" Chữ Nghĩa Truyện Kiều - Vân Hạc Lê Văn Hoè full prc pdf epub azw3 [Phân Tích] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chữ Nghĩa Truyện Kiều - Vân Hạc Lê Văn Hoè full prc pdf epub azw3 [Phân Tích] Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : CHỮ NGHĨA TRUYỆN KIỀU Tác giả : VÂN-HẠC LÊ-VĂN-HÒE Nhà xuất bản : QUỐC-HỌC THƯ-XÃ TỦ SÁCH QUỐC HỌC HANOI Năm xuất bản : 1952 ------------------------ Nguồn sách : Nguyễn Hữu Hoan Đánh máy : lion8, kayuya, khibungto, baothong158qt, Skellig, truongquang0500, alegan, alittleNu Kiểm tra chính tả : Ngô Thị Thu Hiền, Nguyễn Xuân Huy, Cao Ngọc Thùy Ân, Nguyễn Văn Huy Biên tập ebook : Thư Võ Ngày hoàn thành : 28/11/2018 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả VÂN-HẠC LÊ-VĂN-HÒE và QUỐC-HỌC THƯ-XÃ đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU BẢNG KÊ NHỮNG CHỮ GIẢI-THÍCH AI 1) Ai là người nào 2) Ai là người khác 3) Ai là chính mình 4) Ai là thương xót 5) Ai là cát bụi BẠC 1) Bạc là bạc (vàng bạc) 2) Bạc là trắng 3) Bạc là mỏng 4) Bạc là xấu, tồi, bất nhân, bội bạc, vô ơn 5) Bạc là tiếng đệm 6) Bạc là họ Bạc BÀI 1) Bài là bài thơ, bài đàn 2) Bài là bảng hay biển 3) Bài là bài vị 4) Bài là cách, là việc, là biện pháp 5) Bài là thẻ BỒ 1) Bồ là cây bồ-liễu 2) Bồ là cói CẦM 1) Cầm là đàn 2) Cầm là lấy tay giữ đồ vật 3) Cầm là ngăn giữ 4) Cầm là coi như 5) Cầm là chắc CHỮ 1) Chữ là chữ viết 2) Chữ là tên tự 3) Chữ là một thứ loại tự (đặt trên những danh tự trừu tượng) 4) Chữ là việc ĐÀO 1) Đào là cây đào 2) Đào là hoa đào 3) Đào là sắc đỏ hồng 4) Đào là sóng lớn ĐIỀU 1) Điều là lời nói 2) Điều là sự, là việc, là chuyện, là cơ-sự 3) Điều là đỏ hồng HỒ 1) Hồ là hồ, ao 2) Hồ là hồ để dán 3) Hồ là chất để làm cho vải lụa cứng sợi mịn mặt 4) Hồ là dân Hồ 5) Hồ là mờ-mịt 6) Hồ là họ Hồ HỒNG 1) Hồng là mầu sắc 2) Hồng là to lớn 3) Hồng là giống chim 4) Hồng là giống Hoa MAI 1) Mai là cây mơ 2) Mai là cây bương 3) Mai là làm mối 4) Mai là buổi sáng 5) Mai là ngày hôm sau, là sau này 6) Mai là tiếng đệm MƯA 1) Mưa là trời Mưa 2) Mưa là nước mắt 3) Mưa trỏ thời gian thay đổi 4) Mưa trỏ những nỗi đau khổ phải chịu đựng 5) Mưa trỏ giận dữ 6) Mưa trỏ sự trai gái TÂY 1) Tây là phương Tây 2) Tây là riêng TÌNH 1) Tình là cảm-tình 2) Tình là lòng yêu 3) Tình là lòng luyến-ái giữa trai gái 4) Tình là ý, lòng, sự lòng, ý nghĩ 5) Tình là sự thể 6) Tình là biết trước TỜ 1) Tờ là tờ giấy 2) Tờ là tờ giấy có viết những văn từ 3) Tờ là đền miếu THUYỀN 1) Thuyền là cái thuyền 2) Thuyền là nhà chùa 3) Thuyền là xinh đẹp VÀNG 1) Vàng là sắc vàng 2) Vàng là vàng, bạc 3) Vàng là loài kim (không cứ vàng) 4) Vàng là khí giới 5) Vàng là lòng bền vững 6) Vàng là quý, đẹp 7) Vàng là âm nhạc, là êm đềm dịu dàng 8) Vàng là lời thề nguyền kiên-quyết VỜI XUÂN 1) Xuân là cha 2) Xuân là mùa xuân 3) Xuân là tuổi trẻ 4) Xuân là ân-ái hay ái-tình 5) Xuân là êm đẹp 6) Xuân là năm 7) Xuân là tên người VÂN-HẠC LÊ-VĂN-HÒE CHỮ NGHĨA TRUYỆN KIỀU TỦ SÁCH QUỐC HỌC QUỐC-HỌC THƯ-XÃ HANOI LỜI NÓI ĐẦU Không ai dám tự phụ đã hiểu hết truyện Kiều, dù rằng có người thuộc Kiều từ đầu đến cuối. Hiểu đây không phải là hiểu ý nghĩa cao xa, triết lý của truyện Kiều, hoặc giá trị văn chương nghệ thuật của văn Kiều, hoặc dụng ý thầm kín của tác giả khi viết cuốn truyện văn-chương tuyệt tác đó. Hiểu đây là hiểu những điển cố, những chữ lấy ở sách Tàu, thơ Tàu, những chữ lấy ở ca dao ngạn ngữ ta cùng những chữ cổ hoặc những chữ dùng quen mà tới nay không ai biết xuất xứ và ý nghĩa đích xác. Truyện Kiều là một kho tài liệu vô tận về từ ngữ và điển cố văn-chương. Không hiểu truyện Kiều là một điều thiệt thòi rất lớn cho từ ngữ học Việt Nam. Điều đó dĩ nhiên là không nên có. Nhận thấy rõ điều đó, xưa nay nhiều văn nhân học giả đã dụng công chú thích, hay chú giải chuyện Kiều. Tuy nhiên vẫn chưa đủ. Từ Nguyễn văn Vĩnh, Bùi khánh Diễn, tới Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim và thi sĩ Tản Đà, có thể nói hết thảy các nhà chú giải đều chỉ chú trọng đến các điển cố và « chữ sách » dùng trong truyện Kiều. Còn những chữ « nôm » thì hình như người ta cho là không cần giải nghĩa, có ý cho rằng chữ nôm thì ai mà chẳng hiểu. Thật ra, nhiều tiếng nôm hoặc cho là nôm khó hiểu vô cùng. Và sự thật trong các khoa thi cấp trung học, đã xảy ra cái tình trạng này : thí sinh giải thích điển cố và chữ sách Tàu rất thông, mà khi hỏi đến nghĩa một vài tiếng nôm thì không sao đáp nổi. Tình trạng đó, không nên để kéo dài. Nhất là hiện giờ tiếng Việt đã được dùng là chuyển ngữ, tiếng Việt cần được giải thích rõ ràng hơn, để xứng đáng là quốc văn một nước độc lập. Nghĩ vậy nên chúng tôi để tâm nghiên cứu một số vừa chữ nôm vừa chữ Hán bấy lâu bị hiểu lờ mờ đại-khái trong truyện Kiều, mục đích muốn giúp ích phần nào cho các Giáo sư trong giờ giảng văn, và các sinh viên, học sinh về môn Việt-ngữ. Hà Nội, 11-11-52 VÂN-HẠC BẢNG KÊ NHỮNG CHỮ GIẢI-THÍCH A : Ai B : Bạc – Bài – Bồ C : Cầm – Chữ Đ : Đào – Điều H : Hồ – Hồng M : Mai – Mưa T : Tây – Tình – Tờ – Thuyền V : Vàng – Vời X : Xuân CHỮ NGHĨA TRUYỆN KIỀU AI 1) Ai là người nào Ai trỏ người mình không biết, dùng theo thể nghi vấn như trong những câu : - Nào người tích lục tham hồng là ai ? - Này ai đan dặm giật giàm bỗng dưng ?1 - Để sau thêm thẹn cùng chàng bởi ai ? - Này ai vu thác cho người hợp tan ? - Ai tri-âm đó mặn mà với ai ? - Vầng trăng ai sẻ làm đôi ? - Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra ? - Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai ? 2) Ai là người khác Ai trỏ người khác, đối lại với mình, người khác đều gọi là Ai. Nghĩa ấy thấy trong những câu : - Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai - Nào ai có khảo mà mình lại xưng ? - Xấu chàng mà có ai khen chi mình ? - Phải người sớm mận tối đào như ai ? - Bây giờ kim mã ngọc đường với ai ? - Mụ rằng ai cũng như ai - Người ta ai mất tiền hoài đến đây Ai trỏ trống người khác, nghĩa gần như người ta. Cũng có khi người khác đó có chỉ định một cách bóng gió lờ-mờ, nửa kín nửa hở, cũng gọi là Ai. Ai ở đây có nghĩa như người ấy. - Để lòng thì phụ tấm lòng với ai - Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai - Xa xôi lại có thấu tình chăng ai ? - Ấy ai hẹn ngọc thề vàng - Mày ai trăng mới in ngần 3) Ai là chính mình Có khi để nói chính mình, người ta cũng dùng chữ Ai ; trong một câu có hai chữ Ai, mà một chữ Ai trỏ người khác, một chữ Ai lại trỏ chính mình. Đó cũng là một cách nói để giấu cái « tôi » đi, cũng như trong tiếng Pháp, có khi người ta dùng ngôi thứ ba để tự chỉ ngôi thứ nhất. - Vì ai ngăn đón gió đông : Chữ Ai ở đây Kiều dùng để chỉ mình. Vì chính nàng đã ngăn không cho Kim Trọng được toại nguyện. - Để ai trăng tủi hoa sầu vì ai ? : Thúc-sinh nói câu này. Chữ Ai ở trên chỉ Thúy Kiều, chữ Ai ở dưới, Thúc-sinh tự chỉ mình. - Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm : Câu này là lời Kim Trọng, chữ Ai đây Kim Trọng tự chỉ mình. Chàng muốn nói nếu chẳng có duyên với Thúy Kiều thì chưa dễ cành thoa vàng đã lọt vào tay chàng. 4) Ai là thương xót Nghĩa cũng như Ai trong : bi-ai, ai-oán, ai-điếu, ai-tin, ai tình… - Một trời thu để riêng ai một người - Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai 5) Ai là cát bụi Chữ Hán, phàm đất cát gió thổi bay đi đều gọi là Ai, tức là bụi, nghĩa cũng như chữ Trần, và thường được dùng liền với chữ trần. - Gót tiên thoắt đã thoát vòng trần-ai - Anh hùng đoán giữa trần-ai mới già TRẦN-AI đây dùng theo nghĩa bóng trỏ đời gió bụi, tức là là chỗ thấp hèn trái với chỗ thanh-cao, đài-các, là cõi trong sạch, sung-sướng. - Gót tiên thoắt đã thoát vòng trần-ai : là người tiên thoắt đã vượt khỏi chốn gió bụi thấp hèn ô trọc. - Anh hùng đoán giữa trần-ai mới già : là còn ở chỗ gió bụi thấp hèn mà đã đoán biết được người anh hùng, như thế mới giỏi. BẠC 1) Bạc là bạc (vàng bạc) Bạc là thứ kim khí quí, sắc trắng, có thể dát mỏng, dùng làm tiền tệ và đồ nữ trang. « Chuông vàng khánh bạc bên mình giở ra » : Ngày xưa tiền tệ có thời làm toàn bằng chất Bạc, cho nên sau này Bạc được dùng gọi gồm cả tiền tệ, dù có khi tiền tệ không làm bằng Bạc. Trong trường hợp này, Bạc có nghĩa là tiền của : « Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa ». 2) Bạc là trắng Nghĩa này do nghĩa trên mà ra, Bạc sắc trắng và trắng bền hơn hết trong các loài kim khí người ta biết thời trước (ngày nay Bạc còn thua bạch kim) cho nên để nói sắc trắng, người ta thường nói Bạc. Bạc ở đây không còn là một danh-tự như Bạc theo nghĩa thứ nhất, mà đã biến thành một phẩm-tự hoặc tính-tự (adjectif) đặt sau hoặc trước một danh tự để phẩm định danh tự ấy, như đầu bạc, tóc bạc, râu bạc, trâu bạc… a) Bạc ở đây giống hệt nghĩa chữ bạch (chữ hán) là trắng. Và chính chữ bạch đã đẻ ra chữ Bạc của ta. Bạc (danh tự) chữ Hán là Ngân ; Vàng : chữ Hán là KIM. Khi dịch ra tiếng nôm, không biết lấy tiếng gì tương đương để dịch cho đúng, người xưa liền căn cứ vào màu sắc đặc biệt của KIM NGÂN mà dịch nôm : KIM là VÀNG (vì Kim sắc vàng) NGÂN là BẠCH tức là trắng (vì ngân sắc trắng) BẠCH cũng là chữ Hán, nhưng nó đã thông dụng rồi (bấy giờ ít nhứt cũng thông dụng phổ biến hơn chữ NGÂN) nên được dùng để dịch nghĩa chữ NGÂN. Ta vẫn quen nói : ngựa bạch, lụa bạch, nhiễu bạch, cỏ bạch, trắng bạch, hoa hồng bạch, hoa trà bạch, giấy tầu bạch, màu nguyệt bạch… BẠCH (là trắng) được dùng để trỏ chất NGÂN ban đầu, sau nói trạnh dần đi, vì dọng nói mỗi nơi một khác, hay vì những lý do về thuận tai, về dễ nói… thành ra Bạc như ngày nay. Ta có thể tin chắc nguyên-lai chữ Bạc như vậy vì trong chữ Hán, có mấy chữ Bạc, không chữ nào có hàm ý là NGÂN hoặc là TRẮNG : mỏng, màn, bến đò, buộc đò, đậu đò, rèm, màn. b) Bạc là lá vàng dát mỏng (nay có thêm nghĩa là Bạch Kim). Ta chớ nên thắc mắc về truyện người xưa đã lấy một chữ Hán để dịch nghĩa một chữ Hán. Trong hai chữ Hán tất phải có một chữ du-nhập từ trước, được thông dụng hơn, phổ biến hơn, tức gần như Việt-hóa rồi, cho nên người ta lấy chữ ấy để giảng nghĩa, dịch nghĩa một chữ Hán còn lạ, chưa dùng quen. Trường hợp đó vẫn thường có. Thí dụ như : KÊ dịch là cái TRÂM. Hai chữ KÊ và TRÂM đều là chữ Hán, mà chữ nọ được dùng để dịch nghĩa chữ kia, cũng như ngày