🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chàng Kỵ Sĩ - Lan Khai full mobi pdf epub azw3 [Dã Sử] Ebooks Nhóm Zalo Tên sách : CHÀNG KỴ SĨ (TIỂU THUYẾT LỊCH-SỬ) Tác giả : LAN-KHAI Nhà xuất bản : ĐẠI NAM ------------------------ Nguồn sách : Nguyễn Hồng Ân Đánh máy : Đỗ Trung Thực Kiểm tra chính tả : Tào Thanh Huyền, Ngô Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Huyền Biên tập ebook : Nguyễn Xuân Huy, Thư Võ Ngày hoàn thành : 10/12/2019 Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG Cảm ơn tác giả LAN-KHAI và nhà xuất bản ĐẠI NAM đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá. LAN-KHAI CHÀNG KỴ SĨ TIỂU THUYẾT LỊCH-SỬ Truyện hay tiền chiến I TRƯỚC cổng dinh Tổng-Trấn Gia-định, buổi sáng mùa xuân ấy, giữa lúc Tả quân Thống-chế Lê-Văn-Duyệt, kiêm Tổng-trấn lục-tỉnh vừa thăng đường, một chàng kỵ-sĩ gò cương ngựa nhảy xuống đất, vơ dùi vụt lia lịa lên mặt chiếc trống cái mà người ta, theo lệnh quan Tổng-trấn đã treo sẵn để dân gian ai có việc gì oan khuất muốn kêu thì cứ việc đánh to lên. Chàng kỵ-sĩ ấy là một người tự phương xa lại, bởi trên tấm áo mầu lam chàng mặc, bụi đường đã phủ một lớp mỏng, trắng như bột chè lam… Chàng có một thân-hình vạm-vỡ, một chiều cao khác thường và một dáng điệu rất uy-nghi. Gương mặt chàng vuông chữ điền, mầu da đỏ thắm như da gạch ; hai mắt chàng sắc như dao dưới cặp lông mày nét mác. Miệng chàng rộng, môi dầy đỏ thắm thường điểm một nụ cười tươi… Ngoài tấm áo lam, vành khăn đầu rìu và đôi giày cỏ, chàng chỉ có một gói hành lý và một thanh gươm ngắn đeo thõng cạnh sườn bên trái. Con ngựa chàng cưỡi là một con ngựa quý, sắc lông trắng, điểm những nốt hoa mai. Nó câu đầu, phóng vĩ, cổ rô, mình hổ, bốn chân gày như bốn chân nai, mỏng úp như chén. Người ấy, vật ấy, thoạt trông ai cũng biết không phải là cái hạng hèn đụt để ai có thể bắt nạt đến nỗi chịu oan khuất không nổi, phải khua trống khiếu oan. Không, phải có một cớ gì khác ! Một cớ gì quan-trọng và bí mật. Ta hãy chờ xem. Thì kìa, một tên lính hầu đã từ trong tiến ra. Hắn nhìn chàng tuổi trẻ từ đầu đến chân. Và, chắc hẳn, cái hình-dung Từ-Hải của chàng đã khiến hắn phải kinh sợ. Hắn cất tiếng hỏi một cách mềm mỏng, trái hẳn thói thường của bọn lính hầu. - Chú ở mô, có việc chi mà khua trống dữ vậy ? Tráng-sĩ nghiêng mình chào : - Tôi là một kẻ giang-hồ không quê hương, từ một nơi vô-định đến. Tôi muốn vào hầu quan tướng có chút việc ; vậy phiền chú bẩm dùm cho… - Nhưng mà tên chi, phải nói rõ, ba tui mới biết đàng vô bẩm chứ. - Chú cứ nói có tên Nguyễn-văn-Khôi xin vào ra mắt quan Tổng-trấn ! - Nên coi chừng ! Quan-tướng bữa nay đương ở vào một thế khó nói chuyện lắm đó… Chàng cười : - Sao gọi là một thế khó nói chuyện ? - Ồ, chú không hiểu sao ? - Không, tôi có hiểu gì đâu. - Mà phải, chú vừa ở nơi xa đến, hiểu sao đặng… - Bởi vậy, tôi muốn phiền chú giảng dùm cho tôi nghe… - Quan-tướng ngài lạ lắm. Hình như ngài chiến trận nhiều quá, chém giết nhiều quá, nên mắc phải cái bệnh điên khát máu thì phải… Cứ thỉnh-thoảng ngài lại phải một hôm như thế, và gặp những hôm ấy thì ta hãy coi chừng kẻo mất đầu như bỡn. - Thật à ? - Chính thế đó. - Nhưng làm cách nào mà biết được ? - Ấy, bữa mô ngài ra hầu mà không bới tóc tử tế, cứ xõa đầu ngồi giữa sập, hai tay chống xuống chiếu, mắt gườm gườm nhìn mọi người và không nói không rằng chi, ấy chính là những hôm ta phải coi chừng, nghe chưa ? - Thế hôm nay cũng vậy sao ? - Đúng ! - Càng tốt ! - Ồ… - Chú ngạc-nhiên. - Coi bộ người yêu em chán sống, muốn tìm cái chết chơi ?… Tráng-sĩ lại cười : - Tôi vẫn nghe nói cái chết nó ghê gớm lắm mà tôi chưa biết nó ra sao hết. Hôm nay, nếu được thấy nó, tưởng cũng là một sự đáng công chứ sao. - Hừ !… Tên lính hừ một tiếng, đoạn nhìn chàng tuổi trẻ một lần nữa. Và chừng ngờ chàng tuổi trẻ mắc chứng điên, va có ý thương hại : - Nầy, tôi biểu thiệt, không phải chuyện đùa đâu. Người yêng em hãy nghe tôi đi nơi khác đi… - Muộn rồi. - Sao muộn ? - Đánh trống rồi chứ sao ? - Tôi chưa hiểu. - Đánh trống rồi tức là quan Tổng-Trấn ngài nghe biết rồi. Nay bỏ mà đi không nói-năng chi thì lại càng dễ chết lắm… - Mà phải !… - Thế thì chú vào bẩm hộ tôi. - Được ! chú đứng chờ, nghe ! - Tên lính chạy vào một loáng đã ra ngay. Chàng lạ mặt hỏi : - Thế nào ? - Lại còn thế nào ! Ngài nổi hung ghê quá, truyền chú vào hầu ngay tức khắc. - Thì vào chứ sao ! Hai người qua cổng, tiến vào sân rộng. Chàng tuổi trẻ bỗng nắm tay tên lính hầu mà rằng : - Này chú ? Tên lính hất hàm : - Chi ? - Ồ… - Nói chi mới đặng chứ ? - Sao, ở đây, lại có nhiều hùm thả rông như vậy ? Tên lính có vẻ đắc-chí : - Rứa mới ngộ ! - Nó không cắn người-sao ? - Cắn sao đặng ! - Lạ quá ! - Thì có chi lạ. Quan tướng ngài đã vặn hết móng và răng nó rồi còn đâu ! Ngài ra lệnh cho dân-gian hễ đâu có hùm phải báo cho ngài biết. Thế rồi ngài đến tận nơi lừa bắt sống đem về bẻ răng bẻ móng thả nuôi như chó vậy. - Thiếu-niên tráng-sĩ lắc đầu : - Thế thì ghê thật ! Chàng để lộ ra mặt một vẻ vui mừng, và lẩm bẩm : « Cái công lặn lội tìm chủ-tướng của ta quả thực không đến nỗi là công uổng ! » Hai người đi qua tấm bình phong bằng gạch thì tới trước thềm. Tráng-sĩ vừa dừng bước, tự phía trong đã đưa ra một xâu dài những tiếng quát tháo ầm-ĩ : - Tên kia ở đâu mà dám tới trước dinh ta khua trống ầm-ĩ. Nay vào đây lại không quỳ lạy ? Tráng-sĩ vẫn đứng yên không nhúc-nhích. Tướng-quân Lê-văn-Duyệt nổi trận lôi đình, vỗ tay xuống sập mà rằng : - À, quân này lớn mật ! Võ-sĩ đâu, chém ! Võ-sĩ dạ vang. Nguyễn-văn-Khôi liếc, mắt nhìn hai hàng võ-sanh cắp gươm trần đứng hầu hai bên tả hữu thềm son, mủm mỉm cười. - Quan-tướng truyền các chú chém, các chú còn đợi gì ! Một tên đao phủ nói : - Muốn người ta chém thì quỳ xuống, chứ anh cao như sếu vườn mà đứng vậy thì ai chém đặng ! - Mặc các chú ! Làm cách nào chém được đầu ta đem nộp quan tướng thì làm ! Lê tướng-quân thét : - Ồ, những quân này ra toi cơm cả sao ! Có một thằng ngỗ-nghịch mà chém không nổi… Đã thế, cho chúng bay xúm cả lại mà đánh chết nó đi ta xem nào. Bọn vũ-sĩ được lệnh liền ùa nhau vào đánh túi bụi. Nhưng, chàng áo lam đã nhanh như một làn chớp, nhẩy tọt ra ngoài vòng vây, đoạn chàng cứ nắm cổ bọn võ-sĩ mà quật anh này vào anh khác làm cho chúng ngã lỏng-chỏng… Lê tướng-quân ngồi trên sập ngó xem, bỗng cười lên sằng-sặc. Ngài xua tay nói : - Thôi ! Như cái máy, cả bọn võ-sĩ lập tức lùi ra. Quan-tướng gật gù bảo chàng tuổi trẻ : - Giỏi… Ta khen nhà ngươi quả thực là một tay Phàn Khoái, Hạng-Vũ tái sinh. Nhà ngươi tên họ là gì, ở đâu đến đây, vào ra mắt ta có việc chi ? Lúc này tráng-sĩ mới chắp tay quỳ lạy mà rằng : - Bẩm tướng-quân, mạt-tốt tên gọi là Nguyễn văn-Khôi, quê ở tận ngoài Bắc-hà. Mạt tốt nghe uy danh của tướng quân như nghe tiếng sấm, lòng riêng rất lấy làm kính mộ. Bởi thế, mạt tốt chẳng quản đường xá xa-xôi ngàn dặm, cố lặn ngòi noi nước vào đây, mục-đích để xin theo hầu tướng quân làm một tên lính cầm roi ngựa. Lê tướng-quân mừng hớn-hở : - Thế ra cái việc ngang bướng của tráng-sĩ vừa rồi chỉ là một cách để tỏ cho ta thấy cái thủ-đoạn vạn nhân địch đấy, có phải không ? - Bẩm tướng-quân, chính vậy ! - Tốt lắm ! Ta vui lòng thu dụng tráng-sĩ. Chàng tuổi trẻ lạy tạ : - Được thế, mạt-tốt dù gan óc lầy đất cũng lấy làm mãn-nguyện. - Ta không những chỉ thu dụng tráng-sĩ mà thôi. Ta còn sẵn-sàng nhận tráng-sĩ là con nuôi của ta nữa. - Phúc nhà mạt-tốt thực lớn-lao ! - Và, từ nay, tráng-sĩ tức là con ta. Tráng-sĩ hãy bỏ họ Nguyễn đi, đổi lại làm họ Lê. Lê-văn-Khôi, nghe chưa ? - Dạ. - Võ-sĩ đâu, truyền đem ghế lại đây cho công-tử ngồi. Lê tướng-quân đã qua cơn điên. Ngài bới lại mái tóc, vuốt râu và hỏi Lê-văn-Khôi : - Hiện nay, đối với đại-thế thiên hạ, con có ý gì hay không ? Khôi chắp tay nói : - Thưa cha, thiên hạ đại-thế hiện nay kể ra thì nhiều việc đáng nói, nhưng con thấy có một điều cần nhất… - Điều nào ? - Tức là cái địa-vị của phụ thân lúc này. Lê tướng quân chú ý : - Sao ? - Con thấy là… - Cho con cứ nói. Khôi liếc trông tả hữu. Lê tướng quân biết ý, nói luôn : - Võ-sĩ, cho các người hãy lui để ta ngồi hỏi chuyện công-tử ! Khi chỉ còn hai cha con, Khôi liền nói : - Lạy cha, cái địa-vị của cha lúc này chính là cái địa-vị của Hàn-Tín Nguyên-súy, sau khi Cao-Tổ đã đại định thiên hạ ! Lê tướng-quân giật mình : - À, con nói đúng… - Con xem ý Triều-đình nghi kỵ cha lắm. Quan Tiền quân thấy thế đối với cha lại chẳng được tử-tế gì… - Chính vậy ! - Bây giờ, thượng-sách thì là học làm theo như Phạm Lãi, Trương-Lương khi xưa, từ bỏ hết quan-chức mà lui về làm một tướng-quân điền dã. Lê Tướng-quân lắc đầu : - Con ơi, sự ấy, Phạm-Lãi và Trương-Lương, có thể làm được, nhưng ta thì không sao làm được !