"
Cách Mạng Công Nghiệp Lần Thứ Tư PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Cách Mạng Công Nghiệp Lần Thứ Tư PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
C
LỜI NÓI ĐẦU
ách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh
mẽ và kỳ diệu của công nghệ đang làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt đời sống xã hội. Đánh giá đúng tầm vóc và nhận thức được tác động của cuộc cách mạng này đối với mỗi nền kinh tế; mỗi tổ chức và mỗi người dân là điều rất quan trọng. Trong cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một trong những cuốn sách đầu tiên và có tiếng vang lớn viết về cuộc cách mạng này, Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đánh giá sự hội tụ của nhiều công nghệ mới đang làm thay đổi căn bản cách thức con người sinh sống, làm việc và giao tiếp với nhau, và những thay đổi này mang tính lịch sử cả về quy mô, tốc độ và phạm vi.
Cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Giáo sư Klaus Schwab mang đến một cái nhìn tổng quan, sáng tỏ, thấu đáo và rành mạch về những xu thế lớn đang diễn ra, cung cấp cho bạn đọc một cách tư duy và phân tích những thay đổi có tính lịch sử do cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra để chúng ta có thể cùng nhau bảo đảm lợi ích của cuộc cách mạng này được chia sẻ đồng đều vì sự thịnh vượng chung của tất cả người dân.
Việt Nam có những điều kiện và cơ hội để tranh thủ cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng đặt ra nhiều vấn đề Việt Nam cần xử lý về kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Diễn đàn Kinh tế Thế giới biên dịch cuốn sách Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra tiếng Việt nhằm góp phần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng này ở Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng Chính phủ,
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
T
LỜI GIỚI THIỆU
rong số rất nhiều thách thức đa dạng và thú vị mà ngày
nay chúng ta phải đối diện, điều cấp bách và quan trọng nhất là làm sao phải hiểu và định hình cuộc cách mạng công nghệ mới, điều chắc chắn sẽ thay đổi toàn diện bộ mặt của nhân loại. Chúng ta đang ở điểm khởi đầu của một cuộc cách mạng sẽ thay đổi sâu sắc cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Xét về quy mô, tầm vóc và độ phức tạp, hiện tượng mà tôi coi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này không giống bất kỳ điều gì mà nhân loại từng trải qua.
Đến nay chúng ta vẫn chưa hình dung được đầy đủ tốc độ và phạm vi của cuộc cách mạng mới này. Hãy nghĩ đến vô số khả năng cho phép hàng tỷ con người kết nối với nhau bằng thiết bị di động, tạo nên sức mạnh xử lý, năng lực lưu trữ và cơ hội tiếp cận tri thức chưa từng có. Hoặc đến sự hợp lưu đáng kinh ngạc của những đột phá gần đây về công nghệ, bao trùm nhiều lĩnh vực rộng lớn như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ robot, internet kết nối vạn vật, xe tự hành, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử, và còn nhiều nữa... Nhiều sáng kiến vẫn còn sơ khai, nhưng chúng đã đến bước ngoặt trong quá trình phát triển nhờ dựa vào nhau và khuếch đại lẫn nhau trong một sự giao thoa công nghệ trên cả thế giới vật chất, thế giới số) lẫn thế giới sinh học.
Chúng ta đang chứng kiến những dịch chuyển sâu sắc trong mọi ngành công nghiệp, tiêu biểu là sự nổi lên của những mô hình kinh doanh mới, sự đột phá(1) thách thức mô hình hiện tại và tái định hình các hệ thống sản xuất, tiêu dùng, vận tải và giao nhận. Trên phương diện xã hội, sự dịch chuyển mô hình đang diễn ra trong cách chúng ta làm việc và trao đổi thông tin, cũng như trong cách chúng ta biểu đạt, thu thập thông tin và giải trí. Tương tự, các chính phủ và tổ chức cũng đang được tái định hình, và các hệ thống giáo dục, y tế, vận tải, v.v. cũng vậy. Nhiều cách thức mới trong sử dụng
công nghệ để thay đổi hành vi về hệ thống sản xuất và tiêu dùng của chúng ta cũng tạo ra khả năng tiềm tàng cho việc hỗ trợ tái tạo và bảo tồn môi trường tự nhiên, thay vì làm phát sinh chi phí ẩn dưới hình thức tác động ngoại sinh.
Những thay đổi này có tính lịch sử cả về quy mô, tốc độ và phạm vi.
Trong khi còn hoàn toàn chưa chắc về việc phát triển và chấp nhận các công nghệ mới đồng nghĩa với việc chúng ta chưa thể biết những chuyển biến mà cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại sẽ diễn ra theo hướng nào, tính phức tạp và liên ngành của nó báo hiệu tất cả các chủ thể trong xã hội toàn cầu - các chính phủ, doanh nghiệp, giới nghiên cứu, tổ chức xã hội - đều có trách nhiệm hợp tác cùng nhau để hiểu rõ hơn những xu thế đang nổi lên này.
Chia sẻ hiểu biết là điều đặc biệt quan trọng nếu chúng ta muôn định hình một tương lai chung phản ánh các mục tiêu và giá trị chung. Chúng ta phải hình thành được một cách nhìn chung mang tính toàn diện và toàn cầu về cách công nghệ đang thay đổi cuộc sống của chúng ta cũng như các thế hệ tương lai, và về cách nó đang tái định hình môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân văn mà chúng ta đang sống.
Những thay đổi này sâu sắc đến mức, từ góc độ lịch sử nhân loại, chưa bao giờ có một thời điểm vừa tràn đầy hứa hẹn vừa tiềm tàng hiểm họa như lúc này. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là các nhà hoạch định chính sách thường bị rơi vào tư duy lối mòn, một chiều (và không đột phá), hoặc quá chú tâm vào những vấn đề ngắn hạn nên không có thời gian suy nghĩ ở tầm chiến lược về tác động của những đột phá và sáng tạo đang định hình tương lai nhân loại.
Tôi biết rõ một số học giả và chuyên gia đánh giá những bước phát triển nêu trên chỉ như một phần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba. Tuy nhiên có ba lý do khiến tôi quả quyết rằng một cuộc cách mạng thứ tư khác biệt đang diễn ra:
Tốc độ: Trái ngược với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, cuộc cách mạng này phát triển ngày càng nhanh chứ không đều đặn về tốc độ. Đây là hệ quả của thế giới đa chiều và liên kết sâu sắc mà chúng ta đang sống và của thực tế là công nghệ mới lại sản sinh ra những công nghệ mới hơn và có năng lực cao hơn.
Bề rộng và chiều sâu: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hình thành dựa trên nền tảng của cách mạng số và kết hợp nhiều công nghệ đang thúc đẩy những chuyển đổi mô hình chưa từng có trên khía cạnh kinh tế, kinh doanh, xã hội và cá nhân.
Nó không chỉ làm thay đổi điều chúng ta đang làm, cách làm của chúng ta, mà còn cả việc chúng ta là ai.
Tác động mang tính hệ thống: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến sự chuyển đổi của toàn bộ các hệ thống giữa các (và trong mỗi) quốc gia, doanh nghiệp, ngành công nghiệp và toàn xã hội.
Mục đích của tôi khi viết cuốn sách này là cung cấp những kiến thức cơ bản về cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì, cuộc cách mạng này mang đến những gì, nó sẽ tác động đến chúng ta ra sao, và con người có thể làm gì để tranh thủ nó vì lợi ích chung. Cuốn sách này dành cho tất cả những ai quan tâm đến tương lai nhân loại và quyết tâm tranh thủ những cơ hội từ cuộc thay đổi mang tính cách mạng này để dựng xây một thế giới tốt đẹp hơn.
Tôi có ba mục tiêu chính:
Nâng cao nhận thức về tính toàn diện và tốc độ của cuộc cách mạng công nghệ và tác động đa chiều của nó,
Xác lập một khuôn khổ tư duy về cuộc cách mạng công nghệ để xác định những vấn đề cốt lõi và nêu bật những giải pháp có thể,
Thiết lập một nền tảng có thể thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác công - tư trong các vấn đề liên quan đến cách mạng
công nghệ.
Trên hết, mục tiêu của cuốn sách là nhấn mạnh cách mà công nghệ và xã hội cùng tồn tại. Công nghệ không phải là một sức mạnh ngoại sinh mà ta không kiểm soát được. Chúng ta không bị giới hạn trong một lựa chọn nhị phân giữa “chấp nhận và sống chung với nó” và “chối bỏ và sống không có nó”. Thay vào đó, hãy đón nhận những đổi thay mạnh mẽ của công nghệ như một lời mời khám phá bản thân và thế giới quan của chính ta. Càng suy ngẫm về cách tranh thủ cách mạng công nghệ, chúng ta sẽ càng có cơ hội tìm hiểu thêm về chính mình và những mô hình xã hội cơ bản mà những công nghệ này góp phần cấu thành và tạo điều kiện phát triển, và chúng ta sẽ càng có cơ hội định hình cuộc cách mạng ấy nhầm xây dựng một thế giới tiến bộ hơn.
Định hình cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đảm bảo rằng nó trao cho con người sức mạnh và lấy con người làm trung tâm, chứ không gây chia rẽ và phi nhân tính, là nhiệm vụ không của riêng bất kỳ chủ thể, lĩnh vực, hay bất kỳ khu vực, ngành nghề và nền văn hóa nào. Tính sâu xa và toàn cầu của cuộc cách mạng này đồng nghĩa với việc nó sẽ gây tác động và chịu ảnh hưởng bởi mọi quốc gia, mọi nền kinh tế, mọi lĩnh vực và mọi người. Vì vậy, điều cấp bách là chúng ta phải quan tâm đầu tư và dành nhiệt huyết cho hợp tác đa chủ thể và liên lĩnh vực, vượt qua các biên giới về học thuật, xã hội, chính trị, quốc gia và ngành nghề. Chúng ta cần những nỗ lực phối hợp và tương tác này để xây dựng nên những kịch bản tích cực, phổ hiến và tràn đầy hy vọng, cho phép các cá nhân và tập thể từ mọi nơi trên thế giới có thể tham gia và thụ hưởng lợi ích từ các chuyển đổi đang diễn ra này.
Phần lớn thông tin và các phân tích của tôi trong cuốn sách này dựa trên các dự án và sáng kiến đang triển khai của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Diễn đàn), đã được phát triển, thảo luận và phản biện tại các cuộc gặp gỡ gần đây của Diễn đàn. Vì vậy, cuốn sách cũng sẽ cung cấp một khuôn khổ định hướng các hoạt động của Diễn đàn
trong tương lai. Tôi cũng tập hợp các ý kiến từ vô số trao đổi của mình với giới lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức xã hội, cũng như những gương mặt tiên phong trong làng công nghệ và giới trẻ. Từ góc nhìn ấy, đây là cuốn sách tập hợp tri thức của số đông, sản phẩm của một trí tuệ tập thể của các cộng đồng tham gia Diễn đàn.
Bố cục cuốn sách gồm ba chương. Chương thứ nhất là tổng quan về cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chương thứ hai giới thiệu về các công nghệ chủ chốt mang tính chuyển đổi. Chương thứ ba đào sâu nghiên cứu tác động của cách mạng và một số thách thức chính sách mà nó đặt ra. Trong phần kết, tôi đề xuất một số ý tưởng thực tiễn và giải pháp làm sao để thích nghi, định hình và khai thác tiềm năng của cuộc chuyển đổi lớn lao này một cách hiệu quả nhất.
1. CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ 1.1 Bối cảnh lịch sử
Khái niệm “cách mạng” ám chỉ những thay đổi mang tính đột phá và cấp tiến. Cách mạng đã xảy ra suốt chiều dài lịch sử, khi công nghệ và những cách nhìn nhận mới mẻ về thế giới châm ngòi cho các thay đổi sâu sắc trong hệ thống kinh tế và cấu trúc xã hội. Vì khuôn khổ tham chiếu là lịch sử, sự “đột phá” của những thay đổi này có thể mất hàng năm mới diễn ra.
Thay đổi lớn lao đầu tiên trong lối sống của chúng ta - sự chuyển đổi từ săn bắt và hái lượm sang trồng trọt và chăn nuôi - diễn ra khoảng 10.000 năm trước và xảy ra nhờ việc thuần hóa động vật. Cách mạng nông nghiệp kết hợp sức lao động của động vật và con người nhằm mục đích sản xuất, vận tải và thông tin liên lạc. Dần dà, sản xuất lương thực được cải thiện, thúc đẩy gia tăng dân số và cho phép các cộng đồng dân cư lớn hơn ra đời. Điều này cuối cùng đã dẫn đến đô thị hóa và sự phát triển của các thành phố. Tiếp nối cách mạng nông nghiệp là một loạt cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XVIII. Những cuộc cách mạng này đánh dấu sự dịch chuyển từ sức mạnh cơ bắp sang sức mạnh cơ khí, và tiến triển đến ngày nay, với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi tăng cường năng lực nhận thức đang gia tăng năng suất lao động của con người.
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên kéo dài từ năm 1760 đến khoảng năm 1840. Với chất xúc tác là việc xây dựng đường sắt và phát minh ra máy hơi nước, nó mở đường cho sản xuất cơ khí. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, bắt đầu vào khoảng cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, mở ra cơ hội cho sản xuất hàng loạt nhờ sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm 1960. Nó thường được gọi là cách mạng máy tính hoặc cách mạng số bởi chất xúc tác là sự phát
triển của linh kiện bán dẫn, máy tính chủ (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990). Lưu ý tới những định nghĩa và lập luận học thuật khác nhau được sử dụng để miêu tả ba cuộc cách mạng công nghiệp trước, tôi tin rằng chúng ta đang trong giai đoạn khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này bắt đầu vào đầu thế kỷ XXI trên nền tảng của cuộc cách mạng số. Đặc trưng của nó là internet di động phổ biến ở khắp mọi nơi, là những thiết bị cảm ứng nhỏ hơn. mạnh hơn nhưng rẻ hơn, cùng với trí tuệ nhân tạo và máy tự học.
Công nghệ số với cốt lõi là phần cứng, phần mềm, và mạng máy tính không phải là gì mới mẻ, nhưng điểm đột phá so với cách mạng công nghệ lần thứ ba nằm ở chỗ chúng có độ phức tạp và tích hợp ngày càng cao, và do đó, thay đổi các xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Đây là lý do khiến hai giáo sư Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) có một nhận định nổi tiếng đánh giá thời kỳ này là “kỷ nguyên máy móc thứ hai”(2) và lấy đây làm nhan đề cho cuốn sách xuất bản năm 2014 của họ, cho rằng thế giới đang ở một thời điểm bước ngoặt, khi hiệu ứng của các công nghệ số này sẽ được triển khai “toàn lực” thông qua tự động hóa và việc chế tạo những sản phẩm “chưa từng có”.
Ở Đức, người ta đang tranh luận về “Công nghiệp 4.0”, một thuật ngữ ra đời tại Hội chợ Hannover 2011 để dự đoán việc xu thế này sẽ đem đến một cuộc cách mạng trong cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu ra sao. Bằng việc biến “nhà máy thông minh” thành hiện thực, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một thế giới trong đó các hệ thống ảo và thực của sản xuất toàn cầu có thể phối hợp với nhau một cách linh hoạt. Điều này cho phép tùy biến sản phẩm đến mức tối đa và tạo ra những mô hình vận hành mới.
Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ có các máy móc và hệ thống thông minh kết nối với nhau. Phạm vi của nó rộng hơn nhiều. Những làn sóng đột phá đang xuất hiện đồng thời ở
nhiều lĩnh vực, từ giải mã trình tự gen đến công nghệ nano, từ năng lượng tái tạo đến điện toán lượng tử. Chính sự hòa trộn của các công nghệ này và sự tương tác của chúng trong tất cả lĩnh vực của thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh học đã làm nên khác biệt căn bản của cách mạng công nghiệp lần thứ tư so với các cuộc cách mạng trước đó.
Trong cuộc cách mạng này, những công nghệ mới ra đời và những sáng tạo có tầm bao phủ rộng đang lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi hơn nhiều so với các cuộc cách mạng trước, vốn vẫn đang tiếp tục diễn ra ở một số khu vực trên thế giới. Hiện 17% thế giới chưa được hưởng thành quả từ cách mạng công nghiệp lần thứ hai, khi gần 1.3 tỷ người chưa được tiếp cận điện lưới. Tình trạng với cách mạng công nghiệp lần thứ ba cũng vậy, khi có hơn một nửa dân số thế giới, tức là 4 tỷ người, phần lớn ở các nước đang phát triển, chưa được sử dụng internet. Chiếc cọc xe sợi (biểu trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất) phải mất gần 120 năm để phổ biến khắp châu Âu. Ngược lại, trong chưa đầy một thập niên, internet đã lan khắp toàn cầu.
Bài học từ cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đến nay vẫn còn nguyên giá trị - đó là mức độ xã hội đón nhận sáng tạo công nghệ là một nhân tố” quyết định tiến bộ. Chính phủ và các thể chế công, cũng như khu vực tư nhân, cần thực thi trách nhiệm của mình, nhưng việc người dân ý thức được lợi ích dài hạn cũng không kém phần quan trọng.
Tôi tin tưởng rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn lao và có ý nghĩa lịch sử quan trọng không kém gì ba cuộc cách mạng trước. Tuy nhiên, tôi có hai quan ngại về các nhân tố có thể hạn chế tiềm năng hiện thực hóa cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách hiệu quả và đồng bộ.
Thứ nhất, tôi cảm thấy mức độ cam kết của giới lãnh đạo và nhận thức về những thay đổi đang diễn ra ở tất cả các ngành các cấp vẫn còn hạn chế khi đối chiếu với nhu cầu phải tư duy lại hệ thống kinh
tế, xã hội, chính trị của chúng ta để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hệ quả là, ở cả tầm quốc gia lẫn quốc tế, còn thiếu khung thể chế để quản lý sự lan tỏa của tính sáng tạo và giảm thiểu xáo trộn, chứ chưa nói là hoàn toàn không có.
Thứ hai, thế giới đang thiếu một kịch bản nhất quán, tích cực và phổ quát có thể phác họa những cơ hội và thách thức từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một kịch bản có ý nghĩa then chốt nếu chúng ta muốn trao sức mạnh cho một tập hợp đa dạng các cá nhân và cộng đồng, đồng thời hạn chế được sự lan truyền phản ứng tiêu cực trước những thay đổi căn bản đang diễn ra.
THAY ĐỔI SÂU SẮC VÀ MANG TÍNH HỆ THỐNG
Tiền đề của cuốn sách này là công nghệ và số hóa sẽ cách mạng hóa mọi thứ và biến câu khẩu ngữ hay bị lạm dụng và thường không chính xác “lần này mọi chuyện sẽ khác” thành ra phù hợp. Nói đơn giản, những sáng tạo lớn về công nghệ sắp thổi bùng những thay đổi lớn lao trên khắp thế giới - như một tất yếu khách quan. Tầm vóc và quy mô thay đổi lý giải vì sao đột phá và sáng tạo ngày nay đều toát lên sự cấp bách. Tốc độ của những sáng kiến từ cả khía cạnh phát triển lần lan tỏa đều nhanh chưa từng thấy. Những nhân tố đột phá hiện nay - Airbnb, Uber, Alibaba, và những công ty tương tự - giờ đã thành những cái tên cửa miệng - mới mấy năm trước còn ít người biết đến. Chiếc iPhone mà ngày nay đi đâu cũng gặp mới chỉ ra đời năm 2007. Thế nhưng đến cuối năm 2015 thế giới đã có 2 tỷ chiếc điện thoại thông minh. Năm 2010 Google công bố chiếc xe tự hành đầu tiên của hãng. Loại xe này có thể sớm trở nên phổ biến trên đường phố.
Còn nhiều nữa. Nhưng không chỉ có tốc độ; hiệu suất theo quy mô cũng thay đổi đáng kinh ngạc không kém. Số hóa đồng nghĩa với tự động hóa, nghĩa là hiệu suất của doanh nghiệp sẽ không giảm dần theo quy mô (hoặc có ít doanh nghiệp hơn có hiệu suất bị giảm dần theo quy mô). Để dễ hình dung trên tổng thể, hãy so sánh Detroit năm 1990 (khi đó vẫn là một trung tâm công nghiệp truyền
thông) với thung lũng Silicon năm 2014. Năm 1990, ba công ty lớn nhất Detroit có tổng giá trị vốn hóa trên thị trường là 36 tỷ USD, doanh thu 250 tỷ USD, và có 1,2 triệu nhân viên. Năm 2014, ba công ty lớn nhất thung lũng Silicon có giá trị vốn hóa cao hơn nhiều lần (1,09 nghìn tỷ USD), với doanh thu tương đương (247 tỷ USD), nhưng số nhân viên chỉ bằng 1/10 (137.000 người)(3).
Việc một đơn vị của cải vật chất ngày nay được tạo ra với số nhân công ít hơn nhiều so với 10 hay 15 năm trước là nhờ kinh doanh trên nền tảng số có chi phí biên gần như bằng không. Ngoài ra, một thực tế trong kỷ nguyên số là nhiều doanh nghiệp mới cung cấp “hàng hóa thông tin” với chi phí lưu trữ, vận chuyển và nhân bản gần như bằng không. Để thành công, một số công ty công nghệ đột phá gần như không cần vốn. Ví dụ, những doanh nghiệp như Instagram hay WhatsApp không cần nhiều tiền đề khởi nghiệp, qua đó thay đổi vai trò của vốn và việc mở rộng quy mô kinh doanh trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Về tổng thể, điều đó cho thấy nhân tố hiệu suất theo quy mô càng khuyến khích thay đổi về quy mô và ảnh hưởng trên khắp các hệ thống.
