🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chọn Nghề Theo Tính Cách
Ebooks
Nhóm Zalo
Table of Contents
Mục lục
Lời giới thiệu
Phần 1. Ba cuộc gặp gỡ
Phần 2. Hướng dẫn chọn nghề
Phần 3. Cuộc gặp cuối cùng: Con đường phía trước
Mục lục
Lời giới thiệu
Phần 1. Ba cuộc gặp gỡ
Phần 2. Hướng dẫn chọn nghề
Phần 3. Cuộc gặp cuối cùng: Con đường phía trước
Lời giới thiệu
Chào các bạn!
Chọn nghề là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà các bạn trẻ cần làm trước khi rời ghế nhà trường phổ thông để vào học đại học hay cao đẳng. Có khá nhiều cách tiếp cận hay phương pháp để chọn lựa nghề nghiệp cho bản thân nhưng những lý giải đằng sau các phương pháp đó có thể dài dòng và khó hiểu. Khi soạn cuốn sách này, chúng tôi cân nhắc thấy nếu cung cấp quá nhiều kiến thức, bạn sẽ nhàm chán và thấy nhiều điều không phù hợp, do đó, chúng tôi cố gắng soạn ra một cuốn sách gần gũi, dễ đọc, vừa theo dạng câu chuyện vừa theo dạng một cẩm nang hướng dẫn. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho bạn cách thức chọn nghề hữu hiệu nhằm giúp bạn tìm được nghề nghiệp phù hợp nhất với bản thân mình.
Hãy dành chút thời gian đọc phần hướng dẫn sử dụng này trước khi đi sâu hơn vào những phần sau. Để đạt được mục tiêu của cuốn sách, sẽ có những phần bạn cần đọc hiểu và có những phần khác bạn phải bỏ chút công sức ra suy nghĩ và hoàn thành. Bạn không phải đọc toàn bộ cuốn sách này, bạn chỉ cần đọc những phần chính (như tôi sẽ trình bày ở dưới) và hoàn thành những nội dung được yêu cầu, chỉ cần như thế, tôi tin là bạn đã đạt được mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho bản thân rồi.
Tóm tắt cấu trúc cuốn sách
Cuốn sách này được chia làm hai phần chính: Ba cuộc gặp gỡ và Hướng dẫn chọn nghề. Phần 1: Ba cuộc gặp gỡ
Phần đầu kể về ba cuộc gặp mặt. Trong câu chuyện tôi kể chứa đựng những lời khuyên mà một chuyên gia tư vấn nghề nghiệp sẽ trả lời bạn khi bạn đến xin tư vấn. Lời khuyên đó sẽ bổ ích với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn ngoài đời hoặc chưa có đủ suy nghĩ nghiêm túc về việc chọn nghề.
Tôi không chắc những câu hỏi và câu trả lời trong câu chuyện này bao quát được tất cả những thắc mắc của bạn. Thật khó để có thể trả lời mọi câu hỏi của tất cả mọi người. Tuy nhiên, những nội dung tư vấn trong câu chuyện ở Phần 1 của cuốn sách phần nào phản ánh được những thắc mắc và tâm tư lớn nhất của các bạn trẻ Việt Nam hiện nay.
Có một số câu hỏi tôi không thể trả lời cho bạn (ví dụ như ngành nào phù hợp với học lực của bạn hay học ngành nào ra sẽ kiếm được nhiều tiền nhất) vì tôi không biết từng cá nhân thế nào và tôi không biết ngày mai thị trường lao động Việt Nam sẽ thay đổi ra sao. Mục tiêu của tôi ở đây là giúp bạn tìm ra nghề mà bạn yêu thích và phù hợp với tính cách của bạn nhất.
Phần 2: Hướng dẫn chọn nghề
Phần 2 của cuốn sách sẽ hướng dẫn bạn cách tìm ra nghề nghiệp yêu thích và phù hợp với bản thân. Phần này bao gồm những lý giải tóm tắt và hướng dẫn các bước hành động để bạn đi đến 3 nghề nghiệp phù hợp cuối cùng.
Bài trắc nghiệm tính cách MBTI®: Giới thiệu tóm tắt và phiên bản giản lược của bài trắc nghiệm tính cách xác định nghề nghiệp nổi tiếng trên thế giới – MBTI®. Những bài trắc nghiệm kiểu này không có đúng sai, không phải trắc nghiệm kiến thức trong trường lớp, do đó các bạn không cần phải sợ chúng.
Kết quả trắc nghiệm: Trình bày kết quả của bài trắc nghiệm (bao gồm các nghề nghiệp khuyến nghị.)
Bảng nghề nghiệp: Phần để trống để bạn điền thông tin nghề nghiệp của mình theo hướng dẫn nghề nghiệp.
Hướng dẫn sử dụng:
Để sử dụng cuốn sách này, bạn cần thực hiện những bước sau:
Phần 1 chỉ mang tính chất giới thiệu, do đó, nếu bạn không thích đọc (ý tôi là không thích chút nào), bạn có thể bỏ qua phần này để đi thẳng vào phần 2 (Tất nhiên, tôi khuyến khích bạn đọc cả hai phần trên vì nó sẽ cung cấp cho bạn những lời khuyên hữu ích và những nhận thức đúng đắn hơn về chọn lựa nghề nghiệp.)
Ở phần 2, bạn cần thực hiện những việc mà chúng tôi yêu cầu và điền các thông tin vào bảng nghề nghiệp. Sau khi hoàn thành tất cả những bước ở phần 2, bạn sẽ có một danh sách 3 nghề tối ưu cho bản thân. Như thế, mục tiêu xác định nghề nghiệp của bạn xem như đã hoàn thành.
Hãy chuẩn bị một cây bút chì để điền (và có thể là một cục tẩy để xóa) những thông tin cá nhân của bạn vào bảng nghề nghiệp.
Phần 1. Ba cuộc gặp gỡ
Tôi tên là Nguyên, năm nay 17 tuổi. 17 là độ tuổi mà ông bà ta bảo bẻ gãy sừng trâu. Tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi học. Như nhiều đứa bạn cùng lớp 11 trong trường, tôi đang băn khoăn trăn trở chọn lựa ngành học để ôn thi đại học.
Bố tôi là giáo viên còn mẹ tôi làm kế toán cho một công ty tư nhân. Tài chính gia đình tôi cũng hạn hẹp nên bố mẹ tôi thường phải dành nhiều thời gian cho công việc hơn là ở nhà với các con. Vì thế, tôi không có nhiều thời gian tham khảo ý kiến các bậc phụ huynh của mình. Khi thời hạn đăng ký hồ sơ càng đến gần, đầu tôi lại càng rối rắm với rất nhiều những ý tưởng nghề nghiệp. Tôi từng nghĩ hay là nối nghiệp bố hoặc mẹ, nhưng nhìn vào tình cảnh gia đình hiện tại, tôi chẳng ham chút nào. Mấy đứa bạn bảo tôi nên theo nghề chúng nó chọn, cứ đi học IT hay quản trị kinh doanh đi, sau này ra dễ kiếm việc. Nhưng tôi cũng hơi ngờ ngợ vì không rõ học những nghề đó thì sau này làm gì. Bố mẹ tôi cũng biết điều này nhưng vì bận rộn công việc nên không thể dành đủ thời gian cho tôi. Thế là tôi bị tắc ở chỗ chọn nghề.
Một ngày nọ, bố nói với tôi rằng bố mẹ đã tìm được người có thể tư vấn cho tôi. Người này là anh họ của bố. Ông bác ấy được xem là một người thành đạt trong gia đình. Ông có doanh nghiệp riêng và mỗi khi cả gia đình tụ họp, lúc nào tôi cũng thấy ông vui vẻ hạnh phúc. Ông thường cho lời khuyên khi các thành viên trong nhà xin ý kiến. Tôi chưa tiếp xúc nhiều với ông vì trong những lần tụ họp gia đình, tôi thường tỏ ra khá “phởn phơ” và không nói chuyện nhiều với các bậc trưởng bối trong nhà. Nhưng khi nghe bố nói về cuộc gặp gỡ sắp tới này, tôi đồng ý ngay. Từ lâu rồi tôi cũng nung nấu hy vọng biết đâu sẽ nhận được những lời khuyên bổ ích để có thể kiếm được nhiều tiền như ông bác. Theo đề nghị của bố, tôi gọi điện cho bác. Ông có vẻ như đang dự một cuộc họp trong công ty và hẹn tôi thứ Ba tuần sau sang gặp. Tôi hào hứng vô cùng, chắc mẩm sẽ nhận được những lời khuyên “ngon lành”.
Cuộc gặp thứ nhất: Những ngành dễ xin việc và kiếm được nhiều tiền
Sáng thứ Ba, tôi bước vào văn phòng của bác như đã hẹn. Văn phòng làm tôi hơi choáng ngợp vì cách bài trí sang trọng cùng những món đồ trang trí đẹp mắt và đắt tiền. Tôi vừa hồi hộp vừa khấp khởi mong ngóng cuộc gặp gỡ bắt đầu, hy vọng rằng sau hôm nay, tôi sẽ có được những lời khuyên “tối mật” về những nghề nghiệp béo bở và đắt giá cho tương lai.
Ông bác đang xử lý một mớ hồ sơ. Thấy tôi vào, ông đóng tập hồ sơ lại, để chúng qua một bên, mỉm cười và bảo tôi ngồi xuống.
“Con chào bác,” tôi nói.
“Chào con. Hôm nay con muốn bác tư vấn nghề nghiệp đúng không?” Ông từ tốn đáp lại. “Dạ vâng.”
“Vậy con hiểu tư vấn nghề nghiệp là sao?” Ông hỏi và nhìn tôi chằm chằm.
Tôi thấy không thoải mái lắm khi nghe câu hỏi này. Tôi muốn được nghe những lời khuyên chứ không phải trả lời những định nghĩa cho ông như thế này. Nhưng là bậc hậu bối, tôi không thể nói toạc ra sự không vừa lòng của mình. Tôi nói:
“Dạ chắc là xem ngành nào mình học được để sau này ra đi làm.”
Ông nhìn lướt qua vẻ mặt của tôi như thể soi mói xem tôi có đang nghiêm túc hay không và nói tiếp:
“Nếu đó là cái con nghĩ về tư vấn nghề nghiệp thì suy nghĩ đó chưa đúng. Tư vấn nghề nghiệp là giúp con xác định nghề mà con sẽ theo đuổi sau này chứ không phải chọn ngành để học.”
“Nhưng con thấy rất nhiều trường tổ chức tư vấn hướng nghiệp để giới thiệu ngành học mà.” Tôi đáp lại ngay.
“Vì họ muốn tuyển thí sinh dự thi vào trường của họ. Đó không phải tư vấn hướng nghiệp đích thực. Tư vấn hướng nghiệp phải giúp con xác định được nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Làm được chuyện đó thì mới gọi là thành công.”
Tôi hơi suy nghĩ một chút. Có vẻ như những gì ông bác nói là đúng. Tôi đã đi mấy hội thảo hướng nghiệp. Đa phần các trường chỉ nói về ngành học của mình chứ không thấy ai giúp tôi xác định xem tôi nên chọn nghề nào. Đang có đà, tôi hỏi tiếp:
“Vậy bác thấy con theo nghề nào thì được? Tài chính ngân hàng được không bác?” “Sao con lại thích ngành đó?” Ông chậm rãi hỏi.
“Dạ tại con thấy ngành đó đang “hot”. Bạn bè con nói ngành đó dễ kiếm việc với lương cao. Con cũng chưa có dự định gì, ngành nào dễ xin việc lương cao là con theo ạ.”
Sau câu nói của tôi là tiếng cười ha hả của ông, như thể ông đang xem thường tôi. Mặt tôi xám lại, trong thâm tâm tôi tự hỏi liệu có nên xin phép ra về không. Nhưng ông nói tiếp:
“Bác có thể cho con biết ngành nào con học xong sau này ra trường dễ kiếm việc và lương cao. Nhưng bác sợ sau này con sẽ hối hận thôi.”
Tôi hơi ngạc nhiên, một công việc dễ kiếm, lương cao là ước mơ của biết bao người, sao tôi phải hối hận cơ chứ. Nhưng thay vì gạt phăng sự hối hận như lời bác nói và cứ bảo bác nói luôn cho tôi biết nên chọn nghề nào để học, trí tò mò khiến tôi sững người lại, mặt cứng đơ ra. Tôi muốn hỏi vì sao lại hối hận nhưng không biết nói thế nào. Có vẻ đoán được tôi đang nghĩ gì, ông bác tôi chậm rãi nói tiếp:
“Việc dễ kiếm và lương cao dù quan trọng nhưng không nên là tiêu chí duy nhất để chọn nghề. Con có biết vì sao không?”
“Con không biết.” Tôi trả lời một cách cứng đầu.
“Vì chúng chỉ là những tiêu chí chung và không bền vững.”
“Chung và không bền vững là sao bác?” Tôi hỏi lại với vẻ tò mò.
“Chung là vì rất nhiều người hưởng một mức lương cao không có nghĩa ai cũng sẽ như thế. Cùng làm một công việc nhưng có người mức lương cao, có người lại lương thấp. Có nhiều người dù học giỏi, làm những nghề được xã hội đánh giá là lương cao nhưng thu nhập cũng chỉ lẹt đẹt ở mức trung bình thôi. Vì sao thì sau này bác sẽ giải thích cho con hiểu, còn trước mắt con nên biết rằng không thể chỉ dựa vào tiêu chí chung để chọn nghề được.” Ông trả lời.
“Vậy còn không bền vững là sao hả bác?” Tôi hỏi tiếp.
“Không bền vững là vì thị trường việc làm cũng giống với quan hệ mua bán ở chợ. Con đã đi chợ lần nào chưa?”
“Dạ rồi.” Tôi đáp. Tôi đi chợ với mẹ hơi bị thường xuyên cơ mà.
“Vậy ở chợ, rau ai bán sẽ đắt hơn nếu chỉ có một người bán hay có năm người bán?” Ông hỏi với vẻ mặt thăm dò.
Tôi tự tin đáp:“Tất nhiên có một người bán thì rau sẽ đắt hơn chứ. Nhiều người thì những người bán rau sẽ hạ giá để khách hàng muốn mua hơn.” Tới lúc này, tôi dường như vỡ lẽ ra.
“Đúng thế. Thị trường lao động cũng vậy. Nếu nhiều người đổ xô đi học và kiếm việc ở những ngành dễ kiếm việc và lương cao thì ngành đó sẽ “hạ giá”. Lương sẽ thấp xuống vì các công ty có quá nhiều chọn lựa trong khi sẽ khó xin việc hơn vì có nhiều sinh viên hơn số việc
có trên thị trường. Lương cao hay dễ xin việc là những tiêu chí sẽ thay đổi tùy theo thị trường. Chúng không bền vững.” Ông mỉm cười đáp.
“Do đó, con đừng chỉ chọn nghề dựa trên tiêu chí tiền bạc hay dễ xin việc. Con hiểu chưa?”
“Dạ thưa bác, con hiểu rồi. Vậy mà trước giờ con cứ nghĩ chỉ cần chọn nghề lương cao và dễ xin việc là được.” Tôi đáp vậy, nhưng trong lòng vẫn nghĩ “nếu dùng tiêu chí đó để chọn nghề thì cũng có sao đâu. Thiếu gì đứa trong lớp chọn nghề như vậy.” Vẻ mặt tôi cau có còn đầu thì đầy tư tưởng bảo thủ với quan điểm của mình. Cả chục đứa trong lớp chọn nghề theo kiểu đó, chắc nó phải có cái gì đó hay.
Ông bác nhìn vẻ mặt cau có của tôi một chút rồi tiếp tục nói chầm chậm. “Bác muốn con biết rằng các bạn con chọn nghề ra sao không liên quan gì đến con. Mỗi đứa trong tụi con với những gia cảnh khác nhau, tính cách khác nhau, sở thích khác nhau sẽ đưa ra những lựa chọn khác nhau. Khi bước ra khỏi ghế nhà trường vào môi trường đại học, mỗi đứa trong tụi con sẽ đi những con đường khác nhau. Quyết định cuộc đời nằm ở con, không phải ở những đứa bạn đó.”
Vẻ nghiêm túc đột ngột đó khiến tôi sững lại và suy nghĩ trong giây lát. Tôi thừa nhận:
“Bác nói đúng. Mỗi người phải tự chọn nghề cho riêng mình. Nếu ai đó chọn nghề sai thì mình không nên đi theo họ. Như thế càng sai hơn. Chọn nghề phải nghiêm túc.”
“Được rồi. Buổi hôm nay bác chỉ có bấy nhiêu thời gian. Con về đi, thứ Ba tuần sau lại đến nhé.” Ông nói và đứng dậy bắt tay tôi theo cách những người lớn thường làm. Tôi bắt tay ông hơi miễn cưỡng vì không quen với việc này. Tôi bước ra cửa và nhẩm lại những gì mình đã tiếp thu được trong buổi nói chuyện với ông bác để không quên.
Tư vấn nghề nghiệp phải giúp bạn xác định nghề phù hợp với cá tính của bản thân mình.
Đứng chọn công việc dựa trên những tiêu chí chung không bền vững.
Đừng chỉ chọn nghề vì lương cao và dễ xin việc.
Đừng để người khác chọn lựa cho bạn
Hãy chọn nghề thật nghiêm túc.
Cuộc gặp thứ hai: Những gì tôi mất khi chọn sai nghề
Thứ Ba tuần sau, tôi lại đến chỗ ông bác để nghe tư vấn. Thật tình thì buổi tư vấn lần trước đã giúp tôi “nghiệm” ra nhiều thứ nên tôi cũng khá hăm hở với lần gặp thứ hai này. Bên cạnh cái hăm hở nghe thêm những lời khuyên từ ông bác, tôi cũng đang muốn cho ông biết rằng hình như ông đánh giá quá cao việc chọn nghề. Nó chả quan trọng như ông tưởng.
Số là tôi có nói chuyện với thằng bạn thân về cuộc trò chuyện với ông bác. Nó nghe xong thì cười xòa, bảo tôi chọn nghề sai hay đúng cũng chả sao. Nó bảo có bốn lý do cho việc không phải nhức đầu chọn nghề làm gì. Thứ nhất, học phí đại học cũng không đắt. Khoảng vài triệu một năm thì nhà tôi dư sức lo được. Thứ hai, có chọn sai thì đi học lại thôi. Bất quá mất thêm ít thời gian. Cũng chả sao cả. Thứ ba, học ngành này làm ngành khác thì vẫn thành công như thường. Ví dụ, nó có ông anh chọn ngành công nghệ thông tin. Thi đỗ, học xong bốn năm rồi ra trường, không hiểu vì sao không làm ngành đó mà đi theo ngành bán hàng, giờ lương tháng cũng ngót chục triệu. Đời sống anh đó vẫn phủ phê chẳng có gì phải lo toan cả. Thứ tư, có ai biết được tương lai đâu. Hôm nay thế này ngày mai lại thế khác, vậy thì suy nghĩ nhiều làm gì, cứ học đại một ngành, miễn sao có tấm bằng đại học là ngon lành rồi.
