"
Cô Bé Uống Ánh Trăng PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cô Bé Uống Ánh Trăng PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
KELLY BARNHILL
Hồng Quyên dịch
—★—
CÔ BÉ UỐNG ÁNH TRĂNG THE GIRL WHO DRANK THE MOON
NXB TRẺ
ebook©vctvegroup | 09-05-2021
Sách Bán Chạy Nhất theo bình chọn của New York Times
Sách Thiếu Nhi Hay Nhất Năm 2016 theo bình chọn của Entertainment Weekly
Sách Hay Nhất Năm 2016 của Thư viện Công cộng New York Sách Hay Nhất Năm 2016 của Thư viện Công cộng Chicago
Được New York Times so sánh với các tác phẩm kinh điển như Peter Pan hay Phù thủy xứ Oz. Cô bé uống ánh trăng kể câu chuyện đầy mê hoặc về một phù thủy tốt bụng đã vô tình ban cho đứa trẻ bình thường nguồn sức mạnh ma thuật, rồi giữ em bên mình.
Luna - cô bé đó sống êm đềm trong tình yêu thương của bà phù thủy, quái vật đầm lầy và rồng tí hon, cho đến khi phép thuật trong người bùng nổ…
“Ngày xửa ngày xưa, có những pháp sư và phù thủy tốt sống trong một lâu đài giữa rừng.
Dĩ nhiên thuở đó khu rừng chưa nguy hiểm. Chúng ta biết ai là kẻ chịu trách nhiệm vì đã nguyền rủa khu rừng. Đó cũng là kẻ cướp đi con cái của chúng ta và đầu độc nguồn nước. Những ngày đó, Bảo Hộ Quốc còn rất thịnh vượng và khôn ngoan. Không ai cần đến Con Đường để băng qua khu rừng. Khu rừng là bạn của tất cả mọi người. Và ai cũng có thể đi bộ đến Lâu đài của Kẻ Mang Phép để xin thuốc chữa bệnh hay lời khuyên, hay chỉ để buôn chuyện.
Nhưng một ngày nọ, một mụ Phù Thủy xấu xa cưỡi trên lưng một con rồng bay qua bầu trời. Mụ ta mang giày đen, đội mũ đen và mặc áo màu máu. Mụ hú lên cuồng nộ giữa trời.
Đúng vậy đấy con. Đây là chuyện có thật. Chứ còn loại chuyện nào khác nữa sao?”
– Trích tác phẩm
1.
Một câu chuyện kể
Đúng vậy.
Trong rừng có một mụ phù thủy. Mụ đã ở đó từ đời thuở nào. Con thôi nhấp nha nhấp nhổm một lần được không? Ôi những ngôi sao của tôi ơi! Ta chưa từng thấy đứa trẻ nào cứ cựa quậy không yên thế này.
Không, con yêu ạ, mẹ chưa thấy mụ ta bao giờ. Chưa có ai thấy hết. Lâu lắm rồi. Chúng ta đã làm nhiều việc để không phải thấy mụ ta.
Những việc kinh khủng.
Đừng bắt mẹ nói ra. Đằng nào con cũng biết rồi cơ mà. Ôi mẹ không biết, con yêu. Không ai biết vì sao mụ ta lại muốn trẻ con. Chúng ta không biết vì sao mụ ta luôn khăng khăng muốn những đứa trẻ non nớt nhất. Chúng ta không thể hỏi mụ. Chưa từng ai thấy mụ. Chúng ta đảm bảo rằng không ai nhìn thấy mụ ta. Dĩ nhiên là mụ ta có thật rồi. Con hỏi gì kỳ vậy? Nhìn những khu rừng mà xem! Nguy hiểm biết bao nhiêu! Khói độc, hố sâu, các mạch nước phun sôi sùng sục và bao nhiêu hiểm nguy khôn lường ở khắp nẻo. Con nghĩ tất cả đều là tình cờ thôi sao? Vớ vẩn! Là Mụ Phù Thủy đấy, và nếu chúng ta không làm theo lời mụ thì ai biết ta sẽ gặp phải chuyện gì?
Con cần mẹ giải thích thật đấy à?
Thôi mẹ thà không nói thì hơn.
Ôi thôi nào, nín đi, đừng khóc. Có phải Hội đồng Bô Lão sắp đến tìm con đâu. Con lớn quá rồi.
Từ gia đình mình ư?
Có, con yêu à. Đã từ lâu lắm rồi. Trước khi con ra đời. Nó là một đứa trẻ xinh xắn.
Giờ thì hãy ăn cho xong bữa và đi làm cho xong mấy chuyện lặt vặt đi. Mai chúng ta phải dậy sớm đấy. Ngày Hiến Tế không chờ đợi ai, và chúng ta phải có mặt để cảm ơn đứa trẻ sẽ cứu chúng ta thêm một năm nữa.
Anh con ư? Làm sao mẹ đấu tranh cho nó được? Nếu làm vậy, Mụ Phù Thủy sẽ giết hết tất cả và rồi chúng ta sẽ ở đâu? Hy sinh một người hoặc hy sinh tất cả. Thế giới là như vậy. Có cố đi nữa thì chúng ta cũng không thay đổi được.
Hỏi han đủ rồi. Thôi nhé. Đứa trẻ khờ khạo này.
2.
Một người đàn bà không may phát điên
Sáng nay Đại Bô Lão Gherland rất thong thả. Sau cùng thì Ngày Hiến Tế mỗi năm chỉ có một lần, và lão muốn trông chỉn chu nhất trong suốt đám rước trang trọng đến ngôi nhà bị nguyền rủa, và trong chuyến trở về buồn bã. Lão khuyến khích những Bô Lão khác làm tương tự. Quan trọng là phải diễn cho quần chúng xem.
Lão cẩn thận dặm phấn đỏ lên đôi má hõm và kẻ đường viền mắt dày bằng phấn đen. Lão kiểm tra lại răng trong gương xem có dính cặn hay mảng bám gì không. Lão khoái cái gương đó. Nó là cái duy nhất trong Bảo Hộ Quốc. Chẳng có gì làm Gherland hài lòng hơn việc sở hữu một thứ hiếm có. Lão thích làm người đặc biệt.
Vị Đại Bô Lão có rất nhiều của cải độc nhất vô nhị trong Bảo Hộ Quốc. Đó là một trong những đặc quyền của công việc này. Bảo Hộ Quốc – vài người gọi là Vương quốc Đuôi Mèo, người khác thì gọi là Thành phố Bất Hạnh – kẹp giữa một bên là khu rừng xảo trá, một bên là một vũng lầy mênh mông. Phần lớn người dân của Bảo Hộ Quốc kiếm kế sinh nhai từ Bãi Lầy. Các bà mẹ bảo con mình rằng có cả tương lai ở Bãi Lầy. Không hẳn là sáng sủa, con biết đấy, nhưng còn tốt hơn là chẳng có gì. Đầm lầy mọc đầy chồi Zirin vào mùa xuân, hoa Zirin vào mùa hè và củ Zirin vào mùa thu – chưa kể đến vô số loại thảo mộc chữa bệnh và vô vàn cây cối ma quái kỳ lạ để hái, sơ chế, chế biến rồi bán cho các Thương Lái đến từ bên
kia cánh rừng, đổi lại họ chở tới các loại hoa quả từ Bãi Lầy tới những Thành phố Tự Do, cách đó rất xa. Bản thân khu rừng hiểm nguy vô vùng, và chỉ có thể định hướng được nhờ Con Đường mà thôi.
Và các Bô Lão là người sở hữu Con Đường.
Nói thế nghĩa là Đại Bô Lão Gherland sở hữu Con Đường, và các Bô Lão khác cũng có phần. Các Bô Lão cũng sở hữu luôn Bãi Lầy. Cùng bao vườn cây ăn quả. Những ngôi nhà. Các quảng trường họp chợ. Thậm chí cả những khoảnh vườn.
Đó là lý do những gia đình của Bảo Hộ Quốc lại làm giày dép bằng cây sậy. Đó là lý do lúc đói kém, họ cho con cái mình uống thử nước dậm đặc của Bãi Lầy, hy vọng Bãi Lầy sẽ làm chúng khỏe mạnh.
Đó là lý do các Bô Lão cùng gia đình họ ai nấy đều to khỏe hồng hào nhờ thịt bò cùng bơ và bia.
Có tiếng gõ cửa.
“Vào đi,” Đại Bô Lão Gherland lầm bầm trong lúc chỉnh lại viền xếp nếp trên áo chùng.
Là Antain. Cháu trai của lão. Một Bô Lão Tập Sự, nhưng đó chỉ là vì trong một phút yếu lòng, Gherland đã hứa hẹn với bà mẹ thậm chí còn ngớ ngẩn hơn của thằng bé ngớ ngẩn này. Nhưng nói vậy thì thật không tử tế gì. Antain là một thằng cũng được, gần mười ba tuổi. Nó chăm chỉ và nhanh nhẹn. Nó giỏi tính toán, khéo tay và có khả năng sửa soạn một cái ghế dài thoải mái cho một Bô Lão đang mệt mỏi nhanh không kém hơi thở. Và mặc dù không thích,
Gherland vẫn nuôi một niềm quý mến không giải thích nổi đối với thằng bé.
Nhưng mà…
Antain có nhiều ý tưởng lớn. Những ý tưởng kỳ lạ. Và nhiều thắc mắc. Gherland cau mày. Thằng bé Antain – nói sao cho đúng nhỉ? Quá sắc sảo. Nếu cứ tiếp diễn như vậy thì lão phải xử lý nó thôi, dù có vấy máu hay không. Suy nghĩ đó làm tim Gherland nặng trĩu, như đá.
“CẬU GHERLAND!” Suýt chút nữa Antain đã làm cậu mình ngã nhào bằng sự nhiệt tình không chịu nổi của mình.
“Bình tĩnh lại nào nhóc con!” vị Bô Lão nạt. “Đây là một sự kiện trang trọng!”
Thằng bé bình tĩnh lại thấy rõ, gương mặt háo hức như một chú chó gục xuống. Gherland cưỡng lại thôi thúc muốn vỗ nhẹ lên đầu nó. “Cháu được gửi tới đây,” Antain khẽ khàng nói tiếp, “để nói với cậu là các Bô Lão khác đã sẵn sàng rồi. Dân chúng đang chờ dọc đường. Tất cả mọi người.”
“Tất cả? Không có kẻ nào trốn ư?”
“Sau năm ngoái, cháu nghĩ sẽ chẳng có ai dám nữa đâu,” Antain nói kèm theo một cái nhún vai.
“Tiếc thật.” Gherland nhìn gương lần nữa, đưa tay sờ hai gò má. Lão thích thỉnh thoảng dạy cho dân chúng của Bảo Hộ Quốc một bài học. Nó giúp làm rõ ràng nhiều chuyện. Lão vỗ vỗ những nếp gấp bị chùng dưới cằm và cau mày. “Chậc, cháu trai,” lão vừa nói vừa phất áo chùng điệu nghê, động tác mà mất một thập kỷ lão mới làm hoàn
hảo được. “Chúng ta đi thôi. Đứa trẻ đó không tự hiến mình đâu.” Và lão khệnh khạng bước ra đường, Antain líu ríu bám gót.
❀ ❀ ❀
Thông thường, Ngày Hiến Tế đến và đi cùng với tất cả những sự tráng lệ và nghiêm trang cần thiết. Lũ trẻ được dâng hiến mà không có ai phản đối. Gia đình đang tê dại của chúng than van trong thinh lặng, bao nồi thịt hầm và thức ăn bổ dưỡng được chất vào bếp họ, trong lúc những vòng tay an ủi của hàng xóm láng giềng ôm lấy họ để giảm bớt nỗi đau mất người thân.
Thông thường, không ai phá luật.
Nhưng không phải lần này.
Đại Bô Lão Gherland mím môi thành một đường thẳng. Lão có thể nghe thấy tiếng gào rú của người mẹ trước khi đoàn diễu hành rẽ sang con đường cuối cùng. Người dân bắt đầu nhúc nhích tại chỗ một cách thiếu thoải mái.
Khi họ đến nhà của gia đình đó, một cảnh tượng đáng kinh ngạc bày ra trước mắt Hội đồng Bô Lão. Một người đàn ông mặt chằng chịt sẹo, môi dưới sưng vù, đầu hói lốm đốm những vết đỏ ngầu gặp họ ngay cửa. Hắn ta cố gắng nở nụ cười, nhưng cái lưỡi theo bản năng chạy lên khoảng trống, nơi mà mới đây vẫn còn hiện diện một cái răng. Hắn ta liếm môi và cúi chào để lấp liếm.
“Xin các ngài thứ lỗi,” người đàn ông nói – người cha của đứa trẻ, có lẽ vậy. “Tôi không biết cái gì nhập vào mụ ấy nữa. Mụ ấy điên
rồi.”
Từ xà nhà trên đầu họ, một người phụ nữ gào rú lên khi các Bô Lão bước vào nhà. Mái tóc đen óng xõa tung quanh đầu như một ổ rắn dài đang quằn quại. Cô ta phun phì phì và nhổ nước bọt như một con thú bị dồn vào chân tường. Cô ta bám vào thanh rầm bằng một tay và một chân, tay còn lại ôm chặt một đứa bé trong lòng.
“CÚT ĐI!” cô ta gào lên. “Các người không được bắt con bé. Tôi nhổ vào mặt và nguyền rủa tên tất cả các người. Cút ra khỏi nhà tôi ngay lập tức, nếu không tôi sẽ móc lòi mắt các người ra và quãng cho bò đó!”
Các Bô Lão tròn mắt nhìn cô ta, miệng há hốc. Họ không tin nổi. Chưa ai từng đấu tranh cho một đứa trẻ đã tận số. Đơn giản là chuyện này chưa bao giờ xảy ra.
(Riêng Antain bắt đầu khóc. Nó cố hết sức để giấu không cho người lớn trong phòng thấy.)
Gherland, nghĩ nhanh, liền đeo một vẻ tử tế lên gương mặt ma mãnh của mình. Lão xòe hai lòng bàn tay về phía người mẹ để cho cô ta thấy lão không định làm gì gây hại. Đằng sau nụ cười, lão nghiến răng. Tất cả những sự tử tế này gần như đang giết lão.
“Chúng tôi đâu có bắt đứa bé đi đâu, hỡi cô gái tội nghiệp, lầm lạc của ta ơi,” Gherland nói bằng giọng kiên nhẫn nhất của mình. “Mụ Phù Thủy mới là người sẽ bắt con bé đi. Chúng tôi chỉ đang làm điều được bảo mà thôi.”
Người mẹ gầm gừ trong cổ họng, như một con gấu đang nổi giận.
Gherland đặt tay lên vai người chồng đang bối rối và siết nhẹ. “Anh bạn, có vẻ anh nói đúng: vợ anh phát rồ rồi.” Lão cố hết sức để che giấu cơn thịnh nộ bằng sự quan tâm giả tạo. “Một trường hợp hiếm, dĩ nhiên, nhưng không phải chưa có tiền lệ. Chúng ta phải đáp lại bằng sự cảm thông. Cô ấy cần quan tâm chứ không phải buộc tội.”
“ĐỒ DỐI TRÁ,” người phụ nữ phun phì phì. Đứa trẻ bắt đầu khóc, còn cô ta thì leo lên thậm chí còn cao hơn, đặt mỗi bàn chân lên những thanh xà song song nhau và tì lưng vào chỗ nghiêng của mái nhà, cố gắng đặt mình ở một vị trí ngoài tầm với trong lúc dỗ dành đứa bé. Đứa bé lập tức bình tĩnh lại. “Nếu các người đem con bé đi,” cô ta gầm gừ, “tôi sẽ tìm ra nó. Tôi sẽ tìm ra nó và đưa nó về. Rồi các người xem.”
“Và đối mặt với Mụ Phù Thủy sao?” Gherland cười to. “Một mình? Ôi linh hồn đáng thương, lạc lối ơi.” Lời nói của lão ngọt như mật, nhưng mặt lão thì nóng lên. “Buồn đau làm cô mất hết lý trí rồi. Cú sốc đã làm nát vụn trí óc cô rồi. Không sao. Chúng ta sẽ chữa lành cho cô, cô gái ạ, hết sức mình. Lính đâu!”
Lão búng tay, và những tên lính mang vũ khí ập vào phòng. Họ là một đơn vị đặc biệt, như thường lệ được cung cấp bởi Các Sơ Tinh Tú. Họ mang cung tên trên vai và giắt những thanh gươm ngắn, sắc nhọn nơi thắt lưng. Mái tóc dài tết bím quấn quanh eo, được buộc chặt gọn gàng – một chứng cứ của nhiều năm suy tưởng và huấn luyện chiến đấu trên đỉnh Tòa Tháp. Nét mặt họ lạnh tanh như đá, và các Bô Lão, bất chấp quyền lực và vóc người của mình, đều nhích ra xa. Các Sơ là một lực lượng đáng sợ. Không đùa được.
“Lấy đứa bé khỏi kẻ tâm thần đó rồi hộ tống người mẹ đáng thương này tới Tòa Tháp,” Gherland ra lệnh. Lão trừng mắt nhìn người mẹ trên xà nhà lúc này đột nhiên tái mét mặt mày. “Các Sơ Tinh Tú biết phải làm gì với những linh hồn tan vỡ, cô gái yêu quý ạ. Ta chắc sẽ chẳng đau chút nào đâu.”
