🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cái Bắt Tay Triệu Đô Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC Giới thiệu CHƯƠNG 1 CÁI BẮT TAY ĐÁNG GIÁ TRIỆU ĐÔ CHƯƠNG 2 NGÔN NGỮ CƠ THỂ CHƯƠNG 3 HÀNH VI CHƯƠNG 4 TƯ DUY TRIỆU ĐÔ CHƯƠNG 5 KẾT NỐI VÀ GIAO TIẾP XUYÊN VĂN HÓA CHƯƠNG 6 KHUÔN KHỔ KẾT NỐI CÓ Ý THỨC Lời cảm ơn Original title: THE MILLION DOLLAR HANDSHAKE Written by Catherine Molloy First published by the Orion Publishing Group, London Copyright © 2018 by Catherine Molloy Vietnamese edition © 2022 by First News - Tri Viet Publishing Co., Ltd Published by arrangement with Orion Publishing Group via The Grayhawk Agency Ltd. All rights reserved. Tác phẩm: CÁI BẮT TAY TRIỆU ĐÔ Tác giả: Catherine Molloy Công ty First News – Trí Việt giữ bản quyền xuất bản và phát hành ấn bản tiếng Việt trên toàn thế giới theo hợp đồng chuyển giao bản quyền với Orion Publishing Group thông qua The Grayhawk Agency Ltd. Bất cứ sự sao chép nào không được sự đồng ý của First News đều là bất hợp pháp và vi phạm Luật Xuất bản Việt Nam, Luật Bản quyền Quốc tế và Công ước Bảo hộ Bản quyền Sở hữu Trí tuệ Berne. Thực hiện: Ngọc Dung - Minh Hiếu - Phương Hạ Quý độc giả có nhu cầu liên hệ, vui lòng gửi email về: Bản thảo và bản quyền: [email protected] Phát hành: [email protected] CÔNG TY VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT – FIRST NEWS 11H Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM Ngôi Nhà Hạt Giống Tâm Hồn, Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP. HCM Web: www.firstnews.com.vn Tel: (84.28) 38227979 – 38227980 Fax: (84.28) 38224560 facebook.com/firstnewsbooks facebook.com/hatgiongtamhon Giới thiệu Hãy nhìn đồng hồ và đếm đúng bảy giây. Bạn có thể làm gì trong khoảng thời gian đó? Không nhiều lắm đúng không? Nhưng thật ra chỉ trong bảy giây ngắn ngủi, bạn đã có thể ghi ấn tượng khó phai với người mà bạn lần đầu tiên gặp gỡ. Nếu bạn đến gặp ai đó với hy vọng là sẽ được tuyển dụng, ký kết một hợp đồng làm ăn lớn cho công ty, hợp tác vì lợi ích quốc gia, hoặc thậm chí là tìm được bạn đời, ấn tượng ban đầu là hết sức quan trọng và bạn sẽ muốn để lại dấu ấn thật tốt đẹp. Trước cả khi bạn mở lời, cách bạn đi đứng, bắt tay, giao tiếp bằng mắt và kết nối với đối phương đã nói lên rất nhiều điều về bạn. Ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ cho người khác biết bạn có tự tin hay có thật lòng muốn gặp gỡ họ không, thậm chí có thể khiến bạn bị lộ tẩy rằng thật ra bạn ước gì mình đang ở một nơi khác và gặp gỡ một người khác. Ngôn ngữ cơ thể của bạn cũng sẽ tiết lộ bạn đang hồi hộp hay lo lắng, đang đánh giá cao đối phương hay coi họ là người ngang tầm với mình. Thử tưởng tượng sẽ thế nào nếu có một phương pháp có thể giúp bạn tạo mối quan hệ với người khác và tạo điều kiện để đôi bên cùng có lợi ngay từ lần gặp đầu tiên và cả những lần gặp sau. Khi có cảm giác tự tin, sẵn sàng gặp gỡ người khác và thể hiện sự quan tâm chân thành dành cho đối phương, bạn sẽ luôn biết cách ứng biến phù hợp, bất kể đó là trong một cuộc họp, buổi thương thảo hợp đồng hay hẹn hò. Điểm mấu chốt của những lần gặp gỡ đầu tiên chính là cách bạn bắt tay, và tôi gọi đó là Cái bắt tay đáng giá triệu đô. Trong năm đầu tiên tôi điều hành công ty đào tạo do mình sáng lập, chúng tôi đã chốt được số hợp đồng có giá trị lên tới một triệu đô la, tất cả đều bắt nguồn từ những cuộc gặp gỡ trực tiếp đã tạo được ấn tượng tốt với các khách hàng tiềm năng, trong đó mỗi cuộc gặp đều bắt đầu bằng cái bắt tay tự tin và chủ động. Trong hơn hai mươi năm về sau này khi làm việc cho các tập đoàn lớn, điều hành công ty, quan sát con người, nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng một doanh nghiệp thành công trên trường quốc tế, tôi đã luôn áp dụng những bài học kinh nghiệm mà mình đúc kết được từ năm đầu tiên. Và những bài học đó cũng chính là những gì tôi sắp chia sẻ với bạn trong quyển sách này. Bên cạnh đó, tôi sẽ cung cấp những công cụ giúp bạn trau chuốt màn chào hỏi của mình và tạo dựng hình ảnh vừa tích cực vừa để lại ấn tượng dài lâu cho người đối diện. Như những gì bạn sẽ nhận thấy qua các câu chuyện có thật được đề cập trong sách, Cái bắt tay triệu đô không phải chỉ nói đến chuyện kiếm tiền. Mục đích của quyển sách này là giúp bạn cảm thấy mình đáng giá triệu đô và chỉ cho bạn cách để khiến các khách hàng của mình có cảm nhận tương tự về bản thân họ. Đây là quyển sách về việc bắt tay một triệu lần và thành công đàm phán được cả một triệu thỏa thuận, về việc khiến người khác có cảm giác tốt về bản thân họ và về quan hệ hợp tác với bạn. Khi mỉm cười và bắt tay một người, bạn đang cho người đó thấy bạn thật sự quan tâm đến họ; chính sự quan tâm này sẽ khiến họ cảm thấy mình quan trọng và được tôn trọng. Dù người này có thể chưa là khách hàng đáng giá triệu đô của bạn, nhưng sự tôn trọng bạn dành cho họ sẽ khiến họ cảm kích và biết đâu một ngày nào đó, họ thật sự sẽ trở thành đối tác quan trọng của bạn hoặc thậm chí là giới thiệu để bạn có được hợp đồng triệu đô. Ấn tượng ban đầu không tốt do cái bắt tay thiếu khéo léo có thể lập tức tạo ra một rào cản giữa bạn và người mà bạn đang gặp gỡ. Dù vấn đề này có thể được khắc phục và về sau hai bên có thể cười xòa khi nhớ đến nó, nhưng bạn sẽ mất rất nhiều thời gian gặp gỡ đối phương để tạo thiện cảm và bù đắp cho ấn tượng không tốt ban đầu. Trong một số trường hợp, bạn thậm chí còn phải “làm quen” lại từ đầu. Vậy thì, không lý nào bạn lại chặn đường cơ hội của mình khi chưa kịp khám phá xem nó sẽ dẫn đến đâu, hoặc bạn và đối phương có thể mang đến cho nhau những điều tốt đẹp gì. Hãy tạo ấn tượng tích cực ngay từ màn chào hỏi đầu tiên, và bạn sẽ lập tức mở ra được nhiều kênh tương tác khác. Hãy tận dụng tình huống chào hỏi để có được kết quả tốt nhất vì bảy giây tương tác đầu tiên là rất quan trọng và có thể bạn sẽ không có cơ hội thử lại. Chúng ta đang sống trong thời đại của những cái bắt tay. Khắp nơi trên thế giới, từ những khu chợ ở Bali đến các phòng họp ở New York, ai ai cũng mở đầu cuộc gặp gỡ bằng cách bắt tay. Cái bắt tay là một công cụ quan trọng trong hoạt động kinh doanh quốc tế. Trên thực tế, bắt tay là một truyền thống có từ thời xa xưa, nhưng thay vì bị mai một theo thời gian thì nó vẫn tiếp tục tồn tại và trở nên phổ biến. Bắt tay là hành động thể hiện lòng tin, nhưng đồng thời cũng có thể tiết lộ cảm giác bất an hoặc những ý định thật sự của một người. Bạn có biết giới quan sát từng quan tâm đến mức nào về những cái bắt tay của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới không? Những video ghi lại cảnh ông bắt tay trên YouTube và Facebook từng được lan truyền với tốc độ ánh sáng. Không ít người đã tự hỏi: Liệu họ có bắt tay không? Liệu Trump có kéo người kia về phía mình không? Lần này ông có bị ngó lơ không? Ông bắt tay như vậy có đúng cách chưa? Ông có thiện cảm với đối phương và muốn phát triển mối quan hệ hay chỉ đang cố thể hiện thế thượng phong của mình? Cách chúng ta bắt tay cho ta biết rất nhiều điều về nhau, và đó có thể là những thông tin vô giá khi ta bắt đầu quan hệ hợp tác. Người mà bạn gặp gỡ muốn biết rằng họ có thể tin tưởng, hợp tác và tiến xa cùng bạn; bản thân bạn cũng muốn điều tương tự. Vậy nên chúng ta sẽ cần tạo ấn tượng tích cực ngay từ đầu, vì ấn tượng đó có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên. Vậy bắt tay như thế nào là đúng cách? Đây chính là chủ đề của Chương 1, trong đó tôi sẽ giải thích rõ về cách bắt tay giúp thể hiện sự tự tin của bản thân bạn và lòng tôn trọng dành cho đối phương. Trong Chương 2, chúng ta sẽ xem xét mọi khía cạnh có liên quan đến ngôn ngữ cơ thể khi bạn lần đầu tiên gặp gỡ người khác, cũng như sức ảnh hưởng của nó đối với thành công của bạn. Chương 3 sẽ bàn về các khuôn mẫu hành vi, và tôi sẽ nêu rõ lý do vì sao mỗi người chúng ta lại có những cách hành xử nhất định. Có phải đôi khi chúng ta cần điều chỉnh cách mình hành xử không? Khi loại bỏ cả lời nói lẫn ngôn ngữ phi ngôn từ, chúng ta chỉ còn lại phương tiện giao tiếp duy nhất là phong cách hành vi vốn có của mỗi người, và đây chính là lúc sức mạnh của sự kết nối có ý thức phát huy tác dụng. Chương 4 sẽ tập trung vào Tư duy triệu đô và cách chúng ta nhìn nhận thế giới, chẳng hạn như bạn là người tự tin hay là người thường bị thái độ và quan điểm của bản thân cản trở bạn theo đuổi mục tiêu. Trong Chương 5, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình khi làm việc trong môi trường quốc tế và giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc gặp gỡ vì công việc với những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Ở Chương 6, chúng ta sẽ khám phá Khuôn khổ kết nối có ý thức và học cách để ý đến bản thân, con người cũng như môi trường xung quanh để phát triển các mối quan hệ lâu bền, mang lại nhiều lợi ích. Quyển sách này được viết cho các doanh nhân, các bạn sinh viên mới ra trường đang chuẩn bị cho buổi phỏng vấn xin việc đầu tiên, cũng như các nhân viên bán hàng muốn cho khách hàng biết rằng họ thật sự quan tâm đến khách hàng chứ không phải chỉ biết đến lợi ích của bản thân. Bên cạnh đó, quyển sách này cũng được viết cho những người thường xuyên giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày và muốn tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt người khác. Đó có thể là các nhân viên bán hàng chào hỏi khách, các doanh nhân kết nối với nhau, bác sĩ bắt tay bệnh nhân, các đồng nghiệp chào hỏi nhau lần đầu, hay các đội thể thao chào nhau trước khi trận đấu bắt đầu. Bất kể bạn là một người Việt lần đầu đến Đài Loan thương thảo chuyện làm ăn hay một doanh nhân người Singapore đến dự họp ở Úc và muốn tạo ấn tượng tốt đẹp trong bảy giây tương tác đầu tiên, bạn luôn cần biết làm thế nào để tạo được sự kết nối có ý nghĩa. Trong Cái bắt tay triệu đô, tôi sẽ đưa bạn qua từng bước của nghi thức bắt tay. Bạn nên làm gì? Bạn cần nói gì? Bạn muốn tạo cảm giác như thế nào cho đối phương? Bạn có thể làm gì để thật sự kết nối với họ? Bạn nên bắt tay như thế nào để cho người khác thấy bạn là người đáng tin cậy và phát đi tín hiệu là bạn tin tưởng họ? Ngoài ra, tôi cũng sẽ cung cấp cho bạn những công cụ để khắc phục hậu quả của một màn chào hỏi không mấy tốt đẹp hoặc một cuộc gặp gỡ khiến bạn mất tự tin. Quan trọng hơn, tôi sẽ giúp bạn ý thức được những hành vi của bản thân, có được sự tự tin và biết cách xây dựng các mối quan hệ sâu sắc. Đã đến lúc bạn trau chuốt màn chào hỏi của mình - bước đầu tiên trong quá trình gặp gỡ, khiến người khác quý mến và tin tưởng bạn. Chúng ta hãy cùng bắt đầu! Câu chuyện của tôi Các khu chợ ở Bali (Indonesia) hoàn toàn khác xa các siêu thị và trung tâm thương mại mà tôi vốn quen thuộc ở quê nhà Queensland (Úc). Đối với một cô bé mười chín tuổi được đi du lịch nước ngoài như tôi khi đó, những khu chợ ấy thật thú vị. Vào một buổi sáng, khi đang ngồi ở một quán cà phê nhỏ trong chợ thưởng thức ly cà phê sữa béo ngọt, tôi quan sát các chủ tiệm bán hàng cho du khách. Tôi bắt đầu thắc mắc, không hiểu vì sao họ bán một món đồ thủ công hay một tấm vải cho người này với giá năm đô-la, nhưng lại bán cho người khác với giá chỉ bằng phân nửa hoặc bán cho một người khác nữa với giá gấp đôi. Kể từ buổi sáng đó, tôi bắt đầu để ý và tìm hiểu về những cuộc thương lượng giữa người bán và người mua. Có vẻ như sau khi cất tiếng chào, bắt tay và hỏi tên của những du khách ghé qua gian hàng của họ, người bán sẽ định giá món hàng tùy vào cách phản ứng của từng du khách. Thỉnh thoảng tôi thấy có vài du khách vừa quay lưng bỏ đi vừa lớn tiếng la lối, và có lần tôi còn nghe một chủ tiệm hét với theo: “Làm ơn biến khỏi tiệm của tôi đi!”. Sau khi chứng kiến rất nhiều cuộc mua bán, tôi phát hiện ra rằng kết quả cuối cùng của mọi tình huống hầu như đều có liên quan đến cách người bán và người mua kết nối với nhau trong vài giây đầu tiên của cuộc gặp gỡ. Ngay khi tiếp xúc với khách hàng, chủ tiệm sẽ lập tức xác định cách họ bán hàng. Nếu du khách là người thiếu kiên nhẫn, cộc tính hay thô lỗ, họ thường sẽ cãi cọ với người bán và bỏ đi. Trong những tình huống này, tôi có thể thấy khách hàng không hề bận tâm vì đã khiến chủ tiệm giận dữ hay bực bội; hệ quả là người bán cũng không còn tôn trọng khách hàng và quyết định không bán hàng cho người đó nữa. Ngược lại, cuộc mua bán thường diễn ra thuận lợi nếu cả người bán lẫn người mua đều lịch sự và trò chuyện thân thiện với nhau, dù chỉ qua vài câu ngắn gọn. Cụ thể hơn, tôi đã quan sát những du khách sẵn lòng đáp lại cái bắt tay của người bán hàng và cách họ bắt tay. Sau đó, tôi đi đến một quầy hàng, chủ tiệm và tôi bắt tay nhau, ông hỏi tôi tên gì và từ đâu đến. Đáp lại, tôi cũng hỏi thăm chủ tiệm và chúng tôi mỉm cười. Tuy không phải lần nào tôi cũng mua được món hàng với giá tốt nhất, nhưng nói chung thì cũng khá hời. Và quan trọng là cả tôi lẫn chủ tiệm đều hài lòng khi mua bán xong. Đó chính là lúc tôi bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của những cái bắt tay, trong mọi tình huống và ở mọi nơi trên thế giới. Vốn là một người thích gặp gỡ, tìm hiểu và kết nối với người khác, tôi thật sự rất trân trọng những bài học mình đã có được tại các khu chợ ở Bali. Về sau, tôi từng có thời gian làm việc cho bộ phận dịch vụ khách hàng của Ngân hàng Thương mại Úc. Tôi yêu công việc này vì nó cho tôi cơ hội được trò chuyện với rất nhiều người mỗi ngày. Khi ngân hàng này sáp nhập với Ngân hàng New South Wales để thành lập Tập đoàn Ngân hàng và Tài chính Westpac, nhóm của tôi cũng được sáp nhập với một nhóm khác. Trong quá trình làm việc cùng các nhân viên thuộc nhiều chi nhánh khác nhau ở bang Queensland, tôi luôn niềm nở với khách hàng, trò chuyện để nắm bắt nhu cầu của họ và hỏi xem họ có gặp khó khăn hay vấn đề gì không. Kết quả là tôi đã bán được rất nhiều sản phẩm. Một đồng nghiệp của tôi thắc mắc: “Họ là khách hàng của tôi suốt hai mươi lăm năm nay, sao họ lại không mua sản phẩm này từ tôi chứ?”. Tôi hỏi lại: “Vậy anh có giới thiệu cho họ biết về sản phẩm không? Anh có hỏi thăm họ không?”. Tôi thường tìm hiểu mọi thông tin mà mình có thể tiếp cận về những sản phẩm mới nhất của ngân hàng, sau đó truyền đạt những thông tin đó cho khách hàng để đảm bảo họ có thể sử dụng những dịch vụ và sản phẩm tốt nhất cũng như phù hợp nhất với nhu cầu của mỗi người. Thông qua việc trò chuyện với khách hàng, tôi biết được họ đang làm gì và cần sản phẩm gì. Vấn đề còn lại chỉ là giới thiệu sản phẩm phù hợp với yêu cầu của họ. Giả sử, một khách hàng nói: “Tôi sắp đi nghỉ mát”. Tôi sẽ hỏi: “Ồ, hay quá. Thế anh đã đổi ngoại tệ chưa?”. “Chưa.” “Anh đã mua bảo hiểm du lịch chưa?” “Chưa.” “Anh đặt vé cho chuyến đi chưa?” “Chưa.” “Thế thì chúng tôi có thể làm hết những việc đó cho anh.” Vì thật sự quan tâm đến khách hàng cũng như đến việc bán các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng nên ở tuổi hai mươi hai, tôi đã trở thành người có doanh số tháng cao nhất Westpac trong toàn bang Queensland, sau đó vươn lên dẫn đầu toàn quốc. Về sau, tôi được chuyển sang trung tâm đào tạo để chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp về dịch vụ khách hàng và kiến thức sản phẩm. Đến thời điểm đó, tôi bắt đầu tự hỏi tại sao mình có thể lập tức tạo được sự kết nối mạnh mẽ với mọi người trong khi rất nhiều người khác không thể. Tôi nhớ lại những người bán hàng trong các khu chợ ở Bali và nghĩ ngay rằng việc này hẳn phải có liên quan đến ngôn ngữ cơ thể, lối tư duy, cũng như việc bạn có sẵn lòng và có khả năng tương tác với người khác ngay khi gặp họ hay không. Chính ý nghĩ này đã đưa tôi đến với con đường nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể và lấy bằng thạc sĩ về Lập trình Ngôn ngữ Tư duy. Với nền tảng kiến thức này cùng những trải nghiệm của cá nhân mình, tôi bắt đầu làm việc với người khác để giúp họ điều chỉnh lối tư duy và có ý thức về ngôn ngữ cơ thể, qua đó kết nối cơ thể với tâm trí và đạt được những kết quả tuyệt vời. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy mình vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu để áp dụng vào chương trình đào tạo. Đó cũng là lúc tôi phát hiện ra công cụ quan trọng nhất để giúp mọi người giao tiếp với nhau chính là nhận ra phong cách hành vi của mỗi người, tức là cách mà mỗi người chúng ta hành xử trong bất cứ tình huống nào mỗi ngày. Bạn là người tự tin hay ít nói và suy nghĩ thận trọng? Bạn có muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý không? Bạn thích tán gẫu hay muốn đi thẳng vào vấn đề? Không quá khó để chúng ta hiểu hay xác định phong cách hành vi của mỗi người, kiến thức thiết thực giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng về cách mọi người ứng xử cũng như hiểu được tác động của phong cách ứng xử trong giao tiếp. Ngôn ngữ cơ thể của một người thường sẽ tương ứng với phong cách hành vi của người đó, trừ khi họ chủ động điều chỉnh. Nhờ hiểu được lối tư duy và phong cách hành vi, cũng như tác động cộng hưởng của hai yếu tố này lên ngôn ngữ cơ thể mà tôi đã có thể xác định, áp dụng và hoàn thiện kỹ thuật bắt tay đáng giá triệu đô. Trong năm đầu tiên thành lập công ty riêng, chúng tôi đã ký kết được số hợp đồng có giá trị xấp xỉ một triệu đô-la thông qua những cuộc gặp mặt trực tiếp và những cái bắt tay chắc thắng. Kể từ đó, tôi đã luôn theo đuổi sứ mệnh chia sẻ kỹ năng bắt tay với mọi người. Nhưng đây không phải là câu chuyện duy nhất tôi muốn kể với bạn. Sau khi nghỉ việc ở ngân hàng, tôi về làm cho công ty bất động sản của John chồng tôi. Mặc dù đầu tư rất nhiều tâm sức, nhưng chúng tôi đã gặp phải một vài trở ngại lớn và cuối cùng đành phải bán công ty. Tôi trở thành trụ cột chính trong gia đình và phải lo kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của cả năm người, gồm hai vợ chồng tôi và ba đứa con xinh xắn. Vì vậy, tôi buộc phải nhanh chóng đưa công ty đào tạo của mình đi vào hoạt động. Chính vào thời điểm này, tôi nhận được cuộc gọi của một khách hàng tiềm năng ở Brisbane muốn gặp gỡ để bàn về việc ký hợp đồng… hay ít ra là tôi đã nghĩ như vậy. Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ, tôi đã gom tất cả giấy tờ cũng như tài liệu quảng bá về dịch vụ đào tạo của mình và diện bộ đồ đẹp nhất. Trước khi ngồi vào xe để John đưa tôi vượt đoạn đường dài năm mươi cây số về phía nam từ nhà chúng tôi ở khu Sunshine Coast đến Thành phố Brisbane, tôi đã nghĩ: “Hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời”. Tuy nhiên khi cuộc gặp gỡ vừa diễn ra được vài phút, tôi lập tức nhận ra đối phương hẹn gặp mình chỉ để tìm hiểu thông tin về lĩnh vực đào tạo kỹ năng, vì anh ta muốn trở thành một nhà đào tạo và muốn làm việc cho tôi. Khi kết thúc buổi hẹn, tôi có cảm giác là mình đã lãng phí một ngày và mất rất nhiều năng lượng. Khi John đến đón tôi, chúng tôi ghé qua một trung tâm thương mại uống cà phê trước khi về nhà. Tôi không rõ có điều gì đặc biệt giữa tôi với các quán cà phê, nhưng giống như lúc ngồi trong quán cà phê ở Bali, lần này tôi cũng nhìn quanh các gian hàng trong trung tâm thương mại và quan sát các nhân viên làm việc. Tương tự các chủ sạp ở Bali, những nhân viên ở đây cũng đang tương tác với khách hàng. Tôi bảo John ngồi chờ, rồi một mình cầm tập hồ sơ đi thẳng đến một công ty lữ hành nằm cạnh quán cà phê mà tôi đã để ý từ trước. Tôi chìa tay ra, mỉm cười, tự tin bắt tay với vị quản lý ở đó và hỏi xem bà có cần thuê đơn vị tập huấn cho nhân viên không. Với gương mặt lộ rõ vẻ ngạc nhiên, bà nói với tôi rằng sáng hôm đó bà cũng đang xem xét hồ sơ giới thiệu của một vài công ty đào tạo. Bà mời tôi tham gia đấu thầu để trở thành đơn vị đào tạo cho nhân viên của bà. Chúng tôi đã có được sự kết nối mạnh mẽ trong vòng bảy giây đầu tiên của cuộc gặp gỡ không được lên kế hoạch từ trước, và chi nhánh của bà cũng như các chi nhánh khác của công ty lữ hành đó đã trở thành những khách hàng đầu tiên của tôi. Ngày hôm đó, tôi đã hiểu được sức mạnh của khả năng kết nối và giao tiếp hiệu quả, đồng thời tôi cũng bắt đầu nảy ra ý tưởng về Cái bắt tay đáng giá triệu đô. Tôi đã kết hợp tất cả kỹ năng mình có từ mười lăm năm trước với kiến thức mới học được để tạo nên sự kết nối sâu sắc và chỉ mất vài giây để hiểu người đang tương tác với mình. Thời thế thay đổi, công nghệ thay đổi, nhưng những nhu cầu và hành vi cơ bản của con người thì không. Đây hóa ra lại là điều may mắn đối với tôi, vì nhờ hiểu được cách con người giao tiếp và kết nối với nhau mà tôi đã gây dựng được một doanh nghiệp thành công, chuyên hỗ trợ khách hàng thuộc mọi nền văn hóa khác nhau đạt được những kết quả cũng như sự tăng trưởng đáng kinh ngạc. Và đây cũng là tin vui cho bạn, như bạn sẽ thấy khi đọc đến hết quyển sách này. Các công cụ trong sách sẽ giúp bạn đạt được những kết quả tích cực trong việc giao tiếp, bán hàng, cung cấp dịch vụ, và đưa bạn đến sự thành công rực rỡ trong tương lai. Hôm nay bạn sẽ đem lại cho ai cảm giác đáng giá triệu đô? CHƯƠNG 1 Cái Bắt Tay Đáng Giá Triệu Đô Bí quyết tạo nên sự kết nối mạnh mẽ Cái bắt tay tuyệt vời là khởi điểm của những hành động tuyệt vời. Liệu bảy giây tương tác đầu tiên có thật sự quyết định kết quả cuộc gặp gỡ? Bạn có cảm thấy mình đáng giá triệu đô khi gặp gỡ người khác không? Bạn có khiến người đối diện cảm thấy họ đáng giá triệu đô khi bạn bắt tay họ hay không? Dù bắt tay với người khác hầu như mỗi ngày, nhưng chúng ta lại thường không quan tâm hoặc không để tâm nhiều đến hành động này. Bạn có nhận ra sự kết nối đầu tiên ấy quan trọng đến mức nào không? Cách bạn bắt tay có thể quyết định liệu khách hàng có hợp tác với bạn hay không, khiến cuộc thương lượng hoặc thỏa thuận của bạn xuôi chèo mát mái hoặc đi vào ngõ cụt. Trong chương này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các yếu tố giúp cải thiện màn chào hỏi và giúp bạn rèn luyện cách bắt tay đáng giá triệu đô. Bạn sẽ bị người khác đánh giá qua cách bạn bắt tay, và bản thân bạn cũng sẽ đánh giá về người khác như thế, vì đó là cơ chế bẩm sinh mà tất cả chúng ta đều có để xác định đối tượng là bạn hay thù. Bạn có cảm nghĩ gì khi bắt tay ai đó mà không cảm nhận chút lực nắm nào, hoặc khi tay bạn bị đối phương siết quá chặt? Người đó có ý thức được cảm giác của bạn hay không? Bạn có thể biết gì về họ qua tương tác ban đầu này? Họ đang cho bạn biết gì qua cách họ bắt tay? Trong thế giới hối hả ngày nay, chúng ta đã quen đưa ra quyết định nhanh chóng, gồm cả việc nhận xét về người khác chỉ sau vài giây đầu gặp gỡ. Ngay khi bước tới chào hỏi một người, bạn đã lập tức có một cái nhìn nhất định về người đó, có thể là dựa vào cách họ đi đứng hoặc năng lượng họ tỏa ra từ tác phong, nét mặt, cách họ nhìn bạn và giao tiếp với bạn bằng ánh mắt, giọng nói cũng như ngôn ngữ cơ thể. Ngược lại, hiển nhiên là đối phương cũng ngay lập tức đánh giá về bạn, dù việc đó có thể chỉ diễn ra trong tiềm thức của họ. Khi chúng ta gặp nhau lần đầu tiên, những thông điệp phi ngôn ngữ có thể quan trọng hơn nhiều so với những gì ta nói. Dáng đứng, động tác tay, giọng nói, cách đi lại, biểu cảm trên gương mặt, đặc biệt là đôi mắt, có thể củng cố nhưng cũng có thể mâu thuẫn với lời nói của ta. Ấn tượng đầu tích cực sẽ tạo tiền đề cho các buổi gặp gỡ hoặc phỏng vấn khả quan, cũng như các cuộc thương lượng hay mua bán thành công. Trái lại, khi không chú ý đến các tín hiệu phi ngôn ngữ, chúng ta thường truyền đi những thông điệp không rõ ràng, khiến bản thân không đạt được mục đích giao tiếp và về sau phải tìm nhiều cách khác để xây dựng sự kết nối với đối tượng giao tiếp. Hãy kiểm soát các thông điệp mà bạn chuyển tải đến người khác bằng cách luôn để ý đến ngôn ngữ không lời của mình. Trước tiên, bạn có thể bắt đầu từ động tác bắt tay. Cách bạn bắt tay có thể tạo ra tác động mạnh mẽ và tiết lộ nhiều điều về bạn. Hãy nhớ trong những tình huống giao tiếp vì công việc, chúng ta thường chỉ chạm vào người đối diện trong một khoảnh khắc duy nhất, đó là lúc bắt tay. Cái bắt tay có thể truyền tải lòng tin, sự ấm áp, cảm giác hứng thú hoặc sự quan tâm chân thành bạn dành cho đối phương, khiến họ cảm nhận được thái độ cứng rắn hoặc hòa nhã từ bạn. Cái bắt tay cũng có thể truyền tải sự phấn khích, hồi hộp, ngạo mạn, dửng dưng hay yếu kém. Bắt tay như thế nào để thể hiện sự chuyên nghiệp là một trong những kỹ năng giao tiếp tối cần thiết mà bạn có thể bồi dưỡng. Những cái bắt tay quan trọng tới mức trong thời gian vận động tranh cử, cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã tổ chức một cuộc nghiên cứu để xác định đâu là cách bắt tay hiệu quả nhất. Khi bắt tay, bạn sẽ muốn thể hiện điều gì đó về bản thân mà không tiết lộ quá nhiều. Cái bắt tay của bạn nên khiến người đối diện cảm thấy thoải mái và có thiện cảm với bạn, cho họ thấy bạn thật sự quan tâm đến họ và họ có thể đặt lòng tin vào bạn. Có thể bạn đang cho rằng tất cả những điều này không thể nào được đáp ứng trong một động tác bắt tay đơn giản. Nhưng hãy thử nghĩ xem bạn sẽ có ấn tượng thế nào khi một người bắt tay bạn hời hợt đến mức tay bạn chỉ kịp chạm mấy đầu ngón tay của họ, hoặc khi họ bắt mạnh tới nỗi gần như lôi bạn về phía họ và khiến bạn bị mất thăng bằng. Hãy quan sát các chính khách trên khắp thế giới bắt tay nhau và để ý mức độ hòa nhã hoặc lấn lướt trong cách bắt tay của mỗi người. Điều đó khiến bạn có cảm nhận thế nào về họ? Bạn ngưỡng mộ sức mạnh của họ, hay bạn thấy họ có vẻ ngạo mạn và muốn thể hiện uy quyền? Nếu vị chính khách đó có cái bắt tay nồng nhiệt và ánh mắt nhìn thẳng vào đối phương, bạn có nghĩ là họ sẵn lòng hợp tác để đạt được kết quả tốt nhất không? Vào thời Hy Lạp cổ đại, người vợ thường bắt tay chồng để tiễn chồng ra trận. Người La Mã xưa thì thường nắm lấy cẳng tay của người đối diện để thay cho lời chào hỏi, đồng thời để kiểm tra xem đối phương có giấu vũ khí hay không. Tay phải luôn được dùng để bắt tay vì tay trái thường phục vụ cho mục đích vệ sinh cá nhân. Ngày nay, bắt tay được xem là một nghi thức xã giao hoặc một cách để chúc mừng, chúc may mắn hay chào tạm biệt. Ngoài ra, bắt tay còn là một hành động thể hiện sự cam kết, đó là lý do vì sao chúng ta thường vừa bắt tay nhau vừa nói: “Thỏa thuận vậy nhé”. Nhưng vấn đề là ta nên bắt tay như thế nào đây? Kỹ Thuật Bắt Tay Đáng Giá Triệu Đô Nếu có thể, hãy bắt đầu bằng cách bước đến trước mặt người đối diện với đầu ngẩng cao và vai thả lỏng, sao cho đầu, vai và hông của bạn thẳng hàng với nhau. Hãy nhìn vào mắt đối phương một cách thân thiện và mỉm cười, nhưng nhớ là đừng nhìn họ trừng trừng. Hãy hoàn toàn tập trung vào họ, dù chỉ là trong vài giây. Khi bạn duy trì giao tiếp bằng mắt, đối phương sẽ thấy bạn đang dành cho họ toàn bộ sự chú ý của mình, tin tưởng và quan tâm đến họ. Đừng nhìn ra phía sau họ để xem có ai khác ở trong phòng không, cũng đừng liếc ngang liếc dọc để xem người tiếp theo bạn cần bắt tay là ai. Nếu bạn nhìn đi nơi khác, đối phương có thể nghĩ là bạn đang ngại ngùng, hay tệ hơn là thiếu tôn trọng, không thành thật hoặc không quan tâm đến họ. Trong nghiên cứu về cái bắt tay theo yêu cầu của cố Tổng thống John F. Kennedy, các chuyên gia đã phát hiện giao tiếp bằng mắt cũng quan trọng không kém gì cái bắt tay. Vì vậy, hãy nhìn vào mắt người đối diện và kết nối với họ. Tất nhiên, nếu bạn đang làm ăn với một đối tác đến từ nền văn hóa không khuyến khích giao tiếp bằng mắt thì hãy tùy cơ ứng biến. Chúng ta sẽ bàn chi tiết hơn về việc giao tiếp xuyên văn hóa trong Chương 5. Mỉm cười Khi bạn sắp bắt tay ai đó, một nụ cười sẽ có thể thu hẹp khoảng cách, giúp bạn thư giãn và tạo thiện cảm với người đối diện. Trong những tình huống và nền văn hóa phù hợp, bạn có thể mỉm cười khi chìa tay ra, nhưng đừng cố gượng cười hay để cho nụ cười của bạn có vẻ giả tạo. Khi gượng cười, chúng ta có khuynh hướng cười lâu hơn và chỉ cử động phần cơ ở nửa dưới khuôn mặt, hay nói đơn giản là miệng cười mà mắt không cười. Kiểu cười giả tạo như thế sẽ khiến chúng ta có vẻ thiếu chân thành hoặc không nhiệt tình, đồng thời nó cũng không thể giúp cho đối phương cảm thấy thoải mái. Đây là lý do vì sao chúng ta nên soi gương mỗi ngày và quan sát từng chi tiết trên khuôn mặt của mình. Mỗi sáng, hãy đứng trước gương, mỉm cười và nhìn hình ảnh phản chiếu trong gương để xem vẻ mặt của mình đang truyền tải những thông điệp gì đến những người xung quanh. Một lợi ích khác của việc tự mỉm cười với bản thân là bạn sẽ thấy hứng khởi hơn và sẵn sàng bắt đầu ngày mới. Đứng thẳng lưng Khi đã sẵn sàng bắt tay, hãy giữ cho lưng thẳng, bước về phía đối phương, đứng đối diện với họ sao cho mũi bàn chân, hông, vai, đầu và mắt của bạn đều hướng về phía họ. Để thể hiện sự chú tâm trọn vẹn dành cho đối phương, hãy đảm bảo là vai của bạn song song với vai của họ. Hãy luôn đứng thẳng chân, vì nếu khuỵu chân thì bạn có thể sẽ truyền tải sự lạnh nhạt hoặc thờ ơ. Sau cùng, bạn sẽ có một thế đứng trung tính, không thể hiện thái độ tiêu cực hay hào hứng thái quá, và vẫn có thể cho đối phương thấy bạn đang tập trung vào họ. Nhưng muốn được như thế thì bạn sẽ cần tập luyện nhiều. Vì vậy, hãy dành thời gian để luyện tập trước một chiếc gương soi toàn thân. Khi bước đến trước gương, hãy để ý xem bạn hướng mặt về phía gương hay hơi nghiêng về phía khác. Bạn đứng thẳng với vẻ tự tin nhưng không khiêu khích, hay bạn đứng chân trước chân sau và trông có vẻ thiếu chắc chắn? Bạn có bị ngả người về phía sau hay chúi người về phía trước không? Bạn đang đứng ngay trước gương hay hơi lệch sang một bên? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trong những tình huống bắt tay để chụp ảnh, vị trí thể hiện quyền lực là đứng ở phía bên phải của đối phương, vì khi người khác nhìn vào bức ảnh, họ sẽ thấy cả cánh tay bạn đang vươn ra để bắt tay người đối diện. Mặc dù vậy, tôi tin rằng vị trí này dễ khiến bạn bị gò bó và khó xoay trở, trong khi người kia vẫn duy trì được tư thế mở và thoải mái ở phần mặt và thân. Vậy nên, không phải lúc nào vị trí lý tưởng cũng là “phía bên phải của đối phương”. Dù đứng ở bên nào đi nữa, bạn luôn có thể tận dụng thế đứng của mình và có được một bức ảnh đẹp. Hãy mỉm cười và khiến đối phương cảm thấy thoải mái, bạn sẽ thể hiện được là mình thật sự muốn phát triển mối quan hệ giữa đôi bên và sẵn sàng lắng nghe suy nghĩ của họ. Điều chỉnh lực tay Hãy luôn chú ý đến cường độ và trường độ của cái bắt tay. Không nên buông tay quá nhanh hoặc nắm quá lâu. Mỗi lần bắt tay nên kéo dài từ hai đến ba giây, với khoảng một hoặc hai lần lắc tay lên xuống. Nếu bạn bắt tay lâu hơn, đối phương sẽ không biết khi nào nên thả tay ra và họ có thể bắt đầu thấy không thoải mái. Một số người cứ nắm lấy tay của người đối diện, rồi vừa liên tục lắc tay lên xuống vừa hỏi: “Anh khỏe không? ...”, khiến người kia không biết khi nào cái bắt tay này mới kết thúc hay thậm chí là bắt đầu cảm nhận lực lắc tay tác động lên cả cánh tay. Hành động lắc tay liên tục này cũng kỳ quặc như khi bạn cố cười quá lâu. Ngoài việc không lắc tay đối phương quá ba lần, bạn cũng cần lưu ý rằng lắc mạnh một lần cũng gây ấn tượng không tốt y như lắc nhẹ nhiều lần. Việc kéo mạnh cả cánh tay của người đối diện cũng có thể khiến bạn có vẻ lấn lướt hoặc lố bịch. Hãy nhớ rằng chẳng ai muốn tay mình bị kéo lìa khỏi vai! Nói tóm lại, cái bắt tay hoàn hảo chỉ kéo dài tối đa ba giây, với một hoặc hai cái lắc nhẹ nhưng dứt khoát. Nếu rút tay lại sớm hơn, bạn có thể khiến đối phương có cảm giác là bạn không quan tâm đến họ, còn nếu bắt tay quá lâu thì bạn sẽ làm cho họ thấy không thoải mái và bối rối. Hãy chủ động rút tay lại sau ba giây, ngay cả khi bạn và đối phương vẫn đang nói dở một câu gì đó. Đừng trở thành kẻ gây khó chịu. Cái bắt tay cần đơn giản, thân thiện và vừa đủ chặt. Bạn không cần siết tay người kia quá mạnh mà chỉ cần thể hiện rằng bạn rất vinh hạnh khi được có mặt ở đó và được gặp họ. Nếu xét theo thang độ từ một tới mười thì lực bắt tay của hai người đàn ông khỏe mạnh thường dao động ở mức tám hoặc chín. Bắt tay quá nhẹ sẽ khiến bạn có vẻ không đáng tin cậy và vì vậy mà không thể khiến đối phương tin tưởng. Ngược lại, nếu bắt tay quá mạnh thì bạn có thể gây cảm giác mình là một kẻ ngạo mạn, thích lấn lướt, hoặc đơn giản là không quan tâm đến người mình đang gặp gỡ. Hãy xác định mức độ tác động lực vừa phải và sẵn sàng điều chỉnh cho phù hợp với đối phương. Bạn thường chỉ mất một giây để điều chỉnh lực tay của mình cho tương đồng với người đối diện để họ không cảm thấy bạn đang áp đảo họ (hay họ đang áp đảo bạn). Nếu đối phương là người có cái bắt tay chặt và chắc, bạn có thể ngay lập tức điều chỉnh lực tay của mình để tương xứng với của họ, từ đó tạo được ấn tượng tốt đẹp và mang tới cảm giác dễ chịu cho cả đôi bên trong lần gặp gỡ đầu tiên. Tương tự, nếu gặp người có kiểu bắt tay nhẹ nhàng, bạn cũng nên điều chỉnh theo để đối phương cảm thấy thoải mái sau màn chào hỏi và có thiện cảm với bạn. Khi điều chỉnh, bạn hãy đảm bảo là mình nắm chặt hơn đối phương một chút chứ không phải nhẹ hơn. Hãy đặc biệt cẩn trọng khi bắt tay người đang bị thương, người đeo nhiều nhẫn, người già, người có vẻ yếu ớt, hoặc người đang làm nhiệm vụ tiếp đón vì họ còn phải bắt tay nhiều người nữa. Tạo dựng lòng tin Cái bắt tay hoàn hảo là khi hai lòng bàn tay chạm vào nhau. Đồng thời, hãy đảm bảo là phần da giữa ngón cái và ngón trỏ của bạn chạm vào phần da giữa ngón cái và ngón trỏ của đối phương. Đây là điều kiện cần thiết để hai bên có cảm giác tin tưởng lẫn nhau - nền tảng cần thiết để phát triển mối quan hệ. Những người mới gặp bạn lần đầu tiên cần biết rằng họ có thể tin tưởng bạn, hợp tác và tiến xa cùng bạn. Bản thân bạn cũng muốn có cảm giác tương tự về họ. Nếu phần da giữa ngón cái và ngón trỏ của hai người không chạm nhau thì cái bắt tay giữa đôi bên sẽ gây cảm giác xa cách, khiến một hoặc cả hai người cảm thấy mình chưa thật sự kết nối được với người đối diện. Khi đó, bạn sẽ phải tìm cách khác để tạo dựng lòng tin cũng như thiện cảm với đối phương. Lãng phí bảy giây gặp gỡ đầu tiên sẽ khiến bạn mất thêm rất nhiều thời gian về sau. Khi bắt tay một người lần đầu tiên, tôi cũng không thể nào có được cảm giác mình đã thật sự “gặp gỡ” người đó nếu phần da ở má trong ngón tay cái của chúng tôi không chạm nhau. Vị trí này chính là nơi tạo ra sự kết nối thật sự. Vì vậy, nếu là người hay đề phòng và thường chỉ nắm hờ phần ngón tay của đối phương, bạn nên chủ động thay đổi cách bắt tay của mình để xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy ngay từ lần chào hỏi đầu tiên. Khi bạn đưa tay ra để bắt, hãy để bàn tay thẳng đứng, ngón cái hướng lên trên, ngón út hơi nghiêng xuống. Nếu bạn ngửa lòng bàn tay của mình, đối phương có thể hiểu đó là dấu hiệu của sự phục tùng hoặc là bạn đang áp dụng một mẹo giao tiếp để họ thấy bản thân họ quan trọng và chiếm ưu thế. Không chỉ chuyển tải những thông điệp không rõ ràng, hành động ngửa lòng bàn tay còn có thể khiến đối phương không thoải mái. Theo tôi thấy, bạn không nên làm xáo trộn bảy giây quan trọng đầu tiên của cuộc gặp gỡ, mà hãy thể hiện sự cởi mở và chuyên nghiệp qua cái bắt tay. Chào hỏi Hãy nói gì đó trong lúc bắt tay. Bạn không nhất định phải thốt ra một câu đùa dí dỏm mà luôn có thể dùng lời chào thông thường như: “Rất vui được gặp anh/chị”. Hãy nói thật rõ ràng và tự tin, sau đó giới thiệu tên của mình. Đây chính là thời điểm thích hợp để bạn gọi tên đối phương, và có thể cũng là lần đầu tiên. Hãy đảm bảo là bạn phát âm đúng tên của họ. Nếu cần, hãy dành thời gian để tập phát âm trước buổi gặp gỡ. Nếu không chắc lắm về cách phát âm, bạn có thể gọi điện trước cho công ty của họ và hỏi nhân viên lễ tân về cách đọc sao cho chính xác. Nếu cách này không khả thi, bạn có thể hỏi trực tiếp người mình đang gặp gỡ xem bạn đã phát âm đúng tên của họ hay chưa. Chắc hẳn họ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn khi giúp bạn sửa cách đọc ngay từ đầu, thay vì phải nghe bạn phát âm sai suốt buổi gặp mặt. Vài lời thăm hỏi trong lúc bắt tay cùng mấy câu tán gẫu ngay sau đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để khi đi vào vấn đề chính, bạn có thể có buổi trò chuyện hiệu quả và có tính xây dựng. Trong lúc thăm hỏi, bạn có thể nói về bất kỳ chủ đề nào mà bạn thấy phù hợp. Đừng cố tỏ vẻ hài hước, vì việc này có thể sẽ gây phản tác dụng. Những Điều Không Nên Làm Bắt tay kiểu quyền lực Kiểu bắt tay lấn át của những năm 1980, hay Cái bắt tay quyền lực theo cách gọi của tôi, đến nay vẫn được sử dụng rộng rãi. Khi bắt tay theo kiểu này, bạn đưa tay ra với lòng bàn tay úp xuống. Bạn giữ vai trò dẫn dắt, khiến đối phương phải thuận theo và ngửa lòng bàn tay của họ lên để bắt tay bạn. Có thể bạn cho rằng kiểu bắt tay này sẽ cho thấy bạn là người mạnh mẽ, nhưng thật ra nó sẽ khiến mọi người có cảm giác là bạn không tôn trọng đối phương. Ngoài ra, cái bắt tay quyền lực còn có thể bị xem là biểu hiện của tính háo thắng. Trên thực tế, khi bắt tay theo kiểu quyền lực, bạn đã chuyển giao quyền lực sang cho đối phương, vì hành động của bạn đã tiết lộ cho họ biết bạn muốn được đối xử như thế nào. Lúc này, người ở thế bị lấn át đã trở thành người sở hữu quyền lực, họ biết bản thân nên làm thế nào để bán được hàng, tạo sức ảnh hưởng, thương lượng hay chủ động kiểm soát tình hình. Bạn có thể lợi dụng thực tế này để xoay chuyển tình thế theo hướng có lợi nhất cho mình. Nếu bạn gặp phải người có kiểu bắt tay quyền lực thì thay vì cố giành thế áp đảo với họ, hãy giữ thái độ trung dung và chuyên nghiệp, đồng thời nắm bắt tất cả tín hiệu họ truyền tải mà không để họ nhận ra bản thân đã chuyển giao ưu thế trong cuộc gặp gỡ sang cho bạn. Bạn có thể tiến hành thương lượng để đi đến một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Quyền lực lúc này đã nằm trong tay bạn rồi. Bắt tay kiểu công chúa Bắt tay kiểu công chúa là khi bạn chìa bàn tay ra theo chiều ngang, lòng bàn tay úp xuống, các ngón tay khép lại và hơi cong. Hành động này sẽ khiến đối phương tự hỏi liệu họ nên bắt tay, hôn tay hay cúi chào bạn. Bắt tay kiểu công chúa cũng có thể gây ấn tượng rằng bạn đang mặc định là đối phương có địa vị thấp hơn mình. Nếu bạn gặp phải một người có kiểu bắt tay thế này, đừng đưa tay nắm lấy phần ngón tay hay đầu ngón tay của họ, vì đó có thể bị xem là dấu hiệu của sự phục tùng. Ngược lại, nếu ai đó túm lấy những đầu ngón tay của bạn trong lúc bắt tay thì bạn cần hiểu rằng bản thân sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tạo điều kiện thuận lợi và phát triển mối quan hệ giữa đôi bên. Thật không may là vẫn có rất nhiều đàn ông bắt tay phụ nữ theo cách này, và ngay cả phụ nữ cũng bắt tay người cùng phái như vậy. Bạn có thể sống như một công chúa, nhưng đừng bắt tay theo kiểu công chúa. Nếu bạn là một nữ doanh nhân và muốn được mọi người tôn trọng, hãy đưa tay ra theo chiều thẳng đứng và bắt tay một cách chuyên nghiệp, tự tin. Bạn có thể xem thêm những lưu ý dành cho phụ nữ khi bắt tay ở trang 47. Ấn tượng về những cái bắt tay tồi tệ thường lưu lại rất lâu trong tâm trí của mỗi người chúng ta. Một giám đốc sự kiện mà tôi gặp gần đây kể rằng cô đã rất hào hứng khi được gặp một trong những ca sĩ biểu diễn tại một chương trình do cô tổ chức, nhưng khi họ bắt tay nhau, cô có cảm giác như mình vừa bị đuổi khéo. Sau lần đó, cô không còn hứng thú với ca sĩ này nữa. Tương tự, giám đốc của một nhà xuất bản cũng từng nói với tôi rằng cô hết sức phấn khởi khi được gặp một nhà văn nổi tiếng mà cô ngưỡng mộ, nhưng vào khoảnh khắc nhận được cái bắt tay đã theo kiểu công chúa lại còn mướt mồ hôi, cô cảm thấy vô cùng hụt hẫng. Bắt bằng cả hai tay Đó là khi bạn dùng một tay để bắt, rồi đặt tay còn lại lên mu bàn tay của đối phương và ôm gọn tay họ trong hai bàn tay mình. Tuy đây có thể là tín hiệu cho thấy sự nhiệt tình, chân thành và gần gũi, nhưng bạn cũng có thể bị coi là trịch thượng hay suồng sã nếu bắt tay người khác theo kiểu này trong lần gặp đầu tiên. Đối phương sẽ phải làm gì tiếp theo? Họ có nên đặt tay còn lại của họ lên mu bàn tay bạn không? Nếu họ thật sự làm vậy, cả hai sẽ lâm vào tình thế khó xử, thậm chí là kỳ quặc. Bạn chỉ nên áp dụng kiểu bắt tay này khi chào hỏi những người mà mình đã quen được một thời gian. Nếu một người nào đó dùng cả hai tay để bắt tay bạn trong lần đầu gặp gỡ thì rất có thể họ muốn nắm quyền kiểm soát. Như những gì tôi đã chia sẻ khi nói về cái bắt tay quyền lực, nếu ai đó muốn nắm quyền kiểm soát thì bạn hãy cứ thân thiện và chấp nhận rằng họ đã cho biết họ muốn được đối xử như vậy, rồi dựa vào đó để tạo không khí thoải mái cho đôi bên. Trong một số môn võ thuật, nếu nắm được cổ tay của đối thủ ở một vị trí nhất định thì bạn sẽ có thể tác động lực vào đó và quật họ ngã xuống đất. Vậy nên khi bắt tay, đừng để các ngón tay của bạn chạm đến cổ tay của đối phương, cũng đừng nắm lấy cổ tay họ. Hành động này có thể thể hiện sự lấn lướt và khiến người kia cảm thấy bạn đang xâm phạm không gian của họ. Vỗ nhẹ lên mu bàn tay Tương tự kiểu bắt bằng hai tay, kiểu vỗ nhẹ lên mu bàn tay có thể cũng xuất phát từ nỗ lực muốn thể hiện lòng nhiệt tình, nhưng hiệu ứng mà nó tạo ra thì hoàn toàn trái ngược. Trong kiểu bắt tay này, một người cũng ngửa lòng bàn tay trong khi người còn lại úp lòng bàn tay giống kiểu bắt tay quyền lực. Nhưng sau đó, người đang để tay ở dưới sẽ dùng tay còn lại vỗ nhẹ lên mu bàn tay của đối phương theo kiểu “trấn an”, hay đại loại là vậy. Cách bắt tay này có thể khiến đối phương có cảm giác ban đầu là bạn đang đặt họ ở vai trên, nhưng sau đó họ lại thấy mình không được tôn trọng khi bạn vỗ nhẹ lên tay họ. Trước đây, đoạn video quay cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt và vỗ nhẹ lên tay của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng được lan truyền rất rộng rãi. Nếu bạn không muốn bị người khác để ý thì hãy tránh sử dụng kiểu bắt tay này. Có lần sau khi tôi hoàn thành bài diễn thuyết của mình ở một hội thảo, người quay phim đã đến gặp tôi và nói: “Tôi luôn bắt tay kiểu này để khiến đối phương cảm thấy họ quan trọng”. Tôi đáp: “Vâng, hầu như ai áp dụng cách bắt tay này cũng đều nghĩ làm vậy là tốt”. Sau khi gợi ý là hãy để tôi bắt tay anh theo kiểu đó, tôi chìa tay phải ra với lòng bàn tay ngửa lên và khi anh đặt tay lên thì tôi dùng tay trái vỗ nhẹ lên mu bàn tay anh. Anh thừa nhận anh có cảm giác rất khó chịu và thảng thốt nhận ra mình đã làm thế với rất nhiều người suốt thời gian qua. Hãy nhớ suy nghĩ của chúng ta không phải lúc nào cũng đúng. Vì thế, hãy giữ cho cái bắt tay của bạn thật đơn giản và chuyên nghiệp. Vừa bắt tay vừa kéo Một vài người có thói quen kéo tay người khác về phía mình trong lúc bắt tay, và đôi khi lực kéo có thể mạnh đến nỗi làm đối phương mất thăng bằng. Hành động này sẽ khiến bạn mất kết nối với đối phương, vì khi đó bạn đã kéo họ theo góc chéo về phía vai mình và hai người không còn đứng đối diện nhau nữa. Khi cảm thấy hồi hộp hoặc không thoải mái trong lúc bắt tay, chúng ta có thể sẽ thu cánh tay của mình về sát hông. Nếu bạn cũng thường hành động như thế, hãy nhớ rằng động tác thu tay về sẽ làm cho người đối diện bị kéo theo, khiến bầu không khí trở nên căng thẳng và gượng gạo. Đừng bao giờ vừa bắt tay vừa kéo. Hãy bước đến trước mặt đối phương với phong thái tự tin, thả lỏng các cơ trên cánh tay, đưa tay xa khỏi hông của bạn và bắt tay người kia. Nếu họ bất thình lình kéo tay bạn, hãy cứ bình tĩnh và thả lỏng. Sau khi bắt tay xong, hãy chủ động chỉnh lại tư thế của mình và nghĩ xem bạn vừa biết được điều gì về đối phương. Có lẽ họ thấy không thoải mái khi bắt tay, hoặc họ đang căng thẳng hay hồi hộp. Vậy bạn có thể làm gì để giúp họ cảm thấy thoải mái hơn và tạo dựng mối quan hệ? Đối phương thường sẽ rất cảm kích những điều bạn làm vì họ. Để tay đẫm mồ hôi Tất cả chúng ta đều muốn người mình bắt tay có một bàn tay khô ráo, nhưng thực tế là một số người thường tiết nhiều mồ hôi hơn người khác. Phản ứng của hệ thần kinh, tác động của nhiệt độ hay một số loại thuốc đều là những nguyên nhân có thể gây đổ mồ hôi tay. Nếu bạn là người hay đổ mồ hôi tay, hãy thủ sẵn khăn giấy hoặc khăn mùi xoa trong túi để lau tay trước khi bắt tay người khác. Tất nhiên, hãy làm điều đó một cách kín đáo. Việc để người khác thấy bạn dùng khăn lau sạch tay ngay trước khi bắt tay họ chỉ có thể được chấp nhận nếu bạn đang dự một buổi tiệc và vừa ăn một món dùng tay hoặc đang cầm một ly nước lạnh. Nếu bị đổ mồ hôi tay quá nhiều hoặc cảm thấy quá ngượng ngùng vì điều này, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp tiêm Botox để hạn chế mồ hôi. ✴ ✴ ✴ Bạn không cần tiết lộ bất cứ điều gì về mình qua cái bắt tay, trừ khi bạn muốn. Nếu ý thức được hành vi của bản thân và luyện tập nhuần nhuyễn Cái bắt tay đáng giá triệu đô, bạn sẽ có thể che giấu sự thật là mình đang hồi hộp, lo lắng, phấn khích quá mức, khó lòng tin tưởng người khác ngay lập tức hay không nghĩ cho đối phương. Khi đã tự tin với cái bắt tay của mình, bạn sẽ điều khiển được cảm xúc của bản thân và hiểu rằng điều quan trọng nhất không phải là cảm giác của bản thân bạn mà là cảm giác bạn mang đến cho người đang tiếp xúc với bạn. Trong một đợt tập huấn dành cho các giám đốc ngân hàng, một trong những vị giám đốc tài chính hàng đầu đã nói rằng ông cảm thấy mình có vẻ oai hơn khi vừa bắt tay vừa đút tay còn lại vào túi quần. Tôi đã mời ông thực hiện kiểu bắt tay đó và hỏi bảy mươi người khác trong buổi tập huấn: “Các bạn thấy ông ấy có vẻ quyền lực hơn khi nào, khi đút tay vào túi quần hay khi để tay ở ngoài?”