"
Chế Độ Thực Dân Pháp Trên Đất Nam Kỳ 1859-1954 PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chế Độ Thực Dân Pháp Trên Đất Nam Kỳ 1859-1954 PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
LỜI MỞ ĐẦU
G
ần 100 năm cai trị vùng đất Nam Bộ, người Pháp đã gây ra bao tội ác đối với nhân dân ta. Nhưng ngày nay chế độ thực dân Pháp đã cáo chung hơn nửa thế kỷ, những gì người Pháp làm tổn hại đến nhân dân ta đã đi vào dĩ vãng. Những lớp người sinh ra sau năm 1954 không còn thấy những cảnh người Pháp bắt nhốt hàng trăm chiến sĩ yêu nước của ta, đem ra tòa án xét xử, kết tội tử hình đem ra pháp trường xử bắn, hoặc kết án tù chung thân khổ sai, giam cầm đày đọa trong các nhà tù với những hình thức tra tấn cực kỳ dã man của thời trung cổ; không còn thấy những cảnh nhân dân nghèo khổ ở nông thôn và thành thị không đủ khả năng đóng sưu, đóng thuế, phải trốn chui trốn nhủi để tránh sự lùng bắt của bọn tuần đinh, mã tà; không còn thấy cảnh các tá điền bị chủ đồn điền bóc lột tận xương tận tủy, phải bán vợ đợ con cho bọn cường hào địa chủ; không còn thấy những cảnh cu li tại các đồn điền cao su bị bọn chủ thực dân Pháp sai bọn cặp rằng đánh đập, cưỡng bức lao động tận lực mà không cho ăn đầy đủ đến nỗi phải chết dần chết mòn, đem thân xác làm phân bón cho cây cao su v.v.. mà chỉ thấy những gì người Pháp còn để lại như các dinh thự, lâu đài nguy nga tráng lệ ở các thành thị, những tuyến đường kinh thẳng tắp thuận tiện cho việc lưu thông tàu thuyền từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn, những tuyến đường bộ nối liền các tỉnh với nhau mà xe hơi các loại chạy bon bon, những bệnh viện đầy đủ tiện nghi với những lớp bác sĩ do các trường của Pháp đào tạo, những trường học khang trang mà ngày nay con cháu chúng ta đang lui tới học tập. Vì chỉ thấy những cái đó nên lớp người mới này đã hiểu một cách mơ hồ, thậm chí không đúng với bản chất của chế độ thực dân Pháp trong quá khứ.
Nhưng rất tiếc cho tới nay chưa có một công trình nghiên cứu nào viết đầy đủ về thời gian người Pháp cai trị xứ Nam Kỳ để
lớp hậu sinh biết được sự thật về chế độ thực dân Pháp, về nỗi đau khổ của nhân dân ta dưới sự kìm kẹp của thực dân Pháp, biết được sự hy sinh xương máu của cha ông ta đã đổ ra mới có được nền độc lập ngày nay.
Trong thời gian sưu tầm tài liệu để viết cuốn Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, tôi có sưu tầm được một số lớn các sắc lệnh, nghị định suốt gần 100 năm của chính quyền thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ đăng trong bộ Bulletin Officiel de la Cochinchine Française và Bulletin Administratif de la Cochinchine Française về những gì người Pháp đã làm ở đây. Nay có dịp trở lại Trung tâm tìm hiểu thì hầu hết các số báo ấy đã bị mủn nát, không còn khai thác được nữa. Thiển nghĩ những gì tôi đã sưu tập được, nếu không đem ra công bố rộng rãi cũng sẽ cùng chung số phận như những số báo kia thì uổng quá. Vì vậy, không quản tuổi già sức yếu (94 tuổi) và khả năng có hạn, tôi tập hợp số tư liệu ấy trong một công trình biên khảo dưới nhan đề Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) (gồm 2 tập) coi như một tập hợp các tài liệu gốc để sau này các nhà nghiên cứu trẻ sử dụng thực hiện những công trình giá trị và sâu sắc hơn.
Là một công trình của cá nhân, chắc không khỏi có nhiều khuyết điểm, kính mong chư vị chỉ giáo cho. Xin chân thành cảm ơn!
NGUYỄN ĐÌNH TƯ
PHẦN THỨ NHẤT:
THỰC DÂN PHÁP ĐÁNH CHIẾM NAM KỲ VÀ CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP CỦA NHÂN DÂN NAM KỲ
CHƯƠNG 1
QUAN HỆ VIỆT - PHÁP TỪ THỜI NGUYỄN ÁNH ĐẾN TRƯỚC NĂM 1858
I. Mối quan hệ Việt - Pháp trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi
Trước khi người Pháp xâm chiếm nước ta, giữa triều đình Thuận Hóa và người Pháp đã có mối quan hệ không lấy gì làm tốt đẹp. Mối quan hệ đó khởi đầu bằng việc Nguyễn Ánh nhờ Giám mục Bá Đa Lộc (Evêque Pigneau de Béhaine) đem hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện để đánh lại quân Tây Sơn.
Nguyên vào năm Quý Mão (1783) Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh thua, phải chạy trốn khắp nơi, số tướng tá thân cận chỉ còn 5, 6 người, quân lính không đầy một trăm, lênh đênh ngoài biển khơi, khi thì ở Hòn Chông, Phú Quốc, lúc lại bơi ra Côn Lôn, về hòn Cổ Cốt. Tình cảnh rất bi thảm. Bấy giờ Nguyễn Ánh nghe tin Bá Đa Lộc ở Chân Bôn (Chantabun) trên đất Xiêm, bèn cho mời tới. Bá Đa Lộc là vị Thừa sai Thiên Chúa giáo, thường qua lại trên đất Chân Lạp và Gia Định để truyền giáo, đã từng yết kiến Nguyễn Ánh nhiều lần bày tỏ xin giúp sức, nhưng Nguyễn Ánh không nhận lời, chỉ dùng phép xã giao mà tiếp đãi. Nay đến lúc binh cùng lực tận mới nghĩ đến việc nhờ Bá Đa Lộc về Pháp cầu viện Pháp hoàng. Bá Đa Lộc nhận lời, Nguyễn Ánh bèn viết quốc thư và giao hoàng tử Cảnh đi theo làm con tin, hứa sẽ nhường đảo Côn Lôn cho Pháp. Lại sai bọn Phó vệ úy Phạm Văn Nhân và Cai cơ Nguyễn Văn Liêm đi theo hầu hạ
Bá Đa Lộc được Pháp hoàng lúc đó là Louis XVI bằng lòng viện trợ cho Nguyễn Ánh, bèn cùng ký Hiệp ước Versailles với Bá Đa Lộc nhân danh Nguyễn Ánh, vua Pháp nhận cung cấp cho Nguyễn Ánh 4 chiếc tàu chiến, một đạo binh gồm 1.200 lục quân, 200 pháo binh cùng 250 lính mộ Bắc Phi với một số súng ống đạn dược, giao cho đại diện Pháp ở Pondichéry (thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ) là bá tước Conway thực hiện việc giúp Bá Đa Lộc. Nhưng do hiềm khích giữa hai người, bá tước Conway không chịu giúp, lại còn xin Pháp hoàng hủy bỏ Hiệp ước Versailles. Vừa lúc bên Pháp xẩy ra cuộc cách mạng dân chủ đánh đổ vua Louis XVI, việc nước bề bộn, không ai còn nghĩ đến việc ngoài lãnh thổ nữa. Hiệp ước Versailles mặc nhiên hủy bỏ. Bá Đa Lộc cố gắng tuyển mộ được 20 người Âu châu đủ mọi quốc tịch sang giúp Nguyễn Ánh và đem hoàng tử Cảnh về Gia Định, vì lúc đó Nguyễn Ánh đã khôi phục được vùng đất này rồi.
Những người Âu châu sang giúp Nguyễn Ánh được đặt tên Việt Nam, ban chức tước từ cai đội đến chưởng cơ, tham gia các trận đánh, một số tử trận. Lúc Nguyễn Ánh thắng quân Tây Sơn, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Gia Long, số người Âu châu còn sống sót được đối đãi rất tử tế, nhưng không được giao trọng trách gì cả, chỉ cho “ngồi chơi xơi nước” mà thôi. Ăn không ngồi rỗi lâu ngày cũng chán, số này lần lượt bỏ về Pháp. Hai người cuối cùng rời khỏi Việt Nam là Jean Baptiste Chaigneau (tức Nguyễn Văn Thắng) và Philippe Vannier (Nguyễn Văn Chấn) vào năm 1824 dưới triều Minh Mạng. Còn Bá Đa Lộc thì theo giúp Nguyễn Ánh, nhưng luôn ở bên cạnh hoàng tử Cảnh để truyền đạo, nhắm vào mưu chước trong tương lai sẽ có ông vua theo Thiên Chúa giáo thì tha hồ mà phát triển đạo. Nhưng thiên lý không theo lòng người, đến tháng 9 năm Kỷ Mùi (1799), Bá Đa Lộc bị bệnh mất tại Gia Định, được Nguyễn Ánh làm lễ tống táng rất long trọng*.
Mộ chôn ở nơi ngày nay gọi là Lăng Cha Cả bên đường Hoàng Văn Thụ thuộc quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
II. Mối quan hệ Việt - Pháp trong những năm 1802-1858
Gặp bước đường cùng, Nguyễn Ánh phải buộc lòng nhờ đến sự giúp đỡ của Bá Đa Lộc nói riêng, người Pháp nói chung, dù trong thâm tâm ông vẫn hiểu được tham vọng thực dân của người Pháp. Cho nên trước khi nhắm mắt, ông đã để lại cho Minh Mạng lời trăng trối sau đây: “Con hãy thương yêu người Pháp, phải biết ơn những gì họ đã làm cho chúng ta. Nhưng không bao giờ để cho họ đặt chân lên đất nước chúng ta”
Vì thái độ đối với người Pháp đã được khẳng định như thế nên từ sau khi dứt được nhà Tây Sơn đến khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế niên hiệu Gia Long cho đến gần mãn đời của ông, giữa người Pháp và triều đình Huế không có sự liên lạc gì. Mãi đến tháng 11 năm Gia Long thứ 16 Mậu Dần (1817) mới có chiếc tàu của Pháp hiệu La Cybèle đến đậu ở cửa biển Đà Nẵng, do De Kergariou làm trưởng đoàn đưa thư cho Nguyễn Văn Thắng tức Chaigneau, nhờ tâu lên nhà vua rằng nước ấy đã lấy lại được vương quyền* sai treo cờ ở thuyền đi tới khắp các cửa biển để loan báo cho các nước láng giềng biết, xin được đến kinh đô dâng sản vật địa phương và chiêm yết, chỉ với mục đích là yêu cầu thi hành Hiệp ước Versailles năm 1787, theo đó triều Nguyễn cắt nhượng cho Pháp cửa biển Đà Nẵng và Côn Lôn. Nhà vua lấy cớ không có quốc thư để khước từ, ra lệnh cho dinh thần Quảng Nam khoản đãi thật hậu rồi bảo đi. Lại sắc cho Tấn thủ Đà Nẵng rằng nếu thuyền Phú Lang Sa có treo cờ bắn súng 21 phát chào mừng, thì trên đài Điện Hải cũng bắn trả lời cùng số ấy. Nhưng về sau có thuyền buôn nước ngoài vào cửa biển, dẫu họ bắn bao nhiêu phát súng, trên đài cũng chỉ bắn đáp 3 phát làm hiệu.
Napoléon Bonapac lật đổ nền Đệ nhất cộng hòa, lập ra triều đại đế chế Napoléon I
Chính sách đó xuyên suốt qua triều Minh Mạng. Năm thứ hai tháng 4 năm Tân Tỵ (1821) có người Phú Lang Sa đáp thuyền tới Đà Nẵng, cùng đi với Nguyễn Văn Chấn tức Vannier dâng quốc thư và sản vật địa phương là một cái gương to. Bức thư được dịch ra thì ý là muốn thông thương. Vua giao đình thần bàn, rồi hạ lệnh cho Ty Thương bạc đưa thư trả lời ưng cho và biếu nhiều phẩm vật gồm 100 cân da voi, 30 cân da tê, 10 tấm da hổ, 100 tấm da trâu, 500 tấm da hươu, 200 tấm sa nam, 200 tấm the nam, 100 tấm lụa Cao bộ, đường phèn đường phổi mỗi thứ 1.000 cân, 10.000 cân đường cát, 2 cây ngà voi, 2 cỗ sừng tê giác giao cho người ấy mang về nước. Như vậy vua Minh Mạng đã chấp nhận cho người Pháp thông thương và tặng vua nước Pháp quà hậu. Không hiểu vì sao về sau sự giao thương không thực hiện được và mối quan hệ Việt - Pháp lại kết thúc bằng một thảm cảnh?
Đến tháng 12 năm Giáp Thân (1824) Minh Mạng năm thứ 4, nước Phú Lang Sa lại cho người mang quốc thư và phẩm vật đáp tàu đến Đà Nẵng, nhờ dinh thần Quảng Nam tâu lên xin
thông hiếu. Vua bảo rằng: “Nước Phú Lang Sa cùng nước Anh Cát Lợi thù nhau. Năm trước nước Anh Cát Lợi nhiều lần dâng lễ, trẫm đều từ chối không nhận, nay chẳng lẽ lại cho Phú Lang Sa thông hiếu? Song nghĩ lúc Hoàng khảo ta bước đầu bôn ba từng sai Anh Duệ thái tử sang nước họ, cũng có ơn cũ, nếu vội cự tuyệt thì chẳng phải là ý mến người xa”. Liền sai làm thư của Ty Thương bạc trả lời cho qua và thưởng quà cho người đưa thư mà khiến về. Quốc thư và lễ vật thì trả lại không cho trình dâng.
Tháng 12 năm Minh Mạng thứ 11 Canh Dần (1830) lại có binh thuyền của nước Phú Lang Sa đến đậu ở cửa biển Đà Nẵng, nói là vâng mệnh vua nước họ, muốn được một viên quan ở Nha Thương bạc đến nói chuyện. Vua sai sung biện Nội các Thị giảng học sĩ Nguyễn Tri Phương đến để dò hỏi, thuyền trưởng Pháp nhất định không chịu nói chuyện. Vua lại sai Thị lang
Trương Đăng Quế quyền chức quan thương bạc đến, viên thuyền trưởng mới chịu tiếp chuyện, nói rằng vua nước ấy muốn cùng nước ta giao hiếu, nhưng xa cách biển khơi không đạo đạt được. Nay nghe tin nước Hồng Mao (Anh Cát Lợi) mưu đồ xâm lấn đất Quảng Đông nước Trung Hoa, thế tất rồi cũng lan đến nước ta, nên vua nước ấy sai đến báo tin dặn ta đừng giúp Quảng Đông.
Trương Đăng Quế về tâu lại, vua cười nói rằng: “Nước ấy muốn mượn việc ấy làm ơn với ta để mong đạt kế muốn giao hiếu đó thôi. Nước Hồng Mao mưu lấn nước Thanh, có can thiệp gì đến ta”. Lại sai Nguyễn Tri Phương đến bảo cho họ biết. Sau khi Nguyễn Tri Phương về rồi, tàu Phú Lang Sa vẫn dùng dằng chưa chịu nhổ neo, các thuyền viên lại còn tự tiện kéo nhau lên núi Tam Thai (Non Nước) để xem xét, lại nói muốn được một người hoa tiêu cùng đi ra các hạt Bắc Thành để vẽ bản đồ. Viên Tấn thủ báo về Bộ Binh để tâu lên. Vua nói: “Vào nước người ta tất phải hỏi những điều cấm. Vượt qua hải phận còn có điều lệ nghiêm cấm, huống chi muốn vào nước người vẽ bản đồ và mang về, sao họ vô lý đến thế. Tấn thủ không biết lấy lời lẽ nghiêm nghị mà cự tuyệt, động một tý là tâu báo, sao lại không có định kiến như thế!”. Lại sai Nguyễn Tri Phương đến giải thích, tàu ấy mới đi.
Viên Thành thủ úy án thủ hai đài thành An Hải, Điện Hải là Lê Văn Tường, viên Thủ ngữ Đà Nẵng là Nguyễn Văn Ngữ, Hiệp thủ là Trương Văn Loan vì không ngăn cản được việc họ lên núi, đều bị cách chức. Lấy Phó vệ úy vệ Ban trực hậu dinh Thần cơ là Lê Sách đến quản lãnh biền binh trú phòng, quyền chức Án thủ hai đài An Hải, Điện Hải kiêm quản pháo đài Định Hải, Phó đội Vũ lâm là Trần Văn Duyên, Chủ sự Bộ Hộ là Nguyễn Tiến Trung quyền chức Thủ ngữ và chức Tấn thủ Đà Nẵng.
Trong mối quan hệ giữa người Pháp và triều đình Huế, điều mà sử sách nói đến nhiều nhất và không ít người quy tội cho
triều đình Huế là vấn đề cấm đạo Thiên Chúa. Nhưng chúng ta thử tìm hiểu vì sao có sự cấm đó. Nếu một chính phủ nào không phải là triều đình Huế, Chính phủ Pháp chẳng hạn, gặp trường hợp một tôn giáo hoạt động trong lãnh thổ mình, có những hành động ngang ngạnh, xui giục giáo dân không tuân thủ luật pháp, chỉ biết có vị giáo trưởng, không biết có chính phủ, tìm cách khuynh đảo chính phủ, tạo nên tình trạng “nhiều quốc gia trong một quốc gia”, liệu chính phủ đó có để yên cho tôn giáo ấy tiếp tục hoạt động?
Chính Thiên Chúa giáo trong thời gian đầu du nhập vào nước ta, dưới sự dìu dắt của các vị thừa sai người Pháp đã hành động như thế. Chúng ta đều biết toàn dân tộc Việt Nam đều có tín ngưỡng chung là thờ cúng Tổ tiên. Không có nhà nào là không có bàn thờ Tổ tiên, bất kể giàu nghèo. Tín ngưỡng ấy đã ăn sâu vào xương tủy của người Việt hàng nghìn đời. Ấy thế mà đạo Thiên Chúa phỉ báng tín ngưỡng đó, cho Tổ tiên là ma quỷ, con chiên không được thờ cúng, quỳ lạy. Ai theo đạo đều phải “quăng vùa hương, xô bàn độc”, ly khai với dòng họ của mình, mà chỉ biết tên Thánh theo dòng họ đạo, làm đảo lộn cả nếp sống tinh thần của một dân tộc đã có mấy nghìn năm lịch sử*. Về chính trị, Chính phủ Pháp đã dùng Thiên Chúa giáo như một phương tiện xâm chiếm thuộc địa, coi các vị thừa sai như đội quân thứ 5. Tại Hội đồng quốc gia, phiên họp ngày 25-5- 1804, Napoléon I đã định nghĩa vai trò của các nhà truyền giáo trong công cuộc thực dân hóa như sau:
Tình trạng này mãi tới trước Công đồng Vatican II vẫn còn.
“Ý định của ta là ngôi nhà các hội truyền giáo đối ngoại phải được thiết lập trở lại. Những tu sĩ ấy sẽ rất có ích cho ta tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ta sẽ gửi họ đi thăm dò tin tức về tình hình các nước. Chiếc áo thầy tu của họ sẽ bảo vệ cho họ và để che giấu những ý đồ chính trị và thương mại. Bề trên của họ sẽ không ở La Mã nữa mà ở Paris. Giới giáo sĩ được mãn nguyện và tán thành việc cải cách này. Ta sẽ cấp cho họ một số tiền trợ cấp đầu tiên là 15.000 quan. Người ta đã rõ sự lợi ích của các tu sĩ dòng Lazaristes của các hội truyền giáo trong tư cách mật vụ của phái đoàn tại Trung Hoa, Nhật Bản và cả châu Á… Không phải mất nhiều tiền cho họ. Họ được dân dã man trọng vọng. Lại không có một cương vị gì chính thức nên họ không làm ảnh hưởng gì đến chính phủ (Pháp), cũng chẳng gây cho chính phủ tai tiếng gì bất lợi. Nhiệt tình tôn giáo chan chứa trong lòng các linh mục khiến họ làm được những công việc và coi thường hiểm nguy mà các nhân viên dân sự khó lòng vượt nổi”.