Các Lính Gác rất hiệu quả, điềm tĩnh và cực kỳ không khoan nhượng. Người mẹ không có cơ hội nào. Chỉ trong vài giây, cô đã bị bao vây, trói gô lại và giải đi. Tiếng rú của cô vang vọng trong thành phố tĩnh lặng, rồi đột ngột im bặt khi cánh cửa gỗ đồ sộ của Tòa Tháp đóng sầm, nhốt cô lại bên trong.
Ngược lại, đứa bé, khi đã được chuyển sang tay của Đại Bô Lão, chỉ thút thít một chút rồi hướng sự chú ý sang gương mặt ranh ma trước mắt mình, núng nính, nhăn nheo và nhàu nhĩ. Cô bé đeo một vẻ mặt nghiêm trang – điểm tĩnh, hoài nghi và mãnh liệt, khiến Gherland khó lòng nhìn đi chỗ khác được. Nó có mái tóc xoăn màu đen và đôi mắt đen. Nước da sáng bóng như hổ phách được đánh bóng. Ngay giữa trán cô bé có một cái bớt hình lưỡi liềm. Người mẹ cũng có cái bớt tương tự. Tương truyền rằng những người như thế là những người đặc biệt. Gherland không thích những thứ tương truyền, như một quy luật chung, và lão đương nhiên căm ghét việc công dân của Bảo Hộ Quốc có suy nghĩ đó trong đầu rồi cho rằng chúng giỏi giang hơn thực tế. Lão càng nhăn trán hơn và cúi tới gần, nhíu mày. Đứa bé lè lưỡi.
Đứa trẻ kinh khủng, Gherland nghĩ.
“Thưa các ngài,” lão nói bằng tất cả sự trịnh trọng có thể gom được, “đã đến lúc rồi.” Đứa bé chọn đúng lúc này để lưu lại một vết
bẩn lớn, ấm và ướt nhẹp trên tà áo chùng trước của Gherland. Lão vờ không để ý, nhưng trong bụng thật ra đang nổi đóa. Nó cố ý. Lão chắc chắn như thế. Thật là một đứa bé kinh tởm. Đám rước, như thường lệ, ảm đạm, chậm chạp và nặng nề không chịu nổi. Gherland muốn điên lên vì sốt ruột. Tuy nhiên, một khi cánh cổng của Bảo Hộ Quốc đã đóng lại sau lưng họ, và dân chúng ai nấy đều đã trở về những ngôi nhà nhỏ xíu buồn tẻ cùng với đàn con sầu thảm của mình, các Bô Lão sẽ tăng tốc. “Nhưng sao chúng ta lại chạy hả cậu?” Antain hỏi.
“Suỵt, thằng nhóc này!” Gherland xùy xùy. “Chạy cho kịp đấy nhé!”
Không ai thích ở trong rừng, xa Con Đường. Ngay cả các Bô Lão. Ngay cả Gherland. Khu vực ngay bên ngoài bức tường của Bảo Hộ Quốc thì an toàn. Về lý thuyết. Nhưng ai cũng biết có người từng vô tình đi lang thang quá xa. Và bị ngã xuống một cái hố sụt. Hoặc sa chân vào hố bùn nóng, làm bỏng gần hết da. Hoặc đi thơ thẩn vào thung lũng nơi không khí rất tệ, và không bao giờ trở về. Khu rừng là nơi nguy hiểm.
Họ đi theo một lối mòn hoang vu đến một lòng chảo nhỏ, chung quanh là năm cái cây cổ xưa, được biết đến với tư cách là Hầu gái của Mụ Phù Thủy. Hay sáu. Không phải từng có năm cây sao? Gherland nhìn mấy cái cây chằm chằm, đếm lại lần nữa rồi lắc đầu. Có sáu cây. Không sao. Khu rừng chỉ đang chọc tức lão thôi mà. Mấy cái cây đó già gần bằng thế giới rồi còn gì.
Khoảng không gian bên trong những cái cây phủ đầy rêu mềm mại, và các Bô Lão đặt đứa trẻ lên đó, cố gắng hết sức không nhìn nó. Khi họ đã quay lưng và bắt đầu vội vã bỏ đi thì thành viên trẻ nhất hắng giọng.
“Vậy, chúng ta cứ để nó ở đây ư?” Antain hỏi. “Bắt buộc như thế ư?”
“Đúng vậy, cháu trai,” Gherland đáp. “Phải như thế.” Đột nhiên lão cảm thấy một gánh nặng đè lên vai như ách bò. Lão cảm thấy xương sống mình võng xuống.
Antain tự véo cổ mình – một thói quen khi căng thẳng mà cậu không bỏ được. “Chúng ta có nên đợi Mụ Phù Thủy đến không?” Các Bô Lão khác đồng loạt im lặng đến khó chịu.
“Nói lại xem nào?” Bô Lão Raspin, vị Bô Lão hom hem nhất hỏi. “Dạ, chắc là…” giọng Antain nhỏ dần. “Chắc là chúng ta phải đợi Mụ Phù Thủy chứ,” cậu nói khe khẽ. “Chúng ta sẽ còn mặt mũi nào nếu lũ thú hoang đến trước và tha đứa bé đi?”
Các Bô Lão khác nhìn Đại Bô Lão, môi mím chặt.
“Cháu trai ạ, may mắn là,” lão vội nói, dẫn thằng bé đi, “đó chưa bao giờ là vấn đề.”
“Nhưng…” Antain mở miệng, lại véo vào cổ, mạnh tới nỗi hằn cả dấu.
“Không nhưng nhị gì hết,” Gherland nói, đặt một bàn tay rắn chắc lên lưng cậu, vội vã sải chân trên con đường đã bị dẫm đạp kha khá.
Và lần lượt, các Bô Lão rời đi, để đứa bé lại sau lưng.
Trừ Antain, tất cả đều bỏ đi và biết rằng, vấn đề không phải ở chỗ đứa trẻ có bị thú hoang ăn thịt hay không, mà là chắc chắn nó sẽ bị xơi tái.
Họ bỏ đi khi biết rằng chắc chắn không có mụ phù thủy nào. Chưa bao giờ có. Chỉ có một khu rừng nham hiểm, một con đường độc đạo và một mạng sống mong manh đang treo trên đầu sợi tóc, việc mà các Bô Lão đã thích thú tận hưởng nhiều đời nay. Mụ Phù Thủy – đó là nếu tin có mụ – được dựng nên dành cho một giống dân hay kinh sợ, một giống dân u sầu, một giống dân biết phục tùng, những người sống trong màn sương sầu thảm, những đám mây bi thương làm tê dại các giác quan và mụ mị đầu óc. Thật vô cùng thuận tiện cho quy tắc không bị ai cản trở của các Bô Lão. Đương nhiên là cũng không dễ chịu gì nhưng chuyện đó thì không thể tránh được.
Họ nghe thấy tiếng đứa trẻ thút thít khi lê bước qua những hàng cây, nhưng tiếng khóc sớm nhường chỗ cho tiếng thở dài của đầm lầy, tiếng chim kêu và tiếng cây cối khắp rừng vặn mình răng rắc. Và mỗi Bô Lão đều cảm thấy chắc chắn rằng đứa trẻ sẽ không sống nổi đến lúc bình minh, và rằng họ sẽ không bao giờ nghe thấy, nhìn thấy, cũng như không bao giờ nghĩ đến nó nữa.
Họ nghĩ đứa bé đã ra đi mãi mãi rồi.
Họ đã lầm, đương nhiên.
3.
Một Bà Phù Thủy vô tình truyền phép thuật cho một đứa trẻ
Ở chính giữa khu rừng là một đầm lầy nhỏ – sủi bọt, nồng nặc mùi lưu huỳnh và độc hại, được nuôi dưỡng và làm ấm nhờ một miệng núi lửa ngầm ngủ yên lâu nay, mặt đầm phủ một lớp chất nhờn bóng nhẫy có màu chuyển từ xanh lá độc đến xanh lam gắt rồi đỏ máu, tùy từng mùa. Hôm nay – quá gần Ngày Hiến Tế trong Bảo Hộ Quốc, hay Ngày Đứa Trẻ Tinh Tú ở mọi nơi khác – màu xanh lá đang bắt đầu chuyển dần sang xanh lam.
Ở rìa đầm lầy, đứng ngay bên trên bờ sậy ven đầm là một bà lão già nua đang chống một cây gậy xương xẩu. Bà mập mạp, thấp người và bụng hơi phình. Mái tóc xám bù xù búi thành một búi tết dày, lá cây và hoa chĩa ra từ những kẽ hở nhỏ giữa những bím tóc. Gương mặt bà lão, mặc dù đang bực bội, vẫn giữ được vẻ tươi sáng trong đôi mắt già nua và một dấu hiệu nhỏ của nụ cười trên cái miệng rộng, mỏng dính. Nhìn ở những góc nhất định, bà trông khá giống một con cóc to, vui vẻ.
Tên bà lão là Xan. Và bà chính là một Phù Thủy.
“Ông nghĩ ông trốn được tôi sao, hỡi con quái vật ngớ ngẩn kia?” bà gầm lên với đầm lầy. “Đâu phải tôi không biết ông ở đâu. Hãy nổi lên ngay và xin lỗi đi.” Bà ráng cau mày bực bội. “Nếu không tôi sẽ ép ông đấy.” Dù bà chẳng có quyền lực nào lên quái vật – lão quá
già cỗi – nhưng chắc chắn bà có khả năng làm cho đầm lầy phải khạc lão ra như thể lão chẳng khác gì một cục đờm trong cổ họng. Bà có thể làm thế chỉ bằng cách phẩy tay trái và lắc nhẹ đầu gối phải.
Bà cố quắc mắt lần nữa.
“TÔI NÓI THẬT ĐẤY,” bà hét lên.
Làn nước đặc quánh sủi bọt và cuộn xoáy, và cái đầu khổng lồ của con quái vật đầm lầy trồi lên khỏi mặt nước xanh lè. Lão chớp một con mắt to cồ cộ, rồi tới mắt kia, trước khi đảo cả hai con lên trời.
“Đừng có mà đảo mắt với tôi anh bạn trẻ,” bà gắt.
“Mụ Phù Thủy,” quái vật thì thầm, phân nửa miệng lão vẫn đang chìm trong làn nước đầm lầy đặc quánh. “Tôi già hơn mụ rất nhiều thế kỷ.” Cặp môi rộng thổi một cái bong bóng trong lớp tảo loang. Thiên niên kỷ mới đúng, lão nghĩ. Nhưng ai thèm đếm?
“Tôi không nghĩ tôi thích cái giọng điệu đó đâu.” Xan cau đôi môi đầy nếp nhăn thành một cái chúm nhỏ giữa mặt.
Quái vật hắng giọng. “Như Nhà Thơ đã nói một câu nổi tiếng, thưa quý bà: Tôi không quan tâm cái đ…’”
“GLERK!” Bà Phù Thủy la lên thất kinh. “Cẩn thận từ ngữ!” “Xin lỗi,” Glerk ôn tồn, dù lão không có ý như vậy. Lão tì hai cánh tay lên lớp đất bùn trên bờ, ấn những bàn tay bảy ngón lên chỗ bùn sáng. Gừ lên một tiếng, lão đu người lên bờ cỏ. Việc này từng dễ dàng hơn nhiều, lão nghĩ. Mặc dù đến từng tuổi này rồi thì lão cũng không nhớ nổi là khi nào.
“Fyrian đang khóc muốn lòi mắt ra cạnh mấy cái lỗ thông hơi kìa, tội nghiệp,” bà lão cáu kỉnh. Lão Glerk thở dài. Xan quăng cây gậy xuống đất, làm đầu gậy bắn ra tia lửa, khiến cả hai ngạc nhiên. Bà trừng mắt nhìn con quái vật đầm lầy. “Còn ông ích kỷ quá đấy.” Bà lắc đầu. “Dù gì đi nữa nó cũng chỉ là trẻ con thôi mà.”
“Xan yêu dấu ơi,” lão Glerk nói, cảm thấy một tiếng ầm ầm sâu trong lồng ngực, lão hy vọng nghe ấn tượng và kịch tính chứ không giống một kẻ sắp bị cảm lạnh. “Nó cũng già hơn mụ. Và đã đến lúc…”
“Ôi, ông biết ý tôi là gì mà. Vả lại tôi đã hứa với mẹ của nó rồi.” “Suốt năm trăm năm, hơn kém một hay hai thập kỷ gì đó, con rồng con đó cứ đắm chìm trong những ảo tưởng này – được chính mụ nuôi dưỡng và kéo dài, mụ già yêu quý à. Như thế thì giúp ích gì cho nó? Nó không phải là một Con Rồng Đơn Giản Là Khổng Lồ. Đến tận lúc này vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy một tương lai như thế cả. Là một Con Rồng Tí Hon không có gì xấu hổ hết. Kích thước không phải là tất cả, mụ biết mà. Nó thuộc về một giống loài cổ xưa và danh giá, sở hữu nhiều nhà tư duy vĩ đại nhất của Bảy Kỷ. Nó có rất nhiều điều để tự hào.”
“Mẹ nó đã nói rất rõ rằng…” Xan mở lời, nhưng con quái vật ngắt ngang.
“Đằng nào đi nữa, thời điểm nó phải nhớ về di sản và vị trí của nó trên thế giới đã qua lâu lắm rồi. Tôi đã hùa theo những câu chuyện viễn tưởng này lâu hơn mức cần thiết. Nhưng giờ thì…” Glerk tì bốn cánh tay xuống đất và thả lỏng cái mông to đùng xuống chỗ cong dưới xương sống, mặc cái đuôi nặng nề cuộn quanh thân như
vỏ của một con ốc sên khổng lồ. Lão để cái bụng phệ của mình thõng thượt trên mấy cái chân khuỳnh khuỳnh. “Tôi không biết nữa, mụ già yêu quý ạ. Có cái gì đó đã thay đổi.” Một đám mây thoáng qua khuôn mặt ướt nhẹp của lão, nhưng Xan lắc đầu.
“Lại nữa,” bà giễu.
“Như Nhà Thơ nói, Ôi Trái Đất Đổi Thay…”
“Mặc xác Nhà Thơ. Hãy xin lỗi đi. Hãy làm ngay. Nó rất tôn trọng ông.” Xan nhìn lên trời. “Tôi phải bay thôi. Trễ rồi. Làm ơn đấy. Tôi trông cậy cả vào ông.”
Glerk ì ạch lết về phía Phù Thủy, bà áp tay lên đôi má to bè của lão. Mặc dù đi thẳng được, nhưng lão vẫn thích bò bằng cả sáu chân hơn – hoặc bảy, với cái đuôi thi thoảng đóng vai trò như chân, hoặc năm, nếu lão có phải xài một tay để hái một bông hoa đặc biệt thơm rồi đưa lên mũi ngửi, hoặc lượm đá, hoặc thổi một điệu nhạc ám ảnh bằng cây sáo tự làm. Lão ấn cái trán to bè của mình lên đôi lông mày tí xíu của Xan.
“Làm ơn hãy cẩn thận một chút,” lão trầm giọng. “Dạo này tôi hay mơ thấy những giấc mơ hết sức phiền hà. Lúc mụ đi xa tôi lo cho mụ lắm.” Xan nhướn mày, lão Glerk quay mặt đi với một tiếng gầm gừ nho nhỏ. “Được thôi,” lão nói. “Tôi sẽ tiếp tục kéo dài câu chuyện huyễn hoặc kia cho anh bạn Fyrian của chúng ta. ‘Con đường dẫn đến Sự Thật nằm trong trái tim mơ mộng,’ Nhà Thơ bảo chúng ta thế.”
“Vậy mới được chứ!” Xan đáp. Bà uốn lưỡi và gởi tới con quái vật một nụ hôn gió. Rồi bà nhảy phốc lên cây gậy, lao vào rừng cây xanh rì.
Mặc kệ những điều kì quặc mà cư dân của Bảo Hộ Quốc vẫn tin, khu rừng không hề bị nguyền rủa, cũng chẳng có chút nào ma quái. Nhưng nó nguy hiểm. Ngọn núi lửa nằm dưới khu rừng – dốc thoai thoải và rộng đáng ngạc nhiên – là thứ quỷ quyệt. Nó gầm gào trong giấc ngủ, trong lúc đợt nóng dung nham đến khi chúng nổ tung và gặm nhấm lấy những khe nứt cho đến khi chúng nứt sâu đến độ không ai nhìn thấy đáy. Nó nấu sôi những dòng suối, làm chín cả bùn đất và khiến những thác nước biến mất vào những hố sâu thăm thẳm, rồi xuất hiện lại cách đó hàng dặm đường. Có những miệng phun phun ra mùi hôi thối nồng nặc, có những cái phun ra tro, lại có những cái dường như chẳng phun ra gì cả – cho đến khi cặp môi hoặc móng tay của ai đó hóa xanh lè bởi không khí ô nhiễm, và cả thế giới bắt đầu xoay mòng mòng.
