🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Chạm Tay Vào Hạnh Phúc - Agnès Ledig full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn] Ebooks Nhóm Zalo CHẠM TAY VÀO HẠNH PHÚC Tác giả: Agnés Ledig Dịch giả: Phúc Chi Nhi Nhã Nam phát hành NXB Hội Nhà Văn 8/2017 —★— ebook©vctvegroup Mở Đầu Cái Tên Trên Thẻ Nhân Viên Julie ấy mà, cô đã quen với việc này lắm rồi. Cô đã có thể phản đối, mạo hiểm, mất việc làm, nhưng giữ được phẩm giá cho bản thân. Phẩm giá nào nhỉ? Cái thẻo đàn bà này đã đánh mất phẩm giá từ đời nảo đời nào rồi. Khi động chạm tới vấn đề sống còn, ta đành xếp xó những lý tưởng vĩ đại vẽ ra từ hồi còn là một cô bé. Và ta chịu đựng, câm lặng, để mặc người khác muốn nói gì thì nói, ta cam chịu. Vả lại, cô cần công việc này. Thực sự cần. Gã Chasson chó đẻ này biết thế. Gã giám đốc cục cằn có thể đuổi việc một nhân viên thu ngân chỉ vì tính nhầm mười euro. Đằng này những năm mươi euro! Tuy nhiên, Julie biết ai đã ăn cắp năm mươi euro đó, khi cô vừa quay lưng đi. Nhưng ai mà ưa những kẻ tố cáo đồng nghiệp. Chẳng ai ưa. Chuyện này sẽ khiến ta phải gánh lấy tiếng xấu cũng dai dẳng chẳng khác nào một con chấy bám trên tóc. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. “Cô Lemaire ạ, tôi có thể đuổi việc cô ngay lập tức. Tuy nhiên, tôi biết hoàn cảnh của cô, tôi biết cô không thể hoàn trả số tiền được. Coi chừng đấy, tôi có thể yêu cầu cô tìm một giải pháp để sửa chữa những sai lầm cô mắc phải trong công việc thu ngân. Cô hiểu ý tôi muốn nói gì không? Nếu không, hãy hỏi vài đồng nghiệp nữ của cô, họ biết phải làm thế nào rồi đấy”, hắn văng những lời này vào mặt cô, mắt hắn nhìn cô chòng chọc không chút ngại ngùng, môi nở nụ cười nham hiểm. Đồ đểu! Tuy nhiên, hắn trông rất ra dáng. Chàng rể lý tưởng. Cao lớn, năng động, tươi cười, cằm vuông và tóc ngả hoa râm hai bên thái dương. Bàn tay lúc nào cũng đặt lên lưng người khác để trấn an, khích lệ. Luôn có một câu tử tế khi ghé qua chào nhân viên mỗi sáng thứ Hai. Một cô vợ thanh lịch và những đứa con lễ phép. Mẫu đàn ông xuất thân tầm thường đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để leo dần lên, buộc người ta phải tôn trọng và ngưỡng mộ. Đấy là mặt lấp lánh của tấm huy chương. Thế rồi, khi lật nó lại, ta sẽ thấy có chó sói, thú săn mồi, gã đàn ông muốn phụ nữ quỳ mọp dưới chân để chứng tỏ mình là kẻ mạnh nhất. Vài phút sau, Julie rảo bước dọc hành lang dài nối liền phòng giám đốc với khu vực bán hàng. Giờ nghỉ của cô đã hết. Cô những muốn dành quãng thời gian đó cho việc khác chứ không phải dạng triệu tập này. Cô lấy ve ống tay áo quệt mạnh giọt nước mắt vương trên má. Một dấu hiệu yếu mềm đáng thương hại mà cô phải gạt đi tức khắc. Bởi vì Julie ấy mà, cô đã quen với việc này lắm rồi. Cô thuộc những người mà số phận chẳng mấy khi nương tay. Có những người như thế đấy… Paul Moissac dừng lại trước quầy pizza đông lạnh, hoài nghi. Ông chẳng gặp vấn đề gì khi chọn lốc bia đang cầm trên tay, nhưng còn vụ này! Có lẽ đây chính là lần đầu tiên ông đặt chân tới siêu thị. Hoặc ít nhất cũng là lần đầu tiên đi một mình. Vợ ông đã bỏ ông cách đây một tháng. Trước khi đi, trong mối hăm hở rộng lượng sau chót có lẽ sẽ để lại trong bà cảm giác thú vị vì đã hoàn thành nghĩa vụ, bà đã chất đầy đồ ăn vào tủ lạnh. Người phụ nữ hoàn hảo không chút tì vết, cho đến tận những chi tiết nhỏ nhặt nhất, sẽ không ai trách cứ bà về vụ ra đi đột ngột và chẳng hẹn ngày về này. Nhưng hôm nay, Paul không còn cách nào khác. Sụt mỗi tuần một ki lô có thể có lợi trong thời gian đầu nhưng lại có vẻ nghiêm trọng nếu vượt quá một ngưỡng nào đó. Chỉ nghĩ đến việc một mình ngồi vào bàn ăn trong nhà hàng cũng đã khiến ông nản chí đến độ mất cả cảm giác ngon miệng. Ở tuổi năm mươi mốt, có lẽ đã đến lúc cần biết tự xoay xở trong một cửa hàng thực phẩm. Cuối cùng ông quyết định chọn loại pizza đắt nhất. Chỉ còn thiếu mỗi chuyện ông ăn vớ vẩn cho qua bữa với cái cớ là vợ ông đã bỏ đi sau ba mươi năm chung sống. Khi phải lựa chọn, ông luôn chọn thứ đắt nhất, tin chắc rằng đó là một đảm bảo cho chất lượng. Khi đi ngang quầy “rau quả”, trong đầu ông chợt hiện ra một trong những câu vợ ông ưa thích nhất, thường được tuôn ra một cách máy móc, giống như mọi câu khác. “Năm lại rau quả mỗi ngày.” Bà chêm câu này vào giữa câu “Thuốc lá sẽ giết chết anh” và câu “Rượu không tốt cho sức khỏe của anh đâu.” Sao mà bà ấy có thể khiến người ta mệt mỏi đến thế! Dẫu sao ông cũng nhét vài quả táo vào túi ni long rồi tiến về dãy quầy thu ngân. Ông cầm ba món hàng trên tay, chờ đến khi tìm thấy chút chỗ trống trên băng chuyền để đặt xuống. Đằng trước ông, một bà hộ pháp vừa trút xuống cả một xe hàng toàn những thứ linh tinh. Lại một phụ nữ hẳn là cũng cơm chẳng lành canh chẳng ngọt với bạn đời. Ông nhanh chóng nhận ra rằng mình đã không chọn được quầy thu ngân vắng nhất để có thể rời thật nhanh khỏi cái hang ổ tiêu dùng này, nhưng cô nhân viên thu ngân lại xinh. Mặt khó đăm đăm, nhưng xinh xắn. Đặc quyền của nhan sắc: bù đắp cho tính nết khó chịu. Luôn là vậy. Ta lượng thứ mọi chuyện cho những phụ nữ xinh đẹp, thậm chí trước khi họ kịp mở miệng. Cô nhân viên thu ngân này chỉ thoáng nhìn bà khách khi trả lại tiền thừa, và tranh thủ dịp đó để gạt đi một giọt nước mắt không rõ từ đâu đang lăn trên má. Cằm không run, hơi thở không gấp gáp, đôi mắt không long lanh, không, một gương mặt thản nhiên nhưng giọt nước mắt đã tự tiện lọt ra ngoài để hít thở không khí trong lành. Đến lượt Paul. — Chào Julie! — Chúng ta biết nhau sao? cô vừa hỏi vừa ngước nhìn ông, vẻ ngạc nhiên. — Không, nhưng tên cô được viết trên thẻ nhân viên mà. Nếu không thì ta đeo thẻ có ghi tên để làm gì? — Để tố giác chúng tôi với trưởng quầy thu ngân nếu chúng tôi tính nhầm ba xu lẻ. Hiếm khi để chào hỏi lắm. — Tôi cũng có vài thói xấu, nhưng không có thói chỉ điểm. — Ông chưa cân táo rồi, cô nói bằng giọng đều đều chán chường. — Phải cân hả? — Đúng rồi! — Thế tôi phải làm gì bây giờ? — Hoặc ông đi cân chỗ táo này, hoặc ông bỏ lại không mua nữa. — Tôi sẽ đi cân, tôi làm nhanh thôi, Paul đáp, đoạn vớ lấy cái túi. Nhưng tại sao ông lại tha thiết muốn mua chỗ táo này đến thế?! — Cứ thong thả thôi, chuyện này sẽ chẳng thay đổi gì cuộc sống của tôi đâu! cô gái khẽ bình luận trong khi ông đã biến mất khỏi dòng người đang xếp hàng. Các khách hàng đứng sau ông bắt đầu sốt ruột. Julie tranh thủ quãng nghỉ này để thư giãn cái lưng đã khiến cô đau đớn suốt tuần nay. Người đàn ông quay lại, thở hổn hển, rồi đặt chỗ táo đã được cân trước mặt cô gái. — Ông chọn mã nho thay vì mã táo rồi! — Thật sao? — Nho Golden. Trên nhãn này ghi thế. Mà đây lại là táo Golden. — Có nghiêm trọng không? — Ông sẽ phải mua với giá cao hơn. Nếu ông muốn thì có thể quay lại đổi. Tiếng ồn ào trong hàng người đứng chờ bắt đầu to lên khiến ông từ bỏ ý định. — Không sao đâu, tôi trả tiền theo cái nhãn đó. Có lẽ vì thế mà táo sẽ ngon hơn! ông mỉm cười nói với cô. Julie cũng khẽ cười. Lâu lắm rồi không có người đàn ông nào tử tế với cô. Đừng nói là theo kiểu này! Tuy nhiên, ở tuổi hai mươi, Julie đã không còn quen với kiểu quan tâm này nữa rồi. Sự vô tư đã nhập hội với phẩm giá ở nghĩa trang của những ảo tưởng vô vọng. — Buổi tối xem bóng đá chăng? cô vừa hỏi vừa đưa biên lai cho ông. — Không, sao cô lại hỏi thế?! — Chẳng sao cả. Bia, pizza… — Buổi tối của đàn ông độc thân! — Đàn ông độc thân vẫn có thể xem bóng đá mà. Julie không thèm trả lời khách hàng kế tiếp đang cố gắng lôi cô ra làm nhân chứng, bà ta phẫn nộ vì có người lại không biết rằng rau quả thì phải cân trước khi thanh toán. Loại “lèo nhèo” mà thậm chí cô còn không nghe nữa. Bộ quy tắc ứng xử đã làm cô ngán ngẩm từ lâu rồi. Mỉm cười - Xin chào - Tạm biệt - Cảm ơn. Cô chỉ áp dụng khi biết người ta đang giám sát mình. Vụ táo tủng kia ít ra cũng cho phép cô ngơi ra vài phút và uống chút nước thảo dược trong chai mang theo, để cố gắng nuốt trôi vị đắng của công việc này. Vô ích. Cô cũng đã tranh thủ quãng thời gian đó để nghĩ tới Lulu, tình yêu của đời cô. Hình ảnh tích cực duy nhất có thể chặn đứng làn sóng xúc động khi nó chực trào qua mí mắt. Jérôme đang ngồi thẳng lưng trên tràng kỷ. Anh nhìn vào khoảng không. Ngày làm việc của anh càng lúc càng thêm nặng nhọc. Anh không còn chịu nổi những vết chai chân của các bà già quàu quạu, những đứa oắt con không muốn mở miệng để người ta kiểm tra xem cái cổ họng đầy đờm vàng ệch của chúng có bị viêm không, những phụ nữ tiền mãn kinh nói về cơn bốc hỏa của mình như một thảm họa không thể vượt qua. Và có gì để nói về đám người hưởng bảo hiểm xã hội đến đòi nghỉ làm chỉ vì thói chây lười trong họ đã trở thành căn bệnh kinh niên vô phương cứu chữa? Còn anh, đã mười năm nay hùng hục như điên - hết mức - để học xong trường Y, rồi tiếp quản đám bệnh nhân nông thôn, những người chỉ trong vài tháng đã chuyển từ thái độ hồ nghi dành cho kẻ mới đến sang đòi hỏi lòng tận tâm tuyệt đối. Phải đến lúc thảm kịch xảy ra thì anh mới được mở mắt về đời mình. Và anh cảm thấy rằng, nếu không có một quãng ngưng nghỉ, thì rất có khả năng sẽ xảy ra một thảm họa khác. Ngay cả rượu mạnh ở đáy ly của anh mỗi tối cũng không giúp anh trụ vững nữa rồi. Anh mơ hồ quên đi các sự kiện, ngủ lịm đi, tỉnh dậy vào lúc hai giờ sáng, để rồi lăn bên nọ lật bên kia như một chiếc bánh xèo cho tới sáng. Và khi đồng hồ báo thức réo chuông, anh trồi lên từ một giấc ngủ bứt rứt, đau đớn, cô đơn không chịu nổi. Bố anh là người duy nhất có thể hiểu anh, dù chỉ tí chút, mặc dù với ông đây cũng không phải quãng thời gian dễ chịu cho lắm. Ngày mai anh sẽ gọi cho ông để hỏi xem ngôi nhà nhỏ của ông ở Bretagne có trống vào thời điểm này không. Biết đâu nhịp điệu chậm rãi và đều đặn của những con sóng sẽ giúp anh tìm lại được cảm giác khuây khỏa giữa mớ hỗn độn này. Cậu bé đang ngồi trong phòng khách. Cô trông trẻ vừa chuẩn bị bữa tối vừa liếc mắt trông chừng cậu. Cậu đã lấy từ thùng đựng đồ chơi ra tất cả những con vật bằng nhựa rồi xếp chúng thành vòng tròn. Con voi tí hon màu xám đứng ngay cạnh con chó to đùng màu trắng, và ba con ngỗng kẹt trong rãnh cỏ hẳn đang tự hỏi làm thế nào chúng có thể đứng cạnh một con khủng long màu tím chẳng to hơn chúng là bao. Cậu bé trò chuyện với những con vật này như với những người bạn thực thụ, dẫn chúng lần lượt từng con một ra bông hoa xanh ở góc tấm thảm bằng vải bông sặc sỡ để uống nước. Trong lúc đắm chìm vào thế giới loài vật của mình, cậu gạt sang một bên tất cả những áp lực cảm xúc cậu đã phải chịu đựng thường ngày hôm nay. Thằng cao kều trong lớp đã thó mất của cậu chiếc bánh ngọt thứ hai khi cô giáo vừa quay lưng đi, chiếc áo gối lê cậu tìm thấy dưới đất, dưới giá treo áo, bị giẫm lên và lấm bẩn, lọ nước rửa bút lông đổ ra làm ướt sũng bức tranh cậu vẽ. Cô giáo đã hứa rằng cậu sẽ được vẽ một bức khác. Nhưng đó chính là bức tranh cậu muốn tặng cho mẹ tối nay, khi mẹ đi làm về. Sống với những con vật bằng nhựa còn dễ dàng hơn… *** Mình làm nhân viên thu ngân đã hai năm và đây là lần đầu tiên một khách hàng chào mình bằng tên riêng. Hiếm hoi lắm mới gặp được những người tử tế. Thường thì họ không thèm nhìn đến mình, coi như mình không đáng để họ tỏ ra lịch sự, đấy là những khi họ không nhảy bổ vào mình vì mình làm không được nhanh. Những người, chỉ bằng một ánh mắt, khiến mình hiểu rằng mình chỉ là nhân viên thu ngân, những người, viện cớ khách hàng là thượng đế, tưởng rằng bản thân được phép làm mọi chuyện, kể cả việc đưa ra những nhận xét không thích đáng và phân biệt giới tính. Những người tiếp tục nói chuyện điện thoại như thể mình chỉ là một cái máy, trong lúc chờ cho giá cả hiển thị trên màn hình quầy thu ngân rồi đi khởi mà không mảy may nhìn đến mình. Nhưng mình đã học cách tự vệ. Một vài nữ đồng nghiệp im lặng thu tiền, còn mình thì đáp trả, mọi người không nhận ra điều ấy. Họ cứ thử ở vào vị trí của mình xem. Họ sẽ không trụ nổi đến hai ngày, trong tiếng ồn ào huyên náo, những luồng gió thốc, để xử lý những món hàng nặng trịch phải lôi đến trước máy quét giá, ê ẩm cả lưng, và chịu đựng tiếng bíp bíp lặp lặp đi lặp lại ấy là còn chưa kể đến tên khốn Chasson lúc nào cũng coi bọn mình như bầy gia súc. Một ngày nào đó mình sẽ bắt hắn trả giá. Rồi hắn sẽ phải hối tiếc. Khi Lulu đã lớn, khi thằng