Được ông vua đầy tham vọng thực dân bật đèn xanh, các giáo sĩ Thiên Chúa giáo không hề chậm trễ hành động để khuấy lên một phong trào chống phá chính quyền hợp pháp nhà Nguyễn, hòng dựng lên một ông vua theo Thiên Chúa giáo để sẵn sàng dâng trọn Tổ quốc cho ngoại bang. Vị giáo sĩ hoạt động khôn khéo nhất cho chủ trương đó là giám mục Bá Đa Lộc như đoạn trên đã nói. Ông ta trù tính lập nên ông vua con chiên tương lai là hoàng tử Cảnh. Nhưng mưu sự tại nhân mà thành sự do thiên, bởi sau đó Nguyễn Ánh chưa lập nên vương triều Nguyễn thì Giám mục Bá Đa Lộc rồi Hoàng tử Cảnh lần lượt qua đời.
Vị giáo sĩ thứ hai cũng dấn thân vào con đường mà Bá Đa Lộc đã vạch ra là linh mục Joseph Marchand, dân chúng quen gọi cố Du, hay Nhu, hay Mã Song, vị quân sư của Lê Văn Khôi trong cuộc nổi loạn năm 1833 tại thành Phiên An. Trong một bức thư gửi cho Régéreaux ở Phnôm Pênh đề ngày 23-9-1833, có
đoạn cố Du viết “Nhờ ơn Thượng đế mà những người nổi loạn thắng cuộc, thì chúng ta có thể hy vọng được trông thấy vương quốc An Nam này hoàn toàn biến thành một quốc gia Thiên Chúa giáo” vì có linh mục Marchand giúp Lê Văn Khôi, nên số giáo dân hưởng ứng cuộc nổi dậy cũng khá đông. Riêng số giáo dân theo đội quân cứu viện của Xiêm bị quân triều đình đánh bại, số tử vong bao nhiêu không rõ, nhưng số chạy theo quân Xiêm về bên đó hơn 2.000 người*.
Theo lời khai của tên Nguyễn Văn Xung quê ở Hà Tiên sống bên Xiêm 30 năm sau đem gia đình hồi hương, trả lời vua Minh Mạng.
Hoặc như ở huyện Phù Ninh tỉnh Sơn Tây, có Đạo trưởng Thiên Chúa giáo người Tây dương tên là Cao Lăng Ni, chẳng những lén lút truyền đạo mà còn thông đồng với bọn giặc cướp, tự xưng là quân sư, bị Tỉnh thần sai quân truy nã bắt được chém đầu.
Còn tín đồ Thiên Chúa giáo thì sao? Trong một bức thư đề ngày 25-12-1859 gửi Bộ trưởng Bộ Hải quân Chính phủ Pháp, Đô đốc Page viết: Những năm đầu mới lên ngôi, vua Tự Đức có một thái độ đối xử khá ân cần với họ (các giáo sĩ). Nhà vua đã ra lệnh cho các quan lại địa phương có thái độ khoan dung, rộng rãi với họ trong những chuyện làm trái pháp luật những vụ phạm pháp nhỏ. Nhưng rồi các giáo dân, do các giáo sĩ lãnh đạo, đã ngày càng xấc xược, ngạo mạn đến mức độ, họ không còn biết đến chính quyền địa phương. Họ công khai nổi loạn. Họ tuyên bố người Thiên Chúa giáo không thể vâng lời những kẻ theo một tôn giáo khác*. Một đoạn khác bức thư viết: “Ngoài ra không một người công giáo Việt Nam nào là không xin được đăng lính dưới lá cờ của chúng ta (nước Pháp). Ông vua ngoại đạo của Nam Kỳ không phải vua của họ”.
Chỉ sự truyền giáo.
Thống sứ Bắc Kỳ Bonnal đã viết: “Khi một giáo sĩ đã thiết lập được một xứ đạo trong một làng rồi thì chuyện gì xẩy ra? Người bản xứ từ chối không đóng thuế, tuyên bố không thừa nhận chính quyền nào ngoài chính quyền của ông giáo sĩ, là người đích thân dạy cho giáo dân không thừa nhận chính quyền nào ngoài chính quyền của giám mục; và cái mà giám mục Puginier gọi là sự khủng bố của các quan lại, chính là những cố gắng mà các quan lại khốn khổ ấy bắt buộc phải thực hiện hòng thu thuế và khép vào khuôn khổ chính quyền những người công giáo bản xứ đang trở thành láo xược, không những đối với quan lại An Nam, mà với cả các nhà chức trách của Pháp”.
Sự vô chính phủ của giáo dân Thiên Chúa giáo thể hiện một cách trắng trợn qua sự kiện sau đây: Khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, chưa dám tung ra đánh các nơi, thì tại Vĩnh Long, cách Gia Định đến 3 ngày đường đi bộ, một giáo dân Thiên Chúa giáo tên là Kiên đã dám tuyên bố giữa đám đông: “Tàu Tây đã đến nơi, sẽ giết hết bọn chúng mày. Tao không sợ pháp luật của quan binh mày nữa”. Tất nhiên sự láo xược và thái độ phản quốc đó phải bị trừng trị. Y liền bị viên Phó tổng tên là Thạch Mặc (người Khơme) bắt giải quan và tên Kiên bị vua Tự Đức ra lệnh chém đầu.
Chính vì vậy mới có lệnh cấm đạo. Lệnh cấm đạo Thiên Chúa không những có từ triều Minh Mạng, mà đã có từ thời các chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài và các chúa Nguyễn ở xứ Đàng Trong. Tháng 3 niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 Nhâm Thìn (1712) triều vua Lê Dụ Tông (thời chúa Trịnh Giang), có lệnh cấm đạo Hoa Lang (Hòa Lan). Tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 22 triều vua Lê Hiển Tông (thời chúa Trịnh Doanh) lại có lệnh cấm đạo Hoa Lang. Tại xứ Đàng Trong, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan, năm Quý Mùi (1643) có lệnh cấm đạo Hoa Lang rất nghiêm ngặt, nên cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhode) phải trốn xuống tàu buôn tạm lánh khỏi Việt Nam. Rồi đến dưới đời chúa Nguyễn
Phúc Chu, tháng 10 năm Kỷ Mão (1699) chúa ra lệnh cho Gia Định tra bắt người theo đạo Hoa Lang. Phàm người Tây phương đến ở lẫn đều đuổi về nước. Đến triều Minh Mạng việc cấm đạo mới thật gay gắt. Tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 16 Ất Mùi (1835) chỉ dụ cấm đạo gồm có 4 điều:
1. Cửa biển Đà Nẵng là nơi người Tây dương được phép vào buôn bán. Khi tàu cặp bến, viên Tấn thủ phải tra xét kỹ số người trên tàu, không cho ở nhà dân. Khi tàu rời bến bắt phải kiểm đủ số người đuổi đi hết. Có ai trốn ở lại sẽ bị khép vào tội do thám xử chém. Ai chứa chấp cũng bị xử cùng tội. Nếu viên Tấn thủ cố ý che giấu hoặc do kiểm phòng bất cẩn cũng xử như phạm nhân.
2. Các cửa biển khác thường có người Thanh vào buôn bán, thường có Đạo trưởng đi theo hoặc thuê người Âu làm hoa tiêu, thợ máy. Viên Tấn thủ phải kiểm tra nghiêm ngặt. Nếu gặp Đạo trưởng thì bắt giải quan. Còn những người làm công bắt phải ở trên thuyền. Lúc thuyền quay về phải về hết. Ai lẩn trốn ở lại thì xử như trường hợp trên đây.
3. Số Đạo trưởng sống lén lút trong dân, tổng lý phải nã bắt giải quan, khép vào tội tả đạo dị đoan cám dỗ mê hoặc nhân dân, khép vào tội chém. Ai chứa chấp cũng bị xử
cùng tội. Lý dịch xã thôn sở tại không truy nã chu đáo, khi phát giác có Đạo trưởng lẩn trốn đều bị kết tội như phạm nhân. Cai phó tổng cũng liên đới chịu tội.
4. Các đốc, phủ (tuần phủ), bố, án và các phủ, huyện các địa phương đều phải thông sức, răn bảo tường tận hơn nữa cho thuộc hạt mình, phải tích cực tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt, không cho Đạo trưởng lẩn trốn trong địa phương mình. Nếu việc sức bảo, răn dạy không nghiêm minh, chu đáo để có kẻ lẩn trốn được, khi phát giác đều bị cách chức hay giáng cấp và phạt trượng.
Đến tháng 7 nhuận năm Tự Đức thứ 7 Giáp Dần (1854) lại có lệnh cấm đạo gồm có các khoản:
1. Người nào trót đã theo đạo Gia Tô cho tự thú đổi lại được miễn tội. Nếu không tự thú, phát giác ra, nếu là quan lại thì cách chức, trả về làng chịu sai dịch, là quân dân xử trị theo điều luật đáng bị tội.
2. Bắt được Đạo trưởng Tây dương thì xử chém đầu, bêu, quăng xác xuống sông. Nếu là con chiên người Tây và Đạo trưởng người bản quốc thì chém ngay; nếu là con chiên người bản quốc thì phát vãng tới đồn bảo vùng biên giới, trừ vùng biển.
3. Người tố cáo bắt được Đạo trưởng người Tây dương được thưởng 300 lạng bạc, Đạo trưởng người bản quốc thì thưởng 100 lạng.
4. Người chứa giấu Đạo trưởng và con chiên người Tây dương, nếu là tổng lý xử theo điều luật “chứa chấp người có tội”, phủ, huyện phạt trượng và cách chức; bố, án, đốc, phủ thì phân biệt giáng cấp lưu nhiệm; nếu là Đạo trưởng người bản quốc thì tổng lý phạt 100 trượng và bãi dịch; phủ, huyện phải giáng 2 cấp cho lưu lại; bố, án, đốc, phủ theo thứ tự giảm tội dần xuống. Ngoài ra đều theo luật đời Minh Mạng mà áp dụng.
Đoạn trên chỉ mới lược ghi về thái độ và hành động của các giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo gây xáo trộn trong một quốc gia có chủ quyền, chúng ta thấy đã không thể chịu được. Còn hành động tiếp tay của các giáo sĩ cho chính sách xâm lược thực dân của Pháp hoàng lại càng sâu xa, nham hiểm hơn. Trong văn thư gửi lên Pháp hoàng Napoléon III, linh mục Huc trình bày các mối lợi mà việc chiếm Việt Nam có thể mang lại cho Pháp. Lợi về chiến lược: “Đà Nẵng nằm trong tay người Pháp chắc sẽ là một hải cảng kiên cố và là một điểm quan trọng để chế ngự các vấn đề Đại dương Á châu”. Lợi về kinh tế và thương mại: “Vùng Cochinchine mầu mỡ có thể sánh được với các vùng giàu có nhất giữa hai miền nhiệt đới. Xứ đó rất thích hợp cho việc trồng trọt tất cả các sản phẩm thuộc địa. Các sản phẩm chính và phương tiện trao đổi hiện giờ của nó là: đường, gạo, gỗ, ngà voi… và cuối cùng là vàng, bạc mà các mỏ rất
phong phú đã được khai thác từ lâu”. Lợi về tôn giáo, tất nhiên: “Dân chúng hiền hòa, cần mẫn, rất dễ truyền đạo Thiên Chúa… Không phải mất nhiều thời gian để làm cho chúng hoàn toàn theo Thiên Chúa và trung thành với Pháp”. Vì thế về mọi phương diện, Nam Kỳ là đồn trạm thuận tiện nhất cho Pháp. Ngoài ra việc chiếm đóng xứ này là việc dễ nhất trên đời. Nước Pháp sẽ được coi như những người giải phóng và ân nhân. Tóm lại vì Pháp rất cần có một thuộc địa giàu, mạnh ở Đông Á, nên tuyệt đối cần chiếm Nam Kỳ, làm gấp chừng nào hay chừng ấy vì Anh cũng đã dòm ngó Đà Nẵng.
Giáo sĩ thứ hai cũng tha thiết với việc đánh chiếm Cochinchine là giám mục Pellerin. Ông đích thân về Pháp bệ kiến Pháp hoàng để thuyết phục bằng được nhà vua đánh chiếm Việt Nam và đoán chắc rằng nếu quân Pháp đổ bộ lên Đà Nẵng thì số giáo dân tại miền Trung sẽ nổi dậy hưởng ứng, hợp lực với quân Pháp tiến chiếm Huế, bắt vua Tự Đức và triều đình phải đầu hàng. Để thuyết phục vua Napoléon III và hoàng hậu - vốn là những con chiên ngoan đạo, ông trình bày sự cực khổ của các vị thừa sai và giáo dân bị đàn áp dã man tại Việt Nam. Do đó Pháp hoàng quyết định đánh Đà Nẵng, giao cho Đô đốc Rigault de Genouilly hiện đang chỉ huy đoàn tàu chiến của Pháp ở Viễn Đông toàn quyền hành động.
CHƯƠNG 2. THỰC DÂN PHÁP ĐÁNH CHIẾM LỤC TỈNH NAM KỲ
I. Quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định
Ngày 1-9-1858, Đô đốc Rigault de Genouilly đem 14 tàu chiến, 3.000 quân tấn công Đà Nẵng, bắn phá và chiếm 2 pháo đài An Hải, Điện Hải của ta. Quân Pháp tin vào lời hứa hẹn của Giám mục Pellerin, áp dụng chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”, tưởng rằng sẽ sớm triệt hạ được lực lượng kháng chiến của quân ta tại Đà Nẵng, thừa thắng xông lên, kéo thẳng ra Huế bắt ép vua Tự Đức đầu hàng, thiết lập nền bảo hộ của nước Pháp. Nhưng không ngờ quân ta đã anh dũng chiến đấu, không quản hy sinh, làm phá sản kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp.
Chiếm được mấy đồn ở Đà Nẵng, nhưng quân Pháp không sao nhích lên được vì sự chống đánh của quân triều đình và dân chúng quá quyết liệt. Lại gặp mùa mưa dầm suốt ngày đêm, quân lính phải ở trong các lều bạt, nằm trên bùn lầy, các loại bệnh vùng nhiệt đới như dịch tả, kiết lỵ, bệnh hoại huyết đã làm cho một phần quân viễn chinh tê liệt. Vì vậy Đô đốc Rigault de Genouilly quyết định chỉ để lại một bộ phận giữ các đồn đã chiếm được ở Đà Nẵng, đem đại bộ phận vào đánh Nam Kỳ, mà mục tiêu đầu tiên là Sài Gòn.
Do nhiều lần tàu buôn kiêm gián điệp của Pháp đi lại dọc bờ biển nước ta để do thám, thêm vào đó là những thông tin do các giáo sĩ Thiên Chúa giáo cung cấp, nhất là thông tin từ những người Pháp từng sang giúp Nguyễn Ánh và lưu lại Việt Nam một thời gian, am hiểu địa lý nước ta nay đã trở về Pháp
cung cấp, người Pháp từng biết Sài Gòn là trung tâm kinh tế rất quan trọng của xứ Nam Kỳ.
Quả thế, Sài Gòn là kho dự trữ lương thực và tiền thuế của cả Nam Kỳ, là nơi buôn bán sầm uất, thương thuyền các nước ra vào suốt ngày, là nơi xuất cảng gạo lớn nhất nước và cũng là nguồn tiếp tế gạo cho miền Trung, miền Bắc. Chiếm được Sài Gòn là có thể cướp đoạt được việc xuất cảng gạo và thu thuế, điều này sẽ là một đòn giáng mạnh vào triều đình Huế, lại có cơ hội xúi giục Cam Bốt nổi dậy chống Việt Nam, và bên kia sông Mê Kông vua Thái Lan nghe tiếng đại bác của Pháp gầm vang sẽ không dám cụ cựa. Về mặt tác chiến, Sài Gòn nằm trên bờ sông lớn mà tàu chiến có thể áp bờ để cho quân đổ bộ lên tấn công ngay, không cách xa như Đà Nẵng và Huế. Sài Gòn lại ở xa Huế, xa Trung Hoa, sự tiếp viện sẽ khó khăn và chậm, nhất là khi quân triều đình còn phải đối phó với số quân Pháp còn đóng lại Đà Nẵng. Chiếm được Sài Gòn, tàu chiến của Pháp sẽ dễ dàng theo dòng sông Mê Kông lên chiếm Cam Bốt và Lào một cách dễ dàng.
Ngày 2-2-1859, Đô đốc Rigault de Genouilly rời Đà Nẵng với một hạm đội do chiếc Phlégéton dẫn đầu mang cờ hiệu chủ soái. Đi theo sau có tàu Primauguet, các pháo hạm Alarme, Avalanche, Dragonne, các tàu vận tải Durance, Meurthe và Saône, tuần dương hạm Tây Ban Nha El Cano và một số tàu
chiến khác tổng cộng là 16 chiếc với 4 tàu buôn chở lương thực cùng 2.200 quân và dân phu.
Ngày 9-2-1859, đoàn tàu chiến Pháp vào đến vùng biển Vũng Tàu. Qua ngày hôm sau 10-2-1859, đoàn tàu bắt đầu theo dòng sông Lòng Tàu lên đánh thành Gia Định. Dọc con đường thủy này có nhiều pháo đài phòng thủ hai bên bờ. Muốn đi trót lọt, quân Pháp phải tiêu diệt cho được các pháo đài này.
Mở đầu cuộc đánh phá, quân Pháp nã đại bác vào đồn Phước Thắng bấy giờ do Lãnh binh Bùi Thỏa trấn đóng. Súng đại bác
của ta bắn trả kịch liệt. Nhưng vì hỏa lực của ta thua kém hỏa lực địch nên pháo đài bị hạ. Lãnh binh Bùi Thỏa phải lui quân đóng ở Bàu Trâm. Được tin phi báo, vua Tự Đức ra lệnh cho tỉnh thần Biên Hòa là Nguyễn Đức Hoan phái quân đi giữ Gành Rái, còn Bùi Thỏa thì tới hai đồn Phước Vĩnh thuộc Biên Hòa và Ông Nghĩa (Danh Nghĩa) thuộc Gia Định mà tùy tiện đóng quân ngăn giữ. Lại ra lệnh cho Đề đốc Gia Định là Trần Tri đem 150 quân đến tăng cường cho pháo đài Cần Giờ. Vì để mất pháo đài Phước Thắng nên về sau Bùi Thỏa bị cách chức.
Như vậy, sau khi pháo đài Phước Thắng bị hạ, triều đình cũng đã kịp thời điều động quân lính tăng cường cho các pháo đài còn lại để đối phó với quân địch, chứ không phải bó tay ngồi nhìn để cho chúng đi qua như chỗ không người. Chính vì có sự phòng thủ và chặn đánh đoàn chiến thuyền của Pháp dọc sông Lòng Tàu nên chỉ có một đoạn đường sông hơn 50 km mà quân Pháp phải dùng đến một tuần lễ mới qua được. Điều này không như một số nhà viết sử, vì không thích nhà Nguyễn mà mạnh miệng kết luận rằng vì không thích bọn “vua chúa sống phè phỡn” ở Huế mà quân lính không chịu chiến đấu, nên ta mới thua Pháp.
