" Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : CHỮ, VĂN QUỐC NGỮ THỜI KỲ ĐẦU PHÁP THUỘC Tác giả : NGUYỄN-VĂN-TRUNG Nhà xuất bản : NAM SƠN Năm xuất bản : 1975 ------------------------ Nguồn sách : tusachtiengviet.com Đánh máy : tieuphu, Dũng PC, Kim Ho, bornfree, Lion, thuantran46, dacxeru, huonggiang, meyeusoi, kimtrongnew, Martian_K, huyennhung, tieuphu, kehetthoi Kiểm tra chính tả : Phạm Thị Hồng Khánh, Kim Dung Phạm, Dương Xuân Ngọc, Tào Thanh Huyền, Thư Võ Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 16/05/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả NGUYỄN-VĂN-TRUNG và nhà xuất bản NAM SƠN đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC I. CHỮ QUỐC NGỮ A. Ý KIẾN CỦA THỪA SAI VÀ HỌC GIẢ THỰC DÂN B. CHỮ QUỐC NGỮ TRONG CÁC THÔNG TƯ, NGHỊ ĐỊNH NGHỊ ĐỊNH 22.2.1869 QUYẾT ĐỊNH NGÀY 18.3.1869 VỀ GIA ĐỊNH BÁO NGHỊ ĐỊNH 6.4.1878 VỀ VIỆC DÙNG CHỮ AN-NAM BẰNG MẪU TỰ LA-TINH THÔNG TƯ CỦA GIÁM ĐỐC NỘI VỤ 10.4.1878 NGHỊ ĐỊNH 23.7.1879 QUYẾT ĐỊNH 5.9.1879 QUYẾT ĐỊNH 8.10.1879 THÔNG TƯ 28.10.1879 NGHỊ ĐỊNH 1.12.1879 NGHỊ ĐỊNH 4.12.1879 QUYẾT ĐỊNH 2.8.1880 QUYẾT ĐỊNH 18.8.1880 QUYẾT ĐỊNH 7.2.1881 NGHỊ ĐỊNH 26.9.1881 NGHỊ ĐỊNH 30.1.1882 NGHỊ ĐỊNH 17.3.1879 NGHỊ ĐỊNH 14.6.1880 BƯU THỊ 17.2.1910 THÔNG TƯ 1.6.1910 THÔNG TƯ SỐ 472 NGHỊ ĐỊNH 16.11.1906 THÔNG TƯ 4.1.1907 TRUNG KỲ : SẮC LỆNH CỦA NHÀ VUA VỀ CẢI CÁCH HỌC CHÁNH BẢN XỨ (1906) NGHỊ ĐỊNH 30.10.1906 NGHỊ ĐỊNH SỐ 297 THÔNG TƯ SỐ 86 C. CHỮ QUỐC NGỮ TRONG CÁC BÁO CÁO CHÍNH TRỊ 1. PHÚC TRÌNH CỦA TOÀN QUYỀN GỬI TỔNG TRƯỞNG THUỘC ĐỊA 2. PHÚC TRÌNH CỦA THỐNG SỨ BẮC KỲ GỬI TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG. D. NHỮNG HOẠT ĐỘNG TRANH LUẬN CẢI CÁCH CHỮ QUỐC NGỮ II. VĂN QUỐC-NGỮ A. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VĂN QUỐC NGỮ THỜI KỲ ĐẦU Ở NAM BỘ B. LỤC-VÂN-TIÊN CỦA THỰC DÂN C. NHỮNG CHỐNG ĐỐI VÀ KHÓ KHĂN TRONG VIỆC CƯỠNG BÁCH DÙNG CHỮ QUỐC NGỮ I. CHỐNG ĐỐI CỦA SĨ PHU 2. SỰ CHỐNG ĐỐI CỦA THÂN HÀO NHÂN SĨ THÂN PHÁP 3. NHỮNG KHÓ KHĂN KHÁC D. NHỮNG HỆ LUẬN CÓ THỂ RÚT RA III. TIẾNG NÓI, CHỮ VIẾT, VĂN HỌC TRONG HOÀN CẢNH MẤT NƯỚC HAY SỰ LỪA BỊP CỦA CHỦ NGHĨA QUỐC GIA BẰNG TIẾNG NÓI, CHỮ VIẾT TÀI LIỆU HỒ SƠ HÀNH CHÁNH SÁCH BÁO PHỤ LỤC : TIẾNG VIỆT TRONG 25 NĂM ĐẦU THẾ KỶ XX LƯỚT QUA 2000 LỊCH SỬ GIAI ĐOẠN CHUYỂN HƯỚNG BƯỚC SANG THẾ KỶ 20 NGÔN NGỮ VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM TRONG MƯỜI NĂM ĐẦU THẾ KỶ NHỮNG NĂM KẾ TIẾP TIẾNG VIỆT CHUYỂN MÌNH TỔNG KẾT NHẬN XÉT CHUNG RIÊNG VỀ NGÔN NGỮ NGUYỄN-VĂN-TRUNG CHỮ, VĂN QUỐC NGỮ THỜI KỲ ĐẦU PHÁP THUỘC NAM SƠN XUẤT BẢN 36, Nguyễn an Ninh – Saigon (Cửa Tây chợ Bến-thành) Đ.T : 21.026 Ở đây, chúng tôi không nói tới thời kỳ đầu chữ quốc ngữ trước khi người Pháp can thiệp và xâm chiếm Việt-Nam, mà chỉ muốn nói tới thời kỳ đầu chữ quốc ngữ lúc người pháp đã đặt guồng máy cai trị của họ tại Nam Kỳ kể từ khi chữ quốc ngữ vượt khỏi cánh cửa Nhà Chung, họ đạo sang lãnh vực hành chánh, học chánh, văn hóa… Từ trước tới nay, nói về thời kỳ ban đầu này, các nhà biên khảo lịch sử, văn học thường đưa ra một số luận điệu quen thuộc như : 1. Những Pétrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh là những người tiền phong của nền văn học quốc ngữ thuở ban đầu. 2. Nhờ những nhà văn tiền phong trên mà chữ quốc ngữ đã đắc thắng chữ Nho, chữ Nôm, đồng thời đưa chữ quốc ngữ từ lãnh vực thuần túy tôn giáo sang lãnh vực xã hội, văn học. 3. Những người trên cũng đã chủ trương những tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên hoặc đã đề xướng việc dịch những tác phẩm cổ văn (hán, nôm) ra quốc ngữ. 4. Do đó, những nhà văn trên được coi như những người có công rất lớn với nền văn học chữ quốc ngữ lúc ban đầu : họ được suy tụng như những ông tổ văn học cận đại, những nhà cách mạng vĩ đại… 5. Nhận định về sự ngưng đọng nghèo nàn Văn chữ quốc ngữ ở Nam kỳ sau Pétrus Ký, nguyên nhân được nêu lên là vì những nhà văn như Pétrus Ký quá tiến bộ đi trước thời đại, nên dân chúng không theo kịp nhất là dân chúng đất Nam kỳ là đất mới, không thuận tiện cho việc phát huy văn chương. 6. Coi chữ quốc ngữ như một thứ chữ không những giải thoát cho văn chương mà cả cho văn hóa, xã hội vì nhờ chữ quốc ngữ mà xứ sở có điều kiện bước vào văn minh, hiện đại hóa bằng cách âu hóa. Trên cơ sở quan trọng hóa một cách tuyệt đối vai trò chữ quốc ngữ, một ý tưởng được đề ra : coi tương lai dân tộc hay dở hoàn toàn tùy thuộc vào chữ quốc ngữ. Câu nói của Nguyễn Văn Vĩnh « Nước Nam ta mai sau hay dở tùy như ở chữ quốc ngữ » được kể như một câu nói tiên tri, bất hủ, được nhắc đi nhắc lại, bó buộc phải nhắc tới mỗi khi nói tới chữ quốc ngữ. Trong bài biên khảo dưới đây, chúng tôi muốn nhắc lại xem những luận điệu quen thuộc trên có đúng với sự thực lịch sử hay không và ý kiến coi tương lai dân tộc tùy thuộc vào chữ quốc ngữ có phải là một lời nói tiên tri bất hủ không ? Để đánh đổ những luận điệu trên, chúng tôi không dùng lý luận suông vì chúng tôi coi việc tìm hiểu này như một công tác nghiên cứu lịch-sử văn học, nghĩa là một công tác khoa học mà lý luận phải dựa vào sự kiện tài liệu lịch sử xác thực, có thể kiểm chứng được ! Vậy phải đặt việc tìm hiểu chữ quốc ngữ vào hoàn cảnh lịch sử của nó nghĩa là lúc người Pháp mới thiết lập guồng máy cai trị của họ ở Nam kỳ. Sự kiện chữ quốc ngữ, văn quốc ngữ xuất hiện sớm nhất và trước hết ở Nam kỳ vào đúng thời kỳ đầu người Pháp mới thiết lập chế độ thuộc địa ở Nam kỳ gợi cho chúng tôi một ý tưởng : có liên hệ giữa sự xuất hiện chữ quốc ngữ, văn quốc ngữ với chính sách cai trị của thực dân Pháp. Ý tưởng này tạm coi như một giả thuyết. Nếu giả thuyết đúng thực, nghĩa là có một chính sách lợi dụng chữ quốc ngữ của thực dân Pháp cho những mục tiêu chính trị, chính sách đó chắc chắn đã được ghi lại trong các thông tư, nghị định, quyết định của các nhà cầm quyền thời đó, còn vì những lý do nào, nhằm những mục tiêu gì, dĩ nhiên thực dân không thể ghi trong các nghị định thông tư nhưng trong các báo cáo chính trị mật… Nếu có, những hồ sơ hành chánh trên phải tìm ở đâu ? Ở các công báo thời đó, ở các văn khố Đông dương, Bộ thuộc địa bên Pháp… Theo những chỉ dẫn giả thuyết trên, chúng tôi đã đi tìm và đã tìm thấy hầu hết những nghị định, thông tư, quyết định về việc cưỡng-bách dùng chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chánh, học chánh, trong các tập san chính thức về hành chánh của Nam kỳ, Bắc kỳ, Trung kỳ hồi đó… Chúng tôi cũng tìm thấy một vài báo cáo chính trị, có những đoạn liên quan đến chữ quốc ngữ của Thống đốc Nam kỳ, của Thống sứ gởi Toàn quyền, hoặc của Toàn quyền gởi Tổng trưởng thuộc địa ở văn khố, Bộ thuộc địa cũ bên Paris. Những tài liệu đó cho chúng ta thấy nhà cầm quyền thực dân thời đó đã quan niệm thế nào về chữ quốc ngữ, đã muốn cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong giấy tờ hành chánh và trong nhà trường nhằm những mục tiêu chính trị nào. Đó là những sự thực lịch sử mà mọi độc giả đều có thể kiểm chứng khi đọc những tài liệu mà chúng tôi trích dịch nguyên văn… Căn cứ vào chính sách lợi dụng chữ quốc ngữ trên của thực dân, độc giả sẽ thấy tất cả những luận điệu quen thuộc kể trên là không đúng sự thực và do đó phải nhìn những vấn đề nêu lên trong những luận điệu đó theo một viễn tưởng khác hẳn. Chẳng hạn những Pétrus Ký, Paulus Của không phải là những người tiền phong, chủ động, đề xướng gì cả, mà chỉ là những tay sai viên chức ăn lương của thực dân để thực hiện một chính sách do thực dân chủ động đề xướng ; hoặc những chống đối của trí thức đương thời gồm các nhà nho, sĩ phu chống đối Pháp và cả những thân hào nhân sĩ theo Pháp đã giải thích tại sao văn học chữ quốc ngữ nghèo nàn, ngưng đọng ở Nam-kỳ thời Pétrus Ký… Và sau cùng những câu nói được coi là bất hủ của Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh trình bày một thứ chủ nghĩa quốc gia bằng ngôn ngữ văn tự, một đường lối yêu nước, cứu nước, xây dựng tương lai dân tộc bằng cách bảo vệ tiếng nói, phát huy chữ viết (chữ quốc ngữ) lừa bịp ở chỗ nào và tại sao những người như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh lại có một chủ trương như trên… Chúng tôi mong rằng những tìm kiếm, suy luận sau đây sẽ góp một phần vào việc duyệt xét những thiên kiến sai lầm được coi như những chân-lý hiển nhiên, giáo điều giảng dạy trong các lớp Việt văn nhằm phục hồi sự thực lịch sử, đồng thời làm sáng tỏ yêu cầu cấp bách cần phải nhìn lại toàn bộ lịch sử văn học đặc biệt thời cận đại, hiện đại theo một quan điểm dân tộc. SAIGON, Mùa hè 1974 I. CHỮ QUỐC NGỮ Như ai nấy đều biết, chữ quốc ngữ do một số các nhà truyền giáo đạo Thiên-chúa người Âu Châu sáng lập ra. Một cách tổng quát có thể nói những tầng lớp thị dân và trí thức đương thời (nho sĩ) không sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa giáo, cho nên việc truyền đạo hầu hết đều hướng về những tầng lớp nghèo khổ, cùng đinh ở nông thôn. Nhưng vì giới bình dân này không biết chữ Nho, chữ Nôm, nên các Giáo sĩ bó buộc phải tìm ra một thứ chữ để ghi lại và truyền bá những điều đã giảng dạy họ. Đó là một đòi hỏi đặt ra ở Việt nam cũng như ở Trung-quốc, Nhật-bản, nhưng hình như chỉ ở Việt Nam việc ghi âm tiếng Việt thành chữ viết theo chữ cái La-tinh là thành công khi chữ viết đó sau này được thông dụng và trở thành chữ quốc ngữ. Tuy nhiên trong hơn hai thế kỷ đầu, chữ viết ghi theo chữ cái La-tinh chỉ dùng để in sách báo đạo, và thu hẹp trong giới theo đạo Thiên-chúa mà thôi. Cho đến khi tìm được những tài liệu phơi bày những chủ đích nào khác của việc sáng chế nếu có, tạm thời, có thể nêu giả thuyết các nhà truyền giáo Âu châu chỉ có mục đích truyền đạo khi sáng chế ra chữ « quốc ngữ »1và do đó thứ chữ « chỉ được một thiểu số sử dụng vào mục đích tôn giáo » chưa có ý nghĩa chính trị hay văn hóa nào cả. Một vài tài liệu sơ khởi mà chúng tôi sưu tầm được chứng minh chữ « quốc ngữ » bắt đầu bị chính trị lợi dụng sau khi thực dân xâm chiếm Nam bộ và thiết lập guồng máy cai trị. Những tài liệu hiện có chưa cho biết việc lợi dụng chữ quốc ngữ vào những mục đích chính trị phục vụ thực dân là do sáng kiến của các quan cai trị, học giả hay những người này thực hiện việc lợi dụng theo những khuyến cáo của các ông cố đạo. Ở đây, cần để ý một điều là trước khi người Pháp xâm chiếm nước ta, các nhà truyền giáo thuộc nhiều quốc tịch Âu châu đã theo đường lối tôn trọng thích nghi văn hóa, phong tục những nước bị truyền giáo (nhất là các nhà truyền giáo thuộc dòng Tên). Chính trong tinh thần đó mà họ tìm cách sáng chế ra chữ « quốc ngữ ». Đến thời kỳ Pháp xâm lược, các nhà truyền giáo thuộc dòng Tên, phải nhường chỗ cho hội thừa sai Paris, và những người này đều là người Pháp, theo một đường lối truyền giáo cứng rắn chủ trương xóa bỏ, tiêu diệt tất cả những gì là phong tục, văn hóa, tư tưởng của các nước bị truyền giáo không hợp với giáo lý Thiên chúa. Hơn nữa, họ còn đồng hóa quyền lợi nước Pháp với quyền lợi của đạo, coi sứ mệnh của họ vừa phục vụ đạo, vừa phục vụ Tổ quốc và phục vụ quyền lợi của đạo bằng cách phục vụ quyền lợi Tổ-quốc của nước Pháp, nên họ đã tích cực góp phần vào việc thiết lập chế độ thực dân (xâm chiếm, chinh phục) và vào việc duy trì củng cố chế độ đó. Những Linh-mục, Giám mục thừa sai đua nhau viết những báo cáo, dự án, kế hoạch chinh phục, bình định, gởi về Pháp. Theo Lanessan, Toàn quyền Đông dương, chính những thừa sai đã đề ra những đường lối về chính trị, văn hóa, mà các quan cai trị Pháp đã tuân theo và áp dụng… Chẳng hạn chính sách trực trị và đồng hóa : « …Tuy nhiên quả thật chính sách của thừa sai là chính sách vẫn được áp dụng từ trước đến nay. Chính đường lối đó chỉ đạo một cách trực tiếp hay gián tiếp việc ông Harmand hay Patenôtre ký các hòa ước và những dự định của Paul Bert mà tôi đã nói ở trên » (L’Indochine Française. Alcan Paris 1889, trang 716). Về mục đích việc sử dụng chữ quốc ngữ vào mục tiêu chính trị có lợi cho thực dân, Lanessan cũng ghi nhận là do các thừa sai khuyến cáo khi ông bàn về vai trò của các hội truyền giáo trong chế độ bảo hộ (Les missions et le Protectorat). Thực dân Pháp đã chú ý lợi dụng chữ quốc ngữ rất sớm ngay từ thời kỳ đầu chế độ thuộc địa ở Nam kỳ. Từ khuyến cáo học chữ quốc ngữ, đến bắt buộc dạy chữ quốc ngữ trong các trường học, bắt buộc dùng chữ quốc ngữ trong guồng máy hành chánh, từ việc cho ra tờ báo bằng quốc ngữ đầu tiên (Gia Định báo) như một thứ công báo, đến việc chủ trương xuất bản những tạp chí văn hóa, văn học nhằm mục đích bồi bổ quốc văn như Đông dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Thực dân Pháp quả thật đã lo lắng tha thiết rất sớm cho chữ quốc ngữ trong cả bốn địa hạt : học chánh, hành chánh, báo chí, văn học. Nhưng dĩ nhiên khi người Pháp bắt các công chức người Việt phải học quốc ngữ, nếu không, không được thăng ngạch trật, hoặc khi họ tổ-chức những hội nghị khoa học, bàn về cải cách chữ quốc ngữ, hay ra