"
Chùm Nho Phẫn Nộ - John Steinbeck PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chùm Nho Phẫn Nộ - John Steinbeck PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Chùm Nho Phẫn Nộ
Tác giả: John Steinbeck Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Gió
Created by: http://motsach.info Date: 16-October-2012
Kho truyện ebook online (http://motsach.info)
JLỜI NHÀ XUẤT BẢN
ohn Steinbeck sinh ngày 27 tháng 2 năm 1902 tại Salinas trong một gia đình nghèo, bố làm thủ quĩ, mẹ làm nhà giáo. Lớn lên ông theo học khoa sinh vật trường Đại học Tổng hợp Standford. Ra trường ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống, như công nhân nông nghiệp, phóng viên và một số nghề khác. Với vốn sống phong phú Steinbeck sớm
bước vào con đường văn học và liên tiếp cho ra mắt một loạt các tác phẩm, nhưng không gây được sự chú ý của người đọc: "Cốc vàng" (Cup of Gold, 1929), "Đồng cỏ thiên đường" (Pastures of Heaven, 1932), "Gửi vị thần chưa biết" (To a God unknown, 1933)... Trong những tác phẩm này, cũng như trong các tiểu thuyết "Tortills Flat" (1935) và "Trong trận đánh bất ngờ" (In dubious battle, 1936) ông viết về số phận những "kẻ lạc loài", những người lớp dưới của xã hội Mỹ và các công nhân tham gia đình công đã bị đẩy vào tình thế tuyệt vọng. Tác phẩm đầu tiên làm ông nổi tiếng là tiểu thuyết "Về chuột và người" (Of mice and men, 1937), sau này được chính tác giả chuyển thành kịch và phim, nói về những người lập dị, cô đơn, không may mắn và hoàn toàn lạc lõng trong xã hội thương mại.
Năm 1939 John Steinbeck cho ra mắt tác phẩm lớn nhất của ông là tiểu thuyết "Chùm nho phẫn nộ" (The Grapes of Warth). Trước đây vốn là một công nhân nông nghiệp, cùng với nhiều điền chủ nhỏ khác, ông đã bị đuổi khỏi mảnh đất mình đang sinh sống, phải rời bỏ Oklahôma để tới California tìm việc làm, như chính các nhân vật ông miêu tả trong tác phẩm. "Chùm nho phẫn nộ" là cuốn sách đau buồn về đất nước Mỹ, về những người nông dân bị bóc lột đến cùng cực, bị chà đạp về tinh thần. Ngay từ khi ra đời nó đã gây nhiều cuộc tranh cãi sôi nổi trong các giới bạn đọc, nhiều người hết lòng ca ngợi, nhưng cũng nhiều người không tiếc lời nguyền rủa. Tuy miêu tả một địa danh nhất định trong một thời gian nhất định, nhờ tính khái quát
cao, "Chùm nho phẫn nộ" đã trở thành tác phẩm cổ điển của văn học Mỹ và văn học thế giới hiện đại nói chung.
Những năm tiếp theo, Steinbeck vẫn tiếp tục viết về đề tài những người cùng cực trong xã hội với tác phẩm "Một dãy đồ hộp" (Cannery Row, 1945), "Ngày thứ năm tốt lành" (Sweet Thursday, 1954) và cuốn sách lên án chủ nghĩa phát xít "Trăng lặn" (The Moon is down, 1942).
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Steinbeck chuyển sang viết các tác phẩm có tư tưởng và kết cấu phức tạp, mang tính triết lý cao. Đó là các tiểu thuyết "Chiếc ô tô buýt lạc đường" (The Waywar bus, 1947) nói về loài người phải dò dẫm đi trong bóng tối và cuốn "Phía đông thiên đường" (East of Eden, 1952), một cuốn sách đồ sộ với ý định khái quát lớn, nhưng không được người đọc chấp nhận, nói về lịch sử hai gia đình di cư, tượng trưng cho hai dòng họ lâu đời nhất của loài người, bắt nguồn từ Adam và Eva.
Những năm năm mươi, sáng tác của Steinbeck bước vào giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên năm 1961, cuốn "Mùa đông lo buồn của chúng ta" (The Winter of our discontent) ra đời đã gây được sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Tác giả lại quay về với đề tài "vỡ mộng" của văn học Mỹ những năm hai mươi. Truyện được viết bằng giọng châm biếm pha chút hài hước đau buồn, mang màu sắc triết lý và ám chỉ.
Năm 1962 Steinbeck bắt đầu những chuyến du lịch dài ngày tới hầu hết các bang của nước Mỹ, lấy tư liệu cho cuốn ký "Chuyến đi tìm kiếm lại nước Mỹ với Charley" (Travels with Charley in seach of America, 1962), phản ánh một cách khách quan hiện thực nước Mỹ với cả hai mặt tốt và xấu của nó. Cũng trong năm 1962, ông được tặng giải thưởng Nobel về văn học.
John Steinbeck là một nhà văn lớn của nước Mỹ và thế giới, đồng thời ông cũng là một cây bút phức tạp và đầy mâu thuẫn. Một lúc ông vừa là tác giả của những tác phẩm thực sự có giá trị lớn cả về nội dung tư tưởng lẫn văn học như "Chùm nho phẫn nộ", lại vừa là người viết ra những cuốn sách sơ lược hoặc sa vào triết lý rối rắm. Năm 1966, Steinbeck công khai tuyên bố
ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và đã có một số lời nói, việc làm không xứng đáng với tên tuổi và sự nghiệp của ông.
John Steinbeck mất ngày 20 tháng 12 năm 1968 tại NewYork.
TCHƯƠNG 1
rên những vùng đất đỏ và một phần các vùng đất xám bang Oklahoma, những trận mưa cuối vụ rơi lâm thâm, không đủ sức xói lở mặt đất vốn đã bị nứt nẻ. Các lưỡi cày đi qua lộn lại cắt ngang các vết hằn của những con suối nhỏ. Những trận mưa cuối cùng khiến cho ngô lớn lên rất nhanh, cỏ và nhiều thứ cây dại khác lan rộng dọc các con
đường cái và dần dà các vùng đất đỏ và đất xám biến mất dưới một tấm thảm xanh. Cuối tháng năm, bầu trời tái nhợt, các cụm mây mùa xuân đã bồng bềnh quá lâu ở tít trên cao nay đang tản mát dần. Ngày lại ngày mặt trời đốt nóng cây ngô đang vươn mạnh mãi tới khi có một đường viền màu nâu kéo dài ra trên mỗi chiếc lưỡi lê xanh. Mây hiện ra rồi lại trôi đi xa, và chẳng bao lâu thậm chí mây không buồn động đậy. Để tự bảo vệ, cỏ khoác một màu xanh thẫm hơn và thôi không lan tràn nữa, mặt đất cứng lại phủ dưới một vỏ khô mỏng và rắn, khi bầu trời tái nhợt đất đỏ nhuốm sắc hồng, còn đất xám nhuốm sắc trắng.
Trong những khe rãnh do nước đào xới, đất sụt lở, bụi chảy xuống thành những con suối nhỏ khô. Chuột rừng và kiến sư tử mải leo lên leo xuống, gây nên những thác bụi bé nhỏ. Hết ngày này sang ngày khác, ánh mặt trời gay gắt đánh xuống liên miên, lá ngô non như những mũi tên thôi không còn cứng ngắc nữa, chúng bắt đầu uốn cong trở vào, rồi các đường gân chính lại bị oằn, nên mỗi chiếc lá rũ xuống mềm nhũn. Tháng sáu tới, mặt trời chói chang dữ dội, trên các lá ngô, đường viền màu nâu rộng thêm ăn lan đến các đường gân giữa. Cỏ dại rách xơ ra co rúm về gốc rễ. Không khí loãng hơn, bầu trời nhạt hơn, và mỗi ngày, đất cũng tái nhợt thêm.
Trên các đường cắt, nơi xe ngựa qua lại, đất bị đầm giẽ dưới móng vó ngựa lại bị bánh xe nghiền nát, lớp vỏ cứng vỡ ra tan thành bụi. Tất cả những gì chuyển động trên đường đều làm cho bụi bay lên, một bước chân khách bộ
hành xốc lên một lớp bụi mỏng ngang tầm thắt lưng, một chiếc xe bò khiến bụi bay là là trên đầu các bờ dậu, một chiếc xe tải cuốn theo sau những đám bụi dày đặc, cuồn cuộn. Và rất lâu, rất lâu bụi cứ bay lơ lửng không chịu nằm xuống lại.
Giữa tháng sáu, từ Texas và vùng Vina, ùn ùn kéo tới những đám mây to lớn nặng nề, chứa chất những cơn giông tố. Trên các đồng ruộng, có những người đứng nhìn mây, hít ngửi và thấm ướt ngón tay để lường hướng gió. Chừng nào mây còn nằm lặng trên bầu trời, những con ngựa vẫn tỏ ra cáu kỉnh. Các đám mây giông gieo xuống vài hạt mưa lưa thưa rồi vội vã trốn về các miền khác. Phía sau chúng, bầu trời lại tái nhợt, mặt trời nóng như thiêu như đốt. Những hạt mưa xói những lỗ nhỏ trên mặt đất để lại những vết bụi đậm nét bám vào thân ngô. Và chỉ có thế.
Một ngọn gió phe phẩy bay theo các đám mây mưa, đẩy chúng về phương Bắc, cây ngô kêu xào xạc và đang khô dần. Một ngày trôi qua, gió thổi mạnh hơn, liên tục, tuy vẫn không có trận gió nào đánh gãy thân cây ngô. Bụi đường dâng cao, trải rộng, rơi xuống đám cỏ bên bờ và trong các đám ruộng. Rồi gió nổi lên ào ào, dữ dội ác liệt, tấn công lớp vỏ cứng do mưa tạo nên trên cánh đồng. Dần dà, bầu trời tối sầm lại sau màn bụi hỗn loạn, lướt qua mặt đất, cuốn bụi tung mịt mù. Gió càng mạnh thêm. Lớp vỏ cứng tan vỡ, phía trên cánh đồng, bụi càng bốc cao, vạch trên không khí những túm lông xam xám tựa những vệt khói uể oải. Ngô nhào trộn gió trong tiếng rào rào ròn khô. Đám bụi mịn nhất không còn lắng đọng trên mặt đất nữa, mà đã biến mất vào bầu trời âm u.
Gió lại mạnh thêm, rạch đường đi ngang qua cánh đồng, luồn xuống dưới các tảng đá, cuốn bay các cọng rơm, các lá khô và ngay cả các cục đất nhỏ. Không trung và bầu trời sầm lại, mặt trời hiện ra đỏ rực, và trong không khí thoang thoảng một mùi hăng hắc. Một đêm nọ, gió mở thêm tốc lực qua vùng đồng quê, ranh mãnh đào xới quanh các gốc ngô gầy, thân ngô đưa các tàu lá yếu ớt ra chống đỡ, mãi cho đến khi có một ngọn gió tọc mạch
luồn tới nhổ bật gốc rễ. Thân cây đã kiệt sức, nghiêng ngửa rồi đổ vật xuống theo hướng gió thổi.
Bình minh đang rạng dần, nhưng ngày chưa sáng tỏ. Trên bầu trời xám xịt, một mặt trời đỏ - một chiếc đĩa đỏ ló ra mờ mờ hắt xuống một thứ ánh sáng yếu ớt của buổi hoàng hôn. Ngày càng rõ dần thì hoàng hôn lại trở về với bóng tối, và gió gào rú hoặc rên rỉ trên thân cây ngô đổ rạp.
Đàn ông và đàn bà nấp trong nhà, khi bước ra ngoài, họ thắt một chiếc khăn quanh mũi, đeo những cặp kính kín mít để che mắt.
Đêm trở lại, một đêm tối như mực, vì các ngôi sao không thể chọc thủng lớp bụi để rọi ánh sáng xuống, và ánh đèn từ cửa sổ hắt ra chỉ soi tỏ các mảnh sân. Bụi hòa trộn đều với không khí, tạo nên một lớp hỗn hợp bụi bậm. Nhà cửa đều đóng kín mít, các dải đệm bít chặt các khe cửa lớn, cửa sổ, nhưng bụi nhỏ li ti vẫn luồn lẻn vào phía trong nhà, đọng lại như bụi phấn hoa trên bàn ghế, bát đĩa. Người ta phải lấy vải phủi bụi thấm trên vai, những vạch bụi mịn tơi bám đậu dưới chân cửa thành những đường gạch nhỏ.
Nửa đêm hôm đó, gió lặng, và cảnh vật im ắng đè nặng lên mặt đất. Không khí đầy ứ bụi bóp nghẹt các âm thanh một cách trọn vẹn hơn cả sương mù. Nằm trên giường, dân giã lắng nghe gió ngưng thổi. Họ thức tỉnh lúc gió hú đã im bặt. Họ nín thở nằm nghe tĩnh mịch. Rồi gà cất tiếng gáy, người ta nằm trăn trở nôn nóng chờ đợi bình minh. Họ biết rằng phải còn lâu lắm bụi mới lắng hết xuống mặt đất. Sáng ngày ra, bụi vẫn treo lơ lửng chẳng khác sương mù, và mặt trời đỏ như máu đông đặc. Suốt ngày bụi từ trên cao cứ rơi xuống dần như xuyên qua một cái rây. Ngày tiếp theo bụi tiếp tục sa xuống, bao phủ mặt đất dưới một tấm màn đồng màu. Bụi lắng đọng trên ngô, bám đầy trên đầu cọc rào, bám đặc trên các sợi dây thép, trải rộng trên các mái nhà, che lấp cỏ và cây. Mũi được che chắn cẩn thận, mọi người ra khỏi nhà và ngửi không khí nóng ăn mòn da thịt. Bọn trẻ con cũng bắt chước người lớn nhưng chúng không hò hét, không chạy nhảy như trước
kia mỗi lần mưa tạnh. Người lớn đứng gần bờ dậu, nhìn cánh đồng ngô bị tàn hại hiện đang khô héo. Họ đứng câm lặng và nhiều khi không động đậy. Rồi đến lượt các phụ nữ ra đứng cạnh đàn ông để xem lần này cánh đàn ông có bị nao núng trước thời tiết tai ác như vậy không. Họ kín đáo nhìn gương mặt đám đàn ông, bởi vì ngô có thể biến mất nhưng cũng không sao, qui hồ còn lại thứ gì khác. Lũ trẻ con đứng gần đấy, lấy ngón chân cái vạch vạch các hình vẽ trên cát bụi, và với giác quan thức tỉnh, chúng tìm cách đoán xem chẳng hay người lớn có nao núng hay không. Chúng liếc trộm vẻ mặt của người lớn rồi lại chăm chú đưa đầu ngón chân vạch vạch trên đất bụi. Những con ngựa đi tới máng nước, lỗ mũi phì phì xua bụi đóng váng trên đó. Sau một lúc, khuôn mặt những người đàn ông đang quan sát mất hẳn vẻ sững sờ ngơ ngác và trở nên đanh lại, giận dữ, cương quyết. Thế là các phụ nữ hiểu ra rằng nguy cơ đã qua và sẽ không có chuyện suy sụp xảy ra. Họ bèn hỏi:
- Ta làm thế nào bây giờ?
Đám đàn ông đáp:
- Chưa biết sao.
Nhưng mọi việc đều ổn thỏa, đám phụ nữ biết rằng mọi việc đều ổn. Từ đáy lòng, đàn bà và trẻ con đều biết rằng một khi đàn ông họ vững vàng thì không có nỗi bất hạnh nào là quá nặng nề. Phụ nữ trở vào nhà, lại bắt tay vào công việc thường ngày, còn trẻ con lại bắt đầu nô đùa, tuy mới đầu có vẻ hơi rụt rè.
Càng về trưa, mặt trời càng bớt đỏ rực, phóng những tia nắng gắt xuống miền quê bị bao trùm dưới bụi. Đàn ông ngồi trên bậc cửa, tay mân mê những chiếc gậy hoặc những hòn sỏi bé nhỏ. Họ ngồi im lặng, suy nghĩ và tính toán.
MCHƯƠNG 2
ột chiếc xe tải lù lù đỗ lại trước một tiệm ăn bé nhỏ nằm bên rìa đường, ống thoát hơi thẳng đứng kêu ro ro, và một quầng khói xanh lam hầu như vô hình lượn lờ phía trên đầu ống. Đây là một chiếc xe tải mới sơn màu đỏ chói gắt, hai bên thành xe có một dòng chữ to tướng Công ty vận tải thành phố Oklahoma. Bánh xe đôi mới cứng, một núm
khoá bằng đồng lòi ra ngoài các nẹp sắt trên các cánh cửa to ở phía sau. Quán ăn có các ô cửa được bảo vệ bằng một tấm lưới sắt, một loa truyền thanh đang chơi bản nhạc khiêu vũ âm thầm như lúc không có ai lắng nghe; một chiếc quạt nhỏ lặng lẽ quay tròn trong chiếc cửa mắt bò phía trên chỗ ra vào; đàn ruồi hối hả vo ve quanh cửa lớn và cửa sổ, chốc chốc lại đụng vào các tấm lưới sắt. Trong quán có một tài xế là khách độc nhất: ngồi thoải mái trên chiếc ghế đẩu, khuỷu tay tì lên quầy hàng, qua miệng tách cà phê, y nhìn cô phục vụ gầy nhom và lẻ loi. Anh tài nói chuyện với cô bằng thứ ngôn ngữ linh hoạt và lơ đãng của cánh lái xe đường trường.
- Tớ đã thấy hắn cách đây gần ba tháng. Mới mổ xong. Bị cắt mất cái gì đó, tớ chả biết.
Và cô ta:
- Còn mình, hình như mình thấy hắn cách đây chưa đầy một tuần. Có vẻ khoẻ ra trò. Một anh chàng chả xấu bụng gì, miễn là đừng say bét nhè.
Thỉnh thoảng đàn ruồi sà tới, khẽ vo ve bên tấm lưới sắt của cửa lớn. Một luồng hơi thoát ra từ chiếc bình pha cà phê, cô phục vụ không quay lại, chìa tay ra sau để đóng tay gạt.
Bên ngoài, một gã thanh niên đang đi bên lề đường bỗng tạt ngang qua và tới gần chiếc xe tải. Anh chậm rãi bước tới trước mui xe, đặt tay lên thanh chắn bảo hiểm lấp lánh. Anh nhìn cái nhãn dính ở tấm chắn gió: No Riders
1. Trong một lúc, anh có vẻ như muốn tiếp tục cuộc hành trình, nhưng rồi thay đổi ý kiến, anh ngồi xuống trên bậc xe đối diện với quán ăn. Anh chưa đầy ba mươi tuổi. Đôi mắt màu nâu xám, con ngươi sắc nâu nhạt. Lưỡng quyền cao, những nếp nhăn hằn trên đôi má và uốn cong xung quanh miệng. Môi trên dài, và vì hàm răng vẩu, anh luôn luôn giữ ý khép miệng lại. Đôi bàn tay cứng, ngón to bè, móng tay và có đường vân như loài sò. Khoảng giữa ngón cái, ngón trỏ và gan bàn tay nổi lên những cục chai bóng láng.
Anh mặc quần áo mới, tất cả những gì anh mang đều rẻ tiền và mới. Chiếc mũ cát két mới nguyên đến nỗi lưỡi trai còn cứng ngắc và chiếc khuy bấm còn dính chặt vào đấy. Nó còn chưa biến dạng và méo mó như về sau, khi đã trải qua một thời gian làm tròn những lợi ích khác nhau dành cho loại mũ cát két, ba lô nhỏ, khăn trải bàn và khăn tay. Bộ com lê bằng dạ xám rẻ tiền còn mới đến nỗi chiếc quần còn giữ nguyên nếp, áo sơ mi bằng vải lanh xanh, vải còn cứng hồ và chưa bị nhăn nheo. Chiếc vét tông quá rộng, chiếc quần ngắn cũn cỡn vì anh chàng người to cao. Đường khâu chỗ khoét nách chùng xuống và ngay dù vậy, ống tay áo vẫn ngắn và thân áo trước lè phè nơi bụng. Anh đi một đôi giày màu vàng sáng, mới, kiểu giày xăng đá của quân đội có đóng đinh và có đóng sắt để khỏi vẹt gót. Anh ngồi ở bậc lên xuống, cất mũ lưỡi trai, lau mồ hôi mặt. Rồi anh đội lại mũ, kéo sụp lưỡi trai xuống. Anh để ý đến đôi bàn chân, anh cúi xuống, nới lỏng dây giày và cứ để nguyên không buộc lại nữa. Phía trên đầu anh ống hơi Diesel rầm rì nhả những cuộn khói lam đang thoát nhanh.
Trong quán nhạc đã tắt: và từ loa phóng thanh có tiếng đàn ông vang ra, nhưng cô phục vụ vẫn để mặc không tắt máy. Mấy đầu ngón tay táy máy sục sạo đã lần ra một cục u ở phía sau tai. Cô cố hiếng mắt, nhìn vào chiếc gương đứng đặt phía sau quầy, và để anh lái xe khỏi chú ý tới, cô giả vờ sửa lại mấy cụm tóc lòa xòa. Anh lái xe nói:
- Vừa rồi ở Shawance có khiêu vũ lớn ghê. Hình như ai đó bị giết, hay đại để như thế. Đằng ấy không biết tin sao?
- Không - cô vừa đáp vừa nhẹ nhàng mân mê cục thịt sau tai.
Ở bên ngoài, anh thanh niên đang đứng lên nhìn qua tấm màn che và quan sát quán ăn trong chốc lát. Rồi anh lại ngồi xuống, rút ở túi sau ra một gói thuốc lá rời và giấy cuốn. Anh chậm rãi, khéo léo cuốn điếu thuốc, ngắm nghía nó rồi đưa đầu lưỡi miết. Mãi sau anh mới châm lửa hút và ném que diêm cháy dở xuống bụi đường. Trưa đang tới gần, mặt trời cắt ngắn bóng chiếc xe tải. Trong quán, anh tài xế đứng lên trả tiền, rồi đặt hai đồng năm xu mà cô hàng trả lại, qua rãnh một máy quay xu. Trục quay không dừng lại ở bất cứ con số nào.
- Họ gian lận, chẳng bao giờ mình kiếm chác được chút gì, - y nói với cô hàng.
Và cô đáp:
- Ấy có một thằng cha đã trúng một cái bình chốt cắm đấy thôi. Cách đây chưa quá hai tiếng. Hắn vớ được tám mươi đô la. Bao giờ cậu quay lại?
Anh tài xế để cửa lưới sắt hé mở.
