"
Chú Bé Thất Sơn - Phạm Công Luận full mobi pdf epub azw3 [Thiếu Nhi]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chú Bé Thất Sơn - Phạm Công Luận full mobi pdf epub azw3 [Thiếu Nhi]
Ebooks
Nhóm Zalo
BIỂU GHI BIÊN MỤC TRƯỚC XUẤT BẢN ĐƯỢC THỰC HIỆN BỞI THƯ VIỆN KHTH TP.HCM
Phạm Công Luận
Chú bé Thất Sơn / Phạm Công Luận. - Tái bản lần thứ 1. - T.P. Hồ Chí Minh : Trẻ, 2012. 104 tr. ; 20 cm. - (Tuyển truyện hay dành cho thiếu nhi).
1. Truyện ngắn Việt Nam -- Thế kỷ 21. 2. Văn học Việt Nam -- Thế kỷ 21. 3. Văn học thiếu nhi -- Thế kỷ 21.
1. Short stories, Vietnamese -- 21st century. 2. Vietnamese literature -- 21st century. 3. Children's literature -- 21st century.
895.92234 -- dc 22
P534-L93
Tái bản lần thứ nhất
1
Chị Thảo ló đầu xuống: “Nè, lên sân thượng chỉ cho xem cái này hay lắm!”
Nam lóc cóc leo lên, cứ một bước “nuốt” ba bậc thang. Trên sân thượng quang đãng, chị Thảo đứng sát tường nhìn ra ngoài phía núi Sam.
Một cảnh đẹp chưa từng thấy hiện ra trước mắt hai chị em. Ráng chiều
5
màu da cam rực rỡ cuối chân trời. Trên cái nền tuyệt vời đó, dãy Thất Sơn lô nhô màu tím rịm. Những dải mây hay sương núi vắt ngang trời màu tím lợt hơn. Trông cứ như từng dải lụa.
Gió hây hây thổi vào mặt Nam. Nó xoay lưng dựa vào tường nhìn qua phía trời đông. Đến phiên nó choáng ngợp trước một quang cảnh lạ: ăngten tivi đâu mà nhiều quá. Thị xã Châu Đốc nhiều nhà có tivi quá nên hầu hết các nóc đều gắn ăngten. Đặc biệt, chiếc nào cũng dài ba, bốn mét, được gắn vững chãi bằng ống nước. Có lẽ chúng được gắn thật cao để bắt cho được đài thành phố Hồ Chí Minh hay đài Long Xuyên. Ăngten chạy dọc từ Đông sang Tây thị xã, từ những dãy nhà gần đến cuối chân núi Sam xa tít, tạo thành lắm đường nét: Nét sổ dọc của cột
6
ăngten, nét sổ ngang của thân và nhánh, những đường nét nhấp nhô, cao thấp, xa gần. Nam chỉ chị Thảo xem.
- Nhìn cảnh này, em tưởng tượng điều gì?
- Một khoảng rừng thưa.
- Chị nghĩ khác. Giống một giàn hợp xướng.
Ý chị Thảo thật lạ, có vẻ lãng mạn, bay bổng. Nhưng thật có lý. Quang cảnh độc đáo này có vẻ gì nhịp nhàng, sinh động như một bản nhạc trầm hùng.
Nó liếc qua chị Thảo. Ánh nắng chiếu vào mặt chị trông ửng hồng, lấp lóa hàm răng ngà. Thấy Nam ngó, chị nheo mắt:
- Cảnh đẹp quá! Ở Sài Gòn, chị em mình làm sao thấy được những cảnh này.
7
- Nhưng Sài Gòn vui hơn. Ở đây buồn hiu hà. Thị xã gì đi mấy vòng đã hết! - Nam phản đối.
- Rồi em sẽ thấy - Chị lại nheo mắt cười - Ở đây có nhiều thứ ngộ lắm. Nè, em có ăn thịt chuột bao giờ chưa?
- Khiếp, ai lại ăn thịt chuột?
- Nhà quê. Thịt chuột đồng ăn lúa béo mềm, ngon hơn thịt gà... Em ăn thử món cá linh kho nhừ xương chưa... hết sẩy đó nghen, còn hơn cá hộp Savicô nữa. Nước cá kho chấm bông điên điển em ăn cả chục chén cơm chưa đã...
- Nói nghe phát thèm...
- Còn món mắm ruột nè...
- Ủa, bộ người ta lấy ruột làm mắm hả?
Chị Thảo bật cười: “Là món mắm thái má hay làm cho mi ăn với bún
8
9
đó. Mắm thái, ở đây gọi là mắm ruột. Đặc sản Châu Đốc đó em...”
- Còn gì nữa chị kể tiếp.
- Còn thịt rùa, thịt rắn nè...
- Khiếp! - Nam trề môi - Chị là con gái mà biết ăn toàn thứ dữ không!
- Đâu có sao em. Lúc đầu cũng sợ lắm. Nhưng gặp mấy bữa thực tập đói bụng ăn tuốt luốt. Thôi, nói nữa bắt thèm, đói bụng rồi, chị em mình xuống ăn cơm đi. Mai ra nhà ông ngoại tha hồ ăn...
Cả hai chậm rãi đi xuống. Ngoái lại nhìn, chiều đã nhợt nhạt, chỉ còn những khoảng tím sậm cuối trời xa. Đêm đầu tiên ở Châu Đốc đã tới. Chẳng biết những ngày ở đây sẽ ra sao...
10
2
Nam rời Sài Gòn về đây mà lòng còn luyến tiếc. Bọn bạn bè lớp 7A6 giờ có lẽ tứ tán khắp các lớp 8 trường Nguyễn Huệ sau đợt sắp xếp lại các lớp. Tụi nó lo học, còn mình lang thang đến tận xứ này. Đầu năm học tức tháng 9 năm ngoái, chỉ học được một tuần Nam bị té xe gãy tay, gãy cả xương vai. Phải ở nhà vừa băng bó vừa chạy điện suốt 3 tháng. Đến khi khỏe
11
hẳn, mới thấy đi đứt cả học kỳ. Vừa định xin học trở lại, cơn bệnh sốt xuất huyết ập đến. Nam trở lại bệnh viện lần nữa, vừa nốc thuốc hàng đống vừa uống nước cam, nước chanh liền liền. Khỏi bệnh, má tuyên bố: “Con đừng buồn chi cả, từ nay con cứ nghỉ ngơi cho khỏe. Năm tới xin đi học lại”. Đành rằng Nam học sớm một năm, nhưng nghĩ tới chuyện năm tới phải học chung với đám lớp 7 “đàn em” vừa tấn lên thật không khoái tí nào. Thấy Nam có vẻ xanh xao, nhân chuyến chị Thảo xin đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp ở quê ngoại, má cho Nam đi theo. Má nói: “Tạng con ở đồng quê thích hợp. Muốn ở mấy tháng cũng được”. Đắn đo dùng dằng mãi Nam mới chịu xa thành phố với đủ thứ sách báo, trò chơi điện tử, vidéo. Vả lại những kỷ niệm của những ngày hè ngắn ngủi bên ông ngoại khi còn bé Nam vẫn chưa
12
quên. Sáng nay, hai chị em khăn gói lên đường. Đến Châu Đốc, cả hai ở tạm một đêm tại nhà cậu Sáu rồi sáng hôm sau mới vô nhà ngoại bên Vĩnh Ngươn, bên kia bờ con kinh Vĩnh Tế.
Căn nhà cũ của ông ngoại vẫn như xưa chẳng có chút nào thay đổi. Chỉ mớ hoa kiểng trước nhà có thêm dãy chậu sứ Thái Lan hồng kiêu sa là hơi có vẻ tương phản với khung cảnh quê mùa ở đây. Dì Mười, dắt hai chị em ra vườn. Cây me đặc ngật những quả chín lủng lỉu trông ngon mắt. Chị Thảo chợt túm lấy vai Nam:
- Ơ, con gì kia?
Một con vật lấp ló sau chạc ba cây me keo. Chẳng có gì lạ, đó chỉ là một con khỉ con với đôi mắt to tròn luôn luôn có vẻ dò hỏi. Có lẽ chị Thảo quên, năm ngoái sau chuyến về thăm ngoại, chị có kể ông ngoại đang nuôi một con khỉ kia mà. Nam
13
chợt buột miệng: “Ông ngoại sao lâu về quá vậy, dì Mười?”
- Không biết nữa. Có lẽ còn phải lo đám ruộng bị rầy nâu. Mấy con vào nhà nghỉ ngơi, tắm rửa đi, ông về ngay đó mà.
