🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chuyện Thường Ngày Của Bác Ebooks Nhóm Zalo LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng, người cộng sản vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, nhưng đồng thời cũng là một con người bình dị, gần gũi, ai cũng có thể học và làm theo, đặc biệt về phong cách của Bác. Trong đời sống hằng ngày, ngoài những lúc làm việc và tiếp khách, Bác thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Bác đến với mọi người một cách rất tự nhiên và bình dị. Điều đó đã trở thành một nhu cầu, một nếp sống, trở thành điều tâm niệm suốt đời của Người. Để tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách: 5 Chuyện thường ngày của Bác Hồ của Nhà báo Hồng Khanh - Nguyên ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân dân. Cuốn sách được khởi thảo năm 2003 và liên tục được tái bản tại Nhà xuất bản Thanh niên, lần xuất bản gần đây nhất là năm 2011 tại Nhà xuất bản Thế giới. Thông qua lời kể của các đồng chí nguyên là cận vệ của Bác, Nhà báo Hồng Khanh đã ghi lại những câu chuyện thường ngày của Bác theo các chủ đề: Người giúp việc; Những nơi ở; Khi mặt trời lên; Cách ăn mặc; Ngoài giờ làm việc; Đến với dân; Đêm xuống; Giấc ngủ ngon lành. Mỗi câu chuyện đều thể hiện phong cách giản dị, gần gũi nhưng rất tinh tế của Bác. Lối sống, tác phong quần chúng thường ngày của Bác luôn là chuẩn mực nhân cách con người cách mạng nhưng lại không xa lạ với mỗi con người bình thường, mà ai cũng có thể soi mình, học tập, noi theo. Cuốn sách mỏng, nội dung phong phú, dễ hiểu, rất bổ ích cho những ai muốn quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu về Bác Hồ và đạo đức, tác phong của Bác. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc. Tháng 4 năm 2015 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT6 LỜI GIỚI THIỆU Sáng kiến của tác giả Hồng Khanh viết cuốn sách về Chuyện thường ngày của Bác Hồ chắc chắn được đông đảo bạn đọc hoan nghênh. Cuốn sách này góp phần vào việc giúp thế hệ trẻ tìm hiểu về con người vĩ đại của dân tộc ta qua đời thường bằng những mẩu chuyện sinh động. Một nét nổi bật trong cuộc sống đời thường thể hiện sự cao thượng của Bác Hồ là sự giản dị, gần gũi với mọi người, sống và làm việc như đồng bào, đồng chí. Những chuyện kể cũng cho chúng ta thấy những người là nhân chứng đã phục vụ Bác Hồ trên 20 năm Người làm Chủ tịch nước. Những nhân chứng này cũng nêu gương sáng về tinh thần phục vụ Tổ quốc bằng sự săn sóc chu đáo người lãnh đạo của nhân dân ta. Đồng chí Hồng Khanh là nhà báo lâu năm của báo Nhân dân. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, 7 cứu nước, Hồng Khanh là phóng viên của một tờ báo ở Vĩnh Linh viết nhiều cho báo từ tuyến lửa ở dưới địa đạo. Sau chiến tranh, đồng chí viết về lĩnh vực kinh tế với những bài điều tra và bình luận sắc sảo. Là một nhà báo chiến sĩ, từng trải qua gian khổ, thử thách, Hồng Khanh là người có thể đảm trách những bài viết quan trọng của cuốn sách này. Ngày 11 tháng 6 năm 2003 HOÀNG TÙNG Nguyên Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân dân 8 NGƯỜI GIÚP VIỆC Người ta sinh ra ở đời, dù làm đến chức cao nhất nước, hay chỉ là người dân bình thường, hằng ngày đều phải ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc, tiếp xúc với mọi người... Những sinh hoạt thường ngày không thể thiếu ấy được thể hiện cầu kỳ hay giản dị, lịch sự hay buông thả, xa hoa hay tiết kiệm, đài các hay bình dân..., phụ thuộc một phần điều kiện vật chất, hoàn cảnh xã hội, nhưng phần lớn hơn có tính quyết định là phụ thuộc ý thức, tư tưởng và ý chí rèn luyện không ngừng của con người đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà cách mạng lỗi lạc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Bao nhiêu sách báo trong nước và ngoài nước đã, đang và tiếp tục viết về sự nghiệp hoạt động cách mạng, tư tưởng và cả cuộc sống sinh hoạt thường ngày của Người. 9 Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến ngày Người đi xa (2-9-1969), khoảng xấp xỉ tròn một phần tư thế kỷ ấy, đất nước Việt Nam gặp biết bao thăng trầm, sóng gió, nhưng dưới tay lái vững vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, con thuyền cách mạng Việt Nam vẫn tiến lên vượt mọi khó khăn gian khổ, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người Việt Nam không những vĩ đại trong tư tưởng, trong sự nghiệp vì dân, vì nước, mà còn vĩ đại, mẫu mực cả trong nếp sống thường ngày. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Để giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ điều hành đất nước, Văn phòng Phủ Thủ tướng được hình thành, trong đó có một bộ phận đặc biệt, bước đầu gồm tám người được phân công phục vụ trực tiếp Bác Hồ về các công việc sự vụ hằng ngày từ hành chính, cận vệ, chăm sóc sức khỏe đến lái xe... Sáng ngày 6-3-1947, tại một địa điểm sơ tán ở xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tám đồng chí trực tiếp giúp việc cho Người ngồi bàn công tác “quân sự hóa”. Nghĩa là cơ quan giúp việc cho Bác phải gọn, nhẹ, cơ động, 10 bí mật, nhanh chóng, đi không ai biết, đến không ai hay. Cho nên mỗi người phải có một cái balô. Ngoài ra, thêm một cái balô đựng máy chữ của Bác Hồ mang từ Hà Nội lên. Khi ấy, các đồng chí trực tiếp giúp việc cho Người được coi là cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước, hoặc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, là một bộ phận đặc biệt thuộc biên chế Văn phòng Chủ tịch nước. Bởi lẽ, sau Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu Người làm Chủ tịch nước kiêm luôn Thủ tướng Chính phủ1. Bộ phận này trong suốt thời gian ở chiến khu Việt Bắc, để bảo đảm bí mật, thường được gọi là C.Q41, nghĩa là cơ quan 41. Con số 41 là lấy hai số cuối của năm 1941, năm Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước. Cuộc họp vừa kết thúc, cả tám đồng chí đang ngồi quanh Người, bỗng càng lấy làm phấn khởi khi thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh âu yếm nhìn từng người một. Đó là các đồng chí: Võ Chương, quê ở ____________ 1. Mãi tới tháng 8-1949 mới có Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở bên Bác; đến tháng 9-1955, đồng chí Phạm Văn Đồng mới là Thủ tướng. 11 Thừa Thiên Huế, nguyên là giáo viên, hoạt động Việt Minh tại Thanh Hóa, Hà Nội, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở thành chiến sĩ trong đội tự vệ cứu quốc thành Hoàng Diệu, được chọn bổ sung vào tổ cận vệ Bác Hồ. Đồng chí Nguyễn Cần, quê ở Thường Tín, Hà Nội, từng tham gia Thanh niên phản đế Trường Bưởi, Hà Nội, bị Sở Mật thám Pháp bắt giam ở Hỏa Lò năm 1943, tháng 3-1945 vượt ngục, trở về công tác tại nội thành Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Lý, quê ở tỉnh Thái Bình, tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào công nhân từ trước năm 1940, bị địch bắt giam ở Sơn La, Thái Nguyên, rồi vượt ngục trở về hoạt động ở căn cứ địa Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Nguyễn Hữu Văn, quê ở tỉnh Hải Dương, từng hoạt động trong phong trào Thanh niên cứu quốc Hà Nội, cuối năm 1945 được tuyển vào tổ cận vệ Bác Hồ. Đồng chí Hoàng Văn Lâm, người dân tộc Tày ở Lạng Sơn, sớm giác ngộ cách mạng. Đồng chí Chu Phương Vương, người dân tộc Tày, quê ở tỉnh Cao Bằng, giúp việc cho Bác từ tháng 7-1945. Các đồng chí Nguyễn Quang Chí, Trần Đình, dân tộc Nùng, quê ở tỉnh Cao Bằng, là chiến sĩ giải phóng quân, giúp việc cho Bác trước tháng 8-1945 ở khu giải phóng Việt Bắc. 12 Cả tám đồng chí nói trên đang im lặng thì bỗng thấy Bác vừa đưa tay chỉ từ trái sang phải theo thứ tự từng đồng chí đang ngồi sát nhau theo hình vòng tròn, vừa nhẹ nhàng nói: - Từ hôm nay, Bác đặt tên cho mỗi chú như sau: Chú Võ Chương là Trường; chú Nguyễn Cần là Kỳ; chú Nguyễn Văn Lý là Kháng; chú Nguyễn Hữu Văn là Chiến; chú Hoàng Văn Lâm là Nhất; chú Chu Phương Vương là Định; chú Nguyễn Quang Chí là Thắng; chú Trần Đình là Lợi. Nói xong, lặng im giây lát, Bác lại nhắc tên tám đồng chí vừa mới đặt: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Rồi Bác nhẹ nhàng hỏi một câu: - Các chú có biết tại sao Bác đặt tên các chú như vậy không? Cả tám người liếc nhìn nhau, suy nghĩ, chưa ai lên tiếng. Bác giải thích luôn: - Nhân dân ta vừa giành được chính quyền chưa bao lâu thì đã phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Bác là cùng với Đảng, Chính phủ lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi. Bác đặt tên các chú theo khẩu hiệu “Trường 13 kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” là để hằng ngày Bác gọi đến tên các chú, hay nhớ đến các chú là nhắc nhở Bác phải lo làm sao tìm mọi mưu kế, biện pháp để hoàn thành bằng được nhiệm vụ cao cả đó. Niềm vinh dự, tự hào được Chủ tịch nước đặt tên mình gắn với ý chí và quyết tâm của toàn dân tộc đang bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đầy gian khổ nhưng nhất định thắng lợi càng thôi thúc tám đồng chí không ngừng vươn lên làm tốt nhiệm vụ. Từ đấy, trong tiếp xúc hằng ngày, hai tiếng “Bác Hồ” chính thức được gọi thay cho năm chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” với cả tấm lòng kính trọng, biết ơn, gần gũi và thương yêu vô hạn. Đối với những người được vinh dự trực tiếp giúp việc cho Bác Hồ càng hết sức vui mừng được Bác gọi bằng “chú” với cả tình thương ân cần, trìu mến, giúp đỡ, dạy bảo, không hề có chút cách biệt. Nhiều đồng chí đã lấy tên Bác đặt cho mình làm tên chính thức suốt đời, như Kỳ là đồng chí Vũ Kỳ - tức Nguyễn Cần; Kháng là đồng chí Hoàng Hữu Kháng - tức là Nguyễn Văn Lý; Chiến là đồng chí Tạ Quang Chiến - tức Nguyễn Hữu Văn... Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bước sang giai đoạn chuẩn bị cho tổng phản công, 14 khối lượng công việc ở C.Q41 càng bề bộn, khẩn trương. Người nào cũng làm việc chăm chỉ, ít được ngơi nghỉ, hòa trong khí thế sôi động từ các chiến trường Bắc - Trung - Nam dội về nơi làm việc của Bác. Và càng náo nức, hồ hởi khi được Bác gợi ý là nên có một số chú đi xuống cơ sở dài ngày để vừa hiểu biết thực tế cuộc sống chiến đấu gian khổ nhưng rất anh dũng của đồng bào, đồng chí, vừa có dịp học tập, rèn luyện, góp phần phát huy khả năng của mình vào sự nghiệp cách mạng. Bác còn nhấn mạnh nếu chú nào cũng cứ ngồi hoài ở văn phòng để nắm tình hình qua các bản báo cáo hoặc điện thoại ở dưới gọi lên thì làm sao hiểu được thực tế, làm sao tiến kịp theo đà phát triển chung. Thực tế, ở cơ sở cũng là một trường học để rèn luyện mình. Ít hôm sau, được đồng chí Trường Chinh cho biết là Bác đã đưa gợi ý đó ra trước Thường vụ Trung ương Đảng và được Thường vụ rất đồng tình. Thế là cả C.Q41 càng lấy làm phấn chấn và tích cực hưởng ứng gợi ý của Bác. Không bao lâu sau, đồng chí Vũ Kỳ được về Hà Nội làm công tác “địch vận”. Khi chuẩn bị mở chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1953, Bác lại chỉ đạo cho đồng chí Vũ Kỳ đi vào lực lượng thanh niên xung phong, phụ trách Đoàn Thanh niên xung phong 15 Trung ương. Cũng trong thời gian bí mật, khẩn trương, náo nức đó, một số đồng chí của C.Q41 cũng rời văn phòng xuống cơ sở, như đồng chí Tạ Quang Chiến xuống phụ trách Đội Thanh niên xung phong tại “An toàn khu”. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng làm Trưởng Ban tiếp tế An toàn khu Trung ương, Cục trưởng Cục Cảnh vệ Bộ Công an... Số đồng chí ở lại giúp Bác càng làm việc bận rộn hơn. Thông cảm với hoàn cảnh đó, những khi chưa có người bổ sung kịp, Bác vừa thảo công văn, chỉ thị, vừa tự đánh máy lấy. Một không khí làm việc sôi động, hồ hởi, không quản mệt nhọc, tất cả vì cơ sở, vì tiền tuyến và chiến thắng. Những đồng chí do yêu cầu công việc phải chuyển sang đơn vị khác, Bác lại đặt tên cho đồng chí mới được bổ sung như tên đồng chí đã chuyển. Câu khẩu hiệu “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi” luôn ở bên Bác. Vì thế, khi kháng chiến thắng lợi đã có ba đồng chí mang tên Trường, hai đồng chí mang tên Nhất, hai đồng chí mang tên Thắng. Một số đồng chí bổ sung trong hai năm 1948 - 1949 được Bác đặt tên mang những ý nghĩa mới: Trung, Dũng, Đồng, Tâm, Kiên, Quyết, Tiết, Kiệm. Một hôm, trong không khí hòa bình, mới về lại Thủ đô Hà Nội, nhân lúc Bác cháu đang nói chuyện 16 vui sau bữa cơm chiều, một đồng chí quá lạc quan, đề nghị với Bác: - Thưa Bác! Để phù hợp với tình hình mới, xin Bác cho đổi tên của hai đồng chí Kháng và Chiến thành hai tên Hòa và Bình! Bác nhẹ nhàng trả lời, nhưng nét mặt hơi nghiêm: - Có kháng chiến mới có hòa bình. Song hiện nay chưa thể gọi là hòa bình, còn phải chuẩn bị kháng chiến ở miền Nam, vì kẻ địch chưa dễ gì ngoan ngoãn làm theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Chớ có chủ quan! Quả câu nói của Bác là một lời tiên tri. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Hai mươi năm sau, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc, ngày 10-10- 1954 về lại Thủ đô Hà Nội. Các đồng chí Vũ Kỳ, Tạ Quang Chiến lần lượt được trở lại giúp việc cho Bác Hồ. Từ đấy, trong hoàn cảnh miền Bắc được giải phóng, miền Nam còn tạm thời trong tay địch, tính chất công việc ở bộ phận trực tiếp giúp Bác lại càng đòi hỏi mỗi người làm việc sâu sát hơn, tỉ mỉ hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn. Một số đồng chí mới 17 rút từ Văn phòng Trung ương Đảng và một vài địa phương lần lượt được điều động, bổ sung vào bộ phận giúp việc cho Bác, như các đồng chí Đinh Văn Cẩn, Lê Văn Nhượng (bổ sung năm 1950), Cù Văn Chước, Lê Hữu Lập, Trần Văn Vượng, Nguyễn Văn Mùi, Lưu Quang Lập, Ngô Văn Các, Hoàng Tấn Quang... Tất cả gồm hơn mười người. Nếu kể tách bạch ra thì công tác văn thư chỉ có bốn người, kể cả đồng chí Vũ Kỳ. Số đồng chí khác được phân công: người lo đánh máy, người làm cần vụ, người lo nấu ăn, người lái xe, người làm vườn, người tiếp khách, phục vụ hội nghị do Bác chủ trì... Phân công chuyên môn như vậy, nhưng khi cần thiết là có sự hỗ trợ công việc lẫn nhau trong từng bộ phận văn thư hoặc hậu cần. Bộ phận bảo vệ tiếp cận Bác thuộc Cục Cảnh vệ, Bộ Công an. Về tổ chức, tài vụ, công tác đảng, văn phòng phẩm, lương cán bộ, nhân viên của số anh em giúp việc cho Bác đều do Văn phòng Phủ Thủ tướng phụ trách. Khi Bác đón những đoàn khách lớn nước ngoài hoặc tổ chức tiệc tùng chiêu đãi thì chuyển giao cho các bộ phận giao tế hoặc Bộ Ngoại giao đảm nhiệm. Hơn chục anh em trực tiếp giúp việc cho Bác chỉ lo làm sao bảo đảm được mọi nhu cầu về vật chất và 18 tinh thần cần thiết hằng ngày của Bác để Bác vừa có thêm thời gian lo việc dân, việc nước, vừa còn có thể thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí. Anh em thường nói với nhau: “Sức khỏe của Bác là tài sản quốc gia”. “Ngày nào Bác cũng vui, cũng khỏe, cũng thanh thản là mong ước của đồng bào cả nước”. Vì vậy, hơn chục anh em này đều chí thú lo toan công việc được giao. Và mỗi khi Bác đi công tác xa vài ba ngày trở lên, Bác không quên nhắc đồng chí phụ trách có thể cho anh em thay nhau về nghỉ với vợ con, gia đình, quê hương. Sự quan tâm dù nhỏ ấy của Bác càng động viên anh em phấn khởi làm việc hết mình. * * * Năm 2001, năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Tôi lần lượt tìm đến nhà riêng của những đồng chí đã có thời gian gần gũi giúp việc Bác. Với dụng ý, qua các nhân chứng đặc biệt này, có thể được biết thêm về những công việc sinh hoạt thường ngày của Bác Hồ. Nhất là trong suốt thời gian 24 năm Người làm Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc của Đảng, của Chính phủ, của chế độ dân chủ cộng hòa mới ra đời 19 và hình thành. Hằng ngày, Bác vẫn rèn luyện, xây dựng cho mình một phong cách sống thư thái, giản dị, trong sáng, mẫu mực, hết lòng vì dân, vì nước. Trong số tám đồng chí đầu tiên giúp việc cho Bác Hồ mà đã vinh dự được Người đặt tên “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi” thì đến năm 2001 đã có sáu đồng chí nối tiếp nhau theo Bác Hồ về cõi vĩnh hằng trong những năm cuối của thế kỷ XX. Hai đồng chí còn lại, ít tuổi nhất so với các đồng chí kia, là đồng chí Vũ Kỳ, tuổi đã ngoài 80, sức khỏe có giảm, nhưng vẫn tỉnh táo, minh mẫn; đồng chí Tạ Quang Chiến, tuổi đã 77, trời cho còn khỏe mạnh, hồng hào, nói năng lưu loát. Các đồng chí bổ sung sau năm 1954, khi miền Bắc đã được giải phóng, tuổi cũng đã trên dưới 70. Nhưng may mắn thay là đồng chí nào cũng còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Điều rất mừng là khi kể lại, đồng chí nào cũng còn nhớ khá đậm nét những kỷ niệm về công việc và sinh hoạt thường ngày của Bác Hồ mà các đồng chí đó, cũng như các đồng chí tiền nhiệm đã kể lại, được vinh dự ở bên Người, giúp việc cho Người trong suốt những năm tháng Người nhận trách nhiệm cao cả trước Đảng, trước nhân dân là làm Chủ tịch nước. Cuốn sách này chủ yếu ghi lại những lời kể về cuộc 20 sống đời thường: ăn, mặc, ở, đi lại, giải trí, rèn luyện sức khỏe của Bác Hồ mà các đồng chí giúp việc cho Người từng chứng kiến. Những việc thường ngày ấy cũng là một yếu tố rất quan trọng góp phần quyết định tạo nên con người Hồ Chí Minh với ý nghĩa đầy đủ, tuyệt vời cả tài - đức - trí - lực. Qua đó, giúp chúng ta hiểu thêm về phong cách, phẩm chất, tư tưởng nhất quán trong mục đích, hướng đi, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam đã suốt đời hy sinh quên mình cho cách mạng, cho sự ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi sắp xếp nội dung các câu chuyện theo thứ tự sau: - Những nơi ở - Khi mặt trời lên - Cách ăn mặc - Ngoài giờ làm việc - Đến với dân - Đêm xuống - Giấc ngủ ngon lành. TÁC GIẢ Hồng Khanh 21 NHỮNG NƠI Ở Các đồng chí kể rằng, nếu tính từ ngày rời căn cứ cách mạng Tân Trào, lần đầu tiên Bác về Hà Nội, vào nội thành là chiều thứ bảy, ngày 25-8-1945, tức ngày 18-7 năm Ất Dậu. Ngày đó, Hà Nội mới giành được chính quyền trọn một tuần, đang trong khí thế sục sôi Cách mạng Tháng Tám. Phố xá treo đầy cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ “Ủng hộ Việt Minh!”, “Việt Nam độc lập muôn năm!”. Vào lúc sâm sẩm tối, tại làng Phú Gia, cạnh sông Hồng, đồng chí Trường Chinh đã đến chờ sẵn để đón Bác. Chiếc xe Ford cũ màu đen đưa Bác từ Phú Gia chạy dọc theo đê sông Hồng, về Yên Phụ, xuống dốc Hàng Than, qua phố Chả Cá, đến trước số nhà 35 Hàng Cân, rồi rẽ vào phía trong có cửa phụ. Đến đây, xe ô tô dừng lại. Bác xuống xe. Đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, mời Bác vào nhà, lên gác hai là nơi Thường vụ Trung ương Đảng bố trí Bác đến ở. Ngôi nhà này 22 xây ba tầng, khá cao giữa phố cũ Hà Nội, của một thương gia lớn là ông bà Trịnh Văn Bô. Nhà có cửa chính phía trước mang biển số 48 phố Hàng Ngang. Cửa chính bằng sắt chắc chắn, rất thuận lợi cho công tác bảo vệ. Gác hai của ngôi nhà này có một căn phòng rộng mà chủ nhà dùng làm phòng ăn. Giữa phòng kê một bàn gỗ dài, to. Quanh bàn có tám ghế tựa đệm mềm. Bộ bàn ghế này là nơi Bác Hồ thường làm việc với các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng. Cuối phòng, ở sát tường phía sau, kê một chiếc bàn tròn mà Bác và số đồng chí giúp việc cho Bác thường dùng làm chỗ ngồi ăn sáng và ăn cơm bữa tối. Bác Hồ thường ngồi suy nghĩ, làm việc, hoặc đánh máy ở chiếc bàn con kê sát tường góc phía trong. Mặt bàn này hình vuông, bọc da màu xanh lá mạ, vừa đủ để tập giấy, bút và chiếc máy chữ nhỏ, cũ, mang từ căn cứ cách mạng Tân Trào về. Chính tại gác hai ngôi nhà này, Bác Hồ đã trầm ngâm suy nghĩ phác thảo nên bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử. Ngày 29-8, Bác Hồ và một số đồng chí giúp việc được Trung ương bố trí đến ở và làm việc tại nhà số 12 Ngô Quyền, cạnh vườn hoa Chí Linh, nơi trước đó là dinh của Thống sứ Bắc Kỳ, nay là Nhà khách Chính phủ. 23 Ngày 31-8, để chuẩn bị cho lễ ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời trước quốc dân đồng bào, Bác hỏi anh em giúp việc: - Nơi dự định họp míttinh như thế nào? Các chú thử vẽ phác qua cho Bác xem. Xem xong sơ đồ, Bác hỏi: - Liệu chứa được bao nhiêu người? - Dạ! Thưa Bác khoảng vài vạn người! Bác hỏi thêm: - Đã bố trí chỗ đồng bào đi vệ sinh chưa? Thấy anh em nhìn nhau hơi lúng túng, đoán là chưa nghĩ đến, Bác gợi ý ngay: - Việc đó tuy nhỏ, nếu không chú ý bố trí cho tốt thì dễ mất trật tự. Theo gợi ý thêm của Bác, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc míttinh được tiến hành khẩn trương, hoàn thành chu tất. Đúng ngày 2-9-1945, trước hàng vạn đồng bào, đồng chí tập trung ở Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời, Bác Hồ trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Đang đọc, bỗng Bác dừng lại hỏi một câu: - Tôi nói đồng bào nghe rõ không? 