" Cách Nền Kinh Tế Vận Hành PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cách Nền Kinh Tế Vận Hành PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo CÁCH NỀN KINH TẾ VẬN HÀNH ROGER E.A. FARMER Trần Mai Sơn & Dương Thu Thủy (dịch) Vũ Văn Hào | 2023-11-20 LỜI NÓI ĐẦU Cuốn sách Cách nền kinh tế vận hành được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2010. Thời điểm này cũng là lúc thế giới đang phải vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Đã ba mươi bảy tháng trôi qua kể từ thời điểm Cục nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kì (NBER) tuyên bố cuộc khủng hoảng kinh tế lần này đã chấm dứt, nhưng vào tháng 6 năm 2009, Chính phủ Hoa Kì vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể phục hồi số việc làm cho người lao động về mức trước khủng hoảng. Tôi viết cuốn sách này nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn tại sao những điều tồi tệ này lại xảy ra, và đưa ra một số ý tưởng nhằm ngăn chặn các cuộc khủng khoảng tài chính tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Rất nhiều người đã hỏi tôi rằng liệu kinh tế học có phải là một môn khoa học hay không. Câu trả lời của tôi phần lớn là có. Kinh tế học là một môn khoa học: nhưng không phải là một môn khoa học thực nghiệm. Nhiệm vụ của một nhà kinh tế có nhiều nét tương đồng với nhiệm vụ của một nhóm các nhà hóa học. Hãy tưởng tượng rằng các nhà hóa học được yêu cầu xác định một hợp chất chưa được biết đến với một số điều kiện ràng buộc bất thường. Thứ nhất, họ chỉ được tiến hành không quá ba thí nghiệm trong vòng một thế kỉ; thứ hai, khi nhân sự trong nhóm có sự thay đổi thì các thành viên mới sẽ không được phép đọc các ghi chú về quá trình nghiên cứu của những người tiền nhiệm. Đó là cách các nghiên cứu được tiến hành trong kinh tế học. Những thí nghiệm này thường được tiến hành khi những sự kiện kinh tế mang tính bước ngoặt xảy ra: ví dụ như cuộc Đại suy thoái những năm 1930, hiện tượng suy phát những năm 1970 hay cuộc Đại khủng hoảng diễn ra vào năm 2008. Chúng đã được xem xét và đánh giá cẩn thận trong các công trình nghiên cứu vĩ đại của các nhà kinh tế học thời kì trước. Tuy nhiên, các công trình này thường không được sinh viên chuyên ngành kinh tế tìm hiểu nữa, do họ được dạy rằng nghiên cứu về lịch sử ngành kinh tế hay lịch sử của tư duy nói chung là sự sao nhãng không cần thiết khi họ cần phải chuyên tâm vào việc xây dựng các mô hình toán học được dựa trên các lí thuyết chặt chẽ. Tất cả những điều này cần phải được thay đổi. Tôi hi vọng rằng, bằng cách giới thiệu lịch sử phát triển của các học thuyết kinh tế, cuốn sách này sẽ cổ vũ được một số bộ óc mới dành thêm thời gian đào sâu tìm hiểu về những tư tưởng đã hình thành nên chuyên ngành của chúng ta hiện nay. Tuy vậy, cuốn sách này không dừng lại ở việc giới thiệu về lịch sử của các học thuyết kinh tế. Nó còn đưa ra một số ý tưởng mới và thúc giục cho sự ra đời của các chính sách kinh tế mới dựa trên nền tảng của các ý tưởng nói trên. Đề xuất chính của tôi là việc các kho bạc quốc gia và ngân hàng trung ương cần phải can thiệp vào thị trường tài chính để có thể giúp thị trường chứng khoán trở nên ổn định. Trong quá trình viết cuốn sách này, tôi đã liên tục phát triển thêm lí thuyết của mình để có thể đưa ra các ý tưởng nói trên. Năm 2012, tôi đã công bố một bài báo trên Tập san kinh tế (Economic Journal) (Farmer 2012a) trong đó lí giải tại sao tỉ lệ thất nghiệp có thể tồn tại dai dẳng ở mức cao. Và vào năm 2011, trong bài tham luận trình bày tại Hiệp hội tính toán kinh tế (Society for Computational Economics), tôi đã đưa ra các bằng chứng thực nghiệm cho thấy khi thị trường chứng khoán sụp đổ thì tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng theo. Bài tham luận sau đó được công bố trên một tạp chí chuyên ngành (Farmer 2012b) và đưa ra những bằng chứng thuyết phục rằng chúng ta nên dành sự quan tâm rõ rệt hơn tới những sự dao động bất thường trên thị trường tài chính. Thất nghiệp thường tồn tại rất dai dẳng nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng đưa ra những dự đoán tương đối chính xác về tỉ lệ này trong tương lai thông qua hình chiếu về sự biến thiên của tỉ lệ này trong thời điểm hiện tại. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán cũng cung cấp thêm nhiều thông tin có giá trị nhằm cải thiện khả năng dự đoán về thời điểm xuất hiện và kết thúc của các cuộc khủng hoảng. Một vài nhà kinh tế cho rằng các thông tin từ thị trường chứng khoán có thể giúp chúng ta dự đoán được thời điểm xảy ra các cuộc khủng hoảng do thị trường này ẩn chứa các dấu hiệu về các sự kiện có thể xảy ra trong tương lai. Tôi thì có một cách nhìn khác có vẻ hợp lí hơn. Thực tế, sự sụt giảm nghiêm trọng của giá trị thị trường chứng khoán thường là nguyên nhân tạo ra các cuộc khủng hoảng kinh tế. Khi các hộ dân và các doanh nghiệp mất niềm tin vào giá trị của những tài sản họ đang sở hữu thì sự mất niềm tin đó sẽ trở thành một lời tiên tri tự đúng. Chính tư tưởng này khiến tôi đã đặt tiêu đề cho bài báo 2012b của mình là: “Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2008 là nguyên nhân dẫn tới Đại khủng hoảng”. Thực tế, ngay sau khi Đại suy thoái năm 1930 xảy ra, đã xuất hiện rất nhiều lời kêu gọi chính phủ cần phải quản lí thị trường tài chính, và các chính trị gia đã đưa ra một loạt các biện pháp cải tổ. Nổi bật nhất trong số đó có thể kể đến Đạo luật Glass-Steagall, với mục đích phân tách rõ ràng cách hoạt động của các ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Đạo luật này được xây dựng nhằm ngăn chặn không cho các ngân hàng lặp lại các sai lầm khiến cho cuộc Đại suy thoái tại Hoa Kì trở nên trầm trọng hơn. Trong suốt những năm 1970, các nhà kinh tế tại trường Đại học Chicago đã phát triển lên Giả thuyết Thị trường Hiệu quả (EMH), nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của một thị trường tài chính không bị chi phối tới tính hiệu quả của việc phân bổ nguồn vốn. Lí thuyết EMH đã nhận được sự chấp nhận rộng rãi từ các nhà kinh tế, chính trị gia cũng như các nhà hoạch định chính sách. Chính điều này đã mở đường cho xu hướng tự do hóa thị trường tài chính toàn cầu và đặt dấu chấm hết cho tư duy cần phải quản lí thị trường tài chính của thời kì sau Đại suy thoái, trong đó bao gồm cả Đạo luật Glass-Steagall. Trong lí thuyết EMH có hai quan điểm thường hay bị hiểu nhầm. Quan điểm thứ nhất, “không có bữa trưa nào là miễn phí” lập luận rằng nếu không sở hữu các thông tin nội bộ, một nhà đầu tư sẽ không thể kiếm được bất kì lợi nhuận nào từ việc mua và bán các loại cổ phiếu, trái phiếu hay chứng khoán phái sinh. Được hậu thuẫn bởi rất nhiều các nghiên cứu kĩ lưỡng, quan điểm này mô tả khá tốt về cách thế giới hiện tại đang vận hành. Quan điểm thứ hai, “mức giá này là phù hợp”, khẳng định rằng thị trường tự do phân bổ nguồn vốn theo cách hiệu quả nhất, rằng các sự can thiệp của chính phủ vào thị trường chỉ có thể mang lại hệ quả rằng khi một người được nhận thêm các lợi ích thì đồng thời một người khác đã bị tước đi các lợi ích tương tự. Quan điểm này hiển nhiên là không chính xác và tôi đã lí giải việc này trong một bài báo đồng tác giả đạt giải gần đây (Farmer 2012c). Thực tế, để thị trường tài chính có thể hoạt động được tốt, những ai đang phải chịu tác động bởi các cuộc khủng hoảng tài chính đều cần phải tham gia vào thị trường này. Tuy vậy, hệ quả của một cuộc khủng hoảng tài chính có thể kéo dài tới 20 năm hoặc hơn, và có rất nhiều người đang gánh chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này còn chưa được sinh ra vào thời điểm nó bắt đầu. Quy luật về việc con người sẽ sinh ra và chết đi sẽ ảnh hưởng thế nào tới tính hiệu quả của thị trường tài chính? Thử tưởng tượng, ở một vũ trụ song song nào đó, bạn có thể chọn được thế giới mà mình sẽ sinh ra. Nếu muốn thử, bạn có thể tung một đồng xu để xác định nơi mình sẽ được sinh ra. Nếu là mặt ngửa, bạn sẽ được sinh ra tại một thế giới khá giống với những năm 1920, khi nền kinh tế đang bùng nổ với nhiều công ăn việc làm và thị trường chứng khoán lên xuống giống như đang chơi trò tàu lượn vậy. Và nếu là mặt sấp, bạn sẽ sinh ra trong một thế giới tương tự những năm 1930, khi tỉ lệ thất nghiệp lên tới mốc 20% và người lao động di chuyển từ bang này sang bang khác để cố tìm lấy một việc làm được trả lương. Thế giới bạn được sinh ra sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sự may rủi. Thay vào đó, hãy tưởng tượng bạn sẽ có thêm một lựa chọn nữa thay vì chỉ hai có lựa chọn trái ngược nói trên. Theo đó, thay vì nguy cơ sinh ra vào giữa thời cuộc Đại suy thoái đang diễn ra, bạn có thể chọn để được sinh ra vào những năm 1950. Nền kinh tế thời kì này không bùng nổ, nhưng cũng không rơi vào trạng thái khủng hoảng. Chất lượng cuộc sống tăng lên một cách ổn định và vào thời điểm bạn tốt nghiệp trung học hay đại học, cơ hội để bạn kiếm được một công việc với mức lương tốt là tương đối cao. Lí thuyết EMH, món đồ trang sức đẹp nhất trên chiếc vương miện của trường phái kinh tế ủng hộ thị trường tự do, sẽ đưa ra cho bạn một lựa chọn đầy hoang đường. Nếu thị trường tài chính vận hành đúng theo cách mà các nhà kinh tế theo trường phái thị trường tự do tại Chicago dự đoán, bạn sẽ được sống trong một thế giới thần tiên giống như Alice, nơi mà khủng hoảng kinh tế không hề xảy ra. Sự biến động của thị trường tài chính sẽ không tồn tại, bởi một yếu tố tôi gọi là “thị trường tài chính tiền sinh” (prenatal inancial market). Vậy “thị trường tài chính tiền sinh” vận hành như thế nào? Trong thị trường này, nếu thấy một mã chứng khoán có vẻ đang ở mức giá thấp, bạn sẽ được phép vay mượn để mua chúng. Tương tự, nếu thấy một mã chứng khoán có vẻ đang bị làm giá, bạn cũng được phép vay mượn các cổ phiếu mà bạn chưa sở hữu để đầu tư. Hành động trên được gọi là bán khống (short selling), và bạn sẽ có được lợi nhuận nếu thị trường sụt giảm do bạn chỉ phải mua lại các cổ phiếu ở mức giá thấp hơn mức giá mà bạn được mượn trước đó. Khía cạnh bất thường duy nhất của các loại giao dịch nói trên là chúng chỉ có thể diễn ra trong môi trường giả định hoặc trong một thị trường tài chính tiền sinh không thực sự tồn tại mà thôi. Bởi vì nếu thị trường đó mà tồn tại thật, thì sẽ xảy ra trường hợp ngay khi bạn được sinh ra, bạn đã có một số tài sản nhất định thông qua các thương vụ đầu tư khi bạn còn chưa ra đời. Trong một số trường hợp, bạn sinh ra đã là triệu phú nhờ vào các thương vụ đầu tư đúng đắn trước đó. Ở trường hợp khác, ngay khi được sinh ra, bạn đã phải gánh một khoản nợ. Bạn sẽ phải trả khoản nợ này trước cả lúc bạn có thể tiết kiệm tiền để học đại học hay nghỉ hưu. Điều này nghe thật hoang đường phải không? Nhưng nó chính xác là điều các nhà kinh tế ám chỉ khi họ lập luận rằng thị trường tài chính hoạt động rất hiệu quả. Theo đó, mong muốn tránh xa rủi ro của những đứa trẻ chưa được sinh ra sẽ là yếu tố chính khiến cho giá cổ phiếu trên thị trường này không biến động nhiều. Vậy nếu thị trường không hoạt động thực sự hiệu quả thì chúng ta có thể làm được gì? Tôi tin rằng các chính phủ, hành động đại diện cho những công dân chưa chào đời, có thể khiến phúc lợi xã hội trở nên tốt hơn. Vào tháng 4 năm 2013, trong phiên điều trần trước Ủy ban kho bạc thuộc Nghị viện Anh, tôi đã ủng hộ cho việc thành lập Quỹ đầu tư chính phủ Anh (sovereign wealth fund) với chức năng mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán để đổi lấy nợ chính phủ. Mục đích của quỹ này là nhằm ổn định giá trị thị trường chứng khoán thông qua việc thực hiện các giao dịch nhân danh các thế hệ công dân tương lai. Các bạn có thể tìm thấy câu trả lời cho một số câu hỏi dấy lên từ việc thực thi chính sách này trong văn bản tôi đã gửi tới Nghị viện (Farmer 2013b). Và từ khi ấn bản đầu tiên của cuốn Cách nền kinh tế vận hành được in, tôi đã có thêm trên 30 bài viết được đăng trên Financial Times, Project Syndicate, VoxEU cùng với một blog và trang tin khác. Các bài viết đó đều được dẫn nguồn đầy đủ trên website của tôi [www.rogerfarmer.com]. Rất nhiều bài viết trong số đó đã lọt vào danh sách 5 hay 10 bài viết nổi bật nhất trên diễn đàn các nhà kinh tế của Financial Times trong nhiều tháng liền, và vào thời điểm tôi đang viết những dòng này một số bài vẫn nằm trong danh sách đó. Tựu trung lại, các bài phân tích đó đều là những mô tả mạch lạc về cuộc Đại khủng hoảng khi nó bắt đầu năm 2009. Khi đó, tôi là một trong số những người đầu tiên, nếu không phải là đầu tiên, cho rằng cuộc Đại khủng hoảng là hệ quả có thể xảy ra theo sau sự kiện sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9 năm 2008. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2008 có thể dễ dàng dần đến sự xuất hiện của một cuộc Đại suy thoái thứ hai, không chỉ ở Hi Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ai Len, khi mà tỷ lệ thất nghiệp ở một vài nơi đã lên tới mức 27%, mà còn có thể xảy ra ở Hoa Kì, Anh và các quốc gia Bắc Âu. Tuy vậy những tai họa đó đã được ngăn chặn nhờ vào những chính sách can thiệp kịp thời của các ngân hàng trung ương và kho bạc nhà nước. Tại Hoa Kì, Anh và Nhật Bản, chúng ta có thể chứng kiến nguồn cung tiền đã được gia tăng nhanh chóng và các ngân hàng trung ương đã bắt đầu mua lại những tài sản rủi ro hơn như các chứng chỉ được bảo đảm bằng thế chấp hay trái phiếu chính phủ dài hạn. Những hành động đó đã giúp giá trị thị trường chứng khoán các quốc gia nói trên không bị giảm thêm mà chúng đã bắt đầu phục hồi trở lại, mặc dù với tốc độ chậm chạp. Theo tôi, đối với người dân, hiểu biết về kinh tế học có vai trò quan trọng không thua kém gì so với hiểu biết về toán học hay vật lí. Và việc nắm được cách các học thuyết kinh tế tác động lên những chính sách kinh tế thế nào và tiếp đó các chính sách này đang hằng ngày ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của chúng ta ra sao càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi hi vọng ấn bản mới của cuốn sách Cách nền kinh tế vận hành này có thể đóng góp một phần vào công cuộc lớn lao đó. Tôi cũng mong những ý tưởng mới mà tôi cung cấp thêm sẽ được các độc giả đón nhận. Cuối cùng, không thể kết thúc Lời nói đầu mà không gửi lời cảm ơn đến những người đã hỗ trợ tôi trong quá trình hoàn thành cuốn sách này. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới những người đã khuyến khích tôi đi xa hơn trong dự án này cũng như những người đã bình luận và góp ý cho tôi trong ấn bản đầu tiên. Xin gửi lời cảm ơn tới Scott Parris tại Nhà xuất bản Đại học Oxford vì gợi ý việc ra mắt ấn bản bìa mềm. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới rất nhiều độc giả đã email góp ý cho tôi: George Blacktord, Leigh Caldwell, Chang Yiu Peter Chiu, Matthew Frost, John Hartwick, Kurt Groat, Yaroslav Pavlenko, Salim Rashid, Lawrence Stelter và Ben Sykes. Cảm ơn những sinh viên và đồng nghiệp của tôi, Fernando Giuliano, Jang Ting Guo, Vadim Khramov, Ming-ming Jiang, Dmitry Plotnikov và con trai tôi Leland E. Farmer vì những phản hồi và đóng góp về chuyên môn. Hơn hết, tôi nợ một lời cảm ơn sâu sắc tới vợ tôi, C. Roxanne Farmer, người đã hỗ trợ trong việc biên tập và soát lỗi chính tả của mọi thứ tôi viết trong nhiều năm liền. Roger E. A. Farmer Luân Đôn, Anh Quốc, tháng 8 năm 2013 CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU Nếu các nhà kinh tế có thể khiêm tốn, giỏi giang ở mức độ của các nha sĩ thôi thì đó cũng đã là một điều tuyệt vời rồi. John Maynard Keynes (1931, trang 373, ấn bản của Norton 1963) SỰ SỤP ĐỔ CỦA NGÂN HÀNG NORTHERN ROCK Tháng 9 năm 2007, tôi tham dự một hội thảo tại Ngân hàng Anh với chủ đề “Thời kì Ôn hòa Vĩ đại” (The Great Moderation). Tên của chủ đề này dựa trên một thực tế là kể từ sau Thế chiến thứ II, hệ thống tài chính toàn cầu đã trở nên ổn định rõ rệt, đặc biệt là trong giai đoạn sau năm 1980. Thật vậy, từ năm 1951 đến năm 1979, những chỉ số như lạm phát, lãi suất và tỉ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao và biến đổi khó lường. Nhưng kể từ năm 1980, các chỉ số nói trên đều giảm xuống và chỉ dao động nhẹ qua các tháng. Mọi thứ đã thay đổi. Nhưng tại sao? Các nhà kinh tế từ khắp nơi trên thế giới gặp nhau tại Luân Đôn lúc đó đều có chung tâm trạng phấn khích. Chúng tôi tham dự hội thảo với mục tiêu xác định rằng sự tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế thế giới là do sự xuất hiện của các công nghệ mới, do hiểu biết tốt hơn về chính sách tiền tệ của các nhà kinh tế và ngân hàng trung ương, hay đơn thuần là do may mắn. Rất nhiều tham luận dược trình bày tại hội thảo cho thấy các ngân hàng trung ương đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình thông qua việc tạo ra một loạt các chính sách mới, áp dụng trần lạm phát hay đưa ra một mô hình tài chính mới dựa trên lí thuyết của Keynes. Chúng tôi nghĩ rằng những điều đó đã tạo nên sự ổn định cho hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng thực tế chúng tôi đã nhầm to. Vào buổi tối ngày 13 tháng 9, ngày cuối cùng của hội thảo, chúng tôi tụ hội tại phòng tiệc (Court Room) của Ngân hàng Anh để tham gia tiệc tối. Đáng lẽ bữa tiệc này sẽ được chủ trì bởi Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Anh, nhưng sau đó lại bị trì hoãn vì những lí do không rõ ràng. Cuối cùng, Charlie Bean, Giám đốc nghiên cứu của ngân hàng trở thành người phát biểu mở màn bữa tiệc. Bàn của tôi gồm có năm nhà nghiên cứu và Rachel Lomax, một trong hai Phó Thống đốc ngân hàng. Đó là một bữa tiệc tuyệt vời. Các nhân viên ngân hàng đều mặc đồng phục với gi-lê đỏ và áo khoác hồng. Phòng diễn ra bữa tiệc thì có thể coi là một kì quan kiến trúc, là một trong số ít căn phòng được thiết kế bởi John Soane từ năm 1814 còn nguyên vẹn trong khi phần lớn các khu vực khác của tòa nhà đã phải tu sửa vào năm 1925. Tôi đã có một cuộc nói chuyện thú vị với Rachel Lomax, dù cuộc trao đổi thường xuyên bị ngắt quãng vì cô liên tục phải tạm thời đi xử lí các vấn đề kinh doanh khẩn cấp. Mervyn King không hề xuất hiện trong suốt bữa tiệc. Ngày hôm sau tôi mới được biết rằng, khi tôi có mặt ở bữa tiệc thì đồng thời cuộc đàm phán về gói cứu trợ ngân hàng đầu tiên cũng đang diễn ra. Nó chính là điểm khởi đầu cho cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ thời kì Đại suy thoái tới nay. Năm 2007, Ngân hàng Northern Rock lúc đó là một trong năm ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất tại Vương quốc Anh. Xuất phát điểm của ngân hàng này là một tổ chức tín dụng dành cho nhà ở, với cách hoạt động tương đối lạ lùng khi tổ chức này trả lại toàn bộ lợi nhuận kinh doanh của mình cho các thành viên. Theo truyền thống, các ngân hàng và các tổ chức tín dụng như thế này tại Anh đều lấy tiền từ những người gửi tiết kiệm tại địa phương, sau đó, cho phép những người dân trong khu vực đó có thể mượn tiền dưới dạng thế chấp được đảm bảo bởi bất động sản. Điều đó khiến cho các quản lí ngân hàng đều biết rõ và có quan hệ cá nhân với mọi khách hàng của mình. Các tổ chức dạng này thuộc sở hữu của những người gửi tiền và bất kì khoản lợi nhuận nào thu được cũng được trả lại cho người gửi dưới dạng cổ tức. Những năm 1990, với sự cho phép của chính phủ, Northern Rock đã trở thành một tổ chức vì lợi nhuận và bắt đầu bán cổ phần trên thị trường chứng khoán. Trong vòng vài năm đầu của những năm 2000, Northern Rock và một số các ngân hàng thương mại khác bắt đầu cho khách hàng vay các khoản vay rủi ro hơn và thường xuyên vay vốn liên ngân hàng trong ngắn hạn đổ đảm bảo cho việc thực hiện các khoản thế chấp. Ngân hàng này thậm chí còn cho phép người vay thế chấp lên tới 125% giá trị căn nhà. Tuy nhiên, lượng tiền từ người gửi tương đối ít, Northern Rock đã buộc phải dựa vào các khoản vay ưu đãi từ Hệ thống Liên Ngân hàng Luân Đôn (London Interbank Market) để đảm bảo việc cho vay của mình. Tỉ lệ giữa vốn vay và vốn cho vay của mỗi ngân hàng này được gọi là LIBOR, hay tỉ lệ lãi suất liên ngân hàng Luân Đôn (the London Interbank Offered Rate). Tháng 8 năm 2007, tỉ lệ LIBOR bắt đầu tăng nhanh chóng và mô hình kinh doanh của ngân hàng Northern Rock bỗng chốc trở nên không bền vững. Ngân hàng này bắt buộc phải xin Ngân hàng Anh cấp vốn hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp. Đến tháng Hai năm 2008, Northern Rock phá sản, và trở thành định chế tài chính đầu tiên trên thế giới được Chính phủ mua lại. Sau đó, rất nhiều các tổ chức tài chính khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự và cũng được chính phủ mua lại một phần hay toàn bộ. Không lâu sau sự sụp đổ này của Northern Rock, hệ thống tài chính toàn cầu đã trải qua một cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng thấy kể từ những năm 1930. Cuốn sách này sẽ giải thích tại sao chúng ta lại lâm vào tình cảnh ấy và chúng ta có thể làm gì trong tương lai để ngăn chặn không cho những tình huống như vậy xảy ra. KINH TẾ HỌC CỔ ĐIỂN VÀ KINH TẾ HỌC CỦA KEYNES Từ trước đến nay trong kinh tế học luôn tồn tại hai trường phái đối lập và có sự bất đồng chính kiến dai dẳng về việc nền kinh tế nên được vận hành thế nào. Một bên là các nhà kinh tế theo trường phái cổ điển, ví dụ như Eugene Fama của Đại học Chicago. Trường phái này cho rằng bản thân thị trường có khả năng tự điều tiết để trở nên cân bằng, do đó mọi sự can thiệp của nhà nước thường chí khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Bên còn lại là các nhà kinh tế theo trường phái của Keynes, ví dụ như Paul Krugman, nhà kinh tế được giải Nobel đồng thời cũng là một nhà bình luận nổi tiếng trên tờ New York Times. Những nhà kinh tế này lại cho rằng thị trường đôi lúc sẽ cần đến một số sự trợ giúp nhỏ từ nhà nước để có thể cân bằng tốt hơn. Trong những năm 1980, chính phủ Hoa Kì dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và chính phủ Anh dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tư tưởng của trường phái kinh tế cổ điển. Một nhân vật tiêu biểu của trường phái này, và cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách kinh tế của hai nước nói trên là Friedrich Hayek. Ông là một nhà trí thức người Áo, nhưng để chạy trốn sự truy quét của Phát xít Đức đã sang Anh và dạy học tại Đại học Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics). Vào năm 1944, ông đã cho ra đời tác phẩm nổi tiếng có tên Đường về nô lệ, bàn về việc xu hướng cộng sản đang manh nha khắp châu Âu thời bấy giờ sẽ không thể dung hòa được với các thể chế dân chủ hiện thời như thế nào*. Bản thân Hayek là một người chống đối mạnh mẽ mọi hình thức tồn tại của chủ nghĩa xã hội, và tư tưởng này của Hayek đã có những ảnh hưởng quan trọng tới những quyết định của Margaret Thatcher*. Triết lí cơ bản của Hayck về kinh tế học cũng có thể được tóm tắt một cách hoàn hảo bằng câu nói nổi tiếng sau của Ronald Reagan: “Mười ba từ đáng sợ nhất trong tiếng Anh chính là (ở đây trích lại nguyên văn 13 từ đó): ‘Tôi làm việc cho chính phủ và tôi đến đây để giúp bạn.’” Trái ngược với các chính sách kinh tế của Reagan và Thatcher, sự điều hành của chính phủ Obama vào năm 2009 lại chịu ảnh hưởng mạnh từ tư tưởng của John Maynard Keynes, người đã viết ra cuốn sách nổi tiếng Lí thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (The General Theory of Employment, Interest and Money) năm 1936. Trong cuốn sách này, Keynes đã xây dựng nên một lí thuyết kinh tế hoàn toàn mới so với các lí thuyết trước đó để giải thích về cách nền kinh tế vận hành. Keynes cho rằng cuộc khủng hoảng Đại suy thoái xảy ra là do các doanh nghiệp đã không đầu tư đúng mức vào việc xây dựng công xưởng và mua sắm máy móc. Đáng lẽ, chính phủ phải tăng đầu tư nhằm khỏa lấp khoảng trống trong việc đầu tư của các khối tư nhân, thông qua việc vay vốn. Lập luận này của Keynes đã để lại hệ quả trong thực tế khi mức đầu tư của chính phủ Hoa Kì vào nền kinh tế nước này tại thời điểm hiện tại đã chiếm tới gần một phần ba tổng mức đầu tư. Tóm lại, Hayek là một người theo đuổi chủ nghĩa cá nhân nên ông luôn phản đối mạnh mẽ tư tưởng về chủ nghĩa xã hội. Hayek tin rằng sự can thiệp vào thị trường của chính phủ là lợi bất cập hại. Trong khi đó thì Keynes lại cho rằng thị trường cần thêm sự điều phối của chính phủ để có thể vận hành tốt hơn, tựa như việc người ta cần tra thêm dầu vào những bánh xe gỉ sét. Sự bất đồng chính kiến giữa trường phái kinh tế cổ điển và kinh tế của Keynes một lần nữa đã tạo thành một cuộc bút chiến trên những tờ báo nổi tiếng như Wal Street Journal và New York Times vào năm 2007. Cuộc chiến lần này tiếp tục xoay quanh vấn đề vai trò của chính phủ đối với nền kinh tế. Vậy cuộc chiến đó như thế nào? Ai là những người khởi xướng? Ai mới là người có lí? QUY MÔ CỦA CHÍNH PHỦ Chính phủ nên có quy mô lớn hay nhỏ? Chính phủ có nên thi thoảng can thiệp vào thị trường hay để thị trường tự vận hành? Mặc dù hai câu hỏi khác nhau về bản chất, nhưng trên thực tế, có rất nhiều người lại hay nhầm chúng là một. Cụ thể, câu hỏi đầu tiên liên quan đến vấn đề hàng hóa và dịch vụ nên do thị trường hay chính phủ sản xuất và cung ứng. Còn câu hỏi thứ hai liên quan đến việc thị trường tự do sẽ vận hành dưới sự giám sát của những chế tài nào. Thực tế, sống trong một nền dân chủ, chúng ta cần phải đưa ra quyết định về các vấn đề lớn, như việc có nên dùng ngân sách nhà nước để chi trả cho hệ thống hưu trí hay không, hệ thống giáo dục nên được vận hành bởi chính phủ hay tư nhân, hoặc chúng ta nên cung cấp miễn phí hay chỉ hỗ trợ một phần dịch vụ y tế cho tất cả mọi người. Những câu hỏi này, tương tự câu hỏi thứ nhất ở trên, sẽ quyết định đến quy mô và phạm vi hoạt động của chính phủ. Ngoài ra, nếu thị trường là nơi cung cấp một số loại dịch vụ, thì chế tài nào sẽ được sử dụng để quản lí hoạt động của các công dân trong thị trường đó? Nếu một doanh nghiệp bị phá sản, tài sản của doanh nghiệp đó sẽ được phân chia thế nào giữa các cổ đông? Chính phủ có nên hạn chế việc sáp nhập của những tập đoàn siêu lớn, có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trong thị trường đó hay không? Liệu giá cả có nên thả nổi và biến động theo cung cầu thị trường hay cần có một sự điều chỉnh từ chính phủ? Tất cả những câu hỏi này, tương tự câu hỏi thứ hai ở trên, sẽ quyết định đến cơ chế vận hành của thị trường tự do. Mặc dù trên thực tế, không có câu trả lời nào là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai cho những câu hỏi nói trên, nhưng có một số nguyên tắc cơ bản có thể được áp dụng để trả lời chúng. Ví dụ như lịch sử đã chứng minh rằng nền kinh tế thị trường có thể mang đến tốc độ tăng trưởng và mức sống cho người dân tốt hơn là nền kinh tế tập trung. Không phải tự nhiên mà bức tường Berlin được phá bỏ vào năm 1989 hay Trung Quốc đang theo Chủ nghĩa Cộng sản của những năm 1972 lại áp dụng mô hình kinh tế thị trường sau chuyến thăm của tổng thống Hoa Kì Nixon. Chủ nghĩa tư bản là cỗ máy tạo ra tăng trưởng tốt nhất trong lịch sử loài người. Nó đã giúp nhiều người thoát khỏi tình trạng nghèo đói và khổ cực hơn bất kì mô hình nào khác. Tuy nhiên, tư tưởng của chủ nghĩa tư bản không phải là nguyên nhất và không thể tách rời. Chủ nghĩa tư bản có thể tồn tại dưới nhiều hình thái khác nhau, được quyết định bởi luật pháp. Do đó, câu hỏi quan trọng ở đây không phải là có nên theo chủ nghĩa tư bản hay không, mà là nên điều chỉnh nó như thế nào. LÍ THUYẾT THỊ TRƯỜNG HIỆU QUẢ Có thể nói, những người cổ xúy mạnh mẽ nhất cho trường phái kinh tế cổ điển tại Hoa Kì ngày nay là các nhà kinh tế tại Đại học Chicago, nhất là năm nhà kinh tế đoạt giải Nobel đang sống tại đây. Đại diện tiêu biểu nhất cho các nhà kinh tế tại Đại học Chicago phải kể đến Eugene Fama, với Giả thuyết Thị trường Hiệu quả (efficient market hypothesis) nổi tiếng. Giả thuyết này chính là cơ sở hình thành ý tưởng về một thị trường tài chính tập hợp đầy đủ mọi thông tin cần thiết để các nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định nhanh và chính xác nhất. Tới những năm 1990, các ngân hàng đầu tư đã tạo ra một loại công cụ tài chính mới có tên tài chính phái sinh. Công cụ này cho phép nhà đầu tư có thể chia nhỏ khoản tiền cần giao dịch của mình thành nhiều phần, và các bên tham gia khác trên thị trường có thể chia sẻ một phần rủi ro có thể có khi thực hiện giao dịch đó. Nguyên lí hoạt động của thị trường phái sinh đã được phát triển và kiểm định kĩ càng bởi rất nhiều nhà kinh tế tài chính. Nhờ vào việc tạo ra công cụ tài chính này, các ngân hàng đã kiếm được những khoản hoa hồng lớn thông qua việc trao đổi hay chuyển quyền sở hữu công cụ đó. Các nhà quản lí và giao dịch viên hỗ trợ khách hàng sử dụng các công cụ này cũng được nhận thêm những khoản tiền thưởng khổng lồ. Số tiền này với các giao dịch viên thông thường sẽ là khoảng vài triệu đô la, còn với các nhà quản lí, con