Nằm trên đi văng ngó mấy cái sàn nhà cũng chán, Nam ra cái võng chỗ chị Thảo nằm:
- Hay là mình ra chỗ ngoại, chị Thảo.
Chị Thảo ngó ra ngoài trời đang kéo mây về đầy ắp trời Châu Đốc. Liệu mưa có đến không? Chị Thảo bật dậy:
- Đi thì đi, để chị lấy cái túi xách.
Chị Thảo đi trước mang đôi kính râm, cái nón trắng in chữ “Sài Gòn tourist”. Đi đường ruộng, chân chị đánh thoăn thoắt như trên mặt đường nhựa, thiệt dễ nể. Nam ngó mông ra xa. Cánh đồng Vĩnh Ngươn
14
lúa chín không đều, khoảnh chín vàng, khoảnh khác xanh non. Lại có vô số con bọ li ti, giống thứ côn trùng hay bám vào bóng đèn của nhà cậu Sáu. “Rầy nâu đó em!”. Nam trố mắt, ra đây chính là thứ côn trùng phá lúa lâu nay báo vẫn thường nhắc. Ngẫm lại công lao nhà nông bỏ ra để thu lại hạt lúa không dễ dàng.
Một, hai, ba rồi một loạt những giọt nước nhểu mạnh xuống người Nam. Mưa! Quay lại nó thấy chị Thảo đang cuống quýt chạy bươn theo cái nón bị gió giật lăn lông lốc xuống ruộng. Nam vọt nhanh hơn, túm lấy: “Nhanh lên chị, vô cái lều vịt kia!”. Hai chị em vừa sà vào lều, mưa ào xuống như trút. Rất hên, không ai bị ướt nhiều.
Thật may, trong lều lại có một tấm phên đủ che một cửa lều. Hai chị em ngồi rút sâu vào trong. Mưa nhiều
15
nhưng gió không mạnh lắm, đỡ tạt. Nhìn màn mưa trắng xóa, Nam buột miệng: “Rầu thúi ruột, hết cả đi đứng!”. Chị Thảo bụm miệng cười: “Em nói giống mấy bà cụ quá!”
Tù và giọng thổi bưng cầu
Năm mươi công cấy ăn trầu đỏ chét Tấm lá buông cây suôn lòng đét Đưa em về Sa Đéc bán thịt...
Một giọng đọc lạ lẫm vang ngân giữa trời mưa lâm thâm. Nam chợt phì cười vì vần điệu ngô nghê của chúng. Nhìn sang nó thấy chị Thảo dường như lắng tai nghe. Rồi chị bỗng cuống quýt: “Cây viết, em có cây viết không? Hay quá!” “Cái gì hay chị?” “Em không nghe hả?... Suỵt, đừng nói nữa!”. Chị Thảo lại lắng nghe như nuốt từng lời. Ai đó đi dọc theo bờ ruộng đã đọc những câu thơ kỳ cục ấy. Giọng đọc con trai còn trẻ cỡ tuổi Nam là cùng:
16
Sớm mơi con mắt lim dim
Tay bưng thúng cám đi tìm con vịt Vác đôi trâu kích đi cày ruộng lịch Quanh thả ví dò tay chắp roi ổi Ống quyển dài khen ai khéo thổi...
- Nam!
- Dạ!
- Em ngó xem ai đọc mấy câu đó vậy?
Cái chị này lạ lùng, có mấy câu thơ tức cười mà quan tâm dữ. Nam bò ra, thấy một thằng nhỏ đen thui tay cầm giỏ đựng cá vừa đi vừa nghêu ngao dưới trời mưa, chẳng lo cái thân ướt át. Nam thụt đầu vô: “Thằng nhỏ chăn trâu chứ có ai đâu”.
- Em ngoắt nó vô đây cho chị.
- Khỏi lo, em thấy nó đang đi tới cái lều này rồi. Dám cái lều này của nó cũng nên.
17
Nam vừa dứt lời thì hai bàn chân của anh chàng đen thùi đã đứng trước cửa lều. Nó hỏi giọng rụt rè:
- Ai trong lều của tui vậy?
- Cho ngồi nhờ tránh mưa một tí em trai ơi!
Giọng chị Thảo ngọt chi lạ. Thằng bé chui đầu vào:
- Dạ không sao, chị cứ tự nhiên. “Ở đời muôn sự của chung” mờ.
Nam phát tức cười. Thằng nhỏ nhà quê này “lý sự” dữ đa. Trong lúc nó lo cất cái giỏ và cần câu, Nam lặng lẽ quan sát. Trông mặt mũi anh ta cũng sáng sủa. Chỉ tiếc nước da đen quá.
- Chị với trò này ở Long Xuyên “dìa” chơi phải hôn?
“Trò”, “dìa” toàn những tiếng thật ngộ, không kém mấy câu vè hồi nãy. Chị Thảo dịu dàng hỏi nó đủ điều. Thằng nhỏ kể nó tên là Siêng, nhà ở
18
ấp 4 ra đây chăn trâu cho ông Tư To ở xóm Bầu Trôm. Cái thằng đẹt ngắt như vậy mà lớn hơn Nam một tuổi.
- Vậy em nghỉ học rồi?
- Dạ còn chứ, nhưng học lớp “đim”.
- Lớp “đim” là lớp gì? - Nam buột miệng hỏi.
- Lớp học buổi tối đó. Quên nữa, - nó có vẻ bẽn lẽn, - lớp đêm mà em quen miệng gọi đim. Em học chung với nhiều người lớn lắm. Lớp 8 ở xóm không có, em phải qua bên kia kinh, học trường bổ túc văn hóa.
Tự dưng Nam thấy có cảm tình với thằng bé. Phải chăn trâu như nó, tối còn đi bộ từ Vĩnh Ngươn, qua đò sang bên kia thị xã để đi học. Tên nó là Siêng cũng phải.
- Mấy câu thơ hồi nãy ai dạy cho em vậy?
- Dạ, má em.
19
- Khi nào rảnh, em chép lại cho chị nghen!
- Dạ, “miễn” là gặp chị nữa.
- Tất nhiên là còn gặp chị nữa. Ông ngoại chị người ta gọi là ông Tám, nhà ở xóm 4 gần nhà ông Tư To chứ đâu.
Nam xen vào: “Chị chép mấy câu đó làm chi?”
- Ủa, em quên rồi hả? Chị về đây sưu tầm văn học dân gian mờ. - Chỉ Thảo trả lời rồi quay sang Siêng - Má em chắc thuộc nhiều câu ca dao lắm hở? Bữa nào em dẫn chị qua thăm má nghen!
Thằng Siêng cúi mặt, nói nhỏ: “Dạ, má em mất lâu rồi”. Chị Thảo có vẻ bối rối, chị đặt tay lên vai nó: “Vậy hả, chị xin lỗi em, còn ba...”
- Ba cũng vậy. Mất hồi em còn nhỏ...
20
Lòng Nam se lại. Thật tội nghiệp, nó mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chị Thảo lộ vẻ bất nhẫn.
- Bây giờ em sống có một mình thôi sao?
- Dạ, em chăn trâu cho ông Tư To. Tối em ngủ ở nhà ổng hoặc ngoài lều. À... - Thằng Siêng chợt nhổm người dậy, nó nói qua chuyện khác - Chị với trò này có lạnh không? Để em đốt lửa cho ấm. Bữa nay mừng ngày hội ngộ, ba chị em mình “nhậu” một bữa chơi.
- Ủa, tụi chị đâu biết nhậu!? - Chị Thảo tròn mắt.
- Em giỡn thôi. Nhậu với nước trà “mắc cỡ”.
Siêng lôi ra từ góc lều mớ củi khô. Nó móc quẹt diêm từ trong cái bao nylông, nhóm lửa. Động tác sắp củi, bật lửa che gió của nó thật điệu
21
nghệ. Củi nhóm xong, nó lôi từ góc lều ba hòn gạch làm bếp, cả cái ấm đất, một chai nước mắm, một nhúm cỏ khô trong túi nilông, cả một cái hũ đen đen ra. Chị Thảo và Nam nhìn nhau cười. Ai dè có cả “tài sản” trong lều, mà đâu có ai biết. Siêng bỏ mớ cỏ khô vô ấm, đặt lên bếp. Trong lúc đợi nước sôi, nó lôi mấy con cá lóc từ trong giỏ ra. “Eo ơi, cá lóc bự quá!”. Chị Thảo xuýt xoa. “Em mới tát đìa cho hàng xóm. Họ cho em mấy con”. Nó lại lấy một cây xiên nhọn trên nóc lều, xiên lút sâu vào miệng cá. Xong xuôi, Siêng thò tay ra lều, móc lớp đất sét mép bờ ruộng. Đất sét được bọc chung quanh con cá. Một đầu thanh sắt được ghim xuống đất, giữa đám củi lửa. Siêng bỏ thêm củi, thổi cho ngọn lửa bùng lên, liếm lem lém vào cục đất sét có bọc con cá.
