" Chúa Trời của Những Chuyện Vụn Vặt PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chúa Trời của Những Chuyện Vụn Vặt PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo CHÚA TRỜI CỦA NHỮNG CHUYỆN VỤN VẶT Arundhati Roy Making Ebook Project BOOKAHOLIC CLUB Tên sách: CHÚA TRỜI CỦA NHỮNG CHUYỆN VỤN VẶT Nguyên tác: The God of Small Things Tác giả: Arundhati Roy Dịch giả: Thanh Vân Nhà xuất bản: Phụ Nữ Năm xuất bản: 1999 Số trang: 424 Khổ sách: 14 x 20.5 cm Giá bìa: 38.0 đồng Đánh máy: Vinh Hoa, Quỳnh Liên, Hoàng Minh, Thanh Nga, Hồng Nhung, Nguyệt Minh, Thùy Ty, Diễm Thư Kiểm tra: Phương, Nhật Hạ Chế bản ebook: Thảo Đoàn Ngày thực hiện: 13/3/2014 Making Ebook Project #318 - www.Bookaholic.vn Bạn đang đọc ebook CHÚA TRỜI CỦA NHỮNG CHUYỆN VỤN VẶT của tác giả Arundhati Roy do Bookaholic chế bản theo Dự án chế bản Ebook (Making Ebook Project). Mong rằng ebook này sẽ mang đến cho bạn một tác phẩm Văn học hay, giàu giá trị biểu cảm và nhân văn, với chất lượng cao. Chúng tôi luôn cố gắng mang đến những chế bản ebook tốt nhất, nếu trong quá trình chế bản có lỗi sai sót nào mong bạn góp ý và cho chúng tôi biết những ebook mà đang mong muốn. Making Ebook Project của Bookaholic là một hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích mang đến những chế bản ebook hay, có giá trị với chất lượng tốt nhất mà chúng tôi có thể với Cộng đồng đọc - người Việt. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng xin hãy đọc tác phẩm này bằng sách trước hết vì lợi ích cho Nhà xuất bản, bản quyền tác giả và góp phần phát triển xây dựng nền Văn hóa đọc. Hãy chỉ đọc chế bản này trong điện bạn không thể tìm đến ấn phẩm sách. MỤC LỤC GIỚI THIỆU TÁC GIẢ GIỚI THIỆU TÁC PHẨM 1. THIÊN ĐƯỜNG HOA QUẢ DẦM 2. CON NGÀI CỦA PAPPACHI 3. SANG TRỌNG LÀM NGƯỜI LALTAIN, NGHÈO HÈN LÀM NGƯỜI MOMBATTI 4. ABHILASH TALKIES 5. ĐẤT NƯỚC CỦA RIÊNG CHÚA TRỜI 6. NHỮNG CON CANGURU OWE COCHIN 7. NHỮNG CUỐN VỞ BÀI TẬP 8. CHÚC MỪNG SOPHIE MOL CỦA CHÚNG TA VỀ NHÀ 9. BÀ PILLAI, BÀ EAPEN, BÀ RAJAGOPA 10. DÒNG SÔNG TRONG CON THUYỀN 11. CHÚA TRỜI CỦA NHỮNG CHUYỆN VỤN VẶT 12. KOCHU THOMBAN 13. NGƯỜI BI QUAN VÀ NGƯỜI LẠC QUAN 14. LÀM VIỆC LÀ ĐẤU TRANH 15. NGÃ TƯ 16. MẤY GIỜ SAU 17. BẾN CUỐI CỦA CẢNG COCHIN 18. NGÔI NHÀ LỊCH SỬ 19. CỨU AMMU 20. CHUYẾN XE THƯ MADRAS 21. CÁI GIÁ CỦA CUỘC SỐNG I THIỆU TÁC GIẢ Arundhati Roy sinh ngày 24 tháng 11 năm 1961 ở Shillong, Meghalaya thuộc vùng Kerala. Mẹ gốc dân bản xứ Syria theo Thiên chúa giáo nhưng cha lại là người gốc Bengal, theo Ấn giáo và là một chuyên viên trồng trà. Cuộc hôn nhân này đổ vỡ, cô bé Arundhati Roy phải sống với mẹ ở vùng Aymanam. Mẹ cô tuy là một giáo viên nhưng cũng là người tranh đấu xã hội nhiệt thành. Bà sáng lập một ngôi trường độc lập với chính quyền địa phương để giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần tự do, không câu nệ vào những điều cấm kỵ tôn giáo hay văn hóa truyền thống. Từ nhỏ Arundhati Roy đã được giáo dục trong môi trường độc lập tự do như vậy. Mười sáu tuổi cô bỏ nhà ra đi, sống với đám thanh thiếu niên bụi đời trong một căn nhà nhỏ mái tôn ở Dehli, đi bán ve chai kiếm sống và ghi tên theo học Trường Kiến Trúc. Chính tại trường này Arundhati Roy đã thành hôn với kiến trúc sư Gerard Da Cunha. Tuy yêu thích ngành kiến trúc nhưng bà không ở lâu với nghề này. Năm 1984 Arundhati Roy gặp nhà làm phim Pradeep Kishen, và sau lễ thành hôn bà chuyển sang điện ảnh, vừa đóng phim vừa viết và dựng truyện phim và truyền hình.Tuy Arundhati Roy khá thành công nhưng những tác phẩm của bà cũng gây ra nhiều cuộc tranh luận. Chán đời sống xô bồ của giới điện ảnh, năm 1992 Arundhati Roy rời xa giới này và bắt đầu viết The God of Small Things, đến 1996 thì viết xong. Ngay từ những tuần đầu ra mắt, quyển sách đã có số ấn bản bán ra cao ngoài dự tính. Tổng kết trong vòng không đầy 10 năm kể từ năm 1997 là năm cuốn sách được xuất bản đến nay The God of Small Things đã bán được trên 3 triệu quyển (con số ngang ngửa với quyển Trăm Năm Hiu Quạnh của Gabriel Garcia-Marquez) và Arundhati Roy đã được trao giải Booker Prize năm 1998. GII THIỆU TÁC PHẨM Đây là câu chuyện của hai anh em sinh đôi Estha và Rahel. Chỉ có sự ngây thơ tuyệt vời của con trẻ làm chúng cố rập khuôn thời thơ ấu cho phù hợp với những đổ vỡ trong gia đình. Mẹ chúng, Ammu, một phụ nữ xinh đẹp, đáng yêu, sống lẻ loi; đêm đêm chị yêu đàn ông, còn ban ngày yêu các con. Kẻ thù của chúng là Baby Kochamma, nguyên là một nữ tu sĩ phá giới. Và cả một thế giới đầy những lũ ma quỷ, hoa bướm, sâu bọ… của trẻ thơ. Chúng dần hiểu được rằng Sự Việc Có Thể Biến Đổi Chỉ Trong Một Ngày, cuộc sống có thể xo thành những hình dạng quái gở, thậm chí có thể ngừng vĩnh viễn. Bằng trí thông minh và sức quyến rũ đầy ma lực, từ những sự việc trong đời thường tưởng như vụn vặt, Arundhati Roy đã viết nên một cuốn tiểu thuyết đầy những nỗi thống khổ, tuyệt hay và lạ lùng; một cuốn tiểu thuyết về tình yêu, cái chết, về phân biệt đẳng cấp và những xung đột gia đình. Ngay từ khi xuất bản lần đầu, cuốn truyện đã gây nên sóng gió trên văn đàn. Cuốn tiểu thuyết đã được tái bản đến lần thứ bảy và được dịch ra 27 thứ tiếng. Arundhati Roy là một phụ nữ nồng nhiệt, thông minh và sống hết mình. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của chị, cuốn sách đã mang lại cho chị vinh quang và tiền bạc. 1. THIÊN ĐƯỜNG HOA QUẢ DẦM Tháng Năm ở Ayemenem là một tháng nóng nực và ủ ê. Ngày thật dài và ẩm ướt. Dòng sông như co hẹp và sẫm lại vì nhũng cây xoài vui tươi trong những lùm cây xanh lặng lẽ, đầy bụi. Chuối chín vàng ruộm. Những quả mít nở tung. Lũ nhặng xanh vo ve một cách ngớ ngẩn trong không khí nồng nàn mùi trái cây. Rồi chúng đờ ra, đậu vào những tấm kính cửa sổ mà chết, béo mẫm trong ánh mặt trời. Ban đêm trong sáng nhưng thấm đẫm một niềm mong đợi uể oải và rầu rĩ. Nhưng đến đầu tháng Sáu, gió mùa tây nam tắt lặng, ba tháng mùa mưa và ẩm sẫm thay bằng những ngày sáng sủa, nắng lấp lánh làm bọn trẻ con sung sướng chộp lấy chơi đùa. Vùng quê biến thành một mầu xanh lả lơi. Những đường viền mờ đi vì các hàng rào sắn đã bén rễ và tươi tốt. Tường gạch xanh những rêu. Những dây nho ngoằn ngoèo quanh các cột điện. Những cây leo hoang dại bò lan trên bờ sông đá ong và tràn ra cả những con đường sũng nước. Thuyền bè tấp nập ghé vào chợ. Những chú cá nhỏ xuất hiện trong các vũng nước mưa đầy ắp trong các ổ gà trên đường cái. Hôm Rahel trở về Ayemenem, trời mưa tầm tã. Những làn mưa trắng bạc vụt mạnh vào mặt đất xốp, cày tung lên. Một căn nhà cũ kỹ trên sườn đồi, các bậc đã mòn nhẵn, mái nhà sụp xuống đầu hồi trông như một cái mũ đội thấp. Nức tường đầy những vệt rêu trở nên mềm xốp, hơi phồng lên vì nước ẩm rỉ ra từ mặt đất. Khu vườn xanh tươi, đầy những tiếng xào xạc, rì rầm của bao sinh vật nhỏ bé. Ở nơi thưa thớt, một con chuột bò ra cọ mình vào một tảng đá sáng lấp lánh. Những con ếch đực vàng óng sục sạo trong cái ao có váng tìm con cái. Một con cầy ướt sũng chạy vụt qua con đường đầy lá. Căn nhà trông như trống rỗng. Cửa ra vào và các cửa sổ đều đóng kín. Hiên trước trơ trụi. Không hề có một thứ đồ đạc gì. Nhưng một chiếc Plymouth mầu xanh da trời, đuôi xe mầu vàng vẫn đỗ bên ngoài, và Baby Kochamma vẫn còn sống trong nhà. Bà là bà trẻ của Rahel, là em gái của ông ngoại cô. Tên thật của bà là Navomi, Navomi Ipe, nhưng ai cũng gọi bà là Baby. Bà trở thành Baby Kochamma lúc đủ già để làm một bà cô. Song Rahel không đến thăm bà. Chẳng có đứa cháu trai, cháu gái nào lại ảo tưởng mà làm chuyện đó. Rahel đến gặp anh trai cô là Estha. Họ là hai anh em sinh đôi. “Thụ tinh từ hai trứng”, bác sĩ gọi thế. Hai anh em sinh ra riêng rẽ, nhưng từ hai trứng cùng thụ tinh một lúc. Estha - Esthapen - ra đời trước em gái mười tám phút. Estha và Rahel không yêu quý nhau nhiều lắm, ngay từ khi chúng còn là những đứa bé tay chân khẳng khiu, ngực lép kẹp, cũng không có người nào trong số họ hàng hay cười hỏi chúng “Ai đây?” hoặc “Cái gì đây?”. Kể cả Đức Giám mục Nhà thờ Syria thường đến Ngôi nhà Ayemenem tặng đồ quyên góp cũng vậy. Sự mơ hồ còn ẩn sâu đâu đó, tại một nơi bí mật hơn nhiều. Trong những năm ấu thơ vô định, ký ức chỉ mới bắt đầu, lúc cuộc sống đầy những thứ Bắt đầu và không có Kết thúc, mọi vật đều là Vĩnh cửu, Esthapen và Rahel tưởng các em là Tôi riêng rẽ, từng đứa một cũng như Chúng tôi vậy. Và mặc dù các em không giống cặp song sinh hiếm hoi ở Thái Lan, thể chất tuy riêng rẽ nhưng vẫn có nhiều nét chung. Bây giờ, sau từng ấy năm, Rahel nhớ lại một đêm kia đã thức giấc vì tiếng cười khúc khích trong mơ của Estha. Cô còn có nhiều hồi ức nữa mà cô không có quyền có. Cô nhớ đến mùi vị của những chiếc sandwich cà chuachiếc sandwich của Estha, cho Estha ăn - trên chuyến xe thư đến Madras. Tất cả những hồi ức ấy đều là những việc nhỏ nhặt. Dù sao đi nữa, lúc này cô nghĩ về Estha và Rahel là Họ, vì cả hai anh em đã phân tán mỗi người một ngả, chẳng còn là Chúng là hoặc Chúng sẽ là như xưa. Giờ đây, cuộc sống của họ đều đã định hình. Estha có cuộc sống của anh, Rahel có cuộc sống của cô. Những rìa đường, ven vườn, bờ ao, mép vực như một toán quỷ lùn trên đường chân trời của chúng. Những sinh vật lùn đổ bóng dài, đang dạo chơi nơi Giới hạn mờ ảo. Đến đêm rằm, chúng sẽ tụ tập dưới mắt các em, chúng cũng già như Ammu khi chị chết. Ba mươi mốt tuổi. Chưa già. Không trẻ. Nhưng là lứa tuổi có thể chết. Estha và Rahel gần như sinh ra trên một chuyến xe buýt. Chiếc ôtô mà bố chở mẹ Ammu đến bệnh viện Shillong bị hỏng chỗ khúc quành trên đường tại đồn điền chè Assam. Họ bỏ chiếc ôtô lại, vẫy một chiếc xe buýt đầy những khách. Với lòng trắc ẩn kỳ lạ của người nghèo với những người tương đối khấm khá hơn, hoặc có lẽ vì thấy Ammu mang bầu quá lớn, hành khách trên xe đều dịch sát vào nhau, nhường chỗ cho hai vợ chồng. Trên suốt quãng đường còn lại, bố của Estha và Rahel phải đỡ lấy bụng mẹ chúng (có chúng nằm trong) cho khỏi lắc lư. Chuyện đó xẩy ra trước khi họ ly dị và Ammu trở về Kerala. Theo lời Estha, nếu các em sinh ra trên xe buýt, thì suốt đời phải được đi xe không mất tiền. Chẳng biết em lấy cái tin ấy ở đâu ra, hoặc vì sao biết được những điều ấy, nhưng trong suốt nhiều năm hai đứa trẻ sinh đôi ấp ủ một niềm trách móc mơ hồ đối với bố mẹ đã lừa chúng chuyện đi xe Các em còn tin rằng nếu bị ngựa vằn dẫm chết, Chính phủ sẽ trả tiền đám ma cho các em. Chúng có ấn tượng rõ ràng là bị ngựa vằn dẫm nhất định sẽ được thế. Nhưng ở Ayemenem, và thậm chí cả ở Kottayam là thành phố gần đó nhất, chẳng có con ngựa vằn nào chạy qua mà dẫm, nhưng các em đã nhìn thấy mấy con qua cửa kính ôtô lúc đến Cochin, cách đó hai giờ xe chạy. Chính phủ chẳng bao giờ trả tiền cho đám ma Sophie Mol, vì cô bé không bị ngựa vằn dẫm phải. Đám tang cô bé diễn ra tại ngôi nhà thờ cũ kỹ vừa quét vôi lại ở Ayemenem. Em là chị họ của Estha và Rahel, con gái của bác Chacko. Em từ nước Anh sang chơi. Estha và Rahel lên bẩy thì em chết. Sophie Mol mới gần chín tuổi. Em có một quan tài riêng đóng cho trẻ con. Phủ sa tanh Tay cầm bằng đồng óng ánh. Em nằm trong đó, mái tóc buộc một sợi ru băng in những bông hoa chuông mầu vàng, một chiếc túi xinh xắn làm ở Anh mà em ưa thích. Mặt em nhợt nhạt và nhăn nheo như ngón tay cái nhúng nước quá lâu. Cả giáo đoàn tụ tập quanh quan tài, nhà thờ mẩu vàng phình lên như cái cổ họng lúc ngân một bài hát buồn. Các thầy tu đu đưa những bình hương trầm, không mỉm cười với trẻ con lần nào như họ vẫn làm trong ngày Chủ nhật thường lệ. Các ngọn nến cao trên bàn thờ đã cong xuống. Những ngọn nến ngắn đã lụi. Một bà già đóng vai một người họ hàng xa (song chẳng ai nhận ra), luôn có mặt bên thi hài trong các đám tang, thấm nước hoa vào một nùi len rồi nhẹ nhàng và thành kính giơ lên không trung, chấm lên trán Sophie Mol. Sophie Mol thơm phức mùi nước hoa và mùi gỗ quan tài. Margaret Kochamma, mẹ Sophie Mol là người Anh; chị không cho Chacko, bố Sophie Mol vòng tay quanh chị để an ủi. Cả gia đình đứng xúm xít lại với nhau. Marganet, Kochamma, Chacko, Baby Kochamma, và đứng cạnh là bà chị dâu Mammachi, bà ngoại của Estha và Rahel (của cả Sophie Mol nữa). Mammachi sắp lòa hẳn, lúc nào ra khỏi nhà bà cũng đeoính đen. Nước mắt bà chảy xuống sau cặp kính, chạy dài xuống hàm như những giọt mưa rơi trên rìa mái nhà. Trông bà bé nhỏ và ốm yếu trong chiếc sari mẩu trắng ngà nhầu nát. Chacko là con trai duy nhất của Mammachi. Sự thương tiếc của riêng bà làm bà xót xa. Sự thương tiếc của con trai càng làm bà đau đớn. Dù Ammu, Estha và Rahel được phép dự đám tang, họ đứng tách riêng ra một nơi. Chẳng ai nhòm ngó đến ba mẹ con. Trong nhà thờ rất nóng, mép những bông huệ trắng cong lại, quăn lên. Một con ong chết trong bông hoa trên quan tài. Bàn tay Ammu run run, quyển Thánh ca trong tay cũng run theo. Da chị lạnh ngắt. Estha đứng sát bên mẹ, cặp mắt đau đớn sáng lấp lánh như thủy tinh, bên má nóng rực của em tỳ vào làn da trần của cánh tay Ammu đang cầm cuốn Thánh ca, run rẩy. Rahel đứng nép vào tay kia, nhận biết cuộc vật lộn dữ dội, kiệt sức của cô bé với Cuộc sống Thực sự. Em biết rằng Sophie Mol nhận biết được đám tang của em. Em đã chỉ cho Rahel Hai Thứ. Một thứ là cái vòm cao mới sơn của ngôi nhà thờ mầu vàng, mà lúc ở bên trong Rahel chưa thấy. Cái vòm sơn mầu xanh ngắt như bầu trời, có những đám mây trôi bồng bềnh, những chiếc máy bay phản lực xé đám mây, để lại những vệt khói mảnh dẻ. Chắc là nằm trong quan tài nhìn lên dễ hơn là đứng trên chiếc ghế dài trong nhà thờ, xung quanh toàn những bộ mặt buồn bã và những quyển Thánh ca. Rahel tưởng tượng có người chịu khó leo tít lên trên đó, mang theo những hộp sơn, sơn trắng cho mây, xanh biếc cho bầu trời, mầu bạc cho máy bay, và bao nhiêu là chổi sơn nữa. Cô bé hình dung người đó leo lên trên kia, một người giống Velutha, trần trụi và sáng ngời, ngồi trên tấm ván, đu đưa trên giàn giáo trên cái vòm cao ngất của nhà thờ, sơn các máy bay mầu trắng bạc trong bầu trời xanh ngắt. Cô bé tưởng tượng cả chuyện xẩy ra nếu dây bị đứt. Em hình dung ông ta rơi như một ngôi sao tăm tối khỏi bầu trời ông ta làm ra. Ông ta nằm, gẫy nát trên nền nhà thờ nóng bỏng, màu đen sì chẩy từ sọ ra như một điều bí ẩn. Chính lúc đó, Estha và Rahel biết được rằng thế giới này có nhiều cách làm con người ta gẫy, nát. Chúng rất quen thuộc, như các mùi vậy. Mùi ngòn ngọt. Giống những bông hồng già cỗi trong làn gió nh Vật thứ hai mà Sophie Mol chỉ cho Rahel là một con dơi non. Trong lúc tang lễ cử hành, Rahel mải ngắm một con dơi nhỏ mầu đen trèo lên chiếc sari tang đắt tiền của Baby Kochamma, nhẹ nhàng bám bằng những móng cong veo. Lúc nó leo lên đến chỗ giữa sari và tà áo quấn của bà, cái bụng trần của bà đang cuồn cuộn vì buồn bã, Baby Kochamma hét lên và lấy quyển Thánh ca đập túi bụi vào không khí. Tiếng hát ngừng vì những tiếng xôn xao: “Cái gì thế? Có chuyện gì đấy?”, tiếng lông thú quay cuồng, sari bay phần phật. Những thầy tu buồn bã đưa ngón tay đeo nhẫn vàng phủi bụi trên đám râu cong vắt, cứ như có những con nhện đang nấp, bất thình lình mệt lử giữa đám tơ nhện. Con dơi non bay vụt lên trời và biến thành một chiếc máy bay không có đuôi là vệt khói. Chỉ mình Rahel biết cú nhào lộn bí mật của Sophie Mol trong quan tài. Điệu hát buồn lại bắt đầu, họ hát những câu thơ buồn đến hai lần. Và ngôi nhà thờ mầu vàng lại phồng lên giống như cái cổ họng vì những giọng ca. Lúc họ hạ quan tài của Sophie Mol vào lòng đất trong nghĩa trang đằng sau nhà thờ, Rahel biết rằng cô bé vẫn chưa chết. Em nghe thấy (nhân danh Sophie Mol), tiếng nhão nhoét của lớp bùn mầu đỏ và tiếng khô đanh của đá ong mầu vàng làm hỏng cả nước sơn bóng loáng của quan tài. Qua lớp gỗ quan tài sơn bóng loáng của quan tài, cô bé nghe thấy những tiếng huỵch đều đều. Những giọng hát buồn bã của các thầy tu bị nghẹt vì bùn và gỗ: Chúng tôi giao phó vào bàn tay người, Đức Chúa Cha nhân từ nhất, Linh hồn đứa con của chúng tôi đã từ giã cõi đời, Chúng tôi trao gửi thể xác cô bé vào trong lòng đất, Đất về với đất, cát bụi trở về với cát bụi. Trong lòng Sophie Mol hét lên, dùng răng xé vụn lớp sa tanh. Nhưng không ai nghe thấy tiếng hét của cô bé xuyên qua lớp đất và đá. Sophie Mol chết vì không thể thở được nữa. Đám ma của em đã giết chết em. Đất về với đất với đất với đất. Trên tấm bia viết Một tia nắng đến với chúng ta quá ngắn ngủi. Sau này Ammu giải thích rằng quá ngắn ngủi nghĩa là chỉ trong chốc lát. Sau đám tang, Ammu đưa hai đứa con sinh đôi đến Đồn cảnh sát Kottayam. Chúng đã quen với chỗ này. Trước kia, chúng đã từng có những lúc vui vẻ nơi đó. Đoán trước mùi nước tiểu lâu ngày khai nồng thấm vào các bức tường, cả ba mẹ con đã nút chặt lỗ mũi trước khi ngửi thấy. Ammu hỏi thăm Phòng làm việc của Trưởng đồn, khi được dẫn vào đó, chị nói với ông ta là có một nhầm lẫn nghiêm trọng và chị có điều muốn trình bầy. Chị xin gặp Velutha. Hàng ria mép của Thanh tra Thomas Mathew động đậy rối rít giống như Maharajah của hãng Hàng không Ấn Độ, nhưng cặp mắt gã trông quỷ quyệt và tham lam. - Chuyện này có vẻ hơi muộn quá, cô thấy không? - gã nói. Gã nói thổ ngữ Malayalam, giọng Kottayam thô lỗ. Trong lúc nói, gã cứ nhìn chằm chặp vào ngực Ammu. Gã nói cảnh sát biết tất cả những gì cần biết, và cảnh sát Kottayam không cần phải nghe lời giãi bầy của một veshyas hoặc của những đứa con bất hợp pháp. Ammu nói chị đã thấy điều đấy. Thanh tra Thomas Mathew đi vòng quanh bàn, ve vẩy dùi cui đến sát Ammu. - Nếu tôi là cô - gã nói - tôi sẽ im miệng mà về nhà - Rồi gã lấy dùi cui vỗ nhẹ vào ngực Ammu. Vỗ, vỗ nữa. Cứ như gã đang chọn xoài trong giỏ. Đang vạch ra những quả gã ưng để gói lại và mang đi. Thanh tra Thomas Mathew dường như rất hiểu gã có thể vỗ ai và không thể vỗ vào ai. Cảnh sát vốn có bản năng đó. Đằng sau gã, một tấm biển xanh, đỏ viết: L Tuân lệnh Trung thành Thông minh Nhã nhặn Hiệu quả Lúc rời đồn cảnh sát, Ammu khóc nên Estha và Rahel không dám hỏi veshya nghĩa là gì. Cả bất hợp pháp nữa. Đây là lần đầu tiên các em thấy mẹ khóc. Chị không nức nở. Khuôn mặt chị rắn lại như đá, nhưng những giọt nước mắt trào ra khỏi mắt và chẩy dài xuống đôi má rắn rỏi. Nó làm cho hai đứa trẻ sinh đôi sợ phát khiếp. Những giọt nước mắt của Ammu làm cho mọi vật cho đến tận bây giờ như thực, như hư. Ba mẹ con về Ayemenem bằng xe buýt. Người soát vé, một người đàn ông gầy gò mặc đồ kaki, len đến trước họ, trên chỗ tay vịn. Ông ta dựa cái hông xương xẩu vào lưng ghế và bóp cái kéo bấm vé lách tách với Ammu. Đi đâu? Tiếng lách cách có nghĩa như thế, Rahel có thể ngửi thấy mùi nắm vé xe và mùi chua chua của thanh vịn trên bàn tay ông ta. - Anh ấy chết rồi - Ammu thì thào với ông ta - Tôi đã giết chết anh ấy. - Ayemenem - Estha nói nhanh, trước khi ông ta nổi nóng. Cậu bé rút tiền trong ví Ammu, người bán vé đưa vé cho em. Estha gấp vé lại cẩn thận rồi nhét vào túi. Rồi em vòng đôi tay nhỏ bé quanh người mẹ cứng cỏi đang khóc nức nở của em. Hai tuần sau, Estha được gửi trả lại. Ammu đã gửi em đến cho bố em, hiện đã bỏ đồn điền trồng chè lẻ loi ở Assam và chuyển đến Calcutta làm cho một công ty sản xuất giấy than. Anh đã tái hôn, bỏ rượu (nhiều hơn hoặc ít hơn), và thỉnh thoảng mới rơi vào cảnh nghiệ Từ dạo đó Estha và Rahel không gặp nhau nữa. Giờ đây, sau hai mươi ba năm, bố họ lại gửi Estha về lần nữa. Ông gửi anh về Ayemenem, kèm theo một cái vali và một bức thư. Chiếc vali đầy ắp những quần áo mới rất diện. Baby Kochamma đưa bức thư cho Rahel. Bức thư viết bằng lối chữ nghiêng nghiêng, do một bàn tay đàn bà trường tu nữ viết, nhưng chữ ký bên dưới là của ông bố. Hoặc ít nhất là tên của bố họ. Rahel không còn nhận ra chữ ký. Bức thư viết rằng bố của họ đã nghỉ hưu ở nhà máy làm giấy than và di cư sang Australia, làm Trưởng ban Bảo vệ cho một nhà máy đồ gốm. Ông không thể đưa Estha đi cùng. Ông chúc mọi người ở Ayemenem mọi điều tốt lành và nói nếu có dịp về Ấn Độ, ông sẽ ghé thăm Estha, nhưng ít có khả năng ấy lắm. Baby Kochamma bảo Rahel có thể giữ lấy bức thư đó nếu cô muốn. Rahel cho thư vào phong bì. Tờ giấy rất mềm, gập lại như vải vậy. Cô đã quên hẳn bầu không khí trong mùa mưa ẩm ướt đến như thế nào ở Ayemenem. Chiếc tủ quần áo phồng lên kêu cọt kẹt. Những cánh cửa sổ cài chặt bật tung. Những quyển sách mềm oặt, cong queo giữa các tờ bìa. Những quyển sách mềm oặt, cong queo giữa các tờ bìa. Những loại côn trùng lạ lùng xuất hiện, y hệt những ý nghĩ nẩy ra ban đêm, và cháy trên bóng đèn 40W lờ mờ của Baby Kochamma. Ban ngày, xác chúng khô ròn, quăn tít rơi đầy sàn nhà và trên rèm cửa sổ, cho đến lúc Kochu Maria quét chúng vào cái hót rác nhựa, không khí nặc mùi khét. Chẳng có gì thay đổi, trời mưa tháng Sáu. Trời đã mở cửa, nước trút xuống làm cái giếng cổ trơ trơ như sống lại, chuồng lợn rỗng không xanh những rêu, những vũng nước mầu vàng làm ta liên tưởng đến những hố bom. Thảm cỏ xanh tươi và thỏa thuê. Mặt đất vui tươi phủ một lớp bùn loãng mầu đỏ tía. Những cây tầm ma mầu xanh gật gù. Các cây to cong oằn xuống. Xa hơn nữa, trong gió và mưa, trên bờ sông, trong bóng tối đen của sấm sét ban ngày, Estha đang đi dạo. Anh mặc một chiếc áo sơ mi cộc tay mầu dâu chín, lúc này ướt đẫm nên trông càng sẫm mầu hơn, anh biết Rahel đã đến. Estha là một đứa trẻ lúc nào cũng lặng lẽ, không một ai biết chính xác em ít nói đến đâu và lúc nào em không nói (là năm, nếu không là tháng hoặc ngày). Đó là chuyện em không nói hoàn toàn. Thực ra thì không phải “chính xác là bao giờ”. Nó như một cánh cửa hạ xuống từ từ rồi đóng hẳn lại. Một sự kín đáo rất dễ nhận thấy. Dù sao, em chỉ tránh chuyện trò và bỏ đi không nói gì. Sự im lặng của Estha chẳng làm phiền ai. Không bao giờ bắt người khác chịu đựng mình. Không bao giờ ồn ào. Không một lời kết tội, phản đối sự im lặng, cứ như một dạng ngủ hè, một loại cân bằng tâm lý của loại cá thở bằng phổi, tự tìm cho mình cách sống qua mùa khô, trừ một điều trong trường hợp của Estha là mùa khô có vẻ như kéo dài vĩnh viễn. Càng ngày Estha càng có khả năng hòa nhập vào tình trạng trầm lặng ở bất cứ nơi nào có em - vào giá sách, khu vườn, rèm che, cửa ra vào, đường phố - không hề bị kích động, hầu như những con mắt không có kinh nghiệm không thể nhận ra. Nó thường làm cho người lạ thoáng chú ý đến em, lúc họ ở cùng phòng với em. Họ càng chú ý em nhiều hơn vì em không bao giờ nói. Một vài người lại chẳng hề chú ý gì hết. Estha chiếm một chỗ hết sức nhỏ bé trên cõi đời này. Sau đám tang Sophie Mol, khi Estha được gửi trả về, bố chúng gửi em đến một trường nam sinh ở Calcutta. Em không phải là một học sinh xuất sắc, nhưng cũng không kém, không có khuyết điểm gì nổi bật. Một học sinh trung bình hoặc Đạt yêu cầu là những lời nhận xét thường lệ mà các giáo viên ghi trong Sổ liên lạc hàng năm. Không tham gia các hoạt động của nhóm là lời phàn nàn lặp đi lặp lại. Mặc dù “hoạt động của nhóm” chính xác là gì thì không nói tới. Estha tốt nghiệp trung học với kết quả xoàng xĩnh, nhưng từ chối không vào trường cao đẳng. Thay vào đó, trước sự ngỡ ngàng của bố và mẹ kế, cậu bắt đầu làm mọi việc trong nhà. Cậu cố kiếm sống theo cách của mình. Cậu quét tước, lau sàn, giặt giũ. Cậu học nấu ăn, mua rau. Những người bán hàng trong chợ ngồi sau núi rau quả rực rỡ, nhanh chóng nhận ra cậu và phục vụ cậu trong tiếng ầm ĩ của các khách hàng khác. Họ cho cậu những cái hộp đựng phim đã rỉ sét, trong để những thứ rau cậu đã chọn. Cậu không bao giờ mặc cả.Họ không bao giờ lừa gạt cậu. Lúc cân rau và trả tiền xong, họ xếp vào cái giỏ đi chợ bằng nhựa đỏ của cậu (hành tây để dưới, rau và cà chua để bên trên), bao giờ họ cũng cho thêm một cành rau thơm và nắm ớt xanh. Estha mang chúng về nhà, đi một chuyến xiện chật ních. Một cái bong bóng lặng lẽ nổi trên một biển tiếng ồn. Trong bữa ăn, nếu muốn thứ gì đó, cậu đứng dậy tự lấy cho mình. Một khi sự lặng lẽ đã đến, nó lưu lại và lan tỏa trong con người Estha. Nó lên đến đầu, len vào các nếp gấp trong não. Nó yên vị trong nhịp đập của trái tim, từ trong bào thai. Nó lén lút lan thành nhiều nhánh trong hộp sọ, lau sạch những hồi ức, đánh bật những câu xưa cũ, quét chúng khỏi đầu lưỡi. Nó vắt cạn những suy nghĩ về từ ngữ miêu tả chúng, để chúng bóc trần, trơ trụi. Không sao nói được. Câm lặng. Chầm chậm, qua bao nhiêu năm. Estha xa lánh dần mọi người. Cậu quen dần với con mực phiền phức sống trong lòng cậu, phun những luồng mực đen sì phủ kín quá khứ. Dần dà, lý do im lặng của cậu càng được che giấu, chôn vùi tận một nơi sâu kín trong cuộc sống thực tế. Khi Kubchand, con chó lai yêu quý, mù lòa, trọc lóc, mười bẩy tuổi quyết chọn một cái chết khốn khổ, vật vã, Estha đã chăm chút nó suốt trong những thử thách cuối cùng, cứ như cuộc sống riêng