"Chuyện đời 6 - Tập Sách Về Những Chuyến Ngao Du PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chuyện đời 6 - Tập Sách Về Những Chuyến Ngao Du PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo TẬP SÁCH VỀ NHỮNG CHUYẾN NGAO DU Tác giả: KONSTANTIN PAUSTOVSKY Nguyên tác: Книга Скитаний - Повесть о жизни, книга №6 (1963) Dịch giả: Phan Bạch Châu Thể loại: Hồi ký NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - 2012 SỰ TĨNH LẶNG NGOÀI ÐỒNG Lúc đó, vào tháng tám năm 1923, tôi từ Kiev trở về Moskva. Tiền của tôi chỉ còn đủ để duy trì cuộc sống nửa đói nửa no trong một tháng. Cần phải đi tìm việc làm trong các tờ báo Moskva. Nhưng thay vì làm như thế, tôi, người mệt mỏi vì cái nóng của Zakavkaz cách đó chưa lâu, cứ mơ ước những cánh rừng nhỏ ẩm ướt và những dòng sông mát lạnh của miền Trung Nga, muốn được đi ngay, dù chỉ một thời gian ngắn, đến một vùng nông thôn heo hút nào đó. Ngoài ra, tôi muốn bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc đời, bằng một cuộc chia tay - và bây giờ thì vĩnh viễn – với vùng nông thôn xa xưa. Tôi đã nhìn thấy nó tận mắt, chứ không phải qua các truyện ngắn của Tchekhov và Bunin. Một cơ hội ngẫu nhiên đã giúp tôi có cuộc chia tay này. Tại Moskva tôi tá túc ở ngõ Granitny, nhà bà chủ nhà cũ trước đây của tôi, trong căn phòng của một người đàn ông thuê phòng đang đi công tác vắng. Sống trong căn hộ vẫn còn chị hàng xóm của tôi thời kỳ năm 1917 – một phụ nữ người Kur tên là Lipotchka. Chị không có cách gì để có thể lấy được bằng tốt nghiệp đại học y khoa. Cũng như năm năm về trước, Lipotchka có những người đồng hương từ làng Riazan đến chơi, họ mang lên mật ong và táo, và họ mang về mọi thứ mà Trời cho họ tìm được ở Moskva, - thậm chí cả xơ gai và những xấp báo cũ để cuộn thuốc lá. Bố của Lipotchka là một linh mục nông thôn ở Riazan. Chi tiết này Lipotchka cố tình giấu kỹ, nhưng tôi tình cờ biết được ngay từ năm 1917. Khi có mặt tôi Lipotchka gọi đùa bố là “cha cố nhỏ của em” Theo lời khuyên của Lipotchka, tôi đã đến sống ở nhà ông hai-ba tuần. Sông Oka chia cắt vùng Riazan thành hai phần riêng biệt: phía bắc – rừng và đầm lầy, còn phía nam – đồng ruộng và khe suối. Làng Ekimovka, nơi bố của Lipotchka sinh sống, nằm ở phần phía nam, giữa những cánh đồng rộng mênh mông. Tôi thấy buồn vì đi đến những nơi chẳng có rừng. Nhưng vừa mới ra khỏi toa xe trên ga xép Stenkino ở ngoại ô Riazan, tôi đã quên ngay nỗi thất vọng của mình. Không khí ấm áp có mùi hương lúa mạch thổi vào mặt tôi. Một khoảng không gian tĩnh lặng của cánh đồng không bị nhiễu bởi bất kỳ tiếng động nào, ngoài tiếng còi xa xa của đoàn tàu rời ga, đã ở ngay bên cạnh. Tôi đứng lại một chốc dưới những tán cây du trên ke ga và ngửi thấy mùi nhựa đường từ lâu đã bị lãng quên bay ra từ những bánh xe goòng. Cạnh một trong những cây du có buộc một chiếc xe ngựa. Con ngựa xám đang lim dim ngủ, lớp da khô giần giật. Bố của Lipotchka đã cho xe đến đón tôi. Người đánh xe là một cậu bé mười hai tuổi tên là Vlas – mặt rỗ hoa và khó đăm đăm, - suốt chặn đường cậu bé cứ ra sức quật roi lên hai bên hông lép kẹp của con ngựa. Đáp lại những câu hỏi của tôi cậu chỉ nói một câu: “Cháu biết đâu được”. Chúng tôi đi im lặng khá lâu. Cuối cùng thì, sau đó Vlas cố lấy hết tinh thần và nói: - Bác tôi, cha Petr, góa vợ. Hơi già và tai nghễnh ngãng. Còn còn ngựa này là của ông chủ tịch cho cha mượn. Từ văn phòng người nghèo. Không bao lâu sau trên biển lúa mạch lấp lánh xuất hiện một gác chuông màu trắng và mái vòm xanh của tu viện. Cây thập tự giá trên mái vòm nghiêng sang một bên như chực đổ xuống. Mấy con chim sẻ đang đậu trên đó, chen lấn nhau và mổ cắn nhau. Căn nhà của cha Petr nằm ở sau làng, cạnh tu viện. Quanh nhà mọc đầy dây cơm nguội và cây tử đinh hương rải rác, đến nổi chỉ còn nhìn thấy được một chái nhà. Cha Petr bước ra trong chiếc áo cha cố cũ bằng đũi tuýt xo. Người thấp, với các búi tóc bạc lơ thơ sau gáy, ông liếc nhìn vào mặt tôi bằng cặp mắt mọng nước và nói thầm thì: - Xin cám ơn anh đã hạ cố đến thăm lão già. Quê chúng tôi nghèo lắm. Nhưng, như người ta bảo,“thà cứ ăn vỏ trấu, nhưng không đi khỏi Ekimovka”. Anh nghỉ ngơi đi. Ở chỗ chúng tôi giàu không khí lắm. Và tôi đã tá túc trong căn nhà, nơi cụ già nghễnh ngãng lụi hụi suốt ngày. - Lão chẳng biết được, - cụ nói bằng cái giọng của kẻ có âm mưu gì đó, - tại sao họ, những nô tỳ của Thượng đế, chưa đụng đến lão? Hoặc là họ chiếu cố đến tuổi già của lão. Hoặc là do khoản thu nhập này thấp quá, không có lãi? Thu nhập tệ hại nhất ở khu giáo dân Riazan. Lão chỉ sống nhờ mảnh vườn và khoai tây. Mấy cây táo thì quá già cỗi. Quả bé tí tẹo, lại bị sâu. Và giá bán những quả táo này – hai xu một ký. Đấy, nhờ con bé Lipotchka nó giúp cho chứ không thì người ta đưa lão ra nghĩa địa từ lâu rồi. Trong nhà tối tăm, lạnh lẽo. Có lẽ cái sạch sẽ cổ xưa đã ngự trị ở đây từ lâu. Sàn nhà không quét sơn, không cọ rửa đã bạc phếch. Thoang thoảng mùi sáp nến. Phía sau các khám thờ có dắt mấy bó địa nhĩ thảo khô. Không thấy quyển sách nào ngoài quyển sách của Tchasolov và cuốn tiểu thuyết đáng đọc của Zasodimsky “Biên niên sử của làng Smurin”. Mực trong chiếc lọ con đã nổi mốc trắng. Cái thường trú chủ yếu trong ngôi nhà, cũng giống như trên các cánh đồng bên cạnh, là sự tĩnh lặng đến sững sờ. Thỉnh thoảng cái tĩnh lặng đó bị phá vở bởi tiếng vo ve đầy tự tin của con ong đất. Nó bay quanh khắp các căn phòng như một chủ nhà. Sau khi bực mình và quay ngoắt lại nó nhẹ nhàng bay qua ô cửa sổ mở toang, ra ngoài khoảng không oi ả màu xanh da trời của những cánh đồng lặng yên như chết. Con ong đất đã bay xa, và cái tĩnh mịch lại trở về. Cha Petr ho khe khẽ và hát bằng cái giọng tê-no run rẫy: “Những nỗi đau khổ cùng cực bao trùm quanh ta, những dòng chảy vô luân làm ta khiếp đảm”, nhưng ngay lúc đó cụ sực nhớ ra và im lặng, sợ làm phiền tôi. Và lại là sự tĩnh lặng. Chỉ có cơn gió thỉnh thoảng xào xạc ngoài vườn và hất tung mấy tấm rèm cửa sổ bằng vải hoa. Tôi nghỉ ngơi trong căn nhà buồn tẻ này. Những suy tư cứ lưu lại rất lâu về tất cả mọi việc xảy ra chung quanh. Tôi cảm nhận một niềm vui không bao giờ cạn vì được gần gũi với mảnh đất này, với nước Nga. Lúc đó tôi hoàn toàn cảm nhận được rằng nó chính là của tôi. Những số phận lớn lao và những cơn chấn động đang chờ đợi nó. Điều này mọi người đều thấy rõ, thậm chí cả vị cha cố Petr đang ngồi cách đây không xa. Tôi biết chắc rằng vẽ mỹ miều của những cánh đồng Nga, của những vùng heo hút của nước Nga, của những thiên thể trên nước Nga vẫn mãi mãi phi thường và thủy chung như nhất. Cạnh ngôi nhà trải dài một khu vườn mọc đủ loại cây và vì vậy đẹp một cách ngoạn mục. Những cây ngưu bàng lá to như tai voi mọc cạnh cây tầm ma cao bằng đầu người. Ban ngày vườn rụng đầy lá úa. Tháng tám trời nóng. Tôi thích thú với bóng râm nhỏ nhất từ các đám mây hoành tráng cuồn cuộn những khối trắng như tuyết trên vòm cao. Nhưng dù sao cái oi bức cũng dịu hơn, không dữ dằn và làm người ta kiệt sức như ở Zakavkaz. Tuy nhiên đến gần tối khu vườn trở nên lộng lẫy, râm mát, mê hoặc và ngào ngạt mùi hoa cỏ dại thật kỳ diệu biết bao! Những đợt sóng không khí tràn ngập khu vườn vào chập tối và còn lưu lại ở đó cho đến sáng thật trong lành biết bao! Ở cuối khu vườn ánh hoàng hôn chiếu mờ mờ. Tiếng tù và của người chăn gia súc ngân dài, tắt lịm bên kia con suối Pavlovka. Cha Petr thắp một ngọn đèn dầu trong căn phòng nhỏ, và ngày đã chuyển sang một đêm yên tĩnh. Có lẽ cái tốt nhất ở Ekimovka là những buổi tối – dường như chúng được cố tình tạo ra để thể hiện cái du dương thánh thót của những giọng nói phụ nữ và trẻ em, tiếng bê kêu be be và tiếng ngỗng gào quàng quạc. Tối nào cô gái hàng xóm cũng lùa con bê đực có cặp mắt ướt màu hạt dẻ đi ngang sân nhà cha Petr. Lusha cất tiếng chào khe khẽ và, lo sợ bị hỏi han, cô chạy qua thật nhanh. Nhưng dù sao mỗi lần như vậy tôi cũng nhận ra khuôn mặt bỗng chốc trở nên ửng hồng của cô. Tôi nhận ra cái nhìn tò mò, vội vàng, như tia chớp dưới hai hàng mi lấm bụi. Lúc Lusha đã chạy xa, cha Petr nói: - Con gái đỡ đầu của lão đấy. Nó lớn lên trong vùng đất hoang vu này, như Mariatsarevna. Có một hôm, có lẽ sau khi biết được về sự xuất hiện của tôi ở đây, linh mục cai quản giáo xứ đã đến nhà cha Petr. Ông ấy có mũi to, tóc màu da cam sáng, nói giọng kim khàn khàn, chiếc áo thụng của ông bị rách ở trước bụng và sau lưng. Ngay lúc đó linh mục thông báo rằng ông đã khoét một lỗ chui trong hàng rào ở khu vườn mình, để có thể bất ngờ chui qua từ đằng sau và tóm cổ mấy thằng bé “hái trộm táo”. Nhưng cái lỗ hơi hẹp, và do vội vàng chui qua đó, linh mục đã làm rách áo. Cha Petr sợ rúm ró cả người khi có mặt linh mục. Cha chỉ gật đầu, tán thành mọi việc mà linh mục nói. Còn linh mục thì giải thích rằng cần phải ứng xử một cách có chính trị để bảo vệ các mục sư khỏi mọi tai họa và tạo mối quan hệ tốt với chính quyền. Sau đó cha Petr đi đâu một lúc không xa lắm và mang về chai rượu đế đùng đục. Rượu có mùi dầu hỏa và củ cải thối. Nhưng linh mục vẫn uống hai cốc loại nước này với thức nhắm là khoai tây chiên, rồi ngay lúc đó ông say chuếnh choáng và bắt đầu xỉu. - Sau Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta và các giám mục nhà thờ, - linh mục vừa nói vừa ợ, - tôi kính trọng những người bôn se-vich nhất. Tôi thích những người đàn ông quyết đoán. Vì rằng chính tôi cũng nổi tiếng khắp địa phận giáo dân này nhờ sự quả cảm. Câu chuyện của tôi thật đơn giản. Đấy, một cha cố sành ăn đang hâm nóng một cái gì đó, tôi chộp vào gáy hắn và lắc thật mạnh đến nỗi óc hắn nhũn ra thành một mớ tạp pí lù. Lúc đó tôi lại lắc lần thứ hai – và óc hắn được sắp xếp lại như cũ! Tôi không sử dụng những biện pháp khác. Vì lòng trắc ẩn. Cha Petr ngồi co ro vì rét. Mấy lọn tóc của ông đung đưa sau gáy. - Đấy, giả dụ như cha linh mục Petr nghễnh ngãng này! Lấy cái gì của ông ấy được nào? Dưa chuột muối mà cái lọ lại được gắn kín ư? – Cha Petr cười khì khì. - Tôi trong sạch, - cha nói với vẻ khép nép. – Tôi vừa mới qua tuổi tám mươi rồi. - Tội lỗi là do ông cả, hiểu rồi, chẳng phải do sự già yếu của cơ thể và sự què quặt của tinh thần. - Ông đừng nói thế, - tôi nói với linh mục. – Cha Petr là một người tốt. Xúc phạm ông ấy làm gì. - Nhưng ông ấy không giận đâu, - linh mục quay về phía cha Petr. – Đấy, anh thấy chưa, ông ấy gật đầu. Sự hiền lành kiểu mục sư buộc ông ấy phải nhẫn nhục chịu đựng cả cái nghèo đói và cả sự già nua. Còn anh, anh bạn trẻ, bênh vực các mục sự không phải ở chỗ này, ở Ekimovka, mà ở ngoài đó, ở Moskva, trong các cơ quan đầu não ở điện Kremly, nơi các vị hoàng đế mới đang chăm lo cho quyền lợi của nhân dân. Mọi việc mà những người cộng sản làm đều tốt, mọi cái tôi đều ủng hộ, trừ việc cấm nuôi ngựa và tổ chức các phiên chợ mua bán ngựa. Tôi là kiện tướng đua ngựa đầu tiên của cả vùng từ Riazan đến Lipetsk. Không có một cuộc hội chợ nào không có tôi mà xong được đâu. Chỉ cần tôi đến hội chợ thì dường như con bò cái nó liếm sạch tất cả những tay lái buôn người Do-thái. Tôi bóp chặt cổ bọn chúng ấy chứ! Thế mà anh còn nói, - bọn bôn-sê-vich. Linh mục bỗng ngừng lời, cúi đầu xuống ngực và thở khò khè thật dễ sợ. Cứ thế trong mấy phút. - Thật xấu hổ! – cha Petr nói nhỏ với tôi. – Những người bôn se-vich sẽ quét sạch ông ấy mất! Ôi, họ quét sạch mất! - Họ sẽ không quét đâu! – linh mục bỗng nói một cách bất ngờ và hoàn toàn tỉnh táo, ông mở mắt và hắt hơi váng cả tai. Đừng có mừng vội, cha Petr ạ! – Ông hắt hơi lần thứ hai. – Dường như họ không quét anh ra khỏi Ekimovka đâu. Linh mục hắt hơi lần thứ ba, sau đó – lần thứ tư, và ngay lập tức vị thủ lĩnh bắt đầu run lập cập vì hắt hơi quá nhiều. Cuối cùng linh mục cũng hết hắt hơi, ông lôi trong túi ra một chiếc khăn rộng màu đỏ, lau mặt cẩn thận và nói dõng dạc: - Cứ say rượu là tôi bị hắt hơi. Lần say nào cũng vậy, cứ hắt hơi hai mốt cái là tôi tỉnh rượu. Sạch trơn như thủy tinh! Quá đặc biệt! Linh mục đứng dậy, chào ra về và lúc cuối ông nói với cha Petr: - Cứ ngồi đấy! Không ai động đến cậu đâu. Cả chính quyền Xô viết, cả nhà thờ. Chúa Kitô chân chính của chúng ta và Đức Mẹ vô cùng trong sạch của người đã nghe được tiếng kêu gào và tru tréo của cậu, cha Petr ạ. Linh mục đi khỏi, còn cha Petr cầm lấy những chiếc chìa khóa lớn của tu viện và đi làm lễ tạ ơn, có lẽ, vì việc đã thoát nợ với linh mục. Tôi theo sau ông để ngắm nhìn tu viện. Tu viện chia làm hai gian thờ – gian thờ mùa đông và gian thờ mùa hè. Gian thờ mùa đông ở tầng dưới. Khi thời tiết băng giá nhiều thì gian thờ bị đóng băng. Gian thờ mùa hè đặt ở phía trên, tại tầng hai. Gian thờ này sáng sủa, đang tràn ngập ánh nắng. Bức bích họa nhà thờ bằng màu nước ửng hồng trong các tia nắng. Cha Petr khoác áo lễ và bắt đầu làm lễ. Tai bị nghễnh ngãng không nghe được lời mình nói và vì vậy lúc thì ông hét to hết cỡ lời cầu nguyện, lúc thì nói lẩm bẩm vừa đủ nghe, tưởng chùng như đang thiu thiu ngủ. Tôi mở toang cánh cửa sổ đầy bụi, ngồi lên bậc cửa sổ - và trước mặt tôi là một bầu trời vừa được rửa sạch bằng thứ nước chói sáng. Những đám mây cụm lại dày đặc từ mọi phía. Chúng vừa trôi dưới vòm trời, vừa lấp loáng bóng rợp màu khói hương. Cha Petr làm lễ rất lâu. Trong thời gian đó các đám mây đã bắt đầu tích tụ lại thành những ngọn tháp, chân các ngọn tháp trở nên mờ tối. Sau đó ánh chớp trắng của ngọn lửa chiếu sáng đến tận chân tháp. Trên các cánh đồng những cơn gió giật thổi rào rào, làm cho cây lúa mạch đen oằn mình xuống đất. Nhưng chưa có tiếng sấm. Có lẽ tháng tám đã làm mất sức mạnh của cơn giông. Cơn giông đã không thể tràn qua các cánh đồng, mang theo những cột cát bụi, bùng lên những ánh chớp khủng khiếp, vất lên mặt đường những hạt mưa lớn. Tại lối vào nhà thờ bác nông dân da bọc xương Nikifor – bố của Lusha – đang đứng đợi cha Petr. - Chồng chưa cưới đang tự mình đến dạm hỏi Lusha, - bác nói, mắt không nhìn vào cha Petr. – Xin ngài làm phép cưới cho, thưa ngài. - Nhưng anh ta là người thế nào? – cha Petr hỏi. Cha đã mệt mỏi, và khi ông cởi chiếc áo thụng, hai tay ông run bần bật. - Thợ may từ Storozhilov. - Còn trẻ chứ? - Vâng... tuổi khoảng năm mươi, không hơn. - Người tốt chứ? - Có