bé không còn cần đến mình, mình sẽ không để người ta muốn đối xử thế nào với mình cũng được nữa. Và cuối cùng mình cũng sẽ được tự do. Mình sẽ tận dụng cơ hội đó để trả thù tất cả những gã khốn trên đời, những kẻ khiến phụ nữ tức sùi bọt mép, vì nghĩ rằng họ phải phục tùng và hầu hạ phục dịch chúng. Chúng là ai mà dám nghĩ như vậy chứ? Nhưng trong ánh mắt người đàn ông hôm nay có gì đó khiến ông ấy có vẻ chân thành và tử tế. Tuy nhiên mình phải dè chừng. Mình đã bị lừa hơn một lần rồi. Lạ lùng thay, mình có cảm giác ông ấy thì khác. Ông ấy già rồi! Không như lũ trống choai thường vin vào cớ bản thân trẻ trung và có chút mã ngoài mà nghĩ rằng chúng có thể cưỡi lên bất cứ thứ gì động đậy. Vả lại, trông ông ấy ngơ ngác như thể vừa từ một hành tinh khác tới, với túi táo bị dán nhầm nhãn tính tiền. Vừa hay, đôi khi mình cũng muốn được với một hành tinh khác. Một hành tinh nguyên sơ không hề có những điều ghê tởm của nhân loại, thứ dẫn chúng ta tiến thẳng tới thất bại và khiến 4/5 nhân loại phải đau khổ… Đôi khi, trong đời, ta có cảm giác gặp được những người cùng thế giới với mình… Những người khác thường, không giống với những kẻ khác, sống trên cùng một bước song, hoặc trong cùng một ảo tưởng với mình. Đó là cảm giác của mình ngày hôm nay… Và mình thách cảm giác ấy. MỘT TUẦN SAU… Chương 1 Chuẩn Bị Lên Đường — Chào Julie, người đàn ông nói với cô sau khi đặt hàng hóa lên băng chuyền. — Chào ông. Hôm nay ông đã cân mời thứ rồi chứ? cô hỏi, không hề có ý giễu cợt. — Tôi tiến bộ rồi… Còn cô, đã ổn hơn chưa? — Ổn hơn? — Lần trước không phải cô hơi buồn sao? — Không! cô đáp cộc lốc. — Vậy là bụi bay vào mắt chăng? — Chính xác! Phải trả tiền cho cái túi cách nhiệt này đấy, ông vẫn lấy chứ? — Vâng! Có túi cách nhiệt cũng tốt hơn, đúng không? — Tùy ông thôi. Tổng cộng hết bốn mươi bảy euro chín mươi lăm xu. — Đây người đàn ông nói đoạn rút ra một tờ năm mươi euro, cô cứ giữ lấy tiền thừa. — Dĩ nhiên là không rồi. Cấm nhận tiền trà nước. — Vậy là để uống nước, tôi sẽ phải đợi cô hết ca rồi mới mời cô đi được phải không? — Tôi không biết có được không. — Cô sợ bị cười chê hay sao? — Có lẽ ông phải tầm tuổi ông nội tôi rồi! — Đừng quá lời thế, cô sẽ khiến tôi mếch lòng đấy! — Ít nhất cũng tầm tuổi bố tôi… — Một ông bố không có quyền mới con gái mình uống một ly sao? — Tôi đâu phải con gái ông. — Có ai biết đâu, ta có thể vờ như thế mà. — Ông tìm cái gì? Thịt tươi chắc? — Tôi đang tìm một nữ nhân viên dễ bị mua chuộc có thể hướng dẫn tôi xoay xở hiệu quả trong thể loại cửa hàng này. — Còn tùy thuộc vào việc ông tìm kiếm thứ gì. — Tôi tìm kiếm những nhãn hàng cho đàn ông độc thân sau ba mươi năm chung sống với một phụ nữ luôn quản lý mọi việc, bắt đầu từ việc đi chợ. — Vậy là ông đang tìm kiếm thịt tươi rồi! — Bây giờ, khi tôi đã có tôi cách nhiệt, rõ là phải dùng đến nó rồi. — Dù có thót bụng lại thì tôi cũng không chui vừa cái túi cách nhiệt của ông đâu. — Tôi đâu có đòi hỏi cô nhiều đến thế, chỉ là nhận lời uống một ly sau khi hết ca thôi mà. Mấy giờ cô xong việc? — Hôm nay tôi được nghỉ từ một giờ đến ba giờ chiều. — Cô dùng bữa ở đâu? — Tôi có một quả táo. — Một quả táo ư? Dù có tính theo giá nho đi chăng nữa thì một quả táo cũng không đủ bổ dưỡng. Tôi đỗ xe hàng đôi chờ cô ở lối P, chữ P trong từ Paul ấy, tôi có chiếc xe hai cầu màu xám hiệu Audi, chúng ta sẽ đi đâu đó dùng bữa. Julie vừa đưa cho ông tờ biên lai vừa liếc mắt về phía những khách hàng tiếp theo đang ném cho cô ánh mắt căm hờn vì buộc phải chờ đợi. Cô phải dè chừng, họ có thể than phiền với giám đốc, và hắn có thể lợi dụng hoàn cảnh để đòi cô chiều chuộng hắn đôi chút. Cô còn chưa biết lát nữa cô có tìm được chiếc xe hai cầu màu xám đỗ ở lối P không. Ai bảo người đàn ông này sẽ không đòi cô chiều chuộng mình như gã giám đốc? Tuy nhiên, trên một bãi đỗ xe giữa ban ngày ban mặt, cô sẽ không gặp nhiều rủi ro cho lắm. Vả lại, thật cảm động khi ông phải cố gắng xoay xở trong những chuyến mua sắm cho cuộc sống độc thân tập sự của mình. Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng của cô trước khi bắt đầu ba tuần nghỉ phép, cô có thể ăn mừng lắm chứ. Việc đó sẽ giúp cô khỏi phải tìm cách giết thời gian ở trung tâm thương mại trong suốt hai tiếng đồng hồ, vì không thể về nhà do cô không có tiền đổ xăng và muốn giữ gìn ô tô của mình hết mức có thể. Đúng là trong túi cô có một cuốn sách, vừa mới mướn ở thư viện, nhưng làm sao mà tránh được tiếng ồn xung quanh? Phòng giải lao dành cho nhân viên thì kinh khủng, không có cửa sổ, và những gã nhân viên quầy thịt thường giết thời gian bằng cách ném cho cô những nhận xét cũng vô duyên không kém gì con người trâu bò của họ. Vả lại, với một chiếc xe hai cầu hiệu Audi, người đàn ông kia hẳn có thể mời cô vào một nhà hàng khá khẩm. Cô sẽ tranh thủ vỗ béo để đối phó với đoạn cuối tháng biết trước là sẽ khó khăn. Giống như mọi cuối tháng khác… Jérôme đã tìm ra một cô bác sĩ trực thay. Không nhiều kinh nghiệm lắm, nhưng thây kệ. Anh muốn đi ngắm biển, ngắm nhìn đường chân trời đằng xa, cố gắng quên đi những vũng lầy nơi anh đã chìm sâu vào từ ba tháng nay. Cô gái trẻ phải đến vào tối nay, thậm chí anh đã cho cô mượn cả căn nhà trong thời gian lưu lại. Đêm nay họ sẽ ở chung nhà bởi lẽ ngày mai anh mới lên đường. Ban nãy bố anh đã gọi điện để hẹn giờ chính xác. Ông cũng đang khao khát được gặp lại bầu không khí ở biển. Nhưng vì một lý do khác. Một dạng thở phào nhẹ nhõm. Chỉ còn hai giờ khám bệnh nữa thôi. Anh bám víu vào viễn cảnh du ngoạn để đủ sức giữ lưng thẳng và đầu ngẩng cao. Bác sĩ thì phải luôn khỏe mạnh. Bác sĩ thì không được yếu ớt. Bác sĩ chính là nền tảng vững chắc để các bệnh nhân yếu ớt bấu víu. Anh có trách nhiệm phải đứng vững như bàn thạch. Một nền tảng không thể phá hủy cơ đấy! Bị đặt mìn phá hủy, bị rút xuống thành con số không cách đây vài tháng, cái nền tảng này không còn đỡ nổi bất kỳ ai. Anh lắng nghe, kê đơn, bắt mạch, khâu vết thương, nhưng anh không nâng đỡ được nữa. Anh vẫn trụ được mà không cần đến thuốc chống trầm cảm, thế đã là tốt lắm rồi. Nhưng có dùng đến rượu. Cậu bé sốt ruột chờ lúc tan trường. Bác trông trẻ tới đón cậu và lát nữa thôi mẹ sẽ được nghỉ phép. Mẹ sẽ ở nhà tất cả các buổi sáng, và các buổi tối nữa. Thậm chí cả các buổi trưa! Ở nhà Bác cậu được ăn ngon, nhưng dẫu sao cậu vẫn thích có mẹ ở bên hơn. Cậu không thích trường học. Đúng là ở trường cậu học được vài bài hát nhưng nơi đây quá ồn ào, quá nhiều trẻ con chen chúc và làm phiền cậu, quá nhiều thứ phải làm, phải nhìn, phải nghe. Mẹ cậu đã hứa khi nào mẹ nghỉ phép cậu sẽ không phải đến trường mẫu giáo tất cả các ngày nữa, mẹ muốn tranh thủ bên cậu. Cô giáo có nói gì cũng không quan trọng. Mẹ cậu không giống những người mẹ khác. Trước tiên, mẹ là người xinh nhất. Cũng là người trẻ nhất nữa. Đôi khi, trông mẹ giống như một người chị đón em lúc tan trường. Vả lại, mẹ thường mặc kệ người khác muốn nghĩ gì thì nghĩ. Mẹ cũng nói những từ bậy. Trong khi cậu thì, mỗi khi nói mấy từ đó ở trường, cậu đều bị phạt. Làm người lớn thật thích, ta có nói bậy cũng chẳng ai mắng. Nhưng đôi khi mẹ cậu khóc vào buổi tối, khi trên bàn bày la liệt giấy tờ còn mẹ thì bấm máy tính. Với cậu, ngày nào cũng ăn mì cũng chẳng sao. Cậu thích mì. Nhưng đúng là có thịt ăn vẫn ngon hơn. Ngon hơn là chỉ trộn bơ. Lợi thế của Bác, đó là có đủ tiền để mua những đồ ăn ngon… Một giờ chiều. Nghỉ trưa. Muốn tới lối P để gặp người đàn ông có vẻ tốt bụng kia. Không chút ẩn ý. Dẫu sao ông ấy cũng đáng tuổi bố cô mà! Nhưng thi thoảng thư giãn đầu óc một chút cũng tốt. Vả lại cô không hề khó chịu với viễn cảnh một bữa ăn đúng nghĩa. Chiếc xe hai cầu đã ở đó, báo hiệu bằng một cú nháy đèn pha khi cô bước vào lối đi. Người đàn ông mỉm cười độ lượng khi cô ngồi vào ghế phụ. Nội thất da, bảng điều khiển bằng gỗ gụ, thảm trải sạch bong. Thậm chí không có lấy một viên sỏi nhỏ. Ông ấy làm thế nào nhỉ? Cả một thế giới ngăn cách kiểu xe sang trọng này với chiếc Renault 5 xập xệ, quá hạn sử dụng, chỉ chực long ra thành từng mảnh mỗi lần cô xoay chìa khóa điện. Với thùng xe nham nhở và ghế ngồi sờn rách. Đúng thế, cô không đặt nặng việc chăm sóc xe cho lắm, nhất là với một chiếc ô tô, trong mắt cô công dụng của nó chỉ gói gọn trong việc đưa cô từ điểm A đến điểm B. Chưng nào nó còn chạy, đó chính là công dụng cốt yếu. Thậm chí cô không dám hình dung nó bị hỏng. Cô cần chiếc xe để đi làm, nghĩa là để sống. Thanh gươm Damocles[1] của cô có hình dạng của một sợi dây cu roa truyền động lẽ ra đã phải thay từ hai mươi ngàn cây số trước. Chủ ga ra giải thích với cô rằng nếu sợi dây đó đứt, nó sẽ làm vỡ động cơ. Julie đã trả lời anh ta rằng nếu thay nó, cô sẽ không thể trả tiền thuê nhà. Quả đúng thế, anh ta đáp rằng nếu động cơ bị vỡ, cô sẽ không thể đi làm, vậy thì cô sẽ mất việc và cũng chẳng thể trả nổi tiền thuê nhà. Chủ ga ra không phải chủ nhà băng, cô cầu nguyện để dây cu roa không đứt. Paul đề xuất dùng bữa tại một nhà hàng mà cô không biết. Cô biết ít nhà hàng lắm. Cách siêu thị chỉ vài phút chạy xe. — Tôi vui vì cô đã đến, ông chỉ nói thế. — Đừng mong đợi gì ở tôi, tôi báo trước đấy! Julie xẵng giọng đáp. — Cô chỉ gay gắt vậy thôi hay còn cắn nữa thế? — Tôi không gay gắt, tôi chỉ nói cho rõ thôi. — Tôi có thể mong đợi gì ở cô đây, ngoại trừ một vài kế hoạch mua sắm hợp lý? — Được tôi chiều ý chẳng hạn, tôi quen với chuyện đó rồi. — Vậy thì không, tôi không muốn chuyện đó! — Thật hiếm có. — Tất cả đàn ông đều đểu cáng hay sao? — Đành phải tin là thế. — Đột nhiên cô làm tôi thấy áp lực quá, tôi gần như thấy khó xử rồi. — Sao vậy? — Bởi vì lúc này, tôi phải chứng minh cho cô thấy tôi không phải là một tên đểu cáng. — Đối với một người đàn ông chuyện đó khó đến vậy sao? — Không… à mà, có đấy… tôi không biết nữa. Rồi chúng ta sẽ thấy. Một khoảng lặng trôi qua… — Tôi chỉ rủ cô đi ăn thôi, Paul nói tiếp, nói những chuyện linh tinh, về cô, nếu cô muốn, về tôi, nếu cô có hứng thú, không áp lực cũng không ẩn ý gì hết. — Tôi thấy như vậy khá ổn, cô gái kết luận. — Trên hết tôi mời cô ăn thêm chút gì đó chứ không chỉ là một quả táo! — Tôi quen ăn trưa bằng một quả táo rồi… — Thói quen không phải thứ có thể đảm bảo được cân bằng dinh dưỡng. — Tôi làm theo khả năng của mình thôi. — Hôm nay cô có thể gọi một thực đơn đầy đủ, với điều kiện khi quay về cô không nôn lên bảng điều khiển xe tôi. — Tôi sẽ cố gắng, Julie đáp, rốt cuộc cô cũng mỉm cười! Nhà hàng rất sang trọng. Julie cảm thấy gần như mất tự nhiên trong trang phục quần jean rách gấu, áo phông khoét và đôi giày vải đã bạc màu. — Ông chắc là họ sẽ cho tôi vào chứ? cô hỏi. — Tại sao lại không? — Trông tôi không ăn nhập với khung cảnh. — Người ta đâu có yêu cầu cô treo người lên tường. — Rốt cuộc, tôi sẽ tạo ấn tượng xấu, không phải sao? — Có chứ, dĩ nhiên! Nhưng mặc kệ đi. Với một chiếc thẻ tín dụng, ta có quyền tạo ấn tượng xấu mà. Thậm chí họ còn khá thích ấy chứ. — Nhưng tôi không có thẻ tín dụng. — Vậy thì… biết nói với cô sao nhỉ, Julie… Mặc dù nếu cô cho tôi cơ hội thể hiện, thì sẽ dễ dàng hơn cho tôi trong việc chứng tỏ với cô rằng tôi không phải kẻ thô lỗ. Đàn ông được giáo dục đến nơi đến chốn thường mời phụ nữ khi cùng dùng bữa tại nhà hàng. Trừ khi anh ta gặp phải một người theo chủ nghĩa nữ quyền thuần túy và cứng nhắc đến mức nhầm lẫn ga lăng với đểu cáng. — Tôi cho là những người theo chủ nghĩa nữ quyền cũng có thẻ tín dụng… — Trái lại, cô cần nhổ ngay bã kẹo cao su đi, nếu không, cô sẽ thực sự tạo ấn tượng xấu đấy. Julie nghe theo. Cô xé một mẩu khăn giấy rồi gói ghém bằng chứng phạm tội trước khi bỏ nó vào gạt tàn. Người bồi bàn tới đưa thực đơn cho họ. Julie đọc lướt qua vài giây rồi đóng sập lại. — Có chuyện gì vậy? Paul hỏi. Cô không muốn thử món gì sao? — Quá đắt đối với tôi…, cô đáp, họng nghẹn lại. — Cô là người theo chủ nghĩa nữ quyền chăng? — Không, sao ông hỏi vậy? — Vậy cô không định trả tiền đấy chứ? — Cứ đưa một miếng vào miệng là tôi sẽ có cảm giác đang nhai một tờ năm euro mất. — Cô đừng nhìn giá! — Tôi không thể, tôi không cưỡng lại được, nó đã trở thành thói quen rồi, tôi xem giá mọi thứ, tôi đã cố cưỡng lại nhưng cột bên phải luôn thu hút ánh mắt tôi… — Vậy tôi sẽ đọc thực đơn cho cô nghe. — Mọi người sẽ nghĩ là tôi không biết