của cậu phụ thuộc vào điều đó. Vào cái lúc Kubchand nằm chết trên tấm nệm, một con chim bay vụt qua. Với Estha - thấm đẫm mùi hoa hồng già nua, những hồi ức kinh khủng về một người gẫy vỡ - sự thật là một cái gì đó thật mong manh, dịu dàng đến mức khó chịu đựng nổi đã sống sót, nó được phép tồn tại là một điều thật kỳ diệu. Sau khi Kubchand chết, Estha bắt đầu những cuộc dạo chơi. Cậu đi dạo nhiều giờ mới thôi. Hồi đầu, cậu chỉ dạo chơi ở những khu vực lân cận, rồi dần dà cứ đi xa mãi, xa mãi về phía cánh đồng. Bà con đã quen nhìn thấy cậu trên đường. Một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, với dáng đi lặng lẽ. Bộ mặt cậu ngày càng sạm nắng vì ở ngoài trời. Gồ ghề. Đầy nếp nhăn vì ánh mặt trời. Trông cậu bắt đầu từng trải hơn thực. Giống như một ngư dân trong thành phố. Với bao điều bí mật của biển cả trong lòng. Giờ đây, trở lại lần nữa, Estha đi dạo khắp Ayemenem. Có những ngày, anh đi dạo bờ sông sặc mùi rác rưởi, mùi thuốc trừ mua bằng tiền vay Ngân hàng Thế giới. Phần lớn cá bị chết. Những con sống sót đều mục vây, khi luộc bị gẫy tan. Những ngày khác anh đi xuôi con đường. Đi qua những căn nhà mới, đầy mùi bánh nướng còn mới, mát mẻ, xây cho các y tá, thợ nề, những người thợ uốn dây và các nhân viên ngân hàng đang làm việc vất vả, khó nhọc ở những nơi xa. Qua những căn nhà cổ hơn, mầu xanh nhạt, nép mình bên đường xe giữa những cây cao su của tư nhân. Mỗi một thái ấp đang lung lay có một thiên anh hùng ca của riêng mình. Anh đi qua ngôi trường làng do cụ cố xây cho trẻ em nghèo. Qua ngôi ngà thờ mầu vàng của Sophie Mol. Qua câu lạc bộ Kung Fu trẻ ở Ayemenem, Qua Trường Đồng Ấu cho trẻ em, qua cửa hàng thực phẩm bán gạo, đường, và những buồng chuối chín vàng treo từ mái nhà xuống. Những tạp chí khiêu dâm rẻ tiền treo lủng lẳng trên những sợi dây bằng các cặp quần áo, làm cho những khách mua hàng lương thiện thèm thuồng liếc vội hình ảnh những phụ nữ ngon mắt, trần truồng nằm trong các vũng máu giống y như thật. Sáng sáng, Pillai đi ra ngoài, mặc áo vét mầu xám, hình dáng cái bụng căng tròn nổi lên trên mundu mầu trắng, mềm mại. Ông tự xoa bóp lớp thịt già nua, lỏng ra khỏi xương, giống như kẹo cao su bằng loại dầu dừa ấm. Ông hiện đang sống một mình. Bà Kalyani vợ ông đã mất vì bệnh ung thư buồng trứng. Con trai anh, Lenin, đã chuyển đến Dehli làm thầu khoán các dịch vụ cho các tòa đại sứ nước ngoài. Nếu lúc Pillai đang xoa dầu ở ngoài nhà mà Estha đi dạo qua, ông luôn giơ ngón tay chào anh. - Estha Mon! - ông gọi bằng cái giọng vốn cao vút lanh lảnh nay đã xơ, mòn như cây mía bị nhai chỉ còn bã - Chào cậu! Cậu đi dạo đấy ư? Estha bước qua, không láo xược, cũng không lễ phép. Chỉ lặng lẽ. Pillai vỗ khắp người cho máu lưu thông. Ông không thể biết sau từng ấy năm, Estha có nhận ra ông hay không. Ông chẳng để ý đến chuyện đó. Pillai bản chất là một người hoạt động chính trị. Một người bất tín chuyên nghiệp. Ông ta đi qua cuộc đời này như một kẻ hoạt đầu. Không bao giờ lộ mình, không b xuất đầu lộ diện. Thoát khỏi mọi sự hỗn loạn mà không hề bị tổn thương. Ông ta là người đầu tiên nghe tin Rahel trở về. Tin tức chằng làm ông xao xuyến trừ khi kích thích óc tò mò của ông. Estha gần như là một người hoàn toàn xa lạ với Pillai. Cậu bị đưa khỏi Ayemenem đột ngột và chằng có nghi thức gì từ rất lâu rồi. Nhưng Pillai biết Rahel rất rõ. Ông đã thấy cô lớn lên. Ông băn khoăn không biết chuyện gì làm cô trở về đây. Sau chừng ấy năm trời đằng đẵng. Lúc Rahel tới, đầu óc Estha vẫn hoàn toàn tĩnh lặng. Nhưng cô tới, mang theo tiếng xe lửa chạy qua, ánh sáng và bóng đổ lên người nếu anh ngồi bên cửa sổ. Cái thế giới đã khóa chặt từ nhiều năm nay đột nhiên ùa vào, làm lúc này Estha không thể lắng nghe bản thân mình vì những tiếng huyên náo. Tầu hỏa. Xe cộ. Âm nhạc. Chợ đen. Đập ngăn bị vỡ, luồng nước man rợ cuốn mọi thứ trong cơn lốc xoáy. Những ngôi sao chổi, những tiếng đàn viôlông, những cuộc biểu tình, sự lẻ loi, những đám mây trời, những lưỡi câu, những người cuồng tín, bản danh sách, những lá cờ, những trận động đất, nỗi tuyệt vọng, tất cả quay tròn trong cơn gió lốc. Còn Estha đang đi dạo trên bờ sông, không thể cảm thấy sự ẩm sẫm của cơn mưa, hoặc cơn rùng mình bất chợt của chú cún con lạnh run đang theo anh chạy lép nhép bên cạnh. Anh đi qua một cây măng cụt già và leo lên mép một doi đá ong nhô ra trên sông. Anh ngồi xổm, đu đưa trong mưa. Bùn ướt dưới giầy anh tạo thành những tiếng khiếm nhã. Con cún rét cóng run rẩy và đứng nhìn. Baby Kochamma và Kochu Maria, người nấu bếp nhỏ bé, tính tình khó chịu, nóng nẩy, là những người duy nhất còn lại ở Ayemenem khi Estha trở về lần nữa. Bà ngoại Mammachi đã chết. Bác Chacko hiện sống ở Canada, buôn bán đồ cổ không mấy thành công. Còn Rahel nữa chứ. Sau khi Ammu chết (sau lần cuối cùng trở về Ayemenem, sưng phù vì cortisone và một tiếng nấc hấp hối trong lồng ngực, giống như tiếng gọi một người ở xa), Rahel cũng trôi giạt đi. Từ trường này đến trường khác. Những ngày nghỉ, cô bé về Ayemenem, Chacko và Mammachi chẳng hề nhòm ngó gì đến em (nhược cả người vì thương tiếc, suy sụp vì mất mát giống như một cặp say trong quán rượu toddy). Chacko và Mammachi cố để ý đến những thứ liên quan đến Rahel, nhưng không thể. Họ chăm nom em (đồ ăn, thức mặc, tiền tiêu vặt), nhưng không âu yếm. Sự mất mát của Sophie Mol cứ lẳng lặng dạo quanh ngôi nhà ở Ayemenem, giống như một vật êm ả lọt vào trong bít tất. Nó ẩn trong các cuốn sách và thức ăn. Trong hộp đàn viôlông của Mammachi. Trong những lớp vảy ở chỗ đau của Chacko làm bác luôn than phiền. Trên đôi chân yếu đuối như phụ nữ của bác. Thỉnh thoảng vì tò mò, em thấy hồi ức về những người đã chết còn dai dẳng hơn cả chính cuộc đời họ. Qua nhiều năm, những kỷ niệm về Sophie Mol (là người luôn hỏi những câu như: Những con chim già chết ở đâu? Tại sao chim chết không rơi như những hòn đá từ trên trời xuống? Là người báo trước một thực tế khắc nghiệt: Cả hai em là người nước ngoài hoàn toàn, còn chị chỉ là một nửa thôi. Nhớ đến một cảnh máu me chết chóc: Chị nhìn thấy một người bị tai nạn, tròng mắt cứ chạy lên chạy xuống như một cái yo-yo[1]cứ nhạt nhòa dần, song việc mất Sophie Mol vẫn mạnh mẽ và sống động. Nó luôn còn đấy. Giống như một trái cây theo mùa. Từng mùa một. Thường trực như công việc của Chính phủ. Nó theo Rahel suốt thời niên thiếu (từ trường này đến trường khác) đến lúc trưởng thành. Năm mười một tuổi, Rahel là người đầu tiên bị ghi vào sổ đen của trường Nữ tu Nazareth, lúc em bị bắt gặp đang cắm những bông hoa nhỏ xíu lên một đống phân bò bên ngoài cổng vườn của bà quản gia. Sáng hôm sau, tại Hội đồng, em phải tìm chữ hư hỏng trong từ điển Oxford và đọc to nghĩa lên: “Đặc điểm và hoàn cảnh thành người hư hỏng hoặc đồi bại”. Rahel đọc, một hàng các tu nữ miệng mím chặt ngồi sau em và một biển những khuôn mặt các nữ sinh đang cười thầm trước mặt em. “Đặc điểm của hư hỏng: trái với đạo đức. Sự đồi bại bẩm sinh của bản chất con người bắt nguồn từ tội lỗi. Dù có chọn lọc hay không, khi ra đời những kẻ như vậy bị người đời và Chúa ghét bỏ, và có thể chẳng làm được gì ngoài tội lỗi. J.H.Blunt”. Sáu tháng sau, cô bé bị đuổi khỏi trường sau khi bị các nữ sinh lớn phàn nàn. Em bị buộc tội (mà đúng thế thật) là trốn sau cửa và cố tình gây gổ với các nữ sinh lớn. Lúc bà Hiệu trưởng tra hỏi về hành vi của em (bằng cả phỉnh phờ, roi vọt, bỏ đói), cuối cùng em thừa nhận làm thế để xem bộ ngực có bị thương không. Trong một tổ chức Công giáo như thế, không được biết đến bộ ngực. Chúng vẫn được coi là không tồn tại, thì làm sao có thể bị thương Đó là lần đầu tiên trong ba lần bị đuổi học. Lần thứ hai vì hút thuốc lá. Lần thứ ba vì đốt mớ tóc giả của bà Quản gia, và bị truy ép, Rahel thú nhận đã lấy cắp. Tại một trong những trường em học, các giáo viên đã ghi rằng em là: a/ Một đứa trẻ lễ phép thái quá. b/ Không có bạn bè. Hình như đó là một dạng lễ phép, đơn độc của đồi bại. Và chính vì lý do này, tất cả đều nhất trí rằng phải nghiêm khắc hơn nữa (đúng kiểu chê bai của giáo viên, họ thích thú thêm thắt, nếm náp như với một cái kẹo). Đó là điều người nọ thì thào với người kia, tuy em chẳng biết làm một cô gái phải ra sao nữa. Họ không nhận xét gì thêm. Lạ lùng thay, sự bỏ lơ ấy đã làm tinh thần thư thái lên nhiều. Rahel lớn lên, chẳng được chỉ bảo tường tận. Chẳng có người nào thu xếp cuộc hôn nhân cho cô. Chẳng ai cho cô một món hồi môn, nên chẳng thấy bóng dáng một vị hôn phu nào sắp xuất hiện. Vì thế chừng nào cô còn chưa náo động vì việc đó, cô còn thoải mái vì những câu hỏi của riêng mình: về bộ ngực và liệu có bị thương tổn không. Về bộ tóc giả và đốt ra sao. Về cuộc sống và sống như thế nào. Khi học xong trung học, cô vào một trường Đại học Kiến trúc ở Delhi. Chẳng phải vì cô say mê gì kiến trúc. Thật ra, cô hiểu về ngành này rất hời hợt. Chẳng qua cô tình cờ thi vào và thi đỗ. Các giáo viên có ấn tượng vì quy mô bức phác thảo bằng chì than của cô (rất lớn) hơn là vì kỹ năng. Những đường nét vô tư và mạnh bạo không gây được lòng tin về nghệ thuật, vì thực ra người sáng tạo ra chúng đâu phải là nghệ sĩ. Cô mất tám năm trong trường đại học, hết năm năm cô không tốt nghiệp và nhận bằng. Học phí thấp và tằn tiện để sống không khó khăn gì, ở ký túc xá, ăn bằng tiền phụ cấp sinh viên, rất ít đến lớp. Thay vào đó là đi làm thuê cho những công ty kiến trúc ảm đạm, bóc lột lao động của sinh viên thật rẻ mạt, bắt họ nộp những bản phác thảo và chịu trách nhiệm nếu bị hỏng. Các sinh viên khác, nhất là nam sinh viên, bị tính bướng bỉnh gần như dữ tợn của Rahel đe dọa nên không dám đến gần. Họ để mặc cô một mình. Họ không bao giờ mời cô đến những căn nhà xinh đẹp của họ hoặc đến những bữa tiệc ồn ào. Ngay cả các giáo viên cũng cảnh giác với cô vì tính khí kỳ dị, vì những đồ án xây dựng không thực tế vẽ trên loại giấy rẻ tiền mầu nâu của cô, vì sự thờ ơ với những lời phê phán của các thầy giáo. Thình thoảng cô viết thư cho Chacko và Mammachi, nhưng chưa lần nào trở về Ayemenem. Cô không về lúc bà Mammachi mất. Khi bác Chacko di cư sang Canada, cũng không nốt. Trong thời gian ở Trường kiến trúc, cô gặp Larry McCaslin. Anh đến Delhi thu thập tài liệu cho luận án tiến sĩ của anh, nhan đề “Hiệu suất năng lượng trong kiến trúc bản xứ”. Lần đầu tiên anh chú ý đến Rahel trong thư viện trường rồi vài ngày sau gặp cô lần nữa tại chợ Khan. Cô mặc quần bò và áo phông. Một mảnh khăn trải giường chắp vá, cài khuy quanh cổ và trải dài như một cái áo choàng không tay. Mớ tóc ngang ngược của cô buộc ra sau trông thẳng tuột dù không phải thế. Một viên kim cương xinh xắn lấp lánh bên lỗ mũi. Cô có cặp xương đòn đẹp đến vô lý và một kiểu đi khỏe khoắn, dễ thương. Cứ như theo nhịp jazz, Larry McCaslin thầm nghĩ, và theo cô vào một hiệu sách, ở đó cả hai chẳng nhìn ngó gì đến các quyển sách. Rahel bị cuốn đến hôn nhân giống như một hành khách tiến thẳng đến một ghế trống trong khoang máy bay. Với cảm giác Phải Ngồi Xuống. Cô về Boston cùng anh. Lúc Larry vòng tay ôm vợ, má cô tựa vào ngực anh, anh đủ cao để nhìn thấy đỉnh đầu cô, mớ tóc đen rối bù của cô. Lúc đặt ngón tay lên khóe miệng cô, anh có thể cảm thấy mạch đập nhẹ nhàng. Anh yêu chỗ đó. Mạch cô đập khẽ, nẩy không đều, ngay dưới làn da. Anh những muốn sờ vào đó, lắng nghe theo dõi, như một người cha đang mong đợi cảm thấy đứa con chưa ra đời đạp trong bụng m Anh nâng niu cô như thể cô là một món quà tặng. Đến tay anh vì tình yêu. Một thứ yên bình và nhỏ bé. Một báu vật không sao đánh giá nổi. Nhưng khi họ làm tình, anh khó chịu vì đôi mắt cô. Cứ như thể chúng là của một người khác. Một người nào đó đang ngắm nhìn. Nhìn qua cửa sổ ra biển khơi. Nhìn một con thuyền trên sông. Hoặc một người đội mũ đi trong sương mù. Anh càng cáu tiết hơn vì anh không biết vẻ nhìn ấy có nghĩa gì. Anh cho là nó vừa tuyệt vọng vừa thờ ơ. Anh không biết rằng có những nơi như đất nước của Rahel, có nhiều loại tuyệt vọng tranh nhau đứng đầu. Và nỗi thất vọng của cá nhân có thể không bao giờ là đủ. Nó là một thứ diễn ra khi sự rối loạn cá nhân rớt xuống bên lề một nơi linh thiêng của những khoảng không bao la, của sự dữ dội, cuộc tuần hoàn, cuộc săn đuổi, sự lố bịch, sự điên cuồng, sự bất tiện, sự rối loạn công khai của một quốc gia. Thần tham vọng rú lên như một luồng gió nóng, đòi được phục tùng. Rồi Thần Khiêm tốn (thân thiết và dè dặt, kín đáo và hạn chế) bỏ đi, bật cười tê giá vì sự táo gan của Thần Tham vọng. Đã quen với sự vô lý của vị thần đó, Thần Khiêm tốn trở nên hững hờ và thực sự trung lập. Chẳng có gì quan trọng quá. Chẳng có gì quá quan trọng. Ngày càng ít việc quan trọng, ngày càng ít đi. Chẳng bao giờ còn đủ tầm quan trọng nữa. Vì những việc tệ hơn đã xẩy ra. Trong đất nước của Rahel, muôn đời lơ lửng giữa nỗi khiếp sợ chiến tranh và căm ghét hòa bình, Những điều Tệ hơn vẫn diễn ra. Vì thế Thần Khiêm tốn cười giả dối và vui vẻ bỏ đi. Giống như một cậu bé nhà giầu mặc xoóc. Cậu ta vừa huýt sáo vừa đá những hòn sỏi. Nguồn gốc sự vui tươi dễ tắt là do cậu tương đối ít gặp bất hạnh. Cậu lọt vào mắt con người và trở thành một vẻ làm người ta giận điên lên được. Điều Larry McCaslin thấy trong mắt Rahel nói chung không phải là sự tuyệt vọng, mà là một thái độ lạc quan gượng ép. Và vẻ không thật trong những lời của Rahel cũng thế. Anh không thể hiểu được chuyện đó. Rằng sự trống rỗng trong người này chỉ là một kiểu lặng lẽ trong người kia của hai anh em sinh đôi. Rằng hai việc đó thật trùng khít nhau. Giống như một chồng thìa. Như thân xác của những người đang yêu quấn quýt nhau. Sau khi ly hôn, Rahel làm hầu bàn trong một khách sạn Ấn Độ ở New York trong vài tháng. Rồi làm nhân viên bán hàng đêm, ngồi trong một phòng nhỏ đạn bắn không thủng tại một trạm xăng dầu ở ngoại ô Washington. Thỉnh thoảng những kẻ say rượu nôn cả vào khay đựng tiền, và những tên ma cô gạ gẫm cô làm một nghề lời lãi hơn. Hai lần cô thấy những kẻ bắn qua cửa xe ô tô, và một lần một người bị đâm, lao ra khỏi xe đang chạy, một con dao cắm trên lưng. Đúng thời gian đó, Baby Kochamma viết thư kể Estha đã trở về lần nữa. Rahel bèn bỏ việc ở trạm xăng dầu và vui sướng rời nước Mỹ. Cô trở về Ayemenem. Về với Estha trong mưa. Trong ngôi nhà cũ trên đồi, Baby Kochamma ngồi bên chiếc bàn ăn, đang gọt lớp vỏ dầy, sần sùi, đắng nghét của một quả dưa chuột già. Bà mặc một chiếc áo choàng ngủ mềm mại bằng loại vải kẻ carô mầu vàng nghệ, tay áo phồng lên. Đôi chân bé nhỏ của bà đung đưa dưới gầm bàn như một đứa bé ngồi trên ghế cao. Chúng sưng phồng lên vì bị phù, hệt như những cái đệm hơi hình bàn chân. Ngày xưa, bất cứ lúc nào có người đến Ayemenem, Baby Konchamma cũng tỏ ra ngạc nhiên vì đôi chân to lớn của họ. Bà xin đi thử dép của họ rồi nói: - Xem này, tôi đi rộng quá! - rồi bà đi quanh nhà, hơi nhấc sari lên để mọi người có thể ngạc nhiên vì đôi chân xinh xắn của bà. Bà gọt dưa, vẻ đắc thắng ngấm ngầm. Bà hài lòng thấy Estha không nói năng gì với Rahel. Anh nhìn cô rồi đi qua. Như vẫn thế với mọi người. Bà đã tám mươi ba tuổi. Cặp mắt bà dãn rộng như một miếng bơ sau cặp kính dầy. - Bà đã nói với cháu rồi cơ mà? - Bà nói với Rahel - Cháu muốn gì nữa? Muốn đối xử đặc biệt chăng? Bà đã bảo cháu là nó mất trí rồi! Nó không nhận ra ai nữa! Cháu tưởng gì nữa? Rahel chẳng nói gì. Cô có thể cảm thấy nhịp đu đưa của Estha, sự ẩm ướt trên da anh. Cô có thể nghe thấy cái thế giới khàn khàn, hỗn loạn trong đầu anh. Baby Kochamma khó chịu ngước nhìn Rahel. Bà tiếc đã viết cho cô về chuyện Estha trở lại. Nhưng lúc này, bà còn biết làm gì nữa? Bà muốn giữ anh trong tay đến hết đời sao? Tại sao lại là bà? Anh không thuộc trách nhiệm của bà. Hay anh muốn thế? Sự im lặng giữa cô cháu gái và bà giống như một người thứ ba. Một người lạ. Sưng phồng. Độc địa, Baby Konchamma tự nhắc mình ban đêm phải khóa cửa phòng ngủ lại. Bà cố nghĩ ra một câu gì để nói. - Cháu có thích kiểu tóc ngắn của bà không? Bà đưa tay cầm dưa lên sờ vào mái tóc mới cắt của bà. Bà làm rớt một giọt nhựa ra phía sau. Rahel chẳng nghĩ ra điều gì mà nói. Cô ngắm Baby Konchamma gọt dưa. Những mảnh vỏ dưa màu vàng bắn vào lòng bà. Tóc bà nhuộm đen nhánh, chải vắt qua da đầu như mớ chỉ cuốn vào lõi. Thuốc nhuộm dây trên trán một vệt xám nhạt như một dây tóc mờ. Rahel chú ý thấy bà trang điểm cầu kỳ. Son môi. Phấn mắt. Một chút phấn hồng kín đáo. Và do ngôi nhà khóa kín, tối mò, vì bà tin cậy vào ngọn đèn 40W duy nhất, nên cái miệng của bà tô son hơi chếch cao hơn miệng thật. Dựa theo bộ mặt và đôi vai, bà gầy đi, từ một người hình tròn thành người hình nón. Nhưng đang ngồi bên bàn, giấu đi đôi mông vĩ đại, trông bà gần như mảnh dẻ. Ánh đèn lờ mờ trong phòng ăn xóa nhòa những nếp nhăn trên mặt bà, làm trẻ hẳn ra. Bà đeo rất nhiều đồ trang sức. Những món trang sức của bà ngoại Rahel. Tất cả. Những chiếc nhẫn sáng lấp lánh. Đôi hoa tai kim cương. Những vòng tay, vòng chân bằng vàng và một chuỗi vòng vàng nhẹ, làm bằng tay rất tinh xảo, chốc chốc bà lại sờ tay lên để yên trí là nó vẫn còn đó, và nó là của bà. Giống như một cô dâu không thể tin vào tài sản của mình. Bà đang sống lùi lại cuộc đời bà, Rahel nghĩ. Đó là một quan sát thật tò mò. Baby Konchamma đã sống lùi lại cuộc đời của bà. Khi còn trẻ, bà đã từ bỏ cuộc sống vật chất, còn bây giờ đã già, hình như bà ôm ghì lấy nó. Bà túm chặt lấy cuộc đời, và nó cũng tóm lấy bà kéo lùi lại. Năm mười tám tuổi, Baby Kochamma yêu Cha Mulligan, một thầy tu trẻ, đẹp trai người Ailen. Thầy ở trường dòMadras, đến Kerala một năm nghiên cứu kinh thánh Hindu, để có thể phản bác lại một cách thông minh. Cứ đến sáng thứ Năm hàng tuần, Cha Mulligan lại đến Ayemenem thăm thân sinh ra Baby Kochamma là Đức cha E.Jhon Ipe, cha cố của Nhà thờ Mar Thomas. Đức Ipe nổi tiếng trong cộng đồng Công giáo là đã được Giáo trưởng của Antioch, người đứng đầu đầy quyền uy của Nhà thờ Công giáo Syria đích thân ban phúc, tình tiết đó được lưu truyền trong dân gian Ayemenem. Năm 1876, lúc cha của Baby Kochamma lên bẩy, ông nội Baby đã đưa con trai đến gặp Giáo trưởng đang thăm các giáo dân Syria ở Kerala. Hai cha con thấy mình đứng ngay đầu nhóm người mà Giáo trưởng đang trò chuyện trên mái hiên cực tây của Nhà thờ Kalleny ở Cochin. Nắm ngay lấy cơ hội này, ông bố bèn thì thầm vào tai con, rồi đẩy cậu bé lên phía trước. Đức cha tương lai trượt trên gót giầy, cứng cả người vì sợ, áp đôi môi run rẩy lên chiếc nhẫn trên ngón tay giữa của Giáo trưởng, để lại một vệt nước bọt. Vị giáo trưởng chùi nhẫn lên tay áo, rồi cầu phúc cho chú bé. Sau đó, chú lớn lên và trở thành giáo sĩ, Đức cha Ipe nổi tiếng là một Punnyan Kunju - chú bé được Người ban phúc. Dân chúng mang theo con cái, bơi thuyền xuôi dòng từ khắp các nẻo ở Alleppey và Ernakulam đến xin Cha ban phúc. Dù tuổi tác chênh nhau đáng kể và thuộc các giáo phái khác nhau (thứ duy nhất chung là hai người đều bất bình lẫn nhau), Cha Mulligan và Đức Cha Ipe vẫn giao du với nhau, và Cha Mulligan thường được mời lưu lại ăn trưa. Trong hai người đàn ông, chỉ có một người nhận biết sự hứng tình đang dâng lên như ngọn thủy triều trong cô gái mảnh dẻ, thường lảng vảng quanh chiếc bàn dài sau lúc bữa trưa đã dọn xong. Lúc đầu Baby Kochamma cố quyến rũ Cha Mulligan bằng việc trình diễn những hành động từ thiện hàng tuần. Cứ đến sáng thứ Năm, đúng vào giờ Cha Mulligan đến, Baby Kochamma lại lôi một đứa bé nghèo trong làng ra tắm ở giếng, xát xà phòng vào những cái xương sườn giơ ra đến phát đau. - Chào Cha ạ! - Baby Kochamma gọi to lúc nhìn thấy Cha, nụ cười trên môi, làm ra vẻ chăm chú vào cánh tay gầy gò trơn nhẫy xà phòng cô đang nắm chặt. - Chào con, Baby! - Cha Mulligan nói, dừng lại và cụp chiếc ô - Con có điều muốn hỏi Cha, thưa Cha - Baby Kochamma nói - Trong Kinh Coran tập một, chương mười, dòng hai mươi ba nói rằng... - Đối với Cha, mọi thứ đều là hợp pháp, nhưng đều không thiết thực. Cha ơi, làm sao mọi thứ đều có thể là hợp pháp với Người? Con định nói con có thể hiểu rằng nếu như có một số thứ là hợp pháp với Người, nhưng... Cha Mulligan ngày càng hãnh diện vì mối xúc cảm đã gây nên trong lòng cô gái trẻ hấp dẫn đang đứng run rẩy trước người, cái miệng thèm hôn và đôi mắt đen nhánh, sáng rực. Cha cũng trẻ, và có lẽ không nhận thức đầy đủ được rằng những lời giảng giải trang nghiêm nhằm xua tan những nỗi hồ nghi của cô bé về kinh thánh thật là thừa so với những hứa hẹn ly kỳ trong đôi mắt xanh biếc sáng ngời của Cha. Thứ Năm nào cũng thế, bất chấp cái nắng giữa trưa tàn nhẫn, họ vẫn đứng tại đó, bên giếng nước. Cô gái trẻ và thầy tu dòng Tên gan dạ, cả hai đều run rẩy vì nỗi đắm say không theo luật Cơ Đốc này. Họ dùng Kinh Thánh như một mẹo để được ở bên nhau. Thường vào giữa câu chuyện, đứa bé không may bị lôi ra tắm, đầy những xà phòng và rẫy ra, và Cha Mulligan ngừng phắt những nỗi xúc cảm lại và nói: - Trời ơi! Chúng ta bắt lấy nó trước khi bị nhiễm lạnh. Rồi cha giương ô lên, bước đi, tà áo choàng mầu nâu thẫm và đôi xăng đan nhẹ nhõm, giống một con lạc đà cao cẳng chạy đến chỗ hẹn. Cha để lại trái tim đau đớn, phập phồng của cô gái trẻ Baby Kochamma đằng sau, đang loạng choạng dẫm lên đám lá cây và đá. Trái tim thâm tím và gần như tan vỡ. Suốt một năm, những ngày thứ Năm cứ trôi qua như thế. Cuối cùng, đã đến lúc Cha Mulligan trở về Madras. Vì những hành động từ thiện không mang lại kết quả rõ ràng, cô gái Baby Kochamma dồn hết hy vọng vào lòng chung thủy. Phô bày ý muốn cô đơn thật bướng bỉnh (với một cô gái trẻ thời đó, bị coi như một khuyết tật về thể chất, như sứt môi hoặc dính chân), Baby Kochamma bất chấp những mong muốn của phụ thân, và trở thành một tín đồ Công giáo La Mã. ược hưởng quyền miễn trừ đặc biệt của Vatican, cô phát nguyện vào làm tu nữ tập sự ở Tu viện Madras. Cô hy vọng vào cách này hay cách khác, nó sẽ cho cô cơ hội hợp pháp được ở bên Cha Mulligan. Cô tưởng tượng họ ở bên nhau, tranh luận về Thần học trong những căn phòng mờ tối, rèm buông dầy. Đó là tất cả những gì cô mong muốn. Là tất cả những gì cô dám hy vọng. Chỉ cần được gần Cha. Gần đến mức ngửi thấy mùi râu của Cha. Nhìn thấy tấm áo thầy tu dệt thô của Người. Được yêu người chỉ bằng cách nhìn ngắm Người. Cô sớm nhận ra những cố gắng vô ích của mình. Cô thấy các Xơ bề trên độc quyền chiếm giữ các giáo sĩ, cha cố bằng những ngờ vực kinh thánh còn tinh tế hơn cô nhiều, và chắc phải mất rất nhiều năm cô mới đến gần Cha Mulligan. Trong tu viện, cô ngày càng bồn chồn và bất hạnh. Cô phát triển tính gây gổ, bướng bỉnh, chà xát không ngừng khăn chùm đầu cho xơ ra. Cô cảm thấy mình nói tiếng Anh giỏi hơn bất kỳ ai ở đây. Nó làm cô càng thấy lẻ loi hơn bao giờ. Trong vòng một năm cô vào tu viện, cha cô bắt đầu nhận được những bức thư của cô gửi qua bưu điện làm ông bối rối: Bố yêu quí nhất của con, con rất vui và hạnh phúc được phục vụ Đức Mẹ Thiêng liêng. Nhưng Koh-i-noor có vẻ không vui và nhớ nhà. Bố ơi, sau bữa trưa Koh-i-noor[2]nôn và sốt. Hình như Koh-i-noor không hợp với thức ăn của tu viện, dù con thấy thích. Bố kính yêu nhất của con, Koh-i noor đang hoang mang vì gia đình cô ấy có vẻ không hiểu hoặc không hề quan tâm đến sức khỏe của cô ấy... Thực ra lúc đó Đức Cha E.John Ipe không biết một Koh-i-noor nào khác ngoài tên của viên kim cương lớn nhất thế giới. Ông băn khoăn không biết cô gái có cái tên Hồi giáo đó có chết trong một Tu viện Thiên chúa giáo hay không. Cuối cùng, mẹ của Baby Kochamma hiểu ra rằng Koh-i-noor chẳng phải ai khác, mà chính là Baby Kochamma. Bà nhớ từ rất lâu trước đó, bà đã cho Baby Kochamma xem bản di chúc của phụ thân bà (ông ngoại của Baby), trong đó cụ đã viết, mô tả các cháu như sau: Tôi có bẩy đứa cháu, trong đó có một đứa là Koh-i-noor của tôi. Cụ di chúc lại cho mỗi cháu một ít tiền và đồ nữ trang, không nói rõ cụ coi đứa cháu nào là Koh-i-noor. Mẹ của Baby Kochamma biết rõ Baby Kochamma không có lý gì lại nghĩ đến chuyện đó và cho là ông ngoại định ám chỉ cô - mãi sau này bà mới biết trong những năm đó, ất cả các bức thư của cô đều bị Mẹ Nhất đọc trước khi gửi đi, nên cô phải gợi lại cái tên Koh-i-noor để chia sẻ những chuyện phiền muộn với gia đình. Đức cha Ipe đến Madras và xin con gái ra khỏi tu viện. Cô rất vui sướng ra đi, nhưng khăng khăng không chịu cải đạo, và sẽ là tín đồ Công giáo La mã đến hết đời. Đức cha Ipe hiểu rằng con gái ông đã bị “tai tiếng” và chưa chắc đã kiếm được một tấm chồng. Vì có thể cô không lấy được chồng, ông quyết định cho cô học hành cũng chẳng có hại gì. Vì thế ông thu xếp để cô học một khóa tại Trường Đại học Tổng hợp Rochester ở Mỹ. Hai năm sau, Baby Kochamma mang tấm bằng Trang trí vườn từ Rochester về, nhưng cô càng đắm say Cha Mulligan hơn