🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cải Thiện Năng Lực Trí Não 1 - Phương Pháp Tư Duy Và Kích Hoạt Trí Não Ebooks Nhóm Zalo CẢI THIỆN NẶNG LỰC TRÍ NÃO 1 First News Chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc - Tổng Biên tập NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG Biên tập: Lê Thị Hồng Lam Bìa: Nguyễn Hùng Trình bày: Bích Trâm Sửa bản in: Duy Danh Tác giả: Tony Buzan Dịch giả: Bùi Thị Ngọc Hương NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 62 Nguyễn Thị Minh Khai - Q.1 - TP.HCM ĐT: 38225340 - 38296764 - 38247225 - Fax: 84.8.38222726 Email: [email protected] Sách online: www.nxbhcm.com.vn / Ebook: www.sachweb.vn NHÀ SÁCH TỔNG HỢP 1 62 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM - ĐT: 38 256 804 NHÀ SÁCH TỔNG HỢP 2 86 - 88 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM - ĐT: 39 433 868 Thực hiện liên kết Công ty TNHH Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) 11H Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Nghé, Q.1, TP. HCM In 3.000 cuốn, khổ 14,5 x 20,5 cm tại Công ty TNHH MTV In Ấn Phúc Tường (63 Lê Thiệt, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Bình). Xác nhận đăng ký xuất bản số 1457-2018/CXBIPH/10- 115/THTPHCM ngày 03/05/2018 - QĐXB số 528/QĐ THTPHCM-2018 cấp ngày 08/05/2018. In xong và nộp lưu chiểu quý III năm 2018. ISBN: 978-604-58-7770-8. PHẦN MỞ ĐẦU Con người có thể làm chủ trí nhớ của mình! H ãy ngưng ngay ý nghĩ cho rằng mỗi năm trôi qua sẽ đẩy bạn đến gần sự lẩn thẩn và khoảnh khắc tuổi già đầy khổ sở! Dù khoa học đã chứng minh bộ não của chúng ta sẽ thoái hóa cùng tuổi tác nhưng điều này không hoàn toàn là sự thật. Sự thật là bộ não cũng cần được quan tâm chăm sóc giống như bất cứ bộ phận nào khác trong cơ thể để có thể duy trì hoạt động ở mức tốt nhất. Đây là thông điệp mà cuốn sách này hướng đến. Hãy giữ cho bộ não của bạn luôn luôn khỏe mạnh và linh lợi. Không bao giờ là quá muộn để bạn cải thiện và sử dụng trí não một cách hiệu quả. Bây giờ chúng ta hãy cùng kiểm tra xem bộ não của mình “khỏe” đến mức nào nhé! Bài trắc nghiệm này gồm hai phần: phần một là phần đánh giá chung, phần hai sẽ giới thiệu các bài tập thực hành. Bộ não của bạn “khỏe” đến đâu? PHẦN MỘT: Khả năng ghi nhớ của bạn đang ở mức nào? Phần này sẽ giúp bạn nhận biết hiện tại bộ não của bạn nhạy bén đến mức nào. Hãy ghi lại số điểm mà bạn đạt được, vì sau đó bạn sẽ làm lại bài trắc nghiệm này một lần nữa để theo dõi mức độ cải thiện của năng lực trí não. Theo thang đo từ 1 (dễ) đến 5 (thực sự khó khăn), bạn hãy đánh giá xem mình có thể nhớ những điều sau ở mức nào? Nhớ tên □ Một người mà bạn vừa gặp □ Bạn bè □ Người thân trong gia đình □ Những địa điểm bạn từng đến □ Nhan đề của những cuốn sách và bộ phim bạn từng xem Nhớ số □ Mã PIN (của thẻ ATM) □ Số tài khoản ngân hàng □ Số điện thoại của những người quen thân □ Những số điện thoại mới □ Làm những phép tính đơn giản Nhớ ngày tháng □ Ngày sinh nhật và các dịp lễ kỷ niệm □ Các cuộc hẹn □ Lịch làm việc nhà Nhớ vị trí □ Nơi bạn để/cất đồ đạc, vật dụng (chìa khóa, điều khiển ti-vi, v.v.) □ Nơi bạn đậu xe □ Phương hướng Nhớ chuyện này chuyện kia □ Những tin tức đã xem trên ti-vi tối qua, đọc trên báo, v.v. □ Điều bạn vừa mới nói □ Điều người khác vừa mới nói □ Từ chính xác dùng để diễn tả chuyện gì đó Cộng điểm lại và hãy xem trí não của bạn đang hoạt động tốt đến mức nào: 20 – 30 điểm: Xin chúc mừng! Bạn không gặp bất cứ vấn đề gì trong việc ghi nhớ. Hãy thoải mái thử sức với chương trình rèn luyện và thách thức trí não trong cuốn sách này để luôn duy trì “phong độ đỉnh cao” cho bộ não. 31 – 40 điểm: Hiện bạn đang có một chút trở ngại trong việc ghi nhớ. Hãy thực hiện theo chương trình được giới thiệu ở đây để tinh chỉnh não bộ và triệt tiêu tất cả những trở ngại hiện đang gây khó khăn cho bạn. 41 – 60 điểm: Bạn gặp phải một vài trở ngại trong việc ghi nhớ. Hãy kiên trì thực hiện chương trình cải thiện trí nhớ này. 61 – 80 điểm: Bạn thật sự gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và cần bám sát chương trình trong cuốn sách này để khôi phục lại năng lực trí não. Bạn sẽ cảm nhận được sự tiến bộ trong vòng 7 ngày. 81 – 100 điểm: Vấn đề nghiêm trọng rồi đây! Song, bạn vẫn có thể bắt đầu cải thiện năng lực trí não bằng cách vận dụng các phương pháp ghi nhớ được hướng dẫn trong bộ sách này. Hãy kiên trì, rồi bạn sẽ nhanh chóng cải thiện được điểm số! PHẦN HAI: 7 Phút Khởi động Trí não Phần đánh giá cá nhân sau được soạn thảo để thử thách hoạt động trí óc của bạn trên sáu lĩnh vực: 1. Trí nhớ ngắn hạn 2. Trí nhớ dài hạn 3. Ngôn ngữ 4. Suy luận 5. Phân tích 6. Sáng tạo Các bài tập khởi động sau có tác dụng kích thích đưa máu lên não, đồng thời khuyến khích bộ não thiết lập những liên kết mới. Cả hai điều này đều cần thiết, giúp cho bộ não hoạt động hiệu quả. Tất cả những gì bạn cần là: 7 phút, giấy và bút. Hãy cẩn thận làm theo hướng dẫn - chỉ dành ra một khoảng thời gian nhất định cho mỗi câu hỏi - sau đó xem đáp án (ở Phụ lục 1) để biết bạn đã làm tốt đến mức nào. TINH CHỈNH TRÍ NHỚ Thời gian: 60 giây Trọng tâm: Trí nhớ ngắn hạn Ghi nhớ chuỗi số Trong vòng 60 giây, bạn phải nhớ được các dãy số sau – càng nhiều càng tốt! Che các dãy số lại, chỉ để lộ ra dãy số trên cùng của cột bên trái. Nhớ dãy số này, che nó lại rồi viết ra giấy. Sau đó để lộ ra dãy số thứ hai. Nhớ dãy số này, che nó lại rồi viết ra giấy. Tiếp tục làm như thế với các dãy số còn lại trong danh sách, cố gắng nhớ càng nhiều càng tốt. Sau 60 giây, so sánh danh sách ghi chép của bạn với đáp án. Bạn viết đúng bao nhiêu dãy số? Tự cho mình 1 điểm với mỗi dãy số chính xác. ĐIỂM SỐ: /18 “TĂNG LỰC” CHO TRÍ NHỚ Thời gian: 60 giây Trọng tâm: Trí nhớ dài hạn Ngân hàng dữ liệu Sau đây là danh sách 7 tội trọng trong Kinh Thánh. Dành 20 giây để ghi nhớ. Gấp sách lại, sau đó viết ra giấy tất cả các tội mà bạn có thể nhớ được. Tự cho mình 1 điểm trước mỗi tội mà bạn nhớ được, và 1 điểm thưởng nếu bạn nhớ được cả 7 tội trọng này. Kiêu căng Dâm dục Giận dữ Háu ăn Ganh tị Lười biếng Tham lam ĐIỂM SỐ: /8 Sau đây là tên gọi của 9 hành tinh trong hệ Mặt trời(*). Lần này, bạn hãy dành ra 40 giây để nhớ tên cả 9 hành tinh. Gấp sách lại và viết ra giấy tên 9 hành tinh theo đúng thứ tự. Tự cho mình 0,5 điểm với mỗi hành tinh nhớ được và 5,5 điểm nếu bạn nhớ tên tất cả các hành tinh này theo đúng thứ tự. (*) Từ năm 2006, sao Diêm Vương đã bị loại ra khỏi nhóm các hành tinh thuộc hệ Mặt Trời. Sao Thủy Sao Kim Trái Đất Sao Hỏa Sao Mộc Sao Thổ Sao Thiên Vương Sao Hải Vương Sao Diêm Vương ĐIỂM SỐ: /10 KHẢ NĂNG NGÔN NGỮ Thời gian: 60 giây Trọng tâm: Ngôn ngữ Đảo chữ(**) (**) Xem Phụ lục 2. Với phép đảo chữ, bạn sẽ chuyển đổi vị trí một (hay nhiều) chữ cái trong từ hiện tại để tạo thành một từ khác có ý nghĩa. Bạn có 60 giây để “thưởng thức” trò chơi thú vị này. Hãy tự cho mình 2 điểm với mỗi từ mới và thưởng thêm 2 điểm nếu tìm được một từ khác nữa “ẩn” trong nhóm từ này. RICTUS TROPICA PAGER LUMP ĐIỂM SỐ: /10 NÂNG CAO TƯ DUY LÔ-GIC Thời gian: 60 giây Trọng tâm: Kỹ năng suy luận Suy luận tìm số tuổi Giờ bạn hãy dùng khả năng suy luận của mình để tìm ra số tuổi của 3 người sau đây. Chỉ có 60 giây để thực hiện bài tập này. Tự cho mình 2 điểm nếu trả lời đúng số tuổi của mỗi người và được thêm 2 điểm thưởng trong trường hợp bạn tìm đúng số tuổi của cả 3 người. 48 là tổng số tuổi của cả George, Tony và John 6 năm nữa, tuổi của John sẽ gấp đôi tuổi của Tony Tổng số tuổi của George và Tony bằng với tuổi của John. ĐIỂM SỐ: /8 KHẢ NĂNG PHÂN TÍCH Thời gian: 60 giây Trọng tâm: Kỹ năng suy luận Giải mã mật thư(***) (***) Xem Phụ lục 2. Bạn có thể nhận ra thông điệp ẩn sau tin nhắn “công việc” này không? Đây là lời nhắn của một anh chồng lăng nhăng gởi cho cô trợ lý riêng. Tự thưởng cho mình 6 điểm nếu giải mã đúng tin nhắn này(****). (****) Xem Đáp án ở Phụ lục 1. Tell Oliver Now If General Happy Triple Yesterday’s Orders Under Rating Scheme, Don’t Accept Realtor’s Loan If Not Guaranteed. ĐIỂM SỐ: /6 TƯ DUY SÁNG TẠO Thời gian: 120 giây Trọng tâm: Kỹ năng suy luận Tạo liên kết Trong 120 giây, bạn hãy nghĩ ra các công dụng khác nhau của một con dao nhíp bỏ túi bằng cách liên kết nó với các từ trong danh sách sau đây. Hãy phát huy trí tưởng tượng và khả năng pha trò của bạn! (*****) Theo truyền thống, Thánh George là một người lính La Mã, được tôn kính như một vị tử vì đạo Kitô giáo. Ông được bất tử hóa trong câu chuyện Thánh George và con rồng và là một trong 14 vị Thánh trợ giúp chống lại các loại bệnh tật. Tự cho điểm dựa trên số công dụng mà bạn có thể nghĩ ra: 0 – 10 công dụng: 2 điểm 11 – 20 công dụng: 4 điểm 21 – 30 công dụng: 6 điểm 31 – 40 công dụng: 8 điểm > 40 công dụng: 10 điểm ĐIỂM SỐ: /10 Cộng điểm các phần và kiểm tra xem bạn đã làm tốt đến mức nào: 60 – 70 điểm: Tuyệt vời! Trí não của bạn vận hành quá ổn! Hãy duy trì năng lực tuyệt vời này bằng chương trình luyện tập ở đây. 45 – 59 điểm: Nhìn chung là khá tốt. Bạn nên tiếp tục cải thiện năng lực của bộ não bằng các bài tập trong cuốn sách này. Lưu ý những lĩnh vực bạn đạt được ít điểm số hơn và tập trung thực hiện các bài tập của chương trình. 