🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chữ nhẫn của người Trung Hoa
Ebooks
Nhóm Zalo
MỤC LỤC
Chương một:KINH NGHIỆM XỬ THẾ (NHẪN KINH) Chương hai :DANH NGÔN VÀ PHƯƠNG CHÂM (KHUYẾN NHẪN) SÁCH THAM KHẢO
MỤC LỤC
AUTHOR - ĐÔNG A SÁNG
Chương một:KINH NGHIỆM XỬ THẾ (NHẪN KINH) Gồm 74 chuyện:
1. Quên thù nhỏ, mưu việc lớn
2. Nuôi ba năm, dùng một giờ
3. Khéo chiều người
4. Chiếc dùi trong túi
5. Trương Lương nhặt giày
6. Không câu nệ
7. Phẩm hạnh và tài năng
8. Tin tưởng
9. Một cái giẫm chân 10. Hàn Tín lòn trôn 11. Một cách che lỗi
12. Ăn no uống say 13. Tiểu vào đống tro 14. Thử chồng
15. Nhầm ngựa
16. Trói gà
17. Nước bọt tự khô 18. Lấy ân trả oán 19. 100 chữ nhẫn
20. Mâm ngọc
21. Một cách giáo dục 22. Đem vải cho trộm 23. Tránh đường cho trộm 24. Giả lả
25. Nghe mà không nghe 26. Lén cho vay tiền 27. Nhận nhầm
28. Không biết là quan lớn 29. Sự trung thực
30. Bình rượu cúng
31. Nói tốt cho người
32. Một cách tránh họa 33. Hai cách xử lí
34. Tiểu nhân không ở đâu xa 35. Không biết xử trí
36. Không tự biện bạch 37. Không cử trộm làm quan 38. Không nên đổ dầu vào lửa 39. Chị em dâu
40. Vật cũng có số
41. Cháy tóc
42. Không phải chửi mình 43. Khăn yếm đàn bà
44. Nhớ càng thêm mệt 45. Hàng xóm và hàng dậu 46. Anh em và thửa ruộng 47. Cái đai vàng
48. Tiết kiệm và khoan dung 49. Thử sức chịu đựng 50. Nói leo
51. Suy luận
52. Bạn đồng song
53. 11 đời
54. Hoạn nạn và cách xuất xử 55. Làm chủ cái tâm
56. Khéo nhịn
57. Nhẫn nhục và dũng cảm 58. Đem thịt dê khao quân địch 59. Gốc của trăm việc
60. Phương pháp làm cho hết giận 61. Được thiên hạ và mất thiên hạ
62. Nhường một trăm bước 63. Chiếc vòng vàng 64. Mua nhà hàng xóm 65. Cái đầu đáng giá 66. Việc ai nấy làm
67. Không lâm trận
68. Hai chữ trung thứ 69. Nhà đông con cháu 70. Tha kẻ bớt xén
71. Đợi sáng hãy đi
72. Chúng sinh là Phật sẽ thành
73. Quan niệm về phúc đức
74. Ông lãng đãng
1. QUÊN THÙ NHỎ, MƯU VIỆC LỚN
Vua Tề là Vô Tri bị giết ở Ung Lâm, triều đình thương nghị lập vua mớị Cao Hề lén mời Tiểu Bạch ở nước Cử về.
Nước Lỗ nghe tin Vô Tri chết cũng cho quân đưa công tử Củ về Tề, đồng thời sai Quản Trọng cầm quân chặn con đường nước Cử.
Quản Trọng bắn trúng cái móc dây lưng Tiểu Bạch. Tiểu Bạch vờ chết. Quản Trọng tưởng Tiểu Bạch đã chết, sai người gấp báo tin cho nước Lỗ.
Được tin ấy, sứ giả của Lỗ đưa công tử Củ về nước nhưng dềnh dàng. Sáu ngày sau mới tới đất Tề !
Ngờ đâu Tiểu Bạch đã về tới trước và đã được Cao Hề đưa lên ngôi, tức Tề Hoàn Công. Tề Hoàn Công ra lệnh tiến quân chống cự với nước Lỗ.
Mùa thu, cùng Lỗ giao chiến ở Càn Thì. Quân Lỗ thua chạỵ Quân Tề chặn đường rút lui, Tề gửi thư cho Lỗ, nói :
Tử Củ với ta là anh em, tình không nỡ luận tội gia hình, xin Lỗ tự giết. Thiệu Hốt và Quản Trọng thì là thù, yêu cầu Lỗ trao trả cho ta làm mắm. Nếu không, Lỗ bị vâỵ
Nhận được thư, Lỗ lấy làm lo, bèn giết Tử Củ ở Sinh Đậụ Thiệu Hốt tự sát. Quản Trọng, xin làm tù phạm.
Hoàn Công lên ngôi, tiến quân đánh Lỗ, bản tâm là muốn giết Quản Trọng. Bão Thúc Nha nói :
- Hạ thần may được theo chúa thượng, chung cục chúa thượng đã được lập lên làm vua, hạ thần không có gì làm cho chúa thượng thêm vinh quý. Chúa thượng muốn cho nước Tề bình trị thôi, thì có Cao Hề và hạ thần là đủ rồi. Nhưng chúa thượng muốn dựng nên nghiệp bá trong thiên hạ, thì không có Quản Di Ngô là không xong. Quản Di Ngô ở nước nào thì nước đó cường thịnh. Không thể để mất Quản Di Ngô.
Hoàn Công nghe ra, ưng theo, vờ nói với vua Lỗ rằng, có bắt được Quản Trọng để làm mắm mới hả dạ nhưng trong thực tâm thì muốn dùng.
Quản Trọng biết vậy, cho nên xin tới Tề để tạ tội. Bão Thúc Nha đón tiếp Quản Trọng, đến Đường Phụ thì Quản Trọng được tháo gông xiềng, trai giới cầu nguyện rồi yết kiến Hoàn Công. Hoàn Công dùng lễ đối với quan đại phu mà đãi ngộ và giao quyền chấp chính.
Bảy năm sau, nhờ Quản Trọng mà Tề Hoàn Công nắm quyền bá chủ 2. NUÔI BA NĂM, DÙNG MỘT GIỜ
Tần Mục Công không nghe lời hai vị lão thần là Kiển Thúc và Bách Lý Hề cứ huy động binh mã đánh Tấn. Mục Công giao quyền chỉ huy cho con trai của Bách Lý Hề là Mạnh Minh Thị, con trai của Kiển Thúc là Tây Khuất Tật và Bạch Ấp Bính.
Quân Tấn nhuộm đen đồ tang phục và đem quân đón đánh ở Hào Sơn, phá tan quân Tần, không để chạy thoát một mống, cả ba viên tướng đều bị bắt.
Nguyên phu nhân Tấn Văn Công là người Tần, muốn cứu ba tên bại tướng, bà thỉnh cầu :
- Mục Công oán ba người ấy đến xương tủy. Xin ra lệnh tha cho ba người ấy về để vua Tần luộc sống chúng cho hả.
Vua Tấn chấp nhận, trả ba tướng tù cho Tần.
Khi ba tướng trở về, Mục Công bận quần áo trắng ra đón họ tận ngoài thành. Nhìn họ, Mục Công khóc, nói :
- Chỉ vì ta không nghe lời Bách Lý Hề và Kiển Thúc, cho nên các người bị nhục, chớ các ngươi có tội gì đâu ! Các ngươi nên hết lòng, gắng sức rửa nhục, chớ có xao nhãng !
Rồi phục chức và hậu đãi họ hơn xưa.
Năm thứ 34, Mục Công lại sai bọn Mạnh Minh đem quân đánh Tấn, giao chiến ở Bành Nhai. Quân Tần bất lợi rút về.
Năm thứ 36, Mục Công đãi bọn Mạnh Minh còn tử tế hơn nữa, lại sai họ đánh Tấn.
Vượt Hoàng Hà, quân Tần tự đốt hết thuyền bè, ý là không rút lui.
Trận này, quân Tần đại phá quân Tấn, lấy được Vương Quan và đất Cảo, báo được cái thù ở trận Hào Sơn.
3. KHÉO CHIỀU NGƯỜI
Phùng Huyên, người nước Tề, thiếu thốn, nghèo khổ, không thể tự mưu sinh, cậy người lại xin Mạnh Thường Quân cho ăn ở nhờ.
Mạnh Thường Quân hỏi :
- Ông khách ! Ông sở thích gì ?
Đáp :
- Tôi chẳng có sở thích nào cả.
- Thế ông có tài năng gì ?
- Tôi cũng chẳng có tài năng gì ráo !
Mạnh Thường Quân đáp :
- Được !
Mạnh Thường Quân cho ở và cho ăn rau.
Ít lâu, Phùng Huyên dựa cột, gõ kiếm hát : Kiếm dài ơi ! Về đi thôi. Ăn không có cá !
Mạnh Thường Quân xếp Phùng Huyên vào vào hàng thực khách, ăn cá thịt.
Ít lâu sau, Phùng Huyên lại dựa cột, gõ kiếm hát : Kiếm dài ơi ! Về đi thôi ! Đi không có xe !
Mạnh Thường Quân lại đãi Phùng Huyên vào hạng môn khách đi xe.
Ít lâu nữa, Phùng Huyên lại dựa cột, gõ kiếm hát : Kiếm dài ơi ! Về đi thôi ! Không có gì gửi về cho mẹ già !
Mạnh Thường Quân lại chu cấp vật dụng cho mẹ già Phùng Huyên không thiếu thứ gì. Từ đó, Phùng Huyên không còn dựa cột, gõ kiếm mà hát nữa.
Sách ghi, Mạnh Thường Quân làm tướng quốc mấy chục năm mà không gặp hoạ nhỏ nào là nhờ mưu Phùng Huyên.
4. CHIẾC DÙI TRONG TÚI
Nước Tần vây thành Hàm Đan. Nước Triệu sai Bình Nguyên Quân cầu cứu với Sở để thực hành kế hợp tung. Bình Nguyên Quân muốn tìm trong đám thực khách, lấy hai mươi người có dũng lục, có văn tài cùng đi với mình.
Ông nói :
- Nếu dùng văn mà xong việc thì hay, bằng không thì dùng võ (uy hiếp) mà uống
máu ăn thề ở nơi hội nghị, thực hiện cho được kế hợp tung mà về. Không cần đến kẻ sĩ ở ngoài, chọn trong số thực khách cũng đủ.
