" Cô gái Hà Nội Mập mặc Burqa PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cô gái Hà Nội Mập mặc Burqa PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Cô gái Hà Nội Mập mặc Burqa —★— Tác giả: Nguyễn Hải Nhật Huy Phát hành: Phoenix Books NXB Tổng Hợp T.P Hồ Chí Minh 2016ebook©vctvegroup Viết tặng Merijn van den Bosch và Muhammad Babar Siddiqui. Chương 0 Sắp trễ giờ tới nơi! Cuộc đời tôi là một chuỗi trễ nải vô dụng. Tôi bước như chạy trên cái sảnh đông nghìn nghịt của sân bay Nội Bài. Balô xóc đùng đùng trên lưng. Một tay tôi kéo cái vali màu hồng, tay kia thì quýnh quíu mở vé điện tử ra đặng tiết kiệm chút thời gian quý báu ở quầy làm thủ tục đang sắp đóng. Bãi kẹt xe trên cầu Thăng Long ngốn của tôi mất một tiếng đồng hồ, thành ra tôi xuất phát sớm mà tới trễ. Tôi cố gắng lách thân hình mập thù lù qua các chướng ngại vật thường thấy ở sân bay. Mấy nhóc thiếu nhi đeo balo móc đầy thú nhồi bông, đứng túm tụm selfie tiễn biệt nhau. Mấy ông già bà già lỉnh kỉnh xe đẩy chất hàng đống thùng cáctông mà tôi nghĩ trong đó chắc toàn măng cụt, mận quýt các kiểu; những thứ mà họ có thể mua ở bất kỳ đâu. Mấy anh trung niên bụng phệ mặc quần short áo thun cá sấu mang dép tổ ong đang dắt tay mấy bà vợ mặc mấy cái đầm lùng nhùng hoa hoè, chỉ thiếu thêm lớp kem dưỡng buổi tối là chẳng khác gì đang chuẩn bị đi ngủ. Mấy cô gái trẻ đi nghỉ hè mặc quần jeans ngắn quá bẹn, đeo kính mát, xu chiêng các kiểu phô hết ra giữa bạch nhật. Tôi cố lắm mới lách được qua khỏi cái ma trận đó để tới được quầy thủ tục. Cô nhân viên mặt đất có bộ mặt cáu kỉnh nhìn tôi và nói: “Nhanh lên em.” Tôi chìa điện thoại đã mở sẵn vé điện tử và hộ chiếu cho cổ coi. Cổ săm soi một hồi rồi hỏi: “Em đi một mình?” “Dạ thưa cô con đi một mình.”, tôi trả lời. Tôi đang đi một mình. Thiệt đó. Tôi chưa bao giờ bay đi đâu một mình. Thường thì tôi có một bầy đoàn thiếu nữ bạn thân và pêđê đi kèm trong các chuyến đi chơi của mình. Nhưng đây đâu phải một chuyến đi chơi. Đây là một chuyến chạy trốn. Cô nhân viên mặt đất săm soi lâu tới nỗi tôi cảm thấy như cổ đang đồng loã với nỗi sợ và sự trù trừ trong tôi. Bởi tôi đang làm một việc tôi chưa bao giờ làm. Đúng hơn là, chỉ một tháng trước đây, những chuyện như thế này chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Nhưng giờ thì nó đang diễn ra. Và tôi không chắc mình có thiệt sự dám làm không nữa, dù chỉ còn vài bước nữa thôi là không còn thay đổi được quyết định. Cô nhân viên mặt đất hỏi: “Em sang Pakistan làm gì?” “Dạ con đi thăm người thân.” “Người thân em làm việc bên đấy à?” “Dạ, bạn trai con làm việc bên đấy.”, tôi bốc phét. Tôi không phịa ra, tôi chỉ nói lên cái tương lai mà tôi mong muốn. Cô nhân viên mặt đất cuối cùng cũng nhăn nhó đưa tôi một cái thẻ lên máy bay và dặn tôi ra cửa số 6. Cổ nói: “Em làm ơn nhanh chân vì cửa máy bay sẽ đóng trong mười phút nữa.”, Cổ nói càng lúc càng nhỏ giọng lại. “Làm ở đâu không làm lại đi làm ở Pakistan…” “Dạ con cám ơn cô.” Tôi cầm cái thẻ, cám ơn, rồi chạy huỳnh huỵch tới quầy kiểm tra an ninh. Lại lần nữa len lỏi qua các chướng ngại vật người di động. May phước, đang gần như không có ai ở quầy. Khỏi phải xếp hàng. Tôi quẳng balo và vali lên máy quét. Tôi cởi giày và quẳng lên đó luôn. Rồi tôi đi cái ào qua máy soi. Nó kêu éc éc chói tai. Một cô nhân viên an ninh còn mập hơn cả tôi cầm cái máy quét rà khắp các đường cong của tôi, cứ cho là tôi có đường cong đi. Cuối cùng cổ khám phá ra một chùm chìa khoá vô hại trong túi quần tôi. Cổ gật gù hài lòng cho tôi qua. Tôi vớ lấy cái balo mang lên lưng, xách vội cái vali, mang giày vô, rồi lại chạy huỳnh huỵch tới quầy hải quan. Anh hải quan có bộ mặt ngầu lạnh tanh. Ảnh hết lật trang trước rồi lật trang sau cái hộ chiếu của tôi, săm soi ba lần bảy lượt. Ảnh ngóc đầu lên hỏi: “Em đi sang Pakistan với mục đích gì?” “Dạ con đi du lịch.”, tôi phịa ra một lý do khác gọn gàng hơn. “Em đi du lịch gì bên đấy?”, anh hải quan hỏi. “Dạ con đi leo núi.” Ảnh dòm tôi từ đầu tới chân. Tôi không biết mình có bốc phét quá ngu về chuyện leo núi không, nhìn vào cái hình thể một mét sáu, nặng bảy chục ký lô này, chẳng ai tin được là tôi đang đi leo núi ở Pakistan. Mà thậm chí kể cả khi tôi không nhắc tới chuyện leo núi thì cũng khó có ai lại đi liên kết giữa tôi và chuyến đi một mình tới Pakistan cả. Tôi nói cho bạn biết, tôi sinh ra ở quận Nhứt, Sài Gòn, và tôi cực kỳ diêm dúa, và tôi hợp thời trang. Tôi là một fashionista. Tôi là cái dạng sẽ đi từ chân tháp Bitexco ra chợ Bến Thành bằng taxi. Nếu ai đó bắt tôi phải đi bộ thì tôi sẽ than trời than đất, mặc dù trên đường đi kiểu gì tôi cũng chụp cỡ hai chục cái selfie là ít. Tôi là dạng như vậy đó. Có cả đống dạng người trên đời, nếu bạn thuộc dạng này thì hiếm khi bạn làm mấy việc mà dạng kia làm và ngược lại. Nếu bạn là dân fashionista ở quận Nhứt thì hiếm khi nào bạn đi đâu đó một mình tới mấy chỗ không có tính chất phông nền cao. Kiểu, nếu một đứa con gái như tôi nói với bạn rằng nó sắp đi ra nước ngoài chơi thì bạn sẽ liên hệ ngay tới mấy cái trung tâm mua sắm ở Singapore, Hồng Kông các kiểu. “Em đi một mình à?”, ảnh trợn mắt. “Dạ con đi theo tour.”, tôi phịa một trăm phần trăm. “Tour nào đâu?”, ảnh nhướn người lên, nhìn sau lưng tôi xem có ai có vẻ đang đi cùng không, nhưng không có. Sau lưng tôi là hai bà già Hàn Quốc đang tụm đầu nói chuyện. “Con qua bên đó mới nhập vô đoàn ạ.”, tất nhiên chẳng có đoàn nào cả. Ảnh nhìn tôi bằng một ánh nhìn nửa lườm lườm nửa thương cảm. Ảnh lại cụp mặt xuống săm soi hộ chiếu tiếp. Xong ảnh đưa trả lại cho tôi. Tôi cầm cái hộ chiếu bằng hai tay, cám ơn, rồi tôi chạy tót về phía cửa khởi hành. Tôi chạy huỳnh huỵch trên cái hành lang bằng nhôm và kính dẫn lên cửa máy bay. Tôi suýt quên luôn cái cùi vé ở quầy soát vé. Tôi là người cuối cùng lên máy bay. May phước, cửa vẫn mở. Vậy là tôi đã hết đường về. Tôi đã bước lên lưng cọp. Từ đây trở đi mặc dòng đời đưa đẩy. Bà tiếp viên hàng không đón tôi bằng nụ cười tươi rói lúc tôi hối hả bước lên máy bay. Chắc bả mừng vì mình mập hơn bả, tôi nghĩ. “Bạn Thành Nhân hả, chỗ ngồi của bạn là 26J, xin nhanh chóng để chúng tôi chuẩn bị cất cánh.”, bả đon đả. “Dạ”, tôi quá chán rồi nên không thèm đính chính. Đây là lần thứ bốn ngàn tôi bị ngành hàng không đọc lộn tên thành Thành Nhân. Trong khi tên của tôi là Thanh Nhàn. Cái ngành kỳ cục, vô dụng tới mức lưu trữ cái tên có dấu cũng không làm nổi. Giữa ánh mắt mệt mỏi chán ghét của hơn hai trăm người phải ngồi chờ tôi lên máy bay để được xem hướng dẫn an toàn, tôi nhanh chóng đi tới chỗ ngồi, nhét cái balô vô tủ hành lý rồi nhẹ nhàng đóng nắp. Chỗ ngồi của tôi ở trong cùng, ngay cạnh cửa sổ, hai người ngồi ở ngoài, một cô ngoại quốc tóc vàng và một chú già già người quốc nội, đều đang nhìn tôi không chớp mắt. Kiểu, giờ tụi tao phải đứng dậy cho mày đi vô hả? Tôi làm dấu thôi cứ để con ráng lách vô cũng được. Đoạn tôi rón rén bước ngang như cua, qua khoảng trống giữa hai người và hàng ghế phía trước. Trong giây phút vội vàng bối rối, tôi đã quên mất là mình mập. Hậu quả là mông tôi quẹt vô mũi cô ngoại quốc, làm cô khẽ kêu lên một tiếng u uất. Chú quốc nội, chứng kiến số phận của người phụ nữ ngồi bên cạnh mình, mau chóng nhăn mặt quay đầu qua một bên, nép sát vô ghế, may mắn né được quả mông của tôi. “Xin lỗi xin lỗi”, tôi nói líu ríu trong miệng, mặt xấu hổ nóng bừng. Ngồi phịch vô chỗ, thắt dây an toàn, tôi giả bộ dòm ra cửa sổ để tránh ánh nhìn đầy trách móc của chú quốc nội và vẻ kinh hãi của cô ngoại quốc. Có cảm giác bà con cô bác ở mấy hàng ghế gần cũng quay lại nhìn tôi, có đứa còn cười khúc khích. Nhưng mà thôi, cuối cùng cũng đã ở trên máy bay, suýt chút thì ở nhà. Tôi thở phào nhẹ nhõm, cơn lo âu sợ trễ chuyến bắt đầu lắng xuống. Thò tay vô túi rút iPhone ra, tôi xoá hết mấy cái thông báo tin nhắn năn nỉ của Tuấn Anh, thằng bồ khốn nạn. Tôi nhìn cái ảnh nền có khuôn mặt tôi và Thư A đang cười toe toét lần cuối trước khi bấm nút tắt nguồn, trong lúc màn hình ở sau lưng ghế phía trước bắt đầu phát đoạn băng hướng dẫn thắt dây an toàn, thở ôxy và cách thoát ra khỏi máy bay trong trường hợp gặp nạn. Thiệt ra mấy kỹ năng đó trông hay hay vậy chứ cũng bằng thừa, tôi nghĩ, một là bị băm vụn ra thành từng mảnh, hai là thành món thịt người quay nguyên con giòn rụm, riêng tôi thì trở thành một cục tóp mỡ khổng lồ. Hà Nội sáng lên như một tấm thảm bạt ngàn chi chít chỉ vàng và hạt kim tuyến dưới cánh máy bay. Tôi cứ ngồi im nhìn qua ô cửa sổ cho đến lúc nó chỉ còn là một vùng sáng nhuộm đỏ các đám mây trên bầu trời đêm. Vậy là tôi đang bay. Tôi đang chạy trốn. Tới nơi xa xôi mà không có ai hiểu “bánh bèo” nghĩa là gì. Tôi chạy trốn cuộc đời nát bét của tôi. Tôi chạy trốn khỏi bà má tôi và thằng bồ trời đánh. Tôi chạy trốn thực tại và tìm đến tương lai sáng rỡ. Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa thiệt sự hiểu lựa chọn của mình. Nhìn lại quá trình đi đến quyết định trốn nhà đi Pakistan gặp anh Thái, tôi thấy nó như một cơn mơ ngắn, gấp rút và mơ hồ. Tôi đang sợ lắm. Tôi đã sợ và lo âu suốt cả tháng qua, dù tôi cũng háo hức không kém. Bụng dạ tôi cứ cồn cào. Não tôi chia làm hai nửa choảng nhau, đấu tranh giữa đi và ở. Não tôi phân vân giữa chuyện cứ tiếp tục ì ra đó mà sống tiếp cuộc đời như xưa nay vẫn vậy, hay là bước ra khỏi vùng an toàn và cứ ra sao thì ra. Chương 1 Thử kể cho tôi nghe một việc bạn từng làm, một việc trước đó bạn chưa bao giờ tưởng tượng ra bạn sẽ làm. Ý tôi không phải là những việc như lần đầu tiên lái xe hơi, lần đầu tiên đi xe đạp, lần đầu tiên mua một chai nước hoa Chanel, lần đầu tiên ăn cơm hến Huế, lần đầu tiên đi hộp đêm xỉn mửa ra mật xanh mật vàng vân vân và vân vân. Có cả đống thứ bạn làm lần đầu tiên vì bạn đã muốn làm nó từ lâu, nó nằm trong kế hoạch của bạn. Ý tôi muốn nói đến những việc bạn chưa bao giờ tưởng tượng tới kìa. Tôi dám chắc bạn có một hình ảnh rõ ràng về bản thân mình trong đầu. Bạn luôn biết công việc bạn sẽ làm. Bạn luôn biết dạng người mà bạn sẽ lấy làm chồng hoặc vợ. Bạn luôn biết loại đồ ăn mà bạn sẽ ăn tối nay hoặc tối mai hoặc tối mốt hoặc một tối nào đó hai ba năm nữa. Có thể bạn không biết đích xác. Kiểu, lấy ví dụ là tôi chẳng hạn, tôi chưa biết thằng chồng tương lai của tôi tên gì, mấy tuổi, nhưng tôi có thể nói gần như chắc chắn nó khó có thể là một kỹ sư nông nghiệp, một kiểm lâm hoặc một thủy thủ được. Không phải là tôi không chịu lấy mấy người làm nghề đó, chẳng qua là tôi không hề sống trong cái thế giới đó. Hoặc lấy một ví dụ khác, cứ trung bình ba tháng tôi lại có một đứa bạn khác giới mới. Tôi biết gần như chắc chắn đứa tiếp theo sẽ là một thằng pêđê. Vì sao? Vì gần như toàn bộ bọn con trai tôi giao du là pêđê, trừ thằng bồ tôi ra, một thằng mất dạy. Một ví dụ khác nữa, tôi có thể hình dung trong tương lai tôi sẽ mở một shop thời trang nhỏ, trong một cái chung cư cũ ở quận Nhứt đúng môđen các kiểu. Tôi chưa biết nó sẽ bán thứ thời trang gì, áo đầm, hay đồ mặc đi chơi, đồ công sở hay đồ dạ hội, đồ lót hay đồ mặc ở nhà này nọ. Nhưng chắc chắn không thể là phụ tùng xe máy được. Phụ tùng xe máy không thuộc về thế giới của tôi. Bạn sinh ra trong một thế giới nào đó, và bạn hiếm khi rời ra khỏi đó. Bạn sống trong cái thế giới đó, bạn làm những việc vốn liên quan tới nó. Những việc của các thế giới khác bạn không cần phải quan tâm. Bạn hiểu chớ? Ý tôi là vậy. Bạn như một con ếch, bạn ngồi trong đáy giếng và bạn ngồi ở đó mãi mãi. Có những con ếch khác ngồi trong những cái giếng khác. Hiếm khi nào bạn nhảy ra. Vì một, bạn nhảy chẳng nổi, do quá mập chẳng hạn. Hoặc hai, bạn chẳng có lý do gì để nhảy. Bạn có thể ý thức được về sự rộng lớn bên ngoài đấy, nhưng bạn ì, bạn không muốn nhảy. Nhưng tôi nói hiếm chớ tôi không nói là không. Bởi vì có đôi khi, vì một lý do nào đó, có thể rất con nít, rất tào lao, bạn làm cái việc mà trước đó, từ lúc được sinh ra cho tới thời điểm đó, bạn chưa bao giờ nghĩ bạn sẽ làm. Có nghĩa là bạn thọt một ngón chân của bạn ra bên ngoài. Ý tôi là bên ngoài cái giếng. Đôi khi nước dâng lên và cuốn bạn ra. Đôi khi bạn chỉ nhảy chơi chơi thôi nhưng vô tình bị rớt ra. Đôi khi, do bạn cố gắng tập luyện cho giò bự lên, khỏe lên, và nhảy ra một cách cố tình. Nhưng cho dù là vì lý do gì, khi cái chuyện rất hiếm đó xảy đến, cái chuyện mà sẽ kéo bạn ra khỏi cái giếng đó, nó sẽ thay đổi bạn, mặc cho bạn muốn hay là không. Và cái giếng của bạn cũng sẽ theo đó mà bự ra thêm một chút. Muốn nói ra cho rõ ràng thì phải quay về kể chuyện từ hai tháng trước. Lúc đó tôi đang ăn hủ tíu Nam Vang chỗ đường Nguyễn Trãi. Nói chung, một trong những sở thích bự nhứt của tôi là ăn, bên cạnh mặc đẹp và uống. Tôi ăn với năng suất ghê lắm. Tôi ăn mọi món trừ các món hầm hoặc tiềm, nhứt là tiềm thuốc Bắc. Tôi ghét cái thể loại đồ ăn đó kinh khủng. Tôi không chịu được cái vị đấy, muốn mửa được. Ngoài ra thì vị gì tôi cũng chịu. Từ món nướng, tới sushi, tới các món chiên xào, tới các món gỏi, tới cơm gà xối mỡ, tới các món ngọt, tới kem, tới trà sữa. Tôi ăn tuốt. Và tôi ăn say mê. Quay lại với tô hủ tíu, tôi thường ăn hủ tíu khô, tức là người ta cho hủ tíu vô một cái tô bự, để nước lèo và ba cục sủi cảo ra riêng trong một cái chén bự. Vừa ăn khô kiểu trộn trộn được, mà lại vừa có nước để lấy thìa múc húp. Tôi thường uống kèm với một ly nước cà rốt ép hoặc một ly cam ép hoặc cả hai cùng lúc. Hôm đó tôi đi với thằng Lễ, bạn tôi, một thằng pêđê. Tôi chẳng nhớ nó ăn gì, nhưng tại vì nó ăn ít để giữ dáng nên lúc ăn nó vẫn có thể nhận biết những sự việc đang xảy ra xung quanh. Còn tôi thì tất nhiên là không rồi. Mỗi khi ăn thì tôi chẳng biết gì nữa, giác quan và lí trí và lương tri của tôi dồn hết vô cái lưỡi và hàm răng. Tôi đang cắm đầu nhai thì nó khều khều, nói: “Ê, thằng bồ mày đang đi với con nào kìa.” Tôi nghe như sét đánh ngang tai. Tôi có một thằng bồ đã mấy năm nay, từ hồi tôi vừa học xong cấp ba. Và cái thằng này thì trời đánh lắm, vì nó không ngừng hớn gái và lăng loàn xung quanh, không bao giờ thôi tìm kiếm sự chú ý. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại cặp bồ với nó nữa, chắc tại tôi sợ cảnh cô đơn không bồ bịch. Tôi hèn. Chính cái thời điểm đó, tôi nhìn ra ngoài đường, theo hướng thằng Lễ hất hất cái đầu, và tôi thấy thằng bồ mất nết của mình, thằng Tuấn Anh, đang đứng bên kia đường, với con nhỏ Bé cùng công ty với nó. Thằng mất dạy thì đang đứng, còn con nhỏ bánh bèo kia thì đang ngồi trên xe máy chuẩn bị phóng đi. Tôi còn thấy cả cảnh nó chu mỏ hôn lên má con nhỏ. Chắc chắn là tụi nó không nhìn thấy tôi và thằng Lễ rồi. Máu và cơn tức giận trào lên. Cái thằng, đây là lần thứ ba nó léng phéng với con Bé đó. Hai lần trước, một lần tôi đọc được tin nhắn lăng loàn của nó, lần thứ hai thì được tin tình báo của bà Giang cùng công ty nó, một bà học trên tôi hai khoá. Mỗi lần như vậy tôi đều chửi nó một trận ra hồn, và còn khóc nữa. Và tôi làm um sùm lên. Và tôi đau khổ các kiểu. Nhưng một đứa vô liêm sỉ thì biết tôn trọng ai chớ? Nó mới ra trường, đi làm hai tháng trời, vô môi trường công sở trẻ trung, hoócmôn tiết ra loạn xạ, thế là nó không coi tôi ra gì. Tôi vớ lấy túi xách mang vô người. Tay phải tôi cầm chén nước lèo hủ tíu. Xong tôi đứng dậy đi một mạch về phía nó, không đếm xỉa gì đến thái độ ú ớ của thằng Lễ. Tôi đi tới giữa đường thì con nhỏ đó phóng xe đi, nó không biết mặt tôi, nên coi như nó thoát nạn nhờ may mắn. Thằng ôn con đang đứng quay lưng về phía tôi nên nó không hề hay biết mối hiểm nguy đang tiến lại gần. Đúng lúc nó quay lại thì tôi đã chỉ còn cách nó có hai bước chân. Tôi tạt nguyên chén nước lèo vô mặt nó. Mắt nó nhắm nghiền, miệng nó đớp đớp, tóc nó ướt nhẹp, mấy cọng hành phân bố khắp bản mặt mất dạy của nó. Ba cục sủi cảo thì nằm lăn lóc dưới đất. Nó bất ngờ tới mức không kêu lên được tiếng nào. Tôi úp luôn cái chén lên đầu nó, rồi không nói năng gì, quay lưng đi thẳng về phía chỗ giữ xe. Bà con hai bên đường ai nấy ngừng hết công việc lại để chỉ trỏ, có người còn vỗ tay. Có người ôm bụng cười. Có người thì cười ha hả. Cắm chìa khoá xe, tôi phóng thẳng. Tiền thì để thằng Lễ trả. Trên đường đi tôi khóc quá trời quá đất. Về tới nhà tôi phóng ào ào lên phòng. Không chào hỏi gì bà má, may phước bả đang ở trong toilet nên không kịp phản ứng gì. Mở điện thoại ra coi, tôi thấy tới mười bảy cuộc gọi nhỡ từ thằng Tuấn Anh. Chưa kịp làm gì thì cuộc thứ mười tám đã đổ chuông. “Cái gì thằng chó con?”, tôi quát qua điện thoại. “Gì vậy cưng, anh mới đi đá banh với công ty về.” “Đá cái đầu mày thằng ôn con. Đá banh gì giờ sáng sớm này. Công ty mày bị tăng động hả?” “Thiệt mà em. Sáng sớm đâu mà sáng sớm. Mười giờ rồi. Cuối tuần mà. Do anh đi nhờ một đoạn đường qua nhà thằng bạn thôi mà. Ai ngờ lại gặp phải em. Cho anh xin lỗi.” “Mày còn giả ngu hả thằng mắc dịch? Mày coi bà là cái gì? Tuần trước mày hứa với bà cái gì? Coi như người không quen biết hả? Mày hứa với bà cái gì?” Một quãng im lặng. Tôi chỉ nghe thấy tiếng xe cộ ríu rít vọng đến từ đường xá xung quanh thằng bồ trời đánh. “Mày tưởng tao mập là mày có quyền hả?”, tôi tru tréo tiếp. Xong tút một cái. Nó tắt máy cái rụp. Thằng mất dạy. Mày biết tay bà. Cơn giận trào lên từ lồng ngực, xuyên qua não, truyền xuống tay phải, khiến tôi ném ầm cái iPhone xuống giường. Aaaaa. Tôi hét lên phẫn uất. Đạp cái ghế đánh ầm một cái, nó ngã lăn quay, hất văng lọ kem dưỡng da buổi tối đang dùng nửa chừng xuống sàn. “Cái gì vậy Nhànnn?” Tiếng gắt của bà má vọng lên từ nhà dưới. Chắc bả đã ra khỏi