" Chùm Đoản văn của Aleksandr Solzhenitsyn - Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn full prc pdf epub azw3 [Truyện ngắn] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chùm Đoản văn của Aleksandr Solzhenitsyn - Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn full prc pdf epub azw3 [Truyện ngắn] Ebooks Nhóm Zalo Alexander Isaevich Solzhenitsyn, văn hào người Nga, sinh năm 1918, người đoạt giải Nobel văn chương 1970, giải thưởng Quốc gia LB Nga 2006. Văn hào Nga A.I.Solzhenitsyn Nhà văn luôn đặt những giá trị đạo đức dân tộc làm trung tâm trong các tác phẩm của mình, lấy đó làm chỗ dựa để những nhân vật của ông bám vào mà sống sót trong thế giới đảo điên. Những năm cuối đời, Solzhenitsyn thường xuyên lên tiếng với chính quyền về các vấn đề xã hội, bày tỏ không khoan nhượng nỗi bức xúc của mình. Người bạn thân của Solzhenitsyn, nhà thơ Yuri Kublanovsky gọi đó là sự cảnh báo của một nhà tiên tri. HỒ SEGZEN Chưa từng có ai viết, mà người ta cũng không nói nhiều về nó. Người ta chặn những con đường rừng dẫn đến hồ, như thể chúng dẫn đến một tòa lâu đài thần tiên. Trên tất cả mọi con đường đều có dựng bảng cấm - một cái vạch đơn giản, lặng câm. Giả sử có ai đó, hoặc một con thú hoang nào đó, nếu đang đi trên đường, trông thấy cái vạch này thì hãy liệu thần hồn mà cao chạy xa bay! Đây là quy định của chính quyền sở tại. Cái vạch có nghĩa: không được chạy qua và không được bay qua, không được đi qua và không được bò qua. Gần con đường, trong khu rừng thông, có những người lính canh đang giấu mình mai phục với những người Thổ Nhĩ Kỳ và những khẩu súng. Bạn đi loanh quanh trong cánh rừng lặng im, đi loanh quanh và tìm kiếm, cốt làm sao có thể tới được hồ, nhưng bạn không tìm thấy ai để mà hỏi: thiên hạ đã bị đuổi sạch, chả có ai ở trong cánh rừng này. Cuối cùng, bạn chỉ còn mỗi cách là nương theo tiếng chuông lục lạc mà người ta buộc trên cổ chú bò nghễnh ngãng, vượt qua những lối mòn dành cho súc vật vào lúc giữa ban trưa trong một ngày mưa. Và nó chỉ mới vừa thoáng hiện ra trước mắt bạn, rất mênh mông qua những thân cây rừng, thì chưa kịp chạy tới bên nó, bạn đã biết rằng, bạn sẽ yêu nơi này cho đến chết. Hồ Segzen tròn vành vạnh như được kẻ bằng com-pa. Nếu bạn đứng ở bờ bên này mà kêu lên (nhưng để người ta không phát hiện ra bạn, chớ nên kêu), thì chỉ có tiếng vọng của nó mới có thể tới được bờ bên kia. Quả là xa quá. Rừng ven bờ bao phủ quanh hồ. Rừng bằng phẳng, cây tiếp cây. Trên mặt hồ, trước mắt bạn mở ra toàn bộ khung cảnh bị bao vây bởi rừng ven bờ: nơi này có dải cát vàng, nơi kia có vạt cây kamưk (*) màu xám đang trổ bông, còn đó là đám cỏ non xanh tươi phơi mình nằm lả lơi. Mặt nước im ắng, phẳng lặng không gợn sóng. Ở đâu đó ven bờ có vài vạt bèo tấm, còn thì nước hồ trong văn vắt - trong vắt cho tới đáy. Hồ biệt lập. Rừng biệt lập. Hồ nhìn lên bầu trời, và bầu trời soi bóng nước. Còn có điều gì hơn trên mặt đất này - không rõ nữa, ngoài khu rừng này - không rõ nữa. Mà giả sử có một cái gì - thì nơi đây không cần đến nó, thật vậy đấy. Giá như có thể dọn đến và ở lại đây mãi mãi… Khi ấy, tâm hồn ta sẽ lan ra giữa bầu trời và mặt