Chọn chỉ được mười chín người, ngoài ra không còn chọn thêm được ai trong cho đủ con số hai mươi. Trong số môn hạ, có một người tên là Mao Toại, tiến đến trước mặt Bình Nguyên Quân, tự giới thiệu :
- Toại tôi nghe nói Ngài sắp sang Sở nói chuyện hợp tung, muốn chọn trong đám môn hạ lấy hai mươi người, không lấy thêm người ngoài. Nay thiếu một người Toại tôi xin Ngài cho được cùng đi cho đủ số.
Bình Nguyên Quân hỏi :
- Ông ở đây với Thắng tôi được mấy năm rồi nhỉ ?
Đáp :
- Bẩm ! Được ba năm.
Bình Nguyên Quân nói :
- Bậc hiền sĩ ở đời, ví như cây dùi nằm trong chiếc túi, mũi nhọn tất ló ra ngay. Nay ông ở đây với Thắng tôi đã ba năm mà chưa có lời ca tụng nào, Thắng tôi cũng chưa được nghe nói gì về ông nữa, như thế là ông chẳng có cái tài gì hết, ông không đi được. Ông ở lại !
Mao Toại nói :
- Thì hôm nay, tôi xin được nằm trong chiếc túi. Nếu Toại tôi sớm được nằm trong túi rồi thì cả cây dùi cũng đã trồi ra như ngọn đòng đòng, chứ lọ là chỉ cái mũi nhọn ló ra.
Rốt cuộc, Bình Nguyên Quân cũng thuận cho Mao Toại cùng đi. Mười chín người kia đưa mắt nhìn nhau cười nhưng chưa dám cản.
Gần tới đất Sở, Mao Toại cùng với mười chín người trong bọn thảo luận, cả mười chín người đều phục Toại.
Rốt cục, Mao Toại đã uy hiếp được vua Sở, uống máu ăn thề kế hợp tung 5. TRƯƠNG LƯƠNG NHẶT GIÀY
Sau khi ám sát hụt Tần Thủy hoàng đế, Trương Lương đổi danh tánh, chạy trốn đến Hạ Bì.
Lương thả bộ, thơ thẩn trên cầu Hạ Bì ; có một ông già mặc áo cộc, đúng lúc đi chơi tới chỗ Lương thì đánh rơi chiếc giày xuống gầm cầu. Và quay nhìn Lương, bảo :
- Nhỏ ! Xuống nhặt giày !
Lương ngạc nhiên toan đánh nhưng thấy ông lão già cả nên cố nhịn, chạy xuống gầm cầu nhặt chiếc giày. Ông lão lại bảo :
- Xỏ vào chân cho ta !
Sẵn giày đã nhặt, Lương quỳ xuống xỏ. Ông lão cho chân vào rồi cười, bỏ đi. Lương kinh ngạc nhìn theo. Ông lão bỏ đi quãng chừng một dặm thì quay trở lại, nói :
- Chú bé này dạy được ! Năm hôm nữa, sáng sớm, trở lại gặp ta ở đây. Lương lấy làm lạ, quỳ xuống thưa :
- Xin vâng !
Sáng sớm ngày thứ năm, Lương đến nơi hẹn. Ông lão đã ở đấy rồi, ông lão giận nói :
- Hẹn với người già mà lại đến sau, là nghĩa lí gì ?
Rồi bỏ đi và nói tiếp :
- Năm ngày nữa, gặp sớm.
Sáng ngày thứ năm lần này, Lương đến từ lúc gà gáy. Ông lão đã lại ở đấy rồi và lại giận, nói :
- Vẫn đến sau là nghĩa làm sao ?
Rồi bỏ đi, bảo :
- Năm ngày nữa, đến sớm hơn.
Năm ngày sau, chưa nửa đêm, Lương đã ra đi, đến nơi hẹn, được một lát thì ông lão cùng tới. Ông mừng bảo :
- Phải vậy mới được.
Và đưa một cuốn sách, bảo :
- Đọc cuốn sách này thì làm thầy được các bậc đế vương. Mười năm nữa sẽ thấy phát đạt ; mười ba năm nữa chú bé gặp lại ta. Tảng đá vàng ở chân núi Cốc Thành, phía bắc Tế Thủy là ta đó.
Chỉ nói có thế rồi đi, không gặp lại nữa. Sáng ra, giở sách ra xem, thì là cuốn Thái công binh pháp. Lương cho là sách lạ, đọc đi đọc lại đến thuộc lòng.
6. KHÔNG CÂU NỆ
Nhờ Ngụy Vô Tri giới thiệu cho, được ra mắt Hán Vương, Bình được Hán Vương mời vào. Lúc đó, Vạn Thạch quân tên là Phấn coi việc quét rửa trong cung Hán Vương. Phấn nhận danh thiếp của Bình, đưa Bình vào bệ kiến. Bọn Bình tất cả bảy người cùng vào và được mời cơm. Hán Vương nói :
- Được rồi, hãy ra khách xá nghĩ.
Bình thưa :
- Thần có việc, thần mới đến đây, điều thần muốn tâu, không thể chậm qua ngày hôm nay được.
Hán Vương tiếp chuyện Bình, lấy làm bằng lòng, hỏi rằng :
- Ở Sở, anh làm chức gì ?
Bình đáp :
- Làm đô úy.
Ngay hôm đó, Bình được phong Đô úy, giữ chức Tham thừa, Chưởng quản việc xét nét các tướng. Các tướng xôn xao :
- Đại vương thu nạp một anh lính Sở đào ngũ, mới trong một ngày, chưa biết hay hèn ra sao mà đã cho luôn ngồi cùng xe, còn xét nét bọn quân trưởng chúng mình nữa !
Hán Vương nghe thế, lại càng yêu Trần Bình hơn. Rồi cho cùng đi sang đông đánh Hạng Vương.
7. PHẨM HẠNH VÀ TÀI NĂNG
Đến Bành Thành, bị quân Sở đánh bại. Quay về thu thập tàn quân, đến Vinh Dương, Hán Vương phong cho Bình làm Á tướng để tùy thuộc vào Hàn vương Tín, đóng đồn ở Quảng Vũ.
Bọn Giáng hầu, Quán Anh đều gièm Trần Bình rằng :
- Bình tuy đẹp trai, tốt mã như ngọc giát mũ, kì thực chưa chắc đã ra gì. Thần nghe nói, Bình lúc còn ở nhà thì ăn trộm của chị dâu, thờ Ngụy thì Ngụy chẳng dùng, phải bỏ chạy về với Sở ; về Sở cũng lại chẳng hợp, lại phải bỏ chạy về với Hán. Nay đại vương cho Bình làm quan lớn, giám hộ quân quan. Bọn thần hạ chúng tôi nghe nói Bình nhận vàng của các tướng, ai đút lót nhiều thì được chỗ
tốt, ít thì bị chỗ xấu. Bình là một kẻ loạn thần phản phúc, xin đại vương xét cho. Hán Vương sinh nghi, cho đòi Ngụy Vô Tri lại trách. Vô Tri tâu :
- Thần nói là nói về tài năng. Bệ hạ hỏi là hỏi về phẩm hạnh. Có phẩm hạnh cao như Vĩ Sinh, Hiếu Kỷ mà chẳng đủ tài năng để giúp cho đại vương quyết thắng thì đại vương dùng để làm gì ?
Sở, Hán chống nhau, thần tiến cử kẻ sĩ có kì mưu là chỉ xét : Liệu kế hoạch của kẻ sĩ đó có đủ giúp quốc gia hay không, thế thôi. Còn cái chuyện ăn trộm vàng của chị dâu và nhận vàng của các tướng thì ngờ làm gì ?
Hán Vương cho đòi Trần Bình lại, trách :
- Tiên sinh thờ Ngụy chẳng hợp, bỏ đi thờ Sở, nay lại đến đây với ta. Người trọng tín nghĩa mà tráo trở đến thế ư ?
Bình nói :
- Thần thờ Ngụy vương chẳng hợp, Ngụy vương chẳng dùng được thuyết của thần, cho nên thần bỏ đi thờ Hạng Vương. Hạng Vương không tin người, người được tín nhiệm chẳng phải dòng họ Hạng thì cũng là anh em đằng nhà vợ ; dù có sẵn kì sĩ Hạng Vương cũng không dùng nổi, vì thế mà thần bỏ Sở. Nghe nói Hán Vương biết dùng người, cho nên thần mới về với đại vương. Thần tay không, mình trần tới đây, không nhận vàng thì lấy gì làm gia tư tài sản. Nếu kế hoạch của thần có chỗ khả thủ thì xin đại vương dùng, bằng không dùng được, thì vàng
còn nguyên vẹn đó, thần xin gói trả để sung công và xin toàn vẹn nắm xương mà rút lui.
Hán Vương xin lỗi, hậu tặng và cho làm hộ quân trung úy, giám sát tất cả các tướng lĩnh. Bấy giờ, các tướng mới thôi, không dám nói nữa.
8. TIN TƯỞNG
Trần Bình nói với Hán Vương :
- Về phía Sở vẫn có mầm loạn. Đám bầy tôi trung trực của Hạng Vương bất quá chỉ có mấy người, đại khái như Á Phụ, Chung Ly Muội, Long Thư, Chu Ân. Nếu đại vương chịu bỏ ra vài vạn cân vàng để thi hành kế phản gián, li khai vua tôi họ với nhau, làm cho họ ngờ vực lẫn nhau, Hạng Vương vốn đa nghi và tin lời gièm pha, trong nội bộ họ tất sẽ xảy ra cái việc chém giết lẫn nhau. Thừa dịp, Hán sẽ cất quân và việc phá tan Sở là việc chắc chắn.
Hán Vương cho là phải, bỏ ra bốn vạn cân vàng, giao cho Trần Bình tùy ý sử dụng, muốn làm gì thì làm không cần tính toán.
9. MỘT CÁI GIẪM CHÂN
Hoài Âm hầu (Hàn Tín) phá Tề, tự lập là Tề vương, cho sứ về tâu với Hán Vương. Hán Vương (vừa thua ở Vinh Dương, thu thập tàn quân chạy về Hàm Cốc) nổi giận, chửi rầm lên.
Trần Bình khẽ giẫm chân Hán Vương. Hán Vương hiểu ý, hậu đãi sứ Tề, sai Trương Tử Phòng tấn phong Hàn Tín làm Tề vương. Phong cho Bình làm Hộ dũ.