đọc. — Vậy tôi sẽ thì thầm thôi… — Mọi người sẽ nghĩ ông đang tán tỉnh tôi trong khi nhìn ông đáng tuổi bố tôi. — Julie, cứ để mọi người muốn nghĩ sao thì nghĩ, ông đáp và thở dài thích thú. Paul bèn bắt đầu đọc thực đơn. Julie phải thường xuyên ngắt lời ông. Còn lâu cô mới biết tất cả những món được ghi trong thực đơn. Người bồi bàn đứng trong góc phòng quan sát trò mèo ở bàn số 9. Khi thấy người đàn ông mỉm cười đặt quyển thực đơn xuống bàn, anh ta tiến lại gần. — Hai vị đã chọn món xong rồi ạ? — Đúng vậy. Cho cô đây, món khai vị sẽ là cá hồi xông khói, tiếp theo là thịt thăn nõn kèm nấm mống gà, và tráng miệng là bánh kem lòng trắng trứng kèm phúc bồn tử. Tôi cũng thế. Chọn giúp chúng tôi một chai vang ngon nhé, chàng trai, tôi tin ở cậu. — Thế còn món ăn kèm ạ? — Khoai chiên. Để thay cho táo. — Xin lỗi, ông bảo sao ạ? người bồi bàn hỏi. — Không có gì, không có gì, Paul vừa đáp vừa nháy mắt với Julie. Người bồi bàn lấy lại thực đơn rồi nhanh chóng rời đi. Julie vừa nhấm nháp ly xi rô lựu của mình vừa tò mò ngắm nghía cách bài trí. — Đây là lần đầu tiên cô tới đây hả? — Dĩ nhiên. Tôi làm gì có tiền để ăn nhà hàng. — Ngay cả khi thi thoảng mới đi một lần sao? — Phải. — Cô đã bỏ lỡ điều gì đó rồi đấy. — Giá như ông biết được tất cả những điều tôi từng bỏ lỡ! — Dạng nào thế? — Đủ thứ. Theo một cách chung nhất thì tôi bỏ lỡ cuộc đời mình. Tại sao ông lại mời tôi đi ăn nhà hàng? — Cô khiến tôi thấy lo. — Tôi á? cô thốt lên. — Đúng thế, chính cô. Tôi biết chắc chắn rằng lần đầu tiên tôi ghé qua quầy của cô, cô không bị bụi bay vào mắt. Chuyện đó khiến tôi xúc động. — Không cần thế đâu. Tôi đã hết buồn chuyện hôm đó rồi. — Đã xảy ra chuyện gì vậy? — Tại sao ông lại muốn biết? — Bởi vì rất có thể tôi sẽ muốn đấm vỡ mặt gã nào đó đã khiến cô buồn. Tôi ghét những kẻ làm phụ nữ đau khổ. — Ai bảo với ông đó là một gã đàn ông? — Vì thấy cô đánh giá đàn ông cao quá. — Ông thực sự muốn nghe tôi kể chuyện đã xảy ra chứ? — Không, tôi hoàn toàn không quan tâm, chỉ là chuyện phiếm trong lúc chờ món khai vị thôi. — Dĩ nhiên là có rồi! — Hắn ta quấy rối tôi, đe dọa sẽ trả đũa tôi từ mấy tháng nay mỗi khi tôi mắc sai lầm. Hôm trước, hắn đã cam đoan là lần tới sẽ ăn tươi nuốt sống tôi. — Cái gì kia? Paul nói, thiếu chút nữa thì sặc ngụm bia trong miệng. — Tôi không có lựa chọn nào khác… — Cô nói đùa sao? — Không, và hắn biết hắn có thể chèn ép tôi bởi vì tôi không có lựa chọn nào khác. — Chuyện này là sao vậy? Paul giận dữ nói. — Hôm nọ, một đồng nghiệp đã lấy năm mươi euro trong quầy của tôi khi tôi đi vệ sinh. Tôi đã trông thấy cô ta cất túi của tôi vào chỗ cũ. Tôi bị triệu tập lên gặp giám đốc. Hắn bảo tôi là có thể đuổi việc tôi ngay lập tức, và lần sau, tôi phải tử tế với hắn. — Cô không tố cáo cô đồng nghiệp kia hả? — Không nên làm vậy. — Bởi vì nên để bản thân bị ăn tươi nuốt sống ư? Paul hỏi. Hắn không đề nghị cô hoàn lại số tiền và kết thúc vụ này sao? — Ông đùa à! Cơ hội này quá tốt. Từng có nhân viên thu ngân bị đuổi việc chỉ vì trót thó một phiếu giảm giá, ông biết đấy, những tờ phiếu được xuất cho khách cùng với biên lai mua hàng ấy. Khi khách hàng không muốn lấy phiếu đó, chúng tôi phải hủy đi. Nếu nhân viên thu ngân chúng tôi bị bắt quả tang giữ phiếu giảm giá, chúng tôi có thể đề nghị hoàn lại 1,80 euro, nhưng gã khốn đó cũng có thể quyết định đuổi việc chúng tôi. Thế nên ông hình dung xem, năm mươi euro… — Nhưng tại sao cô không thay vào đó một tiền khác trước khi người ta nhận ra, nếu cô đã biết những rủi ro?! — Bởi vì tôi không có số tiền đó. — Trong siêu thị có máy rút tiền mà. — Tôi không có số tiền đó, tôi nói với ông rồi mà. — Nhưng ai mà chẳng có ít nhất năm mươi euro trong tài khoản ngân hàng. — Ôi không. Đó là trước khi chi trả các hóa đơn thôi. Paul bèn rút ví và lấy ra một tờ năm mươi euro, ông đưa nó cho Julie. Cô giận dữ nhìn ông. — Cô cầm đi! Paul nói sau khi bồn chồn mân mê tờ tiền vài giây. — Không có chuyện đó đâu. — Tôi bảo cô cầm đi. Không có chuyện việc kia được tái diễn. Cô chỉ việc giấu nó vào góc ví, và giữ nó phòng trường hợp tương tự lại xảy ra. — Ông chẳng có lý do gì để làm thế này. — Dĩ nhiên là có chứ!… Tôi phải chứng tỏ cho cô thấy tôi không phải một tên đểu cáng. Bằng chứng số 1. — Thế đấy, sau khi nghĩ rằng tôi mù chữ và là tình nhân của ông, giờ thì mọi người đang hình dung là ông trả tiền cho tôi để làm thế. — Mọi người sẽ tự nhủ cô là con gái tôi và tôi đang cho cô tiền tiêu vặt. — Ông thực sự muốn làm bố tôi cơ đấy! — Cô có bằng chứng về chuyện đã xảy ra chứ? Nhất định phải có bằng chứng cho bên công đoàn. — Bên gì kia? — Tổ chức bảo vệ những người làm công ăn lương ấy. Đẫu sao cô cũng sẽ không để yên như vậy chứ. — Tôi cần công việc này, tôi không thể cho phép mình đánh mất nó được. — Thật vô lý… — Đời là thế mà. Ông sống trên một hành tinh khác hay sao? — Không, nhưng tôi không thể hình dung là có thể xử sự theo cách đó. — Còn ông, ông làm việc ở đâu trong thế giới Kẹo Ngọt? — Tôi là kỹ sư hàng không, hãng Bugatti. — Có thú vị không? — Mê li luôn. — Kiếm được nhiều tiền không? — Tôi không gặp khó khăn gì về tiền bạc. Vả chăng tôi đang ở chặng cuối của sự nghiệp và bắt đầu giảm tốc rồi. Tôi có thể sống bằng các khoản lợi tức. — Một khoản thừa kế chăng? — Không, một tấm bằng sáng chế được đăng ký độc quyền từ khi tôi mới bước chân vào nghề, ý tưởng sáng suốt vào đúng thời điểm, nó giúp tôi có thể thỏa mãn mọi nhu cầu. — Ngoại trừ nhu cầu về đàn bà. — Tôi không cần đàn bà. — Không phải vợ ông đã bỏ đi sao? — Đúng thế! Và việc đó là cần kíp. Tôi không chịu nổi bà ấy nữa rồi. Bà ấy rất hữu ích, nhưng thôi… — Ông thấy đó, ông là một tên đểu cáng khi nói về phụ nữ như một thứ đồ vật hữu dụng. Thật may là tôi không có thẻ ngân hàng, nếu không, có lẽ tôi đã cho phép mình theo chủ nghĩa nữ quyền và cho ông một trận rồi. — Chính bà ấy đã thấy rất tiện lơi khi kết hôn với một người đàn ông giàu có đấy chứ. — Ông có con không? — Một đứa con trai. Kết quả của cuộc hôn nhân đầu tiên. — Rõ ràng là cuộc sống hôn nhân của ông không hề buồn tẻ. Người vợ đầu tiên cũng đã bỏ ông sao?… — Theo một cách nào đó…, Paul đáp và nhìn ra chỗ khác vài giây trước khi nói tiếp, món thịt thăn của cô ngon chứ? — Ngon tuyệt. Tôi đã không ăn thế này kể từ lễ ban thánh thể đầu tiên của tôi. — Cô có bạn trai không? Paul hỏi tiếp, để thay đổi chủ đề. — Sao ông lại hỏi câu đó? — Thì hỏi thế thôi. — Tôi không có bạn trai. Đời tôi chỉ có Ludovic thôi. — Ludovic là ai thế? — Con trai tôi. — Cô có một đứa con trai? Paul ngạc nhiên. — Đúng thế, nó sắp lên ba rồi. — Nhưng cô bao nhiêu tuổi? ông sửng sốt hỏi. — Hai mươi. — Một tai nạn chăng? — Đừng bao giờ nhắc đến Ludovic như thể nó là một tai nạn nữa. Thằng bé là điều tốt đẹp nhất từng đến trong đời tôi. — Còn người bố? — Không có bố. — Sinh sản vô tính, sinh sản đơn tính hay phép mầu trong Kinh Thánh vậy? Paul thích thú hỏi. — Tiệc tối có rượu… — Và chính vì thế mà cô rất cần công việc của mình, đến mức đành lòng chịu đựng những điều khủng khiếp với gã giám đốc kia?! — Vì thằng bé, đúng thế. — Bố mẹ cô không giúp đỡ cô sao? — Bố tôi đã đuổi tôi ra khỏi cửa khi biết tôi có thai. — Còn mẹ cô? — Bà uống rượu kể từ lúc đó, để quên. Tôi thường lén gặp bà. Hiếm khi thôi. — Bức tranh mới tệ làm sao! — Picasso đó. Một cuộc sống chẳng ra gì. — Tại sao ông ấy lại đuổi cô ra khỏi cửa? — Ông ấy là tín đồ Công giáo bảo thủ mà. — Bảo thủ ư? — Đúng vậy, tôi cho là thế, nếu không, hẳn ông ấy đã phải có chút thương xót tôi. Nhưng dù sao, tôi cũng không chịu đụng được ông ấy nữa. Nhà đã trở thành địa ngục. Tôi chưa bao giờ vừa với cái khuôn mà ông ấy muốn áp đặt cho tôi. Mặc váy kẻ ca rô để đi chơi dưới tuyết, ngày bé thì ta còn chịu được, nhưng đến tuổi thiếu niên thì ta bắt đầu suy nghĩ rồi. Và cả chống đối nữa. Julie và Paul tiếp tục câu chuyện trong lúc dùng món tráng miệng. Cô kể cho ông nghe về căn nhà nơi cô sống cùng con trai trong một năm, cho đến tuổi thành niên, rồi việc cô thôi học sau khi tốt nghiệp phổ thông, nỗi khổ cực khi phải xoay xở trong cảnh khó khăn, công việc thu ngân hiện nay, lương thấp, giờ giấc khắc nghiệt, nhưng là nguồn thu nhập duy nhất để sống sót. Ngày nối tiếp ngày không thú vui, và niềm hạnh phúc được nghỉ phép bắt đầu từ tối nay, dù chỉ để khỏi phải gặp tên khốn Chasson. Và nhất là tranh thủ thời gian bên con, cô được gặp con quá ít: cứ hai ngày lại phải tan ca muộn một tối. — Tôi đoán cô không đi nghỉ nhỉ? Con trai cô còn phải đi học mà. — Trường học ấy hả, khi tôi nghỉ phép thì thằng bé sẽ chỉ tới đó khi nào nó muốn. Trong suốt cuộc đời, nó sẽ còn phải ở trường khá nhiều. Nhưng dĩ nhiên, tôi sẽ không đi nghỉ… — Không bắt buộc phải đi học à? — Không. Việc dạy dỗ mới là bắt buộc. Vậy nên, ở tuổi lên ba… Không phải như khi nó phải cày tích phân hay động năng. — Cô biết hết những thứ đó? Paul ngạc nhiên. — Vâng, sao lại không?… Tôi là nhân viên thu ngân chứ đâu có đần độn. Tôi có bằng tốt nghiệp trung học ban khoa học mà. — Tại sao cô không học tiếp? — Bằng cái gì đây? — Hừm…, Paul đáp với nụ cười gượng gạo. Cô có thích vùng Bretagne không? — Tôi chưa bao giờ tới đó. Hồi còn nhỏ, kỳ nghỉ nào chúng tôi cũng đến Lourdes. Nhưng vùng đó hẳn là đẹp lắm nhỉ. — Tôi sẽ đưa cô tới đó. — Sao kia? — Sáng ngày mai, tôi sẽ tới Bretagne, nghỉ ngơi vài ngày. Cô đang được nghỉ phép, tôi sẽ đưa cô theo. — Thế còn con trai tôi? — Cô và con trai cô, dĩ nhiên. Chúng ta sẽ dạy cho bé môn động lực học của những con sóng và lực đẩy Archimedes. Bé sẽ học trước chương trình và sẽ khiến cô giáo mẫu giáo phải kinh ngạc. — Rốt cuộc tôi sẽ thực sự tin là ông đang trông chờ ở tôi những điều bất lương đấy. — Có cả con trai tôi mà. Nó cần hít thở không khí trong lành. — Anh ta biết chuyện rồi ư? Anh ta đồng ý sao? — Với câu hỏi đầu tiên thì không, và với câu hỏi thứ hai thì tôi chưa biết. Tôi không đòi hỏi nó phải đồng ý. Đó là nhà của tôi, đó là xe của tôi, tôi bỏ thời gian để đưa nó đến đó, chỉ còn thiếu nước nó đòi hỏi nọ kia nữa. Vả chăng, cô sẽ khiến nó phải đổi ý. — Cả anh ta cũng đang tìm thịt tươi hả? — Nó cũng không phải là một tên đểu cáng. Hãy thôi nghĩ người ta chỉ quan tâm đến cô vì chuyện đó đi. — Vậy tại sao ông lải quan tâm đến tôi? — Cô khiến người ta cảm động. — Tôi khiến ông thương hại sao? — Không hề. Nhưng trong một giờ vừa rồi chúng ta đã trò chuyện nhiều hơn cả mức tôi trò chuyện với vợ suốt sáu tháng sau cùng. Điều này khiến tôi thấy dễ chịu. Vả lại, tôi đã luôn mơ ước có một đứa con gái. — Rõ ràng ông thực sự muốn coi mình như bố tôi… — Vậy cô đồng ý chứ? — Để ông làm bố tôi? — Không! Vụ Bretagne kia. — Tôi không biết nữa, tôi phải suy nghĩ đã… — Tối nay hãy gọi cho tôi, khi nào cô quyết định xong, Paul đề xuất rồi đưa cho cô một tấm danh thiếp. — Tôi không có điện thoại. — Thế à? — Họ đã cắt điện thoại cách đây ba tháng. — Vậy tôi sẽ qua đón cô, rồi ta sẽ tính. Sáng mai lúc bảy giờ nhé. Cô sống ở đâu? Julie cho ông địa chỉ, giải thích là địa chỉ này rất dễ tìm, ngay cạnh nhà thờ, trong khu nhà ở xã hội đặt giữa nơi trước đây vốn là nhà của cha xứ. — Ngộ nhỉ. Cô bị một ông bố mộ đạo quá mức đuổi ra khỏi nhà rồi sống nơi vốn là nhà của cha xứ… — Và cả sáng lẫn chiều tối đều nghe thấy tiếng chuông! Như trước kia. Nhưng chúng không còn giống nhau nữa. Jérôme dõi theo cô gái đang lái xe vào khoảng sân rải sỏi của ngôi nhà. Cô đỗ xe, thu nhặt vài thứ đồ dùng vào túi xách, liếc qua gương chiếu hậu rồi máy móc vuốt gọn một lọn tóc. Rồi anh thấy cô nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, và thở ra một hơi dài trước khi xuống xe. Anh rời cửa sổ, để khỏi tạo ấn tượng là mình đang rình mò và bước xuống cầu thang tiến về phía lối vào. Tiếng chuông cửa đã vang lên. Anh mở cửa, bắt gặp một cô gái trẻ bồn chồn và không được tự nhiên. — Chào anh! cô nói đoạn chìa ra một bàn tay mềm như kẹo dẻo còn mắt hơi nhìn lảng đi chỗ khác. Caroline Lagarde, tôi là người trực thay cho anh đây. — Xin chào, Caroline, Jérôme vừa nói vừa cố nặn ra một nụ cười. Kết quả không lấy gì làm xuất sắc. Những nụ cười của anh thường giống những cái nhăn mặt. Từ vài tháng nay, mọi thứ ở anh đều giả tạo. - Cô tìm đường dễ chứ? — Nhờ hệ thống GPS, ta tìm ra cả những xó xỉnh hẻo lánh nhất — Cô thấy đây là xó xỉnh hẻo