… Khôi nhìn nghĩa phụ. Lê tướng-quân tiếp : - Con ngạc nhiên ư ?… Có gì là ngạc-nhiên ! Người ta đã đem lòng nghi-kỵ cha, nếu cha treo ấn từ quan, người ta lại càng nghi lắm nữa, và như thế thì không đời nào người ta để cho cha lui về. - Con cũng nhận câu cha nói là phải. Nếu thế, ta xoay cách khác… - Xoay cách nào ? - Cha có ý gì về nước Xiêm-la chưa ? Cặp mắt Lê tướng-quân sáng hẳn lên : - Có, nhưng con hãy nói cha nghe. Khôi khẽ ngâm mấy câu Kiều : - Triều đình riêng một biên thùy, Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương ! - Ồ, con xui cha làm phản ư ? - Thưa cha không. Con đời nào dám xúi cha bỏ đại nghĩa ! Ấy chỉ là một kế phòng xa khi lâm nguy mà thôi. - Ý-kiến con thế nào ? - Cha hãy đắp một con đường từ Gia-định chạy thẳng sang Xiêm. Một mặt xây thành Gia-định này cho cao, đào hào cho sâu để tiến lên có thể cướp lấy Xiêm-la, ngồi yên có thể giữ vững được địa-vị và tính-mệnh. - Làm thế, Triều-đình lại càng nghi mất. - Cha không lo. Cha trọng trấn ở đây, có trách-nhiệm phải phòng-thủ biên-cương. Vậy thì những việc cha sẽ làm đều là những việc chánh-đáng cả. - Con xem Xiêm-la thế nào ? - Xiêm-la, theo ý con, chỉ đánh một trận là lấy nghiến. Lê tướng-quân gật đầu : - Con nói phải !… chính hợp ý cha. Từ lâu, cha vẫn ngầm có cái ý thôn-tính Xiêm-la và cũng chắc chỉ đánh một trận là lấy hết. - Sức cha thừa đi ! - Cha biết Triều-đình ngờ vực cha lắm. Thỏ đã chết thì chó săn vào nồi, cổ lai vẫn thế. Có điều cha nghĩ tiếc cái công-lao thập tử nhất sinh, nằm gai nếm mật của cha khi xưa đã theo giúp Thế-Tổ Cao Hoàng-Đế mà thôi. Nay, nếu người ta chưa ra mặt tệ mà mình đã vọng động, e mang tiếng phản thần bất trung về ngàn muôn đời, chứ những sức cha thì dù có làm đến mười lần Hoàng-Đế cha cũng coi chỉ như trò chơi vậy. - Sự biến-động là cái kế-sách cuối cùng, bất-đắc-dĩ ta mới phải dùng đến. Hiện giờ, ta vẫn có thể khuếch-trương thổ-địa nước Việt nam bằng cách thôn-tính Xiêm-la được chứ. - Sự ấy chính là ý muốn của ta ! - Vậy xin cha hãy sửa-soạn đâu vào đấy đi, rồi sớ về Triều xin đức Hoàng-Đế xuống lệnh cho cha khởi sự. - Con nói phải. II MUÔN tâu Hoàng-Đế Bệ-Hạ, Việc Tây tiến vốn là cái sở-nguyện từ lâu của Liệt Thánh. Nay, nhờ hồng-phúc của Bệ-hạ, trăm họ đương lúc thái-bình, nước giàu dân mạnh. Vậy không còn dịp nào hơn dịp này, Triều-đình nên ra quân thôn-tính Xiêm-la, một là để mở rộng bờ cõi, hai là để ngăn-ngừa và trừ tiệt những sự quấy-rối ngoài ven do cái lũ người man-mọi phản-trắc kia đi. Hạ-thần mong ân giữ trọng-trách ngoài biên-cương, đã cho dò xét nội tình của Xiêm-la và đã dự bị một cuộc xâm lược mà cái kết-quả, thần dám, ngay từ bây giờ, cam đoan sẽ hết sức tươi tốt. Hạ-thần xin đem đầu hạ-thần ra mà ký tờ quân trạng, quyết chỉ đánh một trận là thành công. Hạ-thần đã sai đắp sẵn một con đường. từ Gia-định sang Xiêm, đã chứa cỏ tích lương, thao luyện sĩ tốt đâu vào đấy cả, và chỉ còn ngửa trông chiếu-chỉ của Bệ-hạ ban xuống là tức thi-hành. Một dịp trăm năm mới có, hạ thần kính xin Bệ-hạ đừng bỏ lỡ mất mà sau này hối tiếc không kịp. Thần : Tả Quân Thống Chế kiêm nhiểp Gia-định Tổng Trấn sự-vụ. LÊ-VĂN-DUYỆT bái * Các cơ-mật đại-thần chuyền tay nhau tờ phiếu tấu và vị nào cũng đọc một cách kỹ-lưỡng với cái vẻ trầm-ngâm. Nguyễn-Triều Hoàng-Đế hỏi : - Ý-kiến của Tả-Quân, các khanh nghĩ sao ? Vị nào thành tâm vì nước thì đều tán thành một cách hăm-hở. Nhưng đây là số ít. Phần nhiều đều hiểu rõ cái ý ngờ-vực của Triều-đình, vội kiếm lời dèm báng : - Tâu Bệ-hạ, Tả-Quân Lê-văn-Duyệt cậy mình công lớn, lên mặt kiêu-căng, thường hay tỏ ý chuyên quyền, nói lời khinh-mạn, thực không còn ra thể-thống gì gữa. Nay va lại muốn ép vua gây hận với lân-bang, được ra cũng không vẻ vang gì, nhỡ thua một cái thì thực là vừa thiệt người, thiệt của, lại mang tiếng với thiên-hạ là khác. Một vị nữa tâu : - Việc đánh Xiêm-la này chẳng qua chỉ là quỷ-kế của Duyệt. Va chắc rõ cái ý Triều-đình không dung nên đặt truyện để dò thái-độ. Nếu nhà vua không cho, va tất vin vào cớ ấy mà làm ngang. - Phỏng thử Triều-đình ưng cho va đánh lấy nước Xiêm và sự xâm-lược ấy có kết-quả hoàn toàn chăng nữa thì sau sẽ ra sao ? Biết đâu Lê chẳng chiếm cứ một phương, lập riêng Triều-đình một cõi, bấy giờ dù Triều-đình có muốn trị va nữa tưởng cũng khó lòng… - Cái ý làm phản của Lê-văn-Duyệt đã rõ ràng lắm. Kẻ tả hữu va ai còn không biết hàng ngày va thường sưng cô sưng quả, tự tiện chiếm đoạt cách thức của đế vương… Những câu này phần nhiều là do lòng ghét ghen, hoặc do sự muốn đua nịnh cái ý người trên cả. Nhưng tất cả đã có môt hiệu-lực đúng như lòng mong-mỏi của những kẻ vu cáo. Vua Nguyễn nghe bọn Đại-thần bản ra tán vào, lòng càng thêm ngờ-vực và ghét bỏ Lê-văn-Duyệt. Ngài lặng im một lát, đoạn nhìn khắp cử-tọa và hỏi : - Như vậy, theo ý chư khanh, Trẫm nên xử-trí cách nào ? Một ông, hăng-hái nhất về sự ôm chân kẻ mạnh thế, đứng dậy tâu : - Bệ-hạ cứ hạ chỉ ngăn hẳn việc đánh Xiêm đi, một mặt cho quan vào Gia-định triệu Lê-văn-Duyệt về Triều… Vua phán : - Làm thế e Duyệt công-phẫn mà sinh biến ngay chăng. Mấy ông khác nham-hiểm hơn : - Phải, nếu làm thế, Duyệt tất sinh biến ngay tức-khắc và Triều-đình lại phải một phen nhọc lòng dùng đến binh-sĩ. - Vậy thì làm cách nào ? Bệ-hạ hãy giáng chiếu úy lạo Lê-văn-Duyệt, đại ý nói Triều-đình rất tán-thành ý-kiến của va. Ngặt vì hiện nay, việc bình-định vừa xong, dân gian chưa kịp thở, nếu Triều đình lại dụng đến việc binh, e dân tình xôn-xao oán-vọng. Bởi thế, nên việc đánh Xiêm hoãn trong ít lâu. Nguyễn Hoàng-Đế lắc đầu : - Làm thế chưa đủ. Một vị lão-thần khúm-núm quỳ tâu : - Tâu Bệ-hạ, làm thế là phải lắm, miễn rằng một mặt Bệ-hạ giáng chỉ gọi Lê-văn-Duyệt về triều bệ-kiến, nói vì lâu ngày vua tôi xa nhau, Bệ-hạ lấy làm nhớ vị Khai-quốc công-thần. Nếu va về tức là va lòng ngay, hoặc còn sợ phép nước Bệ-hạ hãy lưu va tại Triều để tránh mọi mối lo về sau. - Ngộ va sinh nghi không về nữa ? - Nếu thế, sự phản-bội của va sẽ rõ-rệt trước tai mắt thiên-hạ. Nhà vua có thể sai làm tội va một cách đường hoàng. Và thiên-hạ sẽ không ai dám theo va nữa, bởi lúc ấy dù va có hành-động gì thì danh cũng không chánh mà ngôn cũng không thuận chút nào nữa vậy. Nguyễn Hoàng-Đế gật đầu : - Ấy thực là diệu-kế ! Lập tức, Nguyễn Hoàng-Đế thân tự thảo dụ, vời Tả Quân Lê-văn-Duyệt về kinh bệ-kiến : * Hiền Khanh. Việc thôn-tính Xiêm-la mà Hiền-khanh vừa tâu lên, Trẫm rất lấy làm phải. Ngặt vì thiên-hạ vừa bình-định, trăm họ vừa được hưởng thái-bình mà nay lại dở đến can qua, e lòng người lo sợ chăng. Vậy thì lòng trung-quân ái-quốc của Hiền-Khanh, Trẫm biết vậy là đủ. Ta hãy chờ dịp khác thuận tiện hơn. Hiện nay, Trẫm ngồi nhàn trong thâm cung ngày đêm nhớ các Khanh là những bậc Khai-quốc công-thần của nhà nước, đã từng bao phen nằm gai nếm mật để phò tá đức Thế-Tổ Cao-Hoàng-Đế. Trẫm nghĩ rằng lúc gian nan tôi chúa đã có nhau thì khi an-lạc, quần thần cũng nên đồng-hưởng. Vậy Khanh tiếp được tờ dụ này, nên tức khắc về Kinh để Trẫm thỏa lòng mong-mỏi. KHÂM-TAI * Viết xong, vua đưa quần thần xem một lượt, đoạn vuốt râu cười mà phán rằng : - Như thế này mới thực là tờ chỉ buộc chân voi, kẻ yêm hoạn kia khó lòng mà tìm cớ thoái-thác được. Để khi hắn về đây, Trẫm sẽ liệu cho hắn. Nhất định là hắn sẽ phải lưu tại Triều-Đình. Chức vụ Tổng-trấn lục-tỉnh Nam-Kỳ sẽ do người khác đảm-nhận. Kẻ phản-thần đành bó tay chết già ở xó kinh-đô nầy, không còn hòng thi-thố gì được nữa. Về phần Trẫm sẽ tránh được cái tiếng bạc-đãi công-thần. Thực là hai đường công tư cùng toàn-vẹn, các khanh nghĩ sao ? Bọn đại-thần cùng đứng dậy chắp tay : - Bệ-hạ thực là bậc minh-quân thánh-chúa, trí-nhân gồm đủ, cho dẫu thần-minh cũng khó lòng lường được ! III - TỜ dụ này, theo ý con, có nghĩa như thế nào ? Lê-văn-Khôi tức giận đến đỏ gay cả sắc mặt. Chàng hằn-học nói : - Nó có nghĩa là dụ hổ ra khỏi rừng xanh, lừa rồng lên khỏi đáy vực ạ ! Lê-tướng-công gật-gù : - Hừ !… Thế mới rõ nhân-tâm nan trắc mà công-danh phú-quý ở đời chẳng qua chỉ là một trò mây che mà thôi !… Cha nghĩ bao nhiêu càng chán-nản bấy nhiêu. - Thưa cha !