24 Cả biển người cả trai, gái, trẻ, già, ăn mặc đủ màu sắc, đồng thanh trả lời: “Nghe rõ! Nghe rõ!”. Bác trịnh trọng tuyên bố tiếp với đồng bào Thủ đô thay mặt nhân dân cả nước và qua làn sóng phát thanh truyền ra thế giới: “... Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”1. Từ đó, trong không khí đất nước hồ hởi giành được chính quyền về tay nhân dân, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo càng bộn bề mọi công việc. Số nhà 12 Ngô Quyền không những là nơi ở và làm việc của Bác, mà còn là điểm son tìm đến của bao nhân sĩ, trí thức, người giàu có và nhân dân lao động để góp phần đem sự hiểu biết, lòng trung thành và của cải, sức lực của mình ra sức xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ do Bác Hồ lãnh đạo. Ít lâu sau, chính tại nơi ở 12 Ngô Quyền này, một sự việc ____________ 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3. 25 hết sức đặc biệt đã xảy ra, bất ngờ sau hơn ba thập kỷ anh chị em ruột xa nhau. Đó là sau khi lần đầu tiên thấy ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà con họ hàng bên nội ở làng Kim Liên, bên ngoại ở làng Hoàng Trù, thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, bàn tán nhau nửa tin, nửa ngờ: “Phải chăng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, là Nguyễn Tất Thành, là Nguyễn Sinh Côông?”1. Để rõ sự thật, bà con cả hai bên nội ngoại liền cử cô Thanh, tên thật là Nguyễn Thị Bích Liên - chị gái Bác Hồ, khăn gói lên đường ra Hà Nội xem sao. Khi đến cổng số 12 Ngô Quyền, cô Thanh để tạm xuống đất hai con vịt và chiếc bị cói trong đựng vài chục quả trứng gà xung quanh phủ trấu, mang từ trong quê ra. Rồi cô đứng phủi phủi bộ quần áo nâu đang mặc, sửa sang lại ngay ngắn chiếc khăn nhung đen vấn quanh đầu. Vừa lúc, người gác cổng bước đến hỏi cô: - Bà có việc gì, cần gặp ai? - Tôi là chị ruột Cụ Hồ. Tôi ra thăm Cụ một chút rồi tôi về! ____________ 1. Tên của Bác Hồ lúc còn nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tiếng địa phương gọi là Nguyễn Sinh Côông. 26 Nghe vậy, người gác cổng bảo cô chờ. Quả nhiên, chờ một chốc là có người ra dẫn cô vào nhà. Hai chị em gặp nhau sau mấy chục năm xa cách, người nào cũng nghẹn ngào xúc động. Chuyện trò được một lát, khoảng nửa giờ, thấy có người vào trình việc, biết Cụ Hồ đang phải giải quyết nhiều việc cần kíp của đất nước khi mới giành được độc lập, cô Thanh về nhà người quen ở phố Hàng Nón. Hôm biết cô Thanh sắp về quê, Bác Hồ đang bận rộn quá nhiều công việc, phải nhờ người đem đến biếu cô mấy mét vải lĩnh để về may quần áo gọi là chút quà kỷ niệm sau nhiều năm chị em xa cách giữa lúc đất nước chìm đắm trong tối tăm, nô lệ. Nay hai chị em gặp lại trong không khí Tổ quốc đã giành được chính quyền về tay nhân dân. Còn ông Cả Khiêm, tức Nguyễn Sinh Khiêm (tức Nguyễn Tất Đạt), người anh ruột hơn Bác Hồ hai tuổi, nhưng kém bà Thanh bốn tuổi, ít lâu sau cũng ra gặp Bác Hồ ở tầng hai của ngôi nhà số 12 Ngô Quyền. Khi thấy Bác Hồ trong phòng làm việc bước ra, nhận rõ là em ruột mình, không nén nổi xúc động, ông Cả Khiêm bước nhanh đến ôm chầm lấy Bác, miệng nói lặp đi, lặp lại: - Chú Côông! Chú Côông! Chú có khỏe không? 27 Bác Hồ cũng rất xúc động, ôm chặt lấy ông Cả Khiêm, áp chòm râu rung rung lên má người anh ruột của mình nói rất thân tình: - Anh đã ra thăm em... Đáng lẽ em phải về thăm anh trước... Anh có khỏe không? Hai người cứ ôm nhau như vậy, lặng đi hàng phút, rồi ông Cả Khiêm mới buông tay và nói tiếp: - Chị Thanh về có nói chuyện lại, bảo là chú gầy lắm, công việc bận suốt ngày... Nói xong, ông Cả Khiêm mở chiếc vali đan bằng sợi mây cũ kỹ, lấy mấy quả cam Xã Đoài biếu Bác Hồ. Bác Hồ đỡ lấy cam, cảm động rơm rớm nước mắt. Nỗi nhớ họ hàng, quê hương trào lên, Bác đọc luôn câu ca về xứ Nghệ: Quê ta ngọt mía Nam Đàn Bùi khoai Chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài Ai về ai nhớ chăng ai Ta như dầu đượm thắp hoài năm canh. * * * Sau ngày 2-9-1945, Bác Hồ tuy hằng ngày làm 28 việc chính thức tại nhà số 12 Ngô Quyền, họp Hội đồng Chính phủ, tiếp khách trong nước và quốc tế, nhưng ban đêm rất ít khi Bác nghỉ tại đây mà về số 8 Lê Thái Tổ, là nhà của nguyên chánh án Tòa thượng thẩm Đông Dương, trước là Nhà hàng Thủy Tạ bây giờ. Hoặc Bác lui tới địa điểm dự bị bí mật tại Đê La Thành gần chợ Bưởi (từ tháng 10-1945 đến tháng 4-1946). Tại nơi ở nhà số 8 Lê Thái Tổ và nhà số 12 Ngô Quyền lúc đó có một số nhân viên phục vụ chính quyền cũ. Bác Hồ chỉ thị giữ lại cho họ có việc làm. Tất cả số người này tận tụy phục vụ chính quyền cách mạng, và sau đó đi theo kháng chiến. Con cái của họ đều công tác tiến bộ; có hai người là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Kháng chiến toàn quốc sắp bùng nổ, Bác tạm sơ tán về làng Vạn Phúc, Hà Đông. Tại đây, Bác ở, làm việc và ăn ngủ trong một căn gác xép của một nhà dân. Ban đêm, các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp... từ Hà Nội vào báo cáo tình hình cho Bác, rồi lại trở về Hà Nội. Chính tại căn gác xép ở làng Vạn Phúc này, với ngọn đèn dầu leo lét, chiếc bút sắt, cái bàn gỗ cũ, ngày 19-12-1946, Bác Hồ đã viết lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: ... Chúng ta 29 thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!1. Ngày 19-12-1946, lúc 18 giờ 45 phút, Bác Hồ và anh em giúp việc rời làng Vạn Phúc, mang balô, máy chữ và những thứ cần thiết lên Xuyên Dương, Cần Kiệm, Sài Sơn. Rồi từ Sài Sơn, Hà Nội, đi lần lên chiến khu Việt Bắc để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược. Trong những năm tháng đầy gian khổ và kiên cường đó, do hoàn cảnh giữ bí mật phải sơ tán luôn, Bác đã di chuyển nơi ở và làm việc tới 30 địa điểm trên địa bàn của các tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn... Thay đổi chỗ ở luôn, cũng có nghĩa là mỗi lần đến địa điểm mới lại phải làm nhà mới. Thời gian đầu chưa có người biết làm nhà, anh em giúp việc Bác chỉ dựng tạm tre nứa như một túp lều để ở. Sau đó Cơ quan 41 (C.Q41) bổ sung thêm các đồng chí Cần, Kiệm công tác tại Ban xây dựng An toàn khu Trung ương là hai thợ mộc ____________ 1. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.534. 30 khéo tay; việc làm nhà đỡ vất vả hơn. Mỗi lần chuyển đến địa điểm mới, anh em giúp việc thường cố gắng đáp ứng yêu cầu của Bác là chỉ cần một mái lán tranh xinh xinh, dưới tán cây cao, gần sông hoặc suối thì càng tốt. Dần dần anh em làm nhà cho Bác theo kiểu nhà sàn ở miền núi, Bác rất thích nhưng chỉ cho làm vừa đủ ở và làm việc. Nhà sàn đó, tầng dưới dùng làm việc ban ngày; tầng trên dùng làm việc và nghỉ ban đêm. Kiểu nhà sàn này tránh được khí hậu ẩm thấp và phòng thú dữ bất ngờ tấn công. Ngôi nhà sàn ấy chiều cao mỗi tầng có thể đứng nhón chân với tay được; chiều ngang thì đưa tay sang phải, đưa tay sang trái là có thể lấy được các vật dụng gài trên vách. Từng tầng tuy đơn sơ, nhưng vẫn có cái bàn con và mấy chiếc ghế đơn giản. Đồ dùng của Bác cũng giản dị, chỉ có cái chăn chiên, cái màn một, vài bộ quần áo... Cho nên khi phải di chuyển chỉ việc lấy quần áo, màn cuộn vào cái chăn thành một gói nhỏ. Số tài liệu cần thì đựng trong chiếc túi vải Bác mang lấy. Bác chỉ để anh em giúp việc mang hộ chiếc máy chữ. Nơi Bác ở lâu nhất khoảng hơn năm tháng là Khâu Lấu, Tuyên Quang, và Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên (từ tháng 5 đến tháng 10-1947). Tổng cộng trong chín năm kháng chiến chống thực dân 31 Pháp, Bác Hồ và bộ phận giúp việc cho Bác đã ở các địa điểm thuộc tỉnh Thái Nguyên là 19 tháng, thuộc tỉnh Tuyên Quang là 5 năm, 10 tháng... Có địa điểm ở rồi chuyển đi, năm sau lại trở về, như: Khuôn Tát (Thái Nguyên) ba lần; Khâu Lấu (Tuyên Quang) bốn lần... Dạo ở Khâu Lấu, Sơn Dương, Tuyên Quang, nhà sàn của Bác được làm gần sông, dưới tán cây rừng ken dày lá. Có vạt đất rộng, bằng, làm được sân bóng chuyền để chiều chiều sau khi làm việc căng thẳng, Bác có điều kiện chơi bóng chuyền. Cạnh sân bóng chuyền Bác cho làm một dãy bàn tre. Hai bên bàn tre là hai dãy ghế dài dùng làm nơi ngồi nghỉ cho những “cầu thủ” trong khi tập, vừa là chỗ tiếp khách khi cần, vừa làm nơi ăn cơm của Bác và số anh em giúp việc. Dưới gầm nhà sàn có đường hào đi ra hầm trú ẩn. Những quả bầu, quả bí do Bác trồng được quanh nhà sàn thì để gần nhà bếp nấu ăn. Bác thường nói với anh em giúp việc: - Trồng bầu, trồng bí là nhanh thu hoạch, cho ta ăn được cả hoa, lá, quả. Nếu phải chuyển địa điểm đến nơi khác thì để lại cây tăng gia được cho bà con khác. Hàm ý của Bác dạo đó là giáo dục mọi người luôn quán triệt tư tưởng đánh địch lâu dài: “Trường 32 kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”. Cho nên mỗi lần một vài cán bộ của các ngành, đơn vị có dịp đến báo cáo công việc cho Bác nghe, gặp lúc vào mùa quả, trước khi ra về, thường được Bác tặng, người thì quả bầu, người thì quả bí. Vừa tặng, Bác vừa nói rất tự nhiên: - Chú cầm về..., góp thêm cải thiện bữa ăn. * * * Cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi. Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ về lại Thủ đô. Để đề phòng âm mưu phá hoại của địch, Bác Hồ và một số đồng chí trong Bộ Chính trị cùng Văn phòng Trung ương Đảng đến ở tạm tại nhà thương Đồn Thủy của Pháp, nay là Bệnh viện Hữu nghị và Bệnh viện Quân đội 108. Trong thời gian đó, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Trung ương Đảng giao cho một số anh em chuẩn bị nơi ở và nơi làm việc cho Bác và Trung ương. Do biết là Bác Hồ không chịu về ở và làm việc tại Dinh Toàn quyền cũ mà ta vừa tiếp quản, cho nên anh em đã 33 chọn một căn nhà hai tầng, lợp ngói, trong khu nhà làm việc của các viên chức giúp việc viên Toàn quyền Pháp trước kia, tại góc khuôn viên của Phủ Toàn quyền, nay là Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà này có sáu phòng. Anh em đã sửa sang lại và trang bị đầy đủ đồ đạc cho từng phòng: Bàn ghế ở phòng ăn; salông ở phòng khách; tủ áo, giường lò xo có đệm và khăn trải giường ở phòng ngủ… Tất cả các tiện nghi, đồ dùng bát đĩa, tách chén... đều là đồ ngoại còn mới nguyên. Sau khi chuẩn bị xong, khoảng một tháng, anh em báo cáo Bác và mời Bác về nơi ở mới này. Bác chưa trả lời ngay. Buổi chiều hôm ấy, Bác bảo anh em cho Bác đi thăm Hồ Tây. Theo đồng chí Dũng, người bảo vệ tiếp cận của Bác kể lại thì khi xe đưa Bác đến đầu đường Quán Thánh, Bác bảo rẽ vào thăm khu nhà mà anh em Văn phòng đã chuẩn bị cho Bác về ở. Đến nơi, Bác đi dạo quanh cả khu nhà này, trong đó có căn nhà đã chuẩn bị cho Bác. Xem xong, Bác không nói gì, rồi Bác đi tiếp ra phía hồ nước. Đến đây, Bác bảo: - Hồ này mà thả cá thì tha hồ cải thiện. Lúc này, trời đã sâm sẩm tối. Bác lên xe về, không nói gì thêm. 34 Vài ngày sau, đồng chí Vũ Tuân, hồi đó là Phó Văn phòng Trung ương Đảng, gọi đồng chí Hoàng Phát Hiền và đồng chí Xiển là cán bộ của Văn phòng lên bảo: - Hai cậu lên gặp ngay đồng chí Trường Chinh có việc cần! Đồng chí Hoàng Phát Hiền và đồng chí Xiển đến ngay phòng làm việc của đồng chí Trường Chinh để nhận chỉ thị. Đồng chí Trường Chinh chậm rãi nói: - Hôm qua, sau khi làm việc, Bác có nói với chúng tôi là Bác đã đến xem căn nhà anh em chuẩn bị cho Bác đến ở, thấy có bày biện tủ, bàn ghế, giường chiếu, tách chén toàn thứ mới, sang quá. Bác nói mua sắm như vậy là không cần thiết và tốn kém, trong khi ta vừa tiếp quản cơ ngơi của chính quyền cũ chỉ có chiếc “két” rỗng mà còn bao nhiêu việc cần phải chi tiêu; nơi Bác ở chỉ cần những thứ Bác đã dùng ở chiến khu căn cứ Việt Bắc cũng được rồi. Bác Hồ còn dặn những thứ trong ngôi nhà mà các đồng chí đã chuẩn bị cho Bác thì chuyển sang cho nhà khách của Trung ương để dùng tiếp khách, nhất là khách quốc tế. Với giọng xúc động, chậm rãi, đồng chí Trường Chinh nói tiếp: 35 - Bác còn bảo: Không ngờ nếp sinh hoạt giản dị của chín năm kháng chiến đã thay đổi nhanh thế! Ngừng một lát, đồng chí Trường Chinh lại nói: - Các đồng chí ạ! Tôi có khuyết điểm không kiểm tra lại việc chuẩn bị nơi ăn ở của Bác làm Bác phiền lòng. Vậy các đồng chí cùng bên Văn phòng Chính phủ bàn bạc sắp xếp lại nơi ở của Bác cho chu đáo. Các đồng chí đã biết ý Bác xưa nay rồi. Không phải Bác không biết ở nhà cao, tiện nghi đầy đủ, mà chính là vì nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, Bác chịu khó ở tiết kiệm, giản dị là điều rất đáng cho chúng ta suy nghĩ, học tập. Các đồng chí chuẩn bị cần lưu ý là nơi Bác ở và làm việc cũng sẽ có khách đến thăm nữa đấy, giản dị nhưng mà lịch sự. Thế là anh em văn phòng lại ngồi bàn với nhau mà trong lòng nặng trĩu những lời chỉ bảo của Bác Hồ đã được đồng chí Trường Chinh nói lại. Việc khó nhất của buổi bàn hôm ấy là chọn ngôi nhà nào đây để Bác vừa làm việc được, lại vừa ở được, hợp với ý của Bác. Đang bí thì đồng chí Dũng - người bảo vệ tiếp cận của Bác, như sực nhớ ra điều gì, nói luôn trong cuộc họp: - À! Tôi nhớ thế này... Buổi chiều hôm đi thăm ngôi nhà hai tầng, Bác Hồ có dừng lại trước ngôi 36 nhà ba gian nho nhỏ cạnh hồ nước, rồi Bác nói một câu nhè nhẹ: “Ngôi nhà này gần hồ nước thoáng mát đây nhỉ!”. Cùng với mọi người lặng đi một lúc, đồng chí Dũng nhấn mạnh: - Hay là chúng ta sửa sang ngôi nhà đó để mời Bác ở! Ý kiến đề xuất của đồng chí Dũng được cả hai Văn phòng trao đi đổi lại khá kỹ. Cuối cùng, mọi người đồng tình và báo cáo lại với đồng chí Phó Văn phòng Vũ Tuân. Phương án này được chấp nhận. Công tác chuẩn bị được phân công cụ thể và khẩn trương tiến hành. Bên Văn phòng Trung ương Đảng cử đồng chí Hoàng Phát Hiền, một cán bộ “đa năng”, nhanh nhẹn, tháo vát, “tay hòm chìa khóa” phụ trách tài liệu kiêm luôn cả cần vụ và từng được vinh dự cắt tóc cho Bác Hồ, cùng với vài đồng chí khác đi lo các đồ đạc trong nhà. Bên Văn phòng Chính phủ lo sửa chữa nhà cửa, tu bổ những chỗ hư hỏng. Hai tuần sau, công việc chuẩn bị đã hòm hòm. Bàn làm việc, tủ đựng quần áo, bộ bàn ghế ngồi ăn thì lấy ở các nhà của cơ quan chính quyền cũ; trông cũ kỹ, giản dị nhưng lại có vẻ “cổ kính”. Còn chiếc giường ngủ cho Bác thì tìm không ra vì toàn là giường Tây; 37 đành phải ra phố tìm mua. May quá, anh em đã tìm mua được hai chiếc giường gỗ cá nhân, hai đầu có ba dẻ quạt, giá 120 nghìn đồng (đồng tiền lúc đó), đem kê gọn vào phòng ngủ cho Bác. Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, đầy đủ, anh em báo cáo lại với đồng chí Trường Chinh. Đồng chí Trường Chinh lại cử đồng chí Vũ Tuân đến kiểm tra lại để báo cáo với Bác. Và một ngày sau đó, vào buổi chiều, sau khi cơm nước xong, những người giúp việc cho Bác mừng đến rơi nước mắt vì đã làm được một việc khiến Bác vui lòng. Từ nơi ở tạm khoảng một tháng tại Bệnh viện Đồn Thủy, Bác Hồ - vị Chủ tịch nước vô vàn kính yêu của dân tộc ta - chuyển đến ở ngôi nhà ba gian nho nhỏ của người thợ điện tại góc khuôn viên của Phủ Toàn quyền Pháp, nay là Phủ Chủ tịch. Anh em giúp việc cho Bác thường gọi ngôi nhà này là ngôi nhà “54”, vì Bác chuyển đến đây ở là vào tháng cuối năm 1954. Ngày nay, nếu ai vào tham quan khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, đến ngôi nhà “54” này thì thấy mọi hiện vật sắp xếp, bày đặt, cách ngăn chia phòng vẫn y nguyên như thời gian Bác ở đây từ cuối năm 1954 đến ngày 18-5-1958, xấp xỉ bốn năm rưỡi. Cụ thể, trong phòng ngủ có một 38 quạt trần; một chiếc giường rộng mét hai; một tủ gỗ ngoài cánh gắn một tấm gương; một bàn, một ghế; một chiếc ghế salông. Trong phòng làm việc và tiếp khách có một tủ sách năm ngăn xinh xinh, trên tủ sách có ảnh C. Mác và V.I. Lênin, một bàn làm việc, một ghế mây, hai salông, một bàn nhỏ, hai ghế đệm nhỏ, một quạt điện, một cột mắc áo. Phòng ăn có quạt trần, bàn ăn. Trên bàn ăn có một chiếc càmèn dùng đựng cơm; một đĩa nhỏ dùng đựng miếng chanh và ít gia vị; một bát con dùng đựng nước chấm; một bát ăn cơm; một đôi đũa; một chiếc rađiô; một đồng hồ để bàn; một lọ tăm; một lọ thủy tinh dùng cắm hoa. Sáu cái ghế tựa để sẵn khi có khách đến Bác mời ăn cơm... Ngôi nhà nhỏ hai tầng ở gần đó mà Bác đã đến xem nhưng không ở (kể trên), Bác nói để cho đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng. Thế là từ cuối năm 1954, đồng chí Phạm Văn Đồng là người luôn luôn ở bên Bác, thường cùng ăn cơm với Bác, đồng thời bàn công việc. Hiếm thấy một quốc gia nào trên thế giới, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ ở cùng một địa điểm liền kề nhau. Ngày 18-5-1958, sau bốn năm rưỡi ở ngôi nhà “54”, Bác mới chuyển sang ở ngôi nhà sàn bằng gỗ do kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh - Viện trưởng 39 Viện thiết kế - kiến trúc, Bộ Kiến trúc, thiết kế, đơn vị của Cục Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần quân đội thi công bằng cách làm sẵn các cấu kiện từ nơi sản xuất rồi đem vào lắp dựng. Khi vào ngôi nhà sàn này, xem qua một lượt, Bác khen nhà làm thoáng, sạch, gọn, hợp lý. Bác nói: - Nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, nhiều người chưa đủ chỗ ở. Bác ở thế này là tốt lắm rồi. Ngôi nhà sàn có hai tầng. Tầng một, gian phía trong có chiếc cầu thang gỗ, 14 bậc, gian phía ngoài chỉ kê một chiếc bàn dài, to và gần chục chiếc ghế tựa dùng làm nơi Bác tiếp khách hoặc làm việc với một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bước theo cầu thang gỗ 14 bậc là lên tầng hai nhà sàn. Tầng này ngăn làm hai: một phòng làm việc, một phòng ngủ. Trong phòng làm việc có một bàn, một ghế, một đèn bàn và mấy ô ngăn đựng tài liệu, sách báo... Phòng ngủ có một chiếc giường rộng một mét hai. Bốn góc giường cắm bốn cọc gỗ xinh xắn dùng để mắc màn. Phía đầu giường có hai chiếc gối, một để kê đầu nằm, một để chồng lên gối ngủ cho cao thêm khi Bác nằm đọc sách, báo. Bên cạnh gối có chiếc quạt lá cọ để sẵn. Khi mất điện đã có máy nổ dự phòng. Dùng quạt tay là Bác không để quạt điện 40 chạy liên tục. Bác thường nói: “Máy cũng phải nghỉ để bền lâu”. Hơn nữa, trong lúc đất nước còn khó khăn, thiếu thốn, Bác không muốn sống xa cách cuộc sống của nhân dân. Dọc theo mạ giường tay phải, Bác bảo đồng chí giúp việc lắp ba công tắc: một nối với dây điện đèn; một nối với chiếc quạt điện đặt trên bàn phía đầu giường ngủ; một nối với chiếc đài Ôrêôngtông. Đang nằm, khi cần bật đèn sáng hay tắt đèn, khi cần quạt quay hay quạt dừng, khi cần nghe đài hay tắt đài, Bác chỉ việc đưa tay phải xuôi theo mạ giường ấn vào nút công tắc là được. Rất giản dị, mà lại sử dụng hợp lý và thuận tiện. 41 KHI MẶT TRỜI LÊN Sáng nào cũng vậy, mùa hè thường là khoảng 5 giờ, mùa đông thường là khoảng 5 giờ 30 phút, Bác Hồ thức dậy. Người lặng lẽ đặt chân xuống giường, nhẹ nhàng đi trên sàn gỗ, quanh ra phía hè bên