Cũng trong ngày 10-2-1859, quân Pháp hạ luôn pháo đài Gành Rái. Nguyễn Đức Hoan phải cho thêm quân tới tăng cường giữ pháo đài Tả Định*.
Tức đồn Cá Trê, nay thuộc phường Thủ Thiêm, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh.
Sang ngày hôm sau (11-2-1859), quân Pháp tiến đến bắn phá pháo đài Cần Giờ để mở cửa vào sông. Đạn đại bác trên tàu Phlégéton bắn lên đồn. Quân ta bắn trả. Nhưng cũng như ở
Phước Thắng, súng của ta không hiệu quả bằng súng địch. Đồn bị hạ. Quân ta lui dần về các đoàn phía sau. Từ đó cho đến ngày 15-2-1859 quân Pháp lần lượt hạ các pháo đài, theo tài liệu của Pháp là: Ông Già, Chà Là, Tắc Ráng, Tam Kỳ, theo tài liệu của ta là: Phước Vĩnh, Danh Nghĩa (Ông Nghĩa), Bình Khánh, Tam Kỳ (ngã ba Nhà Bè), Phú Mỹ. Hễ chiếm được đồn nào chúng phá tan đồn ấy, gỡ lấy súng đồng, đốt rào gỗ, phá tường thành. Chúng làm như vậy để khi chiến thuyền Pháp đi qua rồi thì dòng sông khỏi bị khép lại sau lưng. Người Pháp nhận xét: Người Việt Nam tự vệ mạnh mẽ, đường đạn của họ không phải là không chính xác. Tàu Dragonne bị trúng 3 phát đạn, tàu Avalanche bị trúng 7 phát.
Chiều ngày 15-2-1859, tàu chiến Pháp đến cửa ngõ thành Gia Định được bảo vệ bởi hai pháo đài lớn ở hai bên bờ sông Sài Gòn: Pháo đài Tả Định và pháo đài Hữu Bình. Pháo đài Tả Định (còn gọi là đồn Cá Trê) bấy giờ thuộc tỉnh Biên Hòa đã được tăng cường bởi quân của Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan và quân của Án sát Lê Từ và quyền Đề đốc Trần Tri từ thành Gia Định tới. Pháo đài Hữu Bình còn gọi là đồn Giao Khẩu hay đồn Rạch Bàng trên đất làng Khánh Hội tỉnh Gia Định, về sau người Pháp cải tạo thành pháo đài phía Nam (Fort du Sud) gần cầu Tân Thuận ngày nay.
Khi thấy tàu chiến Pháp xuất hiện, quân ta từ hai pháo đài bắn đại bác ra ngăn chặn. Quân Pháp từ các tàu chiến bắn trả. Quân hai bên đấu pháo kịch liệt. Chỉ một lát sau pháo đài Tả Định bị triệt hạ. Các khẩu pháo của ta bị phá hủy. Tàn quân phải rút chạy về Biên Hòa, còn Lê Từ, Trần Tri rút về thành Gia Định. Còn pháo đài Hữu Bình thì kháng cự mãnh liệt. Trên sông phía trước đồn, quân ta ken nhiều thuyền chở đầy thuốc súng và rơm khô, chờ đến nước ròng sẽ dùng kế hỏa công đốt
tàu địch. Quân Pháp thừa đêm tối và nước lên, tới đốt hết những thuyền hỏa công của ta, rồi đổ bộ lên công đồn. Quân ta vẫn cầm cự cho đến sáng hôm sau, đồn mới bị hạ.
Sau khi chiếm được hai pháo đài, quân Pháp triệt hạ pháo đài Tả Định. Còn pháo đài Hữu Bình rộng hơn, chúng giữ lại làm hậu cứ, có lẽ chúng nghĩ không dễ chiếm được thành Gia Định một cách nhanh chóng nên cần phải có một nơi làm hậu cứ để chiến đấu lâu dài. Chúng cho các tàu vận tải và tàu tiếp tế đậu lại đây, chiến hạm chỉ huy của Đô đốc Rigault de Genouilly cũng đậu lại, rồi cử Thiếu tá Jauréguiberry chỉ huy tiểu đoàn công binh, cùng Đại úy pháo binh Lacour cho quân đi thám thính, tìm hiểu tình hình nơi thành Gia Định. Về phía ta, thấy quân Pháp đã đến gần, trước sau gì thành cũng bị đánh, viên Hộ đốc là Võ Duy Ninh liền thông báo gấp cho các tỉnh lân cận đem quân tiếp viện.
Rạng sáng ngày 17-2-1859, tàu chiến Pháp tới đậu nơi sông Sài Gòn, đối diện với cửa Tiền thành Gia Định, nã đại bác vào thành rất chính xác để yểm trợ cho bộ binh lên bờ, theo con đường ngày nay gọi là đường Tôn Đức Thắng phía trước Thảo Cầm Viên, tiến gần lại chân thành. Các toán xung kích được chia thành nhiều mũi, nấp theo những ngôi nhà mà di chuyển.
Hai đại đội thủy quân lục chiến, các đại đội đổ bộ của tàu Phlégéton, tàu Primauguet và tàu El Cano cùng các lính công binh của Đại úy Gallimard, lập thành cánh quân thứ nhất, chỉ huy bởi Martin des Pallières. Cánh quân này có nhiệm vụ áp sát góc thành phía Đông Nam đang có hỏa lực của ta bắn ra. Quân Pháp bắn vào các ổ pháo của ta và chuẩn bị leo thành. Một đại đội xung kích Tây Ban Nha sẵn sàng ứng chiến để tăng cường cho cánh quân này. Ngoài ra quân Pháp còn có một tiểu đoàn dự bị dưới quyền chỉ huy của Trung tá Reynaud. Sau cùng một lực lượng Tây Ban Nha do Đại tá Lanzarotte chỉ huy và một nửa tiểu đoàn thủy quân sẵn sàng chạy tới để phóng những quả ô buýt vào chân thành.
Súng của Pháp bắn rất hiệu quả. Quân ta bị tấn công mạnh về hai phía sông, phải rời bỏ các công sự chiến đấu. Quân Pháp do Trung sĩ Martin des Pallières (Henri) dẫn đầu, xung phong vào thành. Tuy nhiên phía góc phải của thành hơn 1.000 quân ta dồn lại tiếp tục chiến đấu chống các đại đội quân Pháp đã tràn vào. Đại tá Lanzarotte được lệnh tiến theo phía Bắc sông Sài Gòn tức rạch Thị Nghè để chống lại lực lượng ta. Do đó quân ta chỉ cầm cự được đến 10 giờ thì phải rút khỏi thành, bỏ lại hầu hết đại bác, đạn dược, lương thực và hơn 100 chiến thuyền bằng gỗ trên sông Thị Nghè. Quyền Đề đốc là Trần Tri, Bố chánh là Vũ Thực, Lãnh binh là Tôn Thất Năng chạy tới đồn Tây Thới thuộc huyện Bình Long*. Hộ đốc là Võ Duy Ninh chạy đến thôn Phước Lý, huyện Phước Lộc* thắt cổ tự tử. Án sát Lê Từ cũng tự tử luôn.
Ở ngã ba Đồn, thuộc xã Tân Thới Nhì, gần thị trấn Hóc Môn hiện nay.
Nay thuộc huyện Cần Giuộc tỉnh Long An.
Trước đó, khi được tin cấp báo quân Pháp đã đến gần sát thành Gia Định, vua Tự Đức đã hạ lệnh cho Tuần phủ Hà Tiên là Nguyễn Công Nhàn đem 2 cơ quân Vĩnh Long và 1 cơ quân Định Tường đến tăng cường ngay cho thành Gia Định để phòng giữ, cho Chưởng vệ Chưởng đề đốc An Giang là Nguyễn Đình Thưởng lập tức đến Hà Tiên quyền lãnh phòng thủ thay Nguyễn Công Nhàn. Lại cho Thượng thư Bộ Hộ là Tôn Thất Cáp* làm Thống đốc tiễu bộ quân vụ đại thần, Bố chánh Quảng Ngãi là Phan Tĩnh làm Tham tán, Vệ úy hiệp lãnh thị vệ là Hoàng Ngọc Chung làm Tán tương, đem theo Lãnh binh quan là Nguyễn Văn Thăng, Vệ úy là Tôn Thất Điển đi đến ngay Gia Định để đánh giặc. Lại phái một vệ lính ở Trung bảo, 30 lính Cảnh tất doanh Thần cơ và lấy ở tỉnh Bình Định, tỉnh Quảng Ngãi mỗi nơi một vệ lính cho đi theo. Quân tăng viện mới đi được vài ngày thì thành Gia Định đã mất.
Tức là Tôn Thất Hiệp. Hiện nay có đường Tân Thất Hiệp ở Quận 11, TP. Hồ Chí Minh.
Trên đây là lệnh điều động quan quân của triều đình để chống giặc. Còn tại địa phương, sau khi nhận được tờ tư của Hộ đốc Võ Duy Ninh, Tổng đốc Long Tường là Trương Văn Uyển lập tức huy động binh thuyền dưới quyền, đem theo Lãnh binh Định Tường là Mai Điền đến cứu. Ngày 14 tháng Giêng âm lịch tức 17-2-1859, quân cứu viện đến nơi thì thành đang bị tấn công, bèn dàn ra phía bên phải ngoài thành ứng chiến. Khi thành bị hạ thì cánh quân này rút chạy về Vĩnh Long. Sau đó Trương Văn Uyển tâu xin tập họp binh dân trong tỉnh và tư cho các tỉnh láng giềng cùng tỉnh thần Gia Định cũ chiêu tập binh dân, định ngày đến đánh để chiếm lại thành Gia Định. Rồi tự mình đem lính Vĩnh Long 1.300 người, cùng Án sát là Lê Đình Đức, Lãnh binh là Tôn Thất Tuấn hợp với 800 quân và Phó lãnh binh Định Tường là Hoàng Mỹ đi đến Gia Định để hội nhau với Trần Tri, Vũ Thực, Tôn Thất Năng bấy giờ đã thu gom tàn quân đến đóng ở cầu Tham Lương thôn Thuận Kiều. Quân của Trương Văn Uyển đến chùa Mai Sơn* thì đóng lại. Đó là ngày mồng 2 tháng 2 âm lịch tức 6-3-1859. Quân Pháp liền chia thành hai đường tiến đánh tan đồn Tiền của bọn Đình Đức, rồi đánh tới đồn Trung Ương. Trương Văn Uyển trúng đạn bị thương, bèn cùng bộ hạ rút chạy về Vĩnh Long. Sau trận này Trương Văn Uyển bị giáng 4 cấp lưu. Còn Lê Đình Đức, Tôn Thất Tuấn, Hoàng Mỹ đều bị cách chức lưu dụng
Tức là chùa Cây Mai, nay thuộc Quận 11, TP. Hồ Chí Minh.
Trong vụ thành Gia Định thất thủ, có sự kiện sau đây đáng ghi nhớ. Đó là việc ông Trần Thiện Chánh nguyên là Tri huyện bị cách chức, người phủ Tân Bình hợp sức với viên suất đội bị sa
thải trước đây là Lê Huy tập họp dân dõng được 5.800 người tổ chức ngăn giữ tàn quân của Trần Tri vừa thoát ra khỏi thành để họ khỏi chạy tán loạn và hộ vệ họ về tới đồn Tân Thới. Được tin, vua Tự Đức ban khen và chuẩn cho hai người được phục nguyên hàm và cho đi theo quân thứ đánh giặc.
Vua Tự Đức cũng biết đại quân của Tôn Thất Cáp không thể đi nhanh được, mà tình thế của Gia Định thì như dầu sôi lửa bỏng, bèn cử Hiệp quản doanh Kỳ vũ là Hồ Nguyên đi Bình Định*, Cai đội là Lê Phúc Đông đi Khánh Hòa, Cai đội là Vũ Công Phẩm đi Bình Thuận, đều sung làm Hiệp quản vệ cơ các tỉnh ấy cùng với viên Quản suất cũ các tỉnh, đem mỗi tỉnh 500 tên lính đi nhanh đến Biên Hòa đợi điều khiển. Còn ba tỉnh ấy thì huy động dân dõng trong địa phương để phân đi canh giữ tại chỗ.
Có lẽ là đi Phú Yên, vì quân ở Bình Định đã có lệnh điều động đi theo đại quân của Tôn Thất Cáp rồi. Có thể lúc đó Phú Yên là đạo thuộc tỉnh Bình Định nên sử quan mới ghi như thế.
Mặt khác vua giục Tôn Thất Cáp, Phan Tĩnh đi gấp tới nơi quân thứ để bàn kế ngăn giặc. Cho Tán tương là Tôn Thất Dương lãnh Bố chánh sứ hộ lý Tuần phủ Biên Hòa thay Nguyễn Đức Hoan bị ốm*, Nguyễn Duy sung chức Tán lý quân vụ đạo Định Biên, Quản đạo Phú Yên là Nguyễn Hữu Hương, Hộ khoa chưởng ấn là Phạm Hoằng Đạt đi theo làm việc quân.
Chỉ mới mấy ngày mà đã phát ốm, có lẽ vì sợ quá chăng?!
Nhà vua lại ban dụ cho phép sĩ dân Nam Kỳ được họp đoàn dân phu, hoặc đi theo quân thứ, hoặc trực tiếp đánh giặc sẽ được trọng thưởng. Hưởng ứng lời dụ trên, nhiều người dân đã tự nguyện đóng góp cho kháng chiến. Chẳng hạn như ở tỉnh Định Tường có Trần Văn Ngọ, Nguyễn Văn Cẩm, Lê Văn Học, Từ Thị Để; ở Vĩnh Long có Hồ Viết Hựu, Nguyễn Lễ, Nguyễn Thị Sâm, Đặng Phương Chính, Trần Phong, Trần Khoa; ở Gia Định có bọn Lý Dương quyên góp sắt, tiền, gạo; ở Biên Hòa có Khang Văn Định, Trần Văn Thư, Trần Nghĩa Lợi, Trần Duy Thanh, Nguyễn Văn Thai, Nguyễn Văn Lịch được vua ban thưởng áo lụa màu, ngân tiền có thứ bậc khác nhau và tấm biển đề bốn chữ “Hiếu nghĩa khả phúng”*.
Nghĩa là: Thích làm việc nghĩa đáng khen.
Nhắc lại quân Pháp sau khi chiếm được thành Gia Định vào lúc 10 giờ, đến trưa các lực lượng đổ bộ và hậu cần rút xuống tàu, còn lực lượng tác chiến chia nhau chiếm đóng các tòa nhà trong thành. Lực lượng này gồm quân Pháp và quân Tây Ban Nha. Thiếu tá Jauréguiberry được cử làm sĩ quan chỉ huy lực lượng chiếm đóng.
Chiến lợi phẩm thống kê được gồm có:
200 khẩu đại bác bằng gang và bằng đồng;
1 hải phòng hạm;
8 thuyền chiến đang trong xưởng;
20.000 vũ khí cầm tay gồm: gươm, giáo, lao, súng trường, súng lục;
85.000 kg thuốc súng;
Nhiều đống đạn, phóng lựu;
Quân trang quân dụng;
Nhiều kho gạo đủ nuôi 7, 8 nghìn người trong một năm; 1 tủ két đựng tiền trị giá 130.000 đồng quan Pháp.
Sau khi chiếm được thành Gia Định thì vừa xẩy ra cuộc chiến tranh của liên quân Anh - Pháp trên đất Thượng Hải bên Trung Hoa khiến Đô đốc Rigault de Genouilly phải rút bớt quân ở Gia Định để tăng cường cho mặt trận mới. Số quân còn lại ít, không đủ sức bảo vệ một tòa thành quá lớn. Nếu rút quân ra khỏi thành mà vẫn để nguyên thành thì chắc chắn quân Việt Nam sẽ chiếm lại, rất bất lợi về sau. Vì vậy bắt buộc phải phá thành.
Ngày 8-3-1859, tức là chưa được 20 ngày sau, Đô đốc Rigault de Genouilly ra lệnh triệt phá thành. Quân Pháp cho đặt mấy chục ổ thuốc nổ dưới chân thành để cho nổ sập nhiều mảng lớn, đốt hết các dinh thự, kho tàng bên trong, kể cả kho lúa gạo.
Về số lúa gạo bị đốt, có sách ghi trị giá trên 3 triệu quan Pháp (3.000.000 francs) và thuật lại rằng có nhóm người Hoa trong Chợ Lớn đưa đề nghị xin mua, trả giá đến 8 triệu quan (8.000.000 francs), nhưng Đô đốc không chấp nhận, sợ rằng số lúa này không may lại lọt vào tay quân lính Việt Nam thì khác nào giúp giáo cho địch quân. Thôi đành đốt bỏ. Ba năm sau, năm 1862, lửa đốt lúa gạo vẫn còn cháy ngấm ngầm. Ông Charles Lemire thuật lại rằng: Ngày 27-1-1862 ông có thí nghiệm bằng cách thọc cây gậy cầm tay vào đống tro tàn, khi rút gậy ra thì đã cháy thành than. Ôi! Trải qua hai mùa mưa nắng của trời Gia Định mà đống lửa không tắt được, đủ biết số mồ hôi nước mắt của nhân dân Nam Kỳ Lục tỉnh trong bao năm trở thành mây khói vì sự hèn kém của tướng lãnh và quân lính nhà Nguyễn!
Phá xong thành, quân Pháp rút xuống tàu, trở lui xuống củng cố đồn Hữu Bình làm căn cứ đóng quân. Từ đó đồn Hữu Bình được người Pháp gọi là Pháo đài phía Nam (Fort du Sud). Quân số của chúng lúc đó không quá 600 tên. Văn phòng làm việc của cấp chỉ huy vẫn để trên tàu đậu dưới sông. Đóng quân tại đây chúng vẫn không được yên ổn. Đêm đêm chúng vẫn bị những toán nghĩa quân tập kích, mất ăn mất ngủ. Sách Lịch sử quân sự Đông Dương còn ghi một trận đánh quan trọng của nghĩa quân vào đêm 21-4-1859, quân Pháp trong đồn Hữu Bình bị thiệt hại nặng.
Bấy giờ lực lượng của ta chủ yếu đã rút qua bên kia sông Sài Gòn, đóng trên địa bàn tỉnh Biên Hòa, hoặc lên vùng Tân Tạo thuộc huyện Tân Long, hằng đêm vượt sông vượt rạch tập kích quân Pháp. Vì vậy trong tháng 3-1859 hai chiến hạm Persévérance và Rhin chở đầy quân Pháp ngược sông Sài Gòn nổ súng vào đồn binh của quân ta ở trên đồi cao gần bờ sông thuộc huyện Bình An tỉnh Biên Hòa*. Sau đó quân Pháp đổ bộ lên đánh chiếm huyện lỵ Bình An ở thôn Phú Cường, đốt phá tan tành rồi rút lui.
Nay là bến Bạch Đằng, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
II. Quân Pháp đánh đồn Phú Thọ
Như trên đã nói, đại quân của Tôn Thất Cáp đi mới được 2 ngày đường đã nhận được tin thành Gia Định thất thủ. Có lẽ Tôn Thất Cáp cho rằng thành Gia Định kiên cố, quân lính đông, binh khí nhiều mà thất thủ một cách mau chóng như thế, chắc là binh lực của Pháp mạnh lắm. Có ý sợ. Nhưng với chức trách nặng nề được vua giao phó, không thể không thẳng tiến vào Nam Kỳ. Nhưng ông cho dừng quân tại Biên Hòa, không tiến đánh quân Pháp, ngồi chờ kết quả của thương thuyết. Vua phải nhắc nhở mấy lần, thế chẳng đặng đừng ông phải đưa quân vào Gia Định, nhưng chọn một nơi hơi xa phòng tuyến địch để hạ trại đóng quân. Đó là làng Phú Thọ, huyện Tân Long.