… - Gì ? - Cha chán-nản, cha ngã lòng lắm… - Chính vậy ! - Đã đành rồi, nhưng liệu người ta có để yên cho cha ngã lòng, chán nản chăng ? - Chẳng để yên thì làm gì ! - Con không tin như vậy. - Con tin thế nào ? - Người xưa chẳng vẫn nói : vua giận thì bày tôi phải chết đấy ư ? Nay vua đã giận, đã muốn cha phải chết rồi… - Chưa chắc… - Thì ý đã sờ sờ ra đấy ! - Con nói cha nghe ? - Vua dụ cha về kinh. Cha mà không về ư ? Sẽ có tờ ban ra, kể tội cha manh tâm phản phúc kháng cự mạng vua, rồi thì lũ Triều-thần ghen-ghét được dịp chưng ra những chữ kêu vang như sấm : nào bất-trung, nào phản-bội, để lừa dối dân gian. Bọn này ngu mê, biết gì là lẽ phải. Chúng chẳng khỏi sẽ bỏ cha mà về phe với Triều-đình, mạnh thế hơn. Lúc bấy giờ, cha đã bị cô-lập. Triều-đình mới cử binh vấn tội, cha làm cách nào mà bảo-toàn được tính-mệnh ? - Nhưng cha sẽ về. - Ấy tức là cha tự đem mình vào cạm rồi còn gì ! - Đem thân vào cạm ? - Thì chính thế ! Người ta chỉ còn chờ đợi cha về đến kinh, lúc ấy cha sẽ là một tù nhân bị giam lỏng ở đất đế-đô. Chức Tổng-trấn Nam-kỳ sẽ về tay người khác. Con hổ ngoài sân kia, răng móng đã bị nhổ cả rồi, đứa trẻ bây giờ cũng dám coi thường nó. Ấy, cái số-phận cha ở kinh-đô sẽ như thế đấy ! Lê-tướng-công đứng phắt dậy. Ngài tuốt gươm chém một nhát hẳn một góc án thư, đoạn gầm lên mà rằng : - Đã thế, ta nhất-định về kinh xem nó ra làm sao !… Lâ-văn-Khôi nói : - Thưa cha, về thì nhất định là phải về rồi. Chỉ còn tính cách nào về rồi lại đi được mà thôi ! - Con có ý-kiến gì hay chăng ? - Thưa cha có. - Con nói cha nghe. - Cha hãy làm như vui mừng tiếp chiếu nhà vua vời về bệ-kiến. - Sao nữa ? - Và cha hãy lên đường ung-dung. - Được rồi. - Trong khi ấy, con sẽ đảm nhận mọi việc… - Đại khái ? - Con sẽ điểm một ngàn khinh-kỵ, đi nhật dạ về kinh đô… - Con sẽ đi vào lúc nào ? - Con sẽ đi ngay sau lúc cha lên đường. - Thế thì con sẽ đến trước cha rồi còn gì ! - Cha đi ngựa hay đi võng ! - Cha đi võng ! - Cha đi ngựa thì hơn… - Cũng được. - Cả hai cha con cùng đến kinh-đô một lúc. - Con sẽ dàn quân chiếm đóng ngay bên ngoài bốn cửa Hoàng-thành rồi con theo cha cùng vào chầu thiên-tử. Lê tướng-công cười ha hả : - Hay lắm !… Được lắm ! - Triều-đình sẽ trở tay không kịp. Và sau khi chầu vua xong, cha sẽ viện cớ ở ngoài ven, chức-vụ của cha rất quan trọng, không thể vắng mặt lâu được, thế rồi cha cáo lui. Hai cha con ta lại phi thực nhanh về đây. - Giỏi… giỏi !… Bốn ngàn móng ngựa sẽ làm mù bụi đất kinh thành phen này ! Lê-văn-Khôi cũng cười náo nức : - Và hành-động ấy mới xứng-hợp với uy-danh của đại tướng-quân Tả-quân… - Lê-văn-Duyệt ! Tướng công nắm tay Lê-văn-Khôi : - Con thực là người của trời sai xuống giúp ta. Cứ những như vua thì cũng không nỡ lòng nào hại cha đâu. Chỉ giận thay cái lũ hủ nho móng tay gãi ghẻ chúng nó ghét ghen mà thôi ! - Để xem, hễ biết đích-xác đứa nào cha cứ chặt phăng đầu nó đi. - Đành rồi, chỉ tiếc một nỗi chúng nó khôn lắm !… - Thưa cha, theo ý con, con nghĩ rằng bọn gian-ác nếu đã dám tính đến chuyện hại cha, ấy cũng là do lượng trên có ý không dung cha rồi. Nếu như nhà vua xét nghĩ đến cái công bách chiến của cha, đứa nào mở mồm dèm pha, vua gạt phăng đi thì đâu nên nỗi. Lê tướng-công trầm ngâm một lát đoạn thở dài : - Con nói có lý lắm ! - Bởi vậy, con vẫn thầm nghĩ, nếu con ở vào địa-vị cha… - Thì con sẽ làm cách nào ? - Con sẽ… con sẽ… làm như nhời con đã thưa với cha ngay từ hôm con mới tới đây… Chàng rung đùi cất tiếng ngâm : - Bỉ trượng-phu hề ngã trượng-phu ! Lê tướng-công bật cười : - Đã đành sức cha có thể làm thừa đi, nhưng mà… Ngàn năm ai có khen chi Hoàng-Sào !… Con xem, oanh-liệt đến như Tây-Sơn Hoàng-Đế, Bắc diệt Mãn-thanh, Nam phá Xiêm-la, gây nên một đoạn lịch-sử hiển-hách nhất trong lịch-sử nước Nam, vậy mà dân-chúng vẫn không thừa nhận. Văn-Khôi thở dài : - Số mệnh !… Chẳng qua số-mệnh cả. Cha cũng biết Người mới thực đáng vì chúa tể của cha, nhưng trót lỡ mất rồi, còn biết nói sao ! Phạm-Tăng đã trót về với Hạng Vương, dù biết Cao-Tổ là bậc đại-đức nữa, cũng đành chỉ vuốt bụng thở dài… Hai cha con cùng nín lặng. Hồi lâu, Văn Khôi hỏi : - Thưa cha, bao giờ cha lên đường về Kinh ? - Cha định mai đi sớm. - Thế để con sửa soạn. - Phải đấy, cha viết tờ lệnh cho con đem xuống phòng binh điểm ngay lấy một ngàn dũng-sĩ… - Con xin chọn trong đám quân Hổ-đội. - Tại sao không lấy ở các đội khác ? - Là vì hổ-đội gồm phần nhiều những chiến-sĩ thiện nghệ, đã từng theo cha trong các trận đánh nhau với quân Tây-sơn trước. - Ồ, con tôi làm như là sẽ có một trận đại huyết-chiến không bằng. - Thưa cha, phòng bị trước bao giờ cũng vẫn hơn… Thánh-nhân đã có câu : vô viễn lự tất hữu cận ưu. Nếu bọn gian-thần hủ-nho trở giọng, con sẽ không ngần ngại gì mà chém đầu chúng như chém củ chuối ! - Ừ, thôi cho con cứ tùy tiện mà làm, có điều nếu không ra sự biến gì, con chớ có vọng-động mà nguy đấy. - Xin tuân lệnh phụ-thân. Văn-Khôi đứng phắt dậy, vái cha nuôi rồi lui ra. Trong trí tướng-tượng đương bồng-bột, kế tiếp nhau hiện ra những trận tranh hùng ghê gớm… IV GIỮA một buổi đại-triều ở điện Thái-hòa. Vua và các quan đương bàn quốc-gia trọng-sự. Thình lình, ai nấy đều chú ý lắng tai nghe… Tự ngoài xa, và khắp bốn phía cùng một lúc cái gì phảng-phất như nước réo qua nhiều quãng đê vỡ, hay một cơn thủy-triều đương hú mạnh. Nguyễn Hoàng-Đế ngừng một câu phán giở, và toan sai nội-giám ra xem việc gì, bỗng có Hoàng-môn-quan hốt hoảng chạy vào quỳ tâu : - Muôn tâu… muôn tâu Thánh-Thượng, binh-mã không biết từ đâu… bỗng ầm ầm kéo tới rất đông và có vẻ hung hăng lắm !… Nguyễn Hoàng-Đế cau mặt : - Binh-mã… nào mà khi không lại hiện ra đông thế được ? - Tâu Thánh-Thượng, ấy là điều mà hạ-thần không hiểu… - Hãy trở ra xem nào !… Hoàng-môn-quan phụng mệnh lui ra… Bấy giờ, những tiếng người tiếng ngựa đã rõ. Thực là ồn-ào, đột-ngột, khủng-khiếp. Những tiếng vang-động rội vào trong hoàng-thành, nghe càng to gấp bội. Đất như chuyển lên. Trăm quan ngơ-ngác nhìn nhau. Trong đầu mỗi người thoáng hiện kế tiếp hàng trăm câu hỏi. Và hàng trăm điều ức-đoán… Không ai hiểu rõ gì với gì nữa. Nhưng tất cả cùng linh-cảm một cách rõ-rệt và khủng khiếp rằng một biến-cố phi thường nào đó đã hiện ra bên ngoài dải tường thành. Hoàng-môn-quan lật đật chạy trở vào. Nguyễn Hoàng-đế thét hỏi : - Binh mã nào ? Việc chi ?… - Tâu Thánh-Thượng, ấy là quân mã của Tả-quân Thống-Chế Lê-văn-Duyệt… - Lê-văn-Duyệt ?… Một tiếng sét nổ giữa trời quang tạnh không làm cho người ta hoảng hồn bằng. Vua tôi đều lặng đi trong giây phút. Một cảm-giác nặng nghìn cân đè nặng xuống tâm-hồn cử-tọa. Hơi thở người nào người nấy như đứt quãng… Mắt người nào người nấy mờ đi. Nhất là những ai đã dụng tâm xử tệ với Lê-tướng-công ! Họ thoáng thấy hiện ra trước mặt họ cái bóng một vị hung-thần đương tiến đến với một tấm lòng đầy thù oán… Nhưng, mọi lo-lắng, nghĩ-ngợi ấy đều chỉ thoáng qua… Một sự cần thiết ghê-gớm làm cho ai nấy phải tìm ngay cách đối-phó với tình-trạng nguy-ngập. Nguyễn Hoàng-Đế nhắc : - Lê-văn-Duyệt ?… Hắn thình-lình đem binh mã về triều làm gì ?… Phải, hắn đem binh-mã về triều làm gì, nếu không là để uy-hiếp Trẫm… nếu không là do một ý đại nghịch ? Những câu vua phán cứ như từng nhát búa đánh mạnh vào óc trăm quan ; và làm cho cái nguy-cơ càng rõ-rệt, càng khẩn-thiết. Đến nỗi, mấy ông đại-thần đã bàn kế-sách hại Lê tướng-công hồi-hộp thoáng nghĩ đến cái vạ giận cá chém thớt. Thực vậy, trước cái hành-động ngang-tàng của Lê tả quân, nhà vua có thể đổ lỗi cho một vị đại-thần nào đó. Kẻ không may không những sẽ không trách thoát sự căm-hờn của vị lão-tướng mà còn e búa rìu của chính nhà vua nữa. Thế mới rõ đương yên đương lành đi kiếm chuyện với người không thù oán gì mình để rước lấy tai vạ vào thân ! Những ý-tưởng dồn-dập này làm cho lắm vị quan lớn hay tâng công kinh hồn táng đởm, mặt cắt không còn hột máu… - Chư-khanh !… Tiếng thét của nhà vua, tự cửu-trùng gieo xuống, như một lệnh lấy đầu. Văn võ giật nẩy mình… Đức vua tiếp luôn : - Thế nào ? Chư-khanh nghĩ đến đối phó bằng cách nào bây giờ ? Nói mau… Một vị văn-quan quỳ tâu : - Muôn tâu thánh-thượng, tình-thế hiện khẩn-cấp lắm rồi… Vua gắt : - Điều ấy, ai còn không rõ ! Trẫm hỏi đây là hỏi cách đối phó với Lê-văn-Duyệt kia… - Tâu Bệ-hạ, bây giờ tốt hơn hết là cứ làm như không để ý gì đến cái hành-động ngang-ngược bất kính của Lê-văn Duyệt… - Sao nữa ? - Thánh-Thượng hãy sai quan ra Ngọ-Môn đón va vào Triều, và hãy niềm-nở đón tiếp va, tự hồ sự va đến chính là vào giữa lúc Thánh-Thượng đương chờ mong. Hãy cứ làm như thế đã rồi sau hãy tìm cách khác… Vua gật đầu : - Kế ấy nghe được !