phải, rồi bước xuống 14 bậc cầu thang gỗ của ngôi nhà sàn ở trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Bác thư thả lần lượt xỏ chân vào đôi dép cao su đã để sẵn ở chân cầu thang. Đôi dép mà có lần đồng chí giúp việc đã nói thật lòng với Bác: - Dạ thưa Bác! Đôi dép của Bác đã sửa nhiều lần. Đôi dép bán ngoài phố chỉ với giá ít thôi, xin Bác cho mua đôi mới! Bác nhẹ nhàng giải thích: - Vấn đề là không phải nhiều hay ít tiền, mà xem nó có dùng được không và đã cần thay chưa. Đôi dép của Bác còn dùng được thì chưa cần thay. Khi nào nó thực sự hỏng thì hãy thay. Đất nước còn nghèo, mỗi người càng phải có ý thức tiết kiệm... 42 Với đôi dép đã nhiều lần sửa ấy, từ nhà sàn Bác đi ra “đường xoài”. Con đường rộng chừng bốn mét. Hai bên đường có những cây xoài cổ thụ, cành lá xum xuê, tỏa rộng mà nhà thơ Tố Hữu đã có câu thơ “Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa”. Ra đến đây, Bác bắt đầu tập thể dục buổi sáng. Trước hết Bác đi bộ những bước dài, hai tay sải mạnh, mắt nhìn thẳng phía trước. Rồi Bác từ từ chuyển sang đi bộ thư thả, khoan thai. Đi bộ đến gần cổng “Đỏ”, còn một quãng nữa là giáp đầu đường Hoàng Hoa Thám, Bác đi vòng sang phải. Bác đi tiếp trên con đường có hai dãy cây mạn hảo cao quá đầu gối trồng hai bên mà người ta thường gọi “hai ngà voi”, đối diện bên ngoài là đường phố lớn Hùng Vương, đến trước ngôi nhà “54” Bác dừng lại. Đoạn đường Bác đi bộ vòng uốn lượn theo hình bầu dục trong khuôn viên Phủ Chủ tịch dài khoảng 600 mét. Khuôn viên này rộng 14 ha, trong đó gần một nửa diện tích trồng cây xanh với hàng ngàn cây thuộc 150 loài của 54 họ thực vật. Những loài cây, cỏ trồng ở đây, già một nửa có nguồn gốc trong nước, non một nửa có nguồn gốc nước ngoài. Cây xà cừ thì cao, to, sừng sững. Cây muỗm thì xum xuê lá. Những cây sồi, cây bồ đề thì thẳng đứng, lá xanh đậm... Phía đông nam khuôn 43 viên là vườn cây của Bác được hình thành từ tháng 5-1959, trên cơ sở sửa sang, cải tạo bãi đất hoang thành khu vườn bao quanh nhà sàn Bác ở. Vườn hoa thì ở trước nhà sàn, trồng đủ các loại hoa nhài, trứng gà, mộc, hòe, sói... Các loại hoa này có mùi thơm quyến rũ và nở xen kẽ nhau. Hoa nhài thì nở từ tháng 5 đến cuối hè. Hoa mộc nhỏ li ti thì nở vào mùa xuân. Hoa hòe, hoa sói thường nở vào tháng 7. Vì vậy vườn của Bác lúc nào cũng thoang thoảng hương thơm. Bác thường gợi ý cho anh em giúp việc chăm sóc vườn cây là hạn chế trồng những hoa chóng tàn, mà nên trồng nhiều các loại hoa không phải trồng nhiều lần trong năm; như vậy đỡ tốn công sức, tiền của mà vẫn có hương thơm bốn mùa. Cây hoa và ao cá ở đây đã tạo thành vùng tiểu khí hậu đặc biệt. Mùa hè thì mát mẻ; mùa đông có cây cao che chắn đỡ bớt cái lạnh giá của gió mùa đông bắc thổi về. Thường ngày, Bác coi việc tập thể dục buổi sáng trong khuôn viên này là kỷ luật bắt buộc, là liều thuốc bổ không mất tiền để nâng cao thể lực. Sau vài ngày đầu thấy Bác Hồ đi bộ trong khuôn viên vào lúc mặt trời chưa lên hẳn, một số người giúp việc, nhất là các đồng chí cảnh vệ lấy làm áy náy. Các đồng chí đó đã vội vàng lặng lẽ bước theo 44 con đường đó, đi cách phía sau Bác khoảng 4 - 5 m để bảo vệ Bác. Cho nên động tác đi bộ của số đồng chí này không thực sự dứt khoát, mạnh mẽ. Thấy vậy, đang đi bộ, Bác dừng lại, chờ số đồng chí đó bước đến gần, Bác nói nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc: - Các chú đã tập thể dục thì phải làm động tác thực sự. Chứ nếu đi để bảo vệ Bác thì bớt người đi. Các chú làm như Bác là... người tù! Câu nói nghiêm túc và chân tình đó của Bác làm nhiều người nhớ lại không ít trường hợp Bác đã đi công tác trong hoàn cảnh khẩn cấp, bí mật, không kịp tổ chức nhiều lớp lang bảo vệ; có khi một mình Bác vào “hang cọp”, nơi đối phương ở. Chẳng hạn, lúc nước nhà mới giành được độc lập, tình hình như đang đứng trước “ngàn cân treo sợi tóc”: Trong Nam thì quân Pháp, quân Anh câu kết nhau xâm chiếm trở lại. Ngoài Bắc thì quân Tưởng Giới Thạch tràn sang. Chúng ùa vào nước ta theo thỏa thuận của Đồng minh để tước vũ khí của quân Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Quân Tưởng Giới Thạch lúc đó là đội quân nước ngoài lớn nhất với khoảng 20 vạn người. Chúng là đội quân ô hợp, thiếu kỷ luật, đói ăn, đã và đang hung hăng gây phiền hà và tạo thêm nhiều rối ren, khó khăn cho nước ta. Ngay ở 45 giữa Hà Nội, chúng cũng ra mặt ngông nghênh, hống hách, đưa ra yêu sách đòi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và khiêu khích đơn vị vũ trang bảo vệ Bác. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng đó, nhờ tài ngoại giao, Bác Hồ đã ký một Hiệp ước tạm thời để quân Pháp vào miền Bắc thay thế quân Tưởng Giới Thạch rút về nước, loại bỏ một kẻ thù đã tràn vào miền Bắc đông nhất lúc đó. Nhưng quân Tưởng cứ chần chừ, do dự không chịu rút. Thấy vậy, Bác Hồ quyết định đến gặp người chỉ huy quân Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc nước ta lúc đó là Lư Hán. Nghe tin đột ngột này, một số đồng chí ta không muốn để Bác đi như vậy, sợ quân Tưởng Giới Thạch lật lọng, gây ra tình huống xấu. Hiểu nỗi lo lắng của đồng chí mình, Bác Hồ bình tĩnh, ân cần giải thích: - Các chú thấy đấy! Chính quyền cách mạng mới thành lập còn non trẻ. Nhiều mũi nhọn cùng một lúc chĩa vào ta. Ta không thể đủ sức cùng một lúc chống lại tất cả các mũi nhọn đó. Ta cần tách dần các mũi nhọn đó ra, để chỉ còn lại một mũi nhọn, đó là thực dân Pháp thì ta mới tìm cách đối phó được. Các chú đừng lo cho Bác. Họ không làm gì Bác đâu. 46 Quả vậy. Xe đưa Bác đến Phủ Toàn quyền cũ, nơi tướng Lư Hán đang tạm thời ở và làm việc. Xuống xe, qua cổng gác, Bác Hồ là cấp cao nhất, ung dung, đàng hoàng đi thẳng vào gặp Lư Hán. Kết quả sau chuyến đi đó của Bác, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch rút về nước. Quân Anh ở miền Nam cũng rút đúng như dự kiến của Bác1. * * * Đi bộ được một vòng trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, chưa hết giờ tập thể dục buổi sáng, Bác dừng lại trước ngôi nhà “54”, tập tiếp các động tác của bài Bát bộ liên hoa quyền. Bài quyền này Bác bắt đầu tập từ sau Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945, do đồng chí Hoàng Hữu Kháng, tức Nguyễn Văn Lý - người trực tiếp bảo vệ Bác Hồ từ năm 1945 đến năm 1951 và đã từng học được của một võ sư người Trung Quốc hướng dẫn cho Bác. Dạo ấy, Bác mới từ ____________ 1. Về Trung Quốc, Lư Hán đã viết lại buổi đối thoại trực tiếp giữa Bác Hồ và Lư Hán ngày ấy, đăng trên tờ Nhật báo Vân Nam. 47 căn cứ cách mạng Tân Trào về Hà Nội, còn ở tạm và làm việc tại nhà số 12 Ngô Quyền. Sáng dậy, Bác lên sân thượng tập thể dục cùng với một số đồng chí giúp việc. Một hôm, trong làn gió thu mơn man nhè nhẹ của sáng sớm từ sông Hồng thổi vào, từ Hồ Gươm tỏa lên, sau mấy động tác vươn vai, vặn mình, bỗng Bác dừng lại rồi hỏi đồng chí Hoàng Hữu Kháng: - Chú có biết võ không? Nếu biết, chú xem có bài nào hợp với sức khỏe và tuổi tác của Bác thì dạy Bác. Thế là từ đó, theo hướng dẫn của đồng chí Hoàng Hữu Kháng - một võ sư giỏi, một thanh niên nhiệt tình, khỏe mạnh, từng tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào công nhân từ trước năm 1940, sáng nào cũng cùng Bác lên sân thượng tập bài Bát bộ liên hoa quyền. Không đầy một tuần, Bác đã tập tương đối thành thạo bài quyền này gồm 49 động tác. Theo đồng chí Hoàng Hữu Kháng kể lại, ít lâu sau, trông Bác tập như một võ sư uyển chuyển, khỏe khoắn. Hai chân Bác đứng “thế tấn” chắc, khi thì vững như trụ cầu, khi thì tiến từng bước dứt khoát, mạnh mẽ. Hai tay Bác khuỳnh chỏ ra, khi thì vuốt thẳng phía trước như mũi lao, khi thì vặn người qua trái, qua phải chém phần phật trong không khí. Những động tác võ này, trong những năm phải tạm 48 rời Thủ đô, lên chiến khu Việt Bắc cùng Đảng và Nhà nước lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược, Bác vẫn mang theo đến những nơi sơ tán trong rừng và tập đều đặn vào sáng sớm khi mặt trời lên. Bác Hồ còn thích bóng chuyền và bơi. Khi ở Việt Bắc, Bác đề ra nguyên tắc chỗ ở của Bác nên có bãi để làm sân bóng chuyền và gần sông để bơi. Quả là tìm được chỗ ở như vậy không dễ nhưng anh em giúp việc đã cố gắng đáp ứng được phần lớn yêu cầu của Bác. Nguyên tắc đó, anh em đã đặt thành thơ, dễ nhớ: “Trên có núi. Dưới có sông. Có đất ta trồng. Có bãi ta vui”. Hết giờ làm việc buổi chiều, Bác thường bảo anh em giúp việc cùng ra đánh bóng chuyền. Động tác “nâng” bóng của Bác cũng như của anh em chưa phải là chuẩn xác, nhưng cả Bác và cháu đã vào sân là rất vui và thoải mái, quên hết mệt nhọc sau mỗi ngày làm việc. Có khi Bác vừa dướn người, đưa hai tay lên cao chụm vào đỡ quả bóng đối phương phát sang, vừa nói dí dỏm: 49 - A... a..., họ truy “tủ” đây! Hoặc có khi Bác “phát” bóng không qua lưới, mọi người cười ồ. Bác liền chống chế vui, mọi người càng thích thú hòa trong không khí bình đẳng rèn luyện sức khỏe. Bác nói: - Quả đó là Bác đánh ngoại giao! Hôm nào có một số anh em giúp việc bận đi công tác xa, thiếu người đánh bóng chuyền thì Bác cháu đi bơi. Bác thích bơi theo kiểu nằm sấp sải tay tự nhiên. Bác thường nói, bơi là một cách rèn luyện thân thể toàn diện. Hòa bình lập lại năm 1954, trở về Thủ đô, Bác càng vận động nhiều người tập thể dục buổi sáng. Đã có lần Bác nói với các đồng chí cảnh vệ: - Muốn bảo vệ tốt thì người bảo vệ không những phải khỏe mà còn phải biết cả võ giỏi. Mùa hè, trong giờ tập thể dục buổi sáng, có hôm Bác mặc áo mayô, quần thường. Tập được một lúc, mồ hôi ướt thấm đẫm cả vạt áo trước ngực, sau lưng Bác. Lúc này trông Bác như một lão võ sĩ thực thụ. Sáng nào trời đổ mưa, mùa đông cũng như mùa hè, không ra sân được, Bác tập dưới hiên nhà sàn, hoặc ở hiên nhà “54”. Tập xong, Bác vào buồng nhà “54” đánh răng, rửa mặt, lau người. Thói quen của 50 Bác