" Chết Cho Màu Cờ PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chết Cho Màu Cờ PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC GIƠI THIẸU CHƯƠNG 1 SAO VÀ VẠCH CHƯƠNG 2 CƠ LIÊN HIẸP VÀ CƠ HIẸU HAI QUÂN CHƯƠNG 3 CHƯ THẠP VÀ NHƯNG CUỌC THẠP TƯ CHINH CHƯƠNG 4 NHƯNG SĂC MÀU A RẠP CHƯƠNG 5 NHƯNG LÁ CƠ GÂY SƠ HÃI CHƯƠNG 6 PHÍA ĐÔNG VƯƠN ĐỊA ĐÀNG CHƯƠNG 7 NHƯNG LÁ CƠ TƯ DO CHƯƠNG 8 NHƯNG LÁ CƠ CÁCH MẠNG CHƯƠNG 9 THIẸN, ÁC VÀ TÀ LƠI CAM ƠN GIỚI THIỆU “Tôi chẳng là gì ngoài thứ anh chị em tin tưởng, và tôi chính là mọi thứ anh chị em tin tôi có thể trở thành.” - Lá quốc kỳ Mỹ “đối thoại” với Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Franklin K. Lane (Ngày Quốc kỳ, 1914) V ào ngày 11 tháng Chín, sau khi lửa đã tắt và phần lớn khói bụi đã tan, ba lính cứu hỏa của Sở Cứu hỏa New York trèo lên đống đổ nát vẫn còn bốc khói của Trung tâm Thương mại Thế giới ở Thành phố New York và cắm lên lá cờ Sao và Vạch. Hành động ấy không hề được định trước, không có phóng viên ảnh chính thức nào; ba người lính cứu hỏa chỉ cảm thấy rằng giữa chết chóc và tàn phá, họ nên làm “một điều gì đó tốt đẹp”. Một phóng viên ảnh của tờ báo địa phương tên là Tom Franklin đã chụp được khoảnh khắc đó. Sau này, anh ấy bình luận rằng tấm hình “nói với tôi nhiều điều về sức mạnh của người dân Mỹ”. Làm thế nào mà một mảnh vải màu sắc lại có thể nói lên điều gì đó sâu sắc đến mức tấm hình được đăng lại nhiều lần không chỉ ở khắp nước Mỹ mà còn trên nhiều tờ báo trên thế giới? Ý nghĩa của lá cờ xuất phát từ cảm xúc mà nó khơi gợi. “Vinh quang xưa” (Old Glory), cách người Mỹ vẫn gọi quốc kỳ của họ, đánh động cảm xúc của họ theo những cách mà ai không phải người Mỹ đơn giản là không thể chia sẻ; nhưng chúng ta có thể hiểu được điều này, vì nhiều người chúng ta cũng có cảm giác tương tự về những biểu tượng quốc gia và cảm giác thuộc về một tập thể của chính chúng ta. Ta có thể công khai bày tỏ quan điểm tích cực hoặc tiêu cực về những gì chúng ta nghĩ lá cờ của mình đại diện, nhưng sự thật chỉ có một: mảnh vải đơn giản đó là hiện thân của quốc gia. Lịch sử, địa lý, con người và những giá trị của một quốc gia – tất cả đều được tượng trưng trong tấm vải đó, ở hình dáng và màu sắc được in trên vải. Nó thấm đẫm ý nghĩa, ngay cả nếu ý nghĩa ấy khác nhau đối với những người khác nhau. Mỗi lá cờ trên thế giới vừa độc nhất, vừa tương tự nhau. Chúng đều nói lên điều gì đó, đôi khi có lẽ là quá nhiều. Sự thái quá ấy được thể hiện trong sự kiện diễn ra hồi tháng Mười năm 2014, khi đội tuyển bóng đá quốc gia Serbia tiếp đội Albania trên sân vận động Partizan, Belgrade. Đó là chuyến làm khách đầu tiên của đội Albania tới thủ đô Serbia kể từ năm 1967. Trong khoảng thời gian đó, cuộc nội chiến Nam Tư đã xảy ra, gồm cả cuộc xung đột với người Albania thiểu số ở Kosovo. Cuộc chiến kết thúc vào năm 1999 với thực tế là Serbia đã bị chia tách sau ba tháng NATO ném bom các lực lượng, thị trấn và thành phố của người Serb. Vào năm 2008, Kosovo đơn phương tuyên bố là một nhà nước độc lập. Động thái đó được Albania hậu thuẫn và được nhiều nước công nhận – đáng lưu ý là Tây Ban Nha không nằm trong số này. Người ta hiểu rằng hình ảnh lá cờ Kosovo phấp phới ở thủ đô một nước Kosovo độc lập có thể kích động phong trào độc lập của Catalonia. Sáu năm sau, những căng thẳng giữa Serbia với Kosovo, và rộng hơn là với Albania, vẫn còn rất cao. Biết chắc rằng họ sẽ bị tấn công, các cổ động viên đội khách đã không được phép tham dự trận bóng đá nói trên. Đó là một trận đấu với nhịp độ chậm, dù diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, điểm xuyết bằng những tràng hô “Giết bọn Albania” vang lên trên khán đài. Ngay trước khi hiệp một kết thúc, cổ động viên, rồi sau đó là một số cầu thủ, bắt đầu nhận thấy trên màn trời đêm có một thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa đang từ từ bay tới đường giữa sân. Sau này người ta mới biết một kẻ theo chủ nghĩa dân tộc 33 tuổi người Albania tên là Ismail Morinaj đã điều khiển thiết bị bay này trong lúc giấu mình trên tháp nhà thờ Tổng lãnh Thiên thần Gabriel gần đó, nơi hắn có thể nhìn thấy sân bóng. Khi chiếc máy bay hạ thấp dần, sự im lặng bắt đầu lan ra khắp sân vận động và rồi, khi nó đang bay lơ lửng phía trên vòng tròn giữa sân, một cơn thịnh nộ chợt bùng nổ. Nó mang theo một lá cờ Albania. Đó không chỉ đơn thuần là lá quốc kỳ, mà vốn chỉ điều này thôi cũng đã đủ gây chuyện. Lá cờ còn có con đại bàng đen Albania hai đầu, khuôn mặt của hai người anh hùng giành độc lập cho Albania từ đầu thế kỷ 20 và một tấm bản đồ “Đại Albania”, bao gồm nhiều vùng thuộc Serbia, Macedonia, Hy Lạp và Montenegro. Trên lá cờ còn có chữ “autochthonous”, ý chỉ những cư dân “bản địa”. Thông điệp chính là người Albania, vốn tự coi mình là hậu duệ của người Illyria cổ từ thế kỷ 4 TCN, mới là những chủ nhân thực sự của vùng đất – còn người Slav, mới tới đó từ thế kỷ 6, chỉ là dân ngụ cư. Một hậu vệ của đội Serbia, Stefan Mitrović, vươn tay chụp lấy lá cờ. Về sau anh này kể lại rằng anh đã gấp nó “từ tốn nhất có thể rồi đưa nó cho trọng tài bàn” để trận đấu được tiếp tục. Hai cầu thủ người Albania giật lá cờ từ tay anh, và thế là xảy ra chuyện. Một số cầu thủ bắt đầu đánh nhau, rồi một cổ động viên Serbia chạy xuống từ khán đài và dùng một chiếc ghế nhựa đập vào đầu đội trưởng đội Albania. Khi ngày càng nhiều người Serb tràn xuống sân, đội Serbia lấy lại được bình tĩnh và cố gắng bảo vệ các cầu thủ Albania đang vội vã chạy về phía đường hầm dẫn ra sân, trận đấu bị hủy bỏ. Các vật thể bay về phía họ rào rào trong lúc cảnh sát chống bạo động cố gắng dẹp yên đám cổ động viên trên khán đài. Đó là một biến cố chính trị kịch tính. Cảnh sát Serbia lục soát phòng thay đồ của đội Albania và sau đó cáo buộc em rể của thủ tướng Albania điều khiển thiết bị bay từ khán đài. Truyền thông cả hai nước lao vào cuộc khẩu chiến dân tộc chủ nghĩa; bộ trưởng ngoại giao Serbia, Ivica Dačić, nói đất nước ông đã “bị khiêu khích” và “nếu ai đó người Serbia giương cao lá cờ Đại Serbia ở Tirana hay Pristina, việc đó hẳn đã được đưa vào nghị trình của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. Vài ngày sau, chuyến thăm dự kiến của thủ tướng Albania tới Serbia, chuyến thăm đầu tiên sau gần 70 năm, đã bị hủy bỏ. Câu cách ngôn của George Orwell, rằng bóng đá là “cuộc chiến không có tiếng súng”, đã chứng tỏ sự đúng đắn của nó, và với sự bất ổn ở vùng Balkan, sự pha trộn giữa bóng đá, chính trị và một lá cờ thậm chí có thể đã dẫn tới xung đột thật sự. Hành động cắm quốc kỳ Mỹ ở khu vực Tòa tháp Đôi quả đã báo trước một cuộc chiến. Tom Franklin nói rằng khi chụp tấm hình đó, anh đã ý thức được sự tương đồng giữa nó với một bức ảnh nổi tiếng khác từ một cuộc xung đột trước đó - Thế chiến II - khi lính thủy đánh bộ Mỹ cắm quốc kỳ trên đảo Iwo Jima. Nhiều người Mỹ đã lập tức nhận ra sự đối xứng và nhận định rằng cả hai thời khắc phản ánh sự hòa trộn thú vị của những cảm xúc mạnh mẽ: nỗi buồn, sự can trường, chủ nghĩa anh hùng, sự bất khuất, kiên cường và nỗ lực của cả một tập thể. Cả hai hình ảnh đó, nhưng nhiều hơn có lẽ là ở bức ảnh ngày 11 tháng Chín, cũng gợi lại khúc mở đầu bài quốc ca Mỹ, “Lá cờ lấp lánh ánh sao”, đặc biệt là những dòng cuối của nó: Lá cờ sao lấp lánh có còn phấp phới bay Trên miền đất của người tự do, và quê hương của người quả cảm? Vào thời khắc người dân Mỹ hứng chịu cú sốc dữ dội đó, đối với nhiều người, hình ảnh lá cờ vẫn bay phấp phới mang lại cảm giác yên tâm. Những ngôi sao của 50 tiểu bang bay trên đầu những người mặc đồng phục cứu hỏa nói lên nhiều điều về chủ nghĩa quân phiệt đã nhuộm màu văn hóa Mỹ, nhưng việc nhìn thấy ba màu đỏ, trắng và xanh da trời bật lên giữa đống đổ nát xám xịt kinh hoàng của Khu vực số 0 hẳn cũng sẽ giúp nhiều người dân bình thường đương đầu với những hình ảnh vô cùng