"Cô Gái Và Màn Đêm - Guillaume Musso PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cô Gái Và Màn Đêm - Guillaume Musso PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo ĐƯỜNG MÒN CỦA DÂN BUÔN LẬU Cô gái: “Hãy biến đi! Than ôi, hãy biến đi! Cút đi mau, hỡi bộ xương hung ác! Ta còn trẻ - cút đi, kẻ sốt sắng! Và thôi ngay ý đồ gạ gẫm ta.” Thần Chết: “Hãy đưa ta bàn tay em mềm đẹp! Ta là bạn; đâu phải kẻ trừng phạt. Can đảm lên! Hiểm ác ta không hề Trong tay ta em sẽ ngủ đê mê.” — Matthias CLAUDIUS (1740 – 1815) Cô Gái Và Thần Chết 2017 Mỏm Nam Mũi Antibes. Ngày 13 tháng Năm. Manon Agostini đỗ chiếc xe công vụ ở đầu đường Chemin de la Garoupe. Nữ cảnh sát quận vừa đóng sập cửa chiếc xe Kangoo cũ kỹ vừa thầm nguyền rủa diễn biến các sự kiện đã lôi kéo cô đến tận đây. Khoảng 21 giờ, người bảo vệ của một trong những dinh thự sang trọng bậc nhất Mũi Antibes đã gọi điện đến sở cảnh sát Antibes để báo tin về một tiếng pháo hoặc tiếng súng – dù thế nào thì cũng là một âm thanh lạ – có thể đã phát ra trên con đường mòn lởm chởm đá bên cạnh khuôn viên dinh thự. Sở cảnh sát không mấy quan tâm đến cuộc gọi này, và đã chuyển nó lại cho các phòng cảnh sát quận, và cảnh sát quận không tìm ra cách gì hay hơn là liên hệ với cô, trong khi thời gian làm việc trong ngày của cô đã hết. Khi cấp trên gọi điện yêu cầu cô đến ngó qua con đường mòn ven biển đó, Manon đã diện xong đồ dự tiệc và sẵn sàng xuất phát. Cô những muốn đáp lại là ông hãy tự đi mà xem, nhưng lại không thể từ chối nhiệm vụ này. Mới sáng nay, con người nhân hậu ấy đã đồng ý cho cô giữ chiếc Kangoo sau giờ làm việc. Xe riêng của Manon vừa trút hơi thở cuối cùng, và tối thứ Bảy này, cô nhất thiết phải có phương tiện để đi đến một cuộc hẹn rất quan trọng với mình. Trường trung học Saint-Exupéry, nơi cô từng theo học, tổ chức kỷ niệm năm mươi năm ngày thành lập, và nhân dịp này, đám bạn cũ lớp cô sẽ tụ họp trong một bữa tiệc. Manon thầm hy vọng tại bữa tiệc cô sẽ gặp lại anh chàng từng để ý đến mình trước đây. Một anh chàng khác biệt so với những người khác, mà hồi ấy cô đã ngốc nghếch bỏ qua, vì thích những người lớn tuổi hơn, những gã rốt cuộc đều đã chứng tỏ bọn họ chỉ là những kẻ đần độn ngu xuẩn. Niềm hy vọng đó chẳng hề có căn cứ – thậm chí cô còn không chắc anh chàng ấy sẽ có mặt ở bữa tiệc, và hẳn là anh ta cũng đã lãng quên cả sự tồn tại của cô – nhưng cô cần tin rằng rốt cuộc sẽ có điều gì đó xảy ra trong đời mình. Cắt sửa móng tay, làm tóc, mua sắm: Manon đã sửa soạn suốt cả chiều. Cô đã tặc lưỡi chi ba trăm euro cho một chiếc váy suông bằng đăng ten màu xanh đen pha jersey lụa, mượn chiếc vòng cổ ngọc trai của chị gái và đôi giày cao gót của cô bạn thân – một đôi Stuart Weitzman bằng da đanh khiến chân cô đau nhức. Chênh vênh trên đôi giày cao gót, Manon bật đèn pin điện thoại và bước vào con đường hẹp, chạy dọc hơn hai ki-lô-mét ven bờ biển cho đến tận Biệt thự Eilenroc. Cô biết rất rõ nơi này. Hồi cô còn là một đứa trẻ, bố thường đưa cô đi câu trong những vũng nhỏ ở đây. Ngày xưa, dân khu vực này gọi đây là con đường của hải quan hoặc đường mòn của dân buôn lậu. Sau này, nơi đây xuất hiện trong các cẩm nang du lịch dưới cái danh xưng nên thơ là "đường mòn Tire-Poil"[1]. Ngày nay, nó mang cái tên nhạt nhẽo hơn, vô vị hơn, là đường mòn ven biển. Đi được chừng năm chục mét, Manon vấp phải một hàng rào có gắn tấm biển cảnh báo: "Khu vực nguy hiểm – cấm vào". Giữa tuần vừa rồi đã xảy ra một cơn bão lớn. Những cơn sóng biển dữ dội đã làm đất đá sụt lở nghiêm trọng, khiến người ta không thể đi dạo ở một số điểm nữa. Manon lưỡng lự một lát rồi quyết định bước qua hàng rào. 1992 Mỏm Nam Mũi Antibes. Ngày 1 một tháng Mười. Tâm hồn vui phơi phới, Vinca Rockwell nhảy chân sáo đi qua trước bãi biển Joliette. Đã 10 giờ tối. Để từ trường trung học đến được tận đây, cô đã phải thuyết phục một cô bạn cùng lớp văn học, người có một chiếc xe máy, chở mình tới đầu đường Chemin de la Garoupe. Khi rẽ vào con đường mòn của dân buôn lậu, cô cảm thấy kích thích ở vùng bụng dưới. Cô sắp gặp lại Alexis. Cô sắp gặp lại tình yêu của mình! Gió thốc dữ dội, nhưng đêm thật đẹp và trời quang đãng đến nỗi cảnh vật nhìn rõ gần như ban ngày. Vinca vẫn luôn yêu mến nơi này, bởi vì nó hoang dã và không giống với hình ảnh mùa hè French Riviera[2] bị hiểu sai lệch đi. Dưới ánh mặt trời, ta sững sờ trước sắc trắng và đỏ son chói lọi của những vách đá vôi, và trước vô vàn những biến tấu của sắc xanh bao trùm những vùng vịnh nhỏ. Một lần, khi nhìn về phía quần đảo Lérins, thậm chí Vinca còn thoáng thấy những chú cá heo. Khi có gió lớn, như tối nay, khung cảnh thay đổi hoàn toàn. Những vách đá dốc đứng trở nên nguy hiểm, những cây ô liu và thông dường như đang oằn mình vì đau đớn, như thể chúng đang tìm cách rứt mình khỏi mặt đất. Nhưng Vinca không quan tâm. Cô sắp gặp lại Alexis. Cô sắp gặp lại tình yêu của mình! 2017 Chết tiệt! Một trong hai gót giày của Manon vừa gãy gập. Chết tiệt! Trước khi đến bữa tiệc, cô sẽ phải vòng về qua nhà, và ngày mai, sẽ bị cô bạn thân mắng cho một trận. Cô tháo giày, nhét vào túi xách rồi tiếp tục bước đi trên đôi chân trần. Cô vẫn đi theo vệt đường mòn hẹp nhưng được đổ bê tông vắt chênh vênh trên những vách đá. Không khí trong lành khiến cô phấn chấn hẳn lên. Gió mistral khiến màn đêm trở nên quang đãng và phủ đầy sao lên bầu trời. Tầm nhìn ngoạn mục trải dài từ những bức tường thành của khu Antibes cổ kính đến tận vịnh Nice, vượt qua những ngọn núi làm nền ở hậu cảnh. Ẩn hiện bên dưới, đằng sau những cây thông, là một vài trong số những dinh thự đẹp nhất Côte d’Azur. Người ta nghe thấy tiếng những con sóng tung bọt trắng và cảm nhận được toàn bộ sức mạnh cũng như quyền lực của nước triều. Trong quá khứ, nơi này từng chứng kiến những tai nạn thảm khốc. Sóng lừng đã cuốn đi nhiều ngư dân, du khách hoặc những cặp tình nhân ra hôn nhau nơi mép nước. Dưới sức ép của những lời chỉ trích, chính quyền đã buộc phải cải thiện mức độ an toàn của con đường bằng cách xây dựng những cầu thang kiên cố, cắm cọc tiêu trên lối đi và dựng hàng rào để hạn chế ý thích bốc đồng của những người đi dạo muốn ra quá sát mép nước. Nhưng chỉ cần gió thốc trong vòng vài giờ đồng hồ là nơi này lại trở nên rất nguy hiểm. Manon đi đến đúng chỗ một cây thông Alep bị đổ gục, làm bật tung tay vịn khỏi hàng rào và chắn ngang lối đi. Không thể đi xa hơn nữa. Cô nghĩ mình nên quay trở lại. Nơi này chẳng có lấy một bóng người. Gió mistral thốc mạnh đã làm nhụt chí những người đi dạo. Chuồn thôi, cô mình ơi. Cô đứng sững tại chỗ và lắng nghe tiếng gió gầm gào. Tưởng như nó đang cuốn theo những lời than thở, vừa gần lại vừa xa. Một mối đe dọa ngấm ngầm. Mặc dù đang đi chân trần, Manon vẫn leo lên một vách đá để vòng qua chướng ngại vật và tiếp tục hành trình, với nguồn sáng duy nhất là đèn pin của điện thoại. Một khối sẫm màu hiện lên dưới chân vách đá. Manon nheo mắt. Không, cô đứng quá xa nên không nhìn rõ. Cô thử tìm cách đi xuống, hết sức cẩn trọng. Có tiếng rách xoạc. Gấu váy đăng ten vừa rách, nhưng cô không để ý. Lúc này, cô đã nhìn rõ hình dáng khiến cô tò mò. Đó là một cái xác. Cái xác của một phụ nữ, bị vứt trên mỏm đá. Càng lại gần, cô càng cảm thấy kinh hoàng. Đây không phải một vụ tai nạn. Khuôn mặt người phụ nữ đã bị dập nát đến nỗi chỉ còn là một đám bầy nhầy đẫm máu. Lạy Chúa. Manon cảm thấy hai chân bủn rủn, và tưởng mình sắp xỉu xuống đến nơi. Cô mở khóa điện thoại để gọi cứu hộ. Không có sóng, nhưng màn hình vẫn hiển thị dòng chữ: Chỉ gọi số khẩn cấp. Đang định ấn nút gọi thì Manon nhận ra nơi này không chỉ có mình cô. Một người đàn ông giàn giụa nước mắt đang ngồi cách đó một chút. Có vẻ suy sụp, ông ta khóc nức nở, hai tay bưng mặt. Manon hoảng hồn. Đúng lúc này, cô hối tiếc vì đã không mang theo súng. Cô cẩn thận tiến lại gần. Người đàn ông đứng dậy. Khi ông ta ngẩng đầu lên, Manon nhận ra đó là ai. “Chính tôi đã gây ra chuyện này,” ông ta vừa nói vừa giơ ngón tay chỉ vào cái xác. 1992 Duyên dáng và nhẹ nhàng, Vinca Rockwell nhảy nhót trên các vách đá. Gió thổi càng lúc càng mạnh. Nhưng Vinca thích thế. Sóng lừng, hiểm nguy, sự ngất ngây vì gió biển, những vách đá dốc đứng khiến người ta chóng mặt. Chẳng thứ gì trên đời lại khiến cô ngất ngây như cuộc gặp với Alexis. Một cảm giác choáng váng trọn vẹn, choáng váng đến tột bậc. Sự hòa trộn của cả thể xác và tâm hồn. Cho dù cô có sống đến trăm tuổi, cũng chẳng thứ gì có thể sánh được với ký ức này. Viễn cảnh được gặp lại Alexis trong bí mật, được cùng Alexis yêu nhau trong hõm vách đá khiến cô ngây ngất. Cô cảm thấy làn gió ấm bao bọc toàn thân, thổi quanh hai chân, tốc vạt váy cô, chẳng khác nào khúc dạo đầu của màn yêu đương mà cô đang chờ đợi. Trái tim đập thình thịch, luồng hơi nóng bốc lên cuốn ta đi trong niềm ngây ngất, máu dồn lên, những phập phồng khiến từng xăng-ti-mét trên thân thể ta run rẩy. Cô sắp gặp lại Alexis. Cô sắp gặp lại tình yêu của cô! Alexis chính là bão tố, là màn đêm, là thời khắc hiện tại. Tự đáy lòng, Vinca biết rằng cô đang làm một chuyện ngu ngốc, và tất cả sẽ kết thúc theo cách tồi tệ. Nhưng có lẽ cô sẽ không đánh đổi niềm phấn khích lúc này lấy bất cứ thứ gì trên đời. Chờ đợi, yêu đương điên cuồng, cảm giác ngọt ngào đau đớn khi được màn đêm cuốn đi. “Vinca!” Đột nhiên, vóc dáng Alexis hiện ra giữa bầu trời quang đãng, dưới bóng trăng tròn vành vạnh. Vinca bước thêm vài bước để đến sát bên bóng người ấy. Trong chớp mắt, dường như cô có thể cảm nhận được niềm lạc thú sắp đến. Mãnh liệt, nóng bỏng, không thể kiểm soát. Hai thân thể trộn lẫn và tan biến vào nhau cho đến khi hòa cùng sóng gió. Những tiếng hét hòa vào tiếng kêu của lũ hải âu. Những cơn co thắt, đợt bùng nổ quật ngã ta, ánh chớp trắng sáng và chói lòa lan tỏa bao trùm lấy ta và khiến ta có cảm giác toàn bộ thân thể mình tan tác khắp nơi. “Alexis!” Cuối cùng, khi Vinca ôm siết lấy chủ thể tình yêu của mình, một giọng nói bên trong lại thì thầm với cô rằng tất cả những chuyện này sẽ kết thúc theo cách tồi tệ. Nhưng cô gái trẻ không đếm xỉa đến tương lai. Tình yêu là tất cả hoặc chẳng là gì hết. Chỉ có thời khắc hiện tại là quan trọng. Sự quyến rũ cháy bỏng và độc địa của Màn đêm. Nghĩa là: Nhíp nhổ lông. (Mọi chú thích nếu không có lưu ý gì thêm đều của người dịch.) Phần bờ biển Địa Trung Hải thuộc Pháp, tiếng Pháp là Côte d’Azur. HÔM QUA và HÔM NAY (BÁO NICE BUỔI SÁNG thứ Hai, ngày 08/05/2017) Trường trung học quốc tế Saint-Exupéry kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cơ sở đào tạo hàng đầu thuộc Cụm Công nghệ cao Sophia Antipolis sẽ thổi 50 ngọn nến vào cuối tuần tới. Được Tổ chức Lương hội Pháp thành lập vào năm 1967 làm nơi dạy học cho con em của các kiều dân, trường trung học quốc tế là một cơ sở đào tạo đặc biệt ở Côte d’Azur. Nổi tiếng nhờ chất lượng đào tạo, trường được tổ chức xoay quanh hoạt động giảng dạy bằng tiếng nước ngoài. Các phân ban song ngữ cho phép học sinh lấy bằng quốc tế và hiện đang đón nhận gần một ngàn học sinh Pháp và nước ngoài. Các hoạt động kỷ niệm sẽ bắt đầu từ thứ Sáu ngày 12 tháng Năm với một ngày mở cửa giao lưu, là dịp để học sinh và đội ngũ giáo viên giới thiệu những sáng tạo nghệ thuật – triển lãm ảnh, chiếu phim, trình diễn sân khấu – mà họ đã thực hiện phục vụ cho dịp này. Lễ kỷ niệm sẽ tiếp tục vào trưa ngày hôm sau với tiệc cocktail quy tụ các cậu học sinh và nhân viên cũ của trường. Trong buổi lễ này sẽ có hoạt động đặt viên đá đầu tiên cho một công trình mới mang tên “Tháp thủy tinh”, một tòa tháp cao sáu tầng sẽ được xây dựng tại vị trí của nhà thể chất hiện nay, công trình này sẽ sớm được san bằng. Tòa tháp siêu hiện đại sẽ dành để đón nhận học sinh của các lớp dự bị thi vào các trường Đại học lớn. Và học sinh các khóa 1990-1995 sẽ có vinh dự là những người cuối cùng sử dụng nhà thể chất, ngay tối đó, trong "tiệc bùng nổ của cựu học sinh". Vào dịp kỷ niệm này, hiệu trưởng của trường, bà Florence Guirard, hy vọng sẽ có thật nhiều người tham dự buổi lễ. “Tôi nồng nhiệt mời tất cả các cựu học sinh và nhân viên cũ của trường đến chia sẻ thời khắc ấm cúng này. Những lời trao đổi, những cuộc gặp mặt, những kỷ niệm sẽ nhắc chúng ta nhớ rằng mình từ đâu đến, cũng là điều không thể thiếu để chúng ta biết được mình đang đi đâu,” nữ hiệu trưởng nói tiếp bằng một câu có đôi chút khuôn sáo trước khi nhấn mạnh rằng một nhóm Facebook đã được khởi tạo riêng cho dịp này. Stéphane Pianelli MÃI TUỔI XUÂN 1 Coca-Cola Cherry Nếu đang ở trên chiếc máy bay sắp rơi, Thì dù buộc dây an toàn chặt mấy Cũng chẳng lợi ích gì đâu — Haruki MURAKAMI Sophia Antipolis Thứ Bảy, ngày 13/05/2017 Tôi đỗ chiếc xe thuê dưới gốc rặng thông, gần trạm xăng tự phục vụ, cách cổng trường trung học chừng ba trăm mét. Từ sân bay tôi đến thẳng đây, sau chuyến bay New York-Nice, không hề chợp mắt. Ngày hôm trước, tôi đã vội vàng rời Manhattan sau khi nhận được qua email một bài báo nhắc đến lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường trung học cũ. Bức thư được gửi cho tôi qua hộp thư điện tử của nhà xuất bản, người gửi là Maxime Biancardini, cậu bạn chí cốt thuở xưa, nhưng đã hai mươi lăm năm nay tôi không gặp mặt. Cậu ta để lại cho tôi số điện thoại di động, và tôi đã lưỡng lự hồi lâu không muốn bấm số, trước khi phải thừa nhận rằng mình chẳng thể làm gì khác. “Cậu đọc bài báo rồi à, Thomas?” cậu ta hỏi thẳng tôi, không rào trước đón sau. “Chính vì nó mà tớ mới gọi cho cậu đây.” “Cậu biết như thế nghĩa là gì không?” Giọng cậu ta vang lên với những âm điệu quen thuộc trước kia, nhưng chúng bị bóp méo bởi nỗi bồn chồn, sự gấp gáp và lo sợ. Tôi không trả lời câu hỏi của cậu ta ngay. Có chứ, tôi biết nó nghĩa là gì. Nó chính là hồi kết của cuộc đời mà chúng tôi từng có cho đến nay. Nó có nghĩa là chúng tôi sẽ phải trải qua phần đời sắp tới của mình đằng sau song sắt. “Cậu phải đến Côte d’Azur, Thomas ạ,” Maxime tuyên bố với tôi sau vài giây im lặng. “Bọn mình phải đưa ra một chiến lược để tránh chuyện đó. Bọn mình phải tìm cách gì đó.” Tôi nhắm mắt và thầm đánh giá hậu quả của những chuyện sắp xảy ra: tầm cỡ của vụ bê bối, những hệ lụy của nó về mặt pháp lý, tác động của cú sốc đối với gia đình chúng tôi. Trong thâm tâm, tôi luôn biết rằng có khả năng ngày này sẽ đến. Tôi đã sống gần hai mươi lăm năm – hoặc giả vờ là mình đang sống – với thanh gươm Damoclès[1] ấy treo trên đầu. Tôi thường xuyên tỉnh giấc giữa đêm, người đẫm mồ hôi khi nghĩ đến những sự kiện đã xảy ra hồi đó cũng như viễn cảnh rằng một ngày kia chúng sẽ bị phát hiện. Những đêm như thế, tôi nuốt một viên Lexomil với một ngụm lớn Karuizawa[2], nhưng