàng và tôi trong vai nhân viên bán hàng đều tròn 18 tuổi. Nhân viên học cùng tôi đợt đào tạo hồi đó không còn một ai. Cửa hàng trưởng cũng đã thay tới người thứ tám. Ngay cả hàng hóa hồi ấy cũng không còn món nào. Chỉ có tôi vẫn nguyên là một nhân viên bán hàng. Thấy tôi bắt đầu làm thêm cả nhà mừng lắm. Ngay cả lúc tôi nói sẽ tiếp tục làm bán thời gian như thế này sau khi ra trường thì gia đình vẫn ủng hộ tôi: “So với hồi ít tiếp xúc với xung quanh thì thế là trưởng thành lắm rồi”. Hồi năm thứ nhất tôi làm thêm tuần bốn buổi kể cả cuối tuần còn bây giờ thì tuần năm buổi. Mỗi lần về đến nhà, tôi lại lăn ra tấm đệm trong căn phòng vỏn vẹn gần mười một mét vuông. Khi vào đại học, tôi tìm một căn phòng cho thuê giá rẻ, rời nhà ra ở riêng. Thấy tôi không rục rịch tìm công việc ổn định mà cứ bám riết lấy việc làm bán thời gian ở mãi một chỗ như vậy, gia đình có vẻ bắt đầu lo lắng nhưng lúc này chẳng thể thay đổi được gì nữa. Chính tôi cũng chẳng hiểu vì sao lại là cửa hàng tiện ích chứ không phải một nơi làm việc bình thường khác. Nhưng, dù có thể tuân thủ theo hướng dẫn từng chân tơ kẽ tóc và trở thành “nhân viên bán hàng” hoàn hảo thì tôi cũng không tài nào hiểu nổi cần cư xử ra sao cho ra người bình thường đối với những thứ nằm ngoài chỉ dẫn. Bố mẹ chiều tôi, luôn dõi theo tôi dù biết tôi vẫn sẽ chỉ làm bán thời gian tại cửa hàng tiện ích không biết đến khi nào. Cảm thấy tội lỗi nên hồi ở độ tuổi hai mươi tôi cũng thử tìm việc, song một đứa chỉ biết mỗi làm việc ở cửa hàng tiện ích như tôi hiếm khi qua được vòng loại hồ sơ, hay có tới được vòng phỏng vấn thì cũng không giải thích nổi vì sao lại làm bán thời gian ở cửa hàng tiện ích ngần ấy năm như thế. Chẳng hiểu có phải do ngày nào cũng đi làm không mà đến trong giấc mơ tôi cũng hay thấy mình đứng gõ máy tính tiền. Nhiều lần bất chợt tỉnh giấc trong đầu tôi còn nghĩ “ôi chưa dán giá cho sản phẩm khoai tây chiên mới ra” hay “trà nóng bán chạy phải bổ sung thêm hàng mới thôi”. Rồi nửa đêm có khi còn choàng tỉnh bởi giọng nói của chính mình “Xin kính chào quý khách!”. Ngay cả bây giờ, những đêm không ngủ được tôi lại nghĩ tới cái hộp kính trong vắt luôn vận hành không nghỉ ấy. Trong hộp kính trong veo, cửa hàng vẫn hoạt động như cỗ máy được lập trình sẵn. Tưởng tượng ra cảnh ấy, âm thanh trong cửa hàng lại hiện hữu nơi màng nhĩ, giúp tôi yên tâm đi vào giấc ngủ. Sáng ra tôi lại là một nhân viên bán hàng, một bánh răng trong vòng quay của thế giới. Chỉ điều này mới biến tôi thành một con người bình thường. Tám giờ sáng, tôi đẩy cánh cửa của Smile Mart trước ga Hiirocho. Chín giờ mới tới phiên làm việc nhưng tôi hay đến sớm và ăn sáng luôn ở cửa hàng. Tôi mua một chai nước khoáng hai lít, bánh mì và bánh sandwich sắp hết hạn rồi ăn trong phòng dành cho nhân viên. Phòng cho nhân viên đặt một màn hình lớn chiếu hình ảnh của camera chống trộm. Vừa ăn bánh mì tôi vừa quan sát cậu Đạt, nhân viên người Việt Nam mới vào làm ca đêm đang chật vật tính tiền cho khách còn cửa hàng trưởng thì chạy đôn chạy đáo hỗ trợ Đạt, để ý chuẩn bị nếu có gì cần kíp sẽ mặc đồng phục ra ứng cứu ngay. Buổi sáng ăn bánh mì của cửa hàng, buổi trưa cũng cơm hộp, đồ ăn nhanh của cửa hàng, tối nếu mệt thì lại mua đồ của cửa hàng về ăn. Chai nước hai lít uống hết khoảng một nửa trong lúc làm, còn lại bỏ vào túi vải mang về tối uống nốt. Cứ nghĩ cơ thể mình hầu hết được nuôi dưỡng từ thực phẩm của cửa hàng tôi lại thấy mình giống như cái kệ để đồ tạp hóa hay máy pha cà phê, cũng là một phần của cửa hàng này. Ăn xong tôi thường xem dự báo thời tiết hoặc các số liệu bán hàng. Với cửa hàng tiện ích, dự báo thời tiết là nguồn thông tin không thể thiếu. Chênh lệch nhiệt độ với ngày hôm qua rất quan trọng, nhiệt độ cao nhất hôm nay là 21 độ, thấp nhất 14 độ. Dự báo trời nhiều mây, từ chiều có thể có mưa. Chắc cơ thể sẽ cảm thấy lạnh hơn nhiệt độ thực đây. Ngày nóng bánh sandwich bán rất chạy còn ngày lạnh thì là cơm nắm và bánh bao, bánh mì. Đồ ăn nhanh cũng bán tốt tùy thuộc vào nhiệt độ. Ở vị trí trước ga Hiirocho, ngày lạnh, korokke* bán khá chạy, lại đang đúng đợt giảm giá nên tôi tính trong đầu hôm nay phải làm thật nhiều korokke. Thời gian cứ thế trôi đi trong lúc tôi loay hoay như vậy, nhân viên làm thêm buổi sáng từ 9 giờ giống tôi cũng lần lượt có mặt ở cửa hàng. Hơn 8 rưỡi sáng, cửa phòng mở ra cùng giọng nói lanh lảnh vang lên: “Chào mọi người!” Là chị Izumi được mọi người rất tin tưởng. Chị làm nội trợ, 37 tuổi, lớn hơn tôi một tuổi, hơi khó tính nhưng là người rất chịu khó. Chị xuất hiện với bộ dạng có phần diêm dúa, đứng trước tủ đồ thay đôi giày cao gót sang giày thể thao. “Furukura, hôm nay đến sớm nhỉ. Ồ, bánh mì loại mới ra à. Ngon không?” Chị Izumi hỏi khi liếc thấy tay tôi đang cầm bánh mì sô cô la xoài. “Vị kem hơi gắt nên khó ăn chị ạ. Em thấy không ngon.” “Thế á? Cửa hàng trưởng đặt 100 chiếc rồi đấy. Chết dở! Dù sao cũng phải bán hết số lượng nhập hôm nay nhỉ!” “Vâng!” Nhân viên bán thời gian chủ yếu là sinh viên hay người làm nghề tự do nên hiếm khi có đồng nghiệp là nữ cùng thế hệ như thế này. Chị Izumi buộc gọn mái tóc nhuộm nâu, mặc thêm áo sơ mi trắng ngoài áo thun tím than sau đó thắt cà vạt xanh nhạt. Lúc tiệm mới khai trương không có quy định này nhưng từ khi thay chủ mới thì nhân viên bắt buộc phải mặc áo sơ mi trắng và thắt cà vạt cùng đồng phục. Chị Izumi đang đứng trước gương chỉnh lại trang phục thì Sugawara chạy bổ vào, “Chào các chị!” Sugawara 24 tuổi, làm bán thời gian, giọng nói oang oang, tính tình vui vẻ. Cô là giọng nữ chính trong một ban nhạc, luôn miệng càm ràm muốn nhuộm đỏ mái tóc tém của mình. Trông mũm mĩm dễ gần vậy chứ trước khi có chị Izumi vào làm cô bé thường đến trễ giờ, quên tháo hoa tai khi làm việc nên bị cửa hàng trưởng chỉnh đốn như cơm bữa. Nhờ sự chỉ bảo thẳng thắn, mắng mỏ khéo léo của chị Izumi mà giờ đây Sugawara cũng đã thành một nhân viên chăm chỉ, nhiệt tình với công việc. Làm ca ngày còn có cậu sinh viên Iwaki cao lêu nghêu và cậu Yukishita sắp nghỉ vì đã tìm được công việc ổn định. Iwaki dạo này cũng xin nghỉ nhiều vì đang thời kỳ tìm việc nên cửa hàng trưởng phải quay lại làm ca đêm hoặc tuyển thêm người làm ca ngày, bằng không cửa hàng không vận hành nổi. Tạo ra “tôi” hiện tại là những người đang ở quanh tôi. 30% là chị Izumi, 30% nữa là Sugawara, cửa hàng trưởng 20%, còn lại là hấp thụ từ những người trong quá khứ như chị Sasaki đã nghỉ từ nửa năm trước hay cậu Okazaki trưởng nhóm năm ngoái. Đặc biệt, tôi bị nhiễm cách nói năng từ những người gần gũi với mình, cách nói của tôi bây giờ là pha trộn giữa chị Izumi và Sugawara. Tôi nghĩ chắc ai cũng thế cả. Trước đây, bạn cùng ban nhạc với Sugawara có ghé cửa hàng, mấy cô gái cũng ăn mặc và nói năng giống hệt Sugawara, còn chị Sasaki, từ khi có chị Izumi vào làm thì kiểu nói “mọi người vất vả rồi” cũng giống hệt chị Izumi. Rồi có lần bạn thân của chị Izumi tới giúp cửa tiệm, ăn mặc chẳng khác gì chị Izumi khiến tôi suýt thì nhầm. Có thể ai đó cũng đang nhiễm cách nói chuyện của tôi. Chúng ta cứ nhiễm lẫn nhau như thế để luôn được là con người. Trước khi vào làm ở đây chị Izumi ăn mặc có hơi lòe loẹt nhưng hợp với một phụ nữ độ tuổi 30 nên tôi hay tham khảo tên hãng giày chị đi hoặc mác áo khoác treo trong tủ cá nhân của chị. Có đúng một lần tôi nhòm vào túi đồ trang điểm chị để quên trong phòng nhân viên, tranh thủ ghi lại tên và hãng mấy món đồ trang điểm. Bắt chước nguyên xi thì dễ lộ nên như khi không biết mua khăn ở đâu chẳng hạn, tôi sẽ tra trên mạng tên nhãn hiệu chị Izumi hay mặc, rồi chọn loại được người cũng mặc nhãn hiệu đó giới thiệu trên blog. Tôi coi trang phục, phụ kiện, kiểu tóc của chị Izumi là chuẩn mực cho phụ nữ tuổi 30. Chị Izumi dừng mắt trước đôi giày bệt tôi đang mang. “A, giày của tiệm ở Omotesando phải không? Chị cũng thích giày ở đó. Chị có một đôi boot của tiệm đó đấy…” Lúc ở trong phòng nghỉ nhân viên chị Izumi thường nói kéo dài phần cuối câu ra một chút. Đúng là tôi đã tranh thủ lúc chị Izumi vào nhà vệ sinh, ghi lại tên hãng ở đế giày rồi tới đó mua. “Ôi, thật ạ!? Có phải đôi màu xanh không chị? Lần trước em có thấy chị đi, dễ thương lắm ạ!” Tôi trả lời chị Izumi bằng cách nói mô phỏng Sugawara, đổi âm điệu cuối câu sang kiểu dành cho người lớn tuổi hơn. Sugawara hay nói trầm bổng như có dấu ngắt nhịp tiết tấu. Chị Izumi thì trái ngược hoàn toàn, nhưng khi trộn lẫn cả hai lại thì vừa kỳ lạ lại vừa hay. “Furukura với chị có vẻ hợp gu phết đấy! Túi này cũng dễ thương quá đi!” Chị Izumi tủm tỉm. Chị ấy là hình mẫu nên hợp gu là phải rồi. Chắc trong mắt những người xung quanh, tôi là “con người” mang chiếc túi hợp với tuổi, nói chuyện thân mật vừa phải, không suồng sã cũng không khách sáo. “Chị Izumi ơi, hôm qua chị có làm không? Mì ăn liền trong kho sao lại để lộn tùng phèo hết thế nhỉ!” Sugawara đang thay đồ phía tủ cá nhân nói to. Chị Izumi liền quay lại nói với sang. “Có. Ca ngày thì vẫn ổn nhưng nhân viên làm ca đêm lại nghỉ không xin phép, thế là cậu Đạt nhân viên mới phải làm thay đấy!” Sugawara vừa kéo khóa áo đồng phục vừa nhăn nhó đi ra. “Ôi lại bùng làm ấy ạ? Đang thiếu người thì chớ, không thể chấp nhận nổi! Bảo sao cửa hàng lại chẳng điêu đứng. Đồ uống đóng hộp cũng trống huơ trống hoác trong khi sắp giờ đông khách buổi sáng rồi chứ!” “Đúng đúng! Chịu hết nổi! Cửa hàng trưởng bảo sẽ vào làm ca đêm từ tuần này đấy. Vì ca đêm chỉ toàn người mới thôi.” “Ca ban ngày thì cậu Iwaki cũng không làm vì kêu đi tìm việc. Thật chẳng ra sao! Nghỉ thì cũng phải nói sớm, chứ rốt cuộc người khác lại phải gánh thay thế này!” Nghe hai người nói chuyện đầy bức xúc mà tôi hơi hoảng. Trong con người tôi không hề có thứ cảm xúc mang tên tức giận. Tôi chỉ nghĩ ít người thì vất vả hơn, vậy