đáng sợ xảy ra ở Thành phố New York vào ngày thu ấy. * * * Những biểu tượng quốc gia này đến từ đâu mà gắn bó với chúng ta đến vậy? Những lá cờ là một hiện tượng tương đối gần đây trong lịch sử nhân loại. Cờ hiệu và các biểu tượng vẽ trên vải là những lá cờ đầu tiên và từng được người Ai Cập, Assyria và La Mã cổ sử dụng; nhưng chỉ tới khi người Trung Hoa phát minh ra lụa, những lá cờ như chúng ta biết ngày nay mới trở nên phổ biến và được dùng rộng rãi. Vải truyền thống quá nặng, không thể treo trên cao, tung ra và bay phấp phới trong gió, nhất là nếu nó được sơn vẽ; lụa nhẹ hơn nhiều, do đó giúp những lá cờ hiệu có thể đồng hành với các đạo quân trên chiến trường chẳng hạn. Vải mới và tập tục mới lan rộng dọc theo Con đường Tơ lụa. Người Ả Rập là những người đầu tiên tiếp nhận nó, rồi đến người châu Âu, khi tiếp xúc với họ trong những cuộc Thập tự chinh. Nhiều khả năng chính những chiến dịch quân sự này, và các đạo quân phương Tây đông đảo tham gia, đã ấn định việc sử dụng các biểu tượng ở huy hiệu và phù hiệu để phân biệt các phe tham gia. Những huy hiệu này sau đó được liên hệ với tước vị và dòng dõi, đặc biệt là với các hoàng tộc, và đó là một trong những lý do giải thích tại sao những lá cờ ở châu Âu đã phát triển từ việc được gắn với cờ hiệu ngoài chiến trường và tín hiệu hàng hải trở thành biểu tượng cho quốc gia dân tộc. Mỗi quốc gia ngày nay đều được đại diện bởi một lá cờ, điều này xác nhận ảnh hưởng của châu Âu với thế giới hiện đại khi các đế quốc châu Âu bành trướng và các ý tưởng của họ lan khắp toàn cầu. Như Johann Wolfgang von Goethe từng nói với người thiết kế quốc kỳ của Venezuela, Francisco de Miranda: “Một quốc gia khởi đầu từ một cái tên và một lá cờ, rồi sau nó sẽ trở thành những thứ ấy, chẳng khác nào một người hoàn tất định mệnh của mình.” Việc cố gói gọn một quốc gia trong một lá cờ có ý nghĩa gì? Nó có nghĩa là cố gắng đoàn kết một quần thể người dưới một tập hợp các lý tưởng, mục tiêu, lịch sử và đức tin đồng nhất – một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Nhưng khi cảm xúc được khơi dậy, khi lá cờ của kẻ thù tung bay, đó cũng chính là lúc người dân tập trung dưới biểu tượng của chính họ. Những lá cờ liên quan chặt chẽ tới những xu hướng mang tính bộ lạc truyền thống và ý niệm về bản sắc của chúng ta – quan niệm “chúng ta chống lại chúng nó”. Phần lớn tính biểu tượng trong thiết kế lá cờ dựa trên ý tưởng về xung đột và đối địch này – chẳng hạn quan niệm phổ biến rằng màu đỏ đại diện cho màu máu của người dân. Nhưng trong một thế giới hiện đại đang cố gắng giảm bớt xung đột và thúc đẩy ý thức lớn hơn về tình đoàn kết, hòa bình và bình đẳng, nơi các làn sóng di cư đã làm mờ đi ranh giới giữa “chúng ta và chúng nó”, những lá cờ ngày nay đóng vai trò gì? Điều rõ ràng là những biểu tượng đó vẫn có thể nắm quyền lực lớn lao, truyền đạt một cách nhanh chóng các ý tưởng và thu hút cảm xúc mạnh mẽ. Ngày nay đang có nhiều quốc gia dân tộc hơn bao giờ hết, nhưng các tổ chức phi nhà nước cũng sử dụng những lá cờ như một kiểu thông điệp hình ảnh ngắn gọn để truyền tải những ý niệm, từ sự tầm thường của hàng hóa thương mại rẻ tiền cho tới sự suy đồi của bạo lực tôn giáo và chủng tộc. Đây là điều chúng ta đã chứng kiến liên tục trong lịch sử hiện đại, từ Hitler và chữ thập ngoặc của Quốc xã – một hình ảnh mà đến ngày nay vẫn gây ra phản ứng mạnh mẽ – tới sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo (IS) và sự nhấn mạnh của tổ chức này vào những biểu tượng có tính tôn giáo hay tiên tri có thể thu hút sự chú ý, và đôi khi tranh thủ cả sự ủng hộ. Cuốn sách này đã có thể kể thêm hàng trăm câu chuyện nữa, ví dụ câu chuyện về từng quốc gia trong 193 quốc gia dân tộc, nhưng nếu vậy thì nó sẽ trở thành một công trình tham khảo rất rất dày. Thay vì thế, những câu chuyện được kể lại ở đây là về một số lá quốc kỳ; một số được biết đến nhiều hơn; và một số chỉ đơn giản vì chúng có lịch sử thú vị nhất. Trong hầu hết các lá cờ, ý nghĩa nguyên thủy của hoa văn, màu sắc và biểu tượng là quan trọng, nhưng đôi khi, với một số người, ý nghĩa này đã biến hóa thành thứ gì đó khác, và đó là thứ được đại diện bởi lá cờ ấy. Ý nghĩa nằm trong mắt người nhìn. Chúng ta mở đầu với lá cờ có lẽ là dễ nhận biết nhất thế giới: Sao và Vạch, một biểu tượng thị giác phản ánh giấc mơ Mỹ. Được đại đa số dân chúng tôn thờ sâu sắc, nó là ví dụ mạnh mẽ nhất cho thấy một biểu tượng có thể định nghĩa và đoàn kết một quốc gia ra sao. Từ đế quốc hiện tại của thế giới, chúng ta chuyển sang một đế quốc của quá khứ: ảnh hưởng của lá cờ Union Jack đã vươn tới nơi xa xôi nhất trên địa cầu, lá cờ đại diện cho mặt trận thống nhất của một đế quốc mênh mông, nhưng ẩn trong nó là những bản sắc quốc gia mạnh mẽ vẫn tồn tại trong quần đảo Anh, và ngày nay chúng vẫn còn đó. Lá cờ của Liên minh châu Âu cũng là một nỗ lực đoàn kết; trên một châu lục với những bản sắc thâm căn cố đế, nhiều người châu Âu gắn bó với lá quốc kỳ của họ hơn bao giờ hết. Một số lá cờ tại châu lục này dựa trên hình ảnh Thiên Chúa giáo, nhưng qua năm tháng, những liên tưởng gắn với tôn giáo hầu như đã phai nhạt. Ở các nước Ả Rập phía nam thì không như vậy: cờ của họ thường có những biểu tượng và ý tưởng Hồi giáo mạnh mẽ để kêu gọi dân chúng. Tính biểu tượng mạnh mẽ, nhưng tính quốc gia dân tộc lại yếu hơn. Tương lai có thể sẽ còn gây ra thay đổi khác nữa cho hình thái của những quốc gia này và lá quốc kỳ của họ. Đi sang phía đông tới châu Á, chúng ta sẽ thấy hàng loạt lá cờ phản ánh những phong trào sâu rộng về tư tưởng, dân tộc và tôn giáo trong thế kỷ 20 và trước đó rất lâu. Lá cờ của nhiều quốc gia dân tộc hiện đại ở đó đưa ta quay về cội nguồn các nền văn minh cổ xưa của họ đối với những lá cờ, thường để đáp lại một bước ngoặt trong lịch sử đất nước họ, trong sự pha trộn giữa cũ và mới. Ngược lại, ở châu Phi, chúng ta thấy những màu sắc của một khái niệm rất hiện đại về lục địa này, châu lục đã rũ bỏ xiềng xích của chủ nghĩa thực dân và đối diện thế kỷ 21 với sự tự nhận thức ngày càng tăng. Những cuộc cách mạng ở Mỹ Latin có các mối ràng buộc văn hóa gần gũi hơn với những kẻ thực dân đã định hình thế giới chúng ta, và nhiều lá cờ của châu lục này phản ánh lý tưởng của những người xây dựng quốc gia ở thế kỷ 19. Lá cờ là biểu tượng mạnh mẽ, và rất nhiều tổ chức khác đã sử dụng chúng với hiệu quả tuyệt vời – chúng có thể truyền đi thông điệp về nỗi sợ hãi, hòa bình hay đoàn kết chẳng hạn, được quốc tế công nhận trong bối cảnh thay đổi không ngừng của bản sắc và ý nghĩa. Chúng ta vẫy cờ, chúng ta đốt cờ, những lá cờ bay phấp phới bên ngoài các tòa nghị viện và cung điện, nhà dân và phòng trưng bày sản phẩm. Chúng đại diện cho cả quyền lực của chính trị cấp cao và sức mạnh của quần chúng. Nhiều lá cờ mang trong mình những lịch sử được giấu kín nói lên nhiều điều về hiện tại. Chúng ta dường như đang ở giữa thời kỳ hồi sinh của nền chính trị bản sắc ở cấp độ địa phương, khu vực, quốc gia, sắc tộc và tôn giáo. Quyền lực đang dịch chuyển, những điều chắc chắn trước kia giờ đang tan vỡ, và ở những thời điểm như thế, người ta sẽ tìm đến các biểu tượng quen thuộc làm chiếc neo ý thức hệ cho họ trong một thế giới đang thay đổi đầy biến động. Thực tại của một quốc gia không nhất thiết ăn khớp với những lý tưởng được thể hiện trên lá quốc kỳ của nó; mặc dù lá cờ có thể, như lời Bộ trưởng Nội vụ Franklin K. Lane “dẫn lại lời” lá cờ Sao và Vạch, “là mọi thứ anh chị em tin tôi có thể trở thành”. Lá cờ là một biểu trưng chất chứa cảm xúc. Nó có quyền năng khơi dậy và bộc lộ những tình cảm mạnh mẽ tới mức đôi khi người ta thậm chí sẽ theo tấm vải màu sắc của mình lao vào làn tên mũi đạn và hy sinh cho những gì lá cờ ấy đại diện. CHƯƠNG 1 SAO VÀ VẠCH “Xuyên suốt lá cờ ấy không gì khác ngoài những khinh khi với đam mê lạc thú, nhu nhược và tham