🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chủ Tịch Hồ Chí Minh Và Các Nhà Lãnh Đạo Tiền bối Tiêu Biểu Của Đảng Và Cách Mạng Việt Nam
Ebooks
Nhóm Zalo
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
VÀ CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO
TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN
Chủ tịch Hội đồng
PGS.TS. NGUYỄN THẾ KỶ
Phó Chủ tịch Hội đồng
TS. HOÀNG PHONG HÀ
Thành viên
TRẦN QUỐC DÂN
TS. NGUYỄN ĐỨC TÀI
TS. NGUYỄN AN TIÊM
NGUYỄN VŨ THANH HẢO
Viện Hồ Chí Minh
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
VÀ CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI TIÊU BIỂU CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT HÀ NỘI - 2016
BIÊN SOẠN
PGS. TS. PHẠM NGỌC ANH (Chủ biên) TS. VÕ VĂN BÉ
PGS. TS. PHẠM HỒNG CHƯƠNG PGS. TS. NGUYỄN THỊ KIM DUNG TS. LÊ THỊ THU HỒNG
ThS. TRẦN THỊ HUYỀN
ThS. TRẦN THỊ HỢI
PGS. TS. BÙI ĐÌNH PHONG
TS. LÝ VIỆT QUANG
ThS. ĐINH NGỌC QUÝ
TS. ĐẶNG VĂN THÁI
PGS. TS. VŨ VĂN THUẤN
TS. NGUYỄN XUÂN TRUNG
PGS. TS. TRẦN MINH TRƯỞNG TS. NGUYỄN THỊ LƯƠNG UYÊN
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy gian lao, thử thách, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, người con ưu tú của dân tộc, biết bao chiến sĩ yêu nước và cách
mạng tiền bối đã cống hiến và hy sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp của họ đã mãi mãi đi vào lịch sử, được nhân dân tưởng nhớ, khắc ghi.
Nhằm giúp cho bạn đọc có tài liệu nghiên cứu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chiến sĩ yêu nước và cách mạng xuất sắc đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Nội dung cuốn sách giới thiệu một cách ngắn gọn, cô đọng những nét chính về tiểu sử, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Tổng Bí thư của Đảng, các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, do tập thể tác giả thuộc Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên soạn.
5
Tiểu sử các nhà lãnh đạo được sắp xếp thành hai cụm. Cụm thứ nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Tổng Bí thư của Đảng, cụm thứ hai là các nhà lãnh đạo tiền bối, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Thứ tự các bài viết được sắp xếp trên
cơ sở thời gian hoạt động và vai trò, vị trí của các nhà lãnh đạo trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Tuy Nhà xuất bản và các tác giả đã rất cố gắng, nhưng cuốn sách khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong bạn đọc góp ý phê bình để lần xuất bản sau cuốn sách có chất lượng tốt hơn.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 10 năm 2016
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT6
HỒ CHÍ MINH
(1890-1969)
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi là Nguyễn Tất Thành, sinh ngày 19-5-1890, ở quê ngoại làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Trùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), trong một gia đình nhà nho yêu nước.
Thân phụ của Người là cụ Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy), sinh năm 1862, mất năm 1929, quê làng Kim Liên (thường gọi là làng Sen), cùng thuộc xã Chung Cự, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Là người ham học, lại được nhà nho Hoàng Xuân Đường hết lòng dạy dỗ, cụ đã thi đỗ Phó bảng, sống bằng nghề dạy học, rồi được bổ làm quan. Nhưng vốn có tinh thần yêu nước, thường xuyên tỏ thái độ chống đối quan trên và chính quyền thực dân Pháp, nên cụ
bị cách chức. Từ bỏ chốn quan trường, cụ vào Nam Bộ làm nghề thầy thuốc, chữa bệnh cho dân, sống thanh bạch cho đến lúc qua đời.
7
Thân mẫu của Người là cụ Hoàng Thị Loan, sinh năm 1868, mất năm 1901, là một phụ nữ đảm đang, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì chồng vì con, sống bằng nghề làm ruộng và dệt vải. Là người biết ít nhiều chữ thánh hiền, bằng tấm lòng và sự mẫn cảm của người mẹ, cụ đã dành rất nhiều tâm huyết truyền thụ cho các con lẽ sống ở đời, vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ các con những bài học đầu tiên về đạo lý làm người. Lòng nhân ái, vị tha, yêu lao động, nếp sống giản dị của cụ đã ảnh hưởng sâu sắc đến các con và được phản ánh rất rõ trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.
Sau một thời gian học chữ Hán, Người được cha cho vào học lớp dự bị Trường tiểu học Pháp - Việt ở thành phố Vinh rồi vào học Trường tiểu học Pháp - Việt ở Thừa Thiên, Trường Quốc học Huế, Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.
Năm 1910, Người hoàn thành chương trình tiểu học và xin dạy học một thời gian ở Trường Dục Thanh - Phan Thiết rồi vào Sài Gòn tìm đường xuất dương.
Tiếp thu truyền thống yêu nước của quê hương, gia đình và các trào lưu tiến bộ của thời đại, thấu hiểu nỗi đau của người dân mất nước, với tư duy sắc sảo, sự mẫn cảm về chính trị, Người đã sớm suy ngẫm về sự thành bại của các
8
phong trào yêu nước lúc bấy giờ và nung nấu con đường cứu nước, cứu dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Ngày 5-6-1911, trên con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin, Người rời Tổ quốc sang phương Tây để tìm đường giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân đế quốc.
Từ năm 1912 đến năm 1917, Người đến nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi khảo sát cuộc sống và phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân lao động bị áp bức.
Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp hoạt động trong phong trào Việt kiều, phong trào công nhân Pháp.
Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.
Tháng 7-1920, Người tiếp cận Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo. Từ Luận cương của Lênin, Người đã xác định được con đường giải phóng dân tộc theo xu hướng cách mạng vô sản.
Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành việc Đảng gia nhập Quốc tế III,
9
trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành của Hội.
Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô và làm việc trong Quốc tế Cộng sản. Tháng 11-1924, với tư cách là Ủy viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động. Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra tuần báo Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Mátxcơva (Liên Xô), sau đó đi Béclin (Đức), qua Pháp, rồi đi Brúcxen (Bỉ), tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, sau đó đi Italia và từ đây về châu Á.
Từ tháng 7-1928 đến cuối năm 1929, Người hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Xiêm (Thái Lan), tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Mùa Xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng, họp tại Cửu Long - Hồng Kông
10
(Trung Quốc), mở ra một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông, đến đầu năm 1933 mới được trả tự do.
Từ năm 1934 đến năm 1938, Người học ở Trường Quốc tế Lênin, rồi công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa tại Mátxcơva.
Tháng 10-1938, Người rời Liên Xô về Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức đảng chuẩn bị về nước. Ngày 28-1-1941, Người về Pác Bó (Cao Bằng), trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau hơn 30 năm xa Tổ quốc.
Tháng 5-1941, Người triệu tập Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tích cực chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 8-1942, lấy tên Hồ Chí Minh, Người sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế chống phát xít. Nhưng vừa sang Trung Quốc, Người đã bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt, giam cầm ở nhiều nhà lao của tỉnh Quảng Tây.
Tháng 9-1944, Người về Pác Bó. Tháng 12- 1944, Người chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
11
Tháng 5-1945, Người rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang), triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân (8-1945), quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc và thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Người làm Chủ tịch.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc Tuyên ngôn độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người làm Chủ tịch.
Trước những khó khăn chồng chất, thù trong giặc ngoài, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”, Người đã cùng với Chính phủ đề ra nhiều chủ trương, biện pháp sáng suốt, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh nguy hiểm, giữ vững chính quyền, xây dựng nền tảng của chế độ mới, tạo cơ sở để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, ngày 3-9-1945, Người đã nêu ra sáu nhiệm vụ cấp bách là: giải quyết nạn đói; giải quyết nạn dốt; tổ chức tổng tuyển cử tự do, xây dựng hiến pháp; xóa bỏ các hủ tục, giáo dục lại tinh thần nhân dân; xóa bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện; thực hiện tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết.
12
Ngày 20-9-1945, Người ký Sắc lệnh số 34/SL thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Người đứng đầu để soạn thảo một bản hiến pháp thật sự dân chủ, đặt cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và toàn bộ đời sống xã hội.
Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, Người được tín nhiệm bầu với số phiếu cao nhất. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Người được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến.
Ngày 6-3-1946, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người ký với Xanhtơni - đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ 6-3- 1946 và tiếp đó ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946 để giữ gìn hòa bình và tránh cho hai dân tộc Việt - Pháp khỏi thảm họa chiến tranh.
Trước hành động xâm lăng của thực dân Pháp, đêm 19 rạng ngày 20-12-1946, Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, khẳng định quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”1.
Cuối năm 1946 đầu năm 1947, Người cùng Trung ương Đảng trở về căn cứ địa Việt Bắc
_____________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.534.
13
để kháng chiến lâu dài, chống thực dân Pháp xâm lược.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), Người được bầu làm Chủ tịch Đảng.
Trong chín năm kháng chiến gian khổ, Người đã cùng Trung ương Đảng đề ra những quyết sách lớn, lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 15-10-1954, Người về Thủ đô Hà Nội, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối tháng 9 đầu tháng 10- 1956, Người được cử kiêm chức Tổng Bí thư của Đảng thay đồng chí Trường Chinh xin từ chức do những sai lầm trong cải cách ruộng đất.
Tháng 9-1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được triệu tập, họp tại Thủ đô Hà Nội, để xác định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Với sự tín nhiệm tuyệt đối, Người được Đại hội bầu lại làm Chủ tịch Đảng.
Năm 1964, trước hành động leo thang chiến tranh ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, Người đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, khẳng định quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
14
Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt trên cả hai miền Nam - Bắc, ngày 17-7-1966, Người ra Lời kêu gọi cả nước chống Mỹ, cứu nước, khẳng định tiền đồ tất thắng của cuộc kháng chiến, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm kháng chiến, đồng thời chuẩn bị tư tưởng, tinh thần cho cán bộ, đảng viên và quân, dân cả nước trước những hành động leo thang chiến tranh ác liệt mới của đế quốc Mỹ.