lệnh điều tra về lối viết của Nam Phong xem người đọc trình độ học thức trung bình có hiểu văn quốc ngữ của Nam Phong không, chắc chắn đã không phải vì yêu quí tiếng Việt, thiết tha với quốc văn và muốn phát huy văn hóa dân tộc nhưng vì những quyền lợi chính trị nhằm duy trì, củng cố, bảo vệ sự thống trị của họ. Tiếng Việt mà thực dân khinh bỉ không thèm học (rất ít người Pháp thích và chịu học nói tiếng Việt – trừ những người bị bắt buộc nếu muốn làm viên chức như ở Nam kỳ thời kỳ đầu) chỉ được họ coi như một phương tiện truyền thông giao dịch tiện lợi giữa họ kẻ thống trị và người Việt Nam kẻ bị trị. Thâm hiểm hơn là, dụng ý dùng chữ quốc ngữ như một lợi khí tuyên truyền những chính sách lừa bịp, đầu độc về văn hóa, chính trị và sau cùng, cực kỳ thâm hiểm đó là mưu đồ dùng chữ quốc ngữ như một phương thức làm mất gốc những người chỉ biết chữ quốc ngữ bằng cách cô lập họ với văn hóa dân tộc lúc đó chủ yếu dựa vào nho học, và dùng chữ nho như phương tiện diễn tả. Nhưng rút cục, như mọi người đều thấy, chữ quốc ngữ đã trở thành con đường đưa về với dân tộc, biến thành lợi khí khêu gợi ý thức dân tộc và chống đối ách nô dịch thống trị của ngoại bang. Về đường lối cai trị, thực dân Pháp chỉ lẩn quẩn trong hai chánh sách : trực trị và bảo hộ2; chính sách nào cũng có những hạn chế, vì phương tiện sử dụng thực hiện chính sách như con dao hai lưỡi vừa lợi vừa hại nên khi cái hại phát hiện, thực dân phải thay đổi chính sách và phương tiện. Trong chính sách trực trị, thực dân chủ trương dùng chữ quốc ngữ chữ Pháp và bỏ chữ nho trong hành chánh, giáo dục. Vì trực trị nhằm mục tiêu đồng hóa, được coi như phương thức hữu hiệu nhất để duy trì vĩnh viễn chế độ thuộc địa, nhằm biến người dân thuộc địa thành vong bản, mất gốc, nên người Pháp chủ trương chống chữ nho. Học chữ nho cũng là hấp thụ một văn hóa dân tộc, cảm thông với một truyền thống xa lạ, hơn nữa chống lại Kitô giáo, văn minh Tây phương, một truyền thống lúc đó đang hiện thân ở nơi các sĩ phu. Do đó thực dễ hiểu thực dân, cũng như thừa sai chủ trương tiêu diệt nho sĩ, và ảnh hưởng của họ bằng cách xóa bỏ chữ nho. Trái lại, thứ chữ ghi âm theo chữ cái La-tinh, không phải là chữ của văn hóa mà chỉ là thứ chữ ghi tiếng nói của dân chúng bình dân trong giao dịch hằng ngày. Vậy, thật là hợp lý và cần thiết cổ võ, bắt buộc sử dụng một thứ chữ tiện lợi cho việc giao dịch giữa chủ và tớ, giữa người bị trị và kẻ thống trị. Thứ chữ đó cũng còn tiện lợi cho việc tuyên truyền những chính sách đường lối cai trị. Đối với thiểu số dân bản xứ được tiến hơn một bước, cần những hiểu biết về văn hóa, đã có tiếng Pháp. Hạng người này được hấp thụ văn hóa Pháp, để trở thành người Pháp và như thế là đạt được mục tiêu đồng hóa. Trong viễn tượng chính sách trực trị, đồng hóa của thực dân, việc phổ biến chữ « quốc ngữ » không hề bao hàm một ý định tôn trọng đề cao dân tộc. Trái lại, nó dựa trên sự khinh bỉ và bắt nguồn từ một ý định ngu dân xích hóa. Thứ chữ An-nam ghi âm theo chữ cái La-tinh chỉ dùng cho những lớp người bình dân, thứ chữ của hạng người nô lệ, bị trị, và nó không phải là điều kiện thăng tiến trong xã hội. Trái lại, trong chính sách bảo hộ, chữ quốc ngữ được nâng cao hơn một chút, không phải chỉ là thứ chữ để giao dịch hành chánh, mà còn được coi như một thứ chữ văn chương, nhất là được gắn liền với chữ nho. Thực dân chủ trương đề cao văn chương quốc âm, văn chương cổ điển, nho học, bắt dùng chữ nho cùng với chữ quốc ngữ trong giấy tờ công văn hành chánh. Nhưng đã rõ thực dân chỉ lợi dụng chính trị trong việc cổ võ đề cao văn chương quốc âm, nho học bằng cách khai thác những khía cạnh tiêu cực trong văn học tư tưởng tập tục truyền thống có tác dụng biện hộ, hoặc củng cố chế độ thực dân. Chẳng hạn đề cao những Trung, Hiếu, Nghĩa, tôn trọng trật tự của nho học. Hiếu với người làm ơn, cai trị là hiếu với thực dân, tôn trọng trật tự xã hội là tôn trọng trật tự xã hội của thực dân. Cho nên làm loạn, chống lại trật tự đó không phải chỉ là phạm một tội chính trị, mà còn là phạm một tội luân lý : tội bất hiếu, bất trung. A. Ý KIẾN CỦA THỪA SAI VÀ HỌC GIẢ THỰC DÂN Theo Lanessan, Toàn quyền Đông dương, chính sách trực trị mà người Pháp muốn thực hiện ở Việt-Nam là do ảnh hưởng và áp lực của thừa-sai Thiên Chúa Giáo, như Giám mục Puginier – Thừa sai chủ trương trực trị vì như thế sẽ tiêu diệt được các nho sĩ, vừa đối kháng với Thiên Chúa giáo vừa tiêu biểu cho tinh thần bất khuất không chấp nhận chế độ thuộc địa. Một trong những biện pháp Thừa sai đề ra là bỏ chữ nho và cổ võ học chữ quốc ngữ nhằm cô lập người công giáo cũng như người dân thường với các nho sĩ. Lanessan đã ghi lại sự kiện trên như sau : « Tôi còn giữ trong tay một thư của Giám-mục Puginier trong đó Ngài trình bày mục đích việc phiên âm bằng chữ La-tinh một cách thật rõ rệt. Ngài nói khi thay thế chữ nho bằng chữ quốc ngữ, Hội thừa sai nhằm mục đích cô lập các giáo hữu. Những người này sẽ không còn có thể đọc được những tác phẩm dễ đọc nhất của Trung-hoa và sẽ không thể thư từ gì được với bất cứ một sĩ phu Tàu hay Ta nào. Được giáo dục như thế, các Thầy người bản xứ sẽ chỉ có thể đọc một số hiếm những sách do các thừa sai viết bằng quốc ngữ cho họ dùng và trong đó chỉ bàn đến những vấn đề thuần túy tôn giáo ». (Les missions et leur Protectorat, trang 52) Thư của Giám-mục Puginier mà Lanessan nói tới ở đây, không rõ là thư gởi cho Lanessan hay thư gởi cho Tổng trưởng thuộc địa. Nhưng có một điều chắc chắn là Giám mục Puginier đã gửi nhiều thư cho Tổng-trưởng thuộc địa để ghi những kế hoạch bình định xứ Bắc kỳ và trong đó có thể đều nói đến việc bỏ chữ nho, dùng quốc ngữ. Hiện chúng tôi chỉ có một thư gửi cho Tổng trưởng thuộc địa đề ngày 4.5.1887 viết tay (tìm thấy ở văn khố Bộ Pháp quốc hải ngoại Paris, số ký hiệu N.F 541 hay AO0 (30). Mở đầu thư gửi cho Tổng trưởng, Giám mục Puginier dựa vào 30 năm kinh nghiệm hiểu biết xứ sở trình bày vì lòng tận tâm phục vụ nước Pháp mà gởi văn thư cho Tổng trưởng để đề nghị một số kế hoạch mà nếu chính phủ theo thì Giám mục bảo đảm chắc chắn chẳng bao lâu Bắc kỳ sẽ trở thành một nước Pháp nhỏ ở Viễn-đông. Bản tường trình của Giám-mục Puginier dài 20 trang, viết tay, chia làm ba phần : 1. Xứ Bắc kỳ có đáng cho nước Pháp quan tâm đến không ? Giám mục than phiền nước Pháp đã tốn hàng trăm triệu, mất hàng ngàn người, nhưng vẫn chưa quyết tâm chiếm đóng xứ này, và Giám mục sẽ nêu những lý do tại sao nước Pháp phải chú ý đến Bắc kỳ. 2. Nước Tàu bên cạnh có phải là một đe dọa đáng ngại không ? 3. Sau khi đã chứng minh cần chiếm giữ Bắc kỳ, và Trung quốc không phải là một đe dọa nghiêm trọng, Giám mục trình bày phải làm những gì để « biến xứ Bắc kỳ thành một nước Pháp nhỏ ở Viễn đông ». a. Công giáo hóa Bắc kỳ. b. Xóa bỏ chữ Nho. c. Tranh thủ những dân tộc thiểu số ở cao nguyên giáp nước Tàu. d. Thiết lập một hãng Pháp lớn như hãng Ấn Độ cũ. e. Thành lập một trại (đồn điền) gương mẫu. f. Thận trọng trong chính sách đánh thuế, nhất là ở giai đoạn dân chúng còn cực khổ vì chiến tranh, lụt lội, trộm cướp. g. Cảnh giác và khôn ngoan trước những người bản xứ muốn tỏ ra thân thiện trung thành, nhưng thực ra là những kẻ thù nguy hiểm của nước Pháp. h. Ngăn cản tham nhũng trong tư pháp, hối mại quyền thế và bảo vệ những quan lại trung thành thực sự. Dưới đây là nguyên văn biện pháp thứ hai : « Điều thứ hai phải làm là bỏ chữ nho và trước hết thay thế bằng tiếng An-nam với chữ viết Âu-châu gọi là « cuốc ngữ »3rồi sau đó bằng tiếng Pháp. Nhưng việc này phải tiến hành chậm chạp, từ từ và cũng không nên nói ra, vì ngại đụng chạm tới dân chúng đã quen dùng chữ Nho và vì lý do chính trị, để tránh làm mếch lòng nước Tàu. Đã từ lâu tôi vẫn chủ trương dạy chữ Pháp và dùng chữ Âu-châu để viết tiếng An-nam, nhưng khốn thay, tôi không được ủng hộ trong việc thực hiện những kế hoạch mà tôi đã đề nghị 6 lần khác nhau. Tuy nhiên tôi sung sướng thấy từ hai năm nay người ta đã tích cực hoạt động cho mục đích đó : không kể trường dạy tiếng Pháp của hội thừa sai, là trường đã được thành lập đầu tiên ngày 8.12.1884, chính phủ cũng đã thiết lập nhiều trường khác từ tháng 4.1885. Cần phải dạy càng sớm càng tốt cho người An-nam viết và đọc được tiếng của họ ghi bằng chữ Âu châu, việc này dễ dàng và tiện lợi hơn việc dùng chữ nho. Sau vài năm, cần phải bắt buộc những giấy tờ chính thức không được viết bằng chữ nho, nhưng phải viết bằng chữ của xứ sở, và tất cả những viên chức phải được dạy đọc và viết chữ An-nam ghi bằng chữ Âu-châu. Trong thời gian đó, việc dạy tiếng Pháp sẽ đã có tiến bộ và người ta đã chuẩn bị cho cả một thế hệ cung cấp những viên chức được học tiếng của chúng ta. Như vậy có lẽ trong hai mươi hay hai mươi lăm năm, người ta sẽ có thể bắt buộc mọi giấy tờ đều phải viết bằng Pháp ngữ và do đó chữ nho dù người ta không cấm học, cũng bị bỏ rơi dần dần. Khi người ta đã đạt được kết quả lớn lao đó, người ta đã đoạt lại của nước Tàu một phần lớn ảnh hưởng ở xứ An-nam và giới nho sĩ An-nam rất thù ghét sự thiết lập thế lực Pháp sẽ bị tiêu diệt dần dần. Vấn đề này có một tầm quan trọng rất lớn, và sau khi đạo Thiên Chúa đã được thiết lập, tôi coi việc bãi bỏ chữ nho và việc thay thế dần dần bằng chữ quốc ngữ trước tiên rồi bằng chữ Pháp như một phương thức rất chính trị, rất thực tế và rất hữu hiệu để lập ở Bắc kỳ một nước Pháp nhỏ của Viễn đông ».4 Ý kiến và đề nghị của Giám-mục Puginier thật thâm độc. Nếu lòng yêu nước, động lực đối kháng sự chinh phục của thực dân xuất phát từ giới Nho sĩ và do tinh thần nho giáo, thì quả thật không có phương tiện nào hữu hiệu hơn để tiêu diệt sự đối kháng đó bằng cách bãi bỏ con đường đưa vào tinh thần đó là chữ nho. Nếu chữ nho không còn được dùng trong các văn thư chính thức, trong nhà trường như phương tiện truyền thông và nhất là như điều kiện thăng tiến xã hội, thì những hiểu biết của nhà nho còn ích lợi gì nữa. Và một khi những kiến thức nho học đã mất giá trong thang giá trị xã hội, thì uy tín tinh thần của những người mang những kiến thức mất giá đó cũng mất theo. Nếu người dân không còn đọc được sách vở viết bằng chữ nho là phương tiện duy nhất đưa họ về lịch sử dân tộc, văn hóa dân tộc, truyền thống tranh đấu bất khuất của dân tộc (vì chữ quốc ngữ, thời Pháp chỉ là chữ giao dịch, kiếm cơm, thăng trật, và hơn nữa phương tiện xâm lược tinh thần (tuyên truyền đạo giáo, ảnh hưởng Pháp) thì dĩ nhiên người dân làm sao tránh khỏi mất gốc, trở thành vong bản, nghĩa là trở thành người Pháp, người Thiên Chúa giáo theo Pháp, nghĩa là trở thành nô lệ vĩnh viễn của thực dân Pháp. Ý tưởng cổ võ học chữ quốc ngữ để cô lập dân chúng với nho sĩ ngăn chặn ảnh hưởng của nho giáo như Giám mục Puginier đã chủ trương được nhiều học giả, nhân viên trường Viễn đông Bác cổ hưởng ứng, tán đồng trong các đề nghị về giáo dục gởi nhà cầm quyền thuộc địa. Chẳng hạn CE. Maitre, nhân viên trường Viễn đông Bác cổ đã nói trong bài diễn thuyết ở Marseille hồi 1906 về « Nền học chánh bản xứ ở Đông Dương An-nam » : « Tóm lại, người An-nam càng ý thức được rõ ràng họ có một quốc gia càng làm cho họ ham muốn có một tiếng nói quốc gia. Tham vọng trên rất chính đáng lại hoàn toàn phù hợp với những quan điểm chính trị của chúng ta. Thật là một sách lược mù quáng và thiếu khôn ngoan nếu chúng ta để cho người An nam tiếp thu những ý tưởng khoa học và triết học ở một nguồn gốc độc nhất mà hiện nay họ có thể tìm tới được, vì cùng chung một chữ viết, đó là nguồn gốc Trung-hoa và Nhật-bản… và để có những giây liên lạc thắt chặt với nền văn minh Mông-cổ trên mà những biến cố gần đây đã chứng tỏ sự liên đới giữa họ thật mãnh liệt biết bao » (trang 1164 Revue Indochinoise số 64, 30.8.1907). Một học giả khác G. Peri cũng thuộc trường Viễn đông Bác cổ đã gởi phúc trình lên Toàn-quyền Albert Sarraut đề nghị dạy quốc ngữ trong một chương trình giáo dục được cải tổ : « Người An-nam dưới sự bảo hộ và quyền hành của chúng ta quả thật đã bị Trung-hoa giáo-dục ; hơn bao giờ hết tầng lớp nho sĩ đã bị lệ-thuộc Trung hoa về phương diện trí thức. Họ chỉ biết, chỉ hiểu qua Trung-hoa theo Trung-hoa và theo một cách lâu-dài. Đối với tầng lớp này, việc duy nhất là chuyển hướng giáo dục. Vấn đề trên sẽ mãi mãi còn như thế, bao lâu tình trạng hiện tại còn kéo dài, bao lâu người Tàu còn nắm vững vai trò ưu thế ở đây và bao lâu chưa thay thế chữ Pháp được coi như thượng tầng cơ sở giáo dục. »5 B. CHỮ QUỐC NGỮ TRONG CÁC THÔNG TƯ, NGHỊ ĐỊNH Ngay từ hồi mới chiếm Nam kỳ, nhà cầm quyền Pháp đã quyết định bác bỏ chữ nho và cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong các giấy tờ chính thức và sau đó trong các trường học bằng các nghị định, thông tư của Thống-đốc Nam kỳ. NGHỊ ĐỊNH 22.2.1869 Nghị định về chữ viết của tiếng An-nam bằng mẫu tự Âu châu trở thành bó buộc trong giấy tờ chính thức. Điều 1. Kể từ 1.4.1869 tất cả giấy tờ chính thức : nghị định, quyết định, án lệnh, phán quyết, thông tư v.v… đều sẽ được viết và công bố bằng mẫu tự Âu-châu, với những chữ ký của các người có thẩm quyền. Điều 2. Không một bản dịch nào những văn thư đó bằng chữ nho sẽ có tính cách đích thực và chỉ có thể được nhận với tư cách chỉ dẫn ; nhưng một bản dịch bằng chữ nho các nghị định và luật lệ để dán thông cáo sẽ được để trên cùng một tờ giấy, bên bản văn bằng tiếng An-nam. G. OHIER (Recueil de la Législation et Réglementation de la Cochinchine 1er Janvier 1880, II. Trg. 272) QUYẾT ĐỊNH NGÀY 18.3.1869 VỀ GIA ĐỊNH BÁO6 Phó Đề-đốc, quyền Thống-đốc, Tổng tư lệnh… Chiếu nghị định ngày 22.2.1868 về những giấy tờ chính thức được công bố bằng tiếng An-nam phải được viết bằng mẫu tự La-tinh quyết định. 1. Tờ Gia-định báo sẽ ra lại ngày thứ hai từ 1/tháng 4. 