Ngoài tốc độ và quy mô, tính độc nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn thể hiện ở sự hài hòa và tích hợp ngày càng tăng của nhiều ngành và nhiều phát kiến khác nhau. Việc những sáng tạo hữu hình là kết quả của việc phụ thuộc lẫn nhau giữa các công nghệ khác nhau không còn là khoa học viễn tưởng. Ngày nay, các công nghệ chế tác số có thể tương tác với thế giới sinh học. Một số nhà thiết kế và kiến trúc sư đã bắt đầu kết hợp thiết kế điện toán, công nghệ sản xuất đắp dần, kỹ thuật vật liệu và sinh học tổng hợp để đi tiên phong sản xuất các hệ thống bao hàm khả năng tương tác giữa vi sinh vật, cơ thể người, sản phẩm chúng ta tiêu dùng, và thậm chí cả tòa nhà ta ở. Khi làm vậy, họ đang chế tạo (thậm chí “nuôi trồng”) những sản phẩm có thể liên tục biến đổi và thích nghi (năng lực đặc hữu của thực vật và động vật)(4).
Trong cuốn Kỷ nguyên máy móc thứ hai, Brynjolfsson và McAfee lập luận rằng máy tính ngày nay tinh xảo tới mức gần như không dự báo được những ứng dụng của chúng sau vài năm. Trí tuệ nhân tạo đã ở khắp nơi quanh ta, từ xe tự hành đến máy bay không người lái, từ trợ lý ảo đến phần mềm dịch thuật. Tất cả đang biến đổi cuộc sống của nhân loại. Trí tuệ nhân tạo đã có những bước tiến ấn tượng nhờ sự gia tăng vượt bậc của năng lực điện toán cùng sự sẵn có của một khối lượng dữ liệu khổng lồ, từ phần mềm sử dụng để phát hiện ra các loại thuốc mới đến thuật toán dự báo những quan tâm văn hóa của chúng ta. Nhiều thuật toán kiểu này tích lũy từ những “mẩu vụn thông tin” - là những dấu vết dạng dữ liệu chúng ta lưu lại trên thế giới số. Hệ quả của nó là sự ra đời của những công nghệ “máy tự học” và phát kiến tự động hóa kiểu mới cho phép robot “thông minh” và máy tính tự lập trình và tìm kiếm phương án tối ưu từ các nguyên tắc cơ bản.
Các ứng dụng như Siri của Apple cho ta thấy triển vọng ban đầu của một nhánh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng - với cái tên trợ lý thông minh. Hai năm trước, trợ lý thông minh mới chỉ sơ khai. Đến nay, nhận diện giọng nói và trí tuệ nhân tạo đã tiến nhanh đến mức nói chuyện với máy tính sẽ sớm thành chuyện bình thường, tạo nên mô hình được một số chuyên gia công nghệ gọi là “điện toán xung quanh ta”, trong đó những robot trợ lý cá nhân sẽ luôn thường trực để ghi chép và đáp ứng những yêu cầu của người dùng. Càng ngày các thiết bị sẽ càng trở thành một phần của hệ sinh thái cá nhân của chúng ta, lắng nghe chúng ta, dự báo nhu cầu và hỗ trợ chúng ta khi cần thiết - ngay cả khi ta chưa yêu cầu.
Bất bình đẳng - thách thức có tính hệ thống
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang lại lợi ích lớn lao nhưng cũng đặt ra những thách thức to lớn không kém. Một lo ngại cụ thể là bất bình đẳng nghiêm trọng hơn. Thách thức do bất bình đẳng gia tăng khó lòng định lượng do đại đa số chúng ta là người
tiêu dùng và nhà sản xuất, thành thử các sáng tạo và đột phá sẽ có ảnh hưởng vừa tích cực vừa tiêu cực đến mức sống và phúc lợi của chúng ta.
Người tiêu dùng xem ra sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ mới góp phần gia tăng hiệu suất cuộc sống cá nhân của người tiêu dùng với chi phí gần như bằng không. Đặt taxi, tìm chuyến bay, mua hàng, thanh toán, nghe nhạc hay xem phim - tất cả giờ đây đều có thể thực hiện từ xa. Lợi ích mà công nghệ mang lại cho tất cả người tiêu dùng chúng ta là không phải bàn cãi. Internet, điện thoại thông minh và hàng nghìn phần mềm đang giúp cuộc sống dễ dàng hơn, và - trên tổng thể - năng suất hơn. Một thiết bị đơn giản như máy tính bảng, được ta dùng để đọc, duyệt web và liên lạc, sở hữu năng lực xử lý tương đương với 5.000 máy tính để bàn cách đây 30 năm, trong khi chi phí lưu trữ dữ liệu đang tiến dần về không (giá lưu trữ 1 GB dữ liệu ngày nay trung bình dưới 0,03 USD/năm, so với hơn 10.000 USD hồi 20 năm trước).
Thách thức phát sinh từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư phần lớn có vẻ nằm về phía nguồn cung - trong thế giới của lao động và sản xuất. Trong mấy năm qua, đại đa số các nước phát triển nhất và cả một số nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh như Trung Quốc đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể tỷ trọng đóng góp của lao động vào GDP. Phân nửa sự suy giảm này đến từ việc tư liệu đầu vào bị hạ giá tương đối(5), bản thân việc hạ giá này xuất phát từ sự phát triển sáng tạo (điều buộc các công ty phải lấy lao động thay thế cho vốn).
Hệ quả là, đối tượng thụ hưởng lớn nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là những nhà cung cấp vốn trí tuệ hoặc vật chất - nhà sáng tạo, nhà đầu tư và các cổ đông, và điều này giải thích tại sao khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa bên phụ thuộc vào sức lao động và bên sở hữu vốn. Nó cũng giải thích sự vỡ mộng ở rất nhiều người lao động, họ tin rằng thu nhập thực tế suốt đời sẽ
không tăng, và đòi con cái họ cũng sẽ chẳng hơn gì. Bất bình đẳng gia tăng và những quan ngại ngày càng tăng về sự bất công đặt ra thách thức lớn lao đến mức tôi sẽ dành riêng một phần cho vấn đề này ở Chương Ba. Hiện tượng tập trung lợi nhuận và giá trị vào một thiểu số càng trầm trọng hơn do cái gọi là hiệu ứng nền tảng, trong đó các tổ chức được kỹ thuật số thúc đẩy tạo nên những mạng chắp nối người bán và người mua nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau và nhờ vậy thu được hiệu suất theo quy mô ngày càng tăng.
Hệ quả của hiệu ứng nền tảng là sự tập trung vào một số ít nền tảng có quyền lực chi phối thị trường. Lợi ích đem lại khá hiển nhiên, nhất là cho người tiêu dùng: giá trị cao hơn, tiện lợi hơn, chi phí thấp hơn. Tuy vậy cũng có những rủi ro về mặt xã hội. Để ngăn chặn việc tập trung giá trị và quyền lực vào một số ít người, chúng ta phải tìm ra cách cân bằng giữa lợi ích và rủi ro của các nền tảng số (bao gồm cả các nền tảng ngành) bằng cách đảm bảo tính mở và cơ hội để hợp tác sáng tạo.
Đây đều là những thay đổi căn bản ảnh hưởng tới các hệ thống kinh tế, xã hội của chúng ta, và khó có thể xóa bỏ chúng, dù bản thân tiến trình toàn cầu hóa có thể bị đảo ngược. Câu hỏi đặt ra cho mọi ngành và mọi doanh nghiệp, không trừ một ai, không còn là “Liệu đột phá có xảy ra với ta không?” mà là “Khi nào đột phá sẽ xảy ra, nó xảy ra dưới hình thức nào và nó sẽ ảnh hưởng đến ta và tổ chức của ta ra sao?”.
Thực tế của đột phá và tính tất yếu những tác động của nó đối với chúng ta không có nghĩa là chúng ta bất lực khi đối diện với nó. Chúng ta có trách nhiệm đảm bảo sẽ thiết lập một hệ giá trị chung để định hướng những lựa chọn chính sách và để tạo điều kiện cho những thay đổi sẽ biến cách mạng công nghiệp lần thứ tư thành cơ hội cho tất cả.
R
2. Các động lực
ất nhiều tổ chức đã đưa ra các danh sách xếp hạng những
công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những đột phá khoa học và các công nghệ mới được sản sinh ra dường như vô hạn, hình thành ở nhiều mặt trận khác nhau và tại nhiều địa điểm khác nhau. Những công nghệ chủ chốt mà tôi lựa chọn để theo dõi dựa trên nghiên cứu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện, cũng như những kết quả của một số Hội đồng Nghị sự toàn cầu của Diễn đàn.
2.1 Các xu hướng lớn
Mọi sự phát triển và công nghệ mới đều có chung một đặc điểm cốt yếu: chúng làm tăng ảnh hưởng lan tỏa của kỹ thuật số và công nghệ thông tin. Những đột phá được mô tả trong chương này đều được hiện thực hóa và tăng cường nhờ sức mạnh kỹ thuật số. Ví dụ công nghệ giải mã trình tự gen không thể trở thành hiện thực nếu không có những tiến bộ trong năng lực tính toán và phân tích dữ liệu. Tương tự, các robot tiên tiến cũng không tồn tại nếu không có trí tuệ nhân tạo, bản thân vốn phụ thuộc phần lớn vào năng lực tính toán.
Để xác định những xu hướng lớn này và tái hiện bức tranh tổng quát về những động lực công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tôi đã sắp xếp các xu hướng này vào ba nhóm: vật chất, kỹ thuật số và sinh học. Cả ba đều liên quan chặt chẽ với nhau và mỗi công nghệ lại hưởng lợi ích từ các công nghệ khác dựa trên những khám phá và tiến bộ mà chúng tạo ra.
2.1.1 Vật chất
Có bốn biểu hiện vật chất chính của các xu hướng công nghệ lớn, do tính hữu hình mà có thể xác định chúng dễ dàng nhất:
Xe tự hành.
In 3D.
Robot tiên tiến.
Vật liệu mới.
Xe tự hành
Xe không người lái đang là tin nổi bật nhưng hiện đã có nhiều phương tiện tự hành khác từ xe tải, thiết bị bay điều khiển từ xa, máy bay, và thuyền. Khi các công nghệ như cảm biến và trí tuệ nhân tạo phát triển, năng lực của các phương tiện tự hành này tiến bộ rất nhanh. Chỉ vài năm nữa thôi, các thiết bị bay điều khiển từ xa giá rẻ và có sẵn trên thị trường, cùng với tàu lặn, sẽ được sử dụng trong nhiều ứng dụng khác nhau.
Do thiết bị bay điều khiển từ xa có thể nhận biết và ứng phó với môi trường (thay đổi đường bay để tránh va chạm), chúng có thể thực hiện các nhiệm vụ như kiểm tra đường điện hay tiếp vận y tế trong vùng chiến sự. Trong nông nghiệp, sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa - kết hợp với phân tích dữ liệu - sẽ giúp việc sử dụng phân bón và nước trở nên hiệu quả và chính xác hơn.
In 3D
Còn gọi là chế tạo kiểu đắp dần, công nghệ in 3D tạo ra một vật thể bằng cách in từng lớp chồng lên nhau từ một bản vẽ hay mô hình số ba chiều. Công nghệ này trái ngược với chế tạo kiểu bớt dần, là cách sản xuất truyền thống từ trước tới nay, nghĩa là cắt gọt dần từng lớp vật liệu cho đến khi có được hình dạng như ý. Ngược lại, in 3D khởi đầu bằng vật liệu mềm và dùng khuôn kỹ thuật số để tạo nên hình dạng ba chiều cho vật thể. Công nghệ này được sử dụng trong nhiều ứng dụng, từ lớn (như turbine điện gió) tdi nhỏ (như cấy ghép trong y học). Hiện nay, ứng dụng của nó được giới hạn chủ yếu trong ngành sản xuất ôtô, công nghệ vũ trụ và y học. Khác với các hàng hóa sản xuất hàng loạt, sản phẩm in 3D có thể được hiệu chỉnh theo nhu cầu cụ thể một cách dễ dàng. Trong bối cảnh những hạn chế hiện nay về kích thước, chi phí và tốc độ đang từng bước được khắc phục, in 3D sẽ ngày càng lan tỏa sâu hơn, tiến tới bao gồm cả các linh kiện điện tử tích hợp như bảng mạch in và thậm chí là tế bào và các bộ phận cơ thể người.
Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu công nghệ 4D, một quá trình có thể tạo ra thế hệ sản phẩm tự điều chỉnh, có thể thích ứng với thay đổi của môi trường như nhiệt và độ ẩm. Công nghệ này có thể áp dụng trong các sản phẩm như quần áo hoặc giày dép, cũng như các sản phẩm y tế như các bộ phận cấy ghép được thiết kế nhằm thích ứng với cơ thể con người.
Robot tiên tiến
Cho tới gần đây, việc sử dụng robot chỉ giới hạn ở các công việc được kiểm soát chặt chẽ trong những ngành đặc thù như công nghiệp ôtô. Tuy nhiên, ngày nay robot được sử dụng ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực và cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ canh tác chính xác đến điều dưỡng. Tiến bộ nhanh chóng trong ngành robot sẽ sớm biến việc cộng tác giữa con người và máy móc thành hiện thực hàng ngày. Hơn nữa, nhờ những tiến bộ công nghệ khác, robot có năng lực thích nghi và độ linh hoạt ngày càng cao, nhờ cấu trúc thiết kế và chức năng lấy cảm hứng từ các cấu trúc sinh học phức tạp (hệ quả mở rộng của quá trình gọi là mô phỏng sinh học, mà bản chất là việc bắt chước các mô hình và chiến lược trong tự nhiên).
Những tiến bộ của các cảm biến cho phép robot hiểu và thích ứng tốt hơn với môi trường và làm được nhiều nhiệm vụ đa dạng hơn, ví dụ như việc nhà. Nếu như trước kia robot được lập trình qua một đơn vị độc lập thì ngày nay chúng có thể truy cập thông tin từ xa bằng công nghệ đám mây và kết nối với mạng lưới nhiều robot khác. Khi thế hệ robot tiếp theo ra đời, nhiều khả năng chúng sẽ phản ánh sự chú trọng ngày càng tăng đến việc cộng tác giữa con người với máy móc. Trong Chương Ba, tôi sẽ khám phá những vấn đề đạo đức và tâm lý phát sinh từ mối quan hệ giữa con người và máy móc.
Vật liệu mới
Với những đặc tính mới mà chỉ vài năm trước còn rất hoang đường, các vật liệu mới đang được đưa ra thị trường. Nhìn chung, chúng nhẹ hơn, chắc hơn, có thể tái chế và có khả năng thích ứng.
Hiện nay, có nhiều ứng dụng cho vật liệu thông minh có khả năng tự lành hoặc tự làm sạch, kim loại có bộ nhớ để trở lại hình dạng ban đầu, gốm và pha lê có thể biến áp lực thành năng lượng, v.v..
Giống như nhiều phát kiến của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khó có thể nói trước sự phát triển của các vật liệu mới sẽ dẫn tới đâu. Ví dụ, các vật liệu nano tiên tiến như graphene, cứng hơn thép 200 lần, mỏng hơn tóc người hàng triệu lần, và là một chất dẫn điện và nhiệt hiệu quả(6). Khi giá của graphene trở nên cạnh tranh hơn (đây là một trong những vật liệu đắt nhất thế giới tính theo gram; một mẩu cỡ micrô mét có giá hơn 1.000 USD), nó có thể tạo nên đột phá đáng kể trong các ngành công nghiệp sản xuất và hạ tầng(7). Điều này cũng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào một hàng hóa nhất định.
Các vật liệu mới khác có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu các nguy cơ toàn cầu. Ví dụ, những đột phá mới trong vật liệu nhựa nhiệt rắn có thể giúp tái sử dụng những vật liệu vẫn bị xem là không thể tái chế nhưng lại phổ biến ở khắp nơi, từ điện thoại di động, bảng mạch đến các linh kiện trong ngành hàng không vũ trụ. Phát hiện mới đây về chủng loại polymer nhiệt rắn tái chế được có tên là polyhexahydrotriazines (PHTs) là một bước tiến lớn tới nền kinh tế tuần hoàn, với mô hình có tính tái tạo và vận hành trên nguyên tắc tăng trưởng không dựa vào tài nguyên(8).
2.1.2 Kỹ thuật số
Một trong những cầu nối chính giữa các ứng dụng vật chất và kỹ thuật số hình thành nhờ cách mạng công nghệ lần thứ tư chính là internet vạn vật (IoT) - còn được gọi là “internet kết nối vạn vật”. Dưới dạng đơn giản nhất, nó có thể được mô tả như mối quan hệ giữa các sự vật (các sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, v.v.) và con người, được hình thành nhờ sự kết nối của nhiều công nghệ và nhiều nền tảng khác nhau.
Các cảm biến và nhiều phương tiện kết nối các sự vật trong thế giới vật chất với các mạng ảo đang phát triển với tốc độ đáng kinh
ngạc. Các cảm biến nhỏ hơn, rẻ hơn và thông minh hơn đang được lắp đặt trong nhà, trong quần áo và phụ kiện, trong các thành phố, mạng lưới giao thông và năng lượng, cũng như các dây chuyền sản xuất. Ngày nay, trên thế giới có hàng tỷ thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính được kết nối internet. Những con số này dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới, từ vài tỷ lên đến hơn một nghìn tỷ. Điều này sẽ thay đổi triệt để cách quản lý các chuỗi cung ứng thông qua việc cho phép theo dõi và tối ưu hóa các tài sản và các hoạt động thuộc chuỗi cung ứng ở cấp độ vô cùng chi tiết. Trong quá trình này, điều đó sẽ có tác động chuyển đổi tới tất cả các ngành, từ sản xuất đến kết cấu hạ tầng và y tế.
Lấy ví dụ như giám sát từ xa, một ứng dụng rộng rãi của IoT. Bất kỳ gói, kiện hay côngtennơ hàng hóa nào giờ đây đều có thể được trang bị một cảm biến, thiết bị phát tín hiệu hoặc thiết bị nhận diện bằng sóng vô tuyến (RFID), cho phép theo dõi những hàng hóa này đang ở đâu, đang vận hành hoặc được sử dụng như thế nào, v.v. trong suốt chuỗi cung ứng. Tương tự, khách hàng có thể liên tục theo dõi (gần như theo thời gian thực) hành trình của bưu kiện hoặc tài liệu họ đang chờ đợi. Đối với các công ty phải vận hành những chuỗi cung ứng dài và phức tạp, điều này có ý nghĩa thay đổi lớn lao.
Trong tương lai gần, các hệ thống giám sát tương tự cũng sẽ được áp dụng để theo dõi sự di chuyển của con người.
Cách mạng kỹ thuật số đang tạo ra những cách tiếp cận mới triệt để dẫn đến những thay đổi mang tính cách mạng về cách các cá nhân và tổ chức tham gia và phối hợp với nhau. Ví dụ, công nghệ chuỗi khối (blockchain), thường được mô tả như một “sổ cái phân tán” (distributed ledger), một giao thức bảo mật trong đó một mạng lưới máy tính cùng xác minh một giao dịch trước khi nó được ghi nhận và chấp thuận. Công nghệ phía sau chuỗi khối tạo ra sự tin tưởng bằng cách cho phép những người không biết nhau (và do đó không có cơ sở nào để tin tưởng nhau) phối hợp mà không cần qua một tổ chức trung ương trung lập nào, ví dụ như người giám sát hoặc sổ cái. Về bản chất, chuỗi khối là một sổ cái chung, có thể lập
trình và được mã hóa bảo mật, và do đó đáng tin cậy vì không cá nhân nào có thể kiểm soát, trong khi tất cả đều có thể kiểm tra. Cho tới nay, Bitcoin là ứng dụng phổ biến nhất của công nghệ chuỗi khối, nhưng công nghệ này sẽ sớm tạo điều kiện cho vô số ứng dụng khác ra đời. Hiện nay, nếu công nghệ chuỗi khối lưu giữ các giao dịch tài chính được thực hiện bằng tiền số như Bitcoin, thì trong tương lai, công nghệ này sẽ lưu giữ hồ sơ các vấn đề khác nhau như khai sinh, chứng tử, chứng nhận quyền sở hữu, đăng ký kết hôn, bằng cấp, yêu cầu bồi thường bảo hiểm, quy trình điều trị y tế, và phiếu bầu - bản chất là bất kể giao dịch nào có thể biểu thị bằng mã hóa. Một vài quốc gia hoặc tổ chức đã và đang nghiên cứu tiềm năng của công nghệ chuỗi khối. Ví dụ, chính phủ Honduras đang sử dụng công nghệ này để xử lý vấn đề sở hữu đất đai trong khi đảo Man đang thí điểm ứng dụng công nghệ này trong đăng ký công ty. Ở phạm vi rộng hơn, các nền tảng dựa trên công nghệ đã hình thành nên nền kinh tế theo nhu cầu (một số gọi là nền kinh tế chia sẻ). Những nền tảng này, dễ dàng sử dụng trên điện thoại thông minh, tập hợp con người, tài sản và dữ liệu, tạo ra những cách thức tiêu dùng hàng hóa và sử dụng dịch vụ hoàn toàn mới. Chúng hạ thấp rào cản đối với doanh nghiệp và cá nhân để tạo ra của cải, thay đổi môi trường cá nhân và môi trường làm việc.