Dự đoán đế quốc Mỹ sẽ đem máy bay B.52 đánh phá miền Bắc, từ năm 1962, Người đã lưu ý Quân chủng Phòng không - Không quân phải nghiên cứu, tìm hiểu về loại máy bay chiến lược này. Đặc biệt cuối năm 1967, Người đã nhắc nhở đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: “Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt... Mỹ sẽ nhất định thua.
Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”1.
Những năm cuối đời, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng Người luôn quan tâm đến tình hình chiến sự miền Nam. Người viết nhiều bài, thư, điện động viên, khích lệ quân, dân cả nước kiên cường chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt Người còn đề nghị đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung
_____________
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.38.
15
ương Đảng sắp xếp cho Người trực tiếp vào thăm và động viên đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm đối mặt trực tiếp với quân thù.
Ngày 2-9-1969, giữa lúc cách mạng nước ta đang giành được những thắng lợi to lớn ở cả hai miền Nam - Bắc, trái tim lớn của Người đã ngừng đập. Sự ra đi của Người là một tổn thất vô cùng to lớn của dân tộc, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và bạn bè quốc tế. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho dân tộc ta bản Di chúc lịch sử, kết tinh trí tuệ, tâm huyết của một vị lãnh tụ vĩ đại, hết lòng vì dân, vì nước, và một thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài, người anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một tấm gương sáng ngời, hết lòng vì dân, vì nước và nhân loại cần lao bị áp bức, vì hòa bình, công lý và phẩm giá con người trên toàn thế giới. Tên tuổi và sự nghiệp của Người gắn liền với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ qua và lương tri, phẩm giá con người.
Với những cống hiến to lớn trên nhiều lĩnh vực, năm 1987, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
16
TRẦN PHÚ
(1904-1931)
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904*, trong một gia đình quan lại yêu nước, tại xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Thân phụ đồng chí là cụ Trần Văn Phổ, một vị quan thanh liêm, chính trực, có tinh thần yêu nước, thương dân. Bất bình trước sự bạo ngược của thực dân Pháp và thái độ ươn hèn của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, không chịu làm tay sai cho chúng đàn áp phong trào yêu nước, chống sưu cao thuế nặng của nhân dân Quảng Ngãi, cụ đã tự vẫn ngay tại công đường để tỏ thái độ phản đối chính quyền thực dân, phong kiến.
Thân mẫu của đồng chí là cụ Hoàng Thị Cát, một người phụ nữ trung hậu, hết lòng yêu chồng,
_____________
* Về ngày sinh của đồng chí Trần Phú, các tài liệu ghi không giống nhau. Ở đây chúng tôi căn cứ vào Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu di dời hài cốt của đồng chí, ngày 12-1-1999.
17
thương con, quê xã Châu Dương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sau cái chết bi phẫn của cụ ông Trần Văn Phổ, gia đình bị chính quyền thực dân đuổi ra khỏi huyện đường, vì quá vất vả và nhớ
thương chồng, cụ bà bị lâm bệnh nặng và qua đời, khi Trần Phú mới 6 tuổi.
Mồ côi cha mẹ từ bé, Trần Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên. Tuy cha mẹ mất sớm, gia cảnh rất khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của các anh chị và bà con họ hàng nên Trần Phú vẫn được đi học. Sau khi học xong lớp dự bị ở
Quảng Trị, Trần Phú học tiếp bậc tiểu học tại Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba rồi vào học ở Trường Quốc học Huế. Với tư chất thông minh, cần cù chịu khó và tinh thần hiếu học nên kết quả học tập của Trần Phú rất xuất sắc, nhất là môn Pháp văn.
Chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần yêu nước, thương dân của người cha đáng kính, Trần Phú đã sớm thể hiện tinh thần dân tộc, chống Pháp. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã cùng các bạn trong lớp tổ chức bãi khóa để phản kháng các giáo sư người Pháp có thái độ miệt thị
học sinh người Việt, tham gia Hội Thanh niên tu tiến nhằm giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng, trao đổi tình hình đất nước và các trào lưu tiến bộ đang thâm nhập vào Việt Nam.
Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Huế, năm 1922, Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên
18
Trường tiểu học Cao Xuân Dục tại thành phố Vinh, Nghệ An, rồi về làm việc ở Văn phòng Đốc học của tỉnh do sức khỏe sút kém.
Với kiến thức sâu rộng, nhiệt tình, năng động và lòng yêu nước, trong những năm dạy học ở Vinh, Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, giàu lòng nhân ái, có tinh thần đoàn kết các đồng nghiệp, khơi dậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc. Ngoài giờ dạy học ở trường, Trần Phú còn tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử và đi xuống các xóm thợ để tìm hiểu cuộc sống của công nhân, truyền thụ kiến thức văn hóa và dạy chữ quốc ngữ cho họ, tiếp tục tự học thêm tiếng Anh để nâng cao trình độ.
Tiếp nhận tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các trào lưu tư tưởng tiến bộ đương thời, Trần Phú đã sớm dấn thân vào con đường cách mạng đầy chông gai, thử thách. Đồng chí đã tổ chức các tổ đọc sách để tập hợp những thanh niên yêu nước, tham gia sáng lập Hội Phục Việt (sau này đổi tên thành Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí Hội, Tân Việt Cách mạng Đảng), lãnh đạo phong trào làm đơn lấy chữ ký đòi thực dân Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh.
Khoảng tháng 9-1925, Trần Phú được Hội Hưng Nam cử sang Lào để vận động cách mạng,
19
nhưng sau một thời gian, do bị bệnh sốt rét nên lại về nước.
Giữa năm 1926, Trần Phú cùng với Tôn Quang Phiệt và Hoàng Văn Tùng được Việt Nam Cách mạng Đảng cử sang Quảng Châu, Trung Quốc bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc và dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc đặt tên là Lý Quý và kết nạp vào Cộng sản đoàn.
Kết thúc khóa học, Trần Phú được Tổng bộ Thanh niên cử về Trung Kỳ để tham gia xây dựng và phát triển cơ sở của Hội. Song, về nước chưa được bao lâu, đang báo cáo với lãnh đạo của Việt Nam Cách mạng Đảng về chuyến đi Quảng Châu, thì được tin mật thám lùng sục bắt bớ, đồng chí lại phải tạm lánh sang Quảng Châu, tìm gặp Tổng bộ Thanh niên.
Nhận thấy Trần Phú là một người thông minh, nhiệt tình cách mạng cao, giỏi tiếng Pháp và tiếng Anh, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định cử đồng chí sang học tại Trường đại học Phương Đông ở Mátxcơva.
Những năm tháng học tập, nghiên cứu tại Trường đại học Phương Đông đã giúp cho Trần Phú nắm được những vấn đề lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm cách mạng quốc tế. Là một người bônsêvích kiên định, một chiến sĩ cách mạng đầy nhiệt huyết, được rèn
20
luyện tại trung tâm của phong trào cộng sản quốc tế, với ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, Trần Phú đã tuân thủ và quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Quốc tế Cộng sản. Với kết quả học tập tốt và tinh thần phấn đấu, rèn luyện nghiêm túc, chỉ mấy tháng sau khi nhập học, đồng chí được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Liên Xô, tham gia nhóm cộng sản Việt Nam của sinh viên Trường đại học Phương Đông thuộc chi bộ nhà trường.
Tháng 11-1929, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Trần Phú rời Mátxcơva bắt đầu cuộc hành trình trở về nước hoạt động cách mạng.
Đầu năm 1930, Trần Phú về đến Sài Gòn, nhưng vì thực dân Pháp đang tăng cường khám xét, bắt bớ những người cách mạng, đồng chí phải sang Hồng Kông để về nước hoạt động theo đường Hải Phòng. Tại Hồng Kông, Trần Phú đã gặp được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau khi báo cáo với Nguyễn Ái Quốc về kết quả học tập, công tác ở
Liên Xô và tinh thần chỉ thị của Quốc tế Cộng sản trước khi về nước, Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc thông báo về quá trình tổ chức, kết quả của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra tại Hồng Kông và phân công về hoạt động ở Bắc Kỳ, nơi cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời đang đóng.
Tháng 7-1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được giao
21
soạn thảo Dự án Luận cương chính trị của Đảng. Đồng chí đã khẩn trương xúc tiến việc tổ chức các cuộc trao đổi với những đồng chí lãnh đạo trên các lĩnh vực, các vùng và nghiên cứu khảo sát thực tế tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Thái Bình để hoàn thành bản Dự án Luận cương chính trị của Đảng.
Tháng 10-1930, Hội nghị lần thứ nhất của Đảng được triệu tập, họp tại Hồng Kông. Hội nghị đã thông qua Dự án Luận cương chính trị của Đảng, Án nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, Điều lệ Đảng, điều lệ các tổ chức quần chúng và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với tài năng, trí tuệ và tinh thần cách mạng kiên định, Trần Phú đã được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Sau Hội nghị lần thứ nhất của Đảng, Trần Phú cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuyển cơ quan Trung ương của Đảng về Sài Gòn - Chợ Lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng đang phát triển mạnh trên cả nước.
Ngày 18-4-1931, giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thử thách lớn, Trần Phú bị địch bắt ở Sài Gòn. Trong điều kiện hết sức nghiệt ngã của nhà tù đế quốc, Trần Phú luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt, truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến
22
các đồng chí cùng bị bắt giam. Trần Phú đã cùng với các chiến sĩ cộng sản tổ chức nhiều cuộc đấu tranh vạch trần chế độ lao tù dã man, vô nhân đạo của kẻ thù, tổ chức những buổi huấn luyện chính trị ngay trong nhà tù của đế quốc Pháp.
Do sự tra tấn và đày ải dã man của kẻ thù, bệnh cũ tái phát, ngày 6-9-1931, đồng chí đã hy sinh tại nhà thương Chợ Quán. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Trần Phú đã nhắn gửi các bạn chiến đấu lời nói bất hủ: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Đồng chí Trần Phú - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc ta, suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tuy có những hạn chế do điều kiện lịch sử, song Dự án Luận cương chính trị của Đảng do đồng chí khởi thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã vạch ra nhiều vấn đề chiến lược, định hướng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam.
