" Chia Rẽ - Tại Sao Chúng Ta Đang Sống Trong Thời Đại Của Những Bức Tường? - Tim Marshall & Trần Trọng Hải Minh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Địa Chính Trị] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chia Rẽ - Tại Sao Chúng Ta Đang Sống Trong Thời Đại Của Những Bức Tường? - Tim Marshall & Trần Trọng Hải Minh (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Địa Chính Trị] Ebooks Nhóm Zalo CHIA RẼ ———★——— Nguyên tác DEVIDED Tác giả TIM MARSHALL Người dịch TRẦN TRỌNG HẢI MINH Đơn vị phát hành NHÃ NAM Nhà xuất bản DÂN TRÍ ebook©vctvegroup 26-03-2022 Giới thiệu Bức tường biên giới giữa Israel và Bờ Tây là một trong những nơi hung hãn và thù địch nhất trên thế giới. Nhìn ở khoảng cách gần, dù ta ở phía nào, bức tường dựng lên từ mặt đất, gây choáng ngợp và áp chế ta. Đối mặt với dải thép và bê tông trơ trụi đó, ta trở nên nhỏ bé không chỉ bởi kích thước, mà cả bởi những gì bức tường đó đại diện. “Ta” ở một phía, “địch” thì ở phía bên kia. Ba mươi năm trước, một bức tường đã sụp đổ, đưa tới thời đại mới có vẻ như là thời của sự cởi mở và chủ nghĩa quốc tế. Năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan ghé thăm cổng chào Brandenburg ở Berlin lúc đó còn đang bị chia đôi và kêu gọi người đồng cấp với ông ở phía Liên bang Xô Viết, “Ngài Gorbachev - kéo sập bức tường này đi*.” Hai năm sau, nó đã sập. Berlin, Đức, và rồi châu Âu lại được thống nhất lần nữa. Trong thời đại đầy phấn khích đó, một số học giả đã tiên đoán lịch sử đã kết thúc. Tuy nhiên, lịch sử đã không kết thúc. Trong những năm gần đây, tiếng hô “Hãy kéo sập bức tường” đang thất thế trước “não trạng pháo đài”. Tiếng hô đó chật vật tìm người nghe, không thể cạnh tranh được với những cao điểm đáng sợ của nhập cư ồ ạt, phản ứng dữ dội trước toàn cầu hóa, sự nổi lên trở lại của chủ nghĩa dân tộc, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản và vụ tấn công 11 tháng Chín và những gì diễn ra sau đó. Đó là những lằn ranh đứt gãy sẽ định hình thế giới chúng ta trong những năm sắp tới. Chúng ta nghe nói rất nhiều về bức tường Israel, bức tường biên giới Hoa Kỳ-Mexico, và một số bức tường ở châu Âu, nhưng điều nhiều người không nhận ra là các bức tường đang được xây lên dọc biên giới ở khắp nơi. Hàng nghìn dặm tường và hàng rào mọc lên trên khắp thế giới trong thế kỷ 21. Ít nhất sáu mươi lăm nước, hơn một phần ba các nhà nước quốc gia [nation state] trên thế giới, đã xây lên những hàng rào dọc đường biên giới của họ, một nửa số bức tường xuất hiện sau Thế chiến II mới chỉ được xây từ năm 2000 tới giờ. Riêng tại châu Âu, trong vài năm qua, những bức tường, hàng rào và rào chắn có thể đã được dựng lên nhiều hơn so với thời đỉnh điểm chiến tranh lạnh. Chúng bắt đầu bằng sự chia tách giữa Hy Lạp và Macedonia, Macedonia và Serbia, và Serbia với Hungary, và khi chúng ta ngày càng ít thấy sốc hơn với mỗi dãy hàng rào dây thép gai mới, những nước khác nối bước - Slovenia đã bắt đầu xây dựng ở biên giới với Croatia, Áo đã lập hàng rào với Slovenia, Thụy Điển lập lên các rào chắn để ngăn người nhập cư bất hợp pháp vượt sang từ Đan Mạch, trong khi Estonia, Latvia và Lithuania đều đã bắt đầu các công cụ phòng ngự ở biên giới của họ với Nga. Nhưng chắc chắn không chỉ có mình châu Âu: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã xây dựng một hàng rào dọc theo biên giới với Oman, Kuwait làm tương tự với Iraq. Iraq và Iran duy trì sự chia cắt hữu hình, tương tự là Iran và Pakistan - tất cả 435 dặm (khoảng 700 kilômét) hàng rào. Ở Trung Á, Uzbekistan, bất chấp là một nước không có biển, đã đóng cửa với năm nước láng giềng, Afghanistan, Tajikistan, Kazakhstan, Turkmenistan và Kyrgyzstan. Biên giới với Tajikistan thậm chí còn được gài mìn. Và câu chuyện cứ thế tiếp tục, qua những rào chắn chia tách Brunei và Malaysia, Malaysia và Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ, Ấn Độ và Bangladesh, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, cứ như thế trên toàn thế giới. Những bức tường này nói với chúng ta nhiều điều về nền chính trị quốc tế, nhưng sự lo lắng mà chúng đại diện vượt ra khỏi các biên giới nhà nước quốc gia nơi có chúng. Mục đích chính của những bức tường xuất hiện khắp châu Âu là để ngăn làn sóng người nhập cư - nhưng chúng cũng nói lên nhiều điều về sự chia rẽ và bất ổn sâu xa hơn trong chính cấu trúc của Liên minh châu Âu, và nội trong các nước thành viên của nó. Bức tường do Tổng thống Trump đề xuất dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico là nhằm ngăn cản dòng người nhập cư từ phía nam, nhưng nó cũng đụng tới nỗi sợ sâu xa hơn mà nhiều người ủng hộ bức tường đó cảm nhận được về sự thay đổi nhân khẩu học. Sự chia rẽ định hình nền chính trị ở mọi cấp độ - cá nhân, địa phương, quốc gia và quốc tế. Mỗi câu chuyện đều có hai mặt, giống như mỗi bức tường vậy. Điều tối quan trọng là ý thức được điều gì đã chia rẽ chúng ta, và điều gì tiếp tục chia rẽ chúng ta, để hiểu được những gì đang diễn ra trong thế giới ngày nay. * * * Hãy hình dung phần khởi đầu kiệt tác khoa học giả tưởng năm 1968 của Stanley Kubrick* 2001: A Space Odyssey [tạm dịch: Hành trình không gian], trong trường đoạn mang tựa đề “Bình minh của loài người”. Ở thảo nguyên châu Phi thời tiền sử, một bộ lạc nhỏ những sinh vật người nguyên thủy/người vượn đang cùng nhau uống nước bình yên ở một vùng nước thì một bộ lạc khác xuất hiện. Những cá nhân đó rất vui lòng chia sẻ giữa những thành viên trong nhóm mình - nhưng không phải với bộ lạc “khác” mới đến. Một cuộc thi gào rú diễn ra sau đó, và nhóm mới đã chiếm được vũng nước, buộc những kẻ cũ phải rút lui. Ở đây, nếu những kẻ mới tới đủ sáng tạo để làm ra gạch và trộn được xi măng, họ có thể sẽ xây một bức tường bảo vệ tài sản của họ. Nhưng bởi chuyện này diễn ra vài triệu năm trước, họ phải đấu tranh một lần nữa khi vài ngày sau bộ lạc đầu tiên quay trở lại, sẵn sàng tham chiến, để giành lại lãnh thổ của mình. Chúng ta luôn thích không gian của riêng mình. Việc nhóm lại thành những bộ lạc, cảm giác bất an trước những kẻ bên ngoài và sự phản ứng với những mối đe dọa nhận thức được đều là những việc đậm chất con người. Chúng ta hình thành những mối quan hệ không chỉ quan trọng cho sự sinh tồn, mà còn cho cả sự cố kết xã hội nữa. Chúng ta phát triển một bản sắc nhóm, và điều này thường dẫn tới xung đột với những nhóm khác. Các nhóm tranh giành nhau nguồn lực, nhưng cũng có yếu tố xung đột về bản sắc - một tường thuật về “chúng ta và chúng nó”. Trong lịch sử loài người thời kỳ đầu, chúng ta là những người săn bắt hái lượm: chúng ta chưa định cư, hay chưa có được các nguồn lực cố định lâu dài mà những kẻ khác có thể thèm muốn. Rồi, ở vùng mà ngày nay chúng ta gọi là Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông, loài người bắt đầu làm nông nghiệp. Thay vì lang thang khắp nơi để tìm cái ăn, hay chăn bầy gia súc, họ cày cấy trên những cánh đồng và đợi mùa thu hoạch. Bỗng nhiên (trong bối cảnh tiến hóa) ngày càng nhiều người chúng ta cần xây lên những rào chắn những bức tường và mái nhà để chúng ta và bây gia súc của chúng ta trú ngụ, những hàng rào để đánh dấu lãnh thổ của chúng ta, những pháo đài để rút lui vào nếu lãnh thổ của chúng ta bị tấn công, và những chòi canh để bảo vệ hệ thống mới này. Những bức tường đó có công năng và thường là có hiệu quả. Thời đại của những bức tường đã đến với chúng ta và những pháo đài to lớn đã túm chặt lấy trí tưởng tượng của chúng ta kể từ đó. Chúng ta vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện về các bức tường của Troy, Jericho, Babylon, Vạn Lý Trường Thành, Đại Zimbabwe, trường thành Hadrian, bức tường Inca ở Peru, Constantinople và nhiều bức tường khác nữa. Chúng cứ nối dài mãi, theo thời gian, khu vực và văn hóa, cho tới thời hiện đại - nhưng giờ chúng có thêm lưới điện, có đèn pha quét ở trên cao và máy quay an ninh. Tuy nhiên, những sự chia rẽ vật lý này được phản chiếu qua sự chia rẽ trong tâm trí - những ý tưởng lớn đã dẫn dắt nền văn minh của chúng ta và trao cho chúng ta bản sắc và một cảm nhận thuộc về nơi nào đó - chẳng hạn như cuộc đại ly giáo của Kitô giáo, sự chia tách Islam [Hồi giáo] thành Sunni và Shia, và gần đây hơn trong lịch sử là những trận chiến giữa chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít và dân chủ. Tựa đề cuốn sách năm 2005 của Thomas Friedman The World is Flat* dựa trên niềm tin rằng toàn cầu hóa tất sẽ đưa chúng ta lại gần nhau hơn. Toàn cầu hóa đã gia tăng thương mại quốc tế: ta có thể nhấp chuột và có người ở Thượng Hải sẽ đặt một món đồ vào trong một chiếc hộp và gửi nó cho ta - nhưng đó không nhất thiết là sự thống nhất. Toàn cầu hóa cũng truyền cảm hứng để chúng ta xây lên những rào chắn, nhất là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi chúng ta không còn tiền nữa. Khi đối mặt những mối đe dọa tăng thêm theo cảm nhận chủ quan - chủ nghĩa khủng bố, xung đột bạo lực, người tị nạn và nhập cư, khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo - người ta lại càng bám chặt vào nhóm của mình. Thời đại mới của sự chia rẽ mà chúng ta đang sống được phản ánh và làm trầm trọng hơn bởi những tiến bộ của thế giới số. Người đồng sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, tin rằng mạng xã hội sẽ thống nhất chúng ta. Sau đó ông thừa nhận rằng ông đã lầm. Trong một số khía cạnh, mạng xã hội đã mang chúng ta lại gần nhau hơn, nhưng nó đồng thời trao tiếng nói và khả năng tổ chức cho những bộ lạc mới trên mạng, một số bỏ thời gian để buông lời công kích và gây chia rẽ khắp thế giới mạng. Có vẻ như chưa bao giờ có nhiều bộ lạc như thế, và nhiều xung đột giữa họ như thế. Câu hỏi chúng ta đối mặt ngày nay là: Các bộ lạc thời hiện đại có hình dạng thế nào? Liệu chúng ta định nghĩa chính mình theo giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, hay quốc tịch chăng? Và liệu những bộ lạc đó có thể cùng tồn tại? Tất cả đều quy về ý niệm “chúng ta và chúng nó” cùng những bức tường mà chúng ta dựng lên trong tâm trí mình. Đôi khi “kẻ khác” có một ngôn ngữ hay màu da khác; một tôn giáo khác hay một hệ thống niềm tin khác. Một ví dụ xảy ra gần đây khi tôi ở London với một nhóm ba mươi nhà báo trẻ hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới mà tôi nhận đào tạo. Tôi nhắc tới cuộc chiến tranh Iran-Iraq, trong đó có tới một triệu người đã chết, và tôi sử dụng cụm từ có thể là vụng về: “người Hồi giáo giết người Hồi giáo”. Một nhà báo Ai Cập trẻ tuổi đã nhảy ra khỏi ghế và hét lên rằng anh ấy không cho phép tôi nói thế. Tôi chỉ ra số liệu thống kê từ cuộc chiến kinh hoàng đó và anh ấy đáp, “Phải, nhưng người Iran không phải người Hồi giáo.” Bỗng nhiên tôi ngộ ra, và trái tim tôi chùng xuống. Đa số người Iran là người Shia, nên tôi hỏi anh ấy, “Anh đang nói rằng người Shia không phải người Hồi giáo?” “Phải,” anh ta đáp. “Shia không phải là người Hồi giáo.” Những sự chia rẽ như thế không vì cạnh tranh nguồn lực, mà vì lời tuyên bố rằng những gì ta nghĩ chính là chân lý duy nhất, và những ai có quan điểm khác biệt là những kẻ thấp kém hơn. Với sự chắc chắn về tính ưu việt của bản thân như thế, những bức tường nhanh chóng mọc lên. Nếu ta đưa thêm vào sự cạnh tranh nguồn lực nữa, chúng còn mọc lên cao hơn. Có vẻ như đó chính là hiện trạng của chúng ta. Thế giới theo nhiều nghĩa đang tốt đẹp hơn bao giờ hết. Trong những thập niên gần đây, hàng trăm triệu người đã thoát khỏi nghèo đói cùng cực; tỷ lệ mắc bệnh sốt rét đang giảm; bệnh bại liệt gần như đã được thanh toán; tỷ lệ tử vong trẻ em giảm xuống. Bạn muốn sống ở thế kỷ 16 hay thế kỷ 21? Bất chấp quyền lực và của cải của bà, Nữ hoàng Elizabeth I* phải chịu đựng những cơn đau răng khổ sở hơn rất nhiều so với hầu hết những người dân thường sống ở phương Tây ngày nay. Nhưng chúng ta đang gây ra nhiều mối nguy cho sự tiến bộ đó. Thời đại hậu Thế chiến II rốt cuộc dẫn tới sự sụp đổ của bức tường Berlin đã nhường chỗ cho một giai đoạn mới, trong đó lập trường trung dung ngày càng chịu nhiều áp lực, trong khi những tiếng loa lớn tiếng kêu gọi cực đoan ngày càng mạnh hơn. Không hẳn là chúng ta đang tụt hậu, nhưng chúng ta cần hiểu, công nhận - và đôi khi thậm chí là chấp nhận - sự chia rẽ vẫn đang tồn tại nếu chúng ta muốn dựng xây sự thống nhất. Vì mục đích của cuốn sách này, tôi sử dụng từ bức tường thay cho những rào chắn, vách ngăn và các kiểu chia rẽ khác nhau. Chúng ta quả có nhìn thấy các bức tường vật chất ở mỗi chương, hầu hết chúng bằng gạch và vữa, hay bê tông và dây thép gai, nhưng những bức tường đó là phần “cái gì” của sự chia rẽ, không phải là phần “tại sao” - và chúng chỉ mới là phần mở đầu câu chuyện. Tôi không thể viết về mọi vùng miền bị chia rẽ. Thay vì thế, tôi tập trung vào những khu vực minh họa tốt nhất cho thách thức với bản sắc trong một thế giới đã toàn cầu hóa: những tác động của nhập cư (Hoa Kỳ, châu Âu, tiểu lục địa Ấn Độ); chủ nghĩa dân tộc như một thế lực vừa thống nhất vừa chia rẽ (Trung Quốc, Anh, châu Phi); và những sự giao cắt về tôn giáo và chính trị (Israel, Trung Đông). Ở Trung Quốc, chúng ta chứng kiến một nhà nước quốc gia mạnh mẽ với nhiều chia rẽ bên trong biên giới của đất nước đó - chẳng hạn như bất ổn ở địa phương và chênh lệch giàu nghèo - những chia rẽ tạo ra nguy cơ cho sự thống nhất quốc gia, đe dọa sự phát triển kinh tế và quyền lực; do đó chính quyền phải thực thi sự kiểm soát với người dân Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng chia rẽ, vì những lý do khác: thời đại của Trump đã làm các quan hệ chủng tộc thêm gay gắt ở Xứ Tự do, nhưng đồng thời bộc lộ sự chia rẽ chưa từng thấy giữa phe Cộng hòa và Dân chủ, những người đang kình chống nhau quyết liệt hơn bao giờ hết. Sự chia rẽ giữa Israel và Palestine đã lâu đời, nhưng với quá nhiều sự chia rẽ nhỏ hơn trong dân chúng ở mỗi bên, việc nhất trí được một giải pháp gần như là bất khả. Chia rẽ tôn giáo và sắc tộc cũng làm bùng lên bạo lực khắp vùng Trung Đông, thể hiện rõ cuộc tranh đấu then chốt giữa những người Hồi giáo Shia và Sunni - mỗi sự kiện là kết quả của những thành tố phức tạp, nhưng phần lớn sự chia rẽ tới từ tôn giáo, đặc biệt là từ mối kình địch trong vùng giữa Saudi Arabia và Iran. Ở tiểu lục địa Ấn Độ, những sự dịch chuyển của dân cư, hiện nay và trong những năm sắp tới, cho thấy cảnh ngộ của những người chạy trốn sự truy bức tôn giáo cũng như của rất nhiều người tị nạn kinh tế và khí hậu. Ở châu Phi, các đường biên giới do chủ nghĩa thực dân bỏ lại đang tỏ ra khó tương thích với những bản sắc bộ lạc vẫn còn đậm nét. Khắp châu Âu, chính ý tưởng về một khối Liên Âu đang bị đe dọa khi các bức tường mọc lên trở lại, cho thấy những khác biệt từ thời Chiến tranh Lạnh chưa được giải quyết hoàn toàn, và cho thấy chủ nghĩa dân tộc chưa bao giờ thật sự biến mất ở thời đại của chủ nghĩa quốc tế. Và khi Anh rời EU, Brexit bộc lộ sự chia rẽ khắp vương quốc - những bản sắc khu vực lâu đời, cũng như những căng thẳng xã hội và tôn giáo gần đây hơn, vốn đã định hình trong thời đại toàn cầu hóa. Trong một thời kỳ của sợ hãi và bất ổn, mọi người sẽ tiếp tục tụ lại với nhau, để bảo vệ bản thân họ khỏi những mối đe dọa mà họ nhận thức được. Những mối đe dọa này không chỉ tới từ những đường biên giới. Chúng cũng có thể đến từ bên trong - như Trung Quốc biết rất rõ… Chương Một VẠN LÝ HỎA THÀNH TRUNG QUỐC “Cũng giống như trong thế giới thực, tự do và trật tự đều cần thiết trong không gian mạng.” - Chủ tịch Tập Cận Bình Các hoàng đế Trung Hoa luôn chật vật để tìm cách thống nhất những “tiểu vương quốc” chư hầu tách rời và chia rẽ của họ thành một khối thống nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng vậy. Ông có thể không được gọi là hoàng đế, nhưng các chức danh chính thức của ông khiến ta không khỏi nghi ngờ - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Quân sự Dân sự Hợp nhất Trung ương - danh sách này cứ kéo dài mãi. Ông không chỉ là Lãnh tụ tối cao, ông còn là Lãnh tụ thậm tối cao. Những thứ đặt dưới quyền lãnh đạo của ông đều mênh mông, bao gồm cả những thách thức. Đất nước Trung Quốc gồm năm múi giờ tương ứng với diện tích cỡ Hoa Kỳ. Trong không gian này có 1,4 tỉ người đa dạng về sắc tộc sinh sống, nói hàng chục thứ ngôn ngữ khác nhau, đó là một đế chế đa sắc tộc mang những đặc trưng Trung Quốc đỏ. Có thể có năm múi giờ về mặt địa lý, nhưng