Mô hình Uber tiêu biểu cho sức mạnh tạo thay đổi đột phá của những nền tảng công nghệ này. Những doanh nghiệp dựa trên nền tảng này đang phát triển nhanh chóng theo cấp số nhân để cung cấp dịch vụ mới từ giặt ủi đến mua sắm, từ việc nhà đến đỗ xe, từ cho thuê ở trọ đến việc đi chung xe đường dài. Tất cả có một điểm chung: kết nối cung và cầu (theo một cách rất tiết kiệm chi phí), bằng cách cung cấp đến người tiêu dùng những hàng hóa đa dạng, và bằng cách cho phép hai bên tương tác và phản hồi, những nền tảng này tạo nên sự tín nhiệm. Điều đó cho phép sử dụng hiệu quả các tài sản chưa được khai thác triệt để - cụ thể là tài sản thuộc về những người chưa từng nghĩ mình sẽ là nhà cung cấp (ví dụ như cung cấp một chỗ ngồi trên xe, một phòng trống trong nhà, một giao
dịch thương mại giữa người bán lẻ và nhà sản xuất, hay thời gian và kỹ năng thực hiện một dịch vụ như giao hàng, sửa chữa nhà hay các công việc hành chính).
Nền kinh tế theo nhu cầu đặt ra câu hỏi cơ bản: Nền tảng (kỹ thuật số) hay tài sản được giao dịch trên nền tảng đó đáng sở hữu hơn? Tom Goodwin - một chiến lược gia truyền thông đã viết trong bài báo cho TechCrunch vào tháng 3-2015 như sau: “Uber, công ty taxi lớn nhất thế giới, không sở hữu chiếc xe nào. Facebook, nhà sở hữu phương tiện truyền thông phổ biến nhất thế giới, không tạo ra nội dung nào. Alibaba, nhà bán lẻ có giá trị nhất thế giới, không có tí hàng lưu kho nào. Và Airbnb, nhà cung cấp phòng ở cho thuê lớn nhất thế giới, không có chút bất động sản nào”(9). Các nền tảng kỷ thuật số đã giảm thiểu đáng kể chi phí giao dịch và chi phí gián đoạn khi các cá nhân hay tổ chức chia sẻ việc sử dụng một tài sản hay cung ứng một dịch vụ. Mỗi giao dịch giờ đây có thể chia thành các khoản rất nhỏ, và đem lại lợi nhuận cho tất cả các bên. Hơn nữa, khi sử dụng nền tảng kỹ thuật số, chi phí biên của việc sản xuất thêm mỗi đơn vị sản phẩm, hàng hóa hay dịch vụ giảm dần đến không. Điều này có những tác động sâu sắc tới giới kinh doanh và xã hội mà tôi sẽ tìm hiểu trong Chương Ba.
2.1.3 Sinh học
Các phát kiến trong lĩnh vực sinh học - cụ thể là công nghệ gen - là những đột phá ngoạn mục. Những năm gần đây, chi phí và khó khăn đã giảm đáng kể đối với giải mã trình tự gen và gần đây nhất là đối với kích hoạt hoặc chỉnh sửa gen. Trước đây, phải mất hơn 10 năm và 2,7 tỷ USD để hoàn thành Dự án Bản đồ Gen người. Ngày nay, một gen có thể được giải mã trình tự trong vài tiếng với chi phí dưới một nghìn đôla Mỹ(10). Nhờ những tiến bộ của sức mạnh tính toán, các nhà khoa học không phải sử dụng phương pháp thử và sai cho đến khi tìm được đáp án đúng nữa; thay vào đó, họ thử nghiệm cách các biến thể gen khác nhau tạo ra các đặc tính di truyền và loại bệnh đặc thù khác nhau.
Sinh học tổng hợp là bước tiếp theo. Công nghệ này cho chúng ta khả năng tùy biến các sinh thể bằng việc viết ra chuỗi DNA. Chưa xét đến những vấn đề đạo đức nghiêm trọng được đặt ra, những tiến bộ này không chỉ có ảnh hưởng lớn lao và tức thời đối với ngành y tế mà cả với nông nghiệp và sản xuất nhiên liệu sinh học.
Nhiều thách thức nan giải trong y học, từ bệnh tim đến ung thư, đều có yếu tố gen. Vì thế, khả năng xác định cấu trúc gen của con người một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí (bằng máy giải mã trình tự trong chẩn đoán thông thường) sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong hiệu quả điều trị y tế và được cá nhân hóa. Có được thông tin về cấu trúc gen của một khối u sẽ giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị ung thư cho bệnh nhân.
Trong khi hiểu biết của chúng ta về mối liên hệ giữa các chỉ thị gen và bệnh tật còn hạn chế, việc gia tăng lượng dữ liệu sẽ tạo điều kiện cho điều trị chính xác (precision medicine), cho phép phát triển các biện pháp trị liệu có tính cá nhân hóa cao nhằm nâng cao kết quả điều trị. Ngay từ bây giờ, hệ thống siêu máy tính Watson của IBM đã có thể gợi ý phác đồ điều trị cá nhân hóa cho bệnh nhân ung thư trong vài phút, bằng cách đối chiếu bệnh sử và bệnh án, phim chụp và dữ liệu gen với (gần như) toàn bộ y văn thế giới(11).
Khả năng chỉnh sửa sinh học có thể được áp dụng lên hầu hết các loại tế bào, cho phép tạo ra thực vật hoặc động vật biến đổi gen, cũng như biến đổi tế bào của các sinh thể trưởng thành, kể cả con người. Điều này khác với công nghệ gen những năm 1980 ở chỗ nó chính xác hơn, hiệu quả và dễ sử dụng hơn nhiều các phương pháp trước đây. Thực tế, khoa học đang phát triển nhanh đến nỗi những hạn chế hiện nay nặng tính pháp lý, quy định và đạo đức hơn là kỹ thuật. Danh sách các ứng dụng tiềm năng gần như vô tận - từ khả năng biến đổi gen động vật theo hướng sử dụng nguồn thức ăn kinh tế hơn hoặc phù hợp với điều kiện địa phương hơn đến tạo ra các loại cây lương thực có khả năng chống chọi với nhiệt độ khắc nghiệt hay hạn hán cao.
Khi nghiên cứu về công nghệ gen ngày càng phát triển (ví dụ, sự phát triển của phương pháp CRISPR/ Cas9 trong chỉnh sửa và liệu pháp gen), những hạn chế về tính hiệu quả và đặc hiệu trong điều trị sẽ được khắc phục, và ngay lập tức đặt ra câu hỏi thách thức nhất, đặc biệt là từ góc độ đạo đức: chỉnh sửa gen sẽ là cuộc cách mạng trong nghiên cứu và điều trị y tế như thế nào? về nguyên tắc, cả thực vật lẫn động vật đều có thể được lập trình để tạo ra các loại thuốc và cách chữa trị khác. Ngày mà loài bò có thể được lập trình để cho sữa chứa thành tố giúp đông máu mà người mắc chứng máu khó đông cần không còn xa nữa. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu lập trình gen của loài lợn với mục tiêu phát triển các cơ quan phù hợp với việc ghép tạng cho người (một quá trình gọi là cấy ghép dị chủng, trước đây khó có thể hình dung được do rủi ro bị cơ thể người đào thải và nguy cơ truyền bệnh từ động vật cho con người).
Như đã đề cập ở trên về việc các công nghệ khác nhau kết hợp và bổ trợ lẫn nhau, sản xuất 3D sẽ được kết hợp với chỉnh sửa gen để cho ra đời mô sống nhằm mục đích chỉnh sửa và tái tạo mô - một quá trình được gọi là in sinh học. Công nghệ này đã được sử dụng để tạo ra mô da, xương, tim và mạch máu. Sẽ đến một ngày, các lớp tế bào gan in 3D có thể được sử dụng để tạo ra các bộ phận cho cấy ghép nội tạng.
Chúng ta đang phát triển những cách thức mới để cài đặt và sử dụng các thiết bị theo dõi mức độ hoạt động và thành phần hóa học của máu, và tương quan giữa chúng với thể trạng, tinh thần và năng suất của con người tại nhà và tại nơi làm việc. Chúng ta đã hiểu biết nhiều hơn về cách não thực hiện các chức năng và đang chứng kiến những bước tiến đáng quan tâm trong ngành công nghệ thần kinh. Việc hai trong số các chương trình nghiên cứu được cấp vốn nhiều nhất trong vài năm qua là về khoa học não bộ càng làm rõ điều đó.
Lĩnh vực sinh học là nơi tôi nhìn thấy những thách thức lớn nhất cho sự hình thành các chuẩn mực xã hội và các quy định phù hợp. Chúng ta đang đối mặt với những câu hỏi mới về bản chất của con người, những dữ liệu và thông tin nào về cơ thể và sức khỏe của
chúng ta nên và cần được chia sẻ, và chúng ta có quyền và nghĩa vụ gì trong việc thay đổi mã gen của các thế hệ tương lai. Trở lại vấn đề chỉnh sửa gen, ngày nay, việc kiểm soát được bản đồ gen người với độ chính xác cao trong từng phôi sống đồng nghĩa với việc chúng ta có thể thấy trong tương lai sự ra đời của những đứa trẻ được thiết kế với những đặc tính di truyền cụ thể hoặc có khả năng đề kháng một căn bệnh nhất định. Hiển nhiên là cơ hội và thách thức từ những khả năng này đang gây nhiều tranh cãi. Đáng chú ý, tháng 12-2015, Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia và Viện Hàn lâm Y học quốc gia của Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Hội hoàng gia Anh đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về Chỉnh sửa Gen người. Dù vậy, chúng ta vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với những thực tế và hậu quả của công nghệ gen mới nhất, cho dù chúng đang ở trước mắt. Những thách thức xã hội, y tế, đạo đức và tâm lý mà chúng mang lại là không nhỏ và cần được giải quyết, hoặc ít nhất là được quan tâm, một cách phù hợp.
Động lực của khám phá
Đổi mới sáng tạo là một quá trình xã hội phức tạp và không thể coi là nghiễm nhiên. Vì vậy, dù phần này đã đề cập đến một loạt tiến bộ công nghệ có khả năng thay đổi thế giới, chúng ta vẫn phải quan tâm đến việc làm sao để đảm bảo những tiến bộ này sẽ tiếp tục được phát triển theo hướng tích cực nhất.
Các viện nghiên cứu thường được coi là một trong những cơ sở hàng đầu để nghiên cứu các ý tưởng tiên tiến. Tuy nhiên, bằng chứng mới nhất cho thấy các chính sách khuyến khích phát triển sự nghiệp và điều kiện tài trợ tại các trường đại học ngày nay lại ưu tiên những nghiên cứu bảo thủ và theo từng bước nhỏ hơn là các đề án sáng tạo và đột phá(12).
Thuốc giải cho bệnh bảo thủ nghiên cứu trong giới học thuật là khuyến khích hơn nữa các nghiên cứu có hình thức thương mại. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cùng có những thách thức riêng. Năm 2015, Uber Technologies Inc. đã thuê 40 nhà nghiên cứu và khoa học về
công nghệ robot của Đại học Carnegie Mellon, một tỷ lệ nhân sự đáng kể của một phòng nghiên cứu, do đó gây áp lực lên các hợp đồng giữa trường đại học này với Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như các tổ chức khác(13).
Để thúc đẩy cả những nghiên cứu cơ bản mang tính mở đường lẫn những cải tiến kỹ thuật sáng tạo trong giới học thuật cũng như giới kinh doanh, các chính phủ cần tài trợ quyết liệt hơn cho các dự án nghiên cứu tham vọng. Tương tự, mô hình hợp tác nghiên cứu công - tư cần được tăng cường cấu trúc theo hướng phát triển tri thức và nguồn nhân lực vì lợi ích của toàn xã hội.
2.2 Điểm bùng phát
Khi được đề cập một cách tổng quan, những xu thế lớn này có vẻ khá trừu tượng. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng mở đường cho những ứng dụng và sự phát triển rất thực tiễn.
Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 9 năm 2015 chỉ ra 21 điểm bùng phát - là thời điểm những dịch chuyển công nghệ xâm nhập vào xã hội chính thống - điều sẽ định hình thế giới số và siêu liên kết của chúng ta trong tương lai(14). Những thay đổi này được dự báo sẽ xuất hiện trong 10 năm tới và do đó sẽ phản ánh sinh động những dịch chuyển sâu sắc được châm ngòi bởi cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những điểm bùng phát được xác định qua một cuộc khảo sát do Hội đồng Nghị sự toàn cầu về tương lai của phần mềm và xã hội, thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện, với sự tham gia của hơn 800 lãnh đạo điều hành và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Bảng 1 cho thấy tỷ lệ những người được hỏi dự báo những điểm bùng phát sẽ xảy ra trước năm 2025(15). Mỗi điểm bùng phát cũng như các tác động tích cực, tiêu cực được trình bày chi tiết hơn ở phần Phụ lục. Có hai điểm bùng phát không thuộc khảo sát ban đầu - thiết kế con người và công nghệ thần kinh - cùng được đưa vào nhưng không có mặt trong Bảng 1.
Những điểm bùng phát này là tiền đề quan trọng vì nó báo hiệu những thay đổi căn bản sắp diễn ra - được khuếch đại bởi bản chất mang tính hệ thống của chúng - cũng như cách chuẩn bị và ứng phó tốt nhất trước những thay đổi này. Như tôi sẽ bàn kỹ hơn ở chương tiếp theo, để định hướng giữa giai đoạn chuyển đổi này, đầu tiên phải nhận thức được những dịch chuyển đang diễn ra cũng như sắp đến, và tác động của chúng ở mọi cấp độ đối với xã hội toàn cầu.
3. Tác động
uy mô và phạm vi của cuộc cách mạng công nghệ đang diễn Q
ra sẽ đem đến những thay đổi có tầm vóc lớn lao về kinh tế, xã hội và văn hóa mà khó ai có thể hình dung được. Tuy nhiên, chương này sẽ miêu tả và phân tích những tác động tiềm năng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với kinh tế, doanh nghiệp, các chính phủ và các quốc gia, với xã hội và mỗi cá nhân.
Nhiều khả năng sức mạnh từ sự trao quyền là khởi nguồn cho một trong những tác động lớn nhất ở tất cả các lĩnh vực nêu trên, thể hiện trong mối quan hệ giữa chính phủ với người dân; giữa doanh nghiệp với nhân viên, cổ đông và khách hàng; hoặc quan hệ giữa các cường quốc với các nước nhỏ hơn. Chính vì vậy, sự đột phá mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra tác động tới các mô hình chính trị, kinh tế và xã hội hiện nay sẽ đòi hỏi các chủ thế được trao quyền phải nhận thức được rằng họ là một phần của hệ thống phân quyền, vốn đòi hỏi mức độ hợp tác cao hơn trong các hình thức tương tác để có thể thành công.
3.1 Kinh tế
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có ảnh hưởng lớn lao và đa chiều đối với kinh tế toàn cầu đến mức khó có thể tách bạch một tác động cụ thế nào. Quả thực, tất cả các biến số vĩ mô ta có thể tính đến như GDP, đầu tư, tiêu dùng, việc làm, thương mại, lạm phát... đều chịu ảnh hưởng. Tôi quyết định chỉ tập trung phân tích hai khía cạnh quan trọng nhất: tăng trưởng (chủ yếu thông qua lăng kính nhân tố quyết định tới tăng trưởng trong dài hạn là năng suất) và việc làm.
3.1.1 Tăng trưởng
Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới tăng trưởng kinh tế là chủ đề đang gây chia rẽ các chuyên gia kinh tế. Một mặt, phe bi quan công nghệ (techno-pessimists) lập luận rằng, những đóng góp lớn lao của cách mạng số đã diễn ra và ảnh hưởng của nó
với năng suất gần như đã hết. Ngược lại, phe lạc quan công nghệ (techno-optimists) cho rằng công nghệ và sáng tạo đang ở “điểm uốn” và sẽ sớm giải phóng để tạo ra sự bùng nổ về năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Mặc dù ghi nhận cả hai lập luận, bản thân tôi vẫn là người lạc quan thực tế. Tôi nhận thức rõ tác động giảm phát tiềm năng của công nghệ (ngay cả khi nó được định nghĩa là “giảm phát tốt”) và việc một số hiệu ứng phân bổ của nó khuyến khích ưu tiên vốn hơn lao động và thắt chặt tiền lương (do đó giảm tiêu dùng). Tôi cũng thấy cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phép nhiều người mua sắm nhiều hơn với giá thấp hơn, và thường khiến cho thói quen tiêu dùng trở nên bền vững hơn và do đó có trách nhiệm hơn.
Điều quan trọng là phải nhìn nhận những tác động tiềm năng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến tăng trưởng trong tương quan với các xu thế kinh tế gần đây và các nhân tố khác đóng góp vào tăng trưởng. Vài năm trước khi khủng hoảng kinh tế và tài chính nổ ra năm 2008, kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng khoảng 5%/năm. Giả sử tốc độ tăng trưởng này cứ tiếp diễn, GDP toàn cầu đã có thể tăng gấp đôi sau mỗi 14-15 năm và hàng tỷ người có thể thoát khỏi đói nghèo.
Trong thời kỳ ngay sau Đại suy thoái, rất nhiều người đã kỳ vọng rằng kinh tế toàn cầu sẽ trở lại chu kỳ tăng trưởng cao trước đó. Nhưng điều này đã không xảy ra. Kinh tế toàn cầu dường như bị kẹt ở tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình thời hậu chiến, khoảng 3-3,5%/năm.
Một số nhà kinh tế đã đưa ra khả năng về “sự suy thoái thế kỷ” và nhắc đến sự “đình trệ kéo dài”, một thuật ngữ của Alvin Hansen trong thời kỳ Đại suy thoái và gần đây lại trở nên thời thượng vì được các nhà kinh tế như Larry Summers và Paul Krugman trích dẫn. “Đình trệ kéo dài” miêu tả tình trạng cầu sụt giảm liên tục, không thể giải quyết được kể cả khi áp dụng lãi suất “gần không”. Mặc dù ý tưởng này còn đang được tranh cãi trong giới học thuật, nó có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu đúng, nó dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu có thể
giảm nữa. Chúng ta có thể hình dung ra một kịch bản cực đoan trong đó tăng trưởng toàn cầu giảm xuống 2%/năm, đồng nghĩa với việc phải mất 36 năm để GDP toàn cầu tăng gấp đôi.
Có nhiều cách lý giải tình trạng suy giảm tăng trưởng toàn cầu hiện nay, từ phân bổ vốn không hợp lý, vay nợ tràn lan, đến dịch chuyển dân số, V.V.. Tôi sẽ đề cập đến hai lý do, đó là sự già hóa dân số và năng suất lao động, vì cả hai đều liên quan chặt chẽ đến các tiến bộ công nghệ.
Già hóa dân số
Dân số thế giới được dự báo sẽ tăng từ 7,2 tỷ người hiện nay lên 8 tỷ người vào năm 2030 và 9 tỷ người vào năm 2050. Điều này sẽ khiến tổng cầu tăng. Tuy nhiên, còn có một xu hướng mạnh mẽ khác trong dân số: sự già hóa. Quan điểm truyền thông cho rằng già hóa là vấn đề của các nước giàu ở phương Tây. Tuy nhiên, điều này không còn đúng nữa. Tỷ lệ sinh đang giảm xuống dưới ngưỡng thay thế tại nhiều khu vực như hầu hết các nước Nam Mỹ và Caribbean, phần lớn châu Á bao gồm Trung Quốc và nam Ấn Độ, thậm chí một số nước Trung Đông, Bắc Phi như Libăng, Marôc, Iran, chứ không chỉ riêng châu Âu, nơi hiện tượng này xảy ra đầu tiên.
Già hóa dân số là thách thức kinh tế, vì trừ phi tuổi nghỉ hưu được tăng lên đáng kể để người cao tuổi trong xã hội có thể tiếp tục tham gia lực lượng lao động (một nhu cầu kinh tế cấp thiết mang lại nhiều lợi ích kinh tế), số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm trong khi số người già phụ thuộc tăng lên. Khi dân số già đi và ít người trẻ hơn, các khoản mua sắm lớn như nhà cửa, nội thất, ôtô, thiết bị điện tử cũng giảm theo. Hơn nữa, ít người dám chấp nhận rủi ro kinh doanh vì người lao động lớn tuổi thường có xu hướng bảo toàn tài sản để an hưởng tuổi già chứ không muốn đầu tư kinh doanh mới. Điều này phần nào được cân bằng khi người lao động nghỉ hưu và rút bớt tiền tích lũy, và về tổng thể sẽ làm giảm tỷ lệ tiết kiệm và lãi suất đầu tư. Những thói quen và tập quán này tất nhiên có thể thay đổi khi các xã hội già hóa có sự thích nghi, nhưng xu hướng chung là thế giới già hóa sẽ tăng trưởng chậm hơn, trừ phi cách mạng công nghệ có thể
châm ngòi cho sự đột phá trong năng suất lao động, nói một cách đơn giản là lao động thông minh hơn thay vì chăm chỉ hơn. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phép con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và năng động hơn. Với việc tuổi thọ của hơn một phần tư trẻ em sinh ra ở các nền kinh tế tiên tiến ngày nay dự kiến sẽ sống tới 100 tuổi, chúng ta sẽ phải suy nghĩ lại nhiều vấn đề như dân số trong tuổi lao động, hưu trí và kế hoạch cuộc sống cá nhân(16). Khó khăn mà nhiều quốc gia đang gặp phải khi cố gắng đem các vấn đề này ra bàn thảo chỉ là một dấu hiệu nữa cho thấy chúng ta vẫn chưa sẵn sàng để nhận thức một cách chủ động và đầy đủ về sức mạnh của sự thay đổi.
