🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bức Chân Dung Người Đàn Bà Lạ
Ebooks
Nhóm Zalo
BỨC CHÂN DUNG NGƯỜI ĐÀN BÀ LẠ Tác giả: Chu Lai
Thể loại: Tiểu thuyết - Văn học
Nhà xuất bản: Quân Đội Nhân Dân
Nguồn text:Waka
Ebook: nguyenthanh-cuibap
MỘT
M
ẹ cái trò đời!
Cùng với tiếng chửi mang âm thanh khàn đục, roọc rẹc của đờm dãi đã trở thành câu cửa miệng đó là cả một tấm biển to tướng có hàng chữ bay bướm “Chào mừng hội nghị khách hàng….” bị ném bẹt xuống đất. Chưa đủ, nó còn được chủ nhân nhấc lên một lần nữa quăng sâu vào bụi rậm toàn những cây chó đẻ vàng khè. Tại đó có không ít những tấm biển khác cùng chung số phận nằm còng queo cùng với những hàng chữ sặc mùi quảng cáo rao vặt:
“Ở đây nhận dạy thêm tiếng Anh”, “Cửa hàng chuyên sửa chữa điện lạnh gia dụng có uy tín”, “Salon ô tô Toyota”, “Chú ý, nhà có chó dữ”, “Phở Cồ Nam Định gia truyền ăn một lần là ghiền”, “Chương trình đại nhạc hội có một không hai xôm tụ những giọng ca đình đám nhất của cả ba miền Bắc - Trung - Nam”, “Thuốc gia truyền đặc trị bệnh tổ đỉa, nấm ngứa...”.
Ném xuống rồi lại vớt lên, lại phủi bụi, lại vuốt ve, lại kỳ cạch viết vẽ tiếp và rồi lại phũ phàng vứt xuống như trò chơi của một kẻ điên khùng. Mà nhìn bộ dạng gã lúc này, nếu không có cái dáng dong dỏng cao, khuôn mặt vẫn còn giữ được những nét thanh thoát, góc cạnh thì đúng là có vẻ điên khùng thật. Đầu tóc bù xù sợi bạc sợi đen, cái chổng ngược cái chổng xuôi dễ phải cả năm nay không được chủ nhân nó ngó ngàng gì đến. Gò má hốc hõm, râu ria chắc cũng phải
lâu lắm rồi không cắt cạo nên nhìn nó nhôm nhoam tựa một cái bùi nhùi chuyên để đốt lên hun chuột. Thân thể được che đậy bởi chiếc sơ mi trắng đã ngả màu, chiếc quần ka ki lửng loang lổ đủ các loại màu vệt khô vệt ướt làm người ta nhớ đến chiếc quần của vai hài rạp xiếc địa phương.
Tóm lại nhìn gã người ta dễ liên tưởng đến một nhân vật lập dị, hơi ngông mà trong giới văn nghệ sĩ, nhất là dân hội họa thường hay xuất hiện. Lại đôi mắt nữa, mờ đục, ướt nhèm, không có chút thần khí nào, thi thoảng lại hấp háy hấp háy sau đôi mục kỉnh gãy gọng phải chằng lại bằng dây nịt, chốc chốc lại một giọt nước như nước đái nhện rịn ra, chảy ngoằn ngoèo xuống má...
Ném chán, viết vẽ chán, gã buông cọ, thả rơi ngồi xuống một phiến đá xù xì đặt ở góc sân, móp miệng rít một hơi thuốc lào đến tụt nõ rồi ngửa cổ nhả khói mù mịt như cháy rừng lên vòm mít đang kỳ bói quả. Cùng với làn khói thuốc, đôi mắt lờ đờ của gã bất giác chạm vào đám tượng dựng lổn nhổn ở trước mặt, cái còn bằng đất sét, cái đã mang màu trắng thạch cao, cái ở tư thế đứng, cái ở tư thế ngồi, cái nghiêng cái vẹo, cái mất đầu cái mất tay, cái mất chân hệt như một đám âm binh không toàn thây tội tình kéo nhau từ dưới địa ngục lên đây mặc cho dãi dầu mưa nắng. Mà lại toàn tượng về các cô gái thanh niên xung phong, các chàng trai lính chiến đội mũ tai bèo, vai khoác súng mới lạ chứ. Càng lạ hơn là các cô gái chàng trai này hầu như đều giống nhau ở một điểm là không có mắt, thay vào đó là những lỗ đen mờ mịt, kinh dị.
Chợt không biết từ đâu có một trái bóng bay đến, đập mạnh vào một bức tượng khiến bức tượng thạch cao đó ngã nghiêng, tơi vụn. Gã quay lại, đám trẻ con chơi đá bóng đang
đứng chết sững, mắt tròn mắt dẹt nhìn gã vô cùng sợ hãi. Một đứa có vẻ là đứa vừa đá trái bóng này, líu ríu đi đến trước mặt gã, quỳ xuống, hai tay khoanh lại, giọng mếu máo:
- Ông… ông ơi! Cháu xin lỗi, cháu không cố ý… Ông tha cho cháu!
Gã đưa tay ra, giây phút ấy cứ tưởng gã sẽ giáng cho thằng bé một cái bạt tai trời giáng, cả một bức tượng vầy vò mất bao thời gian, công sức chứ có phải bỡn đâu, nhưng không, gã đỡ thằng bé dậy, cười hiền khô:
- Không sao! Mày không làm vỡ thì chính ông cũng sẽ đập vỡ. Thôi đi đi! Lần sau đừng đá ở đây, ra ngoài bãi mà đá cho rộng nhé!
- Con cám ơn ông ạ!
Nói xong, thằng bé quay lưng cùng với chúng bạn ôm bóng chạy ào đi. Gã nhìn theo, đôi môi khô héo khẽ mỉm cười. Lát sau, gã quay lại, lừ đừ tiến đến trước bức tượng một cô gái, giương mắt nhìn lom lom như nhìn vào một vật thể sống, đưa tay nhón một viên đất sét dưới chân trám bẹt vào khoảng trống đôi mắt ấy, nhả một câu lẹt phẹt:
- Nhìn làm gì? Cuộc đời có cái mẹ gì hay ho đâu mà nhìn, cứ tạm mù loà cho khoẻ cái đã nhé!
Chưa hết, vừa xiêu vẹo đi được vài bước, chẳng hiểu nghĩ sao, gã lại quay phắt, rê chân đến một bức tượng lính, giơ tay bẻ ngoéo luôn cái đầu vứt huỵch xuống đất. Lại một tiếng nói lẹt phẹt hơn:
- Không được! Cái đầu cậu ngẩng cao quá, kiêu hãnh quá, có cái chó gì mà kiêu hãnh lúc này, qua rồi, hết rồi nhé! Nhìn theo cái thủ cấp vô hồn vô cảm lăn lộc cộc ra giữa sân, gã bật một tiếng cười khô khốc nữa rồi vớ lấy chai rượu nút lá chuối còn một chút dưới đáy ở gốc mít tu một hụm,
quơ luôn cái điếu cày bước vào trong nhà, một ngôi nhà chật chội như cái lều lợp ngói tối thui, tối như đôi mắt của những bức tượng đang bí hiểm dõi theo gã ở ngoài kia. - Mẹ cái trò đời!
Gã lại chửi. Câu chửi văng xuống nền gạch, bật lên vòm lá và biến mất trong tăm tích. Không biết hắn đã chửi như thế bao nhiêu lần rồi, tự chửi tự nghe, chả ai nghe thấy, kể cả bà chủ trên tay cầm cái chổi sể đang từ khu nhà trọ sinh viên bước vào trong sân kia.
Chừng xấp xỉ trên dưới năm mươi tuổi, tóc đã có nhiều sợi bạc nhưng thân hình bà vẫn có chiều còn mỡ màng lắm, nhất là bộ ngực, nó cứ cong vênh lên, núng nính, nhấp nhô như muốn bứt khỏi tấm áo bay dày cộp mà bung bải ra ngoài. Đôi mắt lá răm khá sắc lia một vòng quanh sân, lia vào những tấm biển quảng cáo vẽ dở nằm trong bụi rậm, lia chạm vào cả cái đầu tượng lính đang nằm lăn lóc nơi góc sân.
- Lại cái lão dở hơi, tâm thần, nửa đời nửa đoạn này đây! Ngày nào cũng dọn, sáng nào cũng dọn, lão tưởng mình là ô sin cho riêng lão hay sao không biết!
Bà cảu nhảu bằng một thứ giọng chua loét như vừa được vắt khế vào nhưng khá du dương, nhưng rồi cũng cắm cúi dọn dẹp, quét tước, sắp xếp lại tất cả vào thành một đống ngay ngắn. Riêng cái đầu tượng lính, vừa nhấc lên bà ta đã hốt hoảng bỏ xuống, tý nữa ngã ngồi. Rõ ràng là cái khoảng trống đen ngòm mà người ta thường gọi là mắt kia nó đang trừng trừng nhìn mình.
Cái nhìn đó đẩy bắn bà vào trong nhà.
Từ trong bóng tối căn phòng toàn mùi ẩm mốc, hôi xì, đôi mắt gã thuê nhà cũng đang trừng trừng nhìn bà. Giật nảy
người, bà định bật trở lại nhưng rồi cái miệng râu ria có những chiếc răng đen xỉn kia đã nhe ra cười, một cái cười ngô nghê nhưng không thể hiền lành hơn đã giữ bà lại.
- Chào bà chủ! Ngọn gió nào sáng nay lại đưa bà chủ quá bộ đến thăm kẻ hèn này sớm sủa thế?
Chả ai nghĩ từ con người như người tiền sử kia, từ cái miệng gớm guốc kia lại có thể phọt ra những ngôn từ khá là cầu kỳ kiểu cách như thế. Nhưng để đáp lại là cái giọng thật sỗ:
- Chả có ngọn gió mẹ nào cả, ngọn gió tiền. Ông có mở cánh cửa sổ ra cho bay bớt mùi hôi ra không? Ở thế này mà cũng có thể ở được, khác gì cái phòng bà đẻ.
Không chờ cho gã đứng dậy, bà xộc bước đến tự tay mở cánh cửa gỗ bạc phếch đã mục nát phát ra, tiếng kêu đến két rồi chun mũi vẻ kinh tởm:
- Thứ nhất, lần cuối cùng tôi yêu cầu ông không được hút thuốc lào trong phòng, mùi thuốc trộn với mùi rượu, mùi quần áo lâu ngày không giặt sẽ thành mùi gì ông biết chửa? Mùi chuột chết, khách người ta ai dám đến ở? Thứ hai…
- Thứ hai, phải thanh toán sáu tháng tiền nhà! - Gã đế luôn.
- Đúng! Lần đầu tiên tôi thấy ông tỏ ra có trí nhớ - Chìa bàn tay có những ngón khá múp ra. - Đâu?
Gã gãi đầu cười thiểu não, cái thiểu não mà bà đã quá quen rồi, quen đến phát chán.
- Tôi đã xin khất bà đến cuối tháng họ mới mang tiền đến. - Không có đầu cuối gì hết - Người đàn bà thoắt nghiêm mặt lại, đôi mắt lá răm quắc lên - Hết tuần này không có, mời ông dọn dẹp ra khỏi nhà tôi. Tôi đã du di cho ông quá nhiều rồi. Ông cũng phải để đất cho tôi sống với chứ!
Gã đứng dậy, đột ngột dựng thẳng người, một bàn tay đưa lên ngang trán theo động tác chào nhà binh: - Rõ, thưa bà! Tôi đội ơn bà nhiều. Đúng là quân với dân như cá với nước.
Bà chủ nhà nguýt dài một cái, cái nguýt làm bà ta trẻ lại tới chục tuổi trong cái nét ánh ỏi vẻ nữ tính:
- Nói như loa phường! Tôi không cần cá nước, tôi cũng không cần ông đội ơn mà chỉ cần ông đội tiền đến trả tôi. Gã giơ tay lên ngang trán một lần nữa rồi đột ngột giương đôi mục kỉnh chăm chú ngắm bà từ đầu đến chân lại từ chân lên đến đầu khiến bà ta thoắt trở nên lúng túng rồi bất giác cũng không thể không tự nhìn lại chân tay, quần áo của mình.
- Ông nhìn gì tôi mà nhìn ghê thế? Lạ lắm à?
- Nếu tôi không nhầm thì ngày xưa bà cũng là một cô thanh niên xung phong hoặc một nữ chiến sĩ bộ đội? Bà tròn mắt:
- Ông căn cứ vào đâu?
- Vào chiếc áo bà đang mặc. Thời bây giờ chả còn ai mặc cái loại áo bay cứng như mo nang này nữa nếu không có kỷ niệm sâu nặng với nó.
Ánh nhìn của bà chợt mềm lại và không giấu được chút tự hào đang ánh lên:
- Tôi ở giữa. Tức là tự vệ. Tôi là chiến sĩ tự vệ đã bắn nhau với máy bay Mỹ ra trò trên nóc cầu Long Biên ngày ấy đấy. Trông ông khù khì thế mà cũng tinh phết nhẩy!
Như chợt nhớ ra điều gì, gã đột ngột bỏ đi vào cái hành lang bừa bộn đồ đạc nối với căn bếp cũng rất ngổn ngang niêu nồi khiến bà chủ nhà chưng hửng:
- Mà ông đi đâu đấy?
- Bà chờ tôi một tý!
