" Chín Mươi Ba - Victor Hugo full prc pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chín Mươi Ba - Victor Hugo full prc pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo LỜI GIỚI THIỆU Được giới thiệu Victor Hugo với bạn đọc Việt Nam lần này - và lại bằng Chín Mươi Ba - mang lại cho tôi một cảm giác đặc biệt. Nó làm tôi nghĩ lại sự rúng động khi lần đầu đọc Hugo lúc khoảng mười bốn tuổi, và cũng là Chín Mươi Ba. Sau một thời gian nghiến ngấu tiểu thuyết cổ điển Anh và tiểu thuyết lễ giáo Tàu mà tôi tuy rất thích nhưng luôn có cảm giác thế giới của chúng có phần chật chội, thì Hugo giống như một tia chớp sáng lòa, làm hiện ra một chân trời phóng khoáng. Nhờ cái tia chớp ấy, đứa trẻ mười bốn tuổi là tôi bắt đầu lờ mờ hình dung về một xã hội “tự do, bình đẳng, bác ái” và một cuộc đời “tự do, bình đẳng, bác ái” dù lúc đó kiến thức lịch sử - xã hội của tôi hết sức hạn hẹp. Hình dung mơ hồ ấy trở thành động lực - dù lúc đầu chỉ là một thứ động lực dạng linh cảm - cho hầu hết những điều tôi làm, từ du học, viết sách, dịch sách, dạy học… Cho đến giờ, hình dung ấy chưa bao giờ tắt. Có thể nói, chính Hugo chứ không phải ai khác dạy tôi trở thành một người có lý tưởng (idealist) - không phải theo nghĩa chính trị của từ này mà theo nghĩa không từ bỏ việc theo đuổi một phiên bản cuộc sống đẹp nhất cho mình và cho mọi người, kể cả khi người khác cho là huyễn hoặc. Bây giờ, đã lớn hơn, tôi nhận ra đấy là điều quý giá nhất mà một con người có thể khơi gợi trong một người khác. Hugo khẳng định: bất hạnh lớn nhất của con người - của từng cá thể cũng như của một xã hội - là không tin vào hình dung kia và không phấn đấu biến nó thành hiện thực. Nhưng để nói tới sự rúng động ấy - mà tôi hy vọng bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ có thể cũng sẽ cảm thấy qua cuốn sách này - thì cần phải tóm tắt một chút về Chín Mươi Ba. Ra đời năm 1874, Chín Mươi Ba là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Victor Hugo, đại diện xuất sắc nhất và vĩ đại nhất của văn học lãng mạn. Chín Mươi Ba kể một câu chuyện xảy ra vào năm 1793, năm cao trào và đẫm máu của Cách mạng tư sản Pháp, cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trong lịch sử loài người, với mục đích xóa bỏ chế độ vua chúa tập quyền để thiết lập một nền cộng hòa dân chủ. Sau khi vua Louis XVI bị chính quyền cộng hòa chém đầu, châu Âu già cỗi nhưng có chung quyền lợi trong sự tồn tại của chế độ quân chủ đã liên minh lại để chống nền cộng hòa non trẻ bằng cách gửi quân đội tới Pháp. Một nhóm bảo hoàng liên minh dưới sự chỉ huy của hầu tước sắt đá Lantenac đã vào bờ biển Pháp và bắt đầu tạo các hoạt động phản cách mạng uy hiếp nền cộng hòa. Từ Paris, chính quyền cộng hòa cử Cimourdain, một nhà cách mạng già vốn từng là linh mục tới bắt Lantenac. Trong lúc này, ở Brittany, quân cộng hòa dưới sự chỉ huy của Gauvain, một người cách mạng trẻ đầy nhiệt huyết, vừa là cháu của Lantenac lại vừa từng là học trò và gần như con nuôi của Cimourdain, đã dồn được Lantenac vào một lâu đài. Bị tấn công dữ dội, Lantenac mở đường máu thoát khỏi lâu đài, nhưng vì tiếng khóc của một người mẹ, ông ta quay lại lâu đài cứu ba đứa trẻ; do đó mà rơi vào tay quân cách mạng. Cảm kích trước hành động của Lantenac, Gauvain đã tới thăm ông ta trong tù rồi thả ông ta đi. Rất đau lòng nhưng Cimourdain phải kết tội Gauvain phản quốc, với bản án tử hình. Cuốn sách kết thúc ở cảnh Cimourdain ra lệnh đao phủ chặt đầu Gauvain để bảo vệ sự nghiêm minh của cách mạng và nền cộng hòa; nhưng vào giây phút đầu Gauvain rơi xuống thì “…người ta nghe thấy một tiếng nổ khác. Cimourdain vừa rút một trong hai khẩu súng vẫn đeo bên thắt lưng, và đúng vào lúc đầu Gauvain lăn vào hòm thì ông cũng tự bắn một viên đạn xuyên tim. Máu trào ra nơi miệng, ông ngã ra chết. Và đôi linh hồn đồng điệu đau thương ấy cùng cất cánh bay, bóng đen của linh hồn này hòa trong ánh sáng của linh hồn kia”. Hai mươi năm trước, đọc đến đây, tôi đã chảy nước mắt. Bây giờ cũng vậy. Bình luận về ý nghĩa tiểu thuyết Chín Mươi Ba và ca ngợi văn của Hugo là thừa. Từ góc độ thưởng thức tác phẩm, cuốn sách này - cũng như mọi cuốn sách của Hugo - là một đại tiệc ngồn ngộn kiến thức và cảm xúc. Nhưng tôi chỉ xin nói điều lớn nhất khiến Hugo đã và vẫn còn lay động tôi: đó là niềm tin sâu sắc vào sự chiến thắng của tình người, của độ lượng và khoan dung trước bạo lực, hắc ám. Đây không phải một niềm tin ngây thơ (hơn bất cứ ai, Hugo nói với ta: đừng sợ bị coi là ngây thơ, đừng dại dột đánh đổi nó lấy sự thực dụng của người đời). Đây là một niềm tin đã qua thử thách; nó đến từ sự thấu hiểu rằng: trong một thời điểm nhất định, con người có thể bị sợ hãi hay tham lam chi phối mà chà đạp lên tình người nhưng khi dùng thứ công lý trường tồn mà phán xét thì tình người luôn chiến thắng và là vũ khí mạnh nhất của con người. Hugo nói: nếu đã sống, đã viết, đã làm bất cứ điều gì, thì phải làm trong hình dung về cái trường tồn, dùng cái trường tồn kia làm động lực. Mặc dù Những Người Khốn Khổ là tác phẩm lớn nhất và nổi tiếng nhất của Hugo, với cá nhân tôi, Chín Mươi Ba thể hiện một Hugo hoàn chỉnh hơn. Là một nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà triết học, nhưng trước hết và trên hết là một nhà văn, Hugo bản chất là một người hiền, muốn thay đổi xã hội bằng con đường nhân văn, thông qua giáo dục, nghệ thuật, tôn giáo, v.v. thay vì thông qua bạo lực, đổ máu. Ta thấy rất rõ điều này ở Những Người Khốn Khổ và các tác phẩm trước đó. Nhưng Chín Mươi Ba có sự quyết liệt mới. Ở cuốn sách này, Hugo khẳng định: đôi khi cần phải dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực cách mạng. Điều phải làm thì phải làm, mà cái chân - thiện - mỹ không suy giảm. Đây là những lời của Gauvain về một xã hội anh muốn thấy và cũng là của Hugo: “ Xã hội tức là thiên nhiên được vĩ đại hơn. Tôi muốn những cái còn thiếu ở tổ ong, tổ kiến; tôi muốn đền đài, nghệ thuật, thơ ca, anh hùng, thiên tài. Mang gánh nặng đời đời không phải là qui luật của kiếp người. Không, không, không, tôi muốn không còn cùng khổ, không còn nô lệ, không còn khổ sai, không còn đày đọa! Tôi muốn rằng mỗi một đặc trưng của con người là một tượng trưng của văn minh, một mẫu mực của tiến bộ; tôi muốn tư tưởng tự do, tình cảm bình đẳng, tâm hồn bác ái. Không còn gông cùm! Con người sinh ra không phải để kéo lê xiềng xích mà để mở rộng đôi cánh…” Tôi hy vọng bạn sẽ đọc Chín Mươi Ba, sẽ tin những điều trên, và sẽ bắt đầu đặt chân - nếu như bạn chưa đặt chân - lên con đường hiện thực hóa xã hội mà ở đó bạn và những người quanh bạn đều có “tư tưởng tự do, tình cảm bình đẳng, tâm hồn bác ái”. Trân trọng giới thiệu tiểu thuyết Chín Mươi Ba của Victor Hugo, qua bản dịch của dịch giả Châu Diên. PHẦN THỨ NHẤT NGOÀI BIỂN ★★★ QUYỂN I KHU RỪNG SAUDRAIE Vào những ngày cuối tháng 5 năm 1793, một trong số những tiểu đoàn quân Paris do Santerre đưa về Bretagne đang sục sạo khu rừng Saudraie khủng khiếp ở vùng Astillé. Họ không còn quá ba trăm vì tiểu đoàn đã bị tiêu hao trong cuộc chiến tranh ác liệt này. Đó chính là thời kỳ mà, sau Argogne, Jemmapes và Valmy[1], tiểu đoàn Paris thứ nhất từ sáu trăm quân tình nguyện thì chỉ còn lại hai mươi bảy người; tiểu đoàn thứ hai còn ba mươi ba, và tiểu đoàn thứ ba còn năm mươi bảy. Thời kỳ của những trận chiến đấu anh hùng. Những tiểu đoàn từ Paris đến Vendée gồm có chín trăm mười hai người. Mỗi tiểu đoàn có ba khẩu đại bác. Các tiểu đoàn đó đã được tập hợp nhanh chóng. Ngày 25 tháng 4, hồi ông Gohier đang làm bộ trưởng Tư pháp và ông Bouchotte làm bộ trưởng Chiến tranh, phân bộ của Hội đồng dân ước đã đề nghị gửi các tiểu đoàn quân tình nguyện đến Vendée; ông Lubain, ủy viên Công xã đã làm phúc bẩm; ngày 1 tháng 5, Santerre đã sẵn sàng cho xuất phát một vạn hai nghìn quân, với ba chục khẩu dã pháo và một tiểu đoàn pháo thủ. Các tiểu đoàn ấy xây dựng rất nhanh mà lại rất tốt, nên ngày nay vẫn dùng làm kiểu mẫu; chính theo cách cấu tạo đó mà người ta thành lập những đại đội chiến đấu; các tiểu đoàn ấy đã thay đổi tỉ lệ cũ giữa số lượng binh sĩ và số lượng hạ sĩ quan. Ngày 28 tháng 4, Công xã Paris[2] đã ra lệnh cho đoàn quân tình nguyện của Santerre: Không dung tha, không để sống sót. Đến cuối tháng năm, trong số một vạn hai nghìn quân từ Paris ra đi, tám nghìn đã tử trận. Tiến sâu vào khu rừng Saudraie, tiểu đoàn luôn luôn đề cao cảnh giác. Họ không vội vã. Họ nhìn bên phải, bên trái, trông trước, trông sau; Kléber đã từng nói: Con nhà lính có một con mắt sau lưng. Họ hành quân như thế cũng đã lâu. Lúc này, độ mấy giờ rồi? Còn sớm hay muộn? Kể cũng khó nói, vì lúc nào trong những bụi rậm rất mực hoang dại đó cũng cứ lờ mờ, và trong khu rừng này chẳng lúc nào sáng sủa cả. Khu rừng Saudraie hồi đó thật bi thảm. Chính nơi đây, kể từ tháng 11 năm 1792, cuộc nội chiến đã bắt đầu gây ra tội ác: Mousqueton, tên thọt hung hãn, cũng đã xuất hiện từ những khu rừng rậm thảm khốc này: tính số vụ giết người xảy ra ở đây cũng đủ dựng tóc lên. Chẳng còn nơi nào khủng khiếp hơn. Binh sĩ tiến vào sâu một cách thận trọng. Khắp nơi ngập đầy hoa; xung quanh họ, một bức thành kết bằng cành cây run rẩy, lá cây toát ra hơi mát thú vị; đây đó, tia nắng xuyên qua những lớp bóng tối xanh rờn; dưới đất, hoa lay-ơn, hoa diên vĩ, hoa thủy tiên dại, hoa giê-nốt - thứ hoa nhỏ này thường báo trước thời tiết êm ả - và hoa nghệ mùa xuân thêu dệt, trang điểm một tấm thảm bằng cây cỏ, trong đó mọc chi chít tất cả các loài rêu, từ thứ rêu trông như sâu róm đến thứ rêu giống hệt ngôi sao. Binh sĩ tiến từng bước, lặng lẽ, nhẹ tay rẽ bụi. Chim ríu rít trên đầu lưỡi lê. Rừng Saudraie là một trong những cánh rừng rậm, ở đó, ngày xưa, thời thái bình, người ta đã săn chim ban đêm; bây giờ ở đây, người ta săn người. Rừng toàn là cây phong, dẻ gai, sồi; mặt đất bằng phẳng; rêu và cỏ mọc dày khiến đoàn quân tiến bước cũng không có tiếng động; chẳng có con đường mòn nào, hay có rồi mất ngay; còn có cả cây ô-rô, mận dại, đuôi chồn, kim hoa mọc thành hàng rào, những cây gai cao; dù có người cách mười bước cũng không tài nào nhìn thấy. Đôi lúc, một con sếu hay một con cuốc bay qua cành cây, tỏ ra cạnh đó có đầm lầy. Binh sĩ vẫn tiến bước. Họ tiến không nhằm một đích nào cả, bồn chồn, như sợ gặp phải cái mà họ đang tìm. Thỉnh thoảng, họ gặp những dấu vết hạ trại, những khoảng đất bị đốt cháy, cỏ bị xéo nát, những chiếc gậy cắm hình chữ thập, những cành cây dính máu. Chỗ kia người ta đã nấu ăn, chỗ kia người ta đã cầu nguyện, chỗ kia người ta đã băng bó thương binh. Nhưng những kẻ qua đây đã mất tích. Họ ở đâu? Có lẽ xa lắm. Có thể ở kia, ngay bên cạnh, họ nấp kín, tay lăm lăm khẩu súng ngắn. Rừng như hoang vắng. Tiểu đoàn càng thêm thận trọng. Trong cảnh quạnh hiu càng phải cảnh giác. Họ không thấy ai; thêm một lý do nữa để đề phòng một kẻ nào đó. Họ đang đối phó với một khu rừng nổi tiếng là nguy hiểm. Họ có thể bị phục kích. Ba chục khinh binh tách ra thành đội trinh sát và do một viên đội chỉ huy, tiến lên trước, cách đại quân một quãng khá xa. Chị căng-tin[3] của tiểu đoàn cũng đi theo. Các chị căng-tin thường thích nhập bọn với tiền đạo. Nguy hiểm thật đấy nhưng như thế người ta lại có dịp chứng kiến nhiều chuyện lạ. Tính tò mò là một kiểu gan dạ của đàn bà. Đột nhiên, cả toán tiền tiêu nhỏ đó rùng mình như thường thấy ở những người đi săn khi đến gần ổ thú. Họ thoáng nghe như có hơi thở giữa một lùm cây rậm rạp, và hình như họ vừa trông thấy cái gì động đậy trong lá cây. Họ ra hiệu cho nhau. Việc tuần tiễu, kiểm tra giao phó cho đội trinh sát, sĩ quan chẳng cần xen vào; việc phải làm tất nhiên họ sẽ làm được. Trong nháy mắt, cái điểm có người cử động bị bao vây; một vòng súng chĩa thẳng vào đấy; nhất loạt từ mọi phía, các khẩu súng đều nhắm vào giữa bụi rậm tối mò, và binh sĩ, ngón tay đặt sẵn trên cò súng, mắt dán vào nơi đáng nghi, chỉ còn chờ lệnh của viên đội là nhả đạn. Giữa lúc đó, chị căng-tin chợt nhìn qua kẽ lá, và ngay lúc viên đội sắp hô: bắn, thì chị ta kêu lên: khoan! Và quay lại phía binh sĩ: — Dừng bắn, anh em! Rồi chị nhảy bổ vào lùm cây. Mọi người cùng ùa vào. Quả là trong đó có người. Giữa chỗ rậm nhất, kề bên một khoảng trống nhỏ hình tròn, nơi người ta đã dựng lò đốt rễ cây để lấy than, trong một thứ hang kết bằng cành cây, trông như một buồng ngủ bằng lá hé mở, một người đàn bà ngồi bệt trên rêu, ôm trong lòng một đứa bé đang bú, và trên đùi, hai đứa trẻ tóc vàng hung hung gối đầu ngủ. Họ đã bị phục kích như thế đó. Chị căng-tin kêu lên: — Nhà chị này làm gì ở đây? Người đàn bà ngẩng đầu lên. Chị căng-tin nổi giận, tiếp: — Chị điên hay sao mà ở đây? Và chị tiếp luôn: — Suýt nữa thì chị mất mạng! Rồi quay lại phía binh sĩ, chị bảo: — Một người đàn bà đấy thôi. — Rõ khéo, chúng tôi cũng trông thấy rồi! — Một anh lính trả lời. Chị căng-tin lại tiếp: — Vào rừng cho người ta giết! Ai lại dại dột đến thế! Người đàn bà kinh ngạc, hoảng sợ, sững sờ, nhìn chung quanh thấy những súng, những gươm, những lưỡi lê, những bộ mặt hung dữ đó như qua một giấc mơ. Hai đứa bé bỗng thức dậy và kêu lên: — Con đói! — Con sợ! Đứa bé nhất vẫn bú. Chị căng-tin bảo nó: — Chú mày làm thế là phải đấy. Người mẹ lặng người khiếp sợ. Viên đội nói to với chị ta: — Chị đừng sợ. Anh em đây đều là tiểu đoàn Mũ Đỏ. Toàn thân người đàn bà run lên. Chị ta nhìn viên đội có bộ mặt rắn rỏi, chị thấy lông mày, ria mép và đôi mắt như hai hòn than hồng. Chị căng-tin nói thêm: — Trước đây là tiểu đoàn Chữ Thập Đỏ. Viên đội lại hỏi tiếp: — Nhà chị là ai? Người đàn bà khiếp sợ nhìn ông ta. Chị ta người gầy, trẻ, xanh xao, rách rưới, đội chiếc mũ chụp rộng vành của phụ nữ nông thôn vùng Bretagne và khoác một chiếc chăn len buộc vào cổ bằng một sợi dây. Chị ta để hở vú với vẻ thản nhiên của người đã có con. Chân không, không tất, rơm rớm máu. — Đây là một người nghèo - Viên đội thốt ra. Rồi chị căng-tin lại cất cái giọng lính tráng nhưng vẫn đàn bà, ngụ vẻ dịu dàng: — Chị tên là gì? Người đàn bà lí nhí trong miệng, ngọng nghịu nghe không rõ: — Michelle Fléchard. Trong lúc đó, chị căng-tin đưa bàn tay thô kệch vừa xoa cái đầu nhỏ xíu của đúa bé còn bú, vừa hỏi: — Tí nhau này lên mấy rồi? Người mẹ không hiểu. Chị ta hỏi gặng: — Tôi hỏi chị, bé này lên mấy? — À! Mười tám tháng - Người mẹ nói. — Già tháng rồi. Không nên cho bú nữa. Cai sữa đi thôi. Chúng tôi sẽ cho nó ăn súp. Người mẹ bắt đầu thấy vững dạ. Hai đứa bé mới tỉnh dậy, tò mò hơn là sợ sệt. Chúng nó ngắm nghía những chùm lông mũ. — Chà! Chúng nó đói lắm rồi - Người mẹ nói. Rồi chị ta tiếp: — Tôi chẳng còn giọt sữa nào. Viên đội kêu lên: — Người ta khắc cho chúng ăn, và cả chị nữa. Nhưng không phải chỉ có thế. Chính kiến của chị thế nào? Người đàn bà nhìn viên đội không trả lời. — Có nghe rõ câu tôi hỏi không? Chị ta lắp bắp: — Tôi phải vào tu viện từ bé, nhưng rồi tôi lấy chồng, tôi không đi tu. Các bà phước dạy tôi nói tiếng Pháp[4]. Người ta đã đốt làng. Mẹ con tôi chạy tháo thân, không kịp xỏ nữa. — Tôi hỏi chính kiến của nhà chị thế nào? — Tôi không biết cái đó. Viên đội tiếp luôn: — Là vì có bọn đàn bà làm gián điệp. Đàn bà làm gián điệp, của ấy thì chỉ có đem bắn. Thôi. Nói đi. Chị không phải là dân lưu đãng chứ? Tổ quốc chị là gì? Chị ta vẫn nhìn viên đội như không hiểu. Viên đội nhắc lại: — Tổ quốc chị là gì? — Tôi không biết - Chị ta nói. — Sao, chị không biết quê hương chị là gì à? — À! Quê hương tôi. Có chứ. — Ừ, quê hương chị là gì? Người đàn bà trả lời: — Ấp Siscoignard, trong giáo khu Azé. Đến lượt viên đội sửng sốt. Suy nghĩ một lát, anh ta hỏi lại: — Chị nói ở đâu nhỉ? — Siscoignard. — Đấy không phải là một tổ quốc. — Là quê hương của tôi. Rồi người đàn bà nghĩ ngợi một lát, nói tiếp: — Thưa ông, tôi hiểu rồi. Các ông ở đất Pháp, còn tôi, tôi ở Bretagne. — Thì sao? — Không cùng một quê hương. — Cùng một tổ quốc đấy! - Viên đội nói to. Người đàn bà chỉ trả lời: — Tôi là người Siscoignard. — Thôi được, người Siscoignard - Viên đội nói tiếp - Gia đình chị ở đấy à? — Vâng. — Gia đình chị làm gì? — Chết cả rồi. Tôi chẳng còn ai. Viên đội, vốn tay khéo nói, tiếp tục cuộc thẩm vấn: — Ai cũng có bố mẹ họ hàng, quỷ quái! Hoặc trước đây đã có. Chị là ai? Nói đi. Người đàn bà mất cả hồn vía khi nghe những tiếng hoặc trước đây đã có[5], giống tiếng kêu của loài thú hơn là tiếng người. Chị căng-tin thấy cần xen vào. Chị lại vuốt ve đứa bé đang bú và tát yêu vào má hai đứa lớn, rồi chị hỏi: — Cái đang bú tí tên gì? Con gái đây mà. Người mẹ trả lời: — Georgette. — Thế đứa lớn? Nhóc ấy đúng là con trai. — René-Jean. — Và đứa em? Cũng là con trai, má lại phính nữa. — Gros Alain - Người mẹ trả lời. — Các cháu bé này kháu lắm - Chị căng-tin nói - Ra mẽ người lớn lắm rồi. Nhưng lúc ấy viên đội hỏi gặng: — Chị hãy trả lời đi đã. Chị có nhà cửa gì không. — Trước đây cũng có nhà có cửa. — Ở đâu? — Ở Azé. — Tại sao chị không ở nhà? — Vì người ta đốt mất rồi. — Ai đốt? — Tôi không biết. Một trận đánh nhau. — Chị từ đâu tới? — Từ chỗ đó. — Chị định đi đâu? — Tôi không biết. — Nói vào việc đi. Chị là ai? — Tôi không biết. — Chị không biết chị là ai à? — Chúng tôi là những kẻ chạy trốn. — Chị ở phe nào? — Tôi không biết. — Ở phe Xanh? Hay phe Trắng? Đi với ai?[6] — Tôi đi với các con tôi. Một lát tạm ngừng. Chị căng-tin lại nói: — Tôi thì tôi chẳng có con. Tôi không có thì giờ. Viên đội lại tiếp: — Nhưng còn bố mẹ chị! Nào, cho chúng tôi biết về bố mẹ chị đi. Như tôi, tôi tên là Radoub; tôi đóng đội, tôi ở phố Cherche Midi, bố mẹ tôi ngày trước cũng ở đó, tôi có thể nói rõ về bố mẹ tôi. Thế chị nói về các cụ đi. Chị cho biết bố mẹ chị trước kia thế nào? — Gọi là ông bà Fléchard. Thế thôi. — Đành rồi, ông bà Fléchard thì gọi là ông bà Fléchard, cũng như ông bà Radoub thì gọi là ông bà Radoub. Nhưng người ta ai cũng có một hoàn cảnh. Hoàn cảnh bố mẹ chị là thế nào? Ngày trước hai cụ làm gì? Bây giờ làm gì? Xem các cụ Fléchard nhà chị làm những cái thá gì nào[7]. — Ông bà ấy làm ruộng. Bố tôi tàn tật chẳng làm được gì, bởi vì ngài lãnh chúa, lãnh chúa của bố tôi, của chúng tôi, đã cho ông ấy một trận đòn; thế còn là phúc đấy, vì bố tôi bắt trộm con thỏ, việc ấy đáng xử tội chết; nhưng ngài lãnh chúa ra ơn và bảo: nện cho nó một trăm roi thôi; thế là bố tôi què. — Rồi sao nữa? — Ông tôi theo Tân giáo[8]. Vì thế cha xứ đã cho đày ông đi làm khổ sai chèo thuyền. Lúc đó tôi còn bé tí. — Sao nữa? — Bố chồng tôi làm muối lậu. Đức vua sai treo cổ. — Thế còn chồng chị, anh ta làm gì? — Dạo này anh ta đi đánh nhau. — Cho ai? — Cho đức vua. — Ai nữa? — Cho lãnh chúa. — Ai nữa? — Cho cha xứ. — Mẹ kiếp! - Một anh khinh binh quát lên. Người đàn bà giật mình kinh hãi. — Đấy chị xem, chúng tôi là người Paris mà lị - Chị căngtin dịu dàng nói. Người đàn bà chắp tay lại và kêu lên: — Jésus Maria, lạy chúa tôi! — Đừng có mê tín - Viên đội lại bảo. Chị căng-tin ngồi xuống bên cạnh người đàn bà, kéo thằng con trai lớn vào lòng, thằng bé ngoan ngoãn theo chị. Con trẻ dễ yên tâm cũng như dễ khiếp sợ, chả ai biết vì sao. Chẳng hiểu chúng nó có linh cảm thế nào. — Này, bà chị địa phương hiền lành tội nghiệp, chị có những đứa con xinh lắm, thôi thế cũng đỡ; cũng dễ đoán được tuổi chúng nó. Thằng cu lớn lên bốn, thằng em lên ba. Còn cái đĩ con đang bú mẹ kia, háu ăn thật. Ái chà! Quái con! Đừng có nhai mẹ như thế. Chị xem đấy, đừng sợ gì cả. Chị nên gia nhập tiểu đoàn. Chị sẽ làm công việc như tôi, tôi tên là Houzarde[9]; đó là tên đùa thôi. Ấy thế mà gọi là Houzarde, tôi lại thích hơn gọi là cô Bicorneau, như mẹ tôi. Tôi là người bán hàng căng-tin, nghĩa là người cho lính uống rượu khi họ bắn giết nhau. Nhộn vô cùng. Chân chúng ta cũng gần bằng nhau, tôi sẽ cho chị đôi của tôi. Tôi cũng ở Paris hôm 10 tháng 8. Tôi đã đem rượu cho Westermann[10] uống. Thế mà xuôi cả. Tôi được xem chém đầu Louis XVI. Người ta gọi hắn là Louis Capet, hắn không muốn đâu. Chà! Tất nhiên thôi. Đâu mới hôm 13 tháng 1, hắn còn sai luộc hạt dẻ và cười đùa với vợ con. Lúc bắt hắn nằm lên cái người ta gọi là bàn chém, hắn chẳng còn áo, giày nữa; hắn mặc mỗi chiếc sơ-mi, một áo cộc may chần, một chiếc quần dạ xám và đôi bít-tất lụa xám. Chính tôi đã nhìn thấy, chiếc xe ngựa giải hắn đến sơn màu xanh lá cây chị ạ. Anh em trong tiểu đoàn đi với chúng tôi đều tốt cả. Chị sẽ làm người bán hàng căng-tin số hai. Tôi sẽ chỉ dẫn công việc cho chị. Ô! Đơn giản lắm! Với chiếc bi-đông và một cái chuông con, ta đi giữa cảnh huyên náo, dưới làn đạn, giữa tiếng đại bác, trong tiếng ồn ào mà reo lên: “Các cậu, ai muốn tợp một ngụm nào?” Kể cũng chẳng vất vả gì. Tôi thì chuốc rượu cho tất cả mọi người. Đúng thế đấy. Cho cả phe Trắng lẫn phe Xanh, mặc dù tôi ở phe Xanh. Mà là hạng xanh trung kiên nữa kia. Nhưng tôi chuốc rượu cho hết thảy mọi người. Đã bị thương thì ai chẳng khát. Người ta chết bất kể chính kiến. Những người chết phải siết chặt tay nhau. Đánh nhau thật là khờ dại! Nhập bọn với chúng tôi. Tôi chết thì chị thay tôi. Chị xem tôi như thế này nhưng hiền lành trung hậu. Đừng sợ gì hết. Chị căng-tin nói xong thì người đàn bà lẩm bẩm: — Bà hàng xóm nhà tôi tên là Marie-Jeanne, còn chị giúp việc chúng tôi tên là Marie-Claude. Trong lúc đó, viên đội Radoub mắng anh khinh binh: — Im đi! Cậu làm cho chị ta sợ. Không ai chửi rủa trước mặt đàn bà. — Thì đầu óc một người lương thiện nào mà không như chết điếng đi khi thấy cái bọn rợ ấy, bố vợ thì bị chúa đất đánh què, ông nội thì bị cha xứ đày đi khổ sai và bố đẻ thì bị vua treo cổ, thế mà, mẹ kiếp, lại đi đánh nhau, đi làm loạn và đi chịu chết tan xương vì chúa đất, vì cha xứ và vì lão vua - Gã khinh binh cãi lại. Viên đội quát lên: — Hàng ngũ im lặng! — Vâng, xin im, thưa ông đội - Anh lính vẫn nói - Nhưng làm sao mà không ngán cho một người đàn bà xinh đẹp thế kia, lại đem thân đi chết để đẹp lòng một gã ôm chân bọn thầy tu. — Này cậu kia, đây không phải là câu lạc bộ của phân bộ Pique[11] đâu nhé. Đừng hùng biện nữa. Rồi viên đội quay lại hỏi người đàn bà: — Thế còn chồng chị? Anh ta còn làm gì? Bây giờ anh ta ra sao? — Chẳng ra sao nữa, vì người ta đã giết anh ấy rồi. — Ở đâu? — Bên bờ dậu. — Bao giờ? — Đã ba hôm nay. — Ai giết? — Tôi không biết. — Sao, chị không biết ai giết chồng chị à? — Không. — Quân xanh hay quân trắng? — Một phát súng. — Đã ba hôm rồi à? — Vâng. — Bắn từ phía nào? — Phía Ernée. Chồng tôi ngã xuống. Thế đấy. — Thế từ khi chồng chết, chị làm gì? — Tôi đem các con đi. — Đem đi đâu? — Cứ phía trước mà đi. — Ngủ ở đâu? — Ngủ đất. — Ăn gì? — Chẳng ăn gì cả. Viên đội bĩu môi kiểu nhà binh làm ria mép chạm vào mũi. — Không ăn gì hết. — Nghĩa là ăn mận rừng, quả dâu dại còn sót từ năm ngoái, hạt sim, nõn cây đuôi chồn. — Phải rồi, ăn thế cũng bằng không. Thằng cu lớn có vẻ hiểu chuyện, nói: “Con đói rồi.” Viên đội rút trong túi ra một mẩu bánh lương khô chìa cho người mẹ. Người mẹ bẻ mẩu bánh làm đôi, chia cho hai đứa con. Hai đứa trẻ nhai ngấu nghiến. — Không giữ lại phần mình - Viên đội lầu bầu. — Chị ta không đói - Một người lính nói. — Vì chị ta là mẹ - Viên đội đáp. Lũ trẻ ngừng nhai bánh, kêu: — Uống nước. — Uống nước. — Trong cái rừng chết tiệt này không có suối à? - Viên đội hỏi. Chị căng-tin lấy chiếc ca bằng đồng đeo ở thắt lưng, cạnh chiếc chuông con, vặn vòi chiếc bình vẫn đeo bên người, rót vài giọt vào đó rồi ghé ca vào miệng lũ trẻ. Đứa thứ nhất uống một ngụm rồi nhăn mặt lại. Đứa thứ hai uống rồi nhổ ra. — Ngon thế mà lại… - Chị căng-tin nói. — Rượu cay à? - Viên đội hỏi. — Đúng. Mà lại hảo hạng đấy. Nhưng chúng là con cái dân quê mà. Rồi cô ta lau ca. Viên đội lại hỏi tiếp: — Thế nhà chị cứ thế mà chạy trốn ư? — Phải thế chứ! — Chạy qua đồng như ma đuổi ấy à? — Tôi chạy hết hơi, rồi tôi đi, rồi tôi ngã. — Con chiên lành tội nghiệp - Chị căng-tin nói. Người đàn bà ấp úng: — Họ đánh nhau. Súng nổ chung quanh tôi. Chẳng hiểu họ muốn làm gì nhau. Họ giết mất chồng tôi. Tôi chỉ hiểu có thế thôi. Viên đội nện báng súng xuống đất thình thịch, và kêu lên. — Cái chiến tranh khốn kiếp này! Chó đẻ! Người đàn bà lại nói tiếp: — Đêm qua, chúng tôi ngủ trong “hang cây”. — Cả bốn mẹ con? — Cả bốn mẹ con. — Ngủ? — Ngủ. — Tức là ngủ đứng - Viên đội nói. Viên đội quay lại phía binh sĩ: — Anh em ạ, một thân cây to, già cỗi, rỗng ruột, chết khô, một người có thể chui vào như chui vào trong một cái phao, những người rợ kia gọi nó là “hang cây”. Biết làm thế nào? Không phải ai cũng là người Paris. Chị căng-tin thốt lên: — Chao! Ngủ trong hốc cây! Với cả ba đứa con! — Mà rồi… - Viên đội nói tiếp - Lúc bọn trẻ khóc rống lên, ai đi qua đấy, chẳng nhìn thấy gì mà lại nghe cái cây gọi: “Bố ơi!”, “Bu ơi!” thì thật là kỳ quặc. Người đàn bà thở dài nói: — May sao bây giờ là mùa hè. Chị nhìn xuống, nhẫn nại, đôi mắt ánh lên vẻ lâng lâng trước tai biến. Binh sĩ lặng lẽ vây quanh người khốn khổ ấy. Một mẹ góa ba con côi, chạy trốn, bơ vơ, đơn độc, chiến tranh gào thét bốn phương trời, đói, khát, chỉ còn cỏ để ăn, màn trời chiếu đất. Viên đội đến cạnh người đàn bà, mắt đăm đăm nhìn đứa bé đang bú. Con bé nhả vú, khẽ quay đầu lại, đôi mắt xanh biếc, xinh đẹp nhìn bộ mặt gớm ghiếc, lông lá lởm chởm, hung hung đang cúi xuống nó, rồi nó nhoẻn miệng cười. Viên đội ngửng lên và một giọt nước mắt to lăn xuống má rồi đọng lại ở ngọn ria như một hạt châu. Ông ta cất cao giọng nói: — Anh em ạ, binh tình này, tôi cho rằng tiểu đoàn ta phải làm cha chúng nó. Đồng ý chứ? Chúng ta nuôi ba đứa trẻ này. — Cộng hòa muôn năm! - Binh sĩ đều hô lớn. — Thế là ổn! - Viên đội nói. Rồi ông ta chìa hai tay trên đầu người mẹ và ba đứa trẻ. Ông nói: — Đây là những đứa con của tiểu đoàn Mũ Đỏ. Chị căng-tin vui mừng, nhảy lên reo: — Ba cái đầu trong một cái mũ. Rồi chị òa lên khóc, ôm hôn cuống quýt người đàn bà góa tội nghiệp và bảo chị ta: — Con bé ra vẻ hóm rồi đấy! — Cộng hòa muôn năm! - Binh sĩ lại hô lần nữa. Và viên đội bảo người đàn bà: — Nữ công dân! Đi theo chúng tôi. QUYỂN II CHIẾN HẠM CLAYMORE I ANH VÀ PHÁP LỘN SÒNG ◄○► Mùa xuân năm 1793, giữa lúc nước Pháp bị tấn công khắp biên giới và đang xôn xao về việc phái Girondin[12] bị lật đổ, thì tại quần đảo ngoài biển Manche xảy ra việc sau đây. Buổi chiều ngày 1 tháng 6, một ngày đầy sương mù rất nguy hiểm để đi biển nhưng lại thuận tiện để lẩn tránh, ở Jersey, trong vịnh Bonnenuit nhỏ bé, vắng vẻ, độ một giờ trước lúc mặt trời lặn, có một chiến hạm nhẹ lên buồm ra khơi. Thủy thủ trên tàu là người Pháp, nhưng thuộc hạm đội Anh, đang cắm neo và như làm nhiệm vụ canh phòng ở mũi phía đông hòn đảo. Hoàng thân De La Tour-d’Auvergne thuộc dòng họ Bourbon[13] đang chỉ huy hạm đội Anh, và theo lệnh ông ta, chiến hạm được tách ra làm một nhiệm vụ khẩn cấp và đặc biệt. Ngày đăng ký ở Trinity-House, con tàu mang tên The Claymore, bề ngoài là tàu vận tải, nhưng thực ra là một tàu chiến. Nó có dáng đi bể nặng nề và thái bình của chiếc tàu buôn; nhưng chẳng nên tin bề ngoài ấy. Tàu đóng nhằm hai mục đích, dùng mưu mẹo hoặc dùng vũ lực: đánh lừa, nếu có thể; chiến đấu, nếu