Sở dĩ làng Phú Thọ được chọn làm nơi đóng quân vì đây là vùng đất cao, ở xa các sông rạch, xa nơi đóng quân của Pháp, vì lúc đó Pháp đã bỏ thành Gia Định rút xuống đóng trong thành Hữu Bình, cách Phú Thọ trên 10 km. Nếu bị quân Pháp tấn công mà không thể giữ được, có nhiều ngả đường rút lui an toàn, qua địa bàn huyện Bình Long, vượt sông Sài Gòn qua bên kia huyện Bình An thuộc Biên Hòa, hoặc theo đường Thiên lý phía Tây đi lên vùng Quang Hóa, núi non rừng rậm giáp nước Chân Lạp, hoặc theo đường Thiên lý phía Nam hay sông Bảo Định đi xuống Định Tường, Vĩnh Long.
Tôn Thất Cáp cho xây dựng 3 tòa đồn theo cách thức cổ truyền của ta. Đồn chính hay đồn Trung Ương ở giữa, bên trái một đồn gọi là đồn Tả, bên phải một đồn gọi là đồn Hữu. Đồn được bao quanh bằng một bức thành bằng đất, mặt ngoài thành cắm chông và trồng tre gai. Ngoài thành có hào do đào lấy đất đắp thành. Trên mặt thành là nơi đứng chiến đấu của quân lính với các loại súng điểu thương, súng đại bác, gươm, giáo, mã tấu và các loại khí tài chiến tranh như các chất dễ cháy, các nồi
nước đun sôi. Trong thành là các dinh thự, doanh trại, kho tàng. Đồn Tả giao cho Tham tán Phan Tĩnh trấn đóng. Đồn Hữu giao cho Tán tương Hoàng Ngọc Chung chỉ huy. Còn Tôn Thất Cáp đóng ở đồn Giữa. Bao quanh phía ngoài có các đồn ngoại vi do lính đồn điền và lính dõng đóng.
Khi Tôn Thất Cáp kéo quân đến làng Phú Thọ thì các quan tỉnh Gia Định còn sống sót là bọn Bố chánh Vũ Thực, Đề đốc Trần Tri, Lãnh binh Tôn Thất Năng cũng quy tụ đám tàn quân và số nghĩa quân do Trần Thiện Chánh và Lê Huy tuyển mộ đến trình diện và chịu thuộc quyền sai phái. Tỉnh đường Gia Định tạm đóng tại đó để chờ chọn địa điểm tâu xin. Tháng 7 năm Kỷ Mùi (8-1859), Tôn Thất Cáp tâu xin dời tỉnh đường Gia Định đi nơi khác, nhưng vua không cho. Đến tháng Giêng năm Canh Thân (2-1860) do lời bàn của đình thần, vua Tự Đức chấp nhận cho lập tạm tỉnh đường Gia Định tại thôn Tân Tạo, huyện Tân Long.
Công việc xây dựng đại đồn Phú Thọ phải mất 2 tháng mới xong, mà không hề bị quân Pháp quấy phá, ngăn cản. Vì lúc đó quân số của chúng ở Gia Định chỉ còn lại khoảng 600 tên (đa phần bị đau ốm) số khác còn phải đóng giữ ở Đà Nẵng, còn phần lớn quân đã được đem qua Trung Hoa tham chiến với quân Anh. Để chống lại những cuộc đột kích của quân ta, chúng chỉ lập phòng tuyến ở phía Tây bằng cách đánh chiếm chùa Khải Tường*, chùa Kim Chương, miếu Hội Đồng và miếu Hiển Trung (ở thành Ô Ma*), chùa Kiểng Phước* và chùa Cây Mai ở thôn Phước Lâm*.
Trên đường Lê Quý Đôn ngày nay
Đường Nguyễn Trãi ngày nay
Gần trường Hồng Bàng ở Chợ Lớn
Bên đường Hồng Bàng, Quận 11 hiện nay
Phòng tuyến này được chúng gọi là “Phòng tuyến các chùa” (Ligue des Pagodes). Để xây dựng phòng tuyến, chúng phải bắt dân tại địa phương phục dịch. Rất bất lợi cho chúng là phần lớn dân của gần 40 thôn ở vùng Bến Nghé và Chợ Lớn đã thực hiện vườn không nhà trống, tản cư ra các thôn xung quanh, tham gia kháng chiến, bất hợp tác với chúng. Do đó chúng không đủ nhân công để hoàn thành phòng tuyến dài gần 10 km. Có nhiều đoạn xây dựng còn dở dang, đứt khúc. Ban đêm quân ta dễ dàng lọt qua phòng tuyến vào hoạt động ngay trong lòng địch.
Theo tài liệu của Pháp có cuộc đụng độ giữa quân Pháp và quân của Tôn Thất Cáp xẩy ra ngày 10-4-1859 ở một nơi gần Cầu Tre. Sáng hôm đó, có một toán tuần tiễu kỵ binh (cavaliers) của Pháp khởi đi từ đồn Cây Mai. Phía quân ta cũng có một toán khởi hành từ sáng sớm từ đồn Tiền men theo đường mòn đi về phía Chợ Lớn. Quân ta nghe tiếng di chuyển của quân Pháp, nhưng vì sương mù không thấy được, bèn nấp vào bụi rậm mai phục. Khi quân Pháp xuất hiện gồm 10 tên vừa Pháp vừa Ma Ní, Quân ta nổ súng. Một tên địch trúng đạn ngã xuống. Số còn lại bắn vào quân ta. Quân ta phải bỏ chạy về đại đồn Phú Thọ, để lại trên chiến địa 10 xác chết, trong đó có Quản Thoại là người chỉ huy. Một quân ta tên là Cai Cóc bị 2 tên lính Pháp đuổi theo. Khi chúng chạy đến sát, ông liền quay lại đâm chết một tên. Tên kia liền rút súng lục bắn, ông trúng đạn hy sinh. Cuộc giao chiến chỉ diễn ra trong nửa giờ thì chấm dứt. Quân Pháp rút lui mang theo các xác chết.
Sau đó Tôn Thất Cáp vẫn án binh bất động. Vua Tự Đức được tin quân Pháp có ý rục rịch đánh lan ra xung quanh, mà tướng sĩ ở quân thứ cứ đóng cửa đồn lại, không chịu đánh đuổi giặc. Tôn Thất Cáp lại có ý chủ hòa, nên việc gì cũng che lấp đi, không tâu đúng sự thật. Vua bèn cử Tham biện các vụ là Hoàng Văn Tuyển đem tờ dụ đi ngay tới quân thứ Gia Định hỏi xét tình hình, chuyển lời vua quở và hỏi ý kiến thế nào đến nỗi
chậm chạp, không làm nên việc. Lại xem thế giặc cùng tình hình quân dân lập tờ trình về trước. Văn Tuyển đến quân thứ, làm tờ tâu 4 việc nên làm:
1. Xin đặt đồn ở phủ Tân Bình cũ* chặn đường giặc vào sông và đắp lũy.
Phía Cầu Kho trên bờ rạch Bến Nghé.
2. Xin giảm bớt nha ít việc (như các nha đồn điền) để bỏ sự phiền nhũng.
3. Xin trích dân dõng tỉnh ấy cùng lính đồn điền sai phái tuần phòng, cùng là làm công việc sửa đắp. Còn bọn giản binh, chiến tâm thì hàng ngày chuyên luyện tập cho được tinh tường.
4. Xin trích tiền quyên của tỉnh ấy cấp thêm cho các hàng binh dõng.
Ôi! Buồn thay! Điều mà vua Tự Đức muốn biết là tình hình địch thế nào, vì sao quân thứ có mấy nghìn quân trong tay lại không thể đến nhổ cái đồn Hữu Bình chỉ còn chưa đầy 600 lính Pháp, tờ tâu lại không đả động đến! Quan chức cấp cao mà trình độ non kém như thế, tránh sao không khỏi mất nước!
Việc gì phải đến đã đến. Ta không tìm đánh chúng thì chúng tìm đánh ta. Buổi sáng ngày 16-4-1860* đại bác của quân Pháp từ phía đồn Cây Mai nổ rền vang, rồi chúng tiến đánh đồn Hữu. Chúng dễ dàng san bằng các đồn nhỏ ở ngoại vi do lính đồn điền và lính dõng trú đóng, vì bọn lính này không quen đánh trận, sợ hãi tan chạy cả. Nơi đồn Hữu, Tán tương Vệ úy hiệp lãnh Thị vệ Hoàng Ngọc Chung cố sức chỉ huy quân lính đánh trả kịch liệt, bị trúng đạn vào trán hy sinh. Tàn quân bỏ chạy về đồn Trung Ương.
Tài liệu của Pháp chép trận này vào tháng 4-1860, nhưng sử ta lại chép trận này vào tháng 4-1859.
Chiếm xong đồn Hữu, quân Pháp tiến đánh đồn Tả. Đồn này do Tham tán Bố chánh Quảng Ngãi là Phan Tĩnh trấn giữ, chỉ huy quân lính chống đánh rất dũng cảm. Chẳng may ông trúng đạn bị thương, phải bỏ vị trí rút cả về đồn Trung Ương. Quân Pháp lại tiến đánh đồn Trung Ương. Tôn Thất Cáp với Vệ úy Tôn Thất Điển đốc thúc quân lính đánh trả quyết liệt, chém và bắn chết được nhiều tên*. Bên ta cũng có nhiều thương vong, nhưng vẫn giữ được phòng tuyến. Đến 3 giờ chiều, quân Pháp rút về đồn Hữu. Bố chánh Gia Định là Tôn Thất Dương chỉ huy quân ta đuổi đánh quân Pháp đến đồn Hữu. Quân Pháp đốt đồn Hữu rồi rút về đồn Cây Mai. Tại bờ thành đồn Trung Ương có 5 xác quân thủy của Pháp bị giết khi chúng cố tìm cách vào trong thành. Quân ta bèn đem chúng tới vất ở một gò đất nhỏ ở gần nơi gọi là Mật Cật.
Theo tài liệu của Pháp thì đến vài chục tên.
Cùng ngày Tôn Thất Cáp tâu về Huế. Được tin, vua truy tặng Hoàng Ngọc Chung hàm Chưởng vệ, cấp cho gấm 1 cây, lụa 5 tấm, vải 10 tấm, bạc 80 lượng. Thưởng Tôn Thất Điển hàm Vệ úy. Còn đều thưởng cho có thứ bậc khác nhau. Người bị thương, người tử trận đều tặng hàm và cho tiền tuất. Cho Phan Tĩnh 5 chỉ sâm Cao Ly, phái thầy thuốc đem thuốc đến ngay điều trị. Bọn Tôn Thất Cáp để cho quân Pháp đánh vào đồn đều bị giáng. Bấy giờ vua cử thêm Nguyễn Duy vào tăng cường bộ phận chỉ huy ở quân thứ. Còn bọn cựu quan chức tỉnh Gia Định là Lãnh binh Nguyễn Tài, Đề đốc Trần Tri, Bố chánh Vũ Thực, Lãnh binh Tôn Thất Năng bị bắt trói giải về kinh giao Bộ Hình nghiêm bàn xử tội vì để mất thành Gia Định. Sau đều được tha do cố sức làm việc chuộc tội.
Vì bị giáng chức sau trận này, Tôn Thất Cáp cố gắng mở trận đánh vào phòng tuyến của Pháp ở chùa Cây Mai và miếu Hội Đồng, nhưng đều thất bại. Do trận thua này, 28 viên Hiệp quản trong đó có Đặng Điền bị cách chức, phải cố sức làm việc; 6 viên Suất đội trong đó có Vũ Đặc, Thương biện là Trần Xuân Hòa giáng 4 cấp, 40 viên Hiệp quản trong đó có Lê Nghĩa bị phạt 100 trượng.
Phan Tĩnh sắp lành vết thương, vua ban thêm cho các thứ thuốc và bạc lượng, chuẩn cho vẫn sung chức Tham tán quân thứ Gia Định, trù liệu phương lược đánh giặc. Bổ Tả thị lang Bộ Lại là Đỗ Quang làm Bố chánh tỉnh Gia Định trú đóng ở tỉnh lỵ mới thôn Tân Tạo. Nhà vua lại tăng cường cho quân thứ Gia Định bằng cách cho Vệ úy là Hồ Hóa gia hàm Chưởng vệ, lãnh Thủ hộ phó sứ là Tôn Thất Trĩ thăng thụ Hồng lô tự khanh cùng đi.
Như trên chúng ta đã thấy tướng soái nhút nhát như thế, quân lính làm sao có tinh thần chiến đấu cao. Số biền binh đi theo có nhiều tên bỏ trốn. Vua phải xuống dụ dạy bảo khuyến khích. Lại định lệ xử phạt lính trốn như sau: mới trốn một lần bắt
được thì dùi thủng dái tai, lấy tên nỏ cắm vào, đem đi rêu rao các doanh, đánh ngay 100 trượng, vẫn sung vào đội ngũ cũ. Trốn đến lần thứ hai, bắt được thì lập tức đem chém. Nếu biết tự thú thì lần đầu tha tội, lần thứ hai đánh trượng, cắm tên nỏ vào dái tai, đem rêu rao các doanh, lần thứ ba thì chém. Bọn quản suất tên lính trốn ấy kiềm thúc không nghiêm ngặt, đều theo tội nặng nhẹ mà xử trị.
Tôn Thất Cáp cũng tâu: Thuộc vào quân thứ có đến 6 cơ lính đồn điền gồm 1.000 tên, lính nghĩa dõng có 5 cơ gồm 2.500 tên. Số lính này được bố trí đóng vòng ngoài, chợt khi có mặt chợt khi lại bỏ trốn, do đó con số nêu lên chỉ là hão huyền. Nay đương vụ làm ruộng, xin lưu lại lính đồn điền 500 tên, lính nghĩa dõng 1.250 tên cho đủ sai phái, còn thì cho về làm ăn. Vua y cho.
III. Quân Pháp muốn điều đình
Tuy đã đánh chiếm được thành Gia Định, nhưng quân Pháp vẫn không được yên ổn. Phần vì bị nghĩa quân đêm đêm đến đột kích; phần vì dân chúng thực hiện chính sách vườn không nhà trống nên dù quân Pháp dùng tiền tịch thu được trong thành để trả giá rất cao nhưng thực phẩm vẫn khan hiếm. Mặt khác quân Pháp vẫn không được những người theo đạo Thiên Chúa ủng hộ như các giáo sĩ đã nói. Trong một bức thư gửi về Bộ Hải quân, Đô đốc Rigault de Genouilly viết: “Xung quanh chúng ta là những làng Thiên Chúa, đáng lẽ họ phải tỏ ra nồng nhiệt đối với chúng ta. Cứ qua kết quả mà xét, sự nồng nhiệt đó đã không có, việc này cũng thêm một trong các nhận định sai lầm xung quanh vấn đề Nam Kỳ. Chính phủ này không yếu, không thiếu tổ chức như người ta thích trình bày. Về mặt này cũng như về mặt khác, các con chiên không giúp đỡ chúng ta, và luôn luôn đứng bên lề, rõ ràng là họ đã có định kiến”*.
Văn thư ngày 28-2-1859 thư khố quốc gia (tài sản Hải quân) BB4.769 được Cao Huy Thuần nhắc lại trong luận án “Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt
Nam”, tlđd, tr. 105, 109. Qua đó chúng ta thấy rằng, trừ một thiểu số mù quáng, đại đa số đồng bào theo đạo Thiên Chúa là do tín ngưỡng. Họ vâng lời các vị thừa sai là do đức tin, chứ bản chất của họ vẫn là những người yêu nước, không tán thành sự xâm lược của người Pháp. Các vị thừa sai đã lầm khi nhận xét về họ.
Nghiêm trọng nhất là quân Pháp không thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt của vùng nhiệt đới. Các loại bệnh dịch tả, dịch hạch, sốt rét ngã nước đã làm cho binh lính của chúng điêu đứng. Vì vậy quân Pháp muốn có một giải pháp hòa bình cho vấn đề Việt Nam nói chung, Nam Kỳ nói riêng bằng con đường thương thuyết. Về phía triều đình Huế cũng như quân thứ và quan chức Gia Định cũng muốn dùng thương thuyết bằng phương tiện tài chính để đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, vì nghĩ một cách đơn giản rằng chúng đến đây là chỉ vì lợi vật chất, được bù đắp đầy đủ vật chất chúng sẽ thỏa mãn và ra đi. Quan niệm ngây thơ đó đã được chính vua Tự Đức nói ra với hai cận thần là Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản: “Trước kia trẫm nghĩ là người Tây dương đến Gia Định, đã no chán thỏa thích rồi, thì tất rút lui”.
Trong vấn đề thương thuyết, cái khó khăn nhất là vấn đề thông dịch. Bấy giờ người Pháp chỉ kiếm được người thông dịch trong số các nhà truyền giáo là những người nước ngoài duy nhất biết được tiếng Việt, do đó họ sẽ đóng vai trò chính trị mà người Pháp và cả triều đình Huế không hay biết đến. Họ phản đối việc thương thuyết nên tất nhiên khi thông dịch cho các cuộc tiếp xúc giữa đại diện triều đình và đại diện quân viễn chinh, họ sẽ xuyên tạc các ý kiến bất lợi cho nhiệm vụ truyền giáo của họ mà cả đôi bên đều không biết. Chính Thiếu tá Jauréguiberry chỉ huy đồn Pháp tại Sài Gòn cũng nói với Đô đốc Rigault de Genouilly rằng: “Chúng ta sẽ ít lầm lẫn hơn, chúng ta sẽ đạt kết quả mau hơn và rõ ràng hơn, nếu chúng ta có những người thông dịch không phải là các người truyền đạo. Họ cáo buộc tôi đầy thành kiến, hay đầy ác ý, nhưng tôi sẽ nghĩ rằng tôi sẽ không xứng đáng với lòng tin cậy của Ngài, nếu tôi không nói thẳng với Ngài rằng, theo ý tôi, các tu sĩ truyền đạo ở Nam Kỳ đã hy sinh quyền lợi nước Pháp cho tư kiến của họ”.
Vì vậy cuộc thương thuyết bị gián đoạn. Đến tháng 10-1859, Đô đốc Rigault de Genouilly bị bệnh phải về Pháp điều trị, Phó Đô đốc Page lên thay. Khi đến nhận nhiệm sở, ông được lệnh đừng có kế hoạch nào tấn công Huế, rút khỏi Đà Nẵng, dồn quân vào
Sài Gòn để cố trụ vững với một quân số ít ỏi để chờ thương thuyết. Xem xét tình hình ông thấy không thể tiếp tục chia quân ra giữ cả hai nơi cách xa nhau hàng ngàn dặm mà một sớm chiều có thể bị tiêu diệt ở một nơi hay cả hai nơi. Vả lại khi ấy cuộc chiến tranh Pháp - Áo tại miền Bắc nước Ý vừa
chấm dứt thì cuộc chiến tranh giữa các cường quốc tư bản Âu châu với Trung Hoa lại bắt đầu. Năm 1860 cũng là năm Pháp can thiệp vào Syrie, xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế Page không hy vọng được tăng viện từ Pháp để tồn tại vừa ở Đà Nẵng vừa ở Sài Gòn, đừng nói gì đến việc đánh chiếm thêm đất.
