🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chuyện Của Nghề - Ai Cũng Có Việc Của Mình Ebooks Nhóm Zalo Mục lục Lời mở đầu PHẦN I- CÂY CAO BÓNG CẢ QUYẾT GIỮ NGHỀ 1. Người viết thuê gần ba thập kỷ 2. Thương lắm rổ tre 3. Mong manh nghề làm lồng đèn giấy kiếng 4. Tiếng sáo réo rắt giữa trời Sa Pa 5. Triết lý sống của bà Củ Năng 6. Món xôi xéo nấu từ tình yêu với khách hàng 7. Bí mật trong ly nước mía ngon PHẦN II- TA YÊU NGHỀ, NGHỀ SẼ YÊU TA 1. Người khắc chữ trên vỉa hè Sài Gòn 2. Những ly cà phê đậm đà tình người ở Cheo Leo 3. Thầy Phong mù đi gieo ánh sáng 4. Chú Tần quyết bám nghề sửa máy ảnh 5. “Sư phụ” sửa giày của trẻ bụi đời 6. Cô Ngân cần mẫn giữ gìn vẻ đẹp thổ cẩm 7. Cô Môn yêu cây, yêu đất 8. Thầy Tuấn dạy định hướng cho người khiếm thị 9. “Việc nào cũng quý” PHẦN III- LỬA THỬ VÀNG, GIAN NAN THỬ SỨC 1. Người giấu mặt trong ban nhạc Bức Tường 2. Thế giới trong phòng lab tráng phim 3. Người dẫn đường hành trình săn mây 4. Mỗi ngày làm bánh là một ngày vui 5. Hạnh phúc giản dị của người tài xế 6. Sức sống mãnh liệt của Dũng cắt tóc 7. Cô gái mang lại cơ hội thứ hai cho đồ cũ 8. Lối đi của Duy 9. Vốn khởi nghiệp PHẦN IV - TUỔI THANH XUÂN VÀO NGHỀ 1. Thế giới bóng bay nghệ thuật của Quỳnh Anh 2. Chúng tôi là Game Writer 3. Giấc mơ âm nhạc của Trang 4. Rai Còm – Người tua nhanh thời gian 5. Cửa hàng Nhặt lá, đá ống bơ 6. Tiếp viên An quyết gắn bó với nghề Thay cho lời kết - Vì cuộc đời là những chuyến đi... Ngẫm lại một chặng đường - Vy về làm vườn LỜI MỞ ĐẦU B ạn thân mến, Cuốn sách nhỏ các bạn đang cầm trên tay là những ghi chép của một vài người trẻ về những người xung quanh họ. Ngày ấy, chúng mình vừa mới tốt nghiệp đại học chưa tròn một năm, vừa nếm thử một chút mùi vị của cuộc sống tự lập. Háo hức và liều lĩnh, chúng mình lao ra với cuộc đời. Bây giờ, mỗi đứa một nơi, theo đuổi những lý tưởng của riêng, lo lắng những nỗi lo của riêng. Còn Chuyện của Nghề, dù có tồn tại như một cuốn sách hay chỉ là những bài đăng ngắn trên trang Facebook, thì vẫn mãi là một dấu mốc về những ngày đầu tiên chúng mình sải cánh bay vào cuộc đời rộng lớn bên ngoài cánh cửa nhà trường. Mình sẽ không dài dòng về những năm tháng đầu tiên của dự án kể chuyện nhỏ này đâu. Chúng đã ở trong những câu chuyện mà bạn sắp đọc cả rồi. Có lẽ, mình chỉ xin phép được chia sẻ đôi điều suy nghĩ sau một thời gian lắng nghe những câu chuyện về nghề, hay đúng hơn là về cách sống của những người mình may mắn gặp trên đường. Chuyện của Nghề ra đời từ cảm giác thích thú khi mình ngắm nhìn những người xung quanh làm và lắng nghe họ kể về công việc với tất cả sự tập trung, chăm chú, mê say, đau đáu và hạnh phúc. “Công việc” đó không tách rời khỏi cuộc sống. Công việc là một cách họ chọn để kể về cuộc đời mình. Đến bây giờ, mỗi khi được nghe ai đó kể về việc họ làm, mình vẫn thấy run lên, râm ran rạo rực vì sung sướng. Và rồi, trong mình cứ có cảm giác thôi thúc muốn kể lại. Không phải chuyện gì cũng kể, cũng viết ra được, và không phải chuyện gì viết ra cũng có thể dành cho tất cả mọi người cùng đọc. Đôi lúc, mình còn lo sợ rằng mình nói ra và thế là hết, những câu chuyện đó không còn là của riêng mình nữa. Nhưng hóa ra mình đã lo thừa. Mỗi lần kể là một lần nhận thêm thôi, còn những cảm xúc có được thì vẫn luôn ở đó. Những câu chuyện trong mình vẫn cứ sóng sánh, lúc nào cũng có cảm giác chực tràn, như thể chờ gặp đúng người, đúng thời điểm để được kể ra vậy. Và mình thích như thế: luôn muốn được nghe, luôn có gì đó để kể, và muốn kể. Dù vậy, mình không định viết thật nhiều, hay chia sẻ mọi điều về ai đó trong cuốn sách này. Chúng chỉ là những mẩu chuyện nhỏ mà chúng mình may mắn ghi chép được từ góc nhìn riêng. Mọi chuyện trong thực tế lớn hơn nhiều. Những con người ấy, ngoài đời còn muôn điều khác để nghe, để hiểu, để sẻ chia. Câu chuyện kể ở đây có thể chỉ là một khoảnh khắc, một đoạn ngắn trong cuộc đời của họ. Khi xem lại danh mục bài viết cho lần tái bản này, mình cũng băn khoăn với vài câu chuyện, vì có thể bây giờ mình không còn gần với nhân vật đó nữa, nhận thấy họ có những thay đổi mà mình không nắm bắt, không hiểu được. Nhưng ngẫm lại, con người và cuộc sống cũng giống như dòng sông vậy, cứ chảy trôi thôi. Mình nên biết hài lòng, biết đủ với những gì mình hiểu về người khác. Nghĩ đến đó, mình thấy an tâm với những điều tụi mình chia sẻ ở đây. Nghĩ cho giản đơn đi, chúng chỉ là những câu chuyện thôi mà. Những gì được kể ra ở đây chỉ là một vài trong số muôn vàn câu chuyện đang được viết nên bởi những người đang thầm lặng làm công việc của mình mỗi ngày. Họ chỉ muốn làm tốt công việc của mình, không mong cầu ai đó kể lại về cách họ đang sống. Nhưng cách họ làm, cách họ sống và những thông điệp họ gửi tới mọi người, tự bản thân chúng đã là những câu chuyện đầy màu sắc và cảm hứng rồi. Việc nhỏ mình làm, làm cho chỉn chu và tử tế là bài học mình đã học được từ nhiều người. Đó cũng là thái độ mình chọn để sống, để mang lại những sự đổi thay mà mình muốn. Ai cũng có việc của mình, mỗi người cứ làm tốt việc của mình là mọi chuyện sẽ tốt đẹp, mình tin là như vây. Gần đây, mình tình cờ gặp lại một người bạn. Lần đầu mình gặp bạn ấy là ở buổi ra mắt sách Chuyện của Nghề lần đầu tại Hà Nội. Lần này, mình gặp bạn ở một diễn đàn dành cho thanh niên hoạt động vì môi trường. Bạn có một sạp hàng nhỏ, bắt đầu bằng việc bán những sản phẩm như ống hút inox, cỏ bàng thay cho ống hút nhựa dùng trong nhà hàng, bàn chải tre thay cho bàn chải đánh răng bằng nhựa. Vào buổi tối kể chuyện và chia sẻ, mình bất ngờ quá, khi biết sạp hàng của bạn bắt đầu nhờ đọc Chuyện của Nghề. Biết điều đó, mình thật sự vui lắm, và cảm động nữa. Mình bảo bạn rằng, có thể Chuyện của Nghề đã gieo vào lòng bạn một hạt giống, cũng có thể mảnh đất tâm hồn bạn đã có sẵn những mong muốn này rồi. Bạn đồng ý với mình và bảo rằng, trong bạn vẫn luôn có những điều đó nhưng chúng gần như bị lãng quên, và Chuyện của Nghề đã chạm vào giấc mơ tưởng chừng bị lãng quên ấy, nhắc bạn nhớ. Như một cơn mưa rào đến đúng lúc, để hạt giống trong bạn nảy mầm. Bạn đọc thân mến, Chúng mình không mong gì hơn, rằng Chuyện của Nghề có thể chạm vào tâm hồn bạn. Sự cộng hưởng của những câu chuyện nhỏ với những điều có sẵn trong bạn biết đâu sẽ mang đến những phản ứng diệu kỳ. Về phần mình, những câu chuyện này đã góp phần đưa mình đến với công việc làm nông. Đây là cách mình chọn sống cho hiện tại và trong tương lai. Đến một lúc không hề định trước, mọi thứ như sáng tỏ, như rõ ràng, rằng mình sinh ra là để làm những việc này, ở bên những người này, trân trọng những giá trị này. Bất cứ khi nào gặp phải điều gì trắc trở, mình vẫn luôn nhớ về những điều đã học được từ nhiều người khác, rằng ai cũng có phần việc của mình và sống như thế nào thì cứ làm như thế đó. Ước mơ suốt đời của mình là được là chính mình – và không cần phải đợi đến hết đời, mỗi ngày mình đều đang sống trong ước mơ ấy rồi. Có những chặng đường không được ghi nhớ bằng thời gian, mà bằng những người đã may mắn cùng đi một đoạn, bằng những thay đổi trong chính bản thân mình. Đó đã là một chặng đường đáng nhớ. Cảm ơn hai người bạn Huyền và Giang đã cùng mình bắt đầu Chuyện của Nghề. Cảm ơn em Quỳnh, chị Nhân, anh Tú đã cùng mình đi qua những ngày để cuốn sách được ra mắt lần đầu. Cảm ơn Hương Mai và các anh chị ở công ty sách Saigon Books đã tin tưởng, hết lòng và kiên nhẫn để cuốn sách có thể trở lại một lần nữa với bạn đọc. Và cảm ơn tất cả những người hiện diện trong cuốn sách, dù tên có được in lên hay không. Ngoài những câu chuyện được kể ở đây, còn rất nhiều những câu chuyện khác của những con người khác nữa. Từng chút, từng chút một, mỗi người đều góp phần của mình vào cuốn sách lớn của cuộc đời, mà Chuyện của Nghề chỉ là vài trang trong đó mà thôi. Chúng mình chờ được đọc những trang khác, do chính bạn viết nên. Thay mặt những người kể Chuyện của Nghề, Lại Hồng Vy PHẦN I CÂY CAO BÓNG CẢ QUYẾT GIỮ NGHỀ 1 NGƯỜI VIẾT THUÊ GẦN BA THẬP KỶ B ước chân vào Bưu điện Sài Gòn (Quận 1), tôi dễ dàng nhìn thấy một ông cụ gần 90 tuổi, tóc bạc trắng, đang ngồi cặm cụi viết chữ bên chiếc bàn gỗ dài. Ông đặt một tấm bảng bên cạnh, có ghi “Nơi chỉ dẫn và viết giúp” bằng ba thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp. Cụ ông đó là Dương Văn Ngộ, người làm công việc mà trên toàn Việt Nam bây giờ có lẽ chỉ còn một mình ông: nghề viết mướn! Công việc của ông là dịch thư từ tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để khách hàng gửi cho người thân ở nước ngoài. Khi có người nhờ viết, ông bảo họ soạn sẵn nội dung bằng