bao giờ hết. Không còn dấu vết gì của cô gái mảnh dẻ, hấp dẫn hồi nào. Trong những năm ở Rochester, Baby Kochamma đã trở nên rất to lớn. Nói thực là đã béo sệ ra. Ngay cả cô thợ may nhỏ nhắn, rụt rè Chellappen ở Chungan Bridge cũng nhấn mạnh đến tỷ lệ áo thụng cho bộ sari của cô. Muốn cho con gái đỡ buồn phiền, Đức Cha giao cho Baby Kochamma khu vườn trước trụ sở giáo đoàn Ayemenem, cô trồng một khu vườn cách tân, táo bạo làm dân chúng khắp nơi ở Kottayam phải đến xem. Một con đường đất chạy vòng quanh, dốc, một đường cho xe chạy rải sỏi lượn nghiêng xung quanh. Baby Kochamma biến khu vườn thành một mê cung xanh tốt, có hàng rào thấp vây quanh, có những tảng đá và nhiều máng xối. Thứ hoa cô ưa nhất là anthurium. Anthurium andraeanum. Cô có cả một bộ sưu tập loài hoa đó, nào “Rubrum”, nào “Honeymoon’ và cả một loài của Nhật. Những bông hoa hình mo đơn độc, rủ bóng lốm đốm từ mầu đen đến mầu đỏ thắm và mầu vàng sáng. Nổi bật nhất là những mo hoa vàng óng từ đầu đến cuối. Ở giữa khu vườn của Baby Kochamma là một tiểu thiên sứ bằng đá cẩm thạch đang tè, một vòng cung mầu trắng bạc vô tận chảy vào một cái ao nông, trong đó có một bông sen mầu da trời lẻ loi đang nở hoa. Quanh pho tượng là những bồn trồng canna và giáp trúc đào, ở mỗi góc ao là một thần lùn bằng thạch cao Paris mầu hồng đứng ngả đầu, đôi má hồng hào, mũ đỏ chBaby Kochamma giành tất cả các buổi chiều ở ngoài vườn. Mặc sari và đi ủng cao su. Đôi tay đi găng làm vườn mầu sáng cầm một cái kéo cắt cây lớn. Giống một người dạy hổ, cô uốn các dây nho và săn sóc các khóm xương rồng đầy gai. Cô hãm cây làm bonsai, chăm chút các giò phong lan quý hiếm. Cô tiến hành một cuộc chiến chống lại thời tiết. Cô cố trồng những cây nhung tuyết và ổi tầu. Đêm nào cô cũng bôi kem vào chân và bóc lớp da chết ở móng chân đi. Mãi đến vừa qua, sau hơn nửa thế kỷ làm việc không ngừng, chăm nom quá tỉ mỉ, khu vườn trang trí bị bỏ lơ. Các loài cây bị để mặc cho phát triển, chúng quấn lấy nhau và hoang dã như các con thú trong rạp xiếc quên mất trò của chúng. Cỏ dại trùm lên các loại cây ngoại nhập. Chỉ có các cây nho là vẫn ngoi lên, như các móng chân trên thi hài. Chúng chui qua cả lỗ mũi các thần lùn mầu hồng và nở hoa trên đầu các thần, làm họ có một vẻ nửa như ngạc nhiên, nửa như sắp hắt hơi. Lý do của việc rời bỏ đột ngột và không khách khí này là một tình yêu mới mẻ. Baby Kochamma vừa lắp một ăngten chảo trên nóc ngôi nhà ở Ayemenem. Bà điều khiển Thế giới trong phòng khách của bà qua tivi nối với vệ tinh. Niềm vui quá đáng nẩy sinh trong lòng Baby Kochamma không có gì khó hiểu. Nó không phải là thứ xẩy ra dần dần. Nó đến rất nhanh. Những cô gái tóc vàng, các cuộc chiến tranh, nạn đói kém, đấu bóng, tình dục, âm nhạc, những cuộc đảo chính, tất cả kéo đến hàng đàn hàng lũ. Chúng cùng nhau ùa ra. Chúng ở cùng một khách sạn. Và lưu lại Ayemenem, nơi có thời âm thanh to nhất là một cái còi ôtô có nhạc. Giờ đây tất cả những cuộc chiến tranh, nạn đói kém, những cuộc thảm sát rùng rợn và cả Bill Clinton nữa đều có thể triệu đến như những tên hầu. Và thế là, trong lúc khu vườn trang trí của bà bị bỏ hoang và chết dần, Baby Kochamma theo dõi các cuộc thi đấu của liên đoàn NBA Mỹ, cuộc thi crickê suốt ngày và những cuộc đấu tennis giành Giải thưởng Lớn. Những ngày trong tuần, bà xem chương trình Người dũng cảm và Người đẹp và Santa Barbara, trong đó những cô gái tóc vàng môi tô son, mái tóc cứng ngắc vì xịt gôm, uốn éo quyến rũ. Baby Kochamma mê những bộ quần áo bóng bẩy và những lời đối đáp khéo léo, dâm đãng của họ. Suốt ngày, bà nhớ đến những tình tiết ấy và cười khúc khích. Bà đầu bếp Kochu Maria vẫn đeo đôi khuyên tai bằng vàng nặng trịch làm biến dạng cả đôi dái tai. Bà thích xem những buổi Wrestling Mania, có Hulk Hogan và Ông Hoàn Mỹ cổ to hơn đầu, quấn những đôi xà cạp kim tuyến, đánh nhau tàn bạo. Tiếng cười của Kochu Maria lanh lảnh, hơi ác như những đứa trẻ đã có lúc Họ ngồi suốt ngày trong phòng khách, tuy tình trạng đôi chân mà Baby Kochamma ngồi trên ghế có tay vịn hoặc ghế trần, Kochu Maria ngồi dưới sàn nhà bên cạnh bà (lúc nào có thể được là chồm lên đổi kênh); họ giam mình trong tiếng tivi ồn ã. Một người tóc trắng như tuyết, người kia tóc nhuộm đen như than. Họ lợi dụng mọi lúc quảng cáo để tranh cãi, đánh cuộc với nhau, thỉnh thoảng thắng được một chiếc áo phông hoặc một bình Thermos mà Baby khóa kỹ trong tủ áo. Baby Kochamma yêu quý căn nhà ở Ayemenem và ấp ủ những đồ đạc mà bà được thừa hưởng, nhờ sống lâu hơn tất cả mọi người. Chiếc đàn viôlông và giá đàn của Mammachi, các tủ áo Ooty, những cái ghế hình giỏ bằng nhựa, những cái giường Dehli, bàn phấn từ Vienna có những núm cầm bằng ngà. Chiếc bàn ăn bằng gỗ hồng đào do Velutha làm. Bà khiếp sợ những nạn đói kém và những cuộc chiến tranh nếu bấm phải kênh của BBC và ti vi. Bà coi những cuộc bài trừ tôn giáo, sự đói kém và nạn diệt chủng là những mối đe dọa trực tiếp cho đồ đạc của bà. Bà luôn khóa kỹ cửa ra vào và cửa sổ, trừ lúc bà dùng đến chúng. Bà dùng cửa sổ cho những mục đích riêng. Để Thở Không khí trong lành. Để Trả tiền Sữa. Để xua một Con Ong bắp cày khỏi phòng (cái thứ mà Kochu Maria cứ dùng khăn tắm đuổi quanh nhà). Bà còn khóa cả chiếc tủ lạnh cũ kỹ, rỉ sét, trong đó bà cất những cái bánh kem mà Kochu Maria mua tại Hàng bánh ngon nhất ở Kottayam cho bà đến hết tuần. Cả hai chai nước gạo bà uống thay nước thường. Trong giá phía dưới, bà cất những đồ làm bếp bằng cây liễu của Mammachi để lại. Bà xếp khoảng chục lọ insulin mà Rahel mua cho bà vào ngăn đựng pho mát và bơ. Bà cứ ngờ rằng trong những ngày này, ngay những kẻ ngây thơ và chân thật nhất cũng có thể ăn cắp những bát đĩa bằng sành sứ hoặc những cái âu đựng bánh kem nhân nho, hay xoáy các lọ insulin nhập khẩu chứa bệnh tiểu đường. Bà không tin cả hai anh em sinh đôi. Bà cho chúng Có thể Làm Mọi việc. Mọi việc nói chung. Chúng có thể ăn cắp lại những món quà biếu, bà nghĩ, và thấy nhói buốt mỗi khi nghĩ thế, cứ như chúng là một phần thân thể của bà. Sau từng ấy năm. Bà quyết định không để quá khứ lên đến bà, ngay lập tức bà thay đổi mọi suy nghĩ. Con ấy. Con ấy có thể ăn cắp lại những món quà tặng của nó. Bà nhìn Rahel đang đứng cạnh chiếc bàn ăn và chú ý tới cái vẻ giấu diếm kì quái, chính cái khả năng giữ hết sức im lặng và hết sức êm ả mà Estha vốn có. Sự lặng lẽ của Rahel có phần đe dọa Baby Kochamma. - Thế đấy! - Bà nói. Giọng bà run rẩy, ngập ngừng - Cháu có kế hoạch gì chưa? Cháu định ở đây bao lâu? Cháu định gì chưa? Rahel cố cất lời. Song cứ nghẹn tắc lại. Giống như mắc một mảnh sắt tây. Cô bước đến bên cửa sổ và mở nó ra. Để Hít thở Không khí Trong lành. - Thở xong, đóng cửa vào - Baby Kochamma nói, và khép kín bộ mặt bà hệt như một cái tủ quần áo. Từ cửa sổ này bạn không thể nhìn thấy dòng sông nhiều hơn. Cho đến khi Mammachi lắp một cái cửa gấp - trượt đầu tiên của Ayemenem vào hiên sau, bạn mới có thể nhìn thấy. Các bức chân dung sơn dầu vẽ Đức Cha E. John Ipe và Aleyooty Ammachi (cụ của Estha) đã được gỡ khỏi hiên sau để lắp vào hiên trước. Giờ đây chúng vẫn treo ở đó, Chú bé được Giáo trưởng cầu phúc và vợ, bên kia tường là một cái đầu bò rừng bizon. Đức Cha Ipe mỉm cười với tổ tiên mình, nhìn ra ngoài là con đường thay cho dòng sông. Aleyooty Ammachi trông có vẻ do dự hơn. Dường như cụ muốn quay đầu lại mà không được. Có lẽ vì cụ không thể dễ dàng từ bỏ dòng sông. Cái nhìn của cụ hướng về phía cụ ông đang nhìn. Song thâm tâm cụ muốn ngoảnh đi. Đôi khuyên tai bằng vàng mờ xỉn, nặng trĩu, kéo dái tai xuống gần vai cụ. Bạn có thể nhìn thấy dòng sông ấm áp và những cây mẫu xẫm cong xuống sông qua lỗ tai cụ. Nhìn thấy cả những ngư dân trên thuyền. Và cả cá nữa. Dù từ ngôi nhà này, bạn không thể nhìn thấy gì ở dòng sông, nhưng như một con ốc biển luôn có tình cảm với biển, căn nhà Ayemenem vẫn có một cảm giác về dòng sông. Một cảm giác ào ạt, cuồn cuộn, cá bơi tung tăng. Từ cửa sổ phòng ăn, nơi Rahel đang đứng, gió lùa mái tóc, cô có thể thấy mưa gõ lên mái nhà máy hoa quả dầm lợp tôn của bà ngoại cô. Một thiên đường hoa quả dầm và dưa muối. Nằm giữa ngôi nhà và dòng sông. Họ đã từng sản xuất hoa quả dầm, nước quả ép, mứt dẻo, bột cari, dứa đóng hộp. Cả mứt chuối (làm lậu) sau khi FPO[3]cấm, vì theo những chỉ tiêu kỹ thuật ca họ, nó chẳng ra mứt cũng chẳng ra nước quả nấu đông. Nước quả thì loãng quá, mà mứt thì lại đặc quá. Họ nói đó là chuyện nhập nhằng, không minh bạch. Giờ đây nhìn lại, Rahel thấy gia đình cô khó mà có thể theo những tiêu chuẩn kỹ thuật về mứt hoặc nước quả nấu đông. Có lẽ Ammu, Estha và cô là những người vi phạm nặng nhất. Nhưng chẳng phải chỉ có họ. Những người khác cũng thế. Tất cả bọn họ đều phá luật. Họ đã bước sang một địa phận bị cấm. Tất cả bọn họ đều xáo lộn hết luật lệ và sắp xếp theo ý mình. Luật lệ lập ra cho nào bà, nào bác, nào mẹ, nào anh em họ, nào mứt, nào nước quả nấu đông. Đó là thời mà bác trở thành cha, mẹ thành người tình và anh em họ bị chết, là thời có những đám tang. Đó là thời những điều không thể nghĩ trở thành có thể và những thứ không thể đã thực sự xẩy ra. Trước đám ma Sophie Mol, cảnh sát đã tìm ra Velutha. Cánh tay anh sưng phù lên vì cái còng siết vào da. Cái còng lạnh ngắt, mùi kim loại chua loét. Giống hệt mùi thép trên tay cầm của xe buýt và mùi bàn tay người soát vé nắm lấy nó. Sau khi mọi việc kết thúc, Baby Kachamma nói: - Gieo gió thì gặt bão - Mặc dù bà chưa hề Gieo, Gặt cái gì. Bà trở về với đôi chân bé nhỏ và những đồ may, đan của bà. Những đầu ngón chân nhỏ nhắn của bà không bao giờ chạm đến sàn. Ý nghĩa của bà trở lại với chuyện gửi trả Estha. Nỗi tiếc thương và chua xót của Margaret Kochamma vì cái chết của con gái chị giống một nguồn cơn giận dữ. Chị không nói lời nào ngoài việc tát Estha bất cứ lúc nào chị gặp, cho đến lúc chị về Anh. Rahel ngắm nhìn Ammu gói ghém đồ đạc cho cậu bé Estha. - Có thể họ nói đúng - Ammu thì thào - Có lẽ một cậu bé cần phải có một người cha. Rahel thấy cặp mắt mẹ đỏ hoe và không thần sắc. Họ đã hỏi ý kiến một chuyên gia về trẻ sinh đôi ở Hyderabad. Bà ta trả lời rằng chia rẽ những đứa trẻ sinh đôi đồng hợp tử là không khôn ngoan, nhưng với những đứa trẻ thụ tinh từ hai trứng thì lại khác. Chúng cũng đau buồn vì cảnh chia lìa, tự nhiên như mọi đứa trẻ trải qua khi gia đình tan vỡ, nhưng chẳng có gì là lại. Chẳng có gì là bất thường. Và thế là Estha bị gửi trở lại trên một chuyến tầu hỏa, xách theo một hộp sắt tây và một đôi giầy nhọn mũi mầu be gói trong túi bằng kaki. Đầu tiên là trong chuyến Xe thư Madras đến Madras, sau đó đi cùng một người bạn của bố chúng từ Madras đến Calcutta. Em mang theo bữa ăn trưa, có cà chua và sandwich. Một cái bình Eagle, có một con đại bàng. Em có những hình ảnh ghê rợn trong đầu. Trời mưa. Làn nước cuồn cuộn, đen như mực. Và cái mùi. Gợi nhớ đến kẹo. Giống mùi những bông hồng già trong gió nhẹ. Nhưng tồi tệ hơn cả là em mang trong lòng hồi ức về một người đàn ông trẻ có cái miệng của một ông già. Hồi ức về một bộ mặt sưng phồng và nụ cười méo xệch. Về một con mắt đỏ ngầu mở to, nhìn đây đó rồi chăm chú nhìn em. Estha. Estha đã làm gì? Em đã nhìn vào khuôn mặt yêu quý đó và nói: Phải. Phải, chính là em. Một con mực phủ kín lời lẽ của Estha, em không thể nói được: Vâng. Lời nói cứ vướng như một sợi xơ xoài mắc giữa hàm răng. Nó không thể lấy ra được. Với một cảm giác hoàn toàn thực dụng, nói cho đúng ra là mọi sự bắt đầu từ lúc Sophie Mol đến Ayemenem. Hình như mọi việc có thể thay đổi trong một ngày. Rằng chỉ vài chục giờ đồng hồ mà ảnh hưởng đến suốt cả đời. Rằng lúc chúng làm việc đó, vài chục giờ ấy giống như những vật còn lại sau một trận cháy nhà - chiếc đồng hồ cháy thành than, tấm ảnh cháy xém, đồ gỗ cháy đen - cần phải kiểm kê và làm sống lại sau trận hủy hoại đó. Những thứ đã được giữ gìn. Đã được tính toán. Giống như những sự kiện, những vật dụng thông thường, đã bị đập vỡ và phải làm lại. Thấm đẫm một ý nghĩa mới. Cũng có thể cãi rằng chuyện đó thực sự bắt đầu từ hàng ngàn năm trước. Từ rất lâu, trước khi đạo Thiên Chúa đến trên một chiếc thuyền và thấm vào Kerala hệt như trà chẩy ra từ một bao đựng trà. Nó thực sự bắt đầu vào ngày mà Luật Yêu đương ra đời. Luật lệ xếp đặt nên yêu ai, yêu ra sao. Và yêu đến chừng nào. 2. CON NGÀI CỦA PAPPACHI> Chiếc Plymouth xanh biếc mầu trời, ánh mặt trời chạy dài qua cánh đồng lúa non và những cây cao su già về phía Cochin. Xa tít về phía đông, trên một miền đất nhỏ cũng những cảnh tương tụ (những cảnh rừng rậm, những dòng sông, những cánh đồng lúa), đủ để những quả bom rơi kín. Tuy nhiên, ở đây đang là thời bình và cả gia đình trong chiếc Plymouth đi du lịch mà không hề sợ hãi và không có điềm gở nào. Chiếc Plymouth đã từng thuộc Pappachi, ông ngoại của Estha và Rahel. Giờ đây ông đã mất, nó thuộc về Mammachi, bà ngoại các em, Estha và Rahel đang trên đường đến Cochin để xem Tiếng Âm nhạc đến lần thứ ba. Chúng thuộc hết các bài hát. Sau đó các em sẽ ở lại khách sạn Sea Queen, sặc mùi thức ăn đã cũ. Vé đã mua rồi. Sáng sớm hôm sau, các em sẽ đến sân bay Cochin đón vợ cũ của bác Chacko - bác dâu người Anh của chúng, Margaret Kochamma - và cô chị họ Sophie Mol từ London đến Ayemenem nghỉ lễ Giáng sinh. Đầu năm đó, chồng thứ hai của Margaret Kochamma là Joe chết trong một tai nạn xe hơi. Lúc nghe tin tai nạn, bác Chacko mời họ đến Ayemenem. Bác nói bác không thể chịu nổi khi nghĩ đến hai mẹ con nghỉ lễ Giáng sinh lẻ loi, sầu não ở đất Anh. Trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm. Ammu nói bác Chacko chưa bao giờ ngừng yêu Margaret Kochamma. Mammachi không đồng ý. Hơn mọi sự, bà muốn tin rằng bác chưa bao giờ yêu Margaret. Rahel và Estha chưa gặp Sophie Mol lần nào. Tuy vậy tuần trước chúng ta nghe nói nhiều về Sophie. Nghe Baby Kochamma, Kochu Maria, và cả Mammachi nói. Chưa một ai trong số họ gặp cô bé, nhưng họ cứ làm như biết rõ lắm. Suốt tuần cứ là Sophie Mol sẽ nghĩ gì nhỉ? Suốt tuần lễ, Baby Kochamma nghe trộm không thương xót những cuộc chuyện trò riêng tư của hai đứa trẻ sinh đôi, và bất cứ lúc nào bắt gặp chúng đang nói tiếng Malayalam, bà đều ráng sức dỏng tai lên nghe. Bà bắt chúng phải viết nhiều dòng - bà gọi thế là “trò lừa bịp” - Tôi sẽ luôn nói tiếng Anh, Tôi sẽ luôn nói tiếng Anh. Mỗi đứa viết một trăm dòng. Lúc chúng viết xong, bà lấy bút đỏ gạch từng dòng để chắc chắn lần sau chúng không quay vòng cho lần ph Bà bắt chúng thực tập tiếng Anh trên xe, suốt đường về. Chúng phải nói từng từ thật chính xác, phát âm thật chuẩn. NỮ TU SĨ phá giới tha hồ uốn giọng như sóng. Tên của Estha đầy đủ là Esthapen Yako. Tên Rahel là Rahel. Ngay từ lúc chào đời, chúng đã không có họ vì Ammu còn ngập ngừng muốn lấy họ thời con gái, dù chị biết phụ nữ không được chọn nhiều giữa họ chồng và họ cha. Estha đi đôi giày màu be mũi nhọn, tóc chải bồng như Elvis. Em mê nhất bài Party của Elvis. Em vừa ngân nga, và lúc không ai để ý, em bật bông trên cái vợt cầu lông, môi cong lên đúng kiểu Elvis. Estha có cặp mắt hiếng và ngái ngủ, những chiếc răng cửa mới mọc đã khấp khểnh. Răng mới của Rabel còn nằm trong lợi, giống chữ còn trong bút. Chuyện đó làm cho mọi người bối rối vì chỉ chênh nhau có mười tám phút mà thời gian mọc răng lại khác nhau đến thế. Phần lớn tóc của Rahel nằm tít trên đỉnh đầu giống một cái vòi phun nước. Nó buộc túm lại bằng một cái Tình yêu - ở - Tokyo - một dây cao su có hai quả ở hai đầu, chẳng dính dáng gì đến Tình yêu lẫn Tokyo hết. Ở Kerala, những cái Tình yêu - ở - Tokyo này chống chọi với những thử thách của thời gian, thậm chí ngày nay bạn có thể hỏi mua ở bất kì cửa hàng nào tươm tất vẫn có. Hai cái quả dính vào một sợi dây cao su. Cái đồng hồ đeo tay đồ chơi của Rahel vẽ sẵn thời gian trên mặt. Hai giờ kém mười. Một trong những điều thèm thuồng của cô bé là có một cái đồng hồ có thể thay đổi thời gian bất cứ lúc nào mà em muốn (theo em, đó chính là ý nghĩa đầu tiên của thời gian). Cặp kính nhựa màu đỏ, viền vàng của em làm cả thế giới thành màu đỏ. Ammu nói nó hại cho mắt em và khuyên em nên đeo càng ít càng tốt. Bộ áo Airport của em trong va li của Ammu. Nó đặc biệt với những tay cầu thủ. Chacko đang lái xe. Bác hơn Ammu bốn tuổi. Rahel và Estha không thể gọi bác là Chachen vì lúc chúng gọi thế, bác bèn gọi ngay chúng là Chetan và Cheduthi. Nếu chúng gọi bác là Mamaven, bác gọi chúng là Appoi và Ammai. Nếu chúng gọi là Bác, bác gọi chúng là các cậu, làm chúng lúng túng ở chỗ đông người. Vì thế chúng toàn gọi bác là Phòng của Chacko chất sách từ sàn lên đến tận trần. Bác thích đọc và trích dẫn từng đoạn dài, chẳng cần lí do rõ ràng. Hoặc chí ít chẳng ai biết rõ lí do. Ví dụ như sáng hôm đó, lúc mấy bác cháu vừa lái xe qua cổng vừa chào tạm biệt Mammachi trên hiên, Chacko đột nhiên nói: “Hóa ra đêm nào Gasby cũng ở đến lúc cuối cùng; với Gasby như một ám ảnh, như một làn bụi bẩn thỉu trôi nổi trong những giấc mơ của chàng, làm tôi tạm thời quên bẵng những nỗi buồn non yếu, những niềm vui sớm tắt của con người”. Mọi người đều quen với tính đó nên chẳng ai huých hoặc liếc nhìn ai. Chacko đã từng là một sinh viên giỏi, được cấp học bổng ở Oxford và được phép có những điều thái quá và lập dị mà không ai có. Bác tuyên bố đang viết một Gia phả và gia đình phải trả tiền cho bác nếu không muốn bị ấn hành. Ammu nói trong gia đình, người duy nhất đáng tống tiền vì tiểu sử lại chính là Chacko. Tất nhiên là đã có thời như thế. Trước cuộc khủng bố. Trong chiếc Plymouth, Ammu ngồi ghế trước, cạnh Chacko. Năm đó chị hai mươi bẩy tuổi, chị mang trong lòng một sự hiểu biết mờ nhạt về chị, về cuộc đời chị đã sống. Chị đã từng có một cơ hội. Chị đã phạm phải một sai lầm. Chị lấy phải một người đàn ông tồi tệ. Ammu học xong trung học đúng vào năm bố chị nghỉ hưu ở Delhi và chuyển đến Ayemenem. Pappachi khăng khăng rằng học đại học là một thứ phí tổn không cần thiết đối với một cô gái, nên Ammu chẳng còn cách chọn lựa nào khác là rời Delhi và chuyển đi cùng gia đình. Tại Ayemenem, có rất ít việc cho một cô gái trẻ, Ammu đành giúp mẹ việc nhà trong khi đợi một lời cầu hôn. Vì bố Ammu không đủ tiền gây dựng cho chị một khoản hồi môn thích đáng, nên chẳng có ai đến với chị. Hai năm trôi qua. Ammu đã qua tuổi mười tám. Cha mẹ chị không nhận thấy, hoặc ít ra cũng không lưu ý gì. Ammu ngày càng thất vọng. Suốt ngày chị mơ tưởng đến việc trốn khỏi Ayemenem, thoát khỏi ông bố cáu bẳn và bà mẹ chịu đựng. Chị căm ghét những kế hoạch tủn mủn, ti tiện. Cuối cùng, có một kế hoạch suôn sẻ. Pappachi đồng ý cho Ammu đến nghỉ hè ở nhà một người cô họ tại Calcutta Tại Calcutta, trong đám cưới của một người nào đó, Ammu đã gặp người chồng tương lai của chị. Anh đang nghỉ phép, và đang làm trợ lí giám đốc một đồn điền chè ở Assam. Gia đình anh ta đã có thời khá giả, từ miền đông Bengal di cư đến Calcutta sau khi Đất nước chia cắt. Anh ta nhỏ người, nhưng khỏe mạnh. Trông dễ coi. Anh ta đeo kính kiểu cổ, trông nghiêm trang và hoàn toàn tin tưởng vào vẻ xởi lởi dễ thương và sự trẻ trung, nhưng không có tính hài hước. Anh ta hai nhăm tuổi, đã làm ở đồn điền chè được sáu năm. Anh ta không học đại học, đó là lí do thiếu hẳn sự tinh nghịch của học trò. Gặp Ammu được năm ngày, anh ta ngỏ lời cầu hôn. Ammu không có ý yêu anh ta. Chị chỉ cân nhắc qua loa và nhận lời. Chị cho rằng dù bất cứ chuyện gì, lấy bất kì ai cũng được, còn hơn trở về Ayemenem. Chị viết thư cho cha mẹ, báo tin về quyết định của mình. Họ không trả lời chị. Ammu đã có một lễ cưới trau chuốt ở Calcutta. Sau này, nhìn lại những ngày ấy, Ammu hiểu rằng ánh lấp lánh, hơi bồn chồn trong ánh mắt chú rể không phải là tình yêu, thậm chí cũng chẳng phải là sự nôn nóng với viễn cảnh hạnh phúc thể xác, mà là vì tám cốc whisky lớn. Uống hết. Và nguyên chất. Bố chồng Ammu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Đường sắt và là một võ sĩ quyền anh hạng nhẹ ở Cambridge. Ông là thư kí của BABA - Hội quyền anh nghiệp dư Bengal. Ông ta cho đôi vợ chồng trẻ một chiếc Fiat màu hồng phấn làm quà, sau lễ cưới ông tự lái đi mất cùng với tất cả số nữ trang và các đồ mừng khác của họ. Ông ta chết trên bàn mổ lúc cắt túi mật, trước khi hai đứa trẻ sinh đôi ra đời. Lễ hỏa táng của ông có tất cả những võ sĩ quyền anh ở Bengal tới dự. Một đoàn những người có quai hàm nhô ra và những cái mũi vỡ, thương khóc. Khi Ammu cùng chồng chuyển đến Assam, Ammu trẻ trung, xinh đẹp và táo tợn được cả Câu lạc bộ Planter nâng cốc chúc mừng. Chị mặc một cái áo hở lưng, quấn sari, mang ví có dây. Chị hút những điếu thuốc dài, cắm vào một cái tẩu bằng bạc, và học cách thở ra những vòng khói tròn tuyệt đẹp. Té ra chồng chị không những là một tay nghiện thuốc mà còn là một tay nghiện rượu nặng, có đủ mọi trò láu cá ranh ma của một kẻ nghiện rượu và một vẻ quyến rũ t thảm. Có bao nhiêu điều về anh ta mà Ammu không bao giờ hiểu nổi. Sau khi bỏ anh ta đã lâu, chị vẫn phân vân không biết vì sao anh ta hay nói dối quá đáng đến như vậy, vì chẳng cần làm thế. Nhất là vì anh ta không cần như vậy. Trong các câu chuyện với bạn bè, anh ta nói thích cá hồi hun khói trong khi Ammu biết anh ta ghét cay ghét đắng. Hoặc là anh ta từ câu lạc bộ về nhà và kể với Ammu là anh ta đã xem Gặp em ở St.Louis, trong lúc thực ra họ xem phim The Bronze Buckcaroo. Khi chị hỏi anh ta về những việc đó, anh ta không bao giờ giải thích hoặc xin lỗi. Anh ta chỉ cười khúc khích làm Ammu giận điên lên, giận đến mức chị không tưởng tượng nổi. Ammu có thai tám tháng thì xẩy ra cuộc chiến với Trung Quốc. Hồi đó là tháng Mười năm 1962. Những người vợ và trẻ con của Planter đều sơ tán khỏi Assam. Ammu bụng to quá không đi được, phải ở lại đồn điền. Trong tháng Mười, sau chuyến xe buýt đi Shillong xóc nẩy người, dựng tóc gáy, giữa những tin đồn quân Trung Quốc sắp tiến đánh vào và Ấn Độ đang bị đe dọa thua to thì Estha và Rahen ra đời. Dưới ánh sáng nến. Trong một bệnh viện các cửa sổ đều che kín. Chúng sinh ra không khó khăn lắm, đứa nọ cách đứa kia mười tám phút. Hai đứa đều nhỏ thay cho một đứa lớn. Cả hai đều dễ thương, đúng như phần tinh túy của người mẹ. Chúng nhăn nhó vì gắng sức ra đời. Ammu kiểm tra chúng xem có dị tật không, trước khi nhắm mắt ngủ thiếp đi. Chị đếm tất cả có bốn mắt, bốn tai, hai miệng, hai mũi, hai mươi ngón tay và hai mươi ngón chân. Chị không chú ý đến cái sinh linh lẻ loi người Thái Lan. Chị quá vui mừng có chúng. Bố chúng nằm duỗi dài trên chiếc ghế dài cứng ngoài hành lang bệnh viện, say mềm. Lúc bọn trẻ lên hai, bố chúng vẫn say sưa bét nhè, luôn trong trạng thái say bí tỉ, làm cuộc sống trong đồn điền chè càng thêm lẻ loi. Suốt ngày, anh ta nằm bệt trên giường không chịu đi làm. Cuối cùng, ông Hollick, viên quản lí người Anh gọi anh ta đến nhà ông “để nói chuyện nghiêm túc”. Ammu ngồi ở hiên nhà chị, lo lắng đợi chồng về. Chị tin rằng lí do duy nhất Hollick muốn gặp chồng chị là sa thải anh ta. Chị ngạc nhiên khi thấy anh ta trở về, trông thất vọng nhưng không đến mức quá suy sụp. Anh ta kể với Ammu là ông Hollick đã đưa ra một ý kiến gì đó và anh ta cần thảo luận với chị một việc. Anh ta có vẻ hơi rụt rè, tránh ánh mắt của chị, nhưng cố thu hết can đảm để nói tiếp, và nói đề nghị này có lợi cho cả hai người. Thực sự cho cả hai người, nếu họ coi trọng đến việc giáo dục con cái. Ông Hollick tỏ ra thẳng thắn với người trợ lí trẻ. Ông báo cho anh ta biết những lời phàn nàn của công nhân cũng như của các trợ lí khác. - Tôi e rằng tôi không còn cách lựa chọn nào khác - ông nói - nhưng tôi phải yêu cầu anh thôi việc. Hollick để một lúc im lặng dài cho ngấm. Ông ta cho phép người đàn ông đáng thương ngồi bên bàn, run rẩy. Khóc. Rồi Hollick nói tiếp: - Thực ra có thể có một chọn lựa… có lẽ chúng ta có thể tìm ra một cách nào đó. Tôi muốn nói là một biện pháp tích cực. Có lợi cho cả anh - Hollick ngừng lại, gọi một cốc cà phê đen - anh là một người rất may mắn, có một gia đình tuyệt diệu, những đứa con xinh xắn và một người vợ hấp dẫn… - Ông ta châm một điếu thuốc và để que diêm cháy đến lúc không cầm được nữa - Một người vợ quá ư hấp dẫn… Những tiếng nức nở ngừng bặt. Cặp mắt nâu hoảng hốt nhìn vào cặp mắt xanh khủng khiếp, vằn những tia đỏ. Uống xong cà phê, ông Hollick gợi ý Baba nên đi vắng một thời gian. Đi nghỉ chẳng hạn. Có lẽ nên đến bệnh viện mà chữa trị. Càng lâu càng tốt. Ông Hollick đề nghị trong thời gian anh ta vắng nhà nên gửi Ammu đến căn nhà gỗ của ông ta để “được chăm sóc”. Còn những đứa trẻ quấy phá, da mầu sáng kia, Hollick sẽ giao cho những người hái chè trông nom. Đây là lần đột phá đầu tiên của ông ta vào lĩnh vực quản lí. Ammu nhìn cái miệng chồng mấp máy lúc tuôn ra những lời đó. Chị lặng