… Vậy, mấy khanh trong hàng tứ trụ hãy mau mau ra Ngọ-Môn vời Tả-quân Lê-văn-Duyệt vào đây. - Phụng mệnh ! Bốn ông đáp cùng một lúc, giọng to-tát và dõng-dạc, tỏ ra rằng những hồi-hộp đè nặng trên tâm-hồn các ngài đã cất hẳn. Vua và trăm quan cùng nhìn theo bóng bốn vị đại-thần ra cổng. Có thể nói tất cả ngần ấy con mắt đều bị một sức thu hút không sao cưỡng nổi. Nhưng, sự chờ đợi của vua quan không lâu. Chỉ chừng rập bã trầu, bốn vị đại-thần đã khúm-núm trở vào, dẫn đầu là Tả-quân Đô-Thống Lê-văn-Duyệt. Lê Tướng-công mặc sắc-phục Đại-thống-chế. Trên đầu, ngài đội một cỗ mũ trụ dát vàng ngũ tía. Mình ngài mặc giáp chiến ; ngoài phủ cẩm-bào mầu huyết dụ thêu rồng vàng. Bên ngoài tà áo phủ, người nào để ý nhìn sẽ thấy thấp thoáng một thanh đoản kiếm đeo cạnh đùi bên trái. Tướng-quân ngửa mặt nhìn cao, nghênh-ngang tiến vào giữa sân rồng. Theo liền sau ngài là bốn vị đại-thần, dáng khép-nép và sợ-sệt. Đoạn hậu cho đám năm người, Lê-văn-Khôi, mặc sắc phục mãnh dũng quân đội-trưởng, rảo bước tiến theo như sẵn-sàng đối-phó với hết thảy mọi bất trắc có thể xảy ra thình lình. Vào đến trước thềm son, Lê đại-tướng dừng lại toan làm lễ triều bái thì một tiếng hô to đã từ trên điện ném xuống : - Thánh-Thượng miễn lễ ! Tả Thống-chế nghiêng mình vái ba vái đoạn tiến lên thềm rồng. Giữa sân Lê-văn-Khôi quỳ lạy năm lạy và tung hô Vạn tuế… Trong khi ấy, nội-giám theo lệnh đức vua, đã mang một chiếc kỷ son đặt ở phía tả ngự tọa. Hoàng-Đế truyền Lê Thống-chế ngồi. Lão-tướng tạ ơn vua xong rồi mới an vị. Bách quan để hết tinh-thần nghe câu chuyện giữa đấng Thiên-tử và Lê Tướng-công. Đức vua ôn tồn phán : - Hiền-khanh bấy lâu trọng-trấn ngoài xa. Trẫm ngày đêm hằng mong nhớ. Nay nhân lúc vô sự, Trẫm mới giáng chỉ vời hiền-khanh về bệ-kiến, không ngờ hôm nay vua tôi đã giáp mặt nhau, Trẫm thực thỏa lòng khao-khát. Lê thống-chế đứng đậy, chắp lay nói : - Hạ-thần phận là võ-tướng trọng-trấn biên cương xa vời kinh khuyết, vấn chỉ lo đấng quân vương bỏ quên, chẳng ngờ Thánh-Thượng vẫn sẵn lòng đoái tướng, thần-hạ thực muôn vàn cảm-kích. Hôm nay, nhân ứng-chiếu, hạ thần được cái may-mắn chiêm cận long-nhan, hạ-thần cúi xin nhắc lại một lần nữa cái dự-định đánh Xiêm-la và mong Thánh-thượng chuẩn tấu… Đã đành rằng Thánh-thượng nhân-từ đại-độ, không nỡ bắt lê-dân phải chịu cái khổ cực binh-đao, nhưng hạ-thần thiển nghĩ cái quyền lợi của quốc gia bao giờ cũng nên đặt lên trên hết mọi sự. Vua tìm cách hoãn-binh : - Việc ấy quan-trọng không phải nhỏ, vậy để rồi hãy bàn sau. Rút lời, vua nhìn Lê Thống-chế, mỉm cười mà rằng : - Hiền-khanh về kinh chuyến này để bệ-kiến Trẫm, cớ sao lại đem binh mã đi theo nhiều thế ? Lê Tướng-công sầm vẻ mặt : - Tâu Thánh-thượng, hạ-thần đem quân mã theo không phải là vô cớ. Nay quân-vương đã ban hỏi, thần xin cứ thực tâu bày, vì thần là kẻ lỗ mãng không quen giấu những điều mình nghĩ… - Cho khanh cứ tâu ! - Hạ thần theo hầu Tiên-Đế trong bao nhiêu năm, đã từng cùng vua trải đủ mùi gian-lao tân-khổ. Nay, dù thiên hạ đã đại định, thần mong ơn mưa móc được dự vào hàng cực-phẩm nhân-thần, sự phú-quý thực đã đầy-đủ. Giá như ai, thần có thể cứ ngồi yên mà hưởng sự giầu sang, còn phải nghĩ ngợi gì nữa. Nhưng, một là vì xuất thân là kẻ võ sĩ, thần không quen ngồi nhàn ; hai là vì mỗi khi chợt nhớ đến những nhời tâm-huyết của Tiên-Đế, nghĩ đến cái thanh thế và quyền lợi của nước nhà, thần luôn luôn giật mình lo lắng nên đã dò xét, bàn tính kỹ-lưỡng mới dám tâu lên ngự- lâm. Ấy thế mà trong lúc hạ-thần xa vắng, có kẻ dám nghi ngờ sự ngay thẳng của hạ-thần, kiếm lời dèm pha để chia rẽ vua tôi, mong những hãm hại kẻ hạ-thần vào vòng tội-lỗi và, gieo tiếng bất-minh cho quân-thượng. Những kẻ ấy thực đáng giận. Bởi thế cho nên thần xin đem hết cả cái công phu từ lúc theo hầu Tiên-Đế ra mà cầu xin bệ-hạ cho hạ thần gỡ mặt nạ những kẻ lòng lang dạ thú ấy, đem chúng mà băm làm muôn mảnh… Càng nói, Lê Đô-Thống càng uất phẫn, mắt ngài sáng quắc như lửa, mắt ngài đỏ gay-gắt. Ngài nhìn khắp hai hàng văn võ một lượt khiến nhiều kẻ phải cúi đầu thất sắc. Nhà vua thấy tình hình ấy, liền cười mà rằng : - Hiền khanh nhiệt thành vì vua vì nước sự ấy đã rõ rệt và không còn ai cãi lại được Trẫm rất khen ngợi. Còn như trăm quan văn võ tại Triều, đối với hiền-khanh đều có cảm tình tốt cả, chứ không ai đem lòng ghen ghét hoặc ngầm mang ý gì khác đâu ! Biết rằng nhà vua có ý che đậy cho lũ thù địch của mình, Lê-Thống-Chế càng uất phẫn cực điểm. Lão tướng hét lên : - Thánh-Thượng nhân từ nên che chở cho những quân gian ác tiểu nhân ấy thì hạ thần đành chịu vậy. Nhưng mà một ngày kia nếu hạ thần thấy rõ cơ tâm của chúng, hạ thần sẽ đem tính mệnh này đổi lấy tính mệnh chúng và xin cam chịu tội với Bệ-hạ. Bầu không khí đến đây thực nặng-nề. Vua lấy làm khó chịu quá. Khó chịu nhất là không tiện nói rõ tâm sự ra nhời. Còn trăm quan thì ngơ ngác, ai cũng lạnh gáy, chỉ sợ đầu chẳng phải phải tai… Nhưng Lê-văn-Duyệt đã đứng dậy : - Tâu Bệ-hạ, thần về đây, được chiêm ngưỡng long nhan, lòng thần thế là vui thỏa lắm rồi. Vậy thần xin bái biệt Bệ-hạ để lại lên đường về lục tỉnh. Vua tỏ vẻ ngạc-nhiên : - Ô hay, sao hiền-khanh lại đi ngay như vậy ? - Là vì trọng-trách của hạ thần ở ngoài ngàn dặm không cho hạ thần được quyền ở lâu tại đế-kinh. - À, điều ấy hiền-khanh đừng lo. Trẫm đã vời hiền khanh về đây, trong nam ví có xẩy ra sự gì, Trẫm há lại trách cứ hiền-khanh hay sao ? - Thần cảm thâm ân của Bệ-hạ. Khiến nỗi quân mã đem theo không tiện quá. Xin Bệ-hạ chuẩn tấu cho. - Nếu thế thì ít ra khanh cũng ở lại đây một ngày, để vua tôi trò chuyện với nhau đã. Nói xong, vua truyền đặt yến đãi vị lão thần và cho binh-bị ra khao thưởng cho quân mã của Thống-Chế. Ngài lại truyền bầy trò vui cho voi và hổ chọi nhau. Lê-Thống-Chế không còn cách nào từ chối được nữa đành phải nín lặng. Lập tức mọi việc khởi-hành. Chỉ trong giây lát, tiệc yến đã bày xong. Vua cùng Lê-Thống-Chế vào tiệc. Trăm quan văn võ cũng được dự. Trong khi ấy, Lê-văn-Khôi vẫn cắp gươm đứng hầu sau lưng Lê-Thống-Chế, không chịu rời xa nửa bước ! V MỘT bãi đất rộng trong nội phủ, chung quanh vây gióng gỗ rất kiên cố. Ngoài giống gỗ là một hàng lính ngự lâm cầm dáo mác đề phòng. Ở góc phía bắc khu đất ấy, người ta dựng một cái lầu gỗ cao, trên có mái căng vải mầu vàng nhạt và có bao lơn đỏ chói. Nguyễn-Triều Hoàng-Đế, cùng Hoàng-hậu, hoàng-tử công-chúa, các vị đại thần trong lục bộ, Tả quân Thống-Chế Lê-văn-Duyệt đều ngồi trên lầu cao, dưới bóng những tàn vàng tán tía rực rỡ. Vua ngự ở ghế chạm rồng đặt gần bao lan nhất. Hai tên thị vệ cầm hai chiếc tàn vàng che. Xế về bên tả bảo tọa, là ghế ngồi của Tả quân Thống Chế Lê-văn-Duyệt. Lão-tướng ngồi chầu vua, nhưng phía sau vẫn có Lê văn-Khôi cắp gươm đứng hầu, y như cảnh Quan-Vân-Trường đan đao phó hội thời Tam-Quốc vậy. Rồi sau lưng vua mới đến Hoàng-hậu, Thái-Tử, Công Chúa, các vị hoàng-thân, các vị đại-thần. Vua ngự ra được một lát, thì cuộc vui bắt đầu. Một hồi đại cổ gióng lên. Tiếp liền ngay đến tiếng hò reo, tiếng chiêng đồng, thanh-la, tiểu-cổ, ầm ầm như trong một trận kịch-chiến. Người ta mở cũi cho một thớt voi tiến ra giữa bãi. Ấy là một con voi trận cực to, dữ tợn, hung-hăng và đen trũi như một tảng đá bị cháy xém. Con voi vừa ra thì cửa một chiếc cũi khác cũng mở. Một tiếng rống kinh hồn. Một con hùm lớn hơn con ngựa, sắc lông vàng già như một ngày nắng hạ. Ác thú chạy lồng ra bãi, bao nhiêu móng nhọn, bao nhiêu răng, nanh đều phô trắng hếu. Tiếng hò reo của quân-sĩ bội lên. Hai con vật bị kích-thích, liền nổi hung, xông thẳng vào nhau mà đánh. Thoạt tiên, hùm lợi thế hơn voi. Nó nhẩy vọt lên, ôm lấy vòi voi mà cắn mạnh như muốn xé cho kỳ đứt. Voi bị đau, chạy cuồng lên, làm cho mặt đất phải rung động. Trên đài cao, khán giả hồi hộp theo cuộc chiến đấu tàn khốc. Trong khi ấy, con voi đã làm cho con hổ phải tuột răng rơi xuống. Ác thú gầm vang động. Voi cũng hăng không kém. Nó lăn xả vào, nhất định lấy ngà húc cho kỳ đến lúc mãnh hổ phải chết nó mới nghe. Trước cái cảnh hổ tượng tranh hùng, cái thiên-tính khát máu của người vụt tỉnh thức. Người ta hò reo còn chưa đủ. Người ta dậm chân, múa tay, náo nức như muốn nhẩy vào trong gióng mà dự cuộc. Thình lình, con voi giơ vòi cuốn được con hổ. Nó tung mạnh ác thú lên cao, định hễ chú hổ bị rơi xuống, nó sẽ lấy chân xéo bẹp. Bất ngờ, hổ bị văng mạnh, rơi đâu không rơi lại nhè ngay trước chỗ vua ngồi mà giáng xuống, làm, cho tòa lầu rung rinh suýt đổ sụp. Hùm đương cơn điên, nhăn răng giơ móng toan làm dữ. Mọi người bạt vía. Những tiếng kêu hoảng-hốt nổi lên. Các bà nội-cung, các quan đại thần xô nhau ai cũng chỉ nghĩ đến mạng mình, cơ hồ quên cả vua. Thực là một tai biến trời nghiêng đất lệch ! Cảnh hỗn loạn không bút nào tả xiết. Tả Thống-chế nhanh trí vội đứng phắt dậy thét : - Khôi ! mau cứu giá !