Lối đi an toàn thật sự duy nhất để băng qua khu rừng cho một người bình thường chính là Con Đường, tọa lạc trên một lớp đá trầm tích, theo thời gian đã bị trơn nhẵn dần. Con Đường không thay đổi hay dịch chuyển; nó không gầm gào. Không may thay, nó thuộc quyền sở hữu và tổ chức của một nhóm côn đồ và ác ôn của Bảo Hộ Quốc. Xan chưa bao giờ đi lại bằng Con Đường. Bà không chịu được những tên ác ôn. Hay côn đồ. Mà đằng nào đi nữa thì chúng cũng thu phí quá cao. Ít nhất lần cuối cùng bà kiểm tra thì là vậy. Nhiều năm rồi bà không mon men đến đâu gần đó – gần hai thế kỷ. Thay vì vậy bà tự kiếm đường cho mình, bằng cách kết hợp giữa phép thuật, kiến thức và lý luận thông thường.
Các chuyên du hành xuyên rừng của bà chẳng hề dễ xơi. Nhưng chúng cần thiết. Một đứa trẻ đang đợi bà, ngay bên ngoài Bảo Hộ
Quốc. Mạng sống của một đứa trẻ phụ thuộc vào việc bà có đến đó hay không – và bà cần phải đến đúng lúc.
Theo Xan nhớ, mỗi năm vào khoảng thời gian này đều có một bà mẹ của Bảo Hộ Quốc để con mình lại trong rừng, có lẽ cho nó chết. Xan không biết tại sao. Bà cũng không phán xét. Nhưng bà cũng sẽ không để sinh linh tội nghiệp đó mất mạng. Và thế là hàng năm, bà đều đến khu vực cây sung dâu đó và bế đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi lên, mang nó sang phía bên kia khu rừng, đến một trong những Thành phố Tự Do phía bên kia Con Đường. Đó là những nơi hạnh phúc. Và họ yêu trẻ con.
Đến đoạn con đường mòn uốn cong, những bức tường của Bảo Hộ Quốc hiện lên trong tầm mắt. Những bước chân nhanh nhảu của Xan chậm lại nặng nề. Bản thân Bảo Hộ Quốc là một xứ ảm đạm – không khí ô nhiễm, nước xấu, bất hạnh ngự trên mỗi mái nhà như một đám mây. Bà cảm thấy một nỗi buồn đè nặng lên vai chính mình.
“Cứ lấy đứa bé rồi đi thôi,” Xan tự nhắc mình, như mỗi năm vẫn làm.
Qua thài gian, Xan đã bắt đầu có những chuẩn bị nhất định – một tấm chăn dệt bằng loại lông cừu mềm mại nhất để bọc đứa trẻ và giữ ấm nó, một xấp vải để lau cái mông ướt, một hay hai chai sữa dê để lấp đầy cái bụng đói. Lúc nào hết sữa dê (lúc nào cũng hết – đường đi thì dài, mà sữa thì nặng), Xan làm cái chuyện mà bất cứ phù thủy biết điều nào cũng làm: một khi trời đã đủ tối tới mức nhìn thấy được sao, bà với một tay lên và hái ánh sao trong tay, như những sợi tơ óng ánh của lưới nhện, và cho đứa trẻ uống. Phù thủy
nào cũng biết ánh sao là một thực phẩm tuyệt diệu để nuôi trẻ sơ sinh. Để hái ánh sao cần sự khéo léo và tài năng (phép thuật là tiên quyết), nhưng trẻ con khoái ăn nó vô cùng. Chúng lớn lên mập mạp, no nê và sáng ngời.
Chẳng mất bao lâu để những Thành phố Tự Do xem sự xuất hiện hàng năm của Bà Phù Thủy như một ngày hội. Những đứa trẻ bà mang đến, da và mặt chúng sáng như ánh sao, được coi như một phúc lành. Xan dành thời gian chọn cho mỗi đứa trẻ một gia đình phù hợp, đảm bảo tính tình, phẩm chất và khiếu hài hước của họ hợp với sinh linh bé nhỏ mà bà đã chăm bẵm suốt cả quãng đường dài. Và Đứa Trẻ Tinh Tú, người ta gọi chúng thế, từ đứa bé vui vẻ thành những thiếu niên tốt bụng rồi thành những người lớn tử tế. Chúng được giáo dục kỹ lưỡng, có tâm hồn cao thượng và thành đạt. Khi chúng già và chết đi, chúng chết trong giàu có.
Khi Xan đến chỗ lùm cây, vẫn chưa có đứa bé nào ở đó, nhưng hãy còn sớm. Và bà bị mệt. Bà đến bên một trong những cái cây lởm chởm rồi dựa vào thân cây, hít hà mùi hương mùn đất của vỏ cây bằng cái chóp mũi mềm mềm.
“Ngủ một chút chắc khỏe hơn,” bà nói thành tiếng. Và đúng vậy thật. Chuyến đi thật dài và vất vả. Tốt nhất nên ẩn mình và nghỉ ngơi một chốc. Và thế là, như bà thường làm mỗi khi muốn chút yên bình và tĩnh lặng khi xa nhà, Phù Thủy Xan biến thành một cái cây – một cái cây lởm chởm đầy lá và địa y, lớp vỏ sần sùi, hình dáng và bề ngoài y như những cây sung dâu cổ thụ đang đứng canh lùm cây nho nhỏ kia. Và dưới hình hài cái cây, bà thiếp đi.
Bà không nghe thấy tiếng đám rước.
Bà không nghe thấy tiếng phản đối của Antain hay sự im lặng đáng xấu hổ của Hội Đồng hay sự kẻ cả cộc cằn của Đại Bô Lão Gherland.
Bà thậm chí còn không nghe thấy tiếng đứa bé gù gù. Hay tiếng nó thút thít. Hay tiếng nó khóc.
Nhưng khi đứa trẻ há họng gào lên một tiếng ra trò thì Xan giật mình tỉnh giấc.
“Ôi vì sao quý báu của ta ơi!” bà thốt lên bằng chất giọng thô ráp, sần sùi và đầy lá của mình, vì bà chưa kịp biến hình lại. “Ta không thấy con nằm đó!”
Đứa bé không bị ấn tượng. Nó tiếp tục đá chân, rên rỉ, tru và khóc lóc thảm thiết. Mặt nó đỏ ửng lên bực bội, hai bàn tay nhỏ xíu co lại thành nắm đấm. Cái bớt trước trán sẫm lại một cách nguy hiểm.
“Từ từ nào bé yêu. Dì Xan đang cố nhanh nhất có thể đây.” Và đúng vậy thật. Biến hình là một việc cực kỳ phức tạp, ngay cả với một tay lão luyện như Xan. Những nhánh cây bắt đầu xếp vào xương sườn, từng nhánh một, trong lúc lớp vỏ rút dần từng chút một thành những nếp nhăn của bà.
Xan tì lên cây gậy của mình rồi bẻ vai ra sau vài lần để cổ bớt vẹo – bên này rồi tới bên kia. Bà cúi xuống nhìn đứa trẻ, lúc này đã bớt khóc và đang chằm chằm nhìn Bà Phù Thủy y như cách nó đã nhìn Đại Bô Lão – một ánh mắt điềm tĩnh, thăm dò và đáng lo ngại. Đó là kiểu ánh nhìn soi vào tận trong những thớ dây chặt nhất của
tâm hồn và giật mạnh, như dây đàn hạc. Suýt nữa nó làm bà không thở được.
“Chai,” Xan nói, cố lờ tiếng chuông du dương phát ra từ trong xương mình. “Con cần một cái chai.” Và bà lục trong hàng đống túi áo túi quần để tìm một chai sữa dê, sẵn sàng và đang chờ một cái bụng đói.
Phẩy cổ chân một cái, Xan khiến một cây nấm phình lên thành một cái ghế coi được để ngồi. Bà đặt thân hình ấm nóng của đứa bé lên chỗ trũng mềm mại trước bụng và đợi. Mặt trăng lưỡi liềm trên trán đứa bé dịu xuống thành một màu hồng dễ chịu, mái tóc xoăn đen ôm lấy đôi mắt. Gương mặt đứa trẻ sáng ngời như một hòn ngọc. Nó bình tĩnh và tỏ ra hài lòng với bình sữa, nhưng ánh mắt vẫn dán chặt vào Xan – như rễ cây bám chặt vào lòng đất. Xan càu nhàu.
“Chậc,” bà nói. “Nhìn ta như thế có ích gì đâu. Ta không mang con về lại nơi con ở được. Tất cả là quá khứ cả rồi, con nên quên đi thì tốt hơn. Ôi suỵt,” vì đứa trẻ bắt đầu thút thít. “Đừng khóc. Con sẽ thích nơi chúng ta sắp đến cho xem. Một khi ta quyết định được sẽ mang con đến thành phố nào. Chỗ nào cũng hoàn hảo. Và con cũng sẽ thích gia đình mới của mình nữa. Ta chắc chắn đấy.”
Nhưng mới nói thôi mà ngực Xan đã thấy nhói. Rồi đột nhiên bà buồn không tả nổi. Đứa bé lấy cái chai ra và tò mò nhìn Xan. Bà Phù Thủy nhún vai.
“Chà, đừng có hỏi ta,” bà nói. “Ta không biết tại sao con lại bị bỏ lại giữa rừng thế này. Ta không biết tại sao người ta lại làm tới phân nửa việc họ làm, và ta lắc đầu với nửa còn lại. Nhưng ta chắc chắn
sẽ không bỏ mặc con nằm trơ trọi trên đất này làm mồi cho chồn đâu. còn nhiều điều tốt đẹp hơn đang chờ con phía trước, đứa trẻ quý báu ơi.”
Chữ quý báu từ cổ họng Xan phát ra nghe có vẻ lạ. Bà không hiểu được. Bà đằng hắng cho thông họng rồi mỉm cười với đứa bé. Bà cúi người tới sát mặt bé rồi áp môi lên hai hàng lông mày nó. Bà luôn hôn những đứa trẻ. Ít ra bà cũng khá chắc là như thế. Da đầu cô bé bay mùi như bột bánh mì và sữa chua. Xan nhắm mắt lại, chỉ một lúc, rồi lắc đầu. “Đi thôi,” bà nói, giọng nghèn nghẹn. “Đi ngắm nhìn thế giới nhé?”
Và rồi, bọc đứa bé an toàn trong một cái địu, Xan tiến vào khu rừng, vừa đi vừa huýt sáo.
Và bà sẽ đi thẳng đến những Thành phố Tự Do. Chắc chắn là bà dự định như thế.
Nhưng có một thác nước kia chắc hẳn đứa bé sẽ thích lắm. Lại còn một mỏm đá trồi lên có tầm nhìn cực kỳ đẹp nữa. Và bà để ý mình còn muốn kể chuyện cho đứa bé nghe. Hát nữa. Và rồi trong lúc vừa kể chuyện vừa hát, bước chân của Xan mỗi lúc một chậm, chậm hơn, chậm hơn. Xan kết tội cho tuổi già mới chớm và chứng vẹo cột sống cũng như sự nhặng xị của đứa bé, nhưng chẳng có lý do nào trong số đó đúng hết.
Xan thấy mình dừng chân hết lần này đến lần khác chỉ để có thêm cơ hội cởi dịu cho đứa bé và nhìn vào đôi mắt đen sâu thẳm đó.
Mỗi ngày, đường Xan đi lại càng xa. Nó đánh một vòng, lộn ngược lại, rồi khúc khuỷu. Con đường tắt băng qua rừng của bà,
bình thường vẫn thẳng băng y như Con Đường, giờ đây lại quanh co, dài dòng. Tối đến, khi sữa dê hết rồi, Xan lại gom những sợi ánh sao nhẹ như tơ trong tay, và đứa trẻ ăn chúng với vẻ biết ơn. Mỗi miệng ngậm đầy ánh sao lại làm thẫm thêm ánh nhìn của đứa trẻ. Cả vũ trụ bùng cháy trong đôi mắt đó – hết thiên hà này đến thiên hà khác.
Sau mười đêm, chuyến hành trình thường chỉ mất ba ngày rưỡi nay mới hoàn thành được một phần tư. Mặt trăng tròn dần, mọc mỗi lúc một sớm hơn mỗi tối, dù Xan không mấy bận tâm. Bà với tay lên gom ánh sao và không buồn để ý đến mặt trăng.
Trong ánh sao có phép thuật, dĩ nhiên. Việc này chẳng lạ lùng gì. Nhưng vì ánh sáng đã đi một quãng đường quá dài nên phép thuật trong đó rất yếu ớt và lỏng lẻo, bị kéo dãn thành những sợi tơ mỏng manh nhất. Có đủ phép thuật trong ánh sao để làm thỏa mãn và no bụng một đứa trẻ, và với số lượng đủ lớn, ánh sao có thể đánh thức những phẩm chất tốt nhất trong trái tim, tâm hồn cùng trí óc của đứa trẻ đó. Đủ để được may mắn, nhưng không đủ để có phép.
Tuy nhiên, ánh trăng thì khác. Đó là một câu chuyện khác. Ánh trăng là phép thuật. Cứ hỏi ai tùy thích.
Xan không thể rời mắt khỏi đôi mắt của đứa bé.
Mặt trời, tinh tú và sao băng. Tinh vân. Những vụ nổ lớn và hố đen và không gian vô cùng vô tận. Trăng đã mọc, to tròn và lung linh.
Xan với tay lên. Bà không nhìn bầu trời. Bà không để ý tới mặt trăng.
(Bà có để ý thấy ánh sáng trên tay nặng thế nào không? Bà có thấy nó dinh dính không? Thấy nó ngọt không?)
Bà vẫy những ngón tay trên đầu. Bà đưa tay xuống khi không thể giữ lâu hơn được nữa.
(Bà có để ý thấy sức nặng của phép thuật làm cổ tay trĩu xuống không? Bà tự nhủ rằng không. Bà cứ lặp đi lặp lại mãi điều đó cho đến khi nó có cảm giác như thật.)
Và đứa bé ăn. Và ăn. Và ăn. Rồi đột nhiên nó rùng mình và oằn người trong tay Xan. Nó thét lên một tiếng. Rất to. Và thở dài một cái đầy thỏa mãn, rồi lập tức ngủ say, tựa người lên cái bụng mềm của Bà Phù Thủy.
Xan ngước nhìn trời, cảm nhận ánh sáng của mặt trăng tưới lên mặt mình, “Ôi trời ơi,” bà thì thầm. Mặt trăng đã tròn vành vạnh mà bà không hề hay biết. Và cực kỳ kỳ diệu nữa. Chỉ một ngụm là đủ, và đứa bé thì đã… chà. Nhiều hơn một ngụm.
Cái đồ nhỏ xíu tham lam.
Tuy nhiên, sự thật rành rành ra đó, rõ ràng như mặt trăng đang ngự rực rỡ trên chóp cây kia. Đứa trẻ đã có phép thuật. Không còn nghi ngờ gì nữa. Và giờ mọi chuyện phức tạp hơn hẳn.
Xan ngồi xếp bằng trên đất và đặt đứa trẻ đang say ngủ lên đầu gối. Đánh thức nó dậy chẳng nổi đâu. Phải mấy tiếng đồng hồ nữa. Xan lùa ngón tay vào những búp tóc xoăn đen của cô bé. Ngay cả bây giờ, bà cũng cảm thấy được phép thuật đập dưới da nó, từng sợi tơ luồn lách giữa những tế bào, xuyên qua các mô, lấp đầy xương tủy. Sẽ đến lúc cô bé trở nên bất ổn – dĩ nhiên không phải
mãi mãi. Nhưng Xan nhớ đủ nhiều từ những pháp sư đã nuôi dưỡng bà hồi xưa rằng nuôi dạy một đứa trẻ có phép thuật chẳng phải chuyện dễ dàng. Những thầy dạy của bà đã sớm nói với bà như thế. Và người Bảo Hộ của bà, Zosimos, thì cứ nói mãi không thôi. “Truyền phép thuật cho một đứa trẻ cũng giống như nhét một thanh gươm vào tay đứa bé mới chập chững biết đi – quá nhiều sức mạnh và quá ít khôn ngoan. Con có thấy con làm ta già đi thế nào không?” ông ấy cứ nhắc đi nhắc lại mãi.
Và đúng là như vậy. Những đứa trẻ mang phép thuật rất nguy hiểm. Chắc chắn bà không thể để bừa đứa trẻ lại với người nào cũng được.
“Chậc, tình yêu của ta ơi,” bà nói. “Chẳng phải giờ con còn phiền hà hơn quá đỗi sao?”
Đứa bé hít thở sâu bằng mũi. Một nụ cười be bé thoáng nở trên đôi môi hồng chúm chím. Xan thấy tim mình đập loạn nhịp, rồi bà ôm đứa bé sát vào lòng.
“Luna,” bà nói. “Tên con sẽ là Luna. Và ta sẽ là bà của con. Và chúng ta sẽ là một gia đình.”
Và chỉ cần nói ra như thế, Xan biết điều đó là đúng. Những chữ đó ngân nga trong không khí giữa hai người họ, còn mạnh hơn cả phép thuật.
Bà đứng dậy, bỏ đứa bé vào lại cái địu, và bắt đầu chuyến đi dài về nhà, băn khoăn không biết làm sao giải thích với lão Glerk đây.
4.
Chỉ là một giấc mơ
Con hỏi nhiều quá đấy,
Không ai biết Mụ Phù Thủy làm gì với những đứa trẻ mụ bắt đi. Không ai thắc mắc. Chúng ta không thể hỏi – con không thấy sao? Quá đau đớn mà.