hiếm khi ngủ lại được. “Bọn mình phải tìm cách gì đó,” cậu bạn nhắc lại. Tôi biết rằng cậu ta đang ru vỗ mình bằng những ảo tưởng. Bởi vì quả bom này đang đe dọa tàn phá dòng chảy cuộc đời chúng tôi, chính chúng tôi là kẻ châm ngòi nổ, vào một buổi tối tháng Mười hai năm 1992. Và cả hai chúng tôi đều biết rằng không có cách nào để tháo kíp nổ cho quả bom ấy. Sau khi khóa cửa xe, tôi đi vài bước đến trạm xăng. Đó là một kiểu trạm General Store của Mỹ mà tất cả mọi người đều gọi là "quán Dino". Đằng sau mấy cây xăng nổi lên một công trình bằng gỗ sơn, một tòa nhà theo phong cách thuộc địa với bên trong là một cửa hàng nhỏ và một quán cà phê dễ chịu, có hàng hiên chạy dài bên dưới mái che. Tôi đẩy cánh cửa. Nơi này không thay đổi nhiều lắm, và vẫn có chút gì đó bất biến với thời gian, ở cuối cửa hàng, những chiếc ghế đẩu cao nghều vây quanh một quầy gỗ phủ vân trắng, ở đầu quầy là những chiếc chuông thủy tinh chụp lên những chiếc bánh ga tô màu sắc. Trong phần còn lại của căn phòng kê những chiếc ghế dài và những chiếc bàn nhô ra đến tận hàng hiên. Trên tường có gắn những huy hiệu bằng sứ tráng men quảng cáo cho các nhãn hàng ngày nay đã biến mất, cũng như những tấm áp phích giới thiệu vùng Côte d’Azur vào những năm tháng Điên rồ[3]. Để kê được nhiều bàn hơn, người ta đã tháo bỏ chiếc bàn bi-a và máy điện tử xèng, chiếc máy đã không biết bao nhiêu lần khiến tôi đi tong khoản tiền tiêu vặt: Out Run, Arkanoid, Street Fighter 11. Chỉ riêng trò bi lắc là còn sống sót, một bàn đấu Bonzini cũ với tấm thảm đã xơ hết chỉ. Đôi bàn tay tôi không thể cưỡng lại ý muốn được vuốt ve cái ô lõm bằng gỗ sồi nguyên khối của chiếc bàn bi lắc. Cũng ở nơi này, trong suốt nhiều giờ, tôi và Maxime đã tái lập tất cả những trận quan trọng của Olympique Marseille. Những hình ảnh dồn dập trở về trong tâm trí tôi: cú hat-trick của Papin ở Cúp Quốc gia Pháp năm 1989; "bàn tay quỷ" của Vata trước Benfica; cú đá bằng má ngoài chân phải của Chris Waddle trong trận đấu với AC Milan, cái buổi tối trứ danh khi hệ thống chiếu sáng của sân vận động Vélodrome bị ngắt điện. Thật không may, chúng tôi đã không được cùng nhau ăn mừng chiến thắng xiết bao chờ đợi ấy – lễ đăng quang cúp C1 châu Âu năm 1993. Thời gian đó, tôi đã rời khỏi Côte d’Azur để tiếp tục việc học hành tại một trường thương mại ở Paris. Tôi để mặc mình đắm chìm trong bầu không khí của quán cà phê. Maxime không phải là người duy nhất mà tôi có thói quen rủ đến đây sau giờ học. Nhưng ký ức đáng nhớ nhất của tôi gắn liền với Vinca Rockwell, cô gái tôi yêu hồi ấy. Cô gái mà tất cả đám con trai đem lòng yêu hồi ấy. Đó là chuyện của ngày hôm qua. Cách đây lâu lắm rồi. Trong lúc đi về phía quầy hàng, tôi cảm thấy những sợi lông trên cánh tay mình dựng lên cùng lúc với những hình ảnh chớp nhoáng hiện rõ dần trong trí nhớ. Tôi nhớ tiếng cười trong veo của Vinca, nhớ hai chiếc răng cửa thưa, nhớ những chiếc váy mùa hè, nhớ vẻ đẹp khác thường của cô, nhớ ánh mắt xa vắng mà cô thường thích áp đặt lên mọi sự. Tôi nhớ rằng ở quán Dino này, vào mùa hè Vinca thường uống Cherry Coke, trong khi vào mùa đông cô hay gọi sô cô la nóng với những miếng marshmallow nhỏ nổi bập bềnh trên mặt. “Anh cần gì không?” Tôi không tin nổi vào mắt mình nữa: quán cà phê vẫn do cặp vợ chồng Ý-Ba Lan đó – vợ chồng nhà Valentini – quản lý, và vừa nhìn thấy hai người, tôi nhớ ra tên của họ ngay lập tức. Dino (tất nhiên…) ngừng tay lau chùi chiếc máy pha cà phê để hỏi chuyện tôi, trong khi Hannah lật giở tờ báo địa phương. Ông chồng đã béo lên và rụng tóc, còn bà vợ thì mái tóc đã phai sắc vàng, khuôn mặt thêm nhiều nếp nhăn. Nhưng cùng với thời gian, dường như cặp vợ chồng này trở nên xứng đôi vừa lứa hơn. Đó chính là tác động bình thường hóa của tuổi già: nó làm phai mờ những sắc đẹp quá rực rỡ, và đôi khi tạo ra lớp mạ bao phủ hào nhoáng cho những nhan sắc tầm thường hơn. “Làm ơn cho tôi một cốc cà phê. Một cốc đúp espresso.” Tôi để vài giây trôi qua, rồi gợi đến quá khứ bằng cách nhắc về bóng ma của Vinca: “Và một cốc Cherry Coke kèm ống hút cùng đá viên.” Trong một thoáng, tôi tưởng rằng một trong hai vợ chồng Valentini sẽ nhận ra mình. Cha mẹ tôi từng là quản lý trường Saint-Ex từ năm 1990 đến năm 1998. Cha tôi phụ trách trường trung học còn mẹ tôi phụ trách các lớp dự bị[4], và với chức vụ ấy, hai người họ được hưởng một căn nhà công vụ trong khuôn viên trường. Do đó, tôi thường xuyên la cà đến đây. Để đổi lại vài lượt chơi Street Fighter[5] miễn phí, thỉnh thoảng tôi giúp Dino dọn dẹp tầng hầm hoặc chuẩn bị món frozen custard[6] mà ông được thừa hưởng công thức từ người cha. Trong khi bà vợ vẫn dán mắt vào tờ báo, ông già người Ý cầm tiền rồi đưa đồ uống cho tôi, nhưng không có tia sáng nào ánh lên trong đôi mắt mệt mỏi của ông. Phòng ăn trống đến ba phần tư, điều này thật đáng ngạc nhiên, cho dù là vào sáng thứ Bảy. Trường Saint-Ex có nhiều học sinh nội trú, và vào thời kỳ tôi còn ở đây, phần lớn trong số họ ở lại trường vào dịp cuối tuần. Tôi tận dụng cơ hội này để đi về phía chiếc bàn mà Vinca và tôi ưa thích trước đây: chiếc bàn cuối cùng ở đầu hàng hiên, dưới tán lá thơm phức của rặng thông. Bởi vì các tinh tú thường nhận ra nhau, Vinca luôn chọn chiếc ghế hướng về phía mặt trời. Cầm chiếc khay trên tay, tôi ngồi vào chỗ quen thuộc, chiếc ghế quay lưng lại với rặng cây. Tôi cầm cốc cà phê của mình và đặt cốc Cherry Coke đằng trước chiếc ghế trống. Loa đang phát ra một bài hát thịnh hành trước đây của R.E.M., Losing my Religion, bài hát mà đa phần mọi người tưởng là nói về đức tin, trong khi nội dung lại chỉ là những day dứt về một tình yêu đơn phương đau đớn. Nỗi đau khổ của một chàng trai hét lên với cô gái mà anh ta yêu: “Hey, em nhìn này, anh ở đây! Tại sao em không nhìn thấy anh?” Một bản tóm tắt câu chuyện đời tôi. Một làn gió nhẹ làm lá cây run rẩy, mặt trời rắc những hạt bụi ánh sáng lên những nan gỗ lát sàn. Trong vài giây, phép mầu hiện ra và đưa tôi về đầu những năm 1990. Trước mặt tôi, trong ánh sáng mùa xuân chiếu rọi qua những tán lá, bóng ma của Vinca cử động và tiếng vọng từ những cuộc trò chuyện say sưa giữa tôi và cô vang trở lại tai tôi. Tôi nghe thấy cô sôi nổi nói với tôi về cuốn Người tình và Những mối quan hệ nguy hiểm. Tôi đáp lại bằng cách nhắc đến Martin Eden và Người đẹp của Lãnh chúa. Chính tại chiếc bàn này, chúng tôi có thói quen nói chuyện nhiều giờ liền về những bộ phim mà chúng tôi đã xem vào chiều thứ Tư hằng tuần ở Star, ở Cannes, hoặc ở Casino d’Antibes. Cô thích Bài học piano và Thelma và Louise, còn tôi thích Một trái tim mùa đông và Cuộc đời kép của Véronique. Bài hát kết thúc. Vinca đeo cặp kính Ray-Ban lên, dùng ống hút rít một ngụm Coca rồi nháy mắt với tôi đằng sau cặp kính màu. Hình ảnh cô nhòa dần cho đến khi biến mất hoàn toàn, chấm dứt khoảng thời gian tuyệt diệu vừa có giữa chúng tôi. Chúng tôi không còn ở trong bầu không khí ấm áp vô tư lự của mùa hè năm 1992 nữa. Chỉ có mình tôi, cô độc, buồn bã và hụt hơi, đang chạy theo những ảo ảnh của tuổi trẻ đã mất. Đã hai mươi lăm năm nay tôi không gặp lại Vinca. Vả lại, cũng đã hai mươi lăm năm nay, không một ai gặp lại cô ấy. Chủ nhật, ngày 20 tháng Mười hai năm 1992, Vinca Rockwell, mười chín tuổi, bỏ trốn đến Paris cùng Alexis Clément, giáo viên triết học hai mươi bảy tuổi, người đã duy trì mối quan hệ bí mật với cô. Người ta nhìn thấy cả hai người họ lần cuối cùng, vào sáng ngày hôm sau, trong một khách sạn ở quận Bảy, gần thánh đường Sainte-Clotilde. Sau đó, hoàn toàn mất dấu, không ai còn nhìn thấy sự hiện diện của họ ở thủ đô nước Pháp nữa. Họ cũng chưa bao giờ xuất hiện trở lại, chưa bao giờ liên hệ với gia đình hay bạn bè. Họ đã bốc hơi theo đúng nghĩa của từ này. Đó là phiên bản chính thức. Tôi lấy từ trong túi ra bài báo trên tờ Nice Buổi sáng mà tôi đã đọc đến cả trăm lần. Bên dưới vẻ bề ngoài tầm thường, nó chứa đựng một thông tin, và các hậu quả bi thảm của thông tin này sẽ khiến ta phải lật lại những gì tất cả mọi người đều biết về vụ việc đã xảy ra. Ngày nay, con người ta tôn sùng sự thật và sự minh bạch, nhưng sự thật hiếm khi giống như vẻ bề ngoài của nó, và trong trường hợp cụ thể này, nó sẽ không xoa dịu, không giúp ta vơi bớt nỗi đau, cũng không thiết lập lại công bằng thực sự. Sự thật sẽ chỉ mang theo cùng nó nỗi bất hạnh, sự săn đuổi con người và sự phỉ báng. “Ôi! Xin lỗi, thưa ông!” Trong lúc chạy giữa các bàn, một nam sinh vụng về vừa quẹt chiếc ba lô làm cốc Coca văng khỏi bàn. Một phản xạ giúp tôi giơ tay tóm được chiếc cốc vừa kịp lúc, trước khi nó rơi xuống vỡ tan. Dùng một mớ khăn giấy, tôi thấm nước trên mặt bàn, nhưng nước ngọt đã bắn vào quần tôi. Tôi băng qua quán cà phê, về phía nhà vệ sinh. Phải mất quá năm phút tôi mới làm các vết bẩn biến mất, và gần năm phút nữa để sấy khô chiếc quần. Tốt hơn hết là không nên xuất hiện trong cuộc họp mặt của cựu học sinh mà để mọi người tưởng rằng tôi vừa tè dầm. Rồi tôi quay trở lại chỗ ngồi để lấy chiếc áo vest vắt ở lưng ghế. Khi liếc mắt nhìn xuống bàn, tôi thấy tim mình đập rộn lên. Trong lúc tôi vắng mặt, có ai đó đã gập bài báo làm đôi và đặt lên trên nó một cặp kính mát. Cặp kính Ray-Ban với đôi mắt kính màu. Người nào đã dành cho tôi trò đùa tai ác này? Tôi nhìn quanh. Dino đang nói chuyện với một anh chàng đứng gần mấy cột bơm xăng. Hannah đang tưới cho chậu dạ yến thảo ở phía bên kia hàng hiên. Ngoại trừ ba người dọn rác đang nghỉ ngơi, ngồi bên quầy hàng, những khách hàng hiếm hoi đều là các học sinh trung học đang chăm chú trước màn hình MacBook hoặc chát chít trên điện thoại di động. Chết tiệt… Tôi phải đưa tay nhặt cặp kính lên để có thể chấp nhận rằng đây không phải ảo giác. Khi nhấc cặp kính lên, tôi nhận thấy có người đã ghi chú vào bài báo được cắt ra. Chỉ hai từ duy nhất, được viết bằng nét chữ tròn trịa và cẩn thận: Trả thù. Cách nói ẩn dụ, có nguồn gốc từ thần thoại Hy Lạp cổ để chỉ một mối nguy hiểm hiển hiện. Một loại Whisky của Nhật Bản, rất quý hiếm vì hiện nay không còn sản xuất nữa. Thập niên 20 của thế kỷ trước. Ở Pháp, để thi vào một số trường đại học lớn như trưởng Y, Bách khoa,… học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học phải theo một khóa dự bị, có thể kéo dài một, hai hoặc ba năm. Các khóa dự bị được tổ chức ở một số trường trung học. Trò Chiến binh đường phố. Một loại kem sữa đông lạnh. 2 Nam sinh dẫn đầu lớp và đám bad boy Người nào kiểm soát được quá khứ sẽ kiểm soát được tương lai. — Aldous HUXLEY Paint It Black, No Surprises, One… Ngay từ cổng vào khuôn viên trường trung học, dàn nhạc của trường đã chào đón khách khứa bằng cách chơi lại những bài nổi tiếng của các nhóm Stones, Radiohead và U2. Âm nhạc – vừa dữ dội vừa lôi kéo – đồng hành cùng bạn đến tận khu vực trung tâm của trường, quảng trường Cây Dẻ, nơi sẽ diễn ra các trò vui buổi sáng. Nằm vắt ngang trên nhiều địa bàn (trong đó có Antibes và Valbonne) và thường được giới thiệu như Thung lũng Silicon của Pháp, Sophia Antipolis là một khối vuông cây xanh nằm giữa một Côte d’Azur đã bị bê tông hóa quá mức. Hàng ngàn công ty khởi nghiệp và những tập đoàn lớn chuyên hoạt động trong các lĩnh vực tiên phong đã đặt trụ sở trên hai ngàn héc ta rừng thông của vùng. Nơi này có những lợi thế để thu hút nhân lực từ khắp nơi trên thế giới: mặt trời rạng rỡ suốt ba phần tư thời gian trong năm, vị trí gần sát với biển Địa Trung Hải và các điểm trượt tuyết trên vùng núi Alpes, số lượng đông đảo các cơ sở tập luyện thể thao và trường quốc tế chất lượng cao, trong đó trường trung học Saint-Exupéry chính là mũi lao quan trọng. Đỉnh kim tự tháp giáo dục của tỉnh Alpes-Maritimes. Ngôi trường nơi bất cứ bậc cha mẹ nào cũng hy vọng được ghi danh cho con cái mình theo học vào một ngày nào đó, tin tưởng vào tương lai được hứa hẹn theo phương châm của trường: Tri thức là Sức mạnh. Sau khi đi qua phòng bảo vệ, tôi đi dọc theo tổ hợp hành chính và nhà giáo viên. Được xây dựng vào giữa những năm 1960, các tòa nhà hiện nay của khu học xá bắt đầu lỗi thời, nhưng toàn bộ khuôn viên vẫn còn là một ngoại lệ. Vị kiến trúc sư thiết kế ngôi trường này đã rất thông minh khi tận dụng khung cảnh tự nhiên có một không hai của vùng cao nguyên Valbonne. Vào buổi sáng thứ Bảy này, không khí mát mẻ và bầu trời xanh biếc. Giữa khu rừng thông và vùng cây bụi, giữa những vách đá và địa hình hiểm trở, những khối lập phương và lục diện bằng thép, bê tông và kính đan xen hài hòa giữa khung cảnh đồi núi. Ở bên dưới, xung quanh một cái hồ lớn, nằm ẩn hiện dưới những bóng cây, mọc lên những tòa nhà nhỏ ba tầng nhiều màu sắc. Đó là những tòa ký túc xá, mỗi tòa mang tên một nghệ sĩ từng lưu lại vùng Côte d’Azur: Pablo Picasso, Marc Chagall, Nicolas de Staël, Francis Scott Fitzgerald, Sidney Bechet, Graham Greene… Từ năm mười lăm đến năm mười chín tuổi, tôi đã sống ở đây, trong căn nhà công vụ mà cha mẹ tôi được cấp hồi ấy. Những ký ức về thời kỳ đó vẫn còn rất sống động. Đặc biệt là cảm giác ngất ngây trong tôi mỗi sáng, khi thức dậy trước rừng thông. Từ căn phòng thời niên thiếu, quang cảnh vẫn tuyệt vời như quang cảnh tôi đang ngắm bây giờ: mặt hồ sáng lên lấp lánh, cây cầu tàu bằng gỗ và những bến neo thuyền trên hồ. Sau hai thập kỷ sống ở New York, rốt cuộc tôi đã khiến bản thân tin rằng tôi thích bầu trời xanh thẳm của Manhattan hơn là tiếng gió mistral và tiếng ve kêu, thích năng lượng của Brooklyn và Harlem hơn là mùi thơm của khuynh diệp và oải hương. Nhưng thật ra, điều đó có còn đúng nữa không? tôi tự hỏi trong lúc đi vòng qua Agora (một công trình bằng kính xây dựng ngay từ đầu những năm 1990 bao quanh thư viện và chứa nhiều giảng đường cùng cả một rạp chiếu phim). Rồi tôi đi đến trước các phòng học cũ kỹ, những công trình xây bằng gạch đỏ theo ảnh hưởng của phong cách gô-tích gợi nhắc đến một số trường đại học ở Mỹ. Những ngôi nhà này đã hoàn toàn lỗi thời và không hề ăn nhập với tính nhất quán trong kiến trúc tổng thể, nhưng chúng vẫn là niềm tự hào của trường Saint-Ex, mang lại cho trường dáng dấp của một trường thuộc Ivy League[2] danh giá, và mang lại cho các bậc phụ huynh niềm tự hào được gửi gắm hậu duệ của mình ở một trường Harvard của vùng. “Thế nào, Thomas Degalais, có người đang tìm cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết mới chăng?” Giọng nói vang lên từ phía sau khiến tôi ngạc nhiên, và tôi quay ngoắt lại, thì thấy khuôn mặt tươi rói của Stéphane Pianelli. Mái tóc dài, để râu và ria mép theo kiểu lính ngự lâm, mắt kính tròn theo phong cách John Lennon và túi nhỏ đeo chéo qua vai: anh chàng phóng viên báo Nice Buổi sáng vẫn giữ nguyên bộ tịch lố lăng thuở sinh viên. Chỉ có một nhượng bộ duy nhất với thời đại, đó là chiếc áo thun mà cậu ta trưng ra bên trong chiếc áo gi-lê không tay của cánh phóng viên được tô điểm bằng chữ Phi nổi tiếng, biểu tượng của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất. “Chào Stéphane,” tôi vừa đáp lại vừa bắt tay cậu ta. Chúng tôi đi vài bước cùng nhau. Pianelli bằng tuổi tôi, và cũng giống tôi, cậu ta quê gốc ở đây. Chúng tôi từng học cùng lớp đến tận năm cuối cấp trung học. Tôi vẫn còn nhớ anh chàng là một kẻ to mồm, một tay hùng biện xuất sắc với khả năng tam đoạn luận thường khiến các giáo viên của chúng tôi phải lúng túng. Đó là một trong những học sinh hiếm hoi của trường có ý thức chính trị. Sau khi lấy bằng tú tài, trong khi kết quả học tập cho phép Stéphane theo học lớp dự bị ở Saint-Ex để vào Học viện Nghiên cứu chính trị Paris Sciences-Po, cậu ta lại thích tiếp tục sự nghiệp học hành theo ngành văn chương ở Nice. Cái khoa mà cha tôi coi là "nhà máy sản xuất người thất nghiệp" còn mẹ tôi, người vốn cấp tiến hơn cả cha tôi, gọi là "một mớ tạp nham những kẻ xuẩn ngốc tả khuynh". Nhưng Pianelli vẫn giữ nguyên bản tính ưa công kích của mình. Ở Carlone – khu học xá khoa Văn, anh chàng đã khôn ngoan nương theo phong trào của đảng xã hội và đạt được vinh quang đầu tiên vào một tối mùa xuân năm 1994, trong chương trình trên kênh France 2, Thanh niên ngày mai. Chương trình truyền hình trực tiếp này, trong vòng hơn hai giờ đồng hồ, đã truyền đi lời phát biểu của hàng chục sinh viên có thái độ thù địch với CIP, mức lương tối thiểu trứ danh mà chính phủ tìm cách áp đặt với họ. Mới đây, tôi đã xem lại chương trình đó trên trang mạng lưu trữ thông tin nghe nhìn quốc gia, và ấn tượng mạnh trước sự tự tin của Pianelli. Người ta đưa micro cho cậu ta hai lượt, và cậu ta đã tận dụng nó để chất vấn và gây khó khăn cho các nhân vật dày dạn kinh nghiệm chính trường. Đúng là một anh chàng cứng đầu, không nao núng trước bất cứ ai. “Cậu có ý kiến thế nào về việc Macron tranh cử?” cậu ta đột ngột hỏi tôi. (Vậy là cậu ta vẫn không bao giờ hết thao thao bất tuyệt về chính trị.) “Đó là một tin tốt cho những người như cậu, đúng thế không?” “Các nhà văn ư?” “Không, những kẻ giàu có tệ hại!” cậu ta trả lời, mắt lóe lên. Pianelli có tính ưa châm chọc, thường là ác ý, nhưng dù sao tôi vẫn quý cậu ta. Pianelli là học sinh duy nhất ở Saint-Ex mà tôi thường xuyên gặp lại, bởi vì cậu ta thường phỏng vấn tôi để viết bài cho tờ báo của mình mỗi lần tôi xuất bản một tiểu thuyết. Theo tôi được biết, cậu ta chưa bao giờ có tham vọng gây dựng sự nghiệp trong ngành báo chí quốc gia, mà thích làm một phóng viên tổng hợp hơn. Ở Nice Buổi sáng, cậu ta có thể viết bất cứ thứ gì cậu ta muốn – chính trị, văn hóa, cuộc sống thị thành – và cậu ta coi trọng sự tự do đó trên tất cả. Đảm nhận vai trò của một phóng viên chuyên săn tin đặc biệt với ngòi bút đáng gờm không ngăn cậu ta giữ được thái độ khách quan nhất định. Tôi thường thích thú đọc những bài viết của cậu ta về những tiểu thuyết của tôi, bởi vì cậu ta rất biết cách đọc ra những ẩn ý đằng sau các câu từ. Những bài báo của cậu ta không phải lúc nào cũng mang tính ca ngợi, nhưng ngay cả khi tỏ thái độ dè dặt, Pianelli vẫn không quên rằng đằng sau một cuốn tiểu thuyết – và ta cũng có thể nói như thế về một bộ phim hoặc một vở diễn sân khấu – thường là những năm tháng dài lao động, nghi hoặc, lật đi lật lại một vấn đề, và ta có thể phê bình những năm tháng ấy, nhưng sẽ là tàn nhẫn và hợm hĩnh nếu thực hiện việc phê bình ấy chỉ bằng vài dòng. ‘Cuốn tiểu thuyết thảm hại nhất chắc hẳn cũng vẫn giá trị hơn lời phê bình chỉ ra rằng đó là một cuốn tiểu thuyết thảm hại,’ một hôm cậu ta còn tâm sự với tôi như thế, bằng cách áp dụng lại vào lĩnh vực văn chương câu nói nổi tiếng của Anton Ego, nhà phê bình ẩm thực nói về bộ phim Chú chuột đầu bếp Ratatouille. “Nói nghiêm túc nhé, cậu đến đây làm gì vậy, hả nghệ sĩ?” Vẫn tỏ vẻ không đả động gì đến nó, nhưng anh chàng phóng viên này đang đánh hơi địa bàn, thăm dò và sắp sửa ra đòn với tôi. Cậu ta biết được một số đoạn trong quá khứ của tôi. Có thể cậu ta đã cảm nhận được sự căng thẳng của tôi, khi tôi thọc tay vào túi để xoắn vặn cặp kính giống hệt cặp kính của Vinca cùng lời đe dọa ai đó đã gửi cho tôi mười lăm phút trước. “Quay trở về với gốc rễ của mình chẳng bao giờ là tồi tệ cả, đúng không? Khi có tuổi, ta sẽ…” “Chấm dứt bài diễn văn lừa phỉnh của cậu đi,” cậu ta vừa cắt lời tôi vừa cười khẩy. “Cuộc họp mặt cựu học sinh này là toàn bộ những gì cậu ghét nhất, Thomas ạ. Nhìn cậu xem, với chiếc áo sơ mi Charvet và cái đồng hồ Patek Philippe cậu đang mang. Đừng có tìm cách khiến tôi tin rằng cậu đã đáp máy bay từ New York đến đây để vừa hát bản nhạc nền phim Goldorak vừa nhai kẹo cao su Malabar cùng với những gã mà cậu vẫn coi khinh.” “Cái này thì cậu nhầm rồi. Tôi chẳng coi khinh ai cả.” Và sự thật đúng là như thế. Anh chàng phóng viên chằm chằm nhìn tôi, đầy nghi hoặc. Rất khó nhận thấy, nhưng ánh mắt cậu ta đã thay đổi. Hai mắt sáng lên như thể cậu ta đã chi phối được điều gì đó. “Tôi hiểu rồi,” cuối cùng cậu ta cũng vừa nói vừa gật đầu với tôi. “Cậu đến đây bởi vì cậu đã đọc được bài báo của tôi!” Câu nói của cậu ta khiến tôi nghẹt thở, như thể cậu ta vừa táng một cú thẳng vào bụng tôi. Làm sao cậu ta biết được điều đó? “Cậu đang nói về chuyện gì vậy, Stéphane?” “Đừng giả vờ ngây thơ nữa.” “Tôi sống ở TriBeCa,” tôi cố lấy giọng bình thản. “Tờ báo mà tôi đọc trong lúc uống cà phê là New York Times. Không phải tờ báo lá cải nhà cậu. Cậu đang ám chỉ đến bài báo nào vậy? Bài báo về lễ kỷ niệm năm mươi năm thành lập trường chăng?” Cứ nhìn vẻ mặt nhăn nhó và đôi lông mày nhíu lại của cậu ta thì chúng tôi đang không nói về cùng một chủ đề. Nhưng cảm giác nhẹ nhõm trong tôi chẳng kéo dài được bao lâu, bởi vì cậu ta đã tuyên bố: “Tôi đang ám chỉ đến bài báo về Vinca Rockwell.” Lần này, nỗi ngạc nhiên khiến tôi sững người. “Vậy là đúng rồi, cậu không biết chuyện!” cậu ta kết luận. “Nhưng biết chuyện gì mới được chứ, mẹ kiếp?” Pianelli gật đầu rồi lấy từ trong túi đeo chéo ra một cuốn sổ ghi chép. “Tôi phải đi làm việc đây,” cậu ta nói khi chúng tôi đi đến quảng trường lớn. “Tôi phải viết một bài cho tờ lá cải nhà tôi, thế đấy.” “Chờ đã, Stéphane!” Hài lòng với tác động mình vừa gây ra, anh chàng phóng viên bỏ mặc tôi sau khi khẽ vẫy tay. “Chúng ta sẽ nói chuyện lại với nhau sau.” Trong lồng ngực, tim tôi đang đập thình thịch. Có một điều chắc chắn: tôi còn chưa biết hết những điều bất ngờ. Quảng trường Cây Dẻ rung lên theo nhịp của dàn nhạc và những cuộc trò chuyện theo từng nhóm nhỏ đang đà sôi nổi. Mặc dù ở đây trước kia có rất nhiều cây cổ thụ, nhưng chúng đã bị chết hàng loạt vì một loài ký sinh trùng. Quảng trường vẫn giữ nguyên tên gọi cũ, nhưng lúc này được trồng toàn chà là kiểng, hình thù duyên dáng của chúng gợi cho ta nghĩ đến những kỳ nghỉ và cảnh thanh nhàn. Dưới những mái lều lớn bằng vải mộc, người ta đã dựng lên một quầy đồ ăn tự chọn, kê những hàng ghế tựa và chăng những dải đèn hoa rực rỡ. Trên bãi đất đen đặc người là điệu vũ của những nhân viên phục vụ đội mũ rơm và mặc áo thủy thủ đang bận rộn tiếp đồ uống cho các khách mời. Tôi nhặt chiếc ly trên một cái khay, nhấp môi rồi gần như ngay lập tức đổ thứ nước hổ lốn đó vào một bồn hoa. Được gọi là món cocktail nhà làm, ban tổ chức đã không tìm được thứ gì hay ho hơn là mời thực khách một thứ nước dừa kinh khủng trộn với iced tea vị gừng. Tôi lại gần quầy đồ ăn. Cả ở đây, rõ ràng người ta cũng lựa chọn phiên bản tiệc light. Tưởng như ta đang ở California hoặc một nơi nào đó ở Brooklyn, nơi đế chế healthy đang trị vì. Quên đi những món bánh nhồi kiểu Nice, những bánh rán hoa bí ngòi và pizza phiên bản Nice. Chỉ còn những món rau cắt khúc tẻ ngắt, những cốc kem ít béo và những lát bánh mì nướng pho mai được chứng nhận là không có gluten. Tôi rời khỏi khu bàn bày đồ ăn để đến ngồi trên mấy bậc cao bằng bê tông láng xi măng bao quanh một phần quảng trường, theo kiểu phòng nghe nhạc. Tôi đeo kính mát lên, rồi yên ổn ở vị trí quan sát của mình, tò mò ngắm nhìn các bạn đồng môn. Họ chúc tụng lẫn nhau, người nọ vỗ vai người kia, họ hôn nhau, khoe với nhau những bức ảnh đẹp nhất của con họ – những em bé hoặc những cô cậu thiếu niên – trao đổi với nhau địa chỉ email, số điện thoại di động, người nọ thêm người kia vào danh sách "bạn bè" trên các mạng xã hội. Pianelli nói không sai: tôi hoàn toàn nằm ngoài những chuyện đó. Thậm chí còn không thể giả vờ nổi. Trước hết, bởi vì tôi không có chút hoài nhớ nào những năm trung học. Thêm nữa, bởi vì về bản chất tôi vốn là kẻ cô độc, trong túi lúc nào cũng có một cuốn sách, nhưng không có tài khoản Facebook, một kẻ rầu rĩ chuyên làm mất vui, không thích hợp cho lắm với những mong đợi của một thời đại tôn sùng những nút Like. Và cuối cùng, bởi vì thời gian trôi qua chẳng hề khiến tôi cảm thấy lo buồn. Tôi không phát hoảng khi thổi tắt bốn mươi ngọn nến hay khi những sợi tóc bạc bắt đầu nở rộ hai bên thái dương. Nói thực lòng, thậm chí tôi còn nôn nóng muốn già đi, bởi vì như thế cũng chính là gia tăng khoảng cách với cái quá khứ, không những không hề là một thiên đường đã mất, mà đối với tôi còn chẳng khác nào tâm chấn của một thảm kịch mà tôi phải trốn chạy suốt cuộc đời. Nhận xét đầu tiên khi quan sát đám cựu học sinh: phần lớn những người chịu di chuyển đến đây đều tiến thân trong những môi trường khá giả, nơi người ta chăm chút để không tăng cân quá nhiều. Ngược lại, chứng hói đầu là đại dịch trầm trọng nhất ở cánh đàn ông. Không phải thế sao, hả Nicolas Dubois? Cậu ta đã cấy tóc hỏng. Alexandre Musca thì cố gắng che giấu khoanh hói trên đỉnh đầu bằng một lọn tóc dài vắt ngang đỉnh sọ. Còn Romain Roussel, cậu ta đã thẳng thừng chọn cách cạo trọc cả đầu. Tôi cảm thấy ngạc nhiên dễ chịu với trí nhớ của bản thân: trong số các khách mời cùng thế hệ, tôi có thể chỉ mặt gọi tên hầu hết mọi người. Từ xa, quang cảnh trông thật thú vị. Thậm chí đôi khi còn rất cuốn hút, nhất là khi đối với một số người, sự kiện này dường như có mùi vị của một sự trả thù quá khứ. Manon Agostini chẳng hạn. Cô nữ sinh trung học xấu xí và rụt rè trước kia đã trở thành một phụ nữ xinh đẹp đang trò chuyện đầy tự tin. Christophe Mirkovic cũng chuyển biến theo hướng tương tự. Anh chàng mọt, mặc dù hồi đó chúng tôi chưa biết đến cách gọi ấy, không còn chút gì giống với cậu học sinh chuyên bị bắt nạt, mặt đầy mụn trứng cá và hay mơ mộng viển vông mà tôi vẫn giữ trong trí nhớ, và tôi mừng cho cậu ta về điều đó. Đậm phong cách Mỹ, cậu ta khoe khoang thành công của mình không chút mặc cảm, ca ngợi những phẩm chất của chiếc siêu xe điện Tesla cậu ta đang đi, nói tiếng Anh với cô bạn gái kém cậu ta cả hai chục tuổi, đối tượng đang thu hút rất nhiều ánh mắt. Ngược lại, Erie Lafitte lại thay đổi theo chiều hướng xấu đi rất nhiều. Tôi vẫn nhớ về cậu ta như hóa thân của một vị á thần. Một thiên thần tóc nâu: Alain Delon trong phim Trưa tím. Hôm nay, Eric the King đã trở thành một anh chàng buồn rầu bụng phệ, mặt rỗ, giống với Homer Simpson hơn là với nam chính trong phim Rocco và các anh em [3]. Kathy và Hervé Lesage tay trong tay đến dự hội trường. Hai người họ đã cặp đôi từ khi còn học lớp mười một phân ban khoa học và kết hôn sau khi ra trường. Kathy (tên gọi rút ngắn được chồng cô đặt cho) tên thật là Katherine Laneau. Tôi vẫn còn nhớ đôi chân tuyệt đẹp của cô nàng – chắc hẳn cô vẫn giữ được đôi chân ấy, mặc dù đã đổi chiếc váy ngắn kiểu Scotland thành một bộ vest đồng bộ – và vốn tiếng Anh hoàn hảo, đậm chất văn chương, mà cô vẫn đang sử dụng. Tôi thường tự hỏi tại sao một cô gái như thế lại có thể đem lòng yêu một gã như Hervé Lesage. Có biệt danh là Régis – hồi đó là thời kỳ thịnh hành của chương trình truyền hình Những kẻ vô tích sự với câu châm ngôn "Régis là một gã ngốc" - Hervé có diện mạo tầm thường, óc bằng quả nho, thường đưa ra những nhận xét không đúng lúc hoặc đặt ra cho các giáo viên những câu hỏi hoàn toàn trật lất, và nhất là, dường như cậu ta không hề nhận ra rằng bạn gái mình có đẳng cấp gấp trăm lần những gì cậu ta có thể có được. Hai mươi lăm năm sau, với chiếc áo bu-dông bằng da đanh và vẻ mặt đầy thỏa mãn, "Régis" vẫn giữ nguyên dáng vẻ ngốc nghếch trước đây. Để tình hình thêm tồi tệ, cậu ta còn đến đây với một chiếc mũ lưỡi trai của đội Paris Saint-Germain trên đầu. Miễn bình luận. Nhưng, nói về khoản trang phục thì Fabrice Fauconnier mới là người giữ chức vô địch. Là phi công của hãng Air France, "Faucon"[5]tự hào trưng diện bộ đồng phục cơ trưởng. Tôi nhìn cậu ta xênh xang đi lại giữa những mái tóc vàng, những đôi giày cao gót và những bộ ngực được tút tát lại. Anh chàng bảnh trai ngày nào không buông thả bản thân: cậu ta vẫn giữ được vóc dáng săn chắc, nhưng mái tóc điểm bạc, ánh mắt bám riết và thái độ hợm hĩnh công khai đã dán lên người cậu ta cái nhãn "đẹp lão". Vài năm trước, tôi gặp cậu ta trên một chuyến bay chặng vừa. Cứ như thể tôi là một thằng bé năm tuổi, cậu ta tưởng sẽ khiến tôi thích thú khi mời tôi vào khoang lái để xem máy bay hạ cánh… “Ôi khốn khổ thay, "Faucon" xuống cấp rồi!” Fanny Brahimi nháy mắt với tôi rồi ôm hôn tôi nồng nhiệt. Cả cô cũng đã thay đổi rất nhiều. Là người gốc Kabyle, Fanny là một cô nàng nhỏ nhắn tóc vàng có đôi mắt nhạt màu và mái tóc ngắn, lênh khênh trên đôi giày cao gót, đôi chân bị bó chặt trong chiếc quần jean vừa khít. Hai chiếc cúc không cài trên áo sơ mi để lộ nơi bắt đầu khe ngực và chiếc áo choàng trench-coat ôm sát khiến vóc dáng cô cao ráo hơn. Trong phần đời trước kia, tôi biết đến cô như một tín đồ của dòng nhạc grunge[6], kéo lê đôi Doc Martens bằng da cũ sờn, cả người chìm lút trong những chiếc sơ mi kẻ ca rô chẳng ra hình thù gì, những chiếc áo khoác dài vá víu và những chiếc quần jean 501 rách rưới. Vốn giỏi xoay xở hơn tôi, Fanny đã tìm được một ly rượu sâm panh. “Ngược lại, tôi không thể nào tìm được bỏng ngô,” cô vừa nói vừa ngồi xuống bên cạnh tôi, như thể chúng tôi sắp sửa xem một bộ phim. Giống như khi còn là nữ sinh trung học, cô đeo trên cổ một chiếc máy ảnh – một chiếc Leica M – và bắt đầu chụp ảnh đám đông. Tôi đã quen biết Fanny từ lâu. Maxime, cô và tôi từng học cùng ở trường tiểu học trong khu Fontonne, nơi còn được chúng tôi gọi là "trường cũ" với những tòa nhà đẹp đẽ mang phong cách Nền Cộng hòa thứ ba, ngược lại với những công trình lắp ghép của trường René-Cassin mà thành phố Antibes mở ra sau này. Thời niên thiếu, Fanny từng là bạn gái thân thiết của tôi. Đó là cô gái đầu tiên tôi đi chơi cùng, hồi cấp hai, năm lớp chín. Một chiều thứ Bảy, chúng tôi đi xem Rain Man ở rạp chiếu phim, và trên đường về, trong chuyến xe buýt đưa chúng tôi trở về Fontonne, trong lúc mỗi đứa đeo một bên tai nghe chiếc Walkman của tôi, chúng tôi đã trao nhau vài nụ hôn vụng về. Bốn hay năm lần gì đó, giữa bài Bởi vì em ra đi và Miễn là họ dịu dàng. Chúng tôi hẹn hò với nhau đến tận năm lớp mười một, rồi chia tay nhưng vẫn là bạn bè. Fanny nằm trong số những cô gái chín chắn và tự do, những người bắt đầu từ năm cuối cấp đã ngủ với người này người kia nhưng chẳng gắn bó với một ai. Đó là chuyện hiếm ở Saint-Ex, và nhiều người lên án cô. Còn tôi vẫn luôn tôn trọng cô, nhất là bởi vì đối với tôi, cô giống như hiện thân của một dạng thức tự do nhất định. Cô là bạn của Vinca, là một nữ sinh xuất sắc và là một cô gái tốt bụng, ba phẩm chất khiến cô trở nên quý giá đối với tôi. Sau khi học xong đại học Ý, cô đã lăn lộn rất nhiều giữa công việc của một bác sĩ chiến trường và những chuyến công tác nhân đạo. Tôi tình cờ gặp lại cô, vài năm trước, trong một khách sạn ở Beyrouth nơi tôi tham gia Hội chợ sách Pháp ngữ, và cô đã tâm sự với tôi là cô có ý định trở về Pháp. “Cậu có nhìn thấy các thầy cô giáo cũ không?” cô hỏi tôi. Bằng một cái hất cằm, tôi chỉ cho cô thầy N’Dong, thầy Lehmann và cô Fontana, giáo viên toán, vật lý và khoa học tự nhiên. “Một xâu toàn những nhân vật tàn ác,” Fanny vừa buông thõng một câu vừa chụp ảnh ba người họ. “Về điểm này, tôi không thể nói là cậu sai được. Cậu làm việc ở Antibes à?” Cô gật đầu. “Từ hai năm nay, tôi làm ở khoa tim mạch, bệnh viện Fontonne. Tôi điều trị cho mẹ cậu ở đấy. Bà không kể với cậu sao?” Thấy tôi im lặng, cô hiểu ra là tôi không biết chuyện đó. “Mẹ cậu được theo dõi sức khỏe kể từ khi bà bị một cơn nhồi máu cơ tim nhẹ, nhưng bây giờ thì ổn rồi,” Fanny trấn an tôi. Tôi rất đỗi ngạc nhiên. “Giữa tôi và mẹ tôi, mọi chuyện khá phức tạp,” tôi nói để lảng tránh chủ đề này. “Đám con trai, người nào mà chẳng nói thế, đúng không?” cô hỏi tôi mà không tìm cách biết thêm thông tin. Rồi cô đưa tay chỉ một giáo viên khác. “Cô ấy thì lại rất dễ mến!” Fanny thốt lên. Tôi phải mất một lúc mới nhận ra người đó. Cô DeVille, một giáo viên người Mỹ dạy môn văn học Anh ở lớp dự bị chuyên ngành văn chương. “Hơn nữa, cô ấy trông vẫn rất ngon lành!” Fanny trầm trồ. “Chẳng khác nào Catherine Zeta-Zones!” Cô DeVille cao hơn một mét tám. Đi đôi giày cao gót, cả người bó chặt trong chiếc quần bằng da và một áo vest không cổ, cô có mái tóc dài và thẳng phủ xuống vai như những chiếc đũa. Với dáng người thon mảnh thanh thoát, trông cô còn trẻ trung hơn cả một số nữ sinh cũ của mình. Cô bao nhiêu tuổi hồi đến dạy ở trường Saint-Ex? Hai mươi lăm chăng? Cùng lắm là ba mươi. Bởi vì tôi học lớp dự bị khoa học, nên cô chưa từng dạy tôi, nhưng tôi vẫn nhớ là cô rất được học sinh yêu mến, đặc biệt một số anh chàng còn dành cho có sự ngưỡng mộ gần như sùng bái. Trong vòng vài phút, tôi và Fanny tiếp tục quan sát các bạn học cũ và nhắc lại những kỷ niệm. Khi nghe cô nói, tôi nhớ ra lý do tại sao tôi luôn yêu quý cô bạn này. Từ cô toát ra điều gì đó rất tích cực, tràn đầy năng lượng. Và hơn nữa, cô lại còn có khiếu hài hước. Tuy nhiên, cô không có được một khởi đầu dễ dàng trong cuộc đời. Mẹ cô từng là một phụ nữ tóc vàng xinh đẹp với làn da nâu và ánh mắt dịu dàng đến chết người, bà là nhân viên bán hàng ở Cannes, trong một cửa hàng quần áo trên phố Croisette. Khi chúng tôi học lớp một, bà đã bỏ chồng và ba đứa con để đi theo ông chủ sang Nam Mỹ. Trước khi được nhận vào ký túc ở Saint-Ex, Fanny đã sống gần mười năm với bố, ông bị liệt sau một tai nạn lao động trên công trường. Cùng với hai người anh trai – không được sáng láng cho lắm – cả nhà cô sống trong một căn nhà cho thuê giá rẻ cũ nát. Không phải những địa điểm được nhắc đến trong các cẩm nang du lịch của khu Antibes-Juan-les-Pins. Nữ bác sĩ tim mạch buông thêm vài câu chế nhạo, kiểu dễ dãi nhưng thú vị. ‘Étienne Labitte, cậu ta vẫn giữ nguyên vẻ mặt như cái bìu,’ rồi quay sang nhìn tôi chăm chú với một nụ cười kỳ quặc trên môi. “Cuộc đời đã phân lại một số vai, nhưng cậu thì vẫn luôn như thế.” Cô ngắm tôi qua ống kính chiếc Leica, rồi vừa chụp chân dung tôi vừa tiếp tục bài diễn thuyết. “Học sinh dẫn đầu lớp, đẳng cấp sang chảnh, sạch sẽ bảnh bao, với chiếc vest nỉ đẹp đẽ và sơ mi xanh da trời.” “Do cậu nói ra, nên tôi thừa hiểu đó không phải một lời khen.” “Cậu nhầm rồi.” “Con gái chỉ thích đám bad boys, không phải thế sao?” “Hồi mười sáu tuổi thì đúng. Nhưng không phải ở tuổi bốn mươi!” Tôi nhún vai, nheo mắt rồi giơ tay lên che mắt cho khỏi chói. “Cậu đang tìm ai sao?” “Maxime.” “Vị dân biểu tương lai của chúng ta ư? Tôi vừa cùng cậu ấy hút một điếu thuốc ở bên cạnh nhà thể chất, nơi sẽ diễn ra bữa tiệc họp mặt của khóa chúng ta. Cậu ấy không có vẻ gì là vội vàng đi tiến hành chiến dịch vận động tranh cử cả đâu. Chết tiệt, cậu có nhìn thấy mặt Aude Paradis không? Đập đi xây lại hoàn toàn, tội nghiệp cô nàng! Cậu có chắc là không có bỏng ngô không, hả Thomas? Tôi có thể ngồi ở đây hàng giờ. Cũng thú vị gần bằng Trò chơi vương quyền!” Nhưng sự phấn khích của cô đột ngột tắt ngấm như bị giội nước lạnh, khi cô nhìn thấy hai nhân viên của trường đang kê một chiếc bục nhỏ và lắp micro. “Sorry, tôi sẽ bỏ qua những bài diễn văn chính thức, cô vừa tuyên bố với tôi vừa đứng dậy.” Ở đầu bên kia bậc thang, Stéphane Pianelli đang ghi chép và hào hứng trò chuyện với viên quận trưởng. Khi bắt gặp ánh mắt tôi, anh chàng phóng viên tờ Nice Buổi sáng khẽ đưa tay lên vẫy, chắc hẳn cử chỉ đó có ý nghĩa đại loại là “Đừng đi đâu cả, tôi đến đây”. Fanny phủi bụi trên chiếc quần jean, rồi bằng phong cách rất riêng, cô bắn ra mũi tên cuối cùng. “Cậu biết gì không? Tôi tin rằng cậu là một trong những gã trai hiếm hoi trên quảng trường này chưa từng ngủ với tôi.” Tôi những muốn đáp lại bằng một câu nào đó hóm hỉnh, nhưng chẳng nghĩ ra điều gì phù hợp, bởi vì những lời vừa rồi của cô không nhằm mục đích pha trò. Chúng vừa buồn bã lại vừa phóng đại thái quá. “Hồi ấy, cậu còn đang tràn ngập ngưỡng mộ trước Vinca,” cô nhớ lại. “Đúng thế,” tôi thừa nhận. “Tôi yêu cô ấy. Cùng giống như mọi người ở đây thôi, đúng không?” “Đúng thế, nhưng riêng cậu, lúc nào cậu cũng thần tượng hóa cô ấy.” Tôi thở dài. Sau khi Vinca mất tích và thông tin về mối diễm tình giữa cô với một giáo viên trong trường bị lộ ra, những lời đồn đại và những chuyện ngồi lê đôi mách tha hồ được thêu dệt để biến cô gái trẻ thành một kiểu Laura Palmer[7] phiên bản Côte d’Azur. Twin Peaks ở xứ sở của Pagnol. “Fanny này, cả cậu cũng sẽ không định bắt đầu đâu nhỉ.” “Tùy cậu thôi. Chắc là làm đà điểu rúc đầu trong cát thì sẽ dễ dàng hơn. Nhắm mắt sống thì dễ, như lời của một bài hát.” Cô cất máy ảnh vào túi xách, xem đồng hồ rồi đưa cho tôi ly rượu sâm panh mới uống phân nửa. “Tôi bị muộn rồi, và lẽ ra tôi không nên uống thứ này. Tôi có phiên trực chiều nay. Hẹn gặp lại lần sau nhé, Thomas.” Bà hiệu trưởng đọc diễn văn, một công việc nhàm chán trống rỗng mà một số nhân vật trong hệ thống giáo dục quốc gia tự biến thành nó thành đặc sản. Xuất thân là người Paris, bà Guirard chưa tại vị ở nơi này bao lâu. Bà chỉ có chút hiểu biết sách vở về ngôi trường, và nhắc lại những chuyện nhàm chán của một nhà quản lý kiểu kỹ trị. Trong lúc nghe bà nói, tôi tự hỏi tại sao cha mẹ tôi không đến. Chắc là họ có được mời, với tư cách là cựu quản lý của trường. Tôi tìm kiếm cha mẹ trong đám đông nhưng vô ích, và sự vắng mặt của họ khiến tôi băn khoăn. Sau khi kết thúc đoạn phát biểu về "các giá trị toàn cầu về lòng khoan dung, về sự công bằng trong các cơ hội và về khả năng đối thoại giữa các nền văn hóa mà trường chúng ta vẫn luôn mang lại", lúc này nữ hiệu trưởng đang liệt kê những "nhân vật xuất sắc" đã từng theo học tại trường. Tôi cũng nằm trong số đó, cùng với chừng chục người nữa, và khi tên tôi được xướng lên và được vỗ tay hoan hô, một số ánh mắt quay nhìn về phía tôi. Tôi nở nụ cười hơi ngượng nghịu trước khi gật đầu phác một cử chỉ mơ hồ ngụ ý "cảm ơn". “Thôi xong rồi, cậu đã bị lột mặt nạ, nghệ sĩ ạ,” Stéphane Pianelli vừa cảnh báo vừa ngồi xuống bên cạnh tôi. “Trong vài phút nữa, người ta sẽ đến yêu cầu cậu ký tặng sách. Người ta sẽ hỏi cậu xem liệu con chó của Michel Drucker có sủa giữa các lần cắn hay không, và người ta sẽ muốn biết liệu Anne-Sophie Lapix có còn dễ thương nữa không sau khi các máy quay đã tắt.” Tôi cảnh giác để khỏi bồi thêm vào sự hứng khởi của Pianelli, nhưng cậu ta vẫn tiếp tục bài độc thoại. “Người ta cũng sẽ hỏi cậu tại sao lại để cho nhân vật chính chết ở đoạn kết Vài ngày bên em. Và cậu lấy đâu ra cảm hứng với cả…” “Để cho tôi yên một lát đi, Stéphane. Lúc trước, cậu đang muốn nói chuyện gì với tôi nhỉ? Chuyện về bài báo đó là thế nào vậy?” Anh chàng phóng viên hắng giọng. “Cậu không có mặt ở Côte d’Azur hồi tháng trước sao?” “Không, tôi mới đến sáng nay.” “OK@ Cậu đã nghe nói đến các "hiệp sĩ tháng Năm" chứ?” “Không, nhưng tôi hình dung là người ta không nhìn thấy họ chạy ở trường đua ngựa Cagnes-sur-Mer.” “Rất thú vị đấy. Thật ra, đó là hiện tượng trời trở lạnh đôi khi xảy ra vào giữa mùa xuân và gây ra những trận băng giá muộn…” Vừa nói, anh chàng vừa lấy từ trong túi áo bu-dông ra một điếu thuốc lá điện tử. “Mùa xuân vừa rồi, trên vùng bờ biển này, thời tiết vô cùng tồi tệ. Lúc đầu trời rất lạnh, rồi chúng tôi phải chịu đựng những trận mưa như trút suốt nhiều ngày liền.” “Nói ngắn gọn thôi, Stéphane.” Tôi cắt lời cậu ta. “Cậu không định nhắc lại với tôi bản tin thời tiết những tuần vừa rồi đấy chứ!” Bằng một cái hất cằm, anh chàng phóng viên chỉ về phía những tòa nhà nhiều màu sắc của khu ký túc xá đang lấp lánh như ngàn đốm lửa dưới ánh mặt trời phía xa. “Rất nhiều căn hầm trong khu ký túc xá đã bị ngập.” “Chuyện đó thì có gì là mới. Cậu thấy độ dốc của địa hình rồi đấy! Ngay từ hồi chúng ta còn học ở đây thì cũng cứ hai năm lại ngập một lần rồi.” “Đúng thế, nhưng dịp cuối tuần ngày 8 tháng Tư, nước lên đến tận các sảnh vào. Ban giám hiệu đã phải cho xử lý khẩn cấp và moi sạch toàn bộ các tầng ngầm.” Pianelli rít vài hơi "thuốc" rồi nhả ra một dạng hơi nước thơm mùi cỏ roi ngựa và tinh dầu bưởi. So với những điếu xì gà của Che Guevara, cảnh tượng một nhà cách mạng đang rít thuốc lá điện tử mùi vị thảo dược có điều gì đó thật nực cười. “Đặc biệt, trường đã loại bỏ cả vài chục tủ đựng đồ bằng kim loại han gỉ được tích trữ trong khu tầng hầm suốt từ giữa những năm 1990. Một công ty chuyên dọn dẹp đã được ủy quyền để chuyển chúng ra bãi rác, nhưng trước khi công ty đó bắt tay vào việc, một số học sinh đã đùa nghịch bằng cách mở các ngăn tủ ra. Và cậu sẽ không bao giờ đoán được chúng tìm thấy thứ gì đâu.” “Nói cho tôi nghe xem nào.” Anh chàng phóng viên cố kéo dài tác động của câu nói càng lâu càng tốt. “Chúng tìm thấy một cái túi thể thao bằng da có chứa một trăm ngàn franc, toàn những tờ mệnh giá một trăm và hai trăm franc! Cả một gia tài nho nhỏ nằm ở đây suốt hơn hai chục năm…” “Vậy là cảnh sát đã đến Saint-Ex?” Tôi hình dung ra đám cảnh sát ập vào trường và toàn bộ cảnh náo động mà việc đó có khả năng gây ra. “Chuyện đó thì khỏi phải nói rồi! Và như tôi đã kể lại trong bài báo của mình, thậm chí họ còn rất phấn khích. Một vụ án cũ, tiền bạc, một trường trung học danh giá: chẳng cần phải thúc đẩy nhiều thì họ cũng rà soát kỹ càng từng chút một, không chừa chỗ nào.” “Để thu được kết quả gì?” “Thông tin còn chưa được công bố, nhưng tôi biết họ đã tìm thấy trên chiếc túi hai dấu vân tay hoàn toàn có thể khai thác được.” “Và?” “Và một trong hai dấu vân tay đó đã được lưu trong hồ sơ của cảnh sát.” Tôi nín thở trong lúc Pianelli chuẩn bị đòn tấn công mới. Cứ nhìn ánh lửa đang nhảy nhót trong mắt cậu ta, tôi hiểu rằng đòn tấn công đó sẽ khiến tôi rất đau đớn. “Đó là dấu vân tay của Vinca Rockwell.” Tôi chớp mắt nhiều lần trong lúc ghi nhận thông tin. Tôi cố gắng suy nghĩ về mọi nghĩa của câu nói ấy, nhưng não bộ tôi trống rỗng, không chịu hoạt động. “Kết luận của cậu là gì, hả Stéphane?” “Kết luận của tôi ư? Đó là tôi đã đúng ngay từ đầu!” anh chàng phóng viên nổi khùng. Bên cạnh chính trị, vụ án Vinca Rockwell là sở thích lớn thứ hai của Stéphane Pianelli. Mười lăm năm trước, thậm chí cậu ta còn viết hẳn một cuốn sách về chủ đề này, với cái tiêu đề đậm chất Schubert: Cô gái và thần Chết. Một công trình điều tra nghiêm túc và toàn diện, nhưng không tiết lộ được thông tin gì đáng kể về vụ mất tích của Vinca cùng người tình. “Nếu Vinca thực sự chuồn đi cùng với Alexis Clément,” cậu ta nói tiếp, “thì có lẽ cô ta đã mang theo số tiền ấy! Hoặc ít ra cũng phải quay lại để lấy!” Tôi cảm thấy cách lập luận của cậu ta có vẻ hời hợt. “Chẳng có gì chứng tỏ đó là tiền của cô ấy,” tôi phản bác. “Không phải vì trên túi có dấu vân tay của Vinca mà cho rằng số tiền là của cô ấy.” “Vẫn phải thừa nhận rằng dù sao chuyện này cũng thật điên rồ.” Stéphane đồng ý với lập luận của tôi, nhưng tiếp tục phản công. “Số tiền ấy ở đâu ra? Một trăm ngàn franc! Vào những năm ấy, đó là một món khổng lồ.” Tôi chưa bao giờ hiểu rõ luận đề chính xác của cậu ta về vụ án Rockwell là chỗ nào, nhưng đối với Stéphane, giả thuyết bỏ trốn là không có cơ sở. Không có bằng chứng thực sự, Pianelli vẫn chắc như đinh đóng cột rằng sở dĩ chưa bao giờ có tin tức gì về Vinca là bởi cô đã chết từ lâu. Và có khả năng Alexis Clément chính là kẻ đã giết cô. “Chuyện đó có những hậu quả gì về mặt pháp lý?” “Tôi chịu thôi,” cậu ta vừa trả lời vừa khẽ bĩu môi. “Cuộc điều tra về vụ Vinca mất tích bị xếp xó nhiều năm nay. Cho dù bây giờ người ta có tìm ra thứ gì thì vụ này cũng hết thời hiệu rồi, đúng không?” Vẻ trầm ngâm, cậu ta lấy mu bàn tay xoa xoa chòm râu. “Cũng chưa nói. Có cả một án lệ phức tạp về vấn đề này. Ngày nay, trong một số trường hợp, thời hiệu không còn phụ thuộc vào việc thực hiện hành vi, mà phụ thuộc vào việc có phát hiện ra cái xác nào hay không.” Trong lúc cậu ta nhìn chòng chọc vào mắt tôi, tôi chọn cách chịu đựng ánh nhìn ấy. Pianelli chắc chắn là một tay chuyên săn tin nóng, nhưng tôi vẫn luôn tự hỏi về nguyên nhân khiến cậu ta ám ảnh với vụ việc xưa cũ này đến thế. Nhất là, theo tôi còn nhớ, cậu ta không phải bạn thân của Vinca. Hai người họ không giao du, và cũng không hề hòa thuận với nhau. Vinca là con gái của Pauline Lambert, một nữ diễn viên sinh ra ở Antibes. Một phụ nữ xinh đẹp có mái tóc hung cắt ngắn, và trong những năm 1970 bà từng đóng nhiều vai nhỏ trong các phim của Yves Boisset và Henri Verneuil. Điểm nhấn trong sự nghiệp điện ảnh của bà: một cảnh ngực trần hai mươi giây đóng chung với