" Cô Gái Trong Cabin Số 10 - Ruth Ware PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cô Gái Trong Cabin Số 10 - Ruth Ware PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo CÔ GÁI TRONG CABIN SỐ 10 —★— Tác giả: Ruth Ware Người dịch: Anh Thư Phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2021ebook©vctvegroup Trong giấc mơ, cô gái ấy đang bồng bềnh sâu, sâu mãi bên dưới những con sóng ầm ầm và tiếng rít của đám mòng biển, trong làn nước lạnh giá không ánh mặt trời của Bắc Hải. Tôi mơ thấy đôi mắt biết cười trắng dã và húp lên vì nước muối, thấy làn da trắng nhợt nhăn nheo, quần áo bị đá lởm chởm làm cho rách nát và đang tan dần thành từng mảnh vụn. Chỉ có mái tóc đen dài là còn lại, bồng bềnh trong nước như lá tảo biển đen, mắc vào vỏ trai vỏ sò và lưới đánh cá, bị sóng cuốn lên bờ biển thành nùi tựa dây thừng xác xơ; nằm rũ rượi ở nơi đó, tiếng ầm ầm của sóng xô bờ dội vào bãi sỏi lấp kín tai tôi. Tôi tỉnh dậy khiếp đảm ghê gớm. Mất một lúc tôi mới nhớ ra mình đang ở đâu, và phải một lúc lâu hơn mới nhận ra tiếng ầm ầm trong tai không phải là từ giấc mơ, mà là của hiện thực. Căn phòng tối om, với cùng một thứ sương mù ẩm ướt tôi cảm thấy trong mơ, và khi ngồi dậy, tôi nhận ra một luồng gió mát thổi lên má. Nghe như tiếng động phát ra từ phòng tắm. Tôi trèo xuống giường, hơi run rẩy. Cánh cửa đóng, nhưng khi bước tới chỗ nó, tôi nghe thấy tiếng rền vang lớn hơn, cùng tiếng tim tôi dập mạnh dần. Dồn hết can đảm vào hai bàn tay, tôi đẩy mở cánh cửa. Tiếng vòi sen lấp đầy căn phòng nhỏ khi tôi lần sờ tìm công tắc. Ánh sáng tràn khắp nhà tắm - và đó là lúc tôi nhìn thấy nó. Được viết ngang tấm gương phủ kín hơi nước, với những con chữ cao đến mười hai phân, là dòng chữ “ĐỪNG XÍA VÀO”. PHẦN MỘT Thứ Sáu ngày 18 tháng Chín 1 L ần đầu tiên tôi mơ hồ nhận ra có gì đó không ổn là khi tỉnh dậy trong bóng tối và nhận ra con mèo đang vỗ nhẹ vào mặt mình. Chắc là tôi đã quên đóng cửa nhà bếp tối qua. Thôi thì cũng đáng cái tội say xỉn về nhà. “Ra chỗ khác đi,” tôi rên rẩm. Delilah kêu meo meo và dụi đầu phản đối. Tôi cố vùi mặt vào gối nhưng nó cứ cạ vào tai tôi, thế là cuối cùng tôi trở mình và nhẫn tâm đẩy nó ra khỏi giường. Nó rơi thịch xuống sàn với một tiếng “méo” đầy bực bội, còn tôi thì kéo chăn lông vịt quá đầu. Nhưng ngay cả khi trùm kín chăn tôi vẫn có thể nghe thấy nó cào vào chân cửa khiến cửa kêu lạch cạch. Cửa đóng. Tôi ngồi dậy, tim đột nhiên đập thình thịch, còn Delilah nhảy lên giường với một tiếng ư ử hân hoan. Tôi siết nó vào ngực, không cho nó ngọ nguậy nữa, rồi lắng tai nghe. Hẳn là tôi đã quên đóng cửa nhà bếp, mà cũng có thể tôi chỉ đẩy cửa thôi chứ chưa đóng hẳn vào. Nhưng cửa phòng ngủ của tôi lại mở hướng ra ngoài - căn hộ của tôi thiết kế quái gở vậy đấy. Con mèo không thể tự đóng cửa khi ở trong phòng. Chắc chắn một ai đó đã đóng cửa. Tôi ngồi bất động, áp cơ thể ấm áp hổn hển của Delilah vào ngực mình và cố lắng tai nghe. Không có gì hết. Và rồi, với một cảm giác nhẹ nhõm, tôi nhận ra - hẳn là nó đã trốn dưới gầm giường rồi tôi đóng cửa phòng và vô tình nhốt nó lại khi về nhà. Dù không nhớ là mình đã đóng cửa, nhưng hẳn tôi đã vô thức làm vậy sau khi vào phòng. Phải thú thật là những gì xảy ra từ lúc ở ga Tube đều khá mờ nhạt trong ký ức tôi. Cơn đau đầu mon men xuất hiện trên đường về nhà, và giờ khi cơn hoảng loạn lui dần, tôi lại cảm thấy cơn đau ấy dâng lên dần dưới gáy. Tôi thực sự cần bỏ thói nhậu nhẹt giữa tuần thôi. Hồi đôi ẳ mươi thì chuyện đó chẳng vấn đề gì, nhưng giờ những cơn váng vất không còn chóng dứt như trước nữa. Delilah bắt đầu uốn éo bứt rứt, nghiến móng lên cẳng tay tôi, và tôi thả nó ra khi với tay lấy váy ngủ mặc lên người. Rồi tôi bế con mèo lên và sẵn sàng lẳng nó ra bếp. Khi tôi mở cửa phòng ngủ, có một người đàn ông đang đứng đó. Hỏi hắn ta trông thế nào cũng chẳng để làm gì, bởi tin tôi đi, tôi đã nói đi nói lại chuyện đó chừng hai mươi lăm lần với cảnh sát rồi. “Thậm chí quanh cổ tay hắn không hở ra tí da nào à?” - họ tra hỏi. Không, không, không và không. Hắn ta mặc áo nỉ có mũ, một cái khăn rằn quấn quanh mũi và miệng, phần còn lại đều chìm trong bóng tối. Ngoại trừ đôi tay. Hắn đeo găng tay cao su. Chính điều này khiến tôi sợ phát khiếp. Đôi găng đó nói, tao biết mình đang làm gì. Chúng nói, tao đã chuẩn bị trước khi đến đây. Chúng nói, có thể tao cần nhiều thứ hơn là tiền của mày. Chúng tôi đứng đó chừng một giây dài lê thê, mặt đối mặt, đôi mắt lóe sáng của hắn dán chặt vào mắt tôi. Hàng nghìn ý nghĩ rần rật trong tâm trí tôi: Điện thoại của tôi ở chỗ quái nào rồi? Tại sao tối qua tôi lại uống nhiều vậy? Nếu tỉnh táo thì hẳn tôi đã nghe tiếng hắn đột nhập. Ôi Chúa ơi, ước gì Judah ở đây. Và trên hết - đôi găng tay đó. Ôi Chúa ơi, đôi găng tay đó. Chúng trông thật chuyên nghiệp. Thật lạnh lùng. Tôi không nói. Tôi không nhúc nhích. Tôi chỉ đứng đó, chiếc váy ngủ rũ xuống và người run bần bật. Delilah vặn mình thoát khỏi đôi tay mềm oặt của tôi và chạy vọt qua hành lang để vào bếp. Làm ơn, tôi nghĩ. Làm ơn đừng hại tôi. Lạy Chúa, điện thoại của tôi đâu rồi? Rồi tôi thấy thứ gì đó trên tay gã đàn ông. Cái túi xách của tôi - cái túi xách Burberry mới của tôi, mặc dù giờ thì quan trọng gì nhãn hiệu nữa. Tôi chỉ còn nghĩ được một thứ duy nhất về cái túi xách đó. Điện thoại của tôi đang ở bên trong. Đôi mắt hắn nhíu lại theo một lối khiến tôi nghĩ có thể nào hắn đang cười bên dưới lớp khản quấn, và tôi cảm thấy máu trong người rút hết khỏi đầu và những ngón tay rồi dồn cả về trung tâm thân thể, sẵn sàng cho những gì sắp xảy đến, dù là chiến đấu hay bỏ chạy. Hắn ta tiến lên một bước. “Đừng...” tôi nói. Tôi muốn lời đó nghe như một mệnh lệnh, nhưng nó vang lên như một lời van xin, giọng tôi nhỏ, lí nhí và run rẩy thảm hại vì sợ hãi, “Đ...” Tôi còn chẳng nói hết được từ ấy. Hắn sập cánh cửa phòng ngủ đánh sầm, khiến nó đập vào má tôi. Suốt một lúc lâu tôi đứng đờ ra đấy, tay ôm mặt, hoảng loạn và đau đớn đến không nói lên lời. Những ngón tay lạnh buốt, nhưng có gì đó ấm và hơi ướt trên mặt tôi, và mất một lúc tôi mới nhận ra đấy là máu: đường gờ trên cửa đã cắt vào má tôi. Tôi muốn quay trở lại giường, vùi đầu dưới gối rồi khóc thật lâu. Nhưng một giọng nhỏ ngớ ngẩn trong đầu tôi cứ nói, Hắn vẫn ở ngoài đó. Nếu hắn quay lại thì sao? Nếu hắn quay lại tìm mày thì sao? Có tiếng động từ hành lang bên ngoài, có gì đó rơi xuống, và tôi cảm thấy một cơn sợ hãi đáng lẽ phải khiến tôi kích động nhưng thay vào đó lại làm tôi tê liệt. Đừng quay lại. Đừng quay lại. Tôi nhận ra mình đang nín thở, thế là tôi bắt mình thở ra một hơi dài và rùng mình, rồi tôi chầm chậm giơ tay về phía nắm cửa. Một tiếng động nữa vang lên ngoài hành lang - tiếng kính vỡ - khiến tôi xông tới chộp lấy nắm cửa rồi gồng mình, những ngón chân trần nhấn mạnh xuống sàn nhà cũ lỗ chỗ khe hở, sẵn sàng giữ chặt cửa càng lâu càng tốt. Tôi cúi xuống, khom mình, đầu gối chạm ngực, cố bịt những tiếng thổn thức bằng váy ngủ, lắng tai nghe tiếng hắn lục soát căn hộ, đồng thời cầu Chúa là Delilah đã chạy ra vườn, xa khỏi tầm với của hiểm nguy. Cuối cùng, sau một lúc lâu thật lâu, tôi nghe thấy tiếng cửa trước mở ra và đóng lại. Tôi ngồi đó, gục vào đầu gối khóc, không thể tin nổi hắn đã thực sự bỏ đi. Rằng hắn sẽ không quay lại để hại tôi. Đôi tay tôi tê dại và cứng đờ đau đớn, nhưng vẫn không dám bỏ tay nắm cửa ra. Tôi lại mường tượng thấy hai cánh tay lực lưỡng đeo găng tay cao su trắng. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Hẳn là tôi sẽ ngồi đó hết đêm mà không dám nhúc nhích. Nhưng tôi nghe tiếng Delilah ở bên ngoài, kêu meo meo và cào vào mặt bên kia cánh cửa. “Delilah,” tôi kêu lên, giọng khàn khàn. Giọng nói run rẩy đến mức tôi cũng không nhận ra nữa. “Ôi, Delilah.” Qua cánh cửa, tôi nghe thấy nó rên rừ rừ, cái tiếng khò khè cò cử quen thuộc, và như thể một bùa phép yểm lên tôi đã bị phá bỏ. Tôi để những ngón tay bị chuột rút cứng đờ buông nắm cửa ra, đau đớn nắm duỗi chúng cho hết cơn co rút, rồi đứng dậy, cố gắng giữ vững đôi chân đang run lên bần bật, rồi vặn tay nắm. Nó xoay. Mà thực ra nó xoay quá dễ dàng, nhẹ tênh trong tay tôi, và then cửa không nhúc nhích lấy một phân. Hắn ta đã tháo khóa từ phía bên kia. Mẹ kiếp. Mẹ kiếp, mẹ kiếp, mẹ kiếp. Tôi bị nhốt rồi. 2 T ôi mất hai tiếng đồng hồ để ra được khỏi phòng ngủ. Tôi không có điện thoại để bàn nên chẳng thể nào gọi điện cầu cứu, còn cửa sổ thì đã bị khung sắt chắn mất. Tôi làm gãy cái dũa móng tốt nhất khi cố gắng xử lý then cửa, nhưng cuối cùng tôi cũng mở được cánh cửa ấy và đi ra ngoài hành lang hẹp. Chỉ có ba phòng trong căn hộ của tôi - bếp, phòng ngủ và một phòng tắm bé xíu - và dù có thể nhìn rõ toàn bộ chúng từ bên ngoài phòng ngủ, tôi vẫn không kiềm được mình đứng ở cửa nhìn vào từng phòng, thậm chí kiểm tra tủ buýp phê ở hành lang nơi tôi cất máy hút bụi. Tôi muốn chắc chắn là hắn đã rời khỏi đây. Đầu tôi ong ong còn tay thì run rẩy khi tôi lần tìm đến bậc thềm trước cửa nhà hàng xóm. Tôi thấy mình ngoái lại nhìn con phố tối om trong lúc chờ bà ấy trả lời. Tôi đoán lúc đó khoảng bốn giờ sáng và phải mất một lúc lâu cùng rất nhiều lần đập cửa thình thình thì bà ấy mới dậy. Tôi nghe thấy tiếng càu nhàu xen cùng tiếng chân bà Johnson bước xuống cầu thang, và khi bà mở cửa, khuôn mặt bà trộn lẫn giữa vẻ bối rối vì bị đánh thức và hoảng sợ, nhưng nhìn thấy tôi rúm ró trên bậc thềm trong bộ váy ngủ, mặt và tay dính máu, thì vẻ mặt bà thay đổi lập tức và bà gỡ dây xích. “Ôi Chúa ơi! Có chuyện gì vậy?” “Cháu bị trộm vào nhà.” Tôi nói khó nhọc. Không biết là do không khí lạnh mùa thu hay do cú sốc, nhưng tôi bắt đầu run tới độ gần như co giật, răng va vào nhau dữ đến mức trong đầu tôi thoáng hiện hình ảnh hãi hùng là chúng vỡ thành từng mảnh. Tôi xua ý nghĩ ấy đi. “Cháu đang chảy máu kìa!” Gương mặt bà Johnson đầy hoảng hốt. “Ôi, Chúa phù hộ, cháu vào đây, vào đây.” Bà dẫn tôi vào phòng khách trải thảm họa tiết cánh hoa. Nhà bà nhỏ, tối tăm và nóng quá thể, nhưng ngay lúc này tôi thấy nó chẳng khác nào một thánh đường. “Ngồi xuống, ngồi xuống đi.” Bà chỉ vào một cái ghế sô pha nhưng đỏ rồi lẩy bẩy quỳ gối để bật bếp lò chạy ga. Bếp lò kêu lách tách rồi bùng cháy, và tôi cảm thấy nhiệt độ tăng thêm một độ khi bà nhăn nhó đứng lên. “Để ta làm cho cháu ít trà nóng.” “Cháu ổn ạ, bác Johnson. Bác có nghĩ...” Nhưng bà nghiêm nghị lắc đầu. “Khi cháu bị choáng thì không gì bằng uống một cốc trà ngọt nóng.” Thế là tôi ngồi đó, đôi tay run rẩy ôm lấy gối, trong khi bà Johnson đi quanh căn bếp nhỏ rồi quay lại với hai cái cốc trên khay. Tôi với lấy cốc gần hơn rồi nhấp một ngụm, nhăn mặt lại khi hơi nóng áp vào vết cắt trên tay. Trà ngọt quá, đến mức tôi hầu như chẳng nhận ra vị máu tan trong miệng, và tôi đồ rằng thế là điều tốt. Bà Johnson không uống mà chỉ nhìn tôi, trán bà nhăn lại đầy quan ngại. “Hắn có...” Giọng bà ấp úng. “Hắn có làm hại cháu không?” Tôi biết bà định nói gì. Tôi lắc đầu, nhưng tôi uống thêm một ngụm nóng rẫy nữa rồi mới trả lời. “Không ạ. Hắn không động vào cháu. Hắn đóng sập cánh cửa vào mặt cháu nên cháu mới bị xước má. Rồi cháu lại làm đứt tay trong lúc cố thoát khỏi phòng ngủ. Hắn khóa cháu ở trong đó.” Tôi đột nhiên thấy thoáng qua trong đầu hình ảnh mình cầm dũa móng và kéo đập liên hồi vào then cửa. Judah lúc nào cũng trêu tôi vì cứ đòi phải đồ nào việc nấy - bạn biết đấy, không được vặn ốc phích bằng mũi dao, hay nạy vành xe bằng xẻng bứng cây. Mới cuối tuần trước anh ấy còn cười chuyện tôi cố gắng sửa đầu vòi hoa sen bằng băng dính đen, rồi dành cả buổi chiều vật vã gắn lại cái vòi bằng keo epoxy. Nhưng anh ấy đã đi Ukraina và giờ tôi chẳng thể nghĩ đến anh ấy. Nếu tôi làm thế, tôi sẽ khóc, mà nếu tôi khóc, thì tôi sẽ khóc mãi không thôi. “Ôi, cháu đáng thương.” Tôi nuốt nước bọt. “Bác Johnson, cảm ơn bác vì cốc trà - nhưng cháu qua đây để hỏi xem liệu mình có thể gọi nhờ điện thoại không? Hắn lấy điện thoại di động của cháu nên cháu không gọi được cảnh sát.” “Tất nhiên rồi. Cháu uống trà đi, rồi ra kia mà gọi.” Bà chỉ tay về phía mặt tủ phủ khăn lót, bên trên đặt một thứ chắc hẳn là chiếc điện thoại quay số cuối cùng ở London không nằm trong một cửa hiệu đồ cổ Islington. Tôi ngoan ngoãn uống hết trà rồi mới nhấc điện thoại lên. Trong một thoáng ngón tay tôi huơ trên số “chín”, nhưng rồi tôi thở dài. Hắn đã đi rồi. Họ còn biết làm gì khi đến nơi? Sau cùng thì đây cũng không còn là trường hợp khẩn cấp nữa. Thay vì vậy, tôi quay số 101 - đường dây không khẩn cấp - và đợi được nối máy. Rồi tôi ngồi và nghĩ đến khoản bảo hiểm mà tôi không có, chiếc khóa cường lực tôi đã không lắp, và cái đêm hôm nay đã trở thành một mớ hỗn độn. Nhiều tiếng sau tôi vẫn nghĩ về những điều đó trong khi nhìn thợ khóa khẩn cấp thay thế then gài cửa trước lỏng lẻo bằng một cái khóa chết, và nghe ông ta giảng giải về an ninh nhà ở lẫn móc mỉa cái trò đùa mà thực chất là cửa sau căn hộ nhà tôi. “Tấm ván đó chỉ là gỗ ép không hơn, cô gái ạ. Sút một phát là nó bung ra ngay. Muốn tôi làm thử cho xem không?” “Không,” tôi vội đáp. “Không, cảm ơn. Tôi sẽ sửa nó sau. Ông không sửa cửa đúng không?” “Không, nhưng bạn tôi thì có. Tôi sẽ cho cô số cậu ấy trước khi ra về. Trong khi chờ đợi, cô nên nhờ chồng đóng một miếng gỗ dán hai phân lên tấm ván đó. Cô không muốn sự việc tối qua lặp lại đâu.” “Tất nhiên là không,” tôi đồng ý. Đúng là câu nói giảm nói tránh của năm. “Bạn tôi làm cảnh sát nói một phần tư số vụ trộm sẽ tái diễn. Mấy gã trộm sẽ quay lại để kiếm thêm.” “Tuyệt,” tôi yếu ớt nói. Đúng là thứ tôi cần nghe. “Hai phân nhé. Có muốn tôi viết ra cho chồng cô không?” “Không, cảm ơn. Tôi chưa kết hôn.” Và dù là phụ nữ, tôi vẫn có thể nhớ một con số đơn giản có một chữ số. “Cha chả, được rồi. Vậy cứ thế nhé,” ông ta nói, cứ như thể lời ấy chứng minh điều gì đó. “Cái khung cửa này cũng không xài được đâu. Cô sẽ muốn dùng khung sắt để gia cố đấy. Nếu không thì cho dù cô có mua khóa loại xịn nhất, bọn chúng cũng chỉ cần đập khóa rời ra khỏi khung là xong. Tôi còn một cái để trên xe chắc sẽ vừa. Cô có biết tôi đang nói đến cái gì không?” “Tôi biết,” tôi nói, vẻ rã rời. “Một thanh sắt chạy dọc khung cửa, vòng qua ổ khóa, đúng không?” Tôi ngờ là ông này đang cố vắt tôi được bao nhiêu thì vắt, nhưng đến nước này thì tôi cũng chẳng quan tâm nữa. “Nghe này,” ông ta đứng dậy, nhét cái đục vào túi sau, “Tôi sẽ lắp thanh sắt, còn miếng gỗ dán thì tôi sẽ đóng vào cửa sau cho cô miễn phí. Tôi có một tấm ván vừa khít để trong xe. Đừng nản, cô gái. Hắn sẽ không thể quay lại bằng đường này nữa đâu.” Chẳng hiểu sao những lời đó nghe chẳng yên tâm chút nào. Sau khi ông ta đi, tôi pha cho mình một cốc trà và đi đi lại lại trong căn hộ. Tôi cảm thấy như thể mình là Delilah sau khi một con mèo đực xâm nhập vào nhà qua ô cửa cho mèo và tè lên hành lang - đận đó Delilah đã đi thơ thẩn từng phòng suốt nhiều giờ, cạ mình vào đồ nội thất, tè vào góc nhà hòng xác lập lại lãnh thổ. Tôi thì không đến mức tè lên giường, nhưng cũng có cùng một cái cảm giác lãnh thổ bị xâm phạm, cùng một cái nhu cầu phải chiếm lại những gì đã bị xâm hại như nó. Xâm hại? một giọng nhỏ đầy châm chọc vang lên trong đầu tôi. Làm ơn đê, tuồng chèo vừa thôi. Nhưng đúng là tôi đã cảm thấy bị xâm hại. Căn hộ nhỏ của tôi đã bị hủy hoại - nó đã bị vấy bẩn và không còn an toàn nữa. Nội chuyện thuật lại sự việc với cảnh sát thôi cũng chẳng khác nào một thử thách - vâng, tôi đã nhìn thấy kẻ đột nhập, không, tôi không thể tả lại hắn. Có cái gì ở trong túi xách? Ô, cả cuộc đời tôi thôi ấy mà: tiền, điện thoại di động, bằng lái xe, thuốc, mọi thứ hữu dụng với tôi từ cây mascara cho tới thẻ giao thông. Giọng nói nhanh và lạnh lùng của nhân viên tổng đài vẫn vang lên trong đầu tôi. “Điện thoại loại nào?” “Không giá trị mấy,” tôi mệt mỏi đáp. “Chỉ là một cái iPhone cũ. Tôi không nhớ được là đời nào nữa, nhưng tôi có thể kiểm tra lại.” “Cảm ơn cô. Bất cứ điều gì cô có thể nhớ được về hình dạng chính xác và mã số xuất xưởng của chiếc điện thoại đều có ích cho cuộc điều tra. Và cô có nhắc đến thuốc - là loại nào, nếu câu hỏi này không làm phiền cô?” Tôi ngay lập tức vào thế phòng bị. “Lịch sử điều trị của tôi thì có liên quan gì đến chuyện này?” “Không.” Nhân viên tổng đài vẫn kiên nhẫn - theo một lối rất khó chịu. “Chỉ là một số loại thuốc sẽ có giá cao khi bán lại.” Tôi biết cơn tức giận đang trào dâng khi nghe câu hỏi thật vô lý - anh ta chỉ làm việc của mình thôi mà. Nhưng chính kẻ đột nhập kia mới là kẻ phạm tội. Thế thì tại sao tôi lại cảm thấy mình mới là người đang bị thẩm vấn? Tôi đi được nửa đường vào phòng khách với cốc trà trên tay thì có tiếng đập đánh thình ở cửa trước - trong căn hộ kín và im lặng của tôi, cái âm thanh đó to đến mức khiến tôi bước hụt và cứng đờ người, nửa đứng nửa cúi trước cánh cửa. Trong đầu tôi thoáng hiện lên hình ảnh khủng khiếp gai người của một khuôn mặt đội mũ trùm và tay đeo găng cao su. Chỉ khi cánh cửa kêu đánh thình lần nữa thì tôi mới nhìn xuống và nhận ra cốc trà giờ đã vỡ tan trên nền gạch hành lang, hai bàn chân tôi ngập trong thứ nước đang nguội đi rất nhanh. Cánh cửa lại kêu thình lần nữa. “Chờ một phút!” tôi nói vọng ra, đột nhiên cảm thấy giận dữ và suýt khóc. “Tôi đang ra đây! Làm ơn đừng có đập cửa nữa!” “Xin lỗi cô,” viên cảnh sát nói khi cuối cùng tôi cũng mở cửa. “Tôi không chắc cô có nghe thấy không.” Và rồi - nhìn thấy vũng nước trà và những mảnh vỡ của cái cốc - “Úi chà, chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy. Lại bị đột nhập nữa hả? Ha ha!” Lúc viên cảnh sát kết thúc việc ghi chép báo cáo thì đã là buổi chiều, và