lánh sao? — Không, không hề, ý tôi không phải vậy, xin thứ lỗi cô gái vừa đáp vừa cụp mắt nhìn xuống, vẻ bối rối thấy rõ. — Tôi trêu cô thôi. Cô có hành lý cần dỡ khỏi xe không? — Có, tôi sẽ đi lấy. — Để tôi đi cùng cô. Với đôi giày gót nhọn, cô gái bước đi trên sỏi như trên lớp băng mỏng. Cô nở nụ cười ngại ngùng với chủ nhà. — Tôi nghĩ là để làm việc tại đây tôi sẽ phải đi giày vải. — Chỉ khi cô muốn ra ngoài thôi. Phòng ở được bố trí trên gác còn tầng trệt là phòng khám. Giữa hai tầng không hề có viên sỏi nào. Trái lại, để đi khám bệnh tận nhà thì… — Dẫu sao tôi cũng cần phải thích nghi. Đây là lần đầu tiên tôi trực thay đấy, anh không sợ chứ? — Nếu cô đã đặt câu hỏi như vậy, có nguy cơ là tôi phải bắt đầu lo lắng thôi. Chúng ta đều phải trải qua chuyện đó mà. Ta phải bắt đầu vào một ngày nào đó chứ. — Anh thật tử tế khi tiếp nhận tôi. — Tôi cần một quãng thời gian nghỉ ngơi. — Đúng đó, dẫu sao chuyện đó cũng khá rõ ràng. — Cô có khiếu khen ngợi nhỉ. — Xin lỗi, tôi xin lỗi ý tôi cũng không phải thế. Rốt cuộc trông sắc mặt anh không được tốt cho lắm, cô vừa nói vừa cúi nhìn xuống chân. — Cô đừng xin lỗi. Tôi vẫn đang trêu cô thôi. Tôi cố gắng giúp cô cảm thấy thoải mái mà, cô có vẻ căng thẳng quá. — Bởi vì đây là lần đầu tiên tôi trực thay. Tôi sợ mình không làm được. — Đừng có giết ai, tôi chỉ yêu cầu cô có thế thôi. — Tôi hy vọng thế. Ngộ nhỡ ra thì tôi vẫn có thể gọi điện cho anh chứ? — Ngộ nhỡ cô giết ai đó hả? — Ngộ nhỡ tôi cần gọi cho anh. — Tôi không định sử dụng quãng thời gian nghỉ ngơi của mình như thế đâu, nhưng trong trường hợp tệ nhất, cô cứ gọi. Tôi cũng đã để lại cho cô thông tin liên hệ của các bác sĩ đang hành nghề quanh đây rồi. Cô đừng ngại, họ không cắn đâu. Jérôme dẫn cô tham quan ngôi nhà, phòng khám ở tầng trệt, cách vận hành, từ máy tính đến sắp xếp lặt vặt, rồi tầng trên và phòng dành cho khách, nơi cô có thể ở vài tuần. Sau đó anh quay xuống bếp để chuẩn bị bữa tối trong lúc cô dỡ đồ. Jérôme thấy bối rối vì sự hiện diện của cô gái này, sau chừng ấy ngày tháng cô đơn. Anh cảm thấy rất lạ, như thể đang tìm lại được những cảm giác đã đánh mất, những cảm xúc bị chôn vùi, một phần thiếu vắng trong anh được đánh thức, được lấp đầy. Bằng cái gì thì anh không biết, nhưng nó được lấp đầy, làm tiêu tan sự trống rỗng đáng sợ đang hút anh vào sâu bên trong con người anh như một hố đen. Va li của anh đã sẵn sàng, anh chỉ còn phải ngủ vài tiếng. Hơn nữa, anh có thể ngủ dọc đường. Bố anh có khả năng lái xe một lèo cả nghìn cây số. Anh thì không còn được việc mấy nữa rồi. Ngay cả nấu một bữa ăn đáng gọi là bữa ăn cũng quá sức anh. Lần nào anh vào bếp, món mì cũng quá lửa còn thịt băm lại quá khô. Anh đang ca thán về khả năng nấu nướng tệ hại của mình thì bỗng nghe thấy tiếng nức nở cuối hành lang. Anh tiến về phía phòng dành cho khách, khăn làm bếp vắt trên vai. Cô gái đang ngồi trên giường, hai tay bưng mặt, cố gắng ghìm những giọt lệ thổn thức. Có chuyện gì vậy? Jérôme hỏi đoạn ngồi xuống cạnh cô. — Tôi… tôi sợ, cô nấc lên. — Sợ gì chứ? — Sợ không làm nổi. — Cô đừng lo. Chỉ là vài ca cảm cúm, viêm tai và mụn cóc ở gan bàn chân thôi. Những trường hợp phức tạp hơn thì chúng ta có thể hội ý qua điện thoại. Cô hãy tự tin lên. Nếu cô đạt được tới mức này, thì nghĩa là cô có khả năng chữa bệnh. Trừ phi cô đã gian lận trong tất cả các kỳ thi. Cô không gian lận đấy chứ? — Không, dĩ nhiên rồi! Caroline phẫn nộ đứng bật dậy. — Vậy thì mọi chuyện suôn sẻ cả. Anh vừa đưa cho cô chiếc khăn lau bát để cô lau nước mắt - sẽ cần đến nó đấy, nếu không thì sẽ phải là một tấm ga giường - vừa lưu ý cô rằng, trái lại, trong bếp chẳng có gì suôn sẻ cả, và rằng anh không còn biết phải làm gì để cứu vãn món spaghetti Bologne với thịt băm khô khốc và mì đen quá lửa. Lát sau, một chút bơ và một chai xốt cà chua là đủ để cô gái cứu vãn mọi thứ. Cô gần như phẫn nộ khi anh không có pho mai Pacma để ăn kèm, nhưng không cho phép mình quá đà đến mức đó. Những giọt nước mắt là đã… Họ vừa dùng bữa vừa trao đổi về vài bệnh nhân có thể sẽ phát sinh vấn đề. Những nụ cười kín đáo thắp sáng đôi mắt đỏ hoe cho phép hy vọng áp lực đã giảm. Jérôme nhận thấy ít ra cô vẫn may mắn vì còn biết khóc. Đôi khi, khóc giúp ta nhẹ lòng. Nhưng đàn ông thì không khóc. Đàn ông thì phải cứng cỏi, không để lộ cảm xúc của bản thân. Đàn ông thì không được buông xuôi. Hồi còn nhỏ xíu anh vẫn từng nghe: “Đừng khóc, con là đàn ông kia mà!” Những tháng gần đây anh đã không khóc, dù chỉ một lần. Và nỗi buồn gặm nhấm anh như một con sâu phàm ăn trên phiến lá mùa xuân. Anh tự nhủ rằng nỗi đau bùng nổ một lần cho xong có lẽ sẽ làm ảnh hưởng đến đôi mắt, nhưng anh sẽ được nhẹ lòng. Còn cứ thế này… Nỗi buồn tự ý đến trú ngụ ở nơi sâu thẳm lòng anh mà không buồn hỏi ý kiến anh. Nó cảm thấy thoải mái như đang nhà mình. Anh có cố gắng tiêu khiển cũng vô ích, nó vẫn ở đó, nép vào một góc, sẵn sàng trồi lên bất cứ khi nào anh lơi lỏng. Khói bốc lên từ một ngôi nhà đang cháy, bạn mở một cánh cửa và khói tràn vào qua mọi khe hở dù nhỏ nhất, khiến mắt bạn cay xé và mũi không thở nổi. Biết gọi đội cứu hỏa nào đến dập loại đám cháy ấy đây? Caroline đã bắt được anh hứa là sẽ trả lời những cuộc gọi của cô, điều kiện tiên quyết để đêm nay cô chợp mắt được một lát. Sau đó hai người họ ai về phòng nấy, môi nở nụ cười sau cùng để người kia an lòng. Một cuộc gặp kỳ lạ. Anh mời cô tới giúp anh, thế rồi chính anh lại là người an ủi cô. *** Mình đã chán phải mệt mỏi rồi. Chán phải nghi ngờ mọi việc và mọi người. Sáng mai, một người mình không quen biết sẽ tới đón mình để đưa mình đi Bretagne nghỉ hè cùng, cả mình và ông ấy đều dẫn theo con tới. Con trai ông ấy lớn tuổi hơn mình và mình cũng chẳng quen biết gì anh ta. Có lẽ mẹ sẽ bảo mình rằng mình loạn trí mất rồi nên mới quyết định như thế. Mẹ chưa bao giờ dám mạo hiểm, dù chỉ một chút, cãi lời chồng lại càng không. Ngay cả khi liên quan đến việc đuổi mình ra khỏi nhà. Mình có nguy cơ gặp phải chuyện gì đây?… Rằng ông ấy là một mắt xích trong đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em sang châu Á chăng? Được thôi, xem nào! Đó là một khả năng. Nhưng với kiểu lo sợ ấy thì ta chẳng còn làm được gì trong cuộc đời này. Ta cứ việc nhốt mình trong nhà mà chờ chết. Giống như mẹ. Thế nếu ông ấy thực lòng? Và nếu mình thực sự đã khiến ông ấy cảm động, như ông ấy khẳng định? Và nếu ông ấy là ngôi sao mai của mình, ngôi sao có thể dẫn mình tới với phép mầu của cuộc sống? Không phải phép mầu mà ta thấy trong Kinh Thánh nơi những nữ đồng trinh sinh con mà chẳng ai thấy chuyện đó là đáng ngờ. Không, phép mầu thực sự kia. Cuộc đời thực kia. Cuộc đời khiến ta muốn thức dậy vào buổi sáng, và đi ngủ vào buổi tối trong lòng tự nhủ “một ngày thật tươi đẹp”. Cuộc đời cho phép ta nuôi dạy con cái mà không phải hổ thẹn vì không thể lúc nào cũng tặng cho chúng món thịt thơm ngon và những đồ chơi xinh xắn vào dịp Giáng sinh. Nhưng mặt khác, mình trông đợi điều gì ông ấy? Rằng ông ấy bao bọc mình ư? Như một con đĩ? Rằng ông ấy chơi trò Pretty Woman[2] với mình? Nếu ông ấy có nét gì đó giống với Richard Gere thì mình lại chẳng có điểm gì giống Julia Roberts. Vả lại, mình có lòng kiêu hãnh của mình. Chỉ riêng tờ năm mươi euro kia thôi mình đã thấy khó nuốt rồi. Tuy nhiên, nó đang được giấu kỹ dưới đáy ví mình và nếu nó tránh cho mình khỏi phải chui xuống gầm bàn của tên khốn Chasson, mình thú thật là mình sẽ nâng niu nó, giữ gìn nó và thường xuyên kiểm tra để biết chắc là nó vẫn còn ở đó. Mình đã gọi cho Manon, cô bạn thân nhất, từ ca bin điện thoại của trung tâm thương mại. Dù sao, mình cũng cần nghe ý kiến của cô ấy, bởi cô ấy là bạn thân nhất của mình. — Tận hưởng đi! Cô ấy trả lời mình không chút ngập ngừng. Manon đúng là cô bạn trung thành nhất của mình. Sở dĩ mình tới đó, là để được trông thấy hạnh phúc trong mắt Ludovic. Xây những tòa lâu đài cát, không phải những tòa lâu đài Tây Ban Nha[3] như mình thường xây ở tuổi lên mười, khi mình vẫn còn tin chuyện hoàng tử bạch mã cưỡi ngựa trắng đến tìm công chúa nhỏ để đưa nàng tới một nơi thật xa. Và sau đó, là để ngắm biển. Chương 2 Lọ Mứt — Tận hưởng đi! Manon nói câu đó bởi cô là như thế. Một dạng triết lý sống. Cô vận dụng nó và khuyến khích người khác làm theo. Cô là bạn từ thời thơ ấu của Julie, họ chưa bao giờ thực sự rời xa nhau. Cô có mặt khi thử thai. Cô có mặt trong những lần siêu âm. Cũng có mặt lúc sinh nở để bị Julie bóp nát cánh tay. Rồi lau khô những giọt nước mắt sau sinh, và nói chung là nước mắt từ những trận khóc lóc mà thỉnh thoảng Julie lại không chống đỡ nổi. Cô lúc nào cũng có mặt, khi Julie muốn khóc. Cô cũng có mặt khi chơi bời vui vẻ. Cô có mặt cho dù xảy ra bất cứ chuyện gì. Manon là một cô gái xinh xắn. Mảnh mai, cao ráo, tóc màu hạt dẻ lượn sóng, rủ xuống đôi mắt màu xám hung. Một khuôn mặt thanh tú, lấm tấm những nốt tàn nhang và một dáng dấp giản dị nhưng nữ tính. Một vẻ đẹp hoàn toàn tự nhiên, thường tác động lên lũ con trai giống như một lọ mứt mở nắp để trên chiếc bàn kê ngoài vườn giữa mùa hè: một đám vo ve mau chóng hình thành. Manon vẫn luôn thích thú lúc đo đếm vận may cô có được khi nắm trong tay nhiều lựa chọn đến thế… Ngay cả khi số lượng đông đảo không phải là một sự đảm bảo về mặt chất lượng. Sau khi tốt nghiệp trung học, Manon đã rẽ sang học nghệ thuật. Cô vẽ tranh từ khi đủ tuổi cầm bút chì. Tài năng của cô sánh ngang với niềm đam mê vốn bị bóp nghẹt từ trong trứng nước bởi một gia đình quá tự phụ để có thể chịu đựng một đứa con gái “nghệ sĩ”. Nỗ lực né tránh hoàn toàn thất bại. Họ càng cố gắng bắt cô chuyển hướng khỏi cái nghề không tương lai này, Manon lại càng điên cuồng bất chấp và đấu tranh để thực hiện ước mơ. Cuối cùng cô đã ghi danh vào trường Mỹ thuật của địa phương, để rồi nở rộ trong môi trường này như một đóa hoa trong ánh nắng xuân. Manon thực thà và thẳng thắn. Nhưng cô cũng đúng đắn. Julie đặt vào cô một niềm tin mù quáng. Manon chính là người Julie gọi điện khi cần một lời khuyên, khi cô rối trí, khi chẳng còn chuyện gì ổn thỏa, hoặc trái lại, khi mọi thứ đều ổn thỏa. Với một người bạn như cô, mỗi lần chia sẻ là một lần niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa. Chương 3 Vài Chú Gà Con Trên Đường Phải đến khoảng mười một giờ đêm hôm trước ngày khởi hành cô mới thấy bụng mình ngót đi sau bữa trưa đó. Dạ dày cô không còn quen được ăn no nê nữa rồi. Nhưng đồ ăn ngon quá. Julie đã dành cả buổi tối để thu vén vài thứ đồ đạc cho chuyến đi. Cô đã tìm được một chiếc túi ni lông chắc chắn để nhét vào đó vài món đồ chơi cùng vài cuốn truyện cổ tích cho trẻ em. Từ khi thức giấc, cô đã kiểm tra hành lý hai lượt để chắc chắn không quên thứ gì. Cô khó lòng hình dung được rằng một giờ nữa người đàn ông đó sẽ tới đón cô để đưa cô đến đầu kia nước Pháp. Từ bao lâu nay cô đã mong được ngắm biển. Và chỉ cho Ludovic xem. Cô chẳng ngủ được mấy. Cô gần như vui mừng vì chuyện đó. Julie hăng hái, như mọi khi, bất chấp nguy cơ vỡ mộng, như mỗi lần một gã đàn ông nào đó hứa hẹn ngon ngọt với cô. Nói cho cùng, ai nói là ông ấy sẽ đến, ai nói đó không phải là hứa hão, những lời gió thoảng mây bay để tỏ ra thú vị hoặc được cô ban phát ân huệ? Đã đành, nhưng ông ấy có nhận được ân huệ nào đâu, và ông ấy có vẻ nghiêm túc. Vẫn còn giả thiết “buôn người sang châu Á”, mà cô kiên quyết gạt đi, không chấp nhận sự tầm thường của một cuộc sống không mơ ước. Ludovic vẫn ngủ. Cô sẽ đánh thức bé vào phút cuối. Với một chút may mắn, bé sẽ ngủ lại trên xe. Cô đã chuẩn bị ghế ngồi ô tô dành cho trẻ con, bình sữa cùng vài chiếc bánh quy. Mọi thứ đã để ngay ở cửa ra vào. Cô loanh quanh trong căn hộ một phòng nhỏ xíu. Còn bốn mươi lăm phút nữa là đến thời điểm đặc biệt sẽ khẳng định cho cô thấy đàn ông rặt một lũ đểu cáng. Hoặc không. “Hoặc không”, “hoặc không”, “hoặc không”, cô tua đi tua lại hai từ này để thuyết phục bản thân. Jérôme không ngủ được mấy. Anh suy nghĩ. Anh có lựa chọn đúng không khi bỏ lại phòng khám và bệnh nhân của mình cho một người mời vào nghề? Làm sao làm khác được? Chẳng phải với anh, bệnh nhân sẽ còn gặp nhiều nguy hiểm hơn là với một cô gái có tế bào thần kinh quá nhạy và luôn nghe ngóng bất kỳ triệu chứng nào, dù nhỏ nhất, vì e sợ mình sẽ bỏ sót? Không như các tế