Trời mới biết được. Bình thường thôi. Người nhỏ con. Mà nét mặt thì khó nhìn. Rỗ hoa. Mà con bé Lukera có đổ nước kvas vào đấy mà uống đâu. Nói thật, anh ta góa vợ. Hai đứa trẻ bám trên cổ. - Nó đi lấy chồng vì yêu chứ? - Vâng, thưa cụ! – Nikifor thốt lên. Đối với tôi thì, chính cụ biết đấy, xót vì lo nó sẽ bị khổ. Chỉ có chút đắn đo, - anh ta đi làm có lương. Thợ may nhà nước. Bà lão nhà tôi nghiến răng bảo thẳng Lukera: lấy nó đi, lấy nó đi. Cụ biết bà lão nhà tôi như thế nào rồi. Mắt bà ấy nhìn thấy cái gì cũng thích. - Vâng, tôi biết rồi, - cha Petr uể oải đồng ý. – Đó là việc của ông, việc của bố mẹ. Chúng tôi rời lối vào nhà thờ. Cha Petr lê bước, tựa người trên chiếc gậy. Từ phía xa trong đám mây đen kịt lại bùng lên chớp sáng trắng. - Cụ nghĩ thế nào, - tôi hỏi cha Petr, - Lusha có yêu anh ta không? - Yêu gì mà yêu! – cha Petr trả lời thật lòng. – Nhưng dù sao đi nữa thì cũng đã đến lúc phải lấy chồng. Việc nhà quê ấy mà. Cha Petr ngừng lời một chốc rồi nói tiếp, rằng không bao lâu nữa người ta sẽ bắt đầu thu hoạch lúa mì. Từ Riazan, người ta kháo nhau, những máy gặt Xô-viết mới sẽ được đưa đến đây. Những thứ tuyệt vời mà Trời cho ta nhìn thấy trên cõi đời! Ở Ekimovka hầu như chỉ có phụ nữ làm việc. Đàn ông đi làm để kiếm tiền ở các thành phố lân cận – Mikhailov, Riazan, Pronsk, Kolomna, đến tận Moskva. Họ chỉ về Ekimovka vào lúc thời vụ khẩn trương. Có người mang được quà bánh về cho gia đình. Sau khi mấy ông chồng về nhà thì các bà diện những đôi giày mới, còn trẻ con thì từ sáng đến tối thì thổi những chiếc tu huýt và gõ mõ lách cách. Công việc đối với phụ nữ thật quá sức. Sau cách mạng phần đất được chia tăng lên, đất của địa chủ và nhà thờ chuyển giao cho nông dân, và việc quản lý toàn bộ những mảnh đất này là một việc khó khăn. Lúc đó máy móc hầu như không có. Lúa mì và cỏ hầu như được gặt, cắt bằng tay. Ủy ban dân nghèo quản lý toàn bộ sinh hoạt nông thôn. Người ta phục tùng ủy ban vô điều kiện. Nhưng dù vậy cũng có lúc cãi nhau với chủ tịch ủy ban, nguyên là lính nhập ngũ theo lời kêu gọi “khẩn cấp”. Đối với ông ấy không tồn tại bất cứ khó khăn nào, và bất cứ việc gì ông cũng giải quyết một cách chóng vánh, vừa làm vừa bảo: “Việc này chúng tôi làm trong chớp nhoáng! Khẩn cấp!” Việc chia tay của tôi với làng quê này bị kéo dài. Tôi vừa chậm trở về Moskva, vừa lo không có tin tức gì. Nhưng dù thế nào thì cuối cùng cũng phải đi về. Đi cùng với tôi đến Riazan có Lusha, - mẹ cô gửi cô về thành phố để mua vải voan may khăn cưới. Tôi cùng với Lusha đi bộ đến ga xép, băng qua các cánh đồng, suốt dọc đường không nói câu nào. Bên ngoài chiếc áo cộc tay Lusha khoác thêm chiếc áo vét nữ màu đen hơi chật, cô buộc những lọn tóc màu hạt dẻ sáng bằng chiếc khăn choàng trắng và cô bước đi, hầu như không ngước mắt lên vì e thẹn. Trên trời những đám mây buốt giá xanh biếc trôi lững lờ. Lusha vướng váy vào những mớ cỏ khô mùa thu. Chỉ có những cây rau diếp lá xoăn và cây thanh lương trà dại – màu vàng như nghệ, - là còn chưa héo úa và đang yên tâm chờ đợi thời tiết có mưa. Tôi cố ghi nhớ mọi thứ: từng bông cỏ óng ánh trên cánh đồng, từng cái liếc mắt vội vàng của Lusha – liếc mắt thăm dò và e thẹn. Tôi có cảm giác rằng cô muốn hỏi tôi điều gì đó, nhưng không dám hỏi. Và phải thừa nhận rằng, tôi thấy vui vì cô ấy không hỏi tôi điều gì. Cô ấy có thể hỏi điều gì đây? Cô ấy có nên đi lấy chồng không? Chắc tôi sẽ bắt đầu can ngăn và có lẽ sẽ nói nhiều chuyện mà cô không hiểu được. Còn nếu hiểu được thì cô ấy sẽ lo sợ. Trong cô gái bình dị với hai bàn tay nhỏ nhắn ram ráp này, trong nụ cười thoáng qua của cô, trong khuôn mặt nhìn nghiêng – ngoan ngoãn và dịu hiền – có một sự hứa hẹn về tình yêu chưa rõ ràng đối với một người đàn ông nào đó chưa quen biết, nhưng hoàn toàn không phải là anh đàn ông mà người ta gán cho cô, điều hứa hẹn đó mờ mịt đến mức đi bên cạnh cô ta có cảm giác vừa buồn vừa vui. Chẳng biết tại sao suốt dọc đường tôi cứ có ước muốn được chăm sóc cho Lusha, che cho cô khỏi ngọn gió mạnh thổi vào lưng. Chúng tôi càng đi xa, cô ấy càng hay nắn sửa lọn tóc xoăn sáng màu dưới chiếc khăn choàng. Trong toa xe chúng tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ. Những cánh đồng quen thuộc vô tình lướt qua bên cạnh. Các toa xe kêu lạch cạch khi qua các điểm nối ray. Một cậu bé đội mũ lưỡi trai mới thổi chiếc kèn ac-mô-ni-ca phát ra âm thanh the thé. Tôi bị dằm đâm vào bàn tay trên tấm ván ghế ngồi không được bào nhẵn. Lusha hốt hoảng. Cô cẩn thận khều chiếc dằm ra và lấy lưỡi liếm chỗ vết thương theo cách hoàn toàn trẻ con. Tại Riazan chúng tôi chia tay nhau ở ga hàng hóa. Mọi con đường đều ngập đầy vỏ hạt hướng dương. Những thợ đốt lò nhem nhuốc dầu mỡ đang vừa đi vừa càu nhàu. Trên các cây gia cạnh chỗ giao cắt đường sắt có mấy con quạ đang kêu quang quác. Tôi siết chặt bàn tay nhỏ nhắn khô ráp của cô, và Lusha đi xa, đầu không ngoảnh lại. Nhưng cũng như lúc đi trên các cánh đồng, cô ấy vừa đi vừa bực mình sửa lại chiếc khăn choàng trên mấy lọn tóc rối bù. Tôi muốn gọi cô, nhưng rồi tôi đã không gọi. Sau đó tôi ngồi rất lâu để đợi đoàn tàu đi Moskva và hút những điếu thuốc rẻ tiền khô không khốc. Nhiều năm sau đó tôi lại gặp Lusha một lần nữa, - nét mặt cô và cả con người cô, giống như một thân cây mảnh dẻ. Đó là một nơi cách xa Riazan một cách khủng khiếp, ở Bắc Italia, trong thung lũng Aosta đầy hoa, được bao bọc bởi những đỉnh núi Alpe tuyết phủ. Lusha đang đứng trên một bệ đá cao cạnh một ngã tư đường, cô hơi nghiêng người và liếc mắt nhìn những bông hoa với nụ cười trên môi, những bông hoa mà ai đó đã đặt cạnh chân cô. Một nhà điêu khắc khuyết danh đã chạm khắc tượng Đức Mẹ từ một thân cây, thoa chút sơn màu đỏ thắm trên hai má cô. Đức Mẹ cũng có đôi má ửng hồng như tôi thường nhìn thấy ở Lusha. Gió từ trên núi thổi vào mắt cô, thổi tà váy bay phần phật. Trên hai tay cô không bế đứa hài nhi. Cô vẫn còn trinh trắng. Và vẻ tuyệt sắc của sự trinh trắng này đã biến Đức Mẹ Italia thành một người bạn gái của cô thôn nữ Lusha ở làng Ekimovka vùng Riazan. CUỘC HỘI NGỘ CUỐI CÙNG Hồi ức trên đôi vai trĩu nặng Tôi sẽ khóc dưới trần gian và cả trên thiên đàng... Marina Tsvetaeva Tôi đi rất lâu từ Tiis đến Kiev. Đoàn tàu đến Kiev vào buổi tối. Đó là vào giữa mùa xuân khoáng đãng, hoa dẻ nở trắng xóa, trên các mái vòm tu viện Vladimir rực đỏ ánh hoàng hôn gay gắt, sông Kreshatik lộng lẫy chảy rì rào. Đối với tôi, căn phòng nơi mẹ tôi và chị Galia ở càng trở nên nghèo nàn và trống trải hơn. Đã hơn hai năm từ ngày tôi rời khỏi Kiev để đến Odessa, rồi sau đó đến Tiis. Trong khoảng thời gian này mẹ tôi và chị Galia đã già đi, nhưng trở nên điềm tĩnh hơn. Mỗi lần có điều kiện tôi đều gửi tiền về cho mẹ và lúc nào cũng băn khoăn về việc tiền ít quá và gửi về ngắt quãng. Nhưng mẹ không trách móc. Tôi tin rằng bản tính của mẹ đúng là rất kiên nhẫn chịu đựng. - Kostik này, - mẹ nói sau những giọt nước mắt đầu tiên và sau những câu hỏi rối tinh rối mù đầu tiên, - mẹ và Galia đã tìm ra được một phương pháp tuyệt vời để sống mà không tốn kém nhiều và không buồn phiền. - Phương pháp gì thế mẹ? - Con cứ nhìn căn phòng – và con sẽ hiểu. Tôi nhìn căn phòng. Bốn bức tường màu vàng, như trong bệnh viện, đồ đạc nghèo nàn – hai chiếc giường sắt ọp ẹp, một chiếc tủ cũ, một chiếc bàn ăn, ba chiếc ghế xộc xệch và một chiếc gương treo tường. Tất cả những đồ đạc này đều bị bao phủ một lớp gì đó màu xam xám, như là bụi. Nhưng không có hạt bụi nào. Màu xám của đồ đạc là do quá cũ kỹ và được lau chùi thường xuyên bằng dẻ lau. - Em biết không, - chị Galia nói và cười đau khổ, nhìn ra phía cửa sổ, nơi ánh nắng tràn vào. – Em biết không, thậm chí mẹ và chị đã tiến hành một lần sửa chữa nhỏ. Tôi còn chưa kịp hỏi riêng mẹ xem thị lực của chị Galia như thế nào rồi, nhưng nhìn chị tôi đã hiểu rằng chị đã bị mù hẵn. Mẹ đưa mắt nhìn chị Galia, vội vàng rút từ trong ống tay của chiếc áo len đan cũ ra một chiếc khăn tay nhỏ và chặm vào mắt. - Mẹ này, - chị Galia lo lắng hỏi. – Mẹ làm sao thế? Mẹ khóc à? - Khóc vì vui, - mẹ trả lời giọng đứt quãng. – Kostik đã về, và ba mẹ con mình lại ở với nhau. Mẹ và con sẽ không cô đơn nữa. - Kostik đã về rồi, - chị Galia chậm rãi nhắc lại. – Đã về rồi! Em trai của chị, - chị nói thêm với giọng chưa tin tưởng lắm, dường như chị đã tưởng tôi là ai đó. – Vâng, em trai của chị! Chị ngừng lời một chốc. - Kostik này, em biết không, chị tranh cãi với mẹ rất lâu về việc nên quét tường màu gì. Và người ta đã sơn màu da cam. Có đúng là đẹp không em? - Rất đẹp chị ạ, - tôi vừa trả lời, vừa đưa mắt nhìn lên bức tường quét sơn màu vàng rẻ tiền. – Rất đẹp. - Mẹ bảo rằng thậm chí vào ngày trời u ám mà tưởng như trong phòng cũng chan hoà ánh nắng. Có đúng không em? - Đúng rồi, - tôi trả lời. – Màu sắc rất sáng sủa và vui tươi trên những bức tường này. Mẹ và chị tìm đâu ra thứ sơn tốt thế? - Chị không còn nhìn thấy gì cả, - chị Galia nói và hướng nụ cười không phải về phía tôi, mà về một phía nào đó, - nhưng chị cảm thấy từ các bức tường tỏa ra hơi ấm. Chị chậm rãi bước đến gần tôi, tay vịn vào chiếc bàn sần sùi. Tôi đứng dậy tiến về phía chị. Chị sờ lên những ngón tay tôi, dùng đầu ngón tay lướt theo cánh tay tôi cho đến vai và sờ tay vào hai bên má. - Ôi, em chẳng chịu cạo râu! – chị nói và mỉm cười. – Chị bị râu em đâm thủng hết mấy đầu ngón tay. Đã từ lâu chị không còn làm hoa giả nữa. Chị không nhìn thấy gì. Bây giờ chị hàng xóm đưa len rối để chị cuộn thành những cuộn lớn. Chị ấy trả cho chị hai rúp mỗi cuộn. - Khi Galia cuộn len, - mẹ tôi nói, - mẹ đọc cho nó nghe. Bây giờ thì con hiểu hai mẹ con sống thế nào rồi, phải không Kostik? - Vâng, con đã hiểu, - tôi vừa trả lời, vừa cố kiềm nén xúc động. – Con hiểu cả rồi. - Hai mẹ con, - mẹ tôi nói, - đã bán tất cả những thứ thừa, tất cả những đồ dùng không cần đến. - Bán ở chợ Zhitny, - chị Galia nói thêm. – Chẳng hạn như cái ấm samova thì mẹ và chị cần gì. Hoặc những quyển al-bum bìa nhung với các bức ảnh gia đình. Nhà mình có bốn quyển như thế. Những quyển đó đã nằm nhiều năm trong kho của bác Koslovskaia. Bác Koslovskaia là một bà già lụ khụ và ít nói – bạn thời xa xưa của mẹ tôi. - Tất cả các bức ảnh mẹ giữ lại - mẹ tôi nói, dường như muốn thanh minh. - Mẹ đã gặp may. Mẹ cứ nghĩ rằng thời buổi này chắc chẳng ai mua những quyển al-bum đó. - Mà ai đã mua, con hãy hình dung xem, - mẹ tôi nói chen ngang. Mẹ tỏ vẻ hồ hởi và thậm chí mẹ cười. – Một mục sư nào đó từ tu viện Bratsky. Ông ấy mua cả bốn quyển. Ống ấy cần những quyển đó. Con hãy đoán xem, Kostik, ông ấy cần để làm gì? Tất nhiên tôi không thể đoán được. - Những cái bìa bọc nhung rất nặng, - mẹ tôi giải thích. – từ những tấm bìa này có thể làm được những bìa đẹp, sang trọng cho các quyển kinh thánh. Mục sư sẽ bán những quyển kinh thánh này cho các nhà thờ nông thôn, còn chúng ta thì được giải thoát khỏi những thứ đồ cũ bỏ đi. Như thế sẽ sống yên tâm hơn. Suốt đời mẹ đã bảo rằng đồ đạc làm chúng ta kiệt sức và làm khổ chúng ta. Chúng bắt chúng ta làm việc cho mình như những người lao công. Nói chung, - mẹ nói như để chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài, - như thế này dễ sống hơn. Mẹ con mình giảm nhu cầu đến mức tối thiểu. Mẹ tôi nói điều đó với giọng có vẻ tự hào. - Còn bà cụ thì thế nào rồi? – tôi hỏi chị Galia. – Cái bà đã mua hoa của chị cho nghĩa trang Baikov đấy? - Bà ấy chết rồi. Chị đã làm một vòng hoa đặt lên mộ bà ấy, gồm toàn hoa cúc trắng. - Một vòng hoa tuyệt đẹp, - mẹ tôi thở dài. – Vòng hoa cuối cùng. Bây giờ mẹ đi chuẩn bị bữa tối, rồi sau đó con sẽ kể cho mẹ và chị nghe mọi chuyện về mình? Được chứ? Con cứ ngồi tạm trong phòng của Amalia. Hoặc ngoài ban công, ngoài trời. Tôi nắm tay chị Galia và dắt chị đi qua phòng của Amalia để ra ngoài ban công. Amalia đi vắng. Chị Galia đi trên sàn nhà mà cứ như lội qua con suối, chân dò dẫm đáy suối. Tôi cùng với chị ngồi ngoài ban công. Ban công này hướng ra phía công viên Bách thảo. Thỉnh thoảng dọc theo đại lộ Bibikovsky có một đoàn tàu điện vừa bò vừa rít lên loảng xoảng. Trên quảng trường nhà thờ Vladimir, giữa những hòn đá cuội cỏ đã mọc cao. Trời sắp tối. Ánh sáng hoàng hôn phản xạ vô số những tấm kính cửa sổ, tỏa xuống con phố. - Kostik này, - chị Galia hỏi, - có đúng là em đã in một số truyện ngắn không? - Từ đâu mà chị biết được thế? - Có một lần cô Gilda, chị của Emma Shmukler đến nhà chúng ta. Em còn nhớ cô ấy chứ? - Sao lại không nhớ! Cô ấy người cao, sồ sề. - Nhưng bây giờ, người ta bảo, cô ấy là một mỹ nhân. Em không nhận ra được đâu. Đấy, chính cô ấy đã kể lại chuyện này. Nhưng sao em không gửi những bài viết đó về nhà? - Em đã mang chúng theo mình về đây rồi. - Vậy thì em nghe nhé, - chị nói với vẻ bí mật, - em hãy đặt chúng trên giường mẹ, trên cai gối, và em đừng nói gì với mẹ cả. Em biết không, bây giờ đối với mẹ niềm mơ ước duy nhất là việc việc em trở thành nhà văn thực thụ. Cách đây chưa lâu mẹ có nói về em, rằng nếu như em sẽ làm được điều tốt cho con người dù không nhiều lắm, thì bằng việc này em sẽ chuộc lại – chính mẹ nói như vậy: “chuộc lại” – mọi lỗi lầm của bố. Xin em hãy nói xem: những cái mà em viết có thể giúp ích gì cho con người, để họ ít phải chịu đau khổ hơn không? Em nghĩ thế nào? Cánh cửa chính bật mở. - Em trốn đi, - chị Galia nói nhanh, - Đó là Amalia. Để cho chị ấy ngạc nhiên! Tôi trốn vào sau chiếc thùng gỗ với cây trúc đào lớn. Amalia bước vào, dừng lại trước chiếc tủ gương, giơ hai tay lên cao và uể oải sửa lại mái tóc vẫn còn rất đẹp của chị. - Em ngồi ở phòng chị, - chị Galia nói, - vì mẹ đang rán thịt băm viên. Mà ở phòng em thì khói nồng nặc. - Thế còn anh ta đâu rồi? - Ai cơ? - chị Galia chột dạ hỏi. - Anh ấy đâu rồi? – Amalia nhắc lại. – Kostik. Ở phòng ngoài có treo chiếc áo mưa của anh ấy. Ngay lúc đó cô ấy nhìn thấy tôi, cầm tay, kéo ra giữa phòng, ôm cổ tôi và hôn mấy lẫn rõ chặt và rõ kêu, như những phụ nữ nông thôn vẫn thường hôn. Tôi đã làm như chị Galia đã khuyên tôi, - buổi tối tôi đặt trên gối mẹ ba mẩu truyện ngắn của tôi được cắt ra từ mấy tờ báo đã đăng chúng. Lúc đó mẹ tôi vẫn còn đạng bận bịu dưới bếp. Tất nhiên tôi lo sợ và bí