"
Chiếc Bảo Ấn Cuối Cùng - Lê Văn Lân full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chiếc Bảo Ấn Cuối Cùng - Lê Văn Lân full mobi pdf epub azw3 [Lịch Sử]
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : CHIẾC BẢO ẤN CUỐI CÙNG
Tác giả : LÊ VĂN LÂN
------------------------
Nguồn sách : Sadec (TVE-U4)
Đánh máy : Kim Ho, Laithuylinh, Thuong Nguyen, bhp, dacxeru, Meo_beo_123, Khongtennao, thuantran46, little_lion
Kiểm tra chính tả : anfat3, Lê Anh Tuấn, Trần Khang, Dương Văn Nghĩa, Vũ Minh Anh
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 10/10/2019
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN LÂN
đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
MỤC LỤC
CHIẾC BẢO ẤN CUỐI CÙNG
LỜI CẢM TẠ CỦA NGƯỜI VIẾT
THAY LỜI MỞ : NHẶT LÁ VÀNG XƯA
BÀI I : CHUYỆN THỜI SỰ BÊN LỀ ẤN KIẾM CỦA CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI
1) Nguyễn đi thì Nguyễn lại về
2) Ý kiến của thứ phi Mộng Điệp
3) Ấn kiếm và lễ đăng quang của vua Bảo Đại 4) Lời ong tiếng ve đồn đãi
5) Chi tiết về thanh bảo kiếm của Cựu Hoàng
BÀI II : KHÁI QUÁT VỀ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA ẤN TRIỆN CỦA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM
1) Ấn triện là gì ?
2) Giá trị biểu tượng thiêng liêng
3) Chất liệu làm ấn triện
4) Nuốm và đế : hai phần cơ bản của một chiếc ấn 5) Chữ Triện là gì ?
6) Các qui cách khác
7) Thú chơi ấn triện ngày xưa của văn nhân tài tử 8) Ngàn vàng dễ kiếm, triện xưa khó tìm
BÀI III : HOÀNG ĐẾ CHI BỬU CHIẾC ẤN CUỐI CÙNG TRIỀU NGUYỄN ?
1) Giọt nước mắt của vị hoàng thân
2) Thế nhưng… Quo Vadis ! Ấn này đang thất lạc về đâu ? 3) Có chăng chuyện Châu về Hợp phố ?
4) Bốn ngàn năm văn hiến !
5) Vài chi tiết về chiếc ấn « Hoàng đế chi bửu » 6) Bản kiểm kê của Chính Quyền nhân dân cách mạng 7) Bản chất trọng nghĩa khinh tài của vua Bảo Đại 8) Bàn tay vơ vét của Pháp thực dân
BÀI IV : VUA MINH MẠNG VÀ NHỮNG CHIẾC ẤN NGỰ DỤNG
1) Triều vua có nhiều cải tổ !
2) Các Bảo ấn ngự dụng cất ở đâu và sử dụng thế nào ? 3) Có phước lớn mới nhìn thấy ấn vua !
4) Vài chi tiết về chiếc « Sắc Mạng chi bửu »
5) Những bằng sắc có dấu ấn « Sắc Mạng chi bửu » 6) Vua Minh Mạng là vị vua thế nào ?
7) Chuyện « Trụ tam đợi như các mệ » ở Huế xưa ! 8) Chức năng của nhiều ấn mới cho nhu cầu
9) Đóng dấu đè lên niên hiệu của Vua phải tội bất kính ! 10) Kỷ niệm cung đình về chiếc ấn vua
11) Khi ông vua đã mất quyền năng
BÀI V : NHỮNG CHIẾC ẤN QUAN NHA VÀ TƯ NHÂN DƯỚI TRIỀU NGUYỄN
1) Những danh từ mới cho các ngạch Quan cai trị 2) Thể thức dùng triện cho các quan
3) Hình xử bá đao tùng xẻo cho kẻ làm ấn giả 4) Ấn của tư nhân ta và tầu khác nhau thế nào ? 5) Những hình ấn trang hoàng
BÀI VI : TẤM VÁY VIỆT NAM HAY TỜ CHIẾU NHÀ VUA VỚI MỘT CÂU CA XỨ BẮC
1) Nhà vua cấm váy
2) Y phục Việt nam được vua các triều đại sửa đổi như thế nào ?
3) Nụ cười của hạng cùng dân
4) Lịch sử Váy Xống Việt Nam
5) Mặc quần… phải mất một con trâu
6) Nhà không chái, Đái không ngồi, Nồi không quai
BÀI VII : CHIẾC NGỌC TỈ VÀ CHIẾC ẤN VÀNG MANG QUỐC HIỆU ĐẠI-NAM
1) Hai hình ảnh trái ngược
2) Ấn tín tạo đúc dưới đời Thiệu trị với quốc hiệu Đại nam 3) Tại sao có hai chữ Đại nam như khắc trên ấn ? 4) Chi tiết về chiếc « Đại Nam Hoàng đế chi tỉ »
5) Chiếc « Đại Nam Hoàng đế chi tỉ » làm bằng loại ngọc gì ?
6) Chiếc ấn vàng này từng đem lại những mùa Xuân
BÀI VIII : BÀI HỌC LÀM CHƯ HẦU : VIỆT-NAM QUỐC VƯƠNG CHI ẤN
1) Một khúc quẹo bất ngờ
2) Tây dương hất cẳng Thiên triều
3) Ấn bạc mạ vàng với nuốm hình lạc đà
4) Cống sứ nhưng vẫn độc lập
5) Bễ thụt ở Toà Khâm sứ Pháp
6) Nam quốc sơn hà, Nam đế cư !
7) Ta có tiền lệ trả ấn lại cho Tầu không ?
8) Hành động áp bức hống hách của Pháp thực dân 9) Nhờ Pháp… tôi mới thấy giang sơn của tôi ! BÀI IX : NỖI LÒNG CỦA VỊ HOÀNG ĐẾ SAU CÙNG 1) Một sự xuống cấp thê thảm
Ô
2) Ông từ giữ chùa
3) Tờ thỏa hiệp thư ép buộc của Pháp
4) Viện Dân Biểu Gật
5) Nhà vua trẻ đã hành động ra sao ?
6) Thế nhưng rồi…
BÀI X : CHIẾC « ẤN TRUYỀN QUỐC » CỦA NHÀ NGUYỄN BẨY NỔI BA CHÌM VỚI NƯỚC NON
1) Giấc mộng truyền ngôi vĩnh viễn của các chúa Nguyễn 2) Những con người hậu duệ muốn noi gương
3) Huyền thoại về chiếc ấn truyền quốc của Tần thủy hoàng
4) Huyền thoại về chiếc ấn truyền quốc của nhà Nguyễn 5) Mất hay còn ?
6) Đại Nam thực lục đã viết thế nào ?
7) Ấn truyền quốc này có giao cho Bá đa lộc không ? 8) Ấn này hiện ở đâu ?
VÀI SUY TƯỞNG THAY LỜI KẾT
PHỤ LỤC A : KỸ THUẬT, NGHỆ THUẬT, THÚ CHƠI TRIỆN
1) Tìm hiểu về Ấn đúc
a) Những chiếc ấn đồng Hậu chu tiên khởi
b) Khuôn cát cốt sáp
c) Những tay thợ khéo của Kinh đô Huế xưa
2) Tìm hiểu về Ấn khắc
a) Cương độ của loài khoáng thạch
b) Đá và ngọc dùng để khắc ấn triện
3) Hột xoàn và bảo thạch ở Việt Nam có từ đâu ? 4) Phụ tùng quanh những ấn triện
) g q g
5) Ngược dòng tìm nguồn gốc chữ Triện
6) Lạc vào khu rừng của đường nét
7) Thiên biến vạn hóa của văn tự
8) Những cơn chuyển mình lịch sử
9) Những trường phái điêu khắc về ấn triện
10) Kỷ niệm xưa về bàn tay người thợ khắc
11) Phải chăng « Gỗ đá còn trơ gỗ đá thôi » ? 12) Con mắt của Thưởng Giám gia
13) Bốn điều cần đạt cho một nghệ nhân
14) Nghệ thuật trói voi bỏ vào rọ
15) Tinh diệu của những thế đao pháp
16) Triết lý của cổ nhân Đông Phương : Yêu Nhàn ! PHỤ LỤC B : GIAI THOẠI VÀ DÃ SỬ VỀ ẤN TRIỆN 1) Có con voi nầy làm chứng !
2) Tìm hiểu nguồn gốc vài danh từ về ấn triện 3) Triết tự chữ « Ấn »
4) Ý nghĩa của chiếc ấn qua hình thức một món quà tặng 5) Chuyện bà mẹ trẻ nằm mơ thấy ấn
6) Khi về đeo quả ấn vàng…
PHỤ LỤC C : MỘT LỜI VÂNG TẠC ĐÁ VÀNG 1) Một bức thư quí giá
2) Về đá khắc ngọc
3) Về hình dáng của ấn
4) Về các ngự ấn của nhà Thanh
5) Về văn liệu liên quan đến ấn
PHỤ LỤC D : CÁI ĐẸP CỦA CHỮ NHO (Viết để tưởng nhớ phụ thân)
MẤY LỜI MONG ƯỚC
MẨU TIN TỔNG HỢP CHÓT ĐẦY Ý NGHĨA TÀI-LIỆU THAM-KHẢO
1) Ngoại ngữ
2) Việt ngữ
CHIẾC BẢO ẤN CUỐI CÙNG LÊ VĂN LÂN
LỜI CẢM TẠ CỦA NGƯỜI VIẾT
« Không thầy đố mày làm nên » Ông bà Việt nam mình quen nói thế !
Rốt cuộc tập bút khảo này đã thành hình, dù là người viết đã cố gắng chăm chút sửa chữa nhưng vẫn còn luộm thuộm với nhiều lỗi lầm và nhiều điều sai sót. Sự thành hình này tôi phải thành thật nói là nhờ công ơn của nhiều « vị thầy bằng hữu ».
Qua nhiều bài viết hay tác phẩm giá trị của họ, hay qua những chi tiết lý thú cung cấp trong sự đàm thoại hoặc qua những hình ảnh lịch sử hiếm của riêng đã cho mượn, v.v… những người này đã khiến cho những trang sách của tôi không còn tính khô khan, cứng ngắc vô hồn của một bài biên khảo nhạt nhẽo mà lại trở nên dồi dào phong phú, sống động, đầy hơi hướm hương vị của một trời quá vãng…
Người viết mượn trang giấy hẹp này để tri ân các vị học giả, nhà văn sau :
Tiến sĩ Thái văn Kiểm, Hoàng Liên Nguyễn văn Đài, Nguyên Hương Nguyễn Cúc, Phạm Thăng, Trúc Chi Tôn thất Kỳ, Võ Hương An, Võ Phiến, Hứa Hoành, Nguyễn đức Hiển, Trọng Kim. Lời cảm tạ cũng xin gởi đến ông Nguyễn Hòa tại thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ, luật sư Lê chí Thảo, giáo sư và bà Phạm ngọc Hương ở Washington D.C., các bác sĩ Tôn thất Niệm, Võ văn Tùng, Bùi Minh Đức ở California, Tôn thất Thận ở Montréal, Canada.
Người viết cũng xin gởi tới các bạn trẻ Nguyễn thành Tâm và Hàng kỳ Hòa của tuần báo Làng ở Sacramento, California lời cảm ơn riêng về sự đảm trách chủ chốt trong công việc ấn loát, xuất bản tập sách này.
Thương tặng Nhàn
với tình yêu hơn là một người vợ…
Lê văn Lân
THAY LỜI MỞ : NHẶT LÁ VÀNG XƯA
Sống ở đời cũng như lái xe hơi, người lái phải luôn nhìn thẳng phía trước qua kính chắn gió, chứ không chăm chăm nhìn vào kính chiếu hậu.
Đúng ! Tuy nhiên, liếc nhìn kính chiếu hậu đôi khi lại cần thiết.
Ngoái nhìn về quá khứ thường mang tiếng là hoài cổ, là tiếc nuối dĩ vãng… nhưng ai dám nói cái nhìn này vô bổ, nhất là nhìn với chủ đích « ôn cũ biết mới ». Người ta vẫn nghiệm rằng lịch sử nhân loại thường là những vở tuồng cũ soạn lại với những bài bản và nhân vật mới.
Tập bút khảo này nhắm chủ ý viết về những chiếc ấn triện của triều Nguyễn, một triều đại quân chủ sau cùng của nước Việt nam. Nhưng để làm mối duyên khởi khai mào, tôi chọn cho nó cái tên đầy ý nghĩa là « Chiếc bảo-ấn cuối cùng của Hoàng-đế Việt-Nam », dựa trên những mẩu tin thời sự về sự tạ thế vừa rồi của Cựu Hoàng Bảo Đại tại Pháp (ngày 31 tháng 7, năm 1997) và những lời đồn đãi về chiếc bảo ấn duy nhất còn sót lại trong tay ông. Chiếc bảo ấn này có tên gì ? Hình dáng, kích thước, trọng lượng quí kim của nó ra sao ? Và lý lịch, giá trị và ý nghĩa lịch sử của nó thế nào ? Toàn là những điều mà dân Việt ai cũng tò mò muốn biết !
Nhưng vì chiếc bảo ấn này là chiếc ấn cuối cùng còn xuất hiện, lại nằm trong một tập hợp của nhiều chiếc bảo ấn khác trong kho tàng của triều Nguyễn, nên tôi phải
mượn những trang sách kế tiếp để trình bày lại những điều tôi đã thu góp được liên quan đến toàn bộ những ấn triện của nhà Nguyễn này. Đặc biệt gợi lại vai trò của vài chiếc ấn quan trọng tiêu biểu liên quan đến những biến cố lịch sử của nước ta trong thời cận kim. Và ở cuối sách, tôi viết thêm một phần đặc khảo phụ lục giới thiệu về kỹ thuật, nghệ thuật, cùng những giai thoại dã sử liên quan đến ấn triện Trung hoa nói chung để trình bầy những điều lý thú của ngành ấn chương học. Tôi nghĩ rằng phần đặc khảo này sẽ giúp những bạn trong giới văn chương nghệ thuật Việt nam hiện nay hiểu thế nào là thú chơi ấn đã từng làm cổ nhân say mê như chơi đồ cổ ngoạn vậy.
Những chiếc ấn triện ngày xưa thường là những món cổ vật đầy tính chất biểu tượng đã được đúc ra với những công dụng, chức năng đặc biệt riêng. Người ta có thể nói rằng mỗi chiếc ấn có một đời sống, một số mệnh riêng tùy theo chủ nhân của nó là một cá nhân, một thế tộc, một triều đại, một quốc gia…
Nghiên cứu và suy gẫm về những chiếc ấn của triều Nguyễn trên phương diện lịch sử và văn hóa chắc chắn sẽ hé lộ cho chúng ta nhiều cái nhìn lý thú và bổ ích để ta hiểu ta, hiểu người ; để nhìn lại thế nào là những bài học về thiên thời, địa lợi, nhân hòa…
Cầm những chiếc cổ ấn lên xem với con mắt thưởng ngoạn, kẻ hậu sinh sẽ bồi hồi và cực kỳ hoan lạc nếu hiểu được những tâm tình, tư tưởng và triết lý sống mà người xưa đã muốn mượn mặt đá và dao khắc gởi gấm vào !