chỉ có một giờ chính thức. Câu trả lời cho câu hỏi “Mấy giờ rồi?” là “Bắc Kinh nói mấy giờ thì là mấy.” Quy tắc trọng tâm này từ lâu đã thế, nhưng vị hoàng đế của thế kỷ này tận hưởng sự thoải mái mà ít người tiền nhiệm nào của ông có được. Ông có thể theo dõi đế quốc của mình từ trên không trung - không chỉ là vùng lãnh thể được dãy Himalaya bao bọc, kéo dài tới biển Nhật Bản và sa mạc Gobi, về tới biển phía nam, mà giờ còn là cả một đế chế kinh tế trải khắp toàn cầu. Tập rất giỏi việc thị uy quyền lực của ông. Ông công cán nhiều hơn so với nhiều người tiền nhiệm. Ông bay tới các thủ đô trên thế giới, tự tin vào quyền lực kinh tế thống nhất của đất nước Trung Quốc mới, nhưng trên đường tới sân bay, ông sẽ được nhắc nhở rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải luôn cẩn trọng ra sao để đảm bảo trung ương nắm giữ quyền lực. Để làm được điều đó, họ phải trở thành những bậc thầy trong việc lặng lẽ thúc đẩy sự thống nhất thông qua chia rẽ. Khi ta lái xe theo hướng đông-bắc dọc theo đường cao tốc sân bay rời Bắc Kinh về phía Vạn Lý Trường Thành, những chia rẽ trong dân chúng ban đầu khó xác định với một người nước ngoài, nhưng rồi trở nên ngày càng dễ thấy. Tập có thể thấy ngay điều này vì nhiều chia rẽ đó đã nổi lên trong đời ông, một số nổi lên trong thời kỳ ông lãnh đạo. Từ trung tâm thành phố, với những chùa miếu lấp lánh ánh đèn neon của chủ nghĩa tiêu dùng và các khu chung cư cao cấp của những người khá giả, con đường đi qua hàng dặm những dãy căn hộ cao tầng của giai cấp trung lưu đang đông dần lên. Xa hơn nữa là nhà máy và các công nhân, những người hết năm này qua năm khác tiếp tục đổ về thủ đô và các thành phố lớn khác từ vùng nông thôn. Dân địa phương có thể nhận ra những khu nhà chung cư nào được xây dựng chất lượng hơn hẳn, và những khu nào được dựng lên vội vàng để kịp dòng di dân. Một khi đã vào những thị trấn nhỏ và làng mạc, không còn mấy đèn neon, và thương mại hóa cũng ít hơn. Ở vùng này của Trung Quốc, các thị trấn là những khu xám xịt, không màu sắc, kham khổ, chẳng có mấy tiện ích; trong mắt người nước ngoài, chỉ có một cảm giác u tối tràn ngập. Đây có lẽ là sự chia rẽ lớn nhất của Trung Quốc - giữa thành thị và nông thôn, người giàu và người nghèo - và như chúng ta sẽ thấy sau này, điều đó làm đảng cầm quyền lo ngại. Đảng biết rằng sự đoàn kết và ổn định của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phụ thuộc rất lớn vào việc bắc cầu nối gần khoảng cách đó, và bàn tay thép của đảng nắm người dân sẽ tuột mất nếu đảng không làm được thế. Sự thống nhất luôn là tối quan trọng với thành công của Trung Quốc, và đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất của họ. Trong quá khứ, thứ đã đóng cả vai trò vật chất và biểu tượng trong việc thống nhất quốc gia là Vạn Lý Trường Thành. Nếu Tập đi tiếp theo đường cao tốc, qua khu sân bay, ông sẽ vào một con đường tám làn xe đi xa hơn về hướng đông bắc, và từ đó sẽ tới công trình gây ngợp cho trí tưởng tượng của cả thế giới. Khi ta tới gần đoạn Mộ Điền Dục của Vạn Lý Trường Thành, đường cao tốc giảm chỉ còn một con đường hai làn xe đơn giản, các tòa nhà ít hơn và khung cảnh trở nên xanh tươi hơn. Cách bức tường vài dặm, con đường dẫn tới một bãi đậu xe nơi bạn phải chuyển sang một chiếc xe buýt để đi tới khúc cuối con đường. Tiếp đó sẽ là một chuyến đi cáp treo lên đỉnh hoặc một đoạn cuốc bộ leo dốc dài hai dặm (khoảng 3,2 kilômét), có thể là đi cùng một bầy dê. Chuyến thăm thú do dê hướng dẫn không phải là một tùy chọn - nếu lũ dê muốn đi theo bạn, chúng sẽ đi theo; còn không thì thôi. Dù chọn lối nào, bạn rốt cuộc sẽ thấy được thứ gì đó khiến cho nỗ lực này cực kỳ đáng công đáng sức. Khi tôi lần đầu nhìn thấy hàng dặm tường gạch ngoằn ngoèo dọc theo những đỉnh núi, tôi không quá nể sợ như khi tôi ở, lấy ví dụ, hẻm núi lớn Grand Canyon*. Tôi cũng không thấy ngợp, như khi tôi ở trên tòa nhà cao nhất thế giới, Burj Khalifa ở Dubai. Tôi không cảm thấy ý thức hệ chính trị phát ra từ đó như tôi cảm thấy khi tới thăm bức tường Berlin ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Nhưng có thứ gì đó khác. Tôi cảm thấy, dù đúng hay sai, rằng tôi hiểu Trung Quốc rõ hơn một chút so với trước kia. Điều đó không hề biến tôi thành một chuyên gia - còn lâu mới thế - nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi hiểu rõ hơn nhiều những cụm từ như “nền văn hóa cổ xưa” và “kỳ công vĩ đại nhất trong lịch sử loài người”, và cả ý tưởng rằng nhiều người ở nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn chia thế giới thành những ai là người Trung Quốc và những ai không phải. Rốt cuộc, bức tường được xây lên dựa trên một ý tưởng đơn giản: ở một bên là nền văn minh, còn bên kia là sự man di mọi rợ. Đằng sau tôi, về phương nam, là vùng trung tâm của Trung Nguyên tràn ngập người Hán. Về phương bắc, ở khoảng cách xa, vượt qua những rặng núi, là nơi bắt đầu của thảo nguyên và sa mạc Mông Cổ, bên phải là Mãn Châu Lý và bên trái là vùng Tân Cương. Trước khi bức tường tồn tại, khoảng 2.500 năm trước, vùng núi phía bắc đảm bảo một mức độ bảo vệ cho người Hán, một dân tộc đã phát triển xã hội định cư những vùng đất màu mỡ trên bình nguyên Hoa Bắc. Nhưng các nhóm cướp bóc, và đôi khi là cả những đạo quân, từ cả ba vùng nói trên sẽ tìm được đường vượt đèo vào vùng đất nông nghiệp bằng phẳng của các nhà nước phong kiến và các đô thị như Bắc Kinh, Lạc Dương và Khai Phong. Và bởi thế, trong nhiều thế kỷ, người Trung Quốc đã phát triển biểu tượng tinh hoa về “chúng ta và chúng nó” này, rồi dựng lên bằng đá. Nhà Trung Hoa học vĩ đại người Mỹ John King Fairbank* đã có một mô tả vào loại hay nhất về Vạn Lý Trường Thành, ông gọi nó là “lằn ranh chia cắt thảo nguyên với đồng ruộng, du mục với nông nghiệp, và man rợ với văn minh”. Và điều này phù hợp với thái độ áp đảo “Dĩ Hoa vi trung” thời bấy giờ - lòng tin rằng Trung Quốc là trung tâm văn hóa của trái đất, và là nền văn minh tiên tiến nhất. Người Hán cũng tin rằng hoàng đế Trung Hoa là người duy nhất có chân mệnh thiên tử trên toàn thế giới, và bởi thế là hoàng đế hợp pháp của thế giới. Từ đó suy ra rằng không chỉ mọi nhà cai trị khác đều thấp kém hơn, mà mọi nền văn minh khác cũng ở đẳng cấp thấp hơn họ. Những láng giềng gần và các sắc tộc khác được đưa vào dưới sự cai trị của hoàng đế, dù họ có thể có những lãnh đạo địa phương của riêng mình. Những nhà nước man di ở gần có thể có vua, nhưng họ phải công nhận rằng họ thấp kém hơn so với hoàng đế Trung Hoa. Và ngay cả những nơi xa xôi hơn, như Tân Cương, Java và Nhật Bản, cũng bị gọi là “thuộc quốc” và phải triều cống cho Trung Nguyên. Đây không phải là một thế giới quan được thiết kế để có thêm bạn bè, nhưng chắc chắn là nó có ảnh hưởng lên con người, và trong một thời gian dài nó đã hiệu quả. Trong hàng thế kỷ, Vạn Lý Trường Thành đã củng cố cho an ninh của Trung Quốc, gắn kết đất nước lại như một thực thể chính trị và mang tới sự ổn định để phát triển các vùng đất nông nghiệp ở miền tây và miền bắc. Bởi bức tường trải rộng về hướng tây,nó cũng bảo vệ một phần Con đường tơ lụa, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chiều dài tối đa của nó, tính cả các bức tường song song, hệ thống phòng thủ này trải ra hơn 20.900 kilômét. Để cảm nhận được quy mô của nó, chiều dài này tương đương với bốn bức tường song song nhau, mỗi bức tường kéo dài từ bờ biển phía đông Hoa Kỳ tới tận Thái Bình Dương, mà vẫn còn thừa rất nhiều gạch. Mặc dù vai trò vật chất của nó trong việc thống nhất đất nước giảm dần theo năm tháng, nó vẫn là một biểu tượng quan trọng trong tâm thức dân tộc. Quan trọng tới mức sau khi những người cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, Mao Trạch Đông đã nhắc tới bức tường trong một bài thơ về cuộc Trường Chinh tựa đề “Lục Bàn sơn”, với những dòng: Trời cao mây nhạt, Bóng nhạn hút về nam. Chưa đến Trường Thành sao là hảo hán, Bấm đốt ngón tay đã đi hai vạn dặm…* Lời của dòng thơ áp chót ở trên sau này đã trở thành một thành ngữ nổi tiếng, “Bất đáo Trường Thành, phi hảo hán”, nghĩa là “Nếu chưa vượt qua gian khổ, thì chưa thể là người anh hùng.” Bài thơ gây ra một số vấn đề ở chế độ mới, khi những người cộng sản có vẻ có quan điểm xung đột nhau về bức tường - nhiều người coi đó là một biểu tượng của quá khứ phong kiến của đất nước và tin rằng nó nên thuộc về lịch sử, thậm chí khuyến khích mọi người phá bỏ nó. Nhưng bởi Mao đã viết về nó, những người cộng sản khác muốn tới thăm nó để cho thấy “tinh thần của Mao Chủ tịch”. Nếu tới khu vực Mộ Điền Dục, ta có thể thấy những chữ tiếng Hoa màu trắng khổng lồ được viết trên đỉnh núi, “Trung thành với Mao Chủ tịch”. Và bức tường được nhắc trong bài quốc ca, được thông qua năm 1949,nên rõ ràng là đảng công nhận tầm quan trọng văn hóa và lịch sử của nó. Trong phần lớn thời gian, họ đồng ý với việc phớt lờ nó - ít nhất là vào giai đoạn đầu. Tuy nhiên, trong Cách mạng Văn hóa, những người quyết liệt nhất trong các Hồng vệ binh đã tích cực phá hủy một phần bức tường - với họ nó thuộc về “Tứ cựu”, những điều không có chỗ trong nước Trung Hoa mới: cựu phong tục, cựu văn hóa, cựu tập quán và cựu tư tưởng. Mao chết năm 1976, và ra đi cùng ông là cuộc Cách mạng Văn hóa. Sau năm 1978, nhà lãnh đạo mới, Đặng Tiểu Bình, bắt đầu việc trùng tu bức tường một cách có phương pháp. Ông khởi đầu chậm chạp - những năm đầu sau thời Mao là thời kỳ cần thận trọng - nhưng tới năm 1984, ông đã đủ tự tin để tuyên bố, “Hãy yêu đất nước Trung Quốc của chúng ta và phục dựng Trường Thành.” Trong nỗ lực đặc biệt này, có khả năng là Đặng còn lưu ý tới du lịch và ngoại tệ; giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc bắt đầu đón nhận những khía cạnh của chủ nghĩa tư bản, và ý thức rõ họ đã tụt hậu so với những vùng khác trên thế giới ra sao. Vì thế luật pháp được thông qua khiến việc phá hoại, di dời hay viết vẽ bậy lên bất kỳ nơi nào của bức tường là phi pháp, cùng những cố gắng tái thiết (thi thoảng thành công) và một nỗ lực hướng tới việc thu hút du khách. Vạn Lý Trường Thành đóng một vai trò lớn trong trí tưởng tượng đại chúng của cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới - dù một số sử gia lập luận rằng người châu Âu thấy ám ảnh bởi nó hơn là chính người Trung Quốc, và rằng điều đó đóng góp vào nhận thức, cùng với sự bản sắc hóa, đối với công trình này ở chính Trung Quốc. Nên bức tường đã có vai trò tối quan trọng trong việc định nghĩa Trung Quốc từ bên ngoài cũng như từ bên trong. Trên thực tế, bức tường chỉ thành công khiêm tốn về mặt quân sự. Chắc chắn là hệ thống cảnh báo sớm, các pháo đài và những thành trì chiến lược của nó mang tới chút bảo vệ, nhưng như chúng ta đã thấy, chúng không hề là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, vai trò của bức tường làm biểu tượng cho sự phòng ngự, cho việc chia cắt người Hán với “những kẻ bên ngoài” là vô giá; ngày nay nó vẫn tiếp tục là một biểu tượng của một nền văn hóa lớn và cổ xưa. * * * Nhưng với nền văn hóa lớn và hiện đại thì sao? Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nên nhà Tần, đã thành công trong việc thống nhất bảy nước thời chiến quốc thành một nước Trung Hoa vào năm 221 trước công nguyên, nhưng chỉ vì nó đã tồn tại hai mươi ba thế kỷ không mặc nhiên đồng nghĩa là nó sẽ tồn tại thêm một thế kỷ nữa. Người Trung Quốc không thích nói chuyện với người ngoài về những vấn đề và sự chia rẽ trong đất nước họ. Trong khi bạn chẳng phải đi đâu xa để tìm được một ai đó ở Anh hay Pháp chẳng hạn, người sẽ thoải mái nói với bạn rằng đất nước họ đang sụp đổ đến nơi, ở Trung Quốc, việc chỉ trích đất nước bị coi là không yêu nước và mất thể diện. Tất nhiên, điều đó cũng có thể nguy hiểm nữa, bởi Trung Quốc vẫn là một chế độ độc đảng. Dẫu vậy, có những vấn đề và sự chia rẽ ở hai mươi ba tỉnh, bốn đô thị trực thuộc, năm khu tự trị, và hai khu hành chính đặc biệt của đất nước. Một trong những chia rẽ lớn nhất là giữa vùng trung tâm người Hán và những vùng không phải người Hán xung quanh, tạo nên một hình bán nguyệt. Ở đông bắc là Mãn Châu Lý, ở phía bắc là Nội Mông, ở tây bắc là Tân Cương và phía tây là Tây Tạng. Những vùng này là tối quan trọng về an ninh, nguồn tài nguyên thiên nhiên và thương mại, nhưng tất cả đều không mặn mà với sự cai trị từ Trung Quốc. Mãn Châu Lý giờ người Hán áp đảo hoàn toàn, nhưng những vùng kia vẫn duy trì bản sắc, ngôn ngữ, phong tục của riêng họ, và trong trường hợp Tân Cương và Tây Tạng là cả tôn giáo (Hồi giáo và Phật giáo) cùng các phong trào ly khai nữa. Trung Quốc đã cố gắng kiểm soát Tân Cương và dân tộc Uighur [Duy Ngô Nhĩ] ở đây được vài thế kỷ, nhưng dân chúng chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận sự thống trị của Bắc Kinh. Đã có hàng loạt những cuộc nổi dậy vào thế kỷ 18 và 19 và thậm chí cả một nước Cộng hòa Đông Turkestan chết yểu vào những năm 1930. Mao sau đó sáp nhập Tân Cương vào năm 1949 và vùng này giờ chiếm khoảng một phần sáu lãnh thổ Trung Quốc. Để hình dung ra Tân Cương hoang vu và thưa thớt dân cư tới mức nào, thật đáng chỉ ra rằng nó có diện tích bằng một nửa Ấn Độ, nhưng với dân số không bằng 2% [dân số Ấn Độ]. Những năm qua đã chứng kiến việc định cư lượng lớn người Hán tại Tân Cương, và trong khoảng thời gian vài năm, họ có thể đã chiếm gần một nửa dân số 22 triệu người hiện tại. Chuyện này diễn ra không hoàn toàn suôn sẻ. Người Uighur than phiền rằng họ bị loại trừ khỏi những công việc tốt hơn và bị lực lượng bán vũ trang trong các công ty xây dựng do nhà nước kiểm soát truy bức, và thỉnh thoảng có bạo động và xung đột sắc tộc nổ ra. Sự chống đối đôi khi được thực hiện qua hệ thống tư pháp, nhưng cũng có một chiến dịch khủng bố nhỏ, một phần là do các tay súng Hồi giáo kích động, những người này vốn trở về từ Iraq và Syria. Các tổ chức jihad ở những nước cộng hòa Trung Á được cho là đã hỗ trợ họ, cung cấp tiền bạc, và nếu cần thiết, những nơi trú ẩn an toàn. Chuông báo động bắt đầu reo khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) công bố một đoạn video cho thấy những người Uighur được huấn luyện ở Iraq, thề sẽ cắm lá cờ của họ ở Trung Quốc và đe dọa máu sẽ “chảy thành sông”. Vào mùa xuân năm 2017, đã có một đợt bạo lực sắc tộc bùng phát ở khu vực giữa người Uighur và người Hán. Tiếp theo là màn trình diễn của lực lượng quân đội nhà nước được vũ trang đến tận răng. Lãnh đạo đảng Cộng sản trong vùng nói các binh sĩ sẽ “chôn xác bọn khủng bố trong biển chiến tranh nhân dân”. Chủ tịch Tập hơi kiềm chế hơn, hài lòng với việc kêu gọi một “Trường Thành thép” được xây lên để bảo vệ Tân Cương và cảnh báo rằng chia rẽ sắc tộc sẽ không được chấp nhận - “Đoàn kết dân tộc quý giá như con ngươi trong mắt,” ông nói. Vào đầu năm 2018, phiên bản về sự đoàn kết này của Tập là ra sắc lệnh yêu cầu một triệu đảng viên Cộng sản được cử tới sống với các gia đình Uighur địa phương. Những người tiếp nhận các “khách trú” bắt buộc này được khuyến khích thực hiện công tác quan hệ dân tộc của họ bằng cách cung cấp cho “những vị khách” thông tin chi tiết về quan điểm chính trị của họ. Đó là một kiểu nhà trọ Trung Quốc gặp gỡ “Bộ Tình yêu” của Orwell*, nhưng ở đấy phòng 101 chính là phòng khách nhà bạn. Bất chấp tình trạng bất ổn, ít có khả năng Bắc Kinh sẽ giảm bớt sự kiểm soát. Vùng này đóng vai trò như vùng đệm, thuộc Con đường tơ lụa mới, và bởi thế tối quan trọng với thương mại, và nó có trữ lượng than đá rất lớn mà Trung Quốc, vốn luôn khát khao năng lượng, hết sức cần. Nhưng ngay cả như thế, nhà chức trách lo ngại sâu sắc về những sự cố ở đây. Sự chia rẽ và bất đồng ý kiến như thế làm xói mòn hình ảnh của đảng Cộng sản trong vai trò lực lượng quyền lực và bảo vệ người dân duy nhất. Điều tương tự cũng đúng với Tây Tạng. Về mặt chiến lược, nó là vùng đệm với trung tâm, ngăn cản Ấn Độ thống trị vùng đất cao dọc biên giới - có thể coi dãy Himalaya như một rào chắn, đây có lẽ là lý do tại sao một cuộc xung đột lớn chưa bao giờ nổ ra giữa hai nước. Điều đó cũng cho phép Trung Quốc bảo vệ nguồn nước của họ - Tây Tạng đôi khi được gọi là “Tháp nước của châu Á” do quá nhiều dòng sông lớn bắt nguồn từ vùng này. Nếu ta tính Tây Tạng là ba tỉnh thuộc vùng Tạng, thì nó có diện tích khoảng 2,5 triệu km², hay gần gấp bốn lần diện tích nước Pháp, và như thế chiếm khoảng một phần tư diện tích Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh nói tới Tây Tạng, ý họ là Khu tự trị Tây Tạng, được thành lập sau khi Trung Quốc đánh bại quân đội Tây Tạng vào năm 1950. Nó có diện tích nhỏ hơn một nửa so với ba tỉnh gốc, khi phần còn lại của vùng này bị sáp nhập vào những vùng khác của Trung Quốc, và chỉ bao gồm một phần ba số người sắc tộc Tạng của Trung Quốc. Giống như với người Uighur Hồi giáo, người Tạng Phật giáo vẫn duy trì cảm nhận bản sắc mạnh mẽ khác biệt với người Hán Trung Hoa. Nhưng với cả hai vùng, bất kỳ hy vọng tự trị nào đã gần như biến mất. Ở Tây Tạng, người ta ước tính một nửa dân số giờ là người Hán. Khó có được những con số chính xác, nhưng người ta cho rằng hiện có khoảng sáu triệu người Tạng và sáu triệu người Hán sống ở vùng này. Ở những thành phố lớn hơn, họ sống sát nhau, dù thường ở các khu khác nhau, mặc dù ở vùng nông thôn, người Tạng vẫn chiếm đa số. Sự chia rẽ sắc tộc là điều nhà nước Trung Quốc tin rằng họ có thể xử lý được, chừng nào sự chia rẽ trong nội bộ người Hán còn được dàn xếp ổn thỏa. Và chính những chia rẽ này mới gây ra đe dọa lớn nhất cho những triển vọng thịnh vượng và thống nhất dài hạn của Trung Quốc. Đó là một mối đe dọa Đảng Cộng sản nhìn nhận rất nghiêm túc. Họ đã học được những bài học lịch sử và hiểu chuyện gì xảy ra khi nhà nước yếu đi vì nhân dân chia rẽ. Vào thế kỷ 19, Trung Quốc chứng kiến sự đảo lộn lớn trong cách vận hành thương mại. Những tuyến đường thương mại trên đất liền qua Trung Á đã luôn là ưu tiên kinh tế, nhưng giờ hàng hải trở thành đường chính. Sự đảo ngược này không hoàn toàn là do họ lựa chọn - Anh và các cường quốc nước ngoài khác đã sử dụng sức mạnh quân sự của họ để áp đặt những điều kiện thương mại bất bình đẳng lên Trung Quốc. Kết quả là sự tập trung thương mại chuyển sang vùng duyên hải bên bờ Thái Bình Dương, điều giúp những cộng đồng ở vùng đó phát triển, nhưng làm yếu đi những triển vọng thương mại của nội địa, điều này tới lượt nó làm giảm lượng tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở đó. Nên trong khi vùng duyên hải thịnh vượng, các nông dân nghèo rớt tiếp tục nghèo rớt - và những người nước ngoài trở nên ngày càng hùng mạnh. Điều đó làm xói mòn quyền hành của trung ương với những vùng này và chịu một phần trách nhiệm khiến nhà nước vỡ vụn. Bởi một dân chúng chia rẽ như thế, trung ương không thể đứng vững. Và một Trung Quốc giờ hoàn toàn yếu ớt đối mặt trong vô vọng với đầu tiên là những kẻ thực dân“man di”, rồi nội chiến, và cuối cùng là cuộc xâm lược của một kẻ thù cũ, Nhật Bản, bắt đầu vào năm 1931. Sau Thế chiến II, khi những người cộng sản chiến thắng cuộc nội chiến, họ biết họ phải tìm mọi cách giúp đất nước gắn kết trở lại. Các chế độ cộng sản không nổi tiếng vì những khuynh hướng tự do hay cách tiếp cận thoải mái đối với cai trị và chia sẻ quyền lực. Những người nước ngoài ra đi và các cán bộ của đảng tới thủ phủ các vùng. Dưới thời Mao, họ mạnh tay đàn áp mọi dấu hiệu bất đồng chính kiến từ những vùng này và tập trung mọi quyền lực vào trung ương đảng ở Bắc Kinh, mà từ năm 1949 trở đi lại là thủ đô của cả nước. Nhiều kết nối thương mại với thế giới phát triển bị cắt đứt, một phần là từ hệ quả của lý tưởng Cộng sản lớn lao: sự bình đẳng. Dần dần các vùng duyên hải cũng trở nên nghèo gần như các vùng nội địa, giải quyết được sự mất cân đối cụ thể đó giữa các vùng. Ngoại trừ phần lớn các quan chức trong đảng, hầu hết người dân tiếp tục sống trong nghèo khó trong vài thập niên khi Mao củng cố quyền lực và đưa những vùng lãnh thổ không phải người Hán vào dưới sự kiểm soát của ông. Mao có thể đã tái thống nhất đất nước, nhưng với cái giá là sự chậm phát triển quốc gia, và chính xác ở thời điểm mà các nước khác trong vùng đang nổi lên trong nền kinh tế thế giới và nhanh chóng tiến bộ. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước khác đều nhanh chân hơn Trung Quốc về kinh tế, một số cả về năng lực quân sự nữa. Nếu xu hướng đó tiếp diễn, nó sẽ đe dọa cả an ninh phòng thủ và sự cố kết nội bộ của Trung Quốc, khi người ta thấy rõ Trung Quốc đã tụt lại xa ra sao. Người kế nhiệm của Mao, Đặng Tiểu Bình, đã can đảm đánh cược: nếu người tiêu dùng Trung Quốc quá nghèo không thể mua được nhiều hàng hóa mà Trung Quốc có thể sản xuất được, thì nền kinh tế phải được mở cửa với thế giới bên ngoài một lần nữa. Điều này đồng nghĩa với thương mại qua bờ Thái Bình Dương, nên các vùng duyên hải một lần nữa lại thịnh vượng nhanh chóng hơn vùng nội địa, qua đó có nguy cơ lặp lại sự chia rẽ của thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Đó đã, và vẫn đang, là một cuộc chạy đua với thời gian. Đó cũng là chiến lược dựa trên một chính sách kinh tế phải duy trì tốc độ tăng trưởng không ngừng nghỉ, dù cho có chuyện gì xảy ra. Trung Quốc phải tiếp tục sản xuất. Thế giới phải tiếp tục mua sản phẩm. Nếu nhu cầu giảm xuống, Trung Quốc sẽ gặp rắc rối vì không thể ngừng sản xuất, giống như một hệ thống tư bản chủ nghĩa thông thường có thể gặp rắc rối. Họ phải duy trì sản xuất, duy trì mở cửa các nhà máy, hỗ trợ cho các ngân hàng, bất chấp sự dư thừa - cố gắng bán tháo một số sản phẩm ra nước ngoài với giá rẻ như cho, bán còn nhiều hơn nữa cho bộ phận dân chúng trong nước có thể mua được các sản phẩm đó. Chỉ là không được để hệ thống ngừng lại, vì nếu nó ngưng lại, cả quốc gia cũng sẽ như vậy. Đây là phiên bản chủ nghĩa tư bản mê hoặc của hệ thống Cộng sản Liên Xô cũ, vốn sản xuất ra số máy cày theo chỉ đạo của chính quyền, bất chấp nhu cầu ra sao. Hệ thống đó đã giúp hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát nghèo - tuy nhiên, với cái giá là sự hủy hoại môi trường và khoảng cách lại ngày càng lớn giữa vùng duyên hải và vùng nội địa, giữa người giàu và người nghèo. Khác biệt về lương giữa các công nhân nông thôn và thành thị đã thu hẹp một chút trong vài năm qua, nhưng ngay cả lúc này một người sống ở thành phố vẫn có thể kỳ vọng kiếm được gấp ba lần một người lao động ở nông thôn. Mức bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc là vào loại cao nhất thế giới, dẫn tới cảm giác là cỗ máy tạo ra của cải của Trung Quốc đã phục vụ cho số ít, chứ không phải số đông, hay theo tiếng lóng của người Trung Quốc, cho “nhà họ Triệu”, một thành ngữ đồng nghĩa với “đại gia”. Cách diễn đạt này bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết năm 1921, AQ chính truyện của Lỗ Tấn, trong đó có dòng thoại “Mày là người họ Triệu thế nào được kia chứ?”, ý chỉ một dòng họ giàu có. Cụm từ đó bắt đầu xuất hiện trên internet ở Trung Quốc vào năm 2015 và giờ nói “Triệu và không Triệu” tương đương với “kẻ có và người không”. Mọi đất nước đều gặp vấn đề về bất bình đẳng thu nhập, và mọi nước đều có những thành ngữ tương tự, nhưng sự khác biệt ở Trung Quốc là quy mô của chênh lệch, và đơn giản là quy mô số lượng người “không có”. Một báo cáo vào năm 2015 của Ủy ban Nghiên cứu Gia đình Trung Quốc ở Đại học Bắc Kinh đã tìm hiểu “phúc lợi của dân chúng Trung Quốc” kết luận rằng nhìn chung, bất bình đẳng thu nhập đang trầm trọng hơn. Ủy ban cho biết một phần ba của cải ở Trung Quốc nằm trong tay 1% hộ gia đình, trong khi 25% hộ gia đình dưới đáy chỉ nắm 1% của cải. Sự chênh lệch có thể được truy lần về hồi mở cửa nền kinh tế vào năm 1979. Chính quyền ý thức rất rõ những trục trặc và nguy cơ mà sự chia rẽ như thế có thể gây ra, nhất là khi một cuộc điều tra trên internet năm 2015 cho thấy bất bình đẳng thu nhập, với những tác động tiếp nối lên y tế và giáo dục, là vấn đề lớn nhất mà người dân muốn chính quyền xử lý. Trong một tin tức về báo cáo nói trên, tờ Nhân dân nhật báo bình luận, “Những sự bất bình đẳng này đang gia tăng liên tục. Nếu không giải quyết chúng một cách hiệu quả, chúng rất có thể sẽ đe dọa sự ổn định xã hội và qua đó trở thành một nút tắc cổ chai trong sự phát triển xã hội tương lai.” Còn có sự chia rẽ thậm chí là giữa các thế hệ, với một số người lớn tuổi tưởng nhớ thời Mao và “sự bình đẳng” thời đó. Họ khó chịu với thế hệ trẻ hơn, thế hệ có nhiều người là thị dân hơn, có giáo dục tốt hơn và là những kẻ theo chủ nghĩa tiêu dùng, hay ít ra là muốn trở thành những kẻ đó. Tương lai của Đảng Cộng sản phụ thuộc vào việc họ mang tới gì cho những người đó và ngược lại. Những rạn nứt đang lớn lên trong xã hội Trung Quốc không được phép gia tăng nữa. Một trong những cách mà chính quyền định xử lý vấn đề là tạo ra một lượng dân tiêu dùng lớn hơn nhiều ở đô thị, qua đó bù đắp cho những tổn thất với nền kinh tế khi xuất khẩu ra nước ngoài gặp vấn đề. Các ước tính khác nhau, nhưng ít nhất 150 triệu người đã rời những vùng nông thôn trong thế kỷ này và con số đó dự kiến sẽ còn tăng. Chính những thế hệ trẻ hơn chuyển ra từ nông thôn, với nam giới chiếm tỷ lệ áp đảo - những đàn ông đã có vợ đôi khi ra đi để tìm việc làm ở thành phố, để lại gia đình đằng sau chăm lo cho vườn ruộng. Bất chấp điều đó, điều quan trọng là phải nhớ rằng ngay cả lúc này, khoảng 900 triệu người Trung Quốc vẫn sống ở vùng nông thôn và khoảng 500 triệu ở các môi trường đô thị. Sự thay đổi đã rất nhanh chóng, và sẽ còn nhanh chóng hơn. Tới năm 2026, Bắc Kinh hy vọng sẽ chuyển dịch thêm 250 triệu người nữa, có nghĩa là tới lúc đó một nửa dân số sẽ là thị dân. Để đạt được điều này, đòi hỏi phải có sự di chuyển con người hàng loạt, cùng với việc phá hủy các làng mạc và xây lên những đô thị, siêu đô thị, đường sá và các tuyến xe lửa cao tốc. Phần lớn sự dịch chuyển này tiếp tục diễn ra từ tây sang đông, miền tây vẫn có xu hướng nông thôn hơn, với tỷ lệ mù chữ cao hơn; miền đông, nhất là vùng duyên hải ven biển, ngày càng đô thị hóa và hướng tới công nghệ, công nghiệp và kinh doanh. Tuy nhiên, cuộc di cư hàng loạt tới những đô thị bộc lộ và làm trầm trọng thêm một khoảng cách khác trong nội bộ dân chúng thành thị, một lần nữa giữa người giàu và người nghèo. Điều đó là do hệ thống hộ khẩu gây ra, một hình thức đăng ký có nguồn gốc trong cấu trúc xã hội của đất nước. Đó là một trong những điều đã giúp cắm sâu ý niệm cho rằng dân chúng nông thôn là những công dân hạng hai. Hệ thống hộ khẩu có từ trước Vạn Lý Trường Thành, tận từ thời Hạ (2070-1600 trước Công nguyên), thời đại bắt đầu đăng ký mọi thành viên của mọi gia đình. Vào năm 1953, đảng cộng sản tiếp tục sử dụng hệ thống cổ xưa này, nhưng cũng bắt đầu phân loại người dân là dân cư nông thôn hay thành thị. Đó không chỉ là một cách khác để theo dõi tất cả mọi người, đó còn là ý đồ ngăn người dân di cư đến những vùng đô thị, vốn không đủ sức tiếp nhận dòng di dân lúc bấy giờ, và để tránh lặp lại tình trạng bất bình đẳng giữa nông thôn và thành phố như trong thế kỷ trước đó. Tới ngày nay, hệ thống này vẫn tồn tại và tên tuổi tất cả mọi người, tên tuổi của cha mẹ họ, ngày sinh, nhân thân vợ/chồng của họ… đều phải khai báo - đây điều là bình thường ở nhiều nước. Nhưng ở Trung Quốc, nơi ta đăng ký sẽ xác định nơi ta sống, và quan trọng hơn là xác định nơi ta nhận hỗ trợ từ nhà nước và nhận ở hình thức nào. Những sự chia rẽ mang tính quyết định này sinh trong sự phân biệt dân địa phương với dân tạm cư, người làm nông nghiệp với phi nông nghiệp. Giả sử gia đình bạn đăng ký là ở thành phố Thượng Hải phi nông nghiệp. Điều đó ngay lập tức cho bạn quyền tiếp cận rất nhiều dịch vụ y tế và giáo dục trong thành phố. Lấy ví dụ, theo một bài báo trên tờ China Economic Reviews, ngân sách cho một học sinh ở Bắc Kinh vào năm 1998 cao gấp mười hai lần so với tỉnh Quý Châu, tỷ lệ này tăng lên thành mười lăm lần vào năm 2001. Mặt khác, nếu gia đình bạn đăng ký hộ khẩu nông nghiệp ở một vùng nông nghiệp cách Thượng Hải 1.000 dặm (khoảng 1.600 kilômét về phía tây, thì những trường bạn có quyền theo học kém rất xa tiêu chuẩn ở Thượng Hải, cũng như các dịch vụ xã hội rất hạn chế. Hơn nữa, công việc của bạn sẽ là lao động chân tay đến kiệt sức, mà đôi khi kết quả chỉ ở mức nông nghiệp tự cung tự cấp. Vì thế, bạn chuyển tới Thượng Hải để tìm việc trong một nhà máy. Lương của bạn ngay lập tức cao hơn, và bạn có thể gửi ít tiền về nhà. Nhưng bạn vẫn đăng ký hộ khẩu ở vùng “nông thôn nông nghiệp”, nên bạn không được quyền hưởng các phúc lợi xã hội hay y tế ở Thượng Hải. Trong trường hợp kết hôn và có con, bạn cũng không có hộ khẩu đăng ký để con mình được đi học ở Thượng Hải. Điều này làm phát sinh một tầng lớp thấp của những công nhân nhập cư rất đông đảo ở đô thị xuất thân từ những vùng nông thôn, những người giờ không có quyền thụ hưởng một phần các dịch vụ xã hội. Họ đã là những công dân hạng hai ở vùng quê, và giờ thấy mình cũng bị xem là các công dân hạng hai ở thành phố. Chính quyền đối mặt với một tình thế khó xử khi cố gắng xử lý vấn đề này. Một lựa chọn là khởi động một cuộc cách mạng về vốn xã hội cho vùng nông thôn và đưa những khu vực nông thôn lên tiêu chuẩn bằng thành phố. Nhưng điều đó không chỉ tốn kém quá nhiều tiền, nó còn có thể khiến người dân ở lại vùng nông thôn đúng vào lúc chính quyền biết mình vẫn cần tạo ra một dân chúng tiêu dùng đô thị nếu muốn các chính sách kinh tế hiệu quả. Tệ hơn nữa, một số người đã lên thành phố có thể lựa chọn trở về nhà. Nếu điều này xảy ra, điều thần kỳ kinh tế sẽ tan biến, thất nghiệp sẽ tăng mạnh và theo đó là bất ổn xã hội. Bằng cách nào đó Bắc Kinh cần cân bằng thu chi. Họ phải bỏ tiền cho một hệ thống hộ khẩu ở các thành phố cho những ai đến từ nông thôn, trong khi cũng tăng tài trợ cho dịch vụ xã hội nói chung khi các thành phố tiếp tục tăng trưởng - rồi bằng cách nào đó, lý tưởng nhất là đồng thời nâng mức sống ở vùng nông thôn trong khi vẫn khuyến khích người dân di chuyển sang các khu vực đông đúc, tốt hơn hết là tạo ra những thành phố mới vùng nội địa. Đây là một thách thức lớn, và không thể xử lý trực tiếp; không kể chi phí cực lớn, việc tạo ra quá nhiều khu vực đô thị, trải rộng khắp cả nước, là một thách thức về hậu cần. Bắc Kinh đang xem xét ý tưởng cho phép các chính quyền cấp vùng có nhiều quyền hành hơn để đánh thuế ở mức địa phương, tăng doanh thu thông qua việc bán đất và chi tiêu theo như họ thấy phù hợp. Cách đó có thể hiệu quả. Nhưng nếu thất bại, Bắc Kinh sẽ phải cứu trợ chính quyền địa phương. Và ngay cả nếu nó thành công, nó có thể tạo điều kiện cho điều mà đảng vẫn lo lắng - chủ nghĩa cục bộ địa phương. Đặng có vẻ như biết canh bạc của ông sẽ gây ra nhiều vấn đề. Trong một cuộc phỏng vấn nổi tiếng vào năm 1986, Mike Wallacen* của CBS News đã hỏi nhà lãnh đạo cộng sản khi đó tám mươi hai tuổi về cụm từ gây giật mình được cho là do ông nói vào cuối thập niên 1970 rằng “làm giàu là vinh quang”. Đặng đáp lại, “Theo chủ nghĩa Marx, xã hội Cộng sản dựa trên sự dồi dào vật chất… Nên giàu có không phải là tội lỗi. Tuy nhiên, ý của chúng tôi về việc làm giàu khác với quý vị. Của cải trong một đất nước xã hội chủ nghĩa thuộc về nhân dân. Làm giàu trong một đất nước xã hội chủ nghĩa có nghĩa là sự thịnh vượng cho toàn dân. Những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội là: một, phát triển sản xuất và hai, sự thịnh vượng chung. Chúng tôi cho phép một số người và một số khu vực trở nên thịnh vượng trước, vì mục đích đạt được sự thịnh vượng chung nhanh hơn. Đó là lý do tại sao chính sách của chúng tôi sẽ không dẫn tới phân cực, tới một tình thế mà người giàu càng giàu hơn còn người nghèo càng nghèo hơn.” Ông đúng một nửa và sai một nửa. Sai một nửa vì người giàu càng giàu hơn, nhưng đúng một nửa vì bất chấp khoảng cách bất bình đẳng rất lớn, người nghèo đã không nghèo đi - thực ra nhiều người đã giàu hơn. Trung Quốc đã tạo ra một giai cấp trung lưu khoảng bốn trăm triệu người và đưa hàng trăm triệu người khác thoát cảnh nghèo cùng cực. Đó là một công trình đang còn dở dang, và ta không thể loại trừ khả năng mọi thứ sẽ lại đi giật lùi, nhưng nhờ có đủ người Trung Quốc vẫn còn nhớ được hầu hết mọi người từng nghèo khổ ra sao trước kia, và rằng từng có thời gần như không có chút cơ hội nào để thoát ra khỏi cảnh nghèo khó đó - rốt cuộc, hầu hết những ai làm ông làm bà của những người trưởng thành ngày nay ở Trung Quốc đã từng là nông dân trong một xã hội phong kiến. Điều đó giúp đảng có thêm chút thời gian để xử lý vấn đề, nhưng nếu họ không thể sớm thu hẹp chênh lệch, dần dần sự căm giận của “những người không phải họ Triệu” sẽ tăng lên. Một vấn đề khác chính quyền đang đối mặt là dân số già hóa. Tất nhiên, điều này không phải của riêng Trung Quốc. Nhưng