22
Nước sôi ùng ục trong ấm, Siêng bắc ấm nước xuống:
- Chị với trò uống nước nghen, em chỉ có một cái ly, uống tạm. Đợi em một chút.
Thằng Siêng bươn ra khỏi lều. Chị Thảo rót ly nước: “Uống đi cho ấm bụng”.
- Nước gì vậy chị, đâu phải trà. - Lá mắc cỡ khô đó.
- Uống có sao không? - Nam e dè. - Vị thuốc đó em, uống vô mát gan.
Ly nước thơm thơm, vị lạ, thật dễ chịu và ấm bụng.
Thằng Siêng vọt vào bếp, tay cầm mớ rơm khô bọc trong áo. Nó đặt rơm giữa bếp lửa. Ngọn lửa bùng mạnh, đỏ rực, Siêng với tay đưa chị Thảo cái hũ đen. Chị Thảo mở ra, ngửi ngửi.
23
- Nước mắm me phải không? Đưa chị!
Chị Thảo nhanh nhẹn lôi mấy cục me chín ra khỏi hũ. Chị chiết nước mắm ra chén, bỏ vài cục me vào.
Cục đất sét bọc con cá giờ đã khô trắng. Thằng Siêng thận trọng dùng rơm lót tay cầm cây xiên sắt ra. Nó gõ khe khẽ xuống đất rồi bóc từng miếng đất sét một. Sau lớp đất sét, lớp thịt mềm của con cá lóc lộ ra trắng bong, thơm phức. Thiệt lạ, thịt con cá không dính một tí đất sét, nó chín ươm, mọng nước thật hấp dẫn. Siêng đặt con cá lên cái dĩa duy nhất có trong bếp.
- Em mời chị và trò này ăn trước nghen! Em làm tiếp con nữa.
Đợi nướng xong con thứ hai, chị Thảo và Nam mới ngồi vào. Con cá lóc nướng chấm nước mắm me ăn tới đâu “biết” tới đó. Cái vị cá mới
24
25
ngọt làm sao! Nó cộng hưởng với vị nước mắm mặn, me chua thành một hương vị ngon tuyệt vời. Còn hơn món cá bỏ lò ở quán Bảy Sò đường Nguyễn Tri Phương mà có lần Nam được ăn.
Nam mải ăn, đến lúc nhìn lên thấy thằng Siêng ngó nó ăn, miệng cười tươi rói. Mắc cỡ quá, nó nói lảng với chị Thảo:
- Món này Siêng làm ngon quá, chị hén, em nghe ba nói món cá lóc nướng trui ngon lắm, chắc không bằng món này đâu hén.
- Đây là món cá lóc nướng trui chứ còn gì nữa. - Chị Thảo phì cười. Thằng Siêng cũng nhe răng cười. Nhưng không phải cười chọc quê, Nam cảm thấy như thế. Tự dưng, Nam thấy Siêng thật dễ thương. Nó cũng bật cười.
26
3
Ánh nắng trưa dọi xuống dòng kinh chói chang khiến Nam phải dùng tay che mắt. Xuồng lướt giữa hai bờ kinh Vĩnh Tế mọc đầy những ngôi nhà sàn. Mới năm nào còn nghe nói pháo của tụi Pôn Pốt câu tới tận đây, giờ tràn ngập một không khí thanh bình. Nam mải miết nhìn những rặng ô môi mọc xen giữa các căn nhà. Đẹp làm sao những bông
27
ô môi đỏ phơn phớt tím. Bỗng chốc Nam thấy gần gũi cái không khí thôn dã ở đây. Nó không nhộn nhịp mới lạ từng ngày như ở thành phố Nam sống... Nhưng bao lần nó khiến Nam dịu lòng, ngây ngất trước vẻ đẹp của những buổi chiều vàng trên đường làng, của một đêm trăng yên tĩnh và mộng mơ khi nằm trên chiếc chiếu ngó trời. Sau những buổi dầm mưa ở đây, nó ngạc nhiên thấy mình không dễ bị sụt sịt mũi như ở thành phố. Và những buổi trưa thật dễ chịu khi nằm trên chiếc võng giăng ở cột nhà, đung đưa võng đón gió đồng, chìm vào giấc ngủ thật sâu, không mộng mị. Còn cả tình người của những cô Sáu, thím Ba, dì Mười, anh Bảy hiền hòa luôn nở nụ cười chân chất như lúa khoai... Bất giác, Nam nghĩ đến thằng Siêng... Sau buổi chiều mưa, Nam và chị Thảo chưa gặp lại nó. Có lần hai chị em qua nhà ông Tư
28
To hỏi thăm, ổng chỉ ra đồng với vẻ mặt vừa khó chịu vừa ngạc nhiên. Hẳn ông không thể hiểu nổi hai chị em mới ở thành phố về bỗng dưng lại có quen biết với thằng nhỏ chăn trâu nhà ông. Và chắc hẳn ông không muốn có người chi phối nếp làm việc của nó.
Ánh nắng xiên khoai lọt vào khoang chiếc ghe máy. Nam quay vào. Ông ngoại nãy giờ ngồi điều khiển cần lái hỏi vọng ra trước: “Sao không ngủ?”. “Dạ, cháu không buồn ngủ”. Tiếng nói chuyện làm chị Thảo mở mắt. Chị lồm cồm bò ra, ngồi cạnh Nam. Hai chị em ngó mặt kinh mênh mông với đủ thứ ghe: ghe chài chở lúa, đen và tròn như bụng trâu, ghe cui, ghe cà-ron, ghe chở cá chở trái cây, ghe bầu thon thon nhẹ nhàng và đẹp. Chúng qua lại trên kinh ở hai tuyến như xe trên đường phố.
29
- Trông kìa, ai như thằng Siêng đi trên bờ, đúng không? - Chị Thảo trỏ lên bờ phải.
Quả đúng thằng Siêng. Nó đi như chạy dọc theo bờ, vai lủng lẳng đeo cái túi may bằng vải bao bố đựng gạo. Nam cuống quít gọi to: “Siêng! Siêng! Nó không nghe. Làm sao bây giờ chị?” “Để chị nói ông ngoại tấp vô cho nó quá giang”.
Chị Thảo bò ra phía sau lái nói nhỏ với ông. Máy tắt. Con thuyền quay mũi lướt êm ru vào bờ đúng lúc thằng Siêng chạy tới. Trán nó lấp xấp mồ hôi.
- Siêng, Siêng, lên đây ông chị cho quá giang nè!
Thằng Siêng không từ chối, đi lần xuống mép nước rồi bước xuống ghe. Thoáng chút mừng rỡ trên gương mặt mệt mỏi của nó. Ông ngoại cười hiền hòa, gật đầu khi thằng Siêng
30
thưa. “Có phải cháu chăn trâu cho ông Tư To?” “Dạ!”. “Có cực lắm hôn cháu?” Thằng Siêng đáp nhỏ: “Dạ, không cực lắm!” Ông ngoại chăm chú nhìn nó rồi nổ máy, mắt nhìn xa xa.
- Em đi đâu về? - Chị Thảo ân cần hỏi.
- Em tranh thủ ra thị xã mua mớ giấy bút với mấy quyển sách. Sắp thi học kỳ đến nơi rồi.
- Thế trâu bỏ cho ai?
- Em nhờ tụi bạn trông, chị ạ. Nhưng em không yên bụng nên gắng chạy về cho lẹ.
Khác với nét sôi nổi hôm trước, thằng Siêng có vẻ suy tư hơn. Da nó đen sạm hẳn. Nhìn kỹ, trên cánh tay nó có mấy vệt đỏ tím. Vết xước hay những lằn roi? Thấy Nam chú ý nó nở nụ cười rồi chỉ ra bờ sông:
31
- Ý coi kìa, có một con rắn đang trôi, thấy không?
Con rắn dài cỡ một thước, đã chết, trôi lững lờ trên dòng nước. Một cảnh lạ hiếm thấy ở thành phố. Thằng Siêng nói tiếp:
- Thấy con rắn trôi, Siêng nhớ một chuyện hồi xưa ở núi Sập...
- Núi Sập ở đâu? - Nam cắt ngang.