Jean-Paul Belmondo trong phim Vận Rủi. Năm 1973, trong một hộp đêm ở Juan-les-Pins, Pauline đã gặp Mark Rockwell, một tay đua xe người Mỹ cầm lái ở giải F1 cho đội Lotus trong một thời gian ngắn, và đã nhiều lần tham gia chặng 500 dặm của giải đua Indianapolis. Nhưng điều chủ yếu, Rockwell là con út trong một gia đình có thế lực ở Massachusetts, cổ đông chính của chuỗi siêu thị rất quen thuộc trong vùng Đông Bắc nước Mỹ. Ý thức được rằng sự nghiệp của mình đang giẫm chân tại chỗ, Pauline đã theo người tình đến Mỹ, nơi cặp đôi tổ chức lễ cưới. Vinca, con gái duy nhất của họ, ra đời ngay sau đó, ở Boston, nơi cô sống mười lăm năm đầu đời trước khi nhập học trường Saint-Ex, sau cái chết thê thảm của bố mẹ. Vợ chồng ông bà Rockwell nằm trong số những hành khách thiệt mạng trong một thảm họa hàng không, mùa hè năm 1989. Máy bay của họ bị giảm áp suất đột ngột khi đang rời phi trường Hawaii. Thảm kịch đã khiến người ta bàng hoàng, do khoang máy bay bị mở đột ngột, sáu hàng ghế hạng thương gia đã bị bật khỏi rồi cuốn ra ngoài thân máy bay. Vụ tai nạn đã gây ra cái chết của mười hai hành khách, và lần này, những người giàu nhất lại bị thua thiệt. Một giai thoại, chắc hẳn không phải không khiến Pianelli thích thú. Do nguồn gốc xuất thân và cách hành xử của cô, xét bề ngoài, Vinca đương nhiên là hiện thân của tất cả những gì Pianelli căm ghét: con gái cưng của một ông bố thuộc tầng lớp tư sản Mỹ, một người thừa kế thuộc giới tinh hoa và trí thức, đắm chìm trong triết học Hy Lạp, điện ảnh của Tarkovsky, thơ ca của Lautréamont. Một cô gái hơi điệu đà, có nhan sắc siêu thực, không sống trong thế giới thực mà trong thế giới của riêng cô. Rốt cuộc, là một cô gái hơi khinh khỉnh đối với những gã trai trẻ kiểu Stéphane, mặc dù cô không ý thức được điều đó. “Tất cả những chuyện này chỉ tác động đến cậu có thế thôi à, mẹ kiếp?” cậu ta đột nhiên hỏi tôi. Tôi thở dài, nhún vai và tỏ vẻ dửng dưng. “Tất cả những chuyện đó đã xa rồi, Stéphane ạ.” “Xa rồi ư? Tuy nhiên, Vinca từng là bạn cậu. Cậu luôn ngưỡng mộ cô ta, cậu…” “Hồi ấy tôi mới mười tám tuổi, vẫn còn là một thằng oắt. Tôi đã lật sang trang đời khác từ lâu rồi.” “Đừng có coi thường tôi, nghệ sĩ ạ. Cậu chẳng lật sang trang nào hết. Tôi đây, tôi đã đọc hết các tiểu thuyết của cậu: khắp nơi trong đó đều có Vinca hiện diện. Có thể bắt gặp cô ta trong hầu hết các nhân vật nữ chính của cậu.” Cậu ta bắt đầu khiến tôi khó chịu. “Đúng là thứ tâm lý học ba xu. Xứng đáng với mục chiêm tinh trên báo lá cải của cậu đấy!” Lúc này, khi hai bên đã cao giọng, Stéphane Pianelli như bị điện giật. Sự kích động hiện rõ mồn một trong mắt cậu ta. Vinca đã khiến cậu ta phát điên, chắc hẳn cũng giống như cô từng khiến vô khối gã trai khác phát điên trước cậu ta, mặc dù lý do họ phát điên thì không giống nhau. “Cậu muốn nói gì tùy cậu, Thomas ạ. Tôi sẽ tiếp tục cuộc điều tra, lần này là nghiêm túc.” “Cậu đã thất bại thảm hại mười lăm năm trước đó thôi,” tôi nhắc. “Việc phát hiện ra số tiền đã thay đổi mọi chuyện! Chừng ấy tiền mặt, theo cậu thì chúng che giấu chuyện gì? Còn tôi, tôi chỉ nhìn thấy ở đây có ba khả năng: buôn ma túy, tham nhũng hoặc tống tiền.” Tôi day day hai bên mí mắt. “Cậu đang tự vẽ ra một bộ phim đấy, Pianelli ạ.” “Đối với cậu, vụ án Rockwell không tồn tại chăng?” “Cứ cho rằng đấy chỉ là câu chuyện vớ vẩn về một cô gái trẻ đã bỏ trốn cùng với anh chàng mà cô ấy yêu.” Pianelli nhăn mặt. “Ngay bản thân cậu cũng không tin vào giả thuyết đó dù chỉ một giây, nghệ sĩ ạ. Hãy ghi nhớ kỹ điều tôi sắp nói với cậu đây: vụ Vinca mất tích cũng giống như một cuộn len. Một ngày nào đó, có người sẽ rút đúng sợi len cần rút và toàn bộ cuộn len sẽ xổ tung.” “Và người ta sẽ phát hiện ra điều gì?” “Điều gì đó tày trời, lớn hơn tất cả những gì chúng ta từng tưởng tượng ra.” Tôi đứng dậy để chấm dứt cuộc trò chuyện. “Lẽ ra chính cậu nên làm nhà văn mới phải. Tôi có thể giúp đỡ nếu cậu muốn tìm một nhà xuất bản.” Tôi xem đồng hồ. Tôi phải tìm Maxime gấp. Anh chàng phóng viên cũng đột ngột bình tĩnh lại, đến lượt cậu ta đứng dậy và vỗ vai tôi. “Hẹn gặp lại cậu sau, nghệ sĩ nhé. Tôi tin chắc là chúng ta sẽ gặp lại nhau.” Giọng cậu ta nghe chẳng khác nào giọng một cảnh sát vừa gỡ bỏ lệnh tạm giam cho tôi. Tôi cài cúc áo vest và bước xuống một bậc thang. Lưỡng lự vài giây rồi quay lại. Cho đến giờ, tôi chưa đi bước nào sai lầm. Nhất thiết không được để cậu ta có cớ mà nghi ngờ, nhưng một câu hỏi cứ cháy bỏng ở đầu môi tôi. Tôi tìm cách diễn đạt nó với thái độ thật dửng dưng. “Có đúng cậu vừa nói với tôi rằng người ta đã tìm thấy tiền trong một chiếc tủ đựng đồ cũ không?” “Ờ.” “Chính xác là chiếc tủ nào?” “Một chiếc tủ sơn màu vàng nhạt. Màu của tòa nhà Henri-Matisse.” “Đó không phải tòa nhà Vinca sống hồi đó!” tôi hoan hỉ thốt lên. “Phòng ký túc của cô ấy nằm trong tòa nhà màu xanh da trời: Nicolas-de-Staël.” “Cậu nói đúng,” Pianelli hưởng ứng, “tôi đã kiểm tra lại thông tin đó. Này, nói tôi nghe xem, với một người đã lật sang trang mới thì cậu có trí nhớ thật tuyệt vời đấy.” Một lần nữa, cậu ta nhìn tôi đầy thách thức bằng ánh mắt sáng rực, như thể vừa cài bẫy tôi, nhưng tôi chịu đựng ánh mắt cậu ta và còn dấn thêm một quân tốt. “Thế cái ngăn tủ đó có viết tên không?” Cậu ta lắc đầu. “Sau từng ấy năm, cậu cũng biết thừa là tất cả đã bị xóa sạch.” “Không có hồ sơ lưu trữ về những người được giao dùng những chiếc tủ đó sao?” “Hồi đó, người ta không tự rước thêm phiền toái cho mình với những việc như thế,” cậu ta vừa nói vừa cười gằn. “Vào đầu năm, học sinh muốn nhận ngăn tủ nào tùy ý: ai đến trước nhận trước.” “Và trong trường hợp cụ thể này, đó là ngăn tủ nào?” “Tại sao cậu lại muốn biết điều đó?” “Tò mò thôi. Cậu biết mà, cánh phóng viên có bao giờ thiếu thông tin về những chuyện kiểu này.” “Tôi đã đăng bức ảnh trong bài báo của mình. Tôi không có nó ở đây, nhưng đó là ngăn AI. Khoang đầu tiên trên cao, bên trái. Điều đó có ý nghĩa gì với cậu không?” “Chẳng có ý nghĩa gì cả. Tạm biệt, Stéphane.” Tôi quay gót và rảo bước để rời khỏi quảng trường trước khi bài diễn văn kết thúc. Trên bục, bà hiệu trưởng chuẩn bị kết thúc bài phát biểu, lúc này bà đang nhắc đến việc sắp sửa phá bỏ nhà thể chất và đặt viên đá đầu tiên cho "công trình tham vọng nhất của trường chúng ta từ trước tới nay". Bà cảm ơn các nhà tài trợ hào phóng, nhờ có họ mà dự án này, đã được khởi động từ hơn ba mươi năm trước, sắp được triển khai: "xây dựng một tòa nhà dành riêng cho các lớp học dự bị, một khu vườn rộng bao quanh và một trung tâm thể thao mới có bể bơi đạt chuẩn Olympic". Nếu trước đó tôi vẫn còn nghi ngờ về những gì đang chờ đợi mình, thì những nghi ngờ ấy vừa tan biến. Tôi đã nói dối Pianelli. Tôi biết rất rõ ngăn tủ nơi người ta tìm thấy số tiền đó trước đây từng thuộc về ai. Chính là ngăn tủ của tôi. Ivy League hay Liên đoàn Ivy là một liên đoàn thể thao bao gồm tám cơ sở giáo dục đại học ở miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Tuy nhiên Ivy League hiện nay còn thường được dùng để chỉ nhóm tám trường đại học và viện đại học lâu đời, có chất lượng hàng đầu nước Mỹ. Một bộ phim của đạo diễn người Ý Luchino Visconti, sản xuất năm 1960, do Alain Delon thủ vai chính. Một cách chơi chữ: trong tiếng Pháp, từ này có nghĩa là "diều hâu". Một tiểu thể loại alternative rock xuất hiện vào khoảng giữa thập niên 1980 tại bang Washington, Hoa Kỳ, đặc biệt tại Seattle. Nhân vật trong sê ri phim truyền hình Twin Peaks của đạo diễn David Lynch, nhân vật nữ sinh trung học này cũng có những mối quan hệ tình ái bí mật. 3 Những gì chúng ta đã làm Lúc mọi người bắt đầu nói thật thường chính là thời điểm họ cần đến luật sư nhất. — P.D. JAMES Nhà thể chất là một khối hình hộp bằng bê tông xây dựng trên một mặt bằng được rừng thông bao bọc xung quanh. Ta có thể đến đó bằng cách đi qua một con đường khá dốc, hai bên là những vách đá vôi đồ sộ, trắng như xà cừ, dội lại ánh mặt trời chói chang, Đến bãi đỗ xe, tôi nhìn thấy một chiếc xe ben và một chiếc xe ủi đậu cạnh một tòa văn phòng lắp ghép của đơn vị thi công, và nỗi lo lắng trong tôi dâng cao thêm một bậc. Công ty Algeco nắm giữ đủ bộ các công cụ cần thiết: máy khoan, máy phá bê tông, máy cắt kim loại, các loại móng ngoạm và xẻng xúc gạch vữa vụn. Bà hiệu trưởng đã không nói ngoa: tòa nhà thể chất cũ đang sống nốt những giờ phút cuối cùng. Việc phá dỡ sắp bắt đầu, và cùng với nó là khởi đầu cho sự sụp đổ của chúng tôi. Tôi đi vòng qua phòng tập thể thao để tìm Maxime. Mặc dù không còn giữ liên hệ trực tiếp, nhưng tôi vẫn theo dõi từ xa từng bước đường của cậu ta, với lòng say mê thực sự xen lẫn đôi chút tự hào. Đối với quỹ đạo của bạn tôi, vụ việc Vinca Rockwell đã có tác động ngược với tác động của nó lên quỹ đạo đời tôi. Nếu như các sự kiện đó hủy diệt và cắt đứt đà phát triển của tôi thì chúng lại giúp phá tung nhiều ổ khóa trong con người Maxime, giải thoát cậu ta khỏi lớp quặng bao bọc bên ngoài, để cậu ta tự do viết nên câu chuyện của riêng mình. Sau những gì chúng tôi đã làm, tôi không bao giờ còn như trước được nữa. Tôi sống trong nỗi kinh hoàng, và tâm trí rối loạn đã khiến tôi thất bại thảm hại trong năm học toán cao cấp. Ngay mùa hè năm 1993, tôi đã rời khỏi Côte d’Azur để chuyển đến Paris, và trong nỗi tuyệt vọng của cha mẹ, tôi định hướng lại nghề nghiệp để theo học tại một trường thương mại hạng xoàng. Khi đã đến thủ đô, tôi sống lay lắt suốt bốn năm. Tôi bỏ phân nửa số tiết học và dành thời gian còn lại trong ngày ở các quán cà phê, hiệu sách và rạp chiếu phim xung quanh Saint-Germain-des-Prés. Vào năm thứ tư, trường đại học buộc sinh viên phải ra nước ngoài sáu tháng. Trong khi phần lớn các bạn cùng khóa tìm được chân thực tập trong một doanh nghiệp lớn, tôi đành bằng lòng với một vị trí khiêm tốn hơn: tôi được tuyển dụng làm trợ lý cho Evelyn Warren, một nữ trí thức người New York hoạt động vì nữ quyền. Hồi ấy, mặc dù đã ở tuổi tám mươi, Warren vẫn tiếp tục đi thuyết trình tại hội thảo của các trường đại học trên khắp nước Mỹ. Bà là một nhân vật xuất sắc, nhưng cũng là một phụ nữ ưa áp đặt và đỏng đảnh, luôn giận dữ với tất cả mọi người. Chỉ có Chúa mới biết tại sao, nhưng bà rất quý tôi. Có thể bởi vì tôi khá nhạy cảm với tâm tính thất thường của bà, và bởi vì bà không thể ảnh hưởng tới tôi. Dù không tự coi mình như một người bà thay thế, nhưng bà yêu cầu tôi ở lại làm việc cho bà sau khi học xong, và giúp tôi có được thẻ xanh[1]. Chính vì thế, tôi làm trợ lý cho bà đến tận khi bà qua đời, và ở trong một chái căn hộ của bà tại khu Đông Thượng Manhattan. Trong thời gian rảnh rỗi – là thứ tôi có rất nhiều – tôi làm công việc duy nhất thực sự giúp tôi nguôi ngoai: viết ra những câu chuyện. Vì không làm chủ được cuộc đời mình, tôi sáng tác ra những thế giới tươi sáng, được gỡ bỏ khỏi mọi nỗi âu lo vẫn luôn gặm nhấm tôi. Những chiếc đũa thần có tồn tại. Với tôi, chúng hiển hiện dưới hình dạng một chiếc bút Bic Cristal. Chỉ một franc năm mươi cent, là bạn được phép tiếp cận với một thứ công cụ có khả năng thay đổi diện mạo của thực tế, sửa chữa nó, thậm chí là phủ nhận nó. Năm 2000, tôi cho phát hành cuốn tiểu thuyết đầu tay, và nhờ những thông tin truyền miệng, tác phẩm này lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất. Từ đó đến nay, tôi đã viết được chừng chục cuốn sách. Viết lách và quảng bá sách đã chiếm hết thời gian của tôi. Thành công của tôi là có thực, nhưng trong mắt gia đình tôi, viết tiểu thuyết hư cấu không nằm trong những nghề nghiệp nghiêm túc. "Ấy thế mà ba mẹ đã từng hy vọng con sẽ trở thành kỹ sư cơ đấy", thậm chí có hôm cha tôi còn nói với tôi câu đó, bằng giọng tế nhị quen thuộc. Dần dần, những lần tôi về thăm Pháp cách quãng hơn, và hiện nay chỉ còn giới hạn trong một tuần quảng cáo và ký tặng sách. Tôi có một chị gái và một anh trai, những người hầu như tôi không bao giờ gặp. Chị Marie học trường Mỏ và giữ một chức vụ quan trọng trong Cục thống kê ngoại thương. Tôi không biết chính xác công việc thực tế của chị bao gồm những gì, nhưng cũng không hình dung ra điều gì đó vui vẻ cho lắm. Còn Jérôme, anh là người hùng thực sự của gia đình: là bác sĩ phẫu thuật nhi khoa, kể từ trận động đất năm 2010, anh làm việc tại Haïti, nơi anh điều phối các hoạt động của tổ chức Bác sĩ không biên giới. Tuy nhiên, còn có Maxime. Cậu bạn chí cốt của tôi trước đây, người mà tôi chưa từng thay thế bằng bất cứ ai. Người anh em tâm giao của tôi. Tôi quen biết cậu ta từ rất lâu rồi: gia đình đằng bố cậu ta và gia đình đằng mẹ tôi vốn xuất thân từ cùng một ngôi làng ở Ý, làng Montaldicio, trong vùng Piemonte. Trước khi cha mẹ tôi được cấp nhà công vụ ở Saint-Ex, chúng tôi từng là hàng xóm ở Antibes, trên đường Suquette. Nhà chúng tôi được xây sát cạnh nhau, cùng nhìn ra quang cảnh tuyệt đẹp trên một góc biển Địa Trung Hải. Thảm cỏ nhà chúng tôi chỉ bị một bức tường thấp bằng đá ong ngăn cách, là nơi chúng tôi chơi bóng đá, cũng là nơi cha mẹ chúng tôi tổ chức những bữa tiệc nướng. Ở trường trung học, trái ngược với tôi, Maxime không phải học sinh giỏi. Cũng không phải học sinh dốt, mà là một cậu bé hơi chậm trưởng thành, thích thể thao và những bộ phim bom tấn hơn là những tư tưởng tinh tế trong Giáo dục tình cảm[3] và Mai Nương Lệ Cốt[4]. Vào mùa hè, cậu ta kinh doanh trên bãi biển ở Mũi Antibes, Pháo đài Graillon. Tôi vẫn còn nhớ vóc dáng rực rỡ của cậu ta: nửa thân trên đẹp như tượng tạc, mái tóc dài như một vận động viên lướt sóng, quần đùi Rip Curl, giày Vans không dây. Cậu ta có sự ngây thơ hơi mơ mộng và mái tóc sớm hoe vàng của những thiếu niên trong phim của Gus Van Sant. Maxime là con trai duy nhất của Francis Biancardini, một chủ thầu xây dựng rất có tiếng trong vùng, người đã dựng nên một đế chế tại địa phương, vào thời kỳ những quy định về hồ sơ chỉ định thầu xây dựng còn linh hoạt hơn ngày nay. Bởi vì rất hiểu về ông, nên tôi biết rằng Francis là một người phức tạp, kín đáo và khó hiểu. Nhưng trong mắt mọi người, ông hiện ra như một kẻ cục cằn thô kệch với đôi bàn tay thợ nề to tướng, thân hình thừa cân so với tiêu chuẩn, bộ tịch lố lăng của một kẻ nhà quê, và những lời lẽ chỉ hợp với tửu điếm, thường là lặp lại những luận điệu hùng biện của phái cực hữu. Cũng chẳng cần phải làm gì nhiều mới khiến ông buông những lời đó ra. Những kẻ phải chịu trách nhiệm về tình trạng sa sút của đất nước xếp hàng dài trước kính ngắm của ông: "đám người Ả Rập, đám thành viên đảng Xã hội, đám đàn bà, lũ pê đê". Giống đực da trắng là người thống trị, theo phiên bản một gã nhà quê thô lậu to béo, kẻ không hiểu được rằng thế giới của gã đã tiêu tan. Suốt một thời gian dài, bị