"
Chú Bé Có Tài Mở Khóa - Nguyễn Quang Thân full prc pdf epub azw3 [Thiếu Nhi]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chú Bé Có Tài Mở Khóa - Nguyễn Quang Thân full prc pdf epub azw3 [Thiếu Nhi]
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
1. Phần thứ nhất 2. Phần thứ hai 3. Phần thứ ba 4. Đoạn kết
Phần thứ nhất
N
am đưa trả mẹ tiền tàu , tiền ăn quà mẹ cho và nói: – Mẹ ơi, con không đi thăm bố nữa đâu.
– Sao thế con? Hay là con tôi ốm rồi?
– Không phải, mẹ ạ. Con đi vắng lâu, ở nhà ai nấu cơm cho mẹ. Với lại còn con thỏ đen, ai cắt cỏ, tìm lá cho nó?
Mẹ vuốt tóc Nam:
– Con tôi ngoan quá. Nhưng con không phải lo. Mẹ sẽ nuôi hộ thỏ. Con cứ đi chơi với bố nửa tháng rồi về ôn hè cũng vừa. Đây là quà thưởng của bố mẹ cho con. Năm vừa rồi con là học sinh tiên tiến của lớp 5A1 mà.
1 Theo hệ thống giáo dục mười năm.
Nam rơm rớm nước mắt, thầm cảm ơn mẹ rồi ra tàu đêm, về thành phố cảng thăm bố.
Dạo này tàu khách rút bớt chuyến để dành đường cho tàu chở hàng từ cảng về Thủ đô. Ngồi ở sân ga, Nam đợi mãi. Nhưng chỉ có những chuyến tàu hàng dài dằng dặc vút qua, bánh tàu dập ình ình trên đường sắt, vang động cả một khu ga mênh mông. Thùng sắt lớn bằng cả một gian nhà, xếp thành hàng trên những dãy toa trần. Sắt thép từng bó, máy cày đỏ chóe dưới nắng chiều. Lại một chuyến tàu nữa qua. Bông trắng từng kiện lè ra cửa sổ. Đoàn tàu hàng nào cũng dài, cũng nặng và bánh xe nghiến ầm ĩ trên đường sắt. Bao nhiêu hành khách đợi tàu, kẻ ngồi, người đứng, ai cũng sốt ruột. Cuối cùng, nhà ga thông báo: Chuyến tàu khách từ Hà Nội về sẽ rời sân ga xuống thành phố cảng vào mười giờ đêm.
Mười giờ tàu chạy. Nam lên một toa đen, có ghế dài, ngồi thu mình bên cạnh mấy chú bộ đội trẻ và nghịch. Mẹ bảo rằng, đi tàu, đi xe cứ ngồi cạnh các chú bộ đội là yên trí nhất. Ai bắt nạt thì các chú ấy bênh vực. Lên tàu, xuống xe, các chú ấy thường giúp đỡ người già và trẻ con. Chẳng ai bắt nạt Nam, Nam cũng có thể tự mình lên xuống tàu. Nhưng Nam thích ngồi gần mấy chú là vì những khẩu súng còn mới, mới từ quai đến báng, đến nòng làm Nam mê mẩn.
Hai giờ sáng, tàu đến ga Hải Phòng. Nam thấy tiếc, giá tàu cứ chạy mãi để Nam được ngồi gần mấy chú bộ đội. Nhưng phút chia tay đã đến rồi, các chú đưa Nam ra cửa soát vé, rồi sân ga. Các chú đi công tác ra đảo, phải ra bến Bính đợi tàu thủy đi Cát Bà. Đồng chí chỉ huy thấy mấy chú còn bịn rịn bên Nam liền nói:
– Chuẩn bị, thành hàng!
Chỉ đến khi đó tiểu đội lính mới dứt ra được khỏi Nam. Một chú lính vui tính bẹo tai Nam, nhoẻn cười:
– Chào cậu cả. Nếu đường tối thì ở lại sân ga, sáng hãy về nhé. – Vâng ạ! – Nam trả lời, cố làm ra giọng đàng hoàng.
Đã hai giờ sáng, tất nhiên là Nam chẳng về nhà làm gì, vừa làm bố mất ngủ, vừa sợ đường tối. Nam ngồi lại sân ga, dưới cái cột đèn cao áp giữa sân. Chú chỉ huy đưa tiểu đội lính đi. Nam nhìn theo và nghĩ lớn lên mình cũng sẽ như các chú ấy. Bây giờ thì hẵng ngồi lại đây đợi trời sáng.
Đêm trên sân ga cũng vui như trên tàu. Nam ngắm nhìn tất cả mọi người, mọi hoạt động, ngắm cả những người ngủ gà ngủ gật dưới mái hiên đợi chuyến tàu sáng. Tàu hỏa, sân ga, thành phố… từ lâu là những thứ gợi lên trong lòng Nam những cảm giác thèm thuồng…
Nam bỗng thấy bố mặc một bộ quần áo tây rất đẹp, chân đi giày đen, tươi cười bước lại gần Nam và nói:
– Con ở nhà quê ra bao giờ vậy?
Đúng là bố rồi, bố hay dùng tiếng “nhà quê” để chỉ làng Phượng Vĩ xinh đẹp và vui tươi của Nam. Cộp! Đầu Nam đập vào một vật cứng. Nam mở mắt ra. Thôi chết rồi, mình vừa ngủ gật và bố chỉ là một giấc mơ ngắn. Một bàn tay mềm mềm vỗ lên vai Nam.
– Chú mình ngủ gật mà say nhỉ?
Nam dụi mắt. Một cậu bé hơn Nam khoảng hai, ba tuổi (nghĩa là độ mười bốn, mười lăm là cùng), đầu tóc cắt vừa phải, mặc chiếc áo sơ mi có túi, có cầu vai, ngắn tay, đang cho hai ngón tay cái chọc vào dưới thắt lưng, nghiêng đầu nhìn Nam miệng huýt sáo khe khẽ.
– Em vừa trên tàu xuống – Nam lúng túng, muốn nói một câu gì đó để làm quen.
Gương mặt của cậu bé kia rất khôi ngô, lanh lợi, đẹp như một cô gái.
Cậu bé nhìn nghiêng xuống phía chân Nam và đến lúc này Nam mới thấy rằng cậu ta hơi hơi lé. Hơi lé một chút thôi, nhưng cũng gọi là lé.
Cậu ta ngừng huýt sáo:
– Này, lần sau thì đừng vội gì mà khai nhé. Có phải cái còi đâu mà chưa thổi đã kêu. Chú mình đói hẳn?
Quả thật, Nam đã thấy đói. Nhưng Nam trả lời:
– Em không đói.
– Nói dối rồi. Trông chú mình vã mồ hôi thế kia. Này, ngốn đi. Bánh còn nóng giòn đây.
Cậu ta đưa cho Nam nửa cái bánh mì. Còn nửa kia, cho vào miệng nhai. Trông ngon quá. Thật khó mà từ chối lòng tốt của cậu ta được. Vả lại, bánh mì… Bánh mì thì ở thành phố mới có thôi, thứ bánh
vừa nóng vừa giòn ấy. Còn ở làng Phượng Vĩ người ta bán những que củi chứ không phải là bánh nữa. Nó vừa lạnh vừa khô không khốc. Nam cầm nửa cái bánh nhỏ, cũng cho vào mồm, nhai không kém ngon lành.
Chú nhãi vừa ăn vừa ngắm Nam. Cứ cắn một miếng bánh chú lại hát:
Bé bé bằng gang
Cắn một miếng nữa rồi lại hát:
Đôi má vàng vàng
Một miếng nữa:
Bé đi câu cá
Một miếng nữa:
Cá câu cua càng …
– Này – Cậu ta nói – Chú mình đi đâu đó? Nam im lặng. Nam không phải là cái còi.
– Tớ hỏi, chú mình đi đâu đó? Bây giờ tớ hỏi nghĩa là chú mình phải trả lời, nghe không? Có phải hội đuôi không?
Hội đuôi là hội gì nhỉ? Nam chẳng biết trả lời thế nào. – Em ở quê nhà lên thăm bố. Em sợ, sáng mới về nhà. – Vậy hả? Thế chú mình tên là gì?
– Em tên là Nam.
– Nam gì mới được chứ? Như anh đây tên là Hùng. Nhưng là Hùng Lé. Như thế mới gọi là tên chứ.
– Em con bố Thành. Chúng nó gọi em là Nam Thành để khỏi nhầ̀m với Nam con bà Linh, gọi là Nam Linh.
– Nam Thành, quỷnh lắm. Không ra sao cả. Cứ gọi là Nam Quỷnh cho rồi. Như thế oai hơn, rõ chưa?
Nam im lặng. Ai muốn gọi Nam thế nào thì gọi.
– Bây giờ ăn bánh rồi, chú ngồi đây, ngồi đúng chỗ này. Tí nữa anh nhờ chú mày tí việc.
Hùng Lé huýt sáo, bỏ đi. Bóng nó khuất vào đám người lố nhố trên sân ga.
Nam ngồi chờ. Chờ mãi, nhưng không thấy Hùng Lé trở lại nữa. Thế mà trời đã sáng hẳn rồi. Nam chờ một lúc nữa.
Hùng Lé vẫn không trở lại, Nam đứng dậy, vươn vai, đi ra cổng, bước vào đường phố còn ngái ngủ.
Đường phố sạch sẽ hơn đường trong làng, nhưng lại khó nhận ra vì quá nhiều ngã ba, ngã tư. Nam đã đến nhà bố nhiều lần, vậy mà phải lạc mất hai bận mới tìm được đường phố quen thuộc. Chả là vì có một dãy xe cần cẩu mới tinh vừa đưa từ cảng lên che khuất mất lối vào. Nam đi qua mà không nhận ra. Nhưng rồi nó vẫn nhìn thấy ngôi nhà ba tầng đằng sau một dãy tường chạy dọc theo đường phố. Nó vào sân, bước lên cầu thang giữa, đi dọc một đoạn theo hành lang gác hai và đứng trước phòng của bố. Đúng là phòng của bố rồi. Trước cửa có một cái chậu rửa mặt cũ đổ đầy đất. Trong chậu trồng một cây đinh lăng bố mang từ vườn nhà lên. Còn cái cửa sổ thì không nhầm đi đâu được. Thành cửa có một vết dao như cái sẹo. Dạo Nam bảy tuổi, lên chơi với bố, Nam kề miếng gỗ vào thành cửa sổ đẽo cái súng diêm. Lưỡi dao chém nhầm vào thanh gỗ ngang phía dưới.
Nhưng cửa đã khóa chặt. Trên ván cửa, một hàng chữ phấn viết vội: “Thành đi nghỉ mát, 25 tháng 6 mới về”. Nam muốn khóc òa lên một tiếng thật to. Thế là không còn hi vọng gặp được bố. Bây giờ
biết làm thế nào đây? May mà Hùng Lé cho nửa chiếc bánh mì không thì đói rã tay chân. Cái khóa bi còn mới như nói với Nam: Xin lỗi bạn, bạn hãy đứng bên ngoài!
Nam quay người, xuống thang gác. Bây giờ chỉ còn mỗi việc là ra ga, mua vé rồi lên chuyến tàu chợ sẽ chạy vào quãng bốn giờ chiều nay để về nhà. Nhưng lấy tiền đâu mua vé nữa? Mẹ cho Nam đủ tiền tàu, xuống thành phố đã có bố lo cho ăn uống, lúc về thì bố mua vé tàu hay gửi Nam theo xe cơ quan về tận làng, còn lo gì nữa. Hai mẹ con đã không tính được chuyện bất trắc này. Số tiền còn lại trong túi chỉ vừa đủ mua một cái bánh mì thôi. Nam dừng lại góc đường mua bánh, nhưng chưa ăn vội mà cho vào túi. Thôi, cứ ra ga hẵng hay. Người ta nói nếu không có tiền mua vé thì có thể chen vào, lên tàu rồi tìm cách trốn khi người ta soát vé. Cách ấy gọi là lậu vé. Nam thì chịu, Nam không hề làm những chuyện như thế bao giờ.
Chỉ còn một hi vọng thế này nữa thôi. Ra ga, ngồi chờ và nếu như gặp một người quen nào đó cùng làng, nhất là một người bà con thì… Nam có thể vay tạm một ít tiền mua vé. Hay là… quay lại cơ quan bố? Ngượng chết đi được. Hay là hỏi vay tiền tàu của bác Nga, bà hàng xóm của bố? Bác ấy sẽ nghĩ như thế nào? Đúng rồi, thằng lỏi con chắc là bị mẹ đánh, bỏ quê nhà trốn lên với bố đây. Vào đây, vào đây… Và thế là bác ấy căn dặn, giảng giải… phải thế này nên thế kia, không thể như thế được…
Vừa nghĩ đến đó, chân đã bước tới sân ga. Nam ngồi xuống bậc thềm nhà đợi, rút chiếc bánh, nhấ́m nháp từng miếng nhỏ, lòng buồn như chấu cắn.
Là dân ở sân ga, mọi việc xảy ra trong khu đất lắm người và hàng hóa này đều không qua khỏi mắt Hùng Lé. Nó chỉ như một chiếc lá trong đám lá, một hạt thóc trong đống thóc, nhưng nó khác mọi người ở chỗ này, trong khi người ta không hề để ý gì đến nó thì nó lại để ý đến tất cả mọi người. Vì vậy, Nam Quỷnh vừa trở lại sân ga, Hùng Lé nhìn thấy ngay. Từ xa, dựa vào một gốc cây bàng nhỏ, Hùng lặng lẽ quan sát thằng bé nhà quê mất hút từ sáng sớm nay. Hồi sáng, nó định nhờ thằng bé làm một việc nhỏ, nhưng rồi không
cần nữa. Thằng bé đã trở về kia rồi, đang ngồi nhai bánh ngon lành. Hùng thủng thẳng bước tới.
– Trở lại hả? Sao chú mình không đến chỗ bố? Hay là nói dối đấy?
Nam mừng lắm. Dẫu sao cũng gọi là gặp người quen trong cảnh bơ vơ này. May ra Hùng Lé có thể giúp Nam việc gì chăng?
– Em đến nhà bố, nhưng bố đi vắng, không vào được. – Vậy hả? Bố chú mình đi những đâu?
– Bố đi nghỉ mát, một tuần nữa mới về.
Hùng Lé nghiêng đầu bên này, rồi bên kia, hai ngón tay bật vào nhau tanh tách. Nó huýt một tiếng sáo miệng rồi hát:
Bố đi mất đâu
Bố đi lối nào
Ngồi khóc, ngồi khóc
Nhóc ơi là nhóc
Giờ biết tính sao?
– Bây giờ chú mình định thế nào hả?
– Em đợi tàu về quê đây – Nam nói.
Hùng Lé vỗ vai nó:
– Quỷnh ơi là Quỷnh! Sao chú mình ngốc thế hả? Cứ vào nhà bố mà ngủ, nấu cơm, nấu mì ăn rồi rong chơi mấy ngày cho biết phố xá thì đã sao? Về quê làm gì? Chăn trâu à? Chăn trâu sao vui bằng bát phố hả?
– Nhưng em không có chìa khóa! Em không vào nhà được.
– Quỷnh ơi là Quỷnh! Đi theo tao, tao mở cho mà vào – Hùng Lé kéo vai áo Nam, lôi nó đứng dậy.
– Anh có chìa khóa đâu mà mở? Bố em cầm chìa cơ mà?
– Bố chú mình gửi chìa khóa cho tao. Nhiều nhà trong phố đi đâu vắng đều gửi chìa khóa cho tao. Rồi chú mình sẽ biết, tao mở cho mà xem – Nó hạ giọng – Nhưng hàng xóm có ai hỏi thì bảo rằng bố chú mình đưa chìa khóa nhé. Còn tao là anh họ, anh họ nhớ chưa? Tao tên là Hùng. Tao là anh họ chú mình đấy.
Nam không còn đủ thì giờ để suy nghĩ nữa. Hùng Lé xốc nách nó bước ra cổng ga. Nam đi cạnh Hùng như một đôi bạn thân, về nhà của bố. “Phải đấy, ta sẽ quét dọn, lau chùi bàn ghế, đồ đạc cho bố. Bố về chắc là sẽ ngạc nhiên lắm…” – Nam nghĩ.
Bác Nga là người hàng xóm hay tò mò của bố Nam. Chẳng những hay tò mò mà bác còn thích tham gia vào chuyện người khác. Bác là nhân viên kế toán của cơ quan nọ, bây giờ bác về mất sức, gọi là về “một cục”, thường làm nghề đan len để kiếm thêm tiền. Bác gặp Hùng và Nam ở cầu thang, gần phòng của bố.
– Chào bác ạ! – Không tránh được bác, Nam chào vui vẻ.
– Thằng Nam! Cháu lên bao giờ? Bố đi nghỉ mát rồi, cháu vào nhà thế nào được.
Nam lí nhí đáp:
– Bố cháu đưa chìa khóa cho cháu, cháu sẽ ở đây rồi đợi bố cháu về.
– Vậy hả? Nhưng phải cẩn thận đấy, đi đâu là phải khóa kĩ, nghe chưa?
– Vâng ạ!
Lần đầu tiên Nam nói dối. Nó thấy tai nóng dừ lên vì xấu hổ.
– Cậu nào đây? – Bác Nga tò mò.
– Cháu là Hùng, anh họ Nam ạ – Hùng lễ phép nói.
– Anh họ cháu – Nam ngập ngừng.
– Ở quê ra hả? Cẩn thận nhé, đi đâu là phải khóa cửa ngay. Thôi, bác đi chợ đã.
Hai anh em không gặp ai trong cầu thang và hành lang nữa. Mọi người đều đi làm. Ở các gian nhà khác người ta khóa cửa, nhốt trẻ con ở trong.
Hùng Lé nhìn ổ khóa. Nó bật ngón tay cái tách:
– Vừng ơi, mở cửa. Vừng ơi… mày biết chuyện ấy không hả Nam? Truyện Alibaba ấy mà? Vừng ơi, mở cửa… thế là cái cửa hang bằng đá mở ra cho bọn cướp vào.
Nó vừa huýt sáo vừa rút trong túi ra một chùm chìa khóa. Nam chưa bao giờ nhìn thấy một chùm chìa khóa như vậy, hình như ở đấy có mọi loại chìa khóa trên đời. Hùng lúi húi một chốc bên cái ổ khóa và… một tiếng tách nhỏ, cái khóa bật ra. Cửa mở. Một mùi ẩm mốc mát lạnh. Nam khoan khoái bước vào nhà bố – nhà của mình.
– Tao còn là Hùng-vạn-năng nữa kia đấy, chú mình ạ. Nhưng tao thích cái tên Hùng Lé hơn. Hùng Lé, oai hơn phải không chú mình? Chà, nhà bố chú mình mát quá. Nhưng bố chú mình nghèo thật đấy. Trong nhà chẳng có cóc khô gì cả!
Nam chẳng hề để ý xem bố giàu hay nghèo. Nó hồi hộp nhìn thùng đựng gạo của bố. Nó mở nắp thùng ra. May quá, còn những nửa thùng. Rồi nó nhấc chiếc bếp dầu dưới nhà lên. Dầu sóng sánh ra tay nó. Vậy là tuyệt rồi.
– Em nấu cơm, anh Hùng nhé!
– Phải đấy, nấu cơm mà ăn. Còn tao không ăn đâu. Tao ăn quán quen rồi. Cũng có nhiều lúc đói như mẻ, nhưng bây giờ thì no căng, no như quả bóng thế này này. Chà, nhà bố chú mình nghèo quá, chẳng có cái cóc khô gì cả. Nhưng được cái mát thật, tao chợp mắt tí đây.
Nam đã nấu cơm xong. Không có tiền mua rau, nhưng trong chạn bố còn tôm rảo kho đường. Bát đũa thì có sẵn. Mỗi lần lên thành phố thăm bố, thế nào mẹ cũng mang theo một bó đũa, mẹ ngồi vót đũa những lúc rỗi rãi, những đôi đũa mẹ vót bằng gốc tre đực, bóng như đũa mun. Mẹ vẫn thường nói: “Tội nghiệp bố, nấu ăn lủi thủi một mình!”. Mẹ biết rằng bố còn bận công tác, bố không thể chuyển về quê nhà làm việc được. Bởi vì bố là kĩ sư đóng tàu thủy, bố về xã làm gì?
Nghe nói nhà máy đóng tàu của bố rộng mênh mông, bố và các chú công nhân đang đóng những con tàu hàng ngàn tấn.
– Anh Hùng ơi, dậy ăn cơm đi! Hùng Lé bật dậy, hốt hoảng:
– Chết rồi! Tao ngủ đã lâu chưa hả chú mình? Bây giờ là mấy giờ rồi nhỉ?
– Chưa đến mười một giờ đâu – Nam nói.
– Thôi được, không sao – Hùng nhìn nồi cơm, đĩa tôm kho đường – Mày nấu cơm gạo quê à? Thơm điếc cả mũi. Ngon đấy, sáng nay tao ăn hết một xỉa mà bây giờ đã đói rồi.
– Một xỉa là gì hả anh?
– Là mười đồng ấy mà. Rồi mày cũng biết những thứ đó ngay thôi. Nhưng mày ăn cơm đi chứ!
– Cả anh ăn nữa.
– Không, tao chỉ ăn một con tôm thôi. Tao phải đi ra ga đây. Chậm chút nữa là Râu Xồm nó luộc tao chín như khoai ấy.
Hùng ăn một con tôm và ra đi. Nam nghe tiếng huýt sáo dọc cầu thang. Nó cầm bát cơm lên ăn, vừa ăn vừa suy nghĩ. Hùng Lé là người thế nào? Nó có vẻ tốt mà vẫn thế nào ấy. Nhất là thỉnh thoảng nó nói ra những tiếng lóng nghe chối tai không chịu được. Nhưng không có Hùng Lé thì từ sáng đến giờ mình biết xoay xở thế nào? Dù sao thì cũng phải cám ơn nó, nó chê mình quỷnh là phải. Mình thì ngố, còn nó lại tài ba làm sao!
Nam khép cửa, đưa bát ra phía nhà tắm để rửa. Lúc trở về phòng, nó đi qua một cánh cửa sổ mở toang. Hai cái trán trẻ con dựa vào song cửa, mớ tóc con gái rủ lơ thơ. Nam nhớ ra rồi, đây là bé Liên và bé Hương, hai đứa trẻ sinh đôi của nhà bác Thịnh. Năm ngoái
Nam ra chơi, chúng còn bé tí, vậy mà bây giờ đã ra dáng học sinh lớp một rồi.
Nhà bác Thịnh giàu, rất giàu nữa là khác. Người trong dãy nhà ba tầng này nói thế. Bố cũng bảo thế. Bác Thịnh trai là quản đốc phân xưởng, bác thường được đi nước ngoài tham quan người ta đóng tàu. Bác gái đi học ở Đức về, nay làm giám đốc một nhà máy làm
sợi len. Trong nhà bác Thịnh, toàn là những thứ đồ đẹp cả. Nào quạt, nào máy truyền hình, nào quần áo len dạ, xe máy nữa. Nhà có nhiều đồ đạc như thế nên khi hai bác đi làm, bé Liên và bé Hương đều bị nhốt. Bác Thịnh trai – tính rất cẩn thận – đã khóa cửa bằng một cái khóa đồng to tướng mua tận Tiệp Khắc. Như vậy là chắc chắn lắm rồi. Lũ trộm chỉ còn ngồi bên ngoài mà khóc thôi. Chỉ tội nghiệp Liên và Hương. Giá như con nhà khác thì chúng đã được giao chìa khóa, muốn đi đâu chỉ việc khóa cửa lại, tha hồ mà chơi.