Tháng 3-1860, Phó Đô đốc Page chấm dứt cuộc chiếm đóng 19 tháng ở Đà Nẵng, đốt hết doanh trại ở ba đồn Trà Sơn, An Hải, Điện Hải, đem hết binh lính, chiến thuyền và 3.000 giáo dân Thiên Chúa giáo vào Sài Gòn. Quân số của Pháp bấy giờ ở Sài Gòn là 800 tên, trong đó có 200 tên lính Tagal người Philippines, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Hải quân D’Ariès, với sự hỗ trợ của quan năm Tây Ban Nha là Palanca Gutierrez. Với số quân này, Phó Đô đốc Page quyết định hành động, đánh thăm dò hòng mở rộng địa bàn chiếm đóng ở Nam Kỳ.
Việc đầu tiên mà ông cho thi hành là trở lại chiếm đóng khu vực thành Gia Định cũ. Bấy giờ cơ sở nhà cửa của trường thi Gia Định ở thôn Hòa Nghĩa còn nguyên vẹn, quân Pháp dùng
làm hành dinh tạm trong thời gian xây một cái đồn tạm ở phía Đông Bắc thành cũ trên địa bàn thôn Tân Khai, gần trại thủy quân và cũng gần sông Sài Gòn để việc liên lạc hỗ trợ giữa quân thủy và quân bộ được dễ dàng. Bờ thành bao quanh đồn được đắp bằng đất, nên dân chúng quen gọi là “ Đồn Đất”. Về sau, chúng xây thành bằng gạch, các dinh thự bằng gạch ngói ở vị
trí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay mà trong bản đồ chúng thường ghi chữ “Polygone de l’ Infanterie”. Đồn Đất bị phá và xây lên đó một bệnh viện quân y gọi là Hopital Militaire, sau được đặt tên là Hopital Grall, nhưng dân chúng quen gọi nhà thương Đồn Đất*.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay.
Sau những trận đánh thăm dò ít hiệu quả, theo lệnh của Paris, Phó Đô đốc Page nối lại liên lạc với quân thứ Gia Định, cho người đưa dự thảo hòa ước và trực tiếp thương thuyết, mới vỡ lẽ ra tại sao triều đình Huế phải chống đến cùng mọi điều kiện liên quan đến những người truyền giáo. Đó là vì những hành động trong quá khứ cũng như hiện nay của những nhà truyền giáo là xúi giục giáo dân nổi loạn, không tuân thủ pháp luật của triều đình, bắt ép thanh niên theo đạo. Họ ủng hộ các bọn giặc cướp đốn mạt nhất chống lại triều đình. Với tình trạng đó nếu triều đình không kịp ngăn chặn, triều đình và xứ sở này sẽ bị tiêu diệt trong nay mai. Bản dự thảo hòa ước mà Phó Đô đốc Page đưa ra gồm có 11 khoản như sau:
1. Nước Phú Lang Sa cùng nước Đại Nam giao hiếu với nhau muôn năm, để tỏ nghĩa lớn.
2. Nước Phú Lang Sa nếu có quốc thư thì đến Đà Nẵng đi đường bộ đệ đến kinh.
3. Nước Đại Nam nếu giao hiếu với nước nào thì nước Phú Lang Sa cũng coi là nước anh em.
4. Những người nước Đại Nam lần này làm thuê cho nước Phú Lang Sa đều xin khoan tha cả.
5. Nước Phú Lang Sa cùng nguyên soái nước Đại Nam cùng ký tên đóng ấn vào tờ hòa ước rồi, thì thuyền quân nước Phú Lang Sa lập tức rút ra khỏi cửa biển.
6. Dân đạo Gia Tô làm bậy thì chiếu luật trị tội; yên phận giữ phép thì không được bắt giữ xét hỏi và xâm phạm đến của cải.
7. Bắt được đạo trưởng của nước Phú Lang Sa, xin đừng gông khóa giết chết, giao trả nước ấy nhận đem về.
8. Thuyền nước Phú Lang Sa đến thông thương ở các cửa biển, người coi đồn biển không được ngăn trở và yêu sách ngoại lệ.
9. Xin cấp cho nước Y Pha Nho một bản hòa ước. 10. Cho đạo trưởng nước Phú Lang Sa đi lại đến những xã dân theo đạo Gia Tô để giảng đạo.
11. Xin cho sứ quan nước Phú Lang Sa đến ở bờ biển lập phố thông thương.
Quan ở quân thứ bác bỏ 3 khoản cuối, chấp nhận 8 khoản trên xét thấy không có gì nguy hại, bèn lập biên bản giao cho phái viên Pháp đem về. Bản dự thảo hòa ước được quân thứ cho chuyển đệ về triều. Vua cho đình thần hội bàn, có ý kiến khác nhau, có ý kiến giống nhau. Cuối cùng vua phán: “Các quan ở quân thứ đã tạm chấp thuận 8 điều, trong đó điều thứ 6 tạm theo được; nhưng cần cho bọn dân đạo ấy chỉ có bấy nhiêu người thôi, ai già chết thì thôi không điền thêm người khác. Trái thế thì trị tội. Về điều thứ 7, nếu xét ra nó không dụ dỗ người ngoài, cũng không làm bậy việc gì thì chấp nhận được. Nếu còn chiêu dụ người khác thì cũng là can phạm phép nước thì trị tội không tha. Điều thứ 8 ta vốn không yêu sách khắc nghiệt gì, nhưng khi mua bán xong thì phải trở về ngay, không được ở lâu và phải theo pháp luật nước ta. Còn 5 điều nữa không quan ngại gì lắm chấp nhận được. Về điều thứ 9, chuẩn cho quan Thống đốc quân thứ liệu lượng cấp cho. Còn 2 điều cuối cùng thì lấy lẽ bác đi”.
Rất khôn khéo, Page cố tự tách rời ở một chừng mực nào đó khỏi các người truyền giáo khi tuyên bố rõ ràng với các đại diện Huế là ông ta không hề đến để làm đảo lộn trật tự đã có ở Nam Kỳ, hoặc dùng sức mạnh áp đặt lên dân chúng một triều đình này, một triều đình nọ hay một tôn giáo này, tôn giáo nọ. Tuy có những lời tuyên bố mạnh mẽ đó của phía Pháp, triều đình Huế vẫn không nhượng bộ. Cuộc thương thuyết lại gián đoạn.
Vừa gặp lúc cuộc chiến tranh của liên quân Anh - Pháp ở Trung Hoa kết thúc bằng Hiệp ước Thiên Tân, Phó Đô đốc Charner được cử thay thế Page, điều quân từ Trung Hoa về Sài Gòn, quyết chiếm trọn Nam Kỳ. Quyết tâm này đã được Charner phát biểu trong thư đề ngày 22-12-1860 gửi Bộ Hải quân như sau: “Nếu chúng ta muốn đứng vững chắc ở Nam Kỳ và tạo ra ở
đây một trung tâm buôn bán quan trọng, chúng ta không thể chỉ chiếm Sài Gòn thôi, quyền lợi chúng ta đòi chúng ta bành trướng giao dịch ra toàn xứ Nam Kỳ là xứ có những tỉnh phì nhiêu và giàu có nhất trong toàn vương quốc. Tại sao vậy? Vì rằng sự hoạt động của Pháp giới hạn chung quanh các vùng phụ cận Sài Gòn, sự kiểm soát của quân đội và chính quyền Việt Nam trên các thương gia, người sản xuất sẽ luôn luôn ngăn chặn không cho gạo và các hàng hóa khác đến tận tay người Pháp và di chuyển trên sông Sài Gòn”. Tổng số sĩ quan và binh lính của Pháp là 2.200 tên, trong đó có 800 lính Tagal. Ngoài ra còn có 600 người Trung Hoa được tuyển mộ ở Quảng Đông đưa sang phục vụ hậu cần. Bấy giờ bên Pháp, Chasseloup Laubat, một tên trùm thực dân, lên thay Hamelin làm Thượng thư Bộ Hải quân. Do đó chính sách của Pháp đối với Nam Kỳ bước sang khúc quanh khác. Nước Pháp quyết chiếm Nam Kỳ để làm thuộc địa.
IV. Quân Pháp đánh đồn Chí Hòa
Như trên đã nói, từ sau trận quân Pháp đánh đồn Phú Thọ, lực lượng của ta do Tôn Thất Cáp làm Tổng thống quân vụ đại thần chỉ huy, án binh bất động. Còn quân Pháp bị phân tán một phần qua chiến trường Trung Hoa, quân số còn lại rất ít, chỉ đủ giữ đồn Hữu Bình và kiểm soát đường sông. Vua thấy Tôn Thất Cáp chẳng làm được công trạng gì, chỉ chuyên chủ hòa, bèn giáng làm Thị lang, Tán lý Nguyễn Duy làm Lang trung, đều vẫn sung chức cũ, Tham tán Lê Tố giáng làm Vệ úy, đổi sung Tán lý. Rồi cử Đông các đại học sĩ, Tráng Liệt bá Nguyễn Tri Phương sung chức Tổng thống quân vụ đại thần ở quân thứ Gia Định, Tôn Thất Cáp đổi làm Tham tán, Phan Tĩnh đổi làm Tán lý. Lại tăng thêm Hồ Hóa nguyên chức Vệ úy gia hàm Chưởng vệ, Tôn Thất Trĩ nguyên Lãnh thủ hộ phó sứ thăng thụ Hồng lô tự khanh đều sung chức Tán tương.
Sở dĩ Nguyễn Tri Phương được cử vào Nam là vì lý lẽ ông trình bày hợp với tình thế và hợp ý vua. Theo ông, tỉnh thành Gia Định là chỗ trung tâm, quân Pháp đã đặt đồn lũy, lập phố xá, chiêu tập thuyền buôn người Thanh, người Kinh, đánh thuế kiếm lợi; chúng lại cấu kết với một số thương gia người Hoa để gây thêm vây cánh, thiết lập quan chức, tập hợp xã thôn, công nhiên có thể chiếm cứ vững chắc. Các sông to như Vũng Gù, Bến Lức, Đồng Cháy (sông Sài Gòn đoạn Bình Quới) là đường giấy tờ quan báo, binh lương chuyển vận của các tỉnh đi lại tất phải qua đấy, thì chúng đều cho thuyền đến đóng. Các sông nhỏ ngòi nhánh như: Phong Giang, Lò Vôi, Ba Cụm, Thủ Thừa, Thủ Đoàn, Trà Câu, chúng cũng cho thuyền sam bản đi lại thăm dò vẽ bản đồ. Đường ngóc ngách không chỗ nào là chúng không biết hết, sẽ có cơ lấn áp thôn tính đến nơi đất ấy của ta. Như thế không còn nói đến hòa nghị được nữa. Ta chỉ nên chuyên một mặt đánh và giữ.
Về cách bố trí lực lượng, ông đề nghị: Ngày nay thế giặc lan tràn đã quá, nếu ta tụ quân một chỗ, trông coi có phần khó. Nghĩ xin chia quân làm ba đạo: đồn Phú Thọ chỗ quân thứ hiện tại vẫn làm trung đạo. Đóng một đạo quân ở phủ lỵ Tân An bên hữu, để giữ chỗ yếu lại. Đóng một đạo quân ở tỉnh hạt Biên Hòa ở bên tả để chặn đường sau. Các sông ngòi lớn nhỏ theo thế mà ngăn chặn, vừa đánh vừa giữ, dần dần đắp thành đồn lũy sát đến bên chúng để bắt chúng phải lui, thì may ra mới có thể được. Quân đã chia ra nhiều đạo, cần phải có nhiều lính. Nên phái lính dõng đến đóng, nhiều thì 2.000, ít thì 1.500, mới đủ chia phái. Kho chứa lương ở Biên Hòa không nhiều, nên vận tải ở chỗ khác đến chứa sẵn để cung cấp lương cho quân. Đánh bắn thuyền giặc, phải dùng súng lớn, đường kính 2 tấc 9 phân trở lên mới là đắc lực. Nên sức các tỉnh lân cận có các hạng súng ấy thì chở đến. Thuyền buôn người nước Thanh ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận có thứ súng ấy, nên thu mua bằng giá cao tải đến quân thứ, cần phải được 20 hay 30 cỗ mới đủ sức chống đánh địch. Đó chính là việc quân rất khẩn yếu hiện nay. Tuy nhiên việc quân không
có hình thức nhất định, tùy cơ mà vận dụng, cốt ở tướng soái, không thể nói trước hết được.
Vào tới nơi, Nguyễn Tri Phương bắt tay vào việc củng cố lực lượng của ta cả về tinh thần và vật chất. Ông phát lời hịch kêu gọi dân chúng, đặc biệt là người theo đạo Gia Tô và người Hoa cùng đứng về phía kháng chiến đánh Pháp để giải phóng đất nước. Ông bắt tay vào việc xây dựng đại đồn Chí Hòa*.
Vì trung tâm chỉ huy của đại đồn xây ở thôn Chí Hòa nên gọi là đại đồn Chí Hòa. Lúc đầu người Pháp cũng viết đúng Chí Hòa. Nhưng trong cách phát âm của người Pháp, chữ H không đọc, gọi là H câm. Về sau miệng đọc sao tay viết vậy thành ra Ci Hoa, lần lần có người thay chữ C bằng chữ K thành Ky Hoa vì trong tiếng Pháp 2 chữ này đọc như nhau. Trước năm 1945, một số người Việt muốn tỏ ra mình nói giống như người Pháp, nên viết và đọc Ky Hoa sau thành Kỳ Hòa. Lớp hậu sinh không rõ căn nguyên của từ Kỳ Hòa do đâu mà có, vẫn tiếp tục dùng cho đến ngày nay. Do đó mà có “Khu du lịch Kỳ Hòa” ở Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.
Về lời hịch, phần đầu kể công nhà Nguyễn đã dày công xây dựng quốc gia, nay bọn Pháp tự dưng đem quân đến xâm lấn, ca tụng nghĩa khí của người dân Gia Định, cảnh cáo những phần tử không phân biệt chánh tà, cam tâm làm tay sai cho giặc, ông kêu gọi:
“Chi bằng:
Theo đàng chánh đạo; thú trước hiên môn.
Đức Gia Tô đà khác lòng xưa, biết chuyện thiên đường là dối thế; phường chiệc khách đành theo đất cũ, coi người dị vức chớ nên thân.
Đất phong lưu chi nỡ để lầm than, dẹp xú loại mặc an nơi cương ngữ; người trung nghĩa đã đành lòng hăm hở, đem nước trong mà rửa đám quan san.
Ai có công triều cũng không quên, tranh lân các phấn son thêm rực rỡ; người ở phải trời dành cho phước, nhà Ô Y lan ngọc cũng sum vầy.
Nếu bằng:
Quen thói chấp mê; cứ đường mọi giặc.
Bóng dương hé, giá sương bền được mấy, chắc sau nhờ chi đứa gian hung; lửa Côn phừng đá ngọc nát như không, hay trước liệu khỏi điều hậu hối.
Hịch văn tống đến; truyền khắp gần xa.
Mấy lời tạc dạ; cặn kẽ ghi lòng.”
Về đồn lũy, như ông đã trình bày với vua Tự Đức, vẫn duy trì đồn Phú Thọ làm hậu cứ, ông cho xây dựng đại đồn mới trên địa bàn thôn Chí Hòa, dọc theo đường Thiên lý phía Tây, gần với căn cứ của Pháp hơn. Đó cũng là một đòn tâm lý sâu sắc,
làm cho tướng sĩ dưới quyền thêm phấn chấn, xóa tan tâm trạng sợ địch ám ảnh lâu nay. Mặt khác cũng để cảnh cáo quân địch chớ coi thường quân dân Việt Nam không dám đối đầu với chúng.
Đại đồn Chí Hòa có một diện tích rất rộng, dài khoảng 3.000 m, mỗi bên đường Thiên lý rộng khoảng 800 m, xây thành bao quanh dày 3 m, cao 2,50 m. Dọc tuyến thành cách một đoạn lại có một đồn binh được trí súng đại bác được gọi là đồn Tiền, đồn Hữu, đồn Tả, đồn Hậu v.v… Ở chính giữa là đồn Trung là trung tâm chỉ huy. Xung quanh trung tâm này là các kho tàng quân nhu và dinh thự các quan chức và doanh trại quân lính. Số quân bấy giờ được điều động các nơi về tăng cường lên đến 9.000-10.000 người. Kho thuốc súng được đặt ở quãng giữa đồn Trung và đồn Tiền. Về phía Bà Quẹo còn có hai đồn tiền tiêu che chở cho khu trung tâm.
Xung quanh phía ngoài bờ thành cắm nhiều chông tre, lại trồng các loại tre gai tươi che kín. Phía ngoài nữa là hào sâu. Đại đồn được chia làm 5 ngăn. Ngăn nọ cách ngăn kia bằng một bức tường kiên cố, có cửa thông với nhau. Sở dĩ chia ra nhiều ngăn như thế là để khi tác chiến, nếu địch quân đánh vào ô này thì ô bên cạnh có thể trợ chiến, hoặc khi địch chiếm được ô này thì quân ta rút qua ô bên cạnh tiếp tục chiến đấu. Mặt tiền đồn ngó vào Sài Gòn được bố trí vững chắc hơn mặt sau và hai bên hông. Đây là một sự tính toán sai của Nguyễn Tri Phương, cứ tưởng quân Pháp có đến đánh đồn thì chúng sẽ đánh thẳng vào mặt tiền. Nhưng thực tế đã khác hẳn. Phía ngoài đại đồn, về hướng phòng tuyến địch, bên này sông Thị Nghè còn có các tiền đồn án ngự trong số đó có đồn Phú Nhuận đóng bên này cầu Kiệu.
Nếu là chiến tranh cổ điển với gươm giáo, cung nỏ, voi ngựa thì cơ ngơi của đại đồn Chí Hòa thật là kiên cố. Khi bị địch quân tấn công, quân trong đồn chỉ cần đóng chặt cửa ra vào, rồi cho quân lên mặt thành dùng cung nỏ bắn trả khi chúng còn cách xa vừa đúng tầm tên, hoặc dùng gươm giáo ngăn quân địch leo thành, là đủ sức cầm cự an toàn. Nhưng vào thế kỷ XIX, vũ khí đã tiến bộ rồi, đại bác của địch đã bắn được loại đạn có sức công phá mạnh để phá đổ các bức thành kiên cố hoặc có sức sát thương lớn; còn đại bác của ta thì bắn đạn
gang, trái đạn tròn như trái cam, tầm đi ngắn, không có sức công phá lớn, trúng ai người ấy chết súng trường của địch đã bắn đạn nạp hậu, mổ cò kích nổ, không phải đánh lửa châm ngòi như của ta, thì những loại đồn như thế chỉ làm mục tiêu cho đối phương tập trung hỏa lực tiêu diệt. Đây cũng là sự tính toán sai lầm của Nguyễn Tri Phương do chi phối bởi chiến lược “Giữ và đánh” để làm cho quân Pháp mệt mỏi mà phải bỏ cuộc, rút lui, nên đã làm hao phí sức quân và dân rất lớn. Ông không ngờ kẻ địch này năng động vô cùng, chúng không chịu bó tay nằm im như ông nghĩ. Trong lúc chờ đợi đánh đồn, chúng cho mật thám, gián điệp, bọn Việt gian bán nước trà trộn vào hàng ngũ quân lính để điều tra, dò xét, nắm rõ tình hình trong đồn, góc nào mạnh, góc nào yếu, phía nào khó đánh, phía nào dễ đánh.