tiếng Việt rồi đưa cho ông dịch. Sau đó, ông sẽ viết lại bằng thứ tiếng mà người gửi yêu cầu trên những mảnh giấy trắng phẳng phiu rồi giao lại cho khách hàng. Ông kể: “Khi học xong tiểu học, tui đã thành thạo tiếng Pháp. Đến năm 16 tuổi, tui đi làm ở kho bưu điện Thị Nghè. Công việc chính là trông coi 12 người lao công. Năm 18 tuổi, tui thi đậu vào làm việc ở Bưu điện Thành phố, rồi 18 năm sau, tui được bưu điện cử đi học ở Hội Việt Mỹ để phục vụ cho khách. Chính vì vậy mà tui nói được tiếng Anh giọng Mỹ. Làm ở Bưu điện Thành phố đến tận năm 1990 tui nghỉ hưu. Khi đó, lãnh đạo bưu điện bảo tui ra đây ngồi viết mướn, thế là tui làm nghề này cho tới bây giờ”. Ngoài thư, người ta còn nhờ ông viết giúp những đơn từ khác như phiếu chuyển tiền, biểu mẫu các loại,... Thứ ông hay viết nhất là địa chỉ, vì nhiều người sợ ghi sai địa chỉ thư không tới nơi nên nhờ ông viết cho đúng. Mỗi khi dịch một lá thư, ông thường tra cứu từ điển cẩn thận. Ông tỉ mỉ lướt cái kính lúp trên từng trang sách để tìm những con chữ phù hợp với ý của người viết nhất. Hai cuốn từ điển Việt - Anh, Việt - Pháp mà ông luôn mang theo bên mình hàng chục năm qua là công cụ đắc lực cho công việc dịch chữ của ông. Khi dịch, ông luôn cố gắng dùng từ cho người nhận dễ hiểu, đặt dấu câu rõ ràng, xuống hàng đúng cách. Nhiều lúc khách viết sai chữ, sai dấu hoặc ngắt hàng không đúng, ông đều cẩn thận sửa lại cho họ. Ông hồi tưởng: “Có nhiều người nhờ tui dịch thơ, nhưng thơ mà dịch ra thì còn đâu là ý của người làm thơ nữa. Có tờ báo nói tui là ‘người viết thơ tình không bao giờ viết cho vợ’. Mà thiệt vậy, ở với vợ thì tui nói chuyện thôi chứ viết thơ làm chi. Ngày xưa, khi hẹn hò bả, tui cũng nói chuyện thôi chứ có viết gì đâu”. Ông kể thêm: “Có khách nhờ tui dịch những bài thơ trách móc nhưng tui không làm. Tui cũng thường nhắc nhở họ: khi tức giận thì mắng chửi cũng được, nhưng nếu viết ra giấy thì nỗi tức giận vẫn còn lưu mãi ở đó”. Thời gian làm việc mỗi ngày của ông chính xác như chiếc đồng hồ lớn trong bưu điện: 8 giờ sáng có mặt, 12 giờ trưa đi ăn cơm, 1 giờ chiều quay lại làm, đến 3 giờ 30 phút chiều thì ra về. Ông không bao giờ về sớm, sợ khách tìm không thấy thì tội khách. Có khi, ông chuẩn bị ra về, có người đến nhờ viết, ông vẫn vui vẻ nán lại viết xong rồi mới về. Ông trầm ngâm ôn chuyện cũ: “Hồi tui mới ra đây làm đã có 3-4 người làm nghề viết mướn. Giờ thì họ khuất bóng hết rồi, chỉ còn lại mình tui. Tụi tui đều từng làm nhân viên bưu điện, ra đây ngồi hướng dẫn khách thì phải hiểu chuyện của bưu điện mới làm được. Lãnh đạo cũng chỉ cho cựu nhân viên ngồi viết mướn vì họ hiểu công việc của bưu điện. Mấy năm trước cũng có một ông chưa từng làm bưu điện xin ra đây viết mướn, lãnh đạo cho luôn rồi, nhưng ổng không chịu học. Khách nhờ viết bao thư mà ổng không chịu hỏi tui nên viết sai, người ta trách móc ổng quá trời. Sau đó vài ngày, ổng cũng bỏ nghề luôn”. Tui viết thơ giùm mà hôm qua người ta không lấy. Hôm nay không tới thì không biết người ta có lấy thơ được không. Ngồi nói chuyện một lúc, ông lấy mấy mẫu địa chỉ viết sai cho tôi xem, rồi bảo: “Có nhiều người viết địa chỉ mà viết trật lất, không đúng hàng, đúng lối, khó đọc. Viết địa chỉ phải viết mỗi ý một hàng rồi xuống hàng viết tiếp, không được viết chưa hết ý đã xuống hàng giữa chừng. Viết vậy nhìn địa chỉ nó kỳ lắm!”. Ngoài khách Việt Nam đến nhờ ông dịch chữ hoặc viết giùm, cũng có nhiều du khách nước ngoài tìm đến ông. Họ đến để chào hỏi, trò chuyện hoặc xin ông chụp vài tấm hình. Mỗi lần như thế, ông đều trò chuyện rất cởi mở và vui vẻ cho họ chụp ảnh. Ông luôn quan niệm rằng mình phải cư xử với khách nước ngoài thật tử tế để họ yêu mến đất nước của mình hơn. Có hôm, khi tôi ghé thăm ông, ông khoe mới được ông khách người Đức cho 500 nghìn đồng. Ông ấy là chồng của bà khách quen hay nhờ ông viết thư hai ngày một lần. Nhân dịp chồng qua Việt Nam chơi, bà dắt chồng ra cảm ơn ông vì đã làm cầu nối cho hai vợ chồng mấy năm nay. Những ngày không có ai tới thì tui đọc sách. Ông lúc nào cũng chi tiêu tiết kiệm. Ông luôn tìm các quán cơm bình dân có giá 10 nghìn đồng một suất để ăn trưa, lâu lâu mới đi ăn “sang chảnh” một bữa. Nhưng cái gọi là “sang chảnh” đó cũng chỉ đơn giản là mua thêm một dĩa cá hú hoặc món canh giò heo với giá 20 nghìn để ăn cho khỏe người. Hồi trước có ông khách đến nói chuyện với tui. Ổng thấy tui là người viết mướn cuối cùng nên tặng tui cuốn Người Mohican cuối cùng. Vào những ngày không có khách, ông thong thả ngồi đọc sách. Cầm trên tay cuốn Người Mohican cuối cùng do khách tặng, ông móm mém cười buồn: “Bây giờ tuổi của tui đã cao, sức khỏe tui đã yếu lắm rồi, không còn minh mẫn nữa. Tui chắc không ngồi đây viết chữ được lâu nữa. Còn gắng được ngày nào thì gắng thôi, chứ tui có thể rời bưu điện bất cứ khi nào”. Giờ đây, trí nhớ của ông đã suy giảm nhiều. Ông không còn nhớ rõ những chuyện xảy ra hằng ngày, nhưng những chuyện xưa cũ về 27 năm làm nghề viết mướn chưa bao giờ phai tàn trong ký ức của ông… Giang Phạm 2 THƯƠNG LẮM RỔ TRE M ỗi lần về quê, tôi hay đi chợ phiên theo thói quen đã chớm từ hồi còn nhỏ, từ cái thuở còn háo hức đợi ngày được bác hoặc chị họ đạp xe đạp chở đến chợ phiên. Chợ phiên tấp nập lắm, bày bán đủ thứ hàng hóa. Dẫu chẳng mua gì, chỉ xem thôi tôi cũng vui lắm rồi. Hồi bé, tôi thích ra chợ phiên xem đồ chơi, kẹp tóc. Còn bây giờ, tôi hay tìm đến một góc vắng trong chợ, chỗ có mấy hàng bán rổ tre, chổi rơm, thúng mẹt các kiểu. Trước đây, chuyện đan rổ, rá, nong, nia, giần, sàng để dùng trong nhà là việc nhiều người biết làm. Tất nhiên, hầu hết mọi người chỉ biết ở mức cơ bản, còn xấu đẹp thế nào còn tùy vào sự khéo léo của mỗi người. Khi ấy, việc làm thủ công vừa là để tự phục vụ cho cuộc sống thường nhật, vừa là một thú vui những khi rảnh rỗi, lại giúp rèn luyện sự khéo léo và chú tâm. Đó vừa là văn hóa vừa là kỹ năng sống đáng quý mà các thế hệ trước đã trao truyền, chứ không chỉ đơn thuần là làm đồ thủ công mỹ nghệ để trưng bày hay phục vụ du lịch như thời nay. Khi hàng hóa ngày càng đa dạng và được sản xuất ở quy mô công nghiệp, đồ nhựa có sẵn ở khắp mọi nơi với đủ mọi kiểu dáng màu sắc mà giá cả lại rất cạnh tranh. Nhiều người không còn thói quen tự làm đồ để dùng, họ để dành thời gian kiếm tiền và vui chơi. Giờ đây, khi đến những phiên chợ quê, từ miền ngược xuống miền xuôi, không khó để thấy các quầy hàng đồ nhựa gia dụng, thường là những quầy hàng có số lượng hàng hóa nhiều và bắt mắt nhất. Những gian hàng đồ tre bị dạt về một góc xa. Các cô bán đồ tre có hôm chở hàng đến rồi lại chở hàng về. Lác đác khách hàng dừng chân ở các gian hàng tre trả giá lên xuống, dù có thể biết người bán hàng chỉ lời vài ngàn trên mỗi món hàng. May ra gần Tết, các gian hàng tre này mới tấp nập người mua kẻ bán. Thế nên, việc một thanh niên thành phố đến phiên chợ quê mua nhiều rổ tre là “chuyện lạ”. Dễ hiểu thôi. Ở quê còn không dùng đồ tre nữa là, thành phố “văn minh” hơn thì chắc chắn phải dùng thứ khác. Do vậy, lần nào đi mua rổ tre, tôi cũng phải giải thích cho các cô bán hàng rằng tôi mua rổ tre không phải cho vui, mà vì tôi thấy rổ tre bền hơn rổ nhựa, giá cả không chênh nhau là mấy (thậm chí giá đồ tre bây giờ còn rẻ hơn đồ nhựa), lại tốt cho môi trường. Rổ tre làm theo cách truyền thống chỉ cần ngâm tre và gác bếp để chống mốc, mọt. Dùng cẩn thận cũng được vài năm, lúc nào hỏng có thể lấy làm rế kê nồi, hỏng hơn nữa thì cho vào nhóm bếp rồi đổ tro ra vườn, không mất đi đâu và cũng không để lại rác thải. Còn đồ nhựa để sản xuất ra phải dùng đủ thứ hóa chất, lại tiêu tốn bao nhiêu năng lượng, dùng không bền bằng đồ tre mà khi không dùng nữa thì ngay lập tức thành rác thải có thể không bao giờ phân hủy hoàn toàn. Lần đi chợ phiên gần đây nhất, lúc ra lấy xe về, tôi nghe cô bán rổ tre nói lại những ý trên với một người khách. Tôi thấy vui khi các cô hiểu phần nào ý nghĩa của những món hàng giản dị mà các cô đang bán. NGHỀ CŨ MAI MỘT Có một hôm đi phiên chợ gần Tết, tôi thấy bá(1) nọ ngồi bán độc một cái rổ. (1). “Bá” là cách gọi của người dân Thái Bình đối với người phụ nữ lớn tuổi hơn bố mẹ mình, còn “bác” là dùng để gọi người đàn ông lớn hơn tuổi bố mẹ mình. Thấy có người nhìn rổ, bá mời mua ngay. Mới đầu tôi còn lưỡng lự vì đã mua tương đối đủ hàng rồi(2). Tôi nói chuyện với cô bán hàng một hồi, thấy rổ của bá vẫn chưa ai mua. Rổ trông chắc chắn là thế, tôi quyết định mua thêm. Cái rổ có giá 35 nghìn đồng. Tôi gửi bá 40 nghìn đồng. (2). Phần lớn đồ tôi mua được gửi lên cho các bạn trên Hà Nội. Các bạn có một cửa hàng nhỏ bán đồ dùng thiết yếu trong gia đình như chổi mây, rổ tre, xơ mướp,… với giá cả dễ dàng tiếp cận cho mọi người. Chúng tôi muốn người tiêu dùng ở thành phố nhận thấy rằng, đồ mây tre đan không phải là mặt hàng xa xỉ, chỉ để làm quà hoặc trưng bày, mà còn là đồ dùng hằng ngày của mỗi gia đình. Đó cũng là cách chúng tôi chọn để giữ gìn và chia sẻ những giá trị vật chất lẫn tinh thần của những vùng quê. Chỉ cần chúng tôi còn bán được những sản phẩm này, sẽ còn người làm ra chúng. Mọi người chung quanh cứ bảo con bé này nó thương bà nên nó mua rổ. Tôi giải thích rằng mình không mua rổ vì thương bá mà vì nó đẹp thật, chắc chắn thật. Bá nói: “Bá cảm ơn cháu. Bá mang có hai cái đi bán. Cần tiền góp việc họ, được 70 nghìn rồi, chỉ còn thiếu 30 nghìn. Hôm nay cháu lại biếu thêm bá 5 nghìn nữa, bá cảm ơn cháu”. Tôi xin phép chụp bá tấm hình kỷ niệm. Bá ngồi nghiêm chỉnh để chụp, xong lúc thấy hình trong máy thì reo lên: “Nom cũng được phết nhỉ!”