toilet. Tôi nhìn vô gương, mặt tôi chẳng khác gì một diễn viên hát bội, kết quả của nước mắt nước mũi hoà với đủ loại mỹ phẩm cộng với bụi đường. Tôi đã phẫn uất với trò gian dâm của thằng mất dạy đó từ mấy tháng nay. Nó và cái con nhỏ Bé đó. Tôi ám ảnh tới mức lục điện thoại nó để coi trộm tin nhắn. Tôi làm vậy hàng ngày. Tôi ám ảnh tới mức mỗi lần nghe bài “Con cò bé bé” là tôi tức sôi máu lên. Tôi lấy khăn tẩy trang xoá hết, rồi làm lại từ đầu. Tôi quẹt vội tí son, đánh vội tí phấn, kẻ mắt qua loa, xịt đúng một chút nước hoa, lấy cái túi xách màu nâu ra, cất ngược nó lại vô tủ, lấy cái túi nhỏ màu hồng pastel có tua, đi có chút xíu thì chỉ cần thế là đủ, với lấy điện thoại và ví nhét vô túi, xỏ chân vô đôi Adidas Superstar màu trắng, bay xồng xộc xuống nhà. “Má, con qua nhà Thư.” “Mẹ!” “OK, mẹ, cho phép con qua nhà Thư có chút việc ạ.”, tôi sửa lại đúng giọng Tràng An. “Mày lại gây sự với thằng Tuấn Anh phỏng?” “Kệ con!” “Mày lo mà tìm trường học tiếp lên đại học đi con ạ. Nếu cứ lông bông thế này thì đi lấy chồng cho xong. Thằng Tuấn Anh giờ nó đã có công ăn việc làm ổn định rồi. Nó cũng đã hai nhăm rồi.” Tôi bỏ ngoài tai, nhảy lên xe rồ máy phóng ra khỏi cửa, bỏ mặc bà má đang thuyết cái gì đó về việc không có mối nào hơn nữa, liệu mà giữ gìn con ạ. Tôi may phước lách kịp dì Bảy bán chè bưởi vừa gánh cái nồi đi ngang qua. “Trời trời, đi từ từ con ơi.”, dì Bảy hốt hoảng ú ớ. “Con xin lỗi.”, tôi nói vọng lại trong nước mắt đầm đìa rồi phóng về phía đường Đồng Khởi, quẹo phải, rồi lại quẹo, hướng về phía nhà Thư A. Tôi tới nơi đúng lúc nó đang ngồi lọt trong cái ghế sôpha bọc vải kẻ carô hồng phấn và xanh da trời nhạt, đang đếm tiền, vì đang làm ăn phát đạt. Thấy tôi mặt đầy nước mắt, nó hốt hoảng vứt cọc tiền qua một bên, thiệt là một đứa bạn tốt, rồi trợn mắt há miệng. “Lại chuyện gì vậy?” “Thằng chó Tuấn Anh lại động cỡn!” “Trời, nữa hả? Hoài vậy?” “Lần này tao bắt gặp tại trận, trong lúc đi ăn hủ tíu với thằng Lễ.”, tôi bỏ qua đoạn hất chén nước lèo các kiểu. “Dữ thần hông! Vậy mày đã làm gì?” “Tao chỉ bỏ về.”, tôi nói láo. “Nó có thấy mày không?” “Có chớ! Thằng ôn con mất dạy.” “Tao đã nói là mày bỏ nó đi mà. Bồ bịch gì như cứt vậy?” “Mới nứt mắt ra đi làm được hai tháng đã trở chứng. Bởi vậy tao không bao giờ đi làm.” Tôi ngồi thụp xuống giường, thấy mặt mình trong cái gương đối diện lại có hai vệt màu đen kẻ dài từ mắt xuống má. Lại hỏng bét hết rồi. Tôi thiệt thảm bại hết sức. Đang sống cái cuộc đời kiểu gì đây? Khi mà mới hai mươi tuổi đã phải đương đầu với thứ bi kịch nhảm nhí, tức là có một thằng bồ lăng nhăng. Hết thứ để làm rồi sao? Chẳng phải ở tuổi tôi người ta bay nhảy và tận hưởng cuộc đời bao la, ở những nơi xa? Còn tôi thì ngồi đây, mập và diêm dúa và bị bồ cắm sừng. “Tao phải đón đánh con nhỏ đó. Tao sẽ nói năm anh em pêđê hợp sức lại giúp tao. Cho nó biết mùi thế nào là bị pêđê đón đánh.”, tôi ré lên. “Mày biết cách báo thù tốt nhứt là gì không?” “Đánh cho nó hoa tàn nhụy héo luôn, OK? Giờ phút này mày còn đố tao hả?” “Mày bị khùng hả? Sao mày không đánh thằng Tuấn Anh? Nó là đứa có lỗi trực tiếp với mày cơ mà?”, con Thư A lên giọng phải trái lý lẽ. Tôi không nói gì. Nó nói tiếp: “Tốt nhứt mày xù tụi nó luôn đi. Đừng có để tâm nữa. Coi tụi nó là con số không. Đó là cách báo thù tốt nhứt đó.” “Tao phải báo thù.”, tôi vẫn kiên quyết. “Mày nên báo thù bằng cách lơ đẹp nó và sống tốt hơn.” Vũ Trọng Phụng, con mèo cưng lông xù vàng như đĩa trứng chiên của Thư A chậm rãi chui vô lòng tôi. Nó cuộn mình lại, nhắm mắt lừ đừ. Tôi vuốt ve lưng nó. Nó là một con mèo rất vàng. Chủ nó là cái thể loại con gái mà đặt tên cho mèo là Vũ Trọng Phụng. Thư A là cái thể loại như vậy đó. Thư A thở dài đứng lên khỏi ghế sôpha. Nó chống hai tay vô hông nói bằng giọng ngập ngừng chậm chậm của nó: “Mày thôi đi. Nhìn lại đi, mày cũng có yêu gì nó cho cam. Mày cặp với nó cũng chỉ vì mày muốn có bồ. Và do má mày ủng hộ quá, đúng hông? Đâu phải là xuất phát từ sâu thẳm hay gì của mày. Đâu phải là tình yêu, đó là tình…tình… tình gì ta?” “Nó chỉ là bồ tao thôi.” “Ờ, tình bồ.” “Nhưng sao tao thấy sợ. Tao sợ phải đối mặt với sự càm ràm của má tao. Tao sợ là mọi thứ không như cũ nữa. Tao sợ cả dòng họ tao sẽ xúm lại nói ra nói vô. Chuyện tao chần chừ chưa chịu học tiếp đại học đã chửi tưng bừng rồi. Giờ mà tao bỏ bồ, nhảy qua yêu con trai dì Bảy bán chè bưởi chắc tao bị đì tới chết luôn. Tới CHẾT luôn.” Tôi đập hai tay xuống giường làm Vũ Trọng Phụng giựt mình. Nó ngoéo lên một tiếng kinh hãi. Tôi nghĩ, tôi thiệt sự muốn gì? Tôi cũng không biết luôn. Nói chung, cuộc đời tôi thảm hại hết sức. Mới hai mươi tuổi đời đã gặp toàn chuyện xúi quẩy. Tên Thanh Nhàn mà đã không “thanh” rồi, còn không “nhàn” nốt. Tôi học hành đã không ra gì rồi, tốt nghiệp xong cao đẳng mỹ thuật thì tôi tắc tị luôn, không biết phải đi đâu về đâu làm gì tiếp theo. Mà tôi không muốn đi làm. Tôi không muốn làm gì cả. Cái cuộc đời của tôi, nó bi kịch nhứt là ở chỗ đó. Ở chỗ tôi không muốn làm cái gì cả. Kể cả khi tôi muốn làm cái gì đó thì tôi cũng không biết mình nên làm cái gì. Chán vãi. Mà nếu bạn không làm cái gì đó thì coi như bạn không là cái gì cả. Cái xã hội này nó ác độc như thế. Nó cần bạn làm cái gì đó, cái gì cũng được, mặc dù bạn có làm cái đó hay không thì cũng vậy, có khác quái gì đâu. Trừ khi bạn là thiên tài. Chắc chắn tôi không phải thiên tài để mà thay đổi thế giới rồi. Người ta nói, thiên tài có mười phần trăm thông minh, chín mươi phần trăm là chăm chỉ siêng năng. Tôi thì ngu như heo và mập cũng như heo luôn. Tôi chẳng có phần trăm nào cả. Cứ nhìn tôi thì biết. Từ hồi lớp mười hai tôi đã tỏ ra có máu doanh nhân. Tôi mua dây thun quần đủ màu bên Hàn Quốc gửi về, rồi bện thành dây cột tóc, đem bán trên Instagram và Facebook. Cứ ai đặt mua thì tôi đưa cho chú xe ôm gần nhà mang tới, thu tiền giúp. Tôi xếp ba bốn cái tiệp màu nhau thành một bộ, đặt tên thiệt kêu, kiểu, Vào Hạ, Sky Blue, Pink Day, Pastel Ice Scream vân vân và vân vân. Kiểu vậy. Bọn nó xúm vào mua và tôi kiếm bộn, để dành được cả một đống tiền. Ban đầu ngay cả bản thân tôi cũng ngạc nhiên. Ý tôi là, đó chỉ đơn giản là mấy cái dây cột tóc, sao tụi nó ham dữ. Có đứa mua hết bộ này tới bộ khác. Về sau tôi nhận ra, cứ thấy cái gì đẹp thì tụi nó mua thôi, chẳng cần biết có nhiều tác dụng hay có hợp với bản thân hay không, cũng chẳng cần biết ở nhà đã có bao nhiêu cái rồi. Tóm lại, tôi làm ăn buôn bán khá lắm. Ấy vậy mà ba má và dòng họ tôi ngoài Bắc vẫn không vừa lòng. Kiếm được tiền và có bốn ngàn follower trên Instagram không phải là chuyện mà ai cũng làm được, vậy mà bà má tôi nhứt quyết không chịu thừa nhận. Bả muốn tôi đi học tiếp. Bả rất không vừa lòng về tôi. Bả cho rằng tôi là đồ lông bông, và việc đó khiến bả gai mắt. Bả còn nói bóng gió là nếu tôi không có bước đi gì tiếp theo thì tôi nên lấy chồng đi còn hơn. Bộ bả nghĩ đây là thế kỷ mười chín hả? Tôi còn gặp một vấn đề nữa với bả, đó là bả nhứt quyết muốn tôi phải ra vẻ một cô gái giống kiểu bả muốn, cái hình mẫu mà bả muốn, mặc dù tôi sinh ra ở một thời khác và ở một nơi khác hẳn. Má tôi là một cô gái Hà Nội truyền thống chính cống, không vì ba tôi thì bả sẽ chẳng bao giờ rời khỏi cái chỗ đó. Bả thuộc cái loại người mà ai hỏi thì sẽ nói “tôi là người Tràng An”, thay vì nói là người Hà Nội, mặc cho việc người đó có thể nhầm chữ Tràng An đó với xã Tràng An tỉnh Hà Nam. Mỗi lần tôi quên nói giọng Tràng An ở nhà và gọi bả là “má”, bả lại nhăn nhăn nhó nhó, có lần còn lớn tiếng chỉ trích. Bả, lạc hậu hết sức, cố gắng xen vô chuyện tình cảm của tôi để bảo đảm rằng hồ sơ bạn trai của tôi phải thiệt rực rỡ, kiểu, con chú Chiến chủ tịch uỷ ban nhân dân quận. Ba tôi thì khá khẩm hơn, ổng cảm thông và hiểu cho sự khác biệt đó giữa tôi và ổng bả. Nhưng mà ổng đi suốt, thế cho nên tình cảnh của tôi trong gia đình là cứ bị đấm mà chẳng ai xoa. Tóm lại, tôi phát mệt với bà má. Còn nữa, tôi cứ quanh năm suốt tháng bị bắt phải ra ngoài Bắc thăm hỏi mấy người khác trong dòng họ. Nào là chú, nào là cô, nào là bác, nào là ông nội và ông trẻ và một ông trẻ khác. Đó là chưa kể bên ngoại. Mỗi năm tôi cứ phải nhuộm lại tóc màu đen một lần để khỏi bị rầy la trong cuộc họp dòng họ, nơi mà ông nội và hai ông trẻ tôi cứ mặc sức chỉ trích, ai muốn nói gì họ cũng không nghe. Một khi bạn đã già rồi thì bạn mặc kệ. Họ không cần quan tâm tới ý kiến của người khác nhưng họ quan tâm tới mọi vấn đề còn lại. Kể cả màu tóc của tôi họ cũng quan tâm. Và họ làm như tôi sắp phải đi lấy chồng rồi không bằng, dù là tôi mới hai mươi tuổi hơn một chút. Đó chỉ mới là bên nội thôi đó, thêm bên ngoại nữa vô thì tôi quá mệt để kể. Quá mệt. Tóm lại, tôi phát mệt. Ngoại trừ Thư A và bạn bè ra, tôi ngán muốn mửa toàn bộ các mối quan hệ khác của tôi. Có điều, tôi chưa bao giờ dám đứng dậy tung hê hết tất cả. Tại vì tôi quá ì. Tôi chỉ biết ngồi đó và than thở thôi. “Nhưng mày vẫn phải dũng cảm mà thú nhận là mày đang khao khát những thứ khác. Mày chỉ quá lười nhác để mà vận động, để mà rũ bỏ những cái yên ổn bây giờ của mày. Mày thực sự muốn điều gì?”, Thư A hỏi, hùng hồn: “Tao muốn ăn. Tao muốn mặc đẹp.” “OK… tao cũng muốn những thứ đó.”, Thư A thở dài, phát ngán. “Nhưng còn cái gì khác không? Cái gì đó sâu sắc hơn.” “Tao muốn anh Thái.”, tôi ngập ngừng thú nhận. “Tao muốn, tao không biết, cái gì đó bớt ổn hơn một chút, cái gì đó có vấn đề hơn. Tao muốn thoát ra khỏi gia đình tao. Tao muốn thoát khỏi bà má tao.” Thư A vỗ tay một cái đánh bốp. Vũ Trọng Phụng ngoéo lên một cái gắt gỏng. “Chính vậy. Mày đọc Đoạn Tuyệt chưa? Tao đã nói mày đọc đi mà.” “Thôi đi. Mày đừng có dụ tao vô con đường ngôn tình của mày. Dù cho đó là ngôn tình quốc nội đầu thế kỷ Hai Mươi.” “Nhưng nó rất đúng với tình cảnh của mày.” “Đúng sao? Sao đúng? Quyển này của Nhất Linh hay Khái Hưng?” “Nhất Linh.”, Thư A hơi phật ý, moi từ trong tủ sách khổng lồ của nó ra một quyển nhỏ nhỏ rồi quăng lên đùi tôi. Bìa sách có chữ Đoạn Tuyệt, nặng nề dứt khoát, được in trên nền một bức tranh vẽ theo lối đơn giản rút gọn. Căn bản nó vẽ hai con người, tròn tròn, mặt không mắt mũi gì ráo, nhìn giống hai củ khoai. Thư A là loại con gái có nguyên một tủ sách toàn những quyển có bìa vẽ toàn khoai là khoai như thế. “Có một cô nọ, yêu một anh nọ, anh này xuất sắc lắm, bôn ba khắp nơi, giống anh Thái của mày. Nhưng cô này không dám thổ lộ gì hết vì cổ còn ngại những rào cản của xã hội khi đó. Mặc dù cổ là người tân thời. Sau cổ lấy chồng theo sự sắp xếp của gia đình, chịu đày đoạ của mẹ chồng, cao trào cổ giết luôn chồng. Sau thì đoàn tụ với người cổ yêu.” “Tân thời là gì?”, tôi cố tình trêu nó. “Là thời đại mới, phong cách mới, quan điểm mới, OK?” “Vậy mày xúi tao giết thằng Tuấn Anh hả?” “Bớt! Ý tao nói là, dù gì, sau tất cả, thì mày vẫn phải phát tiết những cái mày thiệt sự muốn trong lòng ra thôi, OK?” Tôi làm ra vẻ như đang chăm chú soi quyển sách rồi ngóc đầu lên, chỉ vô cái bìa sách, hỏi. “Vậy củ khoai nào trong hai củ khoai này là anh Thái, củ nào là tao?” Thư A chỉ hứ một cái rồi đi ra khỏi phòng. Đóng sầm cửa, nói vọng lại “đoạn tuyệt đi”. Vũ Trọng Phụng lại ngoéo lên một tiếng bực dọc. Tôi tắt điện thoại, nằm xuống giường mở quyển truyện ra đọc cho quên thời gian. Tới đoạn cô Loan nhảy lên xe kéo đi về mà trong lòng cứ ngập ngừng, đi đi dừng dừng, thì tôi thiếp ngủ. Buổi chiều thức dậy không thấy ai trong phòng. Tôi dậy rửa mặt rồi đi xuống nhà dưới, khép cửa thiệt nhẹ để không đánh thức Vũ Trọng Phụng. Ba má Thư A nói nó đã ra ngoài đi giao hàng cho khách rồi. Ăn nên làm ra quá. Tôi chào rồi ra về. Đi được nửa đường thì tôi quyết định tấp xe vô ngân hàng, xem thử mình còn bao nhiêu tiền tiết kiệm. Xong tôi ra Starbucks Nguyễn Huệ ngồi nhẩm tính xem chừng đó tiền thì làm được gì. Xong tôi chụp cái ảnh ly nước ép, cái bánh phô mai, chùm chìa khoá xe, đăng lên Instagram, viết: “Có lẽ ai trong chúng ta cũng đến lúc cần một cuộc sống mới, một chân trời mới emoji hình máy bay emoji hình xe lửa emoji hình đôi giày.” Năm phút mà có tám mươi mốt like. Chương 2 Ba ngày sau, tôi sà nhẹ nhàng xuống cái sôpha êm ái của Shin cà phê, bên cạnh Thư A đang chăm chú kiểm tiền. Không hiểu dạo này chân cẳng thiên hạ bị gì mà nó bán vớ đắt hàng như tôm tươi. Vũ Trọng Phụng thì nằm ngủ vật vờ trong lòng chủ nó. Con mèo màu vàng thiệt là khổng lồ. “Trời nóng như quỷ mà má uống cappuccino nóng. Bớt khùng giùm cái đi.”, tôi mở đài. “Trong này mở máy lạnh mà.”, nó nhăn nhó. Chẳng hiểu cuộc đời xui khiến thế nào mà một con như tôi lại kết bạn thân với một đứa đầu óc lúc nào cũng trên mây như Thư A. Đúng ra nó lớn hơn tôi ba tuổi, nhưng hiếm khi tôi gọi nó là chị, do tôi không hề nể sợ gì nó cả. Thư A tên thiệt là Thư, do hồi xưa đi học trong lớp có tới hai đứa tên Thư nên người ta ghép thêm chữ A vô. Vậy là chết luôn tên Thư A. Đố bạn con Thư còn lại gọi là Thư gì? Thư B? Sai bét, chỉ là Thư thôi. Ha ha. Vậy để thấy, nó là đứa hiền lành và luôn bị lấn lướt ở bất kỳ tập thể nào mà nó tham gia. Mối quan hệ với tôi không phải là ngoại lệ. Chơi với nhau ba năm trời, tôi bán dây cột tóc thì nó bán vớ Hàn Quốc, đều trên Instagram. Mỗi lần đi đâu nó luôn là đứa qua rước, đi ăn thì tôi là người chọn món, hẹn nhau thì chỉ có tôi là tới trễ. Nó chỉ được một lợi thế duy nhứt là đỡ mập hơn tôi chút xíu. Nó luôn là đứa lép vế và nhường nhịn và phải làm giúp tôi bao nhiêu là việc, là người bằng hữu hoàn hảo. Chính vì vậy, tôi lại sắp nhờ nó gánh vác một trách nhiệm trọng đại nữa. “Thằng Tuấn Anh còn năn nỉ ỉ ôi không?”, nó hỏi. “Sáng nay tao ngủ dậy thấy hai mươi cuộc gọi nhỡ đó mày.” “Dữ thần hông.” “Nhứt quyết không nghe. Nhứt định cạch mặt.” “Mày có sợ nó chờ trước cửa nhà mày không?” “Không. Cùng lắm tao dạt qua nhà mày.” “Không nhắn tin năn nỉ?” “Đầy ự máy nè. Tha lỗi cho anh đi. Chỉ là đồng nghiệp đi cùng nhau thôi mà. Anh mà cạch mặt người ta thì khó xử quá, lên công ty sao làm việc cùng nhau. Tổ cha nó. Tao nhắn lại là tụi mày làm việc cùng nhau trên giường rồi thì lên công ty cần quái gì làm nữa.” “Mệt mỏi hết sức.” “Ê tao có chuyện này cần nói với mày.” “Chuyện lớn?” “Lớn.”, tôi nhấp một ngụm trà sữa rồi trịnh trọng gọi nó, “Thư à”. Nó hất hàm “Gì?”. Xong tôi bảo nó ghé đầu lại tôi nói nhỏ cái này. Xong nó trợn mắt “nói gì nói đi”. Xong tôi nhứt quyết là tôi phải thì thầm vô tai nó thì mới được. Xong nó ghé đầu vô, tôi nói vô tai nó, tao định làm thế này thế này… rồi thế này thế này… “Cái gì mày định qua tận Pakistan tìm anh Thái?”, nó ré lên, Vũ Trọng Phụng cũng ré lên, nhảy khỏi lòng nó, đống tiền nó đang cầm trên tay cũng hơi xao động. “Chính phải. Tao sẽ sang Pakistan tìm anh Thái. Tao quyết định sẽ ĐOẠN TUYỆT.”, hai chữ đoạn tuyệt được tôi nói to dõng dạc. “Tao sẽ PHIÊU LƯU thử một phen. Ngay tháng tới.” “Nhưng mày biết ảnh ở đâu bên đó mà tìm? Mày có biết mấy cái nước stan stan đó nó nguy hiểm cỡ nào không? Mày không coi thời sự thấy đánh bom chết như ngoé hả con kia?” “Tao không có coi TV, OK? Địa chỉ của anh Thái tao đã hỏi được từ dì Bảy. Tao nói tao chuẩn bị gửi cho ảnh một món quà bất ngờ, đề nghị dì không được tiết lộ. Ảnh ở cái thành phố gì đó tên Karachi, nghe tên như ở Nhựt á mày. Dì Bảy không thể ngờ được món quà bí mật đó chính là tao. Ha ha ha.” “Mày khùng quá đi.”, nó vừa nói vừa chạy ra bồng Vũ Trọng Phụng, lúc này đang làm phiền mấy vị khách ở bàn kế bên, tất cả họ đều đang ngó tôi, nửa khó chịu nửa thương hại. “Chớ theo mày là tao phải giết thằng Tuấn Anh trước hả? Ha ha.”, tôi nói. “Nhưng chắc gì anh Thái đã thích mày? Mày có chắc không? Lỡ ảnh không thích mày thì mày làm sao? Đi về hả? Hay năn nỉ?”, hiếm khi nào Thư A nói chuyện với tôi bằng giọng gắt gỏng dữ vậy. Mấy cái đứa hiền hiền, hay bị bạn ăn hiếp, bạn sẽ khá là sợ tụi nó mỗi khi tụi nó cáu lên. “Tao không biết nữa.”, tôi hơi xìu xuống. “Nhưng tao không còn đường nào khác. Tao chán lắm rồi. Tao muốn đi. Tao muốn qua đó gặp ảnh. OK?”