sau khi anh ta rời đi, tôi mở máy tính xách tay. Nó ở trong phòng ngủ với tôi và là món đồ công nghệ duy nhất mà tên trộm không lấy đi. Bên cạnh dữ liệu công việc mà hầu hết tôi đều chưa lưu dự phòng, nó còn chứa tất cả mật khẩu, bao gồm cả - và tôi co rúm lại khi nghĩ đến - một file được đặt tên vô cùng thuận tiện là “Thông tin ngân hàng”. Tôi không viết mã pin vào đó, nhưng hầu như toàn bộ những thông tin khác đều có đủ. Khi cơn lũ email quen thuộc tràn vào hòm thư, tôi nhận ra một email với đầu đề: “Hôm nay có định đến làm không bồ ;) ?” và tôi điếng người nhận ra mình đã hoàn toàn quên béng phải báo tin cho Velocity. Tôi định gửi email, nhưng cuối cùng rút tờ hai mươi bảng cất trong hộp trà để trả tiền taxi lúc cần kíp, rồi đi ra bốt cửa hàng điện thoại ở ga tàu điện ngầm. Phải mặc cả một lúc, nhưng cuối cùng gã bán hàng đã bán cho tôi một chiếc điện thoại rẻ tiền kèm sim với giá mười lăm bảng, rồi tôi ngồi ở quán cà phê đối diện và gọi điện cho trợ lý biên tập, Jenn, người ngồi đối diện bàn tôi ở công ty. Tôi kể những gì đã xảy ra, cố khiến chuyện có vẻ khôi hài và lố bịch chứ không khiếp đảm như thực tế. Tôi tả kỹ cái cảnh mình dũa khóa bằng dũa móng tay, không kể về đôi găng hay cái cảm giác kinh hoàng bất lực, hay những hồi tưởng sống động đến hãi hùng vẫn đang không ngừng phục kích tôi. “Chết tiệt!” Trên đường dây rè rè, giọng cô ấy không giấu nổi vẻ hoảng sợ. “Cậu ổn chứ?” “Ừ, ít nhiều. Nhưng hôm nay tớ không đến được đâu, tớ phải dọn căn hộ.” Mặc dù thực tế là tình trạng căn hộ cũng không đến nỗi tệ. Đối với một tên tội phạm thì hắn ngăn nắp một cách đáng khen. “Chúa ơi, Lo, thương cậu quá. Này, cậu có muốn tớ nhờ người khác thay cậu làm vụ Bắc Cực Quang không?” Trong một phút tôi hoàn toàn khổng hiểu cô ấy đang nói về cái gì - rồi tôi nhớ ra. Con thuyền Aurora Borealis: một con thuyền du lịch siêu sang cỡ nhỏ đi vòng quanh các vịnh ở Na Uy, và bằng cách nào đó, dù tôi vẫn chưa chắc là bằng cách nào, tôi đã may mắn đến mức thó được một suất dành cho nhà báo trên chuyến hành trình đầu tiên của nó. Đấy là một phần thưởng ghê gớm. Mặc dù làm việc cho một tạp chí du lịch, nhưng công việc bình thường của tôi là cắt dán thông cáo báo chí, tìm ảnh cho những bài báo được Rowan sếp của tôi gửi về từ những địa điểm sang chảnh. Đáng lẽ Rowan mới là người lên thuyền, nhưng không may sau khi nhận lời cô ấy nhận ra tình trạng bầu bí không cho phép mình làm thế - nôn mửa, rõ là thế rồi - và chuyến du thuyền đã đậu lên lòng tôi như một món quà lớn, đầy trách nhiệm và tiềm năng. Cơ hội này được trao cho tôi là nhờ sự tín nhiệm của sếp, bởi có nhiều nhân viên kỳ cựu mà cô hẳn đã có thể chiếu cố, và tôi hiểu rằng nếu biết cách thể hiện mình trong chuyến đi này thì đấy sẽ là một điểm cộng rất lớn cho tôi trong cuộc đua trám vào vị trí của Rowan khi cô ấy nghỉ đẻ, và có thể - chỉ là có thể thôi - nhận được sự đề bạt mà cô ấy đã hứa suốt vài năm qua. Thuyền khởi hành vào cuối tuần. Chính xác là Chủ nhật. Tôi sẽ lên đường sau hai ngày nữa. “Không,” tôi nói, bản thân cũng thấy ngạc nhiên bởi thái độ kiên quyết trong giọng mình. “Không, chắc chắn là tớ không muốn rút khỏi vụ này đâu. Tớ ổn.” “Cậu chắc chứ? Hộ chiếu của cậu thì sao?” “Nó ở trong phòng ngủ, hắn không tìm thấy nó.” ơn Chúa. “Cậu có thực sự chắc chắn không đấy?” cô ấy lặp lại, và tôi có thể nghe thấy sự sốt sắng trong giọng cô ấy. “Vụ này to đấy - không chỉ cho cậu, ý tớ là cho cả tạp chí. Nếu cậu không cảm thấy sẵn sàng thì Rowan sẽ không muốn cậu...” “Tớ đã sẵn sàng,” tôi ngắt lời. Không thể nào để cơ hội này tuột khỏi tay mình. Nếu điều đó xảy ra, đây có thể là cơ hội cuối cùng tôi được ban cho. “Tớ hứa đấy. Tớ thực sự muốn làm vụ này mà Jenn.” “Được rồi..." cô ấy nói, hầu như miễn cưỡng. “Chà, nếu vậy thì hãy cố hết sức, nhé? Sáng nay họ có gửi đến bộ tài liệu quảng bá nên tớ sẽ gửi cái đó cùng với vé tàu hỏa của cậu. Tớ để giấy nhắn của Rowan ở đâu rồi ấy. Chắc chủ yếu chỉ là viết một bài tâng bốc thật hay về du thuyền, bởi cô ấy muốn họ đặt hàng quảng cáo ở chỗ chúng ta, nhưng trong số hành khách hẳn sẽ có những người thú vị, thế nên nếu cậu có thể viết được thêm về người nào nữa thì sẽ tốt hơn nhiều.” “Chắc chắn rồi.” Tôi chộp lấy cái bút trên quầy hàng cà phê và bắt đầu ghi lên một mẩu giấy ăn. “Mà nhắc hộ tớ mấy giờ tàu chạy ấy nhỉ?” “Cậu sẽ bắt tàu lúc mười giờ ba mươi từ ga King’s Cross... mà thôi, tớ sẽ bỏ hết lịch trình vào trong bộ tài liệu.” “Thế là được rồi. Cảm ơn nhé, Jenn.” “Đừng lo,” cô nói. Giọng cô có chút thèm muốn, và tôi tự hỏi không biết có phải cô định thế chân tôi không. “Bảo trọng nhé, Lo. Tạm biệt.” Trời vẫn còn chút nắng lúc tôi chầm chậm lê bước về nhà. Chân và má tôi đau điếng, tôi chỉ muốn về nhanh để ngâm mình thật lâu trong một bồn tắm thật nóng. Cánh cửa vào căn hộ tầng hầm của tôi chìm trong bóng tối như thường lệ, và một lần nữa tôi nghĩ mình phải lắp một cái đèn ở đây, dù là chỉ để nhìn rõ chìa khóa nhà trong túi xách, nhưng ngay cả trong cảnh nhập nhoạng tôi vẫn có thể trông thấy những mảnh gỗ vụn ở chỗ cái khóa mới mà ông thợ khóa đã lắp. Kỳ lạ là lúc đấy tôi không hề nghe thấy tiếng hắn. Chà, mày mong đợi gì chứ, lúc đấy mày say quắc cần câu còn gì, giọng nói xấu xa kia vang lên trong đầu tôi. Nhưng khi cái khóa mới kêu cách một tiếng, tôi cảm thấy an tâm bởi nghe thì có vẻ nó cũng chắc chắn. Vào trong nhà rồi tôi khóa cửa lại, đá giày khỏi chân và rã rời đi dọc hành lang đến chỗ phòng tắm, che miệng ngáp khi vặn vòi xả nước và ngồi xuống bồn cầu để cởi quần tất. Tôi bắt đầu cởi nút áo... nhưng rồi khựng lại. Thường thì tôi để mở cửa nhà tắm - chỉ có tôi và Delilah, và những bức tường cũng dễ bị ẩm do đây là tầng hầm. Tôi cũng không giỏi chịu không gian kín, và căn phòng sẽ trở nên rất nhỏ nếu kéo cái mành cửa sổ xuống. Nhưng dù cửa trước đã khóa và khung cửa đã được gia cố ốp sắt, tôi vẫn kiểm tra cửa sổ, đóng rồi khóa cửa phòng tắm trước khi cởi hết quần áo trên người. Tôi thấy mệt - Chúa ơi, tôi mệt quá. Tôi tưởng tượng mình lăn ra ngủ trong bồn tắm, chìm xuống làn nước, một tuần sau Judah mới tìm thấy cái xác trần truồng trương phềnh của tôi... Tôi rùng mình. Tôi cần ngừng ngay cái trò làm mình làm mẩy này lại. Bồn tắm chỉ dài chừng mét hai. Mới gội đầu thôi mà tôi đã phải vặn vẹo khổ sở rồi, nói chi đến chuyện chết đuối. Nước trong bồn nóng đến mức khiến vết cắt trên má tôi đau buốt, rồi tôi nhắm mắt và cố gắng tưởng tượng mình đang ở một nơi nào khác, một nơi khác hẳn cái không gian nhỏ hẹp lạnh lẽo giam cầm này, cách xa thành phố London nhớp nhúa ngập tràn tội phạm. Đi bộ trên một bờ biển Na Uy mát rượi, và có lẽ trong tai là âm thanh êm ái của... ờ... biển Baltic phải không nhỉ? Tôi kém môn địa lý một cách đáng ngại dù là nhà báo du lịch. Nhưng những hình ảnh không mời vẫn cứ trờ đến. Thợ sửa khóa nói “một phần tư những vụ trộm sẽ tái diễn”. Tôi đây, co rúm trong phòng ngủ, chân bíu chặt lấy sàn gỗ. Hình ảnh hai bàn tay lực lưỡng đóng găng cao su trắng, những sợi lông đen chìa ra... Mẹ kiếp. Mẹ kiếp. Tôi mở mắt, nhưng lần này làm thế chẳng ích gì. Thay vì tỉnh trí, tôi lại thấy những bức tường ẩm mốc trong nhà tắm lù lù choáng ngợp trước mặt, nhốt chặt tôi lại... Mày lại mất kiểm soát rồi, giọng nói trong đầu tôi vang lên. Mày cảm thấy được điều đó mà, phải không? Im đi. Im đi, im đi, im đi. Tôi nhắm mắt thật chặt và bắt đầu đếm, thật thong thả, cố gắng đẩy những hình ảnh kia ra khỏi đầu. Một. Hai. Ba. Hít vào. Bốn. Năm. Sáu. Thở ra. Một. Hai. Ba. Hít vào. Bốn. Năm. Sáu. Thở ra. Cuối cùng những hình ảnh đó cũng biến mất, nhưng màn tắm táp dễ chịu thế là hỏng bét, và nhu cầu muốn thoát khỏi cái phòng nhỏ hẹp thiếu gió này đột ngột choán hết tâm trí tôi. Tôi đứng dậy, quấn một cái khăn tắm quanh mình và một cái nữa lên tóc, rồi đi vào phòng ngủ, ở đó máy tính xách tay vẫn đang nằm trên giường. Tôi mở máy, bật Google rồi gõ: “Bao nhiêu % vụ trộm tái diễn”. Màn hình kết quả với những đường link hiện ra và tôi bấm vào một liên kết ngẫu nhiên rồi đọc lướt đến một đoạn như sau: “khi bọn trộm trở lại... Một cuộc khảo sát toàn quốc chỉ ra rằng, trong vòng mười hai tháng, có khoảng 25-50% những tên trộm quay trở lại nơi chúng đã từng đột nhập; số nạn nhân của hành động trộm cắp lặp lại này rơi vào khoảng từ 25 đến 35%. Các số liệu do lực lượng cảnh sát Anh thu thập được cho thấy 28- 51% những vụ trộm lặp lại xảy ra trong vòng một tháng sau vụ trộm thứ nhất, 11-25% xảy ra trong vòng một tuần.” Tuyệt. Có vẻ như tay thương nhân tâm hồn u ám - lão thợ sửa khóa - thực ra đã nói giảm vấn đề chứ không phải muốn chọc cho tôi sợ - mặc dù bài toán gồm số vụ trộm tái diễn lên đến 50% nhưng chỉ có 35% là nạn nhân của hành động phạm pháp lặp lại khiến đầu tôi ong ong. Dù sao đi nữa, tôi cũng chẳng thích thú gì với ý nghĩ mình nằm trong số đó. Tôi đã tự hứa là tối nay sẽ không uống rượu, thế nên sau khi kiểm tra cửa trước, cửa sau, cửa trước thêm một lần nữa và khóa cửa sổ lần thứ hai, mà cũng có thể là lần thứ ba, rồi cắm sạc cái điện thoại rẻ tiền bên giường ngủ, tôi pha cho mình một cốc trà hoa cúc. Tôi mang cốc trà quay lại phòng ngủ với cái máy tính, tập tài liệu quảng bá cho chuyến đi và một gói bánh sô cô la. Mới chỉ tám giờ và tôi chưa ăn gì, nhưng tôi đột nhiên cảm thấy kiệt sức - kiệt sức đến mức chẳng muốn nấu ăn, đến mức chẳng muốn gọi điện đặt đồ. Tôi mở tập tài liệu, rúc vào cái chăn lông vịt và đợi cơn buồn ngủ ập đến. Nhưng nó lại không đến. Tôi đã xơi cả hộp bánh và đọc hết từng trang thông tin và số liệu về thuyền Aurora. Chỉ có mười cabin được trang bị đồ đạc xa hoa... tối đa hai mươi hành khách... nhân viên được tuyển chọn từ những khách sạn và nhà hàng hàng đầu thế giới... Thậm chí đến thông tin kỹ thuật về rẽ nước và trọng tải thuyền cũng không đủ để khiến tôi chìm vào giấc ngủ. Tôi cứ thức, đờ đẫn nhưng vẫn căng thẳng. Khỉ nằm đó trong cái kén của mình, tôi cố gắng không nghĩ về tên trộm. Tôi nghĩ, thật thong thả, về công việc, về tất cả những vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết trước Chủ nhật. Đi lấy thẻ ngân hàng mới. Đóng gói đồ đạc và nghiên cứu hành trình. Liệu tôi có gặp Jude trước khi lên thuyền? Chắc anh đang cố gọi vào cái điện thoại cũ của tôi. Tôi đặt tập tài liệu quảng bá xuống rồi mở hòm thư điện tử. “Chào tình yêu,” tôi gõ, rồi ngừng lại và cắn rìa móng tay. Nói gì bây giờ? Kể với anh ấy về vụ trộm cũng chẳng để làm gì. Chưa nên. Anh ấy sẽ chỉ cảm thấy có lỗi vì đã không ở đây khi tôi cần anh ấy. Thay vì thế, tôi viết, “Em vừa mất điện thoại. Chuyện dài lắm, em sẽ giải thích khi nào anh về. Nhưng nếu anh cần thì gửi email nhé, đừng nhắn tin. Chủ nhật anh dự kiến về đến nơi lúc mấy giờ ấy nhỉ? Em sẽ đến cảng Hull sớm, để đi Na Uy ấy. Hy vọng chúng ta có thể gặp nhau trước khi em đi - nếu không được thì hẹn gặp anh cuối tuần sau nhé? Lo X.” Tôi gửi thư, hy vọng anh ấy không thắc mắc tại sao một giờ kém mười lăm rồi mà tôi vẫn còn thức gửi email. Rồi tôi tắt máy, cầm sách cố đọc cho vào giấc ngủ. Chẳng tác dụng gì. 3 giờ 35 phút sáng. Tôi lảo đảo đi vào bếp, vớ lấy chai gin rồi rót cho mình một ly gin pha tonic nặng nhất mà tôi có thể ép mình uống được. Tôi nốc cạn nó như uống thuốc, rùng mình vì cái vị chát chúa trong cổ họng, rồi rót thêm cốc thứ hai và lần này uống chậm hơn. Tôi đứng một lát, cảm thấy cồn râm ran trong huyết mạch, làm giãn những bó cơ, ghìm xuống những dây thần kinh inh ỏi trong người. Tôi rót chỗ gin còn lại vào cốc rồi đem về giường, nằm xuống, căng thẳng lo âu, đôi mắt nhìn lên mặt đồng hồ rực sáng trong bóng tối, đợi chất cồn ru mình vào giấc ngủ. Một. Hai. Ba. Hít vào. Bốn... Năm... Nă… Tôi không nhớ mình ngủ lúc nào, nhưng chắc chắn là tôi đã ngủ. Phút trước tôi còn đang nhìn đồng hồ bằng đôi mắt lờ đờ đau điếng, đợi nó nhích sang 4 giờ 44 phút, phút sau tôi đã chớp mắt nhìn cái mặt đầy lông của Delilah khi nó dí cái mũi với mấy sợi ria vào mũi tôi, cố nhắc tôi rằng đã đến giờ ăn sáng. Tôi rên rỉ. Đầu tôi còn đau hơn cả ngày hôm qua - mặc dù tôi không chắc là má tôi đau hay lại một cơn váng vất vì cồn nữa. Cốc rượu gin pha tonic thứ hai còn một nửa đặt cạnh đồng hồ trên bàn đầu giường. Tôi hít thử và tí ngạt. Chắc rượu gin phải chiếm hai phần ba mất. Tôi đã nghĩ cái quái gì vậy? Đồng hồ chỉ 6 giờ 4 phút, tức là tôi đã ngủ chưa nổi một tiếng rưỡi; nhưng giờ tôi đã tỉnh, có cố ngủ lại thì cũng vô ích. Thay vào đó tôi ngồi dậy, kéo rèm và nhìn rạng đông xám xịt, những ngón tay mảnh khảnh của mặt trời nhỏ giọt vào cửa sổ tầng hầm nhà tôi. Ngày lạnh buốt, tôi xỏ chân vào dép lê và run run đi qua hành lang tới chỗ máy sưởi để tắt chế độ hẹn giờ và bật sưởi sớm hơn thường lệ. Hôm nay là thứ Bảy, tôi không phải đi làm, nhưng chẳng hiểu sao những thủ tục “hành là chính” để gán số của tôi vào một chiếc điện thoại mới và cấp lại thẻ ngân hàng đã tiêu tốn hầu hết thời gian trong ngày, và đến tối thì tôi đã mệt rũ ra. Cảm giác tồi tệ chẳng kém cái lần tôi bay trở về từ Thái Lan quá cảnh qua Los Angeles - hai chuyến bay đêm liên tiếp khiến tôi phát điên vì mất ngủ và hoàn toàn mất phương hướng. Khi máy bay ở đâu đó trên Đại Tây Dương, tôi nhận ra mình đã quá giấc, và thôi không cố ngủ nữa. Về đến nhà, tôi đổ xuống giường mà cứ như rơi xuống một cái giếng, lao thẳng vào hư không. Tôi ngủ liền hai mươi hai tiếng, tỉnh dậy loạng choạng, chân tê điếng và nhận ra Judah đang đập cửa bằng tờ báo Chủ nhật. Nhưng lần này, giường không còn là nơi trú ẩn nữa. Tôi phải chuẩn bị thật kỹ trước khi lên đường. Đây là cơ hội không thể lặp lại, không thể bỏ lỡ, để tôi chứng tỏ bản thân sau mười năm làm nghề báo theo cái kiểu cắt dán tẻ ngắt. Đây là cơ hội để cho mọi người thấy tôi có thể làm được - rằng tôi, giống như Rowan, có thể kết giao, trò chuyện thân mật và khiến cho tên tuổi của Velocity được nhưng người thành đạt biết đến. Và Huân tước Bullmer, chủ sở hữu thuyền Aurora Borealis, quả thực là một người hết sức thành đạt. Chỉ cần một phần trăm ngân sách dành cho quảng cáo của anh ta cũng đủ cho Velocity hoạt động suốt nhiều tháng trời, đấy là chưa kể đến những cái tên nổi tiếng trong giới du lịch và nhiếp ảnh, những người đương nhiên sẽ được mời đi trên hải trình đầu tiên của con thuyền, và trang bìa của chúng tôi hẳn sẽ rất oách nếu có được dòng chữ nho nhỏ ghi tên họ. Tôi không định bắt đầu cuộc nì nèo bán quảng cáo với Bullmer vào bữa tối - như thế thật quá thô lỗ và sặc mùi con buôn. Nhưng nếu tôi có thể lấy được số điện thoại của anh ta và đảm bảo rằng khi tôi gọi anh ta sẽ nhấc máy thì... Chà, đó sẽ là một bước dài trên quãng đường tôi phải đi để được cất nhắc. Đến bữa tối, tôi vừa máy móc đưa nĩa pizza đóng đá lên miệng cho tới khi no quá không ăn nổi nữa, vừa tiếp tục đọc tập hồ sơ quảng bá từ chỗ bỏ dở hôm qua, nhưng những con chữ và hình ảnh cứ bồng bềnh trước mắt, những tính từ cứ nhòa lẫn vào nhau: “cỡ nhỏ... lấp lánh... xa hoa... thủ công... tinh tuyển...” Tôi buông tờ giấy xuống và ngáp, rồi nhìn đồng hồ và nhận ra đã chín giờ rồi. Ơn Chúa, tôi có thể lên giường. Khi kiểm tra lại cửa và ổ khóa, tôi nghĩ đầu óc rã rời thế này cũng may, như thế thì tình trạng mất ngủ đêm qua sẽ không tái diễn. Tôi mệt đến mức ngay cả khi trộm có lại mò đến thì chắc tôi cũng vẫn ngủ tít mít mà thôi. Lúc 10 giờ 47 phút tôi nhận ra mình đã lầm. Lúc 11 giờ 23 phút tôi bắt đầu thút thít khóc đầy ngớ ngẩn. Là thế này ư? Tôi sẽ không bao giờ ngủ được nữa ư? Tôi phải ngủ. Tôi phải ngủ. Tôi đã... Tôi phải đếm đầu ngón tay bởi không tính nhẩm nổi nữa. Gì thế này, ba ngày vừa rồi tôi ngủ chưa được bốn tiếng. Tôi có thể nếm vị của giấc ngủ. Tôi có thể cảm thấy nó, ngay rìa tầm tay với. Tôi phải ngủ. Tôi phải ngủ. Tôi sẽ phát điên nếu không ngủ. Nước mắt lại trào ra - tôi còn chẳng biết đấy là nước mắt gì nữa. Nước mắt tuyệt vọng ư? Hay giận dữ, với bản thân, với tên trộm? Hay chỉ là kiệt quệ? Tôi chỉ biết mình không ngủ được - rằng giấc ngủ cứ đu đưa như một lời hứa hão chỉ cách tôi vài phân. Tôi cảm thấy như thể mình đang chạy về phía một bóng ma cứ lùi xa, chuội đi, tôi lao tới càng tuyệt vọng thì nó càng lùi nhanh. Hoặc giấc ngủ giống một con cá dưới nước, mà tôi phải chộp và giữ lấy, nhưng rồi nó cứ tuột qua những ngón tay tôi. Chúa ơi, tôi muốn ngủ... Delilah ngoảnh đầu về phía tôi, giật mình. Có phải tôi vừa nói to câu ấy không? Tôi chẳng biết nữa. Chúa ơi, tôi sắp mất trí rồi. Một gương mặt lướt qua - đôi mắt dịu dàng lấp lánh trong bóng tối. Tôi ngồi dậy, tim đập mạnh đến mức có thể cảm thấy mạch đập sau gáy. Tôi phải thoát khỏi đây. Tôi đứng dậy, loạng choạng bước đi như trong cơn xuất thần bởi kiệt quệ, rồi xỏ chân vào giày và luồn tay vào áo khoác, bên trong chỉ mặc đồ ngủ. Tôi cầm theo túi xách. Nếu không ngủ được, tôi sẽ đi bộ. Đến một nơi nào đó. Bất cứ nơi nào. Nếu giấc ngủ không đến với tôi, thì chính tôi sẽ đi săn tìm nó. 3 N hững con phố nửa đêm vẫn có người, nhưng chúng không phải những con phố mà tôi đi qua mỗi ngày trên đường tới nơi làm việc. Giữa những vùng sáng màu vàng lưu huỳnh của đèn đường, những con phố có màu xám và chìm trong bóng tối, một cơn gió lạnh thổi giấy loại vướng vào chân tôi, lá cây và rác rến rào rào trong những rãnh nước. Đáng lẽ tôi phải cảm thấy sợ - một phụ nữ ba mươi hai, rành rành là đang mặc đồ ngủ, lang thang trên phố lúc quá nửa đêm. Nhưng ngoài này tôi lại thấy an toàn hơn ở nhà. Ngoài này, sẽ có ai đó nghe thấy tiếng thét của ta. Tôi chẳng có kế hoạch, chẳng có lộ trình gì hết, chỉ lang thang khắp các con phố cho tới khi mệt quá không đứng nổi nữa. Lúc đi đến chỗ nào đó quanh Highbury và Islington tôi nhận ra trời đang mưa, chắc