. Rồi bá đứng dậy, xỏ đôi dép sục nãy giờ kê ngồi, buộc khăn đội nón, xách cái làn có mấy quả táo chị bán hàng bên cạnh cho, đi về. Dọc đường đi, một chị bán hàng khác lại hỏi bá rằng bá bán hết rổ rồi à, bá dừng lại kể đầu đuôi câu chuyện rồi mới đi. Bá dặn tôi: “Bá tên Chi, nhà ở xóm Phúng. Địa chỉ của bá là vậy. Mai này cháu có tin vui thì báo cho bá biết với”. Vài ngày sau, tôi tìm đến xóm Phúng, hỏi nhà bá Chi. Tôi gặp được bá và gặp cả bác Châu – chồng của bá. Vừa gặp mà như đã là con cháu trong nhà, tôi hẹn hôm sau quay lại để nói chuyện được nhiều hơn. Bác Châu kể: “Ở thôn này, nghề đan có từ xưa giờ, bố mẹ con cái đều biết đan. Ngày xưa, cả làng đan thúng để bán cho người khai thác than Quảng Ninh dùng đội than xuống tàu. Thúng đan ra bao nhiêu cũng bán hết. Đến khi máy móc hiện đại xuất hiện, những người thợ này không cần đến thúng nữa. Giờ quay ra đan thúng, rổ bán cho dân dùng. Giá ngày xưa mua cũng ổn, bây giờ so về đồng tiền thì không bằng. Thu nhập chính của bác là làm ruộng, đan rổ. Cháu tính giờ nếu đi làm công ty, mình già mắt mũi kém thì làm gì. Bác giờ già đi xây cũng không được nữa, ở nhà chẻ nan đan cái rổ. Bác đan được cái nào thì bá đi chợ bán cái ấy. Đi chợ được đồng nào thì mua tí thức ăn rồi đóng tiền cỗ. Việc này cơ bản chỉ vất vả lúc chém tre, chứ mưa không đến mặt nắng không đến đầu, cứ ngồi làm thôi. Ai người ta cần thì đến mua. Chợ họp cũng gần, bá cứ đi mỗi bận bán vài đôi. Bác không làm hàng chợ để bán cho mấy người mua buôn đâu. Bác làm kỹ, không làm dối làm giả. Cầm cái rổ, bao giờ cháu cũng phải nắn xem nó có cứng không. Hàng chợ người ta cứ lột nan thật mỏng để lợi chi phí. Tre ít, nhiều khi làm bằng luồng tươi thì hay mọt, luồng chẻ dày thì gãy. Đáng lẽ cái rổ người ta dùng hai năm nhưng mua cái rổ kia chỉ một năm là dẹo đi. Thôi bác cứ làm đến đâu thì làm, làm chắc chắn cho người ta dùng. Nan bác chẻ dày phải bằng bốn nan kia. Nan mỏng đan mịn, mịn trông đẹp mắt. Nhưng đẹp thế rồi cũng méo đi, chỉ bị bấm thôi cũng xô vào với nhau. Nan dày thì đan không mịn được, chắc chắn rổ sẽ gồ ghề nhưng dùng lâu vẫn đều lỗ. Những tiêu chuẩn này tự mình đặt cho mình. Đi chợ, người ta tham quan hàng hóa, rổ của người buôn ấn thấy lõm, rổ của bác ấn không thấy lõm thì quay trở lại. Đi mua rổ phải ấn cái vòng cạp cứng nhất của rổ vì cái cạp rổ ấn cỡ nào cũng như thế. Ví dụ cái rổ chao, hai tay bóp nan, úp xuống ấn không lún, đấy mới là rổ chất lượng. Dùng cẩn thận xong nhớ treo lên rãnh bếp, chứ cứ vứt lay vứt lắt, xong ngâm nước thì nó giãn ra, đựng nhiều đồ là sụt. Giờ cả xóm này chỉ còn hai người đan rổ. Khi lớp người các bác khuất bóng là nghề đan ở xóm cũng hết. Giờ bác chỉ mong làm sao mua được tre về làm cái rổ”. NGƯỜI XƯA VẮNG BÓNG Năm ngoái, tôi từng đi tìm một bà cụ bán rổ tên Phiến. Tôi gặp bà trong một lần đi chợ phiên. Đi qua bao phiên chợ, tôi vẫn không thấy hàng nào có rổ đẹp như của bà. Nan dày, đan đều, gác bếp chắc lâu rồi mới mang bán nên có màu vàng nâu sẫm. Dây mây bóng, buộc sát, đều chằn chặn. Cái rổ có phom dáng chắc chắn, màu sắc rõ ràng sáng - tối, giống một tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ là một món hàng. Vừa đến đầu làng hỏi, người ta đã gật gù bảo nhà bà Phiến ấy đan rổ là đẹp nhất rồi. Nhờ mấy cô bán rổ chỉ cho, tôi tìm đến nhà bà cụ. Vào đến nơi mới hay là ông ở nhà đan, còn bà thì đi bán. Ông già lắm rồi, tay run mắt kém nên bảo là từ năm nay sẽ không đan nữa. Ông chỉ còn mấy đôi thúng to, tôi mua vào Nam làm quà. Nhưng vì thích quá, nên tôi vẫn cứ dặn ông nếu được thì đan cho một bộ rổ dùng rửa rau, rửa thức ăn hằng ngày. Gần đến ngày đi, quay lại đã thấy ông đang chẻ nan. Chẻ xong nan, ông còn chuốt nan cho nhẵn, chứ không lột mỏng. Chuốt xong, ông ngồi nghỉ một lúc rồi ra chẻ tiếp. Cứ túc tắc vừa làm vừa nghỉ. Cô con gái bảo cả nhà không ai đan rổ đẹp được như ông. Công làm thì lâu, tiền bán lại chẳng đáng bao nhiêu. Ngày xưa, mây tre nhiều có khi còn đi xin về hoặc mua rẻ, chứ giờ người ta xây tường gạch hết rồi, nhiều khi chẳng có mà mua nữa. Hỏi ông là tiền bán rổ chẳng bõ thế, ông có bao giờ muốn bỏ nghề không. Ông im lặng một hồi rồi thều thào trả lời: “Có nghề thì mình làm thôi”. Nói đoạn, ông lại nghỉ thở tiếp. Mà nói là già yếu vậy chứ lúc ông làm vẫn đâu vào đấy. Ông bảo giờ không đan bán ngoài chợ nữa, nhưng “thỉnh thoảng vẫn đan tí”. Ai đặt hàng mà ông quý thì ông lại đan cho. Như bao miền quê khác, quê tôi không đứng ngoài những đổi thay trong thời đại mới. Nghề đan rổ tre cũng vậy. Giờ đi chặt tre đã có xe lôi kéo, không phải vác, phải thồ. Đường đất gồ ghề nay thay bằng đường nhựa thẳng tưng. Cùng với đó, bờ tre và bờ mây được thay bằng tường gạch. Chẳng còn mấy ai đan rổ tre bởi đồ nhựa được mang bán khắp nơi, vào tận những ngóc ngách nhỏ nhất trong làng. Lần gần đây nhất, về thăm lại các ông bà, bác bá đan rổ, tôi thấy vài tín hiệu đáng mừng. Nhà bá Chi đan thêm rổ nhỏ, vì người đi chợ giờ lại muốn mua rổ nhỏ về rửa trong chậu cho vừa. Rổ đan đến đâu bán hết đến đấy, nhiều khi còn chẳng có mà mang ra chợ. Vào nhà bà cụ Phiến thì mọi người mừng quá, vì ông để dành cho tôi mấy cái rổ và nhất định không chịu bán cho ai, mà không biết làm sao để báo cho tôi biết. Bà già yếu rồi, không đi chợ bán nữa, nhưng hàng vẫn có người vào đặt, mua tận nơi đều đều. Trước đây, mỗi lần về quê, tôi thường bâng khuâng nghĩ suy về sự mai một của nghề đan rổ tre, về sự “thất sủng” mà các sản phẩm từ tre cũng như nhiều sản phẩm thủ công truyền thống khác đang phải chịu trong lúc môi trường bị hủy hoại từng ngày. Nhưng qua lần về thăm vừa rồi, tôi nghĩ, thứ gì mọi người thấy quý thì mọi người sẽ giữ. Nghề ở đây mất, nhưng lại có người ở nơi khác học rồi làm. Như người bạn của tôi ở miền núi Thanh Hóa, chọn về quê sống, làm đũa, làm thìa, làm tất cả những gì có thể làm từ cây luồng của quê hương. Như một người bạn khác ở Long An, cũng về quê sống, cùng bà con làm ống hút tre, ống hút từ cỏ, đương đệm đương giỏ từ cỏ bàng rồi đi bán. Như cây tre già thì sẽ có măng mọc. Nghĩ đến đấy, tôi không thấy buồn nữa, mà thấy hy vọng nhiều hơn. Hồng Vy 3 MONG MANH NGHỀ LÀM LỒNG ĐÈN GIẤY KIẾNG N ếu bạn không phải người địa phương hay dân rành Sài Gòn thì chắc sẽ khó biết đến giáo xứ Phú Bình, một giáo xứ nằm trong con hẻm nhỏ ở Quận 11 – nơi hằng năm vẫn sản xuất ra hàng vạn chiếc lồng đèn giấy kiếng đủ loại để cung cấp cho toàn bộ Sài Gòn và những vùng lân cận. MUÔN KIỂU LỒNG ĐÈN Làng nghề Phú Bình được hình thành từ khi những người Công giáo ở Nam Định di cư vào miền Nam sau năm 1954. Từ đó, nghề này được những di dân gìn giữ, truyền lại cho con cháu ngày nay. Họ tập hợp lại và hình thành nên làng nghề Phú Bình. Mỗi năm, thời điểm làng nghề Phú Bình bận rộn nhất là vào mùa Trung thu và mùa Giáng sinh. Trong đó, số lượng lồng đèn tiêu thụ mùa Trung thu năm nào cũng nhiều hơn. Do vậy, mọi người thường bắt tay vào làm lồng đèn từ sau Tết và tất bật hơn khi Trung thu đến gần. Còn vào mùa Giáng sinh, dân làng ít bận rộn hơn vì lúc này cả làng chỉ cần tập trung làm lồng đèn cho các nhà thờ. Những mẫu lồng đèn phổ biến hiện nay người làng hay làm là đèn ông sao, đèn con cá, đèn con bướm, đèn chiếc thuyền,... Thời đầu mới thành lập, Phú Bình chỉ sản xuất lồng đèn ông sao năm cánh theo truyền thống. Tuy nhiên sau này do chịu ảnh hưởng của thị hiếu và nhu cầu thị trường, người thợ làm lồng đèn đã sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng khác nhau để đa dạng hóa mẫu mã. Để làm một chiếc lồng đèn, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn, từ chẻ tre, vót, uốn khung cho đến bọc giấy kiếng và trang