Với một quân số đông như thế, chưa kể số dân tham gia xây dựng đại đồn quy mô như thế, mà quân Pháp để yên là tại làm sao? Sự thực không phải chúng không phá mà vì phá không được. Bằng chứng là ngày 18-10-1860, chúng đi thuyền theo sông Thị Nghè đến đánh đồn tiền tiêu Phú Nhuận. Quân ta chống giữ, bắn chết 1 sĩ quan và 5 lính Pháp. Chúng phải rút lui. Ngày 1-12-1860, chúng lại xuất phát từ phòng tuyến các Chùa đánh vào phía sau đồn Chí Hòa, nhưng cũng bị đánh lui và có khá nhiều thương vong*. Vì vậy mà chúng phải nằm im. Chính người Pháp cũng đã thừa nhận sự bất lực của họ: “Nguyễn Tri Phương xây dựng đại đồn Chí Hòa đến đầu năm 1861 mới xong. Trong thời gian đó, quân đội chúng ta (Pháp) bất lực trước quân lực Việt Nam quá đông, đành chấp nhận kinh nghiệm của vụ “Đồn Tiền” (đồn Phú Thọ? - NĐT), rút vào trong đồn giữ thế thủ để chờ quân tiếp viện”.
Theo tài liệu của ta là 132 tên.
Quân Pháp muốn đánh rộng ra để chiếm đất nhưng bị đại đồn án ngữ trước mặt, nếu không triệt hạ đi thì không rục rịch gì được. Vì vậy khi mới đem quân từ bên Trung Hoa qua Sài Gòn tăng viện, Đô đốc Charner liền chuẩn bị đánh đại đồn Chí Hòa. Do thám thính, Charner biết quân ta phòng thủ mạnh phía Đông, vì nghĩ rằng quân Pháp sẽ tiến quân thẳng từ Sài Gòn đánh tới, nên mặt phía Tây có phần coi nhẹ. Do đó Charner phải huy động một lực lượng khoảng 8.000 quân với hơn 30 tàu chiến các loại, nhiều thuyền và tàu chuyên chở, ấn định kế hoạch đánh đại đồn Chí Hòa là chia quân làm hai cánh. Cánh phía Đông chỉ là để “dương Đông”, còn cánh phía Tây mới là lực lượng chính đánh đồn.
Đêm 23 rạng ngày 24-2-1861, quân Pháp kéo tới chiếm một vị trí gần Bàu Dứa, một cái đầm nhỏ nằm giữa ranh giới thôn Tân Sơn Nhì và thôn Tân Thới. Còn kỵ binh của Tây Ban Nha thì đến Bàu Cát thuộc thôn Phú Thọ bố trí. Ngay sáng sớm, đại bác của địch bắt đầu khai hỏa. Quân ta bắn trả kịch liệt. Quân Pháp đánh phá suốt ngày mà không mang lại kết quả gì đáng kể, trừ chiếm được một số khí tài quân sự ở vòng ngoài. Về phía ta, đồn Tả Hậu kháng cự rất mãnh liệt, nhờ vào sự yểm trợ của đồn Hậu và đồn Hữu Hậu. Đến 5 giờ chiều, trong lúc quân ta lo tập trung thêm phương tiện vào các đồn nói trên để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu ngày mai, thì quân Pháp lại kéo tới Bà Quẹo để cắm trại ngoài trời qua đêm ở xóm Cù Lao Keo. Trong đêm đó (24-2), quân Pháp dùng tàu thủy đi trên kinh Tàu Hũ chuyển tới các đồn trên phòng tuyến các Chùa ém lại để sáng hôm sau mở cuộc đại tấn công.
Đúng 4 giờ 30 phút sáng ngày 25-2-1861, pháo binh của Pháp từ Chòm Mây, Mả Đá gần ngã ba đường Chợ Lớn đi Tây Ninh, yểm trợ bên tả và bên hữu bởi các đơn vị bộ binh, bắt đầu khai hỏa vào 3 pháo đài phía Tây của ta. Quân ta phản công kịch liệt (rigoureusement). Nhưng đại bác của ta tầm bắn không được xa, sức công phá lại kém hiệu quả, nên không gây nhiều thiệt
hại cho địch. Đại bác của địch bắn để yểm trợ cho bộ binh tiến. Nhưng chúng càng đến gần đồn lũy của ta thì thương vong càng cao. Nhiều khẩu pháo của địch bị phá hủy. Lừa ngựa kéo pháo bị trúng đạn chết. Tuy nhiên quân địch vẫn liều mạng tiến lên. Quân ta ở nhiều vị trí không trụ được phải rút lui vào khu trung tâm. Không may kho thuốc súng của ta bị trúng đạn bốc cháy. Charner liền ra lệnh xung phong.
Quân Pháp chia làm nhiều cánh đánh vào khu trung tâm, lần lượt chiếm các ngăn phía ngoài, vào đến gần đồn Hậu, nơi Nguyễn Tri Phương đứng trên bờ thành chỉ huy trận đánh, nhìn bao quát được khắp tứ phía, thấy quân Pháp đang tiến đến gần. Ông ra lệnh tập trung lực lượng cố đánh để đẩy lùi quân Pháp. Dưới hỏa lực của quân ta, quân Pháp xuống các hầm hào, bất chấp chông gai, bò sát tới chân thành. Điều sai lầm của Nguyễn Tri Phương là khi đứng chỉ huy trận đánh vẫn theo lối cổ điển, bốn bên có 4 cây lọng vàng che, vô tình làm mục tiêu cho quân địch nhắm bắn. Chẳng may ông bị trúng đạn nơi cánh tay, còn em ông là Tán lý Nguyễn Duy và Tán tương Tôn Thất Trĩ trúng đạn hy sinh. Đội quân hộ vệ cáng ông cùng với Tham tán Tôn Thất Cáp và Phạm Thế Hiển thu gom tàn quân chạy về tỉnh lỵ Gia Định ở thôn Tân Tạo.
Đến 8 giờ thì quân Pháp làm chủ đại đồn Chí Hòa. Trong 2 ngày giao tranh, quân Pháp bị thương rất nhiều (un grand nombre de blessés) trong đó có Thiếu tướng Vassoigne và Đại tá Tây Ban Nha Palanca, Trung tá thủy quân lục chiến Testard bị thương nặng sau chết ở bệnh viện, 30 tử thương trong đó có một sĩ quan cao cấp là Thiếu tướng Lareynière. Bốn ngày sau, 29-2-1861, một toán quân thám thính Pháp được cử lên thám sát đồn Thuận Kiều, đồn hậu cần tiếp liệu cho đại đồn Chí Hòa, chỉ còn 50 lính gác cũng bỏ chạy luôn.
Sau khi chiếm được đại đồn Chí Hòa và biết được quân ta lui về Tân Tạo, trong 3 ngày 27, 28, 29 tháng 2, Charner cho vài ngàn quân tới bắn phá. Quân ta chống cự kịch liệt nhưng không giữ
nổi, các quan quân thứ phải rút chạy lên chợ xã Tân Phú (nay là xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) tạm nghỉ, tối hôm đó qua sông Sài Gòn về Biên Hòa. Các quan tỉnh Gia Định là thự Tuần phủ Đỗ Quang, Bố chánh Đặng Công Nhượng, Án sát Phạm Ý lại dời lên phủ Tây Ninh. Khi ấy quân Pháp đi các nơi tìm bắt quan quân ta. Nhận thấy không thể đóng tỉnh lỵ ở đây được nên họ đi theo đường núi, vượt qua sông chuyển tới Biên Hòa, ngày 27 âm lịch tức 8-3-1861 mới đến nơi, rồi cùng làm sớ gửi về triều xin chịu tội.
Về tinh thần chiến đấu của quân ta, trong báo cáo của Charner ngày 27-2-1861 gửi Bộ Hải quân ở Paris đã xác nhận là rất cao. Báo cáo viết: “Quân địch (chỉ quân của Nguyễn Tri Phương - NĐT) kháng cự kịch liệt… Địch ở sau các bờ thành xô nhào các cây thang được áp vào tường…, giội nước sôi vào các vật đang cháy từ trên thành xuống. Từ các lỗ trên bờ thành, súng bắn xuống dữ dội. Họ giữ vững cho đến khi quân xung kích của ta đến sát mép bờ rào, và khi ta trèo lên được mặt thành thì họ mới bỏ chạy tán loạn…”.
Việc đại đồn Chí Hòa thất thủ làm choáng váng cả triều đình. Lập tức vua Tự Đức sai viên Tán lý là Tôn Thất Đính trước đây đã phái đi mà chưa đi phải lên đường ngay, đem theo 2.000 biền binh (lấy ở kinh 1.000 tên, lấy ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận 1.000 tên) đến nơi quân thứ tham gia việc đánh dẹp. Lại chuẩn cho Thượng thư Bộ Hộ là Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai đại thần đi ngựa trạm đến nơi khám xét tình hình, kiêm cả điều khiển việc quân thay chức vụ của Nguyễn Tri Phương bị thương đang phải ra Bình Thuận điều trị.
Đến khi nhận được tờ tâu của các quan quân thứ và tỉnh thần Gia Định, vua mới biết được sự thể đã xẩy ra, nghĩ các quan quân thứ đều không làm được việc gì, không thể tiếp tục giao trọng trách được nữa, bèn sai thêm 2.000 lính kinh trước đóng ở Quảng Nam hợp cùng với 2.000 lính phái đi trước đến Biên Hòa để phòng thủ và đánh giặc. Chuẩn cho Nguyễn Bá Nghi
vẫn giữ chức Khâm sai đại thần thống lĩnh số biền binh mới phái đến, đổi Tôn Thất Đính làm Đề đốc, Thị lang Bộ Hình là Phạm Xuân Quế sung chức Tán tương, hội đồng với quan quân thứ cũ bàn kế đánh giặc.
Đối với các quan quân thứ cũ cũng như tỉnh thần Gia Định, triều thần chiếu theo luật đời Minh Mạng đề nghị xử tội rất nặng. Nhưng vua Tự Đức xét một cách thấu tình đạt lý, bèn phê bảo rằng: “Đình thần bàn xử tội các quan quân thứ, theo
luật xét xử là phải. Duy nghĩ bọn ấy khó nhọc đã lâu, thực lòng mong báo đáp. Nên phải xét tình mà giảm tội, bắt cố phải làm việc về sau, để bù lỗi trước. Vậy Nguyễn Tri Phương giáng xuống làm Tham tri, còn tước bá là công đánh giặc man trước không nỡ tước đi, cho vẫn giữ lại tước Bá. Nhưng chuẩn cho nghỉ chức Tổng thống quân vụ, để được yên tâm điều dưỡng, đợi khi thương tích khỏi thì tâu lên đợi chỉ. Phạm Thế Hiển giáng làm Lang trung, vẫn sung chức Tán lý. Tôn Thất Cáp giáng làm Viên ngoại, vẫn sung chức Tán tương. Cho đều cai quản biền binh ở quân thứ cũ, đứng riêng một đạo quân, đóng riêng một đồn, hết sức trù tính việc nên làm để thu hồi đất cũ. Việc lâm cơ tiến lui, và tập tâu cho được chuyên làm, cứ 3 hay 5 ngày cùng các quan mới phái tới hội bàn việc quân, như việc cũ tướng quân các đạo đánh giặc ở Phiên An trước kia. Còn những việc quân cơ lớn thì vẫn do Nguyễn Bá Nghi tiết chế điều khiển”. Còn đối với tỉnh thần Gia Định, vua nói: “Quân thứ nhiều lính còn giữ không nổi, đến nỗi tỉnh thần nhân thế mà không chống chọi được, tội có nặng nhẹ khác nhau, đều cho được cách lưu, nhưng bắt phải tìm nhiều cách, chiêu tập binh dõng, khuyến quyên lấy lương thực cho quân, tìm cách lấy lại tỉnh thành. Nếu không làm đuợc như thế sẽ theo luật trị tội nặng như các quan quân thứ”.
Để tăng cường phòng thủ cho Định Tường, nhà vua cho điều Tổng đốc An Hà (An Giang - Hà Tiên) là Nguyễn Công Nhàn tới lãnh Tổng đốc Định Tường để có đủ toàn quyền kịp thời đối phó với tình hình, còn Trương Văn Uyển chỉ coi riêng tỉnh
Vĩnh Long, không kiêm hai tỉnh Vĩnh Long, Định Tường như trước.
V. Quân Pháp đánh tỉnh Định Tường
Sau khi hạ đại đồn Chí Hòa, quân Pháp thừa thắng xông lên, tiến đánh Định Tường. Sở dĩ quân Pháp chọn đánh Định Tường trước Biên Hòa, mặc dù hai tỉnh đều nằm sát nách tỉnh Gia Định, vì lực lượng phòng thủ của ta ở Biên Hòa mạnh hơn. Về số lượng thì Biên Hòa vừa mới được tăng cường thêm 4.000 quân từ miền Trung đưa vào, trong số này có một số đã có kinh nghiệm chiến đấu chống Pháp ở Đà Nẵng. Lại còn có số tàn quân của quân thứ Gia Định chạy ra đó. Số này cũng đã có kinh nghiệm trận mạc. Còn quân lính ở Định Tường thì có hạn, đa số là lính đồn điền và dân dõng, không có kinh nghiệm tác chiến. Còn số lính chính quy tức biền binh thì đã qua hai lần chạm trán với quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Tổng đốc Long Tường Trương Văn Uyển khi thành Gia Định mới thất thủ, sức chiến đấu của họ như thế nào quân Pháp đã biết rồi. Hơn nữa hậu phương của Định Tường rất nhỏ hẹp, chỉ có ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, không giống như Biên Hòa, hậu phương là suốt một dải miền Trung và miền Bắc. Ba tỉnh này cũng phải lo “giữ nhà”, không thể sơ hở được, vì mặt trước thì quân Pháp uy hiếp, mặt sau thì người Cao Miên thừa dịp quấy rối. Vì vậy Định Tường ở vào cái thế như cô lập, tiến đánh dễ dàng hơn.
Trở ngược lại thời gian, sau khi thành Gia Định thất thủ, vua Tự Đức ra lệnh cho Tổng đốc Long Tường là Trương Văn Uyển về Định Tường cùng với Tuần phủ là Nguyễn Tường Vĩnh, Án sát là Bùi Hãng bố trí phòng thủ cửa Tiểu bằng cách đắp thành đất, làm lỗ châu mai bắn súng và sắm sửa những khí cụ phòng bị đánh giặc, như các loại dây sắt, bè chắn ngang, ngựa gỗ thả nổi dưới nước cùng thuyền bè đánh hỏa công. Thi hành lệnh trên, tỉnh Định Tường cho đặt súng lớn và khí giới, phái lính
và dõng tới canh giữ các đồn lũy cũng như thành đất của các bảo.
Vua vẫn chưa yên tâm, cho phòng thủ như thế vẫn chưa chu đáo, vì không có đường bộ lưu thông, việc tiếp ứng không thể nhanh chóng được. Bèn sai Nguyễn Duy Quang hiệp đồng cùng quan tỉnh Định Tường xem xét hình thế, sửa sang lại cho bền chặt chu đáo, đem nhiều quân tới giữ.
Ngoài việc phòng thủ cửa Tiểu để đề phòng tàu chiến Pháp từ ngoài biển vào, quan tỉnh Định Tường không quên phòng thủ phía nội địa. Lâu nay sông Bảo Định là thủy đạo đi từ Gia Định
xuống miền Tây của tàu thuyền các loại. Quân Pháp có thể dùng thủy đạo này để tiến đánh thành Định Tường. Do đó, dọc thủy đạo này, luồng nào tàu và thuyền sam bản có thể đi được thì làm rào cản rất kiên cố, gồm có 9 nơi. Để làm rào cản, người ta đóng cọc bằng cây gỗ xuống lòng rạch, thả những con ngựa gỗ xuống, đắp đất cao lên, trồng tre gai. Nơi nào có rào cản thì hai bên bờ có đồn bảo canh gác. Vì vậy quân Pháp muốn dùng thủy đạo này tiến đánh thành Định Tường, chúng phải phá cho được các rào cản, vét sâu luồng rạch mới đi qua được. Nếu rào cản không ngăn được bước tiến của chúng thì ít ra cũng làm chậm lại, khiến quân ta có đủ thì giờ điều động bố trí đánh địch.
Để tiến đánh tỉnh Định Tường, quân Pháp cho mở nhiều cuộc thăm dò đường biển, đường sông, tìm hiểu khả năng phòng thủ của ta rồi mới quyết định hành động. Chúng chia quân thành hai cánh: một cánh do Trung tá Hải quân Bourdais chỉ huy đi theo đường sông, gồm có 2 pháo hạm Mitraille và L’ Alarme, 3 tiểu pháo hạm mang số 18, 20, 31, 200 thủy quân lục chiến, 30 quân Tây Ban Nha và 1 súng phóng lựu. Cánh thứ hai đi theo đường biển, do Phó Đô đốc Page trực tiếp chỉ huy, gồm có 3 chiến hạm mang tên Fusées, Lily và Sham Rock. Ba chiến hạm này đậu ngoài cửa Tiểu một chiếc, ngoài cửa Đại 2 chiếc.
Lúc đầu Trung tá Bourdais được lệnh tiến quân theo rạch Thương Mại. Nhưng không đạt mục đích, vì mùa này là mùa khô, nước rạch rút xuống thấp, lòng rạch có nhiều chà cây, lục bình dày đặc, lòng rạch lắm bùn, chỉ có thuyền nhỏ là đi được. Do đó y phải quay lại sông Bảo Định. Ngày 17-3-1861, quân Pháp cho 2 chiếc tàu thủy và 12 thuyền sam bản chạy đến vũng Cù Úc thả neo đậu lại. Bên ta lúc đó lãnh Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn chưa tới nhiệm sở, chỉ có lãnh Tuần phủ là Nguyễn Hữu Thành, Án sát là Huỳnh Mẫn Đạt hợp cử Phó Đề đốc là Đặng Đức đem binh dõng đến đồn Tân Hương, hợp cùng viên Lãnh binh đóng ở đó là Bùi Đức xem xét tình hình động tĩnh mà đề ra biện pháp phòng thủ.
Có chừng 70, 80 quân Pháp đi trên 3 chiếc thuyền sam bản tới giang phận gần đồn, cách ngoài bờ lũy chừng 400 trượng đỗ lại. Rồi chừng 60 tên lên bộ, di chuyển đến thôn Tường Thạnh, cách đồn chừng 400 trượng phục lại, có đứa cầm cờ trắng. Bên ta cho rằng cờ trắng không phải là cờ chiến đấu, nên giữ im lặng, không hành động gì. Rồi quân Pháp cũng lui.
Tới ngày 21-3-1861, quân Pháp lại cho đến thêm một chiếc tàu máy nữa, cũng đỗ cùng chỗ với 2 chiếc trước. Còn phía cửa Đại do Lãnh binh Nguyễn Mô trấn giữ và cửa Tiểu do Bố chánh Đỗ Đệ chỉ huy, đều có tàu Pháp lảng vảng phía ngoài. Đó chính là các tàu dưới quyền Phó Đô đốc Page.
Bấy giờ lãnh Tổng đốc Định Tường là Nguyễn Công Nhàn vừa đến nhiệm sở, một mặt tư cho Tổng đốc Vĩnh Long là Trương Văn Uyển đem binh thuyền đến phối hợp đánh giặc, mặt khác dùng kế hoãn binh, cho người tới hỏi viên chỉ huy quân Pháp
về lý do đậu tàu thuyền tại Cù Úc. Phía Pháp đòi phải có văn thư chính thức của quan tỉnh để gửi về trình soái phủ ở Gia Định xem xét trả lời. Bên ta làm theo, phía Pháp hẹn khi nào thấy trên đỉnh cột buồm treo cờ trắng thì đến nhận thư.