hẳn trời đã mưa được một lúc vì tôi ướt nhẹp rồi. Tôi đứng với đôi giày sũng nước dưới chân, bộ óc ngất ngây kiệt quệ cố gắng chắp ghép lấy một kế hoạch, rồi đôi chân tôi gần như tự bước đi - không phải về nhà, mà về phía Nam, hướng về khu Angel. Tôi không nhận ra mình đang đi đâu cho tới khi đến nơi. Cho tới khi tôi đứng dưới hàng hiên tòa nhà anh ấy ở, cau mày sửng sốt trước cái chuông có ghi tên anh bằng nét chữ viết tay nhỏ và rõ ràng: LEWIS. Anh không ở đây. Anh đã đi Ukraina, phải ngày mai mới về. Nhưng tôi có chìa khóa dự phòng nhà anh trong túi áo khoác, và tôi không dám nghĩ đến quãng đường đi bộ quay trở lại căn hộ của mình. Mày có thể bắt taxi mà, giọng nói ác ý trong đầu tôi bắt bẻ. Đâu phải mày sợ phải đi bộ về. Đồ hèn. Tôi lắc đầu, hất những giọt nước mưa tung tóe lên cái chuông cửa bằng thép không gỉ, rồi lục chùm chìa khóa cho tới khi tìm được chìa mở cửa ngoài. Tôi lách vào nhà, vào cái ấm nóng bức bối của hành lang chung. Ở trên tầng hai, tôi thận trọng bước vào căn hộ. Trong căn hộ tối om. Tất cả cửa đều đóng, lối vào thì không có cửa sổ. “Judah?” tôi gọi. Tôi chắc chắn anh ấy không ở nhà, nhưng cũng có thể anh để một người bạn ở tạm đây, và tôi không muốn khiến ai đó lên cơn đau tim lúc nửa đêm. Tôi biết quá rõ cái cảm giác ấy là thế nào. “Jude, là em đây, Lo đây.” Nhưng không có ai trả lời. Căn hộ im lìm - hoàn toàn và tuyệt đối. Tồi mở cửa bên trái vào nhà bếp rồi nhón chân vào bên trong. Tôi không bật đèn. Tôi cứ thế cởi quần áo ướt, áo khoác, đồ ngủ và tất tật rồi trút chúng vào bồn rửa. Rồi tôi trần truồng đi bộ tới phòng ngủ, nơi cái giường đôi thênh thang của Judah trống không dưới ánh trăng, tấm chăn trông xô lệch như thể anh vừa mới rời khỏi đó phút mốt. Tôi quỳ xuống rồi bò ra giữa giường, cảm thấy sự mềm mại của tấm chăn anh dùng, ngửi mùi anh, mùi mồ hôi, mùi nước thơm, và - anh. Tôi nhắm mắt. Một. Hai... Giấc ngủ ập vào tôi, cuốn tôi đi như một con sóng. Tôi tỉnh giấc bởi tiếng phụ nữ hét lên, cùng cảm giác có ai đó nằm trên tôi, đè tôi xuống, ai đó ghì tay tôi dù tôi chống cự. Một bàn tay nắm lấy cổ tay tôi, nó siết mạnh hơn tôi nhiều. Không nhìn thấy gì, hoảng loạn đến phát điên, tôi mò mẫm trong bóng tối đen ngòm bằng tay còn lại, cố tìm một thứ gì đó, thứ gì cũng được, để dùng làm vũ khí, và tay tôi quờ trúng cái đèn cạnh giường. Bàn tay của gã đàn ông bịt miệng tôi, bóp nghẹt tôi, toàn bộ sức nặng của hắn làm tôi ngạt thở. Tôi lấy hết sức bình sinh nhấc cái đèn nặng trịch lên rồi giáng một cú thật lực. Có tiếng kêu thét đau đớn, và qua lớp sương mù khiếp đảm tôi nghe thấy một giọng nói, từ ngữ líu nhíu đứt quãng. “Lo, là anh đây! Là anh đây, lạy Chúa, dừng lại!” Gì cơ? Ôi Chúa ơi. Đôi tay tôi run đến mức khi tôi cố tìm cái đèn, tôi chỉ xô đổ một cái gì đấy. Bên cạnh mình, tôi có thể nghe thấy Judah thở dốc, cùng một âm thanh lục bục khiến tôi khiếp đảm. Cái đèn ở chỗ quái nào vậy? Rồi tôi nhận ra - tôi đã nện nó vào mặt Judah. Tôi loạng choạng bước khỏi giường, chân lẩy bẩy, rồi tìm thấy công tắc cạnh cửa. Căn phòng thình lình ngập trong thứ ánh sáng chói lòa của mười hai bóng đèn halogen, mỗi cái bóng rọi sáng từng đường nét cái nỗi khiếp đảm trước mặt tôi đây. Judah cúi mình trên giường, tay ôm mặt, máu túa ra trên ngực và râu anh. “Ôi Chúa ơi, Jude!” tôi bò toài về phía anh, tay vẫn run bần bật, rồi bắt đầu chộp lấy khăn giấy từ cái hộp đặt cạnh giường. Anh ấn khăn giấy lên mặt. “Ôi Chúa ơi, chuyện gì xảy ra vậy? Ai vừa hét đấy?” “Em chứ ai!” anh rên rỉ. Mấy mẩu khăn giấy đã đầm đìa máu. “Gì cơ?” tôi nói, trong người vẫn rần rật andrenaline. Tôi hoang mang nhìn khắp phòng để tìm người phụ nữ và kẻ tấn công. “Anh bảo gì cơ?” “Anh về nhà,” anh nhăn nhó nói, cái giọng Brooklyn của anh lúng búng vì bị mẩu giấy chặn mất. “Thì em bắt đầu la hét, nửa tỉnh nửa mê. Thế là anh cố gắng đánh thức em và - thế này đây.” “Ôi chết tiệt.” Tôi che miệng. “Em xin lỗi.” Tiếng hét đó - nó thật quá sống động. Có thực đấy là tôi không nhỉ? Anh thận trọng bỏ tay khỏi miệng. Có cái gì đó giữa nùi giấy đỏ sẫm, nhỏ và màu trắng. Chỉ khi nhìn vào mặt anh tôi mới nhận ra - một cái răng của anh đã biến mất. “Ôi Chúa ơi.” Anh nhìn tôi, máu vẫn chầm chậm rỏ xuống từ miệng và mũi. “Đón người ta về nhà thế đấy,” là tất cả những gì anh nói. “Em xin lỗi,” tôi thấy cơn thổn thức nhói lên nơi cổ họng nhưng không muốn khóc trước mặt tài xế taxi. Thay vào đó tôi nuốt nước bọt chịu đựng. “Judah?” Judah không nói gì, anh chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ vào rạng đông xám xịt đang bắt đầu tràn xuống London. Mất hai tiếng đồng hồ ở khoa Tai nạn và Cấp cứu Bệnh viện Đại học College, tất cả những gì họ làm là khâu lại môi của Judah và chuyển anh đến một nha sĩ cấp cứu, ông này nhét cái răng vào chỗ cũ và bảo anh hãy cầu nguyện đi, đại loại vậy. Anh có thể giữ lại cái răng nếu nó bắt lại vào xương. Nếu không thì phải làm cầu răng hoặc trồng răng giả. Anh nhắm mắt đầy mệt mỏi, còn tôi cảm thấy quặn lòng vì ăn năn. “Em xin lỗi,” tôi lặp lại, lần này nghe tuyệt vọng hơn. “Em không biết phải nói gì nữa.” “Không, anh xin lỗi,” anh nói vẻ chán chường. Nghe như là “xing nhỗi”, giống giọng Sean Connery say xỉn, thuốc tê cục bộ tiêm môi khiến anh phải chật vật mới nói được. “Anh ư? Anh xin lỗi vì cái gì?” “Anh không biết. Vì làm mọi thứ lộn tùng phèo. Vì không ở đó với em.” “Ý anh là vụ trộm?” Anh gật đầu. “Vụ đó. Nhưng cũng là bất cứ lúc nào khác. Anh ước mình đừng đi suốt thế này.” Tôi ngả vào anh còn anh quàng tay qua người tôi. Tôi tựa đầu lên vai anh và lắng nghe tiếng đập chậm và đều của trái tim anh, từ tốn khiến ta vững tâm, trong khi mạch tôi đập thình thình hoảng hốt. Bên dưới áo vét, anh vẫn mặc cái áo phông dính máu, lớp vải mềm và sờn bên dưới má tôi. Tôi hít vào một hơi dài rùng mình, nó có mùi mồ hôi anh, và tôi thấy mạch mình đập chậm dần về cùng nhịp với anh. “Anh cũng chẳng làm được gì đâu,” tôi nói với bờ ngực anh. Anh lắc đầu. “Dù vậy, lẽ ra anh phải ở đó.” Trời sáng dần khi chúng tôi trả tiền taxi và chầm chậm trèo hai lượt cầu thang lên căn hộ của anh. Nhìn đồng hồ đeo tay tôi nhận ra đã gần sáu giờ. Chết tiệt, tôi phải đi tàu đến cảng Hull trong vài giờ nữa. Bên trong, Judah cởi quần áo và chúng tôi nằm xuống giường, da áp da. Anh kéo tôi lại gần, nhắm nghiền mắt và hít lấy mùi hương trên tóc tôi. Tôi mệt đến nỗi chẳng nghĩ được gì, nhưng thay vì nằm ra và mặc cơn buồn ngủ xâm chiếm, tôi lại thấy mình trèo lên người anh, hôn cổ anh, bụng anh, dải lông đen kéo thẳng đến háng anh. “Lo...” anh rên lên, cố gắng kéo tôi về phía anh để hôn tôi, nhưng tôi lắc đầu. “Đừng, miệng anh. Cứ nằm ra đi.” Anh ngả đầu về sau, cổ anh ưỡn lên trong những sọc nắng mai xuyên qua tấm rèm. Đã tám ngày kể từ lần cuối tôi nhìn thấy anh. Sẽ lại một tuần nữa tôi mới lại được gặp anh. Nếu chúng tôi không làm chuyện ấy ngay lúc này... Sau khi kết thúc, tôi nằm trong vòng tay anh, đợi hơi thở và nhịp tim chậm lại, và cảm thấy má anh nheo lại thành một nụ cười khi áp vào má tôi. “Thế này mới phải chứ,” anh nói. “Phải cái gì cơ?” “Thế này mới đúng là cuộc chào đón mà anh mong chờ.” Tôi lưỡng lự, rồi anh chạm vào mặt tôi. “Lo, em yêu, anh đùa thôi mà.” “Em biết.” Hai chúng tôi im lặng một lúc lâu. Tôi nghĩ anh đang chìm vào giấc ngủ, thế nên tôi nhắm mắt lại và để cơn mệt mỏi xâm chiếm, nhưng rồi tôi cảm thấy ngực anh nâng lên, những bó cơ trên tay anh cứng lại khi anh hít một hơi thật sâu. “Lo, anh sẽ không hỏi lại nữa đâu, nhưng...” Anh không nói hết, nhưng cũng không cần. Tôi cảm nhận được anh muốn nói gì. Vẫn là điều anh đã nói vào dịp Giao thừa - anh muốn chúng tôi tiến thêm bước nữa. Dọn vào ở chung. “Để em nghĩ đã,” cuối cùng tôi nói, bằng một giọng dường như không phải của tôi, một giọng nói thờ ơ khác thường. “Mấy tháng trước em cũng nói vậy.” “Em vẫn đang nghĩ mà.” “Chà, anh thì đã quyết định rồi.” Anh chạm vào cằm tôi, dịu dàng kéo mặt tôi về phía anh. Những gì tôi thấy nơi mặt anh khiến tim tôi nhói lên. Tôi đưa tay về phía anh, nhưng anh nắm lấy tay tôi và giữ chặt. “Lo, đừng cố lảng chuyện này đi nữa. Anh đã rất kiên nhẫn, em biết mà, nhưng anh bắt đầu cảm thấy như thể chúng ta đồng sàng dị mộng vậy.” Tôi cảm thấy trong mình rung lên một nỗi hoảng hốt quen thuộc - một thứ gì đó nằm giữa hy vọng và khiếp đảm. “Đồng sàng dị mộng?” Nụ cười tôi có vẻ gượng gạo. “Anh lại xem Oprah đấy hả?” Anh buông tay ra khi nghe câu đấy, rồi quay mặt đi, một thứ gì đó nơi khuôn mặt anh vụt biến mất. Tôi cắn môi. “Jude...” “Không,” anh nói. “Chỉ là - không. Anh muốn nói chuyện này nhưng rõ là em thì không, thế nên - này, anh thấy mệt rồi. Gần sáng rồi đấy. Chúng mình đi ngủ thôi.” “Jude,” tôi lặp lại, lần này với vẻ nài xin, cảm thấy căm ghét bản thân vì tỏ ra chảnh chó như vậy, lại cũng căm ghét anh vì đẩy tôi đến nước này. “Anh từ chối,” anh mệt mỏi nói khi úp mặt vào gối. Tôi ngỡ anh đang nói về cuộc nói chuyện của chúng tôi, nhưng rồi anh nói tiếp, “Một công việc, ở New York. Anh đã từ chối. Vì em.” Mẹ kiếp. 4 V ài tiếng sau, khi tôi đang chìm trong giấc ngủ sâu mê mệt như thể bị đánh thuốc thì chuông báo thức kéo tôi về thực tại. Tôi không biết chuông đã reo được bao lâu, nhưng chắc cũng phải một lúc rồi. Đầu tôi đau điếng, tôi nấn ná nằm thêm, cố xác định phương hướng để với tay tắt chuông báo thức trước khi nó đánh thức Judah. Tôi dụi mắt cho hết cơn buồn ngủ và vươn vai, cố thoát khỏi cơn đau vai gáy, rồi ê ẩm ngồi dậy, bò ra khỏi giường và đi vào bếp nhà Judah. Trong khi chờ cà phê, tôi uống thuốc rồi vào nhà tắm tìm thuốc giảm đau. Tôi tìm thấy Ibuprofen và Paracetamol, cùng thứ gì đó đựng trong lọ nhựa màu nâu mà hình như là thuốc kê cho Judah khi anh trật đầu gối trong một trận bóng đá. Tôi mở nắp hộp và nhìn những viên thuốc bên trong. Chúng thật to, nửa trắng nửa đỏ, trông khá ấn tượng. Cuối cùng, tôi rụt lại ý định dùng mấy viên thuốc nửa trắng đỏ, thay vào đó ấn cho hai viên Ibuprofen và một viên Paracetamol liều cao rơi vào lòng bàn tay từ những vỉ thuốc đủ loại trên giá nhà tắm. Tôi nuốt chửng chúng với một ngụm cà phê - cà phê đen, vì không có sữa trong tủ lạnh trống rỗng - rồi nhấp chỗ cà phê còn lại, chậm hơn, trong khi nghĩ về đêm qua, về những hành động ngu xuẩn của tôi, về lời tuyên bố của Judah... Tôi ngạc nhiên. Không, còn hơn cả ngạc nhiên - tôi bị sốc. Chúng tôi chưa bao giờ thực sự bàn về những kế hoạch dài hơi của anh, nhưng tôi biết anh nhớ bạn bè ở Mỹ, cùng mẹ anh và người em trai - cả hai bọn họ tôi đều chưa gặp. Những gì anh làm... Có phải anh làm vì bản thân? Hay vì chúng tôi? Chỗ cà phê trong bình còn được nửa cốc. Tôi rót vào một cái cốc khác và cẩn thận mang nó vào phòng ngủ. Judah đang nằm ườn oài trên nệm như thể anh ngã xuống đó. Trong phim người ta luôn trông có vẻ bình yên trong giấc ngủ, nhưng Judah thì không. Cái miệng tươm te của anh ẩn bên dưới cánh tay vung lên, nhưng với cái mũi góc cạnh và đôi lông mày nhíu lại, anh trông giống một con chim ưng giận dữ đương bay thì bị một tay canh rừng bắn rụng, và vẫn còn thấy hết sức điên tiết vì chuyện đó. Tôi nhẹ nhàng đặt cốc cà phê lên chiếc bàn đầu giường, rồi úp mặt vào gối bên cạnh anh, hôn lên gáy anh. Nó ấm và mềm đến ngạc nhiên. Anh cựa quậy trong giấc ngủ, choàng một cánh tay dài rám nắng qua vai tôi, rồi anh mở mắt, mắt anh trông đậm hơn ba nấc so với màu nâu hạt dẻ thường thấy ở chúng. “Chào anh,” tôi nhẹ nhàng nói. “Chào em.” Anh nhăn mặt và ngáp, rồi kéo tôi xuống cạnh anh. Trong một thoáng tôi cưỡng lại, nghĩ đến xe lửa và con thuyền và xe con đang đợi tôi ở Hull. Rồi tứ chi tôi như thể tan chảy như nhựa, và tôi để mình gập người nằm cạnh anh, rúc vào hơi ấm nơi anh. Chúng tôi nằm đó một lúc, nhìn vào mắt nhau, rồi tôi với tay toan chạm vào dải băng đóng vết thương trên môi anh. “Cái răng có liền lại không nhỉ?” “Anh không biết,” anh nói. “Hy vọng là có, anh phải đến Moscow vào thứ hai, và anh không muốn gặp rắc rối với đám nha sĩ trong thời gian anh ở đó đâu.” Tôi không nói gì. Anh nhắm mắt và vươn vai, tôi nghe thấy tiếng khớp anh kêu răng rắc. Rồi anh nằm nghiêng và dịu dàng úp bàn tay của anh lên khuôn ngực trần của tôi. “Judah...” tôi nói. Tôi có thể cảm thấy sự bực bội lẫn với thiết tha trong giọng mình. “Gì thế?” “Em không thể. Em phải đi.” “Thế thì đi thôi.” “Đừng. Dừng lại.” “Đừng, dừng lại? Hay đừng dừng lại?” Anh chầm chậm cười nhếch mép. “Cả hai. Anh biết em muốn nói gì mà.” Tôi nhỏm dậy và lắc đầu. Đau quá, tôi thấy hối hận vì đã cử động thình lình như vậy. “Má em ổn chưa?” Judah hỏi. “Rồi.” Tôi sờ tay lên má. Nó vẫn sưng nhưng không nhiều như trước. Gương mặt anh đầy băn khoăn, rồi anh giơ một ngón tay sờ lên vết bầm, nhưng tôi lưỡng lự, dù muốn anh làm thế. “Đáng lẽ anh nên ở đó,” anh nói. “Ờ, anh đã không ở đó,” tôi nói, nghe gắt gỏng ngoài ý muốn. “Anh chẳng bao giờ có mặt.” Anh chớp mắt rồi chống khuỷu tay ngồi dậy nhìn tôi, mặt anh vẫn mềm nhũn vì giấc ngủ, hằn những vết lằn trên gối. “Cái gì...?” “Anh nghe em nói rồi đấy.” Tôi biết tôi đang tỏ ra vô lý, nhưng từ ngữ cứ tự bật ra. “Chúng mình sẽ đi đến đâu đây, Jude? Ngay cả khi em chuyển vào đây - vậy thì kế hoạch là gì? Liệu em có ngồi đây đan khăn liệm như Penelope và giữ lửa lò, trong khi anh uống Scotch trong một quán bar nào đó ở Nga với những phóng viên nước ngoài khác?” “Em lấy mấy cái ý tưởng đó ở đâu vậy?” Tôi lắc đầu rồi vung chân ra khỏi giường. Tôi bắt đầu mặc chỗ quần áo dự phòng thả trên sàn nhà sau chuyến đi tới khoa Cấp cứu. “Em thấy mệt thôi, Jude.” Nói tôi mệt là nói giảm nói tránh lắm rồi. Ba đêm rồi không đêm nào tôi ngủ được hơn hai tiếng. “Mà em không thấy được chuyện này rồi sẽ đi đến đâu. Có mỗi hai chúng ta thôi mà đã đủ khó khăn rồi. Em không muốn làm một bà vợ mắc kẹt ở nhà với một đứa trẻ và một ca trầm cảm hậu sinh khủng khiếp trong khi anh ăn đạn ở những chốn địa ngục bên kia xích đạo.” “Những sự kiện gần đây lại cho thấy anh dễ gặp nguy hiểm hơn khi ở trong căn hộ của chính mình,” Judah nói, rồi rụt lại khi thấy vẻ mặt tôi. “Xin lỗi, nói vậy thật là ngu xuẩn. Anh biết đấy là một tai nạn mà.” Tôi choàng áo khoác vẫn còn ẩm qua vai và nhặt túi lên. “Tạm biệt, Judah.” “Tạm biệt? Ý em là gì?” “Anh muốn nghĩ thế nào cũng được.” “Anh muốn em hãy thôi hành xử cái kiểu hít drama quá liều đi, và hãy chuyển đến sống với anh. Anh yêu em, Lo!” Những lời đó như một cú tát vào mặt tôi. Tôi dừng lại ở ngưỡng cửa, cảm thấy sức nặng của cơn mệt mỏi như một thứ gì đó hữu hình đang quàng quanh cổ, kéo ghì tôi xuống. Đôi tay đeo găng cao su trắng, tiếng cười... “Lo?” Judah ngập ngừng nói. “Em không thể làm thế,” tôi nói, mặt hướng ra hành lang. Tôi không chắc mình đang nói về cái gì - tôi không thể đi, tôi không thể ở lại, tôi không thể nói chuyện với anh, tôi không thể có cuộc đời này, có mọi thứ này. “Em chỉ - thôi em phải đi đây.” “Vậy là công việc đó,” anh nói, vẻ giận dữ bắt đầu len lỏi vào giọng anh. “Công việc mà anh đã từ chối. Em đang nói anh đã lầm, phải không?” “Em chưa bao giờ yêu cầu anh làm thế,” tôi nói. Giọng tôi run rẩy. “Em chưa bao giờ yêu cầu anh. Vậy nên đừng đổ lên đầu em.” Tôi vắt túi lên vai rồi quay ra cửa. Anh không nói gì. Anh không cố ngăn tôi. Tôi ra khỏi căn hộ, lảo đảo như thể ngà ngà say. Chỉ khi đến bến tàu điện ngầm tôi mới nhận thức được những gì vừa xảy ra. 5 T ôi yêu những bến cảng. Tôi yêu mùi hắc ín và mùi gió biển, yêu tiếng kêu của lũ mòng biển. Có thể là do nhiều năm trời đi phà tới Pháp nghỉ hè, nhưng bến cảng đem lại cho tôi cảm giác tự do mà một sân bay không bao giờ làm được. Nhắc đến sân bay là nhắc đến đi công tác, đến kiểm tra an ninh, đến trễ chuyến. Nhắc đến bến cảng là nhắc đến... Tôi không biết nữa. Một thứ gì đó hoàn toàn khác. Thoát ly chăng? Suốt quãng đường đi tàu tôi đã tránh nghĩ về Judah và cố tự phân tâm bằng cách nghiên cứu về chuyến đi sắp tới. Richard Bullmer chỉ lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng CV của anh ta thì đủ khiến tôi cảm thấy kém cỏi một cách tuyệt vọng - một danh sách dài những doanh nghiệp và chức danh giám đốc khiến tôi nhức mắt, mỗi cái tên là một bậc thang vươn tới tầm ảnh hưởng và tiền bạc thậm chí còn cao hơn. Tôi dùng điện thoại vào Wikipedia, trang web hiển thị một người đàn ông đẹp trai, da màu đồng, tóc rất đen, tay trong tay với một nàng tóc vàng đẹp choáng váng khoảng gần ba mươi tuổi. “Richard Bullner cùng vợ, người thừa kế Anne Lyngstad, tại lễ cưới của họ ở Stavanger,” dòng chú thích viết. Xét đến tước hiệu, hồi trước tôi cầm chắc rằng anh ta đã được dâng tận miệng khối tài sản hiện tại, nhưng có vẻ tôi đã sai, ít nhất là xét trên thông tin từ Wikipedia. Quãng đầu đời của anh ta cũng dễ chịu - trường dự bị, Eton và Balliol. Tuy nhiên khi anh ta học đại học năm thứ nhất thì bố anh ta chết - mẹ anh ta dường như không hề xuất hiện, điều này thì tôi không rõ - thế là tài sản gia đình tiêu tán sạch vào thuế thừa kế và nợ nần, khiến anh ta lâm vào cảnh côi cút vô gia cư khi mới mười chín tuổi. Trong hoàn cảnh ấy, việc anh ta tốt nghiệp trường Oxford với một tấm bằng cũng có thể coi là một thành tựu, nhưng anh ta cũng lập ra một start up dotcom hồi học năm thứ ba. Giá cổ phiếu trên thị trường của công ty đó tăng vọt năm 2003, mở đầu chuỗi thành công liên tiếp, mà cực điểm là chiếc du thuyền mười buồng cỡ nhỏ được xem là một chốn ẩn dật siêu sang để du ngoạn dọc theo bờ biển Scandinavia. “Sẵn sàng cho đám cưới trong mơ của bạn, một sự kiện doanh nghiệp hoành tráng khiến khách hàng chỉ có thể ở bên ngưỡng mộ, hoặc đơn giản là một kỳ nghỉ độc nhất vô nhị mà bạn và gia đình sẽ không bao giờ quên,” tôi đọc đoạn này trong