Gã lôi ra từ đó ra cái giá vẽ phủ đầy bụi chắc đã bị bỏ quên lâu ngày, căng tấm toan lên, nặn màu ra miếng gỗ nhỏ rồi hướng về phía bà, đưa cây cọ lên ngang mặt, nheo mắt…
- Tốt rồi! Bà cứ ngồi yên đấy. Chỉ xin bà năm phút thôi. Bà chủ nhà bất giác hơi rúm người lại, lấy hai tay bưng kín mặt:
- Ấy, ông… ông làm gì đấy? Ông định vẽ tôi ư? Không được đâu! Vẽ tôi để thành con ngáo ộp đi doạ trẻ con à? - Không, bà vẫn còn giữ được những cái nét xuân sắc của ngày xưa, ngày ấy tôi đảm bảo bà là một thiếu nữ Hà Nội mộng mơ.
- Mơ với mộng gì! Ông cũng thuộc loại khéo miệng ra phết nhẩy! Thôi, tôi phải đi đây…
Nói vậy nhưng bà vẫn ngồi im, còn hơi nhích vai, ưỡn lưng, cắn môi, vén tóc, căng ngực tạo dáng. Dường như chỉ cần có thế, ông họa sĩ là gã bắt đầu lia cây cọ lên tấm toan với một cung cách vừa chú tâm vừa lơ đãng…
Đúng là chỉ một lát sau, chưa đến chục phút, bức ký họa bằng bột màu đã xong. Ông giơ lên. Bà trố mắt nhìn vào… Rồi há hốc miệng. Giời ạ! Trước mắt bà hiện lên một nóc cầu Long Biên gãy nhịp và một cô gái mặc đồ tự vệ, mũ sắt gắn sao vuông, trẻ trung, xinh đẹp, khuôn ngực no tròn, đôi mắt lá răm đen láy, đầu ngẩng cao, cây súng phòng không 12 ly 7 chi chít lá nguỵ trang ghì trong tay đang chĩa thẳng lên bầu trời vần vũ khói đen và phía dưới là dòng sông Hồng phù sa cuộn chảy. Trên mặt cô gái phảng phất những vệt đen nám khói và cả mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán…
Ngắm xong, bà thả rơi người xuống ghế, nói như mếu: - Ối giời ơi, không phải tôi! Tôi mà lại được đẹp thế này ấy
à? - Rồi liền đó lại chớp chớp mắt - Mà cũng đúng là tôi đấy. Đúng đôi mắt, cái trán, cái ngực, cái hông, cái đùi… nó căng thế đấy. Ngày đó tôi mới có hai mươi…
Mặc cho bà chủ nhà đang ngây ngất chìm vào quá khứ, ông cuốn bức tranh lại đưa cho bà.
- Tặng bà!
- Hả, tặng… tôi?
- Ơ hay! Chả lẽ tôi lại tặng chính tôi để đêm đêm ôm vào lòng nằm ngủ à?
- Khiếp! Cái nhà ông này… Ăn với nói!
Nhưng tay bà cũng run run cầm lấy bức vẽ, đôi mắt lá răm rơm rớm nước nhưng liền đó lại chuyển màu như cũ, liếc nhìn ông một cái khô cong:
- Ông tặng tôi nhận, cám ơn nhưng… tiền nhà vẫn phải đúng ngày đúng giờ đấy. Thôi, tôi về.
Bà quầy quả đi ra. Nhìn đằng sau thấy cái eo lưng, cái vòng mông vẫn còn rung rinh lắm. Bà vừa đi vừa giở bức vẽ ra nhìn say mê, tý nữa thì va phải một người đàn ông trung tuổi ăn mặc khá sang trọng đi ngược từ ngõ vào.
Giật nảy người, bà vội giấu bức tranh ra phía đằng sau. - Hết hồn… Chào ông Vinh, chào ông giám đốc, ông lại đến với cái lão… bôi sĩ ấy đấy à?
- Vâng! Chào bà! Bà xem cái gì mà chăm chú thế? Lại giấy ghi nợ?
Đôi môi đỏ như đang nhai trầu dẩu lên:
- Này! Ông coi thường nhau quá lắm đấy? Tôi cũng phải có lúc lãng mạn tý chứ. Ông xem này! - Giở rộng bức tranh - Ông có biết ai đây không?... Tôi đấy. Ông ấy vẽ tôi đấy. Hồi trẻ tôi có ra dáng không?
Ông khách nhìn vào bức tranh rồi lại nhìn lên khuôn mặt
bà, nói hóm:
- Quá ra dáng. Hồi ấy tôi mà gặp bà thì chắc chắn tôi đã không để bà phải ở không đến tận bây giờ như thế này. Lại dẩu môi nhưng rõ ràng là ánh mắt chợt ấm lên: - Thế tôi ngã dúi vào lòng ông chắc, mỡ đấy mà húp, còn khuya nhé!
Ông khách nhìn lại bức tranh, nét mặt thoáng đăm chiêu: - Vẫn là nét vẽ ngày nào… xuất thần lắm!
- Hả? Ông bảo cái gì thần thần? Tôi là tôi, nữ tự vệ cầu Long Biên, chẳng có thần thánh gì vào đây đâu nhé! Ông vào đi!
Đi được mấy bước, bà lại đột ngột quay lại, nhỏ giọng: - Này, tôi hỏi khí không phải, cái ông bạn ông có bị tâm thần không đấy?
- Sao kia ạ?
- Chả vợ con, chả có ai quen biết, cũng chả chịu trò chuyện với ai, cứ suốt ngày ru rú như cái anh bị vợ bỏ hoặc bị kỷ luật, bị vỡ nợ, bị truy nã gì đó, vẽ rồi xé, xé rồi lại vẽ, thỉnh thoảng lại lăn đùng ngã ngửa, phòi bọt mép ra, thế chả tâm thần là gì, thỉnh thoảng nhìn vào đôi mắt ấy… sợ lắm!
- Sợ?
- Như nhìn vào miệng vực, vừa đen lại vừa có lom dom ánh sáng ma trơi bên trong. Đấy, cái lúc ông ấy xin… vẽ tôi ấy, tôi lại thấy cái ánh sáng lân tinh trong mắt ông ấy loé lên, hãi hãi là.
Ông khách bật cười:
- Khiếp, bà nói gì như phim kinh dị. Hãi hãi mà bà còn cười tươi thế, nếu không hãi, chắc bà sẽ còn…
- Tôi không đùa - Bà chủ nhà nghiêm mặt - Mà ông thử nhìn cái đống tượng ông ấy vất ngoài sân kia xem, chả tượng
nào có mắt cả, lại còn chả có đầu có tay, cứ như ma cả đám. Đêm mà đi qua đây ấy à, xin lỗi, chỉ có chạy vãi tè. Tôi hỏi ông có biết tại sao không?
Ông khách trả lời bừa:
- À, tượng nó thế, có phải cái gì cũng có mắt cả đâu. Vả lại người ta đang hoàn thiện, hoàn thiện chưa ổn thì bẻ ngoéo đi thôi. Mà bà cũng chịu quan sát gớm nhỉ?
- Lại chả không? Ít nhất tôi cũng cần biết khách thuê nhà là ai chứ, lỡ phải thành phần nghiện hút, xã hội đen, gây án mạng hay trại tâm thần sổng ra thì bỏ mẹ!
Sắc mặt ông khách chợt nghiêm lại, giọng nói cũng đằm xuống:
- Không, riêng điều này bà có thể hoàn toàn yên tâm. Bà đang giữ trong nhà một thứ của quý đấy.
- Hả, cái gì… của quý? Ngày hôm nay là ngày gì mà sáng ra đã toàn phải nghe đầy tai những lời chớt nhả vậy không biết nữa?
- Không, tôi nói nghiêm túc, nói theo nghĩa đen. Ngày trước trong chiến tranh, ông ấy là một tên tuổi sáng giá suốt dọc Trường Sơn, một họa sĩ tài hoa lẫy lừng không phải ai ông ấy cũng hạ bút vẽ đâu, may cho bà đó. Bà giữ bức tranh này cẩn thận, biết đâu sau này có khi lại trở thành một thứ mang đấu giá hàng đống tiền đấy. Tôi vào!
- Khoan… Ông vừa nói cái gì? Hoạ sĩ sáng giá, lẫy… lẫy lừng Trường Sơn à? Sao giờ ông ấy nghèo khổ thế, ăn uống thì toàn nước suối với mỳ tôm, khá hơn thì gặm chiếc bánh mỳ nhân thịt, đến tiền nhà cũng không trả nổi. À này, nãy bực thì tôi nói thế nhưng lát nữa vào, ông bảo cứ từ từ, lúc nào trả cũng được.
- Ông ấy nợ bà bao nhiêu?
- Sáu tháng.
- Là bao nhiêu?
- Cánh sinh viên bên kia do ở chung phòng nên tôi lấy rẻ, mỗi người chỉ hai trăm, nhưng ông ấy đòi ở riêng nên tôi lấy năm trăm, mà cũng là rẻ chán so với chỗ khác.
Ông khách móc ví, rút một tệp tiền có mệnh giá một trăm, đếm sơ rồi nhét vào tay bà:
- Sáu năm ba mươi, tiện đây tôi trả luôn cho ông ấy... Mà thôi, tôi trả cả năm luôn.
Bà chủ nhà đẩy lại tệp tiền vào tay ông, chau mày: - Này, nữ chiến sĩ tự vệ Hà Nội dám bắn máy bay Mỹ trên nóc cầu Long Biên đã nói một là một, hai là hai, ông ấy chưa đến nỗi phải để người khác trả nhé! Chào ông! Bà định xoay lưng bỏ đi nhưng ông kịp giữ lại: - Bà nhầm! Tiền này không phải của tôi mà là tiền tôi nợ ông ấy, giờ mới có dịp trả. Xin bà cứ cầm lấy!
Bà chủ nhà đắn đo nhìn vào nét mặt ông khách một lúc rồi chịu cầm lấy tệp tiền, đếm qua… tròn mắt:
- Sao nhiều thế?
- Không sao, bà cứ cầm cả. Số tiền thừa đó tôi nhờ bà thỉnh thoảng chăm nom chuyện ăn uống, thuốc thang cho ông ấy một chút, ông ấy vẫn còn mảnh đạn trong đầu chưa lấy ra, thỉnh thoảng trở trời lại lên cơn kinh giật như bà nhận xét lúc nãy là đúng đấy. Trăm sự nhờ bà, vốn quý, tài sản quốc gia đấy.
- Thôi được, ông yên tâm. Chuyện gì chứ chuyện chăm nom người khác, nhất là “động vật quý hiếm”… à không, tôi nói nhịu, vốn quý, lại là thương binh là thói quen cố hữu thời chiến của tôi.
- À, mà bà đừng nói tiền này của tôi nhé! Ông ấy nghèo
nhưng kiêu lắm, không cho ai cưu mang giúp đỡ mình đâu. Bà chủ nhà khẽ bật một cái nhìn ranh mãnh:
- Giấu đầu hở đuôi! Nghĩa là đây không phải là tiền ông nợ ông ấy.
- Đồng đội đã cùng vào sinh ra tử, nợ có nhiều kiểu nợ bà ạ! Cái nợ này là quá nhỏ.
Bà đi nhanh theo lối mòn sang khu trọ sinh viên đang í ới vang lên tiếng gọi nhau, cãi nhau chí choé và trên dây phơi là la liệt những đồ lót đủ màu bay phơ phất quá ư gợi tình của đám con gái.
Ông khách nhìn theo khẽ lắc đầu rồi đi đến nhặt cái đầu tượng lính định cắm trở lại phần thân của nó thì trong nhà đã văng bật ra tiếng nói khàn đục:
- Cứ để đấy! Biết gì mà cắm.
“Thì để, sư cái thằng, nói như chó ăn vã mắm! Ngày trước nó có thế đâu nhỉ?”. Người khách đi vào. Góc phòng, gã ngồi như một hình nhân bất động trong cái vệt sáng nhợt nhạt từ cửa khung sổ long tróc rọi vào. Không chào hỏi, chẳng đãi bôi, vẻ như đã quá quen thuộc, ông khách đảo mắt nhìn đống pa-no, áp-phích để bừa bộn quanh phòng, tự kéo ghế ngồi, thả rơi một tiếng:
- Vẫn tự giam mình trong cái đống dịch vụ bầy nhầy này? - Vẫn. Có gì không?
- Buồn!
- Thế cậu tưởng đời vui lắm à? - Lại cái giọng khàn rè tưng tửng nghe như đấm vào tai đó bật lại.
- Đời không vui nhưng con người không thể cứ hiu hắt mãi thế này.
- Cũ mèm!
- Có những cái cũ nhưng luôn mang giá trị mới.
- Ví dụ?
- Ký ức. Ký ức về một thời trận mạc, ký ức về những ngày cao đẹp khổ mà vui chẳng hạn.
Chủ nhà tháo mục kỉnh, nhìn sâu vào mắt bạn rồi nhếch miệng một cái vẻ khinh khi:
- Càng cũ! Này, nếu rỗi hơi, cậu đến đây làm ngụm trà, ly rượu, chơi mồi thuốc rồi im lặng hay ra về thì có lẽ tôi sẽ cám ơn cậu hơn.
Ông khách cũng nhếch miệng nhưng là cái nhếch mang nội dung khác:
- Không còn nhận ra một họa sĩ tài hoa, đẹp đẽ, trẻ trung có những bức tranh làm rúng động cả Trường Sơn, làm bao cô gái rừng đắm say, mê mết nữa.
Gã phẩy tay vẻ không muốn nghe nữa:
- Thế à? Nói xong chưa?
- Với ông, không bao giờ là đủ.
- Phiền hà nhỉ? - Gã lại phẩy tay cái nữa, mạnh hơn - Chiến tranh qua lâu rồi, bây giờ mỗi thằng mỗi số phận, yêu cầu đừng thằng nào can dự vào số phận thằng nào. Cậu làm giám đốc hãy cứ sống đời giám đốc, còn tôi là kẻ vẽ thuê cứ sống đời làm thuê. Hết!