Ngày 28-3-1861 thấy cờ trắng, bên ta cho người đến nhận thư trả lời. Nhưng quân Pháp đòi chính quan tỉnh phải đích thân đến hoặc là họ đến tỉnh để cùng quan tỉnh giảng rõ những điều nói trong thư. Nếu không như thế, chỉ có việc đánh nhau thôi. Tất nhiên là bên ta không chịu. Sau đó chúng đem thêm 3 chiếc tàu nữa đến nhập bọn, cùng di chuyển đến giang phận thôn Tường Khánh đậu lại. Tức thời Công Nhàn, Hữu Thành đem binh dõng đến trạm Định Tân làm quân tiếp viện cho đồn Tân Hương. Quân Pháp tiến sát lũy gỗ, nổ súng luôn từ ngày 29-3-1861 đến ngày 2-4-1861, làm hai thành đất về bên tả và bên hữu đồn Tân Hương theo nhau sụt lở. Phía ta cũng bắn trả, nhưng không địch nổi, phải lui giữ đồn Tĩnh Giang.
Ngày 3-4-1861 đã mở được thủy trình thuận lợi, quân Pháp tiếp tục tiến và gặp hai rào cản, bị đồn thứ ba ở Giáp Nước bắn để giữ cho hai rào cản. Nhưng sau vẫn bị một đại đội thủy quân lục chiến chiếm. Trong cuộc chạm súng đầu tiên, một tên cai lính Mã Tà của Pháp bị trúng đạn chết liền, nhóm thuộc hạ chống trả yếu ớt rồi bỏ chạy cả. Đến Giáp Nước con rạch chỉ rộng từ 40 đến 60 thước, hai bên bờ bụi cây dày đặc, rất dễ bị phục kích. Bourdais phải xin Sài Gòn cho thêm quân tiếp viện.
Ngày 4-4-1861, đoàn viện binh thứ nhất rời Sài Gòn. Hôm sau một số lớn đã đến ngã ba rạch Bảo Định, gồm có 200 bộ binh, 2 trung đội thủy quân lục chiến, 100 thủy binh, 50 lính công binh, 2 đại bác, 2 súng phóng lựu, 20.000 viên đạn và 1 ban cứu thương. Cùng ngày, đoàn tiểu thuyền được tăng cường thêm một chiếc mang số 16. Có quân tiếp viện, chúng tiến lên vượt được hai rào cản thứ năm và thứ sáu.
Ngày 6-4-1861, đoàn viện binh thứ hai tới, dưới quyền chỉ huy của Trung tá công binh Allizé de Matignicourt, gồm có một trung đội thủy quân lục chiến, 1 pháo thuyền trí súng bắn tạc đạn nòng 15 ly, nhiều pháo hiệu, 12 súng cối 16 ly, 200 đạn thủy lôi và nhiều pháo hạm phá chướng ngại vật. Được tiếp viện, quân Pháp lại tiến. Khi đến rào cản thứ tám thì chúng đổ bộ
tiến theo tả ngạn sông Bảo Định. Pháo hạm chạy theo sau. Quân ta chặn đánh. Quân Pháp phản công. Hỏa lực của địch quá mạnh, quân ta phải rút lui. Lần lượt các đồn Tĩnh Giang, Cai Lộc bị mất về tay quân Pháp. Bọn Đặng Đức rút về trạm Định Tân cùng hợp với Hữu Thành, Công Nhàn. Lúc đó Trương Văn Uyển cũng đã phái Án sát Nguyễn Duy Quang, Lãnh binh Tôn Thất Tuấn đem hơn 1.000 binh dõng Vĩnh Long đến tiếp cứu.
Vào hồi 15 giờ 15 phút ngày 10-4-1861, một chiếc chaloupe (sà lúp) chở 300 quân Pháp đi theo dòng sông để tìm đồn của ta. Đến một khúc quanh, đồn thứ 5 của ta xuất hiện, cách xa độ 400 thước. Chiếc tiểu thuyền thứ 18 có Trung tá Bourdais trên
đó bắn tới một phát đạn. Trên đồn liền bắn trả 3 phát đại bác. Cả 3 phát đều trúng tàu địch, 1 lính Pháp bị thương, Trung tá Bourdais bay trái tim và mất cánh tay phải. Đó là tổn thất lớn
nhất của quân Pháp. Chúng liền phản kích kịch liệt. Đồn bị bắn phá tan nát, quân ta tháo chạy. Trung tá Hải quân Desvaux* lên thay thế quyền chỉ huy.
Vương Hồng Sển ghi là Trung tá Hải quân, sách của Léopold Pallu (bản tiếng Việt) dịch là Đại úy Hải quân.
Nguyễn Công Nhàn trở về thành trù liệu, giao cho bọn Hữu Thành ở lại chia nhau ngăn chặn quân địch. Hữu Thành cho lấp đầy các đường sông hẹp bằng các thứ gỗ, đá, thuyền con, rồi đem quân đóng giữ ven bờ sông.
Trong lúc đó 3 chiếc tàu của Phó Đô đốc Page đánh phá hai đồn Đại Hải và Tiểu Hải, triệt hạ một cách dễ dàng rồi ngược dòng Tiền Giang thẳng lên phía trước bến Mỹ Tho để phối hợp tác chiến. Nguyễn Công Nhàn bèn bố trí đánh hỏa công, dùng 4 chiếc thuyền chứa đầy thuốc súng và rơm bổi, chờ ban đêm cho thả xuôi dòng sông, đến ngang chỗ tàu Pháp đậu thì đốt lửa. Quân mai phục hai bên bờ sông bắn ra. Không ngờ tối hôm đó quân Pháp dùng thuyền sam bản đi tuần trên sông, quân ta tưởng là tàu Pháp, liền đốt lửa. Bọn Pháp móc các thuyền ấy kéo vào rạch nhỏ cho tha hồ cháy. Nguyễn Công Nhàn bèn ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ bỏ trốn luôn xuống huyện Kiến Đăng (vùng Cai Lậy) làm tờ tâu xin chịu tội, đổ cho Hữu Thành không chịu bàn công việc.
Sáng hôm 12-4-1861, 3 chiến hạm đậu trên sông Tiền pháo kích vào thành. Kho thuốc súng trúng đạn bốc cháy. Án sát Huỳnh Mẫn Đạt bỏ thành chạy trốn. Còn lại Nguyễn Hữu Thành và Đặng Đức rút quân vào thành, đóng chặt cửa chống giữ. Còn Bùi Đức, Nguyễn Duy Quang, Tôn Thất Tuấn đem lính Vĩnh Long ngăn chặn địch phía bên hữu ngoài thành. Binh dõng trong thành bỏ chạy gần hết. Các kho tàng, dinh thự trúng đạn pháo của địch bốc cháy. Hữu Thành bèn đốt hành cung, rồi cùng Đặng Đức mở cửa thành bỏ chạy đến trạm Biên Long làm tờ tâu xin đợi tội, nói kèm việc Công Nhàn chạy trước. Vua thấy hai người đùn đẩy tội cho nhau bèn hạ lệnh cách chức cả. Quân Pháp từ 3 chiếc tàu trên sông đổ bộ áp sát thành, thấy vắng vẻ, sau hỏi ra mới biết quân ta đã rút khỏi thành 3 giờ trước. Thủy thủ dưới quyền chỉ huy của Trung tá Hải quân Desvaux vào chiếm thành và thượng cờ tam tài của Pháp. Ngày
13-4-1861, cánh quân đi theo sông Bảo Định áp sát thành thì thấy cờ Pháp đã bay phấp phới trên kỳ đài.
VI. Tinh thần suy sụp, chủ hòa của các quan quân thứ
Mất thêm tỉnh Định Tường, vua Tự Đức hốt hoảng, vội cử Bang biện quân thứ Quảng Nam là Trần Đình Túc nguyên thự Lang trung thăng thự Hồng lô tự khanh, sung chức Tán tương quân thứ Biên Hòa. Mặt khác ra lệnh cho đình thần từ ấn quan trở lên được phép đề xuất mưu lược đánh giặc ở Nam Kỳ. Xem các tập tâu, thấy có Hồng lô tự khanh biện lý công việc bộ Binh là Đỗ Thúc Tĩnh, thự Phủ thừa Thừa Thiên là Nguyễn Túc Trưng đều xin đi theo quân thứ. Vua chuẩn lời xin, cho Đỗ Thúc Tĩnh lấy chức hiện hành, Nguyễn Túc Trưng đổi thự Hồng lô tự khanh, đều làm Khâm phái quân vụ. Còn nhóm Chưởng ấn ngự sử đạo Kinh kỳ là Văn Đức Khuê, lãnh Tri phủ Tiên Hưng, tỉnh Nam Định là Lê Diễn, Bang biện phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An hàm Điển bạ là Nguyễn Ngọc Chấn, sĩ nhân tỉnh Bình Định là Lê Nguyên đều chuẩn cho đi theo Nguyễn Túc Trưng dùng ngựa trạm đến gấp quân thứ. Lại cho chiêu mộ lại dịch sĩ thứ tự Thừa Thiên đến Biên Hòa, ai là người dũng cảm có thể sung vào đội quân chiến tâm được thì cho dồn thành đội ngũ đến thẳng Biên Hòa đóng đồn.
Đỗ Thúc Tĩnh thì cho đem tờ chỉ dụ đi ngựa trạm đến ngay các tỉnh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên tuyên bảo sĩ dân các tỉnh chiêu mộ nghĩa dõng, nhưng phải hiệp theo Tổng đốc Trương Văn Uyển, Tuần phủ Phan Khắc Thận cùng bàn thảo việc quân. Nhóm Viên ngoại lang ty Cẩn tín là Trương Minh Lượng, tòng Cửu phẩm là Trần Văn Kế, Viên ngoại lang bị cách là Phan Trung cũng cho đi ngựa trạm đến quân thứ làm việc.
Vua lại ra lệnh: Hiện nay quân thứ Biên Hòa có 2 đạo quân* cũng đủ dùng và đánh giặc cho riêng hạt này. Việc cứu viện
Vĩnh Long càng là việc khẩn, lại là việc chính. Nếu nhóm Túc Trưng mộ được lính không đủ dùng thì cho lẻn đến Long Tường hiệp cùng với nhóm Đỗ Thúc Tĩnh mộ thêm lính để ngăn giữ. Tùy tình thế mà làm. Còn tiền bạc, lương thực, khí giới cho đi đến đâu lấy ở đó mà dùng. Quan địa phương xét thấy đúng sự thực thì chi phát, không được tiếc mà để chậm trễ, đợi sau theo sự thực mà liệt kê ra để khấu trừ. Hoặc khuyến quyên dân sở tại, hoặc đến đâu vay mượn ở đấy, chứ không cần mang đi theo thêm phiền phức khó nhọc.
Một đạo của Tôn Thất Cáp, Nguyễn Tri Phương và một đạo của Nguyễn Bá Nghi.
Nghĩ tới hiện tình các tỉnh miền Tây Nam Kỳ, vua lại càng thêm lo. Nay đường giao thông giữa Gia Định, Định Tường với các tỉnh này đã bị tắc nghẽn. Các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đã ở vào thế cô lập, cách trở. Bèn chuẩn cho Tổng đốc Trương Văn Uyển, Tuần phủ Phan Khắc Thận lấy hiện chức sung làm Phòng tiễu quân vụ, đi lại bàn hỏi nhau tùy nghi làm việc cho thỏa đáng. Cần phải đồng lòng làm việc, sửa sang khí giới, khuyến khích quân lính, khen thưởng khích lệ người trung dũng, cùng nhau một lòng căm thù giết giặc, chớ nên có chút chia rẽ giới hạn.
Vua lại động viên Đỗ Thúc Tĩnh, Nguyễn Túc Trưng đã khẳng khái tình nguyện đi vào nơi tên đạn, cố gắng đem hết trí tài giỏi mưu mô, điều khiển việc quân cho thỏa đáng, khiến quân giặc khiếp sợ, nghe thấy bóng gió thì lui chạy để thu lại đất cũ. Phàm những công việc đánh dẹp phải mật thông báo với quan quân thứ Biên Hòa, giằng chỗ nọ kéo chỗ kia, thời thường quấy rối bọn giặc, khiến cho nó phải nhọc về đối phó, không dám mưu tính lan tràn.
Lại cho Vệ úy vệ Trung nhị doanh Vũ Lâm là Lê Quang Tiến thự Chưởng vệ, sung Phó Đề đốc, Bố chánh sứ Quảng Nam là Thân Văn Nhiếp đều vào quân thứ Biên Hòa.
Vua và triều đình lo lắng ngày đêm, dồn sức cả cho quân thứ, đặt tất cả niềm tin và hy vọng ở tài năng của vị Thống đốc quân vụ là Nguyễn Bá Nghi. Nhưng ông này là người bất tài, sợ quân Pháp như sợ cọp, luôn nuôi tư tưởng chủ hòa, không dám có một hành động nào để phòng thủ và tấn công địch, sợ rằng làm như thế quân Pháp sẽ cho là khiêu khích để lấy cớ tiến đánh. Thậm chí ông ta còn không dám đóng quân trong thành Biên Hòa, mà đóng phía ngoài thành, sợ khi quân Pháp bao vây đánh thành sẽ không có lối thoát.
Mặc dầu vua luôn thúc giục hành động, Nguyễn Bá Nghi vẫn án binh bất động, dùng lối thư từ qua lại với viên chỉ huy Pháp để đề nghị việc giảng hòa, kéo dài thời gian để dùng kế hoãn binh. Chính ông gửi tờ tâu về triều nói thẳng là giữ và đánh đều không thể được, chỉ có hòa là giải pháp duy nhất để chấm dứt việc Nam Kỳ. Để chứng minh cho lý lẽ của mình là không thể thắng quân Pháp được, vì vũ khí của Pháp tối tân hơn ta nhiều, ông ta viết: “Tôi vẫn nghe người nhà binh nói: Người Tây dương tàu thì chở đi như bay, súng thì bắn suốt được thành đá vài nhận* bắn xa hơn 10 dặm. Có được vài thứ binh khí ấy, muốn đánh khó lòng đánh được họ, muốn giữ cũng khó lòng giữ được họ. Nhưng lòng tôi vẫn chưa tin. Mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), thuyền Tây dương đến Đà Nẵng, bắn phá 5 chiếc thuyền bọc đồng lớn của ta mà không đầy vài khắc. Lúc ấy tôi quyền Bố chánh Quảng Nam, chính mắt đã trông thấy, mới tin là thật. Từ 3, 4 năm nay lính ta không phải là không dũng cảm, súng ta không phải là không mạnh, thành lũy của ta không phải là không bền, thế mà không đánh được Tây dương là vì thuyền súng của họ rất tốt, đạn súng bắn đi xa mà mạnh đấy thôi”.
Mỗi nhận là 8 thước ta.
Về sự lợi của việc hòa, ông viết: “Hiện nay Tây dương đã chiếm cứ Gia Định, Định Tường, hòa hay không hòa, chỉ một việc ấy ta đã thua thiệt rồi. Nếu hòa mà họ không trả lại hai tỉnh ấy thì ta chỉ thua thiệt bấy nhiêu thôi, mà Biên Hòa, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên còn là của ta. Đường bộ đường biển có thể giao thông được, để cứu cấp trước mắt mà tính cách về sau. Nếu ta cho thế là thua thiệt mà không hòa thì nó có chịu ngồi yên đâu, cả 6 tỉnh Nam Kỳ rồi cũng mất luôn”.
Còn hai ông Đỗ Thúc Tĩnh và Nguyễn Túc Trưng được vua ủy thác trọng trách vào Nam đã làm được gì? Về ông Nguyễn Túc Trưng khi vào đến Biên Hòa bị tư tưởng chủ hòa của Nguyễn Bá Nghi chi phối, cũng ngồi yên chờ kết quả thương thuyết. Sau ông được cử tới Tân Hòa hợp lực với Trương Định tổ chức đánh Pháp. Vì ông là Khâm phái của triều đình nên Trương Định nhường quyền chỉ huy cho ông. Nhưng ông không chịu hoạch định phương kế đánh Pháp, mà chỉ cho án binh bất động, mong chờ vào việc ký hòa ước với Pháp, chẳng lập được một chút công trạng gì.
Còn ông Đỗ Thúc Tĩnh được cử làm quyền Tuần phủ Định Tường để cùng các quan chức cũ tỉnh này trù liệu việc đánh chiếm lại tỉnh thành. Nhưng ông cũng chẳng làm được gì để rồi chết khi còn đang tại chức mà thành Định Tường nói riêng, toàn tỉnh Định Tường nói chung vẫn nằm trong tay quân Pháp.
Việc giảng hòa không xong vì người Pháp đòi phải cắt cho họ ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa điều mà triều đình kịch liệt bác bỏ. Với thế thượng phong, Charner không thể ngồi chờ. Hai tỉnh Gia Định, Định Tường đã vào tay họ rồi, đúng như Nguyễn Bá Nghi tiên đoán, quân Pháp tiến đánh thành Biên Hòa, mặc dầu quân ta tập trung nơi đó rất đông. Việc tiến đánh này Charner giao lại cho người thay thế mình là Bonard thực hiện.
VII. Quân Pháp đánh chiếm tỉnh Biên Hòa
Như trên đã nói, sau khi mất đồn Chí Hòa, Nguyễn Bá Nghi được cử làm Khâm sai đại thần vào Nam thay thế Nguyễn Tri Phương, thống suất binh lực và toàn quyền trù hoạch việc kháng chiến. Vốn khiếp sợ trước sức mạnh quân sự của thực dân Pháp từ khi chúng nổ súng tại Đà Nẵng, Nguyễn Bá Nghi luôn nuôi tư tưởng chủ hòa. Khi vào đến miền Nam, mấy lần ông dâng biểu về triều trình bày mọi lý lẽ phải chủ hòa. Chẳng những ông chủ hòa trong tư tưởng, mà còn trong hành động nữa. Không có lệnh của vua, ông đã tự ý cử người liên lạc với Soái phủ Sài Gòn để bàn chuyện ký hòa ước. Để tỏ thiện chí trước, ông không dám có một hành động nào về quân sự để phục vụ cho kháng chiến. Ông ra lệnh cho quân triều dưới quyền điều khiển của ông đóng phía ngoài thành Biên Hòa, phân tán nhỏ dọc theo con đường Thiên lý dẫn ra Bình Thuận, không dám xây đồn đắp lũy, bảo làm như thế sẽ bị quân Pháp cho là mình khiêu khích.
Trái lại, dân và quân Biên Hòa, dưới quyền chỉ huy của các quan đầu tỉnh là Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan, Án sát Lê Khắc Cẩn đã chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, vì biết rằng trước sau gì quân Pháp cũng tiến đánh tỉnh thành. Trên phần đất huyện Ngãi An* đối diện với thành Gia Định, bên kia sông Sài Gòn, quân ta lập nhiều đồn bảo để bảo vệ thành Biên Hòa từ xa, trong số này đáng chú ý nhất và quan trọng nhất là căn cứ ở làng Mỹ Hòa được xây dựng trên đồi cao, với quân số 3.000 người. Trên các sông rạch từ Gia Định đến Biên Hòa mà tàu thuyền địch có thể di chuyển, đều được xây dựng các rào cản. Đặc biệt trên sông Đồng Nai dẫn đến tỉnh thành được xây dựng 9 rào cản bằng gỗ và một dãy đá hàn. Hai bên bờ các rào cản đều bố trí những chốt súng đại bác.
