" Cẩm Nang Sinh Tồn PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cẩm Nang Sinh Tồn PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Cẩm nang sinh tồn Tác giả: Jason Polley Dịch giả: Luyện Minh Hưng Thể loại: kỹ năng sinh tồn Số trang: 400 Kích thước: 13.5x20.5 cm Phát hành: Huy Hoàng Năm xuất bản: 2020 Bạn sẽ làm gì nếu bị mắc kẹt tại một vùng núi hoang vắng? Bạn sẽ tạo lửa thế nào nếu diêm ướt hay mất hộp quẹt? Bạn sẽ xử trí ra sao khi đối mặt với một con gấu bằng xương bằng thịt? Đúc rút từ trải nghiệm phượt của bản thân qua hơn 50 quốc gia trên thế giới, Jason Polley đã hệ thống những thông tin cần thiết cho những người hàng ngày lang thang trên đường mòn tự sơ cứu, tìm kiếm thức ăn, tạo nơi trú ẩn, báo hiệu SOS cho những người thích du lịch mạo hiểm lời khuyên sinh tồn nơi rừng rậm, sa mạc, núi hoang và Bắc Cực. Mọi kịch bản có thể xảy ra. Từ các kỹ năng sinh tồn cơ bản đến hiểu biết sâu sắc về việc sống sót trong điều kiện thù địch, đây là cuốn cẩm nang không thể thiếu không chỉ dành cho phượt thủ, mà cho bất cứ ai ưa thích các hoạt động ngoài trời. E-book này được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện, phi lợi nhuận và phục vụ cộng đồng người đọc chưa có điều kiện mua sách giấy. TVE-4U CÙNG ĐỌC - CÙNG CHIA SẺ! Jason Polley Sinh năm 1963 tại Anh quốc. Jason đã phượt qua hơn 50 quốc gia, dành thời gian dài sống ở Amazon, Bắc Cực và sa mạc Sahara. Rất nhiều chuyến đi của anh được thực hiện bằng xuồng hoặc đi bộ và luôn độc hành. Anh đã có nhiều bài viết về sinh tồn và phượt, cũng như tư vấn cho Hội địa lý Hoàng gia về du lịch tự do. Jason Polley vẫn tiếp tục tham dự nhiều khóa học về sinh tồn và dã ngoại để giữ cho những kỹ năng ít khi dùng tới luôn sắc bén. Hiện anh đang sống ở vùng cao nguyên Scotland với Helen - người vợ nhẫn nại và hai cô con gái Kate và Jennifer. Dành tặng Helen, Kate và Jenifer - Vắng họ tôi vắng cả nụ cười. Xin gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Kate Polley, Helen Polley và Jennifer Polley đã minh họa sinh động cho cuốn sách này! Lưu ý Kỹ năng sinh tồn được mô tả trong cuốn sách này áp dụng cho những điều kiện khắc nghiệt và nên được tiến hành có trách nhiệm, luôn chú tâm và để ý đến độ an toàn một cách hợp lý. Đơn vị phát hành và tác giả không chịu trách nhiệm liên quan tới hậu quả do bất kỳ cá nhân nào sử dụng hay sử dụng sai các kỹ thuật được mô tả, hoặc bất kỳ mất mát, thương tật hay hư hỏng nào. Không được thực hành những kỹ thuật này ở nơi thuộc quyền sở hữu của tư nhân mà không được phép của người chủ. Trong bất kỳ tình huống nào, bạn nên kiểm tra quyền sở hữu hoặc quyền hợp pháp của nơi đó trước khi bắt đầu. Hướng dẫn đọc sách Thể loại sách tự học để tạo nên bước đột phá, có những đặc trưng giúp bạn nhận được rất nhiều lợi ích từ việc đọc sách. Trong cuốn Cẩm nang sinh tồn này có những mục được đóng khung như sau: Người thật việc thật: đưa ra các ví dụ về câu chuyện sinh tồn có thực. (Phần này nội dung dài, chuyển sang cỡ chữ nhỏ và bỏ đóng khung để phù hợp với ebook). Ý chính: tinh lọc những ý tưởng và suy nghĩ quan trọng nhất. Hãy nhớ: chứa những mẹo hữu ích và giúp bạn nắm được những vấn đề thực sự có giá trị. Áp dụng: bao gồm những bài tập bạn có thể thực hành ngay lập tức. Tiêu điểm: là những điều quan trọng bạn nên nhớ trong chương đó. Bước tiếp theo: giới thiệu về chủ đề trong chương sau. Giới thiệu Từ khi còn là thanh niên, tôi đã tâm niệm rằng, sống không phải để tìm kiếm chính mình, mà để tạo ra chính mình. Tôi muốn kiến tạo bản thân thành con người tự do hơn, và sinh tồn qua những nghịch cảnh có thể gây hại, thậm chí chết người. Tôi tin rằng, sinh mệnh bắt đầu nơi tận cùng của vùng an toàn, dẫu mong muốn một cuộc đời luôn xê dịch và phiêu lưu, tôi cũng mong muốn trải nghiệm sinh tồn với nó! Để đạt mục đích của mình, tôi bắt đầu nắm bắt các kỹ năng của người sinh tồn - những người yêu thích môi trường ngoài trời và tình huống bất ngờ. Là một cựu Hướng đạo sinh, tôi tuân thủ phương châm “Sẵn sàng” tới mức cực đoan. Suốt mấy năm, tôi tự trui rèn có hệ thống qua một loạt các khóa học. Chúng được tiếp nối bởi các bài thực hành, đọc tập trung và ôn luyện theo chu kỳ. Tôi học nhảy dù, bay liệng, lặn biển, trèo, leo núi, phóng mô tô, theo dấu, chèo xuồng, lái thuyền buồm và bắn súng. Tôi được John Wiseman “To con” - cựu chiến binh SAS1 đào tạo về cách sống sót, và được Ray Mears - bậc thầy sinh tồn hoang dã2 dạy cách theo dấu thú rừng. Tôi cũng học nhiều khóa học về y tế và sơ cứu, trong đó có những lớp do Sở cứu thương Scotland, Hội chữ thập đỏ Anh tổ chức, và chương trình dược phẩm Hoang dã tuyệt vời của Sở tư vấn lữ hành thuộc Hội địa lý Hoàng gia. Tôi đã nhận chứng chỉ về Thảo dược học, vì thấy rằng nguồn tri thức này sẽ cực kỳ hữu ích khi đơn độc ở những vùng sâu vùng xa và ngoài tầm hỗ trợ của đội y tế chuyên nghiệp. Trong thời gian làm Hướng đạo sinh, tôi hoàn thành một khóa học Tự vệ căn bản, làm nền tảng để luyện Kungfu Thiếu Lâm và Jiu-jitsu. Anh em nhà chúng tôi thường đi bộ đường trường, ngủ ngoài trời trong vùng núi xứ Wales, hoặc những nơi hoang vu và thử thách thuộc địa phận nước Anh. Kỹ năng định hướng nhanh chóng trở nên nhạy bén, cũng như tình yêu đối với cuộc sống ngoài trời ngày càng đậm sâu. Tôi du lịch nước ngoài thường xuyên nhất có thể, hào hứng trải nghiệm những vùng khí hậu và địa hình khác nhau. Tôi thấy thoải mái khi ngủ trong căn lán dựng tạm ở Rừng Đen nước Đức, hay trong chiếc túi ngủ trải bên sườn núi Thụy Sĩ. Được ngả lưng ngoài trời, ngắm nhìn những vì sao, hay đi dạo dọc theo tiếng reo gọi của con sông và dàn hợp xướng buổi bình minh đúng là thiên đường! Tôi tận dụng kỹ năng và kiến thức của mình nhiều hơn, cũng như thường xuyên rong ruổi khắp thế giới, đi được tới những nơi xa xôi mà người bình thường thấy sợ, hoặc đơn giản là không sẵn lòng chấp nhận gian khó để đến được. Hàng tháng trời, tôi sống trong rừng Amazon, núi Himalaya, sa mạc Sahara, núi Andes ở Peru, Bắc Cực, và những chốn rừng thiêng nước độc khắp Nam Phi, Bắc Âu và Trung Mỹ. Không có nơi nào tôi không thể ghé chân. Thành phố cổ Timbuktu ở Mali, thủ đô Kathmandu của Nepal, vùng Ngoại Mông, Machu Picchu - Thành phố bị đánh mất ở Peru, cũng như một vài đỉnh núi khác đều đã được chinh phục. Kỹ năng sinh tồn của tôi thực sự tạo ra sự khác biệt, vì có nhiều vùng (tôi đi qua) khắc nghiệt đối với cả dân địa phương chứ chưa nói tới du khách nước ngoài. Vì thế, cuốn sách này là một bản hướng dẫn không lòng vòng về những kỹ năng sinh tồn thực sự kiến hiệu và những điều tôi đã áp dụng. Chúng giúp tôi sống sót và hoạt động trong những môi trường không quen thuộc và thường là hiểm nguy. Bạn đâu thể luôn tiên đoán được tương lai, song bạn có thể chuẩn bị cho nó và những sự việc có khả năng đang chờ bạn phía trước. Kỹ năng sinh tồn chính là bảo hiểm khi chuyện không như ý, nhưng cũng là phương tiện để mở rộng thêm vùng tự do của bạn. Tôi luôn chấp nhận thực tế rằng công nghệ, bạn đồng hành và hướng dẫn viên địa phương rồi sẽ khiến tôi thất vọng. Tôi đã thành cao thủ tự thân và nhanh chóng không cần phải mang theo hỗ trợ y tế, thiết bị định vị GPS và hàng cân dụng cụ lẽ ra là thiết yếu. Càng thêm tri thức, càng nhẹ đôi vai. Mặc dù Rudyard Kipling đã đúng khi nói “Đi một mình là nhanh nhất”, với kinh nghiệm bản thân, tôi thấy lời khuyên của Emerson cũng đáng giá tương tự “Khi trượt trên băng mỏng, an toàn phụ thuộc vào g g ự ợ g g p ụ ộ tốc độ.” Tốc độ bạn thoát ra khỏi môi trường thù địch có thể quyết định cơ hội sống sót của bạn. Tháng năm trôi qua, tôi càng tăng thêm hứng thú dành cho kỹ năng sinh tồn. Tôi bị mê hoặc bởi những con người không cam chịu đầu hàng, nằm đó chờ chết. Những con người bất chấp cả xác suất thấp, làm nên những điều kẻ khác không làm nổi. Những người sinh tồn dường như có một thái độ sẵn sàng chịu đựng hết cú đấm này tới cú đá khác, hết gục ngã này sang thất bại khác, và vẫn tiếp tục tiến bước. Họ có khả năng phát minh, ứng biến, cuối cùng là sống sót. Sinh tồn có thể hiểu đồng nghĩa với thích nghi, và cuốn sách này sẽ đưa ra vài ví dụ về những con người khước từ Tử thần, trong khi mọi người và mọi thứ quanh họ bảo rằng hãy tung khăn trắng đi. Nhà vật lý học Stephen Hawking đã nói “Trí thông minh chưa chắc đã có giá trị sinh tồn bền vững.” Nói cách khác, sinh tồn không phụ thuộc vào việc trở nên thông minh hơn. Những người sống sót (qua nghịch cảnh) không có trí thông minh siêu việt, song có cách nghĩ và phản ứng khác biệt. Người sinh tồn có thể chịu được nhiều sự ngược đãi hơn, cả về tinh thần và thể chất, rồi khi thế giới quanh họ đổi thay, họ thay đổi cùng nó. Và sống sót. Chắc ai đó đã nói rằng, cuộc sống hiện đại và đô thị hóa đại chúng khiến chúng ta kém thích nghi với thay đổi đột ngột, và chỉ cần một đợt bão tuyết hay hạn hán bất chợt cũng đủ để làm tê liệt hàng nghìn người. Quá ít người biết cách định vị, đốt lửa hay lọc nước, nhưng những kỹ năng này rất dễ học và bạn sẽ mau chóng thấy điều đó. Cuốn sách này không kể với bạn về cách dựng lều của dân Anglo-Saxon hay nấu ăn theo kiểu Inuit3. Tôi sẽ không nhấn chìm bạn trong những tri thức khảo cổ học về cách người tiền sử sinh sống, hay các bộ lạc vùng hẻo lánh Congo vượt qua lũ lụt ra sao, việc này hãy để cho tác giả khác thực hiện trong cuốn sách khác. Cuốn sách này chỉ cho bạn kỹ năng sinh tồn mà bạn có thể áp dụng ngay cho chuyến cắm trại sắp tới, hay lần sau bị hỏng xe ở nước ngoài, có thể cách hàng cây số để tới đô thị gần nhất. Nó sẽ không cho bạn biết tất cả những loại thực vật có thể ăn được ở Papua New Guinea hay 56 kiểu thắt dây thừng. Về bản chất, cuốn sách nhắm tới thực tế và hữu dụng, không phải lý thuyết suông hay chỉ là những điều thú vị. Trong đời sống hiện đại, tách mình khỏi thiên nhiên và không bao giờ trải nghiệm cuộc sống nơi hoang dã thật dễ dàng. Điều này khiến cho nhiều người muốn “ra ngoài kia” và thăm lại một thế giới họ gần như đã đánh mất. Họ muốn kết nối lại với thế giới tự nhiên, và thức tỉnh con người cổ đại trong mình một cách chính đáng. Ở cao nguyên Scotland nơi tôi sống, mỗi năm có tới hàng chục người mất mạng hoặc bị thương nặng. Nhiều người tương đối lạ lẫm với điều kiện tự nhiên nơi hoang dã. Hầu hết các trường hợp tử vong hay thương tích là do thiếu sự chuẩn bị, đánh giá thấp sự khắc nghiệt của tự nhiên, lạc đường, hay cứ bình chân như vại khi di động mất sóng và không ai nghe thấy lời kêu cứu của họ. Đừng chết vì thiếu hiểu biết! Hãy nghĩ về con người mình muốn trở thành, và kiến tạo bản thân khiến bản thân khỏe hơn, khéo hơn, nhiều năng lực hơn trao thêm quyền lực cho bản thân, mở rộng vùng tự do và an toàn của mình qua việc học những kỹ năng sinh tồn. Hãy xem cuốn sách này như một khóa học. Người hoàn tất nó sẽ giỏi hơn người mới nhập môn. Cuốn sách chia làm các phần, dần tích lũy cho bạn tri thức và kỹ năng một cách có hệ thống. Khi đọc hết cuốn sách, nếu bạn đồng thời hoàn tất các bài thực hành, bạn có thể đầy tự tin mà phơi mình ngoài trời rộng cùng những nơi hoang dã và giảm hẳn nguy cơ lạc đường hay bị thương. Bạn cũng trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt người khác. Jason Polley Cao nguyên Scotland 1 Huấn luyện sinh tồn Trong chương này bạn sẽ biết: ➤ Có những khóa học sinh tồn nào ➤ Những dạng huấn luyện sinh tồn khác ➤ Phẩm chất ý chí của người sinh tồn ➤ Lợi ích từ huấn luyện sinh tồn “Ngu lâu chưa chắc hưởng thái bình.” Bất cứ ai cũng có thể cảm thấy không thoải mái khi ở ngoài trời, nhưng thiếu sự chuẩn bị sẽ khiến khó khăn chuyển thành nguy hiểm. Huấn luyện