"Chúa Đã Khước Từ - Richard E. Kim full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chúa Đã Khước Từ - Richard E. Kim full prc pdf epub azw3 [Trinh thám] Ebooks Nhóm Zalo CHÚA ĐÃ KHƯỚC TỪ Tác giả: Richard E. Kim Dịch thuật: Lê Khắc Cầm Truyện dài NXB: Hội Nhà Văn Đóng gói: nguyenthanh-cuibap Nguồn text: Waka LỜI NGƯỜI DỊCH The Martyred sẽ làm chúng ta nhớ đến La Peste của Albert Camus như David D. Galloway đã ghi nhận[1]. Trung tâm cuốn truyện là mục sư Shin – người tu sĩ bí mật và câm lặng – khước từ nói về mình, về mười hai người “tuẫn giáo”, lặng lẽ chịu đựng tất cả những lời rủa xả khắc nghiệt của giáo dân – “Mục sư Shin, ông là ai mà nghĩ mình là người bảo vệ sự thật?” – để cuối cùng tự nhận là Judas, là phản giáo, và mười hai người mục sư kia là anh hùng, trong khi sự thật – theo người tù binh Cộng sản – họ đã chết một cách hèn hạ, chết “như một đàn chó”. Đâu là sự thực của mục sư Shin, đâu là sự thực của những người “tử đạo”? Câu trả lời chỉ có thể là một câu hỏi khác: Người ta có thể sáng tạo ra những ảo ảnh về một Thiên Chúa, những ảo ảnh của một cuộc sống vĩnh cửu đằng sau cái chết không, khi Thượng đế vắng mặt hay có mặt nhưng im lặng ngoài cuộc như tháp chuông kia lạnh lùng khước từ lời con người kêu gọi, để đem lại một hy vọng cho cuộc sống? Liệu có thể cứu vãn thế giới tuyệt vọng này bằng một lời nói dối? Mục sư Shin không thể nào giải quyết được vấn nạn kia, khi mà, mặc dầu đã mất lòng tin nơi Chúa, ông tìm lại được đức tin mãnh liệt nơi con người. Kiêu hùng hơn Job, đơn độc như Christ, người giáo sĩ “vô thần” lặng lẽ giữ kín điều bí mật của mình, lặng lẽ cưu mang cây thập tự giá trên đôi vai gầy guộc, lặng lẽ chịu đóng đinh, lặng lẽ chết để rồi “phục sinh” và “có mặt khắp nơi trên đất Bắc Hàn”. Dẫu sao mục sư Shin cũng là người tuẫn giáo độc nhất trong thiên truyện này, nhưng tuẫn giáo cho con người, không cho ý muốn của Thiên Chúa. Và cái gã Prométhée cô đơn kia, sau khi lấy trộm lửa cho nhân loại và phải chịu cực hình, may mắn thay, tìm được một kẻ đồng hành, một người nhận diện. Đại úy Lee, người sĩ quan trẻ tuổi, chính là nàng Io đã gặp Prométhée trên đỉnh núi Caucase, tay bị trói vào mỏm đá, cất tiếng hỏi ngỡ ngàng: Kẻ bất hạnh kia, người là ai, người vừa nói sự thật. Tại sao người đau khổ? Và chàng trả lời: Ta là Prométhée, người đem lửa xuống cho nhân loại. Trong một lằn chớp định mệnh, họ nhận ra nhau: Người, kẻ đã cứu vãn con người Người là Prométhée, kẻ dũng cảm bất khuất…[2] Người mục sư đó đã nhảy qua được vực thẳm của tuyệt vọng vì còn có Mặt Đất, sau khi đã đánh mất Bầu Trời. Ông đảm nhiệm lại chức vụ giáo sĩ của mình vì mặc dầu không còn nghe thấy “những mật ngôn tự lòng đất”. Giống như thần Antée, mặt đất đã truyền vào người mục sư sinh lực để có thể vượt qua bến bờ của phi lý và tuyệt vọng để “dám hy vọng”, để tìm thấy lại nhân dạng của mình… Thông qua mục sư Shin, phải chăng Richard E. Kim đang nghĩ đến một thứ “tu sĩ không thần linh”, như giấc mơ không thành tựu của Albert Camus? Sau cùng, Chúa đã khước từ con người, hay là con người đã khước từ Chúa? Huế, 20 – 7 – 1968 L. K. C. 1 C hiến tranh bùng nổ vào một sáng sớm tháng Sáu năm 1950, và vào khi những người Bắc Hàn tràn chiếm Hán Thành, thủ đô của chúng tôi. Park và tôi phải rời bỏ đại học nơi chúng tôi dạy môn Lịch sử văn minh. Tôi gia nhập Bộ binh Hàn Quốc còn Park tình nguyện gia nhập Hải quân – thứ quân phục tác chiến hào hùng của binh chủng này hợp với bản chất của anh. Vì những sĩ quan trẻ chết rất nhanh trong giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, chúng tôi được huấn luyện và tập trận gấp rút rồi cả hai chúng tôi trở thành sĩ quan. Chúng tôi sống sót, nhưng cả hai đều bị thương. Một mảnh đạn trái phá trúng vào đầu gối phải của tôi khi chống giữ ở Taegu, và một tên bắn lén đã bắn trúng tay trái Park trong chiến dịch càn quét Hán Thành sau cuộc đổ bộ lên Inchon. Cả hai chúng tôi nằm bệnh viện một thời gian, được hứa thưởng bội tinh và sau đó được trả lại đơn vị rất mau. Park bây giờ là Trung úy, trở lại nhiệm vụ chiến đấu tại một nơi nào đó ở ngoài mặt trận phía Đông, nhưng tôi thì không về đại đội chống chiến xa cũ nữa. Một nhân vật nào đó trong quân đội tình cờ khám phá ra trước kia tôi là một nhân viên giảng huấn ở đại học, nên đã quyết định thuyên chuyển tôi qua một đơn vị tình báo. Liền khi ra khỏi bệnh viện ở Pusan, tôi được gửi tới Hán Thành, nơi đây tôi được giao phó đặc trách một khu trong ngành Tình báo chính trị quân đội, và được thăng Đại úy tạm thời cho hợp với công việc tôi phụ trách ở đó. Vào tuần lễ thứ hai của tháng Mười, quân đội Liên Hiệp Quốc chiếm Bình Nhưỡng, thủ đô của những người Bắc Hàn. Chúng tôi dời Tổng hành dinh đến thành phố này và đặt trụ sở trong một toà nhà bốn tầng xây bằng đá hoa cương xám. Chỗ tôi ngồi làm việc ở tầng ba, nhìn ra đường phố và bên kia đường là nhà thờ Trưởng Lão Trung ương. Một sự trùng hợp kỳ lạ. Đó là nhà thờ của thân phụ Park. Ông từng là mục sư ở đây gần hai mươi năm. Tôi biết rất ít về ông, mặc dầu Park là bạn rất thân của tôi. Anh ít khi nói về cha anh. Điều đó không có chi lạ. Cha anh đã tuyên bố từ anh và ngược lại Park cũng đã chỉ trích cha anh nặng lời. Mục sư Park, theo lời đứa con trai đã bị ông từ, là “một người cuồng tín”, một người đã “hành hạ” anh “ngày đêm với sự hà khắc, với lòng tin cực đoan của ông, và với một nỗi ám ảnh về một vị Thượng đế cũng ray rứt không kém ông!”. Mặt khác, Park đã trở thành một người vô thần sau khi anh từ Đại học Tokyo về nước, anh đã từ bỏ niềm tin Kitô giáo, niềm tin mà anh đã sinh trưởng và được nuôi nấng trong đó. Tôi nghĩ có lẽ Park không đả kích cha anh nặng nề như anh đã làm nếu trong một buổi giảng ngày Chủ nhật, mục sư Park không tuyên bố với cử toạ rằng con ông đã bán mình cho quỷ sứ và ông cầu xin Chúa tha thứ cho ông về những liên hệ trần tục giữa ông với đứa con phản đạo ấy. Chuyện đó xảy ra khoảng mười năm trước chiến tranh. Park biết rằng cha anh đã mất tích ở Bình Nhưỡng; tôi báo cho anh tin khẩn cấp ấy liền sau khi đến thành phố. Tôi báo tin cho anh mà lòng cảm thấy buồn bã. Tôi đến Bình Nhưỡng trong một tư thế tốt đẹp, trong suốt vài tuần đầu tôi được đón tiếp một cách vinh quang, một phần thời bị kích thích vì xuất hiện lần đầu như một anh hùng chiến thắng trong một thành phố địch, một phần vì dân chúng ngưỡng mộ nhiệt thành tất cả chúng tôi, những người giải phóng họ. Rất nhiều sĩ quan bạn tôi sinh trưởng ở thành phố này, và trong nỗi hỗn loạn hân hoan cuồng nhiệt của ngày giải phóng, họ có thể xúc động và ấm lòng lại khi đoàn tụ gia đình, bà con bạn bè hoặc khi nhận ra bất cứ khuôn mặt nào trong đám đông. Tôi không có ai quen thuộc trong thành phố này, đôi khi tôi cảm thấy ghen tức với họ, ghen tức một cách mơ hồ. Chính trong lúc đó, tôi bỗng nhiên muốn gặp mặt cha của Park, mặc dầu tôi tự bảo mình không có chút lý do nào để làm thế. Tôi nghĩ rất nhiều cách hợp lý để đến thăm ông, thế nhưng khi tưởng tượng cái cảnh tôi gõ cửa nhà ông và tự giới thiệu là bạn thân của con ông, tôi không khỏi chần chừ lo ngại. Rồi thì liền đó tôi được biết Mật vụ Bắc Hàn đã bắt ông một thời gian ngắn trước khi chiến tranh bùng nổ và khi Tình báo quân đội chính thức tuyên bố rằng: “Một số chưa được xác định mục sư Kitô giáo Bắc Hàn” được báo là đã mất tích và quân đội “tin rằng họ đã bị Bắc Hàn bắt”, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, tôi hổ thẹn mà nói như thế. Sau đó, tôi viết cho Park một lá thư thật dài, nhưng thư Park trả lời tôi chỉ nói những chuyện thông thường, về cấp chỉ huy, về thuộc viên của anh và ngay cả về những dự định tương lai, nhưng không một lời nào về cha anh – đúng như tôi trông đợi. Từ bên kia đường, chuông nhà thờ đổ hồi. Tôi mở cửa sổ. Bầu trời Bắc Hàn tháng Mười Một xanh ngắt. Một cơn gió lạnh thổi từ sườn đồi đầy vôi gạch đổ̉ nát cuốn lên chỗ này chỗ kia những bông tuyết vụn, đập vào những ngôi nhà tồi tàn xấu xí, lỗ chỗ vết đạn của thành phố Bình Nhưỡng. Những người đang đào xới trong đống gạch vụn hoang tàn của những ngôi nhà thờ gần như bị phá huỷ hoàn toàn. Họ nhìn tử thi của gác chuông cháy đen, trên đỉnh vẫn còn cây thánh giá, nơi đó tiếng chuông ngân vang. Họ nhìn nhau như thể họ thông cảm được cái thông điệp huyền nhiệm phát ra từ tiếng chuông. Vài người đàn bà quỳ gối xuống ngay trên tuyết lạnh, những người đàn ông lớn tuổi lặng lẽ cất mũ xuống khỏi đầu. Giờ tiếng chuông đã tắt. Những người kia trở lại làm việc, họ đào xới im lặng, lầm lì như họ đã làm thế ngày này qua ngày khác. Tôi đã quan sát họ ngay từ khi mới đến đây. Thường thường tôi thấy họ đào ra được từ đống gạch vụn những đồ đạc còn sót lại, những đồ đạc đã mất hình thù, đôi khi một xác người chết, và họ lẳng lặng dùng xe cút kít chở đi. Rồi họ lại tiếp tục đào xới trong đống gạch ván hỗn độn và những tảng xi-măng đổ nát. Tôi đóng cửa sổ, trở lại bàn giấy. Lò than cũ kỹ và rỉ sét đặt trong một góc phòng tỏa ra nhiều sức nóng nhưng tôi vẫn rùng mình khi đặt người xuống ghế. Như thể có một bàn tay lạnh ngắt sờ lên gáy tôi, nhẹ nhàng như đầu mút của một cây bút lông mềm, thật mềm. Cha của Park đã chết, viên sĩ quan chỉ huy vừa cho tôi biết điều đó. 2 Đ ại tá Chang, chỉ huy trưởng Tình báo chính trị quân đội, gọi tôi lên văn phòng ở tầng bốn. Ngồi sau bàn giấy trên chiếc ghế xoay dưới một chân nến bụi bặm, ông ta không có vẻ gì tỏ ra biết tôi đang đứng trước mặt ông. Ông có thói quen để những người phụ tá dưới quyền đứng chờ hàng năm phút mà không cần biết đến sự hiện diện của họ. Đó là một người đàn ông cao lớn vào khoảng bốn mươi, đầu bóng và hói như thầy tu, cái mũi tròn vành vạnh ngự trị trên một khuôn mặt hơi nhỏ màu vàng rơm. Ông ta bắt đầu đu đưa ghế và quan sát tôi sau làn kính. Những sĩ quan trẻ tuổi tại Tổng hành dinh có ý coi thường ông mặc dầu họ vẫn cho rằng ông hay làm ngã lòng người dưới quyền. Vì trong ngành Tình báo có thông lệ không lưu trữ lý lịch về người sĩ quan chỉ huy trong hồ sơ nhân sự, dĩ vãng của Đại tá Chang rất mơ hồ. Những người khinh thị ông thì bảo rằng ông trước kia là một Trung sĩ thuộc quân đội Nhật trong Chiến tranh Thái Bình Dương, những người không ưa ông thì nói ông từng là một tay phiêu lưu nổi tiếng ở Trung Hoa. Những người khác thì lại bảo ông chỉ là sĩ quan chuyên nghiệp như tất cả mọi sĩ quan khác, thế thôi. Không ai có thể biết đích xác ông ta làm thế nào để lên thấu lon Đại tá trong một quân đội còn quá trẻ như quân đội chúng tôi, nhưng mọi người đều cho rằng ông ta đang mơ đến ngôi sao cấp tướng. Cuối cùng, ra dấu mời tôi ngồi xuống, ông giữ thăng bằng lại ghế của ông rồi nói với tôi bằng một giọng nghiêm trọng: “Tôi muốn Đại úy mở một cuộc điều tra về những mục sư mất tích”. Tôi cố nén ngạc nhiên: “Xin lỗi, thưa Đại tá…?” Làn môi mỏng của ông hé ra: “Hẳn Đại úy còn nhớ báo cáo về vụ mấy mục sư Kitô giáo bị mất tích chứ? Chúng ta đang làm một cuộc tổng điều tra. Cơ quan CIC [3] của chúng ta đã bắt được một vài tên quân của Bắc Hàn có dính líu ít nhiều đến những người mất tích”. Ông lục xáo đống hồ sơ dầy cộm trên bàn. “Tất cả họ đều bị bắn ngày chiến tranh bùng nổ”. “Một cuộc xử tử tập thể!” Ném một cái nhìn giận dữ về phía tôi, ông cao giọng: “Tôi thì tôi gọi đó là một cuộc ám sát tập thể”. “Vâng, thưa Đại tá”. “Vấn đề như thế này. Những phúc trình của cơ quan trung ương rất mâu thuẫn nhau, người ta không biết rõ đích xác số người bị giết”. “Họ không bắt hết tất cả mấy mục sư sao?” “Không, không, tôi không hề nói như vậy. Vấn đề là như thế này: Theo một nguồn tin thì số giáo sĩ là mười bốn, còn theo một nguồn tin khác thì chỉ có mười hai. Không may, giờ cả hai nguồn tin ấy đều không còn nữa. Cơ quan trung ương của chúng ta thật quá nóng nảy!” “Thưa, Đại tá muốn nói mấy người tù nhân của chúng ta đều đã bị giết?” Nhưng ông không để ý đến câu hỏi của tôi. “Bây giờ nếu chúng ta chấp nhận giả thuyết có cả thảy mười bốn người mục sư bị giết và nếu chúng ta không còn nguồn tin nào khác, thì như thế chúng ta không có một nhân chứng nào hết. Tất cả những gì chúng ta có thể nói chỉ là cả mười bốn người đều bị giết”. “Nhưng, nếu Đại tá cho phép”, tôi phản đối, “trong trường hợp này ta không thể bảo họ đã bị ám sát và cũng không thể quả quyết họ có bao nhiêu người. Chúng ta chỉ có thể nói là một số mục sư không được xác định rõ bị mất tích, thế thôi”. “Tôi rất bằng lòng khi nghe Đại úy nói thế. Tôi biết trước Đại úy sẽ kết luận như vậy và đó chính là lý do tại sao tôi giao cho Đại úy phụ trách việc này. Ông Giám đốc Tình báo quân đội vừa mới gọi điện thoại cho tôi bảo rằng việc này thuộc phạm vi của Tình báo chính trị, và tôi khó lòng không đồng ý với ông ta”. “Chắc Đại tá nghĩ rằng việc này rất có lợi cho tuyên truyền. Lại một trường hợp đàn áp tôn giáo, việc này sẽ có một ý nghĩa quốc tế, đặc biệt là bên Mỹ. Nói cách khác, Đại tá muốn công bố cho thế giới thấy lịch sử tử đạo của Kitô giáo tại Triều Tiên?” “Được rồi, được rồi, tôi không nghĩ gì hết”. Đại tá Chang nói một cách nóng nảy. “Bây giờ chúng ta hãy trở lại vấn đề. Đây chỉ là một công việc giản dị của số học. Nếu chúng ta chấp nhận luận cứ đầu tiên có mười bốn mục sư bị bắt và nếu chúng ta tin lời báo cáo rằng chỉ có mười hai người bị bắn, thế thì hẳn phải có hai người sống sót, phải vậy không?” “Hiển nhiên, thưa Đại tá”. “Như Đại úy biết, chúng ta không thể kiểm điểm sự hiện diện của từng giáo sĩ còn sống ở Bắc Hàn, nhưng có một điều lạ là có hai mục sư ở Bình Nhưỡng, hiện bây giờ, đã từng bị quân Bắc Hàn bắt. Họ đang còn ở trong tù khi chúng ta giải phóng thành phố. Đó là một sự tình cờ thú vị, mặc dầu chỉ là một giả thuyết, phải không Đại úy?” Có một cái gì đó trong bộ điệu của ông – có lẽ là tia sáng đột ngột mau lẹ trong mắt ông, hoặc giả cách ông ngẩng cái đầu hói lên – bảo cho tôi hay là ông biết nhiều về hai người mục sư đó hơn những gì ông muốn nói cho tôi. “Sao, Đại úy nghĩ sao?” “Chỉ là giả thuyết, như Đại tá nói”, tôi đáp. Ông có vẻ bằng lòng vì câu trả lời của tôi. “Tốt lắm, bây giờ tôi muốn Đại úy đến gặp hai người mục sư ấy, mục sư Shin và mục sư Hann, và nói cho họ rõ vấn đề của chúng ta. Đại úy nên thận trọng, tôi không muốn gây ra ấn tượng rằng tôi bất kính đối với những người Kitô giáo. Những người Kitô giáo có tầm ảnh hưởng rất lớn trên đất nước mình vào lúc này”. Ông cười nhẹ. Đoạn, sau một lúc im lặng, ông tiếp, giọng chua cay lộ rõ. “Ngày nay hầu như tất cả mọi người đều theo Kitô giáo. Từ ông Tổng thống cho đến ông Bộ trưởng, tướng, tá cho đến lính trơn. Một xu thế mà. Ngay cả trong quân đội cũng phải có Tuyên úy Kitô giáo để làm hài lòng những người bạn cố vấn Hoa Kỳ của chúng ta. Đó, như thế Đại úy thấy rõ hoàn cảnh của tôi không dễ dàng gì”. “Tôi hiểu, thưa Đại tá”. “Tôi không nói rằng hai người này đã làm gì dính dáng đến cuộc tàn sát hay nói rằng họ nguyên cũng có tên trong danh sách những người bị xử bắn, tôi cũng không hề có ý nói hoặc ám chỉ là tôi nghi ngờ cái trường hợp may mắn đã giúp họ thoát chết, mặc dầu tôi rất muốn nghi ngờ chuyện ấy, đó là dưới con mắt phân tích khách quan của một người tình báo. Sự may mắn đã giúp họ thoát chết, Đại úy Lee, xin ghi lấy lời tôi nói. Dầu sao, một cách chính thức, tôi nhờ Đại úy đến gặp họ và hỏi, vâng, hỏi một cách lễ độ, rằng liệu họ có thể làm sáng tỏ cho chúng ta biết con số đích xác về những người bị ám sát, nếu họ biết gì về vụ đó, Đại úy hiểu chứ?” Mặc dầu cảm thấy hơi lẫn lộn, tôi cũng đáp: “Vâng, tôi hiểu hoàn toàn”. Ông ta có vẻ thỏa mãn: “Tốt lắm, đó là điểm tôi thích Đại úy. Thảo nào người ta thường nói dân thường bao giờ cũng nhạy cảm hơn trong những công việc tế nhị”. Ông cười rồi tiếp: “À, còn một việc nữa. Không may, một người trong hai mục sư ấy, mục sư Hann, bị coi như mất trí”. “Đại tá muốn nói… Ông ấy không được bình thường?” Viên Đại tá thoáng nhìn tôi với vẻ hơi châm biếm: “Tôi xin lỗi Đại úy”, đoạn ông đứng dậy lấy tập giấy trên bàn và bước ra cửa sổ. “Tất cả chỉ có thế”, ông cao giọng. Chuông nhà thờ bên kia đường đổ hồi. Đại tá Chang hét lên: “Tôi không thể chịu đựng được tiếng chuông này, cứ kính coong, kính coong suốt ngày đêm. Thật không chịu được!” “Thưa Đại tá”, tôi nói, “vị mục sư trông nom nhà thờ này…” Ông ngắt lời tôi cộc lốc: “Ông ấy chết rồi”. 