2. Giá báo hằng năm sẽ tăng 20 quan. 3. Gia định báo được tiếp tục xuất bản dưới sự coi sóc của Ông Potteau ; với chức vụ đó, đương sự sẽ nhận lãnh thêm một phụ cấp 1200 quan mỗi năm. 4. Giám đốc nội vụ đảm nhận thi hành lệnh trên. OHIER * Mười năm sau, với nghị định 6.4.1878 người Pháp mới thực sự thi hành việc cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong hành chánh. Tuy nhiên họ cũng phải để một thời gian 4 năm mới thi hành trong toàn cõi Nam kỳ (1882). Trong thời gian đó, có nhiều nghị-định được ký thi hành việc cưỡng bách trên trong những tỉnh mà họ cho là đã đủ điều kiện. Việc cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong hành chánh và học chánh được nhà cầm quyền Pháp (các Đề đốc) coi như một chính sách quan trọng hàng đầu, nên họ đặc biệt chú ý, và tìm mọi cách ngoài việc cưỡng bách trên để thi hành triệt để và nhanh chóng việc truyền bá quốc ngữ, chẳng hạn khuyến khích bằng những giải thưởng cho những người Pháp học chữ quốc ngữ, những tiền thưởng cho những giáo viên dạy chữ quốc ngữ, hoặc mở kỳ thi soạn một cuốn niêm giám để truyền bá quốc ngữ. Văn thư của Béliard và của Le Myre de Vilers gửi trong nội bộ để nói về các nghị định cho thấy những chủ đích chính trị của thực dân khi cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong hành chánh, học chánh. Chính sách đồng hóa triệt để mà thực dân Pháp muốn thực hiện gặp phải một trở ngại : sự bất đồng ngôn ngữ. Không thể bắt dân chúng bản xứ nói ngay tiếng Pháp, nhưng ít ra phải thực hiện được một chữ viết chung (mẫu tự La-tinh, pháp). Do đó chữ quốc ngữ đã trở thành một công cụ chính trị có một tầm quan trọng rất lớn trong con mắt của các Đề đốc, Thống đốc vì họ tin nó sẽ tiêu diệt được mau chóng ảnh hưởng tai hại của chữ nho – là một cản trở lớn lao của chính sách đồng hóa. NGHỊ ĐỊNH 6.4.1878 VỀ VIỆC DÙNG CHỮ AN-NAM BẰNG MẪU TỰ LA-TINH Quan Phó Đề đốc, Thống đốc, và tổng tư lệnh… Xét rằng chữ viết của tiếng An-nam bằng mẫu tự La-tinh ngày nay đã khá phổ thông trong các tỉnh Nam kỳ, là thứ chữ dễ học hơn chữ nho và tiện lợi nhiều so với chữ nho trong việc làm cho những giao dịch giữa các quan cai trị với dân bản xứ được trực tiếp hơn. Xét rằng việc dùng hợp pháp thứ chữ đó chỉ làm cho dân chúng dễ đồng hóa với chính quyền ta, và vì thế thật là một đường lối chính trị tốt nếu bắt buộc dùng nó trong các giao dịch chính thức. Tuy nhiên, xét rằng một cải cách quan trọng như thế không thể thực hiện được ngay tức khắc, và để thực hiện nó, cần có sự cộng tác của những tầng lớp lãnh đạo trong dân chúng. Chiếu đề nghị của quyền Giám đốc nội vụ, sau khi hội đồng tư vấn đã được hội ý kiến, nay ra nghị định : Điều 1. Kể từ 1.1.1882 tất cả những văn kiện chính thức, nghị định quyết định, sắc lệnh, phán quyết, chỉ thị v.v… sẽ được viết, ký và công bố bằng chữ mẫu tự La-tinh. Điều 2. Kể từ ngày trên, không một tuyển dụng nào được thi hành, không một thăng trật nào được cho phép, trong ngạch phủ, huyện, tổng, đối với bất cứ ai không ở trong tình trạng viết được chữ quốc ngữ. Điều 3. Kể từ ngày trên và đến 1.1.1886 mọi hương thân sẽ được miễn thuế thân, mọi hương hào sẽ chỉ trả một nửa thuế thân và mọi biên lai sẽ được miễn tạp dịch nếu ở trong tình trạng có thể viết được quốc ngữ. Điều 4. Kể từ ngày 1.1.1886 không ai được giữ những chức vụ kể trên nếu không biết đủ chữ quốc ngữ. Tuy nhiên biện pháp trên được miễn cho những người trước thời kỳ đó đã tỏ ra mẫn cán và liêm khiết trong việc thi hành chức vụ. Việc giữ họ lại trong ngạch trật sẽ do Giám đốc nội vụ quyết định, chiếu đề nghị các quan cai trị. Điều 5. Quan Giám đốc nội vụ phụ trách thi hành nghị định này, sẽ được đăng và công bố những nơi nào xét ra cần thiết. Saigon 6.4.1887 LAFONT Bulletin officiel de la cochinchine française 1878 (trg 110-111) THÔNG TƯ CỦA GIÁM ĐỐC NỘI VỤ 10.4.1878 Về việc gởi nghị định liên quan đến sự thay thế chữ nho bằng mẫu tự La-tinh gọi là quốc ngữ trong các văn thư chính thức. Tôi hân hạnh gởi Quí vị kèm theo đây nghị định của Thống-đốc ký ngày 6 tháng này liên hệ đến việc thay thế kể từ 1.1.1882 chữ nho bằng mẫu tự La-tinh gọi là quốc ngữ trong các văn thư chính thức. Xin Quí vị phổ biến nghị định trên mà Quí vị sẽ hiểu tất cả tầm quan trọng của nó đến những người Quí vị cai trị mà phải quảng cáo nó càng mạnh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chúng ta sẽ rất lợi cả về mặt chính-trị lẫn thực tế, nếu làm tiêu tan dần dần chữ nho mà việc dùng thứ chữ đó chỉ có thể có một ảnh hưởng tai hại đối với công trình đồng hóa mà chính phủ đang dồn mọi nổ lực thực hiện. BÉLIARD (Giám Đốc Nội-vụ) NGHỊ ĐỊNH 23.7.1879 Thiết lập những tiền thưởng cho các công chức, nhân viên v.v… được chứng minh là biết tiếng An-nam. Thống đốc Nam kỳ xét rằng sự phổ thông việc học tiếng An-nam ở nơi những công chức và nhân viên làm việc ở Nam kỳ là điều rất quan trọng. Chiếu đề nghị của Giám đốc Nội vụ, Hội đồng Tư vấn được tham khảo. Nay ra nghị định : 1. Những công chức và nhân viên mọi ngạch hành chánh dân sự ở Nam kỳ, các Quan Tòa, sĩ quan và hạ sĩ quan phụ trách việc chỉ huy binh lính, nếu được chứng minh trước một Hội đồng Giám khảo, là biết tiếng An-nam sẽ được thưởng trong thời gian ở thuộc địa, một trợ cấp hằng năm là 100$ về viết được chữ quốc ngữ, và tiền thưởng đó sẽ được tăng lên 200$ về viết được chữ nho. 2. Những người được thưởng sẽ phải thi lại sau năm (5) năm để chứng minh vẫn biết tiếng An-nam. 3. Một nghị định sau sẽ ấn định thành phần Hội đồng Giám khảo. 4. Những quan cai trị việc bản xứ, thông ngôn mà sự hiểu biết tiếng Việt là bó buộc, sẽ không kể trong nghị định này. 5. Ông Giám đốc Nội vụ phụ trách việc thi hành nghị định này. LE MYRE DE VILERS QUYẾT ĐỊNH 5.9.1879 Thành lập một Ủy ban chấm thi những thí sinh cấp I muốn được giải thưởng về lớp học tiếng An-nam. Giám đốc Nội vụ : Chiếu điều 3 nghị định ngày 23.7.1879 trao một phần thưởng cho những công chức, nhân viên v.v… được chứng minh trước một Hội đồng Giám khảo là biết tiếng An-nam theo đúng những chỉ thị của Thống đốc. Nay quyết định : 1. Một Ủy ban gồm : - Ô. DE CHAMPEAUX, Thanh tra bản xứ vụ, Chủ tịch. - Ô. POTTEAUX, Bí thư, thông ngôn của Thống đốc, Ủy viên. - Ô. BENOT, Bí thư, thông ngôn của Thống đốc, Ủy viên. - Ô. HUC, Thông ngôn chính bậc nhất, Ủy viên. - Ô. PAULUS CỦA, Đốc phủ hạng nhất, Ủy viên. Được đề cử chấm những học sinh cấp I muốn lãnh giải thưởng lớp học tiếng An-nam. 2. Kì thi trên sẽ vào ngày 1.10.1879 từ 8 giờ sáng, ở địa điểm dành cho các lớp dạy công cộng về tiếng An-nam. Kỳ thi gồm những môn sau đây : - Thi viết : Dịch Pháp ra Việt và Việt ra Pháp – Hệ số 6. - Thi vấn đáp : dịch một tác phẩm văn xuôi để viết bằng chữ quốc ngữ – Hệ số 6. - Đối thoại bằng tiếng An-nam với một người bản xứ – Hệ số 8. - Nói chuyện bằng tiếng Pháp và tiếng An-nam (Giám khảo nói tiếng Pháp và thí sinh trả lời tiếng An-nam). Điểm sẽ cho từ 0 đến 20 nhân với hệ số để có tổng điểm ; phải được 2/3 tối đa số điểm mới đậu. BÉLIARD QUYẾT ĐỊNH 8.10.1879 Chiếu quyết định ngày 23.7.1879 mở kỳ thi đạt giải thưởng cho những công chức học tiếng An-nam, quyết định công bố kết quả kỳ thi : hai người Pháp là COSTE và CAFFORT đủ điểm được thưởng mỗi người 100$ trích ở ngân sách thuộc địa. LE MYRE DE VILERS THÔNG TƯ 28.10.1879 Về việc bãi bỏ chữ nho và dùng những mẫu tự La-tinh trong thư từ chính thức. Nhu cầu đầu tiên của nhà cai trị là tiếp xúc đều và thẳng với dân chúng. Người Anh đã rất hiểu điều đó, nên sau 4 năm chiếm đóng mũi « Hy vọng Tốt » (Bonne espérance), họ đã tuyên bố tiếng Anh là chính thức, người Đức thì cấm dùng tiếng Pháp trong các trường ở Alsace Lorraine. Ở Nam kỳ, chúng ta gặp những khó khăn đặc biệt vì tính chất khác nhau của các chữ viết. May mắn thay, việc sáng chế ra chữ quốc ngữ đã cho phép chia sẻ vấn đề ; bây giờ có thể chấp thuận một chữ viết chung mặc dầu phải duy trì sự khác biệt tiếng nói. Vậy mục đích của chúng ta là phải truyền bá mẫu tự La mã, và chúng ta sẽ đạt tới mục đích trên dễ dàng vì người bản xứ đã hiểu họ rất có lợi nếu dùng thứ chữ đó, mỗi khi họ cần phải tiếp xúc với nhà cầm quyền cai trị. Trong 10 Thỉnh nguyện, đến 9 được viết bằng chữ quốc ngữ. Đàng khác việc dùng chữ nho là một cản trở lớn lao đối với sự phát triển nền văn minh Âu châu ; vậy mọi nổ lực của chúng ta phải nhằm xóa bỏ cản trở đó… Những mẫu tự La-tinh sẽ được dùng để viết thư từ chính thức với tất cả những làng biết thứ chữ trên. Một vài đồng nghiệp của Quí vị nêu thắc mắc với tôi rằng số làng biết chữ viết bằng mẫu tự La-tinh quá ít. Điếu đó không quan hệ, điểm quan trọng là phải bắt đầu. Nếu chỉ một làng trong quận của Quí vị biết, điều đó đã đủ lúc ban đầu : sự tiến bộ mà chúng ta đang theo dõi rất cần thiết, đến nỗi nó không thực hiện được với thời gian nếu, chiếu theo những nhu cầu đích thực của xứ này và quyền lợi của nước Pháp chúng ta theo đuổi công trình này một cách nhẫn nại, tôi tin chắc rằng sau 10 năm, chúng ta có thể cấm dùng chữ nho. Mỗi lần những làng của một tổng có thể thực hiện được, tôi sẽ ra một Nghị định riêng về việc chỉ dùng chữ quốc ngữ ở địa hạt đó trong các giấy tờ chính thức và hành chánh. Tôi cũng không ngần ngại phát những trợ cấp lúc ban đầu từ 50 đến 100 quan cho những làng nào viết được các công văn bằng chữ quốc ngữ. LE MYRE DE VILERS NGHỊ ĐỊNH 1.12.1879 Bó buộc dùng chữ quốc ngữ trong các giấy tờ chính thức ở 3 tổng địa hạt Cần Thơ. Thống Đốc Nam Kỳ, Chiếu Nghị định ngày 6.4.1878 bắt buộc dùng chữ viết bằng mẫu tự La-tinh, gọi là quốc ngữ, kể từ ngày 1.1.1882 trong các văn kiện chính thức viết bằng tiếng An-nam. Xét rằng nghị định đó chỉ có thể thực hiện dần dần tùy theo chữ viết bằng mẫu tự La-tinh đã được khá phổ thông trong các quận. Chiếu đề nghị của Giám-đốc Nội vụ, Hội đồng Tư Vấn được tham khảo, Nay ra Nghị định : 1. Kể từ ngày ban hành Nghị định này, việc dùng chữ quốc ngữ sẽ bắt buộc trong việc soạn thảo các giấy tờ chính thức bằng tiếng An-nam trong tất cả các tổng Đình Bảo, Đình Thới, và Đình An thuộc địa hạt Cần Thơ. 2. Giám đốc Nội vụ phụ trách thi hành Nghị định trên và công bố khắp nơi xét ra cần thiết. LE MYRE DE VILERS NGHỊ ĐỊNH 4.12.1879 Mở một kỳ thi trong thuộc địa để biên soạn một niên giám bằng quốc ngữ. Thống Đốc Nam kỳ, Xét rằng cần thiết cung cấp cho người An-nam những sách bằng quốc ngữ và trong các sách, cuốn dễ đi sâu vào phong tục hơn cả là niên giám. Chiếu đề nghị của Giám đốc Nội vụ, Hội đồng Tư vấn được tham khảo, Nay ra Nghị định : Điều 1. Một kỳ thi tuyển sẽ được mở trong thuộc địa để biên soạn một cuốn niên giám bằng quốc ngữ. Sách không được quá 100 trang, khổ 16. Điều 2. Bản thảo phải gửi về Giám đốc Nội vụ chậm nhất vào ngày 1.6.1880, ở trang đầu phải dành một chỗ để ghi kí hiệu, và tác giả sẽ đề tên trong một phong bì dán kín chỉ được mở sau khi đã duyệt xong công-trình của các bản biên khảo. Điều 3. Một Ủy ban đặc biệt mà thành phần sẽ ấn định sau, sẽ xếp hạng các bản thảo theo thứ tự công trình đáng kể. Điều 4. Ba giải thưởng trị giá 500, 300, 200 quan sẽ được phát cho 3 bản hay nhất. Điều 5. Những bản thảo được thưởng sẽ thuộc quyền sở hữu của nhà cầm quyền. LE MYRE DE VILERS QUYẾT ĐỊNH 2.8.1880 Về những người giải thưởng biên soạn cuốn niên giám : - Giải nhất : Nguyễn Văn Lợi, Thông ngôn ở Tư pháp, sách mang tên là Pháp – An-nam. - Giải nhì : Giám đốc chủng viện Saigon để chia cho các Chủng sinh đã soạn sách mang tên : Miscuit utile dulci. - Giải ba : Lê Văn Thông, Giáo sư Trường Chasseloup Laubat. - Giải bốn : Trần Công An. LE MYRE DE VILERS QUYẾT ĐỊNH 18.8.1880 Về những thí sinh đã trúng tuyển trong kỳ thi về hiểu biết tiếng An-nam và chữ nho. Có 6 người Pháp công chức được thưởng. QUYẾT ĐỊNH 7.2.1881 Bó buộc dùng chữ quốc ngữ trong các giấy tờ chính thức ở các xã thuộc địa hạt Gò Công. LE MYRE DE VILERS NGHỊ ĐỊNH 26.9.1881 Bó buộc dùng chữ quốc ngữ trong các giấy tờ chính thức ở các tỉnh Cần Thơ, Hà Tiên, Thủ Dầu Một, Trà Vinh ở quận 20 và một số quận thuộc các tỉnh Biên Hòa, Tân An, Sóc Trăng, Bến Tre và Châu Đốc. A. DE TRENTINIAM NGHỊ ĐỊNH 30.1.1882 Bắt buộc