thôi. Nhìn trộm nét mặt của chị Izumi, tôi cũng vận động cơ mặt sao cho giống rồi thử nói theo như hồi được đào tạo vẫn từng làm: “Ôi… lại bùng làm ấy ạ! Đang thiếu người thì chớ, không thể chấp nhận được!” Nghe thấy tôi lặp lại nguyên lời Sugawara, chị Izumi vừa tháo đồng hồ, nhẫn vừa cười. “Haha, Furukura nổi cáu rồi kìa! Đúng thế nhỉ, phi lý hết sức!” Không bao lâu sau khi đi làm thêm tôi đã phát hiện, chỉ cần mình tức giận vì cùng một chuyện, mọi người trong cửa hàng sẽ tỏ ra rất vui. Hùa theo mọi người cùng bất bình với cửa hàng trưởng khó tính, với ai đó làm ca đêm lại trốn việc thì cảm giác gắn kết lạ lùng nảy sinh, tất cả đều mừng rỡ với sự tức giận của tôi. Nhìn vẻ mặt của chị Izumi và Sugawara tôi an tâm đã làm tốt vai “con người”. Hẳn sự an tâm này đã lặp lại nhiều lần ở nơi có tên cửa hàng tiện ích này. Chị Izumi nhìn đồng hồ nói với chúng tôi. “Thôi, giao ban nào!” “Vâng!” Ba người chúng tôi đứng thành hàng bắt đầu giao ban buổi sáng. Chị Izumi mở sổ giao ban, thông báo mục tiêu và điểm cần lưu ý trong ngày. “Hàng trọng tâm hôm nay là bánh sô cô la xoài mới nhập. Mọi người nhớ rao nhiệt tình nhé. Đợt này tăng cường vệ sinh. Ca sáng khá bận nhưng mọi người để ý lau dọn sàn, cửa sổ và cửa ra vào. Không còn thời gian nữa nên hôm nay bỏ qua lời thề, nào đồng thanh hô khẩu hiệu tiếp khách nhé! ‘Kính chào quý khách!’” “Kính chào quý khách!” “Vâng, thưa quý khách!” “Vâng, thưa quý khách!” “Cảm ơn quý khách!” “Cảm ơn quý khách!” Chỉnh lại trang phục, từng người một bước ra ngoài trên miệng vẫn tiếp tục hô khẩu hiệu “Kính chào quý khách”. Theo sau hai người, tôi cũng lao ra từ cửa văn phòng. “Kính chào quý khách, mời quý khách mua hàng!” Tôi rất yêu thời khắc này. Trong tôi luôn có cảm giác chính nó đang mang “buổi sáng” đến cho tôi. Tiếng chuông báo có khách vào nghe như tiếng chuông nhà thờ. Mở cửa ra là chiếc hộp ánh sáng đang đợi tôi. Một thế giới luôn xoay chuyển, chuẩn xác. Tôi tin vào thế giới trong chiếc hộp ngập tràn ánh sáng này. Nghỉ làm vào thứ Sáu và Chủ nhật nên đôi khi thứ Sáu tôi đi gặp người bạn đã kết hôn và vẫn đang sinh sống gần khu nhà cũ. Thời học sinh, tôi trung thành với việc “im lặng” nên hầu như không chơi với ai, nhưng từ khi đi làm bán thời gian, tôi gặp lại bạn cũ qua buổi họp lớp nên sau đó thành có bạn. “Ôi, lâu lắm rồi ấy nhỉ Furukura! Trông cậu khác quá!” Người vui vẻ bắt chuyện với tôi là Miho, chúng tôi trò chuyện rôm rả vì chiếc túi của cả hai giống nhau chỉ khác màu, rồi còn trao đổi địa chỉ email để rủ nhau đi mua sắm. Sau đó thỉnh thoảng chúng tôi có gặp mặt, lúc thì đi ăn, lúc thì shopping. Miho giờ đã kết hôn, tậu một căn nhà trên khu phố trước đây và thỉnh thoảng vẫn tụ tập bạn bè ở đó. Nghĩ đến ngày hôm sau phải làm việc tôi cũng ngại tham gia, song đây là mối liên kết duy nhất với thế giới ngoài cửa hàng tiện ích, vả lại cũng là cơ hội quý giá để giao lưu với “phụ nữ độ tuổi 30 thông thường” nên tôi luôn đồng ý mỗi khi được Miho rủ. Ngày hôm nay cũng vậy, tôi, Yukari dắt theo con nhỏ và Satsuki đã kết hôn nhưng chưa có con cùng nhau mua bánh ngọt đến nhà Miho uống trà. Lâu lắm rồi tôi mới lại gặp Yukari, vì lý do công việc của chồng mà cô ấy phải xa thành phố chúng tôi sống một thời gian. Chúng tôi vừa ăn bánh ngọt mua trong trung tâm mua sắm gần ga vừa cười vì Yukari luôn miệng kêu nhớ mọi người quá. “Đúng là không đâu bằng quê hương mình. Lần trước gặp Keiko là hồi tớ mới lấy chồng ấy nhỉ?” “Ừ đúng rồi. Hồi ấy mọi người cùng chúc mừng cậu rồi còn mở tiệc BBQ đông hơn thế này ấy chứ. Ôi nhớ thật đấy!” Tôi nói theo kiểu pha trộn giữa cách nói của chị Izumi và Sugawara. “Keiko có gì khang khác ấy nhỉ?” Yukari chằm chằm nhìn tôi đang nói rất tưng bừng. “Ngày xưa cậu nói kiểu ngây thơ hơn cơ mà nhỉ? Hay tại kiểu tóc mà trông cảm giác hơi khác?” “Thế hả? Tớ thì hay gặp nên thấy vẫn vậy mà.” Xem ra Miho nghĩ khác nhưng tôi lại thấy Yukari nói đúng. Bởi thế giới mà tôi thu nạp đã thay đổi. Nước trong cơ thể tôi trước đây, lúc gặp mọi người, giờ hầu như đã không còn, một loại nước khác đã được thay thế vào đó. Khi gặp nhau mấy năm trước, chỗ làm thêm chỉ toàn sinh viên sống chậm nên cách nói của tôi cũng khác bây giờ. “Ừm… khác gì nhỉ?” Tôi cười mà không giải thích. “À, hình như trang phục có khác. Trước đây tớ thấy kiểu tự nhiên hơn.” “À ừ, cũng có thể. Váy này cậu mua ở Omotesando đúng không? Tớ từng thử một cái khác màu. Công nhận dễ thương nhỉ!” “Ừ, dạo này tớ chỉ mặc quần áo ở đó.” Tôi, đã thay đổi cả về cách ăn mặc lẫn âm điệu khi nói, nở nụ cười. Các bạn tôi đang nói chuyện với ai đây? Dẫu vậy Yukari vẫn luôn miệng “Nhớ quá! Nhớ quá!” và liên tục cười với tôi. Miho và Satsuki có vẻ thường xuyên gặp nhau nên vẻ mặt và cách nói chuyện của họ giống hệt nhau. Đặc biệt là cách ăn bánh, cả hai đều dùng ngón tay sơn móng bẻ từng miếng bánh nhỏ rồi mới đưa vào miệng. Tôi cố nhớ xem từ xưa họ đã làm thế hay không nhưng ký ức nửa vời mờ nhạt. Tật nhỏ hay cử chỉ của hai người trong lần gặp trước đây đã trôi tận đâu mất rồi. “Lần sau rủ thêm mấy người nữa nhé. Yukari đã quay về đây rồi mà, tớ sẽ gọi cả Shiho!” “Ừ được đấy! Nhớ nhé!” Mọi người đồng tình với đề xuất của Miho. “Mọi người dắt theo cả chồng con nữa, lại làm một bữa BBQ đi!” “Oa, phải đấy! Con cái mà cũng chơi với nhau nữa thì còn gì bằng.” “Ui thích thế!” Nghe giọng đầy ngưỡng mộ của Satsuki, Yukari liền hỏi. “Vợ chồng cậu có định sinh con không vậy Satsuki?” “Ừm… Có chứ! Cứ thuận theo tự nhiên nhưng chắc cũng phải chuyên tâm hơn mới được.” “Đúng đấy, giờ là thời điểm tốt nhất rồi!” Miho gật gù. Trông Satsuki ngắm đứa con của Miho đang ngủ say tôi có cảm giác như tử cung của cả hai đang cộng hưởng. Yukari đang gật gù bỗng chuyển ánh nhìn sang tôi. “Này Keiko, cậu vẫn chưa kết hôn sao?” “Ừ, vẫn chưa gì cả.” “Ôi không lẽ giờ cậu cũng vẫn chỉ làm bán thời gian?” Tôi hơi suy nghĩ. Em gái tôi, từng giải thích cho tôi biết người ở tuổi tôi mà công việc không ra đâu lại chưa chồng con thì thuộc dạng không bình thường. Song tôi không muốn giấu gì trước Miho và các bạn nên đã gật đầu. “Ừm!” Yukari tỏ ra bối rối trước câu trả lời của tôi. Tôi vội nói thêm vào. “Tại tớ yếu nên vẫn cứ làm bán thời gian đến bây giờ!” Mỗi lần gặp bạn cũ tôi đều nói chỉ chọn làm bán thời gian vì có bệnh, cơ thể không được khỏe. Còn ở chỗ làm tôi lấy lý do phải chăm sóc bố mẹ bị bệnh. Cả hai lý do này đều là em gái tôi nghĩ hộ. Thời còn đôi mươi không hiếm người làm nghề tự do nên cũng không cần lý do gì, nhưng dần dà mọi người đều liên kết với xã hội bằng hình thức đi làm hoặc kết hôn, chỉ còn lại mình tôi là vẫn chưa có cả hai. Chắc hẳn trong lòng ai nấy đều thấy lạ rằng người không khỏe như vậy mà lại làm suốt cái công việc đứng cả ngày. “Tớ hỏi câu tế nhị này được không? Keiko, cậu đã yêu bao giờ chưa?” Satsuki hỏi nửa đùa nửa thật. “Yêu?” “Thì hẹn hò với ai đó ấy… tớ chưa nghe cậu nói về chuyện này bao giờ cả.” “À… chưa!” Tôi trả lời thẳng thắn theo phản xạ làm cả nhóm câm nín luôn. Tôi bối rối nhìn khắp lượt. À phải rồi, trước đây em gái tôi cũng từng chỉ cho tôi lúc như thế này thì nên trả lời kiểu ỡm ờ như “Ừm… cũng có rồi nhưng tớ đúng là không có mắt nhìn người,” dù chưa hẹn hò nhưng vẫn phải tỏ ra như từng có kinh nghiệm yêu đương phiền toái kiểu ngoại tình hay đã quan hệ xác thịt. Em tôi còn bảo: “Với những câu hỏi về đời tư thì cứ trả lời ỡm ờ rồi kệ người nghe tự hiểu,” thế mà tôi lại không thực hiện được. “Tớ cũng có nhiều bạn yêu đồng tính lắm nên tớ hiểu. Bây giờ còn có cả người vô tính hay sao ấy.” Miho cất lời để lấy lại không khí. “Đúng đúng, còn đang nhiều lên ý chứ. Thanh niên bây giờ ít quan tâm tới chuyện yêu đương thì phải.” “Trên ti vi cũng nói chuyện này khó thổ lộ ra lắm!” Chưa từng có quan hệ với ai nhưng tôi cũng chưa bao giờ ý thức đến giới tính của mình, chỉ là vô tư với chuyện ái tình chứ tôi chẳng có ưu tư gì cả. Song có vẻ mọi người lại phát triển câu chuyện theo chiều hướng tôi đang rất khổ sở. Mà dù có thật như thế chăng nữa thì chắc gì đã là sự khổ sở dễ hiểu như mọi người đang nói, vậy mà chẳng ai mảy may nghĩ tới điều đó. Tôi có cảm giác họ nói vậy vì như thế dễ hiểu hơn đối với họ. Kể cả lúc bé khi tôi cầm xẻng nhựa choảng cậu bạn cùng lớp cũng chỉ toàn người lớn đổ tội ngay cho gia đình tôi bằng suy luận vô căn cứ “nhà nó có vấn đề”. Chỉ cần cho tôi là trẻ bị ngược đãi, là sẽ có cách giải thích hợp lý, và họ sẽ yên tâm. Và thế là, họ bày ra vẻ mặt “chắc chắn là thế rồi, mau nhận ngay đi”. Phiền hà thật, sao họ lại muốn yên tâm đến như vậy. “Ừm… cũng tại tớ không được khỏe mà!” Tôi lặp lại lý do đứa em gái bày cho phòng khi không biết giải thích sao. “Thế hả, ừ, ừ… người có bệnh thì cũng hạn chế nhiều thứ nhỉ!” “Từ ngày xưa rồi ấy nhỉ? Cậu vẫn ổn đấy chứ?” Tôi chỉ muốn đi ngay tới cửa hàng. Ở đó tôi được coi trọng là một thành viên chứ không rắc rối thế này. Bất kể giới tính, tuổi tác hay quốc tịch, chỉ cần khoác lên người bộ đồng phục thì tất cả đều ở vị trí bình đẳng là một “nhân viên”. Nhìn đồng hồ đã 3 giờ chiều. Cũng đến giờ xong quyết toán ngày và đổi tiền ở ngân hàng, bánh mì và cơm hộp cũng được chuyển đến để xếp lên kệ. Dù xa nhau nhưng cửa hàng và tôi vẫn kết nối. Vừa hình dung ra khung cảnh Smile Mart tràn ngập ánh sáng trước ga Hiirocho cùng sự ồn ào đầy ắp ở đó tôi vừa mân mê bàn tay đặt trên đùi được cắt móng gọn gàng để dễ gõ máy tính tiền. Sáng nào dậy sớm tôi thường xuống trước một ga rồi đi bộ từ đó tới cửa hàng. Tôi sẽ đi từ con phố có nhà chung cư và hàng quán ăn uống xếp san sát sang con phố chỉ toàn tòa nhà văn phòng để tới cửa hàng. Cảm giác như thế giới chầm chậm chết dần mới thật dễ chịu làm sao. Quang cảnh chẳng thay đổi gì so với lần đầu tôi đi lạc tới đây. Sáng sớm, họa hoằn lắm mới thấy bóng