« Ai ơi ! trở lại mùa thu cũ,
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng ».
Viết tập bút khảo này, tôi chỉ xin đóng vai trò một kẻ góp nhặt những chiếc lá vàng dĩ vãng để rồi trân trọng ép chúng trên những trang ký ức của đời.
Tôi thành khẩn xin quí bạn hãy đốt dùm tôi một cây nến để đọc và để chỉ giáo hay bổ khuyết cho những sơ sót, sai lầm của tôi. Thật là muôn vàn cảm tạ.
Lê Văn Lân
Mạnh Thu – năm Đinh Sửu
BÀI I : CHUYỆN THỜI SỰ BÊN LỀ ẤN KIẾM CỦA CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI
1) Nguyễn đi thì Nguyễn lại về
Tin tức hàng đầu đối với người Việt ở khắp nơi trong tháng tám năm 1997 là sự tạ thế của Cựu Hoàng Bảo Đại ở Pháp. Bên cạnh sự chú ý tò mò về nghi thức tang lễ của vị hoàng đế Việt nam cuối cùng này với những mẩu chi tiết về đời tư của ông lúc sinh tiền, người ta cũng quan tâm đến hai món bảo vật của ông : đó là chiếc ấn và thanh kiếm vàng tượng trưng cho vương quyền của Nguyễn triều.
Hai món vật báu này bây giờ ở đâu ?
Trong tay bà Monique Baudot người Pháp ? Nhân vật hàng đầu này thường vẫn được báo chí Việt ngữ quen gọi là vương phi hay là bà vẫn tự xưng là Công Nương Vĩnh Thụy mà Cựu Hoàng đã chính thức tái hôn sau khi Nam Phương Hoàng Hậu đã mất ở Pháp vào năm 1963.
Hoặc là ấn kiếm đã ở trong tay Hoàng Tử Bảo Long ? Bảo Long, năm nay 62 tuổi, là Đông cung Thái tử tức là người con trai cả của Cựu hoàng với bà Nam Phương cùng với một hoàng tử và ba công chúa khác là Bảo Thắng (sanh 1943), Phương Mai (sanh 1937), Phương Liên (sanh 1938), Phương Dung (sanh 1942). Bảo Long làm đại tá trong quân đội Pháp. Người ta đồn đãi rằng giữa bà vương phi Monique (có báo gọi là Monica) và các con của bà Nam Phương có một sự bất hòa, tranh chấp trầm trọng trên vấn đề thừa kế đương nhiên không tránh được, nên đã nảy ra những điều
lủng củng trong vấn đề tổ chức tang lễ của Cựu Hoàng. Trên đây toàn là những lời đồn đãi bàn ra tán rộng được đăng tải rải rác trên báo chương, loại tin « nghe nói » bên lề, hư thực và mâu thuẫn ra sao, khó kiểm chứng !
Nhân đọc lại cuốn sách « Những ngày cuối cùng của Tổng thống Ngô-đình Diệm », chúng ta thấy tác giả Hoàng Ngọc Thành và Thân thị Nhân Đức có nhắc đến sự lưu lạc của hai món bảo vật ấn kiếm, sau khi Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị ngày 25 tháng 8 năm 1945 trên cửa Ngọ Môn kinh thành Huế đã trao ấn kiếm cho đại diện của Việt Minh là Trần Huy Liệu như sau (trang 28) :
« …Phái đoàn chính phủ Hồ Chí Minh lấy ấn kiếm này đưa ra Hà Nội. Sau khi chiến tranh bùng nổ cuối năm 1946, quân đội Pháp tình cờ tìm thấy ấn kiếm nầy tại một căn nhà mà họ đang tu bổ tại Hà Đông năm 1951. Cái ấn bằng vàng, có chạm trổ, nặng đến 13 cân, tức độ 6 Kg 9, còn cái kiếm cũng bằng vàng. Người Pháp làm lễ trao lại hai vật này cho ông Bảo Đại trong một buổi lễ ngày 8 tháng 3, 1952 (Theo sách L’aventure de Vietminh của Jacques Massu và Jean Julien Fonde do Plon xuất bản tại Paris 1980, trang 83).
« Nay chúng tôi được biết rằng sau nầy ấn kiếm được gởi vào két sắt của Liên Hiệp Ngân Hàng Âu Châu (Union des Banques européeness) tại Paris. Năm 1993, một nhà báo đã chụp được bức ảnh Bảo Đại và vợ Pháp Monique Boudot ngồi trước bảo ấn bằng vàng này. Thanh gươm vàng đã xuất hiện tại cuộc triển lãm tại Paris về Việt nam hồi đầu
năm 1995. Cả thanh gươm và bảo ấn do vua Gia long đúc năm 1804, đều là tài sản của dân tộc Việt nam… »
Về bức ảnh đặc biệt chụp vua Bảo Đại và bà Monique ngồi trước bảo ấn, thì tôi có may mắn lớn nhìn được một phóng ảnh mầu khổ 8 x 7.5 inches (Ảnh của học giả Thái văn Kiểm tặng cho họa sĩ Phạm Thăng).
Theo sự tra cứu của tôi, sẽ nói tỉ mỉ ở sau, thì thời điểm chiếc ấn được đúc không phải triều vua Gia Long vào năm 1804 mà xác thực là vào năm Minh Mạng thứ tư (1823).
Về những chi tiết trên sự kiện ấn kiếm bị rơi vào tay Việt Minh rồi lại được trở lại với vua Bảo Đại, có người lại thêm thắt kể rằng nơi chôn dấu là bức tường của một ngôi chùa cổ ngoài Bắc mà lính commando Pháp đi hành quân tình cờ phá ra bắt được, rồi đem về cho tướng chỉ huy Pháp là De Linarès, sau đó trình lên tướng De Lattre để trao lại cho vua Bảo đại hồi 1951. Người Pháp bấy giờ muốn đánh lá bài « giải pháp Bảo Đại » bèn giao trả cho Cựu Hoàng cùng với lời loan truyền đánh về mặt tâm lý chiến với quần chúng là « Nguyễn đi thì Nguyễn lại về » nên ấn kiếm như « châu về Hợp Phố » trở lại tay Ngài khi Ngài hồi loan ! Về buồi lễ trả ấn kiếm, tờ báo Paris Match đã dành một số đặc biệt tường thuật với nhiều hình ảnh đáng nhớ.
2) Ý kiến của thứ phi Mộng Điệp
Lại đặc biệt có bài viết trên tờ báo Lao Động số ra ngày 8 tháng 12 năm 1996 ở Sàigòn của Nguyễn đắc Xuân phỏng vấn trực tiếp bà Mộng Điệp thứ phi của Cựu Hoàng Bảo Đại
về hai món ấn kiếm này (Bài này được tờ Người Việt tự do ở Cali trích đăng lại).
Sau đây là những điều tóm lược đáng chú ý về bài báo :
Bà Mộng Điệp kể rằng ấn kiếm được chôn dấu trong một thùng thiếc dầu hỏa đã bị rỉ sét khi được giao trả, nên một vị nhân sĩ Huế có tiếng là Lê thanh Cảnh gọi điện thoại cho bà nhận sau khi chùi rửa kỹ rồi đem lên Bamêthuôt. Sau đó, bà Mộng Điệp mời bà Từ cung-mẹ của Cựu Hoàng ở Huế lên nhận diện những món này. Đức Từ đã dặn dò rất kỹ về nghi thức cung nghinh báu vật ở phi trường như phủ chúng bằng khăn đỏ, lập hương án và lạy năm lạy để rước về (theo lệ thì người sống lạy 2 lạy, lạy bàn thờ ông bà thì bốn lạy, còn 5 lạy là dành cho vua). Cũng theo đức Từ, ngày xưa khi một vị vua băng hà, thì bốn vị đại thần Tứ trụ vào điện Càn thành rước ấn kiếm ra để vị vua kế vị lạy xong rồi mới lên ngôi. Theo sự tra cứu của tôi từ sách « Cố đô Huế – Lịch sử, Cổ tích, Thắng cảnh » của Thái văn Kiểm, điện Càn thành xưa là nơi vua ở nằm sau điện Cần Chánh, nó thuộc Tử Cấm thành với điện Quang Minh trước là nơi Đông cung Hoàng tử ở, điện Trinh Minh là nơi ở của các bà Phi, viện Thuận Huy của các bà Tần và năm viện là Đoan Thuận, Đoan Hòa, Đoan Huy, Đoan Trang, Đoan Tường là chỗ ở của các Cung Nhơn. Nên về sự kiện chiếc ấn kia để trong điện Càn thành, tôi không biết có sự nói lầm hay nghe lầm giữa người đối thoại vì sự phát âm Càn thành và Cần chánh rất gần nhau chăng ?
Theo giáo sư Bửu Kế trong cuốn Chuyện Triều Nguyễn cũng như ông Phạm khắc Hòe, cựu Tổng lý Ngự Tiền Văn
phòng của vua Bảo Đại hồi trước tháng 8 1945 thì những món bảo vật của Triều đình Huế được cất trong điện Cần Chánh (có nói rõ là trong một cái hầm lớn dưới mái sau của điện này) như các thứ ấn ngọc, ấn vàng, kim sách, ngân sách, bửu tỷ, kim bài, phù tín… Ngoài ra còn có những sắc bằng của vua nhà Thanh phong cho vua Gia long, bộ Ngọc diệp, thanh kiếm của vua Gia Long cán bằng sừng tê giác và nhiều vật quí giá khác. Hằng năm vào hạ tuần tháng chạp ta, Nội các chọn ngày lành rồi tâu lên vua để tổ chức lễ Phất thức để cho các quan mặc áo rộng xanh, dùng hương thủy (nước nấu với hoa thơm) để rửa các khuôn ấn và lau bằng khăn đỏ, xong lại bỏ vào những trắp tôn trí trong những cái tủ cẩn chạm trổ như trước, ngoài dán con niêm bằng lụa trên đóng dấu có hai chữ « hoàng phong ». Những chi tiết tỉ mỉ trân trọng nói trên chứng tỏ ngày xưa người ta cực kỳ tôn quí những chiếc ấn biết chừng nào.
3) Ấn kiếm và lễ đăng quang của vua Bảo Đại Tôi nghĩ có thể đức Từ cung, với tước hiệu Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, đã nhớ chính xác về chuyện xa xưa mà muốn nhắc đến tên điện Cần Chánh hơn là Càn thành vì chính bản thân bà dự lễ đăng quang của vua Bảo Đại ngay đúng tại địa điểm trên vào ngày 24 tháng 3 năm 1934 như lời tường thuật của ông Pierre Daudin, tác giả cuốn Sigillographie sino-annamite dựa trên báo chí địa phương đương thời :
« Sáng hôm đó, buổi lễ đăng quang của vị Hoàng đế trẻ đã diễn ra theo đúng với nghi thức cổ truyền trong khung
cảnh cực kỳ long trọng uy nghiêm của cung điện cổ xưa của cố đô Huế.
« Từ sáng sớm, hai vị đại thần khâm mạng đã vào điện Cần Chánh để lãnh nhận những món biểu tượng vương quyền. Xong rồi dẫn đầu một đám rước có nhạc bát âm và cờ biển nghi vệ, hai ông lại cùng với những người tùy tùng bưng khuôn bửu ấn và kim sách chứa tờ sắc phong tức vị di chuyển đến điện Thái bình lâu, nơi đây Đức bà Hoàng Thái Hậu (tức là Đức Từ Cung) đứng chờ, vận triều nghi thoải mái và kỳ xúng với một bộ y trang lễ phục lộng lẫy, gồm áo thụng dài tay rộng bằng gấm vóc màu vàng và một chiếc mão gắn vàng và ngọc quí.
« Khuôn bửu ấn và kim sách – biểu tượng vương quyền – bấy giờ được đặt trên hai cái bàn phủ lụa vàng ở chính giữa điện. Đức Bà cúi đầu vái ba vái, nhận đón các món trên bằng cách đưa lên ngang mày, và lại vái tạ ân lần nữa. Đức Bà cất khuôn bửu ấn và kim sách, trong khi những vị khâm mạng cùng với đám rước lại rước những cờ biển về lại điện Cần Chánh ».
Nhân nhắc đến tính chất bất ly thân và vai trò tín dụng đặc biệt của những « ấn tín », tôi lại thấy giáo sư Bửu Kế nhắc đến cái « phù tín » được cất ở điện Cần Chánh. Đây là cái tượng hình cọp bằng vàng cắt đôi thành hai mảnh – nên còn gọi là Hổ phù – có công dụng là ban đêm hoặc khi có biến cố gì khiến nhà vua phải rời cung điện sẽ mang theo một nửa, còn nửa kia giao cho kẻ thân tín, sau này trở về gặp nhau ráp lại cho phù hợp để tránh sự giả mạo. Như vậy, cái phù tín này có thể được dùng vào biến cố Thất thủ Kinh
Đô ngày 23 tháng 5 năm Ất dậu khiến vua Hàm Nghi phải xuất bôn ra khỏi kinh thành chăng ? Xem trên, ta thấy ngày xưa vai trò của những cái ấn của vua thật quan trọng trên mặt tượng trưng cho vương quyền. Nhìn vào hiện tại, thân phận của ấn kiếm của vua Bảo Đại đúng là :
« Xưa sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường ».
4) Lời ong tiếng ve đồn đãi
Theo bà thứ phi Mộng điệp kể thì Cựu Hoàng ở Pháp về giao ấn kiếm cho Ông Nguyễn duy Trinh cất giữ trong một két sắt đựng chung với vài món quí khác như là cái mão của vua Gia Long bện bằng tóc tết 9 con rồng nhỏ bằng vàng do bà Từ cung ở Huế đem vô. Sau đó, vua Bảo Đại viết giấy giao cho bà Mộng Điệp đem qua Pháp. Đến 1953, bà này trả cho bà Nam Phương và hoàng tử Bảo Long, có bốn ông phụ bưng cái ấn đặt vào tủ sắt là Nguyễn Đệ, Nguyễn duy Quang (anh ruột của Nguyễn duy Trinh), Nguyễn tiến Lãng, Phạm Bích (con của ô. Phạm Quỳnh). Cũng theo bà Mộng Điệp, Bảo Long đã đem cây kiếm bán đấu giá cho người Pháp, có chụp ảnh với người mua đứng giữa cầm kiếm và hai vợ chồng Bảo Long đứng hai bên (!) Bà Mộng Điệp lại cho rằng cái ấn nghe đâu cũng sẽ bán đấu giá (?)
Lại có nguồn tin rằng ông Bảo Long đã bán 600 món bảo vật của nhà Nguyễn ra ngoài thị trường đồ cổ. (Báo Ngày Nay số 373 ngày 01-09-97)
Câu chuyện loan truyền đồn đãi bên lề quanh hai bảo vật ấn kiếm xin được tóm lược ghi lại như trên, sự thực thế
nào vẫn là điều bí ẩn chỉ trong nội bộ gia quyến hay thân tín mới am tường thôi. Học giả Thái văn Kiểm, là một người trong vòng thân tín của Cựu Hoàng lúc sinh tiền, có lẽ cũng biết nhưng ông chỉ thận trọng nói rằng sự tình theo ông càng lúc càng cực kỳ phức tạp chưa có thể nói ra.