Nam đặt rổ bát xuống hành lang, lại bên cửa sổ.
– Meo, meo… – Nó làm tiếng mèo kêu và bẹo vào mũi bé Liên.
– Anh Nam, mở cửa cho em ra với. Chúng em bị nhốt từ sáng đến giờ rồi – Liên nũng nịu. Nó vẫn bị Nam gọi là Liên Mèo từ năm ngoái.
– Anh chịu thôi. Anh có chìa khóa đâu.
– Hay là anh bắt hộ em con chuồn chuồn đậu trên hành lang kia – Bé Hương, giống Liên như đúc một khuôn, nói.
– Được, để anh bắt cho.
Nam thè lưỡi, nín thở, đưa tay ra, nhưng con vật bé bỏng mà khôn ngoan đã bay sang đậu một chỗ khác cách đó dăm mét.
Chuồn chuồn có cánh thì bay…
Tiếng Hùng Lé nói sau lưng Nam. Có lẽ nó về lúc Nam đang lúi húi rửa bát đĩa.
Hùng nhanh như một con chồn, nó lần theo bức tường, một nháy mắt, con chuồn chuồn đã nằm trong tay nó.
– Cho em, cho em.
Hai cánh tay đưa ra cửa sổ.
Hùng Lé bước lại, đặt con chuồn chuồn đã bị hớt mất một mẩu cánh vào tay bé Liên. Nó nhoẻn cười với hai đứa trẻ đang vui như hội và nhìn qua song cửa, mắt bỗng sáng lên như có một tia nắng chiếu vào. Nhưng tia sáng ấy lại tắt ngấm ngay.
– Về đi.
Nam nói và kéo tay Hùng Lé về nhà bố.
Cửa lớn khép hờ, Nam giật mình, trong nhà có ai đó. Nó định thần lại và nhìn thấy một thanh niên vạm vỡ, râu quai nón phủ kín hai bên má, từ dưới tai kéo xuống tận cằm. Mái tóc anh ta không để dài mà cắt cao, nhưng vì bộ râu, vì đôi lông mày rậm, trông anh ta dữ tợn như đang muốn đánh ai.
– Vào đây em, vào đây!
Nam ngạc nhiên vì nghe thấy tiếng anh thanh niên gọi nó một cách dịu dàng, thân ái nữa. Dưới chân anh ta là một bao tải trong đựng
thứ gì đó có vẻ nặng lắm. Phút chốc Nam tưởng như anh ta là một anh thợ hiền lành vừa đi làm về. Mặt anh khó đăm đăm, có lẽ vì anh quá mệt.
– Em cất bát rồi ngồi xuống đây, anh bảo – Anh ta nói tiếp, vẫn với giọng rất dịu dàng.
Hùng Lé khép cửa. Nó ngồi xuống mép giường của bố. Trông nó không được nhanh nhẹn như khi chỉ có hai đứa với nhau. Nam cảm thấy Hùng sợ anh thanh niên lạ mặt này lắm. Anh ta bảo Hùng:
– Hùng, giới thiệu chú với bạn Nam đi!
– Đây là chú ruột tớ – Hùng nói, vẻ miễn cưỡng.
– Thế đấy – Anh thanh niên nói – Vậy là từ đây ta thành chú họ của cháu, Nam ạ. Chú tên là Sáu, làm nghề thợ điện cùng một nhà máy với bố cháu, nghĩa là cái nhà máy trước đây, khi bố cháu vừa học ở nước ngoài về cơ, bây giờ bố cháu chuyển sang nhà máy khác rồi.
Nghe Hùng kể chuyện, chú mừng lắm. Vậy là đã năm sáu năm, chú không gặp bố cháu. Còn trước kia thì quấn quýt nhau như hai anh em vậy. Chả chú là cây sáng kiến của nhà máy mà. Còn bố cháu là kĩ sư giỏi.
Có những người bề ngoài rất khó coi, hung dữ nữa là khác, nhưng bên trong thì rất hiền lành. Ở làng Phượng Vĩ có một ông già quắc thước dữ tướng như hùm, nhưng chiều chuộng trẻ con hết mức. Chú Sáu này có thể là một người như vậy chăng?
– Trời ơi, trông cháu giống bố như hai giọt nước vậy. Lại đây chú cho quà.
Anh ta kéo Nam lại, xoa đầu Nam rồi rút trong túi ra một phong kẹo lạc.
– Ăn đi cháu!
Nam cầm phong kẹo, đưa mắt tìm Hùng Lé, nhưng nó đã biến đâu rồi. Hùng đi đâu? Nó cứ nhanh như con chồn, thoắt ẩn, thoắt hiện không biết đâu mà lường được. Anh thanh niên lấy lại phong kẹo, bóc ra, ăn một thanh rồi đưa cả cho Nam. Nam lấy một thanh, ăn ngon lành.
Trong khi Nam ăn kẹo thì anh thanh niên đi lại trong gian phòng, nhìn rất kĩ bức ảnh của bố, những tờ tranh bố treo trên vách, miệng lẩm bẩm: “Chà trông bố cháu thay đổi nhiều quá đi mất. Chắc là công việc vất vả lắm!”. Rồi anh ta ngồi xuống bàn viết của bố, đưa mắt đọc những tờ giấy bố đang viết dở, lật mấy tờ lên, rút ra một quyển vở, giở ra một cách lơ đãng nhưng vẫn có ý tìm tòi một cái gì. Rồi anh đặt xuống:
– Nhà chú ở xa lắm, tận bên Thủy Nguyên cơ. Chú làm ở thành phố nhiều khi hàng tuần mới về. Đi làm về chú thường đến nhà những người bạn thân ở nhờ, nhiều khi ngủ trưa trong nhà máy. Giá mà chú biết bố cháu ở đây thì khéo chú đã đến ở với bố cháu cho vui. Nhưng được rồi, bây giờ bố cháu đi vắng, chú sẽ ở lại với cháu mấy hôm cho cháu đỡ buồn và đỡ sợ. Cháu biết không – anh hạ giọng – ở thành phố không như quê cháu đâu. Trộm cắp nhiều lắm, cháu ở đây một mình chẳng có lợi chút nào.
Nam cảm thấy chú Sáu muốn nói, nói rất nhiều về tình cảm sâu nặng của chú đối với bố. Nhưng sao chú có vẻ tò mò như thế nhỉ? Ở nhà Nam, đã thành thói quen, Nam, bé Việt và cả mẹ nữa, không ai ngồi vào bàn, lục lọi hay tò mò đọc những thứ bố viết như thế. Có lẽ ở nhà chú này thì khác chăng?
– Cháu ăn nữa đi.
– Dạ, đủ rồi ạ! – Nam mở ngăn kéo, cho gói kẹo ăn dở vào.
– Bây giờ, chú tranh thủ ngủ một chút để chiều còn đi làm. Đúng một giờ rưỡi nhớ đánh thức chú dậy nhé. Nếu Hùng về thì bảo rằng chú đã đi, chiều chú về đây, cả mấy chú cháu ăn cơm rồi cùng rửa bát.
Trong khi nói như thế, đôi mắt anh ta không rời Nam cũng như mọi vật trong phòng, đôi mắt thỉnh thoảng lại sáng lên, trông như mắt mèo.
Chờ “người chú họ” thiu thiu ngủ. Nam mở cửa ra ngoài. Nó muốn tìm một chỗ vắng nào đó để suy nghĩ, để bình tĩnh lại, vì quả thật, sự xuất hiện của người chú họ không quen biết này làm Nam thấy rối trí quá. Nó cẩn thận bóp khóa vào rồi bước dọc hành lang.
Nó nhìn thấy Hùng Lé đang đứng bên cửa sổ nhà bác Thịnh nói chuyện và đùa nghịch với hai cô bé sinh đôi. Hai đứa trẻ tỏ vẻ quyến luyến và khâm phục Hùng sau khi được nó bắt hộ con chuồn chuồn. Còn Hùng thì đang lấy giấy gấp cho chúng những đồ chơi vặt như: con chim, cái thuyền, cái quản bút. Thấy Nam, Hùng lúng túng đặt các thứ xuống thành cửa sổ.
– Bố chúng nó sắp về đấy – Hùng Lé nói và kéo Nam đi khỏi cửa sổ.
Nam thấy ghen tị, Hùng như không muốn Nam chơi đùa với hai đứa trẻ. Cả hai cô bé cũng như quên bẵng Nam, rõ là chúng đã bị Hùng lôi cuốn vì những trò chơi thú vị, những con giống bằng giấy.
Đúng một giờ rưỡi chiều, không đợi Nam đánh thức, “người chú họ” bật dậy. Anh ta lấy tay dụi mắt, tự rót nước trắng trong chai của bố uống một cốc đầy, chụp lên đầu cái mũ cối đã tàng, đeo một đôi kính đen to tướng rồi đứng trước gương ngắm nghía. Anh ta chợt thấy râu quai nón tua tủa quanh cằm liền lấy dao cạo (bố vẫn để dao trước gương, trên một tấm kính nhỏ). Cái dao bào ủi đám râu cứng kêu sồn sột nghe ớn cả người.
– Hùng đâu rồi? – Anh ta vừa cạo râu vừa nhìn vào gương hỏi Nam lúc đó đang ngồi trên mép giường phía sau anh ta.
– Đi rồi ạ.
– Tốt.
Cạo râu xong, anh ta đẩy cái bao tải vào tít gầm giường nói: – Có mấy thứ đồ nghề của chú gửi cháu. Nhớ đừng có nghịch nhé. – Dạ.
– Tốt.
Rồi anh ta đi ra, không quên khép kín cửa.
Nam lăn ra giường. Mát quá. Cả một đêm không ngủ, rồi bao nhiêu chuyện lại xảy ra từ sáng sớm đến giờ làm đầu óc nó mụ mị đi. Nó không thể bình thản được khi sực nhớ ra rằng đây không phải là làng Phượng Vĩ của nó. Đây là thành phố, có hằng hà sa số người sống chen chúc trong những ngôi nhà san sát như bát úp, trên một khoảng đất chật hẹp. Ở làng, đi ngủ thường ít khi phải đóng cửa. Ban ngày, người ta đi làm đồng, cửa ngõ, đồ đạc cứ bày ra đấy. Bất kì người nào vào nhà đều được mời uống nước, hút thuốc. Ai đói, người làng sẽ mời ăn cơm. Ai nhỡ đường sẽ được nhường chỗ ngủ. Chính các chú công an xóm sau khi xem giấy tờ sẽ sắp xếp chỗ ăn ở cho những người khách lạ ấy. Ai từ biệt làng Phượng Vĩ cũng luyến tiếc, nhớ nhung. Hùng Lé đã nhường bánh cho Nam ăn ở sân ga, đã chỉ vẽ cho Nam những điều bỡ ngỡ. Hùng đến nhà, Nam phải đối xử với Hùng như bạn bè. Nhưng còn “người chú họ” kia là ai? Mà thôi, nghĩ vớ vẩn như thế để làm gì khi chưa có gì xảy ra cả. Thật thế, có hai người khách đến nhà Nam và giờ họ đã ra đi. Họ chưa làm gì xấu cả, Nam cũng phải ngủ một giấc đây, ngủ bù cho đêm qua và buổi sáng vất vả. Ngủ trong nhà của bố sau khi no bụng thì có gì phải nói nhỉ? Cửa đã khép lại rồi, chỉ còn cài then bên trong nữa thôi.
Nam tỉnh dậy, sau một giấc ngủ dài và say sưa. Thật không còn biết trời đất gì nữa. Mẹ thường nói: “Ngủ say như củ khoai” là vậy đấy. Gian nhà hơi tối, nhưng mát rượi. Nắng trưa không lọt vào chỗ nào được. Nam mở cửa sổ phía hồi nhà. Mọi vật như cùng tỉnh dậy với Nam, những vật quá quen thuộc, vẫn nằm yên ở chỗ cũ, từ ngày nào Nam không còn nhớ nữa. Nam cúi nhìn xuống gầm giường, chiếc bao tải “đồ nghề” của chú râu quai nón vẫn còn đó.
Nam ra cửa lớn, đưa tay kéo cái chốt. Nó đẩy cửa để ra ngoài. Nhưng sao thế này? Một cảm giác lành lạnh chạy từ gáy dọc theo sống lưng nó. Không thể nào mở được cửa. Nó hiếng mắt nhìn qua chút khe hở và hiểu ngay: Cửa đã khóa ở bên ngoài. Ai đã khóa trong khi Nam ngủ? Hay là chú râu quai nón? Không, lúc chú ấy ra đi không nghe thấy tiếng bóp khóa. Thật ngu, lúc đi rửa bát về Nam lấy chìa ở Hùng để mở cửa rồi quên khuấy, cứ để cái khóa và cả chìa lủng lẳng ở đó. Vậy thì có ai đã nghịch ngợm khóa Nam lại, để dạy cho Nam một bài học đây. Chưa chắc. Ở khu tập thể này chẳng ai nghịch ngợm như thế. Nếu thấy Nam quên khóa ngoài cửa, họ sẽ gọi và đưa cho Nam ngay. Vậy thì ai?
Nam nghĩ đến Hùng Lé, đến “người chú họ” râu quai nón và cảm giác lạnh dọc sống lưng càng tăng. Hay là…
Phải, Nam thấy lóe lên trong đầu một dự đoán đáng sợ. Họ muốn mình phải ở trong nhà, không được đi đâu. Hay là trong chiếc bao tải kia có những thứ quý giá và đắt tiền đến mức người ta phải cẩn thận như vậy?
Nam áp tai vào cửa nghe ngóng. Không có gì đáng ngờ. Nó rón rén lại phía giường, chui vào, kéo cái bao tải ra. Cái bao tải nặng quá chừng, phải cố hết sức mới kéo ra được chỗ sáng. Nam mở sợi dây, cho tay vào trong bao. Vòng bi! Một bao tải vòng bi, dễ có đến hàng trăm chiếc. Nam hiểu ngay đây là những chiếc vòng bi đáng ngờ. Không ai giao cho người thợ điện như ông “chú họ” râu quai nón này một số vòng bi nhiều như thế.
Nó từ từ đẩy chiếc bao tải vào chỗ cũ, lại ghế ngồi, suy nghĩ. Có thể chú ấy đưa vòng bi đi chữa cho nhà máy? Có thể chú ấy đi mua về? Nhưng tại sao lại khóa cửa lại? Nam nửa tin nửa ngờ, không biết thế nào là đúng. Bây giờ có lẽ còn một việc cần làm là hô hoán lên cho hàng xóm biết rằng Nam đang bị nhốt. Không, không nên ầm ĩ như vậy trong khi chưa có chuyện gì xảy ra. Có lẽ mình đã dại dột khi đưa Hùng Lé về đây. Bây giờ tốt nhất là cứ nằm ngủ đợi vài tiếng đồng hồ nữa, Hùng Lé hay “người chú họ” sẽ trở lại và lúc đó hẵng hay.
Nó lại nằm xuống giường nhưng không tài nào chợp mắt được. Có tiếng nói chuyện lào xào đâu đây ngoài hành lang. Ngố thật – Nam nghĩ bụng – hồi nãy mình định kêu lên, nhưng kêu thì có ai thưa. Dọc hành lang chẳng nhà nào có người ở nhà. Còn lũ trẻ thì đều bị nhốt, đứa thì ngủ, đứa thì đang nấu ăn hay chơi với nhau trong nhà. Ai nói chuyện đấy nhỉ? À, có lẽ bé Liên con nhà bác Thịnh. Nam rón nhẹ chân lại phía cửa. Nó áp tai vào tấm ván, cố nghe:
– Anh Hùng ơi, mở cửa cho chúng em ra ngoài chơi với! – Suỵt, nói khẽ chứ.
– Anh phải mở cho em ra cơ.
– Được rồi, để mở cho. Phải khe khẽ chứ.
Nam nghe những chiếc chìa khóa va vào nhau lách cách. Có lẽ Hùng vẫn chưa mở được cửa. Hùng mở để làm gì? Tốt nhất là mình lên tiếng để Hùng biết rằng mình đã biết nó đang mở cửa:
– Hùng ơi, mở hộ tôi nữa với! Nam cố hét thật to.
Có tiếng lách cách. Cửa mở ra thật và “người chú họ” bước vào như một cơn gió đen rồi đóng áp cửa lại. Anh ta ăn mặc hoàn toàn khác lúc ra đi. Quần áo bộ đội cũ, chân mang dép cao su, đầu vẫn đội cái mũ cối ấy và không đeo kính râm. Trông anh ta không còn dữ tợn như trước nữa. Cả bộ râu quai nón hình như cũng biến mất.
– Chú Sáu! – Nam nói, giọng lạc đi.
– Không chú cháu gì hết!
Anh ta đưa hai cánh tay như hai cái gọng kìm quặp lên vai Nam, ấn nó ngồi xuống chiếc ghế thấp trong góc phòng.
– Ngồi xuống đây và im mồm, nghe không, thằng nhãi!
Hắn dằn từng tiếng khi nói câu đó và trong nháy mắt Nam hiểu ngay việc gì đang xảy ra. Nó cố vùng dậy dưới hai bàn tay như vuốt đang
cố ghìm vai nó xuống rồi kêu to:
– Liên ơi, đừng mở cửa…
Một cái tát như trời giáng làm Nam tối tăm mặt mũi. Nó loạng choạng nhổ xuống nền nhà một bãi nước bọt dính máu. Bàn tay phải của “người chú họ” đang dứ dứ trước mặt nó và qua những tia đom đóm trước mặt nhì nhằng Nam nhìn thấy một khẩu súng ngắn, cái nòng đen ngòm.
– Im mồm!
Hắn ấn Nam ngồi xuống, ung dung thả khẩu súng vào túi quần.
Cửa mở. Một người khác, không to lớn bằng “người chú họ”, ăn mặc như những thanh niên Nam vẫn thấy lang thang ngoài đường phố, đẩy Liên và Hương vào nhà. Cả hai đứa đều nước mắt nước mũi đầm đìa, hai má phồng to. Nam nhìn thấy trong mồm chúng cả một đống giẻ to tướng. Có lẽ là những chiếc khăn rửa mặt.
– Bịt mồm thằng này nữa!
Sáu hất hàm và thằng kia lấy ngay cái khăn của bố nhét chặt vào miệng Nam rồi trói mỗi đứa vào một chiếc ghế. Bé Liên và Hương nhìn Nam không chớp mắt. Nam cảm thấy chúng đang trách móc
Nam và tim nó se lại vì hối hận. Nhưng không có cách gì nói chuyện với hai cô bé được nữa rồi. Nếu không có cái khăn mặt này thì nhất định Nam sẽ kêu toáng lên rồi ra sao thì ra!
– Cho tất cả sang đây rồi khóa cửa lại như cũ! – Sáu ra lệnh.
Thằng kia đi ra rồi trở lại ngay cùng với đồ đạc nhà bác Thịnh. Đầu tiên là cái quạt Nhật mạ kền sáng loáng, chiếc va li, một túi ni lông không biết chúng đã nhét đầy những thứ gì, một bó nữa, một bó nữa…
– Thằng Xám vẫn canh dưới cầu thang đấy chứ?
– Còn dưới đó, anh Hai à!
– Xe đến chưa?
– Dạ rồi. Có mỗi chiếc xe bò thôi, anh Hai.
– Đưa xuống rồi vù thôi. Đến 162 nghe không?
Chúng nó thay nhau mang các thứ chạy sầm sập xuống cầu thang. Nam không thấy Hùng đâu cả. Có lẽ nó đang đứng canh gác ở đâu đó. Khi mớ đồ đạc đã chuyển đi hết rồi, Sáu là người cuối cùng. Hắn có vẻ vui, bóp bóp nhẹ vào miệng Nam và hai cô bé rồi nói:
– Để xem ba cái khóa miệng có chắc không nào? Hắn nhét vào tay mỗi đứa một chiếc kẹo giấy bóng.
– Chịu khó ngồi một chốc, các “cháu yêu” nhé. Rồi bố mẹ sẽ về ngay thôi mà, lúc đó tha hồ mà ca hát.
Nam buông tay cho cái kẹo rơi xuống đất.
Sáu đi ra, đóng cửa nhẹ nhàng, rồi có tiếng khóa lách cách bên ngoài. Nhưng hắn quay lại. Hắn cúi xuống gầm giường lôi cái bao tải ra:
– Suýt thì quên mất món sò huyết – Hắn nói, cho bao tải lên vai, ra khỏi phòng, khóa lại như cũ.
Nam cố vùng vẫy để làm tung sợi dây, nhưng không có cách gì được. Gian phòng tối om, im ắng. Nam đoán thế nào Hương và Liên cũng khóc, nhưng nó không nhìn rõ nét mặt của hai đứa mà cũng chẳng nghe thấy tiếng sụt sịt nào. Hay là chúng nó đã lịm đi vì mệt và sợ? Ngộ nhỡ chúng bị ngất đi thì sao? Biết làm sao bây giờ? Có cách nào tự cởi được sợi dây thì sẽ ổn tất cả. Nhưng sợi dây là sợi dây. Nam đâu biết rằng nó đã bị trói bởi hai bàn tay của Muỗi Vằn. Những cái nút buộc của hắn đã từng nổi tiếng trong đám trộm cắp kiếm ăn quanh bến cảng.
“Tất cả chỉ tại mình hết” – Nam nghĩ – “Bác Thịnh bị mất trộm của cải là do mình đưa Hùng Lé về nhà. Bé Liên và bé Hương bị đánh,
bị đày đọa, vì mình, vì mình hết!”. Nam thấy hết sợ, nhưng nó khóc vì hối hận và nhục nhã… Rồi nó lịm đi lúc nào không biết.
Những tiếng kêu khóc om sòm đánh thức cả ba đứa dậy (Hai cô bé không phải bị ngất mà vì sợ đã lịm đi trước Nam). Nam chỉ còn biết cựa quậy để cho Liên và Hương biết rằng mình đang còn ở trong phòng với chúng nó. Gian buồng nhỏ tối như hũ nút vì ngoài trời đã về chiều. Chắc là mọi người đi làm về, đã phát hiện ra vụ trộm. Bước chân chạy thình thịch ngoài hành lang, tiếng nói chuyện râm ran, tiếng chép miệng của ai đó. Nổi bật nhất trong mọi thứ ồn ào là tiếng kêu khóc của bác Thịnh gái. Nam thấy bác không kêu rên vì mất của mà chỉ vì lo cho hai đứa bé con bác: “Khốn khổ con tôi, tội nghiệp con tôi, chúng đã giết chết con tôi mất rồi! Hu hu…”. Bác Thịnh trai bây giờ đang làm gì? Bác đi trình công an hay ngồi thừ trong gian phòng trống trơn không nói không rằng gì hết? “Trời ơi, khốn khổ con tôi!”... Tiếng bác Thịnh gái lại gào lên, nghe cào xé cả gan ruột. Nam thấy thương bác quá, nó muốn hét to: “Chúng cháu ở trong này cơ mà!” nhưng nó chỉ ú ớ được như người mơ ngủ. Rồi cả Liên và Hương cũng ú ớ. Chắc chúng nó đã nghe thấy tiếng mẹ bên ngoài hành lang, chúng cũng đang hét lên trong miếng giẻ: “Mẹ ơi, chúng con ở trong này cơ mà!”. Chốc chốc lại nghe thấy tiếng bác Nga: “Tôi đã biết mà, thế nào cũng có chuyện! Chúng còn bắt cả thằng Nam con anh Thành đi nữa kia. Thằng bé cũng biến đâu rồi không biết!”.