gói tài liệu quảng bá khi tàu hỏa ầm ầm lao về phía Bắc, rồi giở tới một bản vẽ kỹ thuật boong thuyền. Có bốn buồng suite lớn ở mũi thuyền, cùng một khu vực tách riêng với sáu buồng nhỏ hơn xếp thành hình móng ngựa ở đuôi thuyền. Mỗi buồng được đánh số chẵn lẻ ở hai bên một hành lang trung tâm, với buồng số 1 nằm ở ngay đầu mũi thuyền và buồng số 9 và buồng số 10 tiếp giáp nhau ở phần đuôi thuyền cong cong. Tôi đoán mình sẽ ở trong một buồng nhỏ - có lẽ những buồng suite dành cho các VIP. Không có thông tin kích thước trên bản vẽ kỹ thuật. Tôi cau mày, nhớ lại những con phà vượt eo biển mà tôi tùng đi, những căn phòng nhỏ xíu không cửa sổ tù túng ngột ngạt. Ý nghĩ phải dành năm ngày sống trong một trong những căn phòng ấy thật chẳng dễ chịu gì, nhưng hẳn là trên một con thuyền như thế này thì phòng ốc phải rộng rãi hơn đáng kể chứ? Tôi lại lật trang, hy vọng tìm thấy ảnh chụp một buồng trên thuyền để trấn an bản thân, nhưng thay vào đó tôi chỉ thấy một hàng dài hoa mắt những cao lương mỹ vị của xứ Scandinavia bày ra trên một tấm vải trắng. Đầu bếp thuyền Aurora rõ ràng là được đào tạo ở Noma và El Bulli. Tôi ngáp rồi áp bàn tay vào mắt, cảm thấy cơn mệt mỏi và sức nặng của tất cả những gì xảy ra từ đêm vừa rồi một lần nữa đè nặng lên mình. Gương mặt của Judah khi tôi bỏ đi, với đường chỉ khâu sau cú đánh trời giáng hôm qua, giờ lại len lỏi vào óc tôi, và tôi thấy nao núng. Tôi thậm chí còn không chắc chuyện gì đã xảy ra. Judah và tôi đã chia tay rồi ư? Tôi đã đá anh? Mỗi lần tôi cố gắng tái hiện cuộc trò chuyện đó, bộ não rã rời của tôi lại lấn lướt, thêm vào những thứ tôi không nói, những lời tôi ước giá mình đã nói ra. Nó cũng khiến Judah trở nên ngớ ngẩn hơn và xấc xược hơn để biện hộ cho thái độ của tôi, hoặc khiến anh có vẻ yêu thương vô điều kiện hơn để thuyết phục tôi rằng tất cả mọi chuyện rồi sẽ ổn. Tôi đã không yêu cầu anh ấy từ chối công việc. Thế thì tại sao “người ta” lại bắt tôi thấy biết ơn vì điều đó? Tôi gà gật được chừng ba mươi phút vật vã trong chiếc xe đi từ ga tàu đến cảng, và khi tiếng tài xế vui vẻ thông báo đã đến nơi làm ngắt đứt giấc ngủ của tôi, tôi thấy thật chẳng khác nào bị vã nước lạnh vào mặt. Tôi loạng quạng bước ra khỏi xe trong ánh nắng gay gắt và làn gió nhẹ đượm vị muối, cảm thấy mắt kiệt sức và mụ mị. Tay tài xế thả tôi xuống gần như ngay đầu cầu tàu dẫn lên Aurora, nhưng khi nhìn qua cầu thép về phía con thuyền, tôi cứ ngỡ chúng tôi đã đến nhầm chỗ. Những gì tôi thấy khá giống với tờ rơi quảng cáo - những cửa sổ kính khổng lồ phản chiếu mặt trời, không có lấy một dấu vân tay hay một giọt nước biển, và màu sơn trắng lóa trông mới đến mức hẳn là con thuyền vừa được hoàn thiện sáng nay. Nhưng thứ không đúng ở đây là kích cỡ. Thuyền Aurora quá nhỏ - giống thuyền buồm đua loại to hơn là một chiếc du thuyền chở khách. Giờ tôi đã hiểu tại sao họ dùng từ “cỡ nhỏ”. Tôi đã thấy nhiều con thuyền lớn hơn rẽ sóng quanh những hòn đảo Hy Lạp. Dường như không thể nào có chuyện tất cả những thứ được nhắc đến trong tờ rơi - thư viện, phòng hứng nắng, phòng spa, tắm hơi, phòng khách với quầy cocktail, cùng tất tật những thứ rành rành là không thể thiếu đối với những hành khách lắm đòi hỏi của thuyền Aurora - lại có thể nhét vừa cái tàu thủy thu nhỏ này. Kích cỡ cùng sự hoàn hảo của lớp sơn khiến nó trông giống một món đồ chơi đến kỳ lạ, và khi bước lên cầu tàu hẹp bằng thép, tôi đột nhiên thấy hiện ra trong đầu hình ảnh thuyền Aurora bị nhốt trong chai - nhỏ xíu, hoàn hảo, cô độc, phi thực - và thấy mình thu nhỏ để vừa với nó theo mỗi bước tiến. Đấy là một cảm giác kỳ lạ, như thể tôi đang nhìn ngược ống kính thiên văn, và nó khiến tôi quay cuồng ngang cỡ một cơn chóng mặt khi nhìn xuống từ trên cao. Cầu tàu xê dịch dưới chân tôi, nước biển đen kịt lấp loáng váng dầu nơi bến cảng đang cuộn xoáy, và tôi thoáng có ảo giác mình đang rơi, miếng sắt dưới chân tôi biến mất. Tôi nhắm mắt lại rồi nắm lấy thành cầu bằng kim loại lạnh ngắt. Rồi tôi nghe một giọng phụ nữ từ trên đầu vọng xuống. “Mùi của biển thật tuyệt vời, phải không?” Tôi chớp mắt. Một cô chiêu đãi viên đang đứng ở lối vào thuyền. Cô ta trông sáng sủa, tóc hầu như vàng trắng, da nâu giòn màu óc chó, đang tươi cười rạng rỡ như thể tôi là người họ hàng giàu có thất lạc lâu năm của cô ta từ Australia. Tôi hít một hơi, cố giữ thăng bằng, rồi đi nốt quãng cầu tàu và bước lên Aurora Borealis. “Chào mừng lên thuyền, cô Blacklock,” cô chiêu đãi viên nói khi tôi bước vào. Giọng cô nhấn nhá theo một kiểu khiến tôi không thể xác định được là giọng miền nào, còn từ ngữ của cô bằng cách nào đó truyền tải được ấn tượng rằng việc gặp mặt tôi ở đây là một sự kiện để đời chắc cũng phải ngang với trúng xổ số. “Tôi hết sức hân hạnh được chào mừng cô lên thuyền. Liệu một nhân viên của chúng tôi có thể xách hành lý của cô không ạ?” Tôi nhìn quanh, cố gắng lý giải làm thế nào mà cô ta lại biết tôi là ai. Cái túi của tôi đã được xách đi trước khi tôi kịp phản đối. “Tôi có thể mời cô một ly sâm panh không?” “Ờm,” tôi nói, cố khiến mình trở nên cao giá bằng một câu trả lời cụt lủn. Cô chiêu đãi viên xem đấy là đồng ý và tôi nhận ly sâm panh mát lạnh mà cô ta vừa dúi vào tay. “Ờ, cảm ơn.” Nội thất của thuyền Aurora thật khiến người ta sững sờ. Con thuyền có thể nhỏ, nhưng người ta đã nhồi vào nó những thứ châu báu lóng lánh đủ cho một con thuyền lớn gấp mười. Cửa cầu tàu mở thẳng vào đầu một cầu thang cong, dài, tất cả bề mặt được đánh cho bóng lồng bóng lộn hoặc bọc đá hoa hoặc trải lụa thô nếu có thể. Toàn bộ cầu thang được chiếu sáng bởi một cái đèn chùm nhức mắt, làm nơi này tràn ngập những vệt sáng nhỏ xíu khiến tôi chỉ có thể nghĩ đến ánh mặt trời rọi sáng mặt biển vào một ngày hè. Cảm giác hơi buồn nôn - không phải theo cái kiểu “tiền này sao không để từ thiện”, dù nếu quá khắc nghiệt thì đúng là thế thật, mà là cảm giác mất phương hướng do đèn chùm gây ra. Những viên pha lê giống như lăng kính phân tán từng tia sáng, khiến ta quáng mắt, khiến ta lảo đảo như nhìn vào kính vạn hoa của trẻ con. Tác động ấy, kết hợp với sự thiếu ngủ, thật hoàn toàn không dễ chịu chút nào. Cô chiêu đãi viên hẳn đã thấy tôi trố mắt nhìn cái đèn chùm, bởi cô nở một nụ cười tự hào. “Cầu Thang Vĩ Đại thật tuyệt vời, phải không?” cô nói. “Cái đèn chùm đó có hơn hai ngàn viên pha lê Swarovski đấy.” “Chúa ơi,” tôi thầm thì. Đầu tôi đau nhói, cố nhớ xem mình có bỏ Ibuprofen vào trong hành lý không. Thật khó mà không chớp mắt. “Chúng tôi rất tự hào về thuyền Aurora,” cô chiêu đãi viên hăng hái nói tiếp. “Tên tôi là Camilla Lidman và tôi chịu trách nhiệm tiếp đãi quý khách trên thuyền. Văn phòng của tôi ở boong dưới, và nếu có bất kỳ điều gì tôi có thể làm để khiến cho chuyến đi của cô trên con thuyền này được thú vị hơn, làm ơn đừng ngại yêu cầu. Đồng nghiệp của tôi, Josef - cô ra dấu về phía một người đàn ông tóc vàng mỉm cười đứng bên phải - “sẽ dẫn cô về buồng và đưa cô đi thăm thú cơ sở vật chất. Bữa tối sẽ bắt đầu lúc tám giờ, nhưng chúng tôi mời cô tham gia lúc bảy giờ ở Phòng khách Lindgren để nghe giới thiệu về con thuyền và những thắng cảnh mà cô sẽ được thưởng ngoạn trong chuyến đi này. À! Ông Lederer.” Một người đàn ông da đen, cao, tầm bốn mươi đang bước đi trên cầu tàu phía sau chúng tôi, theo sau là nhân viên khuân vác chật vật với một cái va li khổng lồ. “Làm ơn cẩn thận,” anh ta nói, rúm người lại thấy rõ khi nhân viên khuân vác va bánh xe đẩy của va li vào một cái gờ trên cầu tàu. “Cái va li chứa thiết bị rất dễ vỡ đấy.” “Ông Lederer,” Camilla Lidman nói, với một sự nhiệt tình cuồng nhiệt gần bằng những gì cô đã rót vào lời chào mừng vừa nói với tôi. Phải công nhận là tôi thấy khâm phục cô ta - khả năng phường chèo rất ấn tượng, mặc dù đối với Lederer thì hẳn cô ta chẳng mấy mất công bởi anh ta trông cũng ưa nhìn. “Xin chào mừng ông lên thuyền Aurora. Tôi có thể mời ông một ly sâm panh không? Và bà Lederer có ở đây không ạ?” “Bà Lederer sẽ không đến.” Lederer lấy tay vò đầu rồi nhìn lên chiếc đèn chùm Swarovski với một vẻ hơi sửng sốt. “Ồ, tôi hết sức xin lỗi.” Cặp lông mày hoàn hảo của Camilla Lidman nhíu lại khi cô cau mày. “Tôi hy vọng mọi chuyện vẫn ổn.” “Chà, cô ta hoàn toàn khỏe,” Lederer nói: “Thực ra, cô ta đang phịch thằng bạn thân nhất của tôi.” Anh ta cười rồi cầm lấy ly sâm panh. Camilla chớp mắt rồi nói hết sức trơn tru, “Josef, xin hãy đưa cô Blacklock về phòng.” Josef hơi cúi mình rồi chìa một tay về phía cầu thang. “Xin mời đi đường này.” anh ta nói. Tôi im lặng gật đầu rồi đi theo anh ta, tay cầm ly sâm panh. Phía sau tôi vẫn nghe được tiếng Camilla bảo Lederer rằng văn phòng cô ta ở boong dưới. “Cô sẽ ở phòng số 9, phòng Linnaeus[1],” Josef bảo khi tôi theo anh ta bước vào không gian màu be lờ mờ của một hành lang trải thảm dày không cửa sổ. “Tất cả các phòng đều được đặt tên theo các nhà khoa học vĩ đại người Scandinavia.” “Ai ở phòng Nobel nhỉ?” tôi bồn chồn nói. Hành lang này khiến tôi có cảm giác lạ lùng, ngột ngạt, nỗi sợ không gian kín đè nặng lên gáy. Không chỉ là vấn đề kích cỡ, mà cảm giác ấy còn đến từ ánh đèn lờ mờ gây buồn ngủ cũng như việc thiếu ánh sáng tự nhiên. Josef nghiêm túc trả lời, “Riêng hành trình này, phòng Nobel sẽ dành cho Huân tước và Huân tước phu nhân Bullmer. Huân tước Bullmer là giám đốc công ty Bắc Cực Quang sở hữu con thuyền này. Thuyền có mười buồng,” anh ta nói khi chúng tôi đi xuống một lượt thang nữa, “bốn buồng phía trước, sáu buồng phía sau, tất cả đều ở trên tầng boong giữa. Các buồng đều là buồng suite và có tối đa ba phòng, có phòng tắm riêng, bồn tắm nguyên cỡ và vòi hoa sen riêng, giường đôi nguyên cỡ và hàng hiên riêng nhìn ra biển. Phòng Nobel có bồn tắm nước nóng riêng.” Hiên? Không hiểu sao hàng hiên trên du thuyền nghe có gì đó hết sức sai, nhưng khi nghĩ kỹ, tôi đồ rằng nó cũng chẳng dị hơn việc bất cứ con thuyền nào có boong lộ thiên. Bồn tắm nước nóng? Thôi thì tốt hơn hết là tôi không bàn thêm về nó. “Mỗi buồng có một người phục vụ riêng để hỗ trợ cô, cả ngày lẫn đêm. Người phục vụ của cô sẽ là tôi và Karla, đồng nghiệp của tôi, mà lát nữa cô sẽ gặp. Chúng tôi rất hân hạnh được trợ giúp cô trong thời gian cô lưu lại trên thuyền Aurora.” “Vậy đây là boong giữa phải không?” tôi hỏi. Josef gật đầu. “Vâng, tầng boong này chỉ gồm phòng cho hành khách. Đi lên tầng trên cô sẽ thấy phòng ăn, phòng tắm hơi, phòng khách, thư viện, phòng hứng nắng và những không gian chung khác. Tất cả đều được đặt tên theo các nhà văn người Scandinavia - phòng khách Lindgren, phòng ăn Jansson, vân vân.” “Jansson?” “Tove,” anh ta thêm vào. “Ồ, tất nhiên rồi. Moomin[2],” tôi nói với vẻ ngớ ngẩn. Chúa ơi, đầu tôi đau quá. Chúng tôi đã đến một cánh cửa gỗ ốp ván ghi nhãn “9: LINNAEUS”. Josef mở cửa và đứng lùi lại để tôi bước vào bên trong. Nơi này nói không ngoa phải xịn sò gấp bảy tám lần căn hộ của tôi ở nhà, và cũng nhỏ hơn không quá nhiều. Những tủ quần áo ốp kính gương kéo dài về phía bên tay phải tôi, còn ở trung tâm, với một bên là sô pha và bàn trang điểm ở bên còn lại, là một chiếc giường đôi khổng lồ, khăn trải giường vải lanh mềm mịn và mát mẻ đầy mời gọi. Nhưng thứ làm tôi ấn tượng nhất không phải là không gian - dù nó cũng ấn tượng đó - mà là ánh sáng. Vừa rời khỏi hành lang hẹp chỉ có ánh đèn điện, nắng trời ùa vào từ cửa hiên đối diện đủ khiến ta chói mắt. Mành trắng không tỳ vết bồng bềnh trong gió, và cửa trượt đã được mở. Tôi tức thì cảm thấy nhẹ nhõm, như thể cơn căng thẳng đè nặng trong lồng ngực bỗng dưng biến mất. “Các cửa có thể chốt lại,” Josef đứng phía sau tôi giải thích, “nhưng các chốt sẽ tự động mở ra nếu thuyền gặp điều kiện thời tiết bất lợi.” “Ồ, tuyệt,” tôi hờ hững nói, nhưng tất cả những gì tôi nghĩ trong đầu là mong sao Josef đi ngay cho, để tôi có thể rơi tõm xuống chiếc giường kia mà bất tỉnh. Thay vì thế, tôi đứng, lúng túng nén những cái ngáp ngủ, trong khi Josef hướng dẫn tôi các chức năng của phòng tắm (vâng, tôi đã từng dùng phòng tắm rồi, cảm ơn), tủ ướp lạnh và quầy bar mini (tất cả đều miễn phí - đen đủi thay cho cái lá gan của tôi), và giải thích đá sẽ được thay mới hai lần một ngày và tôi có thể gọi anh ta hoặc Karla bất cứ lúc nào. Sau cùng, khi tôi không thể tránh được những cái ngáp rũ rượi nữa, anh ta hơi cúi đầu và xin lui, để tôi lại một mình trong buồng. Vờ tỏ ra tôi không bị choáng ngợp cũng chẳng để làm gì. Tôi bị choáng ngợp. Chủ yếu là bởi cái giường, thực tế nó đang rít lên mời gọi tôi nằm lăn ra rồi ngủ lấy ba bốn chục tiếng đồng hồ. Tôi nhìn cái chăn lông vịt trắng tinh khôi và những chiếc gối màu vàng và trắng, cảm giác thèm khát được ngủ quét qua tôi như hóa chất đang chảy trong huyết mạch, khiến khắp người tôi nổi da gà, từ gáy cho đến tận đầu ngón tay ngón chân. Tôi cần ngủ. Tôi bắt đầu thèm khát ngủ chẳng khác gì con nghiện thèm thuốc, đếm từng giờ cho đến lúc chích được liều tiếp theo. Giấc ngủ ba mươi phút đầy khó chịu trên taxi chỉ khiến cơn thèm khát thêm dữ dội. Nhưng giờ tôi không được ngủ. Nếu ngủ, tôi sẽ không dậy nổi, mà tôi lại không thể để lỡ tối nay. Tôi có thể bỏ qua một vài hoạt động sau này trong tuần, nhưng tôi dứt khoát phải đến bữa tối và buổi giới thiệu. Đây là đêm đầu tiên trên thuyền - mọi người sẽ điên cuồng làm quen và kết nối với nhau. Nếu tôi bỏ lỡ, đấy sẽ là một điểm trừ to khủng khiếp mà tôi chẳng bao giờ bù lại được. Nên thay vì lăn ra ngủ, tôi nén một cái ngáp và đi ra ngoài ban công, hy vọng không khí tươi mới sẽ giúp tôi thoát khỏi lớp sương mù kiệt quệ dường như cứ lấn tới mỗi khi tôi đứng im hoặc ngừng nói. Cái hiên này đẹp đúng như những gì người ta hình dung về ban công riêng trên một du thuyền sang trọng. Lan can làm bằng kính, thế nên ngồi trong phòng bạn sẽ tưởng như không có thứ gì ngăn cách giữa mình và biển, rồi lại có hai chiếc ghế gấp và một cái bàn nhỏ để ta ngồi đó buổi tối và ngắm trời đêm hay Bắc Cực Quang, tùy thuộc ta đặt chỗ chuyến nào. Tôi ngồi một lúc lâu thật lâu nhìn những con thuyền nhỏ lê thân vào ra cảng Hull, cảm thấy gió mằn mặn trên tóc rồi đột nhiên thấy thuyền có gì đó thay đổi. Mất một thoáng, tôi không hiểu được thay đổi ấy là gì - và rồi tôi nhận ra. Động cơ vẫn kêu rù rù nhè nhẹ từ nửa tiếng trước đã thoáng tăng tốc và con thuyền bắt đầu dịch chuyển. Với một tiếng rần rần, chúng tôi quay đầu rời cầu cảng và hướng ra biển. Tôi đứng nhìn thuyền rẽ sóng rời cảng giữa hai dãy đèn xanh đỏ đánh dấu đường ra. Tôi cảm thấy chuyển động con thuyền thay đổi sau khi thoát khỏi bức tường quây ngoài cảng và tiến ra Bắc Hải, những gợn sóng nhẹ lăn tăn nhường chỗ cho những con sóng lớn cuồn cuộn của biển thẳm. Đường bờ biển chầm chậm lùi xa, những tòa nhà ở Hull thu nhỏ thành những chóp nhọn trên đường chân trời, rồi hòa vào cái dải sậm màu có thể là bất cứ nơi nào. Khi nhìn nó dần biến mất, tôi nghĩ về Judah, cùng tất cả những thứ dang dở tôi bỏ lại. Điện thoại của tôi nặng trĩu trong túi, rồi tôi lấy nó ra, hy vọng nhận được một lời nhắn nào đó từ anh trước khi chúng tôi rời khỏi vùng phủ sóng nước Anh. Tạm biệt. Chúc may mắn. Thượng lộ bình an. ẳ Nhưng chẳng có gì. Cột sóng tụt một vạch, rồi một vạch nữa, chiếc điện thoại trong tay tôi vẫn im lìm. Khi bờ biển nước Anh biến mất khỏi tầm mắt, âm thanh duy nhất chỉ còn là tiếng sóng vỗ mạn thuyền. Từ: Judah Lewis Tới: Laura Blacklock Đã gửi: Thứ Ba ngày 22 tháng 9 Chủ đề: Em có ổn không? Này em yêu, anh không nhận được tin tức gì của em từ sau email ngày Chủ nhật. Anh không rõ tin nhắn của bọn mình có đến nơi không. Em có nhận được thư trả lời hay tin nhắn anh gửi em ngày hôm qua không? Anh bắt đầu thấy lo rồi đấy, hy vọng em không nghĩ anh đang chui rúc xó nào đó và liếm vết thương. Anh không làm thế. Anh yêu em, anh nhớ em, anh đang nghĩ về em. Đừng bận tâm những chuyện xảy ra ở nhà - cái răng của anh ổn. Anh nghĩ nó sẽ bắt lại vào hàm như bác sĩ bảo thôi. Dầu sao thì hiện anh cũng đang tự điều trị bằng vodka. Kể cho anh nghe chuyến đi thế nào nhé - hoặc nếu em bận thì để lại cho anh một dòng để anh biết em vẫn ổn. Yêu em, J Từ: Rowan Lonsdale Tới: Laura Blacklock cc: Jennifer West Đã gửi: Thứ Tư ngày 23 tháng 9 Chủ đề: Cập nhật? Lo, làm ơn trả lời email chị gửi yêu cầu một bản báo cáo tình hình chuyến đi từ hai ngày trước. Jenn bảo chị là em vẫn chưa nộp gì hết, bọn chị mong nhận được bài viết vào ngày mai - ít nhất cũng phải là một mẩu ngắn nhé. Hãy báo cho Jenn biết càng sớm càng tốt là em định viết về cái gì, rồi cc luôn cho chị. Rowan PHẦN HAI 6 Đ ến cái vòi sen của người giàu cũng khác biệt. Những tia nước bắn ra và mát xa người ta từ mọi hướng, mạnh tới nỗi khiến ta tê tái, thế là sau một khoảng thời gian ta khó mà phân biệt được đâu là nước và đâu là cơ thể ta nữa. Tôi xát xà phòng lên tóc, rồi cạo lông chân và cuối cùng đứng dưới luồng nước nhìn biển ngắm trời và những con mòng biển chao liệng trên không trung. Tôi đã để mở cửa phòng tắm để có thể nhìn ngoài hiên và cả ra biển. Ấn tượng phải gọi là... Chà, tôi sẽ không nói dối đâu, khá là tuyệt. Tôi nghĩ đã bỏ ra cỡ đâu đó độ tám ngàn bảng cho cái phòng này thì cũng phải nhận được thứ gì bõ tiền chứ. Chừng đó tiền là hơi quá sức tưởng tượng so với đồng lương bèo bọt của tôi - hay thậm chí là mức lương của Rowan. Đã nhiều năm trời tôi ngồi rớt nước dãi lên những bản báo cáo cô ấy gửi về từ một villa ở quần đảo Bahamas hay trên một chiếc thuyền buồm ở Maldives, chờ đợi cái ngày tôi sống lâu lên lão làng và được nhận những bổng lộc tương tự. Nhưng giờ, khi đang thực sự nếm thử hương vị ấy, tôi cứ băn khoăn - làm thế nào Rowan chịu nổi những lần lướt qua một cuộc sống mà những người