" Chuyến Tàu Định Mệnh - Georges Simenon full prc pdf epub azw3 [Trinh Thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chuyến Tàu Định Mệnh - Georges Simenon full prc pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo CHUYẾN TÀU ĐỊNH MỆNH Tác giả: Georges Simenon Người dịch: Nguyễn Hữu Hiệu Phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 11/2017 —★— ebook©vctvegroup 19/08/2019 CHƯƠNG 1 Khi tôi thức giấc, lớp rèm bằng vải mộc để lọt vào phòng thứ ánh sáng vàng nhạt mà tôi vốn quen thuộc từ lâu. Những khuôn cửa sổ phòng chúng tôi, ở lầu một, không có cánh chớp. Không cửa sổ nhà nào trên phố có cánh chớp. Trên bàn đầu giường, tôi nghe thấy tiếng đồng hồ báo thức kêu tích tắc và, bên cạnh tôi, tiếng thở đều đặn của vợ tôi, to gần bằng tiếng thở của những bệnh nhân, trong một cuộc giải phẫu, trên phim ảnh. Vợ tôi lúc đó có mang được bảy tháng rưỡi. Cũng như lần mang thai Sophie trước, cái bụng vĩ đại của nàng buộc nàng phải nằm ngửa. Không nhìn đồng hồ báo thức, tôi thò một cẳng ra khỏi giường. Jeanne cựa quậy và nói ấp úng, giọng xa vắng: - Mấy giờ rồi anh? - Năm rưỡi. Cả đời tôi, tôi quen dậy sớm, nhất là sau những năm ở liệu dưỡng viện, nơi mùa hè người ta mang hàn thử biểu cho chúng tôi từ lúc sáu giờ sáng. Vợ tôi đã không còn để ý đến những gì xảy ra quanh nàng và một cánh tay nàng duỗi ra chỗ tôi vừa rời khỏi. Tôi lặng lẽ mặc quần áo, cử hành, theo thứ tự, nghi thức của mỗi buổi mai, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn con gái, hồi đó, giường nó còn kê trong phòng chúng tôi. Tuy chúng tôi đã sắp đặt cho nó căn phòng đẹp nhất trong nhà, phía mặt tiền, thông sang phòng chúng tôi. Nó không chịu ngủ ở đó. Tôi rời phòng, tay cầm giày đi trong nhà và chỉ xỏ vào khi xuống tới chân cầu thang. Chính lúc đó tôi nghe thấy những hồi còi thứ nhất của tàu bè, gần cửa cống Uf, cách gần hai cây số. Theo quy định, các cửa cống phải mở cho sà lan qua lại ngay từ lúc mặt trời mọc và sáng nào cũng có cuộc hòa nhạc đó. Trong bếp, tôi nhóm ga, đặt ấm đun nước. Ngày mới, thêm một lần nữa, lại báo hiệu nắng ấm. Trong suốt thời kỳ này, ngày nào cũng thắm tươi rực rỡ, và hẳn tôi vẫn còn có thể, mỗi giờ, chỉ chỗ các dấu mặt trời tại những gian phòng khác nhau trong nhà. Tôi mở cửa thông ra khoảng sân đã được chúng tôi lợp mái kính để vợ tôi có thể giặt giũ bất cứ lúc nào, mưa cũng như nắng, và con gái tôi có thể chơi đùa ở đó. Giờ, tôi vẫn nhìn thấy chiếc xe của búp bê và xa hơn chút nữa là con búp bê đang nằm lăn lóc trên những phiến gạch lát hình vuông màu vàng. Tôi tránh không vào xưởng ngay vì tôi đã nhất quyết theo đúng các nguyên tắc, như cách tôi gọi thời khóa biểu của tôi hồi ấy. Một cái thời khóa biểu tự nó thiết định lấy, dần dần từng chút một, do những thói quen tạo ra hơn là do nhu cầu. Trong khi chờ nước sôi, tôi đổ đầy bắp vào cái chậu cũ men xanh, lòng gỉ sét, chẳng dùng được cho việc gì khác và tôi băng qua sân đi cho gà ăn. Chúng tôi có sáu con gà mái trắng và một con gà trống. Sương lóng lánh trên những lá rau, trên cây tử đinh hương độc nhất của chúng tôi mà những bông hoa tím, năm nay nở sớm, đã bắt đầu úa héo, và tôi vẫn nghe thấy, không chỉ tiếng còi tàu bè trên sông Meuse, mà còn cả tiếng thở hổn hển của những tàu chạy dầu cặn. Tôi tha thiết muốn tuyên bố ngay rằng tôi không phải là một người đàn ông bất hạnh, cũng không phải một người buồn rầu. Ở tuổi ba mươi hai, tôi thấy mình thẳng tiến trong mọi kế hoạch mà tôi có thể lập ra, trong mọi niềm hy vọng của tôi. Tôi có một vợ, một nhà, một đứa con gái bốn tuổi hơi dễ kích động nhưng bác sĩ Wilhems cả quyết rằng nó sẽ hết thôi. Tôi đã tự tay dựng cơ nghiệp và khách hàng của tôi mỗi ngày mỗi đông thêm, nhất là mấy tháng gần đây, dĩ nhiên. Tất cả mọi người, vì nhiều biến cố, đều muốn có máy radio. Tôi không ngừng bán máy mới, sửa chữa máy cũ và, vì chúng tôi ở cách bến tàu có vài bước, tàu bè nghỉ đêm ở đó, tôi còn có cả khách hàng trong đám thủy thủ nữa. Tôi nhớ đã nghe thấy tiếng cửa mở tại nhà hàng xóm bên trái của chúng tôi, gia đình Matray, một cặp vợ chồng già rất lặng lẽ. Lão Matray, từng làm thủ quỹ ở Pháp quốc Ngân hàng trong suốt ba lăm hay bốn mươi năm gì đó, cũng là một người dậy sớm và bắt đầu mỗi ngày bằng cách đi lại thở hít không khí trong lành nơi vườn nhà. Mọi mảnh vườn trên phố đều y như nhau, mỗi mảnh rộng bằng bề ngang căn nhà, cách nhau bằng bức tường cao đúng tầm để người ta chỉ nhìn thấy chỏm đầu hàng xóm. Từ ít lâu nay, lão Marray có thói quen rình rập tôi, vì lẽ những chiếc máy của tôi cho phép bắt các loại sóng ngắn. - Sáng nay không có tin tức gì sao, ông Féron? Buổi sáng hôm đó, tôi trở vào nhà trước khi lão kịp hỏi tôi và chế nước sôi lên cà phê. Những đồ vật quen thuộc đều ở đúng chỗ của chúng, chỗ mà Jeanne và tôi đã định hoặc cuối cùng, theo thời gian, chúng đã tự chiếm lấy. Nếu vợ tôi không có bầu thì hẳn tôi đã bắt đầu nghe thấy tiếng bước chân nàng trên lầu một bởi vì, vào lúc bình thường, nàng vẫn dậy liền sau tôi. Tuy nhiên, theo thói quen, tôi thích tự sửa soạn cho mình ly cà phê đầu tiên trước khi vô xưởng. Cứ thế chúng tôi tuân thủ một số nghi thức nhất định và tôi cho rằng chắc gia đình nào cũng vậy. Lần mang bầu thứ nhất cực nhọc, sinh nở khó khăn. Jeanne đổ tính nóng nảy của Sophie cho cái gắp sắt mà người ta đã phải dùng đến và gây tổn hại cho đầu của đứa nhỏ. Từ khi có bầu trở lại, nàng sợ lại khó đẻ và bị ám ảnh sẽ cho ra đời một đứa trẻ bất thường. Bác sĩ Wilhems, người được nàng rất tin cậy, cũng không trấn an nổi nàng, giỏi lắm thì cũng chỉ được vài tiếng đồng hồ, và buổi tối, nàng thao thức không dỗ được giấc ngủ. Rất lâu sau khi chúng tôi vào giường, tôi còn nghe thấy nàng trăn trở tìm một thế nằm thoải mái và gần như bao giờ cuối cùng nàng cũng thì thào hỏi: - Anh ngủ chưa, Marcel? - Chưa. - Em tự hỏi không biết cơ thể em có thiếu chất sắt không. Em đã đọc thấy trong một bài báo... Nàng cố ngủ nhưng thường phải quá hai giờ sáng mới chợp mắt nổi và sau đó, cũng chẳng phải hiếm khi, nàng bỗng vùng dậy thét lên. - Em lại bị ác mộng nữa, Marcel. - Kể anh nghe. - Không. Em thích đừng nghĩ đến điều đó nữa thì hơn. Khủng khiếp lắm. Em xin lỗi đã làm anh mất giấc ngủ, anh phải làm việc nhiều biết bao nhiêu... Hồi gần đây, nàng thức dậy vào khoảng bảy giờ và sau đó xuống sửa soạn bữa sáng. Ly cà phê trên tay, tôi bước vào xưởng và mở cánh cửa lắp kiếng ngó xuống sân cùng mảnh vườn. Vào lúc này đây, tôi được tận hưởng tia nắng đầu tiên của ngày, xế bên trái cửa ra vào một chút, và tôi biết chính xác lúc nào nó sẽ lần tới cái bàn thợ của tôi. Thật ra đó không phải là một cái bàn thợ đúng nghĩa mà chỉ là cái bàn lớn rất nặng, từ một tu viện thải ra, tôi đã mua nó trong cuộc phát mãi. Luôn luôn trên bàn bao giờ cũng có dăm cái máy đang sửa. Dụng cụ của tôi được xếp vào giá treo trên tường, ngay trong tầm tay tôi. Khắp xung quanh phòng, hàng đống máy chồng chất ngổn ngang trên các tủ nhiều ngăn bằng gỗ trắng mà tôi đã kê, và được dán nhãn ghi tên khách hàng. Rốt cuộc tôi cũng vặn các nút, dĩ nhiên. Trì hoãn giây phút này hầu như là một trò chơi. Tôi thường tự nhủ, trái với mọi lý lẽ: “Nếu mình chờ một chút xíu nữa, có thể sẽ là ngày hôm nay.” Ngay sau đó, ngày hôm ấy, tôi hiểu cuối cùng có chuyện gì đó đã xảy ra. Tôi chưa hề thấy không khí bị bó rọ như thế bao giờ. Dù tôi chọn tần số nào thì các chương trình phát thanh cũng chằng chịt chồng lên nhau, những tiếng nói, những tiếng rít, những câu tiếng Đức, tiếng Hòa Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp và người ta cảm thấy trong không gian như thể có một sự dao động đầy kịch tính. - Đêm nay, các toán quân Quốc xã đã tấn công quy mô lớn vào... Chưa đến lượt nước Pháp - dù sao người ta cũng không nhắc đến nó - mà là Hòa Lan, nó vừa bị xâm chiếm. Đài tôi vừa nghe, là một đài Bỉ. Tôi kiếm Ba Lê, nhưng Ba Lê vẫn nín lặng. Vệt nắng rung rinh chập chờn trên sàn nhà xám và ở cuối vườn, sáu con gà mái trắng của chúng tôi xao xác xung quanh con gà trống mà Sophie gọi là Nestor. Tại sao đột nhiên tôi lại tự hỏi cái chuồng gà bé nhỏ của chúng tôi sẽ ra sao? Lòng tôi hầu như se lại trước số phận của nó. Tôi vặn các nút khác, tìm kiếm trong dải tần số ngắn nơi mà dường như tất cả mọi người đều nói cùng một lúc. Và thế là tôi bắt được, trong giây lát ngắn ngủi, một điệu quân nhạc mà tôi mất dấu ngay lập tức, đến nỗi tôi không thể biết điệu nhạc đó thuộc quân đội nào. Một người Anh vừa đọc một bản tin vừa nhắc đi nhắc lại mỗi câu mà tôi không hiểu, như thể hắn đọc chính tả cho một thông tín viên chép lại, và ngay sau đó tôi lạc vào một máy phát mà tôi chưa hề nghe bao giờ, một máy phát dã chiến. Máy phát đó chắc phải ở gần lắm, thuộc về một trong các trung đoàn từ hồi tháng Mười, hồi đầu của cuộc chiến kỳ quặc*, đã đóng quân trong vùng. Tiếng nói của hai người đối thoại nghe rõ ràng như thể họ nói chuyện bằng điện thoại với tôi vậy, và tôi cho rằng họ đang ở đâu đó quanh quẩn miền Givet. Vả lại, điều đó chẳng có gì là quan trọng. - Ổng đâu, ông đại tá của bạn ấy? Gã này nói đặc giọng miền Nam. - Tôi chỉ biết là ổng không có ở đây. - Ổng phải ở đó chứ. - Anh muốn tôi phải làm gì đây? - Bạn phải đi kiếm ổng. Ổng ngủ ở đâu đó chứ gì? - Dù sao chăng nữa cũng không ở trên giường ổng. - Vậy thì, trên cái giường nào đây? Có tiếng cười ồ. - Khi chỗ này, lúc chỗ nọ... Những tiếng nổ lốp bốp như mỡ chiên khiến tôi không nghe được tiếp, và tôi nhận thấy mái tóc bạc, khuôn mặt hồng hào của lão Matray phía trên tường, tại chỗ lão đã đặt một cái thùng cũ làm bậc để chân. - Có tin gì mới không, ông Féron? - Quân Đức đã xâm lăng Hòa Lan. - Tin chính thức đấy chứ? - Người Bỉ loan. - Còn Ba Lê? - Ba Lê cho nghe nhạc không à. Tôi nghe thấy lão vừa chạy vào trong nhà, vừa la: - Germaine! Germaine! Xong rồi! Chúng đã tấn công. Cả tôi nữa, tôi cũng nghĩ rằng thế là xong rồi, nhưng cũng tiếng đó không có cùng một nghĩa đối với tôi như đối với lão Matray. Tôi hơi mắc cỡ khi nói điều này: tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi tự hỏi chẳng phải, từ tháng Mười, thậm chí từ Munich, tôi vẫn sốt ruột đợi giây phút này, chẳng phải tôi từng thấy thất vọng, sáng sáng, trong khi vặn nút radio và biết rằng các đạo quân vẫn tiếp tục dàn trận đối mặt nhau mà chẳng đánh đấm gì cả*. Bấy giờ là ngày mồng mười tháng Năm. Một ngày thứ Sáu, tôi gần như chắc chắn là vậy. Một tháng trước, hồi đầu tháng Tư, ngày mồng tám hay mồng chín gì đó, lòng tôi chớm nở một hy vọng khi quân Đức xâm lăng Đan Mạch và Na Uy. Tôi không biết phải giải thích cách nào và tự hỏi chẳng biết có ai hiểu điều đó hay không. Người ta sẽ bài xích tôi rằng tôi chẳng sợ mất một sợi lông chân, do bệnh cận thị, tôi được hoãn quân dịch vĩnh viễn. Tôi cận 16 độ, điều này nghĩa là, nếu không có kiếng, lúc nào tôi cũng lạc lối như trong một đám sương mù dày đặc, nếu không nói là thấy mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Tôi luôn luôn thấy kinh hoàng khi không có kiếng, chẳng hạn bị té ngoài đường rồi làm bể kiếng, và bao giờ tôi cũng mang phòng hờ một cặp kiếng dự bị trong túi. Tôi sẽ không nói gì về sức khỏe của tôi, về bốn năm sống trong liệu dưỡng viện, từ năm tôi mười bốn đến năm tôi mười tám tuổi, những giám sát mà tôi bị bắt buộc phải khép mình theo cho tới tận những năm gần đây. Tất cả những điều ấy đều chẳng ăn nhập gì với nỗi bứt rứt mà tôi đang tìm cách xác định cho rõ. Mới đầu tôi không có nhiều cơ may để sống một cuộc đời bình thường, càng ít cơ hội hơn nữa để tạo một địa vị dễ chịu và lập một gia đình. Tuy vậy tôi đã trở thành một người sung sướng, ta cần phải ghi nhớ kỹ điều này. Tôi từng yêu vợ tôi. Tôi từng yêu con gái tôi. Tôi từng yêu căn nhà của tôi, những thói quen của tôi, và yêu cả cho đến phố nhà tôi, con đường yên tĩnh, rực rỡ nắng gió, chạy dài tới tận sông Meuse. Nhưng không phải vì thế mà bớt được chuyện, ngày tuyên chiến, tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm khoan khoái. Thốt nhiên tôi bật nói lớn: - Chuyện đó phải tới. Vợ tôi nhìn tôi kinh ngạc: - Sao vậy? - Chẳng sao cả. Anh đã tin chắc như thế. Trong tâm trí tôi, không phải nước Pháp và nước Đức, cũng chẳng phải nước Ba Lan, Anh Cát Lợi, Hitler, chủ nghĩa Quốc xã hay Cộng sản, đang lâm chiến. Tôi chẳng bao giờ quan tâm tới chính trị và cũng chẳng biết chính trị là gì. Tôi chỉ có thể kể tên ba hay bốn vị bộ trưởng Pháp vì từng nghe họ nói trên radio. Không! Cuộc chiến tranh này, thình lình bùng nổ sau một năm hòa hoãn giả tạo, là chuyện riêng giữa định mệnh và tôi. Tôi đã sống qua một cuộc chiến tranh, cũng tại thành phố ấy, Fumay, khi tôi còn nhỏ tuổi, vì năm 1914 tôi mới lên sáu. Tôi đã thấy cha tôi ra đi, mặc quân phục, vào một buổi sáng trời mưa như thác đổ và mẹ tôi cặp mắt đỏ hoe suốt ngày hôm đó. Tôi đã nghe tiếng đại bác trong gần bốn năm, nhất là khi chúng tôi đi lên những đồi cao. Tôi nhớ quân Đức và những chiếc mũ nhọn của họ, những chiếc áo choàng sĩ quan, những tờ yết thị dán trên tường, khẩu phần hạn chế, bánh mì tệ hại, sự thiếu thốn đường, bơ và khoai tây. Tôi