. Đúng. Tôi đã chán lắm rồi. Tôi muốn làm một cái gì đó cho hết chán. Tôi biết cái nỗi căm tức bị bồ cắm sừng này rồi sẽ qua thôi. Nhưng khi nó qua rồi thì sẽ là gì? Sẽ là một chu kỳ, một thằng bồ mới và sẽ bị cắm sừng tiếp. Hay gì? Tôi không thể tiếp tục chịu cái cảnh ấy được. Tôi không muốn để cho cái con người mà tôi thích thiệt sự, thích không vì lý do gì cả, tức là anh Thái, bay nhảy ngoài kia mà không hề biết gì về tình cảm của tôi, trong khi tôi vẫn ở lì đây, trong sự đàn áp của bà má và dòng họ, rồi dần dần phải trở thành cái mà họ muốn. Kể cả, tôi vô dụng và rồi sẽ chẳng làm nên cơm cháo gì, thì đó vẫn phải là lựa chọn của riêng tôi. Tôi biết, xưa giờ tôi ì đấy, xưa giờ tôi bọc đường và diêm dúa này nọ các kiểu. Nhưng tôi chán ì rồi. Tôi cũng chán bọc đường rồi. Tôi chán luôn diêm dúa. Và tôi cũng muốn thực hiện cái điều mà anh Thái gợi ý trước khi ảnh đi, dù không biết thật hay đùa. “Vậy mày đi chơi cho khuây khoả hay là mày đi tán tỉnh anh Thái?”, Thư A hỏi. “Nếu mày muốn đi chơi thôi thì thiếu gì chỗ để đi?” “Tao muốn cả hai, OK?”, tôi lì lợm nói. “Nhưng còn má mày thì sao? Còn ai bán hàng? Mà mày tính đi trong bao lâu?”, Thư A hỏi. “Tao tính đi trong một tháng. Tao sẽ nói má tao là tao ra thăm bà trẻ ở Đường Lâm, ở đó chơi với bà. Dù sao thì hôm trước bả cũng nhắc tao vụ đó rồi. Con ơi, con đang rảnh thì ra mà thăm hỏi họ hàng đi con ạ. Bà trẻ vừa mới nhắc mày hôm nọ xong đấy.”, tôi nhại giọng Tràng An của bà má. “Mày sẽ giữ sim điện thoại của tao. Bả nhắn gì cho tao thì mày trả lời. Yên tâm, bả chỉ toàn nhắn tin chớ không bao giờ gọi điện. Mà có gọi điện thì mày đừng có nghe. Tao vẫn hay làm vậy. Tất nhiên tao sẽ để dây cột tóc lại cho mày bán giùm. Tiền lời mày ăn hết. Một kế hoạch hoàn hảo, OK?” Thư A mở to mắt nhìn tôi như thể tôi vừa hạ sát cả gia đình nó và dùng thủ đoạn mua toàn bộ cổ phần shop vớ Hàn Quốc của nó. Kiểu, tao không thể tin nổi mày là loại người như vậy, đồ phản bội. Kiểu vậy. “Đúng không nè?”, tôi nhắc lại. Thiệt ra tôi biết nó hơi bị phẫn uất vì những trách nhiệm nặng nề mà tôi đổ lên vai nó. Nhưng biết làm sao giờ? Chẳng phải bạn bè là để tương trợ cho nhau những lúc cần phải đoạn tuyệt, phải chạy trốn để tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời sao? Thư A vò đầu bứt tai, kiểu, chết cha rồi, sao khổ quá vậy nè trời. Đó là động tác quen thuộc của nó mỗi khi gặp vấn đề khó giải quyết. Nó sẽ đặt cả hai tay lên đầu, vò vò, cào cào, như đang gội đầu, mặt mũi nó sẽ nhăn nhó và khổ sở các kiểu. Nhưng tôi biết nó làm vậy tức là nó sẽ không từ chối. Mà nó đã từ chối tôi bao giờ đâu. Nó buộc phải nhường nhịn tôi thôi, vì trong hai đứa tôi là đứa mập hơn, tức là phải chịu thiệt thòi hơn. “Mày không từ chối tao bao giờ phải không Thư?” Thư A vò đầu khổ sở thêm một lúc lâu nữa rồi nhìn tôi chán chường, hỏi. “Thế mày định bao giờ đi?” “Tao định hai tuần nữa sẽ lên đường. Tao đã tìm trên Google kỹ kỹ rồi. Tao sẽ ra Hà Nội xin visa. Xong tao giả vờ thăm ông bà cô bác này nọ rồi nói xuống Đường Lâm ở với bà trẻ một tháng. Chẳng ai trong dòng họ tao để ý đến bà trẻ nên tao nghĩ họ sẽ để cho tao yên, chẳng đoái hoài gì. Xong tao chuồn lên Hà Nội rồi bay sang Karachi. Tao sẽ ở đó tầm ba tuần tới một tháng. Xong tao lại về đây với mày.” “Mày nghĩ mày sẽ thổ lộ tình cảm của mày với anh Thái ở bển hả? Sao mày không điện thoại đi cho tiện?” “Tao phải qua đó, gặp ảnh. Chứng tỏ cho ảnh thấy tao cũng liều mạng được như ảnh. Đó mới là cái quan trọng. Mà thiệt ra, cái quan trọng nhứt vẫn là tao. Tao chán quá rồi. Tao muốn đi đổi gió. Tao không muốn ở đây nữa.”, tôi nói. Thiệt sự vậy đó, nếu bạn phải sống với những người không bao giờ hiểu bạn và trân trọng bạn, bạn sẽ hiểu cảm giác của tôi. Dĩ nhiên tôi còn có Thư A, nhưng tôi đâu có ở với nó hàng ngày. Một mình nó cũng không đủ sức khoả lấp hết sự tệ hại của những người khác. “Vậy còn thằng Tuấn Anh?” “Tao sẽ chụp selfie với anh Thái rồi gửi cho nó.” “Đồ con nít.”, Thư A thở dài, thả người xuống ghế sô pha, nốc một ngụm cappuccino lớn, để lại một hàng ria mép bằng bọt nhìn dễ thương hết sức. Nó nói, “Lẽ ra tao không nên khích mày.” “Tao phải cám ơn vì mày khích mới đúng. Tao đã đọc hết cuốn Đoạn Tuyệt rồi.”, tôi nói láo. Thư A chỉ thở dài. Tôi nói tiếp: “Mày yên tâm, tao đi taxi từ sân bay về thẳng nhà ảnh, phần còn lại đã có ảnh lo. Tao cũng hơi ớn thiệt, nhưng tao muốn gặp ảnh. Với lại tao chán quá rồi. Tao không muốn đối mặt với cái gì ở đây nữa hết, má tao, thằng Tuấn Anh. Toàn bộ. Trừ mày. Nhưng mày không được tiết lộ chuyện này cho năm anh em pêđê biết nha. Tụi nó sẽ làm ầm lên và cả Sài Gòn này sẽ biết. Đây là bí mật giữa tao và mày thôi.” “Vậy là tụi nó vẫn phải tưởng là mày ra Bắc chăm bà trẻ chớ gì?” “Đúng thế.” “Tao tưởng tụi nó cũng là chiến hữu của mày.” “Đúng. Nhưng không phải là cánh tay mặt. Mày là cánh tay mặt của tao.” Tôi không hề nịnh chút nào. Nó đích thị là cánh tay mặt của tôi. Đồng cam cộng khổ buôn bán sống chết có nhau bao nhiêu năm nay. Bán hàng trên mạng đăng hình quảng cáo giúp nhau là một chuyện, mỗi cuối tuần đi bán hội chợ bọn tôi đều thuê chung sạp hàng, chia đôi chi phí. Có thể nói cuộc đời bọn tôi dính liền với nhau. Năm anh em pêđê Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, dù thân mấy đi nữa cũng không thể đóng vai trò chủ chốt như Thư A được. Mà phải nói cái đám pêđê đó có tên oách dễ sợ. Hồi còn học cấp hai tôi cũng chơi thân với đám ba thằng pêđê tên Phước, Lộc, Thọ, nhưng so với đám năm anh em này thì không oách bằng. Thư A lườm tôi, tôi cười trìu mến, ngã đầu vô vai nó, vòng tay ôm eo nó. Tôi sẽ sống sao nếu không có nó đây? Có điều, yêu mấy thì yêu, tôi vẫn phải đi theo trai. Mặc dù ôm nó vậy, nhưng trong đầu thì tôi đang mơ tới cái cảnh được gặp anh Thái ở chốn ấy. Chương 3 Anh Thái là con dì Bảy bán chè bưởi hay ngồi góc ngã ba Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp, gần nhà tôi. Dì Bảy bán ở đó từ hồi tôi còn nhỏ xíu. Tôi ăn chè của dì tính tới nay là hơn mười lăm năm. Có thể gọi dì là bà bán chè của đời tôi. Hồi đó, thỉnh thoảng anh Thái ra ngồi rửa ly, lau ly giúp má, chính nhờ sự hiếu thảo đó của ảnh mà bọn tôi mới quen biết nhau. Sẽ là hơi ba xạo nếu tôi nói hồi đó tôi với ảnh chơi thân với nhau. Đối với tôi ảnh đơn giản là con bà bán chè. Đối với ảnh, tôi là một bạn hàng, cái bụng của tôi góp một phần không nhỏ tiền học phí hàng tháng của ảnh. Tôi còn nhớ, ảnh là thằng con trai im im, ít nói, lúc nào cũng cười hiền hiền. Da ảnh đen cháy và quần áo thì cũ xì, luộm thuộm, nhiều lúc còn cài lệch cả cúc áo, ngố hết sức. Trái ngược hẳn với tôi, diêm dúa từ lúc còn chưa thò đầu ra khỏi bụng bà má. Hồi đó, lúc nào ảnh cũng mang theo sau lưng một thanh gỗ giả làm kiếm, như kiểu ninja, thỉnh thoảng lại rút ra chém loạn xạ. Có lần ảnh phang trúng mặt tôi một cái, toạc cả da, chảy máu, chỗ lông mày. Giờ nếu bạn cạo lông mày tôi đi thì rất có thể bạn vẫn còn thấy vết sẹo đó. Lần đó má tôi la ảnh dữ lắm, làm rùm beng lên, dì Bảy phải đưa tôi đi bịnh viện, và cho tôi ăn chè miễn phí suốt một tuần. Lần đó tôi khóc cũng dữ. Chính vì vậy mà má tôi về sau hơi có ác cảm với má con ảnh. Nhưng tôi thì không ghét ảnh, bởi vì từ đó về sau ảnh đối xử với tôi rất tử tế, không dám trêu gì hết, dù cho trước đó ảnh cũng chỉ trêu tôi có vài lần. Tôi nhớ, ảnh đền bù lại cho tôi bằng cách dạy tôi một chiêu võ mà ảnh học được trong phim Hồng Kông. Ảnh nói khi tôi vật ngã được đối phương rồi thì nên ngồi đè lên người nó, đấm thẳng vô mũi nó một cái. Tôi hỏi ảnh vậy thì làm sao để vật đối phương ngã xuống. Ảnh nói anh không biết, tuỳ em. Từ đó trở đi, tôi nhớ hình như tôi coi phim hành động nhiều hơn hẳn. Năm tôi học lớp sáu, tôi nghe bác Ba chạy xe ôm kể, ba anh Thái mất từ hồi ảnh chưa lọt lòng. Dì Bảy vốn là con một gia đình giàu có cỡ bự. Hồi cỡ bằng tuổi tôi bây giờ, dì Bảy đem lòng yêu ba anh Thái, lúc đó là giúp việc cho gia đình dì. Nhưng gia đình dì không cho, nhứt quyết cấm cản, đuổi việc luôn. Thế mà dì Bảy vẫn không chịu bỏ cuộc, vẫn lén lút tìm gặp. Sau mấy năm vụng trộm thì dì Bảy có bầu. Ba dì biết được, mắng chửi đánh đập ba anh Thái quá tay tới mức mất mạng. Sinh anh Thái ra xong, dì Bảy bồng ảnh bỏ đi, bán chè bưởi kiếm sống các kiểu, nuôi ảnh khôn lớn. Biết chuyện đó, tôi nhìn mẹ con ảnh với một ánh mắt khác lắm. Hồi đó còn nhỏ, tôi không định nghĩa được cái sự khác đó. Đến giờ tôi chỉ nhớ là, tôi cảm thấy họ rất chai lì và thô ráp. Thế rồi anh Thái lớn lên và biến đi đâu mất. Năm tôi học xong lớp tám, ảnh tốt nghiệp xong cấp ba rồi bỏ nhà đi biệt xứ. Dì Bảy nói ảnh đi làm xa. Trong mấy năm trời, từ lúc đó tới giờ, thỉnh thoảng lúc tôi ăn chè, dì Bảy hay khoe là ảnh đang xuất khẩu lao động ở nước nào đó nước nào đó vân vân và vân vân. Ảnh gửi tiền về cho dì rất đều đặn. Tôi cũng không bận tâm lắm, vì cuộc đời còn bao nhiêu là mối lo khác. Tôi lớn lên càng ngày càng diêm dúa. Cho đến một bữa đùng cái ảnh xuất hiện trở lại. Và làm chấn động cả thế giới nhỏ bé của tôi. Đó là một ngày nắng rực rỡ, oi bức hồi mùa hè năm ngoái. Trên đường đi giao hàng về tôi ghé qua tính mua hai gói chè, thì thấy người ngồi sau gánh chè không phải dì Bảy mà là một anh con trai tóc dài búi củ hành trên đầu. Tôi còn đang ngờ ngợ thì ảnh đã reo lên vui mừng: “Em Nhàn hả? Lâu ngày quá ha! Dạo này mập ghê vậy em?” “Anh Thái?!”, giờ thì tôi đã nhận ra. Ảnh đẹp trai phát khiếp lên được. “Anh đi đâu bấy lâu nay. Dì Bảy nhắc anh suốt. Em nhớ anh quá trời.”, mặc dù hơi đau lòng vì ấn tượng đầu tiên sau nhiều năm gặp lại của ảnh là cái sự mập, tôi vẫn đủ bình tĩnh để đong đưa một chút. “Anh đi chơi và đi làm, không biết đi đâu nữa, chẳng nhớ.”, ảnh cười nhe răng. Xong rồi bằng cái điệu bộ lúng túng như thời xa xưa, ảnh mời tôi ngồi. “Ngồi ăn chè đi em. Má anh đi chợ rồi. Em ăn mấy ly? Bốn hay năm?” “Sao lâu ngày mới gặp lại mà anh nỡ nói lời cay độc vậy?”, tôi nổi cáu. Càng lớn tôi càng dễ cáu. Tôi dựng xe lề đường, kéo cái ghế đẩu ngồi xuống. Nhìn anh Thái múc chè, đập đá, tôi cứ thấy ngồ ngộ. Da ảnh đen nhẻm, còn đen hơn hồi xa xưa, mặt đầy tàn nhan, mắt thâm quầng, nhưng ảnh toát ra một thứ năng lượng vui tươi nào đó khiến tôi chỉ muốn ngồi đó ăn chè cả đời. Hôm đó, tôi ăn ba ly chè. Hôm đó, tôi ngồi thêm một lúc nghe ảnh kể những chuyện ảnh đã làm trong mấy năm đi xa. Hôm đó, ảnh kể ban đầu ảnh đi làm phục vụ trên một du thuyền đi vòng quanh thế giới này kia, xong ảnh chuyển qua làm phóng viên tự do cho một hãng tin nhỏ ở Mỹ, chủ yếu ảnh đi vòng vòng quanh Ấn Độ, Bangladesh, Nepal để viết bài, chụp ảnh này nọ. Tôi không rành mấy thứ đó lắm. Tôi hỏi ảnh sao anh thích để tóc dài. Ảnh nói do làm biếng cắt. Hôm đó, tôi về nhà trong lòng thấy có gì đó đang ngọ nguậy. Tôi kể nguyên cho Thư A nghe, nó nói mày nghĩ mày phi thường tới mức đó hả, mới gặp đã có bầu. Tôi nói, ý tao là một cảm giác gì đó. Thư A nói ờ nó biết, vì tôi thay vì phản pháo lại lời trêu ghẹo của nó như mọi ngày, thì lại đi thanh minh. Nói chung, nó rất hiểu tôi. Dĩ nhiên mấy hôm sau tôi lại kiếm cớ ra ăn chè. Có bữa có ảnh ở đó, có bữa chỉ có dì Bảy. Có ảnh thì tôi ăn ba ly, không có thì chỉ hai. Dì Bảy khoe cái áo hoa hoè dài tới đầu gối mà ảnh đem về từ Ấn Độ cho dì. Có lần tôi cãi nhau với thằng Tuấn Anh ngay giữa đường, ngay góc phố, trong tầm mắt ảnh. Tôi cáu tới mức quăng cái mũ bảo hiểm xuống đường. Bà con cô bác đi qua ai cũng nhìn, tôi thoáng gặp ánh mắt ảnh, tôi thấy ảnh đang cười. Cũng có mấy lần ảnh thấy tôi đem dây cột tóc đưa chú Long xe ôm nhờ giao hàng giúp, ảnh cũng cười vẫy vẫy tay. Cũng có lần trời đột ngột mưa quá là mưa, tôi đi đâu về ngang qua, thấy ảnh đang lúi húi thu dọn gánh chè một mình, không thấy dì Bảy đâu. Thế là tôi dựng vội xe trên lề đường, chạy tới giúp ảnh thu ghém đồ đạc chạy trốn dưới cơn mưa hắc ám. Tôi ướt hết, nhưng trong lòng vui xao xuyến. Tôi hy vọng bữa đó tôi đã làm ảnh cảm động ghê hồn. Mỗi lần ngồi ăn chè là tôi có dịp nói chuyện thêm với ảnh, nghe kể mấy câu chuyện nhỏ nhỏ trên đường phiêu lưu của ảnh. “Phiêu lưu” là từ mà ảnh hay dùng để chỉ tất cả những thứ ảnh làm. Ảnh kể chuyện ảnh mải nói chuyện với một đảng viên đảng Cộng sản Ấn Độ tới mức trễ tàu. Ảnh kể chuyện tay ảnh bị tê cứng vì mưa đá trên dãy Himalaya. Ảnh kể chuyện ảnh lưu trú một tháng trong khu ổ chuột gì đó, lớn nhứt thế giới, ở Mumbai, ở đó ảnh cưỡi bò và chơi đá banh và hút cần sa búa xua. Ảnh kể chuyện ảnh đánh nhau giành ghế trên chuyến tàu dài ba ngày xuyên Ấn Độ. Ảnh như một ô cửa sổ mở ra một thế giới sôi động, bẩn và đầy những thứ bất tiện. Ảnh không như cái bọn bộ tịch kệch cỡm hay đi du lịch dăm bữa nửa tháng rồi về nói chuyện như kiểu chúng thuộc nằm lòng cả thế giới. Ảnh đơn giản, nhẹ nhàng và hiền hiền. Tôi mê chết đi được. Tôi kể ảnh nghe chuyện tôi buôn dây cột tóc siêu lời để dành được tới gần sáu chục triệu. Tôi kể ảnh chuyện tôi bán dây cột tóc ở hội chợ. Tôi kể ảnh nghe chuyện năm ngoái tôi đi học mà thi hoài thi hoài không qua được môn. Tôi kể ảnh nghe đủ chuyện. Tất cả những chuyện đó tôi kể lại cho Thư A. Mỗi lần vậy nó chỉ cười và vỗ mông tôi cái đét. Tôi có nhiều bạn bè, bọn nó đứa nào cũng hay ho, đứa nào cũng vui vẻ và thú vị, nhưng không có đứa nào trong số đó kể tôi nghe những chuyện anh Thái kể, làm những việc như ảnh đã làm, thậm chí kể cả nghĩ đến cũng không. Tôi đâm ra thích ảnh lúc nào không hay. Tôi đánh bạo rủ ảnh đi chơi. Ảnh hỏi tôi muốn rủ ảnh đi đâu. Tôi nói tôi không biết. Thế là ảnh dắt tôi qua tận quận Hai tới một chỗ tối thui đầy muỗi nghe một bọn khùng đàn hát dở như hạch. Nhưng tôi vẫn rất chi là khoái. Bữa đó tôi nói dối thằng Tuấn Anh là tôi đi coi văn nghệ ở trường. Thiệt ra văn nghệ ở trường tôi bọn nó hát hò còn mắc ói hơn chỗ anh Thái dẫn tới nữa. Sau đó thỉnh thoảng ảnh có tạt ngang qua chỗ mấy quán cà phê tôi đang ngồi nếu hôm đó tôi ngồi một mình. Hoặc thỉnh thoảng tôi không chỉ dừng mua chè mà còn cho ảnh dăm ba thứ đồ ăn mà tôi luôn sẵn có bên mình. Cũng có lúc tôi nghĩ tới chuyện bỏ quách thằng Tuấn Anh để mà theo đuổi ảnh. Nhưng tôi không bao giờ dám quyết đoán về việc đó, tôi để cơ hội trôi qua từ từ trong ngập ngừng, bởi vì tôi không muốn sự việc trở nên rắc rối. Với tính khí và quan điểm của má tôi, còn lâu bả mới để yên nếu tôi cặp kè với anh Thái. Đó là chưa kể tới chuyện thằng Tuấn Anh một phần vì thích tôi, một phần vì không dám cãi lời ba má nó, sẽ không bao giờ chịu dễ dàng để tôi ra đi. Cái chuyện tình yêu của tôi, nó cám cảnh và nó thảm hại vậy đó. Bản thân tôi cũng đầy sức ì, tôi không dám thay đổi cái gì. Nói chung, ngu lắm. Mà anh Thái thì, chắc gì ảnh đã thích tôi. Nhiều khi sự thân thiện chỉ là do tính cách của ảnh như vậy mà thôi. Chắc chắn việc ảnh múc nhiều chè hơn cho tôi không thể là dấu hiệu của chuyện ảnh thích tôi, việc ảnh đôi khi trêu trêu tôi lại càng không. Mà tôi thì mập thế này. Còn công việc của ảnh nữa, ảnh chỉ ở đây có ít lâu rồi lại đi. Lỡ tôi đang tán tỉnh mà ảnh bỏ đi tiếp thì sao? Ôi khổ quá! Rồi cái ngày trọng đại mà tôi đưa ảnh vô friend list trên Facebook cũng đến. Tôi bỏ ra một tiếng đồng hồ duyệt hết tất cả hình và chữ ảnh đăng lên trong vòng ba năm. Qua đó mà tôi biết ảnh lại sắp lên đường. Ảnh sắp đi sang Pakistan, theo đuổi một dự án mới. Hôm ảnh đi, tôi đem tặng ảnh một bộ dây cột tóc năm màu tươi như mùa hè rực nắng. Hồng pastel, xanh chuối, xanh da trời nhạt, xanh da trời nhạt hơn nữa và trắng. Tôi còn nhớ đoạn ảnh giựt cái dây cột tóc cũ ra để cột lại bằng sợi màu xanh da trời nhạt tôi tặng. Mái tóc ảnh xoã ra mượt một cách siêu thực như trong quảng cáo Sunsilk, dài tới nửa lưng. Mà cái sợi chun cũ ảnh dùng để búi tóc á hả, nhìn tởm vô cùng tởm. Tôi nói ảnh vậy, xong ảnh vứt nó vô sọt rác luôn. Ảnh cám ơn, cắn môi dưới, rồi ôm tôi một cái nhè nhẹ. Ảnh nói, nếu rảnh thì qua thăm ảnh, ảnh sẽ dắt tôi đi chơi. Tôi thấy mừng trong lòng, mặc dù nghĩ tới cảnh một thân một mình qua bên đó tôi chỉ muốn khóc thét. Tôi đâu ngờ, cái ý tưởng qua thăm ảnh, nó cứ âm thầm bám rễ trong não tôi. Một tuần sau ảnh đăng một cái selfie lên Facebook, check-in ở Karachi, Pakistan. Một chỗ lạ hoắc, tôi mới nghe tên lần đầu. Nhưng tôi thấy tóc ảnh búi bằng một trong những sợi dây cột tóc tôi tặng, sợi màu hồng pastel. Tôi sướng khôn tả. Ảnh không đăng nhiều thứ lên Facebook lắm, cứ khoảng một tuần một lần, chủ yếu là những mẩu chuyện nhỏ nhỏ, kiểu, mua một chục trứng gà mà cái nào cũng có hai lòng đỏ. Sự hiện diện của ảnh trong lòng tôi và trên Facebook, như ly chè bưởi giữa ngày hè, mặc dù ảnh đã không còn ở gần tôi nữa. Tôi nhiều lúc tôi muốn nhắn tin cho ảnh, nhưng tôi ngại lắm, tôi cứ im im, âm thầm bấm like mỗi khi ảnh đăng cái gì đó lên. Ảnh cũng không lướt Facebook nhiều để mà like những thứ của tôi. Kiểu, tôi đang yêu thầm vậy đó. Tôi cứ nghe bài Say You Do của Tiên Tiên suốt. Tình cảm đó làm tôi lung lạc và tôi càng ngày càng ít để ý hơn tới thằng Tuấn Anh. Từ cỡ gần một tháng trước cái ngày tôi tạt tô nước lèo hủ tíu vô mặt nó, tôi đã không còn lén lén kiểm tra điện thoại nó coi thử nó có nhắn tin với con nào hay không. Thế cho nên, ngoài tức hộc máu ra, một phần nào đó trong tôi cũng mừng khi cuối cùng tôi cũng có cái cớ để từ bỏ. Đằng nào thì nó cũng không ra gì và đằng nào thì tôi cũng đã yêu người khác rồi. Con người ấy mà, kiểu gì họ cũng ưu tiên chuyện trai gái trước, vì vậy cái việc đầu tiên tôi làm trong chương mới này của cuộc đời chính là đi thăm anh Thái. Kể cả cái giá phải trả là nói láo bà má tôi cũng đi. Giờ thì tôi ngồi trên máy bay, bay qua tận cái xứ Hồi giáo xa xôi đó. Ban đầu tôi tính rủ Thư A đi, nhưng nghĩ lại tôi biết chắc nó sẽ không dám. Với lại, sự có mặt của nó sẽ như cục nước đá pha loãng không khí lãng mạn giữa tôi và anh Thái, nếu có. Thế nên tôi đánh liều đi một mình, sau một tuần ngồi nghĩ đi nghĩ lại và đọc mọi thứ tôi có thể đọc về Pakistan. Coi cả phim nữa. Tôi cũng có nghĩ tới chuyện báo trước cho anh Thái hay là tôi đang qua thăm, dù gì thì lúc tiễn biệt ảnh cũng đã gần như là rủ tôi qua thăm. Nhưng cuối cùng tôi lại muốn gây bất ngờ cho ảnh. Làm vậy có hơi cực một chút khi tôi phải đi một mình từ sân bay về nhà ảnh, trong tình trạng bỡ ngỡ. Nhưng dù sao người ta cũng đã phát minh ra taxi. Tôi sẽ đánh liều, tôi sẽ đi taxi. Thực tế diễn ra rất đúng kế hoạch của tôi. Tôi giả vờ ngoan ngoãn nghe lời bà má ra Bắc thăm ông nội và ông trẻ, việc mà bình thường còn lâu tôi mới tự nguyện làm. Rồi tôi giả vờ xuống Đường Lâm ở với bà trẻ ít lâu, vì tôi biết, má sẽ chẳng đả động gì nhiều nếu tôi ở dưới đó. Bả biết, đó là nơi tôi thấy ít khó chịu nhứt ở miền Bắc. Tôi chỉ ở với bà trẻ vài bữa rồi tót lên Hà Nội xin visa Pakistan. Mất một tuần để hoàn thành thủ tục, tốn một mớ tiền khách sạn. Mặc dù tôi đem theo một cái vali bự và một cái balô nhưng vẫn thiệt quá khó để quyết định phải trang bị những gì cho một chuyến đi dài ngày dữ vậy. Bình thường mỗi tuần tôi bận hết tám bộ đồ, làm phép tính đơn giản, tôi gói ghém hai mươi bộ. Tôi trừ ra bốn bộ vì nghĩ mình có thể giặt và mặc lại được. Tôi để váy và đầm ở nhà, chỉ mang toàn