thinh. Anh ta càng lúc càng cáu tiết vì sự lặng im của chị. Bất đồ anh ta xông vào chị, túm tóc chị, đấm lấy đấm để rồi ngã vật ra vì gắng sức. Ammu rút vội cuốn sách nặng nhất trên giá xuống - Tập san Bản đồ thế giới - và đập cho anh ta một hồi, mạnh hết sức. Vào đầu. Vào chân. Vào lưng và vai. Lúc tỉnh lại, anh ta bối rối vì những vết bầm tím. Anh ta xin lỗi vì đã dùng bạo lực một cách đê tiện, nhưng ngay tức khắc bắt đầu hành hạ chị, đòi giúp trong việc thuyên chuyển. Lần này lại theo kiểu khác. Hết trận say khướt này đến trận bí tỉ khác. Ammu ghê tởm mùi rượu chua nồng rỉ ra từ da thịt anh ta, ghê tởm những thứ nôn ọe sáng sáng viền quanh miệng anh ta. Lúc cuộc chiến với Pakistan bắt đầu, là lúc những cơn bạo lực của anh ta lan sang con cái. Ammu bỏ chồng về nhà cha mẹ Ayemenem dù chẳng ai mong chờ. Chị trở về với tất cả mọi thứ cách đây vài năm chị đã rời bỏ. Trừ một việc giờ đây chị đã có hai đứa con nhỏ. Và chẳng còn mơ ước gì nữa. Pappachi không tin chuyện chị kể, không phải vì ông nghĩ tốt cho chồng chị, mà chỉ vì ông không tin rằng một người Anh, không một người Anh nào, lại thèm muốn vợ người khác. Ammu rất yêu con (dĩ nhiên là thế), nhưng những cặp mắt mở to ngây thơ của chúng, sự sẵn sàng quấn quýt những người thực ra chẳng yêu thương gì chúng làm chị tức điên lên, đôi khi làm chị muốn đánh chúng, chẳng qua là một cách dạy dỗ, một kiểu che chở mà thôi. Giống như thể một cánh cửa, bố chúng đi qua đó rồi biến mất song vẫn mở cho ai cũng vào và đều được đón mừng. Với Ammu, hai đứa con sinh đôi của chị giống như một đôi ếch nhỏ ngơ ngác, mải chơi, dắt tay nhau thơ thẩn đi giữa lòng đường đầy những xe cộ chạy ầm ĩ. Chẳng hay biết gì đến việc những chiếc xe có thể làm với những con ếch con. Chị trông chừng chúng ráo riết. Sự thận trọng không lúc nào rời bỏ chị, làm chị căng thẳng. Chị hay mắng con, nhưng thật ra chị mếch lòng vì thái độ của chúng nhiều hơn. Về phần mình, chị biết chị không có cơ hội nào hơn nữa. Chỉ còn một mình Ayemenem. Một cái hiên trước và một cái hiên sau. Một dòng sông ấm nóng và một nhà máy hoa quả dầm. Và hơn hết mọi thứ, chị phải tránh né những lời eo xèo, mai mỉa. Chỉ trong vài tháng đầu trở về nhà cha mẹ, Ammu đã nhanh chóng học được cách nhận viết và xem thường bộ mặt ghê tởm của sự thương cảm. Nhiều bà già trong họ bắt đầu mọc râu, cằm chảy xệ, đi những chuyến suốt đêm đến Ayemenem tỏ lòng thương xót chị vì chuyện ly hôn. Họ thúc ép chị quỵ lụy và rất hả hê. Chị chống lại sự đê tiện ấy bằng cách nói vỗ vào mặt họ. Hoặc họ lấy chìa vặn ốc ngoáy những cái núm vú cao su của bọn trẻ. Giống Chaplin trong Thời hiện đại. Lúc ngắm những bức ảnh cưới, Ammu cảm thấy người phụ nữ trong ảnh như một người nào khác. Một cô dâu đeo đầy đồ nữ trang một cách xuẩn ngốc. Chiếc sari mầu ráng chiều dát vàng. Nhẫn đeo đầy các ngón tay. Những chấm trắng bằng bột đàn hương trên lông màyòng cung. Nhìn mình như thế, khuôn miệng mềm mại của Ammu méo xệch đi trong một thoáng cười chua xót vì hồi ức; không phải vì nhớ đến đám cưới, mà vì chị đã cho phép trang điểm cẩn thận đến thế trước khi đến giá treo cổ. Sao mà lố bịch đến thế. Phù phiếm đến thế. Y như đem sơn một thanh củi. Chị đến ông thợ vàng trong làng, mang nấu chảy hết những cái nhẫn cưới, đánh một cái vòng đeo tay mỏng có hình đầu rắn, để dành cho Rahel. Ammu biết lễ cưới là thứ mọi người không thể tránh khỏi. Ít ra cũng không nói về mặt thực tế. Nhưng cho đến suốt đời, chị chủ trương những lễ cưới nhỏ, mặc quần áo bình thường. Chị cho rằng như thế sẽ làm cho cô dâu đỡ giống ma cà rồng hơn. Thỉnh thoảng, lúc Ammu lắng nghe những bài hát chị thích trên đài, có một cái gì đó khuấy động trong lòng chị. Một nỗi đau nhẹ nhàng lan tỏa trong lòng chị, chị thoát khỏi thế giới như một mụ phù thủy, đi đến một nơi tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Trong những ngày như thế, có một cái gì đó bồn chồn, không chế ngự được trong lòng chị. Dường như chị tạm thời gạt đạo lý làm mẹ và làm người ly dị sang một bên. Ngay cả cách đi của chị cũng khác bước chân dè dặt của mẹ, nó rộng rãi hơn, vững chãi hơn. Chị cài những bông hoa lên tóc, trong mắt chị đầy những niềm bí ẩn giàu ma lực. Chị không nói gì với ai. Chị mang theo cái đài bán dẫn vỏ nhựa hình quả quýt, lang thang nhiều giờ bên bờ sông. Chị hút thuốc lá và bơi lúc nửa đêm. Điều gì tạo cho Ammu Tình trạng Nguy hiểm ấy? Là làn gió nhẹ không đoán trước được chăng? Đó chính là nỗi niềm đang giằng xé trong lòng chị. Trộn một thứ không thể pha trộn. Sự dịu dàng vô tận của tình mẹ và cơn giận dữ khinh suất của một kẻ ném bom muốn tự sát. Đó chính là thứ đang lớn lên trong lòng chị, dần dà đưa chị đến chỗ ban đêm yêu đàn ông còn ban ngày yêu các con. Đêm đêm, chị dùng chiếc thuyền mà các con chị dùng ban ngày. Chiếc thuyền do Estha lấy, còn Rahel tìm ra. Trong những ngày đài phát bài hát Ammu yêu thích, mọi người đều hơi dè chừng chị. Họ cảm thấy vì lý do nào đấy, chị sống trong bóng tranh tối tranh sáng giữa hai giới, ngoài vòng kiềm tỏa của họ. Đó là một người đàn bà mà họ sẵn sàng chửi rủa, giờ đây có phần sa đọa, có thể vì lẽ đó mà thành nguy hiểm. Vì lẽ đó, trong những y đài phát những bài hát của Ammu, dân chúng đều tránh xa chị, tạo thành những cái thòng lọng quanh chị, vì mọi người cho rằng Để Mặc Chị là tốt nhất. Trong những ngày khác, chị cười lộ rõ lúm đồng tiền thật sâu bên má. Chị có bộ mặt thanh tú, đường nét đẹp như tạc, đôi mày đen nhánh cong veo như đôi cánh chim én bay vút lên, cái mũi nhỏ, thẳng tắp và nước da nâu sẫm rạng rỡ. Trong cái ngày tháng Chín xanh biếc màu trời ấy, những lọn tóc quăn của chị tuột ra khỏi búi vì làn gió trong xe. Đôi bờ vai chị trong chiếc áo khoác không tay sáng lên như được đánh bóng bằng sáp ong. Có những lúc, chị là người phụ nữ đẹp nhất mà Estha và Rahel thấy, có những lúc không như thế. Trên hàng ghế sau của chiếc Plymouth, Baby Kochamma ngồi giữa Estha và Rahel. Nguyên nữ tu sĩ là bà trẻ của chúng. Người bất hạnh đôi khi ghét những người cùng cảnh, Baby Kochamma ghét hai đứa trẻ sinh đôi vì cho chúng là những đứa trẻ không cha, đáng bị kết tội. Tệ hơn nữa, chúng là con lai của một người nửa Hindu mà người Thiên chúa giáo tự trọng sẽ không bao giờ cưới. Bà đay nghiến để bọn trẻ hiểu rằng chúng mặc nhiên sống trong ngôi nhà ở Ayemenem, nhà của bà ngoại chúng là chỗ chúng không có quyền gì ở đấy. Baby Kochamma hận Ammu vì chị đã thấy bà vật lộn với định mệnh, còn bà, Baby Kochamma cảm thấy chị được số phận thừa nhận rộng rãi. Cái số của một người đàn bà không có đàn ông mới khốn khổ làm sao. Baby Kochamma thiếu vắng Cha Mulligan thật buồn bã. Bà cố thuyết phục mình rằng qua bao năm tháng, tình yêu của bà với Cha Mulligan chưa hề lụi tàn, nhưng nhờ sự kìm nén và lòng quyết tâm của bà, sự việc mới diễn ra đúng đắn như vậy. Bà nhiệt liệt tán thành quan điểm chung là một người con gái lấy chồng không có chỗ đứng trong nhà cha mẹ. Với người đã ly hôn, theo ý Baby Kochamma, chẳng có chỗ nào nương thân. Một người con gái đã ly dị trong cuộc hôn nhân vì tình yêu, thì lạy trời không có lời lẽ nào tả nổi sự sỉ nhục của Baby Kochamma. Với một cô gái đã ly hôn trong cuộc hôn nhân theo ý chung của mọi người. Baby Kochamma còn im lặng nín nhịn. Hai đứa trẻ sinh đôi quá bé nên không hiểu hết mọi điều, Baby Kochamma tỏ thái độ hằn học với những lúc vui sướng cao độ của chúng, những lúc ngón tay bé xíu của chúng tóm một viên đá, đập gẫy cẳng chân con chuồn chuồn chúng bắt được, hoặc khi chúng được phép tắm cho lợn, hay lúc chúng nhìn thấy một quả trứng gà vừa đẻ, còn nóng hổi. Nhưng bà hằn học nhất là lúc các em an ủi, dỗ dành nhaung chúng có một số biểu hiện bất hạnh. Ít nhất là như thế. Trên đường từ sân bay về, Margaret ngồi ở ghế trước với Chacko vì chị đã từng là vợ anh. Sophie Mol ngồi giữa hai người. Ammu chuyển xuống ngồi ghế sau. Có hai bình đựng nước. Nước sôi cho Margaret Kochamma và Sophie Mol, rượu cho tất cả những người còn lại. Hành lí xếp trong thùng xe. Rahel cho thùng xe là một từ đáng yêu. Dù thế nào cũng hay hơn từ tráng kiện nhiều. Tráng kiện là một từ khủng khiếp. Giống như tên một chú lùn. Koshy Oommen Tráng kiện là một chú lùn bằng nửa người khác, vui tính, đầu gối thấp tịt và chân rẽ sang hai bên. Trên ngăn để hàng ở nóc chiếc Plymouth, nẹp thiếc xung quanh, bốn phía đều gắn biển quảng cáo bằng gỗ dán, viết bằng kiểu chữ bay bướm, Thiên đường hoa quả dầm. Phía dưới dòng chữ, vẽ các lọ mứt quả và các loại dưa góp ngâm trong dầu ăn, dán nhãn cùng một kiểu chữ bay bướm Thiên đường hoa quả dầm và dưa góp. Cạnh các chai là một danh mục các sản phẩm của Thiên đường, một vũ công kathakali có bộ mặt xanh lá cây, váy quấn bay tung. Uốn theo nếp váy hình chữ S là hàng chữ Hoàng đế của Lĩnh vực thưởng thức cũng uốn theo hình chữ S - tất cả đều do K.N.M Pillai góp phần. Câu đó dịch sát từng chữ của Ruchi Lokathinde Rajavu, nó đỡ buồn cười hơn Hoàng đế của Lĩnh vực thưởng thức. Nhưng từ khi Pillai vẽ những thứ này, chưa ai cả gan đề nghị ông làm lại. Cho nên, thật không may, Hoàng đế của Lĩnh vực thưởng thức trở thành đặc điểm thường xuyên trên nhãn của Thiên đường Hoa quả dầm. Ammu bảo người vũ công kathakali là một thứ lạc đề và chẳng làm nên trò trống gì. Chacko thì nói nó đem lại một Hương vị của vùng và sẽ có ích cho các sản phẩm khi đưa ra thị trường nước ngoài. Ammu nói tấm biển quảng cáo làm họ trông thật lố bịch. Cứ như một gánh xiếc rong. Với một cái đuôi cá. Mammachi bắt tay vào chế biến hoa quả ngay sau khi Pappachi nghỉ hưu ở Dehli và chuyển về sống tại Ayemenem. Hội kinh thánh Kottayam mở hội chợ và đề nghị Mammchi mang đến vài loại mứt chuối cùng xoài ngâm mềm nổi tiếng của bà. Các thứ bán hết rất nhanh, Mammachi nhận thấy bà nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn bà tưởng. Hồi hộp vì thành công, bà quyết định cứ làm những thứ mứt, nước quả và dưa góp đó, rồi thấy ngay là bà bận rộn quanh năm. Về phần Pappachi, ông đang phiền não vì tình trạng hèn kém của người về hưu. Ông hơn Mammachi mười bảy tuổi, và ông thấm thía thấy mình đã là một ông già, trong khi vợ ông đang độ sung mãn. Mặc dù giác mạc của Mammachi bị viêm kết nặng và bà đã gần mù, Pappachi không giúp gì cho bà, vì ông cho việc chế biến rau quả không xứng đáng với địa vị của một nguyên quan chức cao cấp trong chính phủ. Ông là một người hay đố kị, nên ông rất phẫn nộ thấy vợ mình bất ngờ được chú ý. Ông đi quanh khu nhà máy, vai thòng xuống, mặc bộ comple không một vết bẩn, sưng sỉa lượn quanh đống ớt đỏ và bột nghệ vàng tươi, ngắm nhìn Mammachi giám sát việc mua bán, cân đong, ướp muối và phơi khô cam chanh và xoài. Đêm nào ông cũng lấy cái bình hoa bằng đồng thau nện bà. Những trận đánh đập này chẳng mới mẻ gì. Cái mới là ngày càng diễn ra mau hơn. Một đêm kia, Pappachi đập gẫy cái đàn viôlông của Mammachi rồi ném xuống sông. Đúng thời gian đó, Chacko từ Oxford về nhà nghỉ hè. Anh đã trở thành một người cao lớn, và trong những ngày đó anh rất cường tráng vì chèo thuyền cho Balliol. Một tuần sau khi về, anh thấy Pappachi đánh Mammachi trong phòng làm việc. Chacko lao bổ vào phòng, tóm lấy bàn tay Pappachi đang cầm cái bình, vặn ra sau lưng. - Con không muốn việc này xảy ra lần nữa - anh nói với bố - mãi mãi. Từ lúc ấy đến hết ngày, Pappachi ngồi ở hiên nhà, lạnh lùng nhìn chằm chặp ra khu vườn trang trí, phớt lờ những đĩa thức ăn do Kochu Maria bưng đến. Đến đêm khuya, ông vào trong phòng làm việc, mang chiếc ghế ông vốn ưa thích ra, đặt giữa đường rồi dùng vồ đập vỡ ra từng mảnh. Ông để mặc giữa ánh trăng, một đống mảnh gỗ và các thứ bằng liễu đan sơn bóng. Ông không bao giờ động đến Mammachi nữa. Nhưng cũng không nói với bà một lời, chừng nào ông còn sống. Mỗi khi cần nói gì ông dùng Kochu Maria hoặc Baby Kochamma làm người trung gian. Các buổi tối, biết đang đợi khách, ông ngồi trên hiên khâu những cái khuy chưa tuột trên áo sơ mi, cố gây ấn tượng là Mammachi không ngó ngàng đến ông. Ông đã thành công trong một mức độ nhất định, làm sứt mẻ uy tín của Mammachi trong công việci Ayemenem. Ông mua chiếc Plymouth màu xanh da trời của một ông già người Anh ở Munnar. Ông trờ thành một cảnh tượng quen thuộc ở Ayemenem, ngồi trong chiếc ô tô rộng rãi, lao xuống con đường hẹp một cách quan trọng, trông bề ngoài thật thanh lịch nhưng mồ hôi chảy ròng ròng trong bộ complê đen. Ông không cho phép Mammachi hoặc bất cứ ai trong gia đình dùng xe, thậm chí không được ngồi vào đó. Chiếc Plymouth là sự trả thù của Pappachi. Pappachi đã từng là một nhà Côn trùng học của Hoàng gia tại Trường Đại học Pusa. Sau Ngày độc lập, khi người Anh đã rút đi, chức danh của ông đổi thành Chủ nhiệm Khoa Côn Trùng học. Năm về hưu, ông đã thăng lên cấp bậc ngang với Hiệu trưởng. Sự xuống dốc lớn nhất trong đời ông là không có được một con ngài, do chính ông tìm ra, được đặt theo tên ông. Một buổi tối, trong lúc đang ngồi trên hiên nhà nghỉ sau một ngày dài trên đồng, một con ngài rơi vào trong cốc của ông. Lúc nhặt nó ra, ông chú ý thấy túm lông trên sống lưng nó dày đặc, trông thật khác thường. Ông nhìn gần hơn. Ông hào hứng nâng nó lên, đo và sáng hôm sau đem phơi nắng sau khi ngâm trong cồn nhiều giờ. Sau đó, ông lên chuyến tàu đầu tiên trở về Delhi. Ông hi vọng sẽ nổi danh là một nhà phân loại. Sau sáu tháng băn khoăn đến không chịu nổi, trước sự thất vọng lớn lao của Mammachi, ông được báo rằng con ngài của ông cuối cùng được xác định là một loại ít gặp của một loài ai cũng biết, thuộc họ Lymantriidae nhiệt đới. Mười hai năm sau, ngón đòn thực sự mới thấm khi cải tổ hệ thống phân loại, các nhà côn trùng học xác định rằng con ngài của Pappachi thực ra là một loài riêng biệt. Cho đến nay khoa học chưa biết đến. Cố nhiên lúc đó Pappachi đã nghỉ hưu và chuyển đến Ayemenem. Đã quá muộn để ông đòi xác nhận sự phát hiện của mình. Con ngài của ông mang tên Quyền Chủ nhiệm khoa Côn trùng, một nhân viên trẻ mà Pappachi vốn không ưa. Trong những năm sau đó, dù từ trước khi phát hiện con ngài ấy rất lâu, ông đã cáu kỉnh, rầu rĩ, song con ngài của Pappachi làm cho ông luôn ở trong tâm trạng đen tối và có những cơn tức giận bất ngờ. Bóng ma của nó - màu xám, lông lá, túm lông trên sống lưng dày đặc lạ thường - lảng vảng trong từng căn nhà ông ở. Nó giày vò ông, các con ông và các cháu ô Cho đến ngày chết, giữa Ayemenem ngột ngạt, ngày nào ông cũng thắng bộ complê là thẳng tắp và mang chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng. Trên bàn trang điểm của ông, cạnh lọ nước hoa và cái lược bằng bạc, ông vẫn dựng bức ảnh ông hồi trẻ, tóc chải mượt, chụp tại Vienna lúc ông theo học một khóa bồi dưỡng sáu tháng, lấy chứng chỉ để thành Nhà Côn trùng học. Chính trong mấy tháng sống ở Vienna đó, Mammachi theo học những bài viôlông đầu tiên của bà. Những bài học đột ngột đứt quãng khi thầy giáo của Mammachi, Launsky-Tieffenthal đã phạm phải sai lầm khi kể với Pappachi rằng vợ ông là một tài năng đặc biệt và theo ý thầy, là một tiềm năng cho giới âm nhạc. Mammachi dán trong album gia đình bài báo cắt trong tờ Indian Express báo tin cái chết của Pappchi. Bài báo viết: Nhà côn trùng học nổi tiếng Shri Benaan John Ipe, con trai Cố Đức Cha E. John Ipe tại Ayemenem (thường gọi là Punnyan Kunju), bị một cơn đau tim nặng, đã từ trần tại bệnh viện Kottayaam General tối qua. Ông bị những cơn đau thắt vùng ngực khoảng 1 giờ 5 phút sáng và được đưa đến bệnh viện. Ông mất lúc 2 giờ 45 sáng. Trong sáu tháng cuối cùng, Shri Ipe không quan tâm đến sức khỏe. Ông sống được nhờ bà vợ Soshamma và hai con ông. Trong đám tang Pappachi, Mammachi khóc và cặp kính áp tròng trượt quanh mắt bà. Ammu nói với hai đứa bé sinh đôi rằng Mammachi khóc không phải vì bà yêu thương ông, mà vì bà đã quen có ông. Bà đã quen với dáng ông, vai thõng xuống đi quanh nhà máy chế biến hoa quả, đã quen với những trận đòn thỉnh thoảng lại có. Ammu nói con người là những sinh linh sống theo thói quen, và thật ngộ nghĩnh thấy có thể quen với loại đó. Ammu thêm, bạn cứ nhìn xung quanh mà xem, bạn sẽ thấy những trận đòn bằng bình hoa đồng thau cũng là một thói quen bé nhỏ. Sau tang lễ, Mammachi bảo Rahel lấy một cái ống nhỏ màu da cam trong cái hộp riêng của bà, gắp cặp kính áp tròng ra và đặt lại cho bà, Rahel nói Mammachi liệu sau khi bà mất, em có thể thừa hưởng cái ống này không, Ammu lôi cô bé ra khỏi phòng và tát em. - Mẹ muốn con không bao giờ nói đến cái chết với người khác nữa, nghe không - chị nói. Estha thì bảo Rahel đáng thế lắm vì thiếu ý t Bức ảnh của Pappachi ở Vienna, tóc chải bóng mượt, được đóng khung lại và treo trong phòng khách. Ông là một người ăn ảnh, bảnh bao, ăn mặc chải chuốt, đầu khá to so với vóc người nhỏ bé. Ông có một cái cằm xệ, càng rõ khi ông nhìn xuống đất hoặc gật đầu. Trong ảnh, ông cẩn thận giữ cho cái đầu ngay ngắn, đủ giấu đi cái cằm thứ hai, song không ngẩng quá cao tỏ vẻ ngạo mạn. Cặp mắt nâu nhạt của ông trông lễ độ song hiểm ác, dù ông cố gắng giữ vẻ lịch sự với người thợ ảnh, trong khi đang mưu mô làm hại vợ ông ta. Ông có một mụn thịt nhỏ ở giữa môi trên, nó dính xuống môi dưới trông như hơi bĩu môi, cái loại trẻ con hay mút ngón tay thường có. Ông ta có một lúm đồng tiền dài trên cằm, hợp với vẻ đe dọa của sự tàn bạo ngấm ngầm. Một sự tàn nhẫn được nén lại. Ông mặc quần đi ngựa bằng kaki, mặc dù cả đời ông chưa bao giờ trèo lên lưng một con ngựa. Đôi ủng đi ngựa phản chiếu ánh sáng trong phòng chụp. Một cái roi ngựa cắn ngà voi nằm gọn trong lòng. Sự im lặng cảnh giác của bức ảnh tỏa ra giá lạnh cả căn phòng ấm áp. Khi mất, Pappachi để lại nhiều vali đầy ắp những bộ complê đắt tiền và một hộp đầy những khuy măng sét, Chacko đem phân phát cho các lái xe taxi ở Kottayam. Họ đem chúng đánh thành nhẫn, hoa tai làm của hồi môn cho con gái. Lúc bọn trẻ hỏi khuy măng sét để làm gì, Ammu bảo: - Để nói hai bên cổ tay áo lại với nhau - chúng rất khoái chí vì cái kiểu ghép từ rất hợp lý trong một thứ ngôn ngữ dường như phi lý. Chúng so sánh với một biểu thức toán học. Cuf + link = cuf -link[4]. Cuf -links đã làm chúng hài lòng hết sức (nếu không nói là quá mức), và chúng thc sự yêu mến tiếng Anh. Ammu nói Pappachi đúng là một kẻ PPC Anh, đó là nói tắt tiếng Hindi, nghĩa là dẫm phải cứt Anh. Chacko thì bảo cái từ đúng nhất dành cho những người như Pappachi là Kẻ thân Anh. Bác làm cho Rahel và Estha lục lọi trong Từ điển Bách khoa toàn thư. Trong đó giải thích là Người sẵn lòng thành người Anh. Hai đứa bé lại tra tiếp từ sẵn lòng. Chacko nói với hai đứa trẻ sinh đôi là bác không thừa nhận chuyện đó, tất cả bọn trẻ đều là Những kẻ thân Anh. Họ là một gia đình thân Anh. Chạy theo một phương hướng sai lầm, thoát ly lịch sử của riêng mình, họ không thể bước trở lại vì đã xóa sạch gốc tích. Bác giải thích cho chúng lịch sử giống như một ngôi nhà cổ trong đêm tối. Với tất cả những ngọn đèn sáng rực. Các bậc tổ tiên thì thầm trong đó. - Muốn hiểu lịch sử, chúng ta phải bước vào bên trong và lắng nghe họ đang nói gì - Chacko nói - Rồi nhìn vào những quyển sách và tranh ảnh trên tường. Ngửi các mùi nữa. Estha và Rahel tin ngay rằng căn nhà mà Chacko ám chỉ chính là căn nhà ở bên kia sông, ở giữa đồn điền cao su bỏ hoang, nơi chúng chưa bao giờ tới. Nhà của Kari Saipu. Một Sahib[5]ngăm ngăm đen. Một người Anh đã “bỏ Tổ quốc”. Ông nói tiếng Maylayalam và mặc mundu, Ayemenem là Trung tâm Ẩn dật của ông. Mười năm trước, ông đã tự bắn vào đầu khi bố mẹ cô nhân tình trẻ của ông tách đứa con trai khỏi ông và gửi cậu bé đến trường. Sau vụ tự tử, tài sản thành chủ đề tranh chấp căng thẳng giữa người nấu bếp và viên thư ký của ông. Ngôi nhà bị bỏ hoang đã nhiều năm nay. Rất ít người ngó ngàng đến nó. Nhưng hai đứa trẻ có thể hình dung ra ngôi nhà ấy. Ngôi nhà của Lịch sử. Có những sàn nhà bằng đá, những bức tường lờ mờ và những cái bóng giống những con tàu đang nhấp nhô. Những con thạch sùng béo mũm, trong mờ sống sau các bức tranh cũ, còn các bậc tổ tiên bằng sáp ong, có những đầu ngón chân rắn rỏi đang thở và sặc mùi các tấm bản đồ màu vàng. Họ chuyện gẫu, thì thầm, xì xào. - Nhưng chúng ta không thể vào trong được - Chacko giảng giải - vì chúng ta bị khóa chặt cửa mất rồi. Lúc nhìn qua cửa sổ chúng ta chỉ thấy những cái bóng. Nếu cố lắng nghe, chung ta chỉ thấy những tiếng thì thầm. Chúng ta không thể hiểu những tiếng đó, vì đầu óc chúng ta bị cuộc chiến tranh chiếm hữu. Một cuộc chiến mà chúng ta vừa được vừa thua. Một loại tồi tệ nhất của chiến tranh. Cuộc hiến giành được giấc mơ và tái tạo lại chúng. Một cuộc chiến tranh làm chúng ta ngưỡng mộ kẻ chiến thắng và tự xem thường mình. - Cưới người thắng chúng ta mới hay đấy - Ammu nói tỉnh khô, nhắc khéo đến Margaret Kochamma. Chacko lờ chị đi. - Chúng ta đều là Tù binh - Chacko nói - Những ước mơ của chúng ta đã bị thui chột. Chúng ta thuộc về thế giới ngày hôm nay. Chúng ta bơi không ngừng nghỉ giữa biển cả đầy biến động. Có thể chúng ta không bao giờ được phép cặp bờ. Nỗi đau của chúng ta không bao giờ đủ. Niềm vui chưa bao giờ trọn. Những ước mơ không bao giờ thành. Cuộc sống không bao giờ đủ nghĩa. Như thế đấy. Rồi, muốn cho Estha và Rahel có cảm giác về triển vọng của lịch sử (mặc dù cái triển vọng đó có xảy ra trong những tuần tới không, bản thận Chacko cũng chưa rõ), anh kể cho chúng nghe về Bà mẹ Trái đất. Anh bảo chúng hình dung trái đất bốn ngàn sáu trăm triệu tuổi như một phụ nữ bốn mươi sáu tuổi, già bằng cô Aleyamma, người vẫn hay dạy chúng tiếng Maylayalam. Chacko kể toàn bộ sự sống trên Trái đất đã hình thành ra sao. Các đại dương tách ra. Núi cao trồi lên. Khi Trái đất mười một tuổi, những sinh vật đơn bào xuất hiện. Lúc Trái đất bốn mươi tuổi, các sinh vật đầu tiên như giun, sứa xuất hiện. Lúc Trái đất hơn bốn mươi nhăm tuổi - mười tám tháng trước - thì khủng long gầm rú trên mặt đất. Toàn bộ nền văn minh của loài người như chúng ta biết chỉ bắt đầu hai giờ trước đây trong cuộc sống của Trái đất - Chacko kể với hai đứa trẻ - bằng chúng ta đi từ Ayemenem đến Cochin. Chacko nói đó là một ý nghĩ đầy sợ hãi và khiêm tốn, (khiêm tốn là một từ hay, Rahel ngẫm nghĩ. Khiêm tốn mà không lo âu trong cuộc đời), vì toàn bộ lịch sử hiện đại, Chiến tranh Thế giới, cuộc Đấu tranh cho Ước mơ, Người lên mặt trăng, khoa học, văn học, triết học, tìm tòi kiến thức, tất cả không hơn một cái chớp mắt của Mẹ Đất. - Các cháu ạ, mọi thứ chúng ta đang làm và sẽ làm chỉ như ánh lấp lánh trong mắt của Mẹ Đất thôi - Chacko vừa nằm duỗi trên giường nhìn trần nhà, vừa nói một cách uy nghi. Những lúc ở trong tâm trạng này, Chacko thường nói to lên. Phòng anh gây một cảm giác như một ngôi nhà thờ. Anh không quan tâm xem người khác có nghe anh hay không. Và nếu họ nghe cũng chẳng để ý xem họ có hiểu những lời anh nói không. Ammu gọi chúng là Kiểu Oxford. Sau này, nhìn lại những việc xảy ra, lấp lánh dường như là một từ hoàn toàn sai để miêu tả biểu cảm trong mắt Mẹ Đất. Lấp lánh là một từ với vẻ long lanh, vui vẻ kia. Mặc dù Mẹ Đất gây một ấn tượng lâu dài cho hai đứa trẻ, nhưng chính Ngôi nhà Lịch sử - gần trong tầm tay với - mới thực sự mê hoặc chúng. Chúng nghĩ đến nó luôn. Ngôi nhà bên kia sông. Hiện ra lờ mờ giữa bóng đêm. Một ngôi nhà mà chúng không thể nào bước vào, đầy những tiếng thì thầm không hiểu nổi. Lúc đó chúng không biết rằng chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ sớm được vào trong đó. Rằng chúng sẽ bơi qua sông và không ngờ phải ở đó, với một người chúng quý mến. Rằng chúng nhìn chằm chặp vào đĩa thức ăn cứ như lịch sử lộ ra trên hiên sau nhà. Trong lúc những đứa trẻ trạc tuổi chúng học nhiều thứ khác, Estha và Rahel học lịch sử thương lượng các điều khoản ra sao, và trừng phạt những người phạm luật thế nào. Chúng nghe thấy tiếng lịch sử đổ nhào. Chúng ngửi thấy mùi của nó và không bao giờ quên. Mùi của lịch sử. Giống những bông hồng già trong gió nhẹ. Nó ẩn vĩnh viễn trong các vật thông thường. Trên sườn đồi. Trong những quả cà chua. Trong lớp nhựa trên đường. Trong các màu nhất định. Trong các đĩa thức ăn ở khách sạn. Trong sự thiếu vắng lời lẽ. Và vẻ trống rỗng trong mắt. Chúng sẽ lớn lên, vật lộn với mọi thứ xảy ra để sống. Chúng gắng tự nhủ rằng thời hạn của niên đại địa chất là một sự kiện lớn lao. Chỉ như một cái nháy mắt của Mẹ Đất. Rằng những việc tồi tệ nhất đã xảy ra. Rằng Những việc Tồi tệ nhất vẫn đang xảy ra. Nhưng chúng không thấy thoải mái trong đầu óc Chacko bảo việc sắp đi xem Tiếng Âm nhạc là thêm một việc thân Anh, Ammu nói: - Cứ đi đi, cả thế giới đi xem Tiếng Âm nhạc. Nó là một thành công của Thế giới. - Không được, em ạ - Chacko nói dằn giọng - Không được. Mammachi thường nói Chacko dễ là một