đã thấy, một tối tháng Mười một, mẹ tôi trở về nhà, trần như nhộng, tóc bị cắt trụi, tru tréo thốt lên những lời nguyền rủa và những tiếng bẩn thỉu với bọn thanh niên nối đuôi đi theo bà*. Lúc đó tôi lên mười. Chúng tôi sống ở trung tâm, tại lầu một. Khắp nơi âm vang những tiếng la, âm nhạc, tiếng pháo nổ. Bà mặc quần áo mà không nhìn tôi, dáng vẻ như một mụ điên, miệng luôn nói những lời mà tôi chưa hề nghe thấy bà thốt lên bao giờ, rồi thình lình, khi đã sửa soạn xong, chiếc khăn san quấn quanh đầu, dường như bà nhớ ra sự có mặt của tôi. - Bà Jamais sẽ trông nom mày cho đến khi ba mày về. Bà Jamais là chủ nhà chúng tôi và ở tầng trệt. Tôi quá kinh hãi đến nỗi không khóc nổi. Bà không hôn tôi. Ra tới cửa, bà lưỡng lự, rồi bà ra đi không nói gì thêm, và cửa ra phố đã đóng sầm lại. Tôi không cố gắng giải thích. Tôi muốn nói rằng chuyện này chắc hẳn chẳng liên quan gì đến tình cảm tôi năm 1939 hay 1940. Tôi chỉ trung thực thuật lại những sự kiện như chúng trở lại với tôi. Bốn năm sau tôi bị lao. Tôi bị dính dăm ba bệnh khác liên tiếp. Tóm lại, cảm tưởng của tôi khi chiến tranh bùng nổ là số phận lại chơi khăm tôi một vố nữa và tôi không ngạc nhiên, vì gần như tôi tin chắc rồi một ngày chuyện đó sẽ phải tới. Lần này, không phải là vì một con vi trùng, vi khuẩn độc hại, một thứ tật nguyền bẩm sinh thuộc về phần nào đó của mắt - các y sĩ không bao giờ nhất trí với nhau về mắt tôi. Đó là một cuộc chiến xô đẩy hàng chục triệu người, người nọ chống lại người kia. Ý nghĩ hơi lố bịch, tôi ý thức được như thế. Vấn đề phải chăng là tôi luôn luôn biết, luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị. Và, việc chờ đợi, kể từ tháng Mười, dần dần đã khiến tôi chịu hết nổi. Tôi không hiểu gì nữa. Tôi tự hỏi tại sao chuyện phải xảy ra lại không xảy ra. Phải chăng, một buổi sáng đẹp trời, cũng như đối với Munich, người ta sắp loan báo với chúng tôi rằng mọi sự đã được dàn xếp, rằng đời sống đã trở lại bình thường, rằng nỗi kinh hoàng đó chỉ là sự lầm lạc? Không phải một chuỗi biến cố như vậy có nghĩa là một cái gì đó đã chẳng dính vào định mệnh tôi sao? Mặt trời trở nên ấm áp, nắng xâm nhập mảnh sân, đậu trên con búp bê. Cửa sổ phòng tôi mở ra và vợ tôi gọi: - Anh Marcel! Tôi đứng dậy bước ra khỏi xưởng, ngửa cổ nhìn lên. Vợ tôi bôi kem lên mặt như lần mang bầu thứ nhất. Khuôn mặt nàng, với làn da quá căng, khiến tôi có chút cảm động, nhưng hầu như xa lạ. - Chuyện gì đó? - Em đã nghe rồi à? - Vâng, đúng không? Chúng tấn công? - Chúng đã xâm lăng Hòa Lan. Và con gái tôi đằng sau hỏi: - Cái gì thế má? - Ngủ đi. Chưa đến giờ dậy. - Ba nói gì vậy? - Không có gì hết. Ngủ đi. Nàng gần như xuống ngay lập tức, hãy còn phảng phất mùi giường chiếu, hai chân hơi giạng ra khi bước đi, vì cái bụng. - Anh tin rằng họ sẽ để cho chúng qua à? - Anh không biết gì cả. - Chính phủ nói sao? - Chính phủ chưa nói gì hết. - Anh tính làm gì, Marcel? - Anh chưa nghĩ tới điều đó. Anh sẽ cố thu lượm các tin tức khác. Chúng vẫn xuất phát từ Bỉ, một giọng nói nhát gừng, bi đát. Giọng nói đó loan báo rằng vào hồi một giờ sáng, các phi cơ Messerschmitt và Stuka đã bay trên vòm trời Bỉ và thả bom xuống nhiều địa điểm. Những xe tăng Panzer đã xâm nhập vùng Ardennes và chính phủ Bỉ trân trọng kêu gọi nước Pháp giúp đỡ họ phòng vệ. Dân Hòa Lan thì đã mở các đê ngăn nước, làm ngập lụt một phần lớn lãnh thổ, và người ta nói rằng trong trường hợp tệ nhất, cũng chặn được quân xâm lăng trước con kênh Albert. Vợ tôi, trong lúc ấy, sửa soạn bữa sáng, sắp bàn và tôi nghe thấy tiếng đồ sành, đồ sứ va chạm nhau. - Anh có tin gì mới không? - Xe tăng đã vượt biên giới Bỉ tại hầu hết các ngả. - Thế rồi sao?... Về một vài khoảnh khắc của ngày hôm đó, ký ức tôi rõ rệt đến nỗi tôi có thể thảo một bản ghi nhận tỉ mỉ, trong khi với những khoảnh khắc khác tôi chỉ nhớ nhất mặt trời, hương xuân, màu trời xanh tương tự màu trời ngày lễ thông công đầu tiên của tôi. Cả phố đang thức dậy. Đời sống bắt đầu trong những căn nhà gần như giống hệt nhà chúng tôi. Vợ tôi đi ra mở cánh cửa thông ra phố để lấy bánh mì và sữa, và tôi nghe thấy nàng nói chuyện với bà hàng xóm phía bên phải, bà Piedboeuf, vợ ông giáo. Họ có một cô con gái gương mẫu, tóc uốn thành búp, và tươi mát hồng hào, với đôi mắt lớn màu xanh, lông mi dài cong vút như lông mi búp bê, lúc nào cũng ăn mặc như đi dự hội và, từ một năm nay, họ có một cái xe hơi nhỏ, họ thường lái xe đi chơi ngày Chủ nhật. Tôi không biết họ nói gì với nhau. Dựa theo những tiếng ồn vẳng vào, tôi hiểu ngoài đó không chỉ có họ, người ta gọi nhau từ cửa nhà này qua cửa nhà kia. Khi Jeanne đi vào, trông nàng nhợt nhạt, nàng còn tiều tụy hơn thường lệ. - Họ sẽ đi! nàng cho tôi hay. - Đi đâu? - Về phía Nam, bất kể đâu. Em thấy ở đầu phố nhiều xe buộc nệm trên mui đi qua, nhiều nhất là dân Bỉ. Chúng tôi đã chứng kiến cuộc tản cư của họ trước hội nghị Munich và, hồi tháng Mười, một số dân Bỉ một lần nữa lại đi về miền Nam Pháp, những người giàu, họ có thể chờ đợi. - Anh tính ở lại đây sao? - Anh cũng không biết nữa. Tôi thành thực. Tôi, kẻ thấy biến cố từ đằng xa tít tắp, kẻ đã xiết bao chờ đợi, lại là người không có một quyết định gì từ trước. Như thể tôi chờ đợi một dấu hiệu, như thể tôi muốn sự tình cờ quyết định giùm tôi. Tôi không còn chịu trách nhiệm nữa. Có lẽ đó là chữ dùng đúng nhất để chỉ điều mà tôi vừa cố gắng giải thích một lúc trước. Mới ngày hôm trước, chính tôi là người có bổn phận điều khiển cuộc đời tôi và cuộc đời những người thân của tôi, bổn phận kiếm tiền, làm cách nào để mọi sự xảy ra đúng như chúng phải xảy ra. Bây giờ thì hết rồi. Tôi vừa mất những gốc rễ nguồn cội của tôi. Tôi không còn là Marcel Féron, nhà buôn radio tại một khu phố gần như mới toanh ở Fumay, không xa sông Meuse, mà là một trong số hàng triệu người bị những sức mạnh trên cao sắp lay lắc theo ý muốn trớ trêu. Tôi không còn gắn chặt vào cái nhà của tôi, vào những thói quen của tôi nữa. Như thể tôi vừa có, chỉ từ giây phút này sang giây phút khác, một bước nhảy vọt vào không gian. Từ đó, những quyết định không còn liên quan đến tôi nữa. Tôi bắt đầu cảm thấy, thay vì những nỗi phập phồng dao động riêng tư, một thứ phập phồng dao động chung. Tôi không còn sống theo nhịp điệu của tôi nữa mà theo nhịp điệu của radio, của phố phường, của cái thành phố đã thức giấc mau chóng hơn thường lệ. Chúng tôi vừa lặng lẽ ăn trong bếp, như mọi khi, vừa vểnh tai lắng nghe những tiếng động bên ngoài, mà không quá làm ra vẻ chăm chú, vì còn có Sophie ở đó. Hình như con gái chúng tôi, chính nó, cũng ngần ngại không dám hỏi han và nó yên lặng lần lượt quan sát chúng tôi. - Uống sữa đi con. - Ở đó ít nữa có sữa không? - Ở đó là ở đâu? - Thì, ở nơi mình sắp đi tới đó... Nước mắt chảy dài trên má vợ tôi, nàng quay mặt đi và tôi nhìn, không mảy may xúc động, những bức tường quen thuộc, các đồ đạc mà chúng tôi đã lựa từng thứ một năm năm trước, khi sắp lấy nhau. - Thôi bây giờ đi chơi đi, Sophie. Và vợ tôi, khi chỉ còn một mình với tôi: - Có lẽ tốt nhất là em nên đến gặp ba em. - Sao vậy? - Để xem ba má làm gì. Nàng còn cha mẹ, ba chị em gái, cả ba đã lập gia đình, trong đó, hai cô ở Fumay, một cô lấy người làm bánh ngọt trên phố Château. Chính vì cha nàng mà tôi mở cửa tiệm, bởi ông có cao vọng cho các cô con gái của ông và hẳn sẽ không gả con cho một tay thợ quèn. Cũng chính ông đã khiến tôi phải mua nhà, trả góp trong vòng hai mươi năm. Tôi còn phải trả tiền hằng tháng thêm mười lăm năm nữa, nhưng dưới mắt ông, tôi đã là chủ nhà và điều đó khiến ông an tâm về tương lai. - Chúng tôi không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra với anh, Marcel ạ. Anh đã khỏi, nhưng đầy kẻ bệnh cũ tái phát đấy thôi. Ông đã bắt đầu cuộc đời như một thợ mỏ tại các hầm đá đen, ở Delmotte, rồi dần dà trở thành đốc công. Ông cũng có nhà cửa, vườn tược đàng hoàng. - Người ta có thể mua một căn nhà cách nào để nếu người chồng chết đi, người vợ không còn phải trả thêm gì nữa. Nghĩ tới chuyện này vào buổi sáng hôm đó chẳng kỳ cục, đáng tức cười sao, trong khi không một ai, từ nay trở đi, còn chắc chắn vào ngày mai? Jeanne đã mặc quần áo, đội mũ. - Anh trông chừng con nhỏ nghe. Nàng tới nhà ba nàng. Những chiếc xe hơi đi qua, mỗi lúc một nhiều thêm, tất cả đều hướng về phía Nam, và đôi ba lần tôi tin rằng đã nghe thấy tiếng máy bay. Chúng không thả bom. Có lẽ đó là máy bay Pháp hoặc Anh, không thể biết được, vì chúng bay rất cao và mặt trời thì chói chang. Tôi đã mở cửa hàng, trong khi Sophie chơi ở sân. Đây không phải là cửa hàng đúng nghĩa, vì ngôi nhà không được xây để mở tiệm buôn. Khách hàng phải đi qua hành lang và một khuôn cửa sổ thông thường được dùng làm ô bày hàng. Cũng giống như tiệm kem cách đó một chút. Điều này thường thấy tại các khu ngoại ô, nhất là ở miền Bắc. Do đó chúng tôi bắt buộc phải mở toang cửa ra vào và tôi đã lắp một cái chuông ở cửa tiệm. Hai thủy thủ tới lấy máy của họ. Những chiếc máy này chưa được sửa, nhưng dù vậy họ cũng muốn mang về. Một người xuống miền Rethel trong khi người kia, một dân gốc Flamand, muốn trở về xứ bằng mọi giá. Tôi tắm rửa, cạo râu, canh chừng con gái tôi qua khuôn cửa sổ mà qua đó tôi nhìn thấy mọi khu vườn của phố, phủ đầy tán xanh hãy còn non, cùng hoa. Người ta trò chuyện với nhau qua phía trên tường và tôi nghe thấy cuộc nói chuyện bên nhà Matray, cùng lầu với tôi, vì những khuôn cửa sổ mở rộng. - Ông tính mang đi tất cả những thứ đó sao? - Rồi sẽ phải cần tới. - Có thể rồi sẽ cần tới thật đấy, nhưng tôi không thấy làm cách nào có thể chở đống vali đó ra ga được. - Ta sẽ thuê taxi. - Dễ gì mà kiếm được taxi! Tôi lại lo không biết còn xe lửa không nữa ấy chứ. Đột nhiên tôi sợ. Tôi tưởng tượng đám đông từ tất cả các ngả đường dồn về phía nhà ga nhỏ, giống như những chiếc xe hơi lúc này đang lũ lượt kéo về phía Nam. Tôi thấy dường như phải ra đi, rằng đó không phải vấn đề của từng giờ nữa mà là của từng phút, và tôi tự trách mình đã để vợ tôi tới nhà cha nàng. Ông có thể khuyên nàng ra sao? Ông biết gì hơn tôi kia chứ? Thật ra nàng vẫn không ngớt thuộc về gia đình nàng. Nàng đã lấy tôi, đã sống với tôi, đã cho tôi một đứa con, lại sắp cho tôi một đứa nữa. Nàng mang họ của tôi nhưng vẫn không bớt là một cô con gái nhà Van Straeten và, nhất nhất chuyện gì nàng cũng chạy về nhà cha mẹ hay tới nhà một trong những chị em nàng. “Em phải hỏi ý kiến con Berthe...” Đó là cô vợ anh chàng chủ tiệm bánh ngọt, cô út, người đã có đám cưới linh đình nhất; vì lẽ đó, hẳn vậy, Jeanne coi cô ta như một nhà tiên tri. Nếu chúng tôi phải đi, thì đã đến lúc rồi, tôi tin chắc như vậy, cũng như đột nhiên tôi tin chắc mà không tự hỏi tại sao lại phải rời Fumay. Tôi không có xe hơi và, để chở đồ đạc, tôi hay dùng xe kéo. Không chờ vợ về, tôi lên tầng thượng hạ mấy chiếc vali và một cái rương đen đựng quần áo cũ xuống. - Mình đi xe lửa hả ba? Con gái tôi đã lén đi lên, nhìn tôi loay hoay với đống đồ. - Chắc vậy. - Ba không chắc về điều đó. Tôi phát cáu. Tôi giận Jeanne đã đi vắng và sợ bất thình lình nhỡ có một biến cố xảy ra, bất cứ biến cố nào, có thể xe tăng Đức chưa tràn vào thành phố thế nhưng, một cuộc oanh tạc chẳng hạn, sẽ làm chúng tôi mất liên lạc với nhau. Thỉnh thoảng tôi vào phòng Sophie, có thể nói là căn phòng không bao giờ dùng tới, vì con gái chúng tôi không chịu ngủ ở đó, để nhìn ra phố. Phía trước ba căn nhà, người ta đang chất đồ lên xe hơi, trong những chiếc xe ấy, có chiếc đậu trước nhà bên cạnh. Cô con gái ông giáo viên, Michèle, tóc vẫn uốn thành búp, vẫn tươi mát trong chiếc rốp* trắng như để đi dự lễ ngày Chủ nhật, tay cầm cái lồng chim kim tước, đang chờ bố mẹ cột tấm nệm lên nóc xe. Điều đó khiến tôi nhớ tới đám gà mái của chúng tôi và con Nestor, con gà trống mà Sophie rất thích. Chúng tôi thường gọi là con gà trống của Sophie. Chính tay tôi, ba năm trước đây, đã căng rào lưới sắt ở cuối vườn và dựng một cái chuồng gà theo hình một ngôi nhà nhỏ. Jeanne muốn có trứng tươi cho đứa nhỏ. Dĩ nhiên, vì ba nàng bao giờ cũng nuôi gà, thỏ và bồ câu. Ông còn có lũ bồ câu đưa thư nữa và, những ngày Chủ nhật có tổ chức thi, ông ngồi bất động ở cuối vườn rình mấy con vật thân yêu của ông bay về chuồng. Tại nhà chúng tôi, con gà trống, cứ một tuần lại dăm ba lần bay qua tường và tôi phải đi kiếm hết nhà nọ sang nhà kia. Nhiều người than phiền về những thiệt hại nó đã gây ra trong vườn họ, những người khác bị tiếng gáy của nó đánh thức. - Con có thể mang theo con búp bê của con không? - Được. - Thế còn xe? - Xe thì không. Trên xe lửa sẽ không có đủ chỗ đâu. - Con búp bê của con sẽ ngủ ở đâu? Thiếu điều tôi trả lời gắt gỏng, rằng mới đêm trước đây, con búp bê còn lăn lóc ngủ trên nền gạch trong sân. Rốt cuộc vợ tôi cũng về. - Anh làm gì thế? - Anh bắt đầu sửa soạn hành lý. - Anh đã quyết định đi à? - Anh cho rằng như thế thì thận trọng hơn. Ba má em làm gì? - Ông bà ở lại. Ba thề không rời bỏ căn nhà của ông dù chuyện gì xảy ra. Em cũng ghé qua nhà con Berthe. Vợ chồng nó sắp đi trong vài phút nữa. Chúng nó phải hối hả vì hình như khắp nơi