3 T ôi đứng trước Tổng hành dinh đợi người tài xế mang xe Jeep lại. Mỗi một cơn gió lốc đánh mạnh vào chòi canh, mang theo từng tảng tuyết dát bạc, tôi lại nghe thấy tiếng chuông đổ kính coong, kính coong trên sườn đồi, và tôi có thể hình dung Đại tá Chang đang đập bàn và la thét khi ông nhìn ra cửa sổ. Tôi dặn người lính canh khi nào thấy người tài xế đến thì bảo hãy đợi tôi, rồi đi về phía nhà thờ. Một lối đi nhỏ giữa những ngôi nhà sụp đổ dẫn lên giáo đường trên sườn đồi. Không còn gì nguyên vẹn cả. Nhà cửa bị bom phá thành mảnh vụn, nằm rơi vãi ngăn cản lối đi. Một tấm gỗ đề chữ “Hiệu Ảnh” cháy xém cong queo treo lơ lửng trước một cửa tiệm. Một chiếc tàu điện chạy qua phố, tỏa ra hơi khói màu xanh nhạt. Từ một chiếc xe Jeep quân đội, loa phóng thanh loan một thông cáo gì nghe không rõ. Dây điện đứt quấn quýt một trụ đèn đổ gục trên mặt đất. Dân chúng vẫn tiếp tục đào xới những đống gạch vụn, và khi tôi bước lên sườn đồi, một vài người ngừng đào, ngước nhìn tôi. Một ông già theo sau tôi, cách nhau vài bước nhưng khi tôi đến gần nhà thờ, ông ta vượt qua trước mặt tôi. Chúng tôi hơi gật đầu chào nhau. Ông ta vận một chiếc áo ngoài màu đen, không bao tay. Hai tay ông xoa xoa vào nhau, mắt nheo lại trong nắng và gió đang thổi tung mớ tóc bạc phơ. Nhà thờ Trung ương không lớn lắm và xây bằng gạch đỏ. Bậc thang đá dẫn tới hai cây trụ đá bẩn thỉu, bên trên hai trụ đá là tháp chuông với cây thập giá vàng trên đỉnh. Mặt bên ngoài tháp chuông bị tàn phá gần hết, người ta có thể thấy cái chuông sắt đen bên trong, sợi dây treo lung lay trước gió. Hai cánh cửa trắng đằng sau trụ đá, vỡ nát, bẩn thỉu và mở toang ra, một trong hai cánh đu đưa bản lề như thể sắp sập đến nơi. Xuyên qua cửa sổ ta có thể thấy thấp thoáng phía bên trong nhà thờ. Một quả bom hay một trái pháo nào đó đã phá tan phòng giảng, những hàng ghế bị bắn tung đi khắp nơi, tan nát vặn vẹo nhưng bàn thờ thì hãy còn nguyên vẹn. Cơn gió rít lên quanh chúng tôi. Chuông ngân. Tôi nhướng mắt về gác chuông và thấy sợi dây treo chuông lung lay qua lại, lên xuống một cách dễ sợ. Tôi quay lại nhìn ông lão. Ông ta nhún vai. Tôi hỏi: “Cái chuông này cứ để thế sao?” “Cái chuông”, ông ta thì thào, mắt nhắm lại. “Các ông không có ai lo đến nó sao?” “Tại sao? Tôi không thấy có hại gì hết”. Ông già dụi mắt nói. “Không ai đụng đến nó cả. Chính gió rung chuông đấy”. “Nhưng những người có trách nhiệm về nhà thờ này phải làm một cái gì chứ?” “Người ta không bước lên gác chuông được. Cầu thang hư hết còn bậc thang để leo lên thì rất nguy hiểm. Tháp chuông có thể đổ bất cứ lúc nào”. “Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng các ông phải làm một cái gì chứ?” “Chúng tôi đang đợi”. Ông già lẩm bẩm: “Tất cả chúng tôi đều đợi vị mục sư trở về với chúng tôi. Một ngày gần đây thôi. Chúng ta đang thắng trận mà, người ta bảo thế. Khi ông ấy trở về, rất có thể ông ấy sửa lại nhà thờ”. Ông ta nhìn tôi, ánh mắt thoáng đau khổ. “Và ông ấy cũng làm lại cả gác chuông nữa, ai biết được?” Tôi hỏi: “Ông có biết những gì đã xảy ra cho ông ấy không?” “Chúng tôi không biết”, ông ta đáp. “Mà có chứ, có, nhưng chúng tôi không chắc. Không ai biết được chuyện gì đã xảy ra cho ông ấy. Ông bị quân Bắc Hàn bắt đi trước khi chiến tranh bùng nổ. Đó là điều cuối cùng chúng tôi biết về ông ấy. Và chúng tôi bảo nhau: Đừng lo, ông sẽ trở về. Một ngày gần đây. Vâng, một ngày rất gần đây. Ông ấy sẽ trở về”. Tôi vội vã lặp lại niềm hy vọng của ông già. “Vâng, một ngày gần đây”. Tôi bước gần về phía bậc của ngôi nhà thờ đổ nát. Vừa lúc đó tôi thoáng thấy bóng người phía trong. Mặc dầu ngói đổ che kín những hàng ghế ngổn ngang, bức tường trắng và ô cửa phía sau bàn thờ vẫn còn nguyên vẹn. Bao lơn phía bên trái sập quá nửa rơi thả xuống phía dưới gần như chạm phải bàn thờ. Nơi đó, ngay dưới bao lơn hư nát cong queo đó, tôi thấy một khuôn mặt bạc nhược xanh lè, hai tay trần giơ lên khỏi đầu, bám lấy mép bàn thờ. Tôi đưa mắt nhìn ông già đứng cạnh, nhưng ông ta chỉ nhún vai, lấy ngón tay chỉ vào đầu: “Điên”. Ông ta thì thầm: “Tôi không hiểu hắn là ai”. “Được rồi, ông nên bảo hắn ta... ý tôi là nói ai đó ngăn cản đừng để hắn ta ở trong này. Hắn có thể tự giết hắn lắm”. Ông già đáp: “Hắn thường đến đây. Tôi có bảo hắn một lần. Hắn nhìn tôi. Đại úy hẳn biết cái nhìn của một người điên như thế nào. Hắn nhìn tôi làm tôi sợ. Đại úy biết hắn nói gì không? “Tôi đến đây để cầu nguyện”. Hắn nói vậy đó. Dẫu sao tôi thấy hắn cũng không hoàn toàn điên đâu. Vì vậy tôi để mặc hắn muốn làm gì thì làm”. Thình lình, người đàn ông bước ra khỏi nhà thờ, nhìn chúng tôi chăm chăm, rồi lại nhảy vào bên trong, ném về phía chúng tôi một cái nhìn ngờ vực xuyên qua cửa sổ. Tôi tiến lại. Ông già nắm lấy cánh tay tôi, nói nhỏ: “Đừng”. Nhưng tôi đã gọi lớn: “Nghe đây! Anh nên ra khỏi đó ngay. Nguy hiểm lắm. Anh có thể tự giết anh đấy”. Trước sự ngạc nhiên của tôi, hắn la lớn: “Cút đi!”. Yên lặng một lúc hắn lặp lại “Cút đi!” một lần nữa rồi biến mất vào bên trong. Tôi đã toan bước theo vào nhà thờ nếu ông già bên cạnh không nắm lấy cánh tay tôi khẩn khoản yêu cầu để hắn yên. Tôi nghe thấy tiếng hắn cười và tôi cảm thấy hơi luống cuống, tiếp theo tiếng cười là tiếng khóc, tiếng khóc như tiếng khóc của một đứa trẻ bị bỏ rơi, tiếng khóc nức nở hòa lẫn với tiếng chuông rung. Tôi bảo ông già hãy thông báo cho người có thẩm quyền, mặc dầu tôi không hề có một ý niệm dẫu là mơ hồ nhất rằng ai là người có thẩm quyền bây giờ. Ông già không để ý gì đến lời nói của tôi, và khi tôi quay mình bỏ đi, ông quỳ gối trên tuyết bẩn. Tôi vội vã băng qua đường trở về trạm canh, bảo người tài xế trao tay lái cho tôi và mở máy. 4 N gôi nhà đơn độc dựng trên đỉnh đồi, từ đó người ta có thể nhìn thấy thành phố Bình Nhưỡng và dòng sông Taedong. Tôi lái xe leo lên con đường đất ngoằn ngoèo tới lưng chừng đồi. Tôi ngừng xe và đi bộ quãng đường còn lại. Lối sỏi hẹp, hầu như bị vùi dưới tuyết, dẫn tới ngôi nhà hai tầng màu xám nhơm nhếch, xuyên qua đám cỏ dại, những thân cây gãy cụt và khu vườn hoang tuyết phủ đầy và bẩn. Hai cây cột đá xám nâng đỡ một lan can bằng sắt đen. Tôi gõ cửa. Hồi lâu, một bà già mở cửa, dẫn tôi vào trong căn phòng tối tăm. Bà ta chùi đôi tay bẩn vào cái tạp dề, liếc mắt nhìn tôi đầy vẻ ngờ vực. Bà bảo mực sư Shin đi vắng vì ông ở cả ngày nơi nhà thờ dưới phố, và ông bận, rất bận, nếu tôi có muốn nhắn gì với ông thì hãy viết ít chữ để lại. Bà ta đứng trước mặt tôi trong căn phòng tối tăm, có vẻ như không muốn tôi tiến vào thêm. Tôi bèn bảo nếu không có mực sư Shin thì cho tôi gặp mục sư Hann. Bà ta hỏi một cách ngạc nhiên, hình như có vẻ sợ hãi: “Làm thế nào ông biết Hann ở đây? Ông có phải là nhân viên cảnh sát không?” Tôi bảo tôi không phải cảnh sát, tôi là một sĩ quan và tại sao bà lại hỏi tôi có phải là cảnh sát không, nhưng bà ta không để ý đến câu hỏi của tôi. “Hann không được khoẻ, tôi biết điều đó hơn ai hết, tôi là vú nuôi của ông ấy”. Tôi bèn liều lĩnh hỏi bà ta rằng liệu tôi có thể gặp được mục sư Hann một lúc không. Bà ta tỏ dấu hiệu phản đối. “Tôi hứa với bà chỉ gặp một lúc thôi”. “Hann cũng không có nhà”. “Nhưng bà vừa bảo ông ấy đau mà?” “Ông ấy có phải là một người bệnh đâu. Ông ấy không thể đi dạo một lát sao?” Bà nói, giọng gần như van xin. Tôi nhìn chăm chăm vào bà ta, nhưng bà không nhìn tôi. Tôi quyết định đi về. Tôi bảo bà ta tôi hy vọng gặp hai vị mục sư một ngày khác. Bà ta nhìn tôi dò xét và hỏi tôi là ai, hỏi xem tôi có thể để lại ít chữ cho mục sư không. Khi tôi bảo không, bà ta có vẻ nhẹ nhõm và hỏi tôi từ đâu đến, tôi có phải là một Kitô hữu không. Tôi bảo rằng hiện nay thì không, nhưng trước kia tôi đã từng là người theo Kitô giáo, khi tôi còn nhỏ, còn học trong một trường dòng ở Hán Thành. Tôi xin lỗi đã quấy rầy bà và lui gót. Nhưng vừa cầm lấy tay nắm cửa bằng đồng lạnh ngắt, tôi đột ngột quay lại, nhìn thẳng vào mắt bà ta: “Bà nghĩ sao nếu tôi bảo là sáng nay tôi thấy mục sư Hann ở nhà thờ Trung ương?” Bà ta đáp: “Không, không phải ở đó”. “Ông ấy ở đó”. Tôi bảo bà những gì tôi thấy hồi sáng, vừa lúc đó tôi nghe thấy có tiếng ai nơi thang gác. Tôi nhìn lên. Một người đàn ông khoác áo choàng đen đứng nửa chừng cầu thang, đợi bà vú trở lên. Cặp mắt u tối của ông nhìn xuống tôi. Đoạn ông bước xuống đến gần tôi. “Mục sư Shin?”, tôi hỏi. “Vâng, tôi xin lỗi, tôi không có ý định nghe lén. Ông muốn gặp tôi?” Tôi cất mũ và tự giới thiệu. Khi chúng tôi vào ngồi trong căn phòng bẩn thỉu, bụi bặm và trống trải, không có đồ đạc gì ngoài một vài chiếc ghế gỗ cũ kỹ, không có cả lò sưởi, ông lặng lẽ nói: “Đại úy bảo rằng Đại úy vừa gặp Hann?”. “Mục sư nghĩ rằng tôi có thể gặp ông ấy chứ?”, tôi hỏi lại. “Có thể lắm chứ”. Ông siết chặt chiếc áo choàng quanh mình. Trái yết hầu giật liên hồi khi ông xốc lại cổ áo. Trên khuôn mặt mệt mỏi, râu ria không cạo, thoáng một vẻ mơ hồ xa xôi. Cặp mắt to, đỏ ngầu như lên cơn sốt của ông chăm chú nhìn tôi. “Có thể, có thể được lắm chứ”. Ông bật ho, tiếng ho khô khan, vỡ vụn làm rung chuyển thân hình gầy guộc. “Tôi lo cho anh ấy lắm. Anh ấy ra khỏi nhà từ tối hôm qua và không trở về. Đây là lần đầu tiên anh ấy ra khỏi nhà lâu như vậy”. “Mục sư không đi tìm ông ấy sao?” “Chúng tôi không thể ra khỏi nhà đêm hôm qua. Có lệnh thiết quân luật, Đại úy biết mà. Không may tôi lại bị bác sĩ ra lệnh phải nằm yên trên giường. Tôi không thể bảo bà vú đi tìm, sợ bà ấy lạc đường. Vì vậy tôi cứ chờ người giữ nhà của tôi đến để nhờ ông ta đi tìm giúp, nhưng chưa thấy ông ta đến. Tôi chỉ còn cách hy vọng Hann không làm phiền gì đến cơ quan thẩm quyền và mong anh ấy trở về đây trong vài phút nữa”. “Bà vú vừa bảo tôi ông Hann đau. Ông ấy có đau nặng lắm không?” Mục sư Shin không trả lời. “Tôi có thể giúp các ông được gì không?”, tôi hỏi và không hiểu tại sao mình lại nói thế. Ông ta nhướng nhẹ đôi mày. “Tại sao Đại úy lại lo lắng cho chúng tôi, chúng tôi ít biết ông”. “Tại sao ông phải ngạc nhiên về điều đó?” “Đại úy không đến đây để... tôi dùng chữ gì bây giờ... để thẩm vấn tôi chứ?” Tôi không mấy thích cái giọng ông nói khi ông dùng chữ “thẩm vấn”. Tôi đáp: “Không”. “Nhưng Đại úy ở sở Tình báo?” “Vâng, nhưng tôi không phải là một người đi hỏi cung”. “Vậy tôi xin lỗi, tôi không muốn phật lòng ông”. Ông ta thì thào, lay nhẹ ghế ông ngồi. “Vậy Đại úy biết gì về tôi?” “Không có gì nhiều, chỉ vài điều bên ngoài thôi”. Cặp môi nhợt nhạt của ông thoáng lên một nụ cười, “Như thế nào?” “Ông bốn mươi bảy tuổi và mục sư Hann hai mươi tám. Cả hai ông đều bị Mật vụ Bắc Hàn bắt giữ ngày Mười tám tháng Sáu, bảy ngày trước khi chiến tranh bùng nổ. Cùng ngày đó một số mục sư Kitô giáo khác cũng bị bắt giữ”. Tôi bảo ông những gì tôi đã đọc ở CIC. “Các ông gần bị bắt khi bộ binh của chúng tôi đến, và các ông được giải thoát”. “Đại úy có phải là một nhà tình báo chuyên nghiệp không? Nếu phải, tôi xin nói thẳng là tôi khinh bỉ nghề nghiệp của ông”. Tôi bảo ông trước chiến tranh tôi dạy ở đại học và sẽ trở lại nghề nghiệp cũ sau khi chiến tranh chấm dứt. “Đại úy làm tôi thích thú. Nhưng tôi nhận thấy Đại úy đang muốn tìm hiểu một điều gì đó nơi tôi thì phải?” Ông bắt chéo hai tay trên ngực, gò lưng lại vì ho. “Chúng tôi đang tìm hiểu về những mục sư kia. Và tôi cho rằng mục sư biết họ đã bị quân Bắc Hàn bắt cóc”. Tôi ngừng lại phân tích nét mặt ông, nhưng ông vẫn giữ vẻ bất động. “Tôi có thể cho mục sư hay quân đội biết rõ điều đó mặc dù không có một chứng cớ nào về việc bắt cóc kia, không cả về sự kiện – vâng, chúng tôi xem đó như một sự kiện – họ bị bắt giữ nữa. Chúng tôi muốn biết tại sao họ bị Mật vụ của Bắc Hàn bắt?” “Mật vụ phải cần có lý do đặc biệt mới bắt những người Kitô giáo sao?” “Khi đó mục sư ở với họ chứ?” “Xin lỗi, Đại úy nói sao?” Tôi nói thẳng: “Khi bị bắt, mục sư ở cùng một nhóm với họ chứ?” “Vâng”. Tôi ngạc nhiên thấy ông trả lời không do dự. “Vậy tất ông phải biết những gì xảy ra cho những mục sư kia?” “Không. Tôi không biết”. “Nhưng ông đã ở cùng với họ”. “Vâng. Có phải Đại úy muốn biết tại sao chúng tôi bị họ tách ra?” Ông ngước nhìn trần nhà quét vôi trắng rạn nứt, lủng lẳng một bóng điện vàng khè, đoạn nhìn lại tôi. “Điều đó tôi không rõ”. “Chúng tôi được biết mục sư và mục sư Hann được họ dời đến nhà giam ngày Hai mươi lăm tháng Sáu, ngày Cộng sản tràn xuống miền Nam. Tại sao họ lại chỉ di chuyển hai ông mà thôi?” “Đại úy không thẩm vấn tôi đấy chứ?” “Tôi chỉ nôn nóng muốn biết những gì đã xảy ra cho các mục sư kia”. “Tại sao lại hỏi nơi tôi?” Ông nói, vẻ mệt mỏi. “Đại úy biết chúng tôi bị tách khỏi nhau. Làm sao tôi có thể bảo Đại úy tất cả những gì xảy ra cho họ chứ?” “Tôi nghĩ rằng mục sư là người duy nhất có thể cho tôi biết một vài điều về số phận của họ”. Mục sư Shin nhìn tôi nghiêm nghị: “Đại úy chưa biết đủ tin tức về họ sao?”