. Bạn có đoán được câu trả lời không? “Để tay ở ngoài!”, mọi người đồng thanh đáp. Đây là một ví dụ điển hình về nhận thức thiên lệch. Chính vì từng thấy một doanh nhân giàu có đứng bắt tay như thế, nên vị giám đốc tài chính nói trên cho rằng đó là dấu hiệu của sự thành đạt và đã hiểu sai về thông điệp mà mình truyền tải qua cách bắt tay đó. Khi bạn chào hỏi người khác để bắt đầu một cuộc gặp gỡ nhằm bàn chuyện làm ăn hoặc phát triển các mối quan hệ, hãy chủ động bắt tay họ. Nếu cái bắt tay của bạn quá nhẹ hoặc quá mạnh, bạn vẫn có thể ngay lập tức điều chỉnh lực tay của mình. Nếu đối phương có cái bắt tay chặt và chắc thì bạn cũng nên làm điều tương tự để họ biết được bạn đang dành toàn bộ sự chú ý của mình cho khoảnh khắc đó. Hãy mỉm cười, nhìn vào mắt họ và chủ động kết nối. Bạn sẽ không bao giờ biết được ấn tượng đầu tiên mà bạn để lại trong mắt người đối diện có thể đưa bạn đến đâu, hay thậm chí là họ sẽ giới thiệu bạn với ai trong số những người họ biết. Thực hành Trong tuần tới, hãy bắt tay với tất cả những người mà bạn có thể bắt tay. Hãy để ý xem phần da ở giữa ngón trỏ và ngón cái của bạn và của người kia có chạm nhau không. Họ có kiểu bắt tay như thế nào so với bạn: quá chặt hay quá lỏng, cánh tay của họ duỗi ra hay thu lại và khiến bạn bị kéo về phía họ? Chẳng mấy chốc, bạn sẽ bắt đầu phát hiện những manh mối cho thấy bạn nên cư xử với người khác thế nào sau khi bắt tay với họ. Về phần bạn, hãy thể hiện sự chuyên nghiệp, tự tin và cho đối phương thấy bạn quan tâm đến họ cũng như những gì hai bên có thể đạt được cùng nhau. Nếu có ấn tượng xấu với cách bắt tay của ai đó, hãy chắc chắn là bạn không phạm phải những sai lầm giống họ. Nếu cái bắt tay của người khác khiến bạn thấy dễ chịu và có cảm giác được quan tâm, hãy tìm hiểu xem họ đã làm gì và bạn có thể vận dụng kỹ thuật của họ như thế nào. Ngoài ra, bạn cũng nên quan sát cách mọi người bắt tay nhau trên chương trình thời sự và phân tích xem hành động nào có vẻ hiệu quả, những người đó đang truyền tải thông điệp gì qua cái bắt tay của họ, điều gì tạo nên ấn tượng tốt và những yếu tố nào sẽ gây ấn tượng xấu. Biết cách bắt tay tự tin và chiếm được cảm tình của mọi người là một kỹ năng thiết yếu đối với tất cả chúng ta, từ nhân viên bán hàng đến nhà thương thuyết, chính trị gia, người đang tìm việc... Khi có thể tạo thiện cảm trong lần đầu tiên gặp mặt, bạn sẽ có được kết quả tích cực lâu dài và tối đa hóa cơ hội thành công. Tin vui dành cho bạn là ngay cả khi chưa có cái bắt tay hoàn hảo, bạn vẫn có thể khiến đối phương có cảm giác triệu đô nếu biết cách giao tiếp bằng mắt và nở nụ cười chân thành. Điều bạn cần làm chỉ là tiếp tục cố gắng và dùng những cách khác để chứng minh cho họ thấy sự tự tin cũng như năng lực của mình. Nếu thấy đối phương quá vồ vập hoặc ngượng ngùng, bạn cũng có thể “cứu vãn” cái bắt tay đó bằng thế đứng và ánh nhìn của mình. Bạn không thể thay đổi cách bắt tay của người khác. Có thể họ sẽ không để phần da giữa ngón trỏ và ngón cái của họ chạm vào phần da đó của bạn, hoặc họ chỉ nắm hờ các ngón tay của bạn. Đây chính là những dấu hiệu mà họ đang tiết lộ về bản thân: ngập ngừng, không chắc chắn. Nhưng cũng có thể họ đang hồi hộp, và đây chính là cơ hội để bạn giúp họ cảm thấy thoải mái hơn thông qua ngôn ngữ cơ thể, nụ cười hay ánh mắt của bạn. Cái bắt tay gượng gạo và căng thẳng của họ cho bạn biết rằng bạn cần dành nhiều thời gian hơn để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp. Khi đọc đến những chương sau, bạn sẽ khám phá thêm nhiều giải pháp và có thể dựa vào đó để phát triển cho mình một bộ kỹ năng hữu dụng. Những Điều Nên Làm Giả sử bạn sắp có một cuộc hẹn và bạn mong là mình sẽ ký kết được một hợp đồng lớn. Bạn đã nghiên cứu kỹ càng và chuẩn bị đầy đủ thông tin cho phần trình bày của mình. Sau đây là một số việc làm thiết thực theo từng thời điểm của cuộc hẹn mà bạn có thể áp dụng. Đêm trước cuộc hẹn Hãy chọn và treo riêng bộ trang phục bạn sẽ mặc vào ngày hôm sau, nhớ đảm bảo là nó đã được giặt sạch sẽ và ủi thẳng thớm. Điều này nghe có vẻ thừa, nhưng chắc chắn là bạn không muốn bị muộn giờ hẹn chỉ vì phải ủi chiếc áo ưa thích vào phút chót. Hãy xem lại địa chỉ nơi bạn cần đến và phương tiện bạn sẽ dùng để đến đó. Hãy chắc chắn là bạn đã lưu đầy đủ tên và số điện thoại của người mà mình sắp gặp. Đừng quên bỏ tất cả giấy tờ và vật dụng cần thiết vào túi xách hoặc cặp đựng hồ sơ của bạn. Cuối cùng, hãy yên tâm ngủ một giấc thật ngon vì bạn đã chuẩn bị sẵn sàng. Vẻ mặt mệt mỏi có thể gây ấn tượng không tốt. Trước khi đến điểm hẹn Hãy đặt đồng hồ báo thức và dậy sớm hơn một chút để không bị cập rập. Hãy đứng trước gương, mỉm cười với chính mình và nói thành tiếng rằng bạn sẽ tạo ra những cơ hội có lợi cho cả đôi bên và rằng bạn chính là người thích hợp để đến cuộc hẹn ngay lúc này, ký kết hợp đồng và cung cấp dịch vụ tuyệt vời cho đối tác. Khi đến điểm hẹn, đừng vội vào ngay mà hãy dành chút thời gian để tự nhủ thêm lần nữa rằng bạn chính là người thích hợp nhất để tiếp chuyện người đang ngồi trong kia. Hãy thư giãn, vì đây là cuộc gặp gỡ của bạn. Nếu bạn cảm thấy hồi hộp và bắt đầu thở gấp, hãy đứng lại để hít thở sâu. Bạn nên thả lỏng hai vai và cố đi chậm chứ đừng hớt hải chạy vào phòng rồi nói thao thao bất tuyệt đến nỗi chẳng ai nghe kịp. Nếu bạn vốn quen nói chậm, hãy soạn trước nội dung trình bày để khi cần thiết bạn có thể nói nhanh hơn mà không cần ngừng lại và suy nghĩ xem nên nói gì tiếp theo. Trong lúc bước vào điểm hẹn, bạn có thể vừa đi vừa nghĩ: “Mình sẽ làm được. Mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ”. Hãy chủ động dành vài giây để nghĩ đến những điều tích cực. Cách hữu hiệu nhất để tự lên dây cót tinh thần cho bản thân là dùng những câu khẳng định ngắn bắt đầu với từ “tôi”, chẳng hạn như: Tôi điềm tĩnh. Tôi giỏi. Tôi tuyệt vời. Tôi sẵn sàng. Tôi chuyên nghiệp. Trong cuộc hẹn Ngay khi bạn bước vào phòng, hãy lập tức giao tiếp bằng mắt với một người trong đó, mỉm cười trong lúc đưa tay ra, và làm cho đối phương cảm thấy bạn đang chủ động kết nối với họ. Sau đó, hãy vận dụng kỹ năng chào hỏi triệu đô để kết nối với những người còn lại trong phòng. Hãy tập trung vào người mà bạn đã hẹn gặp để họ thấy rằng bạn thật sự quan tâm đến họ và để bạn có thể nhanh chóng có được những nhận định sơ bộ trong từng tình huống cụ thể. Chẳng hạn, khi đối phương nói nhanh còn bạn nói chậm, hãy cố gắng nói nhanh bằng họ nếu bạn thấy điều đó là hợp lý và không khiến bạn thấy khó chịu; nếu họ bắt tay mạnh, hãy tự điều chỉnh để lực tay của bạn cũng mạnh tương đương. Hãy nhớ là bạn sẽ mất không quá một giây để thay đổi cường độ của cái bắt tay. Nếu diễn biến cuộc hẹn không như bạn mong đợi, đừng thể hiện thái độ gì cả. Hãy lập tức loại bỏ mọi lo lắng ra khỏi đầu và tiếp tục tập trung vào những việc bạn cần làm trong cuộc hẹn đó. Sau này bạn sẽ có thời gian để phân tích những gì đã diễn ra và tại sao lúc đó bạn lại cảm thấy lo lắng hay không thoải mái. Bạn cũng có thể kể cho các đồng nghiệp nghe về cuộc hẹn và cùng họ tìm hiểu lý do vì sao bạn không đạt được những kết quả khả quan. Có thể còn thông tin gì đó mà đối phương chưa nói cho bạn biết, hoặc bạn đã không đánh giá chính xác tình hình và không đặt ra những câu cần hỏi phù hợp từ trước. Hãy dành thời gian để xác định xem bạn nên làm gì trong những lần tiếp xúc tiếp theo với người này. Đừng quá lo lắng trong quá trình trao đổi với đối tác mà hãy tập trung vào kết quả. Nói cách khác, tôi nghĩ bạn nên tự nhủ: “Tôi đang ở đây. Tôi có thể thành công”. Hãy luôn giữ cho ý nghĩ này hiện hữu trong tâm trí bạn. Ngay khi bạn bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, thái độ và ngôn ngữ cơ thể của bạn sẽ thay đổi, bạn sẽ bị phân tâm, và mọi người sẽ lập tức nhận ra. Hãy loại bỏ mọi ý nghĩ bi quan, tập trung vào những việc mà bạn và mọi người đang làm ở thời điểm hiện tại. Sau cuộc hẹn Hãy luôn làm chủ hành động của bản thân cũng như tình huống mà bạn đang đối mặt. Nói cách khác, mưu sự tại nhân, thành sự cũng tại nhân. Nếu cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp, hãy ngẫm lại xem đâu là những việc bạn đã làm tốt và có thể tiếp tục áp dụng trong các lần sau. Nếu cuộc hẹn không diễn ra như dự định nhưng vẫn có kết quả tốt đẹp thì có lẽ bạn càng nên cảm thấy tự hào về bản thân mình. Nếu mọi chuyện không suôn sẻ như bạn mong muốn, hãy ngẫm xem bạn có thể cải thiện ở điểm nào. Bạn đã xác nhận đúng người mình cần gặp chưa? Trước đó bạn có giải thích rõ lý do gặp gỡ và kết quả bạn mong muốn không? Bạn có hỏi đối phương là họ kỳ vọng điều gì khi gặp mình không? Nếu cuộc gặp gỡ nào bạn cũng gặp phải cùng một trở ngại, đã đến lúc bạn làm một điều gì đó khác biệt. Phụ Nữ Và Việc Bắt Tay Tại sao có quá nhiều phụ nữ thấy ngại khi bắt tay? Tôi từng nghe nhiều người phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội kể về trải nghiệm bắt tay tồi tệ, và tôi từng gặp nhiều người đàn ông thừa nhận rằng họ không biết phải làm gì khi bắt tay với phụ nữ. Tôi đã nhận được những câu hỏi giống nhau về vấn đề phổ biến này từ khắp nơi trên thế giới, dù phong tục và tập quán của mỗi nước đều khác nhau. Tôi đã nói về chuyện này với phụ nữ đến từ Ả Rập Xê Út cũng như phụ nữ ở Úc. Tôi biết rất nhiều người đã tìm được việc làm nhờ sở hữu những kỹ năng chào hỏi tuyệt vời. Họ có phong thái tự tin và có khả năng truyền tải những thông điệp tích cực qua cái bắt tay, lời nói và hành động. Có lần, một cô gái trẻ đã đến văn phòng của chúng tôi, bắt tay với tất cả mọi người, nộp đơn xin việc, rồi lại bắt tay với chúng tôi lần nữa khi cô ra về. Sau đó, có ba nhân viên đến nói với tôi: “Chị phải tuyển cô gái đó đi”. Khi tôi hỏi lý do, cả ba người đều cho rằng nữ ứng viên đó rất tự tin và có thể trở thành một thành viên đáng giá của công ty. “Vậy điều gì khiến cô ấy có vẻ tự tin đến vậy?”, tôi hỏi thêm. Họ nhìn tôi, mỉm cười và nói cô ấy có cách bắt tay tuyệt vời. Nam giới ngày nay vẫn thường không xác định được là họ có nên bắt tay nữ giới hay không. Thông lệ trước đây là đàn ông cần chờ phụ nữ đưa tay ra trước, nhưng bây giờ thì không còn như vậy nữa. Quy tắc ứng xử hiện nay là bạn nên dành vài giây để chờ người có địa vị cao hơn đưa tay ra, nhưng nếu họ không làm thế thì bạn nên chủ động. Điểm mấu chốt chính là chúng ta cần bắt tay nhau khi chào hỏi. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi biết là nếu chưa bắt tay người đối diện, bất kể là vì lý do gì, tôi sẽ phải nỗ lực gấp đôi để xây dựng mối quan hệ công việc tốt đẹp về sau. Phụ nữ cũng nhận ra sức mạnh của Cái bắt tay đáng giá triệu đô, nhưng nhiều người dường như vẫn chưa rõ nên đưa tay ra thế nào và làm sao để có thể tự tin chào hỏi người khác. Cái bắt tay của phụ nữ thường quá mạnh và chặt, hoặc quá nhẹ và lỏng lẻo; đôi khi, họ còn thu cùi chỏ về sát hông mình và khiến cả bàn tay lẫn cánh tay của đối phương bị kéo căng. Nhiều phụ nữ vốn không quen bắt tay nên khi cần làm vậy, họ thường hay ngập ngừng, do dự. Nguyên nhân không phải vì họ được dặn là đừng bắt tay, mà vì họ không cần phải làm vậy cho đến khi bước vào lĩnh vực kinh doanh. Tôi từng bắt tay với phụ nữ ở nhiều quốc gia và họ cho rằng mình bắt tay khá chặt, nhưng theo thang độ từ một đến mười thì lực nắm của họ chỉ ở mức năm. Khi bắt tay nam giới, những người phụ nữ này thường cho rằng đối phương đang áp đảo họ, nhưng thực tế là họ bắt tay không mạnh bằng người đàn ông đối diện. Tôi đã bắt tay với những người này để giúp họ điều chỉnh cường độ cái bắt tay lên mức tám - mức độ lực mà họ cho là phù hợp. Khi áp dụng cường độ này trong lần tiếp theo họ bắt tay với một người đàn ông, những người phụ nữ này đã không còn cảm giác khó chịu nữa. Bạn cũng hãy tập tăng và giảm lực của cái bắt tay, việc điều chỉnh lực tay sẽ không khiến bạn mất quá một giây. Ngày nay, cả nam giới lẫn nữ giới đều đang kết nối với nhau và nắm giữ những vai trò tương tự nhau, vì vậy tất cả chúng ta đều phải biết cách bắt tay. Giới tính, chiều cao hay sức mạnh của bạn đều không liên quan đến cách bạn bắt tay. Tuy nhiên, một số quốc gia xem việc nam và nữ bắt tay nhau ở nơi công cộng là không phù hợp và có thể bị xử phạt. Thực tế này hẳn đã khiến nhiều người cảm thấy lúng túng. Chúng ta sẽ bàn kỹ về cái bắt tay và ngôn ngữ cơ thể trong những nền văn hóa khác nhau ở Chương 5. Nhưng ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt thì ở mọi nơi trên thế giới, tất cả chúng ta đều đang gặp gỡ nhau vì những mục đích cụ thể và cử chỉ của chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc gặp gỡ. Bí quyết để có Cái bắt tay đáng giá triệu đô là ngừng lo lắng về bản thân và bắt đầu chú ý đến người mà bạn đang gặp gỡ. Hãy luôn đưa bàn tay của bạn ra theo chiều dọc với lòng bàn tay xoay ngang và bắt tay đối phương sao cho lực bắt của cả hai bên tương đương nhau. Sau khi tham dự các buổi hội thảo hoặc xem các bài diễn thuyết của tôi, nhiều người phụ nữ đã đến gặp tôi hoặc gửi email cho tôi để chia sẻ rằng họ từng không nhận ra họ có sức mạnh lớn đến thế nào trong màn chào hỏi, và giờ đây khi biết cách tận dụng sức mạnh đó, họ đã có thể ký kết nhiều thỏa thuận mà trước đây họ chưa đạt được. Theo một nghiên cứu được trích dẫn trong quyển The Definitive Book of Body Language (Cuốn sách hoàn hảo về ngôn ngữ cơ thể), chúng ta có thể truyền đạt đến 80% cảm giác của mình mà không cần đến lời nói. Điều này sẽ được bàn luận sâu hơn trong chương tiếp theo. Có lần khi tôi sắp bắt đầu bài diễn thuyết của mình ở Hồng Kông, vài người đàn ông trong nhóm khán giả đã nói với tôi: “Chỉ là bắt tay thôi mà”. Ngay sau đó, tôi lập tức bắt tay với từng người trong số họ và chỉ trong vài giây, tôi đã nêu được cụ thể là họ làm ăn ra sao và cái bắt tay của mỗi người cho tôi biết nhiều điều về họ thế nào. Họ sững sờ nhận ra mình đã để lộ quá nhiều thông tin cá nhân qua cái bắt tay. Họ nghĩ mình là những người đàn ông mạnh mẽ và tự tin, nhưng có đúng là vậy không? Bắt tay với phong thái tự tin là một cách tuyệt vời để chúng ta tạo sức ảnh hưởng và thuyết phục người khác nhằm đạt được kết quả ta mong muốn. Đã đến lúc phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi cũng như mọi tầng lớp xã hội cảm nhận sức mạnh của cái bắt tay và vận dụng sức mạnh đó để chủ động kết nối với người khác. Bí quyết bắt tay Một điều quan trọng bạn cần ghi nhớ là nếu có thể, hãy bắt tay khi bạn đang đứng. Đây là bước mở đầu để bạn thực hiện cái bắt tay chủ động kết nối. Trong các buổi hội thảo và đào tạo kỹ năng của tôi, 90% đàn ông sẽ đứng dậy để bắt tay, còn phụ nữ lại thường giữ nguyên tư thế ngồi. Liệu đó có phải là hành vi thể hiện sự yếu đuối/thiếu tự tin/do dự hay không? Dù là gì đi nữa thì đến cuối buổi, tất cả người tham gia đều đứng bắt tay và thực hiện những điều chỉnh nho nhỏ để tạo nên sự kết nối vững chắc, mạnh mẽ và có ý nghĩa. Hãy cười cả bằng miệng lẫn bằng mắt, ngẩng cao đầu, thả lỏng hai vai, giữ cho hông và vai của bạn song song với hông và vai của người đối diện. Hãy giữ cho tay phải của bạn luôn rảnh rang. Bản thân tôi luôn đeo túi xách ở vai trái để nó không đu đưa khi tôi đưa tay phải ra và bắt tay ai đó. Nếu đem theo cặp tài liệu đến cuộc hẹn, tôi cũng luôn xách cặp bằng tay trái. Hãy đảm bảo tay bạn luôn sạch sẽ. Tôi luôn cố hoàn tất việc chào hỏi trước khi bắt đầu ăn uống, đồng thời cũng luôn mang theo một chai nước rửa tay khô. Hãy để danh thiếp ở ngăn ngoài cùng của túi xách hoặc trong túi quần bên trái của mình để bạn có thể dễ dàng lấy nó ra sau khi bắt tay, nhận và cất danh thiếp của đối phương. Một mẹo nữa là khi đang dự tiệc chiêu đãi hay sự kiện giao lưu, bạn hãy thủ sẵn danh thiếp trong tay trái, ngay dưới ly nước bạn đang cầm để tiện trao đổi danh thiếp ngay khi cần. Để cảm thấy thoải mái khi bắt tay, đừng đeo nhẫn ở tay phải, hoặc nếu đeo thì nên chọn một chiếc thật đơn giản. Việc đeo nhẫn có thể ảnh hưởng đến cái bắt tay cũng như cảm giác của bạn khi bắt tay. Nếu là nam giới thì bạn cũng không cần phải khom người hay khuỵu gối khi chào hỏi một phụ nữ nhỏ người, vì ngay cả khi đứng thẳng, bạn vẫn sẽ bắt được tay của đối phương. Đừng bao giờ vừa bắt tay vừa đút tay còn lại vào túi. Không ai biết trong túi bạn có gì, và hành động cho tay vào túi sẽ khiến người đối diện hiểu rằng có thể bạn đang có cảm giác bất an hoặc không muốn gặp gỡ ai ngay tại thời điểm đó. Đừng truyền tải một thông điệp không rõ ràng như thế, dù có thể hành động của bạn chỉ có nghĩa là bạn đang cảm thấy thoải mái. Không phải ai cũng muốn ôm hôn khi chào hỏi. Những người có phong cách thận trọng (xem Chương 3) sẽ chỉ muốn giao tiếp bằng lời nói chứ không muốn có tiếp xúc thân thể. Tuy vậy, bắt tay là kiểu tiếp xúc mà mọi người đều có thể sử dụng và dần trở nên thoải mái với nó. Hầu hết mọi người thường không cảm thấy họ đã thật sự gặp gỡ bạn cho đến khi bắt tay bạn. Dù có cảm nhận thế nào về việc bắt tay thì bạn cũng cần hiểu rằng trên thương trường, mọi người sẽ luôn mong chờ và chấp nhận cái bắt tay từ bạn. Nếu muốn nhanh chóng tạo dựng mối quan hệ, bạn cần học kỹ năng bắt tay. Vì cách người khác nhìn nhận về bạn hoàn toàn phụ thuộc vào trực giác của họ, nên bạn hãy tận dụng cái bắt tay của mình. Cách bạn bắt tay sẽ cho đối phương biết bạn thấy sao về họ, và đã đến lúc bạn khiến mọi người thấy vui lòng. CHƯƠNG 2 Ngôn Ngữ Cơ Thể Hành động thật sự có ý nghĩa hơn lời nói Ngôn ngữ cơ thể tích cực giúp bạn toát lên vẻ tự tin và cuốn hút. Vì sao khi mặc quần áo mới - như diện một bộ âu phục hay mang một đôi giày mà ta tin chắc là sẽ khiến mình trông bảnh bao hay xinh đẹp hơn - ta sẽ có một phong thái khác, cười tươi hơn, ngực ưỡn ra và đi đứng hiên ngang hơn? Tuy chiếc áo không làm nên thầy tu, nhưng nó có thể thay đổi ngôn ngữ cơ thể của chúng ta và giúp ta thêm phần tự tin. Đó là một sự chuyển đổi tư duy được thể hiện qua thái độ và phong thái của chúng ta. Hãy nghĩ về những ngôi sao thể thao thường mang những đôi vớ hay mặc chiếc quần đùi may mắn của họ khi thi đấu. Tôi cũng có một bộ đầm dự tiệc yêu thích vì khi mặc nó, tôi luôn có những kỷ niệm đáng nhớ, những đêm khiêu vũ tuyệt vời. Ngoài ra, tôi còn có một bộ vét may mắn mà tôi luôn mặc khi đi ký kết thỏa thuận. Có bao giờ sau khi đến một nơi nào đó, bạn ước gì mình đã chọn một bộ trang phục khác? Thế là bạn cố thu mình lại, thậm chí muốn trở nên vô hình cho đến khi có thể rời khỏi nơi đó. Trái lại, khi bạn ăn mặc chỉn chu và tự tin về vẻ ngoài của mình, bạn sẽ đứng thẳng hơn, nét mặt rạng rỡ hơn và nói chuyện hóm hỉnh hơn. Vậy bạn có thể làm gì để luôn có được cảm giác này? Mỗi khi ra ngoài, hãy hình dung dáng vẻ cũng như tâm trạng mà bạn có khi diện bộ quần áo đẹp nhất dành riêng cho những sự kiện đặc biệt. Nếu bạn thể hiện được điều này, mọi người sẽ muốn ở gần bạn, bất kể bạn đang ăn mặc thế nào. Điều tôi đang nói đến chính là sự tự tin, và sự tự tin có sức hấp dẫn rất lớn. Bạn không cần phải tiêu tốn quá nhiều tiền để mua quần áo hay giày dép đắt đỏ mà chỉ cần nắm được bí quyết để chủ động toát lên sự tự tin. Ngôn ngữ cơ thể tích cực là một yếu tố thiết yếu làm nên sự tự tin và là một thành phần chủ chốt của Cái bắt tay đáng giá triệu đô. Sở dĩ như vậy là vì những thông điệp phi ngôn từ mà bạn truyền đi có thể tạo ấn tượng mạnh, thường là mạnh hơn cả lời nói của bạn. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về một số phương pháp kiểm soát hình ảnh bản thân thông qua việc cải thiện ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ cơ thể có thể ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, chẳng hạn như cảm nhận của chúng ta về bản thân, thu nhập của chúng ta, số lượng hợp đồng ta ký kết được, lòng tin mọi người dành cho chúng ta, chất lượng dịch vụ ta cung cấp, hay cảm giác của người khác khi tương tác với ta. Xét trên nhiều phương diện, tìm hiểu về ngôn ngữ cơ thể cũng giống như học một ngôn ngữ mới: bạn cần đầu tư thời gian để thực hành và bồi dưỡng các kỹ năng mỗi ngày. Chúng ta không ngừng trao đổi thông tin với nhau, kể cả khi không nói chuyện. Theo nhiều nghiên cứu, những hành vi trao đổi không bằng lời chiếm từ 55% đến 80% nội dung truyền đạt giữa ta và những người khác. Ngôn ngữ cơ thể tác động đến cả công việc lẫn các mối quan hệ cá nhân của ta. Khi diễn giải được chính xác loại ngôn ngữ này cùng những tín hiệu quan trọng, bạn sẽ có thể cải thiện kỹ năng quản trị và đàm phán, đồng thời xây dựng các mối quan hệ ý nghĩa. Vì đây không phải là hình thức giao tiếp có chủ ý, nên nhiều người thường bị ngôn ngữ cơ thể của mình “phản bội” và để lộ những thông tin họ muốn che giấu. Điều này có nghĩa là chỉ cần quan sát mọi người xung quanh thì bạn đã có thể nắm bắt ý nghĩ cũng như cảm xúc thầm kín của họ. Ngôn ngữ cơ thể có sức ảnh hưởng trên nhiều phương diện: Ngôn ngữ cơ thể tiết lộ cho ta thấy những sự thật chưa được nói ra bằng lời. Việc thấu hiểu ngôn ngữ phi ngôn từ sẽ tạo tiền đề cho khả năng tự nhận thức. Khi hiểu ngôn ngữ cơ thể, ta sẽ có thể nhận biết hành động của chính mình và tạo nên thành công. Ngôn ngữ cơ thể giúp ta hiểu rõ hơn cảm giác của bản thân và của những người xung quanh. Ngôn ngữ cơ thể giúp ta cải thiện kỹ năng lắng nghe và khả năng giao tiếp có chủ ý khi “nghe” được những điều đối phương không nói. Cơ thể con người có thể thực hiện tới bảy trăm ngàn sự cử động khác nhau. Đó là một năng lực phi thường mà không phải lúc nào chúng ta cũng sử dụng hiệu quả. Thỉnh thoảng chúng ta lại truyền cho chính mình cũng như cho người khác những tín hiệu tiêu cực bằng dáng điệu, động tác và cử chỉ của bản thân. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, chúng ta có thể thay đổi ngôn ngữ cơ thể để gửi đến bản thân và mọi người những thông điệp tốt đẹp, hoặc khiến cho tất cả cảm thấy khó chịu. Cách bạn sử dụng cơ thể có thể chứng minh, củng cố hoặc gây mâu thuẫn với những điều bạn nói. Khi không chú ý đến các tín hiệu phi ngôn từ của mình, bạn có thể truyền đi những thông điệp lộn xộn hoặc khó hiểu. Ngược lại, nếu bạn chủ động vận dụng ngôn ngữ cơ thể theo hướng tích cực, nó có thể giúp bạn dễ trò chuyện với người khác hơn, chứng tỏ bạn là người có năng lực và đáng tin cậy, đồng thời thể hiện thiện chí của bạn trong lần gặp gỡ đầu tiên với ai đó. Một số yếu tố đặc trưng của ngôn ngữ cơ thể: Ánh mắt và nét mặt: ánh mắt là quan trọng hơn cả, vì chúng thật sự là cửa sổ tâm hồn. Cử chỉ: cử chỉ có thể biểu đạt tâm trạng của bạn trước cả khi bạn nhận ra tâm trạng của mình. Giọng nói và hơi thở: cao độ của giọng nói và nhịp độ của hơi thở là tín hiệu thể hiện cảm xúc. Dáng điệu và cách đi đứng: việc bạn ngồi hay đi lại như thế nào đều có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn cũng như cảm nhận của mọi người về bạn. Tư thế: tư thế cơ thể bạn sẽ cho đối phương thấy bạn có đang tập trung hay không. Khoảng cách: khoảng cách giữa hai người cho thấy mức độ thân thiết giữa họ. Sự đụng chạm: những thứ bạn chạm vào trong lúc trò chuyện là rất quan trọng, từ đồ vật, người khác, đến cả chính bạn. Không phải lúc nào người ta cũng nói cho bạn biết cảm nhận của họ về bạn, nhưng cứ mười người thì sẽ có chín người thể hiện điều đó trong vòng bảy giây đầu tiên họ gặp bạn. Ngày nay, công nghệ chụp ảnh não bộ đã cho chúng ta biết rằng: Chúng ta thể hiện cử chỉ trước cả khi kịp ý thức về cử chỉ của mình. Chúng ta có những tế bào sẽ thần kinh phát ra xung điện khi ta chứng kiến người khác bộc lộ cảm xúc và khiến ta có cảm xúc giống họ. Chúng ta có khả năng điều chỉnh tông giọng, và thường thì ta sẽ điều chỉnh cho giống với giọng của người có thế lực nhất trong những người xung quanh mình. Trong một cuộc thương lượng, so với chất lượng công việc thì các tín hiệu phi ngôn ngữ có liên quan đến mức độ tự tin sẽ tác động nhiều hơn đến khả năng thành công hay thất bại của chúng ta. Khi chúng ta giao tiếp với ai đó, não bộ của ta sẽ điều chỉnh cho phù hợp với người đó, ngay cả khi ta không đồng tình với họ. Ngôn Ngữ Cơ Thể Thay Đổi Kết Quả Nghiên cứu cho thấy trong hoạt động giao tiếp của chúng ta, có đến 55% là diễn ra trong vô thức. Chúng ta cũng biết rằng mỗi giây, phần não bộ có ý thức chỉ có thể xử lý khoảng bốn mươi thông tin, trong khi phần tiềm thức có thể xử lý tới mười một triệu thông tin. Hãy thử hình dung những điều bạn có thể làm được nếu nhận thức rõ hơn về hoạt động tư duy trong tiềm thức này. Hãy tưởng tượng bạn có thể kiểm soát kết quả của cuộc gặp gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cùng đối phương xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, gia tăng doanh số và cung cấp những dịch vụ hàng đầu. Đây chính là bước đầu của quá trình làm chủ hoạt động giao tiếp, và ngôn ngữ cơ thể là một phần rất quan trọng trong hoạt động đó. Ngôn ngữ cơ thể có thể ảnh hưởng đến kết quả giao tiếp theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Một số người thường vận dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền đi những tín hiệu tích cực khi cần thiết, nhưng khi đã đạt được kết quả mong muốn, họ lại không quan tâm đến nó nữa. Đây là một hình thức thao túng hành vi có chủ đích. Trái lại, những người khác chủ động đưa ra những lựa chọn để kết nối và giao tiếp hiệu quả, vì họ hiểu được tầm quan trọng của loại ngôn ngữ này đối với bản thân họ cũng như mọi người xung quanh. Khi tham dự một sự kiện cách đây vài năm, tôi ngồi cùng bàn ăn với một diễn giả chủ chốt và được trả thù lao hậu hĩnh nhưng lại có nét mặt cau có, khó chịu. Lẽ ra bài diễn thuyết của ông đã có thể bắt đầu sau khi bữa trưa kết thúc, nhưng nó đã bị hoãn lại vì trục trặc kỹ thuật và điều này khiến ông có vẻ không hài lòng. Ngôn ngữ cơ thể của vị diễn giả đó đã truyền tải toàn những thông điệp tiêu cực kể từ lúc bữa trưa bắt đầu nhưng đến khi bước lên sân khấu, ông lại nói về việc “Làm thế nào để hạnh phúc…”. Chà, có vẻ như nội dung ông trình bày chẳng ăn nhập gì với cách hành xử và ngôn ngữ cơ thể của ông. Trong một buổi lễ khác vài tuần sau đó, có một nữ diễn giả đã thể hiện cực kỳ tốt trên sân khấu nhưng khi ở lại để gặp gỡ khán giả, cô cứ ngáp ngắn ngáp dài và nhìn bâng quơ chứ không nhìn thẳng vào những người đang nói chuyện với mình. Một lần nữa, hành vi của vị diễn giả này cũng không tương đồng với thông điệp trong bài diễn thuyết của cô. Phải, chúng ta đều là con người và có lẽ người phụ nữ này đang mệt mỏi hoặc chưa quen với nhịp sinh học mới do bị lệch múi giờ, nhưng một khi đã chọn đứng trước công chúng thì bạn phải giữ phong độ ổn định cả trên sân khấu lẫn khi đã bước xuống. Nếu không, làm sao khán giả có thể tin lời bạn? Tôi sẽ chia sẻ những bí quyết giúp bạn làm chủ ngôn ngữ cơ thể của mình, và việc của bạn là vận dụng những bí quyết đó. Quan trọng là bạn sẽ phải tập luyện nhiều và sẽ cần ý thức về cơ thể mình để vận dụng thành thục những kỹ thuật kiểm soát ngôn ngữ cơ thể. Tôi có thể đảm bảo rằng một khi bạn đã hiểu và biết cách vận dụng hình thức giao tiếp phi ngôn từ này, bạn sẽ trở nên may mắn hơn, cả trong công việc lẫn trong chuyện tình cảm. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận những thay đổi lớn. Càng nỗ lực bao nhiêu, bạn sẽ càng may mắn bấy nhiêu, bởi “may mắn” chính là “LUCK”, và “LUCK” chính là chữ viết tắt của “Labour Under Correct Knowledge” (nỗ lực dựa trên sự hiểu biết đúng đắn). Ngôn ngữ cơ thể có thể được nhìn nhận như một hệ thống cảnh báo sớm về ý định, cảm xúc và tâm trạng. Chúng ta có một cử chỉ nhất định khi tiềm thức của ta muốn thể hiện một cảm xúc, ý định hoặc mong muốn mà ý thức còn chưa kịp nhận ra. Cơ thể biết ta muốn gì trước cả tâm trí ta. Khi có các bài diễn thuyết quan trọng, tôi thường vạch ra những động tác mà bản thân sẽ thực hiện như một cơ chế gợi nhắc, để mỗi cử chỉ đều có thể khơi gợi tâm trí tôi nhớ đến phần nội dung cần được trình bày. Nghiên cứu về việc ra quyết định chứng minh chúng ta thường quyết định trong vô thức và hành động trước khi ý thức được mình đang làm gì. Độ trễ giữa hành động và ý thức thường là từ bảy đến chín giây. Mỗi người chúng ta đều có thể là “chuyên gia đọc vị”, dù chính bản thân ta cũng không hề hay biết. Một vài người thật sự sẽ “nóng lên” khi họ nổi giận, và bạn có thể cảm nhận thân nhiệt của họ khi đến gần. Bạn thường sẽ nhận ra nếu có ai đó đang đi sau lưng bạn hoặc đang nhìn bạn. Trước cả khi kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, chúng ta đã có thể phản xạ cực nhanh để chụp một cái ly đang rơi, bắt một quả bóng đang bay về phía mình hoặc nhảy sang bên để tránh một vật thể lớn đang lao tới. Khi quan sát một con vật, ta có thể phần nào xác định liệu nó hiền lành hay hung hăng và sẽ cắn ta. Thế nhưng khi tham gia một cuộc họp, chúng ta lại không thể vận dụng thành thạo khả năng này để nhận định những thành viên khác thật sự nghĩ gì, hay đơn giản là đánh giá kết quả cuộc họp. Tôi vẫn thường nghe những người vừa bước ra từ phòng họp nói: “Cuộc họp thành công tốt đẹp”, nhưng rồi lại không thấy có bất kỳ tiến triển gì. Nguyên nhân chủ yếu là vì mỗi người chúng ta đều có những ý định riêng, và ý định của ta có thể không giống với mong muốn của người mà ta gặp gỡ. Đây là một trường hợp điển hình của việc không chủ động đầu tư tâm trí cho thời điểm hiện tại. Để tránh lâm vào tình huống này, hãy thường xuyên “tự kiểm chứng” để đảm bảo bạn và đối phương đều quan tâm cùng một vấn đề. Bạn có thể tập quan sát ngôn ngữ cơ thể của người khác để xác định họ đang nghĩ gì và có cảm giác thế nào, sau đó xác nhận với họ xem bạn đoán có đúng hay không. Bạn cũng có thể làm điều tương tự với người thân của mình. Khi chủ động dành thời gian để quan sát, đọc ngôn ngữ cơ thể của họ và biết được chúng ta đang mang đến cho họ cảm giác thế nào (đặc biệt là những lúc xảy ra tranh cãi), có lẽ chúng ta sẽ giải quyết vấn đề được nhanh hơn và đạt kết quả tốt đẹp hơn nhiều. Thực hành Mỉm cười và ngắm nhìn gương mặt mình trong gương mỗi sáng. Bạn đang thấy những gì người khác sẽ nhìn thấy ở bạn. Tập kiểm soát ngôn ngữ cơ thể mỗi ngày để tạo cảm xúc tích cực cho bản thân. Khi đang trò chuyện mà lại muốn gãi mũi, bạn hãy thử nghĩ xem tại sao mình lại muốn làm vậy. Liệu mũi bạn bị ngứa thật hay do bạn bị phân tâm? Bạn cũng có thể thay đổi chủ đề để thử xem mình có còn ngứa mũi nữa không. Quan sát xem ngôn ngữ cơ thể của bạn ảnh hưởng thế nào đến người khác. Bạn có thể thử sờ tay lên mặt hoặc rung chân khi nói chuyện và quan sát phản ứng của người đối diện. Cảm nhận xem cảm xúc của người khác tác động đến bạn ra sao. Nếu bạn có cảm giác tiêu cực, hãy lập tức thay đổi ngôn ngữ cơ thể để đưa tâm trí bạn trở về trạng thái tích cực. Luôn duy trì phong thái tự tin. Khi hiểu được những bí ẩn của ngôn ngữ không lời, bạn sẽ có thể giao tiếp và kết nối với mọi người nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả đôi bên. NGÔN NGỮ CƠ THỂ VÀ CÁI BẮT TAY ĐÁNG GIÁ TRIỆU ĐÔ Trong hai trường hợp dưới đây, bạn thấy mình giống với trường hợp nào hơn? Bạn có tay nghề và năng lực chuyên môn cao, nhưng mỗi khi gặp gỡ đối tác để bàn bạc công việc, thay vì để lại ấn tượng tốt đẹp thì bạn chỉ khiến đối phương nhận ra bạn đang rất hồi hộp, không chắc chắn và không kiểm soát được tình hình. Bạn đến buổi phỏng vấn ứng tuyển và cố thể hiện lòng đam mê dành cho công việc cũng như tinh thần sẵn sàng học hỏi, nhưng bạn lại gây ấn tượng rằng mình quá tự tin, thậm chí là kiêu ngạo và khó làm việc cùng đồng đội. Ngôn ngữ cơ thể của bạn đã truyền tải điều gì đến người đối diện? Liệu nó có khiến hình ảnh của bạn xấu đi trong mắt người khác hay thậm chí là che giấu con người thật của bạn không? Sau đây là bảy phương pháp phi ngôn từ có thể nhanh chóng giúp bạn tạo ấn tượng tốt đẹp trong vòng bảy giây đầu tiên khi gặp gỡ người khác: Mỉm cười. Điều chỉnh thái độ. Đứng thẳng người: dáng đứng này giúp bạn trông cao hơn, đồng thời cho thấy bạn là người tự tin và có năng lực. Giao tiếp bằng mắt. Vận dụng những tư thế mở. Đừng khoanh tay trước ngực hoặc đứng chéo chân. Thư giãn và thở đều. Thực hiện Cái bắt tay đáng giá triệu đô. Bây giờ, chúng ta sẽ phân tích sâu hơn về từng loại ngôn ngữ cơ thể, những điều nó tiết lộ về chúng ta và cách làm chủ ngôn ngữ cơ thể để đảm bảo ta luôn tạo được ấn tượng tích cực trong mắt người khác. CẢM XÚC VÀ ẤN TƯỢNG Trong bài 7 Surprising Truths about Body Language (tạm dịch: 7 Sự thật bất ngờ về ngôn ngữ cơ thể) được đăng trên tạp chí Forbes, nhà nghiên cứu về giao tiếp Nick Morgan đã cho biết ngôn ngữ cơ thể thường tiết lộ cảm giác của chúng ta vài giây trước khi ý thức của ta kịp ghi nhận cảm giác đó. Điều này nghĩa là nếu một người nào đó chú tâm quan sát bạn, họ có thể biết được cảm nhận của bạn trước cả khi bạn nhận ra. Dù bạn không muốn, nhưng cơ thể của bạn có thể đã phát ra một tín hiệu nào đó mà bạn không thể nào thu hồi. Ví dụ, bạn bước vào phòng với khuôn mặt rầu rĩ đang cúi gằm, sau đó bạn ngẩng cao đầu và tự nhủ: “Mọi việc sẽ ổn thôi”. Nhưng bộ dạng của bạn lúc nãy đã nói lên tất cả. Một đồng nghiệp chú ý quan sát bạn từ đầu có thể sẽ hỏi: “Em có sao không?”