số đó có thể lên tới hàng chục triệu đô la. Kỉ lục về số tiền thưởng được ghi nhận đã là 53,4 triệu đô la dành cho CEO Lloyd Blankfein* của ngân hàng Goldman Sachs vào năm 2006. Tại sao những nhân vật máu mặt trong giới tài chính lại được trả nhiều tiền đến vậy? Tất cả là nhờ thị trường tài chính phái sinh. Giả thuyết Thị trường Hiệu quả của Eugene Fama tin rằng chính các công cụ phái sinh này là nguyên nhân thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Các công cụ này giúp các nhà đầu tư quản lí và chia sẻ rủi ro, đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong các lĩnh vực kinh doanh mà trước đây họ còn e ngại. Điều này giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận, tạo ra nhiều công ăn việc làm và tất cả mọi người trong nền kinh tế đều được hưởng lợi. Giả định trên đã được kiểm định ngoài thực tế. Phần lớn các nhà đầu tư tài chính ngày nay đều thực sự tin rằng việc tạo ra các công cụ tài chính phái sinh đã giúp rủi ro được chia đều cho nhiều người tham gia, và do đó người ta đã trở nên mạnh dạn đầu tư vào những thương vụ rủi ro hơn. Cũng trong những năm 1990 này, chính phủ Hoa Kì bắt đầu bãi bỏ một số điều luật hạn chế hoạt động của thị trường tài chính. Đáng chú nhất là việc bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall vào năm 1999. Ra đời năm 1933, đạo luật này vốn để phân biệt và giới hạn chức năng hoạt động của các ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Chính việc bãi bỏ này đã khiến thị trường tài chính phái sinh phát triển nở rộ, mà nhiều người sau này tin rằng đây là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính 2007-2008*. Cá nhân tôi cho rằng nhận định này không thuyết phục, bởi vì hiện tượng bong bóng và đổ vỡ tài chính đã xuất hiện ngay từ khi thị trường tài chính mới được thiết lập. Những điều luật như Glass-Steagall có thể đã góp phần tạo nên một thời kì ổn định lâu dài từ sau Thế chiến II, nhưng những chính sách tài chính tích cực từ Ngân hàng Anh và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kì cũng đóng góp một phần không nhỏ tạo nên điều đó. Khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra không phải do sự bãi bỏ các điều luật. Bản chất là do lãi suất cho vay thời điểm đó đã xấp xỉ bằng không, và ngân hàng trung ương không thể tiếp tục hạ lãi suất để kích cầu nền kinh tế thêm được nữa. Điều này đã từng xảy ra tại Hoa Kì vào những năm 1930, và gần đây, tình hình tương tự một lần nữa lặp lại tại Anh và hầu hết các quốc gia Trung Âu . Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 được báo hiệu bởi một đợt bong bóng trước đó, khi giá cả của mọi mặt hàng gia tăng một cách chóng mặt, không theo bất kì quy luật nào của thị trường, và cuối cùng nhanh chóng rơi tự do. Hiện tượng bong bóng vẫn thường diễn ra trong thị trường tài chính, nhất là những giai đoạn hậu khủng hoảng. Những đợt bong bóng trước đây có thể kể đến là bong bóng hoa Tulip năm 1637, bong bóng Nam Hải 1720, và một loạt các đợt bong bóng tài chính tại Hoa Kì những năm 1819, 1837, 1857, 1873, 1893. Tất cả những đợt bong bóng trên xảy ra theo cách tương tự đã tạo nên Đại suy thoái 1930. Trong đó, bong bóng hoa Tulip là một ví dụ rất điển hình và thú vị về cách thức một đợt bong bóng diễn ra. Thời đó, hoa tulip mới được mang tới Hà Lan và được người dân nước này rất ưa chuộng. Chúng nhanh chóng được trồng ở khắp mọi nơi. Đỉnh điểm là vào tháng Hai năm 1637, một hợp đồng cung ứng hoa tulip có thể có giá gấp mười lần số tiền lương một thợ thủ công lành nghề nhận được trong một năm. Có một câu chuyện thú vị mà tôi vẫn nhớ về thời kì này kể về một lái buôn giàu có người Hà Lan. Một buổi tối, ông lái buôn trở về nhà mình tại Amsterdam và phát hiện ra cô hầu gái đang thưởng thức những bầu hoa tulip đắt đỏ một cách ngon lành trong khi nghĩ rằng mình đang ăn hành tây*. NHỮNG NĂM 1920 ĐẦY LẠC QUAN Năm 1920, bong bóng tài chính đầu tiên của thế kỉ 20 đã xuất hiện. Vào thời điểm này, hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng thị trường tự do hoạt động hiệu quả và chủ nghĩa tư bản sẽ mang đến sự thịnh vượng cho mọi người. Do đó, mặc dù nhận thấy thị trường tự do thường gây ra những xáo trộn nhất định cho các hoạt động kinh tế, họ đều nghĩ rằng sự xáo trộn đó là không đáng kể và thị trường có thể tự điều chỉnh được. Tư duy này của các nhà kinh tế phản ánh rõ rệt thực tế về một nền kinh tế năng động và náo nhiệt đầu thế kỉ 20. Tổng thống Hoa Kì lúc đó, Calvin Coolidge, giữ nhiệm kì từ năm 1923 đến năm 1929, là một người ủng hộ nhiệt thành cho thị trường tự do. Những chính sách ít can thiệp vào việc vận hành của thị trường của ông đã tạo nên một thời kì thịnh vượng với tăng trưởng kinh tế ở mức phi thường, giống như nước Hoa Kì của thời kì cuối thập kỉ 1990 và đầu những năm 2000. Ai cũng lạc quan vào nền kinh tế, và mọi người đều tin rằng giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chỉ có thể tăng mà thôi. Niềm tin của mọi người càng được củng cố nhờ vào nhận định của các chuyên gia kinh tế như nhà kinh tế Irving Fisher. Fisher là người đã kiếm được một khoản tiền lớn nhờ vào việc phát minh ra hệ thống lập chỉ mục tài liệu dành cho các doanh nghiệp được cấp bằng sáng chế năm 1913. Tuy nhiên thành công của ông ngắn chẳng tày gang và … sau đó, may mắn rời bỏ ông… khi ông vay mượn tiền để mua cổ phần của công ti khai mỏ Rand trên thị trường giá lên (bull market) vào cuối những năm 1920. Ông tiếp tục đánh cược toàn bộ danh tiếng trong sự nghiệp của mình khi đưa ra những dự đoán lạc quan về nền kinh tế và giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngay cả khi chứng kiến sự sụp đổ của thị trường này vào năm 1929. Danh tiếng của ông, theo đó, cũng sụp đổ, nhất là trong mắt những người không thuộc giới học thuật tại bang New Haven - nơi ông sinh sống. Trường đại học nơi ông công tác đã phải bỏ tiền ra mua căn nhà của ông và cho ông thuê lại để giúp ông không bị đuổi khỏi nơi ở của mình. Đến năm 1950, tên của Irving Fisher thậm chí còn bị xóa bỏ khỏi hồ sơ của trường đại học nơi ông từng giảng dạy*. Sau này, câu chuyện của Fisher vẫn thường được nhắc đến như một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về sai lầm trong dự đoán kinh tế. Niềm tin lạc quan của Fisher vào thị trường tự do đã khiến ông mất tất cả, khi thực tế từ năm 1929 đến năm 1933, tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa Kì đã tăng từ 6% lên tới 24% và sản lượng của nền kinh tế sụt giảm tới 25%. Từ đó đến nay, các nhà kinh tế và chính trị gia luôn chia làm hai phe khi phải đưa ra các quyết định về thị trường tự do. Tổng thống Coolidge vào năm 1929 đã không dám tiếp tục tranh cử nhiệm kì hai, và người kế nhiệm ông, Tổng thống Herbert Hoover, cũng chỉ đảm nhiệm vị trí tổng thống trong bốn năm. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hoa Kì trải qua thời kì kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Đây là điểm khởi đầu của Đại suy thoái, thời kì mà sản lượng của nền kinh tế khắp nơi trên thế giới sụt giảm nghiêm trọng, để lại những vết hằn khó quên trong tâm thức cả một thế hệ, và góp phần đẩy nước Đức đi theo chủ nghĩa Phát xít, châm ngòi cho Thế chiến II. ĐẠI SUY THOÁI Đại suy thoái đã tạo ra một sự thay đổi lớn lao trong hệ thống chính trị, mà hệ quả của nó vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày nay. Kể từ sự kiện này, vai trò của chính phủ liên bang trong việc điều phối các hoạt động kinh tế đã được tăng lên một cách rõ rệt tại các quốc gia dân chủ phương Tây. Và Đạo luật Việc làm (Employment Act) ra đời năm 1946 đã khiến cho các chính trị gia tại Hoa Kì phải gánh thêm rất nhiều trọng trách về điều hành nền kinh tế so với những thời kì trước đó. Tại sao người dân lại chấp thuận việc chính phủ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc điều phối nền kinh tế? Lí do chính đến từ một lý thuyết kinh tế giải thích về thời kỳ Đại suy thoái của John Maynard Keynes. Trong cuốn sách xuất bản năm 1936 của mình, ông không chỉ giải thích nguyên nhân của cuộc Đại suy thoái mà còn đưa ra các phương thức để ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng như vậy có thể xảy ra. Khác biệt lớn nhất trong tư tưởng của Keynes so với những bậc tiền bối đi trước chính là việc ông không tin rằng nền kinh tế có khả năng tự điều chỉnh. Trong khi các nhà kinh tế cổ điển tin rằng nếu để thị trường tự do tự vận hành thì nạn thất nghiệp sẽ không tồn tại, thì Keynes lại phản bác điều này. Các nhà kinh tế theo trường phái cổ điển, như nhà kinh tế người Na Uy Ragnar Frisch, thường mô tả nền kinh tế giống như một con ngựa bập bênh của trẻ con. Chú ngựa này thường xuyên bị tác động bởi những lực đột ngột từ bên ngoài, ví dụ như bị một đứa trẻ cưỡi ngựa cầm gậy đánh. Theo mô tả của Frisch, những tác động đó chính là ẩn dụ của những cú sốc kinh tế lớn: chiến tranh tại Trung Đông, một trận bão quét qua các bang vùng Trung Tây, một cuộc đình công của các phi công… Sau mỗi cú sốc đó, tỉ lệ thất nghiệp tạm thời sẽ tăng lên, nhưng sẽ nhanh chóng trở về trạng thái cân bằng, giống như chú ngựa bập bênh sẽ trở về trạng thái bình thường nếu không có ai tác động thêm nữa. Minh họa mang tính vật lý này thường được các nhà kinh tế đưa ra để giải thích cho ý tưởng về hệ thống kinh tế có khả năng tự điều chỉnh của mình. Keynes dành rất ít niềm tin cho thị trường tự do. Theo Keynes, tình trạng của nền kinh tế giống như một chiếc thuyền giữa đại dương mà chiếc bánh lái bị hỏng. Từng đợt gió mạnh đánh vào con tàu chính là các cú sốc kinh tế lớn: chiến tranh tại Trung Đông, một trận bão quét qua các bang vùng Trung Tây, một cuộc đình công của các phi công… Sau mỗi cú sốc đó, tỉ lệ thất nghiệp sẽ bị điều chỉnh vĩnh viễn và không có cơ chế nào để nó trở lại trạng thái cân bằng lúc đầu. Giống như một chiếc thuyền buồm sẽ yên vị tại chỗ nếu không có cơn gió nào xuất hiện, tỉ lệ thất nghiệp có thể dừng lại ở bất kì vị trí nào nếu không có những sự tác động từ bên ngoài. Tóm lại, các nhà kinh tế cổ điển cho rằng nền kinh tế là một hệ thống có khả năng tự điều chỉnh, còn Keynes thì không. SỰ SUY PHÁT Sau Thế chiến II, mô tả của Keynes về cách thức nền kinh tế vận hành nhận được sự chấp nhận rộng rãi từ khắp nơi trên thế giới. Hơn thế, từ học thuyết này, các chính trị gia đã tìm ra được quy tắc để vận hành các chính sách kinh tế, và việc áp dụng quy tắc này đã dẫn đến thành công của nền kinh tế thế giới trong ba thập kỷ tiếp theo, từ năm 1940 đến năm 1970. Quy tắc này có thể được tóm tắt như sau: Trong thời kỳ suy thoái, ngân hàng trung ương nên giảm lãi suất để kích cầu tiêu dùng và từ đó làm tăng tổng cầu. Việc này được gọi là áp dụng chính sách tiền tệ. Cũng như vậy, trong thời kỳ suy thoái, chính phủ nên chi tiêu nhiều hơn thông qua việc vay nợ thêm. Cách này được gọi là sử dụng chính sách tài khóa. Di sản của học thuyết kinh tế Keynes đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động để vượt qua các cuộc khủng hoảng kinh tế cho tới tận ngày nay. Tuy nhiên, rất nhiều nhà kinh tế lại không đặt nhiều niềm tin vào cơ sở lý thuyết mà Keynes đã đưa ra trước đó nhằm giải thích về cách thức vận hành của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và tại sao chúng lại đạt được hiệu quả đến vậy. Sự mất niềm tin này là hệ quả của một loạt các sự kiện không mong đợi xuất hiện vào năm 1970, trái ngược với các nguyên lý cơ bản được Keynes đưa ra trong Lý thuyết Tổng quát. Ví dụ như vào năm 1975, tỉ lệ thất nghiệp lần đầu tiên tăng trên 9% kể từ sau thời kỳ Đại suy thoái. Đi kèm với đó là tỉ lệ lạm phát cũng lên mức 13%. Sự xuất hiện đồng thời của lạm phát và thất nghiệp này được các học giả đương thời gọi là hiện tượng suy phát (Stagnation). Bởi vì học thuyết của Keynes cho rằng tỉ lệ thất nghiệp cao không thể đi kèm với lạm phát cao, do đó các nhà kinh tế thời đó đã đồng loạt từ bỏ học thuyết của Keynes. Mặc dù giới học thuật đã từ bỏ lý thuyết của Keynes nhưng các nhà hoạch định chính sách kinh tế thì không. Gần đây, một số chính trị gia và nhà bình luận có xu hướng áp dụng trở lại lý thuyết kinh tế của Keynes. Chính phủ khắp nơi trên thế giới bắt đầu chi tiêu một cách vô tội vạ, mặc dù ngân sách hằng năm của các quốc gia này vẫn liên tục bị thâm hụt. Vào mùa thu năm 2008, chính quyền Obama đã thông qua một gói kích thích kinh tế trị giá lên tới 800 tỉ đô la, áp dụng trên quy mô cả nước trong vòng hai năm rưỡi. Còn tại Anh, Thống đốc Ngân hàng Anh, Mervyn King, đã lên tiếng chỉ trích Alistair Darling, Bộ trưởng Bộ tài chính Anh, vì đã thi hành một chính sách gây ra sự “thâm hụt tuyệt đối” tới ngân sách, đẩy nợ công của nước này lên con số 80% GDP vào năm 2014. Thủ tướng Pháp, Nicolas Sarkozy, thì lại tham gia vào một cuộc tranh cãi kịch liệt và công khai với Thủ tướng Đức, Angela Merkel. Cụ thể, vào tháng Sáu năm 2009, trong khi Đức thông qua một đạo luật cân bằng ngân sách tạo điều kiện cho nước này không còn nợ công thì Sarkozy lại ghi tên mình vào sử sách khi cho rằng chừng nào nền kinh tế còn gặp khó khăn thì thâm hụt ngân sách là điều vẫn chấp nhận được. Sự đối lập giữa các chính sách nói trên chắc chắn không đem lại hệ quả tốt đẹp cho tương lai của đồng Euro! Những động thái chi tiêu ngân sách thái quá như vậy khiến một số nhà kinh tế cảm thấy không hài lòng. Đây là những nhà kinh tế cho rằng việc tư duy giống Keynes khi nhận định tích cực chi tiêu ngân sách là một phương thức tốt để vượt qua khủng hoảng đã không còn giá trị. Điều này càng được củng cố sau khi hiện tượng suy phát xảy ra những năm 1970. Những người phản đối mạnh mẽ lý thuyết của Keynes nhất phải kể đến Robert Barro của Đại học Harvard và John Taylor của Đại học Stanford*. Barro và Taylor là những nhà kinh tế theo thuyết kinh tế cổ điển, và họ tin rằng sự can thiệp của chính phủ vào thị trường tự do thường gây ra nhiều tác hại hơn là lợi ích. Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế khác, mặc dù chưa hiểu rõ về nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế, vẫn ủng hộ việc thi hành chính sách tài khóa. Có thể họ tin vào lập luận của Keynes, nhưng cũng có thể vào thời điểm đó không có lý thuyết kinh tế nào tốt hơn có thể đưa nền kinh tế thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng. Trong một bài báo viết cho tạp chí New York Times, Paul Krugman đã từng phản bác lại luận điểm phản đối gói kích cầu của John Taylor và Eugene Fama. Krugman cho rằng lập luận của hai tác giả này không dựa trên những bằng chứng cụ thể và có động cơ chính trị. Trên thực tế, Krugman là người bị thuyết phục bởi lý thuyết của Keynes, và ông vẫn tích cực tìm kiếm một mô hình kinh tế có khả năng giải thích được lý thuyết đó: Tôi vẫn không ngừng tìm kiếm một mô hình dễ áp dụng hơn… Tại sao phải thế? Có thể bạn sẽ hỏi tôi như vậy. Tại sao không đi theo tiếng nói của trực giác? Thực tế là tôi đã chịu đựng quá đủ cách các nhà kinh tế truyền thống nghĩ rằng một mô hình đầy đủ và hoàn thiện “đến từng dấu chấm của chữ i và dấu gạch của chữ t” là không thể thay thế hay cải thiện được. Mô hình đó không phải là chân lý, mặc dù nó thực sự giúp tư duy của chúng ta mạch lạc hơn (Krugman, 2009). Krugman đã đúng. Để cuộc tranh luận không đi vào ngõ cụt, các nhà kinh tế cần có một khuôn mẫu chung để hiểu được vấn đề phát sinh là gì và làm cách nào để cải thiện được nó. Và chắc chắn là Barro, Fama hay Taylor chỉ trích kế hoạch kích cầu của Obama không chỉ thuần túy vì lý do chính trị, mặc dù thực tế kế hoạch này đã hỗ trợ đối thủ chính trị của họ rất nhiều. Nguyên nhân còn lại là do những nhà kinh tế theo trường phái Keynes đang làm việc trong chính quyền Obama, và những người ủng hộ họ cả trong giới học thuật và truyền thông không thể đưa ra một lý thuyết nhất quán lý giải tại sao thị trường tự do không thể làm tiêu biến nạn thất nghiệp. Cuốn sách nổi tiếng Lý thuyết Tổng quát của Keynes cũng không hề đưa ra một lý thuyết như vậy. Đó là một cuốn sách khó đọc, không thống nhất giữa các phần và không tương thích với các lý thuyết kinh tế khác vốn đã được chấp nhận rộng rãi trong 200 năm. Nhưng điều quan trọng nhất là những diễn giải trong sách hoàn toàn trái ngược với hiện tượng suy phát đã xảy ra trong thực tế những năm 1970. Trong sách, Keynes nhận định rằng chúng ta có thể chứng kiến tình trạng lạm phát cao hoặc tình trạng thất nghiệp cao, nhưng không thể thấy được hai tình trạng này xảy ra cùng lúc. Và trong bối cảnh thiếu vắng một lý thuyết phù hợp để giải thích tại sao thị trường tự do đôi khi sụp đổ, những người bảo thủ đang chỉ trích gói kích cầu kinh tế của Obama đã quay về với kinh tế học cổ điển, nơi họ có thể tìm thấy nhiều câu trả lời khác nhau về chuyện gì đã xảy ra. Họ luôn tin rằng, sự can thiệp của chính phủ mới là nguồn cơn của vấn đề. TẠI SAO CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA LÀ MỘT CÁCH TIẾP CẬN SAI LẦM? Trong cuốn sách này, tôi sẽ giải thích về tiến trình phát triển của các học thuyết kinh tế từ kinh tế học cổ điển cho đến kinh tế học của Keynes. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, tôi còn trình bày thêm một số ý tưởng mới của mình. Trên thực tế, các nhà kinh tế thường sử dụng mô hình để kiểm định các giả thuyết của họ về cách nền kinh tế vận hành. Có thể nói, mô hình chính là một công cụ toán học dùng để mô tả tốt hơn các lý thuyết kinh tế, do đó một mô hình tốt sẽ tương đồng với một lí thuyết tốt. Krugman đã đúng khi nhấn mạnh rằng, chúng ta phải xây dựng các mô hình một cách rất kỹ lưỡng, quan tâm đến mọi tiểu tiết kể cả tới “dấu chấm của chữ i và dấu gạch ngang của chữ t” vì chúng ta đều dựa vào các mô hình đó để kiểm định lí thuyết của mình. Khi bắt đầu đi tìm giải pháp của riêng mình cho các vấn đề kinh tế hiện nay, đích đến cuối cùng của tôi cũng là tìm ra một mô hình như vậy. Tôi tin rằng nó sẽ lấp đầy được phần còn thiếu trong học thuyết kinh tế của Keynes. Tôi muốn cải tiến Lý thuyết Tổng quát và chỉ ra bằng cách nào nó sẽ tương thích với những lý thuyết kinh tế còn lại. Thông qua mô hình này, tôi sẽ hiểu sâu hơn về hiện tượng suy phát và có thể giải thích được tại sao gói kích cầu kinh tế của chính phủ Obama là cách thức đúng đắn để hạn chế nạn thất nghiệp. Thế nhưng, càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng nhận ra cách duy nhất để khắc phục lý thuyết kinh tế của Keynes là thay đổi chính nó. Trên thực tế, tư tưởng cơ bản của Keynes là thị trường tự do không có khả năng tự điều tiết và tôi hoàn toàn đồng ý với Keynes ở điểm này, Paul Krugman cũng vậy. Nhưng trong quá trình đi tìm lời giải đáp cho việc tại sao tư tưởng trên lại đúng, tôi càng thêm tin rằng chính sách tài khóa không phải là phương thức tốt nhất. Do đó, mặc dù tư tưởng cơ bản của Lý thuyết Tổng quát là chính xác nhưng nó lại bao hàm một số chi tiết chưa thật sự chính xác. Chúng chính là những chi tiết tạo nên tư duy ủng hộ việc gia tăng chi tiêu chính phủ. Cụ thể hơn, Keynes đề xuất giải pháp chính sách tài khóa bởi vì ông cho rằng các doanh nghiệp tư nhân đã không đầu tư đúng mức trong thời kỳ Đại khủng hoảng. Ông cũng cho rằng mức chi cho tiêu dùng sẽ tự động tăng lên khi thu nhập tăng bởi vì mọi người thường chi tiêu trong một số tiền xác định và sẽ tiết kiệm phần thu nhập còn lại. Nhưng những nghiên cứu trong vòng hai thập kỉ 1950 và 1960 đã chỉ ra rằng, tiêu dùng lại không phụ thuộc vào thu nhập mà phụ thuộc vào số tài sản mà người dân đang sở hữu. Trên thực tế, mỗi khi chính phủ gia tăng chi tiêu công, mọi người lại tiết kiệm nhiều hơn. Họ nghĩ rằng nếu chính phủ cứ chi tiêu như vậy thì các khoản lương hưu của họ trong tương lai sẽ không được đảm bảo vì ngân sách còn phải được dùng vào việc trả các khoản nợ lớn. Đây chính xác là điều đã diễn ra tại Hoa Kì, Anh và châu Âu vào năm 2009. Khi các gói kích cầu kinh tế được đưa ra, người dân của các quốc gia nói trên lại tăng cường tiết kiệm. Điều này đã phần nào hạn chế những mặt tích cực của các gói kích cầu. Nhờ sự kiện này, chúng ta có thể thấy các chính sách tài khóa có thể là một giải pháp tốt giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng nhưng nó không hiệu quả như những nhà kinh tế theo trường phái của Keynes vẫn nghĩ. Còn cái giá cho việc chi tiêu này là sự phình to vĩnh viễn của khối chính phủ và người phải trả những khoản nợ này chính là con cháu chúng ta. Giám đốc của ủy ban Kinh tế Quốc gia trong chính quyền Obama là Larry Summers. Ông này trước đây dã giữ cương vị là Chủ tịch Harvard, Tổng thư kí Kho bạc nhà nước, trưởng nhóm kinh tế của Ngân hàng thế giới, và là một nhà kinh tế có chỗ đứng vững chắc trong giới học thuật. Summers là cháu trai của hai nhà kinh tế nổi tiếng giành giải Nobel, Ken Arrow của Đại học Stanford và Paul Samuelson của MIT. Đáng ngạc nhiên là, trong khi Arrow nổi tiếng với công trình về Lý thuyết Cân bằng Tổng quát, một lý thuyết đóng vai trò trung tâm của kinh tế học cổ điển; thì Samuelson, qua đời vào năm 2009, lại là một nhân vật theo trường phái kinh tế của Keynes nổi bật nhất. Chính những diễn giải của Samuelson đã định hình nên cách tư duy về học thuyết của Keynes của hầu hết các nhà kinh tế và các nhà làm chính sách hiện nay. Vấn đề chính được tôi trình bày trong cuốn sách này sẽ là Samuelson đã tìm cách dung hòa Lý thuyết Cân bằng Tổng quát và lý thuyết kinh tế của Keynes ra sao, và tại sao Samuelson mắc sai lầm. Khi soi chiếu những lập luận của Samuelson dưới góc nhìn hiện đại về cách mọi người kỳ vọng về tương lai, chúng ta thấy ông đã diễn giải thiếu một thông điệp quan trọng của Keynes: Tỉ lệ thất nghiệp cao có thể được giữ nguyên mãi mãi. THAY VÀO ĐÓ, CHÍNH PHỦ NÊN LÀM GÌ? Mặc dù luôn tin rằng lý thuyết của Keynes có rất nhiều lập luận quan trọng, nhưng bản thân tôi không phải là một người theo trường phái của Keynes*. Thay vào đó, tôi sẽ mô tả một lý thuyết kinh tế vĩ mô mới nằm ngoài phạm vi của cả kinh tế học cổ điển và kinh tế học của Keynes. Lý thuyết này kết hợp những tư tưởng chủ đạo của cả hai học thuyết nói trên. Phần trung tâm trong lý thuyết của tôi đề cập đến việc niềm tin của những nhà đầu tư vào giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đóng một vai trò quan trọng. Niềm tin của họ có thể tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế. Cụ thể, khi niềm tin giảm sút, việc đó sẽ tạo ra một lời tiên tri tự đúng khiến các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và cuối cùng khủng hoảng kinh tế xảy ra*. Thực tế, các chính sách tài khóa và tiền tệ chỉ có thể có hiệu quả như dự doán nếu người dân và doanh nghiệp có niềm tin vào nền kinh tế và dùng tiền mua tài sản hữu hình như nhà đất hay đầu tư vào thị trường chứng khoán, giúp các doanh nghiệp có vốn để tái đầu tư vào sản xuất. Rõ ràng viễn cảnh tốt đẹp trên không thể xảy ra chỉ từ việc các chính phủ vay nợ và tiêu chúng vào việc mua các hàng hóa và dịch vụ. Ở chiều ngược lại, nếu người dân luôn tin rằng nhà đất, công xưởng và máy móc đều bị mất giá trị so với trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu thì họ sẽ dần dần biến niềm tin đó trở thành thực tế. Trong trường hợp này, niềm tin vào thị trường sẽ trở nên mù quáng. Tôi tin rằng niềm tin đóng vai trò rất quan trọng và yếu tố này có vai trò mang tính quyết định tới tỉ lệ thất nghiệp. Nếu niềm tin vào thị trường không được phục hồi thì dù nền kinh tế có tăng trưởng trở lại nhưng khối doanh nghiệp tư nhân vẫn không thể tạo ra đủ công ăn việc làm và nạn thất nghiệp vẫn sẽ tồn tại. Thế nhưng, bên cạnh sự thiếu lòng tin cũng tồn tại cả sự tự tin thái quá. Nếu niềm tin được tạo dựng quá nhanh, bong bóng sẽ xuất hiện trên các thị trường và nền kinh tế lúc đó sẽ có quá nhiều việc làm. Khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng như vậy, ngân hàng trung ương sẽ khó lòng có thể kìm hãm được lạm phát. Tình trạng bong bóng hay khủng hoảng kinh tế đều có hại cho nền kinh tế. Để ngăn ngừa tác dụng phụ của niềm tin vào thị trường nói trên, tôi đã đề xuất một chính sách mới không gây ra tình trạng bội chi ngân sách. Đề xuất này có thể được xem là phần mở rộng của chính sách kiểm soát lãi suất hiện hành của các ngân hàng trung ương. Tôi cho rằng các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới nên can thiệp vào thị trường để ngăn chặn những sự biến động đột ngột của giá chứng khoán, và tôi sẽ giải thích tại sao chúng ta nên làm như vậy ở phần tiếp theo. MÔ HÌNH MỚI, CHÍNH SÁCH MỚI Một số nhà kinh tế cho rằng ngân hàng trung ương nên áp dụng chính sách tăng lãi suất nội địa để hạn chế bong bóng chứng khoán, và ngược lại, hạ lãi suất để ngăn chặn thị trường sụp đổ. Đề xuất của tôi không giống như vậy. Tôi cho rằng Ngân hàng Anh, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kì, Ngân hàng Trung ương Châu Âu nên phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trung ương của các quốc gia khác để cùng điều chỉnh chỉ số các thị trường chứng khoán nội địa, song song với vai trò điều phối tỉ lệ lãi suất như truyền thống. Đề xuất này cho phép các ngân hàng trung ương tận dụng sự biến thiên của tỉ lệ lãi suất nội địa để chống lại lạm phát và sự biến thiên của chỉ số chứng khoán quốc gia để thay đổi niềm tin của nhà đầu tư và tạo ra một nền kinh tế có tỉ lệ việc làm cao và ổn định. Đề xuất này của tôi dựa trên một lý thuyết mới vay mượn nhiều ý tưởng quan trọng của cả kinh tế học cổ điển và kinh tế học của Keynes. Cụ thể, trong kinh tế học cổ điển, tôi đã sử dụng lý thuyết giải thích về hành vi của các cá nhân, và khi gộp lại quyết định chung của họ sẽ tạo ra kết quả nào. về phần kinh tế học của Keynes, tôi đã lấy tư tưởng về việc đôi khi thị trường tự do vận hành không tốt và cần một vài chỉ dẫn. Những ý tưởng đó sẽ tạo nên một hình thái kinh tế vĩ mô mới dành cho thế kỷ 21. Tôi hi vọng rằng chúng ta có thể tìm ra những cách thức hạn chế được những hệ quả tiêu cực của thị trường tự do nhưng vẫn giữ lại được những đặc tính tốt nhất của chủ nghĩa tư bản. Chúng ta có thể làm được điều đó mà không cần phải hạn chế tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân hay phải sử dụng mô hình kinh tế tập trung của chủ nghĩa xã hội. Những trang tiếp theo của cuốn sách sẽ nói kỹ hơn về điều đó. CHƯƠNG 2 KINH TẾ HỌC CỔ ĐIỂN Tính vị kỷ, chứ không phải lòng nhân từ của những người bán thịt, chủ cửa hàng rượu, hay người bán bánh mì, là điều đã mang lại cho chúng ta những bữa tối. Adam Smith (1776) Câu nói trên của Adam Smith, cha đẻ của lý thuyết kinh tế hiện đại, đã tóm lược đầy đủ những tư tưởng cơ bản nhất của kinh tế học cổ điển. Theo ông, tính vị kỷ của mỗi cá nhân là yếu tố then chốt mang lại lợi ích của mọi người trong cộng đồng. Cuốn sách quan trọng nhất của Smith, Bàn về bản chất và nguồn gốc của cải của các dân tộc (An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations) được ông viết vào năm 1776, cùng thời điểm với sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kì. Sau khi cuốn sách được xuất bản, các nhà kinh tế tiếp tục mở rộng thêm các ý tưởng trong cuốn sách này và phát triển nó trở thành xương sống của học thuyết kinh tế học cổ điển. Vậy kinh tế học cổ điển là gì và tại sao bạn phải quan tâm đến nó? Trên thực tế, có thể coi kinh tế học cổ điển bao gồm hai lý thuyết chính: Thuyết Cân bằng Tổng quát (general equilibrium theory) và Thuyết Số lượng Tiền tệ (quantity theory of money). Thuyết Cân bằng Tổng quát được đưa ra vào năm 1874 bởi nhà kinh tế người Pháp, Leon Walras, giảng viên Đại học Lausanne, Thụy Sĩ*. Lý thuyết này giải thích tại sao hàng hóa được sản xuất ra với số lượng xác định ở mức giá ngoài thực tế. Lý thuyết này cho chúng ta hiểu điều gì quyết định số giờ làm việc cần thiết của mỗi người trên thế giới, số lượng xe hơi được sản xuất ở Nhật Bản và số giờ bạn cần làm việc để có thể chi trả cho một chuyến chơi golf tại Scotland. Thuyết Số lượng Tiền tệ được đưa ra bởi David Hume, triết gia, nhà kinh tế người Scotland, cùng với Adam Smith là nhân vật tiêu biểu trong thời kỳ Khai sáng của Scotland. Thời kỳ Khai sáng thế kỷ 18 tại Scotland là giai đoạn xuất hiện rất nhiều các thành tựu lớn về mặt học thuật, đến từ những nhà kinh tế như Adam Smith và James Mill, những kiến trúc sư như Robert Adam, nhà phát minh ra động cơ hơi nước James Watt và nhà thơ, tiểu thuyết gia nổi tiếng Sir Walter Scott*. Nội dung chính của Thuyết Số lượng Tiền tệ bàn về giá trị của tiền như một yếu tố tỉ lệ nghịch với số lượng hàng hóa và giá tiền. Lý thuyết này giúp chúng ta hiểu điều gì quyết định việc một người có thể kiếm được trung bình bao nhiêu đô la, bảng hoặc yên trong một giờ làm việc, hay số tiền bạn cần phải trả để mua một chiếc xe hơi, hay số tiền cần thanh toán khi tới ở khách sạn St. Andrew. Nó cũng hữu dụng trong việc giải thích những yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ lạm phát. Kinh tế