trong những người đàn ông thông minh nhất Ấn Độ. - Theo lời ai vậy? Ammu nói - Dựa trên cơ sở nào? Mammachi thích kể rằng một người ở Oxford đã nói là theo ý ông ta, Chacko là người thông minh, chắc sẽ làm nên thủ tướng. Nghe chuyện đó, Ammu thường nói: - Ha! Ha! Ha! - như những diễn viên hài kịch. Chị nói: a/ Đến Oxford không nhất thiết là người thông minh. b/ Thông minh không nhất thiết làm nên thủ tướng. c/ Nếu một người không điều hành nổi một nhà máy chế biến hoa quả làm ăn cho có lãi, làm sao có thể điều hành cả một đất nước.? Và, quan trọng nhất là: d/ Tất cả các bà mẹ Ấn Độ đều tự huyễn hoặc, nên không thể xét đoán khả năng của con trai mình cho đúng. Chacko n a/ Cô chưa đến Oxford. Cô chỉ đọc về Oxford thôi. Và b/ Sau khi đọc về Oxford, cô suy sụp. - Anh định nói là sụp xuống đất chứ gì? - Ammu hỏi - Anh đã làm thế rồi. Giống như những cái máy bay nổi tiếng của anh ấy. Cứ mỗi tháng một lần (trừ mùa mưa), có một kiện hàng gửi đến cho Chacko. Trong kiện có những phụ tùng lắp ráp các mô hình máy bay bằng Balsa[6]. Thường Chacko mất từ tám đến mười ngày để lắp ráp các máy bay có cánh quạt và bình chứa nhiên liệu xinh xắn. Khi đã xong xuôi, anh dẫn Estha và Rahel ra cánh đồng, giúp anh. Chưa lần nào nó bay được quá một phút. Hết tháng này đến tháng kia, những chiếc máy bay được lắp ráp cẩn thận của Chacko vẫn tiếp tục đâm nhào xuống lớp bùn xanh lè của ruộng lúa, còn Estha và Rahel như những chú chó săn đã huấn luyện, chạy lao đi nhặt nhạnh các mảnh vụn. Một cái đuôi, một bình xăng, một cái cánh. Một cái động cơ bị hỏng. Phòng của Chacko chồng chất những máy bay gỗ gẫy nát. Cứ mỗi tháng lại có một kiện khác đến. Chacko chưa bao giờ đổ cho bị rơi vì những phụ tùng này. Chỉ đến sau khi Pappachi mất, Chacko mới bỏ nghề giảng viên tại trường dòng Madras, chuyển đến Ayemenem cùng Mái chèo Balliol của anh và những giấc mơ làm Vua hoa quả dầm. Anh dùng khoản trợ cấp và tiền tiết kiệm mua một máy đóng chai Bharat. Chiếc mái chèo của anh (khắc tên các bạn cùng đội bơi thuyền bằng vàng) treo trên một cá vòng thép trên tường nhà máy. Cho đến khi Chacko đến, nhà máy tuy nhỏ song làm ăn có lãi. Mammachi điều khiển một nhà bếp lớn. Chacko ghi tên như một người chung vốn và báo với Mammachi bà chỉ còn là một cộng tác viên trên danh nghĩa. Anh đầu tư các loại thiết bị máy (máy đóng hộp, thùng nấu) và thuê thêm nhân công. Gần như ngay lập tức, tiền nong bắt đầu thiếu hụt, song được ngân hàng cho vay những khoản lớn nên được cứu vãn một cách giả tạo. Chacko phải thế chấp những cánh đồng lúa quanh ngôi nhà Ayemenem. Mặc dù Ammu làm việc trong nhà máy cũng nhiều như Chacko, mỗi lần làm việc với các thanh tra thực phẩm hoặc kỹ sư vệ sinh, anh ta thường nói là nhà máy của tôi, dứa của tôi, hoa quả dầm của tôi. Trường hợp này thế là đúng luật, vì Ammu là con gái nên không có quyền về tài sản. Chacko bảo với Estha và Rahel là Ammu không có một vị trí nào hết. - Nhờ xã hội chúng ta trọng nam khinh nữ - Ammu nói. Chacko đáp: - Mọi thứ của cô là của tôi và mọi thứ của tôi cũng là của tôi. Chacko có tiếng cười cao vút đến lạ lùng so với khổ người và sự to béo của anh. Lúc cười, anh ta lắc lư toàn thân tuy chẳng có vẻ chuyển dịch. Cho đến khi Chacko đến Ayemenem, nhà máy của Mammachi chưa có tên. Ai cũng gọi các sản phẩm của bà là Xoài mềm của Sosha hoặc Mứt chuối của Sosha. Sosha là tên đầu của Mammachi. Soshamma. Chính Chacko đặt tên cho nhà máy là Thiên đường Hoa quả dầm và Dưa góp, anh vẽ nhãn và đưa đi in tại nhà in của K.N.M Pillai. Lúc đầu, anh muốn đặt là Hoa quả dầm và Dưa góp của thần Dớt, nhưng ý tưởng này bị bác ngay vì quá ít người biết đến thần Dớt và không thích hợp với địa phương như Thiên đường. Pillai đề nghị gọi là Hoa quả dầm Parashuram, nhưng bị bác bỏ vì lí do ngược lại: nó quá thông dụng với địa phương. Cũng chính Chacko có ý tưởng vẽ biển quảng cáo và đặt trên nóc chiếc xe Plymouth. Trên đường đến Cochin, tấm biển lắc lư và kêu ầm ĩ. Gần đến Vaikom, họ dừng lại mua dây chằng lại cho chắc hơn. Việc đó làm họ mất hai mươi phút, Rahel bắt đầu lo đến xem Tiếng Âm nhạc bị chậm. Lúc đến ngoại ô Cochin, những thanh ngang đỏ và trắng của đường sắt hạ xuống. Rahel biết đã có chuyện mà em mong không xảy ra rồi. Rahel đọc được cách kiềm chế hy vọng. Estha thì bảo đó là Điềm gở. Lúc này, họ đã sắp lỡ buổi xem phim. Lúc đó Julie Andrew đã bắt đầu nhún nhẩy như một cục mỡ trên đôi giày cao gót và cứ to dần, to dần đến lúc choán hết màn hình, giọng cô như nước đá, hơi thở như kẹo bạc hà. Một tấm biển màu đỏ có chữ DỪNG LẠI màu trắng trên thanh chắn ngang. Một tấm panô quảng cáo màu vàng với dòng chữ NGƯỜI ẤN ĐỘ DÙNG HÀNG ẤN ĐỘ. - NAIDNI YUB, NAIDNI EB - Estha nói. Cả hai đứa trẻ đều biết đọc sớm. Chúng đã đọc hết Tom, con chó già, Janet và John và Tuyển tập Ronald Ridout. Ban đêm, Ammu đọc cuốn Rừng rậm của Kipling cho các con nghe. Đặt tay chúng xuống cho gọn gàng, ngọn đèn bên giường màu vàng. Lúc đọc, Ammu có thể làm cho giọng chị nghiêm trang như Shere Khan. Hoặc rên rỉ như Tabaqui. Baby Kochamma được chính thức giao cho trách nhiệm dạy dỗ chúng, đọc cho chúng nghe cuốn Giông tố do Charles và Mary Lamb lược dịch. - Con ong hút mật nơi nào, tôi mút chỗ đó. - Estha và Rahel đọc theo - Tôi nằm trong một bông hoa anh thảo vàng. Vì thế nên lúc cô Mitten, một người bạn trong giáo phái Australia của Kochamma, cho Estha và Rahel một cuốn sách trẻ con làm quà - cuốn Những cuộc phiêu lưu của Susie Squirrel - chúng hết sức mếch lòng. Lúc đầu chúng đọc xuôi. Cô Mitten thuộc giáo phái Chúa tái sinh nói cô thất vọng khi thấy chúng đọc ngược thật to cuốn truyện. Chúng muốn tỏ cho cô Mitten biết chúng có thể đọc cả hai cuốn Malayalam và Thưa bà, tôi là Adam ngược cũng như xuôi. Cô không hề tỏ ra vui thích, té ra cô không biết Malayalam là gì. Chúng kể cho cô đó là một thứ ngôn ngữ mà bất cứ ai ở Kerala cũng biết. Cô nói cô có cảm tưởng rằng thứ tiếng đó gọi là Keralese, Estha vốn không ưa cô Mitten, bèn nói với cô rằng theo ý nó thì là một Cảm tưởng ngu xuẩn. Cô Mitten phàn nàn về sự thô lỗ của Estha với Baby Kochamma, về cách chúng đọc sách ngược. Cô nói với Baby Kochamma rằng cô đã thấy quỷ Sa tăng trong mắt chúng, quỷ Sa tăng trong mắt chúng. Chúng bị buộc phải viết Sau này, chúng cháu sẽ không đọc ngược nữa. Sau này, chúng cháu sẽ không đọc ngược nữa. Một trăm lần, viết xuôi. Vài tháng sau, cô Mitten bị một cái xe tải chở sữa cán chết ở Hobart, lúc cô từ sân cricke Ovan đi qua đường. Đối với hai đứa trẻ sinh đôi, đó là một sự công bằng vì chiếc xe chở sữa này đang chạy lùi. Bên kia vạch ngăn, xe buýt và xe ô tô dừng lại còn nhiều hơn. Một xe cứu thương nghe nói của Tổ chức Trái tim thiêng liêng đầy ắp một đoàn người đi dự đám cưới. Cô dâu đang ngoái nhìn qua cửa hậu, bộ mặt bị lớp phấn dày đỏ rực phủ kín. Các xe buýt đều mang tên các cô gái. Lucykutty, Mollykuty, Beena Mol. Trong tiếng Malayalam, Mol là cô bé, Mon là cậu bé. Chiếc Beena Mol chở đầy những người hành hương ở Tirupati, đầu cạo trọc. Rahel có thể nhìn thấy một hàng những cái đầu trọc qua cửa xe, phía trên những vệt nôn đều đặn. Em khá tò mò về chuyện nôn mửa. Em chưa bao giờ bị nôn. Chưa một lần nào. Estha thì có, lúc nôn da em bóng lên và nóng rực, cặp mắt em tuyệt vọng và đẹp, còn Ammu thương em hơn thường lệ. Chacko nói Estha và Rahel là những đứa khỏe mạnh quá mức. Cả Sophie Mol cũng vậy. Bác nói vì chúng không phải là sản phẩm của cảnh kết hôn với bà con họ gần như hầu hết những người Thiên chúa giáo Syria. Cả những tín đồ đạo Pacxi[7]nữa. Mammachi nói các cháu bà còn chịu cảnh tồi tệ hơn cả lấy bà con gần gũi. Bà muốn ám chỉ bố mẹ chúng đã ly hôn. Dù ai cũng chỉ có thể chọn một trong hai cách: kết hôn với người họ gần hoặc ly hôn. Rahel không tin điều đó, nhưng bất chợt thấy những bộ mặt buồn bã, nó lại nhìn vào gương. “Việc đó còn tốt hơn xa những việc mình làm, những việc mình đã từng làm”, Rahel buồn bã tự nhủ. Rahel nhớ đến bức tranh minh họa vở kịch cổ điển Truyền thuyết về hai thành phố, em như Charles Darnay đứng trên các bậc đợi lên máy chém. Em băn khoăn không biết vì sao những người hành hương kia lại nôn giống nhau đến thế, liệu có nôn cùng lúc như hát đồng ca không (có lẽ theo nhịp nhạc trong xe), hay mỗi người nôn một lúc riêng. Lúc đầu, khi thanh chắn mới hạ xuống, bầu không khí đầy ắp những tiếng động cơ không chạy nghe thật sốt ruột. Nhưng lúc một người đàn ông chân bị gập ra sau, vừa khập khiễng vừa lê bước từ trạm điện thoại ra, vào một quán trà, và chắc phải đợi lâu, các lái xe bèn tắt máy, duỗi thẳng chân nghỉ xả hơi. Thanh chắn đường vừa gật gù, mỏi mệt hạ xuống như một câu thần chú, những kẻ ăn mày băng bó cùng mình, những người đàn ông bưng khay bán những miếng dừa, những miếng bánh chuối. Và nước lạnh nữa. Côca-Côla, Fanta, Rosemilk. Một người hủi, các vết lở loét băng đầy, đến ăn xin bên cửa xe. - Tôi thấy như hắn bôi thuốc đỏ - Ammu nói về màu máu nhạt một cách bất thường. - Xin chúc mừng - Chacko nói - cô nói như một mụ tư sản thực thụ. Ammu mỉm cười và mọi người lắc đầu, cứ như chị được thưởng Bằng chứng nhận Có công làm một tay Tư sản chân chính vậy. Những lúc như thế, (tuy khá ít ỏi), hai đứa trẻ sinh đôi gìn giữ và xâu chúng lạ một chuỗi vòng bằng ngọc quý. Estha và Rahel dí mũi vào góc cửa kính. Ngoài cánh cửa, những đứa trẻ âu sầu bán kẹo dẻo trông phát thèm. - Không - Ammu nói một cách cương quyết và đầy sức thuyết phục. Chacko châm một điếu Charminar. Anh hít vào thật sâu rồi nhả ra một nhúm nhỏ vụn thuốc dính dưới lưỡi. Trong chiếc Plymouth, Rahel khó mà nhìn thấy Estha, vì Baby Kochamma ngồi giữa chúng, lù lù như một quả núi. Ammu một mực đòi chúng ngồi tách ra để khỏi đánh nhau. Những lúc đánh nhau, Estha gọi Rahel là con bọ gậy tị nạn, còn Rahel gọi em là Elvis xương xẩu, và uốn éo nhảy một điệu buồn cười, vặn vẹo để chọc tức Estha. Lúc đánh nhau to, chúng ngang sức ngang tài đến mức các trận chiến kéo dài như không thể ngừng; mọi thứ trên đường chúng đi - đèn bàn, gạt tàn, bình nước - đều vỡ tan tành hoặc sứt mẻ không sao hàn gắn nổi. Baby Kochamma đưa tay bám vào lưng ghế trước. Lúc xe chạy, cánh tay to béo của bà đu đưa như đãi trong gió. Lúc này nó thõng xuống như một tấm rèm thịt, ngăn cách Estha khỏi Rahel. Ven đường phía Estha có một quán nước chè và bánh bích quy đã ôi, đóng trong các túi lờ mờ có những con ruồi. Những chai sô đa chanh dày cộp, núi màu xanh cẩm thạch để giữ ga. Một bình đựng đá màu đỏ, viết dòng chữ buồn bã Mọi việc sẽ tốt hơn với Côca-Côla. Gã điên Murlidharan ngồi vắt vẻo, thăng bằng trên cột mốc ven đường. Murlidharan hoàn toàn trần truồng, một bao nilon kéo dài ai đó chụp lên đầu gã, giống như một cái mũ đầu bếp trong suốt, nhìn thấy cả mũi đất liên tục, mờ mờ qua đó. Gã không thể bỏ mũ ra được dù có muốn, vì gã cụt cả hai tay. Chúng đã bị tiện đứt từ năm 1942 ở Singapore, ngay trong tuần lễ đầu tiên gã chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội Quốc gia Ấn Độ. Sau ngày độc lập, gã được thưởng Chiến binh Tự do loại 1 và được một thẻ đi xe lửa hạng nhất miễn phí suốt đời. Gã đã mất quá nhiều (cả trí nhớ), nên gã không thể sống trên các xe lửa hoặc trong các phòng nghỉ tại các nhà ga. Murlidharan không nhà, không cửa để khóa, nhưng gã có một chùm sáng loáng. Trí nhớ gã là những tủ quần áo đầy ắp, chồng chất bao điều thú vị bí mật. Một cái đồng hồ báo thức. Một ô tô màu đỏ, còitiếng nhạc. Một cái mặt đỏ bự đang tắm. Một người vợ đeo kim cương. Một cái cặp đầy những giấy tờ quan trọng. Một chuyến đi từ cơ quan về nhà. Và Tôi xin lỗi thưa Đại tá Sabhapathy, tôi e rằng tôi đã phát biểu ý kiến rồi. Và những lát chuối ròn cho lũ con. Gã ngắm những con tàu đến rồi đi. Gã đếm những cái chìa khóa. Gã theo dõi các chính phủ lập nên rồi đổ. Gã đếm những cái chìa khóa. Gã nhìn những đứa trẻ lờ mờ sau cửa xe, mũi chúng dán tịt vào cửa kính. Không nhà cửa, không hi vọng, ốm yếu, nhỏ bé và mất mắt, tất cả giũa mòn quá khứ của gã. Gã vẫn đếm những chiếc chìa khóa. Gã không bao giờ chắc chiếc tủ nào có thể mở, và mở lúc nào. Gã ngồi trên cột mốc nóng bỏng, tóc gã bết lại, cặp mắt như những cái cửa sổ, và vui mừng vì thỉnh thoảng có thể nhìn ra xa. Vì có những chiếc chìa khóa mà đếm đi, đếm lại. Những con số được tính ra. Những con số hay hay. Miệng Murlidharan động đậy lúc đếm, và thốt ra thành những từ rõ ràng. Estha chú ý thấy tóc trên đầu gã xoắn lại, hoa râm, phất phơ theo gió. Rahel đợi cho đến lúc sắp nổi khùng. Em nhìn đồng hồ. Vẫn hai giờ kém mười. Em nghĩ đến Julie Andrew và Christopher Plummer đang hôn nhau về một phía, mà sao mũi họ không đụng nhau. Em phân vân vì sao người ta hay hôn nhau về một phía thế. Em cố nghĩ xem nên hỏi ai. Rồi, từ đằng xa, một tiếng ì ầm vọng đến chỗ tắc đường, bao phủ như một chiếc mặt nạ. Những người lái xe rút vội vào trong xe, đóng sầm cửa lại. Những kẻ ăn mày, những người bán hàng biến mất. Trong ít phút chẳng còn ai trên đường. Trừ Murlidharan. Mông đít gã vẫn dính trên cột mốc nóng bỏng. Gã chẳng hề động đậy, chỉ hơi Có tiếng xô đẩy. Những tiếng còi của cảnh sát. Từ phía sau hàng xe cộ đang chờ đợi, một cột người xuất hiện với những lá cờ và biểu ngữ đỏ, tiếng ồn ào ngày càng lớn dần. - Quay cửa kính lên - Chacko nói - cứ bình tĩnh. Họ không làm hại chúng ta đâu. - Sao đồng chí không ra với họ đi - Ammu nói - tôi sẽ lái xe cho. Chacko không nói gì. Một bắp thịt căng lên dưới nùi mỡ dưới hàm anh ta. Anh ta ném điếu thuốc đi và quay cửa xe lên. Chacko vẫn tự xưng là một người Macxit. Anh ta thường gọi những phụ nữ đẹp gái làm trong nhà máy vào phòng, lấy cớ giảng về quyền lao động và luật công đoàn để tán tỉnh họ một cách trắng trợn. Anh ta gọi họ là đồng chí và một mực bắt họ gọi lại như thế (làm họ cười khúc khích). Anh ta ép họ ngồi vào bàn, uống trà với anh ta mặc cho họ rất lúng túng và bà Mammachi phật ý. Có lần, anh ta còn dẫn cả một nhóm đi học các lớp của Công đoàn tổ chức tại Allppey. Họ đi bằng xe buýt, về bằng tàu thủy. Họ trở về, vẻ vui sướng, tay chân đeo vòng thủy tinh, hoa cài trên tóc. Ammu nói cả bọn là một lũ lợn. Y như cảnh một ông hoàng con chơi trò Đồng chí! Đồng chí! Một hiện thân của Oxford theo đúng kiểu cũ, một ông chúa đất ép buộc những người đàn bà phụ thuộc vào mình vì miếng cơm manh áo. Lúc đoàn tuần hành đến gần, Ammu kéo cửa lên. Estha và Rahel cũng vậy. (Chúng phải cố sức vì cái núm của màu đen bị long ra). Chiếc Plymouth màu da trời bỗng trở nên lố bịch trên con đường hẹp, lồi lõm. Giống như một mụ đàn bà to béo cố lách mình trong ngôi nhà thờ lúc chen đi lấy bánh mì và rượu vang. - Nhìn xuống! - Baby Kochamma nói, lúc hàng đầu của đoàn biểu tình tiến sát chiếc ô tô - Đừng nhìn vào mắt họ. Nó sẽ chọc tức họ đấy. Bên phía cổ bà, mạch đập thình thịch. Chỉ trong ít phút, con đường đã đầy ắp hàng ngàn người biểu tình. Một hòn đảo ô tô trong một con sông người. Không gian đầy những lá cờ đỏ, nhấp nhô theo bước chân đoàn người lúc họ tràn qua cổng và trùm một làn sóng đỏ lên các toa tàu. Sáng nào, trong bữa điểm tâm, Nhà côn trùng của Hoàng gia cũng chế giễu cậu con trai Macxit hay lý sự bằng cách đọc thật to những tin tức trên báo chí về các cuộc nổi loạn, những cuộc đình công và những vụ xô xát mà cảnh sát Kerala tiến hành một cách hung bạo. - Thế nào - Pappachi chế nhạo lúc Chacko đến bên bàn - bây giờ chúng tôi sẽ làm gì với các sinh viên đây? Những thằng thậm ngu ấy đang thảo luận cách chống lại chính phủ của dân. Thủ tiêu chúng đi chăng? Thế các sinh viên không phải là dân chắc? Hơn hai năm sau, những bất hòa chính giữa Đảng Quốc đại và thờ biến thành tình trạng vô chính phủ. Đúng lúc đó Chacko tốt nghiệp cử nhân văn chương và rời Oxford để kiếm một việc gì đó, còn Kerala đang cập kề cuộc nội chiến. Đảng Quốc đại trở lại nắm quyền. Giờ đây Pappachi đã chết. Chacko đã ly hôn. Thiên đường Hoa quả dầm đã tròn bảy tuổi. Kerala đang điên đảo vì nạn đói và mất mùa mưa. Dân chúng đang chết dần. Nạn đói được đưa lên ưu tiên hàng đầu trong các chính sách của chính phủ. Cuộc tuần hành lan đến quanh chiếc Plymouth màu xanh da trời, trong cái ngày tháng Chín xanh biếc ấy là một phần trong những diễn biến đó. Cuộc biểu tình do Công đoàn Travancore - Cochin tổ chức, họ làm việc ngoài đồng mười giờ rưỡi một ngày - từ bảy giờ sáng đến sáu rưỡi tối - họ xin được nghỉ một giờ ăn trưa. Xin tăng lương cho phụ nữ từ một rupi năm mươi paisa một ngày lên ba rupi, lương của nam giới từ hai rupi năm mươi paisa lên bốn rupi năm mươi paisa một ngày. Họ cũng yêu cầu không được miệt thị họ bằng những cái tên khinh bỉ. Họ đòi không gọi họ bằng Achoo Paraan, hoặc Kelan Puravan, hoặc Kuttan Pulayan, mà chỉ gọi là Achoo, hay Kelan, hay Kuttan. Các Vua gia vị, các Hầu tước cà phê, các Nam tước cao su - những anh chàng bạn thân từ hồi cắp sách - rời những điền trang lẻ loi, xa xôi của họ xuống câu lạc bộ Sailing nhấm nháp bia lạnh. Họ nâng cốc. - Nâng cốc vì một cái tên khác … - họ vừa nói vừa cười gượng để che giấu nỗi hoang mang. Những người biểu tình ngày hôm ấy là những công nhân, sinh viên và lao công. Tiện dân và Không tiện dân. Họ mang trên vai thùng thuốc giận dữ đã châm ngòi. Cùng một kiểu giận dữ như những người Naxalite, nhưng mới mẻ. Qua cửa xe Plymouth, Rahel có thể nghe thấy tiếng họ nói lớn nhất là Zindabad. Và những mạch máu đập giần giật trên cổ họ lúc họ hô vang. Những cánh tay nắm chặt cờ và khẩu hiệu. Bên trong chiếc Plymouth, vẫn im ắng và nóng nực. Nỗi sợ của Baby Kochamma nằm lăn lóc trên sàn xe như một điếu xì gà ẩm ướt, dính răng. Ấy vậy mà mới chỉ bắt đầu. Suốt từng ấy năm, nỗi sợ hãi ngày càng làm bà rúm ró. Nó làm bà khóa cả cửa ra vào lẫn cửa sổ. Đó là một nỗi sợ thâm căn cố đế. Nỗi sợ của một người bị truất quyền sở hữu. Bà cố lần những hạt màu xanh trên chuỗi tràng hạt nhưng không thể tập trung. Một bàn tay xòe ra đập lên cửa kính xe. Một nắm tay đấm mạnh lên nắp chiếc xe màu xanh nóng bỏng. Cái nắp bật mở. Chiếc Plymouth trông như một con vật màu xanh gầy giơ xương trong vườn thú, đang xin được ăn. Một cái bánh nhân nho. Một quả chuối. Một nắm đấm khác đập mạnh lên nắp xe, và nó sập xuống. Chacko hạ cửa xe xuống, gọi ta người đàn ông vừa làm việc đó - Cảm ơn keto! Cảm ơn valarey! - Đừng có gây cảm tình kiểu ấy - Ammu nói - đấy chỉ là ngẫu nhiên thôi. - Ammu - Chacko nói, giọng anh ta đều đều và cố ý từ tốn - cô không gột bỏ được cái lối châm chọc ấy đi hay sao? Sự im lặng đầy ắp trong xe giống như miếng bọt biển đẫm nước. Từ gột bỏ sắc như một lưỡi dao cắt một vật mềm. Mặt trời rực sáng và thở dài ghê gớm. Đây là một điều khó chịu trong gia đình. Giống hệt các bác sĩ bị xúc phạm đến tự ái, họ biết chỗ đau ở nơi nào. Đúng lúc đó Rahel nhìn thấy Velutha. Velutha, con trai của Vellya Paapen. Velutha, người bạn yêu quý nhất của em. Velutha đang đi, cờ đỏ trong tay. Anh mặc sơ mi trắng và mundu xám, mạch máu trên cổ anh đập giận dữ. Thường ngày, anh không bao giờ mặc sơ mi. Rahel quay cửa xe xuống nhanh như chớp. - Velutha! Velutha! - cô bé gọi anh. Anh ta sững lại giây lát, dừng cờ lắng nghe. Anh nghe thấy một giọng quen thuộc trong một tình huống bất thường nhất. Rahel đứng lên ghế xe, thò đầu ra khỏi chiếc Plymouth, trông hệt như cái sừng trên một con vật hình ô tô. Tóc em buộc túm lại bằng sợi dây Tình yêu - ở - Tokyo, mắt đeo cặp kính đỏ, gọng màu vàng. - Velutha! Ividay! Velutha! - Và em cũng có mạch đập phập phồng nơi cổ. Anh ta bước tránh sang bên rồi mất hút một cách khéo léo, chìm trong sự giận dữ xung quanh. Trong xe, Ammu quay phắt lại, cặp mắt chị đầy tức giận. Chị phát mạnh vào bắp chân Rahel, chỗ duy nhất có thể phát được trên phần người em còn lại trong xe. Đôi bắp chân và bàn chân màu nâu đi giày bata. - Cư xử cho phải phép! - Ammu nói. Baby Kochamma kéo Rahel, em ngồi phịch xuống ghế, sửng sốt. Em nghĩ có chuyện gì đó hiểu nhầm. - Chính là Velutha mà! - em mỉm cười giải thích - Chú ấy có một lá cờ! Dường như đối với em, lá cờ là một thứ dụng cụ quan trọng nhất. Một thứ hay ho nhất mà một người bạn phải có. - Mày là một con bé ngốc thảm hại! - Ammu nói. Sự ngạc nhiên và giận dữ ghê tởm của chị như ghìm chặt Rahel xuống ghế. Rahel rất hoang mang. Tại sao Ammu lại cáu nhỉ? Về việc gì cơ chứ? - Nhưng chính là chú ấy mà! - Rahel nói. - Câm ngay! - Ammu quát. Rahel thấy Ammu lấm tấm mồ hôi trên trán và môi trên, cặp mắt chị trở nên rắn lại như đá. Giống như mắt của Pappachi trong bức ảnh ở Vienna. (Làm thế nào mà con ngài của Pappachi lại thì thầm trong mạch máu các con ông nhỉ!) Baby Kochamma quay cửa xe phía Rahel lên. Nhiều năm sau, trong buổi sớm mùa thu trong trẻo ở Bắc Mỹ, trên chuyến tàu ngày chủ nhật từ Grand Central đến Croton Harmon, chuyện này bỗng trở lại trong trí Rahel. Vẻ biểu cảm trên mặt Ammu. Giống một ô trong trò chơi đố chữ. Như một dấu hỏi kéo suốt qua các trang sách và không dừng lại ở cuối câu. Vẻ rắn như đá trong mắt Ammu. Những giọt mồ hôi lấp lánh ở môi trên chị. Và sự sửng sốt tê giá, sự im lặng đau đớn. Tất cả những cái đó có nghĩa gì? Chuyến tàu chủ nhật gần như trống rỗng. Đối diện với Rahel, bên kia lối đi là một người ó đôi má nứt nẻ, hàng ria mép dày đầy rớt dãi mỗi khi ho, bà ta xé một mẩu trong chồng báo chủ nhật trên lòng, cuộn lại. Bà ta xếp những cục giấy nhỏ thành một hàng ngay ngắn trên chiếc ghế trống trước mặt, cứ như bầy hàng bán đờm dãi. Lúc làm việc đó, bà ta chuyện gẫu một mình bằng một cái giọng vui vui, dỗ dành. Ký ức như người đàn bà trên chuyến tàu đó. Sự điên dại trong cách bà ta lục lọi những đồ vật cũ kỹ trong một phòng kín và bỗng thấy những thứ không ai nghĩ đến nhất - một cái nhìn, một cảm nghĩ phù du. Mùi khói thuốc lá. Một chiếc khăn lau kính xe. Một cặp mắt như hóa đá của mẹ. Hoàn toàn đúng mực khi bà ta để lại những khoảng lớn bị bóng tối che phủ. Không thể nhớ được. Sự điên rồ của người bạn đường làm Rahel thấy dễ chịu. Nó cuốn cô gần hơn với sự điên dại của New York. Xa cách hẳn một thứ khủng khiếp hơn, thường quanh quất bên cô. Mùi kim loại chua chua giống như thanh tay vịn của xe buýt, mùi của bàn tay người soát vé cầm lấy chúng. Một người đàn ông trẻ có cái miệng của một ông già. Bên ngoài tàu, Hudson hiện ra lờ mờ, cây cối rực màu đỏ nâu của mùa thu. Trời mới chỉ se lạnh. - Có một núm vú trong không khí này - Larry McCaslin nói với Rahel, rồi nhẹ nhàng đặt ngón tay lên núm vú lạnh giá nổi lên qua làn áo sơ mi cộc tay của cô, bất chấp phản đối. Anh ta lấy làm lạ thấy cô không mỉm cười. Cô băn khoăn không biết vì sao chính vào lúc đó, cô lại nghĩ đến ngôi nhà luôn luôn nhuốm màu những tấm gỗ đóng tàu màu sẫm, sơn dầu, khoảng giữa trống trải của những lưỡi lửa rung rinh trong các ngọn đèn bằng đồng thau. Đó chính là Velutha. Rahel tin chắc như thế. Em đã nhìn thấy chú. Chú không trông thấy em. Em nhận ra chú ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Nếu chú không mặc sơ mi, em có thể nhận ra ngay từ sau lưng. Em biết cái lưng của chú. Em đã từng được cõng trên đó. Nhiều lần đến nỗi em không đếm được. Trên lưng có một vết chàm màu nâu nhạt, một chiếc lá khô. Chú nói đó là chiếc lá may mắn, làm cho mùa mưa đến đúng lúc. Một chiếc lá màu nâu trên một tấm lưng đen. Một cái lá mùa thu trong đêm tối. Một chiếc lá may mắn không đủ mang lại may mắn. Velutha không nghĩ mình trở thành một thợ mộc. Người ta gọi anh là Velutha - tiếng Malayalam là Trắng - vì anh rất đen. Cha anh, ông Vallya Paapen là một người Paravan. Một điện báo viên nóng tính. Ông có một con mắt bằng thủy tinh. Có lần ông gõ búa vào một khối đá, một mảnh đá bay vào mắt trái và cứa xuyên qua đó. Khi còn là một cậu bé, Velutha thường theo ông Vellya Paapen đến cửa sau của ngôi nhà Ayemenem nộp những quả dừa họ lấy từ cây trong khu vực nhà này. Pappachi không cho phép những người Paravan vào trong nhà. Không một người nào. Họ cũng không được phép động chạm vào bất cứ vật gì mà những người thuộc tầng lớp trên chạm tới. Đẳng cấp Ấn Độ giáo và đẳng cấp Thiên chúa giáo. Mammachi kể với Estha và Rahel rằng bà nhớ lúc bà còn con gái, những người Paravan chỉ mong được lê lết phía sau, quét sạch vết chân của họ để những người Bà la môn hoặc những người thiên chúa giáo Syria không bị ô uế, nếu bất ngờ họ dẫm vào vết chân của người Paravan. Trong thời Mammachi, những người Paravan giống như những kẻ tiện dân khác, không được phép đi trên con đường công cộng, không được phép che phần trên của thân thể, không được phép mang ô. Họ phải che miệng khi nói, để hơi thở của họ không làm nhơ bẩn những người họ tiếp chuyện. Khi người Anh đến Malabar, một số người Paravan, Pelaya và Pulaya (trong đó có ông nội của Velutha là Kelan) đã cải đạo theo thiên chúa giáo và đến