- Từ nay tới đó, cũng phải tám, mười ngày. Tớ phải đánh xe tới tận Tusla. Định về sớm nhưng chả bao giờ được.
Cô càu nhàu:
- Đừng để ruồi vào. Hoặc là ra hẳn, hoặc là vào hẳn, nào!
- Tạm biệt, - anh tài nói rồi đi ra.
Cửa lưới sắt kêu đánh cách phía sau y. Đứng ngoài nắng, y rút trong bọc ra một chiếc kẹo cao su. Đây là một gã đẫy đà, vai rộng, bụng nặng nề. Khuôn mặt đỏ, đôi mắt xanh dài ti hí vì mải nhấp nháy trong ánh sáng chói chang.
Y mặc một chiếc quần nhà binh, mang đôi bốt có dây buộc. Tay cầm chiếc kẹo cao su ngang miệng, y nói qua cánh cửa:
- Bảo này, tớ đi rồi thì đằng ấy chớ có léng phéng, nghe?
Cô phục vụ mắt quay về phía chiếc gương ở tường phía trong, càu nhàu một lời đáp. Gã tài chậm rãi nhá nhẩm đầu kẹo, mỗi lần nhai lại há rộng quai hàm. Y đưa đầy chiếc kẹo trong miệng, vừa luồn nó xuống phía dưới lưỡi, vừa tiến về phía chiếc xe tải màu đỏ.
Anh chàng đi nhờ xe bèn đứng lên nhìn qua cánh cửa sổ.
- Thưa ông, ông có thể cho tôi đi nhờ một quãng đường, được không? Người tài xế thoáng nhìn trộm về phía tiệm ăn.
- Anh không nom thấy cái nhãn dán ở chắn gió, sao?
- Có chứ, có thấy. Nhưng thiết nghĩ, nhiều lúc, vẫn có những người quân tử, bất chấp một gã nhà giàu chết tiệt nào đó buộc y phải đeo một cái nhãn.
Anh tài thong thả ngồi vào xe, ngẫm nghĩ đến câu trả lời đó. Giá bây giờ mà từ chối thì cũng dở, đã không phải là tay quân tử mà vẫn phải đèo thêm mỗi cái nhãn buộc người ta không cho ai đi cùng. Còn nếu y để cho cái gã lang thang này lên xe thì sao? Tự khắc y là tay quân tử, hơn nữa, lại không thuộc vào hạng người bị một tên nhà giàu xỏ mũi. Y cảm thấy mình bị kẹt, nhưng không có cách thoát ra. Mà y lại muốn làm một tay quân tử. Một lần nữa, y liếc nhìn vào quán rồi nói:
- Cậu ngồi nấp ở bậc lên xuống chờ cho mình đánh xe quá khúc ngoặt.
Anh chàng đi nhờ xe ngồi xệp xuống cho khỏi ai nom thấy tay quắp chặt núm cửa. Máy xe rồ lên một chốc, cần gạt số kêu lanh canh và chiếc xe tải to lớn mở máy, tốc độ một, tốc độ hai, tốc độ ba, rồi một tăng tốc dài, và cuối cùng, tốc độ bốn. Khúc ngoặt ở cách đấy một dặm. Vượt qua chỗ rẽ, chiếc xe chạy chậm lại. Anh đứng lên, mở cửa và luồn vào ngồi trên ghế. Qua đôi mi hé mở, anh tài xế quan sát anh, miệng vẫn tiếp tục nhai. Chẳng
khác ý nghĩ và ấn tượng của y được sàng lọc và sắp xếp bởi đôi quai hàm trước khi chúng được xếp loại trong đầu óc. Thoạt tiên đôi mắt y chốt vào chiếc mũ mới, rồi lần xuống bộ quần áo mới để rồi dừng lại ở đôi giày mới. Anh đi nhờ xe ngã người vào chỗ tựa, vặn vẹo người để ngồi cho thoải mái, rồi cất mũ lau mồ hôi trán và cằm.
- Cám ơn, anh bạn, - anh nói. - Chân mình long ra rồi.
- Giày mới mà lại? - anh tài nói. Cũng như đôi mắt, giọng nói của y có tính cách bí mật và lấy lòng. - Nắng nôi thế này mà lại mang giày mới đi dạo... kể cũng trái khoáy.
Anh đi nhờ xe cúi mắt nhìn xuống đôi giày bám đầy bụi.
- Mình chả có đôi nào khác. Đành phải mang đôi này vậy.
Với vẻ thông cảm, anh tài xế nheo đôi mí nhìn phía trước mặt rồi cho xe chạy nhanh thêm. Y hỏi:
- Cậu đi xa không?
- Ô! Mình có thể cuốc bộ được, giá như bộ giò nó chịu chiều mình.
Những câu hỏi của anh tài có cái giọng hỏi cũng tế nhị. Bằng cái câu hỏi, hình như y chẳng bầy đặt lưới phục.
- Cậu đi tìm việc làm à?
- Không. Ông già mình có trang trại. Bốn mươi acrơ 2. - Làm tá điền, nhưng đã ở đấy từ đời nảo đời nào.
Gã tài xế ném một cái nhìn thông thạo lên những cánh đồng nằm hai bên đường cái, ở đây ngô đã nằm rạp vùi lấp trong đất bụi. Anh tài xế nói như nhủ thầm:
- Bốn mươi acrơ. Thế ông già đã trụ lại được với bụi hay sao? Mà máy cày còn chưa tới xua đuổi ông đi ư?
- Cũng phải nói là lâu nay, tớ chả có tin tức nhà.
- Lâu đấy - anh tài xế nói.
Một con ong bay vào buồng lái rồi tới vo ve sau tấm chắn gió. Gã tài vươn tay ra, thận trọng bắt lấy nó và thả ra ngoài cửa.
- Thời buổi này, - y nói tiếp, - dân cày sẽ biến nhanh thôi. Người ta tự dẫn xác đến một chiếc xe xích, và thế là mười gia đình bị tống ra ngoài... Trong xứ, đầy rẫy những chiếc xe bánh xích sắt chết tiệt. Chúng nhổ sạch mọi thứ, tống khứ dân cày ra đường. Ông già cậu trụ làm sao được?
Lưỡi và quai hàm của y bắt đầu nghiền chiếc kẹo cao su, cuộn nó lại, rồi lại nhai. Mỗi lần y há miệng, người ta có thể thấy đầu lưỡi lật trở viên kẹo.
- Ô... lâu nay mình không có tin tức gì của ông già. Mình không thạo chuyện viết thư, ông già cũng không. - Rồi anh nói tiếp, rất nhanh: - Nhưng nếu muốn thì mình có thể viết, ông cụ cũng vậy.
- Cậu có công ăn việc làm ở đâu đó chứ?
Một lần nữa, lại vẫn cái tính tò mò kín đáo sau vẻ thờ ơ bên ngoài. Đôi mắt y nhìn ra xa xa trên cánh đồng quê, vào bầu không khí rung rinh, rồi giữ chiếc kẹo sát vào má để khỏi bị vướng, y nhổ qua cánh cửa.
- Tất nhiên là thế, - anh chàng đi nhờ xe nói.
- Tớ đã ngờ thế rồi. Chỉ nhìn bàn tay của cậu là biết. Cậu đã cầm cuốc rìu, hoặc búa. Tay chai bóng lên kia kìa! Ngay tức thì tớ đã để ý đến các vệt xước. Tớ tin lắm.
Anh đi nhờ xe nhìn y chòng chọc. Bánh xe tải hát réo trên đường cái.
- Cậu muốn biết thêm chuyện gì khác nữa ư? Mình có thể nói cậu nghe thôi mà! Việc gì phải đoán.
- Cậu đừng giận. Tớ đâu có cái thói chõ mũi vào chuyện riêng của cậu. - Mình sẽ nói những gì cậu muốn. Chả có gì phải dấu.
- Thôi mà, đừng giận. Đơn giản là mình thích nhận xét thế này thế nọ. Gọi là để giết thì giờ.
- Tớ sẽ nói những gì cậu muốn. Tên tớ là Joad, Tom Joad. Bố tớ là ông già Tom Joad. Nói xong, anh ta đặt một cái nhìn ủ ê lên gã tài xế.
- Cậu đừng nên giận. Tớ chả nghĩ quanh nghĩ co gì đâu mà.
- Thì tớ cũng thế, tớ chả nghĩ xa nghĩ gần gì sất. Đơn giản là tớ gắng tự xoay xở lấy để khỏi phiền lụy đến ai.
Anh ngừng lại, nhìn cánh đồng quê khô hạn và các bụi cây đói khát ở phía xa xa cháy bỏng. Từ túi bên, anh rút thuốc lá và giấy cuốn ra. Anh cuốn điếu thuốc giữa hai đầu gối để tránh gió.
Anh tài xế nhai nhỏ nhẹ, đều đặn, tư lự hệt như con bò cái nhai trầu. Y chờ cho mẩu chuyện vừa rồi hòa tan trong quên lãng. Cuối cùng, khi bầu không khí đã bình thường trở lại, y nói:
- Anh chàng nào mà chưa bao giờ lái xe thì không thể biết được đấy là đâu. Các ông chủ không muốn cho người ta chở khách. Thế là đành phải ngồi lỳ trước tay lái, trừ phi là muốn bị tống cổ. Như việc tớ làm với cậu đây, dễ bị lắm.
- Mình chịu ơn cậu nhiều.
- Tớ biết có những tay vừa lái xe vừa làm những trò đến là ngộ. Có một tay lại còn rặn ra thơ nữa. Để giết thì giờ...
Y liếc nhìn để xem Joad có quan tâm hay ngạc nhiên gì không, nhưng Joad vẫn lặng im, mắt nhìn vào xa xa trên con đường cái trắng xoá đang nhẹ nhàng nhấp nhô như sóng ngầm. Mãi sau, anh lại tiếp tục:
- Tớ có biết một bài thơ mà thằng cha kia đã viết. Hắn cùng với mấy thằng khác vừa chu du khắp thiên hạ, vừa nhậu nhẹt, làm đủ trò bậy bạ, hôn hít lung tung. Tiếc là, bài thơ đó, tớ không nhớ nó thế nào. Thằng cha ấy hắn
rót vào tai người ta những tiếng mà đến Chúa Cha, Chúa Con và Đức Thánh thần cũng chẳng biết là cái quái gì. Ồ, có đoạn nói thế này: "Ở đấy, tôi nom thấy có một thằng da nâu sẫm có một thanh gươm ngắn, to như một khúc ruột thừa của voi hoặc cái buồi của cá nhà táng". Khúc ruột thừa, đại để ý nói cái mũi, ờ, con voi, đó là cái vòi. Hắn chỉ cho tớ xem trong một cuốn từ điển. Đi đâu hắn cũng mang theo cái cuốn sách khỉ gió đó, cậu ạ. Vừa đỗ xe lại là hắn uống một tách cà phê, ăn một miếng mứt, xong, là chúi mũi vào sách.
Y im bặt khi cảm thấy mình lẻ loi khi nói dài dòng văn tự. Đôi mắt của y len lét quay về phía người khách. Joad vẫn lặng câm... Ngỡ ngàng, anh tài xế cố thử lôi cuốn anh vào câu chuyện.
- Cậu không thể biết có những gã hay dùng những từ rỗng tuếch như vậy sao?
- Các ông mục sư.
- À mà mình đây mình đâm cáu khi nghe một thằng cha dùng những tiếng đao to búa lớn. Cố nhiên một ông mục sư thì không giống thế, vả lại ai hơi đâu đi mất thì giờ với một mục sư. Còn cái thằng cha kia mới kỳ cục làm sao. Hắn có nói thì cũng chẳng ai buồn nghe, nói thế hay nói gì khác cũng thế thôi. Hắn không có ý trộ thiên hạ, làm ra vẻ ta đây.
Anh lái xe thấy yên tâm. Ít ra thì y cũng biết là Joad đang lắng nghe. Đùng một cái y xoay mạnh tay lái, quẹo cái xe đồ sộ sang khúc ngoặt. Bánh xe rít lên. Rồi y lại nói tiếp:
- Như mình vừa nói với cậy ấy mà, mấy tay lái xe tải chúng tớ làm những chuyện gàn bất sách. Buộc phải thế. Không thì người ta phát điên lên vì cứ mải ngồi đấy mà dán mắt vào con đường đang lủi trốn ở phía trước. Có một đứa nó nói là bọn lái xe chúng nhậu nhẹt suốt ngày... Suốt ngày cứ sà vào quán ăn dọc đường.
- Bởi thế mà có vẻ như chúng sống đời sống kiếp ở những nơi đó, - Joad tán đồng.
- Dĩ nhiên chúng hay dừng lại các nơi đó, nhưng đâu phải để ăn. Nói như ai nói, chúng chẳng bao giờ thấy đói. Thì có gì đâu. Ngồi xe mãi cũng đâm ngán, lạy Chúa, ngán phát ốm! Mà đỗ lại thì đỗ đâu được ngoài quán rượu? Mà đã đỗ lại thì cũng phải gọi món gì đó chứ chả nhẽ? Rồi cũng là để tán chuyện nhăng nhít với em bé ở quầy. Thế là, dùng một tách cà phê ăn một chiếc bánh kem. Nói như ai nói, nhờ đó xả hơi được tí chút.
Y chậm rãi nhai chiếc kẹo, đưa lưỡi đảo đi đảo lại.
- Tại cuộc sống gay go quá mà! - Joad nói, tuy không tin cho lắm. Gã tài xế thoáng liếc anh một cái, chờ đợi một sự châm biếm.
- Đúng thế, chả phải ngày nào cũng ngộ như ngày nào đâu, - y nói, giọng ấm ức. - Nom thì dễ ợt, cứ ngồi sau tay lái cho tới lúc đã tiêu hết tám tiếng, nếu không phải mười hai hay mười bốn tiếng. Nhưng mãi rồi, con đường nó như xích mình lại. Phải làm một cái gì đó. Có đứa hát hỏng, có thằng huýt sáo. Công ty không muốn người ta có máy vô tuyến. Có một số đứa đem theo nửa lít chất cay, nhưng bọn này thì chả bao giờ bền, - y nói thêm với vẻ tự mãn - Tớ thì chưa xong việc thì tớ chưa uống.
- Thật thế ư?
- Thật chứ! Trên đường đời, phải đạt được cái gì đó. Như tớ đấy, tớ có ý định theo học lớp hàm thụ để trở thành kỹ sư cơ khí. Cũng dễ thôi. Chỉ cần học ở nhà, một ít bài dễ. Chuyện đó nó cứ long tong trong đầu tớ. Sau đó thì tớ không cần lái xe nữa. Việc đó, tớ sai bảo các đứa khác làm.
Joad rút ở túi áo ra một chai whisky.
- Hỏi thật, cậu có làm một ngụm không? - Giọng nói của anh ta có cái gì như giễu cợt.
- Không! Lạy Chúa. Tớ không muốn đụng tới. Như tớ đây, đã quyết chí rồi thì không thể vẫn cứ uống rượu được.
Joad mở nút chai, làm liền một hơi hai ngụm rồi nhét chai vào túi. Mùi rượu cay nồng ngập buồng lái.
- Nom cậu có vẻ phởn lắm, - Joad nói. - Có chuyện gì vậy? Có rồi chắc?
- Ừ, cố nhiên. Nhưng sống chết gì thì mình cũng phải vượt lên. Mình đang luyện trí nhớ.
Rượu Whisky hình như đem lại cho Joad sự cởi mở. Anh cuốn một điếu thuốc khác và châm lửa hút.
- Bây giờ thì tớ chả còn phải đi xa nữa.
Anh tài nói nhanh:
- Tớ chả cần rượu. Để thì giờ mà luyện trí nhớ. Trên kia tớ có theo một lớp, đã được hai năm, - Y đưa tay phải đập đập vào tay lái. - Giả dụ tớ gặp một thằng cha trên đường cái. Tớ nhìn hắn, hắn đi qua rồi, tớ cố nhớ xem hắn thế nào, mặc loại quần áo gì, giày dép ra làm sao, rồi hắn đi đứng ra làm sao, đôi khi nhìn lại thân hình hắn, ước lượng nặng nhẹ bao nhiêu, mặt có sẹo hay không. Kể ra tớ nhận xét cũng sành, có thể vẽ lại cả một bức chân dung trong óc mình. Lắm lúc tớ nghĩ, dễ chừng phải theo một lớp để trở thành chuyên viên lấy dấu tay. Người ta có trí nhớ đến thế nào, cậu không hình dung được đâu.
Joad nhanh nhẹn uống một ngụm nữa. Điếu thuốc đã gần sổ ra, anh rít một hơi cuối cùng, bóp bẹp, mẩu thuốc cháy dở giữa hai nốt chai sạm ở ngón cái và ngón trỏ. Anh nhai nát mẩu thuốc thừa rồi nhả bã luồn nó ra cửa cho gió cuốn đi. Trên đoạn đường đá giăm nện, bánh xe ngân một nốt lanh lảnh. Vừa ngắm con đường, đôi mắt đen và bình lặng của Joad lộ vẻ vui vui. Gã tài xế chờ đợi, băn khoăn liếc nhìn anh. Sau cùng Joad nhếch môi nhăn nhở để lộ hàm răng vẩu, anh cười lặng lẽ làm bộ ngực rung chuyển.
- Anh bạn ơi, để đạt ý muốn, cậu mất khá nhiều thời gian đấy. Gã tài xế không nhìn anh, hỏi:
- Đạt cái gì kia? Cậu định nói gì vậy?
Joad mím chặt môi che kín hàm răng vẩu, rồi anh liếm môi, bắt đầu từ giữa miệng sang phải rồi sang trái.
Tiếng anh trở nên gay gắt:
- Cậu biết mình định nói gì. Mình vừa bước chân lên xe thì cậu đã củ soát mình rồi còn gì? Lọt mắt mình sao được.
Gã tài xế nhìn thẳng về phía trước, tay bíu chặt tay lái, khiến cơ bắp ở bàn tay căng lên, mu bàn tay tai tái, Joad tiếp tục:
- Cậu biết mình từ đâu tới rồi.
Gã tài xế im lặng.
- Không đúng sao? - Joad nói.
- Ờ... ờ... có chứ. Không... có thể là thế. Nhưng chuyện đó chả dính dáng đến mình. - Giờ thì gã nói dồn dập. - Mình không chõ mũi vào việc người khác.
Bất thình lình, gã nín bặt, chờ đợi. Đôi bàn tay trắng của gã vẫn bíu chặt tay lái. Một con châu chấu chui qua cửa nhỏ, đậu trên tấm bảng ở bên, rồi gãi gãi bộ cánh với đôi càng gãy góc. Joad với tay dí nát cái đầu bé nhỏ của nó tương tự đầu người chết. Đoạn anh thả nó ra theo luồng gió ngoài cánh cửa nhỏ. Joad lại vừa cười rúc rích, vừa chúi vào ngón tay những gì còn sót lại của xác con vật bị bóp nát.
- Ông bạn ơi, ông đã hiểu sai tớ. Tớ chả giấu diếm. Rõ ràng tớ đã ở Mac Alester. Bốn năm. Rõ ràng đây là những thứ họ cho tớ khi ra tù. Thiên hạ có biết tớ cũng đếch cần. Nay tớ trở về nhà ông già tớ để khỏi phải nói dối, nếu muốn tìm việc làm.
Gã lái xe nói:
- Ờ... chuyện đó chả dính dáng đến tớ. Tớ không phải là đứa tọc mạch.
- Có đấy, không nhiều thôi. Trừ cái điều là cái mũi của cậu đi cách trước mặt cậu đến hai ngày đường. Cậu đã đưa nó lượn quanh trên người tớ, chả khác con bò cái trong vạt rau.
Khuôn mặt anh tài xế căng lên:
- Cậu hiểu sai tớ..., - gã nói yếu ớt.
Joad cười giễu cợt.
- Đã nói rồi, cậu quân tử lắm. Đã cho mình đi nhờ. Vậy thì có quái gì mà tớ phải giấu nhỉ? Mẹ kiếp! Tớ đã ở tù. Rồi thế nào nữa? Cậu thèm muốn biết sao tớ ở tù, hả?
- Cái đó không dính dáng gì đến tớ.
- Phải, chả dính dáng đến cậu, ngoài cái việc lái cái xe chết tiệt này, và chính cậu cũng đếch cần đến nó. Mà này, cậu có thấy con đường ở kia không?
- Có.
- Tớ xuống ở đấy. Rõ quá, cậu thèm muốn biết tớ đã làm gì mà bị tù tội, thèm vãi đái ra quần mà. Đừng chối vô ích, với tớ thì đừng chối.
Tiếng động cơ kêu o o buồn tẻ và tiếng reo hát của bánh xe cũng trầm xuống. Joad lôi chai rượu ra làm một ngụm. Chiếc xe tải dừng lại ở chỗ con đường nhỏ cắt thẳng góc với con đường cái. Joad bước xuống và đứng gần cửa. Chiếc ống thoát hơi thẳng đứng nhả vào không khí làn khói xanh gần như vô hình. Joad nghiêng người về phía anh lái xe.
- Sát nhân đấy, - Anh nói nhanh. - Nói thế nghe hoảng quá... có nghĩa là hạ một thằng nào đó. Bảy năm. Được bốn năm, họ thả tớ ra vì đã cố kìm mình, không quấy đảo.
Gã tài xế đưa mắt khắp mặt Joad để in nó vào trí nhớ.
- Tớ chả hỏi gì cậu hết. Tớ lo việc tớ mà.
- Cậu có thể cứ việc kể chuyện đó khắp các quán từ đây tới Texas, - anh mỉm cười. - Tha hồ.
- Thôi, tạm biệt anh bạn. Cậu quân tử lắm. Có điều, nghe nhé. Khi người ta sống trong tù một thời gian, ai định hỏi gì thì người ta đánh hơi được ngay. Nhưng cậu, cậu vừa há mỏ ra là đã điện các câu hỏi của cậu đi rồi.
Anh lấy lòng bàn tay vỗ vỗ vào cánh cửa sắt.
- Cám ơn buổi đi dạo. Tạm biệt.
Anh quay gót bước vào con đường nhỏ.
Gã tài xế đưa mắt nhìn theo anh, rồi nói:
- Chúc may mắn.
Joad vẫy vẫy tay nhưng không ngoảnh lại. Thế rồi tiếng động cơ nổ ầm ầm mạnh hơn, chiếc xe tải to sơn màu đỏ nặng nề lao vút đi.