bình thường chẳng bao giờ đủ tiền chạm tới? Đang vẩn vơ nhẩm tính mình phải làm việc bao nhiêu tháng để đổi lấy một tuần làm hành khách trên thuyền Aurora, tôi chợt nghe thấy gì đó - một tiếng động mơ hồ lẩn sau tiếng nước ầm ầm, không thể xác định rõ ràng nhưng chắc chắn phát ra từ phòng tôi. Tỉm tôi hơi đập dồn, nhưng tôi cố giữ nhịp thở đều khi mở mắt để tắt vòi hoa sen. Chưa kịp làm vậy, tôi đã thấy cánh cửa phòng tắm bật văng về phía mình, như thể một người nào đó vừa xô nó một cách mau lẹ và dứt khoát. Nó sập lại, tiếng rầm to và đanh phát ra từ cánh cửa nặng trịch được làm từ những vật liệu tốt nhất, và tôi đứng một mình trong bóng tối nóng nực nồm ẩm cùng nước giã xuống đỉnh sọ còn tim thì đập mạnh tới mức chắc ra đa của con thuyền cũng phát hiện ra. Tôi không nghe được gì ngoài tiếng máu rần rật trong tai và tiếng gầm gừ của động cơ. Tôi cũng không nhìn thấy gì ngoài ánh đỏ của bảng điều khiển điện tử vòi sen. Mẹ kiếp. Mẹ kiếp. Sao tôi không khóa cả hai khóa cửa buồng cơ chứ? Tôi cảm thấy những bức tường phòng tắm đang quây kín lấy mình, bóng tối dường như sắp nuốt chửng tôi. Đừng hoảng. Tôi tự nhủ. Không có ai làm hại mày hết. Không có ai đột nhập hết. Khả năng chỉ là một cô hầu phòng đến thay ga, hoặc cánh cửa tự đóng lại mà thôi. Đừng. Hoảng. Tôi ép mình tập trung lần mò bảng điều khiển. Nước chảy lạnh buốt rồi lại nóng rát, thế là tôi kêu ré lên rồi loạng choạng lùi lại, dập đầu gối vào tường, nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được nút tắt, dòng nước ngừng hẳn và tôi dò dẫm bật đèn. Đèn sáng, căn phòng nhỏ ngập tràn ánh điện chói mắt, và tôi nhìn thấy mình trong gương - trắng ởn, tóc ướt dính vào sọ như cô gái trong phim The Ring. Chết tiệt. Chẳng lẽ mọi chuyện lại đến mức này rồi u? Chẳng lẽ tôi đã biến thành một kẻ lên cơn hoảng loạn không dám đi bộ về nhà từ ga tàu điện ngầm, hay qua đêm một mình ở nhà mà không có bạn trai. Không, quỷ tha ma bắt nó đi. Tôi sẽ không biến thành loại người đó. Có một cái áo choàng tắm ở sau cánh cửa, tôi vội choàng nó lên người rồi hít một hơi dài run rẩy. Tôi sẽ không biến thành loại người đó. Tôi mở cửa phòng tắm, tim đập mạnh và nhanh tới nỗi tôi thấy đom đóm lập lòe trước mắt. Đừng hoảng, tôi hậm hực nghĩ. Căn phòng trống không. Hoàn toàn trống không. Còn cửa thì đã khóa cả hai khóa, dây xích đã được cài. Không thể nào có chuyện ai đó đột nhập vào đây được. Có thể tôi đã nghe thấy ai đó ngoài hành lang. Mà dẫu sao thì chắc chắn chuyển động của con thuyền đã khiến cánh cửa nhà tắm sập lại theo quán tính. Tôi kiểm tra dây xích một lần nữa, cảm nhận sức nặng của nó trên lòng bàn tay, đủ chắc chán khiến tôi yên tâm, thế rồi, trên đôi chân run rẩy, tôi tới chỗ chiếc giường và nằm xuống, tim vẫn đập thình thình bởi andrenaline bị nén lại, và đợi cho mạch đập trở lại bình thường. Tôi hình dung mình vùi mặt vào vai Judah và trong một giây tôi gần như bật khóc, nhưng tôi nghiến răng nuốt nước mắt. Judah không phải là giải pháp cho tất cả những chuyện này. Vấn đề là tôi và những cơn hoảng loạn yếu nhược của mình. Chẳng có gì xảy ra hết. Chẳng có gì xảy ra. Tôi lặp lại câu đó cùng nhịp với hơi thở dồn dập của mình cho tới khi thấy dần bình tĩnh lại. Chẳng có gì xảy ra hết. Bây giờ không, sau này cũng không. Không có ai hại mày hết. Ổn rồi. Chúa ơi, tôi cần uống cái gì đó. Bên trong quầy bar mini là nước tonic, đá và nửa tá chai nhỏ đựng gin, whisky và vodka. Tôi dốc đá vào cốc rồi rót cạn hai chai nhỏ lên trên, tay cầm chai rượu vẫn hơi run. Tôi đổ thêm một lượt nước tonic rồi nốc cạn. Rượu gin mạnh đến mức tôi bị sặc, nhưng khi cảm thấy hơi ấm của cồn lan tỏa khắp những tế bào và mạch máu, lập tức tôi cảm thấy khá hơn. Khi cốc đã cạn, tôi đứng dậy, cảm thấy đầu óc và tứ chi nhẹ bẫng, rồi rút điện thoại ra. Không có sóng, nên rõ ràng chúng tôi đã ở ngoài vùng phủ sóng, nhưng vẫn có wifi. Tôi bấm vào ứng dụng “Hòm thư” rồi vừa cắn móng tay vừa nhìn những email hiện lên từng cái một trên màn hình. Cũng không tệ như tôi đã sợ - dù sao hôm nay mới là Chủ nhật - nhưng khi đọc lướt danh sách, tôi nhận ra mình đang căng như sợi dây đàn sắp đứt, và cùng lúc hiểu được bản thân đang tìm cái gì và tại sao. Không có thư từ Judah. Tôi cảm thấy đôi vai xịu xuống. Tôi trả lời những thư gấp, đánh dấu những thư khác rồi bấm nút soạn thư mới. “Judah yêu quý”, tôi viết, nhưng mãi mà không được thêm chữ nào. Tôi tự hỏi không biết bây giờ anh đang làm gì. Có phải anh đang đóng hành lý? Chen chúc trên một chuyến bay giá rẻ nào đó? Hay phải chăng anh đang nằm trong một phòng khách sạn vô danh, cập nhật Twitter, nhắn tin, và nghĩ về tôi... Tôi sống lại khoảnh khắc mình giáng cái đèn kim loại nặng trịch vào mặt anh. Lúc đó tôi đã nghĩ cái gì vậy? Mày đâu nghĩ gì, tôi tự nhủ. Lúc đó mày đang lơ mơ. Không phải lỗi của mày. Chỉ là ngẫu nhiên, một tai nạn. Freud bảo chẳng có gì là ngẫu nhiên hết, giọng nói trong đầu tôi vang lên. Có khi đấy là do mày... Tôi lắc đầu không muốn nghe. Judah yêu quý, em yêu anh. Em nhớ anh. Em xin lỗi. Tôi xóa thư và soạn một thư mới. Tới: Pamela Crew Từ: Laura Blacklock Đã gửi: Chủ nhật ngày 20 tháng 9 Chủ đề: Con ổn Chào mẹ, con lên thuyền rồi, cái thuyền này hào nhoáng lắm nhé. Mẹ sẽ thích nó cho mà xem! Con nhắn để nhắc mẹ đón Delilah tối nay. Con để cái giỏ của nó ở trên bàn và thức ăn dưới bồn rửa. Con vừa phải thay khóa nhà - bà Johnson trên gác có chìa khóa mới. Yêu mẹ nhiều, CẢM ƠN mẹ! Lo XX Tôi bấm gửi, rồi bật Facebook lên và gửi tin nhắn cho bạn thân nhất của tôi, Lissie. Chỗ này đẹp không tưởng luôn. Tớ thích uống đồ ở bar mini BAO NHIÊU CŨNG ĐƯỢC, trong cabin riêng - xin lỗi, ý tớ là một cái phòng SUITE to tổ bố - thật là điềm gở cho sự nghiệp cùng lá gan của tớ. Hẹn gặp cậu sau nhé, nếu lúc đó tớ vẫn còn đứng được. Lo XX Tôi rót cho mình thêm một cốc gin rồi trở lại với lá thư gửi Judah. Tôi phải viết gì đó. Không thể cứ mặc mọi thứ nguyên si như khi tôi bỏ đi. Tôi nghĩ một lúc, rồi gõ, “J. yêu quý. Em xin lỗi vì đã hành xử như một con dở lúc bỏ đi. Những gì em đã nói - chúng thật vô cùng bất công. Em yêu anh rất nhiều.” Tôi phải dừng lại vì nước mắt làm nhòe hết màn hình. Tôi hít vào dăm hơi run rẩy, rồi quẹt nước mắt và gõ nốt, “Nhắn cho em khi nào anh đến nơi nhé. Chúc anh thượng lộ bình an. Lo xxx” Tôi tải lại hòm thư, lần này ít hy vọng hơn, nhưng cũng chẳng có gì mới. Tôi thở dài rồi nốc cạn cốc gin thứ hai. Đồng hồ trên bàn cạnh giường báo 6 giờ 30 phút, tức là đã đến lúc mặc chiếc váy dạ hội số một. Ngay sau khi bảo tôi rằng quy tắc ăn mặc trong bữa tối trên thuyền là “trang trọng” (dịch ra: điên rồ), Rowan gợi ý tôi nên thuê ít nhất bảy bộ đồ tiệc tối để không phải mặc một cái váy hai lần. Nhưng bởi cô ấy không đề xuất xùy tiền hỗ trợ nên tôi chỉ thuê có ba chiếc, còn nếu để tôi tự nguyện chuẩn bị thì đừng hòng váy xống gì. Chiếc váy lọt mắt tôi là chiếc nhức mắt nhất cửa hiệu - một chiếc đầm dài dáng ôm màu trắng bạc chi chít pha lê mà cô nhân viên đã tuyên bố không chút hàm ý mỉa mai rằng nó sẽ khiến tôi trông giống hệt Liv Tyler trong Chúa tể những chiếc nhẫn. Tôi không chắc là cái mặt mình có đủ tỉnh queo không, bởi cô ấy cứ ném cho tôi những cái nhìn ngờ vực khi tôi thử những chiếc váy khác. Nhưng bây giờ tôi cảm thấy không đủ dũng cảm để diện đống pha lê ấy, vì biết đâu những người ở đó chỉ mặc quần bò mà thôi, thế nên tôi chọn chiếc khiêm tốn nhất - một chiếc váy suông dài thon bằng sa tanh xám đậm. Có ít lá sequin trang trí ở vai phải, nhưng nói chung ta không thể tránh được vài nét lóng lánh. Rõ ràng hầu hết đầm dạ tiệc đều do mấy đứa con nít năm tuổi cầm súng bắn nhũ thiết kế, nhưng ít nhất chiếc này trông không hoàn toàn giống một vụ nổ ở nhà máy búp bê Barbie. Tôi quằn quại chui vào váy và kéo khóa lên, rồi đổ toàn bộ chỗ đạn dược mỹ phẩm trong túi đồ trang điểm ra ngoài. Tối nay sẽ cần đến nhiều hơn một vệt son bóng để tôi trông còn giống được nửa hồn người. Tôi đang trát kem che vết cắt trên má thì nhận ra trong đống mỹ phẩm kia không có mascara. Tôi lục ví cầm tay trong niềm hy vọng hão huyền, rồi cố gắng nhớ xem lần cuối cùng mình nhìn thấy nó là ở đâu. Rồi tôi nhớ ra. Tôi nhét nó trong cái túi xách bị trộm mất cùng những thứ khác. Không phải lúc nào tôi cũng đánh mascara, nhưng nếu không có những sợi lông mi đen thì lối đánh mắt khói của tôi sẽ trở nên kỳ quặc và lạc quẻ - như thể tôi đang trang điểm thì bỏ dở giữa chừng. Tôi thoáng có ý nghĩ lố bịch là ứng biến bằng bút kẻ mắt nước, nhưng thay vì vậy cố thử tìm một lần cuối cùng trong túi - dốc hết tất cả lên giường, đề phòng tôi nhớ nhầm hay có một chiếc bị kẹt trong khe túi. Dù vậy, trong thâm tâm tôi biết nó không ở đó, và khi đương nhét lại đồ vào túi thì tôi nghe thấy một tiếng ồn ở buồng bên cạnh - âm thanh toilet xả nước, vẫn nhận ra được mặc cho tiếng rền nho nhỏ của động cơ. Cầm thẻ từ trên tay, tôi chân trần bước ra hành lang. Trên cánh cửa gỗ tần bì phía bên phải có một tấm bảng đồng viết, “10: PALMGREN” khiến tôi không khỏi nghĩ rằng nguồn cung các nhà khoa học lỗi lạc người Scandinavia hẳn đã hao đi đôi chút vào thời điểm họ hoàn thiện phần nội thất của con thuyền. Tôi ngập ngừng gõ cửa. Không ai trả lời. Tôi đợi. Có khi chủ phòng đang tắm. Tôi lại gõ thêm ba tiếng nhanh và rồi, sau khi nghĩ kỹ, đập cửa phát cuối rất to đề phòng trường hợp người trong đó bị lãng tai. Cửa phòng bật mở, như thể chủ phòng nãy giờ đang đứng ngay bên kia cánh cửa. “Sao?” cô ta hỏi, gần như trước cả khi cửa mở. “Mọi chuyện có ổn không?” Rồi cô ta đổi sắc mặt ngay. “Chết tiệt. Cô là ai?” “Tôi là hàng xóm của cô,” tôi nói. Cô ta trẻ, khá xinh với mái tóc đen dài và đang mặc áo phông Pink Floyd sờn rách đầy lỗ, không hiểu sao điều đó lại khiến tôi khá có cảm tình. “Laura Blacklock. Lo. Xin lỗi, tôi biết chuyện này nghe khá kỳ quặc, nhưng không biết tôi có thể mượn mascara một lúc được không?” Có một đống ống tuýp và kem trên bàn trang điểm ngay sau lung cô ta, và mắt cô ta cũng đã được trang điểm đôi chút, điều đó khiến tôi an tâm rằng hẳn mình không làm điều gì quấy quá. “Ồ.” Cô ta có vẻ bối rối. “Rồi. Đợi một chút.” Cô ta biến mất sau cánh cửa đóng, rồi quay lại với một cây Maybelline và dúi nó vào tay tôi. “Cảm ơn,” tôi nói. “Tôi sẽ trả lại ngay.” “Cứ cầm đi,” cô ta nói. Tôi phản đối, nhưng cô ta chỉ phẩy tay. “Thật đấy, tôi không muốn lấy lại đâu.” “Tôi sẽ rửa sạch đầu cọ mà,” tôi nói, nhưng cô ta lắc đầu vẻ sốt ruột. “Tôi bảo rồi, không cần trả lại đâu.” “Được rồi,” tôi nói, không nài nỉ nữa. “Cảm ơn cô nhé.” “Không có gì.” Cô ta sập cửa trước mặt tôi. Tôi quay lại buồng, không ngừng tự hỏi về cuộc gặp gỡ kỳ quặc vừa rồi. Tôi cảm thấy mình thật lạc lõng trên con thuyền này, nhưng cô ta có vẻ còn bồn chồn hơn. Là con gái của ai đó chăng? Tôi không rõ liệu mình có gặp lại cô ta vào bữa tối không. Tôi vừa đánh xong mascara đi mượn thì có tiếng gõ cửa. Chắc cô ta đổi ý rồi. “Chào,” tôi nói và mở cửa, chìa cây mascara ra. Nhưng bên ngoài là một cô gái khác, cô này mặc đồng phục chiêu đãi viên. Cặp lông mày đã bị tỉa quá tay thành ra trống huơ trống hoác, khiến nét mặt cô ấy nhìn kiểu nào cũng ra cái vẻ ngạc nhiên. “Xin chào,” cô ấy nói, với biến tố trầm bổng của tiếng Scandinavia. “Tên tôi là Karla, tôi là phục vụ phòng của cô cùng với Josef. Tôi chỉ đến báo với cô là buổi giới thiệu sẽ diễn ra lúc...” “Tôi nhớ rồi,” tôi nói, nghe có vẻ cộc cằn ngoài ý muốn. “Bảy giờ chiều ở phòng Pippi Tất dài hoặc gì đấy đại loại như vậy.” “A, cô biết các nhà văn người Scandinavia!” cô ta cười rạng rỡ. “Tôi không biết nhiều lắm về mấy nhà khoa học,” tôi thừa nhận. “Tôi sẽ lên ngay.” “Vâng. Huân tước Bullmer rất mong chờ được chào đón mọi người lên thuyền.” Sau khi cô ta đi, tôi lục lọi trong va li để tìm cái khăn choàng kèm theo chiếc đầm - một chiếc khăn san bằng lụa xám khiến tôi cảm thấy mình trông giống chị em nhà Bront - rồi quấn nó quanh vai. Tôi khóa cửa sau lung, bỏ thẻ từ vào áo ngực, rồi đi theo hành lang lên phòng khách Lindgren. 7 T rắng. Trắng. Mọi thứ đều trắng muốt. Sàn gỗ. Ghế sô pha nhung. Rèm dài bằng lụa thô. Những bức tường không tỳ vết. Một điều không tưởng ngoạn mục đối với du thuyền chở khách - tôi đến phải cho là người ta cố tình làm thế. Lại một chiếc đèn chùm Swarovski treo trên trần và tôi không thể ngăn mình đứng lại ở ngưỡng cửa mà sửng sốt. Không chỉ là ánh sáng phát ra, hay cái lối nó phản chiếu và khúc xạ từ những viên pha lê, mà vấn đề còn nằm ở kích cỡ. Căn phòng này là bản sao hoàn hảo của một phòng khách trong khách sạn năm sao, hoặc một phòng tiếp khách trên thuyền Nữ hoàng Elizabeth 2, nhưng nó rất nhỏ. Chỉ có mười hai tới mười lăm người trong phòng, ấy vậy họ vẫn đứng kín chỗ, và thậm chí đèn chùm cũng được làm cỡ nhỏ cho vừa với căn phòng. Giống như ta đang ghé mắt nhìn qua cửa nhà búp bê, nơi mọi thứ đều được thu bé lại và trông có vẻ hơi kỳ cục, những chiếc nệm bản sao hơi quá to và cứng so với những cái ghế bé xíu, những ly rượu cùng kích cỡ với chai sâm panh giả. Tôi đang quét mắt nhìn khắp để tìm cô gái mặc áo phông Pink Floyd thì nghe thấy một giọng nói trầm trầm đầy thích thú phát ra từ hành lang sau lưng. “Lóa mắt rồi phải không?” Tới quay lại và thấy Lederer bí ẩn đang đứng đó. “Một chút thôi,” tôi nói. Anh ta chìa tay ra. “Cole Lederer.” Cái tên nghe hơi quen nhưng tôi không làm sao nhớ ra được. “Laura Blacklock.” Chúng tôi bắt tay và tôi nhìn anh ta. Dù mặc quần bò cùng áo phông kỳ cạch bước qua cầu tàu, thì nói như Lissie, anh ta vẫn thuộc vào hàng “ngon mắt”. Giờ đây, anh ta đang diện một bộ vét tiệc tối khiến tôi nhớ lại quy tắc để đời của Lissie; một bộ vét tiệc tối làm vẻ quyến rũ của đàn ông tăng lên gấp rưỡi. “Vậy,” anh ta nói, lấy chiếc ly trên khay do một chiêu đãi viên tươi cười người Scandinavia khác mang tới, “cơn gió nào đã đưa cô lên thuyền Aurora vậy, cô Blacklock?” “Ồ, cứ gọi tôi là Lo. Tôi là nhà báo, tôi làm việc cho tờ Velocity.” “Chà, rất vui được gặp cô, Lo. Tôi mời cô một ly nhé?” Anh ta lấy ly thứ hai và mỉm cười đưa nó cho tôi. Những cái chai rỗng trong cabin lơ lửng trước mắt tôi, làm tôi thoáng thấy nao núng, biết rằng mình sắp sửa tiến đến chỗ uống quá nhiều vào đầu buổi tối, nhưng lại không muốn tỏ ra khiếm nhã. Dạ dày tôi đang rất, rất rỗng và rượu gin thì vẫn chưa tan hết, nhưng chắc là thêm một ly nữa cũng không sao? “Cảm ơn,” rốt cục tôi nói. Anh ta đưa ly cho tôi, ngón tay anh ta cạ vào ngón tay tôi theo một lối mà tôi không chắc có phải là tình cờ không, rồi tôi nhấp một ngụm, cố dìm cảm giác lo lắng xuống. “Anh thì sao? Anh làm gì ở đây?” “Tôi là nhiếp ảnh gia,” anh ta nói, và tôi đột nhiên nhận ra mình đã nghe thấy cái tên này ở đâu. “Cole Lederer!” tôi kêu lên. Sao tôi lại ngu thế nhỉ. Nếu là Rowan thì cô ấy đã bám chặt anh ta ngay từ lúc ở cầu tàu. “Tất nhiên rồi - anh đã chụp bức ảnh băng tan rất ấn tượng cho tờ Guardian.” “Đúng chóc.” Anh ta toét miệng cười, tỏ vẻ hài lòng không chút ngần ngại khi được nhận ra, mặc dù ta hẳn sẽ nghĩ niềm rộn ràng đó ở anh ta giờ đã trở nên đôi phần nhàm chán - anh chàng này chỉ đứng dưới David Bailey một hai bậc mà thôi[3]. “Tôi được mời để đưa tin về chuyến đi này - cô biết đấy, lại những tấm hình ảm đạm chụp đám vịnh hẹp và mấy thứ đại loại vậy.” “Không phải sở trường của anh nhỉ?” tôi nói vẻ hồ nghi. “Không,” anh ta đồng ý. “Tôi thường chụp động vật có nguy cơ tuyệt chủng hoặc những khu vực đang gặp rủi ro môi trường, và tôi không nghĩ những người ở đây lại có chút nguy cơ tuyệt chủng nào đâu. Bọn họ trông đều béo tốt quá thể ấy chứ.” Chúng tôi cùng nhìn khắp phòng. Nếu nói đến đám đàn ông thì tôi phải đồng ý với anh ta. Có một nhóm nhỏ đứng ở góc xa kia trông như thể sẽ sống sót được đến vài tuần nhờ lượng mỡ dự trữ trong trường hợp chúng tôi đắm thuyền. Dù vậy cánh phụ nữ là một câu chuyện khác. Bọn họ đều ẳ có chung cái vẻ ngoài bóng bẩy không chút mỡ thừa hẳn là kết quả của những bài tập yoga nóng Bikram và chế độ ăn thực dưỡng, và trông chẳng có vẻ gì là sẽ sống sót được bao lăm nếu thuyền chìm. Tôi đoán họ có thể ăn thịt một trong số đám đàn ông. Tôi nhận ra vài gương mặt từ những bữa tiệc của giới báo chí - kia là Tina West, thon thả như chó đua và đeo trên mình số nữ trang nặng hơn người, là biên tập của Thời báo Vernean (châm ngôn: “80 ngày chỉ là khởi đầu”); nhà báo du lịch Alexander Belhomme, chuyên viết các bài phóng sự và ẩm thực cho một số tạp chí trên máy bay hoặc trên phà từ Anh vào lục địa, trông mỡ màng và tròn trĩnh như hải tượng; và Archer Fenian, một chuyên gia nổi tiếng về “du lịch cực đoan”. Archer, anh này chắc khoảng bốn mươi nhưng trông già hơn bởi gương mặt cháy nắng dầm mưa dãi gió, đang chuyển từ chân này sang chân kia, tỏ vẻ cực kỳ không thoải mái trong bộ vét tiệc tối và chiếc cà vạt. Tôi không hình dung được anh ta làm gì ở đây - công việc ngày thường của anh ta là ăn ấu trùng bướm ở Amazon, nhưng có lẽ anh ta đang trong thời gian giải lao. Tôi không thấy cô gái ở buồng kế bên đâu. “Hù!” một giọng nói vang lên sau lưng tôi. Tôi quay ngoắt lại. Ben Howard. Anh ta làm cái quái gì ở đây vậy? Ben đang nhăn nhở cười với tôi qua bộ râu hippie rậm rịt vốn chưa xuất hiện ở lần cuối cùng tôi nhìn thấy anh ta. “Ben” tôi nói nhỏ, cố gắng kiềm lại cơn sốc. “Anh dạo này thế nào? Anh đã gặp Cole Lederer chưa?” Ben và tôi từng làm cùng nhau ở Velocity. Giờ anh ấy viết cho... tờ nào ấy nhỉ? Indie? Times?” “Anh và Cole biết nhau,” Ben ung dung nói. “Bọn anh cùng đưa tin hội nghị của Tổ chức Hòa Bình Xanh. Dạo này thế nào, anh bạn?” “Vẫn ổn,” Cole nói. Họ ôm nhau theo cái kiểu bá vai của đàn ông, khi bạn quá đỏm dáng để bắt tay, nhưng chưa đủ ngầu để mà cụng nắm đấm. “Trông em được đấy, Blacklock,” Ben nói, quay sang và nhìn tôi từ đầu đến chân theo cái kiểu khiến tôi chỉ muốn sút vào bi anh ta, hiềm nỗi cái đầm này chật quá. “Mà... dạo này em lại, ờ, lên đài đấy hả?” Trong chừng một phút tôi không thể luận ra được anh ta đang nói về cái gì. Rồi tôi vỡ lẽ: vết bầm trên má. Rõ là khả năng sử dụng kem che khuyết điểm của tôi không được tốt như tôi nghĩ. Trong đầu tôi lại vụt hiện ký ức bị cánh cửa đóng sầm cắt vào má và gã đàn ông trong căn hộ - cao tầm Ben, cũng có đôi mắt đen láy - ký ức ấy sống động đến nỗi khiến tim tôi đập dồn, ngực tôi căng cứng, và suốt một lúc lâu tôi không biết phải đáp lại anh ta thế nào. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào anh ta, còn chẳng cố giấu vẻ căng thẳng trên mặt. “Xin lỗi, xin lỗi,” anh ta giơ một tay lên. “Lỗi của anh. Lạy Chúa, cái cổ áo này chật quá.” Anh ta giật mạnh cái nơ trên cổ. “Thế nào mà em lại lên được cái xuồng này thế? Lên đời hả?” “Rowan ốm,” tôi nói cộc lốc. “Cole!” một giọng nói vang lên phá vỡ khoảng lặng lúng túng, và hai chúng tôi đều quay lại nhìn. Đấy là Tina, khệnh khạng lướt đi trên sàn gỗ sồi trắng mới tinh, chiếc đầm bạc sột soạt như bộ da rắn. Cô ta hôn khá lâu lên cả hai má Lederer, tảng lờ tôi và Ben. “Bé yêu, đã lâu quá rồi.” Giọng cô khàn khàn vẻ xúc động. “Và khi nào anh mới định chụp tấm hình đã hứa cho Vernean đây?” “Chào Tina,” Cole nói, giọng có chút mệt mỏi. “Để em giới thiệu anh với Richard và Lars,” cô rừ rừ nói rồi luồn cánh tay vào tay Lederer, kéo anh ta về phía đám đàn ông mà tôi nhìn thấy lúc đầu. Anh ta để mình bị lôi đi, chỉ ngoái lại nở một nụ cười thê lương. Ben nhìn theo anh ta rồi quay lại với tôi, nhướn một bên mày đúng thời điểm đến nỗi tôi khịt mũi vì tức cười. “Anh nghĩ chúng ta đã biết ai là bông hậu của bữa tiệc hôm nay rồi, nhỉ?” anh ta lãnh đạm nói, và tôi phải gật đầu đồng ý. “Mà thôi, dạo này em thế nào?” anh ta tiếp tục. “Vẫn cặp với tay Mèo à?” Tôi có thể nói gì bây giờ? Tôi không biết? Rằng rất có khả năng tôi đã làm bung bét mọi chuyện đến mức làm mất anh? “Vẫn còn,” cuối cùng tôi nói giọng cấm cảu. “Tiếc thế. Nhưng em biết đấy, những gì xảy ra ở vịnh thì sẽ ở lại vịnh mà thôi...” “Ôi, xéo đi, Howard,” tôi ngắt lời. Anh ta giơ hai tay lên. “Em không thể mắng một thằng đàn ông vì mới ướm thử được.” Có chứ, tôi nghĩ, nhưng không nói ra. Thay vào đó tôi lấy thêm ly nữa từ một cô phục vụ đi ngang qua rồi nhìn quanh xem có chủ đề nào khác không. “Những người kia là ai?” tôi hỏi. “Tôi đã biết anh, tôi, Cole, Tina và Archer, ờ, cả Alexander Belhomme nữa. Cái nhóm đứng kia là những ai đấy?” Tôi hất đầu về nhóm nhỏ mà Tina đang tán chuyện cùng. Có ba người đàn ông và hai phụ nữ, một người tầm tuổi tôi nhưng trang phục thì đắt hơn cỡ 50.000 bảng, còn người kia thì... Chà, người kia đúng là một điều bất ngờ. “Huân tước Bullmer và mấy người bạn nối khố. Anh ta là chủ của cái thuyền này và... anh nghĩ em sẽ gọi đấy là gương mặt bù nhìn của công ty?” Tôi chăm chú nhìn nhóm người nọ, cố gắng nhận mặt Huân tước Bullmer từ bức ảnh trên Wikipedia. Đầu tiên tôi không thể luận ra anh ta là người nào, thế rồi một người đàn ông phát ra tiếng cười ha hả, ngật đầu ra sau và tôi biết ngay đấy chính là anh ta. Huân tước Bullmer cao, mảnh người, mặc bộ com lê cắt may chuẩn đến nỗi tôi chắc chắn là được may riêng, và anh ta cháy nắng rất dữ, như thể đã dành rất nhiều thời gian ngoài trời vậy. Đôi mắt xanh sáng nheo lại thành hai vết cắt khi anh ta cười, và có vệt tóc xám ở hai bên thái dương, nhưng là màu xám do tóc quá đen chứ không phải do tuổi già. “Anh ta trẻ quá. Một người tầm tuổi chúng ta mà đã là quý tộc rồi, nghe thật kỳ cục, anh có nghĩ vậy không?” “Anh ta cũng là Tử tước gì đó nữa hay sao ấy. Tiền thì chủ yếu là nhờ vợ. Cô ấy là người thừa kế nhà Lyngstad, gia đình sản xuất ô tô. Em biết anh muốn nói hãng nào rồi chứ?” Tôi gật đầu. Kiến thức của tôi về doanh nghiệp có thể què cụt, và gia đình đó nổi tiếng là kín đáo, nhưng ngay cả tôi cũng đã nghe nói đến quỹ Lyngstad. Mỗi lần bạn nhìn thấy đoạn phim tư liệu về một khu vực chịu thảm họa ở nước ngoài, logo của họ kiểu gì cũng xuất hiện trên xe tải và những gói hàng cứu trợ. Tôi chợt nhớ đến một bức ảnh mà tôi đã thấy trên khắp mọi mặt báo năm ngoái - thậm chí đấy có thể là ảnh của Cole - chụp một bà mẹ người Syria đứng trước chiếc xe tải hiệu Lyngstad, trên tay ôm một đứa bé và giơ nó về phía tài xế như một thứ bùa chú hòng khiến chiếc xe dừng lại. “Vậy kia là cô ấy à?” Tôi hất đầu về phía cô gái tóc vàng sáng đang xây lưng về phía mình, mới cười về một điều gì đó đám đàn ông vừa nói. Cô ta mặc một chiếc đầm giản dị ghê gớm làm bằng lụa thô màu hồng khiến tôi cảm thấy như thể mình đã vá víu cái đầm đang mặc từ nguyên liệu trong hộp đồ hóa trang hồi nhỏ. Ben lắc đầu. “Không, cô ta là Chloe Jenssen. Cựu người mẫu, kết hôn với Lars Jenssen, thằng cha tóc vàng kia kìa. Một tay sừng sỏ trong giới tài chính, đứng đầu một nhóm đầu tư lớn của Thụy Điển. Anh nghĩ Bullmer lôi Lars lên đây vì coi anh ta là một nhà đầu tư tiềm năng. Vợ của Bullmer là người đứng cạnh anh ta, đội khăn trùm đầu ấy.” Ồ... Có ấy chính là điều bất ngờ. Trái ngược với những người khác, cô gái đội khăn trùm đầu trông có vẻ... Chà, cô ấy có vẻ ốm yếu. Cô mặc một dạng áo choàng kimono suông bằng lụa xám rất hợp màu mắt, trông nửa giống váy dạ hội nửa giống áo choàng ngủ, nhưng đứng từ đây tôi cũng thấy được cô ấy đang quàng khăn lụa quanh cái đầu trụi lủi, còn da thì trắng bệch như sáp. Vẻ xanh xao của cô nổi bật giữa những người khỏe mạnh đến phát khiếp đứng xung quanh. Tôi nhận ra mình đang nhìn chằm chằm và vội cụp mắt xuống. “Cô ấy bị bệnh,” Ben nói. “Ung thư vú. Anh nghĩ chắc là nghiêm trọng đấy.” “Cô ấy bao tuổi?” “Gần ba mươi thì phải. Trẻ hơn ông chồng.” Khi Ben nốc cạn ly rượu và quay đi tìm nhân viên phục vụ, tôi lại nhìn chằm chằm vào người phụ nữ kia. Có cho cả triệu năm đi nữa tôi cũng chẳng thể nào nhận ra cô ấy từ bức ảnh nhìn thấy trên mạng. Có lẽ là do làn da xám xịt, hoặc do lớp vải lụa lồng phồng, nhưng cô ấy dường như già hơn nhiều, và khi không còn mớ tóc vàng óng lộng lẫy, cô ấy trông như thể một người hoàn toàn khác. Tại sao cô ấy lại ở đây, chứ không phải ở nhà nằm trên sô pha? Nhưng rồi, tôi nhận ra, tại sao cô ấy lại không ở đây? Có lẽ cô ấy chẳng còn sống được bao lăm nữa. Có lẽ cô ấy đang cố sống trọn khoảng thời gian ít ỏi còn lại. Hoặc có lẽ - chỉ là tôi nghĩ vậy thôi - có lẽ, cô ấy ước rằng cái người phụ nữ trong bộ đầm xám kia hãy ngừng nhìn chằm chằm mình với ánh mắt thương hại và để cô ấy yên. Tôi nhìn đi chỗ khác, chuyển sang săm soi một người nào đó đỡ mong manh hơn. Chỉ còn lại một người trong nhóm mà tôi vẫn chưa biết, một người đàn ông cao, lớn tuổi hơn với bộ râu điểm bạc được tỉa gọn gàng và một cái bụng chỉ có thể là sản phẩm của những bữa trưa lê thê. “Cái người trông giống Donald Sutherland[4] kia là ai?” tôi hỏi Ben. Anh ta quay lại. “Ai cơ? À, đấy là Owen White. Nhà đầu tư ở Vương quốc Anh. Kiểu Richard Brandson[5] - chỉ là ở quy mô nhỏ hơn chút xíu.” “Chúa ơi, Ben. Làm sao anh lại biết tất cả những thứ đó? Anh có kiến thức toàn thư về giới thượng lưu hay sao?” “Ơ, không.” Ben nhìn tôi, vẻ khó tin hiện lên trên mặt. “Anh gọi cho phòng truyền thông xin danh sách khách lên thuyền rồi google tên họ. Đâu cần phải là Sherlock Holmes mới làm được chuyện đó.” Mẹ kiếp. Mẹ kiếp. Tại sao tôi không làm thế nhì? Đấy là điều mà bất kỳ phóng viên nào hẳn cũng đã làm - mà tôi thậm chí còn chẳng hề nghĩ đến. Nhưng Ben đâu có phải chịu tình trạng lờ đờ vì mất ngủ và hậu chấn tâm lý suốt mấy ngày vừa rồi. “Về chuyện...” Không rõ Ben sắp nói gì với tôi, bởi những lời ấy ngay lập tức bị át đi bởi tiếng lanh canh của kim loại đập vào ly sâm panh, và Huân tước Bullmer đi ra giữa phòng. Camilla Lidman đặt cái ly và thìa trên tay xuống, dợm bước lên định giới thiệu anh ta, nhưng anh ta xua tay, thế là cô lùi vào hậu trường với một nụ cười khiêm nhường. Căn phòng chìm vào bầu không khí im lặng kính cẩn không hề bất ngờ, và Huân tước Bullmer bắt đầu nói. “Cảm ơn tất cả mọi người vì đã đến đây tham gia với chúng tôi trên hải trình đầu tiên của thuyền Aurora,” anh ta cất tiếng. Giọng anh ta ấm áp và có một sắc thái phi giai cấp kỳ lạ mà những người học trường công dường như khao khát đạt được, và đôi mắt xanh dương của anh ta có một thứ ma lực khiến người ta khó mà ngoảnh đi. “Tên tôi là Richard Bullmer, tôi và vợ mình Anne rất vui khi được chào mừng các bạn lên thuyền Aurora. Mục tiêu chúng tôi theo đuổi với con thuyền này là biến nó trở thành một mái ấm xa nhà.” “Một mái ấm xa nhà?” Ben thì thầm. “Hẳn nhà anh ta có ban công nhìn ra biển và quầy bar mini miễn phí. Nhà anh thì chắc chắn là đếch có rồi.” “Chúng tôi không tin rằng khi chu du ta phải chấp nhận những bất tiện,” Bullmer tiếp tục. “Trên thuyền Aurora, mọi thứ sẽ được theo ý các bạn, và nếu không phải như vậy, thì tôi và nhân viên của tôi rất muốn lắng nghe.” Anh ta dừng lại, nháy mắt với Camilla, cho thấy cô ta hẳn sẽ là người đứng mũi chịu sào trước những lời phàn nàn. “Trong số các bạn, những người đã quen tôi hẳn đã biết đến niềm đam mê của tôi đối với Scandinavia - với sự nồng ấm của người dân ở đó” - anh ta thoáng cười về phía Lars và Anne - “với nền ẩm thực tuyệt vời” - anh ta hất đầu về phía khay bánh tôm thìa là trờ qua - “và với vẻ lộng lẫy ngoạn mục của chính miền đất, từ những khu rừng mênh mông bất tận ở Phần Lan, những hòn đảo rải rác của quần đảo thuộc Thụy Điển, cho đến vẻ uy nghi của những vịnh hẹp nơi quê nhà vợ tôi là Na Uy. Nhưng tôi nghĩ rằng đối với cá nhân tôi, phẩm chất đại diện cho phong cảnh xứ Scandinavia - có lẽ có phần nghịch lý - hoàn toàn không phải là mặt đất, mà chính là bầu trời - mênh mông và hầu như trong vắt lạ lùng. Chính bầu trời ấy đã mang đến thứ mà với nhiều người là điều huy hoàng nhất khi đến Scandinavia vào mùa đông - Bắc Cực Quang, aurora borealis. Ta không thể chắc chắn sẽ gặp được, nhưng tôi hết sức hy vọng sẽ được chia sẻ vẻ đẹp uy nghi ngoạn mục của Bắc Cực Quang với các bạn trong hải trình này. Bất cứ ai cũng nên được ngắm nhìn Bắc Cực Quang một lần trước khi chết. Và bây giờ, xin hãy nâng ly, thưa các quý ông quý bà, mừng chuyến đi đầu tiên của Aurora Borealis - mong cho vẻ đẹp của cái tên sẽ không bao giờ phai mờ.” “Chúc mừng Aurora Borealis,” chúng tôi ngoan ngoãn đồng thanh rồi cạn ly. Tôi cảm thấy cồn râm ran trong người, cuốn trôi mọi cảm giác khó chịu, thậm chí cả cơn đau điếng nơi gò má. “Đi nào Blacklock,” Ben nói, đặt cái ly cạn xuống. “Làm việc của chúng ta và trò chuyện với mọi người thôi.” Tôi thấy nhói lên sự lưỡng lự không muốn tiếp cận nhóm người kia với anh ta. Xét đến những gì đã xảy ra giữa chúng tôi, cái ý nghĩ bị nhầm là một cặp đôi khiến tôi lúng túng, nhưng tôi cũng không định để Ben ra bắt chuyện trước trong khi bản thân vẫn cứ đứng đây. Khi chúng tôi băng qua căn phòng, tôi thấy Anne Bullmer chạm vào tay chồng mình và thì thầm gì đó vào tai anh ta. Anh ta gật đầu, còn cô vén váy lên và hai người họ bắt đầu đi về phía cửa, Richard vẻ lo âu giữ tay Anne. Chúng tôi chạm mặt nhau ở giữa phòng, và cô nở một nụ cười dễ thương làm sáng lên khuôn mặt thanh tú quyến rũ phảng phất cái hẳn là nét đẹp trước đây của cô, và tôi nhận ra cô hoàn toàn không có lông mày. Đường mày trơ trụi cùng gò má nhô ra khiến gương mặt cô có vẻ ngoài kỳ lạ, giống một chiếc đầu lâu. “Xin thứ lỗi cho tôi,” cô nói. Giọng cô là giọng Anh chuẩn, tôi không thể nhận ra chút âm sắc lạ nào. “Tôi rất mệt - tôi e là mình phải rút lui khỏi bữa tối ngày hôm nay. Nhưng tôi rất mong được gặp các bạn vào ngày mai.” “Tất nhiên rồi,” tôi ngượng nghịu nói, rồi cố mỉm cười. “Tôi... tôi cũng trông đợi điều đó.” “Tôi sẽ đưa vợ tôi về buồng,” Richard Bullmer nói. “Tôi sẽ trở lại trước khi bữa tối được dọn ra.” Tôi nhìn theo khi họ chầm chậm bước đi, rồi nói với Ben, “Tiếng Anh của cô ấy thật đáng ngạc nhiên. Nghe thôi thì không bao giờ biết được cô ấy là người Na Uy.” “Anh không nghĩ là hồi nhỏ cô ấy dành nhiều thời gian ở Na Uy. Hầu hết tuổi thơ cô ấy học ở các trường nội trú ở Thụy Sỹ, theo như anh được biết. Nào, bọc hậu cho anh đi Blacklock, anh vào đây.” Anh ta bước qua phòng, nhón tay lấy một nắm đẫy bánh tôm rồi rúc vào cái nhóm nhỏ kia với kỹ năng thuần thục của một nhà báo bẩm sinh. “Belhomme,” tôi nghe anh ta nói, giọng nồng nặc sắc thái vui tươi giả lả của những kẻ chui ra từ trường Eton, mà tôi biết là hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với thân thế thực sự của anh ta, lớn lên ở khu nhà giá rẻ do hội đồng thành phố xây ở Essex. “Gặp lại anh thật tuyệt quá. A, anh hẳn là Lars Jenssen, tôi đã đọc tiểu sử của anh trên FT. Tôi vô cùng ngưỡng mộ lập trường của anh về vấn đề môi trường - hài hòa giữa đạo đức và kinh doanh quả thực rất khó khăn, nhưng anh lại khiến điều ấy trông như thể hết sức đơn giản.” Eo, nhìn anh ta đi, hùng hục giao tiếp như một thằng khốn. Bảo sao anh ta đang làm việc cho tờ The Times chuyên làm những công việc điều tra, còn tôi thì mắc kẹt dưới cái bóng của Rowan ở Velocity. Tôi nên tới đó. Tôi nên dỗ mình tham gia cuộc trò chuyện giống những gì Ben đang làm. Đây là cơ hội của tôi và tôi biết điều ấy. Thế thì tại sao tôi cứ đứng đây, cầm ly bằng những ngón tay lạnh cóng, không thể bắt mình nhúc nhích? Cô phục vụ đi qua với một chai sâm panh và, dù hơi đi ngược lại lý trí, tôi để cô ta rót đầy ly. Khi cô ta đi khỏi, tôi nốc cạn chỗ rượu đó một cách bất cần. “Penny?” một giọng nói nhỏ vang bên tai tôi, và tôi quay ngoắt lại thì thấy Cole Lederer đang đứng sau mình. “Xin lỗi, Penny nào cơ?” tôi cố gắng nói, dù hai lòng bàn tay đã đầm đìa mồ hôi. Tôi phải vượt qua chuyện này. Anh ta cười toe, và tôi nhận ra mình bị hố. “À, phải rồi,” tôi nói, cảm thấy bực bội với bản thân, và với anh ta nữa, thật là lắm trò.[6] “Xin lỗi,” anh ta nói, vẫn mỉm cười. “Một sáo ngôn ngớ ngẩn nhỉ. Tôi chẳng biết tại sao mình lại nói cái đó nữa. Chỉ là cô cứ đứng đó trầm ngâm cắn môi.” Tôi đang cắn môi làm dáng ư? Mẹ kiếp, thế sao không bảo tôi chớp chớp liếc mắt đưa tình luôn đi? Tôi cố gắng nhớ lại mình vừa nghĩ gì, ngoài chuyện Ben và sự thiếu khả năng giao tiếp của tôi. Thứ duy nhất hiện lên trong đầu là thằng khốn đã đột nhập vào căn hộ, nhưng sẽ thật dở hơi nếu nhắc tới chuyện đó ở đây. Tôi muốn Cole Lederer tôn trọng tôi với tư cách một nhà báo, chứ không phải thấy thương cảm cho tôi. “À... ờ... Chuyện chính trị chăng?” Cuối cùng tôi cũng phun ra được. Sâm panh và cơn mệt mỏi bắt đầu giáng xuống tôi. Óc tôi dường như hoạt động không được trơn tru cho lắm, và đầu tôi bắt đầu đau điếng. Tôi nhận ra mình đã say dở chừng rồi, lại còn say chẳng ra hồn nữa chứ. Cole nhìn tôi vẻ hồ nghi. “Này, thế anh vừa nghĩ gì đấy?” tôi bực bội nói. Có lý do thì chúng ta mới giấu hầu hết suy nghĩ trong đầu - đó là bởi sẽ không an toàn khi công khai chúng. “Ý em là ngoài việc nhìn vào môi em ấy hả?” Tôi cưỡng lại thôi thúc trợn mắt ngán ngẩm và cố gắng nghĩ đến Rowan, cô ấy hẳn sẽ tán tỉnh anh ta cho đến khi lấy được danh thiếp. “Nếu em muốn biết,” Cole tiếp tục, tựa mình vào tường khi con thuyền gặp sóng hơi dềnh lên và đá trong xô đựng sâm panh va nhau lạch xạch, “thì anh vừa nghĩ về người sắp sửa trở thành vợ cũ của mình.” “Ôi. Xin lỗi,” tôi nói. Tôi nhận ra Cole cũng đang say, chỉ là anh ta giỏi che giấu hơn mà thôi. “Cô ta phịch bạn thân nhất kiêm phù rể số một của anh. Anh đang nghĩ không biết nên đáp lại cái ân đó bao nhiêu cho vừa đây.” “Phịch phù dâu của cô ấy?” “Hoặc... ai cũng được, thật đấy.” Hừ. Xem ra anh ta đang thẳng thùng mời chào rồi. Cole lại toét miệng cười, bằng cách nào đó khiến cho lời nói của mình nghe vẫn khá quyến rũ, như thể anh ta đang thử vận may hơn là hành xử như một tay nghệ sĩ tán gái bô nhếch. “Chà, tôi không nghĩ anh sẽ mất nhiều công sức đâu,” tôi hờ hững đáp. “Tôi khá chắc là Tina sẽ giúp đấy.” Cole phá lên cười hô hố, còn tôi đột nhiên cảm thấy cắn rứt lương tâm, nghĩ không biết mình sẽ thấy sao nếu Ben và Tina cũng đùa những câu tương tự về chuyện tôi lao mình vào Cole hòng tìm đường thăng tiến. Ừ thì Tina đã đá đưa anh ta. Có gì ghê gớm đâu. Đó nào phải là tội ác thế kỷ. “Xin lỗi,” tôi nói, nghĩ giá mà rút lại được bình luận vừa rồi. “Móc máy vậy thật đáng xấu hổ.” “Nhưng chính xác mà,” Cole thờ ơ nói. “Tina sẽ lột da bà mình để có chuyện mà đăng bài. Anh chỉ lo,” anh ta lại nhấp một ngụp sâm panh nữa rồi nhăn răng cười, “không biết làm thế nào để sống sót thoát khỏi màn hội ngộ đó thôi.” “Thưa quý ông quý bà,” giọng một chiêu đãi viên cắt đứt cuộc trò chuyện của chúng tôi. “Xin hãy di chuyển đến phòng Jansson, bữa tối sắp sửa được dọn lên.” Khi chúng tôi bắt đầu di chuyển, tôi cảm thấy có ai đang nhìn mình sau lưng, nên tôi quay lại để xem đấy là ai. Người đang đứng sau lưng tôi là Tina, và quả thực cô ấy đang nhìn tôi với một vẻ rất, rất chăm chú. 8 Đ ội ngũ nhân viên tốn một khoảng thời gian lâu đến ngạc nhiên để dẫn chúng tôi sang phòng ăn tí xíu ở ngay bên cạnh. Không hiểu sao tôi lại trông chờ điều gì đó thực dụng, giống những cái phà tôi từng đi, chỉ có mấy dãy bàn và một quầy ăn trưa dài. Tất nhiên thực tế thì rất khác - hẳn là chúng tôi đang ở nhà một ai đó, nếu tôi có quen người nào nhà treo toàn mành lụa thô và xài ly thủy tinh khắc đắt tiền. Lúc tất cả ngồi xuống, đầu tôi thình thịch đau điếng, và tôi cần đồ ăn kinh khủng - hoặc ít cà phê thì tốt, dù tôi đoán chắc mình sẽ phải chờ đến phần tráng miệng, cảm tưởng như tới lúc đó còn xa tít mù. Khách khứa được