cần. Để làm nhiệm vụ, đêm hôm đó, hàng hóa trong hầm tàu thay bằng ba chục khẩu pháo ngắn nòng cỡ lớn. Hoặc người ta vì dự phòng cơn bão sẽ đến, hoặc muốn cho con tàu có bộ mặt hiền lành, mà ba chục khẩu pháo đó đều được cột chặt trong tàu bằng ba vòng dây xích, và nòng súng thì dựa vào những cửa boong tàu, chèn chặt bên ngoài, chẳng nhìn thấy gì; cửa sổ thành tàu được che kín; cánh cửa đóng chặt; tất cả như khoác một chiếc màn che kín con tàu. Những khẩu pháo này lắp bánh xe bằng đồng đen có đũa kiểu cổ như kiểu hoa thị. Những chiến hạm làm nhiệm vụ hộ tống thì chỉ đặt đại bác trên boong; chiếc tàu này, đóng ra để đột kích và phục kích, nên trên boong không có súng ống, còn trong khoang tàu thì - như ta đã thấy - có cả một khẩu đội pháo. Tàu Claymore hình thù to lớn nặng nề, tuy thế tàu vẫn đi nhanh; vỏ tàu vào loại chắc chắn nhất trong hạm đội Anh, khi xung trận thì hiệu lực của nó gần bằng một chiến hạm hạng lớn, tuy cột buồm sau bé nhỏ và cánh buồm sau cũng đơn sơ. Bánh lái tàu, hình thù có vẻ lạ và tinh xảo, có một bộ phận cong cong như độc nhất, phải đặt làm ở xưởng đóng tàu Southampton hết năm chục đồng bảng Anh. Thủy thủ, toàn người Pháp, gồm những sĩ quan lưu vong và lính thủy đào ngũ. Bọn này đã được chọn lọc kỹ; mỗi tay là một thủy thủ giỏi, một tên lính cừ và một tên bảo hoàng trung kiên. Bọn chúng có ba điều cuồng tín: con tàu, thanh kiếm và đức vua. Ghép với số thủy thủ ấy, có nửa tiểu đoàn thủy quân lục chiến để đổ bộ khi cần thiết. Thuyền trưởng tàu Claymore từng được thưởng huân chương Thánh Louis, chính là bá tước Du Boisberthelot, một trong những sĩ quan xuất sắc của hải quân hoàng gia cũ, thuyền phó là kỵ sĩ La Vieuville, người đã từng chỉ huy đại đội quân cận vệ có tướng Hoche[14], khi ấy còn đóng chức đội, và hoa tiêu là Philip Gacquoil, người đảo Jersey, một chủ thuyền rất tinh khôn. Người ta đoán rằng chiếc tàu đó chắc phải làm điều gì phi thường. Quả vậy, có một người vừa bước xuống tàu với phong thái như một kẻ bước vào một cuộc phiêu lưu. Đó là một lão già, tầm vóc cao, to béo, nét mặt nghiêm nghị, một con người rất khó đoán định được tuổi, vì hình như lão vừa có vẻ già lại vừa có vẻ trẻ; một hạng người càng cao tuổi càng dồi dào sức lực, tóc bạc, mắt sáng quắc. Một con người độ bốn chục tuổi kể về sinh lực, nhưng uy nghi như người tám mươi tuổi. Lúc lão bước lên tàu, chiếc áo choàng đi biển hé mở, người ta thấy lão mặc bên trong một chiếc quần chùng lối cổ gọi là bragou-bras, đi ủng cao tới đầu gối và mặc một chiếc áo da dê mặt ngoài thêu chỉ lụa, còn mặt trong thì lông lá bù xù như lông thú; toàn bộ trang phục thuộc kiểu nông dân vùng Bretagne. Loại áo cộc kiểu cổ vùng Bretagne ấy dùng được hai việc trong ngày hội cũng như ngày thường, lộn mặt trái là chiếc áo lông, lộn mặt phải là chiếc áo thêu. Cả tuần, nom như tấm da thú, ngày chủ nhật, là chiếc áo sang trọng. Muốn cho có vẻ thật, bộ quần áo nông dân lão đang mặc đã bị sờn ở đầu gối và khuỷu tay, như thể đã mặc lâu rồi, còn chiếc áo choàng đi biển bằng vải thô lại giống hệt chiếc áo rách mướp của dân chài. Lão đội một chiếc mũ tròn thời đó, vừa tròn, vừa cao, vành rộng; loại mũ này nếu kéo sụp xuống thì ra vẻ thôn quê và nếu giải mũ đính huy hiệu kéo lật một bên vành lên thì ra vẻ mũ nhà binh. Lúc ấy, lão đội chiếc mũ sụp xuống theo lối dân quê, không có giải, không có huy hiệu. Lord[15] Balcarras, viên quan cai trị đảo cùng hoàng thân De La Tour-d’Auvergne đã thân hành tiễn lão xuống tàu. Gélambre, nhân viên mật vụ của các hoàng thân, cựu sĩ quan cận vệ của hầu tước D’Artois thân hành trông coi việc sửa soạn buồng riêng dưới tàu, và mặc dù là dòng dõi quý tộc, ông ta chu đáo và kính cẩn đến mức tự mình xách va-li theo sau lão kia. Lúc từ giã để trở lên bờ, ông De Gélambre đã cúi chào lão dân quê kia hết sức cung kính; LordBalcarras thì nói với lão: chúc tướng công may mắn, còn hoàng thân De La Tour-d’Auvergne lại chào: tạm biệt ông anh. Lão “dân quê”, đó là cái tên mà thủy thủ dùng ngay từ lúc ấy để chỉ người khách đi tàu kia trong những câu trao đổi cộc lốc giữa những người đi biển; nhưng họ chẳng biết gì hơn, chỉ biết là lão dân quê đó chẳng phải là dân quê, cũng như chiếc tàu chiến này chẳng phải là tàu vận tải. Gió hiu hiu. Tàu Claymore rời vịnh Bonnenuit, đi ngang vịnh Bulay chạy vát, còn trông rõ được một lúc; rồi càng về khuya con tàu càng mờ dần và mất hút. Một giờ sau, Gélambre trở về nhà ở Saint-Hélier[16] gửi ngay bằng tàu tốc hành chạy đường Southampton cho hầu tước D’Artois, ở hành dinh quận công York[17] bốn dòng chữ sau đây: “Thưa đức ông, cuộc khởi hành vừa xong. Chắc chắn thắng lợi. Tám ngày nữa, cả vùng bờ biển từ Granville đến SaintMalo sẽ rực lửa”. Trước đó bốn hôm, qua đường liên lạc mật, Prieur De La Marne[18], đại biểu quốc hội đang công cán ở quân khu vùng bờ biển Cherbourg, và tạm trú lại Granville, cũng đã nhận được bức thư sau, nét chữ giống hệt như ở bức thư nói trên: “Công dân đại biểu, đến ngày 1 tháng 6, giờ nước lên, chiến hạm Claymore với khẩu đội pháo ngụy trang sẽ nhổ neo đưa một người đổ bộ lên bờ bể nước Pháp, với nhận dạng như sau: tầm vóc cao, già, tóc bạc, ăn mặc quần áo nông dân, bàn tay quý phái. Ngày mai, tôi sẽ báo thêm chi tiết. Người đó sẽ đổ bộ sáng ngày hai. Hãy báo cho hạm đội tuần tiễu chặn bắt chiếc chiến hạm, đưa tên ấy lên máy chém.” II BÓNG TỐI TRÙM LÊN CON TÀU VÀ NGƯỜI HÀNH KHÁCH ◄○► Chiến hạm đáng lẽ theo hướng nam đi về Saint Catherine, lại nhằm hướng bắc, sau lại ngoặt hướng tây, rồi băng vào giữa đảo Serk và đảo Jersey, trong cái eo biển mà người ta gọi là con đường hiểm hóc. Thời kỳ đó, chưa có chiếc đèn biển nào ở hai bên bờ. Mặt trời đã lặn hẳn; đêm tối như mực, khác hẳn mọi đêm hè; một đêm có trăng nhưng những đám mây rộng phủ đầy trời như từ phía xích đạo chuyển lên chứ không phải từ chí tuyến tới, và xem chừng chỉ khi nào mặt trăng sắp lặn sát chân trời thì mới có ánh sáng trăng. Vài đám mây sà xuống sát mặt nước khiến mặt biển mù mịt. Cảnh tối trời ấy thật là thuận tiện. Ý đồ của Gacquoil là đi lướt giữa đảo Jersey và Guernesey rồi mạo hiểm vượt qua các đảo Hanois và Douvres để ghé vào một cái vịnh nào đó thuộc hải phận Saint-Malo, con đường này dài hơn đường qua Minquiers nhưng chắc chắn an toàn hơn, bởi vì hạm đội tuần tiễu Pháp chỉ thường xuyên được lệnh tuần phòng nghiêm ngặt nhất ở giữa Saint-Hélier và Granville. Nếu thuận gió, không xảy ra biến cố gì và phủ kín vải lên con tàu thì Gacquoil hy vọng cập bờ biển nước Pháp khoảng sáng sớm. Mọi việc đều trôi chảy; vào khoảng chín giờ con tàu vừa mới vượt dãy đá ngầm Gronet: trời có vẻ trở quẻ, nói theo tiếng con nhà thủy thủ, rồi gió nổi, sóng cồn; nhưng gió vẫn xuôi và sóng tuy lớn mà không dữ dội. Tuy thế, cũng đã có đôi ngọn sóng làm nước ập vào đầu mũi tàu. Lão “dân quê” mà Lord Balcarras đã gọi là tướng quân và hoàng thân De La Tour-d’Auvergne gọi là ông anh có cặp giò con nhà thủy thủ, đi bách bộ trên boong tàu với một vẻ trang nghiêm, trầm lặng. Lão có vẻ không nhận thấy con tàu lắc mạnh. Thỉnh thoảng lão lại rút trong túi áo ra một thỏi sô-cô-la, bẻ từng miếng nhấm nháp; mặc dầu tóc lão bạc phơ nhưng răng lão còn tốt chán. Lão chẳng nói với ai, chỉ đôi khi rỉ tai ngắn gọn với viên thuyền trưởng, ông này thì lắng nghe một cách cung kính và hình như ông coi vị khách có quyền chỉ huy hơn cả ông nữa. Tàu Claymore lái khéo, lần trong sương mù, đang men theo quãng bờ dốc dài phía bắc đảo Jersey, cố đi sát bờ để tránh dãy đá ngầm nguy hiểm Pierres-de-Leeq, giữa đảo Jersey và đảo Serk. Gacquoil, đứng ở vị trí hoa tiêu, lần lượt báo hiệu các dãy đá ngầm Grèves de Leeq, Gros-Nez, Plémont, hướng cho con tàu lướt qua, như thể mò mẫm, nhưng lại vững vàng như là ở nhà mình và biết rành rọt mọi vật trên đại dương. Tàu không thắp đèn hiệu đằng mũi, sợ bị lộ trên những khúc biển bị kiểm soát này. Người ta mừng thầm có sương mù. Tàu đến Grande-Etaque; sương dày đến nỗi bóng dãy núi cao Pinacle chỉ thấy hiện lên mờ mờ. Người ta nghe thấy tháp chuông Saint-Ouen điểm mười giờ, dấu hiệu con tàu vẫn xuôi gió. Mọi sự vẫn tiến triển tốt; đến gần dãy núi Corbière, biển mới nổi sóng mạnh hơn. Độ hơn mười giờ, bá tước Du Boisberthelot và kỵ sĩ La Vieuville đưa chân lão già mặc quần áo nông dân đến tận phòng riêng, nguyên là phòng thuyền trưởng. Lúc vào trong phòng, lão hạ thấp giọng nói với hai người: — Các ngài chắc đã biết, cần nhất là giữ bí mật. Im lặng cho đến khi bùng nổ. Chỉ riêng hai ngài ở đây biết tên tôi thôi. — Chúng tôi sống để bụng chết mang đi - Boisberthelot trả lời. — Còn tôi - Lão già nói tiếp - Đến chết tôi cũng không nói tên tôi. Nói xong lão đi vào phòng mình. III QUÝ TỘC LẪN VỚI BÌNH DÂN ◄○► Thuyền trưởng và phó thuyền trưởng trở lên boong tàu, vừa bách bộ bên nhau vừa trò chuyện. Dĩ nhiên, họ đang bàn tán về người khách của họ, và đây là gần đủ câu chuyện theo gió tản đi trong bóng tối. Boisberthelot lẩm bẩm bên tai La Vieuville: — Để xem có đáng mặt thủ lĩnh không? La Vieuville trả lời: — Đó là một bậc vương hầu. — Gần như thế. — Dòng quý tộc ở nước Pháp, nhưng là bậc vương hầu xứ Bretagne. — Như các dòng họ La Trémoille và Rohan. — Mà ông ta cũng có thân gia với phía ấy. Boisberthelot nói tiếp: — Ở trong nước hồi còn đi xe ngựa của nhà vua thì lão ta mang tước hầu cũng như tôi mang tước bá và ngài là kỵ sĩ. — Còn lâu mới có xe ngựa! - La Vieuville nói - Bây giờ chúng ta đi xe rác cả thôi! Im lặng một lát. Boisberthelot lại tiếp: — Không có ông hoàng Pháp thì người ta kiếm một ông hoàng xứ Bretagne vậy. — Thiếu họa mi… — Không, thiếu phượng hoàng kiếm quạ thay. — Tôi thích một con diều hâu hơn - Boisberthelot nói. La Vieuville đáp lại: — Đúng! Cần một cái mỏ và những móng nhọn. — Để rồi xem. — Vâng, đã đến lúc cần phải có một thủ lĩnh - La Vieuville nói tiếp - Tôi cũng đồng ý với Tinténiac: một thủ lĩnh và thuốc súng! Này ngài thuyền trưởng ạ, tôi biết gần hết những ông lãnh tụ tạm được và những ông bất thành lãnh tụ; những ông lãnh tụ hôm qua, hôm nay và cả ngày mai nữa; chẳng có anh nào xứng làm đầu não chiến tranh như chúng ta đang cần. Trong cái xứ Vendée bất trị này, cần có một vị vừa là tướng, vừa là khâm sai; phải làm cho kẻ thù mất ăn mất ngủ, phải giành giật từng cái cối xay, từng bụi cây, từng cái hố, từng hòn sỏi, phải quấy nhiễu, gây thiệt hại, lợi dụng mọi trường hợp, bao quát mọi việc, tàn sát quyết liệt, khủng bố để đe dọa, làm cho chúng mất ăn mất ngủ, không thương xót gì cả. Lúc này, trong hàng nông dân quân, anh hùng thì có mà kẻ chỉ huy lại không. D’Elbée thì thất tài, Lescure thì ốm yếu, Bonchamp lại quá độ lượng; anh ta tốt, thế là ngu. La Rochejaquelein chỉ là một thiếu úy xuất sắc; Silz là một sỹ quan quen lối đánh trận địa, không thạo lối chiến tranh dùng mưu mẹo, tùy cơ ứng biến, Cathelineau là một anh đánh xe bò khờ khạo, Stofflet là một lính tuần phòng quỷ quyệt chuyên canh gác những nơi cấm săn bắn, Bérard thì vụng về, Boulainvillers thì lố bịch, Charette thì ghê tởm. Ấy là tôi không nói đến anh thợ cạo Gaston. Bởi vì mẹ kiếp! Sinh sự với cách mạng để làm gì, và giữa bọn cộng hòa với chúng ta khác quái gì nhau, nếu chúng ta để bọn thợ cạo chỉ huy quý tộc? — Là vì cái cách mạng chó đẻ sau này cũng đã thâm nhập vào cả bọn chúng ta rồi. — Một thứ bệnh ghẻ của nước Pháp đấy. — Bệnh ghẻ của đẳng cấp thứ ba đấy - Boisberthelot cãi lại - Chỉ còn nước Anh là có thể lôi chúng ra thoát cảnh đó. — Nước Anh sẽ lôi chúng ta ra thoát, đừng nghi ngờ gì cả, ngài thuyền trưởng ạ. — Hãy biết hiện nay tình hình chẳng ra quái gì! — Quả vậy, đâu đâu cũng rặt một lũ bất tài; chế độ quân chủ có tổng tư lệnh Stofflet là một anh lính canh giữ vườn săn của ngài De Maulevrier thì cũng chẳng có gì đáng ganh tị với bên cộng hòa có ông bộ trưởng Pache là con trai tên gác cổng nhà quận công De Castries. Cuộc chiến tranh hiện nay ở Vendée sao mà cân đối thế: bên này có Santerre nấu rượu bia, bên kia có Gaston làm tóc giả[19]! — Ông La Vieuville ạ, tôi có một chút ý kiến về gã Gaston ấy. Hồi hắn chỉ huy ở trận Guéménée, hắn cũng khá đấy. Hắn dùng súng hỏa mai hạ thủ rất đẹp một lúc ba trăm tên xanh sau khi bắt chúng tự đào lấy huyệt. — Tốt lắm, nhưng tôi cũng có thể làm không kém gì hắn. — Chắc vậy và tôi cũng thế. — Trong chiến tranh, những việc lớn lao phải có tay của quý tộc mới làm nên - La Vieuville tiếp - Đó là công việc của kỵ sĩ chứ không phải của bọn thợ cạo. — Tuy vậy trong đẳng cấp thứ ba cũng có những người đáng quý - Boisberthelot tiếp - Thí dụ như anh thợ đồng hồ Joly. Anh ta đóng đội ở trung đoàn Flandres. Về sau anh ta đã thành thủ lĩnh quân Vendée. Anh ta chỉ huy một toán quân dọc bờ biển, đứa con anh ta lại ở bên cộng hòa, và trong lúc bố chiến đấu cho bên trắng thì con chiến đấu cho bên xanh. Chạm trán. Đánh nhau. Bố bắt được con làm tù binh và bắn vỡ sọ con ngay tức khắc. — Anh chàng ấy thế là tốt - La Vieuville nói. — Một Brutus[20] bảo hoàng - Boisberthelot tiếp. — Dẫu sao, để cho một tên Coquereau, một tên Jean-Jean, một tên Moulins, một tên Focard, một tên Bouju, một tên Chouppes chỉ huy thì cũng không chịu được. — Ngài kỵ sĩ thân mến ơi! Bên kia, bọn chúng cũng tức bực như thế đấy. Bên ta đầy rẫy bọn thị dân; bọn chúng cũng đầy rẫy quý tộc. Ngài thử nghĩ xem đời nào bọn “cộng hòa”[21] ấy lại chịu dưới quyền chỉ huy của bá tước De Canclaux, tử tước De Miranda, tử tước De Beauharnais, bá tước De Valence, hầu tước De Custine và quận công De Biron. — Thật là rắc rối! — Lại còn quận công De Chartres nữa[22]! — Con của Egalité. Ái chà, bao giờ cái của nợ ấy lên ngôi? — Không bao giờ. — Hắn lên ngôi đấy. Nhờ những tội ác mà lên. — Nhưng lại do những thói hư tật xấu làm hỏng chuyện - Boisberthelot nói. Lại im lặng một lúc, rồi Boisberthelot tiếp: — Tuy thế, hắn vẫn định dàn hòa. Hắn đã tới yết kiến đức vua. Hồi ấy tôi cũng có mặt ở Versailles, mọi người phỉ nhổ theo. — Từ trên cầu thang lớn nhổ xuống à? — Vâng. — Thế là đúng. — Chúng tôi gọi hắn là giống Buốc-bùn[23]. — Hắn ta trán hói, đầy mụn nhọt, lại mưu sát đức vua, thật ghê tởm! Rồi La Vieuville thêm: — Tôi đã ở với hắn ở Ouessant. — Trên chiến thuyền Saint-Esprit? — Vâng. — Lúc đó, nếu hắn tuân lệnh đô đốc D’Orvilliers bảo lựa theo chiều gió thì hắn đã chặn được bước tiến của quân Anh. — Đúng thế. — Có phải lúc đó hắn hoàn toàn bất lực? — Không. Nhưng mà cũng phải nói thế. Nói xong, La Vieuville phá ra cười. Boisberthelot lại nói tiếp: — Có lắm đứa ngu ngốc. Như thằng cha Boulainvilliers mà ngài vừa nói, tôi hiểu rõ hắn lắm, biết tận mắt. Mới đầu, hắn bắt bọn dân quê vũ trang bằng giáo mác; chẳng biết ai nhét vào đầu óc hắn ý định dạy cho bọn này thành lính đánh bằng giáo! Hắn định dạy chúng những miếng võ về phép đánh giáo đâm chếch và kéo rê. Hắn còn mơ ước biến bọn man rợ đó thành quân đội chính quy. Hắn định dạy chúng cách tiêu hao bốn góc của thế trận hình vuông và thành lập những tiểu đoàn rỗng bụng. Hắn nói sai bét các danh từ quân sự cũ rích: có danh từ dùng từ thời Louis XIV. Hắn khăng khăng lập một trung đoàn gồm toàn những tên đi săn trộm; hắn lập những đại đội chính quy, chiều chiều bắt các viên đội sắp hàng quay tròn lại nhận khẩu lệnh hỏi và khẩu lệnh đáp của viên đội thuộc đại đội thứ nhất của trung đoàn, viên đội này truyền cho viên đội bên cạnh, cứ thế chúng ghé tai nhau truyền khẩu lệnh đến viên đội cuối cùng. Hắn cách chức một sĩ quan vì người này không chịu đứng dậy và cất mũ đón khẩu lệnh do viên đội phát ra. Đấy ngài tính như thế mà thành sự được. Thằng cha đần độn ấy không hiểu rằng bọn dân quê thì thích dạy dỗ theo kiểu nhà quê, chẳng bao giờ có thể đem bọn người rừng biến thành lính được. Vâng, tôi đã được biết cái tên Boulainvilliers đó. Họ đi vài bước, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng. Rồi câu chuyện lại tiếp tục: — À nhân thể, có thật ông Dampierre bị giết không nhỉ? — Vâng, ngài thuyền trưởng ạ. — Ở Condé à? — Ở trại Pamars; bị một quả đại bác - Boisberthelot thở dài. — Bá tước De Dampierre. Lại một người nữa của ta, trước kia ở bên chúng! — Đi cho mát mẻ! - La Vieuville nói. — Còn các phu nhân[24]? Hiện nay ở đâu? — Ở Trieste. — Vẫn ở đó? — Vẫn ở đó. Rồi La Vieuville kêu lên. — A! Cái nợ cộng hòa này! Chả ra gì mà biết bao nhiêu thiệt hại! Ai ngờ được, chỉ vì công quỹ hụt vài triệu đồng mà sinh ra cái nạn cách mạng này! — Chớ coi thường, những cái sẩy dễ nảy ra cái ung! - Boisberthelot nói. — Mọi việc hỏng bét - La Vieuville tiếp. — Đúng. La Rouarie thì chết, Du Dresnay thì ngốc. Còn các ngài giám mục nữa, những ông cầm đầu ấy thật đáng buồn, như cái ông Coucy, giám mục xứ La Rochelle, ông Beaupoil Saint-Aulaire, giám mục xứ Poitiers, ông Mercy, giám mục xứ Luçon, tình nhân của bà De L’Eschasserie!… — Bà ta tên là Servanteau, ngài thừa biết L’Eschasserie là tên đất. — Còn cái lão giám mục giả hiệu ở Agra, không hiểu lão là cha xứ địa phận nào. — Ở địa phận Dol. Lão tên là Guillot De Folleville. Nói cho cùng lão ta dũng cảm, lão có tham chiến. — Hừ! Lúc cần lính, lại chỉ có thầy tu! Giám mục chả ra giám mục! Tướng tá chả ra tướng tá! La Vieuville ngắt lời Boisberthelot: — Thưa thuyền trưởng, trong buồng ngài có báo Moniteur không? - Có. — Hiện ở Paris đang diễn vở gì? — Vở Adèle và Paulin, và vở Sào huyệt. — Muốn xem mấy vở ấy quá. — Rồi ngài sẽ được xem. Nội một tháng nữa, chúng ta sẽ ở Paris… Boisberthelot ngẫm nghĩ một lát rồi thêm: — Là chậm nhất. Ngài Windham đã nói với ngài Hood như thế. — Thưa ngài, thế ra tình hình không đến nỗi xấu lắm à? — Có thể tốt, với điều kiện phải chỉ huy cho khéo cuộc chiến tranh ở Bretagne. La Vieuville gật đầu hỏi tiếp: — Thưa thuyền trưởng, có cho đổ bộ đơn vị thủy quân lục chiến không? — Có, nếu trên bờ ủng hộ ta; không, nếu trên bờ chống lại ta. Đôi khi phải đánh thọc vào cửa ngõ và đôi khi cũng phải luồn cho khéo. Tiến hành nội chiến thì luôn luôn phải có nhiều mưu mẹo trong túi. Có thể làm gì thì làm nấy. Cần nhất bây giờ là vị thủ lĩnh. Rồi Boisberthelot, vẻ trầm ngâm, nói thêm: — Ngài La Vieuville ạ, theo ý ngài thì kỵ sĩ Dieuzie như thế nào? — Dieuzie Em ấy ư? — Vâng. — Cho ra chỉ huy à? — Vâng. — Tôi nghĩ lại thêm một ông nữa chỉ quen tác chiến ở đồng bằng và trên trận địa. Rừng rậm chỉ quen thuộc với dân quê thôi. — Thế thì ngài đành phải dùng các tướng Stofflet và Cathelineau vậy. La Vieuville mơ màng một lúc rồi nói: — Đáng lẽ phải có một ông hoàng, ông hoàng Pháp, ông hoàng chính tông. Một ông hoàng thực thụ. — Để làm gì. Cứ nói đến ông hoàng… — Là nói đến phường nhút nhát. Tôi biết thế, thưa ngài. Nhưng có thế mới làm lóa được những con mắt ngu xuẩn. — Ông kỵ sĩ thân mến ơi, các vị vương hầu đều tránh mặt cả. — Không cần họ nữa. Boisberthelot như một cái máy, đưa tay bóp trán như muốn vắt ra một ý kiến. Rồi ông ta nói: — Thôi, hãy thử dùng cái ông tướng này. — Đó là một nhà đại quý tộc. — Liệu ông ta có đủ đáp ứng được công việc không? — Được, miễn là lão ta có tài! - La Vieuville nói. — Nghĩa là hung dữ - Boisberthelot nói. Bá tước và kỵ sĩ nhìn nhau. — Thưa bá tước, ngài dùng đúng chữ quá. Hung dữ. Đúng, đó mới là cái ta đang cần. Đây là một cuộc chiến tranh khốc liệt. Thời buổi này là của những kẻ khát máu. Bọn cộng hòa chặt đầu vua Louis XVI, chúng ta phải chặt cả tay chân của bọn chúng. Đúng, viên tướng mà ta cần bây giờ phải là ông tướng tàn nhẫn. Ở Anjou và miền trên Poitoux, các tướng lĩnh làm ra vẻ cao thượng; họ luẩn quẩn mãi trong cái hào hiệp rởm; chả làm được việc gì. Ở Marais và Retz các tướng lĩnh rất tàn bạo, mọi việc đều chạy. Chính vì Charette hung dữ nên mới đương đầu nổi với Parrein. Chó rừng chọi lại chó rừng. Boisberthelot chưa kịp trả lời. Câu nói của La Vieuville bị cắt đột ngột vì một tiếng thét tuyệt vọng, rồi cùng lúc đó nổi lên một tiếng động khác hẳn mọi tiếng vẫn thường nghe. Tiếng kêu và những tiếng động từ trong hầm tàu dội ra. Thuyền trưởng, thuyền phó đâm bổ về phía hầm tàu, nhưng không vào lọt. Tất cả lính pháo đang hoảng hốt kéo lên. Một sự việc rùng rợn vừa xảy đến. IV KHÍ CỤ CHIẾN TRANH ◄○► Một khẩu pháo cỡ hai mươi tư trong khẩu đội bị tuột xích. Đây có lẽ là một biến cố đáng sợ nhất trên mặt biển. Không còn gì đáng sợ hơn cho một chiến thuyền đang chạy hết tốc lực giữa biển khơi. Một khẩu đại bác đứt dây buộc bỗng nhiên trở thành một con vật dị thường. Một khí cụ bỗng hóa thành một con quái vật. Cả cái khối nặng ấy lăn trên bánh xe, chuyển động như hòn bi trên bàn bi-da, nghiêng ngả theo nhịp chòng chành của con tàu, đi tới, đi lui, dừng lại, có vẻ ngẫm nghĩ, rồi lại chạy, lao như một mũi tên từ đầu tới cuối hầm tàu, nó xoay, nó tránh, nó lẩn, nó nổi xung, nó húc, nó làm sứt mẻ, nó đè chết, nó nghiền nát. Đây là một thứ chiến cụ thả sức phá một bức thành. Phải nói thêm: chiến cụ bằng sắt mà bức thành lại bằng gỗ. Đây là vật chất được thả lỏng. Có thể nói vật nô lệ muôn đời ấy đang trả thù; hình như cái tính ác vốn có trong cái gọi là những vật vô tri đã đột ngột nổ bùng ra; có vẻ không nhịn nhục được nữa và phục thù một cách mù quáng, kỳ quặc; không còn gì ác liệt hơn là cơn giận dữ của những vật vô tri. Cái khối sắt điên rồ ấy nhảy chồm lên như con báo, nặng nề như con voi, nhanh nhẹn như con chuột nhắt, ngoan cố như rìu đẵn cây, bất ngờ như sóng biển, giành giật như ánh chớp và điếc như nấm mồ. Nó nặng hàng chục tấn nhưng lại nẩy bật đi như một quả bóng trẻ con chơi. Những đợt xoay tròn đột ngột cắt thành những đường vuông góc. Làm gì bây giờ? Giải quyết thế nào? Bão có thể ngớt, lốc có thể qua, gió có thể ngừng, cột buồm gãy có thể thay, nước tràn qua lỗ thủng vào tàu có thể bịt lại, lửa cháy có thể dập tắt; nhưng cái vật vô tri bằng đồng đen kia rồi sẽ ra sao? Làm cách nào bây giờ? Anh có thể nói phải trái với con chó ngao, có thể làm kinh ngạc con bò rừng, thôi miên một con trăn, làm khiếp sợ một con hổ, làm mủi lòng một con sư tử; nhưng không có cách nào đối phó với con vật khổng lồ là khẩu đại bác bị tuột xích này. Anh không giết nó được vì nó là vật chết rồi; nhưng đồng thời nó vẫn sống. Nó sống một cuộc sống quái gở từ chốn vô cùng đưa lại. Dưới nó là sàn tàu đang lắc lư. Gió làm biển động, biển làm nghiêng ngả con tàu, con tàu làm cho nó lảo đảo. Cái vật tàn sát kia là một thứ đồ chơi. Con tàu, sóng biển, gió, tất cả đang dựng cho nó sống dậy. Vì thế, cuộc sống của nó thật ghê sợ. Có cách nào chống lại cả một thế dây chuyền như vậy? Làm thế nào cản lại cái khối khí cụ khổng lồ dẫn đến đám tàu này? Làm sao biết trước các chiều đi tới, đi lui, đứng lại, và va chạm của nó? Mỗi lần nó húc vào thành tàu có thể làm cho tàu vỡ tan. Làm sao đoán biết những đường đi lắt léo rùng rợn ấy? Người ta đang chạm trán với một viên đạn biết thay đổi ý kiến, một viên đạn có vẻ biết suy nghĩ và chốc chốc lại đổi hướng đi. Làm sao có thể chặn đứng cái vật đáng lẽ ta phải tránh đi? Khẩu đại bác khủng khiếp vẫn lồng lộn, tiến, lui, quật bên phải, quật bên trái, lẩn tránh, vượt qua, nghiền nát những vật chướng ngại, đè bẹp con người như con ruồi. Tình thế kinh khủng nhất là ở chỗ sàn tàu đang ngả nghiêng, di chuyển. Làm sao có thể trị được một mặt phẳng nghiêng có những thay đổi thất thường? Có thể nói sấm sét bị cầm tù trong lòng con tàu đang tìm cách thoát ra. Khác nào như là sấm rền đang lúc động đất. Trong khoảnh khắc, tất cả thủy thủ đều sẵn sàng. Lỗi này là do người phụ trách khẩu pháo đã không cẩn thận khi vặn ốc nối xích buộc súng và không chèn cẩn thận bốn bánh xe; vì thế đế và khung bị long ra, làm lệch hai cái đĩa rồi cuối cùng kéo đứt tung dây neo. Đồ chèn pháo bị nát khiến khẩu pháo không nằm chắc trên giá nữa. Thời đó, lại chưa biết dùng loại neo cố định ở súng, giữ cho súng không giật lùi. Một đợt sóng ập tới đập vào mạn tàu, khẩu súng vốn buộc không kỹ, lùi lại làm đứt xích, rồi cứ thế lồng chạy khắp hầm tàu. Để có một ý niệm về việc khẩu pháo lăn đi lăn lại một cách lạ kỳ như thế, ta hãy hình dung một giọt nước lăn trên một tấm kính. Lúc dây buộc bị đứt, tất cả pháo thủ vẫn ở dưới hầm pháo. Một số quây quần thành từng nhóm, một số khác tản mác làm mọi việc mà con nhà thủy thủ vẫn làm để phòng khi có lệnh tác chiến. Khẩu pháo theo đà con tàu chòng chành, vụt xuyên qua khối người đó và nghiền nát ngay bốn người từ phát đầu, tiếp đó, lại theo đà con tàu chòng chành mà lăn trở lại nghiền đứt đôi một kẻ xấu số thứ năm và đập vào thành tàu bên trái, trúng một khẩu pháo khác làm cho khẩu đó bị tháo tung ra. Chính bấy giờ là lúc nổi lên tiếng kêu thê thảm mà mọi người vừa mới nghe thấy. Tất cả đổ xô lại cầu thang. Trong nháy mắt cả hầm pháo vợi hẳn người. Người ta bỏ mặc khẩu pháo đồ sộ ấy một mình. Tự nó cũng thả lỏng cho nó. Nó là chủ lấy nó, đồng thời cũng làm chủ cả con tàu. Nó muốn làm gì thì làm. Đoàn thủy thủ quen cười trong trận mạc lúc bấy giờ cũng run lên. Khó mà tả thành lời cái cảnh kinh khủng ấy. Thuyền trưởng Boisberthelot và phó thuyền trưởng La Vieuville, hai người tuy dũng cảm, cũng phải dừng lại trên đầu cầu thang, im lặng, tái người, ngập ngừng, nhìn xuống hầm tàu. Có ai đang lấy khuỷu tay rẽ họ ra và đi xuống. Đó là vị khách, lão “dân quê”, con người mà họ vừa nói tới lúc nãy. Xuống đến bậc cuối cầu thang, lão dừng lại. V SỨC MẠNH TÀN BẠO VÀ CON NGƯỜI ◄○► Khẩu pháo vẫn lao qua lao lại trong hầm tàu. Có thể nói đó là chiếc xe của Apocalypse[25]. Ngọn đèn đi biển lắc lư trong khoang hầm súng làm cho cảnh tượng đó lúc tối, lúc sáng, nhìn càng chóng mặt. Khẩu pháo lao nhanh dữ dội, không còn trông rõ hình thù nữa, chỉ thấy đen xì lúc nó lao ra ngoài sáng, và ánh lên màu trắng đục mờ khi nó lẩn vào trong bóng tối. Khẩu pháo vẫn tiếp tục hủy hoại con tàu. Nó đã phá vỡ thêm bốn khẩu pháo nữa và chọc hai lỗ thủng ở thành tàu, may sao chỗ thủng ấy còn trên mực nước, nhưng nếu bão nổi lên bất ngờ thì nước sẽ theo đó mà ập vào. Nó đâm bổ vào khắp các bộ phận trong con tàu như điên như dại, những tấm gỗ dày, ốp hai bên mạn tàu chịu đựng rất khỏe, nhất là loại gỗ uốn cong càng có sức bền đặc biệt; thế nhưng người ta vẫn nghe tiếng gãy răng rắc, vì bị cái chùy khổng lồ kia nện bốn phía, liên hồi. Bỏ một hạt chì vào trong chai rồi đem xóc lên cũng không có những tiếng đập điên loạn và dồn dập như thế. Bốn bánh xe lăn đi lăn lại trên những xác chết, cắt xé, băm ra từng mảnh, và năm xác chết đã biến ra hai chục khúc thịt lăn lóc khắp hầm súng; những chiếc đầu lâu như đang kêu la; những dòng máu chảy ngoằn ngoèo trên sàn theo nhịp chòng chành của con tàu. Bộ phận ván lót phía trong còn tàu bị hư hỏng ở nhiều chỗ bắt đầu hở toác ra. Tiếng động khủng khiếp vang khắp con tàu. Viên thuyền trưởng đã trấn tĩnh ngay được, rồi theo lệnh ông ta, người ta vứt xuống qua cửa hầm mọi thứ đồ vật có thể giảm tốc độ hoặc chặn khẩu pháo bất kham lại, nào đệm, võng, buồm dự trữ, các cuộn dây chão, các bọc hàng và các bao đựng những tín phiếu giả chở đầy trên tàu - trong thời chiến, việc sử dụng các tín phiếu giả là một hành động đốn mạt, nhưng được người Anh coi là chính nghĩa. Nhưng những đống giẻ rách ấy làm nên trò gì? Không có