nước, giống như làn không khí đang run rẩy kia, sẽ lan ra cả những dòng suy tư trong sạch và thẳm sâu. Nhưng đó là điều không thể. Lãnh chúa bạo tàn, một kẻ mắt xếch hung dữ, đã chiếm đoạt hồ: đây là nhà nghỉ của ông ta, hồ bơi của ông ta. Trên một chiếc thuyền, lũ trẻ nhỏ nhà ông ta đang câu cá, săn bắn vịt trời. Thoạt tiên, một sợi khói lam xuất hiện trên mặt hồ. Sau đó, tiếng súng vang lên. Ở đó, sau những cánh rừng, địa hạt trải dài, uốn lượn quanh co. Còn ở đây, để không ai có thể làm phiền họ - những con đường rừng bị đóng cửa. Ở đây, cá và thú hoang được chăm lo để dành cho riêng họ. Vẫn còn đây một vài dấu vết: có ai đó đã đốt lửa, người ta ập tới. Việc đầu tiên là dập tắt lửa, sau đó, tống cổ họ đi. Hồ cô tịch. Hồ thân thương. Ôi quê hương… -------------- (*) kamưk: một loại cỏ nước, cỏ đầm lầy XUÔI DÒNG OKA Có đi qua những xóm làng miền Trung Nga, bạn mới bắt đầu hiểu điều bí ẩn nằm trong phong cảnh tĩnh lặng của nước Nga. Nó nằm nơi các nhà thờ. Tọa lạc trên những ngọn đồi, uốn lượn theo các sườn gò, mặt hướng về những dòng sông mênh mông với những mái vòm hình vương miện màu đỏ và màu trắng, cất mình vươn lên trên đời sống thường nhật quê mùa, mộc mạc bởi những gác chuông cân đối, thon thả, được chạm khắc - từ rất xa, chúng gật đầu chào nhau. Bị tách rời bởi những ngôi làng biệt lập, chúng không thể nhìn thấy nhau, nhưng cùng hướng lên một bầu trời duy nhất. Và cho dù bạn đang ở trên cánh đồng, lang thang ngoài thảo nguyên hay ở bất cứ nơi đâu xa cách khu dân cư, bạn cũng không bao giờ chỉ có một mình: trên tầng không của cánh rừng, của những gò đống quen thuộc hay của nơi chốn thường tình nhất thì đỉnh tròn của quả chuông - hoặc từ Borok Lovesky, hoặc từ Liubish hay Gavrilovsky - cũng sẽ quyến rũ bạn. Rồi bạn đi vào làng và nhận ra rằng, chẳng có ai - kể cả người sống lẫn người chết - đón chào bạn từ xa. Những cây thánh giá từ lâu đã bị xô ngã hoặc bị cong vênh, mái vòm mở toang hoác phô ra những cạnh sườn, cỏ dại mọc loang trên mái và từ kẽ nứt trên các bờ tường. Hiếm khi người ta còn mai táng ở nghĩa trang bao quanh nhà thờ. Những ngôi mộ đã bị nạy ra, gió mưa hàng chục năm đã xóa mờ các bức ảnh thánh từng bị bôi đầy bởi những dòng chữ thô tục. Trên các bậc thềm, một chiếc máy kéo đang vật lộn với những cái thùng tô nô đựng mỡ heo muối. Hoặc giả là một chiếc xe tải đang trút các bao lúa mỳ từ trên thùng xe xuống ngay trước cổng lối vào nhà thờ. Cũng ngay trong ngôi nhà thờ này, những cỗ máy cái đang được vận hành. Chỉ có chính nó - ngôi nhà thờ - bị khóa trái, là không nói không rằng. Các CLB - hết cái này đến cái khác. "Phấn đấu đạt lượng sữa cao". "Trường ca biển". "Chiến công vĩ đại". Người ta luôn vụ lợi, và thường độc ác. Nhưng tiếng chuông chiều đã vang lên, bay lơ lửng trên các xóm thôn, trên cánh đồng, trên rừng cây. Nó nhắc nhở rằng người ta cần phải quên đi những công việc vụn vặt, trần tục để hiến dâng thời gian và tư tưởng cho đức tin vĩnh hằng. Tiếng chuông này - tiếng chuông mà chúng ta đã bảo tồn cho đến tận bây giờ chỉ với một giai điệu xưa cũ - đã nâng cho con người đứng lên bắt đầu từ việc họ đã quỳ xuống. Trên những tảng đá