. “Bị bắt cóc?” “Đúng vậy”. Tôi cao giọng: “Ông có tin thế không? Ông có tin rằng họ thực sự bị bắt cóc và hiện còn sống ở một nơi nào đó?”. Ông hỏi lại: “Thế Đại úy có tin thế không?”. “Không!”, tôi thú nhận, “Tôi không tin thế”. “Tôi cũng vậy”. “Nghĩa là mục sư tin rằng họ đã bị hành quyết?” “Phải”. “Khi nào?” “Tôi không biết”. “Có bao nhiêu mục sư bị giết?” “Chúng tôi tất cả mười bốn người”. “Và hai người sống sót?” “Tôi tự hỏi có phải Đại úy muốn biết tại sao hai chúng tôi lại không bị bắn không?” Tôi im lặng chờ đợi câu trả lời. Nhưng tôi khó có thể ngờ tới những gì ông tuyên bố một lúc sau. “Đó là sự can thiệp của Chúa”. Tôi im lặng. Ông hạ thấp mí mắt. “Ông không tin Chúa phải không?” “Không, tôi không tin Chúa”. Ông buông thõng: “Vậy hãy gọi đó là sự may mắn”. * * * Mục sư Shin hỏi có phải tôi tự lái xe đến không và nếu thế, tôi có thể cho ông đi nhờ xuống phố. “Đại úy có thể đưa tôi đến nhà thờ Trung ương không? Như thế thật quá lợi dụng Đại úy, nhưng tôi hết sức cảm ơn Đại úy việc này”. Ông vào lấy áo và khi trở ra, ông khoác một chiếc áo ngoài màu đen và cầm một chiếc khác màu xám nơi tay. Chúng tôi lặng lẽ xuống đồi, leo lên xe và lái về thành phố. Khi tôi đến nhà thờ thì trời chập choạng tối. Giờ thiết quân luật đã gần đến. Đường vắng tanh trừ một vài người bộ hành mặc quân phục. Một chiếc xe Jeep chạy qua, ống loa vang lên nhắc nhở dân chúng giờ giới nghiêm và tắt đèn ban đêm. Mục sư Shin không muốn tôi theo ông vào trong nhà thờ, và không một chút do dự ông biến mất qua cửa vào tối om bên trong. Một lúc sau ông bước ra cùng với người đàn ông tôi đã gặp ban sáng, mình mặc chiếc áo xám ông Shin mang theo hồi nãy. Họ lặng lẽ xuống bậc cấp. Đến bậc cuối cùng, người đàn ông nhìn thấy tôi và dừng lại. Mục sư Shin dịu dàng nói với ông ta: “Tốt lắm, Đại úy đây là bạn mình. Anh muốn gặp ông ấy chứ? Sao, hẳn rồi”. Đoạn ông xoay sang phía tôi, mắt ông dịu hiền. “Đại úy Lee, tôi muốn ông gặp ông Hann”. Người mục sư trẻ tuổi nhìn tôi, cái nhìn trống rỗng. Một nụ cười yếu ớt dại khờ nở trên khuôn mặt nhợt nhạt. Tôi không rõ có một vẻ gì nơi con người mất trí này làm quả tim tôi thắt lại, và đột nhiên tôi chợt nhớ đến một cơn giận tương tự đã bùng lên trong người tôi hồi đầu chiến tranh. Hồi đó chúng tôi tìm ra một căn hầm trên một sườn núi cách phía nam Bình Nhưỡng một vài dặm. Quân của Bắc Hàn khi rút lui đã nhốt hàng trăm tù nhân chính trị vào trong hầm rồi dùng súng máy hạ sát và khoá miệng hầm lại bằng cách cho mìn nổ. Tôi phụ trách việc đào hầm xác ấy. Chúng tôi đào hàng giờ. Dân chúng – nông dân trong làng gần đó – tò mò tụ tập chung quanh, nhiếp ảnh viên Triều Tiên và ngoại quốc, phóng viên đài phát thanh với micro cầm sẵn trên tay. Cuối cùng chúng tôi đào được một lỗ thủng, vừa đủ để chui lọt qua miệng hầm tối đen. Tôi chạm phải cái gì mềm mềm dưới đôi giày ống: tôi đang bước trên một xác chết. Tôi đứng yên trong bóng tối và rùng mình, nôn ọe bởi mùi hôi thối khủng khiếp của thịt rữa và phân người, và tôi nghe thấy những tiếng rên nho nhỏ. Những tiếng rên rỉ hầu như không ra tiếng người nữa. Một vật gì chạm vào cánh tay tôi. Trong cơn hoảng hốt, tôi chộp lấy một bàn tay người hầu như chỉ còn xương lôi ra phía miệng hầm bên ngoài. Và giờ, xác người nằm đó, dưới ánh nắng mặt trời, hắn nằm ngửa, mắt mở lớn, áo quần tơi tả, rách vụn phủ lên da thịt rữa nát, bất động trước đám đông vây quanh, như thể linh hồn không chịu theo cùng với xác ra khỏi miệng hầm. Và chính tôi, tôi cũng bất động trước mọi người, mọi vật chung quanh khi ngồi xuống bên hắn. Một lúc sau tôi phục hồi được tri giác. Tôi nhìn thấy họ, những nhiếp ảnh viên, và nghe tiếng máy ảnh bấm tích tích sắc lạnh. Tự nhiên một nỗi hổ thẹn ghê rợn và khủng khiếp dâng lên trong tôi, tôi nhào xuống bên cạnh xác người đàn ông ấy, nhìn vào cặp mắt vô hồn đờ đẫn kia như muốn dùng thân mình che chở cho cái giá trị câm lặng của sự đau khổ cùng cực ấy khỏi những cái nhìn lạnh lùng khô khan đằng sau các ống ảnh. Một người nói lớn: “Đại úy vui lòng xích ra cho chúng tôi chụp một phát”. Từ chiếc miệng ngoác rộng, không còn một cái răng nào, một dòng nước bẩn chảy ra. Và ruồi, những con ruồi ấy, bay vù vù, vù vù, trộn lẫn một cách dị thường với tiếng nói của bọn phóng viên chung quanh, và “Đại úy, xin tránh ra cho chúng tôi chụp một bức thật đẹp”. Một tên nào đó đẩy tôi qua một bên, khiến tôi giận điên người, chộp lấy cái thuổng trong tay một người lính và đập liên hồi đến vỡ tan các máy ảnh nơi tay bọn phóng viên; xua đuổi những cặp mắt lạnh lùng ấy khỏi nhìn người đàn ông nằm đó; xua đuổi những con ruồi, những con ruồi kinh khủng ấy... Khiêm tốn và lặng lẽ, tôi cầm lấy bàn tay lạnh, lạnh ngắt của mục sư Hann. Người mục sư trẻ tuổi quay mặt lại nhìn mục sư Shin – lúc này đang gật đầu với anh ta – rồi loạng choạng bước đi gần như ngã quỵ. *** Tôi lái xe đưa mục sư Shin và mục sư Hann về chân đồi và đi bộ với họ lên tận ngôi nhà. Bà vú già chạy ra cửa đưa người mục sư trẻ tuổi vào. Mục sư Shin siết chặt tay khi tôi giã từ. Tôi bước đi, nhưng chừng được mười thước tôi bỗng quay người lại. Ông vẫn còn đó, đứng trong khu vườn trơ trụi, bóng ông in lên bầu trời hoàng hôn bạc nhược. Tôi gọi: “Mục sư Shin!”. “Vâng?” “Những người mục sư ấy – tất cả đều đã bị sát hại ít lâu trước khi ông bị chuyển đến nhà giam. Ông biết điều đó?” Ông im lặng. “Ông Shin…” “Vâng?” Tôi ngần ngừ một lúc, nhưng tôi biết thế nào rồi tôi cũng phải hỏi câu ấy. Tôi nói: “Chúa của ông… Liệu Chúa của ông có hiểu thấu nỗi đau khổ của họ không?” Ông quay lưng không nói một lời và biến mất trong ngôi nhà tăm tối trơ trọi. 5 B ên ngoài, đêm tháng Mười một lạnh và đen phủ xuống thành phố. Im lặng bao bọc. Không còn nghe thấy tiếng các đoàn quân di chuyển hay tiếng ầm ĩ của những đoàn xe. Chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng một chiếc xe Jeep lẻ loi lăn bánh hay tiếng rù rì xa xa của một phi đội oanh tạc cơ. Một mình trong phòng giấy, tôi ngồi bên mép giường sắt, gần lò than đang ửng hồng dưới ánh sáng chập choàng của ngọn nến. Đêm đã khuya nhưng tôi chưa muốn ngủ. Mặt kính cửa sổ rung chuyển, tiếng chuông ngân lại dội vào căn phòng và trong ý thức tôi. Tôi nhấc thanh sắt đặt bên lò, cời đống than đỏ ửng như dung nham làm ngọn lửa phụt cháy. Ánh lửa rung rinh và bóng tối đang bao phủ chung quanh xâu xé nhau từng lúc. Thẫn thờ nhìn điểm sáng xanh lè giữa ánh nến, tôi thấy mình đang ở trong một hố mù mịt, tôi không hiểu gì hết, và điều đó thật đáng tiếc. Điều đó quả thật đáng tiếc vì sáng hôm sau Đại tá Chang đã hét ầm lên: “Sự can thiệp của Chúa! Hừ, ông ta tự nghĩ mình là gì chứ, một ông thánh chắc!”. Tôi không thể nhịn được cười với ông ta, dẫu đôi lúc nửa vui thích, nửa khó chịu. Ông ta lại nhỏ nhẹ: “Sự can thiệp của Chúa? Ồ, thôi được, cứ để cho ông ấy nói thế”. Tôi hơi ngạc nhiên và thắc mắc khi thấy vẻ độ lượng và vui vẻ của Đại tá Chang. Tôi tưởng thế nào ông ta cũng nổi cơn lôi đình khi nghe tôi tường trình về cuộc gặp gỡ giữa tôi và hai mục sư kia. Ngược lại, ông ta tỏ ra rất dễ dãi và bảo rằng ông không bất mãn chút nào hết về kết quả cuộc nói chuyện giữa tôi với mục sư Shin. Tôi chờ đợi một phản ứng dữ dội của ông khi ông nghe tôi bảo rằng hai mục sư có mặt cùng mười hai mục sư kia không lâu trước khi họ bị hành quyết, nhưng ông ta chỉ nói: “Được rồi”. Ông xoay mình trên ghế và cười: “Hẳn Đại úy đã làm cho ông ấy sợ hết hồn phải không, vì thế ông ấy mới phải chạy núp sau Chúa của ông ấy. Hén! Được rồi, ông bạn trẻ ạ, đây là một việc hay lắm”. Vẻ tin cẩn và nụ cười khuyến khích của ông khiến tôi khó chịu. “Tôi không nghĩ rằng tôi đã làm cho ông ấy sợ hãi, thưa Đại tá. Vả chăng, tôi không nghĩ là ông ấy sợ hãi gì hết, ông ấy chỉ có vẻ mệt mỏi đến cùng độ”. “Ấy Đại úy không hiểu. Chắc chắn ông ta sợ. Nhưng nên nhớ rằng ông ta là một giáo si,̃nghĩa là ông ta biết đóng kịch. Đại úy hiểu chứ? Chắc chắn là ông ta sợ”. Ông vừa nói vừa vung tay. “Tôi biết, tôi biết quá mà”. Tôi nói: “Thưa Đại tá, tôi hy vọng rằng Đại tá không muốn nói họ đã bắt tay với quân của Bắc Hàn chứ?” “Thế còn Đại úy, Đại úy nghĩ thế nào?” “Thật khó để nói rằng họ đã phản bội những người mục sư kia”. “Tại sao không?”, ông ta hỏi, nở một nụ cười đặc biệt lạnh lùng làm lúc đó tôi có cảm tưởng ông ta là một tay cờ bạc nhà nghề. Ông ta dựa ngửa người ra ghế. “Tại sao không? Bởi vì họ là Kitô hữu à? Đại úy không theo Kitô giáo đấy chứ?” “Không, tôi không phải Kitô hữu, thưa Đại tá, nhưng chuyện đó nằm ngoài vấn đề này. Tôi không nghĩ rằng quân Bắc Hàn cần đến sự hợp tác của họ, bằng chứng là chúng đã quyết định sát hại tù nhân. Không có điều gì để trách họ, Đại tá cũng biết thế chứ, thưa Đại tá? Điều tôi muốn nói là quân của chính phủ Bắc Hàn không có một nguyên cớ nào để buộc tội các giáo sĩ. Vậy tại sao họ phải cần tới chỉ điểm hay cộng tác viên?” Ông tỏ vẻ thương hại sự ngây thơ của tôi. “Dĩ nhiên quân Bắc Hàn không có nguyên cớ chính đáng nào để buộc tội họ. Nhưng điều đó ở ngoài vấn đề này, nếu tôi có thể nói như Đại úy. Khi người ta không có chứng cớ buộc tội, thì người ta phải tự tạo ra, chỉ giản dị thế thôi. Và họ đã tạo ra chứng cớ để kết án những mục sư kia, vì thế họ cần một người nào đó thú tội – đúng vậy – thú tội và làm chứng buộc tội, chỉ có vậy”. “Đại tá muốn nói hai người mục sư ấy đã bị buộc phải nhận tội và phản bội”. “Rất có thể”. “Chúng ta không có một chứng cớ nào về việc đó”. “Đúng vậy”. “Thế bây giờ Đại tá nghĩ chúng ta phải làm gì?” “Hãy đợi”. Tôi thấy căng thẳng. Tôi thấy mình như một con cá đang vùng vẫy một cách vô vọng để thoát ra khỏi lưới. “Đợi gì, thưa Đại tá?” “Đợi những lời thú tội”. “Tôi không hiểu?” “Tôi đợi họ nhận tội”. “Nhận tội gì thưa Đại tá?” “Nhận rằng họ đã thú tội với quân Bắc Hàn”. “Đại tá thực sự nghĩ rằng nhờ cách đó mà họ sống sót?” Ông đáp: “Còn lời giải thích nào hợp lý hơn nữa, ngoại trừ lời giải thích sự can thiệp của Chúa vô nghĩa kia”. Tôi lẩm bẩm: “May mắn chẳng hạn”. “Càng vô nghĩa hơn nữa”. Tôi cảm thấy tuyệt vọng và không hiểu đích xác vì sao. Tôi cố nói một cách bình tĩnh: “Và nếu thế, Đại tá phải bắt họ?” Đại tá Chang mỉm cười: “Ông bạn trẻ này, ông nghĩ rằng tôi ngốc đến thế à?” “Tôi không dám nghĩ như thế, thưa Đại tá”. “Nghe đây, ông bạn, tôi không có ý định xem thường Kitô giáo. Tại sao tôi lại làm hại những người theo Kitô giáo chứ, trong khi quyền lợi của họ dính liền với quyền lợi của chúng ta trong cuộc chiến tranh này? Ngược lại, tôi sẽ làm mọi cách để che chở họ, để bảo tồn giá trị luân lý của họ và làm những gì có lợi cho họ”. “Như thế tại sao Đại tá lại phải ngờ vực họ đến như vậy. Sau nữa, giả dụ họ có thú nhận trước những lời buộc tội giả tạo do quân Bắc Hàn dựng ra, thì đó cũng là vì họ bị bắt buộc và vì thế hành động đó cũng chưa thực là phản bội, ít ra đó là theo ý tôi”. Ngẩng đầu lên, ông nhìn tôi qua cặp kính dầy cộm: “Còn theo ý Chúa của họ thì như thế nào?”. Tôi lắc đầu: “Điều đó tôi không thể biết”. Đột nhiên, rời bỏ thái độ nhã nhặn dễ thương từ nãy giờ, ông hét hên: “Phải, Đại úy không biết, nhưng tôi biết. Tôi bảo Đại úy là tôi biết!”. Im lặng một lát, ông giơ ngón tay chỉ về phía tôi: “Hãy đặt ông vào địa vị của họ và nghĩ đến những người tử đạo – mười hai mục sư đã bị giết một cách tàn nhẫn ấy. Đại úy có thể tưởng tượng những gì người còn sống sót phải chịu đựng không? Ừ, mà chúng ta sẽ không kể đến người điên kia. Đừng hiểu lầm tôi, tôi không bắt ông Shin ấy đâu. Tuyệt đối không. Tôi chỉ muốn giúp ông ta”. “Giúp ông ta!” “Vì công lý, tôi muốn nghe ông ta thú tội, nhưng tôi sẽ không dùng nó để làm hại ông ta đâu. Không, tôi không làm thế. Tôi sẽ bảo vệ ông ta và làm mọi cách để giữ chuyện đó bí mật. Tôi tin chắc ông Giám đốc Tình báo Quân đội sẽ không chống đối gì việc này. Đúng thế, tôi sẽ che chở ông ấy. Tôi sẽ biến ông ta thành một người anh hùng, và tôi còn cộng tác với ông ta để làm lợi cho Kitô giáo ở Bắc Hàn”. “Thưa Đại tá, nhưng giả dụ ông ấy không có gì để nói cả?” Đại tá Chang chồm người về phía trước, ánh mắt lóe lên trong bóng tối: “À, khi đó chúng ta sẽ kêu gọi đến lương tâm của ông ta”. 7 T ừ từ ngẩng đầu lên, mục sư Shin hỏi: “Tại sao Đại úy lại nói với tôi điều ấy?”. Sau bữa ăn tối tại Tổng hành dinh, tôi quyết định đến gặp mục sư Shin. Tôi không rõ tại sao tôi muốn gặp ông, ngoại trừ một nỗi lo ngại mơ hồ đã thúc đẩy tôi. Cho đến khi ngồi đối diện với ông, tôi vẫn chưa biết lý do gì đã khiến tôi phải lặn lội lái xe đến tận ngọn đồi này. Tôi ngồi im lặng nhìn mục sư trong khi ông vẫn giữ vẻ trầm lặng vô biên thường lệ của ông. Mục sư Shin chậm chạp tiếp: “Tôi rất cảm ơn Đại úy đã cho tôi biết hoàn cảnh của tôi, nhưng thật tình tôi hoàn toàn không hiểu tại sao Đại úy lại cho tôi đặc ân ấy”. Ông trầm tĩnh nhìn tôi, lấy khăn che miệng. Ông bật ho một cách khó nhọc, đôi vài gầy rung động, ông có vẻ mệt mỏi và đôi mắt vô hồn, trống rỗng. Cơn ho chấm dứt, ông nói: “Tôi không hề muốn nói tôi không mang ơn Đại úy. Tôi chỉ không hiểu ông thôi”. Tôi thú nhận: “Chính tôi cũng không hiểu nổi tôi nữa”. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau, nhưng không phải trong hoàn cảnh này”. Ông nhìn tôi như thể hoài nghi sự thành thật của cái động lực đã thúc đẩy tôi đến gặp ông. Tôi cảm thấy khó chịu: “Tôi hy vọng mục sư không còn xem tôi như một tên mật thám nữa”. “Cái đó không can hệ gì đến tôi. Đại úy cứ hỏi đi, không sao cả”. Thái độ ông đầy vẻ lạnh lùng thận trọng. Hay ít ra tôi thấy như thế. Tôi tự giận mình. Tôi nghĩ đáng lẽ tôi không nên đến đây. “Mục sư có thể cho tôi biết thêm điều gì nữa không. Ông đã không nói hết với tôi những gì ông biết về mấy người bị giết?” Ông ta không trả lời. “Tôi có thể hiểu cảm tưởng của mục sư đối với những người mà công việc chỉ là thẩm vấn, theo dõi, xử tội người khác. Có lẽ mục sư đánh giá họ như nhau, không cần biết là người Nam hay Bắc Hàn hay là gì đi nữa. Nhưng tôi cam đoan với ông rằng trong tổ chức chúng tôi, mà tôi biết cho tới giờ, cũng có những kẻ chân thành muốn giúp ích cho người khác, vâng, những người khác như ông chẳng hạn”. Tôi ngừng lại, cảm thấy hơi bối rối. “Đại úy muốn giúp tôi, tại sao?” “Tôi không biết nữa, có lẽ tôi cần mục sư giúp tôi hơn là ông cần tôi giúp ông. Ai biết được?” “Thú thật với Đại úy, tôi không trách Đại tá của ông đâu”. Cơn ho đã làm ông im bặt, đoạn ông tiếp: “Ngược lại tôi hiểu ông ấy có bổn phận phải nghĩ như thế về tôi. Ở trường hợp ông ấy tôi cũng phải làm như thế thôi”. Tôi nhướng mày: “Mục sư muốn nói rằng Đại tá Chang có lý do chính đáng để nghi ngờ ông?”. “Dĩ nhiên”. Giọng ông không có vẻ gì mỉa mai giễu cợt, ông nói một cách thản nhiên. “Ông không thực tình nghĩ như ông nói chứ, ông Shin?” “Tại sao không? Đừng quên dầu sao tín đồ, giáo sĩ Kitô giáo cũng là người. Hẳn cũng cần được xem xét dưới ánh sáng của đam mê và theo mức thang yếu đuối như bất cứ ai. Tôi không nghĩ rằng tôi hay một giáo sĩ nào khác tất nhiên có đủ sức mạnh để không bao giờ phủ phục trước sự tra tấn, hành hạ cực độ về thể xác cũng như về tinh thần”. Lần đầu tiên tôi nghe ông nói với một vẻ cuồng nhiệt mặc dầu giọng ông vẫn đều đều và dáng điệu vẫn lặng lẽ. Ông nói mà không nhìn tôi, mắt dán vào khoảng không trước mặt như thể ông nói với một kẻ vô hình đang lượn lờ trên đầu tôi. Ông tiếp: “Đại úy biết đó, mục sư Hann và tôi suýt bị bắn khi các ông tấn công trại giam. Nhưng điều đó không quan trọng. Chúng tôi sống sót và sự sống sót của bất cứ người tù chính trị nào bị quân Bắc Hàn giam cầm tự nó đều dị thường. Riêng về phần chúng tôi thoát chết trong trường hợp đó thật là một phép lạ. Nhưng “phép lạ” là một chữ hơi khó hiểu trong thời đại chúng ta, nhất là khi chúng tôi sống sót trong lúc mười hai người mục sư kia bị hành hình thì danh từ “phép lạ” ấy lại càng trở nên hàm hồ. Bởi vậy những nghi ngờ ấy không có gì là vô lý cả”. Tôi kêu lên: “Nhưng ông hoàn toàn vô tội trước những ngờ vực đó chứ, ông Shin? Riêng tôi thì tôi tin rằng ông đã nói với tôi sự thật”. Ông ta run nhẹ trong chiếc ghế. “Tôi đã nói với ông những gì tôi có thể nói”. Tôi lặp lại: “Nhưng ông vô tội chứ?” “Vâng”. “Vậy những điều ông nói với tôi đúng sự thật?” “Tôi nói sự thật của lương tâm tôi, Đại úy ạ”. “Tôi không đủ khả năng để phán đoán sự thật sao?” Giọng ông nghiêm trọng: “Đại úy không thấy rằng ông căn cứ trên sự thật của con người, còn tôi trên sự thật của đức tin?” “Vậy ông thấy ông vô tội trước mắt Chúa của ông?” Ông ngạc nhiên, nhìn tôi chăm chăm một lúc, đoạn hạ thấp mí mắt, ông nói, giọng trầm trầm: “Hãy để cho Người phán xét tôi”. Mục sư Shin theo tôi ra cửa. Tôi hỏi thăm về người mục sư trẻ tuổi và được biết mục sư Hann được bác sĩ và bà vú săn sóc cẩn thận, ngoài ra ông không nói gì thêm. Tôi muốn làm một việc gì giúp ông. Tôi đang định bảo ông nếu cần tôi giúp gì thì đừng ngần ngại gì cả thì đột nhiên ông hỏi tôi: “À này, không biết ông có quen một thanh niên cỡ tuổi ông – Indoe Park – không?”. Tôi reo lên: “Quen lắm chứ, Park là người bạn thân nhất của tôi”. Ông nhìn tôi vài giây như thể ông tiếc đã hỏi tôi về Park, đoạn ông nói: “Điều cuối cùng tôi nghe nói về Park, là anh ấy đang dạy đại học ở Hán Thành. Ông cũng dạy ở đấy trước chiến tranh. Tôi nghĩ ông phải quen biết anh ấy”. “Chúng tôi ít khi rời nhau. Chúng tôi cùng dạy một môn. Nhưng làm sao ông biết Park?” “Hẳn Đại úy biết cha anh ấy chứ?” “Vâng tôi biết”. “Tôi quen cả hai cha con. Có thể nói tôi là bạn của gia đình Park. Bây giờ anh ấy ra sao?” Tôi cho ông biết về Park và thêm rằng tôi vừa mới nhận được thư anh chiều nay. “Anh ấy có biết không?” “Không, tôi không nói với anh ta chuyện đó”. Ông nói: “Tôi hiểu cả hai người, tôi hiểu bạn ông cũng như cha anh ấy. Kiêu hãnh, kiêu hãnh đến cùng độ. Vâng, tôi hiểu họ”. Rồi ông im lặng. Tôi hiểu ông không muốn giữ tôi lại nữa. Tôi chào ông, toan bước ra thì nghe có tiếng gõ cửa. Tôi nhìn ông Shin, ông gật đầu ra dấu và tôi mở cửa. Một người bận quân phục bước vào căn phòng tối tăm, thoáng nhìn tôi vẻ ngạc nhiên, có lẽ ông ta không ngờ gặp một quân nhân khác nơi đây. Ông ta cũng bận gần giống như tôi: giày trận, mũ sắt nhưng không mang súng lục và huy hiệu. Ông ta có vẻ không nhìn thấy mục sư Shin đang đứng yên lặng sau lưng tôi. Ông ta nói bằng giọng ồ ồ: “Tôi muốn gặp mục sư Shin, tôi là Tuyên úy Koh của lữ đoàn Ba. Tôi là bạn cũ của ông ấy”. Tôi tránh ra một bên để ông ta nói thẳng với mục sư Shin. Vị Tuyên úy tiến lên và nhìn sát vào người mục sư Shin, ông ta kêu lên: “Trời! Ông đấy ư! Tôi khó tin rằng đây là ông! Chúa ơi! Ông đã chịu đau khổ biết mấy!”. Ông ta giơ tay ra nhưng mục sư Shin không nắm lấy, và bàn tay to lớn kia nằm giữa khoảng không, đờ ra như bỗng dưng bị tê cứng. Đoạn ông ta chụp lấy cánh tay người mục sư, nói: “Chúa ơi, ông cần một bác sĩ săn sóc mới phải”. Mục sư Shin gạt tay người mới đến ra. Ông lùi lại nói giọng nghiêm khắc: “Đừng động đến tôi!”. Ông bật ho dữ dội. Người vú xuất hiện phía sau. Người Tuyên úy kêu lên: “Gì thế? Mục sư đau à?”. Ông ta xoay lại phía tôi. “Mục sư không việc gì chứ? Ông ấy đau à?”. Mục sư Shin nói giọng cương quyết: “Tôi không muốn thấy ông. Tôi xin ông hãy ra khỏi đây. Ông cũng như tôi đều biết tại sao tôi không muốn gặp ông”. Tôi đưa mắt nhìn Tuyên úy Koh với vẻ thiếu thiện cảm nhưng ông ta không có vẻ gì ngạc nhiên hay tức giận. Hình như ông đã biết trước thái độ của mục sư Shin. Ông ta im lặng một lúc, đoạn nhã nhặn nói: “Vâng tôi biết. Tôi hiểu mục sư nghĩ thế nào về tôi. Nhưng tôi có một chuyện vô cùng quan trọng cần nói với mục sư. Nói xong tôi sẽ rời đây ngay”. Mục sư Shin nói như ra lệnh: “Nói đi”. Người Tuyên úy liếc nhìn tôi như van tôi hãy để họ một mình. Tôi quay sang mục sư Shin: “Mục sư có cần tôi giúp ông điều gì không?”. Ông thì thào: “Không, cảm ơn Đại úy, chúc ông ngon giấc”. S 8 áng Chủ nhật, gần trưa, Đại tá Chang và tôi lái xe đến nhà thờ mục sư Shin, cách Tổng hành dinh chúng tôi không xa lắm. Chúng tôi đậu xe nơi một lối đi bỏ hoang cạnh đường lớn và bắt đầu đi bộ. Cách nơi chúng tôi để xe chừng ba mươi bước có một con đường mòn nhỏ hẹp, dốc lên dần, chỉ vừa đủ cho chúng tôi bước sóng đôi. Dọc hai bên lối đi là những dãy nhà cũ kỹ tồi tàn xây bằng đá xám và xi-măng dơ dáy. Dưới làn tuyết mới vừa phủ lên trên là lớp tuyết cũ cứng và trơn như nước đá dưới chân chúng tôi. Đại tá Chang khó nhọc lắm mới đi hết được con đường cong queo ấy. Nhìn lui, chúng tôi có thể thấy những mái nhà tuyết phủ hồi nãy, những ngôi nhà xa hơn nữa và ngay cả con đường lớn dưới kia. Chẳng mấy chốc chúng tôi bước đến một khoảng đất trống và đứng trước một cánh cổng nhỏ bằng gỗ, qua đó một lối nhỏ dẫn đến những bậc thang cấp bằng đá không có tuyết. Trên một vùng đá bằng phẳng sừng sững ngôi giáo đường xây bằng gạch đỏ với bốn cột đá nặng nề và những ô cửa kính rọi sáng mặt trời chói lọi. Gác chuông mang thập tự giá vượt lên cao khỏi mái nhà đầy tuyết. Những quả chuông rung, ngân dài trong khoảng không đầy ánh nắng. Bên trái nhà thờ, một hàng rào sắt ngăn vực sâu hun hút với khoảng đất bằng. Chuông ngừng rung. Chúng tôi đến trễ. Tất cả đều im lặng – không một tiếng động trong nhà thờ vang ra, hay từ dưới đường lớn vọng đến tai chúng tôi. Có lẽ mọi người đang cầu nguyện. Tôi nói thế với Đại tá Chang. Ông ta quay sang tôi: “Nhà thờ này đặc biệt phải không nhỉ? Tôi nghĩ nó có thể chứa được cả ngàn chỗ ngồi”. Tôi nhận xét: “Thật may nó còn đứng vững được. Có lẽ nó không trúng phải quả bom nào cả”. Tôi không thể không so sánh số phận của hai nhà thờ trong cùng một thành phố: ngôi nhà thờ bị sụp đổ của cha Park và ngôi nhà thờ của mục sư Shin thoát khỏi sự tàn phá của chiến tranh. “Không phải nhờ sự may mắn đâu”, Đại tá Chang nói, “Chúng tôi đã cố ý bảo tồn nó đấy chứ. Đại úy không biết ngôi nhà thờ này đã chứng kiến một trong những trận đánh đẫm máu nhất? Quân Bắc Hàn có cả một giàn súng phòng không ở đây, một địa điểm rất thuận lợi mặc dầu rất dễ bị máy bay tấn công. Dĩ nhiên chúng đặt một đồn pháo binh quan sát ở đây khi chúng tôi tiến đến bờ bên kia sông. Chúng biết chúng tôi không dám triệt hạ nhà thờ. Đứng trên quan điểm thuần túy chiến thuật, đó thật là một quyết định ngu ngốc. Nhưng về mặt chiến lược cần bảo vệ nó hơn là phá hủy vì một nhu cầu chiến thuật nhất thời. Đó chỉ là một cử chỉ tượng trưng về phía chúng tôi, nhưng nhờ đó, quân của Bắc Hàn có thể hướng giàn trọng pháo nã hữu hiệu về bất cứ mục tiêu nào và chúng tôi quá vất vả khi phải qua sông và chiếm thành phố. Trong tình trạng đó, chúng tôi phải phái một tiểu đội quyết tử trèo lên đây – có trời mới biết làm sao họ lên nổi – chiếm giữ đồn dưới sự yểm trợ của không quân cho đến khi chúng tôi qua sông. Đó là lý do tại sao nhà thờ này khỏi bị phá”. Ông liếc nhìn lên. “Đại úy có thể tưởng tượng một kẻ núp ngay trên gác chuông này, nã đại liên vào chúng tôi trong khi chúng tôi phải tìm cách cứu vãn nhà thờ và như thế cứu vãn cả sinh mạng hắn nữa?” Ông lắc đầu cười, đoạn bảo rằng chúng tôi phải vào tham dự với mọi người. Chúng tôi ngồi ở một băng phía sau. Bên trong nhà thờ trông giống như một rạp hát lớn với những hàng ghế xi-măng, những hàng cột trát thạch cao nâng đỡ lan can, và nhiều lối đi nhỏ dẫn đến bàn thờ và một chiếc bục thuyết giảng đặt cao. Dưới vòm trần nhà sơn trắng lủng lẳng chừng mười ngọn đèn pha lê treo bằng những dây mạ vàng, đám tín đồ cúi đầu cầu nguyện, bất động như thể giá lạnh đã biến họ thành vô số những pho tượng chết cứng. Tôi đưa mắt tìm mục sư Shin nhưng không thấy. Sau bàn thờ chỉ có bốn bô lão mặc áo choàng trắng ngồi trên ghế có chỗ dựa cao. Một ghế bỏ trống. Tôi đưa mắt nhìn Đại tá Chang, nhưng ông vẫn giữ vẻ mặt điềm nhiên. Tôi nhìn lại phía bàn thờ một lần nữa; trong khi ấy, một vị bô lão biến mất sau cánh cửa một lúc rồi trở ra. Phút cầu nguyện chấm dứt. Có tiếng áo sột soạt và tiếng ho trong đám tín đồ. Tôi thấy bô lão nọ đã trở lại, nghiêng về phía mấy người kia. Lúc này một trong mấy vị bô lão tiến lên bục; trên đó đặt sẵn một cuốn Thánh kinh để mở. Ông ta bảo đám tín đồ hát bản Thánh ca. Đại tá Chang thò tay nới lưng ghế trước mặt, nhấc một quyển sách, lấy tập Thánh ca, ông mở ra và đưa cho tôi hát. Chúng tôi đứng dậy khi nhạc công dạo bản Thánh ca, nhưng tôi không hát theo họ, mặc dầu Đại tá Chang dùng ngón tay trỏ thúc thúc vào người tôi khuyến khích. Ông quan sát tôi vớí vẻ thích thú và hơi thoáng cười. Khi đám tín đồ hát, vị bô lão hồi nãy lại đi sang cánh bên và chỉ trở lại chỗ ngồi khi bài hát chấm dứt. Đại tá Chang thò tay vào lỗ hổng ở lưng ghế trước, lấy ra hai phong bì vuông nhỏ và hỏi mượn tôi ít tiền. Tôi đưa ít tiền lẻ, ông bỏ vào một phong bì và giảng giải cho tôi hiểu rằng những phong bì này dành cho những ai không muốn cho biết số tiền mình “cúng”. Và ông đưa cho tôi phong bì kia. Buổi lễ tiếp tục nhưng mục sư Shin vẫn không xuất hiện. Một vị bô lão đọc một đoạn trong Thánh kinh. Sau đó tuyên bố với đám tín đồ rằng ông rất tiếc phải báo tin buồn là mục sư Shin không thể có mặt, vì lý do bị bệnh bất thần. Ông đề nghị đám tín đồ cầu nguyện cho mục sư Shin khoẻ mạnh và chóng phục hồi, vị mục sư đã chịu quá nhiều đau khổ bởi những kẻ đi ngược lại ý muốn của Thiên Chúa. Đại tá Chang đứng bật dậy và phóng ra khỏi nhà thờ. Tôi gấp rút chạy theo ông và khi tôi khép xong cánh cửa tiền nặng nề thì ông đã tới thấu cổng. Tôi chạy như bay xuống con đường nhỏ và đuổi kịp ông. Không nói một lời, chúng tôi cùng nhau xuống đồi. Mãi khi ra đến xe ông mới mở miệng. Ông hừ lên một tiếng: “Hừm, bệnh quá không giảng đạo được!”. 9 M ột loạt những cuộc hội họp cùng báo cáo, tường trình làm tôi bận rộn suốt buổi chiều. Đến bốn giờ tôi mới hết việc. Một mình trong phòng giấy, tôi lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Dưới những tia nắng cuối cùng của buổi chiều, chóp thánh giá trên gác chuông phản chiếu những tia sáng yếu ớt, và những bông tuyết rơi lao xao quanh những ngôi nhà đổ nát, đuổi theo những chiếc xe Jeep và cam-nhông chạy ngang, lướt bên rìa đường. Bóng tối phủ dần dần từ ngọn đồi lên ngôi nhà thờ bị hư hại, rồi gác chuông, càng ngày càng tối hơn, cuối cùng im lặng vây phủ khắp thành phố. Gió ngừng thổi, không một tiếng chuông rung. Mặt trời lịm tắt. Trời tối hẳn. Tôi dạo bước về phía nhà mục sư Shin. Tôi gặp bà vú. Tóc tai áo quần thẳng thớm nhưng trông bà có vẻ mệt mỏi. Bà không biết phải nói gì với tôi. Bà đặt tay lên cánh cửa, không mời tôi vào cũng không đuổi tôi ra. Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau một lúc dưới ánh sáng chập choạng, đoạn bà nở một nụ cười ngượng ngập, lắc đầu. Bà dẫn tôi tới lối vào và ra dấu cho tôi im lặng. Bà mở cánh cửa gian phòng nơi tôi đã ngồi nói chuyện với mục sư Shin đêm trước và làm hiệu mời tôi vào. Thái độ đó làm tôi thấy vinh dự nhưng đồng thời khó chịu. Tôi hỏi bà có phải mục sư Shin đau không? Đôi mắt bà ta thu nhỏ thêm, như hẹp lại, những nếp nhăn tụ lại ở quanh mắt. Dưới ánh sáng vàng vọt của bóng đèn trần, trong một giây nét mặt bà giống một cái mặt nạ nhăm nhúm của thần chết. Bà đáp: “Tệ hơn thế nữa”. “Bà đã mời bác sĩ rồi chứ?” “Bác sĩ có thể làm gì được cho ông ấy?” “Tối qua mục sư ho dữ dội quá”. Bà lắc đầu: “Ông ấy ho ra máu”. Tôi thấy nguy cấp, vì tôi không ngờ bệnh ông lại nguy kịch đến như vậy. Tôi bảo: “Đáng lẽ ra bà phải cho tôi biết sớm hơn, chúng tôi phải làm gì giúp ông ấy mới được”. Bà đáp: “Tôi cũng không biết phải làm gì nữa, ông ấy không chịu uống thuốc. Ông chỉ bảo tôi là cái ông cần không phải là thuốc của bác sĩ”. “Tôi có thể gặp mục sư không? Bà nên để tôi lên gặp ông ấy tức khắc”. “Tôi không thể để Đại úy lên được. Mục sư đã cầu nguyện từ tối hôm qua và không ăn uống gì cả. Tôi thức suốt đêm chờ mục sư có cần gì thì gọi, nhưng ông ấy không ngủ, không ăn và cũng không gọi tôi một lần nào. Tôi chắc chắn giờ mục sư cũng còn cầu nguyện trên ấy”. Cả hai chúng tôi im lặng một lúc. Bà bỗng nói: “Tất cả chỉ tại người đàn ông ấy hết”. “Bà muốn ám chỉ người Tuyên úy?” “Vâng, người đàn ông đến gặp mục sư Shin tối qua. Sau khi Đại úy về họ cãi nhau lớn tiếng. Tôi không biết phải làm gì. Rồi mục sư bắt đầu ho. Ở tận sau bếp tôi cũng nghe thấy tiếng ông ấy ho dữ dội. Tôi liền bảo người đàn ông kia hãy ra khỏi nhà”. “Trước kia bà có từng thấy ông ta không?” “Riêng tôi thì không, nhưng tất cả mọi người đều biết rõ ông ta là hạng người nào. Ông ta phụ trách một nhà thờ ở đây trước kia, nhưng một đêm nọ ông ta bỏ trốn. Ông ta trốn đi mà không báo cho ai biết. Lúc đó khoảng một năm trước chiến tranh”. “Ông ta có gia đình không?” “Không, ông ta chỉ có một mình”. “Hẳn ông ta có chuyện lôi thôi với quân Bắc Hàn?” “Ai biết được? Chỉ biết ngay hôm sau, công an Bắc Hàn đến bắt bốn người trẻ tuổi trong nhà thờ của ông và sau đó không ai thấy họ nữa. Giờ thì ông ta trở lại đây với tư cách Tuyên úy quân đội và đủ thứ. Đại úy thấy đấy, mục sư Shin tức giận là phải”. Bà ngừng một lúc đoạn nói tiếp: “Sau khi ông ta bỏ trốn, con trai tôi được yêu cầu phụ trách nhà thờ”. Tôi ngắt lời: “Con trai bà?”. Bà giật mình vì câu hỏi của tôi và chợt nhận ra mình lỡ lời, bà im bặt, bối rối. Tôi nói như xin lỗi: “Bà đang nói…?”. “Mục sư Shin có bảo tôi rằng Đại úy biết ông Indoe Park?” “Bà cũng biết anh ấy sao?” “Không, tôi chưa bao giờ thấy nhưng nghe người ta nói rất nhiều về ông ấy. Tôi chỉ biết rõ cha ông ấy thôi”. “Nghĩa là bà biết mối liên hệ giữa họ như thế nào?” Bà đáp: “Chuyện đó thật đáng buồn. Ông có biết hiện giờ bạn ông nghĩ thế nào về cha ông ấy không? Ông có nghĩ ông ấy còn tức giận mục sư Park không?”. Tôi do dự một lúc: “Không, tôi không nghĩ anh ấy còn giận cha anh”. “Tôi rất mừng khi nghe vậy. Ông xem, con tôi mất cha từ lúc bảy tuổi, tôi phải làm quần quật để cho nó đi học. Nó vào một trường dòng, trở thành Kitô hữu và được cha của bạn ông, mục sư Park, rửa tội. Con tôi muốn thành một mục sư, vì thế mục sư Park giúp đỡ nó khi nó còn ở chủng viện. Ông Park thật hết sức tử tế với chúng tôi. Chính ông hành lễ nhận nó làm mục sư. Rồi đùng một cái chiến tranh bùng nổ”. Bà bật khóc. Không ngừng được, tôi hỏi: “Bà đang nói với tôi về mục sư Hann phải không?”. Người đàn bà úp mặt vào hai bàn tay gầy guộc: “Vâng, tôi chính là mẹ nó”. K 10 hi trở về Tổng hành dinh, tôi được người lính cho biết Đại tá Chang muốn gặp tôi, ông ta đang có khách. Sau khi làm xong bản kiểm điểm hàng ngày với viên sĩ quan trực, tôi lên phòng giấy của Đại tá và thấy họ đang đứng gần lò sưởi. Khi họ quay mặt lại tôi nhận ngay ra được người khách. Đó là Tuyên úy Koh. Tôi không ngạc nhiên mấy khi thấy ông ta ở đây với Đại tá Chang; tôi còn thấy thú vị là khác. Ông ta có vẻ nhận ra tôi và hình như thắc mắc về sự có mặt của tôi. Khi Đại tá Chang giới thiệu chúng tôi với nhau, ông ta nhìn tôi chầm châp. Chúng tôi bắt tay nhau, không ai nói một lời. Lò than làm không khí nặng nề, chúng tôi thấy khó thở trong căn phòng ngộp và đầy khói. Đại tá Chang mở lời: “Tuyên úy đây quen biết tôi đã lâu và tưởng cũng nên nói cho Đại úy biết ông ấy cũng là bạn thân của mục sư Shin đấy”. Ông ta quay sang Tuyên úy Koh: “Phải vậy không?”. Tuyên úy Koh cười nói với tôi: “Thật là một bất ngờ thú vị, mục sư Shin đều là bạn thân của chúng ta. Ông ấy xuất thân từ cùng một chủng viện với tôi và chúng tôi được thụ phong cùng một lúc. Đại úy quen mục sư Shin đã lâu chưa?”. “Tôi không thể gọi là bạn thân của mục sư Shin được, tôi chưa biết gì nhiều về ông ấy”. “Tôi hiểu, tôi sợ rằng mục sư Shin không tìm lại được sự bình an cũ sau quá khứ đau đớn mà ông ấy đã trải qua. Chắc ông biết ông ấy đã bị bắt nhốt trong một trại giam của chính quyền Bắc Hàn, người bạn đáng thương của tôi đã khổ sở đến cùng cực khi ông sống sót sau những cuộc tra tấn dã man của bọn họ… Tôi muốn nói ông ấy… Đại úy biết… mười hai người tuẫn giáo…” Tôi liếc nhìn viên Đại tá. Đại tá Chang nói với tôi: “Ông ấy biết hết mọi chuyện”. Đoạn ông quay qua vị Tuyên úy. “Tội nghiệp mục sư Shin, đáng lẽ ông ấy không cần phải nghĩ ngợi như thế”. Tuyên úy Koh nói: “Tôi hiểu mục sư Shin lắm, tôi cũng sẽ có cùng cảm nghĩ như ông ấy nếu tôi ở địa vị đó”. Đại tá Chang lắc đầu: “Những người tu sĩ các ông thật là…” “Dầu sao các ông cũng là quân nhân, các ông không thể hiểu nổi chúng tôi đâu. Giữa những người tu sĩ chúng tôi có một mối liên hệ tinh thần sâu xa hơn các ông, nếu các ông cho phép tôi nói thế”. Ông cười nhẹ. Đại tá Chang đáp: “Tôi khó có thể phản đối ông bạn điều đó. Chắc Đại úy Lee cũng cảm thấy như vậy. Mối liên lạc của những người cùng phục vụ Thiên Chúa bao giờ cũng chặt chẽ hơn sợi dây liên lạc của những người phục vụ một quốc gia với nhau. Với điều kiện là người ta phải tin nơi Thiên Chúa ấy, hẳn đi rồi”. Tôi xoay qua nói với Đại tá Chang: “Thưa, tôi nghe Đại tá cho gọi tôi?”. Ông ta gật đầu: “Tôi muốn Đại úy săn sóc cho Tuyên úy đây. Ông sẽ ở lại với chúng ta một tuần hay cỡ đó. Tôi muốn Đại úy lo liệu nơi ăn chốn ở của ông ấy đầy đủ tiện nghi”. Tuyên úy Koh nói với tôi: “Tôi hy vọng sẽ không làm phiền Đại úy”. Đại tá Chang nói: “Chính tôi đã yêu cầu ông ấy đại diện cho quân đội chúng ta”. Tôi hỏi: “Thưa Đại tá, nghĩa là…” “Những người Kitô giáo dự định tổ chức một lễ truy điệu mười hai vị tuẫn giáo và nhiều vị mục sư trong Ban tổ chức đã yêu cầu tôi giúp đỡ. Dĩ nhiên tôi hứa với họ tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm được”. “Nhưng thưa Đại tá, làm sao họ biết được?” “Biết cái gì?” “Thưa, về những gì đã xảy ra cho mười hai người tuẫn giáo”. “À chuyện đó. Tôi có nói cho họ biết”. “Đại tá chưa công bố chuyện đó? Đại tá có định chính thức tuyên bố cho dân chúng biết không?” “Không sớm thì muộn”. “Còn hai người mục sư kia thì sao?” “Về họ? Đại úy có muốn đề nghị gì không?” “Thật ra thì không có gì đặc biệt, thưa Đại tá, tôi chỉ muốn biết Đại tá dự tính làm gì với họ”. Tôi quay sang Tuyên úy Koh. “Xin lỗi Tuyên úy, chúng tôi đang nói chuyện về mục sư Shin và Hann”. Tuyên úy Koh nhíu mày: “Có chuyện gì không hay cho họ?” Đại tá Chang nói: “Theo tôi biết thì không”. Tôi không thể không tự hỏi ông đại tá này định chơi cái trò gì đây. Ông ta tiếp: “Đại úy Lee, ông và Tuyên úy đây sẽ đứng đại diện cho Quân đội trong buổi lễ truy điệu. Dĩ nhiên, hai ông sẽ có mặt trong Ban tổ chức. Ông ấy sẽ cộng tác với những mục sư khác trong thành phố còn Đại úy thì phụ trách về những vấn đề thường được gọi là vấn đề kỹ thuật. Lát nữa chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn”. Tuyên úy Koh nói với tôi: “Tôi rất sung sướng được làm việc với ông, Đại úy Lee”. Đại tá Chang chen vào: “Tôi tin rằng hai ông sẽ thâu lượm được những kinh nghiệm quý giá”. Tôi hỏi: “Thưa, tất cả chỉ có thế?” “Tuyên úy Koh đây sẽ lấy phòng giấy của tôi để ở tạm. Đại úy hãy bảo họ kiếm cho ông ấy một cái giường sắt”. Ông xoay qua Tuyên úy Koh. “Tôi hy vọng ông ngủ ở đây không quá khó chịu. Một hai ngày nữa chúng tôi sẽ cố kiếm cho ông một chỗ tiện nghi hơn”. Tôi hỏi: “Thưa, Đại tá nghĩ tôi có nên hỏi bên YMCA[4] chẳng hạn? Tôi nghĩ họ có thể kiếm cho chúng ta một căn phòng tiện nghi hơn?”. Tuyên úy Koh xen vào: “Ấy, xin đừng quá lo lắng cho tôi. Dẫu sao thì tôi cũng ở trong quân đội và tôi cũng thường ngủ bất cứ nơi nào. Tôi không muốn phá rầy những người Kitô giáo ở đây. Họ đã có quá nhiều vấn đề khó khăn rồi và tôi không muốn làm phiền họ. Các ông đừng lo gì cho tôi cả. Phòng này tôi thấy tiện nghi quá rồi”. Đại tá Chang đáp: “Phải, bọn quân nhân chúng mình phải tự lo lấy thân”. Ông quay sang tôi: “Vả lại, ông ấy quen biết nhiều lắm ở thành phố này. Đại úy có biết ông ấy từng có một ngôi nhà thờ ở đây trước chiến tranh không? Và đó cũng chính là lý do tại sao tôi quen ông ấy đấy”. “Chính Đại tá Chang đã cứu sống tôi đấy Đại úy ạ?” “Lúc đó – khoảng một năm rưỡi về trước phải không Tuyên úy? – Hồi đó tôi phụ trách một hệ thống tình báo quân đội tại khu vực Bình Nhưỡng và ông bạn đây là một tay đắc lực vô giá của chiến dịch ấy. Đại úy có biết ông ấy liều mạng hơn tất cả những nhân viên do tôi gởi đến đây không? Chính tôi phải ngăn cản ông ấy bớt mạo hiểm lại đấy”. Tuyên úy Koh xua tay: “Thôi thôi đừng nói tới chuyện ấy nữa, tôi chỉ làm những gì mà lương tâm tôi bảo phải làm, thế thôi”. Đại tá Chang cười: “Đại úy biết không? Tôi đã phải sai người bắt cóc ông ấy đấy. Đại úy tưởng tượng xem, nhân viên của tôi làm ông ấy biệt dạng ở Bình Nhưỡng”. Vầng trán của người Tuyên úy đột nhiên nghiêm lại. “Không, thật ra thì…” Đại tá Chang không hề để ý đến lời phản đối của ông: “Sự thật, quân của Bắc Hàn đã đánh hơi biết chiến dịch của chúng tôi. Tôi biết được điều đó nhờ một tên gián điệp hai mang mà chúng tôi đã gài sẵn từ lâu trong số phản gián của chúng. Tất cả xảy ra quá nhanh và tôi chỉ kịp gọi Tuyên úy rút lui. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi ông ấy không nhận lời bỏ chạy. Quá kiêu hãnh, Đại úy hiểu chứ. Tôi bèn bắt cóc ông, có thể nói như vậy, và lôi về miền Nam”. Tuyên úy Koh nhìn chăm chăm vào Đại tá Chang. Viên Đại tá nhún vai: “Tôi không thể để chúng giết ông được. Ông quá giá trị để thành một người tuẫn giáo”. “Tuẫn giáo? Nghĩa là có những người khác bị nạn?” – Tôi hỏi. Đại tá Chang xua tay: “Thôi nói chuyện cũ như thế đủ rồi”. Tuyên úy Koh có vẻ tức giận, nhưng ông chỉ lặng lẽ nói: “Vâng, Đại úy ạ, có những nạn nhân. Tôi đã phải bỏ lại bốn người. Sau đó họ đều bị quân Bắc Hàn bắn”. Đại tá Chang ngắt lời: “Đủ rồi, đủ rồi, khi đó tôi không thể làm gì được nữa. Tôi đã cố gắng hết sức”. Ông quay qua Tuyên úy Koh: “Và ông cũng không thể làm cách nào khác đâu… Bây giờ chúng ta phải lo việc chúng ta làm hiện tại. Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện tôi nói với nhiều vị lãnh đạo Kitô giáo ở đây. Tôi rất tiếc phải nói rằng họ không có một ý kiến xây dựng nào. Họ như mất hết tinh thần chiến đấu. Đó là lý do tại sao tôi nhờ ông đến đây, Tuyên úy ạ. Họ đang cần một người như ông để giúp họ có thể đứng thẳng người dậy”. Tuyên úy Koh có vẻ lo lắng. Đại tá Chang tiếp tục: “Chúng ta phải làm cho Kitô giáo ở đây hồi sinh lại. Họ đang cần chúng ta giúp. Họ cần những sự nâng đỡ tinh thần của các tín đồ Kitô giáo Nam Hàn và của cả quân đội nữa. Hơn hết, họ cần những người lãnh đạo đủ khả năng để khởi xướng những hành động cương quyết. Ông thấy đó, họ đang đau khổ vì mất những người lãnh đạo. Tôi tin chắc buổi lễ truy điệu sẽ giúp ích họ rất nhiều. Chúng ta hãy hiểu điều này: Tất cả chúng ta đều đang chiến đấu chống lại chính quyền Cộng sản Bắc Hàn và trong chiến dịch chung này, có thể nói, chúng ta cần lẫn nhau, chúng ta giúp những tín đồ Kitô giáo và những tín đồ Kitô giáo giúp chúng ta”. Tuyên úy Koh lặng lẽ nói: “Ông thật khôn ngoan khi xướng lên ý kiến tưởng niệm cho những người tử đạo này”. “Những người tuẫn giáo này là một biểu trưng, một dấu hiệu lớn. Họ tượng trưng cho những người Kitô giáo đau khổ và tượng trưng cho chiến thắng cuối cùng của họ. Chúng ta phải làm rạng rỡ những người tử đạo. Chúng ta phải để cho mọi người chứng kiến chiến thắng cuối cùng trên phương diện tinh thần của họ đối với quân Bắc Hàn”. Tuyên úy Koh hạ giọng như nói một mình: “Những người Kitô giáo ở đây hãy còn đau cái căn bệnh do cuộc khủng bố để lại”. Đại tá Chang vỗ vai ông ta mỉm cười: “À, họ cần rượu mới để rót vào bình cũ”. Đứng giữa hai người, xoay lưng về phía lò than đầy khói, tôi không muốn gì hơn là được lên giường ngủ một giấc. Viên Trung úy Hải quân gọi tôi sau khi tôi trở lại phòng giấy được một lúc. Park đã được thuyên chuyển qua bộ Tham mưu Hải quân vài ngày trước, nhưng viên Trung úy không liên lạc được với Park ở đấy. Park đang nghỉ phép. Không ai biết anh ở đâu. Q 11 uá nửa đêm, Tuyên úy Koh xuống văn phòng của tôi, lúc đó tôi đã làm xong bản tường trình hàng tuần và sửa soạn đi ngủ. Ông vẫn còn bận quân phục. Ông nhã nhặn xin lỗi đã làm phiền tôi lúc khuya khoắt. Tôi kéo ghế mời ông ngồi cạnh lò than và hỏi ông cần tôi giúp việc gì nữa không. Ông bảo chỗ ăn ở của ông như vậy là hoàn hảo, tôi không cần phải lo lắng gì nữa. Trong một lúc, chúng tôi nhìn nhau không ai nói với ai. Hồi lâu ông mới lắc đầu, đột ngột nói: “Đại úy làm tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ nhiều về Đại úy từ khi Đại tá Chang để tôi yên”. Tôi không khỏi mỉm cười: “Giờ thì ông ấy để ông yên rồi”. Ông ta cũng cười: “Đại úy biết đó, tôi gặp Đại úy tại nhà mục sư Shin từ đêm qua. Đại úy tưởng tôi không nhận ra Đại úy trong phòng giấy của Đại tá Chang à?”. Tôi nhún vai. “Tại sao khi đó Đại úy không nói ngay là đã gặp tôi?” Tôi hỏi lại: “Còn ông, tại sao ông cũng không nói?”