sinh tồn mang lại một dạng bảo hiểm vô giá, không chỉ có khả năng giúp bạn mở rộng phạm vi khám phá, mà còn góp phần tạo ra thu hoạch tích cực cho chuyến thám hiểm hoặc du ngoạn tới những miền đất xa lạ. Hãy nhớ! Huấn luyện sinh tồn phải được thực hiện trước chuyến đi có kế hoạch của bạn, và được tùy chỉnh để phù hợp với môi trường bạn dự đoán sẽ gặp. Đâu cần phải biết dựng lều tuyết hay thọc lét cá hồi4 nếu bạn định băng qua sa mạc. Việc huấn luyện nên được xem như tập hợp của nhiều dạng thức đào tạo khác nhau. Một khóa học riêng lẻ không thể đủ, việc chỉ thuần túy đọc một cuốn sách hay xem DVD huấn luyện cũng vậy. Bạn phải đắm mình vào chủ đề, và lấy thông tin từ nhiều phương tiện khác nhau để đảm bảo nó luôn tươi mới và dễ hấp thu. Hãy bắt đầu với các khóa học sinh tồn. Các khóa học sinh tồn Không gì có thể thay thế bằng việc tự mình thực hiện và thực hành trực tiếp dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên. Hầu hết các khóa học diễn ra từ 3-5 ngày, với nhiều chương trình ở mức cơ bản và nâng cao. Bạn sẽ được (huấn luyện viên) thực hiện mẫu, sau đó yêu cầu bạn thực hành dựng nơi trú ẩn và đốt lửa, thu thập và lọc nước, cũng như nhận dạng những loài thực vật ăn được phổ biến trong vùng bạn đang hiện diện. Bạn thường ngủ luôn trong nơi trú ẩn của mình suốt khóa học. Xung quanh có đặt bẫy sập hay bẫy thòng lọng để bắt muông thú, và bạn được cấp rất ít thức ăn ngoài những thứ bạn bẫy hay hái lượm được bằng phương tiện của chính mình. Con người là phải chịu đói. Có bác chơi ăn gian, mang theo lương khô hay sôcôla, làm như vậy có nghĩa họ đã bỏ lỡ bài học tối quan trọng rồi. Sẽ cực kỳ hữu ích khi biết tôn trọng tác dụng của cơn đói và sự mỏi mệt, cũng như việc dựng lều trong những điều kiện khắc nghiệt tiêu tốn năng lượng và gian khó như thế nào. Bạn sẽ chợt thấy trân trọng giá trị của việc tiết kiệm calo, và sử dụng những đặc điểm tự nhiên sẵn có làm nơi trú ẩn, hơn là đốn hạ cả chục cái cây rồi mệt nhoài với tí tẹo thức ăn bù vào chỗ năng lượng đã tiêu tốn. Bẫy thòng lọng thường vẫn sẽ giữ nguyên trạng trong nhiều ngày và thực vật ăn được chẳng thể tìm thấy hoặc không đúng mùa. Một vài cuốn sách hướng dẫn có thể đã tạo ấn tượng sai lầm rằng sinh tồn chỉ là chuyện thực hiện các kỹ xảo, rồi bạn sẽ ấm bụng, khô ráo và thoải mái. Điều thường bị bỏ quên là thời gian và nỗ lực cần có. Cố gắng để thực sự bắt/bẫy được đồ ăn và tìm ra thực vật ăn được, đó là bài học thực sự về thực tế sẽ ra sao trong tình huống sinh tồn đúng nghĩa. Ở Anh, phần lớn các khóa học thuộc một trong hai dạng. Một dạng là các khóa học của cựu nhân sự thuộc lực lượng Đặc nhiệm. Huấn luyện viên thường là cựu binh SAS, Mũ nồi xanh hay Commando, và họ cung cấp khóa học nghiêm túc không màu mè, với mục tiêu thường là sống sót một thời gian ngắn cho tới khi bạn được giải cứu hoặc trở lại vùng an toàn. Dụng cụ họ dùng là hàng quân đội, chúng sẵn có từ những nguồn cung dôi dư. Dạng còn lại, là các khóa học có xu hướng sinh tồn hoang dã, cố gắng giúp bạn hiểu và áp dụng những kỹ năng của người cổ đại - những người sống hòa hợp với vùng đất hơn, hoặc những người hiện tại vẫn đang sống ở nơi hoang dã. Bạn có thể được dạy cách đan vật chứa bằng vỏ cây, chữa bệnh bằng thảo dược, hay đẽo gỗ thành bát, thìa. Bạn được học làm “người của tự nhiên” nhiều hơn so với các khóa học theo phong cách quân đội. Hầu hết các tổ chức sẽ gửi cho bạn một danh sách dụng cụ và học trình trước khi lớp bắt đầu. Việc bạn không có ước muốn tắm rửa hay đánh răng trong một tuần là lợi thế. Hãy ăn no trước khi bắt đầu! Ý chính Tất cả những người hoạt động ngoài trời nghiêm túc đều phải hoàn thành các khóa thực tiễn ngoài trời như leo núi, leo vách đá, môn thể thao định hướng5 hay chèo xuồng để bổ trợ cho một khóa học sinh tồn. Bạn sẽ không thể biết được những kỹ năng này khi nào hữu ích trong một tình huống bất ngờ. Hãy liên hệ với một trung tâm tổ chức hoạt động ngoài trời có danh tiếng để lấy thông tin chi tiết về các khóa học như vậy. Một số khóa học được liệt kê trong Phụ lục 4 (tìm hiểu sâu hơn). Cần nhấn mạnh rằng, một khóa sinh tồn phải được bổ sung thêm khóa học sơ cứu, sau đó tiếp nối bằng các đợt ôn luyện thường xuyên và làm quen với những cách chữa trị các chứng thông thường như nôn mửa, tiêu chảy, côn trùng cắn hay đau răng. Hãy liên hệ với trung tâm đào tạo Chữ thập đỏ tại địa phương hoặc trung tâm giáo dục cho người trưởng thành gần nhất để tham gia khóa học. Thậm chí, tốt hơn nữa là bạn xung phong làm sơ cứu viên hay người thực hiện sơ cứu ở công sở, hoặc làm tình nguyện viên cho tổ chức nhà nước cung cấp hỗ trợ sơ cứu trong các sự kiện công cộng. Hãy cố gắng trải nghiệm việc chăm sóc cho người thực và vấn đề thực. Để có thể tự giúp bản thân và người khác, bạn phải vượt qua cú sốc khi thấy máu và vết thương thật sự. Hãy nhớ! Kiến thức y tế tuyệt đối quan trọng khi bạn đi ra nước ngoài hay ở lâu trong vùng hoang dã. Sách tham khảo Cuốn sách này được dùng như một khóa học hay một chương trình học tập, bao gồm những khía cạnh trọng điểm về sinh tồn ngoài trời mà bạn cần nhắm đến. Tuy nhiên, có những cuốn sách về sinh tồn chuyên biệt hơn, cung cấp chi tiết hơn về vấn đề sinh tồn viết cho một vùng cụ thể có thể liên quan tới bạn, và kiểu chuyến đi của bạn. Dưới đây là một vài cuốn nên lưu tâm, nếu bạn thấy phù hợp: ➤ RYA Sea Survival Handbook (Sổ tay sinh tồn trên biển của RYA6 ), tác giả Keith Colwell và Steve Lucas. Đây là cuốn sách xuất sắc được thiết kế để đồng hành với khóa học sinh tồn trên biển của Hiệp hội du thuyền Hoàng gia. Nó là hướng dẫn thiết yếu cho bất kỳ thuyền viên nào và nhắm tới người dự định du hành trên biển. ➤ Stay Alive in the Desert (Sống sót ở sa mạc), tác giả K. E. M. Melville. Cuốn sách nhỏ rất hữu ích được viết bởi một bác sĩ trải qua nhiều năm sống ở vùng sa mạc, truyền tải mọi thứ từ chuẩn bị xe cộ tới vấn đề sức khỏe hay đối phó với rắn và bọ cạp. ➤ The Ultimate Desert Handbook (Sổ tay toàn diện về sa mạc), tác giả Mark Johnson. Cuốn sách rất chi tiết này bình luận về tất cả các sa mạc trên thế giới, cách xử trí với nước, thức ăn, vấn đề y tế, kiểm tra phương tiện, định hướng cũng như những động vật hoang dã có khả năng gặp phải. ➤ SAS Mountain and Arctic Survival (Sinh tồn trên núi và Bắc Cực với SAS), tác giả Barry Davies. Một trong những cuốn sách viết bởi cựu binh SAS, nó miêu tả chi tiết về cách sống sót trong điều kiện khí hậu cực lạnh, ở vùng núi cao hay trong vòng cực7 Bắc. Tất nhiên, có rất nhiều cuốn sách bổ sung những kỹ năng khác bạn phải có như định hướng, sử dụng dây thừng, sơ cứu hay xác định thực vật ăn được. Những sách đó sẽ được gợi ý đọc thêm ở Phụ lục 4 (Tìm hiểu sâu hơn). Các trang web tham khảo Những trang như YouTube có các đoạn phim ngắn hướng dẫn những kỹ thuật như nhóm lửa, mổ cá hay dùng la bàn. Hãy dùng chúng để bổ trợ cho quá trình huấn luyện của bạn, và khi việc thực hành có vẻ khó khăn khiến bạn cần kiểm tra lại xem mình có hiểu đúng về kỹ thuật đó không. Ngoài ra, những trang sau cũng rất đáng quan tâm: ➤ www.equipped.org - của tổ chức Trang bị để Sinh tồn - một trang của Mỹ tuyên bố là “Nguồn cuối cùng cho các bài đánh giá và thông tin độc lập về dụng cụ ngoài trời, cùng với công cụ và kỹ thuật sinh tồn.” Nó có vô số các bài đánh giá về dụng cụ sinh tồn, mẹo sinh tồn hay, cũng như đánh giá sách và phim về tất tần tật các vấn đề liên quan tới sinh tồn. ➤ www.bushcraft.co.uk - đây là trang web đặt tại Anh của những người sinh tồn hoang dã ở đây, nó có nhiều bài viết về sinh tồn hoang dã và làm sao để sống sót, đánh giá về sách và dụng cụ, những khóa học sinh tồn, và trang blog cho những thành viên. Cách hướng dẫn hiệu quả, giúp bạn dễ cảm nhận hơn và nắm bắt những kỹ năng sinh tồn. ➤ www.survivaloutdoorskills.com - đây là trang web của một cựu đặc nhiệm Mỹ, đăng những mẹo và kỹ thuật đối phó với việc sinh tồn ngoài thiên nhiên, cũng như một cửa hàng bán sách và công cụ sinh tồn trực tuyến. DVD Băng hình hướng dẫn chính hiệu không dễ kiếm bằng những loại tương đối nghiệp dư, được cung cấp bởi những tạp chí chuyên môn. Do đó, nếu bạn rất muốn xem cách thực hiện một thứ gì đó mà không thể tham dự một khóa học, hãy tìm kiếm video hướng dẫn trên Internet. Để phục vụ cho nhu cầu giải trí hoặc có cái nhìn khái quát, tôi gợi ý một số chương trình truyền hình của Ray Mears và Bear Grylls. Để học kỹ năng sống sót, series chương trình TV Extreme Survival của Ray Mears rất tốt, cũng như series Bushcraft của anh ấy. Là một cựu quân nhân SAS, Bear Grylls tương đối khác biệt và chú tâm vào cách thoát khỏi những nơi nguy hiểm mà bạn tình cờ vướng phải. Series chương trình TV Born Survivor (Sinh ra là người sinh tồn) của anh ấy sẽ giúp bạn tư duy như người sinh tồn, và hiểu rõ giá trị của nguyên tắc “Dám là thắng”8. Series Dual Survival trên kênh Discovery Channel hay Survivorman của Les Stroud cũng rất tuyệt. Cả hai đều chỉ cách thoát và tồn tại trong nhiều tình huống ở nhiều môi trường khác nhau. Hai series chương trình này đều có bản DVD, chúng vừa có tính giải trí vừa có khả năng chỉ dẫn tốt. Thể lực Người có thể lực trên trung bình có cơ hội sống sót trên mức trung bình. Hãy giữ cơ thể săn chắc bằng cách đến phòng gym, tập 2-3 buổi cho toàn thân mỗi tuần. Khi có sự cố, càng sung sức và khỏe mạnh, bạn càng dễ thích ứng và vượt qua. Hãy chạy bộ và bơi lội thường xuyên, cũng như đi bộ đường trường khi có thể. Việc cải thiện sức khỏe, thể lực và sức mạnh sẽ giúp bạn nhàn hơn khi phải thực hiện kế hoạch B đi bộ với khoảng cách không biết trước, có khi phải cõng theo một người bạn hay bản thân mình đang bị thương. Người thật việc thật Tháng 08/1944, trong Thế chiến thứ hai, tàu ngầm USS Flier của Mỹ đụng phải thủy lôi ở biển Lulu và bắt đầu chìm. Trong thủy thủ đoàn 80 người, chỉ có 8 người sống sót. Tàu đã chìm hẳn, nhưng 8 thủy thủ vẫn sống nhờ bơi liên tục trong khoảng 17 tiếng đồng hồ cho đến khi gặp được một hòn đảo không người. Chính thể lực và kỹ thuật bơi siêu đẳng đã cứu họ. Mặc dù vẫn phải tránh quân thù nhưng họ đã trở về an toàn, đó là minh chứng rõ ràng về lợi thế tuyệt đối của thể lực sung mãn. Câu chuyện của họ được kể đầy đủ trong cuốn Eight Survived (Tám người sống sót) của Douglas A. Campbell. Thực hành Hãy nhớ! Tri thức trở nên mù mờ nếu không được dùng tới và kỹ năng sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng. Bạn phải tập luyện thực tế những điều đã học bạn phải thường xuyên làm tươi mới trí nhớ bằng việc đọc lại những mẹo và chiến lược sinh tồn trong cuốn sách này. Thực hành đều đặn là việc sống còn, và những kỹ năng quan trọng phải được áp dụng để bạn có thể trông cậy vào chúng một ngày nào đó. Bạn có tin tưởng một bác sĩ phẫu thuật đã tốt nghiệp y khoa vài năm trước, nhưng không được đào tạo, ôn luyện hay thực tập cho tới khi động dao kéo vào bạn? Hãy làm quen với việc mang theo chiếc la bàn, xác định hướng Bắc theo phương pháp tự nhiên và đối chiếu với kết quả trên la bàn xem có đúng hay không. Đi cắm trại/đi đường trường nhiều nhất có thể. Chui vào chỗ trú dựng tạm, nấu ăn trên đống lửa, và thử xem bạn có thể nhóm lửa mà không cần dùng diêm. Làm những việc này trong điều kiện thuận lợi như mùa hè chẳng hạn. Khi bạn nghĩ bạn đã biết cách nhóm lửa hay dựng nơi trú ẩn, hãy lặp lại thao tác đó trong điều kiện trời mưa hoặc giữa mùa đông. Thử tạo ra những gì tình huống sinh tồn thực sự có thể đòi hỏi ở bạn. Bạn phải tiếp tục thực hành những kỹ thuật đơn giản nhưng thường cứu được tính mạng này. Bạn phải thấy thoải mái, dễ chịu trong những thứ gọi là tai nạn