… Chàng thanh-niên dũng-sĩ dạ một tiếng đoạn nhảy phắt lại. Nhanh như chớp, chàng gạt vua lại phía sau, thuận tay nắm lấy hai cánh tay mãnh-hổ và co chân đạp thốc vào bụng ác-thú một cái. Mãnh hổ lộn nhào xuống bãi. Đức vua thoát nạn. Tẩt cả cùng cảm thấy trên ngực nhẹ hẳn được nghìn cân ! Nhưng, người ta vẫn chưa hoàn hồn… Ai nấy vẫn còn run như rẽ. Nguyễn Hoàng-Đế cầm tay Khôi và nói : - À, lúc lâm nguy mới biết ai là người xả thân cứu chúa… Không có tráng-sĩ, Trẫm chắc chắn mắc nạn mãnh hổ rồi… Nói xong, vua hỏi Lê Thống-chế : - Hiện nay, tráng-sĩ làm chức gì dưới trướng hiền khanh ? Lê lão-tướng đáp : - Tâu Bệ-hạ, đây là con nuôi của hạ-thần. Hắn mới được hạ-thần cho giữ chức đội-trưởng trong cơ mãnh-hổ quân. Vua gật đầu : - Kể tài võ dũng, tráng-sĩ đây thực đáng phong đến chức Thống-đốc Ngự-lâm quân ! Lê-văn Khôi lạy tạ : - Tiểu thần xin bái tạ thâm ân của Thánh-Thượng. Thần chịu ơn của phụ-thân thần nhiều lắm, đã nguyện suốt đời chỉ theo hầu dưới cờ, không dám mong tướng quan chức gì hết… Hoàng-Đế nghe tâu càng tỏ ý khen ngợi khôn xiết. Ngài truyền thưởng cho Lê-văn-Khôi vàng lụa và thân tự thảo sắc phong chàng làm Hiến nghĩa tướng-quân. Lê Thống chế cùng con lạy tạ ơn vua xong ; liền lại xin phép về Nam. Nguyễn-Triều Hoàng-Đế không viện lẽ gì lưu hai cha con Thống-chế được nữa, bèn phải ưng thuận. Trước khi Lê Thống-chế lên đường, vua cầm tay lão tướng ân-cần dặn : - Hiền-khanh vào Nam, thỉnh-thoảng nên về kinh để Trẫm khỏi mong nhớ. - Thần xin phụng mệnh. - Còn như những điều hiền-khanh đã tâu, Trẫm cam đoan rằng không có. Mà dù có nữa, Trẫm cũng không bao giờ làm tai nghe. - Nếu được vậy, thực là đại phúc cho hạ-thần. - Trẫm không bao giờ quên rằng hiền-khanh đã là một vị khai-quốc công thần của đức Thế-Tổ. Vậy, hiền-khanh đừng nghĩ-ngợi gì cả. Lê Thống-chế ứa nước mắt : - Thần là võ tướng, không nham-hiểm dân được như bọn văn quan, trăm sự nhờ lượng cả của Thánh-Thượng mà thôi !… VI CÁI việc hai cha con Tả-quân Lê-văn-Duyệt đem mấy ngàn kỵ-mã về Triều rồi lại trở vào trong Nam vô sự thành ra cái đầu-đề bất tuyệt cho ai nấy bàn tán một cách cực-kỳ khoái trá. Công-chúng thường vẫn vậy. Họ đứng ngoài vòng danh-lợi nên nhận xét và phán đoán bao giờ cũng vô tư. Họ rất ghét kẻ gian-tà, phường rua nịnh hiểm ác. Họ sẵn-sàng phò tá người trung-lương, ủng-hộ những ai oan khuất. Bởi thế, đối với vị lão tướng bách chiến, có công phù tá vua Thế-Tổ nhà Nguyễn, như Hàn-Tín đã phù tá Cao-Tổ nhà Hán, họ rất cảm-tình. Và, thấy ngài bị nhiều kẻ dèm pha, toan bề hãm hại, họ thương-xót vô cùng. Họ thống mạ lũ tiểu-nhân toan hại người trung-trực. Họ chỉ mong bọn ấy bị lột mặt nạ, bị hành-phạt một cách xứng-đáng với tội ác của chúng. Cái hôm mà Tả Thống-Chế thình-lình về kinh, kỵ-mã đóng kín cả bốn cửa thành, ai nấy cùng hồi hộp đợi chờ xem một cảnh-tượng phi-thường hiếm có. Hàng vạn cặp mắt cùng nhìn cả vào hoàng-thành ; hàng vạn cái miệng cùng lẩm-bẩm : - Nào, thử xem phen này cháy nhà ra mặt chuột, những ai ngay ai gian mới tỏ rõ được ! Nhưng, đến lúc hai cha con Lê Tả-quân lên đường về Nam mà không một tên gian-nịnh nào phải chết cả thì họ đều phàn-nàn tức-tối giay tay, nắm miệng… Họ chê trách nhà vua che đậy bọn gian thần ; họ tiếc cho Lê Tả-quân ít quả-quyết quá, mặc dầu cái việc Lê văn Khôi đánh hùm cứu giá, và cái thái-độ ngang-tàng của Tả-quân Duyệt khiến trăm quan đều khiếp vía nọ đều làm cho ai nấy sung-sướng háo nức. Căm-tức Lê Tả-quân, chỉ có bọn gian nịnh chịu hại ngài mà không được. Cái lúc vị lão-tướng đem kỵ-mã về náo triều-đình, bọn chúng sợ-hãi mất mật chừng nào, giờ, thấy cơn nguy-hiểm đã qua, chúng càng thù ghét lão-tướng ngần ấy. Có điều, chúng cũng tự biết trêu vào lão-tướng tức là vuốt râu hùm, và lâm thời chính ngay nhà vua cũng khó lòng che-chở cho chúng được. Thực thế, sự cong queo bao giờ cũng bị khuất-phục trước sự chính-đại quang-minh. Nhà vua có nghe lời sàm tấu, có ghét bỏ vị lão-thần chăng nữa thì cái đầu điểm bạc kia cũng chẳng thể đem mà ghép vào một tội gì được, ấy là chưa kể cái công-lao vĩ-đại, và cái huân-nghiệp chói lòa sử sách. Hơn thế nữa ! Cha con Tả tướng-quân lại vừa có cái công cứu giá, một công-lao rực-rỡ nhất mà kẻ bầy tôi có thể có được. Lúc nguy-nan mới biết ai là hết-lòng vì chúa ! Nhà vua nhớ lại cái lúc con mãnh hổ bị ném lên lầu. Thôi thì từ hoàng-thân quốc-thích, đến văn võ đại-thần, ai nấy đều sợ-hãi mất mật, và chỉ lo thoát lấy thân mình. Tấm lòng đấng chí-tôn chẳng khỏi bùi-ngùi chán nản ! Trong khi ấy thì vị lão tướng vẫn điềm-nhiên bởi không nghĩ chi đến bản thân. Ngài thét con nuôi nhảy lại cứu giá. Trời, nếu Lê-văn-Khôi mà không can-đảm phi thường, không nhanh chân một chút thì cả cái miệng lởm-chởm những răng và nanh kia chắc đã khép chặp lại, nghiến nát thịt xương vua rồi còn gì ! Nhà vua rùng mình và lẩm-bẩm : - Chính những kẻ mà ta toan làm tội lại là những kẻ có công với vua, với nước nhất ! Nhà vua hối-hận vô cùng. Ngài còn cho rằng việc con hùm toan làm dữ, biết đâu chẳng là sự cảnh-cáo thiêng-liêng nào đó !… Ngài truyền gọi mấy ông quan lớn hằng tỏ ra hằn-học với Lê Tả quân nhất mà phán rằng : - Từ nay, các khanh phải lấy lợi quyền của nước nhà làm trọng hơn cả và không nên có những tư tình tư ý gì, nghe chưa ! Các quan cúi đầu vâng dạ. VII LÊ TẢ-QUÂN về Nam được ít lâu thì tòa thành Phan-an cũng vừa xây xong. Tường thành xây toàn bằng đá ong, bề cao ngang với đế thành, hào rộng và sâu, thêm một lần lũy tre dầy, thế rất hiểm-yếu. Trong thành, theo lệnh phó vệ-úy Lê-văn-Khôi, lương soạn và cỏ khô đều được tích trữ rất đầy đủ. Sự xây thành Phan-an tuy làm cho dân phải cung ứng phu phen mà không một ai phàn-nàn gì hết. Nguyên do là vì ai nấy đều tâm phục Lê tướng-công, một vị đại-thần không những chỉ có uy mà còn có ấn-trạch đối với dân-chúng rất nhiều. Thực thế, từ khi Lê Tướng công trọng-trấn sáu tỉnh Nam-kỳ, những kẻ gian-phi đều khiếp-vía, lần-lượt bảo nhau bỏ nghề trộm cướp mà trở lại làm ăn lương thiện. Bọn dân làng thì nhờ vậy mà vui-vẻ cày cấy, bán buôn để mưu sự no ấm cho thân gia. Cuộc sinh-hoạt càng ngày càng thịnh vượng, đến nỗi người ta đã gần như quên cả những thương-tích của bao nhiêu năm nội chiến vừa qua. Tất cả các cái ấy đều do tài năng cai trị của Lê Tướng công. Dân chúng coi Ngài như một bậc nghiêm-phụ vậy. Sự ngài bị bọn gian nịnh dèm pha, nhà vua nghi-kỵ khiến dân gian thương-cảm và nhất định lâm thời sẽ bênh vực Ngài. Họ tỏ cái ý ấy bằng cách hăm-hở góp sức vào công-cuộc xây-dựng tòa thành đá vô cùng vĩ-đại. Chẳng những thế, dân-chúng còn biết rõ cái chí bình Xiêm của Lê Tả-quân nữa. Họ tán dương cái ý ấy, bởi vì họ biết rằng Tướng-công mà làm là phải được. Quốc-gia Đại-Nam sẽ nhờ vậy mà mở rộng thêm ; dân tộc đại-nam sẽ được thỏa cái mộng nam tiến đã bắt đầu thực hiện từ bao đời vua chúa. Và, họ thấy ở trong việc phục-dịch xây thành một cử-động đầy chứa cái tinh-thần ái quốc. Trên dưới đồng tâm như vậy, công việc gì mà không thành-tựu mau-chóng và đẹp-đẽ ! Câu chuyện cha con Lê-tướng-công về Triều, bọn gian thần bị nhục và Lê-văn-Khôi tình cờ có công cứu giá lại càng thêm một bó đuốc vào đống lửa đương ngùn-ngụt cháy. Nhưng Lê Tả-Quân đã thay đổi hẳn ý cũ. Ở ngài, vừa xẩy ra một biến-cải lớn và sâu xa trong tâm-hồn. Trước cái vẻ gian-nịnh quy-lụy của một số đại-thần, trước sự nghi-kỵ của Thánh-Tổ Hoàng Đế mà cử-động của Lê-văn-Khôi không đủ làm tiêu-tan hẳn, thêm cái ý-nghĩ về cái chết của hai vị khai quốc công thần, bạn đồng-liêu của tướng công là Lê-văn-Chất Nguyễn-văn-Thành, Lê-tướng công bỗng thấy lòng bị tràn ngập bởi một chán-nản. Ngài ngao-ngán cho sự vô thường của việc đời. Ngài ngao-ngán cho cái công danh phù thế, và coi hết thảy như áng mây nổi chợt tụ đấy rồi tan mất lúc nào đó không hay. Bởi thế, từ lúc ở kinh đô trở về, tướng công tính tình khác hẳn. Ngài lặng lẽ, it nói ít cười, luôn luôn có vẻ buồn rầu suy-nghĩ. Đối với dân gian, ngài dẹp hết uy vũ, chỉ chăm làm ơn làm huệ, khuyên bảo những điều hay lẽ phải và sự làm ăn chăm-chỉ. Đối với kẻ chót phạm tội, ngài giảng-giải hơn thiệt và khuyên ngăn đừng tái phạm nữa. Kẻ nào xét ra thực tính ngu dại mà làm nên tội hoặc vì nghèo khổ quá đâm liều, tướng công đều chu cấp vốn liếng hoặc cho công ăn việc làm để chúng tự nuôi được thân và nuôi vợ nuôi con. Nhờ thế mà trăm họ nhiều khi tưởng mình sống lại đời Nghiêu Thuấn. Tiếng ca ngợi công đức của Lê-tướng công vang rậy khắp ngang cùng ngõ hẻm. Người ta coi tướng