. “Tôi đang bận suy nghĩ. Tôi nghĩ Đại úy không muốn Đại tá Chang biết Đại úy lại nhà mục sư Shin tối qua”. Tôi đáp: “Tôi không biết tại sao ông có ý tưởng đó. Nhưng dẫu sao đi nữa thì ông cũng đã rất kín miệng”. “Ồ, chính Đại úy mới kín miệng đấy chứ. Ông đã thấy tôi ở nhà mục sư Shin trong một hoàn cảnh khó xử và khi tôi gặp ông hồi tối, tôi cần thì giờ để suy nghĩ”. “Chúng ta bận tâm về nhau đấy nhỉ?” “Vì thế chúng ta là bạn” – Ông ta mỉm cười, nói. “Ông muốn thế?” “Đại úy thật là một người cứng rắn” – Ông nói – “Hình như trước kia ông là giảng sư đại học?” “Vâng”. “Tôi hy vọng quân đội không đủ sức làm hư hỏng ông”. “Tại sao ông lại nói thế?” Ông hắng giọng, nói: “Tôi muốn nói tôi hy vọng ông sẽ không trở nên quá trơ tráo vô sỉ, cũng như không quá mù quáng bởi nghề nghiệp quân sư của ông”. Tôi im lặng không trả lời. Ông ta bắt đầu làm tôi ngạc nhiên. Tuyên úy Koh gục gặc đầu: “Tôi biết. Đại úy muốn rõ tôi là hạng người nào”. “Có lẽ”, tôi đáp. “Tôi thấy rõ Đại úy rất kính trọng mục sư Shin. Nào, đừng phủ nhận điều đó. Tôi biết, ông nói ông ít quen mục sư Shin trong khi tôi rõ ông ta nhiều hơn. Có lẽ tôi phải nói là tôi biết mục sư Shin rõ hơn. Tôi kính trọng phán đoán của ông ấy. Tôi biết mục sư đánh giá Đại úy rất cao. Mục sư nói với tôi nhiều về Đại úy. Tôi không nói thế để làm vui lòng Đại úy đâu. Tôi cũng không muốn thuyết phục Đại úy rằng đáng lẽ mục sư không nên đối xử với tôi như ông ấy đã làm. Ông ấy hoàn toàn có lý khi ông ấy phán xét tư cách tôi trong quá khứ”. Tôi nói: “Nếu ông không phiền, tôi xin phép nói là tôi không quan tâm tới cái tư cách của ông trong quá khứ”. “Ồ, Đại úy hẳn phải quan tâm… Nhiều người nghĩ rằng tôi là một tên tình báo Cộng sản. Tôi thấy không cần phải nói rằng họ không nghĩ thế nữa. Nhưng họ khinh bỉ tôi. Một số người vẫn còn nghĩ rằng tôi là một tên hèn nhát, không biết nhục khi đã bỏ nhà thờ chạy trốn. Có người cho là tôi đã làm ô danh hàng ngũ giáo sĩ và đã tham dự những hoạt động tình báo, nói thẳng ra tôi là một tên gián điệp. Nói chung, người ta nghĩ rằng tôi đã phản bội con chiên của tôi”. “Có đúng thế không?” “Đúng thật”. Ông ta trả lời không do dự. “Phải, tôi đã phản bội họ. Khi một người mục sư đã bị con chiên của mình và ngay cả những bô lão, kỳ mục trong đạo nghi ngờ, thì nghĩa là ông ta đã phản bội họ. Tôi không thể làm cho ai tin tôi cả”. “Tại sao ông không thể?” “Sợ, chỉ vì sợ”. “Một sự sợ hãi có thể biện minh?” “Khổ thay, có. Tôi đã nói với Đại úy về bốn người tôi đã bỏ rơi. Một trong bốn người này là một tên chỉ điểm và Đại úy có thể tin được không, hắn là con của một trong mấy vị bô lão của tôi?” – Ông ngừng lại nhận xét nét mặt tôi – “Đại úy không bắt buộc phải tin tôi. Như Đại tá Chang đã kể lại với Đại úy, tôi bị bắt buộc phải biến đi, phải bỏ nhà thờ. Nhưng tôi đã ở lại hai ngày ở Bình Nhưỡng trước khi người của Đại tá Chang sắp đặt cho tôi đi thoát bằng một xuồng máy ở bờ biển phía Tây, gần hải cảng Chinnampo. Trong khoảng thời gian đó, Đại tá Chang, hồi đó còn là Thiếu tá, biết tên chỉ điểm là ai. Dĩ nhiên ông không biết tên thật của hắn ta, bởi vì chúng tôi đều dùng mật danh cho nhân viên. Riêng tôi thì tôi biết người đó là ai bởi vì người mang mật danh ấy là một người của tôi và tôi còn là kẻ duy nhất biế rõ từng người họ. Tôi mật báo cho ba người kia và bảo họ trốn đi. Thật ra ý định của tôi là đem họ xuống Nam Hàn cùng tôi. Tôi hẹn gặp họ. Một viên Trung úy chỉ huy các nhân viên của Đại tá Chang đề nghị chúng tôi loại trừ tên chỉ điểm. Tôi không thể chọn lựa. Chúng tôi sắp đi đến chỗ hẹn thì viên gián điệp hai mang của chúng tôi cho biết là quân Bắc Hàn đã được báo động. Lúc đó quá muộn không kịp báo cho ba người vô tội kia. Sau đó chúng tôi được biết tất cả bốn người kia đều bị bắt nhưng trên đường đi đến quận cảnh sát, họ, nghĩa là ba người của chúng tôi, cố tìm cách trốn. Quân Bắc Hàn liền bắn chết họ, bắn luôn cả bốn ngay tại chỗ, không biết rằng một trong bọn là người chỉ điểm của chúng”. Tôi ngắt lời: “Tại sao ông lại nói với tôi chuyện này?”. Ông không hề để ý đến câu hỏi của tôi và tiếp tục: “Bây giờ, vị bô lão kia tin rằng con ông đã chết như một kẻ anh hùng. Tôi đã gặp vị bô lão ấy, Đại úy hiểu. Tôi làm việc lại ở nhà thờ của tôi. Tôi phải nói nhà thờ của tôi trước kia thì đúng hơn. Dĩ nhiên tôi không được hoan nghênh lắm. Họ không tống cổ tôi ra là một sự lạ rồi. Vị bô lão đó không che giấu sự khinh bỉ và thù ghét tôi. Nhiều người khác cũng vậy. Đó, nếu ở trường hợp tôi Đại úy sẽ làm gì?”. Tôi hơi giật mình vì câu hỏi bất ngờ ấy: “Tại sao ông lại hỏi tôi?”. “Nói thật với Đại úy, tôi không cần biết người ta nghĩ về tôi thế nào. Tôi đã làm những gì tôi phải làm. Tôi đã làm những gì tôi cho là đúng. Tôi không có cảm tình mấy với quan niệm phản kháng bất bạo động. Tôi không muốn bị tát má này chìa má kia ra. Chúa ơi, không! Tôi rất tiếc nhưng tôi không thể ngưỡng mộ những người theo Kitô giáo đầu tiên bình thản – hoặc ra vẻ bình thản – cầu nguyện, chờ đợi bầy ác thú gầm thét của bọn bạo chúa La Mã ăn thịt. Tôi nghiêng về sự tôn sùng Đấng Thượng đế trong Cựu Ước hơn. Tôi không ngần ngại nói cho Đại úy biết hầu hết mười hai người tuẫn giáo kia không xứng đáng gọi là tuẫn giáo chút nào hết. Họ không thể nhấc nổi một ngón tay lên để phản kháng lại những đòn tra tấn của quân Bắc Hàn. Họ không có một hành động gì để làm nhẹ bớt nỗi đau khổ của những người Kitô giáo Bắc Hàn. Họ sợ, ông thấy đó, họ sợ đến nỗi không dám cất giọng. Con chiên của họ không thể nghe tiếng nói của họ, không hiểu rằng những vị mục sư khả kính của mình đương giao chiến trong một trận chiến tinh thần, nếu không phải là một trận chiến thể xác, chống quân Bắc Hàn. Và họ đã để lại những bài thuyết giáo gì? Chỉ là những bài thuyết giáo quê mùa, như thể họ thực sự là những kẻ chăn chiên, như thể là sự việc đó sẽ thuyết phục được quân Bắc Hàn rằng các Kitô hữu chỉ là những người vô hại, dịu dàng như thiên thần. Và việc gì đã xảy đến? Mười bốn người giáo sĩ đang vui vẻ ăn mừng lễ sinh nhậ̣t của một người trong bọn họ thì quân Bắc Hàn ập tới, chộp tất cả và bắn mười hai người, không vì một lý do chính đáng nào cả, còn hai người sống sót thì một mất trí, người kia thì chỉ muốn bị bắn chết như mười hai người nọ để được trở thành tuẫn giáo. Thật vô nghĩa! Nhưng dầu sao tôi cũng vẫn vui mừng thấy ông Shin còn sống sót bởi vì tôi vẫn nghĩ rằng ông ấy là bạn thân nhất của tôi, dẫu cho ông ấy khinh bỉ tôi đến mấy đi chăng nữa”. “Ông Shin khinh bỉ ông?” Ông ta đăm chiêu: “Ông ấy khinh bỉ tôi. Vâng, ông ấy khinh bỉ tôi”. “Ông muốn nói gì?” “Như tôi đã nói với Đại úy, tôi không cần biết thiên hạ nghĩ sao về tôi. Nhưng tôi trọng ý kiến của một người. Đó là mục sư Shin. Tôi không thể chịu đựng nổi khi nghĩ rằng chính ông ấy cũng khinh bỉ tôi. Cho nên tối qua khi gặp ông ấy, tôi đã nói hết sự thật về tôi, về người bô lão nọ và xin ông ấy một lời khuyên bảo”. Tuyên úy Koh tiếp: “Tôi nói rõ tất cả sự thật. Đại úy xem, tôi đã quá mệt mỏi trong cái vai trò làm một vị thánh hay một Judas bán Chúa, tùy theo cách người ta nhìn sự việc. Tôi nghĩ tôi đã chán ngấy vị bô lão kiêu căng nọ và mấy người khác. Tôi bảo ông ấy tôi sắp trình bày hết những việc đã xảy ra không phải để tự biện minh, nhưng vì tôi không thể chịu đựng nổi cái ý tưởng ngu xuẩn về nỗi đau khổ can cường và lòng kiêu hãnh sai lầm của những người Kitô giáo Bắc Hàn, những người gọi tôi là kẻ hèn nhát, đồ phản giáo và gì gì nữa. Họ là những kẻ bệnh hoạn, Đại úy ạ, họ vẫn còn bị tê liệt bởi cái căn bệnh tinh thần đã nhiễm phải vì ngoan ngoãn chịu đựng quân Bắc Hàn hành hạ tra tấn. Bây giờ được giải thoát, họ làm gì? Họ ngồi bàn cãi suông, chỉ có vậy. “Về phần mục sư Shin, ông ấy rất tức giận vì thấy tôi trong bộ quân phục và thấy tôi nhúng tay vào những công việc mà ông ấy gọi là công việc của những người hô hào bạo lực nhân danh công lý. Nhưng tôi nghĩ mục sư tức giận hơn hết khi biết tôi có ý định phá vỡ cái hào quang ảo tưởng của vị bô lão kia và bắt ông ta chạm mặt với sự thật về đứa con khốn nạn của ông ta. Bởi thế mục sư nói với tôi: “Ông hãy nghĩ đến những gì sẽ xảy ra cho ông ta”. Tôi trả lời: “Có quan hệ gì đến tôi?”. Mục sư Shin đáp: “Ông ta đã già và ông ta cần đến những cái mà ông gọi là hào quang ảo tưởng kia. Làm sao ông dám làm cho ông ta đau khổ thêm nữa chứ! Ông ta đã mất đứa con, không vì lý do gì, và riêng chuyện đó đã là một sự đau khổ không thể chịu đựng nổi rồi. Nhưng ông ta đã vượt qua được nhờ ông ta tin rằng con ông đã chết như một người anh hùng và nhờ tất cả mọi người cũng tin thế”. Tôi nói: “Giờ mục sư muốn tôi làm gì? Mục sư muốn tôi tiếp tục công nhận con ông ta là anh hùng thực sự? Mục sư muốn tôi tiếp tục nói dối, là vì không nói ra sự thực thì cũng như là nói dối, một lời nói dối tốt đẹp để cho ông già ấy và các ông cứ khinh bỉ tôi?”. Ông ấy không biết trả lời sao. Tôi thúc giục ông ấy trả lời”. “Ông Shin không nói gì hết sao?” “Cuối cùng mục sư bảo tôi nên để mục sư một mình. Tôi bảo ông ấy tôi bối rối. Tôi đang hết sức bối rối, tôi muốn biết mình phải làm gì. Đại úy biết mục sư Shin trả lời sao không? – “Tôi cũng bối rối như ông, hơn là đằng khác” – Tôi hỏi mục sư tại sao? Ông ấy không trả lời. Ông chỉ nói rằng ông đang cầu nguyện, cầu nguyện mong tìm thấy một lời giải đáp cho nỗi thắc mắc của ông, dẫu lời giải đáp có ra sao đi nữa. Mục sư bảo tôi: “Ông cũng nên cầu nguyện nhiều hơn nữa”. Đại úy nghĩ sao về tất cả những chuyện đó?”. “Tôi không hiểu”, tôi thừa nhận với Tuyên úy Koh, “Đại tá Chang có biết về chuyện vị bô lão không?”. Ông ta lắc đầu: “Không, tôi không dám nói với ông ta về chuyện đó”. “Tại sao không? Ông không nghĩ rằng ông ta có thể đơn giản hóa tất cả mọi việc đó cho ông?” Tuyên úy Koh mỉm cười: “Đại úy Lee ạ, tôi muốn Đại úy nhớ rằng tôi không để ông ta can thiệp vào đời sống riêng tư của tôi đâu nhé”. “Vậy tại sao ông lại đem tiết lộ đời tư của ông với tôi?” “Bởi vì tôi mến Đại úy”. “Tôi không nghĩ rằng tôi đã làm gì để đáng được ông quý mến”. Tôi tiếp: “Tôi cũng đang bối rối như ông, mặc dầu vì những lý do khác”. Ông ta đứng dậy, “Không, đại úy không làm gì cả. Đó là do mục sư Shin!”. Tôi cũng đứng dậy, “Tôi không hiểu ý ông”. “Tôi đã nói, tôi kính trọng phán đoán của mục sư Shin, tôi biết ông ấy từ lâu và đã từng là bạn thân nhất. Tôi có thể không đồng ý với ông ấy về một vài nguyên tắc nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không coi trọng những lời khuyên của ông ấy”. “Ông ấy có khuyên gì ông không?” “Ông nói với tôi rằng Đại úy sẽ thích thú khi nghe những vấn đề riêng tư của tôi và Đại úy có thể giúp tôi nhiều”. Ông ta nắm tay tôi, “Tôi nghĩ tôi có thể nói với Đại úy điều này. Mục sư Shin nói rằng Đại úy chắc chắn là đã bị xúc động sâu xa bởi sự bất công khủng khiếp và nỗi tuyệt vọng xâu xé trái tim con người”. Tôi im lặng không trả lời. Ông nói: “Thôi, ngon giấc, Đại úy”. Bước ra cửa, chúng tôi bắt tay nhau. Có tiếng chân vang lên trong hành lang mờ tối. Tuyên úy Koh nói gần như thì thào, vì người sĩ quan trực đang bước lên cầu thang. “Tôi có thể hỏi Đại úy một lần nữa không? Ở vào trường hợp tôi, Đại úy sẽ làm thế nào?” Tôi cố lấy can đảm nhìn vào mắt ông ta, “Ông có nghĩ rằng đó chính là điều mà mục sư Shin có thể đã nghĩ trong đầu khi ông hỏi tôi câu ấy?”. Ông ta gật đầu. Tôi đáp: “Tôi phải nói sự thật, Tuyên úy ạ. Sự thật không thể lo lót được”. “Tôi ghen tỵ với ông đấy! Đại úy, tôi ghen tỵ với tuổi trẻ của ông biết chừng nào!” S 12 áng hôm sau, khi tôi dự buổi báo cáo lúc chín giờ ba mươi như thường lệ và đương chăm chú nghe tường trình về những cuộc chạm súng lẻ tẻ giữa các đội tuần tiễu của chúng tôi với binh lính phe Cộng sản Trung Quốc tại mặt trận phía Tây, thì có điện thoại gọi. Tôi bước vào bàn giấy của viên sĩ quan trực ngay trước lối vào Tổng hành dinh. “Bên K-10-9 gọi, thưa Đại úy”, viên sĩ quan trực nói. K-10-9 là một căn cứ không quân nằm bên kia sông. Tôi nói: “Đại úy Lee đây”. “Cậu có thể sang đón tôi về được không? Để còn trình diện nhận việc tạm thời với cậu chứ”. Đó là tiếng của Park. Tôi gọi Đại tá Chang, nói với ông ta tôi sẽ vắng mặt một lúc và cũng báo cáo cho ông ta biết việc Park tới, mà có lẽ bên Tình báo Hải quân đã tin cho ông hay rồi. Ông ta đáp: “Tôi hay tin Park được chỉ định cho Đại úy đấy”. Tôi cảm ơn lòng tốt của ông ta. “Sao lại cảm ơn tôi. Đại úy cảm ơn bên Hải quân mới phải. Dẫu sao đi nữa, Đại úy hãy nói với Đại úy Park là tôi hết sức đau lòng về việc của thân phụ ông ấy. Tôi được nghe tường trình kỹ càng về Đại úy Park và tôi rất mong chờ được gặp ông ấy. Đại úy hãy qua mang ông ấy về gấp và ráng chăm nom cho ông ấy khi ông ấy ở với chúng mình”. Đặt ống nói xuống, lần đầu tiên từ khởi sự cuộc chiến đến giờ, đột nhiên tôi bỗng ao ước được trở lại đại học. Tôi nhìn ra cửa sổ, buổi sáng sương mù còn lơ lửng dưới thấp, phủ lên thành phố một màu xám nhạt. Những đám mây bẩn trôi trên nóc nhà thờ. Tiếng chuông ngân nhẹ. Tuyên úy Koh bước vào, đưa tôi một tờ báo gấp tư. Ông lắc đầu lẩm bẩm: “Tôi thật không hiểu gì hết”. Tôi không nhìn tờ báo. Tôi đang muốn ở một mình. Ông ta nói: “Tôi đang nói về mục sư Shin. Tôi thật không hiểu ông ấy. Tôi biết Đại tá Chang nghi ngờ mục sư Shin nhưng tôi tin mục sư. Mục sư bảo tôi là mục sư không có mặt lúc đó và cũng không biết gì hết”. “Tuyên úy đang nói về chuyện gì thế?” “Tôi nói về việc hành quyết mười hai mục sư. Mục sư Shin bảo tôi là mục sư và ông Hann bị giam riêng trước đó, vì thế họ không biết gì về vụ xử tử. Tôi biết Đại tá Chang không tin như vậy. Nhưng tôi tin lời nói của mục sư Shin. Ông ấy mà có thể nói dối tôi sao? Làm sao có thể được?”