việc dùng mẫu tự Pháp trong các giấy tờ chính thức viết bằng tiếng An-nam. Thống Đốc Nam Kỳ, Chiếu Nghị định ngày 6.4.1878 bắt buộc dùng mẫu tự Pháp trong các giấy tờ viết bằng tiếng An-Nam, kể từ ngày 1 tháng giêng năm 1882. Chiếu Nghị định ban hành những năm 1870, 1880, 1881, qui định áp dụng biện pháp trên một cách dứt khoát trong nhiều quận của thuộc địa. Xét rằng hiện nay, chữ viết bằng mẫu tự La-tinh đã phổ thông đủ để có thể áp dụng một cách tổng quát Nghị định kể trên. Theo đề nghị của Giám đốc Nội vụ, Sau khi Hội đồng Tư vấn đã được hội ý kiến, Nay ra Nghị định : Điều 1. Kể từ ngày hôm nay, việc chỉ dùng những mẫu tự Pháp trở thành bắt buộc trên toàn cõi Nam kỳ thuộc Pháp, trong những giấy tờ chính thức viết bằng tiếng An-nam. Điều 2. Giám đốc Nội vụ phụ trách thi hành. Nghị định này sẽ được đăng và thông cáo những nơi nào xét ra cần thiết. Saigon, le 30.1.1882 LE MYRE DE VILERS NGHỊ ĐỊNH 17.3.1879 Về tổ chức nền học chánh mới ở Nam Kỳ. Trong Nghị định này, điều ba phần I về qui chế trường công, tư, những làng có trường dạy chữ nho không cần xin phép, những Thầy dạy quốc ngữ sẽ được thưởng tùy số học sinh theo học nhiều hay ít. Phần II, về điều kiện nhập học, điều 12, biết chữ quốc ngữ không phải là điều bó buộc, nhưng nếu biết sẽ được kể trong việc xếp hạng với một điểm riêng. Phần III, về chương trình học, ở cấp I (3 năm) có dạy chữ quốc-ngữ (gồm tứ thư, kể chuyện bằng quốc văn, tập đọc quốc ngữ.) Cấp 2 (3 năm) có học cả chữ nho và quốc ngữ, hai lớp một tuần gồm tứ thư, sử địa An-nam. Cấp 3 (4 năm) tứ thư, các văn thư khế ước thông dụng, sử địa An-nam lớp quốc văn mỗi tuần. LAFONT NGHỊ ĐỊNH 14.6.1880 Thiết lập ở mỗi làng, thị xã của quận không có trường dạy tiếng Pháp sẽ mở một trường dạy chữ quốc ngữ. Thống đốc Nam kỳ, Chiếu Nghị định ngày 17.3.1879 tổ chức lại nền học chánh. Chiếu việc thiết lập một Hội-đồng thuộc-địa và những cố gắng của Chính Phủ để càng ngày càng kết hợp người bản xứ với những dự định nhằm cải thiện tình hình kinh tế xứ sở. Xét rằng quyền lợi người An-nam là phải biết những việc làm của chính phủ liên quan đến mình. Xét rằng chỉ việc dùng nhà in chữ Pháp (quốc ngữ) mới có thể gia tăng những giao dịch giữa nhà cầm quyền và dân chúng. Chiếu đề nghị của Giám-đốc Nội-vụ, Hội đồng Tư vấn đã được tham khảo, Nay ra nghị định : 1. Mỗi làng, thị xã của Tổng không có trường Pháp, sẽ thiết lập một trường dạy chữ quốc ngữ. 2. Trong trường hợp thiếu ngân khoản, các làng khác trong tổng sẽ góp phần vào các chi phí bằng một quỹ tương trợ. Quan cai trị những việc bản xứ của quận, được Chánh tổng hoặc Lý trưởng trợ tá, sẽ ấn định phần đóng góp của mỗi làng. 3. Những làng nhỏ có một trường dạy chữ quốc ngữ sẽ được miễn mọi thuế đóng góp cho trường hàng tổng. 4. Những giáo viên An-nam dạy ở trường dạy chữ quốc ngữ, mà dạy thêm một ít tiếng Pháp sẽ được nhà nước thuộc địa thưởng 200 quan mỗi năm. 5. Tạm thời, Lý trưởng các làng ở Nam kỳ thuộc Pháp sẽ nhận mà không phải trả tiền tờ Công báo : Gia-định báo, bằng quốc ngữ. Một bản dịch bộ Hình Luật bằng quốc ngữ cũng sẽ được phát không cho mỗi làng. 6. Giám đốc Nội vụ phụ trách thi hành Nghị định này mà các điều khoản sẽ phải được thực hiện trước ngày 1.1.1881. LE MYRE DE VILERS * 30 năm sau, chữ quốc ngữ mới được áp dụng chính thức ở Bắc kỳ, nhưng khác một điều là vẫn duy trì chữ nho bên cạnh chữ quốc ngữ. Trong văn thư gửi cho các Công-sứ, Thống-sứ Bắc kỳ nêu lên những lý do đưa nhà cầm quyền đến quyết định ra lệnh dùng chữ quốc ngữ trong các giấy tờ công văn ; dựa vào việc áp dụng có kết quả tốt ở Nam kỳ, nay có thể đem thực hiện ở Bắc kỳ nhằm hai mục tiêu chính : 1. Làm cho dễ dàng việc giao dịch giữa người Pháp và người Việt, và giữa người việt với người việt về mặt hành chánh. 2. Tăng cường phát triển ảnh hưởng Pháp, bằng tuyên truyền, cổ võ thuyết phục những đường lối chính sách thực dân đề ra. Tuy nhiên việc bắt buộc dùng chữ quốc ngữ không kèm theo việc xóa bỏ chữ nho vì chữ quốc ngữ không đủ để diễn tả tư tưởng, khoa học và văn hóa, nhưng nhất là vì chữ nho gắn liền người dân với đạo lý. Kinh nghiệm ở Nam kỳ cho thấy việc bỏ chữ nho đã gây nên một sự sa sút về đạo đức trong dân chúng. Do đó, « việc học chữ nho là cần thiết để người An-nam khỏi mất liên lạc với văn chương cổ điển và với văn minh Trung quốc, đó là nguồn gốc tổ chức gia đình, xã hội, hành chánh, phong tục tập quán tư tưởng, tín ngưỡng, và sau cùng những lề lối cư xử từ bao thế kỷ đã cấu tạo đời sống tinh thần, luân lý của họ ». Trong những bản báo cáo chính trị của Thống sứ Bắc kỳ gửi Toàn quyền và của Toàn quyền gửi Tổng trưởng Thuộc địa (1910) đoạn nói về chữ quốc ngữ, cũng nêu những lý do, mục đích tương tự kể trên. BƯU THỊ 17.2.1910 Về việc phổ biến chữ quốc ngữ được chấp thuận để ghi chép những văn thư chính thức. Thông sứ gửi các Công-sứ, quan đầu tỉnh Hà-nội ngày 17.2.1910. Việc hiểu biết chữ quốc ngữ càng ngày càng được lan rộng trong đám dân chúng bản xứ ngày nay đã nhận thấy lợi ích thực tiễn của thứ chữ viết đó. Việc phổ biến càng nhanh chóng nếu nền hành chánh chấp thuận chữ quốc ngữ để ghi chép những văn thư chính thức, những thông cáo, thông báo v.v… như đã làm một cách thành công ở Nam kỳ. Thật là hay nếu thử áp dụng theo chiều hướng đó và tôi nghĩ rằng đã đến lúc làm công việc trên. Đã hẳn ở Bắc kỳ, việc dịch ra chữ nho sẽ kèm theo bản văn bằng quốc ngữ. Tôi yêu cầu quí vị cho biết ý kiến về vấn đề này. Tôi không cần phải nhắc kinh nghiệm của Quí vị và sự am hiểu xứ sở của Quí vị chắc hẳn đã cho Quí vị thấy việc phổ biến chữ quốc ngữ chỉ có thể rất lợi ích cho việc phát triển ảnh hưởng của chúng ta trong xứ này là làm cho sự giao thiệp của chúng ta với dân bản xứ được dễ dàng. SIMONI (Bulletin de l’administration du Tonkin Tập-San Hành chánh Bắc kỳ, 1910, tr. 303) THÔNG TƯ 1.6.1910 Về việc phổ biến chữ quốc ngữ. Quyền Thống sứ Bắc kỳ gởi Công-sứ các tỉnh Bắc kỳ, Đốc lý Hà-nội và Hải phòng và các Tư lệnh khu Quân sự. Hà-nội, ngày 1 tháng 6 năm 1910. Qua Bưu thị số 31 ngày 17.2.1910 vừa rồi, tôi đã hỏi ý kiến Quí vị về việc dùng chữ quốc ngữ thuận tiện hay không, đồng thời với chữ nho để ghi chép những văn kiện chính thức, Quí vị đã đồng thanh nhìn nhận lợi ích của một biện pháp như thế. Vậy chỉ còn cần xác định rõ tầm mức và những điều kiện áp dụng. Không có vấn đề bỏ chữ nho và thay thế bằng chữ quốc ngữ. Mọi ghi âm tiếng An-nam, nhất là tiếng Hán-Việt vẫn luôn luôn phải làm và dễ gây lẫn lộn. Số âm tiếng An nam hay Hán-Việt rất hạn chế, một âm đôi khi chỉ thị nhiều tiếng và ý tưởng khác nhau và luôn luôn rất khó phân biệt nếu không dùng chữ nho. Hễ khi nào muốn cho những bản văn có một lối viết chắc chắn một chút hoặc để diễn tả những ý tưởng trừu tượng, tổng quát, chữ quốc ngữ, trong tình trạng hiện thời vẫn còn thiếu sót. Đàng khác việc học chữ nho luôn luôn là cần thiết đối với người An-nam để khỏi mất liên lạc với văn chương cổ điển và với văn minh Trung-hoa, đã là nguồn gốc tổ chức gia đình, xã hội, hành chánh, nhiều phong-tục, tập truyền, tư tưởng, niềm tin và sau cùng những lề lối cư xử từ bao thế kỷ đã cấu tạo đời sống tinh thần, luân lý của họ. Người ta nhận thấy việc xóa bỏ chữ nho đã gây nên ở Nam kỳ một trở ngại lớn trong xã hội người bản xứ vì trình độ đạo đức của dân chúng bị sa sút. Nhưng nếu việc học chữ nho là cần thiết đối với người bản xứ về phương diện đào tạo trí thức và đạo đức, thì việc ghi âm tiếng An-nam bình dân có thể tạo nhiều ích lợi vô kể cho toàn dân vì làm cho những giao thiệp hằng ngày được dễ dàng, làm cho mọi người được trực tiếp liên lạc với hành chánh và được biết một cách dễ dàng những giấy tờ chính thức hoặc những quyết định của nhà cầm quyền. Thật vậy, một người An-nam trí khôn thường có thể đọc chữ quốc ngữ trong vài tháng, trong khi việc học chữ nho cần nhiều năm cố gắng liên tục. Cũng như về việc phổ thông những kiến thức khoa học cần thiết cho đời sống hiện đại, chữ quốc ngữ có thể giúp ích nhiều vì làm cho tất cả mọi người đều đọc được những sách khoa học mà không cần biết chữ nho. Vậy mà phương thức tốt nhất để truyền bá chữ quốc ngữ là tạo cho nó một chỗ đứng bên cạnh chữ nho trong việc ghi chép những tài liệu chính-thức và văn thư hành chánh. Do đó, từ nay cần phải đổi tất cả những văn kiện để công bố : Nghị định, Quyết định, Lệnh truyền, Thông tư, Phán quyết v.v… đều phải được viết ra chữ quốc ngữ. Cũng phải dùng chữ quốc ngữ trong thư từ giao dịch giữa các quan ta và dân chúng kể từ năm tới, rất mong những sổ hộ tịch có thể được in bằng chữ quốc ngữ cũng như bằng chữ nho. Để bảo đảm cho việc cải cách được thành công, phải làm sao cho những công chức thuộc văn phòng, các quan đầu tỉnh cũng như quan Phủ, Huyện được học quốc ngữ. Những lớp dạy sẽ được tổ chức ở các tỉnh đường và ở các trụ sở các quận, hoặc bất cứ ở chỗ nào nhận ra là cần thiết. Việc tìm ra những giáo thụ, huấn đạo, hoặc những công chức khác không phải là chuyện khó, chẳng hạn những hậu bổ trẻ tuổi có thể giảng dạy đủ. Sau một năm, tất cả những người làm việc với các quan không biết đọc viết thạo chữ quốc ngữ sẽ không được thăng ngạch. Còn đối với những Chánh, Phó Tổng, Lý trưởng, trong những đề nghị thăng thưởng, cần phải chú ý xem họ có sốt sắng với việc học chữ quốc ngữ và phổ biến việc dùng thứ chữ đó hay không. Quí vị có thể hành động trong việc áp dụng những biện pháp kể trên tùy theo kinh nghiệm của quí vị cho thấy là cần thiết để tránh đụng tới những tình cảm của người bản xứ. Mục đích của chúng ta không phải là áp đặt cho họ một cải tổ bằng cách xóa bỏ chữ viết truyền thống của họ nhưng chỉ nhằm đề nghị với họ một lợi khí truyền thống thuận tiện. Tất cả những người bị những nhu cầu sinh sống thúc đẩy, không có giờ học chữ nho, sẽ chấp nhận chữ quốc ngữ và sử dụng nó càng ngày càng nhiều khi họ càng cảm thấy nó tiện lợi. Những kết quả của phong trào bộc phát nay sẽ vừa làm cho người An-nam hài lòng, vừa làm cho ảnh hưởng của chúng ta được phát triển. Vì tất cả những gì, tự nó thuận lợi cho việc giao thiệp giữa dân tộc được bảo hộ và người đi bảo hộ và làm cho họ hiểu biết lẫn nhau hơn chỉ có thể đem lại lợi ích đồng đều cho cả hai. P. SIMONI (Tập San Hành Chánh Bắc kỳ 1910, trang 766-767) THÔNG TƯ SỐ 472 Bưu thư thông tư về việc soạn thảo những Án lệnh và thư từ chính thức bằng quốc ngữ. Thống sứ Bắc kỳ gởi các Công sứ, Quan tư các vùng Quân sự, Đốc lý Hà nội, Hải phòng. Tôi hân hạnh tin Quí vị hay không một bản văn pháp lý nào ấn định một cách bắt buộc phải được viết bằng chữ nho những án lệnh của Tòa án An-nam, và cả những giấy tờ về thủ tục kèm theo ; không có một trở ngại nào về việc có thể soạn thảo thẳng bằng quốc ngữ tất cả những tài liệu liên hệ. Tôi cũng không thấy bất tiện nào trong cả việc soạn thảo thư từ hành chánh giữa nhà cầm quyền bản xứ và Tòa Công sứ ; một sự dễ dãi nhằm giản dị hóa việc làm bàn giấy và tránh được khỏi mất nhiều thời giờ, đàng khác đó cũng là áp dụng những chỉ thị đã nêu lên trong thông tư số 75 ngày 1.6.1910 về việc phổ biến chữ quốc ngữ. Tôi yêu cầu Quí vị thông báo những chỉ thị trên cho các Quan đặt dưới quyền kiểm soát của Quí vị. P. SIMONI (Tập san Hành Chánh Bắc kỳ 1912, tr. 891) NGHỊ ĐỊNH 16.11.1906 Cải tổ học chánh bản xứ theo sắc lệnh của Nhà Vua ngày 31.5.1906. Nghị định tương tự nghị định áp dụng ở Trung kỳ. (Tập san Hành Chánh Bắc kỳ 1906, tr. 1163) THÔNG TƯ 4.1.1907 Về việc tổ chức lại học chánh bản xứ do Thông sứ Bắc kỳ Groleau ký. Thông tư này giải thích Nghị định 16.11.1906. TRUNG KỲ : SẮC LỆNH CỦA NHÀ VUA VỀ CẢI CÁCH HỌC CHÁNH BẢN XỨ (1906) Vua Thành Thái ký một sắc lệnh ngày 31.5.1906 về cải cách học chánh bản xứ. Việc cải cách này chú trọng dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp, chấm dứt sự độc tôn của chữ Hán, nho học, ở Trung kỳ, Bắc kỳ, nhưng không bãi bỏ hẳn chữ Hán như ở Nam kỳ. Sắc lệnh cải cách của nhà Vua dựa trên một đề nghị của Hội đồng cải cách học chánh bản xứ được Toàn quyền Đông dương chấp thuận ngày 14.9.1906. Theo đề nghị trên học chánh được chia thành ba cấp : 1. Cấp ấu học.7 2. Cấp tiểu học. 3. Cấp Trung học. Chương trình cấp ấu học gồm hai phần : phần chữ nho, phần chữ quốc ngữ dạy luân lý và một vài kiến thức thông thường. Điều 16 qui định sau một tháng kể từ khi Nghị định này được ban hành, các người dạy học phải biết chữ quốc ngữ mới được nhà nước tuyển dụng. Điều 17 qui định tổ-chức những lớp học chữ quốc ngữ ở các quận, tỉnh cho các giáo viên. Ở cấp Tiểu học, Trung học cũng có những điều khoản tương tự về mở các lớp đào tạo huấn đạo, giáo thụ để dạy chữ quốc ngữ. NGHỊ ĐỊNH 30.10.1906 Của Thống sứ Trung kỳ về tổ chức Nha học chánh ở Trung kỳ. Trong phần nói về chương trình, có những điều khoản qui định dạy tiếng Việt và chữ quốc ngữ. NGHỊ ĐỊNH SỐ 297 Ấn định tiền phụ cấp cho các Giáo viên dạy chữ quốc ngữ 1.7.1907. Điều 1. Những Giáo viên dạy những lớp học chữ quốc ngữ trong 