🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chủ Tịch Hồ Chí Minh Với Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Ebooks Nhóm Zalo HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN Chủ tịch Hội đồng Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương LÊ MẠNH HÙNG Phó Chủ tịch Hội đồng Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật PHẠM CHÍ THÀNH Thành viên VŨ TRỌNG LÂM NGUYỄN ĐỨC TÀI TRẦN THANH LÂM NGUYỄN HOÀI ANH LỜI NHÀ XUẤT BẢN Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo được nhiều học trò xuất sắc, trong đó Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò gần gũi, xuất sắc của Người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn luôn ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ, là một tấm gương điển hình về đạo đức của người cách mạng, về đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Lịch sử nước nhà mãi lưu danh hai nhân vật vĩ đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lịch sử đã đưa hai con người xuất chúng ấy đến gần nhau, trở thành hai thầy trò, hai người đồng chí, hai người tri kỷ để làm nên hai cái tên mà chắc là lịch sử sẽ luôn nhắc tới. Thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng như nhằm góp phần giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, tiếp tục đẩy mạnh cuộc Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với 5 Nhà xuất bản Văn học xuất bản cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách đề cập những câu chuyện hết sức chân thực về mối quan hệ gần gũi, thân tình giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những dấu mốc đã đưa Đại tướng đến gần với Bác, về sự thiên tài nhãn quan của Bác trong việc phát hiện nhân tài cho đất nước. Mặc dù tác giả đã có nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn cuốn sách, nhưng đây là đề tài lớn nên khó tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc để nội dung cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau. Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Tháng 7 năm 2019 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 6 LỜI NÓI ĐẦU Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc, cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người giáo dục, rèn luyện, tin tưởng trao trọng trách lớn, Đại tướng đã nỗ lực học tập đạo đức, tác phong của vị lãnh tụ tối cao và luôn luôn tranh thủ sự giúp đỡ của đồng nghiệp các cấp, phấn đấu để trở thành một vị tướng kiệt xuất, có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc. Nội dung cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ yếu tập trung đề cập mối quan hệ làm việc, cộng tác gần gũi giữa Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với nhà quân sự chiến lược Võ Nguyên Giáp từ những năm 1940 cho tới khi nhân dân ta kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đó là mối quan hệ thân tình mà thiêng liêng giữa vị lãnh tụ tối cao của dân tộc với một trong những đồng chí, cộng sự tín cẩn của Người. Qua cuốn sách, ta có thể thấy rõ tầm anh 7 minh, quảng bác của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo, chỉ đạo về đường lối cách mạng, về khả năng và sử dụng nhân tài của Người. Đồng thời, cuốn sách cũng chỉ rõ tài năng binh nghiệp của chàng thanh niên yêu nước Võ Nguyên Giáp. Nhờ đi theo con đường cách mạng, Võ Nguyên Giáp đã được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở nơi đất khách quê người để rồi từ một lời dặn của Người, coi như là “anh hùng đoán giữa trần ai” mà về sau “nên nỗi cơ đồ” ở trong ông. Cùng với yếu tố quý giá đó là sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu không ngừng của nhà quân sự Võ Nguyên Giáp, một trong những người đi đầu trong việc học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2007 (do Nhà xuất bản Thông tấn tổ chức xuất bản), cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được đông đảo bạn đọc gần xa đón nhận và góp thêm nhiều ý kiến quý báu. Nhân dịp cuốn sách được tái bản, tác giả đã tiếp thu mọi ý kiến, chỉnh lý, bổ sung để tác phẩm thêm chất lượng, xứng đáng với sự quan tâm của quý độc giả. Tuy nhiên, với một đề tài lớn và quan trọng như thế, cuốn sách khó tránh khỏi những khiếm khuyết trong nội dung và cách thể hiện, mong quý bạn đọc tiếp tục góp thêm ý kiến phê bình để nội dung cuốn sách ngày một hoàn thiện. TÁC GIẢ 8 TỪ NHỮNG DÒNG SÔNG Quê nội của chị em Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái ở tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Từ xa xưa, cả về địa lý và lịch sử, Hà Đông là vùng đất được lập nên và chi phối từ những chi lưu của sông Nhị Hà. Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (sinh năm 1827), người huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, làm quan đến chức Tuần vũ, là nhà sử học và thiên văn học, đã viết cuốn sách Sử học bị khảo, trong đó nói rõ: “Từ Nhị Hà chia ra, sông Nhuệ ở huyện Từ Liêm đổ vào Long Đàm rồi theo hướng đông nam chảy qua các huyện Thanh Oai, Thanh Trì đến ngã ba Hà Liễu thì đổ vào Tô Lịch. Lại có sông Đỗ Động bắt đầu ở đầm Ngũ Xá, huyện Thượng Phúc mà nhập vào Nhuệ Giang. Còn về phía tây nam thì có sông Kim Ngưu bắt đầu từ Hồ Tây (huyện Vĩnh Thuận) mà chảy nhập vào”. Đến ngã ba Lương Thủy, Nhuệ Giang còn có nhánh của sông Hát từ phía đông chảy đến. Mà Hát Giang chảy dưới Bát Cảnh Sơn, đó là nơi gắn bó với sự nghiệp vĩ đại và cả giây phút oai hùng cuối 9 đời của Hai Bà Trưng. Về thắng cảnh ấy, Đặng Xuân Bảng viết: “Núi Bát Cảnh… 99 ngọn đổ xuống sông Hát Nhuệ Giang cứ thế chảy theo hướng nam, đến Cửa Bộc, huyện Nam Xang thì lại đổ vào sông Hồng”1. Nhị Hà từ tây sang đông Kim Ngưu, Nhuệ Thủy là sông bên này. (Ca dao) Ngoài lúa ngô, khoai đậu, Nhuệ Giang còn tạo nên ở nơi đây một vùng dâu lụa nổi tiếng của đất nước. Đó là hiện trạng do sự ban phát cách đây ít nhất một thế kỷ rưỡi của dòng sông tơ tằm, một chi lưu của Nhị Hà. Nay thì cảnh quan tự nhiên đã khác rất nhiều do sự biến hóa của trời đất và bởi tác động của con người nhưng nền móng để tạo nên vùng đất văn hiến ven Kinh thành ở chốn này thì vẫn còn nguyên vẹn trong dấu ấn của lịch sử. Nền đất do phù sa sông Hồng không ngừng bồi tụ ấy thật phì nhiêu, có lẽ vì cư dân ở đây sớm đông đúc mà từ lâu đời đã có những lớp người phát tán đi nhiều nơi mang theo trong mình nét văn hóa từ văn minh của dòng sông Cái. Mà đã có kẻ đi thì rồi tất có người đến vì các miền đất nước đều là tài sản chung của mọi cư dân. Rồi đến một ngày, khi Kinh thành rực rỡ cờ hoa đón đoàn ___________ 1. Trích trong cuốn sách Sử học bị khảo (Đỗ Mộng Khương dịch, Hoa Bằng hiệu đính), Thư viện Viện Sử học, ký hiệu ĐVv, 307/1-2. 10 quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô sau cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp để bảo vệ độc lập dân tộc (1946-1954), có gia đình một vị tướng quê từ sông Gianh đến định cư lâu dài ở trên bờ con sông Hồng này. Khoảng nửa thế kỷ trước đó, cũng có một người đàn ông đã rời quê hương, nơi gắn bó với dòng Nhuệ Giang để đi vào đất Nghệ, với chức vụ là thư ký nhà ga Vinh. Ông họ Nguyễn, quý danh là Bình, được thưởng sắc Hàn lâm nên gọi là ông Hàn Bình. Ông đã xây dựng gia đình tại thị xã, nơi vốn là quà tặng của dòng sông Lam. Bà Hàn Bình là cháu ngoại của một nhà Nho ở đất Trung Cần, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một làng nằm bên hữu ngạn của dòng sông trong xanh ấy. Mẹ của bà lấy chồng về làng Đàu, tổng Thịnh Quả, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Làng này với Trung Cần tuy khác tỉnh nhưng theo đường chim bay thì chỉ cách nhau độ vài ba cây số. Cả hai nơi cùng nằm trên một miền bãi bồi trải rộng giữa hai dòng sông là Lam Giang (tức Ngàn Cả) và sông La (tức Ngàn Sâu - một phụ lưu của nó). Ở miền quê này, lụt lội là chuyện thường niên nhưng đất đai thì khá phì nhiêu vì có phù sa của các con sông ấy bồi đắp. Con người ở đây trung hậu, chí thú làm ăn, sắt son, tình nghĩa: Nước lên cho cá lên theo Đôi bên cha mẹ đói nghèo cả hai. (Ca dao) 11 Bà Hàn Bình lớn lên ở Thịnh Quả nhưng nhà có quầy hàng bán vải ở chợ Vinh. Bà lấy chồng lúc mười tám tuổi. Rồi cùng chồng lập gia đình ở phố Ga của thành phố này. Năm 1910, họ sinh Nguyễn Thị Minh Khai, bốn năm sau thì sinh người con thứ hai, cũng là con gái. Ông Hàn Bình vui mừng, liền đặt tên cho cô là Nguyễn Thị Quang Thái. Theo nghĩa trong Kinh Dịch, hai chữ “Khai - Thái” có hàm ý là đã đến lúc hanh thông, tức vận may đang đến, làm việc gì cũng thuận lợi. Còn riêng chữ Quang Thái thì còn có nghĩa là những tia ngũ sắc được đan xen vào nhau để tạo nên một màn hoa rực rỡ. Minh Khai học Lớp Nhất dưới sự dạy dỗ của thầy Trần Phú. Sau khi đỗ bằng tiểu học tại thành phố Vinh, noi theo thầy giáo của mình, chị tham gia hoạt động cách mạng, vào Đảng Tân Việt. Năm 1930, Minh Khai là đảng viên cộng sản, xuất dương sang Trung Quốc, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc huấn luyện thêm về cách mạng. Một thời gian, chị làm thư ký, giúp việc cho Người. Từ năm 1934, chị là Ủy viên trong Ban Cán sự của Đảng ở nước ngoài. Năm 1935, Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc), chị được cử làm đại biểu đi dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, họp tại Liên Xô. Thời gian ấy chị lập gia đình, kết duyên với Lê Hồng Phong - Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Trưởng đoàn đi dự 12 Đại hội Quốc tế Cộng sản. Sau đó Minh Khai về nước, làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Anh chị sinh được một người con gái là Lê Hồng Minh. Chị bị đế quốc Pháp bắt giam rồi đem ra xử bắn tại Hóc Môn (ngoại ô thành phố Sài Gòn), năm 1941. Nguyễn Thị Quang Thái sinh năm 1913. Khi còn ở bậc tiểu học, có lúc về nhà, Quang Thái thấy Minh Khai mang sổ ghi tiền bán hàng của mẹ ra và xóa tên cho những người có số nợ chẳng là bao song vì nhà nghèo nên đã lâu rồi, họ chưa trả được. Cô biết rõ điều đó nhưng không mách mẹ mà ủng hộ việc làm của chị gái. Quang Thái vì là em, có điều kiện hơn nên sau khi đỗ tiểu học thì thi vào Trường Nữ học Đồng Khánh, Huế. Ít lâu sau, một số sự kiện đã xảy ra, như: sự kiện cụ Phan Bội Châu, người khởi xướng, tổ chức, đi đầu trong công cuộc Đông du sang Nhật rồi bị trục xuất nên phải qua Trung Quốc, sau bị thực dân Pháp bắt giải về nước, kết án tù chung thân và giam lỏng tại Huế (năm 1925); cụ Phan Châu Trinh, lãnh tụ đấu tranh đòi dân quyền, sang Pháp một thời gian rồi về, mất tại Sài Gòn (năm 1926), được nhiều nơi để tang. Ngoài ra, những cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên suy tôn tinh thần cách mạng của hai cụ Phan cũng đã nổ ra ở nhiều tỉnh thành, nhằm đòi quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Riêng tại các nhà trường từ bậc trung học trở lên, hình thức đấu tranh không dừng lại ở mức độ ấy mà còn biểu thị bằng các cuộc bãi khóa. 13 Bấy giờ Võ Nguyên Giáp đã là đảng viên Đảng Tân Việt. Trước đó, anh bị đuổi khỏi Quốc học Huế vì là thành viên trong nhóm cầm đầu cuộc bãi khóa của học sinh trường này vào những năm 1927-1928. Ít lâu sau, anh được cụ Huỳnh Thúc Kháng mời vào làm việc ở Báo Tiếng Dân và sinh hoạt trong Tiểu tổ Đảng Tân Việt của Tòa soạn báo. Bấy giờ, cụ Huỳnh Thúc Kháng không vào Tân Việt nhưng cụ tôn trọng những người làm cách mạng. Tổ chức giao anh Giáp giữ mối liên lạc giữa các cấp bộ của Đảng này từ các nơi về với Thừa Thiên - Huế. Nguyễn Thị Quang Thái vì tham gia các vụ bãi khóa ở Trường Nữ học Đồng Khánh nên cũng bị đuổi. Quay trở về nhà, chị cũng vào Đảng Tân Việt và hoạt động tại Vinh. Rồi đến một ngày, Quang Thái được Tỉnh bộ Tân Việt Nghệ An giới thiệu vào bắt liên lạc với các tổ chức của đảng mình ở Kinh kỳ. Việc đầu tiên của chị là phải gặp cho được Võ Nguyên Giáp. Nơi trọ cũng là văn phòng làm việc của anh Giáp đặt tại gia đình ông Lê Ấm, con rể cụ Phan Châu Trinh. Ngôi nhà ấy nằm khuất phía sau Kinh thành Huế. Từ cửa Đông Ba rẽ trái, rồi phải, đi qua những cung đường ngoằn ngoèo khó nhận ra nhưng vì trách nhiệm của đoàn thể giao và bởi một sự thôi thúc nào đó chưa hình dung được mà Quang Thái cứ mạnh dạn đi và đã tìm được đến nơi. 14 Bấy giờ xuất hiện trước chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp là một tiểu thư dáng hình mảnh dẻ, xinh xắn, đôi mắt tươi vui, đầy vẻ cương quyết với giọng nói nhẹ nhàng nhưng rắn rỏi. Gương mặt vừa trong sáng vừa dịu dàng ấy có một sức thu hút lạ thường đối với người mà cô đang đối diện. Bỗng nhiên, anh Giáp tự đặt câu hỏi: Không biết con người này, với cặp mắt ấy, mình đã bắt gặp ở đâu, trong hoàn cảnh nào? Dòng ký ức hiện lại trong anh. Số là cách đó khoảng một năm, khi Tổng bộ Đảng Tân Việt đã chuyển vào Huế, anh Giáp được tổ chức cử ra Bắc. Trên đường đi phải dừng lại ở Vinh để thông báo với Tỉnh bộ Nghệ An một số vấn đề về chủ trương mới của đảng này. Anh đóng vai một công tử giàu có, mặc bộ comple hàng hiệu, đội mũ phớt đắt tiền, ngồi toa hạng Nhì trên tàu hỏa. Khi gần đến nơi, nếu xuống rồi không lâu lại lên tàu giữa trung tâm thành phố Vinh thì rất dễ bị mật thám Pháp theo dõi nên anh phải dừng lại khi xe lửa đỗ ở một ga xép, là ga Thôn Thượng (Hưng Nguyên). Từ đó anh còn phải cuốc bộ khoảng bốn cây số theo đường ray. Dân các làng và khách bộ hành qua lại cứ tưởng anh là một công chức đi làm từ nơi xa, nay đang trên đường về thăm nhà. Đến vùng ngoại ô của đô thị, anh gọi một chiếc xe kéo loại sang, nhờ đi đến hiệu cắt tóc Vĩnh Long, phố Thống chế Phốc (nay là đường Quang Trung), nơi 15 Đảng Tân Việt đặt cơ sở liên lạc của Tỉnh bộ Nghệ An. Anh chàng “công tử” ấy, sau khi trả tiền công cho bác phu xe, trong túi chỉ còn hai hào. Nguyễn Đình Đoàn dẫn anh đến cơ quan, đóng tại một xóm đạo ở phía Cầu Rầm. Người trực tiếp làm việc với anh là một phụ nữ. Trong điều kiện bí mật, các đồng chí ở Vinh tiếp nhận chỉ thị của Tổng bộ xong còn phải lo đủ kinh phí để anh Giáp đi tiếp ra Hà Nội. Rất tiếc là thời gian và hoàn cảnh không cho phép ở lại lâu dù anh Giáp biết, núi Con Mèo, nơi khai sinh ra hội Phục Việt (tên thuở ban đầu của Tân Việt) ở cách chỗ anh đứng chỉ một thôi đường. Khi tiễn anh ra ga Vinh, Nguyễn Đình Đoàn chỉ kịp nói: - Người cán bộ làm việc với anh vừa rồi là Nguyễn Thị Minh Khai. Chị có cô em gái là Quang Thái, cũng rất thông minh và xinh đẹp. Võ Nguyên Giáp ra ngoài đó để gặp Kỳ bộ Tân Việt của xứ Bắc, mang biệt danh là Nhân Kỳ. Hành lý của anh vẫn là chiếc vali rất sang ấy, đựng quần áo cùng nhiều tập giấy thông thường. Cái xen lẫn vào trong đó lại là thứ quan trọng, đó là các công văn, tài liệu của đoàn thể. Xuống tàu ở ga Hàng Cỏ, anh cuốc bộ đến Trường Đại học Đông Dương tại phố Bôliô, nay là đường Lê Thánh Tông. Tôn Quang Phiệt tiếp anh trong một quán nước ở trước ngõ nhà trường rồi họ cùng đi tới trụ sở liên lạc của Kỳ bộ Tân Việt 16 của đất Bắc - Nhân Kỳ, bí mật đặt tại phố Huế, nằm lọt giữa khu nhà 24 gian, là một trong những xóm Cô Đầu của đất Hà Thành. Thuở bấy giờ, các thông tin quan trọng của đoàn thể được những bậc trí thức đóng các vai “lãng tử” chuyển tải cho nhau ở nơi giao tiếp giữa đời thường của thế gian như vậy đó. Mấy hôm sau, khi xong việc, Võ Nguyên Giáp trở về, cũng trên một chuyến xe lửa Hà Nội - Huế. Khi tàu đã chạy qua ga Vinh một quãng, nhân có việc phải đi lên ở toa phía trước, anh gặp hai cô gái đang cùng đứng trò chuyện. Trong đó có một người anh quen, ấy là cô Cầm, nữ sinh Trường Đồng Khánh, em của chị Hải Đường, cùng tham gia bãi khóa năm trước. Cầm nhận ra anh Giáp. Cô vội chào rồi giới thiệu bạn mình là Nguyễn Thị Quang Thái, nhà ở Vinh, có việc cùng vào Huế. Bấy giờ vì hoàn cảnh công tác không tiện chuyện trò lâu nhưng Giáp đã để ý đến cô bạn của Cầm với gương mặt trái xoan, dáng đoan trang và đôi mắt sáng. Để đến hôm nay thì anh thực sự bị chính đôi mắt ấy chinh phục. Anh lại cứ nghĩ là không biết tại sao trong dịp ghé lại Vinh dạo nọ, khi tiễn anh ra ga xe lửa, anh Đoàn đã nói về cô em gái của chị Minh Khai để buổi gặp gỡ trên tàu sau đó đã tạo nên ở trong anh một cái gì đó vương vấn. Trở lại buổi gặp nhau ở Huế, khi anh Giáp tính chuyện thu xếp nơi nghỉ cho khách thì Quang Thái bảo: 17 - Cảm ơn anh, việc đó sẽ có Cầm, bạn em lo liệu. Trời đã cuối thu nhưng tiết giao mùa ở trong này có muộn hơn so với ngoài xứ Nghệ. Nắng vàng vẫn rải nhẹ trên bờ sông Hương. Hai người giữ bước đi cách quãng, tưởng như không hề liên quan. Họ nói với nhau trong im lặng, ít ngôn từ mà nhiều ký thác. Một gốc tùng cổ thụ rũ tóc vàng trong nắng thu. Cây đứng bên đường như là quà tặng cho những trai thanh, gái lịch để cùng hẹn hò, đổi trao. Và, với chàng trai lớn lên ở Đồng Hới, nơi giọng nói giàu “ngọt lịm yêu thương” cùng cô gái đến từ thành phố bên bờ sông Lam “dạt dào sóng nước” thì gốc tùng cũng tựa như người bạn đang âm thầm lắng nghe những tâm tình gửi trao giữa đôi bên. Tuy họ không nhìn nhau nhưng hai trái tim thì lại giao hòa. Chàng thư sinh họ Võ kể cho người bạn gái nghe về dòng sông lớn đất Quảng Bình, cũng là sông rộng nhất miền Trung của Tổ quốc, tức sông Gianh, tên chữ là Linh Giang. Còn con sông nhỏ chảy qua làng quê An Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình quê anh, ấy là dòng Kiến Giang, cũng gọi là sông Đại. Sông này cũng bắt nguồn từ Trường Sơn, chảy len lỏi giữa vùng núi An Mã rồi tuôn xuống đồng bằng, tưới mát cho đồng điền hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Có người nói, trong thành ngữ: “Nhất Đồng Nai, nhì Hai Huyện” thì địa danh “Hai Huyện” là chỉ Quảng Ninh và Lệ Thủy. Có lẽ vì vậy nên có câu ca: 18 “Ai về cửa bể Quảng Bình Cá ngon, cơm trắng là mình với ta”. Về xuôi, Kiến Giang nhập vào phá Hạc Hải rồi cùng đổ ra cửa Nhật Lệ. Phá Hạc Hải còn do nhiều dòng nước khác tuôn về nên rộng mênh mông. Xung quanh phá có những động cát trắng phau. Dưới chân những đụn cát là các trảng đất để trồng cói rồi mới đến cái đầm nước. Cây cói ở đây được đem sánh với lá nón nơi Quy Hậu, Ba Đồn, nên có câu: “Chiếu cói An Xá, nón lá Quy Hậu”. Tiếng vậy chứ trên bản đồ, người ta chú ý đến sông Nhật Lệ nhiều hơn, tuy cả hai cùng hợp lưu rồi đổ vào phá Hạc Hải, vì Nhật Lệ chảy qua thị xã Đồng Hới. Còn khi nhắc đến cư dân Quảng Bình thì người ta nói đó là những người con của sông Gianh. Mà sự thật về lịch sử và văn hóa, Linh Giang đủ đại diện cho cả Kiến Giang và Nhật Lệ. Sông Gianh bắt nguồn từ núi Trường Sơn, trên một lưu vực rất rộng mà mỗi ngọn nguồn, mỗi bến nước đều mang trong mình biết bao câu chuyện thần kỳ: Núi Truồi ai đắp mà cao Sông Gianh ai bới, ai đào mà sâu. (Ca dao) Võ Nguyên Giáp đưa câu ca đã từ ngàn xưa ấy ra hỏi bạn, Quang Thái chịu không trả lời được và bảo: 19 - Ôi, Đèo Ngang, sông Gianh, Phong Nha rồi cả Lũy Thầy nữa, đến quê anh, mỗi bước đường lắng đọng mỗi sự tích thần kỳ. Chả biết đất có giúp ta học theo được chút gì qua hào khí của cổ nhân. Em nghĩ, những chàng trai như các anh phải trả lời trước các câu hỏi đó. Còn em, ước gì chúng ta cùng nhau có dịp cùng đứng nhìn dòng sông Lam. Bấy giờ em sẽ trả lời anh câu hỏi này. Lời của Quang Thái bỗng khiến người thanh niên Võ Nguyên Giáp nhớ lại và ngẫm nghĩ về vai trò “Địa giới” của sông Gianh trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1627-1672). Qua cuộc đọ sức lâu dài ấy, quân Nguyễn tuy non hơn về binh lực nhưng do chủ yếu là chiến đấu trên đất nhà, lại có thành lũy kiên cố nên qua bảy lần giao chiến, quân Trịnh không sao tiến sâu vào phía trong được nên cuối cùng phải chịu giảng hòa, lấy sông Gianh làm giới hạn để phân định Đàng Trong - Đàng Ngoài. Hệ thống đồn lũy ấy được bố trí cách quãng trên bốn bức thành chạy dài và vững chãi từ tây xuống đông. Trong đó, các bức kiên cố nhất là lũy Trường Dục, bắt đầu từ chân Trường Sơn kéo xuống tận Hạc Hải và lũy Đông Hồi từ núi Đầu Mâu chạy xuôi tới cửa biển Nhật Lệ. Các bức lũy ấy đắp từ năm 1630 đến năm 1634 và được gọi chung là Lũy Thầy vì do Đào Duy Từ, bậc quân sư kiệt xuất đã giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên tổ chức xây đắp. 20 Lớn lên trên vùng sông Gianh - Lũy Thầy, dải đất một thời binh đao kéo dài rồi bị chia cắt hàng trăm năm, Võ Nguyên Giáp đã bắt đầu nghĩ về những bài học quân sự của tiền nhân và ít nhiều có những nhận thức rằng, sự phân liệt sơn hà của những triều đại phong kiến như vậy hẳn đã làm cho kinh tế của nước nhà chậm phát triển và các thế lực bên ngoài dễ lợi dụng mà len vào. Bài học về đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước, tuy còn mơ hồ nhưng đã nhen nhóm trong ý thức của chàng thanh niên họ Võ, đảng viên Đảng Tân Việt hồi ấy. Quang Thái đọc được nét suy tư ở người bạn trai, cũng là người đồng chí rồi hỏi: - Chắc anh đang nghĩ về một điều gì khác? - Không, không… cũng là việc chung thôi mà! - Chàng trai đáp vội để cô gái yên lòng. Quang Thái nhận ra nơi vầng trán rộng và cao ở người bạn một chút vẻ tang bồng. Rồi từ trong lòng mình, cô muốn hỏi thêm đôi ba câu chuyện nhưng thời gian không còn. Hai người tạm chia tay nhau ở đó. Xa người nhưng gương mặt tươi vui cùng vẻ đẹp trang nhã từ miệng cười và đôi mắt diễm lệ của nàng thì đọng lại trong hồn của kẻ phải tạm cách chia. Họ đã thuộc về nhau rồi sao! Về việc ngắm dòng sông Lam mà ở phía tả ngạn thuộc vùng hạ du có làng Sen, làng Chùa, 21 nơi cậu Nguyễn Sinh Cung về sau là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cất tiếng khóc chào đời, được nuôi lớn rồi bước đến với nhân loại là điều Võ Nguyên Giáp hằng ao ước nhưng chưa có dịp nào, dù đã vài lần anh từng ngồi trên xe lửa, băng qua các con cầu trên sông Cả, sông La. Số là kể từ lần đầu, hồi lên trung học, anh được học với Giáo sư Đặng Thai Mai. Thầy là con trai của Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, người làng Lương Điền, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cụ thân sinh ra thầy đã từng hoạt động Văn thân, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Cụ đã từng sống những ngày “Đặng, Huỳnh, Ngô ba bốn bác hàn huyên, khi nhấp rượu, lúc ngâm thơ, trước cửa ngục lầm than mà khẳng khái” (Phan Bội Châu). Thầy Mai từng theo Nho học, khi đã đủ trình độ để thi Hương thì người Pháp buộc Chính phủ Nam triều phải bãi bỏ các kỳ thi chữ Hán. Lớp nho sinh như thầy ở đất Nghệ có cả Nguyễn Sĩ Sách, Tôn Quang Phiệt,... phải chuyển sang Tân học. Sau đó, tuy giỏi tiếng Pháp, tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, dạy ở trường Quốc học nhưng thầy vẫn trau dồi chữ Hán. Thấy anh Giáp là người ham học, vào một dịp nghỉ hè, thầy đã rủ anh ra Vinh. Và cả hai người đã cùng đến học với vị cử nhân Hồ Phi Huyền ở phố Khách. Cụ Cử Hồ đổi công cho một số chủ hiệu thuốc Bắc bằng cách cụ kê đơn, chỉ cho bệnh nhân mua thuốc ngay ở hiệu này; còn chủ hiệu thuốc thì họ 22 dành cho cụ một căn phòng ở sát sân nhà ngoài để ăn nghỉ và cũng là để “bảo vệ cơ ngơi” cho họ! Có điều là cụ không bao giờ để trống thời gian. Ban ngày, cụ kê đơn cho gia đình bệnh nhân đến từ nhiều làng quê, thậm chí từ những nơi rất xa, vì họ nghe tin về sự hiệu nghiệm của những thang thuốc do thầy kê đơn. Chủ hiệu thuốc rất mừng và thêm quý ông Cử bởi sự giỏi giang và thanh bạch. Khi đêm về yên tĩnh, cụ ngồi viết sách. Hai tác phẩm nổi tiếng Đạm Trai văn tập và Nhân đạo quyền hành được cụ viết tự nơi này. Thầy Mai có trình độ cao nên tiếp thu được từ cụ nhiều hơn, về sau thầy trở thành con rể của cụ. Với Võ Nguyên Giáp, đương nhiên, sức tiếp thu không bằng thầy học của mình nhưng đấy là những ngày tháng rất bổ ích cho anh. Mỗi lời giảng của cụ Cử có chất lý luận (ta thường gọi là lôgích triết học) rất cao và thấm đượm tính nhân đạo rất sâu. Cụ thường nói với các môn đệ rằng, người không có năng lực lý luận thì khi gặp cảnh nguy nan trong quan hệ xã hội, họ sẽ khó mà phân biệt rõ đúng, sai để định ra được cách xử lý việc đời cho thích hợp. Đó cũng là điều mà sau này anh Giáp thường nhắc lại với em trai mình là Võ Thuần Nho, cả khi ông Nho đã là Thứ trưởng Bộ Giáo dục. * * * Còn về Nguyễn Ái Quốc, người con được sinh ra trên bờ sông Lam, khi vừa xuất hiện trên các báo 23 chí ở Pari liền được các chính khách ở bên đó tôn xưng là “Lơ Patơriốttờ Nguyễn” (Le Patriote Nguyên), tức “Ông Nguyễn Yêu nước”. Tin đó sớm được truyền về Đông Dương và những bài viết của Người. Với anh Giáp, do hoạt động trong điều kiện bí mật, nên chỉ biết qua tài liệu mà chưa được tiếp xúc và quen biết, nhưng tấm hình người thanh niên mặc Âu phục, đội mũ phớt, có đôi mắt sáng, kiên nghị, có sức nhìn như thấu suốt mọi tình cảnh của nhân gian thì anh không thể nào quên. Nhớ mấy năm về trước, khi đã bị đuổi học vì tham gia bãi khóa, về sống vớí gia đình ở An Xá, Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Chí Diểu tìm đến nhà, trao cho cuốn sách Chủ nghĩa cộng sản viết bằng tiếng Pháp, in ở Brúcxen, Bỉ, cùng một số tài liệu nói về Liên hiệp các dân tộc bị áp bức trên thế giới và mấy văn bản ghi chép từ các cuộc họp của những người cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu (Trung Quốc), đặc biệt trong đó có bài nói chuyện của đồng chí Lý Thụy. Trước khi ra về, đồng chí Diểu còn mách nhỏ để anh Giáp biết, các tài liệu ấy được chuyển về là do chủ trương và công sức của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Và, Lý Thụy là mật danh của Người. Có được số tài liệu ấy, anh Giáp lần lượt mang ra lùm cây sau vườn, trèo lên chỗ cành rậm, ngồi đọc. Cứ sau mỗi đoạn, mỗi chương anh lại liên hệ đến cách hành văn của Nguyễn Ái Quốc trong tập 24 “Bản án chế độ thực dân Pháp” mà anh Nguyễn Khoa Văn1 đã bí mật cho mượn. Sau này, Võ Nguyên Giáp viết trong cuốn sách Những chặng đường lịch sử: “Lần đầu tiên tôi được đọc một tập tài liệu có hệ thống về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc tế. Có thể nói là, tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản đã được cắt nghĩa lần lần qua từng trang sách. Sau đó, tôi trở lại Huế, lần này không phải đi học mà là đi hoạt động cách mạng”. Vào quãng thời gian tham gia Đảng Tân Việt và làm Báo Tiếng Dân ở đất Kinh kỳ, càng tiếp xúc với những tài liệu, báo chí từ cả nước ngoài gửi về, anh Giáp càng hình dung đến cây bút viết nghị luận và châm biếm sắc sảo Nguyễn Ái Quốc, nên anh càng thiết tha được tìm hiểu về con người lỗi lạc đó. Chưa được tiếp kiến trực tiếp thì cũng phải đi đến vùng quê nơi đã sinh ra và nuôi lớn Người, để tự cắt nghĩa được phần nào những băn khoăn, thắc mắc của mình, nhằm giải đáp được điều bản thân luôn suy nghĩ: Vì sao nước Nam này lại có được một nhân vật lớn như vậy? Để sau này, nếu may mắn được gặp Người thì mình sẽ bớt đi phần nào sự bỡ ngỡ. Rồi đến một ngày, chàng thư sinh họ Võ thực sự được đến với sông Lam. Cùng với công việc của đoàn thể, chàng còn tới để đòi lại “món nợ” mà ___________ 1. Bút danh là Hải Triều, nhà lý luận mácxít của Đảng.25 người bạn gái đã hứa là trả trọn khi họ cùng được ngắm nhìn dòng sông này. Chàng đánh bạo đến thăm nhà của ý trung nhân (số 139, đường Thống chế Phốc (Maréchal Fock), về sau gọi là phố Ga), lấy cớ là cùng hoạt động nên quen biết Quang Thái, nhân có công tác phải ra ngoài này, rồi được bạn mời về. Gia đình ông Hàn Bình thường vốn đông khách khứa lui tới nhưng chàng thư sinh đến từ sông Gianh này quả đã để lại cho chủ nhân một ấn tượng đẹp. Được phép của ông bà Hàn, hai cô cậu đến bến Cửa Tiền, thuê một chuyến đò dọc, đi ngược sông Lam. Đến Sa Nam thì họ lên bờ, trà trộn vào buổi chợ phiên, giả dạng mua bán, xong rồi lại xuống thuyền chứ không dám đi xa. Thế cũng đủ để đôi bạn trẻ hình dung ra cả một dải hạ lưu của sông, một mạch chảy, nơi đã sản sinh ra biết bao những anh hùng, hào kiệt của mỗi thời. Vùng Cát Ngạn bên hữu ngạn sông là nơi hồi thế kỷ X, quan Thứ sử Đinh Công Trứ đã đóng trấn sở. Bà Đàm Thị là Đinh phu nhân đã tới đây và có mang trên đất này rồi sinh ra người con trai mà về sau đã đánh bại 11 sứ quân khác để lập nên cơ nghiệp nhà Đinh, thống nhất đất nước. Ấy là vua Đinh Tiên Hoàng. Bên tả ngạn, từ trên xuống, cách ngã ba Cửa Rào (cái rốn của cộng đồng dân tộc Mường thuở trước) về xuôi không xa là đất Thành Nam. Tương truyền khi quân Minh mới sang xâm chiếm nước ta, chúng 26 đã bắt Nguyễn Trãi đem vào giam lỏng ở nơi này1. Tiếp đến là doanh trại Trà Lân, nơi hồi thế kỷ XV, nghĩa binh của Lê Lợi đã đánh tan đạo quân xâm lược Minh đồn trú tại đấy. Cứ thế, vẫn bên tả ngạn xuôi dưới chân núi Vệ Sơn, tại xã Hương Lãm, huyện Nam Đàn là di tích thành Vạn An, nơi vào năm 722, Mai Thúc Loan đã phất cờ khởi nghĩa rồi từ đó tiến ra Tống Bình (Thăng Long sau này) đuổi viên quan đô hộ nhà Đường là Quang Sở Khách chạy về Tàu. Đất nước được giải phóng, ông lên ngôi hoàng đế. Cứ thế, về xuôi, có thôn Đan Nhiệm của Giải nguyên Phan Bội Châu và đi về phía tay trái một quãng, ấy là làng quê của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cũng ngang chặng ấy, bên hữu ngạn sông là các làng quê của hai vị Thám hoa đỗ cùng khoa (Quý Sửu -1853). Đó là Thám nhất Nguyễn Đức Đạt và Thám nhì Nguyễn Văn Giao. Khuất về phía xa tây nam, là nơi ở ẩn của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, người đã giúp Hoàng đế Quang Trung, với “Một lời nói mà nên nổi cơ đồ”. Sau đó, sông chảy về xuôi, bên tả là huyện Hưng Nguyên, bên phải là phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh). La Giang sau khi chảy qua làng quê của Đình nguyên là nhà lãnh tụ Cần vương Phan Đình Phùng thì theo hướng đông nam mà đổ vào Lam Giang. Nơi ngã ba sông ấy, phía hữu ngạn ___________ 1. Theo dân gian, thế mới có câu: “Góc Thành Nam/ Cơm một niêu, lều một gian/ No nước uống, thiếu cơm ăn” trong thơ Nguyễn Trãi. 27 là Phù Thạch, còn bên tả ngạn là Triều Khẩu, có dãy núi Lam Thành đổ bóng. Gọi là Lam Thành bởi xưa kia đấy là trấn sở của nhà Trần. Về sau (vào thế kỷ XV), tướng giặc Minh là Trương Phụ chiếm đóng. Y cho đắp thêm thành và xây cao cột cờ để chống lại lực lượng kháng chiến của nhà Hậu Trần. Nhưng rồi ngược lại, mấy năm sau, chính nơi này, Lê Lợi đã dùng kế vây thành, diệt viện để tiến lên đuổi sạch quân xâm lược Minh, giải phóng cả nước. Cần nói thêm, ở chặng ấy, bên hữu ngạn sông còn có làng quê của vị sứ thần Nguyễn Biểu, người đã vì nền độc lập của dân tộc mà dám cả gan ăn cỗ đầu người trước mặt tướng giặc Minh, dù ngay sau đó ông đã bị chúng sát hại. Từ đấy, Lam Giang thêm rộng lòng sau khi nhận thêm các ngòi lạch ở vùng Can Lộc, quê hương danh sĩ Nguyễn Thiếp, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, thân sinh nhà thơ Nguyễn Huy Tự. Tiếp đến, khi chảy sát dải đất Nghi Xuân là quê hương Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ thì sông hòa vào biển cả. Cần nói thêm, khi về xuôi, đụng phải núi Hồng Lĩnh thì sông Lam mở rộng lòng mà ôm lấy thị xã Vinh - Bến Thủy, một trung tâm kỹ nghệ và thương mại lớn của khu vực Bắc Trung Kỳ. Lam Giang cũng như Linh Giang, mỗi khúc sông, mỗi bến nước còn ghi dấu tài thao lược đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi của người xưa. Khi đất nước còn bóng kẻ xâm lăng thì bổn phận của những người con trai, con gái như Võ Nguyên Giáp, 28 Nguyễn Thị Quang Thái,... còn phải vươn lên vì nợ nước, thù nhà. Từ hồi Trịnh - Nguyễn phân tranh cho đến hết thời Tây Sơn, vùng đất mà trấn thủ Nghệ An phải kiêm quản đã vào đến sát tận sông Gianh. Như thế, lịch sử đã ghi nhận một hệ quả nghịch của chiến tranh, đó là có một thời, hai con sông Linh Giang và Lam Thủy đã trở thành cật ruột nối nguồn với biển ở dải đất thuộc Bắc miền Trung. Nhìn non, nhìn nước mà ngẫm nghĩ, thì ra, bước đến nơi này, “món nợ” mà chàng thư sinh họ Võ được nhận lại là khúc hát đò đưa: Ai biết nác sông Lam răng là trong, răng là đục Thì biết cuộc đời răng là nhục, răng là vinh. Thuyền em lên thác xuống ghềnh, Nác non là ngãi, là tình... ai ơi!1. Thế rồi, khi thấy đôi mắt chàng trai đượm buồn, cô gái gợi chuyện, và được nghe kể về chuyện của gia đình anh thuộc một thời đã xa: - Trên dòng sông Kiến Giang chảy qua làng An Xá quê anh, vào mùa lụt của một năm Thìn, nước ngàn tuôn về đột ngột, làm ngập cả cái gác lúa, trong ấy gọi là cái tra. Nước cuốn trôi cả mẹ và chị gái, tên là Châu. Mẹ nhờ mớ tóc dài cuốn vào bờ tre nên ba cứu được. Còn chị Châu thì mất tích, ___________ 1. Tiếng địa phương trong câu ca: “răng” là như thế nào, cớ sao; “nác” là nước. 29 không có mộ! Trước đó thì anh Toại, người con lớn nhất nhà bị dịch tả, một thứ dịch bệnh cướp đi mạng người trong chốc lát. Anh Toại van: “Thầy ơi, cứu con với”. Thầy có biết làm thuốc nhưng anh Toại lâm vào một thứ bệnh tình quá quái ác, thầy cũng đành nhắm mắt mà khóc! Nghe chuyện, Quang Thái đỏ hoe đôi mắt rồi ngậm ngùi nói: - Khi con người chưa đủ sức khắc phục mọi thứ thiên tai, dịch tễ thì “mỗi con sông là một dòng sữa pha lẫn nước mắt”, anh nhỉ! Như để khỏi gợi thêm những hoài niệm buồn, Võ Nguyên Giáp nói: - Tuy nhiên, sông vẫn giúp sự sống của nhân gian. Mỗi con người đều được sinh ra ở trên lưu vực của một dòng sông và dù hoàn cảnh sống như thế nào thì họ cũng mang hình ảnh về con sông ấy trong suốt cuộc đời của mình. Mỗi dòng sông nuôi sống một miền quê, tạo nên một nền hay ít nhất cũng là một vùng văn hóa mang đặc thù của xứ sở ấy, trong đó có việc sản sinh ra những nhân tài. Họ lại cùng liên tưởng đến đồng chí Nguyễn Ái Quốc, con người đang cuốn hút họ bởi những tác phẩm nổi tiếng trong việc tuyên truyền về đường lối cách mạng giải phóng cho các dân tộc bị áp bức bởi chủ nghĩa thực dân. Các sách báo ấy được chuyển về từ Pari, từ Mátxcơva cũng như từ Quảng Châu (Trung Quốc). 30 Quang Thái nói: - Tuy chưa được gặp nhưng từ lâu chúng ta đều đã trở thành những học trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc rồi, anh nhỉ! Giọng Quang Thái nói đầy vẻ âu yếm. Tình yêu giữa hai người đã không thể chia cắt nhưng vì công việc của đoàn thể, họ chưa có điều kiện để cùng chung một mái ấm gia đình. Phải đợi đến mấy năm sau, khi cả hai cùng ra khỏi nhà tù của thực dân Pháp, điều đó mới được thực hiện. * * * Vào một buổi chiều nọ, ông Phan Kiêm Huy, người cùng huyện với bà Hàn Bình, trước ở trong Tổng Bộ Tân Việt mà bấy giờ là cựu chính trị phạm, mở trường dạy học ở Vinh, ông đã giúp vào việc tác thành cho đôi lứa. Lấy chỗ quen biết, ông Phan dẫn Võ Nguyên Giáp đến nhà Quang Thái để chính thức cầu hôn. Trước khi đi, ông Phan nói với chàng Võ: - Ông Hàn người Bắc. Tục lệ dạm hỏi ở ngoài đó tế nhị và cách bức lắm, cậu thử nghĩ xem mình có vượt qua được không? Chàng trai nói: - Thưa chú, chỉ sợ là mình không hiểu ý của người ta để thực hiện mà thôi. Ông Phan: - Thế thì được. Chuyện đó, với một thanh niên sắc sảo và tế nhị như cậu, chắc sẽ không đến nỗi nào. 31 Ông Phan sắm giúp chàng một bộ: áo lương, quần cát bá trắng tinh, khăn đóng vải lượt đen nhánh và đôi xăngđan da thuộc màu nâu sẫm. Khi tới nhà Quang Thái tại phố Ga, sau mấy câu chuyện xã giao mở đầu, ông Phan Kiêm Huy nói rõ mục đích về sự có mặt của họ. Người đàn ông giúp việc trong nhà đang chờ để được sai phái cũng rất tinh ý, nhìn tân lang, cười, rồi liền lấy một chiếc chiếu hoa trải ra giữa nhà. Võ Nguyên Giáp hiểu ý, bước tới và quỳ xuống, cung kính lạy bố mẹ vợ tương lai hai lạy, theo đúng phong tục của người Kinh Bắc thuở ấy. Ông Hàn cảm động đến bất ngờ, vội chạy lại, đỡ chàng trai đứng lên. Bà Hàn từ bối rối đến ngỡ ngàng, kéo ngăn tủ lấy ra hai lạng vàng rồi gọi cả Quang Thái lại, trao cho họ và nói: - Thầy u cho hai con để làm vốn. Đôi lứa cùng khóc! Sau bữa cơm thịnh soạn, trên đường về, ông Phan nói: - Cậu giỏi lắm, nhập vai rất linh hoạt. Tớ mà còn em gái, tớ gả trước cho cậu rồi kia! Võ Nguyên Giáp vẫn cười, bẽn lẽn. Nhưng rồi cuộc đời dâu bể... Võ Nguyên Giáp còn gặp lại dòng sông Lam này trong một hoàn cảnh khác. Bấy giờ anh đã là bạn chiến đấu thân thiết của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. 