đó là một vấn đề đặc biệt của Trung Quốc vì chính sách “một con”, điều có nghĩa là dân chúng đang già hóa nhanh hơn nhiều so với các nước khác. Trong không đầy một thập niên nữa, số người già sẽ tăng từ hai trăm triệu lên ba trăm triệu. Chính quyền có sẵn sàng cho một sự thay đổi nhân khẩu học như thế chưa? Chính sách kinh tế của họ đã dựa vào lực lượng lao động trẻ và dồi dào. Theo tỷ lệ, lực lượng lao động - và người đóng thuế - có sẵn này sẽ giảm dần cùng lúc gánh nặng tài chính để chăm sóc dân số già tăng lên, gây ra rủi ro cho tiến bộ kinh tế. Một lần nữa giải pháp là không rõ ràng. Một lựa chọn là nâng tuổi hưu lên năm tuổi, nhưng điều đó chỉ đơn giản trì hoãn vấn đề, và đồng thời tạo ra một vấn đề khác: những sinh viên tốt nghiệp đại học mà hệ thống giáo dục đang sản xuất ra ồ ạt muốn có việc làm; thất nghiệp và không được đề bạt vốn đã là những rắc rối với họ rồi, và sẽ chỉ trầm trọng hơn nếu thế hệ lớn tuổi về hưu muộn hơn. Giải pháp thay thế là bảo đảm dịch vụ xã hội có thể cung cấp lương hưu và từ bỏ chính sách “một con”. Giải pháp sau đã được thực hiện vào năm 2015, nhưng chính quyền vẫn đang tìm cách có tiền cho giải pháp đầu. Đang có rất nhiều sự chia rẽ âm ỉ trong nội bộ dân Hán, tất cả đều là mối đe dọa tiềm tàng với chính quyền nếu những chia rẽ đó tồi tệ hơn. Nhà cầm quyền phải duy trì sự kiểm soát ở trung tâm Trung Quốc nếu họ muốn tiếp tục định hướng các chính sách kinh tế đúng hướng và giám sát được các vùng ngoại vi. Giải pháp của họ là kiểm soát dòng chảy thông tin, ngăn chặn những ý tưởng bất đồng lan ra, ngăn chặn sự cố kết của những người đối lập. Họ phải chia rẽ để thống nhất, và bởi thế, trong thời đại internet, Vạn Lý Hỏa Thành của Trung Quốc đã xuất hiện. Điều này tạo ra những chính sách xung đột nhau: đàn áp thông tin trong khi đồng thời tạo ra một nền kinh tế sôi động ngày càng dựa vào trao đổi dữ liệu trên cả nước và với thế giới bên ngoài. Trong những ngày đầu của internet, chuyện này không phải là vấn đề với một chính quyền cương quyết bảo vệ vị thế nguồn gốc quyền lực và là nguồn thông tin duy nhất ở Trung Quốc. Sự truy cập bị hạn chế, nên tất cả liên lạc viễn thông nội địa ở quy mô lớn đều do nhà nước kiểm soát, và số ít các quán cà phê internet hay trường đại học kết nối với mạng toàn cầu có thể bị giám sát dễ dàng, cả ngoài đời thực và trên không gian ảo. Tới tận năm 2005, chỉ 10% dân số được truy cập internet. Tuy nhiên, giờ con số đó là 50% - và đang tăng lên. Tức là vào khoảng 700 triệu người dùng, chiếm khoảng một phần tư dân số trên mạng của thế giới. Và điều đó khiến mọi chuyện khó kiểm soát hơn. Ngăn cách người Trung Quốc về kỹ thuật số với thế giới bên ngoài vốn dễ dàng hơn chia rẽ họ với nhau. Cái mà thế giới bên ngoài gọi là Vạn Lý Hỏa Thành (Bức tường lửa lớn) thì ở Trung Quốc được gọi là “Kim Thuẫn”, tức tấm khiên vàng. Bức tường lửa quay mặt ra ngoài này được cho là để bảo vệ người dân Trung Quốc khỏi những ý tưởng nguy hại như dân chủ, tự do ngôn luận và văn hóa đồi trụy. Dù có một số cách thức “vượt tường lửa” như qua mạng riêng ảo (VPN), vốn được thiết kế để đào hầm ngầm đi qua bức tường, hầu hết người Trung Quốc không được tiếp cận những trang rất phong phú như Time, Dropbox, The Economist, Facebook, YouTube, Ân xá Quốc tế, The Tibet Post, Đài Truyền hình Na Uy, Le Monde hay Pornhub. Trong khi đó, những bức tường bên trong là để ngăn chặn các mạng lưới ảo có thể mang tính chính trị mọc lên và để ngăn những gì đang diễn ra ở một vùng của đất nước - Tân Hương chẳng hạn - không đến được với các vùng khác. Đảng đặc biệt sợ việc mạng xã hội được dùng để tổ chức các nhóm có suy nghĩ giống nhau, những nhóm này sau đó có thể tụ tập ở những nơi công cộng để biểu tình, điều tới lượt nó có thể dẫn tới bạo động. Rogier Creemers, nhà nghiên cứu luật và quản trị nhà nước Trung Quốc tại Đại học Leiden ở Hà Lan, là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về internet của Trung Quốc. Ông lập luận rằng thế giới bên ngoài không hiểu đầy đủ thái độ của chính quyền Trung Quốc với cuộc cách mạng kỹ thuật số: “Tôi sẽ nói rằng nếu phải so ra, chúng ta nói chung nhìn nhận về internet qua một lăng kính màu hồng, rằng mọi người đều tự do, rằng có tự do thông tin, dân chủ, vân vân. Trung Quốc ngay từ đầu đã nghi ngờ hơn nhiều. Họ nghĩ rằng công nghệ mới này sẽ có những hậu quả mới và chúng ta cần đối phó với những hậu quả đó. Khi người Trung Quốc nói về wangluo anquan* - an ninh mạng - họ không chỉ có ý là sự toàn vẹn về công nghệ (bảo vệ hệ thống ngoài đời thực, chẳng hạn như các đường dây điện, không để bị phá hoại) hay tội phạm mạng. Ý họ là toàn bộ vai trò mà công nghệ internet có thể có trong việc gây bất ổn cho kinh tế và xã hội. Vì thế, những thứ chúng ta có thể không coi là an ninh mạng, chẳng hạn như các tin đồn trên mạng, thì họ lại coi là thế.” Người Trung Quốc là những người dẫn đầu thế giới trong việc kiểm soát không gian mạng. Tất nhiên, điều này dễ triển khai ở Trung Quốc hơn là ở phương Tây, bởi Trung Quốc là một nhà nước chuyên chính. Các xã hội mở khó thực thi cùng mức độ kiểm soát hơn, và trong khi đây là điểm mạnh của các nền dân chủ, đây cũng là một điểm yếu - một điểm yếu mà Nga đã tìm cách khai thác. Dưới quyền Tổng thống Putin, Nga đã bỏ ra nhiều năm nỗ lực làm suy yếu các đối thủ của họ từ bên trong. Một ví dụ kinh điển là đài truyền hình RT, trước kia là Russia Today, vốn phát sóng bằng tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ả Rập. Khán giả truyền hình của nó ít ỏi, nhưng nó đã đưa các đoạn băng ghi hình từ đài lên mạng xã hội bằng sáu ngôn ngữ, nơi chúng thu hút lượng người xem lớn hơn. Một số sản phẩm của RT sòng phẳng, nhưng có một luận điệu từ Kremlin thể hiện rõ ràng trong phần lớn các sản phẩm khác. Những câu chuyện tham nhũng vặt hay biểu tình quy mô nhỏ ở nước ngoài được bơm thổi lên thành những sự kiện lớn, tạo ra một ấn tượng chung về các quốc gia đang suy thoái, băng hoại và bất ổn. Ngoài RT, chúng ta còn có thể thêm vào các hãng tin khác như Sputnik. Gần đây hơn, chúng ta đã chứng kiến sự nổi lên của những con bot Twitter và những tài khoản mạng xã hội có vẻ ngẫu nhiên, vốn lan truyền thông tin sai lạc và gây đảo lộn những tiến trình trên mạng, cố ý lôi kéo định kiến của nhiều người. Tổng hợp lại, chúng giúp Kremlin chia rẽ các nước phương tây và tìm cách làm suy yếu lòng tin của dân chúng vào nhà nước. Trung Quốc cũng tham gia vào “truyền thông dựa theo thông điệp”, nhưng họ tỏ ra ít hung hăng hơn trong việc thúc đẩy những thông điệp đó về phía các địch thủ. Tuy nhiên, những gì họ làm là bảo vệ mình khỏi thông điệp từ bên ngoài. Trung Quốc có những phiên bản riêng của mình các công ty giống như Google, Facebook và Twitter - đó là Renren, Baidu và Weibo, nhưng những công ty này bị giám sát chặt chẽ. Mức độ kiểm duyệt thay đổi tùy vùng, lấy ví dụ, ở Tây Tạng và Tân Cương, các bức tường lửa cao hơn và sâu hơn. Một sinh viên đại học Thượng Hải có thể lách bức tường lửa, sử dụng VPN để tiếp cận một nguồn tin nước ngoài bị cấm, nhưng một người ở thủ phủ Urumqi của người Uighur có lẽ sẽ nhận được giấy mời lên làm việc với sở cảnh sát thành phố về việc sử dụng công nghệ vượt tường lửa. Luôn có cách để theo dõi những ai đang sử dụng VPN, sử dụng vì lý do gì, và nhà nước muốn biết tất cả những chuyện đó. Nhà nước biết là một số công ty trong nước và nước ngoài, và thực ra là cả một số cá nhân, đang sử dụng công nghệ đó cho mục đích kinh doanh, điều mà nhà nước cơ bản sẽ bỏ qua. Nhưng vào năm 2009, các nhà hoạt động người Uighur đã tiếp cận được với Facebook, và những rắc rối pháp lý tiếp diễn của công ty này ở Trung Quốc có thể bắt nguồn từ sự cố đó. Cho tới năm 2013, hàng loạt các nền tảng truyền thông khởi nghiệp đã nhìn thấy các cơ hội kinh doanh mà internet mang lại và một số trở nên khá phổ biến, nhưng rồi gặp rắc rối và bị cấm. Vào tháng Tám năm 2015 chẳng hạn, trang tin tức khởi nghiệp* Initium Media ra mắt ở Hong Kong. Chỉ một tuần sau, xảy ra vụ nổ ở một nhà máy hóa chất tại thành phố miền bắc Thiên Tân. Các phóng viên của Initium đã xoay xở vượt qua được hàng rào an ninh, phát hiện ra rằng 173 người đã thiệt mạng, và sau đó tiếp tục việc đưa tin về những mối quan hệ ở cấp cao của chủ nhà máy. Vài ngày sau, không hề có tuyên bố chính thức, trang này bị chặn ở Trung Quốc đại lục, buộc công ty phải thay đổi mô hình kinh doanh và tập trung vào người Trung Quốc ở bên ngoài Trung Quốc - một thị trường có hơi nhỏ hơn. Nhà chức trách đặc biệt cảnh giác vào năm 2010 khi điện thoại thông minh trở nên sẵn có và giá rẻ hơn, và mọi người có khả năng lan truyền thông tin dễ dàng và nhanh chóng, suốt 24 giờ của 7 ngày. Vì thế, như tiến sĩ Creemers giải thích, giới lãnh đạo sử dụng một số chính sách và quy định để đẩy mạng xã hội vào không gian riêng tư: “Lấy ví dụ, họ đã cố gắng đảm bảo rằng nền tảng [tiểu blog] Weibo trở nên kém phổ biến hơn, nhưng WeChat lại được thúc đẩy rộng rãi. Vì sao? Vì WeChat không công khai: nếu bạn chia sẻ điều gì đó trong nhóm trò chuyện của bạn, nó sẽ không được một số lượng người lớn chia sẻ, và những gì được chia sẻ thì chia sẻ chậm hơn. Điều đó khiến nó dễ kiểm soát hơn - chia để trị.” Luật an ninh mạng mới của Trung Quốc, có hiệu lực từ năm 2017, đã xây lên những bức tường cao hơn bao giờ hết, nói một cách ẩn dụ. Luật này, được viết ra để bảo đảm “chủ quyền kỹ thuật số”, bao gồm các điều khoản kinh điển “phòng ngừa mọi trường hợp” được thiết kế với ý đồ cần diễn dịch sẽ được diễn dịch theo ý đảng. Lấy ví dụ, nếu một công ty nước ngoài tham gia vào bất kỳ phần nào trong cấu trúc thông tin quan trọng của Trung Quốc, họ phải lưu trữ mọi thông tin của họ ở những cơ sở dữ liệu vật lý hiện diện ngoài đời thực bên trong Trung Quốc. Không có định nghĩa cho điều gì được coi là “quan trọng”. Chính quyền có quyền tiếp cận thông tin, và thông tin không được đưa ra khỏi Trung Quốc khi chưa được các cơ quan tình báo kiểm tra. Các công ty mạng xã hội nước ngoài và nội địa phải giữ mọi chi tiết đăng ký của người dùng, rồi theo dõi và ghi lại hoạt động trên mạng của họ trong ít nhất sáu tháng, và sẵn sàng giao lại dữ liệu đó nếu chính quyền yêu cầu. Ngôn ngữ pháp luật lỏng lẻo tới mức trên lý thuyết, bất cứ công ty nước ngoài nào có văn phòng đặt ở Trung Quốc cũng có thể bị yêu cầu lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào mà họ có về một công dân Trung Quốc ở [máy chủ] bên trong Trung Quốc. Một công ty cũng phải đồng ý hỗ trợ tích cực bất kỳ cuộc điều tra nào từ chính quyền với kho lưu trữ dữ liệu của họ. Tất cả những điều này đều tiêu tốn tiền bạc, điều mà các công ty trong nước muốn chi cho những thứ khác và các công ty nước ngoài có thể chùn bước không muốn đầu tư. Thêm vào nỗi lo về rủi ro với “sở hữu trí tuệ” của họ, các công ty công nghệ thông tin và công nghệ mới đặc biệt có thể quyết định đầu tư vào một môi trường kinh doanh dễ chịu hơn. Trong khi điều này trên lý thuyết có thể giúp tạo ra không gian cho một số công ty trong nước phát triển, các công ty này tới lượt chúng bị cản trở bởi những hạn chế với dòng chảy tự do thông tin và ý tưởng. Ngay cả trước đạo luật đó, vào năm 2016, Washington Post đã cho biết, theo Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, bốn trong năm công ty thành viên của họ đã bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm ăn vì các quy định và sự kiểm duyệt internet. Tiến sĩ Creemers mô tả đảng là “công ty quản trị rủi ro tối thượng”, liên tục nhìn về phía đường chân trời tìm kiếm những dấu hiệu bất ổn chính trị. Ông tin rằng khi internet lần đầu tới Trung Quốc, nhà chức trách mất vài năm để tìm ra cách đối phó với nó, nhưng giờ họ rất rõ ràng về việc cần tập trung những nỗ lực vào đâu: “Chiến thuật quan trọng nhất mà chính quyền đã phát triển là ngăn chặn các nhóm đối lập tổ chức lại. Họ sẽ không cho phép các lợi ích nào xen ngang. Họ tin rằng họ phải chia rẽ người dân để họ không thể tổ chức lại theo giai cấp, vùng địa lý hay bất cứ thứ gì. Truyền thông truyền thống vốn được tổ chức sao cho chúng bị hạn chế; lấy ví dụ, các tờ báo chuyên môn về ngành thép, sẽ chỉ viết về thép, các tờ báo tỉnh chỉ có thể đưa tin về địa phương của họ. Nên ngay cả nếu một hãng tin nổi loạn, thiệt hại vẫn là hạn chế. Internet đã phá hỏng mô hình đó. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, mỗi cá nhân người Trung Quốc được tiếp cận các công cụ viễn thông ở quy mô lớn, và đã có vài năm internet trở nên mất kiểm soát. Một số người nghĩ chính quyền hoang tưởng, tôi thì không chắc, tôi nghĩ họ ý thức rất tỉnh táo về mọi chuyện.” Ý thức được việc rủi ro đang tăng lên đối với độc quyền quyền lực của mình, Chủ tịch Tập đã đích thân lãnh đạo cuộc cách tân chiến lược mạng của Trung Quốc bằng cách ra lệnh cho những nhóm soạn thảo ra chiến lược đó báo cáo trực tiếp với ông. Với ông, sự lan truyền của viễn thông là một mối đe dọa tiềm tàng và vì thế sự kiểm duyệt phải bắt đầu ở trên cao nhất. Tập là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên lên nắm quyền có ý thức đầy đủ về triển vọng của internet. Từ khi nhậm chức vào năm 2013, ông đã đích thân giám sát toàn bộ chiến lược mạng của Trung Quốc, cả trong nước và với bên ngoài. Tất cả các đơn vị lớn của chính phủ về mạng báo cáo trực tiếp cho một ủy ban mà ông là chủ tịch. Ông đã sử dụng quyền lực này không chỉ để hoạch định chính sách, mà còn để tạo ra sự “tôn thờ cá nhân” xung quanh hình ảnh ông. Đảng thậm chí đã “ban cho” ông danh hiệu “lãnh đạo hạt nhân”, điều đặt ông vào điện thờ chỉ có Mao và Đặng, cho thấy điều rất gần với quyền lực tuyệt đối. Khuôn mặt nhà lãnh đạo hạt nhân giờ xuất hiện khắp nơi ở Trung Quốc, nhìn xuống bạn từ những bảng hiệu khổng lồ, trong các văn phòng và trên hàng triệu sản phẩm bán ở các cửa hàng du lịch khắp đất nước, từ Bắc Kinh và Thượng Hải tới Vạn Lý Trường Thành. Ở Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của đảng cộng sản vào cuối năm 2017 vị Chủ tịch lại củng cố quyền lực của ông thêm một bước. Ông đảm bảo việc những người ủng hộ ông được bầu vào bộ chính trị và tới lượt mình, họ thúc đẩy ý tưởng về “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Đấy là lần đầu tiên kể từ thời Mao, những ý tưởng của một nhà lãnh đạo được nâng tầm lên thành “tư tưởng”, mà trong thuật ngữ chính trị Trung Quốc có nghĩa là cao nhất. Nối tiếp, vào tháng Ba năm 2018 ông đã cho phép việc dỡ bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ với vị trí chủ tịch nước, điều trên lý thuyết có thể cho phép ông làm chủ tịch cả đời. * * * Nhưng một sự chia rẽ về kỹ thuật số khác là giữa thiểu số người Trung Quốc nói tiếng Anh và những người không nói tiếng Anh. Gõ những chữ “quảng trường Thiên An Môn, nổi loạn, xe tăng” trong hộp tìm kiếm của Baidu bằng tiếng Đức và bạn có thể nhận được một đường dẫn, bằng tiếng Đức, về các sự kiện năm 1989. Gõ những chữ tương tự bằng tiếng Hoa và bạn có lẽ sẽ thấy: “Theo luật pháp, quy định và chính sách hiện hành, một số kết quả không được hiển thị”, hoặc nếu may mắn, bạn sẽ nhận được một bức ảnh ghép một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới đó. David Bandurski, đồng giám đốc Dự án truyền thông Trung Quốc, đã lưu ý một cụm từ mới được Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc sử dụng - “năng lượng tích cực”. Ông cho rằng đây là một uyển ngữ cho nội dung chấp nhận được với nhà chức trách, nhưng một số học giả Trung Quốc “quan ngại về khả năng một cuộc đàn áp nhắm vào những người phái hữu nhân danh thúc đẩy năng lượng tích cực”. Cho tới năm 2016, cục trưởng cục này là Lỗ Vĩ*, một người hiểu quyền lực của thông tin. Lỗ đã leo cao từng bước ở Tân Hoa Xã trước khi đảm nhận cương vị quản lý mạng. Ông sau đó được thăng làm phó Ban Tuyên truyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà trên thực tế là người phó quản lý truyền thông trong cả nước. Lỗ là người đã nói đất nước ông “quản lý mạng với những đặc sắc Trung Quốc”, nhắc lại lời Đặng “chủ nghĩa xã hội với những đặc sắc Trung Quốc”. Lỗ nói thêm rằng đất nước ông “rất hiếu khách với thế giới bên ngoài, nhưng tôi được quyền chọn mời vị khách nào vào nhà mình”. Kiểm duyệt internet ở Trung Quốc quả thật đã hạn chế tiềm năng kinh tế của nước này. Quốc gia này vẫn dẫn đầu thế giới về thương mại điện tử, với doanh số bán lẻ trên