Được rồi. Mụ ăn thịt chúng. Vừa lòng chưa?
Không. Mẹ không nghĩ vậy.
Mẹ của mẹ nói mụ ăn linh hồn của chúng, và từ đó thân xác vô hồn của chúng cứ lang thang khắp mặt đất. Không thể sống. Không thể chết. Đôi mắt vô hồn, gương mặt vô hồn và cứ bước đi vô định. Nhưng mẹ không nghĩ thế. Nếu vậy thì chúng ta phải thấy rồi, con có nghĩ vậy không? Ít nhất chúng ta cũng thấy một người như vậy đi qua rồi chứ. Sau chừng đó năm trời.
Bà của mẹ nói rằng mụ giữ chúng làm nô lệ. Rằng chúng sống trong những hầm mộ bên dưới lâu đài của mụ trong rừng, chạy máy may và khuấy những cái vạc khổng lồ cho mụ và răm rắp vâng lời mụ từ sáng tới đêm. Nhưng mẹ không nghĩ như vậy. Nếu đúng thế thật thì ít nhất cũng phải có một người trốn thoát rồi chứ. Trong suốt từng ấy năm, chắc chắn phải có một người tìm được đường thoát và về nhà chứ. Cho nên không. Mẹ không nghĩ chúng bị bắt làm nô lệ.
Thật sự thì mẹ chẳng nghĩ ra gì hết. Chẳng có gì để nghĩ.
Thi thoảng. Mẹ nằm mơ. Về anh của con. Bây giờ nó phải mười tám tuổi rồi. Không. Mười chín chứ. Mẹ mơ rằng nó có tóc đen, làn da sáng và những vì sao trong mắt. Mẹ mơ rằng khi nó cười, nụ cười của nó làm sáng bừng khắp nhiều dặm xung quanh. Đêm qua mẹ mơ thấy nó đang đứng kế bên một cái cây để chờ một đứa con gái đi qua. Và nó gọi tên cô gái đó, rồi nắm tay, và tim nó đập thình thịch khi hôn cô bạn gái.
Gì cơ? Không. Mẹ đâu có khóc. Sao lại phải khóc chứ? Ngớ ngẩn. Mà đằng nào đi nữa, đó cũng chỉ là một giấc mơ thôi.
5.
Quái vật đầm lầy vô tình biết yêu thương
Lão Glerk không tán thành, và nói thẳng luôn vào ngày đầu tiên đứa bé đến.
Và lão lặp lại lần nữa, vào ngày hôm sau.
Rồi hôm sau.
Rồi hôm sau nữa.
Xan bỏ hết ngoài tai.
“Em bé, em bé, em bé,” Fyrian hát. Nó vui hết nấc. Con rồng tí hon đậu trên cành cây che cánh cửa ngôi nhà trên cây của Xan, dang rộng hết cỡ đôi cánh nhiều màu của mình và vươn cái cổ dài lên trời. Giọng của nó rất to, vang rền và ngang phè một cách tàn bạo. Glerk bịt tai lại. “Em bé, em bé, em bé, EM BÉ!” Fyrian tiếp tục rống lên. “Ôi tôi yêu em bé quá!” Trước giờ nó chưa từng thấy một em bé nào, ít nhất là nó nhớ như thế, nhưng điều đó không ngăn được con rồng yêu các em bé từ chân tơ đến kẽ tóc.
Từ sáng tới tối, Fyrian cứ véo von hát, Xan thì nhặng xị lên còn lão Glerk cảm thấy chẳng ai thèm nghe lý nghe lẽ gì cả. Đến cuối tuần thứ hai thì toàn bộ nơi trú ngụ của cả bọn đã biến hình: tã, quần áo em bé và mũ trẻ con treo toòng teng trên dây phơi đồ mới giăng để chờ khô; chai thủy tinh mới thổi được hong khô trên mấy cái kệ mới đóng kế bên một khu rửa ráy cũng mới toanh; một con dê đã được vời tới (Glerk chẳng biết bằng cách nào), và Xan đã
phân loại bình sữa bình nào để uống, bình nào để làm phô mai và bình nào để đánh bơ; sàn nhà đột ngột vương vãi đầy đồ chơi. Hơn một lần, chân lão Glerk đá mạnh phải một cái trống lắc lởm chởm kinh khủng làm lão phải rú lên đau đớn. Tự nhiên lão thấy mình phải im lặng và len lỏi ra khỏi phòng, sợ làm đứa bé thức hay hoảng sợ, hay làm nó chán tới chết với các bài thơ.
Đến cuối tuần thứ ba, lão im lãng hết nổi.
“Xan”, lão lên tiếng. “Tôi yêu cầu mụ không được yêu mến đứa bé đó.”
Bà Phù Thủy khịt mũi nhưng không trả lời. Lão Glerk cau mày. “Thật ra. Tôi cấm.”
Bà Phù Thủy phá ra cười. Đứa bé cũng cười theo.
Hai người này có một sự kết nối và ngưỡng mộ lẫn nhau, và lão Glerk không chịu nổi việc đó.
“Luna!” Fyrian hát, bay qua cánh cửa đang mở. Nó bay qua bay lại quanh phòng như một con chim mù tịt âm nhạc. “Luna, Luna, Luna, LUNA!”
“Đừng hát nữa,” lão Glerk nạt.
“Con không cần phải nghe lời lão, Fyrian yêu dấu ạ,” Xan nói. “Hát rất tốt cho em bé. Ai cũng biết thế.” Đứa bé vung chân và kêu gù gù. Fyrian đậu lên vai Xan rồi ngân nga lạc điệu. Một sự tiến bộ, chắc rồi, nhưng không nhiều.
Lão Glerk gầm gừ bực bội. “Mụ có biết Nhà Thơ nói gì về những Phù Thủy đi nuôi trẻ con không?” lão hỏi.
“Tôi không nghĩ ra có ông nhà thơ nào lại nói gì về em bé hay Phù Thủy, nhưng tôi chẳng mảy may nghi ngờ rằng đây là một việc sâu sắc một cách kỳ diệu.” Bà nhìn quanh. “Glerk, vui lòng đưa tôi cái chai đó với?”
Xan ngồi xếp bằng trên sàn nhà bằng ván thô, còn đứa bé nằm trong lòng bà, chỗ chiếc váy trũng xuống.
Lão Glerk nhích đến gần hơn, cúi đầu xuống gần đứa bé và nhìn nó hoài nghi. Đứa bé đang ngậm nguyên nắm tay trong miệng, nước miếng chảy nhễu xuống ngón tay. Cô bé vẫy vẫy tay kia với con quái vật. Đôi môi hồng toét thành một nụ cười tươi rói quanh mu bàn tay ướt nhẹp.
Nó cố ý kìa, lão nghĩ trong lúc cố không mở cái hàm to đùng, ẩm ướt của lão ra để cười. Con bé đang nung nấu âm mưu ghê tởm nhằm tỏ ra đáng yêu để chọc tức mình. Đúng là một đứa bé xấu tính!
Luna cười rúc rích và đá hai bàn chân nhỏ xíu. Mắt nó bắt gặp ánh mắt của con quái vật đầm lầy, và chúng lấp lánh như những vì sao.
Đừng yêu mến đứa bé đó, lão ra lệnh cho mình. Lão cố tỏ ra cứng rắn.
Lão Glerk đằng hắng.
“Nhà Thơ,” lão gằn giọng và nheo mắt nhìn đứa bé, “chẳng nói gì về Phù Thủy và trẻ con cả.”
“Chà, vậy thì,” Xan nói, chạm vào mũi đứa bé khiến nó cười sằng sặc. Bà làm lại. Lại lần nữa. “Ta cho rằng chúng ta chẳng cần phải
lo. Ồ không đâu.” Giọng bà cao vút và ngân nga, Lão Glerk đảo đôi mắt to cộ của lão.
“Xan yêu quý ơi, mụ bỏ lỡ điểm chính yếu rồi.”
“Còn ông thì đang bỏ lỡ tuổi thơ của đứa bé này với sự giận dữ của ông. Đứa bé sẽ ở lại đây, vậy thôi. Trẻ con loài người chỉ nhỏ xíu trong một thời gian rất ngắn thôi – chúng lớn nhanh như nhịp đập của cánh chim ruồi vậy. Tận hưởng nó đi, Glerk! Tận hưởng đi, còn không thì ra ngoài.” Bà nói mà không buồn nhìn lão, nhưng Glerk có thể cảm thấy một cơn giận lạnh lẽo tỏa ra từ đôi vai Bà Phù Thủy, và nó suýt làm tim lão tan vỡ.
“Chậc,” Fyrian lên tiếng. Nó đậu trên vai Xan, ngắm đứa bé đá chân và kêu gù gù thích thú. “Con thích em nó.”
Nó không được phép đến quá gần. Điều này, Xan giải thích, là vì an toàn của cả hai. Đứa bé, sẵn sàng bùng nổ phép thuật bất cứ lúc nào, giống như một núi lửa đang ngủ – năng lượng, nhiệt và sức mạnh bên trong có thể tăng lên theo thời gian và phun trào không lời báo trước. Xan và lão Glerk nói chung miễn nhiễm với tính bất ổn định của phép thuật (Xan là nhờ kỹ năng của bà, còn Glerk là nhờ lão còn cổ xưa hơn cả phép thuật và không đổi chác với sự ngu xuẩn của nó) và ít phải lo lắng hơn, nhưng Fyrian thì lại mong manh lắm. Vả lại, Fyrian rất hay nấc cục. Và thường thì nó nấc cục ra lửa.
“Đừng tới gần quá, Fyrian cưng. Đứng sau dì Xan ấy.” Fyrian núp sau mái tóc nhàu nhò của Bà Phù Thủy, nhìn đứa bé bằng ánh mắt pha lẫn giữa sợ hãi, ghen tị và mong ngóng. “Con muốn chơi với em bé,” nó rên rỉ.
“Rồi con sẽ được chơi,” Xan vừa dịu dàng nói vừa chỉnh đứa bé lại để nó cầm cái chai. “Ta chỉ muốn đảm bảo rằng hai con không làm bị thương nhau thôi.”
“Con không đời nào đâu,” Fyrian há hốc mồm. Rồi nó khụt khịt khó chịu. “Con nghĩ con bị dị ứng với em bé này,” nó nói. “Con không dị ứng với đứa bé này,” lão Glerk rên lên, đúng lúc Fyrian hắt xì một chùm lửa lên sau đầu Xan. Bà Phù Thủy không buồn nhúc nhích. Nháy mắt một cái, ngọn lửa đã biến thành hơi nước, nhân tiện làm bay luôn vài vết bẩn do khạc nhổ trên vai mà mấy hôm nay bà chưa giặt.
“Trời ạ,” Xan nói. “Glerk, sao ông không dẫn Fyrian ra ngoài đi dạo đi nhỉ.”
“Tôi không thích đi dạo,” lão Glerk nói, nhưng vẫn dẫn Fyrian đi. Có điều lão Glerk thì đi bộ, còn Fyrian thì đập cánh bay sau, liệng từ bên này qua bên kia, hết phóng tới rồi lại thụt lùi, như một con bướm ngoại cỡ phiền phức. Căn bản là Fyrian quyết định bỏ thời gian thu thập của nả cho đứa bé, quá trình đôi lúc bị cản trở bởi những cái nấc cục và hắt xì, mỗi lần đều kèm theo những cụm lửa to, thiêu rụi thành quả của nó ra tro. Nhưng nó chẳng để ý. Thay vì vậy, Fyrian tuôn ra cả thác thắc mắc.
“Em bé lớn lên có khổng lồ như ông với dì Xan không?” nó hỏi. “Chắc phải có nhiều người khổng lồ nữa. Ngoài thế giới rộng lớn hơn ấy. Thế giới ngoài nơi này. Con mong được nhìn thấy thế giới ngoài kia quá ông Glerk ơi. Con muốn nhìn thấy tất cả người khổng lồ trên đời và tất cả những sinh vật to lớn hơn con!”
Những ảo tưởng của Fyrian cứ tiếp tục liên tu bất tận, bất chấp sự phản kháng của lão Glerk. Dù bây giờ mới chỉ to cỡ một con chim bồ câu, Fyrian vẫn tin rằng nó to hơn so với chỗ con người hay sống, và rằng nó cần được giữ tránh xa khỏi con người để đừng bị tình cờ nhìn thấy và khơi mào một sự hoảng loạn khắp thế giới.
“Con trai ạ, khi đến lúc,” người mẹ đồ sộ của nó đã nói ngay trước khi lao mình vào ngọn núi lửa đang phun trào, rời bỏ thế giới vĩnh viễn, “con sẽ biết mục đích của mình là gì. Con là, và sẽ là, một gã khổng lồ trên đất này. Đừng bao giờ quên.”
Fyrian cảm thấy ý của mẹ mình rất rõ ràng. Nó, Đơn Giản Là Khổng Lồ. Không nghi ngờ gì về chuyện đó cả. Mỗi ngày Fyrian đều tự nhắc cho mình nhớ.
Và trong suốt năm trăm năm, lão Glerk vẫn liên tục nổi đóa. “Đứa trẻ sẽ lớn lên như bao đứa trẻ khác, ta mong là vậy,” lão Glerk nói lảng đi. Và khi Fyrian cứ khăng khăng, lão Glerk giả vờ ngủ gục giữa đầm hoa thủy vu và cứ thế nhắm tịt mắt cho đến khi lão ngủ thật.
❀ ❀ ❀
Nuôi một đứa trẻ – dù có phép hay không – không phải không có thử thách: những trận khóc lóc không tài nào dỗ được, những cơn sổ mũi gần như lúc nào cũng thường trực, nỗi ám ảnh về việc bỏ những thú nhỏ xíu vào cái miệng đang chảy dãi.
Và tiếng ồn nữa chứ.
“Dì làm ơn hóa phép cho nó im lặng chút được không?” Fyrian nài nỉ khi sự mới mẻ của việc có một em bé trong nhà cuối cùng cũng phai bớt. Dĩ nhiên Xan từ chối.
“Không bao giờ nên dùng phép thuật để tác động tới ý muốn của người khác, Fyrian à,” Xan bảo nó hết lần này đến lần khác. “Sao ta có thể làm cái việc mà ta phải hướng dẫn cho con bé chớ bao giờ làm, một khi nó hiểu chuyện rồi? Như vậy là đạo đức giả.”
Ngay cả khi Luna no bụng, cô bé vẫn không chịu yên cho. Nó ngân nga; nó sôi ùng ục; nó bập bẹ; nó rít lên; nó cười ha hả; nó khịt mũi; nó thét. Cô bé là cả một thác nước âm thanh, cứ đổ xuống, đổ xuống, đổ xuống. Và nó không bao giờ ngưng nghỉ. Thậm chí lúc ngủ nó cũng bập bẹ.
Glerk làm cho Luna cái địu đeo trên bốn cái vai của lão khi lão bò bằng sáu chân. Lão bắt đầu khoái việc cõng đứa bé đi từ đầm lầy, ngang qua xưởng, ngang qua tàn tích của lâu đài rồi trở về, vừa đi vừa trích dẫn thơ ca.
Lão không định yêu thương đứa trẻ.
Vậy mà.
“Từ cát bụi,” lão dẫn thơ.
‘“Sinh ra ánh sáng
Sinh ra không gian
Sinh ra thời gian vĩnh hằng,
Và rồi tất cả
Trở về cát bụi.’”
Đó là bài thơ yêu thích của lão. Đứa bé giương mắt nhìn lão, chăm chú vào hai nhãn cầu lồi ra, đôi tai hình nón, đôi môi dày trên quai hàm to bự của lão. Cô bé xem xét từng cái mụn cóc, từng chỗ lõm, từng cái bướu nhầy nhụa trên khuôn mặt to bè của lão, ánh mắt đầy kinh ngạc. Nó với một ngón tay và tò mò thọc vào một bên lỗ mũi. Lão Glerk hắt xì, đứa trẻ cười khanh khách.
“Glerk,” bé nói, mặc dù có khả năng đó chỉ là một cái nấc cục hoặc ợ hơi. Lão Glerk không quan tâm. Cô bé gọi tên lão. Nó gọi lão. Tim lão muốn nổ tung trong lồng ngực.
Về phần Xan, bà cố gắng hết sức không nói, đã bảo rồi mà. Bà gần như thành công rồi.
❀ ❀ ❀
Trong năm đầu tiên, cả Xan và lão Glerk cùng quan sát để xem đứa bé có tỏ bất cứ dấu hiệu bùng nổ phép thuật nào không. Dù cả hai đều thấy được cả biển phép thuật đang vỗ dập dềnh ngay dưới da đứa trẻ (và họ cũng cảm nhận được mỗi lần bê cô bé trên tay), nó vẫn ẩn sâu bên trong một cơn sóng vùng chài đang trào dâng.
Vào buổi tối, ánh trăng và ánh sao hướng về đứa bé, làm nôi cô bé ngập trong ánh sáng. Xan dùng rèm cửa dày che cửa sổ lại, nhưng sau đó bà sẽ thấy chúng được kéo ra, và đứa bé say sưa uống ánh trăng trong giấc ngủ.
“Mặt trăng,” Xan nói với chính mình. “Nó nhiều trò quá.”