công như vị Phật sống của muôn nhà. Nhiều kẻ quá bồng bột còn ao-ước cho tướng công một địa-vị cao hơn nữa để cho ân-trạch của ngài có thể lan rộng hơn nữa. Còn như việc bình Xiêm và những việc mưu đồ kia khác mà tướng-công đã có khi lòng đầy uất-phẫn, Lê tướng-công chỉ coi như là một cái bóng chiêm bao. Lê-văn-Khôi thường nhân lúc hai cha con ngồi nhàn nhắc đến những việc cũ, Lê tướng-công chỉ hoặc khẽ mỉm cười nói sang chuyện khác, hoặc thở dài mà : - Cha bây giờ tuổi đã già rồi, đối với mọi việc đời, lòng cha nguội lạnh lắm. Vả lại, đọc chuyện cổ kim, cha thấy rằng tranh bá đồ vương rút lại cũng đến ba thước đất. Ấy là chưa kể đất bằng bỗng rấp chông gai để cho nắm xương vô định cao bằng đầu thì nó cũng tội-nghiệp lắm. Vả lại, cha hiện nay quyền-vị đã tột bậc, tuổi đã cao, lại được con giúp đỡ kính mến và trăm họ không đến nỗi phải oán ố, được vậy kể đã nhiều lắm rồi. Cha chỉ còn mong mỏi sống trong sự an-nhàn để chờ ngày từ-biệt cái cõi đời này trong đó, cha đã nếm đủ mùi đắng cay ngon-ngọt và đã trải đủ hồi vinh nhục. Nghe cha nói thế, Lê-văn-Khôi không còn dám hé răng sao nữa. Thời-gian qua… Một hôm, Lê Tướng-công thình-lình bị bệnh ốm chẳng ra sao mà mất. Ngài mất, bọn quyền gian hả-hê như cắt được cái bướu. Chính vua Thánh-Tổ cũng coi như bỏ được một hạt bụi trong khóe mắt. Ngài lập tức chia đất Nam-kỳ thành tỉnh, phủ, huyện và đặt quan cai-trị theo cách phân quyền như các tỉnh ở Bắc và Trung-Kỳ để từ nay về sau sẽ tránh được cái nạn tập-trung nhiều quyền hành quá vào tay một người. Tuy thế, cái bề ngoài bao giờ cũng vẫn phải cứu vãn. Nhà vua không thể không tỏ lòng mến tiếc một bậc khai quốc đại công-thần như Lê Tả-quân nên ngài sắc cho đình thần dùng vương lễ tống táng hài-cốt Lê tướng-công. Cử chỉ ấy, tuy chỉ là một thứ văn-chương vẫn làm cho một số người được thỏa lòng. Người không được thỏa lòng họa chăng chỉ có Lê văn Khôi và những tay võ-tướng từ nay sẽ mất hết quyền-lợi mà họ vẫn được hưởng nhờ ông trùm của họ còn sống và còn tọa-trấn một phương. Tất cả những người này đều như những đám mây tụ dần lại ở đường chân trời. Họ chỉ còn chờ một tiếng sét nổ nữa là bùng hẳn thành một cơn giông-tố. VIII TIẾNG sét mà chàng kỵ-sĩ áo lam cùng bọn vũ tướng của Lê Tướng-công đương chờ đợi đã bùng ra, đột-ngột và ghê-gớm. Nó là cái cử-động ám-muội và lạm quyền của một vị văn quan gian ác, hay ăn hối-lộ và hèn nhát. Bạch-xuân Nguyên. Muốn hiểu rõ đầu-đuôi việc này, ta hãy vào thăm dinh bố-chánh Gia-định là nơi lị sở mà Bạch-xuân-Nguyên vừa đề-huề đem vợ con đến ở được mấy hôm nay. Lúc ấy, trong tư-thất Bạch-xuân-Nguyên, chỉ có ba người. Người thứ nhất cố nhiên là Bạch. Va ngồi vắt chân chữ ngũ trên sập trải chiếu hoa, vẻ mặt cực kỳ kiêu-căng và độc-ác. Trước chỗ va ngồi, hai tên dân đứng chắp tay với cái điệu-bộ khúm núm của những quân phản-chủ. Bạch quắc mắt nhìn hai tên dân hồi lâu rồi mới giài giọng hỏi : - Bay thử nhắc lại những điều bay vừa khai ta coi thử ? Một tên lùn tũn, béo phục phịch, khẽ gãi gáy đáp : - Bẩm cụ lớn, cái việc bình Xiêm của Tả-quân chỉ là một cớ để che đậy một âm-mưu mà thôi… - Thực chăng ? - Bẩm thực. Tên cao và đen nói : - Chúng con xin đem hai cái đầu chúng con mà cuộc vào việc này. - Ừ, nếu vậy thì được. - Bẩm, chúng con quả không dám man của cụ lớn. - Ừ ! Thế cái âm-mưu kia ? - Chính là sự chiếm giữ lục tỉnh, thông-đồng Xiêm-la để chống cự với Triều-đình. Câu ấy làm cho hai mắt lươn của Bạch bố-chính sáng quắc lên. Ông ta rung rung cái đùi cẳng gà, giơ tay vuôn cần xe điếu trúc. Một tên lính hầu chạy lại nạp thuốc, bật mồi lửa… Bạch rít một hơi rất ròn, nhả khói dầy đặc, ngân nga một lúc lâu rồi mới nói : - Có việc ấy, sao mãi bây giờ bây mới nói ? - Bẩm, vì lúc trước chúng con sợ oai của Tả-quân Duyệt nên không giám nói vì e khi họa hổ bất thành thì nguy đến thân gia chứ không chơi. Bạch gật gù : - Phải rồi… Thế mai đây, bây phải cứ thế mà khai, nghe. - Dạ. - Bây giờ ta sẽ lục cái việc ấy ra, làm cho to chuyện đệ sớ về Triều… - Công cụ lớn ắt không nhỏ. - Ồ, ta vì vua vì nước mà làm chức vụ chứ lợi lộc ta có quản gì mô ! Vả lại, Lê-văn Duyệt có còn đâu nữa… - Bẩm cụ lớn, Lê chết rồi nhưng công cụ lớn vẫn không phải là nhỏ. - Bây nói chi ? - Chúng con trình cụ nhớn rằng Lê văn Duyệt tuy chết rồi mà cái việc phản nghịch của va đem phát giác ra, công của cụ lớn vẫn to lắm. - To chi mà to ! Thủ phạm chết rồi thì ăn thua gì ! - Bẩm cụ nhớn ăn thua chứ ạ. - Bay nói ta nghe ! - Việc phản nghịch phải đâu chỉ có một mình Lê-văn Duyệt. Va đã chết rồi nhưng còn những kẻ đồng mưu với va chứ ! Bạch gật gù : - Bây nói cũng có lẽ. Hai tên dân đắc ý : - Bây giờ cụ lớn cứ đem bọn thằng Khôi và mấy tên chùm dân hồi lương ra mà tra tấn, bắt chúng nó nhận quấy nhận quá mấy điều, đoạn chém lấy vài cái thủ cấp là công cụ lớn sẽ chẳng kém chi công một vị đại tướng thắng trận. - Rứa mới là bàn nhằm sự lý ! - Xin cụ lớn trước hết bắt ngay tên Lê-văn-Khôi hạ ngục đi đã. - Ừ, cái thằng cha ấy ghê gớm lắm. - Và giỏi võ vô địch. Lại rất được bọn dân hồi lương yêu mến. - Chưa thấm. Nó còn có công cứu giá nữa ! - Nghĩa là cụ lớn sợ đức Hoàng-Đế sẽ nhớ công mà xí xóa chứ gì ? - Có thể lắm ! - Không ạ. - Sao ? - Con chắc nhà vua sẽ không tha nó. - Vì cớ gì ? - Vì cha con nó bị ghét nhiều lắm. - Chưa đủ. - Vậy chỉ cần dùng cực hình để nó phải nhận tội. - Sao nữa ? - Một khi nó đã nhận tội làm phản, cái tội đại-nghịch bất đạo, thì công lao mấy cũng vất đi. - Ừ, phải đó. - Xin cụ lớn cứ thi-hành ngay đi cho. - Bây giờ ta còn lo một điều… - Bẩm, cụ lớn lo điều chi ? - Bay chẳng vừa nói thằng Khôi nó vũ dũng vô-địch, lại được dân hồi lương quý mến lắm. Như vậy bắt nó không phải là chuyện dễ. - Chúng con có cách bắt nó rất dễ. - Thật chứ ? - Bẩm Lê-văn-Khôi dũng mãnh thực, nhưng nó là phường vô mưu. Ta chỉ dùng một mẹo nhỏ là xong. - Mẹo gì ? - Cụ lớn hãy biên thư mời nó đến hội kiến, đại ý nói rằng từ khi nó lập được công lớn tại Triều đức Hoàng-Đế vẫn hằng có lòng nhắc nhở tới nó. Nay Lê Tả quân quá cố rồi, nếu nó muốn về kinh thì cụ lớn sẽ vì nó mà sớ về cho. - Cũng được đấy ! - Bẩm, sự vinh hoa ai mà không thích. Huống hồ nó thấy cụ lớn ân cần muốn làm ơn và hết sức khen ngợi nó thì làm gì mà nó không nức lòng. Nó sẽ không đề phòng gì cả. Và ta sẽ bắt nó dễ như trở bàn tay. - Đành rằng thế, nhưng cũng phải đề phòng kẻo nó làm dữ ? - Bẩm cụ lớn, ta có dùng đến võ lực đâu mà sợ nó làm dữ. - Không dùng võ lực mà bắt nó thì dùng cách nào ? - Bẩm, xin cụ lớn cứ cho mời nó lại rồi đặt tiệc rượu khoản đãi. Nó không ngờ vực gì lại là đồ vũ phu ham ăn thiết uống, cụ lớn cứ đổ mãi rượu cho nó kỳ đến lúc nó say mèm thì chỉ việc sai lính trói lại như trói một con chó ốm mà thôi, chẳng vất vả gì hết !… Bạch-Xuân-Nguyên vỗ chiếu cười ha hả : - Được ! Được lắm !… Và lại hút thuốc, lại hãm bằng một ngụm tre thơm và nói : - À, nhưng ta có một điều cần phải dặn kỹ các mi… - Dạ ? - Việc này phải giữ kín, nghe ! - Dạ. - Nhất là đừng có hở ra cho Ngài Tổng Đốc Nguyễn-văn Quế và quan Án Nguyễn chương Đạt biết, nghe chưa ? - Dạ. - Ta phải làm kín kẻo các ông ấy lại rây máu ăn phần ngay đấy. - Dạ. - Ta bắt Khôi xong, sẽ tuyên bố rằng phụng mật chỉ làm việc, như thế các ngài ấy sẽ không còn ngấp nghé gì nữa. IX TRONG khi bố-chính Gia-định Bạch-Xuân-Nguyên lập mưu bắt chàng thì Lê-văn-Khôi cũng đương cùng bọn đồng chí bàn việc trong một ngôi nhà khuất nẻo của chủ nhân tức là bạn thân của Khôi, tên gọi Thái-công-Triều. Cuộc hội-họp gồm có tất cả mười lăm người : - Chủ tịch Lê-văn-Khôi. - Thái-công-Triều. - Lê-đắc-Lực. - Nguyễn-văn-Đà. - Nguyễn-văn-Tông. - Dương-văn-Nhã. - Hoàng-nghĩa-Thư. - Võ-vĩnh-Tiền. - Võ-vĩnh-Tái. - Võ-vĩnh-Lộc. - Nguyễn-văn-Bột. - Lưu-Tín. - Trần-văn-Tha. - Nguyễn-văn-Tâm. - Nguyễn-văn-Chân. Lê-văn-Khôi chờ cho ai nấy ngồi yên chỗ, chàng mới cất tiếng sang sảng nói : - Thế nào, có việc chi khẩn cấp mà Thái hiền đệ cho mời anh em lại hợp bữa nay vậy ? Thái-công-Triều đáp : - Nếu không có việc quan trọng, đệ khi nào lại làm phiền các đại-huynh. - Vậy việc ấy là việc chi, xin hiền đệ cho biết. - Việc này có cơ nguy lớn cho bọn ta chứ không thường. Các anh chắc đều biết quan bố chánh mới là ai đấy chứ ? - Bạch-Xuân-Nguyên chứ gì ? - Ấy chính cái thằng mắt trắng môi thâm ấy. - Sao nữa ? - Nó là một thằng đại gian đại ác. Nó vừa đến đấy mà đã tìm cách xoay xỏa bọn lương dân, nào ăn tiền, nào hạch sách đủ vẻ. Hoàng-nghĩa-Thư sốt ruột : - Cho thế nữa thì em cũng không thấy có nguy gì cho bọn ta ! Thái đáp : - Đã đành, nếu chỉ có thế thì không