học cổ điển, điển hình là Thuyết Cân bằng Tổng quát và Thuyết Số lượng Tiền tệ, rất đáng để chúng ta tìm hiểu vì nó đang ảnh hưởng và chi phối rất nhiều đến cách tư duy của các nhà kinh tế thời hiện đại, bao gồm cả giới học thuật, nhà báo, các nhà làm chính sách kinh tế trong các công ti, ngân hàng và chính phủ. Ngay cả những người hoài nghi về giá trị của nó trong việc giải thích những yếu tố kinh tế trong thực tế thì vẫn sử dụng kinh tế học cổ điển như một thước đo để xem xét hiệu quả vận hành nền kinh tế. Làm cách nào chúng ta có thể biết được hình thái kinh tế nào tốt hơn? Việc lãng phí tài nguyên của các tổ chức sẽ mang đến hệ quả gì? Những câu hỏi này đã phần nào được làm sáng tỏ nhờ lý thuyết kinh tế cổ điển. Và cũng như các nhà kinh tế cổ điển đã chỉ ra, trong một số trường hợp, phân phối hàng hóa thông qua thị trường là cách thức tốt nhất xã hội có thể nghĩ tới. KHỚP NỐI CÁC MIẾNG GHÉP KINH TẾ Thuyết Cân bằng Tổng quát, được đưa ra bởi Walras, là một ví dụ tuyệt vời cho thấy các miếng ghép quan trọng của nền kinh tế được khớp nối với nhau như thế nào. Vào thời điểm đó, các nhà kinh tế người Anh đã xây dựng hoàn chỉnh lí thuyết cung cầu của một thị trường duy nhất trong một thời điểm xác định. Dựa trên nền tảng đó, Walras tìm cách ghép nối các thị trường riêng lẻ đó lại với nhau để giải thích việc giá cả được xác định thế nào, và nó sẽ điều hướng hành động của hàng trăm triệu cá nhân dường như chẳng có mối liên quan nào với nhau ra sao. Con người luôn đặt ra các kế hoạch và cố gắng thực hiện nó. Những hành động đó đều gây ảnh hưởng đến hệ thống, không ít thì nhiều. Thực tế, mỗi quyết định của bạn và tôi đều bị ràng buộc bởi một điều gì đó, theo một cách nào đó. Sự ràng buộc này có thể được ghi một cách rõ ràng trong luật pháp, hoặc đơn giản là ngầm ẩn đằng sau các tục lệ xã hội. Điều đó dẫn đến một trong những vấn đề cơ bản của khoa học xã hội, đó là con người có ý chí tự do sẽ phải hành xử ra sao khi bị ràng buộc bởi những hành động của chính mình trước đó. Lý thuyết Cân bằng Tổng quát kể trên là lời giải cho một trường hợp đặc biệt của vấn đề này: tương tác của các cá thể trong khía cạnh kinh tế và thị trường. Thuyết Cân bằng Tổng quát được xây dựng dựa trên lý thuyết về cung cầu và được mô tả dưới một phiên bản hiện đại hơn bởi Altred Marshall trong cuốn sách Các nguyên lý kinh tế. Marshall dạy kinh tế tại trường St. Johns Colleage Cambridge trong những năm 1860, nơi ông “chuyển từ dạy toán học sang luân lí học, và sau đó là kinh tế, do thấy việc dạy luân lý học là một việc lãng phí thời gian”*. Ông được sinh ra trong một gia đình mộ đạo. Cha của ông, một nhân viên thu ngân của ngân hàng Anh, đã định hướng cho con trai mình sẽ trở thành một linh mục. Cuối thế kỉ 19, các triết gia tại Cambridge đang trong giai đoạn cải tổ hệ thống tôn giáo sang một hệ thống mới gần gũi với đời sống, hướng đến luân lí và đạo đức nhiều hơn. Chịu ảnh hưởng của trào lưu này, Marshall tự xem mình là một người hoài nghi tôn giáo. Thay vì bước chân vào nhà thờ, ông cống hiến cuộc đời mình cho việc xây dựng nền móng của kinh tế học. Ông là thầy dạy học không chỉ của John Maynard Keynes mà còn của Neville Keynes, cha đẻ của John Maynard*. Lý thuyết về cung cầu của Marshall giải thích số lượng hàng hóa sẽ được sản xuất và giá cả của chúng tại thời điểm được mua và bán là bao nhiêu. Walras sau này áp dụng lý thuyết của Marshall vào việc giải thích tất cả các hàng hóa trong nền kinh tế trong cùng một thời điểm. Ông đặt ra câu hỏi: Có hệ thống giá cả nào, áp dụng được cho tất cả các loại hàng hóa, mà tại đó số lượng cầu và cung luôn bằng nhau? Kể từ khi Walras đặt ra câu hỏi ấy, nó đã được nghiên cứu một cách rất kỹ lưỡng, và ngày nay, chúng ta biết câu trả lời là “có”. Thoạt nghe, đây có vẻ không phải là một điều gì to lớn, nhưng thực tế nó đã được xem là một thành tựu quan trọng của kinh tế học. Để trả lời câu hỏi của Walras, bạn cần nghiên cứu mọi mối tương quan có thể có trên thị trường. Ví dụ, giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông công cộng, và do đó nhu cầu đi taxi tại London cũng tăng lên. Tiếp đến, liệu có đủ công nhân cần thiết để sản xuất lượng taxi cần thêm đó không? Ở mức lương nào? Trong những điều kiện chung nhất, các nhà kinh tế chỉ ra rằng có ít nhất một hệ thống mà trong đó số lượng hàng hóa và giá cả của mọi loại hàng hóa, bao gồm tiền lương và số lượng nhân công trong từng ngành công nghiệp, sẽ cân bằng tại một thời điểm. Trên lý thuyết, Walras đã cho thấy cách chủ nghĩa tư bản vận hành. Nhưng liệu điều này có áp dụng được vào thực tế? THỊ TRƯỜNG VẬN HÀNH CÓ TỐT KHÔNG? Người kế tục sự nghiệp của Walras tại Đại học Lausanne là Vilfredo Pareto. Pareto không chỉ quan tâm đến sự tồn tại của sự cân bằng trong kinh tế học mà ông còn muốn biết thị trường tự do có thể phân phối nguồn lực cho các cá nhân trong xã hội theo cách nào là hiệu quả nhất. Pareto là cha đẻ của lý thuyết kinh tế theo hướng phúc lợi xã hội hiện đại (modern welfare economics), một hướng chuyên nghiên cứu về cách phân phối hàng hóa ảnh hưởng thế nào đến chất lượng cuộc sống của mọi người. Pareto sinh năm 1848 tại Paris, trong một gia đình gốc Ý tha hương. Sau này, ông quay trở lại Ý để hoàn tất việc học tại Turin, nơi ông được học về toán học và văn học. Sau khi tốt nghiệp trường Bách Khoa, ông bắt đầu sự nghiệp là một kỹ sư xe lửa, và tới hơn bốn mươi tuổi ông mới chuyển sang nghiên cứu kinh tế học. Mặc dù theo đuổi ngành kinh tế rất muộn, nhưng trước đó Pareto đã là một người tích cực chỉ trích chính sách kinh tế của chính phủ Ý trong nhiều năm liền. Trong suốt thời gian đó, ông đã xuất bản một cuốn sách ngắn lên án chính sách bảo hộ kinh tế và phản đối chế độ quân phiệt*. Pareto nổi tiếng trong các nhà kinh tế với câu hỏi: “Liệu có nhà lập kế hoạch Toàn trí nào có cách thức phân phối hàng hóa tới mọi người trên thế giới tốt hơn thị trường tự do?”. Theo cách định nghĩa về “tốt hơn” của Pareto thì câu trả lời luôn là không. Nói cách khác, thị trường tự do phân phối hàng hóa tốt hơn bất kì điều gì mọi người có thể hình dung. “Nhà lập kế hoạch” ở đây là một nhân vật hư cấu sở hữu một nhận thức hoàn hảo như Chúa toàn năng. Nhà lập kế hoạch ấy cần phải biết mọi điều về mong muốn, sở thích của từng người trên thế giới, và ông ta phải có kiến thức đầy đủ về các công nghệ cần thiết để sản xuất từng loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu đó. Do nhận thức dường ấy là không tưởng cho bất kì cá nhân đơn lẻ nào có thể đạt tới, nên công trình của Parcto sau đó còn được sử dụng để ám chỉ tư tưởng thị trường tự do sẽ có khả năng điều chỉnh tốt hơn nhiều so với kinh tế kế hoạch tập trung mà Liên bang Xô-viết thực hiện trong thế kỷ 20. Nhà lập kế hoạch sở hữu nhận thức hoàn hảo đơn giản là không tồn tại trên thực tế. Thị trường tự do là cỗ máy tích lũy thông tin và lan truyền thông tin từ người này sang người khác theo phương thức gần như lý tưởng. Mặc dù nghiên cứu của Pareto cho rằng thị trường tự do hoạt động hiệu quả, kết quả này thực chất vẫn dựa trên một loạt các giả định về các đặc tính của công nghệ và cách thức con người sẽ hành xử. Dựa trên các giả định dó, Pareto đã đặt nền móng cho các nhà kinh tế sau này đặt ra câu hỏi: Trong trường hợp nào thị trường tự do không còn hoạt động tốt? Đó là câu hỏi chúng ta đang phải đối mặt ngày nay. Tư tưởng của Pareto về cách thức phân phối hàng hóa tốt hơn quan trọng đến mức nó được công thức hóa thành một nguyên lý trong kinh tế học mang tên Nguyên lý Thứ nhất của Kinh tế học phúc lợi. Nguyên lí này chỉ ra mối tương quan giữa quan điểm của Pareto về phân phối hàng hóa và cách thức hàng hóa thực tế được phân phối trên thị trường. Quan điểm của Pareto về phân phối hàng hóa không nhắc gì đến việc ai là người giàu ai là người nghèo, ông coi mọi người là như nhau. Thị trường sẽ tự điều tiết tài nguyên hiệu quả dựa trên việc phân phối của cải hiện tại. Các nhà kinh tế gọi quan điểm về việc phân phối hiệu quả, được thể hiện một cách rõ rệt nhất trong các nghiên cứu của Pareto, là Hiệu quả Pareto. Nguyên lý đầu tiên về kinh tế học phúc lợi cho biết, mọi điểm cân bằng cạnh tranh đều tuân theo nguyên tắc Hiệu quả Pareto. Quan điểm thị trường tuân theo nguyên tắc Hiệu quả Pareto là sự thể hiện rõ rệt tư tưởng đề cao thị trường tự do của các nhà kinh tế. Nó là biểu hiện rõ ràng cho lý thuyết về “bàn tay vô hình” mà Adam Smith đã viết vào năm 1776. Nói theo cách của Adam Smith thì: Bằng việc chú ý đến ngành của mình thay vì các ngành khác, [mỗi cá nhân] cuối cùng cũng chỉ nhắm tới quyền lợi của mình. Ngay cả việc tìm cách chi phối ngành đó theo hướng làm ra nhiều của cải nhất, anh ta cũng chỉ nghĩ đến bản thân. Trong trường hợp này, cũng như trong nhiều trường hợp khác nữa, anh ta bị điều khiển bởi một “bàn tay vô hình”, dẫn anh ta đến một kết quả mà chính anh ta cũng không chủ định trước. Vì tính vị kỉ, anh ta không bao giờ quan tâm tới các hệ quả từ hành động của mình, và may là điều này không phải lúc nào cũng gây hại tới xã hội. Tuy vậy, nghịch lý là, bằng cách theo đuổi lợi ích riêng, anh ta vô tình đã tạo ra những điều tốt cho xã hội, thậm chí còn hiệu quả hơn khi anh ta chủ định làm việc đó. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy những thứ tốt đẹp được tạo ra từ những người có suy nghĩ đi buôn bán, trao đổi để phụng sự cho lợi ích cộng đồng cả (Smith, 1776, chương 2, quyển 4, trang 477). Có một số tư tưởng quan trọng trong đoạn trích này vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Thứ nhất, hành vi vị kỷ của con người sẽ kích thích lợi ích chung, vì lợi nhuận sẽ thúc đẩy các công ti sản xuất những mặt hàng mọi người muốn mua. Tư tưởng này đã trở thành nền tảng cho lập luận của những người theo cánh hữu ủng hộ sự tồn tại của các doanh nghiệp tư nhân. Thứ hai, trong thực tế hãy cẩn trọng với những người hay tuyên bố rằng họ hành động vì lợi ích của bạn. Tư tưởng thứ hai này là gốc rễ của sự thiếu niềm tin đối với các chính sách về thị trường của chính phủ. Nguyên lý đầu tiên về phúc lợi xã hội đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế học bởi vì khi hàng hóa được bán ra trên thị trường cũng là lúc người sử dụng lao động phải trả tiền lương cho nhân công. Nếu thị trường vận hành đúng theo cách Thuyết Cân bằng Tổng quát đề ra thì thực chất thất nghiệp chỉ là lựa chọn riêng của các cá nhân khi họ đang trong giai đoạn đi tìm công việc được trả lương tốt hơn. Lập luận này khó có thể đứng vững trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, khi số lượng công nhân trong ngành ô tô tại Detroit, công nhân nhà máy hóa dầu tại Anh và công nhân xây dựng tại Pháp bị sa thải lên đến hàng nghìn. Chỉ tính riêng tại Hoa Kì, hằng tháng có tới nửa triệu công nhân bị mất việc trong những tháng đầu năm 2009. Rõ ràng những người lao động này không hề lựa chọn việc nghỉ ngơi dài hạn như vậy, chúng ta buộc phải đi đến kết luận rằng Nguyên lý đầu tiên về phúc lợi không áp dụng được trong nền kinh tế ngoài thực tế. Kết luận này là hệ quả của việc suy luận logic dựa trên những giả định ban đầu, do đó chắc hẳn một trong số những giả định nói trên sẽ không còn chính xác. Tôi sẽ quay lại vấn đề này trong Chương 7 bằng cách giải thích kĩ hơn về việc Nguyên lý Đầu tiên về Phúc lợi yêu cầu những người tham gia vào thị trường cần sở hữu thông tin hơn là chỉ suy đoán: Vì một số người có thông tin nội bộ, nên một số thị trường sẽ không thể tồn tại. ĐỒNG MÁC, ĐỒNG YÊN, ĐỒNG ĐÔ LA HAY ĐỒNG BẢNG ANH… Thuyết Cân bằng Tổng quát là một công cụ hữu hiệu để giải thích nguyên nhân tại sao mọi người trao đổi với nhau và số lượng hàng hóa bao nhiêu cần được sản xuất. Nó không giải thích được lý do mọi người tiêu tiền, hoặc tương quan của sức mua của đồng đô la với giá cả các mặt hàng. Thay vào đó, kinh tế học cổ điển giải thích những khía cạnh kể trên của nền kinh tế hiện đại bằng Lý thuyết về số lượng tiền tệ. Tiền đã được sử dụng để mua bán hàng hóa ngay từ thời con người bắt đầu biết cách tạo dựng cộng đồng để chung sống với nhau. Từ những năm 3000 trước Công nguyên, một số kim loại quý đã được người Babylon dùng làm vật trao đổi ngang giá. Tại Trung Quốc, vào đầu những năm 2000 trước Công nguyên, vỏ của những con sò tiên cũng được sử dụng như một loại tiền. Đến năm 500 trước Công nguyên, người Trung Quốc đã biết sử dụng tiền xu làm từ kim loại quý. Người Ấn Độ cũng sử dụng phương thức tương tự trong cùng khoảng thời gian này. Sự tiến hóa về hình thức của các đồng tiền, đi từ vật dụng đơn giản như vỏ sò đến kim loại quý và cuối cùng là tiền giấy là một nguyên mẫu phát triển chung trong lịch sử các nền văn minh, cho dù tốc độ của sự phát triển đó có thể khác nhau giữa các châu lục và các nền văn hóa. Trong lịch sử, tiền thường được đúc từ hợp kim của một hoặc nhiều kim loại quý. Vào thời Trung cổ tại châu Âu, tiền làm từ vàng được sử dụng trong các giao dịch quốc tế, trong khi tiền làm từ bạc và đồng được sử dụng trong các giao dịch trong nước*. Khi châu Mĩ được tìm thấy, đã có những cuộc chở vàng ồ ạt từ các mỏ tại vùng Tân thế giới về châu Âu. Từ sự kiện này, những nhà quan sát đương thời nhận thấy giá cả của mọi hàng hóa nói chung đã đồng loạt tăng lên. Một trong số những người nghiên cứu về tiền sớm nhất là triết gia người Anh David Hume. Ông đã viết một tiểu luận có nhan đề “Về tiền tệ” năm 1752, và cho đến tận ngày nay, nó vẫn còn có giá trị*. David Hume và các học giả cùng thời đã đưa ra Lý thuyết về số lượng tiền tệ, trong đó khẳng định rằng giá thị trường của mọi hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong một năm (giá thị trường của tổng sản phẩm quốc nội, viết tắt là GDP), tỉ lệ thuận với lượng tiền dự trữ. Song song với đó, các nhà kinh tế cổ điển cũng sử dụng Thuyết Cân bằng Tổng quát để xác định số lượng hàng hóa và dịch vụ cần được sản xuất và mức giá của chúng trong so sánh tương quan với nhau. Mức giá đó còn được gọi là giá tương đối hay tỉ giá (relative prices). Họ còn sử dụng Thuyết Số lượng Tiền tệ để xác định mức giá trung bình của các mặt hàng tính theo các đơn vị tiền, hay còn được gọi là giá tiền hay giá danh nghĩa (money price hay nominal price). … ĐÓ LÀ THỨ CẢ THẾ GIỚI PHẢI XOAY QUANH Sự khác nhau giữa giá tương đối, được xác định bằng Thuyết Cân bằng Tổng quát, và giá tiền, được xác định bằng Thuyết Số lượng Tiền tệ được giải thích