23
LÊ HỒNG PHONG
(1902-1942)
Đồng chí Lê Hồng Phong tên khai sinh là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học, tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Thân phụ đồng chí là cụ Lê Huy Quán, hậu duệ đời thứ 12 của đại tộc họ Lê ở Nghệ An. Là người có học, song con đường khoa cử của cụ không được may mắn. Học xong tú tài, thi không đỗ, cụ sống ở quê bằng nghề làm nông.
Thân mẫu đồng chí là cụ Phạm Thị Thứ (thường gọi là bà Sáu), là người thông minh, nết na hiền thục, sinh ra trong một gia đình nhà nho, quê ở tổng Hoa Nam (nay là xã Nam Kim), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Tuy nhà nghèo, nhưng Lê Huy Doãn vẫn được cha mẹ cho học chữ Hán tại làng, rồi chuyển sang học chữ quốc ngữ và bậc sơ học. Vốn thông minh, chăm chỉ, nên kết quả học tập của Lê Huy Doãn
24
rất tốt. Sau khi học xong bậc sơ học, do cha mất sớm, mẹ già đau yếu, Lê Huy Doãn phải ra thành phố Vinh - Bến Thủy vừa làm thuê kiếm sống và hỗ trợ gia đình, vừa tranh thủ học thêm tiếng Pháp.
Sau một thời gian làm việc ở một hiệu buôn người Hoa, anh được một người bạn xin cho vào học nghề tại Nhà máy Diêm Bến Thủy.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị ngoại bang nô dịch, chứng kiến những cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh yêu nước của đồng bào ta bị kẻ thù đàn áp đẫm máu, chịu ảnh hưởng của các trào lưu tiến bộ của thời đại, Lê Huy Doãn đã sớm có tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng.
Trong thời gian làm công nhân ở Nhà máy Diêm Bến Thủy, Lê Huy Doãn cùng với Phạm Thành Khôi đã vận động công nhân đấu tranh phản đối giới chủ trừng phạt công nhân, đòi quyền lợi. Bị một viên đốc công tố giác, đồng chí đã bị chủ Nhà máy Diêm đuổi việc, phải về quê.
Đầu năm 1924, cùng với Phạm Thành Khôi và 15 người khác, Lê Hồng Phong được Vương Thúc Oánh bí mật tổ chức xuất dương sang Xiêm (Thái Lan). Để tỏ chí can trường, Phạm Thành Khôi đổi tên là Phạm Hồng Thái, Lê Huy Doãn đổi tên là Lê Hồng Phong. Sau khi đến Xiêm một thời gian, qua học tập, rèn luyện, cùng với Phạm Hồng Thái và Phạm Bá Giao, Lê Hồng Phong được cụ Đặng Thúc Hứa cử sang Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động.
25
Tại Quảng Châu, được Lê Hồng Sơn giới thiệu, Lê Hồng Phong đã gia nhập nhóm Tâm Tâm xã, một tổ chức của những thanh niên Việt Nam yêu nước vừa mới được thành lập.
Sau sự kiện Phạm Hồng Thái mưu sát Toàn quyền Méclanh, mật thám Pháp công khai truy bắt những người chúng nghi vấn, thậm chí bắt giam cả những người nhà của họ. Để tránh sự truy lùng của địch và tranh thủ học tập kiến thức quân sự, Lê Hồng Phong xin vào học Trường quân sự
Hoàng Phố của Chính phủ cách mạng Quảng Châu. Trong thời gian học tập tại trường, Lê Hồng Phong đã tham gia chiến đấu chống các lực lượng quân phiệt phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng và tích cực tham gia các cuộc míttinh, tuần hành do Đảng Cộng sản và những người trong phái tả Quốc dân Đảng Trung Quốc tổ chức.
Cuối năm 1924, Lê Hồng Phong gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người kết nạp vào tổ chức Cộng sản đoàn đầu năm 1925. Tháng 6- 1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được
thành lập. Lê Hồng Phong trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội.
Sau khi tốt nghiệp Trường quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Phong chuyển sang học Trường Không quân Quảng Châu. Do kết quả nổi bật trong học tập và những đóng góp tích cực cho cách mạng Trung Quốc, tháng 2-1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
26
Tháng 10-1926, với sự nỗ lực của bản thân và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu, Lê Hồng Phong được Chính phủ Quảng Châu cử sang Liên Xô học tập. Sau một năm học tập, Lê Hồng Phong đã tốt nghiệp Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát rồi học tiếp Trường Đào tạo phi công quân sự tại Bôrítxgơlépxcơ. Học chưa xong khoá, đồng chí được cử về học ở Trường đại học Phương Đông. Tại đây, đồng chí đã cùng với các thanh niên Việt Nam lập thành nhóm Đông Dương, trở thành một hội viên tích cực của nhóm và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 5-1931, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong được cử về nước hoạt động. Đồng chí đã tích cực chắp nối liên lạc, khôi phục lại các cơ sở đảng trong và ngoài nước, triển khai một cách sáng tạo Chương trình hành động của Đảng để định hướng phát triển cho phong trào cách mạng.
Tháng 3-1934, Lê Hồng Phong cùng với Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng tại Ma Cao (Trung Quốc), có chức năng như một Ban Trung ương lâm thời của Đảng gồm ba người do Lê Hồng Phong làm Thư ký. Dưới sự chỉ đạo của Lê Hồng Phong, Ban Chỉ huy ở ngoài đã triệu tập Hội nghị Đảng ở Ma Cao và tích cực chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Đảng.
Giữa lúc việc chuẩn bị Đại hội đang được tiến hành khẩn trương, Lê Hồng Phong được giao
27
nhiệm vụ dẫn Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương sang Mátxcơva tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, công việc của Ban Chỉ huy ở ngoài do Hà Huy Tập đảm nhiệm. Tại Đại hội, với tư cách Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương, Lê Hồng Phong đã có nhiều đóng góp quan trọng cho thành công của Đại hội và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Tháng 3-1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 ủy viên. Lê Hồng Phong được Đại hội bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tuy không trực tiếp tham dự Đại hội, nhưng vai trò và tư tưởng chỉ
đạo của đồng chí vẫn thể hiện rõ qua tiến trình và kết quả Đại hội.
Ngày 26-7-1936, Lê Hồng Phong triệu tập Hội nghị Trung ương họp tại Thượng Hải (Trung Quốc), bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng về công tác tổ chức và đường lối đấu tranh của Đảng trong tình hình mới. Hội nghị chủ trương chuyển hướng chỉ đạo cách mạng, xác định mục tiêu trực tiếp trước mắt của cách mạng Việt Nam là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít và chiến tranh đế quốc, đòi dân sinh, dân chủ và hòa bình. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương, đặt cơ sở cho cao trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ những năm 1936-1939.
28
Sau Hội nghị, Lê Hồng Phong được phân công phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng thay Hà Huy Tập về nước hoạt động.
Tháng 11-1937, Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng.
Trong hai ngày 29 và 30-3-1938, tại Hóc Môn, Gia Định, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, quyết định chuyển Mặt trận nhân dân phản đế thành Mặt trận dân chủ nhằm tập hợp đông đảo quần chúng, tranh thủ mọi lực lượng tham gia vào cuộc đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ và chống phát xít. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 người, do Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư. Lê Hồng Phong được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Ủy viên Thường vụ Trung ương.
Sau Hội nghị Trung ương tháng 3-1938, Lê Hồng Phong tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, tích cực đấu tranh trên lĩnh vực báo chí nhằm thống nhất về nhận thức và tư
tưởng của Đảng trong vấn đề đấu tranh dân chủ. Tháng 6-1939, Lê Hồng Phong bị mật thám bắt tại Sài Gòn. Dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ vẫn không tìm ra chứng cứ buộc tội, tòa tiểu hình đã kết án đồng chí sáu tháng tù giam và ba năm quản thúc vì tội “lang thang” và “sử dụng căn cước giả”. Hết hạn tù, đồng chí bị trục xuất khỏi
29
Nam Kỳ, bị cấm cư trú ở một số địa bàn quan trọng và bị cảnh sát dẫn độ về quê quản thúc. Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đầu năm 1940, thực dân Pháp bắt giam Lê Hồng Phong tại quê, rồi đem vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Bị kẻ thù hành hạ đến kiệt sức, ngày 6-9-1942, đồng chí đã vĩnh viễn ra đi. Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Lê Hồng Phong còn nhắn gửi các đồng chí trong tù: “nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Đồng chí Lê Hồng Phong là một người cộng sản kiên cường, bất khuất, một chiến sĩ quốc tế mẫu mực. Trên cương vị đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài rồi Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã có đóng góp đáng kể cho phong trào cộng sản quốc tế, góp phần quan trọng trong việc khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào quần chúng, chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, chuyển hướng chỉ đạo cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua bước thoái trào, chuyển sang một thời kỳ phát triển mới.
30
HÀ HUY TẬP
(1906-1941)
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906, trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Thân phụ của đồng chí là cụ Hà Huy Tương, thi đỗ Cống sinh nhưng không ra làm quan như bao người đương thời mà ở nhà dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Thân mẫu của đồng chí là cụ Nguyễn Thị Lộc, một người phụ nữ trung hậu, hết lòng yêu chồng, thương con, cả đời gắn bó với ruộng đồng, quê hương, sống chan hòa với bà con lối xóm.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, Hà Huy Tập đã sớm thể hiện tư chất thông minh, hiếu học. Sau ba năm học chữ Hán tại nhà, từ năm 9 tuổi Hà Huy Tập được cha cho đi học chữ quốc ngữ ở trường tổng Thổ Ngọa, Hà Tĩnh.
Năm 1916, cụ Hà Huy Tương qua đời, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, song không vì thế mà Hà Huy Tập sao nhãng việc học hành. Sau khi tốt
31
nghiệp bậc sơ học ở Thổ Ngọa, Hà Huy Tập lên tỉnh học tiếp Trường kiêm bị Pháp - Việt. Tốt nghiệp tiểu học, nhờ học giỏi, đỗ thủ khoa với điểm cao nên Hà Huy Tập được cấp học bổng để học tiếp bậc thành chung ở Trường Quốc học Huế.