quan hệ gì đến bọn ta thực. Nhưng có phải chỉ như vậy mà thôi đâu ! - Thế làm trò gì nữa ? - Nó để ý đến anh em mình dữ lắm ! Cả bọn đều chú ý : - Thực à ? - Cứ như tay sai của tôi mật báo thì thằng ấy hình như đương sửa soạn một việc gì bí mật và ghê gớm lắm. - Có thể rõ là việc gì không ? - Biết rõ thì chưa, nhưng có điều đáng chú-ý là nó sai lục đến việc xây thành Phan-an, và ngày thường thấy hai thằng đầy tớ cũ của Tướng công vẫn thì thọt ra vào công hậu dinh bố chính. Vẻ mặt ai nấy trở nên nghiệm trọng : - Ồ… - Tôi đã dặn tay sai của tôi phải luôn luôn để mắt nhìn nhận cái hành vi của bọn chúng nó để xem hễ có sự gì khác thì phải báo ngay tức khắc. Lê-văn-Khôi hỏi : - Việc Thái hiền đệ nói quả nhiên là một việc tối quan trọng. Chúng ta không thể bỏ qua được. Và ngay bây giờ tôi muốn biết rõ ý các anh em đối với việc này ra thế nào ? - Chúng tôi xin nghe, đại huynh nói trước. - Tôi đồ chừng thằng Bạch-Xuân-Nguyên nó muốn làm công làm cán với Triều-đình phen này đây. - Nhưng nó làm cách gì được ? - Kẻ mưu gian thiếu gì cách hại người trung trực ! - Đã đành rằng thế, nhưng chúng tôi không thấy có chuyện gì khả dĩ cho tâng công được ! Lê-đắc-Lực nối nhời Lưu-Tín : - Thực thế ! Thành Phan-an xây xong từ lâu, không ai kêu ca gì hết, không có sự tệ lạm nào hết. Việc bình Xiêm, Triều-đình không ưng thuận thì Tướng công nhà cũng đã xếp rồi. Còn như Triều-đình nghi-kỵ Tướng-công, nhưng nay Tướng-công nhà đã quá-cố, sự nghi-kỵ ấy đã trở nên vô ích ! Lê-văn-Khôi cười : - Đường trường vẫn là như thế ! Nhưng ai cấm thằng Bạch-xuân-Nguyên nó cứ lục chuyện cũ rồi thêu dệt nọ kia ra mà bắt bớ, mà tra khảo, mà làm tình làm tội chúng ta để lấy công ? - Thế Đại-huynh tính sao ? - Thì trước sau cũng một lần, ta thử trọc trời khuấy nước một phen xem nó ra làm sao ? Không làm thế cũng không còn cách nào khác nữa. Ta muốn yên mà người ta có để cho ta yên đâu. Tất cả đồng thanh : - Đại-huynh nói rất phải ! Ở đời này hơn nhau một tiếng anh hùng, còn thì trước sau ai cũng một lần chết. Vả lại, biết đâu đấy ! mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nếu ông Trời không bỏ ta thì chưa biết chừng !… Chàng kỵ-sĩ áo lam hăm hở : - Anh em đã quyết định như thế thì bắt đầu từ sau cuộc hội họp này, ta sửa soạn ngay đi thì vừa. - Xin tuân lệnh. - Ta cứ sửa soạn kỹ trước phòng khi làm sự khỏi phải lúng túng. - Chính thế. Lê-văn-Khôi vừa toan hạ lệnh giải tán, bỗng có tên thư đồng của chàng tự ngoài vào trình một phong thư : - Thưa chủ tướng, quan bố-chính Bạch-xuân-Nguyên vừa sai người cầm thư này sang trình tướng-quân, nói là thư cần lắm nên con vội đem đến đây. Mười lăm vũ-sĩ ngạc nhiên nhìn nhau. Lê-văn-Khôi nói : - Được ! Để ta xem thư gì. Chàng mở thư ra đọc xong, cười mà rằng : - Dụ hổ li sơn !… À, thằng cha này đáo để thực. Chàng đọc to bức thư của Bạch-xuân-Nguyên cho mọi người cũng nghe và kết luận : - Anh ern nghĩ nên đối phó ra sao ? Hoàng-nghĩa-Thư đáp : - Nó đã mời, đại-huynh cứ sang xem nó ăn-nói ra làm sao, bên ngoài đã có chúng tôi. Thái-công-Triều cũng hăm hở : - Phải đấy ! Đại huynh cứ đi. Mình không đi nó sẽ chê mình là nhát sợ hoặc có ý gian mà không giám đến. Lê-văn-Khôi đứng phắt giậy : - Nếu nó tưởng vậy thì nó nhầm to ! Chàng rút thanh gươm để trước mặt chém mạnh một một nhát làm xạt hẳn một góc bàn : - Ta sẽ cho đàn chuột ấy nó biết rằng trêu vào tay ta, chúng nó chỉ mua lấy cái chết một cách vô ích… Dứt lời, chàng bảo theo cái giọng của người vẫn quen truyền lệnh : - Bỏ giấy bút đây ! Và chỉ một loáng, bức thư trả lời đã xong. Chàng gọi gia-nhân : - Bay đâu, lập tức đem thư này qua dinh bố-chính, nghe ! Tên bộc đi rồi, Lê-văn-Khôi quay lại bảo các đồng đảng : - Chiều nay, tôi sang bên dinh Bạch-xuân-Nguyên rồi, chư đệ lập tức sửa soạn mọi việc đâu vào đấy, nghe chưa. Hễ xẩy ra biến-cố gì, chư hiền-đệ nên tức khắc khởi sự. - Xin tuân lệnh. - Nó đã mang lòng bất trắc, ta cũng không nghĩ ngợi gì nữa… Cả bọn đều hăm hở : - Hãy cùng nhau làm cho tỏ mặt phi thường một phen… X ĐÊM ấy là đêm hôm 18 tháng năm, năm Quý-Tị, tức Minh-Mệnh thứ mười ba. Trong phòng giam nóng như một cái hầm lửa và đầy những tiếng muỗi kêu ran tứ phía, Lê-văn-Khôi dần dần hồi tỉnh… Chàng ngồi dậy, tay sờ soạng quanh mình vì bóng tối không còn cho mắt chàng trông thấy gì nữa. Nhưng tay chàng giơ ra chỉ sờ phải bốn mặt tường xù xì và ẩm uớt nếu không thì cũng chỉ vốc phải muỗi bay nhiều như trấu. Chàng nhớ lại sự đã xẩy ra và bắt đầu nhận rõ tình trạng trong đó chàng đương sống. Thì ra chàng đã bị Bạch-xuân-Nguyên đánh lừa ! Hắn cho thuốc mê vào rượu và mời chàng uống. Đến lúc chàng mê man không biết gì nữa, chúng liền ném chàng vào đây ! Chàng đã là một thằng tù. Chàng đã là một thằng trong tù, vì cái tội của chàng là cái tội đại phản-nghịch. Kẻ nào đã phạm tội đại phản nghịch thì không còn mong gì thoát lưỡi dao của đao-phủ-thủ nữa. Cái cảnh-tượng hãi hùng của một tội nhân phải điệu ra pháp-trường, phải quỳ trên bãi cỏ, phải lắng nghe nhời tuyên-cáo tội trạng, tiếp đến tiếng chiêng tiếng trống, rồi bất thình lình một nhát gươm lòe sáng, đầu hắn rơi bịch xuống cỏ, trong khi thây hắn run như thân gà bị cắt tiết, phún máu ra đầm đìa, cái cảnh tượng ấy hiện ra trước mắt chàng rõ rệt từng ly từng tí… Lê-văn-Khôi đứng phắt dậy và gầm lên như mãnh hổ bị mắc cạm : - Có thể nào như vậy được ! Chàng nắm lấy khung cửa lim toan cố sức lay mạnh, bỗng mấy tiếng khe khẽ như tiếng ai cạo móng tay vào mặt ngoài cánh cửa khiến chàng phải để ý. Tiếng cạo mỗi lúc một rõ. Không còn ngờ vực gì nữa. Hẳn có người nào đó đương ra ám-hiệu cho chàng. Lê-văn-Khôi đằng hắng một tiếng. Bên ngoài tức khắc có tiếng đáp. Rồi chàng nghe tiếng thìa lồng vào họng khóa. Rồi hai cánh cửa hé ra, để lọt vào phòng giam một luồng gió mát… Ồ ! cái luồng gió nó là hơi của cuộc sống tự do ngoài khoảng rộng… Tiếng nói của Thái-công-Triều hô lớn : - Đại-huynh mau ra phía sân trước. Anh em đã chờ sẵn để cùng vào thăm gia-quyến thằng giặc họ Bạch. Lê-văn-Khôi không đáp. Nói là chàng kêu lên thì đúng hơn : - Vậy thì đi, mau !… Ở sân trước dinh bố-chính, bọn anh-hùng đã gươm đao sẵn sàng cả. Khôi bảo mọi người : - Anh em theo ta ! Tức thời cả bọn đều reo hò ầm ĩ và xông vào phá cửa tư-thất Bạch-xuân-Nguyên. Lúc ấy, Bạch vẫn còn thức. Hắn đương loay hoay thảo một tờ sớ về Triều kể lể công-trạng mình một cách khéo léo. Chợt bọn anh hùng vào đến nơi. Khôi thét : - Thằng gian ác kia, tao có làm chi mày mà mày lại toan hại tao ? Bây giờ tao đã vào đây, mày đừng nên van lạy và khóc lóc nữa, nghe chưa. Hãy nhận lấy nhát gươm này ! Rứt lời, chàng vung kiếm. Đầu Bạch-xuân-Nguyên văng xuống đất. Gia quyến va thấy động cũng thức cả dậy. Trước cái chết ghê gớm của chủ nhân, ai nấy kêu gào líu cả lưỡi. Lê văn-Khôi truyền. - Giết cho bằng hết lũ gian tặc, đừng để sót một mạng nào ! Bọn anh hùng reo ầm ầm, và chém, và đập phá… Hồi lâu, thấy không còn một người nào để giết, một vật nào để phá nữa, họ mới chịu kéo nhau ra. Vừa tới cổng dinh bố-chính, bọn họ gặp ngay một đám quan quân đèn đuốc sáng quắc, vùn vụt tiếng lại. Thái-công-Triều phát hỏi : - Quân nào ? - Quân của Tổng-đốc Nguyễn đại nhân. Ai đấy ? Và tại sao bên dinh quan bố-chính lại có tiếng kêu khóc và đập phá như vậy ? - Tại vì bọn ta đã vào giết cả nhà thằng mọt dân họ Bạch ấy chứ sao ! Lê-văn-Khôi tiếp nhời Thái-công-Triều : - Thằng mọt dân họ Bạch đã giết chết rồi, ta còn để thằng Nguyễn-văn-Quế này làm gì ? Tất cả reo : - Phải đấy ! Chém !… Chém chết nó đi rồi kéo nhau sang nhà án-sát và lãnh-binh một thể !