dáng nhân viên văn phòng mặc vest bước vội qua đây còn lại hầu như không thấy sự xuất hiện của sinh vật nào cả. Một nơi chỉ có văn phòng làm việc thế này, vậy mà từ hồi vào làm ở cửa hàng tiện ích tôi lại gặp cả khách trông như dân ngụ quanh đây nên cứ thắc mắc không rõ họ sống ở đâu. Tôi mơ màng nghĩ về những vị khách đang say giấc ở đâu đó kia trong lúc dạo bước giữa thế giới tựa như xếp đầy xác ve này. Khi đêm xuống, ánh sáng khu văn phòng chuyển thành từng khối hình học đặt cạnh nhau. Khác hoàn toàn với nơi chỉ có những khu nhà tập thể rẻ tiền tôi đang sống, ánh sáng cũng lạnh lẽo, chỉ một màu đồng nhất. Đối với nhân viên bán hàng, đi dạo xung quanh khu vực cửa hàng cũng là để thu thập thông tin hữu ích. Nếu hàng ăn quanh đó có bán cơm hộp thì sẽ ảnh hưởng tới doanh thu, còn nếu có công trình mới nào ở gần thì lượng khách sẽ tăng. Năm thứ tư mở cửa hàng, cửa tiệm đối thủ gần đó phá sản, chúng tôi xoay như chong chóng. Khách nơi đó đổ xô đến khiến chúng tôi phải tăng ca vào giờ cao điểm buổi trưa. Lượng cơm hộp không đủ bán, cửa hàng trưởng bị công ty mẹ khiển trách vì không điều tra kỹ. Để tránh lặp lại tình huống đó, với tư cách một nhân viên, tôi quyết định phải đi nghiên cứu thật kỹ con phố này. Hôm nay không có biến động gì lớn, chỉ có một tòa nhà gần đây sắp hoàn thiện nên lúc khánh thành chắc khách sẽ đông lên. Ghi nhớ điều này vào đầu cũng vừa lúc tới cửa hàng, tôi mua bánh sandwich và trà, bước vào phòng nhân viên phía sau thì gặp cửa hàng trưởng phải làm ca đêm đang ngồi gò lưng nhập số liệu vào máy tính. “Chào cửa hàng trưởng!” “À, chị Fufukura đấy à, hôm nay chị cũng đến sớm thế!” Cửa hàng trưởng là nam giới, 30 tuổi, rất hoạt bát. Nói năng tuy thô lỗ nhưng chăm chỉ, là cửa hàng trưởng thứ tám ở đây. Người cửa hàng trưởng thứ hai có tật trốn việc, người thứ tư thì chăm chỉ thích lau chùi dọn dẹp, người thứ sáu lập dị không được lòng mọi người nên gặp phải cú phốt toàn bộ nhân viên ca chiều xin thôi việc. Cửa hàng trưởng thứ tám được nhân viên làm thêm quý mến, lại luôn tỉ mẩn làm việc nên ai nhìn vào cũng nể nang. Người thứ bảy yếu đuối quá không nói được mấy người làm ca đêm khiến cửa hàng lao đao, cho nên tôi thấy cửa hàng trưởng hiện tại nói năng có thô lỗ chút nhưng lại dễ làm việc. Mười tám năm, qua bao đời cửa hàng trưởng nhưng tôi vẫn ở đây. Mỗi người mỗi khác nhưng có lúc tôi thấy tất cả như hợp lại thành một sinh vật. Cửa hàng trưởng thứ tám có giọng nói to, lúc nào cũng sang sảng trong phòng nhân viên. “À, hôm nay chị làm cùng anh nhân viên mới Shiraha nhé! Anh ấy mới thực tập ca đêm xong, đây là lần đầu tiên làm ca ngày đấy. Giúp đỡ anh ấy nhé…” “Vâng!” Tôi vui vẻ trả lời khiến cửa hàng trưởng liên tục gật gù, tay vẫn không dừng nhập số liệu. “Phù… Có chị Furukura tôi yên tâm hẳn. Cậu Iwaki sắp rút hẳn nên sắp tới chắc có chị Furukura, chị Izumi, Sugawara và anh Shiraha nhân viên mới, 4 người đảm nhiệm ca ngày thôi, nhờ mọi người nhé! Còn tôi sẽ chỉ làm ca đêm thêm một thời gian nữa…” Tông giọng hoàn toàn khác nhau nhưng cả cửa hàng trưởng và chị Izumi đều có tật kéo dài cuối câu. Cửa hàng trưởng vào sau chị Izumi nên chắc bị nhiễm của chị, hoặc do ảnh hưởng cách nói của cửa hàng trưởng, chị Izumi càng kéo dài cuối câu ra hơn. Vừa nghĩ vậy tôi vừa trả lời bằng kiểu nói của Sugawara. “Vâng, không sao! Hy vọng sớm có thêm người mới!” “Ừm. Tôi cũng đang tuyển và nhờ cô bé nhân viên làm ca đêm hỏi xem có bạn bè muốn làm không. Chị Furukura làm ca ngày 5 buổi 1 tuần như thế đỡ cho tôi lắm…” Cửa hàng tiện ích thiếu người làm cũng có cái hay: “Ta vẫn sẽ là nhân viên của cửa hàng bất luận thế nào”. So với chị Izumi hay Sugawara tôi chẳng phải nhân viên xuất sắc gì nhưng khoản hằng ngày đi làm đúng giờ, không nghỉ buổi nào thì không thua kém ai nên cũng được coi là “hàng quý”. Đúng lúc đó có giọng nói rụt rè từ phía cửa “Xin lỗi…” “À, Shiraha đấy à? Vào đi vào đi! Tôi không nhắc anh đi làm trước 30 phút sao? Anh đến muộn rồi đấy…!” Cánh cửa khẽ mở sau câu nói của cửa hàng trưởng, một người đàn ông cỡ hơn lm80, dáng lòng khòng như cái mắc áo bằng dây thép khúm núm bước vào. Bản thân đã giống mắc áo vậy mà anh ta còn đeo cặp kính trông như sợi dây thép bám lấy mặt. Áo trắng, quần đen đúng quy định của cửa hàng nhưng vì gầy quá nên trông áo rộng quá cỡ, cổ tay thì lòi ra, phần bụng lại nhăn nhúm một đống rất bất thường. Hơi giật mình trước vóc người chỉ có da bọc xương của Shiraha nhưng tôi cũng kịp cúi đầu chào. “Xin chào! Tôi là Furukura, làm ca ngày. Mong anh giúp đỡ!” Kiểu nói này hình như hơi giống cửa hàng trưởng. Mặt Shiraha rúm ró trước giọng nói sang sảng của tôi, miệng lúng búng: “Vâng…” “Kìa anh Shiraha, cũng chào lại đi chứ. Ấn tượng ban đầu rất quan trọng đấy, anh chào hỏi cho cẩn thận vào!” “Vâng… chào chị…” Shiraha nói lí nhí. “Hôm nay anh đã kết thúc đợt đào tạo và chính thức trở thành nhân viên ca ngày rồi đấy! Tôi mới hướng dẫn anh cách dùng máy tính tiền, dọn dẹp và làm đồ ăn nhanh cơ bản thôi, vẫn còn phải học nhiều lắm… Chị Furukura đây là nhân viên từ hồi khai trương cửa hàng! Có gì anh cứ hỏi chị ấy!” “Vâng…” “Mười tám năm rồi đấy! Haha, choáng không Shiraha? Đại sư tỉ nhỉ!?” “Dạ?” Shiraha tỏ vẻ khó hiểu trước câu nói của cửa hàng trưởng. Đôi mắt trũng càng lõm sâu hơn. Tôi đang nghĩ phải làm sao với tình huống khó xử này thì cánh cửa bật tung, Sugawara xuất hiện. “Chào mọi người!” Bước vào phòng nhân viên với hộp đàn đeo sau lưng, nhận ra sự có mặt của Shiraha, Sugawara liền cất giọng chào cởi mở. “À, lính mới hả…? Mong anh giúp đỡ nhé!” Tôi thấy giọng của Sugawara càng ngày càng to hơn kể từ khi có cửa hàng trưởng thứ tám. Đang nghĩ cũng hơi rờn rợn thì cả Sugawara và Shiraha đã chuẩn bị xong từ lúc nào. “Nào, hôm nay tôi làm giao ban nhé…” Cửa hàng trưởng nói. “Trước tiên là những mục cần chú ý hôm nay! Trước hết, anh Shiraha đã xong đợt đào tạo và từ ngày hôm nay sẽ làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều! Anh Shiraha, cố gắng nói to lên… có gì không hiểu thì cứ hỏi hai người đây! Cả hai đều là nhân viên kỳ cựu đấy… Giờ cao điểm buổi trưa anh cũng thử đứng tính tiền luôn nhé…!” “À, vâng…” Shiraha gật đầu. “Ngoài ra hôm nay có bán giảm giá xúc xích nên nhớ chuẩn bị thật nhiều! Mục tiêu là 100 cây! Đợt giảm giá hôm trước bán được 83 cây nên bữa nay chắc chắn bán được đấy! Làm thật nhiều luôn cũng được… Chị Furukura để ý nhé!” “Vâng!” Tôi trả lời to rõ ràng. “Cảm nhận nhiệt độ của cơ thể rất quan trọng khi bán hàng. Nhiệt độ chênh nhiều so với hôm qua nên hôm nay đồ uống lạnh sẽ bán chạy, để ý thấy nước uống ít đi là phải thêm vào ngay! Hôm nay sẽ chủ yếu rao giảm giá xúc xích và món tráng miệng flan xoài mới ra nhé!” “Rõ ạ!” Sugawara cũng phấn chấn trả lời. “Nội dung cần chú ý chỉ có vậy, tiếp theo cùng nhau đọc to sáu câu tiếp khách và khẩu hiệu. Nào, nói theo tôi!” Chúng tôi lặp lại những câu nói to, rõ ràng của cửa hàng trưởng. “Chúng tôi xin phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, quyết tâm trở thành cửa hàng được khách hàng trong vùng tin yêu và lựa chọn!” “Chúng tôi xin phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, quyết tâm trở thành cửa hàng được khách hàng trong vùng tin yêu và lựa chọn!” “Kính chào quý khách!” “Kính chào quý khách!” “Vâng thưa quý khách!” “Vâng thưa quý khách!” “Xin Cảm ơn quý khách!” “Xin Cảm ơn quý khách!” Cả ba cùng đồng thanh. Đang nghĩ giao ban có cửa hàng trưởng nghiêm túc hơn hẳn thì tôi nghe Shiraha lầm bầm. “… Cứ như là giáo phái nhỉ.” Phải rồi, lòng tôi thầm trả lời theo phản xạ. Bây giờ chúng tôi sẽ hóa thân thành “nhân viên”, những sinh vật tồn tại vì cửa hàng tiện ích này. Shiraha vẫn chưa quen nên chỉ mấp máy miệng chứ không nói thành tiếng. “Giao ban kết thúc! Hôm nay mọi người cùng cố gắng nhé!” “Vâng!” Tôi và Sugawara đáp lời. “Vậy có gì không hiểu anh cứ hỏi tự nhiên nhé!” Tôi vừa nói thì Shiraha cười nhạt. “Hơ, không hiểu? Công việc ở cái cửa hàng tiện ích này á?” Shiraha cười bằng mũi nên ở đó phát ra tiếng phì phì sau mỗi nhịp cười, tôi nhìn thấy cả nước mũi đóng màng dưới cánh mũi anh ta. Hóa ra dưới lớp da khô quắt như giấy của Shiraha cũng có nước như một lớp màng, tôi đang phân tâm bởi sợ lớp màng sẽ vỡ thì Shiraha nói nhanh và nhỏ. “Chắc không có gì đâu. Tôi hiểu hết rồi.” “Ồ, hay anh từng làm công việc này rồi chăng?” “Ơ? À không.” Shiraha lí nhí trả lời câu hỏi của Sugawara. “Thôi thôi, vẫn còn nhiều điều phải học lắm đấy…! Chị Furukura, bắt đầu từ bày hàng nhé, nhờ chị hướng dẫn anh Shiraha! Tôi phải về ngủ đã!” Cửa hàng trưởng nói. “Vâng!” “Em ra quầy tính tiền ạ!” Sugawara chạy đi luôn. Còn tôi dắt Shiraha đến quầy đồ uống đóng hộp, nói với anh ta bằng giọng bắt chước từ Sugawara. “Nào, trước tiên anh bày hàng đi! Đồ uống đóng hộp bán chạy vào buổi sáng nên phải bày thật đẹp. Vừa bày hàng vừa kiểm tra xem bảng giá đã gắn chưa nhé! Làm việc nhưng cũng đừng quên rao hàng và chào khách. Nếu có khách muốn lấy hàng thì phải đứng gọn sang một bên để không làm vướng khách!” “Vâng, vâng.” Shiraha trả lời uể oải và bắt đầu bày đồ uống. “Tôi sẽ chỉ cả cách dọn dẹp vệ sinh nữa nên anh làm xong thì gọi tôi nhé!” Anh ta không nói gì mà chỉ im lặng tiếp tục công việc. Đứng ở quầy tính tiền một lúc, qua giờ cao điểm buổi sáng tôi đi ngó xem tình hình ra sao thì không thấy Shiraha đâu. Đồ uống thì xếp lộn xộn, chỗ xếp nước cam lại có lẫn hộp sữa tươi. Đi tìm thì bắt gặp anh ta đang đọc quy định trong phòng nhân viên với vẻ uể oải. “Sao vậy? Có chỗ nào anh không hiểu à?” Shiraha vừa lật lật quyển quy định vừa nói với giọng kẻ cả. “Trời, quy định của những cửa hàng theo chuỗi kiểu này đều trật lất, hay đúng hơn là chả ra làm sao. Tôi nghĩ phải làm tốt cái này trước thì công ty mới cải thiện được.” “Shiraha, anh