. Ông lấy tờ báo trong tay tôi, trải rộng ra trên bàn. “Đây Đại úy hãy đọc đi. Người ta đang bàn tán khắp thành phố”. Ở trang nhất tờ nhật báo Tự Do, một tờ báo địa phương, xuất hiện bài sau – một tuyên cáo của Ủy ban tổ chức buổi lễ truy điệu: Cơ quan phản gián quân đội đã cho biết sở Tình báo có trong tay đầy đủ chứng cớ rằng mười hai vị giáo sĩ Kitô giáo Bắc Hàn đã bị mật vụ của chế độ bù nhìn Bắc Hàn sát hại vào sáng ngày 25 tháng 6 lúc 12 giờ rưỡi, một vài giờ trước khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Tám giáo sĩ ở Bình Nhưỡng trong đó có mục sư Park, một lãnh tụ tối cao của Kitô giáo Bắc Hàn, và sáu mục sư khác ở các tỉnh bị quân Bắc Hàn bắt giữ và buộc tội có những hành vi phản cách mạng. Người ta tin rằng cuộc tàn sát đó đã được trù định bởi phòng Nội an của chế độ bù nhìn và được mật vụ Bình Nhưỡng thi hành. Trong số mười bốn vị mục sư bị bắt chỉ có hai vị mục sư sống sót. Các mục sư Shin và Hann thuộc Bình Nhưỡng có mặt tại chỗ lúc xảy ra cuộc tàn sát và họ đã chứng kiến những phút giây bi thảm cuối cùng của mười hai người tử đạo kia. Chúng tôi, nhân danh các giáo hội Kitô ở Bình Nhưỡng, loan báo là công cuộc sửa soạn cho buổi lễ truy điệu tưởng niệm mười hai người tuẫn giáo kia đang tiến hành. Buổi lễ sẽ được tổ chức tại nhà thờ Trưởng lão thứ Nhất vào lúc 2 giờ chiều ngày thứ Ba, 21 tháng 11. Để tỏ lòng tôn kính gia đình các vị tử đạo, với sự cộng tác rộng rãi của các nhà chức trách quân đội, các phương tiện di chuyển và các phương tiện khác hiện đã được dành sẵn cho thân nhân các vị đó để họ có thể hiện diện trong lễ truy điệu. Chúng tôi cũng thành thật cầu mong tất cả mọi công dân trong thành phố, bất kể tôn giáo nào, đến tham dự buổi lễ, để chúng ta có thể cùng chia sẻ nỗi hoài niệm những người tuẫn giáo của chúng ta, những người vì tự do bất diệt của dân tộc đã đổ dòng máu bất khuất để làm chứng một cách vẻ vang cho những người Kitô giáo đau khổ và chiến thắng tinh thần cuối cùng của họ trước những sự bắt bớ tra tấn của quân Bắc Hàn. Toàn thể chúng ta hãy cùng tưởng nhớ đến mười hai vị tử vì đạo. Bên dưới bản tuyên cáo là khoảng một tá tên những người trong ban tổ chức. Trong đó có tên Tuyên úy Koh ở chức Chủ tịch Ủy ban, Park với tư cách đại diện gia đình những người tuẫn giáo và tên tôi với tư cách sĩ quan liên lạc. Tuyên úy Koh đưa mắt nhìn tôi dò hỏi như thể chính tôi là tác giả bài này. Tôi lặng lẽ bỏ tờ báo vào trong túi, đi ra khỏi phòng, leo lên xe lái về căn cứ không quân, lòng hỗn loạn và phẫn nộ. T 13 ại căn cứ không quân sĩ quan và thường dân mang áo da, đi lại huyên náo trong căn phòng đợi đầy khói thuốc. Tiếng loa phóng thanh réo lên, những đèn hiệu xanh đỏ chợt sáng chợt tắt. Tiếng chuông réo nhức tai và tiếng rú của những chiếc chiến đấu cơ phản lực trên phi đạo, cắt đứt tiếng nói chuyện ồn ào. Park và tôi bắt tay nhau. Chúng tôi quan sát nhau một chút, đoạn Park đi ngay vào vấn đề: “Sao, chuyện ấy như thế nào?” Tôi đưa tờ báo và bảo Park đọc bài tuyên cáo của Ủy ban tổ chức lễ truy điệu. Anh chỉ liếc nhìn qua. “Tôi biết, tôi biết. Tôi đã đọc ở Hán Thành rồi”. Lời tuyên cáo có lẽ được công bố cùng một lúc trên báo chí cả Bắc lẫn Nam Hàn. “Tôi biết không phải cậu làm việc đó. Tôi biết cậu không đến nỗi tệ đến thế”. Con mắt trái của anh nhìn hơi xiên trong khi miệng anh cố nở một nụ cười. “Thú thật, khi đọc thấy tên tôi trong bản tuyên cáo, tôi gần như muốn bay trở lại Pusan”. Trông anh không thay đổi mấy. Vẫn gầy và khắc khổ như trước. Môi anh vẫn mím chặt như tôi thường nhận thấy với một vẻ mơ hồ thương cảm; chỉ có những tia sáng ngạo nghễ trong mắt biến mất nhường chỗ cho một vẻ buồn bã ít khi thấy nơi anh. Lần đầu tiên tôi cảm thấy thương Park. Anh nhìn tôi mệt mỏi. “Chúng mình khoan nói chuyện ấy nhé? Hiện giờ tôi chỉ muốn nhìn xem thành phố quê nhà tôi còn lại những gì. Đã mười năm rồi tôi không gặp lại nó”. Chúng tôi rời căn cứ. Chúng tôi không nói gì nhiều trong lúc lái xe vào thành phố. *** Gần trưa chúng tôi về tới văn phòng. Chúng tôi cởi bỏ mũ, áo và súng ra rồi mỗi người kéo một cái ghế ngồi cạnh lò than. Park châm một điếu thuốc. Tay trái của anh còn run thấy rõ. Tôi hỏi: “Tay cậu thế nào?”. Một nụ cười nhẹ trên khuôn mặt sạm nắng của anh. “Khá rồi, còn đầu gối cậu ra sao?” “Như thường”. Tôi nhìn huy hiệu in hình cái neo và những chữ viết tắt của Hải quân Đại Hàn K.M.C [5]in trên túi trái, chiếc áo màu lá cây thẫm của anh. Anh đứng dậy đi ra cửa sổ. Tôi bước theo. Bên ngoài trời xám hơn bao giờ hết. Không một người nào đào xới bên những ngôi nhà đổ nát. Chung quanh nhà thờ hoàn toàn vắng lặng. Park lẩm bẩm, “Thế là ông ấy đã chết, chết như một người tử đạo”. Chúng tôi đứng im lặng, nhìn ra ngoài một lúc. Khi chúng tôi quay lại ghế, Park ngồi cong người, hai tay nắm lại trên đầu gối, “Lee ạ, dĩ nhiên tôi sẽ từ chối không tham dự chút gì vào cái lễ truy điệu kia”. “Vậy thì tại sao cậu lại đến đây?” – tôi ngạc nhiên thấy giọng mình hỏi gay gắt. Park không nao núng: “Tại sao tôi đến đây?”, anh lặp lại với vẻ đăm chiêu, “Tôi biết thế nào cậu cũng hỏi tôi câu đó”. Điện thoại reo. Đại tá Chang muốn biết Park đã về tới chưa. Ông ta nói: “Tôi muốn gặp Đại úy Park nhưng tôi hiện đang bận. Tôi sẽ cố gặp ông ấy lát nữa. Trong khi chờ đợi, tôi đề nghị Đại úy dẫn ông ấy đến gặp mục sư Shin. Tôi cũng hết sức đau đớn về mục sư thân phụ ông Park và có lẽ ông ấy đang nôn nóng muốn hỏi rõ hơn về cái chết bi thảm của ông cụ. Tôi nghĩ rằng không ai có đủ tư cách để nói rõ hơn về việc đó bằng mục sư Shin. Đại úy chuyển giùm tôi đến bạn ông những tình cảm kính mến nhé. À, nhân tiện, Đại úy có biết Tuyên úy Koh hiện ở đâu không? Không à? Thôi được, chỉ có vậy”. Tôi buông máy quay sang Park: “Chỉ huy trưởng của tôi đấy. Đại tá Chang”. Park lạnh nhạt đáp: “Tôi có nghe nói về ông ta”. “Ông ta muốn gặp cậu”. “Tôi không thích chút nào. Cậu muốn tôi gặp ông ta?” “Không phải bây giờ. Tôi sẽ dẫn cậu đến khi nào tôi thấy cần”. Có tiếng gõ cửa và người lính chạy giấy bước vào. Một bà cụ đang đợi gặp tôi để trao một lá thư riêng. Tôi xin lỗi Park và chạy xuống lầu. Đó là mẹ của mục sư Hann. Tôi dẫn bà vào phòng của viên sĩ quan trực. Bà ta bật khóc khi đưa cho tôi lá thư. “Đại úy phải giúp ông ấy, Đại úy phải giúp ông Shin!” Lá thư ngắn như sau: Đại úy Lee thân mến, Tôi muốn gặp lại Đại úy. Nếu có dịp ông đến gặp tôi sớm, tôi rất cảm ơn Đại úy. Tôi hy vọng Đại úy sẽ giúp tôi một việc có liên quan đến bạn ông, Park. Kính thư, Shin Bà Hann vừa lau nước mắt vừa hỏi: “Ông ấy viết gì thế?”. “Mục sư Shin muốn tôi đến gặp ông ấy”. “Vậy ông nên đến ngay đi và phải làm cái gì chứ”. Bà không thể tự chủ được nữa; bà gần như cuồng loạn. Tôi khuyên bà ráng trấn tĩnh và nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra. “Tôi cũng không biết thực sự có chuyện gì xảy ra nữa. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy người ta đến thăm mục sư nhiều đến như vậy. Sáng nay họ đến chật cả nhà. Bây giờ chắc vẫn còn đó. Đám giáo dân đấy mà. Có cả phóng viên nữa, họ chụp ảnh mục sư Shin đủ thứ. Thật điên lên được. Mục sư thì ho dữ dội. Mục sư không tiếp ai cả. Đại úy có đọc báo chứ?” Tôi gật đầu: “Thế ra bà cũng có đọc báo nữa”. “Sáng sớm hôm nay có người đến nhà đưa cho mục sư tờ báo. Khi người đó ra về mục sư bảo tôi đọc. Thực thế. Mục sư nói hết cho tôi nghe”. “Thế à?” “Mục sư bảo ông ấy và con tôi có mặt lúc đó và chứng kiến hết những gì xảy ra”. Bà nhìn mặt tôi mà nói. “Một lúc sau, giáo dân bắt đầu đến. Cả cái ông Tuyên úy Quân đội đó nữa. Họ muốn biết tại sao trước kia mục sư bảo là mục sư không biết gì về những việc xảy ra cho mười hai mục sư kia”. Bà ngừng một lúc rồi nhìn tôi kính cẩn, “Đại úy biết chuyện gì sẽ xảy ra không? Đại úy biết chuyện gì sẽ xảy ra cho mục sư và con tôi không?”. “Ông ấy có nói gì với bà về con bà không?” “Mục sư chỉ bảo đối với con tôi thì thật là quá sức và vì thế mà…”, bà ngừng nói và lại bắt đầu khóc. Tôi cố làm mọi cách an ủi bà: “Mục sư Shin có nói gì với đám giáo dân không?”. Bà lắc đầu: “Không, ông ấy không nói gì, ông ấy chỉ để cho họ nói”. “Ông ấy không tức giận?” “Không, tôi mong ông ấy tức giận còn hơn. Ông ấy không có gì để nói với họ cả. Ông ấy bảo như vậy. Một người còn dám hỏi mục sư tại sao đã nói dối họ. Ồ, thật tôi không chịu nổi nữa”. Tôi bảo bà ngồi đợi, tôi sẽ lái xe cùng đến nhà mục sư Shin với bà. Tôi chạy lên phòng và thấy Park đang đứng gần cửa sổ nhìn ra ngoài. Anh quay lại. Park nghiêm giọng: “Cậu hỏi tại sao tôi tới đây. Tôi muốn gặp mục sư Shin. Đó là lý do khiến tôi tới đây”. “Tại sao cậu muốn gặp ông ấy? Cậu muốn gì nơi ông ấy?” Anh đáp nhanh: “Chỉ một điều. Tôi muốn biết cha tôi đã chết như thế nào”. Không một chút gì ́ trong giọng nói của anh làm tôi có thể nghĩ là cảm xúc hay thương xót, anh chỉ nói câu ấy với một vẻ thản nhiên. “Tôi tưởng cậu không muốn dính dấp gì đến công việc của cha cậu”. Anh khô khan đáp: “Hình như tôi làm cậu ngạc nhiên. Tôi cũng ngạc nhiên về chính mình nữa. Ông ấy là một người cuồng tín như cậu biết và tôi không ưa những kẻ cuồng tín. Chúng tôi không có điểm gì giống nhau. Tôi ít khi nghĩ về ông. Nhưng bây giờ ông chết rồi, tôi bị ám ảnh bởi cái chết của ông ấy. Tôi không cần biết ông là người tuẫn giáo hay anh hùng hay gì nữa. Điều đó không dính dáng gì tới tôi. Tôi chỉ muốn biết ông có chết như một người cuồng tín cho đến khi chết vẫn tin tưởng, vẫn trung thành với cái hình ảnh mình là một tông đồ hoàn hảo nhất của Chúa trên trái đất này. Tôi tin rằng đó là những gì ông tự nghĩ về ông. Và tôi muốn biết ông có chết trong cái hình ảnh bất di bất dịch kia của ông không?” Anh buồn bã nói thêm: “Tôi có quá nghiêm khắc không?”. “Bây giờ ông cụ là một người tuẫn giáo, cậu phải nhớ điều ấy”. “Không quan trọng gì. Tôi chỉ muốn biết tôi có thể chia sẻ được gì với ông trong những ngày cuối cùng của cuộc đời ông ấy không”. Anh ngừng lại. “Cậu cứ tiếp”. “Nếu không thì chúng tôi sẽ xa lạ với nhau mãi mãi”. “Nhưng tại sao cậu cứ bị điều ấy ám ảnh mãi thế?” Mắt anh bừng sáng. “Khi chúng tôi gặp nhau lần cuối cùng, tôi bảo ông rằng chính ông cũng không phải là không thể sai lầm. Ông nhận thức được điều đó sớm hơn thì linh hồn ông sẽ tìm được sự cứu rỗi thực sự xứng đáng hơn, vì chính đó là điều ông muốn. Vâng, tôi đã bảo ông thế, và giờ đây tư tưởng đó ám ảnh tôi. Cậu có hiểu được điều ấy không?” “Tôi không lưu tâm đến những liên hệ thông thường hay liên hệ trần tục giữa cha và con. Và tôi cũng không bận tâm đến việc tôi là đứa con bị ông khước từ. Tôi bận tâm đến ông bởi vì ông là một kẻ cuồng tín, một người đam mê Thượng đế. Ông không bao giờ bình tĩnh phán xét mình, ngay cả khi ông nghĩ ông phải từ tôi. Ông luôn luôn cho rằng ông làm đúng. Ông không bao giờ nghi ngờ lòng tin của ông nơi Chúa và không bao giờ, dẫu trong một khoảnh khắc, ngờ vực rằng ông và Chúa của ông có thể không hoàn toàn hòa hợp với nhau như ông hằng tin tưởng”. Park xoay lại chỉ ngôi nhà thờ đổ nát, “Thế giới của ông ấy đấy”. “Còn cậu, có bao giờ cậu phán xét mình một cách thiếu bình tĩnh như cậu nói?” “Nhiền lần”. “Thế cậu không nghĩ rằng ông cụ có thể làm như thế trước giây phút cuối cùng sao?” Park xoay người lại một cách nóng nảy, “Đó chính là lý do tôi muốn gặp mục sư Shin”. Đột nhiên tôi nghe chính tôi hét lớn: “Hãy để cho ông ấy yên! Hãy để cho ông ấy yên một chút đã!”. Anh nhìn tôi ngạc nhiên. “Tôi xin lỗi cậu. Tôi định bảo cho cậu biết vài chuyện về mục sư Shin, nhưng bây giờ không kịp. Tôi phải đến gặp ông ấy gấp”. Park hỏi: “Và cậu không muốn cho tôi đi cùng à?”. Tôi đáp, hổ thẹn vì tiếng hét thình lình của mình vừa rồi: “Bây giờ thì không. Tôi sẽ cho cậu biết khi nào cậu có thể gặp ông ấy”. S 14 au khi cảm ơn tôi đã đáp lại lá thư của ông ấy mau lẹ như vậy, mục sư Shin nói: “Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe Tuyên úy Koh cho biết Park đã có mặt ở thành phố này”. Cố ngăn cản cơn ho, ông hắng giọng và nở một nụ cười trên khuôn mặt nhợt nhạt. Tôi bảo ông chính tôi cũng ngạc nhiên khi biết Park đến. “Vậy thì không phải Đại úy sắp đặt việc đó?” “Không”. “Tôi cũng không nghĩ là Đại úy đã sắp đặt gọi Park đến để đóng một vai trò trong lễ truy điệu. Park nghĩ thế nào về việc ấy”. “Anh ấy không làm gì trong vụ này cả. Thật phi lý khi anh được mời đại diện cho thân nhân những người tuẫn giáo”. “Nhưng nó không phi lý chút nào đối với Đại tá của ông”. “Đại tá Chang muốn Park đến gặp mục sư”. “Đó không phải là lý do khiến ông ta đưa Park đến đây sao?” “Vì mục sư có vài điều muốn nói với anh ấy?” “Có lẽ, Tuyên úy Koh cho rằng sự có mặt của anh ấy tại đây vào lúc đặc biệt này là do sự xếp đặt của Đại tá Chang để làm cho tôi bối rối”. Ngần ngừ một chút, tôi nói: “Thế mục sư có bối rối không?”. “Không”. “Mục sư có chuyện gì muốn nói với Park không?” Ông không trả lời. Tôi thúc giục: “Mục sư có muốn gặp anh ấy?”. “Đại úy nghĩ tôi có nên gặp không? Hay đúng hơn ông ấy có sẵn sàng gặp tôi?” Một nỗi im lặng khó chịu đè lên chúng tôi. Xuyên qua khung cửa sổ bụi bặm, tôi thấy trời không được quang đãng. Nhìn qua những ô cửa kính không đều, những cành thông quặt quẹo phủ đầy tuyết, vồng lên và chùn lại, lắt lay trước gió. Bà Hann nhón gót bước vào, rót trà cho chúng tôi rồi lui ra. Đặt tách trà xuống chiếc bàn con bên cạnh ghế, mục sư Shin nói: “Những gì báo nói về tôi đều thật”. Tôi im lặng. Ông nói một cách chắc nịch như thể ông muốn chắc chắn tôi không thể không tin lời ông: “Tôi có mặt tại đó lúc những người giáo sĩ kia bị hành hình. Đại tá của ông không bày đặt gì đâu!”. “Nghĩa là…” Ông trầm giọng: “Nghĩa là tôi đã nói dối Đại úy.” “Mục sư đã nói dối mọi người”. “Phải. Tôi không hề cho rằng lương tâm tôi hoàn toàn không có gì đáng chê trách”. “Tôi nên phẫn nộ mới phải”. “Với tôi hay với Đại tá của ông? Đừng, ông ta chỉ làm những gì ông ta phải làm”. “Mục sư có vẻ biết ơn ông ta vì những gì ông ta đang gây ra cho mục sư”. Không do dự, ông đáp: “Tôi biết ơn ông ấy lắm”. “Ông đã cho mọi người thấy mục sư như một kẻ nói dối”. “Phải. Đúng vậy”. “Giờ tất cả mọi người đều biết mục sư đã nói dối”. “Vâng”. “Và đó là điều mục sư muốn? Đó là một điều nguy hại trầm trọng, mục sư Shin ạ. Khi một người như ông mà lại nhận là mình đã nói dối”. “Vâng, nghiêm trọng lắm”. “Mục sư đã khích động được họ. Khi họ bình tĩnh trở lại, họ sẽ tới hỏi mục sư tại sao lại dối gạt họ”. “Thì họ đã tới”. “Và mục sư không có gì để nói với họ?” “Không”. “Họ hỏi ông cái gì đã thúc đẩy ông nói dối, và ông không có gì để nói với họ”. “Không có gì cả”. “Như thế họ chỉ có thể kết luận rằng ông đã phạm vào một tội gì đó, ông có nhận thấy thế không?” Ông không trả lời, chỉ tiếp tục nhấp trà. Cái nhìn lặng lẽ của ông gắn chặt vào tôi. “Nhưng mà, mục sư Shin ạ, những người biết rõ mục sư đều quả quyết rằng mục sư vô tội, trên quan điểm con người, dĩ nhiên. Chính mục sư biết điều đó. Vậy họ sẽ đi đến kết luận là phải có một điều gì đó ông không muốn nói ra”. Ông hạ mí mắt xuống như buồn phiền. “Vâng, mục sư vô tội, nghĩa là, không có cái tội mà những người như Đại tá Chang có thể tưởng tượng ra. Những người biết rõ mục sư có thể đi đến chỗ nhận định rằng những gì ông không muốn nói ra chính là sự thật về vụ hành quyết”. Tôi ngưng lại, tự cảm thấy khó chịu vì giọng nói đầy vẻ buộc tội của mình và nhất là khó chịu về những điều tôi sắp nói ra, nhưng không còn cách nào rút lui kịp nữa. “Và điều đó là điều mục sư mong muốn”. “Đủ rồi!”, ông thì thào. Tôi nhấn mạnh: “Không phải là ông đương ngấm ngầm mong muốn có người bắt đầu đoán ra sự thật, sự thật mà chính ông không muốn nói ra sao?”. Một tia sáng tức giận lóe lên trong mắt ông. Đoạn ông nhìn đi nơi khác. Tôi không kềm giữ nổi nữa: “Ông đang định làm gì chứ? Chạy trốn sự thật? Hay che giấu nó đi?”