- Đó là một hòn núi trong huyện Thoại Sơn. Ở đó nghe nói người ta đào được nhiều chiếc bình bằng sành và nải chuối, buồng cau đúc bằng vàng...
- Ngộ quá! Rồi chuyện gì nữa? - Nam nôn nóng.
- Chuyện xưa kể rằng dân núi Sập bắt được một người trẻ tuổi từ trên núi xuống hái trộm dừa. Thấy ông ta hiền lành dân không bắt tội. Ông ta liền xin tạ lỗi bằng cách xem mạch hốt
32
thuốc cho bà con. Ông chữa đâu lành đó, nhất là bệnh con nít. Mà ông còn chữa bệnh điên nữa. Chữa hay lắm!
- Hay quá hén!
Chị Thảo nãy giờ ngồi tựa mạn ghe, cầm cây bút hí hoáy viết gì đó. Nam ngó thằng Siêng, chờ đợi. Hiểu ý, nó kể tiếp:
- Chữa bệnh cho bao nhiêu người, ông ăn trộm dừa đều cứu được hết. Nhưng có lần ông gặp phải con bệnh ngặt. Đó là con một vị quan đại thần. Ông nhìn đứa nhỏ rồi nói: “Con bệnh này yếu lắm. Nếu chữa lành tôi phải chết thế nó vì động đến ông bà ở dưới đất. Nếu con bệnh chết, tôi còn sống thêm ít lâu nữa. Để tôi đi thiếp hỏi lệnh trên thế nào”.
Ông nằm xuống đất, nhắm mắt “thiếp” rồi mất luôn. Nhớ ơn ông, người ta xây một ngôi tháp thờ ở núi Sập. Gọi là tháp thầy Sanh.
33
- Sao Siêng rành chuyện đó?
- Có chi đâu, có lần Siêng đưa trâu về chân núi Sập. Hôm đó là mùng 5 tháng 5, ngày cúng thầy Sanh, người ta kể lại.
Ghe đi xình xịch qua bao dãy nhà. Ruộng lúa dần hiện ra hai bên bờ kinh. Mùa này nước chưa lớn nhưng trông trời nước vẫn mênh mông. Có tiếng ông ngoại cất lên trong tiếng máy nổ: “Thảo ơi!”. “Dạ!”. Ông ngoại chỉ thằng Siêng: “Cháu kêu cháu kia ông hỏi”.
- Nè, - ông ngoại cất tiếng, - cháu sống ở đây. Vậy cháu có biết con kinh Vĩnh Tế này do ai đào không?
Nam trố mắt ngó thằng Siêng. Thử coi anh chàng này “cỡ” nào. Nó lễ phép trả lời:
- Dạ, cháu có biết. Người chỉ huy đào kinh là ông Nguyễn Văn Thoại.
34
- Cháu biết gì về ổng, cứ nói...
- Ổng làm tới chức Hầu phải không ạ? Ổng quê ngoài Trung, đất Quảng Nam chi đó, ổng vô đây khai phá 4 tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, rồi đào con kinh này kéo từ Châu Đốc tới tận Hà Tiên. Nghe nói, khi đào có tới hàng chục ngàn người chết vì muỗi mòng, bệnh tật, thú dữ...
- Cháu biết chính xác năm nào đào kinh không? - Ông ngoại chăm chú hỏi.
- Dạ nếu không lầm là năm 1818.
- Sao cháu biết? - Ông mỉm cười hỏi gặng.
- Cháu đọc trong sách ạ.
Ông ngoại gật gù. Nhưng Nam không thích chuyện đào kinh lắm. Nó còn muốn nghe những sự tích thật kỳ lạ ở đây hơn. Nam giục:
35
- Kể nữa đi Siêng! Chuyện là lạ đó nghen!
Thằng Siêng ngó ra sông. Nó kể một chuyện xảy ra ở ngay núi Sam này. Hồi trước ở đây có một đàn khỉ phá phách rất dữ. Chúng thường phá rẫy lấy cắp khoai mì. Dân lành không sao chịu nổi, nhưng chưa tìm được cách đuổi hay diệt chúng được. Người bị chúng phá nhiều nhất là ông Ba Cổ.
Một hôm thấy đám rẫy của mình bị phá tan tành, ông Ba Cổ nổi xung thiên vác dao rượt theo chúng tuốt vô rừng. Bầy khỉ chạy tới hẻm núi đột nhiên ré hoảng lên. Con khỉ đột đầu đàn vội leo lên cây vông cao nhất. Cả bầy lên theo. Ông Ba Cổ ngó quanh, thấy một con cọp trong bụi. Hoảng quá, ông cũng vọt lên một cây gần đó.
36
Con cọp đến gốc vông rình bầy khỉ. Nhảy lên mấy lần không tới, nó rơi xuống và nằm lăn ra, buông thõng bốn chân. Khỉ đầu đàn thấy vậy, chuyền xuống nghe ngóng. Nó ném khoai mì, cành cây xuống, con cọp nằm im. Liệng tiếp một con khỉ con rồi con thứ hai, con cọp không nhúc nhích. Khỉ đột liền xuống đất. Vừa tới nơi, cọp vùng dậy tát khỉ đầu đàn chết tươi. Ông Ba Cổ lúc đó ngồi trên cây xem vừa sợ, vừa thấy “đã”.
- Con cọp khôn “dàn trời mây”. - Nam buột miệng.
Ông ngoại nãy giờ lắng nghe, chậm rãi hỏi:
- Chuyện này ông có nghe kể loáng thoáng nhưng không nhiều chi tiết như cháu kể. Ai kể cháu nghe?
- Má cháu ạ.
37
- Má cháu hồi trước làm việc gì? Ở đâu?
- Dạ, má cháu đã mất. Trước đây dạy học ở Tịnh Biên. Còn nhà ở xóm Gò Mối.
- Hử? - Ông ngoại nhíu mày - Cháu có phải con Tư Thu, giáo Thủy?
- Đúng ạ.
Ông im lặng, lẩm bẩm: “Hèn chi. Thiệt là tao sống gần Tư To lại không biết con là con giáo Thủy, Tư Thu”.
Không khí chùng xuống giữa tiếng xình xịch của máy đuôi tôm. Tiếng gà eo óc gáy bên bờ kinh. Xuống tới xóm bốn. Thấp thoáng vườn cau nhà ông Tư To. Xa hơn nữa là mái ngói nhà ông ngoại. Sắp tới đó, thằng Siêng xin lên bờ. Nó sẽ đi ngược ra đồng tiếp tục giữ đàn trâu.
- Tư Thu với giáo Thủy ông không lạ gì... - Ông tôi đi trước dọc theo
38
con đường mòn về nhà, chậm rãi nói - Trước anh ta có đám ruộng sát chân núi Sam. Ảnh là nông dân lại chịu khó đọc sách. Những lúc ghé nhà ông chơi hay có lần đến giúp ông xây cái nhà sau, ảnh đều xin được ngó tủ sách. Đặc biệt, Tư Thu rất ghét nhậu nhẹt.
Nhưng trời không thương người hiền. Một bữa vô rừng dưới chân núi, ảnh bị rắn “chàm quạp” cắn chết. Lúc đó hay tin ông chạy xuồng vô tới xóm Gò Mối mang củ “nầng” định xắt ra giải độc cho ảnh nhưng không kịp. Sau đó, cô giáo Thủy tức má thằng Siêng đổi đi dạy học ở Tịnh Biên. Thằng Siêng đi theo. Đến năm 78, lính Pôn Pốt qua giết dân mình. Cô giáo Thủy do mải lo cho mấy đứa học trò nên bị tụi nó giết chết...
Ông ngoại ngừng nói, nhíu mày như cố nhớ lại.
39
40
- Riêng chuyện má thằng Siêng, cũng được bà con biết nhiều vì sau đó tờ báo tỉnh mình có viết về cô ấy. Nhà báo kể lại, khi tụi Pôn Pốt kéo qua, cô cùng đám học trò chạy về hướng thị trấn Tịnh Biên. Chạy được một đoạn đường, cô lộn trở lại tìm nốt số học trò còn sót. Gặp được chúng cô tìm cách đưa về nơi an toàn nhưng không kịp. Lính Pôn Pốt giết sạch mấy cô trò cùng một số dân chậm chân. Ông nghe nói cô còn đứa con ba bốn tuổi thoát chết nhờ theo người thân dắt về Long Xuyên chơi. Nó chính là thằng Siêng. Tội nghiệp, nó lưu lạc về đây. Giờ phải đi chăn trâu...