như sau: Giả sử Denis là người công nhân cuối cùng được thuê vào một công ti sản xuất hộp nhôm. Denis có thể sản xuất 40 hộp một tuần, trong 40 giờ làm việc*. Thuyết Cân bằng Tổng quát cổ điển dự đoán rằng lương dành cho Denis là một sản phẩm một giờ. Nó không nhắc gì đến tiền lương hoặc giá thị trường của một hộp nhôm. Những giá trị này không được giải thích trong Thuyết Cân bằng Tổng quát. Tại điểm cân bằng, có thể Denis kiếm được 1 đô la một giờ, và một hộp nhôm trị giá 1 đô la; hoặc, Denis kiếm được 10 đô la một giờ và một hộp nhôm cũng trị giá 10 đô la. Cả hai trường hợp này, dưới góc nhìn về giá tương đối của Thuyết Cân bằng Tổng quát, là tương tự nhau. Đó là lúc Thuyết Số lượng Tiền tệ phát huy tác dụng. Theo thuyết này, giá tiền của một hàng hóa phụ thuộc vào lượng tiền đang lưu hành trong nền kinh tế bởi tiền là công cụ để thúc đẩy việc giao thương. Như Hume đã từng viết: Tiền, nói một cách chính xác, không phải là chủ đề chính của việc giao thương. Nó chỉ là một phương tiện để giúp con người có thể trao đổi hàng hóa với nhau thuận tiện hơn. Nói một cách hình tượng, nó không phải là bánh xe của cỗ xe thương mại, mà chỉ là dầu nhớt giúp cho chuyển động của bánh xe trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn (Hume, 1754, trang 281). Tư tưởng cho rằng tiền là dầu nhớt thúc đẩy bánh xe quay nhanh hơn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tới mức nó xuất hiện trong tất cả các lời giải thích về kinh tế học cổ điển của thời nay. Bản chất của nó là, các hoạt động kinh tế sẽ xoay quanh các yếu tố chủ chốt như nhu cầu của con người, nguồn lực, công nghệ… Và theo đó, trong dài hạn, số lượng tiền lưu thông chỉ quyết định được mức giá hàng hóa ngoài thị trường mà thôi. Tư tưởng này có thể được diễn đạt trong một mệnh đề ngắn gọn: Trong dài hạn, tiền mang tính chất trung lập. TRỰC THĂNG RẢI TIỀN Con người thường không hiểu rõ về tính trung lập của tiền. Vì thế, đôi khi, người ta dự đoán rằng theo Thuyết Số lượng Tiền tệ thì khi lượng tiền tăng gấp đôi thì giá cả cũng tăng gấp đôi, và điều này sẽ không gây tổn hại gì đến các hoạt động kinh tế. Ông Ben Bernanke, giám đốc của FED, đôi khi sử dụng cụm từ “máy bay trực thăng thả một núi tiền” (Helicopter Ben) để nhấn mạnh cho yếu tố không gây tổn hại này khi bơm tiền vào nền kinh tế. Trong một bài phát biểu, ông có nêu lại ví dụ dưới đây, vốn là một phần trong công trình nghiên cứu của Nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, Milton Friedman (1994, trang 29). Friedman gợi ý rằng chúng ta thử suy ngẫm xem điều gì sẽ xảy ra nếu một chiếc máy bay trực thăng bay vòng quanh một quốc gia và liên tục thả tiền xuống. Một người, với cách hiểu đơn giản về Thuyết Số lượng Tiền tệ, sẽ dự đoán rằng hệ quả ngay lập tức là giá của mọi mặt hàng trong quốc gia đó sẽ tăng gấp đôi, nhưng số lượng hàng hóa được trao đổi thì sẽ giữ nguyên. Theo đó, lúc mọi người thức dậy vào sáng thứ Tư, khi chiếc máy bay đã hoàn thành nhiệm vụ trong đêm thứ Ba, giá của một cốc cà phê là 1 đô la trong thứ Ba sẽ trở thành 2 đô la vào thứ Tư. Thực chất Thuyết Số lượng Tiền tệ phức tạp hơn như vậy rất nhiều. Mặc dù thuyết này nói rằng, trong dài hạn tiền sẽ không có tác động gì nhiều đến tỉ lệ thất nghiệp hay sản lượng hàng hóa, nhưng trong ngắn hạn, thuyết này không dám khẳng định điều đó, do những kết quả ngoài thực tế đã chứng minh ngược lại. Trên thực tế, việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế cần thời gian để nhìn ra được những hệ quả đầu tiên. Trên thực tế luôn tồn tại một cuộc tranh cãi dai dẳng giữa Thuyết về cân bằng tổng quát và Thuyết Số lượng Tiền tệ trong các nhà kinh tế cho đến tận ngày nay. Trong khi Thuyết Cân bằng Tổng quát dự đoán rằng giá tương đối sẽ được điều chỉnh ngay lập tức để cung và cầu của mọi hàng hóa có thể tiến đến điểm cân bằng thì Thuyết Số lượng Tiền tệ lại dự đoán rằng mức giá chung trên thị trường sẽ tỉ lệ thuận với số lượng tiền dự trữ, nhưng khi tiền được bơm thêm vào nền kinh tế, giá cả sẽ không thay đổi ngay lập tức. Vì thế, trong khoảng thời gian chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn, dự đoán của Thuyết Cân bằng Tổng quát và Thuyết Số lượng Tiền tệ sẽ không thể cùng đúng. Các nhà kinh tế thống nhất rằng sự khác biệt giữa hai lý thuyết này là do hệ quả của việc tồn tại ma sát kinh tế. MA SÁT KINH TẾ Các nhà kinh tế thường cho rằng Lý thuyết Cân bằng Tổng quát là cách mô tả hoàn hảo về cách vận hành của các thị trường có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Tuy vậy, tại bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ xuất hiện những lực ma sát cản trở việc xác lập sự cân bằng giữa cung và cầu. Kinh tế học sử dụng từ “ma sát” (friction) để ám chỉ rào cản trong việc trao đổi hàng hóa hay chi phí cần thiết chi cho việc cập nhật giá tiền các mặt hàng. Chính chi phí này là điều khiến cho các công ti không muốn liên tục điều chỉnh tiền lương và giá cả một cách nhanh chóng đến mức mà Lý thuyết Cân bằng Tổng quát có thể áp dụng hoàn hảo. Minh họa này tương tự như trong vật lý, khi lực ma sát là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự chuyển động của các vật theo định luật của Newton. Trên thực tế, hai lý thuyết nói trên sẽ không thể đạt được các kết quả tương tự khi tiến hành trong phòng thí nghiệm, do khó khăn và chi phí trong việc tạo dựng ra các điều kiện lý tưởng. Các nhà vật lí đã dùng lực ma sát để giải thích về chuyển động đi xuống của một vật trên mặt phẳng nghiêng, hay sự mất năng lượng trong các động cơ. Còn các nhà kinh tế thì sử dụng cụm từ “ma sát kinh tế” (economic friction) để giải thích tại sao trong trường hợp lượng tiền tăng, giá cả vẫn không tăng ngay lập tức theo để thích ứng. Khi mô hình nói trên được áp dụng vào thị trường lao động, người ta kì vọng rằng cầu lao động luôn phải cân bằng với cung lao động. Nhưng trong thực tế chúng ta luôn thấy tồn tại một tỉ lệ thất nghiệp nhất định, do đó theo quan điểm của các nhà kinh tế, đây là hệ quả của ma sát kinh tế, khiến việc điều chỉnh tiền lương không diễn ra kịp thời. Nếu lực ma sát này đủ lớn, giá cả các mặt hàng cũng như tiền lương sẽ được điều chỉnh rất chậm chạp, và nhiều khả năng là tỉ lệ thất nghiệp sẽ liên tục ở mức cao. Vào những năm 1930, Hoa Kì đã trải qua giai đoạn 6 năm liên tiếp có tỉ lệ thất nghiệp trên 15%. Dùng kinh tế học cổ điển, chúng ta khó lòng giải thích được hiện tượng này. Cuối cùng, Keynes đã phát triển một hướng tiếp cận mới thay thế cho mô hình cung cầu trên thị trường lao động nói trên. Trong suốt 30 năm, lí thuyết của ông về cách nền kinh tế vận hành đã chiếm ưu thế chủ đạo trong giới học thuật. Bằng lý thuyết của mình, Keynes có thể giải thích được những điều đã xảy ra trong thời kỳ Đại suy thoái, và làm cách nào để có thể ngăn ngừa nó. Điều đó đã dẫn đến một cuộc cải tổ mang tính căn bản trong hệ thống chính trị và có ảnh hưởng đến tận ngày nay. CHƯƠNG 3 ẢNH HƯỞNG CỦA KEYNES ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI Tôi tin rằng chủ nghĩa tư bản, nếu được quản lý lốt, sẽ là phương thức giúp chúng ta đạt tới các mục tiêu kinh tế hiệu quả hơn bất kì phương thức nào khác. Tuy nhiên, trong nội tại của nó cũng tồn tại nhiều điều rất đáng chê trách. John Maynard Keynes (1931, trang 321) Keynes có ảnh hưởng rất lớn đối với tới kinh tế học và chính trị. Trước khi lý thuyết kinh tế của Keynes ra đời, vai trò của chính phủ đối với các vấn đề kinh tế chỉ giới hạn trong một vài lĩnh vực, ví dụ như bảo vệ quốc phòng và duy trì hệ thống tư pháp. Sau khi cuốn Lý thuyết Tổng quát (The General Theory) của ông ra đời, các chính phủ phương Tây đã gánh vác thêm một vai trò mới: tạo ra nhiều công ăn việc làm và giữ cho tỉ lệ này ở mức cao. Để hiểu thêm về cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế theo thuyết kinh tế cổ điển như Eugene Fama, và các nhà kinh tế theo thuyết kinh tế của Keynes như Paul Krugman, chúng ta cần phải nắm được nguyên nhân và cách thức của sự chuyển dịch trên. Tư tưởng của Keynes về kinh tế thực ra là một cuộc hành trình thoát ra khỏi lối tư duy cũ. Keynes được đào tạo bài bản về kinh tế học cổ điển nên ông có thể nhận thức dược đầy đủ về điểm mạnh cũng như điểm yếu của nó. Thế nhưng đúng vào thời điểm đó, cuộc Đại suy thoái diễn ra và đã gây ra những ảnh hưởng lớn lao đến mọi nhà kinh tế đương thời, tương tự như ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năm 2008 tới tư duy của các nhà kinh tế hiện nay. Keynes nhận ra rằng Lý thuyết Bàn tay Vô hình của Adam Smith cần được sửa đổi để phù hợp với sự khổ sở mà con người đã phải trải qua trong giai đoạn này. Trong thực tế, hiện tượng tỉ lệ thất nghiệp có thể giữ nguyên ở mức cao trong một thời gian dài hoàn toàn không phù hợp so với những kết luận của lý thuyết kinh tế cổ điển. Đã đến lúc những thứ mới cần được ra đời. CÁI NHÌN MỚI CỦA MAYNARD KEYNES Lý thuyết kinh tế của Keynes hoàn toàn khác so với những lý thuyết kinh tế ra đời trước đó. Vào thời điểm những năm 1920, các nhà kinh tế cổ điển khi đó đang nhìn nhận nền kinh tế như một cỗ máy ổn định có khả năng tự sửa lỗi. Một số sự kiện ngẫu nhiên ngoài dự đoán xảy ra có thể tạo nên một vài xáo động đối với nền kinh tế, và một số người có thể sẽ tạm thời bị mất việc. Tuy nhiên sau đó, theo cách diễn đạt của Adam Smith thì “bàn tay vô hình” sẽ lại dẫn dắt hàng trăm triệu cá nhân vị kỷ theo hướng giúp nền kinh tế có thể nhanh chóng quay lại tình trạng ai cũng có công ăn việc làm. Keynes tỏ ra rất hoài nghi về bản chất tự sửa lỗi của nền kinh tế, bởi vì ông không chứng kiến bất kì bằng chứng nào của điều đó trong thời kỳ những năm 1920 tại Anh. Vào thời điểm đó, tỉ lệ thất nghiệp tại Anh đã duy trì ở mức cao trong gần một thập kỷ. Theo quan điểm của ông, một trong những cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế là cú sốc về niềm tin của nhà đầu tư về giá trị thị trường chứng khoán trong tương lai. Ông gọi hiện tượng này với cái tên “tâm lý đám đông của các nhà đầu tư” (animal spirits of investors). Khi kết hợp điều này với lý thuyết của Keynes về thị trường lao động, chính quan điểm rằng “niềm tin của các nhà đầu tư có thể dẫn dắt thị trường” có thể dẫn đến việc tỉ lệ thất nghiệp tồn tại dai dẳng ở một mức cao trong một thời gian rất dài mà không có nguyên nhân rõ ràng. Các nhà kinh tế cổ điển tin rằng tỉ lệ thất nghiệp cao chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn. Đó là thời gian cần thiết để giá cả có thể tự điều chỉnh về điểm cân bằng trong dài hạn. Vào năm 1924, khi trình bày quan điểm của mình về kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, Keynes đã đưa ra một câu khẳng định nổi tiếng “Trong dài hạn, tất cả chúng ta đều sẽ chết!”*. THẤT NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI SUY THOÁI Chu kỳ kinh tế không phải là một khái niệm mới trong kinh tế học. Trong suốt thế kỷ 19, Hoa Kì đã trải qua 5 cuộc khủng hoảng tài chính lớn, và tất cả các cuộc khủng hoảng đó đều có vài điểm chung. Những quan điểm đương thời về lý thuyết chu kỳ kinh tế đã được nhà kinh tế người Anh Arthur Pigou trình bày tóm lược trong một cuốn sách nổi tiếng xuất bản năm 1929 có tên Sự biến động của ngành công nghiệp (Industrial Fluctuations)*. Trong cuốn sách này, ông liệt kê được ít nhất 6 nguyên nhân khác nhau có thể chi phối sự vận hành của chu kỳ kinh tế. Các nguyên nhân đó là: Sai lầm gây ra bởi tâm lý lạc quan hay bi quan, biến động của ngành nông nghiệp gây ra bởi vấn đề thời tiết, năng suất thay đổi đột ngột do sự ra đời của những công nghệ mới, biến động tiền tệ, các cuộc tranh chấp trong ngành công nghiệp và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, không một ai trong giai đoạn này nghi ngờ rằng nền kinh tế sau khi trải qua những xáo trộn do 6 yếu tố trên gây ra liệu có thể tự phục hồi nhanh chóng về trạng thái mọi người đều có công ăn việc làm hay không. Thế nhưng, cuộc Đại suy thoái xảy ra vào những năm 1930 đã vĩnh viễn thay đổi quan điểm trên. Hình 3.2 thể hiện tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa Kì từ năm 1890 đến năm 2007. Sự lên xuống trong những khoảng thời gian không đều trên biểu đồ biểu hiện cho sự tồn tại của chu kỳ kinh tế. Nguyên nhân của sự lên xuống đó đã được Pigou nhìn nhận tương đối đầy đủ qua danh sách 6 yếu tố nói trên, từ sự bi quan và hệ quả của các nhà đầu tư đến sự thay đổi về thị hiếu của người tiêu dùng. Có hai điểm đáng lưu ý trong biểu đồ này. Thứ nhất, đỉnh về tỉ lệ thất nghiệp diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 1929 đến năm 1941 lớn hơn nhiều so với bất kì đỉnh của tỉ lệ thất nghiệp nào trong các năm trước và sau đó. Tình trạng thất nghiệp cao xảy ra gần đây nhất là trong thời kỳ suy thoái kinh tế ở thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 19, với đỉnh của tỉ lệ thất nghiệp là 18%, và có 6 năm liên tiếp tỉ lệ thất nghiệp duy trì ở trên mức 10%. Thứ hai, tỉ lệ thất nghiệp từ năm 1946 trở lại đây trở nên ít biến động hơn hẳn so với thời kỳ những năm trước Thế chiến II. Các nhà kinh tế theo học thuyết của Keynes cho rằng, và tôi nghĩ rằng họ đúng, sự sụt giảm đáng kể của sự biến động nói trên là hệ quả trực tiếp của việc tăng cường vai trò chính phủ trong việc điều tiết nền kinh tế thông qua Đạo luật Việc làm được Quốc hội phê duyệt vào năm 1946. Đạo luật này khuyến khích chính phủ “thúc đẩy tối đa việc làm, sản xuất và sức mua”. Sự ổn định của chu kỳ kinh tế Hoa Kì thời kì hậu chiến chính là bằng chứng rõ ràng nhất về sự thành công của học thuyết kinh tế Keynes. CUỘC TRỐN CHẠY KHỎI KINH TẾ HỌC CỔ ĐIỂN CỦA KEYNES Vào những năm 1920, Keynes là một nhà kinh tế theo trường phái kinh tế học cổ điển. Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái đã khiến ông thay đổi góc nhìn và tìm cách phát triển một lý thuyết mới để phù hợp với các chính sách do ông đề ra. Keynes tin rằng các chính sách đó là phương thuốc đúng đắn để chữa trị các “căn bệnh trầm kha” trong xã hội. Keynes tin chắc như vậy, và đây cũng là lý do ông phải giải thích cho những người khác tin rằng lý thuyết chính phủ có thể can thiệp vào kinh tế là sai lầm. Keynes đã viết trong chương mở đầu cuốn Lý thuyết Tổng quát như sau: Các nhà kinh tế cổ điển hiện nay cũng giống như các nhà toán học theo thuyết hình học Euclid phải sống trong thế giới phi Euclid. Họ phát hiện ra rằng các đường thẳng song song vẫn cắt nhau, và họ quở trách các đường thẳng đó vì tội không thực sự thẳng - cách lý giải duy nhất cho việc cắt nhau đang thực sự xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế không có lý giải nào khác, ngoại trừ việc vứt bỏ tiên đề về các đường thẳng song song và tập sống trong thế giới phi Euclid. Cuộc cách mạng tư tưởng này đã xoay chuyển cách tư duy hiện giờ về kinh tế, và để lại một dấu ấn lớn trong quan niệm không nên kiểm soát kinh tế tư bản vì nó có khả năng tự sửa lỗi. Các tư tưởng kinh tế học cổ điển đương thời đã được tóm lược lại trong cuốn sách của Pigou Sự biến động của ngành công nghiệp (Industrial Fluctuations). Theo đó, cuộc Khủng hoảng chỉ có thể diễn ra bời một trong 6 nguyên nhân đã được liệt kê: sai lầm gây ra bởi tâm lý lạc quan hay bi quan, biến động của ngành nông nghiệp gây ra bởi vấn đề thời tiết, năng suất thay đổi đột ngột do sự ra đời của những công nghệ mới, biến động tiền tệ, các cuộc tranh chấp trong ngành công nghiệp và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Một số nhà kinh tế theo lý thuyết chu kỳ kinh tế hiện đại còn đi xa hơn thế. Họ cho rằng tất cả các biến động lớn đều xuất phát từ các thay đổi của quy luật thị trường, và phần lớn các thay đổi đó đều đến từ các tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, bất chấp nguyên nhân tạo ra các cú sốc kinh tế là gì, kinh tế cổ điển vẫn khẳng định rằng nền kinh tế sẽ nhanh chóng phục hồi về trạng thái mà tại đó tất cả mọi người đều có công ăn việc làm. Có hai vấn đề lớn trong kết luận nói trên. Thứ nhất, rất khó khăn để xác định nguyên nhân chính xác của các cú sốc châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng xảy ra với quy mô của Đại suy thoái năm 1930. Thứ hai, bất kể biến động có thể là gì, hàng triệu công nhân mất việc trong những năm đầu khủng hoảng sẽ nhanh chóng tìm thấy công việc mới. Thực tế xảy ra hoàn toàn ngược lại và cái giá phải trả cho sự khốn khổ của những người công nhân nói trên là không thể đo đếm được. HỌC THUYẾT KINH TẾ CỦA KEYNES Được tạo ra với mục đích trở thành một lý thuyết thay thế cho lý thuyết về cung cầu của kinh tế cổ điển, Keynes đã bỏ qua đường cung lao động, một trong những công thức các nhà kinh tế thường sử dụng để mô tả điểm cân bằng của hệ thống kinh tế cổ điển. Ông thay thế công thức này bằng giả định rằng niềm tin của các nhà đầu tư là một động lực độc lập chi phối cách vận hành của chu kỳ kinh tế. Chỉ với ý tưởng này, cả hai vấn đề lớn của kinh tế cổ điển đã được giải quyết. Theo đó Keynes cho rằng nguyên nhân dẫn đến cuộc Đại suy thoái là sự sụt giảm đột ngột niềm tin của các nhà đầu tư vào tương lai - một cơn cuồng loạn tập thể làm ảnh hưởng ngay lập tức đến mọi thành phần đang tham gia trên thị trường chứng khoán. Nói cách khác, chính sự sụp đổ của thị trường chứng khoán đã dẫn đến việc xuất hiện cuộc Đại suy thoái. Điều này đã diễn ra như thế nào? Thị trường chứng khoán sụp đổ bởi vì mọi người tin rằng những máy móc và nhà xưởng đang tạo ra lợi nhuận thì sẽ bị định giá thấp hơn trong tương lai. Do đó, các doanh nghiệp sẽ không mua thêm các thiết bị mới và những người công nhân đang sản xuất ra các loại hàng hóa sẽ thất nghiệp. Những người công nhân này không có khả năng mua các loại hàng hóa tiêu dùng, và các công nhân đang sản xuất ra các mặt hàng này cũng sẽ thất nghiệp. Thực tế, nền kinh tế sẽ không thể phục hồi về trạng thái mọi người đều có việc làm, bởi vì cơ chế tự sửa lỗi của thị trường như Pigou và những người đương thời mô tả là không tồn tại. Theo quan điểm của Keynes, bất cứ tỉ lệ thất nghiệp nào cũng có thể tồn tại mãi mãi bởi yếu tố thúc đẩy nền kinh tế quay về trạng thái cân bằng đơn giản là không tồn tại hoặc tồn tại quá yếu để chúng ta có thể kỳ vọng vào việc chúng có thể giải quyết mọi việc trong thời gian ngắn. Cách giải thích của Keynes về nguyên nhân xuất hiện của Đại suy thoái được dựa trên hai khái niệm có mối quan hệ khăng khít với nhau: tổng cung và tổng cầu. Tổng cung và tổng cầu khá giống so với lý thuyết về cung cầu áp dụng cho một thị trường đơn lẻ của Marshall nhưng vẫn có nhiều khác biệt. Chúng ta cũng không nên nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Tổng cung cho biết tổng giá tiền của hàng hóa và dịch vụ mà các hộ gia đình và các doanh nghiệp sẽ chi tiêu trong một khoảng thời gian nhất định. Tổng cầu cho biết sẽ cần tới bao nhiêu công nhân để có thể sản xuất ra số lượng hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được nhu cầu nói trên. CHÍNH SÁCH CỦA KEYNES Trước Keynes, phần lớn mọi người tin rằng chính phủ nên “thực hiện đúng chức năng của nó”. Điều này được thể hiện trong một bài diễn văn của Herbert Hoover năm 1932 tại Quảng trường Madison trong một nỗ lực tái tranh cử thất bại của ông. Trong tình thế cấp bách thế này, Chính phủ Liên bang buộc phải chi thêm cho các khoản chi bất thường, nhưng trong nỗ lực nhằm giảm bớt các khoản chi đó, chính quyền được dẫn dắt bời Đảng cộng hòa đã thành công trong việc cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên của chính phủ (Hoover, 1932, trích dẫn có một vài sửa đổi). Trái ngược với quan điểm cổ điển rằng chính phủ nên cố gắng cân bằng chi tiêu ngân sách trong thời kỳ suy thoái, Keynes cho rằng, thay vào đó chính phủ nên vay thêm tiền và sử dụng nó để kích cầu. Lý thuyết kinh tế mới của ông sẽ giải thích tại sao điều này là thích hợp. Theo kinh tế học cổ điển, việc chính phủ chi ra 1 đô la sẽ tương đương với việc các hộ gia đình sẽ chi ít đi 1 đô la do kích thước của chiếc bánh là cố định. Tuy nhiên, trong thuyết kinh tế của Keynes, mỗi đô la được chính phủ chi thêm sẽ lại làm tăng quy mô của chiếc bánh, và từ đó làm tăng số tiền dự trữ của cả chính phủ và các hộ gia đình. Keynes lập luận rằng, để thoát khỏi khủng hoảng, chính phủ các quốc gia cần vay mượn thêm tiền và sử dụng chúng để mua bán thêm các loại hàng hóa và dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp tư nhân. Lý thuyết này giải thích tại sao chính phủ các nước đã theo đuổi chính sách thâm hụt ngân sách giống như cách Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Alistair Darling và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kì Timothy Geithner đã làm. Điều này cũng lí giải cho sự tăng lên nhanh chóng của nợ công các nước kể trên trong những năm 2008-2009. Thực tế, trong những năm 1930, Franklin Delano Roosevelt là người bắt đầu sử dụng sáng kiến tăng cường dịch vụ công trong nỗ lực giúp nền kinh tế Hoa Kì thoát khỏi cuộc Đại suy thoái. Nhưng những nỗ lực của ông quá nhỏ bé và không tạo ra nhiều tác dụng. Theo đó, thâm hụt ngân sách liên bang trong khoảng thời gian này đã tăng lên rất cao, trái ngược với tình trạng sụt giảm ngân sách của từng bang, tình trạng này tương tự như những gì đã xảy ra vào năm 2009*. Cuối cùng, chính sách theo đuổi thâm hụt ngân sách trên quy mô lớn cũng được khởi phát khi Hoa Kì tham gia vào Thế chiến II, và lúc đó các chính sách theo học thuyết của Keynes đã đạt được những thành công vang dội. Việc áp dụng rộng rãi chính sách tài khóa trong những năm đầu của Thế chiến II xảy ra đồng thời với sự lên ngôi của kinh tế Hoa Kì sau thời Đại suy thoái. Nền kinh tế đã được phục hồi từ đống tro tàn. Đến đầu những năm 1940, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, tốc độ tăng trưởng GDP gia tăng và sản lượng bình quân đầu người cuối cùng cũng tương đương với mức dự kiến nếu Đại suy thoái không xảy ra. Đây chính là kết quả mà Keynes đã dự đoán. Ông cho rằng nếu tiền đầu tư dành cho khối doanh nghiệp tư nhân quá thấp thì chi tiêu chính phủ phải tăng lên để bù lại. Việc Keynes lý giải thành công những sự kiện nói trên đã khiến Milton Friedman, một nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, phải khẳng định vào năm 1965, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time, rằng: “Bây giờ, tất cả mọi người đều theo học thuyết của Keynes.”* CHƯƠNG 4 NHỮNG NGƯỜI THEO HỌC THUYẾT KEYNES ĐÃ SAI LẦM Ở ĐÂU Lý luận cơ bản của học thuyết Keynes về vấn đề này (kích cầu bằng chính sách tài khóa) đơn giản là một sai lầm. Những nhà kinh tế đã từ bỏ học thuyết Keynes từ 30 năm trước khi Bob Lucas, Tom Sargent và Ed Prescott chỉ ra điểm không hợp lý của nó. Kể từ đó, học thuyết trên đã không được đề cập trong bất kì giáo trình hoặc các báo cáo khoa học nào. John Cochrane (Ngày 18 tháng 3 năm 2009, trong một cuộc tranh luận trực tuyến trên tạp chí The Economist) Có một thực tế là không phải mọi nhà kinh tế đều theo học thuyết của Keynes. John Cochrane, người viết những dòng trên, là một nhà kinh tế nổi bật tại Đại học Chicago và là tác giả của một giáo trình về tài chính nổi tiếng dành cho sinh viên*. Những nhà kinh tế ông nêu ra trong đoạn trích dẫn trên đều là những người đồng tình với quan điểm của ông, bao gồm hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel Robert Lucas và Edward Prescott, và Tom Sargent - một trong số những nhà kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng nhất hiện nay. Nhưng liệu Cochrane có đúng? Và ông đã nghi ngờ những điểm mâu thuẫn nào trong logic của Keynes? Tôi từng học kinh tế bậc đại học tại Anh. Khi tôi tốt nghiệp cuối những năm 1970, lý thuyết kinh tế của Keynes vẫn được giảng dạy rộng rãi cho sinh viên đại học và cao học như một trong các lý thuyết chính về chu kỳ kinh tế. Thế nhưng, vào thời điểm tôi nhận bằng tiến sĩ tại Canada đầu những năm 1980, kinh tế học của Keynes đột nhiên biến mất khỏi giáo trình của phần lớn các trường đại học tại Anh, Canada, và Hoa Kì. Thế giới đã thay đổi và các lý thuyết cũng phải thay đổi theo để phản ánh thực tế đó. Sự mất niềm tin vào học thuyết kinh tế của Keynes đã dẫn đến sự hồi sinh của tư tưởng kinh tế học truyền thống. Nó cũng là thời điểm mà việc áp dụng các công cụ toán học để giải thích các hiện tượng trong kinh tế vĩ mô rất được ưa chuộng. Có thể nói sự đi xuống của lý thuyết kinh tế Keynes đã châm ngòi cho một cách tiếp cận lý thuyết kinh tế mới. Sự đi xuống của lý thuyết kinh tế Keynes gắn liền với sự thăng trầm của một khái niệm có tên là đường cong Phillips. Khái niệm này được đưa ra vào năm 1958 bởi một người New Zealand có tên Alban W. Phillips, hay là Bill Phillips như cách gọi của bạn bè và người thân dành cho ông. Bill Phillips là một kỹ sư được đào tạo bài bản. Đóng góp nổi trội của ông trong lĩnh vực kinh tế là đã chỉ ra rằng tỉ lệ thất nghiệp và tốc độ tăng tiền lương có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau khi ông xem xét dữ liệu tại Anh trong vòng một thế kỷ. Lịch sử đã chứng minh rằng, khi tỉ lệ thất nghiệp giảm, tiền lương sẽ tăng. Khi tỉ lệ thất nghiệp tăng, tiền lương sẽ giảm*. Các nhà kinh tế theo lý thuyết của Keynes rất tán đồng với đường cong Phillips và cho rằng đây là các bằng chứng thực nghiệm chứng minh tính đúng đắn của học thuyết kinh tế Keynes. Họ cho rằng chính phủ buộc phải lựa chọn giữa tỉ lệ lạm phát cao và tỉ lệ thất nghiệp cao, bằng cách lựa chọn một điểm xác định trên đường cong Phillips. Tuy nhiên, khi kiểm nghiệm lí thuyết này trong thực tế, dự đoán của những người theo học thuyết của Keynes đã hoàn toàn sai lầm. Để thay thế cho đường cong Phillips, các nhà kinh tế đã đưa ra một ý tưởng mới. Theo đó, nền kinh tế sẽ có xu hướng tìm đến một trạng thái mà tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên sẽ không thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ nào. Tôi sẽ giới thiệu lý thuyết có tên Tỉ lệ Thất nghiệp Tự nhiên (natural rate hypothesis) đó trong chương này và lý giải cách thức lí thuyết này trở thành lý thuyết thống trị tư tưởng của các nhà kinh tế hiện đại như thế nào. Lý THUYẾT CỦA KEYNES VỀ GIÁ CẢ Mặc dù các chính sách tài khóa sử dụng lý thuyết của Keynes đã giúp kinh tế Hoa Kì phục hồi thành công trong những năm Thế chiến II nhưng việc áp dụng các biện pháp chi tiêu ngân sách ồ ạt đã không còn đem lại hiệu quả trong thời kì hậu chiến. Thực tế là trong những năm 1960, Hoa Kì đã sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam - một cuộc chiến không được lòng dân chúng và do đó chính phủ không thể tăng cường ngân sách cho chiến tranh bằng cách tăng thuế. Hoa Kì lúc đó đã phải đi vay tiền ở mức cao kỷ lục để có thể chi trả cho các chi phí quân sự. Trong hoàn cảnh đó, lý thuyết của Keynes cho rằng các khoản thâm hụt ngân sách trước hết sẽ khiến mọi người trong nền kinh tế đều có công ăn việc làm, và hệ quả không tránh khỏi là lạm phát sẽ tăng cao. Thực tế, lạm phát xảy ra ngay lập tức nhưng tỉ lệ thất nghiệp thì không lúc nào giảm xuống. Vào năm 1975, tỉ lệ thất nghiệp đạt mốc 9% và lạm phát đạt đỉnh ở mức 13%. Báo chí gọi hiện tượng này là “suy phát”. Việc lạm phát cao và tỉ lệ thất nghiệp cao xảy ra đồng thời đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng lớn về mặt lý luận trong kinh tế học, bởi vì lí thuyết kinh tế của Keynes cho rằng tình trạng suy phát không thể xảy ra. Cũng theo lý thuyết của Keynes về tổng cầu, khi FED giảm lãi suất ngân hàng, cầu sẽ tăng vì các nhà đầu tư sẽ sẵn sàng đầu tư vào máy móc và nhà xưởng hơn. Nếu chính phủ tăng thuế, tổng cầu sẽ giảm vì các hộ gia đình và người làm kinh doanh sẽ ít mua sắm các loại hàng hóa nói chung hơn. Khi Mervyn King, Ben Bernanke hay Larry Summers nói đến cụm từ “Quản lý tổng cầu” tức là họ đang nhắc đến lý thuyết này. Để hiểu hơn về việc thay đổi tổng cầu sẽ làm thay đổi số lượng việc làm như thế nào, Keynes đã thêm vào một khái niệm có tên là tổng cung. Lý thuyết về tổng cung còn gây ra nhiều tranh cãi hơn vì nó ám chỉ rằng nạn thất nghiệp và lạm phát cao không thể xảy ra đồng thời. Chính lý thuyết này đã gây hoang mang cho các nhà kinh tế theo học thuyết của Keynes trong thời kỳ nội chiến, bởi vì nó hoàn toàn sai so với thực tế. Hãy thử mang lý thuyết này ra thử nghiệm và xem điều gì xảy ra. BILL PHILLIPS VÀ CHIẾC MÁY TÍNH Bill Phillips đã nghiên cứu dữ liệu được lưu trữ trong một thế kỷ tại Anh và tìm ra một mối quan hệ giữa tỉ lệ lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp. Phillips là một kỹ sư được đào tạo bài bản và thực tế ông không chỉ được biết đến nhờ vào nghiên cứu về tỉ lệ lạm phát mà còn bởi việc chế tạo ra loại máy móc tương tự một chiếc máy tính chạy bằng thủy lực, dùng các ống dẫn chứa cho phép các dòng nước có màu sắc khác nhau chảy qua. Chiếc máy tính này đã được sử dụng để thực hiện các phép tính nhằm giải thích cho lý thuyết kinh tế của