bào thần kinh của anh, uể oải vì rượu mạnh và mỏi mệt. Nhất là vì nỗi buồn. Vậy là anh đã lựa chọn đúng. Hành lý hàng hiệu đồng bộ của anh đang chễm chệ ở cửa ra vào, được sắp xếp gọn ghẽ. Kèm theo là chiếc va li da đựng đồ nghề bác sĩ. Anh không bao giờ lên đường mà không mang nó theo. Một trường hợp cấp cứu đúng vào ngày anh không mang chiếc va li này theo đã đủ để thuyết phục anh không bao giờ rời xa nó. Chắc là bố anh sẽ không đến muộn. Ông thường rất đúng giờ. Ông đã báo sẽ qua đón anh lúc sáu rưỡi. Đồng hồ chỉ sáu giờ mười lăm khi Caroline rời phòng, tóc rối bù và mắt sưng mọng. Hẳn cô đã vùi mặt xuống gối mà khóc hồi lâu trong đêm, xả đi những hơi hướm lo lắng sau cùng trước khi khởi động. Cô mỉm cười mơ hồ với anh rồi biến vào phòng tắm. Jérôme chuẩn bị cho cô một bữa sáng đầy đủ, có cả Nutella. Không thứ gì khác lên dây cót tinh thần cho phụ nữ hiệu quả bằng. Thậm chí nó còn có tác dụng cả với anh, vậy nên… Vả lại cô gái chưa đủ đẫy đà để lý lẽ với anh là cô đang ăn kiêng. Chừng mười phút sau cô xuất hiện, đã thay đồ, mái tóc ướt xõa trên vai. Cô đã cố gắng trang điểm, nhưng những dấu tích của ngày hôm qua vẫn còn rõ rệt. Hai giờ nữa cô sẽ bắt đầu buổi khám bệnh của mình. Từ giờ cho tới lúc đó không có bất kỳ cơ may nào để chúng biến mất. Mặc kệ. Cô sẽ thu xếp. Với những người tò mò nhất, cô sẽ viện cớ đau mắt. Vài phút sau, chiếc xe hai cầu màu xám tiến vào sân. Những chiếc lốp to tướng nghiến lạo xạo trên mặt sỏi. Paul bấm chuông rồi không chờ mà bước ngay vào phòng khám. Ông gọi con trai từ dưới cầu thang. Jérôme mời bố lên gác. Khi bước vào bếp, Paul ngạc nhiên khi trông thấy cô gái. — Caroline, người trực thay cho con, con trai ông giải thích. Con đã nói với bố là con cho cô ấy mượn nhà rồi nhỉ? — À đúng rồi, quả có vậy. Xin chào, Caroline. Cô có vẻ không được khỏe nhỉ. — Chào bác. Bác thật có khiếu khen ngợi, cô nói đoạn mỉm cười mơ hồ với Jérôme. Cháu đang bị đau mắt. — Đau mắt hả? Còn tôi, tôi là Fred Astaire[4] đây, Paul mỉm cười đáp. — Cô ấy đang có chút lo lắng, đây là lần đầu tiên cô ấy trực thay, Jérôme giải thích. Ở đó có sóng di động không nhỉ? — Đó là nơi tận cùng thế giới, nhưng dẫu sao cũng có sóng. Tệ nhất thì vẫn có điện thoại cố định. Thuê bao cả năm mà. Con không định ngắt kết nối hoàn toàn đấy chứ? — Một khi đã là bác sĩ, ta không bao giờ ngắt kết nối hoàn toàn đâu… — Được rồi, con sẵn sàng chưa? — Rồi ạ. Bố uống cà phê không? — Không. Ta đi thôi. Jérôme dặn dò người trực thay thêm vài câu, cô nhanh chóng để lộ những dấu hiệu tinh thần tụt dốc. Thế nên anh thà rút gọn khoảnh khắc này. Cú giật phăng nhanh gọn để tránh phải lôi kéo bất tận. Cô gần như dán mắt vào cửa kính phòng bếp khi hai người đàn ông ngồi vào xe, như thể cô van xin họ hãy ở lại. Cô van xin họ… — Con đã làm gì cô ấy vậy? Paul vừa hỏi vừa đóng sập cửa xe. — Con đã chọn cô ấy trực thay. — Chỉ vậy thôi sao? — Đây là lần đầu tiên của cô ấy… — Ra thế, lần đầu tiên kia đấy!!! Paul mỉm cười nói tiếp. — Con hy vọng mọi chuyện sẽ ổn, Jérôme lo lắng nói. — Tại sao mọi chuyện lại không ổn? Cô ấy không kiếm tấm bằng bác sĩ ở hội chợ đấy chứ? — Bố ơi, hội chợ là thời đại khác rồi! Cô ấy sợ bỏ qua dấu hiệu gì đó nghiêm trọng thôi. — Những người mới tốt nghiệp thường có cả mớ lý thuyết trong đầu, phải không? Họ mắc lỗi vì thái quá nhiều hơn là vì thiếu sót. Khi quay về, con sẽ có một tá kết quả chụp xạ hình, ba kết quả chụp cộng hưởng từ và năm mươi ba phân tích mẫu máu cần sắp xếp… — Chắc chắn rồi. — Thư giãn đi con, chính vì thế mà chúng ta đi Bretagne. Paul im lặng một lát. Ông suy nghĩ. Ông có nên thong báo cho con trai biết họ sẽ ghé qua đón Julie cùng con trai cô không nhỉ? Thông báo chỉ là chuyện vặt, nhưng ông biết con trai mình sẽ phản ứng tiêu cực, nổi giận, trách cứ ông. Nếu ông chờ đến lúc tới nhà cô gái, thì Jérôme sẽ nuốt cơn giận vào lòng, vì anh vốn là chàng trai được dạy dỗ đến nơi đến chốn, và thời gian di chuyển có thể sẽ đủ để làm tiêu tan cơn tức giận của anh. Ông chọn phương án này, đồng thời biết chắc rằng quãng đường vòng họ sắp đi để ghé qua đón Julie sẽ khơi dậy sự tò mò của con trai. Y như rằng. Họ vừa rời xa lộ thì Jérôme đã hỏi ông: — Bố có thể cho con biết ta đang đi đâu được không? — Tới nhà cha xứ. — Để làm gì? — Một lời xưng tội vào phút cuối. — Bố đùa con đấy à? Jérôme nổi cáu. — Không xa đâu, nhưng bố đang cố trì hoãn càng lâu càng tốt thời điểm phải nói vời con rằng ta đang đi đón một người sẽ đồng hành cùng ta. — Ai vậy? cậu con trai gầm lên. — Một phụ nữ thú vị. — Bố chưa kể với con là bố đã gặp gỡ ai đó. Ít ra bố cũng nên hỏi ý kiến con. — Vừa mới đây thôi, Paul nói như xin lỗi. — Nghĩa là sao? — Một tuần. — Mới có một tuần mà bố đã mời cô ta tới đầu kia nước Pháp để nghỉ hè cùng với chúng ta cơ đấy! Jérôme bùng nổ. — Tại sao lại không nhỉ? — Con không muốn làm kỳ đà cản mũi! Con tới vì lý do khác kia. — Con đừng lo. Chuyện không phải như vậy đâu. Cô ấy đáng tuổi con gái bố thôi… — Thế tại sao cô ta lại sống trong nhà cha xứ? — Bởi vì đó là nơi được người ta thu xếp làm khu nhà xã hội. — Ra thế, bởi vì hơn nữa cô ta lại còn được nhận trợ cấp xã hội? Khỉ thật, nhưng trong đầu bố đang nghĩ gì vậy? Là từ khi Marlène bỏ bố chứ gì? Bố muốn cứu chuộc lương tâm bằng cách giúp đỡ người nghèo chăng? — Bố chẳng có lương tâm nào cần cứu chuộc hết, và cô gái này khiến bố cảm động, vậy thôi. — Bố tìm được cô ta ở đâu thế? — Ở siêu thị. — Không, chắc là con đang mơ… — Chúng ta tới nơi rồi. Nếu con muốn thì cứ ở lại trong xe, bố sẽ ra đón cô ấy. Paul chờ một lát trên bậc thềm sau khi đã bấm chuông. Julie đang nóng lòng chờ bên kia cánh cửa, không gây ra tiếng động. Để vài giây trôi qua cho khỏi tạo cảm giác là cô đang chờ sẵn. Sau khi đã đếm đến mười, rốt cuộc cô cũng mở cửa. — À, là ông đấy hả? cô nói, giả vờ ngạc nhiên. — Julie, đừng có giả vờ ngạc nhiên nữa, trông chẳng giống chút nào đâu. Cô sẵn sàng chưa? — Tôi không biết, tôi vẫn đang phân vân. Cô nghiêng người cố nhìn qua vai Paul. Jérôme quan sát cảnh tượng, không tỏ thái độ gì. Anh trông chờ vào hình phản chiếu trên tấm kính chắn gió để không tỏ ra quá lộ liễu. Một phụ nữ thú vị đây ư? Chỉ là một con bé với dáng dấp thảm hại, chiếc quần jean cũ rích và chiếc áo phông ôm sát, tôn lên cặp vú tròn trĩnh và ngạo nghễ. Dĩ nhiên, về bản chất vẻ ngạo nghễ của cặp vú không nhất thiết là một khuyết điểm. Nhưng cô ả này không được dự kiến trong chương trình. Rồi sẽ phát sinh những phiền hà, anh biết thế, anh cảm nhận được điều ấy. — Con trai ông kia hả? Julie gặng hỏi. Anh ta không nói gì sao? — Nó đang nghiền ngẫm trong xe. Cô đừng lo, nó có cái dạ cỏ rất rộng, chuyện này sẽ được tiêu hóa nhanh thôi. — Không, không, nếu gây phiền toái thì tôi sẽ không đi đâu. Dù sao tôi cũng đang lưỡng lự mà. — Tại sao? — Bởi vì không nên đi tới tận đầu kia nước Pháp cùng một người xa lạ. — OK! Tùy cô thôi, Paul đáp rồi quay gót. — Chờ đã! ngay giây sau Julie đã kêu lên. — Đã vậy rồi sao? — Đã vậy rồi sao gì kia? — Ít ra cô cũng nên để cho tôi kịp khởi động xe, để cho tôi cái thú được nhìn qua gương chiếu hậu thấy cô vừa chạy theo xe vừa vẫy tay rối rít chứ. Như thế có lẽ bản ngã trong tôi sẽ thấy vui. — Vâng, thôi được rồi. Tôi đi. — Tuyệt vời ông mặt trời! — Ông đâu phải loại đàn ông nói “tuyệt vời ông mặt trời”. Nghe không hợp với phong cách của ông. — Giống như bộ đồ cô mặc hôm qua tại nhà hàng thôi. Đừng có lúc nào cũng nghĩ thứ này thứ kia có phù hợp hay không đi, nực cười lắm. Nếu tôi muốn nói “tuyệt vời ông mặt trời”, tôi sẽ nói “tuyệt vời ông mặt trời”. Thế con trai cô thì sao? — Nó cũng biết nói “tuyệt vời ông mặt trời”. — Tôi không hỏi chuyện đó. Cậu bé sẵn sàng chưa? — Thằng bé vẫn đang ngủ. Tôi định đợi đến phút cuối mới đánh thức nó. Nếu may ra, nó sẽ ngủ lại. — Va li của cô đâu? — Kia, Julie đáp đoạn chỉ một góc lối vào. Tôi không có nhiều đồ đâu. — Quả vậy, Paul ngạc nhiên. (Ông bỗng thấm thía cảnh bấp bênh mà Julie đang sống.) Ghế ngồi ô tô của cô vẫn đạt chuẩn đấy chứ? Dĩ nhiên là không rồi. Nhưng ghế đó đắt lắm. Dù sao, tôi cũng chỉ có cái ghế này. — OK! Tôi bê đồ ra xe. Cô có thể đi đóng cửa chớp rồi bế cậu bé ra được rồi đấy. Chúng ta càng lên đường sớm bao nhiêu thì thằng con thuộc giống bò của tôi càng nhai lại nhanh bấy nhiêu. Paul xách chiếc tôi ni lông to, đặt vào trong ghế ngồi ô tô, nhấc bổng chiếc ghế lên rồi vừa tiến về phía chiếc xe hai cầu vừa hất cằm ra hiệu để Jérôme mở giúp cửa xe phía sau. — Chiếc ghế ngồi ô tô dành cho trẻ con này là sao đây? Cô ta bao nhiêu tuổi rồi?! chàng trai thốt lên. — Ghế cho con trai cô ấy. — Ra thế, bởi vì hơn thế nữa, sẽ có một đứa bé quấn chân chúng ta ư? Nếu cần gà mái, lẽ ra bố nên chọn gà mái không kèm gà con… — Bố không cần gà mái, và đúng ra bố mới chính là gà mái trong câu chuyện này, khi ấp dưới cánh mình vài chú gà con yếu ớt để cho chúng ngắm biển, và con cũng thuộc đám gà con đó, nên hãy ngậm mỏ lại. Trên Trái đất này tất cả chúng ta đều có quyền hạnh phúc, và một trong những niềm hạnh phúc của bố là dành tặng chút hạnh phúc cho cô bé này cùng con trai của cô ấy. Jérôme lại quay lên cửa trước rồi sập cửa thật mạnh. Anh không hình dung kỳ nghỉ ở Bretagne lại như thế này, kèm một con bé hai mươi tuổi với bộ dạng khó nuốt cùng đứa con ba tuổi có lẽ sẽ rất khó chịu và la hét suốt cả ngày, giống như tất cả nhũng thằng bé kích động cao độ anh thường gặp vào những đợt dịch bệnh, phòng khám nông thôn của anh. Rõ ràng là, giữa một nữ bác sĩ trực thay thiếu tự tin và một chuyến đi báo trước là khó mà yên bình, hẳn Jérôme sẽ khó lòng từ bỏ rượu whisky nếu muốn tìm được giấc ngủ. Cánh cửa sau xe vẫn mở và Julie đặt Ludovic vào ghế, cậu bé ngái ngủ uể oải bám vào cổ mẹ. Cô cài dây an toàn cho con trong khi Paul khóa cửa căn hộ. Nhìn thấy ông loay hoay bên ổ khóa, cô bèn quay ra để tiết lộ cho ông bí mật về cánh cửa có cái then cài đỏng đảnh này. Jérôme, đến lúc này vẫn chưa thèm ngoái nhìn, bèn liếc mắt về phía đứa bé đang nhìn anh chằm chằm bằng ánh mắt vừa tò mò vừa lơ đễnh vì còn chưa tỉnh hẳn. Đứa trẻ này trông thật đáng thương với vẻ mong manh của một sinh vật bé nhỏ vừa rời vòng tay của màn đêm. Rồi nó ôm chặt lấy cái mẩu giẻ rách dùng làm thú nhồi bông, vừa mút ngón cái vừa quay đầu về phía cửa kính xe, hai mí mắt nặng trĩu. Paul ngồi vào trước vô lăng, còn Julie ngồi vào ghế sau, cạnh cậu bé. — Jérôme, giới thiệu với con đây là Julie. Julie, đây là con trai tôi, Jérôme. — Những người được nuôi dạy tử tế thường nói “xin chào” với nhau đấy, Paul nhắc nhở bằng giọng không lộ chút cảm xúc. Lời chào mà hai phe đối địch dành cho nhau hầu như không cho phép dự đoán một chuyến đi hòa hợp. Lời chào của cô gái ngập ngừng và xa cách. Lời chào của vị bác sĩ hạnh lùng và cau có. Hứa hẹn đây! Họ vừa khởi hành được vài phút mà Julie đã tự hỏi liệu cô có làm đúng không khi nhận lời mời. Nếu bầu không khí vẫn tiếp tục thảm hại thế này thì kỳ nghỉ sẽ mang lại cho cô lợi ích gì đây? Cô bám víu vào ý nghĩ cho con trai được ngắm biển, bé đâu có đòi được sống trong hai mươi lăm mét vuông cùng những món đồ chơi kiếm được nhờ tổ chức từ thiện Emmaus và một người mẹ vật lộn với cuộc sống thường nhật để đảm bảo cho nó mức sống tối thiểu. Vậy thì có lẽ cô sẽ sai lầm nếu không chớp lấy cơ hội. Người kia rốt cuộc sẽ tiêu hóa được thôi. Hoặc không. Nhưng đó không phải vấn đề của cô. Julie đã học được cách không lo đến vấn đề của người khác. Phần cô đã có đủ vấn đề để lo rồi. Cô lấy chiếc áo chui đầu, vo tròn lại rồi chèn vào giữa đầu cô và chiếc ghế ngồi ô tô cổ lỗ sĩ nơi con trai cô đang bình yên ngủ tiếp. Âm thanh của siêu thị khiến cô mệt mỏi cả ngày cộng với những đêm thường xuyên không ngủ, bị ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi và những ràng buộc thường ngày, khiến cô kiệt sức. Thế nên Julie buông xuôi và nhanh chóng thiếp đi. Paul thường xuyên liếc mắt vào gương chiếu hậu. Ông bỗng nhận ra sự bất tiện của hoàn cảnh và hiểu vì sao con trai lại cau có. Tuy nhiên, Paul cảm thấy cô gái này sẽ có ảnh hưởng tốt đến con trai ông và có lẽ con trai ông cũng sẽ có tác động tốt đến cô. Ông đã chán phải suy nghĩ suốt nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng trước khi hành động. Những quyết định kiểu “bột phát” có lợi thế là