ai dám xuống chèn cho đúng cách, nên vài phút sau tất cả những đồ vật kia chỉ còn là một đống giẻ vụn. Lúc đó, sóng bể khá dữ dội, đủ cho tai nạn hoàn thành trọn vẹn cuộc tàn phá. Một cơn bão đến đúng lúc ấy lại hóa hay; nó có thể lật khẩu pháo chổng bốn vó, và khi đó người ta mới chế ngự được nó. Nhưng lúc này, cuộc tàn phá càng tăng thêm. Cột buồm cũng bị sứt mẻ, bị gãy, vì gắn liền với sườn tàu và chạy suốt các tầng, làm thành những trụ tròn lớn. Bị khẩu pháo đập vào tới tấp, cột buồm đằng trước bị nứt nẻ, cột buồm chính cũng bị trầy trợt. Khẩu đội pháo tan rã. Trong số ba chục khẩu pháo, mười khẩu đã thành vô dụng; lỗ thủng bên mạn tàu ngày càng nhiều và nước đã bắt đầu tràn vào. Người hành khách già bước xuống đến chân cầu thang đứng ngây ra như tượng đá. Lão nhìn cảnh tàn phá với đôi mắt nghiêm nghị. Lão đứng không nhúc nhích. Hình như lão không thể bước được bước nào nữa vào hầm pháo. Mỗi một chuyển động của khẩu pháo thả lỏng càng đẩy thêm con tàu đến chỗ tan tành. Chỉ lát nữa, con tàu sẽ bị đắm. Hoặc là chết, hoặc là phải chặn đứng tai họa; phải chọn lấy một con đường, nhưng chọn đường nào? Khẩu pháo quả là vô địch! Phải chặn ngay con vật điên rồ khủng khiếp ấy. Phải cột cái ánh chớp ấy lại. Phải dập tắt cái tia sét ấy. Boisberthelot hỏi La Vieuville: — Ngài có tin Chúa không, ngài kỵ sĩ? La Vieuville trả lời: — Có. Không. Đôi khi. — Trong bão tố thì sao? — Có. Và nhất là trong những giờ phút thế này. — Quả chỉ còn Chúa mới có thể cứu chúng ta thoát nạn này - Boisberthelot nói. Mọi người lại nín lặng, mặc cho khẩu pháo hoành hành phá phách một cách ghê gợn. Bên ngoài, sóng đập vào con tàu đáp lại những tiếng va chạm bên trong của khẩu pháo. Có thể nói như hai chiếc búa luân phiên nện vào thành tàu. Bỗng nhiên, trong cái trường đấu không ai dám bén mảng ấy, nơi khẩu pháo tuột xích đang lồng lộn, một người xuất hiện, tay cầm chiếc gậy sắt. Đó là người đã gây ra sự biến này, người phụ trách khẩu pháo cẩu thả, nguyên nhân của tai nạn, người chủ của khẩu pháo. Anh ta đã gây ra tai họa, anh ta muốn sửa chữa. Một tay cầm gậy sắt, tay kia cầm dây thòng lọng, anh ta nhảy từ sân trên của con tàu xuống sàn dưới. Thế là bắt đầu một biến cố dữ dội; một cảnh tượng vĩ đại! Cuộc chiến đấu giữa khẩu pháo và người pháo thủ; cuộc vật lộn giữa vật chất và trí tuệ, cuộc đọ sức giữa một đồ vật và một con người. Anh ta đứng thu vào một góc, gậy và dây nắm trong tay, lưng tựa vào ván gỗ khoang tàu, chân vững như hai cột bằng thép, mặt xám xanh, bình tĩnh, ghê rợn, anh đứng chờ như mọc rễ trên sàn. Anh ta đợi khẩu pháo xông tới gần anh. Người pháo thủ hiểu biết khẩu pháo của mình, và anh cảm thấy rằng hình như khẩu pháo cũng hiểu biết anh. Anh đã sống bao nhiêu lâu bên khẩu pháo đó. Biết bao lần, anh đã lùa tay vào mõm nó! Đây là con quái vật quen thuộc của anh. Anh bắt đầu gọi nó như gọi con chó của mình. — Lại đây - Anh ta bảo nó. Có lẽ anh ta cũng mến nó. Hình như anh ta mong nó đến với anh. Nhưng nó tới chỗ anh ta có nghĩa là nó đè lên anh ta. Mà thế thì anh ta mất mạng. Làm sao tránh cho khỏi bị nghiền nát? Đó là vấn đề. Mọi người đều nhìn khiếp sợ. Không còn một lồng ngực nào thở bình thường, trừ lão già là người duy nhất đứng ở sàn dưới, người chứng kiến ghê rợn. Lão cũng có thể bị khẩu pháo nghiền nát. Lão vẫn đứng im không nhúc nhích. Dưới chân hai người, sóng biển vẫn mù quáng điều khiển cuộc chiến đấu. Đúng cái lúc anh pháo phủ nhảy vào khiêu khích khẩu pháo để chấp nhận cuộc vật lộn ghê sợ đó, tình cờ biển bớt chao động và khẩu pháo bỗng đứng lại một lúc như sửng sốt. “Lại đây nào!” Người pháo thủ bảo khẩu pháo như thế. Khẩu pháo có vẻ nghe ngóng. Rồi đột nhiên, khẩu pháo chồm vào người pháo thủ. Anh ta tránh thoát. Cuộc chiến đấu bắt đầu. Cuộc chiến đấu kỳ dị. Cái mảnh khảnh vật lộn với xương sắt da đồng. Người dạy thú bằng da bằng thịt đánh nhau với con vật bằng đồng. Một bên là sức mạnh, một bên là linh hồn. Cảnh đó diễn ra trong tranh tối tranh sáng. Giống như một cảnh tượng siêu phàm, huyền ảo. Một điều kỳ lạ là người ta tưởng như khẩu pháo cũng có một linh hồn, nhưng là một linh hồn căm thù và điên dại. Cái vật đui mù đó như có mắt. Con quái vật có vẻ đang rình con người. Ít nhất người ta cũng có thể ngờ rằng cái khối đó có mưu trí. Nó cũng biết chọn thời cơ. Nó như một loại côn trùng khổng lồ bằng sắt, hoặc ra vẻ có cái quyết tâm của loài ma quỷ. Thỉnh thoảng con châu chấu khổng lồ ấy nhảy lên đụng vào cái trần thấp của hầm pháo rồi nó lại rơi xuống đứng trên bốn bánh xe như một con hổ đứng trên bốn vuốt, sau đó nó lao đi đuổi theo con người. Còn con người thì mềm mại, nhẹ nhàng, khéo léo, luồn, lách như một con rắn qua những cử động sấm sét kia. Anh ta tránh cuộc chạm trán, nhưng những đòn anh ta tránh được lại nện vào con tàu, làm cho con tàu hư hại thêm. Một khúc dây xích đứt còn đeo vào khẩu pháo. Không biết vì sao đoạn xích đó lại quấn vào cái vít ở nắp đáy súng. Một đầu xích bị mắc vào giá súng. Đầu kia, tự do quay tít chung quanh nòng pháo khiến cho nòng pháo càng vung vẩy mạnh. Cái vít như một bàn tay nắm chắc lấy dây xích và dây xích mỗi lúc càng quật mạnh và làm tăng thêm sức phá của chân súng tiếp tục húc vào thành tàu; đoạn dây xích ấy quay chung quanh nòng súng như một cơn lốc kinh hồn; một nắm đấm bằng đồng quay tít một cái roi sắt. Dây xích ấy làm cho cuộc chiến đấu thêm phức tạp. Tuy thế, người pháo thủ vẫn chiến đấu. Đôi khi lại chính anh ta tấn công khẩu pháo; anh ta trườn theo dọc mạn tàu, gậy sắt và dây chắc trong tay; còn khẩu pháo có vẻ am hiểu, và như đoán được người ta đang rình bẫy nó nên nó lẩn tránh. Con người dữ tợn vẫn rượt theo. Những việc như thế không thể kéo dài mãi. Khẩu pháo bỗng như tự bảo: phải thôi đi! Và nó dừng lại. Mọi người cảm thấy sắp tới lúc kết thúc. Khẩu pháo hình như có hoặc có hẳn hoi, một ý đồ hung bạo; thực thế, vì ai cũng coi nó như một sinh vật. Đột nhiên, nó nhảy xổ lên anh pháo thủ. Anh pháo thủ né sang một bên, cho nó vụt qua, rồi anh ta cười, quát theo: “Làm lại!” Khẩu pháo như giận dữ, lại đập vỡ một khẩu pháo khác ở bên mạn trái; rồi như bị một cái ná vô hình bật đi, nó vùng lao sang bên phải, chồm lên anh pháo thủ, anh pháo thủ tránh thoát. Ba khẩu pháo khác lại bị đập vỡ tung ra; rồi như mù quáng và không còn biết gì nữa, khẩu pháo quay lưng về phía người pháo thủ từ phía sau lao lên phá vỡ khung gỗ bọc tàu, rồi đến chọc thủng một lỗ ở bức thành phía mũi tàu. Anh pháo thủ lúc đó đã lẩn kịp vào chân cầu thang, cách ông già đang đứng chứng kiến mấy bước. Anh ta cầm cây gậy sắt đứng thủ thế. Khẩu pháo hình như đã trông thấy và không cần quay lại nữa, nó nhảy lùi về phía anh pháo thủ nhanh như một nhát rìu bổ xuống. Anh này bị dồn sát mạn tàu, không hy vọng thoát khỏi. Tất cả thủy thủ trên tàu cùng kêu lên một tiếng. Nhưng lão hành khách từ trước vẫn đứng im, bỗng vụt lên nhanh hơn tất cả những tốc độ ghê rợn vừa diễn ra. Lão vớ một bọc tín phiếu giả, và không kể đến thân mình có thể bị nghiền nát, lão đã vứt được cái bọc vào bánh xe của khẩu pháo. Một người được luyện tập theo đúng phương pháp đã mô tả trong sách của De Durosel về cách sử dụng pháo trên mặt biển cũng không thể hành động cương quyết, bất chấp nguy hiểm và chính xác như thế. Cái bọc có tác dụng như một cái đệm. Một viên cuội kìm được một khối đá, một cành cây đổi được hướng đi của một trận tuyết băng. Khẩu pháo lảo đảo. Đến lượt anh pháo thủ lợi dụng được giây phút đáng sợ ấy, thọc gậy sắt vào giữa những đũa bánh xe đằng sau. Khẩu pháo dừng lại. Nó nghiêng về một bên. Anh pháo thủ sử dụng thanh sắt như một đòn bẩy làm cho khẩu pháo chao đi. Rồi cả cái khối nặng nề ấy lật nhào, tiếng kêu vang như một quả chuông đổ xuống, và anh pháo thủ, người mướt mồ hôi, lăn xả vào, chòng nút thòng lọng vào cái cổ bằng đồng đen của con quái vật đã bị quật ngã. Thế là xong. Con người đã thắng. Con kiến đánh gục con voi cổ đại: người chim chích đã tóm được ông sấm. Binh sĩ và thủy thủ vỗ tay hoan hô. Mọi người xô vào mang theo dây cáp, xích sắt và trong chốc lát, khẩu pháo đã bị buộc chặt lại. Anh pháo thủ chào vị hành khách già. — Thưa ngài, ngài đã cứu sống tôi. Lão già trở lại vẻ lạnh lùng và lão không trả lời. VI TRÊN CÁN CÂN CÔNG VÀ TỘI ◄○► Con người đã thắng, nhưng có thể nói là khẩu pháo cũng thắng. Con tàu thoát được nạn khỏi bị đắm trước mắt, nhưng cũng không thể cứu vãn được nữa. Tàu bị hỏng gần như không thể chữa được. Mạn tàu thủng năm lỗ, một lỗ phía trước thủng khá lớn. Trong số ba chục khẩu pháo thì hai chục nằm sóng soài trong khung. Khẩu pháo mới kìm lại và đã bị xích cũng không còn dùng được: vít ở núm nắp đáy bị đập, không thể lấy được đường ngắm nữa. Cả khẩu đội còn lại chín khẩu. Nước chảy vào hầm tàu, phải cấp tốc sửa ngay những chỗ hư hỏng và bơm nước ra. Tầng giữa, bây giờ đã có thể nhìn vào, trông hết sức ghê rợn. Một cái chuồng nhốt voi dữ cũng không thể bị tàn phá đến thế. Việc giấu tung tích con tàu vẫn là điều cần thiết, nhưng bây giờ điều khẩn cấp hơn là cứu vãn cho nó khỏi đắm. Phải thắp ngay mấy ngọn đèn đi biển cắm rải rác trên thành mạn tàu để soi sáng mặt sàn. Suốt thời gian xảy ra sự phân tán bi thảm kia, mọi người trên tàu bị lôi cuốn vào giữa cái sống và cái chết, chẳng còn ai biết chuyện đã xảy ra bên ngoài con tàu cả. Sương mù dày đặc thêm: thời tiết đã thay đổi; còn tàu buông theo chiều gió, nó đã đi chệch đường, đi quá về phía nam, có thể nhận ra từ Jersey và Guernesey; biển động. Từng đợt sóng lớn xô đến đặt những cái hôn, những cái hôn đáng sợ, trên những vết thương rộng hoác dọc thân tàu. Biển chao động thật đáng sợ. Gió nồm chuyển sang gió bấc. Một cơn dông, có thể là một cơn bão, đang xuất hiện. Mắt không còn nhìn được quá tầm bốn đợt sóng trước mặt. Trong lúc thủy thủ sửa chữa vội vã và sơ sài những chỗ bị phá hủy ở tầng giữa, bịt những chỗ nước ùa vào, sắp đặt những khẩu pháo thoát khỏi tai nạn thành khẩu đội, thì lão già lại trở lên boong tàu. Lão tựa lưng vào cột buồm lớn. Lão không để ý đến biến động vừa diễn ra trên tàu. Kỵ sĩ La Vieuville đã ra lệnh cho lính thủy đánh bộ dàn thành đội hình tác chiến hai bên cột buồm lớn, và sau một hiệu còi của đội trưởng, các thủy thủ đang điều khiển con tàu đã xếp hàng đứng thẳng trên cái trục neo buồm. Bá tước Boisberthelot tiến lại gần người hành khách. Theo sau thuyền trưởng là một người dữ tợn thở hổn hển, áo quần xốc xếch, nhưng nét mặt vẫn có vẻ khoái trá. Đó là người pháo thủ vừa tỏ tài chinh phục quái vật rất đúng lúc và đã chặn được khẩu pháo. Bá tước chào lão già ăn mặc lối dân quê theo đúng kiểu chào nhà binh, và nói: — Thưa tướng quân, người ấy đây. Anh pháo thủ đứng thẳng, mắt nhìn xuống, với thái độ của một người lính hầu. Bá tước Boisberthelot tiếp: — Thưa tướng quân, trước việc người này đã làm, ngài có nghĩ rằng cấp chỉ huy cần phải làm gì? — Tôi cũng nghĩ thế - Lão già trả lời. — Xin tướng quân ra lệnh - Boisberthelot tiếp. — Ngài ra lệnh đi, ngài là thuyền trưởng. — Nhưng ngài là tướng lĩnh - Boisberthelot nói. Lão già nhìn người pháo thủ bảo: — Lại đây. Người pháo thủ tiến lên một bước. Lão già quay lại phía bá tước Boisberthelot, gỡ tấm huy chương Thánh Louis của thuyền trưởng, gắn vào áo ngoài anh pháo thủ. — Hoan hô! - Các thủy thủ reo lên. Thủy quân bồng súng chào. Và lão già chỉ vào anh pháo thủ lúc bấy giờ đang mặt mày rạng rỡ, ra lệnh: — Bây giờ hãy đem bắn tên này. Nỗi sững sờ tiếp theo tiếng hoan hô. Rồi giữa bầu không khí lặng ngắt như trong nhà mồ, lão già cất cao giọng nói: — Một hành động cẩu thả đã làm hại con tàu. Rất có thể vào giờ này, con tàu đã bị nguy. Ở trên biển khơi tức là ở trước mặt kẻ thù. Một con tàu vượt biển là một đội quân đang xung trận. Bão táp ẩn nấp, nhưng không vắng mặt. Tất cả biển khơi là một cuộc phục kích. Phải xử tử hình mọi tội lỗi vi phạm trước quân thù. Không có lỗi lầm nào có thể sửa chữa được. Lòng dũng cảm phải được khen thưởng, tính cẩu thả phải bị trừng trị. Từng lời hạ xuống chậm rãi, nghiêm khắc, không gì lay chuyển nổi, như những nhát rìu bổ xuống cây sồi. Rồi lão già nhìn đám binh sĩ, tiếp lệnh: — Thi hành ngay. Người kia, trên áo khoác long lanh chiếc huân chương Thánh Louis, gục đầu xuống. Theo hiệu lệnh của bá tước Boisberthelot, hai thủy thủ đi xuống tầng giữa, rồi trở lên mang theo chiếc võng liệm; cha tuyên úy từ lúc tàu rời bến vẫn ngồi cầu nguyện trong khoang sĩ quan, cũng theo hai thủy thủ lên; một viên đội chọn trong binh sĩ ra mười hai người, xếp thành hai hàng, mỗi hàng sáu người; anh pháo thủ không thốt ra một lời nào, đứng vào giữa hai hàng lính. Cha tuyên úy tay cầm thánh giá đến bên cạnh anh ta. “Đi”, viên đội hô. Tiểu đội hành hình bước lên chậm chạp. Hai thủy thủ mang võng liệm đi theo. Cả tàu lặng lẽ, não nề. Một cơn dông tố vù vù ở tận xa xa. Lát sau, một loạt súng nổ vang trong bóng đêm, một luồng ánh sáng lóe lên, rồi tất cả im lìm và người ta nghe thấy tiếng một xác người rơi xuống biển. Lão hành khách già vẫn tựa cột buồm lớn, tay khoanh lại, nghĩ ngợi. Boisberthelot giơ ngón tay trỏ bên trái về phía lão, nói nhỏ với La Vieuville: — Xứ Vendée đã có một thủ lĩnh. VII AI RA KHƠI LÀ CHƠI XỔ SỐ ◄○► Nhưng rồi con tàu sẽ ra sao? Suốt đêm, mây cứ là là mặt biển, bây giờ mây càng sà thấp đến nỗi tưởng như không còn chân trời nữa và biển cả như đang khoác một chiếc áo rộng. Chỉ thấy toàn là sương mù. Ngay đối với một con tàu còn tốt, tình huống ấy vẫn là nguy kịch. Đã sương mù lại thêm sóng dữ. Người ta đã tranh thủ thời gian, để cho con tàu được nhẹ nhõm, người ta đã vứt xuống biển tất cả những vật bị khẩu pháo phá hủy, nòng pháo hỏng, bệ súng vỡ, những bộ phận trên tàu đã long đanh hoặc cong vắt, những mảnh ván, khúc sắt gãy vụn; người ta đã mở các cửa sổ thành tàu và đã dùng những tấm ván để trút xuống bể những xác chết và những mảnh thây người nát vụn bọc trong những túi vải bạt. Mặt biển bắt đầu chuyển dữ dội. Cơn bão chắc chắn không đến nhanh; trái lại, nghe như cơn bão đang chuyển ào ào và giảm dần ở phía sau chân trời, luồng gió chuyển lên hướng bắc; tuy vậy, sóng biển dâng rất cao, đó là dấu hiệu đáy biển động và con tàu ọp ẹp như thế không chịu nổi những cơn lắc mạnh, gặp sóng to thì thật là tai hại. Gacquoil vẫn đứng đăm chiêu ở tay lái. Tươi tỉnh trước nguy nan, đó là thói quen của những người chỉ huy trên mặt biển. La Vieuville, người vốn vui tính ngay trong hoàn cảnh bi đát nhất, đến bên Gacquoil. Ông ta bảo: — Này, bác hoa tiêu, bão chuyển hướng khác rồi. Nó muốn hắt hơi mà không được. Thế là thoát. Gió sẽ mạnh lên. Thế thôi. Gacquoil nghiêm nghị, đáp: — Còn gió là còn sóng. Không vui, không buồn, con người thủy thủ là như vậy. Câu trả lời có một ý nghĩa đáng lo ngại. Với một con tàu đã ngấm nước, nói “còn sóng” tức là “chóng ngập nước”. Gacquoil hơi chau mày lại để nhấn mạnh thêm điều tiên đoán của mình. Có lẽ sau câu chuyện tai hại về khẩu pháo và người pháo thủ, La Vieuville đã bông lơn quá sớm. Còn ở ngoài khơi, còn nhiều điều gieo tai họa. Biển cả là bí mật; nào ai lường được nó chứa chấp những gì. Phải đề phòng. La Vieuville thấy cần trở lại nghiêm túc. — Chúng ta đang ở đâu hoa tiêu? - La Vieuville hỏi. Người hoa tiêu trả lời: — Chúng ta đang ở trong ý muốn của Chúa. Hoa tiêu là một người làm chủ; thường phải để mặc anh ta làm và đôi khi để mặc anh ta nói. Vả chăng, hạng người ấy ít nói. La Vieuville bèn bỏ đi chỗ khác. La Vieuville vừa hỏi người hoa tiêu xong, chân trời như trả lời ông ta. Biển bỗng nhiên hiện rõ. Sương mù đang phủ lê thê trên mặt biển bỗng rách từng mảng, những đợt sóng tối sẫm trải ra xa tắp trong ánh sáng mờ mờ, và họ đã trông thấy rõ. Mây tụ lại như một cái vung trên trời; nhưng mây không sà thấp xuống mặt nước nữa; phía đông, hiện lên một màu bàng bạc lúc sang ngày, phía tây tái nhợt một màu bàng bạc lúc trăng lặn. Hai vệt sáng trắng nhờ nhờ đối diện nhau ở hai phía chân trời giữa cảnh biển âm u và vòm trời tăm tối. Trên hai vầng sáng đó, in rõ nhiều hình thù đen sẫm, sừng sững, không nhúc nhích. Phía tây, trên nền trời còn sáng ánh trăng, nổi bật lên hình ba khối đá cao đứng sừng sững như những nham tự thạch từ đời Celte còn lưu lại[26]. Phía đông, nơi chân trời tái nhạt ban mai, in hình tám chiếc tàu buồm dàn thành tuyến tiếp cận nhau một cách đáng sợ. Ba khối đá là dãy núi đá ngầm nổi lên giữa biển. Tám chiếc tàu buồm kia là một hạm đội. Như vậy, đằng sau họ là dãy Minquiers nổi tiếng nguy hiểm, và đằng trước họ là hạm đội tuần tiễu Pháp. Phía tây là vực thẳm, phía đông là cuộc tàn sát; họ đang bị kẹp giữa cái thế hoặc bị đắm tàu, hoặc phải chiến đấu. Đối phó với đá ngầm, con tàu chỉ có một cái vỏ thủng, những khí cụ rã rời, những cột buồm lung lay tận gốc; còn để giao chiến, một khẩu đội ba chục pháo thì hai mươi mốt khẩu đã bị xộc xệch và những pháo thủ thiện chiến nhất đã chết rồi. Trời mới tờ mờ sáng, và phía trước vẫn còn mờ mờ bóng đêm. Có thể còn lâu mới sáng rõ vì mây cao, dày và đen đặc, trông như một cái vòm vững chãi. Cuối cùng gió đã cuốn hết những đám sương mù thấp là là và đang đẩy con tàu đến dãy Minquiers. Con tàu mệt mỏi và hư nát, hầu như không theo chiều lái, cứ thế trôi băng băng, phó mặc cho sóng dồi. Minquiers, một dãy đá ngầm ghê rợn, thời đó còn gập ghềnh hơn ngày nay nhiều lắm. Bức thành của vực thẳm ấy có vô số cái tháp đã bị san bằng vì sóng biển không ngừng cắt xén; hình dãy đá ngầm luôn luôn thay đổi; không phải là vô hình mà sóng còn gọi là lưỡi dao, mỗi đợt thủy triều là một mạch cưa. Vào thời đó, đụng vào dãy Minquiers là tự sát. Về phía hạm đội tuần tiễu, đó là hạm đội Cancale, nổi tiếng từ khi thuyền trưởng Duchesne chỉ huy, người mà Leskinio gọi là “bố Duchêne”[27]. Hoàn cảnh thật nguy ngập. Con tàu, trong khi xảy ra vụ tuột xích pháo, đã đi chệch hướng về phía Granville chứ không phải về Saint-Malo mà không biết. Dù nó còn có thể giương buồm vượt sóng thì dãy Minquiers cũng đã chặn mất đường rút về đảo Jersey, và hạm đội tuần tiễu cũng đã chặn mất đường vào đất Pháp. Vả chăng, bão tuy không có, nhưng vẫn còn sóng, đúng như người hoa tiêu đã nói. Đại dương cuồn cuộn dưới luồng gió hung dữ và trên một đáy biển đang gào thét, trông thật tàn bạo. Biển cả chẳng bao giờ chịu nói ngay cái mà nó muốn. Trong vực thẳm có tất cả, kể cả sự lừa lọc. Hầu như có thể nói rằng biển có một thủ tục riêng; tiến rồi thoái, đề nghị rồi thủ tiêu, phát ra một cơn bão tố rồi lại thôi, dứ vực thẳm rồi lại ngừng, dương đông mà lại kích tây. Suốt đêm, tàu Claymore chìm trong sương mù và sợ một cơn bão; nhưng biển vừa lật lọng một cách tàn bạo; nó phác ra một trận bão nhưng lại đẩy con tàu đến chỗ đá ngầm. Rốt cuộc cũng là nạn đắm tàu, dưới một hình thức khác. Con tàu có thể vừa bị đắm vì đá ngầm, vừa bị tiêu diệt trong chiến đấu. Kẻ địch nọ tiếp tay cho kẻ địch kia. La Vieuville cười dũng cảm, kêu lên: — Chỗ này tàu đắm, chỗ kia chiến trường. Ở cả hai phía chúng ta đang chơi xổ số. VIII 9 = 380 ◄○► Con tàu gần như chỉ còn là một cái xác trôi bập bềnh. Trong cái cảnh ánh sáng ban mai tản mát, nhợt nhạt, mây đen thẫm, trong những chuyển động lờ mờ của chân trời, trong những lớp sóng nhăn nhó, bí ẩn, có một vẻ trang nghiêm như trong nhà mồ. Mọi vật im lặng, ngoài tiếng gió vù vù, hằn học. Từ vực thẳm, tai họa hiện ra một cách oai nghiêm. Nó giống như ma quỷ hiện hình chứ không giống như một cuộc công kích. Núi đá không có cái gì động đậy, trong các chiến hạm không có cái gì nhúc nhích. Một thứ im lặng mênh mông. Trước mặt là cảnh thật chăng? Tưởng như đó chỉ là một giấc mơ lướt trên mặt biển. Trong truyện cổ tích vẫn có những cảnh huyền ảo như thế; con tàu như đang ở giữa dãy núi quỷ và hạm đội ma. Bá tước Boisberthelot ra lệnh khẽ cho La Vieuville và ông này xuống khoang pháo ngay, rồi viên thuyền trưởng mang ống nhòm tới đứng bên cạnh người hoa tiêu ở phía cuối tàu. Gacquoil chỉ còn biết cố giữ cho con tàu đứng vững trong sóng gió, bởi vì gió và sóng biển cùng đập vào sườn tàu, con tàu khó mà tránh khỏi bị lật nhào. — Hoa tiêu, chúng ta đang ở đâu? - Thuyền trưởng hỏi. — Dãy Minquiers. — Về phía nào? — Phía nguy hiểm. — Bề sâu ra sao? — Đầy mỏm đá. — Có thể neo lại được không? — Lúc nào cũng có thể chết được - Người hoa tiêu trả lời. Viên thuyền trưởng đưa ống kính về phía tây và quan sát dãy Minquiers; rồi ông ta lại quay sang quan sát đoàn tàu buồm. Người hoa tiêu tiếp, như nói với mình: — Đây là dãy Minquiers, nơi dừng chân của giống hải âu nhí nhảnh, khi từ đất Hà Lan bay đi và cũng là nơi nghỉ ngơi của giống hải âu lớn lông đen. Trong lúc đó, viên thuyền trưởng đã đếm đủ các tàu buồm. Đúng tám chiếc tàu sắp hàng nghiêm chỉnh, dựng lên trên mặt nước cái hình thù công kích của chúng. Giữa đoàn tàu, nổi lên hình cao lớn của một chiến hạm ba tầng. Viên thuyền trưởng hỏi hoa tiêu: — Anh có biết các tàu đó không? — Biết chứ! - Gacquoil trả lời. — Gì vậy? — Hạm đội. — Của nước Pháp à? — Của quỷ sứ. Một lát im lặng. Viên thuyền trưởng tiếp: — Tất cả hạm đội tuần tiễu ở đó phải không? — Không phải tất cả. Quả vậy, hôm 2 tháng 4, Valazé[28] đã báo cáo trước viện quốc ước là trên biển Manche có mười tuần dương hạm và sáu chiến hạm làm nhiệm vụ tuần tiễu. Viên thuyền trưởng chợt nhớ lại tin đó. Ông ta nói: — Đúng rồi, hạm đội có mười sáu tàu, mà ở đây mới chỉ có tám. — Số còn lại đang rải khắp bờ biển làm nhiệm vụ do thám - Gacquoil nói. Viên thuyền trưởng, vẫn không rời ống nhòm, lẩm bẩm: — Một chiến hạm ba tầng, hai tàu hạng nhất, năm tàu hạng nhì. Gacquoil làu bàu: — Tôi cũng đã từng do thám chúng. — Toàn là chiến thuyền tốt - Viên thuyền trưởng nói - Tôi cũng đã được chỉ huy chúng ít lâu. — Còn tôi - Gacquoil nói - Tôi đã nhìn chúng tận mắt. Tôi không thể lẫn cái nọ với cái kia được. Hình thù từng cái đã in sâu trong óc tôi. Viên thuyền trưởng đưa ống nhòm cho hoa tiêu. — Hoa tiêu, anh có nhận ra chiến hạm có tầng cao kia không? — Có, đó là tàu Côte-d’Or. — Thay tên rồi - Viên thuyền trưởng nói - Ngày trước tàu đó là Etats-de-Bourgogne. Một tàu mới. Trăm hai mươi tám khẩu đại bác. Ông ta rút trong túi ra cuốn sổ tay, cái bút chì và ghi con số 128. Ông ta tiếp: — Hoa tiêu, còn chiếc tàu thứ nhất bên mạn trái? — Expérimentée. — Chiến hạm loại trung hạng nhất. Năm mươi hai đại bác. Tàu này mới lắp súng hai tháng trước đây ở Brest. Viên thuyền trưởng ghi vào sổ tay con số 52. — Hoa tiêu, còn chiếc thứ hai bên mạn trái? - Ông ta hỏi tiếp. — Dryade. — Hạng trung loại nhất. Bốn mươi đại bác mười tám ly. Tàu này đã qua Ấn Độ. Nó có lịch sử chiến đấu khá. Rồi ông ta viết con số 40 dưới con số 52; viết xong, ông ta lại ngửng đầu lên: — Bây giờ, bên mạn phải. — Thưa thuyền trưởng, toàn là tàu loại trung hạng nhì, có cả thảy năm chiếc. — Chiếc thứ nhất tính từ chiến hạm lớn? — Résolue. — Ba mươi hai khẩu mười tám ly. Cái thứ nhì? — Richemont. — Trang bị như chiếc trước. Còn chiếc sau? — Athée[29]. — Đi biển mà mang tên kỳ khôi như vậy. Chiếc sau? — Calypso. — Sau nữa? — Preneuse. — Năm tàu, mỗi tàu có ba mươi hai khẩu. Viên thuyền trưởng ghi con số 160 xuống dưới hàng chữ số đã viết. — Hoa tiêu, anh nhận ra được cả chứ? - Thuyền trưởng hỏi. — Thưa thuyền trưởng, ngài còn biết rõ hơn - Gacquoil đáp - Nhận ra là một chuyện, biết được mới quan trọng. Viên thuyền trưởng mắt chăm chú nhìn vào quyển sổ, miệng cộng lẩm nhẩm. — Trăm hăm tám, năm mươi hai, bốn mươi, trăm sáu mươi. Vừa lúc đó, La Vieuville bước lên boong tàu. Thuyền trưởng bảo ông ta: — Ngài kỵ sĩ, chúng ta chạm trán với ba trăm tám mươi khẩu đại bác. — Được - La Vieuville đáp. — Ngài La Vieuville, ngài vừa kiểm tra xong; vậy dứt khoát còn bao nhiêu khẩu bắn được? — Chín khẩu. — Được - Đến lượt Boisberthelot nói. Ông ta lại lấy chiếc ống nhòm trong tay người hoa tiêu đưa lên nhìn phía chân trời. Tám chiếc tàu lặng lẽ và đen chũi vẫn như không nhúc nhích, nhưng lớn dần lên. Chúng xích lại gần nhau từng tí một. La Vieuville chào theo lối nhà binh rồi nói: — Thưa thuyền trưởng, tôi xin báo cáo. Tôi vốn không tin vào chiếc chiến hạm Claymore này. Bỗng dưng xuống một chiếc tàu chẳng biết mình hoặc chẳng ưa gì mình bao giờ cũng phiền toái. Khẩu pháo chó má kia đã chứng tỏ điều đó. Tôi vừa đi xem xét qua. Neo tốt. Không phải loại sắt đúc sạch cặn mà làm bằng các thanh sắt hàn lại, nện bằng búa máy. Ngạnh neo chắc. Giây cáp tốt, dễ thả, chiều dài đúng kích thước quy định, trăm hai chục sải. Đạn dược đầy đủ. Sáu pháo thủ chết. Mỗi khẩu còn có thể bắn một trăm bảy mươi mốt phát đạn. — Vì chỉ còn chín khẩu thôi - Viên thuyền trưởng lẩm bẩm. Boisberthelot lại chĩa ống nhòm về phía chân trời. Hạm đội vẫn từ từ tiến đến. Những khẩu pháo kiểu cổ có cái lợi là chỉ ba người cũng sử dụng được; nhưng lại bất lợi là tầm bắn không xa và không chính xác bằng đại bác. Như thế là phải đợi cho đoàn tàu kia tới tầm súng bên này. Viên thuyền trưởng khẽ ra lệnh. Trên tàu im lặng. Người ta không khua chuông báo động mà chỉ thực hiện lệnh báo động. Tàu Claymore đã không đủ sức chống chọi với người cũng như với sông nữa. Người ta sử dụng triệt để cái thân tàn của con tàu. Họ tập trung lại trên sàn tàu, gần chỗ dây chuyền bánh lái, và các dây thép dự trữ để khi cần thì níu chặt cột buồm. Họ thu dọn chỗ cho thương binh. Theo cách sử dụng chiếc thuyền thời đó, họ cho che boong tàu, làm cách đó thì chống được các đạn cỡ nhỏ, nhưng không chống được đạn lớn. Họ đem khuôn đo cỡ đạn tới, tuy rằng đến bây giờ mới đo thì cũng đã muộn; nhưng nào ai ngờ đã xảy ra đến bấy nhiêu chuyện. Mỗi thủy thủ được phát một túi đạn và giắt ở thắt lưng hai khẩu súng lục và một con dao găm. Họ xếp võng ngủ lại; họ lấy tầm cho súng lớn; họ dàn các tay súng trường để bắn từng loạt; họ xếp sẵn rìu búa và móc sắt. Trong kho họ đã chuẩn bị xong những túi thuốc súng và đạn đại bác, kho thuốc nổ được mở toang. Người nào về vị trí người ấy. Họ làm các việc trên không nói một lời, như phục dịch trong buồng người sắp chết. Thật nhanh và thật ảm đạm. Rồi họ hạ neo. Tàu này có sáu neo như loại chiến hạm hạng trung. Họ bỏ cả sáu neo, neo tiền, neo hậu, neo mạn nước dâng ở phía biển khơi, neo mạn nước rút ở phía có đá ngầm, neo nhiều ngạnh ở mạn phải, neo cái ở mạn trái. Cả chín khẩu pháo còn sót lại đều được dựng dậy sẵn sàng chiến đấu, cả chín khẩu chĩa về một phía, phía có quân địch. Phía hạm đội, không kém lặng lẽ cũng đã chuẩn bị xong. Tám chiếc tàu giờ đây hợp thành một cánh cung mà dây cung là dãy Minquiers. Tàu Claymore bị vây trong cánh cung đó, ngoài ra còn bị neo của mình trói chặt, dựa vào dãy đá ngầm, nghĩa là sẽ bị đắm. Như một bầy chó săn vây quanh một con lợn lòi, không cất tiếng mà chỉ nhe nanh. Hình như đôi bên đều chờ đợi nhau. Các thủy thủ tàu Claymore đều đã về vị trí pháo của mình. Boisberthelot bảo La Vieuville: — Tôi muốn nổ súng trước. La Vieuville đùa: — Cái thú làm đỏm đấy. IX CÓ MỘT NGƯỜI THOÁT THÂN ◄○► Người khách vẫn đứng trên boong, thản nhiên quan sát tất cả. Boisberthelot lại gần, nói: — Thưa ngài mọi việc chuẩn bị đã xong xuôi. Giờ đây, chúng tôi như đã bám chắc vào mồ rồi, chúng