hay “tình huống sinh tồn”. Áp dụng Hãy ra ngoài bất kể thời tiết nào và trải nghiệm việc định hướng trong khi trời mưa hay đốt lửa trong bão tuyết. Người ta thường nói “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu.” Bạn chuẩn bị càng kỹ, càng dễ đương đầu với những bất lợi hay bất ngờ. Chúng ta đều đã từng xem những thước phim tài liệu về giải cứu và sống sót. Tôi mong sao không ai trong chúng ta trở thành đối tượng cho những chương trình như vậy, vì mẫu số chung trong nhiều trường hợp là sự liều lĩnh thuần túy và hoàn toàn không đếm xỉa tới việc lập kế hoạch hay chuẩn bị. Hãy rút ra bài học từ những sai lầm của người khác. Thái độ Các nhà khoa học đã nghiên cứu về sự sinh tồn của con người, tập trung vào những người sống sót sau những tai nạn hàng không và hàng hải. Một trong những yếu tố quyết định một người có sống sót hay không, thường gắn với tính cách cá nhân của họ. Người hướng nội luôn chết trên chính chiếc ghế của họ, vì họ chỉ biết ngồi chờ ai đó bảo mình phải làm gì. Người hướng ngoại thì không đợi những chỉ thị mà lao ra nơi an toàn nhanh nhất có thể, thường là trong khi những người hướng nội vẫn đang dính chặt vào ghế của họ. Rõ ràng là hành động quyết đoán cứu mạng bạn. Nếu tai nạn xảy ra, hãy chủ động thoát ra và đừng đợi người ta gợi ý cho bạn phải làm gì. Hãy là người chỉ huy. Giúp người khác nếu bạn có khả năng, nhưng đừng đợi được bảo phải đi đâu, làm gì. Một yếu tố quan trọng khác đã được nghiên cứu là huấn luyện và kinh nghiệm cá nhân. Người đã trải qua điều tương tự (thực tế hoặc huấn luyện) sẽ ít bị “đơ” do sốc và chết khi không làm gì. Khi bị sốc do tai nạn sẽ cản trở tư duy sáng suốt và hành động quyết đoán. Nếu khó bị sốc, bạn dễ suy nghĩ và hành động có lợi hơn. Trong khi hầu hết chúng ta quen thuộc với những lựa chọn là “chiến đấu hay chạy trốn” khi đối mặt với hiểm nguy, phản ứng chết người thứ ba cứng đờ và dính chặt vào chỗ ngồi, cũng cần được chú ý tới. Nhận biết và thoát khỏi nó nếu bạn thấy mình đang không làm gì cả. Tôi từng nghe chuyên gia về sinh tồn nói rằng, yếu tố tối quan trọng xác định ai sống ai chết là trạng thái tinh thần của người đó. Thái độ đúng đắn, phẩm chất không bao giờ đầu hàng, có lẽ quan trọng hơn nhiều so với khả năng định hướng nhờ những vì sao hay nhóm lửa bằng cành cây trong mưa. Các nhà tâm lý học cho biết, nếu ta tập trung và hình dung ra kết quả tích cực cho một tình huống, nó sẽ dễ trở thành sự thật hơn nếu chúng ta không làm. Suy nghĩ tiêu cực gieo mầm cho thất bại. Nếu bạn để tình huống chế ngự bản thân, bạn sẽ thấy khó khăn để cố gắng, và sẽ dễ bị “dụ dỗ” cứ nằm đấy và đợi số phận (thường là cái chết) đưa đi. Hãy nhớ! Huấn luyện sinh tồn cần phải mang lại nhiều điều hơn là vài kỹ thuật hữu ích. Phải luôn ghi nhớ rằng, cái chết không phải là một lựa chọn. Mặc dù sau đó bạn cần tắm rửa và thay quần áo, thử thách này sẽ không thể giết chết bạn. Thiếu thức ăn và nước uống thật phiền phức, nhưng bạn sẽ vượt qua. Những phẩm chất chung của hầu hết những người sinh tồn là: ➤ Suy nghĩ tỉnh táo và không hoảng loạn ➤ Có thái độ tích cực, lạc quan ➤ Nhận diện được tình huống và không dễ bị sốc ➤ Kiểm soát việc bị đau và sự bất tiện ➤ Biết nhìn xa trông rộng và không phiền muộn về những thứ vặt vãnh ➤ Mạnh mẽ và quyết đoán ➤ Xông pha và không quá phụ thuộc vào người khác Sinh tồn thường phụ thuộc vào việc có dụng cụ phù hợp, được huấn luyện đầy đủ và thái độ đúng đắn. Hãy nghiêm túc với mạng sống và sự an toàn của bản thân, để người khác cũng có thể trông cậy vào bạn. Tiêu điểm * Huấn luyện sinh tồn bao gồm việc học các kỹ thuật sinh tồn và những kỹ năng khác như leo núi, chèo thuyền, định hướng và sơ cứu. * Các khóa học sinh tồn chỉ là một phần trong huấn luyện sinh tồn. Sách tham khảo, trang web, đĩa DVD và những đợt thực hành thường xuyên đều là cách tự trang bị cho chính bạn. * Thể lực mang cho bạn lợi thế thực sự khi rơi vào tình huống xấu. * Người sinh tồn có cách nghĩ và hành động khác, hiểu biết về các kỹ năng sinh tồn không thực sự quan trọng bằng việc có thái độ đúng đắn. Bước tiếp theo Sau khi nắm bắt được việc huấn luyện sinh tồn gồm những gì, bạn cần tiếp tục học cách trang bị những thứ hữu ích và tạo cho chính mình một bộ dụng cụ sinh tồn. Có những công cụ và dụng cụ hợp lý có thể tạo ra sự khác biệt giữa sống và chết ở những tình huống hiểm nghèo khi tính mạng đang như “chỉ mành treo chuông”. 2 Các công cụ, dụng cụ sinh tồn Trong chương này bạn sẽ biết: ➤ Vai trò của bộ dụng cụ sinh tồn ➤ Những thành phần thiết yếu của bộ dụng cụ ➤ Những công cụ hữu ích khác ➤ Mang những dụng cụ sinh tồn bằng cách nào Hãy nhớ! Chớ dựa dẫm quá mức vào công cụ, dụng cụ để rồi gây ra tai nạn do thiếu chúng hoặc bị hỏng. Hãy tạo nên thói quen ứng biến, biết tận dụng, chế tạo và sáng kiến, rồi sử dụng bộ dụng cụ sinh tồn để hỗ trợ cho hiểu biết và tài tháo vát của bạn. Ví dụ như mất la bàn ta định hướng bằng cách khác; không có máy lọc nước ta có cách chế ra một cái ứng phó. Đừng quá đề cao giá trị của công cụ; nó hữu ích, nhưng sự sinh tồn của bạn không nên phụ thuộc vào nó. Bộ dụng cụ sinh tồn cơ bản Ý chính Không một bộ dụng cụ nào phù hợp cho mọi tình huống và mọi sự việc. Tùy chỉnh bộ dụng cụ của bạn dựa trên hiểu biết về vùng đất, khí hậu và những hoàn cảnh dự đoán trước. Thường xuyên kiểm tra những món đồ trong bộ dụng cụ, đảm bảo không thứ nào đang có nguy cơ bị hư hại. Đây là danh sách những vật nên cân nhắc đưa vào trong bộ dụng cụ của bạn. Tuy nhiên, chúng chỉ là gợi ý ban đầu cho những gì bạn có thể mang theo. Đá lửa và dao đánh lửa: Bạn có thể tạo ra hàng ngàn tia lửa bằng cách cào miếng đá lửa lên một mảnh thép. Cũng có thể dùng que magiê làm sẵn, và nhen bằng dao đánh lửa. Nó tóe lửa tốt, mong sao sẽ đốt cháy bùi nhùi và cành cây của bạn lên. Tập nhóm lửa từ một tia lửa trước khi bạn thực sự cần là ý rất hay. Bông gòn là vật liệu dễ cháy chỉ với một tia lửa. Những thứ đồ để đánh lửa này là loại vật dụng nhỏ tiện lợi, có thể dùng lâu dài, và được việc ngay cả khi bị ướt (Hình 2.1). Hình 2.1. Dao đánh lửa (© Kate Polley) Diêm: Hãy mua loại chuyên dụng cho sinh tồn hoặc ngâm loại diêm không an toàn9trong sáp nến nóng chảy để chống thấm nước. Bảo quản chúng trong vật chứa chống thấm, hoặc trong túi áo khoác bạn mặc trên người. Diêm không an toàn đầu đỏ vẫn có thể cháy được sau khi hong khô, nhưng diêm an toàn bị ướt là hỏng luôn. Bộ đồ câu: Gồm có lưỡi câu, kẹp chì, côn trùng10 và đoạn dây câu đủ dài. Không chỉ bắt cá, bạn có thể dùng chúng để bắt chim và săn các loài vật khác. Tuy nhiên, chúng không cần thiết lắm khi bạn định đi tới vùng sa mạc; lựa chọn phụ thuộc vào việc có sự cố hoặc bạn phải thực hiện kế hoạch B hay không. Hãy thực hành sử dụng và lắp ghép trước khi bạn thực sự cần tới chúng; dùng một cành cây làm cần, buộc vào đôi ba dây có lưỡi câu, rồi thử câu cá xem thế nào. Thuốc lọc nước: theo tôi, loại có iốt là tốt nhất. Luôn luôn tuân theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và chắc chắn rằng bạn dùng chúng khi vẫn còn hạn sử dụng. Cần lọc nước sạch hết mức có thể trước khi dùng thuốc. Thuốc lọc nước hiệu quả nhất với loại nước không nhìn thấy những vẩn đục (xem chi tiết ở Chương 3) và ngay cả loại dụng cụ lọc tự chế cũng có tác dụng nhất định. Uống nước không đủ sạch sẽ khiến tình trạng của bạn tệ hơn nhiều. La bàn nhỏ: Bắt buộc phải có một chiếc la bàn dự phòng, cũng giống như đồ dự phòng cho những vật dụng hữu ích khác (xem phần Người thật việc thật dưới đây). Hãy để chúng vào bộ dụng cụ và để cả trong quần áo bạn mặc trên người. Áp dụng Khâu một cái la bàn nhỏ cỡ chiếc cúc áo vào bên trong áo khoác, cũng như cất một cái dự phòng vào bộ dụng cụ của bạn. Thuốc giảm đau: Luôn luôn phải mang theo, vì cơn đau có thể làm giảm khả năng suy nghĩ sáng suốt, dẫn tới sai lầm và tai nạn. Kiểm tra hạn sử dụng, và chỉ đưa cho người khác khi biết họ không bị dị ứng với aspirin. Kim băng: Có thể dùng làm lưỡi câu, cố định băng gạc, vá quần áo rách… Loại này có thể giải quyết tình huống nhanh chóng và tiện lợi. Nến: Hãy mang theo dăm ba cây nến (loại thổi không tắt). Chúng là vị cứu tinh trong điều kiện thời tiết nhiều gió và để tiết kiệm diêm. Đây là thứ đầu tiên bạn cần thắp lên sau khi đã tạo ra lửa. Nếu diêm tắt, bạn không cần phí que khác để giữ lửa, vì cây nến sẽ tiếp tục sáng và giữ lửa cho bạn ngay cả giữa trời có gió. Cưa dây: Dùng để cắt những cành cây lớn khi cần làm bè, chỗ trú, bẫy sập… Nó có thể bị rỉ, nên tra mỡ và kiểm tra thường xuyên xem có cần thay thế không. Hãy tập dùng cho quen, vì nó sẽ bị đứt nếu thao tác quá mạnh. Mang theo nhiều hơn một cái. Dùng cưa dây khá tốn sức, nên đừng vội trừ phi cần gấp. Dao mổ: Dùng để lột da và cắt cá hay đồ săn được rất tiện. Loại có tay cầm dễ sử dụng hơn. Hãy mang theo hai ba cái có hình dạng khác nhau. Các cửa hàng đồ thủ công thường có bán, không thì thử vào hiệu thuốc. Dây đồng: Dụng cụ thiết yếu khi làm bẫy thòng lọng và bẫy thú. Phổ biến là loại dây cuộn dạng khung tranh, cuốn lại hàng mét, dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Máy quang báo11 hoặc gương soi: Dùng cho mục đích báo hiệu. Chúng phù hợp hơn với điều kiện nhiều nắng trong không gian rộng, chẳng hạn như ở sa mạc. Có thể không cần thiết khi đi rừng hay lên núi nơi nhiều mây thấp, mang theo một cái nếu bạn còn chỗ chứa. Thuốc tím: Hầu như hiệu thuốc nào cũng có bán. Nó dùng để khử trùng nước bằng cách thêm vào cho tới khi nước ngả màu hồng nhạt. Nếu thêm vào nhiều nữa, nước sẽ chuyển sang màu hồng đậm và được dùng như chất diệt khuẩn. Khi sử dụng số lượng lớn, nhuộm thành màu tím lên mặt tuyết để gây sự chú ý cho đội cứu hộ. Tôi thích những đồ càng đa dụng càng tốt, và đây chính là thứ như vậy. Kim chỉ: Về cơ bản, dùng để sửa quần áo và vật dụng. Sử dụng loại kim có lỗ xâu lớn để luồn được loại chỉ to khi cần khâu ba lô, áo khoác… Mang theo sợi nylon có độ dai bền dùng làm bẫy thòng lọng hay sửa chữa khi cần. Bao cao su: Một chiếc chứa được chừng 1 lít nước, nhưng cầm cẩn thận kẻo vỡ. Cũng có thể dùng làm súng cao su, dây chun hay dây buộc. Vì chúng đã được khử trùng, bạn có thể bọc lên đầu ngón tay và sử dụng cho những tình huống y tế. Theo tôi, nên để những thứ này trong vật chứa như lon kim loại tương đối lớn, nhét thêm bông gòn vào chỗ trống để vật bên trong không bị lúc lắc. Bông gòn còn dùng để nhóm lửa vì nó rất dễ bắt cháy chỉ với một tia lửa. Lon kim loại có thể dùng để đun nước và cái nắp đủ sáng dùng như máy quang báo. Bọc lon lại bằng băng dính. Nếu dùng lon không tiện, hãy thay bằng hộp nhựa đựng thức ăn. Chống nước cho bộ dụng cụ sinh tồn theo cách của bạn. Người thật việc thật Tôi từng có thời gian làm hướng dẫn viên ở Vòng cực Bắc, chủ yếu là đưa mọi người đi tới những nơi hoang vắng phía Bắc Scandinavia. Chúng tôi được trực thăng đưa tới, và sau khi bơm căng chiếc bè cao su, chúng tôi xuôi dòng sông, bập bềnh qua những ghềnh thác trở về thế giới văn minh sau vài tuần. Nhiều người trong đoàn yêu thích quan sát chim chóc, hoặc chỉ đơn giản là khoái đi phượt đôi ba tuần. Trong một chuyến đi như vậy, có ba du khách và tôi. Chúng tôi có tấm bản đồ chất lượng, la bàn hiệu Silva và đủ lương thực cho chuyến trở về, tôi nhớ là dự kiến tầm 10 ngày. Trong vài giờ sau khi hạ cánh và trực thăng rời khỏi tầm nhìn, chúng tôi đã nhận thấy vấn đề. Một số đoạn sông quá cạn để bè có thể nổi được. Sau khi chạy đi trinh sát trước, tôi thấy tình hình chưa có vẻ được cải thiện. Thông tin tôi đã được cung cấp về mực nước và lượng mưa không chính xác. Chúng tôi không có