mật bỏ đi ra phố. Vừa lang thang khắp phố tôi vừa đoán xem mẹ đã đọc xong những truyện ngắn này chưa. Cuối cùng tôi không dằn lòng được và quay về nhà. Mẹ ra mở cửa cho tôi. Mẹ đưa hai tay ôm đầu tôi và mẹ hôn thật chặt lên trán. Hai mắt mẹ còn ướt nước mắt. - Giá mà con biết được, - mẹ nói, - mẹ vừa đọc xong những thứ gì! Mẹ cám ơn con, Kostik. Thay mặt tất cả gia đình, - và thay mặt cả bố con, cả hai anh con, cả Galia bất hạnh của chúng ta. Mẹ không thể nói tiếp. Mẹ ngồi lên chiếc tủ con ở phòng ngoài. - Cho mẹ ít nước, - mẹ tôi bảo. Tôi vào bếp mang ra một ca nước và đưa mẹ uống. - Và đây là con trai của mẹ, - mẹ nói gần như thầm thì và xoa hai tay tôi. – Kostik của mẹ. - Thôi nào, mẹ, - tôi nói, cố làm mẹ yên lòng. – Con sẽ ở lại đây với mẹ và chị. - Không cần đâu! – mẹ trả lời rắn rỏi. – Con hãy đi theo con đường của con. Chỉ có điều, liệu hồn đấy, đừng quên mẹ và chị của con. Mẹ bất ngờ nắm chặt hai bàn tay và khóc òa lên. Tôi ôm mẹ và siết chặt vào người mình. -Ước gì bố con còn sống, - mẹ vừa nói vừa nuốt nước mắt, - Ước gì bố con còn sống! Ông ấy sẽ hạnh phúc biết bao. Ông ấy là một con người tuyệt vời, Kostik ạ. Con người tuyệt vời nhất trên thế gian. Mẹ đã tha thứ cho bố con mọi chuyện. Và con hãy tha thứ cho bố con. Con đã có một tuổi trẻ nặng nề. Bây giờ mẹ không còn sợ chết nữa. Nhưng con hãy hứa, nếu mẹ chết con sẽ đưa Galia về ở với con. Tôi đã hứa với mẹ điều đó, nhưng mọi việc đã không xảy ra đúng như mẹ mong muốn. Thậm chí mẹ đã không được nhìn thấy quyển sách đầu tiên của tôi. Cuộc sống đã đối xử với mẹ và chị Galia thật khắc nghiệt và bất công. Mùa hè tôi đi Poti, đến Kolkhida, chuẩn bị viết quyển sách về vùng cận nhiệt đới. Tại Poti tôi bị mắc bệnh sốt thương hàn phát ban “xanh” gì đó, nằm một thời gian lâu trong bệnh viện, đấu tranh dai dẳng với cái chết, và đúng lúc đó mẹ tôi đã qua đời ở Kiev vì viêm phổi. Một tuần sau chị Galia cũng ra đi. Không có mẹ chị không thể nào sống được dù chỉ vài ngày. Vì sao chị chết, không ai biết được, và điều này cũng không có cách gì làm sáng tỏ được. Chị Amalia an táng mẹ và chị Galia cạnh nhau ở nghĩa trang Baikov trong khu vực chật chội khủng khiếp của những nấm mồ hoang không ai trông nom. Khó khăn lắm tôi mới tìm được những ngôi mộ này, nơi mọc đầy cây tầm ma, - hai ngôi mộ, nằm sát nhau trên một gò đất, với một tấm bảng cong vênh bằng thép và một dòng chữ viết trên đó: “Maria Grigorevna và Galina Georgievna Paustovskie. Cầu mong hai người được yên nghỉ với thế giới!” Tôi không đọc được ngay dòng chữ này, vì nó đã bị mưa làm nhòe đi. Từ một khe nứt trên tấm bảng vươn dài ra một cọng cỏ gần như trong suốt. Và thật khủng khiếp và cay đắng nghĩ rằng thế là hết! Rằng cọng cỏ này – vật trang trí duy nhất của một cuộc sống khổ sở của mẹ và chị, rằng nó như là nụ cười đau đớn của chị Galia, như giọt nước mắt nho nhỏ từ đôi mắt mù lòa của chị đọng lại trên hai hàng mi, - nhỏ bé đến mức không bao giờ và không ai có thể nhìn thấy được. Tôi còn lại một mình. Tất cả đều đã chết. Mẹ, người đã cho tôi cuộc sống – một cuộc sống không vô ích và không phải ngẫu nhiên, đã nằm lại nơi đây, dưới tầng đất sét Kiev, trong góc nghĩa trang, bên cạnh nền đường sắt. Ngồi bên nấm mồ tôi cảm thấy mặt đất như rung lên khi có đoàn tàu chạy qua. Có lẽ ở dưới đó, trong nấm mồ, mẹ đang lo lắng cho tôi, như mẹ đã lo lắng lúc mẹ còn sống. Mẹ thường nhìn vào mắt tôi và hỏi: - Con không giấu mẹ điều gì chứ, Kostik? Liệu hồn đấy, đừng có giấu. Con biết rồi đấy, mẹ sẵn sàng đi đến tận cùng thế giới để giúp đỡ con. “BÁT CHỮ THỨ TƯ” Sau khi từ Ekimovka trở về tôi lang thang khá lâu khắp các tòa báo khác nhau ở Moskva để tìm việc làm. Một hôm trong tòa soạn báo “Tiếng còi” tôi gặp Viktor Shklovsky. Ông ấy đứng lại trước mặt tôi và giận dữ nói: - Nếu anh muốn viết thì hãy lấy thắt lưng buộc chặt mình vào bàn làm việc. Cần nghe lời những người lớn tuổi. - Tôi chưa có bàn làm việc. - Vậy thì đi vào nhà bếp! – ông hét to và biến mất trong căn phòng bên cạnh. Những lời về dây thắt lưng được Shklocsky thốt lên một cách đơn giản, như buộc miệng nói ra. Tôi với ông còn chưa quen nhau. Trong căn phòng, nơi Shklovsky biến vào đó, ngồi sau những chiếc bàn dài của biên tập viên là những con người chua ngoa và vui nhộn nhất ở Moskva lúc đó – những cộng tác viên của “Tiếng còi”: Ilf, Olesha, Mikhail Bulgakov và Gekht. Sau khi cúi đầu xuống bàn, họ vừa trêu đùa vừa viết thoăn thoắt trên những mảnh giấy viết báo. Căn phòng của biên tập viên này được gọi bằng một cái tên khá lạ lùng: “Bát chữ thứ tư”. Trên khoảng tường giữa hai cửa sổ có treo tờ báo tường đầy ác ý “Những tiếng la ó và những lời thầm thì”. Trong căn phòng này người ta chuẩn bị cho bát chữ (trang) thứ tư, bát chữ cuối cùng của tờ báo “Tiếng còi”. Trên bát chữ này đăng các bức thư của bạn đọc, nhưng tất nhiên dưới dạng mà không một bạn đọc nào còn nhận ra bức thư của mình. Các cộng tác viên của “Bát chữ thứ tư” lấy nội dung từng bức thư để viết thành một mẩu truyện ngắn thật tài tình, - lúc thì giễu cợt, lúc thì khôi hài một cách khó tin, lúc thì phẫn nộ, còn trong một số trường hợp cá biệt thậm chí còn thật cảm động. Những người chưa được chuẩn bị tinh thần trước sẽ bị sững sốt bởi các đầu đề như: “Chậu đầu lâu”,“Và con lừa vẫy tai”,“Ga Merv – làm tổn hại thần kinh”. Ngay cả người biên tập tờ báo “Tiếng còi” nếu không có việc gì cần thiết cũng không ghé đến phòng này. Chỉ có người nào rất có tài ứng phó mới có thể xuất hiện mà không bị trừng phạt trong cái ổ châm biếm này và chống đỡ được hỏa lực bắn chéo cánh sẻ sau những chiếc bàn. Vào thời đó không ai có thể ngờ rằng trong căn phòng này đang hội tụ một “đội ngũ hùng mạnh” (họ gọi đùa mình như thế) những nhà văn trẻ, những người không bao lâu sẽ giành được sự nổi tiếng rộng rãi. Đôi khi Babel của tờ “Tia lửa” cũng ghé đến căn phòng này. Vasili Reginin lễ phép theo sau ông ấy. Lúc đó anh đang biên tập tạp chí mới “Ba mươi ngày”. Đứng ở bậc cửa dường như sợ chưa dám vào, Reginin bắt đầu kể liến thoắn những câu chuyện tiếu lâm. Shklovsky thường cắt ngang bằng một trận đấu khẩu dồn dập, và với sức tấn công mãnh liệt anh vinh danh Stern và Velemir Khlebnikov. Còn xa mỗi người đến căn phòng này mới được tiếp đón một cách niềm nở. Những kẻ viết bố lếu bố láo được mọi người chào đón bằng sự im lặng dễ sợ, những người nói thánh nói tướng và những kẻ hay gây sự thì được tiếp đón bằng câu châm chọc lạnh lùng. Mọi người chỉ đấu dịu với mỗi bác phóng viên già viết cẩu thả nói giọng khàn khàn, có biệt danh là Thuyền trưởng Chân Gang. Đúng là bác ấy có một bàn chân giả bằng sắt. Có lần bác dẫm vào chân anh phóng viên lùn Em Zozule, làm anh ta phải nằm cả tháng trong bệnh viện. Bởi vậy khi thuyền trưởng đi vào thì ngay lập tức mọi người co chân vào dưới ghế. Tôi rơi vào cái phòng khủng khiếp này ngay sau khi đến đây từ Ekimovka. Mọi người tiếp đón tôi một cách ôn hòa, có lẽ vì tôi đã kết bạn với Babel. Đối với những cộng tác viên của “Bát chữ thứ tư” thì ông ấy có uy tín không thể nào chối cãi. - Những công việc chưa từng nghe nói đến đang được tạo ra! – họ nói. – Từ Odessa nhà văn lỗi lạc Peresypi và kỵ sĩ đỏ tận tụy Issak Gide Babel Mopassan đã đến đây. Trong lời giễu cợt này ẩn chứa tình yêu đối với Babel và cả niềm tự hào dành cho ông. Người ta cho rằng chỉ mỗi một mình ông am hiểu sức nặng của mỗi từ ngữ. Khi Babel đến, ông lau chùi cặp mắt kính một cách cẩn thận và khá lâu, nhìn chăm chằm, sau đó mới hỏi một cách điềm đạm: - Thế nào đây? Ta nói chuyện vui chứ? Hay thế nào? Và câu chuyện không bao giờ dừng được bắt đầu, câu chuyện mà các cộng tác viên của báo “Tiếng còi” gọi là “Chuyện mười ngày”. Nó giống như sợi chỉ thần kỳ trong chuyện cổ tích (có thể là không có chuyện cổ tích như thế và cũng không có sợi chỉ như thế, nhưng điều đó chẳng có ý nghĩa gì cả). Cần phải tìm sợi chỉ này trong một mớ to đùng những sợi chỉ rối mù đủ mọi màu sắc, kéo nó ra – và nó lôi theo khi thì sợi chỉ đỏ, khi thì sợi chỉ trắng, khi thì sợi chỉ xanh và khi thì sợi chỉ vàng, rồi sau đó là những thứ nằm lẫn lộn trong chỉ: những lõi gỗ thông, những ống mốc xanh, những dãi băng, những quả hồ đào và đủ mọi thứ đồ vật tưởng như không cần thiết, nhưng rất thú vị. ậ g g g ị Sợi chỉ vàng không có thực và vô hình đó dường như đang nằm trong ngăn kéo bàn của ai đó trong số các cộng tác viên - ở chỗ Ilf hay ở chỗ Olesha. Nó cứ nằm đó cho đến khi trong phòng xuất hiện một người đàm đạo thú vị. Lúc đó người ta mới lôi nó ra từ trong ngăn kéo, và dường như nó kéo theo sau cả một chuỗi vô cùng tận những câu chuyện. Thật đáng buồn là lúc đó không ai nghĩ đến việc ghi chép chúng lại, dù chỉ là vắn tắt. Nó sẽ là một câu chuyện dân gian sôi nổi của những năm đó. Tôi biết những chuyên gia lão luyện về kể chuyện – Olesha, Dovzhenko, Babel, Bulgakov, Ilf, nhà văn Ba-lan Iaroslav Ivashkevich, Fedin, Fraerman, Kazakevich, Ardov. Tất cả họ là những người hào phóng, thậm chí phung phí. Họ không buồn khi gặp phải tình huống ánh hào quang và sự hóm hỉnh trong những bài ứng khẩu của họ bị biến mất không để lại dấu vết. Họ quá giàu có để không phải tiếc nuối về điều này. Giá mà một ngày đêm kéo dài thêm được vài giờ để chúng tôi có thể ghi lại những câu chuyện nói mồm này. Tất nhiên ghi lại được nhiều hơn cái mà ta viết “từ trong ta”. Một nhà văn có nhiều tác phẩm nhất (không kể Balzak) cũng không thể nào làm việc một cách sảng khoái và cật lực hơn bốn năm tiếng trong một ngày đêm. Tất nhiên thật bất công khi không cho nhà văn cái khả năng kéo dài cuộc đời mình cho đến khi họ viết xong hết mọi điều mà họ suy nghĩ. Thường thì nhà văn chỉ kịp viết phần lớn những cái mà họ có thể viết. Xin lỗi, cũng như mọi khi, tôi lại đã đi lạc đề. Tôi đã nói, rằng sau khi từ Ekimovka về tôi bắt đầu đến “Bát chữ thứ tư” của báo “Tiếng còi”. Tại đó người ta đã giao cho tôi một công việc gì đấy. Ở Ở đó tôi đã bất ngờ gặp Evgeni Ivanov, Zhenka Ivanov từ Odessa của chúng tôi, cựu biên tập viên báo “Người thủy thủ”. Anh ấy vẫn đội chiếc mũ lưỡi trai thủy thủ nhàu nát, như thủy sư đô đốc Nakhimov. Anh ôm tôi hôn thắm thiết, kể rằng anh đang biên tập cho một tờ báo mới ở Moskva về đường biển và đường sông. Nó có tên là “Trong phiên trực” và tòa soạn của tờ báo đó nằm ở tầng trên. Ngay lúc đó Zhenka đề nghị tôi làm thư ký trong tờ báo này. Tôi đồng ý, mặc dù tôi có nói với Ivanov rằng tôi không thích tên tờ báo. Tên gì lạ thế - “Trong phiên trực”,“Trên bàn đạp”,“Trên bản kẽm”,“Trên giá nâng”! Ivanov không giận. Anh coi những lời tôi nói như sự giễu bình thường. “Tiếng còi” và “Trong phiên trực” được bố trí tại Cung lao động trên đường bờ sông Moskva gần cây cầu Ustinsky. Trước cách mạng Cung Lao động là Nhà Giáo dưỡng – nơi nương thân của những đứa con mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi, được thành lập bởi nhà giáo nổi tiếng Betsky từ thời Ekaterina Đệ Nhị. Các bà xơ Moskva chẳng có thâm ý gì cả đã gọi chệch chữ Vospitatelny (Giáo dưỡng) thành Voshpitatelny. Kiểu phát âm dân dã ở Moskva là như vậy. Đó là một toà nhà vĩ đại với hàng trăm phòng, vô số những lối đi, những chỗ ngoặt và những hành lang, những cầu thang kiểu giàn bằng gang, những xó xỉnh, những tầng hầm, những gian đại lễ thoạt nhìn đã phát khiếp, một tu viện tại gia và một tiệm cắt tóc. Để đi qua cho hết các hành lang của toà nhà này phải mất đến cả giờ đồng hồ. Những người cư ngụ trong Cung Lao động sử dụng các hành lang này để làm đường đi dạo bộ. Trong Cung Lao động đã từng có hàng chục tờ báo và tạp chí chuyên ngành chung sống hoà bình, bây giờ đã hoàn toàn bị lãng quên. Một số nhà thơ tháo vát đã suốt ngày chạy khắp các tầng lầu và các toà báo. Không cần ra khỏi toà nhà, họ viết vội vội vàng vàng những bài thơ và những bản trường ca, ngợi ca những con người thuộc mọi nghề nghiệp, - những nữ công nhân may, những công nhân bán hàng, công nhân cứu hoả, thợ mộc và những nhân viên công chứng. Ở ngay tại đó họ đã nhận được trong các toà soạn những khoản tiền nhuận bút và chi hết tiền vào việc nhậu nhẹt trong nhà ăn ở tầng một. Ở đó người ta bán bia. Trong nhà ăn dưới các mái vòm thấp lúc nào cũng nghi ngút khói thuốc lá. Thời đó chúng tôi hút những điếu thuốc rẻ tiền hiệu “Tchervonets” – nhỏ như chiếc đinh. Những điếu thuốc này được quấn theo nhiều kiểu khác nhau – hoặc quấn thật chặt, đến nổi nếu cần hít dù chỉ một ít khói thuốc vào mồm phải rít một hơi thật mạnh đến chóng cả mặt, hoặc ngược lại, quấn không chặt đến mức chỉ mới rít hơi đầu tiên là điếu thuốc đã có một tàn thuốc thật kinh tỡm, trông như chiếc dao díp. Đồng thời tàn thuốc bay vào trong cốc bia hoặc trong đĩa súp nước đùng đục. Trên những chiếc bàn trong nhà ăn có bày hoa tử đinh hương – những bông hoa hình cầu màu hồng mọng nước với những cọng hoa dài không có lá. Những bông hoa này làm ta liên tưởng đến mấy phụ nữ người Đức gầy gò với mái tóc bù xù nhợt nhạt. Các lọ hoa tử đinh hương được quấn bên ngoài bằng giấy vấn thuốc lá và dán chi chít những mẩu thuốc hút dở. Chúng tôi yêu quí nhà ăn này. Mỗi ngày chúng tôi tụ tập vài lần trong nhà ăn, uống cà phê nâu nguội lạnh và tán chuyện ầm ĩ. Buổi sáng nhà ăn vắng người, chỉ thoang thoảng mùi sàn nhà mới rửa và mùi hơi nước. Những mẩu thuốc lá hút dở dán trên các lọ hoa đã được thu dọn. Chiếc lò sưởi cũ kỹ đang réo sùng sục. Bên ngoài các ô cửa sổ tuyết đang rơi trên sông Moskva. Có lần vào một buổi sáng như thế tôi ngồi trong nhà ăn và đang viết nốt truyện ngắn “Nhãn mác cho các hàng hóa thuộc địa”. Bỗng bất ngờ Babel bước vào. Tôi vội lấy tờ báo đặt lên trên những trang giấy đã viết, nhưng Babel đã ngồi xuống chỗ bàn tôi, tỉnh bơ đẩy tờ báo ra và bảo: - Nào, cho xem tí nào! Tôi rất tò mò. Ông cầm bản thảo lên, dí sát vào mắt và đọc to câu đầu tiên: “Tiện thể cho hỏi, bạn có hình dung được rằng ánh hoàng hôn này chiếu lên những dãy núi xa xa, trông như một ngọn đèn hay không?” Khi ông đọc, đầu tôi lạnh tanh vì ngượng nghịu. - Đó là Batum phải không? – Babel hỏi. – Vâng, tất nhiên, Batum đáng yêu – Những quả quýt bị giẫm nát trên mặt đường lát đá và tiếng động rào rào của các ống thoát nước mưa... Cái này trong truyện của anh viết chưa? Hay sẽ viết? Trong truyện ngắn của tôi chưa có những cái đó, nhưng do bối rối tôi nói rằng sẽ có. Babel nheo mắt làm hiện lên những vết nhăn nhỏ ở khóe mắt và vui vẻ nhìn tôi. - Sẽ à? – ông hỏi lại. - Thật uổng công. Tôi bối rối - Thật uổng công! – ông nhắc lại. – Theo tôi, trong công việc này đừng tin vào cái nhìn của người khác. Anh có cái nhìn của anh. Tôi tin tưởng cái nhìn đó và vì vậy tôi không sửa của anh một dấu phẩy nào. Anh cần gì những truyện ngắn mang hơi hướng của người khác, đặc biệt là của phương tây. Trong văn của anh có dư vị của Konrada, còn trong văn tôi – dư vị của Mopassan. Nhưng chúng ta chẳng phải là những người theo trường phái Kondrada hoặc Mopassan. Tiện thể nói thêm, trong câu văn đầu tiên tôi thấy có mấy chữ thừa. - Những chữ nào thế? – tôi hỏi. – Anh chỉ xem! Babel cầm cây bút chì lên và kiên quyết gạch xóa ba chỗ: “tiện thể cho hỏi”,“này” và “xa xa”. Sau đó ông đọc lại câu đầu tiên sau khi chỉnh sửa: “Bạn có hình dung được rằng ánh hoàng hôn chiếu lên những dãy núi, trông như một ngọn đèn hay không?”