áo sơmi hoặc áo thun đen rộng và quần đen rộng. Theo như tôi đọc được trên mạng thì tốt nhứt bạn nên ăn mặc thiệt là giản dị ở mấy chỗ như Pakistan, nếu không bạn sẽ thành tâm điểm của sự chú ý khi đi ngoài đường. Tôi không thiếu gì đồ đen, vì đó là xu hướng đợt trước. Đợt này đang môđen màu hồng nhạt, nên đây là dịp để xài cho hết cái đống màu đen tồn kho này. Tôi cực kỳ khoái hai hiệu Mango và Topshop, nhưng đồ của họ toàn kiểu váy và đầm, toàn hơi hở hở, nên tôi đành ngậm ngùi để ở nhà, chỉ dùng được đồ của mấy hiệu indie[1] nhỏ nhỏ ở quận Nhứt. Tôi nghĩ sau này tôi cũng sẽ mở một hiệu kiểu vậy, vì tôi chẳng nghĩ ra trò làm ăn gì khác. Rồi tôi phải cố lắm mới bỏ bớt một đôi giày cao gót, chỉ mang một đôi giày Adidas Superstar đen yêu thích. Tôi thích giày Adidas. Tôi có những ba đôi Superstar, một trắng, một đỏ, một đen. Để cho chắc ăn, tôi phòng hờ một đôi dép có quai hậu. Để cho gọn bớt tôi chỉ cầm theo hai thỏi son thay vì ba. Một thỏi màu cam đỏ và một thỏi màu hồng phấn. Tôi nghĩ kiểu gì cũng không loại được thứ nào nữa trong bộ đồ nghề trang điểm, nên tôi mang theo tất cả. Kem dưỡng da và kem chống nắng và kem dưỡng da trước khi đi ngủ và sữa rửa mặt cũng không thể để ở nhà được. Tôi đem theo toàn bộ số đồ lót thể thao mà có một dạo tôi sắm về để đi tập gym. Toàn bộ hiệu Adidas. Tôi tập được hai buổi thì bỏ nên cái nào cũng còn như mới. Nói chung, tôi không chịu được mấy thằng huấn luyện viên mồ hôi bóng nhỡn đi sàng qua sàng lại trước mặt trong mấy phòng tập gym. Tuy nhiên, tôi không quên kèm theo hai bộ đồ lót bình thường đề phòng trường hợp tôi cưa đổ được anh Thái. Tôi bỏ luôn cuốn Đoạn Tuyệt mà Thư A cho vào vali, phòng khi cần đọc để lên tinh thần. Tôi đem theo cái kính mát Gentle Monster Illusion GR1 gọn màu xanh ngọc bích trong suốt. Tôi nghĩ một cái kính mát là đủ. Và không thể để cái túi xách chéo màu bạc óng ánh dạ quang hiệu Chanel thừa hưởng từ bà má ở nhà được. Một bà bạn của bả đã tặng bả cái túi này, nhưng bả không xài được do nó nhìn quá trẻ so với gu của bả. Thế là tôi hưởng. Tôi mê nó lắm, vì nó đẹp và đắt dữ dội. Tôi không thể đi đâu mà không có nó bên mình, bởi tôi chứa tất cả những thứ bảo bối sống chết trong đó: khăn giấy tẩy trang, sữa rửa mặt, iPhone, dây sạc, son, tiền lẻ, son bóng, khăn giấy, băng vệ sinh dự phòng, dây cột tóc, sữa rửa tay, nước hoa bỏ túi vân vân và vân vân. Ban đầu tôi định để cái ốp lưng điện thoại Pikachu ở nhà vì nó quá cồng kềnh, có hai tai dựng ngược và đuôi dài các kiểu, nhưng tháo ra thì tôi thấy cái iPhone trần truồng kỳ cục, thế là tôi lại mang theo. Tóm lại hành lí của tôi chỉ đơn giản gọn gàng có vậy. Rồi tôi mua vé máy bay cả hai chiều. Chiều về sau chiều đi hai mươi ba ngày. Và tôi bay đi. Bay đi. Chương 4 Làm bộ với Thư A thì oai lắm, nhưng thiệt ra tôi sợ chết khiếp. Tôi đã từng du lịch ra nước ngoài một vài lần. Hai lần. Lần đầu là đi Bangkok và lần thứ hai là đến Seoul, với đám bạn, bảy đứa, trong đó có Thư A. Đối với tôi, trước giờ, đi du lịch nước ngoài đồng nghĩa với việc chuẩn bị trước cả hai ba tháng trời rồi cùng bạn bè bay đến một nơi xinh đẹp, một thành phố lớn đầy những khu mua sắm, mua và mua và mua và mua. Và chụp hình và chụp hình và chụp hình rồi đăng Instagram và Facebook kèm theo những câu kiểu “ôi tất cả những gì tôi mong muốn trong cuộc đời là những kỳ nghỉ”, trong khi nếu không đi nghỉ thì tôi cũng có bận bịu quái gì đâu. Bay đến Karachi là một chuyện hoàn toàn khác, lại còn bay một mình. Trước đây tôi chưa từng đi đâu một mình, kể cả đi từ nhà ra cà phê Sài Gòn Ơi cách nhà có ba bốn trăm mét tôi cũng nhứt quyết phải rủ con Thư A đi cùng cho bằng được. Ai mà chịu được chuyện phải đi đâu đó một mình chớ. Thế mà giờ tôi đang vác xác mập một mình qua tận Pakistan, vậy đủ thấy sức mạnh của tình yêu và khát vọng đoạn tuyệt nó lớn đến cỡ nào. Đối với tôi, Pakistan thuộc về cái tập hợp nhập nhằng các quốc gia bị dày vò bởi chiến tranh và xung đột tôn giáo cùng thứ trang phục rộng lùng thùng, cứ hễ trên mạng có bất kỳ tin tức gì liên quan đến Pakistan, hay một nước stan nào đó, thì đến quá nửa số trường hợp là tin về một vụ nổ bom chết mấy chục người làm bị thương mấy chục người. Kiểu, tôi mặc định gộp chung tất cả lại với nhau, Pakistan, Afghanistan, cái gì đó stan, cái gì đó stan, stan stan stan, Iran, Iraq, Syria… bỏ vô một cái hộp có nhãn “chiến tranh, Hồi giáo, tránh.” Pakistan là nơi Osama Bin Laden lẩn trốn lúc hắn còn sinh thời. Tôi biết vậy. Có bận tôi coi phim Zero Dark Thirty. Đại ý phim kể về cô nhân viên tình báo trẻ của CIA tóc đỏ mặt có tàn nhang theo đuổi dấu vết trùm khủng bố râu dài suốt mấy năm trời. Xong cuối cùng cô lùng ra được hắn đang trốn trong một cái nhà bự. Xong đội đặc nhiệm tới giết hắn bằng cách làm rơi một cái máy bay trong sân nhà hắn rồi lẻn vô nhà giả vờ kêu “Osama” để hắn lò đầu ra thì bắn chết. Cuối phim cô tình báo đáp máy bay về nước trong tình trạng nước mắt nước mũi be bét. Pakistan hiện lên trong phim dưới một bầu khí quyển vàng vọt, đầy bụi, còn bụi hơn cả Hàng Xanh. Những người đàn ông da nâu rậm râu bặm trợn ngồi không hoặc khổ cực làm lụng vất vả trong bộ đồ trắng tinh hết sức thiếu thực dụng. Những ngôi nhà vuông vức trên đường phố nghẹt người và xe cộ và bụi và các xe đẩy chở đầy trái cây và bụi và các xe ô tô bốn bánh cổ lỗ và bụi. Hình như cố ý, người ta khắc hoạ mọi thứ trong phim như thể sẵn sàng chết một cái chết bất ngờ đột ngột bởi một tiếng nổ long trời hoặc một đường đạn từ đâu bay tới vô tình đậu lên con tim đang đập hùng hục. Không lo sao được, khi anh hải quan ở sân bay Karachi cứ liên tục nhìn trân trối vô tôi rồi lại lục lục hộ chiếu của tôi rồi lại lặp lại quy trình trên năm lần bảy lượt. Kiểu, con bé mập này đang làm gì ở đây? Anh cuối cùng cũng lấy lại được bình tĩnh mà yêu cầu tôi khai cho ảnh địa chỉ của người sẽ chứa chấp tôi trong thời gian tôi lưu trú ở Karachi. Tôi đưa tờ giấy viết vội địa chỉ của anh Thái cho ảnh: Merijn van den Bosch. Hẻm 41, đường 19, Model Colony. Karachi. “Sao cô quen người này?” anh hải quan hỏi. “Bạn tôi.”, tôi trả lời, giọng run run. Dì Bảy nói anh Thái ở cùng với một đồng nghiệp, nên tôi đoán cái tên trên địa chỉ kia là tên thằng đồng nghiệp đó. Anh hải quan ghi chép vài dòng gì đó vô cuốn sổ để trên bàn, khẽ đưa mắt nhìn tôi lần nữa, cái nhìn không chất chứa mày-mập-quá. Xong ảnh đóng dấu cái đùng vô quyển hộ chiếu, tiếng động vang vọng khắp cả cái sảnh cao và mát lạnh lát đá hoa cương vàng lờ nhờ. Khác với cảnh tượng đông đúc thường thấy ở các sân bay lớn, giữa buổi chiều mà khu vực làm thủ tục nhập cảnh ở đây chỉ lưa thưa một số ít người, có vẻ như toàn là hành khách trên cùng chuyến bay với tôi. Anh hải quan nói: “Chào mừng đến Pakistan!” Đưa lại tôi quyển hộ chiếu, kèm một nụ cười nhẹ thân thiện, ảnh chỉ tôi vô một lối đi hẹp dẫn ra ngoài. Cuối lối có hai anh cảnh sát cầm súng máy săm soi cẩn thận hộ chiếu của tôi lần nữa, xong lại diễn tiếp vở nhìn-hộ-chiếu-nhìn-mặt mấy lần rồi mới chịu trả. Tôi cám ơn hai anh cảnh sát, nhét hộ chiếu cẩn thận vô túi áo trước ngực, con tim đang đập tưng tưng hồi hộp. Tôi đi ra ngoài mà bước chân chậm chạp như đưa đám. Một trong hai anh cảnh sát gọi với theo: “An toàn nha em!” Lời dặn dò này chỉ làm cơn sợ đang nhen nhóm trong lòng tôi bùng lên thêm. Tôi dừng lại quầy đổi tiền đổi năm trăm đôla Mỹ ra tiền Pakistan, kêu là rupee. Xong tôi hít một hơi dài, rồi tôi hít một hơi dài nữa, rồi tôi cất bước ra ngoài. Trước mặt tôi là một vùng sáng rộng lớn tạo ra bởi ánh nắng vàng và bầu trời xanh bên ngoài cửa. Khoảng mấy chục người đàn ông và vài người đàn bà đứng nhốn nháo ngoài cửa, vẫy vẫy tay cùng mấy tờ cáctông ghi tên người nhà hoặc khách quý bằng thứ ký tự giun bò. Đàn ông thì mặc trang phục giống kiểu áo dài Việt Nam nhưng may bằng vải cotton đơn giản và rộng hơn nhiều. Làm tôi liên tưởng tới kiểu đồ “quá cỡ” đang môđen hiện nay ở quận Nhứt. Cũng kiểu áo sơ mi dài nhưng quần thì ngắn tới nửa ống chân thôi, để lộ tất mô đen Hàn Quốc và giày mô đen ở dưới. Trong khi quần của những người đàn ông này dài có khi quẹt đất. Phụ nữ thì có vẻ phong phú hơn trong trang phục, một số người mặc loại áo dài may bằng vải có hoa, khăn trùm đầu màu đen hoặc cũng hoa hoè nốt. Một số người khác thì mặc thứ đồ tôi vẫn hay thấy trên TV chương trình thời sự: đen hoặc xanh da trời đậm, che cả người, bịt kín luôn mặt chỉ chừa cặp mắt. Bất giác tôi đứng giữa một thế giới khác hẳn. Gần như mọi đôi mắt từ đám đông kia bỗng dưng đổ dồn về phía tôi. Chiếu tướng. Không hẳn là cơn sợ mà là cảm giác bối rối không biết phải làm gì, phải xử lý gì tiếp theo. Hai đầu gối tôi nhũn ra. Tôi không bước nữa mà đứng nhìn quanh quất. Cái ba lô như trĩu xuống kéo tôi về phía sau. Đám người lạ lẫm kia che chắn hết cảnh quan bên ngoài, nhưng phía trên xa xa là lớp bụi vàng vọt gợi lại đúng cái cảm giác khô cằn mà tôi có khi coi phim Zero Dark Thirty. Trong một khoảnh khắc tôi chỉ muốn quay đầu đi ngược vô trong sân bay rồi kiếm cách bay về. Nhưng ngay cả việc đó tôi cũng không có đủ năng lượng để mà làm. Tôi chỉ đơn giản đứng đó. Bỗng một cái vỗ vai từ đâu hiện đến khiến tôi giựt bắn người. Đó là một tay thanh niên đeo kính mát bảy màu, có bộ râu quai nón cắt tỉa cẩn thận, làn da ngăm đen và cái miệng thì cười cười. Tôi liếc nhìn bàn tay hắn đang đặt trên vai mình: đầy đá quý, những viên đá quý màu đen, đỏ, xanh lục đậm, gắn trên những cái nhẫn to cộ bằng bạc. “Trùm mái tóc em lại.”, hắn nói. Chết cha, tôi quên mất, mái tóc dài nhuộm vàng của tôi đang xõa ra tung tóe. Tôi đã đọc trên mạng, theo phong tục ở đây thì tốt nhứt mái tóc của người phụ nữ không nên để lộ thiên giữa đường giữa sá, đặc biệt là khi nó được nhuộm vàng chóe như của tôi. Thiệt là gây sự chú ý quá sức. “Cám ơn. Anh là ai?”, tôi nói rồi trùm mũ áo khoác lên đầu, động tác này làm tôi có cảm giác mình như nhân vật trong một bộ phim hành động đang phải lẩn vô đám đông ở nơi xa lạ. “Anh là Alism. Lái xe taxi. Em cần đi đâu?”, hắn nhe răng cười. Tôi rút túi lấy tờ giấy ghi địa chỉ ra đưa cho hắn. Hắn liếc qua rồi hô giá bốn trăm rupee, vì cũng gần đây thôi. Tôi trả giá xuống còn ba trăm năm mươi, lấy lệ, vì ai mà biết giá cả ở đây chớ. Hắn nói ba trăm bảy mươi thì được, nể em là người ngoại quốc đấy. Tôi ừ luôn. Tôi muốn chui vô một cái taxi càng sớm càng tốt. Tôi muốn phóng đến chỗ anh Thái càng nhanh càng tốt. “OK.”, Alism đồng ý rồi đón lấy tay kéo cái vali của tôi, làm một động tác nghiêng đầu ra hiệu tôi đi theo hắn. Tôi đi theo hắn. Chương 5 “Wetnam? Em tới từ Wetnann?” “Không, Việt Nam. Việt Nam.” “Wietnam?” “Gần đúng rồi đó.” “Wietnam? Chỗ đó là chỗ nào?”, Alism hỏi bằng thứ tiếng Anh gấp khúc, giọng hắn trong, nhưng lại khàn khàn ở đâu đó sâu trong cổ họng. Năm phút đồng hồ đã trôi qua trên chiếc taxi bé chút xíu này, và tôi vẫn chưa thể bày cho hắn phát âm đúng tên nước. “Một quốc gia ở phía Nam Trung Quốc. Gần Thái Lan đó.” “À Thái Lan. Trung Quốc. Tên Wietnam nghe quen quen. Anh đã nghe ở đâu đó rồi.” “Tất nhiên là anh đã nghe đâu đó rồi.”, tôi thở dài ngao ngán. Trong xe không có máy lạnh mà chỉ có một cái quạt nhỏ quay quay, thổi ra thứ gió nực nực, thốc vô mặt vô mũi làm tôi khó thở. Tôi hỏi: “Em có thể mở cửa sổ ra cho mát được không?” “Bụi lắm.”, Alism nói, lắc lắc đầu. “Nhưng cũng được, nếu em nóng quá.” Bụi cũng được. Bụi ở Sài Gòn tôi còn chịu được, huống hồ bụi ở đây. Tôi xoay xoay tay vặn cổ lỗ sỉ, kêu è è. Tấm kính cửa sổ chạy xuống từ từ từ từ, một làn gió khét lẹt thổi tốc vô xe, mát rượi. Âm thanh cũng tràn vô, ngập cả xe, ù ù ù ù. Tiếng bình bịch của những chiếc xe máy đang chở trên đó những người phụ nữ đội khăn trùm, che mái tóc. Họ ngồi vắt vẻo sau xe, một tay bám lấy người đàn ông đang khom mình rồ ga. Những cái xe có bình xăng trước, cũ kỹ và trầy trụa. Có người đội mũ bảo hiểm, có người không hề đội, cứ để đầu trần trong gió. Bụi trong không khí dày và to hạt, tới mức bão hoà, làm tôi muốn hắt xì, tôi phải lấy tay che mũi lại. Bụi tạo thành những cơn cuồng phong cuốn vào thành từng đợt sóng, gây ra bởi một chiếc xe tải kỳ cục phóng như điên. Nếu không nhìn thấy trực tiếp thì tôi khó mà tin được trên đời này lại có dạng xe tải được trang trí kiểu vậy. Nó giống như mấy cái rạp xiếc di động, hoặc như mấy cái xe chở hòm của người Hoa ở quận Năm, hoặc một thứ gì đó còn hơn gấp vạn lần như vậy. Hãy tưởng tượng cái bàn thờ đầy hàng mã nhà bạn đang phóng như bay trên đường. Nó mang trên mình một con công khổng lồ. Đầu công là một cái tượng bằng nhôm hay gì đấy, gắn phía trên đầu khoang lái. Đuôi công được vẽ vắt ra sau thùng hàng, lấp lánh kim tuyến. Cả cái xe màu đỏ, còn con công thì màu xanh. Phía trước xe còn gắn thêm hai thanh thép bự, tua tủa những lông đủ màu, như hai cái chổi lông gà. Tôi quay qua hỏi Alism: “Xe gì vậy?” “Xe tải.”, hắn nói, dửng dưng. “Xe tải chở gì mà nhìn như cái đình di động vậy?” “Xe chở đất đá hay gì đó.”, hắn cười cười. “Xe chở đất đá mà vậy hả?” “Ừ, phần lớn xe tải ở Karachi đều vậy.”, hắn chỉ tay về phía trước, chếch qua bên trái. “Nhìn kìa, thêm một chiếc nữa nè.” Tôi nhìn theo tay hắn chỉ. Đúng là một chiếc nữa, cũng diêm dúa không kém. Nếu là một chiếc xe tải thì chắc tôi sẽ là một chiếc dạng này. Tôi tròn xoe mắt, chưa gì mà đã như ở xứ thần tiên. Tôi lại bịt mũi nhìn ra cửa sổ. Phần lớn xe hơi đang chạy đều là loại xe kiểu như chiếc tôi đang ngồi đây. Nó là loại xe màu trắng, hiệu Suzuki, nhỏ, vuông vức giống hồi mấy chục năm trước. Thỉnh thoảng lắm mới có một chiếc Honda hay Toyota kiểu dáng mới chạy xẹt qua. Cây cối hai bên đường vàng và xơ xác, một phần cũng do bụi bám đầy hết các lá màu xanh, cỏ lau mọc đầy dưới đất. Tôi đang đi trên xa lộ, nhanh vun vút. Rồi đột ngột nhà cửa xuất hiện. Từ cả hai bên. Những khối nhà cũ kỹ, màu xám hoặc màu bìa cạctông buồn rầu, là mặt ngoài của một rừng nhà cửa bạt ngàn, xếp chồng xếp lớp, chen chúc nhau mà mọc. Vỉa hè không tồn tại, hoặc tồn tại dưới dạng vết tích còn sót lại từ đời nảo đời nào. Nhà cửa không cao lắm, cùng lắm chỉ hai ba tầng. Xe chạy lên một cái cầu vượt, tôi thấy rừng nhà cửa kéo dài ra tận chân trời xa xa. Tầm mắt của tôi không bao quát hết được. Thỉnh thoảng, từ trong đó nhô lên một vài ngọn tháp cao gầy, đội trên đầu một cái chòi nhỏ có cửa sổ, trên đỉnh có một thanh thép thu lôi. Có một số tháp không đội chòi mà đội cỡ bốn cái loa phóng thanh khổng lồ. Chúng như tầng thực vật cao nhứt trong một khu rừng rậm nhiệt đới. Tôi hỏi Alism: “Những ngọn tháp cao kia là gì vậy?” “Đó là những cột tháp của các thánh đường, kêu là các minaret. Chúng được dùng để gọi người ta đi cầu nguyện. Mỗi ngày năm lần. Lời gọi đó kêu là azan.”, Alism nói như kiểu một hướng dẫn viên du lịch. Tôi lại chăm chú ngắm đường phố. Một số ngôi nhà ở lớp ngoài cùng, chìa mặt ra đường có bờ tường được tận dụng làm bảng quảng cáo cho Fanta, Pepsi hoặc thứ gì đó có vẻ như là các nhãn bánh kẹo địa phương, xe cộ hoặc một hãng viễn thông nào đó, tạo thành các ốc đảo màu sắc giữa biển tường lờ nhờ trung tính. Rất nhiều xe bán trái cây và đồ ăn dạo, treo đầy các cột chuối, táo, cam, ổi, nho này nọ. Được rắc đều và dày lên toàn bộ là con người, đang vội vã hoặc chậm rãi đi đâu đó, làm gì đó, hoặc đơn giản là đứng ngơ ngác. Ánh nắng buổi chiều nhuộm toàn bộ cái kiến trúc đó và những chủ nhân của nó trong một màu vàng nóng bức ngột ngạt. Cái khung cảnh này, lần đầu tiên tôi trực tiếp thấy trong đời. Nó không hẳn là điêu tàn, ngược lại, khá có sức sống, nhưng nó bụi bặm, lộn xộn và có gì đó rất thiếu chăm chút, và rất thiếu niềm nô nức. Và rất nghiêm túc. Kiểu, tại sao người ta chỉ sơn nhà bằng những màu nhàm chán đó? Phải chăng tâm hồn người ta thiếu vui sống hát ca nhảy múa đến vậy? Hay ở đây đang có môđen tông màu kiểu đó? “Anh sinh ra ở thành phố này hả?”, tôi gợi chuyện. “Thành phố?” “Ý em là anh sinh ra ở Karachi?” “Karachi. À không, anh sinh ra ở nơi khác, nhưng anh sống ở đây.” “Cả gia đình anh ở đây?” “Không. Anh không có gia đình. Chưa lấy vợ.” “Ba má anh?” “Ba má anh sống ở Lahore.” “Lahore là ở đâu?”, tôi hỏi. Tôi thiệt tình không nhớ lắm mấy cái thông tin sơ sài đã đọc lúc còn ở Sài Gòn và Hà Nội. Nói chung tôi đọc cho vui vậy thôi, chớ có đọc kỹ tôi cũng chẳng nhớ. “Lahore ở phía Đông Bắc. Gần biên giới Ấn Độ.”, Alism cười mím, phẩy tay. “Em sang nước anh làm gì? Buôn da bò?” “Tại sao lại là buôn da bò? Không. Em sang thăm bạn em.” “Bạn em? Bạn em là người Pakistan?” “Bạn em là người Việt Nam.” “À, lại một người Wietnam nữa. Em lấy chồng chưa?” “Tất nhiên là chưa.” “Tại sao chưa?” “Thì chưa lấy chớ sao. Trời, hỏi gì kỳ.” “Em có bạn trai?” “Có. Hoặc không.” “Người em đang đi thăm là bạn trai em?” “Không. Hy vọng là đúng vậy.” “Em có quan hệ tình dục với bạn trai em?” “Ơ… có.” “Tại sao?” “Tại sao anh hỏi vậy? Và tại sao anh hỏi tại sao? Trời ơi anh bị điên hả?” Alism có vẻ bất ngờ vì thái độ của tôi. Hắn quay qua nhìn tôi trong vòng hai giây rồi lại tập trung lái xe. Ánh nắng chiều chiếu vô cặp kính mát của hắn lấp lánh. Tôi không cảm thấy bị đe doạ bởi sự kỳ quặc của hắn. Trái lại, cảm thấy hắn khờ khờ, hoặc có lẽ do hắn sinh trưởng trong một nền văn hoá quá khác biệt với tôi. Tôi nghe nói người đạo Hồi rất nghiêm ngặt trong chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân. Alism chắc cũng lớn lên với những quan niệm như vậy ghim trong đầu. “Anh mấy tuổi rồi?” “Ba mươi.” Trời đất ơi, ba mươi tuổi. Tôi đoán hắn vẫn còn trinh. Hắn thỉnh thoảng quay qua nhìn tôi cười, kính