Ông khách kéo ghế ngồi sát lại:
- Rồi, đã thế cho hỏi một câu thẳng kiểu lính: Cái gì đã khiến ông tự đày đoạ mình cho cái thứ tạp vụ chỉ cần biết viết biết tô màu là ai cũng có thể làm được này?... Khoan! Chắc ông lại đổ tại cuộc sống mưu sinh? Hay tại những thằng ngu trong giới không nhận ra được chân giá trị nghệ thuật đích thực nên quẳng cha nó đi còn hơn chúi đầu vào cái đống giả dối nó làm mình hèn đi ấy?
- Đã tự trả lời được thì còn hỏi làm cái đếch gì, thối
chuyện?
Lặng đi một chút rồi ông khách thả rơi một tiếng: - Thật tiếc!
- Cậu tiếc đã bỏ phí thời gian đến đây?
Ông khách đứng dậy, tiếng nói không còn mềm mại nữa: - Nếu không là đồng đội, là một thằng dở hơi đã có thời ngưỡng mộ ông như ngưỡng mộ một vị á thánh thì đúng. Nhưng đây là tôi tiếc cho ông. Tiếc cho mọi người. Tiếc ít giận nhiều. Nói cách khác thì ông đang phản bội lại bạn bè, đồng đội, phản lại những năm tháng cao đẹp nhất, phản lại những đứa còn sống và cả những thằng đã mãi mãi nằm lại trong rừng sâu.
Gã cũng đứng dậy, quay lưng nhìn qua khung cửa sổ đã nhạt nắng:
- To tát quá nhỉ? Y hệt cái giọng lão Phó Chính ủy binh trạm ngày nào, cứ xoang xoảng, xoang xoảng nghe ghê bỏ mẹ!
Vị khách có vẻ cáu, xoay mạnh cái thân hình ọp ẹp kia quay lại phía mình, nói dằn giọng:
- Tóm lại là ông quyết định chôn vùi cả cuộc đời mình trong cái đống hổ lốn vô tích sự này?
Gã vênh mặt lên:
- Thế cậu tưởng cuộc đời ngoài kia nghiêm ngắn, hữu sự lắm à?
- Này, thú thật tôi đã chán ngấy cái cách trả lời bằng kiểu hỏi lại của ông lắm rồi trong khi ông nên thỉnh thoảng để tâm thử hỏi ngược vào lòng mình xem mình là ai, là cái gì?
Đến đây thì gã quay phắt lại, chỉ thẳng tay ra cửa: - Mẹ, chả là ai, chả là cái đếch gì hết, nhưng cũng không phải là cái thằng rỗi hơi để thỉnh thoảng phải nghe những
thằng khác đến đây rao giảng đạo lý, cách sống nọ kia, đủ chưa? Giờ, nếu chán thì xin mời! Cửa vẫn mở.
Ông khách sầm mặt định phản ứng bằng một câu gì đó nhưng rồi lại thôi, khẽ cười. Khổ! Chấp gã làm gì. Điên lên là gã có thể đuổi hết, kể cả một ông thủ trưởng cũ đeo hàm thượng tướng vốn trước đây quý tài gã, cũng có đôi ba kỷ niệm chiến trường với gã một lần đến đây nói điều hơn lẽ thiệt, nói cả về phẩm chất người lính, người nghệ sĩ cách mạng nọ kia gã cũng đuổi luôn.
Thật ra khi từ trại an dưỡng dài ngày trở về, đầu tuy bị đau, mắt bị mờ, gã vẫn chưa đến nỗi, vẫn vẽ, vẫn tạc tượng, vẫn yêu đời và thỉnh thoảng vẫn đem đi triển lãm chỗ nọ chỗ kia nhưng chính trong vài cuộc triển lãm ban đầu ấy, những ngón chơi bẩn của một vài người trong ban tổ chức khi hắn không chịu mò đến nhà riêng gõ cửa cầu thân, quà cáp và đặc biệt là sự thờ ơ của người xem trước một đề tài mà họ cho là đã quá cũ, quá lạc lõng đã đánh mạnh vào cảm hứng sáng tạo của gã.
Đánh mạnh nhưng chưa hạ gục vì bản tính gã, cũng giống như thời bom đạn, là khá kiên cường, bất chấp. Cho đến khi một bức tranh của gã bị đạo và cái kẻ đạo đó đã gửi đi dự thi trong một tổ chức quốc tế có uy tín để đoạt huy chương vàng cùng một khoản tiền không nhỏ mà lại còn nhơn nhơn hỗn láo do được một vài người trong ban điều hành đồng loã, che chắn thì lão mới thật sự ra nông nỗi này. Đồng nghiệp bảo gã lên tiếng, gã cười nhạt. Bảo gã làm đơn kiện, gã vẫn cười nhạt. Bảo nếu ông thúc thủ như vậy thì chính chúng tôi sẽ phát hỏa, gã càng cười nhạt hơn. Cuối cùng giục quá, gã quát tướng lên: “Chiến tranh không phải tài sản của riêng ai, dù họ có lấy của mình đem đi thi mà được giải thưởng danh giá
thì cũng là cái mừng chung, kiện cáo mẹ gì, chỉ thêm xấu mặt”. Nhưng từ đó gã bắt đầu suy sụp cả phần hồn lẫn phần xác như có con ký sinh trùng nào đêm ngày đục khoét trong xương tuỷ, hồn vía, trí lực gã, chỉ để lại cho gã một cái hình hài na ná gã chứ không phải gã. Người ta gọi cái đó là lòng tin bị đánh cắp.
- Mắt mũi dạo này sao rồi? - Ông khách hỏi nhún nhường như một động thái xuê xoa, làm lành.
Gã cũng xuê xoa lại:
- Vẫn. Lúc mờ lúc tỏ, lúc nhìn sáng trưng, lúc lại chả nhìn thấy mẹ gì, như có sương mù giăng ngang mắt. Càng tốt, mù cha nó đi cũng được.
- Còn đầu?
- Cũng vậy. Như có thằng khốn động cỡn nào sểnh ra cái là nó lại đánh trống ngũ liên ầm ầm trong đó, vui phết! Nói vui mà mặt gã căng chằng chằng như đang bị đánh trống trong đầu thật.
Ông khách nhăn nhó:
- Bao nhiêu lần tôi đã nói ông đi chữa, trong nước không được thì nước ngoài, điều kiện kinh phí bạn bè lo cho mà ông cứ ương gàn không chịu.
- Thôi, cuộc đời này cứ nhìn loà nhoà một tý lại đâm ra hay, coi như khuất mắt, nhìn sáng nét quá, dễ nổi điên mà húc mẹ đầu vào tường mất.
Lý luận cùn thế thì chịu rồi. Phải chăng vì thế mà hầu hết những bức tượng gã vứt chỏng chơ ngoài vườn kia đều không có mắt? Gã không muốn nhìn thì thôi chứ các bức tượng có tội tình gì mà lão cũng cho mù loà luôn. Giống như một lần ông có bảo thôi, rượu vừa thôi, rượu tì tì mà không ăn thì chỉ ba bảy hai mốt ngày là… gã vênh mặt: “Mỗi người
có kiểu sống riêng. Các cậu cứ cống hiến, cứ làm giàu, cứ nổi tiếng là doanh nhân thành đạt này, doanh nhân ưu tú kia đi nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ hai thước đất. Còn tôi, ngày nào cũng say cũng sướng và cuối cùng cũng hai thước, thằng nào hơn?”. Gã đã triết lý như thế thì người khác chỉ còn cách im mồm.
- Hôm nay tôi đến có việc đây!
Với vẻ không thể nghiêm túc hơn, ông khách hắng giọng mở lời nhưng lại nhận về một tiếng cười khẩy: - Việc? Việc mẹ gì? Hay lại mời về Tổng Công ty của cậu làm một chân cờ đèn kèn trống suốt ngày vục mặt vào đống khẩu hiệu, tranh cổ động trống rỗng nhưng có đồng lương ổn định? Không nhé! Hoặc giới thiệu cho một dự án trang trí triển lãm kiểu văn hoá quảng trường gì đó với thu nhập cao? Càng không! Vẫn là vẽ mướn, mà là một thứ mướn có chỉ đạo, có phê phán, căn chỉnh ngớ ngẩn, nhục hơn, thà vẽ mướn ở đây còn hơn.
Ông khách lắc đầu vẻ chán nản như không muốn nói nữa. - Không phải à? - Vẫn cái giọng không thể khó chịu hơn - Hay lại một món tiền tài trợ mang tính nhân đạo kha khá của ai đó, tổ chức từ thiện nào đó để cái thằng tôi có thể yên tâm tập trung vào những gì thuộc về nghệ thuật cao siêu? Cũng không luôn, mẹ, thời buổi này có cái chó gì gọi là cao siêu, càng cao siêu càng ế ẩm, càng bị ghen ghét, càng đích thực càng dễ thành trò cười và tôi cũng chưa đến nỗi phải ngửa tay ăn xin ai.
Để bạn xả hết những gì đang còn bức bối trong đầu, vị khách mới đặt nhẹ tay lên đôi vai xương xẩu kia, từ tốn: - Không, tôi hiểu những cái này không bao giờ ông chấp nhận. Tôi đến đây lần này là vì một mục đích khác, một mục
đích không liên quan gì đến tiền bạc…
- Ấy, lại có thứ mục đích đó nữa kia à? Nghe siêu tưởng nhỉ?
- Rất hiện thực chứ không siêu tưởng chút nào. - Nói!
- Là muốn xin lại tất cả những bức họa thời chiến của ông để đem về bảo quản, chứ không cứ để cả đống dưới gậm giường cho chuột bọ nó cắn nát thế kia là hỏng hết, là có tội với lịch sử đó.
Một tiếng cười ré lên như tiếng mèo động đực trên mái ngói:
- Lịch sử? Cậu lại to tát rồi. Lịch sử cà trớn, lịch sử đang quên lãng, thằng cha lịch sử vô cảm đó đâu có cần tới những sản phẩm dở hơi đó mà bảo quản!
- Lịch sử có thể không cần nhưng những người lính chúng tôi cần. Đấy là những tác phẩm vẽ bằng máu của đồng đội, của chính ông, ông có thể coi thường nhưng không nên rẻ rúng chúng. Số tranh này không còn thuộc về một cá nhân ông nữa mà thuộc về mọi người.
Gã xua tay ngán ngẩm:
- Nói ít thôi, um sùm quá, đây không phải là mặt trận mà ông chỉ huy tiểu đoàn cứ hét tướng lên, nhức lỗ nhĩ lắm! Thôi, thích thì ôm cả về nhưng với điều kiện là không được mang trả lại. Tôi đã chán ngấy cái trò nhóp nhép nhai lại dĩ vãng rồi. Chờ đấy!
Gã chổng cái mông nhọn hoắt chui vào gầm giường lôi ra một chồng một đống những tờ tranh, cái có màu cái không màu nhàu nát, bụi bặm và giăng đầy mạng nhện:
- Đó, tất cả đấy! Cám ơn cậu đã tránh cho tôi cái việc nhọc nhằn là phải ra đường mời một con mụ đồng nát nào đó đến
khuân cái của tội của nợ này đi.
Ông khách cầm lấy chồng tranh, bần thần giở từng bức ra xem… thoáng lặng người. Vẫn là những bức tranh ngày ấy, những bức tranh Trường Sơn man mác đã làm xao xuyến bao trái tim người lính, bao nỗi lòng thẳm sâu các cô gái thanh niên xung phong. Một khúc suối mùa mưa chập chờn những bờ vai trần con gái… Một ánh trăng gầy rọi cô đơn trên đỉnh dốc… Một vệt sáng hoả châu chiếu vào thân hình các em đang ôm nhau ngủ tội tình trong lán… Một dáng ngồi mộng mơ thiếu nữ bên rìa hố bom vừa nổ… Một đôi mắt lính lái xe xót xa mở to nhìn những sợi tóc em đang rụng xuống lòng bàn tay… Một chiếc Zin ba cầu đổ nghiêng bên miệng vực nhưng người lính ngồi trong khoang lái vẫn thò đầu ra, cười như có nắng… Một…
Ông khách hơi nhắm mắt lại như thể để cho đầu óc mình được một tích tắc chìm sâu vào một thời quá khứ… Nhưng liền đó lại bừng mở ra khi chạm mắt vào khuôn mặt phong trần khá đẹp của một người đàn ông trung tuổi đeo xà cột, giắt súng ngắn bên hông.
Ông thốt lên:
- Ông Lâm, Trung tá Lâm - Phó Chính ủy Binh trạm đây phải không? - Không có tiếng trả lời, ông lầm bầm tiếp - Một con người phức tạp, vừa quân tử vừa nhỏ hẹp, vừa dũng cảm vừa bạc nhược, vừa xấu vừa tốt, tất cả những gì hiện lên qua nét vẽ trên khuôn mặt đã nói rõ điều đó. Chính ông ta bằng sự vị kỷ, độc ác của mình đã can thiệp thô bạo vào cuộc sống của ông mà ông vẫn lưu lại ư?
Lần này thì gã, người họa sĩ Trường Sơn ấy lên tiếng sau một hơi thuốc lào, như không thể không lên tiếng: - Dẫu thế nào, một con người đã đi qua bom đạn mà
không phản bội, không đầu hàng kẻ thù là đều đáng lưu lại hết.
- Nhưng lại phản bội đồng đội, phản bội lại bạn bè? - Những phút yếu lòng ai chả có, kể cả người đó là anh hùng. Trong chiến tranh, tại vùng trọng điểm chiến lược ấy, ông ta là một anh hùng.
Vị khách tròn mắt nhìn bạn. Trời, thì ra sau cái vẻ ngoài nhếch nhác, cùn nhụt, bất cần kia vẫn có một con người thứ hai ẩn chìm. Đây mới đích thị là con người thực của gã, một con người dẫu trong hoàn cảnh nào cũng luôn biết nhìn sự vật một cách sâu sắc và đại lượng. Con người này sẽ làm cho gã gượng lại được.