tôi sẽ không buông. Chúng tôi là tù nhân của hạm đội hoặc của đá ngầm. Không còn cách nào khác, ngoài việc đầu hàng địch, hoặc chìm đắm trong chỗ đá ngầm. Chỉ còn một con đường: chết. Thà chiến đấu còn hơn là bị đắm. Tôi thích bị đạn nã hơn là chết đuối; cũng là chết tôi thích chọn lửa hơn là nước. Nhưng chết là việc của chúng tôi, không phải là việc của ngài. Ngài đã được các vương hầu tin cậy, ngài có nhiệm vụ trọng đại là điều khiển cuộc chiến tranh ở Vendée. Mất ngài có thể là mất nền quân chủ; vậy ngài phải sống. Vinh dự của chúng tôi là ở lại đây còn vinh dự của ngài là phải thoát khỏi đây. Thưa tướng quân, ngài sẽ rời con tàu này. Tôi sẽ cắt cho ngài một thủy thủ và một chiếc xuồng. Đi theo một con đường vòng để cập bờ không phải là không thể thực hiện được. Trời chưa sáng rõ, sóng cao, biển tối, nhất định ngài sẽ đi thoát. Có những trường hợp, trốn tức là thắng. Lão già gật đầu, nghiêm khắc, tỏ vẻ bằng lòng. Bá tước Boisberthelot cất cao giọng: — Các binh sĩ và thủy thủ! Mọi hoạt động đều dừng lại, và mọi người trên tàu quay về phía thuyền trưởng. Thuyền trưởng nói tiếp: — Vị này là khâm mạng của đức vua. Người được giao phó cho chúng ta, chúng ta phải bảo vệ Người. Người rất cần cho ngai vàng nước Pháp; trong khi còn thiếu một vị hoàng thân, Người sẽ là thủ lĩnh vùng Vendée và đó cũng là lòng mong đợi của chúng ta. Người là một vị đại tướng. Đáng lẽ người cập bờ nước Pháp cùng với chúng ta, nhưng giờ đây, Người phải cập bờ thiếu chúng ta. Cứu được thủ lĩnh là cứu được tất cả. — Đúng rồi! Đúng rồi! Đúng rồi! - Mọi người trên tàu cùng trả lời. Thuyền trưởng nói tiếp: — Người cũng còn phải vượt nhiều nguy hiểm nghiêm trọng nữa. Cập được bờ không phải dễ dàng gì. Đáng lẽ chiếc xuồng phải lớn để đương đầu với sóng to, vậy mà hiện giờ nó lại cần phải nhỏ để thoát khỏi hạm đội địch. Phải cập vào một bến chắc chắn, tốt nhất là gần Fougères hơn là Coutances. Cần có một thủy thủ vững vàng, chèo giỏi, bơi giỏi. Lại là người địa phương, thông tỏ đường lối đi theo người. Bây giờ trời còn đủ tối để cho chiếc xuồng con rời khỏi tàu mà không bị lộ. Rồi sau, khói súng sẽ che lấp chiếc xuồng đi thoát. Xuồng nhỏ có thể thoát qua các mũi đá ngầm. Có lối đi, con báo thì mắc cạm nhưng con chồn lại lọt. Chúng ta cùng đường, người vẫn còn lối thoát; mạnh tay chèo, chiếc xuồng sẽ đi xa, tàu địch không thể trông thấy được; vả lại trong lúc đó, ở đây chúng ta sẽ đùa với chúng một chập. Nói thế rõ chứ? — Rõ! Rõ! Rõ! - Mọi người trên tàu cùng kêu lên. Không để lỡ một phút, viên thuyền trưởng nói tiếp: — Ai tình nguyện làm việc này? Từ trong bóng tối, một thủy thủ tách khỏi hàng ngũ và nói: — Có tôi. X NGƯỜI ĐÓ THOÁT CHĂNG? ◄○► Lát sau, một chiếc xuồng nhỏ gọi là you-you vẫn dùng riêng cho các thuyền trưởng tách ra khỏi con tàu. Trong thuyền có hai người, ngồi sau là người hành khách già, ngồi trước là anh thủy thủ “tình nguyện”. Trời hãy còn tối. Theo đúng lời dặn của thuyền trưởng, người thủy thủ ra sức chèo xuồng về phía dãy Minquiers. Không còn con đường thoát nào khác. Người ta đã đưa xuống xuồng một ít lương thực gồm một bao bánh bích quy, một miếng thịt thăn bò hun và một thùng nước. Lúc chiếc xuồng rẽ sóng lên đường, La Vieuville ngạo nghễ trước vực thẳm, nhoài người qua trục lái tàu, nhoẻn miệng cười gửi lời chào vĩnh biệt: — Để đi trốn thì tốt, và để chết đuối càng tuyệt. — Thưa ngài - Người hoa tiêu nói - Bây giờ chẳng nên cười nữa. Chiếc xuồng lướt nhanh, không mấy chốc đã cách xa con tàu. Thuận buồm xuôi gió, vững tay chèo, chiếc xuồng tiến nhanh dập dềnh trong ánh sáng chạng vạng và khuất sau những đợt sóng cao. Một cảnh chờ đợi ảm đạm bao trùm mặt biển, khó tả nên lời. Bỗng nhiên, giữa cái thầm lặng mênh mông và hỗn độn những đại dương, một giọng nói cất lên vang qua chiếc loa phóng thanh như thể qua chiếc mặt nạ bằng đồng trong bi kịch cổ đại, tưởng như siêu phàm. Chính là thuyền trưởng Boisberthelot đã cất tiếng. Ông ta kêu lên: — Thủy quân hoàng gia! Hãy đóng đinh lá cờ trắng lên trên ngọn cột buồm lớn. Chúng ta sẽ chào mặt trời lần cuối cùng. Rồi một phát đại bác từ tàu Claymore vụt bắn ra. — Hoàng thượng vạn tuế! - Tất cả thủy thủ cùng hô. Đồng thời, người ta cũng nghe thấy từ chân trời xa tít một tiếng hô khác, âm vang, vời vợi, hỗn độn mà rõ từng tiếng: - Cộng hòa muôn năm! Rồi vang lên trên vùng đại dương sâu thẳm, một tiếng nổ như ba trăm tiếng sét gộp lại. Trận chiến đấu bắt đầu. Mặt biển phủ đầy khói lửa. Đạn rơi xuống biển, làm tung lên những cột bọt nước lốm đốm mặt sóng khắp phía. Tàu Claymore bắt đầu khạc lửa sang tám tàu chiến. Cùng một lúc cả hạm đội tuần tiễu quây vòng bán nguyệt quanh tàu Claymore, toàn bộ các cỡ súng cùng nổ. Chân trời đỏ rực, trông như một ngọn núi lửa phụt lên giữa biển. Gió thổi xoắn cái khối đỏ rực mênh mông đó của chiến trường trong đó đoàn tàu khi ẩn khi hiện như những bóng ma. Trên bình tuyến thứ nhất của bức tranh đó, cái bộ sườn đen ngòm của tàu Claymore nổi bật lên trên nền đỏ sẫm. Trên ngọn cột buồm lớn, trông rõ lá cờ có thêu hoa bách hợp. Hai người ngồi trên chiếc xuồng nhỏ nín lặng. Chân dãy núi Minquiers, hình tam giác, rộng hơn cả hòn đảo Jersey, ngập dưới biển, đầy đá ngầm; biển phủ kín; nơi cao nhất là một bãi đá ngay cả khi nước thủy triều dâng cao cũng không bao giờ bị ngập và tách ra về phía đông bắc là sáu mõm đá xếp thành đường thẳng, nom từ xa giống hệt như một bức thành bị sụp đổ từng quãng. Eo bể giữa bãi đá và mõm đá ấy chỉ có thuyền nhẹ ván nông mới đi lọt. Qua khỏi con đường eo ấy là thông ra biển cả. Người thủy thủ đã nhận đưa chiếc xuồng nhỏ trốn thoát, lái cho xuồng đi vào đường eo ấy. Bằng cách ấy, anh ta chèo xuồng giữa dãy Minquiers và nơi đang tác chiến. Anh ta chèo khéo léo theo con đường nước hẹp, tránh các mỏm đá ở hai bên mạn xuồng; bây giờ những mỏm đá đã che khuất hẳn chiến trường. Càng ra xa, ánh lửa phía chân trời và tiếng đại bác dữ dội càng yếu dần đi; nhưng nghe tiếng nổ rền hồi nọ tiếp hồi kia, có thể biết được rằng tàu Claymore vẫn đứng vững và định trút sạch tất cả trăm chín mươi mốt loạt đạn. Rồi chiếc xuồng chèo ra được tới chỗ biển thênh thang tránh xa hẳn dãy đá ngầm, tránh xa nơi xung đột, tránh xa tầm đạn. Dần dần mặt biển sáng sủa thêm lên, những vệt lấp lánh thẫm màu lan rộng ra, bọt nước vỡ tung thành những tia sáng, từng mảnh trắng bềnh bồng trôi trên mặt sóng. Trời sáng rõ. Chiếc xuồng đã tránh được tầm pháo địch, nhưng cái khó khăn nhất vẫn còn. Thoát khỏi súng đạn nhưng chưa thoát khỏi bị đắm. Xuồng bắt đầu ra khơi, sóng lớn, thân nhỏ bé, không boong, không buồm không cột, không la bàn, chỉ trông cậy vào đôi mái chèo; trước biển cả sóng to gió lớn, thực là một hạt nguyên tử nhỏ xíu phó mặc cho những sức mạnh khổng lồ. Rồi ngay lúc đó, giữa cảnh mênh mông và tịch mịch ấy, người ngồi đằng mũi xuồng bỗng ngẩng bộ mặt mà ánh sáng ban mai chiếu nhợt nhạt nhìn thẳng vào mặt người ngồi cuối xuồng mà nói: — Tôi là em của người mà ông đã ra lệnh bắn chết. QUYỂN III HALMALO I LỜI NÓI CÓ THẦN LINH ◄○► Lão già từ từ ngẩng đầu lên. Người vừa nói với lão trạc ba mươi tuổi. Trán anh ta rám nắng biển; đôi mắt kỳ dị, đó là cái nhìn tinh khôn của người lính thủy với con mắt chất phác của người dân quê. Anh ta nắm chắc hai mái chèo trong tay. Trông có vẻ hiền lành. Ở thắt lưng anh ta có một con dao găm, hai khẩu súng lục và một chuỗi tràng hạt. — Ngươi là ai? - Lão già hỏi. — Tôi vừa nói với ông xong. — Ngươi muốn gì ta? Anh thủy thủ buông mái chèo, khoanh tay và trả lời. — Giết ông. — Tùy ý ngươi - Lão già trả lời. Anh thủy thủ cao giọng bảo: — Ông chuẩn bị đi. — Để làm gì? — Để chết. — Sao vậy? - Lão già hỏi lại. Im lặng một lát. Người thủy thủ hình như bị câu hỏi làm cho sững sờ giây lát. Anh ta nhắc lại: — Tôi bảo là tôi muốn giết ông. — Và ta hỏi ngươi rằng tại sao vậy? Một tia sáng lóe trong đôi mắt anh thủy thủ: — Vì ông đã giết anh tôi. Lão già vẻ bình tĩnh, bảo: — Lúc đầu ta đã cứu sống anh ngươi. — Đúng, trước cứu rồi sau lại giết. — Không phải ta giết hắn. — Vậy ai giết? — Lỗi lầm của hắn. Anh lính thủy, mồm há hốc nhìn lão già, rồi đôi lông mày anh ta nhíu lại dữ tợn. — Ngươi tên là gì? - Lão già hỏi. — Halmalo. Nhưng ông sắp chết bởi tay tôi thì cũng chẳng cần biết tên tôi làm gì. Vừa lúc ấy mặt trời mọc. Một tia nắng rọi thẳng vào mặt người lính thủy, soi sáng rực bộ mặt man rợ của anh ta. Lão già ngắm nghía anh ta hết sức chăm chú. Tiếng đại bác vẫn kéo dài, bây giờ đã ngắt quãng và nấc lên như người hấp hối. Một đám khói lớn ùn xuống phía chân trời. Chiếc xuồng mà người lái đã buông chèo đang dạt theo làn sóng. Người lính thủy tay phải rút một khẩu súng lục ở thắt lưng ra, tay trái cầm chuỗi tràng hạt. Lão già đứng thẳng dậy hỏi: — Ngươi có tin ở Chúa không? — Chúa Cha chúng ta ở trên trời - Người lính thủy trả lời. Và anh ta làm dấu. — Ngươi còn mẹ không? — Có. Anh ta làm dấu lần thứ hai. Xong anh ta bảo: — Thế thôi. Tôi để cho ngài một phút nữa, thưa đức ông. Rồi anh ta nạp đạn. — Tại sao ngươi gọi ta là đức ông? — Vì ngài là một lãnh chúa. Trông thì biết. — Ngươi cũng có một lãnh chúa chứ? — Vâng. Một lãnh chúa lớn. Ai sống mà không có lãnh chúa. — Lãnh chúa của ngươi nay ở đâu? — Tôi không rõ. Ngài đã xuất ngoại. Ngài tên là hầu tước De Lantenac, tử tước De Fontenay, vương hầu xứ Bretagne, ngài là lãnh chúa vùng Bảy Khu Rừng. Tôi chưa hề thấy mặt ngài, nhưng ngài vẫn là chúa của tôi. — Vậy nếu ngươi trông thấy mặt ngài, ngươi có vâng lệnh ngài không? — Cố nhiên, không vâng lệnh ngài chẳng hóa ra tôi là kẻ vô đạo ư? Người ta phải vâng lệnh Chúa Trời, lại phải vâng lệnh đức vua cũng như Chúa Trời, rồi lại phải vâng lệnh lãnh chúa cũng như đức vua. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó, ngài đã giết anh tôi, thì tôi phải giết ngài. Lão già trả lời: — Trước hết, ta giết anh ngươi, ta đã làm đúng. Người lính thủy nắm chặt khẩu súng lục. — Nào - Anh ta bảo. — Được - Lão già nói. Rồi, vẫn thản nhiên, lão hỏi: — Cha cố đâu? Người lính thủy nhìn lão. — Cha cố ư? — Phải, cha cố. Ta đã cho mời cha cố rửa tội cho anh ngươi, ngươi cũng phải mời một cha cố cho ta. — Tôi không có cha cố - Người lính thủy trả lời. Và anh ta lại tiếp: — Giữa biển làm gì có cha cố? Tiếng súng nổ từng hồi của trận giao chiến nghe cứ xa dần. Lão già nói: — Những kẻ đang chết ngoài kia vẫn có cha cố. — Đúng thế - Anh lính thủy lẩm bẩm - Họ có cha tuyên úy. Lão già nói tiếp: — Ngươi làm mất linh hồn ta, điều đó thật nghiêm trọng. Người lính thủy cúi đầu, nghĩ ngợi. Lão già lại tiếp: — Làm mất linh hồn ta, ngươi cũng làm mất linh hồn ngươi. Nghe đây, ta thương hại ngươi. Ngươi muốn làm gì thì làm. Còn ta, vừa rồi ta đã làm nhiệm vụ của ta, trước hết cứu sống cho anh ngươi và sau đó giết hắn, và giờ đây, ta làm nhiệm vụ cố cứu vớt linh hồn của ngươi. Nghĩ kỹ đi. Việc này có quan hệ đến ngươi. Có nghe những tiếng súng nổ lúc này không? Ở nơi kia có những người tử trận, có những người tuyệt vọng đang hấp hối, có những người chồng sẽ không bao giờ thấy mặt vợ, có những người cha sẽ không còn trông thấy mặt con, những người em cũng như ngươi sẽ không còn thấy mặt anh. Vậy do lỗi lầm của ai? Lỗi tại anh ngươi cả. Ngươi tin ở Chúa, có phải không? Vậy thì ngươi nên biết rằng lúc này, Chúa đang đau khổ! Chúa đau khổ vì người con rất ngoan đạo là đức vua nước Pháp, cũng như Chúa Jésus là con của Chúa, người con ấy giờ đây đang bị cầm tù ở trong tháp Temple; Chúa đau khổ vì giáo hội xứ Bretagne; Chúa đau khổ vì các nhà thờ lớn bị tấn công, vì các bản thánh kinh bị xé nát, vì các nhà nguyện bị xúc phạm; Chúa đau khổ vì các cha cố bị sát hại. Vừa qua chúng ta đã làm gì trên con tàu mà giờ này đang chìm xuống đáy biển? Chúng ta đi cứu Chúa. Nếu anh ngươi là tôi ngoan của Chúa, nếu anh ngươi làm tròn nhiệm vụ của một con người khôn ngoan và có ích thì cái tai họa về khẩu pháo đã chẳng xảy ra, con tàu đã không bị hư nát để không bị lạc hướng, đã không rơi vào hạm đội ma quỷ kia, và có lẽ giờ đây, chúng ta đã đổ bộ lên nước Pháp. Tất cả chúng ta, trong tư thế những chiến binh và thủy thủ anh dũng, gươm trong tay, cờ trắng phấp phới, đông đảo, mãn nguyện, vui sướng và chúng ta còn có thể tới giúp đỡ những người dân quê hiền lành vùng Vendée, để cứu nước Pháp, cứu đức vua, cứu Chúa. Đó là việc chúng ta vừa làm, đó là việc chúng ta sẽ làm, đó là việc mà còn lại mình ta, ta sắp làm. Nhưng ngươi chống lại những việc đó. Trong khi bọn phản đạo chống lại các cha cố, bọn nghịch tặc chống lại đức vua, quỷ Satan chống lại Chúa, ngươi đã đứng về phía quỷ Satan. Anh ngươi là kẻ thứ nhất giúp bọn ma quỷ, ngươi là kẻ thứ hai. Anh ngươi đã mở đầu và ngươi đang làm nốt. Ngươi đứng về phía bọn tặc đạo chống lại ngai vàng, bọn phản đạo chống lại giáo hội. Ngươi định triệt mất cái phương sách cuối cùng của Chúa. Bởi vì ta, người thay mặt đức vua, nếu ta không còn nữa, thì xóm làng còn bị thiêu hủy, các gia đình còn phải khóc than, các cha cố còn phải đổ máu, xứ Bretagne còn bị đau thương, đức vua còn bị cầm tù và chúa Jésus còn nguy nan. Và ai sẽ gây ra cảnh đó? Chính ngươi. Mặc, đó là việc của ngươi. Ta tưởng trông cậy ở ngươi một việc làm trái lại kia. Ta đã lầm. À đúng rồi, ngươi có lý, ta đã giết anh ngươi. Anh ngươi đã tỏ ra can đảm, ta đã thưởng cho hắn, hắn đã phạm lỗi, ta đã phạt hắn. Anh ngươi không làm tròn bổn phận, còn ta, ta không làm sai bổn phận. Điều ta đã làm, ta còn làm nữa. Và ta thề trước bà thánh Anne D’Auray rằng, trong trường hợp tương tự, ta cũng có thể giết con trai ta. Bây giờ, ngươi làm chủ tình thế. Phải, ta thương hại ngươi. Ngươi đã lừa dối chỉ huy. Ngươi, một tín đồ Cơ Đốc, ngươi không có lòng tin; ngươi, dân xứ Bretagne, ngươi không còn chút danh dự nào; ta được ủy thác cho ngươi, con người trung nghĩa, nhưng lại được ngươi đón nhận bằng một tấm lòng phản trắc; ngươi giết ta để đáp lại những người mà ngươi đã hứa cứu thoát ta. Ngươi có biết ngươi sắp giết ai không? Chính là giết ngươi đấy. Ngươi cướp của đức vua tính mạng ta rồi ngươi dâng kiếp vĩnh cửu của ngươi cho ma quỷ. Nào, hãy phạm tội ác đi, được lắm. Ngươi coi rẻ phần được an nghỉ trên thiên đường. Nhờ ngươi ma quỷ sẽ thắng, nhờ ngươi, nhà thờ sẽ còn đổ, nhờ ngươi, bọn vô đạo còn tiếp tục nung chuông để đúc đại bác; đem vật dùng để cứu rỗi linh hồn mà bắn giết người trần gian. Và trong lúc ta đang nói đây thì cái chuông đã từng rung lên trong lần rửa tội lúc sinh ra ngươi, có lẽ đang giết mẹ ngươi. Nào, hãy tiếp tay cho ma quỷ đi. Chớ chùn tay. Đúng, ta đã kết tội anh ngươi, nhưng nên hiểu rằng như thế là tuân theo ý Chúa. A! Ngươi dám phán xét những phương tiện của Chúa! Ngươi sẽ còn phán xét cả sấm sét trên thiên đình nữa chăng? Khốn nạn, ngươi sẽ bị sấm sét phán xét. Hãy coi chừng việc ngươi sắp làm. Ngươi có biết là ta có Chúa phù hộ không? Cứ làm đi. Muốn làm gì thì làm. Ngươi cứ vứt ta vào địa ngục rồi ngươi cũng nhảy theo ta. Quyền đó ở trong tay ngươi. Kẻ chịu trách nhiệm trước Chúa sẽ là ngươi. Ta và ngươi lúc này đối diện với nhau trong vực thẳm. Hãy tiếp tục, làm cho xong, kết thúc đi. Ta già rồi và ngươi còn trẻ; ta tay không và ngươi có vũ khí; giết ta đi. Trong lúc lão già đứng tuôn ra những lời ấy, tiếng nói sang sảng át cả tiếng sóng biển, những đợt sóng nhấp nhô làm cho lão thấp thoáng lúc trong bóng tối, lúc ngoài ánh sáng; người lính thủy, mặt tái ngắt; trên trán anh ta mồ hôi nhỏ giọt; anh ta run như chiếc lá; chốc chốc, anh ta hôn chuỗi hạt; khi lão già nói xong, anh ta vứt khẩu súng lục và quỳ xuống. Anh ta kêu lên: — Xin đức ông tha cho con! Tha lỗi cho con; đức ông nói như Chúa phán. Con có lỗi. Anh con đã có lỗi. Con sẽ làm tất cả để chuộc tội cho anh con. Đức ông cứ tùy ý sử dụng con. Đức ông ban mệnh lệnh đi. Con xin vâng theo. — Ta tha thứ cho ngươi - Lão già nói. II TRÍ NHỚ NÔNG DÂN SÁNH VỚI TÀI THỦ LĨNH ◄○► Thức ăn dự trữ trên chiếc xuồng không phải là vô ích. Hai kẻ trốn tránh vì phải đi đường vòng nên mất ba mươi sáu tiếng đồng hồ mới vào được bờ. Họ qua một đêm trên biển; nhưng là một đêm đẹp trời, tuy nhiên trăng hơi sáng quá đối với những người đang tìm cách tẩu thoát. Lúc đầu họ phải rời xa đất Pháp và vượt ra khơi về phía Jersey. Họ nghe những tiếng súng sau cùng của con tàu bị xé tan như tiếng rống cuối cùng của con sư tử bị người đi săn giết chết, giết trong rừng. Rồi biển cả trở lại im lặng. Tàu Claymore cũng đã đắm như kiểu tàu Le Vengeur[30]trước đây, nhưng không chút vinh quang; chống lại tổ quốc thì anh hùng sao được. Halmalo là một thủy thủ kỳ tài. Anh ta khéo léo và thông minh lạ lùng; phải gọi là kiệt tác cái việc anh ta ứng biến nghĩ ra con đường quanh co qua đá ngầm, sóng cả và cả con mắt của kẻ địch. Dần dần, biển lặng và sóng yên, biển dễ vượt hơn. Halmalo tránh hòn Caux thuộc dãy Minquiers, vòng qua hòn Chaussée-aux-Boeufs, ẩn vào đó, nghỉ vài giờ trong cái vũng nhỏ về phía Bắc khi nước xuống, rồi lại lần xuống phía nam, tìm cách vượt qua giữa Granville và các đảo Chausey mà không hề bị tháp canh ở hai nơi này trông thấy. Rồi anh ta đưa xuồng vào vịnh Saint-Michel, thật là táo tợn vì vịnh đó ở cạnh Cancale, nơi hạm đội tuần tiễu thả neo. Chiều hôm sau, độ một giờ trước khi mặt trời lặn, Halmalo chèo xuồng bỏ dãy núi Saint-Michel lại sau, và ghé vào một bãi cát lẫn sỏi lúc nào cũng vắng vẻ vì nơi này nguy hiểm; vào đây là bị sa lầy. May sao lúc đó nước triều lên cao. Halmalo đẩy xuồng tiến vào sâu, dò chỗ có cát, thấy chắc chắn mới cho xuồng mắc cạn và nhảy xuống đất. Lão già theo anh ta lên bờ, và quan sát chân trời. Halmalo nói: — Thưa đức ông, đây là cửa sông Couesnon. Bên phải là Beauvoir, bên trái là Huisnes. Gác chuông đằng trước mặt là Ardevon. Lão già cúi vào trong chiếc xuồng, lấy một chiếc bánh bích quy bỏ túi rồi bảo Halmalo: — Lấy nốt đi. Halmalo bỏ vào bọc chỗ thịt và bánh bích quy còn lại, khoác túi lên vai. Xong, anh ta nói: — Thưa đức ông, con phải dẫn đức ông đi hay đi theo đức ông? — Không phải dẫn cũng chẳng phải theo. Halmalo sửng sốt nhìn lão. Lão già tiếp: — Halmalo, chúng ta chia tay thôi. Đi hai người chẳng ích gì. Phải hàng nghìn, hoặc chỉ có một mình. Lão ngừng lại, móc túi lấy ra một cái nơ bằng lụa xanh hơi giống một cái huy hiệu đính vào mũ, ở giữa có thêu một bông hoa bách hợp bằng vàng. Lão nói tiếp: — Ngươi có biết đọc không? — Thưa không. — Tốt, một người biết đọc chỉ thêm phiền. Trí nhớ ngươi tốt chứ. — Thưa vâng. — Tốt. Nghe đây, Halmalo. Ngươi đi về bên phải và ta rẽ bên trái. Ta sẽ đi về phía rừng Fougères, ngươi đi về phía rừng Bazouges. Ngươi cứ giữ cái túi cho có vẻ dân quê. Giấu kín vũ khí đi. Chặt lấy một cây gậy trong các hàng rào. Bò qua các ruộng lúa mạch mọc cao. Luồn sau những bờ dậu. Bước theo những giàn cây leo mà vượt khỏi cánh đồng. Đi cách xa những người qua đường. Tránh đường cái và cầu cống. Đừng vào Pontorson. À! Ngươi sẽ phải qua sông Couesnon. Qua bằng cách nào? — Bơi qua. — Tốt. Vả lại ở đó có chỗ cạn lội qua được. Có biết quãng nào không? — Giữa Ancey và Vieux-Viel. — Tốt. Ngươi đúng là người địa phương. — Nhưng sắp tối rồi. Đức ông ngủ ở đâu? — Ta tự liệu. Còn ngươi, ngươi định ngủ ở đâu? — Đã có các hốc cây. Trước khi đăng lính thủy, con là nông dân. — Hãy vứt chiếc mũ lính thủy đi, cái thứ ấy nó sẽ phản ngươi đấy. Ngươi kiếm cho được một chiếc mũ dân chài. — Ồ! Loại mũ cụp vành ấy đâu chẳng có. Gặp một anh thuyền chài nào cũng mua được ngay. — Tốt. Bây giờ nghe đây. Ngươi biết các khu rừng? — Tất cả. — Suốt cả xứ này chứ? — Từ Noirmoutier đến tận Laval. — Thuộc tên cả chứ? — Con thuộc rừng, thuộc tên, thuộc tất cả. — Ngươi sẽ không quên gì chứ? — Không. — Tốt. Bây giờ, chú ý đây. Một ngày ngươi đi nổi bao nhiêu dặm? — Mười, mười lăm, mười tám, hai mươi, nếu cần. — Cần đấy. Không được quên một lời nào ta dặn đây. Ngươi đến rừng Saint-Aubin. — Gần Lamballe? — Phải. Ở rìa con ngòi giữa Saint-Rieul và Plédéliac có một cây dẻ lớn. Ngươi sẽ dừng lại đó. Ngươi sẽ không thấy ai cả. — Song không vì thế mà không có người nào. Con biết. — Ngươi làm hiệu gọi. Ngươi có biết mật hiệu không? Halmalo phùng má, quay ra phía biển, và người ta bỗng nghe tiếng một con cú mèo kêu hu hu. Tưởng chừng như tiếng kêu đó từ trong đêm thẳm vọng lại; thật giống và thật ghê rợn. — Tốt - Lão già nói - Ngươi làm được đấy. Lão đưa cho Halmalo cái nơ lụa xanh. — Đây là cái nơ chỉ huy của ta. Cầm lấy. Chưa cần cho ai biết tên ta vội. Cái nơ này là đủ. Bông hoa bách hợp do bà Royale[31]thêu trong nhà ngục ở lâu đài Temple. Halmalo quỳ một gối xuống đất. Anh ta run run nhận lấy chiếc nơ có bông hoa bách hợp và ghé sát môi; rồi bỗng anh ta ngừng lại như sợ hôn như vậy chẳng biết có phải phép chăng. Anh ta hỏi: — Con hôn được chứ? — Được, vì ngươi cũng hôn thánh giá. Halmalo hôn bông hoa bách hợp. — Đứng lên - Lão già bảo. Halmalo đứng lên và luồn chiếc nơ vào áo trước ngực. Lão già bảo tiếp: — Nghe kỹ điều này. Đây là mệnh lệnh: Nổi dậy đi. Không cho sống sót. Vậy, đến rìa rừng Saint Aubin ngươi làm hiệu gọi. Ngươi cứ làm ba lần. Lần thứ ba ngươi sẽ thấy một người ở dưới đất chui lên. — Từ một lỗ dưới các cây. Con biết rồi. — Người đó là Planchenault, người ta còn gọi là Coeurde-Roi. Ngươi đưa cái nơ này cho người đó xem. Hắn sẽ hiểu. Rồi ngươi tiếp tục tìm lấy đường mà đến khu rừng Astillé. Ở đó ngươi gặp một người chân vòng kiềng tên gọi là Mousqueton, hắn thì chẳng nhân từ với ai cả. Ngươi nói với hắn rằng ta mến hắn và hắn hãy khuấy động khắp giáo khu của hắn. Rồi ngươi đi tới rừng Couesbon cách Ploërmel một dặm. Ngươi lại làm hiệu cú mèo kêu, một người sẽ từ trong lỗ chui ra; đó là ông Thuault, một quan chức ở địa phương, một người đã ở trong cái gọi là Quốc hội lập hiến[32], nhưng thuộc phái tốt. Ngươi nói với ông ta hãy vũ trang lâu đài Couesbon của hầu tước Guer, hiện đang sống lưu vong. Hào rãnh, rừng cây, đường sá gập ghềnh, đó là căn cứ tốt. Ngài Thuault là người thẳng thắn và khôn ngoan. Sau đó, ngươi tới Saint-Ouen-les-Toits, ngươi sẽ nói chuyện với Jean Chouan, người này theo ý ta đúng là một thủ lĩnh. Sau đó, ngươi tới rừng Ville-Anglose, ở đó ngươi gặp Guitter mà người ta thường gọi là Saint-Martin, ngươi nói với ông này để ý theo dõi một đứa tên là Courmesnil, con rể lão Goupil de Prefeln, là đứa cầm đầu bọn Jacobin vùng Argentan. Nhớ kỹ tất cả. Ta không viết gì bởi vì không nên viết tí gì cả. La Rouarie trước đây có chép cả một bản danh sách; rồi hỏng hết. Sau đó ngươi tới rừng Rougefeu, ở đấy có ông Miélette, ông ta vẫn dùng một cây sào dài để đu mình nhảy qua các khe hào. — Cái đó gọi là ferte[33]. — Ngươi biết dùng nó không? — Vậy hóa ra con chẳng phải là người Bretagne, cũng chẳng phải là nông dân nữa sao? Cây sào đó là bầu bạn của chúng con. Nó nối thêm tay, thêm chân cho chúng con. — Có nghĩa là làm cho kẻ địch bé đi và rút ngắn đường lại. Một vật tốt. — Một lần, với cây sào ấy, con chống lại ba tên lính đoan có mang gươm. — Từ bao giờ? — Mười năm rồi. — Dưới thời còn đức vua? — Vâng. — Ngươi đã đánh nhau dưới thời đức vua? — Vâng. — Chống lại ai? — Thật ra, con chẳng biết. Lúc đó con làm muối lậu. — Tốt. — Người ta gọi là đánh lại bọn thuế muối. Bọn ấy có phải là cũng như đức vua không? — Ừ. Không. Mà ngươi cũng chẳng cần hiểu điều đó làm gì. — Con xin đức ông tha lỗi vì đã dám hỏi lại đức ông. — Ta tiếp tục. Ngươi có biết lâu đài Tourgue không? — Con biết lâu đài Tourgue lắm! Con là người ở vùng ấy. — Sao? — Vâng, vì con là người vùng Parigné. — Đúng thế. Ừ. Tourgue ở cạnh Parigné. — Con biết lâu đài Tourgue lắm! Cái lâu đài tròn đồ sộ là của gia quyến các lãnh chúa của con! Có một cái cửa sắt lớn ngăn tòa nhà cũ với tòa nhà mới, đến đại bác cũng chẳng phá nổi. Trong tòa lâu đài mới ấy có cuốn sách rất hay, nói về thánh Barthélémy, ai cũng tò mò tới xem cho biết. Vô số ếch nhái dưới cỏ. Lúc còn bé tí, con đã đến bắt ếch chơi ở đấy. Lại còn con đường ngầm nữa! Con cũng biết. Có lẽ chỉ còn một mình con biết con đường ngầm đó thôi. — Con đường ngầm nào? Ta không hiểu ngươi định nói gì? — Đó là chuyện ngày xưa, lúc lâu đài Tourgue bị bao vây. Người trong lâu đài đã trốn ra ngoài bằng một con đường ngầm từ lâu đài thông ra rừng. — Ừ, có kiểu đường ngầm đó ở các lâu đài Jupellière, Hunaudaye và Champéon; nhưng ở lâu đài Tourgue thì làm gì có. — Có đấy ạ, thưa đức ông. Mấy nơi đức ông vừa nói thì con không biết. Con chỉ biết con đường ngầm ở lâu đài Tourgue vì con là người vùng ấy mà lại. Hơn nữa, chỉ còn mình con đường đó. Chẳng còn ai nhắc đến nó nữa. Điều đó bị cấm bởi vì con đường đó đã dùng trong chiến tranh thời ngài De Rohan[34]. Bố con biết điều bí mật đó và đem chỉ nó cho con. Con biết cách bí mật vào và ra. Nếu con ở ngoài rừng, con có thể đi vào trong cái tháp và nếu con ở trong tháp, con có thể ra rừng mà chẳng ai thấy được. Và đến khi quân địch vào thì chẳng còn ma nào nữa. Đó, lâu đài Tourgue là như thế đấy. Chà! Con biết rõ lắm mà! Lão già đứng im lặng một lát. — Chắc ngươi lầm rồi; nếu có điều bí mật đó thì ta cũng phải biết chứ. — Thưa đức ông, con tin chắc như thế, rõ ràng là có một tảng đá biết quay. — À đúng rồi! Dân quê các ngươi, tin nhảm nhí những chuyện đá biết quay, đá biết hát, cả chuyện ban đêm đá đi ra suối uống nước nữa. Trăm thứ chuyện. — Nhưng mà con đã được xoay tảng đá ấy, tảng đá… — Thì cũng như những người khác đã nghe nó hát thôi. Anh bạn ạ, Tourgue là một pháo đài chắc chắn và mạnh, phòng ngự dễ; nhưng kẻ nào định bám vào một con đường ngầm để mà thoát ra thì thật là ngây thơ. — Nhưng, thưa đức ông… Lão già nhún vai. — Thôi, đừng mất thì giờ nữa. Bàn công việc chúng ta thôi. Giọng nói như ra lệnh đó cắt đứt không cho Halmalo nói thêm. Lão già lại bảo: — Ta dặn nốt. Nghe đây. Từ Rougefeu, ngươi tới rừng Montchevrier, ở đó có ông Bénédicité, thủ lĩnh nhóm Mười hai[35]. Đấy cũng là một người có tài. Trong lúc bắn người, ông ta không ngừng cầu kinh Benedicite. Trong chiến tranh, không thể có tình cảm được. Rồi từ Montchevrier, ngươi đi đến… Lão bỗng ngừng lại. — Ta quên mất chuyện tiền. Lão lấy ở túi ra, đặt vào tay Halmalo một bọc tiền và một cái ví. — Trong ví này có ba mươi ngàn quan bằng tín phiếu, khoảng ba bảng với mười xu; đây là tín phiếu giả, nhưng tín phiếu thật giá trị cũng vậy thôi; còn trong bọc này thì cẩn thận đấy, có tất cả một trăm louis vàng. Có bao nhiêu ta cho ngươi hết. Ở đây, ta không cần gì nữa. Vả lại, tốt hơn là họ không thấy trong người ta có tiền. Ta nói nốt. Từ Montchevrier, ngươi đi Antrain, ở đó ngươi gặp ông De Frotté; từ Antrain đi Jupellière, ở đấy gặp ông Rochecotte; từ Jupellière đi Noirieux, ở đó gặp linh mục Baudouin. Ngươi nhớ tất cả chứ? — Nhớ như nhớ kinh Pater . — Ngươi sẽ gặp ông Dubois-Guy ở Saint-Brice-en-Cogle, gặp ông De Turpin ở Morannes, một thị trấn phòng thủ tốt, và gặp hoàng thân De Talmond ở lâu đài Gonthier. — Liệu một hoàng thân có nói chuyện với con không? — Thì ta chả đương nói với ngươi là gì. Halmalo ngả mũ chào. — Mọi người sẽ tiếp đón ngươi trọng vọng khi họ nhìn thấy bông hoa bách hợp của công chúa. Đừng quên