Sau bốn năm miệt mài đèn sách, Hà Huy Tập đã tốt nghiệp hạng ưu Trường Quốc học Huế. Vì hoàn cảnh nhà nghèo không thể tiếp tục học lên cao nữa, Hà Huy Tập xin làm giáo viên tiểu học ở
thị trấn Nha Trang (Khánh Hòa).
Là một giáo viên có tinh thần yêu nước, trong các bài giảng, Hà Huy Tập thường lồng vào những nội dung về lịch sử anh hùng của dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân ta. Với bản tính cương trực, Hà Huy Tập luôn sẵn sàng đấu tranh bênh vực, bảo vệ những người nghèo khổ, đoàn kết các giáo viên chống lại những việc làm sai trái của hiệu trưởng. Vừa dạy học anh vừa tham gia vào Ban chủ nhiệm Thư viện Nha Trang, tích cực tìm đọc các sách báo tiến bộ.
Năm 1925, thông qua Ngô Đức Diễn, Hà Huy Tập được tiếp xúc với một số cựu chính trị phạm như Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, những người đã sáng lập ra Hội Phục Việt, một tổ chức bí mật của những người yêu nước được thành lập ở Vinh và trở thành thành viên của Hội. Cũng năm đó, đồng chí được đọc một số sách báo cộng sản ở nước ngoài gửi về, như báo Le Paria, L’Humanité. Thông qua những sách báo này, Hà Huy Tập đã dần hướng
32
theo con đường cách mạng vô sản, tham gia tích cực các hoạt động yêu nước và cách mạng, nhất là trong các cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh.
Nhận thức được vai trò to lớn của giai cấp công nhân, Hà Huy Tập đã tích cực tuyên truyền giác ngộ cách mạng, thông qua việc mở các lớp học xóa mù chữ để tuyên truyền và tập hợp lực lượng trong công nhân. Bị chính quyền thực dân đe dọa và gây khó dễ, nhưng Hà Huy Tập vẫn không lùi bước, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc trong học sinh và dạy học cho công nhân. Nhờ những hoạt động tích cực của Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn, cơ sở của Hội Phục Việt đã được gây dựng tại thị trấn Nha Trang và huyện Tân Định (nay là Ninh Hòa).
Do hoạt động chống đối, Hà Huy Tập đã bị chính quyền thực dân trục xuất khỏi Nha Trang vào giữa năm 1926. Không thể hoạt động ở Nha Trang, tháng 8-1926, Hà Huy Tập chuyển về thành phố Vinh dạy học ở Trường tiểu học Cao Xuân Dục, tiếp tục tham gia hoạt động trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Đảng (tên mới của Hội Phục Việt), tích cực xây dựng tổ chức, phát triển hội viên và tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong công nhân.
Nhận thấy sự nguy hiểm của Việt Nam Cách mạng Đảng và những hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập, chính quyền thực dân ở Nghệ An đã sa thải đồng chí.
33
Bị mật thám theo dõi chặt chẽ, tháng 3-1927, Hà Huy Tập chuyển vào Sài Gòn hoạt động và xin dạy học ở trường tư thục An Nam học đường để vừa che mắt địch, vừa kiếm sống và hoạt động cách mạng.
Tại Sài Gòn, cuối năm 1927, Hà Huy Tập đã cùng với một số hội viên của Việt Nam Cách mạng Đảng, như Nguyễn Đình Kiên, Đào Xuân Mai, Trần Ngọc Danh, Trần Phạm Hổ... lập ra Kỳ bộ
Việt Nam Cách mạng Đảng ở Nam Kỳ, do Nguyễn Đình Kiên làm Bí thư, Đào Xuân Mai làm Phó Bí thư, Hà Huy Tập làm Thư ký.
Song song với việc phát triển tổ chức, Hà Huy Tập đặc biệt quan tâm phát động quần chúng đấu tranh. Bên cạnh tổ chức các cuộc bãi công của công nhân, Hà Huy Tập còn tổ chức các cuộc bãi khóa của học sinh, chống chế độ giáo dục hà khắc của nhà trường thực dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc trong thanh niên học sinh.
Với lý do “kích động học sinh bãi khóa nhiều lần”, tháng 6-1928, Hà Huy Tập bị Hiệu trưởng An Nam học đường sa thải. Rời An Nam học đường, Hà Huy Tập xin làm công cho một hiệu buôn, sau đó xuống Bà Rịa làm công cho một đồn điền trồng mía. Tại đây, Hà Huy Tập đã lập ra một chi bộ do đồng chí làm bí thư, một hội đọc sách báo, tổ chức các lớp xóa mù chữ cho công nhân trong đồn điền và tổ chức các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của giới chủ.
34
Trong lúc Hà Huy Tập đang tìm cách liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp để đưa thanh niên, sinh viên sang học tập, thì xảy ra vụ án đường Bácbiê1 ở Sài Gòn. Để tránh sự khủng bố của thực dân Pháp, đồng thời liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bàn việc hợp nhất, tháng 12-1928, cùng với hai đồng chí, Hà Huy Tập được Tổng bộ Tân Việt Cách mạng Đảng (tên mới của Việt Nam Cách mạng Đảng) cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động.
Tháng 6-1929, thông qua Tổng lãnh sự Liên Xô ở Trung Quốc, Hà Huy Tập sang Liên Xô học tại Trường đại học Phương Đông. Trong thời gian học tập tại đây, Hà Huy Tập tham gia rất tích cực các hoạt động của Nhóm học sinh Đông Dương và các hoạt động của nhà trường, đặc biệt đồng chí rất quan tâm việc nghiên cứu lý luận, tìm hiểu thực tế Đông Dương và phong trào cách mạng Việt Nam nhằm chuẩn bị cho công tác trong nước sau này. Do học tập, công tác nghiêm túc và ý thức chính trị cao, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 4-1933, sau khi kết thúc khóa học, Hà Huy Tập rời Liên Xô về nước qua đường
_____________
1. Vụ án đường Bácbiê (nay là phố Thạch Thị Thanh, quận I, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên nhân là do mâu thuẫn trong nội bộ Kỳ bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, dẫn đến mật thám Pháp lần ra tổ chức và truy lùng những người cách mạng.
35
Trung Quốc. Tại Ma Cao, tháng 3-1934, Hà Huy Tập đã cùng với Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, có chức năng như một Ban Trung ương lâm thời của Đảng, do Lê Hồng Phong làm Thư ký.
Cuối năm 1934, Lê Hồng Phong dẫn đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương sang Mátxcơva dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Hà Huy Tập được cử phụ trách Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng, tháng 3-1935, Hà Huy Tập được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ. Nhưng sau đó, 9 ủy viên Trung ương bị bắt, Ban Chấp hành Trung ương lại tan vỡ.
Thực hiện chủ trương của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, ngày 26-7-1936, Hội nghị Trung ương đã họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) để điều chỉnh một số điểm trong Nghị quyết Đại hội I của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Hội nghị đã bầu Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau Hội nghị, Hà Huy Tập bí mật về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, tổ
chức lại Ban Chấp hành Trung ương.
Ngày 12-10-1936, Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị cán bộ, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, do đồng chí làm Tổng Bí thư để lãnh đạo phong trào vận động dân chủ đang phát triển mạnh mẽ trong cả nước.
36
Trước sự biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, tháng 3-1938, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị toàn thể tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định để nhận định tình hình và bàn chủ trương mới. Hội nghị đã bầu Nguyễn Văn Cừ
làm Tổng Bí thư. Hà Huy Tập là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương.
Ngày 1-5-1938, do có nội phản chỉ điểm, Hà Huy Tập bị địch bắt giam, kết án 8 tháng tù và 5 năm cấm lưu trú ở Nam Kỳ. Hết hạn tù, đồng chí được trả tự do và bị quản thúc ở quê nhà.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ngày 30-3-1940, thực dân Pháp ra lệnh bắt Hà Huy Tập, đưa về giam ở Khám Lớn Sài Gòn.
Tháng 11-1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, cùng với nhiều đồng chí khác, Hà Huy Tập bị xử tử hình theo luật đặc biệt thời chiến không cần chứng cớ. Ngày 28-8-1941, đồng chí bị địch xử bắn ở Hóc Môn, Gia Định.
Đồng chí Hà Huy Tập là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trên cương vị là Trưởng Ban Chỉ huy ở ngoài rồi Tổng Bí thư của Đảng trong một giai đoạn lịch sử đầy thử thách và biến động, Hà Huy Tập đã có công lao to lớn trong việc khôi phục tổ chức đảng và phong trào quần chúng, tạo tiền đề đưa cách mạng giải phóng dân tộc tiếp tục tiến lên.
37
NGUYỄN VĂN CỪ
(1912-1941)
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc, đại thi hào Nguyễn Trãi.
Thân phụ của đồng chí là cụ Nguyễn Ngọc Quán (tên thật là Nguyễn Trọng Mạo), là người đức độ, khiêm nhường, có tinh thần yêu nước, chống Pháp, đỗ Khóa sinh, nối nghiệp cha, làm nghề dạy học, nên thường gọi là Đồ Quán.
Thân mẫu của đồng chí là cụ Nguyễn Thị Khuyến, con của một nhà nho yêu nước, đỗ tú tài nhưng không ra làm quan, từng tham gia ủng hộ phong trào Cần vương chống Pháp, quê ở làng Cẩm Giàng, xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là người biết lo toan tần tảo, lúc làm ruộng khi bán hàng rong để giúp chồng kiếm sống.
Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”
38
của xứ Kinh Bắc, ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất thông minh và bản lĩnh. Năm lên 6 tuổi, vì gia cảnh khó khăn, Nguyễn Văn Cừ được cha mẹ gửi sang nhờ ông ngoại chăm sóc nuôi dạy. Những năm tháng ở với ông ngoại, Nguyễn Văn Cừ đã được ông giáo dục, dạy dỗ rất chu đáo, khơi dậy trong anh tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Sau một thời gian học chữ Hán do ông ngoại dạy, năm lên 10 tuổi, Nguyễn Văn Cừ được đi học chữ quốc ngữ ở trường phủ Từ Sơn rồi học tiếp ở Trường kiêm bị Pháp - Việt ở Bắc Ninh. Thông minh, nghiêm túc, đúng mực nên lúc nào điểm học tập và hạnh kiểm của Nguyễn Văn Cừ
cũng đứng đầu lớp, được thầy giáo và bạn bè quý mến.