- Ông vẫn có cái nhìn nhân hậu như ngày xưa, nhân hậu với ngay cả kẻ đã đang tâm chơi xấu với mình. - Chiến tranh, bom đạn, chết chóc đã quá khốn nạn rồi, con người không thể tất, lại còn đi chấp nhặt nhau nữa thì còn khốn nạn hơn!
Ông khách mừng thầm trong bụng nhưng không để lộ ra. Với câu nói này, ông biết bên trong con người gã vẫn còn lưu giữ một tâm hồn trong vắt, một khát vọng hướng thiện nào đó chứ không hoàn toàn mất đi.
Ông lại cầm lên một bức vẽ khác, bước nhanh ra chỗ có vệt nắng dát vào, gằm mắt chăm chú nhìn rồi bất giác rùng mình, nét mặt tỏ rõ sự xúc động khác lạ:
- Thủy… Cô ấy đây phải không?... Trời, khuôn mặt, cái miệng, đôi mắt, mái tóc, dáng người… Không thể đúng hơn được nữa. Biểu tượng trận mạc của một thời con gái đi qua chiến trường đã ăn sâu vào ký ức của tất cả những thằng con trai trên cung đường bão tố đó.
Ông bỗng thấy quặn thắt trong ruột. “Linh ơi… Nếu cậu
biết người ấy đang…”. Ông định nói bật ra một điều hệ trọng, rất hệ trọng mà đã định nói từ lâu rồi nhưng lại không thể nói. “Con người anh ấy đa cảm, yếu đuối lắm, xin anh đừng nói, xin anh im lặng, nói ra anh ấy sẽ không chịu nổi đâu và rồi mọi việc sẽ xôi hỏng bỏng không hết…”. Tiếng nói nghẹn ngào bất chợt hiện về văng vẳng bên tai ấy đã giúp ông ngừng lại.
Hoạ sĩ Linh, Trần Hoài Linh, tên của gã, lại khẽ xua tay, cười hấc lên một tiếng:
- Hả, cái gì mà biểu tượng với trận mạc? Cậu lại đại ngôn rồi Vinh ạ! Cái nghề tuyên huấn, chính trị viên của cậu hồi đó đã ăn sâu vào máu không bỏ được à?
- Sao phải bỏ, việc gì phải bỏ? - Đến đây thì vị khách đã lấy lại được vẻ mặt bình thường - Một hình ảnh đẹp như thế, đáng tự hào như thế sao phải bỏ? Ông khùng à?… Mà này, từ đó đến nay ông vẫn chưa một lần gặp lại à? Hay cuộc sống ngặt nghèo đã làm ông quên tất cả rồi?
Áo ngực ông khách bất chợt bị nắm ngược lên và một tia nhìn soi thẳng vào mắt:
- Tôi cấm! Cậu có thể nói bất cứ điều gì về tôi nhưng về cô ấy tôi cấm cậu không được nói như thế!
Bị quát nhưng khuôn mặt ông khách lại giãn ra: - Xin lỗi! Tôi chỉ muốn hỏi từ ngày đó đến nay ông vẫn không nhận tin tức gì của… cô ấy à? Thế thôi.
Nét mặt người họa sĩ sầm lại như có một đám mây đau buồn bay qua:
- Không!
Ông Vinh cúi nhìn xuống giây lâu rồi ngẩng lên: - Hỏi một câu nữa, trả lời hay không, tuỳ: Có khi nào chính vì cô ấy mà không phải vì bất cứ một lý do nào khác
khiến ông cho đến lúc này vẫn chỉ vò võ ở một mình, tất nhiên trừ những mối tình qua đường, những mối tình hâm mộ mà chắc ông chả còn nhớ, và phần nào trở nên thân tàn ma dại như thế này không?
Đôi mắt kèm nhèm kia lại trừng lên:
- Im đi! Cậu làm ơn im đi cho tôi nhờ! Cái gì đã qua là cho qua, đừng khai quật lên nữa!
- Chưa hết - Vị khách vẫn không thay đổi sắc mặt - Thế ông có lúc nào nghĩ rằng, người ấy vẫn không thôi hướng về ông trong mọi lúc mọi nơi không?
Lần này là một tiếng quát khàn đặc bật lên:
- Hỏi nhiều quá! Cậu về đi, về đi, để cho tôi yên! Quát nhưng đôi mắt lại nhoè ra như có nước. Thế là hiểu. Một lần nữa ông Vinh đã định xổ ra hết mọi điều nhưng rồi cái vẻ khổ đau ốm yếu kia đã kịp ngăn ông lại. Anh ấy yếu đuối, đa cảm lắm, sẽ không chịu nổi đâu…
Ông đứng dậy, xốc lại quần áo:
- Thì về, nhưng có cái này thì ông buộc phải nghe này - Lấy từ trong ca táp ra mấy hộp thuốc có dán nhãn hiệu ngoại quốc - Thuốc trị mắt và trị đau đầu của Mỹ tốt lắm, tôi vừa có chuyến qua bên ấy lùng mua được, đây nhé, hộp này để uống, hộp này để nhỏ, nhớ làm hàng ngày nếu không muốn bị mù, bị đột quỵ, hết tôi lại đem đến nữa! Ông không thương cái thân ông thì ông cũng phải biết thương cuộc đời, thương bạn bè một chút chứ. Chào!
Người họa sĩ không trả lời, để mặc ông bạn Trường Sơn hôm qua và nhà doanh nghiệp có thể gọi là thành đạt hôm nay khệ nệ ôm chồng tranh đi nhanh ra chiếc xe hơi đỗ ở đầu ngõ.
T
HAI
hực ra cái nhận định mang thuần tính ngoại đạo của Hoàng Vinh về sự suy sụp trong con người ông mới chỉ đúng một phần. Nước đời đen bạc, quá khứ bị quên lãng ư? Hay các trò mánh mung, hèn hạ, nhá nhem trong sân chơi nghệ thuật đang phá hủy các năng lực sáng tạo đích thực? Hay bệnh tật vẫn tiếp tục hoành hành không thuyên giảm? Có thể có tất cả và cũng có thể chả có cái nào. Kể cả cái đám
tượng không mắt, không đầu, không tay kia nữa… Sự suy sụp khiến ông buông bỏ hết thảy để mặc cho mình trượt dài trên hành trình bán linh hồn cho ma quỷ đi vẽ thuê vẽ mướn chỉ có ông mới biết lý do. Một lý do vô hình mà có nói ra cũng chả ai tin. Lý do về sự rạn vỡ hoàn toàn trong tâm hồn.
“Tôi có hỏi về anh nhưng cô ấy im lặng, vẻ như không còn nhớ gì nữa…”.
Đó là, đúng vào lúc vết thương trong đầu ông tái phát và nghề nghiệp của ông bị trục trặc nhất thì không hiểu sao, hình ảnh của Thủy và những kỷ niệm với Thủy cứ cồn cào trỗi dậy như một thế tương phản không thoát vùng ra được, cái dịu ngọt và điều nhức nhối, điều vĩnh hằng và cái nhất thời, cái thật và cái giả, đen và trắng… cứ đêm đêm giao tranh dữ dội trong tâm trí ông. Và hơn thế, khuôn mặt em hiện lên ở đầu giường sao lại rách nát, đẫm máu cùng với cái nhìn ai oán, trách móc và cả thương xót khốn khổ như thể
ông là người có tội thế này? Tội gì, ông thật sự chưa nghĩ ra. Ngày ấy, xa lắm rồi, sau lần dính miểng pháo găm vào sọ trước thời điểm xe tăng mang cờ Giải phóng húc đổ dinh Độc Lập có một ngày, ông phải trải qua một thời gian an dưỡng vật vã có lúc tưởng đã không gượng nổi kéo dài tới cả gần năm năm trời, ra trại, việc đầu tiên là ông lang thang đi tìm em ngay nhưng có tìm được đâu!
Tìm về mảnh đất châu thổ sông Hồng có những cánh đồng lúa tạo năng suất kỳ tích trong chiến tranh, nơi đã sinh ra em, hình như có một lần đã loáng thoáng nghe em nói vậy, có người bảo em đã chết, có người nói sau giải hình như cô ấy có tạt qua nhà một lần rồi từ đó đi đâu không ai biết nữa. Lại có người khẳng định em được đi du học nước ngoài rồi nghe đâu đã lấy chồng và ở hẳn bên đó. Nghe đâu… Hình như… Với dáng người tiều tuỵ, với cái đầu thỉnh thoảng lại cứ nhức tăng tăng như có ai gõ nồi niêu xoong chảo trong đó, ông còn tái tê vấp phải hàng đống những lời “Nghe đâu”, “Hình như” lạnh lùng như thế nữa, vấp nhưng vẫn hy vọng, càng vấp càng hy vọng, càng lặn lội đi tìm.
Chỉ đến khi vô tình gặp lại một người quen cũ vốn làm công tác tuyên văn trong binh trạm giờ đang giữ chức thứ trưởng thì ông mới đành hẫng hụt dừng lại. Người này sau khi lôi ông về nhà, tự tay nấu nướng đãi bạn một bữa cơm khá thịnh soạn có món măng rừng và canh môn thục đắng nghét, rồi sau khi đã nghe mọi lời khúc nhôi tâm sự của ông mới nói thẳng: “Khổ thân ông anh! Đừng tìm nữa. Mọi cái thay đổi hết rồi, không còn như cũ nữa đâu. Gần đây trong một hội nghị giáo dục tôi có gặp Thủy, cô ấy vẫn đẹp như xưa nhưng trong mắt có cái gì buồn buồn mà không tiện hỏi. Được biết cô ấy đã lấy chồng, mới lấy, một phó giáo sư tiến
sĩ vật lý điện tử học ở nước ngoài về, nghe đâu họ sống với nhau khá hạnh phúc, chỉ hiềm nỗi chưa có con”. Ông chợt thấy tức ngực: “Thủy… cô ấy có hỏi gì về tôi không?”. “Không - người bạn trả lời - trước đó tôi cũng có hỏi Thủy về anh nhưng cô ấy im lặng, có cảm giác như không nhớ nữa”. Đầu gối ông xuội xuống như vừa bị ai giáng một sống dao vào đó.
Lát sau ông mới cố vớt vát: “Họ đang sống ở đâu, vẫn ở quê hay ở Hà Nội, Sài Gòn, hoặc nước ngoài? Dù sao tôi cũng muốn gặp cô ấy một lần để nói rõ tất cả chứ không, lòng dạ áy náy lắm!”. Người bạn thứ trưởng lắc đầu: “Tôi cũng không biết, hội nghị đông người, nói dăm điều ba chuyện rồi chia tay, từ đó tôi cũng không gặp lại hay được tin gì về cô ấy nữa”.
Đã có chồng… hạnh phúc…
Thôi thế cũng mừng cho em. Miễn là em còn sống, em có chồng, em hạnh phúc là tốt rồi. Cũng coi như đã xong một kỷ niệm. Hậu chiến ngổn ngang, lòng người ly tán, em lại giỏi lại đẹp như thế, làm sao có thể chờ đợi được mà có biết cái thằng tôi chết sống ra sao mà chờ.
Hỏi về anh, có cảm giác cô ấy không nhớ gì nữa…
“Ừ nhớ làm gì? Làm sao mà phải nhớ? Có mỗi đêm ở bên nhau, đêm đầu tiên cũng là đêm cuối cùng, cuộc đời nhá nhem, có rồ mới nhớ, mẹ, lòng dạ đàn bà đều thế cả, lạ chó gì! Càng may, nhớ có khi thêm khổ. Chào nhé, vĩnh viễn chôn chặt nhé, giờ mới thật là hết, hết hẳn, hết nhẵn, cám ơn cái sự thật trần trụi đã phá vỡ trong tôi cái hào quang của sự giả dối, cái thằng đa tình luỵ nghĩa là tôi lại âm thầm trở về với công việc vẽ vời chán ngắt để tìm quên vậy!”.
Nhưng có vẽ được đâu. Nói là tìm quên nhưng lòng dạ
bỗng dưng đổ nát đến tan hoang, như con thú bị rút hết xương sống, như một thằng người bị phang một cú trí mạng vào giữa đỉnh đầu. Không biết tin gì còn nuôi hy vọng, khi biết đích xác rồi thì hy vọng cũng tan vào bùn. Choáng váng! Choáng váng đến độ cả một tuần trời ông không ra khỏi nhà, toàn trùm chăn nằm im, từ chối không tiếp bất cứ ai, kể cả người công an hộ tịch đến kiểm tra dân số.
Khoảnh khắc ấy, với ông dường như mọi cảm hứng sống, cảm hứng sáng tạo đều theo em tạt đi đâu hay bay vào hư vô hết rồi, ngày ngày nhìn vào bản vẽ như nhìn vào pháp trường rờn rợn màu xương xẩu trắng xác không có một chút xúc cảm nào. Thì ra, có đúng vậy không, hồi ấy giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, ông vẽ được nhiều thế, vẽ như nhập tâm nhập thần, vẽ cuồn cuộn, ý tưởng này chưa xong ý tưởng khác đã ập xuống, tất cả cũng là do em, là lấy cảm hứng từ con người em, từ tình yêu âm thầm với em. Giờ không còn em nữa, đôi cánh sáng tạo bỗng bị gãy gục, mọi sự vẽ vời giờ đây chỉ còn là dớ dẩn, là trò đùa của quỷ.
Đúng hơn, cái nhìn bí hiểm bên đầu giường của em đã đẩy đầu óc ông văng chìm vào sự giá băng của bản chất công việc, của cốt lõi tồn tại. Vẽ làm gì, vẽ cho ai trong khi điều thiêng liêng nhất là em và tình yêu của em trong cái đêm rừng tức tưởi ánh hoả châu đó lại không còn nữa, lại hiện lên oán trách như chính ông là người phản bội. Lấy chồng… Hạnh phúc… Phải chăng bây giờ em mới thật chết, chết thật sự trong ông.