xếp vào hai bàn sáu chỗ, nhưng mỗi bàn lại có một ghế trống. Có phải là chỗ của cô gái ở cabin 10 không? Tôi nhẩm đếm nhanh số đầu người. Bàn 1 có Richard Bullmer, Tina, Alexander, Owen White và Ben Howard. Ghế trống ở đối diện Richard Bullmer. Bàn 2 có tôi, Lars và Chloe Jenssen, Archer và Cole, cùng một ghế trống bên cạnh anh ta. “Cô có thể dọn cái này đi,” Cole nói với cô phục vụ, người vừa mang đến một chai rượu vang. Anh ta phẩy tay về phía bộ dao nĩa để không. “Vợ tôi không thể tham gia chuyến đi.” “Ồ vâng, xin lỗi ông.” Cô ta hơi cúi mình, nói gì đó với đồng nghiệp và bộ đồ ăn được dọn đi. Chà, nhìn vậy là hiểu. Nhưng chỗ trống ở bàn còn lại vẫn chưa có ai ngồi. “Rượu Chablis, thưa ông?” cô phục vụ hỏi. “Được, cảm ơn,” Cole nâng ly lên. Khi anh ta làm vậy, Chloe Jenssen rướn người qua bàn, chìa tay về phía tôi. “Hình như chúng ta chưa làm quen.” Cô có chất giọng trầm, khàn, khá bất ngờ so với thân hình nhỏ nhắn ấy, lại có chút âm sắc vùng Essex. “Tôi là Chloe - Chloe Jenssen, mặc dù trong công việc thì tên tôi là Wylde.” ẳ Hẳn rồi. Giờ khi cô đã nói vậy, tôi mới nhận ra đôi gò má rộng và cặp mắt hơi xếch của dân Slav, cùng mái tóc vàng sáng. Dù không có lớp hóa trang diễn viên sân khấu và ánh đèn, trông cô vẫn hơi có vẻ bất phàm, như thể người ta đã bứng cô từ một ngôi làng đánh cá nhỏ ở Iceland, hoặc từ một ngôi nhà nhỏ ở Siberia. Diện mạo của Chloe khiến câu chuyện một tay săn người mẫu phát hiện ra cô ở một siêu thị hẻo lánh càng trở nên lạ lùng. “Hân hạnh được gặp cô,” tôi nói rồi nắm tay cô. Những ngón tay lạnh buốt, siết mạnh đau điếng, những chiếc nhẫn to bản Chloe đeo cứa vào khớp ngón tay tôi. Nhìn gần trông cô còn choáng váng hơn, vẻ đẹp chân phương của chiếc váy cô đang mặc rõ ràng ăn đứt cái đầm xám này, khiến tôi cảm thấy mình và cô như đến từ hai hành tinh khác nhau. Tôi ghìm lại thôi thúc muốn kéo phần vải viền cổ ra cho đỡ ngộp. “Tôi là Lo Blacklock.” “Lo Blacklock!” Cô bật cười, nghe như tiếng nước róc rách. “Hay đấy. Nghe giống một ngôi sao điện ảnh thập niên năm mươi thắt đáy lưng ong ngực dâng tận cằm.” “Giá tôi được vậy.” Bất chấp cơn đau đầu mỗi lúc một tăng, tôi vẫn cười toe toét, vẻ thích thú của cô ấy có gì đó thật dễ lây. “Và đây hẳn là chồng cô...?” “Vâng, đây là Lars.” Cô nhìn sang anh ta, sẵn sàng lôi chồng vào cuộc trò chuyện, nhưng anh ta đang say sưa nói chuyện với Cole và Archer mất rồi, thế là cô chỉ đảo mắt ngán ngẩm và quay lại với tôi. “Còn một người nữa sẽ tham gia với chúng ta phải không?” Tôi hất đầu về phía cái ghế trống ở bàn bên. Chloe lắc đầu. “Tôi nghĩ đấy là ghế của Anne - vợ Richard ấy. Cô ấy không được khỏe. Tôi nghĩ cô ấy sẽ ăn tối ở buồng riêng.” “Hẳn rồi.” Tôi phải luận ra từ trước chứ nhỉ. “Cô có thân với cô ấy không?” tôi hỏi. Chloe lắc đầu. “Không, tôi thì khá thân với Richard, qua Lars, nhưng Anne lại hiếm khi rời Na Uy.” Cô hạ thấp giọng và nói với vẻ bí mật. “Thiên hạ bảo cô ấy là kiểu thích ẩn dật, thế nên tôi khá ngạc nhiên khi thấy cô ấy lên thuyền - nhưng chắc là bị ung thư sẽ khiến ta...” Cô sắp sửa nói gì đó thì bị ngắt quãng bởi năm cái đĩa vuông màu đen được dọn lên, trên mỗi đĩa đặt rải rác những hình vuông nhỏ bảy sắc cầu vồng và một cục bọt đặt trên thứ trông giống một nùi cỏ tươi. Tôi nhận ra mình hoàn toàn không biết cái thứ bản thân sắp cho vào miệng kia là gì. “Ốc móng tay dầm củ cải đường,” chiêu đãi viên thông báo, “với bọt rượu cỏ bison, và cỏ xanh pia phơi khô.” Những người phục vụ lui đi, còn Archer cầm nĩa lên và gẩy gẩy khối vuông sặc sỡ nhất. “Ốc móng tay?” anh ta nói vẻ hồ nghi. Âm sắc vùng Yorkshire nghe nặng hơn so với trên truyền hình. “Chẳng hiểu sao tôi chưa bao giờ hứng thú với sò ốc sống. Chỉ thấy gớm thôi.” “Thật ư?” Chloe nói. Cô nở nụ cười, hai khóe miệng vểnh cao, biểu lộ vẻ nửa tán tỉnh nửa không tin. “Tôi cứ nghĩ chui bờ chui bụi là nghề của anh chứ - anh biết đấy, mấy món côn trùng với thằn lằn chẳng hạn.” “Nếu cô được trả tiền để ăn mấy con nhầy nhụa vào ngày làm việc thì hẳn cô cũng sẽ thích ăn thịt nướng ngon lành vào ngày nghỉ thôi,” Archer nói và cười toe. Anh ta quay sang tôi và chìa tay ra. “Archer Fenian. Chắc chúng ta chưa làm quen đâu nhỉ?” “Lo Blacklock,” tôi nói trong khi nhồm nhoàm cái thứ mà tôi đang hy vọng không phải bọt ấu trùng ve, dù khó mà biết chắc được. “Thực ra chúng ta đã gặp nhau rồi, nhưng chắc anh không nhớ đâu. Tôi làm việc cho tờ Velocity.” “Ố ồ. Có phải cô làm việc cho Rowan Lonsdale không?” “Đúng thế.” “Cô ấy có thích bài viết tôi gửi không?” “Có, bài đấy khá nổi. Nhiều người tweet lại lắm.” Mười hai món ngon hú hồn mà bạn cứ tưởng không ăn được, đại loại thế. Bài viết được minh họa bằng một bức ảnh chụp Archer, tay thì đang nướng một thứ gì đó đủ khiến ta nghẹn lời, mặt thì hướng về máy quay cười toe toét. “Thế anh không định ăn thật à?” Chloe nói rồi hất đầu về phía đĩa của Archer. Cô đã ăn gần hết veo. Chloe quẹt ngón tay lên một vệt bọt và liếm chúng. Archer ngần ngừ, rồi đẩy cái đĩa ra xa. “Tôi nghĩ mình sẽ bỏ qua món này,” anh ta nói. “Đợi món tiếp theo vậy.” “Chơi đẹp đấy,” Chloe nói. Cô lại nở thêm một nụ cười xếch chậm rãi. Vạt váy cô nhúc nhích lọt vào mắt tôi, và tôi thấy, dưới bàn ăn, vẫn nhìn rõ dù có khăn trải bàn, cô ấy và Lars đang nắm tay nhau, ngón cái của anh ta nhịp nhàng vuốt ve lên những mấu ngón tay cô. Cảnh đó không hiểu sao trông thật riêng tư, nhưng cũng thật công khai, đến mức tôi cảm thấy một cơn rùng mình nhẹ. Dường như cô không chỉ dừng lại ở cái thói ưa ve vãn. Tôi nhận ra Archer đang nói với mình, thế là tôi quay lại và cố tập trung vào anh ta. “Xin lỗi,” tôi nói. “Tôi vừa nghĩ vẩn vơ. Anh vừa nói gì vậy?” “Tôi nói, tôi châm rượu cho cô được không? Ly của cô cạn rồi đấy.” Tôi nhìn xuống ly. Chỗ rượu Chablis đã biến mất - dù tôi không nhớ là mình đã uống. “Vâng, cảm ơn anh,” tôi nói. Khi anh ta rót rượu, tôi nhìn chằm chằm vào cái ly, cố nhớ lại xem mình đã uống được bao nhiêu rồi. Tôi nhấp một ngụm. Khi tôi làm thế, Chloe ngả người sang thì thầm, “Hy vọng cô không phiền nếu tôi tò mò, nhưng má cô bị sao vậy?” Có lẽ mặt tôi đã lộ vẻ ngạc nhiên, bởi cô phẩy tay ý nói “Thôi bỏ qua đi”. “Xin lỗi, thôi bỏ qua nhé, tôi tọc mạch quá. Tôi chỉ... Chà, tôi đã từng có những mối quan hệ tồi tệ, thế thôi.” “À... không!” Không hiểu sao sự hiểu nhầm đó lại khiến tôi cảm thấy xấu hổ, như thể đấy là lỗi của tôi vậy, hoặc như thể tôi đang nói xấu sau lưng Judah, dù hai điều đó đều không đúng. “Không, không phải thế đâu. Tôi bị trộm.” “Thật ư?” Chloe trông có vẻ sốc. “Lúc cô đang ở nhà?” “Ừ. Rõ là chuyện này mỗi lúc một phổ biến hơn, theo lời cánh cảnh sát.” “Hắn tấn công cô ư? Chúa ơi.” “Cũng không hẳn.” Tôi cảm thấy lưỡng lự một cách kỳ cục, không muốn đi vào chi tiết, không phải chỉ vì nói về điều đó khiến tôi nhớ lại những ký ức khó chịu, mà còn xuất phát từ lòng tự tôn của tôi. Tôi muốn ngồi ở bàn này như một nhà báo chuyên nghiệp, thành thạo, giỏi giang, có thể tiếp chuyện bất cứ ai. Tôi chẳng hứng thú gì với hình ảnh bản thân như một nạn nhân khiếp đảm, rúm ró trong phòng ngủ. Nhưng chuyện thì đã nói ra - mười phần cũng được chín phần rồi - và nếu không giải thích thì sẽ trông như thể tôi đang vờ vịt để được người ta thông cảm. “Đấy - đấy thực ra là một vụ tai nạn. Hắn sập cửa trước mặt tôi, cửa đập vào má tôi. Tôi không nghĩ hắn định làm hại tôi.” Sự thật là lẽ ra. tôi nên ở yên trong buồng, rúc đầu dưới cái chăn lông vịt. Lo ngu ngốc, sao lại thò đầu ra làm gì. “Cô nên học cách tự vệ đi,” Archer nói. “Tôi bắt đầu như thế đấy. Thủy quân lục chiến Hoàng gia. To nhỏ không quan trọng; ngay cả một cô gái như cô cũng có thể khuất phục một gã đàn ông nếu biết vật đúng cách. Nhìn này, để tôi thị phạm cho cô.” Anh ta đẩy cái ghế ra sau. “Đứng lên đi.” Tôi đứng lên, cảm thấy hơi lúng túng, còn anh ta thì thoắt một cái chộp lấy tay tôi và vặn ngược nó ra sau lưng khiến tôi lảo đảo suýt ngã. Tôi chộp lấy bàn bằng tay còn lại, nhưng đà xoay ở vai vẫn còn và nó kéo tôi bật ngửa, cơ bắp kêu gào thảm thiết. Tôi kêu lên một tiếng - nửa đau nửa sợ - và liếc mắt thấy gương mặt hốt hoảng của Chloe. “Archer!” cô kêu lên, rồi nói tiếp, giọng gấp gáp, “Archer - anh đang làm cô ấy sợ đấy!” Anh ta buông tay tôi ra, còn tôi ngồi lại vào ghế, chân run bần bật, cố không để ai thấy cái vai đang đau điếng nhường nào. “Xin lỗi,” Archer nói, toét miệng cười khi anh ta kéo ghế ngồi lại vào bàn. “Hy vọng tôi không làm cô đau. Tôi không lượng sức mình rồi. Nhưng cô thấy không - rất khó thoát ra, ngay cả khi kẻ tấn công to con hơn cô. Bất cứ lúc nào cô muốn một bài...” Tôi cố bật cười, nhưng tiếng cười của tôi nghe giả tạo và run rẩy. “Có vẻ cô cần uống gì đó đấy,” Chloe nói thẳng thừng, rồi rót đầy ly của tôi. Sau đó, khi Archer quay qua nói chuyện với nhân viên phục vụ, cô thì thầm thêm, “Lờ Archer đi. Tôi bắt đầu tin mấy lời đồn thổi về cô vợ dầu của anh ta là sự thật rồi. Mà kìa, nếu cô cần gì đó để che vết bầm thì cứ đến buồng tôi nhé. Tôi có nhiều mánh lắm, tôi là một nghệ sĩ trang điểm không tồi đâu. Nghề này cứ phải biết một chút mới được.” “Tôi sẽ làm thế,” tôi nói rồi cố rặn ra một nụ cười. Cảm giác thật giả dối và gượng gạo, thế nên tôi nhấc ly và nhấp một ngụm để che giấu. “Cảm ơn cô.” Sau món đầu tiên, mọi người đổi chỗ cho nhau và tôi nhẹ nhõm thấy mình không ở cùng bàn với Archer nữa, mà đã chuyển sang ngồi giữa Tina và Alexander, hai người đang có một cuộc trò chuyện rất uyên thâm về ẩm thực thế giới. “Tất nhiên loại sashimi mà cô phải thử là fugu[7],” Alexander nói vẻ phóng khoáng, tay vuốt phẳng chiếc khăn ăn vắt ngang dây thắt lưng căng ních. “Hương vị của nó chỉ có thể diễn tả là tinh tế nhất trần đời.” “Fugu ư?” tôi nói, cố gắng tham gia câu chuyện. “Không phải đó là món kịch độc à?” “Chính xác, đó mới là thứ khiến món ăn này thú vị. Tôi chưa từng chơi thuốc - tôi biết nhược điểm của mình, và tôi ý thức rất rõ những mối nguy khi trở thành con nghiện, thế nên tôi không bao giờ nuông chiều bản thân theo mấy thứ đó - nhưng tôi cho là cảm giác phê pha sau khi ăn fugu cũng tương tự như khi ta chơi thuốc. Thực khách đánh cược với tử thần và giành chiến thắng.” “Chẳng phải người ta nói,” Tina lè nhè, nhấp rượu trong ly, “rằng đối với một đầu bếp thực sự đỉnh cao thì nghệ thuật chính là thái sát nhất có thể vào nhũng bộ phận có độc của con cá và chỉ để lại một chút xíu chất độc trên thịt để nâng tầm trải nghiệm ư?” “Tôi từng nghe vụ đó,” Alexander công nhận. “Người ta chủ đích dùng độc chất như một chất kích thích với lượng rất nhỏ, mặc dù kỹ thuật thái lát kia có thể liên quan nhiều hơn đến giá thành của con cá và việc đầu bếp không muốn bỏ phí một mẩu nào.” “Thế nó độc đến mức nào?” tôi hỏi. “Ý tôi là xét về lượng ấy? Phải ăn bao nhiêu thì mối trúng độc?” “Chà, vấn đề là ở chỗ đó,” Alexander nói. Anh ta rướn người qua bàn, mắt thoáng vẻ khó ưa khi tỏ ra hào hứng với chủ đề mình khởi xướng. “Những bộ phận khác nhau có nồng độ độc tố khác nhau, nhưng nếu nói đến những phần dộc nhất - tức là gan, mắt và buồng trứng - thì chỉ cần một lượng rất, rất nhỏ. Vài gram, có khi ít hơn. Người ta bảo nọc cá nóc độc gấp khoảng một ngàn lần xyanua.” Anh ta đưa một nĩa đầy carpaccio cá vào miệng, vừa nhai những lát thịt mảnh vừa nói. “Chết kiểu đấy thì khá kinh khủng. Ông đầu bếp chế biến cá cho chúng tôi ở Tokyo mô tả quá trình nhiễm độc một cách đầy khoái chí - nó sẽ làm tê liệt các cơ, cô biết đấy, nhưng đầu óc nạn nhân thì hầu như không bị ảnh hưởng, và họ vẫn hoàn toàn tỉnh táo xuyên suốt quá trình, trong khi cơ bắp nhũn ra và họ bắt đầu tắc thở.” Anh ta nuốt, liếm đôi môi ướt rồi mỉm cười. “Cuối cùng, họ sẽ chết ngạt.” Tôi cúi xuống nhìn lát cá sống trên đĩa, không rõ là do rượu, hay do những lời mô tả sinh động của Alexander, hay do biển động, tôi đột ngột cảm thấy không còn đói như trước lúc vào bữa. Tôi miền cưỡng đặt miếng thịt vào miệng và nhai. “Kể bọn tôi nghe về cô đi, cô em,” Tina thình lình nói, khiến tôi giật mình khi cô ta bất ngờ chuyển sự chú ý từ Alexander sang tôi. “Thấy bảo cô làm việc với Rowan phải không?” Tina đã khởi nghiệp ở Velocity vào cuối thập niên tám mươi, làm việc cùng Rowan một thời gian ngắn, và đến giờ Rowan vẫn nhắc đến Tina cũng như lối hành xử hung hãn đã thành huyền thoại của cô ta. “Đúng vậy.” Tôi nuốt vội chỗ thức ăn trong miệng. “Tôi làm ở đó được mười năm rồi.” “Cô ấy hẳn đánh giá cô rất cao nên mới cho cô theo một chuyến đi như thế này. Chắc thành tựu này gian nan phết nhỉ?” Tôi ngọ nguậy trên ghế. Biết đáp lại thế nào bây giờ? Thực ra tôi nghĩ chẳng thể nào có chuyện cô ấy tin tưởng giao phó cho tôi nếu cô ấy không kẹt ở bệnh viện đâu? “Tôi rất may mắn,” cuối cùng tôi nói. “Có mặt ở đây là một đặc ân, và Rowan biết tôi tha thiết muốn khẳng định bản thân nhường nào.” “Chà, tận hưởng nó đi, lời khuyên của tôi đấy.” Tina vỗ vào tay tôi, những chiếc nhẫn lạnh ngắt của cô ta chạm da tôi lạnh toát. “Đời người chỉ có một. Thiên hạ nói vậy phải không nhỉ?” 9 C húng tôi đổi chỗ thêm hai lần nữa, nhưng không hiểu sao tôi chẳng được ngồi cạnh Bullmer lần nào, và mãi đến khi cà phê được mang ra và chúng tôi được tùy ý trở lại phòng khách Lindgren thì tôi mới có cơ hội đến bắt chuyện với anh ta. Tôi đang bước ngang căn phòng, tay cầm cốc cà phê, chông chênh giữ thăng bằng theo chuyển động của con thuyền, thì một ánh đèn lóe thẳng vào mặt làm tôi loạng choạng, suýt nữa dốc cả cốc cà phê lên người. Vài giọt bắn lên vạt chiếc đầm thuê và cái sô pha trắng bên cạnh. “Cười lên nào,” một giọng nói lọt vào tai tôi, và tôi nhận ra người chụp ảnh chính là Cole. “Chết tiệt, đồ ngốc,” tôi cáu kỉnh nói, rồi tức thì thấy hối hận. Để anh ta tố với Rowan về thái độ xấc xược của tôi là điều cần tránh trước tiên. Chắc tôi đã xỉn hơn mình tưởng rồi. “Không phải anh,” tôi lúng túng nói, cố gắng chữa câu buột mồm. “Ý là tôi. Cái sô pha.” Anh ta thấy sự bồn chồn của tôi và bật cười. “Lấp liếm nhanh đấy. Đừng lo, anh sẽ không đơm chuyện về em với sếp của em đâu. Cái tôi của anh đâu có mong manh đến thế.” “Tôi không...” tôi lúng túng, nhưng câu đó sát với những gì tôi vừa mới nghĩ một cách đáng sợ, đến mức tôi không biết phải nói nốt ra sao. “Tôi chỉ...” “Thôi quên đi. Em đi đâu mà vội thế? Em sải bước qua phòng cứ như thợ săn đuổi theo một con linh dương què vậy.” “Tôi...” Phải thừa nhận thì thật xấu hổ, nhưng đầu tôi đang đập thình thình bởi cơn mệt mỏi và cồn, và không hiểu sao tôi thấy nói ra sự thật lúc này có vẻ dễ dàng hơn. “Tôi đang hy vọng nói chuyện được với Richard Bullmer. Tôi đã cố bắt chuyện với anh ta cả tối, nhưng chẳng có cơ hội nào cả.” “Và em đang ra tay thì anh lại làm hỏng,” Cole nói với một tia sáng lóe lên trong mắt. Anh ta lại cười, và tôi nhận ra chính mấy chiếc răng cửa kia khiến anh ta có vẻ hơi hung ác, tựa thú săn mồi. “Chà, để anh xử lý cho. Bullmer!” Tôi co rúm khi Richard Bullmer ngoảnh khỏi cuộc trò chuyện với Lars và nhìn về phía chúng tôi. “Có ai gọi tôi à?” “Đúng rồi đấy,” Cole nói. “Đến đây nói chuyện với cô gái này đi, để bù cho tôi cái tội đã phục kích cô ấy.” Bullmer bật cười, cầm cốc trên tay ghế bên cạnh rồi bước tới. Anh ta di chuyển khá dễ dàng, bất chấp con thuyền hơi tròng trành, làm tôi có ấn tượng anh ta là một người hết sức khỏe mạnh về thể chất, và hẳn là rắn chắc như lim bên dưới bộ đồ cắt may tinh xảo. “Richard,” Cole vừa nói vừa vẫy tay, “đây là Lo - Lo, dây là Richard. Cô ấy đã giật mình vì bị tôi chụp trộm giữa lúc đang tới chỗ anh, còn làm đổ cả cà phê ra này.” Má tôi đỏ bừng, nhưng Bullmer lắc đầu với Cole. “Tôi đã nhắc anh phải thận trọng với cái món đó rồi mà.” Anh ta hất đầu về phía chiếc máy ảnh nặng trịch lủng lẳng trên cổ Cole. “Không phải ai cũng muốn bị paparazzi chụp hình ở những thời điểm không phù hợp.” “A, họ thích thế đấy chứ,” Cole mau mắn đáp, cười toét miệng nhe cả hàm răng ra. “Một lần trải nghiệm làm người nổi tiếng ở tụ điểm hoành tráng này.” “Tôi nghiêm túc đấy,” Richard nói, và mặc dù vẫn cười, giọng anh ta không còn có vẻ thích thú nữa. “Nhất là Anne.” Anh ta hạ giọng. “Anh biết là cô ấy ngại xuất hiện kể từ khi...” Cole gật đầu, nụ cười tắt ngấm, “Ừ, hẳn rồi anh bạn. Chuyện đó khác. Nhưng Lo đây thì không để bụng đâu, đúng không Lo?” Anh ta choàng một tay qua vai tôi, kéo tôi sát vào người anh ta, vai tôi đập cái rắc vào chiếc máy ảnh, và tôi cố rặn ra cười. “Không,” tôi lúng túng nói. “Không, tất nhiên là không rồi.” “Phải thế chứ,” Bullmer nói và nháy mắt với tôi. Một cử chỉ kỳ cục - hệt như lúc tôi thấy anh ta nói chuyện với Camilla Lidman - không phải thân thiện kiểu bề trên, mà như thể Bullmer đang cố gắng cân bằng thứ anh ta coi là một cuộc chơi không hề cân xứng. Đừng nghĩ về tôi như một triệu phú tầm cỡ quốc tế, cái nháy mắt nói thế. Tôi chỉ là một anh chàng bình thường dễ gần mà thôi. Tôi còn đang cố nghĩ xem phải đáp lại thế nào thì Owen White vỗ vai anh ta và Bullmer quay lại. “Tôi làm gì được cho anh đây, Owen?” anh ta nói, tôi chưa kịp mở mồm câu nào thì cơ hội đã vuột mất. “Tôi...” tôi cố nói, và anh ta ngoái đầu lại nhìn tôi. “Này, nói chuyện ở mấy dịp thế này chẳng bao giờ là dễ cả. Sao cô không tạt qua cabin của tôi vào ngày mai sau khi tổ chức xong các hoạt động nhỉ, chúng ta có thể trò chuyện với nhau nhiều hơn?” “Cảm ơn anh,” tôi nói, cố không tỏ ra biết ơn một cách thảm hại. “Tuyệt. Cabin số 1 nhé. Tôi rất trông đợi đấy.” “Xin lỗi,” Cole nói nhỏ, hơi thở làm rung những sợi tóc vén sau tai tôi. “Anh đã cố hết sức rồi. Biết nói sao giờ? Ai cũng muốn gặp cậu ấy. Anh bù đắp cho em thế nào đây?” “Đừng bận tâm,” tôi lúng túng nói. Anh ta đang đứng sát tôi đến mức khó chịu, và