nay ta dịch nghĩa : CANNE là ba toong (bâton) ; SENTINELLE là lính gác (garde). Vậy thì Bạc chính là BẠCH nói trạch ra. Và Bạc ở đây nghĩa cũng như BẠCH. Nghĩa ấy thấy trong những câu : - Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây - Lần lần thỏ bạc ác vàng - Cách năm mây bạc xa xa - Ngọn triều non bạc trùng trùng - Phật tiền ngày bạc lân la - Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa BẠC PHAU : Trắng phau, trắng phau phau, trắng không có vết. « Bạc Phau cầu giá » : Cầu phủ nước đông (băng, giá) trắng phau không có vết. Ca dao ta có câu : Con cò trắng bạch phau-phau Ăn no tắm mát rủ nhau đi nằm THỎ BẠC : Tức BẠCH THỎ. Tục truyền trên mặt trăng có con THỎ NGỌC, cho nên trong văn chương người ta thường gọi mặt trăng là BẠCH THỎ, NGỌC THỎ. Thơ của Bạch cư Dị đời Đường có câu : « BẠCH THỎ xích Ô tương sấn tẩu ». Nghĩa là : Thỏ bạch, quạ đỏ đuổi lẫn nhau (Ý nói đêm ngày kế tiếp nhau qua đi). Trong câu Kiều : « Lần lần thỏ bạc ác vàng » thì THỎ BẠC, lại không có nghĩa như trên. Bạc ở đây không còn là tính tự (adjectif) mà đã hóa thành động tự (verbe) THỎ BẠC là con thỏ bạc đi, sắc con thỏ bạc đi, tức nói mặt trăng (thỏ) bạc sắc đi, lạt sắc đi, nghĩa là đêm qua đi, ánh mặt trăng phai lạt, trắng đi lẫn với ánh mặt trời (Cũng như ÁC VÀNG ở đây là chim ác vàng đi (động tự) ý nói mặt trời lạt sắc đi, khi sắp lặn. THỎ BẠC, ÁC VÀNG là đêm ngày qua đi). MÂY BẠC hay mây TRẮNG (Trong Kiều nhiều chỗ nói Mây trắng) dịch chữ Hán BẠCH VÂN, có hàm ý nhớ nhà. Sở dĩ có nghĩa ấy là do điển này : Đời Đường Địch nhân-Kiệt được bổ làm Pháp-Tào Tham-Quân ở thành Tinh Châu. Cha mẹ thì ở đất Hà Dương (xa Tinh Châu lắm). Một hôm Địch lên núi THÁI HÀNG, nhìn thấy một chòm mây trắng bay một mình (bạch vân cô phi), bèn bảo tả hữu rằng : Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây đó. Địch đứng ngậm ngùi giờ lâu, đợi đám mây bay khuất mới về. Do điển này, sau trong văn-chương người ta thường nói BẠCH VÂN, MÂY TRẮNG, MÂY HÀNG, MÂY BẠC để tỏ ý nhớ nhà, nhớ cha mẹ (Xét kỹ thì trước Địch nhân-Kiệt đời Đường, ngay từ thời LỤC TRIỀU, người ta cũng đã dùng chữ BẠCH VÂN để tỏ ý nhớ bè bạn. Văn Tạ-Diêu có câu : BẠCH VÂN TẠI THIÊN, THƯƠNG BA VÔ CỰC : Mây trắng trên trời, sóng xanh bao la). « Cách năm mây bạc xa xa » : nghĩa là xa nhà cha mẹ đã cách một năm rồi ». NON BẠC : núi trắng, ý nói sóng bạc đầu cuồn cuộn nhô lên cao như núi trắng, Ngọn triều non bạc trùng trùng, câu này tả cái cảnh sóng to gió lớn trên một con sông lớn có thủy triều lên xuống. NGÀY BẠC : Ngày Trắng tức Bạch nhật. Có câu : « Bạch nhật mạc nhàn quá ». Nghĩa là : Ngày trắng chớ để thong thả qua đi. Ngày Bạc có nghĩa là ngày thong thả nhàn rỗi, không làm việc gì. TRĂNG BẠC : trăng sáng trắng như ánh bạc, dịch chữ Hán NGUYỆT BẠCH nghĩa là trăng sáng, đẹp. NGUYỆT BẠCH PHONG THANH : TRĂNG TRONG GIÓ MÁT. Nguyệt bạch còn có nghĩa là màu sắc : sắc trắng như sắc trắng của mặt trăng. 3) Bạc là mỏng Nghĩa này thấy trong những câu : - Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân - Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung - Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu ? - Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa - Phận sao phận bạc như vôi ? - Phận sao bạc chẳng vừa thôi ? - Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay ? - Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa không - Thưa rằng bạc mệnh khúc này - Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây - Phận sao bạc bấy Kiều-nhi ?! - Đã đành phận bạc khôn đến tinh chung Ta có thể nói tổng-quát như thế này : Bao nhiêu chữ Bạc đi liền (hay cách) với MỆNH và chữ PHẬN đều có nghĩa là MỎNG. Từ đời thượng cổ, người Tàu đã tin rằng người ta có số mệnh, hay phúc mệnh, hay số phận, hay phận mệnh. Sinh ra đời, mỗi người đã có một phận mệnh rồi, không ai thay đổi được. Giàu sang, nghèo hèn, sống lâu, chết non, đều do mệnh định trước cả. Khổng-Tử cũng tin như vậy, và có nói : « Đạo chi tương hành dã dư ? Mệnh dã ! Đạo chi tương phế dã dư ? Mệnh dã ! » : nghĩa là : Đạo sắp thi hành được ư ? Đó là mệnh trời. Đạo sắp bị bỏ ư ? Đó là mệnh trời. « Tử sinh hữu mệnh, phú quí tại thiên » : nghĩa là : Sống chết có số, giàu sang tại trời. Người Tàu lại cụ-thể hóa sự Tốt, Xấu của Mệnh bằng sự Dầy, Mỏng. Phận dầy, Phước dầy, mệnh dầy, là phận tốt, số tốt. Mệnh mỏng, phước mỏng, Bạc Mệnh, Bạc phận, bạc phước là số xấu, mệnh xấu. Liệt-Tử có nói : « Bắc-Cung tử hậu ư đức, bạc ư mệnh : nhữ hậu ư mệnh, bạc ư đức ». Nghĩa là : Ngươi Bắc-Cung thì đức dầy (đức hạnh) mệnh mỏng ; mi thì mệnh dầy, đức mỏng (Ý nói người thì nết tốt mà chịu khổ, người thì được sung sướng mà nết xấu). Sách Hán-Thư có câu : « Nại hà thiếp bạc mệnh ? » Nghĩa : thiếp mệnh mỏng biết làm nào ? Thơ Tô Thức tức Đông-pha có câu : « Tự cổ giai nhân đa bạc mệnh ». Nghĩa : Từ xưa người đẹp phần nhiều phận mỏng. Sau này, trong văn chương, người ta hay dùng chữ bạc mệnh để nói người đàn bà đẹp mà xấu số, là do những chữ sách ở trên. Chính trong truyện Kiều, tác giả cũng đã nhiều lần dịch nghĩa chữ Bạc là MỎNG : - Nghĩ mình phận MỎNG cánh chuồn - Kiều nhi phận MỎNG như tờ - Chị sao phận MỎNG đức dầy (Riêng câu này đã lấy chữ sách Liệt Tử nói trên : Hậu ư đức Bạc ư mệnh). Và MỎNG hay Bạc trong những câu Kiều trên, ta đều phải hiểu là : không tốt, không may, xấu, rủi, hẩm hiu… Mệnh Bạc, phận mỏng, phận bạc đều nghĩa là số xấu, số phận không ra gì, số phận khổ sở. Theo nghĩa đó, ta thấy tác giả đã viết một câu hình như vô nghĩa : « Phận sao phận Bạc như vôi ? » Vôi trắng. Bạc như vôi nghĩa là : trắng như vôi. Đây tác giả lại muốn nói MỎNG như vôi, như vậy là vô nghĩa. Tác-giả dùng chữ vôi ở đây có lẽ vì những lý do sau này : - Túng vần thơ - Chơi chữ - Cốt nhấn mạnh đến ÂM chữ Bạc chớ không chú trọng đến NGHĨA. Có lẽ vì thế mà tới nay ta thấy câu đó là vô nghĩa. 4) Bạc là xấu, tồi, bất nhân, bội bạc, vô ơn Thật ra thì nghĩa này cũng do nghĩa thứ ba ở trên (Bạc = MỎNG) mà ra. Có điều người ta dùng rộng mãi, mỗi ngày một xa, một quên nghĩa chính, cho nên ta liệt làm một nghĩa riêng cho tiện, mà thôi. Do cái quan-niệm dầy mỏng là tốt xấu ở trên để chỉ việc ăn ở đối đãi với nhau tốt, xấu thế nào, người ta thường cũng nói : dầy, mỏng hay hậu, bạc hay đầy vơi. - Người ăn ở tốt là người ăn ở PHÚC HẬU (hậu là dầy) - Người ăn ở tồi là người ăn ở BẠC BỘI, BỘI BẠC hay BẠC BẼO (Bạc là mỏng) - TRUNG HẬU ngược nghĩa với BẠC HÀNH - Người trọng hậu (HẬU là dầy) là người có phúc tướng - Người khinh bạc (bạc là mỏng) là người không trung hậu - Người Nhân hậu là người rộng rãi có lòng tốt - Người Khắc bạc là người khe khắt không tốt - Xử hậu là xử tử tế - Xử bạc là xử tồi - Ăn ở Đầy đặn là ăn ở tốt - Ăn ở như bát nước Đầy là ăn ở tốt - Tranh quyền cướp nước chi đây - Coi nhau như bát nước đầy là hơn. (Cư xử tốt với nhau là hơn) - Bạc tục : tục xấu - Bạc lễ : món lễ xoàng không quí giá Trong Kiều có câu : « Bạc tình nổi tiếng lầu xanh ». Lại có câu : « Phải nơi Hằng-Thủy là ta hậu tình ». BẠC TÌNH (Bạc là mỏng) là ăn ở không có thủy chung, không có lương tâm. Hậu tình (Hậu là đầy) là ăn ở có lòng tốt, đối đãi tử tế cách riêng. Chúng ta biết rõ Bạc ở đây chính nghĩa cũng là MỎNG, nhưng dùng rộng ra, nên hầu như có một nghĩa riêng. Như những câu : - Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi - Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa - Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen - Đã cam chịu bạc với tình - Mấy người phụ bạc xưa kia - Mấy người bạc ác tinh ma Những chữ Bạc trong mấy câu trên đều có nghĩa là ăn ở tồi tệ, ăn ở không có lòng nhân hậu, thủy chung, ăn ở trái với lương tâm và thiếu đạo đức. Tựu trung, có một nghĩa trội hẳn lên trong chữ Bạc là BẤT NHÂN, VÔ ƠN. BẠC ĐEN, ĐEN BẠC : Có người giảng nghĩa là TRẮNG với ĐEN. ĐEN là ám muội, đen đủi, không may. ĐEN là không may thấy trong câu : « Quá chơi lại gặp hồi đen ». ĐEN là ăn ở không tốt. Có câu : « Hoàng kim hắc thế tâm ». Nghĩa là : Vàng mầu vàng làm đen lòng người đời. Giảng như vậy, chúng tôi thấy chưa được ổn đáng. Bạc đây nguyên có nghĩa là MỎNG, không thể giảng là TRẮNG được. Bạc đã không có nghĩa TRẮNG thì ĐEN cũng không thể giảng là ĐEN là một sắc đối chọi, ngược lại với TRẮNG. Cho rằng Bạc đây là TRẮNG và ĐEN là đen, thì Bạc, ĐEN cũng không có nghĩa. Nếu ĐEN có nghĩa là ám muội ; đen đủi không may, không tốt, thì Bạc ngược lại với ĐEN, tất phải có nghĩa là : quang minh, là may mắn, là tốt là hay. Vậy mà ở đây Bạc lại có nghĩa là tồi tệ, bất nhân, bội bạc, trong khi ĐEN cũng có nghĩa tương tự ; Bạc (TRẮNG) và ĐEN đều có nghĩa là Tồi, Xấu, thì có lẽ cái gì Tốt, Tử Tế, Hay, May phải là sắc LỜ-LỜ, không trắng, không đen chăng ? Bảo rằng Bạc ở đây vẫn nghĩa là mỏng nhưng đồng âm với Bạc là trắng, nên tác giả dùng chữ ĐEN (là đen đủi) đi liền để chơi chữ cho nổi Ý BẠC, nghe cũng không thông. Cuộc chơi chữ vô nghĩa trong câu : « Phận sao phận bạc như vôi ». Phải là một cái ngoại-lệ trong truyện Kiều. Không có lẽ chỗ nào tác giả cũng ham chơi chữ đến nỗi làm những câu văn vô nghĩa như vậy, tới ba, bốn lần. Chúng tôi không tin như thế. Chúng tôi tin rằng BẠC ĐEN chính ra là BẠC ĐƠN ; ĐEN BẠC chính ra là ĐƠN BẠC. ĐƠN chữ HÁN cũng đọc là ĐAN có nghĩa là mỏng, là không dầy ; không tốt như nghĩa chữ BẠC. « Ăn ở đơn bạc » : Ăn ở bội bạc. ĐƠN SAI : Bội bạc sai lời. « Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu ĐEN » phải hiểu là : Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu ĐƠN Sách Tàu cũng có thành ngữ ĐƠN BẠC là mỏng manh, Ý mạnh hơn chữ BẠC. Chính là chữ ĐƠN, sau vì lý do này, lý do khác, đọc trạnh ra là ĐEN khiến cho ta hiểu lầm ĐEN là không trắng. Và nếu có sự chơi chữ, thì sự chơi chữ diễn ra sau khi chữ ĐƠN được đọc trạnh ra ĐEN, và với cái nghĩa là đơn bạc, chứ không với nghĩa là đen trắng… Ở BẠC : Ăn ở bội bạc, xử tệ. CHỊU ĐEN : Chịu đựng sự bạc bẽo tồi tệ của người xử bạc với mình. CHỊU BẠC : « Đã cam chịu bạc với tình ». Chịu mang tiếng là bạc tình, bạc-bội, đơn bạc khác nghĩa với CHỊU BẠC (chịu đựng sự bạc bội) trong câu Ở BẠC, CHỊU BẠC ; Ở HẬU ĐƯỢC HẬU. PHỤ BẠC : Phụ phàng, bội bạc ăn ở có trước không sau, trái với lời đã hứa hẹn. BẠC