3 tháng ở mỗi tỉnh, sẽ nhận lãnh 10 đồng tháng đầu và 5$ mỗi tháng, 2 tháng sau. Điều 2. Những Giáo viên dạy chữ quốc ngữ ở Huế nhận lãnh 10$ mỗi tháng. Huế 1.7.1907 LEVECQUE THÔNG TƯ SỐ 86 Về việc mở trường dạy chữ quốc ngữ. Huế ngày 23.11.1911. Quyền Thống sứ Trung kỳ gửi các Công sứ Trung kỳ, trừ Thanh hóa. Quí vị, Quí vị đã được thông báo gần đây về quyết định của Hội đồng quan Phụ chánh về chương trình các kỳ thi Hương năm 1912. Nếu những bài thi Pháp văn kỳ này còn được tùy ý chọn, trái lại các thí sinh bắt buộc phải chứng tỏ có một hiểu biết hoàn toàn về chữ quốc ngữ. Do đó, bổn phận của hành chánh là tạo phương tiện cho họ được học thứ chữ trên. Việc học nầy chưa thể được thực hiện một cách đầy đủ do các Đốc học ở tỉnh, vì thế để đáp ứng mục đích trên, chúng ta cần phải nhờ đến những nhân viên học chánh Pháp Việt, và phải thiết lập bên cạnh trường dạy chữ nho, một trường dạy chữ quốc ngữ cho những thí sinh các kỳ thi Hương. Vì những lớp dạy trong trường này chỉ bổ túc cho những lớp của Đốc học, nên thật là rất lợi nếu những lớp đó được tổ chức ngay tại những nơi dành cho Ông Quan đó. Vậy nếu Quí vị có khả năng về ngân quỹ, Quí vị sẽ sắm sửa vật dụng thô sơ cần thiết như bàn ghế cho các lớp học mới. Tuy nhiên, nếu Quí vị không tìm ra ngân khoản để đáp ứng những chi tiêu trên, tôi chấp thuận cho các lớp học được tổ chức ở trường Pháp Việt. Nhưng muốn cho việc ở trường nầy thành công, điều cốt yếu là phải để cho Đốc học nắm quyền kiểm soát việc điều hành và tuyển dụng học trò. Khi nhận được thông tư này, xin Quí vị hãy tổ chức ngay một trường dạy quốc ngữ trên cơ sở những điều tôi vừa chỉ dẫn. Những lớp học sẽ do một hoặc hai Giáo viên thuộc ngạch bảo hộ dạy, và họ sẽ được trả phụ cấp hàng tháng là 5$ do quỹ tỉnh đài thọ (chương 4 điều 1). Tôi cũng xin lưu ý Quí vị số học sinh mà mỗi Giáo sư có thể dạy trong những điều kện tốt là 25 người, đàng khác vì ngày thi còn xa, nên những lớp học sẽ được tổ chức hai lần mỗi tuần, và sau cùng thật là tiện lợi, nếu những Giáo viên mà Quí vị chỉ định sẽ là những Giáo viên thuộc ngạch học chánh Pháp Việt. Những người này tất cả đều có phương pháp Sư phạm điều mà các nhân viên thuộc các ngạch khác không có, dù họ có thông minh và hiểu biết nhiều đến đâu đi nữa. Việc mở trường này được sự thỏa thuận của Bộ. Và Bộ chắc cũng sẽ gửi một thông tư tương tự cho các Quan đầu tỉnh. H. SESTIER8 C. CHỮ QUỐC NGỮ TRONG CÁC BÁO CÁO CHÍNH TRỊ Chữ quốc ngữ được các Đề đốc cai trị Nam kỳ bắt buộc sử dụng trong hành chánh, học chánh ngay từ buổi đầu thiết lập chế độ thuộc địa bằng những Nghị định kể trên. Chúng tôi chưa tìm ra những báo cáo chính trị của họ liên quan đến quyết định trên, những báo cáo này chắc chắn phải có và nằm trong văn khố « Hồ sơ Nam kỳ » ở Pháp.9 Trong « La Geste Française en Indochine » của Taboulet, Tome II10chúng tôi tìm thấy một « Tường trình về tình hình đế chế trong năm 1864 » gửi Thượng viện, trong đó có đoạn nói về việc áp dụng chữ quốc ngữ : « …Người ta đã lập trường Thông ngôn Pháp mà những môn học chỉ nhằm vào tiếng Việt viết bằng mẫu tự La-tinh, và người ta cũng đã thiết lập những trường cho người bản xứ. Việc du nhập mẫu tự La-tinh nhờ đó người ta có thể viết dễ-dàng tiếng An-Nam sẽ có một tầm giá-trị rất lớn lao cho việc thiết lập thuộc địa của chúng-ta. Nó có tác dụng làm cho người bản xứ khỏi phải dùng một thứ chữ khác để viết những qui-ước hoặc diễn tả tư tưởng của họ, và thay thế một ngôn ngữ dễ học vào thứ tiếng chỉ có cho những việc làm của nhà cầm quyền và đòi hỏi nhiều học-hành mà nhiều tâm trí phải ái ngại lùi bước ». Về chữ quốc-ngữ được áp dụng ở Bắc-Kỳ, chúng tôi mới nhờ chụp được hai bản báo cáo ở Văn khố Bộ Pháp quốc Hải ngoại Paris. 1. Báo cáo chính trị tam cá nguyệt 2, năm 1910 của toàn quyền Đông-dương gởi Tổng-trưởng thuộc địa (Sài-gòn ngày 24.8.1910) báo cáo về tình hình trong toàn cõi Đông dương. Trong phần về Bắc-kỳ có đoạn nói đến việc áp dụng chữ quốc-ngữ. 2. Báo cáo chính trị tam cá nguyệt 4, năm 1910 của thống xứ Bắc kỳ gởi toàn quyền Đông-dương (Hà nội ngày 14.1.1911) 36 trang đánh máy. Trong phần nói về học chánh, Thống sứ trình bày những lý do, lợi ích của việc truyền bá quốc ngữ. 1. PHÚC TRÌNH CỦA TOÀN QUYỀN GỬI TỔNG TRƯỞNG THUỘC ĐỊA Việc biết chữ quốc ngữ hiện nay đã phổ biến khá rộng trong giới dân chúng được chúng ta bảo hộ cho nên bất cứ người bản xứ nào muốn biết đều được học một cách dễ dàng. Đàng khác, việc học thứ chữ đó chỉ đòi hỏi rất ít cố gắng về trí tuệ và một thời gian ngắn. Do đó, nó vừa sức của mọi người. Và việc phổ biến hình như không gặp một cản trở nào. Việc phổ biến này thật đáng mong ước. Bằng cách làm cho những điều chúng ta viết được nhiều người đọc, chữ quốc-ngữ sẽ giúp chúng ta một cách mãnh liệt trong việc soi sáng và giáo hóa dân chúng. Bằng cách tăng gia việc giao dịch trực tiếp giữa người bản xứ và người Âu-Châu, nó sẽ thiết lập được một sự tiếp xúc mật thiết giữa người bảo hộ và người được bảo hộ. Những chỉ dẫn vừa kể trên đã đủ chứng tỏ tác dụng tốt của chữ quốc ngữ đối với việc phát huy ảnh hưởng của chúng ta trong xứ và do đó chứng minh lợi ích mà chúng ta cần phải gia tăng nhằm mục đích trên. Đã có quyết định bên cạnh những tài liệu chính thức bằng chữ nho để công bố sẽ còn kèm theo một bản văn bằng quốc ngữ. Về thư từ giữa quan bản xứ và hành chánh Pháp, giữa quan An-Nam với dân của họ, trong chừng mực có thể được cũng áp dụng quyết-định trên. Kể từ năm tới, sổ-sách hộ tịch sẽ in bằng quốc ngữ và chữ nho trong tất cả các làng mà những người biết chữ quốc ngữ sẽ làm cho biện pháp trên được thi hành dễ dàng. Trong một năm, tất cả những nhân viên bàn giấy của các quan không đọc, viết thạo chữ quốc ngữ sẽ không được thăng ngạch. Mọi sự dễ dàng sẽ dành cho họ để học biết thứ chữ đó. Sau cùng trong các đề nghị thăng trật cho các Chánh, Phó Tổng, và Lý trưởng, việc biết chữ quốc ngữ và lòng hăng say truyền bá nó sẽ được đặc biệt kể tới. Từ những biện pháp trên, hệ thống ghi âm này đã mặc một giá trị thực tiễn rất lớn đối với người bản xứ. Nó không còn như nhiều người nghĩ, là một cách ghi ý tưởng được phổ biến rất hạn chế, không chính thức và giới quan lại nho sĩ không thèm biết đến. Và những ai chỉ cố gắng chút ít để hấp thụ nó, từ nay chắc chắn tiếp thu được những kết quả cụ thể, sẽ hăm hở vùi đầu vào học thứ chữ đó. Những phương thức ấn định để áp dụng biện pháp trên không gặp một trở ngại nào… (Báo-cáo chính trị tam cá nguyệt 2 năm 1910, Toàn quyền Đông dương gởi Tổng trưởng thuộc địa Paris, Sàigòn ngày 24.8.1910, Klobukowsky, Văn Khố Bộ Pháp Quốc Hải ngoại ký hiệu C.10 A.20 (63). 2. PHÚC TRÌNH CỦA THỐNG SỨ BẮC KỲ GỬI TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG. Trong đoạn chót về « Tinh thần dân chúng » Thống sứ Bắc kỳ viết : Như thế không phải là hết người bất mãn. Luôn luôn vẫn còn một hạng gàn, những con cháu của quan lại thuộc chế độ cũ đã từ chức trong thời kỳ chinh phục hoặc thường xảy ra hơn, bị cách chức vì những hành động không trung thành với nhà nước bảo hộ, một hạng khác là những người đỗ đạt trong các kỳ thi văn chương hãnh diện với những cấp bằng của họ và bực tức khi thấy những chức vụ thường được trao cho người bản xứ không thông thạo như họ những kiến thức bằng chữ nho, nhưng lại có những kiến thức Tây phương và biết quốc ngữ. Phần lớn những người bất mãn gồm những nhà nho ít khả năng và bị loại trong các kỳ thi. Những ông sinh viên suốt đời đó không thể làm bất cứ một công việc nghiêm chỉnh nào vì chỉ biết có một nguồn cung cấp kiến thức là chữ nho. Họ kiếm ăn bằng cách dạy chữ nho hay thảo giấy tờ, đơn từ cho những tư nhân. Đó là những người cảm thấy họ không còn chỗ đứng trong trật tự mới đang được thiết lập nhờ ảnh hưởng của chúng ta. Do đó, thật dễ hiểu tại sao họ chống lại trật tự trên hết sức mình. Nhưng sự chống đối của họ không phải là không giảm trừ được. Dù sao chúng ta cũng giảm được một phần sự chống đối của họ. Việc cải tổ lại nền học chánh bản xứ đang được tích cực theo đuổi, sẽ giúp chúng ta rất nhiều về phương diện đó. Nhờ việc truyền bá chữ quốc ngữ, chúng ta giải thoát dân chúng khỏi sự lệ thuộc quá đáng của họ vào giới Nho sĩ. Nếu một số trong bọn họ không nhìn với con mắt thiện cảm những biện pháp liên quan đến việc truyền bá chữ quốc ngữ, quần chúng lại chấp thuận một cách hăm hở dụng cụ truyền thông tiện lợi mà chúng ta đã trao cho họ. Việc dạy dỗ mà chúng ta đã làm trong các trường hàng tổng, hiện nay được tổ chức trong tất cả các tỉnh lớn, bằng cách soi sáng họ, đã làm cho họ thấy các kiến thức của các nhà nho là vô bổ. Nhưng việc thay đổi những lề lối giảng dạy và hấp thụ một tinh thần suy luận sẽ vô cùng chậm trễ so với việc chấp nhận một thứ chữ viết mới. Chúng ta phải kiên nhẫn và nhờ vào sự trợ giúp của thời gian. Kỳ thi cuối năm cấp I vào 12 tháng Chạp, người ta nhận thấy hầu như ở khắp nơi, những bài thi bằng quốc ngữ một cách tổng quát không kết quả tốt bằng những bài thi bằng chữ nho. Tuy nhiên, số thí sinh đã tăng lớn lao : 13.955 đã dự thi, và gần 7.000 đỗ. Kỳ tháng giêng vừa qua chỉ 4.407 thí sinh trúng tuyển trong số 8.855. Hiện nay ở Bắc kỳ có hơn 11.000 thanh niên tỏ ra có một vốn kiến-thức thông thường được dạy trong các sách giáo khoa cấp I và hơn 20.000 biết chữ quốc ngữ. Chỉ nguyên kết quả sau cùng này cũng đã có một tầm quan trọng lớn lao về chính trị. Người ta có thể nói đó là từng ấy gia đình thoát khỏi sự thống trị của bọn nho sĩ. Kỳ thi tuyển còn cho chúng ta một nhận định khác rất lý thú, trong số những thí sinh đỗ, một phần ba thuộc học sinh các trường tư. Một số đông giảng viên chữ nho chính họ cũng phải tự biến cải việc giảng dạy của họ, vì thuận ý hay vì nhu cầu, và theo những lề lối và chương trình trường công. Đàng khác, việc đào tạo nhân viên giảng huấn cấp I còn cho phép chúng ta thu dụng một số nho sĩ và cung cấp cho họ một hoàn cảnh xứng đáng để sinh sống. Trường Sư phạm, vừa được tổ chức nhằm đào tạo giáo viên trường tổng, tuyển người học trong số các thí sinh trượt ở các kỳ thi triều đình. Kỳ thi nhập học vào trường này được tổ chức trong nhiều tỉnh trong tháng Chạp. Trường hậu bộ, năm ngoái được tăng cường một Ban Sư phạm cũng lôi cuốn càng ngày càng đông những người thi đậu các kỳ thi văn chương cũ. Kỳ thi nhập học Ban Sư phạm tổ chức tam cá nguyệt vừa qua, 93 thí sinh đều là Cử nhân hay Tú tài đã ghi danh, và 83 đã dự thi trong khi học bổng chỉ có 10. Do đó những nho sĩ xung-khắc với ảnh-hưởng của chúng ta càng ngày càng trở nên ít ỏi. Sau cùng, việc cải tổ học chánh bản xứ sẽ làm cho nền học chánh cổ truyền đó xích lại gần nền học chánh Pháp Việt và một ngày kia có thể sát nhập cả hai làm một. Sự sát nhập đó được chuẩn bị bằng cách tổ chức lại nền học chánh Pháp Việt như Hội đồng Cải cách Học chánh đã hiểu. Thực ra không nên dấu diếm việc sát nhập hoàn toàn sẽ rất khó thực hiện, nhưng có thể làm cho hai nền học chánh từ trước đến nay không có gì chung, xích gần nhau ; và chúng ta có một lợi ích chính trị lớn lao vào bậc nhất nếu biến đổi và bổ sung nền học chánh Pháp Việt bằng một nền văn hóa cổ truyền cần thiết. Lý do là vì chúng ta không thể ngăn chặn mãi mãi những thanh niên An-nam được đào tạo trong các trường của chúng ta vào các ngạch trật của nền hành chánh bản xứ. Vậy mà những người tốt nghiệp ở các trường trên hiện nay không có văn hóa cổ truyền và kiến thức cần thiết để được tuyển dụng làm quan. Do đó, cần thiết phải tổ chức nền học chánh Pháp Việt thế nào để các sinh viên đã theo học có thể được coi như ngang hàng với những người đậu các kỳ thi Hương Hội, sau khi họ tốt nhiệp. Đó là mối bận tâm trội bật trong các buổi thảo luận ở Hội đồng Cải Cách, nhưng phiền thay, tôi sợ rằng còn lâu mới thực hiện được tất cả những thỉnh nguyện của Hội đồng trên vì thiếu ngân khoản… (Báo cáo Chính trị và Kinh tế tam cá nguyệt 4, 1910, Phòng 2, Thống sứ Bắc kỳ gửi Toàn quyền Đông dương, Hànội ngày 1.1.1911, Ký hiệu A.20 (63). D. NHỮNG HOẠT ĐỘNG TRANH LUẬN CẢI CÁCH CHỮ QUỐC NGỮ Qua những tài liệu trên, chúng ta thấy thực dân Pháp đã nhận ra chữ quốc ngữ là một công cụ tốt, tiện lợi cho việc xâm lược tinh thần người Việt nhằm bảo vệ lâu dài chế độ thuộc địa (tuyên truyền ảnh hưởng Pháp và tiêu diệt ảnh hưởng nho sĩ). Trong con mắt của thực dân, chữ quốc ngữ chỉ là thứ chữ bình dân, không phải thứ chữ của văn hóa, chữ Pháp, chữ nho mới là chữ văn hóa. Tuy nhiên nó là bình dân tiện lợi, dễ học nên phải điều chỉnh cho nó thật hợp lý. Ngay từ đầu thời kỳ xâm lược, nhiều học giả thực dân đã để ý tìm hiểu tiếng Việt, chữ quốc ngữ và nhận ra việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái La-tinh của các cố đạo có nhiều chỗ không hợp lý. Họ bắt đầu tranh luận với nhau về nguồn gốc, tính chất tiếng Việt để dựa trên cơ sở đó đề ra những tiêu chuẩn cải cách việc ghi âm. Những ý kiến nhận xét của họ đưa ra đôi khi xác đáng có