Chú thích
1. Không chở khách (tiếng Anh).
2. Mẫu Anh = 0,4 ha
MCHƯƠNG 3
ột thảm cỏ khô rối bời, bị dập gãy, giăng trải bên bờ đường cái lớn láng xi măng, đầu ngọn cỏ nặng trĩu những râu lúa mạch dẽ bám vào lông loài chó, những sợi cỏ đuôi cáo dễ vướng mắc vào các túm lông chân ngựa, những hạt cỏ ba lá dính bết vào lông cừu. Một cuộc sống ao tù đang chờ đợi bị phân tán, tản mát, mỗi một hạt được trang bị một
dụng cụ phân tán - những mũi nhọn bé xíu xoắn tít và những dù nhảy theo gió, những mũi lao và đạn của những chiếc gai bé tí - tất cả đang chờ đợi những con vật và cơn gió, ống quần đàn ông hay gấu váy đàn bà, tất thảy đều thụ động nhưng được trang bị sẵn dễ hoạt động, tất thảy đều trơ ì nhưng chứa đựng các yếu tố vận động.
Mặt trời trải rộng và sưởi ấm cho cỏ, nấp trong bóng dâm dưới cỏ, loài côn trùng xao động, kiến lửa và kiến càng rình bắt mồi, đàn châu chấu nhảy lên không và đánh càng tanh tách trong thoáng chốc, những con mọt ẩm tương tự những con ta tu bé tí luôn luôn ngọ nguậy trên những chiếc càng mảnh khảnh. Và một chú rùa đang bò trên cỏ bên lề đường, rồi tự nhiên vô cớ rẽ sang hướng khác, kéo lê chiếc mai khum khum. Những chiếc càng cứng, những bàn chân mang móng sắc vàng, ì ạch, nặng nhọc qua đám cỏ. Thật ra thì không phải nó đi, mà đúng ra nó ẩy cái mai. Những râu đại mạch lướt trên chiếc vỏ cứng và các hạt cỏ ba ngạnh rơi xuống đụng vào nó, lăn xuống đất. Cái mỏ rắn như sừng hé mở, đôi mắt hung ác và châm biếm nhìn thẳng ra phía trước. Con rùa bò trên cỏ và để lại phía sau một vệt nham nhở, rồi nó đụng phải cái bờ dốc của đường sừng sững như một cái cồn trước mắt nó. Nó dừng lại chốc lát, ngẩng đầu lên. Nó hấp háy con mắt nhìn từ trên xuống dưới. Cuối cùng nó quyết leo dốc. Đôi cẳng trước với những chiếc móng sắc rướn lên trước nhưng không tìm được điểm tựa. Đôi cẳng sau vừa đẩy cái mai vừa nạo cỏ và sỏi. Sườn dốc càng đứng, rùa ta càng ráng sức. Đôi cẳng sau căng ra để đẩy, hích cái mai, cái cổ nghển tới để cho cái đầu
vươn ra được. Dần dà, dần dà, cái vỏ giáp leo lên sườn dốc mãi tới lúc bị chắn ngang bởi bức tường chống của con đường - một bức tường xi măng cao bốn inch 1. Như thể làm việc một cách độc lập, hai chân sau đẩy vỏ giáp tới sát tường. Cái đầu ngóc lên cao qua cái đầu bờ đường, nhìn cánh đồng xi măng rộng, nhẵn lì. Bây giờ đôi cẳng trước bám chặt vào đỉnh đầu bức tường, vất vả leo lên, chiếc vỏ giáp từ từ đi tới. Phần thân trước đã nằm trên bờ tường. Rùa ta dừng lại một lát. Một chú kiến luồn xuống phía dưới vỏ cứng, chui vào tận các ngóc ngách của da mềm. Đột nhiên cả đầu, cả mấy cẳng rụt lại, cái đuôi lách nghiêng thu vào dưới cái mai. Chú kiến đỏ đã bị đè nát giữa thân mình và đôi cẳng. Một ngọn yến mạch dại bị một trong hai cẳng trước kẹp vào trong mai. Trong một lúc lâu rùa ta không động đậy, nhưng rồi sau đó, cái cổ hiện ra, đôi mắt châm biếm và nheo nheo nhìn khắp xung quanh, chân và đuôi lại thò ra. Chân sau lại tiếp tục công việc, nặng nề như những đôi chân voi, cái mai đổ nghiêng một bên, cho nên đôi cẳng trước không với tới mặt bằng của tường xi măng. Chân sau lại cố đẩy, cố hích nó lên cao, lên nữa cho tới lúc đạt được sự thăng bằng, đôi cẳng trước cào cào nền xi măng, rồi rùa lấy lại tư thế cũ. Nhưng vì bị mắc kẹp cho nên ngọn cỏ yến mạch dại vẫn cứ vướng luẩn quẩn đôi cẳng trước.
Bây giờ hành trình của chú rùa đã dễ dàng, bốn cẳng bắt đầu hoạt động đều, cái mai vừa tiến lên vừa lắc lư hết sang trái lại sang phải. Một chiếc xe hòm đi tới, người lái là một phụ nữ trạc bốn mươi tuổi. Trông thấy con rùa, bà lái tránh sang phải, xe trệch ra ngoài lòng đường, bánh xe rít mạnh, một đám bụi bốc lên, hai bánh xe nhấc lên trong nháy mắt rồi đổ xuống tức thì. Chiếc xe lấy lại trớn tiếp tục cuộc hành trình và đi xa dần, nhưng chậm rãi hơn. Còn chú rùa thì đột nhiên rụt vào dưới mai, nhưng rồi nó phải vội vã bò vào vì lòng đường đang nóng bỏng.
Cũng vào lúc này, một chiếc xe con đang phóng tới gần... Người lái xe trông thấy con rùa bèn khiến tay lái hòng nghiến nát con vật. Một bánh trước đánh vào cạnh chiếc mai, rùa bị hất lên, xoay xoay như một đồng xu rồi rơi bịch và lăn ra khỏi đường. Chiếc xe lấy lại phía phải và lao đi tiếp.
Con rùa nằm ngửa, rụt đầu vào mai trong một lúc lâu. Nhưng rồi mấy cái cẳng lại ngọ nguậy, tìm kiếm một cái gì đó để có thể giúp nó lật sấp. Cẳng trước đã bám được vào một hòn sỏi, chiếc mai cố gắng lật lật dần và mãi rồi cũng nằm sấp lại được. Nhánh đại mạch rời ra để rơi ba hạt hình mũi giáo cắm xuống đất và bị vùi lấp khi rùa bắt đầu bò xuống bờ dốc. Nhưng đôi mắt già nua và châm biếm nhìn thẳng ra phía trước, chiếc mỏ cứng hơi hé mở. Những chiếc móng sắc vàng bị trượt một tí chút trong đất bụi.
Chú thích
1. Đơn vị đo lường Anh - Mỹ = 2,54 cm.
KCHƯƠNG 4
hi chiếc xe tải đi xa dần trong tiếng động tăng tốc liên tiếp và đất hổn hển dưới sức nén của mấy chiếc lốp cao su, Joad bèn dừng chân, ngoảnh lại đưa mắt trông theo. Chiếc xe đã khuất hẳn, nhưng anh vẫn còn mải nhìn về phía xa xa, vào không trung màu xanh lam đang rung động. Vẻ trầm ngâm, anh rút chiếc chai ở túi ra, vặn mở cái nút thép
và nhấm nháp rượu Whisky một cách ngon lành. Anh thè lưỡi liếm vào cổ chai, rồi liếm quanh mép chai, không chịu để ý mảy may các hương vị bám quanh đấy.
Anh nói như để thử nghiệm:
- "Hôm ở đấy, mình thấy một gã da nâu sẫm...", nhưng chỉ có thế, anh không thể nhớ thêm gì nữa. Cuối cùng anh quay lại, đối diện với một con đường bụi bặm cắt thẳng qua cánh đồng. Mặt trời nóng bỏng, không một ngọn gió nào tới làm xao động lớp bụi lấm tấm. Đường lỗ chỗ những hố gà, Joad đi được mấy bước thì bụi mịn như bột bốc lên dưới đầu mũi đôi giày mới và màu vàng thoắt biến đi trong lớp bụi xam xám.
Anh cúi xuống cởi dây giày rồi lần lượt tháo giày ra. Anh khoan khoái vùi đôi bàn chân dâm dấp xuống bụi cát khô nóng cho tới khi nó bắn ra những chùm tia nhỏ và da bàn chân se lại. Anh cởi áo ngoài, gói giày vào rồi cắp cái bọc xuống dưới nách. Anh lại cất bước, để lại phía sau một chút mây bụi là là mặt đất. Phía bên phải con đường cái, có một hàng rào dây thép gai móc vào những cọc bằng cành liễu. Cọc rào cong queo, cành tỉa sơ sài. Khi có một chạc nằm vừa tầm, sợi dây tựa vào đấy, và nếu không gặp chạc, dây thép gai được buộc chắc vào cọc bằng những khúc dây thép ri. Bên kia hàng rào, cây ngô nằm sóng soài mặc cho gió đập, nắng hun, và ở chỗ lá và thân giáp nhau hiện ra cái bắp hình tổ sâu phủ đầy bụi.
Joad vừa nặng nhọc bước đi, vừa kéo theo sau đám mây bụi. Bỗng phía trước mặt, anh trông thấy cái mai khum khum của một chú rùa đang chậm rãi sục bò trong bụi, bốn chân cứng ngắc bước đi lập chập, Joad dướn lại nhìn, bóng anh đổ xuống con vật, ngay tức thì cái đầu và cái cẳng rụt lại, cái đuôi nhỏ và dày rút gọn vào dưới vỏ cứng. Joad nhặt nó lên. Lưng rùa màu nâu sẫm nhưng phần dưới bụng thì màu vàng kem, sạch sẽ và mát tay. Bằng một cái giật mạnh, Joad xốc lại chiếc bọc kẹp dưới nách, đưa ngón tay vuốt ve cái bụng rùa trơn nhẵn, rồi ấn thử. Ở đây mềm hơn trên lưng. Cái đầu già cứng ló ra, cố gắng nhìn mấy đầu ngón tay đang ấn ấn lên nó, còn mấy cẳng đang cựa quậy loạn xạ. Con rùa đái vào tay anh và giãy giụa, chới với. Joad lật sấp con rùa lại, cuộn nó cùng với đôi giày vào trong chiếc áo ngoài. Anh cảm thấy con vật thúc thúc ngọ ngoậy nhặng xị dưới nách tay. Và rồi anh rảo bước, chân hơi kéo lê trong bụi mịn.
Bên bờ đường phía trước mặt, Joad nom thấy một cây liễu cằn cỗi bụi bám đầy và đang in xuống đất bóng lốm đốm những cành khẳng khiu uốn cong cong phía trên mặt đường, lá rách nham nhở nom thảm hại chẳng khác con gà mái đang thay lông. Joad đã đẫm mồ hôi. Nách và lưng chiếc áo sơ mi xanh đã sẫm lại. Anh kéo cái lưỡi trai mũ cát két, nó bị nứt rạn ở khoảng giữa, miếng giấy bồi lót trong bị gãy nên chiếc mũ không còn gì là mới nữa. Anh bước nhanh và dứt khoát đi về phía có bóng cây liễu. Anh biết là gần cây liễu có bóng râm, ít ra thì cũng có một vạch bóng to đậm do thân cây hắt xuống, vì lúc này mặt trời đã quá đỉnh đầu. Lúc này mặt trời đánh vào phía sau gáy, khiến anh thấy ù tai. Anh không thể nhìn thấy gốc cây vì nó bắt rễ ở chỗ trũng mà nước đọng lại lâu hơn ở các chỗ bằng phẳng. Joad lại rảo bước thêm để tránh nắng và xuống dốc. Nhưng anh dè dặt bước chậm lại, bởi vì bóng cây đã bị chiếm mất. Có một người đang ngồi dưới đất, lưng tựa vào cây, hai cẳng bắt chéo và một bàn chân để trần giơ cao lên ngang đầu. Y không nghe thấy Joad đang đi tới và y mê mải huýt sáo điệu Yes, Sir, That's my Baby. Bàn chân chìa ra chậm rãi đánh nhịp. Đó không
phải là một điệu khiêu vũ. Rồi y ngừng huýt sáo và bằng một giọng hát nam cao thoải mái, y cất tiếng hát:
"Yes, Sir, that's my Savieur
Je... sus is my Savieur
Je... sus is my Sevieur now
On the lovel
'S not the devil
Jesus is my Savieur now"
Joad đã bước vào bóng râm loang lổ của cành cây đang thời kỳ thay lá. Tới lúc này, người kia mới nom thấy anh đang ở gần mình, ngừng hát và quay đầu lại. Đầu y dài, xương xương, da căng, cổ nổi gân bắp nom như một gốc cần tây. Đôi mắt lồi, da mi mắt căng da, còn mi mắt thì trơ và đỏ. Đôi má nhẵn thín với nước da nâu bóng, cái miệng với đôi môi dày có vẻ châm biếm và hám nhục dục. Cái mũi khoằm và cứng kéo căng da mặt, khiến cho sống mũi nom rất trắng. Không thấy có dấu vết mồ hôi trên khuôn mặt của y, ngay cả trên cái trán tái nhợt, một cái trán cao khác thường, nổi những đường gân xanh hai bên thái dương. Hơn một nửa mặt, nằm phía trên đôi mắt. Đám tóc hoa râm và cứng hất ngược ra sau lù xù như thể chỉ được chải bằng mấy ngón tay. Quần áo của y gồm một chiếc quần thợ máy và một chiếc sơ mi xanh. Nằm dưới đất bên cạnh y là một chiếc áo ngoài bằng vải sợi có khuy đồng, và một chiếc mũ nâu loang lổ các vết bẩn, nhăn dúm. Đôi giày vải xám xịt bụi bặm nằm nguyên chỗ từ lúc y ngúc ngoắc đôi bàn chân cho chúng rơi xuống đất.
Y nhìn Joad rất lâu. Ánh sáng hình như xuyên sâu vào đôi mắt màu nâu, và từ đáy con ngươi hắt ra những tia vàng vàng.
Joad đứng im trong bóng râm loang lổ. Anh cất mũ, lấy nó thấm mồ hôi trên mặt, rồi buông cả mũ, cả chiếc áo cuộn tròn rơi xuống đất.
Người kia nằm dài trong bóng râm, bỏ chân xuống, đưa ngón chân cái ngoáy ngoáy trong bụi.
Joad nói:
- Xin chào. Trên đường cái nắng ơi là nắng.
Người kia đang ngồi lên, ném vào anh một cái nhìn dò xét. - Hoạ chăng mày là anh chàng Tom Joad, con ông già Tom? - Đúng vậy, tôi đang trở về nhà.
- Chắc mày không còn nhớ tao. - Y mỉm cười, đôi môi dày để lộ những chiếc răng to như răng ngựa. - Ô, mà mày nhớ làm sao được. Hồi xưa, lúc tao nói với mày về Đức Thánh Thần thì mày chỉ mải mê kéo tóc bọn con gái. Đầu óc mày chỉ nghĩ đến chuyện ấy, chỉ lo kéo tóc cho đến lúc giật được nó. Có lẽ mày không nhớ, nhưng tao thì tao không quên. Vì cái chuyện kéo tóc này mà cả hai đứa bay đã đến trước Chúa Jesus. Tao cũng đã làm lễ rửa tội cho cả hai cùng một lúc, trong Kênh Đào ấy mà. Chà, lúc đó chúng mày vùng vẫy, gào la đến khiếp! In như hai con mèo hoang.
Joad cúi mắt nhìn y, rồi anh cười phá lên.
- Sao lại thế này? Té ra là ông mục sư! Ông là ông mục sư chứ gì! Cách đây chưa đầy một tiếng, đúng là tôi đã nói về ông với một thằng cha...
- Xưa kia tao là mục sư, - ông kia nói vẻ nghiêm nghị. - Cha Jim Casy, Giáo phái Burning Busher. Tao gào đến vỡ phổi tên Chúa Jesus và sự vinh quang của Người. Đến cái mức mà con Kênh của tao đầy nhung nhúc bọn phạm tội hối lỗi, mà một nửa suýt chết đuối! Nhưng nay không thế nữa, - ông thở dài, - nay chỉ là Jim Casy trống trơn. Chả là thiên hướng của tao đã mất. Tao có một đống những ý nghĩ tội lỗi, nhưng xem ra thì cũng phải chăng thôi.
Joad nói:
- Buộc phải thế thôi, ông ạ. Khi người ta nghĩ đến hàng đống chuyện, người ta nẩy ra nhiều ý kiến lắm. Khỏi phải nói, dĩ nhiên là tôi nhớ ra ông, ông thường họp thiên hạ lại để giảng đạo. Tôi còn nhớ một lần, vừa đọc bài thuyết giáo ông vừa đi bằng hai tay, miệng gào la như kẻ bị quỉ ám. Mẹ tôi mến ông hơn ai hết. Còn bà nội tôi thì cho rằng tinh anh của Chúa lai láng khắp người ông.
Joad lục tìm trong chiếc áo vét cuộn tròn, tìm thấy túi áo và lôi cái chai ra. Con rùa cựa quậy nhưng anh lại gói nó thật chặt. Anh xoay xoay cái nút và chìa cái chai ra.
- Ông làm một ngụm chứ?
Casy cầm lấy chai, nhìn nó với vẻ đăm chiêu:
- Tao không giảng đạo nữa. Thiên hạ không còn mang tinh thần của Chúa trong họ nữa. Cố nhiên, có những lúc tinh thần đó lại bắt đầu giày vò tao, thế là tao lại xoay xở để tổ chức một buổi nhóm họp, hoặc giả khi người ta mời ăn, tao cũng đọc một bài kinh, nhưng lòng dạ thì để đâu đâu. Nếu tao làm thế, đơn giản chỉ vì họ trông chờ vào tao.
Một lần nữa, Joad lấy mũ cát két lau mặt.
- Dẫu sao thì ông cũng không quá thánh thiện đến nỗi không dám uống một ngụm, phải không?
Casy có vẻ như lần đầu tiên nhận thấy cái chai... Ông giơ nó lên, dốc ngược và làm ba ngụm lớn.
- Rượu ngon lắm - ông nói.
- Phải thôi, - Joad nói. - Đây là thứ rượu mạnh của nhà máy. Tôi mua một đô la đấy.
Casy còn uống thêm một ngụm nữa mới trả lại chai.
- Dĩ nhiên, - ông nói, - dĩ nhiên.
Joad cầm lấy chai ở tay ông, và anh uống nhưng vì lịch sự anh tự miễn không đưa ống tay áo chùi miệng chai. Anh ngồi xổm, đặt đứng cái chai tựa vào chiếc áo vét cuộn tròn. Ngón tay anh lần ra một nhánh củi, rồi vạch vạch ý nghĩ của anh trên đất. Anh san đất thành một hình vuông, quét lá đi và san bằng cát. Anh vẽ các góc và vạch những hình tròn nhỏ.
- Đã lâu rồi tôi không thấy ông, - anh nói.
- Chả ai thấy tao cả, - mục sư nói. - Tao bỏ đi một mình, và cứ thế mà suy tư ngẫm nghĩ. Tinh thần trong tao vẫn mạnh, có điều nó không như trước nữa. Có hàng đống chuyện mà tao không nắm chắc được.
Ông rướn người lên tựa vào cây. Nhanh như sóc bàn tay xương xẩu của ông lần mò trong túi chiếc áo xanh và lôi ra một gói thuốc đen để nhai đã bị sứt mẻ. Thận trọng, ông gỡ các nhành rơm và các xơ lông xám dính từ túi áo dính vào, rồi ông cắn một góc miếng thuốc nhai, lăn nó về phía má. Joad lắc lư đầu gậy để tỏ ý từ chối khi ông mời anh nhai miếng thuốc còn lại. Con rùa giãy giụa trong chiếc áo cuộn tròn. Casy quay mắt về phía chiếc áo đang động đậy.
- Mày có cái gì trong đó... một chú gà con à? Mày làm nó chết ngạt mất. Joad lại cuộn chiếc áo chặt hơn.
- Một con rùa già. Tôi nhặt nó trên đường cái. In như chiếc tăng cũ. Tôi nẩy ra ý kiến mang nó về cho thằng em út. Bọn nhỏ chúng thích rùa mà.
Người mục sư chậm rãi nói:
- Vào một lúc nào đó tất cả bọn trẻ con đều có một con rùa. Tuy vậy chả đứa nào có thể giữ chúng được lâu. Chúng hăm hở, miệt mài tìm cách chơi, rồi một ngày nào đó, hấp, nó bỏ đi đâu đó, tao chẳng biết. Thì in như tao vậy. Tao không thể bằng lòng với sách kinh cũ tốt lành nằm trong tầm tay. Tao phải đào xới nó, tước vỏ nó cho tới khi nó tan từng mảnh. Hiện nay thì có lúc thần linh truyền hơi thở cho tao, tao chẳng có gì để thuyết giáo cả.
Tao có thiên hướng dắt dẫn loài người, nhưng dắt dẫn họ tới đâu thì tao chả biết.
- Thì ông cứ việc bắt họ quay tròn, quay tít. - Joad nói. - Rồi vất họ xuống sông đào. Nói với họ là họ sẽ cháy thiêu trong địa ngục, nếu không suy nghĩ như ông. Còn việc quái gì mà ông lại muốn dắt họ tới đâu đó? ông cứ bằng lòng với việc dắt dẫn họ, thế là đủ rồi.
Thân cây ngả bóng thẳng dài trên đất. Joad thích thú bước vào chỗ bóng, quì gối ngồi trên gót chân và lại san bằng một lớp bụi khác, lấy đầu gậy ghi ý nghĩ của mình lên đó. Một con chó chăn cừu lông dài sắc vàng vừa đi tới, vừa chạy lon ton, đầu cúi thấp, lưỡi thè lè rớt dãi. Đuôi thõng xuống, mút đuôi hơi cong lên; nó thở phì phì. Joad huýt sáo gọi nó, nó chỉ cúi thấp mõm xuống thêm một chút và chạy gấp hơn về một mục tiêu rất xác định. - Nó đi đâu đấy. - Joad giải thích, hơi phật ý. - Có lẽ về nhà nó.
Người mục sư không vì thế mà đi trệch khỏi vấn đề.