tàn.” - Charles Evans Hughes, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, nhiệm kỳ 1921-1925 Chú thích hình: Những người ủng hộ tổ chức bị cấm hoạt động Jamaat-ud-Dawa đốt lá cờ Sao và Vạch ở Quetta, Pakistan, vào tháng Năm năm 2016, trong một cuộc biểu tình phản đối một chiếc máy bay không người lái của Mỹ đột kích vào lãnh thổ Pakistan. Người ơi có thấy ánh bình minh? Ở Mỹ, câu trả lời được nhấn mạnh là có. Từ bình minh tới hoàng hôn, nước Mỹ luôn phô trương màu đỏ, trắng và xanh da trời. Lá cờ đó phấp phới bay trên những tòa nhà chính quyền, siêu thị và cửa hàng bán xe, từ sân thượng căn biệt thự bề thế nhất cho tới ngôi nhà nhỏ khiêm nhường nhất với hàng rào trắng bao quanh, từ một căn nhà gỗ bé xinh tới Nhà Trắng. Vào buổi sáng lá cờ được kéo lên, trên hàng triệu cột cờ, khi mà “Đất nước của Thượng đế” sắp sửa bắt đầu mỗi ngày mới với tư cách quốc gia thành công nhất từng được thấy trên trái đất. Đây là lá cờ Sao và Vạch. Lá cờ dễ nhận thấy, được yêu mến, căm ghét, tôn sùng, sợ hãi và ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Lá cờ ấy tung bay trên hơn 700 căn cứ quân sự ở hơn 60 quốc gia khắp địa cầu, với hơn 250.000 quân nhân Mỹ phục vụ ở hải ngoại. Với một số người dân các nước đó, hình ảnh lá cờ Sao và Vạch trong khung cảnh quân sự này là lời nhắc nhở rằng an ninh của họ phụ thuộc một phần vào siêu cường Mỹ. Tuy nhiên, với những kẻ phỉ báng nước Mỹ, đó là dấu hiệu của thứ quyền lực tự phụ và sự ngạo mạn. Nó đại diện cho trật tự hậu Thế chiến II giờ đã lỗi thời, hay thậm chí là lá cờ của chủ nghĩa đế quốc. Nhìn từ bên ngoài một căn cứ ở Ba Lan, lá cờ nhiều khả năng gợi lên một cảm xúc khác so với khi nhìn thấy nó ở Iraq. Một đội tàu đánh cá Nhật Bản ngoài khơi đảo Đài Loan sẽ không ngờ vực quyền được đi các tuyến đường biển của một hàng không mẫu hạm treo cờ Sao và Vạch theo cách giống với một đội tàu Trung Quốc. Sự khác biệt cảm xúc đó lớn tới mức một số nhân vật chống Mỹ, nhất là bên phe cực tả ở châu Âu, thậm chí còn vẽ lại nó, thay những ngôi sao bằng chữ thập ngoặc, một việc làm thể hiện sự thiếu hiểu biết của họ về lịch sử, và đánh vần America [Mỹ] thành “Amerika”. Nhưng điều đó xa lạ với vô số người dân khắp thế giới, những ai ngưỡng mộ nước Mỹ và thực sự dựa vào Chú Sam trong những lúc ngặt nghèo. Với người Mỹ, hình ảnh lá cờ của họ ở nước ngoài là lời nhắc nhở về việc họ can dự trên khắp thế giới ra sao, về lịch sử tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh của họ; sự chỉ trích lá cờ của họ ăn khớp với cuộc tranh luận bất tận ở Mỹ về chủ nghĩa cô lập và sự can thiệp. Tổng thống Bush lôi kéo các lực lượng quân sự Mỹ mắc kẹt ở nước ngoài vào những cuộc chiến tranh mới, tổng thống Obama tìm cách đưa họ thoát ra khỏi những cuộc chiến đó; ông đã hiểu được sự phức tạp của chính sách đối ngoại, và rốt cuộc còn có hành động quân sự ở nhiều quốc gia hơn cả người tiền nhiệm. Như các tổng thống kế nhiệm của họ sẽ luôn hiểu ra, dù tốt hay xấu, quyền lực của nước Mỹ khiến sự hiện diện của họ trên sân khấu quốc tế là không thể thiếu. Người Mỹ tôn sùng quốc kỳ của họ theo cách mà rất ít người dân nước khác làm. Những màu cơ bản của lá cờ là biểu tượng chính yếu của bản sắc dân tộc, và nhiều lúc lá cờ Sao và Vạch được coi là một hình thức nghệ thuật. Họa sĩ Jasper Johns đã dành phần lớn sự nghiệp của mình khắc họa nó trên vải toan, bằng bút chì, bằng đồng, và đưa nó lên trên rất nhiều bề mặt khác. Với một nghệ sĩ như ông, nó không chỉ là một biểu tượng để được tôn vinh hay bị hạ thấp, chỉ riêng sức mạnh mà nó tỏa ra và cảm xúc mà nó khơi gợi cũng khiến ông thích thú. Andy Warhol cũng chọn lá cờ làm đề tài và nói tới nó trong tác phẩm nghệ thuật thị giác của mình về nước Mỹ và tính Mỹ. Ví dụ, ông chọn bức hình Neil Armstrong chụp Buzz Aldrin bên cạnh lá cờ cắm trên Mặt Trăng, hòa trộn nó với những bức ảnh khác từ chuyến đi có tầm vóc thời đại đó, và lên màu cho tác phẩm, bao gồm cả lá cờ, thành hồng và xanh lam. Nghệ thuật của Warhol không quá thiên về các ngụ ý chính trị, nhưng ông đã ghi nhận không chỉ một khoảnh khắc đáng kinh ngạc của lịch sử, mà cả thời điểm mà khoảnh khắc đó diễn ra. Bản chất tạo ảo ảnh thị giác của các bức tranh in lụa bổ sung cho thành tựu kỹ thuật của sự kiện cuối những năm 1960 ấy. Lá cờ cũng xuất hiện trên bìa cuốn album thành công nhất của Bruce Springsteen, Born in the USA (Sinh ra ở Mỹ); có nhiều giả thuyết khác nhau được nêu ra về những ý đồ đằng sau thiết kế bìa album và thông điệp chính trị mà nó muốn truyền đạt. Như Springsteen phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Rolling Stone: “Lá cờ là một hình ảnh mạnh mẽ, và khi ngừng kiểm soát, ta sẽ không biết chuyện gì xảy ra với nó.” Trên mặt trận chính trị, lá cờ đã được sử dụng để tạo ra hiệu ứng cực kỳ ấn tượng trong chiến dịch quảng cáo truyền hình có ảnh hưởng sâu rộng đến sau này của Ronald Reagan vào năm 1984, “Buổi sáng trên nước Mỹ”. Vào cuối đoạn quảng cáo dài 59 giây, giọng thuyết minh nói câu then chốt: “Một buổi sáng lại bắt đầu trên đất Mỹ”, rồi tương lai của Chú Sam – những đứa trẻ – ngước nhìn đầy ngưỡng mộ lá cờ Sao và Vạch được thượng lên trong một ngày mới, một ngày của hy vọng. Việc sử dụng cảnh mặt trời mọc, lá cờ và kỳ vọng về tương lai tươi sáng đã đánh động ý thức tập thể của một quốc gia vẫn đang hồi phục sau Chiến tranh Việt Nam và tự cảm thấy bất an sau nhiệm kỳ tổng thống của Carter 1977- 1981, khi ấy Iran đã làm bẽ mặt nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng con tin ở tòa đại sứ Mỹ tại Tehran. Từ việc ngước nhìn lá cờ ở sân trước nhà, những đứa trẻ sẽ đi tới trường và đọc thuộc lòng: “Tôi xin hứa trung thành với lá cờ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và nền cộng hòa mà nó đại diện, một đất nước dưới sự bảo trợ của Chúa, không thể chia cắt, với tự do và công lý cho tất cả mọi người.” Lời tuyên thệ trung thành với tổ quốc, được công bố lần đầu năm 1892, từ từ lan khắp đất nước và thật hữu ích trong việc tôi luyện bản sắc quốc gia sau cuộc nội chiến Mỹ và suốt thời kỳ nhập cư ồ ạt. Lá cờ đã được sử dụng để thúc đẩy lòng trung thành và đoàn kết ở một đất nước đa dạng và rạn nứt; kể từ đó bao thế hệ người Mỹ đã đứng nghiêm trang, đặt tay trên lồng ngực, chào đón biểu tượng quốc gia này mỗi sáng. Lời tuyên thệ đã trở thành chính thức khi bộ luật về quốc kỳ được thông qua tại Hội nghị Quốc kỳ năm 1923; bấy giờ, 28 bang đã đưa lá cờ vào những nghi lễ ở trường học, và được Quốc hội thông qua thành luật vào năm 1942. Từ năm 1943, việc bắt buộc đọc lời tuyên thệ được xác định là vi hiến, nhưng nó vẫn là một thông lệ phổ biến, và hầu như không thấy ở các nền dân chủ hiện đại khác. Suốt ngày dài, mảnh vải được sơn vẽ đó bay phần phật trong gió từ bờ Đông sang bờ Tây, hiện diện ở mọi cửa hàng, trường học, nơi làm việc và cơ quan chính quyền. Và vào buổi tối, thường với sự quan tâm và nghi thức trang trọng tuân theo các hướng dẫn ngặt nghèo, nếu “Vinh quang xưa” cần phải hạ xuống, việc đó sẽ diễn ra thật chậm rãi, sao cho lá cờ không chạm chút nào xuống đất và được “những đôi tay chực chờ đón lấy. Bộ luật về quốc kỳ cho biết: “Thực hành phổ quát là treo cờ chỉ từ khi mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn trên các tòa nhà và những cột cờ cố định ở không gian mở. Tuy nhiên, khi cần tạo ra hiệu ứng ái quốc, lá cờ có thể được treo suốt 24 tiếng một ngày, với điều kiện nó được chiếu sáng đầy đủ khi trời tối.” Có tám nhóm địa điểm treo cờ cả ngày lẫn đêm theo các quy định pháp lý cụ thể. Trong số đó có đài tưởng niệm quốc gia Fort McHenry, Baltimore; đài kỷ niệm thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Iwo Jima, Arlington; Nhà Trắng và các cửa khẩu của hải quan Mỹ. Với nhiều người Mỹ, lá cờ của họ gần như là một biểu tượng thần thánh. Nó đại diện cho điều mà tự họ mô tả là “một quốc