Nhưng ông vẫn phải sống. Nước đời lắm nỗi, dạ dày réo gào, bệnh tật sinh sôi, miếng ăn còn chả đủ, tiền mua thuốc chả xong, ai hơi đâu mà thiết tha với cái cảm hứng trận mạc vốn ngày xưa được cho là niềm tự hào khôn nguôi của dân
tộc ấy nữa. Dẹp! Dẹp mẹ nó đi! Dẹp hết! Sống cái đã. Cứ cầm lấy cọ đã. Vẽ như là cái nghề, cái nghiệp, nghiệp chướng, vẽ để tồn tại, không vẽ thì không còn biết làm gì, vẽ để neo cái đầu trống rỗng của mình vào dòng đời, không vẽ chỉ còn cách ra sông nhảy ùm xuống, hoặc đập đầu vào tường mà chết, xong, chấm hết. Vậy thì vẽ, không còn cái đích thực thì chơi cái sinh nhai, đều là vẽ cả, thần thánh hoá nó làm mẹ gì cho thối ruột. Thế là bắt đầu buông bỏ, để mặc linh hồn rơi tự do xuống vực thẳm đen ngòm. Buông bỏ trong cái nhìn đàn bà vẫn khôn nguôi hiện lên oán thán, thương hại.
Và đó cũng là lúc ông bỏ rơi các bức tượng của mình. Ông không muốn chúng được hoàn thiện. Chúng phải thiếu một cái gì đó như ông đang thiếu trầm trọng đây. Một tâm hồn què quặt thì không thể cho ra những sản phẩm lành lặn được. Bằng suy nghĩ cực đoan nhuốm màu bệnh hoạn ấy, ông muốn các bức tượng đã được nung nấu thai nghén từ trong chiến tranh của mình phải chia sẻ nỗi mất mát, phải đồng dạng, đồng cảnh với ông tý chứ.
Còn gì nữa, ông cười gằn trong đêm: “Các chú muốn hoàn chỉnh trong khi cuộc đời chả hoàn chỉnh tý nào à? Không đâu, không có nhé, các chú bỏ xương bỏ máu, tôi cũng vậy, bỏ một cách say sưa và bản năng để mong có một cuộc đời hoàn chỉnh sau này nhưng nó chưa hoàn chỉnh thì tôi và các chú coi như nhiệm vụ chưa thành, coi như phải tiếp tục làm một điều gì đó nữa chứ chưa ngủ yên trên dĩ vãng được đâu. Tôi cứ tạm gọi sự thiếu vắng trên thể xác các cô các chú là một nỗi niềm khát vọng, khát vọng hướng thiện được không? Thì tạm thôi!”.
Nghĩ thì có vẻ sáng láng, vạm vỡ đầy chí hướng tích cực như vậy nhưng chính ông lại để cho linh hồn mình ngã dụi
trước. Tác giả ngã dụi trước tác phẩm âu cũng là chuyện bình thường, cổ kim vẫn thế. Vậy mới biết cú đánh hiểm hóc của tình cảm nó nặng đòn hàng ngàn lần hơn cú đánh của kẻ thù, của hoàn cảnh như thế nào, đúng không?
Để rồi như một quy luật hay chả có quy luật mẹ gì, trong nhà ngoài sân, các bức tượng phản ánh phong độ, khí thế và con người tráng sĩ hào sảng khi non nước lâm nguy một thời theo thời gian và dòng đời sôi sủi vẫn thiếu tay thiếu mắt, thiếu cả đầu.
Bước ra sân, đứng trước các bức tượng im lìm như âm binh của mình, ông thả rơi một tiếng cười nhạt thếch. “Chào các người anh em, chào các chiến hữu một thời gian khổ! Tha lỗi cho tớ cái tội đã làm cho các bạn trở thành khiếm khuyết này nhé! Mắt để làm gì? Tớ đang nhìn cuộc đời trái ngang, phi lý ngày ngày diễn ra nhỡn tiền kia bằng một cái nhìn mù loà nhá nhem, nhoà nhạt cho đỡ đau đầu thì các bức tượng, những đứa con tinh thần của tớ cũng nên mù loà theo, sáng ích mẹ gì?”.
Lọ mọ, ông nhặt cái đầu của bức tượng lính nằm chỏng trơ giữa sân, ngắm nghía vô hồn một chút rồi đặt lên cái cần cổ tơ tướp của anh ta. Rồi lại cười. Nửa cười nửa mếu đến khổ!
Ngoài kia mặt trời đã sắp đứng bóng. Oi ả, chả có tý gió nào, kiểu này chắc đêm nay sẽ có giông. Cái oi ả ngoại thành không bức bối bằng nội thành nhưng cũng bứt rứt, ngột ngạt không kém. Ông thất thểu đi trở lại phòng, định bóc một gói mỳ tôm ra bát đổ nước sôi vào thì cái tiếng bà chủ nhà đã xoe xoé ngay bên ngoài:
- Ông gì ơi, đã ăn gì chưa đấy?
Không có tiếng trả lời, bà ta bước hẳn vào, trên tay là một tô cơm còn nóng, trên phần cơm có lát cá kho, quả trứng
luộc, gắp rau muống xào cùng mấy lát cà muối xổi. Bà đặt tất cả xuống trước mặt ông:
- Có hai thay đổi cơ bản cho ông đây. Một là, từ nay tôi không gọi ông là bôi sĩ nữa mà gọi bằng họa sĩ, trong nhà có một họa sĩ thuê oách hơn bôi sĩ chứ. Hai là, từ nay tôi sẽ lo cơm nước, thuốc thang cho ông. Có thể tôi mang xuống và cũng có thể ông chịu khó lên chỗ tôi ăn là tiện nhất. Tiền nong tính toán sau. Cả tiền nhà nữa, chưa vội.
Ông há hốc mồm, nheo mắt nhìn lên như nhìn một phiên bản của bà ta chứ không phải là bà ta:
- Một sự thay đổi nằm ngoài tất cả các cặp phạm trù! Chắc có lý do? Và cả điều kiện?
- Chả có lý do và cũng chả có điều kiện gì hết. Mà cũng chả phải vì cái chân dung vớ vẩn ông vừa vẽ mà tôi thay đổi đâu. Hồi bắn Thần Sấm, Con Ma giặc Mỹ trên nóc cầu, thiếu gì người vẽ tôi, cả chụp ảnh tanh tách nữa kia. Tôi thấy… thương ông thì tôi chăm sóc thế thôi. Ông không thể cứ ăn mỳ tôm trừ bữa mãi thế được. Nhỡ có bề gì, người ta lại hỏi đến tôi, phiền lắm! Vả lại tôi cũng đang một mình, được chăm sóc người khác cũng là… hạnh phúc. Ông cười gì? Tôi nói trong sáng, cái đầu ông lại nghĩ bậy hả?
- Không, không... Tôi cười vì cảm động. Lâu lắm rồi tôi mới được người khác chăm sóc nên hơi bị sốc, bà thông cảm. - Ông đừng vì một lý do gì mà hận thù cuộc sống như thế, cuộc sống như con người, dẫu thế nào cũng vẫn có cái này có cái kia, ông cứ hận như vậy là chỉ chuốc khổ vào chính mình. - Ơ, nhưng bà lấy căn cứ gì mà nói tôi hận cuộc sống nhỉ? - Nhìn vào mắt ông thì biết, cứ tối như hũ nút, chỉ có người đang oán hận, đau đớn, vật vã mới có con mắt như thế. Ông cứ nghe tôi.
- Vâng, sẽ cố nghe theo bà. Nghe vì lòng tốt bất chợt của bà chứ không phải vì tôi.
Thấy ông họa sĩ lập dị chuyện trò đã có vẻ cởi mở hơn, bà hỏi thẳng:
- Này, hỏi khí không phải, thế vợ con ông đâu mà để ông một thân một mình vạ vật thế này?
- Vợ? - Mái đầu lởm chởm lắc lắc - Bà nhìn tôi thế này liệu có ai rồ dại mà chịu ở làm vợ tôi không?
Bà chủ nhà ngắm nghía ông từ đầu đến chân một lát: - Ừ, đúng là không ai thật. Nhìn ông kinh lắm, bẩn bẩn, điên điên thế nào ấy. À, ông gì này…
- Xin lỗi, tôi tên Linh, gọi thêm họ là Trần Hoài Linh cũng được.
- Ừ, ông Linh, tên hay phết nhẩy, tôi bảo này, ngày mai ông nên ra phố cắt tóc, gội đầu, cạo cái râu đi một chút. Mà thực ra không râu ria, không ăn mặc lôi thôi thì khuôn mặt ông cũng đâu đến nỗi, thậm chí khi ông cười còn có duyên nữa là khác.
- Cám ơn bà đã quá khen, một lời khen cũng lâu lắm rồi tôi mới được nghe.
- Ơn iếc gì! À, mà ông gì này… Quên, ông Linh, chiều nay lên chỗ tôi ăn cơm, tôi sẽ đưa cho ông mấy bộ quần áo ông nhà tôi để lại, vừa cái nào ông cứ lấy mặc, để lâu nó cũng mủn ra.
- Tức là ông nhà…
- Mất rồi. Đột quỵ. Ngày xưa là dân lái xe Trường Sơn, bị thương vào đầu, lười, không đi chữa trị, thế là đột quỵ cái, đi luôn.
- Tôi xin lỗi và thành thực chia buồn!
- Thôi, ông ăn đi cho nóng, tôi cũng phải chạy ù ra chợ cái
đây. Cánh sinh viên chúng cũng đang đề nghị tôi nấu cho chúng nó ăn luôn, kể cũng tội. Học suốt ngày đêm mà ăn uống chả có gì.
Bà ta nhìn nhanh vào mặt ông một cái rồi đi ra. Một cái nhìn là lạ mà từ ngày thuê nhà, ông chưa thấy bà nhìn bao giờ.
M
BA
ới sáng sớm, mấy tay thuê vẽ quảng cáo đã đến đòi nhận hàng nhặng xị cả lên. Toàn những biển hàng biển hiệu chỉ cần trình độ sơ cấp cũng xong vậy mà vẫn có đứa chu mỏ lên ỏng eo chê nọ chê kia, nào là màu tối quá, nét chữ khô quá, thiếu chất “phăng-tơ-ri” bay bổng mẹ gì đó, rồi bố cục chưa có điểm nhấn. Mẹ, cái đầu sặc mùi hàng xén của chúng mày biết cái đếch gì về bố cục với chả điểm nhấn? Với loại con buôn trọc phú không hiểu từ đâu mà nảy nòi ra như rươi chỉ có màu sắc đồng tiền là hoàn hảo nhất này, mọi sự cắt nghĩa, tranh luận, phản biện đều trở thành vô ích, tốt nhất là cắm mặt vẽ lại, chỉnh lại còn nhanh hơn.
Nhưng cũng có đứa tỏ ra biết điều, am hiểu hơn lại hít hà đẹp quá, thẩm mỹ quá, chỉ mấy nét thôi mà lên hết thần hết thái, tiếc nhỉ, đáng lẽ với bàn tay này cụ có thể làm được những cái gì ra tấm ra món hơn, bao nhiêu hả cụ, tiền ấy, công ty tụi con còn nghèo, mong cụ nới tay cho…
Mẹ, thà nó cứ chê mẹ nó đi còn dễ nghe hơn, khen để nói thế này thì còn khốn nạn hơn: “Tuỳ chú, bao nhiêu cũng được”. Rơi vào những trường hợp này, ông thường có câu trả lời trễ nải như thế. Mà đúng là tuỳ thật. Vừa vẽ vừa tự khinh mình, đến khi nhận mấy đồng bạc còm còn tự khinh hơn, khinh cả đứa đưa tiền vậy thì đôi co mặc cả làm gì cho thêm nhục. Và phải chăng chính vì cung cách lơ đãng như kẻ khinh tiền đó mà ông có khá nhiều đơn đặt hàng. Nhiều đến
nỗi lắm khi ông phải miễn cưỡng từ chối. Chỉ có điều chúng đặt thì nhanh nhưng trả tiền lại thường chậm cho nên ông phải thường xuyên muối mặt với bà chủ nhà như vậy.
Cũng như sáng nay, một buổi sáng lập đông se lạnh, sau một hơi thuốc lào thấu đến tận xương tuỷ, khoác thêm chiếc áo bộ đội sờn rách, hôi rình, lại lụi cụi với vẻ không mấy hứng thú nhỏ thêm vài giọt thuốc sáng mắt tay Vinh đưa cho chưa thấy có tác dụng gì, thậm chí còn loà nhoà hơn, ông bỗng cảm thấy trong người hơi ơn ớn, giống cái ơn ớn ở chiến trường khi sắp có một điềm báo gì đó bất thường sắp xảy ra như lũ quét, bom giội, biệt kích luồn vào chẳng hạn. Ông phì ra một tiếng: “Điềm mẹ gì, chiến tranh đã lùi xa hơn hai mươi năm rồi làm gì có điềm điếc vào đây nữa. Chẳng qua là bây giờ toàn thân ọp ẹp, như cái hàn thử biểu, chỉ cần trái gió trở trời một tý là cũng đủ ớn lạnh xương sống ngay”.
Nghĩ thế, ngáp một cái rõ to, ông quyết định làm cái động tác pha màu chán ngắt để nghí ngoáy nốt mấy cái biển hội nghị, cái quán thịt chó, thịt lợn mán xách tay… Đang vẽ dở kia cho xong thì bất chợt sau lưng ông vang lên một tiếng gõ cửa rụt rè. “Mẹ, lại khách đến lấy hàng hay đặt hàng đây!”.