- Nó đi đâu đấy, - ông nói, - đúng vậy, nó đi đâu đấy. Tao... tao chẳng biết tao đi đâu. Tao sẽ nói cho mày hay... Tao đã có thể khiến cho thiên hạ nhảy cẫng lên, khiến cho họ ăn nói một cách rối rắm khó hiểu, gào hét vinh quang của Chúa đến nỗi vì thế mà ngã nhào xuống đất, chả biết trời đất gì nữa. Và có những kẻ tao rửa tội cho để tỉnh lại. Thế rồi... mày biết tao làm gì không? Tao dẫn một đứa trong bọn con gái vào đám cỏ và ngủ với nó. Lần nào tao cũng làm thế. Và sau đó, tao thấy băn khoăn, tao cầu nguyện, cầu nguyện nhưng chả ăn thua gì. Cứ gặp dịp thần linh truyền hơi thở vào bọn con gái và vào tao, tao lại tái phạm. Tao hiểu, thật tình chẳng có hy vọng gì, tao chỉ là một đứa đạo đức trời đánh. Nhưng biết sao, chỉ là chuyện vạn bất đắc dĩ.
Joad mỉm cười, những chiếc răng vẩu hé ra, và anh liếm môi.
- Chẳng có gì hay bằng một cuộc họp cho ra họp, khi ai nấy đã bốc lửa, nhân đó vật ngã tụi con gái xuống đất, - Joad nói. - Tôi cũng đã làm như
thế.
Casy rất băn khoăn, cúi về phía trước.
- Mày thấy đấy, tao đã biết sự tình sẽ như vậy, cho nên tao đâm suy nghĩ. Ông phe phẩy bàn tay xù xì từ trên xuống dưới với một cử chỉ vỗ về.
- Tao tự nghĩ thế này. Đấy, mình đang thuyết giáo về ân sủng của Chúa, và mày xem, bọn người đó thấm nhuần ân sủng đến mức chúng nhảy nhót, chúng gào la đến vỡ phổi. Cái chuyện ngủ với con gái hình như là việc của quỉ, nhưng bọn đó cũng nhận được ân sủng thì càng vội vã muốn đi vào đám cỏ. Và mẹ kiếp - xin lỗi nhé - tao cứ tự hỏi, khi một con mụ bị Đức Thánh Thần ám chặt thì làm sao quỉ cỏ thể nhập vào người? Người ta tưởng chính lúc đó con quỉ chả giở trò gì được, chả hơn cục tuyết ném vào địa ngục. Ấy thế mà sự tình lại là thế.
Đôi mắt của ông lấp lánh sự kích động. Ông xoa má một lát rồi khạc nhổ xuống đất, bãi nước bọt dính vào bụi giống như một viên đất khô. Người mục sư chìa tay ra, nhìn lòng bàn tay như đang đọc một cuốn sách.
- Và mày xem, - ông tiếp tục, nhẹ nhàng, - tao nắm linh hồn các người đó trong tay tao, tao có ý thức về trách nhiệm của tao, nhưng lần nào cũng như lần nào, tao vẫn ngủ với một trong những đứa con gái đó, đố có trật.
Ông dán mắt nhìn Tom, mặt lộ vẻ đau khổ. Hình như ông cầu khẩn sự cứu giúp. Một cách chăm chú, Joad vẽ một thân người phụ nữ trong bụi, có đủ vú, hông, mông.
- Tôi chưa từng bao giờ là mục sư, - anh nói. - Hễ gặp dịp là tôi không bỏ lỡ, mà tôi chẳng bao giờ có ý kiến về chuyện đó, chỉ biết rằng mỗi lần rủ được một đứa là tôi khoái cái tỉ rồi.
- Đúng, nhưng mày không phải là mục sư, Casy nhấn mạnh. - Với mày con gái là con gái, chẳng là gì khác. Với mày chúng chẳng đáng kể. Nhưng với tao, chúng là những chiếc bình thiêng. Tao phải cứu vớt linh hồn chúng, ấy
vậy mà với tất cả trách nhiệm đã đè nặng trên vai, tao truyền đạt cho chúng về Đức Thánh Thần đến mức chúng thèm trào bọt mép, và sau đó tao lôi chúng vào bụi cỏ.
- Lẽ ra tôi đã phải làm mục sư, - Joad nói.
Anh rút gói thuốc, giấy và cuốn một điếu. Anh châm lửa hút rồi vừa nhìn ông mục sư vừa chớp chớp mắt qua làn khói:
- Lâu lắm tôi chẳng biết đến đàn bà, - anh nói. - Phải có công ăn việc làm để gỡ gạc lại mới được.
Casy tiếp tục:
- Điều đó cứ quấy rầy đến nỗi tao không ngủ được. Chẳng hạn, có khi tao đi một vòng và tự nhủ "Lạy Chúa, lần này thì con không làm thế nữa". Nghĩ thì hay thế, nhưng tao biết tao vẫn chứng nào tật nấy, Tom ạ.
- Lẽ ra ông phải lấy vợ... Một lần, có một mục sư với vợ đã ở nhà tôi. Họ thuộc chi Jehovah. Ngủ ở tầng trên. Giảng đạo trong sân. Bọn nhóc chúng tôi vểnh tai mà nghe. Mà xin ông hãy tin tôi, cái mụ vợ mục sư ấy mà, sau mỗi buổi họp mặt, mụ ta vớ bở lắm.
- Mày nói thế là tao bằng lòng, - Casy nói. - Nhiều khi tao nghĩ chỉ có tao mới hư đốn. Cuối cùng, tao khổ quá, tao vất mẹ nó tất, rồi một mình ra đi để suy nghĩ một lần cho trót, - ông xếp cẳng lại và bắt đầu nhòm ngó tỉ mỉ các ngón chân khô và bụi bặm. - Tao đã lòng nhủ lòng: "Có gì mà mày day dứt? Đã hôn hít rồi hay sao?" Rồi tao lại nói: "Không, chính là tội lỗi kia". Lại tự nhủ: "Tại làm sao? Chính vào lúc người ta phải cứng như thép để chống lại tội lỗi, lúc người ta đã mang nặng Chúa trong lòng, làm sao chính lúc đó người ta lại bắt đầu sờ soạng khuy quần, tại sao?" - Ông đặt hai ngón tay vào lòng bàn tay, đánh nhịp như thể đang nhẹ nhàng đặt mỗi tiếng cạnh nhau. - Tao tự nhủ: "Có lẽ không phải là tội lỗi. Đơn giản có lẽ con người sinh ra là thế. Có thể người ta tạo cho mình những băn khoăn về chuyện không đâu và tao bắt đầu nghĩ đến những con mụ làm sao mà chúng có thể
lấy roi da dài ba bộ, có đeo cục chì để tự mình quất vào chính mình. Dễ chừng họ thích tự mình làm khổ mình? Và tao nữa, rất có thể tao thích làm khổ tao cũng nên. Chỉ biết rằng bao giờ cũng vậy, khi đêm tối, tao nằm dưới gốc cây và khi thức dậy thì đã tối đen. Có một con chó sói rú lên không xa lắm. Thế rồi trước khi đủ thì giờ tỉnh táo, tao lại bắt đầu hét tướng lên: Vất mẹ những chuyện ngu ngốc đó đi! Tội lỗi ư? Đức hạnh ư? Đó chỉ là chuyện tào lao. Chả có gì mà con người không làm. Tất cả gộp lại làm một. Có những điều con người làm thì đẹp, có những điều thì không đẹp. Con người chỉ có quyền nói thế thôi..." Ông ngừng lại ngước mặt nhìn phía trên lòng bàn tay, nơi ông đã sắp hàng các dòng chữ.
Joad mỉm cười nhìn ông, nhưng cái nhìn của anh linh lợi và có vẻ thích thú. Anh nói:
- Nói thế là ông đã thấy rõ vấn đề. Ông đã tìm ra cách giải quyết đúng đắn rồi đó.
Casy lại tiếp tục, tiếng nói của ông vang lên nỗi đau đớn và sự ngượng ngùng:
- Tao tự nhủ: "Cái Đấng Thánh Thần này là gì?" Rồi tự trả lời: "Đó là tình yêu thương. Tao yêu con người tràn trề, đến mức nhiều khi tao sẵn sàng nổ tung ra". Rồi tao tự hỏi "Còn Jesus, thế người không yêu Ngài sao?". Thế là tao trăn trở câu đó trong đầu óc tao, và rốt cuộc: "Không, tôi chả quen ai có tên là Jesus". Tao biết chuyện này chuyện nọ, cái đó thì có, nhưng chỉ có con người là tao yêu. Mà nhiều khi tao yêu họ tràn trề đến nổ tung ra, tao muốn khiến họ sung sướng, cho nên tao thuyết giáo cho họ những điều mà tao nghĩ có thể khiến họ sung sướng. Thế là... nhưng thôi... tao nói gì mà tràng giang đại hải vậy nhỉ! Có lẽ mày lấy làm lạ, nghe tao ăn nói những tiếng tục tĩu. Thế này nhé, với tao, những tiếng đó không còn tục tĩu nữa. Đơn giản chỉ là những tiếng người ta dùng, với họ, chúng chả có ý nghĩ tục tĩu. Với một mục sư, điều này không có gì vô đạo hơn, cho nên tao không
bao giờ còn làm mục sư được nữa, bởi lẽ tao đã nghĩ về nó và tao tin là đúng nữa.
- Là cái gì vậy? - Joad hỏi.
- Nói ra nếu mày không thích thì đừng có giận, nghe?
- Tôi chẳng việc gì mà giận trừ phi bị ai tống cho một cú đấm vào mặt. Ông nghĩ cái gì vậy?
- Là về chuyện Đức Thánh Thần và con đường của Jesus? Tao tự nhủ: cớ sao người ta lại gán cái đó cho ý Chúa hoặc Jesus? Nhiều khi tạo tự nhủ: có lẽ tất cả những người đàn ông và tất cả những người đàn bà mà chúng ta yêu, đều là cái đó, là Đức Thánh Thần, là trí tuệ con người, là cái mớ hổ lốn. Có lẽ tất cả mọi người chỉ có một mảnh nhỏ của linh hồn đó. Tao đang suy nghĩ như vậy thì đùng một cái, tao cho thế là đúng. Tự đáy lòng tao, tao tin chắc đó là sự thật. Mà bây giờ đây tao vẫn còn tin là thế.
Joad cúi mắt nhìn đất, như thể anh không đương đầu nổi với sự lương thiện thật đơn giản trong đôi mắt người mục sư.
- Với những ý nghĩ như vậy, ông không thể có nhà thờ được, người ta sẽ buộc ông phải bỏ địa phương. Nhảy nhót này, gào la này, thiên hạ chỉ thú có thế thôi. Sau đó họ cảm thấy dễ chịu. Khi bà tôi đã nhập đồng bắt đầu nói huyên thuyên rối rắm thì không có cách nào giữ bà lại được. Chỉ bằng một quả đấm, bà có thể nện choáng váng tay trợ tế còn đang tuổi trai tráng.
Casy nhìn anh vẻ đăm chiêu.
- Có điều tao muốn hỏi mày, - ông nói, - một điều cứ day dứt trong đầu óc tao.
- Ông cứ việc hỏi. Nhiều khi tôi cũng biết nói chuyện mà!
- Vậy thì được, - người mục sư chậm rãi nói, - mày nghe đây, tao đã làm lễ rửa tội cho mày từ thời tao còn chìm ngập trong ân sủng và vinh quang của
Chúa. Hôm đó, từng mảnh nhỏ của Jesus rơi ra từ miệng tao. Mày không thể nhớ ra, vì lúc đó mày chỉ mải mê kéo cái bím tóc kia.
- Tôi có nhớ, - Joad nói. - Chính là con Suzy Little, một năm sau nó bẻ tôi gãy một ngón tay.
- Thế thì... được rửa tội mày được lợi lộc gì? Sau đó mày có khá hơn không?
Joad suy nghĩ:
- Khô... ô... ng, tôi không thể nói là chuyện đó có ảnh hưởng gì đến tôi... - Thế thì... nó làm hại đến mày chăng? Nghĩ kỹ xem.
Joad cầm chai tu một hơi.
- Nó chẳng ảnh hưởng gì hết, xấu không, tốt không. Tôi thấy chuyện đó khôi hài, chi có thế.
Anh chìa cái chai cho mục sư. Ông thở dài, cầm lấy uống, nhìn mức whisky đã cạn, rồi uống thêm một ngụm nhỏ.
- Càng hay, - ông nói. - Chả là tao từng có ý nghĩ rằng khi làm tất cả các việc linh tinh thế kia, nhiều khi tao đã làm hại đến ai đó. Nghĩ như vậy tao đâm lo.
Joad ngoảnh mắt nhìn về chiếc áo vét, anh thấy con rùa đã chui ra được khỏi áo và đang vội vã đi theo hướng cũ vào lúc Joad tìm thấy nó, Joad quan sát nó một chốc rồi chậm rãi đứng lên, bắt lại và bọc nó trong áo.
- Tôi chẳng có quà cho bọn nhóc, - anh nói. - Chả có gì ngoài con rùa già này.
- Kể cũng ngộ, - mục sư nói, - lúc mày tới đây thì tao đang nghĩ đến bố già Tom Joad. Tao đang tự nhủ sẽ đi thăm ông ta. Xưa kia tao nghĩ là ông là người không tin Chúa. Ông ta khoẻ không Tom?
- Tôi chẳng biết ông già thế nào. Đã bốn năm nay tôi không ở nhà.
- Ông ấy không viết cho mày à?
Joad lúng túng:
- Ồ! Chuyện viết lách thì bố tôi không thạo lắm, dù viết để chơi hoặc viết để viết. Ông có thể ký tên ông, ông chả thua kém gì ai. Nhưng ông không bao giờ thư từ. Bao giờ ông cũng nói. Những gì người ta không thể nói với thiên hạ bằng miệng thì chả tội nợ gì mà vất vả với một cây bút chì.
- Mày đi xa về sao?
Joad nhìn ông vẻ ngờ vực:
- Thế nào, ông không nghe nói về tôi à? Báo chí nào cũng đả động tới.
- Không... chưa bao giờ... chuyện gì vậy? - Ông luồn một chân nọ xuống phía dưới chân kia, rồi lưng vẫn tựa vào thân cây, nhưng trước thấp xuống một ít. Mặt trời xế bóng nhanh, mang một âm sắc nóng hơn.
Joad nói một cách vui vui.
- Thà nói quách ông nghe cho xong chuyện, sau không phải đả động tới nữa. Nhưng nếu ông còn giảng đạo thì tôi sẽ không nói đâu, kẻo sợ ông lại cầu nguyện cho tôi.
Anh mút mạnh vào chai uống chút còn lại rồi vất nó ra xa. Chiếc chai màu nâu và dẹt nhẹ nhàng nhảy thia lia vào bụi.
- Tôi vừa qua bốn năm ở Mac-Alester.
Casy quay phắt đầu lại về phía anh. Đôi lông mày của ông nhíu xuống nên cái trán rộng có vẻ càng cao hơn.
- Mày nhất thiết không muốn nói chuyện đó hả? Tao có cật vấn mày đâu, nếu mày có làm chuyện gì xấu thì...
- Giá như phải làm lại, tôi sẽ làm, - Joad nói. - Trong một cuộc ẩu đả, tôi đã giết một thằng. Ở buổi khiêu vũ. Đang say. Hắn ta thọc vào tôi một nhát
dao, tôi vớ cái xẻng gần đấy, giáng cho hắn một nhát. Đầu hắn nát như cháo.
Cặp lông mày của Casy nằm lại ở tư thế bình thường.
- Làm thế, mày không xấu hổ sao?
- Không, - Joad nói. - Không hề. Bị phạt bảy năm, bởi lẽ hắn cầm dao đâm tôi trước. Được bốn năm, tôi chịu hứa, họ thả tôi ra.
- Vậy là bốn năm nay mày không có tin người nhà?
- Ồ, có chứ, có, mẹ tôi gửi cho tôi một bưu thiếp, cách đây hai năm. Năm ngoái, Nôen, bà nội gửi cho tôi một tấm thiếp có phong cảnh. Trời ơi! Bọn chúng trong xà lim, chúng đùa mới dữ chứ! Tấm thiếp có một cái cây và những thứ lấp lánh như tuyết. Lại có một bài thơ nữa, thơ thế này:
Nôen vui, bé đẹp xinh,
Jesus hiền, Jesus lành.
Dưới cây Nôen, ta thấy
Món quà của ta cho anh.
Tôi cuộc rằng bà chả bao giờ đọc. Có lẽ bà đã mua một tay chào hàng và chọn cái nào mà phía trên lấp lánh nhất. Bọn trong xà lim đọc, chúng chết cười. Sau đó chúng gọi tôi là Jesus hiền. Không phải muốn tỏ ra ngộ nghĩnh mà bà làm thế đâu, bà thấy nó đẹp quá nên không chịu khó đọc xem. Năm tôi bị nhốt, bà đã mất kính. Dẫu sao, có lẽ bà chả bao giờ tìm thấy lại kính.
- Ở Mac-Alester, người ta đối xử với mày thế nào? - Casy hỏi.
- Ồ! Cũng không tồi. Cầm chắc là có cái để ăn, có quần áo sạch sẽ, và có chỗ có thể tắm được. Một mặt nào đó, không phải khó chịu gì. Gay go nhất là không có đàn bà. - Đột nhiên anh bật cười. Có một thằng cha được người ta tha, vì đã hứa hối cải. Sau một tháng hắn trở lại, vì tái phạm. Có đứa hỏi hắn tại sao lại thế. "Ô! Đ... mẹ, hắn nói, - ở nhà ông bà già tao chả có tiện
nghi, chả có điện, chả có tắm vòi. Sách cũng không, ăn uống thì tởm quá". Hắn nói hắn đã trở về nơi có tiện nghi, ăn uống tiềm tiệm. Hắn nói hắn cảm thấy hoàn toàn lạc lõng giữa miền quê, lúc nào cũng buộc phải nghĩ tới chuyện nên làm gì. Thế là cu cậu bèn đánh cắp một chiếc ô tô, và đã trở lại, - Joad rút gói thuốc ra cuốn một điếu. - Chưa kể là hắn nói có lý. Đêm qua, chỉ nghĩ tới chuyện sẽ ngủ ở đâu, tôi đã phát sợ. Rồi tôi bắt đầu nghĩ đến chiếc giường của tôi, tự hỏi không biết cái thằng bạn cùng xà lim với tôi sẽ thế nào. Tôi với mấy đứa khác đã dựng một dàn nhạc. Khá lắm. Có đứa nói là đáng lý phải chơi ở Đài Phát thanh. Còn sáng nay, tôi chẳng biết mình dậy vào lúc nào. Tôi nằm đợi chuông đánh.
Casy cười rúc rích:
- Đến mức rồi người ta luyến tiếc tiếng ồn ào ở nhà máy cưa.
Ánh bụi vàng nhạt của nắng buổi chiều điểm sắc màu vàng trên khắp vùng quê. Các thân cây ngô có vẻ nhuốm vàng. Một cánh én bay quất mạnh khoảng không, hướng về một cái đầm nào đó. Trong túi của Joad, con rùa cố gắng trốn ra một lần nữa. Joad gập chiếc lưỡi trai ở mũ, bây giờ thì nó cong xuống, chĩa dài ra như mỏ quạ.
- À! Đã đến lúc lên đường rồi, - anh nói. - Tôi không chịu được nắng, nhưng giờ thì mặt trời không gay gắt nữa.
Casy vươn người đứng lên:
- Đã lâu lắm tao chưa gặp ông già Tom, - ông nói. - Vả lại, tao cũng đang sắp sửa tới thăm ông ta. Một thời gian lâu, tao đã rước Jesus tới nhà mày, và chưa hề quyên giáo, chưa hề xin gì, trừ thỉnh thoảng một chút gì để ăn.
- Ông đến đi. Được gặp ông, bố tôi sẽ rất vui... Ông luôn nói rằng ông nặng nợ đời lắm, nên không thể là mục sư được.
Anh lượm chiếc áo cuộn tròn lên và quấn chặt nó một cách tiện lợi quanh đôi giày và con rùa.
Casy vớ lấy đôi dép và xỏ đôi bàn chân trần vào.
- Tao không quá tự tin để đi chân đất như mày, - y nói. - Bao giờ tao cũng sợ nhỡ ra có những đoạn dây thép hoặc thuỷ tinh trong cát. Chẳng có gì tao sợ hơn là bị khứa chân.
Đứng bên bờ bóng râm, họ lưỡng lự một chút rồi đâm nhào vào thứ ánh sáng vàng, như hai tay bơi vội vã trở lại bờ. Lúc ban đầu họ bước nhanh nhưng rồi họ đi thong thả và thận trọng hơn. Thân cây ngô ngả bóng tà tà. Không khí nồng nặc mùi cay sè của cát nóng. Hết đồng ngô tới đồng bông xanh thẫm, lá xanh sẫm dưới lớp bụi, những kén bông đang hình thành. Bông mọc không đều, ở chỗ trũng nơi có nước thì dày, còn trên các đám đất cao thì thưa thớt. Loại cây nhỏ đấu tranh với mặt trời. Ở phía chân trời, cảnh vật chìm đi trong sắc màu hạt dẻ. Con đường trải dài trước mắt họ, khi lên dốc lúc xuống dốc. Những cây liễu bên bờ một con sông vạch một đường ở phía tây, và ở tây bắc đất bỏ hoá đã bị phủ dưới những bụi cây nhỏ. Nhưng mùi cát cháy bỏng vẫn đọng trong không khí mà không khí thì khô đến nỗi chất nhờn trong mũi khô quánh lại thành vẩy, nước mắt phải ứa ra để gìn giữ độ ẩm cho con ngươi.
Casy nói:
- Mày thấy đấy, trước trận mưa cát như thế, mùa ngô có nhiều hứa hẹn. Mùa chắc tốt lắm.
- Năm nào cũng vậy, - Joad nói, - từ những lúc tôi còn nhớ được, mùa màng nơi chúng ta hứa hẹn thì nhiều, nhưng thu hoạch chả được gì. Rồi ông nội sẽ nói cho ông biết, trong năm năm gieo trồng đầu tiên, chừng nào mà cỏ dại còn mọc lan tràn thì mùa màng mới tốt...
Con đường để xuống khu đồi rồi leo lên một sườn thung lũng khác.
- Nhà của già Tom chắc cách đây không quá một dặm. Có phải nó ở sau trái đồi thứ ba kia không?
- Đúng, trừ phi họ không đánh cắp mất nó như bố tôi đã từng làm. - Bố mày đã đánh cắp nó sao?