Bước chân Nam cảm thấy nặng nề. Cảnh thanh bình yên tĩnh ở đây không chỉ chứa đựng những số phận êm đềm như lũy tre xanh soi bóng dưới lòng kinh. Đâu ngờ thằng
41
Siêng, chỉ trạc tuổi Nam phải nếm trải đau buồn to lớn như vậy.
Giọng chị Thảo lắng xuống:
- Ông, con thấy thằng Siêng cực khổ lam lũ nhưng ham học lắm. Ông biết không, có đứa chăn trâu nào lại chịu khó đi học lớp đêm như nó đâu.
- Biết, ông nghe nó nói chuyện đủ biết không giống con người ta. Có lẽ thừa hưởng được khí chất của ba má nó...
Ông ngoại buông lửng lời nói, rảo bước nhanh hơn. Trời đã về chiều. Đàn muỗi vo ve trong khóm chuối. Ba ông cháu mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ.
42
4
Nắng sớm ở nông thôn đến rất nhanh. Mới bảy giờ ba mươi, đồng ruộng ngập nắng chói chang. Đàn trâu của Siêng nhởn nhơ gặm cỏ ngoài bãi ven triền núi. Siêng và Nam ngồi trên mô đất giữa nắng ấm.
- Giá như ở thành phố, mình đang sinh hoạt đội hoặc đi cắm trại ở sở thú, Tao Đàn hay Văn Thánh. - Nam kể.
43
- Chủ nhật dành cho sinh hoạt đội? Thích thật. Mình cũng mơ ước được như thế. Lớp đêm của mình toàn những bạn phải đi làm thêm, hầu như không có ngày chủ nhật. Sinh hoạt đội lại không được tổ chức ở lớp đêm. Chỉ thỉnh thoảng các anh chị ở thị đoàn làm một buổi cắm trại, lửa trại.
- Vậy cuộc sống của Siêng buồn thiệt!
Nói đến đó, Nam giật mình vì lỡ lời. Nhưng Siêng có vẻ không để ý đến. Hay có biết nhưng lờ đi. Siêng đứng dậy:
- Nông thôn còn nhiều cái thiếu thốn nhưng lắm thú vui lạ. Rồi Nam sẽ biết, đi theo mình.
Siêng dẫn Nam đến một căn nhà lá lụp xụp sát chân núi. Trong nhà một ông lão vạm vỡ, da đen trùi trũi nằm đong đưa trên võng. Trên người ông quấn độc một chiếc xà rông cũ
44
kỹ. Thấy Siêng bước vào, ông lập tức bật dậy:
- Gì đó Siêng?
- Cháu lấy cái cần câu.
- Lấy đi. Ông còn mớ trứng kiến, bỏ sau bếp. - Nói xong ông ngả lưng xuống võng, cũng nhanh như lúc ngồi dậy. Dường như trong nhà tối quá, ông không kịp ngó thấy Nam. Nghe tiếng nó chào, ông lại bật dậy lần nữa:
- Ơ, cháu, đi câu vui hén. Trưa tụi cháu ghé lại đây nghen.
Lần này, ông không ngả lưng xuống ngay.
Ra tới cửa, Nam nghe ông lẩm bẩm:
- Con cái nhà ai mà trắng bóc dễ thương hết sức.
Thằng Siêng nghe được tủm tỉm cười.
45
Ra tới đám ruộng lấp xấp nước cách đàn trâu vài chục thước, Siêng dừng lại. Nó dùng mồi móc những hạt trăng trắng đã được vê viên vào lưỡi câu: “Trứng kiến nè, Nam biết không?”
Nam ngó kỹ những hạt trắng trong, tròn nhỏ hơn hạt gạo một chút trên tay. Ra đây là trứng kiến. Nó nhớ đã đọc trong quyển sách nào đó, có viết rằng người ta chế biến món xôi nấu bằng nếp với trứng kiến ăn rất ngon.
Dưới ruộng sao lắm cá rô non bằng hai ngón tay. Siêng giật cần liên tục. Chuyền cần câu qua Nam nó cũng giật được mấy chú. Cả giờ, hai đứa câu được một giỏ đầy.
Siêng thủ thỉ nói:
- Nếu có dịp, mình đi câu cắm thích hơn, lại đỡ mệt. Câu cắm phải đi lúc chạng vạng tối khoảng sáu giờ. Một lần mang cả năm, sáu chục chiếc cần, có khi cả trăm cần. Cần
46
câu cắm làm bằng tre chớ không bằng trúc như chiếc này. Nó chỉ dài năm tấc vót đầu nhỏ đầu to. Ra ruộng, mình cắm đầu to xuống, dài dài dọc theo bờ ruộng. Cắm làm sao cho lưỡi câu là đà dưới mặt nước...
- Câu bằng mấy chục cần, chắc phải tốn trứng kiến dữ lắm? - Nam thắc mắc.
- Không dùng mồi bằng trứng kiến. Nếu câu cá lóc, cần đi đào dế nhũi, trùn đất làm mồi. Câu cá trê vàng, dùng mồi bằng ong non trộn với sáp.
- Ngộ quá! - Nam thích chí - Cắm câu ở đó, khi nào mới biết cá dính câu?
- Độ ba giờ sau phải ra thăm. Ở xa đã nghe tiếng cá quẫy “sổn sổn” rồi. Có đêm kiếm được năm sáu ký cá là thường.
Nam mải mê nghe, quên cả giật dây câu. Siêng với tay giật lên giúp,
47
một chú cá rô to, to nhất trong mớ cá câu được, lủng lẳng đầu dây.
Câu cá xong, hai đứa ra ao tắm. Đến phiên thằng Siêng phục Nam vì tài bơi. Món “bơi bướm” của Nam thiệt đẹp, chẳng bù với trò “bơi ếch” nhổm lên nhổm xuống của Siêng. Siêng đâu biết rằng, có một dạo dài, hồ bơi nhà Văn hóa Lao động không hề vắng mặt Nam ngày nào. Ở nhà Nam còn treo một huy chương giải bơi thiếu niên cấp quận.
Trên đường về, Siêng giải thích: “Ông Sáu Hiệp hồi nãy là người dân tộc Khơ-me. Ông sống một mình trong căn chòi đó từ khi vợ con ổng bị Pôn Pốt giết sạch. Má mình bị chết chung với gia đình ổng, nên ổng rất thương mình...”
Ông Sáu hỏi lúc hai đứa vào nhà:
- Các cháu đi tắm về, chắc đói bụng lắm hả?
48
Nghe ông Sáu nói, như được nhắc nhở, cái bụng Nam như sôi lên, nó nghe cồn cào cả ruột. Chưa nghe Nam trả lời, ông Sáu hềnh hệch cười:
- Chắc đói thiệt rồi. Ông cháu ta làm một bữa khoai mì nghen.
Khoai mì! Nghe ông già nói, Nam ngán ngẩm. Ngon lành gì chứ? Trước mắt Nam hiện lên những khúc khoai mì nguội ngắt được bày bán ở căntin trường trong giờ ra chơi, ăn một miếng đã ngán.
Thấy nó ngần ngừ, ông Sáu lại hệch miệng:
- Đừng chê nghen. Ông sẽ đãi cháu một bữa khoai mì ra trò. Để coi!
Thằng Siêng ngó Nam, nháy mắt: - Phải đó Nam, để coi, “hết sẩy” mà. Nói rồi nó quay sang ông Sáu. - Ông ơi, con ra nhổ một cây nghen! Nam lóc cóc theo Siêng:
49
- Một cây mì thì được mấy củ hở Siêng?
- Ý, một cây có cả bụi củ đó, đừng coi thường, ăn hổng hết đâu.
Siêng vác cuốc, hai đứa kéo nhau ra vạc rẫy sau nhà. Trước mắt Nam, dọc theo bờ rào, những vồng khoai mì lá xanh non, thân mập mạp đang lắc lư theo chiều gió. Cây nào cũng xanh tốt, cao và thẳng.
Siêng đến bên một hàng cây ngắm nghía:
- Ta đào cây này, chắc nhiều củ?
Nó khom xuống, hạ một nhát cuốc, đào lần quanh bụi cây, moi lên và lật ngửa gốc khoai, cây khoai lật xuống đất, đầy trên bãi cỏ một chụm năm, sáu củ khoai tròn căng, dài thon thả, ướt rượt đất xám màu mỡ.
Về nhà, những củ khoai lập tức được lột ra, tròn trắng phao trong thau nước.