Hoàng tử Bảo Long, con trưởng với địa vị Đông cung Thế tử, theo truyền thống vương quyền V.N. cũ phải là người đầy đủ thẩm quyền thừa kế không những chỉ hai món báu vật ấn kiếm nói trên mà còn nhiều của cải khác chăng ? Hoặc giả là bà vương phi Monique Vĩnh Thụy, người vợ chính thức sau cùng đã ở với vua Bảo Đại trong nhiều năm sau cùng đã là vai trò chủ động, ít nhất là bề ngoài trong nghi thức tang lễ của nhà vua :
« Dù có mặt trong đám tang nhưng các con của Cựu Hoàng Bảo Đại đã chẳng giữ vai trò gì cả và qua lời giáo sư Vũ quốc Thúc, đã đi sau bà Monique vài bước… Những năm chót của cuộc đời, Cựu Hoàng đã sống đạm bạc ở Paris với người vợ Pháp tên Monique Baudot nhưng đi đâu bà này cũng muốn mọi người phải gọi là Công nương Vĩnh Thụy ».
Theo giới sinh hoạt chính trị ở Pháp, bà Monique đã như bức bình phong ngăn chặn mọi tiếp xúc của Cựu Hoàng với mọi thành phần chính trị V.N. muốn tiếp xúc với ông… (« Đám tang Cựu hoàng Bảo Đại như đám ma một ông Tây ! », Trọng Kim, báo Ngày Nay 12 tháng 8, 1997).
Những câu chuyện bên lề kể trên chỉ là chuyện thời sự nhất thời, tuy mới mẻ và mạnh mẽ đập vào sự hiếu kỳ, nhưng chưa đủ tính chất chín chắn, trầm lắng để kết tinh
thành những sự kiện lịch sử. Do đó, hai món bảo vật ấn kiếm của Cựu Hoàng Bảo Đại đang ở trong tay ai ? hoặc đang lưu lạc ở đâu ? Lịch sử chỉ mới đang dở sang một trang mới, chúng ta là những thế nhân đương thời vẫn đang nôn nóng có thái độ chờ coi « hạ hồi phân giải ».
Trong ý hướng tìm tòi biên khảo, tôi nghe nói tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế còn lưu giữ một số hình ảnh hiếm về ấn kiếm vàng mà Cựu Hoàng Bảo Đại trao cho Việt Minh vào ngày thoái vị 25-tháng 8 1945 và về buổi lễ ngày 8 tháng 3 năm 1952 mà Pháp tổ chức tại Hà Nội để trao trả lại cho Quốc trưởng Bảo Đại sau khi tình cờ tìm thấy lại như tôi đã trình bầy ở trên. Qua ông bạn Nguyễn trung Thoại ở Montréal (Canada), tôi được dịp có những bức sao ảnh về : Hình Ngự lâm Quân Việt nam rước ấn và kiếm, các hình chiếc ấn và kiếm mà một ông tên là Phan thanh Hải cung cấp cho ông Phạm mạnh Cương để viết bài « Di tích lịch sử : Bộ Ấn Kiếm Cuối Cùng Của Triều Nguyễn » trong đặc san địa phương « Huế, Một Chút Gì Để Nhớ ».
Cũng trong tinh thần tìm hiểu, qua bài viết về Thời sự : « Đám Tang Jean Robert Vĩnh Thụy Vị Vua Cuối Cùng Việt Nam » (Báo Thế Kỷ 21, số 101, tháng 9.1997), tôi thấy tác giả TS Phạm trọng Chánh cung cấp nhiều chi tiết có ngày tháng đặc biệt sau :
- Về đám cưới : « Những ngày cuối đời cô đơn, ông đã yêu Monica, cô giúp việc, con bà quản gia chung cư. Cô Monica, sinh năm 1946 đã trở thành vợ ông. Đám cưới và lễ rửa tội ngày 17-4-1988 tại nhà thờ Saint Pierre de Chaillot, Cựu Hoàng Bảo Đại trở thành Jean Robert Vĩnh Thụy ».
- Về đám tang : « Không ai đọc được di chúc Cựu Hoàng trong tay Monica. Hội đồng hoàng tộc, ông Ưng Trình và Tiến sĩ Thái văn Kiểm đến, Monica không cho vào. Các công chúa, hoàng tử hay tin cha mất qua báo chí, thì mọi việc đã rồi. Monica đã chuẩn bị hết, từ việc thuê mướn nhà đòn, nghi lễ nhà thờ đến việc chọn nơi chôn cất. Trên báo chí, hai cáo phó riêng biệt, một của Monica và một của Bảo Long, Phương Mai, Phương Liên, Bảo Thắng. Mối xung đột giữa Monica và các con của Hoàng hậu Nam Phương bắt nguồn từ việc sau ngày cưới Monica, bỗng nhiên Cựu Hoàng vác đơn kiện Thái tử Bảo Long để đòi ấn kiếm và chia lại gia tài, vụ án kéo dài cuối cùng tòa xử Bảo Long giữ kiếm và Bảo Đại giữ ấn. Từ nay, chiếc ấn Quốc Bảo Việt nam nặng 12.9 kilô vàng trong tay Monica… »
- Về trọng lượng của chiếc ấn, theo sự tính toán của tôi dựa vào tài liệu riêng, sẽ nói sau, thì không nặng 12 kg 9 mà chỉ nặng 10 kg 534 vàng !
Nguồn tin trên, qua TS Phạm trọng Chánh, phải chăng đã hướng sự chú ý rằng ai là người sau cùng đang giữ chiếc ấn vàng có đúc chữ « Hoàng đế chi bửu » của quốc gia Việt Nam ? Tấm hình chụp Cựu Hoàng và bà Monique ngồi có chiếc ấn vàng để trên bàn trước mặt (không thấy cây kiếm) được đề cập ở trên phải chăng là một bằng chứng cụ thể rằng vụ cha con kiện tụng để chia ấn kiếm là đúng ?
Giá trị chiếc ấn quốc bảo trên như thế nào ? Ngoài khối lượng vàng mười mấy kilo, chiếc ấn trên, cũng như nhiều món báu vật khác của triều Nguyễn, đương nhiên còn mang
nhiều giá trị vô song khác liên quan đến những sự kiện lịch sử văn hóa của nước ta mà tôi xin lần lượt trình bày ở sau.
5) Chi tiết về thanh bảo kiếm của Cựu Hoàng Cuối bài này, tôi thiết tưởng tuy rằng chủ ý chỉ biên khảo đặc biệt riêng về những chiếc ấn của triều Nguyễn mà ấn của vua Bảo Đại là chiếc cuối cùng, nhưng chúng ta cũng nên tìm hiểu vài sự kiện liên quan đến cây kiếm đã đi đôi với ấn. Người ta vẫn lầm tưởng rằng chiếc kiếm được truyền từ vua Gia Long, kỳ thực căn cứ vào giòng chữ khắc trên vỏ kiếm : « Khải định niên chế » thì nó được đúc rèn vào thời vị vua này ở ngôi 1916-1925, nghĩa là kiếm chỉ có số tuổi khoảng 70-80, thua xa số tuổi của ấn đúc vào ngày mồng tư tháng 2 năm Minh Mạng thứ tư hay 1823, nghĩa là 174 tuổi ! Vỏ kiếm có ghi : « Trọng kim tứ lạng thất ngũ phân » nghĩa là trọng lượng vàng là 4 lạng 7 chỉ 5 phân, tức là khoảng 178gr vàng, so với chiếc ấn cũng thua xa vì chiếc ấn làm toàn bằng vàng mười tuổi, nặng 280 lượng 9 chỉ 2 phân (thập thành hoàng kim thập nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân). Chuôi kiếm được nạm ngọc. Hình dáng chung của kiếm rất đẹp. Lưỡi kiếm hình như không phải bằng vàng mà theo ông Cù Huy Cận, dự buổi trao ấn kiếm thoái vị năm 1945, thì lưỡi bằng thép. Điều này có lẽ đúng vì sau này 1952 kiếm được tìm thấy do lính Pháp giao cho ông Lê thanh Cảnh tiếp nhận sơ khởi thì ấn kiếm được chôn trong thùng thiếc dầu hỏa nên lưỡi kiếm rỉ sét bể làm đôi, phải hàn vá lại để không thấy vết gãy.
Cũng xin nói thêm cho đầy đủ là theo ông Thái văn Kiểm, thanh kiếm này cùng với Kim sách được Cựu Hoàng giao cho Thái tử Bảo Long cất tại một ngân hàng ở Paris. Vào tháng tư 1995, Thái tử có cho một cơ quan mượn trưng bày ở Au Bon Marché. Kim sách là cuốn sách vàng của Hoàng tộc trong đó có khắc chạm 11 bài thơ Ngự Chế về Phiên hệ và Đế hệ thi của vua Minh Mạng vào ngày 1 tháng giêng Minh mạng năm thứ tư (11-2-1923)
BÀI THƠ « PHIÊN-HỆ-THI » VỀ NHỮNG HỌ LÓT CHO GIÒNG DÕI HOÀNG TỬ CẢNH
Tăng-Duệ Hoàng-Thái-Tử (Hoàng-trưởng tử của Đức GIA-LONG)
BÀI II : KHÁI QUÁT VỀ Ý NGHĨA VÀ GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA ẤN TRIỆN CỦA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM
1) Ấn triện là gì ?
Đối với thế hệ tân học chúng ta, đại đa số không hiểu tại sao người Trung Hoa và ông bà cựu học Việt nam mình ngày xưa lại dành một sự quí chuộng đặc biệt cho những món nho nhỏ gọi là « ấn triện ». Trong tháng 8 năm 1997 vừa rồi, danh từ « ấn triện » được báo chí Việt ngữ hải ngoại nhắc nhiều đến sau khi Cựu Hoàng Bảo Đại tạ thế bên Pháp. Chiếc ấn của Cựu Hoàng để lại trong mắt kẻ phàm phu bất quá chỉ là một món cổ vật mà cái giá trị nằm nhiều trong cái khối tích nặng hơn 10 cân tây vàng ròng đúc nên nó hơn là cái ý nghĩa về văn hóa và lịch sử của nó.
Vậy để tìm hiểu lại một đặc thù văn hóa dĩ vãng của Cổ Á Đông nói chung và của nước Việt ta nói riêng, chúng ta thử ôn lại vài nét đại cương về Ấn Triện.
Ấn Triện nói chung trên mặt cụ thể thực dụng là những khuôn dấu để in trên những giấy tờ. Nhưng tùy theo những trường hợp hay người sử dụng, chúng có những tên gọi riêng khác nhau như ấn, tín, ký, triện, chương, bảo, tỉ, v.v… Thông thường nhất thì gọi là ấn hay triện như các hàng chức sắc, quan tước vẫn dùng : triện lý trưởng, triện chánh tổng, ấn quan huyện, quan phủ, tổng đốc, tuần vũ, v.v… Nhưng ấn triện của vua thì là gọi là chương, là bửu, là tỉ…
Người thường dân buôn bán giao dịch ký kết giao kèo khế ước, hay thầy thuốc kê đơn thì gọi là ấn ký, hoặc ký tín.
Giới phù thủy, sư, tăng thường cũng dùng ấn triện để viết sớ hay để in bùa bắt tà ma hay trấn áp quỉ mị như bùa Thái thượng Lão quân, Phật tổ, Trương Đạo Lĩnh thiên sư… Áo con nít được in dấu ấn của thầy pháp gọi là « áo dấu ».
Giới văn nhân, thi họa sĩ cũng tự hào sáng chế riêng cho mình những khuôn triện đặc biệt để đóng dưới những thi văn hay họa phẩm đã sáng tác.
Các lò nung đồ sứ như lò Cảnh đức trấn ở Giang tây cũng có dấu triện riêng để đóng vào phần dưới đít của các đồ sứ mà lò sản xuất như là nhãn chứng tránh sự giả mạo.
2) Giá trị biểu tượng thiêng liêng
Ấn triện thường tượng trưng cho chức vị đương nhiệm của một người. Tiếp nhận một chức vị gì thuở xưa quen gọi là tiếp triện và lúc rời bỏ chức đó thì gọi là giải ấn (như trong Truyện Kiều có câu : « Rắp mong giải ấn từ quan » là như thế !) Hằng năm, vào buổi tất niên, các quan nghỉ việc ăn Tết không làm việc ở công đường thì cất ấn vào hộp thì gọi là hạp ấn, để sang tân niên mở ra lại để dùng gọi là khai ấn. Trong triều đình nhà Nguyễn, chức quan phụ trách giữ bảo ấn cho vua gọi là quan Thượng Bảo. Ấn tín trong mắt người xưa còn tượng trưng cho uy quyền của người chủ ấn, người đâu thì ấn theo đó, một vị tướng phải vất ấn tín của mình mà chạy là một sự thất bại nhục nhã vô cùng. Bảo ấn của vua đóng trên các chiếu chỉ thì có hiệu lực như chính ngài đang ngự trị một cách vô hình trên đó, nên làng xã khi
được chiếu sắc vua ban thì phải tổ chức rước sắc và lập hương án đón tiếp với cờ quạt và nhạc bát âm. Cuốn lịch của tòa Khâm thiên giám đóng dấu Kim bảo của vua có công hiệu trừ tà yểm quỉ nên vẫn được dân ta dùng để liệm vào quan tài khi người chết trúng phải giờ xấu, giờ trùng.
3) Chất liệu làm ấn triện
Vật liệu để làm ấn triện có thể làm bằng nhiều thứ : từ loại rẻ tiền như gỗ, xương, đồng… cho đến những thứ quí như ngà, bạc, vàng, ngọc… do đó triện có thể gọi tùy theo chất liệu như mộc triện, đồng triện, ngân triện, kim triện, ngọc triện… Cấp làng xã thường dùng triện gỗ nên dân quen gọi là « đóng mộc », còn dấu ấn bằng vàng hay ngọc của Hoàng đế thì gọi là dấu « kim bảo », hay dấu « ngọc tỉ ». Mộc ấn hay mộc triện thường dễ khắc. Gỗ quen dùng là gỗ cây thị có thớ mịn, không bị nứt. Còn đá thì người ta quen dùng loại dảm-thạch (soap-stone) tương đối có cương độ Mohn thấp dễ chìu theo nét chạm khắc ; còn loại ngọc thạch thì thường dùng loại nhuyễn ngọc (nephrite) tương đối cứng nhưng không dòn dễ mẻ như khi chạm trên ngạnh ngọc (jadeite) có cương độ Mohn cao xấp xỉ kim cương.
4) Nuốm và đế : hai phần cơ bản của một chiếc ấn
Ấn triện thường có hai phần gọi là nuốm và đế :
- Nuốm là phần bên trên để giữ lấy ấn triện khi in xuống giấy. Nuốm thường được đúc hay chạm theo nhiều hình thù thú vật long, ly, qui, điểu… Chỉ có ấn nhà vua mới chọn hình
rồng hoặc kỳ lân, thế rồng có thể là hình rồng nằm cuộn gọi là bàn long, hay bàn ly. Trên phần nuốm, đôi khi có đục lỗ để xuyên giây mà đeo ở thắt lưng.
- Phần đế có mặt triện để khắc chữ : Chữ khắc thường là kiểu chữ « triện », một trong những kiểu thư pháp cổ điển là chân, thảo, triện, lệ… do đó mới phát sinh ra danh từ « triện » để chỉ cái khuôn dấu nói chung.
5) Chữ Triện là gì ?
Lối viết chữ triện để khắc đã thay đổi tùy theo thời kỳ hay triều đại.