vẫn chưa bày hàng xong à?” “Đâu, xong rồi mà?” Shiraha không chịu rời mắt khỏi quyển hướng dẫn nên tôi đến gần và nói rành rọt. “Anh Shiraha, bây giờ cần bày hàng chứ không phải lúc đọc quy định. Bày hàng và rao hàng là cơ bản của cơ bản. Anh không hiểu thì để tôi làm cùng!” Tôi dắt Shiraha đang khó chịu quay lại quầy đồ uống đóng hộp, vừa giải thích cho anh ta hiểu, vừa luôn tay xếp lại hàng cho thật đẹp mắt. “Anh phải bày hàng quay mặt về phía khách như thế này này! Còn chỗ để thì anh không được tự ý thay đổi, đã quy định chỗ này để nước rau củ, chỗ này để sữa đậu nành rồi…” “Công việc này không hợp với bản năng của đàn ông chút nào!” Shiraha lẩm bẩm. “Từ thời Jomon* đã vậy rồi. Đàn ông đi săn bắt, đàn bà ở nhà hái lượm đợi chồng về. Công việc này xét theo cấu tạo não bộ chỉ hợp với phụ nữ thôi.” “Anh Shiraha! Giờ là thời hiện đại! Đã là nhân viên cửa hàng thì nam hay nữ đều như nhau thôi! À, ở phòng nhân viên có hàng dự trữ, để tôi chỉ anh cách sắp đồ ở đó luôn thể!” Tôi lôi đồ uống từ trong kho ra, chỉ cho Shiraha cách sắp xếp rồi nhanh chóng quay lại công việc của mình. Lúc tôi bung xúc xích ra quầy thì thấy Sugawara đang vừa cho thêm cà phê vào máy vừa cau mày nói. “Anh ta bị làm sao thì phải? Vừa đào tạo xong, hôm nay coi như là ngày làm việc đầu tiên đúng không? Vẫn còn chưa tính tiền cho khách ra hồn mà đã bảo em để cho anh ta làm đơn hàng đấy!” “Vậy sao?” Tôi còn đang nghĩ cách thức đâu quan trọng miễn sao có hứng thú làm là được thì Sugawara cười, hai gò má tròn đầy. “Chị Furukura chả bao giờ cáu nhỉ!” “Thế á?” “Không, ý em là chị tài thật đấy. Em thì chịu với kiểu người đó, nổi đóa lên ngay ý. Nhưng chị Furukura chỉ nổi cáu theo em và chị Izumi thôi chứ cơ bản là chưa bao giờ thấy chị phàn nàn câu nào. Em chưa thấy chị nổi cáu với nhân viên mới bao giờ.” Tôi giật thót. Cảm giác như vừa bị nói chị là đồ dỏm, tôi vội vàng chỉnh lại nét mặt. “Làm gì có chuyện đó chứ, chị không thể hiện ra mặt thôi!” “Ui… thế ạ? Bị chị mắng chắc em sốc lắm đấy…!” Sugawara cười khanh khách. Trước mặt Sugawara đang vui vẻ, tôi cẩn thận gạn lọc từng lời, tiếp tục vận động cơ mặt. Có tiếng đặt giỏ ở quầy tính tiền, tôi quay nhanh lại thì thấy vị khách nữ quen đang chống gậy đứng đợi. “Xin chào quý khách!” Bắt đầu thoăn thoắt quét mã hàng thì vị khách nheo mắt nói. “Ở đây chẳng thay đổi gì nhỉ.” Tôi im lặng trong giây lát rồi trả lời. “Dạ vâng!” Cửa hàng trưởng, nhân viên, đôi đũa, cái thìa, đồng phục, tiền xu, hay chai sữa vừa mới qua máy quét, trứng gà, cả cái túi nylon đựng đống đồ này nữa, những thứ có từ khi mới mở tiệm hầu hết đều không còn ở đây. Cửa hàng vẫn luôn có những thứ ấy, chỉ là chúng đã dần được thay bằng những loại mới. Có thể như vậy là “không thay đổi” chăng. Tôi vừa nghĩ vừa nói bằng giọng dõng dạc với vị khách nữ. “Hết 390 yên ạ!” Thứ Sáu, ngày nghỉ làm, tôi đến nhà em gái đang sống ở Yokohama. Em tôi sống trong chung cư mới xây nằm trước nhà ga khu dân cư mới. Chồng nó làm ở công ty điện lực, lúc nào cũng đêm khuya mới về. Căn hộ không rộng lắm nhưng mới và đẹp, thiết kế hợp lý, tiện dụng. “Chị vào đi. Yutaro vừa mới ngủ.” Tôi bảo “Chị vào nhé!” rồi khẽ bước vào trong. Đây là lần đầu tiên tôi tới nhà em gái kể từ khi em sinh con. “Nuôi con thế nào, mệt không?” “Cũng mệt nhưng em quen quen rồi. Buổi đêm cũng ngủ được nên ổn chị ạ.” Cháu tôi trông như một sinh vật hoàn toàn khác với lúc tôi nhìn qua khung cửa kính bệnh viện, cơ thể căng tròn trông giống con người hơn, tóc cũng mọc dày hơn. Tôi uống trà đen, còn em gái uống hồng trà Nam Phi không caffein, rồi cùng nhấm nháp bánh tôi mang đến. “Ngon quá. Có Yutaro em không ra ngoài được mấy nên cũng chẳng được ăn những thứ như thế này.” “Ừ…” “Được chị mua cho đồ ăn thế này em lại nhớ hồi nhỏ.” Em gái tôi cười ngượng nghịu. Em bé ngủ say, ấn ngón tay trỏ vào má có cảm giác mềm mại kỳ lạ như thể đang xoa lên bọc mụn nước. “Nhìn Yutaro em có cảm giác như là động vật ấy.” Em gái tôi vui vẻ nói. Thằng bé yếu, hay sốt nên em gái tôi lúc nào cũng phải kè kè ở bên. Dù biết trẻ con như vậy là bình thường nhưng hễ thằng bé sốt là nó lại cuống hết cả lên. “Chị dạo này sao rồi? Công việc vẫn ổn chứ?” “Ừ. Chị vẫn làm hăng lắm. À phải rồi, dạo trước chị có về nhà gặp hội Miho đấy!” “Ui lại nữa à? Thích thế. Thế chị cũng phải tới chơi với cháu mình nhiều hơn chứ.” Em gái tôi cười, còn tôi thấy con của Miho hay cháu tôi đều như nhau cả, nên chẳng hiểu được lý do sao phải đến thăm cháu nhiều hơn. Chắc em bé này cần được quan tâm hơn chăng? Với tôi chúng cũng như mèo hoang, tuy nhìn có khác đôi chút nhưng đều thuộc cùng một loài động vật có tên “em bé” mà thôi. “À phải rồi. Asami, em có lý do gì hay hơn không? Dạo này cứ nói mỗi lý do sức khỏe yếu lại thành ra bị nghi ngờ.” “… Ừm, để em nghĩ nhé. Chị đang trong thời gian trị liệu nên viện cớ người yếu cũng có phải nói dối hay ngụy biện đâu. Cứ đường đường chính chính mà nói.” “Nhưng những người tự cho họ là bình thường lại nghĩ chị kỳ quặc, rồi cứ bới lông tìm vết mà hỏi ấy. Chị muốn tránh rắc rối đó nên có lý do nào khác thì đỡ hơn.” Ai cũng nghĩ mình có quyền nhảy bổ vào những chuyện họ cho là bất bình thường và tìm hiểu nguyên nhân. Với tôi điều đó thật phiền toái, ngạo mạn và phát ngán. Thấy phiền quá nên từng có lúc tôi muốn phang cho một xẻng để họ dừng lại giống như hồi tiểu học vậy. Nhớ ra mình tùng vô tư tâm sự với em gái làm nó suýt khóc nên tôi im lặng. Tôi không muốn làm đứa em gái thân thiết từ tấm bé phải buồn nên đổi chủ đề vui vẻ hon: “À, nói mới nhớ lâu lâu gặp lại Yukari nó bảo chị trông khác đấy!” “Ừm, đúng là chị có khác so với trước mà.” “Thật á? Nhưng em cũng khác đấy. Thấy người lớn hơn ngày xưa.” “Cái gì? Em người lớn từ lâu rồi!” Em gái tôi cười tít mắt, cách nói chuyện của nó nhẹ nhàng hơn trước, trang phục cũng đơn điệu hơn. Tôi nghĩ giờ xung quanh em chắc có nhiều người giống như vậy. Thằng bé con khóc. Em gái tôi vội vàng dỗ dành cho nó nín. Tôi vừa nhìn con dao nhỏ dùng để cắt bánh đặt trên bàn vừa nghĩ, muốn thằng nhỏ trật tự thì rất đơn giản thôi, vậy mà em tôi vất vả quá. Em gái tôi vẫn đang cố ôm chặt con vào lòng. Tôi vừa nhìn vừa quệt kem dính trên miệng. Sáng hôm sau đi làm, cửa hàng bao trùm bầu không khí căng thẳng khác hẳn mọi khi. Vừa bước qua cánh cửa tự động vào trong, tôi thấy ngay một vị khách nam hay lui tới đang run rẩy nhìn về phía góc để tạp chí. Cô gái hay tới mua cà phê bước qua tôi thật nhanh để ra ngoài, hai vị khách nam khác thì thào nói chuyện trước quầy bánh mì. Không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi nhìn theo ánh mắt của khách thì nhận ra mọi người đều đang hướng về phía một người đàn ông trung niên mặc bộ vest đã sờn. Ông ta đi vòng quanh cửa hàng và nói với nhiều khách khác. Nghe kỹ thì có vẻ như đang nhắc nhở họ. Ông ta lớn giọng với người đàn ông đi đôi giày lấm bẩn: “Này anh kia, nhìn kìa! Đứng có làm bẩn sàn!” rồi gào lên với cô gái đang chọn sô cô la: “Ôi! Không được làm thế, mất công người khác xếp gọn gàng lại làm tung lên rồi!” Mọi người vừa bối rối sợ mình sẽ là người bị nhắc nhở tiếp theo vừa từ xa dõi theo nhất cử nhất động của người đàn ông. Quầy tính tiền đang đông khách, cửa hàng trưởng không ngơi tay được vì đang nhận đơn gửi đồ golf, cậu Đạt cũng đang xoay xở tính tiền cho khách. Trước quầy khách xếp hàng dài, người đàn ông đến gần những khách không xếp đúng vào hàng nói: “Đứng sát vào tường xếp thành một hàng nào! Nào nào!” Thấy khó chịu nhưng buổi sáng thường vội nên những nhân viên văn phòng đang xếp hàng để được nhanh chóng thanh toán cho xong cũng cố gắng phớt lờ tối đa, không để chạm mắt với người đàn ông. Tôi đi nhanh vào phòng nhân viên, lôi bộ đồng phục từ trong tủ ra. Vừa thay đồ vừa nhìn camera an ninh, người đàn ông đang đi tới quầy bán tạp chí, lớn giọng nhắc nhở khách đang đứng coi cọp: “Không được coi cọp! Thôi ngay đi! Nào!” Cậu thanh niên bị nhắc khó chịu lườm người đàn ông, quay ra hỏi Đạt đang mải miết tính tiền cho khách. “Này, ông này là ai? Nhân viên à?” “Không, dạ… là khách ạ.” Đạt vừa bấm máy tính tiền vừa rụt rè trả lời. “Hừ… ra là người ngoài à. Ông là cái thá gì hả? Có quyền gì mà xía vào hả?” Cậu thanh niên sấn sổ với người đàn ông trung niên. Nếu xảy ra sự cố thì nhân viên chính thức phải giải quyết ngay tức thời. Theo đúng quy định, tôi thay đồng phục thật nhanh rồi tới quầy tính tiền, đứng thay vào đó để cửa hàng trưởng ra giải quyết, cửa hàng trưởng nói nhỏ: “Ôi, may quá! cảm ơn chị!” rồi ngay lập tức chạy ra khỏi quầy, nhanh chóng đứng xen vào giữa vị khách nam và cậu thanh niên. Tôi đưa lại cho khách hóa đơn gửi đồ, mắt vẫn liếc xem có xảy ra đánh lộn trong tiệm hay không. Nếu chuyện đó xảy ra thật thì phải bấm ngay chuông an ninh. Cuối cùng cửa hàng trưởng cũng giải quyết ổn thỏa, người đàn ông trung niên vừa lầm bầm điều gì đó vừa bước ra khỏi cửa hàng. Không khí nhẹ nhõm lan tỏa, cửa hàng lấy lại bầu không khí buổi sáng bình thường vốn có. Đây là nơi bắt buộc phải luôn bình thường. Dị vật sẽ bị đào thải ngay lập tức. Không khí bất ổn bao trùm trong cửa hàng khi nãy giờ đã được quét sạch, khách hàng lại tập trung vào mua bánh mì hay cà phê như mọi khi như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra. “Phù… cảm ơn chị Furukura nhé!” Cửa hàng trưởng nói lúc quay lại phòng nhân viên khi khách xếp hàng đã vãn. “Có gì đâu. Cũng may không xảy ra rắc rối gì!” “Cái ông khách đó bị sao không biết. Hình như chưa gặp bao giờ.” Chị Izumi đã đến và đang trong phòng nhân viên, “Có chuyện gì vậy?” chị hỏi cửa hàng trưởng. “Ừm, lúc nãy tự dưng có ông khách hâm hâm đi quanh cửa hàng nhắc nhở các khách khác. May mà ông ấy rời đi trước khi to chuyện…” “Ô, cái kiểu gì không biết. Có phải khách quen không?” “Không, mặt