10. HÀN TÍN LÒN TRÔN
Hàn Tín, người đất Hoài Âm, lúc còn là một người áo vải, nghèo, đã chẳng có đức hạnh tài năng gì để được suy cử làm chức này chức nọ, lại vụng cả đường làm ăn buôn bán, chỉ sống nhờ, ăn bám vào kẻ khác, cho nên lắm kẻ không ưa.
Trong bọn làm nghề mổ thịt ở Hoài Âm, có một tên nhỏ tuổi, khinh Tín, bảo : - Mày tuy lớn con, và khoái đeo gươm nhưng trong bụng nhát. Rồi trước mặt mọi người, nó làm nhục Tín, bảo :
- Thằng Tín có dám chết thì đâm tao đi, bằng không dám thì hãy chui qua đũng quần tao đây này.
Tín chăm chú nhìn thằng nhỏ, rồi cúi mình, lom khom chui qua đũng quần thằng này. Cả chợ đều cười Tín là nhát.
Khi Tín đã làm Sở Vương, đóng đô tại Hạ Bì, cho đòi gã thiếu niên xưa đã làm nhục, bắt mình chui qua đũng quần đến, cho làm chức Trung úy nước Sở. Tín nói với văn võ bá quan rằng :
- Đây là một dũng sĩ. Xưa, lúc hắn làm nhục ta, ta há lại không giết nổi hắn sao ? Nhưng giết như thế thì tầm thường quá, cho nên ta nhịn và bởi vậy mới có ngày nay.
11. MỘT CÁCH CHE LỖI
Một vị quan nhỏ, nhà ở gần sau hoa viên Thừa tướng nước Ngụy là Tào Tham. Vị quan nhỏ muốn cho Thừa tướng để mắt đến mình, không biết làm cách nào, nên ngày đêm thường ca hát, đàn địch om sòm.
Thừa tướng Tào Tham biết được, lúc ông quan nhỏ ca hát, đàn địch, thì Thừa tướng cũng ca hát, đàn địch như xướng như hoạ, cố ý che lỗi cho viên quan nhỏ.
12. ĂN NO UỐNG SAY
Người đánh xe của Thừa tướng Bính Cát thường uống rượu say. Tây Tào muốn trị tội người đánh xe. Thừa tướng Bính Cát nói :
- Ăn no uống say sẽ nôn mửa đã hại người lắm rồi ! Còn trị tội anh ta làm gì nữa ?
Tây Tào trong bụng khen Thừa tướng Bính Cát là người rộng lượng.
13. TIỂU VÀO ĐỐNG TRO
Hàn An Quốc, nội sử của nước Lương, bị giam vào ngục, bị tên quan nhỏ là Điền Giáp làm nhục, chửi bới om sòm. Hàn An Quốc nói bóng gió :
- Ông nên nhớ đôi khi trong tro còn lửa đó nghe !
Điền Giáp nói ngang :
- Trong tro còn lửa thì ta tiểu tiện vào cho nó tắt ngấm đi.
Không bao lâu, Hàn An Quốc vô tội được tha, phục nguyên chức. Điền Giáp nghe tin, sợ quá, định bỏ trốn.
Hàn An Quốc bắn tin : Điền Giáp không đến ra mắt sẽ giết hết người trong nhà. Bất đắc dĩ, Điền Giáp phải đến ra mắt.
Hàn An Quốc không nhắc đến chuyện cũ lại còn cho Điền Giáp làm chức Đình úy.
14. THỬ CHỒNG
Lưu Khoan nổi tiếng là người độ lượng, rất tỉnh táo, buồn vui ít khi lộ ra nét mặt.
Một hôm, Lưu Khoan mặc áo quần chỉnh tề để đến triều. Người vợ đưa cho ông ta một chén thuốc uống, rồi giả bộ vô ý làm đổ dây bẩn bộ triều phục. Lưu Khoan, đỡ lấy chén thuốc và cầm tay vợ hỏi :
- Tay nàng có làm sao không ?
Lúc đó người vợ mới phục Lưu Khoan là người bình tĩnh, độ lượng. 15. NHẦM NGỰA
Trác Mậu là người hay giảng về đạo lí nhân nghĩa, được nhiều người kính trọng.
Hôm ấy, Trác Mậu đang cưỡi một con ngựa. Người trong làng mất một con ngựa, cứ nói ngựa của Trác Mậu là ngựa của mình. Trác Mậu không cãi, đưa con ngựa cho người làng.
Vài ngày sau, con ngựa người làng đi chán, trở về. Người ấy rất hối hận, đem trả ngựa và xin lỗi Trác Mậu.
16. TRÓI GÀ
Lưu Linh thích uống rượu. Hôm đó, uống rượu với một người rất thô lỗ, rượu vào lời ra, hai bên đấu khẩu.
Người kia tức khí, xắn tay áo định đánh. Lưu Linh nói :
- Đại ca ơi ! Tôi thư sinh trói gà không chặt, đánh tôi làm chi cho mệt ! Người kia nghe nói, tức cười, nguôi giận.
17. NƯỚC BỌT TỰ KHÔ
Em của Sư Đức được bổ nhiệm làm Thứ sử Đại châu. Khi tiễn em lên đường Sư Đức nói :
- Anh làm Tể tướng trong triều, còn em lại được làm Thứ sử, triều đình ưu ái gia đình ta rất nhiều, thế nào cũng có kẻ ghen ghét, đố kị. Theo em, làm thế nào đừng để người ta ghen ghét, đố kị ?
Người em nói :
- Ai mắng chửi, nhổ nước bọt vào mặt em, thì em không nói lại, chỉ lấy tay chùi khô nước bọt.
Sư Đức nói :
- Theo anh, ai nhổ nước bọt vào mặt mình, cũng không nên lấy tay chùi, để nó tự khô là được rồi !
18. LẤY ÂN TRẢ OÁN
Lý Mật và Đậu Tham yêu mến tài năng nên rất hậu đãi Lý Cát Phủ. Lục Chí nghi những người này kết bè kết phái với nhau, bèn đưa Lý Cát Phủ ra khỏi kinh thành làm Thứ sử Kinh Châu.
Không lâu, Lục Chí bị biếm đến Trung Châu. Tể tướng lại cử Lý Cát Phủ làm Thứ sử Kinh Châu, ý muốn cho Lý Cát Phủ có cơ hội trả thù Lục Chí, có lợi cho mình.
Không ngờ, Lý Cát Phủ không những không hỏi tội Lục Chí mà còn kết làm bạn bè.
19. 100 CHỮ NHẪN
Quang lộc Vương Thủ Hoà, đời Đường, với một người khác sinh tranh chấp. Để cuộc tranh chấp không thành chuyện lớn, ông về nhà viết chữ nhẫn lên trên án thư, bao nhiêu màn trướng trong nhà đều viết chữ nhẫn.
Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ biết chuyện, liền gọi Vương Thủ Hoà đến hỏi :
- Khanh có tên là Thủ Hoà, nghĩa là lúc nào cũng giữ chữ hoà thuận làm đầu, là đã đủ rồi, nay lại còn viết chữ nhẫn đầy nhà là ý làm sao ?
Vương Thủ Hoà tâu :
- Thần nghe nói, cứng thì dễ gãy, nên chẳng vui gì khi cãi cọ, tranh chấp lẫn nhau. Mọi sự không bằng chữ nhẫn, nên viết chữ nhẫn để tự khuyên mình.
Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ khen phải và ban cho mấy tấm lụa. 20. MÂM NGỌC
Bùi Hạnh Kiệm đánh úp đất Phục, thu được rất nhiều vàng ngọc, ông ta mở yến tiệc và cho trưng bày các chiến lợi phẩm để cho tướng sĩ các dân tộc ít người đến dự tiệc và xem.
Một anh lính thấy một cái mâm mã não dài, rộng gần hai thước, điêu khắc rất đẹp, bưng lên xem thử nặng nhẹ, lúng túng thế nào cái mâm rơi xuống vỡ tan.
Anh lính sợ hãi, quỳ mọp xuống đất, dập đầu xin lỗi đến chảy máu.
Bùi Hạnh Kiệm mặt không đổi sắc, nhẹ nhàng đỡ người lính dậy và nói : - Ngươi đứng dậy đi ! Ta biết ngươi không cố ý mà.
Người lính tạ ơn rối rít.
21. MỘT CÁCH GIÁO DỤC
Thuộc hạ của Thứ sử Tương Châu Hứa Vi Sư chuyên môn nhận hối lộ ; Hứa Vi Sư không nỡ trị tội.
Tên thuộc hạ vừa sợ vừa hối hận, không bao lâu trở thành một người rất liêm khiết và mẫn cán.
22. ĐEM VẢI CHO TRỘM
Trần Thật, tự Trọng Cung, làm huyện lệnh Thái Khâu. Một hôm, có tên trộm vặt, táo gan, leo lên cây kèo nhà Trần Thật, định ăn trộm.
Trần Thật liếc thấy tên trộm nhưng không nói gì, gọi cậu con trai ra dặn :
- Con còn nhỏ phải siêng năng học hành, học những tính tốt, đừng bắt chước chú ăn trộm đang trốn trên kia, nghe chưa ?
Chú trộm hoảng hồn, leo xuống, lạy lấy lạy để. Trần Thật nói :
- Ta xem chú em mặt mũi sáng sủa, không thích hợp với nghề này, chắc là quá túng nên phải làm liều.
Nói xong, bảo người nhà đem cho chú trộm hai cây vải và dặn đừng đi ăn trộm nữa.
Về sau, tên ăn trộm bỏ nghề trộm vặt.
23. TRÁNH ĐƯỜNG CHO TRỘM
Khổng Mân, người Hoài Nam, không ra làm quan, ẩn cư tại quê nhà.
Ngày nọ, có một người lẻn vào vườn đốn trộm trúc. Muốn ra khỏi vườn, phải đi một cái cầu nhỏ, nếu không qua cầu thì phải lội nước, mùa đông nước rất giá.
Khổng Mân đang đứng ở trên cầu, khiến tên trộm rất lúng túng. Khổng Mân biết, liền đi vào nhà, cố ý nhường đường cho tên trộm.
24. GIẢ LẢ
Lâu Sư Đức, đời Đường, khi bị người khác xúc phạm ông ta thường tự trách mình ăn ở không tốt, buồn giận không hiện ra nét mặt.
Một hôm, Lâu Sư Đức cùng đi đường với một người. Người này thấy Lâu Sư Đức quá mập, đi chậm, liền nói kháy :
- Nếu ngài làm nghề nông, đi gieo hạt, thì ngài đi đến ruộng, người ta đã gặp lúa rồi !