30 – 44 điểm: Mức điểm số trung bình cho thấy bạn còn nhiều “đất” để phát triển khả năng trí não. Bạn cần thực hành theo phương pháp được giới thiệu ở đây vì chúng sẽ cải thiện hoạt động trí não của bạn một cách đáng kể. 15 – 29 điểm: Tiếp tục đọc và áp dụng chương trình rèn luyện này càng sớm càng tốt. Các bài luyện tập sau đây sẽ giúp trí não tinh tường hơn, đánh thức những năng lực chưa được khai phá bên trong bộ não. Kiên trì thực hiện chương trình, bạn sẽ ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng và tích cực của não bộ. 0 – 14 điểm: Đừng vội chán nản khi nhận điểm số thấp vì các phương pháp, chương trình trong cuốn sách này được soạn thảo nhằm giúp trí óc của bạn “xoay chuyển tình thế” và hoạt động tốt hơn. Bí quyết chính là hãy thường xuyên thử thách, kích hoạt não bộ. Nếu kiên trì, chắc chắn bạn sẽ thành công! Tuổi tác không thành vấn đề! Có ý kiến cho rằng khi tham gia những bài kiểm tra như thế này, người càng trẻ tuổi thì càng đạt được điểm cao. Song, trên thực tế, điểm số phần lớn phụ thuộc vào “sức khỏe” của não bộ. Cho đến bây giờ, các nhà khoa học vẫn khẳng định bộ não sẽ lão hóa dần theo tuổi tác. Nhưng sự thật là chẳng có bằng chứng xác thực nào chứng minh cho luận điểm này. Từ nhiều thập kỷ qua, các bài kiểm tra IQ dường như luôn chỉ ra rằng những người trẻ tuổi thường đạt điểm số cao hơn những người lớn tuổi, điều này càng củng cố thêm cho niềm tin phổ biến: trí thông minh sẽ giảm dần theo năm tháng. Mà thực ra không phải như vậy, dựa trên hai nguyên do: - Thứ nhất, IQ cao hay thấp đơn giản là do luyện tập. Những người trẻ tuổi thực hiện các dạng bài tập rèn luyện trí não thường xuyên hơn so với những người lớn tuổi. Nhưng khi được luyện các bài tập đòi hỏi phải động não thì những người lớn tuổi cũng đạt được nhiều kết quả đáng kinh ngạc. - Thứ hai, các bài kiểm tra IQ thường được thực hiện trong sự ràng buộc về thời gian. Nếu loại bỏ áp lực về thời gian thì người lớn tuổi cũng có thể làm tốt như người trẻ tuổi – có thể lý giải rằng người càng lớn tuổi càng chậm hơn vì sự từng trải, kinh nghiệm sống của họ khiến họ phải suy nghĩ cặn kẽ, thấu đáo hơn trước khi đưa ra kết quả cuối cùng. Tuổi tác mở rộng phạm vi hiểu biết của bạn! Hiện nay, nhờ vận dụng những kỹ thuật như chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI), các nhà khoa học đã phát hiện thấy bộ não là một cấu trúc sinh học linh hoạt có khả năng thay đổi và phát triển đáng kinh ngạc trong suốt cuộc đời chúng ta. Nghĩa là nó có khả năng lập trình và tái lập trình gần như vô hạn. Bằng chứng này đang thuyết phục các nhà khoa học rằng bộ não cũng cần được “tập thể dục” giống như cơ thể để luôn luôn khỏe mạnh. TRÍ NÃO DIỆU KỲ! Những vị nữ tu ở Mankato Những nữ tu ở trường Dòng Notre Dame tại một vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thành phố Mankato, bang Minnesota đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về sự lão hóa của bộ não. Nhiều nữ tu trên 90 tuổi và một số ít trên 100 tuổi. Sơ Marcella Zachman, nhân vật đặc biệt của tạp chí LIFE vẫn còn dạy học mãi cho đến năm 97 tuổi. Sơ Mary Esther Boor đã làm việc ở quầy lễ tân cho đến khi sơ quyết định nghỉ hưu ở tuổi... 99! Ngoài ra, các sơ hầu như rất ít mắc phải chứng mất trí nhớ và các bệnh về não khác so với những người cùng độ tuổi, hoặc nếu có thì cũng chỉ ở mức độ nhẹ. Giáo sư David Snowdon của trường Đại học Kentucky tin rằng lý do của “phép màu” này là các vị nữ tu đã “khắc cốt ghi tâm” lời răn của Chúa, rằng “trí óc thảnh thơi là quân bài của quỷ dữ”, do đó họ làm bất cứ việc gì để giữ cho trí não luôn bận rộn. Họ thường dành phần lớn thời gian để tham gia các trò đố vui, giải ô chữ, tranh luận sôi nổi về một số vấn đề, viết báo, tham dự hội thảo, và nhiều hoạt động khác. Snowdon đã nghiên cứu 100 bộ não được các vị nữ tu ở Mankato hiến tặng ngay sau khi họ qua đời. Ông tin rằng chính việc kích thích trí óc khiến cho các liên kết trong não tiếp tục phân chia và tạo ra các liên kết mới thay vì teo dần đi một cách tự nhiên. Càng tư duy nhiều, trí não càng phát triển! Một trong những khám phá quan trọng và đáng tin cậy nhất đó chính là hiệu suất hoạt động của trí não nằm trong tầm kiểm soát của mỗi cá nhân, hay nói đúng hơn là nằm ở tần suất tư duy, động não của ta! Mức độ sử dụng trí não và duy trì niềm say mê học tập có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến năng lực trí não. Bộ sách Cải thiện Năng lực Trí não kết hợp cả lý thuyết và thực hành vào cùng một chương trình luyện tập nhằm giúp bạn phát huy tối đa năng lực não bộ cho dù bạn đang ở lứa tuổi nào. Bạn sẽ được cung cấp kiến thức liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong việc luyện tập trí não – từ sự nhạy bén của não bộ và trí nhớ, cho đến các bài luyện tập thể chất và chế độ ăn uống. Càng hiểu về bộ não, bạn càng tận dụng được những khả năng đáng kinh ngạc của nó. Mỗi hoạt động tìm hiểu cách vận hành của bộ não là một “liều thuốc kích thích” hết sức giá trị, tương tự như món ăn bổ dưỡng đối với cơ thể vậy. Khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy một loạt các phương pháp, các bí quyết giúp bạn thực hiện tốt chương trình rèn luyện trí não và thúc đẩy bạn hành động. Chương trình được chia làm nhiều phần nhỏ (kế hoạch hành động) với cường độ và khoảng thời gian thực hiện khác nhau. - Chương trình bắt đầu với 7 Ngày Rèn luyện Năng lực Não bộ, chỉ cần “đầu tư” một tiếng đồng hồ mỗi ngày. Đến cuối ngày thứ 7, bạn sẽ nhận thấy rõ trí óc của mình trở nên nhanh nhạy và sắc sảo hơn hẳn. - Tiếp theo là 7 Tuần Duy trì Năng lực Não bộ, đòi hỏi bạn phải dành ra mỗi tuần một ngày, kiên trì thực hiện trong vòng 7 tuần. Cuối phần luyện tập này, bạn sẽ cảm nhận được trí óc mình trở nên “thông suốt” như cách đây 10 năm. - Phần cuối của chương trình là duy trì và củng cố năng lực não bộ dựa trên những tiến bộ mà bạn đã đạt được. Một số bài tập Cải thiện Năng lực Não bộ trong vòng 7 phút sẽ giữ cho bạn đi đúng hướng, đồng thời đưa ra nhiều gợi ý để đảm bảo bộ não của bạn sẽ tiếp tục hoạt động ở mức độ cao nhất. Khi hoàn thành chương trình này, bạn sẽ nhận thấy trí óc của mình phát triển được những khả năng vượt bậc mà trước giờ bạn chưa bao giờ đạt được. Khi trí óc vận hành tốt hơn, bạn sẽ nhận ra chất lượng cuộc sống được cải thiện – bạn trở nên vui vẻ hơn, tự tin hơn, dám thử sức mình và thêm tin yêu vào cuộc sống. Vậy thì bạn còn chờ gì nữa? Hãy “sang trang” và bắt đầu “hành trình” mới đi nào! Chương 1 NHẬN NHIỀU “QUÀ” HƠN TỪ BỘ NÃO Điều gì bạn có thể làm, hoặc mơ tưởng đến, hãy bắt tay vào thực hiện ngay. Sự táo bạo thường chứa đựng trong nó sức mạnh, năng lực siêu phàm và hình ảnh của một thiên tài. Vậy, hãy bắt đầu ngay. Johann von Goethe B ộ não của bạn là công cụ quyền năng nhất mà bạn có toàn quyền sử dụng. Nó nhanh và phức tạp hơn cả những chiếc máy tính siêu đẳng, nó là một trong những điều kỳ thú nhất Vũ Trụ. Hiểu được cách vận hành của bộ não sẽ giúp bạn sử dụng nó hiệu quả hơn, nhận được nhiều lợi ích hơn. Nếu có thể nhìn xuyên thấu vào trong đầu, bạn sẽ thấy một “phong cảnh” ngoạn mục đến kinh ngạc – những “khe núi” và “thung lũng” nhấp nhô. “Thế giới” tươi hồng tinh tế đó chứa đến 72 – 82% nước – cho phép bạn suy nghĩ, yêu thương, ăn, ngủ, thức dậy, đi làm, chạy nhảy, chơi thể thao, xem ti-vi… tóm lại là tất cả mọi thứ tạo nên con người bạn. TẾ BÀO NÃO Các neuron, hay các tế bào thần kinh cấu thành nên bộ não, có kích thước rất nhỏ. Dưới kính hiển vi, chúng trông giống như những cái cây tí hon có rễ ở cả gốc và ngọn. Từ thân neuron tỏa ra hàng trăm sợi nhánh (dendrite) nhỏ xíu. Đây là các dây râu của tế bào, chịu trách nhiệm thu nhận tín hiệu từ các tế bào lân cận. Cuống dài được gọi là sợi trục (axon), có chức năng truyền tín hiệu đến các tế bào khác. BỘ NÃO – MỘT CẤU TRÚC LINH HOẠT Cách đây không lâu, các nhà khoa học tin rằng mỗi người khi sinh ra đã có một số lượng nhất định tế bào thần kinh và các kết nối của chúng. Nghĩa là trong suốt những năm tháng cuộc đời, khi chúng ta học tập để tiếp thu cái mới và tích cóp những trải nghiệm cũng là lúc chúng ta đang sử dụng ngày càng nhiều những mối liên kết này. Họ cho rằng mỗi ngày có đến hàng triệu tế bào não chết đi, vì thế tuổi càng cao thì “vốn dự trữ” càng mau cạn kiệt và bộ não không thể hoạt động tốt như trước. Giờ đây, công nghệ chụp ảnh đặc biệt – như kỹ thuật fMRI và hàng loạt các nghiên cứu – đã góp phần làm thay đổi những suy nghĩ “thâm căn cố đế” về bộ não. Trên thực tế, các liên kết trong não luôn thay đổi theo thời gian. Một số kết nối trở nên mạnh hơn, trong khi các kết nối khác thì mờ nhạt dần. Mỗi giây trôi qua, một số liên kết mới được hình thành trong khi những liên kết khác mất đi hoặc chuyển hướng kết nối. Mạng lưới các dây thần kinh trong bộ não thay đổi kết cấu liên tục. Thậm chí khi bạn đang chìm sâu vào giấc ngủ không mộng mị thì “trạm” truyền - phát và xử lý thông tin này vẫn tiếp tục hoạt động. Mỗi khi bạn trào dâng cảm xúc hoặc có một hoạt động tinh thần phức tạp nào đó, cả bộ não dường như sáng bừng lên do hằng hà sa số các tế bào thần kinh hoạt động cùng một lúc. Điều đặc biệt là không một tế bào thần kinh nào bừng sáng theo một khuôn mẫu nhất định – mỗi lần mỗi khác – cũng như không trải nghiệm cảm xúc nào giống với trải nghiệm cảm xúc nào. Đây là lý do bộ não của bạn thay đổi liên tục. MẠNG LƯỚI KẾT NỐI BÊN TRONG NÃO BỘ Ngay khi một cảm giác mới được truyền lên bộ não, nó sẽ truyền đi một loạt tác động thông qua mạng lưới các tế bào thần kinh. Mỗi tế bào thần kinh vừa truyền thông điệp của chính nó cho các tế bào thần kinh khác, vừa gởi tín hiệu ngược lại cho các tế bào thần kinh đã truyền tin cho nó. Sau khi tín hiệu đầu tiên tắt hẳn, các tế bào thần kinh sẽ kết nối với nhau. Chúng đã được kích hoạt và sẵn sàng bừng sáng lần nữa. Vào lần sau, khi bộ não lại bắt được cảm giác quen thuộc ấy, các tế bào thần kinh sẽ truyền tin qua lại cho nhau với tốc độ nhanh hơn, giống như một con đường mòn dần được hình thành trong não. Nếu cảm giác đó không được lặp lại thì các liên kết trở nên yếu đi, như một con đường bị bỏ quên không sử dụng đến. Do đó, khi một cảm giác hay hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần, mối liên kết giữa nhóm tế bào thần kinh ấy càng thêm thắt chặt và mạnh mẽ. TÁI CẤU TRÚC BỘ NÃO Từng có niềm tin cho rằng mỗi vùng não sẽ chịu trách nhiệm cho một hoặc một vài nhiệm vụ cụ thể. Các nhà khoa học đã từng vẽ những hình ảnh tuyệt vời về cơ thể và bộ não người để chỉ ra từng khu vực trên vỏ não thụ cảm (sensory cortex) – khu vực bao quanh vùng trên cùng của bộ não – có các đầu dây thần kinh kết nối từ các bộ phận khác nhau trên cơ thể. Theo quan điểm này, hiển nhiên các đầu dây thần kinh đó buộc phải gắn cố định vào não. Tuy nhiên, nghiên cứu của nhà khoa học Edward Taub đã bác bỏ quan điểm này và cho thấy một sự thật thú vị. Vào năm 1991, ông cắt đứt các dây thần kinh trên tay một số con khỉ được sử dụng để làm thí nghiệm. Ông đã vấp phải sự chống đối kịch liệt của một số nhà hoạt động bảo vệ động vật. Vài năm sau, khi các nhà khoa học kiểm tra những con khỉ này, họ nhận thấy thay vì nhận tín hiệu từ các ngón tay (mà nay đã trở nên vô dụng), các khu vực liên quan đến việc điều phối cử động ngón tay trong bộ não của những con khỉ đã nhận và trao đổi tín hiệu từ khuôn mặt. Điều này chứng tỏ bộ não hoàn toàn có thể “đấu nối” một mạng lưới mới. SƠ ĐỒ CẤU TRÚC BỘ NÃO Cấu trúc của bộ não vô cùng phức tạp. Mỗi khu vực khác nhau đảm nhiệm các chức năng khác nhau. Bộ não được phân ra làm hai nửa, gồm bán cầu não trái và bán cầu não phải. Hai bán cầu não được ngăn cách bởi một đường rãnh sâu. Một đám dây thần kinh lớn, có tên là corpus callosum, giữ vai trò cầu nối giúp cho hai bán cầu não liên lạc với nhau. Mỗi nửa bán cầu não gồm ba khu vực chính: Tại vị trí trung tâm, sâu bên trong là gốc của bộ não – còn gọi là cuống não (brain stem) – được nối với các dây thần kinh cột sống. Cuống não chịu trách nhiệm chi phối và điều tiết các chức năng tiềm thức cơ bản của cơ thể như hít thở và nhịp tim. Ngay phía sau não giữa (mid-brain), phần trên cùng của cuống não, là một khối có kích thước bằng quả mơ. Đây là tiểu não (cerebellum), có chức năng kiểm soát sự cân bằng