🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cái Chết Thứ Năm Ebooks Nhóm Zalo J. D. BARKER Matryoshka dịch —★— CÁI CHẾT THỨ NĂM • THE FIFTH TO DIE • (4MK Thriller, #2) ĐINH TỊ BOOKS & NXB THANH NIÊN ebook©vctvegroup | 04-12-2020 P orter Ngày 1 • 8:23 tối Bóng tối. CHƯƠNG 1 Bóng tối dày đặc cuộn xoáy quanh anh, hút cạn ánh sáng, chẳng để lại gì ngoài khoảng không tối đen như mực. Một màn sương đang bủa vây tâm trí anh, những từ ngữ loay hoay tìm cách gắn kết với nhau, cố sao cho được một câu rành mạch, cố tìm cho ra ý nghĩa nào đó, nhưng đến lúc tưởng như đã ở rất gần thì chúng lại bị nuốt chửng và tan biến, thay vào đó là dự cảm chẳng lành cứ lớn dần, một cảm giác thật nặng nề - thân xác anh chìm dần vào vùng nước âm u sâu thẳm từ lâu đã rơi vào quên lãng. Anh ngửi thấy mùi ẩm thấp. Nấm mốc. Ướt át. Sam Porter những muốn mở mắt ra. Phải mở cho bằng được. Nhưng đôi mắt chẳng chịu tuân theo ý muốn của anh, chúng cứ thế nhắm chặt lại. Đầu anh vừa đau vừa nhức. Cơn đau dậy lên từng hồi phía sau tai bên phải và ở cả thái dương. “Cố gắng đừng cử động, Sam. Tôi không muốn anh cảm thấy buồn nôn.” Giọng nói cất lên loáng thoáng, xa xăm, quen thuộc. Porter đang nằm duỗi dài. Mười đầu ngón tay đặt trên tấm thép lạnh ngắt. Giờ anh nhớ ra mũi tiêm ấy rồi. Cây kim cắm vào dưới gáy, cú đâm diễn ra chóng vánh, dung dịch lạnh lẽo tràn vào bên dưới da, ngấm vào cơ bắp, sau đó… Porter cố mở mắt, song hai mí nặng trĩu nhất quyết kháng cự. Khô khốc, cay xè. Anh muốn dụi mắt, nhưng bàn tay phải vừa đưa lên đã ngay lập tức bị kéo về khi sợi xích ở cổ tay anh căng ra. Hơi thở nghẹn lại trong anh, anh gắng gượng ngồi dậy, đầu óc quay cuồng khi máu huyết từ trên dồn xuống. Suýt nữa anh lại nằm vật ra. “Ái chà, từ từ nào, Sam. Giờ anh đã tỉnh, etorphine* sẽ hết tác dụng nhanh thôi. Chịu khó chờ một lát đi.” Đèn bật lên, một chiếc đèn halogen sáng rực chiếu thẳng vào mặt anh. Porter nheo mắt nhưng quyết không quay đi, anh nhìn chằm chằm vào gã đàn ông đứng cạnh chiếc đèn, dáng người lờ mờ khuất trong bóng tối. “Bishop?” Porter gần như không nhận ra giọng mình nữa, nghe khàn đặc. “Khỏe không, Sam?” Cái bóng tiến sang phải một bước, lật úp cái xô đựng sơn rỗng có dung tích mười tám lít rồi ngồi lên đó. “Đừng chiếu cái đèn chết tiệt ấy vào mắt tao.” Porter kéo giật sợi xích ở cổ tay, đầu còn lại của chiếc còng va leng keng vào một đường ống dày, loại ống dẫn nước hoặc cũng có thể là dẫn ga. “Cái mẹ gì thế này?” Anson Bishop với tay đẩy cho chiếc đèn hơi chếch sang trái. Nó là loại đèn chiếu sáng trong các cửa hàng, được đặt trên một kiểu chân đế nào đó. Ánh sáng rọi lên bức tường gạch không nung, trong góc đằng xa có đặt cái máy nước nóng, phía bên kia là máy giặt và máy sấy cũ. “Đỡ hơn rồi chứ?” Porter giật sợi xích lần nữa. Bishop ném cho anh nụ cười nửa miệng và nhún vai. Lần cuối cùng Porter nhìn thấy hắn, hắn để tóc húi cua màu nâu sẫm. Mái tóc ấy nay đã dài ra, nhạt đi, bù xù. Mặt hắn lún phún lớp râu ba, bốn ngày chưa cạo. Bộ trang phục công sở theo phong cách đời thường đã không còn, thay vào đó là chiếc quần jeans và áo nỉ có mũ màu xám đậm. “Độ này coi bộ xuống mã nhỉ.” Porter nói. “Thời buổi khó khăn mà.” Nhưng hắn không thể thay đổi được cặp mắt, cũng như vẻ lạnh lùng ẩn chứa trong đó. Cặp mắt ấy muôn đời chẳng đổi khác. Bishop rút từ trong túi quần sau ra một cái thìa nhỏ, loại thìa ăn hoa quả có răng cưa, hắn lơ đãng xoay nó giữa những ngón tay, mép răng cưa sáng lên dưới ánh đèn. Porter ngó lơ cái thìa. Thay vào đó, anh liếc xuống, gõ ngón trỏ lên tấm kim loại mà anh đang nằm lên. “Cái băng ca này cũng cùng một kiểu với cái mày dùng để xích Emory vào phải không?” “Gần như thế.” “Không kiếm nổi cái giường gấp nào sao?” “Giường gấp hay hỏng lắm.” Một vũng màu đỏ sậm đọng lại bên dưới băng ca, vết nhơ tối thẫm trên mặt sàn bê tông nhếch nhác, bẩn thỉu. Nhưng Porter không hỏi han gì về nó. Sờ vào mặt dưới tấm kim loại rồi thu tay về, anh thấy ngón tay mình dinh dính. Điều này anh cũng chẳng thắc mắc. Bức tường bên trái anh có vài cái kệ, trên đó chất đầy dụng cụ quét sơn: thùng, chổi sơn, bạt phủ. Trần nhà phía trên đầu được ghép từ những tấm ván gỗ cỡ 2x6*, mỗi tấm cách nhau chừng bốn mươi centimet. Mạch điện để trần, ống nước và ống thông gió lấp đầy khoảng trống giữa các tấm ván. “Chỗ này là tầng hầm của một nhà dân. Ngôi nhà không lớn. Nhưng cũng cũ rồi. Đường ống trên đầu mày được bọc bằng a-mi-ăng, vì thế tao khuyên mày chớ có dại mà dây vào nó. Tao đoán nơi này bị bỏ hoang, vì cái đèn của mày đang phải dùng cáp nối dài, sợi cáp chạy lên tầng trên và cắm vào… gì nhỉ, một loại ắc quy nào đó chăng? Máy phát điện thì không phải rồi. Sẽ nghe thấy tiếng ngay. Mày không thèm dùng mấy ổ cắm trên tường, chứng tỏ nhà này đã bị cắt điện. Đã thế còn lạnh như nhà xác. Tao nhìn thấy được cả hơi tao thở ra, vậy nghĩa là hệ thống sưởi không hoạt động. Điều đó càng cho thấy đây là nhà hoang. Chẳng ai dám mạo hiểm ở trong căn nhà có đường ống bị đóng băng bao giờ.” Bishop tỏ vẻ hài lòng khi nghe điều này, một nụ cười thấp thoáng trên môi hắn. Porter tiếp tục nói. “Nhà này bề ngang tương đối hẹp. Vì thế đây hẳn là kiểu nhà thông cửa*. Mày chắc sẽ không chọn một khu dân cư sang chảnh nào đó có Starbucks, Internet, nơi người dân thường báo cảnh sát khi phát hiện đối tượng có tiền án tiền sự, bởi vậy tao đoán nhiều khả năng mày sẽ bám trụ ở khu Tây. Có thể là một con phố như phố Wood chẳng hạn. Ở đó nhiều nhà không người ở lắm.” Porter luồn bàn tay không bị còng vào trong chiếc áo khoác dày để tìm súng, nhưng chỉ thấy cái bao rỗng. Điện thoại di động của anh cũng mất rồi. “Đúng là cảnh sát có khác.” Phố Wood nằm cách căn hộ của anh ở Wabash những mười lăm phút lái xe nếu đường thông hè thoáng, Porter bị tiêm thuốc khi anh chỉ còn cách căn hộ chừng một khu nhà. Dĩ nhiên những điều này hoàn toàn chỉ là suy đoán, nhưng anh muốn gợi chuyện để Bishop nói tiếp. Càng mải ba hoa thì hắn càng ít nghĩ tới cái thìa kia. Cơn đau nhức nhối ở đầu giờ đã dồn cả vào phía sau mắt phải của Porter. “Anh không định thuyết phục tôi ra đầu thú sao? Rằng anh có thể giúp tôi thoát án tử nếu tôi ngoan ngoãn hợp tác ấy mà?” “Không có đâu.” Lần này Bishop mỉm cười thật. “Ê, có thứ này, anh muốn xem không?” Porter định bảo không, nhưng anh biết có nói gì đi nữa cũng vô ích. Tên này đã sắp sẵn trong đầu một kế hoạch, một âm mưu nào đó rồi. Chẳng kẻ nào dám liều lĩnh bắt cóc một thanh tra của Sở Cảnh sát Chicago ngay giữa phố nếu như không có mục đích rõ ràng. Anh cảm nhận được chùm chìa khóa đang nằm trong túi bên phải. Bishop đã chừa lại nó khi lấy súng và điện thoại của anh. Trong đó có chìa khóa mở còng, phần lớn còng tay đều dùng chung một chìa để mở. Hồi mới vào nghề, anh được biết lý do là vì người còng tay đối tượng và người mở còng cho chúng sau đó gần như chắc chắn không phải là một. Đối tượng bị bắt có thể sẽ qua tay vài người trong quá trình làm thủ tục nhập khám. Bởi vậy, các sĩ quan được dạy phải tịch thu chìa khóa tìm thấy khi khám người đối tượng, tất cả các chìa. Tên tội phạm sành sỏi nào cũng đem theo chìa khóa mở còng để dễ bề tẩu thoát trong trường hợp có gã cảnh sát gà mờ quên kiểm tra. Porter sẽ phải xoay xở để lấy được chùm chìa khóa ra khỏi túi bên phải, rồi bằng cách nào đó chuyển nó sang tay trái, mở còng và hạ gục Bishop trước khi hắn kịp băng qua khoảng cách một mét rưỡi giữa hai người. Tên này xem chừng không có vũ khí gì ngoài cái thìa. “Mắt nhìn thẳng phía trước, Sam.” Bishop nói. Porter lại hướng ánh mắt về phía hắn. Bishop đứng dậy, đi về phía cái bàn nhỏ cạnh máy giặt ở bên kia tầng hầm. Sau đó hắn trở lại chỗ cũ, đem theo một chiếc hộp gỗ trên nắp có đặt khẩu Glock của Porter. Hắn bỏ khẩu súng xuống sàn cạnh chỗ ngồi, dùng ngón cái gạt chốt cài của chiếc hộp và mở nắp ra. Sáu nhãn cầu ngước lên nhìn Porter từ bên trong chiếc hộp lót nhung đỏ. Những nạn nhân trước đây của Bishop. Porter liếc xuống khẩu súng. “Mắt nhìn thẳng phía trước.” Bishop nhắc lại kèm theo tiếng cười khẽ. Có điều gì đó không ổn rồi. Bishop xưa nay luôn tuân theo một khuôn mẫu cố định. Hắn xẻo tai nạn nhân trước, sau đó móc mắt, rồi cắt lưỡi, đặt vào một chiếc hộp màu trắng thắt dây màu đen và gửi đến cho gia đình mỗi nạn nhân kèm theo một tấm thiệp. Luôn là như vậy. Hắn không bao giờ thay đổi quy trình. Hắn không giữ lại chiến lợi phẩm. Hắn tin rằng mình đang bắt gia đình này phải trả giá cho tội ác nào đó mà họ gây ra. Một kiểu thay trời hành đạo quái đản. Hắn không giữ lại những cặp mắt. Không bao giờ hắn giữ… “Bắt đầu vào việc thôi.” Bishop vuốt tay lên nắp hộp, một cử chỉ đầy âu yếm, rồi đặt nó xuống sàn cạnh khẩu súng và giơ cái thìa ra trước ánh sáng. Porter lăn người xuống khỏi băng ca rồi kêu lên đau đớn khi đầu còng bằng kim loại cứa vào cổ tay anh, cái ống đã níu chiếc còng lại. Cố gắng quên đi cơn đau, anh lóng ngóng thò tay trái vào túi bên phải để lấy chìa khóa, đồng thời đạp băng ca về phía Bishop. Ngón tay Porter sượt qua chùm chìa khóa khi Bishop né được cái băng ca và tung cú đá vào ống quyển bên trái của anh. Chân anh khuỵu xuống, anh ngã nhào ra sàn, cái còng ở cổ tay phải mắc vào đường ống và giật mạnh đến nỗi trật cả khớp vai. Chưa kịp phản ứng gì thì anh chợt thấy đau nhói khi một mũi tiêm nữa đâm vào da thịt, lần này là bắp đùi. Anh cố cúi nhìn nhưng Bishop đã nắm lấy tóc anh, giật ngửa đầu anh ra sau. Ý thức bắt đầu rời bỏ anh. Porter cố cưỡng lại, cố phản kháng bằng tất cả sức lực trong anh. Anh cầm cự đủ lâu để trông thấy cái thìa đang từ từ đưa lại gần mắt trái của mình, đủ lâu để cảm nhận mép răng cưa cứa vào sụn mi nằm dưới nhãn cầu khi Bishop dùng sức chọc cái thìa vào hốc mắt anh, đủ lâu để… “Cô nàng nóng bỏng chứ?” Porter giật nảy người trên ghế, nhưng dây an toàn đã níu anh lại. Anh hít một hơi dài, hết nhìn trái rồi lại nhìn phải, ánh mắt anh dùng lại ở Nash đang ngồi trên ghế lái. “Hả? Ai cơ?” Nash cười giễu. “Em gái trong mơ của anh chứ ai. Thấy anh rên rỉ mà.” Sáu nhãn cầu. Tuy vẫn còn ngơ ngác nhưng Porter cũng đã nhận ra mình đang ngồi ở ghế phụ trên chiếc Chevy của Nash, dòng xe Nova đời 1972 cũ mà Nash tậu cách đây hai tháng, khi chiếc Ford Fiesta con cưng đột ngột khục khặc rồi chết ngóm trên đường 290 lúc ba giờ sáng, khiến anh buộc phải gọi về trụ sở xin một xe đến đón vì không liên lạc được với Porter. Porter đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Kính xe bị phủ một lớp mỏng bụi đường và băng. “Đây là đâu?” “Chúng ta đang trên đường Hayes, phía trước là công viên.” Nash đáp và bật xi nhan. “Có lẽ anh nên đứng ngoài vụ này thì hơn.” Porter lắc đầu. “Tôi vẫn ổn.” Nash ngoặt xe sang trái, rẽ vào Công viên Jackson và đi theo con đường chính dẫn tới cổng vào mới được ủi sạch tuyết, ánh đèn chớp xanh đỏ lấp loáng hắt lên những rặng cây tăm tối xung quanh họ. “Từ đó đến nay đã bốn tháng rồi, Sam à. Nếu anh vẫn gặp vấn đề về giấc ngủ thì nên nói chuyện với ai đó. Không nhất thiết phải là tôi hay Clair, mà… người nào cũng được.” “Tôi vẫn ổn.” Porter nhắc lại. Họ đi qua một sân bóng chày nằm ở bên phải, cái sân bị lãng quên suốt mùa đông, rồi chiếc xe tiếp tục dấn sâu vào trong rừng cây khẳng khiu, trụi lá. Phía trước có thêm ánh đèn - nửa tá ô tô, mà cũng có thể nhiều hơn. Bốn xe cảnh sát tuần tra, một xe cứu thương, một xe van cứu hỏa. Những chiếc đèn pha công suất lớn sắp thành hàng ven đầm nước, máy sưởi chạy bằng khí propane đặt rải rác quanh khu vực được quây lại bằng dải băng cách ly màu vàng. Nash dừng lại phía sau chiếc xe van, gạt cần số về chế độ đỗ rồi tắt máy. Cái xe khục khặc hai lần, nghe như sắp sửa phát ra một tiếng nổ ngược kinh hoàng, sau đó mới chịu im hẳn. Porter nhận thấy vài sĩ quan nhìn chằm chằm về phía họ khi họ xuống xe và bước ra ngoài giữa trời đông buốt giá. “Chúng ta có thể đi bằng xe của tôi cũng được mà.” Porter nói với Nash, gót giày anh đạp trên lớp tuyết mới tinh phát ra tiếng lạo xạo. Porter sở hữu một chiếc Dodge Charger đời 2011. Phần lớn đồng nghiệp ở Sở vẫn hay gọi đùa cái ô tô của Porter là “con xế khủng hoảng tuổi trung niên”. Cái xe ấy đã thay thế cho chiếc Toyota Camry cách đây hai năm, khi Porter đón sinh nhật lần thứ năm mươi. Heather, người vợ quá cố của anh, đã mua cái xe thể thao này để làm quà tặng bất ngờ cho anh, sau khi chiếc Toyota bị kẻ xấu phá hoại rồi vứt bỏ tại một trong những khu vực “không mấy thiện cảm với cảnh sát” ở vùng phía nam của thành phố. Chính Porter cũng thừa nhận rằng khi ngồi sau tay lái, anh cảm thấy như trẻ ra mấy tuổi, nhưng chủ yếu là cái xe luôn khiến anh mỉm cười. Heather đã giấu chìa khóa xe vào trong chiếc bánh gatô sinh nhật rồi đem nướng lên, làm anh suýt mẻ răng khi cắn phải. Cô bịt mắt anh lại, dẫn anh xuống cầu thang và bước ra ngoài cổng, sau đó hát bài Happy Birthday cho anh nghe bằng giọng hát khó có cơ hội được góp mặt trong chương trình American Idol. Porter luôn nghĩ đến cô mỗi khi ngồi vào trong xe, nhưng giờ đây, dường như những điều gợi cho anh nhớ về cô cứ ngày càng ít đi, khuôn mặt cô mỗi lúc một mờ nhạt trong tâm trí anh. “Cái ô tô ấy chính là một phần của vấn đề đấy. Chúng ta lúc nào cũng đi bằng xe của anh, để cho em Connie kia bị xếp xó đến hoen gỉ trên lối đi nhà tôi. Nếu lái em ấy, tôi sẽ nhớ ra rằng tôi muốn cải tạo lại em ấy. Mà khi đã nhớ ra, biết đâu tôi sẽ chịu lết xuống gara và bắt tay vào thực hiện.” “Connie á?” “Ô tô cũng phải có tên chứ.” “Phải cái gì mà phải. Ai lại đi đặt tên cho ô tô bao giờ, mà anh đâu có biết cách cải tạo em… nó… sao cũng được. Có mà lúc anh lôi cái xe cũ rích ấy về nhà, lần đầu tiên cầm lấy cờ lê, anh đã hiểu ra còn lâu anh mới cải tạo xong nó chỉ trong vòng bốn mươi ba phút giống như mấy gã trong Overhaulin’*.” Porter nói. “Chương trình đó đúng là nhảm nhí. Lẽ ra phải nói thật quá trình sửa chữa kéo dài bao lâu chứ.” “Như thế vẫn còn tốt chán. Ít nhất anh cũng không đâm nghiện kênh HGTV* và tưởng mình có thể tranh thủ những lúc rảnh rỗi để cải tạo nhà cửa rồi rao bán.” “Cái đó thì đúng. Nhưng họ sửa lại mấy căn nhà chỉ trong vòng có hai mươi hai phút mà lãi thu về còn khủng hơn.” Nash đáp. “Nếu sửa được một, hai căn, tôi có thể thuê người độ lại xe. Ê, Clair kìa…” Họ chui qua dải băng cách ly màu vàng, tiến lại gần đầm nước. Clair đang đứng cạnh một cái máy sưởi, di động áp vào tai. Nhìn thấy họ, cô lấy tay bịt loa thoại, hất hàm về phía bờ đầm và bảo “Bọn tôi nghĩ đó là Ella Reynolds,” rồi lại tiếp tục nói chuyện điện thoại. Tim Porter chùng xuống. Ella Reynolds là cô bé mười lăm tuổi mất tích ở gần khu vực Quảng trường Logan sau khi tan học cách đây ba tuần. Lần cuối cùng có người trông thấy Ella là lúc cô xuống xe buýt của trường, cách nhà khoảng hai khu. Bố mẹ cô lập tức gọi cảnh sát, thông báo khẩn cấp tìm trẻ em mất tích được đưa ra chỉ một giờ sau khi cô biến mất. Nhưng nỗ lực đó không mang lại kết quả gì. Cảnh sát chẳng nhận được tin báo nào có giá trị. Nash tiến lại gần mép nước, Porter theo sau. Cái đầm đã đóng băng. Bốn cọc tiêu hình nón màu cam được đặt trên mặt băng ở xa bờ, quây lại bằng dải băng vàng, tạo thành một hình chữ nhật. Tuyết ở đó đã được quét sạch. Porter rón rén bước lên băng, dỏng tai nghe ngóng xem có tiếng “rắc” cảnh báo nào vang lên dưới chân không. Dù cho có bao nhiêu dấu giày để lại trên mặt đầm đóng băng đi nữa, anh lúc nào cũng run khi thêm vào đó dấu giày của mình. Khi Porter tiến đến gần, cô bé dần dần hiện ra trong tầm mắt. Lớp băng trong vắt như pha lê. Cô ngước lên nhìn bằng ánh mắt vô hồn từ bên dưới băng. Da cô trắng bệch trông thật ghê rợn, hơn nữa còn ánh lên sắc xanh, chỉ trừ vùng da quanh mắt. Hai quầng mắt cô tím bầm lại. Môi cô hé mở như có điều muốn nói, những điều vĩnh viễn không được thốt ra. Porter quỳ xuống để có thể quan sát kĩ hơn. Cô bé mặc áo khoác đỏ, quần jeans đen, đội mũ len trắng và đeo găng tay cùng bộ, đi đôi giày màu hồng có vẻ giống kiểu giày tennis. Hai tay buông thõng, chân hơi cong lại, mất hút dưới vùng nước tối đen. Thường thì xác ngâm dưới nước sẽ trương lên, nhưng ở nhiệt độ này, cái lạnh lại giúp bảo quản thi thể. Porter thà phải nhìn xác trương còn hơn. Khi người chết ít nhiều mất đi diện mạo của con người, anh thấy dễ tiếp nhận những gì mình đang chứng kiến hơn, ít bị cảm xúc chi phối hơn. Cô bé này trông chỉ như đứa trẻ con, tuyệt vọng, đơn độc, say ngủ bên dưới tấm chăn bằng băng. Nash đứng phía sau anh, đưa mắt quan sát rừng cây bên kia đầm. “Nơi này từng là địa điểm tổ chức Hội chợ Quốc tế vào năm 1893. Ngày trước còn có khu vườn kiểu Nhật ở đằng xa, chỗ cây cối um tùm ấy. Bố tôi từng dẫn tôi tới đây chơi khi tôi còn nhỏ. Ông bảo hồi Thế chiến thứ hai, ở đây bung bét lắm. Tôi nhớ có đọc được ở đâu đó rằng người ta đã huy động vốn để cải tạo khu này vào mùa xuân. Thấy đám cây bị đánh dấu kia không? Chúng sắp bị chặt đấy.” Porter nhìn theo ánh mắt người cộng sự. Cái đầm được chia thành hai mé đông và tây, bao quanh một đảo nhỏ. Nhiều cây trên đảo Cây được thắt những dải ruy băng màu hồng quanh thân. Có vài chiếc ghế nằm rải rác bên kia bờ, bị phủ một lớp tuyết trắng mỏng. “Theo anh, cái đầm này đóng băng từ bao giờ?” Nash ngẫm nghĩ giây lát. “Chắc là cuối tháng Mười hai, đầu tháng Một. Sao anh lại hỏi thế?” “Nếu đây đúng là Ella Reynolds, vậy làm thế nào cô bé nằm dưới băng được? Cô bé mới mất tích ba tuần trước. Lúc đó băng đã rắn chắc lắm rồi.” Nash mở bức ảnh chụp gần đây của Ella Reynolds lưu trong điện thoại và cho Porter xem. “Trông giống đấy, nhưng cũng có thể chỉ là trùng hợp, có thể một cô bé nào đó rơi xuống đầm khi băng vẫn còn mềm chẳng hạn.” “Nhưng cô bé kia giống y hệt người trong ảnh.” Clair bước tới bên cạnh họ. Cô hà hơi vào tay và xoa xoa. “Tôi vừa nói chuyện với Sophie Rodriguez ở Ban Tìm kiếm Trẻ em Mất tích. Tôi chụp ảnh gửi cho cô ấy và cô ấy khẳng định người này là Ella Reynolds, nhưng quần áo thì không khớp. Cô ấy nói lúc mất tích, Ella mặc áo khoác màu đen. Ba nhân chứng cũng xác thực khi ở trên xe buýt cô bé mặc áo đen chứ không phải áo đỏ. Cô ấy đã gọi điện cho mẹ của Ella và bà ấy nói con gái mình không có áo khoác đỏ, mũ len và găng tay len trắng nào cả.” “Vậy thì hoặc đây là một người hoàn toàn khác, hoặc có kẻ đã thay đồ cho Ella.” Porter nói. “Chỗ này cách địa điểm cô bé mất tích những hai mươi lăm kilômét.” Clair cắn môi dưới. “Bên pháp y sẽ phải xác định danh tính của cô bé.” “Ai tìm thấy cô bé vậy?” Clair chỉ về phía chiếc xe tuần tra đỗ ở đằng xa, ngoài khu vực cách ly. “Một cậu bé và ông bố. Cậu nhóc mới mười hai tuổi.” Cô xem lướt phần ghi chú trong điện thoại. “Scott Watts. Cậu ta tới cùng với bố để xem cái đầm đã đông cứng đủ để học trượt băng chưa. Tên ông bố là Brian. Ông ta nói cậu con trai gạt đi lớp tuyết và trông thấy một phần cánh tay cô bé. Ông ta bảo con tránh ra và tự mình phủi sạch tuyết đủ để xác thực đúng là người thật, sau đó gọi 911. Chuyện xảy ra khoảng một giờ trước. Cuộc điện thoại gọi đến lúc bảy giờ hai mươi chín phút. Tôi đã bảo họ ngồi chờ trong xe tuần tra, phòng khi anh có điều muốn hỏi họ.” Porter dùng móng tay trỏ cạo lên băng, rồi nhìn quanh bờ đầm. Hai sĩ quan khám nghiệm hiện trường đứng dạt về bên trái, nhìn ba người bọn họ bằng ánh mắt cảnh giác. “Ai trong số hai người đã dọn chỗ này?” Porter hỏi. Sĩ quan trẻ hơn, một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi có mái tóc vàng cắt ngắn, đeo kính và quàng khăn màu hồng, giơ tay lên. “Là tôi ạ, thưa Thanh tra.” Cộng sự của cô rục rịch chân. Anh ta có vẻ lớn hơn cô khoảng năm tuổi. “Tôi là người giám sát. Sao thế?” “Nash, đưa tôi thứ kia được không?” Anh chỉ vào cây cọ có lông dài màu trắng đặt trên một trong mấy bộ dụng cụ của Đội Khám nghiệm. Porter ra hiệu cho hai sĩ quan lại gần. “Đừng sợ, tôi không mấy khi cắn đâu.” Hồi tháng Mười một vừa rồi, Porter quay lại làm việc sớm dù còn đang trong đợt nghỉ phép bắt buộc do cấp trên áp xuống sau khi vợ anh bị giết trong một vụ cướp xảy ra tại một cửa hàng tiện ích gần đó. Anh muốn tiếp tục đi làm, chủ yếu là vì công việc giúp anh phân tâm, tạm quên đi chuyện xảy ra. Những ngày đầu tiên sau khi vợ mất, khi anh tự giam mình trong căn hộ, là quãng thời gian tồi tệ nhất. Nhìn đâu cũng thấy những thứ gợi nhớ về cô. Khuôn mặt cô nhìn anh từ những bức ảnh bày ở hầu khắp các dãy kệ. Mùi hương của cô vẫn phảng phất đâu đây, nguyên tuần đầu tiên anh không sao chợp mắt được nếu không đặt vài bộ đồ của cô trên giường. Ngồi trong căn hộ, anh chỉ nghĩ đến một điều duy nhất, đó là anh sẽ làm gì với kẻ đã giết cô, những ý nghĩ anh không muốn lưu giữ trong đầu. Cuối cùng, tên sát nhân Bốn Con Khỉ - tức 4MK - đã kéo anh ra khỏi nhà. Cũng chính 4MK là kẻ đã bắt hung thủ giết vợ anh phải đền mạng. 4MK là lý do khiến những người như hai sĩ quan này cư xử kỳ quặc khi có mặt anh. Không hẳn là họ sợ, đúng hơn là họ kiêng dè. Anh là tay cớm đã để cho 4MK thâm nhập vào cuộc điều tra của cảnh sát dưới danh nghĩa sĩ quan khám nghiệm hiện trường. Anh là tay cớm bị 4MK đâm trong chính ngôi nhà của mình. Anh là tay cớm đã bắt được tên sát nhân hàng loạt ấy rồi lại để hắn trốn mất. Bốn tháng sau, người ta vẫn còn nói về vụ đó, chẳng qua không nói với anh thôi. Hai sĩ quan tiến lại gần. Người phụ nữ ngồi xổm xuống cạnh anh. Porter dùng cọ quét đi chỗ tuyết ở sát bờ và cả ngoài rìa khu vực họ đã làm sạch trước đó. Sau khi mở rộng vòng tròn thêm sáu mươi centimet, anh đặt cọ xuống rồi xoa tay lên mặt băng, bắt đầu từ tâm vòng tròn và chầm chậm tiến dần ra ngoài. Khi chỉ còn cách đống tuyết khoảng mười centimet thì anh dừng lại. “Chỗ này. Cô sờ thử xem.” Sĩ quan trẻ tuổi tháo găng và dè dặt làm theo anh, đầu ngón tay cô lướt trên mặt băng. Cô dừng lại cách lòng bàn tay Porter khoảng gần ba centimet. “Có cảm thấy không?” Cô gật đầu. “Có chỗ hơi võng xuống. Ít thôi, nhưng chắc chắn là có.” “Cô lần theo đi. Đánh dấu lại bằng cái này.” Anh đưa cho cô chiếc bút dạ. Một phút sau, cô đã vẽ xong một hình vuông lớn ngay ngắn phía trên cái xác và hai hình vuông nhỏ hơn ở hai bên, mỗi hình có cạnh khoảng mười centimet. “Vậy là đã có câu trả lời.” Porter nói. Nash nhíu mày. “Thế này nghĩa là sao?” Porter đứng dậy, đỡ người phụ nữ lên cùng. “Cô tên gì?” “Sĩ quan khám nghiệm hiện trường Lindsy Rolfes, thưa Thanh tra.” “Sĩ quan Rolfes, cô có thể giải thích ý nghĩa của hình vẽ này không?” Cô ngẫm nghĩ giây lát, nhìn từ Porter sang mặt băng, rồi lại nhìn anh. Cuối cùng, cô đã hiểu. “Cái đầm này bị đóng băng, nhưng có người đã cắt băng ra, có thể là bằng cưa máy không dây, sau đó thả cô bé xuống nước. Nếu cô bé sảy chân ngã thì chỗ băng vỡ sẽ nham nhở chứ không vuông vắn thế kia. Nhưng có điểm bất hợp lý…” “Điểm gì?” Cô nhíu mày, thò tay vào hộp dụng cụ và lấy ra cái máy khoan không dây, lắp mũi khoan có đường kính hai mươi lăm milimet rồi khoan hai lỗ, một lỗ ở ngoài phạm vi mấy hình vẽ, một lỗ gần với thi thể. Cô dùng thước đo khoảng cách từ mặt băng tới mặt nước ở cả hai lỗ. “Sao lại thế nhỉ, cô bé nằm bên dưới ranh giới đóng băng.” “Tôi chẳng hiểu gì cả.” Clair nói. “Hắn đã đổ nước vào.” Porter nói. Rolfes gật đầu. “Đúng vậy, nhưng tại sao? Hắn có thể khoét một cái hố, đẩy cô bé xuống bên dưới lớp băng sẵn có, rồi để cho cái hố tự đông lại được mà. Như thế sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều chứ. Cô bé có thể biến mất, thậm chí là vĩnh viễn.” Clair thở dài. “Làm ơn giải thích cho những người không được học qua lớp Hố Băng sơ cấp như tụi tôi được không?” Porter ra hiệu về phía cái thước, Rolfes đưa nó cho anh. “Băng ở đây dày ít nhất mười centimet. Mọi người có thể thấy mực nước đo được ở chỗ này.” Anh chỉ vào dấu vết trên cái thước. “Nếu khoét một hình vuông trên băng rồi nhấc ra, ta sẽ được một thành băng dày mười centimet tính từ mặt băng tới mặt nước. Giả sử ta thả xác cô bé vào đó, cô bé chìm xuống, sau đó ta muốn xóa cái hố này đi. Chỉ có một cách. Đó là đợi cho tới khi mặt nước phía trên cái xác đóng băng, chí ít là một lớp mỏng, sau đó đổ nước vào hố cho bằng với mặt băng xung quanh.” “Ít nhất phải hai giờ sau nước mới bắt đầu đóng băng.” Rolfes nói. “Cũng có thể nhanh hơn một chút, căn cứ vào nhiệt độ ngoài trời mấy ngày gần đây.” Porter gật gù. “Hắn tiếp tục đổ nước vào cho tới khi lượng nước mới ngang bằng với lớp băng xung quanh. Hung thủ là kẻ rất kiên nhẫn. Việc này cực kỳ mất thời gian.” Anh quay sang viên sĩ quan giám sát. “Chúng ta sẽ cần đến chỗ băng này. Thu thập tất cả những gì có ở phía trên cô bé cộng thêm ít nhất vài centimet xung quanh hình vuông. Rất có thể có dấu vết nào đó rơi vào nước trong lúc đóng băng. Hung thủ quanh quẩn ở đây rất lâu.” Viên sĩ quan có vẻ như muốn cãi lời, sau đó lại miễn cưỡng gật đầu. Anh ta biết Porter nói đúng. Ánh mắt Porter lại hướng về phía đám cây cối um tùm ở đằng xa. “Có điều, tôi không hiểu tại sao kẻ làm việc này lại không vứt cô bé ở kia. Đem cái xác tới nơi quang đãng này, hì hục cắt băng, lấp đầy nước, chờ cho đóng băng… như vậy quá mạo hiểm. Hung thủ có thể đem cô bé qua cầu rồi bỏ lại ở bất cứ chỗ nào bên đó, sẽ chẳng ai phát hiện ra cho tới tận mùa xuân, khi công nhân bắt đầu thi công. Vậy mà hắn lại dành hàng giờ để dàn dựng hiện trường gần khu vực có nhiều người qua lại. Chấp nhận nguy cơ bị bắt quả tang. Để làm gì? Để tạo cảm giác cô bé đã nằm đây lâu hơn nhiều so với thực tế ư? Hắn chắc chắn phải biết cảnh sát thế nào cũng đoán ra chứ.” “Xác chết thường không nổi lên mặt nước.” Nash nói. “Ít nhất là trong vài ngày đầu. Nhìn cô bé xem. Được bảo quản hoàn hảo. Tôi vẫn chưa hiểu sao cô bé lại nổi lên thế kia.” Porter di ngón tay theo cạnh của hình vuông lớn rồi dừng lại ở một trong hai hình vuông nhỏ kế bên. Áp mặt lại gần lớp băng, anh nhìn nghiêng từ bên cạnh và quan sát thi thể. “Quỷ tha ma bắt.” “Gì thế?” Rolfes rướn người tới. Porter rà bàn tay lên mặt băng trên vai cô bé. Khi tìm thấy thứ cần tìm, anh đặt tay Rolfes lên đó. Cô nhìn anh, mắt cô dần mở lớn trong lúc ngón tay hơi bấm xuống băng. Cô sờ vào vị trí tương ứng ở phía đối diện. “Hắn giữ cho cô bé khỏi chìm bằng cách dùng một vật bắc ngang qua cái hố này, có thể là tấm ván cỡ 2x4, căn cứ vào những dấu vết để lại. Sau đó, hắn quàng một sợi dây hoặc sợi thừng qua vai cô bé, rồi buộc vào tấm ván trong lúc chờ cho chỗ nước mới đóng băng. Xong xuôi, hắn cắt dây đi. Mọi người vẫn có thể sờ thấy hai đầu dây trong lớp băng ở chỗ này. Đoạn dây còn lại đủ để giữ cho cô bé nổi lên gần mặt nước. Mọi người sẽ thấy một sợi thừng mảnh nếu lựa đúng vị trí nhìn xuống lớp băng theo một góc nghiêng.” “Hắn muốn cô bé được tìm thấy ư?” Clair hỏi. “Hắn muốn để lại dấu ấn sâu đậm trong trường hợp cô bé được tìm thấy.” Porter nói. “Hắn hao tâm tổn trí dàn dựng sao cho nhìn bề ngoài tưởng như cô bé chết cóng dưới đầm từ nhiều tháng trước, dù thực tế cô bé mới ở đây cùng lắm là vài ngày, có thể ít hơn. Ta cần phải tìm hiểu lý do.” “Tên này đang giỡn mặt chúng ta.” Rolfes nói. “Hắn sắp đặt hiện trường để truyền tải câu chuyện nào đó.” Bản năng tự bảo vệ và nỗi sợ là hai trong số những bản năng mạnh mẽ nhất của con người. Porter không rõ liệu mình có muốn gặp một kẻ vô cảm với cả hai điều đó hay không. “Vớt cô bé lên đi.” Cuối cùng, anh nói. P orter Ngày 1 • 11:24 tối CHƯƠNG 2 “Có muốn tôi đưa anh lên nhà không?” Chiếc xe đỗ lại bên ngoài khu căn hộ nhà Porter trên đại lộ Wabash. Nash khẽ nhấn chân ga để Connie khỏi chết máy. Càng về đêm, trời càng lạnh cắt da cắt thịt. Porter lắc đầu. “Anh về nghỉ đi. Chúng ta sẽ phải bắt tay vào việc ngay sáng mai đấy.” Đội Khám nghiệm Hiện trường đã dùng cưa máy cắt một khối băng lớn hình vuông xung quanh cô bé, sau đó cẩn thận chia nhỏ ra để dễ xử lý. Băng được chất vào các xô và chuyển về phòng thí nghiệm để phân tích. Thi thể được đưa tới nhà xác để nhận dạng. Porter gọi điện cho Tom Eisley, anh ta đồng ý đến sớm và liên lạc với anh ngay khi xác định được danh tính chính xác của nạn nhân. Lúc Porter và Nash ra về thì các sĩ quan tuần tra mặc đồng phục vẫn cần mẫn tìm kiếm trong công viên, nhưng tại thời điểm đó họ chưa phát hiện ra bất cứ thứ gì. Clair đồng ý ở lại xem băng ghi hình do chiếc camera giám sát duy nhất lắp ở cổng công viên thu lại. Cô không rõ mình đang tìm kiếm điều gì, Porter cũng không đưa ra được chỉ dẫn cụ thể mà chỉ bảo cô để ý xem có thấy hành vi bất thường nào diễn ra trong ba tuần trở lại đây hay không, nhất là vào ban đêm. Công viên đóng cửa lúc mặt trời lặn, sau đó, ngoài vài ngọn đèn bố trí ở một số khu vực thường xuyên có người qua lại, những chỗ khác đều chìm trong bóng tối. Ở đầm nước không có đèn chiếu sáng cố định. Bất cứ ai ra vào sau khi trời tối đều sẽ dễ dàng bị phát hiện. “Về chuyện hồi nãy, lúc lái xe tới đầm…” Porter lên tiếng. Nash ngắt lời anh. “Anh không cần phải giải thích gì cả. Không sao mà.” Porter xua tay. “Lâu nay tôi chỉ ngủ được rất ít, kể từ hồi Heather mất đến giờ. Cứ mỗi lần đặt chân vào nhà, tôi đều cảm thấy rất trống vắng. Tôi cứ chờ đợi cô ấy bước ra từ một phòng nào đó, hoặc đi vào qua cửa trước, tay ôm chiếc túi đựng đầy rau quả, nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Tôi không muốn quay sang nhìn chỉ để thấy bên giường cô ấy nằm trống không. Tôi không muốn thấy bàn chải đánh răng của cô ấy trong phòng tắm, nhưng lại không đành lòng vứt đi. Cả quần áo của cô ấy cũng vậy. Khoảng một tuần trước, tôi suýt đem đóng thùng tất cả đồ đạc rồi gửi đến Goodwill. Nhưng mới cho được cái áo sơ mi đầu tiên vào thì tôi không làm nổi nữa. Lật lại đống quần áo khiến mùi hương của cô ấy lan tỏa khắp nơi, cảm giác gần giống như cô ấy đã trở về, dù chỉ trong chốc lát. Tôi biết mình phải quên đi mà sống, nhưng không hiểu tôi có làm được không. Ít ra là lúc này thì chưa.” Nash siết vai người đồng đội. “Được chứ. Đến lúc thích hợp, anh sẽ quên thôi. Không việc gì phải vội. Anh chỉ cần nhớ là chúng tôi luôn ở bên anh. Cần gì anh cứ nói.” Nash nghịch vô lăng, kéo nhẹ một mẩu giả da bị bong. “Chuyển chỗ ở biết đâu lại hay. Tìm một nơi mới, làm lại từ đầu.” Porter lắc đầu. “Tôi không thể. Vợ chồng tôi đã cùng nhau tìm ra căn nhà này. Nó là tổ ấm của chúng tôi.” “Hay là đi nghỉ một chuyến?” Nash gợi ý. “Anh còn nhiều ngày phép chưa dùng mà.” “Ừ, cũng có thể.” Porter ngước lên nhìn mặt tiền khu căn hộ. Anh sẽ không chuyển nhà. Ít nhất là trong tương lai gần. Cánh cửa của chiếc Chevy kêu cót két khi Porter kéo tay nắm rồi bước ra ngoài. “Cha mẹ ơi, lạnh dữ.” “Đến lúc mặc quần giữ nhiệt và nhâm nhi whiskey rồi.” Porter gõ hai phát lên nóc xe. “Anh mà chịu khó sửa sang tí chút thì cũng ngon lành phết đây.” Nash nhoẻn cười. “Hẹn nhau ở phòng tác chiến lúc bảy giờ nhé?” “Ừ, bảy giờ.” Thế rồi Nash rời đi. Porter nhìn theo chiếc xe đi xa dần rồi mất hút, sau đó anh bước vào sảnh nhỏ của khu căn hộ, cẩn thận tránh đống phân chó đông cứng trên bậc tam cấp. Anh đi qua chỗ hòm thư và lên cầu thang. Giờ anh không đi thang máy nữa nếu không bắt buộc. Vừa đặt chân vào căn hộ, xộc vào mũi anh là hỗn hợp của đủ loại mùi bốc ra từ một tá đồ ăn gọi về. Thủ phạm chính ở đây là đống hộp pizza trên bàn bếp, khiến cho khắp nhà toàn mùi phô mai và pepperoni lưu cữu lâu ngày. Porter vắt áo khoác lên lưng ghế rồi đi vào phòng ngủ và bật đèn. Chiếc giường đã bị đẩy vào góc phòng cùng với hai cái tủ đầu giường. Hàng trăm bức ảnh, bản ghi chép, giấy nhớ và những bài báo phủ kín bức tường nơi chiếc giường từng chiếm chỗ. Một vài trong số đó được liên kết với nhau bằng dây. Khi hết dây thì anh dùng bút dạ đen nối chúng lại. Đây là tất cả những gì anh biết về 4MK, hay Anson Bishop, hay Paul Watson, ba kẻ đó đều chỉ là một người. Dù có hồ sơ chi tiết về những tội ác trước đây của Bishop, anh chủ yếu tập trung nghiên cứu những nơi Bishop có thể đã đến sau khi trốn thoát. Trong góc phòng, chiếc laptop đang nằm trên sàn, màn hình sáng trưng. Porter cầm máy lên và chăm chú nhìn màn hình. Anh dùng dịch vụ thông báo Google Alerts (cách sử dụng đơn giản đến bất ngờ ngay cả với một người mù tin học) để thu thập những thứ xuất hiện trên Internet có liên quan đến Bishop, Watson hoặc 4MK, bao gồm mọi thông tin, bài viết, những lần lộ diện, kết quả sẽ được gửi về địa chỉ e-mail cá nhân của anh. Đôi khi việc này tiêu tốn nhiều giờ đồng hồ, nhưng anh vẫn kiên nhẫn đọc từng thông báo rồi xác định xem những địa điểm được nhắc đến nằm ở đâu trên tấm bản đồ thế giới cỡ lớn dán trên tường, trung tâm của toàn bộ hệ thống dữ liệu anh có. Trong số đó có cả bản đồ. Hàng tá bản đồ chi tiết của những thành phố lớn. Số dữ liệu ấy là thành quả điều tra suốt bốn tháng trời. Những tấm bản đồ bị cắm đầy đinh ghim, màu đỏ tượng trưng cho địa điểm có người đã trông thấy 4MK, màu xanh dương là nhà của phóng viên đưa tin về sự việc đó, màu vàng là nơi có người mất tích hoặc bị giết theo thủ pháp tương tự thủ pháp của hắn. Những kẻ bắt chước có ở khắp nơi. Phần lớn đinh ghim tập trung tại Chicago, nhưng cũng có cái nằm tít tận Brazil hoặc Moscow. Porter nhặt một cái đinh ghim màu vàng và tìm vị trí đầm nước trong Công viên Jackson trên bản đồ thành phố Chicago. “Ella Reynolds, mất tích ngày 22 tháng Một năm 2015, nhiều khả năng được tìm thấy vào ngày 12 tháng Hai năm 2015.” Anh lẩm bẩm một mình. Anh không có lý do gì để cho rằng hung thủ là 4MK, nhưng tạm thời cái đinh ghim vẫn sẽ nằm đó cho tới khi anh chắc chắn rằng hắn vô can. Hai mắt anh nặng trĩu vì thiếu ngủ. Đầu anh đau như búa bổ. Anh ngồi xuống giữa phòng và bắt đầu xem qua những thông báo do Google gửi đến ngày hôm nay, cả thảy có một trăm năm mươi chín cái. Hai giờ sau, khi điện thoại đổ chuông, anh đã định không nghe máy, nhưng rồi lại đổi ý. Chẳng ai vô duyên vô cớ gọi điện vào lúc một rưỡi sáng cả. “Porter nghe.” Anh nói. Tại sao cứ đêm hôm khuya khoắt là giọng anh lại có vẻ to hơn bình thường thế nhỉ? Ban đầu chỉ thấy bên kia lặng thinh. Sau đó: “Chào Thanh tra. Tôi là Sophie Rodriguez ở Ban Tìm kiếm Trẻ em Mất tích. Tôi đã xin số của anh qua Clair Norton.” “Tôi có thể giúp được gì cho cô, cô Rodriguez?” Lại là một khoảng lặng. “Vừa có thêm một cô bé nữa mất tích. Anh và cộng sự của anh mau tới đây đi.” P orter Ngày 2 • 2:21 sáng CHƯƠNG 3 Đây hóa ra là một ngôi nhà làm bằng đá vôi nằm trên phố King Drive ở khu Bronzeville. Lúc gọi điện, Rodriguez không nói rõ, chỉ bảo rằng vụ mất tích này có liên quan tới thi thể cô bé được tìm thấy trong công viên ban tối, và Porter nên đến tận nơi. Porter đỗ chiếc Charger phía sau chiếc Chevy của Nash trên phố rồi lội qua đống tuyết bên đường để đến với ngôi nhà nằm ở góc phố. Anh không cần phải gõ cửa. Một sĩ quan mặc đồng phục đứng ở cửa trước nhận ra anh và ra hiệu mời anh vào. Bước vào bên trong, anh thấy Nash và một phụ nữ lạ mặt ngồi ở phòng khách phía bên trái lối vào. Đứng cạnh Nash là người đàn ông gần năm mươi tuổi có mái tóc muối tiêu, dáng người khỏe khoắn, mặc quần jeans và áo khoác thể thao vải tweed. Còn một phụ nữ nữa đang ngồi trên xô pha với tờ khăn giấy đã bị vò nát trong tay, đây hẳn là vợ của người đàn ông kia. Người phụ nữ ngồi cạnh bà ta đứng dậy khi Porter bước vào. “Thanh tra Porter phải không? Tôi là Sophie Rodriguez thuộc Ban Tìm kiếm Trẻ em Mất tích. Cảm ơn anh đã đến. Tôi biết là lúc này đã khuya rồi.” Porter bắt tay cô và đưa mắt quan sát căn phòng. Những ngôi nhà làm bằng đá vôi ở Bronzeville chủ yếu được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ hai mươi. Ngôi nhà này đã được trùng tu vô cùng tỉ mỉ, giữ lại những phào nẹp và đồ đạc cố định nguyên bản. Thảm trải sàn nhìn thì có vẻ giống hàng thật nhưng chắc chắn chỉ là bản sao cao cấp của tấm thảm gốc. Đồ cổ được bài trí khắp nơi trong nhà. Người đàn ông ban nãy nói chuyện với Nash chìa tay ra. “Tôi là bác sĩ Randal Davies, còn đây là vợ tôi, Grace. Cảm ơn anh rất nhiều vì đã tới đây lúc muộn thế này.” Ông ta ra hiệu mời anh ngồi xuống cái ghế bên cạnh xô pha. Porter khước từ. “Đêm nay đã khá vất vả rồi. Tôi xin phép đứng cho thoải mái.” “Vậy anh dùng cà phê nhé?” “Vâng. Cho tôi tách cà phê đen cũng được.” Bác sĩ Davies xin phép rồi bước ra ngoài hành lang. Porter liếc nhìn Rodriguez, cô đã ngồi lại vào chỗ của mình trên xô pha. “Cơ quan tôi nhận được cuộc gọi của bà Davies lúc hơn mười hai giờ đêm, khi bà ấy không thấy con gái về nhà.” Rodriguez nói. Bà Davies ngước lên nhìn bằng cặp mắt đỏ hoe, sưng mọng. “Lili làm thêm tại một phòng tranh ở trung tâm thành phố. Thứ Năm hằng tuần, sau khi tan học con bé sẽ tới thẳng đó làm rồi bắt Uber về khi phòng tranh đóng cửa lúc mười một giờ. Con bé luôn về đến nhà lúc mười một rưỡi. Nếu vì lý do nào đó phải về muộn, nó sẽ nhắn tin cho tôi, nó biết vợ chồng tôi sẽ lo nên lúc nào cũng nhắn tin báo trước. Con bé là đứa có trách nhiệm, đây là công việc đầu tiên nó làm, và nó biết bố mẹ lo lắng cho mình…” Bà ta dùng khăn giấy chấm nước mắt. “Đến mười một giờ bốn mươi lăm mà vẫn không nhận được tin nhắn nào của con bé nên tôi gọi cho nó, nhưng cuộc gọi chuyển vào hộp thư thoại. Sau đó tôi gọi đến phòng tranh và hỏi cô Edwins, quản lý của con bé. Cô ấy nói không thấy Lili đến làm. Cô ấy có gọi cho con bé vài lần nhưng cũng chỉ thấy chuyển sang hộp thư thoại. Không có tiếng đổ chuông mà chỉ toàn thông báo hộp thư thoại. Tôi biết điều đó nghĩa là di động của con bé đã tắt, như vậy thật không giống tính nó chút nào. Nó không bao giờ tắt máy cả. Nó biết tôi lo lắng. Sau đó tôi lại gọi cho Gabby bạn thân của con bé…” “Họ của Gabby là gì?” Porter hỏi. “Deegan. Gabrielle Deegan. Tôi đã đưa thông tin liên hệ của cô bé ấy cho cộng sự của anh rồi.” Vừa nói, bà ta vừa đưa mắt nhìn Rodriguez. Porter không đính chính lại. Bà Davies nói tiếp. “Gabby bảo cả ngày nay nó không hề gặp bạn. Lili không đi học, mà cũng chẳng trả lời tin nhắn. Con bé đâu phải là người như thế, anh biết đấy. Nó luôn đạt điểm A, chẳng bao giờ nghỉ học kể từ năm lớp Bốn, đợt nó bị thủy đậu.” Bà Davies ngừng lại, chăm chú nhìn Porter. “Anh là vị thanh tra truy bắt… Chúa ơi, anh cho rằng 4MK đã bắt con gái chúng tôi sao? Có phải vì thế mà anh có mặt ở đây?” Cặp mắt bà ta trợn tròn, ầng ậng nước. “Vụ này không phải do 4MK làm đâu.” Porter trấn an bà ta, dù bản thân anh cũng không dám chắc chắn. “Tại thời điểm này, chúng ta chưa có cơ sở để cho rằng con gái ông bà bị bắt cóc.” “Con bé sẽ không đời nào biến mất như vậy.” Porter tìm cách chuyển chủ đề. “Cô bé học trường nào?” “Học viện Wilcox.” Bác sĩ Davies quay lại phòng, đưa cho Porter tách cà phê nghi ngút khói rồi tới đứng bên xô pha cạnh vợ. “Tôi biết anh đang nghĩ gì, và như tôi đã nói với các cộng sự của anh, Lili không có bạn trai. Con tôi sẽ không trốn học, trốn làm lại càng không, nó thích phòng tranh đó lắm. Đã xảy ra chuyện chẳng lành rồi. Di động của con bé có kích hoạt tính năng “Tìm iPhone”, nhưng lại không hiện trên tài khoản của chúng tôi. Tôi gọi đến tổng đài Apple, họ nói điện thoại của con bé đã ngắt mạng. Con gái chúng tôi sẽ không tắt máy như thế đâu.” Nash đằng hắng. “Bà Davies này, bà có thể nói cho Thanh tra Porter biết hôm nay Lili mặc trang phục gì khi bà trông thấy cô bé lần cuối không?” Bà Davies gật đầu. “Chiếc áo khoác yêu thích của nó, một chiếc parka* Perro màu đỏ, mũ trắng và găng tay cùng bộ, quần jeans tối màu. Những ngày trời lạnh, Lili đến trường rồi mới thay đồng phục. Sáng nay con bé ghé qua bếp chào tôi trước khi đi học. Nó mặc chiếc áo khoác yêu