Năm 1927, sau khi học xong Trường kiêm bị Pháp - Việt ở Bắc Ninh, được một người họ hàng đỡ đầu, Nguyễn Văn Cừ thi vào Trường bảo hộ, còn gọi là Trường Bưởi, là trường trung học lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, với kết quả xuất sắc, được cấp học bổng và xếp chỗ ở ký túc xá.
Trong thời gian học tập tại trường, Nguyễn Văn Cừ không chỉ được tiếp thu kiến thức văn hóa mà còn được tiếp xúc với những tư tưởng cách mạng của thời đại qua bạn học và các bậc đàn anh lớp trên. Vốn có tinh thần yêu nước, căm ghét chế độ thực dân, lại được tiếp xúc với các tài liệu cách mạng, đặc biệt là những tác phẩm của lãnh tụ
39
Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Cừ đã giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đầu năm 1928. Do hoạt động chống đối, đả kích bọn giám thị nhà trường, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt giam 5 ngày, thẩm vấn liên tục và bị nhà trường đuổi học khi đang học dở năm thứ hai.
Sau một thời gian lưu lại Hà Nội, khoảng tháng 6-1928, Nguyễn Văn Cừ về quê, vừa đi dạy học để kiếm sống, vừa tiếp tục hoạt động, chắp nối liên lạc với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, Nguyễn Văn Cừ được gặp Ngô Gia Tự, Bí thư
Tỉnh bộ Thanh niên Bắc Ninh, người mà anh rất ngưỡng mộ từ lúc còn học ở Trường Bưởi. Được Ngô Gia Tự trực tiếp giảng giải về tác phẩm Đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Văn Cừ đã nắm được một cách sâu sắc và có hệ thống những quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thấu hiểu vì sao phải làm cách mạng, con đường, biện pháp, động lực để đưa cách mạng đến thành công và xác định cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Dạy học được khoảng hai tháng, Nguyễn Văn Cừ lại bị mật thám bắt lần thứ hai, giải về Hà Nội, giam giữ tra khảo liên tục 12 ngày rồi trả tự do vì không có chứng cứ, nhưng buộc đồng chí phải trở
về nguyên quán, đe dọa sẽ bắt cả nhà nếu còn hoạt động cách mạng.
40
Không hề run sợ trước lời đe dọa của bọn mật thám, ngay sau khi được thả, Nguyễn Văn Cừ lại nhanh chóng chắp nối liên lạc, tiếp tục hoạt động cách mạng. Theo quyết định của Tỉnh bộ Thanh niên Bắc Ninh, đồng chí đã đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ Hòn Gai để thâm nhập thực tiễn và giác ngộ
công nhân đấu tranh.
Ngày 17-6-1929, Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng được triệu tập, họp tại Hà Nội. Hội nghị quyết định tuyển lựa những hội viên tiên tiến nhất, tích cực nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để kết nạp vào Đảng. Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí ưu tú khác được công nhận là đảng viên cộng sản.
Sau một thời gian hoạt động ở Hòn Gai, đồng chí được điều động sang Hải Phòng rồi lại chuyển về Mạo Khê hoạt động. Với sự tích cực của Nguyễn Văn Cừ và các đảng viên cộng sản, nhiều chi bộ Đảng ở vùng mỏ đã lần lượt ra đời. Phong trào đấu tranh của công nhân mỏ bước sang một thời kỳ mới, với nhiều hình thức phong phú. Để
bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng, theo đề nghị của Nguyễn Văn Cừ, Đặc khu ủy mỏ đã được thành lập, do Vũ Văn Hiếu làm Bí thư. Cùng với Vũ Văn Hiếu, Nguyễn Văn Cừ tập trung chỉ đạo Đảng bộ vùng mỏ kiện toàn, phát triển các tổ chức cơ sở đảng, kết hợp đấu tranh đòi quyền lợi hằng ngày với xây dựng, củng cố tổ chức đảng.
41
Giữa lúc phong trào cách mạng ở vùng mỏ đang phát triển mạnh, ngày 15-2-1931, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt lần thứ ba và bị Hội đồng đề hình Hà Nội kết án chung thân, đày ra Côn Đảo. Không để thời gian lãng phí, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, cùng với các tù chính trị cộng sản, Nguyễn Văn Cừ đã tranh thủ học tập để nâng cao lý luận cách mạng, mài sắc ý chí, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới sau khi ra tù. Gần sáu năm bị giam cầm ở Côn Đảo, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt của chế độ lao tù đế quốc, Nguyễn Văn Cừ đã tập trung nghiền ngẫm, soi xét, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Do được trực tiếp nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của Mác, Ăngghen, Lênin nên Nguyễn Văn Cừ ít bị ảnh hưởng bởi sự truyền thụ cắt xén chủ quan. Nhờ kiên trì học tập, nghiên cứu nên sau khi ra tù, đồng chí đã có sự trưởng thành về mọi mặt.
Sau gần sáu năm bị cầm tù, do tác động của Mặt trận nhân dân Pháp, cùng với nhiều tù chính trị khác, Nguyễn Văn Cừ được ân xá, theo sắc lệnh ngày 29-9-1936 của Tổng thống Pháp. Tháng 11-1936, đồng chí được trả tự do, nhưng bị
buộc phải về sống và chịu sự quản thúc của chính quyền nơi cư trú.
Bất chấp lệnh quản thúc của chính quyền thực dân, về quê được vài ngày, đồng chí lại ra Hà Nội tiếp tục hoạt động cách mạng.
42
Tháng 3-1938, Nguyễn Văn Cừ bí mật vào Sài Gòn dự hội nghị Trung ương và được hội nghị bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nguyễn Văn Cừ đã lặn lội ra Bắc vào Nam, vượt qua sự truy lùng gắt gao của địch, có mặt ở những nơi sóng gió, chỉ đạo sát sao các cuộc đấu tranh, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, tăng cường sự đoàn kết thống nhất về tư tưởng, nâng cao sức chiến đấu của Đảng, đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng.
Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường đàn áp Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng Đông Dương. Trước sự biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, tháng 11-1939, Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu, quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Ngày 17-1-1940, giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam đang ở bước ngoặt lịch sử, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt lần thứ tư ở Sài Gòn. Dụ dỗ, tra tấn dã man, nhưng vẫn không khuất phục được người cộng sản kiên trung Nguyễn Văn Cừ, thực dân Pháp đã đưa đồng chí ra toà xét xử với nhiều tội danh. Ngày 25-3-1941, tại tòa án binh Sài Gòn, đồng chí bị chính quyền thực dân kết án tử hình với tội danh “chủ trương bạo động” đe dọa quyền lợi của “mẫu quốc” ở
43
Đông Dương, “chịu trách nhiệm tinh thần” về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Ngày 26-8-1941*, cùng với một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nguyễn Văn Cừ đã bị thực dân Pháp đem đi xử bắn tại Hóc Môn (Gia Định).
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhà lý luận mácxít sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam, một người cộng sản mẫu mực, suốt đời hy sinh vì dân, vì nước. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, chí công vô tư, “tự chỉ trích” trên tinh thần cộng sản cao cả. Cùng với nhiều đảng viên cộng sản kiên trung, đồng chí đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tự trang bị cho mình lý luận Mác - Lênin, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất và trí tuệ.
_____________
* Về ngày đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch xử bắn, các tài liệu ghi không giống nhau. Một số tài liệu ghi ngày 28-8-1941. Ở đây, chúng tôi căn cứ vào sách Nguyễn Văn Cừ tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
44
TRƯỜNG CHINH
(1907-1988)
Đồng chí Trường Chinh, tên khai sinh là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907, trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hành Thiện, tổng Hành Thiện, phủ Xuân Trường, nay là xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, mất ngày 30-9-1988 tại Hà Nội.
Thân phụ của đồng chí là cụ Đặng Xuân Viện, một nhà nho yêu nước, làm nghề dạy học, viết sách, một cây bút xuất sắc trong nhóm “Nam Việt đồng thiện hội”, tác giả của bộ Minh đô sử, gồm 100 quyển, từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục, tuy không bị bắt bớ, giam cầm, nhưng bị thực dân Pháp theo dõi suốt đời.
Thân mẫu của đồng chí là cụ Nguyễn Thị Từ, một người phụ nữ “công, dung, ngôn, hạnh” vẹn toàn, hết lòng chăm sóc chồng con, tần tảo lao động chu cấp cho chồng, con ăn học và rèn dạy con cái thành người, góp phần nhóm lên ngọn lửa yêu nước trong lòng các con và ủng hộ con mình đi làm cách mạng.
45
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, lại có tư chất thông minh, hiếu học, hoài bão lớn, thuở nhỏ Đặng Xuân Khu được cha dồn tâm sức dạy dỗ, rèn cặp rất chu đáo cả về chữ
nghĩa và đạo làm người.
Sau khi học xong bậc tiểu học tại trường phủ Xuân Trường, Đặng Xuân Khu được cha cho lên học ở Trường Thành chung Nam Định. Học chưa xong khóa, do tham gia phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu và lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu cụ Phan Châu Trinh, Đặng Xuân Khu bị đuổi học. Không về nhà, Đặng Xuân Khu tiếp tục ở lại thành phố Nam Định hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh, được giác ngộ cách mạng và gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Mùa Thu 1927, Đặng Xuân Khu lên Hà Nội và tự học để hoàn thành chương trình thành chung, thi lấy bằng diplome, sau đó thi đỗ vào Trường cao đẳng Thương mại Đông Dương, tích cực tham gia các hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở đây.
Tháng 6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, đồng chí là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng, thành viên của Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng, là biên tập viên của báo Búa liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng, sau đó là chủ bút báo Người sinh viên - cơ quan ngôn luận của Tổng hội sinh viên.
46
Cuối năm 1929, đồng chí bỏ học để hoạt động cách mạng, trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp, dấn thân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng, thành viên Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng.
Tháng 11-1930, đồng chí bị địch bắt tại Hà Nội. Sau gần một năm giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), tuy không tìm ra chứng cứ buộc tội, nhưng đồng chí vẫn bị thực dân Pháp đưa ra xét xử, kết án 12 năm cấm cố, hết giam ở Hỏa Lò lại đày lên Sơn La rồi lại đem về Hỏa Lò.