Những lý luận của nó thật không có kẽ hở nào khiến tôi cứ phải trố mắt ra nhìn, đầu gật lia lịa, không tin được rằng mình đang nói chuyện với một thằng bạn học “dốt” hơn mình cả cái đầu trong lớp. Thế đó, tôi tự tin đến diện kiến ông bác tư vấn nghề nghiệp của tôi với bốn lý do vàng ngọc của thằng bạn thân trong đầu.
Đúng 1h30 phút chiều, tôi có mặt ở văn phòng của ông bác. Tôi nói giọng sang sảng, tự tin hơn lần trước rất nhiều.
“Con chào bác.”
Ông bác quay sang nhìn tôi, từ từ tháo kính ra và bảo tôi ngồi xuống. Sau đó ông hỏi: “Lần trước những điều bác nói con có nhớ không?”
“Dạ nhớ chứ. Nhưng bác ơi, con có nói chuyện với thằng bạn con. Nó nói là chọn nghề không quan trọng.” Tôi nói.
“Nó nói thế nào con nói lại bác nghe xem.” Ông mỉm cười đề nghị.
“Nó cho con bốn lý do vì sao chọn nghề không quan trọng. Thứ nhất là học phí ở các trường đại học công lập cũng không đắt. Thứ hai là học không đúng thì học lại thôi, có sao đâu. Thứ ba, học không đúng thì sau này ra cũng làm việc được. Thứ tư là ai mà biết được tương lai cơ chứ. Chọn sao cũng hên xui thôi.” Tôi nhanh nhảu đáp như thể học thuộc lòng câu trả lời của thằng bạn trong đầu.
Ông lại cười ha hả như lần trước rồi chầm chậm nói:
“Bác khẳng định việc chọn sai nghề sẽ rất tai hại. Để bác phân tích thử cho con nghe nhé. Thứ nhất, học phí con học bốn năm sẽ mất khoảng 120 triệu. Nếu con học sai ngành, con lại phải tốn tiền đi học ngành khác, nghĩa là lại mất thêm một mớ tiền nữa đúng không?”
“Dạ, đúng ở chỗ phải tốn tiền học ngành khác. Nhưng làm gì mà mất tới 120 triệu hả bác?”
Tôi hơi ngạc nhiên hỏi lại.
“Bác tính trung bình thôi. Giờ con đi học thì chi phí học mất khoảng 6 triệu một năm, chi phí sinh hoạt phục vụ cho việc học khoảng 24 triệu một năm. Có phải con cộng lại nhân bốn lên thì ra 120 triệu không?” Ông trả lời với vẻ mặt hóm hỉnh.
Tôi gật đầu, nhưng vẫn cố vớt vát nói với ông rằng. “Con có thể học một năm, nếu cảm thấy không hợp thì sẽ học sang ngành khác được mà. Đâu cần mất tới cả 4 năm hả bác?”
Ông cười lớn rồi nói. “Đúng là vậy. Bác nói đến trường hợp xấu nhất để con thấy rõ tác hại hơn. Tuy nhiên, thực tế là rất nhiều bạn không đủ nghị lực bỏ ngành đang học để thi lại đại học. Ngoài ra, cũng rất nhiều bạn thi lại nhưng kết quả không đúng như mong đợi. Bác nghĩ cách khôn ngoan hơn là chọn nghề đúng ngay bây giờ chứ không phải bỏ phí một năm.”
“Dạ đúng rồi.” Tôi đáp lại một cách đồng tình.
“Thứ hai, con nghĩ chọn sai nghề thì học lại cũng chẳng sao à? Con có biết khoảng thời gian thông minh nhất để học tập là từ 18-22 tuổi không?”
“Sao độ tuổi đó lại là khoảng thời gian thông minh nhất hả bác?” Tôi tò mò.
“Vì ở độ tuổi đó, con chưa phải chịu áp lực kiếm tiền bươn chải cuộc sống, bạn bè của con cũng đang học nên con không bị áp lực bị bỏ lại phía sau, xã hội chấp nhận con trong vai trò của một sinh viên và sau khi ra trường, các nhà tuyển dụng chấp nhận con như những ứng viên thông thường.
“Bác nói nghe cao siêu quá, con không hiểu lắm.” Mặt tôi nghệt ra.
Ông lại cười khà và nói tiếp.
“Thôi để bác nói đơn giản thế này. Bố mẹ con giờ vẫn đi làm và con còn trong độ tuổi đi học, do đó con không phải đi làm để nuôi gia đình. Nhưng khi con 24-25 tuổi, có thể con sẽ phải đi làm để phụ giúp tiền nong cho gia đình. Lúc đó con khó có thể tập trung hoàn toàn vào việc học được. Ngoài ra, khi con ở độ tuổi đi học thì bạn bè con cũng thế. Nếu bạn bè con học xong mà con chưa ra trường thì con có cảm thấy tự ti không?”
“Dạ chắc là có.” Tôi trả lời.
“Ừ đấy. Nhiều người cũng vì cái tự ti đó mà không chuyển ngành học. Cứ học ngành mình không thích rồi ra trường đi làm cho bằng chúng bạn. Nhưng đó chưa chắc là cách hay.” Ông nói.
“Vậy còn chuyện nhà tuyển dụng chấp nhận con gì gì đó thì sao hả bác?” Tôi thắc mắc.
“À, nếu con 22 tuổi và đi học lại ngành khác, con lại mất bốn năm nữa, tức khi ra trường con đã 26 tuổi. Thông thường sinh viên ra trường là khoảng 22 tuổi. Con cũng là sinh viên nhưng 26 tuổi. Vậy con có bất thường trong mắt các công ty tuyển dụng không?”
“Dạ có.” Tôi vừa trả lời vừa suy nghĩ những gì ông nói.
“Ừ. Do đó đừng để lãng phí bốn năm quan trọng của cuộc đời để học cái mình không làm. Chọn nghề cho đúng vào.”
“Dạ vâng. Nhưng bác ơi, anh trai của thằng bạn con cũng học có đúng ngành đâu. Anh ấy học ngành công nghệ thông tin nhưng ra trường lại làm nghề bán hàng, lương tháng vẫn gần mười triệu kìa bác. Giờ đang sống phủ...” Tôi chưa kịp nói hết câu thì ông bác đã ngắt lời.
“Con tính thi vào đại học, vậy con có hiểu học đại học làm gì không?”
“Dạ thì học đại học rồi ra làm việc.” Tôi trả lời.
“Đúng phân nửa thôi. Đại học là nơi đào tạo kỹ năng và kiến thức để con ra làm được việc. Nếu làm không đúng ngành học, làm một ngành mà con không được đào tạo, nghĩa là con không có được lợi thế như những bạn học đúng chuyên ngành phục vụ cho công việc đó ra.” Ông bác giải thích.
“Vậy còn trường hợp anh trai của bạn con thì sao?” Tôi hỏi.
“Anh trai của bạn con làm nghề bán hàng. Bán hàng không nhất thiết phải học đại học mới làm được. Chỉ cần biết nói chuyện, biết chào hàng, biết thương lượng và một số kỹ năng khác là có thể làm được nghề đó. Tuy nhiên, anh trai của bạn con sẽ thiếu những kiến thức cần thiết để đi lên các vị trí cao hơn. Ví dụ kiến thức về quản trị doanh nghiệp, kiến thức về tài chính hay chiến lược. Nếu con không có đủ phẩm chất thì doanh nghiệp sẽ không đưa con lên những vị trí cao hơn đâu. Con có muốn làm mãi một vị trí bán hàng cả đời không?”
“Dạ tất nhiên là không rồi.” Tôi trả lời, mặt xị xuống.
“Cái khó chịu nhất không phải ở hậu quả tiền bạc hay thời gian mà là tinh thần. Nếu con học sai ngành, con sẽ phải nhìn bạn bè mình, những người chọn đúng ngành học, thành công trong công việc, còn con có thể sẽ lẹt đẹt đi học lại ngành khác. Nếu học sai ngành, làm sai nghề và không thể chuyển nghề được, con sẽ mắc kẹt một cách khổ sở với nghề đó trong 30 năm cuộc đời làm việc của mình. Cảm giác thua kém mọi người sẽ rất lớn.” Ông bác nói.
Tôi như sáng ra sau khi nghe những gì ông bác nói. Trước giờ tôi chỉ nghĩ chọn sai nghề thì có cái gì đó sai nhưng chưa mường tượng được những hậu quả cụ thể của nó là thế nào. Chắc gương mặt tươi tỉnh của tôi khiến ông bác đoán được những gì tôi đang nghĩ trong đầu vì sau đó ông mỉm cười và nói:
“Nếu con đã nhận ra những tác hại của việc chọn sai nghề sai ngành thì bác nghĩ buổi gặp hôm nay bấy nhiêu là đủ. Con về suy ngẫm lại những gì bác nói. Tuần sau bác cháu mình lại gặp nhé.”
Tôi ra về, trong lòng khấp khởi vì những điều mình đã ngộ ra trong cuộc gặp thứ hai. Tuy nhiên, có một thứ tôi định hỏi ông bác mà chưa kịp. Tôi nghĩ chưa chắc chọn sai nghề thì sẽ thất bại. Vẫn có khả năng tôi hay ai đó chọn sai nghề nhưng thành công trong công việc. Tôi quyết định để câu hỏi này cho lần gặp thứ ba và xin phép bác ra về. Vừa đi, tôi vừa lẩm nhẩm những “hậu quả” mà ông bác đã truyền đạt.
Những hậu quả của việc chọn sai nghề:
Lãng phí khoảng thời gian thông minh nhất để học tập.
Phí mất một khoản tiền lớn cho ngành đã học và thêm khoản tiền để học lại ngành khác.
Chịu áp lực tâm lý và cảm giác thua kém.
Làm trái ngành thì không có được những lợi thế như người được đào tạo đúng chuyên ngành.
Tệ nhất là không chuyển nghề được, phải làm một nghề mình không thích một cách khổ sở trong 30 năm cuộc đời và không thể phát triển bản thân.
Cuộc gặp thứ ba: Làm sao xác định được nghề nghiệp?
Sau hai lần gặp với ông bác, tôi hiểu được rằng chọn nghề nghiêm túc là chuyện cực kỳ quan trọng và chọn nghề sai để lại tác hại nghiêm trọng. Tuy những lời khuyên của ông bác trong các cuộc gặp trước rất hữu ích nhưng tới giờ này, tôi cũng chưa biết cách nào để xác định được nghề nghiệp tương lai. Cuộc gặp trước vẫn để lại trong lòng tôi một câu hỏi. Bác tôi chưa nhắc đến khả năng ai đó chọn nghề sai nhưng vẫn thành công trong nghề nghiệp.
Tôi đến văn phòng của bác vào thứ Ba tuần tiếp theo. Như thường lệ, bác mời tôi ngồi xuống. Tôi bắt đầu ngay không chờ đợi lâu.
“Lần trước con có một chỗ thắc mắc chưa kịp hỏi.”
Ông bác đáp:
“Ừ, vậy con hỏi đi.”
Tôi nói:
“Lần trước bác có nói cho con biết những tác hại của việc chọn sai nghề. Nhưng con thấy nếu con chọn sai nghề, chưa chắc con đã thất bại. Con thấy nhiều người không thích nghề của mình nhưng vẫn làm tốt và đạt được thành công đấy thôi.”
Ông bác mỉm cười:
“Đúng là có những trường hợp chọn sai nghề nhưng vẫn tìm ra cách để yêu thích và đạt được thành công. Nhưng đa phần trường hợp này khó xảy ra. Để giải thích, bác muốn hỏi con điều này trước. Con có biết một nghề phù hợp với con thì phải thế nào không?”
“Dạ thì con phải thích.” Tôi trả lời ngây thơ.
“Đúng nhưng chưa đủ. Có ba yếu tố căn bản để khiến con thành công trong một nghề nghiệp nào đó. Ba yếu tố đó là: sở thích, tính cách và kỹ năng.” Ông bác trả lời.
“Sở thích theo con hiểu tức là con thích nghề nào đó thì con sẽ phù hợp với nó. Nhưng tính cách và kỹ năng sao lại liên quan vậy bác?” Tôi tò mò hỏi.
“Tính cách là xu hướng hành động của con trong môi trường xã hội. Các đặc điểm tính cách ảnh hưởng rất lớn đến sở thích và công việc tương lai của con. Bác ví dụ, nếu con là người rất thích gặp gỡ và giao tiếp với mọi người, bắt con ngồi một chỗ để lập trình phần mềm máy tính thì rất khó chịu đúng không? Ngược lại, nếu là người không thích đám đông, không thích giao tiếp và thích làm những bài toán nhỏ của riêng mình, sẽ rất khó để con trở thành một người bán hàng, công việc đòi hỏi phải ra ngoài gặp khách hàng hàng ngày.” Ông trả lời.
“Còn kỹ năng là những khả năng thực hiện một số hành vi nào đó để đạt được mục đích. Ví dụ, đọc hay viết là một kỹ năng phổ thông. Kỹ năng quyết định sự thành công nghề nghiệp, vì thế con càng có nhiều kỹ năng trong công việc thì càng có nhiều khả năng làm tốt nó và khi làm tốt, con sẽ cảm thấy hạnh phúc với công việc mình làm.” Ông tiếp tục.
“Nếu vậy thì hai cái này quan trọng quá bác nhỉ. Nhưng cái nào quan trọng hơn vậy bác?” Tôi tiếp tục hỏi.
“Tính cách quan trọng và căn bản hơn vì tính cách sẽ quyết định sở thích của con. Ví dụ nếu con tính tình trầm lặng ít nói thì nhiều khả năng con sẽ có những sở thích liên quan đến tính cách trầm lặng. Ngoài ra, kỹ năng là thứ con có thể học được. Ví dụ con không biết đọc hay viết thì có thể tập luyện, miễn sao con cảm thấy thích.” Ông trả lời.
“À, như vậy là khi chọn nghề, con phải quan tâm ba yếu tố là tính cách, sở thích và kỹ năng đúng không bác?” Tôi hỏi lại để xác nhận.
“Đúng rồi. Do đó, với câu hỏi ban nãy của con về chuyện làm sai nghề nhưng vẫn thành công, bác cho rằng đa phần khi tính cách một người không phù hợp với công việc được giao, sẽ rất khó để họ có thể hòa nhập với công việc đó. Và vì vậy, cơ hội để phát triển trong những nghề nghiệp này không cao lắm. Tất nhiên bác chỉ nói là không cao chứ không phải không thể.” Ông trả lời.
“Nếu vậy thì làm sao con biết được chính xác tính cách, sở thích và kỹ năng của mình để chọn nghề hả bác?” Tôi hỏi một cách tò mò.
“Con có thể tự nhận biết một số tính cách của mình, nhưng nhiều khi ngay bản thân con còn không hiểu nổi mình, huống gì người khác. Để hiểu đúng tính cách và sở thích của mình, con nên làm những bài trắc nghiệm tính cách đã được các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển. Bác bảo đảm với con không có ai vô dụng cả, chỉ có người chưa tìm được công việc phù hợp với đam mê và tính cách của mình mà thôi.” Ông nói.
“Còn kỹ năng thì sao bác?” Tôi hỏi lại.
“Bác nghĩ con chưa cần làm những bài kiểm tra kỹ năng vì hai lý do. Thứ nhất, bác cho rằng kỹ năng rất khó được nhận diện. Những bài kiểm tra nhận diện kỹ năng hầu như mang tính tự đánh giá. Nghĩa là con tự đánh giá kỹ năng của mình. Do đó tính chính xác của những bài kiểm tra như thế này không rõ ràng với độ tuổi của con. Thứ hai, kỹ năng là thứ có thể được cải thiện
và thay đổi theo thời gian. Con vào đại học hay cao đẳng cũng chính vì muốn có những kỹ năng mới. Do đó, theo bác, kỹ năng hiện tại không quyết định mạnh mẽ đến nghề nghiệp tương lai của con nếu con có ý chí muốn theo đuổi nghề nghiệp đó đến cùng.” Ông trả lời.
“Vậy bác chỉ cho con những bài trắc nghiệm để kiểm tra tính cách được không?” Tôi hào hứng.
“Tất nhiên là được chứ. Ở đây bác có một quyển hướng dẫn chọn nghề, con mang về làm và lần sau đến gặp bác nhé. Buổi gặp hôm nay đến đây là đủ rồi. À mà trong khi lo chọn nghề, con cũng phải lo học hành cho đàng hoàng nhé.” Ông cười hơi bí ẩn, đưa cho tôi một cuốn sách đã để sẵn trên bàn. Đó là một cuốn sách bìa xanh với dòng chữ “Hướng dẫn chọn nghề”. Ông đứng dậy bắt tay chào tôi. Tôi ra về với cuốn sách trong tay, lẩm nhẩm những gì thu thập được trong cuộc gặp thứ ba này.
Chọn nghề cần phải dựa vào ba yếu tố: tính cách, sở thích và kỹ năng của bản thân.
Tính cách là quan trọng nhất trong ba yếu tố.
Không ai vô dụng, chỉ có người bị đặt sai vị trí nên không phát huy được năng lực của mình.
Tôi về nhà, tâm trạng vô cùng phấn khởi. Về tới nhà và lên phòng, tôi thay quần áo, sau đó chộp ngay lấy cuốn sách. Tôi mở trang đầu của cuốn sách ra...
Phần 2. Hướng dẫn chọn nghề
Cuốn sách này sẽ từng bước hướng bạn đến một kết quả nghề nghiệp trực quan rõ ràng. Mục tiêu tối thượng của nó là giúp bạn xác định được nghề nghiệp mình yêu thích và phù hợp với tính cách của bản thân. Trước khi đi xa hơn, có hai điểm sau bạn cần biết.
Thứ nhất, mục tiêu của hướng dẫn chọn nghề là trình bày các bước logic giúp bạn chọn nghề phù hợp với sở thích và tính cách bản thân. Thứ hai, hướng dẫn này (bao gồm các bài trắc nghiệm) không đảm bảo tính chính xác 100% vì kết quả chính xác 100% là quá xa vời đối với bất kỳ bài trắc nghiệm nào. Kết quả từ hướng dẫn này nên được sử dụng như một nguồn tham khảo để các bạn tự nhìn nhận và chọn ra nghề nghiệp phù hợp cho bản thân.
Hướng dẫn này bao gồm:
3 bước chọn nghề: giới thiệu vắn tắt về 3 bước chọn nghề và những việc cần thực hiện.
Bài trắc nghiệm tính cách MBTI®: giới thiệu tóm tắt và phiên bản giản lược của một trong những bài trắc nghiệm tính cách xác định nghề nghiệp nổi tiếng nhất trên thế giới.
Kết quả trắc nghiệm: trình bày kết quả của bài trắc nghiệm (bao gồm các nghề nghiệp gợi ý).
Bảng nghề nghiệp: phần để trống để bạn điền thông tin nghề nghiệp của mình theo hướng dẫn nghề nghiệp.
Hãy bắt đầu khám phá hướng dẫn chọn nghề nào...
3 bước chọn nghề
Để chọn ra nghề nghiệp phù hợp cho bản thân, bạn phải thực hiện nhiều bước nhỏ, nhưng nhìn tổng quan, bạn sẽ phải thực hiện 3 bước chính sau:
Bước 1 – Hiểu bản thân
(Hiểu sở thích và tính cách bản thân.)
Bước 2 – Lên danh sách nghề phù hợp
(Lên danh sách nghề nghiệp tiềm năng phù hợp với bạn.)
Bước 3 – Chọn ra 3 nghề phù hợp nhất
(Chọn ra 3 lựa chọn nghề nghiệp phù hợp cuối cùng.)
Các bước chọn nghề này đi kèm với một bảng nghề nghiệp (nằm ở trang 148 của cuốn sách), giúp bạn dễ dàng hình dung cách thức thực hiện. Từng bước sẽ bao gồm phần giải thích nội dung và hành động bạn phải thực hiện.
Bước 1 - Hiểu bản thân
Nội dung
Hiểu bản thân là bước đầu tiên quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất trong hướng dẫn chọn nghề. Nó quan trọng vì mỗi người có những đặc điểm khác nhau. Bạn hoặc những người xung quanh bạn có thể biết đại khái vài đặc điểm lớn ở bạn, chẳng hạn bạn vui vẻ, hòa đồng hay nhút nhát, hoặc khi đưa ra một quyết định, bạn có xu hướng suy nghĩ lý trí hay dựa trên cảm giác. Tuy nhiên, bản thân bạn không “đại khái” như thế.
Cuốn sách này đã chọn ra một bài trắc nghiệm được sử dụng khá phổ biến trên thế giới: MBTI®. Chúng tôi sử dụng bài kiểm tra này trước hết vì chúng rất phổ biến trên thế giới. Thứ hai, vì bài trắc nghiệm này có sẵn những phân tích và khuyến cáo nghề nghiệp khá dễ hiểu, phù hợp với các bạn trẻ đang mong muốn nhanh chóng xác định nghề nghiệp phù hợp cho bản thân. Ở bước này, bạn cần đọc giới thiệu tóm tắt về bài trắc nghiệm MBTI® để hiểu rõ hơn về công dụng cũng như cấu trúc của chúng.
Hành động:
Đọc phần giới thiệu về bài trắc nghiệm MBTI® để hiểu được cách thức cấu tạo và logic đằng sau bài trắc nghiệm này.
Đến đây, bạn đã hiểu được phương pháp để thấu hiểu bản thân mình và những nền tảng căn bản của bài trắc nghiệm MBTI®.
Bước 2 - Lên danh sách nghề phù hợp
Sau khi đã hiểu rõ hơn về bản thân qua các bài trắc nghiệm, bước tiếp theo là làm những bài trắc nghiệm đó để có được một danh sách những nghề phù hợp và chọn lọc ra 3 nghề phù hợp mà bạn quan tâm nhất.
Đầu tiên, bạn hãy đọc phần mô tả của MBTI® về các cặp tính cách (ví dụ hướng nội –I hay hướng ngoại-E). Sau đó, hãy làm bài trắc nghiệm để xác định mẫu MBTI® của bạn. Bạn sẽ kết thúc bằng cách có được một dãy chữ bốn ký tự tùy vào đặc điểm tính cách mà bạn chọn. Sau khi làm xong, bạn sẽ có mẫu MBTI® của mình, hãy điền chúng vào mục mẫu MBTI® trong bảng nghề nghiệp.
Sau đó, bạn tìm đọc phần chú giải tính cách cho mẫu MBTI® của mình và điền những nghề nghiệp được khuyến nghị phù hợp vào bản nghề nghiệp ở phần nghề nghiệp MBTI®.
Hãy điền những nghề nghiệp của mẫu MBTI® vào phần nghề nghiệp khuyến cáo. Sau khi
xong, bạn sẽ có một danh sách những nghề nghiệp khuyến cáo phù hợp với tính cách của mình. Hành động:
Hãy đọc phần mô tả của MBTI® về các cặp tính cách.
Làm bài trắc nghiệm để xác định mẫu MBTI® của bạn.
Điền mẫu MBTI® vào bảng nghề nghiệp.
Mở phần kết quả trắc nghiệm để tham khảo những nghề nghiệp mà MBTI® khuyến cáo.
Ghi vào danh sách nghề nghiệp khuyến cáo những nghề trong phần kết quả trắc nghiệm ở bài kiểm tra MBTI®.
-> Đến đây, bạn đã có danh sách nghề nghiệp tiềm năng của mình.
Bước 3 - Chọn 3 nghề nghiệp phù hợp nhất
Bước này giúp bạn chốt lại danh sách 3 nghề nghiệp phù hợp nhất với bạn. Trong bước này, trước tiên bạn hãy đưa ra các tiêu chí chọn nghề. Sau đó, cân nhắc các tiêu chí chọn nghề để chọn ra hai đến ba nghề mình quan tâm nhất.
Tiêu chí chọn nghề là những yếu tố thúc đẩy bạn theo một nghề nào đó (ví dụ bạn muốn làm những nghề kiếm nhiều tiền hay bạn muốn làm nghề mang tính phục vụ xã hội). Dù rằng mỗi người có một tiêu chí chọn nghề khác nhau, hai tiêu chí thu nhập và tính chất công việc khá quan trọng.
Thu nhập: tiền lương trung bình của ngành nghề mà bạn chọn. Bạn có thể không biết chính xác nhưng chắc bạn hiểu rằng một số ngành có thu nhập cơ bản thấp hơn những ngành khác (ví dụ thu nhập trung bình của ngành giáo viên có xu hướng thấp hơn của một người làm kinh doanh). Những thông tin về thu nhập này không thể được cung cấp trong cuốn sách vì chúng thay đổi theo thời gian và rằng hầu như chưa có một tổ chức nào đáng tin cậy thực hiện nghiên cứu về thu nhập của từng nhóm nghề tại Việt Nam (hoặc họ không công bố). Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo bằng cách lướt qua những trang tuyển dụng trực tuyến (như vietnamworks.com, vieclam.com.vn, careerlink.vn, jobstreet.vn, vieclam.24h.com.vn hoặc vieclambank.vn) để tham khảo mức lương mà các doanh nghiệp chào mời cho các vị trí dành cho sinh viên mới tốt nghiệp hoặc tham khảo những người đã đi làm. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đến các trung tâm tư vấn hỗ trợ việc làm để tham khảo thông tin. Từ đó, bạn có thể có đôi chút khái niệm về mặt bằng lương của các ngành nghề khác nhau.
Tính chất công việc: là tính chất của công việc trong thực tế. Có rất nhiều bạn không hiểu rõ tính chất công việc mà mình đã chọn. Đôi khi, điều bạn nghĩ và thực tế cách xa nhau rất nhiều. Do đó, khi đã có danh sách nghề nghiệp tiềm năng, hãy tìm những người đáng tin cậy đang làm những nghề đó và hỏi họ về công việc hàng ngày của họ (nếu bạn có thể đến quan sát công việc thực tế của họ thì càng tốt). Bằng cách đó, bạn có thể hình dung chính xác tính chất những công việc mà mình đang cân nhắc và đưa ra lựa chọn. Bên cạnh hai tiêu chí đó, bạn hãy liệt kê những tiêu chí chọn nghề khác quan trọng với bạn. Dưới đây là danh sách những tiêu chí thông thường chúng tôi gợi ý cho bạn.
Tính ổn định
Cơ hội thăng tiến
Địa điểm làm việc
Tính độc lập
Địa vị xã hội
Truyền thống gia đình
Khả năng tài chính (một số ngành học đắt hơn những ngành khác)
Quan hệ của người thân trong ngành/ nghề
Phù hợp với học lực của bạn
Nghề nghiệp bạn yêu thích nhất
Hãy tham khảo người thân trong gia đình hoặc bạn bè và quyết định 5 tiêu chí quan trọng nhất với bạn. Bạn chỉ nên cân nhắc khoảng 5 tiêu chí trở xuống để tránh phức tạp hóa các lựa chọn của mình. Sau khi có 5 tiêu chí chọn nghề, hãy điền chúng vào danh sách tiêu chí (ở trang 148).
Sau đó, hãy đánh giá và chọn ra 3 nghề nghiệp được ưu tiên nhất từ danh sách nghề tiềm năng dựa trên 5 tiêu chí chọn nghề kia. Hãy sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên từ cao đến thấp. Mục tiêu của việc xếp loại ưu tiên nghề nghiệp là để bạn biết chính xác những ưu tiên của mình cho kỳ thi tuyển sinh vào đại học.
Trong cuốn sách này, chúng tôi không thể đưa ra những lời khuyên cụ thể cho việc chọn lựa này vì tiêu chí của mỗi người khác nhau và có hằng hà sa số những tiêu chí mà bạn có thể đưa ra. Tuy nhiên, một lần nữa, mong bạn thật nghiêm túc xem xét danh sách nghề tiềm năng để chọn ra 3 nghề nghiệp cuối cùng phù hợp với mình. Bên cạnh đó, hãy tham khảo ý kiến gia đình. Bố mẹ bạn, những người từng trải hơn, sẽ có thể cho bạn những lời khuyên hữu ích.
Sau khi có 3 nghề nghiệp cuối cùng, hãy điền chúng vào mục 3 nghề nghiệp cuối cùng trong bảng nghề nghiệp. Nếu bạn thực hiện cẩn thận, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái với 3 nghề nghiệp mình lựa chọn. 3 nghề nghiệp cuối cùng này phải đem lại cho bạn cảm giác chắc chắn và tự tin. Nếu không, có lẽ bạn đã làm sai đâu đó (rất có thể ở phần đánh giá tiêu chí). Hãy xem lại toàn bộ quá trình và thử điều chỉnh theo ý bạn.
Sau khi tìm ra 3 nghề nghiệp cuối cùng mà bạn cảm thấy tự tin và thoải mái, bước chọn nghề đã hoàn tất. Bạn có thể xem xét các chuyên ngành và trường đào tạo phù hợp với nghề mà bạn chọn. Bạn có thể tham khảo danh sách các ngành đào tạo phù hợp với nghề nghiệp của bạn từ internet và các hội thảo tư vấn hướng nghiệp do trường và các cơ quan khác tổ chức.
Hành động:
Tham khảo người thân/ bạn bè của mình để chọn ra 5 tiêu chí chọn nghề. Điền vào danh sách tiêu chí.
Đánh giá nghề nghiệp ưu tiên của mình theo những tiêu chí đã đề ra.
Chọn ra 3 nghề có ưu tiên cao nhất.
Ghi vào mục nghề nghiệp ưu tiên trong bảng nghề nghiệp.
->Đến đây, bạn đã có 3 nghề nghiệp phù hợp và có tính ưu tiên cao nhất. Hãy cân nhắc ngành học và trường đào tạo những nghề này.
Ở trang tiếp theo, bạn sẽ tìm thấy những bảng biểu cần thiết để hoàn thành hướng dẫn này. Bài trắc nghiệm MBTI®
I. Giới thiệu về MBTI®
MBTI® là từ viết tắt của Myer-Briggs Type Indicator. Đây là bài trắc nghiệm tính cách được phát triển bởi Isabel Briggs Myers và Katharine Cook Briggs dựa trên nghiên cứu của nhà phân tâm học Thụy Sỹ Carl G. Jung. MBTI® là một trong những bài trắc nghiệm tính cách nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Bài trắc nghiệm MBTI® phân loại con người thành 16 nhóm chính dựa trên bốn cặp tiêu chí.
Introvert (hướng nội)Extrovert (hướng ngoại)
Sensing (thụ cảm)
Intuition (trực giác)
Thinking (suy nghĩ)
Feeling (cảm giác)
Judgement (đánh giá) Perception (cảm nhận)
Theo đó, tính cách của mỗi người đều nằm thiên về một trong hai đầu của cặp tiêu chí hoặc đôi khi nằm giữa những cặp tiêu chí nói trên. Sẽ không có người nào hướng ngoại 100% hay hướng nội 100%, thiên về thụ cảm 100% hay thiên về trực giác 100%. Nhưng sẽ luôn có những người thiên về một phía của các cặp tiêu chí trên hoặc chỉ là nằm lửng lơ giữa hai phía của một cặp tiêu chí. Một điểm nữa cần lưu ý là ai cũng ít nhiều có những đặc tính của bốn cặp tiêu chí này. Sẽ không có người hướng ngoại nào không có những khoảnh khắc hành động như người hướng nội hay không người nào chỉ suy nghĩ mà không có cảm xúc.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần biết rằng tính cách phát triển theo môi trường. Do đó tính cách của con người (cũng như những sở thích và kỹ năng) sẽ thay đổi khi con người trưởng thành, vì khi đó họ tiếp xúc với những môi trường mới. Vì thế, những gì bạn chọn ngày hôm nay có thể không còn đúng y như thế vào ngày mai.
Ở một số nước phương Tây, học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông thường chọn con đường đi du lịch hoặc đi làm để trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn trước khi quyết định sẽ theo học ngành gì. Tuy nhiên, nếu bạn muốn chọn cho mình một nghề ngay bây giờ, bạn có thể đánh giá bản thân bằng cách làm trắc nghiệm để xác định mẫu tính cách MBTI® của mình. Tuy nhiên, trước hết bạn cần hiểu được những đặc điểm tính cách trong các cặp tiêu chí. Dưới đây là lý giải chi tiết về ý nghĩa của từng tiêu chí trong các cặp cũng như liệt kê những đặc tính tiêu biểu của chúng.
1. Hướng nội (Introvert – I) - Hướng ngoại (Extrovert – E)
Cặp tiêu chí này cho biết bạn dành sự tập trung của mình vào đâu. Đa phần mọi người hoặc hứng thú với thế giới bên trong hoặc hứng thú với thế giới bên ngoài. Mỗi người đều có một “địa chỉ” - nơi họ dành nhiều chú ý và cảm thấy thoải mái hơn.
Người hướng nội: Những người tập trung chú ý vào thế giới bên trong nhiều hơn gọi là người hướng nội. Những người này thường quan tâm nhiều hơn đến trạng thái cảm nhận nội tâm của bản thân. Người hướng nội thường trầm lặng ít nói và do đó nhiều người thường nhầm rằng người hướng nội là những người nhút nhát. Thực ra, họ không nhút nhát mà chỉ là mẫu người có xu hướng chuộng những hoạt động tinh thần bên trong. Mẫu người hướng nội thường chú ý phân tích sự việc kỹ lưỡng hơn trước khi nói. Họ thường yêu thích những hoạt động mang tính chất đơn lẻ, hoài cổ và ít tương tác với mọi người. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là người hướng nội không thể giao tiếp với người khác. Trong thực tế, họ vẫn có thể tương tác rất tốt với những người thân thiết xung quanh mình. Ngoài ra, người hướng nội vẫn có thể tham gia các hoạt động xã hội nhưng thường sau những hoạt động đó, người hướng nội sẽ cần một khoảng thời gian riêng tư một mình để “sạc lại năng lượng”.
Người hướng ngoại: Ngược lại với người hướng nội là người hướng ngoại. Mẫu người này có đặc tính thích tương tác với những người xung quanh nên đôi khi bị lầm tưởng họ là những người cởi mở hay thân thiện. Thực tế, người hướng ngoại là người cảm thấy thoải mái và tràn đầy năng lượng sống khi tương tác với người khác. Với họ, “sạc năng lượng” sẽ không phải bằng cách dành thời gian một mình mà là đi đâu đó gặp gỡ và trò chuyện cùng mọi người. Người hướng ngoại sẽ cảm thấy cực kỳ buồn chán và thiểu não nếu ở một mình. Người hướng ngoại quả quyết trong cách thức giao tiếp của mình. Họ thường vừa nói vừa nghĩ chứ không nghĩ trước nói sau như cách người hướng nội thường làm. Đó là lý do mọi người thường nhìn nhận người hướng ngoại như những người nhiệt tình, nói nhiều và xông xáo.
Đặc tính hướng ngoại
Đặc tính hướng nội
- Vừa suy nghĩ vừa hành động
- Suy nghĩ trước, hành động sau
- Hướng ra ngoài
- Hướng vào bên trong
- Cởi mở và hứng thú trao đổi với mọi người xung quanh.
- Lắng nghe nhiều hơn nói.
- Thích thú với những tương tác và thay đổi của thế giới bên ngoài.
- Thích suy nghĩ, đánh giá vấn đề và thường cần khoảng thời gian riêng tư.
- Thích xuất hiện trước công chúng.
- Thích đứng đằng sau hậu trường.
- Cởi mở, thân thiện và quả quyết.
- Trầm lặng.
- Làm-suy nghĩ-làm.
- Suy nghĩ-làm-suy nghĩ.
2. Thụ cảm (Sensing – S) - Trực giác (Intuition – N)
Cặp tiêu chí này cho thấy xu hướng tiếp nhận và xử lý thông tin của bạn. Trong cuộc sống, chúng ta liên tục đón nhận những thông tin khác nhau từ môi trường bên ngoài. Theo MBTI®, con người có hai xu hướng tiếp nhận và xử lý thông tin chính và tất cả mọi người đều ưa chuộng một trong hai xu hướng đó hơn xu hướng còn lại.
Người thụ cảm: Đây là mẫu người thường có xu hướng tập trung vào những thông tin chi tiết nhận được qua các giác quan (ví dụ mùi vị, hình dáng hoặc kích thước). Với họ, thông tin phải chi tiết và họ cố gắng ghi nhớ càng nhiều chi tiết từ những thông tin thu nhận được càng tốt. Mẫu người này quan tâm đến những gì thực tế, ngay trước mắt, và đang tồn tại. Đối với họ, thực tế thu nhận được từ thế giới bên ngoài là những “chân lý” đúng đắn và họ chỉ tập trung vào những chân lý vững chãi đó mà thôi. Theo đó, người thụ cảm ghi nhận lại những thông tin và dữ kiện thu thập được từ thế giới bên ngoài đồng thời cố gắng phân tích để tìm ra công dụng thực tiễn của chúng. Họ muốn sống như thực tế hiện tại đang hiện hữu và không có nhu cầu thay đổi thế giới. Người thụ cảm sẽ luôn nói với bạn rằng “Hãy tận hưởng những khoảnh khắc hiện tại.” Với họ, kinh nghiệm là những thông tin quý giá đáng trân trọng, bảo vệ và nên được áp dụng vào thực tiễn mà không cần phải thay đổi. Người thụ cảm yêu thích logic và luôn cố gắng theo đuổi mọi thứ dưới góc nhìn logic rõ ràng.