thích ấy, chiếc áo nó mua ở Barneys sau khi lãnh tháng lương đầu tiên. Nó tự hào về chiếc áo đó lắm.” Rodriguez mím môi. Porter không nói gì. P orter Ngày 2 • 3:02 sáng “Sao lại thế được nhỉ?” CHƯƠNG 4 “Ta có thể cho họ xem ảnh chụp cái áo khoác để xác nhận thử.” Nash nêu ý kiến. Porter lắc đầu. “Không nên để họ nhìn thấy ảnh của một cô bé đã chết.” Ba người đang đứng bên ngoài nhà Davies, làn hơi thở ra tạo thành một màn sương giá buốt lơ lửng giữa họ. “Không thể có chuyện một kẻ nào đó có đủ thời gian để bắt cóc Lili Davies, thay trang phục của cô bé ấy sang cho Ella Reynolds, rồi vùi xác Ella dưới đầm băng trong công viên. Đó là việc bất khả thi. Đơn giản là không đủ thời gian để thực hiện.” Porter di di chân. Nhiệt độ lúc này chắc đã xuống mức âm. “Muốn thế, hung thủ sẽ phải có mặt ở cái đầm vào ban ngày, trong lúc công viên mở cửa. Hắn có thể bị nhìn thấy lắm chứ.” Nash ngẫm nghĩ giây lát. “Trong thời tiết này, công viên gần như không người. Nguy cơ duy nhất mà hắn thực sự phải đối mặt chỉ là khi mang cái xác từ phương tiện vận chuyển ra tới đầm nước. Trừ phi có người đến gần, còn không, hầu như sẽ chẳng thấy dấu hiệu gì bất thường cả. Trông hắn sẽ chỉ giống như một người bình thường đi ra đầm để câu cá dưới băng hay đại loại thế. Nếu hắn dùng cần câu để ngụy trang thì tôi dám chắc hắn có thể quanh quẩn ở đó cả ngày mà chẳng bị ai để ý.” “Hắn làm vậy là có mục đích gì, ngoài việc xử lý cái xác ra?” Rodriguez hỏi. Porter và Nash đưa mắt nhìn nhau. Cả hai đều hiểu sát nhân hàng loạt gây án hiếm khi có mục đích, hay ít ra là không có mục đích nào mà người ngoài cuộc có thể hiểu được. Tạm thời mới tìm ra một nạn nhân, nhưng nếu cô bé ấy có mối liên hệ với cô bé thứ hai mất tích thì có thể họ đang phải đương đầu với một vụ giết người hàng loạt. “Ella Reynolds và Lili Davies có quen biết nhau không?” Porter hỏi Rodriguez. Cô lắc đầu. “Bố mẹ Lili chỉ nghe nói đến tên Ella qua ti vi thôi.” “Chúng ta nên hỏi chuyện Gabby, bạn của Lili.” Porter gợi ý. “Cô bé ấy đi học lúc mấy giờ?” Rodriguez xem sổ ghi chép. “Bảy giờ mười lăm.” Nash nhắm mắt lại và nhẩm tính. “Vậy là từ lúc Lili mất tích cho đến khi Ella được tìm thấy dưới đầm băng chỉ vỏn vẹn có mười hai tiếng đồng hồ.” “Xem anh làm tính kìa.” Porter nói và cười giễu. “Nếu hung thủ của hai vụ đều là một thì tên này ra tay quả là thần tốc. Và cũng hiệu quả nữa.” Nash nói. Porter quay sang Rodriguez. “Cô tên Sophie nhỉ?” Cô gật đầu. “Cô hãy quay vào nhà và khám xét phòng riêng của cô bé. Tìm xem có chi tiết nào khác thường không. Kiểm tra máy tính, e-mail, tài liệu lưu trong máy. Tìm nhật ký, ảnh chụp, vân vân… Nếu phát hiện được bất cứ điều gì thì gọi cho tôi. Tra xem cô bé đến trường theo đường nào, đi bộ hay đi nhờ xe, với bạn hay một mình. Cô hiểu chứ?” Rodriguez cắn môi dưới. “Điều đó có nghĩa là số phận Lili sẽ thế nào đây?” Porter chưa sẵn sàng nghĩ đến điều đó. Anh lại quay sang Nash. “Đi gọi Eisley dậy thôi.” P orter Ngày 2 • 4:18 sáng CHƯƠNG 5 Phòng Giám định Pháp y và nhà xác quận Cook tọa lạc ở gần phố West Harrison tại trung tâm Chicago. Giờ này trên đường rất ít xe cộ qua lại, Porter và Nash thấy bãi đỗ xe phía trước khá vắng. Nhân viên bảo vệ ở bàn tiếp tân ngước lên nhìn họ bằng ánh mắt lờ đờ và gật đầu chào. “Vui lòng để lại họ tên.” Porter nguệch ngoạc hai chữ Burt Reynolds* lên tấm bìa kẹp rồi đưa cho Nash, anh chàng này viết Dolly Parton* rồi trả lại và theo Porter đi về phía dãy thang máy ở cuối sảnh. Porter không khoái đi thang máy, nhưng nếu phải cuốc bộ vài lượt cầu thang thì anh còn ghét hơn. Thang máy thứ hai tính từ bên trái xuống đến nơi trước tiên, Porter theo Nash vào trong trước khi đổi ý. Porter nhấn số 3. “Dolly ngày xưa hot phết đây.” “Giờ vẫn hot mà.” Nash đáp. “Thuộc hàng GTCQ*.” “GTCQ là cái gì?” “Khi nào anh lớn tí nữa tôi sẽ giải thích.” Cửa thang máy mở ra, trước mắt họ là một hành lang vắng tanh. Nash liếc máy bán hàng tự động một cái rồi đành bỏ qua, tiến về phía cái cửa cánh đôi ở cuối hành lang. Hai người thấy Tom Eisley đang ngồi ở bàn làm việc. Anh ta ngước nhìn khi họ bước vào, sau đó cắm cúi đọc tiếp. Porter cứ tưởng anh ta sẽ than phiền gì đó về giờ giấc. Nhưng không, thay vì vậy anh ta hỏi: “Trong hai anh, đã ai từng trông thấy đại dương chưa?” Porter và Nash đưa mắt nhìn nhau. Eisley gập cuốn sách trên bàn lại và đứng dậy. “Thôi bỏ đi. Chưa chắc tôi đã sẵn sàng để nói về chuyện này.” “Tôi đoán anh đang nghiên cứu vụ cô bé kia?” Porter hỏi. Eisley thở dài. “Tôi đang cố. Chúng tôi đã làm ấm xác cô bé từ lúc cô bé được đưa tới đây. Cái xác chưa đóng băng hẳn, anh biết đấy, chỉ là thân nhiệt thấp hơn bình thường rất nhiều thôi. Như thế sẽ khó xác định thời điểm tử vong.” “Anh có biết nguyên nhân cái chết là gì không?” Eisley mở miệng định nói gì đó rồi lại thôi. “Chưa biết được. Tôi cần thêm vài giờ nữa. Các anh có thể đợi nếu muốn.” Hai người chưa kịp đáp thì anh ta đã biến mất sau cánh cửa dẫn vào phòng giải phẫu. Nash gật đầu với Porter. “Chắc sẽ lâu đây.” Porter ngồi xuống cái ghế nhựa màu vàng gần cửa phòng làm việc của Eisley, hai mắt díp lại vì thiếu ngủ. P orter Ngày 2 • 7:26 sáng “Này các anh?” CHƯƠNG 6 Mí mắt Porter khẽ động đậy rồi từ từ hé mở, phải vài giây sau anh mới nhận ra mình đang ngồi trong văn phòng của Eisley ở khu nhà xác. Người anh trượt xuống chiếc ghế nhựa màu vàng, cổ đau như dần vì ngủ sai tư thế. Nash thì đang gục xuống bàn của Eisley, đầu gối lên một chồng giấy. Eisley cầm lấy cuốn sách y khoa, giơ lên cao khoảng gần một mét rồi thả xuống mặt bàn. Cuốn sách rơi đánh rầm một tiếng rõ to, Nash ngồi bật dậy, nước miếng rỉ xuống cằm. “Cái quái gì…” “Con người giỏi giang, mẫn cán nhất Chicago.” Eisley càu nhàu. “Mời đi theo tôi.” Porter ngước nhìn chiếc đồng hồ trên bức tường đằng xa - gần bảy rưỡi rồi. Hơn ba tiếng đã trôi qua kể từ lúc họ đến đây. “Bố khỉ, mình có định ngủ đâu cơ chứ.” Anh lầm bầm. Anh lấy di động trong túi ra xem - ba cuộc gọi nhỡ của Clair, không có tin nhắn thoại. Eisley dẫn họ đi qua bàn làm việc và cửa cánh đôi ở cuối văn phòng để sang phòng giải phẫu rộng rãi. Porter và Nash mỗi người lấy một đôi găng tay trong chiếc hộp treo trên tường gần cửa. Trong này, âm thanh dội lại rất vang. Đó luôn là điều đầu tiên Porter nghĩ tới khi anh đặt chân vào phòng. Tiếng động nào ở đây nghe cũng thật khác lạ do sàn và tường được ốp gạch men màu kem. Một điều nữa luôn khiến anh bất ngờ là nhiệt độ. Anh không rõ nhiệt độ thật sự là bao nhiêu, nhưng cảm giác cứ như giảm đến cả chục độ so với bên ngoài. Gáy anh nổi gai ốc, anh rùng mình một cái. Điều thứ ba và cũng là điều anh không bao giờ quen được, đó là mùi. Thứ mùi không quá tệ, ít ra là hôm nay, nhưng rất nồng. Mùi chất tẩy rửa công nghiệp nồng nặc dùng để át đi mùi khác váng vất đâu đây, một mùi Porter không muốn nghĩ đến. Những bóng đèn huỳnh quang trên trần tỏa ra ánh sáng chói gắt, hắt lên những chiếc tủ bằng thép không gỉ. Một cái đèn phẫu thuật hình tròn cỡ lớn rọi xuống bàn giải phẫu đặt ở giữa phòng, trên đó là thi thể được vớt lên từ dưới đầm. Eisley đã vuốt mắt cho cô bé. Công chúa ngủ trong rừng. Kế bên là một chiếc chăn điện và bốn ngọn đèn to tướng. Eisley trông thấy Porter đang nhìn mấy món đó. “Chúng ta gặp may đấy. Cô bé ở dưới đầm chưa lâu lắm, hơn nữa lại nằm bên dưới ranh giới đóng băng. Nếu thi thể đóng băng hoàn toàn, chúng ta sẽ phải chờ vài ngày mới có thể giải phẫu. Còn với tình trạng hiện tại thì chỉ cần vài giờ để làm tăng nhiệt độ cơ thể lên mức thích hợp là được.” “Anh đã mổ đâu.” Nash thắc mắc. “Thậm chí trông như còn chưa bắt đầu ấy chứ.” “Anh sẽ ngạc nhiên trước những gì người chết có thể nói với anh nếu anh biết quan sát đúng chỗ đấy.” Eisley đáp. “Phải sang ngày mai tôi mới có thể tiến hành giải phẫu, hiện xác cô bé vẫn còn khá lạnh. Làm ấm xác quá nhanh dễ dẫn đến hiện tượng tinh thể hóa và phá hỏng tế bào. Nhưng điều đó không có nghĩa cô bé không thể mang đến cho chúng ta một số câu trả lời trong lúc chờ đợi. Tôi bận lắm chứ đâu như hai anh.” Anh ta lùa tay qua mái tóc. “Cô bé kể chuyện, còn tôi lắng nghe.” “Thôi, anh làm tôi hãi rồi đấy.” Porter nói. Eisley nhoẻn cười, lùi lại một bước. “Các anh có muốn biết tôi đã tìm ra những gì không?” “Được thế thì tốt quá.” Anh ta tới đứng cạnh bàn và cầm bàn tay cô bé lên. “Nước lạnh có tác dụng bảo quản thi thể cực tốt. Khó mà lấy được dấu vân tay của hầu hết thi thể bị ngâm dưới nước. Da sẽ có xu hướng nở ra, phải đảo ngược quá trình đó thì mới lấy được vân tay. Đại loại là làm cho nó nhăn lại hết cỡ giống như hiện tượng xảy ra khi anh tắm bồn vậy.” “Tôi thích tắm vòi sen hơn.” Porter đáp. Eisley bỏ ngoài tai lời bình phẩm. “Vùng nước gần chạm ngưỡng đóng băng đã bảo quản hoàn hảo vân tay của cô bé, có thể là đến tận khi băng tan vào mùa xuân.” Anh ta đặt tay cô bé xuống bàn, nhẹ nhàng để sát vào với thân người. “Đã có kết quả cách đây khoảng hai giờ. Tôi xác nhận người này là Ella Reynolds, cô bé mất tích cách đây ba tuần.” Porter thở dài. Anh cũng đã đoán trước được điều đó nhưng không hiểu sao vẫn có chút thất vọng khi chính tai mình nghe thấy. “Thế còn thời điểm hoặc nguyên nhân tử vong?” “Như tôi vừa nói, việc xác định thời điểm tử vong sẽ gặp chút khó khăn do cái xác bị ngâm trong nước đá. Tạm thời tôi cho rằng cô bé đã chết tối thiểu hai mươi tư giờ, tối đa là bốn mươi tám giờ. Tôi hy vọng có thể thu hẹp khoảng thời gian này sau khi kiểm tra gan và các cơ quan nội tạng khác.” Anh ta giải thích. “Giúp tôi lật cô bé lại nào.” Porter và Nash nhìn nhau. Nash hơi lùi lại. Đường đường là thanh tra đội trọng án mà anh chàng lại có cái tật quái lạ là ghét xác chết. Porter nắm lấy hai cẳng chân cô bé, Eisley giữ vai. Hai người cùng nhau lật thi thể lại. Eisley lướt ngón tay dọc theo vết sẫm màu chạy ngang lưng cô bé. “Đây là dấu vết để lại của sợi thừng hung thủ dùng để giữ cô bé nổi dưới nước. Màu sắc của nó cho thấy cô bé bị treo lên sau khi chết. Việc này diễn ra khá sớm, vì nếu không dấu vết đã chẳng rõ đến thế, nhất là khi cô bé còn mặc chiếc áo khoác dày kia.” Anh ta hất hàm về phía đống quần áo được gấp gọn đặt trên mặt bàn bằng thép không gỉ. Nash bước tới, cầm lấy cái áo khoác đỏ và bắt đầu lục các túi. “Anh có tìm được thông tin nhận dạng nào trên quần áo không?” “Chúng không phải quần áo của cô bé, đúng không.” Eisley nói nghe như câu trần thuật hơn là câu hỏi. Porter quay sang anh ta. “Đó là kết luận của anh sao?” “Tôi nghi ngờ vậy, nhưng không dám nói là kết luận. Trang phục có vẻ chật so với cô bé. Thông thường tôi sẽ cho rằng nguyên nhân là do xác bị trương, nhưng với trường hợp này, hiện tượng đó hầu như không xảy ra nên tôi thấy lạ. Nhất là đồ lót và quần jeans, chúng nhỏ hơn ít nhất phải một, hai cỡ. Cô bé vẫn cố ních được, nhưng rất chật, thậm chí gây khó chịu. Nhìn chiếc mũ kia xem.” Anh ta nói và ra hiệu về phía cái bàn. “Trên mác có viết mấy chữ, chắc là chữ cái đầu của các từ.” Nash đặt chiếc áo xuống, cầm chiếc mũ trắng lên và lộn mặt trong ra. “LD. Tuy hơi mờ nhưng chắc chắn là hai chữ này.” “Lili Davies.” Porter nói. “Ừ, có thể.” “Người đó là ai?” Eisley hỏi. “Một cô bé khác, cũng mất tích vào hôm nay.” Porter nói. “Vậy nghĩa là hung thủ đã lấy quần áo của một cô bé khác để mặc cho cô bé bị giết?” “Có vẻ thế.” “Hừm.” Porter hỏi: “Nguyên nhân tử vong là gì? Tôi không thấy dấu tích nào rõ ràng trên thi thể. Không vết thương, không vết siết cổ.” Nghe thấy thế, Eisley tươi tỉnh hẳn lên. “À, đúng. Các anh sẽ thấy rất lạ cho xem.” “Vì sao cô bé chết?” “Đuối nước.” Nash nhíu mày. “Thế thì có gì lạ lắm đâu. Chúng tôi tìm thấy cô bé dưới đầm băng mà.” Porter giơ tay. “Anh nói vết thừng trên lưng cô bé xuất hiện sau khi chết. Ý anh là cô bé vẫn còn sống khi hung thủ dìm cô bé xuống nước?” “Ồ không, lúc ấy cô bé đã chết rồi. Ý tôi là cô bé chết vì đuối nước trước, sau đó hắn mới thả cô bé xuống đầm.” Anh ta tới chỗ chiếc kính hiển vi đặt trên mặt bàn trồi lên ở bên tay trái. “Nhìn thử đi.” Anh ta nói, chỉ vào cái kính. Porter bước sang và nhìn vào ống kính. “Anh muốn cho tôi xem cái gì vậy?” “Khi cô bé được đưa tới đây, tôi đã luồn một cái ống vào tận phổi và hút nước ra, chính là thứ nước này.” Porter nhíu mày. “Mấy hạt nhỏ trôi nổi trong đó là gì thế?” Khóe miệng Eisley cong lên. “Muối đấy, bạn thân mến ạ.” “Cô bé chết đuối trong nước mặn ư?” “Chính xác.” Vẻ mặt Nash chuyển từ ngơ ngác sang bối rối và ngược lại. “Nơi này là Chicago… đại dương gần nhất cách đây… bao nhiêu, cả ngàn dặm à?” “Gần nhất là Đại Tây Dương.” Eisley đáp. “Ở Baltimore, bang Maryland. Cách đây hơn một ngàn một trăm cây số.” Di động của Porter đổ chuông. Anh liếc màn hình rồi nghe máy. “Clair à?” “Đi nghỉ về chưa? Tôi gọi cho anh hơn chục lần rồi đấy.” “Mới có ba lần chứ mấy.” “À, thế tức là điện thoại của anh vẫn hoạt động bình thường.” Cô đáp. “Ngó lơ phụ nữ như vậy là không được nhé, Sam. Sẽ không có kết cục tốt đẹp đâu.” Porter đảo tròn mắt và chậm rãi băng qua phòng. “Chúng tôi đang ở nhà xác cùng với Eisley. Anh ta đã xác nhận cô bé dưới đầm chính là Ella Reynolds. Hơn nữa, có vẻ như cô