32 Thế là đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trên chiều dài đất nước, qua cuộc đời hoạt động cách mạng và chỉ huy trận mạc, ít nhất có ba dòng sông lớn trên bản đồ Tổ quốc đã gắn bó với cuộc đời của ông: Linh Giang, Hồng Hà và Lam Giang. 33 TỪ TÂY HỒ ĐẾN THÚY HỒ Trong những năm tháng kế tiếp, Võ Nguyên Giáp vừa hoạt động vừa học tập, thi đỗ Cử nhân khoa Luật tại Đại học Đông Dương (Hà Nội)1 rồi tham gia giảng dạy ở một số bộ môn để làm công tác tuyên truyền cho đoàn thể. Trong thời kỳ phong trào Mặt trận Bình dân (1936-1939), Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái cưới nhau. Rồi cả hai cùng được đoàn thể bố trí ra Bắc. Anh dạy môn Lịch sử tại Trường Trung học Tư thục Thăng Long, tham gia viết bài cho các tờ báo công khai. Chị làm công tác phụ vận, là cán bộ nòng cốt của Mặt trận Dân chủ thành phố. Họ đã có một cháu gái đặt tên là Hồng Anh. Từ khoảng cuối năm 1939, khi chính quyền của Mặt trận Bình dân ở bên Pháp đổ thì phong trào đấu tranh công khai tại Đông Dương cũng bị thực ___________ 1. Xem William J. Duiker: Hồ Chí Minh - Một cuộc đời (có bản dịch là Hồ Chí Minh - Chân dung một cuộc đời (Ho Chi Minh a Life), Hyperion, New York, 2000. Phòng Phiên dịch Bộ Ngoại giao dịch (chưa in), Hà Nội, tháng 5/2001). 34 dân Pháp khủng bố nên ta lại phải tiến hành đấu tranh bí mật. Vào một ngày thứ sáu của tháng 5/1940, sau khi dồn dạy hết các giờ ngày hôm sau của tuần lễ đó, thầy giáo Giáp nói với học trò: “Vì ở quê có việc cần, thầy phải xin phép nghỉ mấy hôm”. Thế là anh có trọn vẹn cả ngày thứ bảy cho chuyến đi theo như kế hoạch của đoàn thể. Đồng thời, anh cũng đã có thư xin phép ông Đốc trường là Hoàng Minh Giám, viện lý do rằng, mình về thăm nhà rồi bị mệt ở trong quê nên sẽ ra trễ. Thư đó được gia đình gửi từ Quảng Bình ra cho nhà trường theo đường bưu điện. Ông Giám cũng là một vị giáo sư nhiệt tình với cách mạng. Ông không ngăn cấm các thầy giáo và học trò có những hoạt động yêu nước. Tất nhiên, khi bức thư ấy đến tay người nhận thì thầy Giáp đã ở một nơi rất xa Hà Nội. Sau giờ giảng cuối của chiều thứ sáu nói trên, Võ Nguyên Giáp lững thững bước về phía Hồ Tây như người đi dạo mát. Không khí ở đây vào một chiều đầu hè như vừa thôi thúc bước chân, lại như vừa muốn níu giữ anh lại. Những đóa hoa phượng đỏ lấp ló sau vòm lá, những tiếng ve vào vụ gợi cảm giác nồng nàn của cả một mùa hạ năng nổ, tràn đầy sinh lực của tuổi ba mươi thuộc lớp người như anh. Tuy nhiên, anh tự nhủ là phải cẩn trọng. May mà qua mỗi quãng đường, nhìn trước, nhìn sau anh thấy không có một bóng người nào khả nghi là mật thám qua lại. 35 Đến đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), nhìn vào chỗ bên một nơi vắng người, anh thấy Quang Thái đang ẵm bé Hồng Anh, đứng đợi. Quang Thái cũng muốn tham gia hoạt động bí mật, càng xa càng thích nhưng lúc đó bé Hồng Anh chưa đầy năm, không gửi ai chăm nuôi được, nên chị đành gác lại hoài bão ấy. Hai người không dám đến gần nhau. Quang Thái luôn hướng đôi mắt trông ra hồ để những người qua lại khỏi chú ý. Anh Giáp bảo: - Ráng thêm tí nữa, khi con của chúng mình cứng cáp lên thì ta gửi bé về Vinh, có ông bà ngoại và các cậu, các dì giúp đỡ, bấy giờ, nhà có thể đảm nhận công tác bí mật. Quang Thái vẫn không dám nhìn chồng. Chị ngoảnh đi khi đôi mắt rơm rớm: - Cũng đành phải đợi thôi! Rồi chị ôm con mà hôn thật nhiều, như để làm thay cho cả phần của chồng. Chị vẫn nói mà không ngoảnh lại, khuyên anh cố giữ gìn sức khỏe và phải hết sức cẩn trọng trong sinh hoạt, thỉnh thoảng gắng tìm cách cho nhà biết tin. Khi họ đang đóng vai những người “không quen biết nhau” như thế thì một chiếc xe kéo tiến sát sau lưng anh. Bác “phu xe” hỏi: - Thầy có đi đâu không ạ! Anh Giáp quay lại, nhận ra đó là Giáo Minh!. Số là, hồi tháng Tư, chính Giáo Minh đã báo tin cho anh Giáp, bảo tới gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ. Nơi họ hẹn nhau là Chèm. Tại đó, suốt một đêm, 36 đồng chí Thụ nói cho anh Giáp nghe về những nghị quyết của Đảng trong Hội nghị Trung ương lần thứ 6 vừa qua mà nội dung chính là: Chúng ta phải chống tất cả các kẻ thù xâm lược đến từ bên ngoài, không kể là da trắng hay da vàng, để tự giải phóng, giành độc lập thực sự. Lúc này, hình thức tổ chức là Mặt trận Dân chủ không còn thích hợp nữa. Với hoàn cảnh hiện tại, Đảng đã chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế, nhằm tập hợp mọi lực lượng chống chiến tranh đế quốc, giải phóng, giành độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương. Vì biết trước là kẻ địch lại điên cuồng khủng bố nên Đảng lại phải đưa quần chúng trở lại hoạt động bí mật để chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh giải phóng. Đồng chí Thụ cho biết, theo quyết định của Đảng, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sẽ được bố trí vượt biên, sang nhận công tác ở Trung Quốc. Cho nên từ đó, anh Giáp vừa dạy, vừa lo chuẩn bị cho việc xuất dương. Anh Đồng, sau ngày được ra tù từ Côn Đảo trở về, sức vẫn yếu nhưng khi nhận được tin đó thì rất phấn khởi, người như khỏe thêm ra. Cũng quãng thời gian ấy, biết các anh là những cán bộ của Đảng đang hoạt động công khai, bọn mật thám Pháp theo dõi rất riết, nên việc đưa tin cho nhau là rất khó khăn. Những chiến sĩ như Giáo Minh giữ vai trò rất quan trọng. Ít lâu sau, Giáo Minh lại đến bảo anh Giáp rằng, đồng chí Thụ cần gặp anh để trao đổi 37 thêm. Địa điểm là một nơi ở gần thị xã Hà Đông. Anh Giáp đi tàu điện, đến ga Cầu Mới thì xuống rồi rẽ vào nghĩa trang Quảng Thiện. Một người mặc áo dài đen, đội khăn xếp, tay cầm cây ô đang đứng chờ. Đó là Hoàng Văn Thụ. Anh Giáp được nghe truyền đạt với ý: Tình hình này, sớm muộn gì phát xít Nhật cũng sẽ chiếm Đông Dương. Có thể lúc đó quân Đồng Minh cũng đổ bộ vào. Bấy giờ đòi hỏi chúng ta phải có lực lượng vũ trang. Mà hoàn cảnh, địa thế đất nước mình thì đấu tranh du kích là hữu hiệu và kịp thời. Đồng chí Thụ cũng nói rõ những nhiệm vụ trước mắt rồi dặn, sang bên đó, chắc các anh sẽ được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nên phải chuẩn bị sẵn tinh thần để khi nghe Người nói thì mình dễ tiếp thu. Trước khi chia tay, anh Thụ dặn thêm: - Nếu được gặp Người thì anh nhớ hỏi xem, ý định thành lập “Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” hiện nay như thế nào? Lúc chia tay, Võ Nguyên Giáp biết lần này rồi phải xa nhau lâu nhưng anh đâu có ngờ, đó lại là giây phút cuối cùng mình được gặp Hoàng Văn Thụ, một vị lãnh đạo kiệt xuất của Đảng! Qua lời căn dặn của đồng chí Thụ, anh Giáp nhận ra rằng để bảo đảm được công việc giải phóng dân tộc trong hoàn cảnh tới thì chúng ta phải có lực lượng quân sự. Về phương diện này, Đảng mình đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức các đội Tự vệ Đỏ thời cao trào cách mạng 1930-1931. 38 Đã hơn mười năm rồi, nhưng những tấm gương vượt khó, dũng cảm hy sinh của các chiến sĩ Xích vệ ấy khiến lớp trẻ hôm nay hết sức khâm phục, noi theo. Hình ảnh về các tráng sĩ “vung gươm ra sa trường” dù mới chỉ trong tưởng tượng cũng đã nối dài sự thu hút sức trai muốn “đứng lên đáp lời sông núi”. Chẳng biết vì đâu mà việc lập những đội quân để đấu tranh đuổi quân xâm lược, việc phải đem sức mình mà giải phóng cho mình, việc phải có tổ chức, phải có lực lượng là những chuyện cứ làm cho Võ Nguyên Giáp trăn trở, suy nghĩ. Anh nhớ là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, khi đến Quảng Châu, công việc đầu tiên của Người là huấn luyện cho thanh niên về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc theo trào lưu mới rồi chọn và gửi họ vào học ở Trường Võ bị Hoàng Phố để làm nòng cốt bồi dưỡng những đội “Xích vệ” cho các trận chiến mới mà dân mình buộc phải tiến hành. Võ Nguyên Giáp cũng nhớ đến một số tờ báo bí mật mà anh đã được đọc, trong đó nói nhiều đến chiến tranh du kích chống Nhật ở những căn cứ rất rộng lớn của Bát lộ quân và Tân tứ quân Trung Quốc. Rồi nhìn lại lịch sử thế giới, hồi thế kỷ XVIII, đội quân hùng mạnh nhất trời Tây của Napôlêông (Napoléon) cũng bị sa lầy bởi chiến tranh du kích của nhân dân nước Tây Ban Nha. Đúng như anh Hoàng Văn Thụ nói, với hoàn cảnh của đất nước mình, trước mắt để chống lại các thế lực ngoại xâm thì phải dùng chiến thuật 39 đánh du kích. “Du kích chiến”, một ý niệm khiến Võ Nguyên Giáp cứ mãi nghĩ suy. Dù dạo ấy, thời gian ở lại Hà Nội không còn nhiều nhưng anh vẫn đến thư viện mượn cuốn sách Đại Từ điển bách khoa để tra đọc những ý kiến trình bày về tác dụng trong chiến đấu của súng trường và lựu đạn. Anh nghĩ, đó cũng là một sự chuẩn bị tinh thần để tiếp thu ý kiến như đồng chí Hoàng Văn Thụ truyền đạt khi anh được sang nước bạn. Được biết, rất có thể mình sẽ được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, anh Giáp mừng khấp khởi. Kể từ khi mới tham gia Đảng Tân Việt, tổ chức đã có ý định sẽ cử anh sang Quảng Châu để được dự một lớp huấn luyện do Người trực tiếp giảng dạy nhưng rồi bởi nhiều lý do khách quan nên với anh, điều mong ước ấy đã không thành. Tuy chưa được gặp nhưng từ đó, qua các bức ảnh, các chuyện kể, hình bóng của Người luôn hiển hiện trong tâm trí anh. Rồi một hôm bỗng nghe tin Người đã mất vì bệnh lao phổi ở trong nhà tù đế quốc tại Hồng Kông (Trung Quốc), anh Giáp đã cứ khóc mãi. May mà đó chỉ là một tin thất thiệt, đồn nhảm bằng miệng hay trên một số tờ báo của phía thực dân. Nay sắp được ra nước ngoài và có thể được gặp Lãnh tụ, lòng anh Giáp khôn xiết mừng vui và mong mau tới ngày ấy. Giáo Minh đến thật đúng lúc. Bấy giờ tâm trạng của Võ Nguyên Giáp thật nao nao, khó tả. Vì từ đây anh phải cách xa gia đình nhỏ bé mà đầy yêu thương, hạnh phúc của mình. Không kìm 40 giữ được cái vẻ “thờ ơ” trong tình cảm nồng cháy, Quang Thái ngước lên nhìn chồng. Anh Giáp đưa đôi mắt cương nghị của chàng thanh niên ngoài ba mươi tuổi mà đã được một nữ ký giả phương Tây, bà Ôriana (Oriana Fallaci) nhận xét là: “Đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng thấy” sang trìu mến nhìn người bạn đời như để thay cho vòng tay ôm thương nhớ. Quang Thái trở về. Trời Hồ Tây đã ngả màu tím. Phong cảnh đường Cổ Ngư đẹp một cách huyền ảo. Chị ôm chặt con gái vào lòng và biết, Hồng Anh chưa hiểu gì giây phút mà thêm một lần cả mẹ và bé được soi mình vào đôi mắt của ba. Giáo Minh đưa anh Giáp đến một quán cơm nhỏ ở cuối đường Yên Phụ. Lát sau, anh Đồng cũng tới. Hai người nghỉ đêm lại đấy để tránh sự dò la của bọn cảnh sát Pháp. Sáng ra, họ lên xe lửa ở ga Đầu Cầu (ga Long Biên) để ngược Lào Cai theo vé tàu mà Giáo Minh đã lo sẵn. Để giữ bí mật, mỗi người ngồi riêng một nơi. Anh Giáp lấy chiếc kính râm to bản ra đeo để ít nhiều che mắt những ai có ý tò mò. Từ lúc bước lên xe lửa để xuất biên, lòng Võ Nguyên Giáp thêm phấn chấn, nghĩ đến cái phút khi mình đã bước qua được biên giới thì bản thân sẽ như cánh chim sổ lồng, trời sẽ cao hơn, đất sẽ rộng hơn, rồi sẽ gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và qua sự dẫn dắt của Người, mình sẽ làm thêm được nhiều việc quan trọng, có ích cho Tổ quốc, cho đồng bào. Nhưng mặt khác, anh nghĩ, trên tỉnh 41 Vân Nam của nước Trung Quốc rộng lớn, nơi mình sắp đi tới, tình hình cũng không phải đã thật sáng sủa bởi tướng Long Vân đứng đầu Quốc dân Đảng đóng ở đó vốn là một tên quân phiệt chống Cộng khét tiếng. Vì Giáo Minh - người tổ chức cho hai anh Đồng và Giáp vượt biên phải đi chuyến tàu sau nên khi xe hỏa chạy đến ga Yên Bái thì Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp phải tạm xuống, ngủ đêm tại đấy để chờ đi cùng khi chuyến tàu có Giáo Minh vào ngày hôm sau. Ba người cùng xuống một