- Cứ vào, cửa không đóng! - Ông nói hắt ra, không quay lại.
Cửa mở khẽ. Một vệt sáng theo gió lạnh lùa vào. Nhưng vẫn im lặng…
- Ai đấy?... Có gì không? Chưa xong đâu.
Ông vẫn không quay lại. Và đằng sau ông vẫn không có một tiếng nói nào. Lấy làm lạ, ông khẽ xoay người nhìn ra… Trong cái nhìn như có sương mù che phủ, lại trong cảnh tranh tối tranh sáng, ông nhận ra đó là một người đàn bà trung tuổi, dáng cao, gầy, ăn vận lịch sự, nước da hơi tái, đầu
trùm khăn mỏng, đeo kính mát nhẹ, đang đứng lặng nhìn ông… Ông cũng nhìn lại, vô cảm, chả hiểu gì.
Giây lâu, bà mới cất giọng, một cái giọng chìm nghỉm, ngột ngạt, run run như vang lên từ dưới đáy vực: - Dạ, chào ông…
- Không dám, chào bà! Hình như tôi chưa gặp bà lần nào? - Dạ… Tôi đến đây lần đầu.
- Vậy xin lỗi, bà hỏi ai ạ?
- Tôi hỏi ông Linh.
- Linh nào ạ?
- Hoạ sĩ… Trần Hoài Linh.
- Vâng, Linh thì có nhưng họa sĩ thì không, qua rồi thưa bà.
Trả lời vậy, ông nghĩ bà khách sẽ xin lỗi và cáo lui nhưng không, tiếng nói của bà ta vang lên rành rẽ hơn: - Có thể qua với ông nhưng không qua với mọi người, xin lỗi ông!
Ông khẽ rùng mình như vừa có một giọt gianh chui vào cổ nhưng liền đó lại cười nhẹ:
- Vâng, thì cứ tạm cho là thế, mời bà ngồi…
Ông kéo cái ghế loang lổ màu sắc từ góc phòng ra, lấy tay phủi qua màng bụi bám trên bề mặt, ngượng ngập đặt trước mặt khách.
- Cám ơn ông! - Bà ngồi xuống, khẽ đưa đôi mắt mệt mỏi sau lần kính nhìn quanh phòng, nén một tiếng ho - Ông sống thế này ư?
Người bất đắc chí thường hay chạnh lòng, chạm đến đời sống riêng tư hay chạm tự ái, quái, con mẹ như con ốm dở này là ai mà hôm nay dám đến đây tỏ ý thương hại mình thế nhỉ?
Ông hạ đít ngồi xuống mép giường, lạnh giọng: - Nào, tôi có thể giúp được gì, thưa bà?
- Tôi muốn đặt vẽ một bức chân dung.
Giọng bà khách cũng lạnh không kém khiến ông suýt phì cười:
- Chân dung?
- Vâng, chân dung.
Ông sẽ cười phì ra thật nếu như không kịp giả vờ cúi xuống nhặt một cái chổi lông lên.
- Xin lỗi, có lẽ bà gõ nhầm cửa rồi. Đây, bà xem, xung quanh tôi toàn những biển hàng biển hiệu sặc mùi mua bán, ẩm thực chứ có bức chân dung chân diếc nào đâu.
- Tôi hiểu - Bà khách lại nén một tiếng ho nữa - Nhưng tôi được nghe người ta giới thiệu trước đây ông là một họa sĩ danh tiếng và là một bậc thầy về vẽ chân dung.
Đến đây thì không nhịn được nữa, ông ngửa cổ nhìn lên cái trần nhà nứt nẻ, cười hấc lên một tiếng như bị hóc xương: - Bậc thầy! Cám ơn bà đã nhắc với tôi về một quá vãng đã lùi xa nhưng bây giờ nó chỉ còn là một điều xa xỉ, không có thật.
- Nhưng lúc này ngồi trước tôi, con người ông vẫn hoàn toàn là thật.
Lại như có một giọt gianh nữa chui vào cổ, buốt lạnh hơn, lần đầu tiên ông chú mục nhìn bà… nhưng chả phát hiện thêm được gì, vẫn mờ mờ mịt mịt. “Bố tiên sư khỉ, thuốc với thiếc, Mỹ với chả Mẽo, chả có tác dụng mẹ gì, mà với ba cái đồ quảng cáo lăng nhăng này việc gì phải bày đặt sáng với tối kia chứ”.
- Nhưng xin lỗi… bà là ai?
Bà khách hơi quay mặt nhìn ra sân, nơi có những chiếc lá
vàng bắt đầu chao rụng, lần này thì tiếng ho thoát ra khỏi lồng ngực tạo nên một âm thanh yếu ớt:
- Một người đã có thời kỳ hâm mộ ông. Và lúc này đang cần đến ông.
Lâu nay ông vốn sống khép kín, khép đến lập dị, khép đến nỗi đã có biết bao lời đồn đoán quái quỷ về ông, ông thây kệ, càng khép, chả thích tâm sự tâm tình với ai, ngay cả với người bạn chiến đấu thân thiết duy nhất còn lại là giám đốc Vinh cũng vậy, nhưng hôm nay không hiểu sao, do giọng nói buồn buồn thoáng vẻ xa vắng gợi lên cảm hứng giãi bày kia hoặc do chính tiếng ho tội tình bị nén lại của bà hoặc cũng chả do cái gì cả, tự nhiên nó thế thôi, ông bỗng như tìm được một chỗ để hứng để đựng những điều bứt rứt đang ung mủ trong đầu, người họa sĩ giơ hai tay vẻ chán nản:
- Chắc bà khinh tôi lắm? Vâng! Không ai có thể mài cái hâm mộ phi vật thể đó ra mà ăn mãi được đâu thưa bà. Chúng tôi cũng là con người, cũng cần phải sống, cần phải có cái tọng vào dạ dày trong khi càng nghiêm túc, càng đau đáu với nghề thì càng đói, thiên hạ càng dửng dưng. Vâng, tôi thà đi vẽ quảng cáo thế này còn hơn cho ra những bức tranh chỉ lo chiều theo thị hiếu của một số người rửng mỡ hay của cánh trọc phú học làm sang.
Ngược lại với cái giọng gay gắt ấy là một tiếng trả lời thật dịu:
- Tôi hiểu, cho nên tôi mới đến đặt ông một bức chân dung.
Bị kéo xếch về hiện thực, ông có vẻ bực mình, xổ ra cả tràng:
- Chân dung ai? Có phải lại là một đại gia, một tỷ phú hay một chính khách mới phất? Và với bà người ấy là ai? Bố mẹ,
chồng, con, bè bạn hay… người tình?
- Không, chân dung tôi.
Đôi mắt đục cùi nhãn trợn tròn:
- Bà?
- Vâng, tôi. Có gì không ông?
- Không… - Ông cười ngượng ngập - Chỉ là vì tôi thấy bà… Mà thôi, xin bà có thể cho biết lý do?
- Bên nhận đặt hàng không bao giờ nên hỏi lý do của bên đặt hàng cả. Miễn là sòng phẳng.
Ông bật một tiếng cười khẩy:
- Sòng phẳng? Bà nói năng nghe ra cái mùi thị trường tanh lợm lắm nhỉ trong khi con người bà thì… xin lỗi… hình như không có tý thị trường nào, thậm chí còn ngược lại. - Ý ông nói tôi là người cổ?
- Đấy là bà nói.
Bà khách thoáng nghiêm mặt:
- Tóm lại ông có nhận vẽ giúp không ạ?
Ông cũng nghiêm mặt:
- Câu trả lời là không!
Im lặng, ngột ngạt… nghe rõ được cả tiếng con chim nào kêu chíu chít ngoài vườn.
Giọng bà khách hơi chùng xuống:
- Nhưng nếu tôi nằn nì? Nếu cần kể cả xin xỏ?
- Câu trả lời vẫn không thay đổi. Không, thưa bà! Người đàn bà tháo khăn, để lộ một khuôn mặt có những đường nét thanh thoát, khá đẹp nhưng có phần xanh xao, tiều tuỵ. Nhưng người họa sĩ không nhận ra được những sắc thái ấy. Đôi mắt không hiểu còn được mấy phần mười của ông không cho ông nhận ra rạch ròi bất cứ cái gì trong quầng ánh sáng mờ ảo này. Như để chấm dứt câu chuyện, ông quay
lưng đi đến chiếc điếu cày được làm bằng i-nốc đã xỉn màu. - Vậy tôi chỉ còn một cách.
Bà khách đột ngột lên tiếng:
- Cách gì thưa bà? - Ông hỏi với vẻ thách thức.
- Đơn giản: Tôi sẽ ngồi lỳ ở đây một tuần, một tháng, thậm chí là một năm… cho đến khi ông nhận lời.
Người họa sĩ quay lại, nhìn chết trân vào bà khách giây lâu…
- Tôi hy vọng rằng đây chỉ là câu nói đùa của một người thích cợt nhả?
- Vào tuổi này, chắc ông hiểu, người ta không còn thích cợt nhả nữa.
Nhìn vẻ mặt cùng với giọng nói đanh đanh kia, ông hiểu rằng con người này không nói đùa thật. Bối rối, ông lóng ngóng đưa điếu cày lên miệng, bật lửa… nhưng quên nhồi thuốc, lại bỏ xuống, nhăn mặt:
- Nhưng tại sao cứ phải là tôi trong khi còn có biết bao những họa sĩ vẽ chân dung tên tuổi khác đang sống nhan nhản ở cái thành phố này?
- Tôi không biết ai cả và dù có biết thì tôi cũng chỉ tin ở ông, một mình ông. Còn hỏi vì sao thì chính tôi cũng không biết.
Như bị dồn đến bước đường cùng, người họa sĩ đứng dậy nheo nheo mắt nhìn ra khung cửa sổ lặng phắc giây lâu… Khoảnh khắc ấy ông không hề hay biết rằng, sau cặp kính, ánh mắt bà khách cũng đang hút chặt lấy toàn bộ cái hình hài xiêu vẹo, lòng khòng, gù gật, khổ não của ông, một ánh mắt thật buồn, thật xa xót. Rồi bà bật nhẹ một tiếng ho. Tiếng ho không to, không dài, không thành cơn nhưng sao nghe như có tiếng nấc chìm bên trong.
Chính cái âm thanh tắc nghẽn đó đã khiến ông quay lại, nét mặt có chút đổi thay.
- Bà vừa bảo sẽ ngồi lỳ ở đây một tuần, một tháng, một năm nếu tôi không nhận?
- Vâng!
- Kể cả trường hợp tôi bỏ đây mà đi?
Tiếng nói vẫn không thay đổi:
- Vâng!
- Tôi chưa thấy ai có tiếng “vâng” kinh khủng như bà. - Vâng!
Một tiếng thở phù như tiếng khè của rắn hổ đã chán ngấy con mồi:
- Bà không còn có từ nào để biểu thị sự đồng thuận thay cho tiếng “vâng” cứ như thuốn vào tai thế à?
- Vâng! Có thể ông tự khép kín mình lâu quá nên không nghe được những tiếng nói khác mình đó thôi. Bất lực và chán nản, miệng ông lại phì ra tiếng nữa nhưng có phần nhẹ hơn:
- Bà có thể giúp tôi bỏ cái kính mát ra được không? Bà đang ngồi trong nhà.
Bà khách bối rối đưa tay lên gọng kính rồi lại ngần ngừ bỏ xuống:
- Xin lỗi! Tôi bị đau mắt đỏ, sợ lây qua người nói chuyện. Nhưng nếu ông cần, tôi cũng bỏ.
Bà khách quyết định tháo kính để lộ một đôi mắt trũng sâu, mệt mỏi, trống vắng, không ánh sáng mà cũng không bóng tối, mờ mờ, ảo ảo. Dường như không chịu nổi cái nhìn vô hồn nhưng đa chiều ấy, ông xua tay:
- Thôi, đủ rồi!
Bà khách lại bình thản đeo kính vào, trở lại giọng nói cũ:
- Cám ơn ông! Còn cái việc tôi nhờ ông?
Người họa sĩ bất giác giơ hai tay lên ngang đầu như quy hàng:
- Thôi được! Nếu bà đã cố tình như thế thì tôi nhận nhưng cũng xin báo trước, đúng theo giọng thị trường: Nhận nhưng giá không rẻ đâu.
Thoáng một nụ cười trên khuôn mặt héo hắt:
- Nghệ thuật đích thực không có giá. Tiền nong ở đây không thành vấn đề. Tôi chấp nhận.
Đôi mắt kèm nhèm của người họa sĩ ánh lên một chút khiêu khích:
- Bà định bao nhiêu mà chấp nhận?
- Đủ để ông có thể sống ung dung cho đến khi hoàn thành nó. Sáu tháng, một năm, hai năm, có thể ba năm, tùy. Người họa sĩ gần như thả thõng người xuống ghế: - Hả, cái gì?... Bà nói cái gì?
- Xin lỗi, tôi đã nói rồi và không muốn nhắc lại nữa! Hoạ sĩ lại đứng bật dậy, và lần này thì ông có vẻ cáu thật sự:
- Bà hợm mình quá đấy! Một người như bà mà bà nghĩ tôi có thể bỏ ra cả sáu tháng, một năm trời chỉ để hình thành một khuôn mặt ư? Xin lỗi nhé!
- Xin ông cứ ngồi xuống! Vào cái tuổi này, tôi thiết nghĩ chúng ta nên tránh những xúc động không cần thiết. Là tôi cứ nói ví dụ vậy chứ làm sao tôi biết được cái công việc bí ẩn và phức tạp của các ông cần một khoảng thời gian bao nhiêu cho một bức chân dung!