gia dưới sự bảo trợ của Chúa”, và các chính trị gia Mỹ đã thường xuyên biến tấu một câu nói của Chúa Jesus, thúc đẩy ý tưởng rằng nước Mỹ là “một tòa thành chói sáng trên một ngọn đồi”. Dù đúng hay không, lá cờ của nước Mỹ đã là đề tài cho các bài hát, bài thơ, cuốn sách và tác phẩm nghệ thuật. Nó đại diện cho tuổi thơ của biết bao người, ước mơ của họ, cuộc nổi dậy đầu tiên của họ chống lại cường quyền và giờ là những quyền tự do của họ. Câu chuyện của nó là câu chuyện của chính nước Mỹ, và cảm xúc người Mỹ dành cho nó đại diện cho câu chuyện của một quốc gia. Không quốc kỳ nào có mức độ nhận biết, và quy mô cảm xúc cả tiêu cực và tích cực mà nó khơi gợi, sánh được với lá quốc kỳ Mỹ. Trải qua hơn 180 năm và một số điều chỉnh, lá cờ mới có diện mạo như ta thấy ngày nay. Phiên bản hiện tại với 50 ngôi sao năm cánh, đại diện cho 50 tiểu bang của liên bang, có thể không phải là cuối cùng. Nguyên mẫu của lá cờ xuất hiện từ giữa những năm 1760, trước khi quốc gia được hình thành, và thậm chí ngày nay, chúng ta vẫn còn nghe âm vang của những ngày đó qua Đảng Trà bảo thủ hiện đại; những thành viên của đảng này lấy tên theo “Những người con của tự do”, những người vào năm 1773 đã ném 342 hòm đựng trà của người Anh khỏi boong tàu tại cảng Boston để phản đối việc đánh thuế bất công. Biến cố đó, sau này được gọi là Tiệc trà Boston, đã củng cố nhận định Massachusetts là quê hương của “những người ái quốc” chống lại người Anh ngày càng bị coi là những kẻ xa lạ. Những người con của tự do có một lá cờ gồm chín vạch ngang màu trắng và đỏ, và người ta cho rằng, dù chưa chứng minh được, thiết kế cơ bản của lá cờ Sao và Vạch được lấy từ lá cờ đó. Trong những cuộc đụng độ lẻ tẻ đầu tiên giữa quân Đại Anh và lực lượng dân quân thuộc địa trong cuộc chiến tranh giành độc lập Mỹ, những người lính khởi loạn đã chiến đấu dưới một lá cờ có tên Continental (Thuộc địa Độc lập), hay đôi khi là Grand Union (Đại Liên bang). Nó có 13 vạch đỏ và trắng xen kẽ tượng trưng cho 13 thuộc địa nổi dậy. Ngày 4 tháng Bảy năm 1776, Quốc hội lục địa tuyên bố độc lập khỏi Đại Anh và một năm sau thông qua đạo luật đầu tiên trong ba đạo luật lớn về quốc kỳ. Ủy ban Hàng hải của Quốc hội lục địa nhiệm kỳ hai đã thông qua nghị quyết: “Xác định rằng lá cờ Mỹ sẽ gồm mười ba sọc, xen kẽ hai màu đỏ và trắng; liên bang sẽ là mười ba ngôi sao màu trắng trên nền xanh, đại diện cho một chòm sao mới.” Cả mười ba ngôi sao đại diện cho mười ba thuộc địa giờ đã độc lập, tạo thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ hoàn toàn mới (nhưng bấy giờ vẫn chưa mấy xán lạn). Tuy nhiên, đạo luật không nêu rõ cần sử dụng họa tiết ngôi sao nào hay các vạch là ngang hay dọc, và tới ngày nay, lá cờ vẫn đôi khi được treo với các sọc dọc, vì như vậy cũng không bị coi là sai. Còn tại sao là những ngôi sao ư? Lúc bấy giờ thì điều ấy chưa được giải thích, nhưng một tài liệu năm 1977 của Hạ viện đã nêu: “Ngôi sao là một biểu tượng của thiên đường và mục tiêu thiêng liêng mà con người đã luôn khao khát từ bao đời.” Tính biểu tượng của những màu sắc tạo nên lá cờ cũng không được giải thích. Tuy nhiên, chúng khớp với màu trên đại ấn Mỹ, thiết kế mà Quốc hội lục địa đã đặt làm vào năm 1776. Ủy ban nhận nhiệm vụ đó được yêu cầu làm ra một thiết kế phản ánh các giá trị của những người cha lập quốc. Họ đã chọn các màu đỏ, trắng và xanh da trời, và đại ấn được đưa vào sử dụng từ năm 1782. Khi trình ấn lên cho Quốc hội lục địa, thư ký ủy ban, Charles Thomson, nói những màu đó “là màu được sử dụng trên lá cờ của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Màu trắng biểu trưng cho sự thanh sạch và trong sáng. Màu đỏ, sự cứng rắn & gan dạ, và màu xanh da trời… tượng trưng cho sự thận trọng, bền bỉ & công lý.” Đại ấn ngày nay vẫn được dùng để chứng thực một số tài liệu liên bang, và xuất hiện trên hộ chiếu Mỹ. Bạn sẽ nghĩ vậy là đủ rồi, nhưng bởi nó là lá cờ của mọi người Mỹ, mỗi người Mỹ được tự do diễn giải những màu sắc trên quốc kỳ như họ muốn. Một số người nói màu đỏ là máu của những người yêu nước đã chết trong cuộc chiến giành độc lập, một số cho rằng đó là máu của những người đã chết khi chiến đấu vì tổ quốc. Tất nhiên cũng có khả năng màu đỏ, trắng và xanh da trời đã được nghĩ tới vào năm 1776 bởi chúng là các màu trên lá cờ Đại Anh, nhưng diễn giải đó hẳn sẽ khó lòng được chấp nhận ở một xứ sở bấy giờ đã tự do. Danh tính người thiết kế lá cờ ban đầu hiện vẫn chưa rõ. Tương truyền Betsy Ross, một nữ thợ may từng may cờ cho hải quân Pennsylvania, là người đã làm ra lá cờ đầu tiên. Ít nhất đó là những gì cháu trai bà kể lại trong một hội nghị của Hội Lịch sử ở Philadelphia vào năm 1870. Tuy nhiên, Quốc hội lục địa còn nhận được một hóa đơn từ một người tên Francis Hopkinson, người đã khăng khăng rằng để đổi lấy việc ông thiết kế lá cờ, Quốc hội lục địa nợ ông “hai thùng rượu”. Sự việc vẫn chưa ngã ngũ. Vài năm sau, một vấn đề nảy sinh. Năm 1791, Vermont gia nhập liên minh, và năm sau nữa, tới lượt Kentucky. Điều này dẫn đến Đạo luật Quốc kỳ 1794, quy định rằng với mỗi tiểu bang mới gia nhập, phải bổ sung một sao và một vạch lên lá cờ. Chính lá cờ này cuối cùng sẽ trở thành thứ được gọi là “Lá cờ lấp lánh ánh sao”, theo một bài thơ đã trở thành quốc ca của nước Mỹ – xin xem thêm dưới đây. Đến năm 1818, lá cờ đã có nhiều vạch hơn cả một con ngựa vằn, với mười tám tiểu bang, và Liên minh đang vui mừng hướng đến hai tiểu bang tiếp theo là Maine và Missouri. Vì vậy, Đạo luật Quốc kỳ thứ ba được thông qua, giữ lại ý tưởng bổ sung một ngôi sao cho mỗi tiểu bang mới, nhưng quay lại với mười ba vạch của mười ba tiểu bang ban đầu. Tuy nhiên, Quốc hội vẫn chưa xác quyết về việc những ngôi sao nên được cấu trúc thế nào, nên thế kỷ 19 chứng kiến vô số phiên bản quốc kỳ mà ngày nay vẫn còn thấy ở nhiều bảo tàng trên khắp cả nước. Năm 1912, Tổng thống Taft thông qua đạo luật xác định chính xác diện mạo của lá cờ có 48 ngôi sao (tính đến lúc bấy giờ) và đó chính là lá cờ chúng ta thấy ngày nay, ngoại trừ thiếu hai ngôi sao. Trừ chuyện số lượng các ngôi sao, lá cờ năm 1792 về cơ bản chính là lá cờ mà luật sư, thi sĩ người Mỹ Francis Scott Key đã ca ngợi trong bài thơ đầy cảm hứng năm 1814 của ông, về sau được lấy làm quốc ca, dù chỉ được chính thức công nhận từ năm 1931. Bài thơ có vai trò then chốt giúp hiểu được bằng cách nào và tại sao lá cờ lại thu hút trí tưởng tượng của quần chúng; bằng cách nào mà một thiết kế đơn giản – thậm chí là tùy tiện được tạo ra trong bầu không khí sôi sục của cuộc cách mạng, theo thời gian, lại có thể trở thành hiện thân cho những giá trị cao quý nhất của quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất. Bài quốc ca xuất phát từ một cuộc xung đột không phải do người Anh khỏi phát. Người Anh đang chiến đấu với người Pháp trong các cuộc chiến Napoleon và xung đột đã lan sang Tân Thế giới, vì họ thỉnh thoảng lại cướp tàu chở hàng của Mỹ. Tổng thống Madison đã nhân cơ hội đó tuyên chiến với Anh vào năm 1812. Buồn cho Madison, Napoleon phạm sai lầm khủng khiếp, thua cuộc chiến mà ông đang chống lại gần như cả châu Âu và bị lưu đày vào năm 1814; do đó, siêu cường số một thế giới lúc bấy giờ được rảnh tay để nói chuyện phải quấy với quốc gia rốt cuộc sẽ thay thế họ. Đến năm 1814, quân Anh đốt trụi Nhà Trắng và lực lượng hải quân của họ đóng ngoài bờ biển Baltimore chuẩn bị nã pháo vào pháo đài McHenry, căn cứ phòng thủ trọng yếu của thành phố. Rồi họ đã làm vậy thật. Xối xả. Đúng vào lúc quân Anh sắp đổ bộ, Francis Scott Key, trên một chiếc thuyền vòng đến bên hông lực lượng hải quân hùng mạnh của Anh, yêu cầu thả một số tù nhân đang bị giam giữ. Rốt cuộc ông cũng thành công, nhưng vì ông có thể đã nhìn thấy việc quân Anh chuẩn bị tấn công, người Anh nghĩ sẽ là khôn ngoan nếu giữ ông lại trên tàu vài ngày trong khi họ san phẳng pháo