- Hẳn rồi. Bố tôi đã thấy nó ở một dặm rưỡi về phía đông, và ông đã kéo nó tới đây. Có một gia đình ở đấy, rồi họ bỏ đi. Ông nội, bố tôi và anh Noah của tôi muốn khuân cả nhà trong một lần cho xong, nhưng gia đình đó không ưng. Nên họ chỉ cho lấy một phần. Chính vì thế mà nom một đầu nó thật kỳ cục. Họ đã cắt nó làm đôi, dùng sức hai ngựa, hai la kéo đi. Họ đang sắp sửa trở lại tìm nửa kia để gắn chúng lại với nhau, nhưng chưa tới nơi thì Winki Manley đã dẫn mấy thằng con của y tới và lấy cắp nửa kia. Ông nội và bố tôi không bằng lòng, nhưng mấy lần sau đó, họ đã chén tạc chén thù với Winki, và các ông cụ nhà ta cười đến vỡ bụng. Winki ấy mà, lão nói nhà lão là một con ngựa đực, giá đem nhà bọn tôi đến cho nó phủ, dễ chừng có thể sản sinh ra một lô một lốc hố xí. Lão Winki, một lão đến là nhộn, nhất là lúc say. Sau chuyện đó thì lão ta, ông nội và bố tôi thành cánh hẩu với nhau. Hễ có dịp là các cụ lại cùng nhau chè chén.
- Ông già Tom là một tay cừ!
Họ vất vả tiến bước trong bụi cho tận tới đáy lòng trũng rồi lại từ từ đi lên. Casy lấy ống tay áo lau mồ hôi và đội lại mũ.
- Đúng thế, - ông nhắc lại. - Già Tom là một tay cừ. Với một người không tin Chúa quả là tay cừ. Thỉnh thoảng lúc dự buổi họp, khi thần linh bắt đầu nhập vào ông ấy, thì ông ấy nhảy đến là cao. Hãy tin tao đi, khi nào già Tom mang một liều lượng kha khá về Đức Thánh Thần thì hãy coi chừng, phải tháo chạy cho nhanh kẻo bị ông hất lộn nhào, hoặc bị ông giày xéo. Ông lồng lên như con ngựa đực trong ngăn chuồng.
Họ tới đỉnh một sườn dốc, và con đường đổ xuống một cái khe cũ, xấu xí và thụt lở. Lòng khe nham nhở, hằn những vạch suối nhỏ đào xới ở hai bên. Có vài hòn đá dùng để bước qua khe, Joad cứ để chân trần mà xuống nước.
- Ông cứ nhắc đến bố tôi - anh nói. - Dễ chừng ông chưa thấy chú John bao giờ thì phải. Cái chú mà người ta làm lễ rửa tội cho ở nhà Pock ấy mà. Chú ấy nhảy bật lên, lại chúc nhào xuống. Chú ấy nhảy qua, nhảy lại, vừa nhảy vừa hú như chó sói dưới trăng. Bố tôi thấy chú ấy nhảy, bèn nghĩ rằng mình là tay vận động viên nhảy giỏi nhất của Chúa trong khắp xứ. Thế rồi ông biết không, bố tôi chọn một bụi cây cao gấp đôi bụi cây của chú John, ông hét lên một tiếng như con lợn cái đang rặn đẻ những mảnh chai vỡ, rồi ông lấy đà, nhảy qua bụi và rơi xuống, bị sái cẳng. Chân bị sái thì bố tôi thấy Đức Thánh Thần cũng biến đâu mất. Mục sư muốn dùng lời cầu nguyện để chữa lành cẳng cho ông nhưng ông không chịu, lạy Chúa, ông cần có một thầy thuốc kia! Có điều thầy thuốc thì không có, nên một tay trồng răng lưu động đã chữa cho ông. Dẫu sao, ông mục sư vẫn cầu nguyện cho ông.
Họ leo lên sườn dốc, phía bên kia khe mặt trời đã xuống, sức nóng của nó giảm đi và tuy không khí nóng bỏng, ánh mặt trời đã kém hung dữ hơn. Các sợi dây thép mắc trên các cọc cong queo vẫn chạy dài bên đường. Phía bên phải, một hàng rào bằng dây thép chạy dài qua đồng bông, và cả ở hai phía, cây bông xanh vẫn một màu xanh sẫm, khô ráo, phủ bụi.
Joad chỉ hàng rào:
- Khoảng đất nhà tôi bắt đầu từ kia. Thật ra, chúng còn cần hàng rào làm gì, nhưng có sẵn dây thép mà, hơn nữa bố tôi thích có hàng rào. Bố tôi nói có nó, người ta có cảm tưởng bốn mươi acre mới thật sự là bốn mươi acre. Trước kia nhà tôi làm gì có được hàng rào đó, nhưng có một buổi tối chú John lò mò đến với sáu cuộn dây thép trên xe. Chú cho bố tôi, đổi lấy một con lợn con. Làm sao chú có được dây thép, ai mà biết được.
Cả hai người chậm bước lúc lên dốc, vừa đi trong cát dày vừa đưa chân dò dẫm đất đai. Joad chìm đắm vào những kỷ niệm, đôi mắt mơ màng. Hình như anh cười thầm.
- John là một tay rất ngộ, - anh nói. - Cứ nhìn đến cách chú ấy giải quyết với con lợn con mà chết cười.
Anh cười rinh rích và tiếp tục đi lên.
Casy sốt ruột chờ đợi. Câu chuyện vẫn chưa bắt lại. Casy định dành cho anh thời gian để nói tiếp nhưng rồi không dừng được, ông hỏi với chút cáu kỉnh:
- Thế nào, chú ấy đã làm gì con lợn con đó?
- Làm gì hả? Thế này nhé, chú ấy giết con lợn ngay tại chỗ và nhờ mẹ tôi đốt bếp lò. Sườn thì một phần chú chặt khúc ra bỏ vào chảo, một phần chú để nguyên bỏ vào lò, cả một cái cẳng nữa. Trong lúc chờ đợi xương sườn chín, chú ăn dẻ sườn, rồi ăn đến xương sườn, trong lúc chờ cho cẳng chín. Rồi chú tấn công vào cái cẳng. Chú cắt từng khoanh to sụ, nhét vào mồm ngồm ngoàm. Bọn nhóc chúng tôi nhìn chú mà rỏ dãi, chú cho chúng tôi một ít, nhưng không chịu cho bố tôi. Cuối cùng chú ăn nhiều, no căng đến nỗi chú nôn thốc ra rồi chú đi nằm. Trong khi chú ngủ bọn nhóc chúng tôi, cả bố nữa, ăn hết cái cẳng. Sáng ngày sau chú thức dậy, lại ném một cái cẳng khác vào lò. Bố tôi hỏi: "Chú John à, chú ăn hết con lợn quái quỉ đó sao?". Chú đáp: "Anh Tom ạ, em muốn thế lắm, nhưng em sợ, chưa chén xong đã hết mất, mặc dầu em đói thịt lợn ghê gớm. Có lẽ anh cũng làm một đĩa và trả lại em hai cuộn dây". Nhưng bố tôi đâu có phải ngốc. Bố cứ để mặc chú nhồi nhét thịt lợn cho phình bụng đến phát ốm, và khi chú lên xe ra về thì chưa hết một nửa con lợn. Bố tôi bèn nói: "Sao chú không đem ướp muối?". Nhưng chú John không thích như vậy. Đã ăn lợn là chú muốn ăn cả con, mà ăn xong thì không muốn nghe nhắc lại nữa. Chú đi rồi, bố tôi đem ướp muối thịt còn lại.
Casy nói:
- Nếu tao còn đủ tinh thần để giảng đạo thì từ việc đó chắc tao đã rút ra một bài đạo đức và cắt nghĩa cho mày hiểu. Nhưng giờ đây tao không làm thế nữa. Theo mày tại sao ông ta lại xử sự như vậy?
- Tôi chẳng biết, - Joad nói. - Chắc là tự nhiên thấy thèm khát thịt lợn. Cứ nghĩ đến là tôi thấy đói. Mà này, tôi chỉ độc ăn bốn khoanh thịt lợn quay trong bốn năm trời! Mỗi Nôel một khoanh.
Casy gợi ý với một chút cường điệu:
- Dễ chừng già Tom sẽ giết thịt con bê béo như trong chuyện đứa con phóng đãng ở sách Kinh nhỉ?
Joad cười khinh khích:
- Chú không biết bố tôi. Khi bố giết con gà con, thì chính bố quang quác chứ đâu phải con gà. Bố tôi vẫn chứng nào tật nấy. Bao giờ bố cũng giữ một con lợn cho tết Noel, nhưng cứ đến tháng chín là lợn toi. Bị sưng phổi hay bệnh gì gì đó, chỉ biết là không ăn thịt được. Còn chú John lại khác, ăn thịt lợn thì chú ăn bằng thích. Tự chú bỏ tiền túi ra.
Hai người vượt qua trái đồi nhỏ, và dưới chân họ, hiện ra trại ấp của gia đình Joad, Joad dừng lại:
- Không giống như trước nữa - anh nói. - Ông nhìn căn nhà kia xem. Nhất định xảy ra chuyện gì rồi. Không thấy có ai nữa.
Họ đứng nguyên tại chỗ, mắt dán vào cụm những căn nhà bé nhỏ nằm ở phía xa.
CCHƯƠNG 5
ác điền chủ tới thăm đất đai của họ, hay thường là những đại diện của chủ đất tới. Họ ngồi trong những chiếc xe hơi đóng kín, đưa ngón tay mân mê đất khô và đôi khi họ xuyên những mũi khoan thăm dò để nghiên cứu chất đất. Từ ngưỡng cửa sân cháy bỏng ánh mặt trời các tá điền bứt rứt đứng nhìn khi xe hơi đi dọc các cánh đồng. Và cuối
cùng các chủ đất đánh xe vào sân, và ngồi trong xe, họ nói vọng qua các tấm cửa nhỏ. Các tá điền đứng một lát cạnh các xe hơi rồi ngồi nhón gót trên những khúc gỗ; lấy que để vạch vạch dọc ngang trong bụi cát.
Qua những cánh cửa mở, phụ nữ đứng nhìn ra và phía sau họ, là bọn trẻ con da sắc hung như ngô, mắt to chân để trần, ngón chân luôn luôn ngọ nguậy. Đàn bà và trẻ con nhìn cánh đàn ông đang nói chuyện với các ông chủ. Họ lặng im.
Một số người đại diện đầy lòng thương hại bởi vì họ tự biết mình về chuyện họ sắp làm, những kẻ khác giận dữ vì họ không muốn tỏ ra tàn bạo, và những kẻ khác nữa thì khắc nghiệt vì đã từ lâu họ biết rằng không khắc nghiệt thì không trở thành ông chủ được. Và tất cả đều bị vướng mắc vào một cái gì đó quá sức họ. Có những kẻ căm ghét môn tính toán thúc đẩy họ phải hành động như vậy, một số sợ hãi, còn số khác thì sùng kính toán học vì chúng hiến cho họ một chỗ ẩn náu chống lại ý nghĩ và tình cảm của họ. Nếu như đất đã thuộc một ngân hàng hoặc một công ty điền địa thì người đại diện nói: "Ngân hàng hoặc công ty... cần... muốn... nhất thiết... đòi hỏi" làm như thể Ngân hàng hoặc Công ty là những con quái vật bẩm sinh có ý nghĩ tình cảm và chính chúng đã đánh bẫy họ... Những người đó tự bào chữa không nhận trách nhiệm thay cho ngân hàng hay các công ty bởi vì họ là những con người và nô lệ, trong khi các ngân hàng vừa là máy móc vừa là người. Có những đại diện cảm thấy một chút tự hào nào đó được làm nô
lệ của những ông chủ, lạnh lùng và có quyền thế đến như vậy. Những tay đại diện ngồi trong xe giải thích. "Các người biết rằng đất đai nghèo. Chúa cũng biết rằng tự bao lâu nay các người đã nai lưng trên đó".
Những tá điền đang ngồi xổm, tán đồng, suy nghĩ, vẽ vẽ trong cát.. Thì đúng thế, cái đó thì Chúa biết... Có điều, giá như bụi không bay đi, giá như nó đã muốn nằm ở đất, sự tình không đến nỗi tồi tệ đến thế.
Các tay đại diện vẫn tiếp tục để đi vào vấn đề:
- Các người biết đấy, đất ngày càng nghèo đi. Các người biết, bông đã khiến đất thế nào rồi, nó đánh cắp của đất, hút kiệt máu mủ của đất.
Các tá điền tán đồng. Chúa biết cho rằng họ hiểu được cái đó. Giá như họ có thể trồng xen kẽ các vụ, dễ chừng họ có thể đem trở lại máu cho đất đai.
Đúng vậy nhưng muộn quá rồi. Và gã đại diện giảng giải cái cung cách làm việc và suy nghĩ của con quái vật nó mạnh thế hơn chính bản thân họ. Chừng nào còn cái để ăn và nạp thuế người ta còn có thể giữ được đất, đó là điều có thể làm được.
Đúng, y có thể làm điều đó cho tới ngày mùa màng thất bại, lúc đó y phải vay tiền của ngân hàng.
Cố nhiên... có điều, các người hiểu đấy, một ngân hàng hay một công ty không thể làm như vậy, bởi vì đó không phải là những sinh vật cũng hít thở không khí, cũng ăn thịt. Chúng thở bằng tiền lãi, chúng ăn lãi suất của tiền. Nếu không thế, chúng sẽ chết, in hệt như các người đã chết nếu không có không khí, thịt ăn. Nghĩ mà buồn, nhưng sự tình là thế. Không thể làm khác được. Những người đàn ông ngồi xổm, ngước mắt lên để cố hiểu.
- Há người ta không thể để chúng tôi tiếp tục hay sao? Năm tới có thể là một năm được mùa. Có Chúa biết năm sau làm ra bao nhiêu bông. Mà cứ chiến tranh thế này thì... có Chúa biết bông sẽ lên giá bao nhiêu. Người ta không làm chất nổ với bông hay sao? Và đồ quân trang? Chỉ cần có đánh
nhau, không phải nhiều lắm, bông cũng lên giá vùn vụt, đụng tới trần. Có thể... sang năm.
Họ ngước đôi mắt dò hỏi.
- Chúng tôi không thể dựa vào đó được. Ngân hàng... con quái vật cần đến những món lợi nhuận vững chắc. Nó không thể đợi được. Nó sẽ chết mất. Không được, vẫn phải tiếp tục đóng thuế. Khi con quái vật thôi không phình to ra nữa, nó sẽ chết. Nó không thể cứ đứng ỳ ra đấy.
Những ngón tay mềm thịt bắt đầu vỗ vỗ vào các cánh cửa xe, còn các ngón tay khô ráp quắp chặt lấy những chiếc gậy đang bực tức nghi ngoáy những hình vẽ. Ở ngưỡng cửa các trang trại bị mặt trời thiêu đốt, đàn bà đứng thở dài, đổi chân đứng, ngón chân vẫn ngọ nguậy. Bầy chó tới đánh hơi các xe của bọn đại diện rồi lần lượt ghếch chân đái vào các bánh xe. Đàn gà con nằm trong cát bụi ngập nắng, xù lông xù cánh để cho cát thấm mát vào tận da. Trong những chuồng nhỏ bé, đàn lợn càu nhàu sửng sốt trước những cặn nước rác lầy nhầy.
Bọn đàn ông đang ngồi xổm, lại cúi mặt xuống.
- Các ông còn muốn chúng tôi làm thế nào? Chúng tôi không thể giảm phần thu hoa lợi của chúng tôi được... Chưa làm thế bọn tôi cũng đã đói rã họng ra rồi... Con cái chúng tôi không tài nào ăn được no. Quần áo thì không có, rách bươm. Các láng giềng của chúng tôi cũng xơ mướp in như chúng tôi. Không thế thì khi đi họp mặt với nhau chúng tôi xấu hổ chết đi được.
Cuối cùng bọn đại diện đi thẳng vào sự việc.
- Chế độ tá điền đã hết thời rồi, một người với một chiếc máy cày có thể thay thế mười hai đến mười lăm gia đình. Họ trả lương cho y, còn mùa màng thì họ lấy tất. Chúng tôi buộc phải làm thế. Đấy không phải chuyện thích hay không thích. Việc phải làm là làm. Con quái vật bị bệnh. Nó gặp phải chuyện gì đó.
- Nhưng mà các ông sẽ giết chết đất, giết cả bông nữa.
- Chúng tôi biết. Vậy cho nên chúng tôi phải vội thu hoạch bông, trước khi đất chết. Sau đó, sẽ bán đất. Có khối gia đình ở mạn đông muốn có một khoảnh đất.
Những người tá điền hoảng hốt, ngước mắt lên.
- Nhưng thế thì chúng tôi sẽ ra sao đây? Chúng tôi lấy gì mà ăn? - Các người phải bỏ đất đai mà đi thôi. Máy cày sắp tới sân nhà các người.
Đến đây thì đám người đàn ông ngồi xổm bèn đứng lên, giận dữ. - Mảnh đất này chính ông cụ tôi đã giành được, mà ông cụ đã phải giết bọn da đỏ, đã phải xua đuổi chúng. Còn cha tôi đã sinh ra trên đất này, đã đốt cỏ dại, giết rắn. Rồi có một năm mất mùa, ông đã phải vay một món tiền nhỏ. Còn bọn tôi đã sinh ra ở đây. Kia, ở cửa kia... con cái chúng tôi đã sinh ra ở đây. Và cha tôi đã buộc phải vay mượn tiền. Lúc đó ngân hàng cũng là ông chủ, nhưng người ta vẫn để chúng tôi ở lại, chúng tôi trồng trọt kiếm chút đồng ra đồng vào.
- Biết, bọn ta biết cả. Nhưng không phải bọn ta, mà là ngân hàng, một ngân hàng không phải như con người. Cũng như vậy mỗi ông điền chủ năm mươi ngàn acre, không phải là một con người. Chính là con quái vật.
- Đồng ý thế, - tá điền kêu lên - nhưng đất là đất của chúng tôi. Chính chúng tôi đã đo đạc, đã khai hoang. Chúng tôi đã sinh ra ở đây. Cho dầu nó chả có ích gì nữa, nó vẫn mãi mãi là của chúng tôi. Là của chúng tôi, vì... chúng tôi đã sinh ra ở đây, để làm ăn ở đây, có mồ mả cha ông ở đây... Chính do đó mà chúng tôi có quyền sở hữu, chứ đâu phải vì một mảnh giấy với vài ba con số ghi lằng nhằng trên đó.
- Chúng tôi lấy làm buồn phiền. Đâu phải tại chúng tôi. Chính con quái vật. Ngân hàng không phải như con người.
- Đúng, nhưng ngân hàng chỉ gồm toàn người là người.
- Không, chính các người nhầm ở chỗ đó... nhầm hoàn toàn. Ngân hàng không giống như con người. Mỗi con người sống trong ngân hàng ghét những gì nó làm, ấy thế mà ngân hàng vẫn làm. Tôi nhắc lại với các người, ngân hàng là cái gì hơn con người. Đó là con quái vật. Chính con người tạo ra nó, nhưng bất lực không sai khiến được nó.
Bọn tá điền kêu lên:
- Ông cụ đã giết bọn da đen. Cha đã giết rắn cho đất đai này yên ổn. Dễ chừng chúng tôi có thể giết chết các ngân hàng cũng nên. Nó tệ hơn bọn da đen, độc hơn loài rắn. Có lẽ phải đánh nhau để cứu đất ruộng của chúng ta, như ông và cha đã làm.
Bây giờ thì những người đại diện nổi khùng:
- Các người phải đi.
- Nhưng là của chúng tôi. Bọn tôi...
- Không. Chính ngân hàng, con quái vật, mới là chủ. Phải đi.
- Chúng tôi sẽ cầm súng như ông cha chúng tôi xưa kia, khi bọn da đen tới. Lúc đó thì sao nào?
- Thì... trước hết là ông cảnh sát trưởng, rồi quân đội sẽ tới. Các người sẽ là bọn trộm cắp nếu cố ở lại và là sát nhân nếu giết người để ở lại. Con quái vật không phải là con người, nhưng nó muốn làm gì con người thì tuỳ nó.
- Nhưng nếu phải đi, thì chúng tôi đi đâu? Làm sao đi được? Chúng tôi không có tiền.
- Chúng tôi lấy làm tiếc, - bọn đại diện nói. - Ngân hàng, ông chủ của năm mươi ngàn mẫu, không thể bị coi như phải chịu trách nhiệm. Các người đang ở trên mảnh đất không thuộc các người. Đi rồi, có lẽ các người tìm được việc hái bông vào mùa thu. Có lẽ các người nhận được sự cứu trợ của quỹ thất nghiệp. Tại sao các người không đi về miền Tây, sang California?
Ở đó có công ăn việc làm, ở đó không bao giờ lạnh. Vào mùa này, ở đấy chỗ nào cũng có cam, chỉ cần giơ tay ra mà hái. Chưa hết, ở chỗ đó, bao giờ cũng có sẵn một vụ thu hoạch. Sao các người không tới đó?
Nói xong, bọn đại diện vù xe chạy rồi biến hút.
Các tá điền lại ngồi xổm xuống và lại bắt đầu đưa đầu gậy vẽ lên đất, dáng suy tư, lưỡng lự. Khuôn mặt rám nắng của họ nom ảm đạm, đôi mắt cháy bỏng nóng sáng lên. Phụ nữ rón rén rời bỏ ngưỡng cửa lại gần chồng con của họ, bọn trẻ con rón rén bước theo sau mẹ chúng, sẵn sàng chạy trốn. Bọn trai nhớn ngồi chồm hổm cạnh bố, bởi vì làm như thế chúng trở thành như người lớn.
Một lát sau, mấy bà hỏi:
- Họ muốn gì vậy?
Đàn ông thoáng ngước mắt lên, và trong đáy mắt của họ, hiện lên nỗi đau khổ.
- Chúng ta phải cuốn xéo. Một máy cày với một tay giám thị sẽ tới đây, chẳng khác ở nhà máy.
- Chúng ta đi đâu?
- Không biết... Chẳng biết đi đâu.
Các phụ nữ nhanh chóng lặng lẽ trở vào nhà, đẩy bọn trẻ con đi trước. Họ biết, một con người mà bị nhục mạ và sửng sốt đến mức ấy có thể trút cơn giận dữ vào những kẻ mà y thương yêu. Họ để cho đàn ông ngồi một mình suy nghĩ và vạch vạch trên cát.
Đến một lúc sau, người tá điền nhìn xung quanh y... chiếc máy bơm y đã lắp lên mười năm về trước, với một chiếc cán cổ ngỗng và những bông hoa kim khí ở lỗ miệng, y nhìn những cái thớt mà trên đó có hàng ngàn con gà đã bị giết thịt, nhìn chiếc cày trong nhà kho, cái giường cũi treo sờ sờ trên rui nhả. Bọn trẻ con tụ tập quanh đám phụ nữ.