bé mặc trang phục của Lili Davies.” “Lili Davies là ai?” Anh cứ tưởng đã báo cho cô biết về vụ mất tích của cô bé thứ hai, rồi anh chợt nhớ ra là không phải. Họ chưa nói chuyện kể từ lúc chia tay nhau ở công viên. Anh cần ngủ một giấc, đầu óc anh cứ u u mê mê. “Cô đến phòng tác chiến gặp tôi và Nash trong vòng ba mươi phút nữa nhé? Chúng ta cần cập nhật tình hình.” “Được.” Cô nói. “Mà anh không định hỏi tôi gọi cho anh có việc gì à?” Porter nhắm mắt lại và lùa tay qua mái tóc. “Cô gọi cho tôi có việc gì vậy, Clair?” “Tôi phát hiện được một chi tiết trong băng ghi hình ở công viên.” “Ba mươi phút nữa ở phòng tác chiến. Lúc đó chúng ta sẽ nói chuyện. Gọi cả Kloz nữa.” L ili Ngày 2 • 7:26 sáng CHƯƠNG 7 “Cô có muốn uống sữa không?” Lili Davies nghe tiếng hắn trước khi cô trông thấy hắn, thực sự thấy hắn. Giọng hắn từ tốn và khẽ khàng, chỉ như tiếng phều phào, từng từ thốt ra đầy cẩn trọng như thể hắn suy nghĩ rất kĩ về điều mình muốn nói trước khi lên tiếng. Gã này hơi ngọng, khó phát âm được chữ s khi nói từ sữa. Hắn xuống cầu thang cách đây gần năm phút, những tấm ván cọt kẹt dưới sức nặng cơ thể hắn. Nhưng khi xuống đến nơi, đứng ở bậc thang dưới cùng, hắn vẫn chẳng hề nhúc nhích. Bóng tối vây lấy hắn, và Lili không thấy được gì ngoài hình dáng lờ mờ của một người đàn ông. Hắn là đàn ông, không phải thiếu niên. Dáng đứng của hắn, đôi vai rộng của hắn, độ sâu trong từng hơi thở của hắn, tất cả nói lên rằng hắn là đàn ông, không phải cậu học sinh trung học. Không phải người quen nào đó đang bày ra một kiểu trò chơi bệnh hoạn, mà là một gã đàn ông, kẻ đã bắt cô. Lili thực sự muốn uống sữa. Cổ cô khô cháy. Bụng thì đói meo. Dạ dày không ngừng sôi lên òng ọc để nhắc cô nhớ cơn đói đang giày vò khủng khiếp đến nhường nào. Nhưng cô không trả lời, không thốt ra dù chỉ một từ. Thay vì vậy, cô co ro lùi sâu hơn vào trong góc, lưng áp lên bức tường ẩm thấp. Cô quấn cái chăn màu xanh lục hôi hám chặt hơn quanh mình. Ở nó có điều gì đó mang lại cho cô cảm giác an toàn, như thể vòng tay mẹ đang ôm lấy cô. Lúc trước hắn đã bỏ đi đâu đó ít nhất một giờ, có thể lâu hơn. Lili tranh thủ khoảng thời gian này để tìm hiểu xem mình đang ở đâu. Cô không cho phép bản thân sợ hãi, cô nhất định sẽ không sợ hãi. Đây chẳng qua là một câu đố, mà giải đố chính là sở trường của cô. Cô đang ở dưới tầng hầm của một ngôi nhà cũ. Cô biết được điều này là bởi ngôi nhà cô ở còn cũ hơn, và cô vẫn nhớ tầng hầm trông ra sao trước khi bố mẹ cô thuê nhà thầu cùng đội thợ xây đến tân trang lại. Trần hầm thấp tè, sàn thì mấp mô. Khắp nơi bốc mùi ẩm mốc, lũ nhện mặc sức sinh sôi nảy nở. Mạng nhện không cũ thì mới giăng đầy mọi ngóc ngách, nhìn đâu cũng thấy nhện bò lổm ngổm. Khi đội thợ do bố mẹ cô thuê đến thi công, họ dọn sạch đồ đạc dưới tầng hầm, làm lại sàn cho phẳng, trát các bức tường, ốp những tấm thạch cao mới tinh rồi quét sơn lên. Việc này đã đuổi được lũ nhện đi, dẫu chỉ trong một thời gian ngắn. Gabby bạn của cô thì lại sống trong một ngôi nhà mới, xây cách đây chỉ hai năm, tầng hầm cũng khác hẳn. Trần cao vợi, sàn phẳng phiu, không gian rộng rãi, sáng sủa. Bố mẹ bạn ấy trải thảm và bố trí đồ đạc để biến nơi đó thành phòng sinh hoạt chung cho cả gia đình. Tầng hầm ở những ngôi nhà cũ chẳng bao giờ được như thế, dù có sửa sang đến đâu đi nữa. Người ta có thể che đi vết ẩm mốc, san phẳng sàn, ốp thạch cao, quét sơn mới, nhưng lũ nhện sẽ luôn trở lại. Chúng không đời nào chịu từ bỏ nơi ăn chốn ở của mình. Tầng hầm này có nhện. Dù không nhìn thấy chúng từ chỗ đang ngồi, cô vẫn biết chúng đang ở ngay trên đầu mình, bò qua bò lại giữa những rầm sàn trần trụi. Cả ngàn cặp mắt đang chăm chú quan sát cô trong lúc lũ nhện âm thầm chăng tơ. Hắn đã đưa quần áo cho cô mặc, nhưng đó không phải quần áo của cô. Lúc tỉnh lại trên sàn, người quấn cái chăn xanh, cô nhanh chóng phát hiện mình bị lột sạch quần áo và bị bỏ lại ở đây, trong chiếc chuồng này, một xấp quần áo lạ được gấp gọn đặt ở gần đầu cô. Chúng không vừa với cô, rộng hơn ít nhất phải vài cỡ, nhưng cô đành mặc tạm vì chẳng còn gì khác để mặc, và vì thứ này vẫn còn tốt chán so với cái chăn xanh. Nhưng rốt cuộc cô vẫn quấn thêm tấm chăn ấy lên người. Cô đang ở trong một tầng hầm tối tăm, ẩm thấp. Đúng hơn là, cô đang bị nhốt trong một cái chuồng làm từ lưới mắt cáo dưới tầng hầm tối tăm, ẩm thấp. Cái chuồng cao đến tận trần, các phần được hàn lại chắc chắn. Nó vốn được dùng để nhốt chó. Cô biết được điều này là bởi gia đình Gabby nuôi một chú chó husky tên là Dakota, và họ cũng có một cái chuồng tương tự, nếu không nói là giống hệt, đặt ở sân sau nhà. Họ mua nó ở cửa hàng Home Depot, Gabby và cô đã xem cách bố bạn ấy lắp ráp cái chuồng hồi hè. Việc đó không mất nhiều thời gian, chắc chỉ khoảng một giờ, nhưng bác ấy không hàn các phần lại với nhau. Lili đứng dậy, tấm chăn quấn quanh người, cô đưa tay lên sờ những cái ống lớn nhỏ và lưới kim loại dày làm thành chiếc chuồng quanh cô. Cô lần tìm các khớp nối trong lúc nhớ lại cách bố Gabby lắp ráp chiếc chuồng, nhưng rồi tim cô chùng xuống khi phát hiện ra những mối hàn. Cửa chuồng được khóa kĩ không phải bằng một mà những hai ổ khóa, một ở trên cao, một ở dưới thấp. Cô nắm lấy cửa mà rung mà lắc, song nó chẳng mảy may nhúc nhích. Toàn bộ kết cấu đã bị gắn xuống sàn bê tông. Cái chuồng vô cùng vững chắc, nhốt chặt cô bên trong. “Cô nên uống gì đó thì hơn, cô cần có sức để chuẩn bị cho những gì sắp tới.” Gã đàn ông nói, hơi khựng lại khi phát âm chữ s trong từ sức. Lili không đáp. Cô nhất định sẽ không nói gì. Nói với hắn nghĩa là trao cho hắn quyền lực, cô chưa sẵn sàng để làm việc đó. Hắn không xứng đáng nhận được bất cứ điều gì từ cô. Ánh sáng duy nhất hắt vào có lẽ là từ ngưỡng cửa để ngỏ trên đầu cầu thang. Hắn đứng im như tượng ở phía dưới cùng. Mắt cô đấu tranh với bóng tối, điều chỉnh để quen dần. Nhưng cô vẫn không nhìn rõ được gã đàn ông kia, hắn chỉ là một cái bóng sẫm hơn giữa vô vàn cái bóng khác, một dáng hình mờ ảo in trên bức tường. “Quay lưng lại. Úp mặt vào tường, và đừng có quay lại khi tôi chưa cho phép.” Hắn ra lệnh. Lili không nhúc nhích, cô vẫn đứng yên tại chỗ. “Làm ơn quay lưng lại.” Nhẹ nhàng hơn, như đang van nài. Cô giữ lấy tấm chăn và kéo cho chặt hơn quanh tấm thân bé nhỏ. “Quay mẹ mày lại!” Hắn quát lớn, giọng vang như sấm trong tầng hầm, vọng khắp bốn bề. Lili sửng sốt hít mạnh một hơi và giật lùi, suýt nữa trượt ngã. Thế rồi tất cả lại chìm vào im lặng. “Làm ơn đừng để tôi phải to tiếng. Tôi không muốn to tiếng.” Lili cảm thấy trái tim mình đang đập mạnh trong lồng ngực, những tiếng thình thịch, thình thịch, thình thịch nghe như trống dồn. Cô lùi lại một bước, rồi thêm một bước, và một bước nữa. Khi lưng cô chạm vào bức tường ở phía cuối chiếc chuồng, cô cố bắt đôi chân quay gót, úp mặt vào trong góc. Lili nghe tiếng hắn bước tới gần, cái bóng biết đi ấy. Bước chân của hắn có gì đó là lạ. Không phải tiếng bước đều đều, mà cô nghe thấy một chân đặt xuống sàn, sau đó chân kia trượt đi khoảng một giây trước khi hạ xuống, bước tiếp theo lặp lại y như vậy. Âm thanh loẹt quẹt kia là tiếng rê chân hay tập tễnh, cô cũng không rõ nữa. Lili cố ép hai mắt mình khép lại. Dù không muốn nhưng cô buộc phải làm. Hai mắt phải nhắm để cô có thể tập trung lắng nghe những tiếng động, hình dung ra những tiếng động vang lên phía sau lưng. Cô nghe thấy tiếng chìa khóa va leng keng, tiếp theo là tiếng cách đặc trưng của ổ khóa - hình như là ổ bên trên - sau đó đến ổ còn lại. Cô nghe thấy hắn tháo chúng ra, cầm lấy tay nắm, và mở cửa. Lili cứng người, chuẩn bị đón nhận điều tiếp theo. Cô cứ ngỡ hắn sẽ chạm vào mình, bàn tay đặt lên đâu đó hoặc túm lấy cô từ phía sau. Nhưng không phải. Thay vì vậy, cô nghe thấy hắn đóng cửa và khóa lại, hai ổ khóa bập vào như cũ kèm theo tiếng “tách”. Nghe thấy hắn tập tênh lết ra xa. “Giờ cô quay lại được rồi.” Lili ngoan ngoãn làm theo. Hắn lại đi ra cầu thang, một lần nữa mất hút trong bóng tối. Một ly sữa đặt trên sàn bên trong chuồng, ngay sát cửa, một giọt nước nhỏ chảy dài trên thành ly. “Không có thuốc mê đâu.” Hắn nói. “Tôi cần cô giữ được sự tỉnh táo.” P orter Ngày 2 • 7:56 sáng CHƯƠNG 8 “Anh cứ vào trước nhé. Tôi đi vệ sinh cái đã.” Nash nói khi hai người bước ra khỏi thang máy ở tầng hầm tòa nhà Sở Cảnh sát Chicago nằm trên đại lộ Michigan. Nash rẽ phải, băng qua hành lang rồi biến mất sau cánh cửa nhà vệ sinh. Porter rẽ trái. Sau khi Bishop trốn thoát, Cục Điều tra Liên bang FBI đã nhảy vào tiếp quản cuộc săn lùng 4MK. Thời điểm đó Porter đang nghỉ phép để dưỡng thương, nhưng theo như những gì Nash kể với anh, ban đầu FBI còn lăm le chiếm cả phòng tác chiến. Nash đã phải vận dụng sức hút chết người của mình - cộng thêm những lời đe dọa sử dụng vũ lực - để dẹp yên những kẻ không mời mà đến và tống khứ bọn họ sang căn phòng bên kia hành lang, căn phòng khét tiếng chủ yếu vì ở đó bốc ra một mùi kỳ quặc có lẽ xuất phát từ góc trong cùng phía bên trái. Kể từ ngày ấy, hai bên chung sống trong cảnh bằng mặt không bằng lòng. Phòng làm việc của FBI tắt đèn tối om. Porter chờ cho tới khi nghe thấy tiếng Nash khóa cửa nhà vệ sinh, sau đó anh thử mở cửa phòng của FBI. Không khóa. Porter liếc nhanh một cái về phía hành lang rồi lẻn vào trong. Anh không bật đèn lên. Sáu nhãn cầu. Bảy nạn nhân. Hoặc tám, nếu tính cả Emory. Tiềm thức đang muốn nói với anh điều gì đó. Anh băng qua phòng, tới chỗ hai chiếc bảng trắng ở trước mặt và chăm chú quan sát ảnh của các nạn nhân. Đáp lại anh là những khuôn mặt quen thuộc, nụ cười an nhiên trong những khoảnh khắc hạnh phúc của họ được lưu giữ trọn vẹn. Lúc đứng trên tầng mười một của tòa nhà số 314 đại lộ West Belmont, vào những giây phút cuối cùng, Bishop đã thừa nhận tội ác của mình, phơi bày toàn bộ âm mưu và vô cùng tự mãn với thứ logic biến thái trong kế hoạch hắn vẽ ra. “Những kẻ đó đáng bị trừng phạt.” Hắn nói với Porter. Và đúng là thế thật. Mỗi người trong số nạn nhân của hắn đều đã phạm phải tội lỗi tày trời nào đó, tội lỗi mà vì thế họ phải bị trừng phạt. Nhưng hắn không nhắm vào họ. Thay vào đó, hắn bắt con cái họ. Hắn khiến con họ chết trong đau đớn, để những người làm cha mẹ sống trong khổ sở đến hết đời. Những cô gái này bị giết không phải vì họ đã làm điều gì sai trái, cái sai là ở người thân của họ. Những thiếu nữ trẻ trung, xinh đẹp ấy bị tước đi sinh mạng để trả giá cho tội nghiệt do kẻ khác gây ra. Porter bước lại gần tấm bảng thứ nhất, ngón tay anh vuốt lên bức ảnh chụp Calli Tremell, nạn nhân đầu tiên của Bishop. Hai mươi tuổi, bị bắt đi ngày 15 tháng Ba năm 2009. Phải nói là nạn nhân đầu tiên của Bishop trên danh nghĩa 4MK mới đúng, như Klozowski luôn mau mắn đính chính lại. Phương thức của hắn cực kỳ tinh vi và chuẩn xác, mô thức hắn chọn cho thấy nhiều khả năng hắn đã từng giết người từ trước, thủ pháp của hắn được đúc rút sau bao năm mài giũa, thực hành. Hắn quá khôn ngoan nên không thể chỉ mới ra tay lần đầu, thật đáng sợ khi nghĩ rằng một kẻ như hắn đang tồn tại trên đời, cướp đi bao mạng người, từng bước tiến đến ngày hôm nay… Nếu như đây là khởi đầu của hắn với biệt danh 4MK, vậy thì Porter không hình dung nổi hắn xuất thân trong hoàn cảnh như thế nào. Cuốn nhật ký đã hé lộ cho anh đôi điều về hắn nhưng chừng đó là chưa đủ, nó chỉ là cái nhìn thoáng qua, những gì thấy được trong chốc lát khi tấm rèm được vén lên rồi lại bị Bishop buông xuống. Bố mẹ Calli Tremell trình báo về vụ mất tích của con gái vào thứ Ba. Họ nhận được cái tai của cô qua đường bưu điện vào thứ Năm. Tiếp đến là đôi mắt vào thứ Bảy, và cái lưỡi vào thứ Ba tuần kế tiếp. Tất cả được đặt trong những chiếc hộp nhỏ màu trắng thắt dây màu đen, nhãn ghi địa chỉ được viết tay, không có dấu vân tay nào. Hắn không bao giờ để lại dấu vân tay. Ba ngày sau khi cái hộp cuối cùng được gửi tới, một người chạy bộ phát hiện ra xác của cô gái trong Công viên Almond. Cô được đặt trên một cái ghế băng cùng tấm bìa các tông dán bằng keo lên tay, trên đó viết KHÔNG LÀM ĐIỀU ÁC. Lúc ấy Porter và đồng đội của anh đã đoán ra phương thức gây án của hắn, tấm bìa giúp khẳng định giả thiết của họ. Không làm điều ác hóa ra chính là chìa khóa để giải mã mục tiêu Bishop đang nhắm đến, họ nhận ra điều đó khi tiếp nhận nạn nhân thứ hai của 4MK, Elie Borton. Cô mất tích ngày 2 tháng Tư năm 2010, hơn một năm sau nạn nhân thứ nhất. Ban Tìm kiếm Trẻ em Mất tích đã chuyển giao vụ án cho tổ điều tra của Porter sau khi bố mẹ cô nhận được cái tai qua đường bưu điện và báo cảnh sát. Khi xác cô gái được tìm thấy khoảng hơn một tuần sau, trên tay cô cầm tờ khai nộp thuế năm 2008 dưới tên của bà cô. Họ tìm hiểu sâu hơn và phát hiện ra rằng bà của cô gái đã qua đời vào năm 2005. Matt Hosman ở Ban Điều tra Tội phạm Kinh tế phát hiện bố cô đã khai man thuế dựa trên danh nghĩa của hơn mười người sống ở viện dưỡng lão do ông ta điều hành, tất cả đều đã chết. Bishop giết Elie Borton, cô gái mới hai mươi ba tuổi, vì tội ác mà bố cô gây ra. Khi động cơ của 4MK đã rõ ràng, họ quay lại tìm hiểu về gia đình Calli Tremell và phát hiện mẹ cô đã rửa tiền từ ngân hàng bà ta đang làm việc với số tiền lên đến hơn ba triệu đô la trong suốt mười năm qua. Porter bước sang phải và quan sát bức ảnh thứ ba. Missy Lumax, mất tích ngày 24 tháng Sáu năm 2011. Bố cô buôn bán phim khiêu dâm trẻ em. Bố của Susan Devoro đánh tráo kim cương thật bằng kim cương giả ở cửa hàng trang sức do chính ông ta làm chủ. Cô là nạn nhân thứ tư, mất tích ngày 3 tháng Năm năm 2012. Nạn nhân thứ năm là Barbara McInley, mười bảy tuổi, mất tích ngày 18 tháng Tư năm 2013. Chị gái cô đâm xe khiến một người đi bộ thiệt mạng sáu năm trước, vì vậy Bishop giết Barbara để trừng phạt. Anh trai của Allison Crammer điều hành một phân xưởng bóc lột rất nhiều công nhân bất hợp pháp ở Florida. Cô là nạn nhân thứ sáu, mất tích ngày 9 tháng Mười một năm 2013, khi mới mười chín tuổi. Chỉ vài tháng sau lại đến lượt Jodi Blumington. Cô mất tích ngày 13 tháng Năm năm 2014, ở tuổi hai mươi hai. 4MK giết cô gái ấy vì bố của cô nhập khẩu cocain cho một cartel ma túy. Bức ảnh cuối cùng trên bảng là của một cô bé Porter biết rõ, nạn nhân duy nhất anh từng gặp ngoài đời và cũng là người duy nhất sống sót. Emory Connors, mười lăm tuổi, bị bắt cóc hồi tháng Mười một năm ngoái. Cô bé mất một bên tai và bị giam cầm suốt mấy ngày trời, nhưng Bishop không giết cô. Rất có thể hắn sẽ ra tay nếu như Porter không tìm ra hắn trước. Hay đúng hơn, đó là những gì báo chí viết. Anh biết thừa chẳng qua Bishop cho phép nên cô bé ấy mới được sống. Anh cũng biết Bishop đã để anh tìm ra hắn. Hắn muốn có cơ hội trình bày lý lẽ, giải thích động cơ gây án cũng như tuyên ngôn của hắn trước khi giết Arthur Talbot rồi tẩu thoát. Talbot, người hóa ra lại là bố đẻ của Emory, mới là kẻ tồi tệ nhất trong đám tội phạm đó. Bishop bắt cóc Emory, nhưng cuối cùng hắn lại trừng phạt Talbot bằng cách cắt xẻo rồi đẩy ông ta xuống giếng thang máy. Hắn giết ông ta và tha cho Emory. Emory thừa kế số tiền hàng tỉ đô do bố để lại, cái chết đột ngột của ông ta đã hợp pháp hóa một điều khoản trong di chúc, đó là điều kiện mà mẹ cô bé đặt ra từ nhiều năm về trước. Emory được sống, còn Bishop thì lọt lưới. Sáu nhãn cầu. Porter ngước nhìn ảnh chụp các nạn nhân của 4MK. Bảy cô gái đã chết, một người còn sống. Anson Bishop đã thâm nhập vào tổ điều tra của Porter bằng cách giả danh sĩ quan chụp ảnh hiện trường hồi tháng Mười một năm ngoái. Vào lần đầu tiên hắn có mặt tại buổi họp với toàn đội, họ đã cùng nhau ôn lại thông tin của từng người trong số các nạn nhân trước đây của 4MK, cố gắng giúp hắn bắt kịp trong thời gian truy tìm Emory. Hắn lắng nghe rất chăm chú, tỏ ra quan tâm đến những dữ kiện họ có được, vờ như tất cả đều hết sức mới mẻ đối với hắn. Porter vẫn thường nhớ lại khoảnh khắc ấy, kiếm tìm bất cứ biểu hiện nào có thể tiết lộ danh tính thật của hắn, nhưng chẳng có gì. Khi nhìn tấm bảng này, Bishop hẳn phải cảm thấy sung sướng, mãn nguyện tột cùng, dù ngoài mặt vẫn thể hiện thái độ ghê sợ vừa đủ, hứng thú vừa đủ. Hắn hỏi nhiều câu rất hợp lý hợp tình, biết kiềm chế để không thêm thắt điều gì trong số những thông tin được cung cấp. Porter nghĩ việc đó đối với hắn chắc là khó khăn lắm. Trong lần đối đầu cuối cùng ở Belmont, Bishop vô cùng hào hứng muốn chia sẻ những gì hắn biết, muốn giãi bày tâm tư của bản thân. Khao khát ấy hẳn đã dâng trào mãnh liệt trong lòng hắn khi đứng trước mấy tấm bảng này, lắng nghe họ nói những điều đã biết về từng nạn nhân. Tuy vậy, Bishop cũng đưa ra một vài luận điểm, xoáy vào một vài chi tiết. Porter nhắm mắt và hồi tưởng lại những gì diễn ra ngày hôm ấy, những lời hắn đã nói. Anh nhớ Bishop gợi ý tập trung vào vấn đề tiếp cận thông tin, nghĩa là tìm hiểu xem người nào có quyền tiếp cận thông tin liên quan đến tất cả các tội ác này, rồi từ đó truy ngược lại. Nhưng ý kiến của hắn cũng không giúp ích được gì, vì cuối cùng họ phát hiện ra rằng chính Talbot là người biết rõ những tội ác này, và Bishop moi được thông tin từ ông ta. Hắn nhắc đến ngày tháng của các vụ mất tích, chỉ ra rằng 4MK đang tăng dần nhịp độ. Điều này không sai, nhưng nếu thực sự tồn tại một lý do cho việc đó thì họ cũng chẳng thể xác định chính xác được lý do đó là gì. Tại thời điểm ấy họ cho rằng 4MK đã chết rồi. Việc quan trọng nhất là tìm ra Emory. Còn một chi tiết đáng chú ý nữa, đó là màu tóc. Porter nhớ rằng Bishop đã nhìn xoáy vào bức ảnh của Barbara McInley, nạn nhân duy nhất có tóc vàng. Bất thường, đó là cách hắn nói về cô gái ấy. Người duy nhất tóc vàng trong một nhóm toàn những thiếu nữ tóc nâu xinh đẹp. Tiếp theo hắn hỏi có ai trong số các nạn nhân bị xâm hại tình dục không, nhưng câu trả lời là không. Hắn lại hỏi 4MK có giết người nào là nam giới không. Cụ thể hơn, hắn hỏi những cô gái này có anh em trai không, sau đó nói đôi điều đại loại là: “Giả sử một nửa trong số các gia đình này có ít nhất một người con trai, và 4MK bắt cóc con cái họ một cách ngẫu nhiên, như vậy lẽ ra phải có ít nhất một, hai nạn nhân là nam giới. Nhưng điều đó không xảy ra. Việc hắn nhắm vào con gái thay vì con trai là có lý do, chỉ có điều chúng ta chưa biết thôi.” Porter thì cho rằng 4MK bắt cóc phụ nữ chỉ đơn giản vì họ dễ bị khống chế hơn, ít khả năng chống cự hơn mà thôi. Sáu nhãn cầu. Bảy nạn nhân. Porter trở lại với bức ảnh của Barbara McInley. Bị trừng phạt vì chị gái đâm xe làm chết người rồi bỏ trốn. McInley là người duy nhất thực sự khiến Bishop chú ý trong suốt buổi họp, người duy nhất hắn tập trung vào. Porter vẫn có thể hình dung ra dáng vẻ của Bishop lúc ấy, ngón tay gõ trên bức ảnh, trong đầu vạch ra muôn vàn toan tính. Porter liếc về phía cửa ra vào, dỏng tai lên nghe xem có ai qua lại ngoài hành lang không, nhưng không nghe thấy gì. Cạnh bức tường bên tay trái có kê một chiếc bàn chất đầy hộp đựng hồ sơ, đó là toàn bộ thông tin thu thập được về 4MK. Trên cái hộp thứ ba tính từ bên trái có đề hai chữ Nạn nhân bằng bút dạ đỏ, do chính tay Porter viết. Anh băng qua phòng, mở nắp hộp và lục lọi cho tới khi tìm thấy hồ sơ của Barbara McInley, cái tên trên đó cũng là chữ của anh. Những hồ sơ này thuộc về anh. Thuộc về tổ điều tra của anh. FBI không có quyền sở hữu chúng. “Kệ cha nó.” Porter giấu tập hồ sơ vào bên trong áo khoác, đậy nắp hộp lại rồi đi ra cửa. Khi đã chắc chắn hành lang vẫn không một bóng người, anh lẻn ra ngoài và nhẹ nhàng đóng cửa lại. Anh trở về phòng tác chiến nằm ở cuối hành lang và gạt công tắc để bật mấy cái đèn huỳnh quang trên trần. “Vừa rồi tôi còn tưởng hay là sáng nay anh nghỉ đấy.” Đặc vụ Stewart Diener lên tiếng. Anh ta đang ngồi ở chỗ của Nash, chân gác lên mặt bàn, tay bấm thoăn thoắt trên màn hình bé tẹo của cái điện thoại di động. Porter thầm mong có cơn gió nào đó ùa vào phòng thổi bay mái tóc rẽ ngôi điệu đà của gã kia đi. Nhưng tiếc là ước nguyện ấy không thành. P orter Ngày 2 • 7:59 sáng CHƯƠNG 9 Porter nhìn Diener chằm chằm. “Chúng tôi vừa phải xử lý một thi thể, vừa phải điều tra vụ mất tích của cô bé thứ hai. Tôi đã thức trắng đêm rồi. Anh muốn gì?” Tên này đã ở đây suốt từ nãy đến giờ sao? “Ờ, các anh giữ bí mật thông tin thì giỏi rồi.” Diener ném lên bàn làm việc của Porter tờ báo Chicago Tribune gấp làm đôi. Porter liếc xuống tiêu đề: 4MK ĐÃ TRỞ LẠI VÀ BẮT CÓC CON GÁI CHÚNG TÔI? Bên dưới dòng tít là bức ảnh chụp Emory Connors đang bước trên vỉa hè, đầu cúi gằm. Cả bài viết lẫn ảnh đi kèm đều nằm ở phía trên nếp gấp, chứng tỏ đây là tít chính của số báo này. Dưới đó còn hai bức ảnh nữa, tấm thứ nhất là ảnh đầm nước trong Công viên Jackson, được chụp bằng ống kính tiêu cự dài, tấm thứ hai chụp ngôi nhà của gia đình Davies. Diener đứng dậy, đi vòng sang bên bàn của Porter và chỉ vào tờ báo. “Trong này có nhắc đến tên của cả Ella Reynolds lẫn Lili Davies.” “Sao lại thế được? Chúng tôi đã đưa ra thông cáo gì đâu. Tôi mới đến gặp bố mẹ Lili Davies cách đây vài tiếng.” Diener nhún vai. “Trong tổ điều tra lão làng của anh có kẻ bép xép chứ sao.” “Vớ vẩn.” Porter lầm bầm và đọc lướt qua bài báo. Trong đó đề cập đến việc một thi thể được tìm thấy dưới đầm nước ở Công viên Jackson, đồng thời cho rằng người chết rất có thể chính là Ella Reynolds, cô bé tuổi teen mất tích. Người viết cũng tiết lộ thêm thông tin, không lâu sau phát hiện này, một cô bé nữa lại mất tích. Lili Davies được trông thấy lần cuối khi rời nhà để tới trường vào hôm qua, nhưng cô bé không đến lớp. Phần còn lại của bài báo nhắc tới những nạn nhân trước đây của 4MK và đưa ra giả thiết Anson Bishop buộc phải thay đổi phương thức gây án sau khi cuộc truy bắt hắn thất bại thảm hại. “Tên bị thịt kia mò sang đây làm gì?” Nash đứng ở ngưỡng cửa hỏi vọng vào. Porter giơ tờ báo lên. “Đưa báo.” Nash bước tới, thả áo khoác lên cái ghế Diener vừa đứng dậy. Anh phủi một sợi vải trên vai áo của gã kia. “Thật vui khi thấy chú em chịu khó tìm hiểu các lựa chọn nghề nghiệp đến thế. Nếu chú em ngoan, chiều nay sau khi tan học anh em mình có thể tạt qua Walmart chọn cho chú em một cái xe đạp thật đẹp để chú em tha hồ mở rộng con đường công danh.” Porter thảy tờ báo lên bàn Nash và chỉ vào hai bức ảnh chụp đầm nước cùng với ngôi nhà của gia đình Davies. “Vụ này không phải do Bishop làm. Đám nhà báo đúng là quá vô trách nhiệm, dám đưa tin bừa bãi. Bọn họ viết thế cốt là để tăng doanh số thôi.” Diener hỏi: “Sao anh dám khẳng định điều đó? Biết đâu Bishop quyết định thay đổi cách làm, đúng như họ nói.” “Sát nhân hàng loạt không thay đổi phương thức gây án, anh biết mà. Thủ đoạn đặc trưng của chúng luôn cố định.” Diener nhún vai. “Bishop không phải loại sát nhân hàng loạt thông thường. Mỗi vụ giết người hắn gây ra đều là một phần của kế hoạch báo thù hết sức tinh vi. Kế hoạch được hắn hoàn tất khi giết Talbot. Có thể hắn đã định rửa tay gác kiếm sau vụ đó, nhưng chẳng mấy chốc hắn nhận ra mình vẫn còn hứng thú với các thiếu nữ. Đến khi không thể kiểm soát được bản thân nữa, hắn bắt cóc Ella Reynolds. Xong việc với cô bé, hắn lại bắt Lili Davies.” Diener dợm bước đi ra cửa. “Anh cứ dừng lại và suy nghĩ, nhìn rộng ra một chút là sẽ thấy.” Porter thả áo khoác lên bàn, trong đó vẫn giấu hồ sơ của Barbara McInley. Tim anh đập dồn. “Thằng này chỉ là hạng loong toong.” Nash nói. “Nghe thấy rồi nhé!” Diener oang oang nói vọng vào từ ngoài hành lang. “Anh mà sai và họ đúng là nạn nhân của 4MK thật thì các anh phải đá vụ này sang cho bọn tôi đấy!” “Gã kia còn đỡ hơn một tí.” Porter nói. “Cộng sự của hắn, cái tên Stool, Drool, Mule* gì đó…?” “Poole. Frank Poole. Cũng loong toong nốt*, bên đây trăm thằng như một. Ê, thấy tôi gieo vần hay không?” Nash với tay ra định sập cửa thì Clair bước vào, cầm theo iPad. Kloz đi ngay đằng sau với chiếc laptop, bên trên là ba cái hộp trắng chất cao ngất ngưởng như sắp đổ. “Đỡ giúp tôi một tay nào.” Anh ta nói. Nash nhón lấy cái hộp trên cùng và mang về bàn mình. “Đừng có đi quá giới hạn với chúng.” Kloz nói bằng giọng thống thiết. “Tiêu chuẩn cả một tuần của tôi đây.” “Cái gì vậy?” Porter hỏi. “Ba tá bánh rán của tiệm bánh mới khai trương nằm cách đây một đoạn, tên là Peace, Love, and Little Donuts.” Clair giải thích. “Tên lỏi con này định khuân cả đống về làm của riêng, cho đến khi tôi giáo huấn cho hắn một bài về ý nghĩa cao quý của việc chia sẻ với đồng nghiệp.” Kloz nhếch mép cười. “Có mà cô dọa nếu tôi không mang chúng xuống dưới này thì cô sẽ gửi e-mail cho cả Sở biết bàn tôi có bánh thì đúng hơn. Tôi sao có thể để mặc chúng trên tầng, không người chở che trước sự tấn công của lũ kền kền. Chúng sẽ bay biến sạch chỉ trong vòng một phút. Mà tất cả có mười tám cái thôi, mỗi hộp sáu cái chứ không phải mười hai.” Nash mở cái hộp vừa chôm được, hai mắt tròn xoe. “Cha mẹ ơi, đẹp quá đi mất.” Porter hốt luôn cái hộp thứ hai trong số đó và đem về bàn mình. Clair cuỗm nốt cái thứ ba. “Này!” Kloz kêu lên. “Của tôi chứ!” “Sao chúng bé tẹo thế nhỉ?” Porter hỏi, miệng nhồm nhoàm nhân kem. Clair lấy một cái bánh trong hộp của mình và giơ lên nhìn. Vỏ bánh phủ một lớp Oreo xay nhỏ. “Đây gọi là tinh hoa ẩm thực đấy. Chẳng qua tay tôi đang vướng chứ không thì tôi đã làm dấu ngoặc kép*. Tiệm đó làm bánh cỡ nhỏ và bán như kiểu đồ ăn sang chảnh, đắt gấp đôi bánh rán thông thường. Nếu không vì chúng ngon quá thể đáng thì bọn họ đã sập tiệm rồi, nhưng mấy em này phải gọi là tuyệt trần. Ăn miếng nào chết cái mông tôi miếng ấy, cơ mà tôi mặc kệ.” Kloz ngồi vào chỗ quen thuộc của mình ở kế bên bàn họp. Anh ta áp cả hai tay lên mặt bàn bằng kim loại và chậm rãi hít một hơi để trấn tĩnh, mặt mũi đỏ gay lên. “Được rồi, mỗi người có thể lấy một cái, duy nhất một cái.” “Tôi chén chắc phải đến bốn cái rồi.” Nash nói, lau sạch bằng chứng ăn uống trên mép. Anh nhìn xuống cái hộp vừa bị càn quét đang đặt trước mặt. “Chỗ còn lại tôi để dành.” Mười phút sau, cả ba cái hộp đều sạch trơn, trừ một cái bánh rán phủ kem dâu còn sót lại. Porter bắt đầu cảm thấy tác động của lượng đường vừa nạp vào cơ thể. Anh đứng dậy, đi tới chỗ chiếc bảng trắng duy nhất còn lại, viết tên ELLEN REYNOLDS lên trên cùng. “Là Ella Reynolds chứ.” Nash nhắc. Porter ậm ừ, dùng mu bàn tay lau cái tên viết sai đi và thay bằng ELLA. “Nào, hiện tại