Lâu Sư Đức cười, nói giả lả :
- Bởi vậy, chẳng ai thuê tôi đi cày, đi cấy, đi gặt cả !
25. NGHE MÀ KHÔNG NGHE
Ngưu Bật, em trai Sử bộ Thượng thư Ngưu Hoằng, đời Đường, thường say rượu. Một hôm, Ngưu Bật say khướt, giết chết con bò kéo xe của Ngưu Hoằng. Ngưu Hoằng vừa về đến cửa, người vợ chạy ra mách :
- Chú Bật say rượu, giết chết con bò nhà mình rồi !
Ngưu Hoằng nói với vợ :
- Thôi mình vào ăn cơm đi.
Ăn cơm xong, Ngưu Hoằng ngồi đọc sách. Người vợ không chịu được nữa, nói :
- Chú Bật giết con bò kéo xe của nhà mình rồi ! Chuyện ngang ngược thế mà ông làm thinh.
Ngưu Hoằng nói :
- Tôi biết rồi !
Nói xong, lại ngồi bình tĩnh đọc sách.
26. LÉN CHO VAY TIỀN
Trần Trọng, tự Cảnh Công, đỗ Hiếu liêm và làm quan ở nha môn. Trong nha môn có một viên quan mắc nợ một vạn quan tiền, chủ nợ cứ đến đòi và nói nặng nói nhẹ mãi.
Trần Trọng đem tiền của mình lén trả cho người chủ nợ. Viên quan biết được đến cám ơn rối rít. Trần Trọng nói :
- Ông nhầm đấy, chắc người nào trùng tên họ với tôi, trả nợ giúp ông, không phải tiền của tôi đâu !
27. NHẬN NHẦM
Một người hàng xóm mất một con lợn, cứ nói là con lợn chạy lạc sang nhà Tào Tiết. Tào Tiết không cãi, đưa cho người hàng xóm con lợn.
Ngày sau, người hàng xóm tìm được con lợn, nhỏ hơn con lợn của Tào Tiết, đem trả cho Tào Tiết. Tào Tiết cười và nhận con lợn nhỏ.
28. KHÔNG BIẾT LÀ QUAN LỚN
Triệu Duyệt, làm quan chuyển vận sứ tại Thành Đô, mỗi lần đi đâu ông ta chỉ mang theo một cái đàn và một con rùa, gảy đàn chán thì chơi với con rùa.
Một hôm, Triệu Duyệt đi đến Thành Sơn, giữa đường gặp tuyết, phải vào trọ ở quán trọ.
Chủ quán thấy ông khách ăn mặc tuềnh toàng, hành trang chẳng có gì đáng giá, xem thường và nói nặng nhẹ đủ điều. Triệu Duyệt chỉ ngồi đánh đàn, như không nghe, không thấy.
29. SỰ TRUNG TRỰC
Thái úy Vương Đán là người tiến cử Quan Chuẩn làm chức Tể tướng. Quan Chuẩn nhiều lần tâu với nhà vua về những khuyết điểm của Vương Đán. Ngược lại, Vương Đán thường nói tốt Quan Chuẩn trước mặt nhà vua.
Một hôm, nhà vua hỏi Vương Đán :
- Quan Chuẩn lại thường vạch lỗi của khanh trước mặt trẫm ! Còn khanh thường nói tốt cho Quan Chuẩn, là tại sao ?
Vương Đán tâu :
- Thần thấy Quan Chuẩn rất trung thành với bệ hạ, không hề dấu diếm bệ hạ điều gì, nên thần rất khâm phục. Thần không có điều gì phải phiền trách ông ta cả.
Nhà vua khen Vương Đán là người hiền và sáng suốt.
30. BÌNH RƯỢU CÚNG
Người em cô cậu của Vương An Thạch rất nóng nảy, kiêu ngạo và rất khó dạy.
Một hôm, các gia nhân trong nhà bày khoảng 100 vò rượu, để cúng tổ tông ở từ đường họ Vương.
Người em Vương An Thạch không biết tức giận điều gì, đá đổ mấy vò rượu, rượu chảy lênh láng. Mọi người sợ hết hồn.
Vương An Thạch đi vào, thấy rượu đổ liền tránh ra đi một bên, vào từ đường tế lễ.
Lễ xong, đi về cũng không nói tiếng nào. Người em vừa sợ vừa nể, dần dần trở thành người rất tốt.
31. NÓI TỐT NGƯỜI ĐÃ HẠI MÌNH
Vương Đức tướng mạo đẹp, con nhà danh vọng, làm quan ở khu mật viện, nhiều người biết tiếng, rất kính phục, bạn bè khách khứa khá đông.
Ngự sử trung thừa Khổng Đạo Phủ dâng sớ kể tội Vương Đức lên nhà vua. Nhà vua bãi chức Vương Đức, biếm ra khỏi kinh thành, cho làm Tri phủ Tùy Châu.
Nghe tin xấu, bạn bè khách khứa đến chia buồn nhưng Vương Đức vẫn nói cười như không.
Không lâu, Khổng Đạo Phủ chết, có mấy người khách muốn lấy lòng, vui vẻ nói với Vương Đức :
- Người hại ông là Khổng Đạo Phủ đã chết rồi !
Vương Đức nói :
- Khổng công (Khổng Đạo Phủ) là người có trách nhiệm, không phải là người hại tôi. Nay, triều đình mất đi một đại thần như vậy, quả là rất buồn.
Người khách im lặng.
32. MỘT CÁCH TRÁNH HỌA
Thân phụ Lý Tông Ngạc là Lý Phưởng làm quan to nắm đại quyền trong triều. Lý Tông Ngạc sợ mọi người ghen ghét mang hoạ vào thân, thường ăn mặc bình thường, ngựa xe chẳng có gì đặc biệt, y như một người nghèo khó.
Một hôm, Lý Tông Ngạc đến gặp thân phụ (Lý Phưởng). Vị quan sử thấy ngựa xe, cách ăn mặc không biết đó là công tử của quan lớn, la lối sỉ nhục om sòm. Lý Tông Ngạc không nói gì.
Sau này khi biết được Lý Tông Ngạc là con của quan lớn trong triều, vị quan sử rất hối hận.
33. HAI CÁCH XỬ LÝ
Âu Dương Tu và Hàn Kỳ đều làm quan. Âu Dương Tu thường trách mắng, trừng phạt các thuộc hạ, khiến nhiều người oán. Thuộc hạ làm điều gì sai, Hàn Kỳ thường nhỏ nhẹ khuyên răn, dạy dỗ, ít trách mắng và trừng phạt, khiến nhiều nể phục.
34. TIỂU NHÂN KHÔNG Ở ĐÂU XA
Hàn Kỳ cho rằng, tiểu nhân không ở đâu xa, cứ ba nhà thì có một nhà có tiểu nhân. Nếu ta dùng các cư xử của tiểu nhân để đối đãi với tiểu nhân thì ta cũng chẳng khác gì những kẻ tiểu nhân.
35. KHÔNG BIẾT XỬ TRÍ
Có một cuồng sĩ chê cách đối xử, ăn ở của Lý Hàng vốn là quan lớn tại triều. Một hôm, cuồng sĩ đón đường Lý Hàng đưa một phong thư. Lý Hàng hứa về nhà sẽ xem kĩ lá thư. Cuồng sĩ tức giận, nói :
- Ông làm quan to nhưng không mưu lợi cho thiên hạ, sao ông không từ chức ? Ông ngồi lâu chừng nào thì những hiền sĩ tài cao xem như tuyệt đường tiến thân.
Lý Hàng nói :
- Tôi cũng đã nhiều lần xin từ chức nhưng hoàng thượng không cho, thì tôi biết làm sao ?
Cuồng sĩ im lặng.
36. KHÔNG TỰ BIỆN BẠCH
Một hôm, Sái Tương mời khách đến vườn Linh Đông uống rượu. Một người khách nghịch đem cung tên bắn, tên lạc làm cho một người đi đường bị thương, người khách sợ quá liền đổ lỗi cho Sái Tương.
Chuyện lan ra khắp kinh thành, nhà vua cho gọi Sái Tương đến cật vấn.
Sái Tương chỉ cầu xin nhà vua tha tội cho mình, trước sau không hề biện bạch hoặc khai tên người khách.
37. KHÔNG CỬ TRỘM LÀM QUAN
Một hôm, quan chuyển vận sứ Trương Tế Hiền, Giang Nam, mở tiệc đãi đằng khách khứa. Có một người hầu nhà ăn cắp bạc lén bỏ vào túi. Trương Tế Hiền thấy nhưng im lặng.
Sau này, Trương Tế Hiền được làm Tể tướng. Đa số người hầu của Trương Tế Hiền cử làm quan, riêng người này không được chủ cất nhắc.
Người này thưa với Trương Tế Hiền :
- Tôi hầu hạ ngài rất lâu, kẻ ăn người ở, ai cũng cũng được cất nhắc, ngài chỉ quên có riêng tôi !
Trương Tế Hiền nói :
- Ta làm Tể tướng phải cất nhắc những người thanh liêm lên làm quan, bài trừ bọn tham quan. Nhà ta không giàu, ngươi chỉ là người ăn kẻ ở mà 30 năm bòn rút ước tính cũng được 30 vạn quan tiền. Huống chi ngươi làm quan, bòn rút thì dân chịu sao nổi ? Ta nghĩ, với số tiền đó, ngươi có thể làm vốn để về quê làm lại cuộc đời là được rồi.
Người hầu thất kinh, vội vàng khăn gói về quê.
38. KHÔNG NÊN ĐỔ DẦU VÀO LỬA
Một hôm, Tống Nhân Tông rất giận, la hét đòi trừng trị một vị quan sử, rồi quay sang hỏi Đinh Tấn Công. Nhà vua hỏi mấy lần, Đinh Tấn Công vẫn ngần ngừ không đáp. Nhà vua nói :
- Ông chịu đựng giỏi thật đấy ! Vua hỏi mấy lần mà cũng không trả lời. Đinh Tấn Công tâu :
- Bệ hạ đang giận như sấm sét, thần mà tâu trình nữa, khác nào đổ dầu vào lửa, bệ hạ sẽ trừng trị quan sử ra tro, ra cám mất !
Nhà vua nghe nói, nguôi cơn giận, tha cho vị quan sử.