tôi chỉ muốn lùi lại một bước, nhưng giọng Rowan cứ văng vẳng trong đầu: Giao tiếp đi, Lo! “Kể tôi... kể tôi nghe vài chuyện về anh xem nào. Sao anh lại đến đây? Anh bảo chụp mấy thứ này không phải gu của anh cơ mà.” “Richard là bạn cũ,” Cole nói. Anh ta cầm lấy cốc cà phê từ khay của chiêu đãi viên đi ngang qua, rồi nhấp một ngụm. “Bọn anh cùng học ở Balliol. Thế nên khi cậu ấy bảo anh đi cùng, anh cảm thấy mình không thể từ chối.” “Hai người có thân không?” “Anh sẽ không nói là thân. Thực sự bọn anh không thường giao thiệp - rất khó khi một người là nhiếp ảnh gia chật vật kiếm sống còn người kia cưới được một trong những phụ nữ giàu có nhất châu Âu.” Anh ta toét miệng cười. “Nhưng cậu ấy là một tay tốt bụng. Trông thì như thể Richard được sinh ra với thìa bạc trong mồm, nhưng đấy không phải toàn bộ câu chuyện. Cậu ấy cũng từng có những lúc gian nan và anh đoán điều đó càng khiến Richard quyết giữ gìn... Chà, tất tật những thứ này.” Anh ta khua tay chỉ khung cảnh xung quanh chúng tôi - lụa là, pha lê, đồ đạc bóng lộn. “Richard biết cảm giác khi ta mất một thứ gì đó. Hoặc một người nào đó.” Tôi nhớ đến Anne Bullmer và cái cách Richard đưa cô về cabin bất chấp khách khứa đứng kín phòng đợi nói chuyện với anh ta. Và tôi nghĩ có lẽ mình hiểu Cole muốn nói gì. Khoảng mười một giờ, rốt cục tôi cũng quay về được phòng. Tôi xỉn. Rất, rất xỉn. Mặc dù khó mà biết được tôi xỉn đến mức nào, bởi chúng tôi đang ở giữa biển và chuyển động dập dềnh của sóng hòa lẫn trong cảm giác nôn nao với sâm panh... Và rượu vang... ôi, và những ngụm aquavit[8] lạnh buốt. Lạy Chúa, tôi đã nghĩ cái quái gì vậy? Có một khoảnh khắc minh mẫn khi tôi đến cửa buồng mình và đứng đó một lúc, tựa người vào khung cửa. Tôi biết tại sao mình say. Tôi biết chính xác tại sao. Bởi nếu đủ say, tôi sẽ ngủ say như chết. Tôi không thể chịu nổi một đêm thức trắng nữa - không phải ở đây. Nhưng tôi gạt ý nghĩ ấy đi và bắt đầu móc thẻ từ trong áo lót. “Cân giúp một tay không, Blacklock?” một giọng nói lè nhè vang lên sau lưng tôi, và bóng của Ben Howard đổ lên khung cửa. “Tôi ổn,” tôi nói, quay lưng lại để anh ta không thấy tôi đang móc tấm thẻ ra. Một con sóng đánh vào thuyền, thế là tôi loạng choạng. Xéo đi, Ben. “Chắc chứ?” Anh ta rướn người tới, cố tình dòm qua vai tôi. “Đúng,” răng tôi nghiến lại vì tức giận, “Chắc chắn đấy.” “Vì anh giúp được mà.” Anh ta nở một nụ cười dâm đãng rồi hất đầu về phía mép trên chiếc đầm, nơi tôi đang lấy một tay giữ để nó không tuột xuống. “Trông em có vẻ cần anh giúp một tay đấy. Hoặc giúp cả hai tay luôn.” “Xéo mẹ đi,” tôi nói cộc lốc. Có gì đó kẹp bên dưới xương vai trái tôi, ấm và cứng, khá giống một chiếc thẻ. Giá tôi có thể luồn tay vòng ra đến đó... Anh ta tiến lại gần hơn, và tôi chưa kịp nhận ra anh ta định làm gì, thì anh ta đã thô bạo vục tay vào phía trước cái đầm của tôi. Tôi cảm thấy cơn đau điếng khi khuy măng sét của anh ta cà lên da thịt, rồi những ngón tay tóm lấy bầu ngực trần của tôi và siết mạnh, theo cái lối có lẽ là muốn tỏ vẻ dâm dật. Còn khuya. Tôi thậm chí còn chẳng phải nghĩ. Tiếng vải rách toạc nghe như tiếng mèo gầm gừ, và đầu gối tôi nện vào háng anh ta mạnh đến mức anh ta thậm chí còn không kêu nổi, chỉ từ từ đổ vật xuống sàn rồi phát ra những tiếng thút thít hổn hển yếu ổt. Còn tôi thì bật khóc. Hai mươi phút sau, tôi đang ngồi trên giường trong buồng của mình, vẫn sụt sịt và quệt mascara đi mượn khỏi má, còn Ben thì cúi mình bên cạnh, một tay choàng vai tôi, tay kia giữ xô đá áp vào háng. “Anh xin lỗi,” anh ta lại nói, giọng vẫn rền rĩ vì nén đau. “Làm ơn, Lo, làm ơn đừng khóc nữa. Anh thực sự xin lỗi. Anh là một thằng khốn, một thằng đốn mạt. Anh đáng bị vậy.” “Không phải anh,” tôi thổn thức, dù tôi không chắc anh ta hiểu được tôi định nói gì. “Tôi không thể chịu được nữa, Ben, kể từ vụ trộm tôi không - tôi nghĩ tôi sắp phát điên.” “Vụ trộm nào?” Tôi kể cho anh ta giữa những tiếng nức nở. Mọi thứ tôi không kể với Jude. Cảm giác lúc đó, tỉnh dậy, nhận ra có người lạ trong căn hộ của mình, nhận ra rằng có thét lên thì cũng chẳng ai nghe thấy, nhận ra rằng tôi không cách chi tìm được người giúp đỡ, không cơ may đánh lại kẻ đột nhập, rằng tôi dễ tổn thương theo một lối tôi chưa từng nghĩ đến trước cái đêm đó. “Anh xin lỗi,” Ben cứ lặp lại như một câu thần chú. Anh ta xoa lưng tôi bằng tay không cầm xô đá. “Anh vô cùng xin lỗi.” Thái độ thương cảm lúng túng của anh ta chỉ khiến tôi khóc dữ hơn. “Này, em yêu...” Ôi, không. “Đừng có gọi tôi như thế.” Tôi bật dậy, hất tóc khỏi mặt và hất tay anh ta ra. “Xin lỗi, chỉ là - anh buột miệng.” “Tôi không quan tâm, anh không được nói như thế nữa, Ben.” “Anh biết,” anh ta nói, vẻ rối bời. “Nhưng Lo, nếu phải thành thực, anh không bao giờ...” “Đừng,” giọng tôi gấp gáp. “Lo, những gì anh đã làm, anh là một thằng khốn, anh biết...” “Tôi nói đừng. Kết thúc rồi.” Ben lắc đầu, nhưng không hiểu sao những lời của anh ta khiến tôi ngừng khóc. Có thể do cảnh anh ta rúm ró cúi mình hết sức thảm thương thế này. “Nhưng Lo...” Anh ta ngước nhìn tôi, đôi mắt nâu chó con trông yếu đuối dưới ánh đèn cạnh giường. “Lo, anh...” “Không!” tôi nói, nghe to tiếng và cay nghiệt ngoài ý muốn, nhưng tôi đã khiến anh ta im miệng. Tôi không rõ điều Ben sắp thốt ra, nhưng bất kể đấy là gì thì tôi chỉ chắc chắn một điều là mình không thể để anh ta nói nốt. Tôi sẽ mắc kẹt trên cái thuyền này với Ben trong năm ngày tới. Tôi không thể để anh ta tự nhục nhiều hơn được, nếu không chuyến đi này sẽ trở nên không thể chịu đựng nổi vào những lúc chúng tôi chạm mặt nhau ban ngày. “Ben, không,” tôi nói, giọng dịu lại. “Chuyện xảy ra rất lâu rồi. Mà anh chính là người muốn cắt đứt, nhớ không?” “Anh biết,” anh ta nói, vẻ thảm hại. “Anh biết. Anh là một thằng ngu.” “Anh không ngu,” tôi nói. Rồi, cảm thấy thế thật không trung thực, “Được rồi, anh đúng là thằng ngu. Nhưng tôi biết mình cũng không dễ dàng gì - thôi, giờ không còn quan trọng nữa. Chúng ta là bạn, đúng không?” Nói thế là hơi quá, nhưng anh ta gật đầu. “Được rồi, thế thì đừng khiến mọi chuyện be bét ra nữa.” “Được rồi,” anh ta nói, đau đớn đứng dậy, chùi mặt bằng tay áo vét tiệc tối, rồi rầu rĩ nhìn nó. “Hy vọng người ta có dịch vụ giặt khô trên thuyền.” “Hy vọng người ta có dịch vụ khâu vá trên thuyền.” Tôi hất cằm xuống chỗ rách dọc bên sườn chiếc đầm lụa xám. “Em sẽ ổn chứ?” Ben nói. “Anh có thể ở lại. Ý anh không phải mấy chuyện bậy bạ đâu. Anh có thể ngủ trên đi văng.” “Anh có thể,” tôi đồng ý, nhìn chiều dài chiếc đi văng, rồi lắc đầu khi nhận ra mình vừa nói gì. “Không, anh không thể. Chỗ nằm thì vừa đấy, nhưng anh không được ở lại, tôi không cần anh làm thế. Quay lại cabin của anh đi. Ơn Chúa, chúng ta đang ở trên một con thuyền giữa biển khơi - gần như là nơi an toàn nhất tôi có thể tìm thấy rồi.” “Được rồi.” Anh ta bước hơi tập tễnh tới cửa buồng, mở cánh cửa ra, nhưng vẫn chưa đi. “Anh - anh xin lỗi. Thật đấy.” Tôi biết anh ta đang chờ đợi điều gì, hy vọng điều gì. Không chỉ tha thứ, mà còn hơn thế nữa, một thứ bảo anh ta biết rằng phát bóp ngực đó chẳng phải hoàn toàn vô ích. Tôi thà chết còn hơn cho anh ta điều đó. “Đi ngủ đi Ben,” tôi nói, hết sức chán ngán và hết sức tỉnh táo. Anh ta còn đứng ở ngưỡng cửa thêm chút nữa, chỉ một miligiây quá lâu, đủ khiến tôi tự hỏi, bụng nhói lên theo nhịp dập dềnh của biển cả ngoài kia, rằng mình sẽ làm gì nếu anh ta không đi, nếu anh ta sập cửa, quay lại đây. Nhưng rồi anh ta cũng bước ra và bỏ đi, còn tôi liền khóa cửa lại và ngã vật ra sô pha, tay ôm đầu. Cuối cùng, không biết là sau bao lâu nữa, tôi ngồi dậy, rót cho mình một ly whisky từ quầy bar mini, uống cạn trong ba ngụm. Tôi rùng mình, chùi miệng rồi tuột váy ra, mặc nó nằm trên sàn như bộ da mới lột. Tôi cởi áo lót, bước khỏi đống quần áo sầu thảm rồi đổ vật xuống giường và chìm vào một giấc ngủ thật sâu, giống như cảm giác chết đuối vậy. Không biết thứ gì đã đánh thức tôi, chỉ biết tôi bừng tỉnh như thể có ai đó cắm phập một ống tiêm đầy adrenaline vào tim. Tôi nằm bất động vì sợ, tim đánh tầm 200 nhịp một phút và quờ quạng nhớ lại cái câu xoa dịu tôi nói với Ben chỉ vài tiếng trước. Mày ổn, tôi tự nhủ. Mày tuyệt đối an toàn. Chúng ta đang ở trên một con thuyền giữa biển - không ai vào được, không ai thoát được. Đây là nơi an toàn nhất mày có thể tìm được rồi. Tôi đang tóm chặt lấy ga trải giường, tay cứng đờ như của người mới chết. Tôi bắt những ngón tay nới lỏng ra, chầm chậm co duỗi chúng, cảm thấy cơn đau nơi khớp đốt tan dần. Tôi tập trung hít vào thở ra, chậm và đều, cho tới khi rốt cục tim cũng đập chậm lại và tôi không còn cảm thấy nhịp giã điên cuồng của nó trong lồng ngực nữa. Tiếng đập dồn trong tai tôi đã tan đi. Ngoài tiếng sóng vỗ thành thuyền nhịp nhàng và tiếng động cơ o o thấm vào mọi ngóc ngách trên thuyền, tôi không nghe thấy gì nữa. Chết tiệt. chết tiệt. Tôi phải bình tĩnh lại. Tôi không thể tối nào cũng vã rượu trong suốt chuyến đi này, hủy hoại sự nghiệp và khiến mọi cơ hội thăng tiến ở Velocity trôi tuột xuống cống được. Vậy thì chỉ còn nước - gì đây? Thuốc ngủ? Thiền? Hai cái đó đều chẳng có vẻ gì khá hơn. Tôi trở mình, bật đèn và kiểm tra điện thoại. 3 giờ 4 phút sáng. Tôi kiểm tra email. Không có thư từ Judah, nhưng giờ tôi tỉnh quá rồi không ngủ lại được nữa. Tôi thở dài, cầm lên cuốn sách đang nằm chỏng chơ như con chim gãy lưng trên bàn đầu giường và bắt đầu đọc. Nhưng mặc dù cố tập trung vào trang sách, đầu tôi vẫn cứ vẩn vơ chuyện gì đó. Không chỉ là chứng hoang tưởng. Có gì đó đã đánh thức tôi dậy. Có gì đó đã khiến tôi bồn chồn và kích động như một con nghiện đập đá. Tôi cứ nghĩ đến một tiếng thét là sao? Tôi đang lật trang sách thì nghe thấy một tiếng động, một âm thanh hầu như không thể nhận ra, lẫn trong tiếng động cơ và tiếng sóng vỗ, một âm thanh nhẹ đến nỗi suýt bị tiếng trang giấy sột soạt nhấn chìm. Là tiếng cửa hiên ở cabin bên cạnh nhè nhẹ trượt mở. Tôi nín thở, căng tai nghe. Rồi có một tiếng tõm. Không phải một tiếng tõm nhỏ. Không, là một tiếng tõm rất to. Tiếng tõm phát ra khi thân người rót xuống nước. JUDAH LEWIS Ngày 24 tháng Chín, 8 giờ 50 phút sáng Này mọi người, thấy hơi lo cho Lo. Cô ấy không liên lạc gì đã vài ngày, kể từ lúc bắt đầu chuyến đi quảng bá du thuyền gì đó. Có ai nghe tin gì từ cô ấy không? Thấy hơi lo. Chúc vui. LISSIE WIGHT Chào Jude! Bạn ấy nhắn tin cho em vào Chủ nhật - chắc là ngày 20? Bảo con thuyền tuyệt lắm! Ngày 24 tháng Chín lúc 9 giờ 2 phút sáng JUDAH LEWIS Ừ, anh cũng thấy cô ấy bảo vậy, nhưng cô ấy không trả lời email hay tin nhắn của anh vào thứ Hai. Cũng chẳng cập nhật gì ở đây hay trên Twitter. Ngày 24 tháng Chín lúc 9 giờ 3 phút sáng JUDAH LEWIS Có ai không? Pamela Crew? Jennifer West? Carl Fox? Emma Stanton? Xin lỗi nếu tôi tag ngẫu nhiên tên mọi người, chỉ là - phải nói thật rằng tôi thấy chuyện này không đúng với tính cách của Lo lắm. Ngày 24 tháng Chín lúc 10 giờ 44 phút sáng PAMELA CREW Cô ấy gửi mail cho tớ vào Chủ nhật, Jude ạ. Bảo cái thuyền tuyệt lắm. Có muốn tớ hỏi bố cô ấy cho không? Ngày 24 tháng Chín lúc 11 giờ 13 phút sáng JUDAH LEWIS Ừ nhờ cậu, Pam. Tớ không muốn các cậu phải lo nhưng đúng ra giờ này cô ấy phải liên lạc lại rồi chứ. Nhưng tớ lại bị kẹt ở Moscow nên không biết có phải cô ấy có dùng điện thoại nhưng không kết nối được hay không. Ngày 24 tháng Chín lúc 11 giờ 21 phút sáng JUDAH LEWIS Pam, cô ấy có nói với cậu tên con thuyền đấy không? Tớ không tìm được. Ngày 24 tháng Chín lúc 11 giờ 33 phút sáng PAMELA CREW Chào Judah, xin lỗi, tớ vừa gọi điện thoại cho bố cô ấy. Ông ấy cũng không thấy Lo nói gì. Con thuyền tên là Aurora. Báo tớ nếu cậu biết thêm gì nhé. Chào tình yêu. Ngày 24 tháng Chín lúc 11 giờ 48 phút sáng JUDAH LEWIS Cảm ơn Pam. Tớ sẽ thử tìm cái thuyền đó xem. Nhưng nếu ai nghe ngóng được gì thì nhắn tớ với nhé. Ngày 24 tháng Chín lúc 11 giờ 49 phút sáng JUDAH LEWIS Có gì không? Ngày 24 tháng Chín lúc 3 giờ 37 phút chiều JUDAH LEWIS Này mọi người, có gì không? Ngày 24 tháng Chín lúc 6 giờ 9 phút chiều PHẦN BA T 10 ôi thậm chí còn chẳng nghĩ trước khi hành động. Tôi chạy ra hiên, mở cánh cửa kính Pháp và thò đầu ra ngoài lan can, cố gắng tìm một thứ gì đó - hoặc một ai đó - nơi những con sóng dập dềnh. Mặt nước đen ngòm lấp lánh ánh sáng gắt khúc xạ từ các cửa sổ con thuyền, khiến tôi gần như không thể nhận ra bất cứ thứ gì trên mặt biển động, nhưng có một khoảnh khắc tôi nghĩ mình đã trông thấy dưới ngọn một con sóng đen - một hình thù màu trắng xoay tròn giống bàn tay phụ nữ lềnh bềnh ngay dưới mặt nước, rồi chìm nghỉm. Tôi ngoảnh sang nhìn ban công bên cạnh. Một tấm kính mờ sương chắn giữa hai ban công, nên tôi chẳng nhìn ra được mấy, nhưng khi tôi chăm chú, tôi thấy hai thứ. Đầu tiên là một vệt trên tấm kính ngăn. Một vệt tối màu và lấp lánh như dâu. Một vệt cực kỳ giống máu. Thứ hai, tôi nhận ra một điều, và nó khiến dạ dày tôi thắt lại. Dù là kẻ nào, hay những kẻ nào, vừa đứng đó - dù kẻ nào vừa ném cái xác xuống biển - thì y không thể không thấy tôi ngu xuẩn và liều lĩnh lao đầu khỏi ban công. Rất có khả năng y đang đứng ở ban công buồng bên khi tôi lao ra ban công buồng mình. Hẳn y đã nghe thấy tiếng tôi xô cửa. Hẳn y đã nhìn thấy mặt tôi. Tôi vụt chạy vào trong phòng, sập cửa hiên sau lưng và kiểm tra xem cửa cabin đã khóa cả hai khóa chưa. Rồi tôi mắc sợi xích vào. Tuy tim đập thình thình trong ngực nhưng tôi cảm thấy bình tĩnh, rất lâu rồi tôi mới thấy bình tĩnh đến nhường ấy. Vậy đấy. Chuyện này nguy hiểm thực sự, và tôi đang đối mặt với nó. Vì cửa cabin đã khóa, tôi quay lại kiểm tra cửa hiên. Không có khóa chết, chỉ có then cài, nhưng tôi chắc chắn là nó đã cài lại rồi. Rồi tôi nhấc điện thoại cạnh giường bằng những ngón tay chỉ hơi run, rồi bấm 0 gọi tổng đài. “Xin chào?” một giọng nói trầm bổng vang lên. “Tôi có thể giúp gì ạ, thưa cô Blacklock?” Mất mấy giây tôi luống cuống không hiểu sao cô ấy lại biết người gọi là tôi, đến mức lạc mất dòng suy nghĩ trong đầu. Rồi tôi nhận ra - số phòng sẽ hiển thị trên điện thoại bàn. Tất nhiên cô ấy biết đây là tôi rồi. Ai có thể gọi điện từ phòng tôi vào lúc nửa đêm cơ chứ? “X-xin chào!” tôi cố nói. Dù run rẩy, giọng tôi nghe bình tĩnh đến ngạc nhiên. “Xin chào. Là ai đấy ạ?” “Là phục vụ cabin của cô, Karla, thưa cô Blacklock. Tôi có giúp được gì cho cô không?” Giọng nói hơi xấc qua điện thoại của cô ta đã thoáng chút lo lắng. “Cô ổn chứ?” “Không, không, tôi không ổn chút nào. Tôi...” Tôi dừng lại, biết chuyện này nghe sẽ rất lố bịch. “Cô Blacklock?” “Tôi nghĩ...” Tôi nuốt nước bọt. “Tôi nghĩ mình vừa chứng kiến một vụ giết người.” “Ôi Chúa ơi.” Giọng của Karla rất sửng sốt, và cô ta nói gì đó bằng một thứ ngôn ngữ tôi không hiểu - có lẽ là tiếng Thụy Điển, hoặc cũng có thể là tiếng Đan Mạch. Rồi có vẻ cô ta bình tĩnh lại và hỏi, “Cô có an toàn không, cô Blacklock?” Tôi có an toàn không ư? Tôi nhìn về phía cửa cabin. Chắc hẳn không ai có thể vào được đây. “Vâng, vâng, tôi nghĩ là mình an toàn. Nó xảy ra ở cabin bên cạnh - cabin số 10. Palmgren. Tôi - tôi nghĩ có ai đó đã ném một cái xác xuống biển.” Đang nói thì giọng tôi méo đi, và tôi đột nhiên cảm thấy muốn bật cười - hoặc bật khóc. Tôi hít một hơi dài rồi véo sống mũi, cố gắng bình tĩnh lại. “Tôi sẽ gọi người lên ngay lập tức, cô Blacklock. Đừng di chuyển. Tôi sẽ gọi cho cô khi họ đến trước cửa. Đừng sợ, tôi sẽ gọi lại cho cô ngay.” Có một tiếng “cạch”, và cô ấy dập máy. Tôi nhẹ nhàng đặt ống nghe xuống, cảm thấy bản thân bị chia tách một cách kỳ cục, gần như thể linh hồn đã rời khỏi cơ thể. Đầu tôi đập thình thình, và tôi nhận ra mình cần mặc đồ trước khi họ đến. Tôi lấy áo choàng tắm treo sau cửa nhà tắm - và nhận ra có gì đó không ổn. Khi lên boong trên ăn tối, tôi đã vứt cái áo trên sàn, cùng quần áo tôi mặc khi đi tàu. Tôi nhớ mình đã ngoái lại nhìn đống ngổn ngang bỏ lại trong phòng tắm, quần áo vứt trên sàn, đồ trang điểm la liệt trên kệ, khăn giấy dính son trong bồn, và nghĩ Mình sẽ xử lý chỗ này sau. Tất cả đã biến mất. Áo tắm đã được treo lên, quần áo bẩn và đồ lót của tôi mất dạng, ở đâu thì trời mới biết. Trên kệ, đồ trang điểm được xếp gọn thành hàng, cùng bàn chải và kem đánh răng. Chỉ có tampon và thuốc là để trong túi đồ vệ sinh, điều đó không hiểu sao còn tệ hơn so với khi mọi thứ bị dốc cả ra ngoài, và nó khiến tôi rùng mình. Ai đó đã ở trong phòng tôi. Tất nhiên là thế rồi. Đấy là những gì mà phục vụ phòng vẫn làm. Nhưng ai đó đã ở trong phòng tôi, động vào đồ của tôi, chạm vào tất lưới và cây chì kẻ mắt dùng dở của tôi. Tại sao ý nghĩ đó khiến tôi muốn khóc? Tôi đang ngồi trên giường, tay ôm đầu và nghĩ về những thứ có trong quầy bar mini thì chuông điện thoại reo; hai giây sau, khi tôi đang bò qua tấm chăn để nhấc máy thì có tiếng gõ cửa. Tôi nhấc máy. “Xin chào?” “Cô Blacklock phải không?” Là Karla. “Vâng. Có ai đó ngoài cửa. Tôi có nên mở không?” “Vâng, vâng, cô mở đi ạ. Đấy là tổ trưởng tổ bảo vệ, Johann Nilsson. Tôi sẽ để cô làm việc với anh ấy, cô Blacklock, nhưng xin hãy gọi tôi bất cứ lúc nào cô cần trợ giúp.” Có tiếng “cạch”, điện thoại tắt tiếng, rồi tiếng gõ cửa lại vang lên. Tôi thắt chặt đai lưng áo choàng tắm rồi đi ra mở cửa. Bên ngoài là một người đàn ông tôi chưa thấy bao giờ, mặc bộ quần áo kiểu đồng phục. Tôi không rõ mình đang chờ đợi gì - cái gì đó tương tự cảnh sát ư? Trang phục của anh ta giống đồng phục hàng hải hơn - nhân viên quản lý trên thuyền hoặc đại loại vậy. Anh ta xấp xỉ bốn mươi, đủ cao để phải cúi đầu khi bước qua cửa. Tóc anh ta rối bù, có vẻ chỉ vừa mới rời khỏi giường, và đôi mắt xanh kinh ngạc, đến nỗi trông như thế đang đeo """