đài, và thời đó điện thoại di động chưa thông dụng. Chúng tôi phải tự thân vận động, và với trách nhiệm của người hướng dẫn viên, tôi phải có giải pháp. Sẽ khó hoàn thành nếu muốn tới điểm tập kết hoặc thị trấn gần nhất trong thời gian dự kiến hoặc trước khi hết lương thực. Tôi phải đưa ra kế hoạch B. Tôi kiểm tra bản đồ và quyết định mang bè và dụng cụ tới con sông khác cách đó vài dặm. Cùng nhau đi theo tuyến đường khác, chúng tôi có thể sẽ trở về điểm tập kết đúng hẹn. Vậy mà, trong hành trình đài và gian nan này, chúng tôi bị mất la bàn. Đây là vùng hoang dã vắng người, không có phương tiện truyền thông và rất ít thức ăn. Chọn sai nhánh sông là rất dễ bị lạc và cạn lương. May thay, tôi còn chiếc la bàn cỡ cúc áo được khâu vào bên trong áo khoác, chiếc áo tôi hiếm khi cởi ra. Chiếc la bàn nhỏ bé song chính xác này giúp chúng tôi đi đúng hướng và đưa cả nhóm về nhà trong khoảng thời gian đã định, trước khi hết đồ ăn. Mất la bàn cực kì nguy hiểm, điều này lẽ ra không được xảy ra. Chúng tôi đã rất mệt, khó chịu và stress. Gần như không còn đủ tỉnh táo do phải mang bè và dụng cụ đi hàng giờ trên địa hình lầy lội, liên tục bị muỗi đốt. Có những tai nạn đã xảy ra. Tôi nên cẩn thận hơn, nhưng đây chính là cách mà tình huống sống còn “chơi ú òa” với bạn. Tuy nhiên, việc có la bàn dự phòng đã tạo nên sự khác biệt, và việc lên kế hoạch trước hàng tháng đã chứng tỏ giá trị của nó. Những vật dụng khác Theo kinh nghiệm của tôi, hai món đồ hữu ích trong tình huống sinh tồn rất khó tự chế đó là con dao sắc và chắc chắn, cùng với một cái nồi. ➤ Dao Hãy nhớ! Bạn cần loại đủ cứng và nặng để cắt và chặt được lớp gỗ dày, rồi kết bè và tạo chỗ trú, cũng như dùng làm giáo săn hay dọn thoáng đường mòn trong rừng. Mấy loại như dao mổ hoặc lưỡi dao trong công cụ đa dụng không làm được những việc này. Rìu, rựa hay dao quắm là lý tưởng nhất. Một số loại dao có tay cầm rỗng để chứa thêm dụng cụ sinh tồn. Tôi e rằng nếu bạn bị mất dao, bạn cũng mất luôn đồ. Dao phải cứng và được đúc đặc dùng cho nhiều nhiệm vụ, do vậy thường nặng và to bản. Những đặc điểm này khiến việc mang theo trở nên khó khăn, đặc biệt khi cần qua vùng đông dân cư. Một con dao Tarzan lắc lư bên hông sẽ thu hút sự chú ý ngoài ý muốn. Ba lô ngày nay có kèm theo dây đai buộc eo, nhưng buộc dao vào đó tạo cảm giác khó chịu và đau khi nó ép vào người bạn. Thực tế, dao to hay rìu nhỏ nên để trong ba lô. Nếu mất ba lô hoặc buộc phải bỏ lại (ví dụ, khi vượt sông hay chạy trốn thú hoang nguy hiểm), bạn sẽ mất luôn dao. Nếu trong dao chứa đồ, bạn mất luôn đồ. Muốn nhét đồ nhỏ trong tay cầm của con dao sinh tồn, hãy đảm bảo rằng bạn không bỏ nó ra và luôn mang theo bên mình. Áp dụng Bên cạnh dao to và bộ dao mổ, nên luôn mang theo dụng cụ đa dụng hiệu Gerber hoặc Leatherman trong túi quần hoặc bên hông. Dao sắc mới có ích, nên mang theo đồng nghĩa với việc cần mài nó. Có nhiều loại đá hay đồ mài, hãy mang theo. Dao cùn vừa nguy hiểm vừa vô dụng. Đừng nghĩ khả năng sinh tồn của bạn phụ thuộc vào những loại dao to khủng bố. Dao tuy là vật hỗ trợ cho sự sinh tồn, nhưng đôi khi đá sắc, mảnh thủy tinh hay miếng thép cũng cắt được một số thứ khi cần. ➤ Nồi Tốt nhất là dùng ca nấu ăn12 quân dụng vì nó còn có thể làm vật chứa thức ăn giàu năng lượng. Khi thiếu chỗ đựng, tôi nhét đầy đồ ăn giàu calo vào chiếc cốc inox nửa lít mang theo. Khó mà đun được nước nếu không có vật chứa bằng kim loại, và thức ăn sinh tồn nên được nấu ở dạng hầm hoặc súp để đảm bảo không bị mất chất dinh dưỡng. Nếu bạn mang cốc lớn hoặc ca nấu ăn trong bao đựng bên hông, bạn có thể để các vật dụng sinh tồn vào bên trong hoặc đổ đầy vào đó thức ăn giàu năng lượng. ➤ Những đồ hữu ích khác Đồ y tế cơ bản: Ngoài băng gạc và băng dính y tế, hãy mang theo thuốc chữa tiêu chảy, đau bụng, giảm đau, sát trùng và thuốc chữa đau răng. Hiệu thuốc nào cũng có. Bác sĩ sẵn sàng cung cấp thuốc kháng sinh và những loại có kê đơn khác. Hãy tự chuẩn bị một bộ cho mình, thay vì sắm một lô gói sẵn. (Xem Chương 11 để biết rõ hơn nên mang theo loại thuốc gì.) Vải bạt: Là công cụ để dựng nơi trú ẩn rất hữu ích và tiết kiệm thời gian. Áo choàng poncho13, vải bạt, túi ngủ hay thậm chí một tấm nilon là đủ. Phụ thuộc vào không gian cho phép. Tôi thường cắm trại với một cậu bạn biết dựng lều chống nước từ 6 cái túi đựng rác. Chúng cuộn lại nhỏ xíu, và anh ấy dùng kết hợp tạo nên chỗ trú mà anh đã dựng từ cây đổ hoặc dựa vào vách đá. Dây dù: Những sợi nhỏ kết thành dây dù có thể rút ra làm dây câu hoặc dùng cho những việc cần loại dây mảnh hơn. Chúng rất bền và hữu ích. Nhiều người dùng làm dây giày, hơ hai đầu trên lửa để tránh bị xổ. Nếu có thể, nên luôn mang theo 1-2 mét dây. Đồng hồ đeo tay có kim giây: Nó có lợi về mặt tâm lý, vì biết ngày giờ sẽ giúp bạn vững tâm trong tình huống hỗn loạn. Nó còn hữu ích khi đo nhịp tim, hay đo thời gian sau khi dùng thuốc lọc nước để biết khi nào uống được. Đồng hồ còn dùng cho mục đích định hướng và cũng ước lượng khoảng cách đã di chuyển (hầu hết chúng ta đi bộ khoảng 6-7 km/giờ). Các hãng Suunto, Casio và Timex đều sản xuất đồng hồ với la bàn, khí áp kế và máy đo độ cao kỹ thuật số. Đây cũng là dạng la bàn dự phòng hữu ích. Đồ lót giữ nhiệt: Quần và áo dài tay hiệu Helly Hansen hoặc tương tự là thứ không gì hoàn hảo hơn. Gấp lại rất gọn và dễ dàng nhét trong túi áo. Chúng giữ ấm, thêm một lớp bảo vệ cho bạn. Chúng còn có đặc tính thấm hút tuyệt vời khi bạn đổ mồ hôi, hơi ẩm sẽ được thoát ra và bạn không bị đông cứng khi gặp lạnh. Chúng đem lại sự ấm áp khi cái rét làm bạn chậm chạp và suy giảm khả năng phán đoán. Giày ủng: Hãy chú trọng đến đôi chân và trang bị đôi giày ủng/bốt chắc chắn. Tôi ưa chất liệu bằng da vì chúng mát hơn khi trời nóng, ấm hơn khi trời rét, nhìn ngầu và bền, cũng như khả năng chống thấm tốt. Để ý và bảo dưỡng đều đặn với kem dưỡng, chất chống thấm nước Nikwax hoặc cách chống thấm khác. Đôi giày này giống như bánh xe của ô tô, nếu quên bạn sẽ chẳng đi đâu được. Thức ăn: Nếu còn chỗ chứa, hãy mang theo thức ăn giàu năng lượng, chúng sẽ giúp bạn vượt qua đợt thiếu lương ngắn hạn. Tôi chuộng hoa quả và hạt sấy khô vì chúng giữ được lâu và không bị chảy nước. Mang theo sôcôla gói kín. Nên nhớ chỉ ăn khi có nước uống vì nước cần cho tiêu hóa, tình trạng mất nước sẽ càng tệ hơn khi ăn đồ khô. Đèn pin: Lý tưởng nhất là một cây Maglite hay loại có nhiều đèn Led, nhưng hãy đảm bảo rằng nó chống thấm nước và ánh sáng đủ mạnh. Kiểm tra thường xuyên thời lượng pin và không để pin chảy. Không quá cần loại đèn cỡ lớn, song có thể dùng để báo hiệu và giúp cho các hoạt động trong chỗ tối dễ dàng hơn. Nếu chật chỗ có thể bỏ lại. Điện thoại di động hoặc điện thoại vệ tinh: Sóng di động gần như được phủ toàn cầu, nên mang theo một cái và pin dự trữ phòng trường hợp khẩn cấp. Nhiều điện thoại thông minh có các ứng dụng hữu ích, cũng như chức năng la bàn kỹ thuật số và GPS. Lưu số của dịch vụ cứu hộ và y tế khẩn cấp trong danh bạ để gọi khi cần. Công cụ cỡ thẻ tín dụng: Trên thị trường bây giờ có một số loại công cụ với kích cỡ chỉ bằng chiếc thẻ tín dụng. Mặc dù với độ dày chỉ tính theo milimét, có cái còn có cả đèn, dao, la bàn, kéo và nhíp bên trong miếng thẻ cỡ cái bánh bích quy. Có thể nhét chúng vào ví rất tiện lợi và dùng như vật dự phòng trong tình huống bất ngờ. Quần áo: Nghe có vẻ thừa, nhưng hãy mặc đồ phù hợp. Mặc nhiều lớp và điều chỉnh theo sự thay đổi của nhiệt độ. Áo khoác có mũ trùm giúp bạn ấm và khô ráo hơn. Quần dài loại mỏng khô nhanh hơn quần bò. Đôi găng tay da giúp bảo vệ bạn khi cầm vật nóng hay sắc và giữ ấm. Khăn quàng cổ, và cần tăng gấp đôi số lượng băng gạc. Ý chính Sinh tồn phần lớn là cần dự đoán và chuẩn bị. Các dụng cụ nên đa năng nhất có thể, và đồ sinh tồn thiết yếu nên luôn ở trên người bạn, không phải trong xe hay ba lô. Điều này có nghĩa là giữ một bộ dụng cụ sinh tồn trong túi nhỏ cài thắt lưng, hoặc nhét vài món quan trọng trong túi áo, túi quần. Nếu buộc phải bỏ lại ba lô vì lý do nào đó, bạn cần giữ lại cho mình một vài dụng cụ. Tài liệu hành trình và tiền bạc nên tránh nước và mồ hôi, và giữ an toàn bằng cách quấn bằng băng gạc quanh chân hoặc túi an toàn đâu đó trên cơ thể. Nhắc lại: Đừng để trong xe hoặc túi xách! ➤ Những nhà cung cấp hữu ích Hãy kiểm tra trong mục rao vặt ở các tạp chí về hoạt động ngoài trời, đề cập tại Phụ lục 4 (Tìm hiểu sâu hơn), dành cho nhà cung cấp địa phương. Bộ dụng cụ sinh tồn bán sẵn, các công cụ cỡ thẻ tín dụng, áo khoác poncho, dây dù và những thứ tương tự có thể mua của một trong số các nhà cung cấp đó. Tiêu điểm * Huấn luyện sinh tồn bao gồm việc học các kỹ thuật sinh tồn và những kỹ năng khác như leo núi, chèo thuyền, định hướng và sơ cứu. * Các khóa học sinh tồn chỉ là một phần của huấn luyện sinh tồn. Sách tham khảo, trang web, đĩa DVD và những đợt thực hành thường xuyên đều là cách tự trang bị cho chính bạn. * Thể lực đem đến cho bạn lợi thế thực sự khi tình huống xấu đi. * Người sinh tồn nghĩ khác và làm khác, đồng thời hiểu biết về các kỹ thuật sinh tồn không thực sự quan trọng bằng việc có thái độ đúng đắn. Bước tiếp theo Giờ đây, khi bạn đã có thái độ đúng đắn và trang bị cho mình công cụ phù hợp, bạn cần tiếp thu những kỹ năng và tri thức để đương đầu với những yếu tố sinh tồn cơ bản như thức ăn và nước uống, lửa và nơi trú ẩn, báo hiệu và định hướng. 3 Nước uống Trong chương này bạn sẽ biết: ➤ Tầm quan trọng của nước uống ➤ Làm thế nào nhận ra và đề phòng bị mất nước ➤ Tìm nước uống như thế nào ➤ Làm gì để nước có thể uống được Nước uống luôn luôn phải là thứ đầu tiên trong tâm trí bạn khi nghĩ về đi đường trường, thám hiểm hay dã ngoại. Tất cả các dạng sự sống nhanh chóng suy yếu và chết đi khi thiếu nước. Mặc dù mất nước chính là yếu tố gây chết người, nhưng thông thường những ảnh hưởng từ sự mất nước như rối trí và dễ bị kích thích, luôn dẫn tới quyết định tệ hại và tai nạn, những điều có thể đe dọa đến tính mạng. Hãy nhớ! Khi lên kế hoạch cho chuyến đi ngoài trời, phải cân nhắc những cơ hội để nạp đầy nước uống dự trữ của bạn. Mang bên mình (theo khả năng) và nhận biết những nơi có thể làm đầy chai và vật chứa nước uống. Ngay cả trong điều kiện khí hậu mát mẻ, bạn vẫn cần 2-3 lít nước mỗi ngày, và còn cần hơn thế nếu hoạt động thể chất. Ngay cả sự mất nước nhẹ cũng có thể làm suy giảm hiệu quả thể chất và tư duy rõ rệt. Các dấu hiệu cảnh báo bị mất nước bao gồm: ➤ Nước tiểu sậm màu ➤ Đau đầu ➤ Dễ bị kích thích ➤ Mệt mỏi ➤ Buồn nôn ➤ Ù tai Tình trạng xấu dần với triệu chứng mê sảng, nói chậm, chóng mặt… cuối cùng là cái chết. Dấu hiệu mất nước ban đầu thường khó nhận biết cho tới khi vấn đề trở nên nghiêm trọng, vì vậy bạn phải uống định kỳ bất kể thấy khát hay chưa. Cơn khát là sự báo hiệu bạn đã uống quá ít nước, nhất là trong điều kiện giá rét và ẩm ướt. Thường thì có đôi có cặp sẽ tốt hơn nếu bạn ở trong một nhóm, để coi sóc lẫn nhau, vì mất nước là một trong số những tình trạng không phải lúc nào bản thân mình cũng tự nhận ra được. Hãy nhớ! Nếu bạn chuẩn bị có một chuyến đi dài, hoặc trong hoàn cảnh bất ngờ, luôn nghĩ: Mình có cần tiết kiệm nước uống không? Ở đâu và khi nào mình có thể lấy thêm nước? Thức ăn rõ ràng không quan trọng bằng nước, ít ra là lúc ban đầu. Giữ nước Nếu nguồn cung nước uống hạn chế, cần lập tức có hành động làm giảm sự mất nước: ➤ Ăn ít hơn, đặc biệt là đồ béo, vì nước cần cho quá trình tiêu hóa. ➤ Không hút thuốc và hạn chế uống cà phê hay rượu. ➤ Ngừng nói chuyện và chỉ thở bằng mũi. Mỗi lần bạn mở miệng sẽ bị thoát hơi nước. ➤ Giảm sự khó chịu bằng