Trong tù, cùng với các đảng viên cộng sản, đồng chí tiếp tục đấu tranh chống lại chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp, phê phán các quan điểm lệch lạc của các tù nhân Quốc dân Đảng, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, tổ chức học tập nhằm nâng cao nhận thức về chủ nghĩa cộng sản cho anh em tù chính trị.
Tháng 9-1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và do phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đòi quyền tự do, dân chủ và ân xá chính trị phạm, đồng chí được trả lại tự do.
Từ cuối năm 1936 đến năm 1939, đồng chí hoạt động ở Hà Nội, được cử làm Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách hoạt động tuyên truyền công khai, nửa hợp pháp và hợp pháp, là đại diện của
47
Đảng Cộng sản Đông Dương trong Mặt trận dân chủ ở Hà Nội.
Năm 1940, đồng chí là chủ bút báo Giải phóng, cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (11-1940), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn, kiêm chủ bút báo Cờ giải phóng và Tạp chí Cộng sản, cơ quan Trung ương của Đảng, Trưởng ban Công vận Trung ương.
Tháng 2-1943, trước sự biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng bàn việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang.
Năm 1943, đồng chí bị tòa án binh của thực dân Pháp ở Hà Nội kết án tử hình vắng mặt. Để đẩy mạnh hơn nữa việc chuẩn bị khởi nghĩa, lấy danh nghĩa Tổng bộ Việt Minh, tháng 5-1944, đồng chí ra chỉ thị Sửa soạn khởi nghĩa, nêu rõ thời cơ hết sức thuận lợi cho nhân dân Việt Nam giành quyền độc lập sắp đến, phải ra sức đẩy mạnh cao trào cứu nước, đẩy mạnh hoạt động chuẩn bị, để chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm ngày 9-3-1945, giữa lúc tiếng súng đảo chính của Nhật rền vang ở Đông Dương, đồng chí
48
chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng, ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, chủ trương Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong toàn quốc.
Nhằm chuẩn bị toàn diện cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, tháng 4-1945, đồng chí đã triệu tập và chủ trì Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về quân sự, chính trị...
Tháng 8-1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập họp tại Tân Trào, quyết định Tổng khởi nghĩa. Đồng chí được cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc.
Cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã góp phần quan trọng cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa ra nhiều chủ trương, quyết sách để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, là Tổng Bí thư của Đảng đến tháng 10-1956. Do những sai lầm trong cải cách ruộng đất, đồng chí đã xin từ chức Tổng Bí thư
và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chấp nhận.
49
Năm 1958, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên Bộ Chính trị. Đồng chí là Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử
Đảng Trung ương và Trưởng ban Nghiên cứu Lý luận Trung ương.
Năm 1976, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Từ khóa II đến khóa V, đồng chí là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 1981, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và là Ủy viên Bộ Chính trị.
Trước những khó khăn chồng chất của đất nước, đồng chí đã thành lập một nhóm các nhà khoa học để nghiên cứu những thành tựu và hạn chế trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội,
50
nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục khó khăn, đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Tháng 7-1986, tại Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã quyết định và trực tiếp tổ chức soạn thảo lại Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội VI theo tinh thần đổi mới.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đồng chí đã xin rút khỏi các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước và được Đại hội cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế kiêm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đồng chí Trường Chinh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, khiêm tốn, mẫu mực, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam. Trên cương vị đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt là trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống Pháp và khởi xướng sự nghiệp đổi mới.
51
LÊ DUẨN
(1907-1986)
Đồng chí Lê Duẩn tên khai sinh là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7-4-1907, tại làng Bích La Đông, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, nay là làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị*, mất ngày 10-7-1986, tại Hà Nội.
Thân phụ đồng chí là cụ Lê Văn Hiệp, thi đỗ khóa sinh, nhưng không theo con đường khoa cử mà làm nghề thợ mộc, lập nghiệp ở làng Hậu Kiên, cách Bích La Đông không xa.
Thân mẫu đồng chí là cụ Võ Thị Đạo, quê ở xã Đầu Kênh, tổng Bích La, là một người phụ nữ hiền lành, phúc hậu, hay giúp đỡ người nghèo, được nhiều người quý mến.
Chịu ảnh hưởng của quê hương, gia đình, đặc biệt là người mẹ mẫu mực, ngay từ nhỏ Lê Văn Nhuận đã tỏ ra là một người trung thực, giàu lòng nhân ái, hiếu thảo, chuyên cần.
_____________
* Một số tài liệu viết quê gốc của đồng chí Lê Duẩn ở làng Phương Cai, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
52
Tuy cuộc sống gia đình có nhiều khó khăn, nhưng Lê Văn Nhuận vẫn được bố mẹ cho đi học chữ Hán rồi chữ quốc ngữ ở trong làng. Năm lên bảy tuổi, Lê Văn Nhuận được vào học ở trường phủ Triệu Phong, sau đó vào học ở Trường tiểu học Pháp - Việt Quảng Trị.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, về quê một thời gian, đầu năm 1926, Lê Văn Nhuận vào Đà Nẵng làm gia sư cho một gia đình công chức, rồi vào làm nhân viên hỏa xa của ga Đà Nẵng, sau đó chuyển ra làm việc ở ga Hà Nội, với tên mới là Lê Duẩn.
Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia tích cực các phong trào yêu nước, đấu tranh đòi quyền lợi cho anh em công nhân, là một thành viên tích cực của Nhóm ái quốc ở
Đà Nẵng.
Cuối năm 1928, đồng chí tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, sau đó chuyển sang Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi Đảng ra đời đầu năm 1930.
Sau Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930, đồng chí được phân công làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc Kỳ, được phân công phổ biến Luận cương
chính trị cho các địa phương, biên soạn tài liệu, phát hành báo chí, truyền đơn, vận động cách
53
mạng. Được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh khốc liệt, đồng chí đã trở thành một cán bộ cách mạng gan góc, dày dạn kinh nghiệm.
Tháng 4-1931, giữa lúc đang chuẩn bị phát động quần chúng đấu tranh nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5, do sự khai báo của một cán bộ cấp cao không chịu nổi đòn roi tra tấn của kẻ thù, đồng chí bị địch bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù cấm cố và lần lượt bị giam ở các nhà lao Hà Nội, Sơn La và Côn Đảo.
Trong tù, đồng chí đã tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tổ chức việc học tập chính trị, vừa học tập, nghiên cứu, vừa hướng dẫn các đồng chí khác học tập, phê phán các quan điểm phi vô sản, lệch lạc. Ngoài các tác phẩm kinh điển, đồng chí còn tìm đọc các tác phẩm văn học của các nhà văn Xôviết và các nhà văn tiến bộ trên thế giới. Bằng nghị
lực và đức tính kiên trì, nghiêm túc trong học tập và rèn luyện, ngoài vốn tri thức phong phú về chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí còn trang bị cho mình một vốn tri thức văn hóa phong phú, nghiên cứu sâu những nguyên lý trong sách và liên hệ,
đối chiếu với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và phong trào đấu tranh của nhân dân ta, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Ra khỏi
54
nhà tù đế quốc, đồng chí ra sức hoạt động cách mạng ở các tỉnh miền Trung, tích cực tham gia khôi phục tổ chức đảng và phong trào quần chúng, đẩy mạnh cuộc vận động dân chủ nhằm động viên, tập hợp quần chúng đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống nguy cơ phát xít và chiến tranh, bảo vệ hòa bình, đòi dân sinh, dân chủ.
Năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư lâm thời rồi Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (3-1938). Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Xứ ủy Trung Kỳ, hoạt động tích cực của đồng chí đã góp phần quan trọng đưa tới cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ sôi nổi ở Quảng Trị và các tỉnh miền Trung.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp phát xít hóa bộ máy cai trị, thẳng tay khủng bố, đàn áp Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng Đông Dương. Các cuộc khám xét, bắt bớ diễn ra hằng ngày ở khắp nơi. Theo yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí chuyển vào Sài Gòn công tác, cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị các văn kiện của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giúp Tổng Bí thư điều hành công việc chung của Đảng.
Tháng 1-1940, giữa lúc phong trào cách mạng đang ở thời điểm hết sức cam go, đồng chí bị địch bắt tại trụ sở cơ quan Trung ương của Đảng ở Sài Gòn cùng một số cán bộ cán bộ cao
55
cấp của Đảng và bị tòa án thực dân kết án mười năm tù, đày đi Côn Đảo lần thứ hai.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Không một ngày ngơi nghỉ sau nhiều năm bị giam cầm, cùng các đồng chí tù chính trị khác, đồng chí Lê Duẩn lại bước ngay vào cuộc đấu tranh mới và được tổ chức phân công công tác tại Sài Gòn. Với bộ bà ba đen, tấm khăn rằn vắt vai, đồng chí đã đi khắp các kênh rạch để theo dõi bước tiến của quân thù, thậm chí vào tận sào huyệt của đám tàn quân Đệ
tam sư đoàn thuyết phục, cảm hóa viên chỉ huy quy thuận kháng chiến.
Tháng 1-1946, giữa lúc tình hình Nam Bộ đang rất gay go ác liệt, đồng chí được điều động ra Hà Nội học tập, công tác, sau đó được phân công trở lại lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Từ cuối năm 1947 đến năm 1951, đồng chí làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2-1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Tháng 6-1952, đồng chí được Trung ương Đảng triệu tập ra Bắc công tác. Năm 1954, đồng chí được cử trở lại miền Nam làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, giữ gìn lực lượng cách mạng ở Nam Bộ. Trước hành động khủng bố, đàn áp
56
khốc liệt của chính quyền Ngô Đình Diệm, căn cứ vào thực tiễn cách mạng miền Nam, đồng chí đã soạn thảo Đề cương cách mạng miền Nam, xác định phải sử dụng bạo lực cách mạng để giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tháng 4-1957, đồng chí được Trung ương triệu tập ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Tại phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị vào ngày 7-10- 1957, đồng chí được cử giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh điều hành công việc hằng ngày của Ban Bí thư và chủ trì Bộ Chính trị.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tại chiến trường Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn đã được Trung ương Đảng phân công trực tiếp chỉ đạo soạn thảo đề án cách mạng miền Nam. Sau hai năm soạn thảo, qua nhiều lần sửa chữa, bổ sung đề án đã hoàn thành và trình Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên cương vị Bí thư thứ nhất, đồng chí đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ tối đa sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, kiên trì đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
57
Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976) và lần thứ V (3-1982) của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư
Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ Quốc hội khóa II đến Quốc hội khóa VII, đồng chí liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội. Đồng chí Lê Duẩn là một người cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt là trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng ngời về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, về ý chí cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám làm, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
58
NGUYỄN VĂN LINH
(1915-1998)
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Đức Cúc, quen gọi là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1-7-1915 trong một gia đình công chức nghèo tại Hà Nội, quê gốc ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, mất ngày 27-4-1998, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thân phụ đồng chí là cụ Nguyễn Đức Lan, làm nghề giáo viên, dạy học tại Trường Yên Phụ, Hà Nội.