rằng ngươi phải đi trong những vùng có dân miền núi và những người hủ lậu. Cải trang đi. Điều đó rất dễ. Cái bọn cộng hòa ấy hết sức ngu, chỉ cần mặc bộ áo xanh, cái mũ chào mào với huy hiệu tam tài là đi đâu cũng lọt. Bọn chúng chẳng có trung đoàn, chẳng có quân phục, các đơn vị cũng chẳng có số hiệu nữa; ai muốn khoác đồ tã gì cũng được. Thế rồi ngươi đến Saint-Mhervé. Ở đó, ngươi gặp ông Gaulier, thường gọi là Grand-Pierre. Rồi ngươi đến doanh trại Parné, ở đó, người nào mặt cũng nhọ nhem. Họ thường nhét sỏi vào súng và bao giờ cũng nhồi gấp đôi số thuốc cho nổ thật to. Bọn họ làm thế là tốt; nhưng tốt hơn hết là nhắc họ phải giết, giết, giết nữa. Rồi ngươi tới trại Vache-Noire ở trên một ngọn đồi cao, giữa rừng Charnie, rồi tới trại Avoine, rồi trại Vert, trại Fourmis. Ngươi còn phải tới Grand-Bordage, cũng còn gọi là Haut-des-Prés ở đó có một người đàn bà góa có con gái gả cho Treton, vẫn gọi là lão người Anh. GrandBordage ở trong khu vực nhà xứ Quelaines. Ngươi sẽ gặp Epineux-le-Chevreuil, Sillé-le- Guillaume, Parannes và tất cả những người bạn rồi ngươi sẽ phái họ tới ria rừng miền trên và miền dưới sông Maine, ngươi sẽ gặp Jean Treton ở giáo khu Vaisges, Sans-Regret ở Bignon, Chambord ở Bonchamps, anh em Corbin ở Maisoncelles và anh chàng Petit-Sans-Peur ở Saint-Jean-sur-Erve. Người đó cũng tên là Bourdoiseau. Xong những việc đó rồi và khi khẩu lệnh nổi dậy đi, không cho sống sót đã truyền khắp nơi, khi gặp đại quân thiên chúa giáo và hoàng gia ở bất cứ chỗ nào thì ngươi nhập vào. Ngươi sẽ được gặp các ngài D’Elbée, De Lescure, De La Rochejaquelein, những người thủ lĩnh còn sống đến lúc đó. Ngươi đưa các ngài xem chiếc nơ chỉ huy của ta. Các ngài sẽ hiểu hết. Ngươi chỉ là một thủy binh nhưng Cathelineau cũng chỉ là anh đánh xe. Ngươi thay ta nói với họ thế này: Đã đến lúc tiến hành cùng một lúc hai lối chiến tranh đại và tiểu quy mô. Chiến tranh đại quy mô thì tiếng tăm hơn, chiến tranh tiểu quy mô thì kết quả nhiều hơn. Đánh theo lối Vendée thì tốt, đánh theo lối bọn Chouan thì tồi; nhưng trong nội chiến thì cái tồi lại hơn. Cái nhân nghĩa của một cuộc chiến tranh là ở chỗ nó gây ra nhiều tội ác. Lão ngừng lại. — Halmalo, ta nói với ngươi ngần ấy điều. Ngươi không hiểu những từ, nhưng ngươi hiểu sự việc. Ta đã tin ở ngươi khi nhìn ngươi điều khiển con thuyền; ngươi không biết về hình học, nhưng ngươi hoạt động trên mặt biển thật kỳ diệu; kẻ nào biết lái con thuyền, kẻ đó biết điều khiển một cuộc nổi dậy. Cứ xem cách ngươi xoay xở trên mặt biển thì ta quyết là ngươi có thể làm tròn những việc ta ủy thác. Ta nói nốt. Ngươi nói lại điều này với các thủ lĩnh, nói đại để như ngươi hiểu, thế là tốt; rằng ta thích lối chiến tranh rừng rậm hơn là chiến tranh đồng bằng. Ta không chủ trương xếp hàng trăm người dân quê ra hứng đạn của lính áo xanh và trọng pháo của ông Carnot[36]. Trong vòng non một tháng ta muốn có năm trăm nghìn tay súng phục kích các ngả rừng. Quân cộng hòa là mồi săn của ta. Bán trộm cũng là chiến tranh. Ta là nhà chiến lược của rừng rậm. Được, đó cũng là một danh từ mà ngươi không hiểu; không hiểu cũng được, ngươi phải nhớ điều này: Không để sống sót, mà phục kích khắp nơi! Ta thích lối đánh của bọn Chouan hơn lối Vendée. Ngươi hãy nói thêm là người Anh ủng hộ chúng ta. Kẹp nền cộng hòa vào giữa hai hỏa lực. Châu Âu giúp chúng ta. Chuyến này ta hãy thanh toán hết bọn cách mạng đi; phát động các quốc gia để chống lại chúng; còn chúng ta huy động các giáo khu đánh nhau với chúng. Ngươi sẽ nói thế. Hiểu không? — Vâng, nghĩa là đốt sạch, giết sạch. — Đúng thế. — Không để sống sót. — Không từ ai. Đúng thế. — Con sẽ đi khắp nơi. — Mà phải cẩn thận. Vì ở các xứ này, chết dễ như chơi. — Chết, điều đó không quan hệ lắm. Ai đã bước đi được rồi thì có thể dùng cho mòn hết đôi cuối cùng của mình. — Ngươi thật là dũng cảm. — Thế nếu người ta hỏi con về tên của đức ông? — Người ta chưa cần biết vội. Ngươi cứ nói là không biết tên ta, mà sự thật là như thế. — Con gặp lại đức ông ở đâu? — Ở nơi nào ta sẽ đến. — Làm sao con biết nơi đó? — Bởi vì mọi người sẽ biết nơi ta ở. Trong vòng trước tám ngày, người ta sẽ bàn tán về ta, ta sẽ khủng bố để làm gương cho chúng, ta sẽ trả thù cho đức vua và cho giáo hội, và ngươi sẽ nhận rõ rằng chính họ nói về ta đó. — Con hiểu. — Không được quên điều gì cả. — Đức ông yên tâm. — Bây giờ thì đi đi. Xin Chúa dìu dắt cho ngươi. Đi thôi. — Con sẽ làm mọi việc đức ông dạy. Con sẽ đi, con sẽ nói. Con sẽ vâng lệnh. Con sẽ chỉ huy. — Tốt. — Rồi nếu con thành công… — Ta sẽ thưởng ngươi huân chương Thánh Louis. — Như anh con; và nếu con không thành công, đức ông sẽ cho bắn con? — Như anh ngươi. — Rõ, thưa đức ông. Lão già cúi mặt xuống và như đang rơi vào một giấc mơ nghiêm trọng. Khi lão ngẩng lên, thì chỉ còn một mình lão. Halmalo chỉ là một chấm đen đang dấn sâu vào nơi chân trời xa tắp. Mặt trời vừa lặn. Đàn chim hải âu lớn và giống hải âu chụp mũ đã bay về; biển đã rút ra xa. Người ta cảm thấy trong không gian cái xốn xang trước khi trời sắp tối; ếch nhái kêu ộp oạp, đàn rơi vừa lượn trên vũng nước vừa huýt gió, sơn ca và quạ đủ các loài kêu ầm ĩ khi đêm xuống; chim trên bãi biển gọi nhau; nhưng không có tiếng người. Cô quạnh sâu thẳm. Trong vịnh không một cánh buồm, trong làng không một người dân. Xa tít là chân trời hoang vắng. Những cây gai to trên đụn cát run rẩy. Trời bàng bạc lúc hoàng hôn rọi xuống bãi cát một thứ ánh sáng nhợt nhạt. Xa xa, những đầm nước trên cánh đồng tối sẫm giống như những mảng thiếc đặt trên mặt đất. Gió ngoài khơi thổi vào lồng lộng. QUYỂN IV TELLMARCH I TRÊN ĐỈNH CỒN CÁT ◄○► Lão già đợi cho Halmalo đi khuất, rồi nịt chặt chiếc áo khoác đi biển vào người và bước đi. Lão bước thong thả, có vẻ suy nghĩ. Lão rẽ về phía Huisnes, trong khi Halmalo đi về phía Beauvoir. Đằng sau lão là núi Saint-Michel, một hình tam giác khổng lồ đen sẫm, nổi lên giữa biển cả như kim tự tháp Chéops giữa sa mạc, với ngôi nhà thờ hình ngọc miện và thành lũy, với hai tháp lớn về phía đông, một tròn, một vuông, giúp cho núi chịu đựng sức nặng của nhà thờ và làng mạc. Những luồng cát di động của vịnh núi Saint-Michel chuyển dịch những đụn cát dần dần không thấy nữa. Thời kỳ đó, ở giữa Huisnes và Ardevon có một cồn cát rất cao ngày nay đã biến mất. Cồn cát ấy, đã bị một luồng gió từ xích đạo san bằng, thật hiếm có vì đã lâu đời mà trên đỉnh lại có một cái cột mốc bằng đá dựng lên từ thế kỷ thứ mười hai để kỷ niệm Hội nghị giáo hội ở Avranches chống lại bọn giết thánh Thomas ở Cantorbéry. Đứng trên cồn cát có thể nhìn khắp vùng và định hướng được. Lão già bước tới cồn cát và leo lên. Lên tới đỉnh, lão dựa lưng vào cái cột mốc, ngồi lên một trong bốn tảng đá đặt ở chân cột, rồi lão bắt đầu quan sát cảnh tượng bày ra dưới chân lão, như một bản đồ. Hình như lão đang tìm một con đường trong một địa phương đã quen thuộc từ trước. Cảnh bao la ấy mờ mờ trong bóng hoàng hôn, chỉ còn thấy rõ đường chân trời, đen sẫm trên nền trời trắng. Từ đỉnh núi người ta thấy rõ từng cụm mái nhà của mười một thị trấn và làng mạc; cách mấy dặm cũng phân biệt rõ các gác chuông vùng bờ biển xây rất cao, để có thể dùng làm tiêu điểm cho những người ở ngoài khơi nữa. Lát sau, lão già như đã thấy trong bóng tối nhập nhoạng cái mà lão định tìm; mắt lão dừng lại một nơi xung quanh có cây cối, tường và mái nhà, nom còn hơi mờ mờ ở giữa cánh đồng bằng và rừng cây, chỗ đó là một cái ấp; lão gật gù, với vẻ thỏa mãn của một người tự bảo thầm: Kia rồi! Xong, lão lấy ngón tay phác ra trong không gian một con đường đi xuyên qua bờ lũy và đồng ruộng. Chốc chốc, lão lại chăm chú nhìn một vật không rõ hình thù và mờ mờ đang lay động trên ngôi nhà chính của ấp, và lão như tự hỏi: Cái gì kia? Vì giờ này đã tối nên không còn rõ màu sắc và hình nét; không phải là cái phong tiêu vì nó bay phấp phới. Nhưng cũng không thể là một lá cờ. Lão thấy mệt mỏi muốn ngồi mãi trên tảng đá, lão buông mình trong cái quên lãng mà những người mệt nhọc thường cảm thấy vào phút đầu tiên được nghỉ ngơi. Trong một ngày có khoảng thời gian như không tiếng động, đó là giờ phút thanh tịnh lúc chiều hôm. Bấy giờ đúng là lúc ấy. Lão tận hưởng; lão nhìn, lão nghe. Nhìn và nghe cái gì nhỉ? Cái yên tĩnh. Những kẻ hung dữ vẫn có những phút giây ưu tư. Đột nhiên, có tiếng người, tiếng nói không làm náo động bầu không khí đang yên tĩnh mà càng làm cho quạnh quẽ thêm; đó là tiếng nói của đàn bà và trẻ con. Đôi khi, trong bóng tối lại có những tiếng vui bất ngờ vang lên. Vì bụi rậm che khuất nên không trông rõ đám người đang nói, nhưng họ đang đi dưới chân cồn cát về hướng cánh đồng và rừng cây. Những tiếng nói trong trẻo, mát rượi vọng đến tai lão già đang trầm mặc; tiếng nói rất gần nên lão nghe tất cả. Một giọng đàn bà bảo: — Nhanh lên, chị Fléchard. Có phải lối này không? — Không, lối kia. Rồi hai giọng nói, một cao, một rụt rè đang trao đổi câu chuyện. — Cái ấp ta đang ở tên là gì nhỉ? — Herbe-en-Pail. — Còn xa không? — Đến mười lăm phút nữa kia đấy. — Nhanh lên còn về ăn bữa chiều. — Chắc chắn là ta về muộn rồi. — Phải chạy thôi. Nhưng mà mấy đứa trẻ mệt rồi. Có hai chị em mình làm sao cõng được ba đứa bé. Mà chị cũng bế một đứa rồi. Thật nặng như chì. Đã cai sữa cho con bé phàm ăn ấy rồi mà chị vẫn cứ bế nó mãi. Chị làm nó quen thói mất. Cứ để nó đi cho tôi. Ái chà, mặc kệ, canh sẽ nguội mất. — Này, đôi chị cho tôi thật tốt! Y như đóng cho tôi vậy. — Tốt hơn lê chân không. — Nhanh lên con, René-Jean. — Chỉ tại chú này làm chị em mình trễ thôi. Gặp cô bé nào cậu ta cũng gạ chuyện. Ra dáng người lớn rồi. — Thì nó sắp lên năm đấy. — Này, René-Jean, tại sao lúc nãy cháu lại bắt chuyện với con bé trong làng ấy? Một giọng trẻ con, giọng con trai, trả lời: — Vì cháu quen nó mà. Người đàn bà tiếp: — Sao quen nó à? — Vâng - Đứa con trai đáp - Vì sáng nay nó đem cho cháu mấy con vật. — Tay này khá thật! - Người đàn bà kêu lên - Mới tới đây có ba hôm, người bằng nắm tay ấy mà đã có nhân ngãi rồi! Tiếng nói xa dần. Mọi tiếng động vụt biến mất. II CÓ TAI MÀ KHÔNG NGHE[37] ◄○► Lão già ngồi không nhúc nhích. Lão chẳng nghĩ ngợi gì; có lẽ lão chỉ hơi mơ màng. Xung quanh lão tất cả là thanh tịch, êm dịu, tin tưởng, tĩnh mịch. Trên cồn cát vẫn còn sáng như ban ngày, nhưng dưới cánh đồng đã sắp tối và trong rừng thì đã tối hẳn. Trăng mọc ở phía đông. Vài ngôi sao điểm trên vòm trời xanh nhạt. Con người ấy, trong lòng mặc dù bề bộn những băn khoăn lo nghĩ mãnh liệt lúc này cũng thấy ngập vào cái nhân hậu rất khó diễn tả của vô cùng. Trong lòng lão như bừng lên ánh lê minh, một niềm hy vọng, nếu như tiếng “hy vọng” có thể áp dụng được vào những mong đợi ở cuộc nội chiến. Trong lúc này, lão chỉ thấy thoát khỏi biển cả ngặt nghèo, đặt chân lên đất liền, thế là mọi nguy hiểm đã tiêu tan. Chẳng ai biết tên lão, lão chỉ có một mình, đối với kẻ thù lão đã mất tích, không để lại dấu vết vì mặt biển chẳng giữ lại tí gì, lão đã ẩn kín, không ai biết lão, cũng chẳng nghi ngờ. Còn lão. Lão cảm thấy thoải mái vô cùng. Chút nữa thì lão thiếp đi. Đối với con người ấy, bề ngoài, cũng như trong tâm tư, đương bị giày vò bởi bao nỗi xốn xang, cái gì đem lại một khoái cảm dị thường cho giờ phút êm ả đương qua này, chính là dưới đất cũng như trên trời, một cảnh tĩnh mịch sâu thẳm. Người ta chỉ nghe thấy gió ngoài biển thổi vào, như một điệu nhạc trầm trầm không dứt, rồi dần dần quen tai, nghe chẳng còn là tiếng động nữa. Bỗng nhiên, lão đứng bật dậy. Sự cảnh giác của lão vừa đột nhiên thức tỉnh, lão ngắm chân trời. Mắt lão như dán vào một vật gì. Lão đang nhìn gác chuông Cormeray đằng trước mặt, tận cuối cánh đồng. Hình như có điều gì lạ thường trên cái gác chuông đó. Bóng gác chuông hằn lên rõ rệt; phía trên nổi lên một cái tháp nhọn, và ở giữa tầng dưới và cái tháp là cái lầu vuông đặt chuông, trống trải, không có mái hắt, bốn mặt nhìn vào thông thống, kiểu gác chuông vùng Bretagne. Cái lầu ấy mở rồi lại đóng đều đặn; cửa sổ cao trên lầu lúc sáng lúc tối; nhìn sang bên kia có lúc thấy nền trời, có lúc không; cửa sổ lúc tỏ lúc mờ, mở rồi lại đóng từng giây một, nhịp nhàng như búa nện xuống đe. Gác chuông Cormeray ở trước mặt lão khoảng hai dặm; lão nhìn qua bên phải thấy gác chuông Baguer-Pican cũng đứng thẳng tắp phía chân trời; Gác chuông này cũng mở rồi khép như gác chuông Cormeray. Lão lại quay sang trái, nhìn gác chuông Tanis, gác chuông này cũng mở rồi khép như gác chuông Baguer-Pican. Lão nhìn suốt lượt dãy gác chuông ở phía chân trời, bên trái là các gác chuông Courtils, Précey, Crollon và CroixAvranchin; bên phải là các gác chuông Raz-sur-Couesnon, Mordrey và Pas; trước mặt là gác chuông Pontorson. Cửa sổ tất cả các gác chuông đều lần lượt lúc đen lúc trắng. Cái đó muốn nói gì? Cái đó có nghĩa là tất cả các chuông đang rung lên. Mà phải rung dữ dội lắm thì mới khi ẩn khi hiện như thế. Chuông gì vậy? Chắc chắn là chuông cấp báo. Người ta rung chuông cấp báo, rung lên điên cuồng, rung khắp mọi nơi, ở mọi gác chuông, ở mọi giáo khu, ở mọi làng, vậy mà chẳng nghe thấy gì cả. Đó là vì ở xa, tiếng chuông không vọng tới và gió biển thổi ngược lại át hết mọi tiếng động trên đất liền cuốn về phía chân trời. Tất cả các chuông đang rung lên, cầu cứu khắp nơi một cách cuồng loạn và cùng lúc đó bốn bề lại im lặng, thật không có gì ghê rợn hơn. Lão già vẫn nhìn và nghe ngóng. Lão không nghe được tiếng chuông cấp báo, nhưng lão đã nhìn thấy. Nhìn chuông cấp báo, một cảm giác lạ lùng. Những cái chuông uy hiếp ai? Hiệu cấp báo chống lại ai? III CÔNG DỤNG CỦA CỠ CHỮ LỚN ◄○► Chắc chắn là có kẻ nào đang bị lùng riết. Ai vậy? Con người sắt đá ấy bỗng rùng mình. Không thể nào là lão được. Người ta không thể đoán được là lão đã trở về đây; không có lẽ nào những ngài đại diện chính phủ đến công cán đã được báo tin về lão; vì lão vừa mới đổ bộ thôi. Con tàu Claymore chắc chắn đã bị đắm, không một người nào thoát. Mà ngay trong tàu thì ngoài Boisberthelot và La Vieuville ra, chẳng còn ai biết tên lão. Các gác chuông vẫn tiếp tục rung lên ghê rợn. Lão quan sát, đếm từ cái nọ đến cái kia một cách máy móc và nghĩ ngợi lan man, suy diễn từ giả thiết này sang giả thiết khác, tư tưởng trôi nổi bập bềnh từ một cảnh ổn định tuyệt đối chuyển sang một trạng thái lo ngại khủng khiếp. Nhưng xét cho cùng, tiếng chuông cấp báo đó có thể giải thích bằng nhiều cách, rồi lão trở lại yên tâm và cuối cùng lão tự nhủ một mình: “Tóm lại, chẳng ai biết được ta đã về đây và cũng không ai biết được tên ta”. Từ nãy, ở mé trên và sau lưng lão vẫn có một tiếng động nhè nhẹ. Tựa như tiếng sột soạt của lá cây. Mới đầu, lão không để ý; về sau vì tiếng động cứ dai dẳng, cứ như dán vào tai, nên lão đành quay đầu lại. Đó là một tờ giấy. Trên đầu lão, gió đang bóc dần một tờ cáo yết rộng dán trên tấm bia đá. Tờ cáo yết ấy cũng mới dán vì hồ còn ướt và phơi ra giữa gió cho gió đùa giỡn và làm bong ra. Lúc nãy, lão già leo lên cồn cát từ phía bên kia nên không nhìn thấy tờ cáo yết. Lão bèn đứng lên cái mốc từ nãy lão vẫn ngồi, lấy tay đè lên góc tờ cáo thị bị gió lật lên; trời quang đãng, hoàng hôn tháng sáu bao giờ cũng dài; dưới chân cồn cát, đã tối mò nhưng trên đỉnh thì vẫn còn sáng; một phần cáo thị được in bằng cỡ chữ lớn, và trời cũng còn đủ sáng để đọc được. Lão đọc thấy thế này: NƯỚC CỘNG HÒA PHÁP THỐNG NHẤT VÀ KHÔNG THỂ CHIA CẮT Chúng tôi, Prieur De La Marne, đại biểu quốc hội công cán tại binh đoàn bờ biển Côtes-de Cherbourg, ra lệnh: — Tên nguyên hầu tước De Lantenac, tử tước De Fontenay, tục xưng là hoàng thân xứ Bretagne, lén lút đổ bộ lên bờ biển Granville, nay bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. — Nay treo giải để bắt hắn. — Ai đem nộp dù còn sống hay đã chết, cũng sẽ được thưởng số tiền là sáu mươi ngàn bảng. Không trả bằng tín phiếu mà trả bằng vàng. — Một tiểu đoàn thuộc quân đội vùng bờ biển Cherbourg sẽ được phái ngay lập tức lùng bắt tên nguyên hầu tước De Lantenac. — Các xã đều có nhiệm vụ giúp sức. — Làm tại hội quán Granville ngày 2 tháng 6 năm 1793. Ký tên, Prieur De La Marne Dưới cái tên này còn một chữ ký nữa, in bằng cỡ chữ nhỏ quá, không thể nào đọc được vì trời đã tối. Lão già kéo sụp mũ xuống tận mắt, khép chiếc áo choàng đi biển sát tận cằm rồi bước nhanh xuống dưới chân cồn cát. Cứ lẩn quẩn trên mỏm cao sáng sủa lúc này quả là vô ích. Có lẽ lão ở trên đó quá lâu; cồn cát chỉ còn đỉnh cao đó là điểm duy nhất còn nom rõ. Khi đã xuống dưới thấp và vào trong bóng tối, lão bước chậm lại. Lão đi theo hướng đã tự phác ra về phía ấp có lẽ vì lão biết chắc rằng đi về phía đó là được an toàn. Xung quanh vắng ngắt. Vào giờ đó chẳng còn ai qua lại nữa. Tới sau một bụi rậm thì lão dừng lại, cởi áo khoác ra, lộn trái chiếc áo cộc đang mặc để mặt có lông xù ra bên ngoài, buộc lại vào cổ chiếc áo khoác, nó chỉ còn là một tấm rách mướp thắt bằng một sợi dây thừng rồi lại tiếp tục đi. Trời sáng trăng. Lão đi tới một ngã ba đường, ở đó có dựng một cái giá chữ thập bằng đá đã lâu đời. Dưới chân giá cũng có một hình vuông trắng giống như tờ cáo thị lão vừa được đọc. Lão tới gần bên. — Ngài đi đâu? Có một tiếng cất lên hỏi lão. Lão quay ngay lại. Một người đã đứng trong bờ lũy, thân hình cao như lão, già như lão, tóc bạc như lão và lại rách rưới hơn lão nữa. Gần hoàn toàn giống lão. Người kia chống chiếc gậy dài. — Tôi hỏi xem ngài đi đâu? — Trước hết đây là đâu? - Lão nói, với giọng bình tĩnh, gần như trịch thượng. Người kia bảo: — Ngài đang ở trong lãnh địa De Tanis, mà tôi là kẻ ăn mày, còn ngài là lãnh chúa. — Tôi ấy ư? — Vâng, chính ngài, thưa hầu tước De Lantenac. IV NGƯỜI ĂN MÀY ◄○► Hầu tước De Lantenac, từ nay chúng ta gọi đích danh ông ta, trả lời giọng trang nghiêm: — Thôi được. Đem nộp ta đi. Người kia lại đáp: — Hai chúng ta cùng ở vùng này, ngài ở trong lầu cao, tôi ở nơi bờ bụi. — Thôi đi. Làm gì thì làm. Đem nộp ta đi - Hầu tước nói. Người kia tiếp: — Ngài định đi về ấp Herbe-en-Pail có phải không? — Phải. — Ngài đừng đến nữa. — Tại sao? — Vì có quân xanh ở đó. — Từ bao giờ? — Ba hôm rồi. — Dân trại và dân xóm có kháng cự không? — Không. Họ mở toang cửa ra đón. — A! - Hầu tước thốt lên. Người kia lấy ngón tay chỉ vào cái mái nhà trong ấp nhìn thấy đằng xa, qua các ngọn cây. — Ngài nhìn thấy cái mái nhà không, hầu tước? — Có. — Ngài thấy trên đó có gì chứ? — Cái gì đang bay. — Vâng. — Một lá cờ. — Tam tài - Người kia nói. Có cái vật đó, lão hầu tước đã chú ý từ lúc còn ở trên cồn cát cao. — Hình như người ta kéo chuông cấp báo có phải không? — Hầu tước hỏi. — Phải. — Vì lý do gì? — Chắc chắn là vì ngài. — Nhưng sao không nghe thấy? — Tại có gió cản. Người kia lại tiếp: — Ngài đã trông thấy tờ cáo thị chưa? — Rồi. — Họ đang lùng ngài. Rồi liếc mắt về phía ấp, người ấy nói thêm: — Ở đó có nửa tiểu đoàn. — Quân cộng hòa à? — Người Paris. — Thế thì ta đi thôi - Hầu tước bảo. Rồi lão cất bước về phía ấp. Người kia giữ lấy tay lão. — Ngài đừng đến đó. — Thế ông định bảo tôi đi đâu?- Về nhà tôi. Lão hầu tước nhìn lão ăn mày. — Thưa ngài hầu tước, nhà tôi không đẹp đâu nhưng an toàn. Một cái lều thấp hơn một cái hầm. Sàn nhà trải rong biển, trần nhà là cành cây và cỏ khô. Mời ngài đến. Về gấp, ngài sẽ bị bắn. Về nhà tôi ngài sẽ ngủ yên. Chắc ngài mệt rồi, sáng mai quân xanh lại sẽ lên đường, ngài muốn đi đâu cũng được. Hầu tước nhìn kỹ người kia. — Ông ở phe nào? - Hầu tước hỏi - Ông là cộng hòa? Hay ông là bảo hoàng? — Tôi là một người nghèo. — Không bảo hoàng, không cộng hòa? — Có lẽ không. — Ông ủng hộ hay chống lại đức vua? — Tôi chẳng còn thì giờ để nghĩ đến việc đó. — Ông suy nghĩ gì về các việc đang xảy ra? — Tôi chẳng có gì ăn mà sống. — Vậy mà ông còn cứu tôi. — Vì tôi thấy ngài đã bị ở ngoài vòng pháp luật. Ừ, pháp luật là cái gì nhỉ? Sao người ta lại có thể ở ngoài được. Tôi không hiểu nữa. Như tôi, tôi ở trong vòng pháp luật ư? Tôi ở ngoài vòng pháp luật ư? Tôi chẳng biết gì về những cái đó cả. Chết đói cũng là trong vòng pháp luật à? — Ông chết đói từ bao giờ? — Từ suốt đời tôi. — Thế mà ông cứu tôi? — Vâng. — Tại sao? — Tại vì tôi tự bảo: Lại có người còn khổ hơn mình. Ta còn có quyền thở, người đó lại không có cả quyền đó nữa. — Đúng. Ông cứu tôi thật à? — Thật đấy. Chúng ta trở thành anh em rồi, thưa đức ông. Tôi yêu cầu được ăn, đức ông yêu cầu được sống. Hai ta là hai kẻ ăn mày. — Nhưng chắc ông đã biết là đầu tôi được treo giải chứ? — Vâng. — Vì sao ông biết? — Tôi đọc tờ cáo thị. — Ông biết đọc? — Vâng. Và cả viết nữa. Tại sao tôi lại cứ phải là đồ ngu ngốc? — Vậy thì, ông biết đọc, ông lại đã đọc tờ cáo thị, hẳn ông biết rằng ai đem tôi đi nộp sẽ được món tiền sáu mươi nghìn quan? — Tôi biết thế. — Không trả bằng tín phiếu. — Vâng, tôi biết, trả bằng vàng. — Chắc ông cũng biết rằng sáu nghìn quan là cả một gia tài lớn? — Vâng. — Và nếu ai đem tôi đi nộp, sẽ trở nên giàu có? — Thế thì sao? — Giàu có! — Đó cũng là điều tôi đã nghĩ tới. Mới gặp ngài, tôi đã tự bảo: À, sẽ có kẻ đem nộp người này để kiếm sáu chục nghìn quan và làm giàu đây! Phải giấu người đó đi cho mau. Thế là lão hầu tước đi theo người nghèo khổ kia. Họ đi vào một cánh rừng rậm. Cái hang thú của lão ăn mày ở trong đó. Đó là căn phòng mà một cây sồi già cho người ăn mày; phòng đó đào sâu dưới rễ cây và lợp bằng cành lá. Thật là tối tăm, lụp sụp, kín đáo, chẳng ai thấy được. Có đủ chỗ cho hai người. — Đấy, tôi đã biết trước là có lúc sẽ có một ông khách - Lão ăn mày nói. Cái loại nhà đào dưới đất như thế ở Bretagne không hiếm như ta tưởng, gọi theo tiếng thôn quê là carnichot. Những nơi ẩn nấp khoét trong tường cũng gọi bằng tên đó. Trong nhà bày biện vài cái bình, một nệm rơm hoặc rêu biển đã rửa sạch phơi khô, một cái chăn to bằng vỏ cây và vài mồi vải thấm mỡ lừa với một cái bật lửa cùng vài cành cây rừng rỗng ruột làm đóm. Hai người phải lom khom bò một quãng, rồi mới vào được trong phòng, trong đó rễ cây to ngăn ra thành từng ngăn con trông rất ngộ, rồi họ cùng ngồi lên một đống rong biển khô dùng làm giường. Khoảng cách giữa hai rễ cây làm cửa vào có lọt chút ánh sáng. Đêm xuống rồi, nhưng mắt đã thích ứng với ánh sáng bên ngoài, nên rồi bao giờ người ta cũng thấy đôi chút sáng sủa trong bóng tối. Ánh trăng hắt mờ nhạt rọi lối vào. Ở góc nhà có một bình nước, một tấm bánh mì đen và nhiều quả hạt dẻ. — Ta ăn thôi - Lão già nghèo khổ mời. Họ chia nhau hạt dẻ; hầu tước biếu ông bạn một miếng bánh bích quy; họ cùng gặm chung mẩu bánh mì đen và lần lượt dốc bình nước uống. Họ chuyện trò với nhau. Hầu tước bắt đầu hỏi chuyện người kia. — Vậy thì mọi sự xảy ra hoặc không xảy ra đối với ông cũng như thế cả ư? — Gần như thế. Các ngài là vua chúa. Đó là công việc của các ngài. — Nhưng mà cái đang xảy ra… — Xảy ra trên mặt đất kia thôi. Lão ăn mày nói thêm: — Vả lại tôi còn quan tâm đến các việc khác, những việc xảy ra cao hơn trên mặt đất, như mặt trời mọc, trăng tròn rồi khuyết. Rồi lão uống một ngụm nước ở bình, xong lại nói: — Mát quá! Lão lại tiếp: — Đức ông thấy nước này ra sao? — Ông tên là gì? - Hầu tước hỏi. — Tôi tên là Tellmarch, và người ta gọi tôi là Caimand. — Tôi biết. Caimand là tiếng địa phương. — Có nghĩa là ăn mày. Người ta cũng đặt cho tôi cái biệt hiệu là Lão Già. Lão nói tiếp: — Đã bốn mươi năm nay họ gọi tôi là Lão Già. — Bốn mươi năm! Nhưng ngày trước ông cũng có thời trẻ trung chứ? — Tôi chẳng bao giờ trẻ cả. Ngài thì bao giờ cũng trẻ, ngài hầu tước ạ. Ngài có cặp giò của trai hai mươi tuổi, ngài còn leo lên cồn cát được; tôi thì bắt đầu lê không nổi; đi được một phần tư dặm đã mệt. Hai ta cùng một tuổi; nhưng người giàu thì hơn hẳn chúng tôi vì họ có ăn quanh năm. Ăn đủ là giữ gìn được sức khỏe. Lão ăn mày im lặng một lát rồi lại tiếp: — Kẻ nghèo, người giàu, đó là một chuyện kinh khủng. Đó là nguyên nhân gây ra các tai họa. Hoặc ít ra là tôi cảm thấy thế. Kẻ nghèo muốn giàu, kẻ giàu thì không muốn nghèo. Tôi nghĩ đó có lẽ là vấn đề cơ bản. Tôi không muốn dính vào đó. Việc đời là việc đời. Tôi chẳng muốn bênh con nợ cũng không bênh chủ nợ. Tôi nghĩ rằng nợ thì phải trả. Thế thôi. Có lẽ tôi thích người ta đừng giết vua, vì sao lại thích như thế thì thật khó nói. Về việc đó, người ta trả lời tôi: Nhưng mà ngày trước chỉ vì một chuyện không đâu, người ta cũng đã treo cổ dân lên cây. Chính tôi đây, tôi đã thấy chuyện này: chỉ vì một phát súng bắn bậy vào con mang của nhà vua mà một người có vợ và bảy con bị treo cổ. Cả đôi bên đều có thể viện lý nọ lẽ kia. Lão ngừng lại rồi lại nói thêm: — Ngài xem, tôi không hiểu rõ lắm, họ đến, họ đi, vô vàn sự việc đang xảy ra; thế mà riêng tôi, tôi chỉ ngồi nhìn sao trên trời. Lão Tellmarch ngừng một lát như mơ màng rồi nói tiếp: — Tôi cũng hơi biết nắn xương, bốc thuốc, tôi biết các loại cỏ cây và biết cách dùng, dân quê họ thấy tôi thơ thẩn, vẩn vơ thì họ cho tôi là phù thủy. Vì tôi hay mơ màng, họ cho là tôi hiểu biết. — Ông là người địa phương này chứ? - Hầu tước hỏi. — Tôi không bao giờ ra khỏi vùng này. — Ông biết tôi chứ? — Biết. Lần cuối cùng tôi nom thấy ngài là cách đây hai năm, cũng là lần cuối cùng ngài đi qua. Ngài đi từ đây sang nước Anh. Lúc nãy tôi nhìn thấy một người trên cồn cát. Một người cao lớn. Người cao lớn ở đây hiếm có; Bretagne là một xứ người nhỏ bé. Tôi nhìn kỹ, tôi lại đã đọc cáo thị rồi. Tôi tự bảo: Ai kia? Và khi ngài đi xuống, nhờ có ánh trăng, tôi đã nhận ra ngài. — Thế mà tôi không biết ông. — Ngài đã gặp tôi nhưng ngài chẳng bao giờ thấy tôi cả.