Người trực giác: Khi tiếp nhận thông tin, người trực giác ghi nhận những ấn tượng và hình ảnh chính về một sự kiện chứ không ghi nhớ những chi tiết nhỏ của sự kiện đó. Không như người thụ cảm, người trực giác xử lý thông tin sâu sắc hơn để tìm ra ý nghĩa và các mô hình ẩn chứa đằng sau những thông tin thu thập được. Họ rất giỏi trong việc nhận ra những mô hình và rút ra những cái nhìn sâu sắc thay vì đào sâu vào các thông tin chi tiết. Người trực giác thích thú hơn với những cái mới và các khả năng trong tương lai, do vậy mẫu người này có tính cách sống hướng tới tương lai hơn là hiện tại. Trong đầu họ sẽ luôn là câu hỏi “Ngày mai sẽ thế nào?” và luôn canh cánh tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Họ muốn thay đổi thế giới chứ không hài lòng với thực trạng hiện tại của nó. Người trực giác vẫn tôn trọng các kinh nghiệm nhưng vì luôn nhìn thấy những khả năng trong tương lai, họ không dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm như người thụ cảm. Người trực giác thích làm việc với những mô hình và lý thuyết dù chưa thực sự thấy được công dụng của chúng.
Đặc tính thụ cảm
Đặc tính trực giác
Tiếp thu và lưu trữ thông tin dưới dạng dữ kiện là chínhTiếp thu và lưu trữ thông tin dưới dạng các mô hình và lý thuyết
Thích đào sâu vào chi tiết thông tin Ghi nhận nững mô hình và ấn tượng chính của thông tin
Thích những giải pháp thực tiễn
Thích những giải pháp sáng tạo
3. Suy nghĩ (Thinking – T) - Cảm giác (Feeling – F)
Cặp tiêu chí này thể hiện xu hướng ra quyết định của bạn. Mỗi người có một cách thức ra quyết định khác nhau. Người ta thường quan niệm phụ nữ hay đưa ra những quyết định cảm tính trong khi nam giới lại lý trí hơn. Theo MBTI®, con người có hai xu hướng ra quyết định chính.
Người suy nghĩ: Mẫu người này chủ yếu ra quyết định dựa trên tư duy logic. Đối với họ, mọi thứ trong thế giới rất rõ ràng rành mạch. Người suy nghĩ tập trung vào những gì hữu hình, luôn tìm kiếm chân lý và sử dụng các quy tắc. Khi ra một quyết định gì đó, họ thường dựa trên những dữ liệu thực tế vững chắc và các quy luật. Người suy nghĩ thích phân tích kỹ lợi hại của một vấn đề, sau đó tư duy logic để đưa ra quyết định cuối cùng, tránh để tình cảm hay những ý kiến chủ quan làm hỏng kết quả mang tính chân lý cuối cùng đó. Chính vì vậy, người suy nghĩ thường được đánh giá là những người công tâm trong giải quyết vấn đề. Vì loại bỏ những yếu tố cảm xúc và chỉ giữ lại các dữ kiện, người suy nghĩ khi làm việc thường chỉ tập trung vào kết quả chứ ít quan tâm chăm sóc mối quan hệ với những người xung quanh. Trong công việc, họ hầu như chỉ nói ngắn gọn và tập trung vào các dữ kiện như thể “đang làm toán”. Phong cách giao tiếp là biểu hiện rõ ràng nhất để nhận ra người suy nghĩ vì nó phản ánh cách thức ra quyết định thiên về dữ kiện và logic ở mẫu người này. Người suy nghĩ sẽ luôn bảo bạn rằng “Logic là con đường duy nhất để ra quyết định đúng.”
Người cảm giác: Ngược lại, chúng ta có mẫu người mang đặc tính cảm giác. Người cảm giác ra quyết định dựa trên cân đong đo đếm những mong muốn và mối quan hệ xã hội của những người liên quan đến quyết định đó. Mẫu người này muốn ra quyết định mang lại lợi ích tốt nhất cho những người xung quanh vì họ có xu hướng duy trì sự hòa hợp và ổn định trong các mối quan hệ giữa người với người. Với người cảm giác, quan hệ mới là ưu tiên hàng đầu khi ra quyết định. Họ hành động theo con tim mình, thường giỏi nhận biết cảm xúc và đồng cảm với những người xung quanh. Trong con mắt của người suy nghĩ, người cảm giác không đáng tin cậy và quá cảm tính vì mẫu người này không ra quyết định một cách khoa học dựa trên những gì thực tế khách quan. Điều đó đúng vì khi dành phần lớn sự chú ý vào mong muốn của những người xung quanh và dùng cảm xúc để ra quyết định thì người cảm giác khó lòng có thể logic được. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cách thức ra quyết định của họ là sai. Trong thực tế, người cảm giác được nhìn nhận là những người giỏi xã giao và rất được lòng mọi người. Theo đó, mẫu người này cũng giành được sự ủng hộ của những người xung quanh trong nhiều tình huống mà họ cần. Người cảm giác sẽ luôn bảo bạn rằng “Hãy đi theo tiếng gọi con tim bạn.”
Đặc tính suy nghĩ
Đặc tính cảm giác
Lý trí
Cảm tính
Đưa ra quyết định dựa trên tư duy logic
Ra quyết định theo tiếng gọi của trái tim và hành động cảm tính
Trông lạnh lùng và khép kín
Trông nhiệt tình và thân thiện
Trung thực và thẳng thắn
Khéo léo trong cư xử
Coi trọng sự trung thực và công bằng
Coi trọng sự hài hòa và lòng trắc ẩn
Ít khi hành xử cá nhân
Thường xuyên hành xử cá nhân
Cảm thấy được khích lệ khi đạt được thành tựuCảm thấy được khích lệ khi được mọi người công nhận
Tập trung vào sự vật hữu hình
Tập trung vào con người và những mối quan tâm của họ
Khách quan
Chủ quan
Thích tranh luận
Tránh tranh luận
Xu hướng phân tích đánh giá
Xu hướng thấu hiểu cảm thông
4. Đánh giá (Judgement – J) - Cảm nhận Perception – P)
Cặp tiêu chí này thể hiện cách bạn hành động trong thế giới bên ngoài. Con người trong cuộc sống có những xu hướng hành động khác nhau. Theo MBTI®, có hai xu hướng chính khi
bạn hành động: đánh giá và cảm nhận.
Người đánh giá: Mẫu người này có xu hướng hành động theo một cách có tổ chức với những kế hoạch để đạt được các mục tiêu và những kết quả dự định có thể đoán trước được. Người đánh giá luôn muốn sống trong cảm giác mọi thứ xung quanh mình được kiểm soát chặt chẽ. Với người suy nghĩ, sẽ thoải mái hơn sau khi đã ra quyết định và mọi thứ đã được sắp đặt ổn thoả. Trong công việc, mẫu người này rất cụ thể khi yêu cầu thứ gì đó. Họ sẽ lên một kế hoạch làm việc và yêu cầu bạn cho họ biết chính xác những nguồn lực cụ thể nào cần thiết để thực hiện kế hoạch kia. Vì những đặc điểm này, người suy nghĩ đôi khi xuất hiện trong mắt mọi người như một người thích kiểm soát mọi thứ. Vì luôn trong tư thế chuẩn bị, người suy nghĩ thường rất nhanh trong việc ra quyết định và hoàn thành công việc. Họ thường có xu hướng nắm lấy thế giới và sắp xếp lại nó. Câu nói tiêu biểu của mẫu người này sẽ là:“Kế hoạch cụ thể của bạn là gì?”
Người cảm nhận: Ngược lại với người đánh giá, người cảm nhận không thích các kế hoạch. Với họ, kế hoạch, cấu trúc hay những hệ thống đóng vai trò rào cản nhiều hơn là khung sườn cho một thành công. Họ thích lối sống ngẫu hứng và thích thú với những bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Vì thế, người đánh giá thường để mở những lựa chọn của mình để có thể đối đầu hiệu quả với những bất ngờ và các rắc rối mà cuộc sống mang đến cho họ. Họ không lên kế hoạch và theo đó cũng không sớm đưa ra các quyết định. Họ sẽ ra quyết định khi cần thiết, đôi khi bị người khác nhìn nhận là “nước tới chân mới nhảy”. Người cảm nhận có khuynh hướng tìm cách thấu hiểu và thích ứng với thế giới hơn là sắp xếp lại nó. Vì lý do đó, người cảm nhận thường cởi mở trước những kiến thức và ý tưởng mới hơn. Tính cách để mở quá nhiều lựa chọn và tránh né việc ra quyết định khiến người cảm nhận bị người suy nghĩ nhìn nhận như những kẻ không có mục tiêu rõ ràng. Câu nói mà mẫu người này có thể sẽ nói với bạn là:“Ai biết trước được tương lai sẽ thế nào.”
Đặc tính đánh giá
Đặc tính cảm nhận
Thích mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp
Cởi mở và chờ đợi những gì đến bất ngờ
Ra quyết định sớm và muốn mọi thứ phải ổn thỏaGhi nhận thông tin để mở các lựa chọn
Thường hay đúng giờ
Thường đi trễ
Công việc làm phải làm ngay
Công việc để mai làm sau cũng được
Có một danh sách những việc cần làm
Ngẫu hứng nhớ ra việc nào thì làm việc đó
Lên kế hoạch trước
Thường đợi nước tới chân mới nhảy
Cảm thấy thoải mái khi có một kế hoạch cụ thể
Cảm thấy thoải mái khi hành động ngẫu hứng
Bốn cặp tiêu chí này hình thành 16 mẫu (tạm gọi là mẫu MBTI®):
ISTJ
ISFJ
INFJ
INTJ
ISTP ISFP INFP INTP
ESTPESFPENFPENTP
ESTJ ESFJ ENFJ ENTJ
16 mẫu người này có những tính cách và xu hướng khác nhau. Từ đó, việc chọn lựa công việc yêu thích của họ cũng khác nhau. Dưới đây là những công việc yêu thích của 16 mẫu người.
II. Trắc nghiệm xác định mẫu MBTI®
Để có được mẫu MBTI® của mình, bạn làm như sau:
Đọc kỹ những phát biểu trong bảng trắc nghiệm dưới đây. Hãy dành thời gian chiêm nghiệm một cách tổng thể để bảo đảm cho ra kết quả đúng.
Nếu phát biểu nào phản ánh đúng bản thân bạn, hãy đánh dấu chọn bên trái cột
trả lời. Nếu phát biểu sai, hãy đánh dấu cột bên phải. Hai cột ở câu trả lời tương ứng với hai tính cách ở mỗi cặp tiêu chí.
Hãy cộng điểm số của các câu trả lời lại. Có tất cả năm câu hỏi cho mỗi cặp. Nếu tính cách nào nhiều điểm hơn, hãy điền chữ cái đại diện ở cuối phần 5 câu hỏi của cặp tiêu chí.
EI
Trong một buổi gặp mặt có nhiều người, bạn thường mạnh dạn nói chuyện với những người xa lạ
Bạn thường làm trước sau đó mới suy nghĩ lại về hành động của mình
Bạn thích mình là tâm điểm của công chúng hơn là ngồi âm thầm đằng sau hậu trường
Bạn thích làm việc trong môi trường đông vui nhiều người hơn là ngồi làm việc độc lập một mình
Bạn cảm thấy buồn chán khi ở một mình
Bạn là "E" hay "I"?
TF
Khi ra quyết định, bạn có suy nghĩ kỹ càng theo các nguyên tắc logic và dựa trên các dữ kiện chứ ít khi quan tâm đến cảm xúc của người xung quanh
Mọi người thường nhìn nhận bạn như một người khách quan công bằng
Khi cho rằng cái gì đó là sự thật, bạn sẽ nói thẳng ra mà không quan tâm nhiều đến việc hành động đó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn và những người khác
Bạn yêu thích thảo luận và tranh luận về các chủ đề dù rằng đôi khi những tranh luận này có thể trở nên gay gắt
Mọi người nghĩ rằng bạn là người khép kín
Bạn là "T" hay "F"?
S N
Bạn thích để ý và ghi nhớ nhiều thông tin chi tiết từ các sự kiện bên ngoài
Bạn không hay nghĩ đến tương lai, chỉ tập trung chính vào việc tận hưởng hiện tại
Bạn thích những giải pháp cụ thể và thực tế cho các vấn đề hơn là những giải pháp sáng tạo
Bạn thích kinh nghiệm và thực tiễn hơn trí tưởng tượng
Bạn có xu hướng suy nghĩ theo dạng như "nó là cái gì" hơn "nó có thể là cái gì?"
Bạn là "S" hay "N"?
J P
Bạn luôn lên kế hoạch rõ ràng cho mọi thứ
Bạn tôn trọng và luôn cố gắng đúng giờ trong các cuộc hẹn
Bạn không thích những gì mang tính ngẫu hứng
Bạn có xu hướng chốt vấn đề và ra quyết định chứ không để mở những lựa chọn
Bạn là "J" hay "P"?
Ví dụ mẫu:
EI
Trong một buổi gặp mặt có nhiều người, bạn thường mạnh dạn nói chuyện với những người xa lạ
X
Bạn thường làm trước sau đó mới suy nghĩ lại về hành động của mình
X
Bạn thích mình là tâm điểm của công chúng hơn là ngồi âm thầm đằng sau hậu trường
X
Bạn thích làm việc trong môi trường đông vui nhiều người hơn là ngồi làm việc độc lập một mình
X
Bạn cảm thấy buồn chán khi ở một mình
X
Bạn là "E" hay "I"?
E
S N
Bạn thích để ý và ghi nhớ nhiều thông tin chi tiết từ các sự kiện bên ngoài X
Bạn không hay nghĩ đến tương lai, chỉ tập trung chính vào việc tận hưởng hiện tại
X
Bạn thích những giải pháp cụ thể và thực tế cho các vấn đề hơn là những giải pháp sáng tạo
X
Bạn thích kinh nghiệm và thực tiễn hơn trí tưởng tượng
X
Bạn có xu hướng suy nghĩ theo dạng như "nó là cái gì" hơn "nó có thể là cái gì?"
X
Bạn là "S" hay "N"?
S
TF
Khi ra quyết định, bạn có suy nghĩ kỹ càng theo các nguyên tắc logic và dựa trên các dữ kiện chứ ít khi quan tâm đến cảm xúc của người xung quanh
X
Mọi người thường nhìn nhận bạn như một người khách quan công bằng
X
Khi cho rằng cái gì đó là sự thật, bạn sẽ nói thẳng ra mà không quan tâm nhiều đến việc hành động đó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa bạn và những người khác
X
Bạn yêu thích thảo luận và tranh luận về các chủ đề dù rằng đôi khi những tranh luận này có thể trở nên gay gắt
X
Mọi người nghĩ rằng bạn là người khép kín
X
Bạn là "T" hay "F"?
T
J P
Bạn luôn lên kế hoạch rõ ràng cho mọi thứ
X
Bạn tôn trọng và luôn cố gắng đúng giờ trong các cuộc hẹn
X
Bạn có danh sách cụ thể những việc cần làm và tuân theo những danh sách đó một cách có kỷ luật
X
Bạn không thích những gì mang tính ngẫu hứng
X
Bạn có xu hướng chốt vấn đề và ra quyết định chứ không để mở những lựa chọn
X
Bạn là "J" hay "P"?
J
Mẫu MBTI® của tôi là: ESTJ
III. Kết quả trắc nghiệm
1. ISTJ
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ISTJ là người độc lập, khép kín và có trách nhiệm. Họ ít khi nói trước nghĩ sau và rất cẩn trọng với những kinh nghiệm mới. Họ là người khép kín, cần nhiều thời gian để ai đó làm quen với mình và để mình chia sẻ những thông tin bản thân cho người kia. ISTJ thường dành nhiều thời gian một mình hoặc cùng một nhóm nhỏ những người bạn thân. Mẫu người này yêu thích việc nghiên cứu, tìm hiểu sâu vấn đề và tham gia vào những hoạt động mang tính thể chất.
ISTJ giỏi trong việc thu nhận các dữ kiện và thường có khả năng ghi nhớ rất nhiều dữ kiện một cách chi tiết. ISTJ còn là người cẩn thận với tiền bạc. ISTJ là người sống thực tế, thường không thích những ý tưởng hay phương pháp mới trừ khi xác định được rằng có những chứng cứ vững chắc chứng minh tính hữu ích của ý tưởng hay phương pháp đó. Mọi người thường nhìn nhận ISTJ như kiểu người lễ phép và có trách nhiệm.
ISTJ còn là người logic và gọn gàng ngăn nắp. Mẫu người này có khả năng giữ bình tĩnh ngay cả trong những tình huống căng thẳng nhất. ISTJ tập trung chính vào hiện tại, tôn trọng các dữ kiện thực tế và chú ý nhiều đến các chi tiết. ISTJ tôn trọng truyền thống và các trật tự. Đây là mẫu người luôn tuân theo các quy tắc một cách nghiêm túc và ISTJ cũng mong muốn mọi người làm điều tương tự với họ. Vì yêu thích truyền thống và các trật tự, ISTJ ít khi cảm thấy hào hứng với những bất ngờ.
Là người có trách nhiệm, ISTJ tỏ ra đáng tin cậy trong công việc. Mẫu người này coi trọng thời hạn công việc và làm việc độc lập. ISTJ làm tốt nhất những công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ, khả năng xử lý dữ kiện bằng tư duy logic. ISTJ là mẫu người trầm lặng, yêu thích cuộc sống thanh bình và không gian riêng. Vì không giỏi trong đoán biết cảm xúc của người khác và yêu thích dữ kiện cũng như tư duy logic, ISTJ thích hợp làm những công việc thiên về “kỹ thuật” hơn so với những công việc đòi hỏi nhiều hoạt động giao tiếp với môi trường xung quanh.
Tính cách đặc trưng:
Trầm lặng, nghiêm túc và khép kín.
Thích ở và làm việc một mình.
Cần nhiều không gian riêng tư để suy nghĩ.
Thích cuộc sống bình lặng.
Yêu thích lịch sử, truyền thống và trung thành.
Yêu thích dữ kiện và làm việc logic (ví dụ như giải các bài tập toán).
Không thích lý thuyết trừ khi có ứng dụng cụ thể nào đó từ lý thuyết. Kiên trì trong công việc.
Không giỏi đoán biết cảm xúc của người khác.