vẻ do một công trình nghiên cứu khoa học, nhưng thường cũng bị cái nhìn hoặc chủ đích thực dân chi phối trong việc giải thích và xác định công dụng của tiếng nói, chữ viết quốc ngữ. Janneau, người đầu tiên dịch « Lục Vân Tiên » bản Nôm ra chữ quốc ngữ cho rằng tiếng Việt gần gũi với tiếng của các dân tộc Aryen ; tuy Janneau không phủ nhận tiếng Việt liên hệ với chữ nho, nhưng trong hai bài khảo cứu liên tiếp về nguồn gốc tiếng Việt, Janneau có tìm ra những yếu-tố chứng minh tiếng Việt bắt nguồn từ những tiếng Aryen.11 Abel des Michel lại chủ trương tiếng Việt không thể liên hệ với bất cứ họ hàng ngữ ngôn nào, kể cả chữ nho. Nó là một tiếng nói độc lập ! Đa số những từ gốc tiếng An-nam không thể giải thích bằng chữ nho và cú-pháp của hai tiếng hoàn toàn khác nhau. Không có một gia đình ngôn ngữ nào có thể ghép tiếng Việt vào được, vì hình như tiếng Việt là một thổ ngữ biệt lập và độc lập.12 Còn đối với Aubaret, tiếng Việt chỉ « là một phương ngôn của tiếng Hán ».13 Landes người dịch, bình bằng tiếng Pháp « Nhị độ Mai » cũng cho tiếng Việt « là một tiếng địa phương Trung quốc » vì vay mượn rất nhiều của chữ nho. Các thừa sai chỉ nghĩ đến việc ghi âm thuần túy theo chữ cái La-tinh nên bây giờ chữ quốc ngữ mới gặp nhiều trường hợp ghi âm không hợp lý.14 Nhưng người đầu tiên đưa ra một cái nhìn qui mô về tiếng Việt, chữ quốc ngữ, đồng thời đề nghị một cải cách triệt để chữ quốc ngữ là Aymonier trong bài « những ghi âm của chúng ta » (nghiên cứu về hệ thống chữ viết bằng mẫu tự La-tinh áp dụng ở Nam kỳ thuộc Pháp)15. Theo Aymonier vấn đề chữ viết có một tầm quan trọng lớn lao cho tương lai công trình của nước Pháp ở Đông dương, nhưng Aymonier phàn nàn vì : « …từng triệu triệu bạc đã được chi tiêu từ ngày chinh phục chiếm đóng đến nay để truyền bá sự hiểu biết về ghi âm của các thừa sai, được coi như cơ sở cho việc giáo huấn những người Á đông của chúng ta. Nhưng những kết quả của việc giáo huấn đó có đáp lại biết bao hy sinh không ? Người ta có thể nói một cách đùa cợt không quá đáng, vì không phải là không có nền tảng, là chúng ta đã chỉ đào tạo được một đạo quân những Thầy ký viết nắn nót thật giỏi và việc đẽo gọt bút chì của họ cũng rất tài tình. Để tìm thấy dấu vết, hầu như là chưa sờ thấy được của ảnh-hưởng chúng ta trên tư tưởng dân tộc bị chinh phục, phải ra khỏi những trường công lập quái gỡ dạy chữ quốc ngữ tiếng bản xứ để chỉ việc ghi âm của các thừa sai, và đi ra ngoài mà nghe dân chúng bình dân hát nói… những kết quả mỏng manh thu lượm được thật không cân xứng chút nào với những cố gắng đã làm ». Lý do sâu xa, theo Aymonier không phải chỉ ở một vài chỗ lệch lạc trong hệ thống ghi âm đã được chấp nhận, nhưng từ căn bản. Việc ghi âm đã được đặt vào những chiều hướng sai lầm và Aymonier đề nghị một sửa đổi chữ quốc ngữ thành một lối chữ đơn giản, chính xác hợp lý mà không phải cần dựa vào một ngôn ngữ Âu châu nào cả. Nguyên tác căn bản Aymonier đề ra là : « Sự đối ứng chặt chẽ, tuyệt đối giữa các thứ tiếng phải diễn tả và những chữ được chọn để biểu lộ những tiếng đó : nghĩa là mỗi tiếng bao giờ cũng chỉ được biểu lộ bằng một chữ duy nhất và chữ đó chỉ diễn tả tiếng đó mà thôi ». Sau khi đưa ra những nhận xét đề nghị cụ thể về cải cách chữ quốc ngữ, Aymonier đã bày tỏ chủ đích của việc cải cách này : « Không thể quan niệm được một sự đô hộ của nước Pháp mà không có một lối chữ viết tiếng Việt bằng chữ cái Âu châu ; chúng ta – những người giáo hóa dân chúng bị chinh phục, có bổn phận phải làm cho việc diễn tả này thành đơn giản rõ rệt, hợp lý và đó là mục đích duy nhất của công trình nghiên cứu trên ». Landes trong một bài khác về chữ quốc ngữ16không đồng ý về những đề nghị cải cách triệt để của Aymonier. Theo Landes, chữ quốc ngữ chỉ là một chữ cho bình dân bậc tiểu học, để đọc các thông cáo, nghị định, sách báo phổ thông cần thiết cho đời sống hằng ngày, còn chữ Pháp, chữ nho mới là chữ của văn hóa, văn học dùng ở bậc trung học, đại học. Nó chỉ là chữ bình dân, nên không thể biến thành ngôn ngữ thông thái vì sẽ rất khó hiểu ; sở dĩ khó hiểu vì nó phải vay mượn chữ Hán và không thể không vay mượn : « Cái tiếng An-nam thông thái này, phải nhận rằng nó đặc biệt khó hiểu và đây là lúc phải tìm hiểu những nguyên nhân của sự kiện không thể chối cải trên. Những nguyên nhân này, tất cả đều do việc ghi âm bằng chữ cái La mã. Nếu người ta tiếp tục viết tiếng An-nam bằng những chữ Nôm, có thể sẽ khó học để đọc hơn, nhưng trái lại chắn chắn sẽ vô cùng dễ hiểu hơn ». Việc biểu thị bằng tượng hình là chữ viết tự nhiên của các ngôn ngữ đơn âm, ít ra lúc những tiếng đó đạt tới một trình độ phát triển nào đó, và đây là trường hợp tiếng Hán, tiếng An-nam. Tiếng An-nam để có thể dễ hiểu, đáng lẽ đã phải giữ lại lối chữ viết là chữ Nôm, và mặc dầu cái hình thức Trung quốc của nó, việc đọc thứ chữ đó không quá khó khăn như người ta tưởng. Để có thể đọc được, chỉ cần thiết lập cho nó một chính tả. Nói cách khác, theo Landes, chữ quốc ngữ chỉ có thể tiện lợi cho nhu cầu hằng ngày và nó không thể trở thành một chữ viết của văn chương, văn hóa, thông thái. Những khó khăn bế tắc đương nhiên đặt ra khi muốn biến nó thành một thứ chữ của văn chương, khoa học và rất khó giải quyết, nhất là bằng những nghị định cải cách. Vậy chỉ có cách : 1. Nếu muốn diễn tả văn chương, kiến thức cao, phải dùng lại chữ Nôm và chỉnh lý lại chính tả cho nó, do một Hàn Lâm Viện An-nam qui định. 2. Chữ quốc ngữ chỉ dùng cho việc giao thiệp hàng ngày, tuy có nhiều chỗ ghi âm không hợp lý, nhưng tốt hơn là « giữ nguyên cái chúng ta đã có » không nên đụng tới lối chữ ghi âm của các thừa sai. Còn nếu có sửa chữa thì phải để cho sự thông dụng sửa chữa chứ không phải mấy ông cải cách sốt sắng, áp đặt một sửa chữa bằng những nguyên tắc này nọ… Roucoules, Giáo-sư, Giám đốc trường Chasseloup Laubat, đứng ở quan điểm nhà nước với tư cách một công chức, bênh vực chính sách giáo dục và chủ trương dạy chữ quốc ngữ của nhà cầm quyền. Roucoules cho rằng không nên đề cao cũng không nên hạ thấp vai trò chữ quốc ngữ nhưng nhìn nhận công dụng đích thực của nó là cần thiết cho nền giáo dục cấp tiểu học và sự giao dịch hằng ngày. Nhà bưu điện nhận được nhiều thư gửi, đó là bằng chứng cho thấy người An-nam học dễ dàng chữ quốc ngữ để có thể thư từ trao đổi giao dịch… Và do đó chứng tỏ sự tiện lợi của chữ quốc ngữ. Roucoules đả kích những chỉ trích dùng chữ quốc ngữ hoặc những khuyết điểm của thứ chữ đó, đặc biệt nhắm vào các thừa sai. Roucoules cho biết lúc đầu nhà nước phải nhờ các thừa sai, thầy dòng, dì phước dạy học và dạy chữ quốc ngữ ngay cả trong Chủng viện, nên số tiền trợ cấp cho các cơ sở giáo dục của những người kể trên thật lớn (160.000 quan mỗi năm) về sau con cái người Pháp sang càng đông, đòi hỏi mở trường công lập buộc nhà cầm quyền phải rút bớt trợ cấp cho trường đạo, đồng thời kiểm soát việc giảng dạy trong các cơ sở giáo dục thuộc tôn giáo được trợ cấp. Tình hình đó đưa đến sự kiện trường đạo phải đóng cửa vì mất trợ cấp và nhất là sự chống đối của thừa sai về việc dạy chữ quốc ngữ. Theo Roucoules sở dĩ thừa sai chống đối việc truyền bá một thứ chữ viết do chính họ tạo ra chỉ vì họ không được trợ cấp để làm việc đó nữa. « Nhưng tinh thần bè cánh ở nơi những người chống lại việc phổ biến chữ viết mà họ đã tạo ra đã nảy sinh khi họ thấy thứ chữ viết đó, chuyển sang tay người khác có thể gây ra một cạnh tranh với ảnh hưởng của họ ». Rồi Roucoules mỉa mai thừa sai : « 200 năm mà chỉ làm cho 500.000 người trên 30.000.000 (?) dân trở lại đạo và được như thế là nhờ dựa vào sự hỗ trợ những ảnh hưởng cao cấp, sự trở lại đạo dễ dàng của người An-nam, mặc dầu chỉ một bao gạo, một sự trở lại không đắt lắm, nhưng ai đảm bảo được mức độ thành thật của sự trở lại đó ».17 Năm 1902, chính phủ Pháp ở Đông dương triệu tập một Hội Nghị Quốc Tế khảo cứu về Viễn-đông lần thứ nhất tại Hànội có 6 nước và 30 cơ quan nghiên cứu khoa học các nơi cử đại biểu tham dự Hội nghị. Những tranh luận về tiếng Việt, chữ quốc ngữ sôi nổi như vậy trong các giới học giả thực dân không thể không có âm hưởng trong Hội nghị. Do đó, Hội nghị cử ra một tiểu ban chữ viết ghi âm gồm 9 người : Cheon, Babonneau, Cadière, Dumortier, Finot, Gereni, Hoàng trọng Phu, Pelliot, Simonier, nhằm mục đích bàn cãi việc cải cách chữ quốc ngữ. Tiểu ban đưa ra trước Hội nghị một đề nghị : « Hội nghị xét rằng một ghi âm tiếng An-nam đơn giản và hợp lý hơn hệ thống ghi âm đang được sử dụng hiện nay rất ích lợi cả về mặt thực tế và về mặt khoa học, chấp thuận bản báo cáo của tiểu ban ghi âm, và thỉnh nguyện Toàn quyền Đông dương chấp thuận những sửa đổi được đề nghị ». Nhưng dự định cải cách bị nhiều người chỉ trích. Đại-úy Bonifacy cho rằng tiểu ban không chứng minh được dự định cải cách chữ quốc ngữ mới có những thuận lợi hơn chữ quốc ngữ đang được thông dụng. Ngoài ra về mặt thực hành, việc cải cách chỉ làm cho nhiều người An-nam mới làm quen với chữ quốc ngữ sẽ gặp khó khăn hoặc phải học lại từ đầu hoặc phải bỏ sở làm. Cadière ở trong tiểu ban cũng không đồng ý với dự định cải cách. Xét trên phương diện khoa học, Cadière nhìn nhận hệ thống ghi âm mới hợp lý hơn hệ thống ghi âm cũ, nhưng về mặt thực hành, việc cải cách gặp những khó khăn nghiêm trọng đến nỗi phải từ bỏ sự sửa đổi. Đứng ở phương diện thực hành, Cadière nêu 6 điểm chống đối : 1. Không thể loại bỏ những khó khăn gắn liền với lối ghi âm tiếng Việt và mọi hệ thống ghi âm đều không thể hoàn toàn. 2. Không thể gán cho chữ quốc ngữ những khuyết điểm gắn liền với chính bản thân của tiếng Việt. 3. Hệ thống ghi âm do tiểu ban đề nghị loại bỏ một số khó khăn, trái lại gây ra những khó khăn khác. 4. Việc sửa đổi chữ quốc ngữ sẽ làm cho một số lớn sách không thể đọc được như những tự điển của Taberd Genibrel, giáo trình và tuyển tập văn hóa của Chéon. 5. Một số đông người Việt không biết chữ nho, và chỉ biết chữ quốc ngữ, trở thành mù chữ. 6. Cả một loạt dụng cụ nhà in sẽ trở thành vô dụng. Nocentini nhận xét vì chỉ có những ý kiến chống đối về phương diện thực tế nên yêu cầu Hội nghị chấp thuận dự định cải cách tạm thời về phương diện khoa học. Ý kiến của Nocentini được tán thành coi như một lối thoát dung hòa của Hội nghị. Sau cùng hội nghị đã nhất trí thông qua một kiến nghị sau đây : « Hội nghị xét lợi ích về phương diện khoa học của một lối ghi âm đơn giản hợp lý tiếng An-nam, đề nghị trường Viễn đông Bác cổ ấn định một hệ thống đáp ứng tất cả những điều kiện mong muốn trên những căn bản do tiểu ban đề nghị, để dùng trong việc nghiên cứu khoa học ».18 Như vậy vấn đề cải cách chữ quốc ngữ vẫn còn trong vòng nghiên-cứu tranh luận lý thuyết, chưa đem ra áp dụng được. Đứng trước những khó khăn trong việc sửa đổi chữ quốc ngữ, một số người Pháp lại xoay ra bênh vực chữ nho, chữ nôm, chỉ trích việc cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ vì việc cưỡng bách này kèm theo việc bãi bỏ chữ nho, chữ nôm rất thịnh hành lúc người Pháp sang vừa làm suy giảm trình độ đạo đức của dân chúng, vừa ném tất cả nền văn chương cũ vào quên lãng. Trong tạp chí « Revue Indochinoise » T.K.Q.B. (đoán là Bonifacy)19nhận xét chữ quốc ngữ để cho người Pháp học thì rất tốt và cho người Việt để giao dịch thông thường cũng tốt, nhưng không thể để cho nó thay thế chữ nho, biến thành một thứ chữ của văn học, văn hóa. Chữ quốc ngữ chỉ ghi âm, không ghi ý, không thể dùng để diễn tả văn chương được. Theo B. người Việt chỉ biết chữ quốc ngữ cũng tựa người Pháp chỉ biết chữ tốc ký Duployé và không thể đọc được ngay cả truyện cổ tích Perrault. Do đó, cần giữ lại nền học vấn cũ bằng chữ nho. Một ông quan nhà binh khác – Đại-tá Diguet cũng nêu lên những ý kiến tương tự20chữ quốc ngữ chỉ để cho người Âu châu học tiếng Việt thông thường : « Thật là lầm khi chúng ta coi chữ quốc ngữ như chữ viết chính thức ở Nam kỳ. Làm như vậy chúng ta đã theo đuổi mục tiêu cắt đứt một cách hoàn tất những ràng buộc của dân chúng được chúng ta bảo hộ với văn minh Trung Hoa. Đó là một khuynh hướng hoàn toàn chính đáng ở nơi dân tộc đi chinh phục, nhưng đáng lẽ phải theo đuổi mục tiêu đó một cách từ từ thì khôn ngoan hơn. Và thay thế dần dần nền văn minh của chúng ta vào nền văn minh mà chúng ta muốn loại bỏ. Việc ngăn cấm dùng chữ nho trong giấy tờ chính thức và thay thế ở khắp mọi nơi học chữ quốc ngữ vào chỗ của chữ viết đích thực đã tạo ra hậu quả là làm cho trẻ con không còn biết nền học vấn của đạo lý Khổng Tử dạy cho nó những luật lệ chung của mọi tôn giáo nhưng ở hàng đầu dạy sự tôn kính Cha Mẹ, thầy dạy và người cai trị. Hậu quả trực tiếp của việc bãi bỏ nền giáo dục luân lý nơi trẻ nhỏ, ít ra ở nơi những trẻ không học luân lý Thiên Chúa giáo, nghĩa là ở nơi đa số, đó là sự gia tăng đáng kể tội phạm. Một hậu quả thứ hai của việc bãi bỏ chữ nho ở Nam kỳ là đưa dân chúng của xứ này vào sự quên lãng cả một nền văn chương tạo ra cho