cách ngậm viên sỏi hoặc chiếc cúc áo để giữ ẩm cho miệng và cổ họng. ➤ Giữ mát bằng cách làm ướt quần áo với loại nước không uống được như nước biển, thậm chí là nước tiểu. ➤ Tránh hoạt động thể chất vào những thời điểm nóng nhất trong ngày. ➤ Mặc quần áo rộng thoáng và che kín những phần da hở để giảm mất nước do bốc hơi qua da. ➤ Tránh nắng và nóng nếu có thể, và đừng nằm hay ngồi trên bề mặt nóng. Người thật việc thật Tầm quan trọng khủng khiếp của nước uống được minh chứng trong cuộc đua maratông khắc nghiệt năm 1994 cuộc thi nổi tiếng Marathon des Sables ở sa mạc Sahara, thuộc Ma rốc. Sự kiện bảy ngày này đòi hỏi các vận động viên vượt 145 dặm xuyên qua sa mạc cát nóng bỏng, họ phải tự lo các công cụ và nhu yếu phẩm. Trong số những người tham gia có cảnh sát Mauro Prosperi, 19 tuổi, người Ý. Anh đã gặp phải bão cát và lạc đường. Prosperi nhận ra mình bị tách khỏi những bạn đua khác, và đường đi đã bị bão cát xóa mờ. Không thể xác định được mục tiêu, anh chạy bừa mà không biết mình đi hoàn toàn sai hướng. Trong mấy ngày, đồ tiếp tế của anh cạn sạch và không còn một giọt nước uống. Anh tìm thấy một nhà thờ Hồi giáo bỏ hoang và trú tạm. Bị mất nước nghiêm trọng, anh cố bắt được hai con dơi, bẻ cổ chúng và uống tất cả số máu có thể, cố gắng nạp chút chất lỏng vào người. Sau đó, anh chộp được một con rắn, rồi thậm chí phải uống nước tiểu của chính mình. Lúc tuyệt vọng nhất, anh vạch câu giã từ lên tường và thử rạch cổ tay bằng con dao đa dụng. Tuy nhiên, anh bị mất nước tới mức máu đặc quánh không thể chảy ra nổi, nên việc tự kết liễu đời mình cũng thất bại. Vì lý do nào đó, Prosperi quyết định rời nhà thờ và trở lại chốn sa mạc không hề khoan nhượng kia. Chính hành động có vẻ điên rồ này đã cứu anh, vì anh gặp được vài dân du mục, họ cho anh nước uống và chăm sóc khẩn cấp, sau đó đưa anh trở về đơn vị tổ chức cuộc đua an toàn. Prosperi sống sót qua thử thách bằng cách uống chất lỏng từ động vật, điều mà đa số không ai tính tới. Nó đã đem lại cho anh thời gian giá trị và giúp anh cầm cự cho tới khi được cứu. Tìm nguồn nước Người Trung Quốc có câu “Kẻ thông thái đào giếng trước khi khát”. Trước khi bạn quá yếu hay mê sảng, bạn phải tìm được đủ nước uống. Khi nghĩ tới Thung lũng Chết ở California, nơi nhiệt độ thường vào khoảng 50°C và bề mặt trên 93°C, rõ ràng bạn cần hành động càng sớm càng tốt trong môi trường tiêu hao sinh mệnh này. Cần nhấn mạnh rằng, bạn phải áp dụng cùng lúc vài cách lấy nước khác nhau để đảm bảo thu được đủ nước uống. Đừng chỉ dựa vào một cách. Khi thấy rõ không có sông hay hồ, bạn phải tìm kiếm các dấu hiệu nhận biết nguồn nước, như: ➤ Ong, kiến và ruồi những loài sống gần nơi có nước. ➤ Chim và động vật có vú ăn cỏ hay hạt. Lần theo dấu vết di chuyển của chúng xem bạn có thể tìm ra khởi nguồn không. Chú ý loài ăn thịt là dấu hiệu tệ về nguồn nước vì chúng hấp thu chất lỏng từ máu động vật bị săn. ➤ Những cụm cỏ thường cho biết nền đất ướt hơn, có thể hơi lầy lội. ➤ Thảm thực vật đa dạng gồm vài loài khác nhau là dấu hiệu rằng bên dưới có nước. Ngoài ra, lưu ý vị trí đất và đào phía bên ngoài đường cong14 của lòng sông khô cạn, hay đáy thung lũng, nơi có vẻ như nước bị hút vào một cách tự nhiên. Hãy quan tâm tới tình trạng mồ hôi bạn đổ ra khi đào lấy nước, vì bạn không nên làm tình trạng sức khỏe của mình tệ hơn bởi ảnh hưởng của mất nước. Thao tác chậm rãi nhưng ổn định, nên làm vào khoảng thời gian mát mẻ nhất trong ngày. Hãy nhớ! Khi lấy nước uống từ sông suối, luôn cố gắng lấy ở khoảng giữa, vì nước vùng trung tâm chảy nhanh nhất, do đó sạch nhất, cẩn thận với chỗ nước đọng tĩnh lặng, đặc biệt nếu thiếu thực vật và bốc mùi khó chịu: có khả năng nước bị ô nhiễm. Tôi từng thấy cả vùng hồ gần làng mạc ở Trung Mỹ bị cảnh sát cấm chỉ do nhiễm khuẩn dịch tả. Loại vi khuẩn này có thể sống tự nhiên ở bất kỳ môi trường nào, song thường gắn với những nơi vệ sinh kém. Vì thế, nguồn nước gần làng mạc và khu định cư tại các nước đang phát triển cần được chú ý cẩn thận. Hãy đề phòng những nguồn nước nhiễm độc hóa học. Trình tự xử lý chất thải đúng cách không phải lúc nào cũng được tuân thủ, nông dân và các nhà máy đôi khi là đối tượng gây ô nhiễm cho đất đai và nguồn nước. Nếu bạn trông thấy chim và thú uống nước từ một nguồn hoặc thấy nhiều dấu chân dẫn tới đó, dấu hiệu cho biết nguồn nước của chúng có khả năng đủ an toàn. Tuy nhiên, khi cây mọc thưa thớt bên bờ, nước có màu hoặc mùi lạ, và không có dấu chân thú trên lớp bùn nông, có lẽ không uống thì an toàn hơn. Hứng nước mưa khi có thể, thậm chí để quần áo thấm đẫm nước, và vắt kiệt lấy trước khi chúng khô tự nhiên. Cỏ và đất ướt có thể dùng vải thấm lấy nước và vắt vào vật chứa. Đào một giếng nước dọc theo vùng bờ biển, cách mức thủy triều cao nhất tối thiểu một trăm mét. Nước có thể có vị lờ lợ, nhưng uống được. Nếu cần, bạn lọc nước biển bằng cách đun sôi và đậy nắp nồi bằng tấm vải để hứng lấy hơi nước. Vắt tấm vải đều đặn là bạn thu được lượng nước ngọt. Ở vùng tuyết phủ, tránh ăn tuyết vì nó càng khiến bạn nhanh mất nước. Thay vào đó, nắm tuyết lại thành quả cầu tuyết và mút lấy nước. Ý chính Thu thập nước uống là việc cần thời gian và công sức, lại thường chỉ đem lại chút chất lỏng ít ỏi. Do đó, bạn phải bắt đầu tìm nguồn nước trước khi bị mất nước và dự trữ bằng nhiều cách nhất có thể. Nước từ cây cối Rễ cây hút nước từ đất và dẫn tới toàn bộ cây. May cho bạn, có thể “chôm” loại chất lỏng này nhờ sự ngưng tụ. Áp dụng Bọc phần cây nhiều lá bằng túi (nên có màu đen). Bịt kín túi bằng cách buộc chặt hoặc dùng băng dính, và giữ một lúc. Nước được ngưng tụ trong túi có thể uống được, cẩn thận cởi túi ra và uống chất lỏng bên trong. Túi càng to và số túi càng nhiều, lượng nước thu được càng lớn. Một số loại như xương rồng hình cầu hay trái dừa rất giàu chất lỏng uống được, song tuyệt đối tránh chất nhựa màu trắng đục. Ta có thể cắt dây leo trong rừng và uống ngay chất lỏng rỏ xuống. Rung lắc cây tre to và lắng nghe xem có nước kẹt bên trong không, rồi chọc lỗ nhỏ ở từng đốt cây để lấy nước. Hoa quả và rau thì hiển nhiên là rất nhiều nước, bởi vậy nên ăn nếu tìm được. Nhưng chớ ăn quá nhiều, nhất là khi chưa chín, vì điều này có thể gây ra tiêu chảy, dẫn tới mất nước. Dụng cụ lọc nước nhờ ánh nắng Món đồ nổi tiếng này (xem “Áp dụng” bên dưới và Hình 3.1) có thể dùng để thu thập nước ở hầu hết mọi nơi nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu có một miếng vải nhựa trong, khoảng 2-3 mét vuông. Cũng như bọc cây bằng túi đã mô tả bên trên, bạn sử dụng với quy mô càng lớn càng thu được nhiều nước uống. Đừng trông đợi nguồn nước duy nhất bằng cách này, vì nó sản xuất ra nước dạng nhỏ giọt và phải thật lâu mới nhỏ được một giọt. Tuy nhiên, đấy là một phương pháp mà ta có thể đặt sẵn trong khi tiếp tục đi tìm nước ở nơi khác (Xem hình 3.1). Áp dụng Đào hố sâu khoảng 30cm, đường kính 1m. Đặt vật chứa nước bên dưới. Trải tấm nhựa lên mặt hố, đặt hòn đá hoặc vật nặng ở giữa để chỗ trũng nhất ngay bên trên vật chứa. Cố định cạnh tấm nhựa bằng đất và đá sao cho kín nhất có thể. Nước sẽ được tích tụ vào bên dưới tấm nhựa và rỏ xuống vật chứa. Để tăng năng suất, bạn có thể cho nước tiểu hoặc thực vật xuống dưới hố trước khi niêm phong miệng nó. Sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có một ống phễu dẫn vào vật chứa để đỡ phải đào tất cả lên khi lấy nước. Hình 3.1 Lọc nước nhờ ánh nắng (© Kate Polley) Lọc nước Bạn cần thực hiện việc này khi nước lấy ở sông hoặc các nơi chứa nước khác. Nếu nước lấy từ dụng cụ lọc nước nhờ ánh nắng, cây cỏ hay tuyết, thì không cần phải lọc. Sự chuẩn bị chu đáo cũng giúp ích khá nhiều. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều đồ lọc tiện dụng dễ mang theo. Ống hút lọc nước có thể dùng để uống trực tiếp từ nguồn. Hãy mua vài cái và luôn mang theo, sự sống của bạn phụ thuộc vào nó. Viên thuốc lọc nước là loại dễ mang, dễ sử dụng. Nó sẽ hiệu quả hơn nếu bỏ vào nước tương đối trong. Vì vậy, để nước đục lắng xuống và gạn phần trên sang vật chứa khác. Loại có iốt hay hơn vì chất này có thể diệt hầu hết các côn trùng rất nhỏ có hại. Luôn mang theo vài viên và tuân theo chỉ dẫn. Chú ý, một số loại cần chờ thời gian nhất định để nước đủ sạch mới được uống. Nếu những thứ trên đây không có sẵn, bạn vẫn có thể tự chế ra “máy lọc nước”. Lồng một chiếc tất vào trong một chiếc khác, hoặc lồng ống quần này vào ống quần kia rồi buộc túm bên dưới để tạo thành hình ống. Thả những viên than củi (không phải tro) xuống dưới. Cách khác, kết hợp cho thêm cát sạch. Đổ nước bẩn vào lọc đi lọc lại vài lần, sau đó đun sôi ít nhất năm lần. Phương pháp này không đảm bảo diệt khuẩn 100%, nhưng cũng đỡ hơn. Giếng Anh điêng Nếu không tìm thấy suối hay nguồn nước đủ sâu, nhưng nền đất có vẻ ướt và bão hòa, bạn có thể dùng “giếng Anh điêng” để lấy nước từ trong đất. Tìm chỗ trũng hoặc thấp và đào hố sâu nửa mét, rộng nửa mét. Ban đầu, nước rỉ vào còn bẩn (bạn vẫn có thể lọc và dùng), nhưng sau khi nhẹ nhàng múc ra, nước sẽ dần dần trong hơn. Thậm chí bạn sẽ có nước sạch. Tôi vẫn khuyến cáo, đun lên trước khi uống. Nước từ động vật Nhiều dân bản địa uống máu động vật như một loại chất dinh dưỡng, đồng thời bù nước, đặc biệt ở vùng sa mạc và xavan. Dân chăn gia súc ở một số nước đang phát triển thường chọc cổ bò để uống máu. Nhãn cầu cũng chứa chất lỏng uống được, và những người bị đắm tàu hoặc trôi dạt trên bè cứu sinh thường hút mắt cá như một cách sinh tồn. Nếu bạn bị mất nước, đừng chỉ nghĩ tới nước, hãy nghĩ về tất cả các loại chất lỏng an toàn từ cây cỏ, đất hay động vật. Bù nước Chú ý, đừng tu ừng ực khi bạn cần bù nước, vì việc này sẽ gây ra nôn mửa và làm tình trạng mất nước tệ thêm. Thay vào đó, hãy hớp từng ngụm nhỏ. Việc hấp thụ nước và sức khỏe của bạn được cải thiện nếu thêm nhúm muối và đôi thìa đường vào mỗi cốc nước bạn uống. Kiểm tra màu nước tiểu xem bạn đã nạp đủ chất lỏng chưa, nó càng nhạt chứng tỏ bạn càng đủ nước. Cứ từ từ bù nước cho mình, quá trình hồi phục của bạn sẽ dễ chịu hơn, và bạn cảm thấy khỏe hơn gần như tức thì. Tiêu điểm * Khi đi ra ngoài, luôn lên kế hoạch sao cho chai lọ và vật chứa nước có thể được đổ đầy ở những nơi xác định. * Kiểm tra những dấu hiệu mất nước của bạn và người xung quanh. * Cố gắng làm chậm sự mất nước nhất có thể và giữ gìn lượng chất lỏng trong cơ thể. * Chim, thú và côn trùng là dấu hiệu tốt cho biết có nguồn nước gần đó. * Nước có chất lượng có thể lấy từ cây và đất. * Nước cần được lọc và khử trùng trước khi uống. Bước tiếp theo Một kỹ năng thiết yếu khác của người sinh tồn ngoài trời là biết cách nhóm và tạo ra lửa. Việc này thường gặp phải trong điều kiện khó khăn, có thể ẩm ướt, và thường ở trong tình huống sinh tồn. Công dụng của lửa vượt xa việc giữ ấm, biết cách tạo lửa sẽ tăng cơ hội sống sót của bạn hơn rất nhiều. 