. Bạn vội trả lời: “Dạ không. Không có gì ạ”. Cả bạn lẫn người quan sát bạn đều biết rõ sự thật không như bạn nói. Nhưng thường thì chúng ta sẽ chọn phớt lờ thông điệp của cơ thể, vì ta muốn coi như không có chuyện gì, ta muốn tiếp tục công việc và muốn tin rằng mọi thứ đều ổn. Nick Morgan từng nói: “Mục đích cốt lõi của việc giải mã ngôn ngữ cơ thể là để hiểu được ý muốn của người khác, chứ không phải để xác định những ý nghĩ cụ thể của họ”. ÁNH MẮT Gương mặt, và nhất là đôi mắt, chính là những phương tiện giao tiếp phi ngôn từ hữu hiệu nhất. Mắt của chúng ta sẽ phản ứng trước nhiều loại tác nhân khác nhau, và một số phản ứng là hoàn toàn tự động. Hãy nhớ lại hồi còn nhỏ, khi chúng ta bị bố mẹ phát hiện là đang nói dối. Có thể đó là vì khi nhìn vào mắt chúng ta, họ thấy đồng tử của ta đang giãn nở. Tất nhiên, đồng tử không chỉ giãn nở khi ta nói dối, mà còn cả khi ta cảm thấy sợ hãi, tức giận hay thích thú. Một cái nheo mắt chớp nhoáng của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của người đối diện về bạn. Bạn nheo mắt để nhìn rõ hơn hay đó là vì bạn đang nói dối? Bất kể là có chủ ý hay không, chúng ta vẫn luôn truyền đi rất nhiều thông điệp qua đôi mắt của mình. Dù việc nhìn vào mắt người đối diện có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nhưng hãy thử nghĩ xem bản thân bạn có cảm giác gì khi tránh né ánh mắt của người khác, hoặc bạn cảm thấy thế nào và có ấn tượng ra sao về người thường tránh nhìn vào mắt bạn. Trong nhiều nền văn hóa, người tránh giao tiếp bằng mắt thường bị cho là thiếu trung thực và không tự tin. Ứng viên “gần như” hoàn hảo Một khách hàng của chúng tôi cần tuyển trợ lý điều hành mới. Anh cần một người làm việc có kế hoạch và trong buổi phỏng vấn, Michelle có vẻ là một ứng viên hoàn hảo. Vì trả lời được tất cả các câu hỏi, có bằng cấp phù hợp và kinh nghiệm cần thiết, nên Michelle đã được chọn. Trong thời gian Michelle thử việc, một số đồng nghiệp đã phàn nàn về cách hành xử của cô. Họ cho rằng Michelle thô lỗ và thích lấn lướt người khác. Thật ra, cô chưa bao giờ nói bất cứ điều gì tiêu cực, nhưng chính giọng điệu và ngôn ngữ cơ thể của cô đã khiến mọi người đánh giá như vậy. Cụ thể là Michelle hay đảo mắt khi nói chuyện và thường vội vã giành đường để vượt lên trước người khác. Sau một thời gian, Michelle tìm đến tôi để học cách giao tiếp phi ngôn từ vì cô muốn tránh làm cho đồng nghiệp và khách hàng cảm thấy khó chịu. Câu chuyện của Michelle đã minh chứng hành động có ý nghĩa hơn lời nói, và ấn tượng của chúng ta về người khác thường được tạo nên bởi nhiều yếu tố chứ không chỉ là những lời ta nói ra. NÉT MẶT Gương mặt có sáu loại biểu cảm với những ý nghĩa như nhau trên toàn thế giới: vui, buồn, sợ hãi, ghê tởm, ngạc nhiên và giận dữ. Hãy lưu ý đến những cảm xúc đang được biểu lộ trên gương mặt bạn cũng như cách bạn vận dụng những nét biểu cảm mà bạn thường thể hiện trong vô thức. Đừng bước vào phòng với vẻ mặt cáu kỉnh hay nhăn nhó, vì vẻ mặt đó sẽ lập tức khiến bầu không khí chuyển từ tích cực sang tiêu cực. Bạn có thể sẽ truyền đi thông điệp rằng bạn đang không vui, lo lắng, bất đồng quan điểm với người khác hoặc không bằng lòng về một việc nào đó. Trên thực tế, lý do bạn chau mày có thể đơn giản là bạn có thói quen làm vậy khi tập trung. Tương tự những trường hợp khác, có lẽ bạn không cố tình phát tín hiệu tiêu cực qua ngôn ngữ cơ thể và thậm chí còn không biết mình đang bị người khác hiểu lầm. Hãy đặt mình vào vị trí của người đối diện để tự quan sát bản thân và thực hiện bất cứ điều chỉnh nào có thể để cải thiện ngôn ngữ cơ thể. Bạn có thể làm được điều này bằng cách đứng trước gương và quan sát toàn bộ gương mặt của mình để xem bạn trông thế nào trong mắt người khác. Câu chuyện của Sarah Sarah - một tác giả được nhiều người mến mộ - đang trao đổi ý tưởng về quyển sách mới nhất của mình với biên tập viên Brad. Họ ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn. Sarah cảm thấy rất hào hứng và đang giải thích cặn kẽ cho Brad nghe ngay cả những chi tiết nhỏ nhất. Thế nhưng, cảm hứng và sự tự tin của Sarah dần tan biến khi Brad không biểu lộ chút cảm xúc nào, dù anh vẫn đang nhìn cô với đôi mắt có vẻ chăm chú. Anh không mỉm cười, không gật đầu khích lệ, không nghiêng người về phía trước và cũng chẳng nói lời nào. Sarah càng lúc càng nhỏ giọng và cuối cùng nói: “Có lẽ hôm nay không phải là ngày thích hợp để gặp nhau nhỉ. Chị có thể thấy là em không thích ý tưởng của chị”. “Ý chị là sao ạ? Ý tưởng của chị hay lắm.” “Nhưng em chẳng nói chẳng rằng và còn có vẻ rất chán nữa.” “Không phải đâu ạ, em chỉ tập trung nghe chị nói và không muốn ngắt lời chị thôi.” Ngày hôm đó, cả Sarah và Brad đều học được một bài học về các tín hiệu vô tình được cơ thể truyền đi và việc người khác có thể hiểu lầm ý nghĩa của các tín hiệu đó như thế nào. Vậy nên, ta cần kiểm tra lại với người đối diện, vì cách họ nhìn nhận ngôn ngữ cơ thể có thể hoàn toàn khác với của ta. Ngôn ngữ cơ thể mang tính chủ quan, và bạn sẽ phải tìm kiếm nhiều tín hiệu để hiểu được đối phương. Trong quá trình giao tiếp, hãy thường xuyên kiểm tra, đặt những câu hỏi mở và điều chỉnh lời nói cho phù hợp với ngôn ngữ không lời của bản thân để đạt được kết quả giao tiếp tốt nhất. Biểu cảm trên gương mặt bạn đang tiết lộ điều gì? Khi đọc tiếp danh sách dưới đây, bạn sẽ thấy biểu cảm và cử chỉ của mình có thể xuất phát từ những hành động có chủ đích (chẳng hạn như dụi con mắt bị ngứa), nhưng cũng có thể là dấu hiệu biểu lộ thái độ của bạn. Hãy để ý những biểu hiện trên gương mặt bạn cũng như cách người khác hiểu về chúng. Bạn sẽ không muốn truyền đi những tín hiệu sai lệch hoặc hiểu sai về ngôn ngữ cơ thể của người khác đâu. Dụi mắt Đây có thể là dấu hiệu cho thấy đối phương đang muốn làm bạn phân tâm khỏi một điều nào đó (như lời nói dối của chính họ chẳng hạn), hoặc đơn giản là mắt họ bị ngứa. Nếu người dụi mắt là bạn, có thể mắt bạn bị khô, nhức, mỏi, hoặc bạn vừa ở trong phòng máy lạnh hay bị bụi rơi vào mắt. Hành động dụi mắt còn có thể mang ý nghĩa là bạn không muốn nhìn thấy hoặc biết đến một chuyện gì đó ngay thời điểm hiện tại. Nếu có người đặt ra cho bạn một vấn đề, có thể bạn sẽ dụi mắt để tránh đối diện với nó. Lúc này, thông điệp bạn gửi đi sẽ khiến đối phương không yên tâm, đồng thời bạn cũng tự tạo cảm xúc tiêu cực cho bản thân: “Trời ơi, lại có vấn đề nữa rồi. Mình phải làm sao đây?”. Che mắt Chúng ta thường đưa tay che mắt để tránh nhìn thấy một thứ gì đó có thật, do ta tưởng tượng ra hoặc mới được nghe kể. Hành động này trông “hơi lố” và không hề có tính xây dựng. Tôi thường bịt mắt khi xem phim kinh dị, và các con của tôi cứ chọc quê tôi. Bạn sẽ không thể thoát khỏi một chuyện gì đó chỉ bằng cách bịt mắt. Sờ hoặc gãi mũi Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn không thoải mái hoặc không thích chủ đề đang bàn luận và muốn đổi sang chuyện khác. Cũng có thể bạn đang ngứa mũi, bị sổ mũi hoặc không thích mùi nào đó trong phòng. Khi đưa tay lên sờ mũi thì hầu như bạn sẽ che luôn cả miệng. Hành động che miệng có thể khiến người khác nghĩ rằng bạn bị hôi miệng, không tự tin về răng của mình, muốn che giấu một điều gì đó, hoặc thậm chí là đang nói dối. Lời khuyên tốt nhất tôi có thể đưa ra là đừng đưa tay sờ mặt hay che mặt, mọi người không biết tại sao bạn làm vậy và họ có thể sẽ thấy bối rối hoặc không tin tưởng bạn. Đảo mắt Đây là cử chỉ tỏ ý khinh thường đối phương và có phần trịch thượng. Người hay đảo mắt sẽ khiến đối phương nghĩ rằng họ thấy cuộc trò chuyện quá phiền phức, ngớ ngẩn hoặc sai lệch. Cử chỉ này làm cho người đối diện cảm thấy họ bị xem thường và không được lắng nghe. Bạn sẽ không tôn trọng một người hay đảo mắt và về sau sẽ không muốn chia sẻ ý tưởng với người đó nữa. Đó là lý do vì sao những người ưa đảo mắt vì cho rằng họ có lợi thế sẽ mất hết quyền lực trong cuộc giao tiếp. Nếu bạn là người hay đảo mắt, hãy bỏ hẳn thói quen đó. Thử nghĩ xem khi người trò chuyện với bạn cứ đảo mắt liên tục thì bạn sẽ cảm thấy thế nào - đây chính là cảm giác mà bạn tạo ra cho người khác. Đá lông nheo Đừng bao giờ thực hiện hành động này, bất kể là ở nơi công sở hay trong cuộc gặp gỡ. Nhìn đối phương qua cặp kính trễ Cử chỉ này có thể khiến bạn trông như đang phán xét hay ra vẻ kẻ cả với ai đó, dù có thể bạn làm vậy chỉ vì mắt bạn mắc hai tật khúc xạ khác nhau và bạn đang mang kính hai tròng. Mỉm cười Nụ cười có thể truyền tải thông điệp về thái độ tích cực và sự cởi mở. Nhưng hãy để ý đến cảm xúc của người khác và đừng bao giờ nở một nụ cười hớn hở khi đứng cạnh một người đang khóc hoặc có chuyện phiền lòng. Nụ cười gượng gạo rất dễ bị nhận ra nếu kéo dài quá lâu và không đi kèm với ánh mắt thoải mái. Vì vậy, bạn nên lưu ý khi kết nối bằng nụ cười. CỬ CHỈ Diễn giả kiêm chuyên gia về lĩnh vực giao tiếp Mark Bowden từng xác định khi bạn đang đứng, tư thế giúp bạn thể hiện được sự chân thành là để hai bàn tay ở khu vực giữa bụng, ngay trên rốn. Khi để tay như vậy, bạn vừa có vẻ đáng tin cậy vừa có thể giữ cho khuỷu tay của mình sát hông và thoải mái cử động hai bàn tay. Bạn có thể đan hai bàn tay vào nhau hoặc chỉ cần để các đầu ngón tay chạm nhau. Tư thế này hiện được nhiều chính khách sử dụng để tạo phong thái đĩnh đạc và khôn ngoan, nhưng nếu giữ như vậy quá lâu thì bạn sẽ trông như thể đang cảm thấy bất an rằng người khác có thể nhìn thấy rốn của bạn. Việc đặt tay trước bụng cũng có thể tạo ra rào cản trước mặt bạn, vì vậy hãy cẩn thận khi sử dụng tư thế này. Nếu thường huơ tay trong lúc trò chuyện thì bạn cần cân nhắc một số điểm sau đây: Cử động hai tay theo cùng một kiểu sẽ giúp bạn có vẻ đáng tin cậy hơn là mỗi tay làm một động tác khác nhau. Nếu đưa tay lên quá cao và che khuất gương mặt, bạn sẽ có vẻ như đang che giấu điều gì đó hoặc không thành thật. Việc với tay quá xa có thể là tín hiệu cho thấy bạn đang tha thiết muốn thuyết phục được đối phương hoặc đạt được thỏa thuận. Nếu bạn liên tục “nói” bằng tay, một số người sẽ cho rằng bạn đang cố thể hiện hoặc nhiệt tình quá mức. Hãy luôn lưu tâm đến việc bạn đang để lại ấn tượng gì trong mắt người khác. Bạn cần ý thức được rằng nếu sử dụng quá nhiều động tác tay, bạn có thể sẽ khiến người nghe bị xao nhãng và không còn tập trung vào nội dung cuộc trò chuyện. Khi đứng nói chuyện trước đám đông, bạn nên có những cử chỉ thể hiện sự tự tin thay vì những động tác nhỏ nhẹ, khép nép. Sân khấu càng lớn, khán giả càng đông thì cử động tay của bạn càng phải mạnh mẽ và có biên độ rộng hơn. Mọi người sẽ quan sát đôi tay bạn, vì vậy bạn hãy nắm rõ những động tác tay của mình đang truyền đạt thông điệp gì. Một số cử chỉ phổ biến Cử chỉ Đặt cả bàn tay hoặc các ngón tay lên miệng hoặc một bên miệng Cử chỉ này cho thấy bạn chưa muốn chia sẻ đ Dùng tay gãi cằm Đặt ngón trỏ hoặc cả bàn tay lên một bên mặt Đặt bàn tay dưới cằm, hoặc dùng ngón tay sờ cằm Dùng tay che miệng Ý nghĩa Động tác này có thể cho thấy bạn đang ra quy Bộ dạng này có thể cho thấy bạn đang mệt nê Cử chỉ này khiến bạn có vẻ như đang có nhữn Hành động này có thể cho thấy bạn muốn kiềm TƯ THẾ Ngay từ thời xa xưa, chúng ta đã được lập trình khả năng “đọc” ngôn ngữ cơ thể để có thể nhanh chóng nhận định xem kẻ lạ mặt đang từ xa tiến về phía mình là bạn hay thù. Sự sống còn của ta phụ thuộc vào việc ta có đọc được trạng thái cảm xúc của đối phương hay không, và cái đầu tiên ta sẽ đọc khi họ đến gần chính là tư thế của họ. Nếu bạn sắp bước vào một cuộc họp mà không cảm thấy tự tin, hãy thẳng lưng lên, ngẩng cao đầu, ưỡn ngực, hít thở sâu và mỉm cười. Khi đó, trông bạn sẽ cao và hiên ngang hơn. Mọi người sẽ đối xử với bạn như với một người tự tin, và thái độ của bạn đối với bản thân cũng sẽ thay đổi. Việc điều chỉnh tư thế có thể giúp bạn đạt được sự thay đổi lớn đó trong vòng vài giây. Một tư thế lòm khòm có thể khiến người khác nghĩ rằng bạn thiếu tự tin, không thấy tự hào về bản thân hoặc đang cạn kiệt năng lượng. Việc bạn khòm lưng không những cho người khác thấy là bạn đang chán nản, không biết hoặc không quan tâm đến những người khác nghĩ về bạn, mà còn có thể làm cho đồng đội của bạn bị xuống tinh thần. Vì vậy, bạn cần đặc biệt chú ý đến ngôn ngữ cơ thể, tác động của nó đối với bạn và người khác, cũng như những thông điệp mà nó chuyển tải khi bạn không hề hay biết. Hãy thử nghĩ xem dáng đi hay thế đứng của người khác có thể tạo cho bạn những cảm giác ra sao. Nói một cách cụ thể hơn, tư thế vai và lưng của bạn có thể tác động đến cảm nhận của người khác về bạn, làm thay đổi bầu không khí, cảm giác của chính bạn và của những người xung quanh. Nếu bạn bước vào văn phòng và thấy một người đang khòm lưng, chùng vai, chẳng buồn nhìn lên khi nghe tiếng bạn chào và trông như sắp kiệt sức tới nơi, tâm trạng của bạn sẽ lập tức xấu đi. Bạn bắt đầu có cảm giác nặng nề, như thể mình sẽ phải kéo theo một sợi dây xích gắn quả cầu sắt nặng trịch suốt cả ngày. Ngược lại, nếu một người có dáng ngồi thẳng thớm ngẩng lên nhìn bạn và mỉm cười khi bạn bước vào, bạn sẽ có tinh thần và động lực để cùng họ bắt tay vào việc ngay. Tư thế có thể mang đến cho ta cảm giác nhẹ nhõm hoặc nặng nề. Bạn có quyền lựa chọn cũng như thay đổi cảm nhận của bản thân và của những người xung quanh mà không cần phải nói một lời. Đúng là bạn không thể dạy hay học về thái độ, nhưng bạn có thể điều chỉnh cách thể hiện thái độ của chính mình. Hãy chú ý xem cơ thể đang tiết lộ điều gì về trạng thái cảm xúc của bạn. Thực hành Khi bạn ngồi ở bàn làm việc hoặc đi lại trong văn phòng, hãy dành một ít thời gian để xem lại tư thế của mình. Bạn có đang khòm lưng không? Vai bạn có thõng xuống hay cổ bạn có rụt vào giữa hai vai không? Bạn có đang khoanh tay hay bắt chéo chân không? Bạn có đang cúi gằm mặt không? Tư thế đó khiến bạn cảm thấy thế nào? Bạn nghĩ người khác sẽ có cảm giác gì khi họ nhìn bạn? Hãy thử thay đổi đôi chút: thả lỏng vai, ưỡn ngực, ngẩng cao đầu, giữ thẳng lưng và cổ. Bây giờ bạn cảm thấy thế nào? Bạn cho rằng cảm giác của người khác về bạn sẽ thay đổi ra sao? Hãy giữ nguyên tư thế mới và cảm nhận xem tâm trạng của bạn có tích cực hơn, tràn đầy năng lượng hơn, tự tin và chắc hơn hay không nhé. GIỌNG NÓI Giống như ngôn ngữ cơ thể, giọng nói cũng thể hiện thái độ và tâm trạng. Khi trò chuyện với khách hàng, giọng điệu của bạn nên ngầm truyền đạt thông điệp: “Tôi đang cố hết sức để giúp bạn”. Ngay cả khi không hiểu những lời bạn nói, đối tượng giao tiếp vẫn có thể hiểu giọng điệu của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn la rầy một con chó, nó sẽ ngưng ngay hành động đang làm; còn nếu bạn khen nó giỏi bằng giọng điệu thân thiện và vui vẻ thì nó sẽ vẫy đuôi. Tương tự, khi trò chuyện với mọi người, chúng ta thường có thể hiểu thêm một tầng ý nghĩa nào đó dựa trên giọng nói của họ. Bạn có thể thay đổi tâm trạng của người nghe chỉ bằng giọng nói của mình. Nếu bạn phản ứng với một người đang giận dữ bằng cách nói lớn tiếng, tỏ vẻ bực bội, mất kiên nhẫn và trịch thượng, rất có thể bạn sẽ khiến họ càng tức giận hơn và chẳng giải quyết được vấn đề gì. Thay vì vậy, hãy đối thoại bằng giọng kiên quyết nhưng từ tốn, vừa quan tâm vừa xoa dịu. Đừng bao giờ để giọng điệu của bạn nghe có vẻ như bạn đang xem thường đối phương hay muốn bác bỏ ý kiến của họ, mà hãy xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau để việc giao tiếp trở nên thoải mái, dễ chịu và mọi người cũng thấu hiểu nhau hơn. Hãy tự lắng nghe xem bản thân bạn và những người xung quanh đang nói chuyện với âm lượng thế nào. Bạn có nói quá to hay quá nhỏ so với bầu không khí chung không? Nếu có thì hãy điều chỉnh ngay. Tốc độ và ngữ điệu của giọng nói cũng rất quan trọng. Nếu đối phương nói nhanh hoặc chậm hơn bạn, hãy cân nhắc xem bạn có cần điều chỉnh tốc độ nói cho tương đương với họ không. Liệu bạn có đang nói quá chậm và làm họ mất kiên nhẫn hay đang liến thoắng đến mức họ không kịp hiểu bạn nói gì? Hãy nhớ rằng nhiều người thường cảm thấy căng thẳng khi trò chuyện với ai đó nói nhanh hơn họ. Bạn có thể tự điều chỉnh tông giọng của mình để phù hợp với tốc độ và âm lượng nói của người khác, nhưng đừng bao giờ cố bắt chước giọng nói hay ngữ điệu của họ. Điều này có thể sẽ diễn ra trong vô thức nhưng ngay khi bạn nhận ra, hãy lập tức dừng lại. Nhại giọng hầu như luôn được xem là một hành vi xúc phạm. Các yếu tố làm nên giọng nói hay: Rõ ràng, dứt khoát, thể hiện sự quan tâm Vui tươi, hứng khởi như ẩn chứa nụ cười Có âm điệu và tốc độ vừa phải, dễ nghe Có ngữ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng KHÔNG GIAN RIÊNG Ngôn ngữ cơ thể luôn đi đôi với không gian riêng của mỗi người. Vì vậy, bên cạnh ngôn ngữ cơ thể, bạn cũng nên ý thức về không gian riêng của mình và của những người khác. Bạn có thể vô tình hoặc cố ý gửi đi các thông điệp khác nhau qua khoảng cách mà bạn dành ra giữa bạn với đối phương. Chẳng hạn, khi bạn đứng thẳng, bạn sẽ thấy mình cao hơn, to hơn và chiếm nhiều không gian hơn theo hướng