… Gươm dáo múa tít lên. Bọn quân lính địch sao nổi lũ anh hùng mãnh dũng như hổ báo. Nguyễn-văn-Quế vội nhảy xuống ngựa và toan tìm phương đào tẩu. Muộn rồi. Bọn anh hùng đã vây kín bốn mặt. Và, trong nháy mắt. Nguyễn tổng-đốc chỉ còn là một đống bùn đẵm máu. Bọn phiến loạn hò reo sôi nổi cả kinh thành Phan-an. Dân chúng kéo nhau ra xem. Khi họ đã biết rõ là chuyện gì, lập tức họ cũng hò reo trợ lực và gia nhập vào đảng phiến-loạn. Ấy là một việc họ chờ đợi từ lâu. Bấy giờ, ai nấy mới thật được toại-nguyện. Họ chỉ tiếc rằng công cuộc đã xảy ra muộn quá, vì nay Lê tướng-công người mà họ kính thờ tôn trọng, đã không còn nữa. Nhưng, chậm còn hơn không ! Bọn phiến loạn chỉ loáng cái đã chiếm được thành trì. Ấy là nhờ có bọn lính hồi-hương quy thuận. Bọn này nguyên là những tội nhân bị Triều-đình xung vào quân đội. Họ sẵn đem lòng oán vọng từ lâu. Nay gặp dịp, họ liền đem khí giới nhập bọn với phe cách mệnh. Nhờ thế mà sự chiếm cứ thành Phan-an chẳng khó nhọc gì. Dân chúng lại biết rõ cha con Lê tổng-trấn. Họ yên tâm làm ăn, bởi họ biết việc làm của Lê-văn Khôi không có hại gì cho tính mệnh và tài sản của họ. Tờ mờ sáng hôm sau, mọi việc đã đâu vào đấy. Sự yên ổn đã trở lại. Lê-văn-Khôi tự xưng làm Đại Nguyên Súy, tổng quản thủy bộ, mã tượng chư quân : Lê phong cho các đồng đảng theo thứ tự của công lao lớn nhỏ và tài năng của từng người. - Lê-Đắc-Lực, Thái-công-Triều. Hai người được cất lên chức quản trung quân - Nguyễn-văn-Đà, Nguyễn-văn-Tông quản tiền quân - Dương-văn-Nhả, Hoàng-nghĩa-Thư quản tả quân - Võ-vĩnh-Tiền, Võ-vĩnh-Tái quản hữu quân - Võ-vĩnh-Lộc, Nguyễn-văn Bột quản hậu quân - Lưu-Tín, Trần-văn-Tha quản thủy quân - Nguyễn-văn-Tâm, Nguyễn-văn-Chân quản tượng quân. Tướng tá cùng các văn quan đã cắt đặt đâu vào đấy, Lê Nguyên Súy liền triệu Thái công Triều vào mà bảo rằng : - Muốn mưu đồ đại sự, hiền đệ nghĩ nên bắt đầu việc gì trước ? Triều chắp tay nói : - Bẩm Nguyên-Súy, trước hết hãy-bình định sáu tỉnh Nam-kỳ xong đã. Lê Nguyên-Súy gật : - Phải. Thế rồi sau ?… - Thông tiếm Xiêm-la. - Được. - Hai việc này xong, ta để hậu quân giữ nhà, còn bao nhiêu tận xuất một phen ra Huế. - Được lắm ! - Triều-đình hôm nay xem chừng không mặt nào đối thủ với ta. Sự thành công, tiểu tướng dám chắc đến tám phần mười. - Ta cũng nghĩ vậy. - Nếu một trận mà xong, Nguyên-Súy sẽ lên ngồi ngai vàng, mở ra một kỷ nguyên mới, để xem ta có kém gì thiên hạ ! Lê Nguyên-Súy vỗ vai Thái-công-Triều, cười mà nói : - Thực là những nhời khoái luận ! XI TIN Lê-văn-Khôi chiếm giữ sáu tỉnh Nam-Kỳ làm cho Triều-đình sôi-nổi. Vua Thánh-tổ triệu trăm quan vào bệ kiến và hỏi : - Lê-văn-Khôi làm phản, ngụy-đảng chiếm hết sáu tỉnh Nam-kỳ, tung-hoành ngang ngược, văn võ các ngươi ai có kế gì hay cho phép cứ nói ? Thảo-nghịch tả tướng quân ra ban quỳ tâu : - Tâu hệ bạ, thần xin lĩnh binh vào dẹp tan nghịch đảng ! Vua hỏi : - Khanh có mưu-kế thần-diệu gì chưa mà dám quả quyết như vậy ? Tống-phúc-Lương nói : - Lê-văn-Khôi là một đồ du-đãng liều-lĩnh, không đáng kể chi. Va hiện tung hoành sáu tỉnh miền nam, nhưng Triều đình chỉ ra công một chuyến là nó phải chết ngay tức khắc ! Thánh-Tổ Hoàng-Đế lắc đầu : - Khanh coi thường Lê-văn-Khôi quá. Lê là một dũng tướng sức khỏe như Hạng vương, lại thêm có Thái-công Triều mưu lược như Hàn-tín giúp đỡ, ta khó lòng mà dẹp yên được. Tống-phúc-Lương đáp : - Tâu bệ hạ, Lê-văn-Khôi hữu dũng nhưng vô mưu. Nó không đáng kể. Còn như Thái-công-Triều, mưu lược tuy giỏi mà hạ thần có cách trị được. Thánh-tổ nhìn Tống-phúc-Lương bằng đôi mắt ngờ vực : - Khanh bảo có cách, ấy là cách nào ? - Thần vốn là bạn cũ của Thái-công-Triều. Va quán tại Thừa-thiên, vốn làm vệ-úy coi biền binh ở Gia-định. Tài cao mà vị thấp, va khỏi sao không uất phẫn làm bậy, nhưng phần mộ tổ tiên va ở cả đấy và nếu thần đem nhời phải trái giảng cho va nghe, va chắc tỉnh ngộ ngay tức khắc. Một đã được Thái-công-Triều quy thuận để đái tội lập công thì nội tình của giặc thế nào, ta sẽ biết rõ hết cả. Và, như thế, thần chắc chỉ phải đánh một trận là thành công. Thánh-Tổ hoàng đế gật đầu : - Khanh nói cũng có lẽ. Vậy, trước hết, khanh hãy thảo một phong thư thuyết hàng để cho người mang ngầm vào Nam cho Thái, xem tình ý va ra sao, nhiên hậu sẽ định liệu. - Phụng mệnh. Tống-phúc-Lương tức khắc thảo một bức thư dụ Thái công-Triều về hàng : * Thái huynh huy hạ Thình lình nghe tin đại huynh theo tặc đảng Lê-văn Khôi, làm phản Triều đình, ngu đệ xiết bao kinh hãi ! Ngu đệ nghĩ tình bằng hữu, xin cùng đại huynh bầy tỏ một vài lẽ thiệt hơn, họa may có bổ ích cho đại huynh chút nào chăng. Than ôi, người ta ai mà không có lúc vì nhầm lẫn trong chốc lát đến thành ra vọng động, có khi để hận đến suốt đời ! Đại huynh há không xem như Hạng-bá ; Trương-lương, Hàn-tín khi xưa bỏ Sở theo Hán đấy ư ? Ấy chỉ vì họ đã biết thuận theo lẽ trời mà làm việc, gây nên sự nghiệp hiển hách, lưu danh đến nghìn muôn đời sau vậy. Nước ta, từ sau khi nhà Lê mất quyền, thiên hạ chia năm xẻ bảy nào Mạc, nào Trịnh, nào Tây-sơn, và nay là Nguyễn triều. Trải bao nhiêu năm binh cách, dân gian đã khổ sở biết chừng nào. Nay Nguyễn Triều Hoàng-Đế vâng mệnh trời, thu nhất thống trong toàn quốc, mở ra một Triều-đại thịnh trị, việc ấy há phải một đứa thất phu ngông cuồng như Lê Văn-Khôi làm nổi được ư ? Huống hồ, gây việc binh đao giữa lúc những vết thương đau của trăm họ vừa liền dấu lại là một việc đại thất sách. Vậy thì cái cơ thành hay bại của Lê-văn-Khôi, dù kẻ dung phàm đến đâu chỉ nghe qua cũng có thể đoán trước ngay được. Tiểu đệ lấy làm lạ rằng đại huynh đã không thấy rõ sự ấy. Ngoài ra, phần mộ tiên tổ của đại huynh đều ở Thừa Thiên. Nếu đại huynh không mau mau hối quá, trở lại Triều đình thì tiểu đệ e khó lòng mà bảo toàn được. Người ta ở đời, bất hiếu là một đại tội. Hiền huynh theo giặc, vừa phạm tội bất trung vừa phạm tội bất hiếu, như thế chẳng uổng cái tiếng là kẻ thức-giả ở đời này ư. Tiêu đệ đã nghĩ tiếc cho hiền huynh nên có mấy nhời chân thành này, mong hiền huynh hiểu rõ, mau mau cải tà quy chính để anh em còn có thể trông mặt nhau thì thực là một sự may mắn cho hai ta. Mấy lời tâm phúc, xin kính dâng hiền huynh lượng xét. Đệ : TỐNG PHÚC NGUYÊN bái * Bức thư được đưa ngay tới Thái công Triều. Trong khi chờ đợi phúc thư của Thái, nhà vua không quên sắp đặt mọi việc. Trước hết nhà vua sai : Tống Phúc Nguyên làm Thảo-nghịch tả tướng quân. Nguyễn-Xuân làm Tả quân tham tán. Phan văn Thúy làm Thảo-nghịch hữu tướng quân. Trương-minh-Quảng làm Hữu quân tham tán. Hiệp đồng : Bình Khấu đại tướng quân kiêm quản thủy, tượng chư quân Trần-văn-Năng. Cùng tiến tiễu nghịch-đảng. XII LÊ-VĂN-KHÔI đương cùng mấy tướng thân tín bàn kế cự-địch quân Triều, bỗng một tên quân vào báo : - Dám bẩm Nguyên-Súy, quân ta có đại biến !… Tin báo như sét đánh. Lê-văn-Khôi cùng mấy tướng đều có vẻ ngạc-nhiên và cùng im lặng nhìn nhau một phút. Sau Lê Nguyên-Súy hỏi : - Mi bảo có đại-biến, ấy là sự gì vậy ? - Bẩm, trung-quân đại-tướng Thái-công-Triều làm phản… Chưa kịp nghe tên quân nói hết, Lê-văn-Khôi đứng phắt ngay dậy, tuốt gươm thét : - Cái chi ? - Thái-công-Triều làm phản, đã đem bản bộ về hàng Trần-văn-Năng rồi ! - Thái-công-Triều làm phản ! Lê-văn-Khôi biến sắc. Chàng gầm lên một tiếng, đoạn đứng ngây ra chẳng khác một cổ thụ vừa bị sét đánh. Giây lâu, chàng nghiến răng trợn mắt nói : - Thái-công-Triều làm phản à ? Thế thì còn trời đất nào nữa… Ta có ngờ đâu nhân tâm lại nan trắc đến như vậy !… Nếu ta ngờ trước thì đâu có việc ngày nay. Các tướng đều thở dài tỏ ý chán nản. Họ nguyền rủa Thái-công-Triều. Họ sỉ nhục thằng phản bạn và băn-khoăn lo đại sự không khéo thì tan vỡ mất. Thình lình, Lê-văn-Khôi vỗ án gầm lên như sấm : - Không ! Không thể tan vỡ một cách vô lý như vậy được. Phải thành công… Cử-tọa xúm lại hỏi : - Chủ Súy đã có mưu thần diệu nào chăng ? - Có đây rồi. Và việc này phải nhờ đến Lê-đắc-Lực hiền đệ một chuyến mới xong… - Việc chi, xin Đại-Súy cứ dạy. Tiểu-tướng dù phải lăn mình vào chỗ nước sôi lửa bỏng cũng không dám từ… - Phiền hiền đệ sang Xiêm một phen. - Sang Xiêm ? - Phải ! - Nhưng nó thù ta ? - Ở đời này, trong việc bang giao, tình riêng không bao giờ đáng kể, chỉ có quyền lợi mà thôi. Xiêm la nó tuy oán ta mưu đánh nó, song nay nó thấy có cơ hội để sẻ một phần đất Nam-kỳ thì nó sẽ lại giúp ta ngay. - Nhưng nếu làm thế, ta sẽ mất đất ! - Chấp kinh cũng có lúc phải tòng quyền chứ ! Chúng ta vừa bị nội phản, tình hình thế nào, bên địch hiểu rõ cả rồi. Như vậy thực là nguy-hiểm. Nay ta cần phải có ngoại viện. Vậy thì sự hòa với Xiêm chỉ là một kế-sách tạm thời mà thôi… Lê-đắc-Lực nghe ra, vội chấp tay nói : - Tiểu tướng xin phụng mệnh. - Tốt lắm ! Hiền đệ chờ đấy, ta viết thư xong sẽ hay. Lê-văn-Khôi lập tức biên thư cho Xiêm-la Quốc-vương, Chàng niêm lại tử tế, đoạn trao cho Lê-đắc-Lực và bảo : - Đây, hiền-đệ lên đường đi ngay mới kịp. Binh Triều đã áp đảo tận nơi rồi. - Tiểu tướng dù chết cũng không dám từ. - Thế hiền đệ lên đường ngay đi. Trong khi chờ đợi, tôi sẽ cùng các bạn cố thủ Phan-an thành, nhất định sẽ không cùng quân Triều giao phong trận nào hết. - Phải. Đại-Súy nên chờ viện binh đến, lúc ấy hãy hay. Chứ bây giờ, một là mình ít quân, quả bất địch chúng, hai là nội-tình của mình, bọn Thái-công-Triều đã cáo tỏ với bên địch hết cả thì khó lòng mà tránh được sự thất bại. Chi bằng cứ thủ hiểm là hơn. - Thủ hiểm vi thượng sách. Vả lại, thành Phan-An này tường cao, hào sâu, lương thực đủ dùng trong bảy năm, tha hồ cho bọn kia vây hãm. =HẾT=