Tiếng người mỗi lúc một nhiều. Chắc là người ta đang bâu kín gian phòng bác Thịnh, ùn chật hành lang. Có nhiều người đang đứng ngay trước cánh cửa phòng bố. Nhưng chẳng ai biết trong phòng đang có ba đứa trẻ bị nhốt cả. Nam thấy sợ. Đến ngày bố về, người ta mới tìm thấy chúng thì sao? Không biết một tuần nữa cả ba sẽ trở thành cái gì?
– Này, im lặng hộ một chút xem nào!
Có tiếng đàn ông lạ nói khá to bên kia cánh cửa. Tiếng ầm ĩ có bớt đi, nhưng vẫn rì rầm như ở chợ.
– Nào, dãn ra, dãn ra, tôi nhờ một tí…
Tiếng người đàn ông hồi nãy lại nói. Người ta im lặng thật và Nam nghe rõ tiếng ai đó thở vì hồi hộp. Ngu thật! Nam tự trách mình. Sao hồi nãy đến giờ không vật mình cho ngã xuống? Nó làm ngay và dùng hết sức lực kéo cái ghế đổ theo. Mấy cái chai trên bàn lao xuống vỡ toang.
– Đúng là có người bên trong!
– Khéo bọn trộm còn ở trong đó cũng nên.
– Lùi ra, chúng nó có súng đấy!
– Tôi đã bảo mà!
Nam nghe thấy tiếng bác Nga và sau câu nói đó có tiếng guốc đi nhanh xuống cầu thang. Chắc là bác ngại lũ trộm có súng.
– Phá cửa ra thôi!
Người ta nện vào cửa mấy nhát búa và Nam bỗng thấy tối tăm mặt mũi. Ánh sáng ùa vào cùng với mấy người đàn ông. Nó định thần lại. Một chú công an đang cúi xuống cởi trói cho nó.
***
Trong phòng chỉ còn hai chú cháu. Không phải chú công an hôm nọ, mà là một chú khác, mặc quần áo thường, trạc tuổi với bố và hơi giống bố.
– Cháu ăn kẹo đi. Đêm qua cháu ngủ được chứ?
– Dạ, cháu ngủ say lắm.
Một chiếc chuồng chim nuôi hai con hoàng yến treo bên cửa sổ. Chúng đang rỉa cánh cho nhau. Phía sau cửa là mái nhà lợp ngói nhấp nhô như sóng biển. Xa kia là khoảng trời xanh như màu thủy tinh trong veo. Buổi sáng mùa Hè ở thành phố cảng làm Nam tỉnh hẳn. Gió ùa vào phòng lật những tờ lịch nhỏ như cánh bướm.
– Chú cháu mình làm việc nhé. Cháu có đồng ý không? – Vâng ạ!
– Bây giờ cháu hãy kể lại cho chú nghe, chuyện xảy ra thế nào nhỉ? Cháu ở quê lên đêm hôm kia phải không?
– Dạ!
– Vậy là đêm mồng bốn tháng Sáu. Sau khi nghỉ Hè được ba hôm à?
– Vâng ạ!
Không cần chú hỏi. Nam vẫn có thể kể lại tỉ mỉ và tuần tự những việc xảy ra không bỏ sót một chi tiết nào.
Chú cán bộ đứng dậy, châm thuốc hút. Chú bước lại bên cửa sổ đứng nhìn những mái nhà nhấp nhô rồi quay lại nói:
– Đáng lẽ cháu không nên đưa Hùng Lé về nhà. Nếu không làm nghề sửa khóa thì những ai mở cửa nhà người khác bằng chìa khóa của mình đều đáng ngờ cả.
Chú đi lại cái tủ, lấy ra một tập hồ sơ. Trong tập hồ sơ có một chiếc phong bì đầy, đựng toàn ảnh. Chú rút ra từng chiếc một và đưa tới trước mặt Nam.
– Cháu có nhận ra ai đây không?
– Dạ, không ạ. Cháu không quen người này.
– Còn đây?
– Cháu cũng không biết ạ.
– Đây nữa.
– Cũng không ạ.
Bao nhiêu tấm ảnh như thế. Nam không đếm được, chỉ biết là rất nhiều, nhiều lắm.
Chú công an quẳng tập ảnh xuống bàn, thở dài:
– Thế là câu chuyện có phần phức tạp đấy cháu ạ. Này, cháu bảo lúc trở lại, thằng Sáu Xồm không còn râu quai nón nữa phải không?
– Cháu không hiểu vì sao mà bộ râu biến mất ạ.
– Cũng chẳng khó gì. Nghĩa là, sau khi cạo nhẵn râu ở nhà cháu xong, hắn bôi lên má một lớp phấn cùng màu da mặt. Thế là biến mất bộ râu. Chú và cháu, những người tử tế khác chỉ có một bộ mặt thôi. Nhưng lũ này thường có nhiều bộ mặt. Bây giờ là dơi, chút nữa lại là chuột. Thế đấy.
Nam thấy chú cán bộ có vẻ buồn phiền. Chú quay máy điện thoại mời một chú nào đó lên gặp. Một nháy mắt, chú kia đã đến, chắc chú ở tầng dưới lên.
– Đồng chí Miên, tôi đã đưa ảnh đối tượng cho cháu Nam xem, nhưng cháu không nhận ra người nào cả. Vậy là có một lũ mới?
Chú cán bộ nói xong, quay lại Nam:
– Này cháu, cháu có thể ở đây đến bao lâu?
– Mẹ cháu cho cháu đi nửa tháng ạ. Ở nhà cháu còn một con thỏ…
– Được rồi, tốt. Cháu sẽ ở đây với các chú cho đến ngày bố cháu về. Các chú không báo tin cho bố cháu biết chuyện này, để bố cháu an tâm nghỉ ngơi. Nhưng chú hỏi thật, cháu có quyết tâm giúp các chú tìm ra bọn Sáu Xồm hay không?
– Có ạ! Nhưng liệu có lấy lại của cải được không hả chú?
– Cái đó còn tùy xem chúng ta phát hiện ra bọn này sớm hay muộn. Chúng ta sẽ cố gắng tìm ra sớm. Thế này, không nhận được ảnh thì ta hãy thử nhận ra người vậy. Cháu sẽ đi lang thang trên đường phố
như một chú bé nhà quê ra tỉnh thật sự. Chú Miên đi cách cháu hai mươi mét. Nếu gặp mặt một trong ba thằng ấy, cháu sẽ tìm cách báo cho chú Miên. Được không? Ta hãy thử cầu may một chút xem sao.
Nam theo chú Miên xuống tầng dưới. Nhưng vừa ra đến cửa, chú cán bộ gọi giật lại:
– Này cháu, lúc thằng kia nói rằng chỉ có mỗi chiếc xe bò thôi thì tên Sáu Xồm trả lời thế nào nhỉ?
– Nó bảo đưa đồ đạc đến 162 ạ!
– Bao nhiêu?
– 162 ạ!
***
Hai chú cháu, chú Miên và Nam, đã ấn định một kế hoạch hết sức chặt chẽ đến mức “không chê vào đâu được” như chú Miên bảo. Chú Miên chỉ mặc áo sơ mi ngắn tay và một chiếc quần xanh nhạt. Không biết chú giấu súng lục ở chỗ nào trên người, nhưng Nam biết chắc chắn là chú có súng. Một khẩu súng xinh xinh. Chú bảo Nam: “Đưa đi phòng xa chứ chẳng phải dùng đến. Hai tay mình đánh nhau cũng đủ rồi!”. Chú giỏi võ, điều ấy thì không nghi ngờ gì nữa.
Hai chú cháu vạch một con đường quanh co, ngoắt ngoéo làm sao để có thể đi ngắn nhất. Đường phố, cổng chợ, rạp chiếu bóng, sân ga và bến ô tô nữa. Chú Miên bảo rằng đây là một trong nhiều cách
để tóm bọn trộm, cách đơn giản nhất. Cơ quan chú đang chăng lưới, đang thông báo nhận dạng chúng nó cho những trạm gác, ở cửa ngõ ra vào thành phố và các cơ sở trong nội thành. Chú còn nói: “Trước sau rồi chúng cũng vào nhà đá, quân khốn kiếp ấy!”.
Nam xách một cái làn như đi mua bán gì và sau nó, cách đúng hai mươi mét, chú Miên lững thững bước theo. Bấy giờ là khoảng mười giờ. Nắng gay gắt đổ xuống những khoảng đường không bóng cây
che. Nam thấy mệt rã người. Nhưng từ hôm qua đến giờ, nó tự nhủ rằng, nếu không tìm cách đền bù lại những mất mát cho bác Thịnh và giúp đỡ các chú công an trừ được toán trộm cắp sừng sỏ này thì không còn mặt mũi nào nhìn thấy bố. Phải làm sao công việc kết thúc trước khi bố về. Bố sẽ tha thứ cho những sai lầm tai hại của nó.
Bỗng nó chú ý một dáng người to con đang lùi lũi đi vào ngõ chợ Trần Quang Khải. Nam đưa tay lên vành mũ, làm như giữ cho cái mũ đừng rơi. Đó là ám hiệu cho chú Miên đi theo sau. Nam dấn lên mấy bước, cố bám sát con người to con kia. Nhìn phía sau, nó cảm thấy như đang gặp lại hắn. Phải, chính hắn, thằng Xồm với đôi vai bè bè, đang đi giật như kiểu gấu ngựa kia. Nam dấn lên, tìm cách nhìn được mặt hắn. Nhưng hắn đâu rồi? Rõ là hắn vừa đấy kia mà, trước mặt Nam, hắn đi giữa đoàn người vào chợ đông nghịt. Tim Nam như đứng lại: Khéo Nam đã để sổng mất con mồi. Nhưng đây rồi, hắn đang đứng lại bên ngoài người bán thuốc tây ở góc chợ. Quay lưng lại phía Nam, hắn ghé vào tai người bán thuốc thì thầm. Anh bán thuốc đeo kính râm gọng vàng nghiêng đầu chăm chú nghe. Hắn đặt cái túi vải bạt có vẻ khá nặng xuống đất, lôi ra một gói nhỏ, tuồn nhanh vào các hòm gỗ dưới chân người bán thuốc. Hắn quay ngoắt về bên trái, bước nhanh ra phía cổng bên (nếu không có người bán rau chắn trước mặt, có lẽ Nam đã nhìn thấy mặt hắn rồi). Người ta chen lấn, xô đẩy Nam làm nó không thể nào lấn thêm được bước nào. Lần này thì hắn sổng mất thật. Nhưng Nam lấy lại bình tĩnh, nó quay nhìn chú Miên đang cố bám lấy mình giữa đám đông, ra hiệu cho chú biết rồi cố chen trở lại, chạy sang cổng bên đón đầu người đàn ông to lớn. Hắn kia rồi, đang bị kẹt giữa hai cái xe đạp thồ với những cái sọt to tướng chất đầy rau muống. Nam hổn hển đến bên cổng, mồ hôi nhễ nhại trên trán, ướt cả đầu tóc. Nó đứng chờ, hắn kia, đúng rồi, cả bộ râu quai nón xanh um che kín cằm và một nửa má. Vẫn cái mũ cối tàng tàng. Nam đứng né sang một bên, nấp sau một người bán đồ chơi trẻ con đang vừa rao hàng vừa thổi còi te, te.
– Này chú nhóc, xê ra, xê ra…
Một bàn tay cứng như thép, chộp lấy vai Nam, nhấc bổng nó lên rồi đặt xuống bên cạnh người bán đồ chơi. Nhưng hắn không phải là Sáu Xồm. Anh ta đặt cái túi xuống bên cạnh người bán đồ chơi trẻ con rồi giơ lên trước mặt người ra vào cổng chợ những gói thuốc bọc giấy nho nhỏ như những gói mực tím. Đó là một người bán thuốc rong.
Chiều hôm đó, sau khi ăn cơm xong, chú Miên bảo Nam:
– Đừng coi thường những biện pháp đơn giản, cháu ạ. Biết bao vụ án tìm ra được cũng chỉ nhờ những cách bình thường. Chú cháu ta hãy kiên trì đi tìm chúng nó vài hôm nữa xem sao.
Nam vẫn chưa thôi xấu hổ vì hồi sáng bé cái nhầm! Nó bảo chú Miên:
– Chú cho phép cháu về qua nhà bố một chút…
– Cháu định tìm chúng nó ở đấy à? Sao cháu ngây thơ thế? Sẽ không bao giờ chúng trở lại chỗ ấy nữa đâu.
– Không, cháu muốn xem xem bố đã về chưa. Biết đâu bố cháu về chơi cũng nên.
– Được, cháu đi đến bảy giờ tối rồi hai chú cháu ta sẽ đi ra mấy cái rạp xi nê xem sao.
Nam ra đi và đêm ấy nó không về. Mười giờ đêm, chú Miên đi tìm Nam. Nhưng gian nhà vẫn đóng im ỉm, khóa lủng lẳng bên ngoài. Chú đập cửa gọi, vẫn không có ai thưa. Tất cả mọi người đều nói rằng chiều nay không hề thấy Nam về đây. Không ai gặp nó.
Chú Miên báo cáo với cấp trên. Nhiều chiến sĩ trinh sát được phân công đi tìm Nam. Nhưng mò kim đáy biển, sáng hôm sau vẫn không có tin tức về chú bé. Chú cán bộ vò đầu nói với chú Miên:
– Lỗ to rồi, đồng chí. Tưởng bắt về được ba đứa, bây giờ lại mất đi một!
***
Cách nhà bố khoảng năm mươi thước. Nam gặp hắn. Lần này thì không nhầm vào đâu được nữa. Dưới bóng tối một cây sấu già, Nam đi ngược chiều với hắn và trong lúc hắn cắm đầu nhìn xuống đi giật giật như gấu thì Nam đã đủ thời giờ nhận ra đám râu quai nón, mái tóc hớt cao, bộ quần áo lính bạc màu. Hắn không nhìn thấy Nam, nhưng chính Nam đã nhận ra hắn, rõ ràng, chắc chắn như khi cùng ngồi trong phòng với hắn hôm nọ vậy.
Nam vẫn cúi đầu đi tới. Bước đến một cái máy nước có hàng chục người giặt giũ, xếp thùng, Nam lẩn vào trong bọn họ rồi quay trở lại, núp sau một cây phượng, nhìn theo bóng hắn ta. Hắn đang đứng lại, bật lửa châm thuốc hút. Hắn liếc nhanh về phía sau nhưng tỏ ra phớt đời đến lạnh lùng, hắn lại đi, lần này đi chậm hơn, rẽ vào lối bờ sông Tam Bạc. Nam bám theo hắn, cách một khoảng vừa phải. Nam tính toán khoảng cách thế nào đủ để hắn không thể nhận ra Nam, còn Nam cũng không bị sổng mất hắn. Cứ mỗi lần hắn rẽ vào ngã ba nào đó, Nam lại “bứt” lên, khi “bắt” được hắn rồi, Nam lại chậm bước, giữ cự li cũ. Phải làm cách gì để thông báo cho chú Miên hoặc một chú công an nào đó. Nhưng cũng không thể rời hắn một giây. Hắn rẽ luôn, đi theo một đường ngoắt ngoéo không như người khác. Nam chỉ còn biết theo sát hắn, điều quan trọng nhất – nó nghĩ – là không để mất hắn. Sau đó làm gì hẵng hay.
Hắn ra phía bờ sông. Con sông phập phồng trong đêm. Bè gỗ, sà lan, thuyền bè chen khít. Bóng tối cũng rập rình theo nhịp của mặt nước xao động. Hắn vẫn đi theo bờ sông, dạo này bóng điện đường ít sáng và thưa thớt nên hắn dễ lẩn vào bóng tối. Nhiều lúc Nam tưởng hắn đã sổng mất, nhưng chỉ một chút sau lại hiện ra dưới quầng sáng của một ngọn đèn nào đó dưới mặt sông hắt lên.
Một quãng bờ sông tối om. Trước mặt hắn là con thuyền lớn, loại thuyền vẫn chở hàng về thành phố. Hắn bắt đầu đi chậm lại. Ngang tầm con thuyền, hắn bỗng quay ngoắt người và nhanh như một con cáo, bước ngược lại phía Nam. Trước khi nhận thấy được điều gì xảy ra với mình, Nam đã ở trong tay hắn. Bàn tay rắn như thép của hắn bịt lấy miệng Nam, hắn dùng cả cánh tay phải xốc nách Nam,
ép Nam sát vào người hắn làm chú bé đau ê ẩm. Hắn bước nhanh như chạy vài bước là hết tấm ván cầu, vứt Nam vào sạp thuyền tối om. Không kịp cho chú bé định thần, hắn nhét vào miệng chú một cái khăn mặt. Một cái đầu với mùi mồ hôi quen thuộc ghé sát đến Nam, sợi thừng nhỏ và mềm quấn quanh thân chú bé như con rắn. Muỗi Vằn làm công việc mà hắn thạo nhất.
– Đi thôi! – Nam nghe tiếng Sáu Xồm.
– Về Lò Vôi hả anh Hai? – Câu hỏi đó là của Hùng Lé.
Con thuyền dập dềnh, tiếng sào sục nước, những bước chân giẫm lên mui thuyền ầm ầm, Nam biết chắc thuyền đang rời bến. Lúc này, Nam không còn sợ nữa. Trong vài ngày chú bé đã qua nhiều nỗi hiểm nguy đến mức chú cảm thấy bình thường khi gặp lại lũ đầu trâu mặt ngựa “quen biết”.
Chỉ có một điều chú không biết: Sáu Xồm đã nhận ra Nam trước khi chú bé nhìn thấy hắn. Đó là khả năng thiên bẩm của lũ người sống thường xuyên trong bóng tối. Khi hắn dừng lại châm lửa hút thuốc, Nam đâu biết rằng hắn đang cười gằn. Cũng lúc đó trong đầu hắn nảy ra một ý nghĩ mới. Hắn sẽ làm con mồi dẫn con chuột nhắt vào cạm bẫy. Hắn muốn gạt bỏ mối nguy hiểm duy nhất đối với hắn trong thời gian ở thành phố này. Vả lại hắn cũng đang cần thêm một chú bé kháu khỉnh, thông minh và dễ thương. Hùng Lé vẫn còn chưa đủ.
Nam không biết khi Sáu Xồm kéo nó từ dưới sạp thuyền ẩm ướt lên thì đã mấy giờ đêm. Nó nhìn sao tua rua lung linh ở một phần trời. Tiếng sóng biển dào dạt đâu đây, mơ hồ vọng đến tai Nam như nhắc lại cuộc sống vừa mới qua nhưng không hiện ngày gặp lại. Thành phố, làng Phượng Vĩ, bóng dáng mẹ cần cù đi lại trong gian nhà tranh ấm cúng và sạch tinh tươm… Bé Việt, con thỏ đen tuyền và những tiếng nói, khuôn mặt quen thuộc. Nó nhớ đến bố với giọng cười sảng khoái trong những ván cờ và khi nó chiếu tướng thì bố lặng lẽ đưa tay xoa cằm. Lẽ nào nó sẽ phải từ giã tất cả? Lẽ nào nó sẽ không còn gặp lại cô Thi, bọn thằng Đào, thằng Thế và ngôi trường làng xanh um những tán bàng?
Con thuyền đang thả neo trong một cái lạch kín đáo. Nam biết Sáu Xồm cho thuyền ra phía biển, giấu thuyền giữa rừng sú. Có lần bố cho Nam đi thử một chiếc ca nô dã chiến nhà máy vừa mới đóng xong. Nam đã cùng bố và các chú đi trên những con lạch này. Nhưng sao đêm nay tất cả đều thật đáng sợ, cánh rừng và con lạch đều tối tăm với tiếng kêu buồn bã của những con mòng két lạc đàn.
Muỗi Vằn cởi trói cho Nam sau khi kéo Nam lên cho người dựa vào vách thuyền, trên tấm chiếu hoa, cùng với Sáu Xồm và Hùng Lé. Ngọn đèn Hoa Kỳ đủ sáng một khoang thuyền. Giữa chiếu là một đĩa kẹo, một chai rượu mùi và mấy khoanh giò đặt trên tấm lá chuối tươi. Sáu Xồm nói:
– Chú em láu cá lắm, chú nhà quê ạ. Chú em lại đòi bám đuôi ta cơ à? Cái thứ như chú em thì không làm được việc ấy đâu. Nhưng thôi, bây giờ ta xí xóa và chú em ăn đi. Muốn ăn gì thì ăn: kẹo, giò, thích uống rượu thì cứ uống.
– Ăn đi chứ, các chú – Muỗi Vằn nói – Xin phép anh Hai! Hắn lấy khoanh giò, nâng cốc rượu đã rót sẵn, ực một hơi.
Hùng Lé nhìn Nam. Từ nãy đến giờ nó không nói gì, nét mặt ủ dột. Nam nhìn thẳng vào mặt Hùng Lé. Đã hơn ba mươi tiếng đồng hồ rồi nó mới gặp lại thằng bạn mới làm quen trên sân ga. Trong lòng Nam sôi lên một cơn giận ghê gớm.
Nam muốn tỏ thái độ với Hùng nhưng không được. Bây giờ là lúc Nam phải tìm kế thoát thân và giúp các chú công an phát hiện ra chúng.
Nam im lặng, Hùng Lé hình như hiểu được cái nhìn của Nam. Nó quay mặt đi rồi bước ra đầu mũi thuyền. Sáu Xồm nhìn theo, một tia nhìn khó chịu. Nhưng hắn giấu ngay điều đó, trở lại vỗ về Nam:
– Chú xin lỗi cháu, vì hôm kia cũng như hôm nay phải dùng tay chân với cháu. Chẳng qua là tình thế bắt buộc mà! Cháu khá lắm, chú thấy ít đứa trẻ nào gan lì như cháu đấy – Hắn hạ giọng đủ cho Nam nghe thấy – Thằng Hùng cũng vậy đấy. Trước đây nó là đứa
trẻ anh hùng ra trò. Nhưng bây giờ thì hỏng rồi, chú nói thật đấy, hỏng rồi.
Thấy Nam trân trân nhìn xuống mặt chiếu, im lặng không nói gì, Sáu Xồm nhón mấy cái kẹo đặt vào tay nó.
– Ta hẵng quên chuyện cũ đi! – Sáu Xồm uống một hớp rượu – Cái nhà hàng xóm của cháu ấy mà, nếu chú không ra tay thì cũng có hội khác chúng nó làm, cháu đừng nghĩ gì mà mệt. Bây giờ hẵng nghĩ đến ngày mai. Này cháu, đời giang hồ khoái lắm. Chú sẽ nuôi cháu, chu cấp cho cháu đủ ăn xài, muốn gì có nấy. Chú cháu ta sẽ đi đây đi đó, nơi nào dễ làm ăn ta đến, đời như con cá, con chim, cháu thích không?
Nam thấy im lặng là hơn cả.
– Đến nước này thì cháu chỉ có hai lối ra thôi – Sáu Xồm nói giọng hăm dọa – Hoặc là cháu sẽ cùng đi với bọn ta hoặc ta bắt buộc phải xử tệ với cháu. Nghĩa là dù cách nào đi nữa, cháu cũng chẳng có hi vọng trở về! Bởi vì, cháu đã biết hết bí mật của bọn ta, phải không?