lạ hoắc luôn. Thế mới không hiểu ra làm sao. Cũng không có vẻ ông ấy định quấy rối gì. Mà thôi, ông ấy lại tới thì gọi tôi ngay nhé. Chứ gây rắc rối với khách khác thì mệt lắm.” “Vâng, tôi hiểu rồi ạ.” “Thôi tôi rút nhé. Hôm nay tôi lại làm ca đêm.” “Cửa hàng trưởng vất vả rồi ạ. À, phải rồi, anh nhắc anh Shiraha giùm được không? Vị ấy hay trốn việc lắm, tôi nói mà chẳng ăn thua…” Chị Izumi có vị trí gần như nhân viên chính thức nên hay nói chuyện với cửa hàng trưởng về nhân viên bán thời gian. “Gã đó đúng là không chấp nhận nổi… Từ hôm phỏng vấn tôi đã có linh cảm xấu rồi. Ai đời lại mở miệng bảo ‘cái trò làm thêm ở cửa hàng tiện ích’ kiểu coi thường thế chứ. Thế thì đừng có làm. Nhưng mà thiếu người quá đâm đành phải nhận… Phải nói cho ra ngô ra khoai một lần với gã hói đó mới được.” “Lại còn hay đến muộn nữa… Hôm nay cũng bắt đầu từ 9 giờ mà đã thèm đến đâu.” Chị Izumi cau mặt. “Anh ta cỡ 35 rồi đúng không. Thế mà vẫn chỉ làm bán thời gian ở cửa hàng tiện ích thì coi như đồ bỏ rồi nhỉ?” “Đời vậy tàn rồi còn gì. Hỏng thật. Gánh nặng cho xã hội. Đã là con người ấy mà… ai cũng có nghĩa vụ với xã hội bằng công việc hoặc gia đình chứ.” Chị Izumi gật gù rồi bất ngờ khẽ huých cửa hàng trưởng. “Vì lý do gia đình như Furukura thì còn thông cảm được, nhỉ?” “À… phải phải, chị Furukura thì phải chịu thôi… Mà còn khác biệt nam nữ nữa!” Cửa hàng trưởng vội vàng nói, trước khi tôi định trả lời thì chủ đề lại quay về Shiraha. “So sánh thế thì đúng là Shiraha hỏng hẳn rồi. Hắn còn tí toáy điện thoại lúc đứng trong quầy ấy.” “Phải, tôi cũng thấy…” Giật mình với đoạn hội thoại của hai người, tôi hỏi. “Ôi, trong lúc làm việc ư?” Quy tắc cơ bản là không được mang theo điện thoại trong khi làm việc. Thật không thể hiểu nổi sao anh ta lại vi phạm một quy tắc căn bản thế chứ. “Tôi lúc nào cũng kiểm tra sơ qua camera an ninh những khi không có mặt ở cửa hàng. Anh Shiraha là người mới nên tôi cũng muốn xem anh ta làm việc ra sao. Bề ngoài thì có vẻ làm đấy nhưng của đáng tội lại có cái tật làm biếng nhỉ…” “Tôi xin lỗi vì không để ý.” “Ấy không. Chị Furukura có lỗi gì đâu. Dạo này chị rất để ý nhắc nhở mà… nhìn qua camera là thấy chị cố gắng cỡ nào. Đáng phục lắm, ngày nào cũng làm nhưng chị Furukura không hề lơ là chút nào cả!” Cửa hàng trưởng thứ tám kể cả khi không có mặt cửa tiệm cũng vẫn nhìn thấy tôi luôn cầu nguyện cho “cửa hàng tiện ích”. “Cảm ơn cửa hàng trưởng!” Đang cúi thấp đầu cảm ơn thì cửa mở, Shiraha im lặng bước vào. “… À, chào mọi người.” Shiraha uể oải nói nhỏ. Anh ta gầy đét nên quần có vẻ bị tụt xuống, qua lớp áo trắng lộ rõ cái dây đeo quần. Cẳng tay cũng chỉ thấy da bọc xương khiến tôi nghĩ không hiểu nội tạng được chứa thế nào trong cái thân hình mỏng dính này. “Anh Shiraha, lại đi muộn! Phải thay đồng phục, giao ban sáng trước 5 phút cơ mà!! Rồi chào hỏi cũng phải dõng dạc lên… Mở cửa văn phòng là phải chào thật tươi tỉnh! Còn nữa, ngoài giờ nghỉ thì nghiêm cấm dùng điện thoại đấy! Anh mang theo cả lúc đứng quầy phải không? Tôi thấy hết đấy…!” “À… vâng, tôi xin lỗi…” Anh Shiraha lúng túng thấy rõ. “Ừm… à… có phải hôm qua không nhỉ? Chị Furukura, chị nhìn thấy à?” Tôi lắc đầu nói “không” với Shiraha hình như đang nghĩ tôi mách lẻo thì cửa hàng trưởng lên tiếng. “Camera, camera! Làm ca đêm nhưng tôi theo dõi cả ca ngày làm việc đấy… Mà chắc cũng tại tôi chưa nhắc rõ về quy tắc dùng điện thoại, nhưng nhớ là không được đấy nhé…” “À vâng, tại tôi không biết, tôi xin lỗi…” “Được rồi, từ hôm nay tuyệt đối nghiêm cấm… À chị Izumi chị ra ngoài một chút được không? Chẳng là, ở đầu kệ hàng chuẩn bị phải làm chỗ bày quà tặng hè… Lần này tôi định làm thật bắt mắt chút.” “À vâng. Quà tặng mẫu đã đến rồi nhỉ? Để tôi giúp một tay…” “Tôi muốn xong luôn hôm nay nhưng phải điều chỉnh chiều cao kệ bày… Tầng dưới tôi muốn tăng thêm tầng để đồ dùng mùa hè nữa… À, chị Furukura với anh Shiraha giao ban sáng giúp nhé! Tôi làm việc kia trước.” “Vâng!” Cửa hàng trưởng cùng chị Izumi vừa ra khỏi phòng nhân viên thì Shiraha khẽ chép miệng. Tôi vừa quay lại nhìn thì Shiraha xổ luôn ra một câu. “Hừ, làm cái chức cửa hàng trưởng cửa hàng tiện ích thôi mà hống hách.” Người ta dễ bị coi thường khi làm việc ở cửa hàng tiện ích. Vì tò mò nên tôi hay để ý kỹ nét mặt những người tỏ ra coi thường và thấy khá thích thú. Cảm thấy họ đúng là con người. Rồi cũng có người lại kỳ thị chính công việc bản thân đang làm. Tôi bất giác đưa mắt quan sát khuôn mặt Shiraha. Người đang coi thường điều gì đó có ánh mắt đặc biệt thú vị. Ở đó toát ra vẻ sợ sệt lẫn cảnh giác đối với sự phản bác, hoặc ánh nhìn sẵn sàng nghênh chiến nếu có chống đối, còn nếu là kiểu coi thường một cách vô thức thì đôi mắt phủ một lớp màng, con ngươi chìm đắm trong sung sướng đê mê pha lẫn ngạo mạn. Tôi nhìn xoáy vào đôi mắt của Shiraha. Ở đó chỉ có thái độ kỳ thị đơn thuần, vô cùng đơn giản. Cảm thấy ánh nhìn của tôi, Shiraha mở miệng. Chân răng ố vàng, có chỗ đen xỉn. Chắc lâu rồi anh ta không đi nha sĩ. “Tinh tướng vậy chứ cửa hàng trưởng làm thuê cho cái cửa hàng bé tẹo thế này thì cũng là kẻ thua cuộc mà thôi. Loại hạng bét thì đừng có lên mặt, đồ cặn bã…” Từ ngữ có vẻ gay gắt nhưng thực ra anh ta chỉ lầm bầm bằng giọng lí nhí nên không cảm thấy sự cuồng nộ lắm. Tôi thấy người kỳ thị có hai loại, một là người luôn mang trong lòng sự thôi thúc và thèm khát kỳ thị, hai là người nghe từ đâu đó rồi liên mồm nói ra những từ kỳ thị mà chẳng thèm suy nghĩ. Shiraha có vẻ là loại thứ hai. Shiraha tiếp tục liến thoắng lầm bầm, thỉnh thoảng bị vấp. “Cửa hàng này cũng là hạng bét, mà cửa hàng tiện ích thì đâu cũng vậy thôi, toàn nội trợ không sống nổi bằng đồng lương của chồng, lao động tự do không có kế hoạch tương lai, sinh viên hạng bét không kiếm nổi việc gia sư lương cao, còn cả bọn người nước ngoài sang lao động kiếm tiền, đúng là rặt bọn hạng bét.” “Cũng phải.” Giống hệt tôi chứ đâu. Thốt ra những câu giống kiểu con người nhưng lại như chẳng nói gì cả. Shiraha có vẻ thích cái từ “hạng bét”. Trong đoạn ngắn thôi mà dùng tới bốn lần. Vừa nhớ ra lời Sugawara nói “muốn trốn việc thôi mà cứ lý do lý trấu, cái miệng leo lẻo lại càng thấy tởm hơn”, tôi vừa gật đầu đại với những lời Shiraha nói. “Anh Shiraha, thế sao anh lại làm việc ở đây?” Chợt hiện lên trong đầu câu hỏi đơn thuần nên tôi hỏi thử. “Để kiếm vợ.” Shiraha trả lời tỉnh bơ. “Ồ…” Tôi bất ngờ thốt lên. Trước giờ tôi nghe nhiều lý do kiểu như vì gần hay vì nhàn chứ làm ở cửa hàng tiện ích với lý do thế này thì mới gặp lần đầu. “Nhưng hỏng bét. Chẳng có ai ra hồn. Trẻ thì toàn bọn ăn chơi, còn lại độc gái già.” “Thì ở cửa hàng tiện ích nhiều sinh viên làm thêm, làm gì có ai đang đúng tuổi kết hôn đâu.” “Khách thì cũng có kha khá người trông được đấy nhưng đa số là các cô cành cao. Quanh đây nhiều công ty lớn nên con gái làm ở mấy chỗ đó chảnh chọe lắm, không ăn thua.” Không biết anh ta đang nói với ai, mắt cứ chăm chăm nhìn tấm poster “Quyết tâm đạt mục tiêu bán hàng đợt Chugen*” trong khi mồm vẫn liên miên không nghỉ. “Bọn họ chỉ đong đưa với mấy tay cùng công ty chứ với tôi chẳng thèm liếc nửa con mắt. Từ thời Jomon đàn bà đã thế rồi. Cô trẻ đẹp nhất làng sẽ thuộc về anh khỏe mạnh, giỏi săn bắt. Gen tốt được giữ lại, lũ hàng tồn chỉ còn cách an ủi lẫn nhau. Cái xã hội hiện đại này như ảo ảnh, chúng ta đang sống trong thế giới chẳng khác thời Jomon là mấy. Thế mà ra rả nam nữ bình đẳng gì chứ…” “Anh Shiraha, chuẩn bị thay đồng phục đi. Giao ban thôi không lại muộn.” Bị nhắc khi bắt đầu chuyển sang nói xấu khách, Shiraha miễn cưỡng xách ba lô đi tới chỗ tủ để đồ. Nhét đồ vào tủ mà anh ta vẫn lẩm bẩm gì đó một mình. Nhìn Shiraha tôi nhớ đến người đàn ông trung niên bị cửa hàng trưởng mời ra khỏi cửa hàng khi nãy. “Này… Rồi anh sẽ bị chỉnh đốn lại thôi!” “Gì cơ?” Có vẻ nghe không rõ nên Shiraha hỏi lại. “Không, không có gì. Thay đồ xong thì giao ban nhanh nhanh nào!” Cửa hàng tiện ích là nơi buộc phải chuẩn xác nên người như anh ta sẽ bị chỉnh đốn ngay thôi. Tôi không nói ra miệng mà chỉ nhìn chằm chặp vào Shiraha đang uể oải thay đồ. Sáng thứ Hai tới cửa hàng, trên bảng phân công có đánh dấu chéo đỏ, tên của Shiraha đã bị xóa. Chắc lại nghỉ đột xuất, tới giờ làm người xuất hiện là chị Izumi, người đáng lẽ được nghỉ. “Chào mọi người! A, cửa hàng trường, anh Shiraha sao vậy?” Cửa hàng trưởng vừa xong ca đêm bước vào phòng, nghe tôi hỏi thì quay sang nhìn chị Izumi, cả hai cùng cười khó hiểu: “À… Shiraha ấy hả?” “Hôm qua tôi có nói chuyện với anh ta rồi. Cửa hàng không cần anh ta nữa.” Cửa hàng trưởng nói tỉnh bơ, đâu đó tôi cũng nghĩ “à, cũng tới lúc rồi.” “Lơ là công việc, hay ăn vụng đồ hết hạn của cửa hàng thì thôi tôi bỏ qua, nhưng lại dám quấy rối khách nữ, cô khách quen tới lấy ô để quên bữa trước ấy, hình như anh ta chụp ảnh số điện thoại ghi trên phiếu gửi đồ rồi còn lần ra địa chỉ để định đến nhà nữa. Chị Izumi phát hiện ra nên tôi mới kiểm tra camera an ninh, sau đó nói chuyện rồi yêu cầu anh ta nghỉ việc luôn.” Đúng là đồ ngốc, tôi nghĩ, vẫn có nhân viên vi phạm những quy tắc nhỏ nhưng thật chưa bao giờ nghe chuyện tồi tệ tới mức này. May mà chưa dính dáng tới cảnh sát. “Từ đầu tôi đã thấy hắn kỳ cục rồi. Tự tiện xem sổ liên lạc của cửa hàng để gọi điện cho cô bé làm ca tối, rồi canh ở phòng nhân viên để về cùng nữa. Còn tán tỉnh cả chị Izumi đã có gia đình. Giá mà biết dùng cái nhiệt tình ấy vào công việc. Chị Furukura cũng khó chịu với hắn lắm ấy nhỉ?” Nghe cửa hàng trưởng nói, chị Izumi cau mày. “Thật kinh tởm. Đúng là loại biến thái! Không dụ được nhân viên thì quay sang khách. Thật cặn bã. Giá mà cảnh sát tóm cổ hắn lại.” “Không, cũng chưa làm gì tới mức đó mà.” “Thế là phạm tội rồi. Đồ tội phạm! Loại ấy cứ gô cổ hết lại.” Chỉ toàn lời