. - Thế có hay hơn không? - Hay hơn. - Đèn cũng có nhiều loại khác nhau, - Babel nhận xét lướt qua. – Mà đối với chúng ta thì một Batum không thể đủ được. Anh có còn nhớ cái căng-tin chật hẹp ở đại lý tàu khách không? Khi chiếc tàu thủy từ Odessa đến chậm, chúng mình vào đó, ngồi và đợi hàng tiếng đồng hồ. Hoàn toàn chỉ có hai thằng mình thôi. Nhưng để làm gì – tôi chẳng biết. Trên bến tàu ngổn ngang những tấm bản gỗ thông. Mùi dầu thông. Mưa rơi lộp bộp trên mặt nước. Chúng mình uống cà phê đen đắng nghét. Hai má đỏ rực vì không khí mùa đông miền biển. Và trong lòng cảm thấy buồn xốn xang. Vì rằng những người đàn bà đẹp đều ở lại miền bắc. Sau lưng chúng tôi vang lên tiếng động của cánh cửa kính lung lay. Babel ngoái nhìn lại và nói với giọng lo ngại: - Giấu cái truyện ngắn đi! “Đội quân hùng mạnh” đang vào đấy. Tôi kịp giấu bản thảo. Bước vào là Gekht, Ilf, Olesha, Slavin và Regin. Chúng tôi đẩy mấy chiếc bàn con vào cạnh nhau, và bắt đầu câu chuyện về việc tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” quyết định xuất bản tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn trẻ Odessa. Trong tuyển tập người ta sẽ đưa vào Gekht, Slavin, Ilf, Bagritaky, Klytchev, Grebnev và tôi, mặc dù tôi không phải là người Odessa nhưng đã sống ở Odesa một năm rưởi. Nhưng mặc dù vậy mọi người vẫn coi tôi là người Odessa, có lẽ là do sự đam mê của tôi với các truyện ngắn Odessa. Babel đồng ý viết lời bạt cho tập truyện ngắn này. Ngay từ thời ở Odessa tôi đã quen biết tất cả những người hiện giờ đang ngồi bên cạnh quanh chiếc bàn này. Nhưng tại đây họ tưởng chừng như là những người khác. Tiếng động ầm ào của Hắc Hải đã cách xa hàng trăm ki-lô-mét, màn sương mùa đông làm nhạt nhoà bầu trời xám xịt. Ai mà biết được, giá như ngay từ bé họ không được tiếp xúc với biển, với ánh nắng mặt trời, với thực tế nhiễu nhương và với sự vui vẻ của miền nam, thì có thể chưa chắc họ đã trở thành những nhà văn. Đặc biệt làm cho tôi thích thú là Osif – một người trầm tĩnh, hơi lắm lời, với khuôn mặt hấp dẫn, hơi có góc cạnh. Cặp môi dày làm cho anh ấy giống như người da đen. Người anh cao và gầy như người da đen từ Mali – bộ lạc da đen xinh đẹp nhất của châu Phi. Nhưng cái làm cho tôi kinh ngạc hơn cả là sự trong sáng của đôi mắt anh, ánh lấp lánh và cái nhìn chăm chú của chúng. Ánh lấp lánh nhìn thấy rõ ràng hơn do cặp kính đeo mũi nhỏ và dày không gọng. Đôi mắt kính rất sáng, tưởng chừng như làm bằng pha lê. Ilf là người cả thẹn, thẳng thắn, sắc sảo và đôi lúc thích giễu cợt. Anh căm ghét những kẻ ngạo mạn và anh bảo vệ những người nhút nhát và hay nhường nhịn, - những người thường dễ bị xúc phạm, - chống lại những kẻ ngạo mạn. Một lần khi có mặt tôi ở giữa một chỗ đông người anh lạnh lùng và khinh mạn cắt lời một số nghệ sĩ lớn, những người chỉ ưu ái nói về anh, về Ilif, mà không nhắc đến những người khác – những người bình thường và không có gì nổi bật. Những người này bị các nghệ sĩ đó coi thường. Việc này xảy ra sau thành công choáng váng của tác phẩm “Mười hai chiếc ghế”. Ilf gọi hành vi của những nghệ sĩ này là đê tiện. Anh có cái nhìn vi mô về sự đê tiện. Bởi vậy anh nhận ra và phủ định nhiều điều mà người khác không nhận ra hoặc không muốn nhận ra. Anh không thích những lời: “Cái gì ở đó thế nhỉ?”. Đó là lá bùa hộ mệnh mà những người có lương tâm méo mó trốn vào sau nó. Trước mặt anh ấy không thể lừa dối, không thể nói quanh co, không thể dễ dàng lên án người khác và, ngoài ra, không thể vô giáo dục và bất nhã. Khi có mặt Ilf thì những kẻ thô tục cũng phải e dè. Tính khảng khái bình dị trong các quan điểm và hành động của anh buộc mọi người phải làm theo đúng như thế. Ilf là một người không ai ngờ tới. Đôi khi những xét đoán của anh dường như quá gay gắt. Nhưng hầu như lúc nào những xét đoán đó cũng đều đúng. Có lần anh làm cho những người am hiểu văn học vô cùng bối rối khi anh tuyên bố rằng về mặt bút pháp thì Victor Huygo giống như một cái nhà vệ sinh hư hỏng. Thường có những cái nhà vệ sinh tắc tị một thời gian lâu, rồi sau đó bất thình lình nước thoát ào ào. Sau đó lại tắc tị và rồi nước lại thoát ào ào. - Đấy sự việc cũng giống như thế, - Ilf nói, - cả Huygo với những sự lạc đề bất ngờ và ai cũng biết khỏi mạch chuyện g ự ạ g g ạ yệ chính. Mạch chuyện đang được kể nhẩn nha, người đọc không đoán trước được điều gì, rồi bất ngờ, như tuyết rơi xuống đầu, chuyện của ông đi lạc đề rất lâu - về ma-phia, về những trận bão biển hoặc về lịch sử các tổ quỉ Pari. Về một việc gì đó tuỳ thích. Những sự lạc đề này làm cho độc giả bàng hoàng sửng sốt. Sau đó mọi chuyện lắng dịu, và câu chuyện lại trôi theo dòng chảy êm thuận. Tôi đã tranh luận với Ilf. Tôi thích văn phong của Huygo. Lúc đó tôi đã nghĩ – và bây giờ tôi vẫn đang nghĩ, - rằng mạch văn phải hoàn toàn tự do, thoải mái, rằng luật lệ duy nhất đối với nó – đó là ý muốn của tác giả. Nhà văn có thể sử dụng tiết tấu, bản chất và sự màu mè trong lối dẫn dắt câu chuyện tuỳ theo ý thích của mình. Về chuyện này và nhiều chuyện khác nữa chúng tôi đều trao đổi trong nhà ăn. Một mùa đông khắc nghiệt và dường như kéo dài đã đến. Từ hai giờ chiều chúng tôi đã phải bật đèn. Bên ngoài các ô cửa sổ tuyết đã có màu xanh nhạt. Những ngọn đèn đường có màu vàng ệch, và mấy cây tử đinh hương trên những chiếc bàn con đã nhuốm màu hồng phơn phớt. Reginin khẳng định rằng những bông hoa này, cũng giống như con người, bây giờ đã trở thành những kẻ suy nhược. Mọi người đều biết rằng những người bị suy nhược suốt ngày uể oải và phờ phạc, nhưng đến gần tối lại vui vẻ và hoạt bát. Có một hôm Sement Gekht bước vào nhà ăn với vẻ mặt nghiêm trọng và bí mật. Tôi đã quen biết anh tại toà soạn báo “Trong phiên trực”. Anh mang đến đó những bài ký về các cảng nhỏ của Hắc Hải. Không phải về các cảng ở Odessa, Kherson và Nikolaev, mà về các thành phố nhỏ duyên hải, chẳng hạn như Akkerman, Otchakov, Aleshky, Golia Pristan hoặc Skadovsk. Tại đó những chiếc tàu thuỷ cập vào các bến tàu tả tơi bằng gỗ ván – kêu cót két, lung lay và dính đầy vảy cá. Các bài ký cô đọng, ý nhị và nhiều màu sắc, như những phiên chợ Hamli ở Hắc Hải. Chúng được viết một cách dung dị, nhưng, như Evgeni Ivanov bảo, với “sự kỳ bí khó hiểu”. Sự kỳ bí thể hiện ở chỗ những bài ký này tác động mạnh lên cả năm giác quan của con người. Chúng có mùi biển, mùi hoa phượng, mùi ruộng dưa và mùi đá vôi vùng Inkerman bị nung nóng. Bạn cảm nhận được trên mặt mình hơi thở của nhiều làn gió biển khác nhau, còn trên hai cánh tay – là sự trĩu nặng của những dây cáp tẩm nhựa. Trong dây cáp này, giữa những sợi gai nhìn thấy óng ánh các tinh thể muối biển. Bạn cảm nhận được vị chua của phó mát cừu màu xanh và vị ngọt của những quả dưa kantalup nho nhỏ. Bạn nhìn thấy được mọi thứ với hình dạng lập thể, - thậm chí cả những đám mây xa xa, hoàn toàn trong suốt trên doi đất nhô ra biển Kunburn. Và bạn nghe thấy thổ âm tinh tế thánh thót miền biển của những người miền nam không làm ta ngạc nhiên, nhưng khá thú vị, - đặc biệt thánh thót khi cãi cọ và mắng chữi nhau. Bằng cách nào để đạt được điều đó, tôi không biết. Những bài ký đã bị lãng quên, nhưng cảm xúc do chúng để lại vẫn còn mãi trong tôi cho đến tận bây giờ. Rất tiếc là Gekht đã không tiếp tục làm người hướng dẫn viên đáng ngạc nhiên này để đưa bạn đọc đến các cảng nhỏ. Có những người mà nếu không có họ ta không thể hình dung được cuộc sống văn học thực thụ. Có những người, không phụ thuộc vào việc viết nhiều hay ít, họ vẫn là nhà văn theo thực chất của mình, theo thành phần của máu, theo sự quan tâm sâu rộng của những người chung quanh, theo sự quảng giao và theo trình độ học thức của tư duy. Ở những người này cuộc sống gắn liền với công việc viết văn một cách liên tục và mãi mãi. Gekht là một nhà văn và một con người như thế. Lần này cái vẻ bí hiểm của Gekht làm mọi người cảnh giác đề phòng. Nhưng, dường như theo thoả thuận trước, không ai hỏi anh câu nào. Đó là cách đúng đắn buộc anh phải nói. Gekht không nhịn được lâu. Nháy mắt với chúng tôi, anh lấy từ trong túi ra một tờ giấy gấp tư. - Đây này! – anh nói. – Hãy nhận lấy lời bạt của Babel viết cho tuyển tập của chúng ta.. - Nó ngắn hơn mỏ con chim sẻ! – ai đó nhận xét. – Đúng là viết quấy quá cho xong! Gekht bực mình: - Điều quan trọng không phải là dài hay ngắn, mà là viết như thế nào. Đồ dân Zulu! Anh mở tờ giấy ra và đọc lời bạt. Chúng tôi nghe và cười vui bởi sự hóm hĩnh nhẹ nhàng và mê hoặc của lời bạt dường như là ngắn nhất thế giới này. Sau đó công việc với tuyển tập bị bỏ dở. Tuyển tập không xuất bản được, và lời bạt cũng bị thất lạc. Chỉ mới cách đây không lâu một trong những người mà Babel viết về anh đã tìm lại được lời bạt này trong mớ giấy tờ của mình. Và đây là lời bạt: Ở “Ở Odessa mỗi người thanh niên chưa vợ đều muốn trở thành một thuỷ thủ trẻ trên chiếc tàu vượt đại dương. Những chiếc tàu thuỷ đến cảng chúng tôi đều làm bùng cháy trong tim chúng tôi niềm khát khao những vùng đất mới mẻ và tươi đẹp. Họ không có tiền, không có thị thực xuất nhập cảnh. Giá mà cho họ một quyển hộ chiếu và ba đồng bảng Anh, và có lẽ họ sẽ đi khỏi đây để đến những đất nước không vươn tới được, tên gọi của những nước đó ngân vang và sầu não như giọng người da đen bước lên bờ biển xa lạ. Và đây là bảy chàng trẻ trung. Tối tối họ đọc những quyển tiểu thuyết viết về các thuộc địa, còn ban ngày họ làm việc tại một trong các văn phòng cấp tỉnh. Và vì vậy họ không có cả thị thực xuất nhập cảnh, không có cả đồng bảng Anh, - chính vì vậy Gekht viết về huyện Mozhaisk như về một đất nước do anh chứ không phải một người nào khác khám phá ra, còn Slavin tường thuật về Balta như là Rasin tường thuật về Karfagen. Bằng cái giọng sảng khoái và trong sáng, sau khi đến Peresyp, đến với máy xay Vanshtein, Paustovsky ca tụng những nơi này, và giả bộ một cách xúc động khác thường như anh đang ở tại vùng nhiệt đới. Tuy vậy, không có gì giả bộ cả. Presyp của chúng ta, theo tôi nghĩ, tốt hơn cả những vùng nhiệt đới. Chàng người Odessa thứ ba – Ilf. Theo Ilf thì con người là những nghệ sĩ phức tạp, thiên tài bẩm sinh. Sau nữa là Bagritsky, kẻ dâm đãng nhất trong số những người theo trường phái Flamand. Anh ấy bốc mùi như mùi cá thu mà mẹ tôi rán bằng dầu hướng dương, loại cá mà những dân chài khu Giếng Phun Nhỏ làm chín trên cát có mùi thơm vào lúc mười hai giờ trưa vào một ngày tháng bảy. Bagritsky tràn ngập hơi ẩm màu huyết dụ, như một quả dưa hấu mà một ngày nào đó vào thời trai trẻ chúng tôi đã đập vở vào bích neo trên bến Thực tập, cạnh những chiếc tàu thuỷ chạy trên tuyến cận Aleksandr. Kolytchev và Grebnev trẻ hơn những ngưòi khác trong quyển sách này. Hai người cũng có cáí gì đó để nói, và chúng tôi không thoát được họ. Họ mang theo cái của mình và sẽ kể lại những chuyện kỳ lạ. Đấy, vấn đề là ở chỗ tại Odessa mỗi người thanh niên chưa vợ đều muốn trở thành một thuỷ thủ trẻ trên chiếc tàu vượt đại dương. Và một điều không may là - tại Odessa chúng tôi cưới vợ với sự kiên cường khác thường”. NHỮNG CHUYẾN TÀU ÐÊM Tất cả chúng tôi lúc đó sống ở bất cứ chỗ nào có thể tìm được và vì vậy chẳng có gì quan trọng. Người ta bố trí cho Olesha và Ilf một căn phòng hẹp, như cái hộp đựng bút, cạnh xưởng in “Tiếng còi”. Gekht sống ở đâu đó tại Roshe Marina giữa những thợ đóng giày lạnh lùng. Bulgakov tá túc tại Sadovo-Triumfalna, trong một căn hộ tập thể tối tăm và rộng như một sân băng. Những người hàng xóm của Bulgakov mang từ quê ra một con gà trống. Con gà làm Bulgakov bực mình vì nó cứ gáy suốt đêm không kể giờ giấc. Cuộc sống nơi thị thành làm cho con gà trống quẫn trí. Tôi buộc phải rời ngõ Granatny vì người thuê nhà sau chuyến đi công tác đã về lại căn phòng nơi tôi ở tạm. Cộng tác viên báo “Trong phiên trực” thuyền trưởng viễn dương Zuzenko tìm được cho tôi một nơi ở tại Pushkino, ngoại ô Moskva, bên cạnh ngôi nhà mà anh ấy đang ở. Nơi ở này trống huếch trống hoác như một nhà kho, và là nhà nghỉ mùa đông. Trong căn phòng của tôi có thứ đồ gỗ gì đấy bám đầy bụi và một bộ lông gấu trắng nhàu nát đặt trên chiếc đi-văng xộc xệch. Lớp bụi trên đồ gỗ đã vón lại như đá. Không thể cọ sạch bụi bằng bất cứ thứ gì, chẳng lẽ cọ bằng cái giũa. Trong khe hở giữa các súc gỗ chuột kêu chí choé. Về Zuzenko tôi đã viết khá nhiều. Và đúng là không thể không viết về con người nhân hậu và ngang ngạnh này với khuôn mặt méo xệch vì đấu quyền Anh. Chúng tôi kết bạn với nhau có lẽ vì sự đối nghịch hoàn toàn về tính cách. Zuzenko không ngờ vực điều gì, còn tôi thì những mối nghi ngờ vượt quá giới hạn. Zuzenko hơi cục tính và hay giễu cợt, còn tôi, rất tiếc, lại lịch thiệp thậm chí với những kẻ cắp trên tàu điện và không thích giễu cợt. Lúc đầu tôi thích sống ở ngoại ô. Thời đó từ Mytishi đến Pushkino còn cả một cánh rừng chưa ai động chạm đến. Hàng ngày buộc phải đi Moskva, đến toà soạn, và về nhà vào nửa đêm bằng chuyến tàu lửa cuối cùng. Tại Moskva trước khi đoàn tàu lăn bánh nhân viên soát vé đi dọc các toa xe và dồn tất cả hành khách vào một toa, - để an toàn cho bản thân họ. Lúc đó trên các đoàn tàu ra ngoại ô thường bị bọn cướp tấn công (thời đó người ta gọi là “trấn lột”). Hành khách khó chịu, lặng thinh. Mà cũng khó chuyện trò. Những toa xe nhỏ bé chạy kêu rầm rầm đến mức chỉ có hét thật to mới nghe được. Hành khách thì phần lớn vẫn là cùng những người đó và đều quen mặt nhau. Bởi vậy họ nhìn những người mới với vẻ nghi ngờ và ngồi tránh xa những người mới đó. Nguy hiểm nhất là cung đường từ ga Losinoostrovskaia đến ga Tainink. “Ổ cướp”, - những hành khách có kinh nghiệm nói về Tainink. Người ta nhìn những bạn đồng hành xuống ga Tainink vào ban đêm với vẻ ái ngại, không biết họ có về đến nhà được không. Sau ga Tainink hành khách cảm thấy yên tâm và ngủ gà ngủ gật cho đến tận Pushkino. Tôi cùng với Zuzenko luôn luôn đi cùng nhau. Đối với tôi việc này có hai cái lợi: một cái lợi trên đường từ Moskva đến Pushkino, còn cái khác – trên đường từ Pushkino đến Moskva. Cái lợi trên đường từ Moskva đến Pushkino là ở chỗ đi với Zuzenko tôi cảm thấy an toàn. Một người đàn ông sức khoẻ dồi dào và dũng cảm, bằng giác quan thứ sáu nào đó anh nhận ra bất cứ “kẻ gian” nào và nhanh chóng chuyển sang tư thế tấn công. Sau khi nhận ra trong toa xe một người đàn ông “nghi ngờ là kẻ gian”, anh nhìn chằm chặp vào hắn, sau đó anh đứng dậy, đến gần hắn và nói chậm rãi và dữ dằn: - Đến ga sau hãy xuống khỏi xe ngay! Không được ho he! Khi nói những lời này Zuzenko cho tay vào túi áo ca-pốt. Điều đáng ngạc nhiên nhất là Zuzenko chưa lần nào nhầm lẫn, - “những người bị nghi ngờ là kẻ gian” xuống xe ngay, thậm chí không cự nự. Nhưng có một lần Zuzenko ngẩn người ra. Việc đó xảy ra sau khi qua khỏi Tainink. Mọi người đang mơ mơ màng màng. Trên ghế băng trước mặt chúng tôi có một cậu bé tuổi chừng mười bốn đang nằm ngủ, hai chân co vào người. Cậu ta rất hay cựa quậy và đôi lúc thậm chí còn nhảy cẫng lên trong cơn mê ngủ. Zuzenko cho rằng cậu bé bị đau bụng vì giun sán. Đoàn tàu lắc mạnh khi qua chỗ nối ghi, cậu bé bị hất lên cao, cậu tỉnh giấc và bắt đầu bắn. Đồng thời cậu hét lớn: “Chú ơi, cứu cháu!”