và phối hợp. Khu vực thứ ba, khu vực lớn nhất của bộ não, là đại não (cerebrum), bao quanh não giữa như một quả mận bao quanh hột. Đây là nơi quá trình tư duy có ý thức diễn ra và là nơi kích hoạt các nhiệm vụ phức tạp như nói, đọc hay kiểm soát vận động một cách có ý thức. Đại não được chia thành bốn thùy (lobe), có lớp bên ngoài nhăn nheo, xếp nếp với các rãnh sâu được gọi là sulci và các khối lồi được gọi là gyri. Lớp bên ngoài này chính là vỏ não (cerebral cortex) và là trung tâm điều khiển của não bộ. Đây là nơi thu nhận, theo dõi các thông điệp, và cũng là nơi phát ra mệnh lệnh, truyền đến các bộ phận khác trong cơ thể. BỘ NÃO TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ? Sự linh hoạt của bộ não có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế tác động của tiến trình lão hóa. Giờ thì bạn đã biết bộ não có khả năng hoạt động linh hoạt suốt cả cuộc đời. Do đó, việc vận dụng tính năng đặc biệt này để giữ cho trí óc luôn minh mẫn và huy động những khu vực khác cùng khắc phục những khiếm khuyết nào đó ở não bộ là điều hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của ta. Nói cách khác, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực để chống lại sự “già nua” của bộ não – bất kể chúng ta đang ở độ tuổi nào. Taub và các cộng sự đã tìm ra bằng chứng mạnh mẽ cho thấy bộ não có thể được chữa lành bởi chính sự linh hoạt của nó. Thật đáng kinh ngạc, một số người mất khả năng vận động cánh tay – do đột quỵ – đã được tập luyện để có thể sử dụng lại cánh tay tưởng chừng như vô dụng kia. Họ vận dụng phương pháp Constraint-Induced (CI) Movement Therapy (tạm dịch: Liệu pháp Vận động Cưỡng ép) – trong đó cánh tay lành lặn bị cột lại và buộc phải sử dụng cánh tay bị liệt. Dù phần não điều khiển cánh tay liệt đã bị “hỏng” nhưng liệu pháp điều trị này đã buộc bộ não phải “khai phá” các khu vực mới để cử động phần chi bị liệt. Liệu pháp này cũng được áp dụng để điều trị chứng nói khó và chứng khó đọc. Mặc dù đây mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu nhưng Mezernich tin rằng sự linh hoạt của bộ não cho phép chúng ta bảo vệ bản thân trước tình trạng lão hóa. “ĐỆM” TINH THẦN Những nghiên cứu từ các góc độ khác cũng đã ủng hộ cho luận điểm của Mezernich về việc chúng ta có thể bảo vệ bộ não tránh được tình trạng suy giảm chức năng hoạt động theo thời gian. Trong suốt một thời gian dài, các nhà khoa học quan sát thấy những người làm việc trí óc nhiều hơn và có nền tảng giáo dục tốt hơn dường như được bảo vệ, có khả năng chống lại sự suy giảm sức khỏe tinh thần khi về già tốt hơn những người khác – thậm chí còn có thể kháng bệnh Alzheimer (bệnh gây sa sút trí tuệ, hay mất trí nhớ). Thực tế cho thấy họ được bảo vệ tốt hơn, ít mắc phải những chấn thương ở đầu, ít say xỉn, ít bị bệnh Parkinson (bệnh liệt rung) và còn có khả năng ngăn ngừa lão hóa. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng “đệm” tinh thần này, hay “nguồn lưu trữ tri thức/nhận thức”, có ý nghĩa rất quan trọng. Theo kết quả nghiên cứu, việc lưu trữ tri thức/nhận thức không thực sự giúp cho bộ não chống lại tình trạng lão hóa về mặt thể lý, nhưng nó đóng vai trò như là “tấm đệm” giúp con người chống lại tác động của bất kỳ tổn hại nào. Ví dụ, một số dạng suy giảm chức năng thần kinh ở người cao tuổi có liên quan đến những tổn thương chất trắng – một phần của bộ não được hình thành bởi các tua kết nối tế bào thần kinh. Nghiên cứu của Laurence Whalley ở Đại học Aberdeen vào năm 2001 cho thấy khi mất đi cùng một lượng chất trắng, chức năng thần kinh của những người được giáo dục tốt hơn dường như ít bị ảnh hưởng hơn hẳn. Hai năm sau, các nhà nghiên cứu ở California đã chứng minh rằng so với người bình thường, những người có trình độ học vấn cao hiếm khi bị giảm chỉ số thông minh (IQ) sau khi bị chấn thương đầu. Ngày càng có nhiều nhà khoa học đồng tình rằng những người được giáo dục tốt hơn, thông minh hơn có khả năng khai thác năng lực trí não tối ưu hơn. Đó là do bộ não của những người này có khả năng tìm kiếm những mạng lưới mới để thay thế cho những mạng lưới cũ mất đi khi bộ não bị tổn thương. CÁC TẾ BÀO NÃO MỚI Nghiên cứu về tế bào não cho thấy các tế bào thần kinh có thể tái tạo sau khi bị chấn thương. Ngoài ra, trong suốt cuộc đời, các tế bào thần kinh mới được tạo ra tại một số phần của não bộ, như vùng hồi hải mã (hippocampus) chẳng hạn. Quá trình tạo ra các tế bào thần kinh mới từng được cho là khá hạn chế. Tuy nhiên, dù sao thì quá trình này vẫn diễn ra – và sự thật này đã làm… chấn động giới khoa học chuyên nghiên cứu về thần kinh. Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu quá trình này được kích thích vừa đủ mức để các tế bào não tổn thương được chữa lành? Một số nhà nghiên cứu đang tìm cách kích thích quá trình tạo các tế bào thần kinh mới thông qua việc sử dụng các loại thuốc mới. Số khác đang xem xét khả năng thúc đẩy tiến trình này bằng cách dùng tế bào gốc – là những tế bào có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, các cơ quan khác nhau của cơ thể. Các nhà nghiên cứu tế bào gốc kiên định với giả thuyết về khả năng chữa lành các bệnh liên quan đến não như Alzheimer, Parkinson và Huntington (một loại bệnh thần kinh di truyền). KHẢ NĂNG HỌC HỎI Một trong những khả năng đáng kinh ngạc nhất của não người là khả năng học hỏi, tiếp thu vượt trội trong suốt cuộc đời. Ngoài những kỹ năng cơ bản tồn tại từ đầu (như biết cách làm thế nào để thở, làm thế nào để kiểm soát nhịp tim và nhiệt độ cơ thể), bộ não cũng học được khá nhiều thứ khác bằng cách tạo các mạng lưới kết nối nhằm phản ứng trước những tác động đến từ thế giới bên ngoài. Khi bạn cung cấp cho bộ não một thông tin đầu vào, mạng lưới thần kinh tiếp nhận thông tin đó sẽ thay đổi và thắt chặt mối liên kết. Nếu không nhận được thông tin đầu vào tương thích thì mạng lưới thần kinh chuyên trách ấy sẽ không thay đổi, thậm chí có thể suy yếu dần. Khi còn trẻ, bộ não của chúng ta phải tiếp nhận và học hỏi rất nhiều điều. Bộ não của một đứa trẻ sẽ liên tục hoạt động để tiếp thu cái mới và đòi hỏi năng lượng glucose gấp đôi người lớn để duy trì quá trình này. Nghiên cứu trên động vật cho thấy các tế bào thần kinh được kích thích – thông qua hình thức học tập – sẽ liên kết rộng hơn và mạnh mẽ hơn so với các tế bào thần kinh khác. Các mạch máu sẽ phát triển mạnh hơn trong khu vực não được kích thích, làm tăng lưu lượng máu, mang lại năng lượng glucose và nguồn nhiên liệu oxy cho các tế bào. Các tế bào thần kinh đệm(*),“nội trợ” đắc lực của não bộ, sẽ phát triển nhanh trong khu vực được kích thích. Việc học hỏi, tiếp thu thậm chí có thể kích thích sự tăng trưởng các tế bào thần kinh mới trong khu vực thích hợp. (*) Tế bào thần kinh đệm từ lâu được xem là đóng vai trò không mấy quan trọng. Chúng cung cấp chất dinh dưỡng cho các neuron và thay thế tổ chức não bị tổn thương. Tuy vậy, bằng chứng gần đây cho thấy tế bào thần kinh đệm có vai trò phức tạp hơn. Chúng hợp nhất với neuron, xử lý các tín hiệu liên quan đến việc học tập và trí nhớ. Vì thế, mất tế bào thần kinh đệm có thể góp phần làm suy giảm trí nhớ và khả năng học tập. TRÍ NÃO DIỆU KỲ! Các tế bào thần kinh được kích hoạt cùng lúc sẽ liên kết với nhau Bộ não người bắt đầu phát triển ngay từ thời điểm tinh trùng thâm nhập vào trứng, và nó phát triển với một tốc độ không tưởng. Vào mỗi giây trong khoảng thời gian đầu thai kỳ, bộ não của thai nhi phát triển tận 4.000 tế bào não mới. Cứ mỗi giờ, “dân số” tế bào não tăng thêm 15 triệu! Khi đã phát triển đến một mức độ nào đó, chúng “di cư” đến những vùng đã được ấn định sẵn trong não bộ. Một khi đã đến được điểm cần phải đến, các tế bào thần kinh sẽ căng trải các đầu mối kết nối đến các tế bào thần kinh lân cận. Một số tế bào thần kinh tạo ra vô số các kết nối và phát triển mạnh, trong khi một số khác thì bị cô lập và teo lại. Những tế bào “sống sót” là những tế bào được kích thích và tạo liên kết với các tế bào khác. Quá trình này đã đặt nền móng quan trọng cho vòng đời của não - tế bào thần kinh nào được sử dụng sẽ phát triển mạnh, còn tế bào thần kinh nào không được dùng đến sẽ không phát triển. Trong suốt thời thơ ấu, các tế bào thần kinh tham gia vào một cuộc đua không ngơi nghỉ. Có những khu vực não được phân bổ chịu trách nhiệm đối với các kỹ năng cụ thể, như ngôn ngữ hay âm nhạc. Sự phát triển của những khu vực này phụ thuộc vào mức độ được kích thích và mạng lưới những tế bào thần kinh còn “sống sót”. Mặc dù chúng ta được thừa hưởng những khả năng nhất định, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ. Việc nuôi dưỡng và rèn luyện tế bào não sẽ giúp xác định khả năng phát triển các tiềm lực sẵn có. SỬ DỤNG BỘ NÃO Mặc dù các nhà thần kinh học có thể vẽ sơ đồ các khu vực não kiểm soát các chức năng khác nhau – khả năng ngôn ngữ, khả năng mường tượng không gian/hình ảnh, v.v. – nhưng bản đồ này là khác nhau ở mỗi người. Sự cạnh tranh giữa các tế bào thần kinh làm cho ranh giới các khu vực thay đổi liên tục, tùy theo thông tin đầu vào thu nhận được. Cụ thể là, bộ phận nào của cơ thể thường được sử dụng thì khu vực não kiểm soát chúng cũng phát triển theo. Ảnh quét bộ não của người chơi vĩ cầm cho thấy phần não điều khiển các ngón tay của bàn tay trái – các ngón bấm dây đàn – sẽ có diện tích lớn hơn nhiều so với các khu vực khác. Nghệ sĩ vĩ cầm nào bắt đầu chơi đàn khi càng nhỏ tuổi thì khu vực này trên bộ não sẽ càng lớn. Điều này cho thấy ta càng kích thích vào khu vực nào, khu vực đó càng phát triển mạnh. Vì vậy, bí quyết giúp “cải lão hoàn đồng” cho bộ não là hãy liên tục trải nghiệm những điều mới mẻ. Và đây cũng là cách mà Einstein làm tươi mới cho các vấn đề khoa học khô khan – bằng cách chơi vĩ cầm; Winston Churchill có được một góc nhìn khác về chính trị – bằng cách vẽ tranh phong cảnh. TRÍ NÃO DIỆU KỲ! Hiệu quả của nhạc Mozart Vào thập niên 1990, nhà tâm lý học người Mỹ Frances Rauscher đã khám phá ra một điều kỳ lạ: nghe nhạc Mozart giúp cải thiện kỹ năng về không gian và lý luận toán học. Hiệu quả này đã được chứng minh trên những con chuột trong phòng thí nghiệm bằng cách cho chúng vừa nghe nhạc Mozart vừa tìm đường thoát khỏi mê cung. Ngay sau đó, Rauscher phát hiện ra rằng các bản piano sonata của Mozart thực sự đã kích hoạt các gien liên quan đến việc truyền tín hiệu thần kinh ở những con chuột này. Trong một nghiên cứu khác, trẻ nhỏ được truyền thụ những bài học về âm nhạc đã cải thiện đáng kể điểm số IQ so với các bạn đồng trang lứa – được cho xem phim, hay học trên máy tính. Và điều này cũng có thể xảy ra với người lớn. TỰ ĐỘNG HÓA NÃO BỘ Một trong những điều tuyệt vời nhất về bộ não đó là càng thực hiện thì càng thấy dễ. Một số kỹ năng trở