trí. Khi chiếc lồng đèn đã lên khung, việc trang trí và hoàn thiện sẽ mất khoảng một tiếng đồng hồ. Giá bán lồng đèn Trung thu tùy vào mức độ trang trí. Những chiếc lồng đèn được gắn thêm nhiều dải tua rua sẽ có giá cao hơn, còn lồng đèn làm đơn giản chỉ có khung tre và giấy kiếng sẽ có giá rẻ hơn. Người mua thường chuộng lồng đèn màu đỏ, thỉnh thoảng chọn lồng đèn màu vàng, còn những màu khác thường rất khó bán. THANH THẢN NGHỀ LÀNH Gia đình chị Ánh Loan là một trong những gia đình có truyền thống làm lồng đèn lâu đời nhất ở đây. Chị Loan là con út trong một gia đình có 8 người con. Chị và các anh chị trong nhà được ba mẹ truyền nghề khi còn là học sinh lớp 3. Tính đến thời điểm tôi viết bài viết này, gia đình chị đã gắn bó với nghề làm lồng đèn được gần 40 năm. Thường ngày, việc làm lồng đèn chỉ do năm người trong nhà đảm nhận. Tuy nhiên, đến mùa cao điểm, tất cả các thành viên trong gia đình từ người lớn đến trẻ em đều bắt tay vào làm lồng đèn. Số lượng lồng đèn mỗi năm mà gia đình chị làm ra khoảng 10 nghìn chiếc, năm làm được nhiều nhất là khoảng 13 nghìn chiếc. Nhìn chiếc lồng đèn con rồng treo trên tường, chị Loan kể lại: “Ngày xưa, bố chị làm được cả lồng đèn con rồng đẹp lắm. Người dân sống ở khu vực Chợ Lớn vào đặt mua rất nhiều, nhưng vì lồng đèn con rồng làm rất khó nên sau khi ông mất, trong nhà không còn ai làm được nữa. Lồng đèn hình con rồng cũng biến mất từ đó luôn”. Đến mùa đèn, tất cả mọi người đều nghỉ làm các việc khác, tập trung vào làm đèn. Chị Loan từng làm kế toán vài năm, nhưng vì tính toán nhức đầu quá, chị quyết định nghỉ việc để ở nhà làm lồng đèn. Chị Loan chia sẻ: “Nghề làm lồng đèn không tranh giành hơn thua, không có cảnh ma cũ bắt nạt ma mới. Tuy thu nhập của nghề này chỉ đủ ăn nhưng tinh thần của tôi rất thoải mái”. Phần lớn các gia đình ở đây đều làm lồng đèn nhỏ vì loại này thường dễ tiêu thụ và không mất nhiều thời gian làm. Có vài gia đình chỉ chuyên làm lồng đèn lớn. GIỮ TÂM VỚI NGHỀ Ở Phú Bình, có gia đình chú Trí làm lồng đèn giấy kiếng cỡ lớn có tiếng lâu năm. Gia đình chú chuyên làm lồng đèn cỡ lớn cho các công ty, cơ quan để trưng bày vào mùa Trung thu. Chú Trí cho biết: “Làm lồng đèn lớn mất rất nhiều thời gian và công sức, cô chú thường không thể hứa trước với khách một ngày làm được bao nhiêu cái lồng đèn, vì có khi vài ngày mới làm xong một cái”. Cô Xuân – vợ chú Trí kể: “Hồi trước, gia đình cô chú không làm lồng đèn. Một lần, cô thấy nhiều nhà làm lồng đèn không đẹp nên cô chú quyết tâm bước vào nghề để làm đèn đẹp hơn người ta. Hồi mới bắt đầu học làm đèn, chẳng ai dạy cô chú cả. Hai vợ chồng bắt đầu với hành trang là con số không, tự mày mò cách làm chứ không qua trường lớp nào. Cô chú luôn tâm niệm, cái gì mình muốn làm thì phải quyết tâm. Mình làm không được, mình phải cố cho được. Mình làm một lần không được, mười lần không được, hai mươi lần không được thì làm một trăm lần, một ngàn lần sẽ được. Cứ làm mãi chắc chắn sẽ làm được! Hồi trước, nhà cô sáng tạo mẫu đèn Tề Thiên Đại Thánh, con nít thích lắm. Còn đèn kiểu con cá rất được người Hoa cũng như mấy nhà ở vùng biển ưa chuộng vì họ tin những chiếc đèn này sẽ mang lại sự may mắn. Chị Loan vẽ trang trí những chiếc lồng đèn giấy kiếng bằng nhiều màu. Vào những ngày cận Trung thu, chị làm đến mãi khuya. Có năm nhà cô làm mẫu đèn hình tàu có chữ Hoàng Sa – Trường Sa, bán cũng chạy lắm. Cơ quan trường học họ rất thích. Lồng đèn hình con tàu có chữ Hoàng Sa – Trường Sa, phải dán thêm lá cờ Việt Nam mới ra tàu Việt Nam. Cô chú làm cái lồng đèn này để nhắc nhở con cháu sau này, Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam”. Làng lồng đèn Phú Bình có nhiều khách hàng quen suốt mấy chục năm nay. Có một vị khách ở Bình Dương, năm nào cũng ghé nhà chú Trí để mua đèn. Ngày xưa, đích thân bà đi mua đèn, nay bà già yếu thì bà gọi điện đặt đèn rồi nhờ cháu của mình xuống lấy. Tới mùa Trung thu, gia đình chú Trí có dịp gặp lại nhiều khách hàng quen thuộc. Mỗi năm họ gặp nhau một lần, hỏi thăm nhau xem ai khỏe, ai yếu, ai còn sống, ai đã mất. Có nhiều Việt kiều về nước tìm đến nhà cô chú, nhờ cô chú chỉ cách làm lồng đèn để khi quay lại đất khách quê người, họ có thể tự mình làm lồng đèn cho đỡ nỗi nhớ quê nhà. MONG MANH LỒNG ĐÈN GIẤY KIẾNG Hiện nay, tuy công việc làm lồng đèn truyền thống ở làng nghề Phú Bình vẫn được duy trì nhưng nghề làm lồng đèn ở đây ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngày xưa mỗi độ Trung thu, con đường vào giáo xứ Phú Bình giăng đầy lồng đèn, nhưng gần đây chỉ còn lác đác vài nhà giữ nghề. Nhiều gia đình đã bỏ nghề khi lồng đèn điện Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Mặt khác, lồng đèn giấy có gắn pin do Việt Nam sản xuất cũng dần phổ biến và được nhiều nơi sử dụng để làm quà khuyến mãi nên càng đe dọa “đất sống” của lồng đèn giấy kiếng. Công việc làm lồng đèn vất vả, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nên các thanh niên trong làng cũng dần bỏ nghề. Họ tìm kiếm những công việc ổn định hơn, nhẹ nhàng hơn để duy trì cuộc sống. Nhu cầu về lồng đèn giấy kiếng giảm dần, gia đình chị Loan phải nhập thêm lồng đèn giấy về lắp ráp để bán kèm lồng đèn truyền thống. Thậm chí, chị Loan còn treo lồng đèn giấy gắn pin ở mặt tiền cửa hàng, lồng đèn kiếng đẩy vào bên trong. Với nhà chú Trí, số lượng lồng đèn bán được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Lồng đèn lớn đã ít người mua nay lại càng khó bán hơn nữa. Cô Xuân tâm sự: “Nếu năm nay ế quá chắc năm sau... gia đình cô chú bỏ nghề luôn”. Dù số lượng lồng đèn bán ra càng ngày càng ít nhưng dường như những người ở làng lồng đèn Phú Bình vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Cô Xuân chia sẻ: “Trung thu thì phải có mấy cái đèn giấy kiếng đỏ đỏ mới nhìn ra Trung thu chứ, chỉ toàn đèn nhựa không thì ở Việt Nam cũng chẳng khác nào Trung Quốc”. Chị Loan bày tỏ suy nghĩ: “Nhiều đứa bé nhất quyết không chịu mua lồng đèn nhựa có nhạc mà chỉ muốn mua đèn giấy kiếng thôi. Chúng thích chơi lồng đèn giấy kiếng vì có việc để làm, nến tắt rồi phải tự châm cho đèn sáng để chơi, chơi lồng đèn chạy pin chỉ có tắt và mở, chẳng có gì hay cả”. Hiện nay, lồng đèn giấy kiếng chủ yếu được bán với số lượng lớn cho các tổ chức, đoàn thể để làm từ thiện ở vùng sâu, vùng xa. Các con đường ở giáo xứ Phú Bình một thời tấp nập khách mua lồng đèn giờ cũng chỉ còn lác đác người mua kẻ bán. Giang Phạm 4 TIẾNG SÁO RÉO RẮT GIỮA TRỜI SA PA C huyến đi Sa Pa đã cho tôi cơ duyên biết đến một người thổi sáo với những giai điệu rất tình. Tình như núi rừng Tây Bắc với dáng những người đàn ông, đàn bà chân trần bên sườn núi, như đêm Sa Pa bảng lảng khói và sương, khi những du khách – những người khiến thị trấn này ồn ã – bắt đầu nghỉ chân sau một ngày dài. Người thổi sáo ấy là bác Đại Dương. Đã chục năm nay, bác ngồi thổi sáo Mèo ở trước nhà thờ đá Sa Pa. Cứ độ bảy tám giờ tối, bác và vợ mình lại mở một sạp bán nước nho nhỏ. Bà bán nước, ông giúp vui cho mọi người bằng tiếng sáo du dương. Đến khi hết khách, vợ chồng về nhà nghỉ ngơi, lúc đó thường là nửa đêm, có khi rạng sáng. Bác bị khiếm thính bẩm sinh. Để cảm nhận được âm thanh, bác phải sử dụng thiết bị trợ thính. Vậy mà đã hơn 50 năm trôi qua, bác vẫn thổi sáo hằng ngày để làm vui cho đời. Ngoài thổi sáo cho du khách nghe, bác còn tự làm sáo để bán. Bên cạnh bác lúc nào cũng có một thùng sáo Mèo. Sáo có hai loại: sáo lớn và sáo bé. Sáo bé ngắn, âm thanh sẽ cao hơn. Sáo lớn dài, âm sắc trầm hơn. Mỗi cây sáo đều được làm rất kỳ công nên giá cũng không rẻ. Bác nói người mua sáo không nhiều, nhưng nếu đã mua thì thường là người hiểu sáo rất rõ. Sau này tìm hiểu về bác, tôi mới biết sáo của bác được nhiều người đánh giá là có thể đạt tiêu chuẩn của Nhạc viện Hà Nội. Sáo Mèo thường được làm từ cây trúc. Nhưng vì lúc nhỏ tự mày mò làm sáo, bác thường hay vào rừng kiếm nứa, hồi đấy làm sáo bằng nứa dễ hơn. Bác có năng khiếu từ bé, cộng thêm niềm đam mê mãnh liệt với tiếng sáo, chính điều đó đã khiến bác gắn bó với cây sáo đến tận bây giờ. Cuộc sống của vợ chồng bác bao năm qua luôn khó khăn chật vật, hầu như chỉ nhờ vào tiền bán sáo ít ỏi và tiền kiếm được từ quán nước ở nhà thờ đá Sa Pa. Tuy vậy, bác vẫn nuôi dưỡng tiếng sáo trong trẻo giữa vô vàn những xô bồ của thị trấn Sa Pa – nơi người dân chủ yếu sống dựa vào du lịch. Lúc chúng tôi trông thấy bác, bác đang thổi giai điệu Giấc mơ trưa. Thấy có mấy người trẻ hiếu kỳ và chăm chú lắng nghe tiếng sáo, bác dừng thổi, chuyển sang ngồi nói chuyện với chúng tôi. Bác hỏi về chuyến du lịch, về những dự định