Năng suất
Hơn một thập kỷ qua, năng suất toàn cầu (dù tính bằng năng suất lao động hay năng suất nhân tố tổng hợp - TFP) vẫn tăng một cách chậm chạp, bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ của công nghệ và đầu tư vào sáng tạo(17). Lần tái xuất gần đây nhất của nghịch lý năng suất - hiện tượng sáng tạo công nghệ không làm tăng năng suất - là một trong những bí ẩn kinh tế lớn hiện nay và đã xuất hiện từ trước Đại suy thoái, và đến nay vẫn không có cách giải thích nào thỏa đáng.
Hãy xem Hoa Kỳ, nơi năng suất lao động tăng bình quân 2,8% từ năm 1947 tới năm 1983 và 2,6% trong giai đoạn 2000-2007, so với 1,3% từ năm 2007 đến năm 2014(18). Phần lớn sự sụt giảm này là do suy giảm TFP, một thước đo thường dùng để tính toán đóng góp của công nghệ và đổi mới sáng tạo vào hiệu suất lao động. Cục Thống kê Lao động Mỹ chỉ ra rằng tăng trưởng TFP từ năm 2007 tới năm 2014 chỉ là 0,5%, giảm đáng kể so với mức 1,4% hằng năm trong giai đoạn 1995-2007(19). Sự suy giảm này đặc biệt đáng quan ngại khi nó diễn ra vào thời điểm 50 công ty lớn nhất của Mỹ đã tích lũy tài sản tiền mặt trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, mặc dù lãi suất thực chỉ dao động quanh mức 0% trong gần năm năm(20).
Năng suất là yếu tố quyết định quan trọng nhất cho tăng trưởng dài hạn và nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, nếu năng suất trì trệ kéo dài suốt trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tăng trưởng chậm hơn và chất lượng cuộc sống sẽ cải thiện ít hơn. Nhưng làm sao để lý giải được các số liệu biểu thị sự suy giảm năng suất trong khi những tiến bộ vượt bậc của công nghệ và sáng tạo thường được kỳ vọng là sẽ mang lại năng suất cao hơn?
Một lập luận cơ bản tập trung vào khó khăn trong việc đo lường đầu vào và đầu ra, và từ đó xác định chính xác năng suất. Hàng hóa và dịch vụ sáng tạo ra đời trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư có chất lượng và chức năng cao hơn đáng kể, tuy nhiên chúng được phân phối trên những thị trường khác biệt cơ bản với những thị trường chúng ta đã quen đo lường. Nhiều hàng hóa và dịch vụ mới “không mang tính cạnh tranh”, có chi phí cận biên bằng không và/hoặc khai thác các thị trường cạnh tranh cao thông qua nền tảng kỹ thuật số, và tất cả đều dẫn tới mức giá thấp hơn. Trong hoàn cảnh đó, các con số thống kê truyền thống của chúng ta có thể không phản ánh được sự gia tăng thực về giá trị do thặng dư tiêu dùng chưa được phản ánh trong doanh thu hoặc mức lợi nhuận cao hơn.
Hal Varian, nhà kinh tế trưởng của Tập đoàn Google, chỉ ra nhiều ví dụ khác nhau, như việc gia tăng hiệu quả khi gọi taxi bằng ứng dụng trên điện thoại di động hay thuê xe thông qua mô hình kinh tế theo nhu cầu (on-demand-economy). Còn nhiều dịch vụ tương tự với cùng mục đích nâng hiệu quả sử dụng và năng suất. Tuy nhiên, các dịch vụ này cơ bản là miễn phí, do đó giá trị chúng tạo ra tại nhà và trong công việc là không đếm được. Điều này tạo ra chênh lệch giữa giá trị mà những dịch vụ trên mang lại với tăng trưởng được đo lường trong các thống kê quốc gia. Như vậy nghĩa là trên thực tế chúng ta đang sản xuất và tiêu dùng hiệu quả hơn so với những gì thể hiện qua các chỉ số kinh tế(21).
Một lập luận khác là trong khi những ưu thế về năng suất có được từ cách mạng công nghiệp lần thứ ba có thể đang mất đi, thế giới
vẫn chưa chứng kiến sự bùng nổ năng suất đến từ làn sóng công nghệ mới được sản sinh trong lòng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Quả thực, là người lạc quan thực tế, tôi cảm thấy rất rõ rằng chúng ta chỉ mới cảm nhận được bước đầu những tác động tích cực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự lạc quan của tôi có ba nguyên nhân.
Thứ nhất, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại cơ hội hội nhập vào kinh tế toàn cầu cho hai tỷ người hiện vẫn chưa được đáp ứng nhu cầu, kích cầu các sản phẩm và dịch vụ hiện có bằng cách trao quyền và kết nối các cá nhân, các cộng đồng trên thế giới lại với nhau.
Thứ hai, cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ gia tăng đáng kể khả năng giải quyết các tác động ngoại biên tiêu cực, và trong quá trình này, kích thích tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Khí thải carbon là một ví dụ chính về tác động ngoại biên tiêu cực. Mãi đến gần đây, đầu tư vào công nghệ xanh chỉ hấp dẫn khi được chính phủ trợ cấp mạnh. Tuy nhiên, điều này đã dần thay đổi. Những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ năng lượng tái tạo, tiết kiệm nhiên liệu và lưu trữ năng lượng không chỉ mang lại nhiều lợi nhuận hơn khi đầu tư vào lĩnh vực này, thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu - một thách thức toàn cầu của thời đại chúng ta.
Thứ ba, như phần tiếp theo sẽ phân tích, doanh nghiệp, chính phủ và những người lãnh đạo các tổ chức xã hội, những người tôi từng trao đổi, đều nói rằng họ đang nỗ lực cải cách tổ chức của họ để khai thác triệt để hiệu suất mà sức mạnh công nghệ số mang lại. Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nó đòi hỏi những cơ cấu kinh tế và tổ chức hoàn toàn mới để có thể nắm bắt đầy đủ giá trị của nó.
Thực sự, tôi cho rằng quy luật cạnh tranh của nền kinh tế trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ khác các thời kỳ trước. Để có được lợi thế cạnh tranh, cả các công ty và quốc gia phải đi đầu trong
đổi mới sáng tạo, nghĩa là các chiến lược chỉ tập trung chủ yếu vào cắt giảm chi phí sẽ kém hiệu quả hơn những chiến lược cung cấp sản phẩm và dịch vụ một cách sáng tạo. Như chúng ta thấy hiện nay, các công ty thành danh đang gánh chịu áp lực ghê gớm từ những nhân tố đột phá và đổi mới về công nghệ đến từ các ngành công nghiệp khác hay các quốc gia khác. Tình hình tương tự cũng xảy ra với các quốc gia chưa nhận thức được nhu cầu tập trung xây dựng các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho phù hợp.
Tóm lại, tôi tin rằng sự kết hợp của các nhân tố mang tính cơ cấu (vay nợ quá nhiều và các xã hội già hóa) và các nhân tố hệ thống (sự ra đời của mô hình kinh tế dựa trên nền tảng và kinh tế theo nhu cầu, chi phí cận biên ngày càng giảm, v.v.) sẽ buộc chúng ta phải biên soạn lại các giáo trình kinh tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tiềm năng nâng cao tăng trưởng kinh tế, đồng thời loại bỏ một số thách thức toàn cầu lớn mà thế giới phải đối mặt. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhận thức được và kiểm soát được các tác động tiêu cực mà nó mang lại, đặc biệt là bất bình đẳng, việc làm và thị trường lao động.
3.1.2 Việc làm
Dù công nghệ mang lại một số tác động tích cực, đầy tiềm năng tới tăng trưởng kinh tế, chúng ta vẫn phải giải quyết những tác động tiêu cực nó có thể tạo ra với thị trường lao động, ít nhất là trong ngắn hạn. Quan ngại về tác động của công nghệ tới việc làm không phải điều mới mẻ. Năm 1931, nhà kinh tế John Maynard Keynes đã đưa ra cảnh báo nổi tiếng về tình trạng thất nghiệp do công nghệ lan rộng “do chúng ta phát hiện ra cách tối ưu hóa lao động nhanh hơn tìm ra những công việc mới để sử dụng lao động’’(22). Điều này đã không chính xác, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu lần này dự đoán ấy thành hiện thực? Những năm qua. cuộc tranh luận lại được hâm nóng bởi những bằng chứng cho thấy máy tính đang thay thế một số công việc, dễ thấy nhất là kế toán, thủ quỹ và nhân viên trực tổng đài.
Lý do khiến cuộc cách mạng công nghệ mới này sẽ gây ra nhiều biến động hơn các cuộc cách mạng trước đó đã được đề cập ở phần mở đầu: đó là tốc độ (mọi thứ diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy), chiều sâu và phạm vi ảnh hưởng (rất nhiều thay đổi lớn lao diễn ra cùng lúc), và sự chuyển đổi triệt để của toàn bộ hệ thống.
Xét những nhân tố thúc đẩy này, có một điều chắc chắn: công nghệ mới sẽ thay đổi mạnh mẽ bản chất công việc ở tất cả các ngành nghề. Sự thiếu chắc chắn căn bản là ở chỗ tự động hóa sẽ thay thế lao động đến mức nào. Điều này sẽ diễn ra trong bao lâu và sẽ đi đến đâu?
Để nắm rõ hơn, chúng ta cần hiểu được hai tác động đối nghịch của công nghệ đối với việc làm. Thứ nhất, đó là hiệu ứng triệt tiêu, khi những đột phá và tự động hóa dựa vào công nghệ thay thế lao động, đẩy người lao động tới chỗ thất nghiệp hoặc phải đi nơi khác tìm việc. Thứ hai, hiệu ứng triệt tiêu này đi kèm hiệu ứng tư bản hóa, khi nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ mới gia tăng dẫn đến sự ra đời của những công việc mới, cơ hội kinh doanh mới và thậm chí là các ngành công nghiệp mới.
Là con người, chúng ta có khả năng thích ứng và sự tháo vát tuyệt vời. Những điểm mấu chốt ở đây là thời điểm và mức độ mà hiệu ứng tư bản hóa thay thế hiệu ứng triệt tiêu và sự thay thế này diễn ra nhanh đến đâu.
Về cơ bản, có hai luồng quan điểm đối lập khi bàn đến tác động của các công nghệ mới nổi đối với thị trường lao động: một bên tin vào cái kết có hậu, theo đó những người bị công nghệ đào thải sẽ tìm được công việc mới và công nghệ sẽ mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng mới. Bên kia tin rằng công nghệ dần dần sẽ dẫn đến một “Ngày tận thế” về chính trị và xã hội với việc tạo ra thất nghiệp do công nghệ trên quy mô lớn. Lịch sử cho thấy khả năng là kết cục sẽ ở đâu đó giữa hai luồng quan điểm trên. Câu hỏi là: chúng ta nên làm gì để thúc đẩy một kịch bản tích cực hơn và hỗ trợ những người bị mắc kẹt trong quá trình chuyển đổi?
Đúng là đổi mới công nghệ sẽ luôn loại bỏ một số việc làm, thay thế chúng bằng công việc mới trong một hoạt động khác và có thể ở một địa điểm khác. Lấy nông nghiệp làm ví dụ. Tại Hoa Kỳ, vào đầu thế kỷ XIX, 90% lao động là nông dân. Tuy nhiên, con số này hiện chỉ dưới 2%. Quá trình tinh giản mạnh mẽ này diễn ra khá thuận lợi, với những xáo trộn xã hội và thất nghiệp cục bộ ở mức tối thiểu.
Nền kinh tế ứng dụng công nghệ mạng là một ví dụ về hệ sinh thái công việc mới. Nó mới bắt đầu năm 2008 khi Steve Jobs, người sáng lập Apple, cho phép các nhà phát triển phần mềm bên ngoài xây dựng ứng dụng cho Iphone. Đến giữa năm 2015, nền kinh tế ứng dụng công nghệ mạng toàn cầu được cho là tạo ra hơn 100 tỷ USD doanh thu, vượt qua công nghiệp điện ảnh đã tồn tại hơn một thế kỷ.
Phe lạc quan công nghệ thắc mắc: nếu chúng ta có nền tảng từ quá khứ, vì sao lần này lại khác? Họ thừa nhận công nghệ sẽ tạo ra đột phá, nhưng cho rằng sau cùng nó luôn cải thiện năng suất và gia tăng của cải, từ đó tạo ra cầu lớn hơn đối với hàng hóa, dịch vụ và tạo ra công việc mới để đáp ứng nhu cầu mới. Bản chất lập luận này như sau: nhu cầu và ham muốn của con người là vô hạn, do đó quá trình đáp ứng cũng là vô hạn. Trừ trường hợp suy thoái thông thường và khủng hoảng đột xuất, sẽ luôn có việc làm cho tất cả mọi người.
Có bằng chứng gì hỗ trợ cho lập luận này và nó nói lên điều gì về tương lai? Những dấu hiệu ban đầu chỉ ra rằng một làn sóng đổi mới thay thế lao động trên nhiều ngành nghề sẽ có thể xảy ra trong những thập kỷ tới.
Thay thế lao động
Nhiều loại hình công việc, đặc biệt là những công việc có đặc thù máy móc lặp đi lặp lại và đòi hỏi lao động chân tay chính xác, đã được tự động hóa. Xu thế này sẽ còn tiếp diễn khi sức mạnh của máy tính tiếp tục phát triển vượt bậc. Sớm hơn dự đoán của đa số, công việc của những nghề nghiệp như luật sư, phân tích tài chính, bác sĩ, phóng viên, kế toán, bảo hiểm hay thủ thư có thể sẽ được tự động hóa một phần hoặc toàn bộ.
Đến nay, thực tế cho thấy cách mạng công nghiệp lần thứ tư có vẻ tạo ra ít việc làm hơn trong các ngành công nghiệp mới so với các cuộc cách mạng trước đó. Theo ước tính từ Chương trình Công nghệ và Việc làm Oxford Martin, hiện chỉ 0,5% lao động Mỹ làm việc trong các ngành công nghiệp mới kể từ đầu thế kỷ XXI, thấp hơn nhiều so với con số 8% việc làm mới ở các ngành công nghiệp mới trong thập niên 1980 và 4,5% trong thập niên 1990. Cuộc điều tra kinh tế Mỹ gần đây đã xác nhận điều này, và hé lộ vài điều thú vị về mối quan hệ giữa công nghệ và việc làm. Nó cho thấy đổi mới về công nghệ thông tin và các công nghệ đột phá khác có xu hướng tăng năng suất bằng cách thay thế lao động hiện có, thay vì tạo ra sản phẩm mới đòi hỏi nhiều lao động hơn cho quá trình sản xuất.
Hai nhà nghiên cứu từ Trường Oxford Martin, nhà kinh tế Carl Benedikt Frey và chuyên gia về máy tự học Michael Osborne đã lượng hóa tác động tiềm năng của đổi mới công nghệ đối với thất nghiệp bằng cách xếp hạng 702 nghề nghiệp khác nhau theo thứ tự có khả năng được tự động hóa, từ ít có nguy cơ nhất (“0” tương ứng với không có nguy cơ tự động hóa) cho đến có nguy cơ cao nhất (“1” tương ứng với nguy cơ chắc chắn bị máy tính thay thế dưới một hình thức nào đó)(23), ở Bảng 2 dưới đây, tôi chỉ rõ một số ngành nghề có nguy cơ bị tự động hóa cao nhất cũng như nhóm ít có nguy cơ nhất.
Nghiên cứu này kết luận khoảng 47% số việc làm tại Mỹ có nguy cơ bị tự động hóa, có thể trong một hoặc hai thập kỷ tới, với đặc thù là quy mô triệt tiêu việc làm rộng hơn nhiều và với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những lần dịch chuyển thị trường lao động trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Bên cạnh đó, xu hướng sắp tới là sự phân cực mạnh mẽ hơn của thị trường lao động. Việc làm sẽ tăng đối với loại công việc trí tuệ, sáng tạo với mức lương cao và loại công việc chân tay thu nhập thấp, nhưng sẽ giảm đáng kể đối với các loại công việc đều đặn, lặp đi lặp lại với thu nhập trung bình.
Thật thú vị khi thấy rằng không chỉ có khả năng ngày càng cao của thuật toán, mà robot và các nguồn lực phi con người khác cũng đang thúc đẩy quá trình thay thế này. Michael Osborne nhận xét rằng một nhân tố quan trọng mở đường cho tự động hóa là trong những năm gần đây các công ty đã cố gắng xác định và đơn giản hóa nội dung công việc nhằm chuyên công việc cho nhà thầu, hoặc ra nước ngoài và cho phép hoàn thành công việc dưới dạng “nhiệm vụ số hóa” (ví dụ như qua Mechanical Turk hay Mturk của Amazon, một dịch vụ cung ứng lao động qua internet). Sự đơn giản hóa này đồng nghĩa với việc các thuật toán sẽ dễ dàng thay thế con người hơn. Nhiệm vụ riêng biệt, cụ thể giúp việc giám sát tốt hơn và xây dựng dữ liệu chất
lượng cao hơn, qua đó tạo dựng nền tảng tốt hơn để thiết kế các thuật toán nhằm hoàn thành công việc.
Khi tư duy về tự động hóa và hiện tượng thay thế lao động, nên tránh sa vào cách nhìn cực đoan về tác động của công nghệ tới việc làm và tương lai của việc làm. Như nghiên cứu của Frey và Osborne chỉ ra, cách mạng công nghiệp lần thứ tư chắc chắn sẽ tác động mạnh đến thị trường lao động và không gian công việc trên khắp thế giới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ phải đứng trước cuộc đối đầu giữa con người và máy móc. Trên thực tế, ở hầu hết các trường hợp, sự kết hợp của công nghệ kỹ thuật số, vật chất và sinh học vốn đang thúc đẩy những thay đổi hiện nay sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức, đồng nghĩa với việc cấp quản lý cần chuẩn bị lực lượng và phát triển mô hình đào tạo để người lao động sẵn sàng làm việc cùng với những máy móc ngày càng thông minh, có năng lực và được kết nối.
Tác động đối với các kỹ năng
Trong tương lai không xa, các nghề nghiệp có ít nguy cơ bị tự động hóa sẽ là những công việc đòi hỏi các kỹ năng xã hội và sáng tạo; đặc biệt là kỹ năng ra quyết định trong bối cảnh nhiều biến động và sự phát triển nhiều ý tưởng mới lạ.
Tuy nhiên, điều này chưa chắc đã kéo dài. Hãy xét một trong những nghề đòi hỏi sáng tạo nhất - nghề viết văn - và sự xuất hiện của máy viết văn tự động. Các thuật toán phức tạp có thể cho ra đời những câu chuyện theo phong cách phù hợp với từng nhóm độc giả. Chúng giống sản phẩm của con người đến mức trong một câu đố gần đây trên tờ New York Times, trước hai bài viết tương tự nhau, độc giả không thể phân biệt được đâu là văn của người, đâu là văn của máy. Công nghệ này phát triển nhanh đến nỗi Kristian Hammond, đồng sáng lập của Narrative Science, một công ty chuyên sản xuất phần mềm viết văn tự động, đã dự báo đến giữa thập niên 2020, 90% các bản tin có thể ra đời bằng thuật toán và hầu hết không cần
bất kỳ sự can thiệp nào từ con người (tất nhiên trừ việc thiết kế các thuật toán)(24).
Trong môi trường làm việc chuyển biến nhanh như vậy, khả năng dự đoán xu thế và nhu cầu nghề nghiệp trong tương lai từ góc độ kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích nghi càng trở nên quan trọng hơn đối với tất cả các bên liên quan. Những xu thế này khác nhau theo từng ngành nghề và khu vực địa lý, vì vậy điều quan trọng là phải hiểu rõ hệ quả cụ thể của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với từng ngành và từng quốc gia.
Trong Báo cáo Tương lai nghề nghiệp của Diễn đàn, chúng tôi yêu cầu cán bộ phụ trách nhân sự của các doanh nghiệp là người sử dụng lao động nhiều nhất trong 10 ngành công nghiệp và 15 nền kinh tế đưa ra hình dung về tác động đối với nghề nghiệp, công việc và kỹ năng đến năm 2020. Như trong Hình 1, những người được khảo sát cho rằng các kỹ năng hệ thống, xã hội và xử lý các vấn đề phức tạp sẽ được đòi hỏi nhiều hơn trong năm 2020, nếu so với các kỹ năng thể chất và nội dung. Báo cáo chỉ ra 5 năm tới sẽ là giai đoạn chuyển giao quan trọng: bức tranh tổng thể về việc làm nhìn chung không thay đổi, nhưng công việc trong các ngành và kỹ năng trong phần lớn các nghề sẽ phải đối mặt với nhiều khuấy động lớn. Trong khi mức lương và sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống được dự đoán là sẽ có cải thiện đôi chút trong hầu hết các nghề, thì bảo đảm về công ăn việc làm lại được dự báo sẽ kém đi trong một số nửa các ngành được khảo sát. Khảo sát cũng cho thấy tác động đối với nam và nữ cũng khác nhau, có khả năng sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới (xem Hộp A: Khoảng cách về Giới và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư).