[38] Và lão ăn mày Tellmarch nói thêm: — Còn tôi, tôi đã trông thấy ngài. Người ăn mày và người qua đường, mỗi người có một cách nhìn, không giống nhau. — Thế ngày trước tôi có gặp ông ở đâu không? — Gặp luôn, bởi vì tôi là người đã ăn xin ngài. Trước kia, tôi là người nghèo khổ lang thang trên con đường mé dưới lâu đài của ngài. Ngài cũng đã có dịp bố thí cho tôi; nhưng người cho thì không buồn nhìn, người nhận của bố thí lại nhìn kỹ, quan sát kỹ. Ăn mày tức là dò la. Nhưng tôi, tuy có khi buồn bực, tôi vẫn cố gắng để không đến nỗi là một người xấu. Tôi ngửa bàn tay, ngài chỉ nhìn thấy bàn tay thôi, ngài vứt của bố thí vào, đó là cái mà buổi sáng tôi lo kiếm ra để buổi tối tôi khỏi chết đói. Có khi cả ngày cả đêm không có gì vào bụng. Đôi khi một xu cũng đủ cứu sống. Tôi ơn ngài mà sống, nay tôi đem cái sống đền đáp ngài. — Đúng rồi, ông cứu tôi. — Vâng, tôi cứu ngài, thưa đức ông. Và lời nói của Tellmarch trịnh trọng hẳn lên: — Với một điều kiện. — Gì vậy? — Là ngài về đây đừng làm điều ác. — Tôi tới đây để làm điều lành - Hầu tước nói. — Chúng ta ngủ đi! Hai người nằm cạnh nhau trên tấm giường bằng rong biển. Lão ăn mày ngủ ngay. Hầu tước mặc dù mệt lắm cũng mơ màng một lúc, rồi trong bóng tối, ông ta nhìn người ăn mày và nằm xuống. Nằm trên cái giường ấy tức là nằm xuống đất; lão lợi dụng thế nằm ấy để dán tai xuống đất nghe ngóng. Dưới đất vọng lên tiếng vo vo đều đều; chúng ta đều biết là âm thanh truyền lan rất sâu trong lòng đất; lão nghe thấy tiếng chuông rung. Chuông cấp báo vẫn tiếp tục. Hầu tước ngủ thiếp đi. V KÝ TÊN GAUVAIN ◄○► Khi lão hầu tước tỉnh dậy thì trời đã sáng rõ. Lão ăn mày đứng thẳng, không phải là đứng trong hang vì trong đó không thể nào đứng được, mà là đứng ngoài cửa. Lão chống chiếc gậy. Nắng chiếu trên mặt lão. — Đức ông ạ - Tellmarch nói - Chuông nhà thờ Tani mới điểm bốn giờ sáng. Tôi nghe rõ bốn tiếng. Vậy là gió đã đổi hướng, thổi từ đất liền ra biển; tôi không nghe thấy tiếng động nào khác; vậy là chuông cấp báo đã ngừng. Mọi vật đều yên tĩnh, cả trong ấp và xóm Herbe-en-Pail. Quân xanh đang ngủ hoặc đi rồi. Giờ phút nguy hiểm nhất đã qua; ta nên chia tay nhau thôi. Tôi cũng phải đi bây giờ. Lão chỉ vào một điểm ở chân trời: — Tôi đi về lối này. Rồi lão lại chỉ về phía ngược lại: — Ngài hãy đi về lối này. Lão ăn mày trịnh trọng giơ tay chào lão hầu tước. Lão chỉ chỗ thức ăn bữa tối còn lại, nói thêm: — Nếu ngài đói thì mang hạt dẻ đi. Chỉ một lát sau, lão đã biến mất sau rặng cây. Hầu tước đứng dậy, đi theo lối Tellmarch vừa chỉ. Đó là giờ phút tươi đẹp trong ngày mà người dân quê phương bắc gọi là “cái giờ véo von”. Chim sẻ, chim khuyên, ríu rít trong các bờ lũy. Lão hầu tước đi theo con đường nhỏ tối qua hai người đã đi vào. Lão ra khỏi rừng rậm và trở lại chỗ đường rẽ có cây thập ác bằng đá đánh dấu. Tờ cáo thị vẫn còn, trắng trẻo và như có ý trêu ngươi dưới ánh nắng sớm. Lão chợt nhớ ở dưới tờ cáo thị có những chữ gì mà hôm qua lão không đọc được vì chữ nhỏ và trời tối. Lão đi về phía chân cây thập ác. Đúng là phía dưới tờ cáo thị, dưới chữ ký Prieur De La Marne, có hai dòng chữ nhỏ như sau: Sau khi xác nhận rõ hình dạng của tên hầu tước De Lantenac, thì đem hành hình ngay tức khắc. Ký tên: Tiểu đoàn trưởng, tư lệnh quân đoàn chinh phạt, Gauvain. — Gauvain! - Lão nhắc lại. Lão lại bước đi, quay đầu lại, nhìn cây thập ác rồi lại trở lại và đọc tờ cáo thị một lần nữa. Rồi lão bước chậm rãi đi xa dần. Giá có ai ở sát bên lão, hẳn phải nghe thấy lão lẩm bẩm trong miệng: “Gauvain!”. Ở con đường trũng lão đang lần đi, chẳng còn nhìn thấy nhà trong ấp bị khuất về mé bên trái. Lão đi men một gò đất cao, đầy cỏ lác đang rộ hoa. Trên gò đất cao ấy lại có một mỏm đất cao nữa, tiếng địa phương gọi là “đầu lợn lòi”. Đứng dưới chân gò tầm mắt mất hút trong cây cối. Lá cây chan hòa ánh sáng. Thiên nhiên tràn ngập niềm vui nồng hậu của ban mai. Bỗng dưng cái quang cảnh ấy trở nên ghê rợn. Như có một trận phục kích đang xảy ra. Không hiểu cái gì như một thác nước ào ào đầy những tiếng thét man rợ và những tiếng súng nổ ran trên cánh đồng và rừng cây đầy ánh nắng, rồi cùng lúc đó, ở phía ấy thấy bốc lên một làn khói sáng rực, y như thể cả xóm thôn trang trại chỉ là một bó rơm đang cháy bùng lên. Thật là đột ngột và rùng rợn; đang thanh bình bỗng chuyển sang điên loạn, một cảnh địa ngục bùng cháy giữa rạng đông, một cách khủng khiếp bất ngờ. Đang đánh nhau ở phía Herbe-en-Pail. Lão hầu tước đứng lại. Trong những trường hợp như vậy, ai cũng biết nguy hiểm mà vẫn tò mò; dù có chết người ta cũng muốn xem thử ra sao. Lão hầu tước trèo lên đỉnh gò cao, dưới chân gò là con đường trũng. Đứng trên đó có thể bị lộ, nhưng nhìn lại rõ. Lão đứng hẳn lên cái “đầu lợn lòi” mấy phút. Lão nhìn. Đúng là đang bắn nhau và có đám cháy. Nghe có tiếng kêu la và nhìn thấy ngọn lửa. Hình như ấp trại là trung tâm của tai họa nào đây. Tai họa gì thế? Ấp Herbe-en-Pail bị tấn công ư? Ai tấn công? Có phải đang đánh nhau không? Hay chỉ là một cuộc hành binh trừng phạt? Quân xanh đã có sắc luật cách mạng cho phép được đốt trang trại và xóm làng nào không chịu phục tùng; để nêu gương họ đốt ấp trại và xóm làng nào không chịu đốn đủ số gỗ như luật định hoặc không chịu mở đường trong rừng rậm cho kỵ binh cộng hòa. Mới đây, họ đã trừng phạt như vậy giáo khu Bourgon, gần Ernée. Herbe-en-Pail có ở trong trường hợp đó không? Rõ ràng là trong các khu rừng và trang trại này chưa mở ra những con đường chiến lược do sắc luật quy định. Đây là một sự trừng phạt chăng? Hay là đã có lệnh gì đưa tới cho tiền quân đóng ở ấp này. Cái đơn vị tiền tiêu ấy có nằm trong các đơn vị chinh phạt gọi là “quân đoàn ác quỷ” không? Xung quanh gò đất cao, chỗ lão hầu tước đứng quan sát là cả một dải rừng rất rậm, rất rùng rợn. Rừng đó, người ta thường gọi là bụi bờ Herbe-en-Pail, nhưng rộng lớn như một cánh rừng kéo dài tới sát ấp và cũng như những rừng khác ở xứ Bretagne, che kín một hệ thống rào rãnh, đường mòn, đường trũng, toàn là những lối đi khúc khuỷu quanh co, quân cộng hòa lọt vào sẽ lạc lối. Cuộc hành binh trừng phạt vừa rồi, nếu quả thật như vậy tất phải dữ dội vì xảy ra ngắn quá. Chớp nhoáng như bao nhiêu cảnh ác liệt khác. Nội chiến tàn khốc thường có những cảnh man rợ như vậy. Trong lúc lão hầu tước phỏng đoán hết mọi cách, trù trừ không biết nên đi xuống hay ở lại, trong lúc lão nghe ngóng, dò xét, thì cái tiếng ồn ào tiêu diệt kia đã ngừng lại, hoặc nói đúng hơn là đã tản đi. Lão hầu tước nhận ra trong rừng rậm như có cảnh tán loạn của một đoàn người hung hăng và thích thú. Một đám người chen chúc dưới vòm cây trông thật đáng sợ. Từ trong ấp họ đổ ra rừng. Có cả trống đánh nhịp tiến quân. Họ không nổ súng. Bây giờ nghe như tiếng săn đuổi trong rừng; hình như họ sục sạo, rượt theo, lùng bắt, chắc chắn là họ đang tìm một người nào; tiếng ồn ào không rõ và ngân xa; nghe lẫn cả những lời đầy phẫn nộ và đắc chí; trong tiếng ồn ào có cả tiếng gào thét; không thể phân biệt được gì hết, thế rồi bỗng dưng, như một nét đậm vẽ lên đám khói, một cái gì nổi lên rõ ràng đậm nét giữa muôn tiếng ồn ào: đó là một tên người, một tên người đang được nghìn người nhắc đi nhắc lại, và lão hầu tước nghe rõ tiếng kêu: — Lantenac! Lantenac! Hầu tước De Lantenac. Họ đang tìm lão. VI NHỮNG DIỄN BIẾN CỦA NỘI CHIẾN ◄○► Thế rồi bỗng nhiên xung quanh lão, cùng một lúc, khắp bốn phía, nào súng ống, gươm, lưỡi lê dây rừng, một lá cờ tam tài hiện lên trong ánh sáng mờ mờ, tiếng kêu “Lantenac” ran bên tai lão, và dưới chân lão, qua các bụi gai và cành lá, xuất hiện những bộ mặt dữ tợn. Lão hầu tước đứng một mình trên đỉnh gò, khắp nơi trong rừng đều nhìn rõ. Lão khó nhìn thấy những người đang gọi tên lão, nhưng ai cũng nhìn thấy lão. Nếu trong rừng có một nghìn mũi súng thì lão đứng đó như một tấm bia. Trong rừng lúc này, lão không còn phân biệt gì khác ngoài những tròng mắt nảy lửa nhìn chằm chằm vào lão. Lão bỏ mũ ra, lật vành lên, bứt một cái gai dài trong bụi, rút trong túi ra một chiếc huy hiệu màu trắng rồi lấy gai găm vành mũ vào thành mũ cùng với chiếc huy hiệu, xong lão đội lại chiếc mũ đã lật vành lên, phơi cái trán và chiếc huy hiệu ra; lão nói to, nói cho cả khu rừng cùng nghe: — Ta là kẻ mà các người đang tìm đây. Ta là hầu tước De Lantenac, tử tước De Fontenay, vương hầu xứ Bretagne thống lĩnh quân đội nhà vua. Không phải tìm kiếm nữa. Nhắm bắn! Bắn! Rồi hai tay phanh chiếc áo da dê, lão ưỡn bộ ngực trần ra. Lão nhìn xuống, đưa mắt tìm những mũi súng chĩa lên và lão thấy nhiều người đang quỳ gối vây quanh lão. Một tiếng ran lên: “Lantenac muôn năm! Đức ông muôn năm! Tướng quân muôn năm!” Cùng lúc đó, mũ tung lên trời, gươm khoa lên sảng khoái, và khắp khu rừng, gậy gộc nhô ra, ở đầu gậy lắc lư những chiếc mũ chào mào bằng len nâu. Xung quanh lão là một toán quân Vendée. Toán người đó vừa thấy lão đã quỳ cả xuống. Theo truyền thuyết thì ngày xưa, ở các rừng rậm xứ Thuringue có những giống vật khổng lồ, kỳ lạ, nửa người nửa ngợm, dân La Mã cho đó là những con vật kinh tởm, còn người Germain lại cho là hiện thân của thần thánh, do đó nếu gặp người La Mã thì họ bị giết, và nếu gặp người Germain thì họ được tôn thờ. Lão hầu tước cũng cảm thấy mình tương tự như giống vật đó, trong khi lão chờ đợi họ xử trí như đối với một con quái vật thì bỗng nhiên được tôn lên như một vị thần. Những cặp mắt sáng lên dữ dội đều chăm chắm nhìn lão hầu tước như biểu lộ một mối tình yêu man rợ. Cả đám đông lộn xộn đó trang bị bằng súng, gươm câu liêm sào, gậy; mọi người đều đội mũ phớt rộng vành hoặc mũ chào màu nâu, mũ nào cũng đính huy hiệu trắng, rất nhiều tràng hạt và bùa hộ thân, quần rộng có xẻ chỗ đầu gối, áo khoác xù lông, ghệt bằng da, bắp chân để hở, tóc dài, có một số trong bọn nom dữ tợn, còn tất cả đều có vẻ chất phác. Một người trai trẻ, khôi ngô bước qua những người đang quỳ, tiến nhanh tới chỗ lão hầu tước. Người này cũng ăn mặc như những người dân quê kia, nghĩa là mũ phớt lật vành có đính huy hiệu trắng, mặc áo khoác xù lông, nhưng anh ta có đôi bàn tay trắng trẻo và mặc áo sơ-mi mỏng, ngoài ra còn thắt bên ngoài áo vét một cái dải bằng lụa trắng, đeo thanh kiếm chuôi nạm vàng. Lên đến đỉnh đồi, anh ta vứt mũ xuống, tháo dải lụa ra, quỳ một gối xuống đất, trình lên lão hầu tước thanh kiếm cùng dải lụa và nói: — Chúng tôi tìm ngài, và cuối cùng đã tìm thấy ngài. Đây là kiếm lệnh. Những người này giờ đây thuộc về ngài. Tôi đã chỉ huy họ, nay tôi được thăng cấp, tôi là lính của ngài. Chúng tôi xin trân trọng kính chào đức ông. Xin tướng quân ra lệnh. Rồi anh ta ra hiệu và những người mang lá cờ tam tài tiến ra khỏi rừng. Họ bước lên đến gần lão hầu tước, đặt lá cờ dưới chân lão. Chính lá cờ này lúc nãy lão đã nhìn thấy qua cành lá. — Thưa tướng quân, đây là lá cờ chúng tôi mới chiếm được của bọn Xanh ở trại Herbe-en-Pail - Người trẻ tuổi vừa dâng dải lụa và kiếm nói - Thưa đức ông, tôi tên là Gavard. Tôi đã có ở với hầu tước La Rouarie. — Được - Lão hầu tước nói. Rồi lão thắt dải lụa vào, hết sức bình tĩnh và trang nghiêm. Sau đó lão rút kiếm ra, khoa trên đầu, hô: — Đứng lên, đức vua muôn năm! Mọi người đứng cả dậy. Thế rồi người ta nghe thấy từ trong rừng thẳm những tiếng thét cuồng loạn và đắc thắng: Đức vua muôn năm! Hầu tước của chúng ta muôn năm! Lantenac muôn năm! Lão hầu tước quay lại phía Gavard. — Các người có bao nhiêu cả thảy? — Bảy nghìn. Rồi đám dân quê rẽ gai mở đường cho lão hầu tước Lantenac đi xuống chân gò. Gavard cùng xuống với lão và nói tiếp: — Bẩm đức ông, quả thật là đơn giản; chỉ nói một câu cũng rõ sự tình. Mọi người chỉ chờ một tia sáng. Tờ cáo thị của bọn cộng hòa báo tin ngài trở về đã thúc giục cả vùng nổi lên ủng hộ đức vua. Ngoài ra chúng tôi còn được ông thị trưởng Granville là người của ta, mật báo; chính ông ta đã cứu tu viện trưởng Olivier. Ngay đêm đó, chúng tôi đã nổi chuông cấp báo. — Vì ai? — Vì ngài? — À! - Lão hầu tước kêu lên. — Và bây giờ chúng tôi đã ở đây - Gavard tiếp. — Các ngươi có bảy nghìn? — Hôm nay. Ngày mai chúng tôi sẽ có mười lăm nghìn. Đó là khả năng của xứ này. Hồi ngài Henri De La Rochejaquelein đi theo quân đội công giáo, người ta cũng rung chuông cấp báo và chỉ một đêm cả sáu giáo khu ở vùng này đã dẫn đến cho ngài mười nghìn người. Họ không có đạn dược, người ta đã tìm được ở nhà một anh thợ nề sáu mươi cân thuốc mìn và ngài De La Rochejaquelein đã lên đường với số thuốc mìn ấy. Chúng tôi đã nghĩ đúng là ngài ắt phải ở trong rừng này, thế là chúng tôi đi tìm. — Các anh đã đánh bọn Xanh ở Herbe-en-Pail à? — Vì ngược gió nên bọn chúng không nghe rõ chuông cấp báo. Chúng không nghi ngờ gì; dân xóm là những người cục mịch đã niềm nở đón tiếp chúng. Sáng nay, chúng tôi vây ấp, bọn Xanh còn ngủ, thế là chỉ một loáng chúng tôi giải quyết xong. Tôi có con ngựa. Rất mong tướng quân hạ cố. — Được. Một người dân quê dẫn đến một con ngựa bạch, thắng yên cương đầy đủ theo kiểu nhà binh. Lão hầu tước, chẳng cần đến Gavard giúp, nhảy phắt lên. — Hurrah![39]- Những người dân quê hô vang lên. Lối hô bằng tiếng Anh rất thông dụng ở vùng bờ biển Bretagne và Normandie, là những vùng thường xuyên quan hệ với các đảo trên biển Manche. Gavard chào kiểu nhà binh và hỏi: — Đức ông định đặt tổng hành dinh ở đâu? — Lúc đầu ở khu rừng Fougères. — Đó là một trong bảy khu rừng của hầu tước. — Cần có một cha cố. — Chúng tôi có một vị. — Ai? — Cha cai quản nhà thờ Chapelle-Erbrée. — Ta biết vị đó. Ông ấy đã có ra ngoài đảo Jersey. Một thầy tu tách khỏi hàng ngũ và nói: — Ba lần cả thảy. Lão hầu tước quay đầu lại: — Chào Cha. Cha sắp có việc làm rồi. — Càng tốt ạ, thưa hầu tước. — Cha sẽ có người tới xưng tội. Tùy người ta. Ta không bắt ép ai cả. — Thưa hầu tước - Thầy tu nói - Gaston, hồi ở Guéménée, bắt cả bọn cộng hòa phải xưng tội. — Lão ta là thợ làm tóc giả - Hầu tước nói - Chết thì phải được tự do chứ. Gavard vừa đi ra ngoài truyền mệnh lệnh, trở vào nói: — Bẩm tướng quân, tôi chờ lệnh ngài. — Trước hết, địa điểm tập trung quân ở khu rừng Fougères. Mọi người phân tán rồi tới đó. — Tôi đã truyền lệnh. — Ngươi có nói với ta rằng bọn dân trại Herbe-en-Pail đã tiếp đón niềm nở bọn Xanh phải không? — Thưa tướng quân, đúng thế. — Thế đã đốt trại chưa? — Đã. — Còn xóm dân cư đã đốt chưa? — Chưa. — Đốt nốt đi. — Bọn Xanh cũng định chống cự; nhưng bọn chúng có trăm rưỡi, còn chúng tôi đông những bảy nghìn. — Bọn Xanh đó là bọn nào? — Bọn Xanh của Santerre. — Chính tên này đã chỉ huy đánh trống trong khi chém đầu đức vua. Vậy thì đây là một tiểu đoàn từ Paris đến? — Chỉ có một nửa tiểu đoàn. — Tên tiểu đoàn đó là gì? — Thưa tướng quân, đã có ghi trên cờ: tiểu đoàn Mũ Đỏ. — Bọn thú vật hung hãn. — Đối với bọn bị thương thì thế nào? — Giết cho chết hẳn đi. — Còn bọn tù binh? — Bắn chết đi. — Có khoảng tám chục tên. — Bắn chết hết. — Có hai tù binh đàn bà. — Cũng bắn. — Có ba đứa trẻ. — Đem chúng đi, sau sẽ hay. Nói xong, lão hầu tước thúc ngựa đi. VII KHÔNG THA (KHẨU LỆNH CỦA CÔNG XÃ) KHÔNG ĐỂ SỐNG SÓT (KHẨU LỆNH CỦA CÁC HOÀNG THÂN) ◄○► Trong khi việc này xảy ra ở gần Tanis thì lão ăn mày đang đi về phía Crollon. Lão lẩn trong hào sâu, dưới những vòm lá im lặng, thờ ơ với mọi thứ, nhưng lại chú ý đến những cái vu vơ, như lão vẫn tự bảo, mơ mộng hơn là nghĩ ngợi, vì nghĩ ngợi thì phải có chủ đích còn mơ mộng thì chẳng có đích gì; lão cứ lang thang, lảng vảng, thỉnh thoảng dừng chân, ăn một cọng chua me rừng, uống một hớp nước suối, chốc chốc lại ngửng lên nghe ngóng những tiếng động xa xa, rồi lại trở vào trong cảnh thiên nhiên chói lòa quyến rũ, phơi bày áo quần rách mướp dưới ánh nắng, tai có lẽ nghe thấy tiếng động của người, nhưng lại lắng nghe tiếng chim hót. Lão đã già và chậm chạp; lão không đi xa được; như lão đã nói với hầu tước De Lantenac, lão chỉ đi một phần tư dặm là đã mệt; lão đi một vòng đường ngắn đến CroixAvranchin; khi lão trở lại thì đã chiều tàn. Đi quá Macey một chút, con đường nhỏ đưa lão lên một đỉnh cao trơ trọi, đứng đó trông được rất xa, nhìn khắp từ chân trời phía tây ra mạn bờ biển. Một đám khói bỗng làm lão chú ý. Một làn khói, không gì hiền lành và cũng không gì đáng sợ bằng. Có làn khói thanh bình và có những đám khói quái ác. Nhìn qua làn khói, màu sắc và khối lượng thì thấy tất cả sự khác nhau giữa hòa bình và chiến tranh, giữa hữu ái và hằn thù, giữa lòng hiếu khách của con người và vẻ lạnh lùng của ngôi mộ, giữa cái sống và cái chết. Một làn khói tỏa giữa đám cây có thể là cảnh tươi đẹp nhất trên đời, gia đình, hoặc cảnh ghê gớm nhất, cháy nhà; và tất cả hạnh phúc cũng như đau khổ của con người đôi khi chứa đựng trong một làn khói tỏa bay theo gió ấy. Đám khói mà Tellmarch đang nhìn thật đáng lo ngại. Đám khói màu đen đặc, có lúc đỏ rực như bốc lên từ than hồng chốc chốc lại bùng cháy như sắp tàn, và đám khói ấy bốc lên trên ấp Herbe-en-Pail. Tellmarch vội rảo bước đi về phía có đám khói. Lão mệt lắm nhưng lão muốn xem có chuyện gì đã xảy ra. Rồi lão đi tới đỉnh một quả đồi; trại và thôn xóm dựa vào sườn đồi. Trại cũng như làng mạc không còn nữa. Một đống nhà đổ nát đang cháy dở đó là Herbe-en-Pail. Nhìn một lâu đài bốc cháy không đau xót bằng một túp nhà tranh bị lửa thiêu. Cảnh một túp nhà tranh bốc cháy trông thật thê thảm. Tàn phá trút lên nghèo khổ, con diều hâu sà xuống xéo chết con giun, một nghịch cảnh làm người ta đau lòng thắt ruột. Theo truyện cổ sấm truyền thì nhìn một đám cháy, con người có thể hóa thành bức tượng; lão Tellmarch trong một lúc là bức tượng đó. Cảnh trước mắt khiến lão lặng người. Cuộc tàn phá cứ lặng lẽ hoàn thành. Không một tiếng kêu; không có một tiếng thở dài nào của con người lẫn vào trong khói; cái lò lửa bốc cháy ngốn ngẫu cả làng này mà không có tiếng động nào ngoài tiếng rui, xà nhà nổ răng rắc, tiếng tranh cháy lách tách. Đôi lúc làn khói tản ra, mái nhà ở để lộ những căn phòng hổng toác, lò lửa để lộ ra những khối than hồng, những áo tã nhuộm điều và đồ đạc cũ kỹ màu son trong những căn nhà đỏ rực, và lúc đó, Tellmarch thấy choáng váng trước cảnh tàn phá thê thảm. Vài cây trong vườn dẻ sát cạnh nhà cũng đã bắt lửa và bùng cháy. Lão nghe ngóng, cố lọc ra một tiếng người, một tiếng gọi, một tiếng kêu la; trừ ngọn lửa ra không có vật gì còn nhúc nhích nữa; tất cả lặng thinh, trừ đám cháy. Hay là mọi người đã trốn thoát cả? Cái đám dân sống và lao động trong trại Herbe-en-Pail đã đi đâu rồi? Bây giờ họ ra sao? Tellmarch bước xuống chân đồi. Trước mặt lão là một cảnh tang thương u uất. Lão từ từ tiến gần lại, mắt nhìn chăm chú. Lão tiến đến chỗ đổ nát đó, lững thững như một cái bóng; lão tưởng mình như một bóng ma trong cái mồ này. Lão tới chỗ trước đây là cổng trại và nhìn vào trong sân bây giờ không còn tường bao bọc nữa, đã lẫn lộn cả với xóm nhà ở vây quanh. Cảnh thê thảm lão trông thấy trước đó chẳng nghĩa lý gì. Lúc nãy, lão mới nhìn thấy cảnh ghê gớm, giờ đây lão mới thấy những cảnh rùng rợn. Giữa sân, một đống đen nổi lên lờ mờ giữa ánh lửa và ánh trăng; đó là đống người; họ đã chết rồi. Xung quanh đám người đó là một cái ao đang bốc khói; ánh lửa phản chiếu xuống mặt ao; nhưng cái ao đó chẳng cần ánh lửa mới nổi màu đỏ; vì đó là ao máu. Tellmarch lại gần. Lão xem xét lần lượt từng thân người sóng soài; tất cả là xác chết. Mặt trăng soi, ánh lửa bập bùng. Những xác người đó là lính. Tất cả đều chân trần; họ đã bị lột hết giày; họ cũng bị tước mất cả súng ống; họ chỉ còn mặc những bộ đồng phục màu xanh; đó đây, giữa đống chân tay và đầu người, lão chỉ còn phân biệt được đôi cái mũ thủng, gắn huy hiệu tam tài. Họ là quân cộng hòa. Đó là những người lính Paris chiều qua vẫn còn sống, đóng doanh trại ở Herbe-en-Pail. Họ đã bị hành hình, cứ xem cách họ nằm cạnh nhau đều đặn thì đủ biết; họ bị bắn tại chỗ, rất chính xác. Họ đã chết cả. Trong đống người không còn tiếng rên rỉ nào nữa. Tellmarch điểm một lượt đống xác chết không bỏ qua một xác nào; xác nào cũng bị đạn bắn lỗ chỗ. Kẻ giết họ chắc chắn là vội đi nơi khác nên không để thì giờ chôn cất nữa. Lão định trở về thì mắt bỗng nhìn vào một bức tường thấp trong sân, có bốn cái chân thò ra ở một góc tường. Bốn chân này còn giày; trông nhỏ nhắn hơn những bàn chân khác; Tellmarch lại gần. Đó là chân đàn bà. Hai người đàn bà cũng bị bắn ngã gục nằm cạnh nhau đằng sau bức tường. Tellmarch cúi xuống. Một người mặc quần áo na ná quân phục; cạnh chị ta có cái bi-đông đã vỡ và cạn cả. Đó là một chị bán hàng căng-tin. Chị ta bị bốn viên đạn vào đầu. Chị ta đã chết. Tellmarch nhìn kỹ người đàn bà thứ hai. Đó là một người dân quê. Da xám nhợt, mồm há hốc. Mắt chị ta nhắm nghiền. Đầu chị ta không bị vết thương nào. Quần áo chị ta rách rưới có lẽ vì vật vã nhiều, đến lúc bị bắn ngã lại rách rộng thêm làm cho nửa thân trên hơi lõa lồ. Tellmarch xé rộng thêm chỗ áo rách ra và nhìn thấy ở bên vai một vết thương tròn vì đạn bắn; xương quai xanh bị gãy. Lão nhìn đôi vú nhợt nhạt. — Có con, đang nuôi con, - lão lẩm bẩm trong miệng. Lão sờ vào người chị ta. Chị ta chưa lạnh hẳn. Chị ta không có thương tích nào khác ngoài vết thương ở vai và xương quai xanh bị gãy. Lão đặt tay trên ngực thì thấy tim chị còn đập yếu ớt. Thế là chị ta chưa chết. Tellmarch bỗng vùng đứng thẳng và kêu lên kinh khủng: — Có ai ở đây không? — Lão đấy à, lão Caimand! - Một tiếng trả lời nghe trầm trầm và rất khẽ. Cùng lúc đó, từ một lỗ trong đống đổ nát, một cái đầu chui ra. Rồi một bộ mặt khác ló sau túp nhà đổ. Đó là hai người dân quê trốn thoát; chỉ còn hai người sống sót. Tiếng nói quen thuộc của lão ăn mày làm họ yên tâm chui ra khỏi nơi ẩn náu. Họ đi lại phía Tellmarch, người vẫn còn run bần bật. Xúc động quá Tellmarch hét to, nhưng không nói nên lời. Thường là thế khi người ta cảm xúc quá đỗi. Lão chỉ người đàn bà sóng soài dưới chân. — Chị ta còn sống không? - Một người dân quê hỏi. Tellmarch ra hiệu có. — Chị kia còn sống không? - Người dân quê thứ hai hỏi. Tellmarch ra hiệu không. Người dân quê nhô đầu ra trước nhất hỏi tiếp: — Những người khác chết cả phải không? Tôi nhìn rõ hết. Tôi ở trong hầm rượu. Những lúc như thế, may mà không có gia đình. Thật đội ơn Chúa! Nhà tôi cháy. Jésus Maria, lạy Chúa tôi! Họ giết sạch cả. Chị này có con. Ba đứa còn bé tí! Bọn trẻ kêu: Mẹ ơi! Người mẹ kêu: Các con ơi! Thế mà người ta giết mẹ và mang con đi mất. Trời ơi mắt tôi nhìn rõ cả! Bọn chúng giết sạch, phá sạch và cút hết rồi. Chúng có vẻ thỏa mãn lắm. Chúng đem ba đứa trẻ đi và giết người mẹ. Nhưng chị ta chưa chết, có phải không, chị ta chưa chết chứ? Nói đi, Caimand, lão có tin là có thể cứu chị ta được không? Lão có muốn bọn tôi giúp lão một tay khiêng chị ta về hang của lão không? Tellmarch ra hiệu đồng ý. Rừng ở kề bên. Họ làm ngay một cái cáng bằng cành lá và những cây đuôi chồn. Họ đặt người đàn bà vẫn cứng đờ kia lên cáng, rồi đi vào rừng rậm, hai người dân quê khiêng cáng, người đi trước người đi sau, còn Tellmarch giữ tay người đàn bà vừa đi vừa bắt mạch. Vừa đi, hai người dân quê vừa trò chuyện, và bên cạnh người đàn bà máu me đầm đìa ánh trăng soi xuống, khuôn mặt xanh nhợt, họ trao đổi với nhau những lời kinh hãi: — Giết sạch! — Đốt sạch! — Lạy Chúa tôi! Sao bây giờ lại nên nông nỗi này? — Tại lão già cao lớn muốn thế. — Phải, chính lão là người chỉ huy. — Lúc chúng bắn, tôi không thấy lão ta. Lão ta có đấy không? — Không, lúc đó lão đi rồi. Nhưng đi hay ở cũng vậy, mọi việc đều làm theo lệnh của lão cả. — Thế thì chính lão gây ra tất cả. — Lão đã nói: Đốt sạch! Giết sạch! Không để sống sót! — Lão là một hầu tước! — Đúng rồi, hầu tước của chúng ta đó. — Lão tên gì nhỉ? — De Lantenac. Tellmarch ngước mắt nhìn trời, rít chặt hai hàm răng, than thở: — Nếu ta biết nông nỗi này! PHẦN THỨ HAI Ở PARIS ★★★ QUYỂN I CIMOURDAIN I PHỐ XÁ PARIS THỜI ẤY ◄○► Người ta sống giữa công chúng, kê bàn ăn ngay trước cửa, đàn bà ngồi trên bậc thềm các nhà thờ làm những băng vải bó vết thương, vừa hát bài La Marseillaise, vườn Monceaux và vườn Luxembourg thành nơi tập trận, ở các ngã tư, xưởng võ khí làm việc tới tấp; người ta chế súng, khách qua đường nhìn thấy, vỗ tay thích thú; ở cửa miệng mọi người, thường chỉ nghe thấy câu: Kiên trì! Thời buổi cách mạng mà! Họ mỉm cười, hiên ngang. Họ đi xem kịch như ở Athènes trong thời chiến tranh ở Péloponèse; quảng cáo dán khắp các góc phố: Hãm thành Thionville - Bà mẹ được cứu thoát khỏi lửa thiêu - Câu lạc bộ những kẻ vô tư lự - Jeanne, bà cả của các nữ giáo hoàng - Những triết gia mặc áo lính - Nghệ thuật yêu đương ở nông thôn. Quân Đức đã ngấp nghé ở cửa ngõ thành phố; tin đồn vua nước Phổ đã cho dành chỗ ở rạp Opéra. Cái gì cũng rùng rợn nhưng chẳng ai sợ cả. Đạo luật đen tối về những người tình nghi[40], tội ác của Merlin de Douais[41], làm cho mọi người như thấy chiếc máy chém trên đầu. Một ông quan tòa, tên là Séran, bị truy tố, chờ người tới bắt, vẫn mặc áo ngủ, đi giày vải, và thổi sáo trước giá treo cổ. Hình như chẳng ai có thì giờ nhàn rỗi. Ai cũng vội vã. Không chiếc mũ nào không có huy hiệu. Phụ nữ bảo: Đội chiếc mũ đỏ chị em chúng tôi trông đẹp ra. Cả thành phố Paris như đang dọn nhà. Những người bán đồ cũ chất ngổn ngang nào mũ miện của vua chúa, và giáo chủ, nào quyền trượng bằng gỗ thếp vàng, nào những vật có hình hoa bách hợp, là những di vật của các cung điện. Đấy là hình ảnh sụp đổ của chế độ quân chủ. Các loại áo lễ được đem bày bán ở cửa hàng quần áo cũ. Ở cửa hàng Porcherons và Ramponneau có nhiều tay quấn đầy mình áo lễ và những tấm vải thêu, ngồi ngất ngưởng trên những con lừa cũng choàng áo lễ, tự mình rót rượu vào những chiếc bình trước kia dùng đựng bánh thánh ở các nhà thờ lớn. Ở phố Saint Jacques, mấy bác thợ lát đường, đi chân đất đã giữ lại chiếc xe của một người bán hàng rong chở giấy đi bán, rồi góp tiền mua người lăm đôi giày gửi lên Viện Quốc ước tặng cho quân đội cách mạng. Những tượng của Franklin, Rousseau, Brutus và thêm cả Marat nữa, bày nhan nhản; dưới một tượng bán thân của Marat ở phố Cloche-Perce có treo một bản kể tội Malouet, trong một chiếc khung gỗ đen, lồng kính, với chứng cớ cụ thể và hai dòng chú thích ngoài lề: “Những chi tiết này đều do một công dân yêu nước có cảm tình với tôi là cô tình nhân của Sylvain Bailly cung cấp. Ký tên: Marat.” Tại quảng trường Hoàng Cung, hàng chữ La-tinh Quantos ef undit in usus![42] bị che khuất sau hai bức tranh lớn vẽ bằng thuốc màu, một bức vẽ Cahier De Gerville tố cáo lên Quốc hội mật hiệu cấu kết của bọn bảo hoàng ở Arles; bức kia vẽ vua Louis XVI bị giải từ Varennes về, ngồi trong xe loan, phía dưới cỗ xe có một tấm ván có dây chằng, hai đầu có hai người lính, lưỡi lê cắm đầu súng. Có ít hiệu buôn lớn mở cửa; những xe hàng xén và đồ chơi trẻ con lưu động, do đàn bà kéo, trên xe thắp nến, mỡ nến chảy nhòe nhoẹt trên mặt hàng; nhiều nữ tu sĩ mới hoàn tục đội mớ tóc giả hung hung ngồi bán hàng giữa trời, có bà trước kia là nữ bá tước nay ngồi vá thuê bít tất trong một gian nhà hẹp; có chị thợ may nguyên là một bà hầu tước; bà De Boufleurs nay ở trong một cái gác xép, ngồi đó trông thấy biệt thự cũ của bà ta. Bọn trẻ vừa chạy vừa rao mời mua “tờ tin tức”. Người ta gọi những anh chàng rụt cằm trong chiếc cà-vạt là “mắc bệnh tràng nhạc”. Những người hát rong chen chúc nhau. Dân chúng đả đảo Pitou, anh chàng làm vè bảo hoàng, vốn can trường ra phết, vì hắn đã bị bỏ tù hai mươi lần và bị đưa ra tòa án cách mạng về tội vừa vỗ đít vừa nói “yêu nước đấy”; khi thấy có thể bị mất đầu, hắn lại kêu lên: Chính cái bộ phận ngược với cái đầu của tôi mới là thủ phạm! Cả tòa bật cười và tha cho hắn. Anh chàng Pitou này chế giễu cái mốt hồi ấy đua nhau đặt tên Hy Lạp và La-tinh; bài thứ nhất của y viết về một người thợ vá mà y đặt cho cái tên La-tinh là Cujusvà đặt tên cho chị vợ là Cujusdam. Người ta đua nhảy vòng tròn kiểu “cách mạng”; không ai còn dùng những tiếng như chàng và nàng mà người ta gọi là nam công dân và nữ công dân. Người ta nhảy trong những nhà tu kín hoang tàn, trên bàn thờ vẫn còn những chiếc đèn cốc, trên vòm trần vẫn còn chiếc gậy kết chữ thập mang bốn cây sáp, và dưới chỗ họ nhảy là hầm mộ. Họ mặc áo vét màu xanh thẫm. Họ đính những kim cài áo sơ-mi kiểu “mũ tự do” làm bằng đá trắng, đá xanh đá đỏ. Phố Richelieu[43] đổi tên là phố Pháp Chế; ngoại ô Saint-Antoine đổi tên là ngoại ô Vinh Quang; ở quảng trường Ngục Bastille dựng một bức tượng thần Thiên Nhiên. Người ta chỉ trỏ cho nhau những kẻ qua lại quen thuộc như Chatelet, Didier, Nicolas, và Garnier-Delaunay, đang canh gác ở cửa nhà người thợ mộc Duplay[44]; anh chàng Voullant không bao giờ vắng mặt trong những ngày xử chém, theo sau những xe chở những người bị tử hình và gọi đó là “đi cầu lễ đỏ”; ông thẩm phán cách mạng Monflabert, hầu tước, tự xưng là Dix-Août[45]. Người ta đi xem sinh viên trường võ bị diễu binh, những sinh viên được các sắc luật của Viện Quốc ước mệnh danh là “những chuẩn úy học viện Mars” còn dân chúng lại gọi là “lính hầu cận của ông Robespierre”. Người ta đọc những bản thông báo truy tố những kẻ bị tình nghi tội hoạt đầu. Bọn bảo hoàng tụ tập trước cửa tòa đốc lý, chế giễu những đám cưới không theo nghi lễ nhà thờ, xúm lại lúc cô dâu chú rể đi qua và gọi họ là “vợ chồng thị chiếng”[46]. Tại điện Thương Binh, tượng thánh và tượng vua đều đội mũ cộng hòa. Người ta chơi bài cái mốc đặt ở ngã tư đường; cỗ bài cũng rất cách mạng; con vua thì đổi bằng tên thiên thần, con đầm là con tự do, con bồi là con bình đẳng, con át là con pháp chế. Người ta cày các công viên lên, cả ở vườn điện Tuileries[47]. Chen lẫn với cảnh náo nhiệt trên đây là cái cảnh chán đời, kênh kệu của các phe phái thất thế. Có người viết thư cho ông Fouquier-Tinville[48]: “Nhờ ngài làm ơn cho tôi thoát khỏi cuộc đời này. Đây là địa chỉ của tôi”. Champcenetz[49] bị bắt vì đứng giữa Hoàng Cung kêu rống lên: “Bao giờ thì cách mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ nhỉ? Tôi muốn thấy một chính phủ cộng hòa thay thế chính phủ ở Thổ.”