Thân mẫu đồng chí là cụ Nguyễn Thị Khiêm, một người phụ nữ đảm đang, nhân hậu, tần tảo cùng chồng nuôi con khôn lớn.
Năm lên bốn tuổi, không may cụ Nguyễn Đức Lan qua đời do bị cảm, gia cảnh trở nên khó khăn. Nguyễn Văn Cúc được bà nội và chú ruột đón về chăm sóc, cho ăn học.
Mấy năm sau khi cha mất, do quá vất vả, ốm đau kéo dài, không có tiền thuốc thang, mẹ cũng qua đời. Khi mẹ mất anh không được gặp mặt, chỉ biết mẹ được an táng tại chùa Thái Bình,
59
thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh1, nơi bà xin tá túc và chữa bệnh sau khi cụ Nguyễn Đức Lan mất không lâu.
Năm 1925, người chú chuyển về làm việc ở thành phố Hải Phòng. Nguyễn Văn Cúc được chú cho vào học ở Trường Bonna sau đó chuyển về học ở Trường Giăng Đuypuy.
Tuổi thơ của Nguyễn Văn Cúc đã trôi qua trong nỗi khổ đau, nghiệt ngã như bao gia đình nghèo khổ khác trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan. Thấm thía thân phận của mình, Nguyễn Văn Cúc đã sớm có chí học hành để vươn lên, quyết không thua kém bạn bè. Càng trưởng thành anh càng ham học, ham tìm hiểu, ngoài các tác phẩm văn học, cùng với một số bạn học, anh còn tìm đọc các sách báo tiến bộ tiếng Pháp, đặc biệt cùng với các bạn trong lớp ở Trường Bonna, anh còn được một người thầy giáo yêu nước bí mật đọc cho nghe các bài báo bằng tiếng Pháp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài chuyển về.
Sớm giác ngộ cách mạng, Nguyễn Văn Cúc đã được kết nạp vào Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo, tham gia các
_____________
1. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trở lại nơi đây tìm mộ mẹ, nhưng nhân dân cho biết mộ bà và tháp chôn các vị sư đã bị lũ cuốn trôi trong một trận lụt nhiều năm trước.
60
lớp huấn luyện của Hội. Từ đây, Nguyễn Văn Cúc dấn bước vào con đường cách mạng, tích cực tham gia các hoạt động do tổ chức phân công.
Ngày 1-5-1930, do tham gia rải truyền đơn chống đế quốc, kêu gọi công nhân đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động, đồng chí bị địch bắt, kết án phát lưu chung thân và đày đi Côn Đảo, khi chưa đầy 16 tuổi, để lại người em gái nhỏ côi cút, sau đó không lâu thì mất vì bệnh tật.
Cũng như bao chiến sĩ cộng sản khác, “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, tranh thủ thời gian bị tù, đồng chí tiếp tục học tập để nâng cao trình độ văn hóa, lý luận, mài sắc ý chí đấu tranh. Nhờ ham học và sự kèm cặp, giúp đỡ của các đồng chí có trình độ cao hơn, như Bùi Công Trừng, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Cừ... nên trình độ của Nguyễn Văn Cúc không ngừng được nâng cao, đặc biệt là trình độ tiếng Pháp. Từ chỗ khi mới vào tù vốn tiếng Pháp chưa vững, sau một thời gian cố gắng, đồng chí đã có thể đọc trực tiếp được các tác phẩm kinh điển, các cuốn tiểu thuyết lớn bằng tiếng Pháp.
Năm 1936, do tác động của Mặt trận nhân dân Pháp và phong trào đấu tranh đòi ân xá tù chính trị của nhân dân ta, đồng chí được trả tự do. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động trong công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
61
Đồng chí đã tổ chức xây dựng các cơ sở đảng, các tổ chức quần chúng, thành lập nhiều chi bộ, tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Hải Phòng, Kiến An.
Tháng 1-1939, đồng chí được Trung ương Đảng điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thành ủy. Cuối năm 1939, đồng chí được Trung ương cử ra miền Trung công tác nhằm lập lại Xứ ủy Trung Kỳ.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, nhiều lãnh tụ của Đảng bị bắt bớ, cầm tù. Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh và đưa về Sài Gòn xử án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về Nam Bộ, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với các chức vụ Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 11-1946, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ, sau đó được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy.
Cuối năm 1952, đồng chí được Trung ương Đảng cử ra Bắc học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, rồi được giữ lại làm Phó ban Tuyên huấn
62
Trung ương. Năm 1953, tham gia cải cách ruộng đất, phát hiện thấy cách làm theo cố vấn không thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam, đồng chí đã báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu rõ cách làm ấy không phù hợp với thực tiễn đất nước.
Sau Hiệp định Giơnevơ, đồng chí được Trung ương Đảng điều động về miền Nam công tác, trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Từ năm 1957 đến năm 1960, đồng chí là quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ngày 23-1-1961, Ban Chấp hành Trung ương họp, quyết định giải thể
Xứ ủy Nam Bộ, lập lại Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí được Bộ Chính trị cử làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Từ tháng 4-1977, đồng chí thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để giữ các chức vụ Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ
63
nghĩa của Trung ương, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến năm 1980. Từ năm 1980 đến cuối năm 1981, đồng chí được phân công theo dõi thực hiện nghị quyết của Đảng và Chính phủ ở
các tỉnh miền Nam.
Tháng 12-1981, đồng chí được phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho đến tháng 6-1986. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1985, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 6-1986, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VIII (6-1987), đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991) và lần thứ VIII (6-1996) của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo và năng động, một tấm
64
gương đạo đức cách mạng trong sáng, đã cống hiến suốt cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng, cùng Trung ương Đảng triển khai và đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, làm xoay chuyển tình thế, đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.
65
NGÔ GIA TỰ
(1908-1935)
Ngô Gia Tự sinh ngày 3-12-1908, trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước, tại làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Thân phụ Ngô Gia Tự là cụ Ngô Gia Du, là người thông minh, ham học, nhưng việc thi cử gặp nhiều trắc trở, ở quê làm nghề dạy học, có tinh thần yêu nước, được dân làng kính trọng, quen gọi là cụ Đồ Du, từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và Khởi nghĩa Yên Thế.
Thân mẫu Ngô Gia Tự là cụ Ngô Thị Bảy, một người phụ nữ đảm đang, nhân hậu, rất mực yêu thương chồng con.
Sau một thời gian học chữ nho, Ngô Gia Tự được cha cho học chữ quốc ngữ, rồi vào học Trường kiêm bị Pháp - Việt ở thị xã Bắc Ninh, sau đó lên Hà Nội học ở Trường Bưởi.
Những năm học ở Trường Bưởi, Ngô Gia Tự luôn là một học trò xuất sắc. Sớm được tiếp xúc
66
với trào lưu tư tưởng tiến bộ, Ngô Gia Tự đã hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh... Do tham gia vào các hoạt động yêu nước, Ngô Gia Tự bị đuổi học, mặc dù chỉ còn nửa năm nữa là ra trường. Anh về quê lao động, tìm đọc sách báo
tiến bộ, gặp gỡ bạn bè cùng chí hướng. Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức yêu nước có xu hướng cộng sản. Đầu năm 1927, Ngô Gia Tự được cử đi học lớp huấn luyện chính trị ở Bản Đáy (Trung Quốc). Học xong, đồng chí được phân công về Bắc Ninh hoạt động. Ngô Gia Tự đã tích cực đi tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, bí mật mở các lớp huấn luyện chính trị cho các hội viên. Đầu năm 1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh - Bắc Giang được thành lập, Ngô Gia Tự được bầu là Bí thư Tỉnh bộ. Giữa năm 1929, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ và Ủy viên Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ.
Tháng 9-1928, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp đã đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa các hội viên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để thâm nhập cuộc sống lao động và tự rèn luyện theo lập trường của giai cấp công nhân, tổ
67
chức vận động công nhân đi theo con đường cách mạng. Ngô Gia Tự được phân công về “vô sản hóa” ở Hà Nội. Trong vai trò Ủy viên Kỳ bộ, Ngô Gia Tự đã gấp rút cùng các đồng chí khác, dịch và biên soạn nhiều tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng, trang bị lý luận và công tác “vô sản hóa” cho cán bộ, hội viên. Là người nhạy bén với thực tế, Ngô Gia Tự vừa cổ vũ tổ chức triển khai vừa kịp thời tổng kết phong trào “vô sản hóa” góp phần điều chỉnh việc lãnh đạo của Kỳ bộ, nhằm theo sát với bước tiến của phong trào cách mạng.
Tháng 3-1929, tại số nhà 5D, phố Hàm Long (Hà Nội), Ngô Gia Tự và những thanh niên tiên tiến trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tuân, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du... đã thành lập ra Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ cộng sản đầu tiên, trong hai ngày 28 và 29-3-1929, tại đồn điền Kim Đái, thuộc tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), diễn ra Đại hội Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ. Với những luận giải sắc bén, giàu sức thuyết phục được đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng theo chủ trương, đường lối của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Ngô Gia Tự đã quy tụ được ý chí chung của Đại hội tán thành chủ trương thành
68
lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam và được Đại hội cử đi dự Đại hội Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Ngày 1-5-1929, Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên toàn quốc được tổ chức ở Hương Cảng (Trung Quốc), Ngô Gia Tự và Đoàn đại biểu Bắc Kỳ nêu ý kiến và kiên quyết bảo vệ quan điểm phải thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam để đáp ứng phong trào cách mạng đang lên cao của công nhân và nông dân, nhưng không được Đại hội chấp thuận. Đồng chí đã cùng hầu hết đại biểu Bắc Kỳ trở về nước.