đến bây giờ, lý tưởng mà những tầng lớp ăn học của cả một xã hội vẫn nuôi dưỡng ». Do đó Diguet chủ trương duy trì chữ nho, vì chữ quốc ngữ không phải là thứ chữ của văn thơ, tư tưởng triết lý và hơn nữa có dịch ra chữ quốc ngữ văn thơ triết lý cũng không hiểu được. Vào thế kỷ XX, thực dân Pháp đã mở nhiều trường học ở Nam kỳ rồi Bắc kỳ, Trung kỳ đặc biệt những trường dạy chữ quốc ngữ. Đương nhiên vấn đề sách giáo khoa đặt ra phải được soạn thế nào, theo lối chữ viết nào. Đây không còn là chuyện nghiên cứu khoa học, lý thuyết, nhưng là chuyện thực hành. Do đó vấn đề cải cách chữ quốc ngữ lại được đem ra thảo luận ở Hội Đồng cải cách học chánh Đông dương và các Hội đồng học chánh Bắc kỳ, Trung kỳ Nam kỳ. Trong phiên họp ngày 21.4.1906 ở Hànội, Hội đồng cải cách học chánh Đông dương đã thông qua một đề nghị cải cách chữ quốc ngữ dựa trên tiêu-chuẩn làm cho chữ quốc ngữ gần với chữ Pháp hơn và ghi âm hợp lý đơn giản hơn. Đề nghị cải cách này được toàn quyền Đông dương chấp thuận và ký ngày 16.5.1906. Nghị định các sách giáo khoa bằng tiếng Việt từ nay trở đi phải được viết bằng chữ quốc ngữ cải cách21. Một vài người Việt như Đỗ Thận sau đó đã soạn « sách quốc ngữ mới » (nouvel alphabet quốc ngữ, nhà in Schneider Hanoi 1907). Nhưng dự định cải cách được Toàn quyền chấp thuận vẫn bị nhiều người chỉ trích, thậm chí còn cho rằng thua xa, thụt lùi so với dự định đề nghị hồi 1902. Đặc biệt Linh mục Cadière22đã viết một loạt bài để phản đối dự định cải cách. Trước sự phản đối của nhiều người có uy tín, nha học chánh Đông dương buộc lòng phải hoãn việc thi hành cải cách chữ quốc ngữ trong các trường và để cho các ủy ban cải cách học chánh ba kỳ tùy ý định liệu. Ủy Ban-nam kỳ (phiên họp 23.11.1906) gạt bỏ việc cải cách bằng một kiến nghị thông qua như sau : « Ủy Ban địa phương cải cách học chánh Nam kỳ nhìn nhận nguyên-tắc sửa đổi chữ quốc ngữ, nhưng cho rằng việc nghiên cứu đó làm trong tinh thần đơn giản hóa và sát gần với tiếng Pháp chỉ có thể tiến hành tốt do ủy ban địa phương ở Nam kỳ và không thể bị áp đặt một cách cấp bách trong bất cứ trường hợp nào ». Ủy ban của Bắc kỳ đề nghị tạm thời giữ nguyên tình trạng. Còn Ủy Ban Trung kỳ chấp nhận sửa đổi, nhưng chỉ gồm một vài điểm mà thôi. Trước tình trạng chống đối như trên, trong kỳ họp lần thứ 2, Hội đồng cải cách học chánh Đông dương (1907) đã thông qua kiến nghị giữ nguyên chữ quốc ngữ không cải cách. Ba năm sau, Dubois lại nêu lên vấn đề cải cách chữ quốc ngữ23trong một cuốn biên khảo về tiếng Việt và tiếng Pháp, nhưng không còn có người hưởng ứng. Phần đông người Pháp cho rằng chữ quốc ngữ đã được thử thách có thể tồn tại không cần sửa chữa, bằng cớ là nó đã đắc thắng chữ Nôm, chữ nho.24 * Rõ ràng người Pháp đã rất chú ý đến việc truyền bá chữ quốc ngữ, cả việc cải cách thứ chữ đó dựa trên những công trình nghiên cứu khoa học. Nhưng rõ ràng sự tha thiết với chữ quốc ngữ ở đây không phải là yêu tiếng Việt, nhằm phát huy văn hóa dân tộc (trừ một vài người thành thực như Cadière), nhưng vì nó là một công cụ chính trị tiện lợi, nhằm thực hiện những mục tiêu chính trị của thực dân. Những người Việt tha thiết về việc truyền bá chữ quốc ngữ, được đặc biệt lưu ý coi như một điểm đáng kể hàng đầu trong những đề nghị thăng-thưởng cũng không phải vì mục đích văn hóa, dân tộc, nhưng vì quyền lợi, và do đó khách quan cộng tác với một chính sách xâm lược tinh thần của thực dân chống lại dân tộc, tổ quốc. Chính vì chữ quốc ngữ bị lợi dụng như một công cụ gắn liền với những chính sách xâm lược tinh thần của thực dân, nên các nho sĩ yêu nước đã chống lại sự lợi dụng trong việc truyền bá chữ quốc ngữ của thực dân. Nhưng sau khi nhận ra chữ quốc ngữ chỉ lợi cho địch, vì ở trong tay địch, và hại cho ta, vì không ở trong tay ta, giới sĩ phu đã tranh đoạt lại lợi khí trên và biến nó thành một phương tiện kêu gọi lòng yêu nước lợi cho ta và hại cho thực dân. Tóm lại, việc tìm hiểu chữ quốc ngữ và việc phổ biến nó trong giáo dục văn học phải được đặt trong « bối cảnh lịch sử » của nó, nghĩa là trong một trận tuyến đấu tranh chính trị trên mặt trận văn hóa, văn học, giữa ta và thực dân Pháp, mới thẩm định một cách nghiêm chỉnh ý nghĩa, giá trị những chủ trương, hành động liên quan đến việc truyền bá, đề cao chữ quốc ngữ. Nói cách khác, không phải cứ nói đề cao chữ quốc ngữ là yêu nước vì có những người yêu nước, chống thực dân, trong một hoàn cảnh nhất định đã chống lại việc truyền bá chữ quốc ngữ. Vấn đề phải xét ở đây, không phải chỉ nói là cái gì – mà chủ yếu là ai nói, đứng ở bên nào trong trận tuyến, và nói nhằm mục đích gì ? Do đó, muốn tìm hiểu một cách xác đáng cái gọi là công trình truyền bá quốc văn quốc ngữ của những nhà văn tiền phong của Đông dương tạp chí, Nam phong tạp chí, phải đặt nó trong chính sách lợi dụng chữ quốc ngữ của thực dân và thẩm định công trình của nó trong khuôn khổ sự lợi dụng chính trị trên. II. VĂN QUỐC-NGỮ Muốn tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh nền văn học chữ quốc ngữ lúc ban đầu, phải đặt nó vào trong hoàn cảnh lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIX, và rõ hơn nữa, trong chính sách lợi dụng chữ quốc ngữ của thực dân. Nói về văn học chữ quốc ngữ thời kỳ đầu, những luận điểm sau đây thường được nêu lên trong nhiều sách văn học sử : 1. Những Pétrus Ký, Paulus Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh v.v… là những nhà văn tiền phong của nền văn học chữ quốc ngữ. 2. Nhờ những nhà văn tiền phong đó mà chữ quốc ngữ đã đắc thắng chữ nho, chữ nôm, đồng thời đưa chữ quốc ngữ chỉ được sử dụng trong lãnh vực tôn giáo sang lãnh vực xã hội, văn học. 3. Những nhà văn tiền phong trên cũng là những người đã chủ trương những tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên (như Gia Định báo) và đề xướng việc dịch cổ văn ra quốc văn. 4. Do đó, hiển nhiên những nhà văn tiền phong này là những người có công rất lớn với nền văn học chữ quốc ngữ lúc ban đầu : họ là những nhà cách mạng, Ông Tổ văn học cận đại. 5. Nhận định về sự nghèo nàn ngưng đọng của văn học quốc ngữ ở Nam kỳ sau Pétrus Ký, nguyên nhân được nêu lên vì mấy nhà văn tiền phong trên là những nhà cách mạng quá tiến bộ, đi trước thời đại quá sớm, nên không ai theo kịp và đất Nam Kỳ là đất mới, chưa thuận tiện cho việc phát huy văn học. Trong « nhà văn hiện đại » Vũ Ngọc Phan đã dành tập I cho những « nhà văn đi tiền phong » hồi mới có chữ quốc ngữ như Pétrus Trương-Vĩnh-Ký, nhóm Đông dương tạp chí, Nam phong tạp chí. Ông Vũ Ngọc Phan nhận định : « chữ quốc ngữ do người theo đạo Thiên Chúa dùng đầu tiên, song ngoài phạm vi đạo giáo, người Nam Kỳ là những người Việt Nam đã dùng chữ quốc ngữ trước nhất. Nhưng chữ quốc ngữ có được mẫu mực và được lan rộng ở Nam Kỳ sớm hơn cả là nhờ mấy nhà học giả đã thâu thái được học thuật Âu Tây trong hồi người Pháp mới đến nước Nam. Trong số những nhà học giả Việt Nam theo Tây học ấy, người ta phải kể đến hai người có tiếng nhất là Trương-Vĩnh-Ký và Huỳnh-Tịnh-Trai tức Paulus Của ».25 Trong « Bản lược đồ văn học Việt Nam » (quyển-hạ) Thanh Lãng đã nhận định về Trương-Vĩnh-Ký : « Sự nghiệp của Trương-Vĩnh-Ký còn để lại cho ta thấy ông xứng đáng là một bậc chỉ đạo của thời này, là linh hồn của thế hệ 1862, ông thầy khai đường mở lối cho thế hệ đến sau tức thế hệ 1913… …Riêng đối với văn học mới, công của ông thật vô cùng lớn lao, sự nghiệp của ông đã xây dựng một cơ sở vững chãi cho chữ quốc ngữ còn đang ở thời kỳ phôi thai. Từ đấy trở về trước, chữ quốc ngữ chỉ hoạt động vỏn vẹn trong phạm vi các Giáo đoàn Thiên Chúa giáo. Với ông, thứ chữ ấy vượt ngưỡng cửa của nhà thờ mà đột nhập vào xã hội Việt nam. Rụt rè hơn, Nguyễn Trường Tộ là người đã dám đề nghị dùng « Quốc âm Hán tự ». Trương Vĩnh Ký là chiến sỹ hăng hái của chữ viết mới. Có thế lực trong Nha học chánh, ông đã yêu cầu cưỡng bách việc học chữ quốc ngữ trong các trường tiểu học. Tất cả sự nghiệp của ông, bởi vậy không ngoài hai mục đích : truyền bá chữ quốc ngữ, và luôn thể, phổ thông sự học trong dân gian. Chính do ảnh hưởng của ông và Huỳnh Tịnh Của mà chữ quốc ngữ phát đạt rất sớm ở Việt Nam và dùng nơi đây làm bàn đạp để chuẩn bị ngày Bắc tiến. Ông là một trong những tay kiện tướng làm sụp đổ tại Nam-Việt, chế độ khoa cử thoái trào, và qua đó nền thống trị của cựu học… với linh mục Bỉnh (của thế kỷ XVIII) mới chỉ chớm nở, với Trương Vĩnh Ký, mới thật khai mở một kỷ nguyên mới : Kỷ nguyên văn xuôi. Với Trương Vĩnh Ký, văn xuôi Việt Nam bắt đầu hứa hẹn một ngày mai tươi sáng : một cuộc cách mạnh toàn diện đã do ông lãnh đạo. Nói tóm lại Trương Vĩnh Ký về mọi phương diện đều xứng đáng là ông tổ văn học mới ». Về Huỳnh Tịnh Của, Thanh Lãng cho là « một trong những người khởi xướng phong trào báo chí ở Việt Nam và sáng lập ra tờ báo đầu tiên là tờ Gia Định báo (1865) ».26 Phạm Thế Ngũ kết luận về sự manh nha văn quốc ngữ ở Nam kỳ, cũng đã đề cao công lao của mấy nhà văn tiền phong : « Ta thấy như vậy, công lao mấy văn gia Nam kỳ đóng góp cho văn học mới lúc khai sanh không phải là không đáng kể. Họ đã đề xướng27lên những công việc mà rồi nhóm Nam phong ngoài Bắc tiếp tục như : phiên âm văn nôm cũ khảo cứu về văn hóa và chế độ nước nhà, sưu tầm những ca dao cổ tích của ta, dịch thuật ngoại văn ra quốc ngữ… » Tuy nhiên điều làm chúng ta ngạc nhiên là công cuộc của họ không được hưởng ứng, không được tiếp tục ở ngay Nam kỳ. Quốc văn mới sau đó, ở đây chìm vào một tình trạng đình đốn… Kể cũng đáng ngạc nhiên. Sau việc đề xướng28do Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, người ta chờ đợi ở miền Nam một sự nảy nở tốt đẹp của văn học mới. Song những mầm manh nha lui dần. Quốc văn miền Nam sau đó lâm vào một tình trạng ngưng trệ và nghèo nàn hết sức. Tại sao vậy ? vì Nam kỳ không hiến hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát triển văn học, nhất là văn học quốc gia. Gia định là đất mới. Dân chúng vừa thưa, ít, vừa chưa được thuần nhất. Luống cầy nho-gia chưa đào xới được sâu thì người Pháp đến. Sự sáng tác văn học, sự ưa chuộng văn chương, sự trồng trọt thi văn ở đây chưa có truyền thống sâu xa, nên kém tiềm lực, kém khả năng. Hai ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của là những vì sao mọc quá sớm. Họ dóng lên những tiếng chuông có giá trị song « điệu cao hoa quả ». Người ta không thể làm cuộc cách mạng một mình, cũng không thể làm trong một nhóm. Làm cách mạng văn học cũng vậy, phải có quần chúng, phải có tiềm lực trong quá khứ. Không kể chính sách học thuật của người Pháp ở Nam kỳ sau đó khuynh hướng về đường Tây hóa rõ rệt. Chữ Pháp được dạy ngay ở bậc tiểu học… Người thượng lưu, nhất là người không có gốc nho-gia, mà về sau những người ấy lại càng là số đông – đi thẳng vào Tây học, không có cảm tình với quốc văn vốn bắt rễ từ Hán học. Quốc văn do đó trong nhiều năm về sau ở Nam kỳ chỉ bày tỏ trong hình thức báo chí phổ thông, với trình độ trí thức khá ấu trĩ, hoặc ở tác phẩm tiểu thuyết cho một công chúng hạ lưu dễ dãi. Những người thức giả lưu tâm đến quốc văn sau đó lại phải quay ra miền Bắc để đón tiếp những sáng tác mới cũng như phong-trào văn học mới.29 Người đọc những biên khảo phê bình, văn học sử của những tác-giả tiêu biểu trên, tự hỏi sao mấy vị đó không để ý đến một vài điểm đặc biệt khác lạ trong thời kỳ đầu văn quốc ngữ : 1. Tại sao chữ quốc ngữ, văn quốc ngữ lại được truyền bá, phổ biến trước tiên ở Nam kỳ, là đất thuộc địa, đất mới, ít chú ý đến văn hóa (theo Phạm thế Ngũ) ngay từ thời kỳ đầu Pháp xâm chiếm Nam kỳ mà không phải ở ngoài Bắc, đất « ngàn năm văn vật » xứ bảo hộ ? 2. Tại sao những ông quan nhà binh, quan cai trị mới sang xâm chiếm chinh phục An-nam lại tha thiết ân cần quá sức đối với « Lục Vân Tiên » của Nguyễn Đình Chiểu, ra lệnh bỏ tiền tài trợ dịch in Lục Vân Tiên ra quốc ngữ ? 3. Những nhà văn được gọi là cách mạng đi tiền phong mang những tên Paulus, Pétrus. Có phải vì ngẫu nhiên chăng hay đó chỉ là cái tên gọi không có ý nghĩa đặc biệt nào, hoặc trái lại rất có ý nghĩa ? Chúng tôi không nói đến ông Vũ Ngọc Phan hồi 1944, vì nhà phê bình này đã đứng ở một quan điểm thuần túy văn học, phi lịch sử để tìm hiểu văn học. Nếu những nhận định của ông có lầm thì ít ra ông cũng hợp lý với quan điểm của ông. Trái lại, những người như Phạm Thế Ngũ, đã đứng ở quan điểm lịch sử để biên khảo văn học, liên hệ lịch sử (nghĩa là chính trị, xã hội, văn hóa…) với văn học và dùng lịch sử để giải thích nguồn gốc, xuất xứ những hiện tượng văn học. Ông Phạm Thế Ngũ đã lấy những biến cố chính trị để xác định thời kỳ văn học (văn học cận đại bắt đầu từ lúc Pháp xâm lược và đặt chế độ thuộc địa). Về chữ quốc ngữ ông đã tìm ra những sự kiện chính trị chỉ rõ những chủ trương của người Pháp (thừa sai, nhà cầm quyền) đối với chữ quốc ngữ30nghĩa là ông đã nêu lên được vài nét chính của bối cảnh lịch sử buổi đầu chữ quốc ngữ, nhưng ông đã quên liên hệ bối cảnh lịch sử trên với việc giải thích sự truyền bá văn quốc ngữ, nên ông mới ngạc nhiên không hiểu tại sao văn quốc ngữ lại ngưng đọng ở Nam kỳ sau những Pétrus Ký, Paulus Của. Nếu những nhà biên khảo văn học sử như Ông Phạm Thế Ngũ chịu đặt việc tìm hiểu nền văn học quốc ngữ lúc ban đầu cũng như thời kỳ Nam phong vào trong hoàn cảnh lịch sử của nó, nghĩa là trong những chính sách về báo chí văn hóa, giáo dục của thực dân Pháp, họ sẽ thấy : 1. Những người như Pétrus Ký, Paulus Của có phải là những nhà văn tiền phong, những ông tổ văn học cận đại, những nhà cách mạng đi trước thời đại không, hay chỉ là những viên chức, tay sai thừa hành một chính sách của thực dân ? 