4 Lửa Trong chương này bạn sẽ biết: ➤ Về công dụng của lửa ➤ Cách tạo ra ngọn lửa ➤ Các công cụ nhóm lửa ➤ Cách đốt lửa trong điều kiện ẩm ướt Lửa không phải lúc nào cũng cần cho sự sinh tồn, nhưng cực kỳ hữu ích vì một số nguyên do. Có vô vàn tình huống được cải thiện nhờ ngọn lửa, và người sinh tồn cần phải thấu hiểu các ích lợi này để tạo lửa trong những điều kiện khác nhau. Lửa có thể dùng để: ➤ Đun sôi và khử trùng nước, nếu không sẽ nguy hiểm ➤ Nấu chín thức ăn, tránh khả năng độc hại hoặc hư hỏng ➤ Mang lại sự ấm áp, và có lẽ là chống bị hạ thân nhiệt ➤ Hong khô quần áo và giày ủng bị ướt ➤ Tín hiệu cầu cứu ➤ Bảo vệ, chống lại thú vật và côn trùng ➤ Lấy lại tinh thần Chuẩn bị đốt lửa Chọn một vị trí phù hợp. Dọn dẹp tất cả những thứ có thể bắt cháy không mong muốn (ví dụ như lá hay cỏ khô) trên mặt đất và vùng xung quanh. Đồng thời, đào một hố nông hoặc dựng vòng tường thấp xung quanh bằng đá hoặc khúc cây to. Chúng ngăn lửa lan ra ngoài tầm kiểm soát và cản gió thổi tạt hoặc quạt lửa khi không cần thiết. Hãy nhớ! Thu gom tất cả vật liệu cháy bạn cần trước khi nhóm lửa. Tôi đã thấy rất nhiều người đốt bùi nhùi và que đóm cháy hết sạch trong khi vẫn hối hả chạy quanh tìm thêm củi. Hãy tập hợp tất cả củi và vật liệu cần thiết trước khi nghĩ tới chuyện đốt bất cứ thứ gì. Trước tiên, bạn cần bùi nhùi que đóm, mùn cưa, giấy, vải, vỏ cây, bông gòn, cỏ khô… Những vật liệu phải thực sự khô, điều này rất quan trọng vì nó là thứ để tia lửa hoặc cú quẹt diêm đầu tiên nhen bùng lên ngọn lửa. Theo tôi, tốt nhất là lượm lặt bùi nhùi bắt gặp trong ngày, rồi cất vào túi tới khi cần dùng. Cách này giữ chúng được khô khi ta cần đốt lửa, việc tìm được bùi nhùi khô ngay lúc đó có thể sẽ khó. Nếu không dễ tìm bùi nhùi phù hợp, tự tạo ra bằng cách dùng dao sắc gọt các mảnh bào thật mỏng, giống như bạn gọt bút chì. Chúng rất dễ cháy và cung cấp đủ nhiệt để bắt cháy vật liệu khác. Sau đó, bạn cần que đóm: những que củi lớn hơn một chút, tầm cái bút chì hoặc chẻ đôi cho dễ cháy. Nhắc lại, chắc chắn bạn có đủ một lượng nhất định trước khi nhóm lửa. Cuối cùng, chuẩn bị củi cỡ lớn hơn để thêm vào bất kỳ thứ que củi to bằng cỡ ngón tay cho tới những cành cây to hơn. Buộc củi hoặc vật liệu khác thành bó để sẵn sàng bỏ vào ngọn lửa. Chớ nhen bùi nhùi rồi mới khua khoắng cố tìm thứ gì đó để đốt. Bạn không muốn để phí hết bùi nhùi và que đóm vì thiếu củi chứ? Đừng phí phạm một que diêm hay tia lửa nào. Hãy nhớ! Khi lửa đã bén, thổi nhẹ vào phần gốc nếu nó bắt đầu lụi bớt. Hành động này cung cấp thêm ôxy để tăng nhiệt độ nhằm đốt những thứ chưa bắt lửa. Tiếp tục quạt hoặc thổi, ban đầu thổi nhẹ để đảm bảo ngọn lửa nóng lên và bắt đầu bén vào củi. Nhóm lửa Bùi nhùi có thể được nhen bằng những cách sau đây: ➤ Diêm: Mang theo loại chống thấm nước chế tạo đặc biệt cho sinh tồn, chúng cũng giữ lửa được lâu hơn. ➤ Bật lửa: Loại dùng nhiên liệu lỏng nhanh khô, còn bật lửa ga dễ bị bay hơi. Bạn có thể chẳng còn gì ngoài một tia lửa. ➤ Đồ đánh lửa thép/đá lửa: Chúng tạo ra hàng ngàn tia lửa chất lượng ngay cả khi bị ướt. Áp dụng Thực tập nhen nhiều loại bùi nhùi bằng đồ nhóm lửa. Thử với các loại bùi nhùi khác nhau, và biết cách xếp đặt một lớp vỏ bạch dương sao cho chúng bùng lên chỉ với một tia lửa. ➤ Kính lúp: Nó hữu ích trong điều kiện trời nắng và bùi nhùi rất khô. Thấu kính máy ảnh, chai thủy tinh và ống nhòm có thể dùng để tập trung nhiệt từ mặt trời làm bùng lên ngọn lửa. ➤ Pin điện: Nối một dây tới mỗi điện cực và chạm hai đầu còn lại giữa một miếng len sợi hoặc bùi nhùi của bạn. Tuy nhiên, bạn sẽ cần điện thế mạnh hơn pin loại AA. Pin 9V cỡ nhỏ hoặc ắc quy ô tô thường đánh lửa tốt. ➤ Ma sát: Có hiệu quả, song bạn cần chọn đúng loại vật liệu và đúng kỹ thuật (xem “Áp dụng” bên dưới). Tập luyện thuần thục trước khi bạn thực sự cần tới; tình huống sinh tồn thực sự không phải nơi để bạn thử một kỹ thuật bạn chưa từng tập luyện bao giờ. Về bản chất, nó hoạt động bằng cách chà sát củi khô vào nhau với tốc độ nhanh và mạnh tạo ra than hồng và bạn có thể nhóm lửa bằng bùi nhùi. Bạn cần một cây cung, một mũi khoan và một cái đế. Áp dụng Chế tạo cây cung dài 1m, buộc dây chắc chắn giữa hai đầu. Chặt một que thẳng (cái khoan) 30cm và gọt hơi nhọn một đầu. Sau đó bạn cần cái đế là tấm gỗ phẳng với lỗ thủng ở gần mép, đường kính khoảng 1cm. Cắt một rãnh chữ V từ cạnh ngoài tới lỗ để thu nhận than hồng (hi vọng thế) mà bạn sẽ tạo ra. Sau đó, đặt mũi khoan vào lỗ, buộc dây lên thân khoan và di chuyển cây cung sao cho mũi khoan quay khi bạn đẩy đi đẩy lại cây cung (Xem hình 4.1). Tốt hơn nữa là bạn ép cái khoan xuống bằng cách đặt tấm chắn bằng gỗ cứng lên đầu trên để quay chắc chắn và giữ áp lực nén xuống. Khi nhiệt độ ở lỗ tăng, khói bắt đầu bốc lên và bụi than văng ra, khẽ thổi nhẹ để lửa bén sang bùi nhùi. Thử nghiệm phương pháp này và làm nhiều lần trước khi bạn cần trông cậy vào nó. Tôi đã chứng kiến nhiều người nhóm lửa theo cách này khá nhàn nhã, nhưng nó đòi hỏi tập luyện nghiêm túc. Nếu không còn cách nhóm lửa nào khác, nó đáng để thử. Hình 4.1. Khoan tạo lửa (© Kate Polley) Bạn cũng có thể nhen bùi nhùi bằng các loại hóa chất, súng đạn, pháo sáng và chất nổ. Tuy nhiên, những đồ này khó có sẵn trong tình huống sinh tồn, và tôi khuyên bạn nên học cách nhen bùi nhùi bằng các phương pháp chính bên trên, để việc mất bao diêm hay bật lửa không có nghĩa là bạn không thể nhóm lửa được. Hãy nhớ! Thực tập nhóm lửa trong nhiều điều kiện và với nhiều vật liệu khác nhau. Trở thành chuyên gia nhóm lửa để bạn có thể thực hiện việc này dễ dàng và như bản năng. Đây là một trong số những kỹ năng cơ bản chủ yếu, là thứ bạn cần thành thạo. Người thật việc thật Trong một chuyến thám hiểm bằng xuồng ở vùng hoang vu phía bắc Thụy Điển, trời bắt đầu mưa nặng hạt. Mặc dù chúng tôi đã che chắn, nhưng tất cả đều bị ướt và lạnh chỉ trong vài phút. Điểm dừng chân tiếp theo trong ngày vẫn cách xa mấy giờ hành trình, và địa hình như thể lãnh nguyên15 không có cây thân gỗ nào để trú cơn mưa dai dẳng. Chúng tôi khổ sở khua mái chèo. Sau vài giờ chậm tiến độ và thân nhiệt hạ xuống mức nguy hiểm, chúng tôi gặp được một cụm cây bạch dương. Là trưởng nhóm, tôi quyết định lên bờ, đốt lửa bằng gỗ cây để sưởi ấm. Tôi dọn khoảng đất một mét vuông và xếp một lớp củi bên dưới. Việc này để đảm bảo lửa chỉ nằm phía trên lớp củi chứ không chạm trực tiếp lên mặt đất ẩm ướt lầy lội. Sau đó, tôi thu gom nhiều cành bạch dương lại. Tôi chẻ cành cây ra làm lộ phần lõi khô bên trong, tước bỏ lớp vỏ ướt bên ngoài. Tôi đặt tất cả củi xuống một tấm vải lều, thứ tôi mau chóng lấy ra phục vụ mục đích này. Tôi bào vỏ cây thành từng miếng mỏng và gói chúng vào trong những tờ giấy ăn mang theo. Đây sẽ là bùi nhùi, và tôi tạo ra thật nhiều vỏ bào như thế. Tới lượt các que đóm, tôi xẻ những cành lớn và róc ra những phần gỗ khô bên trong. Tôi chẻ chúng thành que mảnh và đảm bảo rằng mình có đủ lượng cần dùng. Khi cháy, chúng sẽ cung cấp nhiệt cần thiết để hong khô và đốt cháy những khúc củi lớn hơn đặt bên trên. Lớp tiếp theo là những cành cây cỡ từ ngón tay tới cánh tay, tôi bửa ra để lộ phần bên trong khô hơn. Ban đầu, tôi che chắn bằng tấm bạt phủ lều để nhóm lửa. Khi bùi nhùi và que đóm bắt lửa, tôi sẽ bỏ bạt ra vì ngọn lửa đã đủ mạnh để không bị mưa dập tắt, đồng thời tôi không thể để hư hỏng tấm bạt. Khi bùi nhùi bén, tôi quỳ xuống thật gần đụn lửa, bụm miệng thổi khẽ vào đó, tiếp thêm oxy cho ngọn lửa còn yếu ớt. Ngọn lửa ban đầu tỏa ra rất nhiều khói vì củi vẫn còn ẩm. Khi lửa mạnh lên, tôi vẫn thổi và quạt, cũng như thêm củi đều tay. Cuối cùng thì lửa cũng bùng cháy lên, và may sao cơn mưa đã giảm. Cả nhóm vừa lạnh vừa ướt quây quần xung quanh để sưởi ấm và hong khô. Nước được đun lên, rồi húp xì xụp thức uống và súp đóng hộp nóng hổi. Nhiệt độ bên trong cơ thể tăng lên cũng như tinh thần thêm hăng hái. Biết cách đốt lửa trong trường hợp này đã ngăn ngừa được mối nguy bị hạ thân nhiệt. Vật liệu tạo lửa Hãy nhớ! Những mảnh vỏ cây bạch dương rất dễ cháy ngay cả khi bị ẩm, vì thế đó là lựa chọn tuyệt vời thay cho bùi nhùi và que đóm. Cố gắng thu gom dự trữ mỗi khi bạn trông thấy để khi cần dùng đến. Bông gòn hoặc loại vật liệu tương tự có thể bắt lửa chỉ với tia lửa đánh lên, nên mang theo sẽ có ích. Bạn cũng có thể dùng những mẩu bông hay băng y tế nếu có sẵn và không còn cách nào khác. Tôi cũng thấy nên mang một hoặc vài cục nhiên liệu rắn như Hexamine16 hay cục Zip17, chúng dễ cháy và giúp bạn dễ xoay xở hơn khi không còn cách nào khác. Nên mang theo một hai cục trong túi chống thấm cùng với bùi nhùi của bạn. Loại nến thổi không tắt rất hữu dụng. Chúng sẽ giúp tiết kiệm diêm quẹt và sức lực, lại tiện mang theo trong lon sinh tồn. Đôi khi tôi để đồ nhóm lửa vào trong bao thuốc lá kim loại, tách hẳn khỏi bộ dụng cụ sinh tồn. Trong đó có vài cục Hexamine hay Zip, một cặp nến, vài que diêm không an toàn và đồ đánh lửa cỡ nhỏ, tất cả được chèn chặt bằng bông gòn. Những công cụ này giúp việc nhóm lửa dễ dàng hơn trong tình huống khó khăn, có thể là khi bạn kiệt sức và có quá ít bùi nhùi. Hãy nhớ! Như minh họa trong phần “Người thật việc thật” củi ướt hay ẩm vẫn cháy được nếu chẻ ra để lộ phần lõi khô bên trong. Chỉ cần dùng rìu, hoặc dao sắc, chẻ phần gỗ khô bên trong thành các que củi để tiếp sức cho ngọn lửa đang cháy. Phần củi ướt bên ngoài đặt xung quanh ngọn lửa, chúng sẽ dần được hong khô. Khi ngọn lửa đã cháy mạnh, đẩy củi ướt vào gần lửa hơn. Đến khi nó bắt lửa, hãy thay cây củi cần hong khác. Những cụm khói trắng bốc lên mù mịt, song lại đuổi được lũ phiền toái muỗi và côn trùng có cánh khác. Phân động vật khô là chất đốt phổ biến ở nhiều vùng trên thế giới, nhất là những nơi khó kiếm được củi. Chúng được giẫm bẹp thành dạng đĩa và phơi khô, phân lạc đà, bò và ngựa cháy tốt, giúp cho dân du mục sa mạc và nhiều người sống sót cũng như ấm áp từ hàng trăm năm nay. Mỗi loại củi có kiểu cháy khác nhau (ví dụ, gỗ sồi cháy nóng và chậm hơn gỗ thông), nhưng trong tình huống sinh tồn, bạn không muốn tốn thời gian và năng lượng đi tìm một loại củi cụ thể, và thường thì tốt hơn hết hãy dùng cái gì ở gần mình nhất. Ngoài ra, ngọn lửa với hình dạng và tốc độ cháy khác nhau có thể dùng cho những mục đích khác nhau. Ví dụ, lửa hình kim tự tháp cháy nhanh và mạnh hơn lửa thẳng đều, bạn cần kiểu lửa đó cho tình huống sinh tồn khi đòi hỏi thời gian gấp và tiết kiệm năng lượng, loại thẳng đều phù hợp hơn cho việc xếp cân nồi niêu để nấu ăn. Tiêu điểm * Lửa có nhiều công dụng trong hoàn cảnh sinh tồn chứ không chỉ cần khi nấu nướng. * Luôn chuẩn bị sẵn thật nhiều bùi nhùi, que đóm và củi trước khi định đốt bất cứ thứ gì. * Thực tập đốt lửa bằng đồ đánh lửa. * Tập nhóm lửa trong mưa, hoặc ít ra với củi ướt trong điều kiện ẩm ướt. * Nhận biết thứ gì có thể làm bùi nhùi tốt và cách đốt chúng. Bước tiếp theo Giờ đây bạn đã hiểu và đạt được kỹ năng cần thiết để tìm và lọc nước, rồi làm sao để đốt lửa. Bây giờ là lúc nghĩ về việc dựng một nơi trú ẩn. Cũng như tất cả các kỹ năng trong cuốn sách này, luyện tập chúng trước khi bạn rơi vào tình huống sinh tồn nguy hiểm đến tính mạng, hãy đảm bảo bạn đã thực hành chứ không chỉ học lý thuyết. 