Hộp A: Khoảng cách về Giới và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Báo cáo Khoảng cách về Giới năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bản in lần thứ 10, tiết lộ hai xu thế đáng lo ngại. Thứ nhất, với nhịp độ phát triển hiện tại, phải mất 118 năm nữa để đạt được bình đẳng giới về kinh tế trên thế giới. Thứ hai, quá trình tiến tới sự bình đẳng này diễn ra khá chậm chạp, thậm chí có thể bị đình trệ.
Do vậy, điều quan trọng là phải xem xét tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với khoảng cách về giới. Tốc độ thay đổi công nghệ ngày càng tăng trên khắp các thế giới vật chất, số và sinh học sẽ tác động ra sao lên vai trò của nữ giới trong nền kinh tế, chính trị và xã hội?
Một câu hỏi quan trọng là những nghề nữ giới chiếm Ưu thế hay những nghề nam giới chiếm ưu thế có nguy cơ bị tự động hóa cao hơn. Báo cáo Tương lai nghề nghiệp của Diễn đàn chỉ ra nhiều khả năng cả hai nhóm đều mất đi đáng kể việc làm. Trong khi xu hướng thất nghiệp xảy ra nhiều hơn do tự động hóa trong các ngành nam giới chiếm ưu thế như chế tạo, xây dựng và lắp đặt, thì việc trí tuệ nhân tạo phát triển và khả năng số hóa công việc trong các ngành dịch vụ tăng lên cũng đồng nghĩa với việc nhiều nghề nghiệp đang đứng trước nguy cơ, từ nhân viên trực tổng đài tại các thị trường mới nổi (nguồn sinh kế của nhiều phụ nữ trẻ, nhiều người là nữ giới đầu tiên trong gia đình được đi làm) tới các công việc hành chính và bán lẻ tại các nền kinh tế phát triển (một nghề nghiệp phổ biến của phụ nữ trung lưu lớp dưới).
Mất việc có tác động tiêu cực trong nhiều trường hợp, nhưng hệ quả tích lũy của tình trạng mất việc nghiêm trọng trên khắp các nhóm ngành nghề truyền thống cho phụ nữ mới là điều rất đáng quan ngại. Cụ thể, nó sẽ đẩy các gia đình có thu nhập duy nhất từ người phụ nữ tay nghề thấp vào tình trạng nguy hiểm, giảm tổng thu nhập của các gia đình có hai lao động, và nới rộng khoảng cách về giới vốn đã nhức nhối trên thế giới.
Vậy còn những vai trò mới và ngành nghề mới thì sao? Cơ hội nào cho phụ nữ trong một thị trường lao động chuyển đổi trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư? Trong khi rất khó phác thảo ra các kỹ năng và năng lực cần có trong các ngành công nghiệp còn chưa ra đời, chúng ta có thể giả định một cách logic rằng nhu cầu sẽ gia tăng với các kỹ năng cho phép người lao động thiết kế, xây dựng và làm việc cùng các hệ thống công nghệ, hoặc ở các lĩnh vực sẽ lấp vào khoảng trống do các sáng tạo công nghệ này tạo ra.
Do nam giới có xu hướng chiếm ưu thế trong ngành khoa học máy tính, toán học và kỹ thuật, nên nhu cầu ngày càng tăng đối với các chuyên môn kỹ thuật sẽ có thể khiến tình trạng bất bình đẳng giới thêm trầm trọng. Tuy nhiên, nhu cầu có thể sẽ gia tăng đối với những công việc máy móc không thực hiện được và những nhiệm vụ đòi hỏi những khả năng, phẩm chất tự nhiên của con người như các vấn đề tình cảm và tâm lý. Phụ nữ chiếm ưu thế trong nhiều nghề như chuyên gia tâm lý, trị liệu, huấn luyện viên, tổ chức sự kiện, điều dưỡng và các nghề chăm sóc sức khỏe khác.
Một vấn đề then chốt ở đây là lợi nhuận tương đối tính trên thời gian và công sức trong những công việc đòi hỏi năng lực kỹ thuật khác nhau, vì có nguy cơ là các dịch vụ cá nhân và các nghề phụ nữ đang chiếm ưu thế tiếp tục bị đánh giá thấp. Nếu vậy, cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ càng gia tăng sự phân biệt vai trò của nam giới và nữ giới. Đây là một hệ quả tiêu cực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư bởi nó làm gia tăng bất bình đẳng nói chung và khoảng cách giới nói riêng, gây thêm nhiều khó khăn cho phụ nữ trong việc phát huy năng lực của mình trong lực lượng lao động tương lai. Nó còn đe dọa những giá trị do việc nâng cao tính đa dạng mang lại và những lợi ích mà chúng ta biết các tổ chức có thể thu được nhờ tăng cường tính sáng tạo và hiệu quả với một đội ngũ cân bằng giới ở tất cả các cấp. Nhiều phẩm chất và năng lực gắn liền với phụ nữ và các nghề đặc thù nữ giới sẽ càng cần thiết hơn trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong khi chúng ta không thể dự đoán được các tác động khác nhau của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nam giới và nữ giới, chúng ta cần tranh thủ cơ hội của nền kinh tế đang chuyển đổi để thiết kế lại chính sách lao động và tập quán kinh doanh để đảm bảo cả nam giới và nữ giới đều được trao quyền một cách tối đa.
Trong thế giới tương lai, nhiều vị trí và nghề nghiệp sẽ xuất hiện, không chỉ vì cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà còn bởi các nhân tố phi công nghệ như áp lực dân số, dịch chuyển địa - chính trị và
các chuẩn mực xã hội - văn hóa mới. Ngày nay, chúng ta không thể tiên lượng chính xác đó là những nghề gì, nhưng tôi tin rằng tài năng sẽ trở thành yếu tố sản xuất quan trọng hơn cả vốn. Bởi vậy, nhiều khả năng khan hiếm lao động có tay nghề chính là rào cản hạn chế đổi mới sáng tạo, sức cạnh tranh và tăng trưởng, chứ không phải vấn đề thiếu vốn.
Điều này có thế dẫn đến một thị trường lao động ngày càng tách biệt thành hai nhóm tay nghề thấp/lương thấp và tay nghề cao/lương cao, hay như tác giả và doanh nhân phần mềm tại Thung lũng Silicon Martin Ford dự đoán(25), sự xói mòn toàn bộ phần đế của tháp kỹ năng nghề nghiệp sẽ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng và căng thẳng xã hội, trừ khi chúng ta chuẩn bị cho những thay đổi ấy ngay từ hôm nay.
Những sức ép này cũng buộc chúng ta cân nhắc lại định nghĩa về “tay nghề cao” trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Định nghĩa truyền thống về lao động có tay nghề căn cứ vào việc đào tạo nâng cao hoặc chuyên sâu, và một bộ kỹ năng trong khuôn khổ một nghề hoặc một lĩnh vực chuyên môn. Với tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đòi hỏi và nhấn mạnh hơn việc người lao động có khả năng liên tục thích nghi và học hỏi những kỹ năng và cách tiếp cận mới trong nhiều bối cảnh đa dạng.
Báo cáo Tương lai nghề nghiệp của Diễn đàn cũng cho thấy dưới 50% cán bộ phụ trách nhân lực có sự tự tin nhất định với chiến lược nhân sự của tổ chức của họ trong việc chuẩn bị cho những thay đổi này. Những rào cản chính ngăn họ có cách tiếp cận quyết đoán hơn bao gồm việc doanh nghiệp thiếu hiểu biết về bản chất của những thay đổi mang tính đột phá, tình trạng ít hoặc không có sự đồng bộ giữa chiến lược về nhân sự và chiến lược đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, hạn chế về nguồn lực và áp lực lợi nhuận ngắn hạn. Hệ quả là sự bất cân xứng giữa quy mô của thay đổi sắp đến và những động thái tương đối nhỏ lẻ mà doanh nghiệp thực hiện nhằm xử lý thách
thức. Các tổ chức cần có tư duy mới để đáp ứng được nhu cầu về nhân tài và giảm thiểu các hệ quả xã hội không mong muốn. Tác động đối với các nền kinh tế đang phát triển
Một vấn đề quan trọng là phải suy ngẫm về ý nghĩa của cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các nước đang phát triển. Thành quả của ba cuộc cách mạng trước đây còn chưa tới được tay của nhiều cư dân trên thế giới. Nhiều người còn chưa tiếp cận được với điện, nước sạch, hệ thống vệ sinh và nhiều loại thiết bị sản xuất, những thứ vốn đã trở nên mặc định phải có ở các nền kinh tế tiên tiến. Tuy vậy, cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhất định sẽ tác động đến cả các nền kinh tế đang phát triển.
Đến nay, tác động chính xác của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn chưa rõ ràng. Những thập kỷ gần đây, tuy bất bình đẳng trong từng nước vẫn gia tăng, chênh lệch giữa các nước lại giảm đi đáng kể. Liệu cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nguy cơ đảo ngược xu thế thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế mà chúng ta đã và đang chứng kiến, trên phương diện thu nhập, kỹ năng, hạ tầng, tài chính, và các lĩnh vực khác? Hay công nghệ và những thay đổi nhanh chóng liệu có được khai thác để phục vụ phát triển và đẩy nhanh những bước nhảy vọt?
Những câu hỏi hóc búa này cần nhận được sự quan tâm thích đáng, kể cả vào thời điểm các nền kinh tế tiên tiến nhất đang vướng vào những thách thức riêng của mình. Đảm bảo rằng nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới không bị tụt lại sau không phải là một nghĩa vụ đạo đức, mà là một mục tiêu quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ bất ổn toàn cầu do những thách thức về địa - chính trị và an ninh như dòng người di cư.
Một kịch bản đầy thách thức với các nước thu nhập thấp là cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến việc “hồi hương” đáng kể nền sản xuất toàn cầu về các nền kinh tế phát triển, điều rất có khả năng xảy ra nếu như lao động giá rẻ không còn là nhân tố quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Khả năng phát triển mạnh mẽ ngành
sản xuất phục vụ nền kinh tế toàn cầu dựa trên lợi thế giá rẻ cho phép các quốc gia tích lũy tư bản, chuyển giao công nghệ và gia tăng thu nhập là một lối mòn đã nhiều người đi. Nếu cánh cửa này đóng lại, nhiều nước sẽ phải cân nhắc lại mô hình phát triển và chiến lược công nghiệp hóa. Các nền kinh tế đang phát triển có tận dụng được các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư không và tận dụng như thế nào là vấn đề vô cùng quan trọng của cả thế giới; điều cốt yếu là cần có thêm nhiều nghiên cứu, đánh giá để có thể hiểu, phát triển và vận dụng chiến lược phù hợp. Nguy cơ ở đây là cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đưa đến kịch bản “thắng ăn cả” giữa các nước cũng như trong từng nước. Điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng và xung đột xã hội, tạo ra một thế giới ít gắn kết, nhiều biến động hơn, đặc biệt là khi con người ngày nay nhận thức tốt hơn và nhạy cảm hơn trước bất công xã hội và chênh lệch điều kiện sống giữa các quốc gia. Nếu lãnh đạo khu vực công và tư không đảm bảo được với người dân rằng họ đang thi hành các chính sách đáng tin cậy nhằm cải thiện cuộc sống người dân, thì bất ổn xã hội, di cư hàng loạt và chủ nghĩa cực đoan bạo lực có thể gia tăng, từ đó tạo nên rủi ro cho các quốc gia ở tất cả các giai đoạn phát triển. Điều quan trọng là người dân thấy vững tin rằng mình có thể tham gia những công việc ý nghĩa để nuôi sống bản thân và gia đình, song điều gì sẽ xảy ra nếu cầu lao động không đủ hoặc kỹ năng của họ không còn đáp ứng được nhu cầu?
3.1.3 Bản chất của việc làm
Sự trỗi dậy của một thế giới trong đó mô hình làm việc chủ đạo là một chuỗi giao dịch giữa người lao động và công ty chứ không còn là mối quan hệ bền vững lâu dài, từng được Daniel Pink miêu tả 15 năm trước ở cuốn Free Agent Nation(26). Xu hướng này đã phát triển nhanh chóng nhờ những đổi mới sáng tạo trong công nghệ.
Ngày nay, mô hình nền kinh tế theo nhu cầu đang thay đổi căn bản mối quan hệ của chúng ta với việc làm và kết cấu xã hội bao trùm lên nó. Ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng “đám mây nhân sự” để thực hiện công việc. Hoạt động chuyên môn được phân chia thành
nhiều nhiệm vụ cụ thể và dự án riêng rẽ, sau đó gửi lên đám mây ảo của những người cần việc ở khắp nơi trên thế giới. Đây là nền kinh tế theo nhu cầu kiểu mới, nơi người cung cấp sức lao động không còn là người làm công theo nghĩa truyền thống nữa, mà là lao động độc lập nhận thực hiện các công việc cụ thể. Giáo sư Arun Sundararajan của Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York (NYU) đã bình luận trong bài viết của nhà báo Farhad Manjoo trên tờ New York Times: “Trong tương lai, có thể một bộ phận lao động sẽ đồng thời làm một loạt công việc để tạo ra thu nhập - bạn có thể vừa là lái xe Uber, vừa mua sắm trên Instacart, vừa là chủ nhà trên Airbnb hay người tìm việc trên Taskrabbit”(27).
Rõ ràng điều này đem lại lợi thế cho các công ty, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh trong nền kinh tế số. Do các nền tảng đám mây nhân sự xếp loại lao động là những lao động tự do, các quy định về lương tối thiểu, thuế sử dụng lao động và phúc lợi xã hội, vào thời điểm hiện tại, không áp dụng. Như Daniel Callaghan, Giám đốc điều hành của MBA and Company tại Anh giải thích trên tờ Financial Times: “Bây giờ bạn có thể tìm được bất cứ ai bạn muốn, bất kỳ lúc nào bạn muốn và chính xác theo cách bạn muốn. Và vì họ không phải là nhân viên của bạn nên bạn sẽ không phải giải quyết những rắc rối và quy định khi thuê lao động”(28).
Với những ai tham gia đám mây, lợi thế chủ yếu nằm ở sự tự do (thích thì làm) và tính lưu động ưu việt khi tham gia một mạng lưới ảo toàn cầu. Một số người lao động độc lập xem đây là sự kết hợp lý tưởng của nhiều tự do, ít căng thẳng và mức độ thỏa mãn trong công việc lớn hơn. Dù đám mây nhân sự còn ở giai đoạn sơ khai, đã có khá nhiều bằng chứng truyền khẩu rằng nó dẫn đến tình trạng ngấm ngầm sử dụng lao động nước ngoài (ngấm ngầm vì nền tảng đám mây nhân sự không buộc người lao động phải kê khai và tiết lộ thông tin về họ). Liệu điều này có khởi đầu một cuộc cách mạng việc làm mới và linh hoạt, sẽ trao quyền cho bất cứ cá nhân nào có kết nối internet và sẽ xóa bỏ tình trạng thiếu hụt kỹ năng? Hay nó sẽ khơi mào cho cuộc đua khốc liệt tới đáy một thế giới của những công
xưởng ảo vô luật lệ? Nếu câu trả lời là vế sau - một thế giới của giai cấp vô sản bấp bênh, một tầng lớp xã hội với những người phải nhảy hết việc này đến việc khác để kiếm sống trong khi bị mất quyền của người lao động, quyền mặc cả và được bảo đảm việc làm - liệu có là nguồn gốc tiềm tàng cho những bất ổn chính trị xã hội? Cuối cùng, liệu sự phát triển của đám mây nhân sự sẽ chỉ càng đẩy nhanh tiến trình tự động hóa công việc của con người?
Thách thức chúng ta đang đối mặt là phải đưa ra được những hình thức hợp đồng xã hội và việc làm phù hợp với sự thay đổi của lực lượng lao động cũng như bản chất không ngừng phát triển của công việc. Phải hạn chế những mặt trái của đám mây nhân sự về nguy cơ bóc lột lao động, song đồng thời không cản trở sự tăng trưởng của thị trường lao động hoặc ngăn cản người lao động làm việc theo cách mình muốn. Nếu không làm được điều này, cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể dẫn đến một tương lai đen tối của việc làm, điều được Lynda Gratton, giáo sư ngành quản lý ở Trường Kinh doanh London miêu tả trong cuốn sách The Shift: The Future of Work is Already Here: mức độ phân mảnh, cô lập và loại trừ gia tăng trong khắp các xã hội(29).
Như đã nêu trong suốt cuốn sách này, lựa chọn là của chúng ta. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào các chính sách và quyết định thể chế chúng ta đưa ra. Tuy vậy, chúng ta phải lưu ý rằng có thể sẽ xảy ra phản ứng trái chiều về quy định, qua đó tái lập quyền lực của giới hoạch định chính sách và gây căng thẳng cho các lực lượng thích ứng của một hệ thống phức tạp.
Tầm quan trọng của mục đích
Chúng ta cũng cần nhớ rằng tài năng và kỹ năng không phải là tất cả. Công nghệ mang lại hiệu quả cao hơn, là điều đa số đều mong muốn. Tuy nhiên, con người cũng muốn cảm thấy họ không chỉ là một phần của quy trình, mà là một điều gì đó lớn hơn cá nhân họ. Các Mác lo ngại quá trình chuyên môn hóa sẽ làm giảm ý nghĩa của mục đích mà chúng ta đều tìm kiếm trong công việc. Còn
Buckminster Fuller cảnh báo những rủi ro khi chuyên môn hóa quá mức có xu hướng “chấm dứt những nỗ lực tìm kiếm trên diện rộng, và do vậy ngăn cản việc phát hiện thêm những quy tắc tổng quát có ảnh hưởng toàn diện”(30). Hiện nay, đối mặt với sự kết hợp giữa tính phức tạp ngày càng tăng và siêu chuyên môn hóa, chúng ta đang ở thời điểm mà khát khao làm các công việc có mục đích đang trở thành vấn đề lớn. Điều này đặc biệt đúng với thế hệ trẻ, những người thường cảm thấy công việc kiểu doanh nghiệp hạn chế khả năng tìm kiếm ý nghĩa và mục đích sống. Trong một thế giới mà các ranh giới đang nhòa dần, các khát vọng đang thay đổi, con người không chỉ cần sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống, mà còn cả sự kết hợp hài hòa giữa công việc và cuộc sống. Tôi quan ngại rằng tương lai của việc làm chỉ cho phép một số ít cá nhân đạt được mong muốn ấy.
3.2 Doanh nghiệp
Ngoài thay đổi trong mô thức tăng trưởng, thị trường lao động và tương lai của việc làm - những nhân tố tất yếu sẽ ảnh hưởng đến mọi tổ chức, có bằng chứng cho thấy các công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ảnh hưởng lớn đến phương thức điều hành, tổ chức và huy động nguồn lực của doanh nghiệp. Một dấu hiệu cụ thể của hiện tượng này là nhìn vào lịch sử tuổi thọ trung bình của doanh nghiệp trong danh sách S and P 500 đã giảm từ 60 xuống còn khoảng 18 năm(31).
Một dấu hiệu nữa là sự thay đổi trong thời gian của các công ty mới cần có để thống lĩnh thị trường và đạt mốc doanh thu đáng kể. Facebook mất 6 năm để đạt doanh thu 1 tỷ USD/năm còn Google mất có 5 năm. Không còn nghi ngờ gì nữa, những công nghệ mới xuất hiện, hầu hết vận hành trên nền tảng sức mạnh số, đang gia tăng tốc độ và quy mô thay đổi của doanh nghiệp.
Điều này cũng tái khẳng định một chủ đề chính trong các cuộc trò chuyện của tôi với các CEO và nhà quản lý doanh nghiệp cấp cao trên thế giới, đó là: ngày nay rất khó nhận thức thấu đáo hoặc dự
đoán được dòng thác thông tin, tốc độ xáo trộn và gia tốc của tiến trình đổi mới. Chúng tạo nên một chuỗi các bất ngờ liên tục. Trong bối cảnh đó, điều tạo ra sự khác biệt cho thế hệ lãnh đạo thành công trong tương lai nằm ở khả năng không ngừng học hỏi, thích ứng, thách thức mô hình triết lý và vận hành thành công mô hình của chính bản thân họ.
Vì vậy, vấn đề cấp bách đầu tiên mà tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đề ra cho lãnh đạo doanh nghiệp là phải nhìn nhận lại bản thân cũng như doanh nghiệp của mình. Có bằng chứng cho thấy doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp có khả năng học hỏi và thay đổi không? Doanh nghiệp có tiền sử về việc thí điểm và đưa ra quyết định đầu tư một cách nhanh chóng không? Văn hóa doanh nghiệp có chấp nhận đổi mới sáng tạo và thất bại không? Tất cả những gì tôi chứng kiến đều cho thấy cuộc đua sẽ ngày một nhanh hơn, thay đổi sâu sắc hơn, và hành trình này sẽ đòi hỏi một cái nhìn cứng rắn và trung thực về khả năng vận hành linh hoạt ở tốc độ cao của doanh nghiệp.
Nguồn gốc của sự đột phá
Những nguồn gốc đa dạng của sự đột phá gây ra nhiều hình thức tác động khác nhau lên doanh nghiệp. Về nguồn cung, nhiều ngành công nghiệp đang chứng kiến sự ra đời của các công nghệ mới tạo ra cách thức hoàn toàn mới đáp ứng nhu cầu hiện tại của con người và phá vở đáng kể các chuỗi giá trị hiện tại. Có vô vàn ví dụ. Các công nghệ lưu trữ và lưới điện mới trong ngành năng lượng sẽ thúc đẩy sự chuyển đổi sang các nguồn phi tập trung hơn. Việc áp dụng rộng rãi công nghệ in 3D sẽ giúp việc sản xuất phi tập trung và bảo trì, thay thế dễ dàng và tiết kiệm hơn. Các thông tin và trí tuệ thời gian thực sẽ cung cấp cái nhìn đặc biệt giá trị về khách hàng và hiệu suất tài sản, qua đó khuếch đại những xu hướng công nghệ khác.