ga nhỏ cách trung tâm thị xã Lào Cai một ga. Cả ba người phải đi vòng quanh ở phía ngoài thị xã để vượt Hồng Hà ở khúc sông gọi là Nậm Thi. Bên kia đã là Hà Khẩu, huyện Hà Quảng Trung Quốc. Đất đai hai bờ khúc sông này lúc bấy giờ đều thuộc quyền kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp. Anh Đồng và anh Giáp phải nấp trong một bờ lau chờ Giáo Minh chuẩn bị phương tiện riêng để vượt sông. Lúc Giáo Minh kiếm được một chiếc bè nhỏ bỗng có chiếc canô của bọn cảnh sát Pháp đi tuần lướt tới. May mà bọn chúng không biết gì về hoạt động của các anh. Chờ cho chiếc xuồng máy kia đi khỏi, Giáo Minh liền chống bè đến đón hai anh. Nhưng chiếc bè rất mảnh chỉ đủ cho hai người nên anh Đồng bảo bạn mình sang trước. Anh Giáp qua được sông rồi đứng đợi, mong cho chuyến bè tiếp sau được an toàn. Và vạn sự 42 đã như ý. Nhìn về phương Nam, ai cũng thấy làng mạc, núi non của Tổ quốc mình như vẫy chào, mong các anh được chân cứng, đá mềm. * * * Trên đất bạn, Giáo Minh đưa hai đồng chí của mình vào nhà một người quen. Dân chúng ở đây phần nhiều nói thạo tiếng Việt. Do đã có sự chuẩn bị sẵn của phía bạn, anh Đồng và anh Giáp, mỗi người được nhận một bộ quần áo may theo kiểu Tôn Trung Sơn cổ đứng, màu xám sẫm. Các anh mặc vào trông như những người dân Trung Quốc đi xa nước lâu ngày mới trở về. Họ đều cảm động trước sự tận tụy vì công việc của đoàn thể và lòng thương yêu đồng chí rất mực của Giáo Minh. Các anh nghĩ, Đảng mình, nhân dân mình có được những con người như thế này thì chắc chắn sẽ đánh thắng hết mọi kẻ thù ngoại xâm. Võ Nguyên Giáp cũng chưa tiện hỏi rồi đây mình sẽ ngược lên bằng phương tiện gì. Tuy nhiên, anh cũng không thể không tiếp tục để tâm đến sông Nhị Hà, con sông đang cần mẫn tải phù sa bồi đắp cho đồng bằng xứ Bắc Kỳ của Tổ quốc anh, là dòng sông quan trọng mà anh đã từng nghiên cứu về nó để dạy các môn Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học. Tỉnh Vân Nam, nơi anh đang đứng chân còn là nơi phát nguyên hoặc địa bàn chảy qua của các con sông Dương Tử, Tây Giang, Cửu Long. 43 Riêng sông Hồng Hà, người bản địa gọi là sông Kôi. Tên gọi đó cũng được ghi trong Từ điển Larút (Larousse). Còn hai tiếng “Hồng Hà” là được đặt từ sắc màu phù sa hòa trong dòng nước au au đỏ ấy. Sông này được bắt nguồn từ núi Ngụy Bảo Sơn. Khởi thủy là những bụi nước li ti thoát ra từ các kẽ đá quanh một lũng đất đỏ rồi tụ lại thành từng con ngòi, chảy len lỏi trong rừng cây Ngụy Vạn Lâm mà nguồn quan trọng nhất là Ân Giang. Càng về xuôi, sông càng mở rộng lòng với lưu tốc mỗi chặng một gia tăng. Tổng cộng sông dài 1.143 cây số. Trung bình, mỗi năm, sông tuôn về Việt Nam 52 tỷ mét khối nước, mà cứ mỗi mét khối nước như vậy có sức làm lắng đọng hai lạng phù sa mỡ màu. Sông nuôi sống hàng chục triệu người dân thuộc hai dân tộc Trung - Việt, trước tiên là bởi nó tạo nên sự nảy mầm, đâm rễ rồi cho hạt của các giống cây bắp, cây lúa nước. Người Trung Quốc có câu phương ngôn: “Nếp xuống hạ lưu, tẻ lên thượng nguồn”. Và phù sa của sông đã nuôi lớn hàng ngàn, hàng vạn giống cây trồng cùng vô vàn những sản vật khác. Sông bồi đắp cả tư duy, tâm hồn của con người. Vì thế, từ ngàn xưa, những người dân Trung Quốc theo đạo Hồi, dù sống ở thượng nguồn của Hồng Hà, cũng đã có câu ca: “Chảy đi sông ơi/ Chảy đi sông ơi/ Mang theo phù sa/Mang theo tình ta”… Khi chảy về đến Việt Nam, vào những dịp không gặp lụt lội, dòng sông âm thầm chảy như sự ẩn mình của chàng Thủy Tinh hết cuồng nộ 44 sau khi thất bại trong mối tình huyền thoại từ buổi hồng hoang. Còn trên suốt chiều dài lịch sử, con sông đã cùng dân chúng cần lao ở bất cứ địa hạt nào đem hết sức mình làm nên những kỳ tích như chàng Sơn Tinh dũng mãnh, để làm nên những chiến thắng huy hoàng trong xây dựng cuộc sống và chống mọi kẻ thù đến từ bên ngoài. Từ rất lâu, giới tư bản Pháp, từ xứ Nam Kỳ đã muốn theo sông Hồng ngược lên để thâm nhập vùng đất hết sức hiểm trở và cũng vô cùng giàu có của xứ Tây Nam Trung Quốc. Chỉ riêng tỉnh Vân Nam, với diện tích gần 370 ngàn cây số vuông đã chứa trong đó biết bao quặng mỏ quý giá với trữ lượng lớn như: sắt, đồng, chì, thiếc, bạc, than đá, muối mỏ,… Về khí hậu thì thị trấn Mông Tự là nơi có thời tiết giống như thành phố Nícxơ (Nice) ở trên bờ biển Địa Trung Hải của nước Pháp. Nơi đó, nhiệt độ trung bình giữa mùa hè là 22,5oC và mùa đông là 9,3oC. Riêng về yếu tố ấy, nó cũng đã đủ sức hấp dẫn, mời gọi đối với khách du lịch gần xa. Vì thế, sau khi chiếm trọn đất Nam Kỳ của ta (năm 1867), thực dân Pháp đã phái hai sĩ quan thủy quân là Lagơrê (Doudart de Lagrée) và Gácniê (Françis Garnier) thám hiểm sông Mê Kông để mong từ Sài Gòn, người của họ sẽ bằng đường thủy mà tiến vào miền đất giàu có chứa nhiều bí ẩn, là xứ Vân Nam lạ kỳ ấy. Lagơrê tiến lên trước và đã chết vì thác lũ khi chưa vượt khỏi đoạn trung lưu của sông Mê Kông. Gácniê phải thu quân trở lui rồi tìm những dòng 45 nước len lỏi, đi về phía đông, để xuôi dòng Dương Tử mà trở về. Nhờ sự sống sót ấy mà vào khoảng những năm 1870-1871, Gácniê đã có được một sự tín nhiệm nhất định từ Pari. Bởi thế, năm 1873, Gácniê lại được phái ra Bắc Kỳ mong khỏa lấp nỗi khốn đốn của họ ở nơi thượng nguồn sông Mê Kông trước kia bằng cách chiếm lấy đồng bằng ở hạ du sông Hồng để rồi theo đó mà đi ngược lên vùng Tây Nam nước Trung Quốc. Nhưng rồi mộng tưởng “làm một công mà sẽ được hai việc” ấy của người Pháp vào lúc đó đã bị sụp đổ khi chính Gácniê phải thua trận và bị giết tại ô Cầu Giấy, nơi ngoại thành Thăng Long thuở bấy giờ (ngày 21/12/1873). Về sau, công việc thăm dò vùng Tây Nam Trung Quốc được Đuypuy (Jean Dupuis) là một tay buôn súng thực hiện, bằng cách thám hiểm sông Hồng từ xứ Bắc Kỳ của ta mà ngược thuyền đi tới. Và y đã vượt được cái thị trấn duyên giang Mạn Hảo để mà ngó lên miền lục địa ấy. Chắc bấy giờ, người Pháp ở Đông Dương hiểu rằng, từ thời cổ sơ, các nhà hàng hải đã tính toán được rằng, nếu theo đường thủy ngược sông này mà đi lên thì đi thuyền buồm từ Hải Phòng ngược Lào Cai mất 5 ngày; đi thuyền tam bản từ Lào Cai lên Mạn Hảo mất 7 ngày; đi thuyền độc mộc hoặc bè, mảng từ Mạn Hảo tới Vân Nam Phủ1, tức Côn Minh mất khoảng 12 đến 14 ngày. ___________ 1. Xem Albert Demangeon: Dictionnaire de Géographie, Librairie Armand, Colin Paris, 1925. 46 Còn chuyến này, các anh Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cũng đang đi ngược lên phía đó với một động cơ hoàn toàn trong sáng và không phải tròng trành trên các thuyền, mảng mà là ngồi xe lửa. Tuyến đường ray từ Hà Khẩu đi Côn Minh dài 464 km. Nếu tính cả phần chạy trên đất Việt, từ Hà Nội lên, cộng với các nhánh phụ là 861 km. Bấy giờ nó thuộc quyền quản lý của Công ty hỏa xa Đông Dương Vân Nam, được quản lý từ Pari, hoàn thành vào năm 1910. Bấy giờ, thực dân Pháp khoe khoang, cho đó là một công trình kỹ thuật kỳ công và là một thắng cảnh nhân tạo. Trong cuốn sách Hướng dẫn du lịch của Mađơrôn (Madrolle) in tại Pari năm 1932 viết: “Đây là một trong những đường xe lửa ngoạn mục nhất và hiểm trở nhất châu Á. Nó băng qua những cảnh quan đa dạng, khi thì đi sâu vào rừng nhiệt đới, khi thì trèo trên những sườn núi cheo leo, khi thì uốn khúc bên đáy vực thẳm”. Nhưng có một thực tế mà cuốn sách kia không ghi chép là, để khơi mở, xây dựng công trình đó, ngoài việc đắp đường, những người bị bắt đi lao động phải đào xuyên núi, mở 315 quãng đường hầm, có chỗ nằm ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển. Để hoàn thành được tuyến đường xe lửa đó, Công ty hỏa xa Đông Dương Vân Nam của Pháp đã bỏ chết năm vạn phu làm đường mà họ gọi là culi (cooli), bao gồm cả người Trung Hoa và người Việt Nam. Bởi thế nhân dân nước ta đã có lời kể trong một bài ca: “Lại nghe nói Lào Cai, Yên Bái/ 47 Mấy muôn người xẻ núi lấp sông/Độc thay lam chướng ngàn trùng/Sông sâu gửi xác, hang cùng chất xương/Nỗi diệt chủng vừa thương vừa sợ/ Dân Nam mình biết có còn không”1. Điều lắng lại trong lòng Võ Nguyên Giáp lúc này là nhờ mồ hôi, nước mắt và cả máu của nhân dân lao động của cả hai nước Việt và Trung mà tư bản Pháp có được tuyến đường sắt để thu lợi. Và hôm nay đây, những con người chủ trương chống lại ách đô hộ của bọn thực dân lại nhờ vào tuyến đường sắt này để đi tới nơi mà họ phải đến. Vì không có hộ chiếu để mua vé tàu nên anh Đồng và anh Giáp cứ phải liên tục thay đổi chỗ ngồi trên các toa xe. Hễ khi các nhân viên hỏa xa kiểm tra vé ở toa này thì hai anh lại lánh sang toa khác. Cứ như vậy, hai anh đã xuống tàu một cách an toàn ở ga Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam và cũng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt ấy. Vũ Anh và một số cán bộ của ta đã chờ sẵn. Họ dẫn những người bạn mới tới đi theo đường vòng, vượt lên phía trên, là nơi các công nhân đứng bẻ ghi đường ray, xin họ được bước qua để tránh sự kiểm soát vé. Sau đó, cả mấy người cùng tới địa điểm đã hẹn để gặp anh Kiên. * * * ___________ 1. Ý của câu ca còn kéo dài... Rồi từ Lào Cai, Yên Bái, người nước ta bị bọn chủ thầu tuyến đường sắt ấy bắt phải vượt sông để sang làm cả ở bên kia, thuộc địa phận từ Hà Khẩu ngược lên, là đất của nước Trung Hoa. 48 Phùng Chí Kiên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương của Đảng ta - một người hồn hậu, vui tính và cũng rất chín chắn, được phái sang hoạt động ở Trung Quốc đã khá lâu, có cơ sở bí mật đặt tại khu du kích Sán Đầu. Sang đây, anh đã tu luyện, tốt nghiệp Trường Đại học Hồng quân tại khu Xôviết ở Côn Minh. Nơi làm việc của anh là một căn buồng nhỏ trong một ngõ hẻm, chỉ đủ đặt chiếc giường, một tấm ván kê làm bàn và mấy chỗ để những đồ dùng cần thiết. Nay căn buồng ấy có thêm hai người nữa. Rồi ít lâu, anh Cao Hồng Lãnh từ Diên An được phái về, cũng ở đây. Cơm nước hằng ngày do các anh tự thổi, nấu lấy. Anh Kiên, anh Lĩnh thạo tiếng Trung có nhiệm vụ giao tiếp ở ngoài và chợ búa. Võ Nguyên Giáp được phân công lo bếp núc nhưng sau vì thấy anh không quen việc thổi, nấu nên lại được phân cho trách nhiệm rửa bát và quét dọn. Anh Kiên, anh Lĩnh nói cho các bạn mới sang biết về tình hình an ninh, chính trị của địa phương và dạy họ tiếng Trung. Bấy giờ, Côn Minh được coi như là một hậu phương của phong trào kháng Nhật ở nước bạn và cũng là địa bàn ẩn nấp để hoạt động của không ít người cách mạng đến từ Nam Kinh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,... Bởi thế, những người như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp dù vốn tiếng Trung chỉ mới học được đôi 49 câu thì cũng dễ trà trộn vào nơi phố xá đông đúc, nhộn nhịp và nhiều người ngoại quốc ấy. Các hoạt động kinh tế, văn hóa ở đây ngày một sôi động. Phần tô giới của Pháp rộng và ảnh hưởng của họ cũng còn mạnh nhưng hiện tình, tất cả đều nằm dưới chế độ quân phiệt của Quốc dân Đảng kiểm soát. Vân Nam lại là tỉnh có chung biên giới với nước Miến Điện (nay là Mianma) nên Côn Minh cũng là nơi Quốc dân Đảng tiếp nhận viện trợ của Mỹ thông qua đường biên nhiều núi cao, vực sâu, cheo leo, hiểm trở ấy. Tuy nhiên, do áp lực của nhân dân các nơi mà bọn Quốc dân Đảng đã phải ký kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc về sự hợp tác chống Nhật trên vùng đất Vân Nam. Khi Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp hỏi về phần công tác mà họ phải đảm nhiệm thì Phùng Chí Kiên nói: “Việc đó phải chờ đồng chí Vương quyết định mà đồng chí chưa về”. Anh Giáp thêm nôn nao trong lòng và cứ tự hỏi, không biết đồng chí Vương là ai? Hình như ba tiếng “đồng chí Vương”, anh đã được nghe biết trong một dịp nào đó1. Trong lúc chờ đợi, anh Giáp nhớ lại, hồi Mặt trận Bình dân (1936-1939), được giao phụ trách công việc báo chí của Đảng ở Bắc Kỳ, lúc cùng ___________ 1. Danh xưng “đồng chí Vương”của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có từ khi Người về hoạt động tại Quảng Châu, Trung Quốc (1924-1926). 