- Nhưng bà nghe đây - Ông phóng cái nhìn lạnh lẽo thẳng căng vào khuôn mặt bà - Nếu tôi có nhận thì đó không phải vì tiền, vì cái hợm mình khó chịu của bà mà từ chính thái độ
như là thách thức của bà. Và xin lỗi, cả tiếng ho khốn khổ cố nén của bà nữa.
Giọng bà khách hơi nghẹn lại:
- Tôi chờ nghe câu này từ lâu rồi, cám ơn ông!
- Xong - Người họa sĩ khoát mạnh tay - Giờ bà chỉ cần để lại một tấm ảnh mà khỏi ngồi làm mẫu. Thần thái của bà từ nãy đến giờ tôi đã nắm bắt đủ rồi.
- Thần thái? Nói vậy có sớm quá không, thưa ông? - Tuần sau bà có thể đến lấy hàng.
Ông thực sự đã muốn kết thúc câu chuyện.
- Tuần sau?... Tôi e rằng vẫn có cái gì hơi vội.
Vẫn câu nói rất dễ khiến người khác nổi điên.
- Vội hay không là ở như tôi, câu hỏi này không thuộc về người đặt hàng, bà hiểu chứ?
- Vâng, tôi xin lỗi! - Bà khách cúi xuống rút từ túi xách ra một tấm ảnh cỡ trung đặt trước mặt ông - Ảnh đây ạ! Tôi mới chụp trước khi quyết định đến đây.
Người họa sĩ cầm lên nhìn qua rồi đặt xuống:
- Phụ nữ khi muốn có một bức chân dung thì thường đưa ảnh hồi trẻ, riêng bà lại đưa tấm ảnh này.
- Tôi muốn cái gì là thật thì nó cứ mãi mãi là thật. Mọi sự làm khác đi chỉ làm cho nó giả thêm.
Bà khách lại cúi xuống lấy trong túi ra một gói giấy nhỏ màu xanh đặt lên bàn:
- Giờ tôi mạn phép đặt trước một ít để ông có thể tập trung vào công việc mà khỏi bận tâm sang những chuyện khác. - Bao nhiêu đấy? - Ông buột miệng hỏi.
- Dạ, một trăm năm mươi triệu. Đây chỉ là một phần ba tạm ứng ban đầu, xong, tôi sẽ xin đưa nốt.
Ông thoáng nhìn gói tiền rồi lại nhìn lên khuôn mặt bà,
ánh mắt thoáng tối sẫm lại:
- Không cần, thưa bà. Mặc dù với số tiền này, tôi có thể hoàn thành được một bức sơn mài khổ lớn hoặc có thể đủ sống vài năm. Xin lỗi, đám làm nghề chúng tôi dẫu có chết đói cũng không thể làm thằng ăn mày. Xin bà cầm lại!
Bà khách lắc đầu:
- Thì chúng ta vừa thống nhất với nhau là phải sòng phẳng. Sòng phẳng và ăn mày là hai cái khác nhau. Mong ông nhận cho.
Không để cho chủ nhà nói thêm được câu nào nữa, bà đứng dậy, quấn lại tấm khăn mỏng che nửa mặt, tiếng nói bỗng như không thoát ra được, nó tụt sâu vào trong cổ: - Cứ thế nhé! Chào ông… tôi về.
Nói xong, bật ho một tiếng yếu ớt, bà xoay lưng bước ra cửa luôn, bước đi vấp váp, xiêu xiêu như người quáng nắng. Ra đến sân, bước chân bà chậm lại… chợt dừng, đứng lặng phắc giây lâu rồi như chẳng thể đặng đừng, bà khẽ quay đầu nhìn lại người họa sĩ già, mắt hun hút như nhìn đi đâu xa lắm nhưng cũng gần lắm rồi mới khuất mình trong ngõ nhỏ um tùm cây lá. Bước chân vẫn xiêu xiêu, thỉnh thoảng lại vấp.
Đứng trên bậu cửa, nét mặt khinh khỉnh và thoáng chút tò mò, người họa sĩ già dụi mắt, hấp háy nhìn theo như nhìn một ảo ảnh không có thật nếu như thi thoảng từ đó không có một tiếng ho đàn bà rơi lại.
Cười khan một tiếng, ông trở vào phòng, cầm tấm ảnh lên xem. Một khuôn mặt giống như khuôn mặt vừa rồi, cùng trang tuổi ấy nhưng tươi tắn, trẻ trung hơn tý chút. Mẹ, ông bật ngón tay búng vào tấm ảnh đến tách một cái, cái mặt này mà đòi một năm, hai năm, ba năm ư? Một ngày, cùng lắm là
hai ngày, ba ngày thôi bà bạn đáng quý có nét buồn ốm yếu ạ! À, mà bà bạn có đôi mắt cũng ghê đấy, đôi mắt biết nói, đôi mắt hướng vào trong nhưng kệ, đôi mắt ấy có biết cười hay biết khóc đi nữa thì cũng chỉ… ba ngày. Đúng là nhiều tiền rửng mỡ, già cóc đế rồi mà còn chân với chả dung. Khùng!
Giây phút ấy ông không biết rằng, ngoài đường nhựa, trước khi bước lên một chiếc taxi đã chờ sẵn, người đàn bà còn dừng lại, ngước mắt nhìn về cái mái ngói phòng ông một lần nữa, nhìn lâu lắm, như nhìn lần cuối cùng rồi mới rút khăn chấm nhẹ vào mắt, lặng lẽ bước lên xe.
BỐN
Đ
êm qua cơn đau đầu khi dữ dội lúc âm ỉ đã khiến cho lão không chợp mắt được chút nào. Trong bóng tối ngột ngạt, lão đã nghĩ đến cái chết, chết để giải thoát. Chết thế nào ư? Quá dễ, một vốc seduxen, một gói bả chuột, một liều thuốc sâu, một cú đập đầu vào tường, một phát nhảy cầu hay một trò treo cổ lên xà nhà là xong nhưng lão lại không dám, nói đúng hơn cái hợp đồng vẽ chân dung ma quỷ kia đã giữ lão lại. Giữ lại để hành hạ cho thân xác, linh hồn lão
lên bờ xuống ruộng chứ không dễ dàng trốn chạy được. Khi lão thiếp đi được, tỉnh dậy thì trời đã chuyển sang chiều. Mây đen vần vũ. Gió thổi xao xác qua mảnh vườn hoang báo hiệu trời sắp có giông. Gió đánh tơi tả những bộ đồ lót con gái nồng nồng, ngầy ngậy trên dây phơi bên khu nhà trọ sinh viên như sắp sửa bật bung lên tận trời. Ngoài mặt đường, một vài bóng người đi bộ, đạp xe hối hả lướt qua, giống như những con chim già sau một ngày tần tảo kiếm mồi giờ bay nhanh về tổ của mình để rồi sáng sớm mai lại lặp lại cái quy trình vô nghĩa đó. Chém cha cái sự đời vô vị! Đó là nói theo cách nói của ông họa sĩ bất đắc chí, thi thoảng cứ phải chửi hắt lên một câu như thế vào không gian nó mới thông khí chứ người có cái đầu bình thường thì chả ai mất công đi chửi tung toé lên như vậy cả.
Bởi chỉ vì một lẽ đơn giản, đơn giản ngoài sức hình dung của lão, đó là đã một tuần trôi qua rồi mà bản vẽ chân dung
về người đàn bà đó vẫn chưa xong, thậm chí có nhiều khả năng không xong, không thể xong, càng vẽ càng rối rắm, càng căn chỉnh càng nhập nhèm. Mặc dù căn phòng của lão lúc này đã không còn những biển hiệu cao thấp, xanh đỏ tím vàng sặc mùi hàng họ dựng đầy ở chân tường mà thay vào đó là một giá vẽ có tấm toan căng rộng kê ngay bên cửa sổ để hứng ánh sáng, trên tấm toan là tấm ảnh chụp khuôn mặt của người khách lạ để lại được gắn vào một góc, và phía dưới là bức chân dung đã vẽ được già một nửa, chỉ còn thiếu đôi mắt. Mà đôi mắt mới là toàn bộ cái thần của một khuôn mặt. Khốn nạn, chính cái đôi mắt vừa vô hồn vô cảm vừa tinh ranh quỷ quái, vừa khinh bạc vừa thách thức, vừa nóng vừa lạnh này đã hành hạ lão suốt bao nhiêu ngày nay! Mới nhìn thì tưởng bình thường, ừ thì cứ cho như là nó biết nói, là hướng nội, là có trăm điều giằng xé bên trong đi, giằng thế này chứ có giằng nữa thì với lão, chỉ phảy dăm phát là ra vậy mà chẳng những không ra, thậm chí nó còn tụt lại, biến mất, mờ nhoà, tan biến như ma trơi, như trốn chạy. Mà lão lại không thể là kẻ qua loa, tắc trách, tặc lưỡi cái cho xong. Thì thử nhìn kia, cả một đống những tấm toan bị xé đi, vò nát, vo viên đang nằm bừa bộn dưới chân giá, dưới chân lão đây này, nằm lẫn lộn với những vỏ mì tôm quăn queo cùng những xác chai nước suối Lavie cạn đáy đã là một bằng chứng khốn khổ không thể chối cãi được. Căng lên, xé đi, rồi lại căng, lại xé… Mẹ, hầu như cả tuần nay lão chỉ làm được nhõn một việc căng và xé như vậy.
Quăng bút, thở phì phựt, lão bật người nằm ngửa ra giữa nhà, mắt lơ đãng nhìn lên cánh tủ khép hờ, nơi lão ném cái gói tiền vào đấy, dưới những cuộn tranh cuộn giấy, gói tiền mà từ lúc bất đắc dĩ nhận nó, lão chưa đụng đến lần nào. Mẹ,
lão tự trách, sao già mà ngu, đang không lại đi cầm một đống thế này rồi mang vạ mang nợ vào thân! Mà thực ra cũng không phải vì nó, cầm rồi trả, trả nguyên vẹn thì ai bắt vạ được nhưng tự trong sâu thẳm tâm can lão, có một cái gì như sự tự ái trồi lên, sự tự ái của nghề nghiệp, cái nghề nghiệp mà đã lâu lắm rồi, như bà ta nói, cũng đã tạo cho lão một danh xưng, một tên tuổi không đến nỗi nào, thậm chí rất tiếng tăm. Tiếng tăm mà chịu cái mắt của con mẹ này à? Không nhé, còn lâu nhé!
Nghĩ thế lão lại bật dậy, nói đúng hơn một chút lửa còn cháy lom dom trong cái đầu đã khô hạn của lão buộc lão không thể ngồi yên, càng không thể chịu thất bại. Lão phải vẽ được, vẽ kỳ được, lão phải thắng, thế thôi chứ không phải vì ba cái đồng tiền tanh tưởi kia mặc dù nếu có nó, cuộc sống của lão sẽ đổi thay sang một trang khác sạch lành, ung dung tự tại hơn rất nhiều. Vẽ xong, lão sẽ nhất quyết trả lại cho bà ta đủ số tiền ấy không thiếu một xu với câu nói đã nhẩm sẵn trong đầu: “Bà cầm về đi và nên nhớ, ở đời không phải cái gì cũng dùng tiền mà mua được, chào bà!”.
Lão vẫn nằm ngửa, xương sườn xương ngực nhô lên như xác ướp. Lão nhắm mắt rồi lại mở mắt. Mẹ, lại tấm ảnh đàn bà bằng bàn tay đập chát chúa vào mặt lão. Đôi mắt trong ảnh không hiểu do nắng chiếu vào hay do chính từ nó hắt ra mà ánh lên một chút như bỡn cợt, như mai mỉa: “Ông lại tiếp tục à? Khổ thân ông! Tôi biết con người ông không dễ bỏ cuộc đâu ông bạn già ạ! Nào, khắc đi khắc đến, cố gắng lên!”.
Khỏi phải nhắc nhở, lão cười gằn: “Cờ bạc ăn nhau về sáng, đây là canh bạc đời, cũng là trận chiến của tôi mà bà là đối tượng tôi phải xoá đi bằng mọi giá thưa bà, bà cứ chờ đấy”. Như có một làn hơi nóng thổi mạnh trong từng thớ
thịt, lão bật ngồi dậy, vớ lấy cây bút, quết tý màu, lại chấm chấm quệt quệt vào đôi mắt đang vẽ dở. Điểm chấm lúc mờ lúc tỏ, đôi chân lẻo khoẻo của lão lúc lùi ra lúc tiến vào, khi ngập ngừng khi xăng xái khi lại dừng sựng, và lại bôi lại xoá, lại thêm tý này bớt tý kia nhưng rồi, như một trò đùa mộng mị, đôi mắt ấy vẫn cứ đơ ra, không hồn không vía, cạn queo, bạc phếch, trống rỗng, thật khác xa với đôi mắt trên tấm ảnh.
“Mẹ! Sao ấy nhỉ?”. Lão lại hạ lưng nằm xuống, mồ hôi vã ra, gò má tái nhợt như đang lên cơn sốt rét ác tính giữa rừng già. Rõ ràng là lão đã huy động, vận dụng tất cả các nguyên lý hội họa và thủ thuật cơ bản vào trong bức chân dung này rồi kia mà? Thì quanh quẩn cũng chỉ có vài thứ: Trắng đen, xa gần, đậm nhạt, sắc nét, làm mờ, thần thái trước, khuôn viền sau… huy động ráo, vốn rõ như ban ngày ai chả biết, rất a bê xê, sinh viên chưa ra trường nó cũng xử lý được, vậy mà… Bàn tay lão cứng đờ, những ngón tay bỏng buốt như không phải là ngón tay của lão mà là tay của một kẻ khác không biết một chút hội họa nào lắp vào. Lão định lái nó sang phải thì nó lại chệch sang trái, lão định đưa nó sang trái thì nó lại truội sang phải, lão định chấm một chấm sáng nhỏ ở con ngươi thì nó lại thành một con nhặng xanh nằm chình ình không chuyển động. Thậm chí có lúc lão vất cọ, chỉ dùng một nét chì đen thật mềm xem thử, cũng không ăn thua. Cọ hay chì hay ngay cả bút sắt, tất cả những chi tiết, đường nét trong khoé mắt, con ngươi, mi mắt, lòng trắng, lòng đen ấy cứ như là một trò đùa nhả, bí hiểm, nhảy múa, bồng bềnh, phồng dẹt liên tục bắt ngọn bút lão trượt đi, sa vào những điểm không định trước.