mạng chiếm 40% tổng doanh số toàn cầu, nhưng doanh số và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán lẻ internet là hai chuyện khác nhau. Trung Quốc muốn không chỉ tạo ra một thị trường nội địa lớn hơn, mà còn sản xuất ra những sản phẩm cao cấp và phát triển các công nghệ tiên phong. Họ ý thức rõ rằng dù điện thoại iPhone được sản xuất ở Trung Quốc, thiết kế và công nghệ của nó lại đến từ Thung lũng Silicon xa xôi. Đó là cái giá mà chính quyền tin rằng đáng trả ở thời điểm này, như là đánh đổi lấy một phần của sự cân bằng và đánh cược với thời gian. Đảng cộng sản cần bảo đảm rằng họ có thể nuôi sống 1,4 tỉ người, tìm công ăn việc làm cho họ, tìm sản phẩm cho họ sản xuất, và tìm thị trường mà họ có thể bán những thứ đó. Cùng lúc, họ tin rằng họ phải phá tan khả năng đối lập có tổ chức, dù đó là các sinh viên ủng hộ dân chủ, những người Tây Tạng có tư duy độc lập, hay các nhóm tôn giáo kiểu Pháp Luân Công, hay thậm chí là những biểu hiện mang tính nghệ thuật về tự do. Nếu điều đó có nghĩa là phải ngăn lại dòng chảy tự do thông tin gây tổn hại cho kỳ tích kinh tế - thì cũng cứ làm như thế. Tần Thủy Hoàng đã phá vỡ bức tường nội địa của các nước thời chiến quốc chỉ khi ông đã tự tin vào năng lực cố kết được các nước đó với nhau. Hơn 2.000 năm sau, quyền lực của giới lãnh đạo, và sự thống nhất của người Hán và quốc gia, vẫn là ưu tiên số một. Ngay cả nếu sự thống nhất đó có đạt được qua một bức tường kỹ thuật số ngăn cách Trung Quốc với phần còn lại của thế giới và chia rẽ chính bản thân đất nước này. Chương Hai HÃY XÂY BỨC TƯỜNG ĐÓ! HOA KỲ “Hãy chỉ cho tôi một bức tường cao 15 mét và tôi sẽ cho quý vị xem một cái thang 16 mét.” - Janet Napolitano, cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa Hoa Kỳ Chỉ một ngày sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, nhà bình luận tân bảo thủ khôn khéo Ann Coulter đã tăng tải một “lịch trình chi tiết” các ưu tiên được lên kế hoạch tỉ mỉ cho một trăm ngày đầu ông Trump tại nhiệm. Bà bắt đầu bằng: “Ngày 1: bắt đầu xây bức tường.” Rồi tiếp theo: “Ngày 2: tiếp tục xây bức tường.” Và cứ thế: “Ngày 3: tiếp tục xây bức tường. Ngày 4: tiếp tục xây bức tường.” Lịch trình đó tiếp tục tới: “Ngày 100: báo cho người dân Mỹ về tiến triển của bức tường. Tiếp tục xây bức tường.” Đó là một chuyện tiếu lâm lý thú, dựa trên kiểu làm báo ngạo mạn và câu “view”, và điều đó giúp bà kiếm được tiền, nhưng khó có khả năng rằng bà Coulter lại ngớ ngẩn tới mức nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Và tất nhiên, nó đã không xảy ra. Trong nhiều tháng trời, ông Trump đã hứa hẹn xây một bức tường ở biên giới Hoa Kỳ-Mexico nhằm làm giảm bớt nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Dù ông có vẻ như chủ yếu chỉ “tham vấn bậc thiên tài là chính bản thân mình” (nhại lại câu tiếng Pháp nói về Tổng thống Giscard d’Estaing), thậm chí trước khi vào Nhà Trắng, ông đã được thông báo về chi phí xây bức tường, về sự phản đối chính trị với nó, và quan trọng không kém là địa hình mà trên đó bức tường sẽ được xây lên. Những bài phát biểu về “một bức tường, một bức tường lớn đẹp đẽ” hấp dẫn với đội ngũ cử tri cốt lõi ủng hộ ông, nhưng đó là một cơ sở yếu ớt để đặt một dự án kỹ thuật khổng lồ như thế, và các kế hoạch trong đầu ông nhanh chóng đâm vào bức tường của thực tế - và sa vào bãi cát lún thủ đô Washington. Trong vài tuần sau khi Trump đắc cử, các thượng nghị sĩ Cộng hòa bảo thủ như Lindsey Graham đã cố vùng thoát khỏi bãi cát lún đó. Ông Graham, một trong những người vận động thông minh nhất ở Capitol Hill, bắt đầu nói về từ “bức tường” như một “từ mã hóa về an ninh biên giới tốt hơn”, như thể những bài phát biểu của Tổng thống đã được mã hóa theo kiểu các bản tin phát thanh của BBC cho phe kháng chiến Pháp trong Thế chiến II vậy - “Đây là London! Jean có một bộ ria mép dài.”* Nhưng đó không phải là một từ mã hóa; Trump thậm chí đã chỉ rõ rằng bức tường sẽ được xây từ các phiến bê tông đúc sẵn với chiều cao trung bình 30 feet [hơn 9 mét]. Tuy nhiên, vờ vịt rằng đó là một cụm từ có tính ước lệ là một chiêu trò tung hứng từ ngữ có ích mà nhờ đó Đại cựu đảng [Grand Old Party]* có thể tiếp tục mà không bị thiệt hại nhiều. Tổng thống Trump tiếp đó ký một dự luật 1,1 nghìn tỉ đô la Mỹ tài trợ ngân sách cho chi tiêu chính phủ trong phần còn lại của năm tài khóa. Tiền phân bổ cho bức tường là một số không tròn trĩnh. Đó có lẽ là bức tường không-hề-tồn-tại nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng mặc dù nó chưa được xây lên, nó đã là một biểu tượng mạnh mẽ cho thấy sự chia rẽ đã thúc đẩy, và đang tiếp tục thúc đẩy, cỗ máy văn hóa và chính trị khổng lồ mang tên Hoa Kỳ ra sao. Dẫu vậy, thiếu tiền không thể ngăn được Tổng thống. Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ đã mời thầu để xây dựng bức tường của Trump, với yêu cầu rào chắn đó phải đủ mạnh để kháng cự những cú đập bằng “búa tạ, kích xe hơi, cuốc chim… khí propane, khí butane hoặc các thiết bị cầm tay có tác dụng tương đương” trong tới bốn tiếng đồng hồ. Những quy định khác là nó phải “đủ tầm cao hoành tráng” và “không thể trèo qua được”. Thú vị là đã có khoảng hai trăm hồ sơ đấu thầu đã được nộp sau đó. Một hồ sơ là từ Rod Hadrian ở California, người đã lặng lẽ bỏ qua thành công rất hạn chế của người cùng tên với ông trong việc ngăn chặn đám quân du mục từ bên ngoài*. Một hồ sơ khác, của công ty Clayton Industries ở Pittsburgh, nói họ đã có giải pháp - ở đường biên giới là một hàng rào lưới mắt cáo bên phía Mexico, và một bức tường bên phía Mỹ. Ở giữa đó họ sẽ đào một con hào lấp đầy chất thải hạt nhân. Từ Clarence, bang Illinois, hãng Crisis Resolution Security Services trình một thiết kế giống với Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, kể cả các tháp canh và lỗ châu mai. Nó bao gồm hai bức tường bê tông gần 8 mét được xây trên một ụ đất cao hơn 9 mét. Dọc theo định bức tường sẽ là một lối đi bộ, giống như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, nhưng người sáng lập công ty, Michael Hari, cũng thấy triển vọng đạp xe dọc bức tường và biến nó thành một điểm thu hút khách du lịch. Ông Hari, một cựu phó cảnh sát trưởng, nói ông thông cảm với những ai tìm cách vào Hoa Kỳ bất hợp pháp, nhưng cho biết ông đã nộp các thiết kế của ông vì lòng ái quốc, ông nói với Chicago Tribune: “Chúng ta sẽ nhìn vào bức tường không chỉ như một ranh giới vật lý ngăn cản người nhập cư, mà còn như một biểu tượng của lòng quyết tâm của nước Mỹ bảo vệ nền văn hóa của chúng ta, ngôn ngữ của chúng ta, truyền thống của chúng ta, trước những kẻ xâm nhập bên ngoài.” Đó chính là trung tâm của vấn đề. Các bức tường có thể làm giảm sự xâm nhập bất hợp pháp, dù ranh giới biên giới cụ thể này đặc biệt có nhiều lỗ hổng, nhưng chúng còn làm được hơn thế - chúng khiến những ai “muốn có hành động” cảm thấy rằng đã có hành động. Như tiến sĩ Reece Jones của Đại học Hawaii, và tác giả cuốn Violent Borders*, đã nói, “Chúng là những biểu tượng mạnh mẽ của hành động chống lại những vấn đề được cảm nhận.” Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc nhắm tới việc chia tách thế giới văn minh với bọn man di; bức tường của Trump nhắm tới việc chia tách người Mỹ với người không phải Mỹ. Chính ý niệm quốc gia là điều đoàn kết người Mỹ - và hiện giờ, với một số người, bức tường của Trump phát đi tín hiệu về sự bảo tồn và tính thiêng liêng của ý niệm đó. Nó ủng hộ ý tưởng khiến “nước Mỹ vĩ đại trở lại” và là biểu tượng hóa cho sự ủng hộ hiện có để đưa “nước Mỹ lên trên hết”. Tất cả các quốc gia đều có những vấn đề chia rẽ. Những người sáng lập nước Mỹ* biết điều này và cố gắng thiết lập một quốc gia dưới quyền của Chúa, với sự bình đẳng cho tất cả. Những sai lầm trong những ngày đầu, đáng chú ý là chế độ nô lệ, đã quá nổi tiếng, nhưng sau một lịch sử nhiều trục trặc, Hoa Kỳ đã trở thành một đất nước tự do, theo nghĩa hiến pháp và pháp luật bảo vệ những quyền và sự bình đẳng cho các công dân của nó và nỗ lực phá vỡ sự chia rẽ nội bộ. Điều này bản thân nó là một thắng lợi lớn: bình đẳng trước pháp luật là một nền tảng vững mạnh để đạt được bình đẳng trên thực tế. Một trong những lý tưởng của Hoa Kỳ là mọi công dân của đất nước được xác định là người Mỹ, một dân chúng gắn kết với nhau bởi những giá trị chung, chứ không phải bởi xuất thân sắc tộc, tôn giáo hay chủng tộc. Câu khẩu hiệu ở mỏ con đại bàng trên quốc huy của Hoa Kỳ là: “E pluribus unum” (từ nhiều thành một). Hơn hầu hết các quốc gia khác, Hoa Kỳ đã thành công phần nào trong việc pha trộn các dân tộc từ khắp nơi trên thế giới thành một quốc gia. Ở Lebanon hay Syria chẳng hạn, bản sắc dân tộc xếp xa đằng sau bản sắc sắc tộc, tôn giáo hay bộ lạc. Dẫu vậy, ta không cần phải nhìn quá kỹ vào “thành phố tỏa sáng trên đồi”* mới thấy được một số phần của đất nước đó còn lâu mới tỏa sáng và những vùng khác thì đang sa sút. Mỗi bức tường kể câu chuyện của riêng nó. Rào chắn của Saudi dọc theo biên giới Iraq có chức năng, và nó đã phát huy hiệu quả. Nó không phải là đại diện cho một tuyên bố về sự nghi ngờ của Saudi với “người khác”, vì bên kia biên giới, “những người khác” chủ yếu là những người có cùng tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa với người của vương quốc Saudi. Nước Mỹ thì khác. Chính “đặc tính Khác” của những ai vào nước này, và nỗi sợ rằng họ có thể làm loãng điều được nhìn nhận là văn hóa “Mỹ”, đã khiến bức tường trở nên quan trọng đến thế với những người ủng hộ nó. Với những người phản đối nó, bức tường chống lại các giá trị Mỹ như tự do, khai phóng, bình đẳng và một nước Mỹ cho tất cả. Sự tranh cãi về bức tường nằm ở trung tâm của cuộc tranh luận về việc ai được quyền định nghĩa “Mỹ” là gì trong thế kỷ tới. * * * Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, vào năm 2015, có 27,5 triệu người ở Texas, trong đó 38,8% là người Hispanic [có gốc gác Tây Ban Nha). Các nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, một tổ chức nghiên cứu không đảng phái, cho thấy vào năm 2014, có 4,5 triệu người nhập cư ở bang này, phần lớn là người nói tiếng Tây Ban Nha. Xu hướng này cũng thấy được ở một số bang khác trong vùng. Hướng về phía nam từ Phoenix, bang Arizona, qua những vùng đất sa mạc bằng phẳng, về phía đường biên giới cách đó gần 290 kilômét: bạn càng đi xa về phương nam, bạn càng nghe người ta nói tiếng Tây Ban Nha nhiều lên, và đời sống càng trở nên đậm chất Hispanic hơn. Khi xu hướng này tăng lên, có thể là trong vài thập niên tới, một số bang sẽ trao cho tiếng Tây Ban Nha sự bình đẳng về pháp lý với tiếng Anh trong vai trò ngôn ngữ chính thức ở các trường học và hệ thống chính quyền. Ở tầm mức liên bang, Hoa Kỳ không có ngôn ngữ chính thức, nhưng ở ba mươi trong năm mươi bang, hiện ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh. Tuy nhiên, một số bang, bao gồm Texas và New Mexico, đã sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha trong các tài liệu chính phủ rồi và nhiều bang hơn nữa không thể tránh khỏi sẽ nối bước trong những năm sắp tới. Khi ngôn ngữ và văn hóa Tây Ban Nha trở nên ngày càng áp đảo, một số vùng có thể bắt đầu kêu gọi thậm chí là quyền tự trị lớn hơn từ hệ thống liên bang. Chuyện này có thể còn nhiều thập kỷ nữa mới tới, nhưng đó là một khả năng rất thật, lịch sử đầy rẫy những ví dụ về các quốc gia nhà nước tiến hóa theo cách như thế. Nên một số bộ phận cử tri Mỹ đang lo lắng rằng Hoa Kỳ sẽ không còn là một quốc gia da trắng chiếm đa số, nói tiếng Anh nữa, khi cơ cấu nhân khẩu học thay đổi, và đây là một trong những vấn đề đang thúc đẩy nền chính trị Hoa Kỳ hiện giờ. Chủ nghĩa duy bản xứ [nativism]* có vẻ đã đạt tới đỉnh cao với việc bầu ra Trump, và việc dựng lên một bức tường bê tông sẽ là biểu tượng cho một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Mỹ. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu rằng biên giới Hoa Kỳ-Mexico từ lâu đã là một đường biên giới đầy bất ổn. Hình dạng của nó hiện giờ được vẽ ra sau hiệp ước Guadalupe Hidalgo 1848, hiệp ước chấm dứt chiến tranh Mexico-Mỹ. Khả năng một ngày nào đó đường biên giới lại thay đổi không phải là không tưởng. Đường ranh giới nằm ở đâu đã trở thành một vấn đề an ninh quốc gia sau vụ mua lại Louisiana vào năm 1803, đưa toàn bộ hệ thống sông Mississippi, vốn chảy qua cảng New Orleans tối quan trọng, vào nội địa Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, vùng Texas do Tây Ban Nha kiểm soát là một phần của “Tân Tây Ban Nha”, nay đã trở thành một mối lo với những người Mỹ khi nó có nghĩa một lực lượng quân sự có thể là thù địch giờ có thể tiếp cận và tấn công New Orleans dễ dàng. Họ muốn kiểm soát vùng này. Người Mỹ tuyên bố rằng Texas là một phần của Vùng đất mua lại Louisiana; người Tây Ban Nha nghĩ khác, nhưng họ ở vị thế yếu ngay từ đầu. Theo một cuộc thăm dò dân số của Tây Ban Nha vào năm 1793, có không tới 5.000 người là những người định cư không phải dân châu Mỹ bản địa ở Texas. Tây Ban Nha thì ở xa, các cuộc chiến ở châu Âu đã khiến họ trở thành một cường quốc yếu ớt, còn Hoa Kỳ ở ngay cạnh Texas, với tham vọng bành trướng. Vào năm 1819,như một phần trong các cuộc thương lượng tiếp nối, hai nước nhất trí rằng Florida sẽ là của Hoa Kỳ và Tây Ban Nha sẽ tiếp tục kiểm soát Texas, với việc Hoa Kỳ từ bỏ mọi tuyên bố với vùng này. Tuy nhiên, vào năm 1821, Mexico giành độc lập từ Tây Ban Nha và tuyên bố rằng Texas là một phần lãnh thổ của họ. Vẫn ít người hơn hẳn so với dân chúng bản địa thời bấy giờ, Mexico cảm thấy mối đe dọa lớn nhất với bá quyền của họ là tộc người da đỏ Comanche,nên ưu tiên của họ là tăng dân số ở Texas nhằm củng cố sự kiểm soát - nhưng điều này thực ra lại dẫn tới kết quả ngược lại. Cho rằng một dân số người Mỹ lớn hơn sẽ đóng vai trò vùng đệm giữa Comanche và những người định cư của Mexico, và sẽ dễ bị hấp thu vào dân Mexico, chính quyền Mexico đã dùng mọi cách lôi kéo để thu hút những người định cư từ Hoa Kỳ và Mexico. Thật vậy, những người mới tới được đề nghị tư cách công dân Mexico ba năm sau khi đến. Tuy nhiên, những người nhập cư mới chống đối một số khía cạnh nhất định của văn hóa Mexico, và không bị đồng hóa như chính quyền đã hy vọng. Hai trở ngại cụ thể cản đường chuyện đó: tôn giáo và chế độ nô lệ. Phần lớn người Mỹ tới đó là người Tin lành, một số rất sùng đạo. Họ không muốn đón nhận Công giáo, mà Mexico khăng khăng phải là tôn giáo duy nhất của vùng lãnh thổ này. Nhiều người họ cũng là chủ nô, trong khi Mexico ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ, chính thức đặt chế độ này ra ngoài vòng pháp luật vào năm 1829. Nhận ra vấn đề, Mexico cố gắng hạn chế nhập cư, nhưng người Mỹ cứ tiếp tục đổ vào bất hợp pháp, và tới năm 1834 đã đông hơn đáng kể so với người định cư Mexico, với tỷ lệ gần gấp mười. Sự thù địch gia tăng rất hợp ý chính quyền Washington, vốn đã khuyến khích một cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Mexico; kết quả là Texas tuyên bố là một nước Cộng hòa độc lập vào năm 1836. Sau đó họ tìm cách nhập vào Hoa Kỳ,nhưng trong vài năm, Washington đã từ chối yêu cầu đó. Có hai vấn đề chính. Thứ nhất, một vùng đệm trên thực tế giữa New Orleans và Mexico đã được tạo ra và người ta nghĩ chọc giận người Mexico là việc không đáng. Thứ hai, Liên bang miền bắc Hoa Kỳ đang rối bời vì chế độ nô lệ và Texas là một bang ủng hộ chế độ nô lệ. Dẫu vậy, tới năm 1845, Washington đã chấp thuận: Texas trở thành bang thứ hai mươi tám, và biên giới phía nam Hoa Kỳ giờ kéo dài tới Rio Grande. Hoa Kỳ sau đó mở rộng mãi về hướng tây, làm bùng lên cuộc chiến tranh Mexico-Mỹ. Vào năm 1846, một vụ đụng độ dọc sông Rio Grande đã làm bùng lên xung đột. Cuộc chiến kéo dài tới năm 1848, và khi nó kết thúc, Mexico mất khoảng một phần ba lãnh thổ của họ theo hiệp ước Guadalupe Hidalgo, bao gồm gần như toàn bộ vùng ngày nay là New Mexico, Arizona, Nevada, Utah và California. Và như thế đấy. Mexico yếu, Mỹ mạnh. Nhưng tình hình đó không nhất thiết kéo dài mãi mãi. Những đường biên giới từng thay đổi trước kia, và có thể lại thay đổi nữa. Người Mỹ ý thức được điều đó: họ đã dựng hàng rào ở biên giới phía nam của họ một thời gian dài, và đó không chỉ là đặc điểm của phe Cộng hòa. Sau khi chiến tranh Mexico-Mỹ kết thúc vào năm 1848, một nỗ lực kéo dài sáu năm đã được thực hiện để đo đạc và thiết lập một đường biên giới giữa hai