mát trễ xuống, lộ ra đôi mắt màu nâu nhạt lung linh, hệt như màu kính áp tròng tôi hay đeo mỗi dịp cần ăn diện hơn bình thường chút đỉnh. Mười tiếng đồng hồ trên máy bay khiến tôi bắt đầu thấm mệt. Mùi khét nhè nhẹ vẫn theo gió ùa vô dù cho xe đã đi vô một khu vực phố xá khá đông đúc nhộn nhịp. Alism nhìn vô tờ giấy ghi địa chỉ rồi cho xe chạy chậm lại, quẹo vô một con đường bên tay phải. Không rõ đây là một con hẻm bự đủ cho một chiếc ô tô rưỡi ra vô hay là một con phố rất nhỏ rất cũ. Mặt đường gồ ghề đầy những rác và nước đọng. Chiếc xe rù rì chạy ngang qua một con quạ chết nằm trên đường, ruột lòng tim gan phơi ra. Cảnh vật nhếch nhác bụi bặm này làm tinh thần tôi hơi chùng xuống một ít, dù cho vẫn còn hớn hở lắm, vì sắp được gặp anh Thái. Nhà cửa hai bên cái nào cái nấy ít ra là hai ba tầng, thông ra đường bằng những cánh cổng sắt đóng kín mít bít bùng: Kể cả những khe hở giữa các thanh sắt cũng được gia cố thêm bằng lưới mắt siêu nhỏ, làm như có một sự kiện nào đó đã đột ngột làm cho người ta quyết định rằng họ không thể chịu nổi việc người qua đường có thể vô tình nhìn thấy một mảnh vụn của những gì ở bên trong. Thứ duy nhứt mở ra từ những bức tường ở đây là mấy ô cửa sổ bự mở toang ra một khoảng không gian nhỏ làm nơi trưng bày các loại nhu yếu phẩm hàng ngày như Fanta, Pepsi, thuốc lá, dầu gội đầu hay nước rửa bát gì đó treo thành từng dây lủng lẳng. Người bán hàng luôn là đàn ông. Kiểu, phụ nữ đã đi đâu đó hết. Mặc dù tôi biết là họ ở đâu đó phía sau những bức tường kia, những cánh cổng kia, nhưng sự vắng mặt đó vẫn làm tôi thấy rờn rợn. Nhưng tôi lại mau chóng tươi lên khi quay ngược trở lại với anh Thái. Dù mọi thứ có điêu tàn thế nào đi nữa thì tôi cũng sắp được gặp ảnh. Tôi tưởng tượng phản ứng của ảnh, những gì ảnh nói với tôi khi thấy tôi đứng trước cửa. Trời ơi, chắc sẽ tuyệt lắm đây. Dù ảnh có chưa yêu tôi như tôi yêu ảnh, nhưng ai lại cự tuyệt một cô gái mang thân mập vượt nghìn trùng sang tận đây tìm mình chớ. Và kể ra tôi cũng khùng lắm chớ đâu phải dạng tiểu thư bánh bèo. “Aaaaaa.”, Alism đột ngột la lên. “Cái gì vậy?” “Anh nhớ ra rồi. Anh đã chở một người Wietnam cách đây tầm ba tháng. Cũng đi vô đúng khu này.” “Hả???”, tôi đột ngột cảm thấy như thế giới này thiệt nhỏ bé, hoặc Pakistan này thiệt nhỏ bé. “Người đó nhìn như thế nào.” “Một thanh niên. Trẻ hơn anh vài tuổi. Tóc dài.” “Ối trời ơi, bạn trai em đó.”, tôi cả mừng, nhận bừa mà không biết ngượng. “Thế à? Đó là người mà em đang đến thăm.” “Ừ đúng.” “Nhưng nó đã đi cách đây hai tuần rồi mà.” “Hảả???” “Cách đây hai tuần đích thân anh đã chở nó ra bến xe đò.” “Sao có chuyện đó được?”, tôi cảm thấy như sàn xe hụt xuống. Thiệt quá sốc. Mồm tôi há hốc, trợn mắt nhìn Alism đang lúng túng. “Đúng mà.”, hắn thắng xe cái kịch. “Chính nhà này.”, hắn nói và chỉ tay hướng ra cửa sổ bên phía chỗ ngồi của tôi. Theo tay hắn chỉ, tôi thấy một căn nhà có cổng sắt cao màu xám, có lưới mắt cá nhỏ. Đóng im ỉm. “Vậy em biết làm gì bây giờ?”, cả hai cơn, cơn sợ và cơn hoảng loạn đột ngột dâng lên trong não tôi. Tôi quay qua hắn, như thể hắn là người duy nhứt tôi có thể dựa dẫm vô được lúc này, mà đúng thế còn gì. Tôi đang đối diện với thất bại ê chề, gây ra bởi sự chủ quan hoặc sự hớn trai của tôi, hoặc cả hai. Tôi bí mật sang đây để gây bất ngờ cho anh Thái, dè đâu chưa gì mà chính tôi đã phải đóng vai người bị bất ngờ trước. Chắc chết quá, nếu đúng như lời hắn nói, nếu anh Thái đã đi đâu đó rồi, thì tôi chỉ có nước chết. Tôi xoay xở làm sao giữa chốn này? Chương 6 Alism đứng lóng ngóng bên cạnh trong lúc tôi bấm chuông cửa. Thái độ của hắn rất tội nghiệp, làm như chính hắn là người gây lỗi, là lý do gây ra tai ương của tôi. Hắn cứ nhìn quanh quất rồi lại nhìn tôi, kiểu, chỉ muốn biến khỏi đây càng nhanh càng tốt. Sau hồi chuông thứ ba thì có tiếng dép lẹt xẹt vọng ra từ trong nhà, ai đó đang mở khoá cửa từ bên trong. Trong vòng hai giây trong tôi dấy lên một hy vọng rằng đó chính là anh Thái, rằng ảnh có thể chỉ đi đâu đó vài ngày rồi về. Thế nhưng khi cổng mở ra, người đó là một thằng Tây cao lêu nghêu, tóc xù xoăn tít, râu ria rậm rạp. Hắn ngơ ngác hỏi: “Ơ ai đây. Anh chị là ai? Em đến tìm Thái à?” “Sao anh biết em đến tìm anh Thái? Anh Thái có ở nhà không?” “Em là một người Đông Á. Thái cũng là người Đông Á, dễ liên kết mà. Nhưng Thái đã đi lên phía Bắc từ hai tuần trước rồi.”, hắn đáp, “Em có quan hệ gì với Thái?” “Em là bạn anh Thái. Anh Thái đang đi đâu vậy? Ảnh có quay lại đây không?”, tôi hỏi dồn, “Bao giờ thì ảnh quay lại?” “Anh không biết Thái đi đâu nữa. Và chắc là nó sẽ không quay lại đâu. Nhưng sao em lại sang tận đây tìm Thái? Có việc gì gấp à?” Thôi chết cha. Hãm vãi. Tôi ngồi phịch xuống đất, vò đầu bứt tai. Ở nhà mỗi lần con Thư A làm vậy là bị tôi chỉ trích ngay, bây giờ thì đến lượt tôi. Tôi muốn ăn vạ một lúc, nên cứ ngồi thế, úp mặt vô hai bàn tay. Thấy chưa, lẽ ra tôi nên liên lạc trước với anh Thái thì hơn. Trời đất ơi. Cuộc đời tôi ấy mà, nó khổ cực và bi kịch không bút mực nào tả cho được. Có tiếng Alism mở cốp xe lấy hành lý của tôi ra và tiếng tên người Tây hỏi hắn: “Anh đưa cổ từ sân bay về đây à?” “Vâng, một cô gái xấu số.” “Không đến nỗi nào. Cứ để xuống đó được rồi. Tôi sẽ lo phần còn lại.” “Cám ơn.” Có ai đó vỗ vai tôi nhẹ một cái, kiểu an ủi, xong tiếng cửa xe đóng cái uỳnh rồi tiếng động cơ xe đi từ từ ra xa. Tôi cứ ngồi thế, chẳng thiết gì. Thiệt, chẳng phải tôi chán chường gì, nhưng tôi biết phải làm gì tiếp theo đây? Còn những hai mươi ngày nữa mới đến ngày bay về, không lẽ lại đổi vé bay về ngay ngày mai? Tên người Tây nói: “Em đứng dậy đi. Không có gì phải lo. Anh là bạn của Thái. Tên Merijn. Merijn van den Bosch.” Tôi dụi dụi mắt, đứng dậy vén vén lại đầu tóc rồi khai tên. Nhàn. Thanh Nhàn. Trời ơi, tên thì tên Thanh Nhàn, mà đã không “thanh” rồi, giờ còn không “nhàn” nốt. Số đen gì đâu. Merijn thấy thái độ của tôi, cười cười nói: “Em cứ ở tạm đây. Phòng của Thái còn trống. Xong rồi tính tiếp. Anh không biết bao giờ Thái về. Cũng có thể chỉ vài ngày nữa.”, đoạn hắn chủ động kéo cái vali to bự của tôi vô trong nhà. Tôi ôm cái balô đi theo sau. Tôi cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài tin hắn. Địa chỉ này là do dì Bảy đưa cho, mà hắn rõ ràng là có biết anh Thái. Hắn nhắc tới tên ảnh trước cả khi tôi kịp nói ra. Hắn quay lại hỏi tiếp: “Em không nói cho Thái biết chuyện em sang thăm hả? Sao đường đột vậy?” “Em tính gây bất ngờ cho ảnh.” “Cũng cứng đó,”, Merijn cả cười, “em gái anh, có cho tiền cũng không dám sang đây thăm.” Cánh cửa gỗ kêu rít lên mở ra một phòng khách âm u, ẩm thấp, giữa phòng có một cái sôpha bự bọc vải nhung màu nâu nâu vàng vàng, có thêu chỉ vàng kim tuyến nhung đã sờn hết cả. Một cái bàn kiểu tiếp khách có mặt kính cáu bẩn, trên bàn có độc một cái gạt tàn thuốc đầy ứ, tàn rơi vãi tung tóe. Trên tường, bên cạnh cái TV màn hình phẳng khá bự, treo một tấm ảnh thánh địa Mecca với vài dòng chữ loằng ngoằng. Không có một cái cửa sổ nào. Ban ngày mà vẫn phải bật đèn. Ánh đèn neon trắng nhợt tạo cho tôi cảm giác buồn bã ủ rũ. Chắc Merijn cũng tự ý thức được tình trạng nghèo nàn của phòng khách, hắn bỏ qua, dẫn tôi tới một cái cầu thang tối tăm dẫn lên tầng trên. “Phòng trước đây của Thái ở tầng trên. Em cứ lên đó nghỉ trước đi rồi lát nữa xuống ăn tối và nói chuyện sau. Cứ yên tâm. Ở đây an toàn.” Tôi chỉ gục đầu thở dài. Cảnh tượng cũ nát tối hù này làm tôi đã rối lại càng thêm chán chường. Trong tưởng tượng của tôi, lẽ ra giờ này tôi và anh Thái đang gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Thực tế bây giờ thì chỉ có mình tôi và chỉ có tủi thôi, không có mừng. Các bậc thang được bọc bằng một thứ vải cũ xì rách bươm, đến nỗi bạn có thể cảm thấy những gì giày dép của những người đi trước để lại sau cả mấy chục năm đi lên đi xuống. Phía trên, khá bất ngờ, là một ban công rộng sáng sủa. Bên hông là một cánh cửa gỗ. Merijn đẩy cửa ra, dẫn tôi vô một căn phòng nhỏ không có gì khác ngoài một cái quạt trần, một cái cửa sổ nhỏ bọc lưới mắt cáo và một cái giường đơn, vải bọc đệm in hoa văn hài hoà hết sức. Và một buồng vệ sinh. “Mọi thứ vẫn sạch sẽ, chỉ không có Thái.”, Merijn nói, giọng buồn buồn, “toàn bộ nội thất trong nhà là do chủ cho thuê nhà để lại. Anh đã giặt giũ cẩn thận rồi.” “Anh quen anh Thái như thế nào?” “Anh làm việc chung hãng tin với Thái gần một năm nay rồi. Lẽ ra anh nên để ý kỹ hơn về tung tích của nó, trong trường hợp có một cô gái đến tìm. Anh sẽ kể nhiều hơn trong bữa tối. Giờ em cứ nghỉ đi.” Tôi chỉ mỉm cười mà không nói gì, bật đèn phòng vệ sinh thò đầu nhìn vô trong. May phước là mọi thứ sạch sẽ tinh tươm. Có điều bồn cầu là loại ngồi xổm giống trong mấy nhà vệ sinh công cộng đời cũ ở quận Năm hoặc quận Tám hoặc nhà vệ sinh ở trường cấp một của tôi. Tường nhà vệ sinh lát gạch men có màu như kiểu bạn làm đổ cà phê sữa lên áo trắng. Bên cạnh bồn cầu có một vòi nước và một cái bình bằng nhựa theo kiểu Ba Tư, loại bình có tay cầm và cái vòi dài, bạn nhớ cái đèn trong phim hoạt hình Aladin Và Cây Đèn Thần không? “Không có vòi xịt, không có giấy?” “Em cho nước vô cái bình kia. Chà xát một chút. Một ông thần sẽ hiện ra làm vệ sinh cho em. Ha ha.” “Eo ơi…” “Chào mừng đến với thế giới, cô bé.”, Merijn vỗ vai tôi thân thiện. Tôi cảm thấy một nỗi nhớ nhà nhẹ nhẹ dâng lên trong lòng, bên cạnh cảm giác rối bời của thất bại. Tôi nhớ chỗ ngồi quen thuộc của mình ở Starbucks đường Nguyễn Huệ, giờ này thường ngày là lúc tôi bắt đầu một buổi tối dài với Thư A, Vũ Trọng Phụng và có thể có cả năm anh em pêđê. Tôi ngồi phịch xuống cái giường, nhìn lên Merijn đang đứng chống nạnh giữa phòng cười cười lóng ngóng. “Anh sẽ đi làm bữa tối.”, hắn nói, “Em có ba tiếng để nghỉ một chút. Tối nay tụi mình sẽ ăn đậu và gà.” Tôi nhe răng cười biết ơn rồi nằm dài ra, mắt bắt đầu nhắm lại khi cơn mệt dần dần xâm chiếm cơ thể mập. Những tia nắng cuối cùng của ngày lịm qua khung cửa sổ. Tiếng cửa khép lại và tiếng chân Merijn đi xuống cầu thang nhỏ dần. Đột ngột trong không khí tràn ngập một âm thanh dài, ấm, hào sảng, bắt nguồn từ một thánh đường nào đó quanh đây. Tôi đoán là tiếng azan gọi bà con đi cầu nguyện mà Alism đã nhắc tới trên xe taxi. Tôi thấy ngạc nhiên vì mình nhớ được chữ azan đó. Đôi khi tôi ngẫu nhiên làm được những kỳ tích mà mình không ngờ tới. Tôi không rõ âm thanh đó là do người ta thu âm sẵn hay cứ tới giờ là có người lên hát live. Nhưng hát trôi chảy không tì vết như thế này thì tôi nghĩ là thu âm sẵn rồi. Cái âm thanh đó, kỳ lạ làm sao, lại làm tôi thấy yên ổn hơn một chút, kiểu, đằm xuống một chút, tĩnh lặng hơn một chút. Tôi đang ở xa nhà quá. Suy nghĩ cuối cùng xẹt qua não tôi trước khi tâm trí lụi đi trong giấc ngủ dần dần xâm chiếm là chết cha quên tẩy trang rồi. Nhưng mà thôi, cứ ngủ đã, dậy rồi tính tiếp. Chương 7 Tôi thức giấc khi căn phòng đã ngập trong bóng tối. Ánh sáng nhờ nhờ mà ô cửa sổ cung cấp chỉ đủ vẽ lên một hình tứ giác nhợt nhạt ở trung tâm phòng. Tôi sờ soạng chộp lấy điện thoại thấy đồng hồ đã chỉ mười hai giờ đêm. May quá, thì ra là chưa chỉnh lại múi giờ, mới chỉ bảy giờ tối giờ địa phương. Tôi lại lần mò tìm công tắc bật đèn. Sau hai cái nháy rõ ồn thì căn phòng trở nên sáng choang. Cái vali bự chảng của tôi được để ngăn nắp trong góc phòng. Merijn tử tế. Trên cái kệ gần cửa ra vô có một mẩu giấy nhỏ. Chữ viết như gà bới mà tôi đoán là của hắn: Wifi: Amsterdam. Password: amsterdamadafaka0l0l Có khoảng ba chục cái thông báo. Tôi tưởng tượng tiếng í ới bắng nhắng của Thư A trong đầu. Sự vội vàng xúm xít của nó, muốn biết mọi chuyện đang thế nào rồi, tôi đã yên ổn dưới mái nhà nào chưa, đã gặp anh Thái chưa, ảnh phản ứng thế nào khi thấy tôi. Tôi nhớ nó dễ sợ, biết phải giải thích với nó thế nào. Ba đứa lạ hoắc nào đó vừa like cái ảnh tôi và Vũ Trọng Phụng. Một tin nhắn của má hỏi thăm sức khoẻ bà trẻ, có vẻ đã được Thư A trả lời dối trá rực rỡ. Khoảng gần hai chục lượt like và comment từ Facebook. Cuộc đời bình thường ập đến với tôi thông qua màn hình điện thoại. Như một mảnh cửa sổ nhỏ mở xuyên không gian, nối căn phòng nhỏ này ở Karachi tới chân tháp Bitexco, tới góc ngã tư Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp. Tôi vô Facebook của anh Thái, không thấy có gì mới, lần cuối cùng ảnh online là tận năm ngày trước. Tôi muốn thông báo cho ảnh biết là tôi đang ở đây, ngay trong căn phòng cũ của ảnh ở Karachi. Làm vậy thì yếu tố bất ngờ bị giảm xuống kha khá, khi đọc được tin nhắn ảnh hẳn sẽ vẫn rất bất ngờ, nhưng mà chắc chắn sẽ không hay ho bằng chuyện tôi tới gõ tận cửa nhà ảnh rồi. Cũng không còn cách nào khác, giờ thì biết cửa của ảnh ở đâu mà gõ? Thế là tôi nhắn cho anh Thái: “Anh Thái ơi. Anh biết gì hông? Hông hả? Em đang ngồi ngay trong căn phòng của anh ở Karachi nè. Em nhớ anh quá nên qua thăm, địa chỉ xin của dì Bảy. Nhưng qua tới nơi thì anh đi đâu mất tiêu. Anh đi đâu vậy? Bao giờ anh quay lại đây? Em còn ở Pakistan thêm ba tuần nữa. Em có nhiều thứ muốn nói với anh lắm. Hồi anh còn ở Sài Gòn thì em nhát nên không dám nói, giờ phải qua tận đây đó. Anh nhận được tin nhắn thì trả lời em nhanh nghen. À, hồi chiều em đi taxi từ sân bay về nhà, gặp đúng chiếc taxi đã chở anh luôn đó. Của một thằng tên là Alism. Trùng hợp ghê.” Bấm nút gửi xong, tôi xoay qua gọi cho Thư A trên Skype. Sau hai tiếng tút tút thì gương mặt ngơ ngác, một mí của nó đổ đầy màn hình. Nó cười toe toét, cơn thở phào nhẹ nhõm của nó lộ liễu tới mức tôi cũng thấy hên hên. “Ôi trời đất ơi. May phước. Em lạy chị. Chị đây rồi. Ngồi chờ từ sááng giờ.” Nước mắt tôi lưng tròng, kiểu, ứa ra. Nhoà. Tôi nhận ra mình chưa bao giờ xa Thư A dữ vậy. Những năm múi giờ. “Em nhớ chị quá, Thư ơi.”, tôi mếu máo. Xong tôi kể cho nó nghe toàn bộ sự vụ, rằng anh Thái đã đi đâu mất tiêu và tôi đang không biết phải làm gì ở đây cho đến lúc về và đổi vé máy bay thì vừa tốn tiền lại vừa quê. Thư A oà khóc luôn. Nó nhứt quyết đòi tôi phải về ngay trong ngày mai nếu không nó và Vũ Trọng Phụng sẽ phát ốm vì lo lắng cho tôi. Lỡ có vụ đánh bom thì sao. Lỡ tôi mắc kẹt luôn ở đây không về được thì sao. Lỡ tôi hết tiền thì sao. Không có anh Thái, làm sao tôi có thể sống quá một ngày được. Và tình yêu ấy mà, dù sao thì nó cũng không phải là thứ vĩnh hằng như người ta thường nói, tình bạn mới là mãi mãi mày ạ. Rồi nó cứ tu tu gì đó về việc, mắc mớ gì phải hành xác dữ vậy, cứ kệ, cứ về đi, tình yêu tình báo tính sau. Rồi thì Vũ Trọng Phụng nhớ mày dữ lắm. Rồi thì hôm qua giờ tao bán được sáu bộ dây cột tóc Sky Blue vân vân và vân vân. “Tình hình sao rồi? Mày đang ở nhà thằng Tây đó đó hả?”, Thư A lau nước mắt bằng tay áo thun dài tay của nó, màu hồng phấn nhạt. “Áo mới hả? Của thằng Tín?”, tôi mếu máo. Cũng dụi dụi nước mắt. “Ờ. Mẫu mới. Mới đăng Instagram rồi.” Tôi còn đầu óc đâu mà áo với quần chớ, nên tôi quay qua hỏi nó về tình hình buôn bán ở nhà. “Hôm qua bán được ba bộ Blue Sky. Một bộ Spring Pink. Có con nhỏ đòi giao qua tận Tân Bình. Xong chê hai mươi ngàn tiền phí giao hàng là quáá mắc.”, Thư A báo cáo. “Máá.”, tôi ghét bọn khách hàng cà chớn kinh khủng. Khi bạn làm kinh doanh rồi bạn mới biết, trên đời này có nhiều loại người hành xử quái đản không theo bất kỳ quy ước chung nào về lịch sự và lễ độ. “Xong tao nói vậy thôi bạn qua đây lấy đi. Nha.”, Thư A trề môi, mặt ác độc. Nó chỉ độc ác mỗi khi nói về khách hàng. “Xong nó mới chịu miễn cưỡng trả tiền. Còn làm mặt buồn nữa. Mua dây cột tóc mà làm như má người ta.” “Tao chỉ muốn về đi giao dây cột tóc thôi. Hu hu. Trời nắng nóng thì tao bịt hết lại. Tao nhớ nhà quá.” Thư A lại oà khóc. Tru tréo và than thở về quyết định nông nổi và số phận hẩm hiu của tôi. Tôi đã quá quen với kiểu mít ướt của nó rồi, bình thường tôi sẽ chỉ trề môi ngao ngán, nhưng giờ tôi cũng nước mắt theo nó luôn. Phải mất một lúc sau cả hai đứa mới bình tĩnh lại. Tôi moi khăn giấy ướt từ trong vali ra lau hết trang điểm trên mặt. Thư A thì lau nước mắt vô bộ lông vàng của Vũ Trọng Phụng. Con mèo tỏ vẻ dễ chịu, khuôn mặt nhăn nhó của nó hơi giãn ra, mắt lờ đờ nhìn tôi trong màn hình. “Má mày. Bả gọi ngày hôm qua. Đang lúc tao đang đi chơi với đám Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín.” Thư A cập nhật tình hình. “May mà tao để điện thoại im. Xong lúc về tao nhắn lại là xin lỗi má, con đang vặt lông gà nấu cháo với bà trẻ. Ha ha.” “Xuất sắc. Nhập vai đó. Thèm thịt gà quá trời ơơi.” “Thằng Tuấn Anh nhắn một tràng. Ha ha ha.” Thư A cười ré lên, Vũ Trọng Phụng giựt mình biến mất khỏi khung hình. “Mày thích thổi lỗ rún nó kêu như kèn vuvuzela hả?” Tôi không rõ mặt mình đang tím hay đang đỏ. Chỉ thấy nóng ran. Tôi xấu hổ muốn độn thổ được. Chẳng thấy mặt Thư A đâu, trong webcam chỉ thấy hai chân nó chỉa lên trời quẫy quẫy như kiểu đang đạp xe đạp lộn ngược. Nó cười liên thanh. Tôi quên mất là thằng Tuấn Anh khoái trò nhắn tin lăng loàn, kể cả bây giờ, nó vẫn dùng chiêu đó để lôi kéo tôi trở lại. Thú thiệt là cũng có vài lần tôi mắc bẫy. “Thôi đi.” “Ha ha ha ha ha. Ha ha. Ha ha ha.” Hai chân nó bây giờ ngoáy lộn xộn không theo bài bản nào cả. Tôi cố lái câu chuyện trở lại vấn đề chính: “Vậy không có gì mới?” “Nó vẫn yêu mày như lúc đầu. Lúc hai đứa gặp nhau lần đầu ở quán Le Pub. Anh nhớ mãi điệu bộ dỗi hờn của em, dù chúng ta chỉ mới gặp nhau lần đầu. Đã ba năm rồi em nhỉ.” Đoạn nó lăn ra cười tiếp, đạp đạp chân xuống giường đệm làm khung hình xóc đùng đùng. Thiệt là sai lầm. Sai lầm to và tai hại. Đi đến tận đây tìm anh Thái mà chuẩn bị