39. CHỊ EM DÂU
Miên Đan, cha mẹ mất từ nhỏ, bốn anh em trai sống chung với nhau một nhà nhưng mấy chị em dâu thường cãi cọ nhau ỏm tỏi.
Mỗi lần nghe mấy chị em dâu cãi vã, Miên Đan vào phòng đóng cửa, bịt tai và tự nói với mình : Miên Đan ngươi thường tu tâm dưỡng tính, làm việc gì cũng cẩn thận, muốn làm việc lớn có ích cho thiên hạ, sao ngươi lại không xử được việc nhà ?
Có lần, mấy chị em dâu lén nghe được, liền xin lỗi Miên Đan. Từ đó, sống với nhau rất hoà thuận.
40. VẬT CŨNG CÓ SỐ
Có một người đem dâng Ngụy quốc công Hàn Kỳ đôi chén ngọc, người ấy nói :
- Đây là đôi chén ngọc, do thợ khéo điêu khắc mà thành, trong ngoài không có một tì vết, được xem là vật quý trên đời.
Hàn Kỳ cảm ơn người khách và đem bạc đáp lễ. Hàn Kỳ cũng rất quý đôi chén, khi nào đãi khách quý mới đem ra.
Một hôm đãi tiệc, Hàn Kỳ cầm chén ngọc mời mọc. Một người khách vô ý chạm phải, chén ngọc rơi xuống, vỡ tan, người khách lo sợ bị quở trách.
Hàn Kỳ, mặt không biến sắc, nói :
- Mọi vật trên thế gian đều có sinh thì có diệt, cho nên cái chén này cũng đến số rồi ! Ông đừng áy náy.
Người khách nghe nói, cảm tạ và rất yên lòng.
41. CHÁY TÓC
Ngụy quốc công Hàn Kỳ được phong làm tướng thống lĩnh quân đội. Một đêm, ở trong trướng, sai một anh lính cầm đèn sáp đứng hầu soi sáng để Hàn Kỳ viết thư.
Anh lính lớ ngớ thế nào để đèn bắt cháy cả tóc ông tướng, cháy sém luôn cả bức thư. Hàn Kỳ vội dùng tay áo dập tắt lửa.
Quan chủ sự biết được, muốn dùng roi nện cho anh lính hầu một trận. Hàn Kỳ
nói :
- Đừng đánh ! Tôi biết từ nay anh ta sẽ cầm đèn rất tốt.
Anh lính rất cảm động !
42. KHÔNG PHẢI CHỬI MÌNH
Thời niên thiếu, nghe người nào chửi mình, Phú Bật giả lảng như không nghe. Một hôm, có một người nói với Phú Bật :
- Ông ta đang chửi anh đó !
Phú Bật nói :
- Ông ta chửi ai đâu có chửi tôi.
Người kia nói :
- Ông ta gọi đích danh tên ông mà !
Phú Bật đáp :
- Trên đời có chán vạn gì người trùng với tên tôi.
Người kia không nói năng gì nữa.
43. KHĂN YẾM ĐÀN BÀ
Tư Mã Ý ở trong trại Vị Bắc, truyền lệnh :
- Nay doanh trại Vị Nam đã mất rồi, tướng nào nói đánh nhau nữa thì chém ! Các tướng vâng mệnh, chỉ việc giữ trại không dám ra.
Quách Hoài nói với Tư Mã Ý rằng :
- Mấy bữa nay Khổng Minh dẫn quân ra tuần tiễu, tất là muốn tìm đất hạ trại. Ý nói :
- Nếu Khổng Minh ra núi Võ Công, men sườn mà sang mé đông thì chúng ta nguy cả. Nhược bằng họ ra phía tây nam sông Vị, đóng trên gò Ngũ Trượng, thì ta mới không việc gì.
Sai người dò xem, quả nhiên Khổng Minh đóng ở gò Ngũ Trượng. Ý mừng quá giơ tay lên trán mà rằng:
- Đó là hồng phúc của đại Ngụy hoàng đế ta !
Bèn sai các tướng giữ vững không ra đánh, đợi cho quân Thục sinh biến sẽ hay.
Khổng Minh dẫn một toán quân ở gò Ngũ Trượng, đã nhiều lần sai người khiêu chiến, quân Ngụy nhất định không ra. Khổng Minh bèn lấy cái yếm và đồ trắng của đàn bà, đựng vào trong một cái hòm, sai người đưa tới trại Ngụy.
Các tướng không dám giấu giếm, dẫn người đưa thư ra mắt Tư Mã Ý. Ý sai mở hòm, thấy có yếm đàn bà và một phong thư. Thư nói rằng :
Trọng Đạt đã làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung nguyên, không dám mặc giáp, cầm gươm quyết sống mái mà chịu ngồi núp trong hang, trong hố, để tránh lưỡi dao, mũi tên, thế thì khác gì đàn bà ?
Nay sai người đưa khăn yếm, quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không ra đánh thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy ; nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai
thì phê vào giấy này, y hẹn ra giao chiến.
Tư Mã Ý xem xong, trong bụng căm giận nhưng gượng cười, nói : - Khổng Minh coi ta như mụ đàn bà ư ?
Liền chịu nhận lấy đồ ấy, trọng đãi người đưa thư và hỏi chuyện ăn ngủ, công việc của Khổng Minh.
Sứ giả bẩm rằng :
- Thừa tướng tôi thức khuya dậy sớm ; hình phạt từ hai chục roi trở lên cũng phải coi xét, mà mỗi ngày chỉ ăn được vài thưng mà thôi !
Ý nói với các tướng rằng :
- Khổng Minh ăn ít làm nhiều, sống lâu làm sao được !
Sứ giả từ về, đến gò Ngũ Trượng ra mắt Khổng Minh, thuật lại việc Tư Mã Ý chịu nhận khăn áo đàn bà và các lời hỏi han.
Khổng Minh than rằng :
- Ý thực là biết ta!
Chủ bộ Dương Ngung can rằng :
- Tôi thấy Thừa tướng hằng ngày cứ phải coi xét sổ sách, thiết nghĩ không nên. Ôi ! việc trị nước phải có thể thống, trên dưới không xâm phạm với nhau.
Ví như đạo trị việc nhà, tất phải có đứa ở trai coi việc cày bừa, đứa ở gái coi việc thổi nấu, nghề nghiệp không thiếu việc gì, cần cái gì có cái ấy ; ông chủ nhà chỉ việc thung dung ngồi một chỗ, nằm cao thảnh thơi, ăn uống mà thôi !
Nếu việc nào cũng xuất thân làm lấy, thì sức lực mỏi mệt, tinh thần kém sút, mà không nên được việc gì. Đó không phải là trí khôn không bằng kẻ ăn người ở đâu, đạo làm chủ nhà phải thế.
Cho nên cổ nhân có nói : Ngồi mà bàn đạo lí, gọi là tam công ; đứng ra mà làm việc, gọi là sĩ đại phu. Ngày xưa, Bính Cát lo việc con trâu thở, không lo gì kẻ đánh nhau chết dọc đường ; Trần Bình làm tướng, không biết số tiền thóc ở kho bao nhiêu, nói rằng đã có người coi riêng từng việc.
Nay Thừa tướng thân xét đến cả việc nhỏ nhặt, mồ hôi toát ra cả ngày, chẳng nhọc nhằn lắm ru ? Lời Tư Mã Ý nói, xin Thừa tướng xét cho mới được.
Khổng Minh khóc, nói :
- Ta không phải là không biết thế đâu, nhưng vì chịu ơn tiên đế thác cô cho ta rất trọng, chỉ sợ người khác không được hết lòng như ta. Vậy ta phải chịu khó nhọc như thế.
Chúng nghe nói, ai nấy đều cảm động, ứa nước mắt. Tự bấy giờ, Khổng Minh nghe trong mình tinh thần bàng hoàng, nên không dám tiến binh vội.
Các tướng Ngụy thấy Khổng Minh đưa khăn áo đàn bà cho Tư Mã Ý. Ý chịu nhận, không dám ra đánh. Các tướng cùng vỗ bụng căm tức, vào trướng bẩm rằng:
- Chúng tôi là danh tướng nước Ngụy, chịu sao nổi người Thục sỉ nhục thế này ? Vậy xin ra đánh để quyết một trận sống mái.
Ý nói :
- Ta có phải muốn chịu nhục đâu, bởi vì thiên tử giáng chiếu, sai giữ vững không cho ra đánh, nếu ta khinh động, thì trái quân mệnh.
Các tướng bực dọc, không bằng lòng. Ý nói :
- Các ngươi muốn đánh, đợi ta tâu với thiên tử, rồi sẽ đồng lực ra đánh giặc, được chăng ?
Các tướng nói :
- Chúng tôi xin vâng lời.
Ý sai sứ mang biểu đến Hợp Phì tâu với Ngụy chủ.
Tào Tuấn xem xong, hỏi các tướng :
- Tư Mã Ý trước xin giữ vững không ra đánh, nay lại dâng biểu xin đánh là cớ sao ?
Vệ úy Tân Tỷ tâu :
- Tư Mã Ý vốn không có bụng muốn đánh, đây là Gia Cát Lượng sỉ nhục, các tướng căm tức, cho nên dâng biểu lên, là có ý muốn cầu chiếu chỉ để trấn bụng các tướng mà thôi.
Tuấn lấy làm phải, sai Tỷ cầm cờ tiết đến trại Vị Bắc, truyền lời dụ không được ra đánh. Nếu ai nói đến chuyện đánh, thì ghép vào tội trái chiếu chỉ nhà vua.
Các tướng đều tuân theo. Ý nói với Tân Tỷ :
- Ông thực là biết bụng tôi lắm !
Các tướng Thục nghe tin ấy, vào bẩm với Khổng Minh.
Khổng Minh cười nói :
- Đó là Tư Mã Ý trấn bụng ba quân đó.
Khương Duy hỏi :
- Sao Thừa tướng lại biết ?
Khổng Minh nói :
- Ý vốn không dám đánh, xin đánh là thị oai với các tướng mà thôi. Có câu : Tướng ở ngoài, dù vua sai khiến có điều gì, không nghe cũng được ; lẽ đâu xa ngàn dặm, mà phải xin lệnh đánh bao giờ. Đây là nhân các tướng giận, Tư Mã Ý cho mượn ý Tào Tuấn để trấn an các tướng và truyền lệnh ra để quân ta trễ biếng mà thôi !