Nhưng một nỗi lo vẫn còn thầm thì ở đó. Phép thuật tiếp tục âm thầm trào dâng.
Năm thứ hai, phép thuật trong người Luna tăng lên, gần gấp đôi về độ đậm đặc và sức mạnh. Lão Glerk có thể cảm thấy điều đó. Xan cũng vậy. Nhưng nó vẫn chưa phun trào.
Những đứa trẻ mang phép thuật là những đứa trẻ nguy hiểm, lão Glerk cố gắng tự nhủ, ngày qua ngày. Khi lão không ẵm Luna. Hay hát cho Luna nghe. Hay thì thầm đọc thơ vào tai bé khi nó đang ngủ. Sau một thời gian, ngay cả tiếng đập thình thịch của phép thuật dưới da cô bé cùng bắt đầu trở nên bình thường. Nó là một đứa bé đầy năng lượng. Một đứa bé tò mò. Một đứa bé tinh nghịch. Như vậy đã đủ mệt rồi.
Ánh trăng tiếp tục hướng về cô bé. Xan quyết định thôi không lo lắng về điều đó nữa.
Năm thứ ba, phép thuật lại nhân đôi. Xan và lão Glerk hầu như chẳng buồn để ý. Thay vì vậy hai người họ bận túi bụi với một đứa trẻ luôn khám phá chỗ này chỗ nọ, táy máy thứ này thứ kia, vẽ bậy lên sách, ném trứng vào mấy con dê và có lần còn thử bay từ hàng rào xuống, kết quả là hai cái đầu gối trầy trụa hết cả và một cái răng bị mẻ. Cô bé trèo cây, cố bắt chim và thỉnh thoảng còn chọc phá Fyrian, làm cu cậu phát khóc.
“Thơ ca sẽ giúp ích,” lão Glerk nói. “Nghiên cứu ngôn ngữ khiến con dã thú om sòm nhất cũng phải thành quý tộc.”
“Khoa học sẽ sắp xếp đầu óc của con bé,” Xan nói. “Làm sao một đứa trẻ đang nghiên cứu những vì sao lại phá phách nghịch ngợm
được?”
“Con sẽ dạy em nó toán,” Fỵrian phát biểu. “Nó sẽ không chọc phá con được nếu bận đếm từ một tới một triệu.”
Và thế là sự nghiệp học hành của Luna bắt đầu.
“Mỗi cơn gió thoảng đều thở ra lời hứa của mùa xuân” lão Glerk thì thầm trong giấc ngủ của Luna suốt những ngày đông. “Từng thân cây đương ngủ;
Mơ những giấc mơ xanh;
Ngọn núi già cằn cỗi;
Thức giấc trong hoa cành.”
Từng đợt sóng phép thuật cuồn cuộn xô nhau dưới làn da cô bé. Chúng không vỗ vào bờ. Chưa.
6
Antian tự đưa mình vào rắc rối
Trong suốt năm năm đầu làm Bô Lão Tập sự của Antain, cậu luôn nỗ lực hết sức để thuyết phục bản thân rằng công việc ngày nào đó sẽ dễ dàng hơn. Cậu đã sai. Nó không dễ hơn.
Các Bô Lão quát tháo ra lệnh cho cậu trong những cuộc họp Hội Đồng, những buổi lễ lạc và các cuộc họp ngoài giờ. Họ mắng mỏ cậu khi tình cờ gặp cậu trên đường. Hay khi họ ngồi trong phòng ăn của mẹ cậu ngốn thêm một bữa xa hoa (dù bất tiện) nữa. Họ nhiếc móc cậu khi câu đi theo họ trong những lần kiểm tra đột xuất.
Antain luôn lui về sau, lông mày nhíu lại lúng túng.
Dường như bất kể Antain có làm gì thì các Bô Lão cũng đều giận đến tím tái mặt mày và phun phì phì.
“Antainl” các Bô Lão quát. “Thẳng lưng lên!”
“Antian! Mày làm gì với bản tuyên cáo rồi!”
“Antain! Có bỏ cái vẻ mặt ngớ ngẩn đó đi không thì bảo!” “Antain! Sao mày lại quên đồ ăn vặt được vậy hả!”
“Antain! Mày làm đổ cái quái gì lên áo chùng thế kia?” Có vẻ Antain không làm được cái gì cho ra hồn.
Cuộc sống ở nhà của cậu cũng chẳng khá hơn là bao. “Sao mày vẫn có thể làm Bô Lão Tập Sự được nhỉ?” mẹ cậu tối nào cũng cáu kỉnh hỏi trong bữa ăn. Thỉnh thoảng, bà khiến muỗng
của mình đập xuống bàn, làm bọn người hầu giật nảy mình. “Anh trai tao đã hứa là tới giờ đáng lẽ mày đã được làm Bô Lão rồi. Anh ấy hứa rồi.”
Và bà ấy sẽ tức khí và càu nhàu đến khi đứa em trai bé nhất của Antain, Wyn, bắt đầu khóc váng lên. Antain là đứa lớn nhất trong sáu anh em – một gia đình nhỏ, theo tiêu chuẩn của Bảo Hộ Quốc – và từ khi cha mất, mẹ cậu không mong muốn gì hơn là đảm bảo cho tất cả con trai của mình được hưởng những điều tốt nhất mà Bảo Hộ Quốc có.
Vì sau cùng thì chẳng phải bà ấy xứng đáng được hưởng điều tốt nhất khi nói đến những đứa con trai sao?
“Cậu nói với con là cái gì cũng cần thời gian mẹ à,” Antain lặng lẽ nói. Cậu nhấc đứa em mới chập chừng biết đi lên đặt vào lòng và bắt đầu đu đưa đến khi đứa trẻ bình tĩnh lại. Cậu lôi từ trong túi ra một món đồ chơi bằng gỗ do chính tay cậu làm – một con quạ nhỏ có đôi mắt xoáy cùng một cái lúc lắc xinh xinh trong bụng. Đứa bé thích thú lắm, lập tức bỏ tọt vào miệng.
“Cậu của mày đi luộc cái đầu mình đi là vừa,” bà ấy nổi giận. “Chúng ta xứng đáng có vinh hạnh đó. Ý tao là mày xứng đáng, con trai yêu quý ạ.”
Antain không chắc như vậy.
Cậu xin phép rời khỏi bàn, lầm bầm gì đó về việc phải đi làm cho Hội Đồng, nhưng thật ra cậu chỉ định lẻn vào nhà bếp để giúp người làm ở đó. Và rồi ra vườn để giúp những người làm vườn trong những giờ cuối cùng trời còn sáng. Sau đó cậu vào kho để đục gỗ. Antain thích làm mộc – một vật liệu bền vững, vẻ đẹp mong manh
của thớ gỗ, mùi hương dễ chịu của mùn cưa và dầu. Có rất ít thứ trong đời mà cậu yêu thích hơn thế. Cậu đục đẽo và làm việc tới tận khuya, cố gắng hết sức không nghĩ về cuộc đời mình. Ngày Hiến Tế tiếp theo sắp tới. Và Antain cần phải tìm cho được một cái cớ nữa để lánh mặt.
Sáng hôm sau, Antain mặc chiếc áo chùng mới giặt và tiến vào Đại Sảnh Hội Đồng trước khi mặt trời mọc. Mỗi ngày khi bình minh đến, nhiệm vụ đầu tiên của cậu là điểm qua các đơn kiện và thỉnh cầu của dân chúng được viết nguệch ngoạc bằng phấn trên bức tường bằng đá phiến đen, rồi đánh giá xem cái nào đáng được chú ý, cái nào nên xóa đi.
(“Nhưng lỡ tất cả đều quan trọng thì sao hả cậu?” Có lần Antain đã hỏi Đại Bô Lão như thế.
“Không thể nào. Đằng nào đi nữa, bằng cách từ chối không cho chúng tiếp cận, chúng ta tặng cho dân chúng một món quà. Chúng học được cách chấp nhận vị trí của chúng trong cuộc đời này. Chúng học được rằng có hành động kiểu nào cũng không quan trọng. Ngày tháng của chúng vẫn u ám như chúng vẫn nên như thế. Không có món quà nào tuyệt vời hơn. Giờ thì trà Zirin của ta đâu?”)
Tiếp theo, Antain sẽ khẽ khàng lui khỏi phòng rồi dán lịch trình của ngày hôm đó lên, sau đó nhồi lại mấy cái gối cho những cái mông xương xẩu của các Bô Lão, sau đó xịt sảnh vào bằng một thứ nước hoa được chế trong phòng thí nghiệm của hội Các Sơ Tinh Tú rõ ràng được thiết kế để khiến người ta gối mỏi chân run, đớ lưỡi, sợ sệt và đồng thời cảm kích, tất cả cùng lúc – và rồi cậu phải đứng trong phòng khi những người hầu đến, tỏ vẻ hống hách với từng
người một khi họ bước vào tòa nhà, trước khi treo áo chùng của mình vô tủ rồi đến trường.
(“Nhưng lỡ con không biết cách tỏ ra hống hách thì sao hở cậu?” thằng bé hỏi hết lần này đến lần khác.
“Tập luyện, cháu trai ạ. Tiếp tục tập luyện.”)
Antain chậm chạp rảo bước về phía ngôi trường, tận hưởng những tia sáng mặt trời le lói tạm thời trên đầu. Một giờ nữa trời sẽ đầy mây. Mây mù lúc nào cũng giăng ở Bảo Hộ Quốc. Sương mù bám lấy những tường thành và các con đường rải sỏi như thể loài rêu ngoan cố. Không nhiều người ra đường sớm thế này. Đáng tiếc. Antain nghĩ. Họ đang bỏ lỡ ánh mặt trời. Cậu ngẩng đầu lên và cảm thấy luồng hy vọng và hứa hẹn thoáng qua đó.
Cậu đưa mắt về phía Tòa Tháp – công trình bằng đá đen vô cùng phức tạp, bắt chước vòng xoáy của dải ngân hà và đường cong của các vì sao; những ô cửa sổ tròn nhỏ có mái chìa ra ngoài như những cặp mắt. Người mẹ đó – cái người phát điên ấy – vẫn còn ở trong đó. Bị giam. Người đàn bà điên. Đã năm năm trời, bà ấy đã hồi phục trong cảnh giam cầm nhưng vẫn chưa được chữa lành. Trong con mắt tâm trí của Antain, cậu vẫn nhìn thấv gương mặt hoang dại đó, đôi mắt đen, cái bớt trên trán – màu tím bầm và đỏ. Cách bà ấy vung chân, leo trèo, rú rít và đấu tranh. Cậu không thể quên.
Và cậu không thể tha thứ cho mình.
Antain nhắm nghiền mắt, cố đẩy lùi hình ảnh trong đầu. Tại sao chuyện này cứ phải tiếp diễn? Tim cậu đau nhói. Phải có cách khác chứ.
Như thường lệ, cậu là người đầu tiên đến trường. Giáo viên thậm chí còn chưa có mặt. Cậu ngồi khom xuống rồi lôi cuốn sổ ghi chép ra. Cậu đã làm xong bài tập – làm hay không cũng chẳng mấy quan trọng. Giáo viên của cậu cứ khăng khăng gọi cậu là “Bô Lão Antain” bằng giọng nịnh bợ, dù cậu chưa phải là bô lão, và cho cậu điểm cao nhất bất chấp cậu làm gì. Cậu thậm chí có thể nộp giấy trắng mà vẫn được điểm cao nhất như thường. Dù vậy Antain vẫn rất chăm chỉ. Cậu biết thầy giáo của cậu chỉ hy vọng sau này được đối xử đặc biệt. Trong cuốn sổ của mình, cậu có vài hình vẽ phác thảo của một dự án chính cậu thiết kế – một cái cabin giống căn nhà nhỏ cùng với những dụng cụ làm vườn được sắp xếp ngăn nắp, có bánh xe để một con dê nhỏ có thể kéo đi dễ dàng – một món quà cho đội trưởng đội làm vườn, ông ấy lúc nào cũng tốt bụng.
Một cái bóng phủ lên công trình của cậu.
“Cháu trai,” Đại Bô Lão cất tiếng.
Antain giật mình ngẩng đầu lên.
“Cậu!” cậu thốt lên, lật đật đứng dậy, vô tình làm rơi giấy khiến chúng rơi vương vãi dưới đất. Cậu vội nhặt lên. Đại Bô Lão Gherland đảo mắt.
“Đi thôi, cháu trai,” Đại Bô Lão vừa nói vừa phất vạt áo chùng, ra hiệu cho cậu bé đi theo. “Ta với cháu phải nói chuyện.” “Nhưng còn lớp học thì sao ạ?”
“Ngay từ đầu đã không cần đi học rồi. Mục đích của nơi này là để cho những kẻ không có tương lai có chỗ để đến và tiêu khiển cho đến khi chúng đủ lớn để làm việc kiếm lợi cho Bảo Hộ Quốc. Những
người cỡ cháu thì có người hướng dẫn, và tại sao cháu lại từ chối cái việc cơ bản như thế thì thật không thể hiểu nổi. Mẹ cháu cứ càm ràm liên tu bất tận về chuyện đó. Mà dù gì chăng nữa thì cháu cũng không thoát được đâu.”
Điều này đúng. Cậu sẽ không thoát được. Hàng ngày đi học, Antain đều ngồi tuốt phía sau và im lặng học hành. Cậu hiếm khi hỏi. Hiếm khi nói. Nhất là bây giờ, kể từ khi người duy nhất cậu không phiền nói chuyện cùng – và thậm chí còn tốt hơn nếu cô ấy mở lời lại với cậu – đã nghỉ học hoàn toàn. Cô ấy đã tham gia học việc ở chỗ Các Sơ Tinh Tú. Tên cô ấy là Ethyne, và dù Antain chưa bao giờ trao đổi quá ba từ liên tục với cô, cậu vẫn nhớ cô da diết, và giờ chỉ đến trường mỗi ngày với hy vọng hão huyền rằng cô sẽ thay đổi quyết định và quay về.
Đã một năm rồi. Chưa ai từng rời khỏi Các Sơ Tinh Tú. Chưa có tiền lệ. Vậy nhưng Antain vẫn chờ. Và hy vọng.
Antain chạy theo cậu mình.
Các Bô Lão khác vẫn chưa đến Phòng Hội Đồng và có thể tới trưa hay trễ hơn cũng chưa xuất hiện. Cậu Gherland bảo Antain ngồi xuống.
Vị Đại Bô Lão nhìn Antain chằm chằm một lúc lâu. Antain vẫn không thể gạt được hình ảnh Tòa Tháp ra khỏi đầu. Cả người đàn bà điên. Cả đứa bé bị bỏ mặc trong rừng, khóc lóc thảm thương trong lúc họ quay đi. Và ồ, tiếng hét của người mẹ. Và ồ, cách bà ấy chống trả. Và ồ, chúng ta đã trở thành cái gì thế này?
Nó xé tim gan Antain mỗi ngày, như một cây kim vĩ đại trong lòng cậu.
“Cháu trai,” cuối cùng Đại Bô Lão cũng lên tiếng. Lão đan hai tay vào với nhau và đưa lên miệng. Lão thở thật dài. Antain nhận ra mặt cậu mình tái nhợt. “Ngày Hiến Tế sắp đến.”
“Cháu biết, thưa cậu,” Antain nói. Giọng lí nhí. “Năm ngày nữa. Nó…” Cậu thở dài. “Nó chẳng chờ ai.”
“Năm ngoái cháu không có mặt. Cháu đã không đứng cùng với các Bô Lão khác. Chân bị nhiễm trùng, ta nhớ đúng không?” Antain nghiêng đầu nhìn xuống đất. “Vâng, thưa cậu. Cháu cũng bị sốt nữa.”
“Và hôm sau nó tự khỏi?’
“Tạ ơn Bãi Lầy,” cậu yếu ớt đáp. “Thật là một phép màu.” “Còn năm trước nữa,” Gherland nói. “Viêm phổi phải không nhỉ?” Antain gật đầu. Cậu biết chuyện này dẫn tới đâu.
“Và trước đó nữa. Nhà kho cháy? Phải không? May là không ai bị thương. Và cháu ở đó. Một thân một mình. Chống chọi với đám cháy.”
“Mọi người đều đổ ra đường.” Antain nói. “Không ai trốn. Nên chỉ có mình cháu.”
“Thật vậy.” Đại Bô Lão Gherland nheo mắt nhìn Antain. “Chàng trai trẻ,” lão nói. “Anh nghĩ anh đang lừa ai vậy hả?” Im lặng rơi giữa hai người.
Antain nhớ lại những lọn tóc xoăn đen ôm lấy đôi mắt to đen đó. Cậu nhớ âm thanh đứa bé phát ra khi họ bỏ nó lại trong rừng. Cậu
nhớ tiếng thịch của những cánh cửa Tòa Tháp khi họ nhốt người đàn bà điên lại bên trong. Và rùng mình.
“Cậu…” Antain dợm nói, nhưng lão Gherland phẩy tay. “Nghe này, cháu trai. Đưa anh vào vị trí này vốn dĩ đã đi ngược với ý kiến của ta. Ta làm như vậy không phải vì em gái ta khẩn khoản không dứt mà là vì tình yêu thương vĩ đại ta đã và đang dành cho người cha yêu quý của anh, cầu mong anh ấy yên nghỉ. Anh ấy muốn đảm bảo cho con đường của anh trước khi mất, và ta không thể từ chối anh ấy được. Và có anh ở đây,” vẻ cứng ngắc trên mặt lão Gherland dịu lại một chút, “đã là một liều thuốc cho sự buồn rầu của ta. Và ta biết ơn nó. Anh là một đứa trẻ ngoan, Antain. Cha anh sẽ tự hào.”