50
Sau này Nam nhớ lại mình đã thưởng thức một “bữa tiệc” hết chỗ chê, một món ăn đồng nội hết sức mộc mạc, bình dân nhưng qua bàn tay của ông già Khơ-me trở thành một món ăn hấp dẫn. Khoai mì luộc xong với nước dừa xiêm, ông Sáu đánh tơi ra, thoa mỡ hành. Xong, ông sai thằng Siêng ra vườn hái mớ rau sống như húng lủi, húng cây, dấp cá, tía tô... Ông dạy Nam cách lấy bánh tráng đã được nhúng nước, cuốn với rau sống, khoai mì trộn mỡ hành chấm với nước mắm chanh có “chọt” trái ớt cay. Sẵn đói bụng sau một buổi sáng đi câu và bơi lội, Nam chén tì tì hết cuốn này đến cuốn khác. Thằng Siêng không kém, ăn với tốc độ “vũ trụ”. Chỉ có ông Sáu ít ăn, ông ngồi cười hềnh hệch nhìn hai đứa.
Ăn xong Siêng nói với ông Sáu.
- Cháu biếu ông mớ cá rô non. Mớ này, ông chiên xù uống rượu đế là “số một” đó.
51
- Mày uống rượu đế với cá chiên xù hồi nào mà biết ngon? - Ông Sáu hóm hỉnh hỏi.
- Dạ, con chưa thử. Nhưng nghe ai cũng khen ngon...
- “Chiên xù” là sao, Siêng? - Nằm dưới gốc cây me hứng gió mát, Nam hỏi.
- Là chiên để nguyên vẩy, cá rô non mang về ngâm nước muối cho ra nhớt rồi móc ruột. Đổ mỡ vào chảo cho sôi, thả cá nguyên con không đánh vẩy vào. Cá rô non chiên xong khô cong, nhai giòn rụm. Nam biết không, trời mưa lạnh ăn cá chiên xù nóng có khi phải bới cả chục chén cơm.
Mới ăn trưa xong, nghe thằng Siêng nói còn phải nuốt nước miếng. Biết Nam còn thích nghe chuyện “đặc sản”, Siêng kể tiếp:
- Ở miệt này nhà nào có trồng dừa thường được nếm một món ăn độc
52
đáo. Đó là món “đuông” chiên. Một loại sâu...
- Một loại sâu? Người ta ăn sâu thiệt à?
- Đúng, nó là con sâu sống chui rúc trong đọt dừa, thân dừa. Nhà nào thấy đọt dừa héo dần, phải chặt bỏ cây dừa, lấy đuông. Mỗi cây lấy được mươi, mười mấy con là thường. Con nào cũng béo mầm trắng bóc, có ngấn, ngo ngoe y hệt con sâu.
- Khiếp! - Nam lè lưỡi - chị Thảo mà thấy được chúng chắc tránh cho thật xa.
- Lần đầu thấy người ta ăn, Siêng ghê ghê. Đánh liều ăn thử một con đuông lăn bột chiên, ngon và béo thần sầu. Nghe đâu ở Sài Gòn, nhiều người thèm đuông, tìm mua không ra.
Gió mát quá, Nam thiu thiu ngủ, mặc cho thằng Siêng nói say sưa. Nó mơ thấy được ăn một bữa cơm có đủ
53
món: đuông chiên, chuột xào, cá rô non chiên xù. Nó tần ngần huơ đũa và gắp ngay món đuông chiên vàng rộm...
54
5
Thắm thoát đã hơn một tháng ở xứ biên giới này. Cảm giác nhớ thành phố của Nam ngày càng mờ nhạt khi đã quen với những đêm đi xiên cá, soi ếch cùng ông ngoại, những buổi ra đồng với Siêng. Quyển sổ sưu tầm của chị Thảo dày cộm những câu ca dao, những truyền thuyết lạ lùng của miền đất địa đầu. Nắng tháng tư như mời gọi hoa phượng nở sớm. Sắp tàn một năm học rồi...
55
Không nhớ thành phố nhiều lắm. Tuy vậy, cảm giác nhớ trường lớp chợt da diết trong lòng Nam. Có lẽ nó bắt đầu từ buổi tối qua đò ngang sang kinh Vĩnh Tế với thằng Siêng. Hôm ấy Nam lẻn vào lớp bổ túc văn hóa, ngồi cạnh Siêng. Lớp lố nhố những mái đầu lớn tuổi, đa số là công nhân viên trong thị xã. Ngồi giữa những thanh niên to cao, thằng Siêng nhỏ xíu, đen đúa với màu tóc cháy nắng. Nam chứng kiến thằng Siêng thật xuất sắc với những bài giải toán ngay trên bảng, những lời phát biểu về bài văn phân tích. Ra về, người được vây quanh không phải là anh chàng lớp trưởng bệ vệ ra dáng cán bộ phường xã mà chính là Siêng. Trên đường về qua đò ngang, người lái đò lắc đầu khi Nam chìa tiền đò: “Đi với thằng Siêng phải hôn, dì cho quá giang”. Trong mắt Nam, Siêng thật “uy tín”
56
lạ lùng. Khi Nam hỏi về điều ấy, nó lắc đầu mỉm cười: “Có thể người ta nể má mình vì hồi đó, má mình dạy hầu hết con nít ở đây. Học trò của má giờ có vợ có chồng cũng nhiều”.
- Nam ơi, - chị Thảo bước từ nhà ngoài vào gọi nhỏ, - em đi ra ruộng với chị.
- Có chi không chị?
- Cứ đi, nói cho nghe!
Nam rảo bước theo ra tới cổng, chị kéo tay Nam.
- Em biết hôn, dì Mười bảo thằng Siêng cách nay mấy ngày bị đánh một trận dữ lắm. Dì Mười qua nhà ông Tư To đòi lại cái xửng hấp xôi, thấy Siêng được anh Cưỡng cháu ông Tư To xát muối vô mấy vết bầm.
- Sao nó bị đánh, chị?
- Chị nghe nói một con trâu trong bầy đi lạc vào rừng. Thằng Siêng tìm
57
suốt buổi không được. Về nhà nó bị đánh. Ông Tư xé tập nó, bảo nó mê học chẳng lo làm lụng. Nó bị đuổi ra khỏi nhà rồi...
- Hèn chi... - Nam nhớ hôm kia tạt qua trường không thấy mặt Siêng.
- Bây giờ nó đâu hở chị?
- Không biết. Có lẽ mình nên đi tìm.
Ngoài đồng Vĩnh Ngươn, những căn lều vịt giờ đã xác xơ hơn trước. Hai chị em ngó từng túp, chẳng có bóng một ai. Túp lều của Siêng dường như nó còn lui tới. Trong góc còn hũ muối, chai nước mắm xài dở.
- Chị nhìn nè!
Nam lôi chiếc chiếu còn khá mới được nhét trên mái lều ra. Trong chiếu có cuốn một quyển tập. Lật ra, trang đầu ghi ngày hôm qua. Cho đến hôm qua, Siêng vẫn đến lớp.
58
Hai chị em hiểu cả: Siêng đã dời chỗ ở ra lều.
- Nghe nói ông Tư đã giao bầy trâu cho người khác. Phần nó, ông đuổi đi đến khi nào tìm được trâu bị lạc mới cho về.
- Có lẽ nó đang trong rừng tìm trâu...
Nam ngó mông lung ra xa rừng. Cây cối rậm rạp, xanh um, vắng bóng người qua... Một cánh cò trắng bay ngang nổi bật trên nền cây xanh. Một hình ảnh đẹp nhưng đơn độc, lẻ loi.
Chị Thảo ngoắt Nam: “Tìm ra rồi, dì Mười bảo Siêng bị công an bắt cùng nhiều người, giữ trên đồn biên phòng sát chợ Gò Miên”.
- Trời đất, sao bị bắt?
- Chẳng hiểu, họ giữ cả chục người lại đồn. Dì Mười ra đồng miệt trên
59
gặp. Dì bảo nó thấy dì, liền quay mặt vô trong. Có lẽ mắc cỡ.
- Tội quá...
Chị Thảo nhíu mày: “Không hiểu nó làm gì để bị bắt, chị không muốn thất vọng về nó. Đói làm bậy, túng làm càng. Chả lẽ... thiệt cái thằng...”
Chị Thảo tiết lộ một chuyện Nam chưa biết: chị có cho tiền nó xài, cả vải may áo, nó từ chối tất. Nó chỉ nhận hai quyển tập. Một trong hai quyển Nam có thấy trong chiếc chiếu.
- Chị...
- Gì?
- Có biết đường ra chợ Gò Miên? Mình ra đó xem sao.
Chị Thảo ngó đồng hồ treo tường. Ba giờ rưỡi chiều. Chị với lấy cái mũ: “Đội vào, chị em mình đi...”