- Mẹ ơi, chúng ta làm gì bây giờ? Chúng ta đi đâu?
Các bà nói:
- Chúng ta còn chưa biết. Đi chơi đi. Nhưng chúng mày liều liệu đấy, đừng có lại gần bố. Chúng mày mà lảng vảng đến gần thì bố có thể đánh đòn đấy.
Và họ lại bắt tay vào công việc, nhưng vẫn để mắt theo dõi những người đàn ông ngồi xổm trong bụi, sững sờ, đăm chiêu.
Những chiếc máy cày kéo tới trên các đường cái, đi sâu vào các cánh đồng, nom chẳng khác những loài bò sát to lớn cử động như những loài côn trùng, cũng với sức mạnh khôn tả của loài côn trùng. Chúng bò trên đất, vạch các con đường mòn trên đó chúng lăn đi rồi cày vỡ đất ra. Những máy cày Diesel lúc nghỉ thì kêu ọc ọc, rồi chuyển bánh trong tiếng ầm ầm sấm sét dần dần biến thành một tiếng o o nặng nề. Những con quái vật thấp và bẹt vừa ủi đất, vừa thọc sâu mõm vào đất, đi xuống các cánh đồng, cắt ngang, cắt dọc, lộn trở lại thúc qua các hàng rào, qua các sân, xuyên sâu vào các khe, theo một đường thẳng. Chúng không lăn trên đất mà lăn trên con đường của riêng chúng. Chúng không biết đến sườn đồi và khe suối, bờ dậu, nhà cửa, chúng chỉ biết bò đi, quay lộn lại.
Cái gã ngồi trên chiếc ghế sắt không có cái vẻ bề ngoài của con người. Bao tay, kính, mặt nạ cao su trên mũi và miệng, y thuộc về con quái vật. Một người máy trên ghế. Tiếng sấm sét của trục lăn làm rung chuyển đồng quê hoà vào làm một với không khí và đất, đến nỗi đất và không khí run rẩy theo những rung động như vậy. Người lái bất lực không làm chủ được nó... nó đâm thẳng vào đồng quê, nó cắt ngang một tá các trang trại, rồi nó quay ngược trở lại. Một cú tay lái tưởng đã có thể khiến cho chiếc xe xích lệch hướng, nhưng bàn tay của người lái không thể giật mạnh được bởi vì con quái vật đã xây dựng chiếc máy cày, con quái vật đã thả xổng cho máy cày được tự do, đã tìm được cách thâm nhập vào bàn tay, vào khối óc, vào cơ bắp của người lái, đã bịt mắt y bằng cặp kính bảo hộ và đã khoá miệng y...
làm tê liệt trí óc của y, đã khoá lưỡi y, đã làm tê liệt cảm thức của y, đã khoá những phản kháng của y. Y không thể nhìn thấy đất đai đúng như đất đai thực tế, y không thể ngửi thấy mùi đất đai đúng như cái mùi nó bốc ra, đôi bàn chân của y không thể dày đạp lên các mô đất mà cũng không cảm nhận thấy hơi nóng và sức mạnh của đất. Y ngồi trên một chiếc ghế bằng sắt, chân giẫm lên những bàn đạp bằng sắt. Y không thể khích lệ, đánh đập, nguyền rủa hoặc cổ vũ phạm vi quyền lực của y, và vì nguyên cớ đó, y cũng không thể tự khích lệ tự quất mình, tự nguyền rủa, tự mình cổ vũ mình. Y không biết đất, không sở hữu đất, không cầu khẩn đất, không có niềm tin vào đất. Một hạt gieo xuống không mọc mầm, điều đó chẳng can hệ. Nếu những cây non tàn héo sau trận hạn hán hoặc bị nhấn chìm bởi các trận mưa lũ, người lái chẳng hề lo lắng, cũng như chiếc máy cày vậy.
Y không yêu mến đất, cũng như ngân hàng không yêu mến đất, y có thể ca ngợi chiếc máy... những bề mặt nhẵn bóng của nó, sức mạnh của đà vươn tới, tiếng gầm gào của những ống xilanh nổ ầm ầm, nhưng đó không phải là máy cày của y. Phía sau máy cày, những chiếc đĩa quay rộng lấp lánh, lưỡi đĩa sắc lấp lánh cắt sẻ đất - như kiểu giải phẫu chứ không phải cày bừa - gạt đất cắt sang phía phải để cho hàng đĩa thứ hai cắt và đẩy nó sang trái. Rồi, kéo theo sau đĩa là những cái bừa răng bằng thép cào đất đến nỗi các mô đất vụn tơi ra và đất được san bằng. Sau những chiếc bừa là máy gieo hạt... mười hai cái dương vật bằng sắt uốn cong trở vào, được luyện cứng 1 ở lò đúc, được khởi động các đòn bẩy, đang hãm hiếp đất một cách có phương pháp, một cách lạnh lùng.
Người lái ngồi ở chiếc ghế sắt và y đang hãnh diện về những đường thẳng y vạch ra tuy ý muốn của y không can thiệp vào; y tự hào về chiếc máy cày không thuộc của y mà y cũng chẳng ưa, tự hào về cái sức mạnh mà y không thể kiểm soát. Và khi mùa màng kia mọc lên và được gặt hái, không một ai lấy lòng bàn tay bóp nát những cục đất nóng hâm hấp và để cho đất chảy qua các kẽ ngón tay.
Không một ai sờ mó tới hạt, cũng không thiết tha cầu khẩn cho nó trưởng thành. Con người ăn những gì họ không sản xuất ra, không có gì trói buộc họ vào miếng bánh ăn. Đất sinh con đẻ cái với sắt thép và chết dần chết mòn dưới sắt thép, bởi lẽ đất không được ai yêu, không bị ai ghét, nó không phải là đối tượng cầu khẩn hay nguyền rủa.
Thỉnh thoảng vào buổi trưa, người lái máy cày dừng lại trước một ngôi nhà ở ấp và chuẩn bị ăn trưa. Xăngđích gói trong giấy lạnh, bánh trắng, dưa chuột bao tử phomát, Xpani 2, miếng mứt có đóng dấu như một cỗ máy. Y ăn một cách uể oải. Và các tá điền mà còn chưa ra đi tò mò nhìn y trong khi y bỏ kính và chiếc mặt nạ cao su, để lộ những vòng trắng quanh mắt và một vòng trắng to xung quanh mũi và miệng. Ống thoát hơi của chiếc máy cày vẫn xả hơi, bởi lẽ dầu xăng rẻ thối cho nên thà không tắt máy còn hơn làm lại từ đầu, phải làm cho máy khởi động một lần nữa. Bọn trẻ con tò mò, bọn trẻ con rách rưới vây quanh y, vừa ăn thứ bột rán vừa nhìn y với đôi mắt háu đói, chúng nhìn y mở gói xăngđích và những cái mũi bị cơn đói kích thích hít món dưa hộp, phomát và xpani. Chúng không nói chuyện với gã lái máy cày. Chúng nhìn tay y đưa thức ăn lên miệng. Chúng không nhìn y nhai, đôi mắt chúng theo dõi bàn tay cầm miếng xăngđích.
Một lát sau người tá điền mà đã không ra đi được, tới ngồi trong bóng chiếc máy cày:
- Ơ này, anh là con của Joe Davis.
- Thì đúng vậy, - gã lái nói.
- Thế, sao anh lại đang tay làm cái thứ công việc này để... chống lại anh em?
- Ba đôla một ngày. Tôi đã chán ngấy khi phải luồn cúi để kiếm miếng ăn - mà nào có được. Tôi có vợ, có đàn con. Phải có cái bỏ vào miệng chứ chả nhẽ? Mỗi ngày ba đôla, cứ thế mà xơi.
- Đúng thế thật, - người tá điền nói - nhưng chỉ vì ba đôla mỗi ngày của anh mà mười lăm hay hai mươi gia đình không có gì để ăn. Đã có gần một trăm người buộc phải đi tha phương cầu thực vì ba đôla mỗi ngày của anh đúng không nào?
Gã lái máy đáp:
- Đúng hay không, tôi cũng chẳng buồn nghĩ đến. Tôi phải nghĩ đến con tôi. Một ngày ba đôla, mà ngày nào cũng xơi đều. Thời thế đã thay đổi rồi, bác ơi, bác không biết sao? Giờ đây, ai lại có thể sống nhờ vào mảnh đất của mình, trừ phi có được hai, năm, mười ngàn mẫu với một chiếc máy cày. Trồng trọt, cái đó đâu dành cho những trại chủ nhỏ như bọn ta. Chỉ vì không phải là một ông Ford hoặc Công ty Điện Tín mà cứ tru tréo lên, thế thì chẳng phải. Việc trồng trọt bây giờ là thế - không thể làm gì được đâu. Hãy cố một chút thử đi nơi khác kiếm cho được ba đôla. Chỉ có cách đó thôi.
Người tá điền ngẫm nghĩ:
- Dẫu sao chuyện đời cũng kỳ cục. Nếu một người có một ít đất, đất đó là của y, gắn bó với y, giống như y. Nếu hắn có đất kha khá để có thể đi dạo ở đấy, để có thể bận tâm vì nó, buồn bã khi nó không sinh lợi, vui mừng khi mưa bắt đầu rơi xuống, thì mảnh đất ấy là bản thân y, và theo một ý nghĩa nào đó, nhờ nó mà y quan trọng hơn, vì y là chủ. Ngay dù y không đạt kết quả, y cũng đâm ra quan trọng nhờ đất ruộng của y. Sự đời là thế.
Và người tá điền suy ngẫm xa hơn:
- Nhưng khi một con người có những ruộng đất mà hắn không trông thấy, hoặc hắn không có thì giờ tính đến, hoặc không thể đi dạo ở đấy... lúc đó, chính ruộng đất trở thành con người. Y không thể muốn làm gì thì làm, không thể muốn nghĩ gì thì nghĩ. Chính ruộng đất là con người, mạnh hơn con người. Và y bé nhỏ chứ chả lớn lao gì. Chỉ có ruộng đất của y là lớn lao... y là đày tớ của nó. Sự đời cũng là thế nữa.
Người lái máy nhai miếng bánh nướng có đóng dấu.
- Thời thế đã đổi thay, bác phải biết thế. Không phải cứ ngồi nghĩ đến những chuyện như vậy mà kiếm được miếng bánh ăn cho bọn nhóc của bác đâu. Hãy làm sao mỗi ngày kiếm cho được ba đôla để nuôi vợ nuôi con. Bác chẳng có lý do gì để bận tâm đến lũ trẻ nhà người khác, hãy lo đến con cái mình. Nếu bác cứ ăn nói cái kiểu đó thì sẽ chuốc lấy phiền hà, mà chẳng bao giờ kiếm được ba đôla. Các ông chủ không bao giờ cho bác mỗi ngày ba đôla nếu như bác cứ bận tâm đến chuyện khác hơn là lo kiếm ba đôla kia.
- Gần một trăm con người phải lang thang trên các ngả đường chỉ vì ba đồng đôla của anh. Bọn ta biết đi đâu?
- Mà này, - gã lái máy nói nốt - tốt nhất là đi ngay đi thôi, đừng nấn ná. Ăn trưa xong, tôi sẽ lái máy đi qua sân nhà bác.
- Thì sáng nay, anh đã lấp giếng.
- Tôi biết. Tôi phải cày thẳng hàng. Nhưng tôi sẽ đi qua sân nhà bác, sau bữa ăn trưa. Tôi phải theo hàng thẳng. Mà... ô! Chả là bác biết bố tôi, Joe Davis, thì tôi có thể nói bác biết. Tôi đã nhận được lệnh, trong trường hợp các gia đình không đi... Nếu tôi gặp chuyện bất trắc... bác biết không, nếu tôi đi qua gần nhà, sát thềm một tí rồi tôi ngoắc phải nó... thì thế nào? Tôi có thể được thêm một hai đôla. Mà cái thằng út nhà tôi chưa bao giờ có giày đi.
- Nhà tôi tự tay tôi xây dựng lên. Tôi đã nắn các đinh cũ để giữ vững mái. Rui mè buộc chặt vào đòn tay bằng dây thép. Nó là của tôi. Chính tôi đã làm ra nó, anh thử thúc đổ xem, rồi anh sẽ thấy, tôi đứng ở cửa sổ, với một khẩu súng. Cứ thử nhích lại tí nữa là tôi sẽ hạ anh như hạ con thỏ.
- Mắc mớ gì đến tôi. Tôi chẳng thể làm gì được. Tôi không làm như vậy thì tôi mất việc. Rồi sau đó cứ cho là bác nổ một phát súng và tôi bị giết. Người ta sẽ treo cổ bác, mà chưa kịp treo thì đã có một thằng cha khác dẫn
xác đến trên chiếc máy cày rồi hắn ta sẽ hất nhào nhà của bác xuống đất. Đứa nào đáng giết thì bác không giết.
- Đúng thế, - bác tá điền nói. - Ai ra lệnh cho anh? Nói xem. Rồi tôi sẽ đến tìm hắn. Giết chết hắn.
- Thế chẳng đúng chút nào. Hắn nhận lệnh từ Ngân hàng. Chính Ngân hàng nói với hắn: "Tống cổ cái bọn đó ra ngoài. Không thế thì anh phải xéo".
- Cái ngân hàng ấy chắc phải có một chủ tịch với một hội đồng quản trị. Tôi sẽ lấy súng, nhét đầy đạn vào rồi tôi sẽ đến Ngân hàng.
Tay lái máy đáp:
- Có một thằng cha, hắn nói ngân hàng nhận chỉ thị của miền Đông. Lệnh thế này: "Hãy tiến hành làm cho đất đai sinh lợi. Nếu không, chúng tôi sẽ đóng cửa Ngân hàng".
- Cứ loanh quanh, hết chỗ này đến nơi nọ, vậy tới đâu thì thôi? Giết ai được bây giờ? Mà, chưa giết được cái đứa bắt tôi chết đói thì tôi chưa đành chịu chết đói.
- Tôi không biết. Rất có thể chả có ai mà giết. Như bác nói đấy, dễ chừng chính ruộng đất gây nên chuyện. Dẫu sao, tôi phải làm gì, tôi đã nói với bác rồi đấy nhé. Có gì, bác chớ có trách.
- Tôi phải nghĩ đã. Ai cũng phải suy nghĩ tất. Chắc chắn sẽ có cách ngăn chặn chuyện đó. Đâu có phải như sấm sét, động đất mà chịu bó tay? Trong chuyện này có gì đó xấu xa, do con người gây nên. Mẹ kiếp, con người gây nên thì nó phải thay đổi chứ hả?
Người tá điền ngồi trên ngưỡng cửa nhà mình. Gã lái máy cho máy khởi động, đi xa dần, vạch luống rồi đi vòng, rồi những răng bừa cào sâu đất, các dương vật của máy gieo hạt xuyên sâu vào đất.
Chiếc máy cày cắt ngang sân, đất từng bị giẫm giẽ cứng dưới các bàn chân, bây giờ đã biến thành ruộng gieo giống, và chiếc máy cày lộn trở lại để cắt
ngang qua. Khoảng trống chưa bị cày xới chỉ còn rộng mười bộ. Máy lộn lại. Cái chắn bùn bằng sắt cắm vào góc nhà, phá đổ tường, giật ngôi nhà bật khỏi móng rồi lật nó đổ nghiêng bẹp nát như một con bọ dừa. Tay lái mắt đeo kính, mũi và miệng chùm kín dưới chiếc mặt nạ bằng cao su. Chiếc máy cày tiếp tục vạch đường thẳng, không khí và mặt đất rung lên trong tiếng động sấm sét. Súng lăm lăm trong tay, người tá điền đưa mắt lừ lừ nhìn y... Vợ bác đứng gần bên, bọn trẻ lặng câm đứng phía sau. Tất cả mọi con mắt nhìn chằm chằm theo chiếc máy cày.
Chú thích
1. Nguyên văn: cương (erected).
2. Một thứ giăm bông.
MCHƯƠNG 6
ục sư Casy và Tom đứng trên đồi nhìn trại của gia đình Joad. Căn nhà bé nhỏ bằng gỗ thôi bị đè bẹp một phía, bị giật rời khỏi móng đến nỗi một góc nhà bị sập và qua các lỗ ở cửa sổ phía trước, hiện rõ những mảnh trời xanh nằm rất cao phía trên chân trời. Các bờ rào đã biến đi, bông mọc trong sân tận sát nhà, bông bao quanh chuồng ngựa,
bông xâm lấn tận các nhà phụ nhỏ nằm lật nghiêng sóng soài. Cái sân đã từng bị giẫm giẽ bởi những bàn chân trần trụi của trẻ con, bị nện chặt bởi móng ngựa và những bánh xe rộng, giờ đây đã biến thành ruộng đồng và ở đấy chỉ có bông mọc, bông lá xanh thẫm và đầy bụi. Tom mải miết nhìn cây liễu lá bù xù ở gần máng nước khô cạn, nhìn cái nền xi măng mà trước đây đặt cái vòi bơm. Mãi sau anh thốt ra:
- Lạy Chúa. Ma quỷ chắc đã đi qua đây. Chẳng có lấy một bóng người.
Rồi anh nhanh chân bước xuống đồi. Còn Casy đi theo anh. Anh nhìn vào chuồng ngựa bỏ hoang, nhìn cái căn chuồng la ở trong góc và chỉ thấy một ít rơm rác độn chuồng vương vãi dưới đất. Anh đang nhìn thì nghe một tiếng sột soạt vội vã, và cả một họ nhà chuột nhắt chạy biến vào dưới rơm rạ. Tom dừng lại ở nhà kho chứa dụng cụ. Dụng cụ biến sạch chỉ còn trơ lại một mũi lưỡi cày bị gãy, một mớ lùng nhùng những dây thép ở trong góc, bánh xe bằng sắt của một chiếc cào cỏ, một vòng cổ của la bị chuột gặm nhấm, một bi đông dầu mà cáu ghét và dầu bám nham nhở, một cặp quần áo xanh rách móc ở một chiếc đinh.
- Chẳng còn gì ráo, - Joad nói. - Trước đây bao nhiêu đồ nghề tốt, nay chả còn quái gì nữa.
Casy nói:
- Nếu tao còn giảng đạo thì tao sẽ nói là cánh tay của Chúa đã giáng xuống. Nhưng nay, có chuyện gì xảy ra tao cũng chẳng biết. Tao đã bỏ đi từ lâu nên không nghe nói gì hết.
Họ rẽ về phía nền xi măng của giếng và để tới đó, họ phải đi ngang qua các đám bông, đâu đâu bông cũng đã kết nang, đâu đâu đất cũng bị bông phủ kín.
- Chưa bao giờ có trồng trọt gì ở đây, - Joad nói. - Bao giờ người ta cũng chừa cái góc đó không động đến. Nhưng ông xem, giờ đây, ta không thể dắt ngựa đi qua mà không dẫm hỏng bông.
Họ dừng lại gần máng nước súc vật, máng đã khô cạn, thường khi cỏ mọc dưới đó nhưng nay đã biến mất, những tấm gỗ cũ và dày của máng nước đã khô cong và rạn nứt. Trên giếng những chiếc đinh bu lông ngày xưa đã từng vít chặt máy bơm, nay đã trồi ra khỏi khe lỗ. Đầu đinh vít đã han gỉ, đai ốc đã mất, Joad nhìn rồi khạc nhổ và lắng nghe. Anh thả một cục đất xuống giếng và vểnh tai nghe ngóng.
- Trước kia giếng này tốt lắm. Giờ không nghe có nước.
Có thể nói anh sợ, tránh không lại gần nhà. Anh ném hết cục đất này đến cục đất khác xuống giếng.
- Có lẽ họ đã chết hết, - anh nói, - Nhưng nếu thế thì người ta đã báo cho tôi hay. Ai đó phải nhắn với tôi một lời chứ?
- Chắc họ có để lại một lá thư hay cái gì đó trong nhà, để báo cho mày biết. Họ có biết mày sẽ về không?
- Tôi đâu biết, - Joad nói. - Có lẽ là không. Cách đây tám ngày tự tôi tôi cũng không biết nữa là...
- Chúng ta vào nhà xem. Nó xiêu vẹo, lộn tùng phèo. Chắc phải có cái gì đó đã giáng cho nó một cú nên thân nên mới đến cơ sự này.
Họ chậm rãi bước về phía ngôi nhà đổ. Hai trong số các cột chống đỡ mái hiên đã bị trật đòn kê và mái đã sập xuống ở một đầu. Góc nhà bị lún xuống. Qua một đống các tấm ván chồng chất lộn xộn, người ta có thể thấy căn buồng ở góc. Cửa ra vào sệ xuống ở phía bên trong, còn tấm cửa nhỏ vững chắc nằm dưới thì sệ xuống ở bên ngoài và được níu giữ bởi những bản lề bằng da. Tom dừng lại ở bậc lên.
- Đây là ngưỡng cửa, - anh nói. - Họ đã ra đi... Hoặc giả mẹ tôi đã chết, - anh chỉ tấm cửa nhỏ. - Nếu bà ở quanh quẩn gần đây, bà đã đóng cửa nhỏ, cài móc. Không bao giờ bà quên cái đó... đóng tấm cửa nhỏ - mắt anh chan chứa niềm xúc động. - Kể từ cái ngày có con lợn vào nhà Jacobs, ăn mất đứa bé mới đẻ. Đúng lúc Milly Jacobs vừa mới đi ra kho thóc. Lúc bà ấy trở vào thì con lợn đang ăn đứa bé. Bà ta phát điên lên. Không bao giờ hồi phục được. Từ đó đầu óc hóa loạn. Mẹ tôi lấy chuyện đó làm bài học. Không bao giờ bà để cánh cửa nhỏ bỏ ngỏ, trừ phi bà có ở trong nhà. Không bao giờ quên. Đúng họ đã ra đi... hoặc chết rồi.
Anh leo lên hàng hiên nứt nẻ và nhìn vào trong bếp. Các cửa sổ bị gãy, sỏi đá lăn lóc trên nền nhà. Nền nhà và tường lún sâu quá mức cánh cửa và bụi bặm tơi mịn phủ lên tất cả các tấm ván. Joad đưa tay chỉ các mảnh kính vỡ và các hòn đá. Anh nói:
- Cái bọn trẻ con, chúng có thể đi vài chục dặm để được đập vỡ một tấm kính. Tôi biết hồi nhỏ tôi cũng như chúng thôi. Hễ có một căn nhà bỏ trống là chúng biết, chúng đánh hơi thấy liền. Điều đầu tiên bọn nhóc ấy làm là thế, khi người nhà đã ra đi.