. Cậu bắn, như một tên cướp có kinh nghiệm, từ trong túi chiếc áo bông của cậu. Hành khách tỉnh ngủ và lao ra sàn đầu toa xe. Zuzenko tóm cổ cậu bé, nhưng lại buông ra ngay. - Cái gì thế này, sao hắn lại thế này! – anh ấy hét lên. – Hắn bắn cách gì thế! Hai tay hắn để bên ngoài! Lúc đó từ trong túi cậu bé tự động vang lên một tiếng nổ đinh tai thứ hai, tiếng nổ cuối cùng. Cậu bé rú lên. Túi áo cậu bé cháy. Từ trong túi bay ra đám khói khét lẹt. - Cởi hộ cái áo bông! – cậu bé gào lên tuyệt vọng. – Không thì cháu cháy mất, chú ơi! Zuzenko cởi chiếc áo bông ra khỏi người cậu bé. - Trong túi cháu có cái gì thế, hả cậu bé bất hạnh? Cậu bé mặt rỗ hoa khóc mếu máo thú nhận rằng trong túi áo cậu ta có một đống nút điền điển dùng làm đầu đạn cho khẩu súng đồ chơi. Có lẽ những nút điền điển này bị sưởi nóng, xáo trộn và cọ xát do đoàn tàu rung lắc, và cuối cùng trong một cú lắc mạnh nhất chúng đã phát nổ. Chiếc áo bông đã được dập tắt lửa. Hành khách xúm lại la mắng cậu bé. Zuzenko cười ầm ĩ, lắc lư như người Ả-rập đang cầu kinh. Sau đó anh bất ngờ nói: - Đấy là một dịp tốt đối với Jacobs. Jacobs là một nhà văn trào phúng của Mỹ, một người yêu thích những chuyện vớ vẩn loại này. Ưu thế thứ hai của Zuzenko có liên quan đến chuyến tàu buổi sáng đi Moskva. Trong thời gian ngồi trên tàu của những chuyến đi đó tôi được nghe Zuzenko kể nhiều câu chuyện hấp dẫn. Zuzenko chỉ vừa mới bước lên toa xe ở Pushkino, anh lập tức kể cho tôi nghe những câu chuyện này. Những hành khách tò mò ngồi đến gần hơn. Không bao lâu sau tiếng đồn về những câu chuyện này loan xa khắp vùng Pushkino. Trong toa xe chỗ Zuzenko ngồi người ta tập trung lại đông đến mức chẳng còn chỗ để ngồi. Để có thể nghe cho rõ, hành khách chen chật chung quanh thuyền trưởng và đè lên lưng tôi. Sau đó rất lâu tôi không thể nào thở được. Nhân viên soát vé đến và ông bắt đầu trình bày về sự lệch tải của đoàn tàu. Tất cả các toa xe đều trống không, còn trong toa này thì không còn chỗ chen chân. Mà đoàn tàu không được tính toán để chịu được số hành khách đông như thế này. Mất trật tự! Có thể ổ trục sẽ bị cháy. Mỗi lần như vậy Zuzenko và hành khách lại lao vào cuộc tranh luận kỹ thuật lộn xộn với nhân viên soát vé và chứng minh với ông ấy rằng toa xe “không bị lật và các ổ trục không thể nào cháy được”. Zuzenko mang đến toà soạn báo “Trong phiên trực” những hồi ký của anh về các chuyến đi biển. Những hồi ký này anh đánh máy trên chiếc máy chữ cũ với các chữ cái la-tinh. Ở những chỗ các chữ cái la-tinh không trùng hợp với các chữ cái tiếng Nga Zuzenko điền những chữ cái Nga bằng tay. Đó đúng là một công việc khổ sai. Tôi thích cái nhìn giễu cợt của Zuzenko, như để đánh giá người đối thoại, dáng đi thận trọng và huỳnh huỵch như đi trên boong tàu khi có bão, sự châm biếm hơi sâu cay và sở thích dùng những biện pháp phức tạp và ngây thơ nhằm kiếm những khoản thu nhập đáng ngờ. Lúc đó ở nước Nga có nhiều thuyền trưởng tàu biển không có việc làm, nguyên nhân là vì không có chiếc tàu biển nào. Bởi vậy Zuzenko được ghi tên vào danh sách dự bị của đội tàu buôn Liên-xô. Anh đang chờ đợi cho đến lúc xuất hiện cái “chậu” thích hợp, theo lời anh, trên cái chậu đó anh sẽ bơi đi nếu không được là thuyền trưởng thì cũng là trợ lý bậc ba. Trong danh sách dự bị Zuzenko nhận được khoản trợ cấp ít ỏi và do đó anh thường phải tìm những phương pháp bù đắp sự túng thiếu tiền nong. Đã có NEP[1]. Zuzenko thù ghét cao độ và không đội trời chung với những kẻ a dua theo NEP và những kẻ gọi là “con buôn”. Đó là đám lái buôn và những kẻ đa mưu túc kế. Một số trong bọn họ, những kẻ có phẩm hàm cao hơn và giàu hơn, cố ra vẻ ta đây là nhà công nghiệp, nhà buôn lớn và những người thành đạt. Nhưng tiếp theo sau cái vẻ bề ngoài này thì công việc thường chẳng đến đâu, và mọi người biết rằng đó chỉ là “cây gia” Nói chung, chúng tôi hoài nghi NEP. Mọi người biết rằng NEP là một hiện tượng nhất thời, rằng ngay từ những ngày mới chào đời nó đã thở thoi thóp và, sau khi hoàn thành sự nghiệp của mình nó sẽ bị ném vào hố rác lịch sử. Và sự việc đã diễn ra đúng như thế. Nhưng những kẻ a dua theo NEP trêu tức mọi người. Họ vội vàng làm giàu một cách thô bạo. Họ thở hồng hộc vì vội vàng và cuống cà kê vì mọi phương kế và nỗi sợ hãi không tránh khỏi. Những giới hạn cho phép không đặc biệt rõ ràng. Mỗi bước đi đều tưởng chừng như gặp điều bất hạnh. Tất cả những cái đó cho thấy bản chất điên loạn của những kẻ a dua theo NEP. Sự tồn tại của họ với mức độ gấp gáp và nửa vời, lởm chởm những chiếc ô tô, tàn úa bởi những người đàn bà đẹp và bởi cô gái Di gan ở nhà hàng nhắc ta nhớ đến một vở kịch dàn dựng kém. Đâu đó ở Sibêri và vùng Viễn Đông các xí ngiệp hầm mỏ và khai thác vàng đã chấp nhận nhượng quyền khai thác, nhưng chuyện đó ở cách xa Moskva đến mức tưởng chừng như hoang đường, và có thể vì vậy nên chẳng làm ai lo lắng. Còn chúng tôi thì chỉ va chạm với “con đập” của những kẻ a dua theo NEP. Tất nhiên chúng tôi không thể làm bối rối quí cô nương chua ngoa và các bà già bán những chiếc bánh rán, những chiếc kẹo kéo nhà làm lấy, từ các ô cửa sổ phòng mình ở tầng một các ngôi nhà. Những thứ hàng hoá cám dỗ của mình họ bày trên các bậc cửa sổ. Ở đó, ngoài bánh rán và bánh qui, có thể nhìn thấy hàng đống đường viên bày trên đĩa sứ (chính hiệu “saks”), những chiếc cà-vạt đan, bật lửa, răng cá voi dùng cho áo nịt ngực, dây chun diêm dúa – màu hồng và xanh - dùng cho nịt tất phụ nữ, những dây chun này không còn dùng được vì để lâu đã bị lão hoá. Chúng tôi tiếp nhận NEP chủ yếu về mặt trào lộng và vì cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt nổi tiếng thời đó ở Moskva là “vua than củi” Iakov Ratser. Xí nghiệp của ông ấy nằm trên phố Roshe Marina, đối diện với ngôi nhà mà Gekht đang ở. Mỗi sớm mai, khi trời vừa rạng sáng, Iakov Ratser bước ra ban công nhà mình và cho cả đoàn dài các xe ngựa chở than lọc cọc đi qua trước nhà. Ratser đứng đó như một vị thống soái đang duyệt “quân đội” của mình. Sau cuộc duyệt binh những chiếc xe ngựa vừa tản ra khắp mọi ngóc ngách của Moskva, vừa làm ầm ĩ các khu nhà bằng giọng rao sầu não: “Than đây, ai mua nào!”. Mọi người lấm lem bụi than, biến thành người da đen. Họ làm cho những người Moskva ngạc nhiên bởi màu trắng như men sứ của các tròng mắt dưới hai hàng mi xám biếc. Thỉnh thoảng Iakov Ratser lại đưa đăng trên báo “Tin tức” bản thông báo: “Có xảy ra trường hợp than của Iakov Ratser dường như cân thiếu, nhưng chưa có trường hợp nào than của Iakov Ratser bị ẩm”. Trên những chiếc bao tải Iakov Ratser đăng mấy câu thơ quảng cáo khác đi một tí và khá tao nhã: Zaratustra bảo thế này: “Ai quảng cáo tinh nhanh, Nhưng không làm hàng hoá hấp dẫn, Thì quảng cáo chỉ uổng công”. Cần hoặc than, hoặc củi Hãng của Ratser này Sẽ lo cho Moskva, - Niềm vinh quang giành được chẳng uổng công! Còn một chủ doanh nghiệp tư nhân có họ là Funk cũng rất nổi tiếng. Ông ấy khai trương xưởng sản xuất xi đánh giày tại Moskva. Funk cũng hiểu được lợi ích của quảng cáo. Trên tất cả các con phố có treo trên ngọn đèn đường những hình người mặt hớn hở cắt bằng sắt tây. Chúng nhảy điệu cla-ket, giơ cao trên đầu những chiếc mũ rơm đỏm dáng màu vàng, hai hàm răng lấp lánh và đôi giày bóng loáng vừa mới được đánh bóng bằng xi đánh giày Funk. Những hình nộm tươi cười mời mọi người chỉ nên đánh giày bằng xi Funk. Lời mời này vào thời kỳ đó trông có vẻ lố bịch. Trên mọi đường phố những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ đang khua lẹt xẹt những bàn chân chai sần không giày dép, còn ở Moskva nói chung không có những đôi giày cần phải được đánh thật bóng nhoáng đến mức như thế. Moskva đầy dẫy những trẻ em lang thang cơ nhỡ. Người ta thu gom chúng, chở chúng đến các trại tập trung, nhưng rồi chúng lại xuất hiện trên các đường phố, các khu chợ, chúng đi hàng đoàn, chúng chơi bài trong các ngõ hẽm, ngủ trong cổng vào các ngôi nhà và trong những thùng phuy rỗng, chúng trộm cắp, hỏi xin thuốc lá và hát trên tàu điện những bản du ca, vừa hát vừa gõ nhịp bằng những chiếc thìa gỗ. Tôi đã giáp mặt với những trẻ em lang thang cơ nhỡ trong chuyến tàu đêm ra ngoại ô. Chuyện đó xảy ra vào cuối mùa thu trước những trận băng giá khốc liệt năm 1924. Có một hôm tôi cùng với Zuzenko lên một toa tàu thiếu ánh sáng. Chỉ có các bóng đèn ở sàn đầu toa xe. Ánh sáng của chúng chiếu vào bên trong toa xe xuyên qua tấm kính lấm tấm nước mưa. Gió lạnh thổi ào ào, rét run người. Trong góc toa xe lù lù một đống quần áo rách rưới màu xám. - Lũ sóc bay đấy! – Zuzenko nói. Đó là những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Chúng nằm lổn nhổn trên sàn xe, ép sát vào nhau, ôm kín cậu bé nhỏ nhất khoảng tám tuổi. Ánh sáng đèn chiếu lên người cháu bé, và cái đầu tiên mà tôi nhìn thấy là đôi mắt to không có nước mắt của cháu, rồi sau đó là cơn run, cơn run dữ dội không kiềm lại được trên tấm thân nhỏ bé gầy quắt của cháu bé. Cháu bé run bần bật, mạnh đến nổi đáp lại cơn run đó tấm kính lung lay trong cửa sổ toa xe cũng rung lạch cạch. Những cậu bé nằm bên cạnh kéo vạt áo “klift” của mình đắp lên người cháu. Áo “kift” hay áo “zhakket” là loại áo của những trẻ em không ai chăm sóc – áo ngắn khoác ngoài hay áo vét rộng vai của người lớn – dài quá gối, với các ống tay áo phe phẩy. Do dùng lâu năm, do bụi bám và những vết bẩn, những chiếc áo “klift” có màu xám như lông chuột giống nhau và óng ánh như được bôi mỡ. Trong mấy cái túi rách nát, chảy xệ xuống của những chiếc áo “klift” còn giữ lại toàn bộ tài sản của những cậu bé lang thang cơ nhỡ - dao con, diêm, thuốc lá, vụn bánh mì, mấy con bài nhem nhuốc và những mẩu bông băng bẩn. Bên trong những áo “klift” thậm chí không có cả những chiếc áo sơ mi nhàu nhỉ, mà cái thân thể tái mét lạnh cóng thì vàng ệch, chi chít những vệt bầm tím. - Đừng sợ, Tsaretch, - cậu bé lớn nhất nói bằng cái giọng khàn khàn. - Ở Mytishi bọn mình sẽ sưởi ấm. Nhân viên soát vé đến, rọi đèn vào mấy đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, chửi làu bàu và đi qua bên cạnh. Chúng tôi ngồi cách xa. Trong toa tàu, ngoài chúng tôi ra, hầu như không có hành khách nào. Có một vài người vào, ngồi im và dường như không nhìn thấy gì. - Nào, các cháu! – Zuzenko bỗng nói. – Đứa nào muốn hút thuốc thì đến đây nào! Chỉ có cậu bé lớn tuổi nhất đứng dậy và đến gần. Những cháu còn lại – cả thảy ba cháu – tiếp tục nằm. Cậu bé ngồi xuống băng ghế phía trước chúng tôi, co hai chân trần, hút một cách thèm thuồng, ngáp dài và vừa nói vừa nhìn chiếc huy hiệu lính thuỷ (cái gọi là “con cua”) lấp lánh mờ mờ trên chiếc mũ lưỡi trai của Zuzenko: - Chú là một lính thuỷ đẹp trai... - Im đi nào, cậu bé! – Zuzenko cắt lời cháu. Nhưng cậu bé vừa nhìn sang phía khác vừa hát to hết cở cái giọng trẻ con khàn khàn: Tôi bị lãng quên, tôi bị quăng quật Từ lúc còn thơ dại. Tôi trở thành côi cút Chẳng có chút nào hạnh phúc! - Cháu quẳng hết những thứ đó đi! – Zuzenko nhắc lại. – Không phải chuyện đùa đâu. Bạn cháu đang nguy kịch. - Đó là Shurka-Tsarevich, - cậu bé lang thang cơ nhỡ giải thích. – Còn cháu thì gọi hắn là Lettchik. - Chú đề nghị thế này, - Zuzenko cũng nói một cách bình tĩnh. – Không nên bỏ mặc bạn cháu như thế. -À hả! – Letchik dửng dưng trả lời và xì mũi vào ống tay áo đen, dài như một cái ống. – Nó sốt hai ngày nay, đến hoa cả mắt. - Thế này nhé! Hãy đến ngay chỗ các chú, ở Pushkino. Đến chỗ nhà nghỉ của các chú. Các chú sẽ đốt lò sưởi cho ấm một căn phòng, các cháu ở lại đó vài ngày, rồi mọi việc sẽ rõ. Sau đó các cháu sẽ làm theo suy tính của các cháu. Không nên để bạn trong cơn nguy hiểm như thế. - Nhưng các chú không bắt giữ bọn cháu chứ? - Đồ ngốc! – Zuzenko nói sau khi bực mình một cách thực sự. – Chú là thuyền trưởng tàu viễn dương. Hiểu chưa? Còn đây là một nhà văn? - Các chú cho chúng cháu ăn chứ? – Lettchik hỏi. – Cho tất cả, bốn đứa chứ? - Còn cháu, rõ ràng đúng là đồ ngốc! - Đợi một chút nhé! – Letchik trả lời và ngồi xuống cạnh các bạn mình. Bọn chúng thì thầm khá lâu với nhau, sau đó Lettchik quay lại và nói với vẻ khinh mạn: - Các bạn nhất trí. Tại nhà nghỉ nơi tôi ở còn năm phòng để trống. Cạnh phòng tôi là một phòng