đều bị tắc đường, nhất là về phía Mézières. Ở Bỉ, máy bay Stuka xuống sát đất để oanh tạc tàu hỏa và xe hơi. Nàng không phản đối quyết định của tôi, vì ba nàng, cũng không tỏ vẻ vội vã ra đi. Có lẽ nàng cũng vậy, nàng cũng thích cột chặt vào nhà của nàng? - Người ta kể rằng dân quê đi bằng xe bò có mui, với tất cả những gì họ có thể đem đi được, đẩy súc vật đẳng trước. Em đã thấy nhà ga từ xa. Đen nghịt những người là người. - Em muốn mang theo những gì? - Em không biết. Dù gì cũng phải mang quần áo của Sophie. Và phải có cái gì ăn, nhất là cho nó. Nếu anh có thể đi kiếm được ít sữa đặc thì hay quá... Tôi tới tiệm tạp hóa, ở phố bên cạnh và, hoàn toàn bất ngờ, trong tiệm không có khách nào cả. Quả thật là từ hồi tháng Mười, đa số dân chúng đã tích trữ thực phẩm. Người chủ tiệm tạp hóa, áo tạp dề trắng, vẫn bình thản như mọi ngày và tôi hơi mắc cỡ vì đã nôn nóng. - Ông còn sữa đặc không? Hắn chỉ cho tôi một tủ đầy. - Ông muốn mua bao nhiêu? - Mười hai hộp. Tôi đã chuẩn bị tinh thân nghe hắn từ chối bán cho tôi nhiều như vậy. Tôi cũng mua nhiều gói sôcôla, giăm bông, nguyên một cây xúc xích lớn. Không còn quy củ, chuẩn mực gì hết. Không ai có thể nói cái gì sẽ trở nên quý giá hay không. Tới mười một giờ, chúng tôi vẫn chưa sửa soạn xong và Jeanne còn làm chúng tôi chậm trễ thêm bởi những cơn ói mửa của nàng. Tôi ngần ngại. Tôi thương hại. Tôi tự hỏi không biết, trong tình trạng của nàng, tôi có quyền đem nàng đi đến nơi xa lạ không? Nàng không phản đối; vừa đi lại vừa đụng cái bụng to bự của nàng vào đồ đạc và khuôn cửa ra vào. - Còn mấy con gà mái! đột nhiên nàng kêu lên. Có thể nàng mơ hồ hy vọng rằng chúng tôi sắp ở lại vì mấy con gà mái, nhưng tôi đã nghĩ tới chuyện đó trước nàng. - Lão Reversé sẽ giữ chúng cùng với bầy gà của lão. - Họ không đi sao? - Anh chạy tới hỏi lão ấy đây. Nhà lão ở trên bến tàu. Gia đình Reversé có hai con trai đang đi lính, một cô con gái đi tu tại một tu viện ở Givet. - Chúng tôi phó thác cho bề trên, lão già nói với tôi. Nếu bề trên phải che chở cho chúng tôi, thì ở đây cũng tốt như ở nơi khác vậy. Vợ lão ngồi trong bóng tối nhờ nhợ, tay lần tràng hạt. Tôi báo cho họ ý định giao họ lũ gà mái và con gà trống. - Làm cách nào tôi đến kiếm chúng được? - Tôi để lại chìa khóa cho cụ. - Đó là một trách nhiệm lớn lao. Thiếu điều thì tôi đã mang luôn lũ gà đến cho họ, nhưng tôi nghĩ tới những chuyến tàu, tới đám đông đang bao vây sân ga, tới máy bay trên trời. Liệu có phải lúc chạy đuổi theo mấy con gà què? Tôi đành khẩn khoản: - Có thể chúng tôi sẽ không tìm lại được bất cứ thứ gì chúng tôi đã để lại... Tôi không tiếc điều đó. Trái lại nó còn mang lại cho tôi cảm giác hân hoan âm u, như thể phá hủy đi một thứ mà người ta đã kiên nhẫn xây dựng bằng chính bàn tay mình. Điều đáng kể là ra đi, là từ bỏ Fumay. Nếu những mối nguy khác đang chờ đợi chúng tôi ở đâu đó thì cũng không quan trọng. Đó là một cuộc chạy trốn, đúng thế, nhưng trong tương quan với tôi thì không phải là một cuộc chạy trốn trước tụi Đức, trước súng ống, bom đạn hay trước cái chết. Sau khi đã suy nghĩ thật kỹ, tôi thề rằng đó là điều tôi cảm thấy. Tôi có cảm tưởng, đối với người khác, cuộc đi này chẳng quan trọng bao nhiêu. Riêng đối với tôi, như đã nói, đó là giờ gặp gỡ với định mệnh, giờ của một cuộc hẹn mà tôi đã chờ đợi từ lâu, vẫn luôn luôn chờ đợi, với định mệnh. Jeanne vừa rời nhà vừa sụt sịt. Đi giữa hai càng chiếc xe kéo, thậm chí tôi còn chẳng ngoái đầu lại. Như tôi rốt cuộc đã thông báo với lão Reversé, để lão quyết định trông nom mấy con gà của tôi, tôi để ngỏ cửa, khách hàng có thể tới lấy máy của họ nếu họ muốn. Sự lương thiện thuần túy, từ phía tôi. Và nếu nhỡ ra có phải ăn trộm thì họ cũng sẽ không đục thủng cửa, phải vậy không? Tất cả chuyện đó đã qua. Tôi đẩy xe và Jeanne đi trên vỉa hè với Sophie, nó ôm khư khư con búp bê trên ngực. Tôi vất vả len lỏi giữa những chướng ngại vật ngổn ngang, và đôi lúc, tôi tưởng lạc mất vợ con, mà sau đó tôi gặp lại cách đó một chút. Một chiếc xe cứu thương nhà binh chạy hết tốc lực, hú còi inh ỏi và xa hơn chút, tôi trông thấy một chiếc xe hơi Bỉ dính nhiều vết đạn. Những người khác, cũng như chúng tôi, kéo về phía nhà ga, chồng chất vali, balô. Một bà già xin phép tôi cho đặt đồ của bà lên xe tôi và bắt đầu đẩy cùng tôi. - Ông có tin vẫn còn tàu không? Có người nói với tôi rằng đường đã bị cắt đứt. - Ở đâu? - Miệt Dinant. Con rể tôi, làm ở sở hỏa xa, đã trông thấy một đoàn tàu chở người bị thương đi qua. Có một vẻ lạc lõng nào đó hiển hiện trong hầu hết những cặp mắt nhìn nhưng điều đó phần lớn là do sự nôn nóng mà ra. Người ta muốn đi. Vấn đề là tới đúng lúc. Ai ai cũng tin rằng một phần của đám đông này sẽ ở lại phía sau và sẽ bị hy sinh. Những người không đi có gặp phải nhiều nguy hiểm hơn không? Sau các ô cửa kính, những khuôn mặt đang quan sát đám người chạy trốn và tôi thấy, khi nhìn đám người ấy, nét mặt họ dường như hằn in vẻ bình tĩnh đến lạnh lùng. Tôi biết khu dành riêng cho tàu tốc hành, nơi tôi thường tới lãnh những kiện hàng. Tôi đi về hướng đó, vừa đi vừa ra hiệu cho vợ con đi theo, và điều này đã cho phép chúng tôi gặp một chuyến tàu. Có hai đoàn tàu trên đường sắt. Một là tàu nhà binh, trên đó lính tráng, quần áo lôi thôi lếch thếch, giương cặp mắt giễu cợt quan sát đám đông. Chưa ai trèo lên con tàu còn lại. Không phải ai cũng được lên. Hiến binh ngăn cản đám đông. Tôi đã bỏ cái xe kéo. Có nhiều thiếu nữ đeo băng đi đi lại lại, săn sóc cho người già và trẻ con. Một cô đã để ý cái bụng của vợ tôi cùng con gái chúng tôi mà nàng đang dắt. - Đi lối này. - Nhưng còn chồng tôi... - Đàn ông sẽ có chỗ sau, trong toa hàng. Không được tranh luận, cứ thế mà đi theo làn sóng người, dù muốn hay không. Jeanne ngoái đầu lại, không biết chuyện gì xảy ra với mình, cố gắng tìm tôi giữa những khuôn mặt. Tôi kêu lên: - Cô ơi! Cô ơi! Cô thiếu nữ đeo băng trở lại chỗ tôi. - Đưa giùm bà ấy cái này. Đó là đồ ăn của con nhỏ. Đó là tất cả đồ ăn mà chúng tôi đem theo. Tôi thấy vợ con tôi leo lên một toa tàu hạng nhất, và đứng trên bậc cửa, Sophie đưa tay ra dấu cho tôi - đúng hơn, về phía tôi, vì nó không thể nhận ra tôi giữa hàng trăm khuôn mặt được nữa. Người ta xô đẩy tôi. Tôi sờ túi để biết cặp kính phòng hờ vẫn còn ở đó; cặp kính này vốn là mối bận tâm muôn đời của tôi. - Đừng xô đẩy! một ông người nhỏ thó để râu nói lớn. Và một người hiến binh nhắc lại: - Đừng xô đẩy! Dù sao trong vòng một tiếng nữa tàu cũng chưa khởi hành đâu! CHƯƠNG 2 Các bà các cô đeo băng tay không ngớt đưa người già cả, phụ nữ có bầu, trẻ con lít nhít và người tàn tật lên các toa hành khách, và không phải một mình tôi thắc mắc chẳng biết cuối cùng tàu có còn chỗ cho bọn đàn ông hay không. Tôi cám cảnh khi nghĩ tới trường hợp có thể vợ tôi và con gái sẽ lên đường, còn tôi bị buộc phải ở lại. Chính đám hiến binh đã quá chán việc ngăn chặn đám đông xô lấn. Đột nhiên họ tự phá vỡ hàng rào trật tự, thế là mọi người xô đẩy nhau ào ào chạy tới năm sáu toa chở hàng hóa họp thành khúc đuôi con tàu. Vào phút cuối, tôi đã trao được cho Jeanne, đồng thời với thực phẩm, chiếc vali đựng quần áo của đứa nhỏ và một phần quần áo của nàng. Phần còn lại của tôi là chiếc vali nặng hơn, và bên tay kia, tôi cố lôi cái rương đen, nó cứ va vào hai cẳng chân tôi theo mỗi bước chạy. Tôi không cảm thấy đau. Tôi cũng chẳng nghĩ tới điều gì hết. Bị đám người phía sau xô đẩy lên tàu, tôi cố gắng ngồi nép vào ngay cạnh cửa trượt, và tôi đã có thể đặt cái rương áp vào vách toa, ngồi lên trên, thở hổn hển, với chiếc vali đặt trên đầu gối. Thoạt tiên, tôi chỉ nhìn thấy phần thân dưới của những kẻ cùng toa, cả đàn ông lẫn đàn bà, mãi về sau tôi mới nhìn thấy mặt mũi họ. Mới đầu tôi cứ ngỡ mình không quen biết một ai trong số đó và điều này khiến tôi ngạc nhiên, bởi Fumay vốn chỉ là thành phố nhỏ, có chừng năm ngàn dân. Thật ra bọn họ là nông dân từ các miền phụ cận. Cả một khu đông đúc, mà tôi không biết rõ lắm, lúc này đã đi vãn hết cả rồi. Mỗi người hối hả tự lo chỗ, sẵn sàng bảo vệ cái khoảng không gian riêng của mình, một tiếng nói vang lên ở cuối toa: - Hết chỗ ngồi! Mấy ông mấy bà đừng để ai lên nữa! Người ta nghe thấy những tiếng cười bồn chồn, những tiếng cười đầu tiên, chúng khiến bầu không khí đỡ căng thẳng đi một chút. Sự chen lấn lúc đầu đã bớt gay gắt. Người ta bắt đầu định cư được trong cuộc chạy trốn, vali và balô sắp xếp gọn lại quanh mình. Cửa kéo hai bên sườn toa xe mở toang hoác, người trên toa thản nhiên ngó đám đông còn tụ tập ở sân ga đợi chuyến tàu sau, các sạp bán đồ ăn, thức uống dưới đó đầy nhóc người, những chai bia và rượu vang được chuyền từ tay người này sang tay người khác. - Ê này... chú tóc hung... lấy cho tôi một lít được không? Đã có lúc tôi nghĩ tới chuyện chạy lên dãy toa trên để coi vợ và con gái ra sao, nhân thể báo cho nàng biết tôi đã kiếm được một chỗ để nàng yên lòng, nhưng tôi lại không đi, vì sợ lúc trở về toa, chỗ của tôi đã bị chiếm mất. Trước đó người hiến binh thông báo chừng một tiếng nữa tàu sẽ chạy, thế nhưng chúng tôi đã phải chờ cả hai tiếng rưỡi đồng hồ. Nhiều lần con tàu cựa mình, giật giật, những cái chặn cửa va vào nhau, và mỗi lần như vậy chúng tôi lại nín thở, hy vọng rốt cuộc tàu cũng sắp khởi hành. Có một lần, tàu chuyển động là vì người ta móc thêm toa vào. Bọn đàn ông ngồi gần bên những ô cửa mở thông báo tin tức này nọ cho đám người ngồi trong không nhìn thấy gì. - Ít nhất cũng có tới tám toa nữa được nối thêm. Lúc này, tàu dài đến tận giữa khoảng đường quẹo. Những người đã được ngồi trên tàu nảy sinh một thứ tình đoàn kết, không nhiều thì ít, ai nấy đều yên trí mình sẽ được lên đường. Một gã đàn ông nhảy xuống sân ga đếm những toa tàu. - Hai mươi tám! gã loan báo. Bọn chúng tôi không quan tâm mấy tới những kẻ còn phải đứng chờ tàu khác trên ga hoặc ở quảng trường trước nhà ga. Chúng tôi không còn phải lo ngại về chuyện một đám đông mới sẽ đổ tới, và trong thâm tâm, có lẽ chúng tôi mong mỏi tàu chạy trước khi chuyện đó xảy ra. Chúng tôi nhìn thấy một bà già ngồi trên chiếc xe lăn được một nữ điều dưỡng đẩy tới dãy toa hạng nhất. Bà ta đội mũ màu hoa cà, mặt đeo mạng trắng nhỏ, hai bàn tay xỏ găng trắng. Sau đó một lúc, có nhiều băng ca khác cũng được khiêng về phía đó, khiến tôi băn khoăn tự hỏi không hiểu những người đã ngồi trên tàu có bị đuổi xuống hay không, bởi bắt đầu có tin loan truyền rằng người ta đang cho di tản bệnh viện. Tôi khát. Hai trong số những người ngồi bên tôi đã nhảy bổ xuống khỏi toa tàu, chạy về phía sân ga rồi trở lại với những lon bia trên tay. Tôi không dám bắt chước họ. Dần dần, tôi quen với những khuôn mặt quanh tôi, đa số là đàn ông đã trọng tuổi, bởi những người ít tuổi hơn đều đã bị động viên cả rồi, những người đàn bà thuộc giới bình dân hoặc quê mùa, một thằng bé chừng mười lăm tuổi với chiếc cổ dài ngoẵng lộ hầu, và một con bé khoảng chín mười tuổi với mớ tóc buộc túm lại bằng sợi dây giày. Tôi cũng nhận thấy trong toa còn có người mà tôi quen biết, tới hai người lận. Trước hết là Fernand Leroy, kẻ ngày xưa từng cắp sách đi học cùng tôi và bây giờ đã trở thành nhân viên bán hàng cho hiệu sách Hachette, ngay bên cạnh hiệu bán bánh ngọt của em vợ tôi. Ngồi co rúm ở góc bên kia của toa, hắn khẽ phác một cử chỉ chào tôi, tôi cũng đáp lại, mặc dầu đã từ nhiều năm rồi chúng tôi không có dịp gặp nhau chuyện vãn. Người thứ hai là một nhân vật khá đặc biệt của Fumay, một ông già thường hay rượu chè be bét mà mọi người quen gọi là Jules, ông ta làm nghề phát tờ rơi quảng cáo ở cửa các rạp chiếu bóng. Tôi cũng dành thì giờ để cố nhận diện khuôn mặt thứ ba, mặc dầu ngồi rất gần tôi, nhưng cô ta thường bị một người có thân hình to lớn gấp đôi che khuất. Đó là một cô gái mập mạp khoảng ba mươi tuổi, đã kịp ngồi xơi một miếng xăng-uých, tên Julie thì phải, và là chủ một quán cà phê nho nhỏ ở ngay bến tàu. Cô ta mặc váy bằng vải “xạc”* màu xanh lơ bó rất sát dọc hai bên hông đi kèm áo sơ mi trắng loang mồ hôi khiến người ta thấy rõ cả nịt ngực bên trong. Từ người cô ta tỏa ra mùi phấn sáp, nước hoa và giờ đây tôi vẫn nhìn thấy son môi của cô ta dây vào miếng bánh. Đoàn tàu nhà binh đã chạy về hướng Bắc. Vài phút sau, chúng tôi nghe thấy tiếng một đoàn tàu khác tới, cũng trên đường rầy ấy. Một kẻ nào đó la lên: - Kìa, nó đang quay lại! Nhưng không phải con tàu nhà binh đó, mà là một con tàu Bỉ, hành khách được dồn nhét trên đó còn nhiều hơn cả tàu chúng tôi, và gồm toàn thường dân. Có nhiều người đứng bám ngay ở bậc lên xuống. Một số người ở tàu ấy đã nhảy sang tàu chúng tôi khiến cho đám hiến binh phải chạy tới la hét ầm ĩ duy trì trật tự. Máy phóng thanh cũng đã trợ lực, loan báo không ai được quyền rời khỏi chỗ. Tuy vậy những người kia vẫn cố chạy len lỏi qua bên này, trong số đó có một thiếu phụ trẻ, tóc sẫm màu, rốp đen, người đầy bụi bặm, không mang hành lý gì cả, ngay cả đến xắc tay cũng không. Nàng bẽn lẽn bước lên toa chúng tôi, coi bộ nàng có vẻ buồn rầu, bộ mặt tái xanh, không ai nói gì nàng cả. Bọn đàn ông chỉ nháy mắt với nhau