Có tiếng Hùng Lé trên mui thuyền:
– Cá xanh, anh Sáu!
Tiếng nói vọng xuống từ một cái cửa mở một bên mui thuyền. Sáu Xồm và Muỗi Vằn chạy ra đằng mũi. Bỗng Nam thấy từ sát cửa sổ rơi xuống một miếng giấy nhỏ. Nó nhặt lên, đọc thấy mấy chữ viết
bằng bút chì: “Đầu hàng đi. Đừng cãi!”. Nam vo viên mẩu giấy quẳng vào cái bếp lò bên cạnh tấm chiếu. Vậy là thế nào? Hùng Lé muốn gì, nghĩ gì?
Hai thằng trở vào. Sáu Xồm nói với thằng kia:
– Thằng dở hơi! Ca nô biên phòng không vào thấu đây! Họ chỉ chạy đến ngã ba rồi rẽ vào sông cái. Đây thuộc địa phận của huyện rồi.
Sáu Xồm đã biết chọn nơi làm tổ cho cái ổ trộm cắp của hắn.
– Sao? Sao chú mày cứ lặng thinh vậy?
Sáu Xồm hỏi. Nam đang mải nghĩ về miếng giấy. Nó trả lời: – Cháu buồn ngủ lắm rồi, chú cho cháu ngủ.
– Phải đấy nhỉ! Tuổi ăn tuổi ngủ mà. Vậy thì ngủ đi, ta sẽ tiếp tục nốt câu chuyện sau khi cháu thức dậy nhé!
Hai đứa cho Nam nằm sát vách thuyền rồi ngồi uống rượu với nhau. Nam cố gắng để không ngủ thiếp đi. Suy nghĩ cứ chen chúc, xô đẩy nhau giống như những cánh bướm lắt lay trước mặt Nam. Cũng có
lúc chúng biến mất, những lúc đó Nam díp mắt lại. Nhưng Nam lấy ngón tay bấu vào đùi mình để có thể nhắm mắt mà không ngủ. Điều này không ngờ lại khó đến thế. Nam phải cố gắng hết sức để có thể tỉnh táo nghe ngóng xung quanh và coi chừng những hành động tội ác của bọn cướp.
Thời gian qua chậm chạp và nặng nề. Những mối đe dọa vẫn lẩn quất quanh đây. Bây giờ chúng không làm Nam lo lắng, sợ sệt nữa, mà trái lại, kích thích Nam. Nam muốn làm một việc gì đó, một hành động phi thường gì đó để có thể giúp các chú công an tóm được bọn cướp.
Đêm đã qua về sáng. Con thuyền như lọt hẳn vào khoảng không gian mênh mông của rừng, của cửa sông. Ngoài kia sóng bể rì rầm báo trước một ngày biển động. Hai đứa vẫn ngồi ăn giò, uống rượu với nhau, chúng uống rất nhiều nhưng nói năng vẫn tỉnh táo, suôn chảy. Còn Hùng Lé? Nó vẫn phải canh gác trên mui thuyền – Nam chắc vậy.
– Có xuồng của cánh Đầu Mom, anh Sáu! – Hùng Lé nói chõ xuống cửa sổ.
– Sao biết?
Sáu Xồm ngừng nhai, vểnh tai lên. Qua đôi mắt mở hé, Nam theo dõi cử chỉ của hắn và thấy hắn như một con thú đang xé con mồi,
chợt phát hiện thấy một con mồi khác to hơn.
– Họ bấm đèn báo!
– Hai, một, hai. Đúng thế không?
– Đúng. Hai, một, hai.
Sáu quỳ lên, lấy một chiếc đèn pin đưa qua cửa sổ cho Hùng Lé.
– Trả lời đi, cho chúng nó đến. Vỡ tổ hay sao mà mò đến chỗ chúng mình vào buổi này? – Sáu Xồm nói với Muỗi Vằn.
Hắn giả vờ vô tình đè cái bắp đùi nặng như đá lên tay Nam. Nam tưởng như tay mình đang gãy, nhưng chú vẫn nằm im thở nhẹ. Một lúc sau có tiếng lạch cạch bên mạn thuyền. Nam đoán có một chiếc xuồng nhỏ đang cập mạn thuyền lớn. Sáu Xồm bảo Muỗi:
– Chú ngồi đây, anh ra. Không cho chúng nó lên thuyền. Hắn lấy một gói thuốc lá bỏ vào túi, chừng để tiếp khách.
Con thuyền tròng trành dưới bước chân hắn. Rồi có tiếng thì thầm khá lâu, tiếng nước lõm bõm. Sáu Xồm trở vào khoang:
– Mặc cánh vào, đi! – Hắn bảo Muỗi.
Bộ cánh đây là chiếc áo bộ đội cũ, dài tay. Muỗi mặc vào và Nam hé nhìn thấy hắn có vẻ tử tế hẳn lên. Chú Miên bảo rằng bọn trộm cắp mua áo bộ đội cũ giá rất đắt là vì thế. Đó là bộ cánh mà con sáo mượn của con công.
Muỗi hất hàm chỉ Nam:
– Thằng kia?
– Số 8! – Sáu nói – Rồi giao nó cho thằng Hùng. Chúng nó đánh thức Nam dậy. Sáu Xồm nói:
– Này, chú bé. Vì chú chưa trả lời những điều anh nói với chú nên bắt buộc phải làm thế này. Bọn anh đi có tí việc, về ngay. Ở nhà với Hùng phải tử tế đấy nhé!
Muỗi lấy một cái còng sắt (có lẽ chúng nó tự làm lấy vì trông nó thô kệch và nhớp nhúa) đút tay Nam vào, bóp một cái tách. Chúng ra đi. Tiếng va chạm lạch cạch, nước róc rách, nghe xa dần. Một lúc lâu, Hùng Lé nhảy từ trên mui xuống làm con thuyền lạng hẳn về một bên.
– Chú mày vẫn thức cơ à? Ở trên ấydĩn1 nhiều quá. Nó ăn thịt tao nãy giờ rồi – Nó bảo Nam.
1 Một loại muỗi mắt vùng nước lợ.
Trông nó vội. Ngay cả khi nói với Nam, giọng cũng không tự nhiên. Nam nghĩ Hùng Lé đang lên cơn sốt.
– Mày đừng nhìn tao như vậy, Nam! Tao có chuyện bàn với mày – Hùng nói. Chợt nó nhìn thấy cái còng sắt trên cổ tay Nam – Lại thế nữa cơ à? Thằng Muỗi! Để tao mở cho mày.
Nó rút trong túi ra chùm chìa khóa kỳ lạ mà Nam đã từng thấy. Nó tìm chìa.
– Vừng ơi, mở cửa…
Cái khóa bật ra. Hùng Lé nghiến răng đập chiếc còng xuống sạp thuyền làm mấy cái chén nhảy lên như khiêu vũ rồi quẳng xuống sông.
Khôn ngoan, ác độc mấy cũng có lúc dại dột. Sáu Xồm và cả Muỗi nữa quên mất rằng Hùng Lé có một chùm chìa khóa, không phải chỉ mở được cửa nhiều nhà lương thiện mà còn mở được cái còng của chúng nữa.
– Thằng Muỗi đã từng còng tao một lần. Nó cóc biết rằng tao phải sắm riêng chiếc chìa này để thoát lúc chúng nó muốn nhốt tao.
Nhưng bây giờ thì không còn thì giờ dông dài chuyện trò với mày nữa. Mày phải làm theo lệnh tao, nghe không? Nếu mày muốn sống và muốn thoát cái ổ này! – Hùng nói tiếp, nghĩa là nó ra lệnh – Mày đừng hỏi gì tao, mở cái sạp thuyền phía mũi lên, lấy một số thứ cần dùng rồi đi ngay. Trong vòng nửa giờ nữa, chúng sẽ trở lại, hiểu chưa?
Nam nhận ra nhiều thứ đồ đạc quen thuộc của nhà bác Thịnh. Đây là cái quạt Nhật có mấy cái cánh màu xanh da trời. Đây là cái va li da bò… Bỗng nó nhìn thấy một con búp bê nhỏ lăn lóc bên cạnh cái va li. Nó cầm lên. Đúng là con búp bê của bé Liên.
– Lấy cái này theo được không? – Nó hỏi Hùng Lé.
– Tùy mày! Còn tao thì tao đã chuẩn bị sẵn đây rồi – Nó nạy một tấm ván bên cạnh cái bếp rồi lấy lên một chiếc ba lô con cóc căng phồng.
Nam bỏ con búp bê vào túi quần (một con Mariútca1 của Liên Xô bằng nửa cái lọ mực). Giá như nó có cách gì lấy lại tất cả các thứ về trả cho bác Thịnh.Nhưng Hùng Lé vỗ vào vai nó nói:
1 Một loại búp bê gỗ nguồn gốc từ Nga, có tới bảy cỡ to nhỏ chứa trong con lớn nhất.
– Lên mui đưa thuyền vào bãi với tao.
Nam lẳng lặng làm theo lệnh Hùng. Nó nghi ngờ, khó hiểu, đầu óc cứ rối mù vì những câu hỏi không trả lời nổi. Nhưng dù sao thì thằng phản bội ấy đã mở khóa cho nó, đã quẳng cái còng xuống sông và bây giờ nó đã được tự do.
Phút chốc hai đứa đã đứng bên mép bãi sú, bùn ngập tận đầu gối. Hùng bấm đèn pin về phía mũi thuyền bảo Nam:
– Mày hãy nhớ những con số này: TX 162. Số đăng kí chính thức của chiếc thuyền buôn chạy biển. Giấy tờ của con thuyền cũng như của chúng nó đều là những giấy giả giống như thật!
Hai đứa trẻ giống như hai chiếc lá nhỏ rơi vào cánh rừng sú vẹt mênh mông ở vùng cửa sông. Bùn lỏng mút chặt cẳng chân chúng, trên đầu là màn đêm và tán lá cây đen kịt. Vừa thoát khỏi cái còng số tám của lũ trộm cướp. Nam rơi tõm vào bùn lầy và bóng đêm.
Có điều khác là, cái còng thì có thể không bao giờ được mở ra, nhưng bùn lầy rồi sẽ hết và bóng đêm sẽ lùi dần khi bình minh trở lại. Miễn là Nam có thể bước tiếp, bước mãi chứ đừng quỵ xuống bùn lầy.
Nhưng bùn lầy và bóng đêm vẫn chưa phải là điều làm Nam sợ hãi nhất.
– Hùng, mày dẫn tao đi đâu thế này?
– Im lặng là vàng, thằng nhóc.
– Tao thèm vào vàng bạc của mày. Tao không đi nữa. – Mày điên à?
– Nhưng mày dẫn tao đi đâu mới được chứ?
– Đi trốn. Thằng ngốc, thằng thộn, thằng quê ạ.
Cứ một chữ là Hùng bước một bước, bùn ọp ọp dưới chân. Nam sợ bị tụt lại sau. Nó dấn lên, cố đuổi kịp Hùng Lé. – Mày vừa nói gì vậy?
– Vừa nói như thế đấy.
– Thằng phản bội! Thằng lừa đảo! Tao không để mày lừa lần nữa đâu.
– Tao còn là thằng ăn cướp nữa, mày hiểu chưa? Thằng đuôi , cái mũi, cái kính trong các vụ đánh vòm, mày vừa lòng rồi chứ? Nhưng im mồm đi, mày nói là tao đánh đấy. Ban đêm tiếng nói nghe xa đến
bốn mươi kí lô mét chứ không phải vừa đâu. Cứ bơi sang cái lạch Rốn kia thì mày hát cũng được. Nào, đưa tay đây tao kéo qua cái rễ cây này.
Những cây sú đan nhau. Rễ chúng thành hàng rào, bao năm rồi, chúng phải tự vệ để chống lại sóng gió. Nam phải khó nhọc lắm mới bước qua được những hàng rào như thế trong đêm. Nhưng Hùng Lé là một con chồn ăn đêm, nó đi qua thật dễ như bước trên hè phố giữa ban ngày ban mặt vậy.
Nó kéo mạnh một cái, lôi thằng Nam ra khỏi đám lầy. Hai đứa ngồi xuống đám rễ cây, thở hổn hển.
– Tao sẽ nói cho mày sau, nhóc ạ. Nhưng nếu mày không tin tao thì quay lại đi. Để Sáu Xồm nó đón tiếp mày.
– Có phải mày quẳng miếng giấy xuống cho tao không?
– Thế mày tưởng nó ở trên trời rơi xuống à? Tao sợ mày nổi khùng với chúng nó thì sẽ khốn nạn cái thân mày. Mày có biết bơi không?
– Tao bơi được nhưng chóng mệt lắm. Chưa bao giờ tao dám bơi xa, ở chỗ sâu.
– Vậy thì mày sẽ chết chìm.
Có tiếng hú dài từ phía con thuyền đậu. Tiếng hú vọng đến chỗ hai đứa như tiếng bò rống ngày mưa. Hùng Lé nhảy xuống bùn.
– Ra lạch ngay đi, chúng nó trở về rồi đấy.
Hai đứa đã rời thuyền khoảng hơn nửa tiếng rồi. Nhưng Nam phải bơi qua một cái lạch như thế nào nhỉ? Nó sẽ chết đuối mất.
– Tao bơi kém quá, Hùng à!
– Thì mày chỉ có cách ở lại bên này thôi, chờ nước xuống mà lội sang, thằng quỷnh à! Hay là mày trở lại thuyền với bọn chúng nó?
– Tao sẽ dẫn các chú công an trở lại thuyền để bắt chúng nó.
– Thằng ngốc ơi, mày tưởng Sáu Xồm cũng quỷnh như mày đấy hẳn? Nó có phải là con bò cái đâu mà bắt dễ dàng như mày nói. Nhưng im mồm đi, mày không nghe thấy gì à?
Nam nghe tiếng rì rầm, tiếng gọi nhau và những tiếng ì oạp của nhiều người trong đám bùn. Chúng nó đang lùng tìm. Mà không chỉ có Sáu Xồm và Muỗi. Còn những đứa khác, chắc là đến trên chiếc xuồng.
Hùng không nói không rằng, tóm tay Nam vừa chạy vừa ngã dúi ngã dụi, lóp ngóp trong đám bùn. Cành sú gãy do cơn bão cuối mùa năm ngoái bây giờ đã khô, làm rách toạc mấy miếng áo của chúng. Nam bị một vết xước rỉ máu gần thái dương. Kẻ gian đuổi người ngay, tình thế thật ngược đời. Khi kẻ gian đi săn đuổi thì chúng đã thừa thãi kinh nghiệm của kẻ chạy trốn nên chúng biết cách rút ngắn khoảng cách và thời gian. Sáu Xồm biết chắc chắn Hùng Lé và Nam đang chạy trốn theo lối nào vì chính hắn đã bày vẽ cho bọn đàn em con đường tốt nhất để “tháo cày” khi bắt buộc phải rời thuyền trong tình cảnh khẩn cấp. Cho nên, theo sự chỉ huy của Sáu, mấy tên kia đã bấm đèn pin tìm đúng dấu vết hai đứa trẻ vừa để lại phía sau.
Hùng Lé và Nam đã đến mép lạch. Chỗ này có một đống đá, nguyên trước đây là móng của một ngọn hải đăng hướng dẫn tàu bè vào cảng. Chính Sáu Xồm đã có lần dẫn Hùng và Muỗi ra đây chỉ cho đàn em con đường ngắn nhất, dễ vượt qua lạch nhất sang bên kia.
Nhưng từ vực thẳm này, Nam và Hùng lại rơi xuống vực thẳm khác. Hai đứa vừa thoát được bóng đêm và rừng cây thì lại đứng trước một con lạch dào dạt nước thủy triều.
– Chết rồi, mày ơi! – Hùng thảng thốt – Nước đang lên! Nước này thì đến tao cũng không bơi sang nổi.
Nam nhìn con sông, một con sông thực sự và nó thấy rằng Hùng nói đúng. Nhưng biết làm thế nào bây giờ?
Hùng bỗng vồ lấy tay Nam, reo lên:
– À, phải rồi! Bây giờ ta quay lại, chiếm lấy cái xuồng rồi biến. Lại thong dong nữa chứ.
– Nhưng chúng nó cũng quay về và đuổi kịp thì sao? – Nam lo lắng hỏi.
Hùng suy nghĩ một chút, rồi bảo:
– Cởi quần dài ra, vứt lại đây, làm như tao với mày đã bơi sang bên kia. Rồi cứ theo dấu chân cũ, đi trở lại một đoạn ngắn. Sau đó rẽ đường khác tìm đến cái xuồng.
Nam vẫn khư khư cầm con búp bê của bé Liên. Nó không muốn bỏ lại thứ đồ chơi thú vị ấy. Hai đứa quay lại, rẽ sang trái đã nghe giọng Sáu Xồm:
– Tìm được Hùng Lé thì tao chọc tiết! Nó đi thì công an đến, chúng mày hiểu chưa?
Lũ chó săn đang đi ngược phía với hai con mồi.
Khoảng cách giữa hai bên ngày càng xa. Có lẽ lúc Nam và Hùng Lé đến chỗ cái xuồng bỏ không ở mép bãi thì đằng kia, phía sau cánh rừng bạt ngàn, đen kịt, lũ Sáu Xồm đang đứng bàn bạc với nhau trên đống đá.
Hùng Lé nhảy lên xuồng trước. Nó nhổ sào và hai đứa nằm mọp xuống lòng xuồng, đề phòng thằng gác trên mui thuyền có thể phát hiện ra. Nhưng chúng quá lo xa. Muỗi Vằn đang ngủ. Nó buồn tình nốc hết chỗ rượu còn lại và ngủ say tít trên mui thuyền. Vả lại trời còn tối, trời chỉ sắp sáng thôi, chưa sáng hẳn.
Hai thằng bé đã có chỗ tính nhầm. Chúng không biết rằng nước thủy triều bắt đầu xuống. Vùng cửa sông đang hiền hòa bỗng trở
nên hung dữ, nước cuộn chảy như sông Hồng trong mùa mưa lũ.
Hai thằng bé, với chiếc xuồng bé như lá tre, bị nước cuốn băng băng, không cách nào hãm nổi. Trên xuồng chỉ có một cái sào, khi Hùng Lé định cho sào xuống nước để lái xuống chếch về phía bờ bên kia thì sào bị hụt. Hùng buông tay ra và thế là cái sào cũng mất nốt. Chiếc xuồng trôi ra sông cái, phía xa là cửa biển. Hai đứa vừa thoát được rừng thì đang gặp phải biển. Rừng chỉ tối tăm, bùn lầy, còn biển là sóng bạc đầu, là gió lớn. Ở rừng thì sợ, vất vả nhưng lần mãi rồi thế nào cũng có lối ra. Còn ở biển thì có thể bị lật xuồng và làm mồi cho cá.
Dòng sông vẫn còn tối om khi chúng qua thành phố nổi: Đó là khu cảng. Những con tàu sáng rực ở bờ bên kia, chỉ cần lạng xuồng sang bên đó là có thể được cứu thoát, được gặp các chú công an và mọi việc đều tốt đẹp. Nhưng cửa sông bên này vẫn tối om, bên kia sáng bao nhiêu thì bên này tối bấy nhiêu. Vì quầng ánh sáng lớn của những chiếc tàu thủy khổng lồ ấy mà hai thằng bé lóa mắt. Chúng không thể nhận ra phương hướng nào nữa. Chỉ biết rằng xuồng đang trôi như tên bắn và trước mặt là chân trời, thỉnh thoảng chớp sáng một ngọn hải đăng từ đâu rất xa. Chúng nó biết rằng đó là biển.
Hai đứa chạm tay làm loa kêu cứu. Nhưng tiếng kêu của chúng chỉ là một tiếng dế trong khung cảnh ồn ào của bến cảng. Một chiếc tàu kéo lưới đi qua suýt nữa va vào mũi xuồng, nhưng không ai trên tàu nghe thấy tiếng chúng gọi. Ra gần biển, sông càng rộng và chúng càng ít gặp thuyền hay tàu. Nam và Hùng Lé mỗi lúc một lo sợ hơn. Riêng Nam càng nóng ruột, nó sợ thời gian càng kéo dài thì Sáu Xồm càng có khả năng chạy trốn.
Trời sáng dần, hai đứa giật mình kinh hãi: Bốn bề là nước mênh mông. Dãy núi đảo mờ mờ đằng xa không đủ gây được ấn tượng về đất liền mà chỉ như một đám mây. Chúng thực sự bị trôi ra biển. Chiếc xuồng xem ra quá bé nhỏ với khung cảnh chung bao la, nhưng may mắn là sông buổi sáng thường nhỏ nhẹ nên ngồi trên chiếc lá tre ấy chúng nó vẫn thấy vững vàng. Vả lại, nước cũng ngừng chảy mạnh. Gió đông hây hẩy thổi chỉ đủ làm tròng trành con
thuyền. Hùng Lé tươi tỉnh lắm. Nó khoan khoái hít thở bầu không khí trong sạch và khoáng đãng của biển khơi, trong khi Nam lo âu, suy nghĩ. Biết thế Hùng an ủi Nam:
– Mày biết không, ngay bây giờ đây này, xuồng chúng mình đang nằm trong ống kính ngắm của đài quan sát hải quân! Rồi bộ đội biên phòng ở Đồ Sơn và ở đảo nữa. Tao biết lắm, khó mà lọt mắt họ đâu. Oắt con ơi, tao chỉ lo người ta tóm chúng mình sớm, không được chu du một chuyến trên Biển Đông mà thôi!
Vậy ra Hùng Lé vững vàng vì nó biết chắc chắn sẽ bị tóm, đúng hơn, được cứu đúng lúc. Nhưng ngay cả điều ấy cũng không làm Nam yên tâm hơn. Nhỡ có một cơn lốc?
– Nam Quỷnh này, giá như con tàu chúng mình chắc chắn một chút thì chúng ta sẽ làm một chuyến phiêu lưu trên mặt biển – Hùng nói, vẻ tự tin – Tao sẽ là thuyền trưởng Nê-mô, còn mày, mày muốn là Nét, là Công-xôn1 hay nhà bác học?
1 Nhân vật trong cuốn tiểu thuyết viễn tưởng kinh điển của nhà văn người Pháp Jules Verne (8/2/1828 – 24/3/1905) xuất bản vào năm 1870 Hai vạn dặm dưới đáy biển (Vingt mille lieues sous les mers) thuật lại cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Nemo và con tàu ngầm của ông ta là Nautilus (trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Thủy thủ). Trong tác phẩm, có tổng cộng bốn nhân vật chính là giáo sư Pierre Aronnax, Conseil, chàng thợ đánh bắt cá voi Ned Land và thuyền trưởng Ne-mo.
– Mày cũng đọc sách cơ à?
– Ừ nhỉ, mày hỏi câu ấy cũng phải. Thưa ông oắt con, Hùng này cũng đã từng học hết lớp sáu rồi đấy, nhưng tao gặp chuyện không may, vậy thôi – Hùng hạ giọng, mắt nó hơi buồn – Mà tao phải kể cho mày nghe mới được. Tao định trốn khỏi thuyền là bảo mày đến gặp công an. Mày sẽ nói với họ về bọn Sáu Xồm. Ngày hôm nay và tối nay chúng định tổ chức một trận đánh vòm vào kho cảng. Sáu Xồm phối hợp với bọn trên sông đêm qua chèo xuồng đến ấy. Rồi
mày cũng sẽ nói với họ về tao, mày sẽ nộp tao cho họ. Nhưng vậy là ý định ấy không thực hiện được rồi.