60
Đường ruộng lầy lụa sau những cơn mưa đầu tháng năm. Những con đường hẹp như thế lại đầy dấu chân người. Chưa bao giờ Nam thấy chị Thảo lội ruộng giỏi thế. Chị đi phăm phăm bằng đôi dép nhựa. Nam bước lạch ạch phía sau, gắng lắm mới theo kịp.
Qua dãy ruộng là tới con kinh đào nhỏ chạy dọc biên giới. Xa xa, dãy chợ trời thuốc lá trơ vơ giữa đồng. Gần hơn một chút là đồn công an. Ở đó có nhiều người đứng lố nhố. Đi tới gần, Nam thấy họ dần tản ra, rồi lũ lượt đi ngược về.
- Để ý ngó tìm Siêng nghe. - Chị Thảo nhắc.
Nam căng mắt nhìn. Nó lập tức nhận ra ngay một cái bóng nhỏ. Đích thị thằng Siêng. Không còn ai khác... Siêng chạy ù tới...
- Chị Thảo! Nam!
61
- Em...
- Sao chị Thảo với Nam ra tận đây lận? - Siêng ngước mắt hỏi. Nhìn mắt nó, thấy được cả những ray rứt băn khoăn. Nam se lòng nhìn chiếc áo cũn cỡn, cái tay áo ngắn không che nổi cánh tay gầy guộc của nó. Trên tay, Siêng cầm cái bao nylông được xếp gọn lại...
- Chị với Nam đừng nghĩ xấu về em nhiều lắm nghen. Em xấu hổ ghê khi phải dính líu đến chuyện hồi nãy...
Siêng chợt im bặt, ngó chị Thảo. Chị khoan dung nói: “Em kể tiếp đi”.
- Em... em hết gạo rồi phải đi làm chuyện này thôi...
- Chuyện này là chuyện gì, hở Siêng? - Chị Thảo gặng hỏi, giọng thảng thốt.
- Đi “đai” thuốc thuê cho người ta, chị ạ!
62
“Đai” thuốc. Nam hiểu ra. Người đi “đai” qua chợ trời thuốc lá bên kia biên giới mua thuốc về với giá rẻ, nhập lậu vào Việt Nam. Công an được phép bắt giữ, tịch thu thuốc lậu. Nhiều người lớn muốn tránh công an, đã thuê trẻ con làm việc này. Chuyện đó ông ngoại có kể.
Theo thằng Siêng, sau khi đi tìm con trâu suốt ba ngày không có, nó không dám về, đành ngủ tại chòi lá, tối lại qua kinh đi học. Cầm cự được một tuần, hết gạo nó đành qua chợ Gò Miên xin người ta chia thuốc để “đai” về. Thuốc nó lận lưng áo đi bộ hai ba cây số đường ruộng. Gặp công an thì “vắt giò lên cổ” mà dọt. Bữa nay, xui bị bắt. Cũng may, mấy anh thả nó về...
- Chuyện này, ba má em còn sống chắc không cho em làm. Nhưng không đi, làm sao sống... hở chị?
63
- Mỗi bữa người ta trả em bao nhiêu?
- Một ngàn hai ạ!
Một ngàn hai trăm đồng! Bằng đúng một giờ chơi trò chơi điện tử. Nam chưng hửng. Sao mà rẻ mạt thế. Đổi lấy ba bốn chuyến băng đồng lội ruộng dưới nắng! Nhìn lại, tóc thằng Siêng hoe vàng, da nó sạm hơn... đầy vẻ lam lũ.
- Siêng... gặp khó khăn, sao không nói với chị?
- Dạ, thôi... Chị với Nam quá tốt với em. Vậy cũng đủ rồi. Vả lại, em định làm chuyện này trong vài tuần lễ, có ít tiền xoay việc khác, bán báo chẳng hạn. Phải chi đến mùa, em xin đi gặt thuê...
Gần tới xóm, cả ba đi chậm lại. Cái lều của thằng Siêng hiện ra xơ xác, đen ngòm trong bóng chiều đổ xuống. Xa hơn nữa là ánh đèn điện sáng trắng
64
65
của những nhà mặt lộ, ánh đèn dầu đỏ quạch của xóm trong... Đó là thế giới đầy ánh sáng, có những bồ lúa đầy ắp, những chuồng lợn đông đúc, của những gia đình đầm ấm có mẹ ngồi may, cha đọc báo, đàn con trải chiếu nằm hát ngoài cái sân phơi lúa... Cái thế giới không có thằng bé mồ côi, không người thân thích mới mười mấy tuổi đầu tên Siêng.
Đến trước lều, nó dừng lại, ngập ngừng:
- Em không dám mời chị với Nam vào đây ngồi chơi. Không đèn, lều muỗi lắm. Cũng không còn củi để nấu nước...
Nam không biết nói gì, ngó qua chị Thảo. Chị đang suy nghĩ điều gì lung lắm. Thằng Siêng liếc nhìn đồng hồ của chị. Dường như muốn tránh một điều phải khó xử, nó buột miệng: “Em xin lỗi, chị với Nam về ăn cơm cho kịp. Bây giờ em tắm rửa rồi
66
đi học, ngày mai em sẽ ghé nhà chị chơi”. Nam từ giã nó. Chị Thảo đặt tay lên vai Siêng. Nó yên lặng cúi đầu.
Một tiếng rưỡi sau, chị Thảo kêu Nam mượn ông ngoại cây đèn bão. Chị xin ông một chục ký gạo, mớ khô tra phồng và chai nước mắm. Chị còn cẩn thận mua thêm một cái đèn dầu nhỏ. Ra tới lều vịt, thằng Siêng đi mất tự lúc nào. Chị Thảo cẩn thận treo bịch khô lên nóc lều, bỏ bao gạo vào chiếc thùng gỗ trống rỗng và đặt chiếc đèn lên bàn. Chị lẩm bẩm: “Chắc nó mang bụng đói đi học”. Xong xuôi, hai chị em ra về.
Đêm đó, Nam hơi khó ngủ. Nó nghĩ mãi về hoàn cảnh thằng Siêng, hình dung vẻ mặt của Siêng khi trở về lều, thấy mớ đồ. Bên kia giường, có tiếng chị Thảo trở mình. Hẳn chị cũng nghĩ như nó.
67
6
Cây phượng độc nhất ở xóm bốn nở rực rỡ như một đám mây đỏ ối bay thấp. Mùa hè về khiến tâm trạng Nam xuyến xao. Nó chợt buồn khi nghĩ tới đám bạn bè giờ này đang lo thi cử. Sau kỳ thi sẽ là những buổi ngồi chơi xơi nước trong lớp với tâm trạng thoải mái đợi kỳ nghỉ hè. Đến một lúc nào đó.
Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết. Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
68
Chín mười ngày nhảy nhót
ở miền quê.
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ...*
Nghỉ hè, đối với Nam không cần đi đâu xa. Mùa hè tuyệt với nhất của nó có lẽ ở ngay thành phố thân yêu, thành phố đầy nắng, ồn ào, sôi động. Những ngày hè thích thú qua những chiều gió mát, Nam cùng lũ bạn ăn kem trên đường Điện Biên Phủ sau khi chạy nhảy “đã đời” trong công viên Lê Văn Tám. Hè năm ngoái còn có dư âm thích thú khi cả phân đội bốn của Nam đến từng cơ quan xin giấy vụn về làm kế hoạch nhỏ. Buồn cười nhất, cô giám đốc xí nghiệp bánh kẹo khen Nam đẹp trai, đòi mười năm nữa sẽ gả con gái. Hôm ấy, Nam đỏ lừ mặt, cả phòng làm việc cười châm chọc. Nam chợt nhớ nhỏ Thanh hay bận chiếc áo đầm đỏ nhà
* Thơ Xuân Tâm.
69
ở chợ Phú Nhuận. Năm nay, có lẽ nó sẽ về phường tiếp tục sinh hoạt hè. Nam sẽ được... sung sướng “can” lại từng hình mẫu cho nhỏ thêu, để được nghe hoài một câu “Anh Nam giỏi dễ sợ!”, để lâu lâu được ăn bắp rang thơm mùi vani nhỏ mua ở chợ Tân Định. Ôi, nôn nao quá... Nam muốn chấp cánh bay về thành phố ngay để sà vào lòng má, đòi má mua cho ly sâm bổ lượng. À, quan trọng nhất Nam sẽ kể cho má nghe về vùng đất từ lâu má đã xa rời, về những món ăn độc đáo má nghe tên phải lè lưỡi. Nhất là về thằng bạn nhà quê dễ thương, nghèo khổ, cần cù. Nam sẽ xúi má gởi cho Siêng mớ đồ Nam không bận tới kể cả xấp vải trắng còn dư để Siêng may áo cho kịp khai giảng.