chèn ép bởi một người cha khiến cậu ta vừa xấu hổ lại vừa ngưỡng mộ, Maxime chật vật mãi không tìm được chỗ đứng cho bản thân. Chỉ sau thảm họa đó, cậu ta mới thoát được khỏi vòng kiềm tỏa của ông bố. Sự thay đổi kéo dài suốt hai mươi năm, và được thực hiện theo từng giai đoạn. Từ một học sinh làng nhàng trước đây, Maxime bắt đầu lao vào học gạo rồi lấy được tấm bằng kỹ sư xây dựng dân dụng và công cộng. Rồi cậu ta tiếp tục công việc điều hành công ty xây dựng của ông bố, biến nó thành một công ty đi đầu trong ngành xây dựng sinh thái ở địa phương. Sau đó, cậu ta đưa ra sáng kiến về Platform77, lò ấp lớn nhất cho trào lưu khởi nghiệp ở miền Nam nước Pháp. Song song với đó, Maxime đã thừa nhận xu hướng tình dục đồng giới của bản thân. Ngay từ mùa hè năm 2013, vài tuần sau khi luật hôn nhân đồng giới được thông qua, cậu ta đã kết hôn tại tòa thị chính Antibes với bạn trai, Olivier Mons – lại một cựu học sinh nữa của trường Saint-Ex – người đang điều hành thư viện đa phương tiện của thành phố. Hiện nay, cặp đôi đã có hai cô con gái nhỏ, được sinh ra bởi một phụ nữ mang thai hộ ở Mỹ. Tôi đã nhặt nhạnh được tất cả những thông tin kể trên từ các trang web của Nice Buổi sáng và Thách thức, cùng như trong một bài báo trên tạp chí Thế giới dành cho "Thế hệ Macron". Cho đến tận lúc đó vẫn chỉ là một ủy viên hội đồng thành phố đơn thuần, Maxime đã gia nhập đảng Tiến bước!, đảng của Tổng thống Cộng hòa Pháp tương lai, ngay từ khi đảng này được thành lập, và là một trong số những người đầu tiên tại địa phương ủng hộ Macron trong chiến dịch tranh cử của ông. Hiện nay, Maxime đang thèm muốn tranh chức dân biểu của khu vực bầu cử số bảy vùng Alpes Maritimes. Vốn có truyền thống gắn bó với cánh hữu, suốt hai chục năm nay dân cư vùng này sẽ bỏ phiếu vòng đầu tiên cho một ứng cử viên Cộng hòa theo xu hướng chính trị ôn hòa và nhân đạo chủ nghĩa làm tốt việc của mình, vẫn còn ba tháng nữa, không ai có thể hình dung rằng khu vực bầu cử số bảy lại có thể thay đổi màu sắc chính trị, nhưng vào mùa xuân năm 2017 này, một luồng năng lượng mới đã lan tỏa khắp đất nước. Làn sóng Macron đe dọa cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó. Cuộc bầu cử chắc chắn sẽ diễn ra với tỷ lệ phiếu bầu sát nút, nhưng lúc này Maxime dường như có rất nhiều cơ hội khi đối mặt với vị dân biểu sắp mãn nhiệm. Khi tôi nhìn thấy Maxime, cậu ta đang đứng trước cửa nhà thể chất, trò chuyện sôi nổi với chị em nhà Dupré. Từ xa, tôi chăm chú quan sát vóc dáng cậu ta, được bọc trong chiếc quần vải, áo sơ mi trắng và vest lanh. Khuôn mặt cậu ta rám nắng, hơi khắc khổ, ánh mắt sáng, mái tóc vẫn cháy nắng như trước. Léopoldine (Quý cô Ôm đầu) và Jessica (Quý cô Bimbo) uống từng lời của cậu ta, như thể Maxime đang ngâm nga cho họ nghe đoạn độc thoại của Rodrigue[5], trong khi cậu ta chỉ tìm cách thuyết phục hai cô nàng rằng việc tăng CSG[6]trong thời gian tới sẽ kéo theo sự gia tăng sức mua của toàn bộ những người làm công ăn lương. “Nhìn xem ai đây này!” Jessica reo lên khi thấy tôi. Tôi ôm hôn hai chị em sinh đôi – họ giải thích với tôi rằng họ chịu trách nhiệm về việc tổ chức dạ hội ngay tại đây tối nay – rồi vỗ vai Maxime. Có thể bộ não đang chơi khăm tôi, nhưng tôi thấy dường như từ người cậu ta vẫn tỏa ra mùi nước cốt dừa đặc trưng cho thứ sáp mà hồi trước cậu ta thường vuốt lên tóc. Chúng tôi phải chịu đựng câu chuyện với hai chị em sinh đôi đó thêm năm phút nữa. Suốt một lúc lâu, Léopoldine nhắc đi nhắc lại với tôi rằng cô hâm mộ các tiểu thuyết của tôi đến mức nào “và đặc biệt là Bộ ba tác phẩm về cái Ác”. “Tôi cũng thế, tôi rất thích câu chuyện đó, tôi nói, mặc dù tôi không phải người viết ra chúng. Nhưng tôi sẽ chuyển những lời khen ngợi của cậu đến anh bạn Chattam của tôi.” Mặc dù được nói ra bằng giọng hài hước, lời nhận xét của tôi vẫn khiến Léopoldine cảm thấy bị sỉ nhục. Cô nàng im bặt một lát, rồi lấy cớ là đã bị muộn giờ chăng đèn kết hoa trang trí, Léopoldine kéo cô chị về phía một nơi trông như cái lán để dụng cụ, chỗ tập kết các món đồ trang trí dành cho bữa tiệc. Cuối cùng, tôi cũng được ở riêng với Maxime. Được giải thoát khỏi ánh mắt của hai chị em sinh đôi, khuôn mặt cậu ta như bị rữa ra, trước cả khi tôi hỏi cậu ta có khỏe không. “Tớ suy sụp rồi.” Nỗi lo lắng của cậu ta tăng thêm một bậc khi tôi cho cậu ta xem cặp kính cùng lời nhắn mà tôi nhìn thấy ở quán Dino khi từ nhà vệ sinh trở ra: Trả thù. “Tớ cũng nhận được lời nhắn như thế ở phòng thường trực của tớ vào ngày hôm kia,” Maxime vừa thổ lộ với tôi vừa day day hai bên thái dương. Lẽ ra tớ phải kể với cậu qua điện thoại. “Thứ lỗi cho tớ, nhưng tớ đã nghĩ nếu làm thế sẽ khiến cậu nhụt chí và không đến đây nữa.” “Cậu có ý tưởng gì về danh tính người đã gửi thứ này cho chúng ta không?” “Không hề, nhưng cho dù ta có biết đó là ai, thì cũng chẳng thay đổi được gì nhiều.” Cậu ta hất đầu về phía chiếc máy ủi và khu vực chuẩn bị nơi các vật tư đang được tập kết. “Việc phá dỡ sẽ bắt đầu vào thứ Hai. Dù có làm gì, chúng ta cũng toi rồi.” Cậu ta lấy điện thoại di động ra để cho tôi xem ảnh hai con gái: Louise, bốn tuổi, và cô em Emma, hai tuổi. Bất chấp hoàn cảnh, tôi vẫn chúc mừng cậu ta. Maxime đã thành công ở nơi tôi thất bại: xây dựng một gia đình, vạch ra một lộ trình có ý nghĩa và trở nên hữu ích với cộng đồng. “Nhưng tớ sắp mất tất cả, cậu cũng biết thế còn gì!” cậu ta thốt lên, đầy hoảng hốt. “Chờ đã, có ai đánh đâu mà cậu đã khóc,” tôi nói nhưng vẫn không thể nào khiến cậu ta trấn tĩnh lại được. Tôi lưỡng lự một lát, rồi nói thêm, “Cậu đã trở lại chỗ đó rồi sao?” “Không,” cậu ta vừa nói vừa lắc đầu, tớ đang chờ cậu. Cả hai chúng tôi cùng bước vào nhà thể chất. Phòng tập thể thao vẫn rộng như trong ký ức của tôi. Hơn hai ngàn mét vuông được chia thành hai phần hoàn toàn tách biệt: phòng thể thao đa năng với một bức tường leo núi trong nhà và một sân bóng rổ với những dãy bậc thang bao quanh. Để chuẩn bị cho bữa tiệc tối sắp tới – "tiệc bùng nổ của cựu học sinh" kinh khủng mà bài báo nói tôi – người ta đã dồn đống những tấm trải sàn, thảm tập gym, khung thành và lưới, để lấy chỗ cho một sàn khiêu vũ và một cái bục nơi có lẽ là để dành cho một dàn nhạc. Những tấm giấy phủ kín các bàn bóng bàn. Những chuỗi dây hoa nhiều màu sắc và đồ trang trí thủ công góp phần hoàn thiện bức tranh. Khi bước đi trong căn phòng chính được trải kín bằng một lớp sàn tổng hợp, tôi không thể ngăn mình nghĩ rằng tối nay, trong lúc nhóm nhạc chơi lại những bài hit của các ban nhạc INXS và Red Hot Chili Peppers, sẽ có vài chục cặp đôi khiêu vũ sát gần một xác chết. Maxime đi cùng tôi đến tận bức tường ngăn cách phòng thể thao đa năng với sân bóng rổ và những bậc thang bao quanh. Mồ hôi nhỏ thành giọt hai bên thái dương cậu ta, và dưới nách áo, hai quầng sẫm màu đã tấn công chiếc vest lanh. Những bước chân cuối cùng của cậu ta chệnh choạng, rồi cậu ta đứng sững lại, như thể không đi nổi nữa. Như thể công trình bằng bê tông này đang đẩy lùi cậu ta, giống như hai cực nam châm cùng cực. Tôi áp một bàn tay lên bức tường, cố gắng chế ngự những cảm xúc trong lòng. Đây không phải một bức vách ngăn đơn thuần. Đây là một bức tường chịu lực có độ dày xấp xỉ một mét, xây hoàn toàn bằng gạch, chạy xuyên suốt hai chục mét chiều rộng của tòa nhà thể chất. Một lần nữa, những hình ảnh chớp nhoáng lóe lên trong tâm trí khiến tôi cảm thấy bất ổn: những bức ảnh chụp biết bao thế hệ thiếu niên, suốt hai mươi lăm năm nay, đã đến tập luyện và đổ mồ hôi trong căn phòng này, mà không biết rằng có một cái xác được giấu bên trong bức tường. “Với tư cách là ủy viên hội đồng thành phố, tớ đã nói chuyện được với nhà thầu sẽ phá dỡ tòa nhà thể chất,” Maxime tuyên bố với tôi. “Cụ thể thì việc đó sẽ diễn ra như thế nào?” “Ngay thứ Hai tới, các máy xúc và hàm cắt bê tông dỡ sẽ bắt đầu hoạt động. Đám này là những tay chuyên nghiệp. Họ có nhân lực và máy móc tốt. Họ sẽ chỉ mất chưa đầy một tuần để san phẳng tòa nhà này.” “Vậy là, về mặt lý thuyết, họ có thể phát hiện ra cái xác vào ngày kia.” “Ờ,” cậu ta vừa thì thầm trả lời vừa giơ bàn tay phác một cử chỉ để nhắc tôi nói nhỏ hơn. “Có khả năng họ chệch chỗ không?” “Cậu đùa chắc? Tuyệt đối không có,” cậu ta thở dài. Cậu ta dụi mắt. “Cái xác được quấn trong hai lớp bạt công trường. Mặc dù đã hai mươi lăm năm, người ta vẫn sẽ tìm thấy rất nhiều xương. Công việc phá dỡ sẽ bị dừng lại ngay lập tức, và người ta sẽ bắt đầu tìm kiếm để thu thập các dấu vết khác.” “Mất bao nhiêu thời gian để nhận dạng cái xác một cách chắc chắn?” Maxime nhún vai. “Tớ không phải cảnh sát, nhưng từ lúc xét nghiệm ADN đến lúc nhận dạng bằng răng, tớ cho là phải mất cả tuần. Vấn đề là trong thời gian đó, họ có thể nhặt được con dao của tớ và thanh sắt của cậu! Cả những đồ vật khác nữa, hẳn là thế. Chúng ta đã vội vã làm tất cả những chuyện ấy, mẹ kiếp! Với các phương tiện điều tra hiện đại, người ta sẽ tìm ra dấu vết ADN của chúng ta, có thể là cả dấu vân tay. Và cho dù vân tay của chúng ta không nằm trong kho lưu trữ của cảnh sát thì người ta cũng sẽ lần được đến tớ bởi vì tên tớ có khắc trên cán dao…” “Một món quà của bố cậu…,” tôi nhớ lại. “Đúng thế, một con dao của quân đội Thụy Sĩ.” Maxime căng thẳng kéo lớp da trên cổ. “Tớ phải hành động trước mới được!” cậu ta rên rỉ. “Ngay từ chiều nay, tớ sẽ tuyên bố từ bỏ việc ra tranh cử. Phải làm sao để phong trào có thời gian đầu tư cho một ứng cử viên khác. Tớ không muốn là người đầu tiên gặp bê bối trong kỷ nguyên Macron.” Tôi tìm cách trấn an cậu ta, “Hãy để bản thân có chút thời gian. Tớ không nói là chúng ta sẽ thu xếp được mọi chuyện trong hai ngày cuối tuần, nhưng phải cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì sẽ xảy ra với chúng ta.” “Chuyện gì sẽ xảy ra với chúng ta ư? Chúng ta đã giết một gã, mẹ kiếp! Chúng ta đã giết một gã và nhét hắn vào giữa bức tường của cái tòa nhà thể chất chết tiệt này.” Thẻ xanh (Green Card) là giấy chứng nhận thường trú hoặc giấy tờ nhập cư cho những người không phải công dân Mỹ được hưởng chế độ thường trú nhân tại Mỹ. Tiệc nướng thịt ngoài trời. Tiếng Anh trong nguyên bản. Giáo dục tình cảm là tiểu thuyết cuối cùng của Gustave Flaubert được sản xuất trong đời ông, và được xem là một trong những tiểu thuyết gây ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 19 theo đánh giá của George Sand, Émile Zola và Henry James. Tên tiếng Pháp là Manon Lescaut, một tiểu thuyết của nhà văn người Pháp Abbé Prevost (Antoine François Prévost). Tác phẩm được xuất bản vào năm 1731. Đoạn độc thoại nổi tiếng của Rodrigue trong vở Le Cid của Corneille, thế kỷ 17. Contribution sociale généralisée – Một loại thuế đánh trên toàn bộ thu nhập của các cư dân sống trên đất Pháp – tạm dịch là Đóng góp xã hội tổng quát. 4 Cánh cửa của nỗi bất hạnh Thế rồi, tôi bắn thêm bốn phát lên một thân xác bất động […]. Và đó như là bốn tiếng gõ cộc lốc lên cánh cửa của nỗi bất hạnh. — Albert CAMUS Hai mươi lăm năm trước Thứ Bảy, ngày 19/12/1992 Tuyết rơi suốt từ lúc trời vừa sáng. Thời tiết xấu vừa bất thường vừa khó dự báo lại càng gây thêm lộn xộn cho một ngày trong kỳ nghỉ Giáng sinh như thế này. Một "cảnh đại náo", như ở đây người ta thường nói. Trên vùng bờ biển Côte d’Azur, thường thì chỉ một lớp bông tuyết trắng nhẹ nhàng cũng đủ làm tê liệt mọi hoạt động. Nhưng lần này thì không phải vài bông tuyết, mà là một cơn bão thực sự. Một cơn bão chưa từng có, kể từ tháng Một năm 1985 và tháng Hai năm 1986. Người ta thông báo tuyết dày mười lăm xăng ti-mét ở Ajaccio, mười xăng-ti-mét ở Antibes và tám xăng-ti-mét ở Nice. Các máy bay cất cánh theo kiểu nhỏ giọt, phần lớn các chuyến tàu bị hủy và đường xá thì rất khó đi. Đấy là còn chưa nói đến những lần cắt điện không hề đúng lúc khiến cuộc sống tại địa phương trở nên hết sức lộn xộn. Qua cửa sổ phòng mình, tôi ngắm nhìn khu học xá như đóng khung trong cái lạnh. Quang cảnh thật siêu thực. Tuyết đã xóa nhòa vùng truông, để thay thế vào đó là một khoảng trắng rộng mênh mông. Những cây ô liu và cam quýt oằn mình dưới tuyết chẳng khác nào được phủ một lớp đường kính màn tuyết vậy. Còn những cây thông lọng thì trông như vừa được chuyển vào trồng trong những cảnh bài trí xốp mịn như bông của một câu chuyện cổ Andersen. May mắn là đa số học sinh nội trú đã rời khỏi trường từ tối hôm trước. Theo truyền thống, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh là giai đoạn vắng vẻ duy nhất trong năm ở trường Saint-Ex. Trong khuôn viên khu học xá chỉ còn vài học sinh nội trú hiếm hoi đã đề nghị được hưởng một ngoại lệ để tiếp tục ở lại phòng trong kỳ nghỉ. Đó là những học sinh thuộc các lớp dự bị đang nhắm đến những kỳ thi chọn lọc gắt gao, cũng như ba bốn giáo viên sinh sống tại trường, những người đã bị lỡ máy bay hoặc chuyến tàu sáng vì cơn bão tuyết. Đã nửa giờ đồng hồ tôi ngồi trước bàn học, ánh mắt tắt lịm, tuyệt vọng dán chặt vào một đề toán đại số. Bài tập 1 Cho hai số thực a và b sao cho 0 < a < b. Đặt u0 = a và v0 = b, với mọi số tự nhiên n, un+1 = và un + vn 2 vn+1 = √un+1vn Hãy chứng minh rằng các dãy số (un) và (vn) tiếp cận nhau và có cùng giới hạn là a b sin (arccos( )) b arccos( )ab Tôi sắp tròn mười chín tuổi. Tôi đang học lớp dự bị khoa học. Từ ngày khai giảng hồi tháng Chín, tôi sống trong cảnh địa ngục, với cảm giác mình lúc nào cũng ở dưới nước, và thường chỉ ngủ khoảng bốn tiếng đồng hồ mỗi đêm. Nhịp học của lớp dự bị khiến tôi mệt nhoài và mất tinh thần. Trong lớp tôi, trên tổng số bốn mươi học sinh, mười lăm đứa đã bỏ ngang. Tôi cố gắng bấu víu để bám trụ, nhưng chỉ càng phí công vô ích. Tôi ghét cả toán lẫn vật lý, thế nhưng vì lựa chọn nghề nghiệp của mình, tôi đành phải cống hiến cho hai bộ môn này phần lớn thời gian trong ngày. Ấy thế nhưng mối quan tâm của tôi lại chỉ xoay quanh nghệ thuật và văn chương, trong tâm trí cha mẹ tôi con đường thành đạt – con đường mà anh trai và chị gái tôi đã theo – bắt buộc phải đi qua một trường đào tạo kỹ sư hoặc bác sĩ. Nhưng dù lớp dự bị khiến tôi đau khổ, nó cũng không hề là nguyên nhân duy nhất làm tôi day dứt. Điều thực sự đang giết chết tôi, điều đang thiêu rụi trái tim tôi thành tro bụi, chính là sự thờ ơ của một cô gái. Từ sáng đến tối, Vinca Rockwell án ngữ trong ý nghĩ của tôi. Chúng tôi quen nhau đã hơn hai năm. Từ khi ông nội cô, Alastair Rockwell, quyết định gửi cô đến học ở Pháp để tránh xa Boston sau cái chết của cha mẹ cô. Đó là một cô gái đặc biệt, có học thức, sống động và linh lợi, mái tóc đỏ hung, đôi mắt hai màu và nét mặt thanh tú. Vinca không phải cô gái xinh đẹp nhất trường Saint-Ex, nhưng cô tỏa ra một trường hấp dẫn và ẩn chứa một điều bí mật