nhà thờ của người Anh để mong thoát khỏi những đầy đọa của kẻ tiện dân. Để khích lệ, họ được cho chút ít thức ăn và tiền. Nhưng rồi họ nhanh chóng hiểu rằng họ chỉ nhẩy từ chiếc chảo đang rán xuống ngọn lửa. Họ phải đến những nhà thờ riêng biệt, có những nghi lễ riêng, những thầy tu riêng. Trong những dịp lễ trọng họ mới được Đức giám mục Hạ đẳng riêng của họ làm lễ. Sau độc lập, họ thấy mình chẳng có chút quyền lợi gì của chính phủ ban cho như làm việc, hoặc vay nợ ngân hàng, vì trên giấy tờ chính thức, họ là người Thiên chúa giáo và do đó không đẳng cấp. Việc này hơi giống như việc quét sạch dấu chân không cần đến chổi. Hoặc tồi tệ hơn, là không được phép để lại một chút dấu chân n Chính Mammachi trong một dịp nghỉ hè từ Delhi và Viện côn trùng Hoàng gia về, đã chú ý đến đôi tay khéo léo của Velutha. Lúc đó cậu bé mười một tuổi, kém Ammu khoảng ba tuổi. Velutha giống hệt một thầy phù thủy nhỏ bé. Cậu có thể làm nhiều thứ đồ chơi phức tạp, những cái cối xay gió bé xíu, những cái lúc lắc đáng yêu, những cái hộp đựng nữ trang tinh xảo bằng cọng dừa khô; cậu có thể đục cả một con thuyền hoàn hảo trên thân cây sắn hoặc tạc những pho tượng vào hạt điều. Cậu có thể mang những thứ đó cho Ammu, cậu để chúng trên đầu ngón tay (cậu đã được dạy như thế), nên Ammu có thể cầm lấy mà không chạm vào cậu. Dù nhỏ tuổi hơn Ammu, Velutha vẫn gọi cô là Ammukutty - bé Ammu. Mammachi thuyết phục Vellya Paapen gửi cậu vào trường dân nghèo do bố chồng bà Punnyan Kunju sáng lập. Lúc Velutha mười bốn tuổi, Johann Klein là thợ mộc thuộc phường mộc Bavaria đến Kottayam và ở đó ba năm với Hội Truyền giáo Thiên chúa, lãnh đạo một xưởng mộc cho các thợ bản xứ. Chiều chiều, sau khi tan học, Velutha đi xe buýt đến Kottayam, làm với Klein cho đến lúc nhá nhem tối. Đến năm mươi sáu tuổi, Velutha học xong trường cao trung và là một thợ mộc lành nghề. Cậu có một bộ đồ nghề riêng và một khiếu thiết kế của người Đức thật khác biệt. Cậu làm cho Mammachi một bàn ăn Bauhaus có mười hai ghế bằng gỗ hồng mộc và một chiếc xe trạm kiểu Bavaria bằng mít nhẹ hơn. Hàng năm đến lễ giáng sinh, cậu làm cho Baby Kochamma một lô những cánh thiên thần có khung bằng dây, lắp lên lưng bọn trẻ như một cái ba lô xinh xắn, những đám mây bằng giấy bồi cho thiên thần Gabriel xuất hiện ở giữa, một cái máng cỏ không thể thiếu được cho chúa Giêsu ra đời. Vốn có tài khéo riêng của thợ mộc, Velutha rất có khiếu về máy móc. Mammachi (với lôgic vững vàng) thường nói rằng nếu cậu không phải người Paravan, cậu có thể trở thành một kỹ sư. Cậu sửa chữa radio, đồng hồ, máy bơm nước. Cậu bảo dưỡng các ống dẫn nước và các thiết bị điện trong nhà. Khi Mammachi quyết định rào hiên sau, chính Velutha đã thiết kế và làm một cái cửa gấp - trượt, sau này trở thành mốt ở Ayemenem. Velutha biết về các loại máy móc trong nhà máy hơn tất cả mọi người. Khi Chacko thôi việc ở Madras và trở về Ayemenem cùng cái máy đóng chai Bharat, chính Velutha lắp đặt máy đó. Velutha cũng là người bảo dưỡng máy đóng hộp mới và máy thái lát dứa tự động. Velutha là người tra dầu mỡ máy bơm và máy phát điện nhỏ chạy dầu. Chính Velutha là người làm những tấm lưới nhôm rất dễ rửa và xây những lò nấu quả trên đất. Tuy nhiên, ông Vellya Paapen bố của Velutha là một người Paravan của thế giới cũ. Ông đã từng chứng kiến những ngày Bò lê đằng sau, nên sự biết ơn của ông đối với bà Mammachi và gia đình bà thực sự sâu rộng như con sông mùa mưa lũ. Lúc ông bị tai nạn vì mảnh đá, Mammachi đã cho chạy chữa và lắp mắt thủy tinh cho ông. Ông không phải trả tiền và ông không dám mong được chạy chữa như thế, nên ông cảm thấy con mắt đó như không phải của mình. Lòng biết ơn làm nụ cười của ông nở rộng, lưng ông gập xuống. Vellya Paapen lo cho đứa con trai của ông. Ông không thể nói cái gì làm cho ông sợ. Anh chưa nói hoặc chưa làm gì. Điều ông lo lắng không phải anh nói gì, mà là cách anh nói. Không phải anh làm gì mà là cách anh làm. Có khi chỉ vì anh thiếu một sự do dự nào đó. Lòng tự tin không được đảm bảo. Trong cái cách anh đi. Cách anh ngẩng cao đầu. Cách bình thản đưa ra một lời đề nghị mà không cần hỏi. Hoặc cách anh bất chấp những ý kiến có vẻ như nổi loạn. Trong khi các Đẳng cấp trên, những phẩm chất ấy hoàn toàn có thể chấp nhận được, thậm chí còn được thèm ước, Vellya cho rằng người Paravan không thể (hoặc đúng hơn không nên) có, vì như thế sẽ bị coi là xấc láo. Vellya Paapen cố ngăn ngừa Velutha. Nhưng vì ông không thể điều khiển được điều làm ông băn khoăn, nên Velutha hiểu lầm nỗi lo luẩn quẩn của ông. Anh thấy bố anh có vẻ không thích thú với tài khéo tự nhiên và sự đào tạo gọn gàng của anh. Ý định tốt đẹp của Vellya Paapen biến thành những cuộc mè nheo và cãi cọ vặt vãnh, không khí chung giữa hai cha con thật khó chịu. Mặc dù mẹ anh khá hoang mang, Velutha bắt đầu tránh về nhà. Anh làm việc rất muộn. Anh câu cá ở sông và nhóm lửa nấu ăn ngoài trời. Anh ngủ bên bờ sông. Rồi một ngày kia, anh biến mất. Suốt bốn năm liền không ai biết anh Có tin đồn anh đang làm việc ở một công trường xây dựng thuộc Sở Phúc lợi và Nhà tại Trivandrum. Sau đó lại có tin chắc chắn anh đã thành một Naxalite. Rằng anh đã bị tù. Có người nói họ nhìn thấy anh ở Quilon. Không sao tìm ra được anh lúc mẹ anh, bà Chella mất vì bệnh lao. Sau đó anh trai của anh là Kuttapen ngã từ trên cây dừa xuống và bị chấn thương cột sống. Anh ta bị liệt và không thể làm việc được. Một năm sau, Velutha mới biết tin tai nạn này. Anh trở về Ayemenem được năm tháng. Anh không bao giờ nói anh đã ở đâu hoặc đã làm gì. Mammachi lại thuê Vellutha làm thợ mộc trong nhà máy, giao cho anh bảo dưỡng mọi thứ. Việc này làm các công nhân thuộc Đẳng cấp trên phẫn nộ, vì theo họ, những người Paravan không có nghĩ là được làm thợ mộc. Và dĩ nhiên, những người Paravan nhiều khả năng cũng không có nghĩa là được thuê lại. Để cho những người khác vui vẻ, và biết rằng không ai thuê Vellutha như một người thợ mộc, Mammachi trả công cho anh ít hơn một thợ mộc thuộc Đẳng cấp trên nhưng nhiều hơn một người Paravan. Mammachi không khuyến khích anh vào trong nhà (trừ khi bà cần sửa chữa, lắp đặt một thứ gì đó). Bà cho rằng anh phải biết ơn vì đã được phép làm trong khu vực nhà máy, được sờ vào những thứ mà người khác đã chạm vào. Bà nói đó là một bước tiến cho người Paravan. Trở về Ayemenem sau nhiều năm xa nhà, Velutha vẫn giữ nguyên vẻ nhanh nhẹn như xưa. Vẻ tự tin. Và giờ đây Vellya Paapen còn lo cho anh nhiều hơn nữa. Nhưng lần này ông giữ hòa khí. Ông không nói gì. Ít nhất không để đến lúc Cuộc khủng bố bắt được anh. Không đến lúc hết đêm này sang đêm khác ông thấy một chiếc thuyền nhỏ bơi qua sông. Không đến lúc ông thấy thuyền quay về lúc rạng đông. Không để đến lúc ông thấy thứ mà con trai một kẻ tiện dân dám sờ vào. Còn hơn là sờ vào nữa. Đã tham gia vào. Đã yêu. Khi cuộc khủng bố bắt giữ anh, đến gặp Mammachi. Con mắt giả của ông nhìn thẳng về phía trước. Ông khóc bằng độc một con mắt lành. Một bên má ông lấp lánh nước mắt. Má kia khô khốc. Ông lắc đầu từ bên này sang bên khác cho đến khi Mammachi bảo ông dừng lại. Toàn thân ông run lẩy bẩy như người lên cơn sốt rét. Mammachi ra lệnh cho ông thôi đi, nhưng ông không thể, vì không sao dằn được cơn sợ bủa vây ông. Vellya Paapen kể với Mammachi những gì ông đã thấy. Ông cầu xin Chúa tha tội cho ông khi đã sinh ra một con quái vật. Ông đề nghị được tự tay giết con mình. Diệt trừ thứ ông đã tạo nên. Ở phòng bên cạnh, Baby Kochamma nghe thấy tiếng ồn ào và đến, thấy mọi sự xảy ra. Bà thấy Nỗi sầu khổ và Phiền muộn, trong thâm tâm bà hả hê. Bà nói (trong nhiều câu khác): - Làm sao con ấy có thể chịu được cái mùi đó? Chị có chú ý cái bọn Paravan ấy có cái mùi thật đặc biệt không? Bà rùng mình rất kịch, giống một đứa bé bị buộc phải ăn rau bina. Bà thích mùi của một thầy tu dòng Tên người Ailen hơn cái mùi đặc biệt của Paravan kia. Thích hơn nhiều. Rất nhiều. Velutha, Vellya Paapen và Kuttapen sống trong một túp lều nhỏ bằng đá ong, phía dưới sông từ Ngôi nhà Ayemenem. Esthapen và Rahel chỉ chạy xuyên đám dừa mất độ ba phút. Chúng cùng Ammu đến Ayemenem lúc chúng còn quá nhỏ nên không nhớ Velutha lúc anh bỏ đi. Nhưng trong những tháng từ khi anh trở về, chúng đủ lớn để thành những người bạn thân nhất. Chúng bị cấm đến thăm túp lều này, nhưng chúng cứ đến. Chúng ngồi với anh hàng giờ, ngồi xổm - gù lưng như những dấu chấm hỏi trên đống vỏ bào - và băn khoăn không biết vì sao anh luôn biết những hình thù mềm mại ẩn trong gỗ cho chúng. Chúng mê thích thấy mảnh gỗ trong bàn tay Valutha dường như mềm đi và uốn được như nhựa dẻo. Anh dạy chúng sử dụng cái bào. Túp lều của anh (trong những ngày đẹp trời) tỏa mùi vỏ bào tươi và mặt trời. Mùi cá hồng nấu cari với me. Estha thấy món cari cá này ngon nhất trên đời. Chính Velutha làm cho Rahel một cần câu may mắn nhất và dạy Estha cùng Rahel câu cá. Trong cái ngày tháng Chín xanh biếc, qua cặp kính mầu đỏ em đã nhìn thấy chính là chú ấy đang đi biểu tình, tay cầm cờ đỏ bên kia đường đến Cochin. Còi cảnh sát rít lên lanh lảnh. Qua những lỗ trống cắt xén không đều của cái ô, Rahel có thể nhìn thấy những mảnh trời màu đỏ. Và trên nền trời đỏ rực đó, những con diều hâu đỏ hăng hái lượn vòng tìm chuột. Trong cặp mắt mầu vàng có mũ che của chúng, một con đường và những lá cờ đỏ đang đi. Có một chiếc sơmi trắng trên chiếc lưng đen có một vết chàm. Đang đi. Nỗi sợ hãi, mồ hôi và lớp bột blenđơ trong những hạt thủy tinh mầu hoa và điểm giữa chuỗi vòng trên cái cổ béo phị của Baby Kochamma. Nước bọt đọng thành những cục trắng nhỏ bên khóe miệng bà. Bà hình dung nhìn thấy một người trong đoàn diễu hãnh, giống hệt chân dung một người Naxalite đăng trên báo tên là Rajan, có tin đồn anh ta từ Palghat chuyển đến miền nam. Bà tưởng như anh ta đang nhìn thẳng vào bà. Một người đàn ông tay cầm cờ đỏ, bộ mặt như một cái bướu mở cửa phía Rahel vì cửa không khóa. Khung cửa đầy những người đàn ông dừng lại và nhìn chằm chặp. - Nóng lắm hả, cô bé? - người đàn ông trông như cái bướu thân ái hỏi Rahel bằng tiếng Malayalam. Rồi nói tiếp một cách tàn nhẫn - Xin bố mua cho một cái điều hòa nhiệt độ đi! - rồi anh ta huýt một tiếng sáo miệng thật to, vẻ hài lòng vì câu nói sắc sảo và đúng lúc của mình. Rahel mỉm cười đáp lại, thích thú vì Chacko bị nhầm là bố em. Giống như một gia đình bình thường. - Không được trả lời! - Baby Kochamma nói thầm, giọng khàn khàn - Nhìn xuống! Chỉ được nhìn xuống thôi! Người đàn ông cầm cờ chú mục vào bà ta. Bà đang nhìn xuống sàn xe. Giống như một cô dâu sợ hãi, bẽn lẽn vì phải lấy một người lạ. - Chào bà chị - người đó thận trọng nói bằng tiếng Anh - Bà tên là gì? Thấy Baby Kochamma không trả lời, anh ta quay lại những người đang muốn cùng chất vấn. - Bà ta không có tên. - Biết đâu là Modalali Mariakutty? - một người nào đó vừa nói vừa cười khúc khích. Modalali trong tiếng Malayalam có nghĩa là chúa đất. - A, B, C, D, X, Y, Z - một người nào đó nói, chẳng ăn nhập gì. Nhiều sinh viên xúm quanh. Tất cả đều buộc mù xoa hoặc khăn in chữ Bombay Dyeing lên đầu cho đỡ nắng. Trông họ giống các vai phụ trong bộ phim Simbad: Cuộc phiêu lưu cuối cùng. Người đàn ông trông giống cái bướu đưa lá cờ đỏ cho Baby Kochamma như một món quà tặng: - Này - anh ta nói - Cầm lấy. Baby Kochamma nhận lá cờ, song vẫn không nhìn anh ta. - Phất đi - anh ta ra lệnh. Bà ta phải phất cờ. Bà không còn cách chọn lựa khác. Lá cờ tỏa mùi quần áo mới và mùi cửa hàng. Nó quăn tít và đầy bụi. Bà cố phất cờ tuy không muốn. - Bây giờ hô Inquilab Zindabad! - Inquilab Zindabad - Baby Kochamma thì thào. - Cô ấy ngoan đấy. Đám đông cười rộ. Một tiếng còi xé lên. - Okay - người đó nói với Baby Kochamma bằng tiến Anh, như thể họ vừa kết thúc một cuộc thương lượng làm ăn - Bye - bye! Anh ta đóng sầm cánh cửa mầu xanh da trời. Baby Kochamma run rẩy. Đám đông quanh chiếc xe tản ra và tiếp tục cuộc diễu hành. cuốn lá cờ đỏ lại và đặt xuống mép ghế sau. Bà lại xếp chuỗi trang hạt vào trong chiếc áo choàng, chỗ bà vẫn cất cùng những quả dưa tây. Bà bận rộn việc này việc nọ, cố cứu vãn chút lòng tự trọng. Sauk hi vài người cuối cùng đã đi qua. Chacko nói lúc này hạ cửa xe xuống được rồi. - Cháu có chắc là hắn không? - Chacko hỏi Rahel - Ai ạ? - Rahel nói, bỗng cảnh giác hẳn. - Cháu có chắc là Velutha không? - Ừm …mm…? - Rahel kéo dài thời gian, cố đoán Estha đang rối rít ra hiệu cái gì. - Bác hỏi là cháu có chắc người cháu nhìn thấy là Velutha không? - Chacko nói đến lần thứ ba. - Ừm … à… hình như thế - Rahel nói. - Cháu gần như chắc chắn chứ gì? -Chacko nói. - Không … hình như là Velutha - Rahel nói - Trông khá giống chú ấy… - Lúc đó sao cháu không khẳng định như thế? - Hình như không phải - Rahel liếc nhìn sang Estha xem có được không. - Chắc hẳn phải là hắn ta - Baby Kochamma nói - Trivandrum đã làm cho nó thành như thế. Cả lũ chúng nó đến đấy rồi lúc về cứ tưởng mình là những nhà chính trị vĩ đại. Sự sắc sảo của bà dường như chẳng gây ấn tượng cho một ai. - Chúng ta phải để mắt đến nó mới được - Baby Kochamma nói - Nếu như nó bắt đầu làm cái trò công đoàn ấy trong nhà máy… Tôi đã chú ý thấy những dấu hiệu, sự láo xược, sự vô ơn nào đó… Có hôi bảo nó lấy cho ít đá trải làm nền đá, nó bèn… - Trước khi đi, cháu nhìn thấy Velutha đang ở nhà - Estha nói tươi tỉnh - Thế thì sao lại là chú ấy được? - Vì thanh danh của nó - Baby Kochamma - Bà mong là không phải. Esthapen, lần sau không được ngắt lời. Bà bực mình vì không ai hỏi bà nền đá là gì. Ngày hôm sau, Baby Kochamma trút hết giận dữ vì bị sỉ nhục công khai lên đầu Velutha. Bà mài sắc nó như gọt bút chì. Trong trí bà, anh tượng trưng cho cuộc diễu hành. Là người gọi bà là Modalali Mariakutty. Là tất cả những người cười nhạo bà. Bà bắt đầu căm ghét anh. Nhìn cách Ammu ngẩng đầu, Rahel có thể nói mẹ em vẫn còn cáu. Rahel nhìn đồng hồ của em. Hai giờ kém mười. Vẫn chưa có tầu. Em tỳ cằm lên lớp rèm lụa. Em có thể cảm thấy lớp viền mầu xám của khung rèm cửa ép lên da má em. Em bỏ kính ra để nhìn rõ hơn một con ếch bị xéo chết trên đường. Nó bị xéo và dẫm bẹp, nhem nhuốc đến nỗi trông chẳng còn ra hình con ếch nữa. Rahel băn khoăn không biết cô Mitten bị xe chở sữa cán chết có còn ra hình cô Mitten hay không. Với lòng tin của một tín đồ thực thụ, Vellya Paapen đã đoan chắc với hai đứa trẻ sinh đôi rằng trên cõi đời này không có thứ gì như một con mèo đen. Ông nói trong vũ trụ chỉ có một thứ duy nhất là cái hang hình mèo đen mà thôi. Có nhiều vết bẩn trên đường đến thế. Vết bẩn của cô Mitten bị cán chết trong Vũ trụ. Vết bẩn của con ếch bị xéo chết trong Vũ trụ. Những con quạ tranh nhau cố ăn những vết con ếch bị xéo chết trong Vũ trụ. Những con chó đua nhau ăn những vết con quạ bị xéo chết trong Vũ trụ. Những cái lông chim. Những quả xoài. Nước bọt. Mọi thứ trên đường đến Cochin. Ánh mặt trời chiếu thẳng qua cửa xe xuống Rahel. Cô bé nhắm nghiền mắt và ánh mặt trời đậu lại trên mi. Ngay cả phía sau mi mắt, ánh sáng vẫn chói lọi và nóng. Bầu trời mầu da cam, những cây dừa giống những cây cỏ chân ngỗng đang đu đưa lá, mong bẫy và ăn một bầy côn trùng khờ dại. Một con rắn khoang, trong suốt, lưỡi tòe ra trôi trên trời. Rồi một người lính La Mã trong suốt cưỡi con ngựa đốm. Theo Rahel, điều kỳ lạ về những người La Mã trong các vở kịch vui là họ mang một lô những thứ rắc rối như áo giáp, mũ chụp, rồi cuối cùng, họ chỉ còn đôi chân trần trụi. Nó chẳng gây một chút cảm xúc gì. Giỏi đoán thời tiết hay giỏi cái gì khác. Ammu đã kể cho chúng nghe chuyện về Julius Caesar, ông bị Brutus đâm ra sao, về những người bạn tốt nhất của ông trong Nghị viện. Ông đã ngã xuống sàn, con dao cắm trên lưng và nói: - Et tu? Brute?[8]- Rồi Caesar ngã xuống. - Đấy chỉ là biểu diễn thôi - Ammu nói - Các con không thể tin bất cứ ai. Mẹ, bố, anh, em, chồng, bạn thân. Không ai hết. Lúc chúng hỏi, chị nói với các con rằng điều đó vẫn còn phải xem đã. Chị nói ví dụ như Estha hoàn toàn có thể lớn lên thành một Gã chống chủ nghĩa nam nữ bình đẳng hạng nặng. Đến tối, Estha đứng trên giường, tấm khăn trải giường quấn quanh mình và nói: - Et tu? Brute? Rồi Caesar ngã xuống! - Em ngã nhào xuống giường, đầu gối thẳng đơ, giống như một thi thể bị đâm. Kochu Maria nằm ngủ trên tấm đệm trải trên sàn nói rằng bà sẽ mách Mammachi. - Ta sẽ bảo mẹ cháu đưa cháu đến nhà bố cháu - bà nói - Ở đấy cháu có thể hỏng giường nếu cháu muốn. Còn đây không phải là giường của cháu. Đây không phải là nhà của cháu. Estha nhổm phắt dậy, đứng trên giường và nói: - Et tu? Kochu Maria? - Rồi Estha ngã xuống! - và em lại chết lần nữa. Kochu Maria yên trí rằng Et tu là một từ tiếng Anh tục tĩu và đợi dịp thuận tiện sẽ phàn nàn với Mammachi về Estha. Người phụ nữ trong xe gần đó đang nhai bích quy. Chồng bà ta châm một điều thuốc sau khi ăn bích quy. Ông ta thở ra hai ngà khói qua lỗ mũi và trong thoáng chốc, trông ông ta giống như một con lợn đực hoang. Bà ta hỏi tên Rahel bằng giọng của Baby. Rahel phớt lờ bà ta và vô ý nhổ nước bọt. Ammu rất ghét chúng nhổ bọt. Chị nói làm chị nhớ đến Baba. Cha của chúng. Chị bảo anh ta có thói quen nhổ nước bọt và rung đùi. Theo Ammu, chỉ có những nhân viên không phải là quý tộc mới cư xử như vậy. Những người quý tộc không nhổ nước bọt, không rung đùi. Hoặc ăn nhồm nhoàm. Dù Baba không phải là nhân viên, Ammu nói anh ta thường xử sự y như thế. Lúc chỉ có chúng với nhau, thỉnh thoảng Estha và Rahel giả vờ làm nhân viên. Chúng nhổ bọt, rung đùi và ăn lấy ăn để như những con gà tây. Chúng nhớ lại bố chúng giữa những cuộc cãi lộn. Có một lần, bố cho chúng hút điếu thuốc của mình và bực mình vì chúng ngậm làm nước bọt ướt cả đầu lọc. - Đây không phải là một viên kẹo! - anh ta nói, cáu thực sự. Chúng nhớ lại cơn giận của bố. Và của Ammu. Chúng nhớ lúc đó đã bị đẩy quanh phòng, từ Baba sang Ammu, rồi lại từ Ammu sang Baba như những quả bi-a. Ammu đẩy Estha ra. - Này, anh giữ lấy một đứa. Em không thể trông cả hai được. Sau này, lúc Estha hỏi đó, chị ôm chặt lấy con và bảo nó đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa. Chúng nhìn thấy bố trong bức ảnh duy nhất (có lần Ammu đã cho phép chúng xem), anh ta mặc sơ mi trắng và đeo kính. Trông anh ta như một cầu thủ Crickê đẹp trai và sốt sắng. Một tay anh ta giữ Estha trên vai. Estha đang cười, cằm tỳ lên đầu bố. Tay kia anh ta quàng qua người Rahel đang dựa vào bố. Trông cô bé kháu khỉnh và tức tối, đôi chân bé bỏng đung đưa. Ai đó đã tô những đốm tròn xoe mầu hồng trên má chúng. Ammu kể lúc đưa chúng đi chụp ảnh, bố chúng đã say mềm đến nỗi chị cứ sợ anh ta đánh rơi chúng. Ammu kể chị đứng bên ngoài, sẵn sàng đỡ lấy nếu bố chúng đánh rơi con. Ngoài cái việc bị tô má hồng ra, Estha và Rahel đều cho đây là một bức ảnh đẹp. - Có ngừng lại không! - Ammu quát to đến mức Murlidharan nhẩy tót từ cột mốc xuống, ngoái lại nhìn chằm chặp vào chiếc Plymouth, mẩu tay cụt giật nẩy lên. - Gì ạ? - Rahel nói, nhưng biết ngay đó là chuyện gì. Em vừa nhổ nước bọt - Con xin lỗi mẹ. - Xin lỗi không làm cho người chết sống lại được - Estha nói. - Nói tiếp đi! - Chacko nói - Cô không thể ra lệnh vì nó nhổ nước bọt của nó! - Anh cứ nghĩ đến việc anh đi hẵng! - Ammu càu nhàu. - Nó làm cháu nhớ lại - Estha tỏ ra hiểu biết, giải thích cho Chacko. Rahel đeo kính lên. Thế giới trở nên toàn mầu giận dữ. - Bỏ cái kính ngớ ngẩn ấy đi! - Ammu nói. Rahel tháo cặp kính ngớ ngẩn xuống. - Cô cư xử với chúng như một tên phát xít! - Chacko nói - Ơn chúa, trẻ con cũng có quyền của chúng chứ! - Đừng nói đến Chúa bất kính như thế nói. - Cháu không thể - Chacko nói - Cháu nói vì động cơ tốt đấy chứ. -Bỏ cái trò ra vẻ Đấng Cứu thế với bọn trẻ con đi! Nói thẳng ra là anh chưa bao giờ cho chúng nó một tí gì. Hoặc với tôi nữa. -Tôi phải thế sao? - Chacko nói - Chúng nó là trách nhiệm của tôi chắc? Anh ta nói rằng cả Ammu lẫn Estha và Rahel là những hòn đá buộc vào cổ anh ta. Đằng sau bắp chân của Rahel ướt đẫm mồ hôi. Da em trượt trên lớp da bọc ghế. Em và Estha đều biết những hòn đá là gì. Trong cuốn Cuộc binh biến ở Bounty, lúc những người bị chết trên biển, họ bị bọc vào trong những tấm vải trắng rồi ném xuống biển, cổ đeo nhiều hòn đá cho thi thể không nổi lên. Estha không nhớ rõ họ quyết định mang theo bao nhiêu hòn đá trước khi lên đường. Estha gục đầu vào lòng. Hơi thở của em đầy hậm hực. Một chuyến tầu ở đằng xa chạy ầm ầm khỏi con đường có vết ếch. Những củ khoai xếp phía bên kia toa tầu bắt đầu gật gù đồng tình. Xìxìxìxìxì. Những người hành hương trọc đầu ở Beena Mol bắt đầu một bài kinh khác. - Bà bảo cho các cháu biết, những người Hindu này chẳng có ý thức gì về việc xa lánh sự đời hết - Baby Kochamma nói, vẻ ngoan đạo. - Họ có sừng và da như vẩy cá - Chacko nói mỉa mai - Cháu nghe nói họ ấp trứng thành con. Rahel có hai chỗ sung u trên trán nên Estha bảo chúng sẽ dài ra thành sừng. Ít nhất cũng có một cái vì em có một nửa máu của Hindu Em không kịp hỏi về những cái sừng của Estha. Vì nếu em có thì anh trai của em cũng phải có chứ. Chuyến tầu sầm sầm chạy qua, nhả ra một cột ói đen kịt. Có ba mươi hai giá chuyển hướng, các khuôn cửa đều đầy ắp những người đàn ông trẻ, tóc cắt ngắn, đội mũ sắt đang trên đường đến Nơi nguy khốn của Thế giới, xem chuyện gì xẩy ra cho dân chúng. Những người này đều ngoài người ra khỏi rìa cửa. Vào trong bóng tối đang vun vút, mái tóc họ bay hết ra phía sau. Con tàu chạy nhanh đến mức khó mà tưởng tượng nổi mọi người đã chờ lâu đến thế, để nhìn thấy ít như thế. Những củ khoai lang tiếp tục gật gù, dường như chúng đồng ý với mọi việc và chẳng hề nghi ngờ chút gì. Một lớp bụi than mỏng bay xuống, nhẹ nhàng phủ kín lên xe cộ. Chacko khởi động chiếc Plymouth. Baby Kochamma cố tỏ ra vui vẻ. Bà bắt đầu một bài hát. Có tiếng chuông ngân buồn bã Từ chiếc đồng hồ trong phòng khách Những chiếc chuông cũng rung lên Phía trên vườn hoa Một con chim nhỏ ngớ ngẩn Thò đầu ra hót. Bà nhìn Estha và Rahel, đợi chúng hát Cúc cu. Chúng không hát. Một làn gió nhẹ thổi vào trong xe. Những cây xanh và cột điện lao đi vùn vụt bên cửa xe. Những con chim trượt trên dây như những gói hành lý trong sân bay. Một mặt trăng ban ngày to tướng, nhợt nhạt treo lơ lửng trên bầu trời và đi theo chỗ họ đến. To như bụng của một người hay uống bia. 3. SANG TRỌNG LÀM NGƯỜI LALTAIN, NGHÈO HÈN LÀM NGƯỜI MOMBATTI Rác rưởi ngập trong ngôi nhà Ayemenem như một đội quân thời Trung cổ tiến đánh thành trì quân thù. Rác kết lại trong từng kẽ hở, bám trên từng tấm ván cửa sổ. Lũ ruồi nhép vo ve trong các ấm trà. Những con côn trùng chết nằm trong các bình hoa trống rỗng. Sàn nhà nhớp nháp. Những bức tường mầu trắng đã trở thành mầu xám loang lổ. Những bản lề và quả đấm cửa bằng đồng thau đã mờ xỉn và chạm vào thật nhầy nhụa. Các bồn rửa không được thông tắc. Một lớp nhờn phủ kín các bóng đèn. Thứ duy nhất sáng sủa là những con gián to tướng chạy lung tung khắp nơi giống những cái bánh kẹp đánh vecni trong một bộ phim. Đã từ lâu lắm rồi, Baby Kochamma không còn chú ý đến mọi vật. Người chú ý đến tất cả là Kochu Maria cũng không còn chăm sóc nữa. Baby Kochamma dựa người trên chiếc ghế dài, ăn lạc làm những mảnh vỏ lọt vào khe lớp vải bọc đệm đã cũ nát. Trong lúc xem tivi, cả bà chủ lẫn người hầu đều quờ quạng bốc lạc trong bát. Kochu Maria quăng lạc vào miệng. Baby Kochamma đưa chúng vào miệng, đúng kiểu đoan trang. Trong bộ phim Bài hát hay nhất của Donahue, khán giả trong xưởng phim đang xem trích đoạn một ca sĩ da đen hát bài Phía trên cầu vồng trong một ga xe điện ngầm. Anh ta hát rất chân thành, như thể thực sự tin vào những lời trong bài hát. Baby Kochamma hát theo anh ta, giọng bà nhỏ và láy rền, quánh lại vì lạc. Bà mỉm cười vì những lời há thích trở lại với bà. Kochu Maria nhìn bà, tưởng chừng bà ta hóa điên, và vơ lấy phần lạc nhiều hơn. Người ca sĩ ngửa đầu ra sau lúc hát những nốt cao, vòm miệng anh ta gợn sóng, mầu hồng che kín màn hình. Anh ta ăn mặc tả tơi như một ngôi sao nhạc rốc, nhưng những chiếc răng khuyết và nước da tái nhợt ốm yếu nói lên một cách hùng hồn về cuộc sống thiếu thốn và tuyệt vọng của anh ta. Anh ta ngừng hát mỗi khi có tầu đến hoặc đi, mà việc đó xẩy ra luôn. Lúc đèn trong xưởng bật sáng, đích thân Donahue giới thiệu người ca sĩ và theo sự sắp xếp trước, anh ta bắt đầu bài hát đúng chỗ phải ngừng lại vì có tầu, hát hay vô cùng, và thành công thật cảm động vì bài hát dưới ga xe điện ngầm. Lần tiếp đó, người ca sĩ ngừng lại giữa bài khi Phil Donahue quàng tay ôm anh ta và nói: - Cảm ơn. Rất cảm ơn. Được Phil Donahue ngắt lời khác hẳn khi bị tiếng xe điện chạy ầm ầm ngắt quãng. Thật là thú vị. Một điều vinh dự. Khán giả xưởng phim vỗ tay và động lòng trắc