lớn. Phòng này được sưởi ấm bằng cùng một lò sưởi với phòng tôi. Không phải hỏi xin phép ai về bất kỳ việc gì, - chủ nhà nghỉ sống ở Moskva, và tôi chỉ mới nhìn thấy ông ấy một lần. Khi chúng tôi đưa các cháu lang thang cơ nhỡ về đến nhà nghỉ lò sưởi vẫn còn ấm do đốt lò buổi sáng. Trong kho chất đầy những đệm kẻ sọc cũ. Chúng tôi trải đệm xuống sàn cạnh lò sưởi. Các cháu nằm lên đệm, hút thuốc và không nói năng gì. Tôi mang đến cho Shurka-Tsarevich một chiếc gối và tấm da gấu. Mấy đứa bé im lặng nhìn tôi. Tôi bế Shurka đặt lên. Lúc đó Lettchik nói: - Cuộn con gấu này lại. Tôi im lặng, các cháu cũng không nói gì, như lo lắng điều gì đó. Từ nhà nghỉ của mình Zuzenko mang sang một bếp dầu hoàn hảo của Áo và đun nước trà trong một chiếc ấm lớn có mặt ngoài móp lỗ chỗ. Sau khi thì thầm với tôi, anh đi gặp bác sĩ. Mấy đứa trẻ lo lắng, nhưng tôi bảo với các cháu rằng thuyền trưởng đi tìm cái ăn. Shurka thở có tiếng rít nho nhỏ. Tôi sờ trán cháu, - từ trán cháu toả ra hơi nóng. Một giờ sau Zezenko đưa ông bác sĩ người Armenia đến. Ông không thể nào dùng mấy ngón tay lạnh cóng để lau được cặp kính kẹp mũi kiểu cổ đựng trong chiếc hộp đồi mồi và cứ rầu rĩ nhắc đi nhắc lại mãi một câu: - Ôi, tai vạ, tai vạ! Thật tai vạ! Trước lúc bác sĩ đến bọn trẻ đã uống trà xong và ngủ thiếp luôn, nằm cuộn tròn trên một tấm đệm. Không ai đánh thức các cháu. Bác sĩ khám bệnh cho Shurka, nhăn trán và tuyên bố rằng cậu bé bị viêm cả hai bên phổi và cần đưa ngay cháu đến bệnh viện. Bên nhà nghỉ chỗ Zuzenko ở có chiếc xe trượt tuyết lớn của chủ nhà. Thuyền trưởng dùng chiếc xe này để chở củi và nước. Khi Zuzenko chạy về lấy xe, tôi rót trà mời bác sĩ. Ông ôm cốc nước bằng cả hai tay để sưởi ấm mấy ngón tay, và im lặng một hồi lâu. Chiếc kính kẹp mũi rung rinh trên hốc mũi, mấy lần suýt rơi xuống sàn. Bác sĩ nhấc kính ra, dí sát vào gần đôi mắt lồi già nua và hỏi: - Thế nào mà để xảy ra cơ sự này? - Cơ sự gì ạ? Với cháu bé này à? - Không phải! Thế nào mà để xảy ra chuyện hàng ngàn trẻ em bị ném ra đường phố, như một đàn bò? - Tôi không biết - Không biết à! – ông nói rắn rỏi. – Anh biết. Và tôi biết. Nhưng chúng ta không muốn nghĩ đến việc này. Tôi im lặng. Biết nói gì đây! Điều này thật vô vọng. Nó như là chuyện đánh bùn sang ao! - Tai hoạ là ở chỗ đó! - bác sĩ vừa nhắc lại, vừa cười gằn. – Cần một lối thoát. Chỉ một lối thoát. Mà những đứa trẻ này không kịp chạy xuống phía nam. Cần báo cho người ta biết để gom chúng vào trại. Nếu không chúng sẽ chết mất. Zuzenko đã kéo chiếc xe trượt tuyết đến. Chúng tôi ủ ấm Shurka bằng bất cứ thứ gì có được, kể cả bộ lông gấu, đặt cháu lên xe và cẩn thận kéo cháu đến bệnh viện. Tôi muốn đánh thức Lettchik, nhưng cháu, cũng như mấy cậu bé còn lại, ngủ say như chết, không thể đánh thức được, mặc dù trong mơ cháu cứ giẫy đạp và cào tay lên ngực. Chúng tôi đi, nhưng không khoá cửa nhà nghỉ, để không làm các cháu lo sợ khi chúng thức dậy Gần sáng chúng tôi trở về. Mưa đã tạnh. Từ phía rừng thổi đến một cơn gió lạnh mang theo hơi nước. Trong nhà nghỉ chẳng còn ai. Mấy đứa trẻ đã biến đi hết. Trên bìa cuốn sách “Một năm trần trụi” của Boris Pilniak để trên bàn có dòng chữ to và nguệch ngoạc: “Shurka Balashov, bố chết, mẹ mất tích”. - Biết làm thế nào được! – Zuzenko thở dài. – Những con chim hoàng tước đã bay đi. Trốn chạy khỏi những người từ thiện. Mình luôn luôn nghĩ rằng, sự tự do mạnh hơn nỗi sợ chết. Mấy đứa bé cũng hiểu như thế. Shurka Balashov qua đời sau đó bốn hôm. Rất lâu sau cái chết của cháu tôi không thể nào thoát khỏi cảm giác mình có lỗi với cháu. Zuzenko bảo rằng không có lỗi gì cả, rằng tôi là một trí thức thối nát và là một kẻ suy nhược thần kinh, nhưng dưới lớp da trên hai gò má của thuyền trưởng có những hạch cứng, và anh hút thuốc liên tục. Người ta chôn cậu bé trong một ngôi mộ nhỏ bên rìa nghĩa trang. Lúc trời mưa, những chiếc lá mục trôi và phủ kín gò mộ thấp. Tất nhiên bây giờ tôi sẽ không tìm thấy nó, nhưng tôi nhớ gần đúng nơi chôn cất của cái thi thể nhỏ bé, bất lực, hoàn toàn cô đơn trong cơn đau của mình. Cuộc sống ở Pushkino không đầm ấm lắm. Suốt ngày cho đến tận khuya tôi làm việc ở toà soạn báo “Trong phiên trực”. Gần nửa đêm tôi ra ga, đi về Pushkino, ở đó tôi lập tức chìm đắm vào bụi rậm, tối tăm và không người, ngủ thiếp ngay, và sáng sớm, khi trời còn tối đen, đã phải thức dậy, nhóm lò sưởi và vội vàng ra tàu về Moskva. Sự lặp đi lặp lại ngày nào cũng chừng ấy công việc như nhau đã làm tôi chán ngán, mệt mỏi, tôi nhịn đói, và có thể vì thế mà mấy lần – lúc nào cũng vào ban đêm – tôi bị ngất xỉu. Có lần tôi bị ngã trên các tấm đá ở ga Bắc và tỉnh lại trong phòng đợi nhà ga với vết thương chảy máu trên đầu. Tôi thường bị sốc vì việc cô y tá ngái ngủ sau khi làm cho tôi tỉnh lại đã nghi ngờ rằng tôi bị ngã vì say rượu. Tôi bực mình và bước đi chuệnh choạng rời khỏi phòng đợi. Tôi bị chậm không lên kịp đoàn tàu cuối cùng, không gặp được Zuzenko và ngồi suốt đêm trên toa xe không người cạnh nhà ga. Đầu tôi đau buốt, quay cuồng, và tôi tiếc vì bên cạnh không có những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ. Dù sao có chúng nó cũng thấy dễ chịu hơn. Vì sự yếu đuối, tôi cảm thấy mình cũng là kẻ lang thang cơ nhỡ như những đứa trẻ kia. Ghi chú [1] NEP – Chính sách Kinh tế Mới CƠN BĂNG GIÁ Trên các đống lửa cuồn cuộn đám khói đen bốc mùi nhựa cây, được tô điểm bởi ngọn lửa hồng. Khói của những đống lửa và cơn băng giá tháng giêng sà thấp xuống trên thành phố Moskva. Xuyên qua làn khói này những đoàn xe điện vừa bò trên đường với tiếng rít ken két, vừa giật chuông leng keng. Từ bên trong các toa xe xuất hiện những đám sương muối trông giống như những hang động trong băng. Nhiều đống lửa, được đốt bằng những súc gỗ tròn nguyên cây và bằng những cột điện thoại, đang cháy trên các quảng trường. Sưởi ấm cạnh ngọn lửa là những lính cảnh sát đội mũ tuần tra màu xám với chóp mũ đỏ - “chim hồng tước”. Thời đó người ta gọi cảnh sát bằng cái tên như vậy. Mấy người lính cảnh sát cầm dây cương những con ngựa lông phủ sương muối đứng dẫm chân một cách sốt ruột. Từ phía Hồng trường vang lên mấy tiếng nổ lớn. Ở đó người ta đang nổ phá đất đóng băng để xây lăng Lênin. Moskva được trang hoàng màu tang đen-đỏ bằng những đống lửa và những đám khói. Những băng tang đen-đỏ được đeo trên ống tay áo những người đi trong đám đông bước chầm chậm dài vô tận, di chuyển đến phòng Khánh tiết, nơi quàng thi hài Lênin. Những đoàn người khởi hành từ những nơi rất xa, ở những vùng tận cùng của Moskva. Tôi đứng trong một đoàn người như thế từ lúc hai giờ sáng tại ga Kursk. Ngay trên quảng trường Lubiansky đã nghe thấy từ phía phòng Khánh tiết tiếng động xa xa của bản nhạc đưa tang. Càng đến gần tiếng nhạc càng rõ hơn, tiếng chuyện trò trong đám người im bặt, hơi nước mà mọi người thở ra mỗi lúc càng gấp gáp hơn và đứt quãng hơn. Xin vĩnh biệt, những người anh em, các anh đã trung thực đi qua Con đường đầy vinh quang, cao cả... Có người nào đó hát khe khẽ những lời này, nhưng rồi ngừng lời ngay. Mọi âm thanh đều tỏ ra không cần thiết giữa đêm bắc cực này. Chỉ có tiếng cót két và tiếng lạo sạo của hàng ngàn bước chân trên tuyết là đều đặn, liên tục và trang nghiêm. Đang bước gần đến linh cữu trong bóng tối lờ mờ là những con người từ các vùng xa xăm, từ các làng mạc ngoại ô Moskva, từ các cánh đồng, các nhà máy đã ngừng chạy. Họ đến từ mọi nơi. Sự yên lặng bao trùm trên thành phố. Ngay cả trên các tuyến đường sắt xa xôi những chiếc đầu máy cũng không kéo còi ầm ĩ như mọi khi. Cả nước đang bước đến cạnh cổ quan tài cao quí, nơi giữa các vòng hoa tang và những lá cờ đỏ thắm không thể nào nhận ra ngay khuôn mặt phờ phạc với vầng trán cao nhợt nhạt và đôi mắt khép lại như đang nheo cười. Mọi người đều đi. Bởi lẽ trên đất nước này không có một người nào mà sự tồn tại của Lênin không phản chiếu vào cuộc đời họ, không có một người nào không cảm nhận ý chí của Người tác động lên mình. Người làm dịch chuyển cuộc sống. Sự dịch chuyển này tương tự như một trận địa chấn khổng lồ, làm rung chuyển nước Nga đến tận những tầng đất sâu. Trong phòng Khánh tiết buốt thấu xương là khối hơi nước từ hơi thở của hàng ngàn người. Chốc chốc âm thanh dìu dặt của đội nhạc lại cất lên tiếng kèn ai oán chói tai. Nhưng những âm thanh này nhanh chóng tắt hẳn, và đội kèn lại chơi êm dịu, tạo cho nỗi buồn có một sắc thái trọng thể, nhưng không xoa dịu nỗi buồn này. Zuzenko đi cùng với tôi trong đám đông. Chúng tôi đi im lặng rất lâu. Sau đó Zuzenko co ro người và nói với giọng ca thán: - Chà, rét quá! Như ở vùng băng giá khốc liệt bắc cực! (Anh thường gọi tất cả những nước ở vùng bắc cực bằng cái tên như thế). Mí mắt cũng đóng băng. Trận băng giá kỳ vĩ! Anh ngừng lời một chốc rồi lại nói: - Mọi thứ bây giờ đều kỳ vĩ. Đấy, như Lênin... Một người triệt phá kỳ vĩ mọi cái xấu xa và một người sáng tạo kỳ vĩ... Anh nên hít thở qua chiếc khăn quàng cổ, nếu không sẽ bị viêm phế quản đấy... Rất tiếc là mình chưa kịp nói với Người về hội liên hiệp toàn thế giới các thuỷ thủ. Chắc sẽ là một cuộc chuyện trò kỳ vĩ của chúng tôi! Chúng tôi từ từ đi qua cạnh linh cữu và còn chậm rãi hơn khi đi ra khỏi phòng Khánh tiết. Mọi người nhìn nhau và chậm bước, cố giữ lại lần cuối mọi cái có thể nhìn thấy – khuôn mặt của Lênin, vầng trán cao của người, đôi môi mím chặt và hai bàn tay nhỏ nhắn. Người đã chết, con người này đã quyết tâm cải tạo lại thế giới. Mỗi người chúng tôi đều nghĩ về việc điều gì sẽ đến với chúng tôi đây. - Nếu khi lớn lên không phải là những đứa quá ngu dốt thì on cái chúng ta, - Zuzenko nói khi chúng tôi ra khỏi phòng Khánh tiết, - sẽ ganh tỵ với chúng ta. Chúng ta đã sống ở thời kỳ trung tâm nhất của lịch sự. Anh có hiểu không? Cũng như mọi người đang sống trong thời kỳ rối ren và thần tốc này, tôi hiểu rõ điều đó. Không có một thế hệ nào được trải qua những gì mà chúng tôi đã trải qua. Cái cao trào như thế, những niềm hy vọng như thế, cái khủng khiếp như thế, những nỗi thất vọng và những thắng lợi như thế. Chỉ có niềm tin không gì lay chuyển được vào sự toàn thắng của ngày mai đã dẫn dắt những người chiến thắng, những con người xanh xao vì đói và sạm đen vì những trận chiến. Lúc đó tôi ở tuổi ba mươi, nhưng cuộc sống đã trải qua làm tôi tưởng như mình lớn đến độ tuổi mà khi nhớ về cuộc sống đó cảm thấy thật khủng khiếp. Thậm chí lạnh toát trong tim. “Mày có xứng đáng là đứa con của thời đại hay không?” – tôi nghĩ. Bằng toàn bộ bản thể tôi hiểu rằng tôi không tách khỏi thời đại, khỏi vận mệnh của đất nước, khỏi những niềm vui mà hiếm khi nhân dân tôi được trải qua, và khỏi những khổ đau đã trút lên thân phận nó với đầy rẫy oan trái như thế. Tôi cùng với Zuzenko đi bộ đến ga Bắc theo những con phố chìm trong băng giá. Băng vỡ lạo xạo dưới bước chân. “Thời đại đang diễu hành bằng con đường sắt của mình”, - tôi nói lẩm bẩm với mình. Những lời này cứ bám theo tôi suốt ngày hôm đó. - Anh làu bàu gì thế? – Zuzennko hỏi. - Vâng... Chẳng có gì đâu... Thời kỳ đồ sắt! Và bỗng dưng, được vươn dậy từ chiều sâu ký ức, trong đầu tôi ngân nga những câu thơ từ xa xưa: Ai trồng được trên tuyết những cánh hoa hồng mềm mại? Hãy nói xem, trong thời đồ sắt ai đoán được sẽ đến thời vàng son? “Thời đại đang diễu hành bằng con đường sắt của mình”. Nhưng tất nhiên con đường của nó sẽ dẫn đến thời vàng son, đến hoà bình, đến trí tuệ. Đến thời vàng son! Cần tin vào điều đó. Nếu không thì chẳng thể nào sống được! Sau đó tôi cùng với Zuzenko đi về Pushkino. Đoàn tàu về khu nhà nghỉ rất vắng khách, chạy rầm rầm và lắc lư trong hơi nước. Các bánh xe gõ lạnh cạch qua những điểm nối ray. Tiếng vọng ban đêm lặp lại hai lần. Tưởng chừng như tiếng vọng đó cũng bị lạnh cóng vì băng giá và vì vậy nó vang lên như lớp băng mỏng bị hòn đá ghè vỡ. Ở Pushkino mọi vật đều mờ mịt vì băng giá. - Âm bốn mươi độ, nếu không thấp hơn, - Zuzenko nói. - Anh sang nhà tôi nhé. Chúng mình sưởi ấm một chốc. Tôi thích đến chỗ Zuzenko ở. Căn nhà nghỉ nhỏ bé của anh tuyết ngập đến tận cửa sổ. Zuzenko châm nến. Trên các bức tường xếp bằng gỗ cây có treo những tấm biển quảng cáo của các hãng tàu thuỷ nước ngoài, gắn vào tường bằng đinh ghim. Những tấm biển cũ mèm, rách nát, nhưng hấp dẫn. Đặc biệt có một tấm biển, trên đó vẽ ngọn hải đăng bằng những sọc trắng sọc đỏ, màu biển bóng loáng và một bụi cây trúc đào đang trổ hoa. Không thể nào tin được rằng trên thế giới có sự kết hợp táo bạo như thế của các màu sắc đỏ thắm với màu biển tím nhạt. Phòng ở của Zuzenko lúc nào cũng lạnh. Mấy ô cửa sổ đóng băng, - vào mùa đông năm đó tuyết rơi liên tục. Mấy tấm biển quảng cáo dường như bị nhăn nhúm vì mùa đông đó và mờ đi nhanh chóng. Tôi thích nhìn lên đó, hiểu rõ rằng mình sẽ chẳng bao giờ được đến một trong những nơi kỳ vĩ được vẽ trên những tấm biển này. Ngoài các tấm biển, ở chỗ Zuzenko còn có một quyển kinh thánh, một bản đồ hoa tiêu Đại Tây Dương, một số quyển sách về chủ nghĩa Mác và một tập từ điển bách khoa rách nát của Brokgauz và Efron cho vần “N”. Hình như Zuzenko đã nghiên cứu kinh thánh, để đi đến nước Áo, nơi anh đã sống vài năm, đã có những cuộc tranh luận sôi nổi với các các cha cố nhà thờ thiên chúa giáo. Đó là một công việc mà anh yêu thích, nếu không kể đến nghề đi biển và những cuộc tranh luận thường xuyên với những kẻ thỏa hiệp đủ loại, những kẻ quan liêu, những kẻ a dua theo NEP, những kẻ nhu nhược và những trí thức đã nhụt hết ý chí. Zuzenko châm lửa bếp dầu Áo của mình lên. Bếp rít xèo xèo như một nồi hơi quá nóng, và như sắp nổ tung. Căn phòng ấm lên. Chúng tôi im lặng uống trà với đường đen. Sau đó Zuzenko hỏi: - Mai anh đi dự lễ tang Lênin chứ? - Tất nhiên rồi. - Mặc gì đây? Trời băng giá đậm. Cái áo măng-tô mùa thu của anh quá tệ, nếu không nói là đồ vứt đi. Mà bây giờ anh đang run cầm cập đấy. Tiếc là không có nhiệt kế. - Tôi có đây. - Hãy đo thử xem. Còn sáng mai tôi sẽ đi. Sớm hơn một chút. Tôi ra về. Từ nhà Zuzenko sang nhà tôi có một lối mòn trên tuyết. Những cây thông rậm rạp buông xuống đường những cành lá um tùm, trĩu nặng tuyết. Tôi chạm vào các cành cây, và vài lần bị tuyết bay vào cổ. Mỗi lần như vậy tôi rùng mình như bị