phàn nàn nhưng không khí nhẹ nhõm như trút được gánh nặng đang len lỏi trong cửa hàng. Nhờ sự ra đi của anh ta mà cửa hàng lấy lại sự thanh bình trước đó, kẻ phiền toái biến mất khiến ai nấy dễ thở hơn nên nói chuyện cũng vui vẻ khác thường. “Thật sự em bức xúc lắm, có thiếu người cũng mong anh ta biến đi.” Sugawara cười khi nghe chuyện lúc tới làm. “Cái người đó hết thuốc chữa rồi. Lúc nào cũng lý do lý trấu, bị nhắc nhở lúc lơ là thì lại bắt đầu bài ca thời Jomon. Đúng là đầu óc có vấn đề.” Nghe Sugawara nói vậy, chị Izumi tiếp lời ngay. “Phải rồi, phải rồi, đó, thấy ớn. Không hiểu muốn nói gì luôn. Cửa hàng trưởng đừng có tuyển kiểu thế vào nữa đấy!” “Thì cũng tại thiếu người…” “Tuổi đó rồi còn bị đuổi việc bán thời gian ở cửa hàng tiện ích thì cũng tàn đời rồi nhỉ. Chết bờ chết bụi đi cho rồi!” Tất cả đều cười, tôi cũng gật đầu “ừ phải!” nhưng nghĩ mình mà thành dị vật thì có khi cũng bị loại trừ như thế thôi. “Lại phải tìm người mới vậy… Đăng tuyển người luôn nhỉ.” Vậy là cửa hàng sẽ lại thay một tế bào khác. Giao ban sáng kết thúc hứng khởi hơn mọi khi, tôi toan bước vào quầy tính tiền thì thấy bà cụ khách quen chống gậy đang với tay lấy hàng ở giá dưới, dáng lom khom như sắp ngã. “Bác để cháu lấy. Cái này phải không ạ?” Tôi nhanh tay với lấy hũ mứt dâu rồi hỏi, bà mỉm cười nói, “cảm ơn cháu.” Tôi xách giỏ tới quầy tính tiền, bà lôi ví ra và hôm nay cũng lại nói. “Ở đây thật chẳng thay đổi gì!” Ở đây vừa có một người biến mất đấy ạ. Tôi không nói vậy mà chỉ nói “cảm ơn bác” rồi bắt đầu quét mã hàng. Vị khách đang đứng trước mặt làm tôi nhớ tới người khách tôi tiếp đầu tiên 18 năm trước đây. Bác ấy cũng hằng ngày chống gậy tới mua hàng nhưng rồi tự nhiên không thấy đến nữa. Vì cơ thể già yếu hay vì đã chuyển đi nơi khác, chúng tôi chẳng có cách nào biết được. Nhưng tôi đang gặp lại hình ảnh giống như ngày hôm ấy. Đã 6607 lần tôi trải qua những buổi sáng giống hệt nhau. Tôi cho trứng vào túi nylon thật nhẹ nhàng. Trứng cũng giống trứng bán ngày hôm qua nhưng là những quả trứng khác. “Khách hàng” cho đôi đũa giống ngày hôm qua vào cái túi cũng giống ngày hôm qua, nhận lại tiền thừa và tươi cười đón một buổi sáng như bao buổi sáng khác. Miho nhắn tin rủ ăn BBQ nên Chủ nhật này chúng tôi sẽ tập trung từ sáng tại nhà cô ấy. Tôi vừa hẹn sẽ đến giúp bạn mình mua đồ vào buổi sáng thì điện thoại kêu. Nhà tôi gọi. “Keiko, hình như bữa trước con nói mai tới nhà Miho phải không? Tiện thể hay ghé qua nhà chút đi con? Bố nhớ con đấy!” “Ừm… chắc khó mẹ ạ. Hôm sau con phải đi làm nên định về sớm nghỉ ngơi lấy sức.” “Thế hả. Tiếc quá… Tết con cũng đã không về rồi. Thế lần khác nhớ ghé nhà con nhé.” “Vâng.” Tết năm nay tôi phải đi làm từ mồng Một. Cửa hàng tiện ích mở cửa 365 ngày, dịp đầu năm cuối năm các chị nội trợ không làm được, lưu học sinh người nước ngoài thì về nước, thành thử luôn thiếu người làm. Tôi cũng định về nhà nhưng thấy cửa hàng khó khăn nên lại chọn đi làm. “Thế con vẫn khỏe đấy chú? Ngày nào cũng phải đứng vậy chắc mệt lắm nhỉ. Dạo này thế nào? Có gì thay đổi không?” Tôi có cảm giác, đâu đó trong những lời nói như dò hỏi, mẹ đang mong đợi một thay đổi nào đó. Chắc bà có phần mệt mỏi vì tôi chẳng thay đổi gì suốt 18 năm qua. Tôi bảo không có gì thay đổi thì mẹ nói “thế hả”, giọng nửa như an tâm, nửa như thất vọng. Tắt điện thoại tôi bất chợt nhìn mình trong gương. Tôi đã già đi so với lúc mới làm nhân viên cửa hàng tiện ích. Tôi không bận tâm gì chuyện ấy nhưng rõ ràng cũng cảm thấy dễ mệt hơn trước. Tôi từng nghĩ nếu một mai già đi, không làm việc ở cửa hàng tiện ích được nữa thì mình sẽ ra sao. Cửa hàng trưởng thứ sáu bị đau lưng không làm được nữa cũng phải nghỉ việc. Để tránh điều đó, tôi phải luôn khỏe mạnh vì cửa hàng này. Hôm sau, y hẹn tôi đến giúp mua đồ từ sáng, mang đồ đến nhà Miho rồi chuẩn bị. Đến trưa thì chồng Miho, chồng Saki và các bạn sống ở chỗ khác có mặt, đầy đủ toàn những gương mặt thân quen. Trong khoảng 14,15 người tập trung, chưa kết hôn có tôi và hai người nữa. Tôi thì chẳng nghĩ gì vì đâu phải chỉ toàn các cặp đôi nhưng Miki cũng còn độc thân lại thì thào vào tai tôi: “Mỗi bọn mình là tủi nhỉ.” “Lâu lắm rồi mới gặp mọi người…! Từ hồi nào ấy nhỉ. Từ hồi ngắm hoa thì phải?” “Tớ cũng thế. Từ hồi ấy mới quay về đây.” “Này này, giờ mọi người thế nào rồi?” Có vài người lâu rồi mới quay về chốn cũ nên mọi người lần lượt cập nhật tình hình cho nhau. “Tớ bây giờ ở Yokohama. Công ty cũng gần đó.” “Ơ vậy cậu chuyển việc rồi hả?” “Ừ, ừ. Công ty bây giờ làm về thời trang! Công ty cũ quan hệ đồng nghiệp phiền toái quá…” “Tớ thì kết hôn xong là chuyển tới Saitama ở luôn. Công việc vẫn vậy.” “Như mọi người thấy đấy, tớ vừa sinh con nên đang nghỉ ở nhà.” Yukari nói xong thì tới lượt tôi. “Tớ vẫn làm bán thời gian ở cửa hàng tiện ích. Sức khỏe của tớ…” Định nói tiếp lý do em gái bày cho như mọi lần thì Eri đã rướn người ra trước hỏi như đúng rồi. “Ồ… làm bán thời gian à? Vậy cậu kết hôn rồi nhỉ? Bao giờ?” “À, vẫn chưa.” Tôi trả lời. “Ủa… thế mà lại làm bán thời gian?” Mamiko cất giọng thắc mắc. “Ừ. Thì tại sức khỏe của tớ…” “Đúng rồi. Keiko sức khỏe yếu. Cho nên chỉ làm bán thời gian được thôi.” Miho nói đỡ cho tôi. Tôi còn đang thầm biết ơn Miho vì đã nói giúp thì chồng Yukari cất giọng nghi hoặc. “Ơ nhưng công việc phải đứng suốt nhỉ? Sức khỏe yếu thế mà…” Sự tồn tại của tôi đáng đặt dấu hỏi tới mức mới gặp lần đầu mà anh ta phải rướn người rồi cau mày tò mò đến thế sao. “Vâng… tại em cũng chưa từng làm công việc nào khác nên xét về mặt thể lực và tinh thần thì làm ở cửa hàng tiện ích là nhẹ nhàng nhất.” Nghe tôi giải thích, vẻ mặt chồng Yukari trông như thể đang nhìn thấy yêu quái. “Ủa, mà làm suốt vậy à? Công việc khó tìm đã đành nhưng cũng nên lấy chồng chứ. Giờ có nhiều cách mà, kiểu như tìm bạn đời trên mạng ấy?” Tôi thấy mỗi lần chồng Yukari thốt ra một từ là nước bọt lại bay tới đĩa thịt nướng. Tôi đang nghĩ anh ta nên thôi cái kiểu nhoài người ra gần đồ ăn mà nói đi thì chồng Miho gật gù. “Phải phải, kiểu gì em cũng nên kiếm lấy một người đi! Phụ nữ sướng điểm này nhỉ. Chứ nếu là đàn ông thì gay to rồi đấy.” “Giới thiệu cho bạn ấy đi ạ! Anh Hiroshi, anh quen biết rộng còn gì.” Tiếp lời Satsuki, bọn Shiho đế vào: “Phải đấy phải đấy!”, “Có ai được được không ạ?” Chồng Miho thì thầm gì đó vào tai Miho rồi cười gượng. “À… nhưng bạn anh toàn thằng có gia đình rồi. Chịu thôi, không giới thiệu được.” “À, hay thử đăng ký vào mấy trang mai mối xem? Phải rồi, chỉ cần chụp ảnh để giới thiệu mình là được. Tớ thấy bảo, ảnh chụp những lúc có đông người như tiệc BBQ thế này sẽ gây thiện cảm và có nhiều người liên lạc hơn là ảnh tự sướng đấy.” “Ừ, được đấy. Chụp thôi!” Miho nói, chồng Yukari cũng nén cười hưởng ứng. “Phải phải, cơ hội, cơ hội!” “Cơ hội ấy ạ… làm vậy thì được gì ạ?” Tôi hỏi rất thật nhưng chồng Miho lại tỏ ra bối rối. “Thì phải nhanh nhanh lên. Cứ thế này không được, rõ ràng em cũng cuống rồi đúng không? Càng già thì càng khó đấy.” “Cứ thế này… dạ, cứ thế này không được ạ? Vì sao ạ?” Tôi chỉ hỏi đơn thuần vậy mà nghe chồng Miho lẩm bẩm: “Choáng!” Miki cũng độc thân như tôi giải thích nhanh gọn hoàn cảnh bản thân: “Em cũng sốt ruột lắm vì phải đi công tác nước ngoài nhiều…” chồng Yukari nói thêm vào: “Miki thì công việc đỉnh quá rồi. Kiếm tiền còn hơn đàn ông, cỡ như Miki lại chẳng có ai cho xứng nhỉ…” “Á! Thịt được rồi kìa!” Miho kêu to lấy lại bầu không khí, mọi người thở phào gắp thịt vào đĩa. Tất cả cùng cắn những miếng thịt đã bị bắn đầy nước miếng của chồng Yukari khi nãy. Chợt nhận ra mọi người vẫn xa lánh, quay lưng lại với mình giống như hồi tiểu học, chỉ có ánh mắt họ là tò mò nhìn tôi như thể nhìn thấy sinh vật lạ. Ôi, tôi đang thành một dị vật. Tôi bâng quơ nghĩ. Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh Shiraha đã bị đuổi việc. Tiếp theo chắc tới lượt tôi cũng nên. Thế giới bình thường rất nguyên tắc, nó âm thầm loại bỏ dị vật. Người không ra gì sẽ bị đào thải. Ra là vậy, thế nên mới phải thay đổi, nếu không sẽ bị những con người bình thường loại trừ. Cuối cùng tôi cũng hiểu vì sao gia đình lại cố gắng thay đổi tôi đến thế. Bỗng dưng muốn nghe thấy những âm thanh trong cửa hàng tiện ích nên trên đường từ nhà Miho về, tôi quyết định ghé vào cửa hàng. “Ồ, có chuyện gì vậy cô Furukura?” Cô bé nữ sinh cấp ba làm ca tối đang dọn dẹp mỉm cười khi nhận ra tôi. “Hôm nay cô nghỉ cơ mà?” “Ừ, cô vừa về qua nhà bố mẹ nhưng định đến nhập nốt số lượng hàng cần đặt…” “Ồ… Cô chăm chỉ thật đấy!” Cửa hàng trưởng đến sớm đã ngồi trong phòng nhân viên. “Cửa hàng trưởng đến chuẩn bị làm ca đêm ạ?” “Ồ, chị Furukura, có chuyện gì vậy?” “À, tôi xong việc sớm, đi ngang qua đây nên định vào nhập nốt số lượng hàng cần đặt…” “À, hàng bánh kẹo phải không? Lúc nãy tôi nhập rồi nhưng chị cứ sửa lại cũng được.” “Cảm ơn cửa hàng trưởng.” Cửa hàng trưởng sắc mặt hơi kém, không biết có phải do thiếu ngủ. Tôi thao tác trên máy tính để đặt hàng. “Ca đêm thế nào ạ? Liệu có tuyển thêm được người không?” “Ôi… chán lắm… Có một người đến phỏng vấn nhưng tôi loại luôn rồi. Sau vụ Shiraha, tôi muốn tuyển ai làm được việc chút.” Cửa hàng trưởng hay dùng từ “được việc” nên tôi lại nghĩ không biết mình có được việc hay không. Có lẽ tôi đang làm việc để mong thành một công cụ “được việc”. “Người đó thế nào ạ?” “Ừm… Người thì tốt đấy. Nhưng có tuổi rồi. Đã nghỉ hưu, vì đau lưng nên mới nghỉ chỗ làm trước. Nên nếu làm ở cửa hàng mình thì bác ấy cũng muốn được nghỉ những lúc lưng đau. Nếu biết trước thì còn xoay được chứ nghỉ đột xuất thì chẳng thà tôi vẫn làm ca đêm còn hơn.” “Ra thế.” Công việc lao động chân tay nếu sức khỏe yếu thì coi như “phế phẩm”. Có chăm chỉ, cố gắng đến mấy mà cơ thể già nua, thì chắc tôi cũng thành phế