nào đó khiến ta bị nghiện ngay trước cả khi làm ta phát điên. Thứ không thể định nghĩa đó làm bám rễ trong đầu ta cái suy nghĩ hão huyền rằng nếu có thể sở hữu Vinca thì ta sẽ sở hữu được cả thế giới. Trong suốt một thời kỳ dài, chúng tôi rất hợp nhau và là đôi bạn không thể tách rời. Tôi đã đưa cô đi khám phá tất cả những địa điểm mà tôi yêu thích trong vùng – những khu vườn ở Menton, Biệt thự Kérylos, công viên của Quỹ Maeght, những con phố nhỏ ở Tourrettes-sur-Loup… Chúng tôi lang thang khắp nơi và có thể trò chuyện với nhau suốt nhiều giờ liền. Chúng tôi đã hì hục leo via ferrata[1] La Colmiane, ngấu nghiến món bánh socca trong chợ đặc sản Provence ở Antibes, xây dựng lại thế giới trước tòa tháp Genova trên bãi biển Ondes. Chúng tôi đọc được ý nghĩ của nhau, theo đúng nghĩa đen của từ này, và sự đồng cảm đó không ngừng khiến tôi ngây ngất. Vinca là người mà tôi đã cất công chờ đợi mỏi mòn từ khi đến tuổi biết chờ đợi một ai đó. Trong ký ức xa xôi nhất mà tôi còn nhớ, tôi vẫn luôn cảm thấy mình cô độc, có đôi chút xa lạ với thế giới, với âm thanh của nó, với sự tầm thường của nó, thứ tẩm nhiễm vào ta như một căn bệnh truyền nhiễm. Có lúc, tôi tự huyễn hoặc mình rằng những cuốn sách có thể chữa trị cho tôi khỏi cảm giác bị bỏ rơi và hững hờ đó, nhưng ta không nên đòi hỏi quá nhiều ở những cuốn sách. Chúng kể với ta những câu chuyện, chúng khiến ta sống bằng cách ủy quyền cho ta sống chung cùng những mẩu đời, nhưng chúng không bao giờ choàng tay ôm lấy ta để an ủi mỗi khi ta sợ hãi. Đồng thời với việc chiếu rọi những ánh sao vào cuộc đời tôi, Vinca đã thổi vào đó một nỗi lo lắng: nỗi lo mất cô. Và đó đúng là điều vừa mới xảy ra. Từ ngày khai giảng năm học mới – cô học lớp dự bị văn còn tôi học lớp toán cao cấp – chúng tôi gần như không còn cơ hội gặp nhau. Và nhất là tôi có cảm giác Vinca đang lẩn tránh tôi. Cô không còn trả lời những cuộc gọi cũng như những lời nhắn mà tôi viết cho cô, và tất cả những lần tôi rủ cô đi chơi đều rơi vào im lặng chết chóc. Các bạn học cùng lớp có cảnh báo với tôi rằng Vinca đã bị cuốn hút bởi Alexis Clément, giáo viên triết học trẻ tuổi dạy các lớp dự bị văn. Thậm chí còn có tin đồn khẳng định rằng câu chuyện bông lơn của họ đã đi quá đà và họ đang duy trì quan hệ yêu đương. Lúc đầu, tôi không chịu tin vào lời đồn đó, nhưng bây giờ tôi đang bị giày vò trong cơn ghen tuông, và nhất thiết phải biết được mình đang đối mặt với chuyện gì. Mười ngày trước, vào một chiều thứ Tư, trong lúc các học sinh lớp dự bị văn đang làm bài thi thử, tôi đã tận dụng một tiếng đồng hồ được nghỉ để đến thăm Pavel Fabianski, ông bảo vệ của trường. Pavel rất quý tôi. Tôi đến thăm ông hằng tuần, biếu ông tờ France Football sau khi đã đọc xong. Ngày hôm đó, trong lúc ông đi tìm một lon soda trong tủ lạnh để cảm ơn tôi, tôi đã xoáy chùm chìa khóa cho phép xâm nhập phòng ở của các học sinh. Có được chùm chìa khóa vạn năng đó rồi, tôi lao vội về phía tòa Nicolas-de-Staël, tòa nhà màu xanh da trời nơi Vinca sống, và cẩn thận lục lọi phòng của cô. Tôi biết, yêu một người không có nghĩa là ta có đủ mọi thứ quyền. Tôi biết, tôi là một gã khốn kiếp và các vị muốn gán cho tôi bất kỳ danh xưng nào khác cũng được. Nhưng, cũng giống như phần lớn những người đang trải qua mối tình đầu, tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có được tình cảm sâu sắc đến thế với bất kỳ ai khác. Và về điểm này, đáng buồn thay, tương lai sẽ khẳng định là tôi đã đúng. Một tình tiết giảm nhẹ khác là tôi tin mình hiểu về tình yêu bởi đã đọc các tiểu thuyết. Trong khi trên thực tế, chỉ có những cú đập vào mặt mới thực sự dạy cho ta hiểu về cuộc đời. Vào tháng Mười hai năm 1992 ấy, tôi đã rời bỏ những bến bờ của tình cảm yêu đương đơn thuần từ lâu, để trôi dạt đến lãnh thổ của dục vọng. Và dục vọng thì chẳng liên quan gì đến tình yêu. Dục vọng là một vùng đất vô chủ, một vùng chiến sự đầy bom đạn, nằm đâu đó giữa đau đớn, điên cuồng và chết chóc. Trong khi đang tìm kiếm những bằng chứng về mối quan hệ giữa Vinca và Alexis Clément, tôi lật giở lần lượt những cuốn sách trên giá sách nhỏ của cô bạn gái. Kẹp giữa các trang một cuốn tiểu thuyết của Henry James, hai tờ giấy gập tư rơi xuống sàn. Tôi nhặt chúng lên, hai bàn tay run rẩy, và bị mùi của chúng làm cho sửng sốt: một thứ mùi pha trộn giữa những cấp độ dai dẳng, lẫn lộn giữa tươi mát, nồng mùi gỗ và mùi gia vị. Tôi giở hai tờ giấy ra. Đó là những bức thư của Clément. Tôi đang tìm bằng chứng, và vừa tìm thấy những bằng chứng không thể chối cãi. Ngày 5 tháng Mười hai Vinca, tình yêu của tôi, Tối qua, em đã dành cho tôi một điều ngạc nhiên tuyệt diệu biết bao, khi chấp nhận mọi rủi ro để đến qua đêm cùng tôi! Khi nhìn thấy khuôn mặt xinh đẹp của em lúc mở cửa nhà, tôi tưởng mình sắp tan chảy vì hạnh phúc. Tình yêu của tôi, vài giờ đó là những thời khắc mãnh liệt nhất trong suốt cuộc đời tôi. Suốt cả đêm, tim tôi đập rộn, vùng riêng tư của tôi hòa làm một với miệng em, máu tôi bốc cháy trong huyết mạch. Sáng nay, khi thức dậy, tôi vẫn cảm thấy vị i-ốt từ những nụ hôn của em trên da tôi. Ga giường vẫn còn lưu mùi va ni của cơ thể em, nhưng em không còn ở đây nữa. Tôi những muốn khóc vì điều đó. Tôi muốn được thức dậy trong vòng tay em, tôi muốn tiếp tục được ăn sâu vào thân thể em, cảm nhận hơi thở em trong hơi thở của tôi, đoán biết ham muốn mãnh liệt nơi em trong giọng nói của em. Tôi muốn rằng một lần nữa, không phần da thịt nào trên người tôi thoát khỏi sự dịu dàng của lưỡi em. Tôi những muốn mình không bao giờ phải tỉnh. Mà luôn được say khướt vì em, vì những nụ hôn của em, vì những vuốt ve của em. Tôi yêu em. Alexis Ngày 8 tháng Mười hai Vinca yêu dấu của tôi, Mỗi giây trong ngày hôm nay, toàn bộ suy nghĩ của tôi đều nằm trong vòng cương tỏa của một mình em. Ngày hôm nay, tôi đã giả vờ làm mọi chuyện: giảng bài, tranh luận với các đồng nghiệp, quan tâm đến vở diễn do các học sinh trình bày… Tôi giả vờ, nhưng tâm trí tôi hoàn toàn bị xâm chiếm bởi những kỷ niệm ngọt ngào và nóng bỏng về đêm qua của chúng ta. Đến trưa, tôi không thể nào chịu nổi nữa. Giữa hai lần đổi lớp, tôi cần phải ra hàng hiên phòng nghỉ giáo viên để hút một điếu thuốc, và chính ở đó tôi đã nhìn thấy em từ xa, em ngồi trên một chiếc ghế dài, đang trò chuyện với bạn bè em. Khi nhìn thấy tôi, em đã kín đáo ra dấu với tôi, cử chỉ đó đã sưởi ấm con tim tội nghiệp của tôi. Mỗi lần tôi nhìn em, cả người tôi run lên và thế giới xung quanh em tan chảy. Có một lúc, bất chấp việc phải cẩn trọng, tôi đã suýt bước về phía em và ôm em trong vòng tay để tình yêu trong tôi bùng nổ trước mắt tất cả mọi người. Nhưng chúng ta vẫn phải giữ bí mật riêng của chúng ta thêm một thời gian nữa. May mắn làm sao, ngày giải thoát sắp đến rồi. Chẳng mấy nữa, chúng ta sẽ có thể phá vỡ xiềng xích và tìm được tự do. Vinca, em đã xóa tan mọi tăm tối quanh tôi, để giúp tôi tìm lại niềm tin vào một tương lai đầy ánh sáng. Tình yêu của tôi ơi, mỗi nụ hôn của tôi đều là vĩnh cửu. Mỗi lần lưỡi tôi lướt qua em, nó đánh dấu làn da em bằng dấu sắt nung của tình yêu và vẽ nên ranh giới của một vùng lãnh thổ mới. Một miền đất tự do, màu mỡ và xanh ngắt, nơi đó chúng ta sắp dựng nên gia đình của riêng chúng ta. Con chúng ta sẽ gắn bó định mệnh của chúng ta mãi mãi. Con sẽ có nụ cười thiên thần và đôi đồng tử màu bạc của em. Tôi yêu em. Alexis Việc phát hiện ra những bức thư này đã hạ gục tôi hoàn toàn. Tôi không ăn, không ngủ nữa. Tôi tan nát, bị nhấn chìm trong nỗi đau đớn khiến tôi phát điên. Điểm số của tôi rơi tự do khiến các thầy cô và gia đình tôi lo lắng. Trước những lời tra hỏi của mẹ, tôi không thể làm cách nào khác ngoài việc kể cho mẹ nghe những gì đang đè nặng trong lòng. Tôi kể cho bà nghe về những tình cảm tôi dành cho Vinca, và về những bức thư mà tôi đã tìm thấy. Bà lạnh nhạt trả lời tôi rằng không có đứa con gái nào xứng đáng để tôi phải bỏ bê việc học hành vì cô ta, và ra lệnh cho tôi phải gượng dậy càng sớm càng tốt. Tôi có linh tính sẽ không bao giờ thực sự thoát khỏi cái vực thẳm mình đã rơi vào. Cho dù còn lâu tôi mới đủ khả năng hình dung ra cơn ác mộng đích thực đang chờ đợi mình. Nói thật lòng, tôi hiểu Vinca cảm thấy bị Clément cuốn hút. Năm ngoái, thầy giáo đó đã dạy tôi hồi lớp mười hai. Tôi vẫn luôn thấy anh ta là người hời hợt, nhưng phải thừa nhận rằng anh ta biết cách gây ảo tưởng. Ở lứa tuổi ấy trong đời tôi, cuộc chiến là không công bằng. Ở bên phải là Alexis Clément, hai mươi bảy tuổi, đẹp trai như một ngôi sao, xếp hạng 15 bộ môn quần vợt, lái một chiếc Alpine A310 và trích dẫn Schopenhauer không sai một chữ. Ở bên trái là Thomas Degalais, mười tám tuổi, đang chật vật với môn toán cao cấp, mỗi tuần được nhận bảy mươi franc tiền tiêu vặt do mẹ trợ cấp, lái một chiếc xe mobylette 103 Peugeot (thậm chí động cơ còn chưa bổ) và dành phần lớn thời gian rảnh rỗi ít ỏi để chơi trò Kick Off trên chiếc máy vi tính Atari ST cũ kỹ. Tôi chưa từng cho rằng Vinca thuộc về tôi. Nhưng Vinca được sinh ra vì tôi cũng như tôi sinh ra là vì cô. Tôi chắc chắn mình là người phù hợp, dù chưa hẳn đã đúng thời điểm. Tôi linh cảm rằng sẽ đến một ngày tôi trả thù được những gã như Alexis Clément, dù còn phải mất thêm rất nhiều năm nữa để mọi chuyện thay đổi. Trong lúc chờ cái ngày ấy đến, trong đầu tôi lướt qua những hình ảnh cô bạn mình đang ngủ với gã thầy giáo ấy. Và đó là điều tôi không thể chịu đựng nổi. Khi điện thoại reo vang vào chiều hôm ấy, tôi đang ở nhà một mình. Hôm trước đó, ngày chính thức bắt đầu kỳ nghỉ, cha tôi đã đi Papeete cùng anh trai và chị gái tôi. Ông bà nội tôi sống ở Tahiti từ khoảng chục năm nay, và cứ cách một năm chúng tôi lại nghỉ Giáng sinh ở đó một lần. Năm nay, kết quả học tập bí bét đã khiến tôi từ bỏ chuyến du lịch. Còn mẹ tôi, bà đã quyết định dành kỳ nghỉ cuối năm ở vùng Landes, tại nhà người chị gái là bác Giovana, người đang chật vật hồi phục sau một ca mổ khó khăn. Bà dự kiến khởi hành vào ngày mai, và lúc này, chính bà là người trực ở vị trí quản lý trường học, và đang cầm lái con tàu bị cuốn vào cơn bão. Từ sáng nay, điện thoại không ngừng reo vì những vụ tuyết lở. Ở Sophia Antipolis, vào thời kỳ ấy, không nên trông chờ vào xe phá băng hoặc xe gạt tuyết để dọn dẹp đường. Nửa tiếng trước, mẹ tôi đã bị gọi thông báo về thảm họa. Một chiếc xe tải chở hàng đã trượt ngang con đường phủ băng và chắn mất lối vào trường, ở đoạn ngang phòng bảo vệ. Trong nỗi tuyệt vọng, mẹ tôi đã nhờ đến sự giúp đỡ của Francis Biancardini, bố của Maxime, ông đã hứa sẽ làm hết khả năng để đến đây thật nhanh. Tôi vừa nhấc ống nghe vừa nghĩ đến một sự cố khẩn cấp không biết lần thứ bao nhiêu liên quan đến thời tiết hoặc cuộc gọi của Maxime để hủy hẹn với tôi. Vào chiều thứ Bảy, chúng tôi có thói quen gặp nhau để chơi bi lắc ở quán Dino, xem những băng phim VHS dài tập, trao đổi các đĩa CD, ngồi vắt vẻo trên xe máy của mình đằng trước quán McDo, trên bãi đỗ xe của siêu thị Antibes trước khi trở về xem các bàn thắng của giải vô địch quốc gia Pháp trong bản tin Ngày bóng đá. “Đến đây, Thomas, làm ơn đi!” Tim tôi thắt lại trong lồng ngực. Không phải giọng Maxime. Chính là giọng Vinca, hơi nghẹn lại. Trong khi tôi tưởng cô đã về nghỉ với gia đình ở Boston, thì cô giải thích với tôi rằng cô vẫn ở Saint-Ex, rằng cô thấy mình không được khỏe và muốn gặp tôi. Tôi nhận thức rõ ràng rằng toàn bộ cách hành xử của mình đều có chút gì đó đáng thương, nhưng mỗi lần Vinca gọi cho tôi, mỗi lần cô nói chuyện với tôi, tôi lại lấy lại niềm hy vọng và lao bổ đến. Tất nhiên là cả lần này tôi cũng làm thế, vừa lao đến vừa nguyền rủa bản thân vì đã yếu đuối và không biết tự ái, vừa tiếc nuối vì tinh thần không đủ mạnh mẽ để tỏ ra hờ hững với cô. Theo dự báo, trời sẽ ấm lên vào cuối chiều, nhưng đó là điều vẫn phải chờ đợi. Cái lạnh cắt da cắt thịt, được tăng cường thêm bởi những trận gió mistral thốc lồng lộng, quật tung những bông tuyết. Trong lúc vội vàng, tôi đã quên xỏ chân vào đôi bốt hoặc đôi giày ấm đi sau lúc trượt tuyết, và đôi giày thể thao Air Max của tôi sục vào lớp tuyết. Quấn kín người trong chiếc áo choàng lót lông, tôi dấn bước, cúi gập người đi ngược gió, chẳng khác nào một gã Jeremiah Johnson đang đuổi theo một con gấu xám ma quỷ. Mặc dù tôi đi vội, và mấy tòa nhà khu ký túc chỉ cách khu nhà công vụ của cha mẹ tôi chừng trăm mét, tôi vẫn mất gần mười phút mới đến được tòa Nicolas-de-Staël. Trong cơn bão, tòa nhà đã mất đi màu xanh nhạt, chỉ còn là một khối xám xịt đầy ma mị bị nuốt gọn trong lớp sương mù lấp lánh ánh xà cừ. Tiền sảnh vừa vắng lặng vừa giá buốt. Thậm chí người ta đã đóng cả những cánh cửa trượt dẫn vào phòng sinh hoạt chung của các nữ sinh. Tôi phủi lớp tuyết bám trên giày và leo bốn bậc một lên cầu thang. Đứng ở hành lang, tôi gõ nhiều lần vào cánh cửa phòng Vinca. Vì không nghe thấy tiếng trả lời, tôi đẩy cánh cửa và bước vào một căn phòng được chiếu sáng thơm mùi va ni và cánh kiến trắng, thứ mùi đặc trưng của giấy Arménie[3]. Hai mắt nhắm nghiền, Vinca đang nằm ở cuối giường. Mái tóc dài màu hung đỏ gần như biến mất hoàn toàn bên dưới một tấm nệm lông sáng rực lên trong ánh phản chiếu màu trắng sữa của bầu trời đầy tuyết. Tôi lại gần cô, lướt tay qua má rồi đặt lên trán cô. Vầng trán nóng rực. Không mở mắt, Vinca thì thầm vài từ trong cơn nửa tỉnh nửa mê. Tôi quyết định để cho cô ngủ và đưa mắt nhìn vào phòng tắm, tìm kiếm một vỉ thuốc hạ sốt. Tủ thuốc cá nhân đầy những loại thuốc liều nặng, thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc giảm đau, nhưng tôi không tìm thấy paracetamol. Tôi trở ra ngoài để sang gỗ cửa căn phòng cuối cùng dãy hành lang. Khuôn mặt Fanny Brahimi hiện ra ở ngưỡng cửa. Tôi biết mình có thể tin tưởng cô bạn này. Mặc dù không còn gặp nhau nhiều từ ngày khai giảng, cả hai đều chúi mũi vào việc học hành, nhưng Fanny vẫn là một người bạn trung thành. “Chào Thomas,” cô vừa nói vừa gỡ cặp kính đang đeo trên sống mũi. Cô mặc một chiếc quần jean rách, đi đôi giày Converse cũ và mặc chiếc áo len chui đầu bằng vải lông dê angora cỡ XL. Vẻ duyên dáng và ánh sáng của đôi mắt cô gần như bị dập tắt bởi lớp chì than viền quanh mắt. Kiểu trang điểm ăn nhập với album nhạc của The Cure đang quay trên máy hát. “Chào Fanny, tôi cần cậu giúp một tay.” Tôi giải thích tình hình với Fanny và hỏi cô có paracetamol không. Trong lúc cô đi tìm thuốc, tôi bật bếp ga trong căn phòng nhỏ để đun nước. “Tôi tìm thấy Doliprane cho cậu đây,” cô vừa nói vừa lại gần tôi. “Cảm ơn. Cậu pha cho cô ấy cốc trà được không?” “Được, tôi sẽ cho thật nhiều đường để cô ấy không bị mất nước quá nhiều. Để tôi lo chuyện đó.” Tôi quay