tương lai của chúng tôi. Rồi bác chọn sáo, lặng im một lúc và thổi tiếp một nhạc điệu quen thuộc: Xuân về trên bản Mông. Vào buổi sáng đầu tiên thức dậy giữa núi rừng Tây Bắc, thứ duy nhất cứu vãn, giúp tôi thoát khỏi cảm giác thất vọng trước những điều tồi tệ của chuyến đi ngày hôm trước là giai điệu bài hát Xuân về trên bản Mông mà người dân địa phương bật. Đó là một cảm giác quen thuộc, khiến tôi cảm thức rõ mình đang thực sự sống giữa núi rừng. Tiếng sáo của bác Dương mang tôi trở lại buổi sáng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này. Bỗng nhiên, tôi thấy mình tươi tỉnh hẳn, vui vẻ đùa giỡn với cỏ cây và cảm thấy mình dịu dàng như thiếu nữ. Sang đêm thứ hai, tôi một mình ra nhà thờ đá ngồi với bác. Bác vẫn búi tóc đuôi ngựa như một người nghệ sĩ đích thực, luôn cầm cây sáo trên tay, sẵn sàng thổi sáo cho khách du lịch nghe. Gần khuya, khi người nghe đã vơi dần, không gian thoáng và trở nên tĩnh lặng. Tôi ngồi nói chuyện phiếm đôi ba câu với bác như những người bạn. Rồi bác lại đặt môi lên thân sáo thổi bài Nối vòng tay lớn cho tụi trẻ con, thổi lại cho tôi nghe mấy khúc tình ca người Mông và dạy sáo cho hai người bạn Đài Loan hiếu kỳ. Trời se se lạnh, tôi ngồi nhìn bác đôn hậu nhiệt tình thổi sáo cho người khác nghe, chỉ dẫn cho họ cách thổi, tôi có cảm giác như gặp được một tâm hồn đồng điệu. Tôi bất giác mỉm cười. Thúy Quỳnh 5 TRIẾT LÝ SỐNG CỦA BÀ CỦ NĂNG T hời điểm tôi gặp bà, bà đã hơn 80 tuổi. Cái cân theo bà đi bán trái cây từ năm 19 tuổi giờ cũng đã tròm trèm 60 năm tuổi. Bà bán củ năng ở chợ Phú Nhuận, Sài Gòn. Ngoài cái cân, bà còn có cái xe đạp, cái mẹt với hai trăm ngàn tiền mặt làm vốn. Khi được hỏi tên, bà không muốn trả lời, bảo rằng cứ gọi bà là Củ Năng. Bà Củ Năng sinh ra đã không biết mặt cha mẹ. Bà được bà ngoại nuôi, đến năm bảy tuổi thì bà ngoại mất. Từ đó, bà đi ẵm em cho nhà người ta. Lớn tuổi hơn một chút, bà đi bán trái cây. Năm 1968, bà ra Nha Trang làm ăn. Về sau, nhà bị cháy nên bà quay lại Sài Gòn. Lúc này, bà đã gần 30 tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng vì sợ lấy phải ông chồng hay nhậu nhẹt. Đến năm 60 tuổi, bà chuyển sang bán củ năng vì bà không làm được những công việc nặng nhọc nữa. Bà bảo, bà chọn bán củ năng vì mặt hàng này dễ bán, nhẹ nhàng lại ít vốn. Bà chỉ cần một đến hai trăm ngàn đồng là đủ tiền xoay vòng bán cả năm. Chỉ có hôm nào bán ế quá hay củ năng bị hư phải đổ bỏ, không có tiền lấy hàng tiếp, bà mới phải vay bạn bè. Khi mặt trời hắt những tia nắng đầu ngày xuống con đường hãy còn yên ắng, bà lại đạp xe men theo tuyến đường quen thuộc trong suốt hai chục năm qua để đi lấy hàng. Vài ngày bà mới đi một lần, thường bà dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe từ Phú Nhuận lên chợ Cầu Muối lấy củ năng. Bà chỉ đi đúng một cung đường, xuất phát từ đường Phan Đình Phùng, băng qua đường Hai Bà Trưng, vòng qua Lê Duẩn, đi ngang qua Nhà thờ Đức Bà, rẽ sang Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vòng qua chợ Bến Thành rồi sang Nguyễn Thái Học để tới chợ Cầu Muối. Bà không dám đi đường khác vì bà sợ bị lạc. Bà kể có lần bà đạp xe miết, chạy đến tận Chợ Lớn, quận 5 mới “hết hồn quay đầu lại”. Kể xong, bà cười khoái chí. Bà chỉ mất vài chục phút để lấy hàng. Xong xuôi hết, bà cẩn thận cột giỏ củ năng sau yên xe rồi chở về nhà, kế đó mới mang đồ đạc ra bày ở đầu chợ. Bà kể: “Những người bán hàng ở đây thương bà lắm, nhiều khi còn mua đồ ăn sáng cho bà nữa”. Ở khu bà sống, củ năng không phải thứ phổ biến. Nhiều người còn nhầm tưởng bà bán ốc hay khoai sọ. Loại củ này không để được lâu, trời ẩm ướt sẽ bị hư ngay. Vậy nên, mỗi lần đi lấy hàng, bà chỉ lấy 5 ký về bán một lần. Bà gọt củ năng rất kỹ, một ký củ năng gọt vỏ còn lại chừng 5-7 lạng, có khi ít hơn vì nhiều củ bị hư. Người mua hàng không hiểu chê mắc, bà cũng chẳng thanh minh. Khi có khách đến mua củ năng, bà thường hỏi khách ăn liền hay để dành, nếu để dành thì có tủ lạnh không. Khi khách trả lời chưa dùng ngay mà nhà không có tủ lạnh, bà không bán. Bà sợ để nó hư. Bà bảo: “Thà mình chịu bỏ, còn hơn bán cho khách mà khách không dùng được”. Vừa gọt củ năng, bà vừa nhâm nhi ly cà phê. Bà thích cà phê lắm, một ngày bà uống từ năm đến bảy ly, nhưng ly bà uống cũng ít nên mấy người bán cà phê gần đó chỉ lấy bà một ly có hai ngàn đồng. Bà bảo, khi nào bà không đạp xe đi lấy hàng được nữa, bà sẽ đi bán vé số. Chỉ mong đến lúc “nhắm mắt xuôi tay”, bà được “đi” luôn chứ đừng ốm nằm ra đấy, sẽ không có ai chăm sóc. Tiền bà làm ra, bà để dành đưa người ta lo đám ma cho mình sau này, khỏi phải xin ai. “Đời người cũng như cái bóng đèn, bữa nay sáng, ngày mai tối. Cuộc đời của bà cứ ngày qua ngày, bữa nay không tính bữa mai”, bà trầm ngâm. Về sau, bà Củ Năng không bán củ năng nữa. Từ ngày đoạn đường bà đi chợ bị rào lại để xây đường tàu điện ngầm, bà không đi vòng được, nên lấy vé số về bán. Ngoài thay đổi này ra, thì mọi thứ vẫn vậy. Bà sống đúng, sống tốt với mọi người thì không sợ gì cả; mà ai đã không tốt với bà thì bà cũng không cần quỵ lụy làm gì nữa. Bên trong con người nhỏ bé, già nua ấy có một sức sống mãnh liệt, một thân một mình vẫn hiên ngang mà sống, vô tư mà sống. Riêng về phần mình, từ dạo đó, tôi đã coi bà như một người bạn, và vẫn thường ghé lại thăm. Có khi không đủ thời gian trò chuyện, thì chỉ cần chạy xe qua, thấy bà vẫn ngồi ngay góc cột điện ấy là yên tâm rồi. Bài: Hồng Vy – Ảnh: Giang Phạm 6 MÓN XÔI XÉO NẤU TỪ TÌNH YÊU VỚI KHÁCH HÀNG "Ă n trước tiên là phải ăn bằng mắt”, bà vừa nói vừa nhìn lọ hành, lọ ruốc, cà-mên đựng dầu với ánh mắt trìu mến. Tôi tự thấy mình dùng từ “trìu mến” lần này không quá chút nào. Bà nhìn chúng như thể nhìn chính đứa con ruột của mình. Lần đầu tôi gặp bà, bà bảo bà bán xôi xéo đã hơn 40 năm nay, nghề này do mẹ bà truyền lại. Trước đó, bà bán nhiều món: bún chả, bún ốc, bún riêu, bún măng, bún mộc sườn, miến ngan, phở bò, phở gà, xôi lạc, xôi đỗ xanh, xôi đỗ đen, bánh trôi chay, xôi gấc,… Sau này sức khỏe yếu, bà chỉ chọn bán mỗi xôi xéo. Xôi xéo có màu vàng thơm, được bà ủ trong thúng có tới mấy lớp bọc: lớp vải màn rồi đến lớp vải thường, một lớp đệm bông bên ngoài để giữ nóng. Mỗi lần mở vải ra, xôi bốc khói nghi ngút như đang đặt trên bếp. Thành ra, khi ăn ngay tại chỗ, xôi của bà luôn nóng hổi dẻo mềm, mang về đến nhà, vẫn thấy ấm sực trong tay. Xôi xéo có đậu xanh được nắm lại, cắt lát mỏng, rắc lên một ít ruốc bông mềm tơi và hành phi giòn rụm. Cuối cùng là dầu, thứ dầu này ngon đặc biệt, ăn thơm ngậy nhưng lại không ngấy, rưới một thìa lên là quyện vào từng hạt xôi ngay được. Hỏi bà làm sao để được vậy, bà chỉ cười bảo: “Dầu này là phần ngon nhất đấy. Bí quyết của bà, bà không nói được”. Bà dạy bí quyết nấu xôi xéo ngon cho con gái lớn của mình,“mà mãi con gái bà vẫn chưa làm được” nên bí quyết của bà giờ chỉ còn một mình bà làm thôi. Qua cách bà cẩn thận đơm từng bát xôi, múc từng thìa hành thìa dầu, có thể thấy bà trân trọng từng gói xôi xéo đến nhường nào. Thường những lúc vắng khách, bà hay ngồi vuốt phẳng phiu từng tờ tiền, đầu ra đầu, đuôi ra đuôi, xếp ngay ngắn từng chục, từng trăm rất cẩn thận. Khi bà nghe về dự án Chuyện của Nghề, bà vui vẻ dặn: “Bà chỉ mong các cháu làm việc gì cũng phải có lương tâm, phải đặt tâm huyết của mình vào việc mình làm”. Sau này ghé ăn, tôi không gặp bà nữa. Có lẽ bà đã đủ yên tâm để lại hàng xôi cho người con gái lớn. Xôi ăn vẫn ngon như vậy, nhưng không có bà ngồi đó nữa, hình như thiếu thiếu điều gì. Hồng Vy 7 BÍ MẬT TRONG LY NƯỚC MÍA NGON K hi đi ngang qua khu vực chợ Phú Nhuận, tôi thường thấy bên cạnh cổng chợ có một tiệm nước mía lúc nào cũng đông khách, dù đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, đều có thể thấy khách ra vào tấp nập. Có người mua nước mía mang đi, có người ngồi uống tại chỗ, đông nghịt! Bên trong tiệm, bác chủ cùng người nhà luôn phải làm việc hết công suất. Hỏi bất kỳ người nào đến uống nước mía ở đây, ai cũng khen ngon cả. Tôi hỏi: “Bác ơi, bác xay nước mía có bí quyết gì không, sao lúc nào cũng ngon thế?”. Bác vui vẻ trả lời: “Gọi là bí quyết thì thật ra tui cũng chẳng có bí quyết gì cả. Đơn giản chỉ là vì mình lời ít nên nó mới ngon. Ví dụ ở một quán phở, anh bỏ vốn 500 nghìn đồng cho một nồi phở, nếu chịu lời ít thì nước sẽ có nhiều xương nhiều thịt, ăn sẽ ngon; còn nếu muốn lời nhiều thì sẽ ít xương ít thịt mà cho nhiều bột ngọt, lúc đó phở sẽ không ngon nữa. Mía cũng vậy, có nhiều loại, mua mía loại 1 về ép, giá cao nhưng uống ngon; còn mua loại rẻ hơn, giá rẻ nhưng uống sẽ không ngon. Tóm lại là lời ít thì sẽ ngon!”