Chữ triện xưa nhất có vào khoảng 800 năm trước Thiên chúa ở đời Chu Tuyên vương do một vị Sử quan tên là Trứu gom lại bao nhiêu thứ cổ tự đời trước mà biến chế ra, nên đời sau gọi là Trứu văn hay Đại triện. Về sau, khoảng 213 năm trước Thiên Chúa, vua Tần thủy hoàng giao cho Thừa tướng Lý Tư soạn lại chữ Đại triện mà đặt ra chữ Tiểu triện. Chữ khắc trên chiếc ngọc tỉ truyền quốc của Tần thủy Hoàng là chữ « tiểu triện » của thừa tướng Lý Tư viết xong lại giao cho người thọ ngọc danh tiếng đương thời khắc. Vì chữ Triện là loại chữ tối cổ của văn tự Trung Hoa nên rất khó đọc ngay dù đối những vị thâm nho thông thái. Chữ Triện thường được dùng để khắc trên những chiếc ấn hay để trang hoàng như ta thường thấy như chữ Song Hỉ, chữ Thọ viết hay chạm khắc trên cửa hay bàn ghế.
Nét chữ Triện khắc lại vẽ theo những lối riêng như kiểu « Cửu điệp » nghĩa là một nét được vẽ uốn éo thành nhiều bậc. Triện theo lối Việt nam thường có hình chữ « vạn » nhà
Phật có râu ! Lối phân bố nhiều chữ triện trong một ô vuông cũng phải có qui tắc đồng thanh đồng thủ, ví dụ chữ « nhất » chỉ có một gạch ngang thì chữ « diêm » là muối có đến 24 nét. Về lối khắc thì chữ khắc chìm là âm triện, chữ có màu trắng (bạch văn) hiện trên nền đỏ, trong khi khắc chữ nổi là dương triện, chữ có màu đỏ (chu văn) trên nền trắng. Tờ hôn thư thường được in hai dấu Âm và Dương triện.
6) Các qui cách khác
Nói về mực in khuôn dấu thì màu đen do than muội của cây bông vải đốt ra ; còn màu đỏ thì do chu sa hay son hòa với dầu phọng… (Dấu triện trên thư phân ưu tang sự thì thường đen, hay xanh hoặc chàm… còn mừng hỉ sự, đám cưới, tân gia thì màu đỏ). Về sắc son đỏ, thì cũng có qui chế : son tươi đỏ chói rực rỡ thì của vua, quan tước cấp cao thì đỏ vừa, cấp thấp thì đỏ hơi ngả tím.
Hình thù mặt triện cũng thay đổi, thông thường nhất là hình vuông, kế đó là hình tròn, hình thuẫn, hình đồng tiền… nhưng giới thi văn lại có thể chọn nhiều hình khác như trái đào, trái bầu, nậm rượu, thanh kiếm tùy sở thích.
Nội dung chữ khắc trên mặt triện cũng thay đổi như tên họ, chức tước, biệt hiệu, và có thể là một câu châm ngôn, một câu thơ biểu lộ ý chí hay lý tưởng…
Cách in khuôn dấu trên mặt giấy hay tranh vẽ cũng theo một qui cách nào đó…
Riêng về sắc bằng của vua, anh Phạm Thăng – người sưu tập sắc vua – nhận xét thấy dấu triện thường được đóng trên hình rồng vẽ trên nền giấy. Vua Minh Mạng đã cho phép các quan khi tấu sự hay sao những lệnh chỉ của vua có thể đóng dấu quan sở của mình trên chữ « tháng » của niên hiệu nhà vua thay vì đóng chệch xa ra vì lòng tôn kính. Mục đích sự vua cho phép là vì để tránh sự giả mạo.
7) Thú chơi ấn triện ngày xưa của văn nhân tài tử
Nhìn lại đại khái về thể thức dùng ấn triện ngày xưa, ta thấy phản ảnh rất nhiều khía cạnh đặc thù về nền văn hóa cổ truyền khi mà tổ tiên chúng ta còn chịu ảnh hưởng của Nho học phát xuất từ cái nôi Trung Quốc.
Với tinh thần hoài cổ, và cũng là thắp một nén hương cho linh hồn Nho học cũ, tôi mạo muội viết loạt bài bút khảo về ấn triện để chia xẻ với quí bạn đọc, mặc dù tôi tự biết sở học của tôi còn thô lậu.
Sau đây là một vài mẫu triện mà tôi nghĩ rằng lý thú cho chúng ta nắm được tinh thần chơi triện của người Trung Hoa trên phương diện triết lý nhân sinh :
Triện số 1 : có hình đồng tiền, in chữ triện là câu châm ngôn : « duy ngã tri túc » (duy chỉ có ta biết thế nào là đủ).
Triện số 2 : có hình nậm rượu in chữ « nhất hồ thủy », nói lên hoài bão của một đệ tử Lưu Linh chỉ thích trăm năm thi túi rượu vò.
Triện số 3 : có hình vầng trăng lưỡi liềm, khắc chữ « ngọa nguyệt », có nghĩa là hoài bão của người chỉ thích hưởng nhàn nằm khểnh ngắm trăng.
Triện số 4 : có hình vuông, khắc chữ chìm (âm triện) những chữ cổ triện ngoằn nghoèo đọc là « Thời hồ ! Thời hồ ! Bất tái lai ! » mang ý nghĩa là Ôi thời gian ! Ôi thời gian ! chẳng bao giờ trôi trở lại, đúng là câu than của một người có triết lý nhìn đời trôi chảy nên chủ trương vui chơi với cuộc đời hiện tại.
Triện số 5 : Ấn khắc chữ nổi (dương triện), nét chữ thẳng đuột có nội dung : « nhân gian thiên thượng » nghĩa là cõi người sống có vòm trời ở trên, nói lên sự khiêm cung của nhân thế đối với trời cao !
Triện số 6 : Ấn hình thuẫn, khắc chữ cổ triện, mà chữ nào có gạch ngang bên dưới cần phải lập lại để hiểu ý nghĩa uyên sáo của câu. Đây là một câu châm ngôn của một người tìm cái vui trong sự học vì nội dung đọc là : « Lạc thị lạc thử học, học thị học thử lạc », tạm dịch là vui là vui được học làm vậy, học là học được cái học vui như thế.
Triện số 7 : Ấn có hình vuông, khắc chữ triện tối cổ gồm những nét tượng hình với nội dung đầy thi tứ : « Tịch dương giang thượng lâu », tạm giải thích là lên lầu nhìn nắng chiều chiếu rọi trên sông
Triện số 8 : Ấn hình tròn, khắc chữ cổ triện tượng hình với câu : « Nhật vân trung » (mặt trời nằm lẩn trong mây). Chữ vân chỉ viết đơn sơ phác họa bằng một nét uốn éo như một sợi mây.
8) Ngàn vàng dễ kiếm, triện xưa khó tìm Qua vài mẫu triện trên, ta thấy tinh thần triết lý nhân sinh của Đông phương là con người thích hòa cái bản thể của mình trong bản thể của thiên nhiên.
Trong những bài tới, tôi xin mời bạn đọc trở lại những chiếc ấn triện của triều Nguyễn như là những món vật tượng trưng cho uy quyền, tước vị.
Ngày nay, thật khó kiếm mua lại những chiếc ấn triện ngày xưa dù là bỏ ra vàng nén… Có một ngành nghiên cứu về ấn triện gọi là ấn triện học hay ấn chương học. Chuyên gia ngành này không những tinh thông về cách đọc các chữ triện mà còn phải nghiên cứu về Sử học tùy theo thời đại.
Bây giờ những tay mê đồ cổ ngoạn ước ao có được chiếc ấn nhà Nguyễn ngày xưa… Vì chỉ riêng cái dấu ấn của nó mà thôi in trên bằng sắc cũng đủ bộn tiền… mấy ngàn đô la chưa dễ mua được như chuyện ông Nguyễn tấn Đời nài nỉ một tấm bằng sắc có đóng dấu « Sắc Mệnh chi bửu » của nhà văn thích sưu tập Phạm Thăng.
CÁC KIỂU NUỐM ẤN TRIỆN
BÀI III : HOÀNG ĐẾ CHI BỬU CHIẾC ẤN CUỐI CÙNG TRIỀU NGUYỄN ?
1) Giọt nước mắt của vị hoàng thân
Vừa rồi qua giây nói viễn liên, anh bác sĩ T.T.N ở Cali đại diện cho Hội đồng Hoàng tộc Nguyễn-Phước Hải-ngoại qua Paris dự đám tang của Cựu Hoàng Bảo Đại cho biết một vị lớn tuổi trong hoàng tộc Nguyễn triều ở vai chú của ngài đã khóc khi được hỏi về chiếc ấn của Cựu Hoàng nay đã nằm đâu ?
Hai ba giả thuyết cũng như tên của một vài nhân vật thân cận được đưa ra, nhưng chẳng có gì làm chắc ! Một điều lo sợ, tuy vu vơ, nhưng cũng lởn vởn là liệu có kẻ nào tham lam, có thể làm chuyện ngu muội nhất trần gian, vớ được ấn đem nấu chẩy lấy vàng như đã từng xảy ra với một cái cúp bằng vàng của một danh thủ thể thao, được coi là quốc bảo ở một xứ Nam Mỹ, bị kẻ lấy trộm nhưng biết không thể nào bán được nên đã hành động phá hoại như trên.
Và một điều đã thực sự xẩy ra tại Việt Nam khiến Cụ Vương Hồng Sển hồi sinh tiền phải đau đớn khóc là khi cụ đọc được tin về những món nữ trang của bà Từ Dũ bị quân gian phi đào mả lấy trộm và sau đó bị nhà nước Việt nam đương quyền lấy lại gần đủ, nhưng sau đó lại ngu dốt xử lý bằng sự đem những món bảo vật này « hóa nghiệm », tức là nung chẩy ra để lấy vàng sung vào công quĩ.
Ấ
2) Thế nhưng… Quo Vadis ! Ấn này đang thất lạc về đâu ?
Đối với chiếc ấn vàng « Hoàng Đế chi bửu » thì sự thể đương nhiên hoàn toàn phải khác vì theo lời đồn, nó có thể đang ở trong tay của bà Monique, người phụ nữ ăn ở với Cựu Hoàng sau cùng, tuy là gốc gác bình dân nhưng nuôi ít nhiều tham vọng, vừa hiểu biết giá trị hãn hữu của chiếc bảo vật cuối cùng nên đã manh tâm nhắm nhía xúi dục kiện tụng tranh chấp chiếm đoạt chiếc ấn từ lâu ? (Bà này lại theo dư luận của người Việt ở Pháp đã có lần muốn được ăn vận trang phục theo kiểu triều nghi của một vương phi). Nếu giả thuyết theo mẩu tin thời sự đăng trên tờ Thế kỷ 21 (số 101 tháng 9, 1997) do TS Phạm trọng Chánh là sự thực, bà Monica là người nắm trong tay tờ di chúc của người quá cố vừa nằm xuống, thì theo luật thừa kế ở Pháp đương nhiên có thể là sở hữu chủ hợp pháp không ? Và nhìn về tương lai gần xa, thì sau bà này chiếc ấn còn rộng đường phiêu bạt… Quo vadis !
Thị trường quốc tế về đồ cổ, nhất là ở Pháp và New York Mỹ có thể đang có nhiều tay hiểu biết rành rẽ về cổ vật Đông phương, những con cá mập cá sà thương mãi thèm muốn sẵn sàng tung dollars để buôn chiếc ấn này lắm chứ !
Do đó, những giọt nước mắt nóng hổi của vị hoàng thân nói trên có ý nghĩa đánh động tâm lý của chúng ta chăng, khi thấy rằng một món quốc bảo cuối cùng vô giá của nước ta vì một hoàn cảnh tuyệt vọng bi đát của một vị hoàng đế thất cơ lỡ vận lại lọt vào tay một « ngoại nhân » ?
3) Có chăng chuyện Châu về Hợp phố ? Chuyện những món quốc bảo của quốc gia bị thất thoát ra khỏi nước chẳng phải là điều mới xẩy ra cho nước ta mà đã từng xảy ra trước đây ! Và mỉa mai thay vẫn đang xẩy ra !
Hãy nói chuyện đã xảy ra, ví dụ ở Trung Hoa chiếc ấn bằng ngọc thạch của Triệu tử Long có số tuổi già 1700 năm rơi vào tay người Nhật. Vào khoảng 1932, ấn được tìm thấy khi người ta đào ao rồi được bán cho một người buôn đồ cổ với giá 10,000 Mỹ kim. Năm sau, nhà khảo cổ Nhật Sato Jiro mua lại với giá 50,000 rồi đem về Đông Kinh. Câu chuyện thứ hai là chiếc ấn truyền quốc Thanh triều của vua Phổ Nghi bị viên tướng quân đội Trung Hoa Dân Quốc tên là Phùng Ngọc Tường, mùa thu năm 1924 vào chiếm Bắc kinh bắt phải giao cho… Ai ngờ sau đó, chiếc ấn này được một tên lính ngoại quốc trong đoàn Bát quốc Liên Quân khi vào Bắc kinh vớ được rồi đem bán với giá rẻ mạt cho một thương gia ngoại quốc, rồi sau đó lại bán cho một người Thượng Hải. Một viên chức của triều Mãn Thanh nghe thế bèn mua lại với giá 3,500 Mỹ kim rồi đem hoàn trả cho triều đình này… Nhưng sau đó vài năm, với nhiều cuộc rối loạn chiến tranh ở Tàu, chiếc ấn truyền quốc vô giá có còn nằm ở cung điện như xưa không ?
Một chuyện khác về hai cái ấn của Triều Đình Huế bị thất lạc nhưng tìm lại được ở Pháp năm 1937. Hai chiếc ấn này bằng đồng, một đúc vào năm 1876, gọi là « Đình thần chi ấn » (năm Tự đức 28) mà các quan đại thần, túc trực ngày đêm làm việc ở nhà bên trái điện Cần Chánh, dùng để
liên lạc giữa nhà vua với lục bộ ở Kinh đô. Ấn này bị thất thoát có lẽ vào biến cố Thất thủ Kinh đô Huế ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (Juillet 1885) ; còn chiếc kia đúc năm 1886 với dấu khắc là « Đồng dần hiệp cung » của Bộ Công, bị thất lạc do một người Pháp tên là Gassier tới sinh sống ở Đànẵng hồi Pháp mới sang chiếm đóng mua lại. Người cháu của ông tên Pélissier thừa hưởng nhưng sau đó trả lại cho triều đình Huế. Đúng là châu về Hiệp phố !
4) Bốn ngàn năm văn hiến !
Nhưng sự đời đâu có lẽ may mắn được như thế hoài ! Giả thử chúng bằng vàng hay ngọc quí thì ra đi khó lòng trở lại, như chuyện 23 viên ngọc trai lớn màu da cam của Nguyễn Triều đang nằm trong tay của một người Thụy sĩ mới vừa đưa cho một tiệm chuyên buôn đồ cổ ở New York tìm hiểu gốc gác và đánh giá. Nhân đây, tôi lại nhớ một anh bạn đồng nghiệp dòng Tùng thiện Vương kể rằng ông cố của anh bày bàn thờ gia tiên với hai chân đèn bằng… gỗ vì sợ rằng bằng đồng thì con cháu dễ bán !