đài. Bắt đầu vào lúc 6 giờ 30 phút sáng ngày 13 tháng Chín năm 1814, giữ Key ở trên boong của một trong các tàu chiến, quân Anh nã loạt đạn đầu tiên, gồm 1.500 quả bom và 800 quả đạn tên lửa vào pháo đài. Trong phần lớn 25 tiếng đồng hồ sau đó, Key nhìn qua khói lửa bom đạn để xem lá cờ lớn của Mỹ trên nóc pháo đài vẫn sẽ ngạo nghễ bay cao, hay cuộc pháo kích sẽ cho phép quân Anh đang chờ sẵn trên bộ ào vào tấn công và kéo cờ của họ lên. Cuộc tấn công thất bại hoàn toàn: pháo đài đã đứng vững, và phía Mỹ chỉ thương vong bốn người. Trong lúc Key quan sát, lá cờ Sao và Vạch vẫn bay phần phật trong gió lộng sớm mai. Ông đã viết nên bài quốc ca lúc đó, ngay trên boong tàu chiến Anh: “Và đạn pháo chớp đỏ, bom rền không gian, suốt đêm chứng minh lá cờ của chúng ta vẫn còn đó.” Đoạn một kết lại với một câu hỏi, vì ông vẫn còn chưa chắc liệu Mỹ có chiến thắng hay không: “Ôi lá cờ sao lấp lánh có còn phấp phới bay, trên miền đất của người tự do và quê hương của người quả cảm?” Chỉ vài tuần sau, bài ca đã được in và lan truyền từ Baltimore ra khắp nước Mỹ. Qua năm tháng dấu chấm hỏi dường như đã trở thành thừa thãi trong một thế kỷ mà nước Mỹ ngày một tự tin. Lá cờ ban đầu sống sót qua trận pháo kích pháo đài McHenry được lưu giữ ở Viện Smithsonian, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Mỹ, từ năm 1907. Hiện nó được treo trong một buồng có lượng ôxy thấp, ít ánh sáng, nhiệt độ được kiểm soát để bảo quản. Đó là thiết kế của lá cờ đã tung bay trên đầu những người Mỹ đã chiến đấu, như lời bài ca xung trận của lực lượng thủy quân lục chiến: “Từ những đại sảnh của vua Montezuma tới những bờ biển của Tripoli.” Tuy nhiên, trước đó, dân Mỹ lại đánh nhau. Trong cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865), phe miền Bắc đã chiến đấu dưới những lá cờ Sao và Vạch, và chính từ một lá cờ như thế mà ngày nay chúng ta có biệt danh của quốc kỳ Mỹ là “Vinh quang xưa”. Một thuyền trưởng tàu biển đã nghỉ hưu người miền Bắc, William Driver, đã đặt tên như vậy cho những lá cờ Sao và Vạch trên tàu ông. Trong cuộc chiến, ông lưu lạc tới Nashville, Tennessee, nơi quân vũ trang địa phương của Hợp bang miền Nam yêu cầu ông phải trao lại lá cờ; và họ chỉ nhận được lời đáp trả: “Nếu muốn lá cờ của ta, các người sẽ phải bước qua xác ta.” Lá cờ khi ấy đã được ông giấu đi cho tới khi lực lượng Liên bang miền Bắc thuộc Trung đoàn 6 Ohio chiếm được thành phố, và Driver đã giao lá cờ cho họ. Trung đoàn 6 Ohio sau này cũng lấy khẩu hiệu là “Vinh quang xưa” và câu chuyện về lá cờ đã lan khắp cả đất nước. Thuyền trưởng Driver được chôn cất ở Nashville và phần mộ của ông là một trong số ít những nơi mà quốc kỳ Mỹ có thể chính thức được tung bay 24 tiếng một ngày. Phe miền Bắc đã có lá cờ của họ, nhưng những đạo quân của các tiểu bang miền Nam cũng vậy – thật ra, họ còn có vài kiểu cờ khác nhau, và phiên bản trở thành biểu tượng nhận diện của phe miền Nam ban đầu là một lá cờ trận, chứ không phải cờ chính thức cho Hợp bang miền Nam. Nó được gọi là cờ Hợp bang miền Nam (và các tên khác như cờ Dixie hay Chữ thập phương nam) với nền màu đỏ, hai sọc chéo màu xanh da trời và những ngôi sao màu trắng bên trên. Các tiểu bang miền Bắc đã chiến thắng, và sau cuộc chiến, nhiều người miền Nam tiếp tục kéo cao lá cờ Hợp bang ở những cuộc tưởng niệm nội chiến, các nghi lễ và cả đám tang. Lá cờ tưởng nhớ những người đã chết trong chiến tranh và ca ngợi nền văn hóa đặc trưng của miền Nam. Tuy nhiên, nó cũng gắn với những người ở miền Nam đã chiến đấu để bảo vệ chế độ nô lệ, và những người sau đó đã tìm mọi cách để người da đen phải chịu vô số hành động phân biệt chủng tộc vốn được đặt ra để họ không thể thoát khỏi cảnh nô lệ. Trong số đó có đạo luật “Jim Crow” khét tiếng, ngăn không cho nhiều người da đen bỏ phiếu. Tuy nhiên, lá cờ Dixie, với tư cách biểu tượng rõ ràng nhất cho điều này, chỉ được thừa nhận trên toàn quốc, rồi ở phạm vi quốc tế, từ cuối những năm 1940. Nếu bạn có xem bộ phim câm bom tấn hoành tráng năm 1915, The Birth of a Nation (Sự khai sinh của một quốc gia) của D. W. Griffith, bạn sẽ thấy, cùng với những định kiến chủng tộc liên miên đối với người Mỹ da đen, còn có vô số cảnh mô tả các cuộc tụ tập đông đảo của tổ chức Klu Klux Klan được thành lập sau cuộc Nội chiến. Tuy nhiên, những cuộc tụ tập đó không hề có bóng dáng lá cờ Hợp bang, và nó cũng không xuất hiện trong các cảnh trước đó về chiến trận thời Nội chiến. Sau Thế chiến I, các nhóm theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng phát triển nhanh, nhất là ở miền Nam, và dần dần tổ chức Klan đã sử dụng biểu tượng đó. Năm 1948, lá cờ Hợp bang trở thành biểu tượng của Đảng Dân chủ vì Quyền các tiểu bang khi họ tìm cách thúc đẩy sự chia tách chống lại phong trào quyền dân sự còn đang sơ khai. Điều 4 của điều lệ đảng, có biệt danh là “Dixiecrat”, tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ sự phân biệt chủng tộc.” Bất chấp mối liên hệ tiêu cực này, suốt những năm 1950, lá cờ bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều hơn với tư cách một biểu tượng văn hóa. Với một số người, đó đơn giản là cách xác định di sản truyền thống và niềm tự hào vùng miền, cũng như đại diện cho cuộc Nội chiến. Nó bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong quảng cáo và văn hóa đại chúng. Ví dụ, trong loạt phim truyền hình kéo dài nhiều năm Dukes of Hazzard (Những công tước xứ Hazzard), với nhân vật chính là hai anh em họ rong ruổi khắp Georgia trên một chiếc xe Dodge Charger đã độ lại được đặt tên theo người hùng nổi tiếng của miền Nam trong cuộc Nội chiến, “Tướng Lee”. Trên nóc chiếc xe là lá cờ Hợp bang. Điều này không nhằm gợi ý rằng anh em Duke ủng hộ sự phân biệt, mà đơn giản thể hiện họ là “những chàng trai xưa tốt bụng” đến từ miền Nam. Tuy nhiên, bởi những ngụ ý chính trị và liên hệ với tổ chức Klan, trong một số tình huống lá cờ bị coi là không phù hợp ở những nơi công cộng. Ở bang Nam Carolina năm 2015, người ta đã tổ chức nghi thức hạ cờ và đưa nó ra khỏi khu vực tòa nhà nghị viện bang sau khi một người đàn ông da trắng tên Dylann Roof sát hại chín giáo dân da đen. Trên mạng xuất hiện hình ảnh Roof nhổ nước bọt vào lá cờ Sao và Vạch và vẫy cờ Hợp bang. Sau buổi lễ, Tổng thống Obama viết dòng trạng thái trên Twitter: “Nam Carolina đang hạ lá cờ Hợp bang xuống – một tín hiệu cho thấy thiện chí và là bước đi ý nghĩa, thể hiện sự hàn gắn, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.” Từ năm 1865 tới khoảng những năm 1950, mức độ phổ biến của lá cờ Họp bang chưa bao giờ thực sự sánh được với lá cờ Sao và Vạch, nhưng trong nửa sau thế kỷ 20, nó đã tăng lên trở thành một lời nhắc nhớ rằng không phải mọi vấn đề của cuộc Nội chiến đều đã thuộc về quá khứ. Dù vậy, tới thời điểm ấy, màu sắc và hình dáng của lá cờ Sao và Vạch đã bám rễ rất chặt vào tâm thức Mỹ. Lá cờ này đã cùng người Mỹ đi qua hai cuộc thế chiến, qua những cuộc chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, Afghanistan và vụ 11 tháng Chín. Nó cũng bay cao ở những vùng hứng chịu hạn hán bão bụi của cuộc Đại Suy thoái và thời kỳ của phong trào quyền dân sự. Nó đã bay phấp phới ở hàng trăm lễ trao huy chương vàng Thế vận hội, khi nước Mỹ ca tụng sức trẻ và sinh lực dồi dào của mình. Nó đã tung bay phần phật trên đỉnh núi Everest và thậm chí từng được xuất hiện trên Mặt Trăng. Qua tất cả những tranh đấu và chiến thắng đó, nó đã trở thành hiện thân cho rất nhiều giá trị mà nước Mỹ trận trọng, quan trọng nhất là tự do và thành công. Chẳng có gì lạ khi hầu hết người Mỹ coi trọng lá cờ như vậy, đôi khi tới mức mà người nước ngoài có thể thấy kỳ quặc. Luật lệ và các quy tắc ứng xử xung quanh việc đối xử với lá cờ Mỹ có thể khiến người ta sửng sốt trước mức độ phức tạp, tính biểu tượng và số lượng của chúng. Chính từ những luật lệ này, chúng ta thấy