chạm vào lưỡi dao. Tôi thường bước hụt vào đống tuyết sâu. Rừng cây chung quanh kêu răng rắc, kẽo kẹt. Trong căn phòng tôi ở cũng rất lạnh, như trong trong hầm lạnh đóng kín cửa. Tôi thường vừa ngồi lên chiếc ghế đẩu để nghỉ lấy sức và chờ cho hết hoa mắt, vừa đốt lò sưởi và ngay lúc đó nằm xuống, đắp lên người tấm da lông gấu quen thuộc. Dưới tấm da này cháu bé Shurka Balashov đã chết, và tấm da được bệnh viện trả lại cho tôi. Mấy tấm rèm cửa sổ bị băng làm dính chặt vào kính, và ở đâu đó trong các khe hở giữa những súc gỗ tròn chuột kêu chin chít. Thậm chí dưới tấm da lông gấu tôi ngửi thấy mùi phân chuột đến phát nôn. Và tôi nghĩ đến mọi chuyện, chốc chốc dòng suy nghĩ lại gián đoạn (nó đứt ra như sợi chỉ mục), về cuộc sống không ổn định của mình, về việc phải thu dọn một cách có qui cũ, không phải chỉ trong căn phòng, mà cả trong cuộc sống, lau chùi và rửa ráy mọi thứ. Nhưng chẳng biết tại sao việc này không thể làm vào mùa đông. Dường như sự mất trật tự trong cuộc sống đã gắn chặt vào tôi và không gỡ được nó ra, - không đủ sức, Tôi biết là tôi bị ốm, và tôi nói to – vang khắp phòng, khắp ngôi nhà nghỉ băng giá không người: - Con người không thể sống một mình. Nếu anh ta sống một mình thì đó là lỗi của anh ta. Chỉ vì lý do đó thôi. Đầu óc tôi rối mù. Tôi nghĩ rằng, lúc này, trong những ngày như thế này thật đơn giản là không thể nhân nhượng những suy nghĩ buồn chán và u ám, không được cho phép nỗi buồn chi phối mình. Thế giới đang rúng động. Moskva bốc cháy trong những đống lửa tang lễ. Mọi người đang trông chờ thoát ra khỏi những thống khổ bất lực hàng ngàn năm. Con người đó đã ra đi, một con người biết phải làm gì. g p g Người biết. Ngày mai thi thể Người sẽ được đặt xuống dưới mặt đất đông cứng vì băng giá. Ngay đêm đầu tiên tuyết sẽ phủ kín nấm mồ và Người sẽ vô tư đi tiếp theo con đường đã chọn. Tôi nằm dài mấy giờ. Lò sưởi đã cháy hết. Nhờ ánh sáng của than củi tôi nhìn thấy đã sáu giờ sáng. Trong khi đó bóng tối vẫn dày đặc. Trong các bức tường chuột vẫn chạy và kêu chin chít. Tôi thấy nóng, ngột ngạt, dù dùng bàn tay lạnh như nước đá áp lên trán. Vì làm như thế nên tôi bị nhức đầu. Tôi tỉnh giấc vào buổi sáng, nếu có thể gọi màn đêm xám xịt tràn vào trong phòng qua ô cửa sổ là buổi sáng. Tuyết đã ngừng rơi. Đã đến lúc cần sửa soạn và đi về Moskva. Trong lúc tôi rửa mặt bằng nước băng tan thì bóng tối đã chuyển thành màu xanh nhạt. Không bao lâu sau những vệt nắng màu da cam đã chiếu lên các bức tường đen và chiếu lên bức ảnh của Blok. Trên nét mặt Blok phảng phất sự kiêu căng của thiên tài. Zuzenko gõ vào ô cửa sổ và gọi, sau khi áp bàn tay vào mặt kính để làm tan băng và vì thế mà bị viêm phổi. - Anh không được đi Moskva, - anh ấy hét to. – Hãy ở nhà. Đừng cố dậy và mở cửa cho tôi làm gì. Tôi sẽ về ngay và kể lại mọi chuyện. Tôi không còn đủ sức, và cũng không nói được. Anh ấy đi. Tôi vẫn cứ khoác áo bành-tô, quấn cổ bằng chiếc khăn quàng cũ, kéo mũ che kín hai tai và đi ra. Tôi đến chỗ đường sắt giao nhau vừa đúng lúc đoàn tàu cuối cùng của buổi sáng chạy qua. Tôi đã nhỡ tàu. Lúc đó tôi đi bộ dọc đường tàu về hướng Moskva, nhưng không đi nổi hai cây số. Đầu óc quay cuồng. Tôi muốn ngồi xuống ta-luy đường và ngồi lại một lúc. Nhưng tôi biết rằng không nên làm như thế trong cái giá lạnh này. Vì vậy tôi cứ đi tiếp và đi tiếp, người vả mồ hôi, hiểu rằng không nên đi tiếp mà cần quay về. Theo thói quen phi lý của mình tôi cứ nhìn và cố đi cho đến cột điện thoại phía trước rồi sẽ quay lại. Cột điện thoại giữ tôi lại khá lâu. Tôi tựa vào cột điện, ngoái lại và nhìn thấy phía Pushkino khói dày đặc bốc lên từ tất cả các ống khói lò sưởi, tất cả khói của củi bạch dương. Khói màu đỏ quạch do ánh nắng băng giá. Giống như Pushkino, Kliazma cũng chìm ngập trong màn khói, phủ kín mặt đất. Rừng nổ lách tách vì băng giá, như củi cháy âm ỉ, và từ trên ngọn cây liên tục rơi xuống những mảng tuyết trắng, trông giống như những chiếc vảy cá. Mỗi cây thông cành trĩu nặng tuyết đứng lặng im như người lính canh khu rừng mùa đông hoang vắng tĩnh mịch này. Tôi dừng lại, chờ đợi. Tôi tự nhủ mình rằng trong cái tĩnh mịch dễ bị phá vở này nhất định tôi sẽ nghe được âm thanh dù rất xa xăm của tiếng còi kéo liên tục từ tất cả các nhà máy ở Moskva khi quan tài hạ huyệt. Thậm chí có thể nghe thấy cả tiếng ầm ầm của những loạt đại bác. Nhưng chung quanh rất tĩnh lặng. Chỉ có tiếng răng rắc của rừng cây mỗi lúc một to hơn. Từ phía Pushkino một đoàn tàu đang chạy, nhả ra những cột khói. Nghe được tiếng động ầm ầm mỗi lúc một gần hơn của đoàn tàu. Đoàn tàu suốt Siberi đang lăn bánh. Ngày nào nó cũng chạy qua đây vào giờ này, không dừng lại, và không hãm phanh, kéo theo sau những toa xe nặng. Mọi thứ tưởng chừng như các toa xe muốn ở lại, dừng lại, nhưng đầu máy lao về phía trước không thương xót và không cho nghỉ ngơi. Đoàn tàu đến gần. Bỗng nó giật mạnh. Tiếng phanh xe rít ken két. Tiếng động của các bánh xe ngừng bặt và đoàn tàu lập tức dừng lại giữa rừng. Đầu máy thở phì phò, như con ngựa chạy kiệt sức. Đoàn tàu dừng lại đúng vào thời điểm cử hành lễ an táng. Ngay lập tức hơi nước phun ra cuồn cuộn từ bên trong đầu máy, và đầu máy rúc còi. Nó rúc còi liên tục, đều đều. Trong tiếng còi nghe thấy sự thất vọng, phẩn nộ và lời kêu gọi. Tiếng còi hùng tráng này vang vọng trên vùng ngoại ô – trên những khu rừng, trên cơn băng giá, trên những cánh đồng, nơi tuyết phủ thành một lớp dày. Một phút, hai phút trôi qua. Tiếng còi từ đầu máy vẫn da diết, vẫn sầu não và liên tục, báo cho mọi người biết rằng hiện giờ trên Hồng trường ở Moskva người ta đang an táng thi hài Lênin. Đoàn tàu băng qua hàng ngàn cây số của đất nước Nga vĩ đại, nhưng đã bị chậm lại. Cả thảy bốn mươi phút. Tôi có cảm tưởng tôi đang nghe không phải là hồi còi của chuyến tàu suốt đi Sibêri, mà là tiếng gào khóc của cả Moskva. Trong giờ phút đó cuộc sống đã dừng lại. Ngay cả những chiếc tàu biển cũng thả trôi tự do và báo tin cho mặt nước biển xám ngắt bằng tiếng khóc ai oán của còi tàu. Tiếng còi lập tức im bặt, và đoàn tàu chầm chậm lăn bánh hướng về nơi xa xăm mù khói ở vùng ngoại ô Moskva. Tất cả đã kết thúc. Tôi lê bước về nhà. Trên các ngôi nhà nghỉ người ta treo cờ rủ. Trên đường trở về tôi không gặp một người nào. Tôi có cảm giác như cả thế giới đã chết lặng và cuộc sống đã tắt lịm, như ánh sáng cuối cùng không chốn nương thân của cái ngày tháng giêng này với cơn băng giá chẳng ai cần đến và với mùi khói khét lẹt. Đến tối Zuzenko về nhà và tìm thấy tôi đang sốt và mê sảng. Tôi ốm hơn một tháng. NHỮNG CHIẾC MŨ TUYẾT Chẳng biết bằng cách nào đó mà lúc sắp sang xuân, vào một ngày lặng gió và có tuyết rơi, Bulgakov đã đến chỗ tôi ở, tại Pushkino. Lúc đó anh đang viết cuốn tiểu thuyết “Bạch vệ”, và để viết một trong những chương của cuốn tiểu thuyết này anh cần phải quan sát cho bằng được “những chiếc mũ tuyết” – đó là những đống tuyết nhỏ sau một mùa đông kéo dài tích tụ lại trên các mái nhà, các bờ rào và các cành cây to. Thân hình cao, gầy, phờ phạc, - suốt ngày Bulgakov lang thang khắp vùng Pushkino vắng vẻ vào năm đó, đứng lại rất lâu, sau khi khép kín vạt chiếc áo lông xù xì, cũ kỹ anh nhìn ngắm một cách chăm chú bằng đôi mắt màu xám. - Tuyệt thật! – anh nói. – Đây chính là cái mình cần. Trong những chiếc mũ tuyết này dường như thâu tóm toàn bộ sự tĩnh mịch của mùa đông. - Một tín đồ của chủ nghĩa suy đồi! – Zuzenko nói về Bulgakov. – Nhưng, có thể thấy được đây là một dạng tài năng tinh ranh. Tự rèn luyện mình. Zuzenko muốn nói điều gì bằng lời nhận xét này? Tôi không hiểu. Lúc đó anh giải thích một cách miễn cưỡng và cũng khó hiểu như vậy: - Tự bắt ép mình đi tìm các ấn tượng. Một Mastak! Có lẽ, về điều này thì anh đúng. Bulgakov ham thích mọi thứ có hình dạng nhô lên cao, nếu có thể diễn đạt như thế, trong cuộc sống chung quanh. Tất cả những thứ gì nhô lên khỏi mặt phẳng, dù đó là một con người hoặc một bản chất nào đấy của người đó, một hành động lạ lùng, một suy nghĩ khác thường, một chi tiết nhỏ nhặt bất ngờ nhìn thấy được (đại loại như những ngọn lửa nến trên dãy đèn sâu khấu bị gió lùa làm nghiêng sang một góc chín mươi độ) – anh nắm bắt tất cả những cái đó không cần đến sự cố gắng nào và sử dụng chúng cả trong các bài tản văn, cả trong những vở kịch, và cả trong câu chuyện hàng ngày. Có lẽ vì vậy nên không ai đặt ra được nhiều tên lóng “đầy ấn tượng” như Bulgakov. Anh đặc biệt khác mọi người bởi khả năng đó ở trường trung học Kiev số Một, nơi chúng tôi cùng học với nhau. - Anh có cái nhìn cay độc và miệng lưỡi nguy hiểm, - giám thị Bodiansky nói với Bulgakov với vẻ buồn chán. – Anh cứ hay tham gia vào những vụ ẩu đả, mặc dù anh sinh trưởng trong gia đình nhà giáo đáng kính. Điều đó anh cần phải suy nghĩ! Một học sinh được thầy hiệu trưởng của chúng ta tin cậy đã báo cáo việc này với chính thầy hiệu trưởng Masloboi! Thật bất nhã! Và thật đáng xấu hổ! Khi nói điều này đôi mắt của Bodiansky tươi cười. Gia đình Bulgakovy được nhiều người biết đến ở Kiev – một gia đình nhiều đời là trí thức lớn, gồm nhiều nhánh. Trong gia đình này có cái gì đó theo kiểu Tchekhov, từ quyển “Ba chị em”, và có cái gì đó theo kiểu nhà hát. Gia đình Bulgakov sống trên con dốc dẫn xuống Podol, đối diện tu viện Andreevsky, - trong một con ngõ đẹp như tranh. Bên ngoài cửa sổ căn hộ của họ thường xuyên nghe thấy tiếng đàn dương cầm, và cả tiếng kèn réo rắt, giọng nói của thanh niên, tiếng chân người và tiếng cười, tiếng tranh luận và tiếng hát. Những gia đình với các truyền thống lao động và văn hóa lớn lao như vậy là sự tô điểm cho cuộc sống quê mùa, là những trung tâm đặc thù của tư tưởng tiên tiến. Tôi không biết tại sao cho đến nay vẫn chưa tìm được nhà nghiên cứu nào (có thể vì việc này quá khó) bỏ công quan sát cuộc sống của những gia đình này và khám phá ý nghĩa của chúng dù chỉ là đối với một thành phố nào đó – như Saratov, Kiev hoặc Vologda. Đó chắc sẽ là một quyển sách không những chỉ quí giá mà còn hấp dẫn về lịch sử văn hóa Nga. Sau khi rời trường trung học tôi không biết tin tức gì về Bulgakov, và chỉ đến bây giờ chúng tôi mới gặp lại nhau, trong tòa soạn báo “Tiếng còi”. Mùa đông năm đó Bulgakov viết những truyện ngắn sắc sảo của mình, trong đó sự châm biếm và hoang tưởng đạt đến sức mạnh làm người khác vô cùng ngạc nhiên. Tôi vẫn còn nhớ sự bàng hoàng mà những truyện ngắn của Bulgakov tạo ra, đó là các truyện ngắn như “Những ghi chép trên cổ tay áo”,“Những quả trứng bất hạnh”,“Quỷ cái” và “Những cuộc phiêu lưu của Tchitchikov (Bài trường ca gồm hai chương với phần mở đầu và đoạn kết)”. Nhà hát nghệ thuật đề nghị Bulgakov dựa theo quyển tiểu thuyết “Bạch vệ” để viết một vở kịch. Bulgakov đã đồng ý. Thế là xuất hiện “Những ngày của Turbiny”. Vở kịch tuyệt vời và chịu lắm hệ lụy này đã trải qua nhiều thăng trầm, cấm đoán, nhưng nó đã giành chiến thắng nhờ sự điêu luyện và sức mạnh kịch thuật của mình. Trong quá trình dàn dựng vở kịch này đã xuất hiện nhiều tình tiết hoang tưởng, hầu như khó tin. Trường phái nghệ thuật hoang tưởng Gofman đồng hành suốt đời cùng với Bulgakov. Không phải ngẫu nhiên mà Gogol là nhà văn yêu thích của Bulgakov. Không phải là nhà văn Gogol được giới thiệu theo kiểu chính thống, người mà chúng tôi đã mang theo vào đời từ trên ghế nhà trường, mà là nhà văn viết chuyện hoang tưởng điên loạn, làm cho mọi người quá đỗi khiếp hãi lúc thì bằng sự hân hoan của mình, lúc thì bằng tiếng cười thâm độc, lúc thì bằng sự tưởng tượng hoang đường đến mức làm máu trong người đông cứng lại. Dường như lúc nào Gogol cũng đứng phía sau độc giả và sau những nhân vật của mình và ông nhìn chòng chọc vào lưng họ. Và mọi người vừa ngoái nhìn lại, vừa lo sợ cái nhìn xuyên qua mọi thứ của ông. Và sau khi ngoái nhìn, họ an tâm nhận ra trong đôi mắt của Gogol những giọt lệ thán phục, những giọt lệ có cái gì đó thật tráng lệ như bầu trời nước Ý lấp lánh trên thành Rôm hoặc như tiếng động ầm ầm của cổ xe tam mã Nga đang phóng điên dại trên các thảo nguyên cây cối rậm rạp. Bulgakov đã chịu một số phận nặng nề và kỳ lạ. Nhà hát MKHAT chỉ trình diễn những vở kịch cũ của anh. Vở kịch mới “Molier” bị cấm diễn. Tản văn của anh bị cấm in. Anh rất đau khổ vì việc này, buồn bực và cuối cùng anh viết thư cho Stalin, một bức thư tràn đầy phẩm chất cao quí của một nhà văn Nga. Trong bức thư này anh đòi hỏi cái quyền thiêng liêng và duy nhất của một nhà văn – đó là quyền được in và bằng cách đó được giao tiếp với nhân dân mình và phục vụ cho nhân dân bằng toàn bộ sức lực của bản thân mình. Anh không nhận được hồi âm. Bulgakov buồn phiền. Anh không thể nào đặt dấu chấm hết cho những tư duy nhà văn của mình. Anh không thể vứt vào hố rác trí tưởng tượng của mình. Không có và không thể có bản án tử hình xấu xa nhất đối với người cầm bút. Bị tước mất khả năng được in, anh đã tưởng tượng ra những mẩu truyện ngắn lý thú dành cho những người gần gủi của mình – cả chuyện buồn và cả chuyện đùa. Anh kể những chuyện đó ở nhà, sau bàn trà. Thật đáng tiếc, chỉ một số ít những câu chuyện này còn lưu lại được trong ký ức. Phần lớn chúng đã bị lãng quên, hoặc, nếu diễn đạt theo kiểu trước đây, là đã bị ném xuống sông Leta. Lúc còn bé tôi đã tự hình dung cho mình một cách rất rõ ràng về con sông Leta này – một con sông chảy ngầm dưới đất với dòng nước đen ngòm. Trong dòng nước đó có những con người và cả những giọng người chìm nghỉm rất lâu và không nổi lên được nửa, tưởng chừng như đã kiệt sức. Tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện như thế. Hình như ngày nào Bulgakov cũng viết gửi Stalin những bức thư dài và bí ẩn, ký tên là: “Tarzan”. Mỗi lần nhận được thư Stalin đều ngạc nhiên và có đôi chút lo sợ. Cũng như mọi người, ông tò mò và yêu cầu Beria phải nhanh chóng tìm cho ra và đưa tác giả của những bức thư này đến gặp ông. Stalin nổi cáu: “Các anh chỉ giỏi nhận những thằng ăn bám vào các cơ quan, còn bắt một người thì các anh không làm được”. Cuối cùng họ đã tìm được Bulgakov và đưa anh ấy đến điện Kremli. Stalin quan sát anh ấy một cách chăm chú và có đôi chút thiện ý, nhấc ống điếu ra khỏi mồm và từ tốn hỏi: - Chính anh viết cho tôi những bức