Antain nhẹ cả người. Nhưng chỉ được một chút. Phất vạt áo chùng một cái ra trò, vị Đại Bô Lão đứng dậy. “Nhưng,” lão nói tiếp, tiếng nói vang vọng kỳ lạ trong căn phòng nhỏ. “Tình yêu thương của ta dành cho anh chỉ đến nước này thôi.”
Trong giọng lão có chút cáu kỉnh. Mắt lão trợn to. Mệt mỏi. Thậm chí hơi ươn ướt. Cậu lo cho mình sao? Antain tự hỏi. Sao lại thế được, cậu nghĩ.
“Chàng trai trẻ,” ông cậu tiếp tục. “Việc này không thể tiếp tục được nữa. Các Bô Lão khác đang rì rầm bàn tán. Họ…” Lão dừng lại. Cổ họng nghèn nghẹn. Hai má lão đỏ lên. “Họ không vui. Sự bảo vệ ta dành cho cháu vươn xa, cháu yêu quý à. Nhưng không phải là vô hạn.”
Tại sao cháu lại cần bảo vệ? Antain băn khoăn khi nhìn vào gương mặt căng thẳng của cậu mình.
Vị Đại Bô Lão nhắm mắt lại và điều hòa lại hơi thở đứt quãng. Lão ra hiệu cho đứa cháu trai đứng dậy. Mặt lão trở lại vẻ hống hách. “Đi đi, cháu trai. Đến giờ quay lại trường rồi. Bọn ta mong đợi anh có mặt vào giữa trưa, như thường lệ. Ta hy vọng anh có thể làm ít nhất một người phải quỳ gối hôm nay. Điều đó sẽ giải tỏa rất nhiều mối nghi ngờ của các vị Bô Lão khác. Hãy hứa với ta rằng anh sẽ cố gắng, Antain. Làm ơn.”
Antain lê chân về phía cửa, vị Đại Bô Lão lướt theo ngay sau lưng. Lão già đặt một tay lên vai cậu và để yên đó một lúc, trước khi nghĩ lại và buông thõng xuống như cũ.
“Cháu sẽ cố gắng hơn thưa cậu,” Antain vừa nói vừa bước ra khỏi cửa. “Cháu hứa đấy.”
“Để xem,” vị Đại Bô Lão đáp bằng giọng khào khào.
❀ ❀ ❀
Năm ngày sau, khi các Áo Chùng quét qua thị trấn và hướng đến ngôi nhà bị nguyền rủa, Antain ở nhà, bệnh lên bệnh xuống, nôn sạch sẽ bữa trưa. Cậu bảo vậy. Các Bô Lão khác càu nhàu suốt buổi diễu hành. Họ càu nhàu lúc tước đứa bé khỏi hai người cha mẹ dễ bảo. Họ càu nhàu lúc vội vã đến rừng cây sung dâu.
“Phải xử lý thằng bé mới được,” các Bô Lão rì rầm. Và mỗi người đều biết chính xác như vậy nghĩa là gì.
Ôi, Antain, cháu ta, cháu ta, ôi Antain cháu ta! Gherland thầm nghĩ trong lúc cùng đi với họ, nỗi lo lắng xoắn quanh tim lão, cột lại
thành một nút thắt chặt. Anh đã làm gì thế này, đứa trẻ ngu ngốc kia ơi. Anh đã làm gì thế này?
7.
Một đức trẻ có phép thuật thì thêm muôn phần rắc rối
Khi Luna lên năm, phép thuật của cô bé đã năm lần tăng gấp đôi, nhưng nó vẫn ngủ yên bên trong, âm ỉ trong xương cùng bắp thịt và máu. Thật ra, nó nằm trong từng tế bào. Bất động, không dùng đến – tiềm ẩn và chưa có lực.
“Không thể tiếp tục như thế này được,” lão Glerk bực bội. “Con bé càng nạp nhiều phép thuật thì sẽ càng trào ra nhiều.” Lão làm mặt hề với cô bé thay vì với mình. Luna khúc khích cười mãi. “Mụ nhớ lấy lời ta đấy,” lão nói, cố gắng trong vô vọng tỏ ra nghiêm túc.
“Sao lão biết được,” Xan đáp trả. “Biết đâu nó sẽ không bao giờ xuất hiện. Biết đâu mọi thứ sẽ chẳng khó khăn chút nào.” Mặc dù không ngừng tìm mái ấm cho những đứa trẻ bị bỏ rơi, Xan vẫn căm thù những việc khó khăn. Và những việc đau lòng. Cả những việc không dễ chịu. Nếu được, bà thà không nghĩ tới chúng. Bà ngồi thổi bong bóng với cô bé – những chiếc bong bóng đáng yêu, sặc sỡ, hầu hết đều do phép thuật mà ra, trên bề mặt cuộn xoáy bao màu sắc. Đứa bé đuổi theo, dùng tay bắt bong bóng rồi đặt chúng xung quanh những khóm hoa cúc hay những cánh bướm hoặc lá trên cây. Cô bé thậm chí còn trèo vào trong một cái bong bóng cực kỳ to và trôi bồng bềnh ngay trên ngọn cỏ.
“Như thế này chẳng phải đẹp đẽ lắm sao, Glerk,” bà nói. “Sao ông có thể nghĩ về điều gì khác được?”
Lão Glerk lắc đầu.
“Việc này kéo dài được bao lâu hả Xan?” Lão hỏi. Bà Phù Thủy từ chối trả lời.
Sau đó, lão ẵm đứa bé và hát ru nó ngủ. Lão cảm nhận được sức nặng của phép thuật trên tay mình. Lão cảm nhận được nhịp đập và những gợn sóng phép thuật vĩ đại đang cuồn cuộn chảy trong đứa trẻ, không bao giờ ngừng xô bờ.
Bà Phù Thủy bảo lão chỉ khéo tưởng tượng.
Bà quả quyết bọn họ nên tập trung năng lượng để nuôi dạy đứa bé gái đang mỗi ngày một láu cá, nghịch ngợm và tò mò. Mỗi ngày, khả năng phá luật bằng những phương thức mới mẻ và sáng tạo của Luna đều gây kinh ngạc cho những ai biết cô bé. Nó cố gắng cưỡi dê, cố gắng lăn dá xuống núi đến bên hông kho thóc (nó giải thích là để trang trí), cố gắng dạy lũ gà bay, và có lần suýt nữa chết đuối trong đầm lầy. (Lão Glerk đã cứu nó. Ơn trời.) Cô bé cho lũ ngỗng uống rượu để xem chúng đi lại có buồn cười không (có thật) và đổ tiêu vào đồ ăn của dê để coi nó có làm chúng nhảy cẫng lên không (chúng không nhảy, chỉ phá tanh bành cái hàng rào). Ngày nào cô bé cũng khiêu khích Fyrian ra những quyết định kinh khủng hoặc chơi khăm con rồng tội nghiệp, làm nó khóc bù lu bù loa. Cô bé leo trèo, núp, xây, đập vỡ, viết lên tường và làm hỏng váy mới vừa may xong. Tóc cô bé bết lại, mũi cáu bẩn, và dấu tay thì in khắp nơi.
“Tới lúc phép thuật của con bé xuất hiện thì cái gì sẽ xảy ra đây?” Lão Glerk hỏi hết lần này đến lần khác. “Lúc đó nó sẽ thế nào?”
Bà Phù Thủy cố gắng không nghĩ đến chuyện đó.
❀ ❀ ❀
Xan đến thăm các Thành phố Tự Do hai lần một năm, một lần với Luna và một lần không. Bà không giải thích cho đứa trẻ mục đích của những lần đi thăm một mình - bà cũng không kể cho cô bé nghe về thành phố u buồn bên kia cánh rừng, hay về những đứa bé bị bỏ lại trong trảng rừng nhỏ đó, mặc cho chết. Đương nhiên một ngày nào đó rồi bà cùng phải kể. Một ngày nào đó, bà đã quyết định như thế. Không phải bây giờ. Quá buồn. Và Luna còn quá nhỏ để hiểu.
Khi Luna lên năm, bà lại một lần nữa đi đến một trong những Thành phố Tự Do xa nhất – một nơi tên Obsidian. Và bà thấy bực bội với một đứa trẻ không chịu ngồi yên. Dù có làm gì đi nữa.
“Cô gái nhỏ, làm ơn ra khỏi cái nhà này ngay lập tức và đi tìm bạn chơi chung được không?”
“Bà ơi nhìn kìa! Một cái mũ.” Rồi cô bé thọc tay vào chén lôi ra một đống bột bánh đang nổi và đội lên đầu. “Một cái mũ bà ơi! Cái mũ đẹp nhất.”
“Đó không phải mũ,” Xan nói. “Nó là một cục bột.” Bà đang thực hiện dang dở một phép thuật phức tạp. Bà giáo đang nằm trên bàn bếp, ngủ say sưa, và Xan đang áp hai lòng bàn tay lên hai bên má
của người phụ nữ trẻ, tập trung cao độ. Bà giáo lâu nay bị những cơn đau đầu kinh khủng hành hạ, Xan khám phá ra đó là hậu quả của một khối u chính giữa não. Xan có thể cắt nó đi bằng phép thuật, từng chút một, nhưng đó là một công việc khó nhằn. Và nguy hiểm. Công việc dành cho một phù thủy lành nghề, và chẳng ai lành nghề bằng Xan.
Tuy vậy, nó vẫn rất khó khăn – khó hơn bà nghĩ. Và mệt mỏi nữa. Gần đây mọi thứ đều mệt mỏi. Bà đổ lỗi tại tuổi già. Phép thuật của bà dạo này cạn kiệt rất nhanh. Và mất rất lâu mới phục hồi. Và bà rất mệt.
“Cậu bé,” Xan nói với con trai cả bà giáo – một cậu bé dễ thương chừng mười lăm tuổi, có làn da như tỏa sáng. Một trong những Đứa Trẻ Tinh Tú. “ Cháu làm ơn đưa đứa trẻ phiền phức này ra ngoài và chơi với con bé để ta có thể tập trung chữa bệnh cho mẹ cháu mà không vô tình giết bà ấy không?” Cậu bé tái mét mặt mày. “Ta nói đùa đấy. Mẹ cháu an toàn với ta.” Bà phù thủy hy vọng thế.
Luna luồn tay vào tay cậu bé, đôi mắt đen lấp lánh như ngọc. “Đi chơi thôi,” cô bé nói, và cậu bé kia nhe răng cười đáp lại. Nó yêu mến Luna, như tất cả mọi người. Chúng vừa chạy khỏi cửa vừa cười và biến mất trong khu rừng đằng sau.
Sau đó, khi khối u đã giải quyết xong, bộ não đã lành và bà giáo đã ngủ bình yên, Xan cảm thấy cuối cùng bà cũng có thể nghỉ ngơi. Ánh mắt bà chợt thấy cái tô trên kệ bếp. Cái tô chứa bột bánh đang nổi.
Có điều trong tô không hề có tí bột bánh nào. Thay vào đó là một cái mũ – vành rộng và tinh xảo. Đó là cái mũ đẹp nhất Xan từng
thấy.
“Ôi trời ơi,” Xan thì thào, nhặt cái mũ lên và để ý thấy phép thuật được đan trong đó. Màu xanh. Viền hơi ánh bạc. Phép thuật của Luna. “Ôi trời ơi, trời ơi.”
Suốt hai ngày sau đó, Xan cố gắng hết sức để hoàn thành công việc trong các Thành phố Tự Do càng nhanh càng tốt. Luna chẳng giúp ích gì. Cô bé cứ chạy quanh những đứa trẻ khác, chạy đua, chơi đùa và phóng qua hàng rào. Cô bé thách những nhóm trẻ con trèo lên ngọn cây với mình. Hay leo vào gác xép của kho thóc. Hay lên xà nhà của mái nhà hàng xóm. Chúng cứ theo cô bé lên mỗi lúc một cao, nhưng không thể theo tới cùng. Cô bé như trôi trên những nhánh cây. Nó múa xoay tròn trên chỏm lá cây bạch dương.
“Xuống ngay nào con bé kia,” Bà Phù Thủy hò hét.
Cô bé cười khanh khách. Nó nhẹ nhàng leo xuống, nhảy phốc từ lá này đến lá kia, hướng dẫn những đứa khác đáp xuống an toàn theo mình. Xan nhìn thấy những sợi phép thuật bay phấp phới sau lưng cô bé như những dài ruy băng. Xanh dương và bạc, bạc và xanh. Chúng cuồn cuộn và căng tràn và xoáy tít trong không trung. Chúng để lại dấu trên mặt đất. Bà Phù Thủy chạy đuổi theo đứa bé, vừa chạy vừa xóa sạch dấu vết.
Một con lừa biến thành đồ chơi.
Một căn nhà biến thành con chim.
Một kho thóc đột nhiên được làm bằng bánh gừng và kẹo bông. Con bé không biết mình đang làm gì, Xan nghĩ phép thuật đang tràn ra khỏi nó. Đời Bà Phù Thủy chưa bao giờ thấy nhiều đến thế.
Con bé có thể dễ dàng làm mình bị thương, Xan bực mình. Hay người nào khác. Hay mọi người trong thành phố. Xan phóng ào ào trên đường, bộ xương cốt già nua rên rỉ, dỡ bỏ hết thần chú này đến thần chú khác trước khi bắt kịp đứa trẻ bướng bỉnh.
“Tới giờ ngủ trưa rồi,” Bà Phù Thủy kêu lên, khua cả hai tay, và Luna đổ ập xuống đất. Bà chưa bao giờ can thiệp vào ý muốn của người khác. Chưa bao giờ. Nhiều năm trước – gần năm trăm năm – bà đã hứa với người bảo hộ của mình, Zosimos, rằng bà sẽ không bao giờ làm thế. Nhưng bây giờ thì… Mình đã làm gì thế này? Xan chất vấn mình. Bà thấy phát bệnh.
Những đứa trẻ khác tròn mắt nhìn. Luna ngáy o o. Cô bé nhễu cả bãi nước miếng xuống đất.
“Em ấy có sao không ạ?” một đứa con trai hỏi.
Xan bế Luna lên, cảm nhận đầu đứa trẻ trĩu nặng trên vai rồi áp cái má nhăn nheo lên tóc nó.
“Không sao đâu, cháu cưng,” bà đáp. “Chỉ buồn ngủ thôi. Con bé buồn ngủ quá rồi đây. Và ta tin là các cháu có việc phải làm đấy nhỉ.” Xan đem Luna tới nhà khách của thị trưởng, nơi họ đang nghỉ lại.
Luna ngủ tít thò lò. Cô bé thở chậm và đều. Vết bớt hình trăng lưỡi liềm trên trán tỏa sáng nhè nhẹ. Một mặt trăng màu hồng. Xan vuốt những sợi tóc đen lõa xõa trước mặt cô bé, xoắn ngón tay vào những lọn tóc sáng lòa.
“Mình đã bỏ lỡ gì nhỉ?” bà tự hỏi thành tiếng. Có cái gì đó mà bà không thấy - cái gì đó quan trọng. Nếu có thể, bà thường không
nghĩ về tuổi thơ của mình. Nó rất buồn. Và nỗi buồn thì nguy hiểm – dù bà không nhớ nổi tại sao.
Ký ức là một thứ trơn tuột – như đám rêu trơn trợt trên một con dốc gập ghềnh – rất dễ hụt chân và té ngã. Vả lại có biết bao nhiêu thứ để nhớ trong năm trăm năm ròng. Nhưng bây giờ, ký ức đang ùa về với bà – một ông già tốt bụng, một lâu đài đổ nát, một nhóm học giả suốt ngày chúi mũi vào sách, một con rồng mẹ thê lương đang nói lời tạm biệt. Và còn có gì khác nữa. Cái gì đó nguy hiểm. Xan cố gắng bắt lấy những ký ức đó khi chúng lướt ngang qua, nhưng chúng cứ như những viên sỏi trắng trong một trận tuyết lở: chúng nháng lên rất nhanh trong ánh sáng, và rồi biến mất.
Có một cái gì đó mà đáng lẽ ra bà nên nhớ. Bà chắc chắn như thế. Giá mà bà nhớ được nó là cái gì.
8.
Câu chuyện chứa một ẩn ý về sự thật
Một câu chuyện hả? Được. Mẹ sẽ kể cho con nghe một câu chuyện. Nhưng chắc con không thích đâu. Nó sẽ làm con khóc đó. Ngày xửa ngày xưa, có những pháp sư và phù thủy tốt và họ sống trong một lâu đài giữa rừng.
Dĩ nhiên thuở đó khu rừng chưa nguy hiểm. Chúng ta biết ai là kẻ chịu trách nhiệm vì đã nguyền rủa khu rừng. Đó cũng là kẻ cướp đi con cái của chúng ta và đầu độc nguồn nước. Những ngày đó, Bảo Hộ Quốc còn rất thịnh vượng và khôn ngoan. Không ai cần đến Con Đường để băng qua khu rừng. Khu rừng là bạn của tất cả mọi người. Và ai cũng có thể đi bộ đến Lâu đài của Kẻ Mang Phép để xin thuốc chữa bệnh hay lời khuyên, hay chỉ buôn chuyện.