. Giang Phạm PHẦN II TA YÊU NGHỀ, NGHỀ SẼ YÊU TA 1 NGƯỜI KHẮC CHỮ TRÊN VỈA HÈ SÀI GÒN K hi câu chuyện bắt đầu, ông kể: Gần 40 năm trước, có người thanh niên Nguyễn Thắng làm việc tại Sở Công an thành phố Hà Nội. Công việc của ông khi ấy chỉ quanh quẩn với việc viết bằng, trang trí báo tường và những việc nho nhỏ khác. Lúc bấy giờ, đây được xem là công việc ổn định, đảm bảo thu nhập, tương lai có khả năng được thăng tiến. Ấy vậy mà, sau một đợt nghỉ phép vào thăm Sài Gòn, thấy mến cuộc sống ở mảnh đất miền Nam này, ông quyết định bỏ việc, vào Sài Gòn sinh sống. Bắt đầu cuộc sống mới bằng một công việc ở cảng, thấy không hợp, Nguyễn Thắng xách thùng đồ nghề ra ga Sài Gòn sửa xe đạp, rồi làm thợ hàn,… để dành đủ tiền theo học Đại học Mỹ thuật, chọn học ngành mình thích từ hồi còn làm ở sở. Ông học mỹ thuật vì thích chứ chẳng cần bằng nên quyết tâm học hết giáo trình 5 năm trong vòng 2 tháng. Trong quá trình học tập, ông học được rất nhiều thứ, nhưng việc khiến ông cảm thấy thú vị nhất là khắc chữ bằng tay, vừa được thực hành vừa kiếm được tiền để sống. Năm 1981, ông xách đồ nghề ra ngồi vỉa hè bên đường Lê Lợi (Quận 1). Lúc đầu, ông nghĩ chỉ làm công việc này vài năm cho vui, kiếm cơm qua ngày. Không ngờ, càng làm ông càng nhận ra đây mới là công việc thực sự phù hợp với mình. Thời gian thoi đưa, chàng thanh niên ngày nào nay đã trở thành một trong những người thợ khắc chữ hiếm hoi ở Sài Gòn, với gần 40 năm kinh nghiệm. Một ngày làm việc của ông thường bắt đầu lúc 9 giờ sáng, kết thúc lúc 5 giờ chiều. Phần lớn đồ nghề đều do bạn bè mua tặng từ Úc và Mỹ. Ông cố gắng giữ các món đồ nghề thật kỹ để khi người tặng về thăm ông, nhìn thấy chúng sẽ thấy vui mừng. Trước ông chỉ phục vụ khách Việt, sau này khách du lịch nước ngoài đi ngang qua “cửa hàng” đơn sơ (tức thùng đồ nghề) của ông, thấy việc khắc chữ hay hay bèn dừng bước. Bởi vậy, ông học thêm chút tiếng Anh để phục vụ khách nước ngoài. Thời mới ra nghề, ông khởi đầu công việc bằng một dụng cụ đơn giản là cái mũi khắc tay thủ công, đến bây giờ ông vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Các món đồ đặc biệt ông khắc đã nhiều, nhất là những món quà tặng của cơ quan đoàn thể, của đại sứ quán hay những món quà kỷ niệm,… Ông chia sẻ: “Cái nghề này có những thứ không thể làm sai, ví như đồ gia phả để lại bao đời hay những cây bút đắt tiền có giá hàng chục triệu đồng. Nếu đã nhận khắc chữ thì phải cố gắng làm, không được lười biếng. Khắc những món này ban đầu thường cảm thấy áp lực, nhưng riết rồi cũng quen”. Có lúc ông khắc chữ miễn phí cho những khách hàng “đặc biệt”, chẳng hạn như mấy cậu học trò muốn khắc chữ tặng bạn mà không có tiền. Ông bảo: “Được thêm 10 nghìn hay 20 nghìn đồng cũng không giải quyết được gì, thôi thì khắc tặng luôn cho các cháu. Ngày xưa, cây viết nó thiêng liêng lắm. Học trò thường rất quý cây viết”. Ông chia sẻ thêm: “Lắm lúc khắc cho những người khó tính, lại sơ sẩy khắc sai nên phải bỏ tiền ra mua lại món ấy cho người ta. Khi đã sai thì phải biết sửa, không nên tính toán thiệt hơn”. Bàn về quan niệm sống, ông suy tư: “Sống theo kiểu của mình thì không bao giờ thiếu thốn. Chú thu nhập vừa đủ để nuôi con ăn học. Chưa bao giờ gia đình chú cảm thấy chật vật. Nhiều khi cũng không hiểu sao mình sống được như vậy. Được cho nhiều cũng không bao giờ đủ, được cho ít cũng không bao giờ thiếu. Vậy nên, phải biết tĩnh tâm. Xã hội bao la như vậy mà tâm nó động thì khó sống lắm. Bon chen và so sánh với người ta mãi thì không bao giờ sống được. Sống đơn giản thì dễ sống lắm. Mỗi tháng con có làm ra 100 triệu mà con sống phức tạp thì không bao giờ con cảm thấy đủ, mà nhiều khi còn bị rối nữa. Lắm lúc chú chỉ cần có 2 triệu bạc nhưng vẫn sống thoải mái cả tháng, vẫn sống đàng hoàng!”. Ông còn nói: “Chú hầu như không nhậu nhẹt, chủ yếu làm là để lo cho con cái. Nhậu nhẹt phức tạp lắm, vừa tốn tiền, vừa hại mình hại người”. Ông từng nhận được vài lời đề nghị, mời về làm việc, song ông vẫn mạnh dạn từ chối. Ông kể: “Cũng có người muốn mở tiệm cho mình, có công ty du lịch còn mời mình vào ngồi khắc chữ cho khách, nhưng mình không phải loại người có thể ngồi văn phòng. Thuê địa điểm thì phải trả phí cao, kéo theo giá khắc sẽ cao, thế thì mấy đứa học sinh sợ tốn nhiều tiền sẽ không dám khắc chữ ở chỗ mình nữa, trong khi chính chúng mới là người nuôi mình. Mà nghề này cần gì địa điểm, chỉ cần thùng đồ nghề là đủ”. Làm nghề viết chữ, ông Nguyễn Thắng tự tay viết từng tấm danh thiếp cho mình. Ông hào hứng kể thêm: “Ngồi đây chú chiêm nghiệm được nhiều thứ, cảm thấy cuộc sống như thế là đã đủ. Những người bạn công chức ngày xưa hỏi tại sao mình làm việc này, nhưng hỏi như thế thì lại thừa. Người ta đã làm bao năm nay rồi còn hỏi tại sao mà làm gì? Đó là sự lựa chọn. Mình đâu nhờ vả ai đem lại cuộc sống cho mình, tự mình kiếm sống chứ. Cái nghề này giúp cho chú sống thanh thản. Hồi trước làm gì ra tiền chú đều làm, chú không xấu hổ về nghề nghiệp của mình. Ngày xưa, ra ngoài làm cũng phải đấu tranh với gia đình, nhưng riết rồi cũng quen, sau này cũng chứng tỏ được cho gia đình thấy con đường mình đi là đúng, không phiền hà đến ai cả. Chú là một người sống lập dị. Ngay cả mẹ chú cũng nói chú là người khùng mà! Vì cuộc đời chú trải qua nhiều đau khổ lắm rồi, dằn vặt nhiều lắm rồi, rong rêu lắm rồi nên chú nhìn đời khác lắm. Chú không làm bất cứ cái gì ngoài kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Mình làm mình sống là được. Vật chất là bậc thang không có điểm tận cùng, thế nên không bao giờ đủ”. Cũng nhờ làm nghề này mà ông có thêm nhiều bạn. Ông kể: “Nhiều học sinh, sinh viên ra đây nhờ chú khắc rồi nói chuyện tâm tình với chú. Có nhiều cô cậu ra đây thường xuyên lắm”. Giang Phạm 2 NHỮNG LY CÀ PHÊ ĐẬM ĐÀ TÌNH NGƯỜI Ở CHEO LEO H ai câu thơ tếu táo mà những học sinh Petrus Ký ngày trước hay ghé quán cà phê trước giờ học sáng tác đã dẫn nhiều người đến quán Cheo Leo – quán cà phê xưa nhất Sài Gòn. Tên Cheo Leo được lấy cảm hứng từ hoàn cảnh ra đời của quán vào năm 1938. Khi vừa mới mở, quán nằm cheo leo giữa một khu đồng không mông quạnh, nhà cửa thưa thớt. Khách vắng đến nỗi nhiều khi cả ngày chỉ bán được cho 2-3 khách. Vì vậy, người chủ đặt tên quán là Cheo Leo. Khi tôi viết bài này, quán cà phê đang được trông nom bởi ba chị em đã ngoài 50 tuổi, gồm: cô Hai – tên Tuyết, cô Ba – tên Sương, cô Bảy – tên Sáu. Một ngày mới của họ ở Cheo Leo bắt đầu từ 4 giờ rưỡi. Cô Hai thường dậy sớm nhất nhà để lo nhóm bếp đun nước. Khoảng 5 giờ rưỡi, quán sẽ mở cửa đón những vị khách đầu tiên. Tầm 7 giờ sáng, cô Ba và cô Bảy bắt đầu thức dậy trông quán thay để cô Hai về nghỉ ngơi, cứ luân phiên nhau như vậy. Cà phê ở đây được pha bằng chiếc ấm đun thuốc bắc và được lọc bằng vợt vải. Đây là cách pha cà phê của người Sài Gòn xưa, ngày nay cả thành phố chỉ còn vài ba nơi pha theo cách này. Ba cô pha cà phê trong ba cái siêu đất, mỗi siêu đựng mỗi loại cà phê khác nhau. Siêu thứ nhất nguội – được dùng để pha cà phê đá, siêu thứ hai luôn đun nóng – để dành cho khách thích uống cà phê nóng, siêu thứ ba lọc lại cà phê lần hai – được dành cho những người ưa uống nhạt. Cô Bảy kể, lúc nào cũng phải có người trông bếp đun cà phê, phải canh lửa thường xuyên cho cà phê giữ được độ ấm, kẻo nóng quá thì mất mùi, nguội quá thì cà phê sẽ đắng. Trong quán còn có hai cái lu để chứa nước pha cà phê, nước từ vòi thủy cục phải được để qua một ngày cho lắng cặn và những chất khác rồi mới dùng để pha cà phê được. Làm vậy, cà phê sẽ ngon hơn mà không bị mất mùi thơm, không bị nhiễm độc. Ở Cheo Leo, mấy chiếc bàn được đặt ở ngay cửa quán luôn chật kín vào mỗi buổi sáng. Đây là thời gian dành cho khách quen: người tiện đường đi làm ghé qua, người đi tập thể dục về, người đưa cháu đi học hay người có thói quen vừa ngủ dậy đã ra đây làm ly cà phê cho tỉnh táo. Khách chỉ cần đến quán chừng 2-3 lần là cô Ba đã nhớ luôn khẩu vị của từng người. Những khi rảnh rỗi, ba cô chủ quán thường ra bàn ngồi nói chuyện với khách. Thông thường, các cô chỉ hỏi thăm công việc của khách hay đóng góp ý kiến về một vấn đề nào đó mà mọi người đang bàn luận. Lâu lâu không thấy khách quen ghé qua quán, mấy cô sẽ hỏi thăm liền. Cô Bảy kể hồi xưa có mấy ông quân cảnh hay ghé, mấy ông đó cậy thế mình có súng nên thường khiêu khích nhau rồi gây gổ đánh lộn, đập bàn đập ly từa lưa. Vậy mà khi chủ quán đóng cửa chạy ra đồn kêu cảnh sát vào can thiệp, mấy ông sợ, bỏ chạy hết trơn. Thế nhưng sau đó mấy ổng thể nào cũng quay lại trả tiền đầy đủ, từ tiền cà phê cho đến tiền đền bàn ghế bị hư, tiền đền ly bị