ÁC : Ăn ở tồi tệ độc ác. 5) Bạc là tiếng đệm « Nhân khi bàn bạc gần xa » : Chữ Bạc ở đây là tiếng đệm đặt sau tiếng Bạc cũng như NĂNG đệm sau tiếng NÓI ; BỜI đệm sau tiếng CHƠI. Nhưng cũng có lẽ Bạc đây do chữ BÁC hoặc chữ BẠCH mà ra. BÁC chữ Hán nghĩa là bỏ lời đã bàn, đánh đổ một ý kiến nói ra. Trong cuộc BÀN LUẬN tức Thảo luận, tất có ý kiến được chấp thuận, có ý kiến bị bác bỏ, cho nên BÀN BẠC có thể là do BIỆN BÁC chuyển biến ra. BẠCH chữ Hán có nghĩa là thưa gửi. BÀN BẠC cũng có thể do BIỆN BẠCH chuyển biến ra. Điều này chưa chắc đã đúng xin ghi để đợi nghiên cứu sau. 6) Bạc là họ Bạc Như Bạc Hạnh, Bạc Bà, Bạc Sinh… BÀI 1) Bài là bài thơ, bài đàn Nghĩa này thấy trong những câu : - Gốc cây lại vịnh một bài cổ thi - Này mười bài mới mới ra - Kiều vâng lĩnh ý đề bài - Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia - Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ - Bản đàn thử dạo một bài chàng nghe Bài là một đoạn văn, một khúc nhạc có đầu có cuối, tự nó lọn Ý lọn nghĩa, lọn lời. BÀI CỔ THI là bài thơ làm theo điệu cổ-phong không làm theo niêm, luật thơ Đường. Bài có chỗ có nghĩa là đầu bài : BÀI MỚI RA, BÀI RA tức là ĐẦU BÀI MỚI RA, ĐẦU BÀI RA. - Này mười bài mới mới ra - Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia 2) Bài là bảng hay biển - Mừng thầm chốn ấy chữ bài - « Thiên quan chủng tể » có bài treo trên - Rành rành « chiêu ẩn am » ba chữ bài BÀI đây là chữ Hán có nghĩa là cái bảng, cái biển treo lên hoặc nêu lên cho mọi người trông thấy. Nghĩa chữ Bài ở đây cũng như nghĩa chữ Bài trong chữ MÔN BÀI (nghĩa đen là cái biển treo ở cửa hàng) CỜ BÀI, TIỂU BÀI, CHIÊU BÀI v.v… 3) Bài là bài vị Cũng là một chữ Bài như trên, nhưng có nghĩa là BÀI VỊ. BÀI VỊ là một mảnh gỗ hình chữ nhật dài, có đế, trên viết chữ hoặc dán giấy viết tên họ người chết để thờ trên bàn thờ. BÀI VỊ mỗi nơi chế theo một kiểu đơn sơ hay trạm trổ hoa hòe tùy theo nhà nghèo, giầu. BÀI VỊ cũng gọi là Mộc chủ, Thần chủ, Thần vị, Thẻ vị, Thần vị hay Vua gỗ (nếu làm theo kiểu trên có mặt nguyệt). Nghĩa ấy thấy trong những câu : - Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên - Trông lên linh vị chữ bài LINH VỊ là hai chữ tận cùng của dòng chữ biên tên họ người chết trên bài vị. 4) Bài là cách, là việc, là biện pháp Nghĩa ấy thấy trong những câu : - Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh - Tính bài lót đó luồn đây - Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh - Gã kia có giở bài bây - Dẹp uy mới liệu mở bài giải vi - Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho - Mách tin ý cũng liệu bài tấn công, - Quyết tình Hồ mới đoán ngay một bài - Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng - Hai thân thì cũng quyết theo một bài - Liệu bài mở cửa cho ra - Chiến hòa sắp sẵn hai bài - Nặng lòng e ấp tính bài phân chia… BÀI BÂY : cách bây. Bây tiếng cổ, nghĩa là bậy bạ, làm những việc vô liêm sỉ, bất hợp pháp, một cách trâng tráo. ĂN BÂY là ăn bĩnh, ăn một cách trái phép, đáng lý không được ăn. NÓI BÂY hay nói bài bây : nói những lời bậy bạ, vô lý đáng lẽ không được nói. Nhiều chỗ, thấy Bài có nghĩa như BỀ. Thí dụ như chữ Bài trong những câu sau này đều có thể thay thế bằng chữ BỀ được. - Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng (Còn nhờ lượng bể thương bề nào chăng) - Hai thân thì cũng quyết theo một bài (Hai thân thì cũng quyết theo một bề) Điều đó khiến người ta ngờ rằng Bài với Bề có lẽ chỉ là một chữ. Cứ theo chữ dùng trong truyện Kiều thì có lẽ thời cụ Nguyễn-Du, chữ Bề và chữ Bài đều thông dụng chữ nọ có thể thay chữ kia. Thí dụ như : - Gã kia có giở bài bây Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe ? - Cớ sao chịu tốt một bề ? - Cứ trong tình trạng bên nguyên Bề nào thì cũng chưa yên bề nào - Nàng rằng đã quyết một bề Đến thời chúng ta, thì chữ Bài chỉ thông dụng trong lời nói của nhân-dân, còn trong văn-chương ít thấy dùng. Duy chữ Bề thì trong văn-chương thường dùng luôn. Sự đó khiến người ra muốn nêu lên giả-thuyết sau đây : Có lẽ Bài sau biến ra BẦY, rồi BẦY lại biến ra BỀ như ngày nay. Trường hợp của chữ BỀ TÔI chứng minh cho giả thuyết đó. Bắt đầu có lẽ là BÀI TÔI. Bài chữ Hán nghĩa là bầy ra, sắp ra ; Bài trong BÀI TÔI có hàm nghĩa BÀI HÀNG, BÀI LIỆT nghĩa là sắp thành hàng, sắp ra khắp. BÀI TÔI nghĩa là những kẻ làm TÔI sắp thành một hàng ngũ, tức là nói gồm những kẻ làm tôi vua chúa. BÀI TÔI biến ra BẦY TÔI (vì Bài nghĩa là BẦY) rồi bầy tôi với thì-gian lại biến thành BỀ TÔI như ngày nay. Vậy thì một bề trong câu : « Nàng rằng đã quyết một bề ». Với một bài trong câu : « Hai thân thì cũng quyết theo một bài » đều có thể có nghĩa giống nhau. Trường hợp chữ MÁI cũng cho ta thêm một lý do để tin như vậy. Bao nhiêu chữ MÁI trong truyện Kiều : « Mái sau, mái ngoái, mái tường ». Ngày nay ta đều gọi là mé : Mé sau, mé ngoài, mé tường ; như thế tức là MÁI đã biến thành MÉ. Mái biến ra mé, thì bầy (tức bài biến ra), cũng có thể biến thành Bề (rõ rệt nhứt trong chữ Bày tôi, bầy tôi, bề tôi). Nếu giả thuyết trên đúng, nếu Bề quả do Bài biến ra, thì chữ Bề ngày nay sẽ có thêm một nghĩa là biện pháp là cách thức, ngoài cái nghĩa là chiều (cao, thấp, rộng dài…) là phía : « Bề nào thì cũng chưa yên bề nào » sẽ có nghĩa là : « Cách nào thì cũng chưa yên cách nào ». 5) Bài là thẻ « Hỏa bài tiền lộ ruổi mau » : HỎA BÀI là thẻ có đề chữ HỎA. Gọi là thẻ, song Bài ngày xưa làm bằng gỗ hình vuông có chuôi cầm, một mặt đề chữ HỎA BÀI và tên nha môn, một mặt sơn trắng dành để viết công văn. HỎA nghĩa là lửa, đây ngụ ý việc cần cấp nóng như lửa. Khi có việc quan khẩn cấp thì mới phái lính cầm hỏa bài. « Hỏa bài tiền lộ ruổi mau » là cho lính cầm hỏa bài đi trước dẹp đường hoặc bắt dân phu đón tiếp phục dịch. Có bản giảng là lính kỵ mã đi trước báo tin. Không rõ căn cứ vào đâu mà giảng nghĩa hỏa bài như vậy. BỒ 1) Bồ là cây bồ-liễu - Nát thân bồ-liễu đền nghì trúc mai - Hãy xin hết kiếp liễu-bồ - Phận bồ từ vẹn chữ lòng - Liễu-bồ mình giữ lấy mình cho hay - Chút thân bồ-liễu nào mong có rầy Mấy bản chú-thích đều giảng nghĩa : bồ là cỏ bồ, liễu là cây liễu, là hai thứ cây yếu-ớt, nên ví với người đàn bà. Thật ra, Bồ liễu hoặc gọi đảo ngược là Liễu bồ hoặc gọi tắt là Bồ không phải là hai loài cây khác nhau. Mà chỉ là một loài cây. Cây Bồ-liễu, cũng gọi là cây Thủy-dương, Bồ-liễu hay thủy-dương là một loài cây Dương thích mọc gần nước. Cây Dương với cây Liễu cũng tương tự nhau. Duy có chỗ khác nhau, là cây Liễu thì ngành lá rủ xuống như tơ buông mành, còn cây Dương thì ngành lá coi không yếu-ớt thướt tha như thế, vì không rủ xuôi. Loài cây Thủy-Dương tức Bồ-liễu, người Tàu xưa cho là giống cây yếu-ớt hơn hết, vì rụng lá trước nhất, mùa thu chớm đến đã rụng lá rồi. Sách « Thế Thuyết » chép rằng Cố duyệt-Chi cùng tuổi với vua Giản-văn-Đế. Duyệt-Chi tóc bạc trước coi người già hơn. Giản-văn-Đế lấy làm lạ hỏi. Duyệt Chi tâu : « Tùng-bách chi tư kinh sương do mậu, bồ-liễu chỉ tư vọng thu tiên linh ». Nghĩa là : Chất tùng-bách thì giãi sương vẫn xanh tốt, chất bồ-liễu thì nhìn thấy mùa thu đã rụng lá trước rồi. Coi vậy, thì bồ-liễu nguyên dùng để ví với thể chất yếu-ớt bất luận của đàn ông hay đàn bà chớ không phải chỉ dùng riêng để ví với đàn-bà. Có bản Pháp-văn lại dịch bồ là thứ cỏ cói (jone) và liễu là thứ dây leo như bìm bìm (lierre) thì lại càng sai lắm. 2) Bồ là cói « Xe bồ đã thấy xuân đường tới nơi » : Xe bồ dịch chữ bồ xa của Tàu. Theo sách Sử-Ký của Tư-mã-Thiên thì thời cổ, khi nhà vua đi xe lên đài cao trên núi để làm lễ nhận chức Thiên-Tử (lễ Thuyền), thì đi xe bánh bọc bằng cỏ bồ, e bánh xe nghiến làm đau cây, cỏ, đá, núi (Vì điều này mà nhiều bản sửa là cởi yên hay gối (yên chớ không nói là xe bồ). Cỏ Bồ đây là cỏ Hương bồ. Xét ra thì cỏ Hương-Bồ có lẽ là cỏ Cói bên ta. Vì người tàu dung Hương Bồ để đan chiếu, đan buồm và cỏ Hương-Bồ cũng mọc ở dưới nước như cói vậy. Ta thường cho cỏ bồ là cỏ Xương-Bồ. Thật ra cỏ Bồ ở đây không phải là cỏ Xương-Bồ. Cỏ Xương-Bồ có hai loại một loại lá to, một loại lá nhỏ. Loại lá to mọc ở nước bùn gọi là Bạch Xương hay Nê-Xương-Bồ. Loại lá nhỏ mọc trên cạn, gọi là Thạch-Xương-Bồ tức thứ cỏ bồ ta vẫn thường trồng làm cảnh ở núi non bộ. Hai loại Xương-bồ này đều có thể dùng làm thuốc được, nhưng không dùng để đan hay để đệm lót bánh xe như cỏ Hương-Bồ (tức là Cói). CẦM Chữ Cầm trong truyện Kiều được dùng theo những nghĩa sau đây : - Cây đờn, nhạc cụ - Dùng tay giữ lấy vật gì - Ngăn lại, giữ lại - Coi như, kể như - Chắc chắn, chắc rằng Trong những nghĩa chính, lại có chứa đựng nhiều nghĩa sai biệt phụ thuộc, ta cần phải nhận kỹ. 1) Cầm là đàn - Buông cầm xốc áo vội ra - Rằng nghe nỗi tiếng cầm đài - Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai - Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành - Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm - Giây loan xin nối cầm lành cho ai - Trót vì cầm đã bên dây - Đem tình cầm sắt, đổi ra cầm cờ - Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương - Cầm đường ngày tháng thanh nhàn Chữ Cầm trong những câu trên, đều có nghĩa là nhạc cụ. Cầm là tên một thứ ĐỜN của Tàu. Có thuyết nói do Thầu Nông chế ra, có thuyết nói do Phục Hi, lại có thuyết nói Vua NGU THUẤN chế ra. Đời thượng cổ, Cầm có 5 dây. Đến đời CHU thêm 2 dây, thành 7 dây. Cầm dài 3 thước 6 tấc 6 phân, bản rộng 6 tấc. Cầm hiện giờ thì chế theo kiểu đầu rộng cuối hẹp, mặt đàn tròn khum mà mép đế thì có góc, đế phẳng, kiểu kép có 13 dây, kiểu đơn có 7 dây. Dùng móng tay nẩy dây thành tiếng, mỗi dây một âm khác nhau. Ngoài cái tên riêng đó, Cầm lại là một danh tự chung, dùng trỏ các thứ đờn hoặc nhạc cụ có dây : Như Nguyệt-cầm, Phong-cầm, Dương-cầm, Hồ-cầm. Chữ cầm thường được dùng liền với chữ SẮT, để trỏ cảnh vợ chồng sum họp vui hòa. SẮT cũng là một nhạc-khí tương truyền do vua Phục Hi chế ra có 50 dây, sau vua Hoàng-Đế cải chế còn 25 dây. Đến đời Đường Ngu, SẮT có hai thứ : NHÃ SẮT có 23 dây hoặc 19 dây, TỤNG SẮT có 25 dây. Mỗi dây có một trục riêng. CẦM SẮT hay sắt cầm có nghĩa là vợ chồng là do chữ trong Kinh Thi. Thơ Chu Nam Kinh Thi có câu : « Yểu điệu thục nữ. Cầm sắt hữu chi ». Nghĩa là : Nàng thục nữ yểu điệu. Như