Nói chuyện hiện tại thì báu vật trong nước Việt nam ta đang dần dà mọc cánh mà bay đi. Những chiếc ấn nho nhỏ thì bay lẹ và kín đáo vô cùng, rồi đến các đồ sứ cổ, thậm chí cho đến những câu đối liễn, hoành phi… đang đua nhau mọc cánh ra đi là không bao giờ trở lại, làm tụi con buôn đồ cổ ngoại quốc được thể đục nước béo cò trả dìm giá. Nhiều phủ đệ ở Huế cũng bị con cháu gỡ rui mè chạm trổ mà bán đi. Hiện nay, ở Montréal-Canada, một nữ bác sĩ Việt nam tên là Nguyễn thị Th. nghe đâu đã sưu tập nhiều món đồ cổ quí
giá của Triều Nguyễn. Nước ta thường tự hào có mấy ngàn năm văn hiến thế mà những di tích cổ vật lịch sử mới chừng 50 năm cũng đã khó tìm. Ở cái xứ Mỹ với lịch sử mới 2-300 năm, người ta trân trọng bảo tồn nhiều thứ, nói đâu xa loài chim ưng đầu sói (bald eagles) bị thuốc DDT lâm vào họa diệt chủng đã được người ta đặc biệt quan tâm. Ở nhiều nơi trên thế giới, nước nào cũng nghiêm chỉnh bảo tồn những thứ đang lâm vào tai họa diệt vong (endangered species) như loài gấu Panda, tê ngu, cá voi… ngoại trừ « nước có 4 ngàn năm lịch sử văn hiến » như Việt nam chăng ?
Nhìn lại thân phận của hai món bảo vật ấn kiếm của vua Bảo Đại, vị hoàng thân đã khóc với những giọt nước mắt nóng hổi, thật là quá đúng !
Khóc vì ngổn ngang trăm mối bên lòng ! Khóc cho người, cho cảnh, cho thời, cho vận, cho cơn bĩ cực của con thuyền quốc gia ! Quá đúng với cảnh :
« Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng ».
Chắc có người nói rằng chuyện ấn tín là chuyện di sản của vua chúa phong kiến, nhắc chi sự lỗi thời, mất hay còn thì đâu có chết một người Giao chỉ nào đâu !
Trên thực tế, thì đúng vì ai mà dư nước mắt khóc cho một vật vô tri. Nếu ở hải ngoại người dân Việt vẫn đứng nghiêm chỉnh chào lá cờ vàng ba sọc đỏ, thì chuyện thương tiếc cho thân phận một chiếc ấn cũng là một hành động biểu tượng chứ sao !
Giá trị biểu tượng của những chiếc ấn triều Nguyễn có nhiều khía cạnh ý nghĩa đáng cho hậu sinh chúng ta tìm hiểu lắm cũng như tìm hiểu bao nhiêu di tích lịch sử khác mà con cháu Việt nam đang cố gắng gìn giữ.
Ấn tín triều Nguyễn đã phản ảnh một quá trình lịch sử cận đại của Việt nam dài mấy trăm năm ! Phản chiếu lại những hành xử của những nhân vật vua, quan, thứ dân đã sống qua một thời huy hoàng gọi là « quân chủ » mà nay chỉ còn vang bóng ! Phản chiếu lại những nếp văn hóa, những tâm tình, suy nghĩ của cha ông chúng ta còn đọng lại trong phong tục cổ truyền !
5) Vài chi tiết về chiếc ấn « Hoàng đế chi bửu » Chiếc ấn này được đúc dưới triều Minh Mạng chứ không phải dưới triều Gia Long (1802-1819) như nhiều người lầm tưởng. Ấn được coi là chiếc ấn lớn nhất trong số những ấn tín lớn của triều Nguyễn. Ấn hình vuông, mỗi cạnh đo là 137mm. Đường mép biên đo 14mm. Bề dày là 21mm (tính theo thước ta thì cạnh đo 3 tấc 2 phân, dầy 5 phân, theo sự ghi chép trong sách Đại Nam thực lục chánh biên tập VI). Nuốm hay tay cầm của ấn là con rồng cuốn hai tầng (bàn long). Mặt ấn khắc hai dòng chữ Hán ghi rõ niên hiệu đúc, chất liệu và trọng lượng : « Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo ; Thập thành hoàng kim thập nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân ».
Có nghĩa là : Đúc vào giờ tốt lành của mồng 4 (tức là ngày Giáp thìn) tháng 2 năm Minh Mạng thứ tư (tính ra dương lịch là 17 Mars 1823) bằng vàng mười, cân nặng 280
lượng 9 tiền 2 phân. Chức năng sử dụng của ấn là đóng vào những chiếu chỉ cho các hoàng thân, các quan đại thần và các quan đầu tỉnh ; nói rõ theo lời huấn dụ của vua Minh Mạng là :
« …Gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ, các thân huân, đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng và ban sắc, thư cho ngoại quốc thì dùng ấn « Hoàng đế chi bửu ». (ĐNTLCB)
Ấn « Hoàng đế chi bửu » phải chăng là chiếc ấn quí giá cuối cùng của triều Nguyễn ?
Câu hỏi này khó đáp ! Theo ông Pierre Daudin – học giả Pháp chuyên về Ấn chương học – trong cuốn sách Sigillographie Sino-Annamite (Ấn chương của Trung Hoa và Việt nam) của ông xuất bản ở Sàigon Janvier-Mars 1937, ông được Hoàng đế Bảo Đại ra lệnh cho Ngự tiền văn phòng (Cabinet civil) của Ngài cho phép đặc biệt đóng các dấu ấn và chụp ảnh lại bốn khuôn ấn chính thường rất thông dụng của Triều đình Huế để in trong cuốn sách của ông :
- Hoàng-đế chi bửu (bằng vàng nặng 280 lạng 6 tiền 2 phân)
- Đại-Nam Hoàng-đế chi bửu (bằng ngọc thạch xanh lục)
- Sắc-Mạng chi bửu (bằng vàng nặng 223 lạng 6 tiền)
- Đại-Nam Hiệp-kỷ-lịch (bằng vàng 125 lạng 5 tiền 4 phân)
Như thế là vào thời điểm Vua Bảo đại mới ở Pháp về để thực sự lên ngôi (8 tháng 9, 1932), sau 10 năm du học, thì ấn tín chính tương đối còn rất đầy đủ. Còn hiện nay, sau bao nhiêu cuộc biến loạn thăng trầm trầm trọng của quốc gia, ba chiếc ấn kia ở đâu ? Nếu tính một lạng tương đương 37 gr 500 thì giá trị về quí kim, chiếc nào cũng dễ nể… nhưng về giá trị về nghệ phẩm, về ý nghĩa văn hóa lịch sử thì lấy tiêu chuẩn nào mà đánh giá đây ? Bên cạnh những chiếc ấn quan trọng thường dùng trên, theo ông Daudin, được gọi là « hiện đang được Triều Đình Huế dùng » (principaux sceaux actuellement employés à la cour d’Annam), ông còn nhắc đến nhiều chiếc ấn khác mà Triều đình cất ở điện Cần Chánh, cứ cuối tháng chạp hằng năm vào lễ Phất thức (chọn một ngày tốt tâu lên vua) được đem ra lau chùi rồi cất lại dưới hầm kho.
Cứ theo sách Khâm định Đại Nam Hội điển Sự Lệ thì ngoài bốn ấn kể trên thì những bảo ấn, bảo tỉ làm bằng vàng khác có nuốm hình rồng gồm : Các bảo ấn Ngự tiền chi bửu, Văn lý Mật sát, Chế cáo chi bửu, Mệnh đức chi bửu, Quốc gia tín bửu, Hoàng đế tôn thân chi bửu, Sắc chính vạn dân chi bửu, Thảo tội an dân chi ấn, Khâm văn chi tỉ, Duệ Vũ chi tỉ, Tề gia chi bửu.
Ngoài ra các thứ bảo tỉ làm bằng ngọc, ngoài chiếc Hoàng đế chi tỉ trên còn có những chiếc sau : Vạn thọ vô cương, Đại Nam Thiên tử chi tỉ, Thần Hàn chi tỉ, Hành tại chi tỉ, Hoàng đế chi tỉ.
Bốn loại ấn tỉ được đặc biệt cất riêng trong mỗi hộp sơn son thếp vàng, gọi là Tông tàng bảo tỉ gồm có : Truyền
quốc kim bửu, Truyền quốc ngọc tỉ (bằng ngọc trắng núm hình rồng quấn), Tiểu lang kim bảo (nuốm hình rồng đi), Tư lịch kim bửu.
Như vậy, triều Nguyễn có rất nhiều ấn khác quí giá ngoài 4 chiếc ấn mà ông Pierre Daudin đã chụp. Một câu hỏi lớn có tính chất quan trọng lịch sử là những báu vật gồm những bảo ấn trên và các kim bài kim sách, ngọc ngà, tiền thưởng trong hầm kho của điện Cần chánh phải chăng đã mất mát nhiều vào tay những người Việt Minh thường tự nhận là « chính quyền nhân dân » đã ở Hànội vào Huế ngày 25 tháng 8 1945 nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại qua hành động kiểm kê kho tài sản báu vật này ?
6) Bản kiểm kê của Chính Quyền nhân dân cách mạng
Sở dĩ tôi nêu lên như vậy là sau khi đọc lại một đoạn trong cuốn « Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc » của ông Phạm Khắc Hòe, nguyên là cựu Tổng lý Ngự tiền Văn phòng của vua Bảo đại. Ông Hòe gốc làng Đức thọ (Nghệ An), tốt nghiệp Hậu bổ, có vợ trong Hoàng tộc, hình như tên là bà Phẩm, con cụ Hường Thiết, tức là cháu nội của Tuy lý Vương Miên Trinh, nên được đề bạt làm Quản Đạo Di linh thuộc Hoàng triều cương thổ. Ông có viết một chi tiết liên quan đến lễ Phất thức cuối cùng trước khi kho báu vật được giao cho Việt Minh. Ông Phạm khắc Hòe là một người mà Việt Minh móc nối và cài trong Nội cung Huế để dò xét và đảm nhận mọi công tác dẫn dụ vua Bảo Đại thoái vị và trao quyền một cách êm thắm cho Chính phủ
Nhân dân Cách Mạng của Việt Minh vào tháng 8, 1945. Ông Hòe là nhân chứng sống chính mắt và tận tay đảm nhận công tác kiểm kê các bảo vật rồi manh tâm lập công ngõ hầu để các báu vật giao trọn vẹn cho « Cách Mạng ». Xin hãy đọc nguyên văn đoạn viết sau chứng minh điều trên :
« …Chiều ngày 27 và buổi sáng 28, tôi (tức Phạm Khắc Hòe) cho kiểm điểm lại các thứ tài sản công trong Đại nội để trao cho chính quyền Cách Mạng. Nói đến của công trong Đại nội lúc bấy giờ, thì quí giá nhất là các đồ vật bằng vàng bạc, ngọc ngà, châu báu có tính chất lịch sử của các đời vua nhà Nguyễn, cất trong một cái hầm lớn dưới mái sau của điện Cần Chánh. Hàng năm, ngày 20 tháng chạp âm lịch, triều đình tiến hành lễ Phất thức mở hầm lấy tất cả các thức ra để kiểm điểm và quét bụi bặm, lau chùi thật sạch rồi lại cất vào hầm khóa lại. Chỉ các quan từ nhị phẩm trở lên mới được dự lễ này và phải tự tay mình làm lấy mọi việc : đưa ra, cất vào, quét dọn lau chùi, v.v…
« Trong dịp lễ Phất thức tháng chạp năm giáp thân (đầu 1945), tôi đã theo dõi sát việc kiểm điểm và các bản kiểm kê đều được làm lại bằng chữ quốc ngữ, chứ không phải bằng chữ Hán như trước nữa. Cho nên lần trổng kiểm điểm cuối cùng này tiến hành được khá dễ dàng và tất cả các loại tài sản đều được giao lại cho chính quyền nhân dân đầy đủ và có giấy tờ minh bạch. Người thay mặt Chính phủ lâm thời để kiểm nhận tài sản là ông Bộ trưởng Lê văn Hiến ».
Bản kiểm kê cuối cùng bằng chữ quốc ngữ này về tài sản quí giá trên, dù là một văn kiện được soạn thảo kỹ lưỡng và mang nhiều chữ ký người giao kẻ nhận cặn kẽ, liệu
có còn trên thế gian này không ? Bao nhiêu món báu liệu có còn nữa không ? Hay chúng đã bị tẩu tán như bao nhiêu thứ khác ?
Nhân nói chuyện về hành động phản trắc của ông Phạm Khắc Hòe, người ta kháo rằng ông có người con tên là Phạm khắc Chi, học hành đến Tiến sĩ, giàu có, có vợ là bà Nguyễn Khoa Diệu Biên, nhưng vừa rồi lại bị thảm sát… bằng củi tạ, đánh dập óc chưa đủ… còn bị cứa đứt cổ. Hậu quả của oan nghiệp mà người cha đã gây ra chăng ? Hay là bia miệng đời thêu dệt ? Tôi nghe sao xin nói vậy !
7) Bản chất trọng nghĩa khinh tài của vua Bảo Đại
Nhân tôi được đọc cuốn hồi ký « Đời Tôi » của Cụ Võ Văn Triêm (thân phụ của anh bạn của tôi là Bác sĩ Võ-văn Tùng), tôi có thể nói rằng Sở Tài Chánh trong Ủy ban nhân dân Trung bộ của ông Trần hữu Dực đã phụ trách tiếp thu những món báu vật của Triều đình Huế. Ủy ban Trung bộ đóng ở Tòa Khâm cũ. Còn Sở Tài Chánh của Việt Minh đóng tại tư thất của Thượng thư Phạm Quỳnh ở An cựu. (Xin nói thêm là Ông Phạm Quỳnh lúc đó bị họ bắt đi và thủ tiêu tại Phù ốc : nhưng sau hình như Phạm Tuyên con của ông lại là tác giả bài nhạc : Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng).
Giám đốc sở Tài Chánh Trung Bộ là ông Nguyễn Tấn, rể của cụ Tôn Thất Quảng, nguyên là Phán sự hạng 6 về Tài chánh ở Tòa Khâm sứ Pháp nhưng đã theo Việt Minh từ trước nên được giao cho chức vụ này. (Về sau ông Tấn làm bộ trưởng Tài chánh ngoài Bắc).
Trước ngày 19 tháng 12 năm 1946, sở Tài chánh của Việt minh này đã di chuyển những món tiếp quản quí giá này ra ngoài Vinh, ở vùng Linh Cảm, chứa cất tại trụ sở mới tạm chiếm là khuôn viên nhà lầu của Ông Hoàng cao Khải và con là Hoàng Mạnh Trí. Cụ Triêm, nguyên Phán sự tòa Khâm, làm việc dưới quyền ông Nguyễn Tấn, về sau bỏ Vinh trốn về Huế, kể lại rằng kho của Sở Tài chánh này chứa nhiều món quí như chiếc hoàng bào rộng bằng gấm vàng của vua Bảo đại chẳng hạn mà cụ Triêm lúc bấy giờ bị mất hết áo quần riêng mà trời rét căm căm nên cụ liều lĩnh tinh nghịch lục ra… mặc cho ấm ! Như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng còn nhiều món bảo vật vàng ngọc khác cũng được di tản và cất dấu bởi Việt minh khi rút khỏi Huế. Cũng xin kể thêm rằng ở Huế vào thời gian này, có nạn hôi của mà người dân Huế gọi là « đổ bộ ». Cụ Võ văn Triêm còn kể rằng đồ quí xưa trong nhà ông Phạm Quỳnh cũng nhiều, ngoài bàn ghế cẩn xà cừ, chén bát, chóe cổ, còn có một bức tượng Phật Quan Âm bằng ngọc cao hơn một thước, tượng của vua Bảo Đại bằng cẩm thạch… Nghe nói các món đồ này bị đổ bộ cất dấu ở vùng Phú Bài, lính Lê dương của Pháp đi hành quân thấy nhà nào có chứa những món này của ông Phạm Quỳnh cho là Việt minh đều đem cả nhà ra bắn hết. Lại chuyện nghiệp báo chăng trong bia miệng của đời ?