50 biên tập tờ báo công khai của Đảng là Tiếng nói của chúng ta (“Notre Voix”, in bằng Pháp ngữ), các anh thường nhận được những bài viết trên bản đánh máy ký tên là “P.C.Lin” từ nước ngoài gửi về Hà Nội. Sau một vài lần nhận được các bài như thế, anh đoán đó là bài của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Trong ban biên tập cứ trao cho nhau, đọc đi, đọc lại và khi đăng lên báo thì xếp vào tiêu đề: “Những lá thư từ Trung Hoa”. Với sự suy nghĩ, sao mà tác giả P.C.Lin am hiểu tình hình cách mạng ở Trung Quốc đến như vậy mà anh Giáp đoán: Đồng chí Vương mà Phùng Chí Kiên giới thiệu và mọi người đang cùng nhau chờ đợi ấy chính là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Thế rồi vào một ngày đầu tháng 6, Phùng Chí Kiên rủ các bạn cùng đi Thúy Hồ. Khi gần đến nơi, anh nói: - Ta đang bước tới nơi mà đồng chí Vương hẹn gặp. Ôi, trong lòng mỗi người, ai cũng khấp khởi mừng thầm! Từ ngày sang đây, Thúy Hồ là nơi các anh đã có nhiều lần lui tới. Đây là một thắng cảnh của Côn Minh. Thúy Hồ khá rộng, cả những con đường đi ngang ở giữa và chạy vòng quanh nao nao, uốn lượn, bao lấy các thảm cỏ, gợi cảm giác yên bình giữa những nét thanh tú. Trường Giảng võ học hiệu của chính quyền cách mạng ngoảnh 51 mặt ra lòng hồ, cách một thao trường rộng. Hằng ngày, thiếu sinh quân kéo nhau ra đấy luyện tập. Vào những giờ nghỉ, họ cùng ngồi hát các bài ca cách mạng. Nhìn quang cảnh sinh hoạt như thế, Võ Nguyên Giáp nói với các bạn: “Dù sao, binh sĩ ở một nước nửa thuộc địa1 vẫn còn hơn lính tráng ở một nước thuộc địa”. Những ngày ở Côn Minh, trong khi chờ đợi, Võ Nguyên Giáp nhớ đến lời mách bảo và giao dặn của anh Hoàng Văn Thụ trước lúc mình ra đi, nên đã có một sự liên tưởng rồi thêm một lần, anh xác định: “Đồng chí Vương chính là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc”. Bấy giờ, vừa đến bờ Thúy Hồ, mấy người đã nhìn thấy người đàn ông đang ngồi dưới thuyền với Vũ Anh là một vị đã đứng tuổi, mặc bộ áo quần kiểu Tôn Trung Sơn đậm màu, đội mũ phớt, có đôi mắt rất sáng. Anh Giáp nhớ đến những bức ảnh chụp về Người rồi nhận ra và trong lòng tự reo lên: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc! Đúng rồi, đồng chí Vương chính là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc!”. Ấy là vị lãnh tụ từng được nhắc đến với biệt danh là Lý Thụy khi Người mới đến Quảng Châu. ___________ 1. Từ cuối thế kỷ XIX, chính quyền Mãn Thanh đã ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng, đồng ý giao một số thành phố và vùng đất của Trung Quốc thành tô giới của đế quốc phương Âu - Mỹ. Từ đó Trung Quốc được coi là một nước phong kiến nửa thuộc địa. 52 Anh nhìn Người không chớp mắt rồi thầm so với những bức ảnh mà mình đã được xem thì thấy đồng chí Nguyễn ở ngoài trông linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều. Lại nói, khi chưa được gặp, Võ Nguyên Giáp cứ nghĩ, chắc ở đồng chí Nguyễn phải có một dáng vẻ oai phong hiếm có. Nhưng khi được gặp trực tiếp, anh thấy Người hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ giây phút đầu tiên, anh cứ thấy như bản thân mình đã từng được gần gũi bên Người, đã được quen biết Người từ lâu. Ở Người toát ra sự trong sáng, giản dị, thân tình chứ không có gì là đặc biệt, khác thường. Điều làm cho anh cảm mến nhất là, trong những câu nói, Người thường chen vào các tiếng địa phương của miền Trung. Và anh nghĩ, không ngờ một người đi xa nước lâu năm như vậy mà vẫn giữ được giọng nói của quê nhà. Người rời con thuyền, lên bờ, đi bộ cùng mấy anh, vừa dạo quanh bờ hồ vừa nói chuyện. Người hỏi về những khó khăn khi đi đường, hỏi tình hình trong nước gần đây, hỏi về sự hoạt động của Đảng và các đoàn thể quần chúng, hỏi chuyện làm báo, rồi Người nói: - Các đồng chí đi ra ngoài được như thế này là tốt. Vài ngày nữa, tổ chức sẽ bố trí công tác. Nhớ lời anh Hoàng Văn Thụ dặn, anh Giáp hỏi Người về việc tổ chức Hội Liên hiệp các dân tộc 53 Á Đông. Người nói là vẫn rất cần nhưng tình hình hiện nay không thuận lợi, nên chưa đặt ra. Đó là lần đầu tiên Võ Nguyên Giáp được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Mãi cho đến sau này, trong anh vẫn còn nguyên vẹn cảm giác của buổi gặp gỡ đầu tiên với Người tại Thúy Hồ ấy. Anh nhận ra rằng, ở Người trước sau, trong tác phong vẫn là một vẻ giản dị và trong sáng. Rồi anh nghĩ, con người vĩ đại thường là con người bên ngoài lúc nào cũng giản dị. Ở Côn Minh, anh Giáp còn nhiều dịp đến Thúy Hồ và được gặp lại đồng chí Vương. Anh kể với Người về những điều mình đã để tâm và nhận xét về cảnh quan địa lý, về năng lực hoạt động của các vùng cư dân trên những chặng đường mà mình đã đi qua. Đồng chí Vương tỏ ý bằng lòng và hỏi là vì đâu mà anh có được cái sở thích đó. Võ Nguyên Giáp thưa là mình vốn dạy các môn Lịch sử và Địa lý ở trường trung học. Hơn nữa, đồng chí Hoàng Văn Thụ trước khi giao trách nhiệm cho anh sang đây thì đã nói: “Tình hình này, không sớm thì muộn, thế nào phátxít Nhật cũng đánh chiếm Đông Dương. Rất có thể, lúc đó, quân Đồng Minh cũng đổ bộ vào. Cho nên cách mạng cần phải có lực lượng quân sự. Chúng ta phải chuẩn bị nhiều mặt để phát động chiến tranh du kích thì mới kịp thời. Mà nói đến quân sự, dù là đánh du kích thì cũng phải nói đến trận đồ, địa thế”. Trình bày xong câu đó, anh Giáp tự thấy, 54 trước đồng chí Vương, mình thật là ấu trĩ. Vì điều mà anh vừa phản ánh chính là tinh thần của cuộc Hội nghị Trung ương Đảng mới họp. Mà Nghị quyết của Trung ương lần này chính là văn kiện phản ánh tư tưởng chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, điều đã được bí mật chuyển tải về cho Hoàng Văn Thụ, cũng là nét tinh thần chủ đạo mà anh Thụ đã dặn khi anh giao nhiệm vụ cho Võ Nguyên Giáp đi sang bên này. 55 CỐ GẮNG HỌC THÊM QUÂN SỰ Một hôm, đồng chí Vương nói với Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp: - Các chú sẽ đi Diên An, lên trên ấy vào Trường Quân chính kháng Nhật học chính trị, cố gắng học thêm về quân sự. Rồi trước khi đoàn lên đường, Người còn nói thêm với anh Giáp: - Lên trên ấy, chú cố gắng học thêm về quân sự. Anh Giáp tự hỏi, không biết vì sao Người lại dặn thêm với riêng mình như vậy. Suy đi, nghĩ lại, anh chỉ mới nhận ra một điều là so với anh Đồng thì mình trẻ tuổi hơn1. Nhưng không chỉ có thế. Mãi về sau, khi được Người giao trách nhiệm thành lập và chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân2 thì anh mới nghiệm ra rằng, ___________ 1. Phạm Văn Đồng sinh năm 1906, Võ Nguyên Giáp sinh năm 1910 (có bản ghi năm 1911 hoặc năm 1912). 2. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được đồng chí Hồ Chí Minh ký tại Cao Bằng vào tháng 12-1944. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân làm lễ tuyên thệ trước cờ Đảng. 56 ngay từ buổi đầu rồi qua từng lúc được tiếp xúc với Người, trong con mắt của vị lãnh tụ, Người đã cố nhìn xem ở từng cán bộ có hay không có khả năng về chỉ huy chiến trận. Hoàn cảnh hoạt động của những người cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc lúc bấy giờ cũng không ít khó khăn. Cầm đầu Quốc dân Đảng Trung Quốc khi ấy là Tưởng Giới Thạch, kẻ chủ trương bên ngoài thì bắt tay với Đảng Cộng sản Trung Quốc để hợp tác chống Nhật nhưng bên trong lại ngấm ngầm tìm mọi cách để làm suy yếu lực lượng cách mạng nên luôn sẵn sàng phản bội lại những gì đã cam kết. Còn bọn phản động trong Việt Nam Quốc dân Đảng ở đây thì đang bám gót quân đội Tưởng để mong khi trở về thì sẽ nắm quyền chính trị ở trong nước, nên cứ chờ cho đến lúc “Hoa quân nhập Việt”1. Chúng phối hợp với bọn phản động Quốc dân Đảng Trung Quốc, cố sức phát hiện các tổ chức cách mạng của ta để báo cho chính quyền Tưởng Giới Thạch và cả bọn đại diện Pháp. Đối sách của ta là thật thận trọng, kín đáo và mềm dẻo để bảo vệ cho được cán bộ và cả tổ chức. Trên cơ sở có bà con Việt Kiều, tranh thủ thêm sự ủng hộ của nhân dân nước bạn nên đã giữ được sự bình thường trong các hoạt động ở từng địa ___________ 1. Tức khi có lệnh của Đồng Minh thì quân của Tưởng Giới Thạch sẽ đổ bộ vào Việt Nam. 57 phương. Đồng chí Vương đã tổ chức ở Vân Nam các hội quần chúng của người nước mình. Trong đó có cả Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội nên cũng dễ tranh thủ được người của nước họ. Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương ngoài những trụ sở chính, tại các thành phố và những nơi trọng yếu khác đều cho đặt cơ quan gọi là Biện sự xứ để làm trạm nghỉ chân và là nơi liên lạc của các cán bộ trên đường công tác. Nhờ cách tổ chức gắn kết những người làm cách mạng giữa hai nước với nhau như đồng chí Vương đã chủ trương mà các cán bộ, đảng viên của ta khi đến các Biện sự xứ thì đều được người của bên bạn đón tiếp niềm nở và giúp sức tận tình. Khi Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp lên đường để đến Diên An, đồng chí Vương lại gặp và căn dặn: - Hành trình đi tới đó là dài, khó khăn nhất là phải đối phó với bọn địch. Đi đường cần cẩn thận, phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng. Trên đường sẽ qua nhiều vùng cư dân đời sống còn rất khó khăn nên mình cũng phải chia phần, chịu đựng. Mùa thu và mùa đông ở Diên An thì lạnh, phải biết giữ gìn sức khỏe mà học tập cho tốt. Rồi Người nhắc lại với anh Giáp: - Lên đó nhớ cố gắng học thêm quân sự. Diên An, nơi các anh sẽ đi tới là tên của một huyện thuộc tỉnh Thiểm Tây. Từ năm 1935, nơi đó đã là trung tâm văn hóa - chính trị của chính 58 quyền nhân dân do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Diên An nằm bên bờ sông Hoài. Hoàng Hà, con sông hùng vĩ nhất của Trung Quốc khi xuyên qua sa mạc Gô Bi thì chảy hướng Bắc-Nam. Đến đất Thiểm Tây, Hoàng Hà nhận thêm nước của sông Hoài. Chảy được một chặng nữa thì gặp dãy Tần Lĩnh nên nó phải tránh mà băng về phía đông rồi đổ ra vịnh Trực Lệ. Sông để lại sau lưng, nơi nó uốn quanh ấy một vùng đất có địa thế khuất khúc, hiểm trở, trong đó có Diên An. Vì thế, Diên An nằm sâu trong lục địa, lại thuộc vùng khí hậu cận ôn đới nên đúng là về mùa đông ở đấy rất rét. Nhiều bộ phận cư dân phải trú trong những hang động. Ở đây, lương thực chủ yếu là lúa mì. Ánh sáng từ quá chiều hôm trước đến đầu buổi hôm sau có được là nhờ việc đốt củi. Tuy thế, Diên An đã là thủ phủ của chính quyền nhân dân, là đất thánh cách mạng của Trung Quốc1. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhiều dịp đến đó, và lưu lại công tác và cả vì yêu cầu của bạn trong việc trao đổi kinh nghiệm đấu tranh cho các dân tộc Á Đông. Nói về Diên An, có lần hồi còn ở Côn Minh, đồng chí Vương đã kể là có một dịp bọn Quốc dân ___________ 1. Từ năm 1947, khi Hồng quân Trung Quốc giải phóng toàn bộ lục địa thì Diên An mới thôi vai trò là thủ phủ cách mạng của mình. Còn lúc đoàn của anh Đồng, anh Giáp định đến đó thì Diên An vẫn là nơi ngưỡng vọng của những con người khát khao giải phóng. 