được phần nào chiều sâu cảm xúc dành cho thứ mà nhiều khi được coi gần như một thánh tích, và chúng ta nghe đi nghe lại những từ khóa sẽ chạm vào cảm xúc của nhiều người Mỹ, như “trung thành”, “danh dự” và “tôn trọng”. Những luật lệ liên quan tới lá cờ có thể tập hợp thành cả một cuốn sách, nhưng một vài ví dụ dưới đây, một số vốn là luật liên bang theo Bộ luật về Quốc kỳ, cho chúng ta thấy người Mỹ yêu nước cảm nhận thế nào khi họ nhìn thấy, chạm vào và nghĩ tới lá cờ của họ. Khi quốc thiều được cử lên và quốc kỳ hiện diện, người Mỹ không thuộc các lực lượng vũ trang phải đứng nghiêm, mặt hướng về lá cờ và tay phải đặt nơi trái tim. Những người thuộc lực lượng vũ trang phải chào cờ theo đúng nghi thức ngay từ nốt nhạc đầu tiên, và giữ nguyên tư thế cho tới nốt cuối cùng. Việc hát quốc ca ở tông giọng như khi say xỉn vào một tối hò hát karaoke ở khu ăn chơi Tokyo, hay giống khúc kết của một vở opera của Verdi lúc một quý bà mập mạp chết vì lao phổi, đều không quan trọng. Việc bài quốc ca trải dài suốt một quãng tám rưỡi và đòi hỏi rất nhiều nội lực không phải là lỗi của công chúng Mỹ. Nó thường xuyên bị hát sai nhịp ở các trận bóng chày, bóng rổ và bóng bầu dục Mỹ bởi ai đó đã giành chức vô địch Little League năm trước và phá hỏng bài hát khi lên giọng quá cao hoặc xuống quá thấp. Bài quốc ca là sự pha trộn những thay đổi hợp âm phức tạp tới mức nếu bắt đầu không đúng, bạn sẽ kết thúc sai. Nhưng hãy trở lại với những luật lệ liên quan đến việc đối xử với biểu tượng của nước Mỹ. Mọi việc bắt đầu trở nên nghiêm túc – “Không được bày tỏ bất cứ sự khinh thị nào với quốc kỳ của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ; không được nhét quốc kỳ vào người hay đồ vật.” “Khi quốc kỳ được treo trên đường phố, nó phải được treo theo chiều thẳng đứng, với những ngôi sao hướng vẻ phía bắc hoặc phía đông. Không được để quốc kỳ chạm vào tòa nhà, mặt đất, cây cối hay bụi rậm” và cứ thế suốt nhiều trang liền, bao gồm cả: “Khi quốc kỳ được dùng để phủ lên quan tài, phần sao của quốc kỳ phải được đặt ở phần đầu và phía trên vai trái thi thể. Không được hạ huyệt quốc kỳ hay để quốc kỳ chạm đất.” “Cấm sử dụng quốc kỳ cho mục đích quảng cáo.” “Quốc kỳ đại diện cho một quốc gia đang sống và bản thân nó được coi là một vật sống. Vì vậy, huy hiệu hình quốc kỳ, tuy là bản sao, phải được đeo trên ve áo trái, gần tim.” Dù không phải mọi quy định ấy đều được tuân thủ, đáng kể nhất là quy định về quảng cáo, quốc kỳ Mỹ vẫn là một biểu tượng được tôn sùng. Sự sùng bái này mà rộng sang cả việc gấp cờ. Tôi đã thấy người ta làm việc này vài lần ở tang lễ của các quân nhân Mỹ. Khi viết ra thì quy trình nghe thật lạ; nếu lá cờ đơn giản là được cất vào ngăn kéo, thì nghi thức ấy có vẻ quá rườm rà, nhưng trong một tang lễ, cách thức chậm rãi, cẩn trọng khi thu cờ và gấp cờ, được thực hiện trong im lặng, có thể gây xúc động mạnh. Niềm tin vào việc phụng sự quốc gia được cho là phát triển ở Mỹ nhiều hơn nhiều nơi khác, và ý tưởng hy sinh vì chính nghĩa vẫn ăn sâu bén rễ trong tâm lý tập thể của quân đội Mỹ, nhất là lực lượng thủy quân lục chiến. Khi bạn dự một tang lễ hay lễ tưởng niệm một lính thủy quân lục chiến hy sinh trong chiến trận, bạn sẽ cảm thấy đó là chuyện gia đình. Điều đó giải thích tại sao dù chi tiết của nghi thức gấp cờ trên lý thuyết nghe có vẻ kịch tính thái quá, trên thực tế nó lại tỏ ra phù hợp: “Hãy căng lá cờ thật phẳng và gấp đôi theo chiều dài lần thứ nhất. Gấp đôi theo chiều dài một lần nữa, sao cho phần cờ có các ngôi sao trên nền xanh luôn ở ngoài và được thấy rõ. Sau đó gấp từ phần vạch theo hình tam giác, bắt đầu bằng cách gấp góc vuông về phía cạnh mở.” Cứ gấp như thế cho tới khi chỉ còn thấy các ngôi sao trắng trên nền xanh dương và hình dáng lá cờ giống một chiếc mũ ba góc không vành, tượng trưng cho chiếc mũ ba sừng mà những người ái quốc đã đội trong cuộc Cách mạng Mỹ. Với lực lượng vũ trang Mỹ, vốn giám sát lễ hạ và gấp cờ mỗi buổi tối hay ở các tang lễ, mỗi bước gấp cờ đều có ý nghĩa riêng. Lần gấp thứ nhất tượng trưng cho sự sống, lần gấp thứ hai là niềm tin vào sự sống đời đời, lần thứ ba là niềm tin vào sự tái sinh của thân xác và cứ thế tới lần thứ năm, ám chỉ những lời nổi tiếng của sĩ quan hải quân Stephen Decatur về “đất nước tôi”, “đúng hay sai”. rồi lần thứ tám, “để tưởng nhớ người đã bước vào thung lũng bóng tối của tử thần, để chúng ta được thấy ánh sáng ban ngày”. Cuối cùng, các vạch đỏ và trắng được bao phủ bởi phần cờ xanh da trời và, theo quân đội, thế là “ánh sáng ban ngày biến mất vào trong bóng tối ban đêm”. Diễn giải của một số lần gấp này có thể gây tranh cãi vì các sắc thái Thiên Chúa giáo của nó, bởi hiến pháp Mỹ không quy định nước Mỹ thờ phụng vị Chúa cụ thể nào, nên quân đội Mỹ không đi sâu vào chi tiết. Bộ luật Quốc kỳ cũng hướng dẫn người Mỹ cách làm sạch và sửa lá cờ khi cần thiết, nhưng “Khi lá quốc kỳ đã quá cũ và không còn phù hợp để đóng vai trò biểu tượng cho đất nước, cần phải tiêu hủy nó bằng cách đốt một cách trang trọng.” Và đó là cả một câu chuyện không, là cả một tang lễ. Bộ luật Quốc kỳ Mỹ hướng dẫn lễ hỏa táng quốc kỳ có đoạn khuyến cáo như sau: Với công dân cá nhân, các nhóm nhỏ, hay các tổ chức việc này cần được thực hiện kín đáo để hành động tiêu hủy quốc kỳ không bị nhìn nhận là biểu tình hay mạo phạm... khi đốt quốc kỳ, có thể đặt ở đó một chiếc ghế làm “vị trí danh dự” cho những người yêu mến Vinh quang xưa đã qua đời hoặc vì đau yếu mà không tham dự được.Bắt đầu nghi lễ. Có thể mời một giáo sĩ hay thầy tế tùy theo truyền thống của bạn. NGƯỜI CHỦ TRÌ BUỔI LỄ: “Chúng ta tập hợp ở đây để tiêu hủy những lá cờ không thể phụng sự được nữa... Những lá cờ này đã thôi thúc những ai khao khát tự do và đại diện cho hy vọng đối với những người bị cường quyền và bạo tàn áp bức... Xin anh chị em biết rằng những lá cờ này đã phụng sự hết lòng và trong danh dự. Những ngôi sao và vạch đã tung bay trong gió tự do và tắm dưới ánh sáng tự do.” Tiếp đó còn một đoạn dài nữa, kết lại là mọi người đồng thanh hát “Chúa ban phước lành cho nước Mỹ”. Có những nghi lễ thậm chí còn trang trọng hơn thế. Ở những buổi lễ này, trước khi đốt cờ, ít nhất sáu người tình nguyện được gọi là “Nhóm hồi hưu” sẽ cắt lá cờ thành nhiều mảnh nhỏ. Bốn người giữ bốn góc, một người cắt và người kia nhận những mảnh cờ đã cắt. Một lần nữa, lại có một buổi lễ hết sức tỉ mỉ, kết thúc là: Lá cờ sau đó sẽ được đốt trong ngọn lửa cháy từ gỗ đỏ, “để nhắc nhở chúng ta về máu đã đổ của những người Mỹ đã chiến đấu và hy sinh để dựng xây nên đất nước của chúng ta dưới lá cờ này. Gỗ sồi tượng trưng cho sức mạnh đã đưa lá cờ đi khắp đất nước và ngày nay là lên tận những vì sao. Gỗ tuyết tùng để bảo vệ chúng ta khỏi những sâu mọt và băng hoại, gìn giữ lối sống Mỹ của chúng ta”, và “gỗ óc chó để nhắc nhở chúng ta về đất đai màu mỡ, vùng quê tươi đẹp và tình anh em tốt lành mà tổ tiên chúng ta đã gầy dựng”. Một số người Mỹ ái quốc thực sự tiến hành đầy đủ những nghi thức này. Nó cũng giống như truyền thống của người Do Thái theo Chính thống giáo chôn các cuộn kinh Torah bị hư rách trong nghĩa địa nhằm bày tỏ lòng thành kính tuyệt đối với “những lời của Chúa”; nó là lời nhắc nhở về tính thiêng của lá quốc kỳ với người Mỹ. Hầu hết người Mỹ có lẽ chưa từng tham dự lễ “hồi hưu” quốc kỳ của họ, và một số người nghĩ những nghi thức đó là thái quá. Dẫu vậy, điều đó không có nghĩa là họ sẽ thấy thoải mái khi thấy lá quốc kỳ của mình bị đốt hay bị mạo phạm trong đời thực. Việc đốt cờ Mỹ thường xuyên diễn ra ở nhiều vùng trên thế giới, đáng chú ý nhất là Trung Đông, nhưng cũng diễn ra cả ở Mỹ. Dù nó xảy ra ở đâu, những người làm thế đều ý thức rõ hành động của mình và những cảm xúc mà hành động đó sẽ mang lại. Ngay cả nếu họ không hiểu hết ý nghĩa hành động của mình, một cách bản năng, họ biết họ đang