5 Dựng nơi trú ẩn Trong chương này bạn sẽ biết: ➤ Ích lợi của việc có nơi trú ẩn ➤ Dựng nơi trú ẩn như thế nào ➤ Những yếu tố cần cân nhắc khi dựng nơi trú ẩn ➤ Cách chọn vị trí tốt nhất cho nơi trú ẩn Nơi trú ẩn cũng đem lại nhiều lợi ích tương tự như ngọn lửa, có điều những lợi ích này lại không dễ được nhận ra. Ví dụ, một nơi trú ẩn có thể: ➤ Bảo vệ khỏi thời tiết khắc nghiệt như nóng nực, mưa, tuyết rơi hay giá rét ➤ Bảo vệ chống lại thú vật và côn trùng (không trông đợi) ➤ Nâng cao tinh thần Không một nhà thám hiểm vùng cực nào sống sót được lâu mà không biết rút về một căn lều, tách khỏi nhiệt độ dưới 0 và những cơn gió làm mất nhiệt. Kẻ lữ hành trên sa mạc cũng phải tránh những điều kiện khắc nghiệt họ cần che chắn khỏi ánh mặt trời thiêu đốt ban ngày và nhiệt độ rét cóng ban đêm. Nơi trú ẩn không chỉ khiến bạn dễ chịu hơn, nó còn có thể cứu mạng bạn. Một nơi trú ẩn sẽ giúp bạn sống sót và tránh khỏi những thứ gây hại cho tới khi đội cứu hộ đến. Nó có thể giúp bạn dự trữ năng lượng và nước uống cho tới khi hết thời tiết bất lợi và bạn có thể tiếp tục cuộc hành trình tới nơi an toàn. Tất cả những người ham hoạt động ngoài trời phải biết kiến thức cơ bản về cách dựng nơi trú ẩn. Kỹ năng sinh tồn chính là bảo hiểm của bạn khi rủi ro xảy đến, và là kỹ năng giúp bạn sống sót khi thảm họa ập tới. Ý chính Điều quan trọng là bạn hiểu ích lợi của một nơi trú ẩn. Bạn cần dựng một chỗ trước khi trạng thái của bạn hoặc tình hình tệ thêm, và bạn hết năng lượng. Trong tình huống sinh tồn thực sự, hãy tạo nơi trú ẩn với ít công sức bỏ ra nhất có thể. Hãy tiết kiệm năng lượng của mình. Nếu thức ăn và nước uống dự trữ có hạn, bạn không nên bỏ ra quá nhiều sức lực để xây nên căn chòi công phu, khiến bạn kiệt sức và mất nước, và có lẽ gần với cái chết hơn lúc ban đầu. Trừ phi thức ăn và nước uống đang dư dả, luôn nghĩ tới việc tiết kiệm năng lượng và nước uống. Người thật việc thật Năm 1991, một phượt thủ 22 tuổi, tên là James Scott quyết định khám phá vùng chân núi Himalaya. Dãy Himalaya, đặc biệt là vùng chạy qua Nepal, mỗi năm thu hút hàng ngàn người muốn tới phượt và leo lên những ngọn núi hùng vĩ và tráng lệ này. Do thời tiết xấu, Scott đã mất dấu con đường mòn anh đang bám theo. Một trận bão tuyết đã chôn vùi nó hoàn toàn. Scott quay lại, hi vọng anh có thể lần ra dấu chân của mình, để dẫn tới con sông nhỏ anh đã đi qua, lần theo tới ngôi làng gần đó. Mặc dù tìm thấy con sông, nhưng nó lại dẫn tới một thác nước dốc đứng, và anh không thể tới ngôi làng. Scott náu mình khỏi điều kiện thời tiết khắc nghiệt bằng cách qua đêm dưới một mỏm đá nhô ra. Đây không phải lán trại lý tưởng cho ban đêm, nhưng nó giúp anh ấm hơn một chút. Ngày hôm sau, anh cố gắng thúc mình đi tới ngôi làng trong bản đồ, nhưng anh đã không đến được. Anh bị lạnh và ướt, không còn nước uống, và lương thực duy nhất là mấy thanh sôcôla. Anh quay trở lại nơi trú ẩn. Nó che chắn cho anh không bị ướt thêm, giúp quần áo anh từ từ khô dần. Anh mút những quả cầu tuyết để tiếp nước và giữ cho cơ thể đủ nước. Thức ăn là vô cùng cần thiết, nhưng có nơi trú ẩn là năng lượng cần để giữ ấm và tăng khả năng sống sót. Scott đã sống sót qua 41 ngày, cuối cùng anh được trực thăng phát hiện và đưa tới nơi an toàn. Nếu không có được nơi trú ẩn nào, chắc Scott đã bị hạ thân nhiệt vì lạnh, ướt và kiệt sức. Chắc anh đã không còn trên đời. Một nơi trú ẩn - kể cả ở dạng nguyên thủy hay cơ bản - đều có thể làm nên sự khác biệt rõ rệt. Hãy nhớ! Cố gắng tận dụng tối đa những đặc tính thiên nhiên và tài nguyên sẵn có. Cây đổ, mỏm đá chìa ra, hang động, xe cộ, xuồng úp ngược… đều có thể dùng được. Thích nghi với thứ gì đó sẽ tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với việc tạo dựng nơi trú ẩn mới. Dựng nơi trú ẩn thường mất hàng giờ và sẽ ngốn hết thời gian và năng lượng mà chắc bạn không có nhiều. Hơn nữa, một nơi trú ẩn dựng qua loa có thể đổ sụp sau cơn gió đầu tiên hoặc vẫn bị mưa dột. Đây là vấn đề cân đối. Đừng quá ham hố, không thì nơi trú ẩn của bạn có thể không thể hoàn thành do thiết kế phức tạp, thiếu hụt vật liệu và cả năng lượng của bạn. Những điều này có thể làm giảm tinh thần và nhanh dẫn Tử thần đến với bạn. Tôi luôn mang theo áo choàng poncho chống thấm nước hoặc tấm bạt và biết cách thích ứng với đặc tính tự nhiên sẵn có để tạo ra một mái che, túp lều hoặc một dạng che phủ nào đó. Thật hiếm khi dựng loại chỗ trú mà phải có đủ bốn bức tường và cả mái. Trú ẩn nơi có tuyết nên là con hào hay hố phủ poncho, chứ không phải lều tuyết chuẩn chỉ. Hãy tiết kiệm năng lượng của bạn và làm ít nhất có thể để hoàn tất công việc. Khả năng là sẽ không còn gì để ăn trong hàng giờ, có khi hàng ngày tiếp đó. Những nơi trú ẩn thông thường Không có giới hạn nào về thứ có thể thích ứng và sử dụng làm nơi trú ẩn. Ở đây chúng tôi muốn nói tới một số loại trú ẩn thông thường đã được sử dụng nhiều, cần nằm trong “thư viện nội bộ” của bạn, để sẵn sàng lấy ra và tùy chỉnh theo tình huống của bạn. Hào Trong điều kiện sa mạc và tuyết phủ, đôi khi cách duy nhất để tránh khỏi những cơn gió hay ánh nắng mặt trời trực tiếp là đào con hào giống như huyệt mộ, để tránh thời tiết tệ hại. Che đậy con hào với tất cả những gì bạn có: áo choàng poncho, đống que gậy hay cành cây, những mảnh đổ vỡ, ba lô (ít ra để che đầu) hoặc tấm nhựa. Đào hào là cách hiệu quả nhất trong điều kiện tuyết phủ hay sa mạc, bạn có thể đào tương đối sâu mà không cần xẻng hay thứ gì tương tự, có mấy dân phượt hay lữ khách mang theo cuốc thuổng đâu! Cố đào hào trú ẩn trong rừng sẽ cực kỳ gian nan và có thể hao tổn phần năng lượng quý giá mà bạn không thể thay thế. Hố tuyết Nếu vì lý do nào đó, một con hào đơn giản không phù hợp, bạn vẫn phải tìm ra cách để tránh những cơn gió, hoặc những trận bão tuyết đe dọa tính mạng. Hố tuyết thường được dân leo núi và người thám hiểm lựa chọn khi bị mắc kẹt bất ngờ giữa điều kiện thời tiết như ở vùng cực. Hãy sử dụng bất kỳ công cụ nào bạn có, như rìu đi tuyết hay ván trượt. Tìm nơi khuất gió bên sườn núi dốc, vị trí mà bạn chắc rằng lớp tuyết đủ sâu. Đảm bảo lối vào không thẳng luồng gió đang thốc tới, kẻo gió rét và tuyết sẽ thổi vào trong. Đào đường hầm nhỏ sâu khoảng 1m từ lối vào, sau đó đổi hướng đi lên. Bạn cần đào căn phòng có tường cong cao hơn lối vào, hãy chắc rằng mái cũng phải cong. Cấu trúc đường cong chắc chắn hơn, và còn giúp bạn không bị nước nhỏ vào khi bên trong nóng lên. Vì khí lạnh giảm, nên chỗ ngủ cao hơn lối vào sẽ khiến bạn ấm hơn một chút. Chặn lối vào bằng ba lô hoặc đắp đống tuyết. Chú ý tới vấn đề thông khí, và đừng chặn kín lối hoàn toàn. Hãy nghĩ tới việc chọc một lỗ trên mái, nhất là khi bạn nấu gì đó ở bên trong. Gác vào cây đổ Dạng đơn giản nhất là dùng các thanh “dầm” dài gác vào thân cây đổ. Phủ đám dầm này bằng những cành cây dày đặc, rậm lá cho tới khi lớp phủ đủ dày để ngăn chặn hoặc làm chậm việc nước mưa ngấm vào. Nếu bạn có những que mảnh và dễ uốn thì đan chúng ngang qua những cây dầm trước. Cách này tạo ra kết cấu vững chắc hơn. Cài các nhành cây vào khung để tạo thành mái. Chặn một đầu bằng nhiều que gậy và cành lá hơn. Để cải tiến thêm nữa, và khiến bạn thoải mái hơn, trải lớp sàn bằng cành cây hoặc những que gậy nhỏ (Xem hình 5.1). Áp dụng Hãy đi vào rừng và tìm xem có những cây nào đổ, bạn có thể cải tiến thành nơi trú ẩn đơn giản. Khi đi dã ngoại đường trường, hãy tạo thói quen lựa ra những nơi trú ẩn tiềm năng và tập dựng nơi trú ẩn, thay vì dùng lều. Hình 5.1. Nơi trú ấn kiểu gác vào thân cây đổ (© Kate Polley) Tựa vào “cầu môn” Đây là cũng một phiên bản “gác”, sử dụng chung nguyên lý cơ bản, một loại nơi trú ẩn dễ dựng khác với cây dựng thẳng. Đào và chôn xuống đất thật vững một cây cọc chữ Y cách chạc của một thân cây khác khoảng 2m. Dùng dây giày hoặc cành cây cố định một thanh ngang giữa cọc và cây, tạo thành cấu trúc như khung thành bóng đá. Dựng những cây gậy dài từ thanh ngang xuống đất, tạo thành dạng cái nêm (Xem hình 5.2). Giống như phiên bản gác vào thân cây đổ, hãy đan những cành cây mảnh vào hàng gậy dài để nó vững chắc hơn. Phủ lên trên lớp cành cây dày để chống thấm nước. Chèn hai bên lại. Đốt một đống lửa phía trước lối vào. Như ở trên, để cải thiện sự tiện nghi và cách ly thêm nữa, phủ sàn bằng những cành cây bạch dương nhỏ chẳng hạn. Trong một vài trường hợp, bạn có thể bắc thanh ngang qua hai chạc thấp của hai cái cây, không cần phải dựng cọc đứng nữa. Hãy thích nghi với những gì bạn có và tiết kiệm sức lực. Các loại nơi trú ẩn mô tả bên trên đơn giản và thực tế, cũng như thực sự đã được những người trong tình huống sinh tồn sử dụng. Thứ phức tạp hơn có lẽ không cần thiết cho những ai chiến đấu để sinh tồn. Nếu bạn có vật dụng như áo choàng poncho hay tấm vải nhựa thì dùng làm mái cho nơi trú ẩn, hoặc dùng vài cây gậy để dựng thành lều nhỏ. Hình 5.2. Nơi trú ẩn kiểu tựa vào cầu môn (© Kate Polley) Vị trí Khi dựng nơi trú ẩn, hãy tính tới tất cả các nguy cơ như cái gì có thể rơi xuống (ví dụ cành cây hay mỏm đá). Đồng thời, tính tới nơi dòng chảy nước mưa, mong sao không đổ thẳng vào nơi trú ẩn của bạn! Nơi trú ẩn dựng ở đáy thung lũng sẽ rất lạnh, vì khí lạnh xuống thấp. Tương tự, nơi trú ẩn dựng trên đồi trống có thể phải gánh chịu gió mạnh và mưa xối. Đừng nghỉ chân quá gần nơi có nước vì bạn có thể bị làm phiền bởi côn trùng, hay những con thú đi uống nước. Kiểm tra vết chân trên nền đất và rìa nước. Nơi trú ẩn dựng trên tuyết nên có lối vào vuông góc với hướng gió. Điều này nghe có vẻ không có gì lạ lẫm, song có thể sẽ rất khó khăn để có được suy nghĩ tỉnh táo trong tình huống sinh tồn thực sự. Trong rừng nhiệt đới hay rừng rậm, bạn thực sự cần tách mình khỏi mặt đất bằng bất kỳ giá nào có thể. Có rất nhiều côn trùng, rắn rết và thú rừng không được chờ đón sẽ gây rắc rối cho bạn, đặc biệt về đêm. Trong điều kiện lạnh giá, việc mất nhiệt sẽ chậm lại nếu bạn giảm tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Tuy nhiên, nếu bạn không có lựa chọn nào ngoài việc nằm dưới đất, hãy cố tạo ra chiếc giường từ các que gỗ, cành hay lá cây. Trên nền đá cứng, nằm sấp sẽ thoải mái hơn nằm ngửa. Cẩn thận khi nằm trực tiếp lên cát (sa mạc hoặc bãi biển) vì những con côn trùng hay bọ cạp đang tìm nguồn nhiệt có thể ghé thăm. Nơi trú ẩn được tạo ra phần nhiều nhờ trí tưởng tượng và tài tháo vát của mỗi cá nhân. Trên thế giới, người ta còn tạo nơi trú ẩn giữa đầm lầy hay vùng ngập nước bằng cách đóng cọc xuống đất hoặc nổi được; mắc võng trong rừng nhiệt đới; dựng lều trong sa mạc; xây nơi trú ẩn bằng đá băng ở Bắc Cực. Tài xoay xở của con người là không giới hạn. Lửa và nơi trú ẩn khiến ta hăng hái hơn, bên cạnh những lợi ích tâm lý. Ta không nên đánh giá thấp hiệu ứng tâm lý. Hãy nhớ! Một người sống sót được đa phần nhờ trạng thái tinh thần, chứ không phải thể trạng cơ thể. Tiêu điểm * Nơi trú ẩn là vấn đề sống còn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. * Tiết kiệm sức lực của bạn và thích nghi với đặc điểm tự nhiên sẵn có trước khi định dựng xây thứ gì. * Chú tâm tới vị trí dựng nơi trú ẩn trước khi thực hiện. * Tương tự với lửa, nơi trú ẩn có tác động to lớn đến tâm lý, và riêng nó đã có thể giúp bạn sống sót trong tình huống sinh tồn. Bước tiếp theo Giờ đây khi bạn đã ổn định (hi vọng như vậy) và ngăn ngừa những thứ đang ảnh hưởng xấu tới tình trạng của bạn, bạn cần bắt đầu cải thiện thêm. Mặc dù người ta có thể sống sót qua nhiều ngày thiếu lương thực, bạn hãy bù đắp năng lượng mất đi càng sớm càng tốt. Đây là lúc khám phá lại bản năng săn bắt - hái lượm trong bạn. 6 Thức ăn Trong chương này bạn sẽ biết: ➤ Về nhu cầu lượng calo và dinh dưỡng của bạn ➤ Tác hại của việc thiếu lương thực ➤ Những nguồn phổ biến cho các nhóm lương thực ➤ Cách nhận biết thực vật ăn được nói chung ➤ Kỹ thuật săn bắn Ý chính Thức ăn là nhiên liệu, mặc dù bạn có thể trải qua nhiều ngày với cái bụng rỗng, nhu cầu lương thực cần phải được tính đến trước khi bạn quá đói và khiến bạn quá yếu để làm được việc gì ra hồn. Tương tự như hầu hết kỹ năng sinh tồn thì sự chuẩn bị, tập luyện và tư duy là những điều thực sự cần thiết. Nhu cầu dinh dưỡng Một người trưởng thành, trung bình cần 2.000 calo mỗi ngày nếu hoạt động tương đối ít, cần 3.500 nếu hoạt động nhiều và có thể gấp đôi nếu hoạt động trong khí hậu quả lạnh giá. Một ổ bánh mỳ chứa khoảng 1.800 calo - nghe có vẻ là một lượng khá lớn để tiêu thụ trong ngày. Tuy nhiên, bạn chỉ cần ngồi im cũng đã đốt khoảng 100 calo mỗi giờ. Tốt nhất, bạn nên cố gắng ăn theo chế độ cân bằng chất đạm, chất béo, carbohydrate, cũng như các vitamin và khoáng chất cần thiết. Tuy nhiên, trong tình huống sinh tồn, khi bạn dự đoán nó