ẩn. Người ca sĩ đỏ bừng mặt vì Niềm Hạnh phúc của Thời Huy hoàng, cái thời hiếm hoi mới mua được vé hàng cuối. Anh ta nói rằng được hát trong buổi diễn của Donahue là giấc mơ của anh ta, và không ý thức được anh ta đã bị bóc lột quá nhiều. Có những giấc mơ lớn và những giấc mơ nhỏ. - Sang trọng làm sahib Laltain, nghèo hèn làm người Mombatti - Trong một buổi đi chơi ngoài trời của trường Estha, (những chuyến đi năm nào cũng có), một ông phu già người Bihari gặp cậu ở sân ga đã nói như thế về những giấc mơ. Người giầu mơ Đèn lồng. Người nghèo mơ ngọn sáp. Ông ta quên nói Người quyền thế ánh sáng đèn pha. Người thấp kém là Ga xe điện ngầm. Các Ông chủ mặc cả với ông lúc ông lê bước đằng sau với những người khuân vác hành lý, đôi chân ông vòng kiềng làm các cậu học sinh nhại lại dáng đi của ông. Chúng thường gọi ông là Bóng chui lọt. Chứng giãn tĩnh mạch của những người nghèo nhất, ông quên bẵng nói đến chuyện đó, ông đang lảo đảo vì bị mất đến gần nửa số tiền ông đề nghị và chỉ được một phần mười cái ông đáng được hưởng. Bên ngoài, mưa đã tạnh. Bầu trời xám xịt vón lại những đám mây tản ra thành từng mảng, giống như một tấm nệm nhồi vụng. Esthapen xuất hiện trên cửa bếp, ướt sũng (và khôn ngoan hơn thực). Lớp cỏ dài lấp lánh phía sau anh. Một chú cún con đứng trên bậc, cạnh anh. Những giọt nước mưa trượt từ đáy ống máng cong queo, han rỉ lên mái nhà, trông như những hạt trên bàn tính sáng bóng. Baby Kochamma rời mắt khỏi tivi. - Anh cháu về đây này! - bà ta tuyên bố với Rahel, chẳng buồn hạ thấp giọng - Bây giờ thì nhìn đi. Nó sẽ chẳng nói gì đâu. Nó sẽ đi thẳng vào phòng riêng. Nhìn mà xem! Chú cún con được dịp, định tiến vào. Kochun Maria lấy ngón tay đẩy mạnh cửa lại: - Ra! Ra! Poda Patli! Chú cún con biết thân đành bỏ ra ngoài. Có vẻ như nó rất quen với cảnh này. - Nhìn xem! - Baby Kochamma nói. Bà có vẻ kích động - Nó sẽ vào thẳng phòng nó rồit rũ quần áo. Nó sạch quá mà… nó sẽ chẳng nói lấy một lời. Bà có cử chỉ như một người gác vườn cấm, chỉ ra một con thú trên cỏ. Hãnh diện vì khả năng đoán trước đươc cử động của nó. Sự hiểu biết hợm hĩnh là thói quen và thiên hướng của bà. Tóc Estha bết xuống thành từng đám, giống như những cánh hoa rũ xuống. Qua đám tóc, mảnh da đầu sáng bóng lên. Những dòng nước chảy xuống mặt và cổ anh. Anh đi thẳng vào phòng riêng. Trên đầu Baby Kochamma như xuất hiên một vòng hào quang hả hê. - Thấy chưa? - Bà nói. Kochu Maria lợi dụng cơ hội bấm sang kênh khác và xem một mẩu phim Những con người ưu tú. Rahel theo Estha vào phòng. Phòng của Ammu. Đã có thời như thế. Căn phòng gìn giữ mọi điều bí mật của anh. Nó chẳng tiết lộ điều gì. Không hề có cảnh lộn xộn của khăn trải giường nhầu nát, giầy dép đá văng đi tứ tung, hoặc khăn mặt ướt vắt trên lưng ghế. Hay một cuốn sách đọc dở dang. Nó giống như một phòng trong bệnh viện, sau khi nữ y tá đã dọn dẹp. Sàn nhà sạch bong, tường trắng tinh. Tủ áo đóng chặt. Giầy xếp gọn gàng. Thùng rác sạch trơn. Sự sạch sẽ trong phòng là dấu hiệu tốt lành duy nhất tỏ rõ ý thức tự giác của Estha. Nó là một giả định mờ nhạt, độc nhất rằng có lẽ Estha có một Ý đồ về Cuộc sống. Chỉ có điều anh không hề sẵn lòng rỉ tai người nào mà thôi. Trên tường cạnh cửa sổ, một cái bàn là đặt trên giá. Một chồng quần áo nhầu gấp lại, đang đợi là. Sự im lặng lơ lửng trong không khí giống như một sự hoài phí bí ẩn. Những bóng ma khủng khiếp của những thứ đồ chơi không - thể - quênom lại trên các cánh của chiếc quạt trần. Một cái sung cao su. Một con Koala Qantas (cô Mitten cho), cặp mắt đã long. Một con ngỗng có thể bơm phồng lên (đã cháy vì điếu thuốc lá của viên cảnh sát). Hai cái bút bi, trong có những chiếc xe buýt London mầu đỏ và các góc phố chạy lên chạy xuống. Estha vặn vòi, nước chảy vào một cái xô nhựa. Anh cởi quần áo trong phòng tắm mờ mờ. Anh lột cái quần jean ướt sũng ra. Cứng đờ. Mầu xanh sẫm. Rất khó cởi. Anh kéo tuột chiếc sơ mi cộc tay mầu dâu qua đầu, anh mịn màng, mảnh dẻ, bắp thịt lẳn. Anh không nghe thấy tiếng em gái bên cửa. Rahel ngắm cái bụng anh thót lại, lồng ngực phồng lên khi chiếc áo sơ mi ướt tuột khỏi đầu, để lộ làn da ướt mầu mật ong. Bộ mặt anh, cái cổ và yết hầu trên cổ thẫm mầu hơn những chỗ khác trên người. Cánh tay Estha hằn lên hai mầu rõ rệt. Nơi tay áo che phủ, mầu nhạt hơn. Một người đàn ông da nâu sẫm trong bộ quần áo mầu mật ong. Mầu sôcôla pha lẫn mầu cà phê. Gò má cao và cặp mắt sục sạo. Một ngư dân trong một phòng tắm lát gạch men trắng, với bao điều bí mật của biển khơi trong mắt. Anh có trông thấy cô không? Anh có điên dại thực không? Anh có biết cô ở đó không? Họ chưa bao giờ ngượng ngập vì thân thể nhau, nhưng họ chưa bao giờ đủ lớn cùng nhau để hiểu ngượng ngùng là gì. Lúc này họ là thế. Họ đủ lớn rồi. Già dặn. Tuổi có thể chết được rồi. Cái chữ già dặn ấy nghe thật buồn cười, Rahel ngẫm nghĩ, và cô tự nhủ: Già dặn. Rahel đứng bên cửa buồng tắm. Hông cô hẹp (“Bảo cô ấy cần phải mổ lấy con ra!”, một bác sĩ sản khoa say rượu đã nói với chồng cô lúc họ đang đợi đổ xăng tại một trạm xăng dầu). Một con thạch sùng trên chiếc bản đồ in trên chiếc áo sơ mi ngắn tay phai mầu của cô. Mớ tóc dài, ngang ngược của cô, lấp lánh mầu thuốc nhuộm đỏ thẫm, thả xuống tấm lưng nhỏ nhắn. Viên kim cương trên lỗ mũi cô ngời sáng. Thỉnh thoảng cô mới đeo. Còn thỉnh thoảng không đeo. Một chiếc lắc mỏng bằng vàng, chạm hình đầu rắn, lấp lánh như một còng ánh sáng mầu da cam quanh cổ tay cô. Những con rắn mảnh dẻ thì thầm với nhau, đầu ghé đầu. Đánh ra từ chiếc nhẫn cưới của mẹ. Nó tuột xuống, làm cánh tay gầy, xương xẩu của cô trở nên mềm mại. Mới nhìn thoáng, trông cô có vẻ giống mẹ như lột. Đôi gò má cáo. Lúm đồng tiền xoáy sâu khi cô mỉm cười. Nhưng cô cao hơn, rắn rỏi hơn, sắc sảo hơn, góc cạnh hơn Ammu. Có lẽ người nào thích vẻ tròn trặn, mềm mại của phụ nữ sẽ thấy cô kém đáng yêu. Chỉ có cặp mắt là đẹp mê hồn, không ai chối cãi được. To. Sáng rực. Nhấn chìm người khác, như Larry McCaslin đã nói khi khám phá ra giá trị của nó. Rahel tìm những nét của mình trên tấm thân trần truồng của người anh. Trong hình dáng đôi đầu gối. Vòng cung của mu bàn chân. Độ dốc của đôi vai. Góc gập của khuỷu tay. Kiểu móng chân lộ ra ngoài. Đường hõm từng bên của cặp mông căng, tuyệt đẹp. Trong căng. Mông của đàn ông không bao giờ lớn lên. Giống như cặp sách học trò, nó gợi ngay đến những ký ức tuổi thơ. Hai nốt tiêm chủng trên cánh tay Estha lóe sáng như những đồng xu. Nốt tiêm chủng của Rahel trên bắp đùi. Ammu thường nói bọn con gái bao giờ cũng tiêm chủng trên đùi. Rahel ngắm Estha với vẻ tò mò của một người mẹ ngắm đứa con ướt át. Một cô em gái ngắm anh trai. Một người đàn bà ngắm đàn ông. Một người em ngắm người anh sinh đôi. Cô vội chạy vù ra ngay. Anh là một người lạ trần truồng, bắt gặp trong một dịp tình cờ. Anh là người cô đã biết trước khi Cuộc sống bắt đầu. Là người đã một lần đưa cô chui qua cửa mình đáng yêu của người mẹ. Cả hai điều ấy đều không sao chịu nổi trong tình cảnh trái ngược của họ. Trong trạng thái đối nghịch không sao dung hòa nổi của họ. Một giọt nước mưa lấp lánh nới dái tai Estha. Nó dầy, trắng bạc trong ánh sáng, g một giọt thủy ngân nặng trĩu. Cô tiến đến. Chạm vào nó. Gạt nó đi. Estha không nhìn cô. Anh ẩn sâu trong sự im lìm xa vời. Cứ như thân thể Anh có một sức mạnh dìm những cảm xúc vào bên trong, xa hẳn bề mặt của làn da, vùi vào một nơi sâu kín không sao với tới được. Lặng lẽ chun nếp váy và thả xuống, giống như Mụ nhện leo trên tường phòng tắm mà giăng tơ. Estha cho quần áo ướt cuả anh vào xô và bắt đầu giặt bằng miếng xà phòng mầu xanh nhạt, bở tơi. 4. ABHILASH TALKIES Abhilash Talkies tự quảng cáo là rạp chiếu bóng bậc nhất ở Kerala, có màn ảnh chiếu phim loại 70mm. Từ nhà đi đến, bề ngoài của rạp thiết kế như một bản sao màn ảnh cong bằng xi măng. Trên nóc rạp đề chữ Abhilash Talkies bằng tiếng Anh và tiếng Malayalam, (chữ đắp bằng xi măng, nhiều đèn neon). Nhà vệ sinh đề chữ NAM và NỮ. NỮ dành cho Ammu, Rahel và Baby Kochamma. NAM dành cho mình Estha, vì Chacko đã đi đặt phòng tại khách sạn Sea Queen. - Con có đỡ không? - Ammu lo lắng hỏi. Estha gật đầu. Rahel theo Ammu và Baby Kochamma qua cánh cửa bằng foocmica mầu đỏ vào phòng NỮ, cánh cửa từ từ khép lại. Em quay lại, đôi dép bước qua sàn đá hoa và vẫy Estha (bằng cái lược) đang đứng một mình, đi đôi giầy nhọn mũi mầu be. Estha đứng đợi trong hành lang đá hoa bẩn thỉu, lẻ loi ngắm những tấm gương cho đến khi cánh cửa mầu đỏ che khuất cô em gái. Lúc đó, em mới quay người đi vào phòng NAM. Trong phòng NỮ, Ammu bảo Rahel nên đứng thăng bằng trong không khí mà tè, vì bồn công cộng rất bẩn. Giống như Tiền vậy. Bạn không bao giờ biết những ai đã mó vào nó. Người hủi. Đồ tể. Thợ máy ôtô. (Mủ. Máu. Dầu m Có lần, Maria Kochu dẫn em đến hàng thịt, Rahel đã thấy ông hàng thịt trả lại đồng 5 rupi mầu xanh, dính một miếng thịt đỏ hỏn bé xíu trên đó. Kochu Maria đưa ngón tay cái chùi miếng thịt đó đi. Nước thịt để lại một vết bẩn mầu đỏ. Bà ta nhét đồng tiền vào áo trong. Đồng tiền có mùi máu thịt. Rahel quá thấp, không thể đứng thăng bằng trong không khí trên bồn được, nên Ammu và Baby Kochamma phải nhấc em lên, đôi chân em móc vào cánh tay họ. Trong đôi xăng đan Bata, những móng chân của em quặp vào. Em lơ lửng trên không, quần lót tụt xuống. Một lát chưa thấy gì, em ngước lên nhìn mẹ và bà trẻ, câu hỏi nghịch ngợm (bây giờ làm gì?) lóe lên trong mắt. - Tè đi con - Ammu nói - Sssss… Rahel cười khúc khích. Ammu cười khúc khích. Baby Kochamma cười khúc khích. Lúc tia nước tiểu vọt ra, họ điều chỉnh tư thế của em trong không khí. Rahel không hề ngượng nghịu. Em tè xong và Ammu lấy giấy vệ sinh. - Đến cháu hay cô nào? - Baby Kochamma nói với Ammu. - Đằng nào cũng thế- Ammu nói- Cô đi đi. Rahel cầm túi cho bà. Baby Kochamma nâng tấm sari nhầu nát lên. Rahel chú ý thấy đôi chân của bà to tướng. (Nhiều năm sau, trong giờ lịch sử, em đọc to ở trường - Hoàng đế Babur có nước da mầu lúa mì và đôi bắp đùi như những cái cột - cảnh này lại hiện lên trước mắt em. Baby Kochamma đứng thăng bằng như một con chim lớn trên bồn xí công cộng. Những tĩnh mạch mầu xanh giống như những đồ len đan nổi cục, chạy lên phía trên cẳng chân trong mờ của bà. Đôi đầu gối béo tốt của bà gợn sóng. Trên đầu gối có lông. Tội nghiệp đôi bàn chân bé nhỏ phải mang một khối như thế! Baby Kochamma đợi một lát. Đầu bà nhô ra phía trước. Nụ cười ngốc nghếch. Ngực áo nhấp nhô. Những quả dưa trong một chiếc áo choàng. Rahel khoái tất cả chuyện này. Em đang giữ cái túi. Ai cũng phải tè trước mặt mọi người. Giống như bạn bè. Lúc đó cô bé chưa biết tình cảm đó quý giá đến chừng nào. Như bạn bè. Họ sẽ không bao giờ cùng nhau như thế lần nữa. Ammu, Baby Kochamma và em Ammu đi rất khẽ. Chị đi vào thành bồn nên không nghe thấy. Tính khắc nghiệt của bố em đã lưu lại trong cặp mắt của em và trong mắt Ammu. Chị có những lúc đồng tiền xoáy sâu lúc mỉm cười và dường như không thể giận lâu hơn chuyện gì. Về chuyện Velutha hoặc chuyện nhổ nước bọt. Đó là một Dấu hiệu Tốt lành. Một mình Estha trong phòng NAM. Em quá thấp không thể tè vào máng tiểu được. Em cần Tầm cao. Em tìm cái kê cao lên, và đã tìm thấy trong góc phòng NAM. Một cái chổi bẩn thỉu. Một cái giẻ lau sàn mềm oặt, hai cái hộp sắt tây han rỉ rỗng không. Chúng có thể là những hộp đựng sản phẩm của Thiên đường Hoa quả dầm. Dứa khoanh ngâm xi rô. Hoặc dứa thái lát. Thanh danh của em được cứu vớt bằng những cái hộp hoen rỉ rỗng không của bà ngoại; Estha lôi những cái hộp đến trước máng. Em đứng lên trên. Giống như một người Đàn ông. Xong việc, Estha chuyển những cái hộp đến bồn rửa trước cái gương. Em rửa tay và vuốt tóc cho ướt. Em quá thấp mà cái lược của Ammu lại quá to, nên em vuốt tóc cho phồng lên thật cẩn thận. Em chải ra sau cho thật mượt, rồi nắn về phía trước và xoay sang một bên. Em bỏ lược vào túi, bước xuống khỏi mấy chiếc hộp và xếp chúng vào chỗ cùng với chổi, chai và giẻ lau. Em cúi chào cả lũ. Chúng thật xứng hợp với nhau. Cái chổi, những chiếc hộp, cái giẻ lau mềm oặt. - Chào nhé - em nói và mỉm cười, vì khi đó em còn nhỏ, em có cảm tưởng phải nói “chào” khi cúi chào. Nghĩa là làm gì phải nói lên điều ấy. “Chào Estha”, chúng nói. Em cúi chào và nói: “Chào nhé”, còn chúng lại nhìn nhau mà phá lên cười, em thấy khó chịu. Chỉ mình Estha là có hàm răng khấp khểnh. Em đợi mẹ, em gái và bà trẻ của em ở bên ngoài. Lúc họ bước ra, Ammu nói: - Tốt chứ, Esthapen? Estha nói: - Tốt ạ - và lắc lư đầu một cách thận trọng để giữ mái tóc bồng. Tốt chứ? Tốt ạ. Em cất lược vào trong xắc của mẹ. Ammu bỗng lên tình thương mến với đứa con trai bé nhỏ của chị, cố chải chuốt và tỏ ra người lớn, đi giầy mũi nhọn mầu be, thực hiện một việc như người lớn vậy. Chị lùa những ngón tay trìu mến vào tóc con. Chị làm hỏng cả mái tóc chải bồng của Estha. Người đưa chỗ tay cầm chiếc đèn pin Eveready nói đã bắt đầu từ lâu, phải nhanh nhanh lên. Họ vội vàng chạy lên những bậc mầu đỏ, trải thảm đỏ đã cũ. Cầu thang mầu đỏ, có những vết bẩn đỏ trong một góc cũng mầu đỏ. Người Đàn ông cầm Đèn pin bước đi sột soạt trong chiếc mundu, tay trái cuộn nếp gấp lại. Lúc anh ta bước lên, bắp chân anh ta rắn chắc dưới lớp da căng, giống như những quả đạn pháo có lông. - Bắt đầu lâu rồi - anh ta nói. Thế là họ mất đoạn đầu. Mất xem tấm màn nhung cuốn lên, những bóng đèn kết lại thành từng chùm mầu vàng. Nhạc nổi lên chầm chậm Chú voi con bước đi của Hatari. Hoặc Khúc quân hành của Đại tá Bogey. Ammu cầm lấy tay Estha. Baby Kochamma bước nặng nề, nắm tay Rahel. Baby Kochamma bị những quả dưa kéo trĩu xuống, không chịu thừa nhận rằng bà muốn xem buổi này. Bà thích cảm giác là bà đi xem vì lợi ích của bọn trẻ. Trong trí bà vẫn giữ một ý niệm đâu ra đấy về Những Việc Bà Đã Làm vì Dân, và Những Việc Dân Không Làm cho Bà. Bà thích màn dạo đầu của các tu nữ nhất, và mong họ không bỏ lỡ. Ammu giải thích cho Estha và Rahel rằng người ra luôn thích nhất những điều họ Đồng cảm. Rahel cho rằng em Đồng cảm với Chistopher Plummer, người đã hành động như Đại úy Von Trapp. Chacko không Đồng cảm với ông ta chút nào và gọi ông ta là Đại úy Von Trapp Lòe bịp. Rahel giống như một con muỗi thả lỏng. Bay. Tung tăng. Lên hai bậc. Xuống hai bậc. Lên một bậc. Em trèo được năm bậc thang đỏ trong khi Baby mới được một bậc. Em tròn mắt nhìn chú lính thủy đum đum Em sống trong một cái xe tải đum đum Em mở cửa ra> Rồi em ngã xuống sàn Em tròn mắt nhìn chú lính thủy đum đum Lên hai bậc. Xuống hai bậc. Lên một bậc. Nhẩy, nhẩy lon ton. - Rahel - Ammu gọi - Con chưa thuộc bài của con, phải không? Rahel thuộc chứ: Vui mừng đến phát khóc. Đum đum. Họ đến hành lang Princess Circle. Họ đi qua Quầy giải khát, những chai nước cam đang đợi. Những chai nước chanh đang đợi. Nước cam quá ít cam. Nước chanh quá ít chanh. Sôcôla quá chẩy. Người Đàn ông cầm Đèn pin mở cánh cửa Princess Circle nặng trịch vào một chỗ tối om, quạt máy kêu vù vù, tiếng nhai lạc lép bép. Sặc mùi hơi thở của người và mùi dầu bôi tóc. Mùi những tấm thảm cũ. Thật là một phép thuật, Tiếng Âm nhạc có mùi làm Rahel nhớ và lưu giữ mãi. Những thứ mùi cũng như âm nhạc đều giữ nhiều kỷ niệm. Em hít vào thật sâu, và giữ lại cho con cháu hậu thế. Estha cầm những tấm vé. Một người Đàn ông bé nhỏ. Cậu ta sống trong một chiếc xe tải. Đum đum. Người đàn ông chiếc đèn pin lên những chiếc vé mầu hồng. Hàng J. Số ghế 17, 18, 19, 20. Estha, Ammu, Rahel, Baby Kochamma. Họ len qua những người bực tức thu chân lại nhường chỗ. Ghế ngồi phải kéo xuống. Baby Kochamma giữ ghế cho Rahel trèo lên. Em không đủ nặng, nên chiếc ghế gập lại, cuộn em vào giữa như nhồi miếng sandwich, và em xem qua khe hai đầu gối. Hai đầu gối và một cái đuôi tóc. Estha chững chạc hơn, ngồi lên mép ghế. Bóng những chiếc quạt máy in lên những mép màn ảnh, chỗ không có hình. Đèn pin tắt. Thế giới đang diễn ra trên màn ảnh. Máy quay lia trên bầu trời nước Áo xanh biếc (mầu chiếc ôtô), những tiếng chuônghà thờ trong trẻo và buồn bã. Phía dưới, trên mặt đất, trong sân một tu viện, những viên sỏi sáng bóng. Các tu nữ đi qua sân. Giống những điếu xì gà chậm rãi. Những tu nữ lặng lẽ, im lặng xúm quanh Mẹ Nhất, người không bao giờ đọc thư của họ. Họ túm tụm như những con kiến bâu quanh một mẩu bánh ngọt. Những điếu xì gà quanh một điếu Xì gà Nữ Hoàng. Đầu gối họ không có lông. Trong áo họ không có dưa. Và hơi thở họ thơm mùi bạc hà. Họ đang phàn nàn với Mẹ Nhất. Những lời hát than phiền ngọt ngào. Về Julie Andrews vẫn đang ở trên đồi, đang hát Những ngọn đồi đang sống cùng Tiếng Âm nhạc, và lại về muộn sau mọi người lần nữa. Cô ấy trèo lên cây và cọ đầu gối các nữ tu sĩ mách theo nhạc. Áo váy cô ấy rách toạc Cô ấy nhẩy van trên đường đến lễ Met Và huýt sáo trên cầu thang… Nhiều người trong đám khán giả quay đầu lại. - Suỵt! - Họ nói. Sh! Sh! Sh! Và cô ấy uốn quăn tóc Bên dưới tấm khăn trùm! Có một giọng hát bên ngoài hình ảnh. Một giọng hát trong trẻo, xuyên qua tiếng quạt quay vù vù, tiếng ăn lạc lép bép trong bóng tối. Trong đám khán giả có một tu nữ. Những mái đầu quay tròn giống như những cái nắp chai. Những cái gáy đầy tóc đen biến thành những bộ mặt có miệng và ria mép. Những cái miệng nhe ra đầy răng giống như những con cá nhám. Nhiều người trong số họ. Giống những cái răng cưa trên một tấm - Xì xì xì! - Họ đều nói. Estha đang hát. Một nữ tu với một mái tóc bồng. Một Tu nữ Elvis Presley. Em không thể nín được. - Đuổi nó ra khỏi đây! - Khán giả nói lúc họ phát hiện ra em. Im miệng hoặc ra ngoài. Ra ngoài hoặc im miệng. Khán giả là một Người Sang trọng. Estha là kẻ hèn yếu, với những chiếc vé. - Estha, vì Chúa, im ngay! - Ammu thì thào gay gắt. Vì thế Estha im. Những cái miệng và ria mép quay đi. Nhưng lúc đó, bài hát trở lại, và Estha không thể nhịn hát. - Mẹ, con có thể ra ngoài và hát bài ấy được không? - Estha nói (trước khi Ammu bợp tai em) - Sau bài hát con sẽ quay lại. - Nhưng đừng có mong mẹ đưa con đi xem lần nữa đấy - Ammu nói - Con làm tất cả chúng ta phát ngượng. Nhưng Estha không thể dừng được. Em đứng dậy đi ra. Qua Ammu đang cáu. Qua Rahel đang chăm chú xem qua khe đầu gối. Qua Baby Kochamma. Qua khán giả phải thu chân lại. Để nhường đường. Trên cửa có chữ mầu đỏ Lối Ra bật đèn đỏ. Estha đã ra. Trong hành lang, nước cam đang đợi. Nước chanh đang đợi. Sôcôla chẩy đang đợi. Những chiếc ghế dài bọc da mầu xanh đang đợi. Những tấm quảng cáo Đến ngay! cũng đang đợi. Một mình Estha ngồi trên chiếc ghế dài mầu xanh trong hành lang Princess Circle của rạp Abhilash Talkies và hát. Hát bằng giọng của một tu nữ, trong như nước. Nhưng làm thế nào anh giữ được cô ấy ở lại? Và lắng nghe những điều nh nói? Người đàn ông sau quầy giải khát đang ngủ trên một dãy ghế đợi giờ giải lao, choàng thức dậy. Đôi mắt đầy rử của gã nhìn Estha đi đôi giầy mũi nhọn mầu be. Mái tóc chải bồng bị vò hỏng. Người đàn ông lau mặt quầy đá hóa bằng một cái giẻ cáu bẩn. Và gã đợi. Gã đợi nên mới lau. Gã lau để đợi. Và gã ngắm Estha hát. Làm sao anh có thể giữ được song trùm lên cát? Ôi, anh sẽ giải quyết chuyện Maree ra sao… ao? Estha hát. - Này! - Gã Nước cam Nước chanh nói - Này, đang giờ nghỉ của tôi. Tôi phải dậy sớm để làm việc. Tôi không thể để cậu hát những bài hát tiếng Anh ở đây được. Thôi đi cho - Chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng của gã gần như khuất dưới lớp lông tay loăn xoăn. Cái dây chuyền vàng hầu như bị lấp dưới lớp lông ngực dầy rậm. Chiếc sơ mi trắng của gã không có khuy, nặc mùi cái bụng. Trông gã như một con gấu đeo trang sức đang hằm hè. Đằng sau gã là những tấm gương để khách soi lúc mua đồ uống và món ăn. Sửa lại máu tóc bồng, nắn lại búi tóc. Những chiếc gương đang chằm chằm nhìn Estha. - Tôi có thể gửi đơn kiện cậu - người đó nói với Estha - Cậu thích thế không? Một Đơn kiện? Estha ngừng hát và đứng dậy trở vào trong. - Này tôi bảo - gã Nước cam Nước chanh nói - cậu đã làm thôi thức giấc, đã làm phiền tôi, ít nhất cậu cũng lại uống cho tôi cốc nước chứ. Ít ra cậu có thể làm thế. Gã có bộ mặt râu ria không buồn cạo, cằm xị. Hàm răng gã giống như những phím piano mầu vàng, đang ngắm nhìn chú bé Elvis Xương xẩu. - Không ạ, xin cảm ơn - Elvis nói lễ phép - Cả nhà đang đợi cháu. Và cháu hết tiền tiêu vặt rồi ạ. - Tiền tiêu vặt? ã Nước cam Nước chanh nói, những cái răng vẫn đang ngắm nhìn - Lúc nãy thì hát tiếng Anh, bây giờ lại Tiền tiêu vặt! Cậu sống ở đâu thế? Trên cung trăng à? Estha quay người định đi. - Khoan đã! - Người bán Nước chanh Nước cam nói gay gắt - Khoan đã nào! - gã nói nhẹ nhàng hơn - Tôi định hỏi cậu một câu. Những chiếc răng mầu vàng của gã thật dễ làm chú ý. Chúng nhìn chúng mỉm cười, chúng hát, chúng có mùi, chúng chuyển động. Chúng thôi miên. - Tôi hỏi là cậu sống ở đâu - gã nói, chăng một cái bẫy mầu đất bẩn thỉu. - Ayemenem - Estha nói - Cháu ở Ayemenem. Bà ngoại cháu có Thiên đường Hoa quả chế biến. Bà cháu là người góp vốn ẩn danh. - Bây giờ bà ấy còn làm không? - Gã Nước chanh Nước cam nói - Và ai ẩn cùng bà ấy? - Gã cười, cái cười thật dâm ô mà Estha không thể hiểu nổi - Thôi không sao. Cậu không hiểu đâu. Lại đây mà uống nước - gã nói - Uống miễn phí mà. Lại đây. Lại đây và kể cho tôi nghe về bà cậu nào. Estha đi đến. Những cái răng vàng lôi kéo em. - Lại đây. Đến sau quầy này - Gã Nước chanh Nước cam nói. Gã hạ giọng, thì thào - Bí mật, vì không được phép uống trước giờ giải lao. Đấy là Nội quy Nhà hát. - Một pháp lệnh - gã nói thêm sau một lát ngừng. Estha đến sau Quầy giải khát để uống miễn phí. Em thấy ba cái ghế đẩu cao xếp một hàng thành chỗ ngủ cho gã. Mặt gỗ bóng lên vì gã ngồi. - Bây giờ cậu vui lòng cầm cái này hộ tôi - gã kéo tay Estha qua chiếc dhoti bằng mútxơlin trắng mềm của gã. - Tôi sẽ lấy nước cho cậu. Nước cam nhé? Hay nước chanh? Estha buộc phải làm thế. - NNước chanh? - Người đàn ông nói - Nước cam chanh? - Xin ông nước chanh - Estha nói lễ phép. Gã lấy một chai nước và một cuộng rơm. Bàn tay gã bóp chặt trên tay Estha. Móng tay của gã dài như của phụ nữ. Gã đưa tay Estha lên và xuống. Lúc đầu còn chậm. Sau nhanh dần. Những phím piano đang nhìn. - Thế bà cậu vẫn điều hành nhà máy à? - Gã Nước cam Nước chanh nói - Nhà máy gì vậy? - Nhiều loại sản phẩm lắm - Estha vừa nói vừa không nhìn, cọng rơm ngậm trong miệng - Nước quả ép, quả dầm, mứt dẻo, bột cà ri. Dứa thái lát. - Tốt - Gã Nước cam Nước chanh nói - Tuyệt vời. Bày tay gã càng bóp chặt tay Estha hơn. Chặt và đẫm mồ hôi. Và nhanh hơn nữa. Nhanh nhanh nữa lên. Không lúc nào được nghỉ Cho đến khi càng nhanh hơn nữa Và nhanh nữa lên Nước chanh ngọt dâng lên trong cuộng rơm đẫm nước (gần như bay mùi vì nước bọt và sợ hãi). Estha thổi bong bóng vào chai qua cuộng rơm. Em không thể hút được nước chanh vì những bong bóng nước chanh ngọt, quánh. Trong đầu em đang lên danh mục những sảm phẩm của bà em. QUẢ DẦM NƯỚC QUẢ ÉP MỨT DẺ XOÀI CAM CHUỐI ỚT XANH NHO QUẢ HỖN HỢP MƯỚP ĐẮNG DỨA MỨT BƯỞI TỎI XOÀI CHANH MUỐI Nước chanh lạnh và ngọt. Người đàn ông lau bàn tay kia của Estha bằng chiếc khăn lau nhớp nhúa. - Bây giờ uống hết đi - gã nói, và trìu mến bẹo vào mông Estha. Những quả mận chật căng trong ống dẫn nước. Đôi giầy nhọn mũi mầu be - Cậu không nên để thừa - gã nói. Hãy nghĩ đến những người nghèo chẳng có gì mà ăn, uống. Cậu là một đứa bé giầu có, có tiền tiêu vặt và được thừa hưởng cả cái nhà máy của bà ngoại. Cậu nên cảm ơn Chúa vì cậu chẳng phải lo lắng gì. Nào uống hết đi. Và thế là, đằng sau quầy giải khát, trong hành lang Princess Circle của Abhilash Talkies, trong cái rạp đầu tiên có màn ảnh cong chiếu phim 70mm của Kerala, Esthapen Yako đầy sợ hãi uống hết chai nước miễn phí, thứ nước chanh ưa thích, sủi ga. Thứ nước chanh quá lạnh. Quá ngọt. Hơi ga xộc lên mũi em. Em sẽ được cho một chai nữa (miễn phí, sợ đến sủi ga). Nhưng em không biết điều đó. Em giữ Bàn tay Kia nhớp nhúa cách xa người. Không được sờ vào bất cứ thứ gì. Lúc Estha uống xong, gã Nước cam Nước chanh nói: - Xong rồi à? Thằng bé ngoan Gã cầm chiếc chai rỗng và cuộng rơm đã hả hơi, rồi bảo Estha vào với Tiếng Âm nhạc. Trở vào bên trong nặc mùi dầu chải tóc, Estha giữ Bàn tay Kia một cách cẩn thận (giơ lên, cứ như em đang cầm một quả cam tưởng tượng). Em len qua Khán giả (chân họ lại thu vào nhường chỗ), qua Baby Kochamma, qua Rahel (vẫn bị lật ra sau), qua Ammu (vẫn còn bực mình). Estha ngồi xuống, vẫn giữ quả cam nhớp nháp. Và Đại úy Von Trapp Lòe bịp. Christopher Plummer. Ngạo mạn. Lòng dạ sắt đá. Cái miệng như một khe hở. Và một cái còi cảnh sát bằng thép. Một viên đại úy với bẩy đứa con. Những đứa con sạch sẽ như một gói kẹo bạc hà. Ông giả vờ như không yêu chúng, nhưng thực ra rất yêu. Ông yêu