59 Đảng bắt được những thanh niên định trốn lên trên đó, chúng đem họ về nhốt lại ở một trại tập trung. Rồi để khủng bố tinh thần cách mạng của những người khác, chúng dìm họ vào trong một bể nước cho đến chết mới thôi. Nhưng thanh niên cả nước Trung Quốc vẫn mong được đến thủ phủ của chính quyền mới ấy. Biết là trước mắt có nhiều khó khăn nhưng anh Đồng, anh Giáp vẫn háo hức, mong sớm đến được nơi đó. Mấy đồng chí Trung Quốc ở Côn Minh tổ chức cho đoàn của các anh đi Quế Dương, rồi từ đấy sẽ đi tiếp lên Diên An. Và từ Quế Dương ngược lên, đường còn rất xa, phải vượt sông Dương Tử rồi lại đi qua nhánh của nó là sông Hán, nhất là vượt dãy núi Tần Lĩnh đồ sộ nhất ở miền Bắc Trung Quốc. Bởi hành trình phải như thế nên các đồng chí Trung Quốc tổ chức cho anh em đi trên một ôtô vốn có nhiệm vụ chuyên chở thuốc chữa bệnh từ Côn Minh đi về Quế Dương. Đó là xe của bọn Quốc dân Đảng nhưng người lái lại là một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các anh Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh được bố trí ngồi trong khoang để hàng. Phía sau của cái thùng xe ấy chỉ được che bằng một miếng vải bạt treo lơ lửng. Bụi đường cứ thế cuốn vào, bám lên mắt, chui vào mũi, vào tai của các anh. Chốc chốc các anh lại phải đưa tay lên mà vuốt, mà móc từng tảng 60 đất mùn như vậy ra, để cho nhẹ bớt mặt mày! Không những thế, thỉnh thoảng lúc gặp máy bay Nhật đón đường ném bom, xe phải phanh gấp để mọi người xuống tìm chỗ tránh. Có lần bom nổ sát ngay bên cạnh chỗ mấy người cùng nấp. Để đến được Quế Dương xe đã phải chạy trong mịt mù bụi đường và đạn bom như vậy suốt ba ngày ròng rã. Quế Dương là thủ phủ của tỉnh Quý Châu1, vùng đất cao nguyên rộng gần 16 vạn cây số vuông. Ruộng đất ở đây thích hợp với các loại cây lúa mì, ngô. Vì vùng này cũng có nhiều đồng cỏ nên việc nuôi ngựa được phát triển. Còn quặng mỏ thì Quý Châu giàu về thủy ngân. Tuy nhiên, phần lớn diện tích của tỉnh là núi đồi. Quý Châu cùng Vân Nam tạo nên vùng cao nguyên Vân Quý nổi tiếng ở khu vực Tây Nam Trung Quốc. Đấy là nơi phát nguyên hầu hết các con sông lớn của vùng Đông Bắc Á. Đoàn của anh Đồng, anh Giáp được bố trí nghỉ ngay trong Biện sự xứ tại đấy. Vì Quế Dương nằm sâu trong nội địa, giao thông bằng đường bộ gặp nhiều khó khăn lại bị địch phong tỏa nên bấy giờ lương thực, thực phẩm ___________ 1. Quế Dương cũng như Quế Châu, chữ “Quế” là tiếng địa phương của người Miêu, một dân tộc ở thượng nguồn sông, rồi hồi đó người ta cũng quen gọi như thế. Còn tiếng phổ thông Trung Quốc thì gọi là Quý Dương, Quý Châu. Người Pháp (trong Từ điển Larousse) coi Quý Châu là một tỉnh, với thủ phủ là Quế Dương. 61 ở đấy đều khan hiếm. Vì thế, việc ăn uống, sinh hoạt của anh em ở Biện sự xứ rất kham khổ. Cùng với đoàn Việt Nam còn có một số cán bộ, nhân viên của nước họ đi qua, ghé vào để đón xe đi Diên An. Tất cả đều phải chờ khá lâu nên đã cùng chịu mọi sự thiếu thốn. Không biết đồng chí Nguyễn qua Quế Dương đã mấy lần mà ở đây, người của cả cơ quan, từ đồng chí phụ trách đến cô cấp dưỡng trong Biện sự xứ, ai cũng luôn trìu mến nhắc đến đồng chí Hồ Quang1. Các anh, chị em đang học tiếng Nga và tiếng Anh thì càng nóng lòng chờ đợi, mong Người trở lại để giúp họ trong cách đọc, cách viết các ngôn ngữ ấy. Bởi đồng chí Quang dùng tiếng Quan thoại mà dạy họ học tiếng Nga, tiếng Anh, nên họ coi đồng chí như là một giáo viên người Trung Quốc dạy tiếng nước ngoài. Khi biết anh Đồng, anh Giáp… là những cán bộ do đồng chí Hồ Quang phái đến thì họ càng mừng và chú ý động viên, chăm sóc. Lương thực ở Biện sự xứ chủ yếu là bánh mì. Thức ăn thì thường có rau, một ít đậu tương rang và canh bí. Đó là những thứ do cơ quan tự tăng gia được. Thỉnh thoảng mới có ít thịt. Các đồng chí chủ nhà luôn dành phần ngon để ưu tiên cho số anh em trong đoàn Việt Nam. ___________ 1. Là một trong những bí danh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc hồi đó. 62 Rồi đến một ngày, các đồng chí Trung Quốc báo tin cho đoàn Việt Nam biết là sắp có xe đi Diên An. Thực tế là, vì thấy anh em của ta chờ đã lâu mà chưa có thêm chuyến ô-tô nào đi Diên An để có thể gửi đoàn đi được, nên các bạn ở Biện sự xứ đã quyết định thuê một chuyến xe riêng. Anh em bên ta rất mừng rỡ và cảm động. Mỗi người còn được phát thêm một bộ áo quần của Thập bát tập đoàn quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, có kèm theo băng đeo ở tay và phù hiệu cài trên ngực. Anh Giáp cùng các bạn còn tranh thủ ra phố sắm thêm một số áo quần chống rét để giữ gìn sức khỏe để học tập cho tốt khi ở Diên An. Bấy giờ đã là giữa tháng 6/1940 (hơn 10 tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai mở màn). Vào một buổi trưa, anh em đọc báo thì bắt gặp một bài viết với mục đề: “Pari thất thủ, Pháp đầu hàng”. Cũng biết, trước thế lực phe trục thì sức của Pháp là yếu nhưng không ngờ bọn tư bản cầm quyền ở bên đó đứng đầu là Thống chế Pêtanh (Philippe Pétain) lại sớm bị khuất phục đến như vậy. Ngay ngày hôm sau thì điện của đồng chí Hồ Quang đến với đoàn Việt Nam, đề nghị đoàn dừng lại ở đấy rồi đi về Quế Lâm. Kế đó, Phùng Chí Kiên và Vũ Anh cùng đến Quế Dương. Họ chỉ biết ý của đồng chí Hồ Quang là trước tình hình mới, Pháp đã đầu hàng phátxít Đức, tất cả sẽ đi đến Quế Lâm để rồi tìm cách về nước, lo xây dựng thêm lực lượng cách mạng nhằm giải phóng dân tộc. 63 Sau đấy, thay chỗ của các anh Đồng, Giáp, đồng chí Hồ Quang cử Cao Hồng Lãnh lên học ở Diên An. * * * Đường từ nơi đóng Biện sự xứ ở Quế Dương của đất Quý Châu mà xuôi về phía đông nam để đến Quế Lâm cũng không ít khó khăn. Trên lộ trình kéo dài đầy khuất khúc, trắc trở ấy, khách bộ hành phải vượt qua rất nhiều núi đồi, khe suối trập trùng mới đến được bờ sông Tây Giang. Rồi về tới đó là các anh đã thấy được hơi hướng của vùng xuôi. Dù từ đấy đi về phía đông nam, đến tỉnh thành của Quảng Đông là điểm hẹn, thì còn cách bốn trăm cây số nữa. Bởi Quảng Tây và Quảng Đông xưa kia vốn chung là đất Quảng Châu cũ cắt ra để thành hai tỉnh như hiện nay. Đến Quế Lâm, để giữ bí mật, đoàn của anh Giáp thuê một căn phòng ở ngoại ô chứ không ở trong Biện sự xứ của tỉnh đó. Sinh hoạt văn hóa ở vùng đất thuộc cái tỉnh miền Đông Nam này khá hơn cả ở Côn Minh. Cơ quan Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Quế Lâm có tờ báo công khai là Cứu vong nhật báo. Tại đây, các thư quán mở ra nhiều. Xen lẫn vào trong đó có nhiều loại sách tiến bộ, nói cả về phong trào cộng sản và công nhân của nhiều nước. Các đồng chí Trung Quốc thường tổ chức những buổi nói chuyện để giáo dục thanh thiếu nhi. Anh em 64 trong đoàn của ta cũng tới nghe. Họ cũng đã tạo điều kiện để bên ta có dịp phát biểu, bày tỏ về tình hình chính trị và phong trào cách mạng Việt Nam nhằm mở rộng sự tuyên truyền về những nội dung đó trong bà con Việt kiều. Và đó cũng là điều cần thiết cho sự hoạt động của Đảng bạn. Nhớ là trước khi đoàn rời Quế Dương, ông Hồ Học Lãm, một người Việt Nam yêu nước làm võ quan trong quân đội Quốc dân Đảng Trung Hoa đã tìm đến. Ông Lãm cho biết mình là bạn cũ và cũng là người cùng quê với đồng chí Hồ Quang. Ông Lãm viết thư giới thiệu người của đoàn ta đến gặp Lý Tế Thâm. Bấy giờ Lý Tế Thâm là Chủ nhiệm khu tây nam hành dinh của Tưởng Giới Thạch, hiện đóng trụ sở tại Quế Lâm. Ông Lãm cũng có nói qua về người này. Nội dung cũng gần giống như điều mà đồng chí Hồ Quang đã nhận xét trước kia về viên tướng Quốc dân Đảng hùng hổ này. Rằng, hồi còn đóng ở Quảng Châu, Lý Tế Thâm khét tiếng về việc ra uy để tìm diệt những người cộng sản. Tuy nhiên, vì yêu cầu của công việc, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp vẫn quyết định đến gặp Lý Tế Thâm để xem trước sự thay đổi về tình hình chung lúc ấy thì thái độ của Lý Tế Thâm như thế nào. Các anh tự đặt cho mình tên gọi mới: Phạm Văn Đồng là Lâm Bá Kiệt, Hoàng Văn Hoan là Lý Quang Hoa, Võ Nguyên Giáp là Dương Hoài Nam,... Nơi ở của Lý Tế Thâm giống như một cung điện, có lính gác vòng trong, vòng ngoài. Y làm ra 65 bộ niềm nở khi gặp đoàn của ta và nói với ý, nay mai theo lệnh Đồng minh, quân đội của Trung Hoa Dân quốc sẽ tiến vào Đông Dương để làm phận sự của mình. Ấy là kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Lúc đó phía Lý Tế Thâm sẽ nhờ bên ta giúp đỡ. Rồi y nói thêm, tỏ ý tò mò, muốn biết điều lệ của tổ chức Việt Nam Giải phóng đồng minh. Cuối cùng y khuyên rằng, muốn cách mạng thành công thì đừng đi theo con đường cộng sản! Ít ngày sau thì có tin về vụ biến Giang Nam. Trong đó quân Tưởng đã phối hợp với phát xít Nhật đánh úp Tân tứ quân của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhân cơ hội, Quốc dân Đảng Trung Quốc thêm ra mặt phản bội. Tại Quế Lâm, chúng cho tịch thu hết các sách báo tiến bộ, bắt đóng cửa cả Tân Hoa thư điếm cũng như cho niêm phong cả Sinh hoạt thư điếm, là những cơ sở tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bấy giờ, Chu Ân Lai đã kịch liệt lên án về tội ác ấy của quân Tưởng. Tại Đông Dương, ngày 22/9/1940, Nhật ném bom xuống Hải Phòng, kéo quân vào Lạng Sơn và đổ bộ lên Kiến An. Thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng quân Nhật! Phát xít Nhật vào nhưng chúng chưa vội truất hết quyền của Pháp. Vì tuy đã bị quân Đồng minh đuổi, nhưng Nhật vẫn có tham vọng vươn ra chiếm giữ vùng biển Đông Nam Á nên ở xứ mình, Nhật lợi dụng Pháp làm tay sai tạm thời cho chúng, đàn áp cách mạng thay chúng. Còn Pháp 66 thì hy vọng là tuy chúng đã bị Nhật tranh quyền trên dải đất hình chữ S này nhưng rồi địch thủ của chúng sẽ bị Đồng Minh đánh bại, thì lúc đó, Pháp sẽ khôi phục lại quyền thống trị ở Đông Dương nên chúng cứ vẫn mù quáng lùng bắt, bỏ tù, thậm chí bắn giết cả những người dân Việt Nam chống Nhật! Thật, thuở đó nhân dân ta phải chịu cảnh “Thân một cổ hai tròng nô lệ”! Tình thế diễn ra đúng như nhận định của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và của Trung ương Đảng mà đồng chí Hoàng Văn Thụ đã nói với anh Giáp ngày nào. Giữa lúc ấy, đồng chí Hồ Quang đến Quế Lâm. Võ Nguyên Giáp cùng các anh em trong đoàn được gặp Người. Bấy giờ, tất cả giả bộ đang lúc nhàn rỗi. Họ rảo bước tới một bãi cỏ đến nơi có mấy gốc cây tỏa bóng mát thì dừng lại. Quang cảnh giống như mấy người lao động cùng làm việc ở một nơi nào đang hội nhau lại để bàn công việc của ngày tới. Đồng chí Hồ Quang thông báo thêm về sự kiện Giang Nam rồi nhận định: Qua vụ bọn Tưởng cho đánh úp vào cơ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc ấy, bên Hồng quân cũng có thiệt hại nhưng vẫn giữ được các căn cứ địa ở sau lưng địch tại các vùng phụ cận Nam Kinh, Thượng Hải,... Rồi Người dặn, từ nay, trong anh em mình, kỷ luật của Đảng phải được chấp hành triệt để. Ai cũng phải giữ tài liệu cho thật cẩn trọng. Các sách báo 67 về chủ nghĩa cộng sản - đọc xong là phải thiêu hủy ngay chứ không được mang về phòng trọ. Trong giao dịch, cùng mọi người, nhất là đối với người của Quốc dân Đảng, tuyệt nhiên không được để lộ mình là người của tổ chức, thậm chí phải tỏ ra là mình không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Sau khi nghe anh em báo cáo là họ đã đến gặp Lý Tế Thâm, đồng chí Hồ Quang nói: Trong việc giao dịch với người của Quốc dân Đảng Trung Quốc, không mong chi nhiều, điều chủ yếu là làm sao cho chúng không cản trở được công việc của ta, phải hết sức bí mật. Về chuyện “Hoa quân nhập Việt”, đồng chí cũng bảo: “Không nên chỉ nhìn ở mặt thuận lợi. Hiện nay, chỉ có Hồng quân Liên Xô và Hồng quân Trung Quốc mới là những đội quân anh em, mới là đồng minh thực sự của ta. Còn quân đội Tưởng Giới Thạch dù có vào Đông Dương để đánh Nhật thì cũng chỉ là sự đồng minh tạm thời. Nếu họ không vào thì càng tốt cho ta”. Cuối cùng, đồng chí Hồ Quang nói: “Tình hình chung trên thế giới và cả ở Đông Dương đang ngày càng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta không thể ở Quế Lâm lâu, phải chuyển dần đến sát biên giới, rồi tìm cách lần lượt trở về nước để hoạt động”. Thời gian mà đoàn dừng lại ở Quế Lâm như vậy cũng đã là khá dài. Chỉ cần một ai đó để lộ sơ hở tí chút, làm rõ tung tích, là lập tức kẻ địch sẽ gây sự, bắt bớ, khủng bố. 68 Rồi tin về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ từ trong nước đưa sang. Đồng chí Hồ Quang nhận định với ý: Thời cơ chưa đến, lẽ ra chưa nên khởi nghĩa nhưng nay sự việc đã diễn ra rồi nên cần có kế hoạch rút lui cho khéo để tránh sự khủng bố của địch mà duy trì phong trào. Đồng chí viết ngay một bức điện với nội dung như thế, định chuyển về cho Đảng bộ Nam Kỳ nhưng rồi không có cách nào để gửi. Trước tình hình mới, vấn đề đoàn kết các giới đồng bào để đấu tranh giải phóng dân tộc đã là mục tiêu duy nhất và tối thượng. Đồng chí Hồ Quang nói với anh em là, ta phải lập một mặt trận thật rộng rãi, mang danh hiệu cho sát đúng với hoàn cảnh của nước nhà và thích