sẽ kéo dài không quá 1-2 tuần, hãy tập trung vào việc hấp thụ calo nhiều nhất có thể. Những lo lắng về sức khỏe dài hạn nên để khi đã trở về nhà an toàn. Ảnh hưởng của việc thiếu lương thực Bạn cần ăn để cung cấp cho: ➤ Năng lượng thể chất ➤ Sự minh mẫn và động lực tinh thần ➤ Việc chữa lành vết thương và phục hồi sau cơn bệnh ➤ Mang lại sự ấm áp: thân nhiệt của bạn sẽ bắt đầu giảm nếu thiếu dinh dưỡng và kèm theo dấu hiệu hạ thân nhiệt. ➤ Tinh thần: với tinh thần sáng suốt, bạn có thể sống sót lâu hơn và có cơ hội thành công hơn. Khi thức ăn dự trữ cạn kiệt, ảnh hưởng của việc thiếu lương thực bắt đầu xuất hiện. Bao gồm: ➤ Mệt mỏi ➤ Lý trí thiếu quyết đoán và mất tập trung ➤ Dễ bị kích thích ➤ Trầm cảm ➤ Đau đầu ➤ Liên tục cảm thấy rét 18 ➤ Xeton hóa : khi mỡ trong cơ thể bắt đầu phân rã do thiếu carbohydrate nạp vào, nó gây ra tất cả những triệu chứng bên trên, trong đó có buồn nôn và uống nước cũng cảm thấy khó. Cuối cùng, nó dẫn tới nhiễm độc xeton, có thể gây ra ngất xỉu. Một chế độ dinh dưỡng không đầy đủ có thể khiến bạn dễ mắc bệnh hơn vì hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu. Mặc dù có những người sống sót hàng tuần không lương thực, họ thường vượt qua được bằng cách hạn chế hoạt động tối đa và luôn hi vọng được tìm thấy. Hãy nhớ! Bạn không nên trông chờ vào việc được cứu, thay vào đó, hãy kiểm soát tình huống bằng cách chủ động hành động trước khi thể chất suy yếu và bất ổn tinh thần ngăn trở bạn. Các loại và nguồn thức ăn Những loại thức ăn chính bạn nên cân nhắc là chất béo, carbohydrate và chất đạm. Chất béo có giá trị calo cao nhất nhưng đòi hỏi lượng nước lớn trước khi chúng được tiêu hóa và hấp thụ. Chúng cung cấp một nguồn năng lượng tuyệt vời và có thể tích lại để giữ ấm, bảo vệ các cơ quan nội tạng và bôi trơn hệ thống tiêu hóa. Thức ăn giàu chất béo điển hình như các loại hạt, trứng, cá và thịt động vật. Carbohydrate là loại thực phẩm quan trọng nhất cần thu thập. Chúng không chứa nhiều calo và không cần nhiều nước để tiêu hóa như chất béo, do đó dễ hấp thụ vào cơ thể hơn. Carbohydrate là nguồn năng lượng rất tốt và cũng giúp giữ gìn hệ thống thần kinh khỏe mạnh. Những nguồn hữu ích bạn có thể gặp khi ở bên ngoài đó là hoa quả, rễ cây, mật ong và củ rau19. Chất đạm có nhiệm vụ phát triển và phục hồi tế bào. Khi không còn giải pháp khác, nó có thể tạo ra năng lượng. Tuy nhiên, tính phức tạp của chất đạm khiến nó không phải là nguồn sản sinh năng lượng đặc biệt hiệu quả. Những nguồn phổ biến nơi hoang dã là cá, chim hay động vật bất kỳ. Một số loại thực vật nhất định có thành phần chất đạm (ví dụ hạt đậu, ngũ cốc), nhưng chúng thường đòi hỏi phải chế biến trước khi dùng. Ý chính Để tiêu hóa thức ăn cần phải có nước. Tình trạng mất nước sẽ tệ thêm nếu bạn ăn mà không uống. Nếu nước uống dự trữ hạn chế, đừng ăn trừ phi thức ăn có hàm lượng nước cao như hoa quả. Sự chuẩn bị hữu ích Mang theo lương thực giàu năng lượng cho chuyến đi, và mang dư ra một ít. Lập kế hoạch trước cho các bữa ăn và gói lại thành những khẩu phần riêng, thay vì mang một bọc lớn rồi tin rằng thế là đủ. Mang thật nhiều trà (tránh cà phê vì nó là chất lợi tiểu mạnh và không giúp được gì khi bị mất nước). Hãy tính đến nơi bạn có thể lấy nước và nó cần thiết thế nào cho bữa ăn của bạn. Các đồ ăn khô dễ mang, nhưng trong một số hoàn cảnh có thể không có ích bằng loại ăn sống được hoặc lấy luôn ra khỏi hộp/gói. Khẩu phần quân đội rất phù hợp, những gói “Meals, Ready to Eat” nhẹ nhàng của quân đội Mỹ có đầy đủ dinh dưỡng và bảo quản được lâu. Hãy lưu ý tới cách bạn nấu đồ ăn, dùng loại bếp và nồi phù hợp. Tôi luôn luôn nhắm tới việc nấu tất cả và ăn luôn trong một cái nồi. Như thế hạn chế việc làm giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Hãy mang theo một lượng nhỏ cà ri hoặc bột ớt. Nếu phải ăn đồ lạ, có thể có vị khó chịu. Với món súp giun đất và sên nhớt, tôi rắc thêm bột cà ri Madras để dễ ăn hơn! Hãy mở rộng kiến thức của bạn, cho phép tâm trí và vị giác chấp nhận những món ăn lạ. Áp dụng Bổ sung cho những bữa ăn trong chuyến dã ngoại hay cắm trại tiếp theo bằng lương thực hoang dã thu thập được dọc đường, như giắt thêm ít rễ cây ngưu bàng hay lá bồ công anh vào chỗ lương thực bạn mang theo. Việc này giúp bạn cầm cự và tăng khả năng thích nghi nếu tình huống sinh tồn ập đến và bạn phải tự mình đi kiếm từng chút calo. Nguồn thức ăn từ thực vật Thực vật rất dễ hái lượm, song vấn đề đầu tiên là tìm ra chúng. Bạn không thể biết hết những loại thực vật ăn được và phương pháp chế biến ở tất cả các quốc gia bạn có thể đặt chân tới. Các mùa trong năm và đặc điểm địa lý cũng cần được tính đến. Tốt hơn cả là biết một số loại thực vật phổ biến và bài kiểm tra khả năng ăn được dưới đây. Hãy nhớ! Giống như bất kỳ việc gì bạn phải làm trong một tình huống sinh tồn, luôn luôn cân bằng tiêu hao năng lượng với ích lợi từ hành động của bạn. Tốn 1.000 calo để nhận được nguồn lương thực chỉ cung cấp 15 calo thì thật lãng phí. Trước khi bạn kiểm tra xem bất kỳ loại thực vật nào có ăn được không, nguyên tắc hàng đầu là tránh: ➤ Thực vật có nhựa trắng đục ➤ Thực vật có màu đỏ hoặc sáng màu ➤ Cỏ hoặc thực vật có gai nhỏ ở thân hoặc lá ➤ Thực vật đã trưởng thành hoặc héo úa Trong khi luôn có ngoại lệ, nhưng tránh những thứ trên nhìn chung sẽ an toàn hơn. Khi đã xét xong những điểm trên, dùng bài kiểm tra dưới đây để đánh giá khả năng ăn được hay không. Nếu bạn đi theo nhóm, hãy đảm bảo rằng mỗi người chỉ kiểm tra một loại thực vật ở một thời điểm. Bài kiểm tra không áp dụng cho nấm - thứ cần phải tránh. ➤ Ngửi: Nghiền nát một phần nhỏ của cây và ngửi. Vứt bỏ nếu nó có mùi hạnh nhân đắng hoặc mùi đào. ➤ Quan sát: Tránh những cây già hay nhơn nhớt vì chúng có thể đã hóa độc hoặc hết giá trị dinh dưỡng. Nói chung phần tươi hơn của cây thì tốt hơn và an toàn hơn. ➤ Tính kích thích: vắt chút chất lỏng từ cây ra phần da mỏng ở gần cổ tay hoặc trong khớp khuỷu tay của bạn. Tẩy đi nếu thấy ngứa hay bị ửng đỏ. ➤ Thử bằng miệng: Đặt một chút vào miệng chỗ môi dưới, nhai nhẹ nhưng không nuốt. Đẩy lên đầu lưỡi khoảng vài phút. Nhổ ngay nếu thấy nóng hay ngứa. ➤ Ăn thử: Ăn một miếng nhỏ nếu tất cả các bước trên đều ổn. Tốt nhất, hãy đợi khoảng 8 tiếng đồng hồ xem có xảy ra phản ứng bất lợi nào không ví dụ như dấu hiệu bệnh hoặc tiêu chảy. Nếu cây đó vượt qua bài kiểm tra, bạn có thể thêm nó vào trong phần lương thực dự trữ. Nhớ rằng bạn đang tìm kiếm loại thực vật cung cấp nhiều calo. Phần tốt nhất để thu gom từ thực vật là rễ, hạt và quả. Lá cây có thể chứa giá trị dược liệu và có vị ngon, nhưng ưu tiên của chúng ta là năng lượng. Ví dụ về thực vật ăn được Ở vùng nhiệt đới sẽ có nhiều lựa chọn cho bạn. Cây họ cọ, tre, các loại hạt, mía cùng với hoa quả như xoài, hồng và táo tương đối phổ biến. Ở những vùng sa mạc trên thế giới bạn có thể ăn các loại thực vật như cây bao báp, lê gai, bầu dại và cây keo. Trong vùng Bắc Cực, bạn có thể ăn địa y, cây vân sam và cây liễu, mặc dù trong những tháng hè, cũng có thể bắt gặp nhiều loài thực vật ôn đới. Vùng ôn đới cho chúng ta lượng thực vật ăn được phong phú, bao gồm bồ công anh (lá và rễ), ngọn dương xỉ diều hâu, lá của cỏ ba lá màu đỏ hoặc trắng, cải xoong (lá và rễ), cây me chua (lá và chồi) cây táo gai (chồi non và quả). Lá của cây tầm ma có hàm lượng sắt cao và sao lên thành trà ngon đun sơ qua rồi tước bỏ gai là dùng được. Có hai loại thực vật hữu ích chứa hàm lượng carbohydrate cao là: Cây đuôi mèo (cây hương bồ): Có thể tìm thấy bên bờ sông nước ngọt chảy chậm, và rất dễ nhận biết qua thân sậy cao (tới 5 mét) với hoa hình xúc xích ở đầu. Cái bạn cần là thân rễ có dạng dây thừng nằm dưới nước và phần gốc của cây. Cắt chúng ra thành từng đoạn 30cm và cạo sạch. Bạn có thể ăn sống hoặc hơ qua lửa. Xé ra và hút lấy phần bột giàu carbohydrate. Cây ngưu bàng: Xuất hiện ở hầu hết các khu rừng và nhận biết qua lá xanh lớn hình trái tim (Hình 6.1). Đào lấy phần rễ cây to và làm sạch trước khi ăn sống. Rễ cây có hàm lượng carbohydrate cao. Hình 6.7. Cây ngưu bàng (© Kate Polley) Nguồn thức ăn từ động vật Ý chính Có năng lượng, không gì là không thể. Sự sinh tồn của bạn luôn luôn phụ thuộc vào việc bạn có đủ năng lượng tinh thần và thể chất để chịu đựng gian khó hoặc tìm đến an toàn hay không. Năng lượng đồng nghĩa với thức ăn. Thức ăn là nhiên liệu, nó giữ ấm và giúp bạn tiến bước. Mặc dù thực vật dễ thu lượm, nhưng chúng khó nhận biết, chế biến để có thể ăn được, và có theo mùa trong năm. Chim, cá và động vật luôn có sẵn quanh ta, nên dễ nhận biết và chế biến. Vấn đề là bọn này không thích bị tóm! Cá Cá là nguồn năng lượng tuyệt hảo, giàu đạm, chất béo cũng như vitamin và khoáng chất. Có hai cách chính để bắt chúng là bẫy và câu. Bẫy: Nếu nước nông nhìn thấy cá, phương pháp này sẽ hiệu quả. Đắp một con đập trên sông bằng đá hay những khúc gỗ và điều hướng dòng nước qua một tuyến đường đủ hẹp để chăng lưới, sau đó xiên hoặc thậm chí múc cá ra. Câu: Nếu bạn có ít dây (ví dụ một đoạn dây dù), buộc nó vào lưỡi câu (hoặc kim băng, gai, đoạn dây đồng/thép) và mồi câu là thứ gì bạn tìm thấy. Các mẹo sau đây sẽ có ích: ➤ Tránh tạo bóng đổ lên mặt nước, hãy ngồi hoặc nằm xuống. Loài cá luôn cảnh giác với chuyển động bên bờ sông và có thể nhìn thấy bạn dễ dàng hơn bạn nhìn thấy chúng. ➤ Ban đêm (có thể thu hút lũ cá bằng đèn pin) hoặc sáng sớm thường là thời điểm thuận lợi nhất. ➤ Khi thời tiết nóng hơn, cá thường tìm bóng râm dưới tán cây mọc chìa ra hoặc phần phủ bóng bên bờ. Chúng ưa chỗ nước sâu và tĩnh hơn. ➤ Khi tiết trời lạnh giá, cá có thể hay tới phần nông hơn của con sông, gần rìa sông hoặc sát mặt nước. ➤ Hãy nhắm tới những con quẫy nước để cố bắt côn trùng. ➤ Quả mọng, côn trùng, ốc sên, cua, giun và ếch đều là mồi câu lý tưởng. Hãy đào quanh bờ sông. Mồi còn sống và chuyển động thường được chuộng hơn, song chớ nên bỏ qua công dụng của thính. ➤ Thu hút cá bằng cách rải mồi câu còn thừa có thể khiến cá đỡ cảnh giác hơn với lưỡi câu bọc mồi của bạn. ➤ Con cá cắn câu thường giãy giụa dữ dội nhất khi rời khỏi mặt nước, nên hãy sẵn sàng tóm nó ra bằng cách kéo vào trong lưới hay vật chứa. ➤ Cá cũng có thể bị mắc câu bởi các dây mồi buộc vào cành cây hoặc những dây thừng nhỏ, vắt ngang con sông. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thực sự hiệu quả nếu bạn dùng lưỡi câu phù hợp và dây thật chắc để cá không thể giãy giụa mà thoát ra. Chế biến: Đầu tiên, giết cá bằng một cú đập dứt khoát vào đầu. Nếu cá nhiều vảy, đánh sạch vảy bằng cách lấy dao cạo theo chiều từ đuôi lên đầu. Cá rất nhanh ươn thối, nên chế biến và ăn ngay. Rửa cá sạch và mổ bụng, cẩn thận rạch từ hậu môn lên tới bên dưới mang. Đừng rạch quá sâu kẻo bạn sẽ làm vỡ nội tạng và tất cả sẽ trở thành đống bầy nhầy. Vứt hết nội tạng và rửa thật sạch. Chặt bỏ đầu, đuôi. Với cá to, thử lọc cả xương sống và xương sườn, mặc dù việc này dễ dàng hơn khi cá chín. Lọc lớp da ngoài của loài cá lớn nếu bạn có thể. Việc nấu cá rất dễ dàng và nhanh chóng. Canh cá là món khoái khẩu của tôi vì nó đảm bảo không làm mất giá trị dinh dưỡng và thứ gì bắt hoặc gom được đều có thể nấu chung. Một nhúm bột cà ri có thể khử bất cứ vị khó chịu nào khi cần. Nếu bạn không có nồi, thử nướng cá trên lửa, có thể xiên bằng cành cây tươi. Chim muông Chim muông cũng là một nguồn thức ăn có giá trị, có thể kết hợp các kỹ thuật câu cá với bẫy thú bằng bẫy thòng lọng hay bẫy sập. Các phương pháp bắt chim phổ biến: ➤ Phóng lao và bắn đá: Vót nhọn một cây gậy thẳng, cố gắng phóng về phía những loài chim lớn và di chuyển chậm như """