Nhưng một ngày nọ, một Mụ Phù Thủy xấu xa cưỡị trên lưng một con rồng bay qua bầu trời. Mụ ta mang giày đen, đội mũ đen và mặc áo màu máu. Mụ hú lên cuồng nộ giữa trời.
Đúng vậy đấy con. Đây là chuyện có thật. Chứ còn loại chuyện nào khác nữa sao?
Trong lúc mụ bay trên lưng con rồng bị nguyền rủa, mặt đất rung chuyển và nứt làm đôi. Những con sông sôị lên, bùn lầy sủi tăm và toàn bộ ao hồ đều biến thành hơi nước. Bãi Lầy – Bãi Lầy yêu quý của chúng ta – trở nên độc hại và hôi thối, người ta chết vì không có không khí để thở. Đất bên dưới lâu đài phồng lên – nó cứ dâng lên
dâng lên mãi, và những cụm khói và tro bụi khổng lồ phun lên cuồn cuộn từ tâm trái đất.
“Tận thế rồi,” người ta than khóc. Và đã có thể như thế thật, nếu không có một người tốt dám đứng lên chống lại Mụ Phù Thủy. Một trong những pháp sư tốt của lâu đài – không ai nhớ tên người đó – đã nhìn thấy Mụ Phù Thủy cưỡi trên con rồng đáng sợ của mụ khi chúng bay ngang qua vùng đất đã bị phá hủy. Ông ấy biết mụ định làm gì: mụ muốn lôi lửa từ tâm trái đất lên và làm nó lan rộng ra khắp mặt đất, như một tấm vải trải bàn. Mụ muốn chôn chúng ta trong tro bụi, lửa và khói.
Chà, dĩ nhiên đó là điều mụ muốn. Không ai biết lý do. Làm sao chúng ta biết được? Đó là mụ phù thủy. Mụ không cần vần điệu và cũng chẳng cần nguyên do.
Đương nhiên chuyện này có thật rồi. Nãy giờ con có nghe không đấy?
Và thế là vị pháp sư nhỏ bé dũng cảm – không màng tới sự an nguy của mình – lao vào khói và lửa. Ông ấy phóng lên không trung, lôi Mụ Phù Thủy khỏi lưng rồng. Ông ném con rồng vào cái hố sâu đang ngùn ngụt lửa dưới đất, chặn nó lại như một cái nút bần.
Nhưng ông ấy không giết Mụ Phù Thủy. Thay vào đó mụ giết chết ông ấy.
Đó là lý do tại sao dũng cảm cũng chẳng được gì. Lòng dũng cảm không làm được gì, không bảo vệ được gì, không đem lại kết quả gì. Nó chỉ làm con mất mạng. Và đây là lý do chúng ta không
chống lại Mụ Phù Thủy. Vì ngay cả một vị pháp sư già hùng mạnh cũng không đấu lại mụ.
Đã nói đây là chuyện có thật rồi mà. Mẹ chỉ kể những câu chuyện có thật thôi. Bây giờ thì đi đi, và đừng để mẹ bắt quả tang con trốn việc nữa nhé. Mẹ sẽ dâng con cho Mụ Phù Thủy và để mụ xử con đấy.
9.
Nhiều thứ hỏng bét
Hành trình về nhà là một thảm họa.
“Bà ơi!” Luna la lên. “Một con chim!” Và một cái gốc cây biến thành một con chim to đùng, hồng rực và trông đầy hoang mang, nó nằm ườn trên mặt đất, cánh chống nạnh, như thể chính nó cũng kinh ngạc thấy mình tồn tại.
Con vật đáng thương đó hẳn phải thấy thế rồi, Xan nghĩ. Bà biến nó trở lại thành cái gốc cây ngay khi đứa trẻ không nhìn. Đứng xa như thế mà bà vẫn cảm thấy sự nhẹ nhõm của nó.
“Bà ơi,” Luna ré lên, chạy ù lên trước. “Bánh!” Và con suối phía trước đột nhiên ngừng chảy. Nước biến mất và biến thành một dòng sông dài toàn bánh.
“Ngon quá đi!” Luna la lên, chụp lấy một đống bánh, làm kem phủ nhiều màu dính đầy mặt.
Xan cắp ngang hông cô bé, chống gậy vượt qua con suối bánh và xua Luna đi lên con dốc uốn khúc dẫn lên núi, vừa đi vừa gỡ bỏ mọi phép thuật ngẫu nhiên sau lưng.
“Bà ơi! Bươm bướm!”
“Bà ơi! Ngựa con!”
“Bà ơi! Dâu kìa!”
Hết câu thần chú này đến câu thần chú khác phóng ra từ ngón tay và ngón chân của Luna, từ cả tai và mắt. Phép thuật của cô bé bay vèo vèo và rung động. Xan chẳng thể làm gì khác ngoài việc cố đuổi theo cho kịp.
Đến tối, sau khi nằm phịch xuống vì kiệt sức, Xan mơ thấy Zosimos, vị pháp sư đã chết cách đây năm trăm năm. Trong giấc mơ, ông ấy đang giải thích điều gì đó – một điều quan trọng – nhưng giọng ông bị tiếng gầm gào của núi lửa át mất. Bà chỉ có thể tập trung vào gương mặt của ông khi nó nhăn lại và héo đi trước mắt bà, da ông vỡ ra như những cánh hoa sen gục xuống khi ngày tàn.
❀ ❀ ❀
Lúc họ về đến mái nhà ẩn dưới những đỉnh núi và miệng của ngọn núi lửa đang ngủ yên, được bao bọc trong mùi hương nồng nàn của đầm lầy, lão Glerk đang đứng thẳng người chờ họ.
“Xan,” lão chào, trong lúc Fyrian nhảy nhót quay cuồng trong không khí, rít một bài hát mới chế về tình yêu của nó dành cho mọi người nó quen biết. “Có vẻ như cô bé của chúng ta đã trở nên phức tạp hơn rồi thì phải.” Lão đã nhìn thấy những dải phép thuật xẹt qua xẹt lại và phóng thành những dải dài trên ngọn cây. Đứng ở xa thế này mà lão cũng biết thứ mình đang nhìn thấy không phải là phép thuật của Xan, phép của bà màu xanh lục, mềm và dai, có màu và kết cấu như địa y bám vào cây sồi. Không, cái này màu xanh dương và bạc, bạc và xanh dương. Phép thuật của Luna.
Xan xua tay. “Ông biết chưa tới phân nửa đấy,” bà nói, trong khi Luna chạy ra đầm lầy để hái một ôm to và ngửi đã đời mùi hoa diên vĩ. Lúc Luna chạy, mỗi bước chân đều để lại một bông hoa óng ánh. Khi cô bé lội vào đầm lầy, lau sậy tự tết lại thành một con thuyền, và cô bé leo lên, lướt trên lớp tảo đỏ sậm phủ kín mặt nước, Fyrian đậu đằng mũi thuyền. Có vẻ nó không để ý rằng có điều gì đó không bình thường.
Xan vòng một cánh tay ôm lưng lão Glerk và dựa vào lão. Đời bà chưa bao giờ mệt đến thế.
“Sẽ tốn một chút công sức cho mà xem,” bà cất tiếng. Rồi vừa nặng nề tì lên cây gậy, Xan vừa cất bước đến xưởng để chuẩn bị giáo dục Luna.
Hóa ra đó lại là một nhiệm vụ bất khả thi.
Lúc bắt đầu có phép thuật, Xan được mười tuổi. Mãi tới lúc đó, bà vẫn luôn cô độc và sợ hãi. Những thầy phù thủy quan sát bà lúc đó không được tử tế lắm. Đặc biệt có một người dường như luôn thèm khát nỗi bất hạnh. Khi Zosimos giải cứu bà và chấp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc bà, bà đã biết ơn tới nỗi sẵn sàng tuân theo mọi quy tắc trên đời.
Luna thì không như vậy. Cô bé mới năm tuổi. Và rất cứng đầu. “Ngồi yên nào cưng,” Xan nhắc hết lần này đến lần khác khi cố gắng bắt cô bé nhắm phép vào một ngọn nến duy nhất. “Ta cần phải nhìn vào bên trong ngọn lửa để hiểu được – Cô gái. Không được bay trong phòng học.”
“Con là con quạ nè bà ơi,” Luna la lên. Không hoàn toàn đúng. Cô bé chỉ đơn giản mọc một đôi cánh màu đen và đập đập nó bay quanh phòng. “Quạ, quạ, quạ!” cô bé kêu om sòm.
Xan chụp đứa bé giữa không trung và biến hình nó lại như cũ. Một câu thần chú đơn giản, nhưng nó làm Xan phải khuỵu xuống. Tay bà run lẩy bẩy, mắt mờ đi.
Chuyện gì đang xảy ra với mình vậy? Xan tự hỏi. Bà không biết. Luna không để ý. Cô bé biến một quyển sách thành chim bồ câu và hô biến bút chì cùng bút lông ngỗng khiến chúng tự dựng đứng lên và nhảy một điệu phức tạp trên bàn.
“Luna, thôi đi,” Xan nhắc, phóng một bùa chặn đơn giản lên đứa bé. Lẽ ra phải dễ như không. Và lẽ ra phải công hiệu được một hai giờ. Nhưng câu thần chú như muốn xé ruột gan Xan, làm bà thở hổn hển, mà sau đó lại không có tác dụng nữa chứ. Luna không chần chừ liền vùng khỏi tay bà. Xan ngồi sụp xuống ghế.
“Ra ngoài chơi đi cưng,” Bà Phù Thủy nói, cả người run rẩy. “Nhưng đừng đụng vào thứ gì đấy, và đừng làm đau cái gì, và không được xài phép thuật.”
“Phép thuật là gì hả bà?” Luna vừa hỏi vừa chạy vù khỏi cửa. Còn bao nhiêu cây phải leo và thuyền phải đóng nữa. Và Xan khá chắc rằng mình thấy cô bé nói chuyện với một con sếu.
Mỗi ngày, phép thuật lại càng bất kham hơn. Cùi chỏ Luna va phải mấy cái bàn và vô tình biến chúng thành nước. Cô bé biến ga trải giường của mình thành thiên nga trong lúc ngủ (chúng làm thành một bãi lộn xộn ra trò). Cô bé khiến đá nổ tanh tách như bong
bóng. Da cô bé nóng lên tới mức khiến Xan bị bỏng rộp, hoặc quá lạnh đến nỗi tạo nên cả một hình cơ thể sương giá in trên ngực Glerk khi nó ôm lão. Có lần cô bé còn làm mất biến một cái cánh của Fyrian lúc nó đang bay, làm con rồng ngã nhào. Luna cứ nhảy chân sáo bỏ đi, hoàn toàn không biết mình mới làm gì.
Xan thử đặt Luna vào một cái bong bóng bảo vệ, bảo cô bé đó chỉ là một trò chơi thôi, chỉ để kiềm lại năng lực đang phun trào đó. Bà hóa phép cho bong bóng xuất hiện quanh Fyrian, bong bóng quanh đàn dê và bong bóng quanh mỗi con gà và một cái bong bóng cực lớn bao trùm căn nhà, sợ có ngày cô bé sẽ vô tình phóng hỏa ngôi nhà mất. Và những cái bong bóng đó có tác dụng – dù gì thì chúng cũng được phù phép rất mạnh – cho đến khi không thế nữa.
“Làm thêm nữa đi bà!” Luna la lên, chạy vòng tròn trên đá, mỗi dấu chân để lại một cái cây và bông hoa tai tái. “Thêm bong bóng nữa đi!”
Trong đời Xan chưa bao giờ kiệt sức đến thế.
“Ông đem Fyrian đến miệng núi lửa phía Nam đi,” Xan bảo lão Glerk sau một tuần làm việc quần quật mà chẳng ngủ nghê được bao nhiêu. Dưới mắt bà xuất hiện cả quầng thâm. Da thì tái nhợt như giấy.
Glerk lắc cái đầu to cộ của lão. “Ta không thể bỏ mặc bà như thế này được Xan,” lão nói trong lúc Luna hóa phép một con dế to lên bằng một con dê. Cô bé đút cho nó một cục đường không biết từ đâu xuất hiện trên tay rồi leo lên lưng nó cưỡi nhong nhong. Lão Glerk lắc lắc đầu. “Sao tôi có thể làm như thế được?”
“Tôi cần hai người phải an toàn,” Xan nói.
Con quái vật đầm lầy nhún vai. “Phép thuật không ảnh hưởng gì đến tôi,” lão nói. “Tôi đã sống lâu hơn nó rất nhiều.” Xan nhăn mày. “Có lẽ. Nhưng tôi không biết. Con bé có… quá nhiều. Và tôi không biết nó đang làm gì nữa.” Xương cốt bà dường như mỏng và giòn hơn, hơi thở khua loạn xạ trong lồng ngực. Bà cố gắng hết sức để giấu không cho lão Glerk biết.
❀ ❀ ❀
Xan đi theo Luna từ nơi này đến nơi khác, dỡ bỏ hết bùa này đến phép kia. Cánh của lũ dê đã được lấy đi. Trứng gà từ bánh nướng biến trở lại như cũ. Ngồi nhà trên cây thôi trôi bồng bềnh. Luna vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Cô bé dành cả ngày để cười và thở dài và chỉ trỏ đầy ngạc nhiên. Cô bé nhảy nhót khắp nơi, và ở nơi nó nhảy, những suối nước phun lên từ mặt đất.
Trong khi đó, Xan mỗi lúc một yếu hơn.
Cuối cùng lão Glerk không chịu được nữa. Để Fyrian lại trên rìa miệng núi lửa, lão nhảy xuống cái đầm lầy yêu dấu của mình. Sau khi lặn nhanh xuống làn nước âm u, lão tiến về phía Luna đang đứng một mình trong sân.
“Ông Glerk!” cô bé gọi. “Gặp ông con mừng quá! Ông dễ thương như một con thỏ con vậy.”
Và như thế, lão Glerk là một con thỏ. Một con thỏ đầy lông, trắng muốt, mắt hồng, một cục bông làm đuôi. Lão mang đôi lông
mi trắng dài và đôi tai có rãnh, cái mũi run run chính giữa mặt. Lập tức Luna òa ra khóc.
Xan chạy vội từ trong nhà ra và cố gắng hiểu xem đứa bé đang nức nở nói cái gì với bà. Tới lúc bà bắt đầu tìm Glerk thì đã không thấy lão đâu. Lão đã nhảy đi đâu mất, không biết mình là ai, hay là cái gì. Lão đã bị thỏ hóa. Mất tới mấy tiếng đồng hồ mới tìm ra lão.
Xan đặt đứa bé ngồi xuống. Luna nhìn bà.
“Bà ơi, nhìn bà khang khác.”
Đúng là như thế. Tay bà xương xẩu và lốm đốm đồi mồi. Da cánh tay chảy xệ. Bà có thể cảm thấy da mặt nhăn lại, mỗi phút mỗi già đi. Và lúc đó, ngồi dưới ánh nắng với Luna cùng con thỏ-từng-là Glerk đang run rẩy giữa họ, Xan có thể cảm thấy nó – phép thuật bên trong bà đang chảy về phía Luna, như ánh trăng đã nghiêng mình xuống cô bé khi nó còn nhỏ. Và trong khi phép thuật chảy từ Xan sang Luna, người đàn bà già nua lại mỗi lúc một già hơn.
“Luna,” Xan vuốt ve tai con thỏ, “con có biết đây là ai không?” “Ông Glerk ạ,” Luna nói, kéo con thỏ vào lòng và âu yếm vỗ về. Xan gật đầu. “Sao con biết đó là Glerk?”
Luna nhún vai. “Con đã nhìn thấy ông Glerk. Và rồi ông ấy là con thỏ.”
“À,” Xan thốt lên. “Con nghĩ tại sao ông lại biến thành con thỏ?” Luna nhoẻn cười. “Vì thỏ rất tuyệt vời. Và ông muốn làm con vui. Ông Glerk giỏi thật!”
Xan ngưng lại. “Nhưng làm thế nào hả Luna? Làm thế nào ông ấy biến thành thỏ?”
Bà nín thở. Ngày hôm đó ấm áp, khí trời ẩm và ngọt. Âm thanh duy nhất là tiếng ùng ục của đầm lầy. Chim chóc trong rừng cũng im lặng như thể đang lắng nghe.
Luna nhíu mày. “Con không biết. Ông chỉ biến thành vậy thôi.” Xan khum hai bàn tay xương xẩu lại rồi áp chúng lên miệng. “Ta hiểu rồi,” bà nói. Bà tập trung vào những nơi chứa phép thuật sâu trong người, và buồn rầu thấy chúng rỗng không ra sao. Dĩ nhiên bà có thể làm đầy chúng lại, với cả ánh sao và ánh trăng, và bất kỳ phép thuật nào khác mà bà kiếm được xung quanh, nhưng có điều gì đó mách bảo bà rằng đó chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi. Bà nhìn Luna, đặt môi lên trán cô bé. “Ngủ đi cháu yêu. Bà của cháu cần phải học một thứ. Ngủ đi, ngủ đi, ngủ đi, ngủ đi, ngủ đi.” Và đứa bé ngủ. Xan suýt nữa ngất xỉu vì cố gắng. Nhưng không có thời gian cho chuyện đó. Bà chuyển hướng chú ý sang lão Glerk, phân tích cấu trúc của câu thần chú đã biến lão thành thỏ, dỡ bỏ nó từng chút một.