Tôi lại đọc được bài « Chuyện Cung Đình nghe kể lại », người viết là anh Võ Hương An có thân phụ là cụ Võ văn Lang, làm Nhất đẳng thị vệ trong Đại Nội Huế (quen gọi là quan Nhứt Lang), được vua Bảo đại giao cho nhiệm vụ
bàn giao tài sản của Triều Đình cho Uỷ ban tiếp thu của chính quyền Việt Minh. Cụ Nhứt Lang kể rằng công việc bàn giao này kéo dài ba tháng mới xong. Sau đây là lời viết của Võ Hương An :
« Khi nghe kể việc bàn giao cho Việt Minh tất cả kim sách (sách bằng vàng), ngân sách (sách bằng bạc) và các loại ấn, tôi ngạc nhiên hỏi : « Theo con thì vua bàn giao ấn và kiếm, tượng trưng vương quyền cho chính phủ Việt Minh như vậy là đủ rồi, còn kim sách, ngân sách và các thứ ấn khác thì coi như là của riêng vua, việc chi phải giao cho họ ? » Thầy tôi trả lời : « Khi nói tới bàn giao những gì, thầy cũng đem ý đó ra tâu với Ngài, nhưng Ngài dạy rằng : « Nếu những thứ đó bằng sắt hay bằng đồng thì không nói làm gì. Ở đây nó bằng vàng. Nếu giữ làm kỷ niệm, người ta sẽ nghĩ rằng ta còn tham. Cả cái ngai vàng ta còn chưa tiếc, tiếc chi mấy thứ đó… »
Qua những nhân chứng trên, chúng ta có thể đoán rằng phần lớn các ấn triện của triều Nguyễn đều được chính quyền Việt Minh tiếp thu trong toàn bộ báu vật của triều đình Huế còn sót lại sau kỳ Thất thủ kinh đô năm 1885. Nhân chuyện mất mát kho báu lần này, thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu kho tàng này đã từng bị vơ vét lần trước ra sao ?
8) Bàn tay vơ vét của Pháp thực dân
Dựa vào vài tư liệu chính xác còn lưu trữ tại Văn khố Ngoại giao của Pháp (Archives : Affaires étrangères, MD, 1887-1887) mà Francois Thierry nhắc đến trong cuốn
Collections monétaires của ông, tôi thấy vài sự kiện đáng chú ý là : Tài sản châu báu của triều Nguyễn (trong đó đương nhiên có những chiếc bảo ấn) đã một lần trong quá khứ bị kiểm kê rất cẩn thận bởi người Pháp vào năm 1885 sau khi Kinh Đô Huế bị thất thủ, nội thành và Hoàng cung bị chiếm và lục soát. De Courcy, người cầm quân đánh chiếm, sau đêm biến cố, đã điện về Paris :
« Hoàng cung được giữ nguyên vẹn nhờ tinh thần kỷ luật của Tiểu đoàn 3 Khinh binh chiếm đóng và bảo toàn. Tại đây có nhiều của cải : 5 triệu thoi bằng bạc, nhưng con số nầy sẽ lớn hơn bội phần nếu tôi tìm thấy trong đó có nhiều thoi vàng… »
Sau đó, đầu năm 1886, người Pháp quyết định về kho tàng của triều Nguyễn như sau :
- Một phân nửa được phục hoàn cho vua Đồng khánh (trong đó đương nhiên có số ấn tín quí giá, đã được lưu lại ở Huế như P. Daudin sau này đã chụp hình vào năm 1937)
- Phân nửa kho tàng trên lại được phân chia một phần cho Ngân Khố Pháp (Bộ Tài chánh) để nung chảy thành tiền Pháp ; và phần kia dành cho nền bảo hộ tuỳ thuộc Bộ Ngoại giao Pháp.
- Tháng 7, 1886, kho tàng trên được chuyển từ Sài gòn đến cảng Marseille rồi lên Paris. Sau đó, nó được phân tích và xếp loại bởi ông Devéria vì ông này đọc được chữ Hán ghi chú trên những thỏi vàng bạc, huy chương, kim khánh, ngân tiền… Devéria đề nghị giữ nguyên 94 phẩm vật. Bấy giờ, có hai ý kiến nghịch nhau : một là đem bán đấu giá, hai
là đem nung chảy ra. Cuối cùng thì ngoài những phẩm vật được chọn riêng và kiểm kê, tất cả thứ còn lại bị Bộ Tài chánh nung chảy để đúc tiền. (Văn khố AMM Hồ sơ Huế, 1887)
Nhà văn biên khảo Phạm Thăng, trong cuốn Tiền tệ Việt nam, kết luận rằng :
« Như vậy kho tàng nhà Nguyễn đã bị nung chảy tại bên Pháp để thành tiền tệ của kẻ thắng trận cướp nước. Toàn bộ chỉ còn lại 62 thoi vàng, 86 huy chương vàng và 4 thoi bạc. Phần gởi trả về vua Đồng Khánh đã tiêu mất hết, nên hiện nay chúng ta khó được trông thấy những thoi vàng, nén bạc thời vua Minh Mạng, Thiệu trị, và Tự đức. May ra chúng ta có thể thấy những huy chương (kim tiền, kim khánh, ngân tiền, ngân khánh của thời đó với hình ảnh, lời lẽ chúc tụng : Rồng Mây, Giàu sang, Sống lâu, Nhiều con, v.v… mà Vua chúa ban cho các quan, các Hoàng tử, Công chúa mỗi khi có việc vui, và các vị này lưu truyền cho con cháu coi như vật gia bảo… »
Sau bao nhiêu biến cố dồn dập xảy ra cho nước Việt nam, hết tay người Pháp rồi lại đến bàn tay của Việt Minh, những của gì quí giá của triều Nguyễn đều lần lượt mất cả hay sao ? Trên phương diện di sản về tinh thần và văn hoá, ai là những người có nhiệm vụ bảo tồn ?
HOÀNG ĐẾ CHI BỬU
BÀI IV : VUA MINH MẠNG VÀ NHỮNG CHIẾC ẤN NGỰ DỤNG
1) Triều vua có nhiều cải tổ !
Trong số các vua triều Nguyễn, vua Minh Mạng (tên huý là Đảm, thường được đọc né trại ra là Đởm) là người cho đúc nhiều ấn nhất cho ông và cho guồng hành chánh cai trị trong nước nhất.
Minh Mạng là vị vua thứ hai của triều Nguyễn, kế vị vua cha Gia long vào năm 1802. Dưới triều Gia long (1802- 1820) chỉ mới dựng thành qui chế, lập ra pháp luật, mọi sự đều mới cả. Đến vua Minh Mạng mới thực sự cải tổ cho hoàn hảo. Vua Gia long cũng cho chế tạo những chiếc ấn nhưng chưa được hoàn bị, nhà vua đã ra sắc lệnh dùng vàng đúc các thứ ấn sau : Ấn chế cáo, Ấn Quốc gia tín bảo, Ấn sắc chính vạn dân, Ấn Thảo tội an dân, Ấn Ngự tiền, và Ấn Mệnh đức.
Những ấn đúc đời Gia long này thì theo Pierre Daudin không còn thấy khi ông được phép vua Bảo đại chụp hình vào đầu thập niên 30. Không biết chúng đã thất lạc làm sao, hoặc là trong đêm binh biến Thất thủ Kinh đô Huế 23 tháng 5 Ất Dậu 1885, hoặc bị tướng De Courcy tịch thu chở về Pháp năm sau 1886, rồi được giữ lại trưng bày ở Bảo tàng viện Paris. Hoặc có thể Triều đình Huế còn cất kỹ trong kho, không tiện bày ra để Pierre Daudin chụp hình, nếu chúng ta bây giờ còn có những tấm hình này thì quí giá lắm !
Trong đời vua Minh mạng, nhà vua vẫn sử dụng những ấn của vua cha đúc nhưng vua này lại sai lấy vàng đúc thêm những ấn khác như : Hoàng đế chi bửu, Hoàng đế tôn thân chi bửu, Sắc mệnh chi bửu, Ấn Khâm văn, Ấn Duệ vũ, Ấn Trị lịch minh thời. Vua Minh Mạng lại qui định thật chặt chẽ rõ ràng về cách cất để các bảo ấn ngự dụng ở đâu và sự dùng các ấn này cho mỗi trường hợp ra sao !
2) Các Bảo ấn ngự dụng cất ở đâu và sử dụng thế nào ?
Theo lệnh vua Minh mạng năm thứ ba (1822), chúng được để một cách tôn kính vào gian giữa của điện Trung Hoà, tức là điện Càn thành kể từ 1839, tức là nơi nhà vua ở :
« Khi muốn dùng đến bảo ấn, thì quan Đại học sĩ hiệp cùng viên Thượng bảo ấn, tức quan giữ ấn, của phòng văn thư tâu rõ lý do. Sau khi được lệnh chỉ cho phép, thì quan nội giám bưng hòm bảo ấn ra điện Cần Chánh. Dùng bảo ấn xong thì niêm khoá lại ngay, đem để vào điện như cũ, chìa khoá do viên Thượng bảo giữ ».
Như vậy chỉ tuyệt đối những chức quan liên hệ mới được phép thấy những bảo ấn của nhà vua thôi, ngoại thuỷ không ai thấy nữa. Tuy nhiên, vào năm Minh Mạng thứ mười tám, gọi là một ân tứ đặc biệt, vua xuống dụ cho quan trong Nội các rằng :
« Ấn bảo tỷ là đồ quý trọng của quốc gia, trước đây vẫn để trong điện Trung Hoà, khi dùng bảo tỷ nào thì phải tâu xin, do Thái giám trong cung bưng ra dùng, các đại thần ít
được trông đến. Điện Trung hoà là chỗ ở của trẫm, tất không phải phòng ngừa cái gì, nhưng là đồ quý trọng mà chỉ có người đàn bà và quan hoạn được dự biết, thì không phải là phép tắc tốt để lại muôn năm về sau được.
« Nay định bắt đầu, từ năm nay, ngày phong sắc dùng đến ấn thì Thái giám bưng các bảo tỷ cùng là kim sách, kim bài và phù tín mấy hòm ra, để trên án chính giữa điện Chần chánh.
« Trước hết quan trong Nội các liệt bày các danh sách các viên được phong làm Hoàng tử, nhất phẩm văn võ đại thần, hoặc Cơ Mật, Nội các, để trẫm khuyên vào, đến ngày phong thì đội mũ mặc áo hết thảy kiểm điểm đóng ấn, rồi lau chùi để vào hòm khoá cẩn thận, lại do Thái giám tôn kính bưng cất đi ». (Minh Mạng chính yếu, Quyển 18)
3) Có phước lớn mới nhìn thấy ấn vua ! Nhìn lại quá khứ, những chiếc ấn của nhà vua được tôn kính như chính bản thân nhà vua vậy. Còn bây giờ, thấy sự thể đổi thay, chúng ta không khỏi bùi ngùi cho qui luật đào thải và nỗi thăng trầm của thế sự. Theo Nguyễn đắc Xuân đã phỏng vấn bà Mộng Điệp, thì bà Từ cung đã cho rằng bà thứ phi Mộng Điệp « có phước lớn » mới có ân tứ được cung nghinh và giữ chiếc ấn « Hoàng đế chi bảo » của vua Bảo Đại được Pháp giao trả sau khi tìm lại được. Hôm đón cái ấn – lời bà Mộng điệp – Đức Từ bảo phải đặt một cái bàn ở sân bay Buôn ma thuột, phủ khăn đỏ, lạy ấn và kiếm năm lạy rồi mới được phép đem về dinh. Đức Từ bảo tôi : « Bà có phước lắm bà mới trông thấy ấn kiếm ấy. Tôi vào làm dâu
nhà Nguyễn bao nhiêu năm mà tôi có được trông thấy bao giờ đâu ».
Chiếc « Sắc mạng chi bửu » là chiếc được dùng nhiều nhất và dấu ấn của nó còn lưu đến hiện nay trên rất nhiều tờ sắc phong thần của các làng và các bản cáo phong đặc biệt do quan địa phương sở tại tâu lên để ban ân tứ cho những người dân đặc biệt…
Trong số những chiếc ấn do vua Minh Mạng ra lệnh đúc thì chiếc « Hoàng đế chi bửu » (đã nhắc đến ở trên) và chiếc « Sắc Mệnh chi bửu » quan trọng nhất.
4) Vài chi tiết về chiếc « Sắc Mạng chi bửu » Ấn đúc bằng vàng, nặng 233 lạng 6 tiền (mỗi lạng tương đương với 37gr500, mỗi tiền là 1/10 lạng, mỗi phân là 1/10 tiền), đúc vào tháng mười năm Minh Mạng thứ ba (Nov., 1827), nuốm hình rồng ngẩng cổ như sắp phi lên, xòe 4 chân có 5 móng rõ ràng, mặt ấn hình vuông mỗi cạnh đo 135mm, mép viền 12mm, đế ấn dày 13mm. Ông Pierre Daudin chụp lại trong sách Sigillographie Sino-Annamite (1937) ghi chú về chức năng sử dụng của ấn này là :
« Để đóng trên những bằng sắc cho bá quan văn võ, những tờ sắc phong cho các thần linh, và những tờ cáo chỉ tuyên bố với bàn dân thiên hạ » (destiné à être apposé sur les brevets des mandarins civils et militaires, les brevets des génies et les textes des proclamations au peuple).
Xin nói thêm về một điểm lớn sai biệt là tác giả Hồ Vĩnh trong bài « Ấn triện triều Nguyễn » (Gia định 1996) nói
rằng theo sách Minh Mạng chính yếu thì ấn « Sắc mạng chi bửu » nặng đến 395 lạng, tức là nặng 14 kg 812, nặng nhứt trong các bảo ấn của Triều Đình Huế sao ? và rõ ràng sai biệt hẳn với tài liệu của ông Pierre Daudin. Tôi chưa có cuốn Minh Mệnh chính yếu để phối kiểm điểm sai biệt này.
5) Những bằng sắc có dấu ấn « Sắc Mạng chi bửu »
Tuy rằng chiếc ấn trên đã thất lạc từ lâu, nhưng dấu ấn của nó có thể nói là vẫn tồn tại vì nó đã được đóng trên nhiều bằng sắc cho thần linh, thành hoàng các làng xã, trên những bằng truy tặng cho người dân xin ân hàm, hay các bằng « tiết hạnh khả phong », v.v… Trung bình vào thời Nguyễn, Triều đình mỗi tháng đóng dấu « Sắc mệnh chi bảo » trên ba ngàn bằng sắc (theo Hồng Hoài Lê văn Hoàng trong bài của tác giả Hồ Vĩnh trên).