vỡ, không thiếu một ngàn nào. Ai uống cà phê nóng lần đầu ở quán thường hay… giật mình vì cái ly đựng cà phê rất nóng, nóng đến mức bỏng tay. Sau này, khi xem các cô pha cà phê, tôi mới biết là do trước khi đổ cà phê vào ly, các cô luôn tráng ly bằng nước sôi. Cô Bảy bảo làm như vậy để giữ nóng, lại giúp ly sạch sẽ, không ảnh hưởng tới vị cà phê. Cô Ba kể ba của các cô thích nghe nhạc Pháp. Các cô hồi đó cũng được học trường Pháp đàng hoàng nên cả ba đều yêu nhạc Pháp từ nhỏ. Vậy nên, lúc nào quán Cheo Leo cũng mở nhạc Pháp, nếu không cũng mở nhạc xưa. Cô Ba biết sử dụng Internet nên cô thường lên mạng tìm nhạc xưa hay để chép vào đĩa, mở cho khách nghe. Nhiều khách ngồi trong quán uống cà phê, nghe nhạc của quán lại cứ tưởng mình đang sống trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Mấy người khách ở đây cũng thích nghe thể loại nhạc này và hay tặng đĩa cho cô Ba, có người còn mang cả cặp loa cho quán mượn khi loa cũ bị hỏng. Có người hỏi cô Ba có sợ bị mấy quán hiện đại cạnh tranh không. Cô bảo cô không sợ. Cô tin vào chất lượng cà phê, tin vào nét riêng của quán, tin vào những người khách vẫn luôn gắn bó với quán nên cô không nghĩ đến việc mình sẽ mất khách. Không chỉ vậy, ai tới quán mà muốn xem các cô pha cà phê như thế nào, các cô đều vui vẻ cho họ vào xem và còn chỉ họ cách pha cà phê, giải thích tận tình mọi thắc mắc của khách. Có người cháu thiết kế cho ba cô một bức tranh minh họa tường tận cách pha cà phê ở Cheo Leo, cô Ba liền in ngay và treo trong quán. Cô còn lấy cái hình đó đăng lên Facebook cho mọi người cùng biết. Quán Cheo Leo nhỏ xíu, chỉ có 5-6 cái bàn và vài chục cái ghế. Bốn bức tường của quán đã ố màu thời gian, đặc biệt là gian bếp nhỏ xíu có màu của than và mùi của bếp lò đọng lại sau hàng chục năm đắp đổi. Cô Bảy kể, ngày xưa bán cà phê kiếm được nhiều tiền, nếu bán chăm chỉ thì còn cất được cả căn nhà, còn bây giờ chỉ đủ sống qua ngày. Dẫu vậy, các cô vẫn giữ quán hoạt động vì nó là tâm huyết của người cha, là nơi chứa rất nhiều kỷ niệm của gia đình, và còn vì những vị khách quen giờ đã định cư ở nước ngoài nhưng mỗi khi trở về vẫn tìm đến quán. Cô Ba bảo, giờ cô chỉ bán cà phê để đủ sống qua ngày. Mỗi lần nghe khách khen cà phê ngon hay thấy người ta vẫn đến quán đều đều, chỉ vậy thôi cô đã hạnh phúc lắm rồi. Có lần cô Ba hỏi tôi về công việc. Tôi kể về những công việc bán thời gian và cả những việc mình không thích nhưng vẫn phải làm để đảm bảo cuộc sống thường ngày. Cô nghe xong liền động viên: “Con phải chấp nhận những công việc ấy để theo đuổi đam mê của mình. Sau này khi thành công, con sẽ biết quý trọng những công việc mình đã làm để có được ngày đó. Mình sống và làm việc chân chính, không có gì phải xấu hổ vì công việc mình làm cả”. Tôi từng hỏi các cô, liệu sau này có ai thay các cô bán cà phê không. Các cô chẳng ai trả lời tôi cả. Thế hệ tiếp theo của các cô chỉ có ba người cháu nhưng đều đã đi làm, không biết sau này sẽ thế nào. Dẫu vậy, ba người phụ nữ ở Cheo Leo vẫn không để ý đến việc rồi đây ai sẽ tiếp quản chốn này. Họ vẫn cần mẫn bán cà phê hằng ngày bằng siêu đất và vợt vải, để giữ lại những ly cà phê thật ngon cho khách mỗi ngày. Giang Phạm “Quán Cheo Leo đèo heo hút gió Ai mắc dịch mắc gió thì ghé quán Cheo Leo” 3 THẦY PHONG MÙ ĐI GIEO ÁNH SÁNG N ăm 1991, đang làm trưởng phòng kế hoạch của một công ty nước ngoài, thầy Phong gặp tai nạn. GÃY CÁNH Mình đang bay nhảy khắp nơi, đi đây đi đó, làm được nhiều việc. Tự nhiên trong một tích tắc, gặp tai nạn mà mất tất cả. Mất việc làm. Mất ánh sáng. Mất đôi mắt. Và quan trọng nhất là mất đi toàn bộ ý nghĩa cuộc sống. Hụt hẫng lắm. Không làm được gì hết. Ngay cả những việc nhỏ nhất như đi vệ sinh cũng phải nhờ người dẫn đi. Bực bội lắm. Tuyệt vọng lắm. Lúc ở nhà thương còn có động lực, hy vọng chữa được con mắt này. Đến khi về nhà coi như thất vọng hoàn toàn. Mình ở trong nhà chả muốn tiếp xúc với ai, không biết phải bắt đầu lại từ đâu. Mình nghĩ, mù là coi như “xong phim” rồi, nằm một chỗ thôi. Người nhà cũng nghĩ kiểu: “Cứ cho ông ấy ngồi nhà, chơi vui ăn uống vậy thôi chứ cũng không biết làm sao hết”. Hồi đó, hằng tháng đều có một thánh lễ dành cho người khuyết tật. Một bà sơ rủ: “Đi thử cái này vui lắm!”. Mình bảo: “Chời ơi, mù còn gì mà vui?”. Nhưng sơ năn nỉ thì mình cũng đi. Đến nơi thấy đúng lạ lùng. Người khuyết tật đâu mà nhiều quá! Mù, què, câm, điếc đông quá trời. Nhất là mấy em nhỏ khiếm thị. Tụi nó đọc sách, chơi đàn, trực lễ rất hay. Lúc đó mình mới nghĩ: “Tưởng là mình kém may mắn, nhưng thực ra mình còn ba mươi mấy năm được thấy, được đi đây đi kia. Còn các em bị bẩm sinh mà vẫn học hành, vẫn lạc quan vui vẻ vậy”. Lúc đó mình mới chịu tìm hiểu, mới biết mình có thể làm được nhiều. Hồi trước sáng mắt mình làm kiểu khác, giờ không thấy đường thì mình làm kiểu khác thôi. Thế là mình quyết tâm học để sống như người mù, muốn học chữ nổi, muốn học các môn phục hồi chức năng. Đầu tiên, mình đến hội người mù. Họ chê: “Già quá, không học được đâu!”. Họ còn bảo về bán vé số đi mới ghê chứ. Xong mình qua trường Nguyễn Đình Chiểu ở Quận 3, họ cũng bảo chúng tôi chỉ dạy cho mấy em nhỏ thôi. Lúc đó, mình mới 33 tuổi à, vậy mà họ chê mình già, không cho học. Cũng đi nhiều chỗ lắm, cuối cùng đến một câu lạc bộ cho người khuyết tật, được thầy giáo cho học mấy ngày, nhưng thầy cũng bảo mình sẽ khó hòa nhập với tụi nhỏ lắm. Mình học được năm buổi, thầy cho kiểm tra đọc viết. Tưởng thầy khen, ai dè thầy bảo: “Thôi anh học vậy đủ rồi, mai anh nghỉ đi”. Mình nghĩ: “Trời ơi, mình ở Sài Gòn, muốn học mà còn khó quá. Các em ở tỉnh hoặc các bạn mới bị mù sau này chắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ học để bắt đầu lại cuộc sống”. Thế là mình tự học, rồi bắt đầu mở mái ấm này. Mình cũng giống mấy em, học lại từ đầu, sinh hoạt trong nhà phải luyện tập lại hết. Cũng may là hồi xưa mình từng làm trưởng phòng kế hoạch, coi mấy xưởng này kia nên cũng biết cách điều hành. Trước nữa, mình từng có kinh nghiệm làm với trẻ bụi đời. Nói chung, mình may mắn là gần như đã được chuẩn bị trước. Hồi xưa thường bảo là có hai cách để thu hút tụi nhỏ, đó là thể thao và văn nghệ. Mình đã học hết cả hai món này. Mình biết đàn nhạc, thể thao, được sống với tụi nhỏ từ lâu nên cũng quen. Giờ thay vì làm với mấy em sáng mắt, mình chuyển qua làm với mấy em khiếm thị, chuyển hệ một tí thôi. Cũng không khó khăn lắm! Khi làm cho doanh nghiệp, mình phải làm hiệu quả để có lợi nhuận. Bây giờ làm cho xã hội, chắc chắn vẫn phải hiệu quả, phải tận dụng tất cả những gì mình có, mang lại lợi ích tốt nhất cho các em: từ sắp xếp nhà cửa hợp lý đến việc cân nhắc xem cần ứng dụng những gì để giúp các em tiếp cận nền giáo dục toàn diện và phù hợp. Tất cả những điều đó mình đều học được từ khi còn làm cho doanh nghiệp. Được cái mình là người trong cuộc. Mình cần gì, mình cho các em cái đó. Giúp các em cũng là giúp chính mình. Mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau. Biết vậy, mình quan tâm đến từng em một, có chương trình giáo dục cá nhân để các em phát huy mặt mạnh. Vất vả hơn, nhưng mang lại niềm vui! LÀM LẠI TỪ ĐẦU Bây giờ mình có công việc, mình chỉ muốn đọc sách, học hỏi thêm những gì cần biết cho công việc. Có công nghệ mới, mình cũng muốn mày mò một tí. Công nghệ thông tin đã mang đến cho cuộc sống của người mù một sự thay đổi khủng khiếp, như một cuộc cách mạng vậy đó. Hồi xưa người mù khổ nhất là thiếu thông tin. Bây giờ, có máy vi tính, mình có thể liên lạc, truy cập vào Internet bình thường. Thay vì nhìn màn hình, máy tính sẽ đọc cho mình nghe. Mình chấm bài Anh văn của các em, hay làm bài nộp cho một trường bên Mỹ đều bằng máy tính. Đến công nghệ mới như iPhone, iPad, mình cũng dạy cho các em dùng hết. Giả sử mình không biết cô Vy (tác giả) đang như thế nào, mình có thể chụp hình lại. Thiết bị sẽ nói cho mình nghe: “Picture of one woman in light blue shirt smiling” (Tạm dịch: Bức ảnh về một phụ nữ đang mặc chiếc áo màu xanh nhạt và đang mỉm cười). Mình đọc đề bài hay chọn quần áo đều bằng iPhone cả. Tôi hỏi: “Thầy ơi, có phải khi mình không nhìn thấy nữa, mình sẽ nhạy cảm hơn với âm thanh và sẽ chơi nhạc tốt hơn không?”