nên thành thục đến nỗi bộ não không cần phải tốn thời gian suy nghĩ về cách thực hiện. Ví dụ, lái xe hơi là một hoạt động cực kỳ phức tạp, đòi hỏi phối hợp nhiều bộ phận cơ thể khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có thể thực hiện việc này một cách tự động theo hướng dẫn vô thức của não bộ, trong khi phần não có ý thức đang say sưa với chủ đề thời tiết hay lắng nghe tin tức về tình trạng giao thông. Tương tự, một khi bạn đã biết đi xe đạp, chơi dương cầm, bơi hay nấu ăn, những kỹ năng này sẽ theo bạn suốt đời và tốn rất ít trí lực để thực hiện. Nếu không được sử dụng trong một thời gian dài thì những khả năng này có thể suy yếu đi nhưng không bao giờ biến mất. TẾ BÀO THẦN KINH PHẢN CHIẾU: KHẢ NĂNG NẮM BẮT Ý NGHĨ TỰ NHIÊN Năm 1996, ba nhà thần kinh học đã thăm dò não của loài khỉ Macaque và nhận thấy các tế bào não nằm trong khu vực chịu trách nhiệm điều khiển vận động không chỉ phát sáng khi các con khỉ di chuyển mà còn bị kích hoạt phát sáng khi chúng nhìn thấy những con khỉ khác cũng có hành vi chuyển động tương tự. Từ đó, các nhà khoa học phát hiện ra rằng nhiều loài động vật, kể cả con người, đều cónhững tế bào thần kinh phản chiếu như thế. Nhiều nhà khoa học tin rằng đây là những tế bào thần kinh cho phép chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm thông và hiểu được cảm xúc của người khác từ góc nhìn của họ. Đó là nguyên nhân vì sao mà khán giả say sưa, cuồng nhiệt theo dõi trận bóng đá cứ như đang thực sự tham gia vào trận bóng. Tế bào thần kinh của họ phản chiếu lại mọi động tác của cầu thủ – sút bóng và nhìn thấy bóng bay vào khung thành. Tương tự, khán giả xem kịch cũng trải qua các cung bậc cảm xúc y như diễn viên trên sân khấu vì các tế bào thần kinh phản chiếu của họ bừng sáng trong sự cảm thông. Các nhà khoa học bắt đầu nghĩ rằng tế bào thần kinh phản chiếu liên quan mật thiết đến cách chúng ta tìm hiểu về thế giới. Chúng ta thu thập hàng loạt thông tin từ thế giới và sau đó “diễn lại” chúng trong đầu để tạo dựng nên một hình ảnh cho phép chúng ta tương tác với nhau một cách hiệu quả. Mặc dù nghiên cứu về tế bào thần kinh phản chiếu chỉ mới bắt đầu, nhưng có vẻ một trong những cách tốt nhất có thể giúp bạn học được các kỹ năng mới và nâng cao hiệu suất hoạt động trí não là tạo ra thật nhiều tế bào thần kinh phản chiếu. Ví dụ, khi bạn đang cố gắng học một kỹ năng mới, hãy chăm chú quan sát một chuyên gia đang thực hiện kỹ năng đó. Quan sát tất cả các chuyển động và cố gắng tưởng tượng trong đầu xem bạn sẽ thực hiện các động tác tương tự như thế nào. Quy trình này để lại cảm xúc gì? Lặp đi lặp lại quy trình trong đầu, điều chỉnh cho đến khi bạn cảm thấy chắc chắn, sẵn sàng thực hiện kỹ năng ấy. Cách này có thể giúp bạn đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình thực hành các kỹ năng. Bên cạnh việc học các kỹ năng mới, cũng có nhiều cách giúp phát triển các tế bào thần kinh phản chiếu. Một trong số đó là phát huy trí tưởng tượng. Bất cứ khi nào có cơ hội, hãy tập trung tưởng tượng bạn cảm thấy thế nào khi trở thành người khác. Đặt mình vào hoàn cảnh của người đó. Nghĩ đến cảm nhận của họ và lý do tại sao họ lại cư xử như vậy. Việc này sẽ giúp bạn thấu hiểu người khác hơn, đồng thời có thể nâng cao năng lực trí não của bạn. TÍNH HIỆU QUẢ & SỰ THÔNG THÁI Một khía cạnh khác mà chúng ta thường quan tâm khi bàn về bộ não đó là sự thông thái, khôn ngoan. Có thể bạn cho rằng khôn ngoan là khả năng nắm bắt được bản chất của tình huống phức tạp và hành động sao cho phù hợp. Lập luận này khiến ta có cảm giác sự khôn ngoan, thông thái thường gắn liền với tuổi tác – một quá trình lâu dài với những thử nghiệm, thất bại và thành công. Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng càng lớn tuổi thì cảm xúc của chúng ta càng ổn định hơn. Bộ não ít nhạy cảm, bớt lo lắng thái quá và ít mang những cảm xúc tiêu cực sẽ giúp ta nhìn nhận sự việc rõ ràng hơn. “Giận quá mất khôn”, người xưa đã biết quá rõ; còn trong hiện tại, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học xác minh cho luận điểm này. Các nhà khoa học cũng bắt đầu nhận thấy nếu được rèn luyện tốt, ta có thể gia tăng chỉ số IQ của mình. Chỉ số IQ có liên quan mật thiết với trí nhớ làm việc, là số lượng dữ liệu mà ta có thể lưu trữ trong đầu vào thời điểm hiện tại. Nhà thần kinh học về nhận thức, Torkel Klingberg của Viện Karolinska Thụy Điển, đã nghiên cứu sự phát triển và thay đổi hình dạng của não bộ trong suốt thời thơ ấu, đặc biệt là quá trình phát triển sự chú ý và trí nhớ làm việc. Với sự hỗ trợ của chương trình đào tạo đặc biệt, ông đã chứng minh rằng hệ thống thần kinh được sử dụng trong trí nhớ làm việc thực sự có thể phát triển để đáp ứng lại sự đào tạo. Hơn thế, những đứa trẻ hoàn thành khóa đào tạo của ông đều đạt được kết quả khả quan hơn trong các bài kiểm tra được soạn thảo riêng – một phần của cuộc thí nghiệm – và chỉ số IQ tăng thêm 8%. Như vậy có nghĩa là bạn có thể trở nên thông minh hơn khi được đào tạo bằng một chương trình thích hợp. Đây là một ý tưởng hay giúp cải thiện năng lực trí não, và cũng là tất cả những gì mà chương trình rèn luyện trí não trong bộ sách này hướng đến. TRÍ NÃO DIỆU KỲ! Trở thành chuyên gia Một số người khiến chúng ta sửng sốt trước những khả năng không tưởng của họ – một nhà vô địch về trí nhớ có thể nhớ các chuỗi số dài ngoằng, một nghệ sĩ dương cầm có thể đọc thầm bản hòa âm phối khí phức tạp trong khi đang nói chuyện trước lớp đào tạo ca sĩ của mình, một chuyên gia về máy tính có thể chọc thủng “bức tường thành” an ninh của quốc gia... Với sự trợ giúp của máy quét hiện đại và kỹ thuật nghiên cứu, các nhà khoa học bắt đầu tìm hiểu về não bộ của những người có khả năng tuyệt vời và phát hiện ra rằng não bộ của họ không khác gì so với não bộ của những người bình thường. Trong thực tế, hầu hết chúng ta đều có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà chúng ta muốn. Tất cả những gì chúng ta cần là động lực để trau dồi kỹ năng đó. Nghĩa là cần đầu tư thời gian, và tất nhiên là cả sự nỗ lực không ngừng. Việc thực hành thường xuyên sẽ “hằn sâu” thêm ký ức vào bộ nhớ tự động – bộ nhớ này không chiếm không gian trong trí nhớ làm việc và cho phép ta làm một số việc mà không cần phải suy nghĩ. Ước tính bạn sẽ mất khoảng mười năm để trở nên thành thạo về lĩnh vực nào đó và tất nhiên phần thưởng là rất lớn. Chương 2 TRÍ NHỚ VÔ HẠN Nghệ thuật ghi nhớ chính là nghệ thuật tập trung chú ý. Samuel Johnson Đ ối với nhiều người, một trong những nỗi lo lớn nhất khi về già là mất trí nhớ. Tuy nhiên, sự thật là khả năng ghi nhớ của chúng ta không có giới hạn. Người lớn tuổi có thể phải mất nhiều thời gian hơn để nhớ ra điều gì đó, nhưng nếu ký ức vẫn còn thì vẫn có thể nhớ được, dù ở độ tuổi nào. Thay vì mải lo nghĩ về những khoảnh khắc nhớ nhớ quên quên khi ngày càng lớn tuổi, chúng ta nên khắc ghi sâu những gì bản thân có thể thực hiện. Có rất nhiều ví dụ điển hình về trí óc minh mẫn của các bậc cao niên. Những công trình nghệ thuật tuyệt đỉnh của Michelangelo(*) ra đời khi ông ở độ tuổi 60, và ông vẫn tiếp tục tạo ra nhiều “siêu phẩm” mãi cho đến khi ông qua đời ở tuổi 89. (*) Michelangelo là điêu khắc gia nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Công giáo thời kỳ Phục hưng ở Ý. Faust, tác phẩm kịch nổi tiếng của Goethe(**) được hoàn thành khi ông 82 tuổi, chỉ 9 tháng trước khi ông qua đời. (**) Goethe là một trong những vĩ nhân của nền văn chương thế giới. Ông là thi sĩ, nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia, nhà khoa học, chính khách và triết gia lỗi lạc của Đức. Thời hiện đại thì có Vera Stravinsky, một họa sĩ bậc thầy với nhân sinh quan: “Sống là một quá trình làm việc cần mẫn”. Bà vẽ tranh mỗi ngày cho đến khi qua đời ở tuổi 97, và trí nhớ vẫn minh mẫn cho đến tận ngày cuối đời. Bác sĩ Paul Sherwood, người mà tôi quen, đến 90 tuổi vẫn còn hành nghề tại phố Harley, Luân Đôn. Ông vẫn làm việc năm ngày một tuần vì ông luôn xác tín với niềm tin rằng phải bận rộn thì mới có thể sống lâu. Mẹ tôi, Jean Buzan, 90 tuổi là một trường hợp điển hình khác cho thấy bạn có thể đạt được điều gì khi sống năng động và yêu đời mỗi ngày. Bà tin chắc rằng nếu chúng ta tin tưởng bản thân và tiếp tục kích hoạt bộ não của mình thì chẳng những sẽ không già đi mà còn khỏe mạnh hơn. Điều này cũng hoàn toàn đúng đối với trí nhớ của bạn, và các phương pháp được gợi ý trong chương sau sẽ chỉ cho bạn biết bạn có thể làm gì để cải thiện trí nhớ – dù bạn đang ở độ tuổi nào; nhưng trước hết, hãy bắt đầu bằng câu hỏi sau... TRÍ NHỚ LÀ GÌ? Trí nhớ... ... có thể là hồi ức về một ngày mưa trên bãi biển khi bạn còn là một đứa trẻ. ... có thể là khả năng viết thư mà không cần suy nghĩ xem phải cầm bút thế nào và trình bày ra sao. ... giúp cho những chữ đầu tiên vẫn lưu giữ trong đầu bạn ngay cả khi bạn đã đọc đến cuối câu… Tóm lại, trí nhớ liên quan đến mọi điều bạn đã từng học hỏi hoặc trải nghiệm. Ký ức vẫn đang được hình thành và lưu giữ trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời. Bộ não giúp bạn ghi nhớ điều gì đó bằng cách tạo ra một loạt đường dẫn, gọi là dấu vết ký ức. Khi các kết nối thần kinh này bị “đứt đoạn” do lâu ngày không được sử dụng đến thì ký ức sẽ rơi vào quên lãng. Ghi nhớ là một nhiệm vụ đa tầng và phức tạp diễn ra trong tất cả các khu vực của não bộ. Một số ký ức bị giới hạn trong một số khu vực nhất định, tuy nhiên hầu hết thì được lưu giữ trong mạng lưới tương tác rộng lớn hoặc thậm chí trong toàn bộ não. Có những ký ức dù “yên vị” tại một khu vực cụ thể nhưng cũng thường liên kết với nhiều khu vực khác. Ban đầu, các nhà tâm lý học nghĩ rằng họ sẽ tìm ra được bằng chứng khoa học về việc mỗi ký ức được lưu giữ tại một vị trí riêng trong não. Họ nghĩ nếu có được những công cụ thích hợp thì đến một ngày, họ có thể xác định được nhóm tế bào thần kinh hay thậm chí là một tế bào thần kinh đơn lẻ đang lưu giữ một ký ức nào đó. Mặc dù thực sự có những phần của não bộ liên quan đến những kỹ năng đặc biệt, nhưng giờ đây chúng ta biết ngay cả những kỹ năng này cũng có mạng lưới liên kết linh hoạt. Thực vậy, hầu hết các ký ức dường như đều có khả năng kích thích toàn bộ trí não. Phần lớn các ký ức đều linh hoạt thay đổi. Mỗi lần một ký ức nào đó được sử dụng thì nó lại thay đổi một chút. Ví dụ, khi bạn đi ăn nhà hàng, vỏ não trước trán (frontal cortex, phần lý luận của bộ não) sẽ tập hợp các chi tiết của sự kiện này thành một loại ký ức, hạch hạnh nhân (amygdala, trung tâm cảm xúc) sẽ “thổi” thêm cảm xúc, ý nghĩa vào những ký ức này. Nếu bạn nhớ đến những cảm xúc tuyệt vời trong buổi hẹn hò thì ký ức sẽ gắn với cảm xúc đẹp. Còn khi bạn biết người hẹn hò tối hôm trước đã “biến mất” cùng người khác, giờ đây khi cố nhớ lại bữa tối ấy, cảm xúc của bạn sẽ hoàn toàn khác. Ký ức được gắn với một cái nhãn khác, và vì vậy bạn sẽ nhớ về nó theo cách khác. Các giềng mối liên quan đến dấu vết ký ức ấy đã thay đổi. BỘ NÃO LƯU GIỮ KÝ ỨC NHƯ THẾ NÀO? Mặc dù nghiên cứu vẫn còn trong giai đoạn “trứng nước” nhưng một số nhà tâm lý học nghĩ rằng ngay cả những ký ức vụn vặt nhất cũng được lưu trữ trong các nhóm hoặc các mạng lưới tế bào thần kinh tại nhiều khu vực khác nhau trong bộ não chứ không chỉ tại một vị trí đơn lẻ nào. Thậm chí chúng còn có thể được lưu trữ trong hệ thống thần kinh bên ngoài bộ não. Khi bạn nhớ điều gì đó, tất cả các yếu tố sẽ được tập hợp tại nơi mà nhà thần kinh học Antonio Damasio gọi là “vùng hội tụ” – nằm gần mạng lưới tế bào thần kinh cảm giác, nơi ghi nhận những thông tin đầu tiên về sự kiện. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hồi hải mã (hippocampus) – nằm ngay chính giữa bộ não và tiếp xúc với cả hai bán cầu não – sẽ gởi các ký ức mới đến bộ não và tập hợp chúng lại khi cần. Điều thú vị là dường như hầu hết các hoạt động lưu trữ ký ức sẽ được thực hiện trong khi bạn ngủ. Tương tự với cách máy tính sao lưu dữ liệu tự động vào ban đêm, hồi hải mã gởi những ký ức trong ngày cho “trung tâm lưu trữ” khi bạn đang say ngủ và mơ – có lẽ đây là lý do vì sao một đêm ngon giấc rất cần thiết cho việc học. Cuối cùng, chính tế bào thần kinh sẽ là nơi lưu trữ ký ức bằng cách phát sáng và tạo liên kết với các tế bào thần kinh khác. Mỗi ký ức là một hình thái phát sáng riêng biệt của các tế bào thần kinh, chứ không phải của một tế bào thần kinh đơn lẻ nào. Đó là một mạng lưới! Và như chúng ta đã biết, mỗi trải nghiệm mới sẽ làm cho một số liên kết mạnh lên và làm suy yếu một số liên kết khác. Sau khi trải nghiệm đó qua đi, những thay đổi sẽ nhanh chóng phai mờ nếu nó không hỗ trợ cho nhận thức dài hạn (long term potentiation). Nhận thức dài hạn có nghĩa là khi một trải nghiệm được lặp lại càng nhiều thì mạng lưới thần kinh có liên quan sẽ càng mạnh, khiến cho ký ức ấy càng trở nên sâu sắc. TRÍ NÃO DIỆU KỲ! Suy nghĩ lạc quan giúp bạn lâu già Ở Trung Quốc, người cao tuổi thường được kính trọng vì sự thông thái của họ, và quan niệm về “tuổi già” cũng không mang nghĩa tiêu cực như ở phương Tây. Thú vị là trong một nghiên cứu của Đại học Harvard, các nhà nghiên cứu đã so sánh hiệu năng ghi nhớ của một nhóm người đến từ Trung Quốc và một nhóm người đến từ Mỹ. Họ không tìm thấy sự khác biệt nào về khả năng ghi nhớ ở những người trẻ tuổi trong hai nhóm này. Tuy nhiên, trí nhớ của những người cao tuổi Trung Quốc vượt trội hơn hẳn những người Mỹ cao tuổi nhờ vào thái độ tích cực đối với tuổi tác. Tương tự, những người Mỹ có cái nhìn lạc quan về tuổi tác cũng có trí nhớ tốt hơn so với những người mang cái nhìn tiêu cực. Bài học ở đây là: nếu bạn nghĩ rằng bạn ngày càng lú lẫn và sức mạnh trí não sẽ giảm sút khi về già thì điều bạn trông đợi sẽ trở thành hiện thực. Còn nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ bước vào “tuổi xế chiều” với sự thông thái và trí não sẽ “càng già càng cay” thì nhiều khả năng bạn sẽ đạt được điều này. TRÍ NÃO DIỆU KỲ! Bộ não tạo ra những ký ức lâu dài bằng cách nào? Về cơ bản, ký ức là những nhóm tế bào thần kinh phát sáng cùng nhau theo cùng một mô thức. Bất cứ khi nào các mối liên kết được kích hoạt, chúng sẽ kết nối với nhau thành ký ức nhờ vào nhận thức dài hạn. Khi neuron thứ nhất phát sáng, nó sẽ kích hoạt neuron “hàng xóm”. “Động tác” này sẽ kích hoạt các cơ quan thụ cảm ở neuron thứ hai tại điểm kết nối giữa hai neuron, khiến neuron thứ hai sẵn sàng phát sáng trong tương lai. Neuron thứ hai sẽ ở trạng thái chờ trong một vài ngày, và chỉ cần một tín hiệu le lói từ neuron thứ nhất thôi cũng có thể khiến nó bừng sáng. Nếu tín hiệu đó xuất hiện liên tục thì mối liên kết giữa hai neuron này trở nên mạnh đến nỗi chúng sẽ luôn phát sáng cùng nhau. Khi chúng cùng phát sáng mạnh mẽ, sự kết hợp này có thể kích hoạt neuron bên cạnh. Nếu quá trình lặp đi lặp lại nhiều lần, neuron thứ ba cũng sẽ bị kéo vào nhóm, tạo thành một ký ức khó phai. Phân loại trí nhớ TRÍ NHỚ THÔNG QUA CÁC GIÁC QUAN (TRÍ NHỚ TẠM THỜI) Trí nhớ thông qua các giác quan là dạng trí nhớ ngắn ngủi nhất. Đây là trí nhớ lưu giữ thông tin đầu vào từ tất cả các giác quan trong một thời gian ngắn. Tại bất kỳ thời điểm nào, khi có quá nhiều thông tin đầu vào, trí nhớ tạm thời chỉ giữ lại những thông tin đủ dài để bộ não có thể sắp xếp, phân loại theo mức độ hữu ích và bỏ đi tất cả những thông tin “thừa”. Điều này cho phép bạn tiếp tục nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận được sự vật, sự việc thêm một khoảng thời gian sau khi chúng diễn ra. Trí nhớ tạm thời thông qua thị giác được gọi là trí nhớ hình ảnh. Ví dụ, bạn có thể dùng pháo hoa viết tên mình trong không khí vào ban đêm, nếu bạn viết đủ nhanh thì bạn có thể nhìn thấy ký tự cuối cùng trong khi mắt vẫn còn lưu giữ ký ức về ký tự đầu tiên. Nếu bạn nghĩ rằng bạn không nghe rõ người kia vừa nói điều gì, rồi bỗng dưng nhớ ra, thì đấy là lúc trí nhớ tạm thời thông qua thính giác, hay trí nhớ âm thanh, đang hoạt động để “phát lại” những gì người kia nói. TRÍ NHỚ NGẮN HẠN & TRÍ NHỚ DÀI HẠN Bộ nhớ có thể làm việc trong ngắn hạn hoặc dài hạn. Trí nhớ ngắn hạn là quá trình bộ não lưu trữ thông tin trong vài giây, vài phút hay nhiều nhất là vài giờ. Loại trí nhớ này được sử dụng khi bạn tra số điện thoại trong danh bạ và chỉ nhớ đủ lâu để có thể bấm số trên điện thoại của bạn. Nó thực sự hữu ích trong các hoạt động hàng ngày, do đó nhiều nhà tâm lý học thích gọi nó là trí nhớ làm việc. Dạng trí nhớ ngắn hạn này cho phép bạn lưu giữ phần đầu của câu nói trong đầu khi bạn lắng nghe phần còn lại. Nó cũng hoạt động như một bộ lọc, chỉ lưu lại những thông tin có vẻ quan trọng và “cấm cửa” tất cả các thông tin khác đang ồ ạt “đổ bộ” thông qua các giác quan. Về mặt nào đó, trí nhớ làm việc khá giống với RAM máy tính – chỉ lưu giữ đủ dữ liệu để thực hiện nhiệm vụ và các dữ liệu sẽ biến mất ngay khi bạn tắt máy. Đối với loại trí nhớ này, các tế bào thần kinh có thể quản lý khá tốt các protein sẵn có trong các khớp thần kinh. Tuy nhiên, để lưu giữ ký ức trong khoảng thời gian dài, tế bào thần kinh phải tạo ra các protein mới. Những nghiên cứu gần đây chứng minh rằng sự tạo thành các protein này được kích hoạt bởi một protein có tên là CREB. Protein cực kỳ đặc biệt này dường như có liên quan đến hàng loạt những thay đổi dài hạn trong hoạt động của bộ não, chẳng hạn như điều chỉnh đồng hồ sinh học của cơ thể sau khi bạn đi máy bay. TRÍ NHỚ RÕ RÀNG & TRÍ NHỚ TIỀM ẨN Khi ký ức đã được lưu giữ trong một thời gian dài, bạn không cần phải cố nhắc nhớ về chúng. Một số ký ức trở nên rõ ràng, nghĩa là bạn có thể khơi dậy bất cứ lúc nào. Những ký ức dạng này bao gồm những kiến thức thực tế như tên gọi, địa điểm và ngày tháng. Đây là những ký ức phụ thuộc vào sự trao đổi qua lại giữa hồi hải mã và vùng phía trước não bộ – thùy thái dương. Những ký ức như thế này được tạo nên khá nhanh chóng, được tái hiện chóng vánh hoặc bị lãng quên – tựa như một thư viện khổng lồ có thể truy cập nhanh và dễ dàng thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ký ức từ từ “bén rễ” và trở thành một phần của quá trình lập trình não bộ. Đây là những ký ức “ẩn”, có thể gây ảnh hưởng mà không cần bạn phải nhận thức về chúng. Tất cả những kỹ năng và thói quen bạn học được trong suốt cuộc đời là dạng trí nhớ này – đi lại, nói chuyện, ăn uống, cầm ly tách, đá bóng, v.v. Cần phải có thời gian mới có được trí nhớ thường trực (procedural memories), hay còn gọi là “ngân hàng dữ liệu kỹ năng”. Bạn phải liên tục luyện tập các kỹ năng cho đến khi ký ức về chúng được hình thành. Một khi đã có được thì hiếm khi bạn phải nghĩ về chúng. TRÍ NHỚ “BẬC THẦY” Trong lịch sử nhân loại đã từng có nhiều người sở hữu trí nhớ cực kỳ siêu phàm. Themistocles, một người Hy Lạp cổ đại, có thể nhớ tên 20.000 công dân thành Athen. Tuy nhiên, trí nhớ của ông vẫn chưa là gì khi so với triết gia La Mã Seneca, người được tương truyền là có thể nhớ tên tất cả các công dân thành Rome. Vào thế kỷ 17, Antonio Magliabechi – học giả nổi tiếng người Ý và là một người ham đọc sách – chịu trách nhiệm trông coi 40.000 cuốn sách trong thư viện của Đại Công tước xứ Tuscany ở Florence. Tương truyền là Magliabechi có khả năng thuộc lòng từng chữ một trong mỗi cuốn sách! Trí nhớ của ông phi thường đến nỗi câu chuyện về ông đã đến tai một tác giả. Vị tác giả này quyết định thử tài ông bằng cách cho ông đọc bản thảo của mình trong một khoảng thời gian rất ngắn rồi lấy lại. Sau đó vị tác giả giả vờ đã đánh mất nó và thỉnh cầu Magliabechi viết lại giúp ông tất cả những gì mà Magliabechi có thể nhớ được. Thật kinh ngạc, Magliabechi đã viết ra toàn bộ cuốn sách mà không sai sót một từ nào, kể cả dấu chấm câu. Ngoài ra, một số người cũng có khả năng sử dụng trí nhớ làm việc của mình để thực hiện những phép tính đáng kinh ngạc. Vào thế kỷ 19, có một người tên là Johann Zacharias có thể tính nhẩm phép nhân hai con số có 20 chữ số trong vòng 6 phút. Năm 1980, Shakuntala Devi – một phụ nữ Ấn Độ – đã gây kinh ngạc khi có thể tính nhẩm phép nhân hai con số có 13 chữ số chỉ trong 28 giây. Ngay bây giờ, chỉ cần thử tính nhẩm phép nhân hai con số có 6 chữ số, bạn sẽ thấy trí nhớ của những người này... kinh khủng đến thế nào! 745629 x 456231 Ngày nay, Phần thưởng vinh quang sẽ được trao cho nhà vô địch về trí nhớ trong việc ghi nhớ số pi (22 chia cho 7). Khi Rajan Mahadevan, người Ấn Độ, nhớ đến 31.811 chữ số thập phân vào năm 1985, người ta nghĩ rằng chắc chẳng còn ai có thể nhớ được hơn thế. Nhưng sau đó người Nhật tỏ vẻ quan tâm đến “trò chơi” này. Năm 1987, Hideaki Tomoyori đã lập nên “chiến tích” khi có thể nhớ đến 40.000 chữ số thập phân của số pi. Năm 1995, Hiroyuki Goto đã nhớ đến 42.195 chữ số thập phân. Và năm 2005, Akira Haraguchi đã nâng con số này lên một mức đáng kinh ngạc – 83.431 chữ số! TRÍ NHỚ SỰ KIỆN Các nhà tâm lý học đôi khi phân chia trí nhớ rõ ràng thành hai loại: trí nhớ sự kiện và trí nhớ ngữ nghĩa. Trí nhớ sự kiện là trí nhớ “đa phương tiện”. Chúng chứa những kỷ niệm, ký ức trong toàn bộ “phân cảnh” cuộc đời bạn, trên mọi phương diện – ngày đầu tiên đi học, buổi đi chơi tối chủ nhật tuần vừa rồi, cảnh vật, âm thanh, mùi vị, đoạn đối thoại, và rất nhiều thứ “hằm bà lằng” khác. Thường thì bạn có thể nhớ tất cả những gì liên quan đến phân cảnh đó nếu bạn hồi tưởng lại. Những ký ức như thế này cần tới sự kết nối từ khắp mọi phần trong bộ não. Hầu hết những ký ức dạng này đều phai mờ dần theo thời gian, và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực mới có thể tái hiện một cách chi tiết. Thông thường, trí nhớ sẽ thay đổi – do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, kể cả tâm trạng như sợ hãi, căng thẳng – và chúng ta sẽ nhớ lại sự việc theo những cách khác nhau trong từng giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Những trải nghiệm sâu đậm nhất gần như không thể “dập tắt”, không thể phai mờ trong tâm trí, trong khi những sự việc xảy ra thường nhật lại sớm nhạt nhòa, dễ rơi vào quên lãng. TRÍ NHỚ DUY NHẤT Những phân cảnh đặc biệt mãnh liệt dường như làm cả bộ não bừng sáng lên giống như ngọn đèn ash. Chúng khiến cho các tế bào thần kinh phát sáng khắp não bộ, đến độ mỗi một chi tiết nhỏ nhặt, vụn vặt nhất cũng không thể nào quên. Ký ức duy nhất là ký ức cá nhân về những khoảnh khắc tình cảm, chẳng hạn như ngày đầu tiên bạn đến trường hay nụ hôn đầu đời. Cũng có một số ký ức chung liên quan đến nhiều người, ví dụ như chiến thắng của đội tuyển quốc gia trong một sự kiện thể thao. TRÍ NHỚ NGỮ NGHĨA Trí nhớ ngữ nghĩa là ký ức về những đoạn thông tin riêng biệt – sự việc, ý kiến và đối tượng. Việc biết Paris là thủ đô của nước Pháp là một ký ức ngữ nghĩa, còn chuyến đi thăm Paris là một ký ức sự kiện. Có thể nhờ chuyến đi thăm Paris mà bạn nhớ rằng Paris là thủ đô của nước Pháp. Điều đó có nghĩa là trí nhớ ngữ nghĩa và trí nhớ sự kiện có thể kết hợp, đan xen nhau. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là một nghiên cứu mới đây về những đứa trẻ bị chứng mất trí nhớ mãn tính do hồi hải mã bị thương tổn đã tiết lộ một sự khác biệt nổi bật. Nhà thần kinh học Faraneh Vargha-Khadem phát hiện ra rằng trong khi thương tổn ở hồi hải mã tước đi những ký ức sự kiện của nhóm trẻ này thì trí nhớ ngữ nghĩa của chúng không hề bị ảnh hưởng. Mặc dù những đứa trẻ này có thể viết và đọc tốt, cũng như có đầu óc phân tích thông tin tốt như các bạn cùng lớp, nhưng chúng lại không thể nhớ được chương trình truyền hình vừa mới xem. Dường như vai trò của hồi hải mã là làm cho kết nối giữa các dấu vết ký ức còn sót lại trong những phần khác nhau của bộ não được mạnh thêm. Sự linh hoạt của trí nhớ Bộ nhớ hoạt động linh hoạt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Martha Curtis là một nghệ sĩ vĩ cầm trẻ người Mỹ. Khi trưởng thành, Martha bị chứng động kinh, tình trạng của cô tệ đến nỗi các bác sĩ quyết định loại bỏ một phần não, phần chịu trách nhiệm đối với các cơn co giật của cô. Vấn đề là bộ phận đó có liên quan đến khả năng cảm thụ âm nhạc. Ban đầu, các bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ đi một phần nhỏ vì lo ngại rằng Martha sẽ mất đi năng khiếu âm nhạc. Cuối cùng, họ buộc phải cắt bỏ toàn bộ vùng tổn thương để chặn đứng cơn co giật. Kinh ngạc thay, dù cuộc phẫu thuật đã chấm dứt hẳn các cơn co giật nhưng không hề gây ảnh hưởng gì đến năng khiếu âm nhạc của Martha – cô vẫn chơi đàn hay như trước đây. Hóa ra, khi Martha học chơi vĩ cầm thuở bé, não của cô đã tự thay đổi và gởi những ký ức về năng khiếu của cô đến một khu vực khác không bị tổn thương trong bộ não. Sự linh hoạt này chỉ là một ví dụ nhỏ về sức mạnh tuyệt vời của não bộ. Chương tiếp theo sẽ xem xét cách thức vận dụng sức mạnh này để cải thiện trí nhớ của bạn – dù bạn đang ở độ tuổi nào! Chương 3 CÁC PHƯƠNG PHÁP GHI NHỚ NHANH Việc làm chủ những kỹ thuật ghi nhớ đơn giản có thể giúp một số người nhận ra rằng đây là lần đầu tiên họ có thể kiểm soát trí óc của mình. Hans Eysenck B ạn nghĩ trí nhớ của bạn tốt đến mức nào? Liệu nó có thể tốt hơn nữa không? Và sẽ tốt đến mức nào? Một số người có thể phát huy khả năng ghi nhớ thật đáng kinh ngạc. Có một giai thoại về Mozart như sau: vào năm 1770, năm Mozart 14 tuổi, ông đến thăm thành Rome và nghe bản nhạc Miserere của Allegri tại nhà nguyện Sistine. Bản nhạc hay kéo dài trong nửa tiếng đồng hồ này đặc biệt đến nỗi tòa thánh Vatican ban hành lệnh cấm công bố rộng rãi. Sau buổi hòa nhạc, Mozart đã viết lại toàn bộ bản nhạc theo trí nhớ. Gần đây, những kỷ lục về trí nhớ được thiết lập trên toàn thế giới dường như đã ngầm cho thấy người bình thường cũng có thể tạo nên điều kỳ diệu. Chẳng hạn, bạn có thể tưởng tượng nổi việc ghi nhớ thứ tự mỗi quân bài đơn lẻ trong một bộ bài không? Dominic O’Brien có thể làm điều này chỉ trong 32,9 giây. Ngạc nhiên hơn nữa, vào năm 2003, ở tuổi 44, ông ấy có thể nhớ thứ tự của tất cả các quân bài trong 18 bộ bài – tổng cộng là 936 quân – chỉ trong 60 phút. Những kỷ lục như thế này gây kinh ngạc đến độ khiến chúng ta nghĩ rằng những người “trình diễn” các kỷ lục đó hẳn phải sở hữu bộ não rất đặc biệt hoặc có trí thông minh siêu phàm. Năm 2002, các nhà khoa học quyết định tiến hành thử nghiệm khả năng ghi nhớ của con người, và đưa ra hàng loạt bài kiểm tra nhằm thử thách những người có trí nhớ tuyệt đỉnh tham gia Giải Vô địch Thế giới về Trí nhớ (World Memory Championships) được tổ chức hàng năm. Đây là những bài kiểm tra trí nhớ toàn diện, tiết lộ cho chúng ta thấy bộ não của những nhà vô địch về trí nhớ không khác gì so với bộ não của bất kỳ ai. Hơn thế, họ thậm chí chẳng có gì xuất sắc hơn những người được cho là “bình thường” khi tham gia các bài kiểm tra trí thông minh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 9 trong 10 nhà vô địch về trí nhớ đang sử dụng phương pháp có từ thời Hy Lạp cổ đại, tên là phương pháp Loci, một phương pháp dựa trên vị trí và trí tưởng tượng(*). (*) Xem trang 76. Thêm vào đó, những bài thử nghiệm còn chỉ ra rằng các nhà vô địch về trí nhớ rất thông thạo những công việc, những nhiệm vụ mà họ có thể áp dụng các phương pháp ghi nhớ đã quen dùng. Còn trong các bài kiểm tra trí nhớ khác, họ không làm tốt bằng những người “bình thường”. Ghi nhớ tốt đơn giản chỉ là một kỹ năng, và kỹ năng luôn do học hỏi, trau dồi mà có. Dù khả năng ghi nhớ của bạn đang ở mức độ nào và bạn đang ở độ tuổi nào chăng nữa thì bạn đều có thể cải thiện trí nhớ đáng kể bằng cách áp dụng những phương pháp được giới thiệu trong chương này. Những chiến lược “ghi nhanh nhớ mạnh” ở đây sẽ giúp bạn nâng cao năng lực ghi nhớ ngay lập tức vì chúng phối hợp với bộ não chứ không chống lại nó. Chương trình 7 Ngày Rèn luyện Năng lực Não bộ sẽ giúp bạn luyện tập các phương pháp ghi nhớ cho đến khi chúng trở thành bản năng thứ hai. Để bắt đầu chương trình, bạn cần dành thời gian làm quen với các phương pháp khác nhau và tìm ra phương pháp phù hợp nhất. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên về khả năng của mình cho mà xem! Cải thiện trí nhớ bằng cách nào? Tất cả các phương pháp sau đây đều có điểm chung là vận hành theo cách liên kết những điều cần phải ghi nhớ với một số ý tưởng “xúc tác” khác. Bộ não sẽ ghi nhớ tốt những điều được gắn với ý nghĩa nào đó. Một sự kiện hoặc dữ liệu có ý nghĩa đặc biệt đối với bạn sẽ được mã hóa nhanh hơn, mạnh hơn so với những sự kiện hay dữ liệu khác. Khi một ký ức có ý nghĩa, bộ não sẽ gắn cho nó một “thẻ ghi nhớ” để dễ dàng tái hiện nó sau này. Trong trường hợp không có ý nghĩa gì đặc biệt, ta có thể đặt điều cần nhớ vào bối cảnh nào đó, hoặc liên kết nó với những ý tưởng khác để tạo ra một “thẻ ghi nhớ” cho bộ não. “Tấm thẻ” này đặc biệt hiệu quả nếu nó sống động, gây kinh ngạc và đáng chú ý. Thật dễ hiểu! Bạn có thể hình dung bộ nhớ của bạn giống như là thư viện, một ký ức đặc biệt nào đó sẽ trở nên dễ tìm hơn nếu nó được gắn cho một tấm thẻ ghi nhớ to với nhiều màu sắc tươi sáng. Bạn sẽ nhanh chóng thấy được hiệu quả ngay khi bắt đầu vận dụng các kỹ năng ghi nhớ. Càng vận dụng nhiều, bạn càng ghi nhớ tốt hơn. Hãy thực hành các phương pháp đơn giản này trong vòng vài tuần, rồi bạn sẽ kinh ngạc trước trí nhớ tuyệt vời của mình. Các kỹ năng ghi nhớ nên được rèn luyện thường xuyên và trở thành bản năng thứ hai, nghĩa là bạn có thể vận dụng chúng một cách tự nhiên đến mức không nhận ra rằng bạn đang làm điều đó. Cũng giống như tất cả các kỹ năng khác, khả năng ghi nhớ của bạn sẽ được cải thiện dần theo thời gian! BẢN ĐỒ TƯ DUY Bản đồ Tư duy (Mind Map) là một “chiến thuật” tư duy và hệ thống ghi chú mà tôi đã sáng tạo ra cách đây hơn 30 năm, hiện đang được hàng triệu người trên khắp thế giới áp dụng. Bản đồ Tư duy được các chính phủ, tổ chức giáo dục, tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp hàng đầu ưa chuộng nhờ tính hữu dụng của nó. Bản đồ Tư duy giúp: 1. Gợi mở những ý tưởng tuyệt vời 2. Hiểu rõ những chủ đề phức tạp 3. Thiết lập và đạt được mục tiêu đề ra 4. Tạo động lực cho bản thân và người khác 5. Cải thiện trí nhớ Đây thực sự là phương pháp ghi nhớ nhanh chóng và đơn giản nhất mà bạn có thể học. Phương pháp này tác động ngay tức khắc đến trí nhớ, năng lực sáng tạo và khả năng tập trung của bạn. Ý tưởng đơn giản và xuất sắc này mang lại hiệu quả cao vì nó phù hợp với cách vận hành của bộ não và phối hợp nhiều kỹ năng tư duy. Thông thường, khi viết ra ý tưởng, bạn sẽ viết chúng theo dạng liệt kê – hết ý này rồi đến ý khác. Nhưng bộ não hoàn toàn không hoạt động giống như vậy, nó phát tín hiệu đi tất cả các hướng, tạo liên kết với mọi ngóc ngách trong não bộ. Bản đồ Tư duy “lợi dụng” triệt để cách vận hành này của bộ não. Nó giải phóng tâm trí, khiến cho việc suy nghĩ trở nên thú vị hơn. Trước tiên, bạn hãy vẽ một hình ảnh/biểu tượng đơn giản về chủ đề mà bạn cần suy nghĩ ngay giữa tờ giấy, sau đó để mặc các ý tưởng lan tỏa theo mọi hướng trên trang giấy giống như các tuyến đường xuất phát từ trung tâm thành phố. Giả sử bạn muốn lên kế hoạch cho tuần tới, bạn phải làm thế nào? 1. Thu thập tất cả các tài liệu mà bạn cần – những nghiên cứu của bạn, một “cơ số” bút màu và một tờ giấy khổ lớn. 2. Đặt tờ giấy theo phương nằm ngang để các ý tưởng có thể tỏa rộng. 3. Vẽ một hình ảnh hoặc biểu tượng đơn giản để đại diện cho ý tưởng chủ đạo – trong trường hợp này, bạn có thể vẽ một cuốn/tờ lịch. 4. Bắt đầu nghĩ về những việc bạn phải làm trong tuần tới. Có thể bạn sẽ có một bữa tiệc gia đình, một buổi tập bơi hay một cuộc họp ở cơ quan. Bạn có thể sắp xếp ý tưởng/nhiệm vụ theo từng ngày. 5. Để nghĩ về mỗi chủ đề chính trong Bản đồ Tư duy, hãy vẽ các nhánh chính tỏa ra từ hình ảnh trung tâm, sau đó viết một từ khóa hoặc vẽ một hình biểu tượng đơn giản trên mỗi nhánh. Trong trường hợp này, bạn chọn các nhánh chính là 7 ngày trong tuần. Viết từ khóa hoặc vẽ hình ảnh lên các nhánh lớn tương ứng. 6. Bây giờ, hãy khám phá các nhánh chính bằng cách thêm các nhánh phụ. Viết ý tưởng (chọn từ ngắn gọn, súc tích) hoặc vẽ hình ảnh đơn giản cho mỗi nhánh phụ. Ví dụ, vào ngày thứ Hai bạn có một cuộc họp, vậy thì bạn có thể thêm những thông tin như: thành viên dự họp, thời gian và địa điểm họp. “Bí quyết” vận dụng Bản đồ Tư duy: 1. Dùng ít nhất ba cây bút màu để