Không lâu, Khổng Minh lâm bệnh mất, quân Thục tự rút quân về. 44. NHỚ CÀNG THÊM MỆT
Lữ Mông được phong làm Tể tướng. Một hôm vào triều, có một ông quan đứng trong đám đông nói :
- Thằng con nít, miệng còn hơi sữa, Tể tướng quái gì mà Tể tướng ?
Lữ Mông giả lảng như không nghe thấy. Muốn lấy lòng Tể tướng, vị quan cùng đi với Lữ Mông, nói :
- Để tôi tìm tên họ người vừa chê bai ông cho.
Lữ Mông nói :
- Không cần đâu.
- Tại sao ?
- Nếu biết tên tuổi ông ta thì phải nhớ ông ta đến suốt đời, nặng người lắm mệt. Chi bằng không biết, không nhớ mới nhẹ người.
45. HÀNG XÓM VÀ HÀNG DẬU
Trần Hiêu và Kỷ Bá là hai người láng giềng, hai vườn nhà cách nhau một hàng dậu. Có đêm Kỷ Bá dời hàng dậu của mình lấn sang vườn Trần Hiêu.
Trần Hiêu biết được, đợi Kỷ Bá đi vào, dời tiếp hàng dậu lấn vào vườn mình thêm một thước.
Tối hôm sau, Kỷ Bá ra xem hàng dậu, thấy vườn mình rộng ra, lấy làm ngạc nhiên.
Sau này, biết được việc làm của Trần Hiêu, Kỷ Bá hối hận, tự dời hàng dậu của mình về chỗ cũ.
46. ANH EM VÀ THỬA RUỘNG
Ở Thanh Hà ai cũng biết hai anh em nhà họ Phổ Minh, vì thửa ruộng mà hai anh em kiện cáo nhau đã mười năm bất phân thắng bại.
Thái thú Tô Kinh (đến nhậm chức) cho gọi hai anh em nhà họ Phổ Minh đến nói :
- Trong thiên hạ, tình nghĩa anh em là rất quý, khó có được, còn ruộng vườn thì do làm lụng siêng năng, có cơ may là tậu được, rất dễ. Nay hai người muốn được ruộng hay muốn được tình nghĩa anh em ?
Hai anh em Phổ Minh nghe nói cảm động, hối hận, không kiện cáo nữa, sống
hoà thuận với nhau.
47. CÁI ĐAI VÀNG
Hàn Kỳ, đời Tống, thống lĩnh bốn đạo quân đi thảo phạt ở biên cảnh, đóng quân tại Diên An.
Đêm nọ, có tên thích khách núp ở sau màn. Hàn Kỳ thấy được, hỏi : - Ngươi là ai ?
Thích khách nói :
- Tôi đến để giết ông.
- Ai sai nhà ngươi giết ta ?
Thích khách đáp :
- Trương tướng công (Trương Nguyên đang chấp chính ở Tây Hạ).
- Tại sao ngươi không giết ta ?
- Tôi không nhẫn tâm.
Hàn Kỳ hỏi :
- Thế ngươi về ăn nói làm sao với Trương tướng công ?
Thích khách đáp :
- Ngài cho tôi mượn cái đai vàng đem về là được.
Hàn Kỳ trao đai vàng và thả cho thích khách về.
Sáng hôm sau, quân hầu báo với Hàn Kỳ là có cái đai vàng treo trên bức tường thành. Hàn Kỳ định cho người leo lên lấy xuống.
Phạm Thuần Hữu can :
- Chuyện này tuy nhỏ nhưng cũng phải suy nghĩ cẩn thận. Nếu lấy cái đai xuống thì mất thể diện quốc gia, trúng kế của tên thích khách (Làm tướng mà để cho thích khách đột nhập uy hiếp, lại còn thả thích khách ra là sai phép nước). Chi bằng xem như không biết đến cái đai ấy.
Hàn Kỳ khen phải và đáp :
- Chuyện thế mà tôi nghĩ không ra ! Thật là tệ.
48. TIẾT KIỆM VÀ KHOAN DUNG
Có một đệ tử xin Phạm Trọng Tuyên chỉ giáo một vài lời. Phạm Trọng Tuyên nói :
- Tiết kiệm sẽ giúp cho ta được đức liêm khiết ; khoan dung nhẫn nhục sẽ giúp cho ta đạt được cảnh giới cao thượng.
Bản thân Phạm Trọng Tuyên rất tiết kiệm, ăn uống thanh đạm, ăn mặc giản dị, các quan trong phủ đều rất nể trọng.
Không lâu các quan trong phủ từ trẻ đến già, từ quan lớn đến quan nhỏ đều học được tiết kiệm và khoan dung của Phạm Trọng Tuyên.
49. THỬ SỨC CHỊU ĐỰNG
Lữ Hy Triết và Chương Tiết cùng làm quan ở huyện Trần Lưu, Chương Tiết rất trọng nể Lữ Hy Triết.
Một hôm, hai người ngồi nói chuyện chơi, Chương Tiết chỉ trích Lữ Hy Triết rất nặng lời. Lữ Hy Triết chỉ cười mà không hề có sắc giận. Chương Tiết nói :
- Tôi giả bộ gây gổ, thử ông. Ông là người rất cao thượng.
Lữ Hy Triết cám ơn Chương Tiết đã quá khen.
50. NÓI LEO
Vương Hoá Tắc làm trưởng sử Mai Châu, ông thường ngồi trò chuyện với các bạn đồng liêu và thuộc hạ, không phân thứ bậc.
Một hôm, anh lính đứng gác dưới thềm thấy vậy cũng mon men ngồi vào chiếu, bắt chuyện và nói leo.
Quan Quản sự trông thấy, muốn dùng roi đánh anh lính một trận nên thân. Vương Hoá Tắc biết được, can rằng :
- Thôi đi, anh ta thấy vui muốn bắt chuyện thôi mà !
Quan Quản sự tha cho anh lính.
51. SUY LUẬN
Thị trung Tào Bân làm Thái thú Từ Châu. Có một quan lại phạm tội, theo án là phải bị đánh mấy chục trượng. Tào Lâm nói :
- Tôi nghe nói, anh này mới cưới vợ. Nay anh ta bị đánh, cha mẹ anh ta rất đau lòng, lại đổ thừa cho cô dâu là xui xẻo, sẽ suốt ngày đêm đay nghiến, đánh chửi cô ta, thì cô ta sống sao nổi. Hoá ra trị tội một người mà liên lụy đến một người nữa, chi bằng tha cho anh ta.
Mọi người nghe nói có lí, tha không đánh, ai nấy đều khen Tào Bân là người nhân từ.
52. BẠN ĐỒNG SONG
Trương Hoà Thường ở chung với các bạn học, có 10 lạng vàng cất ở trong hòm. Một bạn học mở rương lấy trộm vàng.
Không hiểu sao quan sử biết được, tập trung mọi người và lục xét lấy lại vàng, đưa cho Trương Hoà Thường. Trương Hoà Thường nói :
- Không phải vàng của tôi. Tôi làm gì có vàng.
Quan sử tha cho anh bạn trộm vàng.
Anh bạn học hối hận quá, nửa đêm lén đem trả lại vàng cho Trương Hoà Thường. Hoà Thường thấy anh bạn túng quẩn, liền chia cho anh ta một nửa, nói mãi anh ta mới nhận.
53. 11 ĐỜI
Sách Án đồ kí kể : Lôi Phu, người Phong Tuyên, đỗ tiến sĩ ra làm quan, sống rất thanh liêm và thanh bạch, sau này được phong làm Tể tướng, rồi lại được nhà vua cho làm Thái sư của thái tử.
Tính đến Lôi Phu là 10 đời, đời nào cũng có người làm quan, nhưng cả 10 đời không có ai dính dáng, liên lụy đến việc hình pháp.
54. HOẠN NẠN VÀ CÁCH XUẤT XỬ
Con người sinh ra ai chẳng gặp hoạn nạn, hoạn nạn là đạo lí tự nhiên, vấn đề là biết xuất xử trong lúc hoạn nạn mà thôi.
Chu Văn Vương (vua Trụ), bị giam ở ngục Dữu Lý, đã viết Chu Dịch : Khổng Tử bị vây ở đất Trần, Sái vẫn ngồi đàn, hát. Nhan Hồi nghèo khổ, ăn măng trúc, rau dưa, uống nước lã nhưng lấy đó làm vui. Nguyên Hiến nghèo, ăn mặc rách rưới nhưng thanh cao, thiên hạ ai cũng khen. Hạ Hầu Thắng ở trong ngục tù nhưng vẫn đàm luận sách Thượng thư. Lục Thế bị biếm đến Trung Châu nhưng vẫn sáng tác những tập văn chương.
Những dẫn chứng trên cho thấy, người không tránh được hoạn nạn, nên tìm cách xuất xử trong lúc hoạn nạn.
Vì thế, sách Trung dung viết : Người quân tử ở trong hoàn cảnh nào cũng lấy đó làm vui. Đó là đạo lí sống và vượt qua hoạn nạn.
55. LÀM CHỦ CÁI TÂM
Thấy Trương Giảng giận dữ, nạt nộ và đánh gia nhân, Trình Hy hỏi : - Ông thử nín nhịn, làm chủ cái tâm của mình có được không ? Trương Giảng hối hận, cúi đầu nhận lỗi.
56. KHÉO NHỊN
Một hôm, Phó tướng Địch Thanh đãi tiệc khách khứa. Trong đám khách có người tên là Trương Dịch, tính tình rất thô lỗ, nói năng không giữ lời, trêu chọc người này, người khác, rồi quay sang gây sự với Địch Thanh :
- Tên con nít kia, mi muốn làm mất mặt ta à ?
Rồi chửi Địch Thanh không tiếc lời. Địch Thanh chỉ cười, không nói gì.
Khi về nhà, Trương Dịch biết mình lỡ lời, hối hận lắm. Sáng hôm sau, vội vàng đến xin lỗi Địch Thanh.
57. NHẪN NHỤC VÀ DŨNG CẢM
Tả truyện kể rằng Trí Bá vào cửa nam, hỏi :
- Ai làm chủ ở đây ?
Triệu Mạnh đáp :
- Tôi là chủ ở đây.
Trí Bá hỏi :
- Ngươi không dũng cảm, ai mà phục ?
Triệu Mạnh đáp :
- Tôi rất giỏi chịu đựng, không ai sỉ nhục được tôi đâu.