đàn cầm đàn sắt êm tai Thơ Tiểu Nhã (Kinh Thi) có câu : « Thê tử hảo hợp. Như cổ sắt cầm ». Nghĩa là : Vợ con xum họp. Vui như gẩy đàn sắt đàn cầm. - Lựa là chăn gối mới ra sắt cầm : nghĩa là không cứ phải ăn nằm với nhau, mới ra vợ chồng. - Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ : nghĩa là đem tình chồng vợ đổi ra tình bè bạn. CẦM CỜ tức cầm kỳ tức gẩy đàn, đánh cờ, là hai thú chơi phong nhã trong 4 thú chơi phong nhã thời trước : CẦM, KỲ, THI, HỌA (hoặc Tửu). Phàm chơi bốn thứ đó, đều không thể chơi một mình và chơi một mình, thì không thú. Phải có bạn cùng chơi. Cho nên cầm cờ hay cầm kỳ có nghĩa là tình bè bạn. CẦM ĐÀI là cái đài, tức căn nhà cao để ngồi gẩy đờn. Đời xưa, Tư mã Tương-Như nổi tiếng đờn hay, hay ngồi gẩy đờn ở lại một nơi. Nơi ấy sau gọi là Cầm Đài. Do đó mà sau Cầm Đài được dùng để trỏ người đàn giỏi. « Rằng nghe nổi tiếng cầm đài » : Tức là nghe giỏi đờn đã có tiếng. CẦM ĐƯỜNG là nhà đánh đờn, Sách Lã thị Xuân-Thu có câu : « Bật lử Tiện tri Đơn-Phủ, đàn minh cầm, thân bất hạ đường, nhi Đơn Phủ trị ». Nghĩa là : Bật tử Tiện (người nước Tấn) cai trị huyện Đơn Phủ, gẩy đờn cầm, mình không xuống khỏi thềm công đường, mà huyện Đơn Phủ yên trị. Do đó mà sau hai chữ CẦM ĐƯỜNG được dùng để trỏ chính sự một huyện, hoặc trỏ người làm quan Huyện. « Cầm đường ngày tháng thanh nhàn » : Cầm đường đây nghĩa là việc cai trị trong Huyện. ÔM CẦM và ÔM CẦM THUYỀN AI nghĩa là đi lấy chồng, và đi lấy chồng khác. Nghĩa ấy sở dĩ có, là do chữ lấy trong bài Tỳ Bà Hành của Bạch cư Dị đời Đường : « Khẳng bả tỳ-bà đáo biệt thuyền ». Nghĩa là : Sao nỡ ôm tỳ bà sang thuyền khác tức là đi theo người khác. Do đó mà có nghĩa là đi lấy chồng khác. Rồi lại do nghĩa này mà sau ÔM CẦM có nghĩa là lấy chồng. CẦM LÀNH là đàn không dứt dây, dây vẫn nguyên lành. « Giây loan xin nối cầm lành cho ai » nghĩa là xin nối giây loan cho lành đàn cầm với ai, ý nói sẽ lấy người nào làm chồng. Người đàn bà góa chồng như cái đàn đứt dây, lấy chồng bước nữa là nối dây đàn bị đứt làm cho lành lại. Giây loan là giây đàn nối bằng keo chim loan. HỒ CẦM : cứ theo nghĩa chữ, thì ai cũng cho là thứ đờn rợ Hồ chế ra. Và thứ đờn Tàu do rợ Hồ chế ra, là đờn Tỳ Bà. Cho nên nhiều người lầm cho Hồ-cầm là Tỳ-bà, hoặc Tỳ-bà là Hồ cầm. Trong số đó có cả tác-giả truyện Kiều là cụ Nguyễn-Du. Thật ra, Hồ-cầm chẳng có gì giống cái cầm cái Đờn cả, ngoài hai dây ra. Hồ cầm là một tên riêng của cái nhị tầu tức là thứ nhị mà ta quen gọi là Hồ. Hồ tức là HỒ CẦM gọi tắt vậy. CẦM TRĂNG tức là Nguyệt cầm, là ĐỜN NGUYỆT. 2) Cầm là lấy tay giữ đồ vật Nghĩa này thường lắm, không có chi là khó hiểu cả. Những chữ cầm trong những câu này dùng theo nghĩa đó : - Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm - Cầm dây chẳng lựa buộc nào tự nhiên - Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh v.v… CẦM DÂY đây tức là nói ông Nguyệt-lão cầm dây tơ hồng xe vợ chồng. 3) Cầm là ngăn giữ Nghĩa này thấy trong những câu : - Nàng còn cầm lại một hai tự tình - Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang - Đêm xuân ai dễ cầm lòng cho đang - Nàng rằng gió bắt mưa cầm Nghĩa cũng như nghĩa chữ CẦM là giam cầm, CẦM NƯỚC (giữ nước) CẦM MÁU (ngăn không cho máu chảy) CẦM NƯỚC MẮT (ngăn) ; CẦM LÒNG là ngăn giữ, cho lòng khỏi cảm động, khỏi siêu nghiêng, khỏi dao động, cứ bình thản, chính đính, bất động. Không cầm lòng được tức là không giữ được lòng khỏi cảm động. 4) Cầm là coi như « Cầm như chẳng đổ những ngày còn xanh » : Cầm như tức Cầm bằng nghĩa là : coi như, kể như. Coi như là lúc còn nhỏ không nuôi được ; Coi như là chết từ lúc mới đẻ. Có lẽ nghĩa chữ cầm này cũng do nghĩa Cầm là lấy tay cầm mà ra. CẦM NHƯ có thể giải nghĩa theo ngữ-nguyên như thế này : giữ chắc như là tức coi như là. 5) Cầm là chắc « Kiếp này ai lại còn CẦM gặp nhau » : Cầm đây là chắc. Giải nghĩa là mong thì sai. Tưởng đã chết rồi, kiếp này ai lại còn chắc là có lúc gặp nhau. Nghĩa này có lẽ cũng do chữ Cầm là tay cầm mà ra. Tay cầm có hàm ý là giữ CHẮC trong tay. Rồi do nghĩa Giữ chắc mà sau biến ra nghĩa là CHẮC. Chú ý. – Nghĩa này ít khi dùng. Cả truyện Kiều thấy dùng theo nghĩa này có một lần. CHỮ 1) Chữ là chữ viết Nghĩa là thấy trong những câu : - Mừng thầm chốn ấy chữ bài - Rành rành Tích-Việt có hai chữ đề - Rành rành « Chiêu ẩn am » ba chữ đề - Khác nhau một chữ phỏng khi có lầm - Trông lên linh vị chữ bài CHỮ BÀI trong câu : - Có hiên LÃM-Thuý nét vàng chưa phai - Mừng thầm chốn ấy chữ bài Nghĩa là chữ treo lên, yết lên. BÀI ở đây nghĩa là cái Bảng, cái biển treo lên, yết lên cho mọi người đều trông thấy. CHỮ BÀI trong câu : Trông lên linh vị chữ bài : Cũng là một chữ BÀI ấy (chữ Hán) nhưng nghĩa khác. BÀI đây là mộc chủ, hay thần chủ, tức là mảnh gỗ hình chữ nhật dài, trên đề tên người chết để trên bàn thờ, người ta quen gọi là BÀI VỊ ; có nơi gọi là THẺ VỊ, cũng có nơi gọi là THẦN VỊ. Chữ Bài đây là chữ Bài Vị. 2) Chữ là tên tự « Vương-Quan là chữ nối dòng nho gia » : Chữ dịch chữ TỰ có nghĩa là tên tự. Theo lễ chế từ đời CHU để lại, bên Trung-Hoa trước đây, con trai từ khi mới đẻ đến năm 19 tuổi còn là ĐỒNG tức trẻ con, chưa thành người lớn. Trong khoảng thời gian đó người con trai chỉ có nhũ danh, tức là gọi tên tục, nghĩa là tên gọi quen trong nhà, tên gọi khi còn măng sữa, đại khái nhũ danh thường là tên xoàng, tên xấu, cũng như ta gọi thằng Lớn, thằng Nhỏ, cu Tý, cu Tẹo v.v… Đến năm 20 tuổi, người con trai bắt đầu được coi là người lớn (thành nhân) và bấy giờ mới có tên Tự. Tên Tự tức tên gọi chính-thức trong xã hội. Tên này do cha mẹ hoặc gia đình, hoặc thân bằng cố hữu của gia đình theo lời thỉnh cầu của cha mẹ đặt cho. Tên này được tặng người con trai trong một cuộc lễ trang nghiêm, gọi là lễ gia quan, tức là lễ đội mũ. Lễ này là một lễ quan trọng và được liệt làm một lễ trọng trong Ngũ lễ đời Chu : - Cát lễ tức Lễ Tế, Lễ Thiên Địa, Tổ Tông. - Hung lễ tức tang lễ. - Quân lễ tức các lễ tiết về việc cất quân đi đánh giặc. - Tân lễ tức các lễ tiết về việc triều đình khoản tiếp sứ thần, tân khách. - Gia lễ tức các lễ tiết về hôn lễ (cưới hỏi) và Quan lễ (lễ đội mão). Con gái thì không phải đợi đến năm 20 tuổi. Theo cổ lễ, con gái hễ có người dạm hỏi rồi thì cài kê (trâm) tức là búi tóc và được đặt tên Tự. Cho nên để nói con gái hứa gả chồng rồi thì người Tàu nói dĩ tự nghĩa là đã đặt tên Tự ; chưa hứa gả cho ai thì gọi là Vị tự, nghĩa là chưa đặt tên tự. Vương Quan là chữ… phải hiểu Vương-Quan là tên tự, thì mới có nghĩa. Nhưng, theo truyện thì Kiều, Vân, hai chị mới xắp sỉ tới tuần cập kê, tức là sắp 15, 16 tuổi là tuổi cài kê, vậy Vương Quan là em út mới độ 11, 12 tuổi là cùng. Ở tuổi ấy thì Vương-Quan còn là ĐỒNG (trẻ em) đã đủ tuổi thành nhân (20 tuổi) đâu mà có tên Tự ? - Hay là đời Minh lệ đặt tên Tự đã biến cải nhiều ? - Hay là tác giả đã dùng sai chữ ? - Hay là chữ không có nghĩa là tên tự ? (vậy chữ là gì ?) 3) Chữ là một thứ loại tự (đặt trên những danh tự trừu tượng) - Chữ Tài chữ mệnh khéo là ghét nhau - Phận bồ từ vẹn chữ lòng - Đạo Tòng phu lấy chữ Trinh làm đầu - Nàng rằng phận gái chữ Tòng - Sâm Thương chẳng vẹn chữ Tòng - Đã cho lấy chữ hồng nhan… - Chữ Trinh còn một chút này - Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài v.v… Chữ trong những câu trên có giá-trị như CHỮ CÁI, cho nên gọi là một thứ loại tự. Loại tự này dùng đặt trên những danh-tự trừu-tượng như Tài, Mệnh, Trinh… CHỮ TÀI là cái Tài trí, sự khôn ngoan tài giỏi. CHỮ MỆNH là cái Số mệnh, cái số phận do Trời định. CHỮ TRINH là cái lòng Trinh bạch của người con gái, thân thể giữ được nguyên vẹn trước khi đi lấy chồng. CHỮ TÒNG tức là ĐẠO TÒNG, cái thuyết TAM TÒNG (của nhà Nho) : - Tại gia, tòng phụ : ở nhà, theo cha - Xuất giá, tòng phu : lấy chồng, theo chồng - Phu tử, tòng tử : chồng chết, theo con CHỮ HỒNG NHAN là cái nhan sắc, cái vẻ đẹp (của người đàn bà). CHỮ TÂM là con Tâm tức là cái Bụng dạ ăn ở, hoặc cái lòng Đạo Đức, hoặc Đức Hạnh của người ta : - Đã nguyền đôi chữ đồng tâm - Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương - Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai Ý vốn vô hình, trừu tượng. Người ta hình dung Ý bằng một danh từ. Và đặt trên danh từ đó tiếng Chữ để cụ thể hoá cái Ý trừu tượng. Tuy ở đây, không thể lấy Cái thay thế Chữ được, song Chữ cũng vẫn là một thứ loại tự đặt trên một danh-tự trừu-tượng. ĐÔI CHỮ ĐỒNG TÂM tức là MỘT MỐI ĐỒNG TÂM, sự chung một lòng dạ với nhau. ĐỒNG TÂM là cùng chung một lòng với nhau. CHỮ ĐỒNG tức là CHỮ ĐỒNG TÂM nghĩa là sự đồng tâm, sự chung lòng, dạ, ý nghĩ. TẠC MỘT CHỮ ĐỒNG ĐẾN XƯƠNG là ghi sâu trong xương tuỷ cái ý nghĩ đồng lòng. BẺ CHỮ ĐỒNG làm HAI là chia đôi cái ý nghĩ đồng lòng, là cắt đôi mối đồng tâm, là không giữ sự đồng lòng với nhau, là bỏ người này để theo người khác. Ta thấy nhờ tiếng Chữ mà Ý hầu thành một cái gì rất cụ-thể, một vật-chất có thể… bẻ gẫy được làm đôi. 4) Chữ là việc Có những việc cụ-thể, người ta muốn trừu-tượng-hoá phần nào, để được thanh nhã, bóng bảy hơn. Người ta không đặt tiếng Chữ trên danh tự trỏ công việc đó, mà thôi, người ta lại dùng luôn tiếng Chữ để trỏ công việc đó. Chữ thành một danh-tự có nội-dung hẳn hoi. Ý-nghĩa của nó có thể gồm trong tiếng VIỆC. BẢY CHỮ : « Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề ». Đây là bảy việc làm ở bên ngoài để làm cho làng chơi say mê tin cẩn (nói về việc dụ khách của gái điếm). Bảy việc đó hình dung bằng bảy chữ sau đây : - Khấp là khóc lóc giả làm mình khổ sở, muốn được khách cứu vớt. - Tiễn là cắt tóc thề bồi đưa cho khách làm tin - Thích là thích tên khách vào cánh tay mình giả ý yêu thương. - Thiêu là đốt hương thề nguyền với khách. - Giá là hẹn hò lấy khách. - Tẩu là rủ khách cùng đi trốn - Tử là làm bộ muốn liều chết để khách thương sót. CHÍN CHỮ CAO SÂU : « Nhớ ơn chín chữ cao sâu ». tức là chịu việc to tát lớn lao (cao như trời, sâu như bể) cha mẹ đã làm cho người con. Kinh Thi đã trừu tượng hoá chín việc lớn đó là CỬU TỰ CÙ LAO tức là chín việc vất vả khó nhọc (của cha mẹ) : - Sinh là đẻ ra - Cúc là nâng giấc - Phủ là vuốt ve dỗ dành - Súc là nuôi cho bú mớm - Trưởng là nuôi cho lớn - Dục là nuôi nấng dạy dỗ - Cố là trông nom - Phục là