Ngày 1-6-1929, thay mặt Đoàn đại biểu đi dự Đại hội ở Hương Cảng, Ngô Gia Tự đã dự thảo Tuyên ngôn, giải thích rõ việc Đoàn đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ rút khỏi Đại hội, đồng thời kêu gọi công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản. Bản Tuyên ngôn được các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Kỳ bộ Bắc Kỳ tán thành và phân phát dưới dạng truyền đơn đi các địa phương.
Ngày 17-6-1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Ngô Gia Tự được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Cuối tháng 7-1929, Ngô Gia Tự về Tam Sơn, thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
69
Sau cuộc họp ngày 21-7-1929, Ngô Gia Tự được Chấp ủy Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nam Kỳ gây dựng cơ sở cách mạng, vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí vừa vận động cách mạng vừa tiếp tục hòa mình vào phong trào “vô sản hóa” ở Sài Gòn, tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động.
Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo thống nhất toàn xứ, Ban Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, do Ngô Gia Tự làm Bí thư. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, Ngô Gia Tự
thường xuyên đi xuống cơ sở mở lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thức chính trị, cổ vũ tinh thần quyết tâm đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng.
Ngày 24-2-1930, tại Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Nam Kỳ, thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí đã ký quyết nghị chấp thuận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đêm 31-5-1930, Ngô Gia Tự không may bị sa vào tay địch trong lúc đang viết truyền đơn tại
70
một cơ sở cách mạng ở Phú An trên sông Thị Nghè (Sài Gòn). Biết Ngô Gia Tự là một “yếu nhân của Đảng”, kẻ thù đã tra tấn đồng chí hết sức dã man, nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí sắt đá của người cộng sản kiên trung. Sự gan dạ và sức chịu đựng phi thường của Ngô Gia Tự khiến cho tên Chánh mật thám Nam Kỳ phải thốt lên: “Đây quả thật là một anh hùng”. Trải qua bốn lần xét xử, Ngô Gia Tự bị tòa án thực dân khép một án tử hình, ba án khổ sai chung thân, bị đày đi Côn Đảo.
Trong ngục tù đế quốc, cùng với Hà Huy Giáp và một số đồng chí khác, Ngô Gia Tự đã tham gia dịch nhiều tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin; tổ chức viết báo, nghiên cứu những đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam, rút kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng.
Là người có trình độ lý luận sắc sảo và hoạt động thực tiễn phong phú, đồng chí luôn tranh thủ mọi thời gian để cống hiến cho Đảng, truyền bá cho các chiến sĩ cộng sản và những người bạn tù kiến thức văn hóa, lý luận cách mạng, nâng cao nhận thức, xây dựng niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, chủ động đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn đen tối của kẻ thù, bảo vệ uy tín của Đảng, phê phán tư tưởng thoát ly thực tế, ngại đổ máu, không dám tiến công kẻ thù trong anh em tù nhân, góp phần xây dựng và củng cố tổ chức đảng trong nhà tù.
71
Để kịp thời giúp Đảng khôi phục phong trào cách mạng, cuối năm 1934, Chi bộ Nhà tù Côn Đảo quyết định cử Ngô Gia Tự cùng bảy chiến sĩ cộng sản - những cán bộ có năng lực, được tôi luyện trong lao tù, vượt biển về đất liền hoạt động. Nhưng chiếc thuyền mong manh không chịu được sóng biển mùa gió chướng, đồng chí và các chiến sĩ trong đoàn đã anh dũng hy sinh (1-1935).
Đồng chí Ngô Gia Tự là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Sống, chiến đấu vì lý tưởng, chết cũng vì lý tưởng cao đẹp, Ngô Gia Tự đã nêu một lẽ sống của người cộng sản, như
đồng chí thường nói: “Người đảng viên phải bảo vệ Đảng. Ta vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà cách mạng bị hy sinh”.
72
NGUYỄN PHONG SẮC
(1902-1931)
Nguyễn Phong Sắc tên khai sinh là Nguyễn Đình Sắc, sinh ngày 1-2-1902 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Bạch Mai, nay là số nhà 152 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thân phụ đồng chí là cụ Nguyễn Đình Phúc (sau đổi tên là Nguyễn Văn Phúc), có học vấn cao, giỏi chữ Hán, thông thạo chữ Pháp, chữ quốc ngữ, nổi tiếng là người nhân nghĩa, yêu thương người nghèo, làm nghề hàng mã, từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và vụ “Hà Thành đầu độc”, bị bắt và kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo 5 năm.
Thân mẫu của đồng chí là cụ Thành Thị Tửu, một phụ nữ đảm đang, tháo vát, làm nghề hàng mã cùng với chồng, hết lòng chăm lo gia đình, nhất là những năm cụ Nguyễn Đình Phúc bị lưu đày.
Nguyễn Phong Sắc thuở nhỏ thông minh, học giỏi, được cha mẹ rất chăm lo học hành. Sau khi
73
học qua các trường Dân Tiến, Công Ích, năm 1920, Nguyễn Phong Sắc vào học Trường Bưởi theo hệ cao đẳng tiểu học. Tại Trường Bưởi, được tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của thời đại, Nguyễn Phong Sắc đã có thêm những hiểu biết về lý luận cách mạng vô sản. Năm 1924, tốt nghiệp Trường Bưởi với tấm bằng Thành chung xuất sắc và được Chính phủ bảo hộ Pháp trao học bổng đi du học ở Pháp, nhưng Nguyễn Phong Sắc đã khẳng khái từ chối và xin vào làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương.
Chịu ảnh hưởng của người cha đáng kính, đồng thời là một trí thức nhạy bén với thời cuộc, cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tích cực tham gia phong trào cách mạng và hoạt động của Hội tại Hà Nội. Bất bình trước việc một người Pháp lăng mạ một nữ nhân viên người Việt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người Việt Nam, Nguyễn Phong Sắc bỏ việc ở Sở Tài chính Đông Dương, dốc hết tinh lực vào hoạt động cách mạng chống lại ách thống trị của thực dân Pháp.
Bắt đầu cuộc đời cách mạng, Nguyễn Phong Sắc đã đi nhiều nơi để xây dựng phong trào. Nhà của ông ở Bạch Mai, Hà Nội trở thành nơi hội họp, tài sản gia đình được bán dần để chi phí cho in ấn tài liệu, nuôi cán bộ.
Tháng 6-1927, Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội.
74
Tại Đại hội đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ nhất (9-1928), Nguyễn Phong Sắc được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, phụ trách công tác tuyên huấn. Đầu năm 1929, Đại hội lần thứ nhất Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội được tổ chức, Nguyễn Phong Sắc được bầu làm Bí thư Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội.
Trên cương vị của mình, Nguyễn Phong Sắc đã có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố các tổ chức của Thanh niên. Hoạt động của Nguyễn Phong Sắc đã góp phần phát triển tổ chức Thanh niên ở Hà Nội, Bắc Kỳ và cả nước trong những năm 1928-1929.
Ngày 7-3-1929, Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí của mình trong Ban lãnh đạo Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội đã bí mật họp ở nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội lập ra Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước, gồm 8 người trong đó có Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh và 5 người khác.
Tại Đại hội đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ II (3-1929), Nguyễn Phong Sắc tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ.
Ngày 17-6-1929, tại Khâm Thiên, Hà Nội, Nguyễn Phong Sắc cùng đại biểu các tổ chức cộng sản ở Bắc Kỳ nhóm họp thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, một trong ba tổ chức tiền thân
75
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng và Đảng kỳ do Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu soạn thảo từ sau Đại hội đại biểu Thanh niên Bắc Kỳ lần thứ II.
Ngày 21-7-1929, Hội nghị Ban Chấp hành lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng họp tại Bắc Ninh đã phân công Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung vào phụ trách phong trào cách mạng Trung Kỳ và các tỉnh Nam Trung Kỳ. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Phong Sắc được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục phụ trách công tác đảng và chỉ đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ. Nhận nhiệm vụ của Đảng, Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí lãnh đạo ở Trung Kỳ đã chuyển Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Trung Kỳ thành Kỳ bộ
Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ do đồng chí làm Bí thư. Đồng chí đã tích cực vận động thống nhất các tổ chức cộng sản ở Thừa Thiên Huế thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên (4-1930).
Cùng với việc xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, Nguyễn Phong Sắc đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng hình thành lực lượng cách mạng rộng lớn mà hạt nhân là liên minh công - nông. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, tháng 10-1929, Tổng Công hội đỏ và
76
Tổng Nông hội tỉnh Nghệ An được thành lập. Hệ thống tổ chức của công nhân và nông dân Nghệ An hình thành đã đặt nền móng cho khối liên minh công - nông trong phong trào cách mạng những năm 1930-1931. Ở các tỉnh khác thuộc Trung Kỳ, đồng chí cũng tích cực chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng rộng khắp từ tỉnh đến huyện, xã, thôn.
Ngày 20-4-1930, tại làng Lộc Đa, xã Hưng Lộc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Phong Sắc chủ trì cuộc họp của lãnh đạo Kỳ bộ Trung Kỳ và Tỉnh bộ Nghệ An, Vinh - Bến Thủy, thông qua kế hoạch lãnh đạo phát động quần chúng đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 nhằm biểu dương lực lượng, đòi những quyền lợi thiết thực cho công - nông. Dưới sự lãnh đạo của Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ, đứng đầu là Nguyễn Phong Sắc, hàng loạt các cuộc đấu tranh, biểu tình của nhân dân đã diễn ra tạo nên một cao trào đấu tranh mạnh mẽ ở Trung Kỳ. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh, các cuộc biểu tình kéo lên phủ, huyện lỵ đã làm tan rã từng mảng hệ thống chính quyền thực dân, phong kiến, hình thành chính quyền công - nông do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Tháng 10-1930, diễn ra Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị quyết định đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông
77