[50] Báo chí nhan nhản khắp nơi. Mấy chú thợ cạo uốn những mớ tóc giả của phụ nữ giữa phố, trong lúc đó lão chủ cao giọng đọc báo Moniteur; một số khác múa tay hoa chân giữa đám đông bình luận về tờ báo Chúng ta hãy đoàn kết lại của Dubois Crancé hay Tiếng kèn của Bố Bellerose. Đôi khi thợ cạo kiêm cả bán thịt; bên cạnh búp bê tóc vàng, họ lại treo từng chuỗi đùi lợn muối và dồi lợn. Trên đường phố người ta bán các loại “rượu lưu vong”; có người quảng cáo bán năm mươi hai loại rượu vang; có người buôn đồng hồ treo hình đàn thất huyên và hình ghế xô-pha kiểu quận chúa; một anh thợ cạo treo tấm biển như sau: “Tôi cạo cho giáo hội, tôi chải cho quý tộc, tôi sửa sang đẳng cấp thứ ba”. Người ta đến nhờ Martin bói bài ở số nhà 173, phố Anjou, trước gọi là phố Quận Chúa. Bánh mì thiếu, than thiếu, xà phòng thiếu; người ta thấy hàng đàn bò sữa từ các tỉnh kéo về. Ở khu Vallée, thịt cừu non bán mười lăm quan một li-vrơ[51]. Một thông cáo của Công xã quy định cứ mười ngày, mỗi nhân khẩu được mua một li-vrơ thịt. Người ta phải sắp hàng nối đuôi trước các hiệu buôn; một “cái đuôi” như vậy đã thành nổi tiếng vì kéo dài từ một cửa hàng xén phố Petit Carreau đến giữa phố Montorgueil. Nối đuôi, gọi là “chăng dây”, vì người ta phải sắp hàng, kẻ trước người sau cùng nắm vào sợi dây dài. Trong cảnh thiếu thốn đó, phụ nữ tỏ ra rất dũng cảm và dịu dàng. Họ thức suốt đêm đợi phiên mua bánh. Những phương sách cuối cùng đã đem lại kết quả; cách mạng vượt qua được tình thế vô cùng nguy ngập bằng hai biện pháp nguy hiểm; tín phiếu và giá tối đa; tín phiếu là đòn bẩy, giá tối đa là điểm tựa. Phương thuốc kinh nghiệm ấy đã cứu vãn được nước Pháp. Kẻ thù, cả kẻ thù ở Coblentz lẫn kẻ thù ở Luân Đôn đều đầu cơ tín phiếu. Bọn gái hư lang thang bán nước hoa, nịt bít tất, bím tóc, và làm nghề buôn bạc; có những bọn buôn bạc ở bậc tam cấp phố Vivienne, giấy bê bết bùn, tóc bôi sáp mỡ, đội mũ lông chỏm hình đuôi cáo, bọn con buôn phố Valois, giấy đánh xi bóng lộn, miệng ngậm tăm, đầu đội mũ nhung, cùng với bọn gái điếm xưng hô mày tao. Nhân dân săn chúng như săn kẻ trộm mà phe bảo hoàng gọi là những “công dân tích cực”. Nói cho đúng, rất ít vụ trộm xảy ra. Quần chúng thiếu thốn ghê gớm, nhưng liêm khiết vô cùng. Những người đầu trần chân trụi, bụng đói dạ khát, nghiêm trang cúi mặt đi qua các cửa hàng vàng bạc. Trong một cuộc khám xét nhà Beaumarchais[52] của trung đội Antoine, một người đàn bà vào vườn hái một đóa hoa; chị ta liền bị dân chúng sỉ vả. Một bó củi giá bốn trăm quan, bằng bạc; trên đường phố, nhiều người cưa giường để đun, mùa đông giếng nước đóng băng; mỗi gánh nước giá hai hào; ai cũng tự túc xách nước. Đồng louis vàng giá ba nghìn chín trăm năm mươi quan. Một chuyến xe ngựa giá sáu trăm quan. Sau một ngày đi xe, người ta nghe thấy khách và người đánh xe trao đổi với nhau: “Bác xà ích, tôi phải giả bác bao nhiêu?” “Sáu nghìn quan.” Một chị bán cỏ mỗi ngày thu được hai mươi nghìn quan. Một người ăn mày kêu: Xin ông bà làm phúc cứu tôi! Tôi còn thiếu hai trăm ba mươi quan nữa mới đủ tiền mua. Ở các đầu cầu người ta thấy những bức tượng khổng lồ do Davíd tạc và sơn, những bức tượng mà Mercier rủa: Những con rối bằng gỗ kệch cỡm. Những bức tượng này tượng trưng khối liên minh và khối đồng minh đã bị đánh đổ. Dân chúng không chút tuyệt vọng. Họ trầm ngâm nhưng vui sướng đoạn tuyệt với các ngai vàng. Quân tình nguyện ùn ùn tới, hiến dâng lồng ngực của mình. Mỗi đường phố cung cấp một tiểu đoàn. Cờ các quận diễu đi diễu lại, mỗi lá cờ có một châm ngôn riêng, trên lá cờ quận Capucin, người ta đọc thấy hàng chữ: Chẳng ai áp bức được chúng ta. Trên một lá cờ khác: Không còn tầng lớp cao quý nữa, chỉ còn cao quý của lòng người. Trên các tường nhan nhản những mảnh giấy, nhỏ có, to có, trắng, vàng, xanh, đỏ, in máy, viết tay với những khẩu hiệu: Cộng hòa muôn năm! Trẻ con bập bẹ bài hát Ta sẽ thắng. Những chú bé ấy, chính là tương lai vĩ đại. Sau này cái thành phố hà khắc thay cho cái thành phố bi thảm: phố xá Paris có hai quang cảnh hết sức rõ rệt, trước và sau ngày 9 tháng Nóng[53]. Paris thời Saint-Just[54] nhường chỗ cho Paris thời Tallien[55]. Rõ ràng là một cơn điên loạn lôi kéo tất cả mọi người. Tám mươi năm về trước cũng vậy. Người ta thoát khỏi Louis XIV cũng như thoát khỏi Robespierre để thở cho nhẹ nhõm; do đó thế kỷ mở đầu với thời phụ chính và kết thúc với thời đốc chính. Hai đợt truy hoan sau hai đợt khủng bố. Nước Pháp tự do thoát khỏi nhà tu khổ hạnh và cũng đồng thời thoát khỏi nhà tu quân chủ với niềm vui của một quốc gia được thả lỏng. Sau ngày 9 tháng Nóng, thành phố Paris đã trở nên vui tươi, nhưng lại quá trớn, tràn ngập một niềm hoan lạc độc hại. Qua cơn điên cuồng lao vào cái chết, tiếp đến cơn cuồng loạn chạy theo cái sống, và cái vĩ đại đã lu mờ. Có bọn hãnh tiến, có một nhân vật như Trimalcion[56], tên là Grimod De La Reyière; có cuốn Niên lịch của những kẻ háu ăn. Buổi tối, người ta tiệc tùng giữa tiếng nhạc nhà binh, ở gác điện Palais-Royal với những dàn nhạc do phụ nữ đánh trống và thổi kèn. Hồi ấy thịnh hành lối khiêu vũ theo điệu gấp, người nhạc công tay cầm cung đàn chỉ huy mọi người cùng nhảy. Người ta mở tiệc đêm kiểu “phương đông” ở nhà Méot giữa những lư trầm hương thơm nghi ngút. Họa sĩ Boze vẽ những người con gái ngây thơ và kiều diễm trong tuổi mười sáu, theo kiểu “lên máy chém”, nghĩa là ngực và vai để hở, sơ mi đỏ. Tiếp theo những điệu nhảy giật gân trong các nhà thờ hoang tàn là những cuộc dạ vũ ở các lâu đài De Ruggieri, De Luquet, De Wenzel; kế tục những nữ công dân nghiêm nghị cắt xé quần áo cũ để làm băng buộc vết thương là những gái ăn chơi, mặc diêm dúa, lố lăng, lòe loẹt. Tiếp theo những bàn chân không, lấm máu, lấm bùn, lấm bụi của quân đội là những gót chân trần của đàn bà trang sức bằng kim cương; những cảnh vô sỉ, gian tà cùng tái diễn; trên thì có các chủ thầu, dưới thì có trộm cắp; Paris kẻ cắp như rươi, ai cũng phải lo giữ lấy túi tiền; một cách giết thì giờ hồi ấy là đến quảng trường Tòa Án xem kẻ trộm đàn bà bị đem ra bêu ở đấy, váy buộc lại với nhau; ở cửa rạp hát, bọn trẻ ranh đã biết mời khách lên xe với những câu: Nam nữ công dân ơi, có đủ chỗ cho hai người ngồi đây. Bọn bán báo không còn rao tên các báo Le vieux Cordelier và Bạn dân mà lại chỉ rao Thư của Polichinelle và Thỉnh nguyện của nhãi nhép; hầu tước De Sade chủ trì ở sở cảnh sát thành phố, tại quảng trường Vendôme. Sự phản ứng thật là vui nhộn và dữ dội. Đội quân chiến sĩ tự do năm 92 tái sinh dưới danh hiệu mới là Hiệp sĩ dao găm. Đồng thời xuất hiện trên sân khấu một nhân vật điển hình, Jocrisse[57]; có những phụ nữ “kỳ diệu”[58] hơn thế nữa, kỳ quái; người ta thụt lùi từ Mirabeau[59] đến Bobèche[60]. Thành phố Paris diễn biến như vậy đó; như một cái đồng hồ đồ sộ của văn minh từ cực này sang cực nọ. Sau năm 93, Cách mạng bị lu mờ một cách kỳ quặc, thế kỷ hiện tại như quên làm trọn cái đã bắt đầu, một lối sống trụy lạc đã xen vào, chiếm lĩnh vị trí hàng đầu… Nhưng vào năm 93 mà chúng ta đang nói đây, phố xá Paris còn giữ được tất cả quang cảnh vĩ đại và ghê rợn của buổi ban đầu. Hàng phố có những nhà hùng biện như Varlet, đứng trên một chiếc xe lưu động để diễn thuyết trong dân chúng; có những vị anh hùng mà một người được tôn làm “đại úy của những gậy bịt sắt”; có những con cưng như Guffroy, tác giả bài đả kích Rougif . Một vài người có tiếng tăm thì nguy hiểm; còn những người khác thì trong sạch, trong số đó, có một nhân vật vừa liêm chính, vừa tàn nhẫn: chính là Cimourdain. II CIMOURDAIN ◄○► Cimourdain là một lương tâm trong sạch nhưng u sầu. Với ông, cái gì cũng tuyệt đối. Ông đã từng là thầy tu, điều đó càng hệ trọng. Con người, cũng như bầu trời, có thể có một thứ bình thản u ám; chỉ cần có một cái gì đó gieo đêm tối vào tâm hồn. Nghề giáo sĩ đã làm cho tâm hồn Cimourdain càng tăm tối. Ai đã làm thầy tu cũng đều thế cả. Cái đã gieo đêm tối trong ta có thể để lại trong ta những vì sao. Con người Cimourdain chất chứa đạo đức và chân lý, nhưng chỉ sáng ngời trong bóng tối. Lịch sử của ông cũng ngắn gọn. Ông đã từng làm cha xứ ở làng và làm gia sư trong một nhà quý tộc; rồi được thừa hưởng một gia tài nhỏ, ông bắt đầu sống tự do. Trước hết, ông là người kiên trì. Ông trầm tư mặc tưởng chẳng khác người ta sử dụng một chiếc kìm; ông cho rằng ông chỉ có quyền từ bỏ một ý kiến sau khi đã suy nghĩ đến cùng; ông suy nghĩ ráo riết. Ông biết đủ các thứ tiếng của châu Âu và của một ít nước khác; con người này học tập không mệt mỏi, điều đó giúp ông giữ được tiết trinh; nhưng tự kiềm chế như vậy không gì nguy hiểm bằng. Khi còn là thầy tu, ông đã giữ được lời nguyền, có lẽ vì tự ái, do ngẫu nhiên hay do tâm hồn cao thượng; nhưng ông đã không thể giữ được tín ngưỡng. Khoa học đã làm sụp đổ lòng tin của ông; giáo lý cũng đã tàn lụi trong lòng ông. Rồi, tự xét mình, ông cảm thấy như què quặt, và không thể từ bỏ nghiệp tu hành. Ông cố gắng làm lại tư cách con người, nhưng lại quá hà khắc với mình; người ta đã cướp mất của ông gia đình, ông lấy tổ quốc làm gia đình; người ta không cho ông có vợ, ông lấy nhân loại làm bạn trăm năm. Tình trạng tràn đầy mênh mông ấy thực ra chỉ là trống rỗng. Bố mẹ ông, những người nông dân, khi gây dựng cho ông thành thầy tu là muốn ông tách khỏi quần chúng; nhưng ông đã trở về với quần chúng. Và ông đã trở về với quần chúng một cách say mê. Ông nhìn những kẻ đau khổ với tấm lòng trìu mến dễ sợ. Từ một thầy tu, ông đã trở thành một nhà triết lý, và từ nhà triết lý ông trở thành lực sĩ. Ngay từ hồi xưa vua Louis XV còn sống Cimourdain đã cảm thấy mang máng mình là cộng hòa rồi. Cộng hòa nào? Có thể là cộng hòa kiểu Platon[61], và cũng có thể là cộng hòa kiểu Dracon[62]. Bị cấm thương yêu, ông quay ra thù ghét. Ông thù ghét những điều dối trá, quân quyền, thần quyền và bộ áo thầy tu của ông; ông thù ghét hiện tại, và ông lớn tiếng kêu gọi tương lai; ông đã linh cảm, đã thoáng thấy, đã phỏng đoán được tương lai ấy vừa ghê sợ vừa huy hoàng; ông hiểu rằng để chấm dứt cảnh bần cùng thê thảm của loài người, sẽ có cái gì như bàn tay báo oán đồng thời là bàn tay giải phóng. Từ xa, ông đã tôn thờ cái tai họa ấy. Năm 1789, cái tai họa ấy đã tới, ông đã sẵn sàng tiếp đón nó, Cimourdain lao mình vào cuộc đổi đời vĩ đại ấy một cách lô-gích, nghĩa là quyết liệt, hợp với một con người có bản lĩnh như ông; đã lô-gích thì không mềm yếu. Ông đã sống những năm vĩ đại của cuộc cách mạng và đều đã rung cảm theo những trận gió lùa. Năm 89 ngục Bastille đổ, chấm dứt những cực hình của nhân dân; năm 90, ngày 19 tháng 6, chế độ phong kiến cáo chung; năm 91, Varennes[63] kết thúc nền quân chủ; năm 92, nền cộng hòa thành lập. Ông đã trông thấy cách mạng nổi lên. Ông không phải là kẻ sợ sức mạnh khổng lồ ấy; trái lại, mọi cái lớn lên đã tăng thêm sức sống cho ông; và mặc dầu tuổi đã khá cao - ông đã 50 tuổi và thầy tu thường già sớm hơn người thường - ông cũng lớn dần lên. Năm này qua năm khác, ông nhìn tình hình phát triển, và ông trưởng thành theo. Lúc đầu, ông sợ Cách mạng đẻ non, ông theo dõi, khi Cách mạng có đủ lý đủ quyền để tồn tại, ông đòi hỏi nó phải thành công; rồi, càng ngày nó càng khủng khiếp thì ông cảm thấy yên tâm. Ông muốn rằng Minerve quấn những vòng hoa đầy những ngôi sao sáng tương lai, đồng thời cũng phải là Pallas sử dụng một chiếc khiên chạm đầy rắn[64]. Ông muốn khi cần thiết thì con mắt thần tiên của cách mạng cũng phải rọi ánh sáng địa ngục đến lũ ma quỷ và dùng khủng bố đáp lại khủng bố. Thế rồi đến năm 93. Năm 93 là cuộc chiến tranh của châu Âu chống lại nước Pháp và nước Pháp chống lại Paris. Và Cách mạng là gì? Là nước Pháp chiến thắng châu Âu và Paris chiến thắng nước Pháp. Do đó, cái giây phút kinh hoàng này, 93 bỗng lớn lao hơn cả thời gian còn lại của thế kỷ. Không gì bi thảm hơn là cảnh châu Âu đánh vào nước Pháp và nước Pháp đánh vào Paris. Tấn bi kịch đó có tầm vóc của một bản hùng ca. Năm 93 là một năm dữ dội. Năm ấy, dông tố nổi lên điên cuồng nhất và cũng hùng tráng nhất. Sống trong đó, Cimourdain cảm thấy thoải mái. Cái cảnh cuồng loạn, man rợ và tráng lệ ấy hợp với bản chất vĩ đại của ông. Ông giống như loài diều hâu biển, bên trong rất trầm tĩnh, bên ngoài lại thích mạo hiểm. Có những thiên tư bay bổng, hung dữ và điềm tĩnh, vốn sinh ra để sống với bão tố. Có những tâm hồn bão táp. Ông có riêng một tình thương yêu, chỉ dành cho những người khốn khổ. Trước cảnh đau thương ghê rợn, ông thật tận tụy. Không có gì làm cho ông ghê tởm được. Đó là kiểu từ thiện của ông. Ông cứu người một cách gớm ghiếc và thần thánh. Ông tìm những ung nhọt để hôn. Những nghĩa cử không đẹp mắt lại khó nhất; ông thích những việc ấy. Một hôm, tại nhà thương Hôtel Dieu, một người sắp chết vì một cái nhọt chặn ngang cổ họng, nhọt hôi thối, kinh tởm, có thể truyền độc và cần phải nặn gấp. Cimourdain ở đấy; ông ghé miệng vào cái nhọt hút mủ, miệng đầy thì lại nhổ ra, cho đến khi kiệt mủ, và nhờ vậy cứu sống người kia. Hồi ấy, ông còn khoác áo thầy tu, có người đã nói với ông: “Nếu cha làm thế cho đức vua thì cha sẽ được thăng chức giám mục.” “Với đức vua, tôi sẽ không làm như thế.” Cimourdain trả lời. Việc làm và lời nói của ông làm cho ông được lòng dân chúng trong những khu phố tối tăm của Paris. Đến nỗi ông có thể làm cho những người đang đau khổ, đang khóc lóc, đang hăm dọa nhau, cũng răm rắp nghe lời ông. Hồi quần chúng phẫn nộ chống bọn đầu cơ tích trữ gây nên biết bao nhiêu là sai lầm, chính Cimourdain, chỉ với một câu nói, đã ngăn cản được vụ cướp phá một chiếc tàu thủy chở xà phòng đậu ở cảng Saint-Nicolas, và ông đã giải tán được những đám phẫn nộ tụ tập để ngăn xe cộ ở cửa ô Saint Lazare. Chính ông, mười ngày sau ngày 10 tháng 8, đã cầm đầu quần chúng đi lật đổ các tượng vua. Tượng đổ xuống làm chết người: ở quảng trường Vendôme, một người đàn bà là Reine Violet bị tượng vua Louis XIV đè chết vì đã buộc dây vào cổ tượng mà kéo. Pho tượng Louis XIV ấy đứng vững đã một trăm năm, dựng lên ngày 12 tháng 8 năm 1692, đổ xuống ngày 12 tháng 8 năm 1792. Tại quảng trường Hòa Hợp, tên Guinguerlot bị đánh chết tươi trên bệ tượng Louis XV vì hắn gọi những người tới phá hủy là đồ súc sinh! Tượng bị đập nát. Ít lâu sau, người ta dùng tượng để đúc xe. Còn lại cánh tay; đó là cánh tay phải của Louis XV giơ lên như kiểu hoàng đế La Mã. Do đề nghị của Cimourdain mà một đoàn đại biểu nhân dân đã mang cánh tay đó tặng Latude, người bị chôn sống đã ba mươi bảy năm ở ngục Bastille. Khi mà Latude cổ đeo gông, thân mang xiềng, rũ mòn trong cái ngục ấy theo lệnh của ông vua mà pho tượng nhìn bao quát cả thủ đô Paris, ai dám bảo rằng nhà ngục kia sẽ đổ xuống, pho tượng ấy sẽ đổ xuống, rằng Latude từ ngôi mộ sẽ bước ra và chế độ quân chủ sẽ nằm thế vào đó, rằng anh ta từ một người tù, đã thành người chủ cánh tay đồng đen đã từng ký giấy giam anh ta và cả tên vua bùn kia cũng chỉ còn có cánh tay đồng đen ấy nữa thôi! Cimourdain thuộc hạng người trong lòng ấp ủ một tiếng nói thầm kín, và lắng nghe tiếng nói ấy. Những người ấy bề ngoài coi bộ đãng trí; không; họ rất chú ý. Cimourdain vừa uyên bác vừa dốt đặc. Uyên bác về khoa học nhưng lại dốt đặc về cuộc đời. Do đó, ông rất cương quyết. Mắt ông bị che như mắt Thémis[65]trong Homère. Ông tin tưởng một cách mù quáng như mũi tên chỉ thấy đích và cứ nhằm thẳng mà lao tới. Trong cách mạng, không có gì đáng sợ bằng con đường thẳng. Cimourdain tiến thẳng phía trước, không gì ngăn cản nổi. Cimourdain tin rằng trong quá trình phát triển của xã hội, điểm cực là khu vực vững chắc nhất; sai lầm của những đầu óc lấy luận lý thay cho lẽ phải. Ông vượt quá Viện Quốc ước, ông vượt quá Công xã; ông ở phái Tòa giám mục. Phái Tòa giám mục, sở dĩ đặt tên thế là vì phái ấy hội họp trong một gian phòng của tòa giám mục cổ kính, một nhóm người phức tạp, ô hợp. Đến dự họp ở đấy cũng như ở Công xã, có những kẻ ngồi lặng thinh nhưng rất tiêu biểu, và nói như Garat, “có bao nhiêu túi là bấy nhiêu súng lục”. Phái Tòa giám mục là một tập đoàn hỗn độn kỳ lạ; có cả người Paris và người bốn phương, hai điều này không loại trừ lẫn nhau, vì Paris là nơi có tiếng đập của trái tim các dân tộc. Đây cũng là nơi cao trào dân chúng đang bùng lên sôi nổi. Bên cạnh phái Tòa giám mục, Viện Quốc ước là nguội lạnh và Công xã là ôn hòa. Phái Tòa giám mục là một trong những tổ chức cách mạng giống như những hòn núi lửa; chứa đủ thứ, dốt nát có, ngu ngốc có, liêm chính có, anh hùng có, giận dữ có, mật thám có. Tướng Brunswick[66] cũng có tay chân ở đấy. Có những người xứng đáng với dân Sparte[67] và có những kẻ đáng phải tù đầy. Đa số nóng nảy và thật thà. Phái Girondin, qua cửa miệng Isnard, chủ tịch nhất thời của Viện Quốc ước đã nói một câu kinh khủng: “Dân Paris, hãy coi chừng. Rồi đây sẽ chẳng còn lấy một viên đá của thành phố đứng vững và có ngày người ta sẽ phải đi tìm cái chỗ xưa kia đã là Paris”.Câu nói đó đã tạo ra phái Tòa giám mục. Những con người, như chúng tôi vừa nói, những con người ở khắp bốn phương, thấy cần phải kề vai sát cánh lại. Nhóm này chống lại bọn phản động. Nó sinh ra từ yêu cầu dùng bạo lực của quần chúng; đó là mặt đáng sợ và bí hiểm của các cuộc cách mạng. Dựa vào sức mạnh ấy, phái Tòa giám mục đã tích cực hoạt động. Trong những đợt biến động lớn của Paris, chính Công xã nã đại bác và phái Tòa giám mục kéo chuông cấp báo. Cimourdain với bản tính ngây thơ không bao giờ thay đổi tin rằng tất cả mọi cái phục vụ cho chân lý đều là công minh; điều đó làm cho ông ta có một cái thế đặc biệt để làm khuất phục các phái cực đoan. Những kẻ bất lương cảm thấy ông ta chính trực, và lấy làm bằng lòng. Chúng núp dưới một bộ mặt đạo đức để phạm những tội ác. Điều đó làm chúng lúng túng nhưng chúng lấy làm khoái trá. Palloy, kiến trúc sư đã lợi dụng việc phá hủy ngục Bastille, đem tiền bán các phiến đá bỏ túi riêng, rồi khi được giao việc quét vôi lại ngục giam Louis XVI thì đã hăng hái vẽ vời khắp tường nào song sắt nào xiềng xích và gông cùm; Gonchon, nhà diễn thuyết khả nghi ở ngoại ô Saint Antoine, mà sau này người ta mới tìm lại được các chứng từ; Fournier, người Mỹ, hôm 17 tháng 7 đã bắn một phát súng lục vào Lafayette[68], nghe nói lại chính do Lafayette thuê; Henriot[69] ở nhà thương điên ra và đã từng làm đủ nghề, nấu bếp, leo dây múa rối, trộm cắp, gián điệp, trước khi làm tướng, và chĩa đại bác bắn vào Viện Quốc ước. La Reynie, nguyên làm phó giám mục xứ Chartres đã thay kinh nhật tụng bằng tờ Père Duchesne; tất cả bọn người này phải kiêng nể Cimourdain, và, đôi lúc, để ngăn những bọn tồi tệ dở trò thì chỉ cần chúng thấy sừng sững trước mặt chúng con người tượng trưng cho niềm trong trắng đáng sợ kia. Chính vì thế mà Saint-Just khiến Schneider phải khiếp sợ. Đồng thời, đa số trong phái Tòa giám mục gồm chủ yếu những người nghèo và những người sôi nổi; họ rất tốt, họ tin tưởng và theo Cimourdain. Ông ta có một linh mục trợ tế, hay gọi là người hộ vệ cũng được, là thầy tu cộng hòa Danjou được dân chúng yêu chuộng, vì vóc người cao, và vẫn gọi đùa là Cha Hai Thước. Cimourdain lại có thể sai khiến viên tướng rất dũng cảm mà người ta gọi đùa là tướng La Pique[70] cũng như tay ngổ ngáo Truchon tức Nicolas Lớn, tay này đã định cứu bà Lamballe, và đã đưa tay dắt bà ta bước qua các xác chết; y đã thành công nếu không bị tay thợ cạo Charlot chế giễu cay độc. Công xã giám sát Viện Quốc ước, phái Tòa giám mục lại giám sát Công xã; Cimourdain, đầu óc thẳng thắn, ghét lối mưu mô, đã từng phá tan nhiều âm mưu của Pache mà Beurnonville gọi là “con người đen tối”. Ở phái Tòa giám mục, Cimourdain xử bình đẳng với mọi người. Dobsent và Momoro thường xin ý kiến ông. Ông nói tiếng Tây Ban Nha với Gusman, tiếng Ý với Pio, tiếng Anh với Arthur, tiếng Flandres với Peireyra, tiếng Đức với người Áo Proly, con hoang một hoàng thân. Giữa đám người ấy, ông đã gây được sự nhất trí. Do đó ông có một thế lực ngấm ngầm và vững mạnh. Hébert[71] cũng kiêng sợ ông. Giữa những thời kỳ và những nhóm người bi tráng ấy, Cimourdain có cái sức mạnh của những con người sắt đá. Ông là một nhân vật hoàn toàn và rất tự tin không thể sai lầm. Chưa có ai thấy ông khóc. Một con người đức hạnh tuyệt vời và giá lạnh. Một bậc công minh đáng sợ. Trong cách mạng không thể có vị trí trung gian cho một nhà tu hành. Một tu sĩ chỉ có thể lao mình vào cuộc phiêu lưu kỳ diệu hiển nhiên ấy với những lý do hoặc đê tiện nhất hoặc cao cả nhất; chỉ có thể hoặc làm người hèn mạt hoặc làm người cao siêu. Cimourdain cao siêu, nhưng lại trong cảnh cô độc, trong cảnh cheo leo, cảnh xám ngắt chẳng dung người cao siêu giữa một vùng vực thẳm. Những đỉnh núi cao thường có cái trinh khiết thảm đạm ấy. Cimourdain có cái bề ngoài của một người bình thường, mặc những bộ quần áo tầm thường, có vẻ nghèo khổ. Hồi trẻ, ông phải gọt tóc đi tu; đến lúc già, đầu ông hói. Tí tóc còn lại đã ngả hoa râm. Trán ông rộng, trên trán ấy người tinh ý sẽ thấy một dấu hiệu đặc biệt. Cimourdain có lối nói đột ngột, say sưa và trịnh trọng; tiếng nói gọn, giọng đĩnh đạc; miệng ông buồn rầu, chua chát; con mắt sáng và thâm trầm. Và trên toàn bộ khuôn mặt có cái vẻ gì như phẫn nộ, bất bình. Cimourdain là như thế. Ngày nay, chẳng còn ai biết tên ông. Lịch sử thường có những kẻ vô danh kinh khủng như vậy. III CON NGƯỜI ẤY CŨNG CÓ NHƯỢC ĐIỂM[72] ◄○► Con người như thế có phải là người không? Người đầy tớ của nhân loại có thể có tình thương yêu không? Phải chăng con người ấy quá thiên về thần trí đến nỗi không thể có tình được? Mối tình rộng lớn bao quát mọi sự, mọi người còn có thể giành cho một người nào chăng? Cimourdain còn có thể yêu không? Xin thưa rằng: Có. Hồi còn trẻ, làm gia sư trong một nhà quyền quý, ông có một cậu học trò là con trai kế nghiệp của gia đình này và ông ta yêu cậu học trò ấy. Yêu một đứa trẻ cũng dễ thôi. Có gì mà người ta không tha thứ cho một đứa trẻ? Tha thứ cho nó cái chuyện nó là lãnh chúa, là hoàng thân, là vua. Cái tuổi thơ ngây làm người ta quên những tội ác của dòng họ; cái thể chất yếu đuối khiến người ta quên mất cái địa vị quá cao. Nó còn nhỏ quá nên người ta dễ tha thứ cho nó cái quyền cao chức trọng. Người nô lệ tha thứ cho nó cái chuyện nó là chủ nô. Đã có ông già da đen âu yếm thằng bé da trắng. Cimourdain say mê học trò mình. Tuổi thơ ấu có điều này không giải thích được là ta có thể dốc cho nó tất cả yêu thương của mình. Có thể nói tất cả những gì là tình thương Cimourdain đã trút vào đứa bé này; đứa bé ngây thơ dịu dàng ấy đã thành một thứ mồi cho trái tim kia đã từng bị dày vò trong cảnh cô đơn. Ông ta yêu mến nó cùng một lúc với tất cả tấm lòng trìu mến của một người cha, một người anh, một người bạn, một người sáng tạo. Nó là con ông; không phải là đứa con máu mủ của ông, mà là đứa con của trí tuệ ông. Ông không phải là cha nó vì ông không sinh ra nó, nhưng ông là thầy giáo và nó là công trình kiệt tác của ông. Từ một lãnh chúa nhỏ, ông đã biến nó thành một con người. Biết đâu lại chẳng thành một vĩ nhân? Đấy là những ước mơ. Có cần phải được phép rồi mới sáng tạo ra một trí tuệ, một ý chí cương nghị, một tâm hồn thẳng thắn không? Trộm phép gia đình kia, ông đã truyền thụ cho cậu tử tước trẻ tuổi, học trò ông, tất cả những tư tưởng tiến bộ của ông; ông đã tiêm cho nó cái đạo đức đáng sợ của ông; ông đã truyền vào trong mạch máu nó lòng tin, lương tâm, lý tưởng của ông; ông đã rót vào trong đầu óc quý tộc kia tâm hồn của nhân dân. Người gia sư truyền bá tư tưởng cũng như bà nhũ mẫu cho hài nhi bú sữa. Có khi gia sư lại là cha hơn cả cha đẻ cũng như bà vú nuôi lại là mẹ hơn cả mẹ đẻ nữa. Mối liên hệ cha con về tinh thần ấy gắn bó Cimourdain với học trò mình. Chỉ nhìn thấy đứa trẻ ấy là Cimourdain đã xúc động. Xin nói thêm điều này: Cimourdain thay thế bố đứa trẻ một cách dễ dàng, vì nó mồ côi cả cha lẫn mẹ; chăm sóc nó có bà nội mù và một ông bác thường vắng nhà. Sau bà nội cũng qua đời; ông bác, chủ gia đình, một võ quan đại quý tộc, có quyền cao chức trọng ở triều đình, bỏ dinh cơ ở quê nhà để sống ở kinh đô, ra trận mạc luôn, bỏ mặc đứa trẻ mồ côi một mình trong lâu đài cô quạnh, do đó vị gia sư trở thành ông thầy đúng với nghĩa đầy đủ nhất của tiếng ấy. Lại xin nói thêm nữa: Cimourdain đã được chứng kiến đứa bé, học trò ông, lúc mới sinh. Mồ côi từ tấm bé, nó lại bị đau nặng. Cimourdain, trong tình trạng nguy kịch ấy, ngày đêm trông nom nó; ông vừa là thầy thuốc chữa chạy vừa là hộ lý chăm sóc và đã cứu được đứa trẻ. Học trò ông không những chịu ơn ông về giáo dục, về học vấn, về khoa học; còn nhờ ông mà được hồi phục và khỏe mạnh; không những học trò ông nhờ ơn ông mà biết tư duy; những còn nhờ ơn ông mà được sống. Ta thường quý những kẻ chịu ơn; Cimourdain quý đứa trẻ ấy. Thế rồi sự cách biệt tất nhiên của cuộc sống đã xảy ra. Công cuộc giáo dục hoàn thành, Cimourdain phải xa rời cậu bé đã trở thành thanh niên. Những cảnh chia ly ấy sao mà tàn nhẫn một cách lạnh lùng và vô tình đến thế! Các gia đình thản nhiên biết bao khi cho thôi việc vị gia sư đã để lại tư tưởng trong đứa trẻ, và người vú nuôi đã trút lại ruột gan mình! Cimourdain được trả công, bước ra khỏi tầng lớp thượng lưu và trở về tầng lớp dưới; bức tường ngăn kẻ quyền quý và người thấp hèn đã khép kín; cậu thanh niên quý tộc bẩm sinh đã là sĩ quan và một bước được phong đại úy đã đi tựu ngũ ở một doanh trại nào đó, còn vị gia sư thấp hèn, vốn đã là một thầy tu bất phục tùng vội bước xuống tầng cuối cùng tối tăm của Giáo hội, tầng lớp tu sĩ lớp dưới, rồi Cimourdain vắng bặt tin tức về học trò mình. Cách mạng tới; kỷ niệm về đứa trẻ mà ông xây dựng nên người cứ ấp ủ trong