Thích sắp xếp mọi thứ ngăn nắp.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ISTJ là:
Kế toán - kiểm toán
Quản trị kinh doanh
Đầu bếp
Nông dân
Cảnh sát – công an
Giáo viên các môn thực hành: thể dục dụng cụ, dạy nghề…
Bảo vệ
Kỹ sư điện
Bác sĩ
Nha sĩ
Lập trình viên CNTT
Luật sư
Thẩm phán
Kỹ thuật viên
Chuyên viên tài chính
Thủ thư
Kỹ sư cơ khí
Nhà nghiên cứu khoa học
Những ISTJ nổi tiếng:
Arthur Wellington, George Washington, Dwight D. Eisenhover, Warren Buffet, Sigmund Freud, Hillary Clinton, Richard Nixon.
2. ISFJ
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ISFJ là mẫu người trầm lặng, có trách nhiệm và rất quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Mẫu người này trông có vẻ rất khép kín và lạnh lùng nhưng khi đã quen rồi thì họ rất quan tâm và trung thành với bạn. Vì đặc tính hướng nội trong tính cách của mình, ISFJ rất e dè khi tham gia những hoạt động xã hội mới, đồng thời cũng không hăng hái trong việc thử nghiệm những ý tưởng mới.
Bên cạnh những đặc điểm tính cách chính đã nêu trên, ISFJ còn là người nhạy cảm, chu đáo và tôn trọng người khác. Mẫu người này có xu hướng tránh né xung đột vì chúng khiến họ cảm thấy không thoải mái.
ISFJ làm việc rất nghiêm túc và thường tuân thủ chặt chẽ những quy tắc trong công việc. Vì mang trong người đặc tính thụ cảm, ISFJ rất hay chú ý đến những thông tin mang tính chi tiết về môi trường xung quanh. ISFJ cũng là người cẩn thận với tiền bạc. Bên cạnh đó, vì là mẫu người sống nội tâm, ISFJ lưu trữ và xử lý một lượng lớn những thông tin này bên trong. Mẫu người này thường sống cùng hiện tại, tôn trọng những kinh nghiệm và truyền thống.
Quá trình ra quyết định của ISFJ dựa trên nhiều thông tin, kinh nghiệm và quá trình xử lý bên trong tốn nhiều công sức, do đó một khi đã ra quyết định, ISFJ có xu hướng cứng nhắc với quyết định của mình. Chính vì thế, ISFJ không thích những thay đổi bất ngờ và những hoạt động mang tính rủi ro.
ISFJ yêu thích làm việc, hợp tác cùng mọi người. Mẫu người này có kỹ năng làm việc với con người rất tốt nhờ vào đặc điểm quan tâm đến cảm xúc của mọi người. Do đó, ISFJ phù hợp với những nghề nghiệp tiếp xúc với con người nhiều, chẳng hạn các ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, khiếu thẩm mỹ của ISFJ giúp mẫu người này phù hợp với những công việc mang tính nghệ thuật.
Tính cách đặc trưng:
Trầm lặng, tử tế, quan tâm và thân thiện.
Cần nhiều không gian riêng tư để suy nghĩ.
Thích cuộc sống bình lặng.
Yêu thích lịch sử, truyền thống và trung thành.
Thực tế và không thích các lý thuyết trừu tượng.
Kiên trì trong công việc.
Có khiếu thẩm mỹ.
Rất quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh.
Cố gắng sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và hòa hợp.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ISFJ là:
Kế toán - kiểm toán
Diễn viên
Nhà thiết kế thời trang
Chuyên gia kinh tế
Biên tập viên
Y tá
Thủ thư
Nhân viên hoạt động xã hội
Huấn luyện viên
Nhà văn
Nhà tâm lý học
Chuyên viên nhân sự
Chuyên viên phân tích kinh tế
Đại diện dịch vụ khách hàng
Chuyên gia dinh dưỡng
Nha sĩ
Quản lý giáo dục
Thợ cắt tóc
Chủ khách sạn nhỏ
Quản lý nhà hàng
Giáo viên các cấp
Những ISFJ nổi tiếng:
Jimmy Carter, Mẹ Teresa, Bruce Willis, Tiger Woods.
3. INFJ
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
INFJ là mẫu người nhiều kiến thức, sáng tạo, nhiều đam mê và nhạy cảm. Vì có khả năng đặc biệt trong việc thấu hiểu những người xung quanh, họ được nhìn nhận là mẫu người biết cách quan tâm và giỏi cư xử. Do đó, INFJ thường rất được lòng mọi người.
Là người hướng nội thiên về trực giác, INFJ xử lý thông tin bên trong và giỏi trong việc nhận ra những mô hình cũng như ý nghĩa ẩn chứa bên dưới các thông tin. Bên cạnh đó, INFJ thường khá trầm lặng. Thường cần nhiều thời gian để ai đó làm quen với INFJ và để INFJ tìm hiểu kỹ người đó. INFJ thường chơi chung với một nhóm nhỏ những bạn bè thân thiết và thường rất ngần ngại trong việc phát triển những mối quan hệ mới. Do chỉ chia sẻ hiểu biết của mình với những người thân thiết nên mẫu người này thường được nhìn nhận như một người bí ẩn và khép kín.
INFJ thường là những người bạn tốt và cũng mong muốn có những tình bạn tốt, do đó họ rất ghét sự thiếu chân thành hay giả tạo. INFJ quan tâm kỹ đến nhu cầu của bạn bè xung quanh và thường dành nhiều thời gian để “chăm sóc” bạn bè mình. Cộng với kiến thức bản thân, tính cách quan tâm của INFJ khiến mẫu người này thường được mọi người tìm đến xin lời khuyên.
INFJ có một hệ thống giá trị và cần cảm nhận công việc mình làm đi theo hệ thống giá trị đó. INFJ rất thích thú với tương lai và những khả năng. Vì sở hữu một hệ thống giá trị, quan tâm và giỏi cư xử với những người xung quanh cũng như có tầm nhìn trực giác tốt về tương lai, INFJ thường phù hợp và có xu hướng trở thành những nhà lãnh đạo chứ không phải nhân viên. Phong cách lãnh đạo của INFJ thường là theo lối thuyết phục, tạo cảm hứng cho những người xung quanh.
Tính cách đặc trưng:
Sáng tạo, đam mê và nhạy cảm.
Có tầm nhìn trực giác tốt về tương lai.
Thích đưa ra và đi theo các nguyên tắc.
Quan tâm và tinh tế trong giao tiếp với người khác.
Không thích xử lý các chi tiết phức tạp, có xu hướng nhìn tổng quan vấn đề. Có hệ thống giá trị riêng rất mạnh mẽ.
Những nghề nghiệp phù hợp cho INFJ là:
Nhà hoạt động tôn giáo
Giáo viên
Nhà tâm lý học
Thủ thư
Quản trị nhân sự
Huấn luyện viên
Nhà văn, nhà thơ
Nhà kinh doanh
Chuyên viên tư vấn
Nhiếp ảnh gia
Nhạc sĩ/ nghệ sĩ
Kiến trúc sư
Biên tập viên
Quan tòa, thẩm phán
Nhà nghiên cứu
Những INFJ nổi tiếng:
Plato, Carl Gustav Jung, Mahatma Gandhi, Thomas Jefferson, Adolf Hitler, Kofi Annan. 4. INTJ
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
INTJ là mẫu người sống nội tâm, yêu thích kiến thức và sáng tạo. Mẫu người này luôn muốn mọi thứ hoàn hảo, luôn tìm cách cải tiến hiện tại dựa trên những khả năng và cơ hội mới. Hiếm khi nào INTJ cảm thấy hài lòng nếu chưa tìm ra những lý giải logic đầy đủ cho một vấn đề nào đó. INTJ thích thú với việc nghiên cứu những hệ thống, lý thuyết, mô hình và sử dụng chúng để đưa ra những chiến lược.
Dù là người cởi mở với những ý tưởng mới, đặc tính hướng nội khiến INTJ không thường xuyên chia sẻ thông tin và kiến thức của mình với người lạ. Thường sẽ mất nhiều thời gian cho INTJ để làm quen với ai đó cũng như để ai đó có thể biết được nhiều thứ về mẫu người này. INTJ thường chỉ chơi trong một nhóm bạn nhỏ cùng nhau chia sẻ những sở thích chung chứ ít khi ra ngoài phát triển các mối quan hệ mới.
INTJ thường quan sát thế giới, rất giỏi trong việc đưa ra và nắm bắt những ý tưởng và khái niệm mới. Ngoài ra, INTJ có thể thấy được những ý nghĩa đằng sau các ý tưởng, khái niệm mà nhiều người bình thường khác không thể thấy. INTJ thích các cấu trúc và trật tự rõ ràng, tuân thủ các quy tắc và quy trình nên họ cũng mong muốn người khác phải như thế.
Nếu chưa hiểu rõ INTJ, nhiều người sẽ cho rằng mẫu người này cứng nhắc trong suy nghĩ và hành động, nhưng thực ra biểu hiện này xuất phát từ suy nghĩ sâu sắc của INTJ. Trong thực tế, INTJ là mẫu người có khả năng quan sát, thu nhận ý kiến của người khác và thay đổi nếu cần.
Vì có tính độc lập cao và có tầm nhìn sâu rộng, INTJ thường là mẫu người lãnh đạo. Tuy vậy, vì có xu hướng sống nội tâm, INTJ thường chọn đứng đằng sau theo dõi và đưa ra những tư vấn nhiều hơn là bước lên vị trí lãnh đạo. Đa phần những người INTJ sẽ chọn nghề nghiệp khoa học hay kỹ sư.
Tính cách đặc trưng:
Tràn đầy ý tưởng và thường được thúc đẩy để theo đuổi những ý tưởng đó. Có khả năng xử lý những lý thuyết/ mô hình phức tạp.
Tính cách mang tính chiến lược cao.
Hướng tới tương lai.
Ít chú ý đến tiểu tiết, thường nhìn vào bức tranh tổng thể.
Đa nghi, hay chỉ trích, tự lập và quyết đoán.
Rất logic và thường tư duy lý trí.
Sáng tạo và mang tính cách tân.
Yêu thích trí tuệ, năng lực và kiến thức.
Thích làm việc một mình.
Những nghề nghiệp phù hợp cho INTJ là:
Nhà khoa học
Kỹ sư
Giảng viên cao đẳng, đại học
Chuyên viên chiến lược
Quản lý doanh nghiệp
Thẩm phán
Nha sĩ/ bác sĩ
Nhà tâm lý học
Kỹ sư Công nghệ thông tin
Lập trình viên máy tính
Kỹ sư thiết kế
Nhà thiết kế
Luật sư
Nhà nghiên cứu
Những INFJ nổi tiếng:
Isaac Newton, Karl Marx, John Maynard Keynes, Stephen Hawking, Vladimir Lenin, Paul Krugman, Joseph Stiglitz.
5. ISTP
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ISTP là người có nhiều kỹ năng, giỏi tư duy logic, trầm lặng và tinh ý. Vì là người hướng nội và có khả năng tư duy logic tốt, ISTP có thể quan sát thấy rất nhiều thứ nhưng ít khi chia sẻ những thành quả này với ai. Mọi người thường nhìn nhận ISTP là người khép kín vì ngay cả bạn bè thân thiết và gia đình cũng ít khi biết được cảm xúc của mẫu người này. Vì tính cách không thích giao tiếp, ISTP thường không tham gia những hoạt động xã hội mà thường dành thời gian một mình hay với một vài người bạn thân.
ISTP thường là người bình tĩnh ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Mẫu người này âm thầm quan sát tìm kiếm thông tin và dữ kiện để xử lý bằng tư duy logic của mình. ISTP là người sống hiện tại, ít có xu hướng đưa ra những cái nhìn mới hay suy nghĩ nhiều về những khả năng trong tương lai. Họ quan tâm đến cách thức vận hành của các hệ thống và máy móc, những gì “tai nghe mắt thấy” chứ ít khi hứng thú với các lý thuyết trừu tượng trừ khi thấy được những ứng dụng thực tế của chúng.
Là người cực kỳ logic, ISTP tỏ ra công tâm nên đôi khi bị nhìn nhận như người lạnh lùng, ít quan tâm đến cảm xúc của người khác. ISTP cởi mở trước những ý tưởng mới, có rất nhiều chính kiến của bản thân nhưng thường không chia sẻ với mọi người trừ khi được yêu cầu một cách hợp lý. ISTP thường ít nói nhưng sẽ nói rất nhiều với những chủ đề thuộc chuyên ngành của mình.
ISTP không thích các quy tắc, cấu trúc hay hệ thống. Mẫu người này thích khám phá những cái mới, theo đuổi cách sống đầy ngẫu hứng của mình hơn là tuân theo chỉ thị của ai đó. ISTP thích làm việc trong môi trường linh động để không bị gò bó bởi các khuôn khổ, hoặc không, ISTP nên tự làm chủ.
Tính cách đặc trưng:
Trầm lặng, quan sát, phân tích cuộc sống với sự tò mò và tính hài hước riêng. Quan tâm đến cách thức sự vật vận hành.
Giỏi trong tư duy trừu tượng nhưng không thích chúng trừ khi chúng có những ứng dụng thực tế.
Là người thích hành động và khá tự tin vào bản thân.
Có khả năng tư duy logic tốt nên có thể giải quyết tốt các vấn đề.
Mẫu người quan tâm nhiều đến kết quả.
Là người sống thực tế.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ISTP là:
Huấn luyện viên thể thao
Lập trình viên
Thám tử
Kỹ sư điện
Kỹ sư
Nhà kinh doanh
Nông dân
Thợ sửa máy
Nhà khoa học
Đại diện bán hàng
Chuyên viên phân tích kinh doanh
Phi công
Cảnh sát
Lính cứu hỏa
Chuyên viên marketing
Lái xe
Thợ mộc
Đầu bếp
Nhiếp ảnh gia
Thư ký
Những ISTP nổi tiếng:
Steve Jobs, Erwin Rommel, Dalai Lama XIV, Vladimir Putin, James Murdoch. 6. ISFP
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ISFP là mẫu người tinh ý, chu đáo và tử tế. Với những người không quen, ISFP có thể trông lạnh lùng và khép kín nhưng thực tế trong họ chứa đựng rất nhiều những cảm nhận sâu sắc. ISFP đa phần chỉ chia sẻ tâm tư tình cảm của mình với những người đã thân quen. Họ rất ân cần, chu đáo và thường đóng vai trò hỗ trợ rất tốt cho bạn bè và những người thân của mình. Dù mang đặc tính hướng nội, ISFP không hoàn toàn xa lánh những hoạt động xã hội. Tuy nhiên sau những hoạt động đó, ISFP cần một khoảng thời gian một mình để “nạp lại năng lượng”.
ISFP đặc biệt giỏi trong việc nhận biết cảm xúc của những người xung quanh và thấy được những nét đẹp và cái tốt mà những người khác không chú ý. Mẫu người này cực kỳ giỏi lắng nghe, nhạy cảm trước những nhu cầu và cảm xúc của người khác. Sự đa cảm khiến ISFP cảm thấy bị tổn thương nặng nề khi bị ai đó chỉ trích.
ISFP thích giúp đỡ mọi người một cách âm thầm ở phía sau nên không có nhu cầu phải trở thành nhà lãnh đạo hay quản lý ai cả. Kết quả là ISFP có thể đóng vai trò hỗ trợ rất đáng tin cậy. Tuy nhiên mặt trái là những đóng góp của ISFP đôi khi bị mọi người bỏ qua.
ISFP là người có khiếu nghệ thuật và yêu thích những gì mang tính nghệ sĩ. Vì thường âm thầm quan sát, ISFP có thể ghi nhận lại một cách chính xác những câu chuyện trong quá khứ. ISFP ghét việc khiến ai đó phải thất vọng và rất nhanh tha thứ những lỗi lầm của người khác.
ISFP cần một sự nghiệp hơn một công việc. Mẫu người này cần một sự nghiệp phù hợp với giá trị con người bên trong của mình. ISFP cần nhiều khoảng không gian và tự do để hoạt động vì họ không thích bị ràng buộc vào những khuôn khổ. Họ là kiểu người thích tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Vì ISFP có khả năng cảm nhận được cảm xúc của những người xung quanh, mẫu người này có xu hướng giúp đỡ mọi người. ISFP thường trở thành giáo viên, nhà tư vấn hay nghệ sĩ.
Tính cách đặc trưng:
Trầm lặng, nhạy cảm, tử tế và khiêm nhường khi nói về khả năng của bản thân. Không thích lãnh đạo nhưng sẽ là một người phục vụ trung thành.
Thường chậm chạp trong việc giải quyết công việc vì muốn tận hưởng những khoảnh khắc trong cuộc sống.
Đặc biệt thích trẻ em và động vật.
Có năng khiếu nghệ thuật.
Có khiếu làm ngành dịch vụ, thích giúp đỡ mọi người.
Không thích bị ràng buộc vào các khuôn khổ và lịch trình.
Là người độc đáo khác thường so với những người khác.
Không thích tư duy trừu tượng và lý thuyết trừ khi thấy được ứng dụng của chúng.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ISFP là:
Nghệ sĩ
Nhạc sĩ
Họa sĩ
Giáo viên
Nhà tâm lý
Bác sĩ nhi khoa
Nhân viên hoạt động xã hội
Nhà thiết kế
Y tá
Chuyên viên đào tạo
Nhà văn
Biên tập viên
Đầu bếp
Thủ thư
Chuyên viên thẩm mỹ
Vũ công
Những ISFP nổi tiếng: Ulysses S. Grant, David Beckham, Brad Pitt, Michael Jackson, Paul McCartney, Công nương Diana.
7. INFP
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những
mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
INFP là mẫu người rất đặc biệt và rất hiếm. Do đặc tính hướng nội, INFP có vẻ khép kín và trầm lặng. Mẫu người này chỉ chia sẻ nhiều với những người đã quen thân. Thường sẽ mất nhiều thời gian để INFP tin tưởng và trở nên cởi mở với ai đó, nhưng một khi đã quen biết thì INFP thường là người bạn trung thành, tận tâm và rất tình cảm.
INFP coi trọng giá trị bản thân. Với INFP, sẽ không có chuyện đàm phán một khi các khả năng bên ngoài đi ngược lại với những giá trị quan trọng của bản thân họ. INFP có những cảm xúc nội tại rất phức tạp và luôn muốn gắn liền cuộc sống của mình với những cảm xúc đó.
INFP là mẫu người tích cực, sáng tạo, hướng tới tương lai và luôn tìm kiếm những cơ hội mới. Họ quan tâm đến việc tìm cách giúp đỡ những người khác phát triển bản thân. Vì là mẫu người trực giác, INFP dễ dàng chắt lọc để nhận biết được những mối quan hệ sâu sắc giữa người với người từ các thông tin quan sát được. INFP rất giỏi trong việc lắng nghe và thường đóng vai trò âm thầm hỗ trợ hơn là bước lên phía trước để trở thành lãnh đạo. Nhờ vào khả năng tiếp nhận thông tin sâu sắc, INFP rất nhạy bén trong việc tìm ra những cơ hội phát triển bản thân cũng như phát triển những người xung quanh.