tích cực. Theo nguyên tắc thông thường, không gian riêng của mỗi người có thể có bán kính lên đến nửa mét, và nếu bạn bước vào khu vực đó thì họ có thể cảm thấy bạn đang xâm phạm không gian của họ. Khi trò chuyện, bạn có thể đứng cách người đối diện khoảng một mét để cả hai đều cảm thấy thoải mái. Khoảng cách dưới một mét sẽ khiến đôi bên bắt đầu thấy ngại ngùng, khó xử. Bên ngoài khoảng không gian đó là không gian công cộng. Tất nhiên, nguyên tắc này có thể thay đổi tùy theo văn hóa cũng như quốc gia mà bạn đang sinh sống và làm việc. Cá nhân tôi cảm thấy rất khó chịu khi người khác xâm phạm không gian riêng của mình, đặc biệt nếu họ chồm người tới hoặc đứng quá gần và cúi xuống nhìn tôi. Khi đó, năng lượng của họ như đang “ập vào” mặt tôi, và cảm giác này thật không thoải mái chút nào. Khoảng cách này chỉ thích hợp với những người đang có quan hệ tình cảm, nhất là ở giai đoạn tán tỉnh khi hai người muốn lại gần và chạm vào nhau. Trong các trường hợp khác, đây là một nước đi thể hiện quyền lực và có thể khiến đối phương cảm thấy khó chịu, bồn chồn. Khi nói chuyện với một người đang ngồi (làm việc trước máy tính chẳng hạn), tôi sẽ kéo ghế ngồi cạnh người đó để cả hai ngang tầm với nhau theo đúng nghĩa đen, nhờ vậy chúng tôi có thể cùng tập trung vào công việc mà không ai cảm thấy bất tiện hay thấy mình có vị trí thấp hơn. Nếu cần sử dụng máy tính, tôi sẽ xin phép người đó cho tôi sử dụng máy của họ và đề nghị đổi chỗ để tôi có thể ngồi ngay trước màn hình, thay vì ngồi ở ngoài và chồm qua người họ để thao tác. Việc đứng hay ngồi gần đồng nghiệp với khoảng cách chưa đầy nửa mét, hoặc tự ý sử dụng tài sản và không gian văn phòng của họ là những hành động cho thấy bạn thiếu tôn trọng đồng nghiệp và không hiểu các giới hạn nơi công sở. Ngược lại, nếu giữ khoảng cách quá xa với người đối diện, xoay người ra hướng khác hoặc không nghiêng người về phía họ một chút để tập trung lắng nghe, bạn có thể truyền tải thông điệp là bạn đang không thoải mái, thiếu lòng tin, hoặc không quan tâm đến cuộc trò chuyện hay gặp gỡ đó. Hành động xoay người đi hướng khác có thể được đối phương hiểu là “tôi không muốn tham gia chuyện này”. Khi có ai đó không tập trung vào những gì bạn đang nói trong một cuộc họp, hãy giơ cao tờ giấy liệt kê những điều cần lưu ý hoặc mẩu quảng cáo và dùng một cây viết để chỉ cho họ thấy một điều gì đó quan trọng, buộc họ phải xoay người về phía bạn và chú ý đến cuộc thảo luận. Sau khi đã khiến họ chú tâm trở lại, bạn có thể tiếp tục cuộc họp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu xem vì sao người ta lại quay đi. Có phải bạn đã khiến họ phật lòng, chán nản hoặc không tin tưởng bạn? Có phải bạn có mùi cơ thể hoặc đã xịt quá nhiều nước hoa? Có phải bạn vừa uống cà phê hay hút thuốc? Hãy luôn giữ cho cơ thể của mình sạch sẽ và thơm tho. Mùi cơ thể hoặc hơi thở có thể là một rào cản lớn khiến người khác không muốn tiếp xúc nhiều với bạn. Ngôn ngữ cơ thể của người đối diện có thể cho bạn biết nhiều điều về họ, nhưng đồng thời cũng có thể chuyển tải những thông điệp về bản thân bạn. Hãy để ý những thông điệp này, cân nhắc ý nghĩa của chúng và có những hành động phù hợp để làm cho người khác cảm thấy thoải mái cũng như hứng thú khi trò chuyện với bạn. Câu chuyện của tôi Hồi tôi khoảng hai mươi hai tuổi và đang làm việc cho ngân hàng, tôi bắt đầu quan sát ngôn ngữ cơ thể của khách hàng và để tâm đến những cử chỉ cũng như hình ảnh của bản thân. Tôi nhanh chóng nhận ra mọi người có cách phản ứng khác khi tôi điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể của mình. Khi chủ động mỉm cười trong lúc giữ cho lưng thẳng, ngực ưỡn, đầu ngẩng cao, tôi cảm thấy tâm trạng mình tốt lên, và những người xung quanh tôi cũng bắt đầu thấy thoải mái, vui vẻ hơn. Khi tiếp xúc với khách hàng, tôi thể hiện sự quan tâm qua từng cử chỉ của mình và quan sát các dấu hiệu phi ngôn từ của họ. Nếu thấy khách hàng đang vội, tôi sẽ không làm mất thời gian mà chỉ nói ngắn gọn: “Thưa bà Jones, ngân hàng chúng tôi vừa ra mắt một sản phẩm tiết kiệm mới. Tôi biết bà đang bận, vậy nên tôi xin phép gửi bà một số thông tin để bà mang về đọc”. Lúc này, bà Jones có thể đáp: “À không, cô nói luôn bây giờ cũng được”, hoặc: “Cảm ơn, chúng ta sẽ trao đổi sau nhé”. Nhờ hiểu ngôn ngữ cơ thể của khách hàng mà tôi có thể xác định liệu họ có thời gian không, có quan tâm đến sản phẩm tôi giới thiệu không, hay thậm chí là họ đang cảm thấy thế nào. Nếu khách hàng trông có vẻ không vui thì dù họ không nói gì, tôi vẫn hỏi: “Em có thể giúp được gì khác không ạ?”, hoặc “Mọi việc vẫn ổn cả chứ ạ?”. Một khi bạn đã chủ động mở lời, đối phương thường sẽ chia sẻ với bạn. Đây chính là cách để bạn giúp đỡ khách hàng và khởi đầu một mối quan hệ tốt đẹp. Nếu có một người bước vào ngân hàng với vẻ bực bội, tự nhiên tôi cũng thấy khó chịu theo. Vì giống như hầu hết mọi người, tôi đã lập tức sao chép hành vi và thái độ của vị khách hàng đó. Sau này khi nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể, tôi mới hiểu chúng ta có phản ứng như vậy vì sở hữu một loại tế bào não được gọi là tế bào thần kinh gương. Các tế bào thần kinh này được kích hoạt khi chúng ta thể hiện một cảm xúc hay thực hiện một hành động, hoặc khi ta chứng kiến người khác trải qua trạng thái cảm xúc đó hay thực hiện hành động đó. Đây cũng là lý do vì sao chúng ta có thể đồng cảm với người khác. Tôi dần nhận ra cảm xúc tôi đang có không hẳn là của tôi, mà là của khách hàng hoặc những người mình đang tiếp xúc. Tôi không cần phải buồn bã hay bối rối như họ để giúp được họ. Thay vì vậy, tôi chỉ cần lắng nghe và suy nghĩ xem mình có thể làm gì cho họ. Tôi nhận ra sẽ không hiệu quả chút nào nếu tôi khuyên một người đang trong cơn bực bội nên làm gì. Đó là lý do vì sao trước khi giúp khách hàng giải quyết vấn đề, tôi luôn cố gắng làm cho họ cảm thấy thoải mái hơn. Chỉ khi tìm được thời điểm thích hợp, tôi mới bắt đầu đưa ra lời khuyên hoặc chia sẻ những thông tin mình có với họ. Tôi thường hỏi thăm khách hàng xem họ có đang gặp vấn đề gì không và chú ý lắng nghe câu trả lời. Vì ý thức được ngôn ngữ cơ thể mình, nên tôi ngồi với tư thế cho thấy thái độ sẵn lòng hỗ trợ nhưng không áp đảo và chăm chú nhìn khách hàng. Tôi sẽ dành cho họ toàn bộ sự chú ý của mình, sau đó nhẹ nhàng nói những câu như: “Tôi rất tiếc vì ông đã gặp phải vấn đề này, thưa ông Jones. Theo ông thấy thì vấn đề này nên được giải quyết như thế nào ạ”. Có thể Jones cảm thấy bực bội vì chưa hiểu về thủ tục ngân hàng, cũng có thể ông hiểu nhưng cứ khăng khăng rằng mình không hiểu. Ngay cả khi đã tự mình trình bày hoặc đã nghe người khác phổ biến quy định cho Jones biết, tôi cũng không bao giờ nói sự thật này ra để phản bác lời nói của Jones. Trái lại, tôi vẫn sẽ lắng nghe Jones và thể hiện sự tôn trọng dành cho ông qua lời lẽ và cử chỉ của mình để không ai bị mất mặt. Sau khi vấn đề được giải quyết, tôi sẽ dùng lời lẽ thích hợp và phải phép để phổ biến lại thông tin cho ông. Đừng đổ thêm dầu vào lửa. Điều quan trọng không phải là bạn đúng hay sai, giận dữ hay khó chịu, mà là giúp đỡ đối phương và khiến họ hiểu rằng có người đang nghiêm túc lắng nghe họ. Hãy hơi ngả người và nghiêng đầu về phía họ, đồng thời nhìn vào mắt họ để chứng tỏ bạn thật sự đang lắng nghe và quan tâm đến họ. Sau đó hãy hỗ trợ họ bằng tất cả khả năng của mình. VẬN DỤNG NGÔN NGỮ CƠ THỂ ĐỂ XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ Một cách hiệu quả để xây dựng mối quan hệ là khéo léo điều chỉnh ngôn ngữ cơ thể của bạn cho “khớp” với ngôn ngữ cơ thể của đối phương như tư thế, nhịp thở và cử chỉ. Ví dụ, nếu họ ngả người ra sau thì lát sau bạn có thể kín đáo làm y như vậy. Hoặc bạn cũng có thể “phản chiếu” hành động của họ, ví dụ như họ nghiêng đầu sang trái thì bạn nghiêng đầu sang phải. Chẳng mấy chốc, họ sẽ cảm thấy bạn có điểm gì đó rất đáng mến và dễ nói chuyện. Hãy nhớ là bạn chỉ nên phản chiếu những cử chỉ mà bạn thấy tự nhiên chứ đừng cố gắng bắt chước, hay nói cách khác là chỉ cần hòa cùng một nhịp với họ. Đồng thời, đừng quên giữ cho ngôn ngữ cơ thể nhất quán với lời nói của bạn. Quan trọng hơn cả, bạn cần lưu ý rằng điểm mấu chốt của hai phương pháp trên chính là sự tinh tế. BA SỰ THẬT VỀ NGÔN NGỮ CƠ THỂ VÀ GIAO TIẾP PHI NGÔN TỪ Ngôn ngữ cơ thể là một phần không thể thiếu trong mọi hoạt động giao tiếp hằng ngày. Ngay cả khi nói chuyện điện thoại, bạn cũng có thể gửi đi một thông điệp nào đó qua giọng điệu của mình. Càng ý thức về ngôn ngữ cơ thể của mình, bạn sẽ càng biết cách vận dụng nó để kết nối với người khác và càng hiểu rõ những thông điệp từ ngôn ngữ cơ thể của họ. Vì ngôn ngữ cơ thể mang tính chủ quan nên trong đa số trường hợp, bạn phải xem xét nhiều tín hiệu mới có thể đánh giá xem người kia có thật sự hứng thú với cuộc trò chuyện hay không. Ngôn ngữ cơ thể có nhiều ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau. Hành động khoanh tay trước ngực có thể ngụ ý rằng bạn muốn tạo khoảng cách với đối phương, không thích những gì họ nói hoặc không cảm thấy thuyết phục. Ngay cả việc ôm một tập hồ sơ trước ngực cũng có thể mang một ý nghĩa mà bạn không hề ngờ tới, đó là tạo sự ngăn cách giữa bạn với người đối diện. Tư thế khoanh tay có thể được hiểu là bạn đang thu mình và không muốn tham gia trò chuyện, nhưng thực tế đôi khi lại đơn giản là bạn thấy lạnh, mệt mỏi hoặc không thoải mái. Thậm chí, có thể bạn chỉ khoanh tay để có cảm giác dễ chịu như khi được ôm. Dù sao đi nữa, nếu bạn đang trình bày một điều gì đó và tất cả người ngồi trong phòng đều khoanh tay lại, hãy thử kiểm tra xem nhiệt độ phòng có quá thấp hay bạn có làm họ chán ngấy không. Hãy duy trì trạng thái “mở” cả về tư thế lẫn tư duy để đón nhận những thông tin và cơ hội mới. Nếu tham dự một sự kiện xã giao, chắc hẳn bạn sẽ không muốn bắt chuyện với một người đang khoanh tay. Bản thân người đó có thể cảm thấy thoải mái khi khoanh tay, nhưng cử chỉ đó lại khiến họ có vẻ khó gần và làm cho người khác e dè. Nếu bạn có thói quen này, hãy lập tức điều chỉnh. Bạn thấy đấy, một cử chỉ có thể được diễn giải thành rất nhiều thông điệp. Đây là lý do vì sao bạn luôn phải ý thức được ngôn ngữ cơ thể của mình và những ý nghĩa mà người khác có thể suy ra từ đó. Trong từng tình huống giao tiếp cụ thể, bạn phải liên tục tự đánh giá về ngôn ngữ cơ thể của bản thân để điều chỉnh hoặc thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh cũng như thông điệp mà bạn muốn truyền tải. Mỗi cử chỉ có thể được hiểu theo nhiều cách, vì vậy bạn cần lưu ý về một số việc nên và không nên làm như sau: Chỉ chạm vào người mà bạn quen thân, nếu không thì bạn chỉ được bắt tay hoặc chạm vào khuỷu tay họ. Khuỷu tay là “khu vực tin tưởng” - bạn có thể chạm vào khuỷu tay người khác để dẫn đường cho họ hoặc kết nối với họ, nhưng chỉ khi được người đó đồng ý và trong hoàn cảnh văn hóa phù hợp. Nếu bạn muốn chỉ cho người khác thấy một điều gì đó hấp dẫn thì khi đưa tay ra để chỉ, hãy duỗi thẳng cánh tay và để ngửa mặt trong của cẳng tay cũng như lòng bàn tay. Đây là một động tác đơn giản, lịch sự, thường được sử dụng trong các trò chơi truyền hình để chỉ cho người chơi thấy phần thưởng hoặc vị trí mà họ cần di chuyển đến. Ngược lại, dùng ngón tay để chỉ với lòng bàn tay và mặt trong của cẳng tay úp xuống sẽ tạo cảm giác như bạn đang ra lệnh hay chỉ đạo người khác, khiến họ cảm thấy bị ép buộc và có thể sẽ không muốn nghe theo. Hãy kiểm soát phong thái mà bạn thể hiện qua các động tác. Nếu cứ cúi gằm mặt trong lúc nói chuyện với người khác thì bạn sẽ khiến bản thân bị yếu thế, vì lúc đó trông bạn có vẻ không chắc chắn, không biết mình đang nói gì hoặc vẫn đang tìm kiếm câu trả lời. Việc bạn cúi đầu xuống còn có thể làm cho tóc phủ lòa xòa trước mặt, buộc bạn phải vuốt hoặc hất tóc ra phía sau. Động tác này có thể gây hệ quả là khiến đối phương mất tập trung và không còn chú ý lắng nghe bạn nữa. Gãi gáy là dấu hiệu cho thấy bạn đang lúng túng trước một câu hỏi khó, hoặc đang bị đối phương làm cho bối rối đến mức ngứa ngáy chân tay. Hành động vuốt tóc sẽ khiến bạn trông như đang tán tỉnh đối phương, nhưng cũng có thể biểu lộ là bạn đang lo lắng và khiến người đối diện cảm thấy bồn chồn theo. Nếu không nhìn người đang đối thoại với mình mà nhìn vào khoảng không gian phía sau lưng họ, bạn sẽ bị cho là không tập trung, coi thường đối phương hoặc muốn chuyển sang chủ đề khác. Động thái liếc nhìn đồng hồ trong buổi họp hoặc trong cuộc trò chuyện sẽ làm cho mọi người cảm thấy khó chịu. Nhiều người sẽ mặc định hành động này có nghĩa là bạn muốn rời đi và không muốn lắng nghe họ nữa, dù bạn không hề có ý đó. Không những thế, khi có ai đó nhìn đồng hồ, một số người còn có cảm giác bị hối thúc vì sắp hết giờ. Việc bạn liên tục thay đổi tư thế có thể được hiểu là bạn đang hồi hộp, lo lắng, không thoải mái, buồn chán. Đó cũng có thể là biểu hiện của sự lúng túng, khó xử, chẳng hạn như khi bạn bị hỏi những câu hỏi khó, khi bạn cho rằng mình không thể kiểm soát tình hình hay vừa lỡ lời. Tất cả chúng ta đều sử dụng những cử chỉ kể trên, thường là trước cả khi ta mở lời. Như bạn đã thấy, mỗi cử chỉ của chúng ta có thể mang nhiều thông điệp khác nhau, bất kể ta có ý định truyền tải những thông điệp này hay không. Hãy cân nhắc xem mọi người xung quanh đang hiểu thế nào về ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ của bạn. Đôi khi, ta làm một điều gì đó để bản thân cảm thấy thoải mái nhưng lại vô tình khiến người khác khó chịu. Khi tình trạng này xảy ra, chúng ta sẽ không thể xây dựng được mối quan hệ bình đẳng với người khác và cũng không thể tạo điều kiện thuận lợi cho đôi bên. Hãy ý thức rõ về bản thân bạn trước khi kết nối với người khác. Hãy tự hỏi: “Tại sao mình lại khoanh tay? Hành động này sẽ khiến người khác nghĩ gì? Tại sao mình lại làm việc này hay việc kia?”. Theo thời gian, bạn sẽ có thói quen cân nhắc kỹ càng hành động của bản thân, nhưng trước hết bạn cần ý thức được những cử chỉ của mình. Một số bí quyết hữu ích Yếu tố then chốt để giúp bạn có được ngôn ngữ cơ thể tích cực chính là khả năng tự nhận thức. Bạn cần nắm rõ những tín hiệu mà bạn đang truyền đi cũng như các loại mùi mà người khác có thể ngửi thấy khi đứng gần bạn (chẳng hạn như mùi nước hoa quá nồng, mùi thuốc lá, hơi thở có mùi cà phê), đồng thời bạn cũng cần học cách vận dụng ngôn ngữ không lời để đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất. Hãy đánh giá ngôn ngữ cơ thể của bản thân bạn. Bạn có thể nhờ một người bạn xác định những thói quen mà bạn không để ý đến nhưng có thể làm người khác khó chịu như cắn móng tay, gãi đầu hay chau mày. Những cử chỉ này có thể sẽ khiến bạn trông có vẻ căng thẳng hoặc không đáng tin cậy, gây bất lợi cho bạn trong cuộc họp hoặc buổi phỏng vấn. Hãy nỗ lực từ bỏ những thói quen xấu. Ví dụ, nếu bỏ được tư thế khòm lưng khi ngồi ở bàn làm việc, bạn tự nhiên sẽ có thể ngồi thẳng lưng khi vào phòng họp mà không còn phải cố gắng nữa. CHƯƠNG 3 Hành Vi Bạn thường hành xử như thế nào? Không phải niềm tin mà chính cách hành xử mới giúp bạn cải thiện bản thân. Việc hiểu được bản thân là ai và thường hành xử như thế nào trong các tình huống khác nhau sẽ thay đổi cách chúng ta giao tiếp, trao đổi và bắt tay với người khác, giúp tất cả các bên đều đạt được điều mình mong muốn. Có bao giờ bạn có cảm giác như mọi người không hiểu mình, bạn không thích làm việc với ai đó, hoặc trạng thái cảm xúc của họ khiến tâm trạng của bạn bị chùng xuống không? Bạn lúc nào cũng vui vẻ, hay bạn thường thấy chán nản, bực bội và ước gì mình biết được nguyên nhân đằng sau những cảm xúc tiêu cực đó? Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem bạn có thể hiểu thế nào về phong cách hành vi của chính mình cũng như của những người xung quanh. Tuy mỗi người là một cá thể độc nhất - điều này không có gì phải bàn cãi - nhưng đồng thời, chúng ta cũng có những đặc điểm hành vi giống nhau. Một số người có thể thích trở thành tâm điểm của sự chú ý trong khi những người khác thích làm việc một mình. Bên cạnh phong cách hành vi của riêng mình, chúng ta cũng dần học hỏi và thích ứng với phong cách hành vi của những người khác trong quá trình giao tiếp. Khi đã hiểu rõ hơn về bản thân mình, chúng ta sẽ có thể khơi niềm đam mê và phát huy thế mạnh, đồng thời nhìn nhận và tìm cách khắc phục các điểm yếu. Hầu hết những cách hành xử tiêu cực đều bắt nguồn từ việc ta không ý thức được mình đang gây ảnh hưởng đến cả bản thân lẫn những người xung quanh. Khi biết trau dồi và phát huy ưu điểm của mình, chúng ta sẽ có thể làm cho cuộc sống bớt căng thẳng và trở nên thú vị hơn, vui vẻ hơn, cả về mặt cá nhân lẫn công việc. Nhờ vậy, ta có thể kết nối với mọi người và đạt được những kết quả mỹ mãn, khiến đôi bên đều cảm thấy hài lòng. Biết về phong cách hành vi của bản thân là chìa khóa để bạn hiểu được cách mình phản ứng và giúp bạn đáp ứng nhu cầu của chính mình cũng như của người khác. Sự hiểu biết về phong cách hành vi cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực bán hàng và dịch vụ, khi mục tiêu của chúng ta là cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất. Và chúng ta có thể đạt mục tiêu này nếu hiểu được phong cách hành vi của khách hàng và dựa vào đó để cung cấp dịch vụ phù hợp. Ví dụ, chúng ta thấy người mua có thể thuộc tuýp người muốn dành thời gian tìm hiểu và sẽ đặt nhiều câu hỏi trước khi quyết định mua sản phẩm, hoặc là đã biết chính xác mình cần gì và không muốn mất thời gian trao đổi. Một khi đã hiểu được những hành động này xuất phát từ phong cách hành vi của khách hàng, ta sẽ biết cách làm họ hài lòng. ĐIỀU GÌ KHIẾN BẠN KHÁC BIỆT? Để trả lời câu hỏi trên, ta sẽ bắt đầu với việc xem xét khuynh hướng hành xử của bản thân trong các loại tình huống khác nhau. Bảng phân loại hành vi DISC sẽ giúp chúng ta thực hiện việc này. Nói đến bảng phân loại DISC, chúng ta cần quay ngược thời gian về năm 1928, khi nhà tâm lý học William Moulton Marston phát triển một học thuyết tập trung vào bốn đặc điểm hành vi: Dominance (Thống trị), Inducement (Xui khiến), Submission (Phục tùng), Compliance (Tuân thủ). Ông đã viết về nghiên cứu này trong quyển Emotions of Normal People (tạm dịch: Cảm xúc người thường). Đến năm 1956, Walter V. Clarke - nhà tâm lý học người Mỹ chuyên về mảng nghề nghiệp - đã sử dụng học thuyết của Marston để phát triển bảng đánh giá tính cách DISC. Kể từ đó, rất nhiều tổ chức đã điều chỉnh và ứng dụng hệ thống đánh giá này cho phù hợp với thời đại cũng như tình huống cụ thể. Bản thân tôi cũng sử dụng một phiên bản điều chỉnh dựa trên mô hình của Clarke để phù hợp với khách hàng của mình cũng như bối cảnh hiện tại. VÌ SAO VIỆC XÁC ĐỊNH PHONG CÁCH HÀNH VI LẠI QUAN TRỌNG? Khi hiểu được chúng ta thường hành xử với những người khác nhau trong những tình huống cụ thể như thế nào và vì lý do gì, ta sẽ có thể kiểm soát hành động của mình và xây dựng các mối quan hệ bền vững hơn, tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, khi xác định được phong cách hành vi của người khác, bạn sẽ biết cách làm cho họ cảm thấy thoải mái và giúp họ đạt được những kết quả như ý trong quá trình hợp tác. Đồng thời, bảng phân loại hành vi DISC cũng giúp ta hiểu rõ hơn về bản thân mình. Sau khi hoàn thành bảng phân loại hành vi trong chương này, bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về cách bản thân thường phản ứng trong nhiều tình huống khác nhau. Dựa vào khuynh hướng hành vi của mình, bạn sẽ có thể giữ thế chủ động để đạt được kết quả có lợi cho bạn và mọi người. Việc bạn thuộc nhóm hành vi nào không quan trọng, vì không có phong cách hành vi nào là tốt hay xấu, đúng hay sai. Bất kể kết quả phân loại của bạn là gì, đó vẫn là phong cách phù hợp nhất với bạn. MỐI LIÊN HỆ GIỮA NGHỀ NGHIỆP VÀ PHONG CÁCH HÀNH VI Càng hiểu rõ bản thân là ai và có những thế mạnh gì, bạn càng dễ chọn cho mình một công việc đúng sở trường và khiến bạn hạnh phúc. Chúng tôi từng hợp tác với nhiều đơn vị tuyển dụng và đã sử dụng phương pháp phân loại hành vi DISC để giúp họ tuyển được ứng viên phù hợp cho từng vị trí. Chúng tôi cũng hỗ trợ nhiều người tìm việc xác định đúng lĩnh vực mà họ có thể phát huy, phù hợp với khả năng và tính cách của họ. Điều chúng tôi đã phát hiện ra chính là nếu có thể tuyển đúng người đúng việc thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc, công sức, cũng như thời gian tư vấn và đào tạo về sau. Bảng phân loại phong cách hành vi Bảng trắc nghiệm sau đây có hai mươi ba mục, mỗi mục có bốn câu. Hãy chọn câu miêu tả đúng nhất về bản thân bạn và khoanh tròn con số ứng với câu đó ở cột bên phải. Bạn chỉ mất từ năm đến bảy phút để hoàn thành bảng trắc nghiệm này, do đó hãy bắt tay làm ngay nhé! A Tôi thường hơi rụt rè 1 Tôi thường khá quyết đoán và táo bạo 2 Tôi ăn to nói lớn và có cá tính mạnh mẽ 3 Mọi người thường thấy tôi đáng tin cậy 4 B Tôi không thích bị chỉ trích 1 Tôi không dễ đầu hàng 2 Tôi thích những trò vui 3 Tôi rất hay giúp đỡ người khác 4 C Tôi thường rất cẩn trọng 1 Tôi là người có quyết tâm cao 2 Tôi có tài thuyết phục người khác 3 Tôi thường thân thiện với mọi người 4 D Tôi tuân thủ luật lệ 1 Tôi luôn sẵn lòng thử cái mới 2 Tôi là người có duyên và thu hút người khác 3 Lòng trung thành là một trong những điểm mạnh của tôi 4 E Tôi không thích tranh cãi 1 Tôi luôn tập trung thực hiện mục tiêu 2 Mọi người nói tôi đầy sức sống 3 Tôi luôn sẵn lòng có mặt khi người khác cần 4 F Tôi là người cầu toàn 1 Tôi thường đưa ra các ý tưởng sáng tạo 2 Tôi rất giỏi thuyết phục 3 Tôi tự thấy mình là người lịch thiệp 4 G Tôi nhìn nhận cuộc sống bằng thái độ cởi mở 1 Tôi có chủ kiến khá vững vàng 2 Tôi tự tin vào bản thân 3 Nhiều người nói tôi là kiểu người biết thông cảm 4 H Tôi thích mọi thứ phải rõ ràng và chính xác 1 Tôi có thể thiếu kiên nhẫn 2 Tôi thích cười đùa 3 Tôi không tự tin cho lắm 4 I Tôi tôn trọng người già và các nhà chức trách 1 Tôi luôn sẵn sàng mạo hiểm và thử cái mới 2 Tôi tin mọi việc rồi sẽ tốt đẹp 3 Tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác 4 J Tôi là người chu đáo 1 Tôi là người chú trọng kết quả 2 Tôi luôn vui vẻ 3 Tôi lắng nghe những gì người khác nói 4 K Tôi kiên trì theo đuổi điều mình muốn 1 Tôi có ý chí mạnh mẽ 2 Tôi là người hoạt ngôn và thích ở cạnh người khác 3 Tôi là người biết lắng nghe 4 L Tôi là người lý trí 1 Tôi thích sự cạnh tranh 2 Tôi không nghiêm trọng hóa cuộc sống 3 Tôi luôn nghĩ cho người khác 4 M Mọi người tôn trọng tôi 1 Nhiều người nói tôi có cá tính mạnh 2 Tôi có trí tưởng tượng phong phú 3 Tôi thường đối xử tốt với mọi người 4 N Tôi là người biết vâng lời 1 Người khác không thể hạ nhục tôi 2 Tôi thích vui chơi 3 Tôi thích gọn gàng sạch sẽ 4 O Tôi luôn sẵn sàng làm theo mệnh lệnh 1 Tôi không dễ khiếp sợ 2 Mọi người cho rằng ở bên tôi thật thú vị 3 Tôi là người khá bình tĩnh 4 P Tôi là người hay chỉ trích 1 Tôi thích tranh luận với người có lý lẽ 2 Tôi luôn lạc quan về cuộc sống 3 Tôi sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình 4 Q Tôi thích sự thanh bình và yên tĩnh 1 Tôi thích sự thay đổi 2 Tôi có một thái độ hết sức tích cực 3 Tôi thường dễ tin tưởng người khác 4 R Tôi là người có óc xét đoán chứ không cực đoan 1 Tôi thường đưa ra quyết định nhanh chóng 2 Tôi dễ tiếp nhận ý kiến của người khác 3 Tôi nghĩ biết cách cư xử là rất quan trọng 4 S Tôi thích làm việc một mình 1 Tôi thường nói đúng sự thật 2 Tôi là người dễ hòa đồng 3 Tôi khá nhạy cảm 4 T Tôi là người bảo thủ 1 Tôi thích chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong mọi chuyện 2 Tôi thích tán gẫu với mọi người 3 Tôi thích làm việc riêng với từng người 4 U Tôi thích xử lý mọi việc một cách thận trọng 1 Tôi rất liều lĩnh 2 Tôi khá bốc đồng 3 Tôi sẵn sàng làm hài lòng người khác 4 V Tôi thích cư xử đúng đắn 1 Tôi thấy khó thư giãn 2 Tôi có quan hệ rộng 3 Tôi thích giúp đỡ người khác 4 W Tôi ít khi lớn tiếng 1 Tôi là kiểu người tự lập, luôn tự lo mọi việc 2 Tôi là người quảng giao 3 Tôi rất kiên nhẫn 4 Tính điểm Bạn đã khoanh tròn bao nhiêu số 1? = C Bạn đã khoanh tròn bao nhiêu số 2? = D Bạn đã khoanh tròn bao nhiêu số 3? = I Bạn đã khoanh tròn bao nhiêu số 4? = S Hãy đảm bảo tổng điểm = 23 Tổng ª Các thuật ngữ Marston sử dụng là Dominance (Thống trị), Inducement (Xui khiến), Submission (Phục tùng), Compliance (Tuân thủ). Các thuật ngữ tôi sử dụng là Directing (Chỉ đạo), Influencing (Ảnh hưởng), Stabilising (Kiên định), Complying (Nguyên tắc) Bạn ghi điểm cao nhất ở chữ cái nào? (Chọn một) D = Directing (Chỉ đạo) I = Influencing (Ảnh hưởng) S = Stabilising (Kiên định) C = Complying (Nguyên tắc) Bạn có phong cách hành vi __________. Chắc hẳn bạn đang rất thắc mắc việc mình vừa làm có tác dụng gì. Hãy đọc hết chương này và bạn sẽ hiểu cũng như có thể vận dụng những kiến thức này để mài giũa kỹ năng giao tiếp của mình. Nếu điểm số của bạn trong mỗi nhóm phân loại đều thấp hơn 10 nghĩa là bạn có rất nhiều điểm mạnh nhưng cũng không ít điểm yếu. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng: bạn cần chọn cách hành xử phù hợp trong từng tình huống để đạt kết quả như ý. Nếu bạn đạt điểm cao hơn 10 ở bất cứ nhóm nào, hãy đọc kỹ thông tin tương ứng với nhóm đó ở phần tiếp theo, vì đó chính là nhóm tính cách của bạn. Nhưng nếu kết quả cho thấy bạn thuộc hai nhóm tính cách đối lập (ví dụ như D và S, hoặc C và I) thì chỉ có một nhóm là phong cách hành vi của bạn. Để xác định đâu mới là phong cách vốn có của mình, bạn hãy nhớ lại xem vào thời thơ ấu, bạn là một đứa trẻ hoạt bát, quyết đoán, thích đặt câu hỏi hay rụt rè? Tất cả chúng ta đều có những tính cách “phái sinh”. Ví dụ như khi còn nhỏ, lúc nào tôi cũng chạy nhảy, cười đùa và tìm mọi cách để có thể vui chơi thỏa thích. Đến giờ tôi vẫn muốn được như thế, nhưng tính cách “D” (Chỉ đạo) đã xuất hiện để tôi có thể quán xuyến công ty và không trì hoãn hoặc do dự quá nhiều. Trong thời gian làm việc ở ngân hàng, tôi đã có thêm tính cách “I” (Ảnh hưởng) khi trở thành nhân viên kinh doanh hàng đầu nước Úc, nhưng đồng thời tôi cũng thể hiện phong cách hành vi “C” (Nguyên tắc) khi thực hiện các thủ tục pháp lý. Hãy thường xuyên suy ngẫm để xác định xem bạn cần những kỹ năng gì trong xã hội ngày nay và cần thực hiện những hành động cụ thể gì để phát triển các kỹ năng đó. Sơ đồ tính cách Bây giờ là lúc chúng ta xác định xem bạn thuộc ô nào trong bốn ô vuông dưới đây và điều đó có ý nghĩa gì. Động vật cũng có thể được phân loại theo phong cách hành vi. Như trong hình trên, bạn có thể thấy mỗi góc phần tư đều có một loài chim ứng với phong cách hành vi đó. Khi nắm bắt được những thông tin sau đây về các phong cách hành vi, bạn sẽ có thể giao tiếp, bán hàng, mang đến sự hài lòng cho khách hàng, thậm chí là trở thành bậc thầy về giao tiếp. Bạn có muốn mang lại lợi ích cho hai bên và gặt hái thành quả rõ ràng sau mỗi cuộc thảo luận không? Cụ thể hơn, bạn có muốn bản thân không còn nổi giận, lớn tiếng, muốn cắt đứt liên lạc với đối phương, khiến người khác thấy bạn là người khó gần hoặc có thành kiến tương tự về họ? Hãy nhớ rằng bạn chỉ có thể thỏa mãn mong muốn của bản thân và đối phương khi xác định được mỗi bên mong muốn những gì và có thể nhượng bộ đến mức nào. Nếu bạn thuộc nhóm D, hãy đọc trang 113 Nếu bạn thuộc nhóm I, hãy đọc trang 122 Nếu bạn thuộc nhóm S, hãy đọc trang 130 Nếu bạn thuộc nhóm C, hãy đọc trang 138 Bạn nên tìm hiểu về nhóm tính cách của mình trước, sau đó hãy đọc thêm về những nhóm tính cách khác cũng như làm thế nào để giao tiếp hiệu quả hơn với những người thuộc các nhóm đó. Việc hiểu về đối phương sẽ giúp bạn tạo được sự thoải mái cho cả hai, chứ không chỉ cho bản thân bạn. Hãy rèn luyện những kỹ năng giao tiếp được đề cập trong chương này như thể tương lai của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng giao tiếp của chính bạn, vì thật tình mà nói thì sự thật đúng là như vậy. Nhóm tính cách D - Chỉ đạo Người chỉ đạo Người chỉ đạo thích được tranh tài với người khác, giải quyết vấn đề hoặc xử lý những tình huống khó. Họ lấy thành công làm động lực và thích đối mặt với thử thách. Họ có tinh thần trách nhiệm cao và thường phát huy bản lĩnh trong những tình huống ngặt nghèo. Họ tôn trọng những người có quyền hành và sẵn sàng nỗ lực cho đến khi cả vấn đề nan giải nhất cũng được giải quyết triệt để. Khi làm việc với người khác, Người chỉ đạo thường trao đổi ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề và chỉ tập trung vào công việc và kết quả. Đôi khi họ bị xem là người kiêu căng, độc đoán. Dù không hề hay biết, nhưng Người chỉ đạo có thể vô tình có những cách ứng xử khiến người khác bị tổn thương. Dù không hay để bụng nhưng đôi khi, vì bản tính bộc trực của mình mà họ lại thường gây hiềm khích với những người xung quanh. Người chỉ đạo thấy bản thân được mọi người tôn trọng; họ thích làm lãnh đạo, muốn trở thành trung tâm của sự chú ý và ưa những lời khen ngợi, tâng bốc. Thậm chí, họ còn có thể xem mình là cái rốn của vũ trụ. Vì muốn là người chịu trách nhiệm và giải quyết vấn đề, nên đôi khi Người chỉ đạo sẽ có vẻ lấn lướt, phớt lờ hoặc gạt bỏ quan điểm của người khác để đạt được mục tiêu của mình. Vì chú trọng công việc, nên họ thường có những lời chỉ trích gay gắt hoặc cố “vạch lá tìm sâu” khi tiêu chuẩn của họ không được đáp ứng. Tuýp người này thích một môi trường luôn thay đổi. Nếu một dự án không còn tính thử thách nữa thì họ sẽ hết hứng thú với nó. Họ có nhiều sở thích, ưa mạo hiểm và thậm chí là liều lĩnh. Người chỉ đạo rất hiếu kỳ, thích phiêu lưu và sẵn sàng thử mọi thứ. Họ thường có vẻ hào hứng và phấn khích đối mặt với những thử thách của quá trình phát triển sự nghiệp. Nhưng cũng có lúc, vì không đủ kiên nhẫn mà họ có thể hành động vượt quá thẩm quyền để đạt được mục tiêu. Người chỉ đạo thường phân tán năng lượng của bản thân để có thể đóng vai trò chủ động trong càng nhiều khía cạnh của một dự án càng tốt. Vì vốn là người không thích ở yên một chỗ, nên họ sẽ luôn tìm kiếm những chân trời mới. Họ có thể làm những việc tỉ mỉ khi cần thiết để chinh phục mục tiêu, miễn là những việc đó đừng có tính lặp đi lặp lại hoặc duy trì bất biến. Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, có thể họ sẽ thường xuyên nhảy việc do thiếu kiên nhẫn và hiếu thắng. Họ có thể hành động vượt quá quyền hạn khi muốn hoàn thành công việc hoặc nâng cao vị thế của bản thân. Họ luôn muốn thấy một mục tiêu rõ ràng và muốn nỗ lực của mình được công nhận. Xét về mặt tích cực, phong cách hành vi này có thể tạo động lực để bạn nỗ lực chinh phục mục tiêu, chịu trách nhiệm ra quyết định và giúp người khác đạt được kết quả như ý. Người chỉ đạo thích nắm vai trò dẫn dắt trong các cuộc thảo luận. Họ là những người rất độc lập và nghiêm khắc. Họ thích những điều khác thường và có tính mạo hiểm. Họ hiếu kỳ, có nhiều sở thích khác nhau, sẵn sàng thử nghiệm những điều mới mẻ hoặc tự mình khởi tạo cái mới. Nhìn chung, Người chỉ đạo có tài xoay xở và có thể thích ứng với mọi tình huống. Nếu tận dụng được mặt tích cực trong tính cách của mình để quyết tâm theo đuổi mục tiêu và hỗ trợ người khác, Người chỉ đạo có thể vượt qua hầu như mọi trở ngại. Chim đại bàng (D): Đại bàng không phải là loài chim nhút nhát. Chúng tập trung vào mục tiêu và ra quyết định nhanh chóng để theo đuổi mục tiêu và đạt được kết quả như mong muốn. Chúng ghi nhận cũng như truyền tải thông tin nhanh gọn, mau lẹ, và thường có khuynh hướng lấn át, áp đảo đối phương. Bạn có phải là đại bàng không? Làm chủ kỹ năng giao tiếp Đôi khi Người chỉ đạo cần kiên nhẫn hơn và học cách kiềm chế để không cướp lời người khác. Có thể bạn nghĩ mình biết đối phương sắp nói gì, nhưng không phải lúc nào suy đoán của bạn cũng đúng. Thay vì hấp tấp ra quyết định, hãy bình tĩnh cân nhắc xem hành động của bạn sẽ dẫn đến những tác động như thế nào.