Trong nhà bếp không còn đồ đạc nữa, lò bếp đã biến mất và nay thì ánh sáng lọt qua chiếc lỗ của ống khói khoét trong tường. Trên tấm ván của bồn rửa bát, có một chiếc chìa khoá cũ để mở chai bia và một chiếc nĩa gãy mất cán gỗ. Joad thận trọng luồn lách trong căn buồng, sàn nhà rên rỉ dưới chân anh. Một tờ báo Philadenphia Ledger vất sát chân tường. Các trang báo đã ố vàng và nhàu nát. Joad nhìn vào buồng ngủ... không còn giường ghế, không
còn gì hết. Trên tường một tấm ảnh tô mầu một cô gái da đen biệt danh Cánh Đỏ. Một cái thang giường tựa vào tường, và trong một góc thấy vất một cái giầy cao cổ, có khuy cài, da giầy nứt nẻ, mũi giày quắt lại. Joad lượm nó lên ngắm nghía.
- Tôi nhớ ra nó, - anh nói. - Của mẹ tôi. Giờ giòn hết rồi. Bà rất thích giày cao cổ. Đã mang nó bao nhiêu năm trời. Thôi rồi, họ đã đi rồi... và đã mang tất tật.
Mặt trời đã xuống thấp, ánh nắng xiên qua các cửa sổ xẹo xọ và lấp lánh trên những mảnh thuỷ tinh. Cuối cùng Joad quay lại, bước ra qua ngưỡng cửa. Anh ngồi trên mép hàng hiên, đặt chân trên bậc lên bằng gỗ. Ánh nắng buổi chiều tắm khắp cánh đồng, các cây bông in những vệt bóng dài trên mặt đất và cây liễu đang mùa thay lá chiếu ra phía xa một bóng râm chênh chếch. Casy ngồi cạnh Joad.
- Họ chưa bao giờ viết cho mày sao. - Ông hỏi.
- Chưa. Như tôi đã nói, họ đâu có viết lách gì. Bố tôi biết viết nhưng không viết. Ông không thích. Cứ viết là cóng tay. Ông cũng như ai có thể đặt mua theo cuốn mẫu hàng thì được, nhưng cái chuyện viết thư, có cho gì ông cũng không làm.
Họ ngồi sát cạnh nhau, mắt nhìn về phía xa xa. Joad đặt chiếc áo vét cuộn tròn bên cạnh mình, dưới mái hiên. Đôi bàn tay rảnh rang cuộn một điếu thuốc, anh thấm nước bọt miết nhẵn mép rồi châm lửa hút, rít một hơi thật lâu và thở khói ra đằng mũi.
- Chắc chắn có chuyện gì trục trặc, - anh nói. - Tôi không hình dung được là cái gì. Nhưng tôi đồ chừng có chuyện gì tai hại đấy! Nhà thì lộn tùng phèo, người thân thì đã ra đi...
Casy nói:
- Đúng, đằng kia là con Kênh mà xưa tao đã làm lễ rửa tội. Kể ra hồi đó mày không phải là đứa ngỗ nghịch nhưng mày rắn đầu. Chà! Mày cứ túm
chặt lấy tóc cái con bé con! Chả khác con chó Bunđoc. Nhân danh Đức Thánh Thần, người ta rửa tội cho cả hai đứa xong đâu đấy rồi mà mày vẫn còn kéo tóc nó. Già Tom hét: "Quẳng nó xuống nước". Thế rồi tao túm lấy đầu mày dìm xuống nước cho tới khi mày bắt đầu phì bong bóng. Chỉ đến lúc đó mày mới chịu buông cái bím tóc kia. Không phải mày ngỗ nghịch gì đâu chỉ tại mày ương bướng. Bọn nhóc khó bảo ấy mà, khi lớn lên nhiều lúc chúng lại mang chất thánh thiện trong người.
Từ trong chuồng ngựa, một con mèo xám, gầy giơ xương lách ra, đi qua các gốc cây bông tới tận đầu hiên. Lặng lẽ, và nhảy vọt một cái, nó đã ở dưới cửa nhỏ, rồi bụng áp sát đất, nó trườn về phía có người. Lúc đến phía sau họ, nó ngồi xuống ở giữa, duỗi cái đuôi dài thượt trên nền nhà, chỉ có mút đuôi thon là cựa quậy. Con mèo cũng bắt đầu nhìn ra xa, về phía hai con người đang nhìn. Joad quay lại và nom thấy nó.
- Lại thế này nữa, - anh nói. - Ông hãy nhìn xem ai này. Vẫn còn lại một ai đây.
Anh vươn tay nhưng con mèo nhảy vụt ra xa, nó lại ngồi xuống, giơ cẳng liếm gan bàn chân. Joad nhìn nó với vẻ thắc mắc.
- Bây giờ thì tôi hiểu, - anh kêu lên. - Con mèo khiến tôi hiểu, chuyện xảy ra không lành đâu.
- Tao thấy hình như có hàng đống chuyện không lành.
- Đúng, không phải chỉ có nhà này. Tại sao con mèo lại không đi tới các nhà láng giềng... nhà Rance chẳng hạn. Thế nào mà lại chẳng có người tới giật lấy các tấm ván trong nhà này? Đã ba bốn tháng nay, chẳng còn ai, chẳng ai tới đánh cắp gỗ. Những tấm ván tốt trong nhà, khung cửa sổ... nhưng chả có ai buồn lấy. Chuyện đó mới là lạ. Tôi thắc mắc bởi là thế, không thể đoán ra thế nào cả.
- Thế theo mày hiểu thì có chuyện gì nào?
Casy cúi xuống, tháo đôi giày rơm rồi ngoe nguẩy ngón chân trên bậc thềm.
- Tôi chẳng biết. Tựa hồ như không có láng giềng nữa. Nếu có, thì tại sao các tấm ván tốt này lại còn nằm ì ở đây? Tôi nhớ có một lần, vào dịp Nôel, Albert Rance đã dẫn cả nhà tới thành phố Oklahoma, cả trẻ con, cả chó. Đi thăm người bà con của Albert. Thế là dân ở đây nghĩ rằng Albert đã linh lỉnh ra đi... họ cho rằng dễ chừng y mang công mắc nợ hoặc có chuyện lôi thôi với một mụ đàn bà nào đó. Tám ngày sau, Robert trở về, nhà chả còn gì, sạch ngoét... lò bếp đã cuốn xéo, giường đã cuốn xéo, khung cửa sổ cuốn xéo, thêm tám tấm ván phía nam ngôi nhà, đến nỗi có thể nhìn thấy trời lồ lộ. Y về đến nơi, đúng lúc Muley Graves đi ra, mang theo các cánh cửa và vòi bơm giếng. Albert khốn khổ phải mất mười lăm ngày đi khắp lượt các nhà láng giềng để đòi trả đồ đạc cho mình.
Casy gãi gãi bàn chân một cách khoái trá:
- Mà không ai phản đối gì sao? Cứ thế là người ta trả lại đồ đạc cho y, sao?
- Cố nhiên. Không ai muốn ăn trộm của y. Người ta tưởng y bỏ lại tất tật nên dại gì mà không lấy, thế thôi. Người ta trả lại hết, trừ một cái đệm tràng kỷ, bọc nhung, trên mặt vẽ hình một gã da đen, Albert cho rằng chính ông nội đã lấy, rằng cụ có máu da đen, nên cụ muốn cái chân dung kia. Thật tình, chính cụ lấy, nhưng cái gã da đen thì cụ đếch cần. Cụ thích chiếc đệm, thế thôi. Đi đâu cụ cũng mang nó đi, muốn ngồi nệm, cứ trải nó ra. Cụ không bao giờ muốn trả lại cho Albert. Ông cụ nói: "Nếu thằng Albert thèm khát chiếc nệm đến thế, hắn hãy đến mà tìm. Nhưng tao khuyên hắn hãy xách theo một khẩu súng, vì, nếu hắn đem chuyện chiếc nệm quấy rầy tao, tao sẽ bắn vỡ cái mõm thối của nó ra!" Rốt cuộc Albert đành thôi và tặng cho cụ làm quà. Có điều, với chiếc đệm, cụ sinh ra bày vẽ lắm chuyện. Cụ bắt đem góp giữ lông gà. Ông cụ nói muốn lót giường bằng cả một chiếc đệm lông. Nhưng cụ chả bao giờ có được. Một ngày nọ bố tôi sôi me vì một con chuột chũi nấp dưới nhà, ông lấy một mảnh ván, giáng cho nó một nhát. Và mẹ tôi đã phải đốt sạch sành sanh các lông gà, để cả nhà khỏi bị chết ngạt - Joad cười - Cụ là một tay ngỗ ngược lắm. Lúc đó cụ đang ngồi lên gã
da đen và nói: "Thì hắn cứ việc đến mà tìm chiếc đệm. Ppxì... tao sẽ túm lấy hắn, cái thằng còi ấy, tao xoắn cổ nó lại như xoắn dây thừng".
Con mèo lại đến gần hai người. Đuôi nó nằm thượt sát đất, ria mép chốc chốc run rẩy. Mặt trời đụng đến bờ chân trời, không khí đầy bụi đỏ và vàng. Con mèo rụt dè duỗi một chân xám, đụng vào ống áo của Joad. Anh quay lại.
- Mẹ kiếp, quên mất con rùa. Tôi chả tội nợ gì mà kéo lê nó đi theo cả đời.
Anh gỡ con rùa ra, đẩy nó xuống dưới nhà. Nhưng một lát sau, nó lại đi ra và rẽ về hướng tây nam như lúc mới đầu. Con mèo nhảy bổ tới, đánh vào cái đầu và vào mấy cái cẳng đang cử động. Cái đầu cứng và châm biếm rụt vào, cái đuôi dày đột nhiên biến mất dưới mai. Con mèo đợi mãi cũng chán bèn bỏ đi, con rùa lại cứ nhắm hướng tây nam mà bò như cũ.
Tom và người mục sư nhìn con rùa bỏ đi, chân ngọ ngoạy đẩy thẳng ra phía trước cái vỏ cứng nặng nề. Con mèo đuổi một lát theo sau nhưng được khoảng mươi mét, nó uốn cong lưng, ngáp ngáp, rồi len lén trở lại chỗ hai người đàn ông đang ngồi. Joad nói:
- Chẳng biết nó đi đến chỗ chết tiệt nào? Đời tôi tôi đã thấy ối rùa. Bao giờ chúng cũng có vẻ muốn đi tới đâu đó.
Chú mèo xán lại ngồi giữa hai người, lùi ra phía sau một chút. Nó chậm rãi nháy nháy con mắt. Túm da vai của nó bị rận cắn, bất thình lình run rẩy, rồi từ từ trở lại bất động. Chú mèo giơ một cẳng lên quan sát, chìa bộ móng ra rồi lại thu vào như muốn thử chúng và cái lưỡi màu hồng liếm liếm lòng bàn chân. Mặt trời đỏ đụng đến chân trời, trải ra như một con sứa, và ở phía trên, bầu trời hình như lấp lánh hơn, rung rinh hơn bao giờ hết, Joad rút ở chiếc áo vét ra đôi giày da vàng mới, và trước khi xỏ giày, anh đưa bàn tay chải chải đôi bàn chân bụi lấm lem.
Người mục sư, mắt nhìn đắm trên vùng quê, cất tiếng:
- Có ai đang tới kìa. Nhìn xem? Kia, phía dưới, trong ruộng bông thẳng trước mặt, kia!
Joad đưa mắt nhìn theo hướng mà ngón tay Casy đang chỉ.
- Hắn đi bộ, - anh nói. - Hắn đi làm bụi tung lên thế này thì tôi không thể thấy được hắn. Thằng ma nào nhỉ?
Cả hai nhìn cái bóng người tiến lại trong ánh sáng ban chiều, và bụi bị tung lên nhuốm đỏ trong ánh mặt trời lặn.
- Một gã đàn ông, - anh nói.
Người đàn ông đến gần, và khi y đi qua nhà kho, Joad nói.
- Ơ này, tôi biết hắn. Ông cũng biết... Chính Muley Graves. - Rồi anh gọi: "Hê! Muley! Khoẻ không?"
Gã đang bước tới gần bèn đứng sững lại, rồi bước vội. Y người mảnh dẻ, nhỏ bé, cử động đứt quãng, lẹ làng. Y xách một cái túi bằng bao tải. Đầu gối và đũng quần bằng vải gai thô đã bạc màu, ống tay áo vét đen loang lổ những vệt bẩn và đã bạc màu, ống tay áo rách ở phía sau vai và ở khuỷu tay. Chiếc mũ cũng lem luốc y như chiếc áo và băng vải đai mũ đã bị bong một nửa phất phơ trong gió theo mỗi bước chân đi. Khuôn mặt Muley nhẵn nhụi, không nếp nhăn, nhưng y có cái vẻ hung hăng như một thằng bé độc ác với cái miệng nhỏ và mắm chặt, đôi mắt bé tí, linh hoạt và cáu kỉnh.
- Ông có nhớ Muley không? - Joad khẽ hỏi mục sư.
- Ai kia? - Gã đàn ông vừa tiến lên, vừa kêu.
Joad không đáp. Chờ khi tới thật gần, Muley mới nhận ra.
- Ủa, lại thế, quái quỉ chưa! - Y nói. - Chính là Tom Joad. Mày được ra bao giờ đấy, Tom?
- Đã hai ngày rồi. Về nhà, phải cuốc bộ một chặng đường dài. Để được thấy gì đây nào? Cậu xem, gia đình tớ đâu, Muley? Tại sao nhà cửa lại bị tan
tành, bông mọc cả trong sân, thế này?
- Thề có Chúa, cũng thật may là tao đã đi qua đây, - y nói. - Ông già Tom lo lắng bồn chồn mới khiếp chứ. Khi cả nhà đã quyết định ra đi, tao đang ngồi trong bếp kia. Tao đến nói với ông già Tom là tao, thì tao chả bao giờ chịu đi, mẹ kiếp! Nghe nói thế, ông ấy bảo: "Cái phiền cho tao, là chuyện thằng Tom. Có ngày nó sẽ về, nó chả tìm thấy ai, liệu nó sẽ nghĩ thế nào?" Tao bèn nói với ông ấy: "Sao bác không viết cho hắn?" Ông đáp: "Dễ chừng phải thế, dẫu sao tao cũng phải viết. Để tao nghĩ xem. Nhưng nếu tao không viết mà mày còn ở lại trong xứ: hãy cố rình xem lúc nó về". "Ờ! Cháu vẫn còn ở lại đây, ở lại đây cho tới lúc tuyết rơi ở địa ngục, mẹ kiếp! Không đứa nào có thể buộc được một thằng họ Grave bỏ xứ sở. Chưa đứa nào đã làm được thế". Joad nôn nóng nói:
- Họ đã đi đâu cả rồi? Cậu nói với họ những gì sau hẵng kể. Nói xem người nhà tớ đâu?
- Thế này, họ định chống lại khi ngân hàng gửi máy cày tới cày ấp trại. Ông nội mày đứng trân trân ở đấy, súng cầm tay. Ông cụ bắn hỏng những đèn pha của cái máy chết tiệt kia, nhưng chả ăn thua, nó vẫn bò tới. Ông cụ không muốn giết thằng lái, thằng Willy Feely. Willy biết thế, nên hắn cứ ung dung lái máy tới, đâm sầm vào ngôi nhà và lay lắc nó như con chó lay con chuột. Do vậy mà ông cụ bị như thế nào đó. Có cái gì gặm nhấm ông lão từ bên trong. Từ hôm ấy trở đi, ông lão không còn như xưa nữa.
- Họ ở đâu? - Tom nóng tiết hỏi.
- Tao nói đây. Đi trên xe của chú John nhà mày, mất ba chuyến. Họ mang theo bếp lò, máy bơm, giường. Giá mà mày thấy cái cảnh ấy nhỉ! Giường thì đi với bọn nhóc, bà mày và ông mày ngồi tựa vào thành đầu giường, thằng Noah, anh mày, ngồi hút thuốc và nhổ nước bọt qua thành xe. - Joad mở miệng toan nói, nhưng Muley đã nhanh chóng nói tiếp. - Tất cả ở nhà chú mày.
- Thế hả? Tất cả ở nhà chú John? Nhưng họ làm quái gì ở đây? Hượm đã, hượm đã, Muley, cậu khoan hãy con cà con kê, một phút nữa rồi cậu có thể cho chạy máy quay đĩa của cậu. Họ làm quái gì ở đấy hả?
- Thế này, họ bóc vỏ bông, cả tụi nhóc, cả ông lão. Nhặt nhạnh chút đỉnh để đi về miền Tây. Họ sẽ mua một chiếc xe cà tàng, đi về miền Tây ở đó sống sung sướng, yên vui lắm mà! Bóc vỏ bông, một tuần năm mươi xu, thế mà ai cũng phải lạy lục để có chút công ăn việc làm.
- Thế họ chưa đi hay sao?
- Chưa, theo chỗ tao biết thì chưa. Lần cuối cùng tao biết được tin họ, là cách đây bốn hôm, hôm đó tao gặp thằng Noah anh mày đang săn thỏ, hắn nói là họ định trong mươi lăm hôm nữa sẽ đi. John đã nhận được giấy báo phải cuốn xéo. Cậu cứ tiếp tục đi thẳng, cách đây tám dặm, là đến nhà John. Cậu sẽ thấy gia đình nhà cậu chồng chất vào nhau trong nhà John như lũ chuột nhắt rừng đang nấp trong hang để qua đông.
- Thôi được rồi. - Joad nói. - Bây giờ cậu định đi đâu thì đi đi. Cậu chẳng thay đổi ly lai, Muley ạ. Khi cậu muốn nói chuyện gì đó ở phương Bắc thì cậu bắt đầu từ phương Nam.
Muley sửng cồ:
- Mày cũng chả thay đổi. Lúc còn nhóc con mày sỗ sàng ra sao thì bây giờ cũng sỗ sàng như thế. Mày không định dạy cho tao cách sống đấy chứ Tom?
- Không, - Joad nói với một cái cười mỉa. - Nếu cậu thèm khát nhào đầu vào một đống thuỷ tinh vỡ thì cũng chả ai can. Mà này, cậu biết mục sư chứ Muley? Mục sư Casy.
- Dĩ nhiên, dĩ nhiên! Tao không nhìn ông ta. Tao nhớ rõ lắm chứ. Casy đứng lên và họ xiết chặt tay nhau.
- Thấy lại ông tôi mừng lắm, - Muley nói. - Lâu lắm, lâu cực, người ta không thấy ông ở miền này.
- Tao đã lui về để tìm hiểu nguyên do của một số sự việc. - Casy nói. - Ở đây đang xảy ra chuyện gì vậy? Thế binh tình thế nào mà họ lại đuổi cổ người ta ra khỏi nhà?
- Đồ con nhà khốn nạn, tụi chó đẻ con nhà khốn nạn! Tôi, tôi nói ông biết, tôi ở lại. Chúng sẽ không tống khứ được tôi đâu. Nếu chúng đuổi tôi ra ngoài, tôi sẽ trở lại, mà nếu chúng nghĩ rằng khi nằm dưới lỗ tôi sẽ bớt lôi thôi hơn, thì thế này, tôi sẽ dẫn đến với tôi vài ba thằng đầu bò đầu bướu để cho có bạn. - Y vuốt ve một vật năng nặng trong túi áo bên. - Tôi không đi. Cha tôi đã tới đây năm mươi năm về trước, và bây giờ tôi dứt khoát không đi.
Joad hỏi:
- Mắc mớ gì mà chúng tống cổ người ta ra ngoài?
- Ờ, chúng tô điểm cho thêm màu mè. Mày biết những năm vừa qua như thế nào rồi. Các trận mưa cát đến làm hỏng tất tật, đến nỗi một con người không thể gặt hái được gì, dù chỉ đủ bít lỗ đít con kiến. Ai ai cũng mang nợ với gã lái buôn. Mày biết thế là thế nào rồi. Lúc đó, những ai có ruộng đất đều nói: "Chúng ta không thể giữ lại các tá điền chúng ta nữa. Phần của anh tá điền lại đúng là phần thu lợi mà chúng ta không cho phép mình để mất được". Họ nói: "Nếu ta dồn tất cả ruộng đất chúng ta làm một, thì may ra thu hoạch cũng chỉ vừa đủ". Thế là chúng đem máy cày tới, chúng xua đuổi tất cả, tất thảy mọi người, trừ tao, mẹ kiếp! Tao không đi! Tom ạ, mày biết tao rồi. Mày biết tao từ lúc lọt lòng.
- Ái chà! Đúng thế, từ lúc lọt lòng.
- Mà này, mày biết đấy, tao đâu phải thằng ngu. Tao biết mảnh đất này chả đáng giá bao nhiêu. Chả bao giờ tốt, trừ phi dùng làm bãi cỏ chăn. Lẽ ra không bao giờ nên trồng trọt. Thế mà, giờ đây, chúng lại đã nhồi nhét cây
bông cho đất đai, nhồi chất đến mức nó phải nứt ra. Giá như chúng không có ý định ép tao phải dời đi, dễ chừng lúc này tao đã ở California. Để tha hồ ăn nho, hái cam khi nào hứng. Nhưng cái bọn khốn kiếp ấy lại dẫn xác đến bảo tao phải cút xéo? Cút xéo, mẹ kiếp, đường đường là một thằng người thì chịu thế làm sao được!
- Tớ hiểu, - Joad nói. - Cho nên tớ lạ là bố tớ lại ra đi dễ dàng đến thế. Tớ lạ là ông tớ đã không giết một ai. Không ai đã từng tự tiện dám đến bảo cụ phải làm thế này thế nọ. Mẹ tớ cũng là người không chịu để cho ai quấy đảo như vậy. Có lần, tớ đã thấy bà ấy nện cho một gã bán rong một trận đòn nên thân, nện bằng một con gà sống, vì gã định cãi bướng. Một tay cầm con gà, một tay xách rìu, bà sẵn sàng cắt cổ thằng cha. Bà ta có ý định cầm rìu nhảy bổ vào gã, nhưng nhầm tay, cho nên bà xông vào rồi giơ con gà nện tới tấp. Xong việc rồi, không thể ăn con gà đó được nữa. Gà nát bét, chỉ còn hai cái cẳng trong tay bà. Ông tớ cười rũ ra và bị sái hông. Làm sao họ có thể ra đi dễ dàng như vậy?