. Ông thở dài mệt mỏi: “Cả hai đều không phải”. “Ông chắc không?” “Tôi bảo vệ nó”. “Ông là ai mà nghĩ mình là người bảo vệ sự thật?”, bỗng dưng tôi cảm thấy mệt, “Ông bảo vệ nó cho ai? Cho ai, mục sư Shin?”. Ông nhìn ra cửa sổ. Tuyết đã bắt đầu rơi. Tôi hỏi: “Cho nhà thờ? Cho quân đội?”. Ông vẫn không động đậy. “Hay cho Chúa của ông?” Tôi ngạc nhiên và bối rối. Đột nhiên ông co quắp người lại, khuôn mặt và cổ họng ông giật mạnh, đôi mắt ông nhắm nghiền. Một lúc sau, khi ông quay lại nhìn tôi, đôi mắt ông đẫm lệ. Ông khàn khàn nói nho: “Tôi van Đại úy, Đại úy đừng bắt buộc tôi phải cất lời phạm thượng”. Một cảm giác giận dữ lấn át tôi: “Mục sư Shin, họ đòi hỏi sự thật, tại sao ông không nói cho họ rõ sự thật?”. Ông đứng dậy, tay siết chặt tách trà, nói bằng một giọng vừa nghiêm khắc, vừa dịu dàng: “Ông bạn trẻ ạ, ông chưa bao giờ nghĩ rằng họ có thể không muốn thấy sự thật sao?” P 15 ark không đợi tôi từ nhà ông Shin trở lại. Anh viết vài dòng trên mảnh giấy để trên bàn, bảo tôi là anh mượn chiếc xe của viên sĩ quan liên lạc của Hải quân để đi coi một vòng quanh thành phố. Tuyết rơi dày hơn và bầu trời tối hơn. Qua cửa sổ tôi thấy những hàng thiết giáp cỡ trung bình, họng súng hạ thấp, nặng nề lê mình qua những ngôi nhà đổ nát, theo sau là một hàng trọng pháo, lặng lẽ tiến về phía Bắc. Tuyết phủ lên những dấu vết trên mặt đất do đoàn xe đi qua để lại. Im lặng trở về với đường phố trong buổi chiều phiền muộn của một đô thị u ám miền Bắc. Thời khắc đều đều trôi qua. Một mình trong văn phòng, tôi lo phần vụ hằng ngày của tôi và những vấn đề hành chính của Tổng hành dinh, thảo những bản phúc trình, ký giấy tờ rồi họp với các sĩ quan dưới quyền. Trong lúc tôi đang họp, đại tá Chang gọi tôi, ông muốn biết Tuyên úy Koh hiện ở đâu. Tôi không giúp gì được ông ta. Suốt cả buổi chiều tôi không hề gặp Tuyên úy Koh. Đại tá Chang buông máy không nói một tiếng, và chỉ gọi lại tôi vài phút sau để bảo là ông ta muốn gặp tôi liền tức khắc. Trong căn phòng rộng, sau bàn giấy, đại tá Chang ngồi thu mình im lặng và bất động; chỉ có tiếng rít lên trong lò than và ngọn lửa chập choạng chiếu lên đôi mắt kính và cái đầu trống trơn của ông là có vẻ chú ý đến việc tôi bước vào. Ông không ngẩng đầu nhìn tôi, giá tôi không có mặt ở đó cũng không sao. Cuối cùng chuông điện thoại trên bàn reo khiến ông bật tỉnh. Ông nghe điện thoại lầu bầu mấy chữ, đồng ý và bất đồng ý, rồi buông máy. Ông đột ngột nhỏm dậy, đi vòng qua bàn tiến đến trước mặt tôi, reo lên: “Thế là chúng mình tóm được nó rồi”. “Tóm được ai, thưa Đại tá?” Ông thêm than vào lò. “Nhờ bên CIC đấy. Tôi đợi cú này từ lâu. Họ báo cáo đã bắt được một tên Thiếu tá Bắc Hàn trước kia thuộc mật vụ Bình Nhưỡng”. Ông ngừng lại lấy khăn lau tay. “Hắn ta thú nhận rằng hắn biết vài chuyện về vụ sát hại các giáo sĩ”. Viên Đại tá có vẻ bị kích thích mạnh: “Đại úy không nói gì cả sao? Đại úy có hiểu việc ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta không?”. “Tôi chúc mừng ông về biến cố may mắn đó”. Ông đưa tay hong trên lò sưởi. “Chúng ta sẽ khám phá ra nhiều điều về bạn ông, mục sư Shin, Đại úy nghĩ sao về việc đó?” “Tôi không biết chúng ta sẽ được y cho biết thêm những gì?” “A, Đại úy sẽ ngạc nhiên, tôi hứa chắc với Đại úy như vậy”. “Đại tá tin rằng người tù nhân này sẽ cung cấp những tin tức làm tất cả chúng ta sửng sốt… nghĩa là những tin tức về mục sư Shin?” “Đại úy ngụ ý rằng Đại úy đã hiểu biết đủ về ông Shin?” “Thưa, Đại tá thì không sao?” “Không”. “Tôi sợ tôi không hiểu nổi Đại tá. Sau khi đọc tuyên cáo của Ủy ban tổ chức, tôi cho rằng Đại tá đã đi đến một kết luận về mục sư Shin”. “Không giản dị đến thế đâu”. “Tôi xin lỗi Đại tá, nhưng tôi nghĩ rằng việc ấy khá giản dị”. Đại tá Chang không để ý đến nhận xét của tôi. Tôi nói: “Chiều nay tôi vừa gặp mục sư Shin. Nhiều người khác cũng thế, kể cả những người Kitô giáo trong thành phố, dĩ nhiên”. “Tôi biết”. “Ông ấy không bình luận gì về bản tuyên cáo ngoại trừ xác nhận bản tuyên cáo ấy đúng”. “Tôi cũng nghe như vậy”. Rồi ông lặp lại bằng một giọng mệt mỏi ít khi thấy ở ông. “Tôi cũng có nghe như vậy”. “Điều đó không làm Đại tá hài lòng ư? Ông ấy nhìn nhận là đã nói dối. Điều đó có nghĩa như vậy, phải không, thưa Đại tá?” Ông đáp nhanh: “Tôi đã biết thế”. “Tôi thì không, điều đó đến với tôi một cách bất ngờ”. Ông chăm chăm nhìn tôi: “Tôi rất tiếc, Đại úy”. “Đại tá đừng nói thế, trong thứ công việc của mình, không nên chắc chắn chuyện gì hết”. “Đại úy khá khôi hài”. “Không chút nào hết, thưa ông”. “Thế thì tôi phải cho là ông hết sức nghiêm trang?” “Vâng, thưa Đại tá”. Ông quay đi và đưa mắt nhìn lò sưởi. Trong một lúc, ông im lặng, chắp tay sau lưng. Ánh sáng đỏ rực, vặn vẹo thoát từ lò than dội tới nét mặt nhìn nghiêng đầy bóng tối của ông. Ông quay lại nhìn tôi với nụ cười nhẹ. “Tốt lắm, Đại úy. Nếu Đại úy cũng nói hết sức nghiêm túc như tôi, thì tôi nghĩ rằng hiện giờ ông sẵn sàng cho biết ý kiến và nói thẳng ra cho tôi hay ông nghĩ gì về mục sư Shin”. Tôi đáp ngay: “Vâng”. “Tuyệt, nhưng trước khi Đại úy nói những điều ông nghĩ về ông ta, có lẽ Đại úy nên suy nghĩ nhiều về những nguyên cớ có thể có khiến ông ta im lặng?” “Thưa Đại tá, Đại tá mong đợi ông ta nói gì? Hay nói cho đúng hơn, Đại tá đã mong đợi ông ta nói gì?” “Tôi chưa bao giờ gặp mục sư Shin, nhưng tôi biết ông ta lắm. Tôi đã nghe nói nhiều về ông ta. Thật vậy, nhiều đến nỗi tôi phải tin rằng ông ta là một người sùng đạo, một tín đồ Kitô giáo hiền lương. Tôi cũng bị thuyết phục tin rằng ông ta bao giờ cũng là một người được tiếng là có một lương tâm tinh khiết, không tì vết. Thế mà, một người Kitô giáo hiền lương thời không thể nói dối, phải không? Nhưng ông ta đã nói dối. Thế là chúng ta đang đứng trước một người Kitô giáo sùng đạo với lương tâm không tì vết công khai xác nhận là mình đã nói dối. Có điều lạ là ông ta không tìm cách tự biện minh cũng không tỏ vẻ ăn năn gì cả. Quanh ông ta chẳng thấy gì ngoài sự vô cùng tin cẩn như một vầng hào quang rực rỡ. Và tôi dám nói là tôi phải phục ông ta mặc dầu ông ta làm tôi không có cách nào hơn là đưa ra hai giải thích về cái phẩm hạnh đáng để ý của ông ta. Thứ nhất, lương tâm ông ta hoàn toàn trong sáng mặc dầu ông ta nói dối đi nữa. Thứ hai, lương tâm ông ta hoàn toàn đồi bại. Dĩ nhiên tôi không quá ngây thơ đến nỗi loại bỏ mọi giải thích hợp lý khác. Nhưng trong lúc này hai giải thích đó cũng đủ làm tôi suy nghĩ nhiều rồi. Bây giờ hẳn Đại úy không chấp nhận giả thuyết thứ hai?” “Thưa Đại tá, không”. “Ồ, tôi thật ngốc mới hỏi Đại úy như vậy” – ông cười – “Có lẽ điều này làm Đại úy thích thú: Tôi cũng không chấp nhận giả thuyết ấy. Đại úy đừng ngạc nhiên khi nghe tôi nói thế. Đó chỉ là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên về phần tôi mà thôi. Khó mà tin rằng lương tâm một giáo sĩ Kitô lại có thể thối tha như một con cá chết. Tôi không hề nói là điều đó không thể có được, nhưng dầu sao lúc này chúng ta hãy cứ tạm cho rằng lương tâm của mục sư Shin hoàn toàn trong sạch. Đại úy đã vừa lòng chưa?”. “Hoàn toàn, thưa Đại tá”. “Như thế chúng ta đã chấp nhận mục sư Shin có một lương tâm trong sáng như pha lê và, hãy nói là, ta có ý đảm bảo điều đó cho ông ta. Xong, chúng ta lại còn cái vụ dối trá kia nó có thể làm mù mờ cái lương tâm thánh thiện ấy, và giờ chúng ta không thể để điều đó xảy ra được, phải không nào? Chúng ta phải nhấn mạnh rằng sự kiện – phải, sự kiện ông nói dối không thể làm hư hại sự tinh khiết của lương tâm ông, và việc nói dối kia không liên quan gì đến phẩm chất của lương tâm ông. Nhưng điều đó có thể sẽ đưa ta đến một vấn đề khúc mắc khác là chúng ta vừa mới tô điểm cho cái thứ lương tâm gì. Đại úy nghĩ thế nào?” Ông nhìn tôi như chờ câu trả lời, nhưng hiển nhiên là ông quá thích thú những lời mình nói, khoái trá từng chữ của mình thành ra không để tôi kịp ngắt lời. “Chúng ta sẽ biện minh cho cái lương tâm tinh khiết và yên hàn lạ lùng của ông ta như thế nào khi đồng thời chúng ta phải nhìn nhận rằng một hành động dối trá, ít ra trên nguyên tắc, không thể làm vinh dự cho lương tâm của bất cứ ai?” – ông ngừng lại rồi tự trả lời – “Lương tâm của ông ta là một thứ lương tâm thuộc loại có tính cách miễn dịch đối với cái hành động nói dối đặc biệt này. Và đây chính là điểm chúng ta phải nói đến”. Tôi đáp: “Thưa Đại tá, tôi nhớ có lần Đại tá đã định kêu gọi đến lương tâm của ông ấy. Đại tá định kêu gọi đến cái thứ lương tâm nào, nếu như có nhiều thứ lương tâm như Đại tá vừa có ý nói?”. “Cái thứ lương tâm không có tính cách miễn dịch đối với hành động nói dối kia, dĩ nhiên. Có một điều Đại úy luôn luôn phải nhớ về ông ta. Đó là ông ta là một giáo sĩ, một người chăn chiên, như những người Kitô giáo thường gọi. Ông ta không thể tuyên bố với đám con chiên của mình rằng ông ta là một kẻ chăn chiên xấu, phải thế không? Đại úy nghĩ ông ta có cần phải làm thế không? Dĩ nhiên là không. Đại úy thấy đó. Ông ta phải để đám con chiên giữ niềm tin rằng ông ta không thuộc loại người chăn chiên thấy bầy sói đã vắt giò lên cổ bỏ mặc đàn chiên vô phương tự vệ”. “Đại tá vẫn nghĩ rằng ông ta đã đầu hàng quân Bắc Hàn và phản bội mấy giáo sĩ kia?” Đại tá Chang không trả lời. “Trong trường hợp ấy, Đại tá đã tố cáo với đám tín đồ của ông ta rằng ông ta là một người chăn chiên tồi, ít ra là theo quan điểm của Đại tá”. “Tôi đã làm như vậy”. “Đại tá có bực mình là ông ta không thú nhận cái tội mà Đại tá đã buộc cho ông ta?” “Có chứ! Nhưng không phải vì lý do mà Đại úy nghĩ đâu”. Ông rời chỗ tôi và bước lại cửa sổ, đứng nhìn buổi chiều muộn đầy tuyết bên ngoài. “Tôi bực mình là vì ông ta không tự biện minh cho mình. Tại sao ông ta lại không nói một lời để thanh minh?” “Ừ, tại sao, chính tôi cũng tự hỏi như thế”. “Tôi sẽ cho Đại úy biết tại sao. Cái lương tâm mà hiện giờ ông ta đang bám lấy bảo ông ta rằng ông ta vô tội, và vì thế ông ta không cần biện giải cho chính mình”. “Trong trường hợp đó, đáng lẽ Đại tá không nên bực mình chút nào”. “Một mục sư còn sống đáng giá hơn mười hai mục sư đã chết. Hẳn ông ta đã nghĩ như vậy?” Tôi không giữ nổi mình nữa: “Thưa Đại tá, có lẽ ông ấy có một điều gì không muốn nói ra, không phải vì quyền lợi riêng của ông ấy như Đại tá có vẻ tin như vậy, mà vì quyền lợi của những kẻ khác, trong đó có cả Đại tá nữa, nếu tôi được phép nói như thế”. “Vô nghĩa! Bằng phép huyền nhiệm gì ông ta thoát chết trước hàm sư tử?” Tôi kiên nhẫn lặp lại: “Thưa Đại tá, tôi tin rằng mục sư Shin vô tội”. Ông quay phắt lại: “Dĩ nhiên! Dĩ nhiên là ông ta vô tội! Ông ta có thể là gì khác hơn mới được chứ?”. Viên Đại tá lại gần lò sưởi. “Đại úy ngạc nhiên khi nghe tôi nói thế phải không? Đừng. Nếu ông ta có tội, ông ta đã không được lương tâm che chở như vậy. Ông ta tin rằng ông ta đã làm một điều phải khi nói dối như vậy và hiện vẫn làm điều phải bằng cách không nói gì nữa. Chính vì nghĩ mình làm phải mà ông ta mang cái hào quang yên hàn, kiêu hãnh. Điều đó làm tôi điên lên được. Nhưng không, tôi không buộc tội ông ta đâu. Kẻ khốn nạn nhất trong toàn thể chuyện này, không phải là ông ta hay hành động dối trá kia. Trái lại đó chính là cái đã bắt buộc ông ta nói dối và cho phép lương tâm ông ta yên ổn, tinh khiết như một thiên thần, theo kiểu người Kitô giáo thường nói. Đại úy rõ chứ?” Những lời giải thích của Đại tá Chang hơi vượt ngoài sự hiểu biết của tôi. Ông nói: “Thế là Đại úy bảo tôi rằng ông Shin vô tội. Và Đại úy chắc chắn, hoàn toàn chắc chắn như vậy?”. Tôi nhấn mạnh, “Vâng ông ta vô tội” – nhưng tôi phải nói thêm – “theo quan điểm của chúng ta”. “Đại úy kể cả quan điểm của tôi nữa?” “Vâng”. “Đại úy đừng kể như vậy, là vì ông ta không vô tội theo quan điểm của tôi”. Tôi nhắc cho ông là chính hồi nãy ông mới tuyên bố mục sư Shin vô tội. “À, tôi không bảo ông ấy vô tội theo quan điểm của tôi”. Bối rối, tôi kêu lên: “Nhưng Đại tá nói là Đại tá không buộc tội ông ta, thế mà Đại tá lại không nghĩ là ông ta vô tội. Hẳn là Đại tá muốn buộc tội một kẻ nào khác – cái kẻ khốn nạn thực sự kia, như Đại tá nói”. Ông nhìn tôi với một nụ cười êm dịu: “Đại úy hoàn toàn đúng”. “Tôi có thể hỏi Đại tá buộc tội cái gì không?” “Sao, Đại úy, tôi ngạc nhiên là Đại úy lại hỏi tôi buộc tội cái gì mà không hỏi là ai”. “Vậy thì tôi xin hỏi Đại tá buộc tội ai thế?” “Đại úy không biết sao?”. Ông buông mình xuống ghế, chiếc ghế rên lên dưới sức nặng của ông. “Còn ai nữa nếu không phải là Chúa của ông ấy?”. Ông cười: “Đại úy thử tưởng tượng ông ta quỳ gối thì thầm kể lại với Chúa những gì ông ta đã làm. Và Chúa ông ta vỗ nhẹ lên lưng ông ta mà nói: “Tốt lắm con ạ, lầm lỗi là rất người, tha thứ mới là thần thánh”. Sao, Đại úy nghĩ thế nào?”. Không nín được tôi phá lên cười. K 16 hi tôi rời văn phòng Đại tá Chang, tôi hy vọng sẽ gặp lại Park ở phòng tôi, nhưng anh không có ở đấy. Tôi không biết làm gì hơn là đứng trước cửa sổ nhìn buổi chiều Bắc Cao xám xịt đang nhạt dần để biến thành đêm ảm đạm. Trời bỗng nổi gió. Cơn bão tuyết bắt đầu. Tôi có thể nghe tiếng chuông ngân từng hồi, khi yếu ớt, khi dữ dội từ bên kia đường. Tiếng chân vang lên ở hành lang dưới nhà rồi có lẽ tiến về phía câu lạc bộ. Người lính bước vào lau nhà và đem một thùng than để sưởi ban đêm. Park vẫn chưa trở lại. Không có anh, tôi cảm thấy bất lực. Trong lúc nghe chuyện Đại tá Chang, tôi đã quyết định dẫn Park đến gặp mục sư Shin; tôi – nghĩ sớm chừng nào hay chừng ấy. Đại tá Chang từ văn phòng gọi điện thoại hỏi tôi có gặp Tuyên úy Koh không. Ông la lớn: “Không hiểu ông ta chui rúc ở đâu, tôi không gặp ông ta từ tối hôm qua. À, còn Park ra sao? Đại úy đã dẫn ông ấy đi gặp mục sư Shin chưa?”. Tôi bảo ông ta, vì thận trọng, tôi chưa dẫn Park đi gặp mục sư Shin. Ông ta càu nhàu: “Thôi, cất cái thận trọng của ông đi giùm!”. Độ nửa giờ sau ông ta gọi lại, lần này từ CIC. Ông lại hỏi về Tuyên úy Koh. Ông rủa: “Cái lão chết bầm ấy quá tự tin. A, tôi không mấy tin cẩn lão ta”. Tôi không có gì để nói cả. “Tôi đang đợi ông Giám đốc Tình báo gọi đây. Nếu ông có gọi, Đại úy chuyển giùm lên CIC cho tôi”. Ông ngừng một lúc. “Tôi có hứa với Đại úy tên tù binh mới của chúng tôi sẽ làm cho Đại úy ngạc nhiên, phải không. Tôi có một vài điều mà Đại úy có thể muốn biết và tôi """