trong lúc nàng ngồi tựa lưng vào một góc, cố thu người thật nhỏ lại. Chúng tôi không còn có thể nhìn thấy những chiếc xe hơi và tôi dám chắc rằng không người nào trong chúng tôi lưu tâm đến chúng nữa. Những người đứng, ngồi gần cửa chỉ vừa nhìn cái khoảng trời nằm trong phạm vi thị quan của họ, một bầu trời vẫn tiếp tục xanh ngắt, vừa lo ngại một đoàn phi cơ Đức có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và oanh tạc nhà ga. Từ lúc con tàu Bỉ tới, có tin loan truyền là một số ga xe lửa phía bên kia biên giới đã bị oanh tạc, có người còn nói rõ là ga Namur đã ăn bom. Tôi ao ước có đủ sức tái tạo bầu không khí và nhất là tình trạng sửng sốt trong toa tàu của chúng tôi lúc ấy. Trên con tàu hãy còn nằm im lìm, chúng tôi bắt đầu tạo ra một thế giới riêng biệt hẳn, nhưng nó vẫn còn mơ hồ, chưa rõ rệt. Tách biệt với mọi cảnh khác, có thể nói là nhóm chúng tôi chỉ chờ một dấu hiệu, một tiếng còi, một làn hơi nước, tiếng ồn của những bánh xe trên hai đường rầy, để hoàn toàn khép chặt lại. Và điều ấy cuối cùng đã tới, trong lúc mọi người bắt đầu không còn tin tưởng là nó sẽ tới. Các bạn cùng toa của tôi liệu sẽ có thái độ, hành động ra sao nếu như người ta thông báo đường xe lửa đã bị cắt đứt, những chuyến xe lửa không chạy được nữa? Liệu họ có quay về nhà với những kiện hành lý của họ hay không? Riêng phần tôi, tôi tin rằng mình sẽ không chịu nhẫn nại mà quay về, chẳng thà cứ lần theo đám đá vụn đường rầy mà ra đi còn hơn. Lúc này đã quá trễ để có thể quay trở lại phía sau. Sự nứt rạn đã xảy ra rồi. Tôi tự thấy không thể chịu nổi cái ý nghĩ mình sẽ lại nhìn thấy đường phố của mình, ngôi nhà của mình, xưởng làm, khu vườn, những thói quen của mình, cùng những chiếc máy thâu thanh có dán nhãn nằm trên các ngăn gỗ chờ được sửa chữa. Đám đông trên các kè sân ga bắt đầu từ từ lùi xa ở phía sau chúng tôi và, riêng tôi, tôi thấy như thể họ chưa bao giờ hiện hữu, như thể ngay cả thành phố này, trừ thời kỳ bốn năm tôi sống trong liệu dưỡng viện, đã đánh mất thực tại của nó. Tôi không nghĩ tới Jeanne và con gái tôi, lúc này đang ngồi trên toa hạng nhất, họ ở trên đó mà như đang xa cách tôi cả hàng trăm cây số vậy. Tôi không băn khoăn tự hỏi vợ con tôi đang làm gì, họ đã làm thế nào để có thể chịu đựng khoảng thời giờ chờ tàu chạy, hoặc Jeanne có bị nôn mửa nữa hay không. Mỗi lần một người nào đó trong số những người cùng toa với tôi cử động mạnh hoặc xô đấy, tôi lại lo lắng cho cặp kiếng phòng hờ, nên tôi đưa bàn tay lên giữ túi. Ngay sau khi tàu chạy ra khỏi thành phố, phía bên trái hiện ra khu rừng công cộng Manise, nơi chúng tôi thường tới vào chiều Chủ nhật để vui chơi, nghỉ ngơi trên bãi cỏ. Dưới mắt tôi lúc này, nó không còn là chính khu rừng đó nữa, có lẽ bởi vì tôi đang từ trên tàu ngắm xuống. Những đám cây nhược thảo mọc chen chúc rậm rạp và con tàu chạy chậm đến nỗi tôi nhìn thấy lũ ong bay vù vù, từ đóa hoa này sang đóa hoa kia. Đột nhiên con tàu dừng khựng lại, ai nấy đều nhìn nhau với cùng một vẻ lo âu sợ sệt trong mắt. Một nhân viên hỏa xa chạy dọc theo đường sắt. Cuối cùng y kêu lên những tiếng mà tôi không hiểu nghĩa ra sao, và con tàu lại chuyến bánh. Tôi không thấy đói. Tôi cũng quên cả khát. Tôi ngắm đám thảo mộc xanh tươi đang trôi đi cách tôi vài thước, đôi khi chỉ độ một thước, những bông hoa dại trắng, xanh, vàng, mà tôi không biết tên là gì, và tôi có cảm tưởng lần đầu tiên tôi trông thấy chúng. Mùi nước hoa của Julie xộc tới mũi tôi từng đợt, nhất là ở những khúc đường vòng, xen lẫn với cái mùi mồ hôi nồng nồng nhưng không khó chịu của cô ả. Bầu không khí trong quán cà phê của cô ta cũng giống bầu không khí xưởng làm việc của tôi. Thật ra đó không hẳn là một quán cà phê. Khi lớp màn chắn gió được kéo ra, người ta không nhìn rõ bất kỳ thứ gì bên trong nữa. Quầy hàng rất nhỏ, không có lớp kim khí bọc ngoài, phía trong không có bồn rửa ly tách. Cái giá, với năm sáu chai rượu bày trên đó, chỉ là loại giá nhà bếp. Mỗi khi đi qua quán cô ta, tôi thường đưa mắt nhìn vào, và lúc này đây tôi có thể mường tượng ra, trên tường, cạnh chiếc đồng hồ cúc cu đã đứng lại không chạy và cái bảng ghi những điều cấm liên quan đến vấn đề rượu chè, một cuốn lịch loại quảng cáo có hình một cô gái tóc vàng óng cầm trên tay ly bia sủi đầy bọt. Tôi từng ngạc nhiên khi thấy ly đó giống cái ly người ta hay dùng để uống rượu sâm banh. Cảnh ấy không có gì đặc biệt, tôi biết thế. Tôi lưu ý đến nó bởi vì lúc ấy tôi đang nghĩ tới quán của cô ta. Trong toa chúng tôi còn có vài thứ mùi khác nổi bật hẳn lên; không kể đến cái mùi của chính toa tàu, cái toa vừa chở lũ mục súc trong chuyến đi mới đây nên tỏa ra mùi sân mục súc nông trại. Một vài người trong toa đang ăn xúc xích hoặc patê. Một bà nhà quê mang theo miếng phô mai to tướng; và bà ta đang dùng dao làm bếp để cắt. Người ta vẫn chỉ trao đổi với nhau những ánh mắt kỳ cục, không thôi thận trọng, chỉ những ai cùng làng, cùng khu mới nói chuyện với nhau lớn tiếng, nhất là khi họ nhận ra địa điểm tàu đang chạy qua. - Kìa, ngôi trại của Dédé đó! Chẳng biết Dédé có ở lại trại hay không? Nhưng lũ bò của y vẫn còn trên đồng cỏ. Con tàu chạy ngang qua những trạm xép, những ga nhỏ vắng ngắt nơi có giỏ hoa nằm dưới các cột đèn và những tấm áp phích quảng cáo du lịch dán trên tường. - Đảo Corse, bạn đã tới đó bao giờ chưa? Sao ta lại không tới Corse nhỉ? Qua Revin, tàu chạy mau hơn, và trước khi đến Monthermé, chúng tôi nhận ra một lò nung vôi nằm giữa các dãy nhà của dân lao động. Lúc chạy vào ga, đầu tàu hú một hồi còi nghe cũng dữ dằn chẳng khác gì tiếng còi của một chuyến tàu tốc hành. Sau khi đi qua những tòa nhà, những bờ ke đầy lính, con tàu dừng lại giữa những đường rầy hoang vắng và các chòi bẻ ghi. Một vòi bơm nước, ở gần ngay toa chúng tôi, đang nhỏ từng giọt nước lớn, từng giọt từng giọt một, và tôi lại cảm thấy khát. Một gã nhà quê nhảy xuống khỏi tàu, tiểu tiện vào đường rầy kế cận, giữa trời nắng, mắt gã ta nhìn chằm chặp vào đầu tàu. Cảnh đó khiến cho mọi người bật cười lớn. Người ta đang cần cười thành tiếng và có vài kẻ cố tình tung ra mấy câu đùa bỡn. Lão Jules đang ngủ, tay lão cầm chai rượu uống dở, một cái túi nhỏ đựng mấy chai rượu khác đặt ngay trên bụng. - Các ông ơi, họ đang tháo đầu máy ra kìa! gã đàn ông đang đái la lên như vậy. Dăm người khác nhảy xuống khỏi toa. Tôi vẫn không dám rời khỏi chỗ. Tôi tự cảm thấy mình phải bám chặt lấy cái chỗ này bằng bất cứ giá nào, và điều đó có vẻ đặc biệt cần thiết đối với tôi. Mười lăm phút sau, một đầu máy mới kéo chúng tôi đi theo hướng ngược lại, nhưng thay vì đi ngang qua Monthermé, tàu lại chuyển sang đường rầy phụ chạy dọc theo sông Semois*, hướng về phía nước Bỉ. Xưa kia, trước khi Jeanne trở thành vợ tôi, hai chúng tôi từng đáp chuyến tàu đi theo ngả đường này. Bây giờ thậm chí tôi còn tự hỏi chẳng biết có phải chính bữa đó, một ngày Chủ nhật của tháng Tám, đã định đoạt số phận hai đứa chúng tôi hay không. Đối với tôi lúc bấy giờ, hôn nhân không hoàn toàn có cùng ý nghĩa giống như với một kẻ bình thường nào đó. Vả chăng, kể từ cái buổi tối tôi thấy má tôi trở về nhà, thân thể lõa lồ, mái tóc bị cắt trụi, cuộc đời tôi còn có gì thực sự là bình thường hay không? Tuy vậy, chẳng phải vụ đó khiến lòng tôi xao động. Lúc này đây, tôi không hiểu, cũng chẳng đi tìm hiểu. Từ bốn năm nay, người ta đã đổ quá nhiều tội cho chiến tranh đến nỗi dù có thêm một điều bí ẩn nữa cũng không khiến tôi xúc động chút nào. Bà Jamais, chủ nhà của chúng tôi, là một góa phụ, kiếm ăn rất khá với nghề khâu đầm. Lúc ấy bà đã săn sóc tôi đến cả chục ngày rồi, cho tới lúc cha tôi trở về, người cha mà tôi không thể nhận ra ngay lập tức. Ông vẫn còn mặc quân phục, nhưng là thứ quân phục khác với bộ quân phục ông mặc lúc ra đi; râu ria ông tỏa ra mùi rượu chua loét; đôi mắt rực sáng như thể ông đang bị cảm mạo, sổ mũi. Thật ra, tôi gần như không biết cha tôi, và chúng tôi chỉ có một tấm hình độc nhất của ông, được đặt trên tủ buýp phê, tấm hình ông chụp chung với má tôi trong dịp lễ thành hôn của hai đấng. Tôi vẫn luôn luôn tự hỏi tại sao cả hai đấng lại đều có bộ mặt lệch lẹo như thế. Không chừng ngay cả Sophie nữa, nó cũng thấy, trong tấm hình cưới của chúng tôi, mặt chúng tôi thật lệch lẹo. Tôi được biết cha tôi đã làm công cho cơ sở của ông Sauveur, một hãng buôn bán mễ cốc và phân bón hóa học, các văn phòng và kho hàng của ông chiếm một khu khá lớn ở bến tàu và thông với ga xe lửa bằng con đường riêng của hãng. Có lần, ở ngoài đường, má đã chỉ cho tôi thấy ông Sauveur, đó là người đàn ông hơi thấp, mập mạp, khuôn mặt tai tái, tuổi tác chắc hẳn phải tới sáu mươi, bước đi chậm chạp thận trọng, như thể ông sợ hãi bất cứ va chạm nào dù nhỏ nhất. - Ông ấy bị đau tim. Ông ấy có thể chết gục giữa đường bất cứ lúc nào. Trong vụ ông ấy lên cơn đau mới rồi, người ta đã cấp cứu kịp thời, rồi sau đó người ta phải mời một y sĩ danh tiếng chuyên về bệnh tim từ Ba Lê đến. Lúc hãy còn là một đứa bé, đã có lần tôi đưa mắt dõi theo ông mà tự hỏi không chừng tai nạn của ông sẽ xảy ra ngay trước mắt mình. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, phải sống trong tình trạng bị đe dọa như thế mà ông Sauveur vẫn có thể đi đi lại lại như tất cả mọi người, không hề có vẻ buồn rầu. - Ba mày là cánh tay mặt của ông ấy. Ngay từ hồi ba mày mười sáu tuổi, ba mày đã tập sự công việc giao thiệp ở hãng của ông ấy, và bây giờ ba mày được quyền ký giấy tờ. Ký những giấy gì? Về sau này tôi được biết rằng đúng là cha tôi được chủ ủy cho quyền hành lớn lắm và chức vụ của người quả thật quan trọng đúng theo lời má tôi đã nói. Ông đã nhận lại chỗ làm của ông và cha con tôi dần dần quen sống chung với nhau trong căn hộ của chúng tôi, tại đó má tôi chẳng còn bao giờ được nhắc tới nữa, mặc dầu bức hình ngày cưới vẫn còn nằm trên tủ buýp phê. Phải mất một thời gian tôi mới hiểu được rằng tại sao chỉ ngày trước ngày sau, đôi khi chỉ giờ trước giờ sau, tính khí cha tôi đã thay đổi khác hẳn. Ông có thể tỏ vẻ dịu hiền, đa cảm, đặt tôi lên hai gối ông - điều này khiến tôi hơi bối rối - và, với cặp mắt rưng rưng lệ, nói với tôi rằng ông chỉ còn có tôi trên đời, và thế là đủ, ông chẳng cần gì khác ngoài một đứa con trai. Thế rồi, chỉ vài tiếng đồng hồ sau đó, ông lại có vẻ sửng sốt thấy tôi sống cùng ông, ông ra lệnh cho tôi như với một đứa ở, đay nghiến, la rầy là tôi chẳng có giá trị gì hơn so với má tôi. Cuối cùng, tôi nghe thấy người ta nói ông uống rượu, hay nói cho đúng hơn nữa, ông đã vì buồn khổ mà đâm ra rượu chè, buồn khổ vì khi trở về ông không gặp lại vợ ông và vì ông được nghe biết chuyện từng xảy ra. Tôi đã tin vậy trong một thời gian dài. Tiếp theo, tôi đã suy nghĩ. Tôi nhớ lại cái ngày ông về, đôi mắt ông long lên, cử chỉ giật cục, rồi mùi cơ thể ông, những chai rượu mà ông đã lập tức chạy ra tiệm thực phẩm mua về. Tôi đã bắt gặp những câu nói mơ hồ, rời rạc ông xài mỗi khi ông nói chuyện về chiến tranh với đám bạn thân, và tôi nghi rằng ông đã nhiễm thói quen uống rượu lúc còn đang ở ngoài mặt trận. Tôi không giận cha tôi. Tôi chẳng bao giờ giận ông, ngay cả cái bữa, bước đi lảo đảo, ông đưa về nhà một ả gái nhặt được ngoài đường rồi vừa lẩm bẩm chửi rủa vừa nhốt tôi vào phòng riêng, khóa trái lại. Tôi không thích nghe bà Jamais vỗ về tôi, coi tôi như một nạn nhân của cha tôi. Tôi tránh né bà. Tôi đã có thói quen sau khi ở trường học về liền chạy đi mua những thức lặt vặt, sửa soạn bữa ăn, rửa chén đĩa. Một buổi tối, có hai người khách qua đường khiêng cha tôi về nhà, khi họ thấy cha tôi nằm bất động trên hè đường. Tôi định chạy đi kiếm y sĩ, nhưng hai ông kia cho rằng khỏi cần kêu y sĩ làm gì vô ích, chỉ cần cha tôi ngủ một giấc là ông sẽ đỡ. Tôi giúp họ cởi bỏ y phục cha tôi ra. Tôi cũng biết rằng ông Sauveur vì thương hại mà giữ cha tôi ở lại làm việc. Nhiều lần, cha tôi - nhân viên quản nhiệm của ông - đã vì say mà chửi bới ông để rồi hôm sau lại vừa khóc vừa xin lỗi. Chuyện đó không can hệ gì lắm. Điều tôi muốn chỉ ra là quãng đời niên thiếu của tôi không giống như đời những đứa trẻ khác, và vào năm tôi mười bốn tuổi, người ta phải gửi tôi tới một liệu dưỡng viện phía trên Saint-Gervais ở miền Savoie. Bữa lên đường tới viện, một mình trên xe lửa - đó là lần đầu tiên tôi bước chân lên một con tàu - tôi đã tin rằng mình chẳng thể sống sót để mà trở về. Ý tưởng đó không khiến tôi buồn bã và tôi bắt đầu hiểu tại sao ông Sauveur bị bệnh nặng như vậy mà vẫn thản nhiên được. Dầu sao đi nữa, có lẽ tôi cũng sẽ chẳng bao giờ là một người giống như mọi người. Ngay từ khi còn theo học ở trường, cặp mắt kém đã khiến tôi bị loại khỏi mọi trò chơi. Thêm vào đó, tôi lại còn mắc chứng bệnh vốn dĩ vẫn bị coi là một tì vết, một chứng bệnh gần như đáng xấu hổ. Liệu có người đàn bà nào chịu kết hôn với tôi không? Tôi đã sống bốn năm, trên đó, tại liệu dưỡng viện, hơi giống như hiện trạng ở đây, trong toa xe lửa này; tôi muốn nói rằng quá khứ và tương lai không đáng kể, cả những chuyện xảy ra trong thung lũng cũng vậy, huống hồ tại các thành phố xa xôi. Khi người ta tuyên