chúng ta đã biết được những gì rồi?” Clair nói: “Ella Reynolds được trình báo mất tích ngày 22 tháng Một và được tìm thấy vào hôm qua, 12 tháng Hai, trong tình trạng đông cứng dưới lớp băng ở đầm nước trong Công viên Jackson.” “Không phải đông cứng.” Nash chen vào. “Ít ra là chưa hoàn toàn. Eisley bảo thế. Nhưng đầm nước thì đúng là đã đóng băng.” “Ờ, xin lỗi.” Clair nói. “Thông tin từ phía công viên cho biết cái đầm đóng băng hoàn toàn từ mùng 2 tháng Một, hai mươi ngày trước khi cô bé mất tích. Ngoài ra, tôi đã phát hiện một chi tiết trong đoạn băng ghi hình mà chúng ta sẽ xem sau khi cập nhật tình hình lên bảng.” Porter gật đầu. “Lúc được tìm thấy, quần áo mặc trên người Ella không phải là đồ của cô bé mà được cho là của cô bé thứ hai mất tích, Lili Davies.” Anh viết cái tên này lên bảng rồi quay lại bên cột đề tên Ella. “Lần cuối cùng có người nhìn thấy Ella là khi cô bé xuống xe buýt cách nhà hai khu phố, gần Quảng trường Logan, cách nơi thi thể được phát hiện khoảng hai mươi tư kilômét, khi đó cô bé mặc áo khoác màu đen. Tôi nghĩ chúng ta có thể khẳng định hung thủ đã dàn dựng hiện trường ở đầm nước sao cho giống như Ella đã ở dưới đó nhiều tuần, điều này là không thể nếu bộ quần áo cô bé mặc đúng là của Lili.” Nash rời khỏi bàn mình, bước tới chỗ bàn họp phía trước tấm bảng và ngồi xuống. “Hắn làm thế để làm gì? Hắn tốn bao công sức dìm Ella dưới đầm băng nhưng lại mặc quần áo của Lili cho cô bé, giúp chúng ta xác định mốc thời gian cụ thể trong chuỗi sự việc. Thật là vô lý.” “Nhưng với hắn thì lại hợp lý.” Porter nói. “Toàn bộ chuyện này đều hợp lý. Kể cả điều sau đây…” Porter viết mấy chữ CHẾT ĐUỐI TRONG NƯỚC MẶN bên dưới tên của Ella. “Có đùa không vậy?” Kloz nói. “Eisley nói anh ta tìm thấy nước mặn trong phổi và dạ dày của cô bé. Anh ta khá chắc chắn nguyên nhân tử vong là do đuối nước.” Porter nói với Kloz. “Chết đuối.” Clair nhắc lại. “Trong nước mặn.” Nash bổ sung: “Đại dương gần nhất cách đây khoảng hơn một ngàn cây số.” “Chúng ta cần đi điều tra ở các cửa hàng thủy sinh và đầu mối cung cấp trang thiết bị thủy sinh trong vùng.” Porter nói. “Tôi nghĩ có thể loại trừ khả năng hung thủ đưa nạn nhân ra tận ngoài biển. Thời gian quá eo hẹp.” Clair lắc đầu. “Giấc ngủ ít ỏi không đủ để giúp tôi giải quyết một vụ như thế này.” “Có lẽ mọi người đều đang nỗ lực hết sức mình.” Porter đồng tình. “Chúng ta đã biết được những gì về cô bé thứ hai, Lili Davies?” Nash mở cuốn sổ tay ra xem. “Bố mẹ của cô bé là bác sĩ Randal Davies và Grace Davies. Cô bé chơi thân với Gabrielle Deegan. Học ở Học viện Wilcox. Lúc được nhìn thấy lần cuối, cô bé mặc áo khoác màu đỏ, theo như lời khai của bà mẹ - áo parka có mũ hiệu Perro, chất vải nylon màu đỏ chần quả trám. Ngoài ra, cô bé còn đội mũ len trắng, đeo găng tay trắng, mặc quần jeans đen và đi giày tennis màu hồng. Lili không đến được trường hôm qua, chứng tỏ rất có khả năng cô bé bị bắt cóc vào sáng ngày 12 tháng Hai. Bà mẹ khai rằng chính mắt bà ta trông thấy cô bé rời nhà. Lúc đó là khoảng bảy giờ mười lăm phút sáng. Giờ vào học là tám giờ kém mười, cô bé đi bộ đến trường.” “Có đi cùng với ai không?” Porter hỏi. Nash lắc đầu. “Mẹ cô bé nói trường chỉ cách đó bốn khu nhà, nên cô bé đi một mình.” Kloz liếc đống hộp đựng bánh rán bằng ánh mắt buồn thiu, rồi bước tới bàn họp. “Bốn khu nhà thì cũng không xa. Như thế, kẻ bắt cóc cô bé sẽ không có nhiều thời gian để ra tay.” Clair ngồi xuống cạnh Nash. “Đây là giả sử cô bé đi một mạch tới trường, mà điều này chúng ta không có cách nào xác thực. Cô bé có thể vô tình gặp người bạn nào đó trên đường và đi nhờ xe của họ. Tôi biết là chỉ cách vài khu thôi, nhưng ngày xưa cuốc bộ đi học, tôi vẫn xin quá giang suốt. Những ai sống ở gần trường đều hiểu, đám học sinh đi xe và đi bộ thường tụ tập ở bãi xe, nhiều đứa chơi ở đấy cho tới khi có chuông báo giờ vào lớp.” “Tôi vào được chứ?” Ba người ngước nhìn. Sophie Rodriguez đang đứng ở cửa. Porter nhận thấy cô vẫn mặc chiếc áo len màu nâu giống như lúc ở nhà Davies. Rất có thể cô cũng chưa được về nghỉ ngơi. “Xin mời.” Anh nói. “Cô ngồi đi, chúng tôi đang xem xét các thông tin thu được.” “Ừm, Sam này?” Kloz nói, đưa mắt nhìn cô một lượt từ đầu đến chân. “Còn nhớ đã xảy ra chuyện gì trong lần gần đây nhất anh mời đối tượng lạ hoắc nào đó nhập hội không?” Clair đập cho anh ta một phát vào vai. “Tôi quen biết Sophie gần bốn năm rồi. Cô ấy đã qua kiểm duyệt.” Cô ra hiệu mời Sophie ngồi vào chiếc ghế bên trái mình. Sophie đặt túi xách ở gần cửa, cởi áo khoác rồi ngồi xuống chăm chú đọc những gì viết trên bảng. “Tôi biết mọi người đang điều tra với tư cách Đội Trọng án, và tính đến thời điểm hiện tại Lili vẫn đang thuộc diện mất tích, nhưng chúng ta đã xác định được mối liên quan rõ ràng. Có lẽ tốt hơn hết ta nên hợp tác với nhau, ít nhất là trong thời gian này. Cho tới khi nắm bắt được tình hình.” “Chào mừng cô nhập nhóm, Sophie.” Porter nói. Nash ném cho anh cái nhìn mệt mỏi, nhưng không nói gì. Sophie đăm đăm nhìn những người có mặt trong phòng. “Ella cũng là một trong số trẻ em mất tích do tôi phụ trách điều tra. Tuy chúng ta luôn hy vọng điều tốt đẹp nhất sẽ đến, nhưng nếu sau hơn bốn mươi tám giờ mà vẫn không có tung tích gì của bọn trẻ, thường thì điều đó có nghĩa chúng đã bỏ nhà ra đi hoặc gặp chuyện chẳng lành. Hai cô bé đều có gia đình đàng hoàng, bởi vậy linh tính mách bảo tôi trường hợp này là “chuyện chẳng lành”. Lúc anh báo cho tôi biết tin về bộ quần áo, có lẽ anh đã giúp xác thực mối nghi ngờ đó của tôi. Tôi chỉ hy vọng chúng ta tìm được Lili trước khi quá muộn.” “Cô cho bố mẹ Lili xem ảnh chụp bộ quần áo chưa?” Porter hỏi. Anh đã gửi bức ảnh đó cho cô qua e-mail lúc ở nhà xác. Sophie gật đầu. “Bà mẹ xác nhận chúng là quần áo của Lili. Bà ấy nói chính tay mình đã viết hai chữ cái ấy lên mác của chiếc mũ.” Porter viết mấy chữ MẶC TRANG PHỤC CỦA LILI DAVIES KHI ĐƯỢC TÌM THẤY bên dưới tên ELLA REYNOLDS trên bảng. Sau đó anh lại quay về phía cô. “Cô có thể cho chúng tôi biết thêm điều gì về Ella?” Sophie chăm chú đọc tấm bảng trong giây lát. “Tôi đã đích thân đến hiện trường cách đây vài tuần, ngay sau khi cô bé mất tích. Cô bé xuống xe buýt cách nhà khoảng hai khu, gần Quảng trường Logan, nhưng bố mẹ Ella nói thỉnh thoảng cô bé tới cửa hàng Starbucks nằm trên đại lộ Kedzie để làm bài tập. Tôi đã lần theo cả hai con đường. Tôi đi từ bến xe buýt tới nhà cô bé mất khoảng bốn phút, từ bến xe buýt tới Starbucks là bảy phút, và từ Starbucks tới nhà cô bé là chín phút. Toàn bộ khu vực đó rất đông đúc, người qua lại liên tục. Tôi không hiểu làm thế nào có kẻ bắt cóc được cô bé mà không bị ai nhìn thấy.” Nash hỏi: “Cô đã trao đổi với người quản lý Starbucks chưa?” Sophie gật. “Tôi đưa ảnh Ella thì ông ta nhận ra nhưng lại không chắc chắn liệu cô bé có đến cửa hàng vào ngày hôm đó không. Cô bé thường trả tiền mặt nên tôi không thể truy xuất hóa đơn thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng.” “Ở đó có camera giám sát không?” “Có, nhưng cứ sau mỗi một ngày là hệ thống lại xóa đi. Họ không lưu băng ghi hình. Lúc chúng tôi đến thì đã chẳng còn nữa rồi.” Kloz đằng hắng. “Hay cứ để tôi xem thử? Tôi chưa gặp hệ thống giám sát an ninh nào thực sự xóa hết băng ghi hình của ngày hôm trước. Nếu hệ thống đó lưu trên ổ cứng thì nhiều phân mảnh có thế vẫn tồn tại, dù người quản lý cho rằng đoạn băng không còn nữa.” Porter gật đầu và viết lên bảng dòng chữ BĂNG GHI HÌNH Ở STARBUCKS (XÓA MỖI NGÀY?) - KLOZ. “Còn gì nữa không?” “Chúng tôi đã kiểm tra máy tính và e-mail của cô bé, nhưng không phát hiện được điều gì bất thường.” Sophie nói. “Điện thoại di động cũng biến mất cùng cô bé. Máy được kết nối lần cuối với trạm thu phát sóng gần Quảng trường Logan, bốn phút sau khi xe buýt vào bến theo lộ trình thì mất tín hiệu.” “Kloz?” Kloz đã mau mắn gật đầu và ghi chú vào laptop. “Tôi sẽ kiểm tra cả chi tiết này.” Porter quay sang Sophie. “Cô có tìm được gì trong phòng của Lili không?” “Không có gì bất thường. Quần áo vứt lung tung. Không thấy thứ gì bị giấu ở các ngăn kéo hoặc dưới đệm, những nơi giấu đồ thông thường. Trên tấm gương có dán ảnh Lili chụp cùng một cô bé khác. Bà mẹ nói đó là Gabby, bạn thân của cô bé. Bố Lili nói cô bé sở hữu điện thoại di động và laptop, nhưng cả hai thứ đó đều không có trong phòng. Bà Davies cho rằng cô bé đã mang chúng đến trường, vì lúc đi học cô bé đeo ba lô.” Cô ngừng lại giây lát, đọc tin nhắn trên di động. “Chúng tôi đã kiểm tra kết nối di động của cô bé, nhưng máy đã tắt. Tôi vừa nhận được kết quả. Trạm thu phát cuối cùng thu được tín hiệu là trạm ở gần nhà cô bé. Tín hiệu mất hẳn lúc bảy giờ hai mươi ba phút. Tức là chỉ khoảng tám phút sau khi cô bé ra khỏi nhà.” “Kloz, anh thử xem có tìm hiểu được gì từ các tài khoản mạng xã hội và e-mail của cô bé không nhé.” Porter nhắc. “Rõ.” Kloz đáp. Sophie rút từ trong túi xách ra một tập hồ sơ và rải những thứ bên trong lên bàn. Cô có ảnh của cả hai cô bé. “Diện mạo Ella và Lili có nhiều điểm tương đồng, điều đó cho thấy động cơ của hung thủ có thể liên quan đến yếu tố ngoại hình hoặc tình dục, nhưng bác sĩ pháp y nói rằng Ella không có dấu hiệu bị xâm hại. Tạm thời tôi vẫn chưa tin sự giống nhau giữa hai vụ chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.” “Có lý. Tôi xin phép nhé?” Porter nói và trỏ vào hai bức ảnh. Sophie đưa cho anh, Porter dán chúng lên bảng. “Lili bao nhiêu tuổi?” “Mười bảy.” Sophie đáp. “Cả hai đều có tóc vàng, dài khoảng ngang vai. Mắt Ella màu xanh dương, còn Lili xanh lục. Hai cô bé hơn kém nhau hai tuổi. Ella học trường nào?” Sophie lật sổ ghi chép. “Trung học Kelvyn Park. Cô bé học lớp Mười.” “Có lý do gì để cho rằng hai cô bé quen biết nhau không?” “Theo tôi biết thì không.” Cô đáp. “Hai đứa học khác trường, nhóm bạn cùng chơi cũng khác, lại chênh nhau hai tuổi. Cả hai đều không có ô tô.” “Vậy còn phòng tranh?” Porter hỏi. “Có khi nào hai cô bé quen nhau ở đó?” “Tôi chưa ghé qua phòng tranh. Mười giờ họ mới mở cửa.” Porter gãi gãi má. “Theo tôi thì cô cùng với Clair tới trường một chuyến và thẩm vấn Gabrielle Deegan, bạn của Lili. Nash hay làm tụi nhỏ sợ.” Nash nhoẻn cười. “Biết làm sao được, tôi vốn đáng sợ mà.” Porter gật đầu với anh. “Anh và tôi sẽ ghé qua phòng tranh.” “Thưởng thức tí nghệ thuật cũng vui.” “Tôi sẽ nhắn địa chỉ cho các anh.” Sophie nói. “Nó nằm ở phố North Halsted.” Porter đưa mắt nhìn tấm bảng. “Còn gì nữa không?” Cả nhóm lặng thinh. “Ta xem băng ghi hình nhé?” Clair hỏi. “Ừ, cô bật đi.” Clair gõ lên màn hình iPad rồi đặt ở giữa bàn. Đoạn băng đang tạm dừng. Góc máy cực kỳ tệ hại, chĩa xuống con đường nhỏ trải nhựa đen. Đồng hồ trên băng hình hiển thị 8:47 sáng ngày 12 tháng Hai. Clair bấm nút chạy và đoạn băng chạy tiếp theo thời gian thực. Hai xe ô tô phóng qua, một chiếc Toyota vàng và một chiếc Ford trắng. Khi cái ô tô bán tải màu xám xuất hiện, Clair bấm tạm dừng. “Tôi sẽ cho chạy chậm lại.” Cô nói, đoạn băng tiếp tục chạy với tốc độ chỉ vài khung hình mỗi giây. Khi phần cuối xe xuất hiện trong tầm ngắm, Porter đã hiểu ra. “Dừng ở đây.” Anh nói. Chiếc xe bán tải kéo theo một cái bồn chứa nước lớn ở phía sau, loại bồn dùng để vệ sinh bể bơi. “Trong công viên không có bể bơi, mà giữa mùa đông rét mướt thế này cũng chẳng mấy ai có nhu cầu làm vệ sinh bể bơi.” Clair nói. “Tôi nghĩ đó là cách hắn dẫn nước vào cái đầm.” “Còn góc quay nào khác không?” Porter hỏi. Clair lắc đầu. “Đây là cái camera duy nhất ở công viên.” Kloz rướn người lại gần. “Tôi cũng không thể làm được gì nhiều. Hình ảnh rõ đấy, nhưng góc máy thì quá lởm.” “Tua lại vài khung hình thử xem?” Porter gợi ý. Clair bấm nút tua. Từng khung hình chạy ngược theo mỗi lần chạm. “Dừng lại đi.” Porter nói. “Vết lóa kia là thế nào, mà sao góc quay tệ quá vậy?” Camera chúc hẳn xuống theo chiều gần như thẳng đứng. Thông thường, camera sẽ chĩa về hai hướng xuôi theo con đường, đó là góc độ tối ưu để ghi lại hình ảnh ô tô đến hoặc đi. Họ dừng băng ở đoạn cho thấy rõ nhất tấm kính chắn gió của chiếc xe bán tải, nhưng một vết lóa sáng trắng đã làm lu mờ hình ảnh bên trong xe. Porter nhìn thấy bóng tài xế mờ ảo, nhưng không gì có thể giúp họ xác định được danh tính của người đó. “Kloz, liệu anh có phóng to và làm cho hình ảnh này rõ hơn được tí nào không?” Kloz cắn đầu ngón tay cái. “Cũng có thể, không hứa trước được. Tôi sẽ thử.” “Người quản lý công viên cho biết họ hiếm khi xem băng ghi hình. Họ lắp camera với mục đích hù dọa là chính. Có thể một lúc nào đó camera đã lỏng ra nên chúc xuống đất, hoặc là có người nới lỏng và cố tình chĩa nó xuống. Ông ta không biết chuyện xảy ra như thế nào hay từ bao giờ.” Clair giải thích. “Ông ta nói chiếc camera vốn chĩa dọc theo con đường để ghi lại hình ảnh ô tô cũng như tài xế từ đằng xa đi tới.” Porter quay sang nhìn Kloz, nhưng anh chưa kịp lên tiếng thì Kloz đã xua tay. “Rồi, tôi biết rồi. Tôi sẽ xem lại các đoạn băng cũ để xem có xác định được sự việc xảy ra khi nào không, nhỡ đâu lại chộp được cảnh hung thủ tay cầm cờ lê, miệng mỉm cười trước camera.” “Cũng có lúc chúng sơ suất chứ.” Porter