Nhà biên khảo Phạm Thăng không những sưu tập về tiền xưa mà còn có cơ duyên đổi chác các vật cổ ngoạn như chóe xưa, tiền bạc hoa xòe để « chuộc » lấy gần chục tấm bằng sắc của triều Nguyễn có dấu « Sắc Mạng chi bửu », và đôi tấm sắc bằng của triều Lê và Tây sơn. Kích thước của mỗi tờ sắc thần lớn hơn một thước tây về chiều dài, căng ra như tấm chiếu nhỏ gần che hẳn hình người thực đứng sau ; màu mực xạ còn đen nhánh và son đỏ còn tươi rói dù giấy hơi ngả màu với thời gian.
Anh Thăng kể rằng bà luật sư Nguyễn Phước Đại và ông Nguyễn tấn Đời đã từng này nỉ mua lại một hai bức, nhưng
anh ước ao rằng một cơ sở văn hóa Việt nam nào muốn sưu tập lại toàn bộ thì là điều lý tưởng nhất.
6) Vua Minh Mạng là vị vua thế nào ? Muốn hiểu về tầm quan trọng của ấn tín triều Minh Mạng, ta hãy tìm hiểu về vua Minh Mạng, một vị vua tuy mang tiếng là nghiêm khắc chuyên chế độc tài hay là « bạo quân » theo vài sự phê phán của đời sau nhưng lại là một người đã làm nhiều việc cho xứ sở.
Trần trọng Kim đã viết về vua Minh Mạng như sau trong cuốn Việt nam sử lược :
« Trong đời vua Thánh tổ làm vua, pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ. Nhưng chỉ vì ngài nghiêm khắc quá, cứ một mực theo cổ, chứ không tùy thời mà biến hóa phong tục ; lại không biết khoan dung cho sự sùng tín ; đem giết hại những người theo đạo, và lại tuyệt giao với ngoại quốc làm thành ra nước Nam ta ở lẻ loi một mình ». (trang 228)
Trong khuôn khổ nói về ấn triện, tôi chỉ xin nói đến những sự kiện lý thú liên quan đến những chiếc ấn của vị vua uy quyền nhất của triều Nguyễn này thôi.
Lên ngôi vua trễ tràng lúc đã 30 tuổi (1820), hoàng tử Đởm rất am hiểu việc triều chính. Nhưng theo sử sách ghi lại thể chất mảnh mai, sức khỏe không được dồi dào, nét mặt lạnh lùng nhưng thông minh, cương quyết. Do vậy, tuy trị vì trong 20 năm, nhà vua luôn luôn tự phấn đấu không biếng nhác vì mệt mỏi vừa bằng thuốc bổ dưỡng vừa bằng
nghị lực tinh thần để tự mình sắp đặt, cải tổ mọi việc cai trị. Trên phương diện thuốc thang để tự bổ dưỡng, hậu thế đồn đãi về toa ngự thang « nhất dạ ngũ giao sinh lục tử ». Chuyện thâm cung bí sử thì không biết hư thực ra sao, tuy nhà vua chỉ thọ 50 tuổi (1841), nhưng nhân số của Hệ nhì chánh của ngài được coi là đông nhất gồm 56 phòng (mỗi phòng do một vị Hoàng tử) và tính đến năm 1942, số Nam nhân được 1800 người.
7) Chuyện « Trụ tam đợi như các mệ » ở Huế xưa !
Nhân nói chuyện vua Minh Mạng, chúng ta thấy trừ chỉ có vua Tự Đức là vô tự và Kiến Phúc chết trẻ lúc 16 tuổi – đại đa số các chúa và vua nhà Nguyễn đều « cả sông đông chợ, lắm vợ nhiều con ». Nên ở Huế thuở tôi còn bé hay nghe người lớn nói về chữ « hoang » và « trụ » của dân Hoàng phái, chẳng hạn nói « hoang như các mệ », « trụ tam đợi như Hoàng phái ». Hoang không phải là hoang phí xài tiền hay tinh nghịch chơi hoang, mà là hoang dâm với các chữ « nói hoang, làm thơ hoang như Hồ Xuân Hương, vua Thành thái « hoang » lắm ! Còn trụ là chữ « trụ vương » nói tắt ! Trụ tam đợi là ba đời đều là vua Trụ cả. Do đó, tôi xin sao lục một giai thoại sau : Một Mệ Hoàng Phái đi ngủ đò (còn gọi là Nôốc), du dương quá làm chiếc đò chòng chành, khiến mặt nước Sông Hương vốn phẳng lặng bỗng gợn sóng. Mệ đã quá và vốn là tay thi phú, Mệ bèn ra câu đối : « Tau nắc mi, mi nắc nôốc, nôốc nắc nác (nác = nước), bỗng dưng Hương thủy nổi ba đào ! »
Cô gái làng chơi bèn dựa trên ý « trụ ba đời » mà ứng khẩu lại mà đối rằng : « Ôôn (ông) sinh cha, cha sinh con, con sinh cháu, đa đoan truyền tử với lưu tôn ! »
Có lẽ tin tưởng vào cái khả năng tình dục phi thường của hậu duệ, Vua Minh mạng mới « ngự chế » 11 bài thơ Phiên Hệ và Đế hệ thi, dùng để đặt tên lót cho mỗi đời con, đời cháu, đời chắt, đời chíu… và lập ra Tôn nhơn phủ (năm 1836) đặt quan chức để coi mọi việc ở trong họ nhà vua, và một cái ấn là « Hoàng đế tôn thân chi bửu ».
Theo cuốn Nguyễn Triều ngọc điệp của Bửu Phúc, thì có 6 Hệ chánh từ vua Gia long là Hệ nhất chánh, cho đến vua Đồng Khánh là Hệ Sáu chánh, nhưng vì Hệ năm Chánh tức là Vua Kiến phúc không con, nên chỉ còn 5 Hệ chánh thì về nhân số tính lại đến năm 1943, tổng cộng được 2522 người đàn ông và 2400 đàn bà.
8) Chức năng của nhiều ấn mới cho nhu cầu Vì nhu cầu hành chánh, vua Minh Mạng đặt ra hai cơ quan quan trọng là Nội các và Cơ mật viện.
Công việc của Nội các tựa hồ như phòng bí thư của vua làm bao nhiêu việc về giấy tờ như biểu, sách, chế, cáo, chương, tấu, sắc, mệnh, v.v… Mỗi một thứ giấy trên có một chức năng hệ trọng riêng dưới guồng máy cai trị quân chủ mà chúng ta đời sau không thấu đáo nên hiểu lầm lẫn, mù mờ ví dụ không biết phân biệt thế nào là sắc, chiếu, chế, cáo… và đương nhiên khuôn dấu ấn triện phải dùng khác nhau. Theo sử gia Trần trọng Kim, vua Minh Mạng rất mẫn cán, việc gì ngài cũng muốn tìm hiểu hỏi han, đêm nào,
ngài cũng thức đến canh ba mà duyệt xét các tấu chương từ các trấn trong nước gởi về.
Dưới triều Minh Mạng, nhà vua còn lập ra những ấn sau để đáp ứng nhu cầu hành chánh như sau :
- Ấn Ngự tiền chi bửu dùng cho các việc đóng cho các chỉ dụ, sớ tấu và sổ sách của văn phòng nhà vua.
- Ấn Trị lịch minh thời dùng cho việc ban chính sóc (tức là ban lịch).
- Ấn Khâm văn thì dùng vào giấy tờ liên quan đến việc học, mở khoa thi, hoặc ấn định về sĩ tử.
- Ấn Duệ vũ đóng giấy tờ về việc binh nhung, mở trường võ cử, nghiêm luật về việc võ bị.
- Ấn Mệnh đức thì dùng vào việc khen thưởng công lao.
- Ấn Tề gia thì dùng vào việc thưởng phạt trong cung cấm.
Tôi xin nói riêng về chiếc ấn « Ngự Tiền chi bửu » là khi thất thủ Kinh Đô, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng trị, Tôn thất Thuyết có đem nó theo, nhưng khi vua Đồng Khánh được Pháp đưa lên kế vị thì cho chế tạo lại.
« Nguyên thủy nó hình tròn và bằng vàng, nhưng khi chế tạo lại thì sợ rằng không theo đúng mẫu cũ, e có nhiều sự trở ngại, nên Vua Đồng Khánh chuẩn cho làm lại bằng ngà voi theo hình bát giác để tạo ra dấu riêng. Dấu ấn « Ngự tiền chi bửu » mới này còn lưu lại trên chân dung của vua Đồng Khánh ».
9) Đóng dấu đè lên niên hiệu của Vua phải tội bất kính !
Vua Minh Mạng còn lo chuẩn định lề lối cho các quan trong triều về cách đóng dấu : Theo luật thì trên các tờ văn kiện sớ tấu, dưới chỗ ký tên được đóng dấu của quan phòng liên hệ ; chỗ niên hiệu nhà vua thì đóng dấu đình thần, chỗ giáp phùng (nối giáp qua tờ khác) thì đóng dấu « Đồng di hiệp cung ».
Một điều mà chúng ta người đời sau nên biết về tinh thần tôn ty khắt khe thời quân chủ như luật phải tuyệt đối không được phạm thượng, như kiêng gọi các tên cúng cơm của các nhà vua triều Nguyễn (gọi là quốc húy ví dụ như các tên Noãn, Ánh, Đảm, Chủng, Hiệu) mà khi đóng khuôn dấu, người dưới không được đóng dấu đè lên niên hiệu của nhà vua, như thế là phạm tội bất kính. Đối với điều kiêng cữ này, vua Minh Mạng chuẩn cho các quan nha lớn nhỏ được phép đóng ấn tín như lời dụ của vua xuống bộ Lễ :
« Dùng ấn tín để phòng kẻ gian ngụy, ngăn sự thay đổi. Xưa nay các kỳ ấn, bảo tỷ, hay ấn chương phần nhiều đóng trên chữ niên hiệu năm ấy. Duy lệ cũ, các nha đóng ấn tín về một bên là ngụ ý tôn kính vua. Nay trẫm nghĩ ấn ngự dụng đã đóng lên chữ năm thì chuẩn cho các nha lớn nhỏ, ấn tín được đóng lên chữ tháng ấy cũng đủ phân biệt tôn ti mà lại phòng ngừa được tệ cạo tẩy… »
Ngày xưa, có lẽ đôi lúc coi chuyện được « vua đè » là một điều vinh dự như câu hát :
« Một đêm tựa mạn thuyền rồng,
Còn hơn mãn kiếp trên sông thuyền chài ».
Tuy nhiên, « đè » lắm chẳng ai chịu mãi dù là ẩn nhẫn như tâm sự của Nguyễn côngTrứ oan ức bị vua nghi là lòng dạ « phản trắc » :
« Đem lưng cho thế gian nhờ
Chẳng trung thì chớ, lại ngờ bất trung ! »
(câu đố giải là cái phản)
10) Kỷ niệm cung đình về chiếc ấn vua Bạn Võ Hương An, có thân phụ là Nhất đẳng Thị Vệ trải hai triều Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1925-1945), kể về lối công văn trong Cung Nội như sau :
« Thầy tôi thường gọi phòng làm việc của vua là « phòng phê » và bàn giấy của vua là « Bàn ngự phê ». Đời Khải Định, bộ phận văn phòng của vua được đặt ở một nơi khác, gọi là Nội các, thường gọi là « Các ». Đến đời Bảo Đại, sau khi ở Pháp về, vua cho cải tổ lại nhiều mặt, trong đó văn phòng của vua gọi là Ngự Tiền Văn Phòng, cầm đầu là một Đổng Lý. Các quan của Nội Các đều lấy từ các bậc đại khoa (xuất thân tiến sĩ hay phó bảng) được đặc cách mang « bài bạc » chứ không phải « bài ngà » như các quan khác. Các quan ở Các vừa có học vị cao, vừa được gần gũi với vua, nên cả triều đình đều nể vì kính trọng. Đời vua Khải định chữ Hán đang còn thịnh, vua thường phê giấy tờ bằng chữ Hán với bút son. Công việc của thị vệ trực tại phòng phê, không những lo hầu trà, hầu thuốc, hầu quạt, mà còn cả việc mài mực, mài son, sắp đặt giấy tờ, đóng ấn, truyền đạt mệnh lệnh của vua. Cái ấn « Đại Nam Hoàng đế chi
bửu » bằng vàng ròng, nặng khoảng 10kg thường đóng trên các đạo sắc phong và các giấy tờ quan trọng khác. Thầy tôi nói : Đóng ấn gì cũng lấy sức mà đè để nó ăn cho đều chứ còn với cái ấn ni thì cứ cầm cho vững để nhè nhẹ trên hộp son, nhắm vị trí trên tờ giấy cho ngay ngắn, rồi để xuống nhè nhẹ là nó đều ngay ».
« Vua thường chỉ thị cho các Bộ, Viện hay Nội Các. Thị vệ là con thoi liên lạc giữa Vua và Nội các. Muốn truyền một chỉ thị gì, đại khái vua sẽ nói với thị vệ trực rằng : « Này, X (tên thị vệ) truyền cho Các rằng ta (nội dung chỉ thị) ». Sau khi nghe xong, người thị vệ vái, tâu : « Tuân mạng » rồi nhẹ nhàng lui ra, thi hành phận sự. Đến nơi làm việc của Nội Các (ngày đêm có quan túc trực gọi là « trực thần »). Thị vệ hô : « Hoàng đế truyền chỉ ». Trực thần vội sửa sang khăn áo chỉnh tề, đứng dậy với giấy bút cầm tay, sẵn sàng ghi chép, miệng nói : « Dạ, chúng tôi xin tiếp chỉ ». Người Thị vệ lặp lại lời vua dặn, quan Nội các nghe đến đâu ghi chép tới đó. Nội dung này sẽ được trang trọng chép trên tờ giấy khác, cho vào tráp sơn son thếp vàng, đệ ngược lại để vua xác nhận. Công việc này được gọi là « thỉnh huấn ». Vua đọc lại thấy nội dung do thị vệ truyền đạt phản ánh đúng ý, vua chỉ cần điểm một chấm son nơi đầu chữ « tấu » (tâu), có nghĩa là đúng như vậy, « đồng ý ». Động tác này gọi là « châu điểm », còn nếu không, vua sẽ thêm bớt cho rõ ý hơn. Tờ giấy mang bút tích xác nhận đó sẽ mang trả lại Các. Bấy giờ quan Nội các sẽ sao mệnh lệnh ấy ra, đóng ấn Nội các rồi gởi cho Bộ, Viện hay người liên hệ thi hành, còn
bản chính sẽ được lưu vào văn khố, về sau sẽ trở thành sử liệu để Quốc sử quán chép sử… »
(Chuyện Cung đình nghe kể lại của Võ Hương An đăng trong Tiếng Sông Hương của Nguyễn Cúc. Dallas TX, USA).