lớn tiếng sỉ nhục nước Mỹ, đó chính xác là điều họ muốn. Tôi đã thấy lá cờ ấy bị đốt ở Pakistan, Iraq, Ai Cập, Gaza, Iran và Syria. Tất cả những dịp ấy luôn có cơn giận dữ khó tả kiểu trẻ con đi kèm với việc đốt cờ. Những người đốt cờ rõ ràng đang bộc lộ cảm giác muốn giết chóc của họ nhắm vào nước Mỹ, nhưng tôi cũng cảm thấy ngay trong hành động đó, trong tiềm thức họ biết mình đang thể hiện nỗi thất vọng trước sự bất lực của mình, không thể làm gì khác trước thực tế là thể chế họ cực kỳ căm ghét lại thành công đến vậy. Những người đốt cờ cũng xuất thân từ các nền văn hóa gần như tôn sùng danh dự, và việc làm ô danh “kẻ thù” mang tới cho họ niềm vui lớn. Chứng kiến quốc kỳ của mình bị người nước ngoài đốt có thể khơi dậy một cảm xúc khác với khi thấy nó bị đốt ở chính đất nước mình, dưới tay đồng bào của mình: theo nhiều nghĩa, con phẫn nộ khi đó còn lớn hơn. Vài năm trước khi qua đời, ca sĩ người Mỹ Johnny Cash giới thiệu bài hát của ông về lá cờ Sao và Vạch tựa đề “Ragged Old Flag” (Lá cờ cũ tả tơi). Ông nói với một khán phòng đông nghẹt: “Tôi cảm ơn Chúa vì tất cả những tự do mà chúng ta có được ở đất nước này. Tôi trân trọng chúng. Ngay cả quyền đốt lá quốc kỳ, các bạn biết đấy, tôi tự hào vì những quyền đó.” Tuyên bố ấy khiến khán giả yêu nhạc đồng quê và nhạc miền Viễn Tây tỏ ra kinh ngạc, một số người thậm chí đã bắt đầu la ó; Cash đề nghị mọi người im lặng và nói thêm: “Nhưng tôi sẽ nói với các bạn điều này. Chúng ta cũng có quyền sở hữu súng, và nếu các người đốt lá cờ của tôi, tôi sẽ bắn các người.” Thật thú vị khi xem xét thứ tự của Tu chính án thứ nhất – “Quốc hội sẽ không ban hành luật nhằm thiết lập một tôn giáo, hay ngăn cấm tự do tín ngưỡng; hay cản trở tự do ngôn luận, hay tự do báo chí; hay quyền được hội họp một cách hòa bình và kiến nghị chính phủ giải quyết những bất bình của người dân.” Và Tu chính án thứ hai – “Một lực lượng quân dự bị được tổ chức tốt cần thiết cho an ninh của một nhà nước tự do, quyền sở hữu và mang vũ khí của người dân sẽ không bị xâm phạm.” Năm 1989, Tối cao Pháp viện viện dẫn Tu chính án thứ nhất để diễn giải tại sao đốt quốc kỳ ở Mỹ không phải là bất hợp pháp, do chuyện đó thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Tòa có vẻ không diễn giải Tu chính án thứ hai theo hướng đe dọa của Johnny Cash. Phán quyết được đưa ra vào cuối một vụ xử ở Tối cao Pháp viện, tiểu bang Texas kiện Johnson, và sau đó phán quyết được giữ nguyên (trong vụ nước Mỹ kiện Eichman năm 1990). Phán quyết đó lý thú trên nhiều góc độ, không chỉ vì tòa có quan điểm quốc kỳ là “một biểu tượng của ngôn luận” – và như thế, việc đốt lá cờ là bày tỏ một quan điểm và do đó được Tu chính án thứ nhất bảo vệ. Phán quyết này được đưa ra sau nhiều năm người ta đốt cờ Mỹ, nhất là trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1968, Quốc hội thông qua luật liên bang về tội mạo phạm quốc kỳ, quy định hành vi mạo phạm có chủ ý “bất kỳ lá cờ nào của Mỹ bằng cách công khai cắt, làm xấu đi, làm ô uế, đốt hay giẫm đạp nó” đều là phạm pháp. Sau đó, vào năm 1984, một người biểu tình chống các chính sách của Tổng thống Reagan tên là Gregory Lee Johnson công khai đốt một lá cờ ở Dallas, Texas. Chính quyền tiểu bang đã bắt giữ ông này vì vi phạm một điều luật của tiểu bang và bị tuyên một năm tù giam. Gregory Lee Johnson kháng án, viện dẫn Tu chính án thứ nhất, và Tối cao Pháp viện cuối cùng phán quyết cho ông thắng kiện với tỷ lệ 5-4. Một trong các thẩm phán của tòa, Anthony Kennedy, lập luận như sau: “Dù các biểu tượng thường là những thứ do chính chúng ta tạo ra, quốc kỳ liên tục được sử dụng để bày tỏ những niềm tin chung của người Mỹ, niềm tin vào luật pháp và hòa bình, và niềm tin rằng tự do sẽ duy trì tinh thần của con người. Vụ kiện tại đây hôm nay buộc chúng ta nhận ra cái giá mà chúng ta phải trả cho những niềm tin ấy. Một điều thật khó chịu nhưng có tính căn bản là quốc kỳ bảo vệ cả những ai khinh thường nó.” Đây là một cuộc chiến vẫn đang tiếp tục ở Mỹ và những nước khác trên thế giới. Có một dự luật không được thông qua vẫn còn nằm trong sổ đăng ký của Quốc hội có tên “Luật bảo vệ quốc kỳ 2012”; nếu được thông qua trong tương lai, những vụ truy tố không chỉ diễn ra ở Mỹ, mà cả ở nước ngoài. Dự luật quy định rằng bất kỳ ai phá hủy hay làm hư hại quốc kỳ Mỹ có thể bị “phạt 100.000 đô la, bị bỏ tù tối đa một năm, hoặc cả hai”. Bất kỳ ai ăn cắp một lá cờ Mỹ thuộc sở hữu của nước Mỹ sau đó phá hỏng hay hủy hoại nó có thể bị “phạt tối đa 250.000 đô la, bỏ tù tối đa hai năm, hoặc cả hai”. Đoạn này cũng quy định luật sẽ được áp dụng “ở bất kỳ vùng đất nào thuộc quyền sử dụng, hoặc thuộc quyền tài phán riêng hoặc chung, của Mỹ”. Có thể nói nếu dự luật đó có hiệu lực trong thập niên vừa qua, một người Iraq đốt cờ Mỹ ở Baghdad để phản đối cuộc xâm lược của Mỹ đã có thể bị truy tố và bỏ tù. Luật pháp liên quan tới tội xúc phạm quốc kỳ là khác nhau ở các nước trên thế giới, và danh sách những nước coi hành vi đó là bất hợp pháp không chỉ có các nhà nước mang tính đàn áp. Có vẻ không có khuôn mẫu hay cách phân loại nào cho việc này, dù ở các nền dân chủ hiện đại, các luật vẫn đang có hiệu lực chính thức hiếm khi được thực thi nghiêm túc như ở các thể chế độc tài. Ví dụ Vương quốc Anh, Úc, Bỉ, Canada và Nhật Bản không có luật cấm xúc phạm quốc kỳ, trong khi Đức, Ý, Áo, Croatia, Pháp, Mexico và New Zealand thì có. Ở Đức, luật quy định án phạt có thể lên tới ba năm tù giam, giống như ở Trung Quốc. Ở Pháp, mức án tối đa là sáu tháng tù. Trở lại với Mỹ, các luật sư có thể có thêm công ăn việc làm nhờ nêu ra câu hỏi: “Thứ gì màu đỏ, trắng, xanh da trời và sản xuất ở Trung Quốc?” Nếu câu trả lời là quốc kỳ Mỹ, thì giới luật sư có thể vào cuộc. Một số bang đã thông qua, hay đang ban hành, các luật quy định mọi lá cờ Mỹ được bán ra phải được sản xuất ở Mỹ. Minnesota đi đầu, và hiện giờ nếu một cửa hàng ở Minnesota bán cờ Mỹ sản xuất ở nước ngoài, người vi phạm quy định mới có thể bị phạt 1.000 đô la và thậm chí bị bỏ tù 90 ngày. Đó sẽ là một vụ lý thú ở tòa. Luật của bang có thể mâu thuẫn với những thỏa thuận thương mại quốc tế đã được ký ở cấp liên bang. Buôn bán cờ là một ngành kinh doanh lớn ở Mỹ, với 50 triệu lá cờ được bán ra mỗi năm. Riêng doanh số bán cờ sản xuất ở nước ngoài đã trị giá 5,3 triệu đô la vào năm 2006, và phần lớn là từ Trung Quốc. Trung Quốc và các nước khác nhận ra khoảng trống thị trường sau vụ tấn công 11 tháng Chín năm 2001. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, được hãng tin Associated Press dẫn lại, vào ngày 12 tháng Chín năm 2000, chuỗi siêu thị Walmart bán được 6.400 lá cờ Sao và Vạch. Một năm sau, sau vụ tấn công Tòa tháp Đôi, họ bán được 88.000 lá cờ. Trong làn sóng ái quốc lan khắp đất nước những tháng tiếp đó, doanh số bán cờ tăng trên toàn nước Mỹ. Những nhà cung cấp nước ngoài vui vẻ đáp ứng nhu cầu. Năm 2000, doanh thu từ bán cờ Mỹ có xuất xứ nước ngoài là khoảng 750.000 đô la; năm 2001, con số đó tăng lên thành 51 triệu đô la. Dễ hiểu là cầu tăng chậm lại, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước 11 tháng Chín, và giờ những lá cờ sản xuất ở nước ngoài có doanh thu khoảng 5 triệu đô la mỗi năm, và các thống đốc bang cũng như nhà sản xuất cờ nội địa Mỹ muốn giảm mức này xuống. Ở một số quốc gia, chẳng hạn Thụy Điển, hình ảnh cờ bay phấp phới được coi là không cần thiết, gần như là kém văn minh. Ở những nước khác, như Vương quốc Anh, đã có những thời kỳ người dân lo lắng không dám giương quốc kỳ lên vì sợ bị người khác nghĩ họ là thành phần cực hữu. Nhưng ở Mỹ, phần lớn người Mỹ cho rằng việc tự hào về lá quốc kỳ, và công khai bộc lộ điều đó, là một nét văn hóa đặc trưng của người Mỹ. Làm sao có thể dung hòa điều này với thực tại Mỹ, nơi giấc mơ Mỹ gặp phải cơn ác mộng của các dự án, hệ thống nhà