– Sao mày không tự mình đến gặp các chú ấy?
– Tao không muốn. Dù sao tao với chúng nó cũng từng là một hội! Tao sẽ về quê tao.
Hùng nghẹn giọng. Nó ngả người nhìn từng đám mây trắng bay qua bầu trời, bắt đầu kể:
– Mẹ tao rất hiền…
***
Chú bé ấy cũng như hàng trăm chú bé ta thường gặp trên những con đường đầy bụi của Cẩm-Phả-phố. Tuy là dân Cẩm-Phả-phố, nhưng bố mẹ chú suốt ngày sống trong Cẩm-Phả-mỏ. Sáng sớm tinh sương, xe con gấu hụ còi ở ngã ba, đưa bố mẹ chú vào tầng.
Những tầng than lấp lánh của mỏ Đèo Nai. Hùng ngủ muộn hơn bố mẹ một chút, chú dậy rang cơm nguội ăn hay thừa hưởng nửa cái bánh mì ca ba bố để lại trên mặt bàn, rồi cắp sách đến trường. Trưa về tự nấu lấy cơm ăn. Ăn xong, đi mua rau cho bữa tối. Thời gian còn lại, chú ra đường. Con chim đã đủ lông cánh. Nó bay vào trời xanh. Hùng Lé (hồi đó nó đã có cái tên ấy rồi) lang thang suốt ngày trên đường phố, chỉ với điều kiện là trở về trước khi bố mẹ nó có mặt ở nhà.
Tuy điều kiện rộng rãi như vậy, nhưng không phải bao giờ Hùng Lé cũng thực hiện đầy đủ. Chú còn phải ra cầu tàu thủy để xem ca nô chở hành khách từ Móng Cái, Cô Tô cập bến, đổ lên bờ những người dân đảo, xem những lồ cá người ta khiêng từ thuyền vào cửa hàng thủy sản, có khi may mắn ra, gặp được thuyền câu còn được thấy những con mực to như cái quạt mo, những con bạch tuộc có bộ râu dài trắng muốt. Rồi Hùng còn đi theo bọn bạn nhặt than rơi vãi trên đường hay trên cái dốc mịt mù bụi đen lối vào khu mỏ, đem về nhà hay bán rẻ cho dân phố. Một thúng than ở đây chỉ đổi được hai que kem, nhưng dù sao cũng có kem ăn. Và còn bao nhiêu việc,
bao nhiêu trò bận rộn khác của một chú bé đường phố. Hùng Lé về muộn luôn luôn. Đáng lẽ nó phải thổi chín cơm, thức ăn, dọn cơm ra mâm rồi ngồi ở cửa đợi bố mẹ trở về trên chiếc xe con gấu chạy qua nhà. Nhưng thỉnh thoảng mới có một ngày như vậy. Còn ra… nó chỉ về nhà sau khi bố đã đi nằm và mẹ thì buồn ngủ ríu mắt nhưng vẫn phải chong đèn ngồi đợi nó bên mâm cơm. Một lần, hai lần… Mẹ nó đã gặp cô giáo. Nhưng cô giáo thì làm sao có thì giờ để theo dõi học trò của cô ở nhà. Chị phụ trách thiếu niên khu tập thể công nhân mỏ năm lần bảy lượt tìm Hùng, gọi nó đi họp Đội cùng với các bạn khác, nhưng Hùng chỉ đến một hai lần rồi sau đó, nó quên hẳn lối đi về cái hội trường mái phủ một lớp bụi than nằm ở đầu dốc núi ấy. Bạn bè, trò nghịch ngợm trên đường phố, những que kem… tất cả đều hấp dẫn lạ thường.
Bố Hùng lái xe Benla. Mỗi ngày bố chở từ các tầng than ra hai mươi hai chuyến than đen, mỗi chuyến bốn mươi tấn tròn. Bố ngồi trong ca bin chiếc xe, dưới người bố là 400 sức ngựa đang gầm thét, đang kêu gào. Trời nóng như đổ lửa. Mở cửa ca bin thì bụi than bay vào đầy mắt, đầy mũi. Đóng lại thì chẳng khác gì ngồi trong lò than. Tối về, bố tắm giặt qua loa, ăn cơm, uống một chén rượu nhỏ rồi đi ngủ, sáng mai còn lên tầng sớm. Đã nhiều lần, trong cơn ngủ chập chờn, bố Hùng nghe vợ nói với đứa con trai: “Con mà không đổi tính đổi nết, chịu khó học hành thì mẹ phải mách với bố, rồi bố mày làm sao thì làm, mẹ không biết đâu!”.
Hùng nghĩ, thực ra Hùng chưa làm điều gì hư hỏng, Hùng về nhà muộn là có nguyên do. Chẳng hạn, chiều nay mà không đưa thằng Phòng, bạn thân nhất của Hùng, về đến tận nhà thì lũ cơ khí sẽ ăn thịt nó mất. Và hình như lần về chậm nào Hùng cũng có nguyên do “chính đáng” như thế. Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Trong phố, người ta đã thì thầm rằng, thằng Hùng con ông Lư lái Benla thường dẫn đầu một hội mất dạy sục sạo trong mấy dãy phố vào những buổi người lớn các nhà lên mỏ đi làm vắng. Một số nhà bắt đầu bị mất cắp quần áo phơi ở sân sau, hay gà quê nuôi trong chuồng. Bắt đầu có những tiếng chửi đổng đầy hàm ý mà Hùng không hiểu, nhưng mẹ nó, rồi bố nó thì thừa biết rằng người ta đang nói gì, nói đến ai. Và một hôm, khi Hùng còn lang thang trên phố với
mấy đứa bạn, mẹ còn chong đèn đợi nó về ăn cơm, bố đang ngả lưng một chút trên tấm phản ở góc nhà, thì có một người đàn bà lạ mặt ở đâu tận cuối thị xã quẳng vào thềm một con gà trống và chửi bới té tát. Bà ta cam đoan rằng chính là lũ trẻ nhà hàng xóm mách bà: Cậu Hùng, cậu quý tử của nhà này, đã xua con gà trống giống vàng giống ngọc của bà xuống cống nước cho nó chết ngạt. Bố Hùng thấy máu sôi trong người. Ông hầm hầm ngồi nhìn ra đường, chỉ mong thấy mặt thằng con trai. Hùng về nhà, tưởng như mọi hôm, bố đã đi nằm, nhưng vừa bước lên thềm, nó bỗng thấy một bàn tay rắn như thép chộp lấy ngực. Rồi một trận đòn tối tăm mặt mũi. Hùng nhổ xuống thềm một bãi máu. Nó cũng chẳng kịp thanh minh rằng nó hoàn toàn không biết gì về chuyện con gà nọ.
Đó là trận đòn đầu tiên trong đời Hùng. Đó cũng là lần đầu tiên nó cảm thấy ghét bố. Bởi vì Hùng vẫn cho rằng mình vô tội.
Cái gì rồi cũng quen được. Ông bố vốn ít nói, hơi cục cằn trở nên lầm lì đến dễ sợ và càng ít nói, càng cục cằn hơn. Những trận đòn cũng lặp đi lặp lại thường xuyên hơn và đối với Hùng, những trận đòn ấy chẳng có nghĩa lý gì khác là làm nó căm ghét bố nó hơn.
Rồi một hôm, Hùng phạm tội thực sự, nó tham gia vào một cuộc ẩu đả giữa bọn nó và lũ cơ khí. Mấy chú bé bị dẫn vào đồn công an đến mười giờ đêm hôm đó mới được thả ra.
Hùng nhớ lại trận đòn và đêm hôm đó nó không về. Nó lang thang hai ngày ở bến ca nô, nó nghĩ rằng sẽ ra đảo, sẽ xin vào một đoàn thuyền đánh cá, sẽ… sẽ… Nhưng nó đã gặp Sáu Xồm với chiếc thuyền đi biển mang đăng kí TX 162. Cuộc đời nó rẽ sang một bước ngoặt mà chính nó cũng không hề nghĩ tới. Bước ngoặt ấy xảy ra cách đây đã hai năm.
Hai năm, thời gian khá đủ để Sáu Xồm có thể biến một đứa trẻ vốn phóng túng, tự do, thành một đứa ăn cắp – cây mở khóa có hạng.
***
– Như tao thì tao không ra bến tàu – Nam nói – Tao sẽ vào khu mỏ.
– Nhưng lúc ấy tao chỉ muốn làm sao thoát khỏi bố tao, muốn đi thật xa – Im lặng một tí, Hùng buồn rầu nói tiếp – Mà mày tưởng làm thợ mỏ thì sướng lắm à? Đến lúc tao thành thợ khóa thì tao chán. Một lần người ta vớ được tao lúc tao đang tra chìa vào ổ, họ đưa tao về đồn nhưng nửa đường tao tháo được. Lần khác thì chính Sáu Xồm đánh tao. Hắn bảo tao mở khóa nhà một người. Tao thấy ông bà chủ cũng là thợ lam lũ giống bố mẹ tao. Tao làm tắc khóa, nó bị một mẻ hú vía. Tao cũng đã bỏ trốn một lần. Tao nghĩ rằng cuối cùng mình là thằng dại. Sáu Xồm nó dùng tao vào những việc nguy hiểm nhất vì tao là trẻ con. Nhưng tao chỉ là đứa làm thuê cho chúng nó. Vả lại, tao cũng chán cảnh mèo hoang. Mọi người làm ăn vất vả, đầu tắt mặt tối, còn lũ chúng tao thì chỉ sống bằng mồ hôi nước mắt của người ta. Sáu Xồm bảo lũ chúng mình sướng như quan. Nhưng tao trốn không thành. Sáu Xồm cáo già quá. Nó đọc được ý nghĩ của người khác. Muỗi Vằn lấy còng khóa chân tao một tuần liền. Chính trong tuần lễ đó tao đã tìm cách mở được khóa, chúng nó rời thuyền là tao mở ngay cái còng dưới chân, chúng về, tao tự khóa lại.
– Tại sao lúc đó mày không trốn?
– Không trốn được. Tao sợ. Nó bắt được lần nữa thì nó giết. – Còn lần này, sao mày gan thế?
– Vì mày đấy nhóc ạ. Tao thấy hối hận vì đã lừa mày, mày dại dột tin vào tao. Đáng lẽ hôm ấy mày đừng dẫn tao về nhà mới phải.
– Nếu thế thì hôm nay mày vẫn là thằng Hùng – vạn – năng trong hội Sáu Xồm.
– Cũng không phải như thế. Mấy hôm nay tao mới biết được là bọn Sáu Xồm định trốn ra nước ngoài. Chúng đang rủ rê, tìm người và liên tục đánh quả để lấy vốn mà đi. Vụ nhà hàng xóm mày rồi vụ móc nối với hội trên sông cũng là để có tiền cho chuyến đi ấy. Tao thì không thể đi theo chúng được. Đi với chúng nó sang Hồng Kông, rồi phiêu bạt giang hồ là không bao giờ tao còn nhìn thấy bố tao, mẹ tao nữa. Bây giờ tao mới nghĩ ra điều này: Trước đây tao oán bố tao
là không đúng mày ạ. Bố tao đánh tao như đòn thù vì bố tao vất vả mà tao thì hư quá chứ đâu phải thù ghét gì tao. Mày không biết thợ mỏ khổ như thế nào đâu. Đen thủi đen thui như khúc gỗ cháy, làm quần quật suốt ngày. Còn mẹ tao thì tội nghiệp quá, mẹ tao già đi vì
thương nhớ tao, bà ốm mấy trận, bây giờ không đi làm mỏ được nữa, bà giữ trẻ. Một lần cùng Sáu Xồm ra đánh quả ở Hòn Gai, tao lần về nhà. Tao lẻn vào, ngồi lặng đi một lúc lâu ở góc nhà, nhìn bố tao ngủ, ngáy như sấm. Còn mẹ tao thì nói mê, gọi mãi tên tao. Tao buột miệng nói: “Mẹ ơi!”. Mẹ tao ngồi dậy, tưởng là ma, bà hét lên một tiếng lớn. Tao ù té ra ngoài, đi mất. Tao theo Sáu Xồm thế cũng là quá lắm rồi. Giá hồi đó nó không lừa tao là nó ra đảo đánh cá cho hợp tác xã thì tao đã không theo nó. Bây giờ nó định trốn ra nước ngoài, nó cho tao đi, nhưng tao thiết gì.
Nam nhìn Hùng Lé, nó thấy tự tin hơn vì đã hiểu ra những điều tưởng là khó hiểu. Vả lại, khi nó tin vào người nào, nó thấy an tâm và sung sướng hơn là nghi ngờ họ. Đằng sau Hùng xuất hiện một chiếc thuyền buồm, chiếc thuyền như từ dưới nước chui lên, hai cánh buồm no gió đứng kéo chiếc thuyền đến sát xuồng chúng nó. Nam kêu lên:
– Thuyền, Hùng ơi!
Hùng quay lưng lại, nó nói bình thản:
– Của công an vũ trang đấy. Tao nói có sai đâu – Nó nói nhanh – Tao yêu cầu mày một điều, mày có đồng ý không?
– Mày nói đi.
– Vào đồn biên phòng mày đừng nói gì về tao cả. Mày nói rằng chúng mình lấy xuồng đi chơi rồi bị sóng kéo đi. Nhưng mày hãy nói ngay với họ về Sáu Xồm. Mày bảo họ chở chúng mình về đồn công an cảng, báo tin cho các chú ấy về vụ đánh quả tối nay của Sáu Xồm. Thế thôi.
– Tao sẽ còn kể cho các chú ấy nghe về mày nữa…
– Đừng! Chuyện kia cần hơn. Còn tao, không đáng nói. ***
Trước đồn công an cảng, Hùng Lé bảo Nam:
– Mày vào với chú ấy đi, tao đợi ngoài này.
Chú đồn trưởng đồn biên phòng dẫn Nam vào. Không ngờ Nam đã thấy chú Miên đang ngồi nói chuyện với ai đó ở phòng bên cạnh. Nam đứng lên, gọi to.
– Chú Miên! Cháu đây mà!
Chú Miên chạy vụt sang. Chú ôm chầm lấy Nam ngạc nhiên vì thấy nó chỉ còn mỗi cái quần đùi và chiếc áo ngắn tay cũn cỡn trên người. Nam nói nhanh với chú:
– 162 không phải là số nhà. Đó là số thuyền, chú ạ. Chú Miên cười, vỗ vai nó:
– Chú biết rồi. Cháu yên tâm, các chú đã dắt 162 và mấy ông chủ thuyền về chỗ ở mới. Chỉ thiếu mất Hùng Lé thôi, tiếc thật!
– Thế à? Làm sao các chú tóm được chúng sớm thế?
– Cháu tưởng rằng chỉ mình chú cháu ta săn lùng bọn trộm cướp thôi à? Chú và cháu chỉ là cái mắt lưới trong tấm lưới thôi cháu ạ. Hùng Lé sổng mất có lẽ vì mắt lưới nào đó còn thưa quá. Nó nhỏ người quá mà!
Nam vui vẻ:
– Hùng Lé còn đợi cháu ngoài cổng đồn đấy, chú này! – Vậy à?
Chú Miên kéo Nam ra cổng. Nhưng ngoài cổng chẳng còn ai. Hùng Lé đã biến mất. Hai tiếng đồng hồ sau thì chú Miên và cả Nam nữa
đều tin rằng Hùng Lé quả thật không muốn đợi hai chú cháu. Hùng đi đâu? Chú Miên bảo Nam:
– Mới có hai ngày mà trông cháu chẳng còn chút gì là cậu bé nhà quê nữa. Cháu lớn lên nhiều quá.
– Cháu vẫn dại, chú ạ. Đáng lẽ cháu phải kéo Hùng cùng vào đồn một thể mới đúng.
Nó sực nhớ là Hùng cầm hộ nó con búp bê của bé Liên. Tự nhiên nó thấy mủi lòng. Không biết Hùng có về nhà thật không? Nếu nó về, bố nó còn đánh nó nữa không? Hay là nó lại trở về với những con đường đầy bụi?
Phần thứ hai
H
ùng Lé ngần ngừ một chút thôi. Khi thấy Nam vừa khuất sau cây bàng trên sân đồn công an cảng, nó chợt nhận ra tình thế hiện nay của mình. Từ ngày bước chân lên tấm ván cầu con thuyền 162, Hùng luôn cảm thấy mình bị chẹt giữa hai bức tường. Ở đây, trong con thuyền là hai cánh tay gân guốc và những tia mắt sắc lạnh của Sáu Xồm, ở kia là dãy hàng rào trại giam, không còn chỗ nào khác. Trong những ngày đó, thỉnh thoảng Sáu Xồm lại hỏi nó, giọng lạnh lùng:
– Chú em ơi, thế là đến nay chú mình bật xà được bao nhiêu lần rồi nhỉ?
Bật xà có nghĩa là mở khóa cho một vụ trộm lớn. Thấy Hùng lặng im, Sáu Xồm nhắc như bắt Hùng phải nhớ:
– Chừng năm bảy vụ gì đó. Nhưng chú mình có biết không, chỉ mỗi một vụ thôi cũng đủ ra Hoành Bồ rồi.
Hoành Bồ hay đâu đó có những trại cải tạo trẻ con ăn cắp. Hùng chẳng muốn vào sống trong những trại ấy chút nào. Nó lặng im, đưa đôi mắt buồn nản thỉnh thoảng lóe lên một tia căm ghét nhìn Sáu Xồm. Thời gian cứ thế trôi qua…
Bây giờ tình thế đã đổi khác. Chẳng còn Sáu Xồm. Chỉ còn tấm biển “Đồn công an” và gian nhà thường trực nhỏ bé có một chị áo vàng đang ngồi ghi chép gì đó vào quyển sổ. Hùng thấy rằng phải rời khỏi đây ngay. Rời khỏi đây nghĩa là cả Sáu Xồm, cả nhà tù cũng biến mất. Chỉ có mỗi mình Hùng và cuộc sống tự do đang nhộn nhịp ngoài phố, những ngõ ngách mà nó thông thuộc như trong nhà của mình.
Hùng làm ra vẻ thản nhiên cho chị áo vàng khỏi chú ý rồi nó quay ngoắt, bước vào dòng người đi bộ, xe đạp đang tua tủa chuyển động trên đường. Con chim chích đã bay vào rừng xanh.
Hà Nội có 36 phố phường, còn Hải Phòng có những cái ngõ của nó. Những cái ngõ tưởng như chỉ có một đoạn ngắn thôi. Khách lạ mạnh dạn bước vào và anh ta choáng váng: Cái ngõ bỗng chia làm nhiều ngách, nhiều ngõ nhỏ khác, càng đi tới càng thấy sâu thêm, đông thêm. Cho đến nay vẫn còn những cái ngõ có tên kỳ quái không biết ra đời tự thuở nào: ngõ Cô Ba Chìa, ngõ Cái Đá, ngõ Tây bán vải… Khách lạ vẫn gặp trong những ngõ đó một bóng dáng cảnh sát áo vàng. Đó là công an hộ tịch có trách nhiệm chăm lo trị an. Nhưng dù vậy, cuộc sống trong các ngõ vẫn có một cái gì rối rắm, phức tạp hơn nhiều so với các đường phố thênh thang.
Hùng Lé lẩn vào dòng người xe, đi một quãng ngắn nữa và bước vào một cái ngõ. Mới vài bước chân nó bỗng thấy chột dạ. Đúng rồi, chính cái ngõ này, một lần Sáu Xồm đã bắt nó bật xà một gia đình công nhân. Theo Sáu Xồm cho biết, anh chủ nhà làm ba gác trong cảng. Tổ của anh chở các thứ hàng “tươi sống” như mì chính, thuốc tây… Vậy tất nhiên trong nhà anh ta có mỡ (của cải). Hùng Lé có nhiệm vụ mở khóa vào nhà xem xét. Nó chỉ nhìn thấy một bát mỡ trong chạn, một thùng mì, quần áo rách và mấy cái xoong nhôm. Đó là những thứ có giá trị nhất trong nhà. Sáu Xồm không tin. Hắn không hề tin rằng một tay tổ trưởng ba gác thường kéo sau lưng những thứ giá trị như vậy lại có thể trong sạch đến thế. Hắn bắt Hùng Lé bật xà một lần nữa, có hắn đi cùng. Hùng bực mình. Nó làm tắc khóa và thế là cả hai suýt rơi gọn vào tay một công an hộ tịch, vào quãng chín giờ sáng. Câu chuyện ấy làm Hùng phân vân. Nó có thể gặp lại người công an già hôm ấy. Bác ta đã nắm được tay Hùng, nó chối đây đẩy và òa khóc, bác ta lưỡng lự và thế là nó giật té chạy.
Nhưng dù sao thì không thể hi vọng vào sự nhân từ ấy một lần nữa. Hùng quay ra. Nó lại bước trên đường phố, lần về phía bờ sông. Quãng này chắc là lắm người. Thuyền bè đang bốc hàng lên xuống. Nó có thể lẩn vào trong đám đông và may ra gặp được một cái
thuyền ra khu mỏ. Hẵng cứ ra Hòn Gai, ở đó một thời gian, tính đường về Cẩm Phả sau. Về Cẩm Phả rồi có về nhà hay không lại là chuyện khác.
Hùng ngồi xuống một hòn đá kè, giả tảng như ngồi câu. Đã thành thói quen, bao giờ nó cũng tạo cho mình hai bộ mặt. Vai nào nó định đóng đều rất đạt, cứ y như thật vậy.
Hùng bỗng phát hiện ra một điều từ nãy đến giờ không để ý: Trong tay nó vẫn còn con búp bê – mẩu gỗ bé tí mà lúc vội thằng Nam đã trao cho nó cầm hộ. Rồi nó nhớ đến chiếc ba lô nhét đầy những thứ cần thiết cho cuộc bỏ trốn, trong lòng chiếc xuồng, chắc bây giờ đang được giữ ở đồn biên phòng nào đó và được coi như là một tang vật có giá trị. Nó hoảng hốt thực sự khi thấy mình chỉ có tay không. Không tiền bạc, áo quần, nhà cửa, bạn bè… Hùng đứng dậy, cho con búp bê sang tay trái, lấy bàn tay phải vỗ vỗ vào túi quần, một tiếng lẻng xẻng khô khan sau lần vải. Chùm chìa khóa! Chùm chìa khóa vạn năng, công trình của hai năm trời ròng rã. Nó lại ngồi xuống, đặt con búp bê xuống hòn đá, rút chùm chìa khóa ra. Mỗi một cái chìa dù bằng đồng, bằng nhôm hay bằng sắt đều gợi cho Hùng những kỷ niệm khó quên, những câu chuyện làm nó nhức nhói. Đây là một trận đòn thừa sống thiếu chết của Sáu Xồm, vì Hùng loay hoay mãi mà suýt nữa Sáu Xồm bị tóm. Còn đây, chiếc chìa khóa đồng, cái mũi con này đây, ta đã bước vào một nhà do Sáu Xồm chỉ điểm, ta nhìn thấy một bà mẹ đang ngủ với mấy đứa con, ngủ say như chết sau một ngày đi làm ở cảng hay ở một nhà máy nào đó. Trông bà giống mẹ ta quá, nhà bà nghèo xác xơ, chỉ có mỗi chiếc đồng hồ báo thức trên bàn học của đám trẻ con là có giá, ta đã quay ra, nói dối Sáu Xồm và thế là một trận đòn nữa… Còn đây, “thằng bé” làm bằng nhôm, nó đã dẫn ta về nhà một lần, ta đã ngồi ngắm mẹ ta khi đang ngủ và khi bà nằm mê gọi “Hùng ơi!” thì ta hoảng hốt bỏ chạy ra ngoài… Hùng gọi tên từng chiếc chìa khóa, cuối cùng nó tháo “thằng bé” ra khỏi cái vòng sắt, cẩn thận nhét sâu vào lưng quần đùi. Nó quay quay chùm chìa khóa mấy vòng rồi bất thần quẳng xuống sông. Tội ác đang tự tử và chìm nghỉm xuống đáy, không để lại gì, kể cả một tiếng động nhỏ. Hùng đứng dậy.