2. Có phải nhờ họ mà văn quốc ngữ được truyền bá lan rộng ở Nam kỳ, có phải họ chủ trương những tờ báo quốc ngữ đầu tiên, đề xướng việc dịch cổ văn ra quốc ngữ hoặc họ yêu cầu Pháp cho học quốc ngữ ở nhà trường hay nhờ những nghị định của thực dân mà chữ quốc ngữ tiến từ lãnh vực tôn giáo sang lãnh vực xã hội, văn học, giáo dục và chính thực dân Pháp chủ trương những tờ báo quốc ngữ đầu tiên hoặc cưỡng bách học quốc ngữ trong các trường ? 3. Nguyên nhân sự nghèo nàn ngưng đọng văn quốc ngữ ở Nam kỳ sau Pétrus Ký có phải vì đất miền Nam là đất mới, thấp kém về sinh hoạt văn hóa, và giới có khả năng lại sính Tây học (một giải thích nhục mạ xúc phạm đến tình cảm của người miền Nam và xuyên tạc sự thực) hay vì đông đảo nhân dân, trí thức thời đó (sĩ phu) tẩy chay một công cụ xâm lược tinh thần của kẻ thù và chống đối một phong trào văn học không xuất phát từ dân tộc, mà xuất phát từ một chính sách tiêu diệt dân tộc bằng đường lối trực trị đồng hóa ? 4. Sau cùng, nếu những nhà văn mệnh danh là tiền phong trên có công lớn với văn học quốc ngữ, thì trước hết họ có công với ai, công với dân tộc hay nhà cầm quyền Pháp mà họ đã là viên chức, tay sai thừa hành những chính sách thống trị thâm độc trên bình diện hành chánh, giáo dục, văn học ? A. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VĂN QUỐC NGỮ THỜI KỲ ĐẦU Ở NAM BỘ Sau khi chiếm đóng xong Nam kỳ, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập guồng máy cai trị. Vì chưa thể có sẵn những nhân viên dân sự từ Pháp sang, nên buộc lòng thực dân phải dùng bọn Tướng Tá Sĩ Quan tại chỗ lo việc hành chánh, tư pháp. Đó là thời kỳ các Đề đốc cai trị. Bọn này chủ trương chính sách trực trị nhưng chưa am hiểu tính tình, phong tục, văn minh Việt nam, nhất là không biết nói tiếng An-nam. Do đó để tiếp xúc với Vua quan, dân chúng bản xứ, lúc đầu họ phải nhờ những thừa sai tu sĩ chủng sinh người Việt xuất thân từ các trường đạo, nhất là trường ở Pénang… Nhưng những người này vừa ít, vừa chỉ thông thạo chữ La-tinh, mà bọn Sĩ quan lại không thông thạo gì tiếng La-tinh, nên việc giao dịch thật khó khăn. Từ đó, thực dân thấy cần lập ngay một trường Thông ngôn để đào tạo lớp người trung-gian giữa nhà cầm quyền Pháp và dân bản xứ. Mở trường nhưng không kiếm ra người đi học. Những người có học thức (biết chữ nho, chữ nôm) hầu hết đều chống đối, tẩy chay, nên rút cục thực dân Pháp phải dụ dỗ, chấp nhận cả những thành phần vô học, bồi bếp, côn đồ vào học. Chính cái gốc côn đồ, thành tích bất hảo, dốt nát của những thầy thông ngôn đó sau này đã đẻ ra một đám những ông quan An-nam tham nhũng, hống hách, tàn ác, và đàng khác đã là một nguyên nhân đưa tới việc chống đối chữ quốc ngữ như sẽ nói dưới đây. Song song với việc mở trường thông ngôn đào tạo tầng lớp trung gian tay sai là mối bận tâm tìm ra một chữ viết làm phương tiện giao dịch giữa người Pháp và người bản xứ để cho dân chúng hiểu được những chỉ thị, mệnh lệnh thông cáo của nhà cầm quyền và hơn nữa hiểu được những chính sách đường lối cai trị nhà cầm quyền đề ra. Không thể dùng tiếng Pháp, chữ Pháp vì hiển nhiên người bản xứ chưa ai biết, không thể dùng chữ nho, chữ nôm, vì đó là thứ chữ chỉ thông dụng cho một thiểu số, rất khó học và nhất là vì thứ chữ của lớp người phản kháng, tiêu biểu cho sự chống Pháp. Vấn đề đặt ra cho thực dân cai trị như đã đặt ra cho giáo sĩ thừa sai làm sao truyền đạo cho đông đảo dân chúng không biết những tiếng Âu châu cũng không thông thạo chữ nho ; các thừa sai đã sáng chế ra chữ viết ghi âm bằng chữ cái La-tinh dùng vào việc truyền đạo. Thực dân không còn cách nào hơn là cũng lấy thứ chữ ghi theo chữ cái La-tinh đó làm phương tiện giao dịch tuyên truyền. Thứ chữ giản dị, chỉ cần ít cố gắng và thời gian là có thể đọc viết được, đã được thực dân coi như một công cụ tốt, thuận tiện để thực hiện ba mục tiêu giao dịch tuyên truyền, cô lập như một viên chức cao cấp thực dân Paulin Vial, Giám đốc Nội vụ Súy Phủ Nam Kỳ đã ghi nhận trong một thư gởi cho Quan bố Sài-gòn ngày 15.1.1886 : « Ngay từ những ngày đầu, người ta đã nhìn nhận chữ nho là một hàng rào thêm nữa ngăn cách chúng ta với người bản xứ ; việc dạy bằng chữ nho hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta ; thứ chữ đó thật rất khó truyền đạt được cho dân chúng những khái niệm mà họ cần biết trong hoàn cảnh chính trị và thương mại mới của họ. Do đó, chúng ta bó buộc phải theo những truyền thống của nền học chánh của chúng ta, đó là nền học duy nhất làm cho chúng ta gần người An-nam ở thuộc địa bằng cách gieo vào đầu họ những nguyên tắc của nền văn minh Âu châu và bằng cách cô lập họ khỏi ảnh hưởng thù địch của những nước láng giềng ».31 Do đó, nguyên nhân đưa chữ quốc ngữ từ lãnh vực tôn giáo sang lãnh vực xã hội, chính trị, nguyên nhân tại sao Nam kỳ là nơi dùng chữ quốc ngữ trước tiên không phải là văn học do các nhà văn người Việt đi tiền phong đề xướng hay tranh đấu để được truyền bá chữ quốc ngữ, nhưng là chính trị do thực dân Pháp quyết định sử dụng như một công cụ thống trị cưỡng bách việc dùng chữ quốc ngữ trong hành chánh, học chánh, báo chí bằng những nghị định, thông tư v.v… Nói cách khác, sở dĩ chữ quốc ngữ được truyền bá ở Nam kỳ sớm nhất và trước tiên là vì một chính sách chính trị của thực dân Pháp dựa trên chủ trương trực trị và đồng hoá. B. LỤC-VÂN-TIÊN CỦA THỰC DÂN Có thấy rõ chính sách lợi dụng chữ quốc ngữ của thực dân mới hiểu tại sao họ tha thiết với Lục Vân Tiên, ân cần tranh thủ cả con người Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều người đã viết về sự liên hệ giữa Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu và thực dân Pháp, nhưng hầu hết đều coi từ việc thực dân dịch Lục Vân Tiên ra văn Pháp, dịch từ bản nôm ra chữ quốc ngữ, đề cao Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu, đến việc quan đầu tỉnh Bến Tre đi thăm Nguyễn Đình Chiểu, cả một phong trào Tây suy tụng Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu chỉ là một hiện tượng văn học vì những quan Tây đó yêu văn chương cảm phục một nhân tài Việt nam : « Người ngoại quốc từ Tây phương tới đã đồng thanh ca ngợi thi-phẩm Lục Vân Tiên. Người thì dịch ra Pháp văn và bình luận một cách sáng suốt thận trọng, người thì phiên dịch theo mẫu tự Âu châu, người lại ngâm vịnh bằng thể thơ Thập nhị âm ».32 « Cuộc gặp gỡ giữa một đại thi sĩ Việt Nam vừa đui vừa điếc với một đại diện cao cấp của chính quyền Pháp trong một cảnh thô sơ không có sự đón rước long trọng theo nghi lễ huy hoàng là một sự kiện rất hiếm trong mọi bang giao Việt Pháp thời bây giờ. Thế cũng đã chứng tỏ sự say mê thi ca và kính trọng một tâm hồn cao thượng không hề phân biệt màu da và biên giới ».33 Ngay dù có nhận những Aubaret, Janneau, Ponchon thích văn chương Lục Vân Tiên đi nữa, thì ý định lợi dụng chính trị của thực dân cũng rất rõ rệt trong việc suy tụng Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu. Ý định đó bộc lộ trong chính những sự việc, bản văn mà những nhà phê bình biên khảo văn học sử đã để lại và trích dẫn… Lúc mới sang Việt Nam, đi đâu thực dân cũng nghe nói đến Lục Vân Tiên nhất là trong các giới bình dân, như một tác phẩm truyền miệng rất được dân chúng yêu thích vì nội dung đạo đức và lời thơ nôm na, dễ hiểu. Người Pháp không thể không chú ý đến Lục Vân Tiên khi họ đang cần biết hai điều : tìm hiểu phong tục, tập quán, đạo giáo và tiếng nói của người bản xứ. Theo một báo cáo của Tổng Trưởng Hải ngoại gởi Tổng Thống Cộng Hòa về việc thành lập một ngạch cai trị dân sự34 những quan cai trị người Pháp phải học nói, viết tiếng An nam, thông thạo luật lệ phong tục An-nam như một điều kiện tuyển dụng : « Đàng khác nếu việc chu toàn sứ mệnh khai hóa văn minh mà nước Pháp muốn thực hiện ở các dân tộc vùng này, việc đồng hóa mà nước Pháp phải theo đuổi, đòi hỏi những người được chọn để cai trị dân bản xứ phải có một trình độ học vấn vừa rộng vừa chuyên biệt, bao quát luật lệ Pháp và toàn bộ luật lệ phong tục Nam kỳ, thì ngày nay phải đòi hỏi những viên chức thay mặt nhà cầm quyền Pháp bên cạnh dân bản xứ biết tiếng An-nam » (văn thư ngày 10.2.1873).35 Nếu người Pháp phải am hiểu phong tục, luật lệ, phải biết tiếng An-nam mới được làm quan cai trị, không còn lạ gì họ phải chú ý đến Lục Vân Tiên là một truyện bình dân chứa đựng rất nhiều đặc điểm cá tính địa phương và viết bằng một thứ tiếng nói bình dân. Do đó, trước hết, họ cần dịch Lục Vân Tiên ra Pháp văn để giúp đồng bào của họ am hiểu phong tục bản xứ và học tiếng Việt như Aubaret người đã dịch Lục Vân Tiên đầu tiên ra Pháp văn (1884) đã nói rõ trong lời tựa : « Chúng tôi nhận ra rất rõ, trong truyện những đặc tính chính của một quốc gia mà chúng tôi đã chung sống lâu năm. Nếu có những chú thích, thật dễ dàng phác-họa một lịch sử đích thực đời sống xã hội ở Nam Kỳ như ta đã thấy ngày nay ». Lục Vân Tiên không những chỉ có ích cho việc phục vụ các quan cai-trị người Pháp mà còn ích lợi cho việc phục vụ mục tiêu xâm lược tinh thần người bản xứ. Nếu thực dân đã coi chữ quốc ngữ như là phương tiện giao dịch, tuyên truyền, cô lập và cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ trong Hành chánh, Học chánh, Báo chí, thì Lục Vân Tiên xuất hiện đúng lúc như một dịp may hiếm có để truyền bá thứ chữ quốc ngữ đó bằng cách lợi dụng lòng ái mộ rộng rãi phổ biến của dân chúng đối với Lục Vân Tiên. Trong viễn tượng đó, đích thân Thống-đốc Nam-kỳ, Đề-đốc Dupré ra lệnh cho Janneau dịch Lục-Vân Tiên bản Nôm ra chữ quốc ngữ và in ở Paris với tiền tài trợ của nhà nước (1873). Lục Vân Tiên bị Tây cưỡng đoạt và biến thành một công cụ tuyên truyền của Thực dân, vì họ chẳng hỏi gì cũng chẳng xin phép tác giả cho dịch, in, nhất là dịch ra những chữ Pháp, quốc ngữ, mà tác giả thù ghét. Tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu không thấy nói gì đến phản ứng của Cụ trước việc thực dân cưỡng đoạt Lục Vân Tiên. Những ông quan thực dân kiêm học giả rêu rao ái mộ văn chương, muốn làm việc chú thích khoa học, phục hồi nguyên bản, nhưng lại không tôn trọng gì hết tác quyền, một tôn trọng xuất phát từ nền văn minh coi quyền tư hữu là linh thiêng. Hành động đó chỉ có thể hiểu là hành động của những kẻ xâm lăng, đã cướp cả nước người ta, mà không đặt chuyện tôn trọng chủ quyền, sá gì một tác phẩm của người dân mất nước. Những bản dịch ra quốc ngữ của Janneau in ở bên Pháp không được phổ biến rộng rãi và quá đắt nên có những ông Tây như Pillet kêu gọi Hội đồng Thuộc địa bỏ tiền ra in một bản khác chính thức và hoàn toàn hơn. Một ông Tây khác, chủ hiệu sách, thấy việc in Lục Vân Tiên có lời, nên cũng viết thư xin Hội đồng Thuộc địa trợ cấp tiền để in một bản mới, giá bán thật rẻ vì « quyển Lục Vân Tiên, một trong những truyện thơ được người An-nam yêu thích nhất, chỉ còn lưu hành với bản phiên âm ra chữ La-tinh với một giá mà đa số quần chúng không thể mua nổi, tôi muốn nói ở đây, bản phiên âm của Janneau (Paris 1873) giá bán 6 quan mỗi cuốn bên Pháp. Vì vậy tôi xin đề nghị với Hội đồng Thuộc địa giúp tôi một số tiền của Thuộc địa để có thể xuất bản một bản mới giá thật rẻ, mà tôi hứa trước sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm việc ấn hành ». Trong thơ của tên Tây, chủ hiệu sách có bày tỏ dã tâm của thực dân khi cho dịch, phiên âm, in và phổ biến Lục Vân Tiên : « Theo chính sách trực trị, đồng hóa, thật là lợi ích lớn lao nếu nhà nước ở Thuộc địa thay thế những sách chữ nho bằng những sách viết theo mẫu tự Âu châu ». 36 Không phải thực dân chỉ lợi dụng Lục Vân Tiên mà còn muốn lợi dụng cả con người tác giả. Thực dân thừa biết uy tín tinh thần lớn lao của Đồ Chiểu, không phải chỉ với tư cách nhà văn, nhưng chủ yếu vì tiêu biểu cho tinh thần bất-khuất chống Pháp, nên không dám nghĩ đến chuyện thuyết phục Cụ chấp nhận chế độ thuộc địa. Tuy nhiên lợi dụng tình cảnh tuổi già mắt mù, nghèo khổ của Cụ, Thực dân chỉ muốn tỏ ra lưu tâm đến tình cảnh trên của Cụ và muốn giúp Cụ đỡ túng thiếu về vật chất ; nếu Nguyễn Đình Chiểu chịu nhận những sự giúp đỡ chỉ có tính chất nhân đạo, thì cũng đã lợi cho sự tuyên truyền của Thực dân, có tác dụng làm giảm bớt những hình ảnh về sự xâm lược tàn bạo vẫn còn sống động trong tâm trí quần chúng. """