58. ĐEM THỊT DÊ KHAO QUÂN ĐỊCH
Tả truyện kể, Sở Trang vương đem quân đánh nước Trịnh. Vua nước Trịnh cho người ra nghinh tiếp Sở Trang vương và đem thịt dê khoản đãi quân nước Sở.
Sở Trang vương nói :
- Vua Trịnh nhũn nhặn, nhịn nhục chắc là được dân chúng rất tin phục. 59. GỐC CỦA TRĂM VIỆC
Sách Luận ngữ viết, Khổng Tử nói với Tử Lộ :
- Răng cứng nên dễ gãy, lưỡi mềm nên còn. Nhu nhất định thắng cương, mềm nhất định thắng cứng. Người thích đấu đá nhất định hại đến thân, người thích dũng cảm dễ đi đến cái chết. Chữ nhẫn là cái gốc của trăm việc.
60. PHƯƠNG PHÁP LÀM CHO HẾT GIẬN
Sách Sư hữu tạp kí ghi, có người hỏi Vinh Dương công :
- Nếu bị người khác chửi rủa, làm nhục thì ta nên ứng xử thế nào ? Vinh Dương công đáp :
- Phải tự hỏi, tại sao mình lại để cho người đó chửi và làm nhục cơ chứ ? Tự nhiên ta sẽ bớt giận, đó là thượng sách.
Hoặc tự hỏi, ta chửi người đó, làm nhục người đó, người đó sẽ phản ứng như thế nào ? Ta sẽ như người đó chăng ? Suy nghĩ xong, ta sẽ bớt giận. Đó là hạ sách.
61. ĐƯỢC THIÊN HẠ VÀ MẤT THIÊN HẠ
Tô Thức nói : Hán Cao Tổ Lưu Bang thắng lợi (tranh được thiên hạ), Hạng Vũ thất bại (không tranh được thiên hạ), tựu trung vào chữ nhẫn.
Hạng Vũ bách chiến bách thắng, thiếu nhẫn nại, sinh ra vọng động, không giành được thiên hạ.
Lưu Bang nhẫn nại, rèn luyện trong thất bại, nuôi dưỡng tinh thần và binh lực, chỉ một trận là thành công, giành được thiên hạ.
62. NHƯỜNG MỘT TRĂM BƯỚC
Chu Nhân Quỹ, ẩn cư tại quê nhà, phụng dưỡng cha mẹ rất chu đáo và thường dạy con cái rằng :
- Sinh ra đời phải biết nhường đường (nhường nhịn) cho người khác, dù cho nhường một trăm bước, nhưng suốt đời cũng chẳng mất đi một tấc đường.
63. CHIẾC VÒNG VÀNG
Bành Tư Vĩnh lên kinh ứng thí, không có tiền bạc gì, chỉ có một cái vòng vàng dùng để hộ thân, sợ mất, đem gửi cho chủ nhà trọ.
Một thí sinh ở cùng nhà trọ, rình lấy trộm, đeo dấu vào tay áo.
Bành Tư Vĩnh thấy, nhưng không nói gì. Chủ nhà trọ mất vòng, tìm và muốn lục soát những thí sinh ở trọ.
Bành Tư Vĩnh nói, là mình đã lấy lại chiếc vòng, không nên kiếm làm gì.
Lúc rời nhà trọ, thí sinh trộm vòng sơ ý, để chiếc vòng tuột ra, rơi xuống đất. Chủ nhà trọ thấy, khen Bành Tư Vĩnh là người độ lượng.
64. MUA NHÀ HÀNG XÓM
Nhà Triệu Thanh Hiến và người em rể ở chung nên khá chật chội. Người em rể ăn ra làm được, bàn với Triệu Thanh Hiến, mua nhà ông lão hàng xóm với giá rất cao, để mở rộng nhà cửa.
Triệu Thanh Hiến nói :
- Mình ở với ông lão đã ba đời rồi, tình làng nghĩa xóm rất sâu, nay cậy mình nhiều tiền mà mua nhà của ông ta thật là quá bất nhẫn.
Người em rể bỏ ý định mua nhà ông hàng xóm.
65. CÁI ĐẦU ĐÁNG GIÁ
Hàn Viện trấn thủ ở Tương Châu. Có lần đi tế miếu Khổng Tử phải ở quán xá. Nửa đêm có tên trộm cầm giao xông vào phòng, nói :
- Ông có của cải gì đưa ra mau, nếu không thì ta giết chết ?
Hàn Viện nói :
- Ta không có tiền vàng ! Trên bàn trà có bình quý, chắc cũng được một ngàn xâu tiền. Ngươi có lấy thì lấy.
Tên trộm nói :
- Cái đầu của ông rất đáng giá ! Nếu tôi cắt đầu của ông đem cho người nước ngoài ở biên cảnh phía tây thì tôi giàu to.
Hàn Viện nghe nói, ngửa cổ ra. Tên trộm hốt hoảng nói :
- Không ngờ ông quá độ lượng. Tôi chỉ thử ông thôi.
Nói xong, tên trộm cầm cái bình quý đi mất.
Có người biết chuyện, hỏi Hàn Viện sao không tố cáo. Hàn Viện nói : - Từ trước đến nay, tôi không quen tố cáo người khác.
Không lâu, có một tên trộm bị bắt, ghép vào tội chặt đầu. Trước khi bị hành hình, tên trộm nói :
- Tiếc thay ! Tôi không học tập được đức hạnh của ông Hàn Viện, nên mới ra nông nỗi này.
66. VIỆC AI NẤY LÀM
Phạm Nhiêu Phu được phong làm tướng. Có người ở trong triều dèm pha, nhà vua liền sai sứ thần đến giả bộ dâng hương ở núi Nga Mi, thực sự thăm dò hành động của Phạm Nhiêu Phu.
Thuộc hạ của sứ thần lại tiết lộ cho Phạm Nhiêu Phu biết. Phạm Nhiêu Phu nói, việc sứ thần thì sứ thần cứ làm, không nên trách ông ta.
Sứ thần lại biết, dùng roi đánh tên thuộc hạ đã tiết lộ bí mật đến bật cả máu, sứt cả tai.
Sau này, triều đình sai Phạm Nhiêu Phu tâu trình về việc làm của sứ thần.
Trong tấu sớ, Phạm Nhiêu Phu chỉ tâu rằng sứ thần làm việc rất cẩn thận, không hề nhắc đến việc sứ thần đánh thuộc hạ.
67. KHÔNG LÂM TRẬN
Hàn Viện ít khi xen vào chuyện của người khác, không thích sa vào những cuộc tranh luận.
Một hôm, Hàn Viện cùng hai người bạn đồng liêu khác là Vương Củng Chấn và Hiệp Định Cơ đến chấm thi ở phủ Khai Phong.
Ba người chấm quyển, Vương Củng Chấn và Hiệp Định Cơ vừa đọc vừa bình, rồi tranh luận với nhau bất phân thắng bại. Riêng Hàn Viện vẫn ngồi im, đọc quyển.
Lát sau, Vương Củng Chấn đến phòng Hàn Viện hỏi :
- Ông học tính độ lượng lúc nào vậy ? Ông không nói giúp tôi một câu ? Tôi đúng mà !
Hàn Viện cười nói :
- Nếu tôi nói, chỉ làm cho việc càng thêm rối.
Hôm khác, Hàn Viện cầm quân thảo phạt ở Thiểm Tây, hai tướng Nhan Sư Lỗ và Lý Tích cũng tranh luận với nhau không dứt, ai cũng liếc Hàn Viện, mong ông phân xử. Nhưng Hàn Viện cứ lờ đi, như không nghe, không thấy.
68. HAI CHỮ TRUNG THỨ
Phạm Thuần Nhân nói, bình sinh tôi chỉ học được hai chữ trung thứ, một khắc không rời, dùng hoài không hết : Ở triều đình dùng phụng sự quân chủ, tiếp đãi đồng sự và bạn bè ; ở gia đình dùng để thân cận và hoà thuận với những người thân thuộc.
Ông lại dạy các đệ tử : Đừng trách người là ngu si, tự trách mình không tỉnh táo ; gặp những người thông minh, tự trách ta là hồ đồ. Không nên chỉ trách người khác mà quên trách mình, không nên trách người không khoan thứ cho mình, mà trách mình không khoan thứ cho người. Làm được như vậy là gần gũi với những bậc hiền nhân.
69. NHÀ ĐÔNG CON CHÁU
Tư Mã Quang nói : Trong hàng công khanh, chỉ có Thừa tướng Lý Phưởng kế thừa được lễ pháp của các bậc tiền bối, càng ngày càng thịnh không suy. Gia đình ông ta, con cháu có hai trăm người, cùng sống chung với nhau.
Bổng lộc, hoa lợi thu được từ ruộng vườn đều tập trung vào kho, tùy theo sinh hoạt của những người trong nhà mà chi dụng ; quan hôn tang tế tùy theo việc mà phân chia cho con cháu.
70. THA KẺ BỚT XÉN
Trần Hy Dĩnh nhậm chức Hộ tào ở Lương Châu. Trong châu có một quan thu thuế không mấy liêm khiết cho lắm, các đồng sự rất ghét nhưng không ai nói gì. Riêng Trần Hy Dĩnh nhiều lần khuyên nhủ, hi vọng ông ta thay đổi.
Lúc hết nhiệm kì, viên quan thu thuế chuẩn bị hành lí đi ra khỏi châu, có một tên tiểu lại, tố cáo với quận thú :
- Trong hòm hành lí, ngoài sổ sách thuế má có dấu vàng, do ông ta bớt xén thuế
khoá.
Quận thú liền cho người theo dõi viên quan thu thuế và giao cho Trần Hy Dĩnh xử lí. Trần Hy Dĩnh nhận lệnh, nhưng lại nghĩ : Khi ông này đang làm quan thì không can ngăn, nay để ông ta phạm tội mới trừng trị, e không hợp lẽ.
Lúc ông ta đương chức, đương quyền thì tên tiểu lại không dám tố cáo, nay ông ta không còn chức, tên tiểu lại đi cáo quan để hại cấp trên, dậu đổ bìm leo, chẳng còn ra thể thống và đạo lí gì cả !
Rồi Trần Hy Dĩnh cho người bí mật báo với viên quan thu thuế lo sửa soạn lại hành lí trước khi lên đường.
Lúc viên quan thu thuế khởi hành, Trần Hy Dĩnh và tên tiểu lại chặn lại và bắt đem hành lí vào cho quận thú xem xét. Lúc mở hòm ra, chỉ thấy áo quần và đồ ăn thức uống, không thấy vàng đâu cả. Quận thú giận dữ, quở trách tên tiểu lại. Viên quan thu thuế bình yên ra khỏi châu.