Cũng như ISFP, INFP cần một sự nghiệp hơn một công việc. Mẫu người này đặc biệt và nhạy cảm. Họ thích làm gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống. Ngoài ra, INFP có một hệ thống giá trị mạnh mẽ và họ có xu hướng chọn những sự nghiệp phản ánh hệ thống giá trị đó. INFP cảm thấy bị gò bó và gặp khó khăn trong những công việc có cấu trúc và quy tắc không đi theo hệ thống giá trị của mình.
Tính cách đặc trưng:
Đầy nhiệt huyết và lòng trung thành nhưng giữ trong lòng.
Hứng thú giao tiếp với những người xung quanh.
Hướng tới tương lai.
Sáng tạo và truyền cảm hứng.
Không thích làm công việc lặp đi lặp lại và quá chi tiết.
Nhạy cảm và phức tạp.
Phong cách sống “không lối mòn”.
Thích làm việc một mình và gặp khó khăn khi làm việc nhóm.
Coi trọng những mối quan hệ sâu sắc và chân thật.
Những nghề nghiệp phù hợp cho INFP là:
Nhà văn
Nhà hoạt động xã hội
Nhà tâm lý học
Nhạc sĩ
Giáo viên
Nhiếp ảnh gia
Biên tập viên
Nhà báo
Nhà nghiên cứu
Nhà sản xuất phim
Nhà thiết kế
Doanh nhân
Thủ thư
Những INFP nổi tiếng:
John Kerry, Jean-Jacques Rousseau, J. K. Rowling, John Milton, Kurt Cobain, John Lennon, Johnny Depp, Vicent van Gogh.
7. INTP
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
INTP là người độc lập, tò mò và sáng tạo. INTP cần nhiều thời gian riêng để suy nghĩ về các chủ đề mà mình quan tâm. Do đặc tính hướng nội, thường mất nhiều thời gian để INTP làm quen với ai đó mới và để người đó biết được nhiều điều về INTP. Mẫu người này thường chơi chung với một nhóm bạn thân và ít khi ra ngoài phát triển những mối quan hệ xã hội.
INTP có khả năng đặc biệt trong việc phát triển và phân tích các lý thuyết và mô hình. INTP có nhiều kiến thức và tư duy sáng tạo, do đó có thể nhanh chóng nắm bắt được những khái niệm phức tạp. Bên cạnh đó, INTP còn thích thú với việc sử dụng trí tuệ của mình để tìm ra những giải pháp sáng tạo “ít giống ai” cho các vấn đề.
Là người hướng tới tương lai, INTP rất cởi mở trước những cơ hội và khả năng mới. Mẫu người này cực kỳ yêu thích cách giải quyết vấn đề bằng logic và phân tích. Họ thường dành nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề và thường rất cẩn thận trong việc rút ra một kết luận nếu chưa phân tích kỹ càng. INTP là mẫu người bình tĩnh trong hầu hết mọi hoàn cảnh và hiếm khi bị tác động bởi những người xung quanh. INTP luôn tìm cách khiến bản thân mình giỏi hơn chứ không phải làm hài lòng mọi người.
INTP là người có khả năng làm việc độc lập, không thích lối mòn và không thích bị ràng buộc bởi khuôn khổ. INTP không đặt truyền thống và những kinh nghiệm cũ lên hàng đầu. Mẫu người này có cách thức suy nghĩ rất độc đáo trong việc phân tích các ý tưởng. INTP có thể thường xuyên cảm thấy nhàm chán và ghét sự lặp lại. Rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới mang đặc tính của mẫu INTP.
Vì là người logic và luôn hướng đến việc giải quyết vấn đề, INTP không chấp nhận những ý
kiến nặng về cảm xúc và sự hiệu quả trong công việc. INTP sẽ phù hợp với những nghề nghiệp cho phép họ có được không gian để phân tích những lý thuyết phức tạp và yêu thích những môi trường làm việc đánh giá cao trí thông minh.
Tính cách đặc trưng:
Trầm lặng và khép kín.
Thích các lý thuyết khoa học.
Yêu thích giải quyết vấn đề bằng logic và phân tích.
Quan tâm đến ý tưởng chính chứ không để ý tiểu tiết.
Làm việc tốt nhất khi có một mình, thích tự thân vận động.
Sáng tạo và đầy tri thức.
Hướng tới tương lai.
Tin vào ý kiến và nhận xét của bản thân hơn so với người khác.
Sống nội tâm, thiếu giao tiếp và gắn kết với những người bên ngoài.
Không thích thú với việc lãnh đạo hay phục tùng.
Tự do và độc đáo.
Những nghề nghiệp phù hợp cho INTP là:
Nhà khoa học
Nhiếp ảnh gia
Kỹ sư
Nhà toán học
Sử gia
Nhà sáng chế
Triết gia
Chuyên gia kế hoạch chiến lược
Giáo sư
Lập trình viên
Nhà kinh tế
Thẩm phán
Nhà nghiên cứu
Những INTP nổi tiếng:
Rene Descartes, Albert Einstein, Abraham Lincoln, Charles Darwin, Marie Curie, Adam Smith, Milton Friedman.
9. ESTP
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ESTP là mẫu người có tính cách mạo hiểm, cởi mở, thân thiện và logic. Là mẫu người hướng ngoại, ESTP rất yêu thích tiếp xúc với mọi người và khá cuốn hút trong phong cách giao tiếp của mình. Vì thế, ESTP thường có rất nhiều bạn bè.
ESTP thích những công việc “mắt thấy tai nghe” hơn là những lý thuyết trừu tượng, trừ khi những lý thuyết này cho thấy ứng dụng thực tiễn nào đó. Mẫu người này còn có một điểm nổi bật nữa là khả năng quan sát tốt. Họ có thể quan sát thấy và nhận ra những chi tiết mà người khác không thấy được.
ESTP là người sống vô tư, ít lo lắng, ngẫu hứng và tận hưởng khoảnh khắc hiện tại. Mẫu người này bị cuốn hút bởi môi trường xung quanh. ESTP có khuynh hướng cạnh tranh với mọi người trong công việc. Ngoài ra, ESTP còn là người rất giỏi trong tư duy logic. Mẫu người này
thường đưa ra những quyết định thiên về lý trí và hành động rất nhanh. Đặc tính này cùng tính cách yêu thích cạnh tranh, khả năng giao tiếp tuyệt vời và luôn hướng đến những kết quả “thấy ngay” giúp ESTP trở thành một người bán hàng tuyệt vời.
ESTP không phải là người yêu thích những quy tắc và thường có xu hướng phản kháng lại những người muốn kiểm soát họ. Trong phong cách làm việc, ESTP thường bắt đầu nhiều dự án nhưng hiếm khi đi theo suốt dự án và kết thúc chúng. Vì là người không thích lý thuyết, lại thích giao tiếp, thích mạo hiểm và thấy ngay kết quả từ những hành động của mình nên ESTP
nên chọn những nghề nghiệp có nhiều giao tiếp, đòi hỏi kết quả ngay tức khắc và không mang tính lặp đi lặp lại để phát huy khả năng của mình.
Tính cách đặc trưng:
Có khả năng giải quyết vấn đề ngay tức khắc.
Sống vô tư, ít lo lắng và tận hưởng cuộc sống.
Yêu thích thể thao, cơ khí máy móc.
Linh động, có tính thích ứng cao và giỏi chịu đựng.
Không thích lý thuyết trừu tượng nếu không thấy được ở chúng những ứng dụng thực tiễn.
Giỏi cư xử với những người xung quanh.
Thích phiêu lưu mạo hiểm.
Thích bắt đầu nhưng thường không theo đến cùng.
Ít khi lên kế hoạch hành động, thường làm tới đâu hay tới đó.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ESTP là:
Kiểm toán viên
Diễn viên hài
Chuyên viên marketing
Nhân viên bán hàng
Thợ thủ công
Kỹ sư
Nhà kinh doanh
Thợ mộc
Cảnh sát
Phi công
Nhân viên an ninh
Lái xe
Bồi bàn
Phóng viên
Những ESTP nổi tiếng:
Winston Churchill, Theodore Roosevelt, George S. Patton, Alexander the Great, Donald Trump, Ernest Hemingway, David Cameron, George W. Bush.
10. ESFP
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ESFP là mẫu người cởi mở, tinh ý và thân thiện. Mẫu người này đặc biệt tò mò và cởi mở, nên họ thích tiếp xúc với nhiều người khác nhau để có những trải nghiệm mới trong cuộc sống. Là người hay nói và vui vẻ, ESFP thường khiến nơi mình có mặt luôn tươi vui và khiến những người xung quanh cảm thấy thoải mái. Vì thế ESFP có rất nhiều bạn bè và thường tận hưởng niềm vui cuộc sống với những người bạn này.
Mẫu người này sống cho hiện tại, tận hưởng những khoảnh khắc cuộc sống và ít lo nghĩ nhiều đến tương lai. ESFP yêu thích động vật, những hoạt động ngoài trời và các trò chơi thể thao. Với ESFP, mọi thứ phải “tai nghe mắt thấy”. Họ không ưa chuộng những gì quá xa vời trong tương lai hay những lý thuyết trừu tượng khó hiểu. Ngược lại ESFP giỏi nắm bắt các chi tiết về cuộc sống và con người xung quanh hơn.
Vì là người sống cho hiện tại, ESFP ít khi đủ kiên nhẫn để suy nghĩ về những khả năng hay các cơ hội trong tương lai. Bên cạnh đó, ESFP còn là người thực tế, do đó họ yêu thích những giải pháp và hành động ngay lập tức.
Là người ngẫu hứng, ESFP không thích các cấu trúc hay hệ thống cứng nhắc. ESFP rất yêu thích những gì bất ngờ. Do vậy, ESFP nên chọn nghề nghiệp có nhiều sự tự do và những cái mới. Tính cách ngẫu hứng và thích cái mới cũng khiến ESFP đôi khi thiếu tổ chức và không hoàn thành tốt công việc. ESFP sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong những công việc thường xuyên giao tiếp với nhiều người khác nhau để có những trải nghiệm và ít mang tính lý thuyết.
Tính cách đặc trưng:
Dễ tính và thích tận hưởng cuộc sống.
Tạo nhiều niềm vui cho những người xung quanh.
Nhớ các dữ kiện tốt hơn những lý thuyết trừu tượng.
Sống cho hiện tại.
Không thích bị ràng buộc bởi các kế hoạch, cấu trúc hay hệ thống.
Tính cách thực tế và ngẫu hứng.
Có kỹ năng giao tiếp tốt với những người xung quanh.
Hào hứng với những trải nghiệm mới.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ESFP là:
Nghệ sĩ
Bán hàng
Nhà thiết kế thời trang/ nội thất
Nhiếp ảnh gia
Nhạc sĩ rock & roll
Diễn viên hài
Chuyên viên marketing
Nhà kinh doanh
Nhà sản xuất phim
Hướng dẫn viên du lịch
Chuyên viên quan hệ công chúng (PR)
Những ESFP nổi tiếng:
John F. Kennedy, Bill Clinton, Richard Brandson, Howard Schultz, Larry Ellison, Steven Speilberg.
11. ENFP
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ENFP là người đa tài nên có thể đạt được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, miễn sao họ thật sự yêu thích lĩnh vực đó. Tuy nhiên, vì giỏi và yêu thích quá nhiều lĩnh vực khác nhau nên đôi khi ENFP có xu hướng bỏ ngang công việc khi không còn cảm thấy “cái hay” của công việc đó nữa.
ENFP là mẫu người cởi mở, nhiệt tình và ngẫu hứng. ENFP thích giao tiếp và gặp gỡ mọi người, do đó họ có rất nhiều mối quan hệ khác nhau ngoài xã hội. Vì là mẫu người lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, ENFP luôn tìm kiếm những thử thách, ý tưởng và cơ hội mới cho bản thân. Mẫu người này cảm thấy rất thích thú trước những cái mới và không ngừng đưa ra những ý tưởng khác nhau. Nhờ những trải nghiệm phong phú này, ENFP có khả năng giải quyết nhiều vấn đề theo những cách rất sáng tạo.
ENFP là người hài hước, giỏi ăn nói và nhiệt tình, do đó khi xuất hiện, mẫu người này thường rất lôi cuốn những người xung quanh. ENFP cũng là người nhạy cảm và hiểu lòng người. Tuy nhiên, do tính cách nhạy cảm khiến ENFP thường cảm thấy không thoải mái khi đón nhận những chỉ trích và vì thế thường bị tổn thương.
Vì là người thích cái mới, ENFP không thoải mái trước những quy tắc hay cấu trúc cứng nhắc. Ngoài ra, vì thường xuyên tò mò về những điều mới lạ trong cuộc sống, ENFP có thể bị
mất tập trung cũng như mất đi sự hứng thú cho công việc hiện tại. ENFP nhiều khi gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định vì tất cả mọi lựa chọn dường như đều có gì đó khá hay ho với họ.
ENFP nên làm những công việc mang tính sáng tạo, tiếp xúc với nhiều người và luôn có điều gì đó mới lạ trong công việc để mẫu người này không bị xao lãng vào những việc ngoài luồng khác. Đặc biệt nên tránh những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại - cái sẽ khiến ENFP nhanh chóng cảm thấy buồn chán.
Tính cách đặc trưng:
Nhiệt tình, sáng tạo, lôi cuốn và khéo léo.
Giỏi trong việc đưa ra giải pháp.
Luôn nghĩ đến tương lai.
Sẵn sàng giúp đỡ mọi người giải quyết các vấn đề.
Thường sử dụng trực giác để đánh giá và giải quyết vấn đề.
Không thích làm những công việc lặp đi lặp lại.
Cần nhận được sự coi trọng của những người xung quanh để phát huy khả năng. Những nghề nghiệp phù hợp cho ENFP là:
Tư vấn viên
Nhà tâm lý học
Nhà kinh doanh
Diễn viên
Lập trình viên
Nhà khoa học
Nhà báo
Chính trị gia
Kỹ sư
Nghệ sĩ
Luật sư
Nhà nghiên cứu
Nhà văn
Chuyên viên PR
Chuyên viên marketing
Nhân viên ngân hàng
Những ENFP nổi tiếng:
Oscar Wilde, Mark Twain, Walt Disney, Fidel Castro, Che Guevara.
12. ENTP
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ENTP là mẫu người cởi mở, sáng tạo, tự tin, logic và ngẫu hứng. Vì là tuýp người hướng ngoại điển hình và yêu thích giao tiếp kết bạn, mẫu người này rất dễ gần, do đó có rất nhiều bạn bè và người quen. ENTP thích trở thành tâm điểm chú ý của mọi người và thường khiến những người xung quanh cảm thấy thú vị bằng sự thông minh và dí dỏm của mình.
Một đặc điểm nổi bật khác của ENTP là tư duy logic. ENTP là người duy lý trí và khách quan. Những đặc tính này thể hiện tốt nhất khi ENTP thực hiện những công việc phải giải quyết các vấn đề phức tạp. ENTP thích thú với việc sử dụng trí thông minh của mình để khám phá những lý giải về cách thức vận hành của thế giới.
Vì là người tư duy logic, ENTP rất xem trọng sự chính xác trong ngôn ngữ, lập luận và phân tích. Mẫu người này rất thích tranh luận vì họ xem tranh luận là hoạt động cốt lõi để tìm kiếm những giải pháp tốt hơn và gia tăng trí tuệ bản thân. Tuy nhiên, chính vì đặc điểm này mà
ENTP đôi khi bị nhìn nhận là người thích tranh cãi.
ENTP rất hào hứng trước những cái mới. Mẫu người này có khả năng nhanh chóng nắm bắt được những lý thuyết và tư duy mới. Bên cạnh đó, ENTP còn có khả năng hòa nhập rất tốt vào môi trường mới và có khả năng thấy được những khả năng mà người thường không thấy được. Nhờ những khả năng này, ENTP giỏi trong việc giải quyết vấn đề và luôn tìm kiếm những phương pháp mới để cải thiện “thực trạng hiện tại”. Đặc điểm này có mặt trái là ENTP giỏi bắt đầu với những ý tưởng mới tuyệt vời nhưng lại không đủ kiên nhẫn để làm tới cùng.
ENTP là người giỏi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mẫu người này có thể làm tốt hầu như bất cứ thứ gì họ cảm thấy thích thú. Vì đặc tính ngẫu hứng của mình, ENTP cần được làm việc trong những môi trường linh động - nơi họ có nhiều khoảng trống để tự do vùng vẫy. Ngoài ra, vì là người rất coi trọng trí tuệ, ENTP thích làm việc trong môi trường có những con người thông minh.
Tính cách đặc trưng:
Thông minh và có năng lực.
Linh hoạt và phong phú.
Tư duy logic.
Không thích những công việc chi tiết mang tính lặp lại.
Có khả năng thấu hiểu các lý thuyết và khái niệm.
Sáng tạo.
Có kỹ năng cá nhân tốt.
Thích giao tiếp với người khác.
Yêu thích kiến thức.
Không thích bị kiểm soát bởi người khác.
Nhiệt tình và tràn đầy năng lượng.
Thích thú với việc đưa ra những ý tưởng và lý thuyết mới.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ENFP là:
Diễn viên
Kỹ sư
Nhà kinh doanh
Nhà báo
Thẩm phán
Nhạc sĩ
Chuyên viên marketing
Nhà văn
Nhà khoa học
Nhà tâm lý học
Chính trị gia
Chuyên viên tư vấn
Lập trình viên
Nhà thiết kế
Đại diện bán hàng
Nhiếp ảnh gia
Đạo diễn/ nhà sản xuất phim
Chuyên viên quan hệ công chúng (PR)
Những ENTP nổi tiếng:
Socrates, Leonardo da Vinci, Benjamin Franklin, Niccolo Machiavelli, Edmund Burke, John von Neuman, Henry Kissinger.
13. ESTJ
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ESTJ là mẫu người logic, thực tế và quyết đoán. Vì yêu thích đa dạng các lĩnh vực, mẫu người này có thể làm rất nhiều công việc khác nhau. Đặc tính nổi bật chính của ESTJ là tính thực tế và logic. ESTJ có thể nhanh chóng phát hiện ra những lỗi trong lập luận hay sự thiếu hiệu quả trong tư duy của những người xung quanh. Bên cạnh đó, tính cách của ESTJ lại thẳng thắn, do đó đôi khi khiến người xung quanh cảm thấy không thoải mái.
ESTJ giỏi về phân tích và yêu thích công việc thu thập những dữ kiện thông tin để đưa vào phân tích. ESTJ còn là người coi trọng kết quả nên khá phù hợp với vị trí quản lý. Tuy nhiên cũng vì tính cách này, đôi khi ESTJ bị nhìn nhận là kiểm soát mọi người quá chặt chẽ.