ít tắm vào buổi sáng hoặc buổi chiều, mà thường tắm vào sau giờ nghỉ trưa, trước khi vào làm việc buổi chiều. Buồng tắm này mới làm sau năm 1954, khi chuẩn bị cho Bác đến ở. Chứ khi người thợ điện ở ngôi nhà này dưới chế độ cũ, không có buồng tắm và nhà vệ sinh. Buồng tắm nhà “54” là nơi hằng ngày Bác tắm rửa trong suốt 15 năm kể từ cuối năm 1954 cho đến ngày Người đi xa, 2-9-1969. Nhà sàn của Bác chỉ để ngủ và làm việc; buồng vệ sinh ở nhà dưới bên cạnh. Từ nhà sàn đến nhà “54”, đi theo đường quanh hồ cá xa khoảng 200 mét. Những lúc trời mưa, đến giờ ăn, anh em phục vụ đề nghị đưa cơm từ nhà “54” sang nhà sàn để Bác dùng. Bác không chịu, Bác nói: - Bác đi ăn cũng là luyện tập. Bác tránh được mưa thì đồng chí phục vụ cũng bị ướt. Các chú muốn một người vất vả hay nhiều người vất vả? Thế là Bác đội ô từ nhà sàn sang nhà “54” ăn cơm như thường lệ. Bác lấy đó cũng là dịp để rèn luyện sức khỏe. Đồng chí Lê Văn Mẫn, bác sĩ chăm sóc sức khỏe Bác Hồ từ năm 1958 đến năm 1969 kể lại, một hôm trời nóng nực quá, Bác vẫn đi bộ quanh vườn. Thấy vậy, bác sĩ Mẫn cầm vội cái quạt lông 51 chim đi bên cạnh, quạt cho Bác đỡ ra mồ hôi. Mới đưa quạt lên phe phẩy vài cái, đã nghe Bác nhẹ nhàng phê bình: - Chú làm như ở trong triều. Ngày hôm sau bác sĩ Mẫn dùng quạt lá cọ quạt cho Bác. Không thấy Bác nói gì. Nhưng sau mấy phút đi bách bộ, Bác bảo bác sĩ Lê Văn Mẫn để quạt lại cho Bác. Bác còn nói thêm, đại ý: Bác cũng dùng quạt giấy, nhưng quạt giấy có nhược điểm là lúc mới thì có mùi hôi khó chịu, lúc cũ hay gãy nan. Quạt lá cọ này có cái tiện là nếu đầu tua rách thì cắt bớt đi. Thế là từ đó, những lúc nóng bức tập thể dục, thể thao, Bác thường dùng quạt lá cọ phe phẩy trong lúc nghỉ ngơi ngồi bên gốc cây cổ thụ cho đỡ ra mồ hôi. Những phút đó trông Bác hồng hào, sảng khoái như ông tiên. Chính nhờ chịu khó tập luyện đều đặn, Bác ít bị ốm đau. Đồng chí Lê Văn Chánh - bác sĩ đã vinh dự tám năm chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ, từ năm 1947 đến năm 1955, kể lại trong thời gian ấy Bác chỉ có hai lần ốm: Một lần bị sốt rét và một lần bị đau bụng. Lần Bác bị sốt rét, bác sĩ Lê Văn Chánh đến khám và đang tính xem nên dùng thuốc gì cho Bác thì Bác đã nói vui mà rất thực: 52 - Bác ra lệnh cho chú chữa hai hôm là phải hết sốt! Đồng chí Lê Văn Chánh lo quá. Bác sốt cao thế, chữa hai ngày khỏi hẳn sao được! Sau khi hỏi ý kiến bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Lê Văn Chánh tiêm cho Bác một ống Bimốcphin loại 50 đơn vị và tiếp tục theo dõi. Được vài giờ, thấy nhiệt độ giảm và không có phản ứng gì, đồng chí Chánh báo lại với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Hôm sau tiêm thêm hai ống thuốc như vậy cho Bác. Thế là Bác dứt cơn sốt. Bác cười, nói với đồng chí Lê Văn Chánh: - Đấy! Chú xem! Bác ra lệnh chữa hai ngày phải khỏi, đúng y như vậy! 53 CÁCH ĂN MẶC Làm vệ sinh cá nhân xong, Bác ăn sáng. Bữa ăn của Bác hôm thì bát cháo; hôm thì vài củ khoai lang theo yêu cầu của Bác; hôm thì chiếc bánh mì loại nhỏ và một cốc sữa; hôm thì đĩa con xôi đậu. Đồng chí Đinh Văn Cẩn - người lo giúp việc nấu ăn cho Bác, luôn có sáng kiến, hôm thì làm bánh cuốn hoặc bát phở, hôm thì làm bát mì vằn thắn hoặc vài cái bánh bao nho nhỏ để Bác ăn sáng được ngon miệng. Vừa ăn sáng, Bác vừa nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin trong nước, thế giới và điểm vài số báo mới ra trong ngày. Bữa ăn trưa của Bác thường vào lúc 11 giờ. Đến thời điểm đó, nếu ngồi làm việc trên nhà sàn, Bác dừng lại, đưa hai tay xoa xoa vào nhau mấy cái, rồi đứng dậy thư thái bước xuống 14 bậc cầu thang, đi ra theo đường bờ ao bên phải, đến nhà “54”, vào phòng ăn. Đoạn đường bờ ao này dài gần 200 mét. Vài ngày đầu, thấy Bác đi bộ vậy, đồng 54 chí lái xe vội vàng đưa xe đến đón Bác. Bác kiên quyết từ chối. Bác nói: - Chú cứ bày chuyện. Từ nhà sàn sang nhà ăn, đường có xa gì đâu mà Bác phải đi xe. Từ đó trở đi thành nếp đi lại thường ngày của Bác: Đến giờ ăn cơm trưa hay cơm chiều, Bác tự mình rời nhà sàn đi đến nhà “54”. Anh em phục vụ lo việc nấu nướng cũng theo đó thành nền nếp rất đúng hẹn. Nghĩa là khi Bác vào phòng ăn là đã có cơm nước sẵn sàng, nóng sốt. Bữa ăn của Bác ngày nào cũng vậy, đúng theo ý Bác đề ra là “ba món, một canh”, kể cả những lúc Bác đi công tác xuống cơ sở. Ba món đó gồm “hai mặn, một nhạt”. Món mặn thứ nhất, khi thì thịt nạc, khi thì thịt gà, khi thì cá kho. Món mặn thứ hai là vài quả cà, ít nước mắm có trộn tí chanh, ớt. “Một nhạt” là đĩa rau luộc, hay bầu, đậu luộc. Bát canh thì tùy mùa vụ rau quả bà con nông dân gieo trồng và thị trường cung cấp do người cấp dưỡng quyết định lấy: Khi thì canh rau cải; khi thì canh rau ngót; khi thì canh me, sấu nấu với cá hay thịt... Phần lớn là những loại rau quả lành, mát. Bác không bao giờ ăn rau sống. Riêng cá thì Bác ưa thích nhất là món cá bống, cá quả bỏ tí quýt hay lát gừng kho khô. Cơm thì người cấp dưỡng, 55 sắp đến giờ ăn thì xới sẵn vào cặp lồng, ủ nóng; lượng chỉ khoảng đủ hai bát xới vơi vơi là vừa. Ăn cơm xong, Bác ăn tráng miệng, hôm thì quả chuối, hôm thì quả cam, hay vài quả táo. Nước uống thì loại trà bình thường như mọi người dân dùng; Bác không đòi hỏi trà sang. Trà thì cho vào phích nóng. Bác ngồi làm việc một mình trên nhà sàn, khi cần uống nước, Bác tự tay rót lấy. Người giúp việc chỉ chuẩn bị sẵn cho Bác bằng cách lấy trà bỏ vào phích nóng và có thêm một chai nước lọc kèm theo, không phải đi lên xuống nhiều. Những lúc thời tiết thay đổi, hoặc làm việc căng thẳng, giữa buổi Bác uống thêm cốc sữa. Thường ngày Bác ăn ba bữa chính và ba bữa phụ rất đơn giản. Mỗi bữa phụ của Bác chỉ là một cốc sữa. Có người cho rằng Bác ăn uống như vậy kham khổ quá, tiết kiệm quá, hoặc cho rằng anh em phục vụ chưa biết chăm sóc Bác. Hoàn toàn không phải vậy. Bác thường nói với anh em giúp việc, không phải Bác không biết ăn ngon, mà nên ăn ngon vào những lúc nào. Trong khi nhân dân còn nghèo, đất nước còn phải kháng chiến, bao nhiêu chiến sĩ, đồng bào đang phải chịu đói, chịu rét, làm việc hết sức vất vả, gian khổ mà Bác cháu ta ở giữa Thủ đô lại ăn uống quá mức sao đành. Bác thường dặn đồng chí 56 cấp dưỡng phải tính toán làm sao đã nấu món ăn là cố gắng bảo đảm được yêu cầu: đủ chất, giản dị, vô trùng, vừa phải, không thừa, không thiếu. Ăn xong là hết, không dư, ế. Đấy cũng là điều mà các đồng chí cấp dưỡng luôn lo lắng để phấn đấu bằng được. Đồng chí Đinh Văn Cẩn - một đảng viên tận tụy, có kỹ thuật, đã nấu ăn phục vụ Bác từ năm 1952 đến ngày Bác đi xa (2-9-1969), còn nhớ mãi một kỷ niệm. Đồng chí Đinh Văn Cẩn kể rằng hôm đó, anh làm món trứng hấp có thịt nạc băm lẫn, là một món ăn Việt Nam thơm ngon. Đồng chí lấy làm phấn khởi và đinh ninh rằng hôm nay thế nào Bác cũng ăn ngon miệng hơn. Nào ngờ xong bữa cơm rồi mà vẫn thấy Bác không hề dính đũa vào đĩa trứng hấp thịt băm đó. Ngại quá, đồng chí Đinh Văn Cẩn không dám trực tiếp hỏi Bác, mà lặng lẽ nhờ đồng chí Vũ Kỳ thử tìm cách hỏi Bác xem sao. Khi được nghe đồng chí Vũ Kỳ kể lại, đồng chí Đinh Văn Cẩn mới bớt lo về kỹ thuật chế biến và kịp thời rút kinh nghiệm. Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ như sau: - Chú nói với chú Cẩn là Bác thấy thơm ngon, hấp dẫn, nhưng đĩa trứng hấp thịt đó nhiều quá, Bác dính đũa vào ăn thừa không tiện. 57 Bác ăn uống tuy vừa phải, giản dị, tiết kiệm, nhưng không vì thế mà đơn giản. Khi cần thiết, Bác vẫn không quên động viên anh em cấp dưỡng cố gắng duy trì và khơi dậy truyền thống văn hóa ẩm thực của dân tộc. Chẳng hạn khi có chiến sĩ “anh dũng diệt Mỹ” hay cán bộ lăn lộn phong trào cơ sở từ trong bưng biền Đồng Tháp Mười ra Hà Nội công tác, chữa bệnh; biết được là Bác bảo đến ăn cơm với Bác. Hôm đó thế nào Bác cũng bảo đồng chí cấp dưỡng cố gắng nấu vài món ăn theo kiểu dân gian Nam Bộ như canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, mắm cá... Nếu là khách Quảng Ngãi, Bình - Trị - Thiên ra thì Bác bảo đồng chí cấp dưỡng cố gắng làm vài món ăn của người miền Trung hay cố đô Huế. Bác coi việc ăn uống không chỉ là để duy trì, bồi dưỡng sức khỏe làm việc dẻo dai có năng suất cao, hiệu quả tốt, mà còn là dịp bày tỏ tình cảm, phát huy tình đoàn kết cộng đồng, giúp nhau biết thêm tình hình để cùng nhau phát huy cái hay, cái tốt, khắc phục cái xấu, cái yếu kém. Cho nên thỉnh thoảng, sau nhiều bữa ăn một mình - một phòng - một mâm, chưa có dịp gặp các anh hùng, chiến sĩ thi đua, Bác lại bảo đồng chí Phạm Văn Đồng, hoặc đồng chí Võ Nguyên Giáp, hay đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Phạm Ngọc Thạch... đến ăn cơm với Bác. 58 Đến nay nhiều anh em giúp việc cho Bác còn nhớ những trường hợp thật cảm động về cách sinh hoạt thường ngày của Bác rất chan hòa, bình đẳng, không hề có chút phân biệt mình là Chủ tịch nước. Xin nêu một trường hợp: Đó là vào dịp những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Bác Hồ từ căn cứ địa cách mạng Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội. Bác ở nhà số 8 Lê Thái Tổ - đối diện với cửa hàng Thủy Tạ bên Hồ Gươm. Nấu ăn cho Bác những ngày đó là đồng chí Tiêu Văn Khương đã từng là tù chính trị bị giam cầm ở Sơn La nhiều năm. Ban ngày làm việc, Bác đến Bắc Bộ phủ số 12 Ngô Quyền, nay là nhà khách Chính phủ. Hằng ngày, đồng chí Tiêu Văn Khương nấu cơm xong, bỏ vào cặp lồng, đạp xe đến Bắc Bộ phủ, để Bác ăn trưa. Thời kỳ đầu, sau ngày 2-9-1945, Bác thường ăn trưa cùng với anh em giúp việc. Một hôm, Bác đang cùng ăn trưa với các đồng chí phục vụ thì Cố vấn Bảo Đại đến. Nhìn vào mâm cơm của Bác chỉ có đĩa rau muống xào, một bát canh và một đĩa đựng mấy miếng đậu phụ kho, lại thấy người Bác Hồ lúc đó hơi xanh và gầy, Cố vấn Bảo Đại thưa: - Nếu cụ Chủ tịch cho phép, tôi sẽ mang thức ăn Huế đến để cụ Chủ tịch dùng! 