tạo sự sống động và thú vị cho tấm bản đồ của bạn. 2. Thay vì vẽ đường thẳng, hãy vẽ những đường cong vì bộ não hứng thú với đường cong hơn. 3. Viết ý tưởng lên nhánh, cuối mỗi nhánh là hình ảnh minh họa. 4. Thoải mái bổ sung thêm ý tưởng cho các nhánh. Đừng cố làm việc theo kiểu hệ thống, “lớp lang” một cách nhàm chán. 5. Tiến hành nhanh chóng và thoải mái, đừng dừng lại đặt câu hỏi về ý tưởng ở mỗi điểm phân nhánh. Hãy hòa mình vào quá trình sáng tạo, xem đây là một quá trình hình thành “cơn bão ý tưởng” chứ đừng biến nó thành “cơn mưa nhỏ giọt” với những ý tưởng quen thuộc đến tẻ nhạt. Sau đây là một trong số vô vàn cách ứng dụng Bản đồ Tư duy: 1. Nắm bắt mọi thông tin ghi chú khi tiến hành nghiên cứu một chủ đề hoặc chuẩn bị báo cáo 2. Tìm ra cách tốt nhất để thực hiện một nhiệm vụ phức tạp 3. Chuẩn bị bài phát biểu hoặc trình bày 4. Lên kế hoạch về một sự kiện của gia đình, chẳng hạn như kỳ nghỉ lễ hoặc đám cưới NÂNG CẤP TRÍ NHỚ LÀM VIỆC Trí nhớ làm việc là trí nhớ bạn sử dụng khi muốn có sẵn thông tin trong tay, sẵn sàng xử lý công việc với thông tin đó. Bộ nhớ này không chứa nhiều dữ liệu như bộ nhớ dài hạn vì nó cần có không gian trống để sẵn sàng nhận đoạn thông tin ngắn tiếp theo. Tuy nhiên, dung lượng của bộ nhớ này vẫn còn nhiều, và bạn có thể nâng cấp nó bất cứ khi nào bằng cách vận dụng những phương pháp ghi nhớ nhanh. Kiểm tra trí nhớ Để nhận biết mức độ hoạt động của trí nhớ làm việc, bạn hãy thử bài kiểm tra trí nhớ sau đây. Đọc mỗi chuỗi ký tự, dành một giây để nhớ mỗi ký tự. Sau đó đóng ngay sách lại và viết ra các ký tự mà bạn nhớ, theo đúng thứ tự xuất hiện của ký tự trong chuỗi đó. Dòng dài nhất bạn nhớ chính xác là dòng nào? Điểm trung bình là từ 5 đến 7; từ 9 điểm trở lên là thuộc hạng xuất sắc. Tôi không muốn bạn xếp thứ hạng trung bình – tôi muốn bạn “tỏa sáng”, vì đó mới chính là bạn! Chỉ cần thử những phương pháp sau đây, bạn sẽ nhận thấy trí nhớ của bạn được cải thiện rõ rệt và hoạt động tối ưu! GỘP NHÓM THÔNG TIN Cách đơn giản nhất để tăng khả năng ghi nhớ là Gộp nhóm thông tin. Bạn hãy đọc nhanh số điện thoại này chỉ một lần, không quá năm giây. 05964895427 Gấp nhanh quyển sách lại và cố viết nó ra giấy. Bạn sẽ gặp khó khăn khi nhớ chính xác dãy số này, đúng không? Giờ thì bạn hãy nhìn dãy số sau và thử đọc theo từng nhóm ba số một: 096 487 762 19 Lần này kết quả có khá hơn không? Bạn có thể ghi lại hoàn toàn chính xác phải không nào? Phương pháp Gộp nhóm thông tin rất hiệu quả. Bạn có thể nhóm các thông tin muốn nhớ theo từng nhóm lớn hơn và dễ ghi nhớ hơn. Ở dạng cơ bản nhất, bạn có thể nhóm chúng theo từng nhóm nhỏ – lý tưởng là nhóm ba. Không chỉ có thể nhớ những chuỗi số như thế này mà thực tế bạn còn có khả năng ghi bất cứ điều gì bạn cần vào trí nhớ làm việc. Giả sử bạn đang nói chuyện với một nhóm người và cần phải nhớ tên tất cả mọi người sau khi được giới thiệu qua một lần: Gemma Janine Paul Kylie Rachel Tom Hanna Andrew Daniel Ben Lucy Susanna Có thể bạn nghĩ đây là một yêu cầu khá cao! Hãy cố gắng lặp lại trong đầu từng nhóm ba cái tên khi mỗi người giới thiệu tên và bạn sẽ nhận thấy đúng là dễ đến kinh ngạc. Phương pháp này cũng hiệu quả khi bạn muốn ghi nhớ những việc cần phải làm trong suốt ngày dài. KIỂU MẪU CHUNG Bạn có thể thành thạo phương pháp này nếu học cách tìm kiếm các kiểu mẫu chung, đặc biệt là những kiểu mẫu quen thuộc. Bạn có thể nhận ra những kiểu mẫu nào trong số điện thoại di động sau? 01019181945 Bạn có để ý thấy năm kết thúc hai cuộc Chiến tranh Thế giới – 1918 và 1945 – không? Nếu bạn phát hiện ra những kiểu mẫu đặc biệt này trong dãy số, việc ghi nhớ nó chỉ là chuyện nhỏ. Mặc dù các kiểu mẫu có thể không “lộ diện” ngay lập tức nhưng bạn sẽ không phí công khi tìm kiếm chúng. Chẳng hạn, bạn có thể nhớ danh sách các thực phẩm cần mua sau đây không? thịt xông khói cà phê rượu bánh kem trứng mứt cà chua bánh mì phô mai trà quả ô-liu ngâm Ngay cả khi bạn áp dụng cách gộp nhóm ba món hàng lại với nhau thì cũng không dễ dàng gì. Hãy suy nghĩ và phân loại thành từng nhóm các món liên quan đến điểm tâm sáng, tiệc trà và món ăn kèm, bạn sẽ thấy đơn giản hơn nhiều: Điểm tâm sáng: thịt xông khói, trứng, cà chua, cà phê Tiệc trà: trà, bánh mì, mứt, bánh kem Món ăn kèm: quả ô-liu ngâm, phô mai, rượu vang SƠ ĐỒ Việc nhận ra các kiểu mẫu chung thực sự rất hữu ích cho việc ghi nhớ vì ký ức của chúng ta được tổ chức theo dạng “sơ đồ”, theo cách nói của các nhà tâm lý học. Sơ đồ cũng là một dạng kiểu mẫu – tập hợp những thông tin có liên quan với nhau – và được lưu trữ trong bộ nhớ. Bằng cách đó, chúng hình thành nên chuỗi ký ức – các mảnh ký ức liên kết với nhau chặt chẽ đến nỗi có thể được khơi dậy cùng một lúc. Sự liên kết này mạnh đến nỗi không chỉ tác động đến cách bạn ghi nhớ danh sách mà còn thực sự ảnh hưởng đến cách tư duy của bạn. Trong một thử nghiệm, các kiện tướng và bậc thầy môn cờ vua được thử thách “so não” với các tay cờ nghiệp dư để xem xem họ có thể nhớ vị trí của khoảng 20 đến 25 quân cờ được sắp đặt ngẫu nhiên trên bàn cờ chính xác đến mức nào sau khi chăm chú nhìn chúng trong 5 đến 10 giây. Các bậc thầy cờ vua và những người chơi cờ bình thường đều ngang ngửa nhau ở khả năng nhớ vị trí của 6 quân cờ. Tuy nhiên, nếu các quân cờ được sắp xếp theo hình thức là một ván cờ (cả hai bên đều không được biết trước) thì các kiện tướng và các bậc thầy cờ vua đều có thể nhớ được vị trí của tất cả quân cờ, trong khi những tay chơi nghiệp dư cũng vẫn chỉ nhớ được vị trí của 6 quân. Điều này chứng tỏ đây không đơn thuần là một “chiến tích” của trí nhớ mà là nhờ vào khả năng nhận biết vị trí các quân cờ theo nhóm hoặc theo “thế trận”. Rõ ràng là ghi nhớ theo sơ đồ hoặc theo các kiểu mẫu chung sẽ giúp bạn nhớ tốt hơn. Và nếu bạn có thể phân chia lượng thông tin đầu vào phức tạp thành những nhóm thông tin đơn giản, bạn sẽ xử lý các thông tin này một cách rõ ràng và hiệu quả hơn. Nguyên tắc chung là, khi nhận thấy mình thường hay quên điều này điều kia thì không phải do trí não bạn hoạt động kém hiệu quả hay trí nhớ của bạn “xuống cấp”, mà đơn giản là bạn đã không vận dụng đúng phương pháp ghi nhớ để giúp lưu trữ và tái hiện thông tin. THẺ SỐ Nếu bạn gặp khó khăn khi phải nhớ những con số thì hãy thử áp dụng phương pháp sau, một phương pháp rèn luyện trí nhớ do người Hy Lạp cổ đại khai phá. Theo phương pháp này, bạn “neo” mỗi con số với một hình ảnh gần giống với hình dạng của con số đó. Bạn có thể tự chọn ra những hình ảnh của riêng mình. Còn sau đây là một vài gợi ý: Để các con số “gắn chặt” vào tâm trí bạn, hãy viết chúng ra giấy kèm theo những hình ảnh phác thảo nhỏ bên cạnh. Bây giờ, nếu bạn muốn nhớ con số 1, hãy tưởng tượng Leonardo da Vinci đang cầm . Nếu bạn muốn nhớ con số 2, hãy nghĩ đến . Khi muốn nhớ một loạt các con số, bạn hãy kết hợp những hình ảnh này thành một câu chuyện nhỏ – càng kỳ lạ, phi thực tế càng tốt! Nếu bạn thường hay quên mã PIN của thẻ ATM thì hãy thử vận dụng phương pháp này, và bạn sẽ nhớ nó một cách dễ dàng. Ví dụ, mã PIN của bạn là 4527, hãy liên tưởng đến cảnh đang bị tàu của thuyền trưởng rượt theo từ phía sau, còn gã thuyền trưởng này thì lại bị “truy kích” với ngậm trong mỏ. Hình ảnh này rất độc đáo nên chắc chắn bạn sẽ nhớ được số PIN! Một khi bạn đã quyết định hình ảnh nào đại diện cho con số nào thì nên giữ mãi hình ảnh đó. Nếu bạn thay đổi, bạn có thể gây bối rối và nhầm lẫn cho chính mình. Bí quyết giúp bạn ghi nhớ các Thẻ số: • Vẽ một Bản đồ Tư duy cho các con số với hình ảnh đại diện trên mỗi nhánh số. • Thực hành với bất kỳ con số nào bạn nhìn thấy – chẳng hạn, giá cả của các món đồ trong siêu thị, lịch hẹn hoặc ngày sinh nhật. THẺ VẦN ĐIỆU(*) (*) Xem Phụ lục 2. Bạn cũng có thể chọn hình ảnh cho những từ đồng âm với con số khi đọc lên. Đây cũng là một “bí kíp” thú vị để học tiếng Anh. Ví dụ: SỬ DỤNG THẺ CỦA BẠN Một khi hình ảnh liên quan đến các con số “gắn chặt” vào đầu bạn, bạn có thể sử dụng chúng để ghi nhớ bất cứ điều gì. Bạn sẽ kinh ngạc khi thấy hiệu quả của phương pháp này. Trước hết, hãy thử bài kiểm tra trí nhớ sau để xem bạn có thể nhớ được đến đâu. Dành một phút để xem danh sách sau đây và cố gắng nhớ các món cần phải mua: Tạm quên danh sách này trong 15 phút. Sau đó, thử viết lại danh sách các món theo đúng thứ tự. Bình thường mọi người chỉ có thể nhớ đúng nhiều nhất là 7 món – kèm theo một hoặc hai lỗi sai về thứ tự. Bây giờ bạn hãy thử với một danh sách khác. Lần này, dành ra một phút để liên kết các món thực phẩm với hình ảnh sinh động đại diện cho mỗi con số: Tạo ra những liên kết càng sống động, càng lạ lùng càng tốt. Với ,bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh danh họa Leonardo da Vinci đang cắt bằng... . Càng vô lý thì càng khó quên phải không! Với , bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh đang dùng thuốc tẩy để tẩy vết ố trên bộ lông của mình. Với , bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh tách trà đang được đặt cân bằng trên . Một lần nữa, hãy tạm quên tất cả trong 15 phút. Sau đó thử viết lại danh sách mua hàng. Lần này bạn có thể nhớ tất cả các món hàng theo đúng trật tự. Hơn nữa, bạn vẫn có thể liệt kê chính xác danh sách này trong nhiều ngày kế tiếp, hay thậm chí là một tháng sau. THẺ CHỮ CÁI(**) (**) Xem Phụ lục 2 Chữ số không phải là công cụ duy nhất bạn có thể sử dụng để ghi nhớ. Dưới đây là ví dụ về “thẻ ghi nhớ” bằng chữ cái. Những từ này khi đọc lên nghe giống như chữ cái. Chẳng hạn như, chữ Ace /eɪs/ nghe giống với chữ A /eɪ/ trong bảng chữ cái, còn chữ Art /ɑ:t/ thì không đồng âm. Bí quyết giúp bạn ghi nhớ các Thẻ chữ cái: • Thử học thuộc các chữ cái theo nhóm bốn chữ cái một (một dạng của phương pháp Gộp nhóm thông tin) • Nếu thêm được chút nhạc điệu nữa thì càng tốt. Khi đã thuộc lòng các thẻ ghi nhớ, bạn có thể áp dụng hệ thống các thẻ chữ cái này vào thực tế. Giả sử bạn muốn nhớ danh sách các từ sau đây: Bạn sẽ dễ dàng nhớ danh sách này nếu bạn kết nối mỗi hình ảnh trong danh sách với Thẻ chữ cái mà bạn đã mặc định. Từ đầu tiên – A – trong danh sách là Kite (Con diều). Bạn hãy tưởng tượng hình ảnh một cánh diều khổng lồ rực rỡ sắc màu với hình đang chao lượn trên không. Càng siêu tưởng và càng phóng đại thì bạn càng dễ ghi nhớ hơn. Cố gắng đưa càng nhiều cảm nhận giác quan vào hình ảnh càng tốt – chẳng hạn như, cánh diều sặc sỡ đang bay phần phật trong gió. Từ thứ hai – B – trong danh sách là Hilarious (Vui nhộn). Lần này bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh con ong đang vừa bay vừa cười hể hả . Hãy tiếp tục với những từ còn lại trong danh sách và xem liệu bạn có thể gắn chúng với các Thẻ chữ cái như thế nào nhé! NHỚ TÊN & NHỚ MẶT Bạn đã từng lâm vào tình