tự nhiên và chân thành. Giúp một người khó khăn sang đường sẽ khiến lòng ta dịu lại cả tiếng đồng hồ sau đó. Thật lạ lùng, Paul có linh cảm rằng với Julie, cảm giác đó sẽ kéo dài một phần đời. Đôi khi có những cảm giác mà ta không giải thích được. Có lẽ vì vào quãng thời gian này ông đang cảm thấy tự do hơn, và hạnh phúc vì điều đó. Julie được hưởng lợi từ chuyện này vì họ đã gặp nhau đúng lúc đúng chỗ. Cô, người đã suốt đời xuất hiện nhầm lúc nhầm chỗ. Trong lúc băng qua Vosges theo đường hầm Saintes-Marie-aux Mines, Paul bắt gặp mình đang quan sát Julie và con cô qua gương chiếu hậu, trên mặt họ ánh đèn nê ông liên tục lướt qua tạo thành những đường sọc sáng. Rời khỏi đường hầm, ông rẽ vào một đại siêu thị trong khu công nghiệp Saint-Dié. Khi anh con trai hỏi tại sao lại dừng xe, ông giải thích rằng ông không chịu nổi ý nghĩ chở một đứa trẻ ba tuổi trong một chiếc ghế không an toàn. Ông sẽ tự trách mình nếu xảy ra chuyện gì đó. — Con ở lại trông chừng họ hay đi cùng bố cho đỡ mỏi chân? ông hỏi con trai. — Con đi, Jérôme đáp như một lẽ hiển nhiên. — Con có thể đi kiếm một cái xe đẩy không? Ghế ngồi ô tô sẽ cồng kềnh đấy. — Bố có chắc về chuyện mình đang làm không? — Bởi vì con thì lúc nào cũng chắc chắn về chuyện con làm trong đời mình hả? — Không, dĩ nhiên rồi, nhưng con thường thận trọng… — Bố phải đối mặt với nguy cơ gì khi mua một chiếc ghế ngồi ô tô cho một cô gái không có khả năng mua một chiếc cho con trai cô ấy? — Nguy cơ cô ta đã đánh hơi thấy cơ hội và vặt long bố mà thậm chí bố còn chẳng nhận ra. — Thôi nào, thôi nào! Tiền thì bố có, và cô ấy sẽ không làm bố mất trí đâu, nếu đó là điều con lo lắng. Thay đổi suy nghĩ của bố thì có thể nhưng làm bố mất trí thì không đâu. Đầu bố gắn quá chặt giữa hai vai rồi. Bố không yêu say đắm cô gái này. Mà tình yêu mới là thứ khiến ta làm bất cứ điều gì. — Vậy thì bố cảm thấy thế nào với cô ta? — Tình âu yếm. Đó là một thứ tình cảm đẹp đẽ, tình âu yếm ấy mà, con nên thử, Jérôme ạ. — Bố biết đến thứ đó từ khi nào thế? — Từ khi bố gặp cô gái này. Một sự thần khải, ngọn lửa thần bí của các tông đồ bỗng nhiên chọn con. — Bố mới biết cô ta được một tuần!!! — Thì sao? Sự hiển nhiên đâu cần nhiều thời gian mới đập vào mắt ta. Thường là tức thì cơ. — Và bố nói là bố không yêu? — Không, bố tin là thậm chí bố còn không dám động vào cô ấy. Có lẽ bố sợ sẽ làm tổn thương cô ấy. — Thế nhưng cô ta chẳng có vẻ gì là mong manh yếu đuối cả. Cô ta giống những cô ả lăng loàn, vào cái tuổi mà những đứa con gái còn chơi nhảy dây, đám đó đã là loại con gái mời anh xơi rồi. Ta thấy hậu quả rồi đấy. Mới mười sáu tuổi đã dính bầu! — Đôi khi bề ngoài vẫn đánh lừa mà. Bố tin chắc là cô gái này đang cần một tấm chăn lông mềm mại để ẩn náu trong một cái kén êm ái và vô tư lự. — Bố thấy không? Bản thân bố cũng nhắc đến chăn lông. Con đã bảo là cô ta sẽ vặt lông bố mà. — Cuộc sống vốn nhẹ bẫng như một cọng lông khi cơn gió cuốn nó theo được thúc đẩy bởi tình yêu và tình âu yếm, thế nên bố rất muốn bứt đi vài cọng lông… — Của ai vậy? Jérôme hỏi. — Của bố. — Của bố hả? anh cười cợt đáp. — Sao mà con hay khiến người khác mếch lòng thế. — Ít ra thì cô ta cũng tạo cảm hứng cho bố. Thôi cũng được. Thế nếu ở Bretagne mọi chuyện không ổn thì sao? Ngôi nhà đâu có rộng, chúng ta sẽ giẫm đạp lên nhau mất thôi. — Thế nếu mọi chuyện đều ổn thì sao? Nếu chúng ta có thể sống “cùng” nhau? — Con không rõ có thể xảy ra những chuyện gì với một con bé mà con không quen biết, vừa mới qua tuổi thiếu niên, và nếu nó có trưởng thành rồi thì cũng vẫn còn vướng chân bởi một thằng bé lẽ ra phải là em nó. — Đừng có vơ đũa cả nắm như vậy. Không phải vì nghèo và làm mẹ sớm mà cô ấy non nớt và vô vị đâu. — Khi về chúng ta sẽ bàn lại chuyện này, Jérôme đề xuất vẻ nghi hoặc. — Chính xác! Trong lúc chờ đợi, cô ấy dành nhiều thời gian để đọc sách. Còn con? Đã bao lâu rồi con chưa mở một cuốn sách? — Từ hôm kia! Một cuốn sách dày cộp và nặng trịch, bìa màu đỏ. — Vidal - dược điển, bố biết rồi. Nhưng còn tiểu thuyết, tiểu luận, những thứ giúp ta sổ lồng và mở lòng mình thì sao? — Con không có thời gian. — Dĩ nhiên là có đấy, con có thời gian. Chỉ có điều con không dùng đến nó thôi. Bởi vì con nghĩ con không có nhu cầu sổ lồng, cũng chẳng cần mở lòng với thế giới. — Con cần Irène. — Irène chết rồi, bố anh xẵng giọng đáp. Jérôme im bặt. Nhiều tháng sau thảm kịch, ba từ này vẫn tàn nhẫn như cũ. Bố anh đã nói ra một cách lạnh lùng, và Jérôme biết nguyên do. Ông biết anh cần tiếp nhận thông tin, cần in nó lên ổ cứng của mình, và ông cũng biết rằng không phải vì thương hại cho số phận anh mà người ta sẽ giúp đỡ anh. Paul đã khoan dung, đã thường xuyên ôm anh trong vòng tay những ngày tiếp sau thảm kịch, đã cầm tay anh trong nghĩa trang, khi mọi người đã đi khỏi còn Jérôme thì lún trong lớp sỏi nhỏ trên lối đi vì cứ đứng chôn chân trước huyệt. Nhưng từ vài tuần nay, ông đã thay đổi chiến thuật. Thương xót quá mức đang giữ con trai ông trong một thứ gì đó nguy hại. Không phải đôi khi chuyển qua dùng liệu pháp sốc điện sẽ tốt hơn sao, nếu điều đó có thể giúp anh nhìn thẳng vào thực tại nghiệt ngã? Chết rồi. Chỉ có bố anh mới dám nói “chết rồi”. Những người khác đều tránh sự tàn nhẫn của từ này. Bằng cách sử dụng những uyển ngữ, bằng cách tránh nói thẳng vào vấn đề, họ tưởng rằng chúng sẽ hoàn toàn không tồn tại, rằng tính hiện thực của chúng sẽ được giảm bớt. Đã ra đi. Đi đâu? Đã qua đời. Lịch sự nhưng dài dòng. Hơi khoa trương. Quá trịnh trọng. Về nơi chín suối. Cứ làm như người ta không biết gì ấy! Chết rồi. Đành vậy chứ sao, chết rồi! Trái ngược với còn sống. Như thiên nhiên trong một tác phẩm hội họa bậc thầy, khi mà người ta đã ngắt hoa, đã hái quả, và chúng chỉ còn giữ được màu sắc và vẻ đẹp của mình trên tấm toan của họa sĩ. Giống như vài bức ảnh của cô mà anh đã cất vào một cuốn album, giữa những cuốn sách để trên giá. Như một bức tranh tĩnh vật được treo trên bức tường cuộc đời bác sĩ vùng quê của anh. Và anh chịu đựng nỗi thống khổ vì phải đóng chiếc đinh treo bức tranh này. Đóng thật sâu vào da thịt. Một khoảng trống cuối cùng sẽ thành vết sẹo chai cứng, lồi tướng, dạng sẹo gây đau đớn cả đời. Paul đã tìm thấy ghế ngồi ô tô dành cho trẻ con. Ông chọn chiếc đắt nhất, dĩ nhiên. Bảo vệ tối đa. Hoặc trò lừa đảo khéo léo của nhà sản xuất. Về tới xe, Julie mở cửa rồi nói với ông: — Ludovic vẫn ngủ, còn tôi, tôi muốn đi tiểu. Ông trông thằng bé nhé. Vừa nhìn cô đi xa dần, Jérôme vừa lẩm bẩm dưới chòm râu ba ngày chưa cạo rằng hiếm thấy cô gái nào xử sự thô thiển như thế. — Con nói quá lên đấy thôi, chính con từng nói với bố rằng “tiểu tiện” là một thuật ngữ y khoa còn gì, Paul phản bác. — Điều đó không ngăn cản việc nó là thô thiển trong ngôn ngữ thường ngày. — À, vậy phải là bác sĩ mới được quyền sử dụng từ đó trong ngôn ngữ thường ngày mà không thô thiển chăng? Có lẽ Julie biết rằng đó là thuật ngữ khoa học để chỉ việc người ta dốc sạch bọng đái của mình. — Bố quen nhiều đứa con gái hai mươi tuổi nói năng như thế hả? — Bố không quen nhiều đứa con gái hai mươi tuổi. Và bố không quan tâm chúng nói năng thế nào, điều đáng kể là chúng căng tràn sức sống. Và tích cực, nếu có thể nói như thế. — Bố nói thế là vì Irène phải không? — Có lẽ vậy. Có lẽ sẽ tốt hơn cho con bé nếu nó thô thiển nhưng vui vẻ. Bố cũng đi tiểu đây. Bố thì có quyền nói từ đó chứ? — Bỏ qua đi. — Con trông chừng cậu bé nhé? — Con được lựa chọn sao? — Con có muốn đi tiểu không? — Không. — Vậy thì con không được lựa chọn thật. Lát gặp lại nhé. Paul đứng trước nhà vệ sinh nữ và đợi Julie để đề xuất một chuyện vô cùng tế nhị. Lát sau, cô vừa rời khỏi nhà vệ sinh nữ vừa lùa nhanh bàn tay vào tóc, có lẽ đó là hệ quả của việc liếc mắt vào tấm gương gắn phía trên bồn rửa và thấy tóc mình hơi rối sau khi ngủ dậy. — Cô ghé qua quầy sách thử xem, nếu thấy cuốn nào hay thì mua, và tìm luôn thứ gì đó cho Ludovic nhé, đường còn dài lắm, Paul nói đoạn đưa ví của ông cho cô. Chúng tôi chờ cô trong xe. — Còn Ludovic? — Cậu bé đang được người tử tế trông nom, cô đừng lo. — Vừa hay. — Vừa hay gì kia? — Vừa hay, tôi đang lo về người tử tế mà ông nói đến. — Cô đừng lo. Vẻ bề ngoài vẫn dối lừa theo cả hai chiều đấy. — Hai chiều nào? — Thì là hai chiều thôi. Còn bây giờ, đi mua đi, đường còn dài mà ngày thì mỗi lúc một ngắn. Tôi những muốn đến Bretagne trước khi đêm xuống. Giờ tôi nghĩ là không kịp rồi, nhưng thôi cũng đành. Julie không lần chần trước quầy sách. Cô biết sẽ chọn cuốn nào cho mình. Tiểu thuyết mới nhất của Fred Vargas mà cô đang rình chờ ở thư viện để có thể mượn về ngay khi nó được nhập liệu. Cho Ludovic, sẽ là một cuốn truyện cổ tích. Giống những cuốn truyện đã ru vỗ tuổi thơ cô. Có lẽ là quá mức. Thật khó để thoát khỏi tuổi thơ khi ta tin như đinh đóng cột vào những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ. Một ngày, ta thức dậy và nhận ra rằng cuộc đời không nên thơ được như điều mà những câu chuyện ấy muốn ta tin. “Họ kết hôn và sinh con đàn cháu đống.” Nói đùa! Phải tìm được hoàng tử bạch mã đã. Trong những câu chuyện hay ho, phụ nữ không một mình nuôi con, họ không phải quần quật cả ngày để có thể sống sót. Trong những câu chuyện hay ho, phụ nữ thì xinh đẹp, đàn ông thì giỏi giang, họ yêu nhau và cuộc đời đối với họ thật bao dung và êm ả. Truyện cổ tích đúng là vô bổ. Khi Julie quay lại bãi đỗ xe và trông thấy chỗ họ đã đậu xe cách đây nửa giờ hoàn toàn trống trơn, dạ dày cô lập tức cuộn lên. Bởi vì cô nhớ rõ xe đỗ ở hàng này, đúng chỗ đó, ngay sau chỗ để xe đẩy hàng siêu thị, đối diện cửa B. Những ý nghĩ chen lấn nhau trong đầu cô hẳn là có cùng tốc độ với những ý nghĩ trong đầu của một người đang hấp hối và thấy cuộc đời mình lướt qua. Họ đã đi, mang theo Lulu, mẹ cô có lý khi bảo cô rằng chuyện này thật điên rồ, nhưng tại sao? Để cung cấp cho mạng lưới quy mô lớn chuyên buôn bán trẻ em sang châu Á chăng? Không phải Lulu! Không phải Lulu của cô! Sao cô có thể tin tưởng gã đàn ông ất ơ mới quen đó mà không nhìn xa hơn thú vui cá nhân nhỏ mọn của bản thân? Giây phút lãnh trọn cú đấm vào giữa bụng trôi qua, Julie bắt đầu chạy khắp các lối đi, tìm kiếm chiếc xe hai cầu. Không thể thế được không thể thế được, thậm chí không thể tưởng tượng được. Lũ đểu cáng! Julie không thở nữa. Thậm chí cô không còn nhìn thấy những người xung quanh, không nghe thấy tiếng hét của người phụ nữ vừa bị cô xô suýt ngã. Tìm lại Lulu. Cô nhìn xa lộ bên dưới, tìm kiếm một chiếc xe đang chạy trốn. Nghĩ kỹ lại thì vụ này được tổ chức rất quy củ. Chúng đã diễn kịch rất tốt. Cô đã quá khờ khạo để mình sa vào bẫy. Giờ thì biết làm gì? Làm gì? Julie cảm thấy nước mắt trào ra. Cô cần tìm điện thoại để gọi cho Manon. Cô ấy sẽ biết phải làm gì. Cô ấy luôn biết phải làm gì. Julie quay người nhìn lại trung tâm thương mại, nơi khoảng trống tuyệt vọng lúc trước vừa được một chiếc xe khác lấp đầy. Cô giật bắn người khi còi xe vang lên sau lưng, liền quay phắt lại. Ngồi sau tay lái, Paul mỉm cười với cô, rồi bỗng đờ ra khi đọc thấy trong mắt cô nỗi hốt hoảng. Julie nhìn thấy bóng con trai trên ghế an toàn. Cô nhắm mắt lại và thiếu chút nữa thì ngất xỉu. Cảm giác nhẹ nhõm lập tức nhường chỗ cho nỗi tức giận và cô đóng sầm cửa lại sau khi đã ngồi lên xe. — Các người đã ở đâu thế? cô hét. — Bình tĩnh nào, Julie. Chúng tôi ghé qua trạm xăng để kiểm tra xem lốp có căng không, tôi nghi một lốp bị nạn. — Đừng bao giờ lặp lại chuyện này đấy. Tôi sợ quá! — Sợ gì? — Sợ các người đi mất! — Cô muốn chúng tôi đi đâu mà không có cô chứ?! — Tôi không biết, nhưng đừng có lặp lại chuyện này đấy, Julie vừa nhắc lại vừa ôm hôn Lulu, cậu bé bình thản mỉm cười với cô. — Mẹ, sao mẹ lại hét? Một lát sau, chiếc xe quay lại xa lộ. Ludovic tu bình sữa. Julie đã bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết vừa mua, để quên đi nỗi kinh hãi vẫn đang khiến tim cô đập thình thịch. Jérôme ngắm cảnh, không biểu lộ cảm xúc gì, còn Paul thì suy nghĩ. Ông nghĩ về trước đây, về mai sau, về hiện tại. Về quãng đời đã qua của ông, và những điều ông vẫn còn trông đợi ở cuộc đời. Ông cần tuổi trẻ và mộng tưởng, cần tâm trạng vui tươi và tình âu yếm. Nhất là tình âu yếm. Tuy thất vọng với cuộc hôn nhân thứ hai nhưng ông vẫn ở cùng vợ để cứu vãn thể diện. Rốt