Nó nắn vào lưng quần xem “thằng bé” còn trong đó nữa hay không rồi bước đi, tay vẫn còn cầm con búp bê gỗ. Vứt con búp bê xuống đống rác nào đó và thế là xong, trên người ta không còn gì của cuộc đời cũ, trừ chiếc quần đùi và cái áo rách. Nhưng vứt nó vào đâu? Hùng nhớ đến Nam Quỷnh, nhớ đến hai chị em bé Liên và con chuồn chuồn…
– Tao còn có việc với mày đây – Hùng nói với con búp bê gỗ và bước nhanh dọc bờ sông bấy giờ đã tràn ngập ánh nắng.
Một ý nghĩ xoắn xuýt đầu óc Hùng từ khi nó sực nhớ ra con búp bê. Nó muốn quay lại ngay chỗ chị em bé Liên. Nhất định phải thế – nó nghĩ – cho hết nợ.
Nhưng nó biết ngay rằng làm như vậy là mạo hiểm. Dù vậy, nó không chùn bước. Nó cảm thấy vượt qua được cuộc mạo hiểm cuối cùng này, đời nó chắc sẽ thong dong hơn. Nó sẽ có một cuộc đời khác, hoàn toàn không có chút gì giống với cuộc sống trước đây. Sáu Xồm đã bị tóm rồi. Nhất định nó sẽ sống được. Nó tin như vậy.
Hùng Lé vẫn bước thủng thẳng ven bờ sông. Lâu lắm rồi nó mới có dịp ngắm dòng sông Tam Bạc chảy qua lòng thành phố, cũng từ lâu rồi nó mới thấy mình có quyền ngắm những cảnh vật, con người, nhà cửa, thuyền bè mình thích. Trước đây, nó chỉ được phép lên bờ rong chơi vào những buổi tối. Thời gian còn lại là công việc phải làm cho Sáu Xồm.
Dãy phố bên phía Hạ Lý ửng lên dưới ánh mặt trời. Một suối mật ong chảy trên dãy nóc nhà cao. Hàng phượng lẻ loi phía cầu sắt phủ một lớp bụi than nhà máy xi măng như vừa được thay lá mới. Đứng bên này có thể nhìn thấy rõ những bông phượng sót lại của mùa Hè lộ ra sau một cơn gió rồi lại bị đống lá xanh um che khuất. Bốn con bò vừa đen vừa vàng kéo xe chở cát, bụi cát bay bay trên nóc xe.
Hùng sẽ có một con bò, một chiếc xe bò! Ước gì được thế nhỉ? Nó sẽ đi chở cát, chở than cho dân phố, sẽ nhận tiền công mua cỏ, mua cám cho bò ăn, mua một miếng đậu phụ cho mỗi bữa cơm, còn
thừa ra thì để dành được một món kha khá sẽ gửi qua bưu điện về cho mẹ. Mẹ sẽ đến nhà bưu điện nhận tiền (số tiền chắc cũng không đến nỗi ít ỏi), mẹ sung sướng lắm nhưng không hề biết ai đã gửi cho mẹ số tiền đó.
Nhưng giấc mơ qua nhanh chóng. Hùng chẳng có bò, chẳng có xe bò, trong tay chỉ còn một mẩu gỗ, bụng lại cồn cào. Nó ngồi xuống bờ đá, nghỉ một lúc. Cô bé quàng khăn đỏ mỉm cười với nó như muốn an ủi, trò chuyện với nó. Bây giờ Hùng mới nhìn kĩ cái mẩu gỗ mà thằng Nam Quỷnh kia gọi là búp bê. Hùng chưa hề cầm một vật xinh xắn như vậy. Một mẩu gỗ biết quàng khăn, lại biết cười. Những đường khắc phết sơn chạy vòng quanh rồi túa ra phía dưới như rẻ quạt, đó là cái váy. Hùng nhìn thấy một đường vòng như vết nứt ở cổ cô bé. Nó lơ đễnh cầm lấy đầu quay một vòng, cái đầu quay nhẹ nhàng. Nó quay một vòng nữa, rồi một vòng nữa, cái đầu rời ra. Bên trong mẩu gỗ là một cô bé khác, một cô bé xinh hơn, tươi tắn hơn, tất nhiên bé hơn một chút. Điều ấy làm Hùng kinh ngạc. Trí tưởng tượng của nó bị kích thích. Nó cảm thấy trong tay mình không còn mẩu gỗ nữa mà là một sinh vật đang cựa quậy, hai cô bé quàng khăn đỏ hẳn hoi.
Hùng nhẹ nhàng đặt cô gái lớn xuống và lại quay đầu cô gái nhỏ. Cái đầu rời ra sau mấy vòng quay và bên trong lại có một cô bé khác, xinh hơn, nhỏ hơn cô bé kia. Hùng vã mồ hôi trán, nó thấy như mấy cô bé đang cười nhạo mình. Tay nó run lật bật. Nhưng nó vẫn tiếp tục quay cái đầu nhỏ nhắn kia mấy vòng và lại rút ra một cô bé quàng khăn nữa. Vậy là trên tay Hùng đã có bốn cô bé, bốn chị em sàn sàn tuổi nhau. Nó xếp cả bốn cô lên một hòn đá bằng phẳng nhất quanh chỗ ngồi rồi lặng lẽ ngắm từng cô một. Nó cảm thấy cô chị là cô gái có vẻ tần tảo, lam lũ và đảm đang nhất bọn. Bởi vì cô chị ở ngoài, bao bọc các em, chị phải chịu nắng gió, va chạm, sây sát. Điều ấy thật đơn giản biết bao.
Hùng thở dài. Nó lắp mấy cô bé vào chỗ cũ. Nhưng nửa chừng, nó chợt hi vọng. Hãy mở cô út ra, biết đâu lại còn một cô nho nhỏ hơn ở trong? Nó run run quay đầu cô bé út. Không còn cô bé nào nữa. Nhưng một tờ giấy rơi ra. Một băng giấy nhỏ, trên có hàng chữ viết
nắn nót: Chúc các con hạnh phúc, hãy ngoan như những em bé gái này… Mẹ . Hùng chợt hiểu. Đây là chữ viết của mẹ bé Liên, chắc là để một ngày nào đó, lúc hai đứa bé biết đọc, chúng sẽ phát hiện ra tờ giấy và lời dặn dò của mẹ.
Hùng quấn cẩn thận tờ giấy vào ruột cô bé út, lắp mấy cô lại như cũ rồi đứng lên. Nó thấy hết đói, bước đi nhanh cho hết quãng đường bờ sông rồi rẽ vào một phố nhỏ. Nó biết rõ, ở quãng giữa phố này, bên cạnh một ngôi nhà ba tầng đổ nát vì bom Mỹ cách đây bảy, tám năm, có một cái ngõ hẹp nhưng dài và ngoằn ngoèo. Từ giữa ngõ này, chui qua một lỗ hổng của bức tường chắn, có thể ra phố Q, gần ngay ngôi nhà nó định đến. Nó quyết định đến ngôi nhà kia bằng lối này, bởi vì, nếu giữa đường bị phát hiện và đuổi bắt, nó sẽ dễ dàng mất hút trong cái ngõ vừa chật chội vừa tối tăm kia. Ở khu vực này người ta đang mở công trường sửa lại nhà bị bom tàn phá, dân cư được tạm dời ra nhà cao tầng ngoại ô, Hùng sẽ ít phải gặp những người có thể nhận ra nó.
Và bây giờ Hùng đã tìm ra cái lỗ hổng nhỏ giữa bức tường. Hùng chống hai tay xuống đất, cho hai chân vào cái lỗ rồi nhẹ nhàng đẩy người sang. Một hai giây sau, nó đã ở bên kia bức tường. Phía bên này quang cảnh còn vắng vẻ hơn. Một đống gạch vụn đổ nát nằm dưới chân những cột bê tông cao với những cái dằng ngang, dằng chéo rối rắm. Trên một mảng tường còn sót lại, có hàng chữ kẻ bằng son đỏ: “Nhà đổ, nguy hiểm chết người!”, bên cạnh hàng chữ là hình vẽ một cái đầu lâu với hai ống xương bắt chéo. Hùng mỉm cười nhìn cái đầu lâu, nó phác một cử chỉ chế nhạo những hốc xương gớm ghiếc kia rồi ngồi xuống ngay bên cạnh để thử. Ở đây thật vắng vẻ và yên tĩnh. Cả những tiếng xe ô tô chạy ngoài phố lớn cũng rơi rụng hết bên kia những khung nhà cao và các đống gạch vụn. Sau những phút căng thẳng chui qua bức tường, nó lại thấy đói, nhưng tìm đâu ra cái ăn. “Chà, chuột ngày bao giờ cũng đói!” – nó lẩm bẩm, bực bội nhưng lại yên tâm vì cho đến bây giờ vẫn chưa ai nhìn thấy nó. Nó có thể ngồi một lúc, tính kế, lập mưu cho mất đứt ngày hôm nay cũng được. Một ngày không ăn thì đã sao. Nó đã từng qua một đôi lần như vậy rồi. Đói một chút nhưng khi có gì ních vào bụng thì lại thấy khỏe khoắn ngay. Nó nằm xuống, hai tay đặt
dưới đầu và khe khẽ hát: Bé bé bằng gang… Hát xong, nó mỉm cười.
Nhưng nó không hề chú ý đến một khuôn mặt ló ra từ cái lỗ hổng trên gác ba ngôi nhà đổ. Một khuôn mặt hốc hác, có đôi mắt sâu bị lấp dưới hai vệt lông mày rậm. Một khuôn mặt cú mèo. Ví von này cũng không lấy gì làm quá đáng, bởi vì, tận trên gác ba ngôi nhà đổ như vậy, phải leo qua dãy cầu thang sứt mẻ lòi cả dàn cốt thép bên trong ra, chỉ có thể có những con cú trú ngụ mà thôi. Nhưng đây quả thực là khuôn mặt người. Từ khi, do sự tình cờ, đôi mắt sâu với cặp lông mày rậm ấy nhìn thấy hai bàn chân của Hùng Lé thò ra ngoài lỗ hổng bức tường thì hầu như chúng không rời thằng bé ra nữa.
Hùng Lé đứng dậy, lần theo lối đi mọc đầy cỏ tìm đến dãy phố cũ. Khuôn mặt cú kia thụt vào và lát sau, trên dãy cầu thang đổ hiện ra một người đàn ông trạc năm mươi tuổi. Ông ta mặc áo sơ mi cổ bẻ, ngắn tay, bên dưới là chiếc quần ka ki vàng khè cũ kĩ. Ông ta tụt nhanh xuống, nấp sau một cái cột nhìn dõi theo Hùng Lé. Như vậy là giữa Hùng Lé và người đàn ông nọ đã có một sợi dây, hay như người ta thường nói: Hùng Lé đã có một cái đuôi mà nó không hề hay biết.
Khi Hùng bước ra đường thì “cái đuôi” nấp vào chỗ Hùng đứng hồi nãy. Từ đây, người đàn ông yên trí nhìn theo thằng bé. Đường phố khá rộng, ông ta có thể theo dõi Hùng trong một khoảng cách dài mà không sợ mất hút con mồi.
Hùng bước mấy chục bước nữa. Nó đi qua khu nhà tập thể mang số 154, nơi xảy ra vụ trộm cách đây mấy hôm. Lối đi vào cầu thang vắng người, dài hun hút. Hùng liếc nhanh lên các tầng trên, các cửa sổ đều mở, nhưng chẳng có gì chứng tỏ có người ở bên trong. Nó dấn thêm mấy bước rồi quay trở lại. “Cái đuôi” từ nãy vẫn theo sát từng bước chân của nó, vội tụt vào trong ngõ. Một chốc sau, Hùng lại trở về chỗ cũ, nơi gặp nhau giữa cái ngõ dẫn vào ngôi nhà đổ và đường phố. Người đàn ông đã đứng lùi hẳn về phía trong. Ông ta đang giả vờ sắp xếp lại mấy hòn gạch.
Đầu óc Hùng căng thẳng như trong bất kỳ hoàn cảnh tương tự nào, khi phải mạo hiểm, phải trông chờ vào sự may rủi nhiều hơn là khôn ngoan. Trở về đây sau vụ trộm có mấy ngày là chẳng khôn ngoan chút nào, nhưng nó nghĩ, dù có gặp rủi thì đây cũng là lần đầu tiên nó bị rủi ro vì làm một việc tốt đẹp. Nghĩ thế, nó rời chỗ đứng, lại bước nhanh đến ngôi nhà. Người đàn ông – cái đuôi – thấy nó đi khuất, liền chạy nhanh ra đầu ngõ, nghiêng người dõi theo. Đến lúc thấy Hùng bước vào lối lên cầu thang ngôi nhà, ông ta mỉm cười.
Hùng đi nhanh lên cầu thang dẫn đến gác hai. Nó mạnh dạn bước lên mấy bước rồi quyết định rẽ phải. Chỉ thêm mấy bước nữa thôi là nó đã có thể đứng bên cửa sổ nhà bé Liên, nó sẽ liệng con búp bê gỗ qua chấn song sắt. Thế là xong, nhưng nó chưa kịp làm thế. Một tiếng the thé như lưỡi dao rít phía sau nó:
– Ôi, làng nước ơi, thằng trộm!
Hùng phản xạ khá nhanh. Nó quay người lại, chạy như biến xuống cầu thang. Phía sau, tiếng người la hét nhiều thêm. Lúc bấy giờ, Hùng mới sực nhớ đến người đàn bà mà thằng Nam gọi là bác Nga hai đứa đã gặp ở cầu thang trong lần đầu tiên đến đây. Vừa chạy vừa liếc nhìn lại phía sau, Hùng thấy bà ta đang đuổi theo mình, miệng há hốc kêu không thành tiếng. Phía sau có vài người nữa, họ cũng chạy cũng la, nhưng chẳng ai hiểu điều gì xảy ra. Còn người đi đường thì chắc chắn là không hiểu gì hết. Họ không biết ai đang đuổi theo ai, vì sao lại đuổi và đuổi về hướng nào.
Tất nhiên Hùng Lé chạy vào cái ngõ có ngôi nhà đổ. Rẽ vào đây rồi, nó bình tĩnh hẳn lên. Bởi vì, vài chục bước nữa là đến chân tường, nó sẽ nhẹ nhàng chui qua “cái mõm” là thoát. Nhưng một người đàn ông đã đứng chắn mất cái lỗ chui. Ông ta khoanh tay, mỉm cười và điềm nhiên bảo Hùng:
– Lên cầu thang, vào buồng ta ở mà trốn, con!
Giọng ông ta dịu dàng nhưng kiên quyết, Hùng liếc qua bốn phía, nó chỉ thấy con đường duy nhất có thể đặt chân là lên cầu thang, dù đó là một cái cầu thang đổ. Nó trao mình cho số phận, chạy nhanh lên
những miếng bê tông lởm chởm. Người đàn ông nhìn theo, lại mỉm cười.
Từ trên tầng hai, Hùng nhìn qua cửa sổ. Bà Nga, theo sau là mấy người đàn bà nữa, chạy đến chỗ người đàn ông. Sau cùng là Nam Quỷnh, thằng bé có lẽ vừa ngủ dậy ngơ ngác như gián ngày. Bà Nga hỏi người đàn ông:
– Bác có thấy thằng bé nào chạy vào đây không? Người đàn ông thản nhiên chỉ cái lỗ dưới chân tường:
– Đây, chuột vào hang rồi, vừa chui qua đây. Có việc gì vậy bà?
– Thằng trộm, đúng là thằng bé đi với lũ trộm vào nhà 154 hôm trước – Bà ta chỉ Nam – Bạn quý của ông mãnh này đây.
Hùng thấy Nam không nói gì, chỉ lắc đầu, vẻ ái ngại. Ôi, giá như Hùng có thể chạy xuống gặp nó, nói với nó những điều cần nói. Nhưng Hùng đành rời khung cửa ngồi lên một tấm phản trong gian buồng vừa trống vừa bề bộn, bẩn thỉu. Trên một cái bàn ba chân có hai thanh bánh mì. Hùng thấy đói hơn vì màu vàng rộm của những chiếc bánh cứ đập vào mắt nó. Nhưng nó quay mặt, cố tình quên những cái bánh hấp dẫn. Nó nghĩ: Đây không phải là bánh của mình. Vả lại, ngày hôm nay nó định nhịn đói. Không nhịn làm sao được khi trong tay chẳng có hào có xu nào, còn trong đầu chỉ có một ý nghĩ: Ta sẽ không ăn cắp nữa.
Người đàn ông bước vào. Ông ta đặt tay lên vai Hùng:
– Một quả điếc hả? Không may nhưng mà là may đấy, con ạ. Vì… con đã được gặp ta.
Hùng nhìn ông ta. Quần áo của người đàn ông bốc lên mùi ngai ngái chua chua của mồ hôi và cáu ghét. Có lẽ ông ta tắm giặt từ năm ngoái hay sao ấy.
– Ta đã cứu con, phải thế không? Con là bụi, một hạt bụi, nhưng từ nay con không là bụi nữa, con sẽ là con của ta. Đây là nhà của con.
Bánh của con đó, ăn đi!
Ông là ai? Hùng muốn hỏi nhưng nó sợ đôi mắt người đàn ông. Nó im lặng, cúi đầu nhìn xuống đất.
***
Nghe bác Nga kể lại đầu đuôi câu chuyện, Nam chắc thằng bé bị đuổi là Hùng Lé. Nó tin như vậy, mặc dù tận mắt nó không nhìn thấy thằng bạn vừa mới chia tay ở đồn công an cảng. Nó chỉ lạ một điều, Hùng Lé đến đây để làm gì? Phải chăng nó muốn đến gặp Nam? Những điều cần nói, nó đã nói rồi. Ở đồn công an cảng, các chú đã xác nhận lời Hùng nói là đúng. Nếu không ngăn chặn kịp thời, đêm nay bọn Sáu Xồm sẽ đánh quả vào chỗ nào đấy ở cảng. Ai cũng tiếc rằng Hùng đã không ở lại, ai cũng lo ngại Hùng sẽ gặp không may nếu nó lang thang mãi trên đường phố.
Nam thấy việc đầu tiên nó cần phải làm là đi gặp chú Miên. Chú ấy dặn trong thời gian ở lại thành phố, khi cần Nam có thể tìm gặp chú bất kỳ lúc nào. Chú Miên cho rằng vụ này chưa hoàn toàn xong xuôi nếu như các chú ấy chưa gặp và nói chuyện được với Hùng Lé. Chắc Hùng Lé còn biết những điều mà bọn Sáu Xồm giấu giếm.
Chú Miên đưa Nam đến gặp chú cán bộ đã hỏi chuyện và đưa cho Nam xem tập ảnh những người lạ mặt hôm trước. Chú Miên lui ra và trong phòng chỉ còn hai chú cháu: chú Quảng và Nam.
– Suýt nữa thì trôi ra biển hả? – Chú Quảng vui vẻ nói – Các chú ấy bảo rằng cháu khá lắm, chú rất mừng. Mừng nữa là lũ trộm đã được phanh phui nhanh chóng, của cải của nhà bác Thịnh đã được trả lại
gần đủ – chú mỉm cười – hầu như chỉ còn thiếu con búp bê. Đứa con gái bác ấy vẫn còn khóc…
– Đó là lỗi ở cháu – Nam đỏ mặt – Cháu đã cầm ở tay thế rồi cháu lại nhờ Hùng Lé giữ hộ. Nó đi mất luôn…
– Thằng bé không đi mất đâu, chắc là chỉ quanh quẩn ở trong thành phố – Chú Quảng lấy hai ngón tay bẹo cằm mình, nói tiếp, dáng suy
nghĩ – Nhưng cũng thật đáng tiếc. Giá như Hùng Lé ở lại… thì sẽ tốt cho nó và cho chúng ta…
Nam vội vã:
– Thưa chú, hồi nãy hình như Hùng Lé trở lại chỗ nhà cháu… Chú Quảng buông hai ngón tay khỏi cằm, đứng bật dậy:
– Vậy à? Nhưng sao lại hình như?
– Cháu không gặp nó, nhưng theo lời bác Nga thì chắc là Hùng Lé. Nó vừa ló đầu ra khỏi cầu thang thì gặp bác Nga, bác ấy la lên, thế là nó bỏ chạy.
– Nó chạy đi đâu?
– Nó chạy vào cái ngõ bên cạnh rồi chui qua một cái lỗ hổng nhỏ, biến mất.
– Đúng như thế?
– Cháu không thấy nhưng một người đàn ông đứng ở đó bảo với bọn cháu thế.
Chú Quảng cười, nhưng Nam biết rõ chú cười không phải vì chú đang vui. Chú nói:
– Lại nghe người khác nói. Thật là đáng buồn, phải không cháu? Được rồi, có thể chiều nay chú thử đến chơi chỗ cháu xem sao. Có điều là chú sẽ mặc thường phục, cháu sẽ nhận chú là bạn của bố cháu. Nhớ nhé. Còn bố cháu thì chỉ nội ngày mai là về đến nhà rồi. Các chú đã cho người báo tin cho bố cháu rồi. Sướng nhé!
Được gặp bố, Nam thích lắm, nhưng rồi Nam sẽ nói với bố thế nào về việc đưa Hùng Lé về nhà? Nam định ở lại một hôm rồi tìm cách về quê, Nam sẽ nói hết với mẹ, sẽ nhận lỗi với mẹ. Còn bố, Nam sợ lắm. Bố không dễ tha thứ cho Nam như mẹ đâu. Nhưng dù sao thì bây giờ Nam cũng phải chờ bố rồi…
Chú Quảng lại nói:
– Nhưng ta hẵng trở về với Hùng. Cháu nghĩ về cậu bé ấy thế nào? Nam nói ngay:
– Cháu thấy nó cũng tốt. Chú Quảng cười dịu dàng:
– Có thể cháu nói đúng. Hùng đã làm một số việc để chú cháu ta có thể nghĩ tốt về nó. Nó đã rủ cháu bỏ trốn khỏi chiếc thuyền. Nó đã nói với cháu về âm mưu sắp tới của bọn lưu manh. Nhưng Hùng Lé có một biệt tài… khá nguy hiểm. Trong bọn bụi đời, không mấy tên có thể mở khóa vào nhà người ta dễ dàng như nó. Để một thằng bé lang thang trên đường phố với chùm chìa khóa đặc biệt như vậy là không nên! Vả lại, chú cháu ta cần phải giúp nó. Hùng thì khác gì cháu? Chỉ có điều là cháu may mắn hơn nó thôi. Thật đáng thương… – Chú bỗng đứng lên, đi lại mấy bước rồi lại ngồi xuống bên cạnh Nam, nói tiếp – Cháu có thấy như thế không? Hùng thật đáng thương. Không hiểu sao chú cứ nghĩ… à, mà thôi ta xuống vườn cho mát. Chú muốn kể cho cháu nghe chuyện này.