59 Bác Hồ vui vẻ trả lời thản nhiên: - Cảm ơn Cố vấn! Tôi cùng ăn với anh em quen rồi! * * * Khi đi công tác xuống cơ sở, nếu chỉ trong một ngày, tối lại về Hà Nội, Bác báo trước cho tổ công tác chuẩn bị mang cơm trưa đi theo. Cơm được bỏ trong cặp lồng ủ kỹ, giữ nóng. Hoặc có hôm cơm được nắm vắt thật nhuyễn, để bay hết hơi, gói lại. Canh thì cho vào phích nóng. Còn đi cơ sở từ hai ba ngày trở lên, Bác báo trước để anh em phân công người đi theo nấu nướng, phục vụ. Đợt đi công tác vào cuối năm 1966, từ Lạng Sơn theo đường 1B qua Thái Nguyên để về Hà Nội, qua được đèo Đình Cả, đến địa điểm do Tỉnh ủy Thái Nguyên bố trí, Bác và anh em phục vụ dừng lại. Vừa vượt qua một chặng đường dài quanh co, lắm chỗ khấp khiểng, gồ ghề, dừng lại nghỉ ai cũng muốn vào trong nhà tìm chỗ ngồi tựa lưng một lát. Nhưng thấy Bác vẫn đi đi lại lại, không vào nhà; mọi người chờ đợi. Bỗng thấy Bác dừng lại trên một khoảng đất trống, cỏ mọc dày, xanh, phẳng. Anh em phục vụ 60 nhìn theo, vừa lúc đồng chí lãnh đạo tỉnh mời Bác và đoàn tháp tùng vào nhà. Bác rất tự nhiên, nói lại, đại ý: “Bác đi công tác qua, dừng chân nghỉ tạm, chứ đâu phải Bác đến làm việc”. Nói xong, Bác ngồi xuống bãi cỏ, rồi bảo đồng chí cấp dưỡng: “Đưa thức ăn mang theo ra đây”. Bữa cơm trưa ăn đường hôm đó Bác đã báo trước cho cấp dưỡng chuẩn bị: Xôi nắm, thịt kho và mấy quả chuối. Bữa ăn “dã ngoại” tuy đạm bạc, nhưng đầy ấm cúng. Chừng nửa giờ sau đó, Bác cháu lại lên đường về Hà Nội như đã dự kiến. Nếp sinh hoạt ăn uống giản dị, tiết kiệm thường ngày của Bác xuất phát từ một ý thức tư tưởng xuyên suốt là luôn luôn vì dân, vì nước. Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-9-1945, lúc phát biểu, Bác Hồ đã nêu và phân tích ba loại giặc cần chống. Đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Về chống giặc đói, Bác đề nghị: - Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực khác phải ba, bốn tháng mới có thì ngay bây giờ phải mở một cuộc lạc quyên là cứ mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa để giúp người nghèo. 61 Sau buổi họp đó, Bác thực hiện ngay. Thấy Bác gầy yếu sau đợt ốm sốt rét từ trên chiến khu mới về Hà Nội, mấy anh em giúp việc mạnh dạn đề nghị Bác chưa nên nhịn ăn như thế. Bác nói với tình cảm đầy xúc động: - Các chú thử nghĩ xem! Bác kêu gọi đồng bào mười ngày nhịn ăn một bữa thì Bác cũng phải gương mẫu nhịn ăn như đồng bào. Nếu Bác cứ ăn thì hóa ra Bác chỉ hô hào suông, làm gương cho ai được! Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy khó khăn, gian khổ, Bác đọc báo, nghe đài biết tin vùng nào đó trong nước gặp phải mất mùa, hạn hán, lụt bão, đang lâm vào cảnh đói kém, Bác thường tự đề ra yêu cầu cho mình mỗi tuần ăn một bữa cháo, hoặc một bữa cơm trộn ngô và vận động mọi người trong cơ quan cùng thực hiện. Thấy vậy, có anh em nói thẳng với nhau: - Chúng mình còn trẻ, ăn thế có thể chịu đựng được. Chứ Bác đã có tuổi, lại làm việc căng thẳng, ăn thế sức đâu chịu! Nghe được, Bác càng kiên trì vận động anh em cấp dưỡng chịu khó chế biến. Những lúc đó đồng chí Đinh Văn Cẩn lại phải trổ tài kỹ thuật chọn hạt ngô ngâm kỹ, giã nhỏ và nấu sao cho dẻo để Bác ăn hết suất. 62 Bác coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là đạo đức và nếp sống thường ngày của mọi người, nhất là đối với cán bộ. Nhiều đồng chí giúp việc còn nhớ một kỷ niệm khó quên và là một bài học cho người cán bộ nọ, và cũng là bài học chung cho những ai mới có ăn, có mặc đã vội quên mất thuở hàn vi, xem thường những cái nhỏ. Chuyện là, trong một bữa ăn trưa tại Hà Nội, vào dịp đầu xuân năm 1955, khi hòa bình mới trở lại trên miền Bắc, có một số cán bộ từ một số ngành, địa phương được Bác mời dự. Ăn cơm xong, có chuối tráng miệng. Chuối để nguyên nải tại bàn uống nước. Dạo đó, nhà ăn của cơ quan còn bày đặt bàn ghế đơn sơ, thiếu nhiều dụng cụ bát đĩa cần thiết. Một cán bộ ăn cơm xong, đến bàn uống nước, đưa tay bẻ một quả chuối để ăn tráng miệng, nhưng không may bẻ phải quả chuối có nẫu một chút. Người cán bộ đó thấy vậy liền bỏ lại, bẻ quả chuối khác, rồi bóc vỏ ăn rất thản nhiên. Lúc đó, Bác ngồi mâm bên cạnh, cũng vừa ăn xong cơm. Bác lặng lẽ đứng dậy, đến bàn uống nước, đưa tay cầm quả chuối mà người cán bộ nọ vừa bỏ lại, dùng dao cắt bỏ chỗ nẫu, bóc vỏ, đưa lên miệng ăn ngon lành. Vừa ăn Bác vừa nói rất tự nhiên như để mọi người ngồi quanh cùng nghe: 63 - Hồi ở chiến khu Việt Bắc, nhiều lúc Bác cháu ta thèm một quả chuối nẫu cũng không có! Người cán bộ đó hơi tái mặt, lấy làm ân hận. Anh em trong cơ quan giúp việc cũng nhìn nhau, thấm thía lời góp ý nhẹ nhàng mà rất sâu sắc đó của Bác. Trong việc khuyên răn, giáo dục cán bộ, Bác Hồ không nói nhiều đến lý luận, mà dùng những hành động thực tế, hình ảnh so sánh dễ thuyết phục. Người thường nói: “Học cái tốt thì khó, vì như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi, trượt chân một cái là nhào xuống vực thẳm”. Đứng trước cái ranh giới hết sức mỏng manh giữa cái tốt và cái xấu, chỉ một phút dao động, không vững vàng trước những cám dỗ tầm thường của đồng tiền, của vật chất, con người ta sẽ bị sa sút về đạo đức, sẽ sa vào con đường phạm tội, sẽ không còn có ích cho Tổ quốc, cho nhân dân. Bởi vậy, có lần Bác nói: - Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì người cán bộ đó sẽ lấy các thứ đó ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: Một là ăn cắp của Chính phủ; hai là bị tiền mua chuộc. 64 Nhớ lại đầu năm 1952, Trung ương Đảng và Chính phủ phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm. Tại một địa điểm sơ tán ở Việt Bắc, Bác đã viết bài Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Phác thảo xong, Bác cho một số anh em giúp việc xem để có thể tham gia ý kiến, rồi Bác mới hoàn chỉnh. Bài viết đó đã trở thành tài liệu học tập cho cán bộ và nhân dân. Trong bài viết, Bác giải thích tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải xem đồng tiền bằng cái nong, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu; tiết kiệm không phải ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào việc tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo khoa học, thì tiết kiệm là tích cực chứ không phải là tiêu cực. Rồi Bác chỉ rõ cách làm: “Trong 80 năm nước ta bị đế quốc Pháp rồi đến đế quốc Nhật vơ vét hết, vì vậy mà kinh tế của ta nghèo nàn, lạc hậu. Nay chúng ta cần phải có một nền kinh tế khá, để kháng chiến và kiến quốc. Muốn xây dựng kinh tế thì phải có tiền của để làm vốn...”1. ____________ 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.352. 65 Bác chỉ rõ phải tiết kiệm thời giờ. Thí dụ: Việc gì trước kia phải làm hai ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, ta có thể làm trong một ngày là xong. Phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: Việc gì trước kia phải dùng mười người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng năm người cũng làm được. Phải tiết kiệm tiền của. Thí dụ: Việc gì trước kia phải dùng nhiều người, nhiều thời giờ, phải tốn hai vạn đồng. Nay vì tiết kiệm được sức người và thời giờ, nguyên liệu, cho nên chỉ tốn một vạn đồng là đủ. Về tham ô, Bác viết: Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, ăn bớt của bộ đội, tiêu ít mà khai nhiều. Lợi dụng của chung, của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình cũng là tham ô. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế. Bác coi tham ô là trộm cướp. Bác chỉ ra lãng phí có nhiều cách: Lãng phí sức lao động, lãng phí thời giờ, lãng phí tiền của. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ, có khi tai hại hơn nạn tham ô. 66 Bác nói rõ nguyên nhân có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu. Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng, đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề, chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn. Bác kết luận: “Nói tóm lại: Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”1. Bác cho việc tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta... Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị. ____________ 1. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.357. 67 Bác đã nói là làm, đâu chỉ có khuyên răn người khác làm. Trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bác Hồ luôn luôn là người nêu tấm gương thực hiện “chí công, vô tư”. Ngay cả những lúc mời khách ăn cơm, bao giờ Bác cũng báo trước cho người cấp dưỡng biết để lo liệu, và số tiền chi đó là trừ vào tiền lương của Bác. Tuyệt đối Bác không tơ hào một đồng nào của công vào việc riêng tư. Những năm 1960, trong số anh em trực tiếp giúp việc cho Bác, có ba đồng chí là Vũ Kỳ, Cù Văn Chước và Lê Hữu Lập được vinh dự “quản” thu và chi tiền lương và tiết kiệm của Bác. Ba đồng chí này phân công như sau: Đồng chí Vũ Kỳ lo việc xem xét thực hiện theo ý Bác. Đồng chí Cù Văn Chước ghi chép và giữ sổ sách. Đồng chí Lê Hữu Lập gửi và rút tiền. Riêng đồng chí Lê Hữu Lập có vinh dự đặc biệt được đứng tên là “Lê Hữu Lập” vào sổ tiết kiệm của Bác Hồ gửi ở quầy tiết kiệm phố Hàng Gai, Hà Nội. Tiền tiết kiệm là gom góp, dành dụm từ tiền lương hằng tháng của Bác còn lại sau khi trừ các khoản chi tiêu, ăn uống, và tiền nhuận bút mà thỉnh thoảng dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn tranh thủ viết bài cho báo Nhân dân để góp phần chỉ đạo 68 công tác cách mạng, cổ vũ động viên người tốt, việc tốt, phê bình uốn nắn cái xấu, cái tiêu cực và đấu tranh với địch. Còn những tặng phẩm do những đơn vị, cá nhân ở trong nước hay nước ngoài gửi đến tặng Bác, Bác liền bảo cơ quan để riêng ra và Bác thường dùng làm quà tặng cho thanh thiếu niên, đơn vị xuất sắc, người tốt, việc tốt, chiến sĩ thi đua, hoặc nhập vào quỹ Đảng, quỹ Nhà nước. Ngay như lần đi ra nước ngoài