- Thế này, cái thằng cha dẫn xác tới ấy mà, hắn ngọt như mía lùi, hắn nói với họ những câu thật bùi tai: "Các bác phải đi thôi, các bác ạ. Lỗi đâu tại tôi". "Được, - tao nói - vậy lỗi tại ai? Để tao đến nói chuyện với hắn một chút". "Đó là Công ty khai thác nông nghiệp và chăn nuôi Shawnee. Tôi chỉ truyền đạt lệnh của công ty". "Mà công ty khai thác nông nghiệp và chăn nuôi Shawnee ấy là ai?". "Chẳng là ai cả. Đó là một công ty". Nghe hắn nói thì muốn cầm búa tạ mà nện... Nhưng chả có ai để mình nện. Có ối kẻ đã chán ngấy không muốn tìm cách trút giận vào ai... nhưng tao thì không thế. Tao giận phát điên lên. Tao ở lại.
Một giọt to của mặt trời đỏ nấn ná ở chân trời, rồi nó rơi xuống và biến mất, bầu trời vẫn lấp lánh phía trên vùng nó đã bốc thành hơi, và trên đó một đám mây bị cắt xé nham nhở lơ lửng như một tấm áo rách đẫm máu. Từ chỗ tận cùng phía tây, hoàng hôn dần dà xâm chiếm bầu trời, trong khi bóng tối từ phía đông lan tới bao trùm mặt đất. Ngôi sao Hôm hiện ra lấp lánh trong
hoàng hôn. Con mèo xám luồn về phía nhà kho để ngỏ và như một cái bóng, biến hút vào đấy.
Joad nói:
- Dẫu thế nào, tối nay, không có cái chuyện cuốc bộ tám dặm để đến nhà chú Tom. Bàn chân của tôi đang nóng như lửa. Hay là bọn mình tới đằng cậu, Muley? Cách đây không quá một dặm mà.
- Cũng chẳng ăn nhằm gì, - Muley nói, hơi bối rối. - Vợ tao và bọn trẻ với em rể tao đã khuân sạch và đi California. Chả còn gì để ăn. Họ không căm giận như tao nên họ đã đi. Ở đây chả có gì ăn.
Mục sư cọ quậy:
- Đáng lẽ mày cũng phải đi. Không nên để gia đình phân tán như thế. - Nhưng không đi nổi ông ơi, - Muley Graves nói. - Có cái gì đó cản tôi.
- Còn tớ, tớ đói, mẹ kiếp nó! - Joad nói. - Bốn năm nay tớ ăn đúng giờ đúng giấc. Cái dạ dày tớ nó đang gào lên kêu cứu đây. Cậu sẽ ăn gì, Muley? Cậu moi đâu ra bánh ăn?
- Một thời gian, - Muley thú nhận, hơi ngượng ngùng - tao ăn nhái, sóc, đôi khi ăn cả chó đồng cỏ nữa. Phải thế thôi. Nhưng giờ đây, tao đặt thòng lọng trong các bờ bụi ở con suối con. Tao bắt thỏ và đôi khi bắt được gà rừng. Cả những con chồn hôi cũng bị. - Y cúi xuống để lấy túi và dốc ra trên nền hiên. Hai chú thỏ rừng nhỏ và một con to lông dài rơi ra, lăn xuống, mềm nhẽo.
- Lạy Chúa, - Joad nói. - Trên bốn năm nay tớ không được thấy thịt tươi. Casy xách lên một con, xem nặng nhẹ.
- Cậu chia cho bọn mình với chứ, Muley? - ông hỏi.
Muley ngọ ngoạy, vẻ bối rối.
- Tôi không thấy có cách nào khác được. - Y ngừng lại, bản thân lấy làm lạ thấy mình kém nhã nhặn. - Tôi không định nói thế. Có nghĩa là... Không phải - Y lúng túng. - Tôi muốn nói là, khi một gã có cái để ăn còn một gã khác đang chết đói, thì đấy, gã kia không có đường lựa chọn. Tôi muốn nói, giả dụ tôi nhặt thỏ lên và đi đến chỗ khác để ăn thì... ông hiểu tôi nói gì chứ?
- Hiểu. - Casy nói. - Tao hiểu cái đó. Tom ạ, Muley nói thế cũng có cái lý của nó, Muley đã đoán ra cái gì đó, có điều, với hắn, nó quá rối rắm, nhưng với tao thì cũng rối rắm thế thôi.
Tom xoa xoa bàn tay:
- Ai có con dao? Hãy để tâm một tí đến mấy con gặm nhấm tội nghiệp kia các ông ơi! Hãy để tâm đến chúng với!
Muley tìm trong túi quần và rút ra một con dao to cán bằng sừng. Tom Joad giằng lấy, mở dao và ngủi ngửi. Nhiều lần, anh thọc lưỡi dao vào đất, rồi lại ngửi ngửi, rồi chùi ở ống quần, đưa ngón tay cái thử thử.
Muley rút ở túi áo - súng lục ra một lít nước và đặt dưới hiên. - Dùng nước tiềm tiệm thôi. Tất cả chỉ có ngần này. Giếng ở kia bị lấp rồi. Tom túm lấy một con thỏ.
- Một trong hai ông hãy đi tìm dây thép trong chuồng ngựa. Lấy những mẩu ván trong nhà mà nhóm lửa. - Anh nhìn con thỏ chết. - Làm thịt thỏ thì không gì dễ bằng.
Anh kéo da lưng con vật lên, rạch một nhát, nhét ngón tay vào khe hở và lột da. Tấm da tuột ra như một chiếc tất, tuột từ thân lên đến cổ, rồi để lộ bộ cẳng cho tới móng. Joad lại vớ con dao, chặt đầu chặt chân. Anh đặt bộ da xuống đất, rạch bụng giữ cho lòng ruột rơi vào tấm da và ném cả cái gói bầy nhầy đó vào cánh đồng bông. Thế là cái thân hình nhỏ bé sạch sẽ đã sẵn
sàng, Joad cắt chân, bổ con vật ra làm đôi từ cái lưng dày thịt. Anh đang xách con thỏ thứ hai lên thì Casy trở lại với một cuộn dây thép rối tinh.
- Giờ thì nhóm lửa, rồi cắm chạc lên. - Joad nói. - Mẹ kiếp cái con vật bé nhỏ này, chúng làm mình đói phát cuồng.
Anh rửa sạch và mổ các con thỏ khác rồi treo chúng dọc sợi dây thép. Muley và Casy giật cái tấm ván nứt nẻ ở chỗ góc nhà đã đổ sập và nhóm lửa. Muley quay lại chỗ Joad.
- Cậu nhìn xem nó có mụn nhọt gì không, nhìn cái con đực ấy, - y nói. - Tao không muốn ăn thịt thỏ có mụn nhọt.
Y rút trong túi ra một túi nhỏ bằng vải và đặt dưới hiên. Joad nói:
- Nó sạch như chùi. Trời, cậu cũng có muối nữa ư? Dễ chừng trong túi cậu, còn có bát đĩa và một chiếc lều nữa cũng nên?
Anh đổ muối vào lòng bàn tay rồi rắc lên những miếng thịt thỏ treo ở sợi dây thép.
o O o
Lửa chát bùng, in những bóng tối lên căn nhà, gỗ khô nổ lép bép, tanh tách. Bây giờ, bầu trời hầu như tối đen, những ngôi sao lấp lánh nom rõ mồn một. Con mèo xám từ nhà kho đi ra, vừa miu miu vừa lại gần lửa, nhưng khi tới gần, nó quay đi xông thẳng tới mớ lòng ruột vương vãi dưới đất. Nó nhai, nó nuốt những khúc ruột dính lòng thòng ở hai bên mép.
Casy ngồi dưới đất, giữ lửa, mảnh ván này cháy sắp hết thì ông lại đẩy những mảnh ván khác vào. Đàn dơi bay ngoằn ngoèo trong ánh sáng. Con mèo nằm xuống, liếm mép, lau chùi mặt và ria mép.
Joad nắm lấy sợi dây thép có treo lủng lẳng mấy con thỏ, rồi mang nó lại đám lửa.
- Này Muley, cậu cầm lấy đầu kia. Xoắn sợi dây quanh cọc này. Được, thế, thế. Bây giờ phải kéo căng nó ra. Nhẽ ra, phải đợi cho lửa thấp xuống, nhưng thây kệ, tớ không kiên nhẫn được.
Anh căng sợi dây thép, rồi với một cái que, anh đẩy các miếng thịt dọc sợi dây đến phía trên lửa. Thịt bị lửa táp cứng lại, bóng láng ở bề mặt. Joad ngồi cạnh lửa, nhưng với chiếc que anh di chuyển và lật đi lật lại các miếng thịt để chúng khỏi dính vào sợi dây thép.
Thế này mới là một bữa nhậu nhẹt, - anh nói. - Muley có muối, có nước, có thỏ. Giá như trong túi hắn ta có một bữa xúp ngô thì thôi đấy, tôi chả đòi hỏi gì thêm nữa.
Qua trên đầu ngọn lửa, Muley nói chõ sang:
- Các ông chắc cho tôi là điên vì sống như thế này, phải không?
- Điên? Không hề - Joad nói. - Ông mà điên thì tớ chúc cho ai nấy cũng điên tuốt! Muley tiếp tục:
- Mà này, các ông biết không, tôi mắc phải chuyện gì đó rất kỳ. Lúc họ nói tôi phải đi, tôi cảm thấy trong người như thế nào đó. Thoạt tiên, tôi thèm khát muốn nện cả lũ chúng nó. Sau đó tất cả gia đình anh em mình đi lên miền Tây. Thế là tôi bắt đầu đi nhởn nhơ bát nháo. Cứ thế mà bước. Không bao giờ quá xa. Bạ đâu ngủ đấy. Đêm nay tôi ngủ đây. Tôi đến đây chỉ để ngủ thôi. Tôi tự nhủ: "Mình trông coi cái này cái nọ, như thế, lúc người ta trở về, người ta sẽ tìm thấy mọi cái đâu vào đấy". Nhưng tôi biết, nói thế chỉ để nói thôi. Chả có gì để coi sóc cả. Người ta chả bao giờ trở lại. Tôi đi dạo lang thang như một bóng ma vật vờ ở nghĩa địa.
- Ở mãi rồi cũng đâm quen, khó mà bỏ đi. - Casy nói. - Người ta quen với một vài lối suy nghĩ nào đó, và khó mà thay đổi. Tao không còn là mục sư nữa, ấy thế mà đột nhiên tao thấy mình đang cầu khẩn suốt buổi, thậm chí mình đang làm gì cũng không nghĩ tới.
Joad trở các miếng thịt. Bây giờ nước thịt nhỏ giọt và cứ một giọt rơi xuống thì một tia lửa bắn lên. Lớp ngoài trơn nhẵn của miếng thịt nứt nẻ ra và chuyển sang sắc nâu nâu.
- Ngửi xem nào, - Joad nói. - Lạy Chúa, các ông nhìn rồi ngửi xem. Muley tiếp tục:
- Như con ma cũ vật vờ, trong nghĩa địa, tôi đã đi dạo khắp nơi, bất cứ chỗ nào mà trước đây hay xảy ra chuyện này chuyện nọ. Chẳng hạn ở một cái góc đằng kia, rất gần đất của chúng ta... có một cái bụi trong khe. Chính ở đấy, lần đầu tiên tôi ngủ với một con bé. Lúc ấy tôi mười bốn tuổi. Trời, tôi giẫm chân, tôi nhảy, tôi hít hít như một con cừu động đực, động cỡn như phát điên mà lại! Thế là tôi quay lại chỗ đó. Tôi nằm xuống đất và mọi chuyện xưa đã xảy ra thế nào thì nay đã trở về nguyên xi trong trí tôi. Cũng còn một chỗ cạnh chuồng bò, ở đó bố tôi bị một con bò đực húc thủng bụng. Máu của ông còn giây trên đất đây. Nhất định thế. Chẳng có ai rửa chùi máu đi. Tôi đặt tay lên đất, ở chỗ mà máu bố tôi hoà thẫm vào đó - Y ngừng lại bối rối. - Các ông thấy tôi cũng hâm hâm hả?
Joad trở miếng thịt, cái nhìn của anh hình như lùi về phía trong. Casy rụt chân lại, ngắm nhìn ngọn lửa. Phía sau mấy người, con mèo xám đã no nê, bây giờ đang ngồi êm ả, chiếc đuôi dài xám cuốn quanh hai cẳng trước. Một con cú to hú một tiếng khi bay qua phía trên đầu họ, ánh lửa soi sáng cái bụng màu trắng và đôi cánh giang rộng của nó.
- Không, Casy nói - cậu cảm thấy cô đơn... Đâu có phải cậu hâm. Khuôn mặt nhỏ trân trân của Muley cứng ngắc.
- Tôi đặt tay đúng vào chỗ còn có vết máu. Và tôi thấy cha tôi hiện về, với một cái lỗ sâu hoắm trên ngực, ông dựa sát vào tôi và run rẩy, in hệt như ông làm xưa kia, rồi tôi thấy ông bổ ngửa, chân tay giãn ra. Tôi thấy lại đôi mắt của ông mờ đục nỗi đau đớn, rồi bất thình lình, ông nằm im, mắt trong sáng... ngước nhìn trời. Còn tôi, nhóc con, tôi cứ ngồi đấy, không khóc,
không làm gì hết, chỉ ngồi. - Y lắc đầu nặng nề, Joad trở đi trở lại miếng thịt. - Tôi cũng đã ở trong buồng mà Joe ra đời. Giường không còn đấy nữa, nhưng đúng là buồng đó. Tất thảy đều y nguyên tại chỗ cũ. Joe đã ra đời đúng ở chỗ kia. Nó há to miệng, như muốn hét lên rồi bắt đầu gào, gào đến một dặm quanh đây vẫn còn nghe, bà nó đứng đấy, cứ nói luôn miệng: "Con chó con của bà! Thằng con chó của bà!" 1 Bà kiêu hãnh đến nỗi đã đánh vỡ ba cái tách.
Joad tằng hắng:
- Mình nghĩ là có thể bắt đầu được rồi đấy.
- Đợi cho chín kỹ đã, cho thịt mềm, thịt gần đen lại kia. - Muley tỏ ý không ưng, nói. - Tôi muốn nói. Tôi chưa nói với ai. Nếu tôi hâm, tức là hâm, thế thôi. Như con ma nghĩa địa đi thăm láng giềng ban đêm. Nhà Peter, nhà Rance, nhà Jacop và các nhà khác đen ngòm, đứng đấy như những túp lều cho chuột rúc. Ở đó, xưa kia từng có hội hè, có múa nhảy. Có những dịch vụ linh thiêng, những tiếng kêu mừng quang vinh của Chúa. Trong mọi nhà đều có đám cưới. Lúc đó sao mà tôi khao khát muốn đi vào thành phố để giết người. Bởi vì, đưa cái máy cày đến để đuổi chúng ta đi thì chúng thu được gì? Rốt cuộc để bảo đảm cái "lề lợi nhuận" như chúng nói. Rốt cuộc chúng đã cướp được gì? Cướp bắt được bố tôi hấp hối nằm trên cát, Joe đang oe oe và tôi đây ban đêm nhảy nhót như con dê đực trong bụi bờ. Chúng được lợi lộc gì? Có Chúa biết, đất đai không tốt. Có nhiều năm chẳng trồng trọt được gì. Ấy thế mà ngồi ở bàn giấy, chúng xẻ đôi người ta ra để có cái bờ lề lợi nhuận. Đơn giản là chúng xẻ đôi họ ra, thế thôi. Nơi nào người ta sống, chính đó là gia đình. Mình không phải là mình nữa khi bị nhét một mình đơn độc vào một chiếc ô tô trên đường cái. Sống đấy nhưng cũng như chết rồi. Người ta đã bị giết bởi cái bọn con nhà khốn nạn đó!
Và y nín bặt. Đôi môi mảnh dẻ còn mấp máy, ngực y hổn hà hổn hển. Y ngồi xuống nhìn đôi bàn tay qua ánh lửa.
- Đã... đã lâu lắm, tôi không nói với ai, - y nói nhỏ nhẹ để xin lỗi. - Tôi đi vật vờ như con ma ở nghĩa địa.
Casy đẩy các tấm ván dài vào lửa, ngọn lửa lại liếm củi và lại chồm về phía các súc thịt. Ngôi nhà cót két càng mạnh khi mà về đêm, không khí mát mẻ càng khiến cho gỗ co lại. Casy bình tĩnh nói:
- Tao phải đi thăm những kẻ đã ra đi tha phương. Tao cho là phải đi thăm họ. Họ cần sự cứu trợ mà các bài thuyết giáo không đem tới cho họ được. Hy vọng mong mỏi lên trời khi chưa sống trọn kiếp người sao? Hy vọng đấng Thánh Thần, khi mà tinh thần của riêng họ thì bại hoại buồn bã sao? Họ sẽ cần đến sự giúp đỡ. Trước khi chết, họ phải sống đã.
Joad cáu kỉnh kêu lên:
- Trời ơi là trời, thịt được rồi đấy, có ăn hay không nào? Cứ thế này mãi, thì rồi chỉ còn lại vỏn vẹn bằng con chuột nhắt đem quay. Nhìn xem. Ngửi xem nào.
Anh nhảy bật dậy, đẩy các miếng thịt móc ở dây thép xa khỏi lửa. Anh cầm con dao của Muley khía vào một miếng thịt cho tới lúc nó rời khỏi dây.
- Đây phần ông mục sư, - anh nói.
- Đã bảo tao không còn là mục sư mà.
- Thì thôi vậy, đây phần cho "con người". - Anh cắt một miếng khác. - Đây Muley cậu ăn đi, nếu cậu không quá trăn trở. Thịt con đực đấy. Dai hơn thịt chó già.
Anh lại ngồi xuống, những chiếc răng dài cắn ngập vào miếng thịt. Rứt ra một miếng to mà anh bắt đầu nhai.
- Mẹ kiếp, nghe xem, cứ là ròn rau ráu! - Và anh ngấu nghiến dứt một miếng khác.
Muley vẫn ngồi yên nhìn miếng thịt của y. Y nói:
- Đáng lẽ tôi không nên nói như vậy. Những chuyện như vậy, có lẽ tốt nhất là cứ giữ trong đầu.
Casy miệng ngồm ngoàm, nhìn gã, và cái cổ họng to khoe cố co lại để nuốt.
- Không, phải nói chứ, - ông nói. - Nhiều lúc, mình đang buồn nhưng chỉ nói mà có thể rũ sạch nỗi buồn. Nhiều lúc một gã đang lăm le muốn giết người, ấy thế mà chỉ bằng cửa miệng là gạt bỏ được ý muốn đó và thôi không hề muốn giết ai nữa. Cậu có lý. Không nên giết ai khi có thể nhịn được.
Nói xong, ông cắn một miếng khác, Joad ném xương vào lửa rồi đứng lên và cắt thêm một miếng ở ngang sợi dây thép. Bây giờ Muley đang ăn chậm rãi, đôi mắt bé tí lo lắng của y nhìn từ người bạn này sang người bạn kia. Joad vừa ăn vừa gầm gừ như con vật và một vòng mỡ đọng quanh miệng anh.
Muley nhìn anh rất lâu, hầu như rụt rè. Y hạ bàn tay đang cầm miếng thịt xuống.
- Tommy, - y nói.
Miệng vẫn gặm nhấm miếng thịt, Joad ngước mắt lên:
- Sao kia?
- Tommy ạ, tao nói chuyện giết người thì mày không giận chứ? Mày không giận tao chứ Tom?
- Dào! Tớ không giận đâu. Những chuyện đó là thường.
- Ai cũng biết không phải lỗi tại mày, - Muley nói. - Lão Turnbull nói, lão sẽ lột da mày khi nào mày được tha. Lão nói không ai có thể giết một thằng con của lão mà thoát nợ được như vậy. Nhưng ở đây, ai cũng can khiến lão phải cất bỏ ý định đó.
- Lúc đó, đang say mà, - Joad nói khe khẽ. - Say, trong một buổi khiêu vũ. Tớ không biết chuyện bắt đầu như thế nào. Thế rồi tớ cảm thấy con dao chọc vào người tớ, và đùng cái, tớ tỉnh rượu. Tớ thấy Herb một lần nữa cầm con dao xông tới. Có một cái xẻng dựng ở bờ tường nhà trường, thế là tớ chụp lấy xẻng, rồi nhằm đầu hắn, phang một nhát. Tớ chả có gì trách móc Herb. Hắn là đứa tốt bụng. Hồi còn nhỏ, lúc nào hắn cũng bám lấy em gái tớ, Rosaharn. Đúng tớ mến thằng Herb.
- Thì chính ai cũng nói với ông bố hắn như vậy và cuối cùng khiến được lão ta dịu lại. Ai đó có nói lão già Turnbull mang dòng máu Hatfieli, về phía họ ngoại và chắc lão lấy làm vinh dự về điều đó. Cái đó tớ không biết rõ. Lão và người nhà đã đi California, cách đây sáu tháng rồi.
Joad gỡ miếng thịt thỏ cuối cùng ở dây thép và lần lượt trao cho các bạn. Anh lại ngồi xuống, lại bắt đầu ăn, nhưng giờ thì chậm rãi hơn. Anh nhai đều đặn, và đưa ống tay áo lau mỡ quanh miệng. Đôi mắt anh sầm tối và hé mở, đăm chiêu nhìn lửa đang tàn lụi.
- Ai cũng đi về miền Tây, - anh nói. - ấy thế mà tớ phải giữ lời hứa. Tớ không thể vượt quá biên giới miền Đông.
- Lời hứa ư? - Muley hỏi. - Tớ có nghe nói chuyện đó. Là thế nào vậy?
- Thế này, họ đã tha tớ sớm hơn, sớm hơn ba năm. Phải làm điều này điều nọ. Không thế thì người ta giải tớ trở lại nơi đó. Thỉnh thoảng tớ phải trình diện.
- Ở Mac Alester, người ta đối xử với cậu thế nào? Thằng anh em họ với vợ tớ cũng đã ở Mac Alester, người ta làm tình làm tội hắn đủ vành.
- Không tồi đâu. - Joad nói. - Không, khắp đâu đâu cũng thế cả. Người ta làm phiền mình nếu mình gây chuyện rầy rà. Không tệ, trừ phi bị một thằng gác ngục ghét mình. Trong trường hợp đó thì khó xoay xở. Tớ thì chả có gì để kêu ca. Cũng như bất cứ ai, tớ chỉ lo phận tớ. Tớ đã học viết, mà cừ lắm. Không chỉ có học viết chữ, mà còn vẽ chim vẽ cò nữa. Bố tớ sẽ không bằng
"""