phẩm ở cửa hàng này. “À chị Furukura này, Chủ nhật này chị làm buổi chiều được không? Sugawara vướng buổi biểu diễn…” “Vâng, tôi làm được.” “Thật hả? Ôi may quá!” Bây giờ tôi vẫn là dụng cụ “được việc”. Mang trong lòng sự yên tâm lẫn bất an, tôi mỉm cười, nói kiểu của Sugawara: “Có gì đâu, tôi cũng muốn kiếm thêm nên còn mừng ấy chứ…” Tôi tình cờ nhận ra Shiraha đang ở ngoài cửa hàng. Buổi đêm trong góc khu phố văn phòng vắng tanh bỗng lù lù một bóng người khiến tôi nhớ ra trò nhân bóng hay chơi hồi nhỏ, phải đưa tay dụi dụi mắt. Đến gần hơn thì hóa ra là Shiraha đang luống cuống khom lưng cố giấu mình vào góc tòa nhà. Có vẻ anh ta đang canh me vị khách nữ mà mình muốn biết địa chỉ nhà. Tôi nhớ cửa hàng trưởng từng nói có cô gái trên đường tan sở về nhà luôn ghé cửa hàng mua trái cây sấy nên anh ta cứ luẩn quẩn trong phòng nhân viên tới tận giờ đó. “Anh Shiraha, lần này tôi gọi cảnh sát thật đấy!” Tôi vòng ra sau lưng để không bị phát hiện rồi lên tiếng. Shiraha giật mình run rẩy quay lại, khi nhận ra tôi anh ta lại cau mặt. “Giời ạ… Ra là cô Furukura đấy à.” “Anh đang rình phải không? Gây phiền hà cho khách là điều tối kỵ của nhân viên.” “Tôi có phải nhân viên của cửa hàng nữa đâu!” “Nhưng tôi là nhân viên nên không thể bỏ qua được. Cửa hàng trưởng cũng cảnh cáo nghiêm khắc anh rồi đúng không? Anh ấy đang ở đây để tôi gọi ra nhé?” Shiraha đứng thẳng lưng nhìn tôi ra vẻ cứng rắn. “Cái tên làm thuê mạt hạng ấy thì làm được gì chứ. Mà tôi cũng chẳng thấy việc mình làm có gì sai. Thấy người con gái vừa mắt thì muốn biến thành của mình thôi. Điều này là truyền thống nam nữ từ xa xưa rồi còn gì.” “Anh Shiraha, ngày trước anh từng nói người đàn ông giỏi giang sẽ có được người phụ nữ của mình đúng không? Anh đang mâu thuẫn với chính mình đấy!” “Đúng là giờ tôi không làm việc nhưng tôi có tầm nhìn. Chỉ cần khởi nghiệp là bọn con gái sẽ bám theo cả đàn.” “Thế thì trước tiên anh phải được như thế đã rồi sau đó chọn lấy một cô trong đám ấy, vậy mới đúng trình tự chứ?” Shiraha cúi gằm mặt ngượng nghịu, nói một câu không ăn nhập gì, “Chỉ là mọi người chưa nhận thấy thôi. Giờ có khác gì thời Jomon đâu. Vốn dĩ chúng ta cũng là động vật cả. Nói thẳng ra thì thế giới này bị lỗi. Tại thế giới không hoàn thiện nên tôi mới bị đối xử thiếu công bằng.” Tôi nghĩ có lẽ đúng thế và cũng không thể hình dung ra thế giới hoàn thiện sẽ như thế nào. Tôi càng không hiểu cái gọi là “thế giới” rốt cuộc là gì. Thậm chí tôi có cảm giác nó chỉ là giả tưởng. Shiraha nhìn tôi đang im lặng, đột nhiên anh ta ôm lấy mặt. Tưởng anh ta sắp hắt hơi thì từ kẽ tay rớt xuống giọt nước, tôi nhận ra hình như anh ta khóc. Khách hàng nhìn thấy cảnh này thì không hay lắm nên tôi bảo: “Thôi, vào đâu ngồi đi.” Tôi kéo tay Shiraha đi tới quán ăn gần đó. “Thế giới này không chấp nhận dị vật. Nên tôi cứ khốn khổ mãi vì điều này.” Shiraha vừa uống trà nhài lấy ở quầy đồ uống tự chọn vừa nói. Trà nhài là do tôi lấy hộ vì anh ta chỉ ngồi im bất động. Đến lúc thấy cốc nước đặt trước mặt, anh ta cũng cứ thế uống, không cảm ơn lấy một tiếng. “Không giống mọi người là không được. Tại sao ngoài 30 rồi mà vẫn chỉ làm bán thời gian? Tại sao lại chưa từng yêu ai? Rồi họ còn điềm nhiên hỏi có kinh nghiệm giường chiếu hay chưa nữa chứ. Chưa kể còn vừa cười vừa nói kiểu: ‘Không tính kiểu bóc bánh trả tiền đâu đấy!’ Đúng là cái bọn! Chả làm gì ảnh hưởng đến ai nhưng chỉ vì là thiểu số mà mọi người thản nhiên cưỡng bức cuộc đời tôi.” Vốn cho rằng Shiraha gần như là tội phạm tình dục nên khi thấy anh ta tỉnh queo dùng từ “cưỡng bức” để ví von cho sự khổ sở của mình mà không để tâm tới cô bé làm thêm hay vị khách nữ bị anh ta quấy rối, tôi đã nghĩ, con người này chỉ ngập tràn ý thức mình là người bị hại, chứ hoàn toàn chưa từng nghĩ có khi mình chính là kẻ gây hại. Chắc anh ta có sở thích muốn được thương hại nên tôi đế đại vào. “Haizzz. Thế cũng khổ thật.” Tôi cũng thấy phiền toái nhưng chẳng có gì phải xù lông lên nên không hiểu nổi vì sao Shiraha lại phải kêu ca tới như vậy. Vừa nghĩ chắc anh ta cũng khó sống lắm tôi vừa nhấp một ngụm nước ấm. Cảm thấy không cần phải uống thứ nước có vị nên tôi chỉ uống nước trắng mà không bỏ trà vào. Shiraha lên tiếng. “Cho nên tôi mới muốn kết hôn để bọn họ không nói gì được về cuộc đời tôi nữa. “Tốt nhất là với người có tiền. Vì tôi có ý tưởng khởi nghiệp trên mạng. Nhưng tôi không nói chi tiết đâu nhỡ bị bắt chước. Nếu tìm được người đầu tư cho ý tưởng đó thì còn gì bằng. Ý tưởng của tôi chắc chắn sẽ thành công, rồi không ai có thể phàn nàn gì về tôi nữa.” “Ủa, anh ghét bị người khác can thiệp vào cuộc đời mình, thế nên đã chọn cách sống sao để không bị những người đó phàn nàn à?” Tôi thấy thật kỳ cục vì như thế thành ra hoàn toàn khuất phục xã hội rồi còn đâu. “Tôi thấy mệt mỏi lắm rồi.” Nhưng Shiraha nói vậy nên tôi gật đầu. ” ‘Mệt rồi’ nghe không hợp lý lắm. Nếu chỉ cần kết hôn là không bị chỉ trích gì nữa, thì cứ làm vậy là chuyện sẽ được giải quyết vừa nhanh vừa hợp lý quá còn gì.” “Đừng nói đơn giản thế chứ. Đàn ông khác phụ nữ, chỉ vậy thôi cũng vẫn bị chỉ trích đấy. Không ra ngoài xã hội thì bị nói, tìm việc mà làm đi, làm rồi thì lại bảo kiếm nhiều tiền nữa đi, kiếm được rồi thì lấy vợ sinh con đẻ cái đi. Cứ liên tục bị xã hội phán xét như thế. Nên đừng đánh đồng tôi với bọn đàn bà nhàn nhã.” Shiraha khó chịu nói, tôi tiếp lời: “Ồ, thế thì chẳng giải quyết được gì cả à. Hóa thành vô nghĩa à?” nhưng anh ta không đáp lại mà tiếp tục thao thao bất tuyệt. “Tôi đã đọc lại sách lịch sử để tìm hiểu xem thế giới sai lầm như thế này từ khi nào. Xem lại từ thời Meiji, Edo, Heian, hay thời nào đi nữa thì thế giới vẫn cứ sai lầm. Quay lại cả thời Jomon cũng thế!” Shiraha rung bàn làm trà nhài sánh cả ra khỏi tách. “Nhờ vậy tôi đã nhận ra một điều. Thế giới này chẳng thay đổi gì so với thời Jomon. Những kẻ không có ích cho bộ tộc như đàn ông không săn bắt hay phụ nữ không sinh con sẽ bị loại bỏ. Còn xã hội hiện đại bây giờ, rao giảng chủ nghĩa cá nhân nhưng những con người không thuộc về bộ tộc sẽ bị mổ xẻ, ép uổng và rốt cuộc bị tống khứ ra khỏi bộ tộc.” “Anh Shiraha thích chuyện thời Jomon nhỉ.” “Không phải là thích. Cực ghét ấy chứ! Nhưng xã hội này chính là thời Jomon đội lốt hiện đại thôi. Gã đàn ông khỏe mạnh, săn được thú lớn có đàn bà vây quanh, lấy được cô gái đẹp nhất làng. Còn lại những người không đi săn hoặc có đi cũng chẳng được tích sự gì vì yếu kém thì bị coi thường. Cấu trúc hoàn toàn vẫn vậy.” “Hơ…” Tôi chỉ có thể buông một từ ngớ ngẩn như vậy. Nhưng tôi cũng không thể phủ nhận hoàn toàn những điều Shiraha nói. Cửa hàng tiện ích cũng vậy, chỉ có nhân viên chúng tôi bị thay thế chứ quang cảnh vẫn luôn như ban đầu. Câu nói “Ở đây chẳng thay đổi gì nhỉ” của bà khách quen văng vẳng trong đầu. “Sao cô Furukura cứ bình thản như vậy được nhỉ? Cô không thấy xấu hổ sao?” “Ơ, vì sao chứ?” “Cứ chỉ làm bán thời gian đến thành bà già vẫn không ai rước cho. Người như cô, có là gái trinh cũng là đồ cũ thôi. Thật nhơ nhuốc. Chẳng khác nào mấy bà cô già không đẻ được con, cũng không lấy được chồng cứ luẩn quẩn trong làng thời Jomon. Chỉ là gánh nặng cho bộ tộc. Tôi là đàn ông còn lật ngược được tình thế chứ cô Furukura thì không cứu vãn được rồi.” Tôi thấy Shiraha không nhất quán khi vừa mới bực bội vì bị chỉ trích đã lại thốt ra những lời chê bôi tôi bằng lý luận dựa trên giá trị quan giống với thứ đang làm anh ta khốn khổ. Nhưng có lẽ người đang cảm thấy cuộc đời mình bị cưỡng bức mà được công kích cuộc đời người khác theo cách tương tự chắc cũng thấy thoải mái hơn một chút chăng. Shiraha phàn nàn: “Tôi muốn uống cà phê cơ mà” khi nhận ra thứ đang uống là trà nhài nên tôi đứng lên, lấy một tách cà phê ở quầy đồ uống mang đến đặt trước mặt anh ta. “Dở quá! Cà phê ở những chỗ này đúng là vứt đi.” “Anh Shiraha, nếu mục đích của anh chỉ là kết hôn thì anh thấy sao nếu đăng ký kết hôn với tôi?” Tôi đặt vấn đề lúc ngồi vào ghế, sau khi đặt ly nước lọc thứ hai vào chỗ của mình. Shiraha kêu toáng lên. “Hả!?” “Nếu ghét bị mổ xẻ đến thế và không muốn bị khai trừ khỏi bộ tộc thì làm luôn đi có phải hơn không? Về săn bắt… ý tôi là công việc thì không biết thế nào nhưng có hôn thú anh sẽ tránh được nguy cơ bị mổ xẻ về kinh nghiệm tình trường hay giường chiếu đấy!” “Tự dưng cô nói cái gì vậy? Cô hâm đấy à? Xin lỗi chứ với người như cô tôi không cương cứng nổi!” “Cương cứng? Cái đó thì liên quan gì tới hôn thú? Hôn thú chỉ là giấy tờ còn cương cứng là hiện tượng sinh lý mà.” Shiraha không nói cự lại nên tôi từ tốn giải thích. “Đúng như anh nói, có lẽ thế giới đang là thời Jomon. Người không cần cho bộ tộc sẽ bị dồn ép, xa lánh. Cũng giống cơ chế vận hành của cửa hàng tiện ích. Người không cần cho cửa hàng sẽ bị giảm giờ làm rồi đuổi việc.” “Cửa hàng tiện ích á…?” “Để tiếp tục được ở lại cửa hàng tiện ích thì ta chỉ có cách làm ‘nhân viên’ mà thôi. Chuyện này đơn giản, chỉ cần mặc đồng phục, hành xử theo đúng hướng dẫn. Nếu thế giới là thời Jomon thì cứ coi như mình đang sống trong thời Jomon đi. Cứ đội lốt một người bình thường, hành xử theo đúng hướng dẫn thì sẽ chẳng lo bị đuổi ra khỏi bộ tộc hay bị coi là đồ vô tích sự.” “Tôi chẳng hiểu cô đang nói cái gì nữa!” “Nghĩa là anh hãy đóng vai một sinh vật giả tưởng có tên ‘người bình thường’ với mọi người đi. Nó giống như anh đóng vai sinh vật giả tưởng có tên ‘nhân viên’ như mọi người ở cửa hàng tiện ích ấy.” “Việc ấy khó nên tôi mới phải khổ thế này đây.” “Chẳng phải nãy giờ anh vẫn định sống theo ý người khác sao? Đúng đến lúc quan trọng thì lại thấy khó hả? Mà cũng đúng, dành cả đời để đương đầu với thế giới giành lấy tự do cho mình thì mới là thành thật với nỗi khổ tâm của chính mình.” Shiraha có vẻ không còn lời nào nên chỉ biết lườm tách cà phê. “Cho nên nếu khó thì không cần phải cố. Tôi khác anh, tôi mặc kệ nhiều thứ. Đặc biệt, tôi không có suy nghĩ riêng, nên nếu bộ tộc có phương châm của bộ tộc thì tôi thấy nghe theo cũng chẳng sao.” Ai cũng loại bỏ phần kỳ lạ ra khỏi cuộc đời mình. Phải chăng điều này được cho là “chữa lành”? Hai tuần nay tôi bị hỏi 14 lần câu “Sao không kết hôn?”