hậu phương một cách cẩu thả, đời sống riêng tư phơi bày ra hết với con bạn thân. Rõ, nó là bạn thân, nhưng mất mặt đến thế này thì… Bỗng đèn tắt cái phụt. Tôi la lên oái một cái khe khẽ. Đèn trong phòng tắt. Đèn bên ngoài cũng tắt nốt. Hình tứ giác nhợt nhạt giữa phòng cũng không còn. Nguồn sáng duy nhứt còn lại là từ màn hình điện thoại của tôi, lúc này đang phản ánh khung hình bất động của căn phòng Thư A và cặp chân nó đang ngoáy như hai cái cột đình mờ ảo. Bất động, mạng đã bị ngắt. Nỗi sợ dâng lên trong tôi ào ào. Tôi hét toáng gọi Merijn. Hét thêm vài lần nữa thì có tiếng gầm gừ rồi tiếng nổ của một động cơ không ống pô, đâu đó phát ra từ nhà bên cạnh. Đèn nhà bên đó lại bật sáng, hình tứ giác nhợt nhạt lại xuất hiện. Lại có vài động cơ khác bắt đầu thức giấc từ tứ phía xung quanh. Tôi dòm qua ô cửa sổ, từng nhà lại sáng đèn, một cái TV hay đài radio nào đó lại tiếp tục hát léo nhéo. Rồi một tiếng động cơ cuối cùng cũng cất lên từ tầng dưới. Hai giây sau đèn trong phòng tôi lại bật sáng. Chói loá cả mắt. Có tiếng Merijn chạy rầm rầm lên cầu thang. Tiếng gõ ở cửa, mời vô. Merijn đẩy cửa bước vô, trên tay vẫn còn cầm cái đèn pin đã tắt, miệng thì cười. “Do tình trạng thiếu điện trầm trọng mà ở đây cứ vài ba tiếng lại cúp điện một lần. Khoảng một tiếng thì có lại.” Thấy tôi chỉ nhún vai, hắn he răng cười giải thích rằng máy phát điện chạy xăng của Honda bán đắt như tôm tươi, nhà nào cũng có một cái. Xong, hình như hiểu ra tôi đang bị sốc, hắn thông báo rằng gà nấu cà ri đã sẵn sàng, tôi có thể xuống nhà ăn cùng sau năm phút nữa. Xong, quay lưng đi thẳng, đóng cửa phòng nhè nhẹ. Tiếng máy phát điện từ bốn phương tám hướng làm tôi có cảm giác mình đang ngồi giữa một trường đua xe công thức một. Tôi thở dài một cái, dựa lưng vô tường, duỗi hai chân, nước mắt bắt đầu chảy. Tôi thấy hết sức lạc quẻ. Tôi thấy tôi chẳng ăn nhập gì ở đây cả. Tôi mếu máo thầm đổ tội cho anh Thái, đổ luôn cho cả Thư A và mọi người. Tôi nhớ nhà. Và tôi muốn về. Tôi nhớ anh Thái. Nhớ Thư A, nhớ má, nhớ quận Nhứt, nhớ nước ép quýt, nhớ trà sữa trân châu và bánh tráng kẹp và bột chiên. Chương 8 Vì đang dùng điện từ máy phát nên chỉ có một ngọn đèn neon trong phòng khách được bật sáng. Merijn đã làm gì đó để phòng khách nhìn khá hơn một tí. Cái gạt tàn đầy đã được dọn đi, sàn nhà đã được lau sạch sẽ. Ghế sôpha cũng trông có vẻ đã được hắn lấy chổi lông gà phẩy phẩy bớt bụi bặm. Trên bàn bày một vài cái bát bự chứa đồ ăn nghi ngút khói. Cái bát bự nhứt chứa món gì đó sền sệt màu nâu, ở giữa trồi lên một cái đùi gà mỡ màng. Một cái bát khác cũng bự, chứa một loại súp màu xanh ngả sang đen, nhìn như làm từ đậu. Một bát khác đựng thứ trắng trắng xốp xốp chắc là khoai tây nghiền. Một cái dĩa bự, lót giấy báo để thấm bớt dầu rỉ ra từ loại bánh gì đó trông như bánh xèo nhưng màu nâu nhạt nhạt. Có hai cái dĩa bằng inox, mà tôi đoán là dùng để ăn. Một ấm nước và hai cái cốc, cũng bằng inox luôn. Merijn bước từ dưới bếp lên trong trang phục tạp dề màu da cam cũ có in khuôn mặt của danh thủ đá banh Van Nistelrooy đang thở phì phò. Thấy tôi nhìn trân trối cái tạp dề, hắn nhe răng cười nói đấy là đồ từ quê nhà mang qua. “Anh là người Hà Lan?”, tôi hỏi. “Ừ, anh là người Hà Lan. Ăn đi.”, hắn đon đả mời, “đồ ăn Pakistan chính hiệu. Anh nấu thì ngon phải biết. Gà nấu cà ri. Sabzi đậu. Khoai tây nghiền, và nước lọc.” Thế là tôi ăn, mặc kệ nỗi lo âu. Cái bụng sôi òng ọc cộng thêm năng khiếu ăn uống khiến tôi bỏ qua việc đặt những câu hỏi kiểu món gà này nấu như thế nào, sabzi là cái gì, anh tự học đấy à vân vân và vân vân. Tôi ngồi xuống ghế ăn ngấu nghiến luôn. Merijn ngồi ghế đối diện, mặc nguyên tạp dề mà ăn. Tôi thường xuyên xem Discovery Channel nên thừa biết ở vùng này người ta ăn bằng tay. Tôi bốc cái đùi gà ra dĩa, xé tan tành, cho vô miệng nhai nhồm nhoàm. Ăn gà quay, vịt quay, gà luộc, vịt luộc, gà rán KFC vân vân ở nhà thì cũng cùng phương pháp này mà thôi. Thịt gà vừa dai vừa mềm và nóng sốt nên kệ vị cà ri khá lạ lẫm, tôi ăn ngon lành. Merijn chỉ tôi cách xé cái thứ bánh xèo nâu kia ra, kêu là chapati, chấm vô nước gà, hoặc gói một miếng thịt gà ở trỏng, hoặc gói một miếng sabzi ở trỏng mà ăn. Cái dĩa inox có vai trò như một mặt trận để ta nhào trộn trây trét các loại thức ăn với nhau trước khi cho vô miệng. Cái hay của cách tiếp cận ẩm thực này là bạn đỡ phải rửa thìa rửa nĩa và rửa đũa sau khi ăn xong. Tay thì đằng nào cũng phải rửa rồi. Món sabzi có vị như đậu nấu với chút bột rồi trộn với muối, mặn chát. Còn chapati, tôi đoán vai trò của nó cũng giống như cơm trong bữa ăn của người Đông Á, tức là món cung cấp tinh bột chính. Nó đơn giản chỉ là bột mì mà thôi. Merijn hoàn toàn im lặng trong khi ăn. Đôi lúc tôi ngước lên thấy hắn đang ăn một cách từ tốn và hiền lành, kiểu, OK tao hiểu là con bé này đang rất mệt và đói nên tao tốt nhứt để im cho nó ăn. Tôi vét sạch toàn bộ thức ăn chỉ sau độ mười lăm phút. Nốc một cốc nước đầy xong, cảm thấy đã tạm no đủ, tôi ngã người dựa vô ghế, nói “cám ơn”. Merijn đã ăn xong từ bao giờ, đưa tôi một cái khăn tay đã được thấm ướt. Tôi lau tay lau miệng, quẳng cái khăn lên bàn rồi ra hiệu cho hắn là tôi đã xong xuôi. Merijn hỏi tôi định thế nào. Tôi trả lời rằng tôi no và tôi nhớ nhà và tôi cảm thấy mông lung và tôi không hiểu sắp tới cần phải làm gì. Tôi nói tôi đã thử nhắn tin cho anh Thái trên Facebook nhưng không biết ảnh đã nhận được chưa. Merijn nói anh Thái chỉ thỉnh thoảng vô Facebook một lần, cứ chờ vài ngày xem sao. “Anh sẽ gả em cho một gia đình Pakistan quen biết. Em ở đây sống sung sướng suốt đời mà không phải làm gì, như bao nhiêu phụ nữ khá giả khác.” Thấy tôi không hào hứng với gợi ý đùa cợt kể trên, Merijn quay trở về thực tại hỏi vé máy bay chiều về của tôi là khi nào. Tôi nói còn những hơn hai mươi ngày nữa. “Vậy em cứ ở đây chơi một vài tuần. Xong rồi về. Đang là mùa mà phía Bắc rất đẹp. Núi tuyết phủ và lá cây thì rơi đỏ hết cả mặt đất.” Tôi vẫn tỏ vẻ không hào hứng lắm. Tôi hiện không thể nào suy nghĩ được nên làm gì. “Còn về anh Thái của em. Nó sẽ tự liên lạc nếu nó muốn. Anh đã bắn đi một bức email rồi. Hy vọng nó đang ở nơi nào đó có internet.”, thấy mặt tôi bắt đầu mếu, Merijn khẳng định hắn là pêđê. “Yên tâm anh là pêđê.” Tôi cười nhếch mép, kiểu, biết rồi. Tôi đã biết gần như chắc cú ngay từ lúc hắn mở cổng cho tôi hồi chiều. Nếu bảo tôi viết ra một bài luận về các đặc điểm nhận biết pêđê và trai thẳng thì tôi chịu, vì cái đó nó thuộc về một tầng tư duy khác hay sao đó. Người ta không giải thích được làm thế nào người ta nhận biết một ai đó là pêđê, người ta chỉ nhìn là biết. Đơn giản vậy thôi. Tôi thì cực kỳ chuẩn xác trong chuyện này, khi mà mọi thằng con trai xung quanh tôi toàn là pê đê, trừ thằng Tuấn Anh và ba tôi, trừ cả anh Thái nữa. “Kể em nghe về anh Thái, lúc ảnh ở đây.”, tôi chuyển chủ đề, thở dài. Merijn trở nên sống động thêm một tí. “Cách đây cỡ ba tháng anh nhận được một email của hãng tin đang thuê anh, nói là một tay săn tin khác cũng đang trên đường sang đây để theo đuổi một dự án dài hơi ở vùng núi phía Bắc. Phải nói, khá ngạc nhiên, vì anh không gặp nhiều người Đông Á trong nghề này lắm. Nhứt là một tên người Việt Nam.”, Merijn rót thêm nước vô hai cái ly rồi tu một hơi dài từ ly của mình. “Nó là một thằng dễ thương. Anh tiếc là không có nhiều thời gian hơn với nó.”, hắn cười có vẻ ngọt ngào. “Hay biến mất một mình để lang thang đâu đó trong các con phố và khu chợ, đánh bạn với một số người địa phương. Và liên tục than phiền về chuyện có quá nhiều chim bay trên đầu. Ở nhà, nó có nói nhiều không?” “Không.” “Ờ. Nó đặc biệt ít nói, nhứt là trong những ngày đầu, khi nó bị đau bụng liên tục trong cỡ hai tuần. Sau đó tình trạng của nó khá lên, và nó trở nên gần gũi hơn. Vẫn ít nói, nhưng chất lượng mỗi câu nó nói ra cao hơn hẳn.” “Tức là?” “Cực kỳ hài hước.”, Merijn cười khặc khặc. “Cái lần nó kể về một người Ấn Độ tên Relax Singh…” Merijn huyên thuyên kể những chuyện đâu đâu, đôi khi là một sự tích nhỏ liên quan tới anh Thái trong thời gian ảnh ở đây. Cứ mỗi lần hắn nhắc tới ảnh là bụng tôi lại nhói lên một cái, buồn nhói lên, lo nhói lên. Tôi hỏi: “Cụ thể anh Thái làm những việc gì? Đưa tin à? Viết phóng sự à?” “Nó là đứa rất liều lĩnh, chịu khó. Nó chủ yếu hỗ trợ mấy ông bà phóng viên lão làng làm việc ở mấy vùng nguy hiểm, có chiến tranh, bom rơi đạn nổ các kiểu. Gần đây nó làm việc một mình. Theo lời nó kể thì nó nằm vùng cả năm ngoái ở Afghanistan, theo chân lực lượng đặc nhiệm vô các vùng có chiến sự với Taliban. Đó là mảng rất khó và rủi ro rất cao. Như anh thì không dám làm đâu.” “Vậy anh thiệt sự không biết ảnh đang đi đâu à?” “Không biết. Lúc nãy anh có thử liên lạc với mấy người khác trong hãng, nhưng không ai biết. Thái đã không còn liên lạc với họ từ hơn một tuần nay. Dạng phóng viên tự do như bọn anh thường hoạt động khá độc lập.” Merijn nói biết đâu ảnh sẽ trở lại trong nay mai, lúc tôi còn ở đây, nhưng chẳng có gì đảm bảo điều đó cả. Ai mà biết được. Ánh đèn neon trắng nhách và tiếng máy phát điện ù ù bên tai làm tâm trạng tôi càng tụt hơn. Tôi cứ như đang bị tra tấn. Não tôi căng lên và người tôi mỏi kinh khủng. Tim tôi đập nhanh và mạnh. Lồng ngực tôi nóng bừng như có ai đang nấu một nồi lẩu ở trỏng. Tôi cứ ngồi lù đù nhìn vô hồn lên bức tường, nhìn mấy bức tranh ảnh cũ kỹ, toàn bộ là hình thánh địa Mecca, và mấy bức gì không biết, toàn chữ là chữ, như giun bò. Nước mắt tôi hơi ứa ra, tôi lau bằng mu bàn tay. Merijn thấy vậy bèn quýnh quíu xếp gọn mấy thứ bát đĩa thành một chồng, chạy vội vô nhà vệ sinh rồi chạy ra, quẹt quẹt tay vô quần cho khô rồi nói: “Rửa tay và miệng đi, rồi lên lầu lấy áo khoác. Anh sẽ đưa em đi một vòng quanh Karachi.” “Ngay bây giờ á? Đã gần mười giờ đêm rồi.”, tôi trợn mắt, hơi phản kháng. Tôi đã tẩy trang cả rồi, không thể đi đâu với khuôn mặt trần truồng này được. “Giờ này mới là giờ hay. Đem áo khoác có mũ trùm đầu nhé. Vì sẽ có kha khá người ở ngoài đường giờ này. Ngày mai là Ashoora.” “Ashu… gì?” “Một ngày lễ lớn. Mọi người giờ này đang ở ngoài đường nấu Haleem. Nhanh!” Chương 9 Xe hơi của Merijn bốn chỗ, nhỏ và màu trắng, nếu tôi không nhầm thì cùng dòng xe với chiếc taxi của Alism. Trước ghế tài xế treo lủng lẳng một đôi giày gỗ nhỏ, kiểu giày truyền thống mà bọn con gái Hà Lan mang, đong đưa đong đưa. Xe rù rì chạy ra khỏi con xóm, xóc nhẹ nhẹ theo sự bày bố của quần thể ổ gà dưới mặt đường. Quá nửa số nhà vẫn còn sáng đèn. Ngoài đường cái vẫn còn xe chạy thưa thớt. Tôi trùm mũ áo khoác qua đầu, ngồi co ro hứng làn khí lạnh ban đêm luồn qua khe cửa kính thổi vô, trong bụng hơi cồn cào vì phải ra đường mà không có chút điểm trang. Nếu chuyện này diễn ra ở Sài Gòn thì không, nó sẽ không diễn ra. Không bao giờ. Merijn tăng tốc, xa lộ trải dài hun hút, mặt trải nhựa tối kịt. Hai bên đường lộ ra những nhà cửa vẫn sáng đèn và những cửa hiệu đã tắt. Xe chạy ngang qua những căn hầm bật đèn vàng, trên tường dán đầy những áp phích cổ động gì đó có mặt một vài người đàn ông rậm râu lặp đi lặp lại. Rồi xe lại trồi ra mặt đất, hai bên những khối nhà chung cư vuông vắn, tối như những hình hộp màu đen lỗ chỗ những ô cửa sổ, mỗi cái thông vô một không gian nhỏ có ánh đèn. Xe cộ trên đường chạy vội vã, lên cầu, xuống cầu, chui qua hầm, dừng lại rồ máy chờ đèn đỏ. Xe gắn máy thì đã thưa đi nhiều. Đâu đó có tiếng azan vọng về từ hai hoặc ba thánh đường gần đây, đánh dấu lần cầu nguyện cuối cùng trong ngày. Merijn kể, hắn đã ở đây hơn hai năm, làm việc qua mạng cho một hãng tin ở Mỹ, lãnh lương qua mạng nốt. Lương Mỹ đủ để sống một đời vương giả ở Karachi, nhưng hắn vẫn phải giữ một vẻ ngoài chìm nghỉm nhứt có thể. Di chuyển thường xuyên giữa Pakistan và Ấn Độ và Iran để chụp ảnh, hắn phải duy trì hành trang sao cho gọn nhẹ nhứt. “Ban đầu anh định chọn ở Tehran, nhưng ở đó có vẻ ngăn nắp quá. Karachi là một nồi lẩu hổ lốn hơn. Thỉnh thoảng anh còn được đi ăn uống với cộng đồng Hindu thiểu số ở đây.” “Qua đây chi vậy?”, tôi hỏi cộc lốc. “Em thử tưởng tượng phải sống ở Amsterdam suốt hai mươi lăm năm đi.”, Merijn lắc lắc đầu tóc xoăn xù. “Một trăm phần trăm bạn bè em sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để được sống ở Amsterdam hai mươi lăm năm.” “Đó là bởi vì bọn em đã sống ở Sài Gòn hai mươi năm.” “Ờ ha.” “Sống ở một thành phố khổng lồ. Một nền văn hoá lạ hoắc mà lại đặc quánh, là một cuộc phiêu lưu.” Một cuộc phiêu lưu. “Đó là cách nói của Thái.”, tôi chưa kịp phát biểu thì Merijn đã bổ sung. Hắn tiếp tục huyên thuyên về chuyện anh Thái hàng ngày ra đường cuốc bộ đến tối mới về, có bữa đem về một con cá bự làm món lẩu, có bữa đem về một bao thuốc lá to, ngồi tự cuốn, tự hút rồi lăn đùng ra ói. Trước khi ra khỏi nhà tôi đã kiểm tra lại tin nhắn Facebook, nhưng thậm chí tin nhắn còn chưa tới được đích. “Tin anh, cứ ở lại đây ba tuần như kế hoạch ban đầu. Có rất nhiều thứ lạ lẫm so với cuộc sống hàng ngày của em ở Sài Gòn. Em sẽ nhớ hoài cả đời.” Màn đêm se lạnh làm tâm trạng tôi đỡ tệ hơn một chút. Tôi im lặng không nói gì. Quả thiệt từ chiều đến giờ tôi chỉ muốn về nhà càng nhanh càng tốt, bởi mục đích của tôi sang đây để gặp anh Thái đã không đạt được. Thế nhưng nếu làm vậy thì còn gì là sĩ diện nữa? Khác gì tôi là một con dại trai, rút tiền tiết kiệm bay cả chục ngàn cây số gặp trai, không gặp được xách đít về nhục như con cá nục. Tôi là dạng người sĩ diện phát điên lên được. Mặt khác, tôi cũng tiếc tiền và tiếc những công phu dàn dựng để êm thấm qua được tận đây. Kiểu, thôi cứ kệ nó, đi chơi một phen đã. Dù vậy, bên trong tôi vẫn có một nỗi sợ sệt không nói rõ thành tên. Chớ gì nữa. Tôi trước hết vẫn là một con tiểu thư cả đời ru rú ở quận Nhứt, ăn ngon mặc đẹp, mập và diêm dúa. Cái xứ xa lạ này, có biết bao nhiêu là hiểm nguy và bất tiện rình rập. Merijn tuy là pêđê, nhưng ai mà biết chắc được. Mà cứ cho hắn là một thằng đàng hoàng đi, thì hắn cũng đâu phải siêu nhân, ở một nơi mà tình hình an ninh bất ổn như thế này, suốt ngày bị lên TV vì người chết nhà đổ, khủng bố như cơm bữa, chuyện gì xảy ra ngày mai có trời hay. Lỡ bom rơi đạn nổ, khủng bố xả súng ngời ngời, có mười Merijn cũng không che chở được cho tôi. Nói chung, tôi lo lắm. Tôi không biết nên đi hay nên ở. Xe vẫn chạy bon bon trên đường cao tốc tối mịt. Có một đám cháy to bốc khói ngùn ngụt ở bên trái. Ai đó đang đốt cái gì đó thành một đám lửa to, mùi khét xộc vô cửa sổ xe đang mở, khiến tôi ho gập cả bụng. Merijn thò tay xoay xoay cái tay quay, đóng cửa sổ lại hộ tôi. Đoạn hắn chầm chậm rẽ trái vô một con đường đất nhỏ, vuông góc với đường cao tốc. “Vô thăm một người bạn nào,” Merijn nói, “một người Pakistan.” Tôi ừ hử, thả trôi theo hắn. Chiếc xe đi từ từ vô con đường nhỏ, hai bên là nhà cửa chen chúc. Con hẻm này cũng giống con hẻm nhà Merijn, tức là rất lớn, đủ để một chiếc xe hơi ra vô thoải mái, nhưng nhà cửa ở đây thì có vẻ cũ kỹ nghèo nàn hơn nhiều so với hẻm nhà Merijn. Không có nhiều các cổng sắt lắm, thay vào đó là các cánh cửa gỗ lớn, có hình mái vòm, màu nâu nặng nề. Mặt đường gồ ghề đầy ổ voi ổ gà và các vũng nước đọng. Xe máy dựng la liệt hai bên đường. Có kha khá người đang đi đi lại lại dù trời đã khuya. Ai cũng đang rộn rã nói cười, bá vai bá cổ các kiểu. Đột ngột chắn ngang đường là một cái nồi đồng to đặt trên một cái bếp được kê lên từ mấy cục gạch lớn, đống lửa cháy ngùn ngụt dữ dội. Có ba thằng nhỏ thiếu niên đang cầm ba cây gỗ lớn chọc vô trong cái nồi, vừa ngoáy chầm chậm vừa cười nói rôm rả. Merijn ồ một tiếng, xong tấp xe vô vệ đường, mở cửa bước ra đi về phía tụi nó, nói cái gì đó bằng ngoại ngữ, tôi đoán là tiếng của người vùng này. Bọn thanh niên cũng vui vẻ nói chuyện với hắn như kiểu có quen biết từ trước. Merijn quay lại ra dấu gọi tôi ra. Tôi nặng nề tháo dây an toàn, rồi mở cửa đi ra. Mùi khét ngập tràn khí quyển. Mùi của củi lửa và mùi gì đó mặn mặn, rõ ràng là bốc ra từ cái nồi đang sôi sùng sục kia. Ba thằng nhỏ nhìn tôi chòng chọc, cười nói ha hả, Merijn cũng cười ha hả theo, làm tôi thấy hơi khó chịu. Merijn nói: “Đây là Haleem. Đồ ăn truyền thống của người vùng này trong dịp lễ này, lễ Ashoora. Người ta nấu cả đêm và ăn vào ngày hôm sau và nhiều ngày sau đó nữa. Cái này chủ yếu làm từ đậu và thịt gà.” “Ngày lễ Ashoora là ngày gì?” “Là ngày thứ mười trong tháng Muharram.” “Tháng Muharram?” “Tháng Muharram là tháng đầu tiên trong lịch Hồi giáo.” “Lịch Hồi giáo?” “Là loại lịch mặt trăng của người Hồi giáo. Hình như người Việt Nam cũng dùng lịch mặt trăng.” “Loại lịch đó chỉ dùng để đánh dấu các ngày nghỉ lễ.”, tôi nói. “Có điều người Việt Nam cũng đánh dấu những ngày đầu tiên của lịch âm bằng cách nấu bánh, cũng cho vô trong một cái nồi bự và nấu cả đêm và ăn trong nhiều ngày sau đó.” “Hình như ở châu Á người ta đặc biệt có cảm tình với mấy loại đồ ăn nấu trong nồi lớn cả đêm.”, Merijn cười cười. Một thằng thanh niên tiến về phía tôi hớn hở đưa cho tôi cây gậy của nó, nói cái gì đó bằng ngoại ngữ. Tôi nghĩ là hắn muốn tôi ngoáy. Nhận được một cái gật đầu của Merijn, tôi cầm cây gậy của nó, bước tới thọc vô cái nồi, bắt đầu ngoáy. Thứ dung dịch đang sôi trong nồi có màu xanh đen, bốc mùi mặn chát, mùi của muối và đậu. Tôi ngoáy nhè nhẹ, có cảm giác nó khá sệt. Mấy thằng thanh niên ngừng ngoáy, đứng vỗ tay cười nói ầm ĩ, làm tôi cũng buồn cười. Tôi móc iPhone đưa cho Merijn bảo hắn chụp cho tôi một kiểu. Dễ gì có dịp chụp hình trong tư thế như thế này. Kiểu, một mụ phù thủy đang nấu súp ma thuật, công thức