các con. Ông yêu cô ta (Julie Andrews), cô ta yêu ông, họ yêu lũ trẻ, bọn trẻ yêu họ. Tất cả bọn họ yêu nhau. Chúng là những đứa trẻ da trắng, tinh tươm, giường ngủ của chúng mềm mại, trải đệm lông chim. Chúng sống trong một ngôi nhà có hồ, có vườn và một cầu thang rộng rãi, cửa ra vào và cửa sổ trắng tinh, rèm cửa đầy những bông hoa. Những đứa trẻ da trắng sạch sẽ, nhưng ngay những đứa lớn cũng sợ sấm. Để chúng đỡ sợ, Julie Andrews xếp tất cả vào trong chiếc giường gọn gàng của cô, rồi hát cho chúng nghe một bài hát hay về một số thứ cô thích. Đây là vài thứ cô ưa: 1/ Những cô gái mặc đồ trắng, thắt lưng xatanh xanh. 2/ Những con ngỗng trời bay, ánh trăng trên đôi cánh. 3/ Những cái chuông cửa và chuông trên xe trượt tuyết, món cốt lết bê và mì sợi. 4/ Vân vân. Lúc đó, trong đầu một trong hai đứa trẻ sinh đôi giữa đám khán giả của Abhilash Talkies nẩy ra một số câu hỏi cần giải đáp, ví dụ: a/ Đại úy Von Trapp lòe bịp có rung đùi không? Ông ta. b/ Đại úy Von Trapp có nhổ nước bọt không? Hầu như ông ta không nhổ c/ Ông ta có ăn ngấu nghiến không? Ông ta không thế. Ôi Đại úy Von Trapp, đại úy Von Trapp, liệu ông có thể yêu cậu bé cầm quả cam trong phòng khán giả nặng mùi này không? Còn em gái cậu ấy nữa? Tóc nó buộc túm lên bằng cái dây Tình yêu - ở - Tokyo? Ông có thể yêu cả nó không? Đại úy Von Trapp cũng có những câu hỏi của riêng ông ta. a/ Chúng có phải là những đứa trẻ da trắng sạch sẽ không? Không. (Nhưng Sophie Mol thì có) b/ Chúng có nhổ nước bọt không? Có. (Nhưng Sophie Mol thì không). c/ Chúng có rung đùi không? Như các nhân viên? Có. (Nhưng Sophie Mol thì không). - Thế thì tôi rất tiếc - Đại úy Von Trapp nói - Tôi không thể yêu chúng được. Tôi không thể là Baba của chúng. Ô không. Đại úy Von Trapp không thể. Estha vùi đầu vào trong lòng. - Có việc gì thế? - Ammu nói - Nếu con lại dỗi, mẹ sẽ đưon về thẳng nhà. Ngồi xuống. Và xem đi. Con đến đây để xem kia mà. Uống hết chai nước. Xem phim. Nghĩ đến những người nghèo khổ. Một đứa trẻ giầu, có tiền tiêu vặt. Không phải lo lắng. Estha ngồi xuống và xem. Bụng em nặng trịch. Em có cảm giác bập bềnh, cây xanh lăn tăn, nhạt thếch, lổn nhổn, tảo biển, bông bềnh. - Ammu? - em gọi. - Gì thế? - Tiếng gì thế cáu khỉnh, càu nhàu. - Con muốn nôn - Estha nói. - Con buồn nôn hay con muốn nôn? - Giọng Ammu đượm vẻ lo lắng. - Con không biết. - Mẹ con ta ra ngoài thử xem nhé? - Ammu nói - Có khi con sẽ thấy khá hơn. - Vâng ạ - Estha nói. Được không? Vâng ạ. - Đi đâu đấy? - Baby Kochamma muốn biết. - Estha muốn ra và buồn nôn - Ammu nói. - Anh đi đâu đấy? - Rahel hỏi. - Anh thấy buồn nôn - Estha nói. - Con có thể ra và xem - Không - Ammu nói. Lại đi qua Khán giả (họ lại thu chân về). Lần cuối cùng để hát. Lần này để thử và nôn. Đi qua Lối ra. Ra đến hành lang đá hoa, gã Nước chanh Nước cam đang ăn một cái kẹo. Má gã phồng lên vì cái kẹo chuyển động. Gã tạo nên những âm thanh nhỏ, ùng ục giống như nước tháo từ bồn ra. Trên quầy có giấy bọc kẹo Parry mầu xanh. Kẹo cũng miễn phí với người này. Gã có một loạt kẹo trong các lọ mờ mờ. Gã lau mặt trong quầy bằng giẻ mầu đất cầm trong bàn tay lông lá đen đồng hồ. Lúc nhìn thấy người phụ nữ rạng rỡ, đôi bờ vai mịn màng và chú bé, một bóng đen lướt qua mặt gã. Rồi gã mỉm một nụ cười của chiếc piano xách tay. - Cháu sao thế? - Gã Nước cam Nước chanh hỏi Ammu. - Cocca - Cola Fanta? Kem Rosemilk? - Không. Không phải cho tôi đâu. Cảm ơn - Ammu nói. Người phụ nữ rạng rỡ, lúm đồng tiền xoáy sâu. - Đây - gã Đàn ông nói, vốc một nắm kẹo như một chiêu đãi viên hàng không hào phóng - Chỗ này cho cháu bé nhà chị. - Không, xin cảm ơn - Estha nói, nhìn Ammu. - Con cầm lấy, Estha - Đừng thô lỗ thế. Estha cầm kẹo. - Nói cảm ơn đi - Ammu nhắc. - Cảm ơn - Estha nói. - Không dám - gã Nước cam Nước chanh nói bằng tiếng Anh. - Thế đấy! - Gã nói - Chú bé nói các vị ở Ayemenem? - Vâng - Ammu đá - Tôi hay đến đấy - gã Nước cam Nước chanh nói - Vợ tôi là người Ayemenem. Tôi biết chỗ nhà máy của các vị. Thiên đường Hoa quả dầm phải không? Cậu ấy kể với tôi. Con trai của chị đấy. Gã biết tìm ra Estha ở đâu. Đó là điều gã cố nói. Thật là một lời đe dọa. Ammu nhìn đôi mắt sáng rực như lên cơn sốt của con trai. - Chúng tôi phải đi thôi - chị nói - Không được sốt đấy nhé. Ngày mai em họ của chúng đến - chị giải thích với Bác. Rồi sau đó nói thêm - Từ London. - Từ London? - Một vẻ kính trọng mới lấp lánh trong mắt Bác. Kính trọng một gia đình có những mối quan hệ ở London. - Estha, con ở đây với bác. Mẹ đón Baby Kochamma và Rahel - Ammu nói. - Chị cứ đi đi - Lại đây, ngồi với tôi trên chiếc ghế cao này. - Không, Ammu! Không, Ammu! Không! Con muốn đi với mẹ cơ! Ammu sửng sốt vì tiếng gào chói tai bất thường của đứa con trai vốn lặng lẽ, nên xin lỗi bác Nước cam nước chanh. - Cháu nó thường không như thế đâu. Ta đi nào, Esthapen. Lại vào bên trong đầy mùi. Bóng những chiếc quạt máy. Những cái gáy. Những cái cổ. Những cổ áo. Những mái tóc. Những búi tóc. Những cái đuôi sam. Những túm tóc đuôi ngựa. Một túm tóc buộc dây Tình yêu - ở - Tokyo. Một cô bé và một nguyên nữ tu sĩ. Bẩy đứa con thơm mùi bạc hà của Đại úy Von Trapp, tắm bằng nước bạc hà, đứng thành một hàng cây bạc hà, tóc chải lật ra sau, hát bằng những giọng bạc hà ngoan ngoãn với người phụ nữ mà Đại úy sắp c làm vợ. Một nữ Hầu tước tóc vàng hoe và sáng rực như một viên kim cương. Những ngọn đồi sống động vì những âm thanh - Chúng ta phải đi thôi - Ammu nói với Baby Kochamma và Rahel. - Nhưng, mẹ ơi! - Rahel nói - Sự kiện chính chưa xẩy ra mà! Ông ấy còn chưa hôn cô ấy mà! Ông ấy chưa xé toác lá cờ của Hitler mà! Họ chưa bị Người đưa thư Rolf phản bội mà! - Estha bị ốm - Ammu nói - Về thôi! - Bọn lính Quốc xã chưa đến mà! - Đi thôi! - Ammu nói - Đứng dậy! - Họ còn chưa hát “Mãi tít trên đồi cao có một người chăn dê lẻ loi” mà! - Estha phải khỏe để đón Sophie Mol, phải không? - Baby Kochamma nói. - Anh ấy không cần - Rahel nói, nhưng gần như một mình. - Cháu nói gì thế? - Baby Kochamma nói, thái độ gần như thụ động. - Không có gì ạ - Rahel nói. - Bà nghe thấy cháu mà - Baby Kochamma nói. Bên ngoài, ông Bác đã sắp xếp lại những cái lọ lờ mờ. Gã đang lau những vệt nước tròn tròn họ đã để lại trên mặt quầy bằng cái giẻ mầu đất. Chuẩn bị cho giờ Giải lao. Gã là một Bác Nước cam Nước chanh sạch sẽ. Gã có một tấm lòng của một chiêu đãi viên hàng không giả dối trong thân xác một con gấ - Sắp đi chứ? - Gã hỏi. - Vâng - Ammu nói - Chúng tôi có thể gọi taxi ở chỗ nào? - Ngoài cổng, trên đường, bên tay trái - gã vừa nói vừa nhìn Rahel - Chị chưa nói với tôi là chị còn có một cô con gái - Rồi lấy một vốc kẹo nữa - Này cô bé, của cháu đây. - Lấy của anh này! - Estha vội nói, không muốn cô em gái đến gần gã đàn ông. Nhưng Rahel đã dợm bước đến chỗ gã. Lúc đến gần gã, gã mỉm cười với em như một cái đàn piano xách tay mỉm cười, một cái nhìn chằm chặp như ghìm chặt lấy em, làm em do dự. Một cái gì đó ghê tởm nhất mà em chưa từng nhìn thấy. Em quay người, nhìn Estha. Em quay lưng đi khỏi người đàn ông lông lá. Estha giúi nắm kẹo Parry vào tay em, em còn cảm thấy những ngón tay nóng hổi như lên cơn sốt, đầu ngón lạnh toát như người chết của anh trai. - Tạm biệt, cậu bé - bác nói với Estha - Lúc nào đó tôi sẽ đến Ayemenem thăm cậu. Rồi, lại những bậc thang đỏ lần nữa. Lần này Rahel đi tụt lại sau. Chậm chạp. Không, tôi không muốn đi. Một tấn gạch đè nặng trĩu. - Hắn ngọt ngào quá, cái người bán Nước cam Nước chanh ấy - Ammu nói. - Xì xì! - Baby Kochamma nói. - Hắn không có vẻ thế, nhưng ngọt ngào với Estha đến mức ngạc nhiên - Ammu nói. - Thế sao mẹ không lấy ông ấy đi? - Rahel nói hờn dỗi. Thời gian ngừng lại trên cầu thang đỏ. Estha dừng lại. Baby Kochamma - Rahel - Ammu nói. Rahel cứng cả người. Em tiếc đến tuyệt vọng câu trót nói ra. Em không biết những lời ấy từ đâu đến. Em không biết chúng đã có sẵn trong người em. Nhưng lúc này buột nói ra rồi, và không lấy lại được nữa. Chúng cứ vẩn vơ trên cầu thang mầu đỏ, như những nhân viên trong một văn phòng Chính phủ. Một số người đứng, một số ngồi rung đùi. - Estha - Ammu nói - Con có hiểu điều con vừa làm không? Cặp mắt sợ hãi và một túm tóc ngoái nhìn Ammu. - Thôi được rồi. Con đừng sợ - Ammu nói - Con trả lời mẹ xem. - Gì cơ ạ? - Rahel đáp, giọng lí nhí. - Con có hiểu việc con vừa làm không? - Ammu nói. Cặp mắt sợ hãi và túm tóc ngoảnh nhìn Ammu. - Con có biết khi con xúc phạm người khác thì sẽ ra sao không? - Ammu nói - Khi con xúc phạm người khác, họ sẽ bớt yêu con. Đó là vì những lời thiếu cẩn trọng. Chúng làm cho người ta bớt yêu quý con. Một con ngài lạnh lẽo, túm lông trên lưng dầy đặc nhẹ nhàng đậu xuống trái tim Rahel. Cái chân giá buốt của nó chạm tới chỗ nào, em như thấy một con ngỗng kêu quàng quạc. Sáu con ngỗng đỗ xuống trái tim bất cẩn của em. Mẹ Ammu sẽ bớt yêu em đi một ít. Và rồi ở ngoài cổng, trên đường, bên tay trái. Xe taxi đỗ lại. Một người mẹ bị tổn thương, một nguyên tu nữ, một đứa trẻ nóng nảy và một đứa hờ hững. Sáu con ngỗng kêu quang quác và một con ngài. Chiếc taxi đầy mùi giấc ngủ. Những bộ quần áo cũ cuộn tròn. Những chiếc khăn mặt ướt. Mùi nách. Vì xét cho cùng, đây là nhà của người lái xe. Anh ta sống trong xe. Đó là nơi duy nhất để anh ta tích lũy các thứ mùi của mình. Ghế ngồi mòn xơ. Rách toạc. Một miếng giẻ bằng vải bông mầu vàng bẩn thỉu, đẫm nước và run rẩy ở ghế sau giống như một người bị bệnh sốt vàng da nặng. Người lái xe nhanh nhẹn như một con chồn thuộc bộ gặm nhấm. Anh ta có một cái mũi khoằm như người La mã và bộ ria mép như Richard. Anh ta nhỏ người đến mức nhìn đường qua tay lái. Len giữa dòng xe cộ, trông cứ như một taxi có khách mà không lái xe. Anh ta lái nhanh, hung hăng, lao như tên vào những khoảng không, chen bật các xe khác ra khỏi làn. Tăng tốc ở ngã tư. Chồm lên nhanh nhẹn. - Sao anh không dùng một cái đệm hay gối hoặc một thứ gì khác? - Baby Kochamma gợi ý, giọng thân thiện - Anh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. - Sao bà không nghĩ đến việc của mình đi, bà chị? - Người lái xe trả lời, giọng không hòa nhã lắm. Đi qua khoảng tối đen như mực, Estha thò đầu ra ngoài cửa xe. Em có thể nếm được ngọn gió britzơ nóng, mằn mặn trong miệng. Em cảm thấy tóc mình bay tung. Em biết nếu mẹ em khám phá ra việc em đã làm với Gã Nước cam Nước chanh, mẹ cũng sẽ bớt yêu em. Bớt đi nhiều lắm. Em cảm thấy xấu hổ, cồn cào cả ruột gan. Em khao khát có một dòng sông. Vì nước sẽ giúp ích rất nhiều. Màn đêm đầy ánh đèn neon nhấp nháy lướt qua bên cửa xe. Trong chiếc taxi nóng và im lặng. Baby Kochamma trông đỏ hồng và vui vẻ. Bà không thích là nguyên nhân gây nên cảm giác ốm yếu. Mỗi lúc có con chó lạc trên đường, người lái xe ra sức giết chết. Con ngài đậu trên trái tim Rahel cứ xoải rộng đôi cánh nhung, và cảm giác lạnh buốt bò vào đến tận xương. Trong bãi đỗ của khách sạn Sea Queen, chiếc Plymouth mầu xanh da trời đang chuyện gẫu với các xe khác, nhỏ hơn. Slip slip snut snat. Một bà to béo giữa một đám các bà bé nhỏ. - Phòng 313 và 327 - người tiếp tân nói - Không có điều hòa nhiệt độ. Có hai giường. Thang máy đóng cửa vì sửa chữa. Người phục vụ đưa họ đi té ra chẳng phải là một cậu bé, cũng không phải là một cái chuông[9]. Ông ta có đôi mắt mờ, chiếc áo ngoài mầu hạt dẻ đã sờn, mất hai chiếc khuy. Áo lót mầu xám của ông ta lộ ra. Ông ta đội một cái mũ ngớ ngẩn, lệch sang một bên, cái dây mũ lún sâu vào chiếc cằm xệ. Có vẻ như chẳng cần phải bắt một ông già đội mũ lệch như thế, vì tuổi tác như treo trên cái cằm của ông. Thế là lại phải trèo lên các bậc thang mầu đỏ. Cũng tấm thảm đỏ trong rạp chiếu bóng theo họ về đây. Tấm thảm biết bay như phép ma. Chacko đang ở trong phòng. Đang ăn uống thỏa thuê. Gà rán, khoai tây rán, ngô đường và xúp gà, hai cái bánh paratha, kem vani phủ sôcôla. Một âu nước xốt. Chacko thường nói hoài bão của anh ta là được chết vì ăn quá nhiều. Mammachi thì nói đó là dấu hiệu khẳng định sự bất hạnh bị kìm nén. Chacko cãi chẳng phải như thế. Đó là háu ăn mà thôi. Chacko bối rối thấy mọi người về sớm thế, nhưng giả vờ như không. Anh ta vẫn ăn. Kế hoạch lúc đầu là Estha ngủ với Chacko, Rahel ngủ với Ammu và Babby Kochamma, nhưng bây giờ Estha không khỏe và Tình yêu thương đã bị phân chia lại (Ammu bớt yêu Rahel rồi), Rahel phải ngủ cùng Chacko, còn Estha và Baby Kochamma. Ammu lấy bộ pyjamas và bàn chải răng của Rahel trong vali và đặt lên giường. - Đây - Ammu nói. Hai tiếng cách đóng vali lại. Cách. Và cách. - Mẹ - Rahel nói - Con sẽ bị phạt nhịn bữa tối chứ ạ? Em rất nhạy cảm với việc đổi lấy chuyện trừng phạt. Không ăn tối để đổi lấy tình yêu thương của Ammu như trước kia. - Tùy con - Ammu nói - Nhưng mẹ khuyên con nên ăn. Nếu con muốn chóng lớn, thì phải ăn. Con có thể ăn một ít thịt gà với bác Chacko. - Có thể có và có thể không - Chacko nói. - Nhưng còn chuyện phạt con? - Rahel nói - Mẹ không phạt con à! - Có những việc tự nó đã là trừng phạt - Baby Kochamma nói. Dường như bà đang giảng giải những điều mà Rachel không thể hiểu nổi. Có những điều tự nó đã là trừng phạt. Giống như phòng ngủ có xây sẵn tủ áo. Người ta sẽ biết rõ hơn mọi sự trừng phạt. Chúng sẽ đến với các kích cỡ khác nhau. Một số việc trừng phạt lớn đến mức chúng giống như những tủ áo xây sẵn trong phòng ngủ. Bạn có thể sống cả đời trong đó, lang thang qua hết các ngăn tối mò. Baby Kochamma hôn Rahel chúc ngủ ngon, để lại một vết nước bọt nhỏ trên má. Em co vai chùi đi. - Chúa phù hội con ngủ ngon - Ammu nói. Nhưng chị nói lúc quay lưng đi. Chị đã sẵn sàng đi ra. - Chúc ngủ ngon - Estha nói, em yếu quá không âu yếm được em gái nữa. Một mình Rahel nhìn họ xuống hành lang khách sạn như những bóng ma lặng lẽ nhưng có thật. Hai cái lớn, một cái nhỏ, đi đôi giầy nhọn mũi mầu be. Tấm thảm đỏ nuốt hết tiếng bước chân của họ. Rahel đứng trên ngưỡng cửa phòng khách sạn, tràn ngập nỗi buồn. Buồn vì Sophie Mol sắp đến. Buồn vì Ammu bớt yêu em. Buồn vì chuyện gì đó gã Nước cam Nước chanh đã làm với Estha ở Abhilash Talkies. Một ngọn gió cay xè thổi qua đôi mắt ráo hoảnh, đau đớn của em. Chacko đặt một cái đùi gà và mấy miếng khoai tây rán vào góc đĩa cho Rahel. - Không ạ, cảm ơn bác - Rahel nói, hy vọng việc em tự trừng phạt sẽ có tác động nào đó, và Ammu sẽ tha thứ cho - Hay cháu ăn kem sôcôla nhé? - Chacko nói. - Không ạ, cảm ơn bác - Rahel nói. - Thôi được - Chacko nói - Nhưng cháu không biết đã bỏ lỡ gì đâu. Anh ta ăn hết thịt gà rồi ăn nốt cả chỗ kem. Rahel thay pyjamas. - Đừng kể chuyện cháu bị phạt vì cái gì nhé - Chacko giao hẹn - Bác không thể chịu được cái chuyện ấy đâu - Anh ta lấy một miếng paratha vét sạch nước sốt trong âu. Sự ngọt ngào của anh ta sau khi ăn đồ ngọt thật đáng tởm - Chuyện gì thế? Gãi vết muỗi đốt đến chảy máu chứ gì? Hay quên nói “Cảm ơn” với người lái xe taxi? - Một chuyện còn tệ hơn thế - Rahel nói, trung thành với Ammu. - Đừng kể - Chacko nói - Bác không muốn biết. Anh ta gọi điện xuống phòng phục vụ, một người hầu mệt mỏi đến dọn đĩa và xương xẩu đi. Anh ta cố lưu giữ mùi vị bữa tối, nhưng chúng đã trốn biến và lẩn vào những tấm rèm cửa màu nâu, mềm rủ của khách sạn. Một đứa cháu gái nhịn bữa tối và người bác ăn no nê của em cùng đánh răng trong phòng tắm của khách sạn Sea Queen. Em, một kẻ tội tình, thấp bé mặc bộ pyjamas kẻ sọc, đuôi tóc buộc vểnh lên bằng cái dây Tình yêu - ở - Tokyo. Bác em mặc vét bằng vải bông và quần đùi. Chiếc áo vét thẳng căng trên cái bụng tròn xoe, hệt như một lớp da thứ hai, buông xuống chỗ lõm của khuy bụng. Lúc Rahel giữ cái bàn chải sủi bọt đứng yên rồi đưa răng cọ qua cọ lại, anh ta cũng không bảo cháu không được làm thế. Anh ta không phải là một tên phát xít. Hai bác cháu súc miệng rồi lần lượt nhổ. Rahel cẩn thận kiểm tra những bọt Binaca trắng xoáy trôi xuống bồn, xem có thể thấy gì không. Những mầu sắc và các vật lạ bị tống ra khỏi khe răng là gì vậy? Tối nay chẳng có quái gì. Chẳng có gì bất thường. Chỉ có những bọt Bianca. Chacko tắt ngọn đèn to. Trên giường, Rahel tháo cái dây Tình yêu - ở - Tokyo và đặt cạnh cái kính. Cái đuôi tóc của em hơi xổ ra, nhưng vẫn đứng yên. Em ngửi thấy mùi sữa và nước tiểu. Chacko sửng sốt thấy một người bé như thế, mơ hồ như thế, lại có thể có đầy đủ sự ý tứ, tình yêu thương, sự đúng mực của một người lớn. Lúc rời đi, anh cảm thấy một cái gì đó tan nát trong lòng. Một điều rất to lớn. Nhưng hiện giờ Joe đã chết. Chết trong một vụ ô tô đâm. Chết vì một quả đấm cửa. Một cái hố hình Joe trong vũ trụ. Trong bức ảnh của Chacko, Sophie Mol lên bẩy tuổi. Trắng và xanh biếc. Môi hồng, một người Thiên chúa giáo Syria ở bất cứ nơi đâu. Dù Mammachi ngắm kỹ bức ảnh cứ khăng khăng là cô bé có cái mũi của Pappachi. - Bác Chacko - Từ bên giường tối om Rahel gọi - Cháu hỏi bác một câu nhé? - Hỏi hai câu cũng được - Chacko nói. - Bác ơi, bác có yêu Sophie Mol nhất trên đời ko? - Chị ấy là con gái bác - Chacko nói. Rahel ngẫm nghĩ câu đó. - Bác Chacko, người ta có cần thiết PHẢI yêu các con mình Nhất trên đời ko? - Không định - Chacko nói - Nhưng người ta thường làm thế. - Bác Chacko, ví dụ như - Rahel nói - Chỉ là ví dụ thôi nhé, mẹ cháu có thể yêu chị Sophie Mol hơn Estha và cháu không? Hoặc bác yêu cháu hơn Sophie Mol, ví dụ thế? - Trong Bản chất Loài người, mọi thứ đều có thể xảy ra - Chacko nói bằng giọng Diễn giảng của anh ta. Lúc này trò chuyện trong bóng tối, anh bỗng không có cảm giác là đứa cháu gái của anh còn bé tí, tóc buộc đuôi ngựa - Tình yêu. Sự điên rồ. Niềm hy vọng. Niềm vui không bờ bến. Trong bốn thứ thuộc Bản chất Loài người, Rahel thấy Niềm vui Không bờ bến nghe buồn nhất. Có lẽ do cách Chacko nói lên tiếng ấy. Niềm vui không bờ bến. Nghe như âm thanh của một nhà thờ. Như một con cá buồn, bị chặt hết vây. Một con ngài lạnh lẽo giơ một cái chân lạnh lẽo. Khói thuốc uốn cong cong trong bóng đêm. Người đàn ông to béo và cô cháu gái bé bỏng nằm im lặng, thao thức. Cách đó vài phòng, Estha vẫn thức trong lúc bà trẻ của em ngáy ầm ĩ. Ammu đã ngủ, trông chị tuyệt đẹp trong ánh đèn đường màu xanh, kẻ sọc xuyên qua cửa sổ xanh kẻ sọc. Chị mỉm một nụ cười trong giấc ngủ, mơ về những con cá heo và một mầu xanh có sọc sâu thẳm. Không hề có dấu hiệu con người có nụ cười đó là một quả bom đang chờ nổ. Một mình Estha lảo đảo vào phòng tắm. Em nôn ra một thứ dung dịch trong trong, đắng, sặc mùi chanh, lấp lánh, sủi bọt. Dư vị cay sè của một Cậu bé lần đầu tiên chạm trán với nỗi sợ. Đum đum. Estha cảm thấy đỡ hơn. Em đi giầy và ra khỏi phòng, thơ thẩn xuống hành lang, lặng lẽ đứng bên cửa căn phòng Rahel. Rahel đứng lên ghế và mở then cửa cho em. Chacko chẳng hề băn khoăn vì sao cô béEstha ở bên cửa. Anh đã quen với những lúc lạ lùng của chúng. Chacko nằm trên chiếc giường hẹp của khách sạn như một con cá voi trên bãi biển, nhàn rỗi băn khoăn không biết Rahel có nhìn thấy Vaelutha thực không. Anh không chắc lắm. Valutha có quá nhiều thứ sắp đến với anh ta. Anh ta là một người Paravan có tương lai. Cho đến lúc này, tại Thiên đường Hoa quả dầm, chẳng hơn gì một trò chơi vô hại ngoài những giờ làm việc. Nhưng nếu những khoản tiền góp vốn tăng lên, nếu chiếc gậy chỉ huy trong tay Chacko chỉ sai hướng, mọi người (trừ Chacko) đều biết rằng nhà máy sẽ mắc nợ và gặp nhiều chuyện phiền toái. Vì tài chính không được suôn sẻ, công xá ít hơn mức tối thiểu mà công đoàn đề nghị. Dĩ nhiên chính Chacko nêu lên chuyện đó với họ và hứa sẽ sớm cải thiện tình hình, lương của họ sẽ được phục hồi. Anh ta tin rằng họ tin anh và biết anh ta đang nắm những quyền lợi chủ chốt của họ. Khi viên kế toán Punnachen, người sáng nào cũng đọc báo cho Mammachi nghe, mang cái tin công nhân đang đòi tăng lương, Mammachi nổi giận. - Bảo chúng nó đọc báo đi. Đang có nạn chết đói đấy. Nhiều người không có việc làm. Người ta đang chết đói kia kìa. Họ sẽ vô cùng biết ơn nếu có bất kỳ một việc gì. Bất cứ lúc nào có việc nghiêm trọng xảy ra trong nhà máy, người được báo tin luôn là Mammachi chứ không phải là Chacko. Có lẽ vì Mammachi hoàn toàn thích hợp với hệ thống sự việc theo lối cổ. Bà là Modalali[10]. Bà có vai trò của bà. Những phản ứng của bà tuy gay gắt nhưng thẳng thắn và có thể đoán trước được. Còn Chacko, tuy là Người Nhà, dù anh ta nói “Hoa quả dầm của tôi, mứt của tôi, bột cà ri của tôi”, anh ta mải bận bịu với những thứ mũ mão cân đai, che mờ cả trận tuyến đấu tranh. Mammachi cố cảnh báo Chacko. Anh ta nghe, nhưng không thc sự lọt vào tai những điều bà nói. Đêm hôm ấy, trên chiếc giường hẹp trong khách sạn, Chacko nghĩ về Margaret Kochamma và Sophie Mol. Làn sóng tình yêu mãnh liệt thắt ngực anh, mãi cho đến lúc anh có thể thở được. Anh nằm thao thức và đếm từng giờ để họ ra sân bay. Trên chiếc giường kế bên, cháu gái và cháu trai của anh ôm nhau ngủ ngon lành. Một đứa nóng nẩy và một đứa lạnh lùng. Thằng bé và Con bé. Bằng cách nào đó, không phải ai cũng nhận thức được dấu vết ngày tận thế và tất cả đều đợi nó đến. Chúng đang mơ đến dòng sông của chúng. Đến những cây dừa ngả bóng xuống dòng sông và những cái mắt dừa ngắm những con thuyền lướt qua. Sáng sáng đi ngược dòng. Chiều chiều đi xuôi dòng. Và âm thanh đùng đục, buồn bã của chiếc sào tre mà những người phu thuyền chống lên lớp gỗ thuyền sẫm màu, bóng dầu. Làn nước thật ấm áp. Xanh xám. Giống như lớp lụa lăn tăn. Dòng sông có những con cá. Với cả bầu trời và những cái cây trong đó. Và đêm đêm, có cả những mảnh trăng vàng tan vỡ Lúc chúng mệt nhoài vì chờ đợi, mùi bữa tối rời khỏi những tấm rèm và cuốn qua cửa sổ của Sea Queen, nhẩy múa trong bóng đêm ra mãi tận biển khơi đầy mùi bữa tối. Thời gian là hai giờ kém mười. 5. ĐẤT NƯỚC CỦA RIÊNG CHÚA TRỜI Nhiều năm sau, khi Rahel trở về với dòng sông, nó chào đón cô bằng nụ cười ghê rợn của cái đầu lâu có những hố trước kia là răng, và bằng bàn tay rũ rượi giơ lên từ giường bệnh viện. Cả hai việc đều đã xảy ra. Dòng sng co hẹp lại. Còn cô thì lớn lên. Phía hạ lưu đã xây một cái đập ngăn nước mặn để đổi lấy những phiếu bầu của các điền chủ có thế lực. Cái đập ngăn không cho nước mặn chảy vào, chỉ chảy ra biển Ả Rập. Vì vậy hiện nay họ thu hoạch hai vụ một năm thay cho một vụ. Được nhiều lúa hơn, với cái giá cả một dòng sông. Dù là tháng Sáu và đang mưa, hiện giờ dòng sông vẫn không hơn một cái rãnh sưng phồng. Một dải nhỏ nước đặc sệt vỗ yếu ớt vào hai bên bờ đầy bùn, đôi chỗ lấp lánh ánh bạc của một con cá chết. Nó bị tắc bởi một loài cỏ mọng nước, những bụi rễ mầu nâu gợn sóng như những cái xúc tu mảnh dẻ dưới nước. Những con chim có đôi cánh màu đồng đi qua lòng sông. Chân chúng bẹt, bước chân thận trọng. Dòng sông đã một thời gây nên bao nỗi sợ hãi. Thay đổi nhiều cuộc đời. Nhưng giờ đây, những chiếc răng của nó đã mất, sức sống đã lụi tàn. Nó chỉ là một bãi cỏ xanh rờn, quánh bùn, kéo dài, nước chảy lờ đờ mang những rác rưởi hôi thối ra biển. Những cái túi nilon mỏng mầu sang bay qua mặt nước sền sệt đầy cỏ giống những bông hoa bay của miền cận nhiệt đới. Những bậc đá có thời dẫn những người đi tắm đến với nước, những ngư dân đến với cá, nay hoàn toàn phơi nắng phơi mưa và chẳng còn dẫn đến nơi nào, giống như một đài kỉ niệm đầy những tay đòn chìa ra ngớ ngẩn và chẳng kỷ niệm một cái gì. Những cây dương xỉ chui lên qua những kẽ nứt. Trên bờ bên kia của dòng sông, bờ sông dốc đứng đầy bùn thay đổi đột ngột thành những bức tường bùn thấp của những túp lều. Bọn trẻ con chìa đít lên trên các gờ và ỉa thẳng lên lớp bùn non của lòng sông phơi ra. Những đứa bé hơn để các sợi lầy nhầy tự tìm đường rơi xuống. Cuối cùng, đến chiều, nước sông dâng lên nhận những món quà tặng ban ngày rồi cuốn ra biển, để lại những đường lăn tăn của lớp váng dầy, mầu trắng trong lòng sông. Phía thượng lưu, các bà mẹ sạch sẽ giặt quần áo, rửa bô trong những nhánh sông còn sạch. Nhiều người tắm. Những phần thân trên nhô lên đầy bọt xà phòng trông như những tượng bán thân mầu thẫm trên một bãi cỏ chạy dài, rập rềnh. Trong những ngày ấm áp, mùi phân bốc lên và lởn vởn phía trên Ayemenem như một cái mũ. Xa hơn trong đất liền, phía bên kia sông, một dãy khách sạn năm sao đã được Heart of Darkness mTimes New Roman">Ngôi nhà Lịch sử (nơi các bậc tổ tiên có móng chân bền chắc, thì thào) không còn tiếp giáp với bờ sông. Nó lùi sâu vào Ayemenem. Các vị khách đi ngược dòng từ Cochin. Họ đến bằng tàu thủy chạy nhanh rẽ nước thành hình chữ V và để lại đằng sau một lớp mỏng dầu hỏa óng ánh cầu vồng. Từ khách sạn nhìn ra, cảnh rất đẹp, nhưng nước ở đây quá đặc và độc hại. Những tấm biển Cấm bơi viết bằng một kiểu chữ bay bướm. Chúng dựng thành một bức tường cao, ngăn tầm nhìn thấy khu nhà ổ chuột và ngừa xâm lấn đất đai của Kari Saipu. Nhưng khó mà ngăn được các thứ mùi. """