bố với tôi rằng tôi đã khỏi bệnh, và người ta trả tôi về Fumay, thì tôi được mười tám tuổi. Tôi gặp lại cha tôi, cũng không khác gì mấy so với lúc tôi từ giã ông, trừ nét mặt có vẻ nhu nhược mềm yếu hơn, ánh nhìn có vẻ buồn bã và sợ sệt. Khi trông thấy tôi, ông rình rập phản ứng của tôi và tôi hiểu rẳng ông hổ thẹn, thật ra, ông bực tức tôi đã trở về. Tôi chỉ có thể làm được công việc nhẹ nhàng, ngồi yên một chỗ. Tôi đã vào học việc trong tiệm của ông Ponchot, một tiệm lớn trong thành phố bán đàn dương cầm, đĩa hát và máy thâu thanh. Trong thời kỳ sống trên núi, tôi có thói quen mỗi ngày đọc hai cuốn sách và giờ đây tôi vẫn tiếp tục giữ thói quen đó. Mới đầu, mỗi tháng một lần, rồi sau đó, ba tháng một lần, tôi phải tới xin khám sức khỏe ở chỗ y sĩ chuyên môn tại Mézières, nhưng tôi thường hoài nghi lời nói tốt đẹp của ông ta. Tôi trở lại Fumay năm 1926. Cha tôi qua đời năm 1934 vì chứng tắc huyết trong khi ông Sauveur vẫn rất ổn. Khi đó tôi vừa quen Jeanne, cô bán hàng tại tiệm găng tay Choblet, ở cách cửa tiệm tôi hai căn. Lúc ấy tôi hai mươi sáu tuổi; nàng hai mươi hai. Hai chúng tôi cùng đi dạo trên phố lúc hoàng hôn. Chúng tôi cùng đi coi chiếu bóng, trong rạp tôi nắm tay nàng, rồi vào chiều Chủ nhật, tôi đã được phép đưa nàng về miền quê chơi. Trước kia tôi không ngờ mình sẽ được như thế. Đối với tôi, nàng không chỉ là một người đàn bà, mà còn là biểu hiện của cuộc sống bình thường, điều hòa. Và tôi xin thề rằng chính trong chuyến đi chơi với nàng tại thung lũng sông Semois, cuộc đi chơi mà tôi phải xin phép cha nàng, tôi đã nhận thấy chắc chắn rằng nàng có thể nhận lời cầu hôn của tôi, chấp nhận cùng tôi gây dựng một gia đình. Tôi đã bàng hoàng vì biết ơn. Tôi rất sẵn lòng quỳ gối dưới chân nàng. Nếu có nói hơi dài dòng về chuyện này thì cũng chỉ vì tôi muốn trình bày rõ tầm quan trọng của Jeanne trong mắt tôi. Vậy mà giờ đây, trong toa tàu chở súc mục này, tôi không nghĩ tới nàng, hiện có bầu được bảy tháng rưỡi, do đó, chắc hẳn sẽ rất mệt nhọc vì cuộc hành trình. Trí óc tôi đang bận đâu đâu. Tôi tự hỏi tại sao người ta lại đưa chúng tôi vào con đường phụ này, con đường không dẫn tới một nơi nào hết, nếu không phải là một nơi nguy hiểm hơn cái nơi chúng tôi vừa trốn lánh. Khi tàu dừng lại ngay giữa đồng quê, gần bên một con đường cao cắt ngang huyện lộ, tôi nghe thấy tiếng kẻ nào đó nói: - Ta đang phải tạm nhường đường cho các toán binh sĩ đi. Chắc hẳn ở đằng đó đang cần viện binh. Con tàu không động cựa gì nữa. Đột nhiên ta chỉ còn nghe thấy tiếng chim hót và tiếng suối nước chảy rì rầm. Một gã đàn ông đầu tiên nhảy xuống ta luy, rồi một người khác nhảy xuống theo. - Này, sếp ơi, liệu có phải đậu lại đây lâu không? - Một hai tiếng đồng hồ. Có thể suốt đêm không chừng. - Liệu lần này có thể sẽ lại chuyển bánh mà không báo hiệu trước chăng? - Đầu máy hiện đang quay trở lại Monthermé và ở đó người ta sẽ gửi tới cho chúng ta một đầu máy khác. Đầu tiên, tôi chờ để chắc chắn là người ta đã thực sự tháo đầu máy, khi thấy nó đang một mình rời xa giữa khung cảnh rừng và đồng cỏ, tôi bèn nhảy từ trên toa xuống đất, công việc trước hết của tôi là chạy tới suối, dùng bàn tay vục nước uống y như hồi còn nhỏ. Nước vẫn có hương vị như ngày xưa, hương vị cỏ và hương vị chính cái thân thể đang nóng bừng bừng của tôi. Từ khắp mọi toa đều có những kẻ nhảy xuống. Mới đầu tôi ngần ngại, nhưng rồi cả quyết hơn, tôi vừa chạy dọc các toa vừa đưa mắt tìm kiếm phía bên trong. - Ba! Con gái tôi đang vừa vẫy tay vừa gọi tôi. - Má đâu? - Trong này ạ. Hai người đàn bà đứng tuổi chặn mất tầm mắt tôi, họ cứ ngồi ì ở chỗ đó nhất định không chịu né người đi một chút và nhìn vẻ mặt quàu quạu của họ, tôi cũng biết họ đang bực bội vì cử chỉ náo động của con gái tôi. - Ba mở hộ con đi. Con không mở nổi. Má muốn nói chuyện với ba. Toa tàu này kiểu cũ. Loay hoay một hồi, tôi mở được cửa toa và trông thấy tám người ngồi theo hai hàng, người nào cũng im lìm với vẻ mặt cau có như thể đang ngồi ở phòng đợi nha sĩ vậy. Chỉ có vợ và con gái tôi là chưa tới sáu chục tuổi mà thôi. Trong góc đối diện, có một ông cụ già chắc phải tầm chín mươi. - Anh khỏe chứ, Marcel? - Còn em sao? - Khỏe. Em cứ thắc mắc chẳng biết anh làm sao kiếm được gì mà ăn. May quá, tàu dừng lại. Có bao nhiêu đồ ăn mẹ con em giữ cả. Bị ép giữa hai bà có hai cặp hông đồ sộ, Jeanne gần như không thể cử động, nàng phải cố gắng lắm mới hơi nhoài mình ra được đế đưa cho tôi một cái bánh mì nhỏ, cùng cả cây xúc xích. - Còn con và em không ăn à? - Anh vốn biết mẹ con em không chịu nổi tỏi mà. - Xúc xích này có tỏi à? Sáng nay, tại tiệm bán thực phẩm, tôi đã quên không lưu ý điều đó. - Chỗ của anh khá không? - Không đến nỗi nào. - Anh có thể kiếm cho em chút nước được không? Người ta có cho em một chai lúc tàu khởi hành, nhưng vì ở đây nóng nực quá nên mẹ con em đã uống hết sạch cả rồi. Nàng đưa cái chai không cho tôi và tôi chạy ra suối lấy nước. Ở đó tôi nhìn thấy, đang quỳ bên suối rửa mặt, thiếu phụ trẻ vận rốp đen, người đã leo bừa vào toa chúng tôi sau lúc con tàu Bỉ tới. - Ông kiếm cái chai đó ở đâu vậy? cô hỏi tôi. Giọng nói của cô hơi lơ lớ, không ra giọng Bỉ cũng không ra giọng Đức. - Của người ta cho vợ tôi. Cô không hỏi gì thêm, lủi thủi rửa mặt bằng khăn tay, còn tôi bỏ đi lên phía toa hạng nhất. Trên đường đi, tôi đá phải một chai bia không, tôi quay lại nhặt nó như ; nhặt một vật quý. Vợ tôi hiểu lầm: - Anh uống bia đấy à? - Không. Anh dùng chai này để đựng nước. Thật kỳ. Chúng tôi nói chuyện với nhau giống như hai kẻ xa lạ. Không hẳn đúng như vậy: giống như những người bà con xa đã từ rất lâu không gặp nhau nên bây giờ chẳng biết nói chuyện gì với nhau nữa. Chẳng phải là do đang có mặt các bà già à? - Con xuống khỏi toa được không ba? - Muốn xuống thì xuống. Vợ tôi tỏ vẻ lo ngại: - Lỡ tàu chạy thì sao? - Tàu đâu còn đầu máy nữa. - Vậy sẽ phải nằm ì lại đây à? Vào lúc đó, chúng tôi nghe thấy tiếng nổ đầu tiên, tiếng nổ từ xa vọng lại, âm âm mơ hồ, nhưng cũng khiến chúng tôi giật mình hoảng hốt và một bà già vừa nhắm mắt lại vừa giơ tay làm dấu thánh giá, như thể bà vừa nghe thấy một tiếng sấm. - Cái gì thế anh? - Anh cũng không biết nữa. - Có thấy chiếc phi cơ nào không? Tôi ngó lên trời, da trời vẫn xanh như lúc buổi sáng, chỉ có hai đám mây vàng rực đang từ từ trôi. - Đừng để con nó đi xa đấy, Marcel à. - Anh sẽ không rời mắt khỏi nó. Một tay dắt Sophie, tôi đi dọc theo đường rầy, có ý tìm kiếm một cái chai nữa, và tôi đã may mắn kiếm được một chai còn lớn hơn chai kia. - Ba lấy cái chai đó làm gì vậy? Tôi nói dối một nửa. - Đế đựng đồ uống. Bởi vì tôi đang cúi nhặt cái chai thứ ba, thứ chai đựng rượu vang, ý định của tôi là sẽ đưa cho thiếu phụ trẻ mặc y phục đen ít nhất là một chai. Từ xa tôi trông thấy cô đứng trước toa chúng tôi, chiếc rốp bằng xa tanh đầy bụi, dáng dấp và mớ tóc xổ tung của cô trông có vẻ xa lạ với tất cả cảnh vật xung quanh. Cô chùng chân cho đỡ mỏi, không quan tâm đến những gì đang diễn ra và tôi nhận thấy hai gót giày cô rất cao và rất nhọn. - Má con không bị mệt đấy chứ? - Không. Có một bà cứ nói xàm xạp hoài và cho rằng chắc chắn tàu này sẽ bị phi cơ oanh tạc. Có đúng thế không ba? - Bà ấy thì biết gì mà nói. - Ba tin là tàu sẽ không bị oanh tạc chứ? - Ba tin chắc. - Rồi mình sẽ ngủ ở đâu? - Ngủ trên tàu. - Đâu có giường ạ. Tôi tới suối rửa ba cái chai, súc đi súc lại nhiều lần cho thật sạch mùi bia và mùi rượu vang, rồi lấy đầy nước vào trong. Tôi quay lại toa của tôi, vẫn dẫn Sophie theo, rồi đưa một trong mấy cái chai cho thiếu phụ trẻ. Cô ngạc nhiên nhìn tôi, nhìn con gái tôi, gật đầu cảm ơn rồi leo lên toa cất cái chai vào chỗ an toàn. Khắp xung quanh, ngoài ngôi nhà của người bẻ ghi xe lửa, chỉ có thêm một nông trại rất nhỏ nằm trên sườn đồi, ở cách tàu hơi xa, trong sân trại có một người đàn bà đeo tạp dề màu xanh dương đang cho lũ gà vịt ăn, làm như thể chẳng hề có chiến tranh vậy. - Ba ngồi chỗ này à? Ngồi xuống sàn ư? - Ba ngồi lên cái rương. Julie đang trò chuyện thân mật với một gã đàn ông có nước da đỏ, mái tóc xám dựng lởm chởm, gã nhìn cô ta với vẻ mờ ám và thỉnh thoảng người ta lại nghe thấy hai người cười lớn bằng thứ tiếng cười ta thường bắt gặp dưới các mái vòm của tửu quán. Gã đàn ông cầm trên tay một chai vang đỏ, thỉnh thoảng lại đưa chai cho cô bạn tu vài ngụm. Cái áo của cô ta bị dây nhiều vệt tím, phía trong áo, cặp vú đồ sộ nẩy lên mỗi khi cô ta phá ra cười. - Bây giờ ba con mình đi về chỗ má. - Đã về rồi cơ ạ? Bắt đầu có phân chia cách biệt trong đám hành khách. Một bên là những người thuộc toa hành khách, một bên là chúng tôi, những người thuộc các toa súc vật và toa chở hàng. Jeanne và con gái tôi thuộc đám kia còn tôi thuộc đám thứ nhì, vì vậy mà tôi đã bất giác hối hả đưa Sophie về với má nó. - Anh không ăn à? Tôi ngồi ăn trên đám đá rải đường rầy, trước cửa toa mở rộng. Giữa hai hàng những khuôn mặt lầm lì đang nhìn ngó hết tôi đến vợ tôi, hết vợ tôi đến con gái tôi, chúng tôi không thể nói chuyện với nhau được nhiều. - Theo ý anh, liệu tàu có sắp sửa chạy không? - Họ phải tạm nhường đường sắt cho các tàu chở binh lính. Khi nào đường trống, sẽ đến lượt tàu chúng ta chạy. Kìa! Đầu máy đã tới. Chúng tôi nghe tiếng nó, nhìn thấy nó, chiếc đầu máy đơn độc ấy đang tung khói trắng chạy trên khúc đường vòng trong thung lũng. - Anh về chỗ lẹ đi. Em sợ anh bị mất chỗ! Cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm vì được bỏ đi, tôi ôm hôn Sophie, không dám ôm hôn Jeanne trước mặt mọi người. Một giọng nói gay gắt hắt về phía tôi: - Đóng cửa toa lại giùm chút chớ! Trước đây, vào mùa hè, gần như Chủ nhật nào cũng vậy, mới đầu với Jeanne, về sau có thêm con gái tôi nữa, chúng tôi đi về vùng quê hưởng cảnh đồng nội và thường hay ngồi dùng bữa trưa trên bãi cỏ. Thế mà hôm nay đây, tôi không gặp lại cái mùi, cái vị của đồng quê đó, mà là mùi vị những kỷ niệm ấu thời của tôi. Từ nhiều năm nay, ngày Chủ nhật, tôi thường ngồi ở một khoảng cây thưa trong rừng, tại đó tôi vui đùa với Sophie, tôi hái hoa kết thành vòng hoa cho nó, nhưng tất cả những cái đó thường diễn ra bình thản, lưng chừng. Tại sao bữa nay cảnh vật lại có hương vị riêng như vậy? Ngay cả tiếng rù rì của lũ ong vò vẽ cũng nhắc tôi nhớ tới tiếng lũ ong ngày xưa, lúc tôi nín thở quan sát một con ong bay quanh miếng bánh mứt của tôi. Khi tôi trở về toa, những khuôn mặt tại đó có vẻ đã trở nên thân quen hơn. Một thứ tình đồng lõa đã nảy sinh giữa chúng tôi, chẳng hạn chúng tôi nháy mắt với nhau sau khi quan sát trò con tườu giữa Julie và gã lái ngựa. Tôi gọi gã là “lái ngựa” mà không biết rõ vì sao. Các danh từ chẳng có gì quan trọng, cả nghề nghiệp chính xác cũng vậy. Hắn ta có dáng vẻ tay lái ngựa nên, riêng phần tôi, tôi gọi thầm gã như thế. Cặp đó ôm eo nhau và bàn tay hộ pháp của gã đàn ông áp mạnh lên ngực Julie vào lúc tàu bắt đầu chuyển bánh sau khi giật giật mấy cái. Thiếu phụ bận đồ đen vẫn ép sát vào vách cuối toa, cách chỗ tôi chừng hai thước, và nàng không có gì để kê ngồi. Thật ra nàng vẫn có thể ngồi đại xuống sàn toa như mọi người khác. Lại còn có bốn người ngồi một góc đánh bài với nhau, như thể họ đang ngồi quanh bàn trong một quán nước vậy. Chúng tôi lại trông thấy ga Monthermé và lát sau, tôi thấy cửa cống Leverzy, nơi có khoảng chục chiếc thuyền nhỏ gắn động cơ đang ngả nghiêng trên mặt nước sáng rực. Khách thương hồ không cần tới xe lửa, nhưng họ lại bị những cửa cống như vậy chặn lại, và tôi hình dung được sự nôn nóng của họ. Màu trời chuyển sang hồng. Ba chiếc phi cơ bay qua, rất thấp, dấu cờ tam tài khiến người ta thấy yên lòng. Những phi cơ đó bay thấp và gằn đến nỗi chúng tôi có thể nhận thấy khuôn mặt của một trong các phi công. Tôi dám cả quyết rằng viên phi công đó đã đưa tay lên chào chúng tôi. Khi chúng tôi tới Mézières, hoàng hôn đã buông trùm khắp vạn vật, và con tàu không chạy vào trong ga, mà đậu lại giữa một đám đường rầy hoang vắng. Một quân nhân mà tôi không trông thấy dấu hiệu cấp bậc, vừa đi dọc tàu vừa la lớn: - Xin lưu ý! Không ai được xuống! Tuyệt đối cấm xuống khỏi tàu! Vả chăng chỗ này cũng không có bờ kè, và một lát sau nhiều khẩu đại bác được chở trên giàn xe di chuyển hết tốc độ sát ngay bên tàu chúng tôi. Chúng vừa đi khuất thì một hồi còi báo động vang lên, trong khi cũng vẫn tiếng nói lúc trước ra lệnh: - Ai nấy đều phải ngồi yên tại chỗ. Xuống khỏi tàu sẽ rất nguy hiểm. Ai nấy... Giờ đây, chúng tôi nghe thấy tiếng ì ì của một số phi cơ. Thành phố tối thui, còn tại ga, các ngọn đèn đều tắt, khách bộ hành chắc hẳn đang lao về phía những hầm trú ẩn ngầm dưới đất. Tôi không cho rằng mình đã sợ. Tôi vẫn ngồi im không cục cựa, đăm đăm nhìn những khuôn mặt đối diện, lắng nghe tiếng động cơ nổi lên rõ hẳn rồi như xa dần. Bầu không khí im phăng phắc ngự trị và con tàu nằm đó, như bị bỏ rơi giữa mạng lưới đường sắt dọc ngang chằng chịt, trên đó lết lê vài toa xe trống rỗng. Giữa những toa xe đó, giờ đây tôi vẫn còn trông thấy một toa chở rượu có mang tên nhà buôn rượu vang ở Montpellier, viết bằng