Hai chú cháu xuống cầu thang, ra vườn. Chú Quảng kéo Nam ngồi xuống một chiếc ghế đá. Chú im lặng một lúc lâu rồi mới bắt đầu kể:
– Năm một ngàn chín trăm bảy mươi, nghĩa là cách đây mười năm, hồi đó chú công tác ở giới tuyến Vĩnh Linh. Nhiệm vụ trên giao cho đơn vị chú là phải theo dõi những hoạt động tình báo của địch qua
giới tuyến. Trong đơn vị, có chú và chú Bình là người Hải Phòng. Tình cờ, hai anh em đồng hương đều được giao cương vị phụ trách, chú là phó còn chú Bình là trưởng. Bọn chú trinh sát dọc sông Bến Hải. Thế rồi hôm đó, trong cuộc săn lùng một tên gián điệp vừa được đánh ra miền Bắc, chú Bình bị nó bắn vào cổ. Chú Bình tắt thở trên tay chú. Trước khi chết, chú ấy chỉ dặn chú hai điều: Một là phải tìm ra và theo dõi tên điệp viên có mật danh Cóc Vàng, hai là sau này có dịp ra công tác ở quê hương Hải Phòng nếu có thể, đưa thằng con chú ấy về nuôi và dạy dỗ cho mẹ nó đỡ khó khăn.
Chú Quảng im lặng một lúc. Rồi chú kể tiếp:
– Vậy mà cả hai việc chú ấy nhờ, chú đều không làm tròn. Cóc Vàng mất dấu vết ở Vĩnh Linh. Nó lộ ra trong vài ngày ở Thanh Hóa rồi biệt tích. Hai năm rưỡi sau các cơ quan phản gián của ta tìm thấy vết tích nó ở Hà Nội, nhưng cuộc săn tìm đang tiếp tục thì nó lại biến mất. Việc thứ hai cũng không xong. Chú tìm đến nhà chú Bình quá muộn, bởi vì công việc không cho phép, cuộc sống các chú ở giới tuyến căng thẳng quá mà! Nghĩa là hơn tám năm sau, ba năm sau chiến thắng, chú mới có dịp trở lại Hải Phòng. Vợ chú Bình không còn ở đấy nữa. Cô ấy đã lấy chồng và theo chồng ra khu mỏ. Chú ra Hòn Gai rồi Cẩm Phả tìm cô ấy. Cũng may, sau nửa tháng trời lận đận nhờ anh em quen biết giúp đỡ, chú đã tìm ra. Chú mừng lắm, tâm niệm rằng khi gặp vợ chú Bình, chú sẽ xin cô ấy đưa con chú Bình về làm con nuôi, dạy dỗ nó nên người, vì nghĩa tình đối với bạn. Nhưng cũng buồn thay, cô Bình và người bố dượng cho biết là thằng bé đã bỏ nhà đi cách đó hai tuần! Ôi, giá như chú về Cẩm Phả sớm được hai tuần! Chú đánh điện xin cơ quan ở lại khu mỏ một tuần nữa. Chú đã nhờ nhiều cơ quan công an và anh em giúp đỡ sục tìm những thị trấn vùng mỏ, nhưng việc tìm kiếm chẳng đi đến kết quả nào. Thế rồi, đến hôm xảy ra vụ trộm và nhất là sáng nay, sau khi nghe các chú báo cáo lại chuyện của cháu và Hùng Lé, chú cứ nghĩ rằng Hùng Lé chính là thằng Nghĩa, con trai chú Bình! Theo chỗ chú biết thì ở thị xã Cẩm Phả lũ trẻ vẫn gọi tên thằng con riêng của cô Bình là Hùng, Hùng Lé và chỉ khi nào có hai mẹ con với nhau, cô Bình mới gọi tên con là Nghĩa. Chắc là cô ấy phải đổi tên con theo yêu cầu của người chồng mới. Người ta không muốn trong gia đình có nhiều chuyện phức tạp, con anh, con tôi đấy thôi. Còn Hùng hay Nghĩa có biết điều ấy hay không, chú không hiểu. Chú chắc rằng nó biết bởi vì khi mẹ nó đi lấy chồng thì nó đã lên tám rồi còn gì. Chẳng nhẽ lại có hai đứa trẻ cùng tên là Hùng Lé, cùng ở Cẩm Phả và cùng một cảnh ngộ. Chỉ có điều trục trặc là chỗ này: Trong câu chuyện kể trên biển cho cháu nghe, nó không hề nói với cháu rằng nó là con liệt sĩ?
– Đúng thế ạ – Nam nói.
– Vô lí! Nhất định con cô Bình biết điều đó. Nhưng thôi, tất cả sẽ rõ ràng nếu chúng ta tìm ra Hùng Lé. Cháu về đi, lát nữa hay chiều
nay chú sẽ xuống thăm cháu.
***
Nam không vào nhà ngay mà đi thẳng đến cái ngõ. Thật ra, nó cảm thấy có điều gì không được tự nhiên khi nhớ lại thái độ người đàn ông hồi sáng: “Chuột vào hang rồi, nó vừa chui qua cái lỗ này đây!”. Từ câu nói đến nét mặt người đàn ông có điều gì đó không bình thường. Giá như trước đây thì Nam tin ngay, nhưng bây giờ nó đã học được bài học cảnh giác. Người đàn ông ấy là ai? Tại sao lại đứng ở đó đúng lúc vậy?
Nam bước theo lối ngõ, dừng lại trước lỗ “hang chuột”. Khu nhà đổ vắng ngắt vắng ngơ. Có mấy tấm biển đề hàng chữ: “Nhà đổ, nguy hiểm chết người!” với cái đầu lâu và hai khúc xương bắt chéo. Có lẽ nhờ có chúng mà lũ trẻ từ lâu ít bén mảng đến cái ngõ này. Nam đưa mắt nhìn xung quanh. Bỗng nó chú ý đến một mẩu vải phất phơ khi ẩn khi hiện trong khung cửa sổ một gian chuồng cu rách nát tận gác ba ngôi nhà. Có thể đó là một cái khăn mặt. Như thế là có người. Nam đắn đo không biết có nên mạo hiểm leo lên gian buồng đó không? Suy nghĩ một lúc, nhớ lại chuyện theo dõi Sáu Xồm rồi bị hắn bắt cóc xuống thuyền hôm nọ, Nam lưỡng lự. Khôn ngoan hơn cả là đứng canh chừng ở đây, chờ chú Quảng. Nam nhịn cơm, nó lảng vảng đầu ngõ suốt buổi trưa.
Trong lúc đó, Hùng Lé đang lẳng lặng nhai bánh một cách ngon lành. Vốn dạn dày trong cuộc đời gió bụi và thường xuyên phải chạm trán với nguy hiểm đủ điều, Hùng đã mất ngay cái vẻ e sợ ban đầu. Nó vừa ăn vừa quan sát người đàn ông, cố tìm ra trên khuôn mặt, quần áo ông ta những chi tiết nào đó để có thể trả lời câu hỏi gay gắt trong đầu nó: Ông ta là hạng người nào vậy? Nhưng nó cảm thấy khó vô cùng. Việc khám phá ra con người khó hiểu này hình như là quá sức đối với nó.
***
Ở trong phòng làm việc của đồng chí công an hộ tịch tiểu khu, chú Quảng và Nam được biết là trong ngôi nhà đổ mang số 138 có một
người đàn ông ở. Ông ta tên là Nguyễn Văn Mì, nhân viên bảo vệ của Công ty nhà cửa. Ông ta không có hộ khẩu thường trú ở đây, nhưng có nhiệm vụ đến đây để trông coi khu nhà, chuẩn bị cho việc mở một công trường xây dựng. Ông Nguyễn Văn Mì đến đây đã hai tháng. Đồng chí hộ tịch cho biết từ ngày ông ta dọn đến ở, khu đất bề bộn sạch sẽ hơn hẳn. Người ta không vào đó phóng uế và đổ rác như trước, trẻ con cũng không đến nghịch ngợm hay lấy gạch quẳng vung vãi lung tung trên đường phố nữa.
– Giấy tờ của ông ta? – Chú Quảng hỏi.
– Ông ta có mang đến một giấy giới thiệu của Công ty.
Chú Quảng cảm ơn đồng chí công an hộ tịch rồi kéo Nam ra về. Chú dắt Nam đi bách bộ dọc đường phố. Ngang qua ngõ 138, chú nói:
– Dù sao thì cháu cũng phải giúp chú để mắt tới cái ngõ một chút. Có việc gì thì gặp chú Miên nhé.
– Cháu muốn về quê lắm rồi!
– Thế cháu không đợi bố về à? Cháu không muốn gặp lại Hùng à? Nam nhớ lại câu chuyện chú Quảng kể rồi nói:
– Vâng, cháu sẽ ở lại ạ.
– Đúng, phải đi đến nơi về đến chốn chứ. Cháu chưa gặp được bố cháu là đi chưa đến nơi về chưa đến chốn đâu…
***
Hùng bừng mắt dậy lúc trời đã về chiều. Ngủ quá say vì thấm mệt, đầu óc nó nhức như búa bổ. Gian phòng sáng lên một góc nhờ nắng chiều rọi chếch ngang càng thêm vẻ ma quái. Hùng tưởng mình đang lạc vào một hang động nào cổ xưa, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Ngả lưng trên một cái ghế xếp vải bạt, người đàn ông vừa hút thuốc vừa lặng lẽ nhìn Hùng. Trông ông ta khác hồi sáng rất nhiều, trầm lặng và oai vệ, ra dáng ông chủ nhà.
– Ngủ nữa đi cậu bé – Ông ta nói.
– Cháu ngủ chán mắt rồi.
– Vậy à? Tốt. Ở đây chỉ hiếm một thứ là nước. Con lấy khăn của ta lau mặt cho tỉnh ngủ. Còn con bé kia – Ông ta hất hàm chỉ con búp bê Hùng vẫn cầm trên tay – Hãy đặt lên bàn, trông nó cũng ngộ nghĩnh đấy chứ.
Hùng lấy khăn lau mặt, đặt con búp bê lên bàn, ngồi xuống.
– Ông cho con về… con cám ơn ông. Người đàn ông nhướn đôi lông mày rậm:
– Con hãy gọi ta là ba và ở lại đây.
Hùng thấy chẳng thà nuốt một con chuột còn hơn gọi người trước mặt mình là ba. Vả lại, tiếng ba quá xa lạ đối với nó.
– Không, ông cho con đi…
Lần này nó không nói về mà đi. Người đàn ông nhận ra điều đó.
– Con đi đâu? Chỉ cần ló đầu ra ngõ là con đã rơi vào tay bọn họ. Họ nhẵn mặt con ở đây rồi mà. Vả lại từ trưa đến giờ ta vẫn thấy một thằng bé lảng vảng quanh đây. Một thằng bé vẻ nhà quê đặc trưng nhưng lại nho nhoe làm thám tử, nó đâu có lừa nổi mắt ta.
Vậy thì tốt hơn hết là cứ ở lại đây chờ tối. Ta cũng muốn nói với con một câu chuyện…
Ông ta từ từ rít thuốc lá. Rồi ông ta thổi một hơi khói dài lên trần nhà, một mảng trần đã mọc rêu và có những rễ cây li ti đâm từ sân thượng xuống.
– Con biết đấy, ta rất cô đơn – Ông ta trở lại vẻ dịu dàng – Người ta con đàn cháu đống còn khó sống trong tuổi già huống gì ta, một thân một mình trơ trọi. Ta không muốn làm con mủi lòng, nhưng biết thế nào hơn, quả thực hoàn cảnh của ta thật đáng thương. Mẹ con mất sớm, hai anh con đứa chết rồi, đứa làm ăn tận đâu đâu. Thằng bất hiếu, nó coi như trên đời này không còn người đẻ nó ra nữa. Ta buồn lắm, ta chỉ muốn con ở đây với ta, rau cháo với ta, có thế thôi. Con còn e ngại điều gì? Việc ta giúp con thoát hiểm hồi sáng chưa đủ làm con hiểu lòng ta ư?
Hùng lặng im. Quả thật những lời dịu dàng của người đàn ông làm mềm lòng nó.
– Ta không yêu cầu gì con – người đàn ông nói tiếp – Ta chỉ cần một tình thương, con ạ, ta cần một bát cháo lúc ốm, con mang đến bên ta và nói: “Cháo đây, ba ăn đi!”. Con có hiểu ta nói gì với con không?
– Con hiểu…
Hùng biết là nó đã lỡ lời. Nhưng nó không ân hận. Tim nó rung lên. Nó nhìn thấy trước mặt mình một người đàn ông khác. Không phải bộ quần áo ấy. Không có mùi hôi ấy, không có cái nhìn kì dị ấy nữa.
Trước mặt nó là một người cha đau khổ. Một người đàn ông đang khao khát tình thương, cũng như nó. Những ngày sống với Sáu Xồm như một vụ hạn hán kéo dài làm khô kiệt bao mạch nước khiến cõi lòng nó trở nên cằn cỗi, lạnh giá. Nó thèm một lời nói dịu dàng, một tình thương yêu. Nó đã có một ông bố và ông ấy chỉ cho nó roi vọt, những cái đạp thô bạo. Nó đã có một bà mẹ hết lòng thương yêu nó, nhưng bà không đủ sức giữ nó lại nhà.
Người đàn ông mỉm cười. Ông đứng dậy, đến bên Hùng vuốt ve tóc nó:
– Vậy chứ, ta cảm ơn con, chính là ta phải cảm ơn con mới đúng. Ta cứu con khỏi trại trừng giới, nhưng con đã kéo ta ra khỏi cảnh cô đơn. Bây giờ ta dặn con: Con đừng ra khỏi nhà nếu ta chưa đồng ý. Chắc con biết người ta đang rình mò con. Nếu người lạ đột ngột
vào, khi họ leo qua cầu thang thì con cũng còn thì giờ để lên đây – ông ta chỉ tay lên một cái lỗ vuông trên trần – con hiểu chứ?
Hùng nhìn lên và nó thấy không phải ngẫu nhiên mà cái bàn lại được kê phía dưới cái lỗ.
Tối hôm đó, Hùng ăn cơm, uống một cốc nước chè, một ca nước trắng rồi nằm xuống bên cạnh người đàn ông, ngủ mê mệt.
Sáng hôm sau ngủ dậy nó thấy chỉ còn lại mỗi mình trong gian phòng. Nó dụi mắt nhìn chung quanh. Tất cả vẫn y nguyên: con búp bê gỗ trên bàn, chiếc ghế xếp bên cạnh, mấy hòn gạch lăn lóc đây đó trên nền nhà nứt nẻ và ẩm ướt. Một miếng giấy nhỏ lăn cạnh gối: “Cơm ở góc chạn, bô ở chân giường. Con nhớ cái lỗ trên trần”. Hùng mỉm cười. Ông già chu đáo quá. Nó mở cái chạn vừa cũ vừa ọp ẹp ra. Một chiếc cặp lồng ba ngăn đậy điệm tử tế. Ngăn cơm, ngăn canh, còn ngăn kia là một bìa đậu phụ. Hùng lấy khăn mặt lau qua đôi mắt đầy ghèn, bụng nghĩ: “Không biết ông già kiếm các thứ này từ lúc nào?”. Vốn quen phán đoán mọi tình huống, nó tự trả lời ngay: “Đúng là lúc mình đang ngủ. Vậy lúc mình ngủ thì ông già thức và làm mọi thứ cho mình”. Nó thấy cảm động về sự săn sóc của người mà nó vẫn chưa quen gọi là “ba” ấy. Hùng lấy cơm ra ăn. Nó đã thấy đói. Nó vừa ăn vừa mong sớm được tự do, được ra ngoài và trong ngày đầu tiên ấy thế nào nó cũng làm một việc gì để có thể mua được những thứ cho vào bụng. Bám một ông già hom hem thế này, nó thấy xấu hổ thế nào đấy. Nhưng tất nhiên cửa đã bị khóa bên ngoài. Nó ngán ngẩm ngồi xuống giường, dọn dẹp các thứ lại cho ngăn nắp. Trong khi quét dọn, nó phát hiện thấy một viên gạch trên tường bong ra, phía trong là một cái hốc trống không, một cái tổ chuột nhắt. Hùng nghĩ ngợi, đoạn lấy con búp bê gỗ bỏ vào. Nó nghĩ: “Hãy cất vào đó, rồi sẽ tìm cách trả lại cho bé Liên”. Sau khi lấy một viên gạch che kín con búp bê, nó thấy yên tâm hơn, coi như chuyện thế là xong rồi, không phải nghĩ ngợi gì nữa.
Hùng đứng dậy. Nó không quen bị nhốt chặt trong một căn buồng bẩn thỉu, hôi hám như thế này. Hồi trước nếu cần nhốt nó lại, Sáu Xồm và Muỗi Vằn khóa tay, khóa chân nó. Nhưng nó mở ra được ngay và thênh thang một mình trong con thuyền 162, giữa trời nước
bao la. Còn bây giờ là cả một cái địa ngục. Hùng nhìn lên: Khung cửa sổ duy nhất trên tường đã được che chắn kĩ bằng tấm cót cài vào song sắt. Nó muốn hé tấm cót nhìn ra ngoài một chút. Nghĩ sao, làm vậy. Hùng đứng lên phản, kéo tấm cót xuống. Nó cẩn thận lùi vào trong nhìn ra. Nhưng như vậy nó chỉ thấy một đoạn của bức tường trơ những hàng gạch mọc rêu xám xịt. Hùng bước lên và nó liều mạng thò đầu cho chạm vào dãy song sắt. Một làn gió thơm nức mùi hoa lá, mùi nước phù sa đang lên làm tóc nó phất phơ. Hùng hít một hơi dài. Bỗng nhiên tim nó như đứng lại. Nó nhìn thấy thằng Nam, chính là thằng Nam Quỷnh, đang cúi xuống nhặt cái gì dưới đất, lối đi vào ngõ. Đúng rồi, nó nhặt một viên đạn, lắp vào súng cao su và bắn vu vơ về phía ngôi nhà. Hùng tụt đầu vào: Nó đánh giá ngay được sự nguy hiểm. Bây giờ thì không thể đóng tấm cửa lại được nữa. Nam, mày chơi súng cao su thật hay chỉ là giả vờ? Mày có nhìn thấy tao không? Giá như cửa mở thì Hùng có thể tung ra, chạy ngay xuống với thằng Nam, kéo nó cùng đi đến một đồn công an nào đó rồi ra sao thì ra. Nhưng đâu có làm thế được.
***
Nam đã nhìn thấy cái đầu tụt vào. Sáng sớm nay nó thấy ông già bảo vệ ra mở cửa, ông ta khóa cửa bằng một cái khóa đồng ngoắc vào hai đầu vòng xích rồi lập cập bước xuống cầu thang. Nam đứng chờ ở đây, nó chắc rằng ông già đi ăn sáng đâu đó rồi sẽ trở về. Nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy ông ta trở lại. Nó muốn chờ ông ta trở về, như lời chú Quảng dặn, xem có gì khác thường không. Nó thất vọng. Một người đàn ông rời khỏi căn buồng mình vào sáng sớm. Ông ta khóa cửa lại rồi xuống cầu thang. Tất cả những chuyện ấy thì có gì lạ? Nhưng điều khác thường đã xảy ra. Nam không thể nghi ngờ đôi mắt mình. Nó đã nhìn thấy một cái đầu. Nam phải tin cho chú Miên, chú Quảng biết mới được.
Nam chạy đến nhà chú Miên. Chú đi vắng. Nam lên cơ quan gặp chú Quảng. Nó sải bước như có ai đuổi, nó muốn gặp chú Quảng mau mau. Bởi vì nó nóng ruột. Nó nghĩ đến Hùng Lé. Nam nghĩ về Hùng Lé từ hôm qua đến giờ, có lẽ vì thế mà nó nhìn gà hóa cuốc
chăng? Gặp chú Quảng thì Nam phải nói thật với chú những điều nó nghĩ mới được.
Chú Quảng đi vắng, một chú đưa Nam vào phòng của mình. Chú hỏi Nam:
– Cháu là Nam phải không?
– Đúng ạ.
– Chú Quảng có nhờ chú chuyển cho cháu một lá thư. Đây, cháu đọc đi.
Chú rút trong ngăn kéo ra một chiếc phong bì, dán lại hẳn hoi, Nam lấy lá thư ra. Thư viết:
Cháu Nam của chú! Không ngờ chú cháu ta phải chia tay đột ngột và chú không còn thì giờ để gặp cháu nữa. Chú phải đi công tác xa, vừa xa vừa lâu, chưa biết còn có dịp trở lại Hải Phòng gặp cháu nữa không.
Chú chỉ buồn vì phải chia tay cháu mà chưa được gặp bố cháu. Chú đã định bụng về quê cháu chơi một hôm. Đành khất cháu vậy. Việc buồn thứ hai, như cháu đã biết đấy, chú chưa đủ thời giờ tìm ra Hùng Lé. Vụ Sáu Xồm coi như đã đóng lại rồi, chúng nó sẽ ra tòa nay mai. Nhưng riêng chú, chú muốn tìm ra Hùng. Nếu như Hùng đúng là con của chú Bình thì sao? Gặp được nó, lòng chú đỡ ân hận.Vậy mà chú phải đi ngay. Chú nghĩ là cháu có thể giúp chú tìm Hùng. Cháu có thể ở lại thành phố với bố một thời gian nữa không? Tất nhiên không thể qua vụ hè này bởi vì cháu còn phải tựu trường vào tháng Chín. Cháu hãy cố tìm được Hùng! Chú cũng đã nhờ chú Miên và các chú khác giúp đỡ, nhưng các chú ấy quá bận. Vả lại, Hùng không còn là một đối tượng quan trọng của các chú ấy nữa. Nếu gặp được Hùng rồi (chú cầu mong cháu gặp được nó) cháu hãy dẫn nó đến chú Miên. Các việc về sau, chú Miên sẽ lo giúp. Nam thân yêu của chú! Cháu hãy kể lại mọi chuyện với bố cháu và xin bố cho ở lại. Cháu cũng đừng quên viết thư cho mẹ để mẹ khỏi lo. Chú
nhờ cháu nói với bố rằng chú Quảng gửi lời thăm sức khỏe và lời yêu cầu tha thiết cho cháu ở lại. Chú tin rằng cháu sẽ thành công nhờ vào sự thông minh, tấm lòng tốt của cháu. Và nhờ có những sự tình cờ ít ai ngờ đến nữa.
Đến chỗ công tác mới, chú sẽ gửi địa chỉ và viết thư cho cháu. Nam rơm rớm nước mắt:
– Chú Quảng đi từ bao giờ ạ?
– Cách đây hai tiếng rồi. Được lệnh là chú ấy sắp xếp ba lô, lên xe đi ngay.