vào phòng Vinca. Cô mở mắt rồi nhổm dậy, tựa người vào gối. “Uống cái này đi,” tôi vừa nói vừa đưa cho cô hai viên thuốc. “Người cậu nóng như lò than rồi.” Cô không mê sảng, nhưng ốm nặng. Khi tôi hỏi tại sao cô lại gọi cho tôi, Vinca òa khóc nức nở. Mặc dù đang sốt, mặc dù khuôn mặt nhàu nhĩ và nhòe nhoẹt nước mắt, cô vẫn giữ được sức quyến rũ khó tin và tỏa ra một vầng hào quang không thể giải thích nổi, thanh khiết, như trong cõi mộng. Giọng nói thanh khiết và lảnh lót của cô nghe chẳng khác nào tiếng célesta trong một khúc nhạc dân ca hồi những năm 1970. “Thomas…,” cô lúng búng. “Đã xảy ra chuyện gì vậy?” “Tớ là một con quái vật.” “Vớ vẩn. Mà tại sao cậu lại nói thế?” Cô nghiêng người về phía chiếc bàn đầu giường và vớ lấy thứ gì đó mà lúc đầu tôi tưởng là một chiếc bút, trước khi nhận ra rằng đó là que thử thai. “Tớ có thai rồi.” Khi nhìn thấy cái vạch ngang nhỏ xíu cho thấy kết quả thử thai là dương tính, tôi nhớ đến vài đoạn trong bức thư của Alexis, những đoạn đã khiến tôi choáng váng khi đọc được: Chúng ta sẽ sớm xây dựng gia đình của riêng chúng ta. Con chúng ta sẽ gắn kết định mệnh chúng ta mãi mãi. Con sẽ có nụ cười thiên thần và đôi đồng tử màu bạc của em. “Cậu phải giúp tớ, Thomas ạ.” Tôi choáng váng đến nỗi không thể hiểu nổi cô có thể trông chờ sự giúp đỡ nào từ tôi. “Tớ không muốn, cậu biết đấy… Tớ không muốn,” cô lúng búng. Trong lúc tôi ngồi xuống cạnh cô, cô tiết lộ với tôi một điều, giữa hai cơn nức nở, “Không phải lỗi của tớ! Chính Alexis đã ép tớ.” Sững sờ, tôi yêu cầu cô nhắc lại, và cô nói rõ: “Chính Alexis đã ép tớ. Tớ không muốn ngủ với ông ấy!” Cô đã nói chính xác như thế. Từng chữ một. Tớ không muốn ngủ với ông ấy. Gã Alexis Clément khốn kiếp đó đã ép cô phải làm những điều mà cô không muốn. Tôi đứng dậy khỏi giường, quyết tâm hành động. “Tớ sẽ thu xếp mọi chuyện,” tôi vừa đảm bảo vừa bước ra phía cửa. “Tớ sẽ quay lại gặp cậu sau.” Rồi tôi đi ra, va phải Fanny khi cô bê khay trà bước vào. Tôi còn chưa biết điều này, nhưng có hai điều dối trá trong câu nói vừa rồi của tôi. Trước hết, tôi sẽ chẳng thu xếp được chuyện gì, mà hoàn toàn ngược lại. Thứ hai, tôi sẽ không quay trở lại gặp Vinca. Hoặc đúng hơn, khi tôi quay trở lại, cô đã biến mất mãi mãi. Bên ngoài, tuyết đã ngừng rơi, nhưng những đám mây màu xám vẫn phủ tối không gian. Bầu trời sà xuống thấp, đè nặng, báo trước màn đêm chẳng mấy chốc sẽ sập xuống. Tôi đã trải qua những cảm xúc đầy mâu thuẫn. Khi ra khỏi phòng Vinca, tôi điên cuồng giận dữ trước tiết lộ của Vinca, nhưng đầy quyết tâm. Đột nhiên, mọi chuyện trở nên sáng tỏ: Alexis là một kẻ bịp bợm và cưỡng hiếp phụ nữ. Tôi vẫn là người quan trọng đối với Vinca, và chính tôi là người cô đã gọi đến để xin giúp đỡ. Tòa nhà nơi các giáo viên sống cách đó không xa. Alexis Clément có mẹ là người Đức và bố là người Pháp. Gã tốt nghiệp Đại học Hambourg và được tuyển dụng làm việc ở Saint-Ex dưới dạng hợp đồng ký với địa phương. Với tư cách là giáo viên nội trú, gã được phân một chỗ ở công vụ nằm trong một tòa nhà nhỏ bên bờ hồ. Để đến đó, tôi đi tắt ngang công trường xây nhà thể chất. Những sàn bê tông, móng nhà, những máy trộn bê tông, những bức tường gạch gần như biến mất, bị che kín bởi một lớp tuyết dày vẫn còn trắng tinh. Tôi dành toàn bộ thời gian để tìm kiếm vũ khí, và cuối cùng chọn ra một thanh sắt bị đám công nhân vứt lại trên chiếc xe cút kít để cạnh một đống cát. Tôi sẽ không thể khẳng định hành động của mình không có chủ ý từ trước. Có điều gì đó đã thức dậy trong tôi. Sự hung bạo nguyên sơ, bắt nguồn từ thời tổ tiên, đang kích động tôi. Một trạng thái mà tôi chỉ biết đến một lần duy nhất trong đời. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ cái cảm giác ngây ngất ấy, cái cảm giác vừa lạnh giá vừa nóng bỏng, thuần chất và mặn mòi, đã khiến tôi tê liệt như bị điện giật. Lúc ấy, tôi không còn là gã sinh viên ì ạch thở dài trước đề toán phải làm. Tôi đã trở thành một chiến binh, một quân nhân đang ra trận mà không chút run sợ. Khi rốt cuộc tôi đến được đằng trước tòa nhà của giáo viên, trời đã gần tối. Đằng xa, trên mặt nước hồ tăm tối, bầu trời run rẩy trong những ánh phản chiếu bàng bạc. Trong ngày – kể cả vào dịp cuối tuần – ta có thể tiếp cận sảnh vào tòa nhà mà không cần bấm chuông, cũng không cần có chìa khóa. Chẳng khác gì hình ảnh khu nội trú của học sinh, tòa nhà này lạnh lẽo, im ắng và không sức sống. Tôi leo lên cầu thang bằng bước chân quả quyết. Tôi biết gã giáo viên triết học đang ở trong phòng, bởi vì mới sáng nay tôi còn nghe thấy mẹ tôi trả lời gã qua điện thoại, khi gã gọi bà để báo tin chuyến bay đi Munich đã bị hủy vì lý do thời tiết xấu. Tôi gõ vào cánh cửa mà ở phía sau vang lên tiếng đài phát thanh. Alexis Clément mở cửa cho tôi, không chút đề phòng. “A, chào Thomas!” Gã trông giống vận động viên quần vợt Cédric Pỉoline: một gã cao lớn có mái tóc nâu loăn xoăn để dài xuống đến tận gáy. Gã cao hơn tôi đến hơn mười xăng-ti-mét, và vạm vỡ hơn rất nhiều, nhưng ngay lúc này, gã không khiến tôi sợ hãi chút nào. “Em thấy thời tiết rồi đấy!” gã than vãn. “Thế mà tôi đã dự kiến sẽ đi trượt tuyết ở Berchtesgaden. Tôi dám chắc là ở đó còn ít tuyết hơn ở đây!” Căn phòng ấm sực. Một cái túi du lịch lớn để gần cửa ra vào. Từ dàn hi fi liền khối vang lên giọng nói ngọt lịm như mật: ‘Chương trình Tưởng tượng hôm nay đến đây là kết thúc, nhưng hãy ở lại cùng Âm nhạc Pháp với Alain Gerber và dàn nhạc Jazz…’ Vừa mời tôi vào phòng xong, Clément bỗng nhìn thấy thanh sắt trên tay tôi. “Em đang làm…,” gã vừa cất tiếng vừa trợn tròn hai mắt. Không phải là lúc để suy nghĩ, cũng không phải lúc để tranh luận. Cú đánh đầu tiên cứ thế vung lên, như thể có ai đó đã vung gậy thay tôi. Thanh sắt đập vào giữa ngực gã giáo viên, khiến gã loạng choạng và nghẹt thở. Cú đánh thứ hai làm đầu gối gã vỡ tung, khiến gã kêu rống lên. “Tại sao mày lại cưỡng ép cô ấy, đồ khốn kiếp!” Alexis Clément cố bấu víu vào quầy bar ngăn cách không gian sinh hoạt chính với khu bếp nhỏ, nhưng gã ngã nhào và kéo quầy bar đổ sập. Một chồng đĩa và một chai San Pellegrino vỡ tan trên sàn nhưng không ngăn được đà ra đòn của tôi. Tôi đã mất hết khả năng tự chủ. Gã giáo viên đã ngã xuống đất, nhưng tôi vẫn tiếp tục quật thanh sắt xuống, không cho gã nghỉ ngơi chút nào. Tôi quật một cách bài bản, dưới sự thao túng của một sức mạnh vượt qua cả bản thân tôi. Những cú đá tiếp nối những cú quật. Trong đầu tôi, những hình ảnh gã khốn kiếp này đang tấn công Vinca càng tiếp thêm lửa cho cơn điên giận. Tôi không còn nhìn thấy Clément nữa. Tôi không còn thuộc về chính mình nữa. Tôi ý thức được rằng mình đang phạm một sai lầm không thể sửa chữa, nhưng không cách nào ngăn bản thân lại được. Bị cầm tù trong một thứ bánh răng định mệnh, tôi trở thành con rối trong tay một đấng tạo hóa ưa hủy diệt. Mình không phải kẻ sát nhân. Giọng nói đó vang lên trong đầu tôi. Yếu ớt. Hé mở một lối thoát. Tiếng gọi cuối cùng trước khi tôi đi đến điểm không thể quay lại. Tôi đột ngột buông rơi thanh sắt và cứng đờ người. Clément lợi dụng thời khắc lưỡng lự đó của tôi. Thu hết sức lực, gã túm lấy cẳng chân tôi, và do đế giày của tôi trơn trượt, gã khiến tôi mất thăng bằng. Đến lượt tôi nằm sõng soài trên sàn nhà. Gã giáo viên đã bị đánh bầm dập, nhưng chỉ trong chớp mắt gã đã đè lên người tôi, chuyển từ vị thế con mồi sang vị thế của kẻ tấn công. Gã đè lên tôi bằng toàn bộ sức nặng và hai đầu gối hắn siết chặt lấy tôi chẳng khác nào một gọng kìm, làm tê liệt mọi cử động của tôi. Tôi mở miệng để hét lên, nhưng Clément vừa tóm được một miếng mảnh chai. Bất lực, tôi nhìn gã giơ tay lên để đâm mảnh thủy tinh dài nhọn đó xuống người tôi. Rồi thời gian như tan rã, và tôi cảm thấy sự sống đang chạy trốn khỏi tôi. Đó là một trong những giây đồng hồ khiến ta có cảm giác kéo dài nhiều phút liền. Một trong những giây đồng hồ xô đổ nhiều cuộc đời. Thế rồi đột nhiên, mọi chuyện bỗng tăng tốc. Một luồng máu đỏ nâu ấm sực vọt ra và phun khắp mặt tôi. Thân người Clément đổ sập xuống và tôi nhân dịp đó để rút cánh tay ra rồi lau mắt. Khi mở được mắt ra, ánh mắt tôi mờ mịt, nhưng bên trên khối thân hình sẫm màu của gã thầy giáo, tôi nhận ra vóc dáng lờ mờ và nhòe nhoẹt của Maxime. Mái tóc sáng màu, bộ quần áo thể dục hiệu Challenger, chiếc áo bu-dông Teddy bằng len xám pha da đỏ của cậu ta. Maxime chỉ cần một cú đâm. Một hành động nhanh chóng, một lưỡi dao sáng loáng, không dài hơn một con dao rọc giấy, nhìn bề ngoài tưởng như chỉ sượt qua tĩnh mạch cảnh của Alexis Clément. “Phải gọi đội cứu hộ!” tôi vừa đứng dậy vừa hét lên. Nhưng tôi biết rõ là đã quá muộn. Clément đã chết. Còn tôi, khắp người đầy những máu. Trên mặt, trên tóc, trên chiếc áo chui đầu, trên đôi giày. Thậm chí cả ở môi và đầu lưỡi. Trong một lát, Maxime cũng giống như tôi: bần thần, kiệt quệ, chân tay rã rời. Không thể thốt ra bất cứ lời nào. Người chúng tôi sẽ phải gọi không phải là đội cứu hộ cũng không phải xe cứu thương. Mà là cảnh sát. “Chờ đã! Có thể bố tớ vẫn còn ở đó!” Maxime hét lên sau khi choàng tỉnh khỏi cơn đờ đẫn. “Ở đâu?” “Gần phòng bảo vệ!” Maxime rời khỏi phòng của Clément và tôi nghe thấy cậu ta chạy lao xuống cầu thang, bỏ tôi lại với cái xác của gã đàn ông mà chúng tôi vừa giết chết. Tôi đã ở lại đó một mình bao lâu? Năm phút? Mười lăm phút? Bị bao bọc trong lớp vỏ của sự im lặng, một lần nữa tôi lại có cảm giác thời gian ngừng lại. Để khỏi phải nhìn vào cái xác, tôi nhớ mình đã đứng dí mũi vào cửa sổ. Bề mặt run rẩy của hồ nước lúc này đã chìm sâu trong bóng tối, như thể ai đó đã bấm một công tắc để tắt nó đi. Tôi cố bấu víu tâm trí mình vào điều gì đó, nhưng lại chìm trong ánh phản chiếu của lớp tuyết. Màu trắng như vực thẳm của tuyết khiến tôi nghĩ đến việc cuộc đời chúng tôi từ đây trở đi rồi sẽ ra sao. Bởi vì tôi biết rằng sự cân bằng của cuộc đời chúng tôi vừa bị cắt đứt vĩnh viễn. Đây không phải một trang đời mà ta có thể lật qua, cũng không phải đoạn kết của một thời kỳ. Mà chính là ngọn lửa địa ngục đột ngột mở ra dưới lớp tuyết. Đột nhiên, có tiếng động trong cầu thang và cánh cửa đóng sập lại. Được hộ tống bởi cậu con trai và người phụ trách công trường, Francis Biancardini bước vào phòng. Viên cai thầu xây dựng vẫn trung thành với phong cách của mình: mái tóc muối tiêu rối tung, áo choàng da lót lông lấm tấm những giọt sơn, thân trên hơi khòng, bị giam hãm trong đống kí lô thừa thãi. “Cháu có ổn không, hả nhóc?” ông vừa hỏi vừa tìm kiếm ánh mắt tôi. Tôi không đủ sức trả lời ông. Vóc dáng đồ sộ nặng nề của ông khiến ta có cảm giác chỉ mình ông cũng đủ lấp đầy cả căn phòng, nhưng bước đi uyển chuyển và quyết đoán của ông lại đối lập hoàn toàn với vẻ bề ngoài nặng nề ấy. Francis đứng sững ngay giữa phòng và bình tĩnh đánh giá tình hình. Khuôn mặt kín bưng của ông không để lộ bất cứ cảm xúc nào. Như thể ông vẫn luôn biết rằng ngày này rồi sẽ đến. Như thể đây không phải lần đầu tiên ông phải đối mặt với loại thảm kịch này. “Kể từ bây giờ, ta sẽ kiểm soát mọi việc,” ông vừa tuyên bố vừa lần lượt nhìn Maxime và tôi. Tôi tin rằng chính khi nghe thấy giọng nói của ông, bình tĩnh và chắc nịch, tôi đã hiểu rõ ràng rằng chiếc mặt nạ của một lão già gia trưởng thô lỗ mà Francis Biancardini trưng ra với công chúng không hề tương ứng với con người thật sự của ông. Trong những thời khắc tối tăm ấy, người đàn ông đứng trước mặt tôi khiến tôi nghĩ đến một trùm băng đảng không biết chùn bước. Tôi có cảm giác Francis giống như một kiểu Bố già, nhưng nếu có bất cứ cơ may nào dù là nhỏ nhất để ông đưa chúng tôi thoát khỏi tình cảnh này thì tôi sẵn sàng trung thành với ông. “Chúng ta sẽ dọn dẹp chỗ này,” ông vừa nói vừa quay sang phía Ahmed, người phụ trách công trường. “Nhưng trước hết, anh hãy đi lấy mấy tấm bạt trong chiếc xe tải nhỏ.” Người đàn ông Tunisie tái mét mặt, ánh mắt hốt hoảng. Trước khi thực hiện, ông ta không thể ngăn mình đặt một câu hỏi: “Kế hoạch là gì, thưa ông chủ?” “Chúng ta sẽ nhét hắn vào bức tường,” Francis vừa trả lời vừa chỉ vào cái xác bằng một cái hất cằm. “Bức tường nào?” Ahmed hỏi. “Bức tường nhà thể chất.” Con đường sắt – tiếng Ý trong nguyên bản, dùng để chỉ những chặng leo núi mạo hiểm, dùng dây và đinh. Loại giấy thấm có tẩm cánh kiến trắng, đốt lên sẽ tỏa mùi thơm. 5 Những ngày cuối cùng của Vinca Rockwell Không có thứ gì làm sống dậy quá khứ tốt hơn là thứ mùi mà ta đã gán cho nó ngày xưa. — Vladimir NABOKOV Ngày hôm nay Ngày 13 tháng Năm năm 2017 “Tớ chưa bao giờ nhắc lại về tình tiết ấy với bố tớ,” Maxime vừa khẳng định vừa châm một điếu thuốc. Một tia nắng ánh lên lấp lánh trên phần vỏ láng bóng của chiếc bật lửa, một chiếc Zippo được trang trí bằng bản sao một bức tranh khắc Nhật Bản: Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa. Chúng tôi đã rời bỏ khung cảnh ngột ngạt của nhà thể chất để leo lên "Tổ Đại Bàng", một sườn treo hẹp hoa nở rực rỡ chạy dọc theo mỏm núi đá nhô ra phía trên hồ nước. “Thậm chí tớ còn không biết ông ấy đã nhét cái xác vào chỗ nào trong bức tường,” cậu bạn tôi nói tiếp. “Có thể đã đến lúc hỏi ông ấy chăng?” “Bố tớ mất hồi mùa đông năm ngoái rồi, Thomas ạ.” “Chết tiệt thật, tớ xin lỗi.” Cái bóng của Francis Biancardini hiện ra trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Tôi vẫn luôn có cảm giác rằng ông bố của Maxime là người không thể phá hủy. Một tảng đá nơi tất cả những kẻ vô thức lao vào đều bị vỡ nát. Nhưng cái chết là một đối thủ đặc biệt. Đối thủ rốt cuộc luôn giành phần thắng. “Ông mất vì lý do gì vậy?” Maxime hít một hơi dài, khiến cậu ta hấp háy mắt. “Đó là một câu chuyện tệ hại,” cậu ta báo trước. “Những năm vừa qua, ông sống phần lớn thời gian trong căn nhà ở khu Aurelia Park. Cậu biết chỗ đó không?” Tôi gật đầu. Tất nhiên là tôi biết khu dinh thự sang trọng được đảm bảo an ninh trên núi ở Nice. “Vào dịp cuối năm, nơi đó đã trở thành mục tiêu của một làn sóng trộm cắp, đôi khi rất hung bạo. Lũ du côn không ngần ngại đột nhập các biệt thự ngay cả khi có mặt chủ nhà. Đã có nhiều vụ đột nhập, nhiều vụ tấn công.” “Và Francis là một nạn nhân của tình trạng đó?” “Đúng thế. Dịp Giáng sinh. Ông vẫn luôn có súng trong nhà, nhưng không kịp dùng đến nó. Ông bị lũ trộm cướp trói lại và đánh đập. Ông chết vì nhồi máu cơ tim sau vụ tấn công.” Những vụ đột nhập. Một trong những vết thương của vùng Côte d’Azur, với việc bê tông hóa vùng bờ biển, đường giao thông thường xuyên tắc nghẽn, mật độ dân số quá cao do du lịch ồ ạt… “Có bắt được những kẻ gây ra vụ tấn công không?” “Ờ có, một băng nhóm người Macedonia. Những kẻ rất có tổ chức. Cảnh sát đã tóm được hai hay ba tên gì đó, chúng đang phải ở tù.” """