hợp với tình hình thế giới. Rồi Người định ra các tên gọi để thăm dò ý kiến của anh em. Ấy là: Việt Nam Giải phóng đồng minh? Việt Nam Phản đế đồng minh? Việt Nam Độc lập đồng minh? Anh Đồng, anh Giáp đều có tham gia ý kiến. Nghe xong, Người nói: “Hay ta gọi tắt là Việt Minh cho nhân dân dễ nhớ”. Về sau, ý định đó của Người được đưa ra trao đổi và thống nhất trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, họp tại Pác Bó (Cao Bằng). Tên gọi Việt Minh sáng chói từ sự suy nghĩ thần kỳ của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc đã đi vào lịch sử oanh liệt của nước nhà vốn được khai sinh từ bước đầu gian khó của cách mạng ở nơi đất khách quê người như vậy đó. 69 Bên ta giữ bí mật tốt về việc đồng chí Hồ Quang đã đến hoạt động tại Quế Lâm. Lý Tế Thâm thì nuôi hy vọng vào Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp, mong các anh tạo thuận lợi cho mình trong kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” nay mai, nên y đã giới thiệu các anh với tướng Trương Phát Khuê để Khuê giao trách nhiệm cho Trương Bội Công. Công là người Việt Nam sang đây. Y rất trung thành với Tưởng. Bấy giờ Tưởng đã bảo Tế Thâm giao cho Trương Bội Công mở đường liên lạc về Việt Nam. Rồi Công bắt được một số thanh niên của ta, giao cho anh em làm việc đó. Họ là những người dân của tỉnh Cao Bằng vì bị thực dân Pháp khủng bố mà phải chạy sang đây. Trương Bội Công buộc họ đi đào đất làm đường để cho quân của Trương Phát Khuê chuyển địa điểm hoạt động xuống phía nam. Đoàn của anh Đồng, anh Giáp đã giải thích cho số thanh niên người nước mình đến từ Cao Bằng ấy biết rõ về bản chất và ý đồ của bọn Phát Khuê mà Bội Công đang thực hiện; làm theo bọn chúng là phản lại dân mình. Đồng thời, anh Đồng, anh Giáp cũng nhờ các bạn thanh niên của ta thăm dò để khi có xe của chúng đi về phía nam thì các anh sẽ cải trang làm người lao động mà đi nhờ cho đến tận sát biên giới, nhằm khi có điều kiện thì về nước cho được dễ dàng. Rồi đến một hôm, anh Đồng, anh Giáp lại được gặp đồng chí Hồ Quang. Người nói với các anh về 70 vị trí Cao Bằng: “Vùng căn cứ địa này sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Nơi đây có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm địa điểm liên lạc quốc tế thì rất thuận lợi. Từ Cao Bằng ta sẽ mở rộng, phát triển cơ sở về Thái Nguyên để thông xuống trung du, rồi sẽ mở rộng cơ sở ra toàn quốc. Khi phát động đấu tranh vũ trang, Cao Bằng sẽ là nơi mà lúc thuận lợi có thể tiến công, khi khó khăn có thể chống và giữ”. Càng về sau, anh Giáp càng hiểu, cái nhìn về vị trí của vùng đất thánh địa Cao - Bắc - Lạng, Tuyên - Thái - Hà đối với cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc quả là cái nhìn của một thiên tài. Cuối tháng 11/1940, đoàn của anh Giáp về đến Tĩnh Tây. Cuộc vận động của đoàn ta đối với số thanh niên Cao Bằng bị bức sang bên đó đã có kết quả. Họ vẫn phải lao động trong sự kiểm soát của bọn Trương Bội Công nhưng đã làm nội ứng cho ta. Nhờ đó, cùng với Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh, anh Đồng, anh Giáp đã mời đến Tĩnh Tây được hơn 40 thành viên cách mạng. Trong đó có cả Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang,... Đầu tháng 12, đồng chí Hồ Quang cùng anh Phùng Chí Kiên cũng đã về đến một làng cách thủ phủ Tĩnh Tây khoảng 50km. Người cho gọi anh Đồng, anh Giáp tới, giao cho họ tổ chức việc huấn luyện thanh niên. Rồi Người đi tới nơi định chọn 71 làm địa điểm đặt các lớp học. Vị trí ấy nằm trên một cung đường kéo dài, len lỏi dưới các triền núi, nép mình trong những lũy cây, kín đáo, là đất đai thuộc các thôn bản của đồng bào Nùng. Người đi bộ rất nhanh, các anh phải cố sức lắm mới theo kịp. Bởi vậy, thỉnh thoảng Người phải đứng lại để chờ họ. Hỏi ra thì biết nơi định chọn làm địa điểm đặt các lớp huấn luyện ấy là chỗ trước kia Hồng quân Trung Quốc đã từng đóng giữ và để lại ảnh hưởng tốt trong dân chúng về ý thức đấu tranh giải phóng, đánh đổ kẻ thù bên ngoài và bọn quan lại địa phương. Nhân dân ở đấy cũng rất thương yêu những người cách mạng Việt Nam. Các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp được đồng chí Hồ Quang hướng dẫn làm chương trình huấn luyện cho thanh niên. Đặng Văn Cáp được giao nhiệm vụ lo việc tiếp tế lương thực và chăm sóc sức khỏe cho tập thể. Nhưng các công việc như đi hái đậu, hái bắp về giã, vào rừng lấy rau, lấy củi đem về thổi nấu thì ai cũng phải góp sức. Đồng chí Hồ Quang cũng giành phần bổ củi. Người làm khỏe và nhanh. Tuy nhiên, thời gian chính của Người là lo về nội dung của các buổi huấn luyện. Người phân công mỗi anh phải viết một chuyên đề với các nội dung: điều tra, tổ chức, tuyên truyền, đấu tranh. Anh Giáp được phân công viết các tài liệu về huấn luyện quân sự. Cứ thêm một dịp sắp đặt công việc 72 cho cán bộ, anh càng thấy rõ là Người cố ý hướng mình đi theo con đường binh nghiệp. Cứ thế, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hồ Quang, mỗi người tự phác thảo ra bản dàn ý về chuyên đề mà mình được phân công. Theo Người, trong từng chuyên đề, mỗi mục phải có những câu hỏi rằng: học xong rồi thì về địa phương làm gì? Làm như thế nào? Bước thứ nhất, bước thứ hai, mỗi bước làm ra sao? Bởi vậy, từng bài giảng phải có nội dung tư tưởng rõ ràng, sát đúng, lời lẽ phải ngắn gọn, dễ hiểu, hợp với ý nghĩ của quần chúng. Mỗi bài giảng, khi soạn thảo xong, phải đem ra để tập thể trao đổi. Sau khi đã có được nhiều sự góp ý thì bắt đầu việc sửa chữa hoặc là phải viết lại, rồi lại trao đổi thêm một lần như thế nữa, sau đó mới chép ra để đồng chí Hồ Quang xem. Đó là lúc người soạn bài khấp khởi chờ đợi nhất, vì sẽ có được những lời nhận xét, đánh giá thật chân xác và thỏa đáng đối với bài soạn của mình. Sau đó, mỗi người sẽ tự cảm thấy thật vững vàng tự tin lúc lên lớp huấn luyện. Đồng chí Hồ Quang rất quan tâm đến khâu truyền đạt trên lớp của từng cán bộ. Sau mỗi lúc theo dõi ở lớp, Người thường đặt câu hỏi để kiểm tra sự tiếp thu của học viên. Nếu thấy có ai chưa thật hiểu bài thì báo cho giảng viên, để cả đôi bên cùng trao đổi, thảo luận thêm. Được làm việc theo từng chuyên đề dưới sự hướng dẫn của đồng chí Hồ Quang, anh Giáp nhận 73 rõ phong cách chỉ đạo của Người thật là cụ thể, chu đáo, qua đó thêm mỗi ngày thêm mỗi lớn khôn. Lễ tốt nghiệp cho các lớp học được tổ chức giữa một khu rừng khá vắng vẻ nhưng rất tôn nghiêm. Buổi ấy, không biết nhờ đâu mà lá cờ với hình mẫu nền đỏ sao vàng năm cánh vừa mới xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ đã được giăng cao trước mắt mọi người tại khu rừng giữa giờ phút thiêng liêng ấy. Đứng cao vời vợi dưới bóng cờ là Ông Cụ. Người mặc bộ áo quần màu chàm, với dáng mảnh khảnh mà quắc thước, oai nghiêm. Theo Người, tất cả cùng hướng về Nam và đồng nhất vang lên: “Hoan hô Nam Kỳ khởi nghĩa!”. Bấy giờ, lòng anh Giáp thầm nguyện, sẽ thẳng tiến trên con đường cách mạng đầy chông gai nhưng tất thắng để cùng đoàn thể giương lá cờ này lên, phất cao trên nóc nhà các thành phố: Hà Nội, Huế, Sài Gòn,... Lớp học do các anh phụ trách dưới sự chỉ đạo của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kết thúc một cách tốt đẹp. Bốn mươi thanh niên từ Cao Bằng sang nước bạn hoạt động sau khi được bồi dưỡng, giác ngộ lại được đưa về nước để gây dựng cơ sở trong các giới đồng bào. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng anh Đồng, anh Giáp ở lại đón Tết ở Tĩnh Tây. Ngày đầu xuân, Người cùng anh em mang theo những tấm giấy hồng điều nho nhỏ, đến chúc Tết từng gia đình 74 trong vùng. Tới nhà nào, Người cũng viết tặng gia đình dòng chữ: “Cung chúc tân niên - 恭祝新年” theo như cách làm của nhân dân ở bên đó. Người dặn các anh rằng, đến đâu cũng cần tìm hiểu phong tục, tập quán địa phương, phải làm cho họ coi mình như người thân thuộc trong nhà thì mình mới hoạt động được cho cách mạng. Sau dịp Tết ấy, các anh Phùng Chí Kiên, Vũ Anh được Lê Quảng Ba dẫn đường đi về Cao Bằng, tìm cơ sở đặt địa điểm cho cơ quan rồi cử người quay sang đón đồng chí Hồ Quang. 75 VIỆC NÀY CHÚ VĂN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC KHÔNG? Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và vài anh em còn ở lại Tĩnh Tây một thời gian nữa. Trách nhiệm của các anh là tiếp tục liên hệ với Lý Tế Thâm để nhờ bên Quốc dân Đảng Trung Quốc nhận huấn luyện quân sự cho một số cán bộ của mình. Lý Tế Thâm vẫn chưa hết hy vọng là dựa vào ta để có thêm thuận lợi trong kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” nay mai, nên đã nhận lời. Tuy vậy, đôi bên vẫn cảnh giác nhau. Đồng chí Hồ Quang biết trước về ý đồ của bọn Lý Tế Thâm nên bảo anh Giáp phải gạt bỏ mọi trở ngại đó để bên mình có được những người am hiểu về kỹ thuật quân sự mà tạo lập lực lượng vũ trang sau này. Khi có tình hình gì mới thì anh nhận trách nhiệm về nước để báo cáo. Bởi thế, trong thời gian còn nán lại ở Tĩnh Tây, anh Giáp vẫn thêm có dịp được gặp Người ở nơi biên thùy của Tổ quốc. Rồi đến ngày Võ Nguyên Giáp được lệnh trở về. Bấy giờ, anh đi theo một đồng chí giao liên. Đến một lúc, khi giữa hai nương ngô rồi thì đồng chí giao liên chỉ vào một cây cột mốc, nói đó là 76 ranh giới của hai nước. Anh thấy bên này, bên kia chẳng khác nhau là mấy, vẫn chung một kiểu ruộng nương, cây trồng. Nhân dân ở hai bên đường biên cùng nói tiếng Nùng. Rồi khi vượt được con sông Nậm Ty thì đã thấy Pác Bó hiện ra, đẹp như tranh vẽ. Lòng anh rất vui với sự cảm nhận, tuy cả nước còn ở dưới ách thống trị của các đế quốc Nhật, Pháp nhưng nơi đây đã có được một mảnh đất tự do. Lòng anh càng vui hơn khi thấy đồng chí Hồ Quang đang ngồi trên một phiến đá, nhìn vào cuốn sách cầm trên tay. Vị lãnh tụ của dân tộc bình thản ở một góc rừng hoang vắng với bộ áo quần màu chàm giản dị, trong phong thái một ông già người Nùng, với cái tên Người tự đặt cho mình là Già Thu. Mấy ai biết đó là một nhà cách mạng đã bao năm xa nước đi hoạt động, đặt chân lên các châu lục Á, Phi, Âu, Mỹ với tên gọi vang dội: Nguyễn Ái Quốc, mà mỗi người dân đều chờ trông với tấm lòng mến phục, ngưỡng vọng. Người rời chỗ ngồi là bờ khe mà bên cạnh là một vách núi với những nhũ đá nhấp nhô mang các dáng hình đẹp mắt. Nước từ trong núi chảy ra thành dòng trong vắt. Người nhìn khắp quang cảnh rồi chỉ lên cao mà nói: Kia là núi Các Mác, rồi chỉ xuống dải nước đang tuôn chảy mà bảo: Đây là suối Lênin. Anh Giáp bước theo Người, trèo trên một quả núi không cao lắm, khi đã lách mình bước qua một đám lau khá rậm thì nhìn thấy một cửa 77 hang. Nhìn vào đó thấy hơi lạnh. Đồ đạc trong hang không có gì đáng kể. Một cái sàn được làm bằng những cành cây bắc ngang, ghép dọc. Đấy là nơi hồi tháng 5/1941 đã diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ tám dưới sự chủ tọa của Người, nhân danh là đại diện của Quốc tế Cộng sản. Hội nghị ấy đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Hội nghị đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền và quyết định duy trì phát triển lực lượng du kích Bắc Sơn - Võ Nhai1, đồng thời quyết định mở rộng cơ sở sang cả Bắc Cạn và Lạng Sơn, xây dựng cả vùng đó thành trung tâm của công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở Việt Bắc. Người ra Chỉ thị tổ chức tại đây Đội vũ trang mang tên gọi là Việt Nam Nhân dân cách mạng quân. Đó là lực lượng vũ trang đầu tiên. Cũng tại hang Pác Bó này, Người viết thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc. Trong đó, Người chỉ rõ rằng, giờ giải phóng đã đến, việc cứu nước là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải gánh vác một phần trách nhiệm. Người hỏi thăm về việc ta định mở lớp quân sự nhờ các sĩ quan trong quân đội Tưởng giúp việc ___________ 1. Lúc này, lực lượng du kích từ Bắc Sơn đã phát triển sang cả Võ Nhai. Võ Nhai là tổng, cùng huyện với Bắc Sơn, ở trong phủ Phú Bình, thuộc xứ Thái Nguyên hồi ấy. 78