71. ĐỢI SÁNG HÃY ĐI
Lệnh Nghĩa, người Tào Châu, là một thị dân, lúc cao tuổi trở thành một người giàu có.
Một hôm, có tên trộm đột nhập vào nhà, bị con của Lệnh Nghĩa bắt được. Tên trộm không ai khác là con trai của một người trong làng. Lệnh Nghĩa hỏi :
- Sao đến nổi phải đi ăn trộm ?
Tên trộm đáp :
- Vì quá nghèo túng, không có cái ăn, cái mặc, nên phải đi ăn trộm. Lệnh Nghĩa hỏi :
- Thế ngươi cần bao nhiêu mới đủ chi dụng ?
Tên trộm đáp :
- Cần một vạn tiền mới thoát được nghèo túng.
Lệnh Nghĩa sai người nhà đem cho tên trộm một vạn tiền.
Tên trộm xách túi tiền định đi. Lệnh Nghĩa gọi lại. Tên trộm hết hồn. Lệnh Nghĩa nói :
- Ngươi đi đêm, ăn mặc rách rưới như thế này, mang theo một vạn tiền, nếu gặp lính tuần tra, ngươi sẽ bị nghi ngờ và bị bắt. Chi bằng, đợi sáng hãy về nhà.
Tên trộm hoàn hồn và vâng lời.
Sau này, tên ăn trộm trở thành một người tốt có tiếng ở trong làng. 72. CHÚNG SINH LÀ PHẬT SẼ THÀNH
Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi tịnh tu trong núi. Quốc vương đương thời (Kiều Trần Như) dẫn quân đi săn, hỏi Đức Thích Ca là thấy thú chạy đường nào. Đức Phật lâm vào hoàn cảnh khó xử, nếu nói đúng thì những con thú sẽ bị giết, nếu nói sai thì phạm vào tội nói dối. Do vậy, Đức Phật im lặng.
Quốc vương tức giận chém Đức Phật cụt một cánh tay ! Đức Phật vẫn im lặng ! Quốc vương chém nốt tay kia. Đức Phật phát nguyện lời thề : Sau này, nếu ta thành Phật, sẽ độ cho chúng sinh thành Phật nhưng người trước tiên là quốc vương.
Sau này, khi thành Phật, người được độ đầu tiên là quốc vương Kiều Trần Như. 73. QUAN NIỆM VỀ PHÚC ĐỨC
Niết bàn kinh chép, có người tán Đức Phật là đại phúc đức.
Người kia không chịu, nói :
- Thân mẫu mới sinh Phật bảy ngày thì chết, sao gọi là đại phúc đức được. Người tán Đức Phật nói :
- Ông luận thế là chưa đúng ! Chẳng hạn, ông bị người ta chửi mà ông không giận, ông bị người đánh mà ông không oán, không gọi đại phúc thì gọi bằng gì ?
Người kia im lặng và rất phục.
74. ÔNG LÃNG ĐÃNG
Vương Văn Chính được khen là người độ lượng, khoan dung, không bao giờ nổi giận. Tôi tớ, con cái, lính hầu tìm cách thử ông nhưng hình như ông chẳng để ý đến chuyện gì.
Một hôm, nước tương (chấm rau) còn rất ít, người nhà liền bỏ thêm rượu, làm thế nào mà nước tương trở nên đen sì như nước thịt, rất khó ăn. Bữa cơm đó, Vương Văn Chính ăn rất ít rau và không chấm nước tương.
Người nhà hỏi tại sao ? Ông đáp :
- Hôm nay, tôi không thích ăn nước thịt !
Hôm khác, người con vào nói với Vương Văn Chính :
- Mỗi ngày, nhà bếp mua một cân thịt heo nhưng bớt xén thế nào, lúc dọn ăn chỉ còn nửa cân, không đủ ăn.
Ông hỏi :
- Thế mỗi ngày, con ăn bao nhiêu thịt mới đủ ?
- Thưa, một cân.
- Ngày mai con nói với nhà bếp mua một cân rưỡi là xong, việc gì mà con phải than phiền ?
Hôm nữa, người nhà gọi thợ đến sửa sang nhà và cửa ra vào. Để có lối đi, cho thợ khoét bức tường một lỗ hổng tạm để ra vào. Vương Văn Chính cứ lom khom lòn qua lỗ hổng, không nói một câu nào.
Sáng nọ, anh lính đã mãn hạn kéo xe, xin phép và từ giã Vương Văn Chính rời khỏi phủ. Ông hỏi :
- Thế anh đánh xe cho ta được mấy năm rồi ?
- Thưa, năm năm.
Anh lính chào xong quay mình đi. Vương Văn Chính nhớ ra, vội gọi lại, hỏi : - Anh phải có là người ta thường gọi là mỗ (anh, ông) đó không không ? Hỏi xong, tặng cho anh ta rất nhiều vật phẩm.
Nguyên nhân, mỗi lần kéo xe, người lính thường quay lưng lại, nên Vương Văn Chính không nhìn rõ mặt và cũng không nhớ mặt.
Chương hai :DANH NGÔN VÀ PHƯƠNG CHÂM (KHUYẾN NHẪN) 1.DANH NGÔN
2.PHƯƠNG CHÂM:
1. Cười. 2. Ngôn ngữ. 3 . Ăn uống. 4. Âm nhạc. 5.Xa xỉ.
6. Rượu 7.Nữ sắc 8.Không như ý. 9. Tham. 10. Khí.
11. Quyền.12. Thế. 13. Kiêu ngạo.14. Kiêu căng.15. Quý. 16. Tiện. 17. Nghèo.18. Giàu.19. Sủng ái. 20.Tranh đoạt. 21. Mất. 22. Sống.. 23. Chết. 24. An. 25. Sở thích.
26. Ghét. 27. Lừa dối.28. Khinh. 29. Phỉ báng và bịa đặt. .30. Khen và bợ đỡ. 31. Công lao. 32. Khổ. 33. Nguy cấp.34. Nóng nảy. 35. Đầy. 36.Phòng.37. Bệnh tật. 38. Thẳng thắn. 39. Độc ác. 40. Thù hận. 41. Đố kị. 42. Tiết kiệm.43. Sợ.44. Biến. 45. Ăn.
46. Cầu.47. Lợi - hại. 48. Họa – phúc.49. Bất bình. 50. Bất mãn. 51. Gièm pha. 52. Hà khắc .53. Tiểu tiết. 54. Vô ích. 55. Tùy thời. 56. Bỗng lộc.57. Tiến - thối. 58. Cái riêng .59. Tài năng. 60. Nghĩa. 61. Phụng sự quân chủ. 62. Nghề nông. 63. Thợ.
64. Buôn bán.
65. Thầy trò. 66. Cha con. 67. Anh em. 68. Vợ chồng. 69. Tôi tớ. 70. Khách chủ. 71. Bè bạn. 72. Niên thiếu. 73. Ham học. 74. Tướng súy. 75. Tể tướng. 76. Ngoan cố. 77. Loài vật và sát sinh.
I. DANH NGÔN:
1.Người quân tử phải biết kiềm chế dục vọng và sự giận dữ (Quẻ Tổn - Kinh Dịch).
2.Chu Công nói với Chu Thành Vương : Người xấu oán hận ngài, chửi ngài, cũng là cách giúp ngài tu dưỡng đạo đức, không nên giận họ làm gì ! (Thư) Có nhẫn nại thì mọi việc đều thành ; có độ lượng thì đạo đức mới cao (Thư).
3.Nước Lỗ dùng nhân nhượng để trị lí quốc gia (Tả truyện).
4.Sông hồ tuy trong, đôi khi còn dung nạp những vật ô uế, ao đầm long lanh có khi còn chứa những chất độc, ngọc quý còn có tì vết, quốc quân có lúc tha thứ cho những người xấu ; đó là đạo lí của tự nhiên (Tả truyện).
5.Một lần không nhịn, không chịu nhục, sẽ hối hận suốt đời (Tả truyện).
6.Người quân tử làm việc gì cũng cẩn thận nhưng không đấu đá tranh giành với người khác (Luận ngữ).
7.Không nhịn việc nhỏ, tất hại đến mưu lớn (Luận ngữ).
8.Nhất thời tức giận quên cả mình, quên cả người thân dẫn đến xử sự sai lầm. Ai lại hồ đồ đến thế ! (Luận ngữ).
9.Biết như con trống, giữ như con mái. Biết trắng, giữ đen (Lão Tử - Đạo đức kinh).
10.Bậc thượng thiện giống như nước.Nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh (Lão Tử - Đạo đức kinh).
11.Hai hổ đánh nhau, chưa chắc con nào sẽ giữ được mạng sống (Lạn Tương Như).
12.Nói xấu, khác nào cầm thương đâm người ta (Tuân Tử).
13.Không nên nói những lời làm tổn thương đến người khác, càng không nên nói những điều làm người khác giận (Bạch Cư Dị) .
14.Muốn trở thành người có phẩm cách thanh cao, thì phải biết nhịn từ những việc nhỏ (Hàn Kỳ).
15.Người làm quan phải lấy chữ nhẫn làm đầu, tuy một chữ (nhẫn) nhưng lại quan hệ đến rất nhiều người (Lữ Thị Đồng Mông).
16.Ngoài việc siêng năng, thanh liêm, phải biết nhân nhượng, đó là biện pháp tốt nhất của người làm quan (Lữ Thị Đồng Mông).
17.Thường giữ được chữ nhẫn thì tránh được tai hoạ (Tiêu triều tán gia pháp).
18.Tha thứ ! Tha thứ ! Tha thứ ! Một sớm ngàn tai hoạ đi.Nhẫn ! Nhẫn ! Nhẫn ! Mãi mãi oan gia chẳng đến nhà (Tử Hư Nguyên Quân).
19.Nhẫn thì không bị nhục. (Xích Tùng Tử).
20.Gặp nghịch cảnh, nhịn là hay nhất. (Siêu Nhiên cư sĩ).
21.Nhẫn là tự khắc chế ; không tự khắc chế, không phải là nhẫn.Nhẫn mà không tự khắc chế thì cái sẩy sẽ nẩy cái ung. (Ngạn ngữ).
22.Vết thương (do đao kiếm) dễ lành, lời nói ác khó tan. (Ngạn ngữ).