thư này phải không? - Vâng, tôi, thưa Iosif Vissarionovich. Im lặng. - Nhưng có sao không, thưa Iosif Vissarionovich? – Bulgakov lo lắng hỏi. - À, không sao. Anh viết rất hay. Im lặng. - Thế có nghĩa anh chính là Bulgkov phải không? - Vâng, chính tôi, thưa Iosif Vissarionovich. - Thế tại sao quần anh lại mạng vá và đôi giày rách bươm như thế? Chà, không tốt đâu! Thật không tốt! - Vâng thế đấy... Tiền lương èo uột, thưa Iosif Vissarionovich. Stalin quay về phía bộ trưởng cung tiêu: - Sao cậu cứ ngồi nhìn thế? Không thể cho người ta áo quần à? Quân của cậu ăn cắp thì giỏi, còn cấp áo quần cho một nhà văn thì không làm được. Cậu tái mặt rồi à? Sợ à? Hãy cấp áo quần ngay lập tức. Bằng vải gabardin! Còn cậu sao cứ ngồi ì ra thế? Râu cậu xoắn tít lại rồi à? Chà, cậu mang đôi giày tốt thế kia! Hãy cởi giày ra, đưa cho người đàn ông này. Cái gì cậu cũng đợi người ta bảo, còn chính mình chẳng nghĩ ra được điều gì! Và thế là Bulgakov có quần áo, có giày, ăn uống no nê, bắt đầu dạo bộ trong điện Kremli, và anh ấy gắn bó với Stalin bằng một tình bạn bất ngờ. Đôi lúc Stalin cảm thấy buồn và trong những giờ phút như thế ông than vãn với Bulgakov: - Cậu hiểu không, Misha, mọi người cứ hét lên – thiên tài, thiên tài. Mà rồi thậm chí tôi chẳng biết uống rượu cô-nhắc với ai cả! Dần dần cứ như thế, hết nét này đến nét khác, hết chi tiết này đến chi tiết khác, bóng dáng hình tượng của Stalin được khắc họa bởi Bulgakov. Và sức mạnh tài năng của Bulgakov đầy nhân hậu đến mức hình tượng này trở nên rất người và thậm chí ở mức độ nào đó còn đáng yêu. Đừng vô tâm quên chuyện Bulgakov kể về việc người nào đã mang đến cho anh bao nhiêu đau khổ như thế. Có một hôm Bulgakov, người mệt mỏi phờ phạc, đến gặp Stalin. - Ngồi xuống đây, Misha. Sao cậu ủ rũ thế? Có việc gì xảy ra vậy? - Vâng đây này, tôi vừa viết xong một vở kịch. - Vậy thì cần phải vui khi đã viết xong cả một vở kịch. Tại sao cậu lại buồn? - Các nhà hát không chịu dàn dựng, thưa Iosif Vissarionovich. - Thế cậu muốn vở kịch sẽ dàn dựng ở nhà hát nào? - Vâng, tất nhiên là ở nhà hát MKHAT, thưa Iosif Vissarionovich. - Mấy cái nhà hát thật nhố nhăng! Đừng lo, Misha ạ. Cậu ngồi xuống đi. Stalin cầm máy điện thoại lên. - Cô nương đấy hả! Hả, cô nương đấy hả! Cho tôi nói chuyện với MKHAT! Nối máy với MKHAT cho tôi! Anh hãy nghe nhé, Stalin đang nói đây. A-lô! Nghe đây! Stalin bắt đầu bực mình và thổi phù phù vào ống nghe. - Những thằng ngốc đang ngồi ở Cục thông tin. Điện thoại ở chỗ chúng nó lúc nào cũng trục trặc. Cô nương đâu, nối máy lại g g ụ ặ g y ạ với MKHAT cho tôi. Một lần nữa, tôi nói với anh bằng tiếng Nga đây! Ai đấy? MKHAT à? Nghe đây, đừng có bỏ máy xuống! Stalin đang nói đây. Đừng có bỏ máy xuống! Giám đốc đâu rồi? Thế nào? Chết rồi à? Vừa mới chết à? Cậu xem đấy, dân chúng dễ bị kích động quá! NHỮNG NGƯỜI THÁP TÙNG CON TÀU HUẤN LUYỆN Chiếc tàu buồm Na-uy với vỏ tàu bằng thép – một chiếc tàu vượt đại dương rất đẹp – bị mắc cạn trên đá trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất ở cửa vào Bạch Hải. Chính phủ Nga mua lại chiếc tàu này của Na-uy. Sau cách mạng người ta đặt tên cho nó là tàu “Đồng chí”, biến nó thành chiếc tàu huấn luyện của đội tàu buôn và mùa hè năm 1924 người ta đưa nó đi một chuyến vòng quanh thế giới, khởi hành từ Leningrad. Tại tòa soạn báo “Trong phiên trực” bắt đầu một không khí hồi hộp – cử ai đây đến Leningrad làm phóng viên tháp tùng con tàu “Đồng chí”? Đây là chiếc tàu buồm đầu tiên của Liên Xô có chuyến ra biển hấp dẫn như thế. Tất nhiên tôi không thể nào hy vọng được đi tháp tùng con tàu “Đồng chí”. Tôi hiểu rằng quyền được làm việc này trước hết thuộc về các thủy thủ cộng tác viên của chúng tôi là Novikov-Priboi và Zuzenko. Zenka Ivanov triệu tập một cuộc họp về việc này. Trong cuộc họp bỗng bất ngờ xuất hiện bác Aleksandr Grin. Lúc đó tôi nhìn thấy bác ấy lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Tôi nhìn bác ấy mà cứ như là trong tòa soạn của chúng tôi, ở thành phố Moskva hỗn độn và bụi mù đang xuất hiện thuyền trưởng con tàu “Người Hà-lan bay” hoặc chính Stivenson. Grin người cao, khó đăm đăm và ít nói. Thỉnh thoảng bác cười lịch thiệp khó nhận thấy, nhưng chỉ bằng đôi mắt tối sầm, mệt mỏi và chăm chú. Bác mặc bộ vét đen, bạc màu vì dùng lâu, và đội chiếc mũ đen. Vào thời đó không ai đội mũ. Grin ngồi vào bàn và đặt hai tay lên bàn – hai bàn tay gân guốc rắn chắc của thủy thủ. Mấy mạch máu to căng phồng trên hai tay bác. Bác nhìn hai bàn tay, lắc đầu và nắm chặt thành hai quả đấm, - các mạch máu xẹp xuống ngay. - Thế này nhé, - bác nói bằng cái giọng nho nhỏ và đều đều, - tôi sẽ viết cho các anh một truyện ngắn, tất nhiên là với điều kiện các anh trả cho tôi một ít tiền. Ứng trước. Các anh hiểu chứ? Tình thế của tôi quá bi đát. Ngay bây giờ tôi cần phải về quê ở Feodosia. - Thưa Aleksandr Stepanovich, bác có muốn chúng tôi cử bác đến Petrograd đi tháp tùng con tàu “Đồng chí” không ạ? – Zhenka Ivanov hỏi bác ấy. - Không đâu! – Grin trả lời dứt khoát. – Tôi đang bị bệnh. Tôi chẳng cần gì nhiều, một chút ít thôi. Đủ mua bánh mì, thuốc lá và đi đường. Tôi sẽ chạy tránh xa ngay hiệu cà phê đầu tiên ở Feodosia. Tránh mùi cà phê và tiếng va chạm lạch cạch của các viên bi trên bàn bi-a. Tránh xa khói tàu thủy. Rồi tôi sẽ biến khỏi chỗ này. Ngay lúc đó Zenka Ivanov chỉ thị cấp tiền tạm ứng cho bác Grin. Chẳng hiểu tại sao tất cả mọi người đều im lặng. Cả Grin cũng im lặng. Tôi cũng im lặng, mặc dù tôi rất muốn nói với bác rằng bác đã tô điểm cho tuổi thanh niên của tôi như thế nào bằng trí tưởng tượng bay bổng của mình, những đất nước thần kỳ biết bao đã nở hoa, không bao giờ tàn héo, trong những truyện ngắn của bác, những đại dương đã lấp lánh đẹp biết bao và phát ra âm thanh rì rào vang xa hàng nghìn và hàng nghìn dặm, làm mê hoặc những con tim trai trẻ và không biết sợ hãi. Và những thành phố cảng chật hẹp, ồn ào, du dương và ngát hương thơm, chan hòa ánh nắng dịu êm, đã biến hóa vào trong vô số những truyện cổ tích và đi mãi đến nơi xa xăm, như một cơn mơ, như tiếng bước chân phụ nữ đi xa dần, như hơi thở làm say lòng người của những đất nước thanh bình và nở đầy hoa mà chỉ có bác, Grin, mới khám phá ra được. Những suy tư của tôi cứ quay cuồng và rối mù trong đầu, tôi lặng thinh, và thời gian trôi qua. Tôi biết rằng Grin sắp đứng dậy và ra về. - Hiện giờ bác đang bận công việc gì, bác Aleksandr Stepanovich? - Novikov-Priboi hỏi Grin. - Tôi đi bắn mấy con chim cút bằng cung tên trong cánh đồng hoang gần Feodosia, ngoại ô Sarigol, - Grin trả lời sau tiếng cười gằn. - Để làm thức ăn. Không thể nào hiểu được – bác nói đùa hay nói thật. Bác đứng dậy, chào mọi người và bước đi, dáng nghiêm nghị và chững chạc. Bác đi xa vĩnh viễn, và tôi không bao giờ còn gặp lại bác nữa. Tôi chỉ vừa suy nghĩ và viết về bác, vừa hiểu rõ rằng, đây là cống vật quá nhỏ bé thể hiện lòng biết ơn của tôi đối với Grin về món quà hào phóng mà bác đã hào hiệp để lại cho tất cả những người hay mơ mộng và những nhà thơ. - Một con người vĩ đại! – Novikov-Priboi nói. – Một con người bị mê hoặc. Ông chỉ nhường cho tôi nói mấy lời là tôi thấy vui lắm rồi! Thú thật là tôi viết hì hục như một thợ lau sàn. Còn bác ấy khi có cảm hứng thì viết một câu – rồi ngồi thở lấy hơi. Thật là tuyệt! Novikov-Priboi đã hết xúc động và anh cũng từ chối đi tháp tùng con tàu “Đồng chí”. - Chỉ làm cho mình thủng tim thôi, - anh nói với giọng bực bội. Đến lượt Zuzenko. Anh nháy mắt với tôi và nói rằng anh đồng ý đi trên tàu “Đồng chí” với chức trách thuyền trưởng. Đối với anh ấy, một con sói biển kỳ cựu thì đi trên tàu như một “người cầm bút” là chuyện vô nghĩa. Không có anh thì người ta cũng làm được hết. Lúc đó Zhenka Ivanov đề nghị tôi đi. Và chính tôi cũng tình nguyện đi. Ngày hôm sau chúng tôi lên đường. Lần đầu tiên trong đời tôi đi lên miền bắc. Ngay khi đoàn tàu đến ngoại ô Tver tôi đã cảm nhận vẻ hùng tráng của những cánh rừng, của bầu trời mờ đục và của những cánh đồng được chiếu sáng bằng ánh nắng nhàn nhạt. Từ thuở bé tôi đã được đọc Pushkin, rằng “thành phố Petra” đã xuất hiện trong không gian mờ mịt của những cánh rừng, giữa những đầm lầy Tchukhon. Sau này ấn tượng đó đã bị lãng quên. Lịch sử phức tạp của thành phố này, kiến trúc trang trọng của nó, sự có mặt thường xuyên ở đây của hàng trăm con người kiệt xuất đã làm lu mờ ấn tượng đó. Khi còn chưa đến Peterburg, tôi đã nhìn thấy nó bằng đôi mắt của những con người này. Các thế hệ những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ, những nhà bác học, những tướng lĩnh, thủy thủ, những nhà cách mạng, những thiếu nữ xinh đẹp và những người đàn bà lỗi lạc đã mang đến cho cái thủ đô nửa đêm nửa ngày này một diện mạo anh hùng và hầu như hư ảo. Nhờ hảo tâm của các nhà văn mà Peterburg có thêm nhiều thứ hư ảo. Nhưng đối với tôi những thứ hư ảo đó rất thực, như những con người quanh tôi. Trong chiều sâu tâm hồn tôi tin rằng Evgeni Onegin, Nastasia Filipovna, Neznakomka và Anna Karenina thực sự đã sống ở đây và bằng việc đó họ đã làm phong phú thêm cho hiểu biết của tôi về Peterburg. Không thể nào tự hình dung được về Peterburg nếu không có đông đảo những khuôn mặt đa dạng và hấp dẫn này. Tôi tin rằng ở Peterburg có một cuộc sống thực và một cuộc sống được sản sinh ra nhờ trí tưởng tượng, chúng hòa quyện chặt chẽ vào nhau. Tôi cảm nhận được lực hấp dẫn của Peterburg ngay từ khi còn cách xa nó. Dường như trong bầu không khí sáng loáng và ánh lấp lánh ban đêm dành cho chính tôi đã xảy ra mọi sự kiện giống như những gì thực tế đã xảy ra trong thành phố này và làm cho người ta nhớ mãi. Bởi vậy ngay khi còn đang trên đường đến Leningrad tôi đã hồi hộp đến mức ù cả tai, không còn nghe được những câu người ta hỏi tôi, và nói chung tôi giống như một người bị ma ám. Thành phố xuất hiện như một giấc mơ được tạo ra bởi bầu không khí mù sương. Màn sương mù trải dài trên những đại lộ xa tít tắp của thành phố. Qua màn sương đó ngọn tháp huyền thoại của Bộ tư lệnh hải quân tỏa sáng nhợt nhạt. Trên sông Neva chao liệng ánh nắng lung linh và những cơn gió nhẹ từ biển thổi vào. Những dãy nhà uy nghi (tôi hiểu ngay rằng những kiệt tác kiến trúc như thế này không một nơi nào trên thế giới có được) hơi bị nhòe đi bởi bầu không khí phương bắc và vì vậy có được sự truyền cảm đặc biệt. Trên đại lộ Neva giữa hai mép đường ẩm ướt mọc lên đám cỏ tươi mơn mởn. Vào năm đó Leningrad hoàn toàn không có khói, không khí trong lành. Hầu hết các nhà máy của thành phố không còn hoạt động. Tôi cùng với Ivanov đi từ ga ra đảo Vasilevsky trên chiếc xe Ford kiểu cổ. Tôi lo rằng Ivanov sẽ bắt đầu tán chuyện và tôi buộc phải nghe những lời anh ấy nói và trả lời những câu nói đó. Nhưng hóa ra anh cũng là con người tuyệt vời! Anh không nói câu nào và chỉ nheo mắt nhìn khắp chung quanh. Cho đến lúc này tôi đã đọc và nghe hàng trăm lần các từ “Trên bờ sông Neva”. Nhưng tất nhiên tôi vẫn chưa hiểu được cái đó có nghĩa là gì cho đến khi từ trên chiếc cầu dài uốn lượn hiện lên trước mắt dãy lâu đài hoành tráng và và lấp lánh màu xanh mặt nước sông Neva. Trên khoảng không bao la hùng vĩ đỏ rực vầng thái dương và sự tĩnh lặng làm ta sững sờ. Thậm chí đó không phải là sự tĩnh lặng, mà là một cái gì đó lớn lao hơn – sự câm lặng vĩ đại của vẻ tráng lệ này. Hít thở rất khoan khoái. Có thể đó là do không khí được tiếp xúc thường xuyên với nhựa thông và mùi hoa gia. Những cây gia ở đây dường như sẫm màu hơn so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Đặc biệt là mấy cây gia trong công viên Mùa hè. Chúng tôi xuống xe cạnh dãy nhà Hàng hải. Đi theo những tấm bản to uốn lượn, bị thời gian làm lún xuống, chúng tôi lên đến một ngôi nhà trong dãy nhà đó, vào gian đại lễ mát lạnh. Ở đó đang có cuộc hội nghị của các thủy thủ nhân dịp con tàu “Đồng chí” ra khơi. Ivanov nói nhỏ với tôi rằng gian phòng này là gian phòng duy nhất trên thế giới, bởi lẽ nó được treo vào các bức tường bằng những sợi cáp lớn. Tôi không tin điều anh ấy vừa nói. Tôi không nhìn thấy sợi cáp nào, nhưng dù sao cũng cố thử cảm nhận có sự đung đưa khe khẽ nào không của sàn nhà bằng ván ghép. Nếu gian phòng quả thực được treo thì chắc nó phải đung đưa. Nhưng gian phòng vẫn đứng im không nhúc nhích. Zhenia giới thiệu tôi làm quen với một cụ già tóc bạc vui tính – thuyền g ệ q ộ ụ g ạ y trưởng tàu buồm nổi tiếng và là nhà văn viết về biển Lukhmanov. Ông khẳng định rằng gian phòng của tòa nhà Hàng hải đúng là được treo trên các dây cáp, và ông vô tư nói rằng việc này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Còn đối với tôi thì mọi thứ chung quanh đều đáng ngạc nhiên – cả gian phòng, cả những biểu tượng hàng hải trên các bức tường, cả những mô hình lớn óng ánh màu sơn khô của mấy con tàu đặt trên những bệ đỡ dọc các bức tường. Tôi ngồi cạnh mô hình một chiến hạm cổ, chăm chú nhìn vào mô hình (mô hình đặt ngang tầm cửa sổ), và, có lẽ vì vậy mà trong mắt tôi bỗng thấy có cái gì đó dịch chuyển và lắc lư. Và thế rồi chiếc chiến hạm bơi ra ngoài cửa sổ và dường như nó bỏ neo đứng lại giữa sông Neva. Những lá cờ trên tàu bay phần phật trước gió. Con tàu gửi lời chào bằng tiếng nổ từ những họng súng đại bác cổ - những khẩu đại bác trơn nòng nhô ra từ các ô cửa sổ trên thân tàu. Sau khi khói phủ kín con tàu trong giây lát, một chiếc tàu kéo đi qua. Chiến hạm chòng chành trên các ngọn sóng do chiếc tàu kéo gây ra, cột buồm vẽ những đường dích dắc lên nền trời – lúc thì cao hơn, lúc thì thấp hơn đại giáo đường Isaakievsky. Tôi thấy vui vì sự đánh lừa quang học này, nó giống như sự trở về bất ngờ của những xúc cảm thời trẻ con của tôi. Một sự luyến tiếc khủng khiếp, thậm chí là sự bực mình đã xâm chiếm người tôi. Tôi hoàn toàn tin tôi không được quyền một mình chiêm ngưỡng toàn bộ quang cảnh kỳ vĩ này. Suốt đời tôi cảm nhận nỗi luyến tiếc không gì bù đắp được, khi tôi một mình đến nơi cách xa những người thân yêu – giữa những hoang đảo của quần đảo Egeisk, trên bờ biển Sardiny, ở vùng biển Tirensky long lanh mờ đục, trong sự nổi bật thần tiên của các đại lộ Pari về đêm, trong tán lá cây ngô đồng vàng úa và chìm trong màn sương: Ermenonvile, nơi Jean-Jacques """