Keynes. Phillips giới thiệu loại máy tính thủy lực này (hydraulic computer) trong một hội thảo tại trường Đại học Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics - LSE) năm 1949. Tại đây, ông đã sử dụng chính chiếc máy tính để trình bày và minh họa cho quan điểm của mình về các yếu tố chính trong lý thuyết kinh tế của Keynes. Hình 4.1 mô tả bản mẫu chiếc máy tính của Philips. Một chiếc máy như thế hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Khoa học Luân Đôn (Science Museum in London)*. Theo nhận xét của Chris Bissell, nhà báo của một tạp chí kỹ thuật, thì “… những người sử dụng [và những người quan sát chiếc máy] đều thích thú với cách thức một thiết bị có thể thể hiện các hành vi kinh tế một cách gần gũi, các kết quả được trình bày một cách trực quan (thay vì các con số đơn thuần), và chiếc máy có thể được vận hành bởi những người không có kiến thức về toán cao cấp”. ĐƯỜNG CONG PHILLIPS Tuy nhiên, Bill Phillips được biết đến nhiều nhất bởi công trình nghiên cứu về lạm phát. Với các số liệu tại Anh thu thập được, ông phát hiện ra rằng, tiền lương giảm khi tỉ lệ thất nghiệp tăng và tiền lương tăng khi tỉ lệ thất nghiệp giảm. Mối tương quan giữa tỉ lệ thất nghiệp và tốc độ tăng tiền lương được ông mô tả dưới dạng một mô hình mang tên ông - đường cong Phillips. Khám phá của ông có giá trị quan trọng bởi vì nó cho thấy mối tương quan giữa hai tỉ lệ này được giữ nguyên qua thời gian. Tỉ lệ tương quan giữa chỉ số thất nghiệp và lạm phát của những năm 1860 cũng tương đồng với tỉ lệ của hai yếu tố trên vào những năm 1950. Điều này giúp cho cấu trúc của đường cong của Phillips giữ nguyên sự ổn định trong suốt hơn một thế kỷ. Đây là một khám phá gây nhiều ngạc nhiên. Nếu trong quá khứ, tỉ lệ lạm phát thấp và tỉ lệ thất nghiệp cao thì tình trạng tương tự cũng sẽ tiếp diễn trong tương lai. Nếu chính phủ có thể tác động đến một trong các yếu tố này thì các yếu tố còn lại cũng sẽ thay đổi theo. Nhiều người cho rằng sự ổn định trong cấu trúc của đường cong Phillips đã biểu thị một đặc điểm quan trọng của nền kinh tế tư nhân đồng thời cũng cho thấy những hạn chế trong chính sách kinh tế của chính phủ. Đường cong này sau đó được giải thích bằng lý thuyết tổng cầu của Keynes. Và nếu lí thuyết này là chính xác, sự gia tăng thâm hụt ngân sách dưới thời của Tổng thống Kennedy, Johnson và Nixon sẽ khiến nạn thất nghiệp biến mất mà không khiến lạm phát tăng cao. HAI NHÀ KINH TẾ HỌC NGƯỜI MĨ THEO THUYẾT CỦA KEYNES Theo lí thuyết của Keynes thì ban đầu số lượng việc làm sẽ tăng. Lạm phát cũng sẽ tăng sau đó, nhưng nó chỉ diễn ra khi mọi người đều đã có việc làm. Lúc này, tổng cầu đã chạm mốc giới hạn và nếu tổng cầu tiếp tục tăng thì giá cả bắt đầu tăng theo. Những người theo lí thuyết kinh tế của Keynes cho rằng tính chất của tiền lương là linh động, nhưng chỉ linh động theo hướng tăng lên chứ không theo hướng giảm đi. Nếu tiếp đó, tổng chi tiêu của chính phủ và khối tư nhân vào hàng hóa và dịch vụ đều giảm thì tiền lương cũng không thể giảm. Lúc này, các doanh nghiệp sẽ phải sa thải nhân công và sự giảm chi sẽ là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng kinh tế. Paul Samuelson và Robert Solow, hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel, người Mĩ, đã tóm lược lại những quan điểm phổ biến nhất được phát triển từ đường cong Phillips của các nhà kinh tế theo học thuyết của Keynes*. Nói đơn giản, các chính sách của chính phủ lúc này sẽ rơi vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan. Nếu chính phủ cố gắng kìm hãm lạm phát bằng cách quản lý tổng cầu thì nền kinh tế sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Theo đó, tỉ lệ lạm phát giảm sẽ dẫn tới tỉ lệ thất nghiệp cao và nếu giảm tỉ lệ thất nghiệp thì cái giá phải trả là tỉ lệ lạm phát sẽ tăng lên. Chính phủ cần ưu tiên lựa chọn một trong hai yếu tố trên khi thực hiện mọi chính sách. Nếu chính phủ muốn kích cầu bằng cách giảm lãi suất hoặc giảm thuế thì tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm. Nhưng cái giá của chính sách này là tình trạng lạm phát cao. Thay vào đó, nếu chính phủ giảm tổng cầu bằng cách tăng thuế hoặc tăng lãi suất thì lạm phát sẽ giảm nhưng cái giá phải trả là tình trạng thất nghiệp tăng cao. Các công trình nghiên cứu độc lập của Samuelson và Solow về thất nghiệp và lạm phát tại Hoa Kì đã một lần nữa cho thấy sự tương đồng trong mối quan hệ của hai yếu tố này với các nghiên cứu trước đó của Bill Phillips tại Anh. Từ đó, họ cho rằng đường cong Phillips biểu thị cho sự hạn chế về ảnh hưởng của các chính sách kinh tế. Với họ, nhiệm vụ của các nhà kinh tế là tìm ra một phương trình quyết định được lạm phát sẽ tăng đến mức bao nhiêu để đảm bảo tỉ lệ thất nghiệp ở một mức độ xác định. Và nhiệm vụ của các nhà làm chính sách là xem xã hội có thể chịu đựng được tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát ở mức độ nào. Cái này tăng chắc chắn sẽ dẫn tới cái khác giảm. GIẢ ĐỊNH VỀ TỈ LỆ THẤT NGHIỆP TỰ NHIÊN Cách diễn giải của Samuelson-Solow về đường cong Phillips không phải là không gặp phải bất kỳ nghi vấn nào. Vào năm 1968, hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel khác, Edmund Phelps của Đại học Columbia và Milton Friedman đến từ Đại học Chicago trình bày quan điểm của họ trên hai bài báo độc lập lập luận rằng mối tương quan giữa lạm phát và thất nghiệp sẽ không tồn tại mãi mãi. Lý do được họ đưa ra là tỉ lệ thất nghiệp còn phụ thuộc vào một số yếu tố mang tính quy luật của thị trường như năng suất lao động của nhân công, sở thích của các hộ tiêu dùng và chi phí thời gian để những người lao động có thể tìm được việc làm*. Trong một báo cáo gửi cho Hiệp hội Kinh tế Hoa Kì (American Economics Association) năm 1968, Friedman đưa ra một khái niệm mới: tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên (natural rate of unemployment). Tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên… là một cái mốc có thể bị san bằng sử dụng lý thuyết của Walras về cân bằng tổng quát. Bản thân nó đã ẩn chứa những cấu trúc và đặc tính quan trọng của thị trường lao động và hàng hóa, bao gồm sự khuyết tật của thị trường, biến động bất thường của cung cầu, chi phí thời gian cho việc liên kết những thông tin về người lao động và nhà tuyển dụng, chi phí cho sự linh động và nhiều thứ khác nữa (Friedman, 1968, trang 8). Friedman cho rằng chúng ta có thể cải tiến Lý thuyết Cân bằng Tổng quát bằng cách thêm vào một số yếu tố như chi phí thời gian cho quá trình tìm việc và các yếu tố này có thể được sử dụng nhằm giải thích cho sự tồn tại của vấn đề thất nghiệp. Một mô hình được cải tiến kiểu này sẽ không tuân thủ quy tắc tỉ lệ nghịch giữa hai yếu tố thất nghiệp và lạm phát nữa bởi các yếu tố quyết định tới tỉ lệ thất nghiệp mới được thêm vào không liên quan gì tới lượng tiền lưu thông trên thị trường hay tỉ lệ lạm phát. Friedman còn khẳng định rằng Samuelson và Solow đã mắc sai lầm khi cho rằng đường cong Phillips là một trò chơi đánh đổi mà các nhà làm chính sách chỉ có thể lựa chọn giữa hai khả năng: lạm phát cao - thất nghiệp thấp và lạm phát thấp - thất nghiệp cao. Thay vào đó, ông nhận định rằng, sẽ luôn tồn tại một tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên và tỉ lệ này không phụ thuộc vào các chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ và trong dài hạn cũng không phụ thuộc vào bất kì tỉ lệ lạm phát nào. TIẾNG CHUÔNG BÁO TỬ CỦA ĐƯỜNG CONG PHILLIPS Phelps và Friedman không phải chờ đợi lâu để chứng kiến một sự kiện khẳng định sự đúng đắn cho lý thuyết của họ. Vào những năm 1970, kinh tế Hoa Kì chứng kiến tình trạng lạm phát cao và thất nghiệp cao xảy ra đồng thời - một tình trạng mà đường cong Phillips không thể thể hiện được. Trên thực tế, vào tháng 1 năm 1975, tỉ lệ thất nghiệp tại Hoa Kì là hơn 9% và tỉ lệ lạm phát là 13%. Nếu một nhà kinh tế sử dụng đường cong Phillips để tính toán hẳn sẽ kỳ vọng giá cả các loại hàng hóa sẽ phải giảm xuống 1%, chứ không phải tăng đến mức 13% như thực tế. Tính đúng đắn của đường cong Phillips, vốn được chứng minh trong suốt cả thế kỉ trước, nay không còn nữa. Chuyện này tương tự như việc một nhà vật lý sử dụng định luật Newton để phóng một quả tên lửa lên Mặt Trăng và trượt với một sai số rất lớn do hằng số hấp dẫn đột nhiên tăng lên gấp đôi. Sự kiện này khiến lý thuyết về tổng cung của Keynes bị vỡ vụn và để lại một vết nứt khó phai về lý thuyết kinh tế này cho đến tận ngày nay. Có thể dự đoán rằng, đường cong Phillips không áp dụng được trong trường hợp này bởi vì tiền lương và giá cả đều bị các doanh nghiệp và các công nhân đẩy lên theo một vòng lặp. Tiền lương tăng vì công nhân tin rằng giá cả sẽ tăng. Giá cả tăng bởi vì người lao động được trả lương cao hơn. Điệp khúc nói trên đẩy tâm lý của những người tham gia thị trường cũng như tỉ lệ lạm phát tăng lên theo kịch bản đúng như kỳ vọng của tất cả mọi người. Khi tỉ lệ lạm phát bắt đầu bùng nổ, tỉ lệ thất nghiệp lúc đó đã ở mức cao và lại tiếp tục có xu hướng tăng thêm. Giả sử đường cong Phillips đúng với trường hợp này thì lạm phát sẽ không thể tăng cao trừ phi tỉ lệ thất nghiệp đã giảm về tới mức bằng không. Khi Tổng thống Nixon đắc cử vào năm 1969, lạm phát giá tiêu dùng tại Hoa Kì những năm đầu thời kỳ 1970 dã ở mức 6%. Nixon phản ứng với tình trạng này bằng cách áp đặt mức lương và kiểm soát giá cả, nhưng những chính sách của ông lúc đó cũng vô nghĩa không khác gì nỗ lực của Đức vua Canute trong việc thuyết phục thần biển Neptune rút lại các cơn thủy triều. Các tập đoàn của Hoa Kì khi đó đã rất quen với điệp khúc giá cả thì tăng cao, và các công nhân Hoa Kì cũng đòi hỏi một mức lương cao hơn mới chịu kí vào các hợp đồng lao động. Vào thời điểm này, có tới 30% các hợp đồng lao động được quản lý bởi công đoàn và rất nhiều các thỏa thuận lao động nằm ngoài phạm vi quản lý của các công đoàn phải điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát. LÍ THUYẾT VỀ TỈ LỆ LẠM PHÁT TỰ NHIÊN: SỰ THẬT HAY ĐIỀU TƯỞNG TƯỢNG?… Lý thuyết cho rằng tồn tại một tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên độc lập với chính sách tiền tệ và tài khóa trong dài hạn là một khám phá nền tảng của kinh tế hiện đại. Gần như tất cả giới học thuật và các nhà làm chính sách kinh tế hiện tại đều tin tưởng vào điều đó. Lý thuyết này cũng được sử dụng trong Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kì, với bằng chứng là những nhận xét sau đây của chủ tịch FED Bernanke. Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến lạm phát đình trệ là do FED đã tính toán sai tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên: … những người thi hành chính sách tiền tệ hay cảm thấy chua xót vì tình trạng tỉ lệ lạm phát cao của những năm 1970 nhưng họ không hoàn toàn nhận thức được vai trò của mình trong việc tạo ra điều đó. Mỉa mai là, họ vừa mắc sai lầm trong việc dự đoán tỷ lệ [thất nghiệp] tự nhiên lại vừa đổ trách nhiệm cho những người không phụ trách chính sách tiền tệ về việc làm tăng tỉ lệ lạm phát. Cả hai điều này củng cố cho nhau (Bernanke, 2004). Theo Bernanke, FED phải chịu trách nhiệm về việc lạm phát leo thang trong những năm 1970 do sai lầm của họ trong việc “dự đoán tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên”. Nếu lí thuyết tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên được chấp nhận rộng rãi như vậy trong giới học thuật người ta sẽ cho rằng có những bằng chứng xác đáng cho lý thuyết đó. Nhưng thực tế lại không như vậy. Cũng như bất kì ngành khoa học nào, trong kinh tế học cũng tồn tại một số mệnh đề rất khó kiểm nghiệm tính đúng sai. Tuy nhiên, so với các ngành khoa học thực nghiệm khác, vấn đề này còn trở nên khó khăn hơn trong kinh tế học, bởi vì chúng ta không thể tiến hành các thí nghiệm trên nền kinh tế thực. Để “giải phẫu” nền kinh tế, chúng ta buộc phải dựa vào các dữ liệu có sẵn. Nếu có một dữ liệu mâu thuẫn với lý thuyết về tỉ lệ tự nhiên, các nhà kinh tế bảo vệ cho lý thuyết này sẽ phải chỉnh sửa lý thuyết để đảm bảo nó tiếp tục phù hợp với các dữ kiện thực tế. Đó chính xác là những gì đang diễn ra. Theo đó, ở phiên bản đơn giản nhất của lý thuyết này, tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên là một hằng số. Dựa vào đó, FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh đã dành rất nhiều thời gian và công sức để ước tính ra giá trị của hằng số đó. Họ tin rằng đây là một công việc quan trọng vì lí thuyết trên đã dự đoán rằng: nếu để tỉ lệ thất nghiệp trong thực tế nhỏ hơn hằng số của tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên thì sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát cao đến mức rất khó để thay đổi. Nếu tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên là hằng số, hẳn chúng ta phải tìm ra giá trị của nó một cách dễ dàng. Một người có thể tìm ra giá trị của tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên bằng cách lấy trung bình cộng của tỉ lệ thất nghiệp trung bình trong nhiều năm. Nhưng những nỗ lực tìm ra đáp số theo hướng này đều thất bại bởi vì các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng tìm ra rằng, tỉ lệ thất nghiệp thường không đồng nhất, không chỉ giữa các thời kỳ bùng nổ và suy thoái kinh tế mà còn giữa hai lần khủng hoảng khác nhau. … LÀ KHOA HỌC HAY NIỀM TIN TÔN GIÁO? Thực tế là trung bình cộng của tỉ lệ thất nghiệp trong dài hạn của hai thập kỷ liền nhau có thể khác nhau rất nhiều. Các nhà kinh tế theo thuyết tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên lý giải việc này là do tỉ lệ thất nghiệp thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, trừ phi họ sẵn sàng đào sâu nghiên cứu để tìm ra tại sao và bằng cách nào nó đã thay đổi, nếu không sẽ vẫn không có bất kì bằng chứng thực nghiệm nào có thể bác bỏ được tư duy này*. Vào năm 1979, khi FED tăng tỉ lệ lãi suất và gây ra tình trạng thất nghiệp tăng cao, các nhà kinh tế theo thuyết tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên cho rằng nền kinh tế lúc đó đang tạm thời sai khác so với tỉ lệ tự nhiên của nó. Nhưng khi tỉ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức cao sau khi cuộc khủng hoảng đã kết thúc, họ lại nói rằng tỉ lệ tự nhiên đã thay đổi. Có thể đó là một kết luận đúng, nhưng nó không phải là khoa học. Theo cách nói của triết gia khoa học Karl Popper thì một lý thuyết khoa học phải có khả năng tự sửa lỗi bằng các dữ """