gồm có mắt phải của muỗi, đùi ếch, nước cất lấy từ con suối ở sườn phía Bắc của ngọn núi rồng ngủ, kèm với cái lá thứ ba từ trên ngọn đếm xuống của cây sồi cao nhứt trong khu rừng, kèm cái chân trái thứ nhì của bọ cạp chúa vân vân; thứ súp giúp người con gái đang yêu tìm thấy người con trai đang đi lạc ở phương nảo phương nào. Được một lúc, ngoáy chán, Merijn vỗ vai tôi bảo tôi đi theo hắn. Trả gậy cho thằng thanh niên ban nãy, vẫy chào cả bọn, tôi phủi tay vô mông rồi đi theo Merijn. Càng đi vô sâu con hẻm càng hẹp và tối. Đèn đường không có, nguồn sáng chủ yếu là những ngọn đèn tù mù từ trong các căn nhà và từ các bếp lửa nấu Haleem. Cứ cách khoảng hai chục mét lại có một nồi đang ùng ục sôi, bà con cô bác cười nói đùa giỡn, ai nấy cũng chỉ trỏ xầm xì ra chiều thích thú khi bọn tôi đi ngang qua. Tôi ngạc nhiên vì trong bối cảnh hoàn toàn lạ lẫm này, mình chỉ hơi hơi sợ, thậm chí còn có chút thích thú vì, nghĩ coi, ai mà ngờ cuộc đời tôi lại có những trường đoạn như thế này. Tôi hỏi Merijn: “Đi đâu đây?” “Thăm nhà một người bạn. Anh nói rồi mà.”, hắn vừa nói xong thì bên tay phải đột ngột xuất hiện một khối chung cư lớn, đen ngòm, cao khoảng sáu tầng hiện ra. Merijn dắt tôi lên cái cầu thang thứ hai, hẹp và tối thui, mùi Haleem ngập ngụa. Bọn tôi đi lên tầng một rồi tầng hai, cửa các căn hộ đều đóng kín, bên trong vọng ra tiếng của chương trình thời sự hoặc ca nhạc, hoặc chương trình gì đó tôi không biết. Ngôn ngữ và phong cách nhạc ở đây, thiệt khó để nhận ra người ta đang nói hay đang hát. Đến tầng thứ tư thì Merijn dừng lại, gõ cửa căn hộ đầu tiên, rồi quay qua tôi: “Xin chào là assalamualaikum.” “Ashamawanaikum?” “As-sa-lam-mua-lai-kum.” “Asalamualaikum.” Tôi khá hồi hộp lẩm nhẩm trong miệng. Trong chốc lát thì cửa mở, xuất hiện một người đàn ông béo mập, râu cạo sạch, mặc bộ đồ lùng thùng màu trắng toát tươi cười. “Assalamualaikum.” Merijn nói. “Assalamualaikum.”, tôi bắt chước. “Walaikumasalaam.”, người đàn ông to béo vui vẻ chào lại. Tôi đoán cụm từ ông ta vừa nói là câu chào lại. Merijn nói xí xa xí xồ gì đó bằng ngoại ngữ với ổng, xong quay qua tôi giới thiệu: “Nhàn, giới thiệu với em đây là Mustafa Butt.” “Hả???” “Đúng rồi, hai chữ t.” Tôi phải ráng lắm mới không phá lên cười. Merijn thúc cùi chỏ vô tay tôi, xong hắn quay qua Mustafa Butt, chỉ vô tôi nói đây là Nhàn, bạn hắn. Mustafa Butt gật đầu lia lịa chào tôi rồi ra dấu mời cả hai bọn tôi vô nhà. Căn hộ bé như cái lỗ mũi, tường được dán giấy vằn vện màu trắng và vàng cam, như kiểu súp cua nấu với bắp đánh trứng gà vô vậy, y chang màu ở nhà Merijn. Có một cái TV để trên một cái kệ chất đầy mấy đồ trang trí linh tinh. Một tấm lịch có hình thánh địa Mecca treo trên tường, bên cạnh là hằng hà sa số các bức ảnh chân dung của chính Mustafa Butt và các thành viên khác trong gia đình ổng, đủ mọi tư thế, đứng ngồi, xếp hàng ngang, chụp cùng một ông già, cầm bằng đại học vân vân và vân vân. Trừ một ông già thì tất cả mọi chủ thể trong mấy bức ảnh đều hiện diện ngay trước mắt tôi. Bao gồm một phiên bản trẻ hơn của Mustafa Butt, chắc là em ổng, hai người đàn bà, chắc là vợ và em dâu ổng, và bốn đứa con nít cỡ từ năm tới mười tuổi. Tất cả đều đang ngó chằm chằm vô hai vị khách lạ ngoại quốc. Hai người đàn bà có vẻ khép nép, nhìn tôi cười mím rất khẽ, kiểu, muốn chào nhưng không dám lộ liễu. Một người đang cho một đứa nhỏ ăn, người kia già hơn thì đang nằm coi TV. Em trai của Mustafa Butt thì đang hí hửng bắt tay với Merijn. Mấy đứa nhỏ hơi lem nhem nhưng đứa nào đứa nấy đều trông khỏe mạnh và nghịch. Mustafa Butt nói một tràng với gia đình, mặt nghiêm trọng, xong quay về phía bọn tôi, lại cười ngay, ra dấu dẫn vô phòng khách. Hai người phụ nữ đứng dậy đi về phía bếp và tủ lạnh. Phải đi lên hai bậc thang thì mới tới chỗ để hai cái ghế sôpha dài bọc da để đối diện nhau, ở giữa có cái bàn bằng kính. Mustafa Butt ngồi lên một trong hai cái sôpha rồi ra hiệu cho bọn tôi ngồi trên cái còn lại. Vừa yên vị thì Merijn và Mustafa Butt bắt đầu nói chuyện với nhau bằng ngoại ngữ. Thỉnh thoảng Mustafa Butt quay qua hỏi tôi về gia đình, chồng con, xong lại phẩy tay cười nói tiếp với Merijn. Merijn thì thỉnh thoảng cười ngớ ngẩn với tôi rồi lại tám chuyện tiếp. Hắn bảo hắn đang nói chuyện bằng thổ ngữ, kêu là tiếng Urdu. Một lát sau, một trong các đứa trẻ, đứa lớn nhứt, một thằng nhỏ, bê vô một cái khay nhựa đặt ba cái ly thuỷ tinh to oành chứa một thứ nước màu da cam. Mustafa Butt xoa xoa đầu thằng nhỏ, nó đứng dựa vô người ổng trơ mắt nhìn hai vị khách có bề ngoài lạ lẫm. Tôi cầm ly của mình lên thấy thứ nước trong đó sủi bọt nhè nhẹ. Thì ra là Fanta. Trời đất ơi, căn phòng đã màu cam rồi, thêm ly nước màu cam, cộng thêm bộ đồ trắng toát của Mustafa Butt, tạo nên cảm giác giống một dĩa xoài gọt vỏ cắt cẩn thận để lên dĩa, xịt thêm tí sữa chua ở giữa. Thỉnh thoảng Mustafa Butt lại nói vọng ra ngoài nhà, giọng sang sảng, câu nào câu nấy đều kết thúc bằng dấu chấm than. Cứ mỗi lần như vậy một trong số mấy đứa nhỏ lại bưng một cái gì đó vô mời bọn tôi ăn. Lần thì xoài, lần thì bánh rán kẹp đậu, lần thì là thuốc lá cho Merijn. Chặp sau thì ông em trai của Mustafa Butt bước vô cùng với một ông già râu tóc bạc phơ. Cả hai ngồi vô cái sôpha đối diện, cạnh Mustafa Butt, vui vẻ tham gia vô câu chuyện. Cũng giống Mustafa Butt, họ thỉnh thoảng nhìn tôi và bình luận gì đó với Merijn, tôi hơi thấy khó chịu, nhưng không tới nỗi lật bàn đứng lên đi về. Thái độ của họ nhìn chung vẫn là thân thiện và lịch sự. Thiệt ra chuyện đó không quan trọng, vì cứ ngồi yên là tâm trí tôi lại bắt đầu nhảy quanh anh Thái, anh Thái, ở hay về sớm, trời sao mà ngu vậy, lẽ ra nên báo cho ảnh trước vân vân và vân vân. Tôi cứ đờ người ra. Ông em trai của Mustafa Butt cuối cùng cũng quay qua nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh: “Cô làm nghề gì, thưa cô?” “Dạ tôi kinh doanh thời trang.”, tôi cố miêu tả theo cách chung chung nhứt có thể. “Vậy cô là chủ doanh nghiệp?”, ông em trai Mustafa Butt lại hỏi, giọng quý phái, hoặc cố làm ra vẻ quý phái. “Cũng gần như vậy. Doanh nghiệp nhỏ thôi. Dạng tiểu thương.” “Ngành gì vậy thưa cô?”, ổng lại quý phái. “Dạ, liên quan đến thời trang về tóc.”, tôi thiệt thà. “Ồ. Thời trang, vậy chúng ta cùng ngành rồi.” “Ông làm về may mặc, thưa ông?”, nếu tôi không quý phái thì không ổn. “Đúng. Tôi làm quản lý ở một công ty chuyên cung cấp sợi cho các nhà máy dệt.” “Thiệt vui mừng, vậy chúng ta là đồng nghiệp.”, tôi giả tạo hết sức. Bán dây cột tóc trên Instagram và cung cấp sợi cho nhà máy dệt đúng là hai ngành gần nhau thiệt sự gần. Ông em trai của Mustafa Butt cười hố hố rất tự hào. Tôi cũng cười sơ sơ, cho lấy lệ. Xong rồi ổng hỏi tiếp: “Doanh nghiệp của cô có bao nhiêu nhân viên?” “Chỉ tôi và một nhân viên thôi, nhỏ mà, thưa ông.”, ý tôi là, một nhân viên đó chính là Thư A, mặc dù rõ ràng là tôi chỉ nhờ vả nó chớ chẳng thuê mướn gì. “Thiệt tinh gọn.”, ổng gật gù. “Công ty tôi có hơn hai trăm nhân viên, trả lương trung bình mỗi người gần hai trăm năm mươi đô Mỹ một tháng. Ở Karachi như vậy đủ nuôi một gia đình nhỏ.”, ổng nói. “Ồồồ.”, tôi ồ. Không biết nói thêm gì hơn vì chuyện này bắt đầu đi quá chi tiết. Nhưng ổng còn đi chi tiết hơn: “Lương của tôi là một ngàn năm trăm đô Mỹ.” “Tốt cho ông, thưa ông.”, tôi bắt đầu thấy kỳ. “Một con số đáng mơ ước.”, Merijn phụ hoạ. Tôi không biết nói gì thêm, cứ ngồi cười cười. May phước là ổng không đi vô chi tiết là ổng dùng số tiền lương đó cho những việc gì việc gì, mỗi ngày vợ ổng mua hai con cá hết bao nhiêu tiền, mỗi tháng đóng tiền học cho con hết bao nhiêu, đổ xăng hết bao nhiêu và bao nhiêu tiền dành để mua thuốc lá. Ngồi thêm được một lúc thì hết chịu nổi không khí bít bùng cộng với hiệu ứng thị giác khủng khiếp do màu da cam gây ra, tôi ra dấu cho Merijn tỏ ý muốn đi về. Hắn quay qua nói chuyện thêm một tẹo nữa thì Mustafa Butt đột ngột nói to hơn bình thường rồi đứng dậy rất lịch sự tiễn bọn tôi ra cửa. Ông em trai ổng cũng hồ hởi đi theo. Cho đến lúc về tôi vẫn chưa biết tên ổng, mặc dù mức lương thì biết rồi. Lúc tôi đi ra, hai người phụ nữ đang đứng cạnh cái tủ lạnh, đầu họ hơi cúi xuống, nhưng bốn mắt đều nhìn tôi, miệng mỉm cười. Tự nhiên tôi muốn lại bắt chuyện buôn dưa leo với họ, nhưng không biết phải làm thế nào, đành thôi. Không khí bên ngoài thoáng đãng hơn hẳn, gió thổi lồng lộng mang theo mùi Haleem đi khắp nơi, tôi hít hà, cảm thấy dễ chịu vì được ra ngoài. Merijn tỏ ra thông cảm cho tôi, hắn giải thích rằng, bắt nguồn từ văn hoá đề cao sự kín đáo với phụ nữ của họ, người Hồi giáo ở đây thường không thích cửa sổ lắm, cho nên nhà nào cũng bị bí bức thiếu dưỡng khí. Bọn tôi đi bộ ra lại xe, Merijn cho xe lùi chầm chậm ra khỏi con hẻm. Lúc xe bắt đầu quay đầu ngược lại trên con đường cao tốc, tôi vô tình nhìn qua cửa sổ và thấy bên kia đường là chiếc taxi của Alism. Dù khoảng cách khá xa nhưng tôi không thể nhầm được, vì bên cửa hông xe có dán một miếng decal to có chữ CAB màu đỏ, nhưng chữ A bị một vết trầy lớn cắt làm đôi. Không thấy Alism đâu, chắc hắn đang nằm ngủ trong xe. Tôi còn trông thấy phía sau xe, cách khoảng tầm hai chục mét có một chiếc xe máy đang dựng cạnh một cột đèn đường, hai người đàn ông rậm râu đang đứng trò chuyện, trên tay mỗi người đều cầm một cái chai màu cam loại lít rưỡi, chắc chắn là Fanta. Merijn lái xe được một đoạn rồi, qua kính chiếu hậu, tôi thấy Alism ra khỏi chiếc taxi của hắn và đi về phía hai người đàn ông đó. Cơn buồn ngủ kéo tới đánh gục tôi. Tôi ngủ suốt đường về nhà. Đến nơi tôi vội vàng lấy điện thoại, kết nối vô wifi mong chờ một dòng tin nhắn của anh Thái nhưng không có, ảnh vẫn chưa đọc mấy tin của tôi. Thất vọng, tôi còn không thèm đọc kỹ tin nhắn của Thư A, nó nói nếu internet quá bất ổn thì hãy gửi email cho tao, thương mày nhiều, nhớ mày lắm. Tôi cũng nhớ nó. Và tôi muốn gặp anh Thái, tôi vẫn chưa hết thấy mông lung và sợ, nhưng tôi có cảm giác mình sẽ gặp ảnh đâu đó ở đây. Không hiểu tại sao, nhưng cái linh cảm đó cứ trồi trồi lên kể từ lúc tôi rời khỏi nhà Mustafa Butt. Tôi thấy mình nghiêng dần về phía lựa chọn ở lại cho đến ngày về như trong kế hoạch cũ. Tôi lên Instagram định đăng cái ảnh nấu súp thần bí lúc nãy nhưng nhớ ra là mình phải giữ bí mật tung tích nên thôi. Tôi đi ngủ, cảm thấy lạc quan vì sau một chuyến bay dài và một ngày dài đầy biến cố, hình như tôi đã bớt mập đi một chút. Chương 10 Từ: Vũ Hồng Thư A Tới: Nhàn Thanh Nguyễn VŨ TRỌNG PHỤNG LẠI BIẾN MẤT Chào mày, Sao tao dặn mày gửi email cho tao mà ba ngày rồi mày không gửi gì hết vậy? Mày có biết tao sẽ rất lo nếu mày cứ bặt tin không hả? Tao biết mày lười nhưng mày có thể nhắn tin trên Facebook cơ mà? Tại sao? Tại sao? Mày bỏ đi, Vũ Trọng Phụng cũng bỏ đi. Sao ai cũng bỏ tao đi hết vậy? Tao là cái bệ phóng cho tụi mày sao? Ba ngày trước, tao ngủ dậy thấy Vũ Trọng Phụng đã biến đâu mất. Tao đoán nó lại đi qua gặp con mèo cái nhà ở tầng ba chung cư An Hoà đối diện. Cái con mèo cái màu xám xấu xí, mà không hiểu sao Vũ Trọng Phụng lại thích nó. Mèo của tao mà gu thẩm mỹ thì của đứa nào. Làm tao thất vọng hết sức. Má tao nói tao nên dắt nó đi triệt sản đi kẻo có ngày nó đi mất luôn thì khốn. Nhưng tao không thích. Tao không thích nuôi một con mèo không toàn vẹn. OK, đến chiều hôm qua nó không trở về. Nên tao lo. Tao qua tới tận nhà đó hỏi coi thử có không. Cái thằng chủ con mèo xám té ra lại là một thằng đẹp trai phát khiếp lên được. Nó cao và da nó thì ngăm đen. Nhưng nó nói hai ngày nay không thấy Vũ Trọng Phụng qua. Tao hỏi nó bộ bình thường Vũ Trọng Phụng hay qua lắm hả. Nó nói nó tên Kiệt, LOL. Xong nó nói hai ba bữa lại thấy Vũ Trọng Phụng tới thăm Mimi, nhưng hơn tuần nay chưa thấy quay lại. Xong nó xin số điện thoại của tao. Chời ơi, quá hời. Tao thề với mày mấy hôm nay thằng Tuấn Anh là thằng duy nhứt mà tao nhắn tin cùng. Vậy là đủ biết tao ế tới mức nào rồi. Rồi xong. Tới chiều nay tao vẫn chưa thấy nó nhắn gì hết nên tao quyết định nhắn rủ nó đi ăn sushi cá hồi. Mày biết nó trả lời sao không? Nó kêu nó bị dị ứng cá hồi nuôi, chỉ ăn được cá hồi hoang. Mà cá hồi hoang thì kiếm đâu ra ở cái Sài Gòn này? Chịu nổi hông? Tao chưa nghe tới cái bịnh dị ứng cá hồi bao giờ, mà thằng này nó còn bịnh chi tiết tới mức chỉ dị ứng cá hồi nuôi, cá hồi hoang mới chịu. Thiệt dấm dớ hết sức. Nói chung tao đang lo về Vũ Trọng Phụng lắm. Sao kỳ, cả mày với tao đều đang phải khổ sở vì tông tích của một ai đó. Mặc dù vậy vẫn có chuyện tốt. Do trời nóng nên bà con mua loại vớ dưới mắt cá và vớ lưới nhiều. Chỉ riêng hôm qua tao lời đủ mua một đôi Vans mới. Dây cột tóc cũng bán chạy. Dựa vô số dây mày để lại tao đã chế thêm hai bộ Vào Hạ và Mùa Hè Nghiệt Ngã cho hợp thời, chủ yếu là các màu tươi nổi. Ảnh đính kèm. Hôm qua bán được mười tám bộ. Hy vọng tình hình kinh doanh khởi sắc khiến mày vui hơn nơi đất khách quê người. Sáng nay Mango đã bắt đầu đợt sale mới, giảm giá tới hơn 50% một số đồ hot ơi là hot. Áo sơmi oversized mẫu mới mặc mát vô cùng giảm chỉ còn có 499k. Thiệt tình khao khát hết sức nhưng tao phải nhịn lại, vì sắp phải sắm một loạt kem dưỡng mới rồi. Cái áo đó mà mặc với quần bà ba chấm gối là chuẩn không cần chỉnh đó, vì nó sẽ che hết mọi nét mập. Cũng may giờ đang môđen đồ rộng nên mập ốm gì nhìn cũng như nhau. Gần đây tao cũng mập quá trời rồi. Cái bụng như mang cả yến mỡ vậy đó. Thiệt quá chán. Mà mày định bao giờ mới về vậy? Mày định ở đó thêm ba tuần nữa như kế hoạch ban đầu luôn hả? Lâu quá! Phải bảo trọng, nếu có chuyện gì chắc tao chết theo mày. Cộng đồng pêđê đang bắt đầu nghi vấn vì tin nhắn tụi nó nhắn cho mày được trả lời bằng giọng điệu quá hiền. Tao nói thiệt dù tao cố cách mấy cũng không thể nào chua ngoa độc miệng bằng mày. Hôm qua đang ngồi ở Katinat với thằng Lễ thì ổng kêu nhớ mày rồi lôi điện thoại ra nhắn cho mày. Má ơi, tao quên tắt chuông nên nó kêu inh ỏi. Tao phải nhanh trí giả vờ đó là tin nhắn của thằng Kiệt. Nguy hiểm hết sức. Tao nhắc lại, mày phải hết sức bảo trọng và về càng sớm càng tốt. Hôm qua tao vờ hỏi ba tao về tình hình ở Pakistan, ổng nói dạo này TV hay đưa tin là bên đó bất ổn ghê lắm. Mày về ngay đi. Tao nhớ mày lắm lắm. Mày có thể đợi lần tới anh Thái về Sài Gòn mà thổ lộ với ảnh mà. À quên mất, hôm kia tao có ghé ăn chè dì Bảy, dì nói hơn hai tuần nay không thấy anh Thái tin tức gì. Dì nói chắc ảnh đang làm việc ở vùng sâu vùng xa gì đó không có internet. Tao nghĩ mày phải cẩn thận không là kẹt đó, Nhàn ơi. Và bà má của mày. Hôm qua bả nhắn tin hỏi thăm tình hình. Tao phịa ra là tao đang vui ghê lắm và bà trẻ rất vui vì có tao. Tao còn nói tao nấu canh chua bạc hà cho bà trẻ mày ăn mà quên mất là ở ngoải người ta không ăn món đó. May mà má mày không phát hiện ra. Tao biết mày không muốn kể ra mấy chuyện này nhưng tình hình xung đột giữa hai má con mày có nghiêm trọng dữ ác lắm không? Tao thấy bả cũng đâu đến nỗi khó tánh gì lắm đâu. Mày nên nhún nhường bả một chút vì dù sao bả cũng thuộc về một thế hệ khác. Có những suy nghĩ và định kiến ăn sâu trong óc của mỗi thế hệ mà các thế hệ đi sau hoặc đi trước khó lòng mà hiểu và thông cảm nổi. Cho nên mày hãy nghĩ tới chuyện dĩ hoà vi quý, dần dần bả sẽ chịu thoả hiệp mà thôi. Cứng quá chỉ làm mọi chuyện thêm rắc rối. Mày nhận được thư này thì thảo ngay cho tao một bức trả lời nếu không thì không chị em huynh đệ gì hết. Thôi thư đã dài. Tao chúc mày bình an, mong rằng cuộc sống gian khổ ở bển sẽ giúp mày giảm được đôi cân, về nhà đẹp hơn, thon hơn, như ý mày muốn. Bảo trọng nha! Tao yêu mày! Sài Gòn, một mùa hạ. Thư A. Chương 11 Karachi là một cái bảng pha màu khổng lồ của một hoạ sĩ rất ưa pha màu sắc theo lối lạ đời. Nó lẫn lộn nhiều chân dung, nhiều khuôn mặt, nhiều góc cạnh mà chỉ có dấn thân vô tận nơi, tận ngóc ngách mới cảm nhận hết được. Đôi khi nó làm tôi liên tưởng tới Sài Gòn, nhưng sự đa dạng và phong phú của Sài Gòn chẳng là cái đinh gì khi so với Karachi. Sài Gòn, phải thiệt tinh bạn mới thấy hết được những chuyển biến từ một cộng đồng người này qua một cộng đồng người khác. Khi đi từ quận Nhứt qua quận Tân Bình, phải ngồi ăn từng tô bún bò, từng dĩa bánh bèo bạn mới nhận ra được đây là một xóm của người gốc miền Trung. Hoặc rõ hơn một chút, sự khác biệt giữa quận Năm của người Hoa so với các quận còn lại. Đường ranh giới giữa các mảng màu như vậy ở Sài Gòn thường mờ nhạt. Ở Karachi, những đường nét đó sắc cạnh và bén ngọt hơn nhiều. Các mảnh màu cũng nhỏ hơn, nằm chen lẫn với nhau lộn xộn hơn, ngẫu hứng hơn. Merijn thường lấy xe hơi chở tôi đi khắp nơi mỗi khi hắn rảnh rỗi, hoặc kể cả khi hắn đi làm việc thì tôi cũng đu bám theo. Hắn không dám để tôi ở nhà một mình. Mà tôi cũng nào đâu dám làm vậy. Merijn là dạng người mà cứ suốt ngày kể cho bạn nghe những chuyện nhỏ nhỏ vui vui hắn trải qua từ những thời nảo thời nào, hoặc mới ngay hôm qua đây thôi. Hắn cứ vừa lái xe vừa kể. Tỉ dụ như chuyện hắn từng bám vô một chiếc xe chở gà để đi từ một thị trấn trên miền núi Pakistan xuống tới tận Islamabad năm ngoái. Hoặc chuyện hắn bị nhốt trong phòng khách của một gia đình nông thôn Pakistan vì chủ nhà sợ hắn đi lang thang ra ngoài có thể vô tình đụng phải vợ ổng, đó là một điều cấm kỵ ở đây. Tóm lại, hắn là một thằng vui tính và nhã nhặn. Đường phố Karachi đông đúc và náo loạn. Xe hơi, xe gắn máy, ngựa, xe tải diêm dúa, xe tải thường, lạc đà, rác rến, người đi bộ, bụi bặm cứ nháo nhào đi tới đi lui, gần như không theo một trật tự nào hết. Có lúc tôi đang ngồi mơ màng trong xe nhìn ra