. Thầy Phong bình thản đáp:“Xài nhiều thì nó phát triển chứ không phải tui mù rồi tự nhiên giỏi âm nhạc đâu, cái gì cũng phải tập”. Hồng Vy 4 CHÚ TẦN QUYẾT BÁM NGHỀ SỬA MÁY ẢNH C hiều 28 Tết, trong góc phòng nhỏ của một tiệm ảnh trên đường Nguyễn Huệ (Quận 1), một người đàn ông vẫn cặm cụi ngồi sửa từng chiếc máy ảnh cho khách. Chú bảo, những ngày cuối năm khách đi vệ sinh máy và sửa chữa rất nhiều, thường là để đi chơi Tết, nên chú cố làm thêm chút. Tính đến thời điểm trò chuyện với tôi, chú đã làm nghề sửa máy ảnh được 46 năm. Trong mấy chục năm đó, chú luôn có mặt đều đặn ở tiệm từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối để kịp sửa máy cho khách. Chú nói giọng Sài Gòn đặc trưng, thế nên các tay chơi máy ảnh Sài Gòn khi đến đây cũng cảm thấy yên tâm hơn. Chú kể: “Ngày xưa, muốn học nghề sửa máy ảnh đàng hoàng phải bỏ ra mấy cây vàng, mà có phải cứ có tiền là được học đâu. Khi đến đăng ký học, ông thầy luôn nhìn người xem có phù hợp không rồi mới nhận dạy. Thầy thường hỏi: ‘Anh muốn học sửa máy ư? Vậy anh có đam mê với nó không? Anh có sống chết được với nghề không?’. Phải là những người thật sự say mê, ông thầy mới nhận, còn ai chỉ học sửa để kiếm tiền, ổng không nhận”. Trên bàn làm việc, có chiếc radio và chiếc đồng hồ vạn niên đã đồng hành cùng chú suốt bao năm qua. Nhờ chúng, chú mới có thể cập nhật hầu hết tin tức, sự kiện ngoài xã hội tại chính bàn làm việc của mình. Trong gần 50 năm hành nghề, chú đã sửa chữa hàng ngàn chiếc máy ảnh, có nhiều chiếc máy ảnh cổ mà ở Sài Gòn này chắc chỉ còn chú mới sửa được. Chú lại kể: “Hồi đó, chú được ông chú nhận dạy nghề sửa máy ảnh miễn phí. Chú làm phụ ổng 8 năm rồi ra mở riêng. Nhiều người cùng thời với chú phải làm thuê cho ông thầy mãi vì không đủ tự tin để mở riêng. Khi ra nghề, chú tự mình đi tìm khách rồi nhờ người này giới thiệu người kia. Dần dần, người ta biết chú sửa được, cứ thế khách tự tìm đến”. Chú trầm ngâm nói: “Chú thấy nghề này bạc lắm. Nhiều người cùng thời với chú vì cơm áo gạo tiền đều phải bỏ nghề, còn mỗi chú không hiểu sao càng làm càng thấy mê nên bám trụ đến giờ. Nhiều người hiện vẫn dùng máy ảnh chụp phim vì thích sự chỉn chu, cẩn thận và cảm giác hồi hộp. Vì cuộn phim dùng để chụp ảnh đắt nên phải quý từng khoảnh khắc, từng cú bấm máy. Khi chơi máy phim, phải thông thuộc tên máy, đời máy, lịch sử của nó. Nó có ưu khuyết gì, có thiết kế như thế nào. Vậy mới gọi là chơi đúng kiểu”. Chú còn nói: “Chú không hút thuốc, không uống rượu vì quý sức khỏe”. Đôi lúc chú thấy lo lắng vì sợ một ngày nào đó chú không còn sửa máy được nữa thì “dân chơi máy Sài Gòn không biết phải mang mấy cái máy cổ cũ xì những năm một ngàn chín trăm hồi đó cho ai sửa”. Giang Phạm 5 “SƯ PHỤ” SỬA GIÀY CỦA TRẺ BỤI ĐỜI Ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Quận 3), có tiệm giày nhỏ nằm lặng lẽ một góc đường, vây quanh là các nhà hàng ăn uống. Tiệm chuyên sửa giày các loại, nhất là giày thể thao. Anh chủ tiệm giày tên Tuấn, tầm 40 tuổi, đã làm ở góc đường này hơn 20 năm. Sống tại khu phố từ nhỏ, thời thơ ấu anh trải qua những năm tháng khó khăn và cả những ngày đầy ắp kỷ niệm, nhất là cùng đám bạn trong xóm quậy phá. Cái biệt danh “Tuấn bụi đời” cũng là dấu tích còn sót lại từ những năm tháng ấy. Một lần nọ, trong lúc đùa giỡn, anh Tuấn lỡ tay làm rách đôi giày của một bạn nữ trong lớp. Nhìn nước mắt bạn chảy dài vì đôi giày đi học duy nhất đã bị rách, anh lặn lội mang đôi giày đi sửa. Không ngờ câu chuyện ấy lại trở thành điềm báo cho nghề nghiệp sẽ gắn bó với anh suốt cả cuộc đời. Sau này kể lại, anh vẫn hay nhắc tới câu chuyện đi sửa giày như một cái duyên dẫn anh đến với nghề. Anh bảo, nếu không có cái nghề này, chắc đời anh đã đi theo một hướng khác. Sau hơn một năm học nghề, anh Tuấn ở lại một thời gian để làm cho thầy. Đến lúc đi nghĩa vụ quân sự về, anh chọn góc đường nơi mình đang sống để hành nghề sửa giày cho đến lúc tôi viết bài này. Mỗi buổi sáng, anh Tuấn tranh thủ dậy sớm để dọn hàng, đưa con đi học rồi về ngồi nhận hàng từ tay những khách đang trên đường đi làm, tiện mang qua sửa ở chỗ anh. Mỗi khách hàng lại mang đến cửa tiệm này những đôi giày khác nhau với cách hư hỏng cũng khác nhau, anh Tuấn ghi nhớ từng lỗi cẩn thận rồi viết biên nhận cho khách. Mãi đến khi mặt trời lên cao và khách đã vơi bớt, anh Tuấn mới tranh thủ ăn bữa sáng. Những bữa ăn của anh luôn trôi qua thật nhanh để dành thời gian cho công việc nhiều hơn. Khách đến với anh mỗi ngày, riêng những ngày sau Tết, lượng khách nhiều hơn hẳn. Gần 25 năm làm nghề, anh Tuấn có tay nghề rất chắc. Thông thường, anh mất khoảng một tiếng để sửa một đôi giày. Anh bảo: “Nghề sửa giày của anh cũng là một nghệ thuật chứ bộ. Mình phải sửa sao người ta đi vào, người ta thấy đẹp. Làm được vậy đâu phải chuyện đơn giản!”. Ở tiệm giày tưởng như bình thường này, có một điều rất không bình thường, đó là một tờ giấy khổ A3 được dán ngay ngắn, có dòng chữ: “Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác & người khiếm thị”. Đó là điều mà anh Tuấn đã kiên trì thực hiện suốt nhiều năm qua. Bất kỳ ai bán vé số, đạp xích lô hay bán hàng rong mà anh Tuấn bắt gặp hoặc tự mang giày tới sửa, anh đều không lấy tiền. Tuổi thơ khó khăn đã cho anh Tuấn một sự đồng cảm với những mảnh đời cơ cực, những con người buôn gánh bán bưng. Anh bảo, những người ấy đã phải bỏ quê hương vào đây chật vật kiếm sống, mình nỡ lòng nào mà lấy tiền của họ. Có mấy chị đẩy xe bán rau, buổi chiều đi bán về nhất quyết gửi lại cho anh khi thì trái bí, khi thì mớ rau. Dù anh Tuấn không chịu nhận, nhưng mấy chị vẫn nài nỉ anh như một lời cảm ơn cho đôi giày anh đã giúp họ sửa miễn phí. “Mấy đôi giày cũ này để làm gì vậy anh?”, tôi chỉ tay vào đống giày cũ hỏi anh. Hình như chúng là giày do người ta không dùng nữa, bỏ đi. Anh đáp: “Mấy đôi này là để cho mấy người bán vé số, mấy chị đẩy xe đó. Anh sửa giày miễn phí cho họ, lâu lâu giày không sửa được nữa, anh sửa lại mấy đôi này rồi cho họ, đôi nào còn dùng được thì dùng luôn. Người ta giàu, người ta làm từ thiện cho cơm cháo. Mình nghèo, mình giúp người ta bằng cách này thôi”. Lũ trẻ bụi đời xem anh Tuấn là “sư phụ”. Những em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh, lang thang, cơ nhỡ tìm đến anh Tuấn xin học lấy cái nghề. Chính anh Tuấn cũng khuyên chúng đến với anh để học nghề. Anh thường kể chuyện đời anh cho chúng nghe. Những câu chuyện có tốt có xấu, vừa để lũ nhóc biết cái tốt mà làm theo, vừa để chúng nhận ra cái xấu mà tránh xa. Anh kể: “Nhiều đứa còn thân thiết với anh hơn là cha mẹ. Chúng nó làm với anh từ sáng đến tối, có khi ngủ lại ở nhà anh. Anh chỉ bảo chúng từng chút một để chúng có lấy cái nghề mà sống. Đến khi ra nghề, có đứa để cái bảng sửa miễn phí, có đứa không. Dù gì, anh cũng bắt chúng không được lấy tiền những người khó khăn. Đứa nào mà dám lấy tiền, anh từ mặt”. Em Beo là một trong số những học trò của anh Tuấn. Sau 2 năm học nghề, Beo mở một tủ sửa giày nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, cách tiệm của “sư phụ” không xa. Beo làm theo thầy, để bảng thông báo sửa giày miễn phí cho những ai có hoàn cảnh khó khăn. Em còn ghi thêm lời “sư phụ” dạy ở mặt sau tủ đồ nghề như một lời nhắc nhở cho bản thân. Gia cảnh khó khăn, sức khỏe lại không tốt nhưng cuộc sống của Beo đã tương đối ổn, em có thể kiếm cái nghề để nuôi sống bản thân. Thỉnh thoảng có mấy đôi giày khó sửa, em lại mang qua chỗ “sư phụ” để “sư phụ” chỉ bảo thêm. Anh Tuấn nói: “Cảm giác giúp được một đứa nào đấy có cái nghề nuôi sống được bản thân làm anh thấy vui lắm. Anh có thể từng quậy phá, nhưng anh chưa bao giờ làm gì phạm pháp, chưa bao giờ hại ai cả”. Và mỗi ngày, người ta lại thấy anh Tuấn “bụi đời”,“sư phụ” của đám trẻ lang thang, ngồi ở góc phố ấy, bên hàng giày nhỏ của mình. Giang Phạm 6 CÔ NGÂN CẦN MẪN GIỮ GÌN VẺ ĐẸP THỔ CẨM C ô Ngân bán đồ thổ cẩm trên phố Mã Mây (Hà Nội) đã được gần 20 năm. Khoảng 20 năm về trước, cô chọn một mặt hàng kén người mua để kinh doanh: thổ cẩm. Cô kể mình chọn bán thổ cẩm phần vì yêu thích, phần vì thấy một số bạn đi trước bán được mặt hàng này. “Người khác làm được, mình ngại gì không thử?”, vậy là cô làm. Thời gian đầu, cô chung vốn với hai người thân, nhưng do việc buôn bán không đem lại lợi nhuận nhiều, ít khách, hai người kia rút chân, còn lại mình cô gồng gánh. Cứ như vậy, chừng đó năm trôi qua, cửa hàng nhỏ đã mang lại cho cô nhiều giá trị, niềm vui không đong đếm được. “Bộ sưu tập” của cô, từ vải vóc, trang phục đến những bức tranh thờ, mặt nạ gỗ, đồ cổ (văn tự chép tay bằng tiếng Hán, đồng xu, tiền giấy, trâm cài, đá đánh lửa,…), tất cả đều nằm trọn trong cửa hiệu nhỏ có diện tích chỉ khoảng 20 mét vuông. Ngày trước, cô tự đi tìm nguồn nhập, tự tay lựa từng tấm vải, từng chiếc áo, bươn chải từ miền Bắc xuống các tỉnh Tây Nguyên ở miền Trung, hoặc nhờ bạn bè khi nào đi đây đó thì gửi đồ về. Sau này, nhờ một vài người bạn miền núi đáng tin cậy, cô nhận hàng và chọn trực tiếp