***
Dù đã quen chạm trán với nguy hiểm từ lâu, Hùng vẫn hồi hộp. Nó cảm thấy mắc hợm để ông già nhốt lại trong căn buồng tối tăm. Cái lối thoát lên trần nhà không làm nó yên tâm chút nào. Hùng chỉ mong ông già về sớm. Nó định chờ ông ta về là sẽ đi khỏi đây. Đối với nó, vỉa hè và sân ga quen thuộc hơn, an toàn hơn. Nó sẽ tìm việc làm, có thể sẽ đến săn sóc người bố nuôi những lúc rỗi rãi và làm chủ cuộc đời mình chứ không thể tiếp tục ẩn náu như con chuột thế này mãi được.
Ba giờ chiều, ông già mới về, mệt mỏi, mặt càu cạu. Nhưng chỉ một lát, ông ta tươi tỉnh ngay. Ông vui vẻ bảo Hùng:
– Con nóng ruột lắm hả? Biết làm thế nào được khi phải trốn tránh. Nhưng ta sẽ tặng con món quà này…
Ông đặt cái túi xách tay xuống nền nhà, lấy ra một chiếc sơ mi ca rô và một quần vải chéo may khá đẹp. Ông đưa cho Hùng, bảo mặc thử. Vừa quá, cứ như là đi cắt may vậy.
– Đêm nay con sẽ được ra ngoài, sẽ được rong phố. Ta không muốn con ăn mặc như lũ bụi thế kia. Hãy chịu khó ẩn nấp ở đây một
thời gian ngắn rồi ta sẽ cho con đến chỗ khác. Lúc đó mọi chuyện chắc đã ổn cả rồi!
Trong chiếc túi xách có bánh mì kẹp pa-tê, mấy quả chuối và một gói lạc rang, một chai rượu màu xanh.
– Đây là bữa chiều của hai bố con. Ăn đi!
Đường phố lên đèn được một lúc, ông già bảo Hùng:
– Đêm rồi. Đêm là của con – Ông ta cười – Chúng ta là những con chim đêm – Như lỡ lời, ông ta chữa lại – Đấy là ta muốn nói đến hoàn cảnh của con hiện nay. Ta sẽ tìm cho con một việc làm tử tế, kiếm ăn được. Chẳng phải là ta không nuôi nổi con đâu, nhưng ta muốn con ta phải được sống đàng hoàng, phải không con? Một thời gian ngắn thôi, chẳng ai gây phiền phức cho con được nữa. Bây giờ ta nhờ con một việc nhỏ này, con giúp ta nhé?
Ông ta lấy trong túi xách ra hai cái bánh nướng gói lại trước mắt Hùng. Rồi ông rút ví ra, đưa Hùng một tờ giấy mười đồng còn mới:
– Việc nhỏ thôi: Ta có một người bà con bị ốm, một người bà con xa, nhưng quá nghèo. Bà ta bị một bệnh kinh niên, không làm ăn được. Mà con cái thì đông, ông chồng lại nát rượu. Ta vẫn giúp đỡ bà ấy. Nhưng phiền quá, phiền cả mình lẫn người ta. Mình chẳng có gì ra tấm ra miếng để cho, người ta thì xấu hổ. Con đưa món quà này đến số nhà 174 phố S, trước nhà có một cây cơm nguội bị gãy sau trận bão vừa rồi. Con gõ cửa, sẽ có người ra, con nói: “Chị Thảo gửi quà cho các em…”. Chị Thảo là người thân của gia đình, ta nói chệch vậy họ mới chịu nhận. Thương quá, bầy con quanh năm nhịn thèm. Sáng nay, ta vừa biết là bà mẹ lại bị cúm hay sốt xuất huyết gì đó. Ta sẽ đến thăm bà vào ngày mai, nhưng làm sao mỗi ngày gửi đến cho lũ trẻ chút gì đó. Ta hay động lòng, nhưng trời lại bắt ta nghèo khó. Còn những lũ giàu tiền thì nghèo lòng trắc ẩn, phải không con?
Ông già lại mở gói bánh ra. Ông ta lấy dao nhíp cắt hai cái bánh nướng thành những miếng nhỏ trước mắt Hùng. Vừa làm ông ta
vừa nói: “Dạo này bọn gian thương hay bán đồ giả. Có khi vỏ bánh nướng bên ngoài nhưng ruột lại là khoai lang!”. Ông lấy tờ mười đồng trong tay Hùng, đặt lên bánh, gói tất cả lại, lấy một sợi dây nhỏ hình chữ thập rồi thắt nút như người ta gói thuốc bắc.
Hùng cầm trong tay gói bánh, thản nhiên leo cầu thang xuống đất. Nó cẩn thận nấp sau một cái cột xem có ai để ý đến mình không rồi bình tĩnh bước ra phố. Trên đường đến phố S, nó phải rẽ hai lần. Cả hai lần nó đều giả vờ đứng lại để xem có đuôi không. Yên trí, nó đi tới. Việc làm và những lời nói nhân từ của ông già làm Hùng cảm động. Kể ra, lúc đầu Hùng có nghi ngại, không biết ông già có thể giấu cái gì trong hai chiếc bánh. Nhưng ông đã cắt bánh trước mắt Hùng. Con người tử tế và ý tứ làm sao, cho bà con một gói quà thôi mà cũng cẩn thận thế.
Hùng tìm đúng số nhà, gõ cửa. Cánh cửa gỗ mở ra. Một cô gái chừng hai mươi tuổi, đứng chắn kín ở cửa hỏi Hùng:
– Có việc gì thế em?
– Chị Thảo gửi quà cho các em…
– Vậy à? – Cô gái cầm gói quà, nhìn rất kĩ mối buộc. Chị ta nhìn lại một lần nữa rồi bảo Hùng – Cảm ơn em. Nhờ em đưa cho chị Thảo cái này – cô ta quay vào lấy đưa cho Hùng một gói sáu bao diêm – em bảo nhà vừa mua được diêm mậu dịch, chị lấy một ít mà dùng. Khổ, chị vẫn kêu một tuần nay không có diêm nhóm bếp.
Hùng ra về. Nó đã làm xong việc ông già nhờ. Bây giờ được ra ga chơi một chút, tìm mấy thằng lỏi quen kháo chuyện thì thú vị đấy. Nhưng hẵng về nhà, mai đi cũng được. Nó rẽ vào một phố mất điện, đi về ngôi nhà đổ.
***
Nam từ cơ quan chú Quảng về, nấu cơm xong thì nhìn thấy bố. Bố đen như thợ lò, nhưng béo và khỏe ra. Nam nhận ra bố từ đằng xa, cách nhà đến hàng chục cây phượng. Từ trên gác hai nó phát hiện
ra ngay dáng đi tất tả, quả quyết của bố. Như mọi lần thì nó chạy ngay xuống đường rồi cứ thế mà đánh đu vào tay bố, bắt bố “xách” về tận nhà như xách một cái túi. Nhưng Nam lùi ngay vào nhà, lúi húi bên nồi cơm đã ghế xong. Nó châm thêm một bếp dầu nữa, bắc nồi, đổ nước luộc mì. Nếu kịp, bố về có mì ăn ngay, bố sẽ ngạc nhiên, thế là bố quên hết mọi chuyện. Nhưng tiếng dép của bố đã lê ngoài cầu thang. Tiếng dép ấy thì không lẫn được. Hai tai Nam nóng nhừ.
Cửa mở.
– Bố! – Nam đứng dậy hai tay vẫn còn cầm đôi đũa.
– Con nấu cơm đấy à? Cho bố ăn với, mì cũng được. Chà, có mì là tốt rồi.
Bố vứt cái túi du lịch xuống giường, rút khăn lau mặt, lau tay rồi ngồi xuống ghế. Ngực áo bố phanh ra, mồ hôi nhễ nhại.
– Mẹ với em có khỏe không? Mùa khá chứ? Con thỏ đen thế nào rồi? À này, hôm trước bố nhìn thấy ở Quý Kim có nhà nuôi một con thỏ nặng đến bốn kí lô đấy.
Bố cầm khăn ra vòi nước rửa mặt. Nam ghé đầu ra cửa nhìn theo bố. Ngang chỗ nhà bác Thịnh, bố đứng lại bên cửa sổ hỏi chuyện bé Liên (chúng nó vẫn bị nhốt trong nhà từ khi bác Thịnh lấy lại được đồ đạc, mà lần này những hai cái khóa cơ).
Ăn cơm xong, bố hỏi:
– Nào, cậu cả, cậu kể tôi nghe, chuyện gì đã xảy ra? Nam kể một thôi.
– Suýt nữa nhá – Bố nói – Nhưng cũng được một bài học. Bây giờ bố thử đặt ra mấy chữ nếu, bố hỏi con nhé. Nếu… bác Thịnh không lấy lại được đồ đạc? Nếu Sáu Xồm tìm thấy trong tận cùng ngăn kéo của bố tấm bản đồ nhà máy đang mở rộng? Nếu con và Hùng Lé cứ trôi ra Biển Đông?... Chuyện gì sẽ xảy ra nào? Toàn những
chuyện tày đình cả. Nhưng thôi, ta nói đến chuyện Hùng Lé. Con thấy thế nào?
– Bố cho con ở lại thành phố với bố một thời gian nữa. – Để làm việc chú Quảng nhờ?
– Vâng ạ.
– Được. Bố nói thêm với con. Đâu phải vì chú Quảng nhờ, mà bố thấy đó là việc của con. Bố sẽ giúp con. Nhiều người tốt bụng sẽ giúp con. Nhưng tối nay bố sẽ dẫn con đi xem phim cái đã. Ưng chứ?
Và hôm ấy, Hùng Lé ra đi mà không có cái đuôi vì cái đuôi đang ngồi trong rạp Lê Văn Tám theo dõi chàng Rôbinxơn dũng cảm.
Trên đường từ rạp về, Nam đã mạnh dạn hơn. Nó cầm chặt tay bố. Cả hai đều bước rất chậm. Chợt bố hỏi:
– Theo con thì có lẽ Hùng đang trốn trong ngôi nhà đổ với người đàn ông à?
– Khi nhìn thấy cái đầu của ai đó thụt vào trong khung cửa sổ, con nghĩ ngay đến Hùng Lé.
Bố đưa tay xem đồng hồ:
– Bây giờ còn sớm, hai bố con ta hẵng đến thẳng ngôi nhà đổ. Bố sẽ dẫn con vào nhà ông ta đàng hoàng. Để bố nghĩ một cái cớ nào đó… Được rồi, bố thương lượng với ông ta cho tiểu khu mượn miếng đất đủ kê một bàn bóng bàn cho trẻ em, ngay trong khu vực ông ta trông coi. Chắc ông ta cũng biết bố là ủy viên ban đại diện nhà.
Hai bố con phải quẹt gần hết một bao diêm mới lần được lối lên cầu thang. Đèn trong nhà tắt, ông già đang ngả lưng trên chiếc ghế xếp, điếu thuốc lá lập lòe trên môi. Ông ta mở cửa châm đèn, trải một chiếc chiếu xuống đất mời khách ngồi. Ông kêu ca với “ban đại
diện” rằng trẻ con thường hay vào đây nhặt trộm gạch vụn, có đứa còn lấy gạch ném ông, một lão già yếu đuối, cô đơn. Rồi ông bắt đầu ca cẩm về giá cả thị trường, về đồng lương ít ỏi, về cuộc sống buồn chán của mình và cuối cùng là chửi bọn mậu dịch viên cửa quyền, ăn bớt.
– Quý ông xem, suốt ngày ngồi một chỗ, tự đấm lưng cho mình! Cơm cũng không buồn nấu lấy mà ăn nữa – Ông ta ngước mắt lên trần – Lại không biết bao giờ cái của nợ này nó sụp xuống đầu. Lúc ấy thì tôi bẹp lại như con gián. Ái chà, chẳng có hớp nước mà mời khách!
Nam thấy ông ấy nói rất to, to quá mức cần thiết. Vì chỉ có ba người trong gian phòng hẹp này thì nói thầm cũng nghe được rồi. Bố ngồi nghe, mỉm cười, vẻ ái ngại:
– Sao bác không tìm một đứa con nuôi cho nó vui nhà?
– Quý ông không nói bỡn đấy chứ? Con tôi đẻ rứt ruột ra còn chẳng ăn ai nữa là! Quý ông xem, hai thằng con trai mà bây giờ thế này đây!
– Xin lỗi bác, quý danh bác là gì nhỉ? – Bố hỏi.
– Tôi tên là Mì ạ, giấy tờ tôi đã nộp công an hộ tịch từ hôm xuống đây.
– Vâng, bác Mì này, hay là tôi bảo cháu thỉnh thoảng đi lại với bác cho vui, xem có đỡ đần được gì không? Cháu mới học lớp sáu thôi, cũng rỗi. Nam! Liệu con có khiêng nước hộ bác được không?
Từ hôm gặp và cho đến cả hôm nay nữa, Nam chưa hề có cảm tình gì với ông ta. Nó thấy ông ta thế nào ấy. Nó im lặng. Nhưng rồi chợt hiểu mục đích của bố, nó trả lời:
– Dạ, được ạ! Ông già giãy nảy:
– Xin cảm ơn lòng tốt. Nhưng nước, chao ôi là nước, mỗi ngày tôi dùng hết bao nhiêu? Hai cặp lồng, vâng chỉ thế ạ. Một để rửa mặt, một để nấu cháo, còn nấu cơm thì chỉ hết nửa cặp lồng thôi.
Rồi ông ta quay sang khen Nam nức nở:
– Cậu bé ngoan quá đi mất. Chà, trông giống bố như hai giọt nước vậy.
Thực ra ai cũng nói Nam giống mẹ hơn là giống bố.
– Cậu thỉnh thoảng sang chơi thì còn gì bằng. Nhưng nguy hiểm là cái cầu thang và dãy tường sắp đổ. Thế nào cũng có ngày nó đè gãy lưng lũ trẻ cạy gạch trộm cho mà xem. Công ty lại kỷ luật tôi mất thôi!
Bố Nam chuyển sang mục đích cuộc thăm. Ông già từ chối, giọng ôn tồn:
– Kể ra ban đại diện quan tâm đến các cháu như vậy thì quý hóa quá, nhưng ông thông cảm cho, ở đây cái gì cũng chực đổ xuống cả. Để các cháu vào, tôi không an tâm được.
Bố nói rằng rất thông cảm điều đó và xin phép ra về. Lúc xuống cầu thang, vì hết diêm, nên hai bố con đành phải nhích từng bước một. Nam đâu ngờ rằng, nấp sau một bụi tầm gửi mọc sau cánh cửa căn buồng, Hùng Lé đã nhìn thấy, đã nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Khi ngang qua bụi cây, suýt nữa thì Nam giẫm phải bàn chân nó.
Khi biết chắc là bố con Nam đã đi ra ngõ, Hùng đẩy cửa vào buồng. Ông già nhanh nhẹn liến thoắng hẳn lên. Ông ta săn đón:
– Con có nghe ba nói chứ? Ba cố tình nói to lên là để cho con biết nhà có người. Đúng là thằng bé nhà quê ba thấy hôm qua.
Hùng đưa ông mấy bao diêm cô gái gửi. Ông cầm lấy vui vẻ:
– Có diêm à? Vậy là tốt! Con của ba ngoan quá. Nhưng hẵng chuồn khỏi đây ngay đã, con ạ. Ba sẽ đưa con đến nhà chị Thảo… mèo đã
ngoáy đuôi vào hang chuột rồi, chuột phải đi thôi.
Khoảng mười lăm phút sau, hai “bố con” xuống vườn, đứng lại một lúc rồi lần lượt chui qua cái lỗ thủng ở chân tường, biến mất trong những căn nhà bát úp kéo dài đến tận phố bờ sông.
Thế là từ hôm đó Hùng ở lại với “chị Thảo”. Chị Thảo thực ra là một người đàn bà trạc bốn lăm, năm mươi tuổi gì đó. Ông già bảo Hùng gọi bà ta là má rồi căn dặn:
– Má là người tốt bụng. Má sẽ chăm sóc con hộ ta cho đến ngày con có thể ngang nhiên đi lại trên đường phố mà không sợ ai. Má nhiều việc, lại phải đi đây đó luôn, con nên cố gắng giúp đỡ má.
Ông già hôn chụt một cái rõ kêu vào má “chị Thảo” rồi ra phố, nhanh như một con sóc.
Nếu ông già là một người lắm lời, hay dùng những câu âu yếm để khen ngợi, chuyện trò với Hùng Lé thì má Thảo lại khác hẳn. Suốt ngày má chẳng nói một câu, đôi mắt luôn lo âu, miệng thì lẩm bẩm tính toán điều gì. Từ ngày Hùng đến, bà ta giữ riết Hùng trong nhà và hình như bà không biết làm bất cứ việc gì nữa. Cơm nước, giặt
giũ, quét dọn, tất cả đều do Hùng làm. Hùng tự hỏi: Không biết trước khi Hùng đến, bà ta có ăn không, có tắm giặt không? Nó muốn bỏ đi, đi thật xa, không trở lại với ông già nữa. Nhưng rồi nó tự nhủ: “Hẵng để một thời gian nữa xem sao!”. Không phải nó thích buông thả đời cho số phận, mà là vì không có cách nào hơn.
Làm việc vặt nhiều, mất tự do, không được nói, được đùa, nhưng bù lại, má Thảo cho ăn rất khá. Bữa nào nó cũng phải xào rán một thứ gì. Nhà ở thì đàng hoàng, rộng rãi, không chê được. Ba phòng
thênh thang, nhà tắm hố xí máy và bếp riêng. Má Thảo bán hàng khô. Hành, tỏi, lạc nhân và các thực phẩm linh tinh khác. Nhưng hình như hàng của má đắt giá so với những cửa hàng khác trong phố. Nên Hùng thấy rất ít khách đến mua. Có ngày chỉ bán được vài đồng, má Thảo không lấy làm buồn về chuyện đó. Thỉnh thoảng má lại kêu nhức đầu, đóng cửa hàng im ỉm suốt ngày. Đi ra phố, trở về, lúc má vui như hội, lúc buồn thiu.
Còn ba thì biệt tích, không hề quay lại lần nào. Được dăm hôm, má Thảo bảo Hùng:
– Con sửa soạn đi Hà Nội với má.
Hùng dạ khe khẽ. Nó rất mừng vì được đi Hà Nội, được xa cái thành phố đầy nguy hiểm đối với nó. Nhưng nó không hề lộ ra mặt.
Cô gái hôm nọ đến trông nhà cho má Thảo và hai má con lên tàu đêm, ra đi.
Ở Hà Nội, Hùng bị nhốt chặt trong phòng. Cửa không khóa, nhưng phòng bên cạnh có một gã thanh niên to như vâm, chân hơi khuỳnh, ngực nở, bắp thịt cuồn cuộn và có một đôi mắt chim cắt. Hễ Hùng mở cửa là gã cười nhăn nhở, hỏi ngay:
– Đi đâu vậy, chú em?
Hố xí, nhà tắm đều ở trên gác. Hùng không có lí do gì để xuống phố nữa.
“Má Thảo” gửi Hùng cho gã thanh niên “trông coi hộ” rồi đi biệt tích. Hùng muốn thoát ra khỏi chỗ này quá nhưng Hà Nội quá lạ lẫm đối với Hùng. Những lời hứa hẹn của ông già không làm cho Hùng yên
tâm nữa. Nó cảm thấy mỗi ngày một xa cuộc sống mơ ước. Và chính trong căn phòng đó, sự nghi ngờ lớn dần lên. Lần đầu tiên Hùng tự hỏi: “Ba, má là ai?”. Sáu Xồm và Muỗi Vằn thì quá rõ. Bước lên thuyền 162, Hùng đã biết họ là ai, họ đang làm gì, họ muốn ở Hùng những gì. Nhưng ba và má – những người tử tế, có nhà cửa, có đồ đạc, có sổ hộ khẩu, không như bọn Sáu Xồm nay đây mai đó, họ ăn nói lịch sự, nhân từ, họ nuôi nấng Hùng chu đáo tử tế – họ là ai? Những câu hỏi khác nhau giày vò đầu óc Hùng, làm nó ăn không ngon, ngủ không yên. Nó cảnh giác.
Ba hôm sau, má Thảo trở về, mang theo một cái túi đựng măng khô và quả mắc coọc. Một túi khác, nhỏ hơn, đầy những quả tai chua. Má vào phòng Hùng ngay. Khác với vẻ lầm lì mọi ngày, má vồn vã:
– Con tôi chồn chân lắm hả? Thôi, chịu khó tí nữa. Tối nay má con ta sẽ lên tàu…
Má gọt quả mắc coọc cho Hùng ăn, hết quả này đến quả khác. Tối hôm đó hai má con ra tàu. Gã thanh niên đô vật đi tiễn, nhưng Hùng thấy gã đi sau má Thảo khá xa. Khi má Thảo và Hùng vào sân ga thì gã đứng ở cửa soát vé nhìn theo hai người, cho đến lúc tất cả bị bóng tối che khuất. Má Thảo lấy vé cho Hùng hẳn hoi, nhưng chỗ ngồi lại xa nhau. Hùng đầu toa, gần phòng vệ sinh, còn má Thảo ở giữa. Bên cạnh Hùng là một anh bộ đội. Còn cạnh má Thảo là một cặp vợ chồng trẻ. Họ gọt dứa cho nhau ăn. Toa tàu chưa có điện, vừa nóng vừa tối. Hùng nhớ lời má Thảo dặn: “Con phải làm như không hề quen biết gì má cả, nghe không?”. Tuy vậy, Hùng vẫn không rời mắt nhìn theo má Thảo. Má đang bình thản chải đầu dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dưới sân ga.
Tàu qua Gia Lâm. Điện trong toa bật sáng, Hùng bình tĩnh nhìn ra ngoài cửa sổ khi người soát vé, công an đường sắt mặc áo vàng qua chỗ Hùng, đến toa bên cạnh. Nhưng mắt Hùng không rời má
Thảo. Má không chải đầu nữa. Má chống tay lên cằm, nhìn về phía cuối toa, vẻ tư lự. Cái túi đựng tai chua đặt gọn trong lòng. Hùng nhìn theo tia mắt má. Hùng thấy đứng ở lối đi phía cuối toa có một người thanh niên, mặc quần áo bảo hộ màu cỏ. Anh thanh niên chống một tay vào cửa thông sang toa bên, lơ đễnh nhìn những cái quạt đang quay tít trên trần toa, gần hàng xích đông để hành lí. Anh có vẻ buồn ngủ và mệt mỏi. Hùng thấy anh ta lơ đễnh nhìn, lơ đễnh gõ ngón tay vào cánh cửa. Nhưng anh bỗng rời mắt khỏi những cái quạt. Anh lia mắt dọc dãy xích đông chất đầy hành lí, vẫn lơ đễnh nhìn. Nhưng có lẽ trong con tàu chỉ có Hùng biết rằng anh ta không hề lơ đễnh. Anh như điểm từng cái túi, chiếc cặp và bao bì chất đống lộn xộn trên xích đông. Tia mắt anh dừng lại một chớp chỗ cái túi đựng tai chua trong lòng má Thảo. Rồi anh lại lơ đễnh nhìn những cái quạt. Những cái quạt quay tít trên trần toa tàu. Đến lúc này, Hùng biết có một người nữa biết rằng anh thanh niên không hề lơ đễnh. Đó là má Thảo. Má đã thôi chống tay lên cằm. Má lấy lược chải đầu, soi gương rất lâu. Má không muốn quay lại nhìn Hùng. Má đang nhìn Hùng qua cái gương soi. Hùng biết rõ, từ đây giữa má
"""