khuyên răn - Phúc là giữ gìn che chở CHỮ VU QUI là : « Tuy rằng vui chữ vu qui ». việc đi lấy chồng, đây trỏ việc cưới vợ. Trong kinh Thi có câu CHI TỬ VU QUI NGHI KỲ THẤT GIA nghĩa là Cô ấy về nhà chồng nên cửa nên nhà (chi tử nghĩa là người ấy, cô ấy). Vu qui vốn trỏ việc con gái về nhà chồng. Vậy mà ở đây, tác-giả truyện Kiều đã dùng để nói Kim Trọng tuy vui việc vu qui, song vẫn không quên được Kiều. Dùng chữ Vu qui để trỏ việc trai cưới vợ, tác-giả đã dùng chữ sai. ĐÀO 1) Đào là cây đào Nghĩa ấy thấy trong những câu : - Hổ sinh ra phận thơ đào - Chút thân yếu liễu thơ đào - Khóa buồng xuân để đợi ngày đào non - Vẻ chi một đóa yêu đào - Dưới đào nhường có bóng người thướt tha - Trên đào nhác thấy một cành kim thoa - Những từ sen ngó đào lơ - Đào non sớm liệu xe lơ kịp thì - Sớm đào tối mận lân la - Sót thay đào lý một cành - Đem thu gió lọt song đào THƠ ĐÀO, ĐÀO NON, ĐÀO TƠ đều là dịch nghĩa chữ YÊU ĐÀO, YÊU ĐÀO là cây đào non, mơn mởn, mới lớn lên, người ta dùng để ví với người con gái dậy thì, đến tuổi lấy chồng. Sở dĩ có nghĩa ấy là do thơ ĐÀO YÊU trong kinh Thi. Thơ Đào Yêu gồm có ba chương như sau : 1. Đào chi yêu-yêu Thước thước kỳ hoa Chi tử vu qui Nghi kỳ thất gia 2. Đào chi yêu-yêu Hữu phần kỳ thật Chi tử vu qui Nghi kỳ gia thất 3. Đào chi yêu-yêu Kỳ diệp trăn-trăn Chi tử vu qui Nghi kỳ gia nhân Lược dịch : 1. Mơn-mởn đào non Rực-rỡ nở hoa Cô ấy lấy chồng Êm-ấm cửa nhà 2. Mơn-mởn đào non Lúc-lỉu quả sai Cô ấy lấy chồng Êm-ấm nhà ai 3. Mơn-mởn đào non Lá xanh rườm rà Cô ấy lấy chồng Thuận với người nhà Yêu-đào vốn là cây đào non. Vậy mà tác-giả (cụ Nguyễn Du) gọi là Đóa yêu-đào như vậy e không được ổn. Vì đóa tức là đóa hoa, bông hoa. Không ai gọi cây là đóa bao giờ. Ngày đào non ý nói ngày vu qui, ngày lấy chồng. SỚM ĐÀO TỐI MẬN LÂN LA là sớm tối lân-la đi lại. Giảng là sớm ôm đào, tối ấp mận thì sai. Vì như thế thì Thúc-Sinh không say Kiều. Hai chữ Đào Lý là cây Đào cây mận, ở đây dùng để trỏ ý đi lại. Nghĩa ấy do câu ngạn-ngữ chép trong sách « Hán-Thư » : « Đào lý bất ngôn, hạ tự thành hề ». Nhan-sư Cổ chua nghĩa như thế này : Hề là đường tắt, ý nói vì cây Đào cây mận có hoa có quả, nên dù không chào mời ai, mà người ta cũng cứ tranh nhau đến qua lại không ngớt dưới gốc, tự nhiên thành lối đi… ĐÀO LÝ là cây đào, cây mận. Đào lý một cành là một cành đào mận, ý nói một người có sắc đẹp. Sách Nam-Sử có chép câu đại ý như thế này : « Ngụy phu-nhân bỗng tới, theo sau có ba mươi nàng tuổi ước 17,18, sắc tươi như Đào lý, chất đẹp hơn cả ngọc quỳnh ngọc dao ». SONG ĐÀO là cửa sổ bên ngoài có trồng cây đào. 2) Đào là hoa đào - Đào-nguyên lạc lối đâu mà tới đây - Xắn tay mở khóa động đào - Trướng tô giáp mặt hoa đào - Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông - Chém cha cái số hoa đào - Đào nhăn nhó mặt liễu tan tác mày - Nàng cùng ủ liễu phai đào ĐÀO NGUYÊN tức là ĐÀO HOA NGUYÊN nghĩa là nguồn hoa đào, nguồn suối hoa đào. Đời Tấn văn-hào Đào Tiềm có bài Đào hoa nguyên ký nói rằng ở đất Vũ Lăng có người chài lưới, ngược dòng nước thấy suối đầy cánh hoa đào, ngược mãi tới một khu rừng toàn hoa đào, trong đó có những người chạy loạn từ đời Tần, tức mấy trăm năm trước, sống cách biệt với người ngoài. Do đó trong Văn-chương Tàu, người ta gọi nơi yên-ổn kín đáo có thể tránh loạn là Đào-Nguyên hay thế ngoại Đào-nguyên. Trong văn-chương Hán-Việt, Đào-hoa nguyên hay Đào-nguyên thường được dùng để trỏ nơi tiên cảnh. ĐỘNG ĐÀO tức ĐÀO HOA ĐỖNG là cái hang ở ĐÀO HOA NGUYÊN. Hết rừng hoa đào, phải qua một cái hang núi mới tới nơi có dân chạy loạn đời Tần. Nói ĐỘNG-ĐÀO cũng như nói ĐÀO NGUYÊN trỏ nơi tiên ở. Kiều coi quý Kim-Trọng như người Tiên, người Giời, nên gọi chỗ Kim-Trọng ở là Động Đào, là thiên-thai tức là nơi tiên-cảnh. MẶT HOA ĐÀO tức là mặt người gái đẹp, hồng hào xinh tươi như đóa hoa đào. Nghĩa ấy do ở câu thơ của Thôi-Hộ đời Đường : Khứ niên kim nhật thử môn trung Nhân diện đào-hoa tương ánh hồng Nghĩa là : Ngày này, năm ngoái, cửa đây Hoa đào với mặt người hây hây hồng Ý nói mặt người dọi sắc đẹp vào hoa đào, hoa đào chiếu vẻ hồng vào mặt người, hai bên đều đỏ hồng. HOA ĐÀO NĂM NGOÁI không phải là hoa đào nở từ năm ngoái, năm trước. Hoa đào năm ngoái là hoa đào vẫn nở như năm ngoái, hoa đào coi vẫn như hoa đào năm trước, không có gì khác cả. Cả câu « Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông » nghĩa là : hoa đào vẫn cười với gió đông như là hồi năm ngoái. Câu này lấy chữ trong bài thơ của Thôi-Hộ đời Đường. Đời Đường Thôi-Hộ học giỏi đẹp trai, chơi hội Đạp-Thanh lạc đường đến một nơi trồng toàn hoa-đào, gọi là Đào-hoa-Trang. Chàng khát nước định vào xóm xin nước uống. Chàng gõ cổng một tòa nhà. Bên trong có một người con gái ra mở cổng. Chàng ngỏ ý xin nước. Người con gái đem nước ra. Chàng thấy người con gái thì giật mình. Người con gái thấy chàng thì bẽn-lẽn. Hai người đều cảm-động vì sắc đẹp của nhau. Tết Thanh minh năm sau Thôi-Hộ lại dò tới Đào-hoa-Trang mong gặp mặt người năm trước. Tới nơi thấy cổng khóa. Thất vọng chàng đề lên cánh cổng mấy câu thơ như sau này : Khứ niên kim nhật thử môn trung Nhân diện đào hoa tương ánh hồng Nhân diện chỉ kim hà xứ khứ ? Đào hoa y cựu tiếu đông phong Lược dịch : Ngày này năm ngoái cửa đây Hoa đào với mặt người hây-hây hồng Mặt người nay vắng vân mồng Hoa đào cùng với gió đông vẫn cười (Dưới chàng ký hai chữ Thôi-Hộ). Khi người con gái cùng người nhà đi hội Đạp-Thanh về, thấy bài thơ nghĩ nhớ đến chàng trai xin nước năm trước, rồi đâm ra ốm tương-tư, thuốc gì chữa cũng không khỏi. Một hôm, tình-cờ Thôi-Hộ tới Đào-hoa-Trang, định dò la tin-tức. Qua cổng nhà ấy, nghe trong nhà tiếng khóc đưa ra, lấy làm lạ, chàng đánh bạo vào hỏi. Chàng vừa vào đến sân, thì một ông cụ ở trong nhà chạy ra đón, hỏi : « Có phải thầy là Thôi-Hộ không ? Thầy giết con lão. Đọc thơ thầy nó ốm tương-tư chết. Thầy phải đền con lão ! » Thôi-Hộ sợ-hãi, liều xin vào nhìn mặt người con gái. Nàng đã được khâm liệm. Thôi-Hộ cúi sát mặt người con gái, hô to lên mấy câu : « Thôi-Hộ về đây ! em tỉnh lại ». Nghe tiếng Thôi-Hộ, người con gái dần-dần, mở mắt ra. Nàng sống lại. Thuốc thang ba tháng thì bình-phục. Cha mẹ nàng liền gả nàng cho Thôi-Hộ. SỐ HOA ĐÀO tức là SỐ ĐÀO HOA. Theo số Tử-vi, đàn-ông có sao ĐÀO-HOA ở cung Mệnh thì tính người lẳng-lơ phong tình, đàn-bà có sao ĐÀO-HOA ở cung Mệnh thì thường phải lấy mấy đời chồng. Kiều cứ phải lấy hết người này đến người khác, nên bực mình văng tục với cái số HOA ĐÀO của nàng. ĐÀO NHĂN-NHÓ MẶT là mặt đẹp (như hoa đào) nhăn nhó ; liễu tan-tác mày là lông mày liễu tan-tác, tả nỗi đau đớn thể xác lộ ra mày mặt. PHAI ĐÀO là mặt (hồng đẹp như hoa đào) phai lạt sắc hồng-hào, tức là mặt tái đi, nhợt-nhạt, thất sắc ; ủ liễu là lông mày (cong, nhỏ như lá liễu) ủ-rũ, tả nỗi đau buồn trong lòng lộ ra nét mặt. 3) Đào là sắc đỏ hồng - Nhị đào thà bẻ cho người tình chung - Bấy lâu nghe tiếng má đào - Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân - Lầu xanh mới rủ trướng đào - Phòng đào viện sách bốn bề lửa dong - Ba quân chỉ ngọn cờ đào - Duyên đâu ai dứt tơ đào Đào ở đây, là một tính-tự hay phẩm-tự (adjectif) luôn luôn đi liền sau một danh-tự. Đào trỏ sắc HỒNG như sắc hoa đào. NHỊ ĐÀO là nhị hồng, nhị hoa màu hồng, ý nói nhị chưa phai, màu còn thắm. Đây dùng để nói bóng tiết trinh của Kiều. MÁ ĐÀO tức má hồng dịch chữ Đào-Kiểm nghĩa tương-tự như HỒNG NHAN là má hồng, dùng để trỏ đàn-bà có sắc đẹp. TRƯỚNG ĐÀO là màn màu hồng ; xưa đàn-bà Tàu hay dùng mầu hồng. Trướng đào là màn mùng của đàn bà. BUỒNG ĐÀO dịch chữ HỒNG KHUÊ tức là buồng quét vôi màu hồng, ý nghĩa cũng gần tương-tự như HỒNG LÂU tức lầu quét vôi màu hồng, là tiếng vốn dùng để trỏ chỗ ở của đàn bà con gái (Mãi sau này Hồng-lâu mới được dùng để trỏ riêng chỗ ở của ca-nữ). TƠ ĐÀO tức TƠ HỒNG trỏ việc nhân duyên : - Hoặc là do điển HỒNG-TY : Đời Đường, Quách-nguyên Chấn đẹp trai, có tài, tể-tướng là Trương-gia-Chính muốn kén làm rể. Trương cho 5 con gái mỗi người cầm một sợi tơ khác màu, đứng ở trong mành, cho Quách chọn tơ, phải sợi tơ của cô nào cầm, thì được lấy cô ấy. Quách chọn sợi tơ màu hồng, lấy được con gái thứ ba của Trương, người tuyệt đẹp. - Hoặc là do điển NGUYỆT-LÃO : Đời Đường, Vi-Cố thi trượt đi chơi lang-thang gặp một ông già ngồi dưới trăng xem sách, vai địu bọc tơ hồng. Hỏi thì ông già nói sách là sổ ghi nhân-duyên vợ chồng, tơ hồng (tức chỉ hồng hay xích thằng) dùng để buộc trai gái làm vợ chồng với nhau. « Duyên đâu ai dứt tơ đào » : ai bỗng dứt sợi tơ nhân-duyên của mình, tức là ai bỗng làm mình phải lìa bỏ người chồng (tức Thúc Sinh) CỜ ĐÀO là cờ mầu hồng. 4) Đào là sóng lớn - Gặp cơn bình-địa ba-đào - Nàng rằng chiếc bách sóng đào BA ĐÀO là sóng gió lớn. Bình địa ba đào tức bình-địa khởi ba đào nghĩa là đất bằng bỗng nổi sóng gió, ý nói tai-biến xẩy đến một cách bất ngờ, vì ở chỗ đất bằng thì bao giờ lại ngờ rằng có sóng-lớn. Sóng đào tức là sóng lớn. Chiếc bách sóng đào là chiếc thuyền gỗ bách. đây không có nghĩa gì khác là chiếc thuyền nhỏ, ở giữa đám sóng to, nói bóng con người không có thế-lực gì ở giữa những thử-thách, cạm bẫy của cuộc đời. ĐIỀU 1) Điều là lời nói Nghĩa này thấy trong những câu : - Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu - Tiện đây xin một hai điều - Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca - Những điều vàng đá phải điều nói không - Cùng nhau căn vặn đến điều - Nghe chàng nói đã hết điều - Đủ điều trung khúc ân-cần - Trăng hoa song cũng thị phi biết điều - Điều này hẳn miệng những người thị phi - Hết điều khinh trọng hết lời thị phi ĐIỀU VÀNG ĐÁ là lời vàng đá, tức lời thề nguyền kiên quyết như ghi vào đỉnh đồng, bia đá Vàng dịch chữ kim là loài kim, đây trỏ chất đồng như chuông, đồng, đỉnh đồng, xưa người ta hay ghi những việc lớn trong lịch sử vào đó, để truyền lại đời sau. ĐIỀU TRUNG KHÚC là lời nói thân mật thành thực, từ đáy lòng phát ra ; trung khúc là những khúc ngoắt ngoéo ở trong lòng, trong dạ. Điều trung khúc nghĩa cũng như lời tâm-sự. ĐIỀU KHINH-TRỌNG là lời nhẹ, nặng tức là lời trách mắng, dằn vặt. Khi người ta giận dữ trách mắng thì lời nói thiếu vẻ ôn-tồn, điều-hòa, lời nói lúc thì to quá, lúc thì nhẹ quá, mất