Mẫu người này đa tài và luôn mong muốn trở thành lãnh đạo. ESTJ tôn trọng các cấu trúc, hệ thống và mong muốn mọi người cũng phải hành động như thế. ESTJ phù hợp nhất với những công việc thiết kế hay phân tích các hệ thống và cấu trúc.
Tính cách đặc trưng:
Thực tế với tố chất làm kinh doanh và máy móc bẩm sinh.
Không quan tâm đến những chủ đề không có tính ứng dụng.
Thích tổ chức và tham gia các hoạt động.
Có tố chất lãnh đạo bẩm sinh.
Làm việc chăm chỉ và đáng tin cậy.
Ghét sự thiếu hiệu quả và lười biếng trong công việc.
Thích thiết kế các hệ thống và cấu trúc.
Thẳng tính và thật thà.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ESTJ là:
Lãnh đạo quân đội
Cảnh sát
Giám đốc doanh nghiệp
Giáo viên
Bán hàng
Chuyên viên tài chính
Thẩm phán
Nhân viên ngân hàng
Nhà nghiên cứu
Nhà văn
Kỹ sư
Biên tập viên
Kế toán - kiểm toán
Chuyên viên kinh tế
Quản lý: cửa hàng bán lẻ, dự án, nhà hàng, ngân hàng, chính phủ
Những ESTJ nổi tiếng:
Henry Ford, Bernard Montgomery, Agusto Pinochet, Bill O’Reilly.
14. ESFJ
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ESFJ là một người nhiệt tình, thân thiện và thích giao tiếp. Vì đặc tính hướng ngoại rõ ràng của mình, ESFJ rất thích giao tiếp và có nhiều bạn bè. ESFJ cảm thấy thoải mái và có xu hướng nói ra những suy nghĩ và cảm xúc của mình với bạn bè và gia đình. ESFJ đồng cảm và quan tâm đến những người xung quanh, vì thế mẫu người này thường tình nguyện giúp đỡ mọi người.
ESFJ yêu thích sự hòa hợp trong cuộc sống. Họ có thể nhanh chóng nhận biết nhu cầu của mọi người và “đánh hơi” được đâu là vấn đề cần giải quyết. ESFJ rất tinh ý, luôn ghi nhận những thông tin cá nhân của mọi người xung quanh và cho ra những phản hồi tích cực cũng như những lời khen.
Hầu hết thời gian, ESFJ cố gắng khiến những người xung quanh cảm thấy thoải mái và hài lòng, vì thế mối quan hệ luôn là ưu tiên đầu tiên của ESFJ chứ không phải hiệu quả công việc. Tính đa cảm cũng có mặt trái của nó, ESFJ thường đón nhận các chỉ trích một cách chủ quan và thường né tránh chúng vì mẫu người này đôi khi không thể diễn đạt được bản thân mình.
ESFJ tôn trọng truyền thống, kinh nghiệm và yêu thích những khoảnh khắc hiện tại. Bên cạnh đó, mẫu người này yêu thích những gì mang tính thực tế “mắt thấy tai nghe”, những hoạt động mang tính thể chất hơn những ý tưởng và lý thuyết trừu tượng.
Là mẫu người tuân thủ các cấu trúc và quy tắc, ESFJ luôn cố gắng chuẩn bị mọi thứ chu đáo trước. Đặc tính này cộng với tính ngăn nắp gọn gàng giúp ESFJ có khả năng rất tốt trong việc sắp xếp tổ chức. Và vì là người giỏi tiếp xúc với những người xung quanh, ESFJ đạt được hiệu quả cao trong việc sắp xếp tổ chức công tác nhân sự. Mặt trái ở đây là ESFJ đôi khi gặp khó khăn trong việc ứng biến trước những thay đổi tình huống. Theo đó, ESFJ sẽ làm tốt nhất những công việc mang tính tổ chức sắp xếp và hạnh phúc nhất khi làm những công việc mang tính giúp đỡ mọi người.
Tính cách đặc trưng:
Giàu lòng nhân ái và cảm thông.
Thích nói chuyện và trung thành.
Thích giao tiếp với mọi người.
Cần sự hòa hợp trong cuộc sống.
Thích giúp đỡ người khác và làm tốt những công việc có ích cho xã hội. Thực tế và sống thiên về hiện tại.
Có thể làm được những công việc mang tính lặp đi lặp lại.
Tính tình ngăn nắp gọn gàng.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ESFJ là:
Giáo viên
Y tá
Trông trẻ
Tư vấn
Kế toán
Nhân viên hành chính
Quản lý văn phòng, khách sạn, nhà hàng
Lễ tân
Nhân viên hoạt động xã hội
Quản trị nhân sự
Đầu bếp
Huấn luyện viên thể dục thẩm mỹ
Đại diện dịch vụ khách hàng
Thư ký
Thợ làm đầu
Kinh doanh nhỏ, cửa hàng bán lẻ
Những ESFJ nổi tiếng:
Colin Powell, Harry S. Truman, Gerald Ford, Sam Walton, Andrew Carnegie, Larry King. 15. ENFJ
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ENFJ là kiểu người cởi mở, nhiệt tình và thích giao tiếp. Mẫu người này dễ dàng kết bạn với những người khác và thường được nhiều người biết đến vì sự nhiệt tình và tính cách vui vẻ của mình. ENFJ quan tâm đến gia đình và bạn bè, thể hiện những tình cảm của mình ra bên ngoài thông qua các hành động và lời nói.
ENFJ rất giỏi “đánh hơi” cảm xúc của người khác. Mẫu người này thường tránh né các tình huống đối kháng vì nó khiến họ không cảm thấy thoải mái. Vì lý do đó, họ luôn tìm kiếm sự hòa hợp và đôi khi bỏ qua sự thật để đạt được mục đích có được sự hòa hợp của mình. Cũng chính vì yêu thích sự hòa hợp và ghét những tình huống đối kháng, họ thường đón nhận những lời nhận xét một cách tiêu cực.
Là người sáng tạo và giàu tưởng tượng, ENFJ thích theo đuổi việc học, mộng mơ giữa ban ngày và khiến mọi người vui vẻ bằng tài năng nghệ thuật của mình. ENFJ là người nhanh trí, giỏi sắp xếp, do đó họ có khả năng kết hợp các ý tưởng và khái niệm lại với nhau nhanh chóng. ENFJ là mẫu người thích lãnh đạo và thường có khả năng lập kế hoạch tốt.
Vì có tính cách linh hoạt, ENFJ có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp. ENFJ làm việc hiệu quả trong những công việc giúp đỡ người khác. Bên cạnh đó, môi trường làm việc cần đủ thử thách để khiến ENFJ cảm thấy hứng thú với công việc.
Tính cách đặc trưng:
Người có trách nhiệm.
Thích giao tiếp và cảm thông.
Quan tâm đến những cảm xúc và suy nghĩ của người khác.
Không thích tư duy chủ quan.
Trung thành và chân thật.
Có kỹ năng giao tiếp tốt.
Coi trọng sự hòa hợp và giỏi trong việc tạo ra sự hòa hợp.
Thích giúp đỡ mọi người.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ENFJ là:
Tư vấn viên
Nhà tâm lý học
Nhà hoạt động xã hội
Quản trị nhân sự
Nhà văn
Chính trị gia
Giám đốc
Bán hàng
Giáo viên
Kế toán - kiểm toán
Diễn viên
Kỹ sư
Nhạc sĩ
Y tá
Nhà khoa học
Nhà thiết kế
Chuyên viên quan hệ công chúng (PR)
Những ENFJ nổi tiếng:
Martin Luther King Jr., Nelson Mandela, Mikhail Gobachev, Ronald Reagan, John Paul II, Tony Blair, Yasser Arafat.
16. ENTJ
Giới thiệu:
Đây là kết quả của bài trắc nghiệm dựa trên MBTI®. Kết quả dưới đây hướng đến những mục tiêu sau:
Giúp bạn hiểu hơn về tính cách của bản thân mình.
Xác định những nghề nghiệp tiềm năng phù hợp
Là nguồn tham khảo cho những trắc nghiệm tính cách khác mà bạn có thể thực hiện trong tương lai để theo dõi sự thay đổi trong tính cách bản thân.
ENTJ là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, mẫu người logic, quyết đoán, tự tin, giàu nhiệt huyết và có đầu óc tổ chức. Các nhà lãnh đạo thể hiện khá rõ tính cách đặc thù này. ENTJ rất tự tin vào bản thân và thẳng thắn phát biểu những ý kiến cá nhân. Họ có cái nhìn riêng và thường thành công trong việc thuyết phục người khác tin vào quan điểm cá nhân của mình.
Là người thích giao tiếp, ENTJ có rất nhiều bạn bè. Bên cạnh đó, ENTJ là mẫu người sáng tạo và hướng tới tương lai. Mẫu người này thường xuyên đặt câu hỏi về cách thức thế giới vận hành. ENTJ có nhiều ý tưởng mới và thích thú với việc lên kế hoạch cho tương lai. ENTJ thường
nắm bắt nhiều thông tin về thế giới và những người xung quanh. Mẫu người này thường bước lên phía trước để nắm vai trò lãnh đạo và rất tự tin trong việc tổ chức sắp xếp công việc.
Một đặc điểm nổi bật nữa của ENTJ là mẫu người này rất giỏi tư duy logic. ENTJ rất giỏi trong việc tìm ra những lỗi lập luận hay những chỗ chưa hiệu quả trong cách thức làm việc của người khác và thường thẳng thắn chỉ ra những phát hiện của mình. Phong cách giao tiếp đó của ENTJ đôi khi khiến người nghe có cảm giác bị thách thức, tuy nhiên tất cả những gì ENTJ muốn là làm tốt những gì được giao và thể hiện mình là người có năng lực.
ENTJ ưa thích những cấu trúc và hướng đến kết quả nhiều hơn các mối quan hệ. ENTJ có mong muốn cháy bỏng trở thành lãnh đạo và ít khi cam chịu phục tùng người khác. ENTJ cần được đặt vào những vị trí lãnh đạo để thể hiện khả năng của mình, đồng thời cần được làm việc chung với những người có khả năng và thông minh để luôn cảm thấy thoải mái trong công việc.
Tính cách đặc trưng:
Thẳng thắn, quả quyết và giàu nhiệt huyết.
Giỏi trong những hoạt động đòi hỏi lý luận và trí thông minh.
Thường nắm bắt nhiều thông tin.
Thích chuyển lý thuyết thành thực tế.
Có tố chất lãnh đạo bẩm sinh.
Tự tin, đôi khi tự tin thái quá.
Thích mọi thứ ngăn nắp trật tự.
Thiếu kiên nhẫn với sự kém hiệu quả và lười biếng.
Tư duy hướng tới tương lai.
Giỏi nói chuyện.
Những nghề nghiệp phù hợp cho ENTJ là:
Giám đốc doanh nghiệp
Giảng viên đại học
Thẩm phán
Nhà kinh doanh
Nhà khoa học
Luật sư
Nhân viên ngân hàng
Chính trị gia
Những ENTJ nổi tiếng:
Napoleon Bonaparte, Julius Ceasar, Margaret Thatcher, Aristotle, Bill Gates, Al Gore, Madeleine Albright, Michaeal Porter, Jack Welch, Peter Drucker.
VÍ DỤ BẢNG NGHỀ NGHIỆP
Họ và tên: Nguyễn Văn Nguyên
Mẫu MBTI®: ENTJ
Nghề nghiệp MBTI®:
Giám đốc doanh nghiệp, giảng viên đại học, thẩm phán, nhà kinh doanh, nhà khoa học, luật sư, nhân viên ngân hàng, chính trị gia.
Nghề nghiệp phù hợp:
Giám đốc doanh nghiệp, giảng viên đại học, thẩm phán, nhà kinh doanh, nhà khoa học, luật sư, nhân viên ngân hàng, chính trị gia.
Tiêu chí chọn nghề:
1. Thu nhập cao
2. Địa vị xã hội
3. Công việc không mang tính nhàm chán
4. Công việc ổn định
5. Cạnh tranh trong nghề nghiệp 3 nghề nghiệp cuối cùng: 1. Nhà kinh doanh
2. Giám đốc doanh nghiệp 3. Giảng viên đại học
Phần 3. Cuộc gặp cuối cùng: Con đường phía trước
Sau khi sử dụng bản hướng dẫn chọn nghề và xác định được 3 nghề nghiệp cuối cùng, tôi gọi điện hẹn ông bác một cuộc gặp vào thứ Ba tuần tới. Tôi muốn cảm ơn ông vì những lời khuyên và vì đã tặng tôi bản hướng dẫn chọn nghề.
Như thường lệ, tôi đến vào buổi chiều. Ông bác chào tôi và mời tôi ngồi xuống ghế. Ông mỉm cười nhìn tôi và hỏi:
“Hôm nay con đến gặp bác có chuyện gì?”
“Dạ, con muốn cảm ơn bác vì những lời khuyên và vì đã tặng con quyển hướng dẫn chọn nghề. Con thấy nó hữu ích lắm.”
“Bác mừng vì con thích nó. Vậy con có cảm thấy tự tin vào kết quả tìm thấy từ quyển hướng dẫn đó không?”
“Dạ, con rất tin vào kết quả đó. Con dự định sẽ đăng ký thi đại học những ngành liên quan đến những nghề nghiệp mà con tìm ra. Ví dụ con phù hợp làm kinh doanh thì con sẽ học quản trị kinh doanh hoặc marketing để sau này ra làm những nghề liên quan đến quản trị và kinh doanh. Nhưng con muốn hỏi bác là tại sao mình đã xác định được nghề qua bài trắc nghiệm MBTI® rồi mà còn phải có tiêu chí chọn nghề nữa hả bác, con thấy nó hơi bị trùng lặp ở chỗ đó.”
“Con có nhớ bác đã nói với con là con phải tự ra quyết định nghề nghiệp cho mình trong cuộc gặp đầu tiên không?” Ông bác hỏi lại tôi.
“Dạ có.”
“Không bài trắc nghiệm nào hiểu được bản thân và hoàn cảnh của con rõ hơn con. Những bài trắc nghiệm chỉ cho ra nghề nghiệp phù hợp với tính cách và sở thích của con chứ không xét đến hoàn cảnh. Con cần sử dụng kết quả trắc nghiệm cho mục đích tham khảo. Từ đó, dựa vào những nghề nghiệp được khuyến cáo, con hãy cân nhắc hoàn cảnh bản thân để xác định nghề nghiệp cuối cùng.” Ông bác giải thích.
“À thì ra là vậy,” tôi trả lời.
“Giờ con đã xác định được con đường cho mình. Chặng đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai và ngã rẽ, nhưng bác hy vọng con đã có bước đi đầu tiên vững chãi. Bác chúc con thành công trong việc học và có được hạnh phúc trong nghề nghiệp tương lai. Bác tặng con món quà này.” Ông đưa cho tôi một bức tranh thư pháp.
Tôi mở bức tranh ra xem. Trong tranh có dòng chữ viết:
“Chọn một công việc mà mình yêu thích và bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời.”
– Khổng Tử –
“Con cảm ơn bác rất nhiều.” Tôi cuộn bức tranh lại, đứng dậy, chào ông rồi ra về.