lòng ông một cách thầm kín, không nguôi, mặc dù ông bận rộn bao la vì công việc chung. Tạc một pho tượng và làm cho nó sinh động đẹp biết bao! Tạo nên một trí tuệ và truyền cho nó chân lý, càng đẹp hơn. Như Pygmalion[73], Cimourdain đã sáng tạo ra một tâm hồn. Một trí tuệ có thể có một đứa con. Người học trò ấy, người con ấy, đứa trẻ mồ côi nay là người độc nhất mà Cimourdain yêu thương trên thế gian này. Nhưng ngay cả trong mối tình yêu thương đùm bọc là vậy, con người như thế có bị yếu ớt đi không? Để rồi xem. QUYỂN II QUÁN HÀNG PHỐ CON CÔNG I BA VỊ QUAN TÒA DƯỚI ÂM PHỦ[74] ◄○► Ởphố Con Công có một quán cà phê. Quán đó có một hậu phòng, ngày nay đã được ghi vào lịch sử. Tại phòng này, thời ấy, thỉnh thoảng có cuộc gặp gỡ gần như bí mật của những người có rất nhiều quyền lực và được mọi người hết sức theo dõi đến nỗi họ rất ngại trò chuyện với nhau trước công chúng. Chính ở đó, ngày 23 tháng 10 năm 1792 đã có một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa hai phái Montagnard và Girondin. Chính ở đó, Garat tuy không thú nhận trong cuốn Hồi ký của ông, đã tới lấy tin tức trong cái đêm hãi hùng ấy, và sau khi đã giam giữ Clavière ở phố Beaune, ông ta dừng xe trên cầu Pont-Royal để nghe chuông cấp báo[75]. Đến ngày 28 tháng 6 năm 1793, lại có ba người tụ họp quanh một chiếc bàn trong hậu phòng này. Ghế họ ngồi không sát nhau; mỗi người ngồi một phía để trống ở phía bàn thứ tư. Lúc đó độ tám giờ tối; ngoài phố trời còn sáng, nhưng trong phòng đã tối sẫm, một ngọn đèn dầu treo trên trần, xa xỉ phẩm hồi đó, tỏa ánh sáng xuống bàn. Người thứ nhất trong bộ ba đó xanh rớt, còn trẻ, nghiêm nghị, có đôi môi mỏng dính và cặp mắt lạnh lùng. Má có tật giật giật nên cười hơi khó. Ông ta xoa phấn, mang tất tay, trang phục chải chuốt, cài kín khuy áo; màu xanh nhạt không một nếp nhăn, quần chẽn lụa Nam Kinh, tất trắng, cà-vạt thắt cao, phía ngực sơ-mi có nếp, có khuy bạc. Hai người kia, một người cao lớn, một người lùn. Người cao lớn mặc xuề xòa một chiếc áo dạ rộng màu đỏ, cổ hở, quàng một chiếc cà-vạt không thắt nút trễ xuống phía ngực, chiếc áo khoác phanh ra để mất vài khuy, chân đi cổ bẻ, tóc bờm xờm; tuy còn thấy chút ít dấu vết chải chuốt, bộ tóc giả của ông ta vẫn có vẻ như bờm ngựa. Mặt ông ta rỗ hoa, lông mày nhíu lại như giận dữ, nếp nhăn hiền hậu ở bên mép, môi dày, răng to, nắm tay chắc nịch, mắt sáng quắc. Người bé nhỏ, nước da vàng khè, khi ngồi có vẻ dị tướng; đầu ông ta ngả ra sau, mắt đỏ ngầu, mặt có từng vệt xanh nhợt, một chiếc khăn mùi xoa buộc mái tóc láng và dẹt, trán thấp tẹt, còn miệng lại rộng trông phát sợ. Ông ta mặc quần dài, đi vải, chiếc gi-lê hình như trước đây là xatanh trắng và ngoài chiếc gi-lê là một chiếc áo rộng, dưới áo hằn lên một đường cứng và thẳng, người ta đoán đó là một chiếc dao găm. Người thứ nhất là Robespierre, người thứ hai là Danton, người thứ ba là Marat. Chỉ có họ trong căn phòng này. Trước mặt Danton đặt một cái cốc và một chai rượu vang phủ đầy bụi, làm ta nhớ đến cốc rượu bia của Luther[76]; trước mặt Marat có một tách cà phê, trước mặt Robespierre là những giấy tờ. Bên tập giấy tờ có một lọ mực bằng chì, hình tròn có nhiều đường xoi dọc, ai đã là học sinh hồi đầu thế kỷ này đều nhớ đến kiểu lọ mực ấy. Một cái bút đặt bên cạnh giá bút. Trên tập giấy tờ có một con dấu bằng đồng có khắc mấy chữ đã làm và hình ngục Bastille. Một bản đồ nước Pháp trải trên bàn. Ngoài cửa phòng, có người hộ vệ của Marat là Laurent Basse đứng cạnh; anh này đảm nhiệm những việc linh tinh ở nhà số 18 phố Cordelier; ngày 13 tháng 7, sau ngày 28 tháng 6 này chừng nửa tháng, chính anh ta đã giáng một chiếc ghế lên đầu người đàn bà tên là Charlotte Corday[77], lúc bấy giờ đang ở Caen. Laurent Basse là người liên lạc chuyển bản in thử của báo Bạn dân. Tối ấy, anh được theo chủ đến quán cà phê phố Con Công để làm nhiệm vụ canh phòng họp cho Marat, Danton và Robespierre, không để một ai vào, trừ người của Ủy ban cứu quốc, của Công xã, hay của phái Tòa giám mục. Robespierre không muốn đóng kín cửa đối với Saint-Just, Danton không muốn đóng kín cửa đối với Pache và Marat không muốn đóng kín cửa đối với Gusman. Cuộc hội đàm kéo dài đã lâu rồi. Nội dung cuộc hội đàm đã ghi trong những giấy tờ trải trên bàn mà Robespierre đã thuyết trình. Họ đã bắt đầu to tiếng. Hình như ba người đã cáu kỉnh với nhau. Bên ngoài, thỉnh thoảng lại nghe những lời chan chát dội ra. Thời ấy, người ta quen dự những cuộc bàn cãi công khai nên hình như người ta có quyền nghe tất cả. Đó là thời mà viên thư ký Fabricius Pâris ghé mắt qua lỗ khóa nhìn công việc của Ủy ban cứu quốc. Nhân tiện nói qua là việc đó cũng không phải vô ích vì chính Pâris đã báo trước các sự việc cho Danton đêm 30 rạng 31 tháng 3 năm 1794 khi nghe có quyết định hại tính mạng ông. Lúc này, Laurent Basse dán tai sau cánh cửa phòng ba người đang họp. Laurent Basse hộ vệ Marat, nhưng lại là người của phái Tòa giám mục. II XIN CÁC NGƯỜI CHỨNG MINH CHO BẰNG TIẾNG VANG QUA BÓNG TỐI[78] ◄○► Danton vừa đứng lên; ông ta gạt mạnh chiếc ghế ra phía sau và nói to: — Các anh nghe đây, chỉ có một điều khẩn cấp là nền cộng hòa đang lâm nguy. Tôi chỉ biết một việc là cứu nước Pháp thoát khỏi quân thù. Để đạt mục đích ấy, tất cả các phương sách đều tốt. Tất cả! Tất cả! Tất cả! Khi tôi phải đối phó với mọi nguy hiểm thì tôi tìm mọi kế, và khi tôi sợ tất cả thì tôi cũng coi thường tất cả. Ý nghĩ tôi như một con sư tử cái. Làm cách mạng không thể nửa vời, không thể dè dặt. Thần Báo oán không phải là một cô gái e lệ rụt rè. Chúng ta phải tỏ ra đáng sợ và hữu ích. Có bao giờ con voi lại nhìn chỗ nó đặt chân lên? Phải nghiến nát kẻ thù. Robespierre đáp lại một cách dịu dàng: — Tôi muốn thế lắm - Và ông nói thêm - Vấn đề là ở chỗ, biết được kẻ thù ở đâu. — Nó ở bên ngoài, và tôi đã tống cổ nó đi - Danton nói. — Nó ở bên trong, và tôi đang theo dõi nó - Robespierre đáp lại. — Tôi cũng sẽ tống cổ cả nó nữa - Danton tiếp. — Người ta không đuổi được kẻ thù bên trong. — Thế thì làm thế nào? — Tiêu diệt. — Tôi tán thành - Danton nói. Rồi ông lại tiếp luôn: — Robespierre, tôi đã nói là kẻ thù ở bên ngoài. — Danton, tôi nói là chúng ở bên trong. — Robespierre, chúng ở ngoài biên giới. — Danton, chúng ở Vendée. — Hãy bình tĩnh - Một tiếng thứ ba cất lên - Chúng ở khắp nơi; nguy lắm rồi. Người vừa nói là Marat. Robespierre nhìn Marat và bình tĩnh tiếp: — Xin miễn bàn phiếm. Đây là những dẫn chứng cụ thể. — Lại ba hoa! - Marat làu bàu. Robespierre đặt tay lên mớ giấy tờ trải trước mặt và tiếp tục: — Tôi vừa thông báo những bức điện của Prieur De La Marne và những tin tức mà Gélambre đã thu lượm được. Danton, phải biết là chiến tranh chống ngoại xâm chẳng nghĩa lý gì đâu, nội chiến là tất cả. Chống ngoại xâm như sướt tí da ở cùi tay thôi; nội chiến như mụn loét ăn ruỗng lá gan của chúng ta. Từ các điều tôi đã thông báo có thể tóm lại như thế này: bọn phiến loạn ở Vendée trước đây phân tán từ nay đã bắt đầu tập trung. Chúng sắp có một thủ lĩnh chung… — Một tên tướng cướp đầu sỏ - Danton lẩm bẩm. Robespierre tiếp: — Chính là tên đã đổ bộ gần Pontorson ngày 2 tháng 6. Các ngài đã biết nó là ai. Xin nhớ rằng cuộc đổ bộ ấy rất ăn khớp với việc quân phản phúc Calvados bắt hai đại diện của chúng ta đang kinh lý ở Bayeux là Prieur De La Côte-d’Or và Romme cùng ngày hai ấy. — Cũng là ngày chúng chuyển giam hai người bị bắt sang lâu đài Caen - Danton nói. Robespierre lại tiếp: — Tôi tiếp tục tóm tắt các tin tức. Chiến tranh rừng rú đang tiến hành trên một qui mô lớn. Đồng thời, bọn Anh đang chuẩn bị đổ bộ; bọn Vendée và bọn Anh là một đồng một cốt[79]. Những quân thô bỉ ở Vendée cùng nói một thứ tiếng với những thằng chó chết ở Anh[80]. Tôi đã đưa các ông xem một bức thư bắt được của Puisaye[81], trong ấy có nói là “phát hai vạn chiếc áo đỏ cho những người khởi nghĩa là sẽ thúc đẩy mười vạn người khác nổi dậy”. Khi nào bọn dân quê đã nổi lên khắp nơi thì bọn Anh sẽ đổ bộ. Kế hoạch thế này: các anh theo dõi ở bản đồ. Robespierre đặt ngón tay lên bản đồ và nói tiếp: — Bọn Anh đang chọn địa điểm đổ bộ từ Cancale đến Paimpol. Craig[82] muốn đổ bộ lên vũng Saint Brieuc, Cornwallis lại muốn lên vùng Saint-Cast. Đó là một chi tiết. Tả ngạn sông Loire có quân phiến loạn Vendée canh giữ, còn hai mươi tám dặm trống trải giữa Ancenis và Pontorson thì bốn mươi giáo khu Normandie đã hứa hẹn hợp lực. Chúng sẽ đổ bộ ba chỗ, Plérin, Iffiniac và Pléneuf, chúng sẽ tiến đến Saint Brieuc, từ Pléneuf tiến đến Lamballe; ngày thứ hai, chúng chiếm Dinan, ở đấy có chín trăm tù binh Anh và chúng sẽ chiếm luôn Saint-Jouan, và Saint-Méen, rồi để kỵ binh lại đó: ngày thứ ba, hai cánh quân, một từ Jouan tiến qua Bédée, một từ Dinan tiến qua Becherel, một pháo đài thiên nhiên, và ở đấy, chúng sẽ đặt hai khẩu đội; ngày thứ tư, chúng tới Rennes. Rennes là chìa khóa của xứ Bretagne. Ai chiếm được Rennes là chiếm được tất cả. Rennes bị chiếm thì Châteauneuf và Saint-Malo thất thủ. Ở Rennes có một triệu viên đạn và năm mươi cỗ dã pháo. — Mà chúng sẽ đoạt tất - Danton lẩm bẩm. Robespierre tiếp: — Tôi xin nói nốt. Từ Rennes, ba cánh quân sẽ tràn lên vùng Fougères, Vitré, Redon. Các cầu đã bị phá nhưng các ông đã thừa biết là bọn giặc sẽ dùng câu nổi ghép lại và chúng sẽ có liên lạc đưa kỵ binh qua những chỗ có thể lội được. Từ Fougères chúng tỏa ra vùng Avranches, từ Redon chúng tỏa ra vùng Ancenis, từ Vitré tỏa ra Laval. Nantes sẽ đầu hàng, Brest sẽ đầu hàng. Chiếm Redon là chiếm được cả lưu vực sông Vilaine, chiếm Fougères là chiếm được đường đi Normandie, còn vị trí Vitré mở đường tiến về Paris. Trong vòng mười lăm ngày, quân giặc sẽ lên tới ba mươi vạn người, và tất cả xứ Bretagne sẽ lọt vào tay vua Pháp. — Nghĩa là vào tay vua Anh - Danton nói. — Không, vào tay vua Pháp. Robespierre tiếp: — Vào tay vua Pháp mới tệ hại. Chỉ cần mười lăm ngày là đủ đuổi được bọn ngoại xâm, nhưng phải một ngàn tám trăm năm mới trừ được chế độ quân chủ. Danton ngồi xuống, chống cùi tay lên bàn, hai tay ôm lấy đầu, mơ màng. Robespierre nói: — Các anh thấy nguy cơ đấy, Vitré mở đường cho bọn Anh xuống Paris. Danton ngẩng đầu lên, dằn hai nắm tay xuống bản đồ như lên chiếc đe vậy: — Này, Robespierre, Verdun chẳng mở đường cho bọn Phổ vào Paris là gì? — Thì sao? — Thì ta sẽ đuổi bọn Anh như ta đã đuổi bọn Phổ. Nói xong Danton lại đứng dậy. Robespierre đặt bàn tay giá lạnh của mình lên bàn tay nóng hổi của Danton: — Danton, xứ Champagne trước đây không theo bọn Phổ. Còn xứ Bretagne ngày nay lại theo bọn Anh. Giành lại Verdun là chống ngoại xâm; giành lại Vitré là dẹp nội chiến. Robespierre lẩm bẩm, giọng lạnh lùng và sâu sắc: — Hai việc khác nhau xa. Rồi tiếp luôn: — Danton, hãy ngồi xuống, và nhìn rõ bản đồ chứ đừng đấm vào nó. Nhưng Danton vẫn trầm ngâm suy nghĩ. — Thế mới quá quắt! - Danton thét lên - Tưởng là nguy cơ ở phía tây khi nó ở phía đông. Robespierre, tôi đồng ý với anh là nước Anh thì ở giữa đại dương; nhưng Tây Ban Nha ở phía Pyrénées, Ý ở phía Alpes, Đức ở phía sông Rhin. Và phía sau kia là con gấu Nga to lớn. Robespierre anh thấy chưa? Nguy cơ thắt lại thành một vòng tròn, và ta đang lọt ở giữa. Bên ngoài cấu kết, bên trong phản bội. Phía nam, tướng Servant đang mở hé cửa nước Pháp cho vua Tây Ban Nha. Phía bắc, tướng Dumouriez[83] chạy sang hàng ngũ giặc. Vả lại, hắn từ trước vẫn đe dọa Hà Lan ít hơn là đe dọa Paris. Tướng Nerwinde xóa mờ Jemmappes và Valmy. Tên triết gia Rabaut Saint-Etienne tất nhiên một tín đồ Tin lành, phản trắc, vẫn liên lạc với tên nịnh thần Montesquiou. Quân đội bị tiêu diệt. Không tiểu đoàn nào hiện nay còn trên bốn trăm binh sĩ; trung đoàn anh dũng Deux-ponts chỉ còn một trăm năm mươi người; đồn Pamars lọt vào tay giặc; ở Givet chỉ còn năm trăm bao bột; quân ta phải rút lui về Landeau; Wurmser đang bám sát Kléber; Mayence anh dũng thất thủ, Condé đầu hàng nhục nhã, Valenciennes cũng thế. Mặc dù thế Chancel, người bảo vệ Valenciennes và ông già Féraud, người bảo vệ Condé vẫn xứng đáng là những anh hùng, cũng như Meunier, người đã chiến đấu để bảo vệ Mayence đến cùng. Nhưng những kẻ khác thì phản bội. Dharville phản bội ở Aix-la-Chapelle, Mouton ở Bruxelles. Valence ở Bréda, Neuilly ở Limbourg, Miralda ở Maëstricht; Stengel, phản bội, Lanoue, phản bội; Ligonnier, phản bội; Menou, phản bội; Dillon, phản bội; chúng tiếp diễn hành vi phản bội xấu xa của tên Dumouriez. Phải trừng trị để làm gương. Những cuộc hành quân đổi hướng của Custine thật đáng nghi, tôi ngờ Custine đã muốn chiếm Francfort để mưu lợi hơn là chiếm Coblentz. Francfort có thể nộp bốn triệu đồng binh phí, đồng ý. Nhưng bốn triệu thì thấm gì so với việc tiêu diệt cái ổ lưu vong ở Coblentz. Phản bội, đúng thế. Meunier tử trận ngày 13 tháng 6. Chỉ còn trơ trọi Kléber. Trong khi chờ đợi thì Brunswick tăng cường lực lượng và tiến quân. Hắn cắm cờ Đức trên tất cả những thành trì nước Pháp mà hắn chiếm được. Thị trưởng Brandebourg bây giờ thành trọng tài của châu Âu; hắn cuỗm các tỉnh của ta; hắn sẽ sáp nhập nước Bỉ cho mà xem; người ta có thể bảo là bọn ta đang làm việc cho bọn Berlin; nếu tình trạng này cứ kéo dài, nếu chúng ta không ổn định được trật tự thì cách mạng Pháp chỉ làm lợi cho Potsdam; nó chỉ đưa lại kết quả duy nhất là mở rộng cái vương quốc nhỏ bé của Frédéric II, và chúng ta đã giết vua nước Pháp để làm lợi cho vua nước Phổ. Nói xong, Danton, vẻ dữ tợn, phá lên cười. Cái cười của Danton làm cho Marat mỉm miệng. — Mỗi anh có một định kiến; Danton thì bị nước Phổ ám ảnh; Robespierre thì xứ Vendée. Đây là ý kiến của tôi. Các anh không thấy cái nguy cơ thật sự; ấy là các quán cà phê và sòng bạc. Quán Choiseul thuộc phái Jacobin, quán Patin thuộc phái bảo hoàng, quán Nơi Hẹn Hò chống quốc dân quân, còn quán Cửa Ô Saint-Martin thì bảo vệ nó, quán Régence chống Brissot, quán Corazza ủng hộ ông ta, quán Procope sùng bái Diderot, quán Nhà Hát Pháp sùng bái Voltaire, ở quán Rotonde người ta xé tín phiếu, ở các quán phố Saint-Marceau người ta tranh nhau mua tín phiếu, quán Manouri xôn xao về vấn đề bột, ở quán Foy toàn những chuyện cãi lộn và ẩu đả, ở quán Perron bọn đầu sỏ tài chính vo ve như bày ong. Nghiêm trọng là ở đó. Danton không cười nữa. Marat vẫn cười mỉm. Cái cười mỉm của con người lùn ấy còn thâm độc hơn tiếng cười rộ của con người khổng lồ. — Marat, anh chế giễu à? - Danton to tiếng. Marat giật giật bên hông, cố tật nổi tiếng của ông, nụ cười biến mất trên môi. — A, thật đúng là cái giọng của anh. Công dân Danton. Chính anh ở giữa Viện Quốc ước đã gọi tôi là “tên Marat”. Thôi, tôi cũng xá cho anh. Chúng ta đang trải qua một thời buổi chẳng ra gì. Tôi chế giễu à? Vậy tôi là người như thế nào? Tôi đã tố cáo Chazot, tôi đã tố cáo Pétion, tôi đã tố cáo Kersaint, Moreton, Dufriche-Valazé, Ligonnier, Menou, Banneville, Gensonné, Biron, Lidon và Chambon; tôi sai lầm chăng? Tôi thấy trước âm mưu phản bội ở một tên phản phúc và tôi thấy cần phải tố cáo nó trước khi nó phạm tội. Tôi có thói quen nói trước những điều mà người ta nói sau. Tôi là người đã đề nghị với Quốc hội lập pháp một kế hoạch đầy đủ về pháp chế đại hình. Từ trước tới nay tôi đã làm gì? Tôi đã yêu cầu huấn luyện quân đội để họ quen với kỷ luật cách mạng. Tôi đã xét tha cho ba mươi hai người bị bắt oan, tôi đã đòi lại cho Nhà nước những viên kim cương nằm trong tay Roland, tôi đã xác minh rằng phái ông Brissot đã giao cho Ủy ban an ninh công cộng những tờ lệnh tống giam khống chỉ, tôi đã vạch rõ những chỗ thiếu sót trong bản cáo trạng của Lindet về tội ác của tên vua Capet, tôi đã thông qua bản án xử tử tên bạo quân trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tôi đã bênh vực các tiểu đoàn Mauconseil và Cộng Hòa, tôi đã cấm đọc thư của bọn Narbonne và Malouet, tôi đã đưa ra một đề án về vấn đề thương binh, tôi đã cho giải tán hội đồng sáu người, tôi đã dự đoán sự phản bội của Dumouriez trong vụ xảy ra ở Mons, tôi đã yêu cầu bắt mười vạn thân nhân bọn lưu vong làm con tin để thay thế cho những ủy viên đại diện của ta bị chúng phản bội bắt nộp cho địch, tôi đã đề nghị tuyên bố phản quốc tất cả các nghị sĩ nào chạy sang hàng ngũ địch, tôi đã lột mặt nạ nhóm phân liệt Roland trong vụ rối loạn ở Marseille, tôi đã khẩn khoản treo giải thưởng lấy đầu tên Egalité Con, tôi đã bênh vực Bouchotte, tôi đã định đặt vấn đề tín nhiệm để đuổi tên Isnard, tôi đã đề nghị tuyên dương nhân dân Paris xứng đáng với Tổ quốc; do đó mà Louvet bảo tôi là làm trò múa rối, quận Finistère đòi trục xuất tôi, thành phố Loudun yêu cầu đày tôi biệt xứ, thành phố Amiens muốn bịt mõm tôi lại, Cobourg muốn tống giam tôi, và LecointePuiraveau yêu cầu Viện Quốc ước tuyên bố là tôi điên. Ái chà! Công dân Danton, tại sao anh lại mời tôi tới đây họp với anh nếu không phải là để lấy ý kiến của tôi? Có phải là tự tôi yêu cầu đến đây đâu? Không. Tôi chẳng thích thú gì đối diện với những kẻ phản cách mạng như Robespierre, và anh. Vả lại, Robespierre và anh đều không hiểu tôi, điều đó đáng lẽ tôi phải cầm chắc từ trước. Không có ai đáng mặt chính khách ở đây sao? Lại phải dạy các anh tập đánh vần về chính trị sao? Phải giải thích cho các anh từng li từng tí hay sao? Ý tôi muốn nói thế này: cả hai anh đều đã nhầm. Nguy cơ không ở Luân Đôn như Robespierre tưởng, cũng không ở Berlin như Danton tưởng. Nguy cơ ở ngay Paris. Nguy cơ là ở chỗ thiếu sự thống nhất, ở chỗ ai cũng có quyền giành phần hơn về mình, bắt đầu từ hai anh, ở chỗ làm cho nhân tâm phân tán, ý chí hỗn loạn… Danton cắt ngang: — Hỗn loạn, do ai gây ra nếu không phải chính anh? Marat vẫn nói tiếp: — Robespierre, Danton, nguy cơ ở cái đám quán cà phê, sòng bạc, câu lạc bộ. Câu lạc bộ Người Da Đen, câu lạc bộ Liên Minh, câu lạc bộ Phụ Nữ, câu lạc bộ Trung Lập, có từ thời Clermont-Tonnerre, tức là câu lạc bộ Quân Chủ, có từ 1790 do tu sĩ Claude Fauchet lập ra, câu lạc bộ Mũ Len do nhà báo Prudhomme lập ra, vân vân. Không kể câu lạc bộ Jacobin của anh, Robespierre, và câu lạc bộ Cordelier của anh, Danton. Nguy cơ là ở nạn đói đã gây ra vụ gã khuân vác Blin treo cổ người làm bánh mì ở chợ Palu, tên là Denis, lên cột đèn trước Tòa thị chính, và ở tòa án đã treo cổ tên Blin đó lên vì tội đã treo cổ người làm bánh mì Denis. Nguy cơ là giấy bạc bị hạ giá. Ở phố Temple một tờ tín phiếu trăm quan rơi xuống đất và một thường dân qua đường đã nói: chẳng bõ nhặt. Nguy cơ là ở bọn buôn bạc và bọn tích trữ. Kéo cờ đen trước Tòa thị chính, các anh tưởng thế là đủ! Bắt tên nam tước Trenck cũng chưa đủ. Phải vặn cổ cái tên cáo già ngồi tù mà vẫn âm mưu tác hại. Các ngài cứ tưởng khi ông chủ tịch Viện Quốc ước đặt vòng hoa công dân lên đầu Labertèche sau khi người này đã bị chém bốn mươi mốt nhát gươm ở trận Jemmapes và được Chénier hết sức tâng bốc, như thế đã giải quyết được vấn đề ư? Hài kịch và trò hề. Đáng tiếc là các anh chẳng nhìn đến Paris! Các anh đi tìm nguy cơ tận đâu đâu khi nó ở ngay sát nách. Bộ máy cảnh sát của anh được tích sự gì. Robespierre! Đúng là các anh có tình báo riêng, Payan ở Công xã, Coffinhal ở Tòa án cách mạng, David ở Ủy ban an ninh công cộng, Couthon ở Ủy ban cứu quốc. Tôi biết rất rõ. Này, các anh nên biết: nguy cơ ở ngay trên đầu các anh, nguy cơ ở ngay dưới chân các anh; người ta đang mưu phản, mưu phản, mưu phản! Người ngoài phố đọc bảo cho nhau nghe và gật đầu ra hiệu với nhau; sáu nghìn người không có thẻ công dân, bọn lưu vong trở về, bọn bảo hoàng lén lút trong các hầm rượu, các gác xép, trong các dãy hành lang gỗ ở Hoàng cung; người ta nối đuôi ở các cửa hàng bánh; các bà nội trợ đứng trên bậc cửa chắp tay lại và nói: Bao giờ mới được yên vui? Các anh tha hồ rủ nhau đóng kín cửa ngồi trong phòng của Hội đồng chấp chính, các anh nói với nhau những gì trong đó, người ngoài đều biết cả; và, chứng cớ, Robespierre, đây là những lời anh nói tối hôm qua với Saint-Just: “Barbaroux đã bắt đầu phệ bụng, coi bộ khạng nạng khó chạy trốn đó”. Vâng, nguy cơ ở khắp nơi, nhất là ở nơi trung tâm này, ở Paris. Bọn thống trị trước đây đang mưu đồ làm loạn, những người yêu nước đi chân không, bọn quý tộc bị bắt hôm 9 tháng 3 đã được thả ra hết, những con ngựa sang trọng đáng lẽ phải đi kéo pháo ở biên giới thì lại đang làm bắn bùn lên người ta trên các đường phố, chiếc bánh bốn bảng giá ba quan mười hai xu, các rạp diễn những vở đồi bại, và nay mai, Robespierre sẽ đưa Danton lên máy chém. — Úi chà! - Danton đáp. Robespierre vẫn nhìn chăm chú vào bản đồ. Bỗng Marat kêu lên: — Bây giờ phải có một tay độc tài. Robespierre, anh biết là tôi muốn có một tay độc tài. Robespierre ngẩng đầu lên: — Tôi biết, Marat, anh hoặc tôi. — Tôi hoặc anh - Marat đáp lại. Danton làu bàu trong miệng: — Độc tài! Cứ thử xem! Đôi lông mày của Danton nhíu lại. Marat tiếp: — Nào, hãy cố gắng một lần cuối cùng. Chúng ta hãy thỏa thuận với nhau. Tình thế đòi hỏi như vậy. Chúng ta chẳng đã đồng ý với nhau về ngày 31 tháng 5 đó sao? Vấn đề toàn cục quan trọng hơn vấn đề Girondin, phe phái chỉ là một chuyện nhỏ. Các anh cũng đã nói lên sự thật; nhưng sự thật, tất cả sự thật, sự thật thật sự là điều tôi nói. Ở miền nam, phái liên hiệp; ở miền tây, phái bảo hoàng; ở Paris có cuộc đọ sức giữa Viện Quốc ước và Công xã; ở biên giới, Custine lui quân và Dumouriez phản bội. Như thế là cái gì? Ba bè bảy mảng. Chúng ta cần gì? Thống nhất. Lối thoát là ở đó, mà phải gấp rút lên. Paris phải nắm lấy chính quyền cách mạng. Nếu chúng ta chậm một giờ, ngày mai bọn Vendée sẽ chiếm Orléans, bọn Phổ sẽ chiếm Paris. Tôi xin đồng tình với anh điều này, Danton, tôi xin nhượng bộ anh điều kia, Robespierre. Được. Nhưng kết luận là phải chuyên chính. Chúng ta nắm lấy chuyên chính, ba chúng ta sẽ đại diện chính quyền cách mạng. Chúng ta là ba cái đầu của con Cerbère[84]. Trong đó, cái đầu để ăn nói là anh, Robespierre; còn cái đầu để gầm thét là anh, Danton… — Còn cái đầu để cắn là anh, Marat - Danton nói. — Cả ba cái đều cắn - Robespierre tiếp. Một lát im lặng. Rồi cuộc đối thoại trở lại toàn một giọng gầm gừ ám muội. — Này, Marat, trước khi kết nghĩa thì phải hiểu nhau đã. Thế nào mà anh biết câu tôi nói hôm qua với Saint-Just? — Robespierre, đó là việc riêng của tôi. — Marat! — Đó là nhiệm vụ tôi phải tìm hiểu, và đó là việc tôi phải biết. — Marat! — Tôi thích biết. — Marat! — Robespierre, tôi biết anh nói gì với Saint-Just cũng như tôi biết Danton nói gì với Lacroix; cũng như tôi biết được việc gì đã xảy ra ở bến tàu Théatins, ở khách sạn Labriffe, cái ổ tiên nữ lưu vong; cũng như tôi biết việc gì xảy ra ở nhà Thilles gần Gonesse, bây giờ là nhà của Valmerange, nguyên giám đốc bưu chính, trước kia Maury và Cazalès hay lui tới đấy, từ hồi đó đến nay thì có Sieyès và Vergniaud, và bây giờ thì người ta đi lại mỗi tuần một lần. Khi nói đến tiếng người ta, Marat nhìn Danton. Danton kêu lên: — Nếu tôi có đôi chút quyền hành thì sẽ biết! Marat tiếp: — Robespierre, tôi biết anh nói gì cũng như tôi biết ở tháp Temple họ đã nuôi béo tên vua Louis XVI đến nỗi chỉ trong tháng chín mà con sói đực, con sói cái và bầy sói con đã ngốn hết tám mươi sáu giỏ đào. Trong khi đó, dân chúng nhịn đói. Tôi biết việc đó cũng như tôi biết Roland được giấu trong một gian nhà ngảnh ra sân sau ở phố Harpe; cũng như tôi biết sáu trăm ngọn mác ngày 14 tháng 7 là do bác thợ khóa của hầu tước Orléans, tên là Faure, làm ra; cũng như tôi biết người ta làm gì ở nhà mụ Saint-Hilaire, tình nhân của Sillery; những ngày có khiêu vũ, chính lão Sillery tự tay lấy phấn cọ sàn phòng tiếp khách màu vàng ở phố Neuve-des-Mathurins; Buzot và Kersaint đã ăn uống ở đó. Saladin ăn ở đó ngày 27, và ăn với ai, Robespierre? Với bạn anh là Lasource. — Ba hoa! Lasource đâu phải là bạn tôi - Robespierre lẩm bẩm, rồi vừa ngẫm nghĩ vừa tiếp - Hiện nay ở Luân Đôn có mười tám xưởng làm tín phiếu giả. Marat tiếp tục nói, giọng bình tĩnh, nhưng hơi rung một cách ghê rợn: — Các anh là nhóm yếu nhân. Vâng, tôi biết tất cả, cả những điều mà Saint-Just gọi là bí mật quốc gia… Marat lấy giọng nhấn mạnh vào mấy chữ ấy, nhìn Robespierre và nói tiếp: — Tôi biết người ta nói những gì ở bàn tiệc của anh những ngày mà Lebas mời David đến thưởng thức bữa ăn do vợ chưa cưới của anh ta là Elisabeth Duplay nấu nướng, cô em dâu tương lai của anh đấy, Robespierre. Tôi là con mắt rộng lớn của nhân dân, và từ trong hầm nhà của tôi, tôi nhìn khắp nơi. Vâng, tôi thấy, vâng, tôi nghe, vâng, tôi biết. Các anh hài lòng với những cái lặt vặt. Các anh tâng bốc nhau. Robespierre thích được phu nhân Chalabre - con gái lão hầu tước Chalabre - ca ngợi, lão Chalabre là người đã từng đánh bài với Louis XVI tối hôm xử tử tướng Damiens. Vâng, người ta tự hào lắm. Saint-Just đi đâu cũng cà-vạt. Legendre đĩnh đạc; nào áo mới, gi-lê trắng, ngực giắt đăng-ten để cho người ta quên cái tạp-dề ngày trước của anh ta. Robespierre đã tưởng đến chuyện để cho người đời sau biết anh mang một chiếc áo lễ xanh màu ô-liu ở Quốc hội lập hiến và mang một chiếc áo xanh da trời ở Viện Quốc ước. Anh treo chân dung anh lên khắp các tường trong phòng ngủ… Robespierre ngắt lời với một giọng bình tĩnh hơn giọng Marat: — Còn anh, Marat, chân dung anh thì cống rãnh nào cũng có. Rồi họ lại tiếp tục với một giọng như là trò chuyện nhưng càng chậm rãi thì lời đối đáp càng gay gắt và pha vào đủ giọng châm biếm lẫn hăm dọa. — Robespierre, anh đã mệnh danh những người muốn đánh đổ chế độ quân chủ là những Don Quichotte của nhân loại. — Còn anh, Marat, sau ngày 4 tháng 8, trong báo Bạn dân số 559, à, tôi nhớ rõ con số mới hay chứ, anh đòi trả lại tất cả tước vị cho bọn quý tộc. Anh đã nói: Một quận công lúc nào cũng vẫn là một quận công. — Robespierre, trong phiên họp ngày 7 tháng 12, anh đã bênh vực mụ Roland chống lại Viard. — Cũng như anh tôi đã bênh vực anh, khi người ta công kích anh ở câu lạc bộ Jacobin. Cái đó chứng tỏ gì? Chẳng gì cả. — Robespierre, người ta biết rõ cái phòng trong điện Tuileries, nơi anh đã nói với Garard: Tôi đã mệt với cách mạng rồi. — Marat, chính ở đây, trong quán này, ngày 29 tháng 10 anh đã ôm hôn Barbaroux. — Robespierre, anh đã nói với Buzot: Nền cộng hòa là cái gì vậy nhỉ? — Marat, chính trong quán này anh đã thết tiệc ba tay người Marseille. — Robespierre, anh dùng một tay khuân vác ở chợ cầm gậy đi hộ vệ anh. — Còn anh, Marat, trước hôm 10 tháng 8, anh đã nhờ Buzot giúp anh trá hình làm người đánh xe ngựa để trốn xuống Marseille. — Robespierre, trong những phiên tòa tháng chín, anh đã lánh mặt. — Marat, còn anh, anh đã vác mặt ra. — Robespierre, anh đã vứt xuống đất chiếc mũ đỏ. — Đúng, khi một tên phản bội đội nó. Cái gì trang điểm cho Dumouriez thì làm nhục Robespierre. — Robespierre, anh đã không cho lấy vải chụp đầu tên Louis XVI lại khi đội quân của Chateauvieux đi qua. — Tôi đã làm quá việc chụp đầu, tôi đã chặt đầu nó. Danton nói chen vào, như lửa đổ thêm dầu: — Robespierre, Marat, các anh bình tĩnh. Marat không thích tên mình bị gọi sau tên người khác. Ông ta ngoảnh lại: — Việc gì đến anh, Danton? """