Sự đột phá còn đến từ các đối thủ cạnh tranh nhạy bén và sáng tạo. Những công ty nhờ tiếp cận các nền tảng số toàn cầu phục vụ nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán và phân phối có thể vượt qua được các doanh nghiệp lâu năm với tốc độ nhanh chưa từng có bằng
cách cải thiện chất lượng, tốc độ và giá cả của những giá trị mà họ cung cấp. Đây cũng là lý do khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp coi mối đe dọa lớn nhất chính là các đối thủ cạnh tranh chưa được coi là đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng sự đột phá cạnh tranh chỉ đến từ doanh nghiệp khởi nghiệp. Số hóa cũng cho phép các doanh nghiệp lớn tạo đột phá trong ngành bằng cách tận dụng nền tảng khách hàng, kết cấu hạ tầng hay công nghệ sẵn có. Việc các công ty viễn thông lấn sân sang thị trường chăm sóc sức khỏe và ôtô là ví dụ. Tầm vóc vẫn là lợi thế cạnh tranh nếu được vận dụng một cách thông minh.
Thay đổi lớn về cầu cũng tạo đột phá với doanh nghiệp: tính minh bạch, mức độ can dự của người tiêu dùng, các tập quán tiêu dùng mới (ngày càng dựa vào mạng di động và dữ liệu) ngày càng tăng buộc các công ty phải thay đổi cách thiết kế, tiếp thị và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ hiện có cũng như trong tương lai.
Về tổng thể, tôi thấy tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với doanh nghiệp là sự chuyển đổi không tránh khỏi từ xu thế số hóa đơn giản, là đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ ba, sang hình thức đổi mới sáng tạo phức tạp hơn rất nhiều, dựa trên sự kết hợp nhiều công nghệ khác nhau theo những cách thức rất mới mẻ. Điều này buộc các công ty phải xem xét lại phương thức kinh doanh, và chuyển đổi mô hình mới. Đối với một số công ty, muốn vươn tới giới hạn mới về giá trị, họ có thể phải phát triển kinh doanh sang các phân khúc gần kề, trong khi với số khác, họ lại phải xác định hướng tái phân bổ giá trị trong các lĩnh vực hiện có.
Tuy nhiên, bản chất vấn đề vẫn không có gì thay đổi. Lãnh đạo doanh nghiệp và bộ máy điều hành cần hiểu rằng sự đột phá tác động đến cả mặt cung lẫn cầu trong hoạt động kinh doanh của họ. Điều này, do vậy, buộc họ phải kiểm chứng những giả định mà đội ngũ điều hành đưa ra và tìm kiếm cách thức kinh doanh mới. Tóm lại, họ phải không ngừng đổi mới sáng tạo.
Bốn tác động chính
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có bốn tác động chính lên doanh nghiệp ở khắp các ngành khác nhau:
Kỳ vọng của người tiêu dùng đang thay đổi.
Dữ liệu giúp cải tiến sản phẩm và cải thiện năng suất sử dụng tài sản.
Các hình thức đối tác mới ra đời do công ty nhận thức được tầm quan trọng của các mô hình cộng tác mới.
Mô hình vận hành được chuyển đổi sang các mô hình số mới.
3.2.1 Kỳ vọng của người tiêu dùng
Khách hàng, dù là cá nhân (doanh nghiệp đến khách hàng - B2C) hay doanh nghiệp (doanh nghiệp đến doanh nghiệp - B2B), đang ngày càng trở thành trung tâm của nền kinh tế kỹ thuật số - tất cả đều xoay quanh cách thức phục vụ khách hàng. Kỳ vọng của khách hàng đang được tái xác định thành các trải nghiệm. Ví dụ, trải nghiệm với sản phẩm của Apple không chỉ là quá trình sử dụng sản phẩm, mà còn về bao bì, thương hiệu, việc mua sắm và dịch vụ khách hàng. Bởi vậy, Apple đang định nghĩa lại kỳ vọng của khách hàng, bao gồm cả trải nghiệm với sản phẩm.
Cách tiếp cận truyền thông theo các phân khúc dân số đang chuyển dần thành tìm kiếm khách hàng bằng tiêu chí số, nghĩa là xác định khách hàng tiềm năng dựa vào sự sẵn sàng chia sẻ dữ liệu và tương tác của họ. Do sự chuyển dịch từ sở hữu sang chia sẻ ngày càng gia tăng (đặc biệt là ở các thành phố), chia sẻ dữ liệu sẽ là một phần thiết yếu để tạo lập giá trị. Ví dụ, các mô hình đi chung xe ôtô sẽ đòi hỏi việc tích hợp dữ liệu cá nhân và tài chính giữa các công ty khác nhau thuộc lĩnh vực ôtô, tiện ích, truyền thông và ngân hàng. Đa số các công ty đều tuyên bố lấy khách hàng làm trung tâm, nhưng tuyên bố ấy sẽ được kiểm chứng khi dữ liệu và kết quả phân tích thời gian thực được áp dụng vào cách họ xác định và phục vụ khách hàng. Bản chất của kỷ nguyên số là tiếp cận và sử dụng dữ liệu, hoàn thiện sản phẩm và trải nghiệm, và tiến lên một thế giới
không ngừng điều chỉnh và hoàn thiện nhưng vẫn đảm bảo khía cạnh con người trong tương tác luôn giữ vị trí trung tâm của quá trình này. Chính khả năng khai thác nhiều nguồn dữ liệu - từ cá nhân cho tới lĩnh vực công nghiệp, từ phong cách sống cho tới hành vi, sẽ đem lại những hiểu biết sâu sắc về hành trình mua sắm của khách hàng - điều mà chúng ta đã không thể nhận thức được cho đến tận thời gian gần đây. Hiện nay, dữ liệu và số liệu cung cấp thông tin quan trọng gần với thời gian thực về nhu cầu và hành vi của khách hàng, qua đó định hướng quyết định tiếp thị và bán hàng.
Hiện tại xu hướng số hóa này đang hướng tới việc tăng tính minh bạch, đồng nghĩa với việc nhiều dữ liệu hơn trong chuỗi cung ứng, nhiều dữ liệu hơn đến với người tiêu dùng, hệ quả là so sánh đồng cấp về chất lượng sản phẩm trở nên phổ biến hơn và dịch chuyển quyền lực sang người tiêu dùng. Ví dụ như các trang web so sánh giá giúp việc so sánh giá cả, chất lượng dịch vụ và hiệu suất của sản phẩm trở nên dễ dàng. Chỉ cần cú nhấp chuột hay chạm ngón tay, người tiêu dùng có thể chuyển từ thương hiệu, dịch vụ hay nhà bán lẻ này sang thương hiệu, dịch vụ nhà bán lẻ khác trong nháy mắt. Các công ty sẽ không thể trốn tránh trách nhiệm về sản phẩm hay dịch vụ kém chất lượng. Giá trị thương hiệu là một loại giải thưởng khó giành được nhưng lại dễ mất đi. Điều này sẽ ngày càng được thể hiện trong một thế giới minh bạch hơn.
Xét trên diện rộng, thế hệ sinh sau năm 2000 đang tạo ra các xu hướng tiêu dùng. Chúng ta đang sống trong một thế giới theo nhu cầu nơi mỗi ngày có 30 tỷ tin nhắn WhatsApp(32), 87% thanh niên Mỹ nói rằng họ luôn luôn mang điện thoại thông minh bên người và 44% sử dụng chức năng chụp ảnh mỗi ngày(33). Đây là một thế giới đang ngày càng chú trọng việc chia sẻ ngang hàng và các nội dung do người dùng tạo ra. Đó là thế giới của hiện tại: một thế giới thời gian thực nơi ta vừa lái xe vừa nhận hướng dẫn chỉ đường điện tử và rau quả được giao trực tiếp tới tận nhà. Thế giới hiện tại đòi hỏi các công ty phải phản hồi trong thời gian thực dù khách hàng đang ở bất cứ đâu.
Sẽ là sai lầm nếu cho rằng điều này chỉ đúng ở các nền kinh tế thu nhập cao. Lấy ngành mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc làm ví dụ. Ngày 11-11-2015, ngày được Tập đoàn Alibaba gọi là ngày độc thân, dịch vụ thương mại trực tuyến này đã xử lý số giao dịch online với tổng giá trị hơn 14 tỷ USD, với 68% việc mua bán là thông qua thiết bị di động(34). Một ví dụ khác là khu vực châu Phi cận Sahara. Đây là khu vực có số thuê bao di động phát triển nhanh nhất, cho thấy internet trên di động đã vượt mặt internet có dây ra sao. Hiệp hội Viễn thông Di động Toàn cầu (GSM Association) dự báo 5 năm tới sẽ có thêm 240 triệu người sử dụng internet di động ở khu vực châu Phi cận Sahara(35). Trong khi các nền kinh tế phát triển năng động có tỷ lệ tham gia mạng xã hội cao nhất, tỷ lệ ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Trung Mỹ cũng đang cao hơn 30% mức trung bình của thế giới,và ngày càng tăng mạnh. WeChat (Weixin), ứng dụng tin nhắn và tin thoại trên di động của Trung Quốc đã thu hút được khoảng 150 triệu người dùng chỉ trong vòng 12 tháng, tính tới cuối năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt ít nhất 39%(36).
3.2.2Cải tiến sản phẩm bằng dữ liệu
Công nghệ mới đang thay đổi cách doanh nghiệp nhìn nhận và quản lý tài sản của họ, khi sản phẩm và dịch vụ được cải tiến với các tính năng số giúp nâng cao giá trị. Ví dụ, Tesla đã chứng minh các bản cập nhật phần mềm và kết nối qua mạng có thể nâng cấp sản phẩm (ôtô) sau khi mua như thế nào, thay vì để sản phẩm bị mất giá theo thời gian.
Không chỉ những vật liệu mới mới giúp tài sản lâu bền hơn mà dữ liệu và phân tích cũng đang làm thay đổi vai trò của khâu bảo trì. Kết quả phân tích do các cảm biến gắn trên tài sản cho phép thực hiện việc giám sát liên tục và bảo trì chủ động, qua đó tối đa hóa việc sử dụng tài sản. Giờ đây thay vì đi tìm một lỗi cụ thể, người ta sử dụng điểm chuẩn hiệu suất (dựa trên dữ liệu từ cảm biến và được giám sát bằng thuật toán) có khả năng cảnh báo khi một bộ phận vượt ra khỏi vùng hoạt động bình thường. Ví dụ, trong ngành hàng không, trung
tâm kiểm soát không lưu sẽ có thể biết trước phi công nếu động cơ máy bay phát sinh lỗi. Do vậy họ có thể hướng dẫn phi công cách xử lý và điều động đội ngũ bảo trì sẵn sàng tại điểm đến.
Bên cạnh bảo trì, khả năng dự báo hiệu suất của tài sản cho phép hình thành các mô hình kinh doanh mới. Hiệu suất tài sản có thể được tính toán và giám sát theo thời gian - kết quả phân tích cung cấp đánh giá về dung sai hoạt động và là căn cứ để thuê gia công những sản phẩm không phải là cốt lõi hay chiến lược đối với nhu cầu của doanh nghiệp. SAP là một ví dụ cho các công ty đang tận dụng dữ liệu từ các sản phẩm hữu hình trong nông nghiệp nhằm tăng thời gian và hiệu suất vận hành.
Khả năng dự báo hiệu suất tài sản cũng mở ra cơ hội mới cho các dịch vụ định giá. Các tài sản công suất lớn như thang máy hay đường đi bộ chạy điện có thể được định giá theo hiệu suất, và nhà cung cấp dịch vụ có thể được thanh toán căn cứ vào hiệu suất thực tế trên ngưỡng 99,5% thời gian vận hành trong một giai đoạn nhất định. Lấy đội xe tải làm ví dụ, doanh nghiệp vận tải đường dài thích thanh toán cho nhà sản xuất lốp theo mỗi 1.000 km đường thay vì định kỳ mua lốp mới. Điều này khả thi nhờ sự kết hợp của các cảm biến và phân tích cho phép các công ty lốp giám sát hiệu suất lái xe, lượng xăng tiêu thụ và mức độ hao mòn lốp, để từ đó cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh và trọn gói.
3.2.3 Đổi mới thông qua cộng tác
Một thế giới của trải nghiệm khách hàng, dịch vụ dựa trên dữ liệu và đánh giá hiệu suất tài sản qua kết quả phân tích đòi hỏi các hình thức cộng tác mới, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới sáng tạo và đột phá diễn ra với tốc độ như hiện nay. Điều này đúng cả với các doanh nghiệp lâu đời lẫn các doanh nghiệp trẻ, năng động. Nhóm đầu thường thiếu các kỹ năng cụ thể và thiếu nhạy cảm với sự thay đổi nhu cầu của khách hàng, trong khi nhóm sau thiếu vốn và nguồn dữ liệu phong phú thu được sau thời gian dài hoạt động.
Như báo cáo Cộng tác đổi mới: chuyển đổi kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng của Diễn đàn chỉ ra, khi các doanh nghiệp chia sẻ nguồn lực thông qua cộng tác đổi mới sáng tạo, không chỉ bản thân họ mà cả nền kinh tế nơi cộng tác diễn ra cũng thu được lợi ích to lớn. Một ví dụ là cộng tác gần đây giữa gã khổng lồ công nghiệp Siemens, công ty chi khoảng 4 tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển, và Ayasdi, một công ty sáng tạo về máy tính tự học và Diễn đàn Người tiên phong Công nghệ được thành lập tại Đại học Stanford năm 2008. Sự cộng tác này giúp Siemens tiếp cận được đối tác có thể hỗ trợ họ giải quyết thách thức phức tạp trong việc rút ra đánh giá từ một khối lượng dữ liệu khổng lồ, trong khi Ayasdi có thể kiểm chứng cách tiếp cận địa hình học trong phân tích dữ liệu của họ bằng dữ liệu thực tế, đồng thời tăng cường sự hiện diện trên thị trường.
Tuy nhiên, những cộng tác như vậy thường không hề đơn giản. Chúng đòi hỏi sự đầu tư lớn từ cả hai bên để phát triển chiến lược công ty, tìm kiếm đối tác phù hợp, thiết lập kênh thông tin, thống nhất quy trình và phản ứng linh hoạt với điều kiện thay đổi, cả bên trong và bên ngoài quan hệ đối tác đó. Đôi khi những cộng tác như vậy sẽ sinh ra mô hình kinh doanh hoàn toàn mới như các dự án chia sẻ ôtô đô thị, trong đó doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau cùng cộng tác để đem lại một trải nghiệm tích hợp cho khách hàng. Chất lượng của dịch vụ hoàn toàn lệ thuộc vào mắt xích yếu nhất của chuỗi cộng tác. Các công ty cần vượt lên khỏi phạm vi các thỏa thuận tiếp thị và bán hàng để áp dụng được các hình thức cộng tác toàn diện. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư buộc các công ty phải nghĩ cách làm thế nào để kết hợp hài hòa thế giới thực và ảo trên thực tế. 3.2.4 Mô hình hoạt động mới
Tất cả những tác động này đòi hỏi các công ty phải xem xét lại mô hình hoạt động. Do đó, khâu quy hoạch chiến lược đang đối diện với thách thức phải đáp ứng nhu cầu vận hành nhanh hơn và linh hoạt, nhạy bén hơn của các công ty.
Như đã đề cập, một mô hình vận hành quan trọng ra đời qua hiệu ứng mạng lưới của xu thế số hóa chính là mô hình nền tảng. Trong
khi cách mạng công nghiệp lần thứ ba chứng kiến sự xuất hiện của các nền tảng số thuần túy, dấu ấn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự xuất hiện của các nền tảng toàn cầu kết nối chặt chẽ với thế giới thực. Chiến lược nền tảng mang lại lợi nhuận đồng thời mang tính đột phá. Nghiên cứu của Trường Quản lý Sloan thuộc MIT cho thấy 14/30 thương hiệu hàng đầu trên thị trường chứng khoán trong năm 2013 là các công ty theo định hướng nền tảng(37).
Các chiến lược nền tảng, kết hợp với nhu cầu coi khách hàng là trung tâm và cải tiến sản phẩm bằng dữ liệu, đang chuyển đổi các ngành công nghiệp từ chỗ tập trung bán sản phẩm sang cung cấp dịch vụ. Ngày càng nhiều người tiêu dùng không còn mua và sở hữu sản phẩm hữu hình mà trả tiền cho dịch vụ họ sử dụng thông qua một nền tảng kỹ thuật số. Ví dụ, ngày nay khách hàng dễ dàng tiếp cận phiên bản số của hàng tỷ cuốn sách từ Kindle Store của Amazon, nghe gần như bất kỳ bài hát nào trên thế giới qua Spotify, hoặc tham gia công ty chia sẻ ôtô chuyên cung cấp dịch vụ vận tải mà không cần sở hữu xe. Sự thay đổi này vô cùng mạnh mẽ và tạo ra các mô hình minh bạch và bền vững hơn để trao đổi giá trị trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đem lại thách thức trong cách chúng ta định nghĩa quyền sở hữu, cách chúng ta lựa chọn và nắm bắt các nội dung không giới hạn cũng như cách tương tác với các nền tảng ngày càng mạnh mẽ đang cung cấp các dịch vụ này ở quy mô lớn.
Nghiên cứu của Diễn đàn trong sáng kiến Chuyển đổi kỹ thuật số trong công nghiệp nhấn mạnh một số mô hình kinh doanh và vận hành khác được thiết kế để tranh thủ cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mô hình “lấy khách hàng làm trung tâm” là một trong số đó, những doanh nghiệp ủng hộ mô hình này như Nespresso đang tập trung nỗ lực của họ vào những khâu tiền phương và trao quyền cho nhân viên để đặt khách hàng lên hàng đầu. Các mô hình kinh doanh tiết kiệm đang tận dụng cơ hội từ sự tương tác giữa thế giới số, vật chất và con người để mở ra các hình thức tối ưu hóa mới, như nỗ lực của Michelin trong việc cung cấp dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp.
Các mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu tạo ra nguồn thu mới nhờ tiếp cận thông tin giá trị về khách hàng trong bối cảnh rộng hơn và ngày càng dựa vào kết quả phân tích và trí tuệ của phần mềm để đưa ra đánh giá. Các công ty “mở và lỏng” tự đặt mình trong một hệ sinh thái lỏng kiến tạo giá trị, trong khi các doanh nghiệp “skynet” tập trung vào tự động hóa, ngày càng phổ biến trong các ngành công nghiệp và các khu vực nguy hiểm. Và còn nhiều ví dụ về các doanh nghiệp hướng tới mô hình kinh doanh tập trung khai thác công nghệ mới nhằm sử dụng hiệu quả hơn các dòng năng lượng và nguyên liệu để tiết kiệm nguồn lực, giảm thiểu chi phí và tác động tích cực với môi trường (xem Hộp B: Tái tạo và bảo tồn môi trường).
Những chuyển biến này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đầu tư nhiều cho hệ thống an ninh mạng và bảo mật dữ liệu nhằm tránh sự tấn công trực tiếp của tội phạm, các nhóm hoạt động xã hội hay các lỗi ngẫu nhiên trong hạ tầng số. Ước tính tổng thiệt hại hàng năm của doanh nghiệp trước những cuộc tấn công mạng lên tới tầm cỡ 500 tỷ USD. Kinh nghiệm của các công ty như Sony Pictures, TalkTalk, Target hay Barclays cho thấy việc mất kiểm soát dữ liệu nhạy cảm của công ty và khách hàng có tác động tiêu cực rõ ràng đến giá cổ phiếu. Đó là lý do tại sao công ty Merill Lynch của Ngân hàng Mỹ ước tính giá trị thị trường an ninh mạng sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 75 tỷ USD năm 2015 lên 170 tỷ USD năm 2020, đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành này sẽ vượt mức 15% trong vòng năm năm tới(38).
Các mô hình hoạt động mới cũng đồng nghĩa với việc tài năng và văn hóa cần được nhìn nhận lại trong bối cảnh có những đòi hỏi mới về kỹ năng và nhu cầu thu hút và duy trì nguồn nhân lực phù hợp. Do dữ liệu ngày càng đóng vai trò trung tâm trong các mô hình ra quyết định và vận hành trong tất cả các ngành, lực lượng lao động cần có kỹ năng mới, các quy trình cần được nâng cấp (ví dụ, để tận dụng các nguồn thông tin thời gian thực sẵn có) và văn hóa doanh nghiệp cũng cần phải cải tiến.
Như đã đề cập ở trên, các công ty cần phải thích ứng với khái niệm “chủ nghĩa nhân tài”. Đây là một trong những động lực mới nổi quan trọng nhất của năng lực cạnh tranh. Trong một thế giới mà tài năng là hình thức lợi thế chiến lược chủ đạo, bản chất cơ cấu tổ chức của các công ty cần được xem xét lại.