“Sao tôi lại muốn ăn cà rốt nhỉ?” Lão Glerk hỏi. Mụ Phù Thủy giải thích tình hình, và lão tỏ ra không vui.
“Đừng có bắt đầu nói chuyện đó,” Xan nạt.
“Chẳng có gì để nói cả,” lão Glerk nói. “Cả hai chúng ta đều thương con bé. Con bé là người nhà. Nhưng giờ thì sao nào?” Xan gượng đứng dậy, khớp chân kêu cót két cọt kẹt như bánh răng bị gỉ.
“Tôi ghét phải làm thế này, nhưng đó là vì tất cả chúng ta. Con bé là mối đe dọa cho chính nó. Nó là mối đe dọa với tất cả chúng ta.
Con bé không biết mình đang làm gì và tôi không biết phải dạy nó như thế nào. Không phải bây giờ. Không phải khi nó còn quá nhỏ và bốc đồng và… quá Luna.”
Xan đứng lên, bẻ vai và gắng hết sức mình. Bà hóa phép ra một cái kén rồi bọc nó quanh cô bé – những sợi chỉ sáng lung linh quấn hết vòng này đến vòng khác.
“Con bé không thở được mất!” Lão Glerk đột ngột phát hoảng. “Nó không cần thở,” Xan đáp. “Nó ở trong trạng thái ngủ đông. Cái kén sẽ giữ phép thuật của con bé bên trong.” Bà nhắm mắt. “Zosimos từng làm thế này. Với tôi. Khi tôi còn nhỏ. Có lẽ vì cùng nguyên do.”
Mặt lão Glerk tối sầm lại. Lão nặng nề ngồi xuống đất, cuộn cái đuôi dày ra sau như một cái gối tựa. “Tôi còn nhớ. Tất cả cùng một lúc.” Lão lắc đầu. “Sao đó giờ tôi lại quên mất cơ chứ?”
Xan méo cái miệng đầy nếp nhăn qua một bên. “Buồn đau rất nguy hiểm. Hay ít ra đã từng như vậy. Bây giờ thì tôi không nhớ tại sao. Tôi nghĩ cả hai chúng ta đều đã quen với việc quên lãng nhiều thứ. Chúng ta chỉ để mọi thứ… phủ sương.”
Lão Glerk đoán còn có điều gì hơn thế, nhưng lão không nhắc tới nữa.
“Tôi nghĩ lát nữa Fyrian sẽ xuống đây thôi,” Xan nói. “Nó không chịu nổi phải ở một mình quá lâu đâu. Tôi không nghĩ là có vấn đề, nhưng đừng để nó đụng tới Luna nhé, đề phòng thôi.”
Lão Glerk chìa bàn tay vĩ đại của lão ra và đặt lên vai Xan. “Nhưng mụ đi đâu đấy?”
“Tới lâu đài cổ,” Xan nói.
“Nhưng…” lão Glerk trân trối nhìn bà. “Chẳng có gì ở đó hết. Chỉ còn mấy tảng đá cũ thôi mà.”
“Tôi biết,” Xan nói. “Chỉ là tôi cần đứng đó. Ở nơi đó. Nơi lần cuối tôi nhìn thấy Zosimos, mẹ của Fyrian và phần còn lại của họ. Tôi cần phải nhớ lại. Thậm chí nếu nó làm tôi buồn đi nữa.”
Nặng nề dựa lên cây gậy, Bà Phù Thủy khập khiễng bước đi. “Tôi cần phải nhớ lại rất nhiều chuyện,” bà thì thầm với mình. “Ngay bây giờ.”
10.
Bà Phù Thủy tìm thấy một cánh cửa, và cả một ký ức
Xan quay lưng lại với đầm lầy rồi đi theo con đường lên dốc, hướng về phía miệng núi lửa, nơi ngọn núi lửa đã mở ra với bầu trời rất lâu trước đó. Con đường được tạo thành bởi những tảng đá to, bằng phẳng nằm hẳn dưới đất, và khít nhau tới nỗi một tờ giấy cũng không lọt vừa khe hở giữa chúng.
Đã lâu lắm rồi Xan không đi con đường này. Hàng thế kỷ. Bà rùng mình. Mọi thứ trông khác quá. Mà lại… không.
Ngày xửa ngày xưa, trong sân lâu đài có một vòng tròn bằng đá. Chúng bao quanh trung tâm là Tòa Tháp cũ như những lính canh, và lâu đài bọc xung quanh tất thảy như con rắn cắn đuôi mình. Nhưng bây giờ Tòa Tháp đã không còn (dù Xan không biết nó biến đi đâu mất) còn lâu đài thì đổ nát, những tảng đá bị ngọn núi lửa xô đổ mất, hoặc bị động đất nuốt chửng, hay bị nghiền nát bởi lửa, nước và thời gian. Bây giờ chỉ còn lại một tảng, và nó rất khó tìm. Cỏ dại mọc cao quây kín lấy nó như một tấm rèm dày, trên mặt phủ kín dây thường xuân. Xan mất hơn nửa ngày mới tìm thấy nó, và khi đã thấy, lại mất thêm cả tiếng đồng hồ khổ sở nữa mới tháo được tấm rèm dây thường xuân cứng ngắc kia ra.
Khi chạm đến tảng đá rồi, bà lại thấy thất vọng. Trên mặt đá có khắc chữ. Mỗi bên là một thông điệp đơn giản. Chính tay Zosimos đã
khắc nó, rất lâu trước. Ông ấy đã khắc lên đó cho bà, khi bà vẫn còn bé xíu.
“Đừng quên,” một mặt viết.
“Ta nói nghiêm túc đấy,” mặt bên kia viết.
Đừng quên cái gì?
Nói nghiêm túc về cái gì hả ông Zosimos?
Bà không chắc. Mặc dù ký ức của bà không rõ ràng, nhưng có một điều bà nhớ, đó là khuynh hướng mơ mơ hồ hồ của ông. Và giả định của ông rằng vì những lời mơ hồ và bóng gió đã đủ rõ ràng với mình rồi nên chắc chắn ai cũng có thể lĩnh hội chúng một cách hoàn hảo.
Và sau ngần ấy năm, Xan vẫn còn nhớ lúc đó mình thấy bực bội thế nào.
“Quỷ tha ma bắt ông ấy đi,” bà nói.
Bà đến gần tảng đá rồi tựa trán lên những con chữ khắc sâu đó, như thể tảng đá là chính Zosimos.
“Ôi Zosimos,” bà thốt lên, một cảm xúc gần năm trăm năm nay không cảm thấy dâng lên trong lòng. “Con xin lỗi. Con đã quên mất. Con không cố ý nhưng…”
Luồng phép thuật ập lên người bà như một tảng đá lăn, làm bà ngã nhào ra sau. Bà nện hông xuống đất. Bà nhìn tảng đá, há hốc mồm.
Tảng đá được phù phép! Bà nghĩ. Dĩ nhiên rồi!
Và bà ngước nhìn tảng đá đúng lúc một đường nối xuất hiện ngay chính giữa, hai bên tảng đá bẻ ngoặc vào trong, giống như
một cánh cửa lớn bằng đá.
Không phải giống, Xan nghĩ. Mà chúng chính là cánh cửa bằng đá.
Hình dạng của tảng đá vẫn giống như một ô cửa in trên nền trời xanh, nhưng bản thân lối vào lại dẫn đến một hành lang tối lờ mờ, có một cầu thang bằng đá sâu hun hút dẫn vào khoảng không tối đen như mực.
Và chớp một cái, Xan nhớ ra cái ngày đó. Lúc đó bà mười ba tuổi và đang vô cùng ấn tượng với tài năng phù thủy của mình. Còn thầy của bà – rất mạnh và quyền năng lúc bà nhỏ hơn – thì càng ngày càng yếu.
“Hãy cẩn thận với nỗi buồn của con,” ông đã nói. Lúc đó thầy đã rất già. Già không tưởng tượng nổi. Người ông ốm o xương xẩu, da dẻ nhăn nheo như giấy, như một con dế. “Nỗi buồn của con rất nguy hiểm. Đừng quên rằng mụ ta vẫn đang ở gần đây.” Và thế nên Xan nuốt nỗi buồn của mình vào lòng. Cả ký ức nữa. Bà chôn chặt cả hai kỹ đến mức để chính mình cũng sẽ không bao giờ tìm thấy. Đó là bà nghĩ như thế.
Nhưng giờ đây bà đã nhớ lại được tòa lâu đài – bà đã nhớ ra! Sự lạ lùng dễ vỡ của nó. Những hành lang vô nghĩa. Và những người sống trong lâu đài – không phải các phù thủy hay học giả mà là các đầu bếp, người chép thuê và các phụ tá. Bà nhớ họ đã chạy tan tác vào rừng thế nào khi ngọn núi lửa phun trào. Bà nhớ mình đã yểm bùa bảo vệ lên từng người một ra sao – chậc, tất cả trừ một người – và cầu nguyện với các vì sao cho từng bùa chú trụ vững được trong khi họ bỏ chạy. Bà nhớ Zosimos đã giấu tòa lâu đài trong vòng tròn
đá thế nào. Mỗi tảng đá là một cánh cửa. “Cùng một lâu đài nhưng khác cửa. Đừng quên điều đó. Ta nói nghiêm túc đấy.” “Con sẽ không quên đâu ạ,” Xan lúc mười ba tuổi đã đáp. “Chắc chắn con sẽ quên, Xan à. Con chưa gặp chính mình hay sao?” Lúc đó ông ấy già vô cùng. Làm sao thầy lại già như thế được nhỉ? Thầy gần như đã héo tàn thành bụi đất. “Nhưng đừng lo. Ta đã gắn điều đó vào bùa chú này rồi. Còn bây giờ nếu con không phiền. Ta trân quý vô cùng vì được biết con, và thương tiếc vì biết con, và đã bất chấp bản thân mà cười rất nhiều mỗi ngày chúng ta trải qua cùng nhau. Nhưng tất cả đã là quá khứ rồi, ta và con phải chia xa. Ta có nhiều nghìn người phải bảo vệ khỏi ngọn núi lửa bùng nổ đó, và ta hy vọng con sẽ đảm bảo rằng họ luôn luôn biết ơn, được không con?” Ông ấy buồn bã lắc đầu. “Ta đang nói gì thế này? Dĩ nhiên con sẽ không làm thế rồi.” Rồi ông ấy và Con Rồng Đơn Giản Là Khổng Lồ biến mất vào trong làn khói, lao vào trái tim của ngọn núi, chặn sự phun trào lại, bắt ngọn núi lửa phải ngủ một giấc thiên thu.
Và cả hai mãi mãi ra đi.
Xan chưa bao giờ làm gì để bảo vệ ký ức về thầy, hay để giải thích điều ông ấy đã làm.
Thật ra, nội trong một năm, bà đã gần như chẳng còn nhớ ông ấy là ai. Bà chưa bao giờ thấy lạ – phần người thấy việc đó là lạ của bà ở bên kia tấm rèm rồi. Lạc trong màn sương.
Bà nhìn vào sự ảm đạm của tòa lâu đài ẩn mình. Xương cốt bà đau nhức, đầu óc suy nghĩ không dứt.
Tại sao những ký ức lại trốn khỏi bà? Và tại sao Zosimos lại giấu kín tòa lâu đài?
Bà không biết, nhưng bà chắc chắn mình sẽ tìm ra câu trả lời. Bà gõ cây gậy xuống đất ba lần, đến khi nó phát ra đủ ánh sáng để xua đi bóng tối. Và bà bước vào trong tảng đá.
11.
Bà Phù Thủy ra quyết định
Xan thu nhặt một ôm sách và mang chúng từ tòa lâu đài đổ nát về nhà xưởng của bà. Sách, bản đồ, giấy tờ và ghi chép. Biểu đồ. Công thức. Hình vẽ. Chín ngày liền bà không ăn không ngủ. Luna vẫn ở trong kén, nằm yên một chỗ. Cũng ở yên ở một thời điểm nữa. Cô bé không thở. Không suy nghĩ. Luna chỉ đơn giản là tạm dừng sống. Mỗi lần nhìn cô bé, lão Glerk thấy tim như bị đâm một nhát dao. Lão tự hỏi không biết nó có để lại sẹo không.
Lão không cần phải băn khoăn. Chắc chắn là có.
“Ông không vào trong được đâu,” Xan bảo lão qua cánh cửa khóa chặt. “Tôi phải tập trung.” Rồi lão nghe thấy tiếng bà rì rầm bên trong.
Hết đêm này qua đêm khác, lão Glerk nhòm qua cửa sổ nhà xưởng, nhìn Xan thắp nến và lướt qua hàng trăm quyển sách đang mở cùng tài liệu, ghi chú lên một cuộn giấy mà qua mỗi giờ lại mỗi dài hơn, vừa làm vừa rì rầm. Bà lắc đầu. Bà lẩm bẩm thần chú vào những hộp bằng chì, vội vàng đóng sầm nắp hộp lại khi câu thần chú được nói ra và ngồi lên nắp để giữ không cho nó tràn ra ngoài. Sau cùng, bà sẽ cẩn thận mở cái hộp ra và nhìn vào trong, hít thật sâu bằng mũi.
“Quế,” bà nói. “Và muối. Quá nhiều gió trong câu thần chú này.” Rồi bà viết nó xuống.
Hoặc là: “Mê-tan. Không hay rồi. Con bé sẽ vô tình bay lên mất. Với lại dễ cháy nữa. Nguy cơ còn cao hơn bình thường.” Hoặc là: “Có phải lưu huỳnh không nhỉ. Ôi trời ơi. Mi đang làm gì thế hả bà già này? Giết đứa bé tội nghiệp sao?” Bà gạch vài thứ khỏi danh sách của mình.
“Dì Xan bị điên rồi phải không?” Fyrian hỏi.
“Không phải đâu, bạn ta,” lão Glerk bảo nó. “Nhưng mụ ấy đã lún sâu hơn mong đợi. Mụ ấy không quen việc không biết chính xác phải làm gì. Và điều đó làm mụ ấy sợ. Như Nhà Thơ nói,
“Kẻ khờ dại,
bị nhấc khỏi mặt đất, sẽ bay…
Từ đỉnh núi đến ngôi sao rơi,
Đến một nơi đen thăm thẳm.
Học giả,
Mất giấy, bút và cuốn sách trĩu nặng,
Sẽ ngã.
Và không tìm lại được.”
“Đó là thơ thật ấy à?” Fyrian hỏi.
“Dĩ nhiên là thơ thật rồi,” lão Glerk trả lời.
“Nhưng ai sáng tác nó vậy ông Glerk?”
Lão Glerk nhắm mắt. “Nhà Thơ. Đầm Lầy. Thế Giới. Và ta. Như nhau cả.”
Nhưng lão không giải thích như thế nghĩa là gì.
❀ ❀ ❀
Cuối cùng, Xan cũng mở toang cửa xưởng, mặt hiện lên vẻ hài lòng. “Ông thấy đấy,” bà giải thích với một lão Glerk đầy nghi hoặc khi bà vẽ một vòng tròn lớn bằng phấn lên đất, để hở một khoảng làm lối vào. Bà vẽ mười ba dấu cách một khoảng bằng nhau dọc theo chu vi đường tròn và dùng nó để phác ra chóp của mười ba ngôi sao nhọn. “Cuối cùng, tất cả những gì chúng ta đang làm là tạo nên một cái đồng hồ. Mỗi ngày trôi qua đều giống như một cỗ máy vận hành trơn tru, ông hiểu chứ?”
Glerk lắc đầu. Lão chẳng hiểu gì cả.
Xan đánh dấu giờ trên đường tròn gần-như-hoàn-chỉnh – một quá trình gọn gàng và trật tự. “Một chu kỳ mười ba năm. Đó là tất cả những gì câu thần chú cho phép. Và tôi e rằng trong trường hợp của chúng ta thì ít hơn thế – toàn bộ cơ cấu đồng bộ hóa với trạng thái sinh học của con bé. Về điểm đó thì tôi không thể làm gì nhiều. Con bé đã năm tuổi, thế nên cái đồng hồ này sẽ tự chỉnh tới năm, và sẽ thôi hoạt động lúc nó lên mười ba tuổi.”
Glerk nheo mắt. Lão vẫn mờ mịt không hiểu. Dĩ nhiên, bản thân phép thuật lúc nào cũng cũng ở ngoài ý nghĩ của con quái vật đầm lầy. Phép thuật không được nhắc đến trong bài ca hình thành thế giới mà chỉ mãi sau này mới đến, dưới ánh sáng của mặt trăng và những vì sao. Với lão, phép thuật luôn luôn giống như kẻ xía mũi, một vị khách không mời. Lão Glerk thích thơ hơn nhiều.
“Tôi sẽ sử dụng nguyên tắc tương tự với cái kén bảo vệ mà con bé đang ngủ. Tất cả phép thuật được chứa bên trong. Nhưng trong
"""