11) Khi ông vua đã mất quyền năng
Dưới chính thể quân chủ tuyệt đối, uy quyền của nhà vua là tối thượng nên kẻ thần dân rõ ràng như câu thơ của Hàn Mặc tử tả là « run như run thần tử thấy long nhan ». Hình ảnh của vua thường được thể hiện qua dấu ấn của nhà vua đóng trên những tờ sắc chiếu mà người dân phải để chúng trong những cái hộp sơn son thiếp vàng, đặt trên kiệu long đình có lọng che mà rước đi trong một đám rước long trọng mà ngày xưa quen gọi là « đám rước sắc ». Những cờ biển mà nhà vua ban cho ai phải luôn được trọng vọng rước đầu tiên với tiếng nhạc của phường bát âm như lời di chúc của cụ Nguyễn Khuyến dặn con phải tuân theo khi đưa đám ma cho mình :
« Cờ biển của Vua ban ngày trước
Lúc đưa thầy con rước đầu tiên
Lại thuê một lũ thợ kèn
Vừa đi vừa thổi mỗi bên năm thằng ».
Nhưng than ôi, một khi thiên tử mà thất thế thì chiếc ấn đầy uy quyền thiêng liêng cũng bị tịch thu như trường hợp vua Thành thái sau này bị người Pháp bắt phải thoái vị, do đó trên tờ chế cáo thoái vị của ông không có dấu ấn (coi phụ bản), cái ấn đã bị ông Trương như Cương thay mặt Nội
các tịch thu rồi. Nhìn tờ chế cáo của vị vua không dấu ấn, chúng ta khó mà ngăn được tiếng thở dài não ruột.
SẮC MỆNH CHI BỬU
BÀI V : NHỮNG CHIẾC ẤN QUAN NHA VÀ TƯ NHÂN DƯỚI TRIỀU NGUYỄN
1) Những danh từ mới cho các ngạch Quan cai trị
Một điều rất đặc biệt là Vua Minh Mạng lại không theo lối cũ chia nước ra từng trấn với chức quan Trấn thủ, Tổng trấn, Hiệp trấn như trước mà theo lối nhà Thanh đổi trấn làm tỉnh và đặt các chức Tổng đốc (quan đầu tỉnh lớn), Tuần phủ (quan đầu tỉnh nhỏ), Bố chánh sứ (coi về thuế má), Án sát sứ (coi hình luật và trạm dịch) và Lĩnh binh (coi binh lính).
Nước Việt dưới triều Minh Mạng có cả thảy 31 tỉnh. Xin coi phóng ảnh của vài mẫu dấu ấn triện của các quan cai trị tỉnh ở Nam kỳ đời Minh Mạng (1820-1840). Riêng về Kinh đô Huế nằm trong tỉnh Thừa thiên (thừa nhận từ trời) thì tỉnh trưởng tỉnh phó là chức Phủ thừa, Phủ doãn. Thi ông danh tiếng Ưng Bình Thúc Giạ thị đã từng giữ chức Phủ doãn trước đây. Về sau, nước ta lại đặt càng ngày càng nhiều phủ huyện và tỉnh, chẳng hạn như vào đời vua Đồng khánh thì Việt Nam có :
« Ba mươi sáu tỉnh rộng dài,
Năm trăm phủ huyện trong ngoài hai kinh ».
(Dương Bá Trạc)
Hai kinh đây là chỉ Bắc và Trung, còn Nam việt thì trở thành thuộc địa của Pháp rồi.
Tôi xin nói thêm rằng những danh từ quan tước mới được đặt ra thời này như Tổng đốc, Tuần vũ, Án sát, Bố chánh vẫn được dân miền Bắc và Trung quen gọi là quan (hay cụ) Tổng đốc, quan Tuần, quan Án, quan Bố dưới thời Pháp thuộc trước đây thường được dùng trong những tác phẩm tiểu thuyết hồi trước 1945… Còn trong những truyện nói về đời vua Gia long và đời Lê trở về trước thì nhắc đến những danh từ chức tước như quan Tổng trấn, Hiệp trấn, Trấn thủ, v.v… Tả quân Lê văn Duyệt dưới triều Gia long là Gia định thành Tổng trấn như hình dấu ấn triện. Điều này các cây bút sáng tác những truyện hư cấu dã sử vào giai đoạn Lê và Nguyễn nên lưu ý để viết cho đúng với thực tế.
2) Thể thức dùng triện cho các quan
Như vậy, song song với sự cải tổ về hành chánh, mới lên ngôi 2 năm (1822), vua Minh Mạng cho phát các ấn triện bằng đồng cho các chức phủ huyện gọi là đồng triện. Do đó, số lượng về ấn triện rất lớn với con số 31 tỉnh trong nước với vô số phủ huyện tổng thôn xã. Tại sao sự cải tổ lại không làm vào đời vua cha Gia long (1802-1820) khi ngài mới thống nhất giang sơn Bắc Nam ? Diện tích nước Việt nam vào thời Gia long, so với thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn nhậm vùng Thuận Quảng (1558-1613) đã gia tăng gấp đôi, chưa kể chuyện bảo hộ Cao miên và một phần đất Ai lao. Chuyện dân tình lại rất phức tạp giữa Nam và Bắc, giữa đất ngàn năm văn vật cố cựu còn giữ lòng tưởng nhớ nhà Lê và vùng đất mới khai phá cực nam, dân tình còn chất phác ít học. Sau những năm bôn tẩu phục quốc, nhà
vua đã mệt mỏi lắm nên việc cải tổ vẫn còn dở dang, phải đợi vua Minh Mạng kế vị mới làm nổi.
Trước thời Minh Mạng, chỉ có các chức khâm sai nhà vua mới được dùng đồng triện, còn các chức phủ huyện chỉ được dùng triện gỗ hay mộc triện mà người dân quen gọi là « mộc ». Hằng năm, các công sở từ tri huyện trở lên, vào buổi tất niên thường có lệ định ngày « hạp ấn » (đóng hộp ấn cất ấn đi) gọi là để các quan nghỉ ăn Tết, chờ sang năm mới chọn ngày tốt mới trịnh trọng mở ra gọi là lễ « khai ấn ». Thông thường khai ấn cũng giống như khai bút đầu năm, vị quan dùng giấy hồng điều trịnh trọng nghiêm trang viết giòng chữ : « Xuân vương chính nguyệt, sơ… nhật, khai ấn đại cát » (Vào mồng… tháng của Chúa Xuân, khai ấn tốt lành). Ngày khai ấn thường sớm sủa, mồng hai, mồng ba Tết, dù là chưa phải là ngày làm việc, cốt chọn ngày giờ đại cát mà thôi, mà tránh về sau khi cần việc khẩn cấp đóng triện lại rơi vào ngày hung kỵ, xúi quẩy cả năm. Điều này thật đã phản ánh một khía cạnh duy tâm trong phong tục cổ truyền của dân Việt đối với nhiệm vụ thiêng liêng của những bậc cầm cân nảy mực cho người dân. Tục này nay không còn nữa, có nên tiếc chăng ? Chiếc ấn ngày xưa không những biểu trưng cho quyền uy mà lại còn cho danh dự của người có chức vị như cây cờ hay cây kiếm hiệu lệnh của vị tướng cầm quân, chẳng hạn như chuyện Tôn sĩ Nghị lúc bị vua Quang trung đánh vào thành Thăng Long phải chạy thoát thân quên cả ấn tín bị coi là nhục nhã vô cùng.
Về mực dùng đóng ấn, thì nhà vua Minh Mạng ấn định là các quan cấp tỉnh dùng son màu đỏ chói, quan phủ bớt đỏ
một chút, còn các chức huyện chỉ được dùng màu đỏ lẫn đen. Riêng về các quan huyện, thì được cấp một đồng triện gồm 4 chữ và một mộc triện duy nhất có chữ « Tín », một hộp tampon mực đỏ lẫn đen, 12 bộ Hình luật, và một xấp « án lệ » tùy địa phương mà áp dụng để xử cho dân trong bản hạt. Việt nam ta thường có câu « phép vua thua lệ làng » nên các tri phủ, tri huyện trấn nhậm phải học về « án lệ » kẻo mất lòng dân sở tại. Và đáng chú ý thêm là họ được lãnh 50 quan tiền gọi là tiền « dưỡng liêm » ngoài tiền lương bổng và số lương gạo thường xuyên, và một số y phục gọi là « xuân phục ». Lương tiền của các quan viên thời trước so với nay thì quá ít ỏi, nên nhà vua sợ những phủ huyện thiếu thốn mà nhũng lạm của dân, cho nên mỗi năm lại phát thêm tiền « dưỡng liêm » (nuôi đức tính thanh liêm). Còn áo quần thì được tính ra bằng giá cả quan tiền, chỉ cấp phát mỗi năm vào mùa xuân nên gọi là tiền xuân phục. Nhưng trên thực tế, các bậc phụ mẫu chi dân vào cuối đời Nguyễn, ngay cả hiện nay, khó giữ tính thanh liêm nên Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835-1909), từng làm quan đến Tổng đốc, khi vịnh chuyện Thúy Kiều đã mỉa mai rằng :
« Có tiền việc ấy mà xong nhỉ ?
Đời trước làm quan cũng thế a ! »
3) Hình xử bá đao tùng xẻo cho kẻ làm ấn giả Ấn triện ngày xưa tượng trưng cho quyền uy của người giữ chúng, nên hình luật quốc gia cực kỳ nghiêm khắc trừng phạt sự giả mạo, như trường hợp xảy vào năm Quí Dậu
(1813), một người tên Hoan với sự trợ giúp của một ông sãi chùa của làng Hà Liễu đã làm giả một chiếc ấn triều đình bằng đồng bị phát giác và bị bắt nên bị giải về Kinh với tất cả vợ con : anh ta bị xử tử bằng hình phạt bá đao (hay « tùng xẻo » đánh một tiếng trống tùng thì xẻo một lát dao cho đến… 100 lát thì thôi), thây chôn bên hồ Lao thủy, còn vợ con thì giam ngục ; gia nhân hơn mười ba người đều bị tội chết, một người con nhờ trốn vào rừng sâu mà thoát chết.
(Tôi cũng xin kể trong dấu ngoặc về trường hợp một người đã lấy củ khoai lang khắc khuôn dấu bằng Tú tài đôi, vào cuối thập nhiên 40, ở vùng Việt Minh chiếm để khi hồi cư về Hànội nạp cho trường Đại Học mà xin nhập học Y khoa. Trường hợp không bị phát giác và… đương sự cũng thông minh chuyên cần gắng học hằng năm, vẫn đủ điểm
lên lớp, và cuối cùng tốt nghiệp Y khoa tiến sĩ như ai. Sự việc giống như vụ gian lận nghe lén để tranh cử Tổng thống Watergate, nhưng nếu Tổng thống Nixon đắc cử ở Mỹ bị giải chức thì « vụ bằng cấp củ khoai » của ta có một happy ending, vì không ai biết vụ « bác sĩ củ khoai » cả).
4) Ấn của tư nhân ta và tầu khác nhau thế nào ? Bên cạnh những ấn triện công quyền, Việt nam cũng có nhiều ấn triện của các tư nhân dùng để giao dịch, đóng trên những tờ khế ước giao kèo mua bán ruộng đất nhà cửa quan trọng, giấy nợ…
Về hình thức, những chiếc triện của Việt nam đã khác của Trung Hoa ra sao ?
Phong tục và thể cách dùng ấn triện, thì từ những triều đại trước của ta vẫn bắt chước của họ, nhưng dựa vào nhiều chiếc triện của triều Nguyễn còn lưu lại trong bộ sưu tập của Bảo tàng viện Blanchard de la Brosse, Saigon thì người ta chú ý vài điểm dị biệt sau :
Dù là bằng ngà voi, đá, hay bằng đồng, những khuôn triện cũ của những cá nhân người Việt ngoài khuôn thức hình vuông quen thuộc, còn có một khuôn thức đặc thù cho những ấn triện Việt nam là hình lục giác không đều, mà hai đỉnh của hai góc tù bị cắt lõm vào bằng một đường nửa hình tròn (coi hình). Có lẽ hai phần lõm là chỗ dùng hai ngón tay cầm triện mà đóng ? Những khuôn ấn đặc biệt này có mép viền 2mm, lại chứa trong lòng một hình chữ nhật dùng để khắc chữ, ở khoảng giữa đường mép viền và khuôn chữ nhật lại được khắc những hình trang trí kỷ hà như đường hoa văn, và đặc biệt là những nét chữ Vạn có râu tua. Thể thức những chữ khắc trên các ấn triện của Việt nam lại có thêm điều khác biệt sau là chỉ chấm dứt bằng hai chữ : « Tín Ký », hoặc đôi khi giản tiện bằng một chữ « Ký ». Thể thức này thì người Tàu chỉ áp dụng độc quyền trên những ấn của thương gia, còn các ấn cá nhân thì người Tầu lại hay dùng công thức sau : « …chi Ấn » hay « …Ấn » (Ấn của Mỗ). Có lẽ ở Việt nam ngành thương mãi không được coi trọng, nên dành chữ « ấn », « triện » cho làng xã, hay kẻ sĩ (?)
Một kiểu thức khác của ấn Việt nam là khi ấn khắc 4 chữ thì sự sắp xếp lại theo hình chữ thập như trên đồng tiền, thứ tự đọc từ trên xuống dưới, và phải qua trái.
Về kiểu chữ, thì ấn Việt nam không theo kiểu chữ triện thông thường của Tầu mà lại biến hóa tùy thích :
- Hình 1-2 là chữ Tín biến hóa kiểu Việt.
- Còn hình 3 là chữ Tín theo lối triện thường lệ của Tầu. - Hình 4-5 là chữ Ký biến hóa theo Việt.
- Và hình 6 và 7 là chữ Ký của Tầu.
- Hình 8 là chữ Thôn (làng) trên triện lý trưởng của Việt. - Hình 9 là chữ Thôn của Tầu.
- Hình 10 là chữ Trưởng của triện ta.
- Các hình 11-12-13 là chữ Trưởng theo sách Tầu.
Tôi cũng sưu tập được phóng ảnh của một tờ y án và dấu triện của các ông Ngự Y triều Nguyễn, sau chẩn bệnh cho nhà vua phải viết ra tường trình bệnh trạng và đã cắt thuốc ra sao. Những tờ y án này rất quan trọng nên được lưu trữ để điều tra về sau sợ có âm mưu đầu độc nhà vua chăng ? Và đặc biệt phải đóng dấu « giáp phùng » trên những tờ giấy sang trang để tránh gian lận.
5) Những hình ấn trang hoàng
Ngoài những ấn triện công quyền và tư gia, người Việt lại có những chiếc ấn triện không có chức năng thực tiễn mà
để trang trí như những nghệ phẩm để trưng bày. Những loại này thường khắc trên ngà hay răng cá voi, mà nuốm khắc hình kỳ lân, sư tử… Vào thập niên 30, nhiều ấn loại này được bán đấu giá ở Saigon. Những khuôn triện nghệ phẩm này thường có hình trái xoan, hình thuẫn, khắc những chữ Thọ, Phúc, Nam Phong chung quanh có chạy những đường chỉ hoa văn.
Nhìn lại những khuôn ấn triện cũ của Việt nam còn sót lại từ thời cận đại, hậu sinh chúng ta thấy rằng chúng quả là những chứng tích mang linh hồn của một thời lịch sử và văn hóa quá khứ cực kỳ phong phú nếu chúng ta hiểu biết ; còn nếu không thì chúng chỉ là những vật vô tri.
Các mẫu ấn của tư nhân còn lưu trữ tại bảo tàng viện Saigon (Musée Blanchard de la Brosse). Phần lớn để chữ Tín Ký, chữ Bảo và Tỉ là ấn của vua.
"""