Nay là huyện Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương; quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 thuộc TP. Hồ Chí Minh
Trong lúc việc bố phòng của quân dân Biên Hòa tích cực như thế, thì quan Khâm sai quân vụ đại thần Nguyễn Bá Nghi lại đem quân đóng xa tỉnh thành, lấy xứ Thạch Hãn thuộc về địa phận thôn Long Đại, huyện Long Thành làm nơi phòng thủ chủ yếu, lấy hạt phủ Phước Tuy (Bà Rịa) làm đường vận lương, kỳ thực là để tiện đường tháo chạy ra Bình Thuận một khi bị quân Pháp tấn công.
Sau khi cho điều tra thăm dò nắm được tình hình, Đô đốc Bonard cho mở chiến dịch tiến đánh tỉnh thành Biên Hòa. Trước hết ông cho quân chiếm giữ hai pháo đài Cần Giờ và Phước Thắng để ngăn chặn quân tiếp viện của ta từ miền Trung vào bằng đường biển. Các đường sông từ Gia Định và Định Tường đến Biên Hòa có các tàu chiến án ngự. Quân số của Pháp tham chiến là bao nhiêu thì không rõ. Nhưng trận đánh thì được tài liệu của ta và của Pháp mô tả đầy đủ.
Theo tài liệu của ta, tháng 11 năm Tân Dậu niên hiệu Tự Đức thứ 14 (tháng 12-1861), quân Pháp đến quấy rối ở xứ Suối Lũ bị quân ta đẩy lui. Vua thưởng cho Nguyễn Bá Nghi, Tôn Thất Đính, Thân Văn Nhiếp, Trần Đình Túc, Nguyễn Túc Trưng, Lê Quang Tiến mỗi người đều kỷ lục 1 thứ. Nhưng vua căn dặn các quan quân thứ rằng: “Quân Tây dương sấn đến xứ Suối Lũ, tướng sĩ đánh trả hoặc có thắng trận nho nhỏ, ta cũng chẳng lấy đó làm mừng, vì sự được thua của nhà binh, chỉ ở trong khoảng phút chốc. Có khi họ giả làm thua để dụ ta, cũng có khi họ dùng cách ấy để thử thách, rồi mới cử đại quân đến. Những điều đó xưa nay đã kinh nghiệm rõ ràng như thế, há nên lấy việc thắng trận nhỏ mà sơ suất việc phòng thủ ư?”
Sau đó quân Pháp mở trận đánh thăm dò khác vào hai thôn An Thạnh và Bình Chiểu thuộc huyện Ngãi An. Phó Đề đốc Lê Quang Tiến nhân ban đêm đem quân đánh úp nơi đóng quân dã chiến của địch, giành thắng lợi. Ông đuợc vua cho bổ thụ Chưởng vệ, gia thưởng cho quân công kỷ lục 1 thứ.
Qua trận đánh trên đây, quân Pháp biết được thực lực của ta ở Biên Hòa cũng như kỹ thuật tác chiến của quân lính triều đình, nên quyết định tiến đánh Biên Hòa. Trước khi khai hỏa, Bonard gửi tối hậu thư cho Nguyễn Bá Nghi và Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan phải nạp thành, đầu hàng. Bên ta không trả lời. Sáng 16-12-1861, quân Pháp nổ súng tấn công căn cứ Thạch Hãn trong 2 ngày. Quân của Nguyễn Bá Nghi tháo chạy ra đóng ở phủ Phước Tuy. Thành Biên Hòa bị cô lập. Thuyền chiến của Pháp nhân lúc nước lên liền thẳng tới đậu nơi bờ sông phía trước tỉnh thành vào ngày 18, nã đại bác vào thành. Quân ta bắn trả. Nhưng trước sức công phá đầy hiệu quả của vũ khí địch, Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan, Án sát Lê Khắc Cẩn thế không chống nổi, vì quân cứu viện đã chạy ra Phước Tuy rồi, phải bỏ thành rút chạy ra đóng ở Hồ Nhĩ*. Quân Pháp vào chiếm thành, rồi đuổi theo quân ta, đánh chiếm phủ Phước Tuy. Bá Nghi lại tháo chạy ra đóng ở vùng rừng Long Kiên, Long Lập thuộc tổng An Phú Hạ, huyện Phước An*.
Tức vùng Phước Long thuộc huyện Nhơn Trạch ngày nay.
Nay thuộc vùng ven thành phố Bà Rịa giáp huyện Long Điền và huyện Châu Đức.
Còn tài liệu của Pháp ghi: Ngày 14-12-1861, quân Pháp chia thành 4 đạo nhắm hướng Biên Hòa tiến tới. Đạo quân thứ nhất gồm đoàn tàu chiến 3 chiếc là Ondine, Renommée, L’ Alarme do chính Đô đốc Bonard đích thân chỉ huy, có nhiệm vụ tiến theo sông Đồng Nai, đánh phá các đồn lũy hai bên bờ sông và triệt phá các rào cản giữa dòng. Đoàn tàu này xuất phát từ sông Nhà Bè, ngược sông Đồng Nai lên phía Đồng Bảng (Tân Ba). Đô đốc Bonard ngồi trên tàu Ondine để chỉ huy, có thượng cờ Đô đốc, phía sau có pháo hạm do Trung úy Hải quân Jonnard chỉ huy hộ tống.
Đạo quân thứ hai gồm có đội quân pháo thủ và bộ binh hỗn hợp Pháp - Tây Ban Nha, có thêm một số kỵ binh và 4 súng cối, dưới quyền điều khiển của Thiếu tá tiểu đoàn trưởng Comte, nhân ban đêm tới lập trại tạm trên các vùng cao thôn Hưng Lộc (có tài liệu ghi là thôn Đôn Lộc tức Tân Phú), sáng sớm hôm sau đánh chiếm làng Gò Công thuộc thôn Mỹ An, huyện Ngãi An là điểm án ngữ mặt tiền của căn cứ Mỹ Hòa.
Đạo quân thứ ba do Trung tá người Tây Ban Nha là Doménech Diégo chỉ huy, qua sông Sài Gòn tiến đến trám vào chỗ đóng quân của đạo quân nói trên khi đạo quân này tiến lên phía trước, để làm lực lượng hậu bị. Khi cần thì tăng cường và trợ chiến cho cánh quân trên.
Đạo quân thứ tư do Đại úy Hải quân Le Bris chỉ huy, điều động hai đại đội thủy quân lục chiến theo rạch Gò Công mà tiến.
Theo kế hoạch tác chiến, sáng 15-12-1861, cánh quân thứ nhất tiến theo sông Tắc để chặn đường phía Đông của căn cứ Gò Công. Cánh quân thứ hai từ phía An Phú đánh xuống. Cánh quân thứ ba theo rạch Gò Công đánh lên. Ba mũi giáp công, trận đánh đã mau chóng kết thúc. Căn cứ Gò Công thất thủ. Từ đây quân Pháp triển khai hỏa lực, đánh phá các chướng ngại vật trên sông Tắc và sông Đồng Nai, trong đó có căn cứ Thạch
Hãn của lực lượng Nguyễn Bá Nghi. Tại các cứ điểm này, quân ta đánh trả ác liệt, nhưng hỏa lực của ta không địch nổi hỏa lực của địch, nên cuối cùng quân Pháp cũng phá được. Như vậy căn cứ Mỹ Hòa đã hoàn toàn bị cô lập. Mờ sáng hôm sau, 16-12- 1861, Pháp tập trung tất cả các cánh quân tiến đánh căn cứ Mỹ Hòa và dễ dàng chiếm được. Lực lượng bảo vệ căn cứ bỏ chạy tán loạn, tìm đường rút về thành.
Nhờ nước triều lên cao, đoàn tàu chiến Pháp áp sát bờ sông. Được lệnh của Đô đốc Bonard, Trung tá Diégo cho khai hỏa. Đại bác từ các chiến hạm trên sông Đồng Nai rót đạn vào thành, yểm trợ cho thủy quân lục chiến đổ bộ. Sau 3 đợt tấn công của quân Pháp, trong thành Biên Hòa ngọn lửa bốc cao. Quân ta chống cự không nổi, bỏ thành chạy. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha tiến vào chiếm thành. Vì trước khi bỏ thành chạy, quân ta đã đốt các kho tàng nên quân Pháp chỉ chiếm được 48 súng đại bác, một kho gỗ dùng cho xây dựng, 15 chiến thuyền, trong đó có 10 chiếc trọng tải 200 tấn. Trung tá Diégo người Tây Ban Nha được cử ở lại chiếm giữ thành với một đơn vị chủ lực. Số còn lại tiếp tục hành quân ra phía Đông chiếm Long Thành, rồi phủ Phước Tuy ngày 7-1-1862. Tiếp đó, chúng truy đánh quân ta ở hai thôn Long Kiên, Long Lập, Nguyễn Bá Nghi lại chạy ra Xuyên Mộc. Sau vua cho rút cả về Bình Thuận. Toàn tỉnh Biên Hòa lọt vào tay quân Pháp.
VIII. Quân Pháp đánh chiếm tỉnh Vĩnh Long lần thứ nhất
Với đà chiến thắng, nhất là thấy sự kháng cự của quân ta không hiệu quả, quân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng bằng cách xua quân đánh chiếm tỉnh Vĩnh Long để làm áp lực cho việc ký hòa ước.
Nguyên sau khi tỉnh Định Tường rồi đến lượt tỉnh Biên Hòa bị rơi vào tay quân Pháp, Tổng đốc Vĩnh Long Trương Văn Uyển
lo quân Pháp sẽ đến đánh tỉnh mình, nên tâu về triều xin cho quân thứ tăng viện, lại xin cho Đào Trí hiện sung quân thứ Quảng Nam vào cùng tỉnh thần các tỉnh bàn việc đánh giặc. Vua đem hỏi đình thần, được bàn rằng: Quân thứ mới về Bình Thuận, quân và lương chưa đủ, đường sá đi lại còn bị ngăn trở, đem quân đến ngay chưa thể được. Nay những xứ Xuyên Mộc, Long Nhung ở Biên Hòa là đất ở vùng thượng du, người Tây dương không thể giữ được. Ta hoặc phái 500 quân mạnh đến giữ, quân ít thì lương dễ đủ. Địch tiến thì ta lùi, địch lùi thì ta tiến, khiến cho địch không thể lường được hư thực của ta, một là để động viên quân ứng nghĩa ở Gia Định và Định Tường, một là để làm mạnh thế quân ở Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Còn như 4 tỉnh đã có nhóm Trương Văn Uyển, Nguyễn Công Nhàn sai phái làm việc, nên lưu Đào Trí ở lại làm việc ở Quảng Nam. Vua cho là phải.
Nhưng người Pháp không ngồi yên để đợi quân ta tới quấy rối. Sau một tuần chiếm tỉnh Định Tường, Soái phủ Sài Gòn đã cho mấy chiếc tàu thủy chia nhau đi trên các sông thuộc tỉnh Vĩnh
Long để dò xét. Tỉnh thần một mặt lo phòng bị cẩn mật, một mặt đưa thư hỏi duyên cớ làm kế hoãn binh. Ngay lúc đó Trương Văn Uyển đã viết thư cho quân thứ xin giúp đỡ. Bấy giờ Biên Hòa chưa mất, quân lực của quân thứ còn dồi dào, nhưng với tư tưởng chủ hòa, Nguyễn Bá Nghi không bao giờ dám điều động quân đi Vĩnh Long, chỉ trả lời liệu có thể địch được thì lấy sự đánh giữ làm chính, liệu không thể địch được, thì viết thư mang tới tàu ấy nói quan quân thứ đang cùng với quan Nguyên soái bàn tính việc giảng hòa. Nay không biết thuyền binh từ đâu tới, hay lệnh của Nguyên soái chưa tới chăng? Cứ dùng lối thư đi tờ lại như thế để kéo dài thời gian, tránh sự giao tranh.
Trương Văn Uyển làm theo. Viên thuyền trưởng đáp rằng: việc hòa nghị chưa xong, tàu của họ tới đây chỉ để đuổi bọn cướp. Đó cũng là lối trả lời đưa đẩy cho qua để họ thực hiện nhiệm vụ do thám đã được giao. Văn Uyển lại viết thư cho soái phủ ở Sài Gòn vẫn nói về việc hai bên đang thương thuyết nghị hòa,
nhờ viên thuyền trưởng Pháp chuyển giao. Hôm sau chiếc thuyền ấy chạy đến bến sông đồn Thanh Mỹ của ta, báo cho quan tỉnh đến nhận phong thư của Soái phủ Sài Gòn gửi. Văn Uyển bèn ủy cho Án sát là Nguyễn Duy Quang đến nhận. Đại ý bức thư trả lời nói rằng việc giảng hòa chưa xong, trong lúc quân hai bên đang đối diện nhau, chia quân đi tuần tiễu bốn phía là việc thường làm của người làm tướng mà thôi. Nếu sau này nghị hòa xong thì người Pháp cũng cần được thông thương trên hai sông lớn là sông Tiền và sông Hậu. Nay thuyền quân ấy chở đến các chi nhánh của hai con sông ấy cũng là sự thế tất phải như thế. Xin đừng lấy việc đó làm lạ. Rồi sau đó tàu Pháp còn đi lại mấy lần và hai bên vẫn dùng lời nói khéo để trao đổi với nhau.
Ngày 20 tháng 2 năm Nhâm Tuất niên hiệu Tự Đức thứ 15 tức 20-3-1862 có 10 chiếc tàu của Pháp chạy đến đậu ở mạn trên đồn Vĩnh Tòng thuộc tổng Bình An, cho hơn 1.000 tên lên bộ đắp đồn lũy. Trương Văn Uyển biết là sắp có chuyện đánh nhau, lập tức nghiêm sức cho Lãnh binh là Tôn Thất Tuấn, quyền sung phó Lãnh binh là Nguyễn Thai, Lê Đình Cửu đều đến tăng cường cho đồn Vĩnh Tòng, nguyên Lãnh binh An Giang là Hồ Lực, phó Lãnh binh là Ngô Thành, Trương Văn Thành đều đến tăng cường cho đồn Thanh Mỹ, phải hết lòng phòng giữ chống đánh. Còn Văn Uyển và Bố chánh là Lê Đình Đức thì sắp sửa binh dõng để tiếp ứng. Lúc đó Án sát Nguyễn Duy Quang đang đi Định Tường hội tiễu, không có mặt.
Qua hôm sau và hôm sau nữa, quân Pháp cả hai mặt thủy bộ đánh phá hai đồn Thanh Mỹ và Vĩnh Tòng của ta. Quân ta chống cự không được, lần lượt bỏ chạy về thành Vĩnh Long. Tàu Pháp liền chạy đến bến sông ngay trước tỉnh thành, dùng súng xung tiêu chĩa vào thành nhắm bắn. Lính dõng phần nhiều bị thương hoặc chết. Số còn lại hoảng sợ chạy trốn tán loạn. Nhóm Văn Uyển biết không thể giữ được, nhân đêm tối phóng hỏa đốt hết dinh thự, kho tàng, đạn dược trong thành rồi dẫn quân, mở cửa thành chạy về bảo Vĩnh Trị, huyện Vĩnh
Trị. Nhưng nghe tin quân Pháp đuổi theo lại bỏ chạy về huyện Duy Minh, rồi làm tờ tâu lên triều đình.
Việc mất Vĩnh Long đối với triều đình Huế không gây ngạc nhiên như khi mất ba tỉnh miền Đông, vì tỉnh ấy thế cô, quân tiếp viện không có, nên vua Tự Đức cũng thông cảm, chuẩn cho các quan đầu tỉnh đến các người quản suất đều bị cách chức lưu dụng, sai tìm đất để đóng quân ngầm, chiêu tập binh dõng, thu nhặt lương thực khí giới, cùng quan binh tỉnh Định Tường nương tựa nhau, để mưu báo hiệu sau này.
IX. Hòa ước năm Nhâm Tuất (1862)
Bốn tỉnh Nam Kỳ đã rơi vào tay quân Pháp. Lực lượng kháng chiến của triều đình tuy quân đông mà không có tướng giỏi, không đủ sức ngăn chặn bước tiến của quân Pháp. Quân lính
triều đình gửi vào không làm nên trò trống gì, rốt cuộc dồn về khu rừng rậm ở Xuyên Mộc rồi rút cả ra tỉnh Bình Thuận.
Sĩ dân Nam Kỳ nhất tề nổi dậy chống Pháp. Nhưng khí giới trong tay chỉ là gươm giáo, dao phay, tầm vông vạt nhọn. Quân thì ô hợp, chỉ có tấm lòng yêu nước, chứ không biết gì về trận mạc, tuy có gây cho quân Pháp một số thiệt hại, nhưng không đủ sức xoay lại thế cờ.
Chỉ mới đánh giặc hơn 2 năm mà kho tàng xem chừng đã cạn, nhà vua buộc phải giảm bớt phụ cấp của hoàng thân quốc thích, dùng chính sách cho tù nhân dùng tiền chuộc tội, tăng thuế. Gạo miền Nam không chở ra Bắc được. Dân miền Trung và miền Bắc bắt đầu thiếu đói.
Giữa lúc đó thì Soái phủ Pháp ở Sài Gòn cử người ra Huế đề nghị hai nước thương nghị để ký hòa ước. Thật là cơ hội may cho triều đình Huế để thoát ra khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan sau những thất bại liên tiếp về quân sự và khỏi bẽ mặt. Dự thảo hiệp ước lần này đến 14 điều, vua cùng đình thần bàn
ệp y g
thảo từng điều một, phân tích điểm nào chấp nhận được, điểm nào khước từ, nhưng cũng không cứng rắn quá. Nếu họ cứ nằng nặc đòi thì cuối cùng cũng chấp nhận cho được việc. Đó là phương châm chỉ đạo. Nhưng biết cử ai đi, vì ai cũng sợ trách nhiệm và thấy trước cái thế yếu của mình, khó mà lay chuyển được ý muốn của người Pháp. Khi ấy Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp xin đi, các quan trong triều thở phào. Vua chuẩn cho hai ông làm Chánh phó sứ toàn quyền đại thần.
Hai người vào đến Gia Định, bèn cùng phía Soái phủ thương thảo. Trước sức ép của Bonard và trước tình thế chẳng đặng đừng, hai người phải chấp nhận cầm bút ký. Hiện nay chúng ta không thấy một tài liệu nào nói về nội dung cuộc thương thảo của hai bên, cả phía Sử quán nhà Nguyễn lẫn phía kho lưu trữ của nước Pháp, kể cả bút ký của hai ông Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp, nên chúng ta không hiểu vì sao hai ông lại chấp nhận mọi yêu sách của Pháp và ký Hòa ước Nhâm Tuất một cách dễ dàng mau chóng như thế. Chứ hai ông không phải hạng người tham sinh úy tử, coi nhẹ sứ mệnh vua và triều đình ủy thác. Chúng tôi đoán không thể Bonard không nói câu: “Nếu các ông không ký thì trước khi các ông rời khỏi đây, tôi đã ra lệnh cho quân lính tôi tiến chiếm luôn hai tỉnh An Giang và Hà Tiên. Hai tỉnh này lấy sức đâu mà chống cự?”. Thôi thì đành phụ lòng tin cậy của vua, phụ lòng mong mỏi của đồng bào cả nước, phụ sự hy sinh của bao tướng sĩ và nhân dân đã nằm xuống để bảo vệ ba tỉnh của Nam Kỳ, nên hai ông phải chấp nhận ký hòa ước với Pháp để ít ra cũng còn giữ lại được ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, ít ra cũng còn được hưu chiến một thời gian để trù hoạch kế chuộc lại ba tỉnh đã nhượng. Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1862 ra đời, gút còn có 12 điều như sau:
1. Từ sau khi hai nước Pháp và Tây Ban Nha ký hòa ước với nước Việt Nam, nhân dân ba nước không kể người nào ở địa phương nào, đều đối xử với nhau trên tình hữu nghị lâu dài.
"""