này, trong những quả chuông này, tổ tiên chúng ta đã gửi vào đây tất cả những gì tốt đẹp nhất của họ, tất cả sự uyên thâm mà họ đã có về cuộc sống. Nhưng thôi, hỷ mũi đi, Vitca, bỏ đi, đừng thương tiếc nữa! Phim sẽ bắt đầu vào lúc 6 giờ, còn chương trình ca vũ nhạc thì vào lúc 8 giờ… CHIẾC THÙNG CŨ Ồ, cuối cùng thì cũng có một chàng cựu chiến binh lang thang ra ngoài cánh rừng Kartunsky. Thật kỳ lạ là sau mười tám năm, địa hình nơi đây được bảo tồn tốt đến nỗi, mặc dù có hơi bị sạt lở - hoặc ở những dãy chiến hào, hoặc ở những ổ đại bác - nhưng cái hố xạ thủ cá nhân - nơi Ivan chưa từng quen biết đã chôn vùi tấm thân đẫy đà của anh trong chiếc áo ca-pốt ngắn lem luốc - vẫn vẹn nguyên. Trong những tháng năm ấy, những súc gỗ tròn trên nắp các công sự đã bị tháo dỡ và mang đi, tất nhiên rồi, trong khi các hố đất trũng thì nằm trơ ra đó. Mặc dù tôi không chiến đấu trong khu rừng này, nhưng ở ngay khu bên cạnh, thì cũng có thể coi như tôi đã từng ở đây. Tôi đi lang thang từ công sự này qua công sự khác, cố hiểu xem điều gì đã xảy ra nơi đây. Và đột nhiên, trên lối ra ở một công sự, tôi bắt gặp một chiếc thùng cũ - một chiếc thùng nằm đó đã mười tám năm và lẽ dĩ nhiên, suốt mười tám năm ấy, nó đã không hề bị đụng đến. Vào mùa đông đầu tiên của cuộc chiến, nó có lẽ cũng đã móp méo lắm rồi. Có thể, ngang qua cái làng bị thiêu cháy, một người lính nhanh tay đã tóm lấy nó - chiếc thùng bị thủng đáy, phần còn lại hình nón cũng đã bị giẫm nát - rồi dùng nó để nối cái lò bằng sắt tây cho thông với ống khói. Vậy là ở ngay công sự này, trong mùa đông nguy ngập đó, kéo dài 90 ngày, mà cũng có thể là 150 ngày, cho đến khi mặt trận ngừng tiếng súng, nó đã để cho bao nhiêu là khói lùa qua mình. Cái thùng chắc đã từng bị nung đến đỏ rực. Từ nó, có những đôi tay đã được sưởi ấm. Từ nó, có thể người ta đã châm thuốc hút, và bánh mỳ được nướng vàng. Bao nhiêu khói đã lùa qua đây là bấy nhiêu suy nghĩ chưa được bày tỏ, bấy nhiêu tư tưởng chưa được viết ra từ những người có thể đã mất từ lâu. Sau đó, vào một buổi sáng, dưới ánh nắng mai lung linh, người ta thay đổi đội hình chiến đấu. Công sự bị đảo tung, viên chỉ huy thúc giục đơn vị của mình: "Nhanh lên! Nhanh lên!". Chiến sĩ cần vụ tháo dỡ bếp lò, quẳng tất cả lên xe, tất tần tật mọi thứ… Tuy nhiên, đến cái thùng móp thì không còn chỗ. "Quăng nó ngay đi!" - Thượng sĩ la lên - "Đến chỗ mới, cậu sẽ tìm được cái khác!". Sẽ phải đi rất xa, và vấn đề tất nhiên còn liên quan đến mùa xuân. Chiến sĩ cần vụ ngập ngừng đứng lại với chiếc thùng cũ, thở dài rồi đặt nó xuống, ngay chỗ lối ra. Tất cả bật cười vui vẻ. Từ bấy đến nay, những súc gỗ tròn lát trần công sự đã bị lấy đi. Bị lấy đi cả chiếc ghế ngựa đặt bên trong công sự, rồi thì bàn. Cuối cùng, chỉ còn chiếc thùng cũ là ở lại với công sự theo cái cách như vậy đấy. Tôi đứng bên chiếc thùng cũ, ký ức ùa về. Đồng đội nơi tiền tuyến, họ mới sáng tươi biết chừng nào. Ước gì tất cả chúng tôi hãy còn đây, và tình bạn của chúng tôi sẽ là điều đẹp nhất trên đời. Bao nhiêu khói ngày cũ đã tan rồi. Chiếc thùng cũ han rỉ bị bỏ quên này sẽ không bao giờ còn phải dùng đến nữa… Theo Tạp chí Nhà văn. """