(1) Trích nguồn từ báo điện tử Vietnamnet ra ngày 4-5-2003. (1) Trích nguồn trên báo điện tử Vietbao.vn ra ngày 5-7-2004 (*) Mẹ Teresa là nữ tu sỹ nổi tiếng thế giới vì những việc từ thiện bà làm cho người nghèo. (*) Theo Hải Hiền (VNN) Nhà văn, học giả Nhật (1862-1913), tác giả cuốn Trà thư (The book of Tea) viết bằng tiếng Anh xuất bản lần đầu năm 1906 tại Mỹ. Mùng mười Tết năm Quý Dậu trùng hợp với ngày 4 tháng hai năm 1933. Bản dịch của Ngô Tất Tố. Hợp tác giữa Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tình hữu nghị Việt - Trung muôn đời xanh tươi (BT). Vùng Giang Nam: Chỉ vùng đất rộng lớn phía Nam Trung Hoa, từ sông Trường Giang đổ xuống. Quân Giải phóng Trung Quốc cuối những năm 1940 được phiên chế thành bốn Phương diện quân do bốn vị nguyên soái chỉ huy. Tái chéng phiên âm tiếng Trung Quốc: Tạm biệt. Quá quan này khúc Chiêu Quân Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia (Kiều - Nguyễn Du). Một tên gọi khác chỉ Indonesia (B.T). Tức Nhật Bản (B.T). .sup Truyện ngắn Khổng Ất Kỷ, bản dịch của Trương Chính. Truyện ngắn Trong quán rượu, bản dịch của Giản Chi. Đặng Thai Mai, Trên đường học tập và nghiên cứu, 1961. Đất Giang Nam: Chỉ cả miền đất phía Nam sông Dương Tử. Câu thơ Đường: Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. (Nguyên văn: Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên. Giang phong ngư hỏa đối sầu miên. Cô Tô thành ngoại Hàn San tự. Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền) trong bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế (B.T). Bản dịch của Nam Trân. Bản dịch của Khương Hữu Dụng. Khoảng 3,5 đô la Mỹ. (1) Khoảng thời gian 1127-1279 (2) Ba danh hiệu cao nhất của học vị tiến sĩ ngày xưa, bao gồm trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. (1) Yehudi Menuhin (1916 -1999), người Do Thái , một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất thế kỉ 20. (2) Tên một tác phẩm khác của Grilne Ya. (3) Tên tiếng Việt là Cuốn theo chiều gio, một tiểu thuyết tình cảm nổi tiếng thế giới của nữ văn sĩ Mĩ Margaret Mitchell(1900 - 1949). (4) Cách tính điểm trong bóng rổ: Cú ném trong vòng 3 điểm được tính 2 điểm; Cú ném ngoài vòng 3 điểm được tính 3 điểm. 1) Vùng đất rộng lớn gần như nằm trọn trong nước Nga, khí hậu rất lạnh. (1) Nghı̃a làlên núi. 2) Vương Duy (701- 761): Nhà thơ, họa sĩ, nhà viết thư pháp và một chính khách nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc). Mark Twain: nhà báo và nhà văn Mỹ (1835-1910) Trận đánh diễn ra ngày 21 tháng bảy năm 1798. Hai hôm sau, quân Napoléon tiến vào thủ đô Cairo của Ai Cập. Lịch sử quân sự Pháp gọi là Trận kim tự tháp (La bataille des Pyramides). Tương truyền chính Napoléon đã cho nã đại bác phá vỡ mặt tượng nhân sư. Vì mối quan hệ đang tốt đẹp giữa ba nước bạn bè, kí giả vờ quên chi tiết ấy, không tiện kể ra đây. Theo tin của hãng thông tấn Mĩ AP, cụ Gregorio Furentes đã qua đời tại La Habana sáng 13-01-2002, thọ 104 tuổi. (TG). Một loại cây keo. Còn có tên là cây dạ hợp. Nữ thần Artemis trong thần thoại Hi Lạp Còn có tên cỏ linh lăng, các nhà nông ta quen gọi cỏ mêđi. Yordan Yovkov (1880- 1937). Phan Quang dịch. Nxb Văn học, H.1962. Đã dịch ra tiếng Việt và tái bản nhiều lần Franz Liszt (1811-1886), nhạc sĩ thiên tài Hungari. Ông lấy cảm hứng chủ yếu từ dân ca Hung để sáng tạo nên những tác phẩm tuyệt vời. Các nhà viết lịch sử âm nhạc nhận định: ông là người mở đường cho nhiều nhạc sĩ bậc thầy thế giới thuộc thế hệ sau như Wagner, Strauss, Prokofiev, Debussy, Ravel, Stravinsky... (1) Nhân vật trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng của tác giả Tào Tuyết Cần. 1. Kobe Bryant là ngôi sao bóng rổ người Mỹ, hiện đang chơi cho đội Los Angeles Lakers và được công nhận là cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất hiện nay. 2. Corbin Bleu là diễn viên, ca sĩ, người mẫu, vũ công người Mỹ với mái tóc xù đặc biệt. Anh nổi tiếng với vai Chad Danforth trong phim
High School Musical 1, 2. 3. Debut là một thuật ngữ trong âm nhạc, ý chỉ lần đầu một ca sĩ/ nhóm nhạc xuất hiện/ biểu diễn trước công chúng. 4. Tên gọi Emo bắt nguồn từ “Emotion” là một trào lưu sống dựa theo cảm xúc. Biểu hiện của trào lưu văn hóa Emo là “tôn thờ” cảm xúc chán nản, buồn rầu, rất dễ bị tổn thương của một số người thuộc lớp trẻ hiện nay 5. Valentino Rossi (16/2/1979) là tay đua xe môtô chuyên nghiệp người Italy với biệt danh là “The Doctor”. Anh đang giữ kỷ lục 9 lần vô địch giải đấu Motor Grand Prix thế giới. (1) Một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. (1) Chỉ người con gái không có âm đạo hoặc bộ phận sinh dục không bình thường. (1) Ngôi sao cô đơn. 1\. Tứ đại danh tác: Bốn tác phẩm nổi tiếng 2\. Sở Lưu Hương là một nhân vật chính trong tác phẩm kiếm hiệp của Cổ Long. Là người đẹp trai, phong lưu, thích mạo hiểm, có tài trộm cắp, trọng tính nghĩa, coi trọng công lý, thích xen vào chuyện thiên hạ, hay ra tay can thiệp vào những việc bất công, nên lúc nào cũng được người khác 3\. Đoàn Dự là vị vua thứ 16 của Vương quốc Đại Lý từ năm 1108 đến 1147. Đây cũng là một trong ba nhân vật nam chính trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ của Kim Dung, là vương tử nước Đại Lý, dáng vẻ thư sinh, sùng đạo Phật, ghét bạo lực, thẳng thắn, nhiều khi hơi gàn… 1\. Câu này baቿt nguoቹn từ đieቻn tı́ch Khương Thái Công dùng lưỡi câu thaኃng và không có moቹi đeቻcâu cá, con cánào caቿn câu làtự muoቷn làtự muoቷn maቿc câu. Thường hay dùng đeቻvı́veቹngười voቷn bieቷt là cạm baችy, nhưng vaችn cứ đâm đaቹu vào 2\. Tên một nhân vật trong tiểu thuyết Chúc phúc của Lỗ Tấn. 1\. Phòng Huyền Linh:(579 - 648) làm chức quan Tư mã, Tể tướng và Tể phụ dưới triều vua Đường Thái Tông. Ông còn được gọi là Lương Văn Chiêu Công. Ông là chủ biên của Tấn thư - một trong hai mươi tư bộ chính sử Trung Hoa. 2\. Trình Giảo Kim: một võ tướng của Trung Quốc. Khi đánh trận chỉ đánh được ba búa một, nếu địch không thua sẽ chạy, sau đó quay lại đánh ba búa nữa, cho nên về sau, nhân vật này được dùng để chỉ những kẻ nửa đường nhảy ra phá bĩnh chuyện của người khác. 1\. Bát đồng: tên một quân mạt chược 2\. Nhất vạn: Tên một quân mạt chượcVào lúc này, bà mối trên chiến trường đang nghiền ngẫm dãy bài được xếp nghiêm chỉnh của mình, suy nghĩ xem nên đánh quân gì. 1\. Lotia: bắt nguồn từ một cuốn tiểu thuyết của Mỹ, sau này được phát triển thành một loại văn hóa hóa ở Nhật Bản. Là từ để chỉ các bé gái. 1\. Hỏa nhãn kim tinh: Đôi mắt của Tôn Ngộ Không trong Tây du ký. 1\. Tân Bạch nương tử truyền kỳ là bộ phim chuyển thể từ một trong bốn truyền thuyết dân gian nổi tiếng nhất của Trung Quốc – Truyền thuyết Bạch Xà. Bộ phim được sản xuất năm 1992 và được coi là phiên bản hay nhất trong các bộ phim chuyển thể từ Truyền thuyết Bạch Xà. 1\. Shota: một từ có nguồn gốc tiếng Nhật, chỉ vẻ mặt đáng yêu, dễ thương của một bé trai. 1\. Tiền Chung Thư (1910 – 1998): nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, nhà phiên dịch của Trung Quốc. 1\. ED: viết tắt của Erectile dysfunction, là bệnh liệt dương ở nam giới. 1\. Tên một tác phẩm khác của Mèo Lười Ngủ Ngày. 1\. Ý giống câu “Kỳ đà cản mũi” trong tiếng Việt 1\. Bát tự:(giờ, ngày, tháng, năm sinh viết theo Thiên can và Địa chi) Là một cách xem số mệnh của Trung Quốc. Người mê tín cho rằng giờ, ngày, tháng, năm con người được sinh ra đều bị Thiên can và Địa chi chi phối. Mỗi giờ, ngày, tháng, năm sinh ấy được thay bằng hai chữ, tổng cộng là tám chữ. Dựa vào tám chữ ấy, ta có thể suy đoán ra vận mệnh của một người. Theo phong tục cũ, từ khi đính hôn, hai bên nhà trai và nhà gái phải trao đổi “Bát tự thiếp” cho nhau, còn gọi là “canh thiếp” hay “bát tự”. 1\. Đêm nay là đêm nào đây?/ Mà gặp được chàng, chàng ơi/ Chàng ơi, ơi hỡi chàng ơi / Gặp chàng thiếp phải làm sao bây giờ? 2\. Trong tiếng Trung,
phát âm chữ Hạ Hà Tịch là “Xia he xi”, phát âm chữ Hạ Hạ Hỉ cũng là “Xia he xi”, chỉ khác nhau về thanh điệu. Vì vậy, nhân vật Tiểu Mộc đã đọc tên Hạ Hà Tịch thành Hạ Hạ Hỉ. (1) Nguyên gốc: Greaser, chỉ những thanh niên theo trào lưu để tóc dài vuốt keo dầu, đi mô tô và tụ tập thành băng nhóm trong những năm 1950, đầu 1960. Ở đây chúng tôi dịch là Mỡ. (2) Will Rogers (1879-1935): Diễn viên hài người Mỹ. (3) Tiểu thuyết của Charles Dickens. (6) Phim truyền hình những năm 1960 nói về vị luật sư cùng tên. (7) Tiểu thuyết của Harold Robbins. (4) Barrel race: cuộc đua tài thường dành cho nữ, trong đó người đua phải cưỡi ngựa chạy theo đường chữ chi quanh ba cái thùng trong thời gian nhanh nhất. (5) Hank Williams (1925-1953): ca sĩ và là nhà sáng tác nhạc đồng quê người Mỹ. (1) Ngày 12-7-1890. (1) Tương tự Croisades, các cuộc Thập tự chinh dữ dội ở châu Âu thời trung cổ. (2) Institut de France, thành lập năm 1795, bao gồm năm viện, trong đó có Viện Hàn lâm Văn học Pháp. (1) Việc câu cá hồi sông Seine đã bị tòa thị chính Paris ra lệnh cấm ngay sau đó (PQ). (2) Theo tư liệu của Viện quốc gia nghiên cứu Nông lâm ngư nghiệp Pháp. (1) Victor Hugo, Nhà xuất bản Hàn lâm Perrin, Paris 1884, tr.1010. (1) Một loại cải dầu. (1) Sau cuộc tuyển cử, chức Thị trưởng Paris đã chuyển sang tay người thuộc phái tả (TG). (1) Đại hội Vienne ra tuyên bố coi Napoléon là “kẻ thù của nhân loại”. (2) Ý mấy vần thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Guillaume Apollinaire (1880-1918). (1) Nu integral(tiếng Pháp): Lõa thể hoàn toàn. Live show (tiếng Anh): Trình diễn sống. (2) Couple sur scene (tiếng Pháp): Đôi nam nữ trên sân khấu. (3) Charles Maurice de Talleyrand, chính khách Pháp (1754-1838) (1) Đầu đề bản dịch tiếng Pháp. Nguyên tác tiếng Anh là A Moveable Feast. (2) Đúng tên là gỗ acajou, một loại gỗ gốc Braxin. (3) Một nhà văn nổi tiếng, nguyên Bộ trưởng Văn hóa của tướng De Gaulle. (4) Theo thời giá hè 2007, mỗi suất ăn theo thực đơn đặt sẵn ở đây khoảng 38 ơ rô. (PQ.) (1) Hãng Royal Caribean Cruise Lines, liên doanh giữa Anh và Na Uy, hiện đứng thứ hai trên thế giới (chỉ sau hãng Carnival của Hoa Kì) với đội tàu du lịch thượng hạng gồm hai mươi hai chiếc, không kể bảy chiếc đang đặt đóng), năm vừa qua chuyên chở hơn hai triệu khách, doanh số ba tỉ đô la Mĩ. (1) Dẫn theo nhà sử học E. Tarlé. Theo tư liệu tại bảo tàng thì số chết tại trận khoảng hai mươi ngàn người. 1. Nguyệt Loan có nghĩa là “trăng khuyết”, Tần Quảng Phong trêu Tiêu Tinh Dã nên mới nói vậy (BTV). 1.Phan An (247 - 300) nhà văn, nhà thơ thời Tây Tấn (256 - 316) nổi tiếng là một người đẹp trai trong lịch sử Trung Hoa (BTV). 2.Thế thuyết tân ngữ là một tập tiểu thuyết bút kí của Lưu Nghĩa Khánh (403 - 444), người Nam Tống ghi chép lại lời nói và những giai thoại trong tầng lớp quý tộc từ cuối thời Hán đến thời Đông Tấn Dung chỉ thiên là chương mười bốn của Thế thuyết tân ngữ, kể ba mươi chín câu chuyện bình luận về tướng mạo, thái độ, cử chỉ của nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng (BTV). 3.Câu này nguyên văn trong Hán thư là 'Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục chi' (Nhà Tần để mất con hươu, thiên hạ tranh đuổi nó). Ý nói là nhà Tần để mất thiên hạ, anh hùng khắp nơi tranh đoạt. Ở đây Lâm Nguyệt Loan muốn nói các cô gái ai cũng ngưỡng mộ và muốn có được Minh Nhật Lãng (BTV). 4.Hậu Nghệ là nhân vật trong thần thoại Trung Hoa, người đã bắn hạ chín mặt trời để đem lại yên bình cho nhân gian (BTV). 5.Nguyên tác 'Đông thị thiên nhai lưu', một câu trong 'Tỳ bà hành' của Bạch Cư Dị (BTV). 6.Vương Xương Linh (690 - 765) nhà thơ nổi tiếng đời Đường. Nguyên tác là: Lạc Dương thân hữu như tương vấn, Nhất phiến băng tâm tại Ngọc Hồ Dịch nghĩa: Nếu bạn bè ở Lạc Dương hỏi về tôi, Hãy nói với họ rằng lòng tôi vẫn thuần khiết như băng trong chiếc
bình bằng ngọc (BTV). 7.Hàn Dũ (768 - 824) nhà thơ, nhà tư tưởng đời Đường Nguyên tác: Tỳ phù hám đại thụ, Khả tiếu bất tự lượng Dịch nghĩa: Muốn làm đổ cây to, con kiến đúng là không biết lượng sức mình (BTV). 8. Lý Bạch (701 -762) thi nhân nổi tiếng đời Đường, được phong là Thi tiên, các tác phẩm nổi tiếng như Tương tiến tửu, Hành lộ nan, Tĩnh dạ tư… Nguyên tác: Thanh thủy xuất phù dung, thiên nhiên khứ điêu sức Dịch nghĩa: Đóa hoa phù dung nở trên mặt nước, Điểm to cho cảnh sắc thiên nhiên (BTV). 9. Tả Trung Nghị Công (1575 - 1626) tên thật là Tả Quang Đấu, quan ngự sử cuối đời Minh. Ông là một vị quan nổi tiếng trung nghĩa, tác phẩm tiêu biểu là tuyển tập thơ văn Tả Trung Nghị Công tập. Còn Tả Lãnh Thiền là một nhân vật tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung (BTV). 10. Trong tiếng Trung: Hán Việt: Tử khứ. Nghĩa: Chết, mất; Khứ tử. Nghĩa: Chết đi. Tiêu Tinh đã viết ngược hai từ này (BTV). 11. Câu thơ “Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão” có xuất xứ từ bài “Kim Đồng tiên nhân từ hán ca” của Lý Hạ (Đời Đường), hay trong bài “Giản tự Mộc Lan hoa” của Âu Dương Tu (đời Tống), sau được Mao Trạch Đông dùng lại trong bài “Nhân dân giải phóng quan chiếm lĩnh Nam Kinh”. Câu sau cần điền là “Nhân gian chính đạo thi thương tang”. Dịch nghĩa cả hai câu là: Nếu như ông trời mà có tình cảm thì cũng cảm thấy bi thương mà già đi; Chính đạo ở chốn nhân gian thực như bãi bể nương dâu. Còn câu của Tiêu Tinh Dã nghĩa là: Người không phong lưu, uổng phí tuổi xuân (BTV). 12. Hồng Nham (Nham thạch đỏ) là cuốn tiểu thuyết về cách mạng xuất bản năm 1962 của hai nhà văn Dương Ích Ngôn và La Quảng Bân, được đưa vào sách giáo khoa bậc trung học phổ thông Trung Quốc (BTV). 13. Tác giả viết là Tinh Túc lão quái trong “Tiếu ngạo giang hồ” của Kim Dung nhưng thực chất nhân vật này lại xuất hiện trong bộ “Thiên Long bát bộ” (BTV). 14. Tứ khố toàn thư: là bộ sách lớn nhất trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, do vua Càn Long nhà Thanh tổ chức biên soạn. Từ “khốc” (lạnh) và từ “khố” phát âm giống nhau (ku) nên nói “tứ khố toàn thư” được hiểu theo nghĩa “tứ khốc toàn thư” ý chỉ vô cùng lạnh lùng (BTV). 15. Khổng tước đông nam phi là bài thơ đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc kể về một cuộc hôn nhân đầy bi kịch. Đây là một tác phẩm dân gian thời Đông Hán (BTV). 1. Một loại giấy sản xuất ở phủ Tuyên Châu (nay là Tuyên Thành, An Huy, Trung Quốc) chuyên dùng viết chữ và vẽ (BTV). 1. Ý nói cả hôn và mùa đều giỏi, tiếng Hán khi đọc lên gần giống với “văn võ song toàn” (BTV). 2. Thiên giải nhân ý: Hiểu rõ lòng người, tâm ý của người khác. Thiện giải nhân y: Giỏi trong việc cởi quần áo của người khác. Hai từ này trong tiếng Hán phát âm gần giống nhau, chơi chữ “ý” và “y” (BTV). 3. Hồi bảy mươi tư trong tác phẩm Hồng lâu mộng của tác giả Tào Tuyết Cần nghĩa là:“Thề giữa đoan nghiêm, rào lấp phủ Ninh Quốc” (BTV). 4. Giai đoạn Nam, Bắc triều (420 - 589) tiếp theo là giai đoạn Thập lục quốc và trước nhà Tùy trong lích sử Trung Quốc, là thời đại của nội chiến và chia rẽ. Nhà Lương (502 - 557) thuộc Nam triều (BTV). 5. Chất địa kiên ngạnh ý nói tính chất của đá này vô cùng cứng rắn (BTV). 1. Vì Nguyên Thần Dạ gọi Lâm Nguyệt Loan là “em Lâm”, đây lại là Giả Bảo Ngọc gọi Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng nên Hứa Bảo Nhi trêu cậu là Bảo nhị gia (BTV). 2. Tần Thao Ngọc: nhà thơ thời Vãn Đường. Bài thơ “Bần nữ” (con gái nhà nghèo) là bài thơ rất nổi tiếng của Tần Thao Ngọc, Nguyên Thần Dạ và Lâm Nguyệt Loan vận dụng những ý thơ trong bài thơ này để đối đáp với nhau (BTV). 3. Một con chim bay vào rừng trấn áp được tiếng kêu của trăm con khác (BTV). 4. Hai câu thơ trong bài Sinh tra tử của từ nhân Ngưu Hy Tế thời Vãn Đường. Nghĩa là “Nhớ chiếc váy màu xanh, nhìn cỏ cây xanh mướt nơi nơi mà
thương xót” (BTV). 1. Đây là bài thơ Thái Cát trong phần Vương Phong, Kinh Thi. Bài thơ là lời tưởng nhớ tình nhân tha thiết (BTV). 2. Phan An tên thật là Phan Nhạc (247 - 300), tự là An Nhân, là nhà văn nổi tiếng thời Tây Tấn. Hạ Hầu Trạm (243 -291) tự là Hiếu Nhược, nhà văn, nhà kinh học thời Tây Tấn. Cả hai người đều nổi tiếng vì văn tài và dung mạo tuấn tú (BTV). 1. Một chiếc cốc và một đời trong tiếng Trung Quốc phát âm giống nhau: yi bei zi (BTV). (1) Hội đồng Chung khảo gồm có: Nhà văn Hồ Anh Thái, chủ tịch Hội đồng Chung khảo, Ông Nguyễn Huy Thắng, phó giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, Bà Lê Thị Dắt, giám đốc Dự án Hỗ trợ sáng tác cho thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch, Nhà văn Lê Phương Liên, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà văn Phan Triều Hải Trích 'Con yêu mẹ', thơ Xuân Quỳnh
Table of Contents
Mục lục
Lời giới thiệu
Phần 1. Ba cuộc gặp gỡ
Phần 2. Hướng dẫn chọn nghề
Phần 3. Cuộc gặp cuối cùng: Con đường phía trước