vẻ bình tĩnh. Cho nên người ta dùng lời nói nặng nhẹ, hay tiếng bấc (nhẹ) tiếng chì (nặng) để trỏ sự bất-bình giận-dữ. Ngay câu dưới, tác-giả đã giải nghĩa điều khinh trọng : « Nhẹ như bấc, nặng như chì ». ĐIỀU BẠC MỆNH tức lời « bạc mệnh » đây có ý nhắc lại câu « giai nhân (hay hồng nhan) bạc mệnh » (tức là câu thơ của Tô-đông-Pha : tự cổ giai nhân đa bạc mệnh nói tắt) nghĩa là đàn bà đẹp thì số phận phần nhiều hay mong manh. ĐẾN ĐIỀU đây là hết lời, đủ lời. Đến dịch chữ CHÍ của Tàu. CHÍ nghĩa là rất, là đến hết mực, như chí nhân (hết mực nhân) chí thánh (hết mực thánh) chí tình (hết mực của tình) chí thân (hết mực thân). Đến điều là không còn lời nào bỏ sót nữa. BIẾT ĐIỀU là biết lỗi phải trái (thị phi), tức là biết ăn nói. Do nghĩa này, sau biết điều có nghĩa là ăn ở tử-tế, phải lẽ. 2) Điều là sự, là việc, là chuyện, là cơ-sự - Những điều trông thấy mà đau đớn lòng - Lấy điều du học hỏi thuê - Đừng điều nguyệt nọ hoa kia - Điều đâu bay buộc ai làm - Điều đâu sét đánh ngang trời - Đủ điều nạp thái vu qui - Mụ già hoặc có điều gì - Làng chơi ta phải biết cho đủ điều - Ở trong còn lắm điều hay - Trăm điều hãy cứ trông vào một ta - Mượn điều trúc viện thừa lương - Khỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi - Trăm điều ngang ngửa vì tôi - Phải điều cầu Phật cầu Tiên - Hơn điều giấu ngược giấu xuôi - Ví dù giải kết đến điều, - Đến điều sống đục sao bằng thác trong - Đã gần chỉ có điều xa - Tinh tham biển thẳm lạ điều - Đã tin điều trước ắt nhằm điều sau - Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm LẤY ĐIỀU, MƯỢN ĐIỀU là giả ra việc gì, lấy chuyện gì ra để che cái ý định thực của mình nghĩa cũng như lạ sự. ĐẾN ĐIỀU ở đây nghĩa là đến cơ-sự, đến cái nước phải… làm gì đó. - Ví dù giải kết đến điều : là ví dù đến cái cơ sự phải lìa bỏ nhau ra. - Đến điều sống đục sao bằng thác trong : là đến cái nước phải sống đục thì sao bằng thác trong. ĐIỀU XA là chuyện xa nhau. « Đã gần chi có điều xa » là đã ở gần nhau làm chi còn có chuyện lìa xa nhau. LẠ ĐIỀU là lạ đến điều, tức là lạ hết điều lạ quá. ĐỦ ĐIỀU là không thiếu việc gì, sự gì. - Đủ điều nạp thái, vu qui : nghĩa là các việc về lễ nạp thái, lễ vu-qui đều đủ cả. - Làng chơi ta phải biết cho đủ điều : Biết cho đủ điều là biết cho đủ mọi sự, không bỏ sót sự gì. NHẰM ĐIỀU SAU là đúng việc sau, việc sau đúng. « Đã tin điều trước ắt nhằm điều sau » nghĩa là việc trước đã tin được thì việc sau ắt cũng đúng. 3) Điều là đỏ hồng « Buồng điều khuya sớm thảnh thơi » : Điều tức là ĐÀO đọc trạnh ra, và có nghĩa là đỏ hồng. Ta nói giấy hồng điều tức là thứ giấy màu đỏ hoa đào. Có bản chép là buồng đào nghĩa cũng như thế. Chú ý. – Không nên lầm Điều với Đều. Đều nghĩa là bằng nhau, như nhau, ngang nhau, cùng nhau, tất cả, khác hẳn nghĩa chữ Điều. - Đều là sa-sút khó khăn. - Đều là nghê-nghiệp trong nhà HỒ 1) Hồ là hồ, ao « Tiếc thay lưu lạc giang-hồ » : GIANG HỒ là sông lớn và hồ. Bên Tàu nói giang tức là nói đến con sông lớn nhất dài nhất nước là con sông mà miền hạ-lưu mang tên là Dương Tử-Giang. Và nói Hồ là nói đến những khu hồ lớn rộng như Thái-Hồ, Động-Đình-Hồ… Giang-hồ khởi đầu có nghĩa là ẩn dật, không ra làm quan. Nghĩa ấy do tích Phạm-Lãi bỏ quan chức cùng Tây-Thi thả thuyền chơi ở những nơi giang hồ (phiếm chu tại giang hồ). Thơ cổ ta có câu : « Giang-hồ lang miếu trời đôi ngả ». Lang-miếu là nơi đền miếu của nhà vua, ý nói nơi làm quan giúp vua, đối với giang-hồ là nơi ẩn-dật chơi bời. Sau dùng rộng nghĩa, giang-hồ có nghĩa là phóng-lãng ưu-du, nay đây mai đó, lúc trên sông lúc trên hồ, không có định sở. Nghĩa này chính là nghĩa trong câu : « Tiếc thay lưu-lạc giang-hồ ». Nghĩa là : Tiếc thay lưu-lạc nổi trôi nay đây mai đó. Tới nay, Giang-hồ hầu như dùng riêng để trỏ đàn bà đàng-điếm. 2) Hồ là hồ để dán - Song hồ nửa khép cánh mây - Trướng hồ vắng vẻ đêm thanh SONG HỒ là cửa sổ có dán giấy, bằng hồ. TRƯỚNG HỒ là cái màn có dán các hình vẽ bằng giấy vào (dán bằng hồ). 3) Hồ là chất để làm cho vải lụa cứng sợi mịn mặt Muốn cho vải, lụa mịn mặt, cứng mặt, đông sợi. Sau khi dệt xong, người ta thường dùng bột, cháo hay cơm giã nhỏ thành một chất dính đem vã vào vải, lụa. Ta thường nói : vải lắm hồ. Vải, lụa không có chất hồ vã vào, để nguyên, thì gọi là vải mộc, lụa mộc. Người ta hồ cả thuốc lá thuốc lào cho đẹp sợi ngon thuốc. Chất nước để hồ không phải là chất dính, mà là chất nước đặc làm cho sợi thuốc bóng, nhẫy và nặng thêm. Thuốc để nguyên không hồ gọi là thuốc mộc. « Mầu hồ đã mất đi rồi » : MẦU HỒ là cái màu đẹp, mịn của vải khi còn có hồ. Màu hồ đã mất là vải lụa đã giặt mất hồ đi, tức là đã cũ rồi, không còn mới nguyên nữa. Đây Tú-Bà lấy màu hồ của vải, lụa để nói bóng cái trinh-tân của người con gái. 4) Hồ là dân Hồ Ở phía Bắc nước Tàu xưa có dân-tộc gọi là Hồ gọi khinh là rợ Hồ, ngờ là giống Mông-cổ. Dân Hồ có giống ngựa chạy mau lắm, nên để nói thì-gian đi mau, người ta thường ví như ngựa Hồ qua cửa sổ. Người Tàu nhập cảng của dân Hồ nhiều thứ như ngựa, như đàn ; thứ đàn ấy tức là đàn Tỳ-Bà một thứ đàn nhẹ-nhàng, có thể ngồi trên lưng ngựa ôm, đàn gẩy được. Cho nên đàn-bà hay dùng. Ngoài ra cái Hồ, tức một thứ nhị tiếng to cũng xuất tự dân Hồ, gọi là Hồ-Cầm. Ta gọi thứ nhị đó là Hồ tức gọi tắt chữ Hồ-Cầm. Vì Cầm vốn là tên một thứ đàn cổ, nên nghe tiếng Cầm trong Hồ Cầm, có người tưởng lầm nó là một thứ đàn. Thật ra Hồ-Cầm chẳng có gì giống một cái đàn hết. « Nghề riêng ăn đứt hồ-cầm một trương » : MỘT TRƯƠNG HỒ-CẦM tức là một dây hồ. Trương có nghĩa là dây đàn. Hồ-Cầm chính nghĩa là cái nhị Hồ, đây là tác-giả đã dùng lầm để trỏ cây đàn Tỳ-Bà là cây đàn của dân Hồ chế ra. 5) Hồ là mờ-mịt Dùng theo nghĩa này, bao giờ Hồ cũng đi liều với Đồ, thành một chữ kép. HỒ-ĐỒ là mờ-mịt, không hiểu rõ. Nghĩa này cũng là do chữ Hồ là dán Hồ. Hồ-đồ theo nghĩa đen là bôi hồ, phiết hồ. Bôi hồ phiết hồ lên thì trông không rõ nữa. « Từ-công riêng hãy mười phân hồ-đồ » : Ý nói Từ-hải không hay biết tí gì về việc Hồ-Tôn-Hiến hối-lộ riêng nàng Kiều. 6) Hồ là họ Hồ - Hồ-công quyết kế thừa cơ - Hồ-công đến lúc rạng ngày nhớ ra - Quyết tình, Hồ mới đoán ngay một bài Hồ đây là HỌ HỒ, họ của Hồ-Tôn-Hiến. HỒNG Trong truyện Kiều, về đơn tự, có lẽ không chữ nào được dùng nhiều như chữ Hồng. Nếu ta tỉ mỉ điểm qua một lượt, ta sẽ thấy chữ Hồng được lắp đi lắp lại đến hơn 40 lần trong hơn bốn chục câu thơ. Mỗi chữ Hồng có một nghĩa khác. Song đại khái Hồng hàm bốn nghĩa chính : - Màu sắc (hồng đỏ) - Lớn - Chim - Hoa Trong bốn nghĩa chính đó, thì Hồng được dùng nhiều nhất theo nghĩa màu sắc. Nghĩa lớn và Hoa được dùng có một lần thôi. Tuy nhiên, ở giữa những nghĩa chính đó, lại còn có những nghĩa sai biệt, đại đồng tiểu dị, cần phải phân biệt tinh tế thì mới khỏi sai lầm. 1) Hồng là mầu sắc Ở đây, Hồng không chỉ chung một màu sắc mà lại chỉ nhiều màu sắc đậm nhạt khác nhau, tuy rằng đều gốc ở màu đỏ. a) Hồng là màu hồng, tức là màu đỏ hồng, màu đỏ phơn phớt nhạt như màu hoa đào, có thể gọi là sắc đào. Nghĩa ấy thấy trong những câu : - Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen - Phận hồng nhan có mong manh - Rằng hồng nhan tự thuở xưa - Vẻ chi một mảnh hồng nhan - Thâu ngàn vàng để ô danh má hồng - Đã cho lấy chữ hồng nhan - Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru ! - Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan - Vô duyên là phận hồng nhan đã đành - Sông Tiền đường đó là mồ hồng nhan Tóm lại, đi với chữ Nhan (là mặt) chữ má là những bộ phận thân thể người ta, thì Hồng có nghĩa là sắc hồng, sắc hoa đào. Hồng nhan hay má hồng tượng trưng người con gái có nhan sắc. Vì nhan sắc (tức là sắc của mặt) người con gái đẹp, chỉ có thể là sắc hồng sắc hoa đào hây hây ửng lên nơi cặp má. - Nào người tích lục tham hồng là ai - Tích lục là tiếc mầu lục - Tham hồng là tham sắc hồng Tích lục đây là thương tiếc mái tóc đẹp. Có chữ lục mấn là mái tóc mầu xanh, lục vân là mái tóc xanh đen óng như mây. Tham hồng là tham cái má hồng, yêu nhan sắc. Tích lục tham hồng là thương yêu người gái đẹp (có tóc xanh có má hồng). b) Hồng là màu đỏ của vải vóc như trong những câu : - Phong lưu rất mực hồng quần - Dẫu khi lá thắm chỉ hồng - Duyên em dù nối chỉ hồng. - Rộng thương còn mảnh hồng quần - Bóng hồng nhác thấy nẻo xa - Tịt mù nào thấy bóng hồng vào ra - Thang lan rủ bức trương hồng tẩm hoa Hoa soi ngọc đuốc hồng chen bức là HỒNG QUẦN là quần màu đỏ. Xưa con gái Tàu có lần mặc toàn quần đỏ, nên hồng quần được dùng để chỉ phụ nữ. BÓNG HỒNG là bóng đỏ, tức là bóng phụ nữ, vì phụ nữ mặc quần đỏ, nên bóng coi đỏ. CHỈ HỒNG là chỉ đỏ. Đây trỏ việc nhân duyên. Nghĩa ấy do tích Quách Nguyên Chấn lấy con gái Tể tướng Trương Gia Chính. Trương có 5 con gái, cho mỗi người cầm một sợi chỉ mầu đứng ở sau màn, cho Quách ở trước màn tùy ý lựa chọn kéo lấy một sợi. Quách kéo sợi đỏ, lấy được người con gái thứ ba của Trương, nhan sắc tuyệt đẹp. Cũng có thể do điển Xích Thằng là chỉ đỏ. Xưa Vi Cố đời Đường gặp một ông già ngồi dưới trăng (nguyệt dạ lão nhân : nguyệt lão) tay cầm sách coi, vai đeo một bao tơ đỏ. Hỏi thì ông già nói tơ đỏ dùng để buộc chân những người trai gái số phải làm vợ chồng với nhau. Do điển này mà có những chữ : giăng già, ông tơ, nguyệt lão, tơ hồng… : « Trong màn làm lễ Tơ Hồng kết duyên ». Hồng là màu đỏ của đất bụi, của vôi gạch, của son đỏ : - Một xe trong cõi hồng trần như bay - Dường gần rừng tía đường xa bụi hồng - Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia - Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên - Thiếp danh đưa đến lầu hồng HỒNG TRẦN hoặc bụi hồng trỏ cõi thế gian cát bụi, trỏ cát bụi thật sự và trỏ nơi đô hội phồn hoa náo nhiệt bụi bốc mù mịt dưới gót chân người. LẦU HỒNG hay Hồng lâu trỏ phòng lầu của phụ nữ. Xưa buồng con gái Tàu hay quét vôi đỏ. Phòng đỏ hay lầu hồng được các thi nhân phổ vào thơ ca do đó sau lầu hồng được dùng để trỏ chỗ ở của phụ nữ, dù rằng chỗ ấy có thể không quét vôi hồng. - Phòng đào viện sách bốn bề lửa dong : Lầu hồng cũng có khi được gọi phòng đào và cũng có chung một nghĩa. - Khỏi điều thẹn phấn, tủi hồng thì thôi : Hồng đây trỏ phấn hồng, son hồng, vì son sắc đỏ, nên người ta lấy sắc của son (hồng) để trỏ son. Hồng là sắc đỏ của hoa đỏ, lá, cây đỏ, hoặc lá cây về thu ngả sang mầu đỏ chết như lá bàng. - Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh - Nàng rằng hồng điệp xích thằng - Rừng thu từng biếc xen hồng - Hòa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh - Dù khi lá thắm chỉ hồng - Cạn giòng lá thắm đứt đường chim xanh VƯỜN HỒNG không phải là vườn trồng hoa hồng. Chính là vườn có sắc hồng, đây tác giả muốn nói vườn hoa đào. HỒNG ĐIỆP tức Lá thắm trỏ việc trai gái ước hẹn nhau. Nghĩa đó do điển Vu Hựu đời Đường lượm được một cái lá đỏ trôi ở ngòi nước trong cung Vua ra. Lá có đề một bài thơ. Vu Hựu bèn đề một bài thơ khác vào một cái lá thả cho trôi vào trong cung. Thì ra bài thơ thả ra là của một người cung nữ Họ Hàn. Hàn thị sau cũng bắt được cái lá của Vu Hựu trôi vào. Sau này có dịp 3.000 cung nữ được thải ra. Vu Hựu lấy được Hàn thị. Xen hồng trong câu « Rừng thu từng biếc xen hồng » có nghĩa là : Rừng thu có những lá cây đỏ úa lẫn với lá cây xanh. c) Hồng là sắc đỏ của máu. - Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau - Mỏi giằn cơn vựng chưa phai giọt hồng - Nhìn nhau lã chã giọt hồng Hồng rụng thắm rời là máu chảy ra. GIỌT HỒNG tức là giọt nước mắt máu, ý nói khóc lóc thảm thiết máu theo nước mắt ra. « Nhìn nàng óng những máu sa ruột rầu » : Nghĩa này do điển sau : Xưa nàng Tiết Linh Vân bị cha dâng lên vua Ngụy Vũ Đế. Khi nàng từ biệt cha mẹ vô Kinh thì khóc lóc sướt mướt ướt đẫm cả xống áo. Sau khi lên xe phải lấy cái ống nhổ bằng ngọc hứng nước mắt. Mấy ngày sau tới Kinh nước mắt trong bình ngọc đông lại như máu. Vì máu đỏ, nên người ta lấy chữ Hồng để gọi thay. Ta thường nói hồng trâu, hồng bò để thay cho máu trâu, máu bò. d) Hồng là sắc đỏ của giấy đỏ, tức là giấy chu sa, hoặc giấy hồng điều. Giấy đỏ sắc không phơn phớt hoa đào, mà sắc đỏ tươi thắm. - Thiếp hồng tìm đến hương khuê gởi vào - Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra THIẾP HỒNG do chữ Hồng tiên là tấm thiếp đề tên để gửi vào thăm kỹ nữ hoặc phụ nữ. Nghĩa này do điển cũ : Đời Đường ở Trường An (kinh đô) có xóm Bình Khang là xóm kỹ nữ. Mỗi năm các vị tiến sĩ tân khoa sau khi thi đỗ thường hay dùng thiếp giấy đỏ đề tên gửi vào chơi bời với các kỹ nữ. Sách Toàn đường thi hoại có chép rằng Bùi Tư Khiêm thi đỗ tiến sĩ xong, lấy giấy đỏ làm mấy chục danh thiếp giắt trong mình, tới chơi ở xóm Bình Khang. PHIẾU HỒNG là tờ trát bằng giấy đỏ. Có lẽ thời xưa trát quan đòi viết trên giấy đỏ, chứ không viết giấy trắng như ngày nay ? Hoặc giả cụ Nguyễn Du túng vận đã phải dùng chữ hồng, chứ thời xưa Trát quan đều viết trên giấy trắng ? e) Hồng là sắc đỏ của tia sáng, của lửa : « Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng điểm sao ». ĐUỐC HỒNG là đèn đuốc màu đỏ (sắc nhận thấy trong đêm tối). 2) Hồng là to lớn Ở đây, hồng là chữ Hán, chưa chuyển thành chữ Nôm. Hồng là to lớn như Hồng Thủy là nước lớn, Hồng chung là chuông lớn, Hồng phúc là phúc lớn… Nghĩa này chỉ thấy dùng một lần trong truyện Kiều ở câu : « Hồng quân với khách hồng quần ». Chữ Hồng quân với chữ Hồng quần chỉ khác nhau có một cái dấu huyền, nhiều khi làm chúng ta hiểu nghĩa lầm, thường cho là hai chữ Hồng cùng một nghĩa, duy quân với quần khác nhau mà thôi. Thật ra hai chữ Hồng khác hẳn nghĩa nhau : Hồng quần là quần đỏ như nói ở trên. Hồng quân nghĩa bóng là máy Tạo Hóa, là cơ Trời, là Trời. Nghĩa đen Hồng Quân là cái bàn xoay lớn. Quân là cái bàn xoay, của thợ nặn đồ gốm. Thợ nặn đồ gốm để đất sét lên bàn rồi chân đạp cho xoay tít, bàn cứ xoay, tay cứ uốn nắn cho đất thành hình cái bát, cái chén… Người ta ví cái máy vần chuyển của Tạo hóa với cái bàn xoay của thợ nặn đồ gốm, và gọi là Hồng quân, tức là bàn xoay lớn lao hoặc Thiên quân là bàn xoay của giời. Hồng quân mà dịch ra Pháp văn là Ciel Rouge (trời đỏ) là Seigneur Rouge (vua đỏ) và là Grand ouvrier (thợ lớn) như trong mấy bản dịch Pháp văn là dịch sai, vì đã hiểu lầm Hồng là sắc đỏ. 3) Hồng là giống chim Nghĩa ấy thấy trong câu : - Tiện hồng nàng mới nhắn lời gửi sang - Cánh hồng bay bổng tuyệt vời Hồng là chim Hồng. Nhưng chim Hồng không phải có một thứ : a) Hồng là chim hồng, chim nhạn. Giống hồng chỉ to hơn giống nhạn một chút. Giống hồng, nhạn hay đi thành hàng, con lớn trước, con bé sau, nên người ta thường bảo hồng nhạn có nghĩa tình anh em. Vì nó là giống chim nhỏ mà bay xa nên người xưa (Tô Vũ) dùng nó để đưa thư : tin nhạn tức là tin thư : tin hồng cũng nghĩa như tin nhạn. TIỆN HỒNG là tiện có chim hồng, nghĩ là tiện thể có người đưa tin. b) Hồng là chim HỒNG HỘC cũng gọi là Hoàng Hộc, là một giống chim lớn, cũng gọi là Thiên Nga cũng có sách gọi là chim Hạc. Giống chim này bay cao, tiếng to lắm. Bài Sở Từ của Khuất Nguyên và bài Hồng Hộc Ca của Hán Cao Tổ đều nói Hồng Hộc cất cánh bay là bay cao ngàn dặm (nhất cử thiên lý). Do đó mà người ta thường ví cái lớn của người anh hùng với chí con hồng hộc (hồng hộc chí). « Cánh hồng bay bổng tuyệt vời » : Cánh hồng đây tức là nói cánh con chim Hồng Hộc hay Hoàng Hộc. 4) Hồng là giống Hoa Nghĩa này trong Kiều chỉ được dùng có một lần trong câu : « Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc deo ». CÁNH HỒNG trong câu này, ông Crayssac, dịch là aile du cygne tức là cánh chim hồng ; ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng dịch là aile d’oiseau tức là cánh chim, nhưng ông Nguyễn có chú thích thêm rằng ông ngờ rằng hồng đây là màu hồng chứ không phải chim hồng, và ông đã dịch ra Pháp văn ở mục chú thích là les ailes roses nghĩa là những cánh đỏ. Và trong bản Kiều chữ nôm thì chữ Hồng lại viết là Hồng tức là con chim Hồng. Tôi thì cho là bản Kiều nôm đã viết sai mặt chữ (sao lại không có thể sai) Hồng, và các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Crayssac đã giải nghĩa sai. Cánh hồng đây phải hiểu là Cánh hoa hồng (pétales de rose) thì mới có nghĩa. Người ta thường ví người con gái với bông hoa. Và thường nói hoa rụng, hoa trôi, lạc hoa để nói bóng người con gái chết, cũng như nói deo ngọc trầm châu vậy. Sau khi làm đàn giải oan cho Kiều ở bên sông Tiền Đường, cả nhà Kiều và Kim Trọng gặp Kiều ở chùa Giác Duyên, sau 15 năm cách biệt, có tả sự không ngờ lại thấy Kiều còn sống trong câu : - Rõ ràng hoa rụng hương bay - Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi Hoa rụng hương bay là nói nàng Kiều đã chết rồi. Trước kia, khi Thúc-Sinh tưởng rằng Kiều đã chết cháy trong vụ hỏa hoạn (do Khuyển, Ưng gây ra theo kế của Hoạn Thư) cũng có nói : « Nước trôi hoa rụng đã yên » nghĩa là yên trí rằng hoa đã rụng rồi (tức Kiều đã chết). Vậy thì : « Vời trong còn tưởng cánh hồng lúc deo » phải giải nghĩa là : Vời trông còn như thấy bông hoa hồng rụng cánh xuống nước. Chim Hồng Nhạn, hay chim Hồng-Hộc đều là giống thủy-điển, gieo mình xuống nước là một chuyện rất thường, không thể ví với người gieo mình xuống nước tự-trầm được. MAI 1) Mai là cây mơ Mai là một loài cây sống lâu năm, chớm xuân đã nở hoa. Hoa có loại sắc trắng, có loại sắc đỏ hồng. Loại có hoa sắc trắng, gọi là bạch mai, thì lá mọc sau hoa ; hoa kết thành quả. Quả vị chua, sau tiết Lập-hạ thì chín – tức là vào khoảng mồng 6 hay mồng 7 tháng 5 mỗi năm – Quả mai lúc còn xanh thì sắc xanh, gọi là « thanh mai » lúc chín thì sắc vàng gọi là « hoàng mai ». Loại có hoa sắc hồng, gọi là hồng mai không kết quả. Hoa hồng mai thơm mát và nhẹ thoang thoảng, người ta thường dùng để ướp chè. Ta gọi cây MAI là cây MƠ, quả MAI là quả MƠ. Nghĩa này trong những câu : - Mai cốt cách tuyết tinh thần - Xương mai tính đã gầy mòn - Nàng còn đứng tựa hiên mai - Mở xem một bức liên mai - Gương lờ nước thủy, mai gầy vóc xương - Mơ màng chợt tỉnh hồn mai - Thuyền trà cạn nước hồng mai - Nàng thì chiếc bóng song mai - Ran tay về chốn trường mai tự tình - Mơ màng phách quế hồn mai - Giật mình thoắt tỉnh giấc mai - Đầm đìa giọt ngọc thẩn thờ hồn mai - Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều - Quả mai ba bẩy đương vừa MAI CỐT-CÁCH tức là cái cốt cách của cây mai hay là cốt cách thanh kỳ. Vì cây mai được khen là đẹp một cách thanh kỳ. Người có cốt-cách của cây mai, là người tầm vóc dong dỏng thanh-thanh, vẻ người nét mặt không thô-lỗ, nặng-nề. Nghĩa là người đẹp một vẻ đẹp thanh nhã. XƯƠNG MAI là xương kính, gầy guộc như cành mai. Cành cỗi cây mai vốn cứng, các chồi các chánh đều cứng-cáp chờ choạc, bởi vậy coi như người gầy giơ xương. Chính cái vẻ gầy-guộc đó đã làm nên vẻ đẹp thanh-kỳ của mai. Nói xương mai, nói mai gầy vóc xương là người ta nói đến sự gầy võ như hình cây mai, chứ không nói đến vẻ đẹp như nói « mai cốt cách ». HIÊN MAI là hiên có trồng cây mai ở gần kề. SONG MAI là cửa sổ có trồng cây mai ở ngoài SÂN MAI là sân có trồng cây mai. Đó là nghĩa đen. Trong văn-chương Việt, Hán người ta thường nói như vậy cho đẹp lời và cho hợp vận. Thực ra hiên mai không bắt-buộc phải là hiên có trồng mai ; song mai, sân mai cũng không bắt buộc phải là cửa sổ và sân có trồng mai. Cung như song đào không bắt buộc phải là cửa sổ có trồng đào ; nhà lan không bắt buộc phải là nhà có trồng lan ; buồng đào, lầu hồng không bắt buộc phải là buồng và lầu quét vôi bồng (đào) ; thềm hoa không bắt buộc phải là thềm có trồng hoa v.v… Đó chỉ là những ảnh-tượng văn-chương mà thôi. TRƯỚNG MAI là trướng hay màn có vẽ hoặc thêu hoa mai. Trướng mai thật ra chỉ là trướng thêu, tức trướng trong buồng đàn-bà, chứ cũng không nhất-thiết phải là thêu cây mai hay hoa mai. HỒN MAI, GIẤC MAI đều có nghĩa là hồn mơ, giấc mơ. Mơ vừa là tên cây mai, vừa có nghĩa là mơ-màng. Nghĩa đó do điển này : Đời Đường Triệu-sư Hùng chơi đất La-Phù, trời tối vào trọ một quán rượu trong rừng, thấy một người con gái đẹp một cách thanh kỳ, lịch-sự ra tiếp, liền cùng uống rượu. Sư-Hùng rượu say, sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy mình nằm bên một gốc mai giữa rừng TIÊN MAI : Tiên là tờ giấy dùng để viết thư, giấy này xưa thường vẽ hoa, nên ta quen gọi là hoa tiên. Tiên-mai là hoa tiên vẽ bình cành hoa-mai. NƯỚC HỒNG-MAI tức là nước nấu bằng gỗ mơ. Nhà chùa thường dùng thứ nước trà riêng (thuyền trà) nấu bằng gỗ mơ già, gọi là lão-mai. Thứ nước này, sắc đỏ hồng, nên gọi là nước hồng-mai. QUẢ MAI tức là quả mơ. Quả mơ ba bẩy tức là mơ đã rụng còn ba phần, bẩy phần số quả trên cây. Sở dĩ có nghĩa ấy, là vì, người ta đã lấy chữ Kinh Thi. Tức là lấy chữ trong bài thơ Phiếu Mai gồm ba chương như sau : 1. Phiếu hữu mai Kỳ thực thất hề Cầu ngã thứ-sĩ Đãi kỳ cát hề 2. Phiếu hữu mai Kỳ thực tam hề Cầu ngã thứ-sĩ Đãi kỳ kim hề 3. Phiếu hữu mai Khuynh khuông ký chi Cầu ngã thứ-sĩ Đãi kỳ vị hề Lược dịch : 1. Quả mơ rụng Mười phần còn bảy Ai cầu ta Hãy kịp chọn ngày 2. Quả mơ rụng Mười phần còn ba Ai cầu ta Kịp rước ngay về 3. Quả mơ rụng Nghiêng sọt lượm mơ Ai cầu ta Kịp ngỏ lời ra Đại ý toàn bài muốn nói : người đàn-bà tuy đã quá lứa nhưng lấy chồng cũng còn kịp. Người ta lấy quả mai rụng để ví với tuổi xuân qua. Câu « Quả mai ba bảy đương vừa » gói ghém cả ý-nghĩa bài thơ trên. 2) Mai là cây bương - Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai - Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai - Xôn-xao anh yến dập-dìu trúc mai - Thờ ơ gió trúc mưa mai Từ trước tới nay, người ta vẫn quen giảng : TRÚC là cây trúc (tre) Mai là cây MAI (mơ) cho TRÚC, Mai là hai thứ cây tượng-trưng hai mùa trong bộ tranh tứ THỜI hay tứ QUÍ : MAI, LIÊN, CÚC, TRÚC hoặc THÔNG, CÚC, TRÚC, MAI. Chúng tôi ngờ rằng các nhà chú-giải đã bị ảnh-hưởng tranh Tàu quá sâu, nên giải-thích như thế. Chứ thật ra vị tất đã đúng. Trúc với Mai là hai thứ cây tiêu-biểu cho hai mùa và là hai loài cây khác giống nhau, thì sao lại đi liền với nhau được ? Nếu bảo rằng hai loài đó tượng-trưng cho sắc đẹp, thì MAI LAN hoặc MAI CÚC, hoặc TÙNG MAI, há không đẹp hay sao ? « Vật dĩ loại tụ », phàm vật gì cùng loại với nhau, giống nhau thì thường tụ-họp với nhau, đi liền với nhau. MAI và TRÚC tất phải thuộc cùng một loại, nên người ta mới cho đi liền với nhau như vậy. Do ý ấy hướng-dẫn, chúng tôi đi tìm nghĩa của chữ Mai. Thì ra Trúc, Mai là lời nói quen dùng của nhân-dân ta, chứ không phải là tách hai thứ cây trong bộ tranh Tứ Quí của Tàu, như các văn-nhân, học-giả lầm tưởng. Trong ca-dao cổ của ta đã có những câu : - Khi vin cành trúc lúc tựa cành mai - Miệng ăn măng trúc măng mai Tuy cành trúc cành mai, người ta chưa biết đích xác nó có giống nhau không, song cũng có thể đoán rằng tất nhiên không phải là hai loài cây khác nhau. Vì khi vin cành trúc lúc tựa cành mai, thì trúc, mai hẳn ở gần sát nhau. Cây mơ và cây tre thì không thấy trồng liền nhau bao giờ. Đến câu « măng trúc măng mai » thì ta lại càng thấy rõ ràng hai cây, trúc mai cùng là một giống và cả hai cây đều có Măng. Cây mai có măng không thể là cây mai (tức cây mơ). Nó là cây BƯƠNG một thứ tre lớn có thể dùng làm cột nhà. BƯƠNG giả có hoa coi từa-tựa hoa lau, gọi là Bông mai người ta thường dùng làm chổi gọi là chổi bông mai. Vả chăng, nếu nhân-dân ta định nói cây Mai (có hoa trắng quả chua) thì đã nói là cây mơ, như trong câu hát : Hoa mơ, hoa mận, hoa đào Trong ba hoa ấy hoa nào đẹp hơn ? Chứ không nói mai như các nhà văn thơ. Những chữ trúc mai ở trên, chúng ta tin rằng tác-giả đã dùng theo tiếng nói của nhân-dân. Và như vậy, có khi chính tác-giả cũng không biết đích xác ý-nghĩa chữ mai mình dùng, hoặc có khi hiểu khác sự hiểu của nhân-dân. Huống chi các nhà chú-giải và chúng ta ngày nay. Bởi vậy mà từ trước tới nay chúng ta đã có thể hiểu lầm nghĩa chữ mai. ĐỀN NGHÌ TRÚC MAI là đền nghì cho người giữ được lời thề-nguyền không đổi tiết (đây Kiều muốn trỏ Kim-Trọng) : - Tái sinh chưa dứt hương thề Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai - Hồn còn mang nặng lời thề Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai Ý Kiều muốn nói đã thề nguyền với người ta, mà không giữ được lời thề, thì sau phải làm trâu ngựa để đền nghì lại, dù chết thối nát rồi, hồn cũng phải đền báo. Dĩ-nhiên là đền nghì người đã thề nguyền với mình và đã giữ vững được lời thề ấy. Kiều (tức tác giả) dùng hai chữ trúc mai để trỏ người đó. Vì trúc mai thì tiết ngay dòng thẳng, không bao giờ cong queo, đổi tiết, người ta vẫn ví với bực người quân-tử. DẬP DÌU TRÚC MAI là dập dìu đông-đảo, như trúc mai. Vì trúc mai thường mọc thành bụi coi rất sầm uất, đông-đảo. GIÓ TRÚC MƯA MAI Có bản giải-thích rằng : gió trúc mưa mai do chữ trúc phong mai vũ dịch ra, trỏ các cảnh đẹp đẽ, vì trúc có gió, mai có mưa thì mới đẹp. Chúng tôi cho là không đúng. Gió trúc mưa mai tức là mưa gió vào cây trúc cây mai. Tác-giả thường có cái lối chia chữ liền dàn ra từng vế để cho thành thơ. Đáng lẽ nói : « Nào người chung-chạ phượng loan », thì tác-giả chia chữ liền ra làm hai vế : « Nào người phượng chạ loan chung ». Cũng như đáng lẽ nói : « Thờ-ơ gió mưa mai trúc », thì tác-giả viết : « Thờ-ơ gió trúc mưa mai ». Gió mưa vào mai trúc thì làm cho mai trúc ngả-nghiêng. Nhưng không làm cho trúc, mai đổi tiết được (tiết là đốt ; đốt tre thẳng ví như tiết ngay). Kiều « thờ-ơ gió trúc mưa mai », là nàng thờ-ơ trước những gió mưa (tức là những lời tán-tỉnh, mua chuộc của làng chơi định làm lay chuyển lòng nàng) làm nghiêng-ngả lòng nàng, nhưng không làm cho nàng đổi tiết được như mưa gió, đối với trúc mai. Nghĩa là : Kiều không quan tâm chú ý đến những lời tán tỉnh. 3) Mai là làm mối Chữ MAI, cũng đọc là MÔI, nghĩa là làm mối vợ chồng. Ta vẫn nói mụ mai-dong, mối-mai, làm mai… Nghĩa ấy thấy trong những câu này : - Một nhà sum họp trúc mai Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông - Chắc rằng mai trúc lại vầy Trước kia, nhưng chữ trúc mai ở trong mấy câu này, người ta đều hiểu là câu trúc cây mơ, nhưng những chữ trúc mai ở trên. Hiểu thế dĩ nhiên là sai. Nhưng đây trúc mai, mai trúc cũng không phải là cây tre và cây bương. Mai ở đây là làm mai làm mối. Trúc là cây tre. Mai trúc là giống tre làm mai vợ chồng. - Một nhà xum-họp trúc mai : là một nhà xum-họp với nhau như giống mai-trúc. - Chắc rằng mai trúc lại vầy : là chắc rằng hai bên lại xum-vầy với nhau như giống mai-trúc. Sở dĩ có nghĩa ấy là do điển-cố sau này, thấy chép trong sách « Lưỡng-ban thu vũ am tùy bút » : « Ở cửa sông Liêu Khê huyện Long-Môn, tỉnh Quảng-Đông có một cái đầm tên là Đổ phụ-đàm » (nghĩa là cái đầm đánh đố được vợ). Tương truyền xưa có hai cô, cậu bé con chơi đánh đố nhau. Chẻ một dóng tre ra làm đôi mỗi người cầm một mảnh, liệng xuống giòng nước nguyện với nhau rằng hễ hai thanh tre ấy mà trôi vào khớp lại làm một, thì hai đứa sẽ kết làm vợ chồng. Lát sau, quả nhiên hai mảnh tre trôi xuôi và khớp liền với nhau như dóng tre chưa chẻ. Hai cô cậu lấy nhau, cho nên đặt tên đầm là « Đổ phụ đàm ». Giống tre mọc ở trên bờ đầm gọi là mai-trúc nghĩa là giống-tre làm mai nên vợ chồng. Đời Thanh, thi hào Khuất-Ông-Sơn có thơ vịnh mai trúc rằng : Lưỡng biên sinh trúc hợp vô ngân Sinh trúc năng thành phu phụ ấn Đàm thượng chí kim mai trúc mỹ Chi chi từ hiếu cánh đa tôn Lược dịch : Một đôi thanh trúc khớp như in Thanh trúc xe nên duyên bách niên Mai-trúc trên đầm nay vẫn tốt Rườm rà cành chánh cháu con hiền Vì điển này, mà mai-trúc lại vầy, xum họp trúc mai có nghĩa là vợ chồng xum họp. Và cũng do điển này mà sau câu : « Một nhà xum họp trúc mai ». Tác-giả đã hạ câu : « Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông » nghĩa là bể, tình sông đều nói đến Nước. Mai-trúc xưa khớp nhau trên đầm nước. Nói đến nghĩa bể tình sông là để nhắc đến đầm nước trong điển Mai-trúc. Văn như vậy gọi là văn cơ « màu », chữ Hán gọi là Mai-trúc, nhưng có chỗ tác-giả viết là Trúc-mai, có lẽ vừa muốn chuyển thành tiếng nôm vừa để cho hợp vần thơ. 4) Mai là buổi sáng - Lầu mai vừa rúc còi sương - Sót người tựa cửa hôm mai - Trên am cứ giữ hương đầu hôm mai Mai là buổi sáng, đối lại với HÔM là buổi chiều. LẦU MAI tức là lầu canh, chòi canh lúc về sáng : « Lầu mai vừa rúc còi sương » là trên lầu canh buổi sáng vừa rúc hồi còi trong sương, nghĩa là : tiếng còi rúc tan canh trên chòi lúc trời sáng. Ý nói trời đã sáng. HÔM MAI là buổi chiều và buổi sáng. « Người tựa cửa hôm mai » tức là mẹ lấy chữ trong sách « QUỐC SÁCH » : Bà mẹ Vương-Tôn-Cổ bảo Vương-Tôn-Cổ rằng : « Nhữ chiêu xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng ; mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng ». Nghĩa là : « Mày buổi sáng đi ra mà buổi chiều về, thì ta tựa cửa nhà mà mong ; buổi chiều đi ra mà chưa về thì ta tựa cổng xóm (lư) mà mong » ý nói cha mẹ thương con, luôn luôn mong con đi về vô sự. Do đó, mà sau trong văn-chương người ta thường dùng những chữ « ỷ môn ỷ lư » để trỏ sự cha mẹ mong con ; chữ sách thì nói riêng về người mẹ, nhưng dùng rộng ra, thì ỷ-môn ỷ-lư trỏ gồm cả cha mẹ. Người tựa cửa hôm mai là cha mẹ vậy. HÔM MAI nghĩa cũng tương-tự như HÔM SỚM hay SỚM HÔM : Hương hôm hoa sớm phụng thờ. 5) Mai là ngày hôm sau, là sau này - Phận con thôi có ra gì mai sau - Sinh rằng rầy gió mai mưa - Mai sau dù có bao giờ - Tan sương vừa rạng sáng ngày - Mai sau dù đến thế nào - Mai sau ở chẳng như lời - Nay hoàng-hôn đã lại mai hôn-hoàng - Rạng mai gửi đến xuân-đường - Những là rầy ước mai ao - Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa Mai là ngày hôm sau, đối lại với RẦY là ngày hôm nay (tiếng cổ). RẦY GIÓ MAI MƯA cũng như NGÀY NAY GIÓ NGÀY MAI MƯA hoặc NAY GIÓ MAI MƯA, ý nói luôn-luôn bị ngăn-cản như có gió mưa vậy. RẦY ƯỚC MAI AO cũng như NAY ƯỚC MAI AO nghĩa là ƯỚC-AO luôn-luôn, ngày nào cũng vậy. NAY MAI cũng như RẦY MAI, nghĩa là ngày hôm nay và ngày sắp tới (Nay hoàng-hôn đã lại mai hôn-hoàng) nghĩa là : ngày nay chiều rồi, ngày mai lại chiều, ngày nào cũng như ngày nào, cuộc đời đều đều trống-rỗng hết ngày nọ sang ngày kia. RẠNG MAI hay RẠNG NGÀY MAI là : rạng ngày hôm sau, lúc trời vừa rạng ngày hôm sau, tức là ngày hôm sau lúc trời còn sớm lắm. MAI SAU nghĩa là SAU NÀY. MAI XƯA là Sau này và xưa kia, nghĩa cũng gần như Trước Sau hoặc Sau Xưa trong câu : « Cùng nhau kể lể sau xưa. Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa », nghĩa là : (chữ trinh đáng giá nghìn vàng, nay chữ trinh đã không còn thì) khi động-phòng hoa chúc (đốt đèn hoa ở trong phòng kín) vợ chồng ăn-ở với nhau, há chăng hổ thẹn với chàng về truyện ngày xưa và sau này, ư ? 6) Mai là tiếng đệm « Con oanh học nói trên cành mỉa-mai » : Mai là tiếng đệm của tiếng MỈA, cũng như tiếng BAI là tiếng đệm của """