ngoài, đột nhiên thấy bốn cái đùi của một con ngựa to bự, trên lưng mang đầy những tua rua đủ màu, người cưỡi thì cứ thong dong như ảnh đang đi xe máy. Kẹt xe diễn ra mỗi ngày ba bốn lần. Chỗ nào cũng kẹt. Có khi kẹt chỉ vì có một chiếc xe nọ đang chạy ngon trớn thì nổi hứng quay ngược đầu lại. Bà con chửi mắng búa xua. Nhà cửa thì thụt ra thụt vô, có cái thì sơn màu hồng, treo một cái bảng hiệu to như cái chiếu có vẽ hình một con mắt độc nhứt, bên cạnh đó là một cái miệng tô son bóng nhẫy có đầy đủ răng lưỡi lợi. Chữ nghĩa trên đó thì tôi không hiểu gì. Nhiều khi đó là dịch vụ khám nghiệm tử thi tư nhân cũng nên. Hoặc có cái tường nọ sơn vôi trắng, vẽ hình một trái xoài bự như con ngựa, bên dưới cũng biên một loạt ngoại ngữ. Chắc là chỗ này bán xoài, chắc vậy. Mấy cái bảng hiệu này toàn được vẽ bằng tay, bằng chất liệu sơn, làm tôi nhớ tới mấy tấm ảnh chụp Sài Gòn xưa hay được chia sẻ khắp nơi trên mạng. Có bữa đang đi thì tôi thấy một cái đền to có bức tượng một ông thần da xanh lè. Merijn nói đó là thần Shiva của nhóm dân theo đạo Hindu sống trong khu vực. Các nhóm Hindu sống rải rác khắp nơi trong cả thành phố, vậy mà tôi tưởng ở đây toàn là dân Hồi giáo. Mấy người phụ nữ Hindu thường là không đội khăn giống người Hồi giáo. Merijn nói, thiệt ra phụ nữ Hồi giáo không bắt buộc phải đội khăn, chỉ là, tốt hơn hết thì họ nên đội. Merijn cũng nói, không thể coi thường quyền lực của phụ nữ trong xã hội Pakistan, vì mấy chục năm trước nước này đã từng có một phụ nữ làm tới chức thủ tướng tới hai nhiệm kỳ. Một bà tên Benazir Bhutto. Merijn cũng giải thích sở dĩ mấy chiếc xe tải ở đây được trang trí diêm dúa như vậy là bởi vì nó giống như một truyền thống rồi. Người chủ xe coi xe như cục cưng, muốn nó phải bảnh thiệt bảnh. Càng bảnh thì họ càng tự hào. Có điều, tôi cứ tự hỏi là sao họ không trang trí xe hơi bình thường mà đi trang trí xe tải, kiểu, mặc váy dạ hội đi lao động vậy. Những ngày tiếp theo ở Karachi trôi qua trong sự phân vân của tôi. Tôi phân vân giữa nên về hay nên ở. Kiểu, giờ anh Thái đã biến đâu mất rồi, thì nên đổi vé máy bay bỏ về hay cứ ở chơi cho tới lúc đó. Tôi đặt vé về sau vé đi khoảng hơn ba tuần, vậy tức là tôi phải chờ tới gần hai chục ngày nữa mới tới ngày về. Nếu anh Thái đột ngột xuất hiện lại trong khoảng thời gian đó thì quá tuyệt, không còn gì để nói. Còn nếu không, tôi cũng không chắc tôi có đủ hào hứng để tham quan cái thành phố này trong chừng đó ngày. Mà tôi thì không hề có kế hoạch đi bất kỳ đâu khác. Bởi tôi không dám đi một mình, mà cũng không đủ thân thiết để rủ Merijn đi cùng. Nói chung, lùng nhùng hết sức. Thất bại hết sức. Tôi cũng bắt đầu thấy áy náy một chút vì đã lừa dối bà má, bỏ nhà ra đi theo trai mà không cho bả hay, làm bả đinh ninh tôi đang ngoan ngoãn ở Đường Lâm. Chỉ áy náy một chút thôi, không đủ để tôi giải toả được nỗi bất bình lâu nay. Nhưng dù sao thì, bả cũng là má tôi. Giả sử tôi gặp phải tai ương gì, thì việc cuối cùng tôi làm với bả là nói láo, cái xung đột giữa tôi và bả sẽ mãi mãi không được giải toả. Một ngày của tôi bắt đầu vào lúc năm giờ sáng, khi tiếng azan ở thánh đường gần nhà hú lên như một hồi chuông báo động. Tôi lấy gối trùm lên tai ngủ tiếp, cho tới khi Merijn gõ cửa gọi xuống ăn sáng. Ăn sáng xong tôi lại coi TV. Mấy chương trình ca nhạc, chương trình phim Ấn Độ nhảy múa loạn xạ. Rồi thì bảng xếp hạng các ca khúc được yêu thích trong tuần, nhạc trẻ Pakistan, tạm gọi là P-pop. Thằng dẫn chương trình đứng trên một cái sân khấu được trang trí như cái áo sơmi chim cò của ông ba tôi, có cả xe môtô bốn bánh đi trên sa mạc và một viên xúc xắc khổng lồ. Tôi không hiểu mấy thứ đó thì có ăn nhập gì với nhau. Sau đó tôi lại ăn trưa, ăn toàn cà ri và khoai tây và thịt gà. Có lần tôi đòi ăn thịt heo, nhưng Merijn nói em bị điên hả. Thì ra ở đây không ai ăn thịt heo và không ai nuôi heo. Có lẽ tôi là con heo duy nhứt ở xứ này. Rồi tôi ra ngoài đi dạo với Merijn, hoặc theo chân hắn đi làm các công việc chụp ảnh các kiểu. Tối về tôi lại ăn, rồi nói chuyện với Thư A trên Skype, khóc lóc búa xua, rồi lại đi ngủ trong nước mắt. Tôi cũng chẳng còn đầu óc đâu mà quan tâm tới chuyện buôn bán lời lãi của cái shop dây cột tóc ở nhà. Tôi bỏ mặc luôn, tùy Thư A thích làm gì thì làm. Cứ vậy cứ vậy. Thất bại này nối tiếp thất bại khác. Cho tới ngày thứ tám thì có một biến cố dữ dội xảy ra. “Có một âm mưu đánh bom ở cách đây vài con phố.”, Merijn vừa nói vừa đi xồng xộc vô nhà. Tôi giựt bắn người suýt làm rớt cả bát Haleem trên tay. Thôi thế là hết, nỗi sợ lớn nhứt đã thành sự thật. Biết ngay mà, kiểu gì cũng có vấn đề xảy ra. Kiểu gì tôi cũng chôn xác mập ở chốn này. “Nhưng nãy giờ em ngồi đây đâu có nghe thấy tiếng nổ nào đâu?”, tôi hỏi trong lúc Merijn đang duyệt qua các kênh TV. Ca nhạc MTV các ca khúc từ những năm hai ngàn, nhạc pop Pakistan, cricket, phim Ấn Độ, nhạc, cricket… mãi mới thấy một kênh đang chiếu tin tức, nhung đang là phần tin thời tiết. “Cảnh sát đã kịp thời phát hiện ra, vô hiệu hoá trái bom rồi.”, Merijn vừa giải thích vừa vặn lớn volume. “Tuy nhiên đây vẫn là một vụ lớn, sức công phá của quả bom nếu nổ, sẽ là rất kinh khủng. Thủ phạm nhắm vô một khu hay tập trung nhiều người Công Giáo.” “Ai là chủ mưu?”, tôi hơi thở phào. “Em hỏi anh, anh hỏi ai?”, Merijn trả lời mà không nhìn tôi. “Nhưng nhiều khả năng là Taliban. Không phải bọn họ thì khó có nhóm nào đủ liều để sắp xếp một vụ đánh bom giữa trung tâm Karachi, trong tình trạng an ninh được thắt chặt như thế này.” TV bắt đầu chuyển qua hình một cô phát thanh viên đầu đội khăn đen, đeo kính cận, vẻ mặt có vẻ gấp gáp hoảng hốt. Cô đang nói gì đó có vẻ nghiêm trọng. Phản ứng “a đây rồi” của Merijn xác nhận suy nghĩ của tôi rằng cổ đang nói về vụ âm mưu đánh bom. TV chuyển qua hình một góc đường phố đang có vẻ náo loạn. Có mấy anh cảnh sát đang đứng phẩy phẩy batoong dẹp đường, bảo xe cộ quẹo qua ngã khác. Bà con thì túm tụm lại nhưng bị một vòng tròn cấu tạo từ rất đông cảnh sát ngăn lại, không cho tiến lại gần hiện trường. Thế rồi một anh phóng viên tóc xoăn môi dày, mặc áo vest đen cầm cái micro bắt đầu nói liên tục. Merijn quay sang tôi thuyết minh: “Bom được giấu trong một chiếc xe hơi. Cảnh sát giao thông thấy nó đậu đấy quá lâu đã nghi ngờ và kiểm tra. Cái xe được gắn biển số giả.” Tôi ngồi thừ người nhìn trân trân vô TV nhưng không thiệt sự để ý những gì đang diễn ra trong đó, cũng không quá chú ý vô lời Merijn. Bởi tôi cảm thấy nỗi sợ dâng lên tràn ngập trong não, tràn qua tai, tràn qua hai hốc mắt, chảy xuống vai và ngực. Không hẳn là tôi sợ vì giờ đây cái nguy cơ bị chết bởi một vụ khủng bố đánh bom không còn chỉ là trên TV nữa mà hiển hiện cách mình chỉ mấy góc phố. Dù sao tôi cũng đã ở đây hơn một tuần và dần dần quen với môi trường mới và cũng dần dần cảm thấy cái lý luận rằng khả năng tôi bị tông xe chết ở Sài Gòn cao hơn hẳn khả năng bị đánh bom chết ở Pakistan có lý. Tôi sợ là vì khi TV chiếu quét qua chiếc xe được phát hiện có giấu quả bom, nếu mắt mập của tôi không nhầm, nếu óc mập của tôi không bị loạn thì đó đúng là cái xe taxi của Alism. Nó có chữ CAB màu đỏ bên xe, với chữ A hơi to hơn hai chữ cái còn lại và có nét gạch ngang được cách điệu thành mũi tên. Chữ A đó bị một vết xước dài cắt chéo làm đôi. Giống kiểu logo của Avengers. Tôi gần như chắc chắn đó là chiếc xe của Alism. “Em bị sao vậy?” Merijn hỏi. “Em nghĩ chiếc xe đó là của Alism.”, tôi trả lời, mắt vẫn nhìn sững vô màn hình TV mặc dù bây giờ nó đã chuyển qua một tin tức khác, có ông gì đó tên Khan đang phát biểu. “Alism nào?” “Tên tài xế lái taxi đã chở em tới đây hồi tuần trước đó.” “Sao em nhận ra?”, Merijn cả kinh. “Đó là cái xe có chữ CAB màu đỏ. Có một vết trầy dọc chữ A.” Merijn nhăn trán nhìn tôi rồi nhún vai nói ở Karachi có tới mấy chục ngàn chiếc taxi có chữ CAB như vậy. Loại xe của Alism cũng là loại cực kỳ phổ biến ở Pakistan, Suzuki Mehran, chiếm tới quá nửa số xe hơi bốn bánh ở nước này. Cho nên cũng cần chưa thể khẳng định đó là xe của Alism được, mặc dù không loại trừ khả năng đó. Tôi vẫn chưa thấy an tâm lắm. Ruột tôi quặn lên. Nếu đó đúng là xe của Alism thì cũng chẳng phải là vấn đề gì lớn với bản thân tôi, nhưng Alism đã gặp anh Thái hai lần. Tôi có một linh cảm là hắn và anh Thái không chỉ đơn giản là người lái xe taxi và khách hàng. Như hắn nói, chính hắn là người đã đưa anh Thái ra bến xe đò để đi lên phía Bắc, vậy rõ ràng anh Thái phải biết cách liên lạc với hắn. Nếu Alism là một tên khủng bố thì cái ý nghĩ rằng người mình yêu có liên lạc với hắn, dù dưới bất cứ hình thức gì, không phải là loại ý nghĩ mà bất cứ đứa con gái nào trên thế giới này cũng có. Tôi ngồi duỗi dài trên ghế sôpha nhìn vô định ra cổng. Merijn ngồi bịch xuống bên cạnh tôi, nói: “Anh nghĩ chúng ta sẽ đi Islamabad trong ngày mai.” “Islamabad?” “Đúng, thủ đô của Pakistan.” “Em biết, nhưng tại sao?”, thủ đô tên Islamabad, đó là một trong số khoảng vài cái gạch đầu dòng thông tin mà tôi thu thập được trong quá trình chuẩn bị cho chuyến đi sang đây. “Anh có một đầu mối thông tin ở đó. Một người quen biết rộng trong giới an ninh ở Pakistan. Người đó có thể giúp anh thu thập thêm tin tức để viết bài.” “Nhưng anh đâu phải người chuyên về tin tức chính trị và chiến tranh.” “Toà soạn vừa nhắn tin cho anh. Họ nhờ anh làm giúp vụ này, vì anh là người duy nhứt trong khu vực này, ngoài Thái. Nhưng Thái thì bận một vụ khác rồi. Anh phải đi trong ngày mai, mà anh không thể để em ở đây một mình được. Còn bao nhiêu ngày nữa thì em về nhà?” “Mười hai.” “Thừa sức. Đây cũng là dịp để em tham quan một số nơi khác ở Pakistan. Tin anh, không chán lắm đâu.” Nói đoạn Merijn vỗ vỗ vai tôi rồi đứng dậy đi xuống bếp. Tôi thở dài, cảm thấy tự nhiên mọi chuyện trở nên rắc rối một cách khó hiểu trong tâm trí. Mọi thứ bắt đầu giống như một cuốn phim hành động hoặc một cuốn truyện trinh thám học đường. Tôi với điện thoại, anh Thái vẫn chưa đọc những tin nhắn tôi đã gửi. Quái, sao lâu thế mà chưa lên mạng vậy ta? Tôi lại nhắn bồi thêm mấy tin: “Anh Thái, giờ này anh đang nơi đâu vậy? Em thấy trong vụ âm mưu đánh bom vừa bị phá trên TV có chiếc xe hơi y chang cái xe taxi của thằng Alism đã từng chở anh và em về nhà Merijn luôn. Nên tự nhiên em thấy lo lo. Linh cảm không lành. Anh đang ở đâu vậy? Mai Merijn phải đi Islamabad rồi nên em phải đi theo ảnh. Anh nhận được tin nhắn thì liên lạc liền cho em!” Xong tôi nằm lăn ra ghế sôpha ngủ. Chương 12 Từ: Nhàn Thanh Nguyễn Tới: Vũ Hồng Thư A ĐIÊN HẾT CẢ ĐÁM Tao kể chuyện này mày đừng có sốc nha. Lúc nãy trên TV đưa tin gần nhà tao có một vụ khủng bố đánh bom nhưng may phước làm sao cảnh sát đã kịp phát hiện ra. May phước đó. Mà mày biết sao không? Cái xe chở quả bom, giống y chang cái xe taxi đã chở tao từ sân bay về nhà thằng Merijn (tức là thằng Hà Lan, pêđê). Thiệt là kinh khủng. Tao sốc muốn long óc ra ngoài. Thiệt đó. Tao nói với thằng Merijn. Tao nói tao cam đoan chắc với nó là cái xe đó chính là cái taxi đã chở tao. Không đời nào mà trật được. Tao có nhìn sai bao giờ. Từ hồi mày với tao chơi với nhau tới giờ mày đã bao giờ thấy tao nhìn lầm cái gì chưa. Tao nói một là một hai là hai mà. Thằng Merijn nói chưa chắc, vì ở đây có tới cả vạn cái taxi giống y hệt vậy nên tốt nhứt tao cứ bình tĩnh đã. Nó còn nói, cảnh sát ở đây đa nghi và rắc rối lắm, tốt nhứt nếu không chắc chắn cái gì thì đừng báo nếu không rách việc, nhứt là tao chỉ ở đây thêm có hai tuần nữa. Nói chung, tình hình thời sự là vậy đó. Tao run quá trời. Hôm qua tao đã định sẽ ra đường đi dạo một mình thử xem cảm giác thế nào. Nhưng giờ tao hết dám rồi. Tao xin lỗi vì không thường xuyên nhắn tin cho mày được vì điện đóm ở đây nhấp nháy lia lịa, mạng internet lúc có lúc không. Tao mừng là mày đã nghĩ ra giải pháp gửi email cổ lỗ sĩ này. Hình như đây là cái email đầu tiên trong đời của tao hay sao đó. Chớ mày nghĩ thời buổi này ai còn rảnh đi gửi email. Trừ mày. Cho tới giờ vẫn chưa thấy bóng dáng anh Thái đâu. Tao gửi tin nhắn mà ảnh không đọc, tức là không đọc luôn, chớ không phải đọc rồi mà không trả lời đâu. Sao tao thấy lo lo. Không phải lo cho tao mà là lo cho ảnh, nhứt là từ nãy giờ, sau khi có vụ âm mưu đánh bom và tao nhìn thấy cái xe đó. Tao thấy cứ kỳ kỳ sao đó. Linh cảm? Giác quan thứ sáu? Tao cũng không biết nữa. Nhưng tao hy vọng là ảnh sẽ quay lại trong lúc tao còn ở đây. Nếu không chuyến đi này trớt quớt. Thiệt, lẽ ra tao nên báo cho ảnh trước một tiếng thì hơn. Tao được thằng Merijn chở đi chơi cũng nhiều và ăn cũng nhiều nhưng tao nói thiệt là tao vẫn chưa nguôi được. Merijn chỉ tao, có hai dòng đồ ăn chính ở đây. Dòng cà ri, tức là gần giống đồ ăn Ấn Độ, và dòng Afghan, tức là kiểu hơi Ba Tư một chút. Tao nói, dân ở đây đúng là sướng nhứt trên đời vì được ăn BBQ xuất sắc kinh khủng khiếp. Merijn dắt tao vô nhà hàng BBQ thập cẩm, BBQ dê bò gà chim cuốc trộn lẫn, thiệt sự chỉ muốn sống ở đây cả đời. Quên mất, Merijn là tên thằng người Hà Lan. Bánh ngọt và bánh pizza và bánh quy đều rất ngon, bán trong mấy tiệm bánh kiểu Tây. Còn trái cây nữa chớ, táo nè, lê nè, ổi nè, chuối nè, lựu nè… cái nào cái nấy nhìn nhớp nhớp bụi bụi xấu xấu chớ không mướt rượt hơn mấy cái đồ bán trong siêu thị ở nhà mình nhưng khi ăn thì ngon thôi rồi. Tao chưa bao giờ ăn trái táo nào ngon như trái táo tao đang ăn ngay lúc này nè, lúc viết cái email này nè. Nói vậy chớ tao vẫn nhớ hủ tíu khô Nguyễn Trung Trực với đậu hủ chiên rưới sốt me đậu phộng với trà sữa với trái cây dầm sữa sirô lắm. Hu hu hu. Tao không hy vọng là lúc về tao sẽ giảm được ký nào vì bên này tao ăn dữ lắm, càng lo tao càng ăn. Mà bọn ở đây không hiểu sao uống Fanta nhiều dữ luôn. Tao nói, nhà nhà uống Fanta, người người uống Fanta. Hỏi ra thì biết là ở đây không được phép uống đồ uống có cồn. Rượu bia gì cũng không có. Tao nói, thiệt tình, không uống rượu uống bia thì uống cái gì? Mày hãy tưởng tượng một cảnh phim như sau. Đang đêm một người đàn ông rậm râu đến tìm một người đàn ông rậm râu khác, đề nghị: đi thôi, chúng ta có chuyện cần phải nói với nhau như hai người đàn ông. Hai người chui lên xe đóng sầm cửa, lái ra khu chợ đêm đông đúc thanh niên trai tráng đầu đường xó chợ. Ngồi phịch xuống một quán nước, hai người gọi một chai Fanta và hai ly đá. Nói chung, Fanta đã triệt tiêu hết nét ngầu của tất cả mọi người. Thiệt quá khùng. Anyway, tao hy vọng mày không nổi máu lên mà nhắn tin lăng loàn với thằng Tuấn Anh nữa. Trò đó không có gì hay đâu và chỉ làm nó thêm hy vọng hão huyền là tao vẫn còn thèm nó. Tao cũng thấy không hài lòng lắm về bản thân khi không chia sẻ hết với mày về hiện trạng xung đột giữa tao và bà má. Tao sẽ kể khi tao quay về. Cảm ơn vì mày đã và đang đóng tốt vai trò thế mạng cho tao. Bao giờ về tao sẽ mua tặng mày cái áo Mango đó. Mà nếu mày sợ hết hàng thì cứ lấy tiền bán dây cột tóc mà mua. Mày vui là tao vui rồi. Bên này có nhiều cái lạ lẫm quái chiêu làm tao thấy tò mò, nhưng đến đêm lại tao nhớ mày khóc quá trời khóc. Nhiều khi tao nghĩ tao nên ở vậy với mày suốt đời chớ đeo đuổi anh Thái chi cho cực. Mày có đồng ý không? Lúc tao về bọn mình sẽ đi Nha Trang cùng hiệp hội pêđê, OK? Tao yêu mày kinh khủng. Kinh khủng. Đừng bao giờ rời bỏ tao. Yêu mày. Nhàn của mày. P/S: Mày yên tâm, tao thấy nếu Vũ Trọng Phụng dắt con mèo xám đó về ở thì sẽ khá đẹp vì màu xám tiệp màu với màu giấy dán tường phòng mày. Còn cái thằng gì chủ nó đó, hỏi nó bị dị ứng yến sào bào ngư gì gì không, OK? Sao nó dị ứng sang dữ vậy? Và mày làm ơn đặt tên các bộ dây cột tóc bằng tiếng Anh giùm tao. Tên Kiệt nghe cũng được. Đây là lần đầu tiên tao thấy mày dính líu tới một thằng có cái tên ra hồn. Hy vọng nó cũng ra hồn giống tên nó. Chương 13 “Taliban là cái gì?”, tôi hỏi trong lúc Merijn chăm chú lái xe trên xa lộ. Vì không thể tìm được vé máy bay trong vòng ba ngày tới nên hắn quyết định sẽ tự chạy xe hơi tới Islamabad, mất đúng một ngày trên đường. Bọn tôi đã đi được ba bốn tiếng đồng hồ, từ buổi chiều, giờ đã là đêm. Merijn hơi suy nghĩ trong một giây rồi trả lời: “Cũng khó mà giải thích ngắn gọn Taliban là gì. Trước đây họ là thế lực chính trị cầm quyền ở Afghanistan. Sau vụ Mười Một Tháng Chín, Mỹ tấn công Afghanistan, thiết lập ở đó một chính quyền mới, họ trở thành kiểu lục lâm thảo khấu, thổ phỉ. Bắt cóc tống tiền, đánh bom cảm tử, đánh chiếm các thành phố nhỏ ở phía Bắc và Nam Afghanistan, họ làm tất. Nhìn chung họ là thủ phạm đằng sau tình hình bất ổn ở Afghanistan trong cỡ mười mấy năm trở lại đây.” “Ủa nhưng đó là ở Afghanistan mà. Đây là Pakistan. Pakistan thì liên quan gì?”, tôi hỏi. “À, đó là một Taliban khác nữa, hay gọi nôm na là Taliban của Pakistan. Cả hai đều là Taliban, có liên quan mật thiết tới nhau, nhưng lại là hai tổ chức. Rắc rối lắm. Đều là Hồi giáo cực đoan, đều đánh bom cảm tử, chết chóc như nhau.” Đối với tôi thì cái chuyện này thiệt khó tưởng tượng. Thiệt sự như vậy. Trước đây tôi vốn biết là ở nhiều nơi trên thế giới, tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời một con người. Họ ăn tôn giáo, ngủ tôn giáo, lấy vợ lấy chồng cũng tôn giáo. Tóm lại, cái gì cũng phải đẹp lòng một đấng nào đó mới được. Tôi vẫn biết vậy. Nhưng giờ, chứng kiến mọi người ở đây sống cuộc đời của họ, làm những việc của họ, đôi khi là những việc chẳng thể nào chấp nhận nổi, tôi mới thấy tôn giáo có một sức nặng khủng khiếp. Ý tôi là, họ sẵn sàng đặt một quả bom chỉ vì tôn giáo. Đến mức đó. Tôi thì mê ăn ngon mặc đẹp thiệt đó, nhưng tôi sẽ không bao giờ đặt bom chỉ """