những chữ lớn màu vàng. Bất đắc dĩ, mọi người đành chịu thu mình trong cảnh hồi hộp, nín thinh không nói năng, chờ đợi hồi còi chấm dứt tình trạng báo động, gần nửa giờ sau đó nó mới nổi lên. Bàn tay lái ngựa trong suốt thời gian đó đã rời khỏi ngực Julie. Rồi nó lại đặt vào chỗ cũ bạo tợn hơn, rồi gã đàn ông áp miệng vào miệng cô nàng ngồi cạnh. Một bà già quê lầu bầu: - Làm thế mà không biết dơ, trước mặt một con nhỏ nhỉ! Và để đáp lại lời bà già, cái miệng lem luốc son của gã mấp máy: - Thì một ngày kia con nhỏ cũng sẽ phải học làm chứ. Há bà chẳng cũng phải học vào thời của bà sao? Đó là một thứ thô bỉ, tục tằn mà tôi không quen. Điều đó nhắc tôi nhớ tới tràng chửi rủa mà mẹ tôi đã tuôn ra xối xả vào mặt đám thanh niên vừa đuổi theo bà vừa cười nhạo độ nào. Tôi tìm ánh mắt cô gái tóc nâu. Cô nhìn đi chỗ khác như thể không nghe thấy gì và không nhận thấy tôi đang để ý. Tôi chưa hề say bao giờ chỉ vì lẽ giản dị là tôi không uống rượu cũng không uống bia. Tuy nhiên tôi tưởng chừng rằng vào lúc trời sầm tối, tôi gần như ở trong trạng thái của một người đã uống quá “đô”. Có thể là vì mặt trời xế trưa, trong thung lũng bên bờ suối, mi mắt tôi giật giật, bỏng rát, tôi cảm thấy hai má đỏ rực, tứ chi tê bại, đầu óc trống trơn. Tôi giật nảy mình khi có một người nào đó quẹt diêm để nhìn đồng hồ, khẽ thông báo: - Mười rưỡi rồi... Thời gian trôi qua vừa nhanh lại vừa chậm. Đúng hơn là không còn thời gian. Một số người đã ngủ, một số khác khẽ khàng trò chuyện với nhau. Phần tôi, tôi cũng thấy thiu thiu buồn ngủ trên chiếc rương đen, đầu tựa vào vách toa, và sau đó trong cơn chập chờn nửa thức nửa ngủ, trong khi con tàu vẫn nằm im lìm, giữa bóng đêm và sự im lặng bủa quanh, tôi bỗng ý thức được có một chuyển động nhịp nhàng, gần sát bên tôi. Mất một hồi lâu tôi mới hiểu Julie và người bạn đường của cô ta đang làm tình với nhau. Tôi không cảm thấy có gì là chướng cả, mặc dầu, có thể là do bệnh tình bản thân, tôi vẫn luôn luôn vô cùng bẽn lẽn. Tôi lắng tai dõi theo cái nhịp đó, nghe như một thứ âm nhạc, và tôi phải thú nhận rằng dần dần một hình ảnh rõ rệt đã hình thành trong tâm tưởng tôi, rằng khắp người tôi bị thâm nhập bởi làn khí nóng râm ran bối rối. Khi tôi ngủ lại thì có tiếng Julie thì thầm, có thể là với gã nào khác nằm cạnh: - Đừng! Bây giờ thì không được. Một hồi rất lâu sau, vào khoảng nửa đêm, chúng tôi bị lay lắc một hồi, như thể con tàu chuyển bánh. Có tiếng người nói và đi lại dọc theo đường tàu. Một người nào đó nói: - Chỉ có cách đó thôi. Và một người khác: - Tôi chỉ nghe lệnh của chỉ huy quân sự. Họ vừa rời xa vừa cãi nhau và con tàu chuyển bánh để rồi lại dừng lại sau vài phút. Tôi không còn quan tâm tới những chuyển động khó hiểu đó của con tàu nữa. Chúng tôi đã rời khỏi Fumay và, chỉ cần con tàu không quay trở lại phía sau là đủ, ngoài ra tôi bất cần. Có những tiếng còi, rồi thêm tiếng các toa xô động, tàu cứ phụt hơi nước ra, chuyển bánh rồi lại ngừng. Tôi không biết những gì xảy ra đêm đó tại Mézières và tại những nơi khác trên thế giới, ngoài chuyện người ta đang giao tranh ở Hòa Lan, ở Bỉ, hàng chục ngàn người phải xông pha lặn lội trên các ngả đường, những chiếc phi cơ tung hoành rải rác khắp nơi trên trời, và những khẩu súng phòng không đôi lúc bắn cầu âu. Chúng tôi nghe thấy tiếng những loạt đạn từ khá xa vẳng lại, tiếng những đoàn xe vận tải dài dằng dặc chạy trên đường cái chắc hẳn phải gần ngay bên đường xe lửa. Trong toa chúng tôi, nơi bóng tối hoàn toàn ngự trị, những tiếng ngáy tạo thành sự thân mật kỳ lạ. Đôi khi một người nào đó đang ngủ, vì nhức mỏi mình mẩy hoặc sa vào ác mộng đã rên rỉ mà không hay. Khi tôi mở mắt tỉnh giấc hẳn, tàu đang chạy và một nửa số hành khách trong toa đã thức dậy. Ngày rạng màu trắng đục như sữa tỏa sáng một vùng quê mà tôi không biết là vùng nào, những ngọn đồi khá cao với những khu rừng nhỏ và những khoảng đất trống rộng rãi trong đó mọc lên nhiều nông trại. Cô ả Julie đang ngủ, miệng hé mở, cái nịt ngực tuột cả móc. Thiếu phụ trẻ mặc rốp đen ngồi tựa lưng vào vách toa, một lọn tóc rủ xuống má. Tôi tự hỏi có phải nàng đã ngồi như vậy suốt đêm hay không, nàng có ngủ nổi hay không. Mắt nàng gặp mắt tôi. Nàng mỉm cười với tôi, vì cái chai nước. - Chúng ta đang ở đâu vậy? một trong những người nằm bên tôi vừa tỉnh giấc vừa hỏi. - Tôi cũng chẳng biết nữa, một kẻ đang ngồi ở chỗ cửa toa, hai cẳng chân buông thõng xuống, cất tiếng trả lời. Tàu vừa chạy qua một ga có tên là Lafrancheville. Tàu đi qua một ga khác nữa, cũng hoang vắng và đầy hoa. Tôi đọc trên một tấm biển màu xanh và trắng: Boulzicourt. Con tàu bắt đầu đi vào khúc đường vòng, giữa một phong cảnh gần như tẻ nhạt, gã đàn ông đang ngồi thõng chân bỗng rút ống vố của y ra khỏi miệng để la lớn một cách kỳ cục: - Mẹ kiếp! - Chi vậy? - Lũ khốn đã cắt ngắn bớt con tàu! - Ông nói chi vậy? Mọi người đổ xô ra chỗ cửa để ngó. Hai tay bám chặt lấy thành cửa, gã đàn ông cự nự: - Mấy người đừng có xô đẩy như vậy chứ! Định hất tôi xuống dưới đường hay sao đây. Các ông thấy không, phía trước chúng ta chỉ còn có năm toa. Những toa kia đâu? Vợ tôi và mấy đứa con tôi ở những toa đó, làm sao tôi gặp lại được bây giờ đây? Mẹ kiếp, thật là chó đẻ quá! CHƯƠNG 3 Tôi hiểu rõ là đầu máy không đủ sức kéo quá nhiều toa như vậy. Người ta đã nhận ra điều đó, vì thế, họ bắt buộc phải cắt con tàu ra làm hai. - Lẽ ra họ phải báo trước cho tụi mình biết chứ! Các bà ấy sẽ ra sao đây? - Có lẽ họ đang chờ bọn mình ở Rethel. Hoặc ở Reims. - Miễn họ trả lại vợ con cho tụi mình, như trả lại cho lính vậy, khi nào cuộc chiến tranh chó đẻ này chấm dứt, nếu như nó sẽ chấm dứt. Như một cái máy, tôi cố gỡ bỏ cái phần hài hước ra khỏi tính chất thành thực trong những lời than trách và sự giận dữ ấy. Nhất là, biết đâu đây chẳng phải một dạng trò chơi mà đám đàn ông kia đang chơi với nhau, bởi vì có nhiều chứng nhân? Riêng phần tôi, tôi đã không xúc động, cũng không thực sự lo lắng. Mặc dầu có hơi bối rối nhưng tôi vẫn cứ ngồi im lìm tại chỗ. Trong một lúc nào đó, tôi có cảm giác là có ánh mắt đang ngoan cố tìm kiếm ánh mắt tôi. Tôi không lầm. Khuôn mặt của thiếu phụ mặc y phục đen đang hướng tới phía tôi, trong ánh sáng của ban mai mới rạng, bộ mặt đó có vẻ nhợt nhạt hơn, bối rối hơn hôm trước. Bằng tia mắt, nàng cố gắng chuyển cho tôi một thông điệp bày tỏ cảm tình, và cùng lúc đó, tôi tin là mình đã đoán ra một câu hỏi của nàng. Tôi đã hiểu câu hỏi đó như thế này: “Làm sao ông có thể chịu đựng được nỗi xúc động? Vụ này khiến ông khổ sở lắm phải không?” Câu hỏi thầm kín ấy khiến tôi lúng túng. Tôi không dám biểu lộ với nàng cái tâm trạng gần như bình thản của tôi, e nàng sẽ hiểu lầm. Vì thế tôi làm ra vẻ buồn bã, nhưng không quá đáng. Nàng đã nhìn thấy tôi đi với con gái trên đường rầy, do đấy chắc hẳn nàng cũng nghĩ là vợ tôi cùng đi với tôi. Chắc hẳn nàng ái ngại cho tôi vì tôi bị thất lạc cả vợ lẫn con, tuy là tạm thời thôi, tuy nhiên cũng vẫn là thất lạc. “Can đảm lên!” đôi mắt màu nâu đang hướng về phía tôi nói với tôi như thế. Tôi đáp lại sự khuyến khích đó bằng nụ cười của kẻ đau bệnh, kẻ được người ta an ủi khuyến khích bằng những lời đẹp đẽ song sự đau yếu vẫn không giảm bớt được phần nào. Tôi gần như có thể đoán chắc rằng nếu như tôi và nàng ngồi gần nhau hơn, nàng sẽ len lén đưa tay ra nắm chặt lấy bàn tay tôi. Khi tỏ thái độ như thế, tôi không hề có ý định lừa dối nàng, như người ta có thể tưởng, nhưng bên chúng tôi hiện còn có nhiều người khác nên lúc này không phải lúc thuận tiện để tôi bày tỏ với nàng điều tôi cảm thấy. Để sau này, nếu như những sự tình cờ của chuyến đi sẽ đưa hai chúng tôi tới gần nhau hơn nữa và nếu nàng cho tôi cơ hội thuận tiện, có lẽ tôi phải bày tỏ sự thực cho nàng hay, cái sự thực mà tôi không có gì phải lấy làm hổ thẹn. Chuyện xảy ra với chúng tôi hôm nay không khiến tôi sửng sốt hơn so với hôm trước, khi nghe tin nước Hòa Lan và vùng Ardennes bị xâm chiếm. Trái lại! Cái ý nghĩ rằng đây là một chuyện riêng giữa số phận và tôi chỉ càng vững chắc thêm. Nó đã thành hình rõ rệt. Người ta tách tôi ra khỏi gia đình tôi, điều này thực sự tạo ra một tổn thất riêng. Bầu trời trở sáng rất mau, cũng trong trẻo, cũng thanh khiết như hôm trước khi, trong vườn nhà, tôi cho lũ gà ăn mà không dè đó là lần cuối cùng. Kỷ niệm về mấy con gà khiến tôi mủi lòng, hình ảnh con Nestor, cái mào đỏ sẫm, vùng vẫy dữ tợn khi ông già Reversé cố bắt nó. Tôi tưởng tượng ra cảnh đó, giữa hai bức tường thấp quét vôi, tiếng đập cánh, đám lông trắng bay lên, những nhát mổ và ông Matray, có lẽ, nếu ông ta bị ngăn cản không ra đi được, ông ta sẽ leo lên cái thùng gỗ để nhìn qua tường và đưa ra những lời khuyên nọ kia theo thói quen của mình. Điều này không ngăn cản tôi cùng lúc nghĩ tới người đàn bà vừa bày tỏ cảm tình với tôi mặc dầu tất cả việc tôi đã làm chỉ là cho nàng một cái vỏ chai không lượm được trên đường sắt. Trong lúc nàng mải dùng mấy ngón tay dấp nước miếng để sửa lại mái tóc, tôi tự hỏi nàng thuộc hạng người nào. Tôi không tìm ra câu trả lời. Thật ra tôi cũng chẳng quan tâm gì đến câu trả lời, và cuối cùng tôi nảy ra ý tưởng đưa cho nàng chiếc lược nằm trong túi tôi, khiến gã đàn ông ngồi bên cạnh, bị tôi khuấy rầy, đưa mắt liếc tôi. Y lầm. Tôi làm vậy đâu phải nhằm chuyện đó. Tàu chạy khá chậm, và khi chúng tôi đã rời xa những chỗ có nhà cửa, bắt đầu có tiếng ì ì đều đặn mà chúng tôi không thể định vị ngay được, lúc đầu nó chỉ là sự rung chuyển của không khí. - Chúng nó kia kìa! gã đàn ông ngậm ống vồ la lên, hai cẳng chân gã vẫn buông thõng ra bên ngoài. Đối với một người không mắc chứng chóng mặt, gã chiếm được chỗ thật tốt. Sau này tôi được biết gã làm nghề dựng mái nhà bằng kim loại. Bởi tôi ngồi không xa cửa toa nên khi nghiêng người ra ngoài tôi cũng trông thấy chúng. Gã đàn ông kia đếm: - Chín... mười... mười một... mười hai... Mười hai chiếc cả thảy... Chắc hẳn là một phi đội như người ta vẫn nói... Nếu như bây giờ đang đúng mùa và nếu như chúng không phát ra tiếng động thì chắc chắn tôi ngỡ chúng là một đàn cò... Phần tôi, tôi chỉ đếm được mười một chiếc, đang bay thật cao. Vì có hiệu ứng ánh sáng, trông chúng có vẻ trắng, lấp lánh, và chúng hợp thành hình chữ V cân xứng. - Nó đang làm trò gì vậy, chiếc kia kìa? Người nọ dán sát người kia, chúng tôi nhìn lên không, đúng lúc đó tôi cảm thấy bàn tay thiếu phụ đặt lên vai tôi, rất có thể là vì vô ý. Chiếc phi cơ cuối của một nét chữ V vừa tách khỏi những chiếc khác và như thể lao chúc đầu xuống đất, đến độ lúc đầu chúng tôi cứ ngỡ nó rớt. Trông nó lớn dần một cách mau lẹ phi thường, nó lao xuống theo đường xoáy ốc, trong lúc đó những chiếc kia, thay vì tiếp tục bay về hướng chân trời, tạo thành một đường tròn lớn. Những chuyện sau đó diễn ra quá mau đến nỗi chúng tôi không có đủ thời giờ để thực sự sợ hãi. Chiếc phi cơ đang nhào xuống đã mất hút khỏi tầm mắt chúng tôi, nhưng chúng tôi nghe thấy tiếng gào rú đầy đe dọa của nó. Lần thứ nhất, nó bay ngay bên trên và suốt dọc xe lửa từ đầu đến cuối, thấp tới độ chúng tôi cúi rạp cả xuống theo phản xạ. Nó bay ra xa, chỉ để quay lại, nhưng điểm khác biệt là, lần này, chúng tôi nghe thấy ở trên đầu chúng tôi tiếng súng liên thanh tặc tặc và những tiếng động khác nghe như thể tiếng gỗ bị vỡ tan thành từng mảnh. Có nhiều tiếng kêu thét trong toa chúng tôi và từ các nơi khác. Xe lửa chạy thêm chút nữa, rồi như một con thú bị thương, nó dừng lại sau khi giật giật mấy cái. Trong một quãng thời gian, bầu không khí im phăng phắc, sự im lặng của nỗi sợ hãi mà lẫn đầu tiên tôi chạm trán, và chắc hẳn tôi cũng đã nín thở chẳng khác gì những bạn đồng hành của tôi. Tuy thế, tôi vẫn nhìn quang cảnh trên trời, chiếc phi cơ bay vụt thẳng lên như một mũi tên, hai dấu thập ngoặc của nó nổi rõ, cái đầu của gã phi công ngoái lại ngó nhanh chúng tôi lần cuối, và trên cao, những chiếc kia vẫn cứ bay theo đường tròn cho đến lúc chiếc này đã trở về chỗ của nó. - Quân chó đểu! Tôi không biết tiếng rủa đó vừa phát ra từ bộ ngực nào. Nó khiển tất cả chúng tôi đều cảm thấy nhẹ nhõm và kéo chúng tôi ra khỏi sự bất động. Đứa bé gái khóc sướt mướt. Một người đàn bà vừa chen vừa đẩy mọi người để tiến lên, với dáng vẻ như không còn biết mình đang nói gì, vừa nhắc đi nhắc lại: - Cho tôi qua... Cho tôi qua... - Bà bị thương à? - Chồng tôi... - Chồng bà đâu? Như một cái máy, người ta đưa mắt tìm một hình thù nằm sõng soài trên sàn toa. - Ở toa bên kia... ông ấy đã bị trúng đạn... Tôi đã nghe thấy... Dáng vẻ ngơ ngác hoảng hốt, bà ta thả mình trượt xuống đám sỏi lớn rải đường rầy rồi vừa chạy đi vừa gọi: - François!... François!... Tất cả chúng tôi ai cũng có vẻ lôi thôi, nhơm nhếch nên chúng tôi chẳng còn muốn ngó nhau, về phần mình, tôi thấy như thể mọi thứ diễn ra trong một khúc phim chiếu chậm, có lẽ đó chỉ là một ảo giác. Tôi cũng còn nhớ các vùng im lặng bao quanh những tiếng ồn bị cô lập, khiên cho tiếng ồn đó càng nổi rõ thêm. Một gã đàn ông, một gã nữa, rồi gã thứ ba xuống khỏi toa và phản ứng đầu tiên của họ là đứng đái ngay gần toa chứ không