tù, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc? Lá cờ đôi khi vẫn được sử dụng để bày tỏ niềm tin rằng nhà nước vừa có những thứ băng hoại, vừa có những điều vĩ đại. Ví dụ, vào tháng Năm năm 2016, những nhà hoạt động xã hội chống Donald Trump đã đốt lá cờ Sao và Vạch bên ngoài nơi Trump vận động tranh cử ở Albuquerque, New Mexico, và một số vụ xúc phạm quốc kỳ đã diễn ra trong các cuộc tuần hành “Mạng người da đen quan trọng”. Nhưng để dung hòa những khía cạnh khác nhau ấy không quá khó: có nhiều điểm tích cực trong lối sống Mỹ. Giống như người dân ở khắp nơi, tính biểu tượng độc nhất vô nhị của lá cờ, niềm cảm hứng của nó nói với người dân Mỹ, đồng điệu với người dân Mỹ giống cách những lá quốc kỳ khác tác động tới người dân đất nước họ; chỉ bởi đất nước này, thế giới này, không hoàn hảo không có nghĩa là bạn không thể mơ ước. Tất nhiên không phải ai cũng thấy vậy. Hồi trước, tôi từng làm nghề giao xe hơi ở Mỹ: những người đủ giàu sẽ trả tiền cho một công ty, nơi sẽ thuê tôi lái xe của họ đi vài nghìn dặm nếu họ chuyển nhà. Trong một dịp như vậy, tôi lái xe từ Philadelphia đi Texas, chỉ hơn 2.400 km. Tôi không đủ tiền thuê nhà trọ dọc đường nên ở quãng gần Georgia, tôi tấp vào một trạm dừng chân để ngủ khoảng một tiếng và nhận thấy một người đàn ông Creole đang giơ ngón cái lên để xin đi nhờ xe về phía nam. Anh ta khoảng ngoài ba mươi tuổi, trông hoang dã, bẩn thỉu, tóc đỏ, mặc chiếc quần rách rưới và không mang giày. Tôi ngủ một giấc, mua một ly cà phê, rồi chạy ra đường cao tốc. Mấy tiếng đồng hồ sau, gần Louisiana, tôi lại dừng lại để mua cà phê. Trên đường ra, tôi lại thấy anh chàng ấy – giơ ngón tay cái, xin đi nhờ về phương nam. Tôi làm một phép tính nhanh: khả năng anh ta tìm được người đi nhờ, sát hại người đó, phân xác, bỏ xe và giờ đang săn đuổi nạn nhân tiếp theo là khá thấp. Chúng tôi hóa ra rất hợp nhau. Khi chúng tôi đến Louisiana, tôi đã hủy kế hoạch rẽ xuống New Orleans, thay vào đó tôi rẽ phải và đi hướng Texas, về nhà anh chàng kia ở Galveston theo lời mời của anh ta. Chúng tôi băng qua vịnh Mexico trên một chiếc phà với bầy cá heo nô đùa trước mũi phà, thỉnh thoảng nhảy vọt lên khỏi mặt nước. Đó là một khoảnh khắc đẹp đẽ vào một ngày đẹp trời – và rồi chúng tôi rơi vào cơn ác mộng Mỹ. Galveston là một thị trấn dầu mỏ bị chia rẽ chủng tộc. Người bạn mới của tôi sống ở khu vực nghèo khổ đầy nguy cơ của thị trấn. Từ đó cho tới tận bây giờ, tôi chưa bao giờ chứng kiến sự nghèo khổ như thế ở thế giới thứ nhất. Căn hộ tồi tàn một phòng ngủ nơi anh sống cùng em gái – những bóng đèn điện trơ trọi, đồ đạc chẳng có gì và nhiều gián tới mức các bức tường như đang chuyển động. Tôi ở lại vài ngày, trong đó có ngày 4 tháng Bảy. Chúng tôi tới một hồ bơi, nơi tôi là người da trắng duy nhất trong vài trăm người Mỹ da đen. Việc mặc ít quần áo chỉ càng làm nổi bật sự khác biệt về màu da. Sau khi bạn tôi, cùng vài người đàn ông lớn tuổi khác, thuyết phục được mấy gã trai trẻ nóng tính thôi không hỏi đi hỏi lại tôi rằng tôi đang “làm cái chó” gì ở hồ bơi của họ, tôi đã hỏi một trong những người bênh vực tôi rằng sau đây ông có tới dự tiệc mừng lễ Độc lập 4 tháng Bảy không. Ông nhìn tôi rồi chậm rãi nói: “Tôi có cái quái gì mà phải ăn mừng với cái đất nước chó chết này?” Chưa hết. Vài tháng sau, tôi trở lại Philadelphia và nói chuyện với mấy người bạn mới ở trường đại học, hai người Mỹ da đen đang học năm cuối có kế hoạch gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến. “Tại sao mấy anh lại đăng lính?” tôi hỏi họ. Một người đáp: “Vì tôi muốn trả ơn phần nào đất nước vĩ đại này, nơi đã cho tôi quá nhiều cơ hội.” Là một thanh niên người Anh da trắng vào đầu những năm 1980, đó là thứ tình cảm tôi chưa bao giờ nghe được từ một thanh niên người Anh da đen. Cả hai quan điểm đó, ở Texas và Philadelphia, đều xác đáng, nhưng phổ biến hơn là quan điểm ở Philadelphia. Với mọi khiếm khuyết của mình, nước Mỹ vẫn nuôi dưỡng trong lòng dân chúng một cảm giác được thuộc về, tự do và hy vọng. Tranh luận xem thực tế có phải như vậy không là vô nghĩa; đó là thực tế của họ và, trước thực tế hàng dòng người đông đảo vẫn hy vọng sẽ tới được đất Mỹ, ý niệm của màu đỏ, trắng và xanh da trời của lá cờ Sao và Vạch vẫn làm lay động tinh thần con người. Dẫu lý do có là gì, những lý tưởng Mỹ, được phản ảnh trong lịch sử đầy cảm xúc của lá quốc kỳ và xa rời hiện thực nghiệt ngã của phần lớn lịch sử nước Mỹ, tạo được sự đồng cảm nơi người dân và cho phép họ, như lời Martin Luther King Jr, “có một giấc mơ”. CHƯƠNG 2 CỜ LIÊN HIỆP VÀ CỜ HIỆU HẢI QUÂN “Mảnh đất được ban phước lành này, mặt đất này, lãnh địa này” - William Shakespeare, Vua Richard II (hồi II, cảnh 1) [1]Tên lá quốc kỳ của Vương quốc Liên hiệp Anh, gồm hai phần: Union – Liên hiệp, và Jack — Cờ hiệu hải quân. [1] Macedonia đã đổi tên thành Bắc Macedonia từ tháng Hai năm 2019 và gia nhập NATO tháng Ba năm 2020. [1] Đối với người Shia, ayatollah (hay marja) là chức danh tôn kính dành cho lãnh tụ tôn giáo ở Iran và Iraq, được sử dụng rộng rãi trong thế kỷ 20. [2] Câu chuyện tình nổi tiếng đầy bi kịch giữa Romeo (nhà Montague) và Juliet (nhà Capulet). [1] Tháng Tám năm 2021, Taliban đã một lần nữa nắm quyền kiểm soát Afghanistan sau khi quân Mỹ rút hoàn toàn và chính quyền Kabul sụp đổ gần như ngay lập tức. Cờ Afghanistan giờ lại thay đổi, trở lại với quốc kỳ của Vương quốc Hồi giáo Afghanistan: dòng tuyên thệ shahada trên nền trắng và quốc hiệu “Vương quốc Hồi giáo Afghanistan” viết bằng tiếng Pashto bên dưới. [2] Sparśa (xúc), gồm “lục xúc”, mà theo kinh Niết bàn là nguyên nhân gây ra luyến ái: nhãn xúc (mắt nhìn), nhĩ xúc (tai nghe), tỷ xúc (mũi ngửi), thiệt xúc (lưỡi nếm), thân xúc (thân thể đụng chạm), ý xúc (kết nối tâm trí). Bhava (hữu) gồm ba cảnh giới: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. [3]Nguyên văn: "Theirs not to reason why/Theirs but to write regulations triplicate", nhại hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ lớn người Anh Alfred Tennyson (1809- 1892): “Theirs not to reason why/Theirs but to do and die" (Họ không cần lý lẽ/Họ chỉ biết chiến đấu và hy sinh) [4] Theo bản dịch Tôn Tử binh pháp của Tôn Tử do Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch, Nhà xuất bản Hồng Đức, Nhã Nam ấn hành 7/4/2017. [1] Nguyên văn: “banana republic”. Trong khoa học chính trị, thuật ngữ “cộng hòa chuối” chỉ một nước bất ổn về mặt chính trị với nền kinh tế phụ thuộc vào việc xuất khẩu các tài nguyên tự nhiên. [2] Thomas Đầu máy xe lửa: một nhân vật hoạt hình khá nổi tiếng trong loạt phim hoạt hình Anh Thomas & Friends (Thomas và những người bạn). [3] Đúng ra là nhà Bourbon, tác giả đã nhầm. [1] Nguyên văn một lối chơi chữ khó dịch: “Why are pirates called pirates? Because they arrr” (Tại sao cướp biển được gọi là cướp biển? Vì họ arrr). “Arrr" là tiếng hô của cướp biển, nhưng đồng âm với “are”, nghĩa là “là”. [2] Tên gọi khác của lá cờ cướp biển, với hai khúc xương bắt tréo và đầu lâu ở trên nền đen. [3] Viết tắt của các tước hiệu hiệp sĩ và huân huy chương Đại Anh dài dòng. KG: “Knight of the Most Noble Order of the Garter”: Hiệp sĩ cao quý nhất, Hội hiệp sĩ Garter; GCB: "Knight Grand Cross Most Honourable Order of the Bath": Hiệp sĩ Đại Thập tự cao quý nhất, Hội hiệp sĩ Bath; CH: “Order of the Companions of Honour”: Huân chương Danh dự (Khối Thịnh vượng chung); DSO: “Distinguished Service Order”: Huân chương Phụng sự Xuất sắc; PC: “Privy Council”: Thành viên Cơ mật Viện; DL: “Deputy Lieutenant”: Phó Thống giám. [4] Đây là số thành viên tính đến năm 2008, và cho tới tháng Bảy năm 2022, NATO đã có 32 nước thành viên, với hai thành viên mới nhất gia nhập là Phần Lan và Thụy Điển (ngày 5 tháng Bảy năm 2022). Kosovo đang làm thủ tục xin gia nhập. [5] Tính đến thời điểm tác giả viết cuốn sách này. Ông đã mất vào ngày 31/3/2017. """