quốc gia, nhưng ban đầu chỉ có 52 cột mốc được thiết lập dọc tuyến biên giới dài hơn 3.200 kilômét, một đường ranh mà về cơ bản chỉ được tôn trọng có chừng mực. Tuy nhiên, trong những năm giai đoạn cấm rượu ở Hoa Kỳ (1920-33), đồ uống có cồn buôn lậu tăng mạnh từ Mexico, và để đối phó với vấn nạn đó, Cơ quan Biên phòng Hoa Kỳ đã được thành lập vào năm 1924. Một năm sau đó, thị trấn El Paso được khuyến khích xây dựng một “hàng rào không chui qua được, không nhảy qua được, và có dây thép gai để ngăn rượu lậu”. Tất nhiên họ không bao giờ hoàn toàn thành công trong việc chấm dứt dòng chảy rượu bất hợp pháp xuyên biên giới - vì rốt cuộc lợi nhuận là quá lớn. Khi thời gian trôi đi, lệnh cấm rượu kết thúc, nhưng sự di chuyển sản phẩm lậu qua biên giới thì không. Người Mỹ bắt đầu tăng việc sử dụng ma túy, nên thay vì rượu, thì lượng cần sa, heroin và cocaine ngày càng lớn được tuồn qua biên giới để đáp ứng nhu cầu, và cùng lúc, số người lên miền bắc tìm việc làm cũng tăng lên. Một thời điểm bước ngoặt với dòng chảy di dân từ Mexico sang Hoa Kỳ là giai đoạn Đại Suy thoái. Với những vấn đề kinh tế trầm trọng khắp Hoa Kỳ, vấn đề dân nhập cư lấy mất công ăn việc làm của người Mỹ trở thành chuyện quan trọng, và người Mexico đặc biệt bị nhắm tới - trong thời kỳ hồi hương dân Mexico, từ năm trăm ngàn tới hai triệu người đã bị trục xuất trở lại Mexico, rất nhiều người thực ra là các công dân sinh ở Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược khi họ tham gia Thế chiến II; với phần lớn lao động Mỹ được hút vào nền kinh tế thời chiến từ năm 1942, đã có nỗ lực có tổ chức để thu hút lao động, đặc biệt là vào các ngành nông nghiệp, nhằm phục vụ cho một nước Mỹ bùng nổ kinh tế hậu chiến, một xu hướng tiếp tục tới giữa những năm 1960. Chính sách của chính phủ với vấn đề nhập cư lại thay đổi lần nữa khi kinh tế suy thoái và nhập cư gia tăng gợi lại những lời kêu gọi thực thi các biện pháp hạn chế nhập cư, và những rào cản bắt đầu xuất hiện một cách kiên quyết. Vào năm 1978, Cơ quan Nhập cư và Nhập tịch (INS) gọi thầu xây một hàng rào cao hơn 3,6 mét ở trên có dây thép gai tại Texas. Một nhà thầu ở Houston đảm bảo với INS rằng các thiết kế của ông sẽ “cắt đứt ngón chân bất cứ kẻ nào tìm cách leo qua” bởi độ sắc bén của dây thép gai mà ông cung cấp. Việc xây hàng rào đã tăng lên, nhưng tuyên bố cụ thể này thu hút sự chú ý và giận dữ trên toàn quốc, những người chỉ trích gọi kế hoạch đó là “Bức màn tortilla”*. Vấn đề này vốn dĩ đã được lưu tâm trên toàn quốc rồi, nhưng sự kiện đó giúp nâng cao hơn nữa nhận thức của công chúng - và nhận thức đó ngày càng cao cho tới giờ. Việc xây dựng hàng rào tiếp tục, dù với ít lời ca ngợi hơn cho những kế hoạch cắt ngón chân và ngón tay, nhưng mức độ nhập cư không giảm đáng kể. Vào năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan ký một thỏa thuận: khoảng ba triệu người nhập cư không có giấy phép đã sống ở Hoa Kỳ từ trước năm 1982 được “ân xá”. Đổi lại, Quốc hội chấp thuận những quy định ngặt nghèo hơn để ngăn các công ty thuê mướn người nhập cư bất hợp pháp cũng như siết chặt an ninh biên giới. Trong những năm tiếp đó, thêm các rào chắn được xây lên, nhưng với một ngân sách hạn chế và thỉnh thoảng sử dụng nguyên vật liệu còn sót lại từ cuộc chiến tranh Việt Nam, như các tấm thép đục lỗ, từng được sử dụng làm đường băng tạm cho máy bay. Một dải tường ở nam California được xây lên sử dụng hàng chục nghìn tấm kim loại này, nhưng để cắt giảm chi phí, chúng được dựng ngang thay vì thẳng đứng. Chúng che được nhiều đất hơn, nhưng tất nhiên là rào chắn thấp hơn và, bởi những tấm kim loại có nếp lượn sóng, nó cũng trở thành những nơi bám víu thuận tiện cho ai muốn chút trợ giúp để trèo qua. Dù hàng rào nào mọc lên, người ta vẫn có thể vượt qua khá dễ dàng. Các sĩ quan biên phòng bắt đầu nghĩ tới nhiều loại rào chắn khác nhau đơn giản như một cách để giảm tốc độ người tràn vào Hoa Kỳ, nhờ thế bắt được họ dễ dàng hơn, chứ không phải như một phương tiện ngăn chặn họ hoàn toàn. Vào đầu thập niên 2000, với George Bush làm Tổng thống và sau vụ 11 tháng Chín, chính phủ Hoa Kỳ mở một chương trình củng cố toàn tuyến biên giới, áp đặt mức độ chia tách chưa từng có tiền lệ với phần lớn đường biên giới. Quốc hội thông qua đạo luật Hàng rào an ninh, chuẩn thuận cho 1.126 kilômét tường nữa được xây lên - trong số những người bỏ phiếu thông qua biện pháp đó có Hillary Clinton và Barack Obama nhưng ngay cả sau những cải thiện đó và với sự ủng hộ liên đảng phái, bức tường, như người phát ngôn của Cục Biên phòng Mike Scioli nói vào năm 2008, vẫn chẳng là gì ngoài “một mô giảm tốc giữa sa mạc”. Khi Tổng thống Obama vào Nhà Trắng, đã có hơn hơn 960 kilômét rào chắn, và ông tiếp tục xây dựng - mở rộng hàng rào, ở một số khu vực còn làm hàng rào hai lớp, thỉnh thoảng thậm chí là ba lớp. Trong nhiệm kỳ của ông, vẫn còn một xu hướng ổn định việc trục xuất cưỡng chế di dân bất hợp pháp và số lượng người bị ngăn vào Hoa Kỳ tăng lên. Điều này không có gì quá ngạc nhiên bởi trong bài phát biểu của ông với Thượng viện vào tháng Tư năm 2006, ông mô tả hệ thống nhập cư là “hỏng bét”, cho phép “một dòng thác lũ những kẻ phi pháp” vào Mỹ: Người Mỹ là những con người hiếu khách và độ lượng. Nhưng những ai vào nước ta bất hợp pháp, và những ai thuê mướn những người đó, đã không tôn trọng pháp quyền. Và vì chúng ta sống trong một thời đại mà những kẻ khủng bố đang thách thức các đường biên giới của chúng ta, chúng ta đơn giản không được phép để người tràn vào Hoa Kỳ không bị phát hiện, không có giấy tờ, và không được kiểm tra. Người dân Mỹ có lý khi đòi hỏi an ninh biên giới tốt hơn và việc thực thi pháp luật nhập cư tốt hơn… Và trước khi bất kỳ công nhân vãng lai nào được thuê mướn, người Mỹ phải có công ăn việc làm với một mức lương đi kèm các phúc lợi chấp nhận được đã. Obama đã sử dụng giọng điệu mềm mại hơn khi ông kêu gọi để những người nhập cư không có giấy tờ bước ra khỏi bóng tối và “bước lên để đủ tư cách gia nhập vào xã hội chúng ta… không chỉ vì những lý do nhân đạo; không chỉ vì những người đó, dù đã vi phạm pháp luật, làm vậy với động cơ tốt đẹp nhất, cố gắng mang tới một cuộc đời tốt đẹp hơn cho con cái họ, mà còn vì đó là cách thực tế duy nhất mà chúng ta xử lý được những người giờ đã ở trong biên giới của chúng ta rồi”. Đây là một cách tiếp cận thực dụng với vấn đề, nhận ra những khó khăn liên quan trong việc xác định và trục xuất người nhập cư, vốn đã ở đó rồi, và tạo ra không gian cho họ ở lại, nhưng cùng lúc thừa nhận rằng nhập cư bất hợp pháp là một vấn đề và thực hiện các bước để ngăn cản “dòng thác” đó. Tuy nhiên, thành công từ mọi nỗ lực của Obama và những người tiền nhiệm của ông trong việc dựng lên những rào chắn dọc biên giới để ngăn cản dòng người nhập cư là điều đáng đặt câu hỏi. Số lượng người nhập cư không giấy phép quả có giảm từ 12,4 triệu vào năm 2007 xuống còn 11,1 triệu vào năm 2011. Tuy nhiên, khó mà xác định chính xác bao nhiêu phần trăm trong đó là bởi những rào chắn, bởi sự trục xuất tăng lên, hay bởi những điều kiện kinh tế thay đổi. Một phần của vấn đề là vẫn còn những cơ hội ở Hoa Kỳ - không chỉ cho những ai tìm kiếm việc làm mà cả những người sử dụng lao động vô lương tâm sẵn sàng bóc lột nhân công của họ, và ở đây chúng ta đối mặt với một khía cạnh đạo đức giả đằng sau một số lập luận chống nhập cư. Vô số các công ty Mỹ, lớn và nhỏ, sử dụng một lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp, trả công họ rẻ mạt, không cho họ quyền pháp lý nào, và che giấu sự hiện diện của họ với nhà chức trách. Chính quyền có thể bắt đầu bắt giữ vô số các ban giám đốc công ty Mỹ thừa biết mình đang thuê người nhập cư bất hợp pháp. Hành động bắt giữ này được ủng hộ ra sao với những công ty dựa vào lao động giá rẻ để thực hiện các hợp đồng xây dựng và hái trái cây lại là chuyện khác. Rốt cuộc, chỉ có rất ít rào chắn là không thể xâm nhập. Con người rất tháo vát, và những ai đủ tuyệt vọng sẽ tìm thấy đường lách qua, dù là qua phía trên hay ngầm phía dưới. Dựng thêm rào chắn đơn giản là đẩy những người sẽ là người nhập cư bất hợp pháp xa hơn về phía những vùng chưa được canh gác, còn thưa thớt dân cư. Những vùng này thường ở trong sa mạc và thường phải vượt qua bằng cách đi bộ, nghĩa là hàng nghìn người sẽ chết khi họ cố gắng tới với miền đất hứa. Có một sự mỉa mai trong việc xây nên thứ có vẻ để giải quyết vấn đề - ngăn chặn người ta xâm nhập, nhưng đồng thời cũng thứ đó ngăn không cho họ thoát ra. Nhiều người thực ra vào Hoa Kỳ hợp pháp, với thị thực du lịch. Trong thập niên hiện tại, hơn một nửa những người vượt biên từ miền nam lên miền bắc đã ở lại*; tuy nhiên, một bức tường có hiệu quả lại khiến họ khó trở về nhà hơn một khi họ đã trở thành kẻ “bất hợp pháp”. Nếu bạn đang làm việc bất hợp pháp, lấy ví dụ, tại Phoenix, ngay cả nếu mọi chuyện không ổn với bạn, vẫn có rất ít động cơ để ra đi khi biết rằng bạn rất có thể sẽ bị bắt trên đường về. Một sự trớ trêu khác trong toàn bộ tình thế này là Mexico bản thân họ có luật nhập cư rất ngặt nghèo, và hàng năm trục xuất nhiều người hơn Hoa Kỳ. Chính sách nhập cư của họ được xác lập theo Luật Tổng quan dân số năm 1974, trong đó quy định rằng những ai muốn tới Mexico có thể bị từ chối nếu sự hiện diện của họ gây hại cho “sự cân bằng nhân khẩu học của quốc gia”. Luật pháp Mỹ nghiêm khắc về vấn đề người nước ngoài, nhưng luật Mexico còn nghiêm hơn. Lấy ví dụ, nếu bạn bị bắt mà không có giấy tờ hợp pháp ở Mexico lần thứ hai, bạn có thể đối mặt với mười năm tù giam. Những chính trị gia Cộng hòa ở Hoa Kỳ thích thú nhắc nhở các đồng sự Mexico của họ về những điều luật này. Một số trêu chọc họ bằng cách cho rằng cả ba nước thuộc Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đều có cùng một luật nhập cư dựa trên luật của Mexico. Các chính sách nhập cư của Mỹ cũng chịu ảnh hưởng từ sự nổi lên của các vụ khủng bố ở Hoa Kỳ và khắp thế giới phương tây. Trump đã đáp lại với lập trường cứng rắn hơn về nhập cư so với những người tiền nhiệm, với các lệnh cấm đi lại, bức tường và một quyết tâm trục xuất và răn đe. Tất cả những điều đó có ích gì hay không, là điều còn gây tranh cãi, nhất là bức tường. Trước hết, không có bằng chứng nào cho thấy khủng bố đã vào Hoa Kỳ qua đường biên giới với Mexico - Bộ An ninh Nội địa đã ra một số tuyên bố bác bỏ những nhận xét về mối đe dọa từ biên giới phía nam; lấy ví dụ, vào năm 2014, bộ này nói họ “không có thông tin tình báo khả tín để cho rằng các tổ chức khủng bố đang chủ động âm mưu vượt qua biên giới tây nam”. Cũng không có nhiều thông tin tình báo (ít ra là những gì công chúng tiếp cận được) chỉ ra rằng có một mối đe dọa lớn trong việc để người tị nạn vào nước Mỹ. Alex Nowrasteh, chuyên gia về nhập cư ở Viện Cato, một tổ chức nghiên cứu có khuynh hướng tự do ở Washington, đã nghiên cứu các vụ tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ trong bốn thập kỷ qua, và kết luận rằng trong 3,25 triệu người tị nạn được phép vào trong giai đoạn đó, chỉ hai mươi người bị kết tội tìm cách hay tiến hành khủng bố trên đất Hoa Kỳ, và “chỉ ba người Mỹ bị giết trong những vụ tấn công do người tị nạn thực hiện - tất cả là những người tị nạn Cuba hồi những năm 1970”. Thật ra, kể từ vụ 11 tháng Chín, hơn 80% những ai liên quan tới các sự cố khủng bố đều là những công dân hay người cư trú hợp pháp của Hoa Kỳ. Bill Clinton chỉ ra rằng các bức tường không thể ngăn chặn sự lan truyền ý tưởng, nêu ra ví dụ vụ tấn công khủng bố năm 2015 ở San Bernardino, California, trong đó mười bốn người đã bị giết và hai mươi hai người khác bị thương. Vụ tấn công do Syed Rizwan Farook và Tashleen Malik tiến hành, cả hai đã cải sang đạo Hồi cực đoan trên mạng xã hội - Farook sinh ra ở Hoa Kỳ và là một cư dân thường trú hợp pháp. Clinton bình luận: “Ta cũng có thể xây một bức tường dọc biên giới của chúng ta với Canada. Tạo ra những bức tường khổng lồ trên biển dọc theo Đại Tây Dương và Thái Bình Dương… Chúng ta có thể cử toàn bộ hải quân Hoa Kỳ tới vùng Gulf Coast [Vùng duyên hải vịnh Mexico] và ngăn không cho ai vào đó. Chúng ta có thể sử dụng mọi máy bay Không lực Hoa Kỳ có trên bầu trời để ngăn các máy bay hạ cánh. Ta vẫn không ngăn được mạng xã hội.” Ông có lý, nhưng Tổng thống Trump không lung lạc trước lời khuyên từ người tiền nhiệm. Lập luận rằng mạng xã hội khó giám sát, hay khủng bố không vào Hoa Kỳ bất hợp pháp theo đường biên giới Mexico, tạo ra ít rung động cảm xúc đối với rất nhiều người, so với những lợi ích của một bức tường thực thụ. Những gì vẫn tiếp tục chảy qua biên giới là các sản phẩm bất hợp pháp - và đó là một tuyến đường hai chiều. Ma túy sản xuất ở Mexico có thể được bán với giá gấp nhiều lần chi phí sản xuất vì hàng triệu người Mỹ sẽ trả giá cao cho thứ chất bất hợp pháp mà họ lựa chọn. Đi theo chiều kia, súng mua hợp pháp ở Hoa Kỳ có thể bán được ở Mexico với khoản lãi lớn. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy những rào chắn không can thiệp được nhiều vào những hoạt động buôn bán này, và rằng thực ra ma túy đi qua các điểm kiểm soát chính thức nhiều hơn là qua đường sa mạc - với những tay buôn ma túy thì chi phí hối lộ cho một quan chức rẻ hơn là tổ chức một cuộc chạy bộ qua những vùng biên giới có tuần tra hay đào một đường hầm. Đó chính xác là lý do khiến các trùm băng đảng bắn giết nhau để kiểm soát các thị trấn biên giới. Có được các đô thị đó thì ta sẽ có được quyền tiếp cận các quan chức. Những tay buôn lậu súng và ma túy thường là những tên côn đồ giết người máu lạnh, nhưng cũng là các doanh nhân nữa. Sẽ là hợp lý nếu hai nước hợp tác với nhau về vấn đề này, không chỉ để kiểm soát sự di chuyển của con người và hàng hóa cùng các chất bất hợp pháp, mà còn để khuyến khích thương mại và thịnh vượng kinh tế trong vùng. Mexico và Hoa Kỳ là những nơi rất khác nhau về ngôn ngữ, màu da, tôn giáo, khí hậu và lịch sử, nhưng họ ngày càng gắn kết với nhau qua kinh tế, và nếu có bất cứ thứ gì có thể di chuyển qua biên giới, dù là chui bên dưới, đi vòng quanh hay vượt qua bên trên, thì đó là động cơ lợi nhuận. Và trong khi có nhiều cách để ngăn chặn dòng nhập cư không mong muốn, một điều là chắc chắn: một nền kinh tế năng động, tăng trưởng ở phía nam sông Rio Grande* sẽ giúp làm giảm dòng người nhập cư tốt hơn là một bức tường, bởi vì như vậy sẽ có ít hơn hẳn những người tìm việc làm sẽ tìm cách vượt biên. Lấy ví dụ ngành sản xuất xe hơi trong vùng, vốn đã được biết tới là siêu cụm công nghiệp sản xuất xe hơi Texas-Mexico. Ở Texas và bốn bang biên giới của Mexico có 27 nhà máy lắp ráp xe hơi dựa vào nhau để xuất xưởng những mẫu xe thành phẩm. Hợp tác với nhau, họ đã thiết lập thành công một ngành công nghiệp phát đạt trong vùng ở cả hai phía của đường biên giới, tạo ra công ăn việc làm, khuyến khích sáng tạo và thúc đẩy những nền kinh tế địa phương. Việc đảm bảo để những cách làm như thế có thể tiếp tục không bị cản trở nằm trong lợi ích tốt nhất của cả hai nước. Bất chấp điều này, trong hai năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, Hoa Kỳ tiếp tục rút dần khỏi mô hình quan hệ quốc tế đa phương, bãi bỏ các hiệp định thương mại, tăng thuế với các sản phẩm nước ngoài, thúc đẩy đàm phán lại NAFTA*, và gây ra nghi ngờ về cam kết của Mỹ với NATO. Mức độ khôn ngoan của những động thái này rất đáng tranh cãi, nhưng điều không thể tranh cãi là chỉ Hoa Kỳ mới làm được điều đó. Mỹ chiếm khoảng 22% nền kinh tế thế giới. Quan trọng hơn, họ có thể cắt cầu vì họ chỉ xuất khẩu khoảng 14% GDP, theo Ngân hàng Thế giới, và 40% lượng xuất khẩu đó là sang các nước láng giềng Mexico và Canada, nên mặc dù cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu khiến Mỹ phải trả giá đắt, họ là cường quốc lớn duy nhất có thể hứng chịu những tổn thất tiềm tàng của việc rút khỏi toàn cầu hóa mà không tự gây hại nghiêm trọng cho bản thân trong ngắn hạn. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy chủ nghĩa cô lập thực sự có hại cho Hoa Kỳ trong dài hạn; bất cứ khi nào họ rút lui, thì họ sẽ luôn phải trở lại, và không phải lúc nào cũng sẵn sàng như vậy. Trong dòng chảy của nước Mỹ, những ủng hộ và chống đối chủ nghĩa cô lập là một trong nhiều sự xung đột xảy ra vào thời điểm mà nước Cộng hòa vĩ đại này có vẻ như đang bị chia rẽ theo rất nhiều cách. * * * Vậy thì, liệu bức tường to lớn, đẹp đẽ của Trump có được xây lên không? “Súng, ma túy, cư trú bất hợp pháp” - đó có thể là các từ ngữ gây nhiều cảm xúc trong đối thoại chính trị, và người ta muốn có giải pháp cho vấn đề, nên ngay cả sau khi đã vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục ăn nói hùng hổ, ông nói với Hiệp hội Súng trường Quốc gia, “Chúng ta sẽ xây bức tường. Thậm chí không cần nghĩ tới chuyện đó làm gì, đó là việc hiển nhiên”, và đảm bảo với những người ủng hộ ông, “Nếu chúng ta phải đóng cửa chính quyền, chúng ta vẫn cứ xây bức tường đó.” Ngài Donald có thể không biết cụm từ tiếng Anh: “Những lời khéo léo chẳng giúp phết bơ lên được củ cải” (sẽ chẳng đạt được gì chỉ với những lời hứa suông hay bợ đỡ), nhưng câu đó chắc chắn đúng ở đây. Và bất chấp luận điệu trước và sau bầu cử đó, ý tưởng về bức tường của Trump gặp phải nhiều vấn đề mà ông đã được cảnh báo, cũng những vấn đề mà những người tiền nhiệm của ông đã gặp với việc kiểm soát biên giới: chính trị, ngân sách, luật của bang, luật liên bang, thiên nhiên và những hiệp ước quốc tế. Lấy ví dụ, Mexico và Hoa Kỳ mỗi nước đều có các bản sao tài liệu họ ký vào năm 1970, tuyên thệ trịnh trọng để mở vùng bãi bồi ven sông Rio Grande. Tổng thống Obama bất chấp và vẫn bắt tay vào xây lên các hàng rào, nhưng các điều khoản trong hiệp ước buộc hàng rào này nằm sâu trong lãnh thổ Hoa Kỳ tới mức phải chừa ra những khoảng trống rất lớn để người Mỹ về được nhà họ. Đây là một lỗi thiết kế nhanh chóng bị dân Mỹ Latin tìm đường lọt vào đất nước tự do một cách bất hợp pháp nhận ra. Khoảng hai phần ba bất động sản và đất đai ở biên giới phía nam thuộc sở hữu tư nhân. Rất nhiều người họ không muốn một bức tường bê tông lớn ở sân sau nhà mình, và có thể kiện để ngăn việc xây bức tường. Nếu nhà nước mua lại đất, những chủ sở hữu trước phải nhận được mức “đền bù thỏa đáng”, và xác định được mức đó có thể là một quá trình kéo dài. Những bộ lạc người Mỹ bản địa cũng có thể, và đã, mở các chiến dịch kiện tụng. Lấy ví dụ, bộ lạc Tohono O’odham sở hữu vùng đất nằm ở cả hai nước và đã kiện ra tòa để đất đai của họ không bị chia cắt. Địa hình bản thân nó cũng là chướng ngại. Đường biên giới trải rộng 2.000 dặm [hơn 3.200 kilômét] từ Thái Bình Dương tới vịnh Mexico, đi băng qua California, Arizona, New Mexico và Texas. Tối đa thì cũng chỉ xây được một bức tường hơn 1.600 kilômét trên đường biên, bởi các trở ngại tự nhiên như địa hình dốc, nền đá cứng và nước cản trở phần còn lại. Ngay cả như thế, những con số đã được bàn bạc về dự án này lớn tới mức chúng gần như vô nghĩa với hầu hết chúng ta. Hãy chọn một con số, bất kỳ số nào, rồi thêm vào đó kha khá vì không ai thực sự biết chắc một bức tường tốn kém bao nhiêu - ngoài việc nó tốn “rất nhiều”. Trump đã ước tính cái giá là từ 10 tới 12 tỉ đô la Mỹ, nhưng phần lớn các nguồn khác cho rằng con số phải cao hơn nhiều. Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đưa ra một ước tính (dù từ những ước đoán khá đại khái về chi phí nguyên vật liệu, lao động và một khung thời gian rất không chắc chắn) cho biết 1.000 dặm bê tông cao 9 mét sẽ tiêu tốn từ 27 tới 40 tỉ đô la Mỹ. Những ước đoán khác là 25 và 21 tỉ đô la Mỹ, con số sau từ Bộ An ninh Nội địa. Đó đã là những số tiền khổng lồ rồi, nhưng nếu ta chào bán ý tưởng đó, có lẽ ta có thể nói nó chỉ tốn 21 triệu đô la Mỹ một dặm… Những con số này đều chưa bao gồm chi phí bảo trì. Dẫu vậy, nhiều người không lấy làm phiền lòng bởi chi phí - rốt cuộc, Trump đã tuyên bố rằng phía Mexico sẽ chi cho bức tường, một đề xuất được những người ủng hộ ông chào đón đầy phấn khích, dù nó khó thuyết phục hơn ở phía nam biên giới, khi cựu Tổng thống Mexico, Vicente Fox Quesada tuyên bố, “Mexico sẽ không chi trả cho bức tường chó chết đó.” Một cách rẻ tiền hơn để thực hiện sẽ là chấp nhận tuyên bố giữ thể diện của Thượng nghị sĩ Graham rằng từ “bức tường” là từ mã hóa để chỉ “an ninh tốt hơn”. Rốt cuộc, một hàng rào có thể thực hiện một phần công việc đó. Song song với các biện pháp khác, nó sẽ tiết kiệm chi phí hơn nhiều, và nó sẽ có được hiệu ứng tâm lý làm hài lòng nhu cầu của một số cử tri muốn có một ranh giới vật chất để khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Giới chính trị gia không lạ gì những lợi ích của cử chỉ biểu tượng so với thực tế. Nhưng cho tới giờ, Trump vẫn khẳng định rằng một bức tường là điều người dân muốn, và đó là điều họ sẽ có. Tới đầu năm 2018, một số bản mẫu bức tường đã được dựng lên, nhưng sự phản đối của Quốc hội không chịu chi tiền cho dự án vẫn chưa giảm xuống. Những trở ngại với việc xây dựng bức tường là rất đáng kể. Các vụ kiện tụng là những cản trở về mặt ý tưởng, một chuyện đúng là đôi khi vượt qua được, nhưng có thực đáng làm thế không, bởi còn có những cản trở vật chất khác trên hành trình thật sự xây dựng bức tường? Nếu bức tường là một tuyên bố chính trị, thì với những người ủng hộ nó, câu trả lời sẽ là CÓ, và điều đó không đếm xỉa tới những khó khăn về địa hình. Càng nhiều bê tông, thông điệp càng mạnh mẽ, lực lượng ủng hộ cốt lõi càng lớn lên. Chừng nào còn có sự suy giảm về nhập cư (điều rất có thể sẽ xảy ra, bởi sự kết hợp của các biện pháp an ninh khác hay các yếu tố kinh tế), thì nhiều cử tri có thể bỏ qua thực tế là có những khe hở trong bức tường đó, nó sẽ được ca ngợi là một chính sách then chốt trong việc ngăn người nước ngoài vào và bảo vệ các giá trị Mỹ. Một bức tường là một biểu tượng hữu hình làm yên lòng người - và đôi khi tính biểu tượng có thể áp đảo tính thực tế. Tổng thống Trump có thể đơn giản đứng trước chỉ vài dặm bê tông mới xây thêm, đặt lên một tấm biển nói “Nhiệm vụ đã hoàn thành” và khả năng cao là sẽ làm hài lòng cơ sở cử tri cốt lõi của ông về việc “đã có hành động”. * * * Các Tổng thống khác từng củng cố biên giới với Mexico, những bức tường của Trump đặc biệt gây chia rẽ vì nó đại diện cho một thời điểm cụ thể trong lịch sử Hoa Kỳ. Chính trị của việc xây tường không chỉ là về việc ngăn chặn những người Mexico. Một biên giới định nghĩa một quốc gia, và bức tường của Trump đang nỗ lực định nghĩa xem nước Mỹ là gì - cả về mặt vật chất và ý thức hệ. Để hiểu được điều đó phản ảnh và làm sâu sắc những chia rẽ lịch sử ra sao, chúng ta cần nhìn lại những rạn nứt đang chia tách đất nước này. Trong tất cả những sự chia rẽ ở Hoa Kỳ, chủng tộc có vẻ là sâu sắc nhất. Có khoảng 324 triệu người ở Hoa Kỳ. Theo CIA World Factbook, dựa trên cuộc thăm dò dân số năm 2010, trong đó 72,4% là da trắng, 12,6% da đen, 4,8% người gốc Á, và chỉ dưới 1% người châu Mỹ và Alaska bản địa. Những người thuộc về “hai chủng tộc trở lên” chiếm 2,9%, và người Hawaii bản địa và dân đảo Thái Bình Dương 0,2%,với phần“khác” là 6,2%. Bạn hẳn đã lưu ý sự vắng mặt của dân chúng Hispanic đang tăng mạnh. Sở dĩ như thế vì Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ coi Hispanic có nghĩa là một người có gốc Tây Ban Nha/Hispanic/Latino* “vốn có thể thuộc bất kỳ nhóm sắc tộc hay chủng tộc nào”. Nhóm đa dạng này là nhóm thiểu số lớn nhất ở Hoa Kỳ, chiếm 17% dân số Hoa Kỳ. Và con số đó sẽ tăng lên trong thế kỷ 21. Như chúng ta đã thấy, đa số da trắng đang giảm dần trong tỷ lệ dân số (nhất là ở các bang miền nam) trong một quốc gia vốn đã vật lộn để hòa hợp một cách trọn vẹn rồi. Ước tính con số dân số khác nhau, nhưng hầu hết các chuyên gia nhất trí rằng đa số da trắng sẽ chấm dứt trong vài thập niên nữa. Bao gồm cả người Hispanic, những người không phải da trắng hiện chiếm khoảng 40% dân số, một con số được tiên đoán là sẽ tăng lên 53% vào năm 2050, với người Hispanic chiếm khoảng 29%, biến họ thành nhóm sắc tộc tăng trưởng nhanh nhất trong ba mươi năm tới. Với những ai coi xu hướng này là một mối quan ngại thật sự, thì xây lên một bức tường và triển vọng ngăn chặn dòng nhập cư là nơi gửi gắm hy vọng ngăn chặn sự dịch chuyển nhân khẩu học đó, dù trên thực tế nó sẽ chẳng làm được gì mấy để thay đổi tình hình. Có rất nhiều luận điệu chống nhập cư có xu hướng đi kèm với sự ủng hộ bức tường. Tuy nhiên, sẽ là bất công nếu tự động coi một lá phiếu cho Trump là một lá phiếu cho sự phân biệt chủng tộc. Khoảng 8% cử tri người da đen đã chọn ông làm Tổng thống của họ, tương tự là 29% người Hispanic. Nếu chúng ta nghĩ rằng những cử tri đó không bỏ phiếu cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thì sẽ là bất công khi chê bai các cử tri da trắng của Trump, như một số người vẫn làm, là phân biệt chủng tộc. Có nhiều lý do khiến người ta ủng hộ Trump. Ba mươi năm trước, hãng sử dụng lao động lớn nhất ở Hoa Kỳ là General Motors và mức lương trung bình của một công nhân ở đó (theo thời giá ngày nay) là khoảng 30 đô la Mỹ một giờ. Hiện giờ thì hãng sử dụng lao động lớn nhất là Walmart và mức lương theo giờ là khoảng 8 đô la. Những người lao động tin rằng họ đang kém cỏi hơn cha mẹ họ, hay những người lao động đã chứng kiến các công ăn việc làm trong ngành thép chuyển ra nước ngoài và ra khỏi Pennsylvania, có thể thấy họ muốn ủng hộ một người hứa hẹn sẽ đảo ngược điều đó. Một số người lao động này là người da đen hay Hispanic, và người Mỹ đủ mọi màu da đều có thể lo lắng về những tác động của nhập cư bất hợp pháp mà không nhất thiết phải là người phân biệt chủng tộc. Dù nói như thế, rõ ràng là trong nhóm cử tri cốt lõi của Trump có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cốt lõi, và tác động của ngôn ngữ và hành vi của ông trong việc khuyến khích niềm tin phân biệt chủng tộc là không thể coi thường. Luận điệu đó làm gia tăng căng thẳng trong dân chúng Mỹ và có lẽ đạt tới đỉnh điểm vào mùa hè năm 2018. Tới khi đó, 2.000 trẻ em đã bị ép rời khỏi cha mẹ chúng sau khi chính quyền Trump bắt đầu thực thi chính sách “không chút nhân nhượng” với tình trạng vượt biên bất hợp pháp từ tháng Tư năm đó. Điều này đã đảo ngược một chính sách linh hoạt trước đó là thường xuyên trục xuất, nhưng không nhất thiết phải truy bức những người nhập cư. Giờ thì họ đang bị giam giữ và đi qua hệ thống tòa án trong khi con cái họ được đưa tới những “trung tâm tạm giữ, đôi khi suốt nhiều tuần. Đã có những cảnh tượng thật đau lòng khi những trẻ em kêu khóc đòi cha mẹ, và các nhân viên bị cấm không được dỗ dành chúng. Ý định của Tổng thống Trump có vẻ là gửi đi một thông điệp cho những ai tìm cách vượt biên: “đừng có cố làm gì”, và cho cả những người Dân chủ - “hãy hợp tác với dự luật đề xuất của tôi”. Người nhập cư thường xuyên được tô vẽ dưới ánh sáng tiêu cực, và Trump mô tả họ là “những người tồi tệ”: “Khi Mexico đưa người của họ sang đây, họ không đưa sang những người giỏi nhất… họ đưa sang những người gặp rất nhiều vấn đề và họ mang theo những vấn đề đó cùng với chúng ta [sic]*. Họ mang theo ma túy. Họ mang theo tội ác. Họ là những kẻ hiếp dâm. Và tôi cho rằng có một số là người tốt.” Cách ăn nói này đã góp phần vào mức độ phân biệt chủng tộc gia tăng chống lại người Latino được báo cáo trong thập kỷ qua. Một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2016 chẳng hạn, cho thấy 52% những người Hispanic nói họ đã bị đối xử bất công vì sắc tộc của họ, con số đó tăng lên thành 65% ở những người từ 18 tới 29 tuổi. Thật thú vị, con số cũng tương tự cho cùng nhóm tuổi với người da đen, nhưng nhìn chung người Hispanic ít có khả năng hơn so với người da đen nói rằng họ gặp phải vấn đề với “el racismo”*. Chắc chắn là rất nhiều tiến bộ đã đạt được trong vấn đề bình đẳng chủng tộc, và mỗi ngày hàng chục triệu người Mỹ thuộc mọi màu da cùng tồn tại hạnh phúc cạnh nhau, sống trộn lẫn, ăn uống, làm việc và chơi đùa với nhau. Vậy nhưng phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn đề lớn trên cả nước. Trong khi dân số Hispanic đang tăng nhanh chắc chắn đối mặt với sự phân biệt đối xử, sự chia rẽ chủng tộc rõ ràng nhất ở Hoa Kỳ là giữa người da trắng và da đen, vốn có nguồn gốc từ thời chế độ nô lệ và tiếp diễn tới ngày nay. Hiệu ứng tiêu cực của điều này với cuộc sống mọi người thật rõ ràng: gần như theo mọi thước đo, sinh ra là người da đen ở Mỹ khiến bạn nhiều khả năng nghèo hơn, ít học hơn và kém khỏe mạnh hơn so với sinh ra là người da trắng. Điều đó không đúng một cách phổ quát: một gia đình da đen giàu có, trung lưu, sống ở ngoại ô có lẽ có nhiều cơ hội trong đời hơn so với một gia đình da trắng nghèo khó ở vùng nông thôn. Một nghiên cứu của Viện Brookings cho thấy dù bạn thuộc nhóm sắc tộc nào - da trắng, da đen hay Hispanic - nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, ngay cả khi có bằng đại học, thu nhập của bạn trong cuộc đời sau này vẫn sẽ thấp hơn so với một người từ một gia đình giàu có hơn. Nhưng dù nói như thế, một quy luật chung là trong trò xổ số cuộc đời, vận hội sẽ không tốt nếu bạn sinh ra là người da đen. Thật rõ ràng là sự phân biệt chủng tộc trong lịch sử và hiện giờ là một yếu tố lớn trong sự chênh lệch gây sửng sốt giữa các nhóm sắc tộc. Điều này đúng ngay cả ở giai đoạn đầu cuộc đời. Ở nước giàu nhất Trái đất, tỷ lệ tử vong trẻ em là 4,8 trên mỗi 1.000 ca sinh ở dân chúng da trắng, nhưng là 11,7 với người da đen - gần tương đương với ở một quốc gia hạng trung như Mexico. Sức khỏe kém hơn, của cải ít hơn và kỳ vọng thấp hơn đều đóng góp vào trình độ giáo dục kém hơn, điều đã rõ ràng ngay từ năm hai tuổi. Ở độ tuổi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các thống kê giáo dục ở Hoa Kỳ, số trẻ em da đen bộc lộ đầy đủ các kỹ năng phát triển ít hơn một chút so với trẻ em da trắng. Tới ba đến năm tuổi, khoảng chênh lệch đó lại tăng nhẹ lần nữa trong khả năng đọc, điều này được cho là liên quan tới việc thiếu tương đối các tài liệu đọc ở các gia đình da đen, cha mẹ ít thời gian hơn để đọc với con cái, và có thể là thiếu quan tâm tới sách vở vì sách chẳng có mấy các nhân vật không phải người da trắng. Khi chúng ta di chuyển lên cao nữa trong hệ thống trường học, chúng ta thấy rằng người Mỹ da đen bị đình chỉ và/hoặc bị cho thôi học cao gấp ba so với học trò da trắng. Ở các trường mà đa số học trò là từ các nhóm thiểu số, giáo viên cũng có xu hướng kém kinh nghiệm và được trả lương thấp hơn. Đằng sau những con số này là thực tế của đời sống hằng ngày trong một gia đình thường là cha/mẹ đơn thân với thu nhập thấp. Hai mươi lăm phần trăm các bậc cha mẹ người da đen nói rằng con cái họ sống ở những khu không an toàn, trong khi với cha mẹ da trắng, tỷ lệ này là 7%. Tới tuổi tốt nghiệp, người Mỹ da đen có khả năng bỏ học cấp ba cao gấp đôi so với các bạn học da trắng. Một nghiên cứu nói rằng nếu tỷ lệ theo học của người Mỹ da trắng và da đen ở trường cấp ba được đo đếm như các quốc gia riêng biệt, thì quốc gia của người da trắng sẽ tương đương với Anh, và của người da đen tương đương với Chile. Ở trình độ đại học, 36,2% người da trắng tốt nghiệp, so với 22,5% người da đen. Sau khi cầm bằng cấp đó tới chỗ làm, người Mỹ da đen lại kiếm được mức lương thấp hơn. Người Mỹ da đen cũng nhiều khả năng đi tù hơn: họ chiếm khoảng 14% dân số Mỹ, nhưng lại chiếm 38% tổng số tù phạm. Và cứ như thế, từ trong nôi cho tới nấm mồ. Nước Mỹ là một quốc gia bạo lực so với châu Âu, nhưng nếu bạn là người da đen thì đó còn là một nơi nguy hiểm hơn nữa. Tỷ lệ các vụ giết người trong dân số da trắng là 2,5 vụ mỗi 100.000 người. Với người Mỹ da đen, con số đó là 19,4%, bằng với nhiều nước thế giới thứ ba hoặc đang phát triển. Con số thống kê khác nhau, nhưng theo CNN, nếu bạn trẻ tuổi, da đen và là nam giới, bạn có khả năng bị bắn và bị giết bởi một sĩ quan cảnh sát cao gần gấp ba lần so với người cùng trang lứa da trắng. Không có gì lạ khi tuổi thọ kỳ vọng của người Mỹ da đen thấp hơn bốn năm so với người da trắng. Cùng nhiều vụ bắn những đàn ông da đen không vũ trang trong những năm gần đây, các con số đối lập này đã gây bất ổn và biểu tình trên cả nước - lấy ví dụ các cuộc bạo động ở Ferguson vào năm 2014 - và đã làm nổi lên những phong trào như Mạng người da đen là quan trọng (Black Lives Matter). Và với những phản ứng của cả các quan chức và cộng đồng bị soi mói sau mỗi sự cố, điều đó đã trở thành một vấn đề ngày càng gây chia rẽ. Dễ tìm ra các thống kê làm nổi bật những vấn đề đó. Giải thích được nguyên nhân của chúng thì khó hơn, nhưng rõ ràng là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn có vai trò trong xã hội Mỹ. Không thể thoát khỏi sự khởi đầu - chế độ nô lệ. Những người nô lệ đã được giải phóng, nhưng hầu hết bị bỏ mặc sống trong tình trạng nghèo đói, đối mặt với sự phân biệt đối xử về mặt xã hội; trong những tình thế này, rất khó để họ nhanh chóng đạt được sự bình đẳng với số dân đang áp đảo. Bao lâu là nhanh? Đã hơn 150 năm trôi qua, và bất chấp những tiến bộ đã đạt được, nhất là trong 50 năm qua, rõ ràng là vẫn còn rất nhiều việc phải làm. * * * Tất nhiên, chủng tộc không phải là sự chia rẽ duy nhất ở Hoa Kỳ. Khi nói về tôn giáo chẳng hạn, một trong những điểm mạnh nhất của Hoa Kỳ là nước này là một nhà nước thế tục, nhưng có sự đa dạng về đức tin tôn giáo và nơi thờ tự của tín ngưỡng cá nhân. Đức tin của họ vẫn chủ yếu là Kitô giáo, chia ra giữa nhiều nhóm Tin lành khác nhau và Công giáo, nhưng từ những năm 1960, Hoa Kỳ đã được bổ sung các đức tin khác với số tín đồ lớn đáng kể. Khoảng 80% người Mỹ xác định họ là một người Kitô giáo, trong đó Tin lành là đông nhất với 46,6% dân số, tiếp theo là Công giáo với 20,8%. Sau đó là người Do Thái giáo (1,9%), Mormon (1,6%), Hồi giáo (0,9%), Phật giáo (0,7%), Ấn Độ giáo (0,7%) và rất nhiều các nhóm nhỏ hơn khác. Tất cả những điều này có tạo ra một nồi lẩu thập cẩm? Ở mức độ nào đó thì đúng. Lý tưởng nền móng “E pluribus unum” đã sống sót ở một mức độ nào đó, bất chấp một số ví dụ rành rành về sự không nhất quán và đạo đức giả. Tuy nhiên, trong thế kỷ hiện tại, tinh thần hòa nhập trong một xã hội đa sắc tộc [multi-ethic society] đã bị thách thức bởi chủ nghĩa đa văn hóa [multiculturalism]. Sự chia rẽ sắc tộc và chủng tộc hỗ trợ cho những rạn nứt trong xã hội Mỹ và giúp làm nổi lên nền chính trị bản sắc lan tràn khắp nước Cộng hòa. Những người Mỹ ngày càng nhìn nhận bản sắc của mình bởi sắc tộc, tôn giáo, hay giới tính, qua đó càng phân cực và chia rẽ quốc gia hơn. Các sắc tộc khác nhau đã được khuyến khích duy trì một cảm thức công khai về bản sắc, thay vì dẫn tới chấp nhận sự đa dạng, cách tiếp cận này trong một số trường hợp có vẻ dẫn tới sự chia tách một số nhóm nhất định ra khỏi phần còn lại của xã hội, ở một mức độ nào đó khiến họ ngày càng dễ bị phân biệt đối xử. Chúng ta đã chứng kiến điều này trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, khi Donald Trump chỉ trích cha mẹ của Humayun Khan, một sĩ quan người Mỹ theo đạo Hồi nhiều công trạng bị giết ở Iraq, sau khi cha của Humayun lên tiếng phản đối lời kêu gọi cấm người nhập cư Hồi giáo của ông. Khizr và Ghazala Khan là những người mà người Mỹ gọi là “những bậc cha mẹ sao vàng”. Cụm từ có nguồn gốc từ Thế chiến I, khi các gia đình có người thân ra chiến trường cắm những lá cờ với một ngôi sao màu xanh da trời cho mỗi thành viên ra trận. Nếu thành viên đó hy sinh, ngôi sao xanh sẽ được thay bằng một ngôi sao vàng. Giọng điệu tấn công bằng lời nói của Trump với gia đình Khan là điều ông hẳn sẽ không thốt ra nếu gia đình đó là người Kitô giáo da trắng. Trong nền chính trị Mỹ, các bậc cha mẹ sao vàng được coi là không thể bị chỉ trích vì sự hy sinh của gia đình cho đất nước. Trump nói cả ông cũng đã “hy sinh” bởi số công ăn việc làm mà ông tạo ra ở Mỹ. Ông cho rằng bà Khan đã bị chồng không cho lên tiếng, ngụ ý rằng nguyên do là tôn giáo của họ. Bất chấp việc ông Khan từng đưa Humayun lúc còn nhỏ tới đài tưởng niệm Jefferson và đọc cho anh nghe những lời khắc trên đó - “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng…” Đằng sau những nhận xét của ứng viên Trump có vẻ là ý tưởng rằng gia đình sao vàng đặc biệt này khác với các gia đình khác. Cũng có cảm giác là ông đang nói với và nói cho một bộ phận nước Mỹ định nghĩa những người Mỹ theo nghĩa rất hẹp. Thượng nghị sĩ John McCain, một người Cộng hòa và cựu tù binh chiến tranh Việt Nam, đã lên tiếng cho phần còn lại của đất nước khi ông nói về Trump, “Dù đảng của chúng tôi đã trao cho ông ấy quyền ứng cử, nó không đi kèm với cái quyền tự tiện lăng mạ những người tài giỏi nhất trong chúng ta.” Ý tưởng về “sự khác biệt” là một ý tưởng được cả phe hữu và tả sử dụng, nó là một khía cạnh của nền chính trị bản sắc làm sâu sắc thêm sự chia rẽ ở Hoa Kỳ. Ở thời điểm này trong lịch sử Hoa Kỳ, dù thống nhất bởi ý tưởng về quốc gia, nhiều nhóm vẫn tách rời khỏi các nhóm khác. Điều này có thể thấy được qua sự phân kỳ gia tăng trong địa hạt chính trị. Hai năm trước cuộc đụng độ gay gắt Trump/ Sanders/ Clinton năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã tiến hành nghiên cứu lớn nhất từ trước tới giờ của họ về các thái độ chính trị của người Mỹ. Họ thấy rằng quan điểm của mọi người ngày càng bị hằn sâu,và người ta ngày càng miễn cưỡng chấp nhận ý kiến của người khác. Lấy ví dụ, 38% những người Dân chủ tham gia tích cực vào chính trị mô tả họ là những người trung thành với tư tưởng tự do”, tăng từ 8% vào năm 1994, trong khi 33% những người Cộng hòa là “trung thành với tư tưởng bảo thủ”, tăng từ 23% quãng hai mươi năm trước đó. Đáng lo ngại hơn là số lượng gia tăng những người Cộng hòa và Dân chủ khinh thường lẫn nhau, nhất là giữa những người tích cực về chính trị. Vào năm 1994, 17% những người Cộng hòa có ấn tượng rất không ưa những người Dân chủ, nhưng con số này giờ đã tăng lên 43%. Ở phía bên kia, các con số là 16% tăng lên 38%. Có một cơ sở địa lý cho hiện tượng này, với những cử tri trung thành của đảng Dân chủ ngày càng nhiều ở các khu vực liên đô thị khổng lồ, và những người Cộng hòa ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn. Preston Stovall, một học giả ở Đại học Nevada, Las Vegas, viết về những công dân toàn cầu hóa đô thị và những người dân tộc chủ nghĩa phi đô thị, mà ông tin rằng “phản ánh sự chia rẽ ‘Dân chủ’ và ‘Cộng hòa’ tương đối tốt hơn”. Ông buồn cho thực tế là những ý tưởng của người phi đô thị “giờ chỉ còn là những lời chửi bới của kẻ vô tri”, trong khi của phía thị dân “được bôi trát thành chủ nghĩa tinh hoa và suy đồi về đạo đức”: Tôi thất vọng bởi cách mà những người Mỹ thị dân có xu hướng xem thường các cộng đồng nông thôn và nông nghiệp. Chưa bao giờ mà một nhận xét chê bai thiếu suy nghĩ về người Mỹ ở nông thôn lại được bỏ qua hay được tán đồng như bây giờ… chúng ta cần tránh xu hướng nghĩ rằng các cử tri Cộng hòa là bọn phân biệt chủng tộc vô giáo dục, còn các cử tri Dân chủ là đám vô lại tinh hoa. Điều quan trọng là phải nhớ rằng những cụm từ và thống kê này chủ yếu liên quan tới những người tích cực tham gia chính trị, còn ở bên ngoài các ngóc ngách ý thức hệ và những căn buồng vọng âm [nhai lại cùng một quan điểm] vẫn có nhiều sự chấp nhận lẫn nhau hơn và sự sẵn sàng nhượng bộ lớn hơn. Ngay cả như thế, sự không khoan dung ngày càng tăng với các quan điểm đối lập đã dẫn tới luận điệu bạo lực ngày càng tăng mà chúng ta nghe được ở truyền thông chủ lưu và những phiên bản la hét inh ỏi mà chúng ta tìm thấy trên internet. Những ngày tháng phát sóng tương đối êm đềm các bản tin buổi tối của ba mạng truyền hình lớn* giờ đã nhường đường cho sự nổi lên của các kênh tin tức truyền hình cáp cạnh tranh nhau về chính trị suốt 24 giờ một ngày, những phát thanh viên công kích và không gian internet không có ai cai quản, nơi mà những sự lăng mạ và dọa giết là tiêu chuẩn. Sự nổi lên của các nền tảng mạng xã hội 24 giờ cũng đã trao một chiếc loa phóng đại cho những người cực đoan, trong khi truyền thông tin tức nói chung lại khuếch đại những chiếc loa phóng thanh đó, dẫn tới ấn tượng là người Mỹ liên tục lao vào chặn họng nhau (hay chặn dòng tin trên Twitter của nhau), trong khi trên thực tế hầu hết rất hòa hợp với nhau trong đời sống hằng ngày. Một số những kẻ kém khoan dung nhất giờ thuộc một thế hệ trẻ hơn, nhiều người trong số đó đang chống đối lại các lý tưởng tự do ngôn luận và lập luận rằng sự không khoan dung về chính trị là biện minh được khi nó liên quan tới những người mà họ không đồng ý. Điều này đối lập một cách thú vị với Trung Quốc. Ở đó, nhà nước tìm cách chia rẽ dân chúng bằng cách hạn chế khả năng của họ trong việc tạo ra những trao đổi mở với nhau, và với thế giới bên ngoài, hòng duy trì sự thống nhất; ở Hoa Kỳ, quê hương của tự do ngôn luận, nhiều bộ lạc mạng xã hội đang lựa chọn chia rẽ họ với đồng bào của mình và đang xé nát nhau ra. Rồi còn có chủ nghĩa cực đoan trong giới cây đa cây đề của giáo dục Hoa Kỳ, được thực thi qua một nhóm thiểu số các sinh viên, với một chút ủng hộ từ các giáo sư. Số lượng lớn những học giả thuộc thế hệ lớn tuổi hơn ngày càng giống những con thỏ bị đèn pha chiếu vào mặt khi những đứa con cách mạng quay ra chống lại chính những người đã dạy dỗ để họ trở nên cuồng tín về tư tưởng như thế. Điều đó đã tạo ra một bầu không khí trí thức khó chịu ởMỹ, với những kẻ “không cần nền tảng” quấy rối, đầy hăm dọa tiến lên, còn những giáo sư rụt rè, yếu ớt về học thuật rút lui. Họ là một mối nguy cho sự gắn kết vì những ồn ào trong các chiến dịch của họ được khuếch đại trong cuộc tranh luận trên mạng. Nếu ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học bị cực đoan hóa, dù theo phía tả hay hữu, thì có nguy cơ là những quan điểm cực đoan của họ sẽ trở nên thịnh hành hơn. Một trong những ví dụ rõ nhất xảy ra vào năm 2017 ở Đại học Bang Evergreen tại Washington. Một giáo sư da trắng đầu óc tự do, Bret Weinstein, phản đối ý tưởng cho rằng trường phải giải thích và biện minh cho mọi quyết định bổ nhiệm các vị trí giảng dạy dựa trên cơ sở chủng tộc. Ông sau đó bất đồng với một tổ chức của sinh viên yêu cầu các sinh viên da trắng không nên đến trường trong một ngày cụ thể để tạo ra môi trường an toàn cho sinh viên da màu thảo luận các vấn đề. Lớp học của ông sau đó bị các sinh viên xâm nhập, họ la hét về sự phân biệt chủng tộc và đặc quyền da trắng. Họ đòi sa thải ông và hai nhân viên khác, và khi chủ tịch trường, George Bridges, cố dàn hòa, ông liên tục bị chửi bới và bị bắt phải im miệng. Một đoạn băng ghi hình sự kiện lúc đầu cho thấy các sinh viên la hét những câu hỏi với Weinstein, khi ông hỏi lại họ, “Các bạn có muốn nghe câu trả lời hay không?”, họ hét vang, “Không!” Biến cố này tiêu biểu cho những nỗ lực ngày càng cuồng nộ nhằm bôi nhọ những người có quan điểm khác biệt, khi mà một nhóm tin rằng nhóm khác là điển hình của cái ác và không được phép có cơ hội bày tỏ quan điểm của họ. Nó có thể trẻ trâu, nó có thể thô sơ, nhưng nó cũng nguy hiểm nữa, và nó đe dọa lý tưởng tự do ngôn luận. Sự khép kín của tâm trí Mỹ ở thời hiện đại này tới từ cả hai phía của phổ chính trị và đang làm suy giảm không gian của phần ở giữa. Trong số những người vi phạm tệ hại nhất có những kẻ tích cực tìm cách thúc đẩy sự nghi kỵ và thù hận đối với phía bên kia. Ở mức độ cực đoan, họ bao gồm cả các nhóm ly khai da trắng và da đen, một số có vũ trang, những cuộc biểu tình thường dẫn tới bạo lực. Vào năm 2017 chẳng hạn, ở Charlottesville là khung cảnh của một cuộc biểu tình phản đối việc di dời một bức tượng viên tư lệnh Hợp bang miền nam Robert E. Lee*; nhưng nó liên quan tới những nhóm da trắng thượng đẳng và một cuộc tuần hành có cả cờ Quốc xã và những biểu ngữ phân biệt chủng tộc và bài Do Thái. Bạo lực tiếp nối, dẫn tới cái chết của người phản biểu tình Heather Heyer, người đã bị một kẻ theo thuyết da trắng thượng đẳng cán lên và giết chết. Cơn thịnh nộ sau đó càng thêm trầm trọng bởi phản ứng của Trump: ông liên tục từ chối lên án phe cánh hữu phiên bản mới, bao gồm KKK và những kẻ tân Quốc xã, tuyên bố rằng bạo lực là từ cả hai phía. Ở bên kia lằn ranh chia rẽ, nhưng cách không xa, là các nhóm ly khai da đen; họ có thể chỉ là một kiểu phản ứng với sự phân biệt đối xử mang tính xã hội của người da trắng, nhưng dù thế ý thức hệ của họ vẫn là phân biệt chủng tộc. Một ví dụ kinh điển là tổ chức Quốc gia Hồi giáo [Nation of Islam: NOI], mà thủ lĩnh Louis Farrakhan của nó tin rằng 6.600 năm trước, một nhà khoa học da đen tên là Yacub đã tạo ra người da trắng, “những con quỷ mắt xanh” được thiết kế với bản chất là xấu xa và tội lỗi. Ông Farrakhan cũng nói rằng người Do Thái thực hành một “tôn giáo thấp hèn” và săn lùng người da đen; giải pháp của ông cho những vấn đề mà người da đen phải đối mặt là ủng hộ sự chia tách về chủng tộc và chấm dứt các quan hệ liên chủng tộc. Trong số những bài phát biểu nổi tiếng nhất của nước Mỹ mọi thời có bài phát biểu “Một căn nhà chia rẽ” của Abraham Lincoln*. Ông có bài phát biểu đó vào năm 1858 khi chấp thuận đề cử của đảng Cộng hòa ở Illinois vào ghế thượng nghị sĩ. Cụm từ đó rút ra từ Thánh Kinh và được trích dẫn lại trong Tin mừng Mark, 3:25; Luke, 11:17, và Matthew, 12:25. Trong đó Jesus nói, “Nếu nhà nào tự chia rẽ nhau, thì nhà ấy đổ xuống.” Lincoln đang nói tới sự chia rẽ về vấn đề chế độ nô lệ, nhưng giờ Hoa Kỳ đang rơi vào sự chia rẽ sâu sắc một lần nữa: chia rẽ về sắc tộc, chủng tộc và xu hướng chính trị đều khiến căng thẳng và cảm xúc bùng lên. Căn nhà Mỹ đang ngày càng chia rẽ cần một cách tiếp cận lý trí hơn, hòa hợp hơn và cởi mở hơn, nhưng cuộc tranh luận quá thường xuyên diễn ra - ở cả hai phe hữu và tả - với sự cuồng loạn và một quyết tâm điên rồ sử dụng nền chính trị bản sắc để nhấn chìm “kẻ khác”. Trong bầu không khí phát sốt đó, luận điệu của Trump về bức tường đã đánh đúng vào sự chia rẽ trong quá khứ và chia rẽ mới của quốc gia, nói đến một định nghĩa hẹp cho “người Mỹ”. Những chia rẽ sắc tộc, chủng tộc và chính trị, tất cả đều thống nhất trong câu hỏi về bức tường đó - về việc Hoa Kỳ là gì, nên là gì, và cần mang theo những lý tưởng tự do và bình đẳng của họ để tiến lên ra sao. Barack Obama khó có thể là người thành công nhất trong các Tổng thống Mỹ, và giống như những người khác, có các chính sách đây chia rẽ, nhưng nền tảng cho quan điểm của ông về đất nước ông là lòng tin rằng một quốc gia là một nơi mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn, khi nó đón nhận ý tưởng “E pluribus unum”. Ông đã lui vào lịch sử, những vị trí của ông được đảm bảo và là một ví dụ của những gì mà nước Mỹ hiện đại có thể đạt được. Điều này điển hình qua bài phát biểu chính của ông ở Đại hội đảng Dân chủ năm 2004: Những chuyên gia thích cắt vụn đất nước chúng ta rồi gieo súc sắc cho ra… các bang màu đỏ của những người Cộng hòa, bang màu xanh của Dân chủ… Nhưng tôi có tin tức mới cho họ… Chúng ta thờ phụng một đấng tối cao tuyệt vời ở các bang xanh, và chúng ta không thích các đặc vụ liên bang nhòm ngó vào thư viện của ta ở các bang đỏ. Chúng ta là huấn luyện viên giải Little League* ở các bang xanh, và phải, chúng ta có những bạn bè đồng tính ở các bang đỏ… Chúng ta là Một. Chương Ba THỰC TẾ TRÊN THỰC ĐỊA ISRAEL VÀ PALESTINE “Các ngươi hãy xem tình cảnh khổ nạn của chúng ta đương đây, Jerusalem bị phá hoang, và các cửa nó bị lửa thiêu đốt. Hãy đến, xây cất các vách thành Jerusalem lại, hầu cho chúng ta chẳng còn bị sỉ nhục nữa.” - Sách Nehemiah 2:17 Sau vài phút lái xe về hướng nam từ những bức tường của Thành Cổ* ở Jerusalem, những bức tường mới của Bethlehem mọc lên ở đằng xa. Khi bạn tới gần, bạn thấy chúng bao gồm những mảng bê tông cao gần 8 mét, ở trên có dây thép gai. Một số khu vực có điện chạy qua dây thép, và xen lẫn là các tòa tháp canh cao với kính phủ bụi bặm, dày cộp, chống đạn, mà đứng đằng sau là các binh lính trẻ người Israel đang canh gác cả hai phía. Ở bên Israel là đất trống, nhưng khi đi qua một chốt kiểm tra và sang phía bên kia, bạn có thể lái xe dọc theo những con đường chỉ vừa đủ rộng cho một chiếc xe hơi, với những khối nhà tập thể thấp tầng đối diện bức tường. Không khí thật buồn nản, đầy hăm dọa, ngột ngạt và lạ lùng. Nhà cửa và những bức tường cao lẽ ra không nên gần nhau đến thế. Những người đàn ông Palestine xếp hàng tại 1 chốt kiểm tra bên ngoài Bethlehem, Bờ Tây. Vượt qua biên giới là một trải nghiệm căng thẳng, nhưng sự căng thẳng là gấp bội khi ta vượt qua biên giới ở những khu vực dựng rào bằng bê tông, như hầu hết những người từ bên ngoài tới đây vẫn phải đi qua. Đây là những khu vực được bố trí cạnh các vùng đô thị nhằm ngăn chặn các tay bắn tỉa nã súng từ các tòa nhà cao tầng. Phần lớn phần còn lại của ranh giới dài 708 kilômét này là một hàng rào. Bất chấp thực tế là chỉ có 3% “rào chắn ngăn cách” giữa Israel và Bờ Tây của Palestine là bằng bê tông, nó thường được gọi là “Bức tường”. Tại sao? Vì 3% đó thu hút sự chú ý về mặt thị giác hơn nhiều so với 97% còn lại. Chẳng đoàn quay phim hay phóng viên ảnh nào lại sử dụng một hàng rào dây thép gai làm phông nền khi ta có một rào chắn bê tông cao 8 mét """