chịu đi ra xa hơn, một trong ba gã còn không chịu quay lưng đi, cứ hướng mặt về phía chúng tôi mà đái. Xa hơn một chút, nổi lên tiếng kêu than rền rĩ không dứt, nghe như tiếng gầm gừ rên rỉ của loài thú. Về phần Julie, cô ta đứng dậy, cái nịt ngực thòi ra khỏi chiếc váy nhàu nát, và, với dáng vẻ người đàn bà say rượu, cô ta thốt ra mấy tiếng: - Ê này, chàng heo! Cô ta nhắc lại câu đó hai ba lần; có thể cô ta còn nhắc lại thêm nữa khi đến lượt tôi xuống khỏi toa và đỡ thiếu phụ mang y phục đen trượt xuống. Tại sao giờ phút đó tôi lại hỏi nàng: - Quý danh cô là gì? Hẳn nàng đã không thấy câu hỏi của tôi có vẻ gì là ngớ ngẩn hoặc không đúng chỗ cả, bởi nàng đã trả lời: - Anna. Nàng không hỏi tên tôi. Dầu vậy tôi vẫn cứ nói: - Tôi là Marcel. Marcel Féron. Tôi cũng rất muốn tiểu tiện như mọi người khác. Nhưng tôi không dám vì có nàng ở đó, và sự nín nhịn khiến tôi thấy khó chịu. Phía dưới đường sắt có một bãi hoang với lớp cỏ mọc rất cao có chăng dây thép gai, cách khoảng một trăm thước có một nông trại quét vôi trắng, trông vắng ngắt không có ai. Xung quanh một đống phân, lũ gà đua nhau kêu cục tác ầm ĩ, như thể chúng cũng sợ hãi. Những người trên các toa khác cũng đã xuống cả, họ cũng ngơ ngác, lúng túng như chúng tôi vậy. Trước một toa, người ta xúm lại với vẻ nghiêm trọng hơn. Những bộ mặt coi có vẻ thất thần. Một người nào đó chạy tới loan báo với chúng tôi: - Đằng đó có một bà bị thương. Chẳng biết trong toa các ông có bác sĩ nào không? Không hiểu sao lúc đó tôi thấy câu hỏi của y có vẻ kỳ cục? Các bác sĩ mà lại đi bằng toa chở súc vật à? Làm sao trong đám chúng tôi lại có thể có một y sĩ được chứ? Ở tận phía đầu đoàn tàu, bác lái tàu, với khuôn mặt và hai bàn tay đen sì, đang vung vẩy hai cánh tay rất tợn và một lát sau chúng tôi được biết người thợ máy đã chết vì trúng đạn vào giữa mặt. - Chúng quay lại! Chúng quay lại! Tiếng la đó nghẹn hẳn đi. Tất cả mọi người đều bắt chước những người đầu tiên nằm rạp xuống bãi cỏ bên bờ đường sắt. Tôi đã làm giống như mọi người; Anna cũng thế, giờ đây, nàng lẽo đẽo theo tôi như một con chó vô chủ. Trên trời cao, những chiếc phi cơ lại bay theo một vòng tròn mới hơi xế về phía Tây, và lần này, chúng tôi không bỏ sót một cử động nào của chúng. Chúng tôi nhìn thấy một chiếc nhào xuống theo đường xoáy ốc, nó ngóc đầu lên đúng vào lúc trông như thể sắp đâm sầm xuống bay là là mặt đất, vươn lên, đảo cánh, rồi vừa bay trở lại theo đường cũ vừa khạc xuống những tràng liên thanh. Nó ở cách chúng tôi chừng hai, ba cây số. Chúng tôi không nhìn thấy mục tiêu của nó, bị khuất sau cánh rừng thông, có thể đó là một ngôi làng hoặc một con đường. Và giờ đây, chiếc phi cơ đã bay lên nhập bọn lại với những chiếc đang chờ nó trên cao, rồi cả đoàn bay về hướng Bắc. Cũng như những người khác, tôi tới coi thi hài bác thợ máy, một phần thân thể bác ta còn vắt trên sàn tàu, gần ngay bên lò than hãy còn mở, đầu và đôi vai bác ta buông thõng trong khoảng không. Mặt bác ta trông không còn ra hình thù gì nữa mà chỉ còn là khối màu đen lẫn với màu đỏ, ở đấy máu vẫn ứa thành những giọt lớn rót xuống loang trên đám đá xám đường tàu. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một kẻ chết vì chiến tranh. Ngoài cha tôi, cái thi thể đã được rửa ráy sạch sẽ khi tôi về đến nhà, đây cũng là xác chết đầu tiên mà tôi thấy. Tôi buồn nôn và cố gắng không để người khác thấy điều đó, bởi vì Anna đang ở gần bên tôi và lúc ấy nàng nắm lấy cánh tay tôi một cách cũng tự nhiên như một thiếu nữ đang đi dạo trên đường với tình nhân. Tôi tin rằng nàng ít xúc động hơn tôi. Và dầu vậy, nỗi xúc động của tôi có lẽ cũng không đến nỗi mạnh như tôi tưởng. Khi xưa tại liệu dưỡng viện cũng thường có người chết, nhưng người ta tránh để cho chúng tôi nhìn thấy. Các nữ y tá thường tới đúng lúc để mang một người bệnh đi, đôi khi ngay giữa ban đêm. Chúng tôi hiểu bị mang đi như vậy nghĩa là sao. Ở viện, có một phòng riêng biệt để chết, và một phòng khác, dưới hầm, được dùng làm nơi quàn xác cho đến lúc thân nhân của họ tới xin lấy đi hoặc cho tới lúc họ được mang ra chôn tại một nghĩa trang nhỏ trong vùng. Nhưng những cái chết đó rất khác. Không có ánh nắng, không có cỏ, hoa, lũ gà mái cục tác, lũ ruồi nhặng bay quanh đầu chúng tôi. - Không thể cứ để ông ta nằm ở đây được. Đám đàn ông ngó nhau. Hai người trong bọn họ, đã đứng tuổi, phụ bác lái tàu khiêng xác đi. Tôi không hiểu họ để cái xác vào chỗ nào. Khi đi về phía sau, dọc theo con tàu, tôi thấy nhiều vách toa bị thủng lỗ chỗ, những vết trầy kéo dài làm trơ hẳn lớp gỗ bên trong rõ ràng như vết cây bị chặt. Một người đàn bà bị thương, một bên vai gần như đứt lìa hằn ra. Người ta nghe thấy tiếng bà ta rên rỉ như một kẻ sắp đẻ. Chỉ có những bà khác, nhất là những bà cao tuổi, xúm xít quanh nạn nhân, còn bọn đàn ông vì thấy rối trí nên đã lẳng lặng lảng xa. - Coi gớm quá. - Làm gì bây giờ đây? Không lẽ cứ ở lì tại chỗ này cho tới lúc chúng quay trở lại bắn giết chúng ta nữa sao? Tôi trông thấy một ông già ngồi bệt dưới đất, áp cái khăn tay nhuốm máu lên mặt. Một viên đạn đã trúng vào cái chai ông đang cầm khiến nó vỡ tan tành, các mảnh thủy tinh bay lên cứa vào hai má ông. Ông không kêu than. Người ta chỉ thấy đôi mắt ông toát ra một thứ cảm giác hãi hùng. - Đã kiếm được một người săn sóc cho bà ta. - Ai vậy? - Một cô mụ, trên tàu này. Tôi đã nhìn thấy cô mụ ấy, một bà già coi bộ thô kệch, thân hình rắn rỏi, búi tóc nằm tận trên đỉnh đầu. Bà không ở cùng toa chúng tôi. Không ai bảo ai, người của mỗi toa tụ tập lại với nhau thành từng nhóm và, đằng trước nhóm chúng tôi, gã đàn ông ngậm ống vố vẫn tiếp tục lên tiếng chỉ trích chống đối nọ kia, nhưng không tỏ ra mấy tin tưởng. Hắn ta là một trong số rất ít người không tới coi thi hài bác thợ máy. - Cứt chó, còn chờ gì nữa đây? Vậy ra không có tên chó chết nào có đủ khả năng làm cho cái đầu máy khốn kiếp này chạy được hay sao? Tôi vẫn còn nhớ có một người từ phía dưới đi ngược đám đá đường tàu, tay hắn xách cẳng một con gà giò đã chết và hắn ngồi xuống vặt lông gà. Tôi không tìm hiểu vụ đó. Bởi hoàn cảnh vốn không còn có vẻ gì giống với cuộc sống thông thường, nên mọi chuyện đều trở nên tự nhiên. - Lái tàu đang kiếm một hành khách to con để phụ trách việc đun nồi súp-de, để bác ta có thể cố gắng thay thế cho bác thợ máy. Bác ta tin rằng mình sẽ làm được. Trong hoàn cảnh bất thường này, cần phải làm phiên phiến đi vậy. Trái với mọi mong chờ, gã lái ngựa đã tình nguyện nhận công việc ấy, mà chẳng hề tỏ vẻ lớn lối. Hình như gã khoái việc này, cũng giống như các khán giả lên sân khấu để đáp ứng lời kêu gọi của một nhà ảo thuật. Gã cởi áo vét-tông, tháo cà vạt, tháo chiếc đồng hồ đeo tay của gã đưa cho Julie giữ hộ trước khi đi lên phía đầu máy. Con gà đã bị vặt lông một nửa được treo tòn ten ở một gióng sắt trên trần toa. Ba người trong số những kẻ thuộc toa chúng tôi, mồ hôi nhễ nhại, hơi thở hổn hển, trở lại toa với mấy bó rơm. - Dang xa ra chút cho rộng chỗ nào, mấy bồ! Một thanh niên khoảng mười lăm tuổi đã lấy từ ngôi trại bỏ trống về toa một cái xoong nhôm và một cái chảo rán. Há chẳng phải cũng đang có những kẻ khác vô nhà tôi lấy đồ như vậy hay sao? Lúc này đây, tôi nhớ lại mấy câu đối đáp kỳ cục của họ, những câu khiến chúng tôi đã phải miễn cưỡng cười. - Miễn là hắn ta đừng cho xe lửa lao xuống bờ đường là được rồi. - Thế không có đường sắt hay sao, đồ ngốc! - Thiếu gì những xe lửa trật khỏi đường rầy, ngay cả trong thời bình, phải thế không? Vậy thì, tôi với chú ai mới ngốc? Một nhóm người vẫn còn tụ tập xôn xao lúc lâu quanh đầu tàu, và chúng tôi đều sửng sốt khi nghe thấy đầu tàu đó cuối cùng đã kéo còi như một con tàu bình thường. Tàu lại chuyển bánh chậm chạp, gần như chỉ bằng một kẻ lội bộ, nhưng không vấp váp gì nữa, trước khi dần dần gia tăng tốc độ. Mười phút sau, tàu chạy qua trước một con đường vắt ngang đường sắt, trên đó chen chúc những xe bò có mui và súc vật, với rải rác chỗ này chỗ kia những chiếc xe hơi đang cố mở lối đi. Dăm ba người dân quê giơ tay lên chào chúng tôi, với vẻ nghiêm trọng hơn, u tối hơn chúng tôi, và tôi thấy hình như họ đang nhìn chúng tôi đầy ganh tị. Sau đó, chúng tôi thấy một con đường cái chạy song song với đường sắt một quãng, trên đó có nhiều xe tải nhà binh đang ngược xuôi trầy đi, cùng những chiếc mô tô vừa lượn lách vừa nổ máy phành phạch. Tôi đoán chừng, nhưng sau đó lại không lấy làm chắc lắm, rằng đây là đường tỉnh lộ nối Aumagne và Rethel. Dầu vậy, căn cứ vào các biển đường và nhà cửa san sát nhau, những loại nhà thường thấy quanh các thành phố, chúng tôi biết là tàu đang tới gần Rethel. - Cô từ Bỉ tới? Ngoài câu hỏi đó ra, tôi không còn kiếm được lời gì khác để nói với Anna khi ấy đang ngồi trên chiếc rương bên cạnh tôi. - Từ Namur. Họ đã quyết định thả chúng tôi, ngay giữa đêm. Nhưng nếu muốn lấy lại quần áo, vật dụng thì phải chờ đến sáng vì không ai có chìa khóa căn phòng nơi họ để những thứ đó. Tôi thà không lấy gì cả, và chạy thẳng tới ga nhảy lên chuyến tàu đầu tiên. Tôi ngồi im không cục cựa. Có lẽ tôi đã vô tình tỏ vẻ sửng sốt, bởi nàng nói thêm: - Lúc đó, tôi đang ở nhà tù nữ. Tôi không hỏi nàng tại sao. Đối với tôi chuyện đó gần như bình thường. Dầu sao đi nữa, chuyện đó cũng không dị thường hơn cái cảnh tôi thì ngồi trong toa chở súc vật này, còn vợ và con gái tôi lại ở trên con tàu khác, chỉ có trời biết là nơi đâu, rồi một người thợ máy bị chết trong đầu máy, một ông già bị thương vì đạn súng liên thanh bắn vỡ tan tành cái chai ông ta đang cầm trên tay. Từ giờ trở đi, chuyện gì chăng nữa cũng chỉ là thường. - Còn ông ở Fumay à? - Phải. - Cô bé hồi nãy là con gái ông? - Phải. Vợ tôi đang có bầu được bảy tháng rưỡi. - Ông sắp gặp lại bả ở Rethel. - Có thể. Những đàn ông khác, từng là quân nhân và có vẻ dễ tính hơn tôi, đang rải rơm xuống sàn tàu để trù liệu chỗ nằm cho đêm sắp tới. Hình thành một thứ giường cộng đồng lớn. Vài người đã ngả lưng xuống đó rồi. Mấy tay chơi bài đang chuyền tay nhau một chai rượu mạnh, nó chỉ quanh quẩn giữa mấy người bọn họ thôi chứ không lọt ra ngoài. Tàu chạy vào thành phố Rethel, và ở đây, bỗng nhiên, lần đầu tiên, chúng tôi nhận thức được rằng chúng tôi không còn là những người giống như những kẻ khác, mà là dân tị nạn. Tôi nói “chúng tôi” mặc dầu tôi chưa nhận được tâm tư thầm kín của các bạn đồng hành. Tuy thế, tôi cũng tin rằng chỉ mới sau một thời gian ngắn như vậy, chúng tôi đã cùng đi tới chỗ phản ứng theo cách thức ít nhiều giống nhau. Chẳng hạn, người ta đọc thấy cùng một vẻ mệt mỏi trên những bộ mặt, một thứ mệt mỏi rất khác biệt với sự mệt mỏi mà ta thường cảm thấy sau một đêm làm việc hoặc mất ngủ. Có thể chúng tôi đã không đi tới chỗ lãnh đạm, nhưng mỗi người đều tự khước từ suy nghĩ. Vả lại, nghĩ gì mới được chứ? Chúng tôi chẳng biết gì hết. Những chuyện xảy ra không nằm trong tầm hiểu biết của chúng tôi, vì thế suy tưởng hoặc bàn cãi chỉ là điều vô ích. Chẳng hạn, suốt dọc đường, dài không biết bao nhiêu cây số rồi, tôi cứ mất công thắc mắc về các nhà ga. Như tôi từng kể, các ga nhỏ, các trạm xép đều vắng tanh, không có lấy một nhân viên xuất hiện mỗi khi con tàu tới với hồi còi và lá cờ hiệu màu đỏ của nó. Ngược lại, những ga lớn thì lại đầy nhóc người, và người ta phải thi hành các biện pháp giữ trật tự trên bờ ke. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra một câu trả lời có vẻ hợp lý: bởi vì các chuyến tàu chợ đã bị hủy bỏ. Tình trạng đường sá cũng vậy, một số đường vắng ngắt, có thể đã bị cấm lưu thông vì lý do quân sự. Có một người ở Fumay, mà tôi không biết rõ là ai, ngay sáng hôm ấy, lúc tôi đang ngồi cạnh Anna, cả quyết với tôi rằng đã có một kế hoạch di tản thành phố, và y đã nhìn thấy tờ cáo bạch niêm yết tại tòa thị chính. - Những chuyến xe lửa đặc biệt đã được tiên liệu để chở dân tị nạn tới các làng tiếp cư, tại đó mọi thứ đã được xếp đặt đâu vào đấy để đón nhận họ. Có thể lắm. Tôi đã không nhìn thấy tờ yết thị. Rất ít khi tôi đặt chân tới tòa thị chính, và khi tôi cùng vợ con đến ga, chúng tôi đã nhảy lên chuyến xe lửa đầu tiên. Điều khiến tôi nghĩ rằng ông bạn ở bên tôi có lý, rằng tại Rethel có các nữ y tá, hướng đạo sinh và cả một tổ chức tiếp đón chờ đợi chúng tôi. Nhiều băng ca được bày sẵn, như thể người ta đã biết chuyện sẽ xảy ra với chúng tôi, nhưng ít lâu sau đó, tôi được biết tàu chúng tôi không phải con tàu đầu tiên bị oanh tạc giữa đường. - Thế còn vợ bọn tôi? Con cái bọn tôi? gã ngậm ống vố la lên như vậy trước cả khi tàu đỗ hẳn. - Các ông các bà ở đâu tới vậy? một bà mặc y phục trắng, đã cao tuổi, chắc hẳn thuộc hạng sang trọng, hỏi chúng tôi như thế. - Fumay. Tôi đếm thấy ít nhất cũng có tới bốn đoàn xe lửa nằm trong ga. Dân chúng đứng đầy kín các phòng đợi và sau rào chắn, bởi vì người ta đã dựng các thanh chắn giống như vào những cuộc đón rước chính thức. Trong đó có rất nhiều binh lính và sĩ quan. - Những người bị thương đâu? - Mẹ kiếp, thế còn vợ tôi đâu? - Có thể bà nhà ở trên con tàu đang trên đường tới Reims. - Bao giờ? Người đàn bà đối thoại với gã càng dịu giọng bao nhiêu thì gã lại càng tỏ ra gây gổ, cáu kỉnh bấy nhiêu, bởi vì gã bắt đầu tự cảm thấy có quyền. - Cách đây chừng một tiếng. - Nó không thể chờ chúng tôi được sao? Lệ dâng lên nơi mắt gã, dầu sao thì gã cũng lo sợ và cũng có thể gã cần cảm thấy mình đang buồn khổ. Nhưng chỉ lát sau, điều đó cũng không ngăn cản gã nhào tới lấy xăng-uých đựng trong những cái rổ lớn mà các thiếu nữ mang tới từng toa. - Mỗi người được phép lấy mấy cái đây? - Xin cứ việc ăn cho đủ no. Nhưng khỏi cần lấy để dành làm gì, vô ích. Tới ga sau sẽ có thức ăn mới. Người ta đưa cho chúng tôi những tách cà phê nóng. Một nữ y tá đi qua cất tiếng hỏi: - Có người bị thương không? Có ai đau không? Những bình sữa đã được pha sẵn và một xe cứu thương nằm chờ ở đầu sân ga. Trên đường sắt kế cận, một chuyến tàu chở dân Flamand có vẻ như sắp sửa chuyển bánh. Bọn người trên tàu đó đã ăn uống rồi, và với vẻ tò mò, họ nhìn chúng tôi ngấu nghiến những chiếc xăng-uých. Gia đình Van Straeten vốn là dân gốc Flamand, họ tới định cư tại Fumay đã ba đời, nên không còn nói ngôn ngữ gốc của họ nữa. Dầu vậy tại hầm đá đen người ta vẫn còn gọi ba vợ tôi là “ông người Flamand”. - Xin chú ý! Hãy lên tàu... Cho tới lúc này, người ta đã giữ chúng tôi rất nhiều giờ tại các ga hoặc tại những khu dồn tàu. Nhưng bây giờ, người ta lại tống chúng tôi đi sớm chừng nào hay chừng ấy, như thể họ vội vã xua chúng tôi đi cho rảnh nợ. Bởi trên sân ga có quá đông người nên tôi đã không thể đọc được những đầu đề lớn trên các báo hằng ngày bày ở sạp báo. Tôi chỉ biết là có một cái tít rất lớn trong đó có tiếng “những toán quân”. Tàu chúng tôi đã chuyển bánh và một thiếu nữ đeo băng tay vẫn chạy theo để phân phát những thỏi sô cô la cuối cùng. Cô ném cả một nắm kẹo đó đến chỗ chúng tôi. Tôi nhặt được một cái cho Anna. Sau đấy chúng tôi sẽ còn thấy nhiều trung tâm tiếp đón giống thế tại Reims và những nơi khác. Gã lái ngựa đã trở về chỗ của hẳn giữa đám chúng tôi sau khi được quyền tắm rửa trong toa-lét của nhà ga và coi bộ hắn có vẻ ta đây lắm. Tôi nghe thấy Julie gọi hắn là Jef. Hắn cầm trên tay một chai rượu Cointreau mua được ở quầy giải khát cùng hai trái cam tỏa mùi thơm khắp toa. Vào lúc chiều tối, trên quãng đường giữa Rethel và Reims, vì tàu chạy không mau nên một bà nhà quê vừa đứng dậy vừa lẩm bẩm: - Thây kệ! Dầu sao đây cũng không thể để cho mình bị đau được... Tới gần chỗ khung cửa mở, bà ta đặt một cái hộp các tông xuống sàn rồi ngồi xổm trên đó, vừa thỏa mãn nhu cầu vừa lẩm bẩm giữa hai hàm răng. Đó cũng là một dấu hiệu khơi mào. Những quy ước lịch sự thông thường phải nhượng bộ, ít nhất là các quy ước vẫn còn được tuân thủ vào ngày hôm trước. Bữa nay, chẳng có ai tỏ ý phản đối khi nhìn thấy gã lái ngựa nằm gối đầu lên cái bụng căng phồng của Julie mà ngủ. - Ông có thuốc lá không? Anna hỏi tôi. - Tôi không hút thuốc. Tại liệu dưỡng viện trước kia, người ta đã cấm tôi hút thuốc, và kể từ đó tôi cũng không thấy thèm. Một ông ngồi bên tôi đưa cho nàng một điếu. Tôi cũng không có hộp quẹt trong túi, và vì mớ rơm, tôi lo ngại khi thấy nàng hút thuốc, trong lúc những kẻ khác vẫn hút từ hôm trước tới giờ. Có lẽ đây là một kiểu ghen tuông riêng của tôi, một nỗi khó chịu mà tôi không tìm cách giải thích. Tàu đậu lại thật lâu trong một khu ngoại ô thành phố Reims, chúng tôi ngồi nhìn mặt hậu những ngôi nhà, và tại ga, người ta loan báo rằng có thể độ nửa tiếng đồng hồ nữa tàu sẽ tiếp tục chạy. Hành khách đổ xô tới quầy bán đồ ăn uống, tới khu vệ sinh, tới phòng thông tin, tại đó không có ai từng nghe nói đến đàn bà, trẻ con và người đau yếu trên một chuyến xe lửa từ Fumay. Những con tàu đi qua ga này hoài hoài, từ mọi ngả, tàu thì chở binh lính, tàu thì chở súng đạn, tàu thì chở dân tị nạn, và cho tới ngày nay tôi vẫn còn tự hỏi làm thế nào mà lúc đó đã không xảy ra nhiều tai nạn hơn. - Có thể vợ ông đã nhắn lại chăng? Anna gợi ý. - Ở đâu? - Tại sao ông không hỏi mấy bà kia? Nàng trỏ vào mấy nữ y tá và thiếu nữ phụ trách công việc tiếp đón. - Ông nói tên gì nhỉ? Bà lớn tuổi nhất rút từ trong túi ra một cuốn sổ tay trong đó có loạt tên được viết bằng nhiều tuồng chữ khác nhau, thường là vụng về. - Féron hả? Không có. Bả người Bỉ à? - Nhà tôi từ Fumay tới, có dẫn theo một bé gái bốn tuổi và bé đó ôm con búp bê mặc áo màu xanh. Tôi tin chắc Sophie không rời con búp bê của nó. - Bả hiện đang có mang bảy tháng rưỡi, tôi gắng gượng nói tiếp. - Vậy ông thử vào y xá coi xem sao, có thể bả đã vào trong đó trong trường hợp bả không được khỏe. Y xá sực mùi thuốc sát trùng, nó vốn là một văn phòng được biến cải thành. Không có! Ở đây người ta có thâu nhận một số đàn bà mang bầu. Một trong những bà đó đã được di chuyển cấp tốc tới nhà bảo sanh để đẻ, nhưng tên bà ta không phải Féron và bà ta còn có mẹ đi theo. - Ông lo lắm à? - Không nhiều lắm. Trước đó tôi đã biết chắc rằng Jeanne sẽ không để giấy lại cho tôi. Tính nàng không ưa làm như thế. Chắc chắn trong óc nàng đã không nảy ra cái ý tưởng gây phiền nhiễu cho một trong những bà lịch sự này, ghi tên mình vào một cuốn sổ tay và khiến cho người ta lưu ý tới mình. - Tại sao ông cứ hay đặt tay chỗ túi bên trái của ông vậy? - Vì cặp kiếng phòng hờ của tôi. Tôi sợ nó bị mất hoặc bị bể. Người ta lại phân phát cho chúng tôi những chiếc bánh xăng uých, mỗi người một trái cam, chiêu với cà phê cùng đường, thoải mái. Một số người đã lấy nhiều miếng đường bỏ vào túi. Nhận thấy trong một góc có một đống gối, tôi bèn hỏi liệu có thể thuê được hai cái không và người ta trả lời tôi rằng họ không biết, rằng người phụ trách việc giữ đống gối hiện vắng mặt, có lẽ phải một tiếng nữa bà ta mới trở lại. Thế là, hơi lúng túng vụng về, tôi cầm lấy hai cái gối và sau khi tôi leo trở lại toa, các bạn đồng hành của tôi vội vã đổ xô nhau đi lấy những chiếc gối kia. Ngày nay, mỗi khi nghĩ tới vụ đó, tôi vẫn ngạc nhiên về chuyện suốt cả một ngày dài Anna và tôi gần như không nói năng gì với nhau. Như thể do có thỏa thuận chung, chúng tôi không rời nhau. Ngay cả khi ở Reims chúng tôi tạm chia cách để mỗi người vào phòng vệ sinh dành riêng cho phái của mình, thì lúc trở ra tôi đã thấy nàng đứng chờ tôi trước cửa phòng dành cho đàn ông. - Tôi đã mua một cục xà bông, nàng hân hoan như trẻ thơ thông báo với tôi. Người nàng thơm mùi xà bông và mái tóc nàng, mái tóc mà nàng đã nhúng ướt để chải lại, vẫn còn ẩm. Tôi có thể tính ra được số lần tôi đi xe lửa trong đời trước khi có cuộc hành trình này. Lần đầu tiên, chuyến đi tới Saint-Gervais, vào năm tôi mười bốn tuổi, trong chuyến đó, người ta đã trao cho tôi một tấm thẻ có ghi tên tôi, nơi tôi đến, và mấy lời chú như sau: “Trong trường hợp xảy ra tai nạn hoặc gặp khó khăn, xin liên lạc với bà Jacques Delmotte ở Fumay, Ardennes.” Bốn năm sau, khi đáp xe lửa để trở về nhà, năm mười tám tuổi, tôi đã không cần tấm thẻ như vậy nữa. Về sau, tôi chẳng bao giờ đi đâu xa, mà chỉ định kỳ tới Mézières để y sĩ chuyên khoa tái khám và để được chiếu điện. Người ta quen nói bà Delmotte là ân nhân của tôi, và cuối cùng tôi cũng chấp nhận cái tiếng “ân nhân” đó. Ngày nay, tôi không còn nhớ hoàn cảnh nào đã khiến bà trở thành người lo toan, săn sóc cho tôi. Chuyện đó xảy ra sau cuộc chiến 1914 ít lâu, lúc tôi chưa đầy mười một tuổi. Chắc hẳn lúc ấy người ta đã kể cho bà nghe về việc má tôi bỏ đi ra sao, cha tôi có thái độ sống như thế nào, và tình cảnh đứa trẻ gần như bị bỏ rơi của tôi. Vào thời kỳ đó, tôi hay lui tới trụ sở hội từ thiện, và một bữa Chủ nhật, vị linh mục trợ tế của xứ chúng tôi, cha Dubois, báo cho tôi hay có một bà đã ngỏ ý mời tôi đến dùng bữa quà chiều tại nhà bà vào thứ Năm tới. Cũng như cả thành phố Fumay, tôi vốn biết cái tên Delmotte, bởi gia đình đó là chủ nhân những hầm đá đen quan trọng và do đấy, mỗi người trong thành phố đều lệ thuộc vào họ một cách trực tiếp, không nhiều thì ít. Trong tâm trí tôi, những vị Delmotte đó là những Delmotte chủ nhân. Còn bà Jacques Delmotte, năm ấy khoảng ngũ tuần, là Delmotte hay làm việc từ thiện. Các Delmotte là anh chị em ruột, anh chị em dâu, hoặc anh chị em bà con, tài sản của họ có nguồn chung, nhưng trong bọn họ chia ra hai tộc loại dị biệt. Phải chăng, đúng như phỏng đoán của một số người, bà Delmotte thấy xấu hổ trước thói nhẫn tâm và vô tình của gia tộc bà? Góa chồng sớm, bà nuôi dạy con trai bà trở thành bác sĩ nhưng người con trai đó đã chết ngoài mặt trận. Từ đó, bà sống trong một ngôi nhà lớn bằng đá với hai nữ tỳ và buổi chiều bà thường ngồi ở hành lang lớn trong nhà. Từ ngoài đường nhìn vào, người ta hay thấy bà, trong chiếc rốp đen có cổ cồn chật bằng đăng ten trắng, ngồi đan áo cho những người già ở viện dưỡng lão. Thân hình nhỏ nhắn, da dẻ hồng hào, người bà tỏa ra mùi ngọt ngào. Chính trong hành lang đó, bà vừa cho tôi uống sô cô la và ăn bánh ngọt vừa hỏi han tôi về chuyện học hành, về bạn bè tôi, về nguyện vọng của tôi đối với tương lai, v.v... Tránh không đả động gì tới cha mẹ tôi, bà hỏi tôi có thích giúp lễ mixa không, và do chính câu hỏi đó của bà mà tôi đã trở thành lễ sinh trong vòng hai năm. Gần như thứ Năm nào bà cũng mời tôi tới nhà, đôi khi còn có một thằng bé hay một con bé khác nữa, cùng dự bữa quà chiều với chúng tôi. Bữa nào cũng thế, người ta chỉ dọn ra bánh ngọt khô nhà làm, gồm có hai thứ, một thứ màu vàng nhạt có vị chanh, thứ kia màu nâu có mùi gia vị và hạnh nhân. Ngày nay tôi vẫn còn nhớ cái mùi của hành lang, nhớ tới hơi nóng, vào mùa đông, cái hơi nóng không giống như ở những chỗ khác, tôi thấy nó có vẻ vi tế hơn và nhiều ấp ủ hơn. Khi phổi tôi khởi sự biến chứng, thứ chứng mà lúc đầu người ta cứ ngỡ là bệnh sưng phổi không có nước, bà Delmotte đã tới nhà tôi thăm tôi và đích thân đưa tôi, trên chiếc xe hơi do Désiré lái, đến một bác sĩ chuyên khoa ở Mézières. Ba tuần sau, nhờ có bà mà tôi được nhận vào một liệu dưỡng viện, nơi mà nếu không có bà can thiệp, hẳn tôi sẽ không có chỗ. Khi tôi cưới vợ, cũng chính bà đã tặng hai vợ chồng chiếc cúp bằng bạc, cái cúp hiện được đặt trên mặt tủ buýp phê trong bếp nhà tôi. Lẽ ra nên bày nó trong phòng ăn, nhưng nhà tôi không có phòng ăn. Ngày nay tôi nghĩ rằng bà Delmotte, một cách gián tiếp, đã giữ vai trò quan trọng trong đời tôi, và, một cách gián tiếp hơn, trong việc tôi rời bỏ Fumay. Về phần bà, bà khỏi cần phải lên đường bởi lẽ, từ lúc trở thành già lão, cứ vào mùa này hằng năm bà lại tới nghỉ tại căn nhà của bà ở Nice. Tại sao lúc đó tôi lại nghĩ tới bà? Trong cái toa chở súc vật mà bóng đêm lại một lần nữa ngự trị, tôi vừa nghĩ tới bà vừa phân vân tự hỏi chẳng biết mình có dám nắm lấy tay của Anna khi mà tôi cảm thấy vai nàng đang kề sát vai tôi. Bà Delmotte đã khiến tôi trở thành một đứa bé giúp lễ, còn Anna là kẻ vừa ra khỏi nhà giam. Tôi không bận tâm tìm biết tại sao nàng bị tù và nàng đã bị kết án như thế nào. Đột nhiên tôi nhớ rằng nàng không có hành lý gì cả, ngay đến chiếc xắc tay cũng không, rằng người ta đã không thể trả vật dụng lại cho các tù nhân khi mở cửa giải phóng họ. Vậy nên rất có thể nàng không có tiền trong túi. Và tuy thế, lúc nãy nàng cho tôi biết là nàng vừa mua một bánh xà bông thơm. Jef và Julie nằm bên nhau, hôn nhau say sưa và tôi thoáng ngửi thấy mùi nước miếng của họ. - Cô không muốn ngủ à? - Còn ông sao? - Chúng ta nằm xuống đây được chứ? - Có thể. Mỗi người đều bắt buộc phải đụng chạm vào những người xung quanh, chỗ nào cũng thấy có những cẳng chân và bàn chân. - Cô dễ chịu chứ? - Vâng. - Cô không lạnh à? - Không. Phía sau lưng tôi, cái gã đàn ông mà tôi cho là tay lái ngựa, dần dà leo lên trên người đàn bà nằm bên gã và ả đó, khi mở hai đầu gối ra, đã cọ vào lưng tôi. Chúng tôi ở quá sát nhau, sự lưu tâm của tôi thì lại quá mức nhạy bén, thành thử tôi biết chính xác thời điểm hắn đi vào người đàn bà. Cả Anna cũng vậy, tôi dám cam đoan điều đó. Mặt nàng chạm vào má tôi, tóc nàng xõa ra, đôi môi nàng hé mở nhưng nàng không hôn tôi và tôi cũng không thử hôn nàng. Ngoài hai chúng tôi ra, còn có những kẻ khác vẫn thức và hẳn là họ phải biết. Nhịp chuyển động của con tàu đang lay lắc tất cả chúng tôi; tiếng của những bánh xe nghiền xuống đường rầy, sau một quãng thời gian, đã trở thành một nhạc điệu. Có lẽ tôi sắp nói năng thô thiển, do vụng về, chính bởi tôi vẫn luôn là một người đàn ông bẽn lẽn, ngay cả trong tâm tư. Tôi chưa bao giờ nổi loạn chống đối lại lối sống của tôi. Tôi đã lựa chọn lối sống đó. Tôi đã kiên nhẫn thực hiện một lý tưởng mà, cho đến tận ngày hôm qua, tôi xin nhắc lại điều này với toàn bộ lòng chân thành, tôi vẫn thấy hài lòng. Bây giờ tôi nằm đây, trong bóng tối, với khúc ca của con tàu, với luồng ánh đèn xanh đỏ loang loáng lướt qua, những sợi dây điện tín, cùng các thân thể khác đang nằm dài trên đám rơm, và sát gần tôi, ngay trong tầm tay tôi, cái mà tu viện trưởng Dubois gọi là hành động của xác thịt, đang được tiến hành. Sát bên người tôi, một cơ thể phụ nữ áp lại gần, căng thẳng, rung động, một bàn tay luồn xuống để nhấc cái rốp đen lên, tụt quần lót xuống chân, hai bàn chân nàng gỡ cái quần ra trong một cử """