cuộc, người vợ này có quá ít điểm chung với ông. Những mối quan tâm của bà chủ yếu tập trung vào vẻ bề ngoài, giữa câu lạc bộ thể thao và chuyên gia thẩm mỹ, những buổi chiều shopping, và những buổi tối tụ tập với các bà bạn. Ở nhà nội trợ không đi làm, vì lương chồng thừa đủ nuôi sống gia đình, bà tận hưởng cuộc sống nhàn hạ mà chẳng mấy biết ơn hay chăm sóc người bạn đời. Những câu chuyện của hai vợ chồng cũng nhạt nhẽo và vô vị như các trang tạp chí phụ nữ mà bà đọc suốt ngày, trong khi Paul chỉ ước được trò chuyện về những tác giả văn học cổ điển và đương đại mà ông thích thú đọc vào những lúc rảnh rỗi hiếm hoi. Những mối bận tâm của vợ ông chỉ thuần túy thuộc phạm trù vật chất, và vô cùng phù phiếm trong mắt người chồng. Hôm nay, ông nhận ra rằng trong suốt vài năm, ông đã tự giam mình trong công việc để nhà càng ít càng tốt. Nhất là kể từ ngày Jérôme đủ lông đủ cánh để tự lực. Vậy nên Marlène ra đi chính là sự giải thoát đối với Paul, và rốt cuộc cũng là một khởi đầu mới. Ông muốn sự khởi đầu lần này phải thú vị và hoan hỉ. Tận hưởng thời điểm hiện tại chứ không vẽ ra những kế hoạch trên sao chổi. Sao chổi nào? Sao chổi của ông, chính là Pauline. Ngôi sao đó đã thay đổi quỹ đạo cách đây hơn ba mươi năm. Sao chổi của ông đang ở cách ông nhiều năm ánh sáng… Julie rất có thể chỉ là một tiểu hành tinh nhỏ bé mà ông đã va phải. Nhưng khi cú va chạm đủ mạnh, đôi khi, các quỹ đạo sẽ bị lệch. Ai biết được…? Dẫu sao, ít nhất ông cũng có một niềm tin chắc chắn về ngày hôm nay: con đường sẽ rất dài… Những khoảng nghỉ hiếm hoi. Cậu bé ngoan ngoãn, người mẹ khéo tìm cho con những mối bận tâm. Hai mẹ con chơi trò tìm tháp nước trên các đỉnh đồi, hoặc đếm số xe tải mà họ vượt qua trên làn đường bên phải. Julie kể những câu chuyện ứng tác theo cảnh vật. Đôi khi, cảnh vật buồn tẻ, đặc biệt khi những cánh đồng trải dài đến hút tầm mắt chỉ có vài cái cây đứng chơ vơ, hai mẹ con liền chăm chú đọc sách. Jérôme hầu như không nói lời nào từ khi dừng chân ở siêu thị. Paul chịu đựng. Ông chưa từng gặp khó khăn khi phải tập trung và ông thích lái xe. Nhưng sắp đến giờ dùng bữa. Cậu bé đang đòi ăn. Cái bụng của Paul cũng vậy. Chuyện bị hạ đường huyết trên xa lộ không phải không thể xảy ra. Lái thêm chừng hai chục cây số, ông bật đèn xi nhan rồi rẽ vào một trạm dừng chân mà trên biển chỉ dẫn cho biết có nhà hàng. Đã gần hai giờ chiều, hẳn là không đông khách lắm. Jérôme là người đầu tiên rời khỏi xe rồi tiến về phía bãi cỏ, bên dưới bãi đỗ xe. Anh nhìn chân trời, vươn vai, rồi giữ nguyên tư thế đó một lúc. Lặng lẽ nghiền ngẫm điều gì đó. Julie đi vòng qua xe để cởi đai ghế cho con trai. Cô phát cáu với cái khóa của chiếc ghế ngồi ô tô mà cô chưa thao tác quen. Chiếc ghế cũ không chắc chắn bằng nhưng đơn giản hơn. Paul nắm lấy vai cô rồi bảo cô để ông làm. Ông nhanh chóng tháo đai an toàn rồi liếc nhìn Ludovic. Cậu bé nhìn ông, rồi ném cho ông nụ cười đồng lõa. Nụ cười mà Paul đón nhận như một món quà. Bước đầu của sự thuần hóa. Nụ cười của Hoàng tử Bé dành cho Cáo. Chỉ có điều ở đây, chính con cáo già đang cố gắng thuần hóa Hoàng tử Bé. Có sao đâu, quá trình thuần hóa luôn diễn ra từ cả hai phía. Chính nàng công chúa mẹ mới là người ông muốn thuần hóa trước nhất. — Chúng ta xưng hô thân mật chứ? Ông đề xuất. — Nếu ông muốn… — Khởi đầu thật tệ! — Tôi cần có chút thời gian… — Tại sao? Paul ngạc nhiên. — Khoảng cách tuổi tác ấy mà. — Rõ ràng rồi, cô sẽ chẹn họng tôi bằng cái khoảng cách tuổi tác ấy lâu nữa không? — Ông lại xưng hô khách sáo với tôi rồi hả? — Hẳn là do phật lòng. — Xin lỗi — Cháu đừng lo. Bác sẽ quen thôi. — Tôi cũng vậy… Bấy giờ Paul bèn xòe hai bàn tay ôm lấy mặt Julie, rồi vừa mỉm cười vừa đặt một nụ hôn lên trán cô. Julie cứng người khi ông chạm vào cô, và khó khăn lắm mới thoải mái được. Cô không quen đón nhận những nhiệt tình âu yếm. Ngoại trừ việc Ludovic ôm cổ cô thì chẳng có mấy cử chỉ tiếp cận dịu dàng và chân thành. — Chúng ta ăn trước, rồi duỗi chân duỗi cẳng sau chăng? Paul đề xuất. — Tôi thấy ổn đấy. Tôi sẽ mua một chiếc sandwich trong trạm dừng. — Cháu sẽ không mua gì hết. Chúng ta sẽ vào nhà hàng, chúng ta sẽ ăn đồ nóng sốt và có chỗ ngồi tử tế. — Tôi không có tiền để ăn nhà hàng đâu. — Cháu đã chuyển sang chủ nghĩa nữ quyền từ hôm qua rồi à? — Tôi không muốn người khác bao mình. — Bác không bao cháu, bác mời hai mẹ con, cháu và cậu bé. Và cả con trai bác nữa. — Tôi ngại lắm. — Chẳng có lý do gì phải ngại cả. Nói về tiền thì bác có nhiều hơn mức cần thiết để hạnh phúc. Vậy cháu hãy coi như kỳ nghỉ này là một món quà “đã trả phí” đi. — Con trai ông sẽ nói sao? Julie hỏi. Con trai bác. — Con trai tôi á? — Con trai “bác” sẽ nói sao? Paul chỉnh lại. — Ở tuổi lên ba thì nó đâu thể hiểu được mấy cái chuyện tiền bạc này chứ. — Bác không nói đến con trai cháu, bác nói đến con trai bác kìa. — Tôi chẳng hiểu ra sao nữa. — Xưng hô thân mật…: con trai “bác” sẽ nói sao?[5] — Ra thế… vậy thì, con… Jérôme sẽ nói sao? — Nói sao về chuyện gì? — Về món quà “đã trả phí” mà ông tặng cho tôi. — Bác không quan tâm nó nói gì. — Anh ấy có thể sẽ ganh tị. — Nó cũng không gặp khó khăn gì về tiền nong đâu. Và cháu đừng có băn khoăn về chuyện của nó nữa, Paul kết luận. — Anh ấy không thích chuyện trò cho lắm, và rõ rang chẳng có vẻ gì là đánh giá cao tôi cả. — Hãy cho nó thêm thời gian. Paul gọi con trai để ra hiệu cho anh biết là họ đã sẵn sàng. Julie chìa tay cho Ludovic, còn cậu bé vừa túm tay Paul vừa đếm “một, hai, paaaaa”. Paul không cần giải thích, ông nhấc bổng Ludovic lên cùng lúc với mẹ cậu khiến cậu bé vui sướng ra mặt. Jérôme đi sau họ chừng chục mét, không biết phải nghĩ sao về bộ ba bất khả này. Đôi khi anh những muốn không nghĩ gì nữa. Như vậy anh sẽ khỏi phải nhớ về Irène. Nhưng cách ngắt kết nối này không ăn thua, không thể ngắt kết nối, và anh càng cố gắng thì lại càng không ổn. Anh hy vọng nhịp sóng vỗ sẽ thôi miên đầu óc anh, vốn đang bị nỗi nhớ Irène ám ảnh. Sau khi đã trải qua thử thách tự phục vụ, vừa phải bê những khay đồ ăn vừa phải trông chừng Ludovic đang muốn xem trong các đĩa có những gì, họ ngồi vào bàn. Jérôme vẫn kiên quyết im lặng. Anh nhìn cậu bé ngồi đối diện. Anh gần như vui vẻ khi quan sát cậu cẩn thận chấm miếng khoai chiên vào xốt cà chua, rồi không may để dây một vết ra áo phông. “Hông sao đâu”, cậu bình tĩnh nói với mẹ bằng giọng gần như trấn an, thậm chí trước khi cô kịp nói bất cứ điều gì. Những bậc cha mẹ khác có lẽ sẽ nổi cáu, sẽ mắng cậu bé vì đã không chú ý đúng mức, nhưng Julie không nói gì. Cô chỉ dùng khăn lau vết xốt, và trả lời cậu rằng không, không sao đâu. Khi Jérôme còn nhỏ, Marlène, người vợ thứ hai của bố anh, lúc nào cũng trách mắng mỗi khi anh dây bẩn lên người, ở bàn ăn, trên bãi cỏ hay trong bùn. Tuổi thơ của anh rất được bao bọc, buồn tẻ và không bất ngờ. Anh không có quyền làm bất cứ việc gì có nguy cơ làm bẩn bộ cánh đẹp đẽ, rốt cuộc điều đó đã làm hoen ố khả năng tưởng tượng của anh. Khi quan sát Julie, anh bỗng nhận ra rằng bố chưa bao giờ kể với anh về mẹ đẻ của anh, về ba năm đầu đời khi bà tự tay chăm sóc anh. Có lẽ bà cũng dịu dàng và độ lượng, lắng nghe những nhu cầu của anh, vui vẻ và đồng lõa, giống như cô gái này với con trai mình. Bởi bên dưới vẻ ngoài vẫn là một thiếu nữ, Julie chứng tỏ cô có khả năng không thể chối cãi trong việc chăm sóc con trai rất tự nhiên và dịu dàng. Có lẽ bởi cô vừa rời tuổi thơ chưa lâu. Có lẽ bởi cô là như vậy, thế thôi. Và cô mặc kệ một vết tương cà trên áo phông. Nói cho cùng, không phải vì thế mà Trái đất ngừng quay. Chỉ thiếu mỗi nước đó nữa thôi! Bé không nói được chữ “kh” hả? Paul hỏi lúc ăn. — Có chứ, trong một vài từ. Nhưng không phải tất cả các từ. Bé nói “hoai” thay vì “khoai”, nói “kô” thay vì “khô”. — Cháu nói “hoa” xem nào? Paul bèn quay sang hỏi cậu bé. — Hoa! Ludovic hãnh diện đáp. — Cháu nói “khi” thế nào nhỉ? — Hi! — Cháu nói “hôi” thế nào nhỉ? — Hôi! — Cháu nói “khoai” thế nào nhỉ? — Hhh… tây? Jérôme muốn mỉm cười, khi chứng kiến khả năng suy xét, thậm chí là khả năng hài hước như thế ở một đứa trẻ mới lên ba, nhưng như thế sẽ là chấm dứt thái độ nghiền ngẫm, điều anh không định làm ngay lúc này. Như thế sẽ là quá sớm. Anh phải chú ý đến thể diện, chứng tỏ là anh tồn tại, anh có quan điểm, và quan điểm của anh là dứt khoát: sự hiện diện của hai mẹ con họ không phải một ý hay. Vậy nên anh giữ nụ cười bên trong hai má và cố gắng không để bản thân bị lây nhiễm những tiếng cười của hai người lớn còn lại, tiếng cười đang nhanh chóng lan sang cậu bé. Khi suýt buông xuôi theo chút niềm vui, Jérôme bặm môi rồi vội bê khay rời bàn ăn, để nó vào chiếc xe đẩy gần bếp. — Ông chắc là tôi không nên quay về trước khi phá hỏng kỳ nghỉ của hai bố con ông chứ? Julie vừa lấy lại vẻ nghiêm trang vừa hỏi. — Bác tin chắc là bác thích cháu xung hô thân mật với bác hơn. Còn về Jérôme, hãy cho nó thêm thời gian, những tuần gần đây nó đau khổ nhiều rồi. — Vừa hay! Cười sẽ tốt cho anh ấy, Julie gợi ý. — Bác những muốn nó có thể khóc được. Giá mà nó tự cho phép mình khóc một chút. — Tại sao anh ấy lại đau khổ? — Bác sẽ giải thích với cháu sau. Nhưng này, ta phải lên đường thôi. Bác muốn ít ra hai mẹ con cháu có thể ngắm mặt trời lặn khi tới nơi. — Tối nào mặt trời chẳng lặn, đúng không? — Không. Tối đầu tiên mới là tối đẹp nhất. Nhất là khi ta chưa từng trông thấy biển. Lát sau, chiếc xe hai cầu lại lên đường, người nào ngồi vào chỗ người ấy. Ludovic chuẩn bị ngủ trưa trên chiếc ghế mới toanh, Julie ngồi cạnh cậu, mải mê đọc cuốn truyện cũng mới toanh, còn Jérôme dán mắt vào cửa kính. Đối với anh chẳng có gì là mới toanh, ngoài nỗi buồn dai dẳng và cảm giác cô đơn khó lòng chịu nổi. Và còn có Paul, chìm trong những suy nghĩ hân hoan. Ông thích ý tưởng về chuyến đi này. Ông thích tự nhủ rằng mình đang trên đường phiêu lưu tới Bretagne và chẳng có gì phải ganh tị với các nhà phiêu lưu vĩ đại nhất trên thế giới. Mục đích của chuyến đi này không thuộc về phạm trù địa lý. Mà đúng hơn là thuộc về những nơi sâu kín và những khu rừng bí hiểm trong lòng người. Khoảng bốn rưỡi chiều, Paul lại bật đèn xi nhan lần nữa. Một trạm dừng gần Angers. Ông yêu khoảnh khắc này. Vậy là chỉ còn ba giờ đi đường trước khi được trải tầm mắt lên khoảng mênh mông hùng vĩ và yên bình. Ba giờ nữa trước khi gặp lại ngôi nhà nhỏ, mua được cách đây ba mươi năm khi ông có nhiều tiền để đầu tư. Một ngôi nhà nhỏ đơn sơ chống chọi với thời gian, chống lại gió và thủy triều, tách biệt khỏi phần còn lại của ngôi làng, ở vị trí hơi cao hơn so với những ngôi nhà khác, từ đó ta có thể chiêm ngưỡng những con sóng trong những tia sáng đầu tiên của ngày mới, từ cửa kính phòng ngủ. Nếu đi một mình, có lẽ Paul sẽ lái xe một mạch không nghỉ, nhưng cậu bé, cho tới lúc này vẫn giữ im lặng, đang bộc lộ nhu cầu muốn duỗi chân duỗi cẳng. Còn Julie thì muốn đi “tiểu” thêm lần nữa. Cô dẫn cậu bé đi cùng mình. Để thay chiếc bỉm mà cô mặc cho cậu nhằm phục vụ chuyến đi, vì sợ cậu làm bẩn chiếc ghế ngồi ô tô mà có lẽ cô không bao giờ có thể mua nổi. Cô quay trở lại xe, đem theo một gói bánh ngọt mua ở cửa hàng trong trạm xăng bằng chỗ tiền thừa từ tờ tiền Paul cho cô để mua sách, và muốn cô giữ lại luôn. Jérôme đã ngồi vào ghế trước. Paul đang mỉm cười chờ hai mẹ con cô. Đã đến chặng đường cuối cùng. Cho đến lúc này cậu bé vẫn ngoan. Có thể đoán trước chuyến đi sẽ kết thúc tương đối yên bình. — Ông có muốn ăn bánh không? Julie vừa hỏi vừa chìa gói bánh cho Paul. — Nếu cháu gọi “bác”, thì bác sẽ ăn một cái. — Bác có muốn ăn bánh không? — Cháu thấy đó, chuyện có phức tạp làm đâu. — Ông nói thế thôi!