huống trớ trêu này chưa? Bạn vui mừng chạy như bay đến gặp một người mà bạn chỉ mới quen hôm qua và có một cuộc trò chuyện khá thú vị. Bạn định giới thiệu người này cho người bạn cùng đi nhưng chợt bối rối nhận ra bạn đã quên béng mất tên của người kia. Bạn không đơn độc đâu, có rất nhiều người gặp phải tình cảnh “cứng họng” này! Trước hết, bạn phải biết chính xác tên của người được giới thiệu tại buổi gặp gỡ. Nếu không nghe rõ thì bạn nên hỏi lại. Rồi thường xuyên gọi tên người đấy để cái tên đó ghi khắc vào tâm trí bạn. Tiếp theo, bạn có thể tạo ra những hình ảnh sống động trong tâm trí. Thông thường, không thể nhớ tên của người nào đó là do bạn không tận dụng sự hỗ trợ đắc lực của trí tưởng tượng, hoặc do bạn không tạo ra được mối liên kết đủ mạnh trong trí não. Khi bạn nghe tên của người ấy, hãy cố gắng tìm kiếm một mối dây liên kết trực quan giữa khuôn mặt và tên của họ. Nếu anh chàng đó tên là Brown và có mái tóc màu hạt dẻ thì mối liên kết đã rõ ràng. Nếu không tìm thấy mối liên hệ rõ ràng thì bạn cần phải tạo ra nó. Mối liên kết không nhất thiết phải đúng hay hợp lô-gic, thậm chí nó có thể “bay bổng”, nghe vui tai. Càng lạ lùng thì càng dễ nhớ! Hãy nghĩ ra một hình ảnh hoạt hình về khuôn mặt của người đó, với những điểm đặc trưng được cường điệu hóa – anh chàng hay cô nàng ấy có một cái mũi to như quả cà, đôi chân mày rậm như con sâu róm chẳng hạn. Luyện tập thường xuyên để kỹ năng này dần trở thành bản năng thứ hai, và đến lúc đó bạn có thể tạo ra hình ảnh tưởng tượng chỉ trong tích tắc. ĐÁNH BẠI “BỆNH” ĐÃNG TRÍ BẰNG CÁCH TẬP TRUNG VÀO HIỆN TẠI Đã bao nhiêu lần bạn rơi vào tình cảnh dáo dác tìm kiếm một vật gì đó mà mới đây bạn hãy còn cầm nó trên tay, hay đi qua những con đường lớn đông nghẹt xe rồi sau đó ngơ ngác không nhớ mình đã băng qua như thế nào? Chúng ta thường gọi tình trạng này là “đãng trí” và cho rằng đó là vấn đề thuộc về trí nhớ. Nhưng thực ra sự xao lãng này chẳng liên quan gì đến trí nhớ mà thường chỉ là sự thất bại của việc tập trung. Giải pháp là tập trung nhiều hơn và tập trung vào hiện tại. Điều này đòi hỏi bạn phải nỗ lực hơn khi mới bắt đầu luyện tập – bạn thực sự cần tập trung và lên kế hoạch ghi nhớ. Đầu tiên, hãy rèn thói quen dừng lại trong giây lát để suy nghĩ. Khi nghe tiếng chuông điện thoại reo, đừng ngay lập tức buông bút và hấp tấp nghe máy. Dành một giây ngắn ngủi để ghi khắc vào tâm trí hình ảnh nơi bạn đặt bút xuống. Khi bạn vào nhà và đặt chùm chìa khóa xuống, hãy dành một giây thoáng qua để thiết lập một hình ảnh trong tâm trí về vị trí bạn cất chúng. Tương tự, khi rời một nơi nào đó, hãy dành một khoảnh khắc nhìn ngó xung quanh để chắc chắn rằng bạn không quên thứ gì. Chiến lược quan trọng thứ hai là lập kế hoạch. Thường thì lý do bạn quên điều gì đó là vì bạn đã không lên kế hoạch kỹ càng. Khi bạn cố gắng tiến hành tất cả những gì bạn dự định làm và ghi nhớ chúng giữa một đống công việc, trí nhớ làm việc hay “bộ nhớ tạm thời” của bạn sẽ buộc phải nắm giữ quá nhiều thông tin đến nỗi bị quá tải – và tất nhiên bạn sẽ quên đi một số việc cần làm. Thật vậy, sự việc này lặp đi lặp lại và biến thành một vòng luẩn quẩn – ý nghĩ mình bị “bệnh đãng trí” sẽ khiến cho bạn hoảng sợ và làm giảm hiệu suất của trí nhớ làm việc! Lợi ích mà việc lên kế hoạch kỹ càng đem lại là giảm thiểu những điều cần giữ trong trí nhớ làm việc, tạo điều kiện cho tâm trí được rảnh rang để bình tâm đối phó với những điều xảy ra trong hiện tại. Một số bí quyết lập kế hoạch: 1. Cố gắng suy nghĩ trước. Lên danh sách những công việc cần làm cho sáng hôm sau trước khi đi ngủ. 2. Dành thời gian cho việc lập kế hoạch. Chẳng hạn, thức dậy sớm hơn 15 phút để lên danh sách công việc cần thực hiện trong ngày một cách cụ thể, rõ ràng hoặc nói về chúng với người thân của bạn. 3. Suy nghĩ kỹ trước khi bắt tay vào làm một việc gì. 4. Dành thời gian viết những công việc cần làm trong “nhật ký” Bản đồ Tư duy. 5. Viết những tấm giấy màu ghi chú công việc và gắn ở nơi dễ nhìn thấy nhất. THUẬT GHI NHỚ Trải qua hàng bao thế kỷ, con người đã nghĩ ra đủ mọi loại phương pháp giúp ghi nhớ sự vật, sự việc. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất là biến điều cần ghi nhớ thành một câu chuyện, hay một câu nói. Viết tắt Bạn có biết những cụm từ này không? National Aeronautical and Space Administration Organization of Petroleum Exporting Countries Random Access Memory RAdio Detection and Ranging World Health Organization Very Important Person Giờ bạn thử ghép các chữ đầu (in hoa) của những cụm từ này lại thử xem. NASA OPEC RAM RADAR WHO VIP Quen lắm phải không? Viết tắt là sử dụng chữ cái đầu của mỗi thông tin/từ để tạo thành một từ mới sao cho dễ đọc, dễ ghi nhớ các thông tin/từ riêng lẻ đó. Còn bây giờ thì làm sao để nhớ đúng trật tự 7 màu của cầu vồng – Red, Orange, Yellow, Green, Blue, Indio, Violet? Nhớ đúng thứ tự 3 triết gia Hy Lạp Cổ đại – Socrates, Plato và Aristotle? Làm sao để không chỉ nhớ tên mà còn nhớ đúng vị trí của các hồ trong Ngũ Đại Hồ ở Mỹ? Vần điệu(***) (***) Xem Phụ lục 2. Vần điệu là một thuật ghi nhớ hữu ích khác. Trong các câu chuyện truyền miệng, người xưa đã biết sử dụng vần điệu cho dễ nhớ vì những âm thanh giống nhau thường được lưu trữ cùng nhau trong bộ não, tương trợ lẫn nhau tạo thành một khối thông tin bền vững. SỬ DỤNG THÔNG TIN ĐẦU TIÊN & THÔNG TIN CUỐI CÙNG Có bao nhiêu người nhớ được dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, tại sao không phải là những dòng khác? Trong một bản nhạc, đoạn dễ nhớ nhất thường là đoạn mở đầu! Chúng ta nhớ những gì nghe hoặc nhìn thấy đầu tiên tốt hơn bất kỳ diễn biến nào khác trong một sự kiện. Và chúng ta nhớ các sự kiện vừa mới xảy ra tốt hơn những sự kiện đã xảy ra từ lâu. Chúng ta nhớ về ngày hôm qua tốt hơn ngày hôm kia, nhớ về tuần trước tốt hơn hai tuần trước v.v. và nhớ những thứ được liệt kê cuối cùng trong danh sách tốt hơn những thứ được liệt kê trước đó. Tóm lại, chúng ta nhớ những thông tin đầu tiên và cuối cùng tốt hơn. Đây là điều đáng lưu ý khi bạn cố gắng học hỏi hay tìm hiểu về điều gì đó. QUY LUẬT ARISTOTLE Triết gia Hy Lạp Aristotle đã nhận ra sức mạnh của sự kết nối từ cách đây 2500 năm. Aristotle thấy rằng chúng ta học hỏi mọi điều và “phát kiến” ra vô vàn ý tưởng chỉ bằng cách liên kết hai hay nhiều điều mình quan sát được. Ông xác định ba quy luật của sự liên kết: 1. Sự cận kề 2. Sự tương đồng 3. Sự tương phản Với quy luật cận kề, Aristotle muốn đề cập đến sự liên kết giữa các sự việc diễn ra gần nhau. Ví dụ, nếu Sarah luôn đến công sở ngay khi Paul vừa tới thì hai người này sẽ tự động để lại “dấu ấn” trong tâm trí bạn. Với quy luật tương đồng, ông nói đến cách liên kết những sự vật, sự việc có vẻ ngoài hoặc âm thanh tương tự nhau. Chẳng hạn, nếu hai người bạn đồng nghiệp bước vào văn phòng với cùng một kiểu tóc, ắt hẳn hình ảnh này sẽ tạo nên sự liên kết trong tâm trí bạn. Với quy luật tương phản, Aristotle đề cập đến cách những điều trái ngược sẽ tạo thành những “cặp đôi” liên kết với nhau, chẳng hạn như ngày - đêm, đen - trắng, đàn ông - phụ nữ, lên - xuống, v.v. PHƯƠNG PHÁP LOCI Cho đến nay, phương pháp Loci vẫn được xem là phương pháp cải thiện trí nhớ mạnh nhất và dễ ứng dụng nhất trong việc nâng cao năng lực ghi nhớ. Phương pháp này giúp tạo những mối liên hệ mạnh mẽ giữa các mục cần ghi nhớ và sắp xếp lại để bạn có thể nhớ luôn cả trật tự của chúng. Phương pháp Loci lần đầu tiên được vận dụng bởi nhà thơ Hy Lạp Cổ đại Simonides, người cần các kỹ thuật ghi nhớ siêu phàm để có thể thuộc làu những đoạn sử thi dài ngoằng nhằm phục vụ trong các buổi biểu diễn. Chuyện kể rằng ông nghĩ ra ý tưởng này khi được mời tham dự yến tiệc tại tư gia của nhà quý tộc Scopias và nhân danh chủ nhân buổi tiệc ngâm một bài thơ. Ngay khi ông hoàn thành xong phần biểu diễn và rời khỏi căn phòng đó thì trần nhà bị đổ sập, đè chết tất cả những người ở bên trong. Các thi thể biến dạng đến mức khó nhận ra. Simonides đã nhớ chính xác vị trí ngồi của từng người và giúp các thân nhân đang trong tình trạng bấn loạn, quẫn trí có thể xác định chính xác người thân của mình. Phương pháp Loci cho thấy một thực tế là bộ nhớ không gian của chúng ta – nơi lưu giữ thông tin về vị trí của mọi vật – thường hoạt động tốt hơn nhiều so với những bộ nhớ khác. Có lẽ là theo quá trình tiến hóa, các ký ức đã được “nâng cấp” để giúp loài người định hướng tốt hơn và tìm thấy được nguồn thức ăn. Để xem điều này có đúng không, bạn hãy thử trả lời những câu hỏi sau đây: • Bạn có bao nhiêu cái ghế ở nhà? • Bạn đã gặp người bạn thân nhất bao nhiêu lần vào tháng trước? • Thành phố nào cách xa London hơn – Rome hay Warsaw? Để có thể trả lời chính xác những câu hỏi này, bạn hãy rà soát lại lộ trình thường ngày của mình. Đây là kỹ thuật được hầu hết các nhà vô địch về trí nhớ vận dụng. Bí quyết nằm ở chỗ bạn cần phải chọn ra một lộ trình quen thuộc, sau đó bằng khả năng liên tưởng của mình, hãy kết nối các sự vật bạn muốn nhớ với các địa điểm dọc theo lộ trình ấy. Simonides khuyên nên tránh chọn những địa điểm quá tối hoặc quá sáng vì chúng có thể che khuất hoặc làm lu mờ cái mà bạn muốn ghi nhớ. Những địa điểm bạn chọn có thể nằm trên lộ trình bạn thường đi qua, chẳng hạn: 1. Phòng khách nhà bạn 2. Cửa chính 3. Vỉa hè 4. Góc đường 5. Cửa hàng tạp hóa 6. Sạp báo 7. Trạm xe buýt 8. Xe buýt 9. Trạm xe buýt bạn thường xuống 10. Nơi bạn làm việc Lợi thế của việc sử dụng lộ trình như thế này là bạn có thể chọn bao nhiêu địa điểm cũng được, tùy theo số lượng những điều bạn muốn ghi nhớ. Bây giờ bạn hãy liên kết những điều cần nhớ với những địa điểm trên con đường này bằng những hình ảnh rõ ràng mà bạn có thể tập hợp. Ví dụ, bạn cần phải nhớ những việc cần làm cho đám cưới của người bạn thân – mua hoa, viết bài phát biểu và thuê xe. Với nhiệm vụ mua hoa, bạn có thể tưởng tượng cảnh những bông hoa rực rỡ đang tỏa hương khoe sắc, che kín cửa lớn ra vào. Với nhiệm vụ viết bài phát biểu, bạn có thể mường tượng cảnh bạn ngồi bệt ở vỉa hè ngay trước nhà với một tờ giấy khổ lớn, tay lăm lăm cây bút chuẩn bị vẽBản đồ Tư duy. Với việc thuê xe, bạn nghĩ ra cảnh chiếc xe kết hoa cưới đang đậu ở trạm xe buýt! Một khi bạn đã có những hình ảnh này, hãy đảm bảo chúng sẽ được “gắn chặt” trong đầu bạn bằng cách tưởng tượng ra con đường đi làm, với những sự vật/sự việc đang ở đúng vị trí của chúng trên suốt lộ trình. Còn về bài phát biểu mà bạn, với tư cách là người bạn thân nhất của cô dâu chú rể, phải nói trong tiệc cưới thì sao? Với phương pháp Loci và trí liên tưởng của mình, bạn sẽ có thể nhớ được tất cả các điểm chính – Bản đồ Tư duy là một lựa chọn đơn giản mà hiệu quả trong trường hợp này! BẢN ĐỒ TƯ DUY HỖ TRỢ TRÍ NHỚ