. Câu “Sao lại làm bán thời gian?” thì 12 lần. Nên tôi sẽ loại bỏ từ phần bị nói nhiều nhất. Đâu đó trong lòng, tôi vẫn mong sẽ thay đổi được. Dù là thay đổi tích cực hay tiêu cực thì vẫn còn hơn tình trạng đóng băng như bây giờ. Shiraha không trả lời mà chỉ săm soi như muốn chọc thủng mặt nước đen ngòm của ly cà phê trước mặt bằng vẻ mặt nghiêm trọng. Rốt cuộc, khi tôi chào “vậy nhé!” rồi toan ra về thì Shiraha lại nói một câu ỡm ờ: “Hay để tôi nghĩ thêm một chút đã…” hòng giữ tôi lại, vài giây trôi qua. Nghe câu chuyện bập bõm từ Shiraha thì có vẻ anh ta đang ở chung phòng với ai đó nhưng không nộp tiền nhà nên gần như bị đuổi ra ngoài. Trước kia, gặp phải lúc như thế này anh ta thường về nhà bố mẹ ở Hokkaido, nhưng 5 năm trước, em trai lấy vợ, nhà cũ được sửa sang lại thành nhà cho hai hộ và giờ em dâu cùng cháu đang ở đó, có về cũng chẳng còn chỗ. Shiraha lại bị em dâu khinh ghét nên ngay cả việc dựa dẫm vay tiền em trai giờ cũng không được thoải mái nữa. “Từ hồi đứa em dâu tham gia vào là loạn. Nó cũng ăn bám em trai tôi mà không biết điều còn vênh váo trong nhà. Đồ chết tiệt!” Chuyện đời Shiraha dài dòng pha lẫn sự căm phẫn khiến tôi không để tai nghe mấy, thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ. Sắp 11 giờ đêm rồi. Ngày mai tôi vẫn đi làm. Tôi học được từ cửa hàng trưởng thứ hai rằng giữ gìn sức khỏe để đi làm cũng nằm trong phần lương được trả, vậy mà hôm nay chắc thiếu ngủ mất. “Anh Shiraha, vậy anh đến nhà tôi đi! Chỉ cần anh nộp tiền ăn là được.” Shiraha không còn chỗ nào để đi, cứ mặc anh ta thế này chắc sẽ bám lấy quầy nước uống tới sáng. Thấy phiền toái nên tôi kéo luôn Shiraha đang “Ô” với “Ơ, nhưng…” về nhà. Vào trong nhà, đứng sát anh ta tôi mới nhận ra người này toát ra mùi của một kẻ lang thang. Tôi giục anh ta đi tắm, dúi cho cái khăn rồi đóng chặt cửa nhà tắm lại. Nghe thấy tiếng nước chảy từ vòi hoa sen tôi mới thở phào. Shiraha tắm khá lâu làm tôi suýt ngủ quên trong lúc đợi. Tôi chợt nhớ ra liền gọi cho em gái. “Alô?” Em gái tôi bắt máy. Đồng hồ vẫn chưa sang ngày mới, chắc nó vẫn đang thức. “Xin lỗi chị gọi muộn quá. Yutaro khỏe không?” “Không sao chị, Yutaro cũng vừa ngủ, giờ em mới được nghỉ đây. Sao thế?” Tôi hình dung ra hình ảnh đứa cháu chắc đang ngủ trong cùng căn phòng ấy. Cuộc đời em gái luôn tịnh tiến. Bằng chứng là một sinh vật trước đây không có giờ lại đang hiện hữu. Liệu em tôi có giống mẹ, mong cuộc đời tôi có gì đó thay đổi? Tôi thử bộc bạch với nó. “Cũng chẳng phải việc gì gấp quá đâu… em này, thực ra bây giờ đang có một người đàn ông ở nhà chị.” “Sao cơ!?” Em tôi đổi giọng, nghe như bị nấc, tôi định hỏi thăm thì bị chặn lại bởi giọng nói cuống cuồng gần như gào lên. “Ôi, thật không!? Chị không đùa đấy chứ!? Ui mà từ bao giờ!? Từ lúc nào, chị! Anh ta là người thế nào?” Bị hỏi tới tấp tôi trả lời. “Cũng mới đây. Một người cùng chỗ làm.” “Thế hả… Chị, chúc mừng chị…!” Tôi hơi lúng túng vì không bị vặn vẹo mà đột nhiên lại được chúc phúc. “Chả biết có đáng chúc mừng không nữa.” “Em chưa biết là người thế nào nhưng trước giờ đã bao giờ chị nói chuyện này đâu nên… Em vui lắm! Em ủng hộ chị!” “Thật hả…?” “Mà chị thông báo với em thế này chắc tính đến chuyện kết hôn rồi phải không…!? Ui em xin lỗi… Em láu táu quá!” Nó mau mồm mau miệng hơn hẳn bình thường. Tôi có cảm giác với tình trạng phấn chấn này mà có nói giờ là thời Jomon đội lốt xã hội hiện đại thì chắc nó cũng cho là đúng. Ra là vậy, thực ra đã có quy trình cả rồi. Đến giờ tôi mới nhận ra, định hình của “con người bình thường” chẳng thay đổi gì suốt từ thời Jomon, chẳng qua đã ăn sâu trong đầu mọi người nên không phải mất công viết ra giấy thôi. “Chị, tốt quá rồi. Chị phải vất vả bao nhiêu lâu nay, cuối cùng cũng tìm được người hiểu mình…” Em tôi tự tưởng tượng rồi tự cảm động. Thấy cái kiểu như “chị khỏi rồi đấy” này tôi lại nghĩ “nếu đơn giản vậy sao không chỉ cho chị ngay từ đầu đi có phải đỡ mất bao nhiêu công rồi không”. Ngắt điện thoại ngẩng lên thì thấy Shiraha vừa ra khỏi nhà tắm đang đứng một chỗ không biết làm gì. “À, anh chưa có đồ thay nhỉ. Đây, đây là đồng phục hồi cửa hàng mới khai trương tôi xin lại khi đổi sang đồng phục mới. Dùng chung cho cả nam nữ nên chắc anh mặc được đấy.” Shiraha hơi ngập ngừng nhưng cũng đỡ lấy bộ đồng phục màu xanh lá cây rồi khoác lên người. Tay anh ta dài nên có vẻ hơi chật nhưng vẫn kéo được khóa lên. Phần dưới anh ta chỉ quấn độc cái khăn tắm nên tôi đưa cho cái quần lửng mặc trong nhà. Không biết bao lâu rồi anh ta chưa tắm mà quần áo và đồ lót thay ra bốc mùi kinh khủng. Tôi nhét đại vào máy giặt, nói “anh cứ ngồi xuống đi” thì anh ta mới rụt rè ngồi xuống. Phòng tôi là phòng kiểu Nhật diện tích nhỏ, thiết kế kiểu cũ nên nhà tắm và nhà vệ sinh tách biệt. Quạt thông khí tậm tịt, đâm không khí ẩm và hơi nước từ cửa nhà tắm sau khi Shiraha tắm xong bay ra khắp phòng. “Hơi nóng nhỉ. Để tôi mở cửa sổ nhé?” “À, không…” Shiraha bồn chồn hết đứng lại ngồi rồi lại chỉnh tư thế. “Anh muốn đi vệ sinh thì ở kia kìa. Nước chảy yếu nên anh giật mạnh cần về phía đại tiện ấy nhé.” “Ừm… tôi chưa cần đi vệ sinh.” “Giờ anh không còn chỗ nào để đi nữa. Phòng ở chung cũng gần như bị đuổi ra rồi còn gì.” “Ờ…” “Tôi nghĩ thế này, anh ở đây có khi lại hay. Vừa rồi tôi thử gọi điện cho em gái mà nó tự tưởng tượng ra chuyện rồi mừng lắm. Tôi nghĩ nam nữ ở chung phòng thì bất luận sự thật là gì người ta cũng tưởng tượng đủ thứ rồi tự hiểu thôi.” “Cô nói với em gái…” Shiraha nói với vẻ bối rối. “À, anh uống cà phê lon không? Nước có ga cũng có đấy. Có điều chỉ là lon móp mua về thôi chứ tôi chưa ướp lạnh.” “Lon móp…?” “À à, tôi chưa giải thích cho anh bao giờ à. Những lon bẹp không bán được thì tôi gọi thế. Còn có sữa tươi và nước sôi trong bình nữa.” “Rồi, cho tôi cà phê lon.” Trong nhà chỉ có độc cái bàn gấp nhỏ. Phòng chật nên tấm đệm vẫn trải nãy giờ được cuộn tròn dồn trước tủ lạnh. Thỉnh thoảng em gái và mẹ đến chơi ngủ lại thì sẽ dùng bộ chăn đệm cất trong ngăn tủ. “Nhà tôi có sẵn đệm đây nên nếu không có chỗ nào để ở, tôi có thể cho anh Shiraha ở lại. Mỗi tội chật thôi.” “Tôi ờ…” Shiraha bối rối nói nhỏ: “À nhưng tôi có tật sợ bẩn nên… không chuẩn bị chu đáo thì hơi…” “Tật sợ bẩn thì hơi khó đấy. Vì đệm lâu không dùng, tôi cũng chẳng phơi phóng gì. Phòng này lại cũ nên cũng nhiều gián nữa.” “À không, cái đó thì phòng tôi ở chung cũng chẳng sạch sẽ gì cho cam nên không sao cả nhưng, chuyện kia ấy, cô lại khiến việc này thành chuyện đã rồi thế, là đàn ông tôi phải cảnh giác chứ… Đột nhiên gọi điện cho em gái vậy chắc cô cũng sốt ruột lắm rồi còn gì.” “Thế thì sao chứ? Tôi gọi chỉ vì muốn xem em tôi phản ứng như nào thôi mà.” “Không, mấy chuyện thế này cũng sợ lắm. Tôi có đọc trên mạng rồi mà không ngờ lại có thật, bị mời mọc nhiệt tình thế này cũng hơi ớn…” “Haizz… Tôi mời vì thấy anh khó khăn không có chỗ ở thôi, nếu anh thấy phiền thì quần áo chưa giặt đâu, tôi trả lại quần áo cho anh về cũng được mà.” Shiraha lắp bắp nói mấy câu chẳng hiểu nổi: “Không, nói vậy nhưng…” hay “Nhưng được mời đến thế thì…” khiến chuyện chẳng có gì tiến triển. “Thôi xin phép anh, đêm khuya rồi tôi ngủ được không? Lúc nào anh muốn về thì cứ về, muốn ngủ thì tự trải chăn ra mà ngủ. Mai tôi lại làm từ sáng ở cửa hàng rồi. Trong tiền lương cũng bao gồm cả tiền tự quản lý sức khỏe để làm việc, đây là điều tôi học được cách đây 16 năm, từ cửa hàng trưởng thứ hai. Tôi không thể đi làm trong tình trạng thiếu ngủ được.” “À, cửa hàng à… haiz…” Shiraha nói giọng lơ đãng, nhưng cứ bận tâm tới anh ta thế này thì tới sáng mất nên tôi liền trải đệm của mình. “Giờ mệt rồi nên sáng mai tôi mới tắm. Chắc sáng sớm hơi ồn đấy, thôi chúc anh ngủ ngon!” Đánh răng, đặt đồng hồ báo thức sau đó chui vào chăn và nhắm mắt lại. Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng sột soạt từ chỗ Shiraha nhưng những âm thanh của cửa hàng tiện ích dần chiếm hết tâm trí, đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Sáng hôm sau tỉnh dậy thì thấy Shiraha đang ngủ trong tình trạng nửa người gần như chui vào hốc tủ*, trong lúc tôi tắm anh ta cũng vẫn chưa tỉnh giấc. “Lúc đi bỏ chìa khóa vào hòm thư giúp tôi.” Để lại mẩu tin nhắn, tôi rời nhà để có mặt tại cửa hàng lúc 8 giờ như mọi khi. Tôi nghĩ hẳn anh ta sẽ rời đi vì anh ta nói như kiểu không có ý định ở lại, vậy mà lúc về đến nhà anh ta vẫn ngồi trong phòng. Anh ta ngồi không đó, chống tay lên bàn uống lon nước nho trắng bị móp. “Anh vẫn còn ở đây à?” Tôi cất tiếng hỏi, Shiraha giật nẩy mình. “À…” “Cả ngày hôm nay chỉ toàn tin nhắn của em gái tôi. Lần đầu tiên thấy nó nhắng lên vì việc liên quan đến tôi thế này đấy.” “Chứ còn gì nữa. Tôi dám cá em gái cô sẽ thích chị mình sống chung với đàn ông hơn là để cô thành gái già còn trinh làm bán thời gian ở cửa hàng tiện ích đấy.” Cái kiểu lúng túng của hôm qua đã biến mất, Shiraha trở về như Shiraha mọi khi. “Haiz, vậy là không ra sao thật nhỉ?” “Cô nghe này. Người vô dụng với bộ tộc thì chẳng có quyền riêng tư gì hết. Mọi người sẵn sàng nhảy bổ vào bất cứ lúc nào. Người mà không cống hiến cho bộ tộc dưới hình thức kết hôn, đẻ con hay đi săn bắt kiếm tiền thì chỉ là dạng biến dị. Nên lũ người trong làng kiểu gì cũng can thiệp vào.” “Vâng.” “Cô cũng nên nhận thức vấn đề hơn một chút đi. Người như cô nói trắng ra là dạng đáy của đáy, dạ con cũng lão hóa rồi, cũng chẳng đủ xinh """