nói. “Ờ.” “Có vẻ khả quan đây. Ít nhất chúng ta có thể biết được cái ô tô bán tải kia là của hãng nào, thuộc dòng xe nào. Nếu kiểm tra đối chiếu thông tin này với các công ty vệ sinh bể bơi, biết đâu ta lại gặp may.” Porter quay về phía cái bảng. “Còn ai muốn bổ sung điều gì không?” Cả phòng lại im lặng. Porter đậy nắp chiếc bút dạ đen rồi ngồi xuống bên bàn họp. “Tôi muốn tìm hiểu kĩ hơn về những vụ bắt cóc này. Hung thủ ra tay khá nhanh và xem ra không gặp khó khăn gì trong việc bắt hai cô bé ở nơi công cộng. Điều đó có nghĩa, hoặc là hắn giỏi ẩn mình trong đám đông, hoặc có thể hắn làm quen với nạn nhân từ trước để họ không cảm thấy sợ hãi. Hắn không thể bắt họ ngay trên phố rồi tống vào cái xe bán tải mà không bị ai để ý trong khi họ la hét, giãy giụa. Bởi vậy, bằng cách nào đó hắn đã thuyết phục được họ tự nguyện đi theo.” “Có thể hắn sử dụng các phương tiện khác.” Nash nêu ý kiến. “Xe công ích hoặc xe van của công ty dịch vụ điện, nước, ga chẳng hạn. Loại nào không thu hút sự chú ý của những người xung quanh.” Kloz xoay laptop lại để mọi người cùng xem. Trên màn hình là bản đồ chi tiết của thành phố Chicago và các vùng phụ cận. Có một chấm màu đỏ ở gần Quảng trường Logan, một chấm nữa tại Công viên Jackson, và chấm thứ ba ở đường King Drive thuộc khu Bronzeville. “Địa điểm xảy ra hai vụ bắt cóc nằm cách nhau khoảng mười sáu kilômét. Với một thành phố lớn như Chicago thì địa bàn hoạt động cỡ này quả là rộng. Công viên Jackson nơi thi thể Ella được tìm thấy thực ra lại gần nhà Lili hơn là nhà của chính Ella.” Porter quan sát tấm bản đồ trong giây lát. “Vậy là nơi Lili bị bắt lại ở gần nơi tìm thấy Ella. Đây có thể là chi tiết quan trọng đấy.” “Ella chết đuối trong nước mặn ư?” Sophie cau mày nhìn lên bảng. “Thật vô lý.” “Bể bơi nước mặn thì sao?” Kloz gợi ý. “Như thế có vẻ khớp với chi tiết cái xe bán tải.” “Thứ đó bây giờ đang là mốt à?” Nash nhíu mày. Kloz gật. “Nhà bà cô tôi ở Florida có một cái. Bà ấy bị dị ứng với clo. Bể bơi nước mặn cũng ít phải bảo trì, không cần đo đạc các chỉ số hóa chất.” “Bể bơi loại này ở Chicago chắc không nhiều đâu. Anh có tìm được không?” Porter hỏi. Kloz đáp: “Có thể tôi sẽ tổng hợp được khi kiểm tra cơ sở dữ liệu giấy phép xây dựng.” Porter chăm chú nhìn những gương mặt đang ngồi quanh bàn. Trừ Sophie Rodriguez ra, còn lại đều là những người anh quen biết đã nhiều năm. Anh lấy lại tờ báo ở bàn Nash và đặt lên bàn họp. “Mọi người cẩn thận với cánh phóng viên đấy. Có kẻ đang gí mũi hơi bị sâu vào chuyện của chúng ta và không ngại đưa ra đủ thứ suy đoán.” Clair xoay tờ báo lại để đọc hàng tít. “Anh không nghĩ rằng trong chúng ta có người đã tiết lộ với báo giới chứ?” Porter lắc đầu. “Tôi nghĩ bọn họ sẽ in bất cứ tin gì có thể giúp báo bán được. Và nếu không khai thác được gì từ chúng ta thì họ dựng chuyện để viết. Khi nào cả đội sẵn sàng, tôi mới đưa ra thông cáo. Từ giờ tới lúc đó, ngoại trừ tin báo mất tích của Lili, chúng ta tuyệt đối cấm cửa báo giới.” Bầu không khí trong phòng bỗng trầm hẳn xuống. Sophie là người đầu tiên lên tiếng. “Không ai xử lý nốt cái bánh rán kia à?” Kloz gục đầu xuống bàn và buông tiếng thở dài. “Cô lấy đi.” BẢNG THỐNG KÊ BẰNG CHỨNG ELLA REYNOLDS (15 TUỔI) Được báo mất tích ngày 22 tháng 1 Được tìm thấy ngày 12 tháng 2 tại đầm nước trong Công viên Jackson Đầm nước đóng băng từ ngày 2 tháng 1 (20 ngày trước khi mất tích) Được nhìn thấy lần cuối khi xuống xe buýt gần Quảng trường Logan (cách nhà 2 khu/cách Công viên Jackson 24 kilômét) Mặc áo khoác đen lúc được nhìn thấy lần cuối Chết đuối trong nước mặn (tìm thấy trong nước ngọt) Mặc trang phục của Lili Davies khi được tìm thấy Đi bộ từ bến xe buýt về nhà mất bốn phút Thường đến cửa hàng Starbucks ở đại lộ Kedzie. Đi bộ về nhà mất bảy phút. LILI DAVIES (17 Tưổl) Bố mẹ = Bác sĩ Randal Davies và Grace Davies Bạn thân = Gabrielle Deegan Học tại Học viện Wilcox (trường tư), không đến lớp ngày 12 tháng 2 Được nhìn thấy lần cuối khi rời nhà đến trường (đi bộ) sáng ngày 12 tháng 2 lúc 7:15, mặc áo parka có mũ hiệu Perro, chất vải nylon màu đỏ chần quả trám, mũ len trắng, găng tay trắng, quần jeans tối màu, giày tennis hồng (tất cả đều được tìm thấy trên thi thể Ella Reynolds) Nhiều khả năng bị bắt vào sáng ngày 12 tháng 2 (khi đang trên đường đi học) Thời gian gây án ngắn = 35 phút (đi học lúc 7:15 sáng, vào học lúc 7:50) Trường chỉ cách đó bốn khu nhà Mãi đến hơn 12 giờ đêm (tức sáng ngày 13 tháng 2) mới được trình báo mất tích Bố mẹ tưởng con gái làm thêm (tại phòng tranh) sau khi đi học về (cả hai việc đều không xảy ra) ĐỐI TƯỢNG TÌNH NGHI Có thể lái một chiếc xe bán tải màu xám kéo theo một bồn chứa nước Có thể làm công việc liên quan đến bể bơi (vệ sinh hoặc bảo trì) PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ Băng ghi hình tại Starbucks (xóa mỗi ngày?) - Kloz Máy tính, điện thoại, e-mail của Ella - Kloz Tài khoản mạng xã hội, lịch sử cuộc gọi và tin nhắn điện thoại, e-mail của Lili (không tìm thấy điện thoại và laptop) - Kloz Chỉnh rõ ảnh chụp đối tượng trong diện tình nghi lúc lái xe vào công viên - Kloz Camera của công viên bị nới lỏng? Kiểm tra băng ghi hình cũ - Kloz Tìm ra hãng xe và dòng xe của chiếc ô tô bán tải trong băng ghi hình? - Kloz Clair và Sophie đi theo lộ trình đến trường của Lili/thẩm vấn Gabrielle Deegan Porter và Nash tới phòng tranh (quản lý = cô Edwins) Lên danh sách các bể bơi nước mặn ở Chicago thông qua văn phòng cấp phép xây dựng - Kloz Kiểm tra các cửa hàng thủy sinh và đầu mối cung cấp trang thiết bị thủy sinh trong vùng P orter Ngày 2 • 9:08 sáng CHƯƠNG 10 “Anh không cần phải làm việc này đâu, Sam.” “Có đấy.” Anh nhấn chuông nhà Reynolds. Hai người lái xe từ Sở Cảnh sát đến thẳng đây, bật cả đèn chớp. Trên đường đi Porter đã vượt đèn đỏ ít nhất ba lần. Nash di di chân trong lúc đứng cạnh anh trên bậc tam cấp. “Sở có thể cử sĩ quan tuần tra đến mà.” Porter xoa hai tay vào nhau. Thời tiết lạnh giá đang giết dần giết mòn anh. Do hiệu ứng phong hàn* nên nền nhiệt chỉ khoảng âm mười sáu độ. “Hơn chín giờ rồi. Có thể họ đã đọc số báo ra sáng nay. Chắc chương trình thời sự buổi sáng cũng đã đưa tin.” Porter nhấn chuông lần nữa. Tấm rèm che ô kính bên trái cửa ra vào được vén lên trong thoáng chốc rồi lại buông xuống. Có người xoay chốt khóa. Cánh cửa hé mở. Một phụ nữ khoảng trên dưới bốn mươi lăm tuổi từ trong nhà nhìn ra, cặp mắt đỏ hoe thâm quầng, hai hốc mắt trũng sâu vì thiếu ngủ. Mái tóc nâu bết lại trông như nhiều ngày rồi chưa gội. Bà ta mặc áo len dày màu nâu và quần jeans. “Xin hỏi các anh cần gì?” Porter trình phù hiệu ra. “Tôi là Thanh tra Porter, còn đây là Thanh tra Nash, thuộc Sở Cảnh sát Chicago. Chúng tôi vào được chứ?” Bà ta nhìn anh chằm chằm, như thể phải mất một giây mới nhận thức được điều anh vừa nói. Sau đó bà ta gật đầu, mở rộng cửa trong lúc nhìn qua vai họ, ánh mắt hướng ra phố. “Có lẽ cái lạnh rốt cuộc cũng đã xua nốt cái xe van săn tin cuối cùng. Đêm qua bọn họ vẫn còn bám trụ ở đây.” Porter và Nash giậm chân để giũ tuyết bám ở giày rồi bước vào trong nhà và đóng cửa lại. Bầu không khí nóng ấm vây lấy họ, cảm giác thật ngột ngạt so với bên ngoài. Nhưng Porter thấy chẳng hề gì. Có cho anh đứng trong lò lửa cả tiếng đi nữa thì ngón tay anh vẫn cứ tê cóng vì lạnh. Anh đằng hắng. “Chồng bà có nhà không?” Bà Reynolds lắc đầu. “Nhà tôi chưa về.” “Ông ấy đi đâu à?” Người phụ nữ hít một hơi dài rồi ngồi lên tay vịn của chiếc xô pha da kê ở phía sau. “Nhà tôi lái xe đi loanh quanh tìm Ella suốt từ hôm con bé mất tích. Ông ấy chỉ tạt về nhà ăn uống và chợp mắt lấy vài tiếng rồi lại đi. Hồi đầu tôi cũng đi cùng vài lần, nhưng tôi cảm thấy thật vô vọng. Chúng tôi cứ rong xe khắp phố phường, như thể hy vọng sẽ nhác thấy bóng con bé chạy vụt qua giữa những ngôi nhà, chẳng khác gì chú chó vô chủ. Nhưng tôi cũng không thể bảo ông ấy đừng đi. Ông ấy sẽ đau lòng lắm. Thứ Ba tuần trước ông ấy đã cố gắng ở nhà, nhưng cả hai chúng tôi đều cảm thấy bức bối. Hôm qua, ăn tối xong ông ấy lại đi.” “Chịu khó vận động thế cũng tốt.” Nash nói. Bà ta ngẩn ra nhìn anh bằng ánh mắt vô hồn, sau đó tiếp tục nói. “Cả tuần đầu tiên tôi không làm gì ngoài gọi điện thoại. Tất cả bạn bè của Ella, người trong gia đình, hàng xóm láng giềng, bất cứ ai tôi có thể gọi được. Rồi cả nhà tình thương, bệnh viện, nhà xác… cứ phải ngồi một chỗ… chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, cảm giác… bất lực vô cùng. Nhưng tôi còn biết làm gì đây? Chúng tôi đã treo thông báo mất tích ở khắp nơi. Việc đó không mang lại hiệu quả trong thời tiết này. Chẳng ai muốn ra khỏi nhà trừ trường hợp bắt buộc.” Porter hít một hơi dài. “Chuyện này nói ra thật không dễ chút nào…” Bà Reynolds giơ tay lên ngắt lời anh. “Không cần đâu. Tôi đã xem trên bản tin thời sự buổi sáng rồi. Ba tuần nay ti vi nhà tôi không lúc nào tắt. Tôi có thiếp đi một lúc trên xô pha, tối qua lúc tỉnh dậy tôi thấy ti vi đang đưa tin về vụ việc ở công viên. Họ không trực tiếp nói đó là Ella mà chỉ bảo thi thể một cô bé vừa được tìm thấy dưới đầm nước. Nhưng người làm mẹ hết thảy đều biết. Có lẽ tôi đã biết từ nhiều tuần trước. Hình như tôi đã thấy anh trên ti vi. Trông anh quen quen.” “Xin chia buồn với gia đình.” Bà ta gật đầu, đưa tay lên quệt đôi mắt trông như thể đã không còn lệ để khóc con từ hai tuần trước. “Ella nhà tôi sẽ không đời nào bỏ đi, điều đó chúng tôi biết ngay khi hay tin con bé mất tích. Có lẽ kể từ lúc đó, cứ mỗi phút trôi qua, hy vọng trong tôi lại lụi dần. Một cô bé sao có thể biến mất dễ dàng đến vậy trong thế giới ngày nay, khi mà đâu đâu cũng có camera giám sát và Internet. Một cô bé biến mất không để lại bất cứ dấu vết gì thì nhất định là đã gặp chuyện chẳng lành.” Bà ta hít sâu một hơi. “Con tôi chết thế nào?” “Chúng tôi cho rằng cô bé chết đuối. Chúng tôi vẫn đang chờ báo cáo chi tiết.” “Chết đuối dưới đầm ư?” Porter lắc đầu. “Không… mà là ở nơi khác. Cô bé chết đuối rồi sau đó mới bị thả xuống đầm.” “Ý anh là, con bé bị chết đuối. Có kẻ đã hại nó, phải không?” “Tôi e là vậy.” Bà Reynolds chậm rãi đưa mắt nhìn xuống sàn nhà. “Tôi định hỏi anh xem con bé có phải chịu khổ sở gì không, nhưng có lẽ tôi biết trước câu trả lời rồi, và chưa chắc tôi đã muốn chính tai mình nghe thấy. Ý tôi là, có kẻ đã bắt cóc nó từ mấy tuần trước. Anh có biết con bé chết khi nào không? Có biết loại súc sinh đó đã làm gì con tôi suốt từng ấy ngày trời không?” Nash cũng cụp mắt xuống. “Tạm thời chúng tôi chưa biết thêm được gì nhiều ngoài những điều trên. Chúng tôi đã hy vọng có thể báo tin cho ông bà trước khi…” “Trước khi tôi biết tin từ nguồn khác? Các anh thật tử tế, chứ đám phóng viên kia thì…” “Bà có cách nào liên lạc được với ông nhà không? Có lẽ chúng ta nên gọi cho ông ấy? Bảo ông ấy về?” Một lần nữa ánh mắt bà ta lại trở nên vô hồn trong lúc ngẫm nghĩ về những điều Nash vừa nói. Porter đã từng chứng kiến điều này, biểu hiện xa rời thực tại. Với những người bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, đôi khi nhận thức của họ phần nào tách rời khỏi thực tại, như thể họ đang quan sát những sự việc diễn ra xung quanh hơn là tham gia vào. Bà Reynolds gật đầu, lấy ra chiếc điện thoại di động vùi trong tấm chăn trên xô pha. Vài giây sau, bà ta mấp máy ba từ hộp thư thoại rồi cụp mắt xuống sàn trong lúc để lại lời nhắn. “Floyd à? Em đây. Mình về đi nhé. Họ… cảnh sát đang ở nhà đây. Họ tìm thấy con gái chúng ta rồi.” Bà ta cúp máy, sau đó lại vứt điện thoại lên xô pha. Có tiếng cửa đóng sầm phía sau nhà, rồi một cậu bé đi vào phòng khách, để lại vệt tuyết dài trên sàn bếp. Mặc bộ quần áo chống rét màu xanh hải quân, đội mũ vành rủ màu vàng, quàng khăn, đi găng tay đen, trông cậu bé chắc chỉ khoảng bảy, tám tuổi. “Mẹ ơi? Có ai đó đã đắp người tuyết trên sân sau nhà mình.” Bà Reynolds liếc về phía cậu bé rồi lại quay sang nhìn Porter và Nash. “Giờ không phải lúc, Brady à.” “Con thấy hình như người tuyết bị thương.” “Sao cơ?” “Người tuyết đang chảy máu.” L ili Ngày 2 • 9:12 sáng CHƯƠNG 11 Lúc trước ở đây chỉ có mình Lili, nhưng giờ thì khác. Gã đàn ông đi xuống cầu thang, sau đó hắn cứ đứng im một chỗ phải đến hai phút, chỉ để quan sát cô. Trong tay hắn đang cầm một vật, nhưng cô không nhìn rõ được nó là thứ gì. Khi hắn cuối cùng cũng chịu lên tiếng, giọng hắn khẽ khàng và từ tốn, cách nhả chữ nghe như đã luyện tập từ trước. “Cô không uống sữa.” Lili không uống, nhất quyết không. Cô sẽ không ăn không uống bất cứ thứ gì hắn đưa. Cô thà chết còn hơn nhận bất cứ thứ gì của hắn. “Vì sao?” Cô không trả lời mà chỉ kéo tấm chăn chặt hơn quanh mình, đồng thời lùi vào góc phía sâu bên trong chuồng. “Cần gì phải làm khổ mình như thế. Trừ phi đó là điều cô muốn. Tôi thì muốn cô được thoải mái, dễ chịu.” Hắn nói. “Cô thấy như vậy đã đủ ấm chưa?” Kê sát bức tường bên tay phải của cô là hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí, cùng với máy sưởi chạy bằng nước nóng dùng chung cho cả ngôi nhà. Từ lúc cô tỉnh lại trong căn hầm, hệ thống cứ lúc chạy lúc không, nhưng giờ thì đang im tiếng. Cửa thông khí lắp ở cạnh bên của hệ