… Mà này, ông không ăn bánh sao? Paul vừa lấy một chiếc bánh trong gói vừa nhăn mặt với cô. Vẫn chưa thuyết phục được cô. Ông ngồi vào ghế lái và chờ cậu bé được thắt đai chắc chắn trong ghế của cậu rồi mới nổ máy xe lên đường. Julie ngồi vào ghế sau rồi chìa gói bánh về phía Jérôme. — Anh ăn bánh không? — Không, cảm ơn, Jérôme đáp mà không nhìn cô. Tôi cố gắng chú ý đến những gì mình ăn. — Tôi thì không, cô gái đáp, miệng nhồm nhoàm. Ta chỉ có một cuộc đời. Thỉnh thoảng ta cũng nên tạo niềm vui cho bản thân. — Cô ấy nói không sai đâu, Paul nói thêm. Một cái bánh BN[6] không làm con tổn thọ được đâu. — Để con yên đi. Con không muốn ăn bánh, thế thôi. — Bác có thể ăn phần của nó được không? Paul hỏi chủ nhân gói bánh. — Con, muốn! Ludovic nói giọng kiên quyết. — Con phải xin một cách ngoan ngoãn, mẹ cậu bé đáp. — Con, muốn ngoan ngoãn! — “Con xin mẹ”, phải nói như thế, cô nói thêm. — Rút ra bài học nhé, Paul bảo con trai. — Vâng, được rồi, chàng trai gay gắt đáp lại. — Thư giãn đi Jérôme, bố đùa đấy. Kỳ nghỉ này sẽ thực sự tốt cho con. — Con bắt đầu nghi ngờ rồi đây. Điện thoại của anh cho đổ chuông. — A lô? Jérôme nói bằng giọng gây gổ. — Vâng, chào anh, thực ra là chào anh lần nữa, Caroline đây. — Đã gọi rồi sao? anh nói tiếp, giọng đã dịu lại. Nói cho cùng, cô chẳng có lỗi gì trong chuyện này. — Xin lỗi, xin lỗi, tôi rất tiếc. — Tôi đùa đấy. Xảy ra chuyện gì vậy? — Tôi đã làm hỏng máy đo huyết áp. Anh yên tâm đi, tôi sẽ mua cái khác thay vào. Nhưng ngày mai tôi sẽ không kịp đi mua cái khác trước khi tiếp tục khám. — Trong kho còn một cái. Cô đang phòng khám chứ? — Vâng. — Chỉ dẫn qua điện thoại nhé! Khi bước vào phòng, cô sẽ thấy ở góc trong cùng có một chiếc tủ lớn với ba cột ngăn kéo. Chắc là nó nằm trong ngăn kéo dưới cùng cột bên trái. — Tôi đang nhìn đây, cô vừa nói vừa mở ngăn kéo. Chỉ có khẩu trang phẫu thuật thôi. — Mở thử ngăn kéo khác xem, vẫn cột bên trái đó. — Nói cho tôi yên tâm nào, đối với bệnh nhân, cô vẫn khám gan bên phải và nghe tim bên trái chứ? — Vâng, sao anh hỏi vậy? — Tôi hỏi thế thôi. Cô tìm thấy chưa? — Thấy rồi. Nó ngăn kéo khác. — Ngoài chuyện này ra, ngày đầu tiên suôn sẻ chứ? — Vâng. Anh nói đúng! Cảm cúm, mụn cóc, viêm tai hoặc đau họng thôi. Không có gì nguy hiểm lắm. — A, cô thấy thế rồi hả? Có lẽ đêm nay cô có thể ngủ ngon. Ca nghẽn mạch phổi tối cấp không bao giờ xảy ra ngay ngày đầu tiên. — Câu đó hẳn là nhằm trấn an tôi chăng? — Câu đó là nhằm tỏ ra hài hước. — Vậy thì thất bại rồi. — Xin lỗi. Thật vô dụng. Cô sẽ thấy yên tâm nếu tôi khẳng định với cô rằng cả tôi, và người tiền nhiệm của tôi, với ba mươi lăm năm trong nghề, đều chưa gặp ca nghẽn mạch phổi tối cấp nào. — Hơi yên tâm. — Hãy tự nhủ rằng trong mọi trường hợp cô sẽ làm hết sức mình, nhưng cô sẽ không ngăn nổi số mệnh. Tôi biết mình đang nói gì đấy. — Tôi sẽ thử. Tôi không làm phiền anh thêm nữa. Chúc anh có kỳ nghỉ vui vẻ! cô gái nói. — Hẹn ngày mai, Jérôme đáp. — Không, không, tôi hứa là không phải ngày nào tôi cũng làm phiền anh đâu. — Chứng nghẽn mạch phổi đang tối cấp thường xảy ra vào ngày thứ hai mà. — Anh vẫn chẳng hài hước chút nào. — Buổi tối tốt lành nhé Caroline. Chuyến đi kết thúc trong bầu không khí khá yên ắng. Hai người đàn ông ngồi phía trước ít nói chuyện. Phía sau thì ham học, chúi mũi vào mấy cuốn sách hoặc trò chơi câu đố theo cảnh vật lướt qua trước mắt họ. Hôm nay trời thật đẹp, nhưng ngày bắt đầu lụi dần khi họ tới Vannes. Còn chưa đầy một tiếng trước khi dừng xe trước nhà. Họ đến vừa kịp để ngắm hoàng hôn. Để kết thúc chuyến đi bằng cảnh đẹp, để tiêu tan những căng thẳng. Khi họ đi theo con đường ven bờ đại dương, ở phía sau xe không chỉ có một mà tới hai đứa trẻ bị phong cảnh chinh phục, cảm động với lần đầu tiên kỳ diệu này, mắt lấp lánh những ánh phản chiếu màu da cam. Như ánh sáng trong đường hầm vào buổi sáng, nhưng liên tục. Và còn đẹp hơn nhiều. Không phải đường hầm, mà cả một đại dương trải ra trước mắt họ. Khi Paul đỗ xe trước ngôi nhà, Julie ngỡ mình đang mơ. Cô thấy bãi biển thấp thoáng ngay sau nhà và đã nghe thấy tiếng sóng. Cô cởi đai và nhấc Ludovic khỏi ghế rồi mỉm cười với Paul, trước khi biến ra sau nhà. — Con đi cùng bọn ta ra bãi biển chứ? ông hỏi con trai. — Không, bố đưa con chìa khóa nhà, con sẽ dỡ hành lý. — Tùy con thôi. Chìa khóa để trong chỗ giấu, như thường lệ. Này, đợi bác đã, ông hét lên với cô gái, lúc này đã bước đi trên cát, tay bế con. — Tôi không thể, cô vừa đáp vừa cười vang. Tôi không cưỡng nổi… Cô đứng lặng, trong khi ấy Paul đuổi kịp hai mẹ con. Tay vẫn bế cậu bé, cô nhìn về phía chân trời. Những ánh lửa cuối cùng của mặt trời chiếu sáng khuôn mặt hai mẹ con, lúc này giống nhau hơn bao giờ hết và đang nở nụ cười sung sướng. Nụ cười thứ ba đi đến nhập hội, nụ cười của Paul, ông hạnh phúc được sẻ chia niềm vui đơn giản này và biết rằng mình cũng phần nào là nguyên do của niềm vui ấy. Giọt nước mắt trong siêu thị đã xa rồi. Họ đi dạo một lúc trên bãi biển, bất chấp ánh sáng đang nhạt dần. Tiếng sóng hát lên trong tâm trí Julie, cô thầm cảm ơn ông vì món quà đẹp đẽ này. Cô gần như muốn nhờ ông cấu cô thật mạnh để biết là mình không mơ. Trong đời cô có ít những khoảnh khắc như thế này đến mức cô khó lòng tin nổi mỗi khi chúng xuất hiện. Rồi họ bước vào ngôi nhà nhỏ bên biển có lẽ còn không có chỗ trong bất cứ giấc mơ nào của Julie. Dù là giấc mơ điên rồ nhất. Jérôme đã đi ngủ mà không nói lời nào. Anh chọn phòng ngủ nhỏ áp mái. Để được yên tĩnh. Còn lại phòng ngủ lớn với một chiếc giường đôi và phòng ngủ nhỏ xíu dành cho khách, với chiếc giường chật hẹp. Julie bắt đầu sắp đồ đạc của mình vào phòng ngủ nhỏ. Thói quen với sự chật hẹp. Nhưng Paul đã lẳng lặng nhặt những đồ đạc đó rồi để sang căn không lớn. — Bác sẽ lấy phòng nhỏ, ông nói thay cho lời giải thích. — Không đâu, tôi với Lulu có thể nằm sát vào nhau, tôi quen rồi. — Cháu đùa hay sao? Cứ thoải mái đi. Với bác, chuyện này sẽ nhắc bác về những năm tháng sinh viên, khi bác đến chơi nhà bạn bè, và có thể ngủ bất cứ đâu cũng được. — Tùy ông vậy. — Nhất là bác muốn cháu đừng xưng hô khách sáo nữa, việc đó sẽ lập tức quét sạch ký ức thời trai trẻ của bác, vì nó nhắc bác nhớ đến khoảng cách tuổi tác đáng nể giữa hai ta. Cháu có muốn ăn thứ gì không? — Không, cảm ơn ông. Lulu mệt rồi, tôi sẽ cho bé đi ngủ. — Bác sẽ nhóm lửa trong lò sưởi, phòng khi cháu muốn ra sưởi ấm một chút. Dẫu sao trong nhà cũng khá lạnh. — Tôi cho bé ngủ đã, rồi tôi ra. Ludovic bám vào cổ mẹ. Cậu thì thầm vào tai mẹ rằng biển thật đẹp. Hỏi mẹ liệu ngày mai họ có quay lại đó không. Dĩ nhiên là ngày mai họ sẽ quay lại đó rồi. Cậu sẽ không thể tắm biển, nhưng ít nhất họ cũng sẽ chơi đùa trên cát… Cậu bé dễ dàng ngủ thiếp đi, dù đã ngủ nhiều tiếng trên xe. Chuyến đi khiến cậu mệt nhoài. Gương mặt cậu vẫn giữ nguyên nụ cười trên bãi biển. Julie cảm thấy một khoảnh khắc hạnh phúc khá hiếm hoi, tối nay, trong ngôi nhà này, khi ngắm nhìn con trai say ngủ dưới lớp chăn bông trên chiếc giường rộng rãi. Những con sóng biến thành khúc hát ru và bãi biển biến thành bộ khuếch tán hương thơm. Khoảnh khắc này khiến cô gần như quên lãng tất cả những khoảnh khắc cô hối tiếc vì đã bắt một đứa trẻ lên ba chịu đựng cuộc sống khốn nạn này. Mặc dù cô trông trẻ bảo cô rằng vật chất không quan trọng, rằng Ludovic có vẻ hạnh phúc hơn những đứa trẻ khác đang có tất cả những gì chúng muốn, cũng vô ích, Julie vẫn cảm thấy có lỗi khi đã bắt con phải chịu những điều kiện sống như thế. Sau đó cô ra phòng khách gặp Paul. Ông đã ngồi trên trường kỷ, tay cầm ly rượu. Ông đang ngắm những ngọn lửa nhảy múa trong lò sưởi. — Cháu có muốn uống một ly không? — Gì thế? — Một loại mứt trai già[7]. — Các cô gái trẻ có uống được không? — Cháu có tính khí của một cậu con trai, chắc là cháu sẽ thích. Của nhà làm từ năm ngoái đấy. — Vậy thì tôi rất muốn thử. Jérôme không muốn uống sao? — Bác không nghĩ vậy. Hẳn là nó ngủ rồi. Dạo này nó ngủ nhiều lắm. — Vậy chuyện của anh ấy là thế nào? — Vợ nó đã tự tử cách đây hơn ba tháng. — Ra thế…, cô nói, và sau một quãng im lặng dài, cô hỏi tiếp, tại sao thế? — Chứng trầm cảm nặng. Bác vẫn biết Irène bị trầm cảm. Con bé mong manh cả về thể chất lẫn tinh thần. Một cơn gió mạnh cũng có thể cuốn nó đi một quãng mà nó không thể chống cự. Và những luồng gió cảm xúc cũng tác động tương tự lên tim nó. Một câu quá lời, một ánh mắt hơi tệ, thế là con bé cụp mắt xuống để người ta không thấy rằng nó đã bị trận cuồng phong quét đi, chẳng khác nào một chiếc lá thu. Vậy đó, khi nói chuyện về con bé với cháu, bác mới hiểu chính xác cái cảm giác con bé tạo ra. Một chiếc lá khô, bị bứt khỏi cái cành nuôi dưỡng nó, và không nhận được nhựa sống nữa. Tại sao cái lá chỉ mãi biết đến mùa thu, cái đó thì bác không rõ. Theo cơn gió cuốn, nó rơi vào khu vườn của Jérôme. Bác ngờ là nó đã phải lòng con bé khi vô thức nghĩ rằng mình có thể cứu con bé. Tâm hồn bác sĩ của nó. Ngày hôm đó, nó đã đến quá muộn. Chỉ sớm hơn vài phút thôi, có lẽ con bé vẫn còn sống. Thằng bé tự trách mình. Nó đang nói chuyện với một bệnh nhân trên bậc thềm. Thế rồi nó nghe thấy tiếng súng. — Chị ấy tự bắn mình sao? Đáng sợ quá. — Bác không bắt cháu phải nói vậy đâu nhé. — Khẩu súng đó ở đâu ra? — Một khẩu súng lục cổ của ông nội thằng bé. Thế Chiến thứ hai. Jérôme không ngờ là con bé biết cách sử dụng. Vậy đấy. Cho nên thằng bé cần chút thời gian để làm quen với cháu, tóm lại là với người khác. Bác đã mời nó tới đây để nó hít thở chút khí trời trước khi lại vùi đầu vào công việc. Thằng bé không thoát được tâm trạng chán nản và mỗi lúc một tệ thêm. Chuyện này khiến bác lo lắng. — Tôi hiểu được mà. Tôi sẽ để anh ấy yên. Rốt cuộc anh ấy sẽ chấp nhận tôi thôi. — Nó sẽ chấp nhận thôi. Cháu biết đấy, nó không phải đứa tồi. Nó chỉ cần chút thời gian thôi. Quẳng gánh lo đi. Và mọi chuyện sẽ lại đâu vào đó. Trong cuộc sống thằng bé cũng chưa bao giờ là một thằng hề, nhưng nó biết cách tỏ ra dễ chịu. — Anh ấy không có con sao? — Không, chúng nó chưa kịp sinh con. Có lẽ như vậy lại tốt hơn, Paul nói thêm. Một đứa trẻ mồ côi từ sớm như thế… — Xét trên phương diện khác, đứa con có thể vực anh ấy dậy. — Cho nó mượn Ludovic để thực hiện vụ vực dậy ấy nhé. Bác dám chắc rằng cậu bé này sẽ hết sức hiệu quả. — Thằng bé không thể vực tất cả mọi người dậy đâu, với tầm vóc lên ba của nó. — Tại sao, cậu bé đang vực ai khác hả? — Tôi chứ ai. Nó giúp tôi thức dậy mỗi sáng, chịu đựng công việc, hy vọng vào những ngày tháng tươi đẹp hơn. — Cháu không hạnh phúc sao? — Tôi cũng không bất hạnh. Và nhất là tôi mệt rồi. Tôi đi ngủ đây, Julie thông báo. — Làm vậy để khỏi phải nói với bác về tâm trạng của cháu sao? — Hẹn mai gặp lại… — Dẫu sao cũng giải thích cho bác nghe chuyện gì đó đi chứ. Thú bông của con trai cháu chính xác là thứ gì vậy? — Đó là một trong những gogo cũ của tôi, Julie mỉm cười đáp. — Một gogo ư? — Áo lót. Áo lót cho bú. Một tối thằng bé đã xoáy nó trong đống quần áo để cạnh máy giặt, bấy giờ nó vừa mới biết bò và muốn ngủ cùng cái áo đó. Nó ngửi thấy mùi sữa. Từ đó nó không rời cái áo nữa. Dẫu sao tôi cũng đã cắt hết dây đeo, bởi vì chúng ngoắc vào tất cả những thứ thòi ra, với lại như thế trông nó sẽ đỡ giống một chiếc áo lót. Cách đây một tháng, ở trường mẫu giáo người ta tưởng tôi bị điên, và bà hiệu trưởng độc đoán đã triệu tập tôi tới xạc một trận về món thú bông không mấy phù hợp đó. “Tôi chưa từng nhìn thấy thứ này, và tại sao không phải là một chiếc quần lót kia chứ?!”, bà ta đã bảo tôi như vậy. — Bà ấy không hoàn toàn sai đâu. Cháu đã trả lời thế nào? — Rằng thằng bé thích mùi sữa mẹ, và rằng tôi sẽ bắt đầu thấy lo nếu nó thó cả áo lót của cô giữ trẻ, nhưng ngay lúc này thì chuyện chẳng có gì mà phải bé xé ra to cả. Với lại, sau nhiều lần vá víu, cái áo đã dần khác với hình dáng ban đầu. Thế là, trong cái hộp cất thú bông, ở cửa lớp, có những con thú bông đủ loại và một cái áo lót cho con bú, vả chăng cũng chẳng còn giống áo lót lắm nữa. — Với Jérôme, khi thằng bé còn nhỏ, là những “cục êm”. — Những cái gì? — Cục êm. Thằng bé gọi thế. Đó là những miếng mút xốp tổng hợp màu vàng dùng để nhồi gối. Thằng bé lúc nào cũng mang theo vài miếng, nó vừa xoắn vặn chúng trong tay vừa mút ngón cái. — Cũng kỳ quặc chẳng kém gì gogo. — Dẫu sao cũng đỡ gợi cảm hơn. Một hôm, chắc lúc đó thằng bé lên sáu, bọn bác đã thuê một căn nhà nghỉ trên núi, và trong một phòng ngủ có một tấm đệm mút dựng sát tường, không có lớp vải bọc ngoài. Tấm đệm được làm bằng loại nguyên liệu giống như các cục êm nhồi gối của thằng bé. Nó kinh ngạc đến ngây người rồi thốt lên “ồ, một cục êm khổng lồ”. Đến tận năm nó mười lăm tuổi, Marlène vẫn còn tìm thấy những miếng mút nhỏ trong túi quần jean của nó khi giặt đồ. Cả một câu chuyện dài về những cục êm ấy… — Ai cũng có cách để tự trấn an mình, Julie nói rồi đi ngủ. Paul tự rót cho mình thêm chút rượu. Món mứt trai già của ông