dự Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, là đại biểu mời, Bác Hồ được nhận một số tiền của Đảng bạn tặng, nhưng Bác liền bảo đồng chí Vũ Kỳ nhập số tiền ấy vào quỹ Đảng ta. Bác coi số đó là của chung, không phải do sức lao động của Bác trực tiếp làm ra. Một ngày trong năm 1965, đồng chí Lê Hữu Lập vừa đi đến trước cửa phòng làm việc của Bác thì bỗng nghe Bác bảo: - Chú Lập! Sáng nay Bác nhờ chú ra quầy tiết kiệm Hàng Gai rút cho Bác hai trăm đồng. Xong chú đem số tiền đó đến nhờ anh Nguyễn Sinh Định làm việc ở Văn phòng Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội chuyển về Kim Liên cho kịp. Thì ra, hôm đó, sau khi Bác Hồ được tin ông Nguyễn Sinh Mợi - người anh thúc bá của Bác, bố 69 của Nguyễn Sinh Định, vừa qua đời ở quê Nam Đàn mà Bác không có thời gian về thăm viếng. Bác liền gửi số tiền đó về để góp phần cùng gia đình, họ hàng lo liệu việc tang lễ cho ông Mợi. Hoặc giữa mùa hè năm 1967, sau giờ làm việc buổi sáng, thấy Bác mặc áo mayô, quần thường, đồng chí Lê Hữu Lập nhanh miệng nói: - Dạ! Thưa Bác! Hôm nay trời nóng. Không ngờ đồng chí Lê Hữu Lập vừa nói xong, đã nghe Bác nhẹ nhàng động viên: - Càng nghĩ tới nóng thì càng nóng thêm. Mà cứ nghĩ tới lúc này bà con nông dân trên đồng ruộng, anh công nhân bên lò cao, người chiến sĩ trên mâm pháo... thì thấy đỡ nóng. Chú nhìn thấy... kìa... Bác vừa đưa tay chỉ bên phía sân thượng Hội trường Ba Đình, nơi đang có một số bộ đội phòng không trực chiến đấu dưới ánh nắng chói chang, gay gắt giữa trưa hè Hà Nội. Thế là ngày hôm sau, theo lệnh Bác, đồng chí Vũ Kỳ bảo đồng chí Lê Hữu Lập ra quầy tiết kiệm phố Hàng Gai rút hết số tiền trong sổ của Bác đem trao cho Bộ Quốc phòng, nói là Bác gửi tặng bộ đội phòng không để có thêm nước giải khát. Chuyện này khi nhắc đến, anh em cơ quan, nhất là đồng chí Lê Hữu Lập 70 càng xúc động và lấy làm tiếc là giá như lúc đó mạnh dạn bỏ ra vài trăm đồng để giữ lại cuốn sổ tiết kiệm ấy thì chắc nay sẽ là một kỷ vật quý góp phần thêm cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nhưng lúc đó đang chiến tranh quyết liệt, chưa ai nghĩ đến, hơn nữa lại phải giữ bí mật tuyệt đối, không dám hé ra đó là sổ tiết kiệm của Bác Hồ. Và cũng không ai ngờ được rằng, ít lâu sau, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đi xa. * * * Còn chuyện mặc? Bác rất bình dị. Bộ quần áo đầu tiên mang ý nghĩa là bộ lễ phục mà Bác đã mặc trong buổi Chính phủ Cách mạng lâm thời ra mắt trước quốc dân đồng bào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Theo ông Vũ Đình Huỳnh - người bí thư của Bác lúc đó, kể lại là do ông bà Trịnh Văn Bô, một thương gia ở phố Hàng Ngang chọn vải; ông thợ may Phú Thịnh ở phố Hàng Quạt cắt may. Khi đem mẫu vải được chọn về xin ý kiến Bác, Bác nói ngay với người giúp việc: - Tôi mặc đơn giản thôi, không len, dạ đắt tiền 71 làm gì, cốt tươm tất, giản dị, không phải càvạt, cổ cồn làm gì. Bộ áo quần với ý nghĩa “lễ phục” mà Bác mặc hôm ra mắt trước quốc dân đồng bào may bằng vải kaki, áo thì bốn túi, cổ bẻ, lúc cần kín cổ thì cài khuy áo lại. Mặc vào không cần càvạt, vẫn oai nghiêm và giản dị. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ở chiến khu Việt Bắc, Bác thường mặc áo chàm, áo nâu - những tấm áo mỏng đậm đà bản sắc dân tộc. Bộ “đại cán” cũ bằng vải kaki tay và gấu có chỗ hơi sờn nhưng vẫn phẳng phiu sạch sẽ, Bác thường mặc khi hội họp, tiếp khách. Còn những lần đi chiến dịch, Bác mặc gọn gàng trong bộ quân phục đã sờn với chiếc khăn mặt vắt vai, như một người lính già thực thụ. Hòa bình lập lại trên miền Bắc, về lại Thủ đô, anh em văn phòng xin phép Bác được may thêm cho Bác một bộ áo quần kaki mới. Anh em nêu lý do là để phòng những lúc ẩm trời, bộ quần áo cũ giặt chưa khô, kịp có cho Bác mặc. Bác nhẹ nhàng bảo lại: - Ta vừa kháng chiến xong, đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn. Bác có hai bộ kaki tuy cũ nhưng vẫn còn mặc tốt, các chú đừng may thêm, lãng phí. 72 Mùa hè ở Hà Nội, có hôm trời nóng 37-38 độ. Tiếp khách, Bác vẫn mặc bộ quần áo kaki đã phai màu, bạc trắng. Lúc nóng quá, Bác cởi bớt khuy áo. Anh em cơ quan xin phép Bác được may cho Bác hai áo sơ mi ngắn tay để mặc mùa hè; hai áo sơ mi dài tay để mặc mùa thu. Nghe xong, Bác cười, nói lại: - Tiếp khách mà mặc đại cán là tôn trọng khách. Ngồi ở nhà làm việc, Bác mặc áo bà ba bằng vải mỏng là đỡ nóng rồi. Các chú không phải may áo sơ mi cho Bác, vừa tốn vải vừa không cần thiết, trong khi nhiều gia đình ở nông thôn, thành thị còn phải mặc quần áo vá. Quả là Bác không hề có áo sơ mi. Trong tủ áo quần của Bác có một bộ quần áo bằng dạ đen do Chính phủ Tiệp Khắc tặng. Bác chỉ dùng bộ quần áo này khi đến thăm các nước ở xứ lạnh mà ta thường thấy trên phim ảnh chiếu. Đồng chí cận vệ Phạm Lệ Ninh từng kể một câu chuyện cảm động. Năm 1957, Bác đi thăm nước bạn Miến Điện (Mianma). Một đồng chí giúp việc cho Bác được vinh dự đi cùng. Hôm đó, đồng chí này mặc khác hẳn: đóng bộ comlê, cổ thắt caravát. Thấy vậy, Bác nhẹ nhàng hỏi: - Hôm nay chú mặc comlê, thắt caravát? 73 Đồng chí đó lúng túng, chưa biết trả lời ra sao. May mà lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đứng bên Bác, đỡ lời cho: - Thưa Bác! Lần này Bác đi thăm các nước tư bản, xin phép Bác cho anh em mặc như thế nào phù hợp với nghi thức ngoại giao. Bác thân mật nói với Thủ tướng và số anh em cùng đi, đứng gần đó: - Không phải Bác không muốn cho các chú mặc đẹp, Bác rất muốn cho cả dân tộc ta ai cũng được mặc đẹp. Các chú biết đấy. Liên Xô sau khi chiến thắng phátxít Đức, thanh niên tự nguyện bảy năm không thắt caravát, phụ nữ ba năm không thắt nơ; tiết kiệm để xây dựng lại đất nước. Chúng ta kháng chiến chống Pháp đã thắng lợi, nhưng đất nước còn nhiều khó khăn, một nửa đất nước đang sống dưới ách kìm kẹp của Mỹ - ngụy, nếu ai cũng muốn caravát, và khi có caravát thì phải có áo sơ mi, phải có thêm áo vét. Như vậy tiền lương sao đủ, chỉ còn cách bớt xén của công! Đồng chí Lê Văn Cần - người cần vụ cho Bác kể rằng, những năm tháng hòa bình ở Hà Nội, Bác vẫn mặc rất giản dị, tiết kiệm như thời ở chiến khu Việt Bắc. Quần áo Bác mặc chỉ có vài bộ, lại may cùng 74 kiểu, nhất là quần áo bà ba. Sau khi may xong, mang đi xí nghiệp Tô Châu nhuộm màu gụ hết. Khi Bác mặc, bộ nào hơi cũ, được thay bộ mới vào. Vì áo quần may cùng một kiểu, vải giống nhau, cho nên lúc đầu Bác không nhận ra. Sau thấy quần áo mặc nhiều mà vẫn mới, Bác nghi nghi. Đoán biết là anh em văn phòng tự động may thêm áo quần cho mình. Bác bèn đánh dấu và phát hiện ra quần áo đã bị thay đổi. Bác phê bình. Nhân đó, Bác kể một câu chuyện, như để anh em giúp việc hiểu thêm sự nghiêm khắc trong ăn mặc của Bác không phải vì Bác sống quá đơn giản, thiếu lịch sự mà xem thường việc “đi sang mặc đẹp”, không quan tâm đến sự lo lắng của những người giúp việc. Bác kể là khi hoạt động cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc, Bác được giao nhiệm vụ cần đến gặp trực tiếp bà Tống Khánh Linh. Bà Tống Khánh Linh là vợ của ông Tôn Dật Tiên - người đã đề ra học thuyết Tam dân chủ nghĩa1. Nhưng chỗ ở của bà Tống Khánh Linh có mấy người lính Tưởng Giới Thạch canh gác cẩn thận. Sự canh gác đó bề ngoài tỏ ra coi trọng bảo vệ bà, nhưng bên trong ____________ 1. Dân tộc, dân quyền, dân sinh. 75 chính là muốn hạn chế quan hệ chính trị của bà. Vì bà Tống Khánh Linh kiên quyết và dũng cảm bảo vệ học thuyết Tam dân chủ nghĩa của ông Tôn Dật Tiên. Vậy Bác làm thế nào đến gặp bà Tống Khánh Linh? Hồi ấy ở nước ngoài Bác vừa bí mật hoạt động cách mạng vừa tìm cách kiếm tiền nuôi sống mình, nghèo túng luôn. Bác tìm hiểu biết được tâm lý mấy người lính gác đó là rất trọng hình thức, rất sợ những người giàu sang quyền quý. Bác dồn hết số tiền dành dụm được mấy tháng trước đó, thuê một bộ áo quần xmôkinh (smoking) kèm mũ phớt, ba toong, đôi giày và cặp kính đen loại sang nhất. Bác mặc bộ đồ sang trọng đó vào người và thuê một ôtô có người lái cũng vào loại sang nhất. Xong đâu đấy, Bác bảo người lái xe cho nhắm hướng nhà bà Tống Khánh Linh đi đến. Mấy người lính thấy xe ôtô bóng nhoáng, người ngồi trong xe ăn mặc rất sang trọng, vội vàng lễ phép bồng súng chào, không hỏi han gì cả. Thế là Bác vào nhà đàng hoàng gặp bà Tống Khánh Linh. Kể xong Bác nhẹ nhàng nhắc lại lời phê bình và kiên quyết bảo anh em giúp việc không được tự động may quần áo mới cho Bác, nếu bộ quần áo cũ vá lại còn dùng được. 76 Đã có lần một cán bộ cấp cao của Đảng thấy Bác mặc áo có chỗ vá trên vai, lấy làm áy náy, nói ra lời. Bác khuyên lại, rất chân tình: - Chú ạ! Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân đấy! Đừng bỏ cái phúc ấy đi! Ý của Bác không bắt mọi người sống như Bác. Chủ yếu là Bác khuyên chúng ta sống bằng thu nhập chính đáng của mỗi người, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và cuộc sống của đồng bào, đồng chí. 77 NGOÀI GIỜ LÀM VIỆC Đã là người đứng đầu một nước thì hẳn là bận trăm công ngàn việc. Bác Hồ kính yêu của chúng ta làm Chủ tịch nước trong thời kỳ mà nhân dân Việt Nam vừa làm xong cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã phải đứng lên gồng mình đương đầu với thực dân Pháp, rồi tiếp đến kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, càng bận bịu biết bao công việc. Cho nên Bác Hồ luôn xây dựng rèn luyện cho mình một nền nếp làm việc và sinh hoạt thường ngày rất đàng hoàng, thư thái, không hấp tấp, vội vã, dành thời gian cho đi cơ sở, cho tham gia trồng cây, chăm cá, cho xem văn hóa, văn nghệ, cho việc đọc báo, sử dụng báo, góp ý phê bình báo và nhất là viết bài cho báo để góp phần chỉ đạo công tác cách mạng, kháng chiến, đấu tranh với địch, biểu dương tấm gương người tốt, việc tốt, phê bình cái hư, cái xấu. Chỉ riêng đối với báo Nhân dân, kể từ khi ra số đầu 78