Các hệ thống phân cấp linh hoạt, phương thức mới để đánh giá và khen thưởng dựa vào hiệu quả công việc, các chiến lược mới nhằm thu hút và giữ chân nhân tài đều sẽ là chìa khóa cho thành công. Cần có sự nhạy bén, linh hoạt trong cả việc tạo động lực cho nhân viên và giao tiếp với họ, cũng như trong xác định ưu tiên kinh doanh và quản lý tài sản hữu hình.
Cảm nhận của tôi là các tổ chức thành công sẽ ngày càng chuyển dịch từ cấu trúc phân cấp sang các mô hình kết nối mạng lưới và cộng tác. Động lực ngày càng có vai trò then chốt, được thúc đẩy bởi mong muốn cộng tác giữa nhân viên và bộ máy quản lý để đảm bảo làm chủ tình hình, sự độc lập và ý nghĩa công việc. Điều này cho thấy các doanh nghiệp sẽ ngày càng được tổ chức với các nhóm phân tán, lao động từ xa và các tập thể năng động luôn trao đổi dữ liệu và đánh giá về công việc hay nhiệm vụ đang triển khai.
Một kịch bản mới xuất hiện trong môi trường làm việc phản ánh thay đổi này được hình thành dựa trên sự gia tăng nhanh chóng của công nghệ đeo trên người kết hợp với internet kết nối vạn vật dần dần cho phép các công ty kết hợp trải nghiệm số và hữu hình để đem lại lợi ích cho người lao động cùng như người tiêu dùng. Ví dụ, các lao động làm việc với thiết bị có độ phức tạp cao hoặc trong tình huống khó khăn có thể sử dụng các thiết bị đeo trên người để hỗ trợ việc thiết kế và sửa chữa. Tính năng tải và cập nhật phần mềm cho các máy móc nối mạng đảm bảo rằng cả lao động trên hiện trường và thiết bị họ sử dụng đều được cập nhật phần mềm mới nhất. Trong thế giới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nơi mà việc nâng cấp phần mềm trên đám mây và làm mới tài nguyên dữ liệu qua đám mây trở thành kỹ năng chuẩn, thì việc đảm bảo con người và các kỹ năng của họ bắt kịp với tốc độ thay đổi càng cực kỳ quan trọng.
Kết hợp các thế giới số, vật chất và sinh học
Những công ty có khả năng kết hợp đa chiều - kỹ thuật số, vật chất và sinh học - thường thành công trong việc tạo ra đột phá cho cả một ngành công nghiệp và các hệ thống sản xuất, phân phối và tiêu thụ liên quan.
Việc Uber trở nên phổ biến tại nhiều đô thị bắt nguồn từ việc cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng: theo dõi vị trí của lái xe qua thiết bị di động, mô tả chất lượng xe và quy trình thanh toán nhanh gọn, từ đó hạn chế được việc chậm trễ khi đến đích. Trải nghiệm này được nâng cấp và đi kèm sản phẩm vật chất (vận chuyển khách hàng từ A đến B) bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng tài sản (ôtô của người lái xe). Trong những trường hợp này, các cơ hội số thường không chỉ chuyển hóa thành mức doanh số cao hơn hoặc chi phí thấp hơn mà còn chuyển hóa thành sự thay đổi căn bản của mô hình kinh doanh. Điều này được thúc đẩy bởi cách tiếp cận trọn gói, từ khi mua dịch vụ đến khi giao dịch vụ.
Các mô hình kinh doanh bằng cách kết hợp này cho thấy mức độ đột phá khi doanh nghiệp vận dụng tài sản số và khéo léo kết hợp những nền tảng số hiện hành để tái tổ chức quan hệ với tài sản vật chất (đánh dấu bước chuyển lớn từ số hữu sang sử dụng). Trên thị trường của họ, không công ty nào số hữu tài sản: lái xe cũng là chủ xe; chủ nhà là người cho thuê phòng. Ở cả hai trường hợp, lợi thế cạnh tranh được xây dựng dựa trên trải nghiệm vượt trội kết hợp với việc giảm chi phí giao dịch và chi phí gián đoạn. Đồng thời, các công ty này cũng chắp nối cung - cầu một cách nhanh chóng và thuận tiện, bỏ qua mô hình kinh doanh của các công ty truyền thống.
Cách tiếp cận thị trường này ngày càng làm suy giảm vị trí lâu đời của các công ty truyền thống và xóa mờ ranh giới giữa các ngành. Nhiều nhà quản lý cấp cao kỳ vọng sự hội tụ của các ngành sẽ là tác động chủ đạo đối với hoạt động kinh doanh của họ trong 3-5 năm tới(39). Một khi khách hàng đã có tiền sử tin tưởng nền tảng này, việc giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ khác sẽ trở nên dễ dàng với nhà cung cấp số.
Các đối thủ cạnh tranh với tốc độ thay đổi nhanh tạo ra đột phá ở các pháo đài công nghiệp và các chuỗi giá trị truyền thống, đồng thời xóa bỏ trung gian trong mối quan hệ hiện có giữa doanh nghiệp và khách hàng. Những nhân tố gây đột phá mới có thể nhanh chóng mở rộng quy mô với chi phí thấp hơn nhiều các công ty truyền thống, và tạo nguồn doanh thu tăng trưởng nhanh nhờ hiệu ứng mạng. Sự phát triển của Amazon từ một tiệm bán sách thành một tập đoàn bán lẻ có doanh thu 100 tỷ USD/năm cho thấy sự tín nhiệm của khách hàng, khi kết hợp với sự am hiểu sở thích của người mua và khâu triển khai vững vàng, sẽ mở ra cơ hội kinh doanh ở nhiều ngành khác nhau. Nó cũng cho thấy ưu thế của quy mô.
Trong hầu hết các ngành công nghiệp, công nghệ số đã tạo ra những phương thức kết hợp sản phẩm - dịch vụ có khả năng gây đột phá - và trong quá trình này, xóa nhòa ranh giới truyền thống giữa các ngành. Trong ngành ôtô, xe hơi giờ là một chiếc máy tính có bánh xe, với các bộ phận điện tử chiếm khoảng 40% giá thành. Quyết định của Apple và Google lấn sân vào thị trường này cho thấy một công ty công nghệ giờ đây có thể biến thành công ty ôtô. Trong tương lai, khi cán cân giá trị chuyển dịch về phía các cấu phần điện tử, công nghệ và bản quyền phần mềm có thể sẽ mang lợi ích chiến lược hơn là bản thân việc sản xuất chiếc xe.
Ngành tài chính cùng đang trải qua một giai đoạn đột phá tương tự. Các nền tảng ngang hàng (P2P) đang dỡ bỏ các rào cản đầu vào và làm giảm chi phí. Trong ngành đầu tư, các thuật toán “robot tư vấn” (robo-advisory) và các ứng dụng sử dụng các thuật toán này có thể cung cấp dịch vụ tư vấn và hồ sơ đầu tư với chi phí bằng một phần nhỏ so với chi phí giao dịch truyền thống - 0,5% thay vì 2% như trước, vì thế đe dọa cả một phân khúc của ngành tài chính hiện hành. Ngành này cũng nhận thức được rằng chuỗi khối (blockchain) sẽ sớm tạo nên cách mạng trong cách hoạt động của mình vì ứng dụng chuỗi khối trong ngành tài chính có thể giúp giảm tới 20 tỷ USD chi phí thanh toán và giao dịch, và biến đổi cách vận hành ngành tài chính. Công nghệ chia sẻ cơ sở dữ liệu có thể làm giảm bớt nhiều
hoạt động như lưu trữ tài khoản khách hàng, thanh toán xuyên biên giới, thanh toán bù trừ thương mại cũng như các sản phẩm và dịch vụ chưa tồn tại, như hợp đồng tương lai thông minh có thể tự thực hiện mà không cần người giao dịch (ví dụ: một sản phẩm phái sinh tín dụng tự động thanh toán khi một quốc gia hoặc một công ty không có khả năng trả nợ).
Ngành y tế cũng đang đối mặt với thách thức phải tích hợp cùng lúc những tiến bộ của công nghệ vật chất, sinh học và kỹ thuật số, khi sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán và điều trị diễn ra đồng thời với áp lực số hóa hồ sơ bệnh án và tận dụng nguồn thông tin phong phú thu thập được từ các thiết bị đeo trên người và từ công nghệ cấy ghép.
Không phải mọi ngành công nghiệp đang ở cùng điểm đột phá như nhau, nhưng tất cả đều đang bị các lực lượng thúc đẩy cách mạng công nghiệp lần thứ tư đẩy đến con dốc của sự chuyển đổi. Sự khác biệt đến từ đặc thù ngành và đặc điểm nhân khẩu học của đội ngũ khách hàng. Nhưng trong một thế giới bất định, khả năng thích ứng đóng vai trò then chốt - nếu một công ty không thể vượt lên đỉnh dốc thì sẽ có thể bị đẩy xuống vực.
Muốn tồn tại và phát triển, các công ty cần duy trì và liên tục mài giũa khả năng đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp, các ngành công nghiệp và các tập đoàn sẽ phải liên tục đối mặt với áp lực của quy luật chọn lọc tự nhiên và do vậy, triết lý “luôn luôn phát triển” sẽ ngày càng nắm vai trò chủ đạo. Điều này cho thấy số lượng doanh nhân mạo hiểm khởi nghiệp (entrepreneur) và quản lý có tầm nhìn sáng tạo (intrapreneur) trên thế giới sẽ tăng lên. Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có được các lợi thế về tốc độ và nhạy bén cần thiết để xử lý các vấn đề đột phá và đổi mới sáng tạo.
Ngược lại, các công ty lớn sẽ tồn tại bằng cách tận dụng lợi thế về quy mô để đầu tư vào hệ sinh thái các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thông qua việc mua lại hoặc hợp tác với những doanh nghiệp nhỏ hơn và sáng tạo hơn. Điều này cho phép họ duy trì tính tự chủ trong lĩnh vực tương ứng trong khi vẫn
hoạt động hiệu quả hơn và linh hoạt hơn. Quyết định gần đây của Google trong việc cấu trúc lại thành một công ty chủ quản/công ty mẹ (holding company) với tên gọi Alphabet là một ví dụ sống động cho xu hướng này, xuất phát từ nhu cầu duy trì đặc trưng sáng tạo của công ty và tính linh hoạt của nó.
Cuối cùng, như được phân tích ở các phần sau, bối cảnh luật lệ và pháp lý sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc định hình cách giới nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân phát triển, đầu tư và thích ứng với các công nghệ mới và các mô hình hoạt động cho phép tạo ra giá trị cho người dùng. Trong khi công nghệ mới và các doanh nghiệp sáng tạo đem lại những sản phẩm và dịch vụ mới có thể cải thiện đời sống nhiều người, chính các công nghệ này và các hệ thống hỗ trợ chúng cũng có thể gây ra những tác động không mong muốn. Cụ thể như tình trạng thất nghiệp tràn lan và gia tăng bất bình đẳng - những vấn đề đã được thảo luận ở phần trước, cho đến nguy cơ từ những hệ thống vũ khí tự động và những rủi ro trong an ninh mạng.
Trong khi còn có nhiều quan điểm khác nhau về các yếu tố cấu thành một khuôn khổ thể chế hợp lý, các cuộc trao đổi của tôi với lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội cho thấy họ chia sẻ một mục tiêu bao trùm: xây dựng những hệ sinh thái luật lệ và pháp lý linh hoạt, trách nhiệm, cho phép sáng tạo phát triển đồng thời giảm thiểu rủi ro nhằm đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của xã hội.
Hộp B: Tái tạo và bảo tồn môi trường
Sự hội tụ của thế giới vật chất, kỹ thuật số và sinh học - cốt lõi của cách mạng công nghiệp lần thứ tư - sẽ đem lại cho thế giới cơ hội to lớn để đạt được các lợi ích khổng lồ trong sử dụng hiệu quả tài nguyên. Như Dự án Mainstream - sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn - đã chỉ ra, triển vọng ấy không chỉ nằm ở khả năng mỗi cá nhân, tổ chức và chính phủ giảm tác động lên thế giới tự nhiên mà còn về
tiềm năng to lớn trong việc bảo tồn và tái tạo môi trường tự nhiên thông qua ứng dụng công nghệ và cách thiết kế hệ thống thông minh.
Trung tâm của triển vọng này là cơ hội chuyển dịch doanh nghiệp và người tiêu dùng khỏi phương thức sử dụng tài nguyên một chiều lấy - dùng - bỏ - một mô hình phụ thuộc vào khối lượng lớn những nguồn tài nguyên dễ khai thác, để hướng tới mô hình công nghiệp mới trong đó các dòng vật liệu, năng lượng, lao động và giờ đây là cả thông tin lưu chuyển hiệu quả, tương tác với nhau và thúc đẩy (theo thiết kế) một hệ thống kinh tế có khả năng phục hồi, tái tạo và năng suất hơn.
Có bốn con đường có thể đưa chúng ta tới đích. Đầu tiên, nhờ internet kết nối vạn vật (IoT) và các tài sản thông minh, giờ đây chúng ta có thể theo dõi dòng vật chất và năng lượng để đạt hiệu suất rất cao xuyên suốt các chuỗi giá trị. Trong 14,4 nghìn tỷ USD lợi nhuận Cisco ước tính sẽ được IoT mang lại trong thập kỷ tới, 2,7 nghìn tỷ đến từ việc loại bỏ chất thải và cải tiến quy trình trong các chuỗi cung ứng và hậu cần. Các giải pháp trên nền tảng IoT có thể giảm thiểu 9,1 tỷ tấn khí thải nhà kính vào năm 2020, tương ứng 16,5% tổng lượng khí thải được dự báo trong năm đó(40)
Thứ hai, việc dân chủ hóa thông tin và tính minh bạch mà các tài sản số hóa mang lại cho phép người dân có quyền yêu cầu các công ty và quốc gia phải có trách nhiệm giải trình. Các công nghệ như chuỗi khối sẽ giúp các thông tin này trở nên đáng tin cậy hơn, ví dụ bằng cách thu thập và xác minh dữ liệu về nạn phá rừng qua vệ tinh giám sát dưới định dạng bảo mật nhằm buộc chủ sở hữu đất phải giải trình sát sao hơn.
Thứ ba, các dòng thông tin mới và những cải thiện về tính minh bạch có thể giúp chuyển đổi hành vi của người dân trên diện rộng khi nó trở thành con đường ít trở ngại nhất trong một bộ quy tắc ứng xử mới trong doanh nghiệp và xã hội hướng tới một hệ thống tuần hoàn bền vững. Sự hội tụ hiệu quả giữa lĩnh vực kinh tế và tâm lý học giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cách thức nhìn nhận thế giới, ứng xử và lý
giải cho hành vi của mình, trong khi một số khảo sát đối chứng ngẫu nhiên được các chính phủ, tập đoàn và trường đại học thực hiện cho thấy điều này hoàn toàn khả thi. Một ví dụ là OPower đã sử dụng phương pháp so sánh ngang hàng để kêu gọi mọi người dùng điện tiết kiệm hơn, qua đó giúp bảo vệ môi trường đồng thời cắt giảm chi phí.
Thứ tư, như đã trình bày chi tiết ở phần trước, các mô hình kinh doanh và tổ chức mới hứa hẹn đem lại những phương thức sáng tạo để tạo ra và chia sẻ giá trị, từ đó dẫn đến thay đổi trên toàn hệ thống, điều có thể đem lại lợi ích cho tự nhiên cũng như nền kinh tế và xã hội của chúng ta. Xe tự lái và mô hình kinh tế chia sẻ hoặc cho thuê đều giúp nâng cao đáng kể tỷ lệ khai thác tài sản và giúp việc tách lọc, tái chế và "tái chế nâng cấp" (upcycle) vật liệu dễ dàng hơn nhiều khi đến thời điểm phù hợp.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ cho phép các doanh nghiệp kéo dài chu kỳ sử dụng tài sản và nguồn lực, nâng cao khả năng sử dụng và xây dựng mô hình bậc thang để phục hồi và tái sử dụng vật liệu và năng lượng trong tương lai, đồng thời giảm thải và giảm lượng tài nguyên đưa vào sử dụng. Trong hệ thống công nghiệp mới có tính cách mạng này, CO2 từ khí thải nhà kính đã trở thành một loại tài sản, và tính kinh tế của việc thu thập và lưu trữ CO2 đã chuyển từ chỗ là chi phí và bể chất thải thành cơ sở thu hồi và sử dụng carbon sinh lời. Quan trọng hơn thế, nó sẽ giúp công ty, chính phủ và người dân nâng cao nhận thức và tham gia vào các chiến lược tích cực tái tạo nguồn vốn tự nhiên, cho phép sử dụng thông minh và tái tạo nguồn vốn tự nhiên để định hướng việc sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời tạo không gian để phục hồi đa dạng sinh học ở các vùng đang gặp nguy cơ.
3.3 Quốc gia và toàn cầu
Những thay đổi mang tính đột phá từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang định hình lại cách hoạt động của các tổ chức và thể chế
công. Đặc biệt, những thay đổi này buộc chính phủ - ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương - phải điều chỉnh bằng cách tự làm mới mình và tìm ra những cách thức hợp tác mới với người dân và khu vực tư nhân. Chúng cũng ảnh hưởng đến quan hệ giữa các quốc gia và các chính phủ.
Trong phần này, tôi phân tích vai trò mà chính phủ cần đảm nhiệm để làm chủ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong khi vẫn ghi nhận những tác nhân lâu dài đang thay đổi quan điểm truyền thống của các chính trị gia và vai trò của họ trong xã hội. Sự gia tăng quyền lực của công dân và tình trạng chia rẽ, phân cực sâu hơn trong dân chúng có thể dẫn đến những hệ thống chính trị khó điều hành hơn và làm cho chính phủ trở nên kém hiệu lực hơn. Điều này đặc biệt quan trọng vì nó xảy ra vào thời điểm mà các chính phủ cần phải là thành phần cốt yếu trong việc định hình quá trình chuyển đổi sang các khuôn khổ khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội mới.
3.3.1 Chính phủ
Khi đánh giá về tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các chính phủ, điều nổi bật đầu tiên là việc sử dụng các công nghệ số để quản lý tốt hơn. Áp dụng sáng tạo và sâu rộng hơn công nghệ web có thể giúp hệ thống hành chính công hiện đại hóa cấu trúc và chức năng nhằm nâng cao tổng thể hiệu quả hoạt động, từ củng cố các quy trình quản lý điện tử đến tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn bó giữa chính phủ với người dân. Chính phủ cũng phải thích ứng với thực tế là quyền lực từ nhà nước chuyển dịch sang các thực thể phi nhà nước, và từ các thể chế đã có sẵn sang những mạng lưới lỏng lẻo. Các công nghệ mới, các nhóm xã hội và những tương tác họ tạo ra cho phép hầu như bất cứ ai cũng có thể tạo ra ảnh hưởng theo cách mà chỉ mấy năm trước vẫn còn là không tưởng.
Chính phủ là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi bản chất quyền lực ngắn ngủi và mong manh này. Như Moisés Nairn từng nói, “trong thế kỷ XXI, quyền lực trở nên dễ có
hơn, khó sử dụng hơn và dễ mất hơn”(41). Hầu như ai cũng cho rằng ngày nay quản lý khó khăn hơn trước. Ngoài một vài ngoại lệ, phần lớn giới hoạch định chính sách đều thấy thực tế thay đổi khó khăn hơn. Họ bị hạn chế bởi các trung tâm quyền lực cạnh tranh, từ xuyên quốc gia đến cấp tỉnh, địa phương và thậm chí từ các cá nhân. Các quyền lực vi mô ngày nay có thể kiềm chế những quyền lực vĩ mô như các chính phủ.
Thời đại kỹ thuật số đã làm suy yếu nhiều rào cản được sử dụng nhằm bảo vệ quyền lực của chính quyền, làm suy giảm hiệu quả hoặc hiệu lực của các chính phủ vì đối tượng bị quản lý, tức công chúng, tiếp cận thông tin tốt hơn và ngày càng đòi hỏi cao hơn. Câu chuyện WikiLeaks - một thực thể phi nhà nước nhỏ bé đối mặt với một quốc gia khổng lồ - tiêu biểu cho tính bất đối xứng trong mô hình quyền lực mới và sự xói mòn lòng tin thường đi kèm với nó.
Muốn khám phá tất cả những tác động đa chiều của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các chính phủ, cần phải có một cuốn sách dành riêng cho đề tài này, song điều then chốt ở đây là: Công nghệ sẽ ngày càng trao thêm sức mạnh cho người dân, đem lại phương thức mới để họ thể hiện quan điểm, tạo điều kiện cho họ phối hợp hành động và có thể tránh khỏi sự giám sát của chính phủ. Tôi nói “có thể”, bởi điều ngược lại cũng có thể xảy ra,khi công nghệ giám sát mới lại tạo ra quyền lực vạn năng cho các cơ quan công quyền.
Những cấu trúc tồn tại song song có thể truyền bá ý thức hệ, tuyển mộ các tín đồ và phối hợp hành động phản đối - hoặc bất chấp - hệ thống chính thức của chính quyền. Chính phủ, ở dạng hiện tại, sẽ buộc phải thay đổi khi vai trò trung tâm của họ trong triển khai chính sách ngày càng suy giảm do sự gia tăng cạnh tranh, tái phân phối và phân chia quyền lực mà công nghệ mới mang lại. Càng ngày chính phủ sẽ càng được coi là các trung tâm dịch vụ công và được đánh giá theo khả năng cung cấp dịch vụ mở rộng hiệu quả nhất và được cá nhân hóa cao nhất.
Xét cho cùng, khả năng thích ứng của chính phủ sẽ quyết định sự sống còn của họ. Nếu các chính phủ đón nhận một thế giới thay đổi đột phá chóng mặt, sẵn sàng cải tổ cơ cấu nhằm đạt đến độ minh bạch và hiệu quả đủ để duy trì lợi thế cạnh tranh, họ sẽ tồn tại. Tuy nhiên, khi làm vậy, họ sẽ hoàn toàn chuyển đổi thành những đơn vị quyền lực tinh gọn hơn, hiệu quả hơn, tất cả đều trong môi trường có cấu trúc quyền lực cạnh tranh mới.
Giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước, luật lệ sẽ đóng vai trò quyết định trong việc áp dụng và phổ biến công nghệ mới. Tuy nhiên, chính phủ sẽ buộc phải thay đổi cách tiếp cận khi thiết lập, sửa đổi và thực thi luật lệ. Trong “thế giới cũ”, giới hoạch định chính sách có đủ thời gian để nghiên cứu một vấn đề cụ thể, sau đó hình thành phần ứng cần thiết hoặc khung khổ pháp lý thích hợp. Toàn bộ quá trình có xu hướng diễn ra tuyến tính và cơ học, theo cách tiếp cận cứng nhắc từ trên xuống. Vì nhiều lý do, cách tiếp cận này không còn khả thi nữa.
Tốc độ thay đổi nhanh chóng mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại đang đặt ra thách thức ở cấp độ chưa từng có đối với các nhà quản lý. Bộ máy chính trị, lập pháp và hành pháp ngày nay thường bị chạy theo sự kiện, không thể ứng phó với tốc độ thay đổi công nghệ và tầm vóc ảnh hưởng của nó. Chu kỳ tin tức 24 giờ gây áp lực cho giới lãnh đạo phải đưa ra bình luận hoặc hành động ngay lập tức, giảm thời gian cần có để đưa ra các phản ứng chuẩn mực, đúng nguyên tắc và tính toán kỹ càng. Nguy cơ mất kiểm soát đối với những vấn đề thực sự quan trọng là có thật, đặc biệt là trong hệ thống toàn cầu với gần 200 quốc gia độc lập và hàng nghìn nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau.
Trong điều kiện ấy, giới hoạch định chính sách và quản lý phải làm thế nào để có thể hỗ trợ cho công nghệ phát triển mà không bóp nghẹt đổi mới sáng tạo, trong khi vẫn duy trì được lợi ích của người tiêu dùng và công chúng nói chung? Quản trị linh hoạt chính là giải pháp (xem Hộp C: Nguyên tắc quản trị linh hoạt trong kỷ nguyên đột phá).
Nhiều tiến bộ về công nghệ mà chúng ta thấy hiện nay không được tính đến một cách hợp lý khi xây dựng khuôn khổ luật lệ hiện hành và có thể phá vỡ khế ước xã hội đã thiết lập giữa chính quyền với công dân. Quản trị linh hoạt tức là nhà quản lý phải tìm ra những cách để thích ứng liên tục với một môi trường mới, thay đổi nhanh chóng bằng cách cải tổ bản thân để hiểu rõ hơn những gì họ đang quản lý. Để làm được điều này, các chính phủ và các cơ quan quản lý cần phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để định hình quá trình biến đổi trên phạm vi toàn cầu, khu vực và trong từng ngành công nghiệp.
Quản trị linh hoạt không có nghĩa là tạo ra những luật lệ không rõ ràng và thiếu tính ổn định hay buộc giới hoạch định chính sách phải làm việc điên cuồng không ngừng nghỉ. Chúng ta không nên nghĩ sai rằng mình đang kẹt giữa hai khung khổ pháp lý khó nuốt như nhau - một lỗi thời nhưng ổn định và một hiện đại nhưng bất ổn. Trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không nhất thiết phải hoạch định chính sách nhiều hơn hoặc nhanh hơn, mà cần tạo nên một hệ sinh thái quản lý và lập pháp có thể sản sinh những khuôn khổ co giãn hơn. Cách tiếp cận này có thể được củng cố bằng cách tạo ra thêm không gian tĩnh để cân nhắc những quyết định quan trọng. Thách thức là làm sao để quá trình cân nhắc này hiệu quả hơn hẳn hiện tại, và dung hợp được yếu tố dự báo nhằm tối đa hóa không gian cho đổi mới sáng tạo xuất hiện.
Tóm lại, trong một thế giới nơi các chức năng công quyền thiết yếu, truyền thông xã hội và thông tin cá nhân được chuyển sang nền tảng kỹ thuật số, các chính phủ - phối hợp với khu vực doanh nghiệp và tổ chức xã hội - cần tạo ra các quy tắc, cơ chế giám sát và cân bằng quyền lực để duy trì công lý, sức cạnh tranh, sự công bằng, sở hữu trí tuệ bao trùm, an toàn và độ tin cậy.
Có hai triết lý tiếp cận. Thứ nhất, những gì không quy định rõ là bị cấm đều được phép. Thứ hai, những gì không quy định rõ là được phép đều bị cấm. Chính phủ phải dung hòa hai cách tiếp cận này. Họ phải học cách phối hợp và thích nghi, trong khi vẫn bảo đảm con
người là trung tâm cho mọi quyết định. Đây chính là thách thức với chính phủ, một thể chế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư: chính phủ phải tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo phát triển, đồng thời phải giảm thiểu rủi ro.
Để làm được điều này, chính phủ cần gắn bó với người dân hiệu quả hơn và thực hiện những thử nghiệm chính sách theo hướng vừa học vừa thích nghi. Cả hai yêu cầu này đòi hỏi chính phủ lẫn người dân phải nhìn nhận lại vai trò của mình và cách tương tác với nhau, vừa nâng cao kỳ vọng, vừa ghi nhận nhu cầu phải dung nạp nhiều quan điểm, chấp nhận thất bại và sai lầm trong quá trình thực hiện.
Hộp C: Nguyên tắc quản trị linh hoạt trong kỷ nguyên đột phá
Thị trường việc làm
Công nghệ kỹ thuật số và hạ tầng truyền thông toàn cầu làm thay đổi đáng kể các quan niệm truyền thống về việc làm và tiền lương, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nhiều loại hình công việc mới hết sức linh hoạt và mang tính thời vụ (được gọi là nền kinh tế theo nhu cầu). Dù những việc làm mới này mang lại giờ làm việc linh hoạt hơn và có thể mở ra làn sóng đổi mới trên thị trường việc làm, chúng cũng đặt ra quan ngại nghiêm trọng về giảm sút mức độ bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bối cảnh nền kinh tế theo nhu cầu, nơi mỗi người lao động về cơ bản trở thành nhà thầu và không còn được thụ hưởng lợi ích từ bảo đảm việc làm ổn định và thời gian làm việc lâu dài.
Tiền và thuế
Nền kinh tế theo nhu cầu cũng đặt ra những vấn đề nghiêm trọng về thu thuế, vì lao động thời vụ hoạt động trong thị trường chợ đen trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn nhiều. Trong khi các hệ thống thanh toán qua trung gian bằng công nghệ số đang nâng cao tính minh bạch của các giao dịch và giao dịch vi mô, nhiều hệ thống thanh toán phân tán mới đang nổi lên có thể cản trở đáng kể khả năng cơ quan
công quyền và các đơn vị tư nhân truy tìm nguồn và đích của các giao dịch đó.
Trách nhiệm và bảo vệ pháp lý
Việc chính phủ độc quyền cấp phép trong một số ngành nghề (taxi, người hành nghề y tế) đã được chấp nhận từ lâu do một số nghề nghiệp có nguy cơ cao đòi hỏi mức độ giám sát cao hơn và chỉ do các chuyên gia được cấp phép thực hiện nhằm đảm bảo mức độ an toàn cần thiết và bảo vệ người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp được chính phủ cấp phép độc quyền đang gặp khó khăn do tiến bộ công nghệ cho phép mọi người tương tác trực tiếp, ngang hàng với nhau, và do sự trỗi dậy của các nhân tố trung gian mới đóng vai trò điều phối và tạo thuận lợi cho tương tác giữa các bên.
An ninh và quyền riêng tư
Bất chấp tính chất xuyên quốc gia của Internet và kinh tế toàn cầu đang lớn mạnh, những quy định về quyền dữ liệu và bảo mật dữ liệu vẫn còn nhiều bất cập. Châu Âu đã quy định rõ ràng về việc thu thập, xử lý và bán lại dữ liệu cá nhân, nhưng ở nhiều nước khác điều này vẫn còn yếu hoặc hoàn toàn thiếu. Việc tích lũy được các bộ dữ liệu lớn giúp các công ty mạng lớn có thể truy tìm nguồn gốc nhiều thông tin hơn lượng thông tin được người dùng cung cấp (trực tiếp lẫn gián tiếp). Việc lập hồ sơ người dùng bằng phân tích dữ liệu lớn (big data) và kỹ thuật ngoại suy đang mở đường cho những dịch vụ mới có tính cá nhân hóa và tùy biến rất cao, có thể đem lại lợi ích cho người sử dụng và tiêu dùng, nhưng cũng gây nên quan ngại nghiêm trọng về quyền riêng tư của người dùng và quyền tự chủ của cá nhân. Do lo ngại tăng lên về tội phạm mạng và hành vi đánh cắp danh tính, ở nhiều nước, cán cân giữa giám sát và tự do đang ngày càng nghiêng về phía tăng cường giám sát, như công bố gần đây của Edward Snowden, chuyên gia phân tích tình báo, người đã tiết lộ tài liệu liên quan đến hoạt động an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Tính sẵn sàng và bao trùm
Khi kinh tế toàn cầu ngày càng dựa vào công nghệ số, hạ tầng internet sẵn sàng và đáng tin cậy sẽ là điều kiện tiên quyết để kinh tế phát triển mạnh mẽ. Chính phủ cần nhận thức được tiềm năng mà tiến bộ công nghệ đem lại. Chính phủ không chỉ cần áp dụng công nghệ để tối ưu hóa hoạt động nội bộ mà còn phải thúc đẩy và hỗ trợ việc triển khai sử dụng rộng rãi những công nghệ ấy để tiến đến một xã hội thông tin được kết nối toàn cầu. Vấn đề không được tiếp cận kỹ thuật số (khoảng cách số) ngày một cấp bách, vì người dân ngày càng khó tham gia vào nền kinh tế số và các sinh hoạt dân sự mới nếu không có internet và/hoặc không có thiết bị kết nối internet hoặc không có kiến thức cần thiết để sử dụng thiết bị đó.
Bất cân xứng quyền lực
Trong xã hội thông tin ngày nay, tính bất cân xứng của thông tin có thể dẫn đến bất cân xứng to lớn về quyền lực, bởi bất kỳ ai có kiến thức sử dụng công nghệ cũng có sức mạnh để tận dụng công nghệ. Một đối tượng có quyền truy cập gốc (root access) gần như có quyền lực toàn năng. Tuy nhiên, do việc nắm bắt triệt để tiềm năng và đặc tính chuyên môn chủ chốt của công nghệ hiện đại rất phức tạp, bất bình đẳng có thể ngày càng tăng giữa các cá nhân thạo công nghệ, thuộc nhóm hiểu và kiểm soát được công nghệ, với những cá nhân ít hiểu biết hơn, thuộc nhóm sử dụng thụ động những công nghệ mà họ không hiểu.
(Nguồn: 'Kêu gọi ủng hộ Nguyên tắc quản trị linh hoạt trong kỷ nguyên đột phá*, Hội đồng Nghị sự toàn cầu về phần mềm và xã hội, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tháng 11-2015).
3.3.2 Quốc gia, khu vực và thành phố
Vì công nghệ số không có biên giới, nên khi xem xét tác động địa lý của công nghệ và tác động của địa lý lên công nghệ chúng ta sẽ nảy sinh nhiều câu hỏi. Điều gì sẽ xác định vai trò của quốc gia, khu vực và thành phố trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư? Liệu Tây Âu và Mỹ có dẫn đầu quá trình chuyển đổi, như họ đã làm tại các
cuộc cách mạng công nghiệp trước? Quốc gia nào có thể vượt lên? Liệu các bên sẽ hợp tác sâu rộng và hiệu quả hơn vì tiến bộ xã hội hay chúng ta sẽ thấy sự phân rã ngày càng lớn không chỉ trong mỗi nước mà còn giữa các quốc gia? Trong một thế giới mà hàng hóa và dịch vụ có thể được tạo ra ở hầu khắp mọi nơi, và phần lớn nhu cầu về công việc giản đơn và lương thấp bị thay thế bằng tự động hóa, phải chăng những nơi có đủ khả năng thực hiện chuyển đổi sẽ chỉ tập trung ở các quốc gia có thể chế mạnh và chất lượng cuộc sống tốt?
Quản lý thúc đẩy sáng tạo
Khi cố gắng giải đáp những câu hỏi này, có một điều rõ ràng và quan trọng: các quốc gia và khu vực thành công trong việc thiết lập chuẩn mực quốc tế của tương lai trong các lĩnh vực và phương diện chủ chốt của nền kinh tế số mới (thông tin liên lạc 5G, thiết bị bay không người lái thương mại, internet kết nối vạn vật, y tế điện tử, sản xuất áp dụng công nghệ cao, v.v.) sẽ thu được lợi ích kinh tế và tài chính đáng kể. Ngược lại, quốc gia nào thúc đẩy quy tắc và luật lệ riêng nhằm tạo lợi thế cho nhà sản xuất trong nước, đồng thời ngăn chặn đối thủ cạnh tranh nước ngoài và giảm tiền bản quyền mà các công ty trong nước phải trả cho công nghệ nước ngoài sẽ có nguy cơ bị cô lập khỏi hệ quy chuẩn toàn cầu, và tụt hậu trong nền kinh tế số mới(42).
Như đã đề cập, vấn đề rộng lớn về pháp lý và tuân thủ luật lệ ở cấp độ quốc gia hoặc khu vực sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc định hình hệ sinh thái cho hoạt động của các công ty đột phá. Điều này đôi khi dẫn tới xung đột giữa các quốc gia. Một ví dụ điển hình là quyết định tháng 10-2015 của Toà án Công lý châu Âu (ECJ) liên quan đến việc vô hiệu hóa thỏa thuận “lưu trữ an toàn”, có vai trò định hướng dòng dữ liệu cá nhân giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Điều này làm tăng chi phí tuân thủ luật pháp của các công ty khi kinh doanh ở châu Âu và đã trở thành vấn đề tranh cãi xuyên Đại Tây Dương.
Ví dụ này nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của các hệ sinh thái đổi mới với vai trò là động lực chính nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong tương lai, sự phân biệt giữa các quốc gia có chi phí cao và thấp, hoặc giữa các thị trường mới nổi và phát triển sẽ ngày càng ít có ý nghĩa hơn. Thay vào đó, câu hỏi chủ chốt với mỗi nền kinh tế là liệu họ có đổi mới sáng tạo được hay không.
Ví dụ, ngày nay các công ty Bắc Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo theo bất kỳ thước đo nào. Họ thu hút các tài năng hàng đầu, nhận được nhiều bằng sáng chế nhất, sở hữu phần lớn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu, và được đánh giá cao về giá trị doanh nghiệp khi niêm yết. Điều này càng được củng cố khi Bắc Mỹ vẫn đi tiên phong trong bốn cuộc cách mạng công nghệ tổng hợp: sản xuất năng lượng trên nền tảng công nghệ sáng tạo, sản xuất kỹ thuật số tiên tiến, các ngành khoa học đời sống, và công nghệ thông tin.
Và trong khi Bắc Mỹ và EU, với một số nền kinh tế sáng tạo nhất, đi đầu trong cách mạng công nghệ, các khu vực khác đang nhanh chóng bắt kịp. Ví dụ, năng lực đổi mới sáng tạo của Trung Quốc được đánh giá đã đạt 49% mức của EU vào năm 2015(tăng từ mức 35% năm 2006) khi nước này chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng tập trung vào đổi mới sáng tạo và dịch vụ(43). Tuy xuất phát điểm tương đối thấp, Trung Quốc đã không ngừng gia nhập các phân khúc sản xuất toàn cầu có giá trị gia tăng cao hơn và tận dụng lợi thế quy mô kinh tế để cạnh tranh hiệu quả hơn trên phạm vi toàn cầu(44).
Nhìn chung, điều này cho thấy, các lựa chọn chính sách rốt cuộc sẽ quyết định việc một quốc gia hay khu vực cụ thể có thể tận dụng được tối đa cơ hội do cách mạng công nghệ tạo ra không. Các khu vực và thành phố giữ vai trò trung tâm đổi mới
Tôi đặc biệt quan ngại về tác động của tự động hóa đối với một số nước và khu vực, đặc biệt là các thị trường tăng trưởng nhanh và các nước đang phát triển, nơi tự động hóa có thể đột ngột làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của họ trong sản xuất hàng hóa và dịch vụ sử
dụng nhiều lao động. Kịch bản như vậy có thể tàn phá nền kinh tế của một số nước và khu vực đang phát triển.
Rõ ràng không quốc gia hay khu vực nào có thể phát triển nếu các thành phố (hệ sinh thái đổi mới sáng tạo) của họ không được nuôi dưỡng liên tục. Thành thị luôn là động cơ của tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng, tiến bộ xã hội trong suốt chiều dài lịch sử, và sẽ là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của các quốc gia và khu vực trong tương lai. Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới sống ở đô thị, từ các thành phố trung bình đến các đại đô thị, và con số này vẫn tiếp tục tăng. Nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các quốc gia và khu vực đều thuộc phạm vi của các đô thị - từ đổi mới sáng tạo và giáo dục đến kết cấu hạ tầng và hành chính công.
Tốc độ và phạm vi mà các thành phố hấp thụ và triển khai công nghệ, cùng với các khuôn khổ chính sách linh hoạt, sẽ quyết định khả năng cạnh tranh của các thành phố đó trong việc thu hút nhân tài. Sở hữu băng thông rộng siêu nhanh, ứng dụng công nghệ số trong ngành vận tải, tiêu thụ năng lượng, tái chế rác thải... sẽ giúp một thành phố trở nên hiệu quả và đáng sống hơn, và do đó hấp dẫn hơn các nơi khác.
Do đó, điều quan trọng là các thành phố và quốc gia cần tập trung đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, vốn là nền tảng căn bản của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng như Báo cáo Công nghệ thông tin toàn cầu năm 2015 của Diễn đàn cho thấy, điều không may là hạ tầng công nghệ thông tin không chiếm ưu thế và cũng không phát triển nhanh như nhiều người nghĩ. “Một nửa dân số thế giới không có điện thoại di động và 450 triệu người vẫn sống ngoài vùng phủ sóng. Khoảng 90% dân số các nước có thu nhập thấp và trên 60% dân số trên toàn cầu chưa có internet. Cuối cùng, hầu hết các điện thoại di động đều là điện thoại thế hệ cũ”(45).
Do vậy, chính phủ phải tập trung xóa bỏ khoảng cách công nghệ số ở các nước trong mọi giai đoạn phát triển nhằm bảo đảm các
thành phố và quốc gia có kết cấu hạ tầng căn bản để mang lại cơ hội kinh tế và sự thịnh vượng chung qua các mô hình mới về cộng tác, hiệu quả và tinh thần kinh doanh.
Báo cáo của Diễn đàn về Phát triển dựa trên dữ liệu nhấn mạnh, để nắm bắt những cơ hội này, chỉ khả năng tiếp cận hạ tầng số là chưa đủ. Giải quyết vấn đề “thâm hụt dữ liệu” cũng không kém phần quan trọng đối với nhiều nước, đặc biệt là các nước ở Nam bán cầu, do hạn chế trong các khâu xây dựng, thu thập, truyền tải và sử dụng dữ liệu. Xóa bỏ bốn “khoảng cách” gây nên thâm hụt này - lưu trữ, tiếp cận, quản lý và tính khả dụng - sẽ mang lại cho các quốc gia, khu vực và thành phố thêm nhiều năng lực giúp tăng cường phát triển, như theo dõi sự bùng phát của bệnh dịch, ứng phó thiên tai tốt hơn, tạo thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ công và tài chính, và nắm vững tập quán di cư của những nhóm dân dễ bị tổn thương(46).
Ngoài thay đổi môi trường quản lý, các quốc gia, khu vực và thành phố còn có thể làm được thêm nhiều điều. Họ có thể tích cực đầu tư để trở thành bệ phóng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, qua đó thu hút và khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các dự án khởi nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm các doanh nghiệp lâu năm cũng hướng tới cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khi các công ty mới, năng động và các doanh nghiệp lâu năm kết nối với nhau và với người dân và các trường đại học, thì thành phố vừa trở thành nơi để thử nghiệm, vừa là trung tâm chuyển những ý tưởng mới thành giá trị thực cho nền kinh tế số tại và toàn cầu.
Theo quỹ hỗ trợ sáng tạo Nesta ở Anh, 5 thành phố có môi trường chính sách hiệu quả nhất thế giới về thúc đẩy đổi mới là New York, London, Helsinki, Barcelona và Amsterdam(47). Nghiên cứu của Nesta cho thấy các thành phố này đặc biệt thành công trong việc tìm ra phương án sáng tạo để thúc đẩy thay đổi ngoài khuôn khổ môi trường chính sách chính thức, luôn luôn cởi mở, đồng thời hoạt động trên tinh thần doanh nghiệp (hơn là hành chính). Ba tiêu chí này khiến họ trở thành hình mẫu tiêu biểu toàn cầu, hoàn toàn có thể áp
"""