Nam đi lần ra đằng trước nhà. Chị Thảo đang ngồi chép lại những bài ca dao từ chiếc máy ghi âm:
70
- Chị, sáng nay Siêng có ghé qua không? Em dậy trễ không biết...
- Có, em à. Siêng cảm ơn về mấy thứ tối qua dữ lắm. Nó nói vài bữa sẽ nhận vé số bán. Siêng rủ tối có rảnh, em đến trường làm lửa trại ngày 15 tháng 5...
- Hay quá! Chị có đi không?
Chị Thảo lắc đầu. Tối chị phải ở nhà chuẩn bị cho luận văn tốt nghiệp. Mọi việc phải hoàn tất sớm. Một thời gian ngắn nữa, hai chị em phải về thành phố.
- Em nhắn Siêng rảnh ghé qua, chị chỉ cho mấy bài toán lớp 9...
- Lớp 9, ủa, nó đang học lớp 8 mà.
- Đúng, em ạ. Siêng đã tự học một phần ba chương trình lớp 9 rồi. Chị phục nó dễ sợ...
Nam nghĩ không khác chị Thảo. Nghĩ lại, có đủ điều kiện vật chất chưa đủ để học giỏi.
71
Thằng bé quê nghèo như Siêng hơn gấp mười lần mấy đứa hàng xóm nhà giàu của Nam, suốt ngày cắm đầu vào phim chưởng Hồng Kông với phim ma, trốn học liên miên.
Nam rảo bước về phía đống lửa to đốt giữa sân. Mùi lá còn tươi bị đốt trong lửa thơm ngai ngái. Chẳng thấy thằng Siêng đâu cả. Hôm nay lửa trại dành cho lứa học trò nhỏ ở trường bổ túc. Số lượng người dự không nhiều lắm. Giữa vòng, thầy giáo đang làm một trò ảo thuật gì đấy bằng mấy lá bài. Từng tràng cười ồ lên sau mỗi trò biến hóa. Sau đó là tiết mục múa “Trái đất”, một chuỗi người hóa trang dân tộc các nước nắm tay nhảy quanh đống lửa, trông như một đoạn trong phim về người da đỏ. Một anh chàng quấn khăn cà-ma trên đầu, dùng than vẽ râu giả người Ấn. Anh chàng khác
72
có vẻ trắng trẻo nhất lớp đóng vai người châu Âu với chiếc áo khoác cũ, cái cà vạt nhàu nát. Anh chàng vai người da đen bôi đầy nhọ nồi lên mặt, nhe hàm răng trắng ởn. Cô bé da đỏ đầu gắn lông vịt, mặt vẽ lằn ngang lằn dọc...
Trái đất này là của chúng mình. Vàng, trắng, đen tuy khác màu da...
Trống đội được mang ra vỗ “pan pan” nghe lạ tai. Những cậu bé chân đất còn lấm lem bùn của mấy khoảng ruộng vừa lội qua, say sưa múa như quên hết ưu phiền của cuộc đời vất vả với thùng cà rem, xấp vé số hay bầy trâu. Các bạn ấy đóng vai người châu Phi, châu Mỹ nhưng mấy ai thấy được hình ảnh của họ dù trên tivi hay sách báo. Nông thôn, vùng đất mộc mạc buộc chặt gói trọn cuộc đời những chú bé
73
khoai củ này. Lớn lên học, trở thành những nông dân yên phận với cày cuốc, giải trí bằng rượu đế, câu vọng cổ buồn đứt ruột. Chỉ có tri thức, tri thức sẽ là nguồn sáng đổi mới nông thôn, đổi mới người dân ở đây. Nam vẫn nhớ một đêm rỗi rảnh Siêng kéo nó ngồi trước chòi. Trăng lên Siêng trải nóp cùng Nam ngả lưng ngắm trăng. Giữa tiếng gió thổi rì rào qua rặng cây ô môi, thằng Siêng mải miết nói về ước mơ của nó. Nó mơ trở thành một chuyên viên về nông nghiệp như chú Thành, anh Tấn ở trạm thực vật huyện. Nó sẽ hướng dẫn bà con trồng loại lúa nào chống được bọn rầy nâu, loại lúa nào trồng ngắn ngày. Nó sẽ giới thiệu với mọi người về các loại máy gặt, đập, gieo hạt, tuốt lúa, đánh bóng gạo... Không ai sẽ phải vất vả khom lưng ngoài đồng dưới trời nắng, chân
74
ngâm dưới bùn mà sẽ ngồi trong buồng kín của chiếc xe chuyên dùng trên đồng ruộng. Có lúc nó lại nói về ước mơ trở thành người hướng dẫn du lịch ngay vùng núi Sam này. Làm nghề đó, nó được tha hồ kể cho du khách nghe bao chuyện cổ tích, truyền thuyết kỳ lạ về vùng đất này, về những sự tích con người chống chọi với thiên nhiên. Về dòng kinh Vĩnh Tế tốn bao xương máu mới đào nên. Về cuộc sống miền biên giới cam go. Những lúc đó, Siêng như quên rằng ngày mai nó tiếp tục đưa trâu ra đồng, ăn cơm nguội, đi chân đất đến trường... Vẻ say sưa của nó khiến Nam thấy mình tầm thường vì chưa bao giờ nghĩ tới tương lai, mong muốn làm chuyện gì cho người khác. Có lẽ Siêng làm được nhiều việc nếu có điều kiện như mình. Nam nghĩ vậy...
75
- Xin mời! Xin mời!
Nam giật mình. Thằng bé Phi châu đen thui đang nhảy múa tự dưng đến trước mặt Nam kéo nó vào vòng. Lúc này có nhiều người nhập chung với đoàn “thiếu nhi quốc tế” rồi Nam tưởng tượng cái áo thun trắng của nó bị anh chàng da đen nắm đã lấm lem. Mặc! Hôm nay cần vui chơi hết mình.
- Nam đến hồi nào? - Người da đen hỏi từ phía sau.
Ra là Siêng, vậy mà nhận không ra. Nam chìa tay ra sau, Siêng vỗ vỗ vào tay Nam. Hai đứa hòa vào vòng người đang nhảy cà tưng quanh lửa bập bùng.
Đường ra bến đò ngang gồ ghề sống trâu. Đã chín giờ tối. Hai đứa dắt tay nhau lững thững đi. Gió từ ngoài kinh mang một làn hương
76
thơm của hoa lài nhà ai. Bàn tay của Siêng nhiều nốt chai, nhưng mấy ngón tay sao thon dài chi lạ. Những ngón tay của người tài hoa, chữ nghĩa. Rồi cuộc đời thằng Siêng một ngày nào đó sẽ vươn lên được. Những ngón tay này nói lên điều đó.
- Nam biết không, mình kiếm được việc làm rồi. - Siêng thủ thỉ.
- Việc gì?
- Đi bán vé số ngoài chợ Châu Đốc. - Có cực lắm không?
- Không đâu. Buổi sáng lãnh một xấp bán tới chiều, dư trả lại. Cũng may người ta cho trả vốn sau khi bán, không phải cược tiền trước.
Thằng Siêng nói toàn những điều thuận lợi. Nhưng Nam hiểu được phần nào nỗi cực khổ của những đứa bé bán vé số lang thang ngoài phố. Hôm nào mưa, rất khó bán.
77
Muốn bán được một tấm, có khi thằng Siêng phải năn nỉ, mời mọc cả chục người. Nam từng thấy nhiều đứa nài nỉ khách mua như người ăn xin. Tính thằng Siêng không làm được như vậy, có lẽ nó không kiếm được bao lăm. Nhất là lúc này ở đâu cũng thấy người bán vé số.
Gần tới bến đò, có hai cái bóng nhỏ đi ra. Đứa lớn hơn trạc mười lăm tuổi, tay cầm điếu thuốc đỏ lập lòe. Đứa nhỏ cầm một nhánh tre...
- Ê, Siêng. Đi học về hả mậy?
Thằng Siêng lặng lẽ kéo tay Nam bước tới. Đứa kia không buông:
- Đi bán vé số cũng bày đặt học với hành. Muốn làm kỹ sư, kỹ siếc hở?
Sau câu nói, nó vứt mạnh điếu thuốc cụt lủn xuống cái mương chạy dọc theo con đường đất đánh xèo. Thằng Siêng đứng lại.
78
79
"""