Chưa hết, lão tiến đến trò cuối cùng là thử chơi kỹ thuật truyền thần - điều mà những họa sĩ chuyên nghiệp không
bao giờ cho phép mình mó máy vào. Lão truyền thần kỹ càng, tỉ mỉ không để thiếu một nét nào dù là li ti nhỏ nhất trong ảnh. Truyền thần xong, lão chửi tục một tiếng rồi xé ngay: “Mẹ, rõ ràng là như bản sao, như chụp ảnh, còn hơn cả chụp ảnh mà vẫn không ra, thậm chí đôi mắt còn cạn cợt, ráo hoảnh hơn. Thế là thế nào nhỉ?”. Vậy thì dùng thủ thuật vẽ bằng ký ức cái đôi mắt, ánh nhìn vào giây phút bà ta tháo kính ra coi có khá hơn không, cái thủ thuật mà đồng nghiệp lâu nay vẫn hằng ngưỡng mộ lão, một thủ thuật mang tính nghệ sĩ và tay nghề cao nhất. Cũng xôi hỏng bỏng không! Lần này thì lão không chửi nữa mà hộc lên một tiếng như con thú bị đuổi cùng đường: “Trời ạ, đôi mắt ấy không những chỉ cạn cợt, ráo hoảnh mà còn tối sầm, nhợt nhạt chả có một chút sắc thái nào. Thế là hết. Cả cơ học lẫn trí tưởng tượng đều bó tay trước cái vật thể gọi là mắt ấy thì chỉ còn cách… con lạy mẹ!”.
Đau đớn và bất lực, lão lại ném mạnh cây bút lông xuống đất, mặc cho mấy giọt màu bắn túa nhem nhuốc như cứt gián đậu trên tường. Khốn khổ, đây là cây bút không biết thứ bao nhiêu cùng chung số phận này rồi.
Tu một hớp rượu, khà một tiếng, mùi rượu hắc như mùi bả chuột, lão lết đến, dựa lưng vào tường, duỗi chân, thõng tay như một thứ hình nhân thế mạng, mắt nhắm lại… Giây phút đó lão cảm thấy rõ ràng người đàn bà kia từ bức ảnh tách ra, bước xuống, ngồi trước mặt lão, vẫn khuôn mặt và cái cười bí hiểm: “Để ông có thể sống ung dung cho đến khi hoàn thành nó… Một tháng, một năm, hai năm, ba năm, tuỳ”.
Câu nói từ cặp môi heo héo ấy bay ra, vang lộng, xoáy buốt, lan toả, lèn chặt làm cho thân hình và nét mặt lão rúm lại, bẹt xuống. Rồi vẻ như không chịu nổi cái âm thanh kinh
dị ấy, lão bật dậy giật mạnh bức tranh đang vẽ ra, xé nát, vo viên, ném xuống đất nằm chung với cả đống vo viên khác. Duy chỉ có tấm ảnh người đàn bà đính ở góc trái giá vẽ là vẫn lặng lẽ nhìn xuống lão, bình thản, xa cách, không rõ ràng…
Lần này thì vẻ như không còn chịu nổi cái nhìn ấy nữa, lão đã định bật dậy giật tiếp bức ảnh xuống xé nát rồi muốn ra sao thì ra nhưng rồi có một cái gì đó từ bên trong vô hình cản lại nên lão vẫn ngồi, trừng trừng nhìn găm vào bức ảnh như nhìn vào quân hằn quân thù, gầm lên trong cổ: “Bà là ai? Bà là cái gì, bà nhân danh ai, kiếp trước tôi có nợ bà cái gì không mà tự dưng bà mò đến bà hành hạ tôi thế này? Tóm lại đôi mắt bà màu đen, màu nâu, màu xanh hay màu xám? Hay chẳng có màu mẹ gì cả, trống rỗng, hoang vu, toàn sương khói ẩn chìm mà tôi không thể nắm bắt được? Tôi… tôi căm ghét đôi mắt bà…”.
Không biết hồn người trong ảnh có nghe được gì không nhưng rõ ràng là đôi mắt ấy hình như cũng có chiều dịu lại. Nhưng cái cảnh vật vã như bị nhập đồng, như bị lên cơn sang chấn tâm lý ấy của người đàn ông không qua được mắt bà chủ nhà. Thực ra bà đã đến từ cách đây mươi phút với một chiếc cặp lồng đựng thứ gì đó còn nóng hổi trên tay nhưng rồi không hiểu sao lại dừng sững nơi bậu cửa. Suốt một tuần nay ngày nào bà cũng đều đặn đem cơm cho lão nhưng rồi đến buổi lại lủi thủi mang nguyên dạng trở về. Lão hầu như chỉ đụng đũa vài miếng rồi thôi, lại đẩy ra hè. “Này cái lão nửa điên nửa dại kia” - Mấy bận bà đã muốn hét lên như thế - “Tôi hầu thì cũng phải để cho tôi hầu chứ, ông là cái thá gì trên đời này mà vênh váo thế? Ừ thì cứ cho ông vênh váo đi, họa sĩ tài danh một thời có quyền vênh váo
nhưng cứ ăn uống kiểu này, mai mốt ông định chết thối trong nhà tôi à?”.
Lúc này nhìn theo cái nhìn ma mị của lão, bà chợt phát hiện ra tấm ảnh chân dung của bà khách tìm đến đây hôm rồi. Thì ra chính con mẹ này là thủ phạm đây. Cũng thường thôi, đứng tuổi, u hoài, nhàu nhĩ, ốm yếu, chả có gì đặc biệt mà sao lão lại khốn khổ khốn nạn vì nó thế? Lão nuốt phải bả của mụ rồi à, hay nó đã bùa ngải lão? “Con này phải để tôi xử lý!”.
Một cơn giận vô cớ trào ngược lên từ bộ ngực đồ sộ, bà xăm xăm đi vào giật tấm ảnh định xé thì một tiếng quát giật lên:
- Bà mà sờ đến nó là tôi đốt cái nhà này!
“Ơ! Đứa nào quát thế nhỉ? Uy lực đàn ông phết. Chắc không phải lão rồi, lão thở còn chả xong huống chi quát? Nhưng trong phòng ngoài lão ra đâu có ma nào? Tức là cái âm thanh rè khàn như sắp kéo đờm này chỉ có thể là của lão thôi. Thì đấy, cái miệng khô xác của lão đang trề ra mấp máy đó thôi. Và cả đôi mắt nữa, trời ạ, nó cứ vằn lên bạc phếch như đôi mắt của cái kẻ sắp lên cơn động kinh. Được, lão thử quát nữa đi! Tôi và lão cùng quát xem ai át vía ai. Tôi là con ở của nhà lão đấy hở? Còn khuya nhé!”.
- Ông vừa quát ai đấy?
Giọng bà nặng như chì. Nhưng chả ăn nhằm gì khi lão còn vênh mặt lên:
- Không chỉ quát mà sẽ còn đốt cháy hết!
Ái chà chà! Con mắt của lão mới trừng trạo lên ghê chưa? Bà đứng hai tay chống nạnh:
- Giỏi thì ông cứ đốt thử xem! Tôi thách đấy!
Tất nhiên là lão ngồi im, chỉ có bộ xương ngực ọp ẹp nhô
lên hạ xuống đến khổ. Bỗng thấy thương, bà hạ giọng nhưng vẫn không che đi được sự chì chiết cứ tự nhiên thoát ra từ kẽ răng:
- Này, ông là khách thuê nhà tôi, ông sống thế nào, ông làm cái gì là tôi có quyền được biết, hiểu chưa? Vậy tôi hỏi cái con mụ nào trong tấm ảnh kia cả tuần nay nó đã vật ông như vật thuốc vậy? Vợ cũ à? Hay nhân tình mới? Ông trả lời đi!
Trước tràng liên thanh ngôn từ dồn dập có cả mùi hành tỏi của bát phở sáng ấy, lão chỉ khẽ lắc đầu cười buồn: - Nếu biết được thì đã phúc cho tôi quá bà ơi!
- Nhưng chắc bà ta phải thế nào mới có thể làm ông điên đảo, bỏ ăn bỏ uống như vậy được chứ? Ông định hành mình đến chết chỉ vì một cái bóng hư ảo như hồn ma bóng quế ấy à?
Lại một cái nhếch mép nữa, còn buồn hơn:
- Không! Tôi vẫn sống và chí ít cũng phải sống cho đến khi xong được cái bức vẽ đúng như bà nói là hồn ma bóng quế này. Một bức vẽ chỉ do người ta đặt hàng thôi nhưng tôi… Mà thôi, nói bà cũng chả hiểu đâu, nhân đây cũng xin cám ơn bà về mọi sự chăm sóc mà bà đã dành cho tôi, kể cả mùi thuốc lào giờ đây bà cũng không coi là mùi chuột chết nữa.
Bà chủ nhà dẩu môi, nguýt nhẹ một cái như cái nguýt của cô gái mười tám đứng trước chàng trai của mình: - Gớm, đàn ông đàn ang gì mà nhớ dai thế? Mùi gì ngửi mãi cũng thành quen, thành nghiện. Ông cứ hút mặc sức. Thơm phết! Nào, bỏ đấy, ông ăn bát phở này đi cho nóng. Gà đùi đấy, phở Nam Ngư nổi tiếng tôi nhờ mua tận Phan Bội Châu về đấy, hơi dai một tý nhưng ngọt thịt. Nào, tôi cho cả chanh dấm, tương ớt, hạt tiêu vào rồi. Mời ông!
Với tất cả vẻ xăm xắn và ân cần của một người phụ nữ độc thân lâu niên, bà đặt nhẹ chiếc cặp lồng xuống, mở nắp, đặt đôi đũa tre vào bàn tay cóc cáy dính đầy màu của lão, ra dấu bảo ông ăn đi!
Đôi mắt lão nhìn xuống những sợi phở mịn mềm lượn quanh vài ba lát thịt thái mỏng còn dính cả lần da vàng rộm rồi lại nhìn lên bà qua những làn khói thơm lựng, cảm kích. Nhưng chỉ lùa được dăm miếng, lão lại bỏ đũa xuống.
Bà chau mày:
- Cái gì thế? Chê à?
- Không, cứ để đấy lát nữa tôi ăn, giờ mồm miệng đắng nghét, ăn nó phí đi - Rồi cố nở một nụ cười - Nói đùa, cái nước dùng ngon thật, chả ai bắt chước nổi, trong vắt mà thơm ngậy, hao hao cái vị phở của Hà Nội xưa.
Bà chủ nhà cũng cười:
- Ừ, nếu ông thấy hợp, sáng nào tôi cũng mang về cho ông một tô.
- Ấy, tôi không dám phiền. Xong cái của nợ này - Chỉ bức ảnh - chính tôi sẽ mời bà đi ăn thả dàn một bữa. Bà chủ nhà ném cái nhìn ác ý vào đôi mắt trong bức tranh vừa bị xé nằm quăn queo trên sàn gạch:
- Ông vẽ quảng cáo cho bệnh viện mắt hay cơ sở khám chữa mắt lậu của tư nhân à?
- Hả?... Bà căn cứ vào đâu mà nói vậy?
- Vào mắt chứ vào đâu nữa! Mắt gì như mắt toét ba vành, kinh bỏ mẹ!
Người họa sĩ bật cười:
- Bà nói đúng. Đúng là mắt toét ba vành thật. Đấy cũng là cái khốn nạn của tôi. Lâu nay vẽ bậy bạ quen tay, giờ vẽ cho nghiêm chỉnh tý thì lại toàn… ba vành. Cám ơn một nhận xét
xác đáng!
Vẻ mặt xì xầm, bà chủ nhà đậy nắp cặp lồng, cẩn thận đặt lên nóc tủ:
- Tôi không dám. Nói chơi chứ lâu lắm tôi mới thấy ông có cái kiểu làm việc như người mê muội thế này, thật khác xa với trước đó, ông vừa vẽ cái đống bùng nhùng kia vừa càu nhàu chửi mình, chửi đời inh cả lên. Chỉ khổ cái lỗ tai tôi.
- Đống bùng nhùng! Ha! - Ông bật cười to một tiếng - Bà lại nói đúng. Nếu những giá trị đích thực của nghệ thuật không bị cái giả cưỡng dâm thì tôi đâu có phải chúi mũi vào cái đống bùng nhùng, tanh tưởi như bãi nôn này.
- Cưỡng dâm… Khiếp cái nhà ông này, ăn với chả nói. Thảo nào chả có ma nào nó chịu rước?
Miệng nói thế nhưng đôi mắt lá răm của bà lại liếc xéo lão một cái. Không hề cảm nhận được cái liếc đó, lão rót từ chai Lavie ra nửa cốc nước đưa cho bà:
- Bà thật đã hiểu tôi. Quá cám ơn! Và bây giờ tôi cho bà hiểu thêm một điều nữa như một sự chia sẻ. Đó là tôi đang bị cái bức ảnh kia nó ám. Đời tôi đã vẽ hàng trăm chân dung, chân dung chính khách, danh nhân, người lính, nông phu, thiếu nữ, trẻ em… đã nhận giải trong nước ngoài nước đủ cả nhưng đến bức này thì tôi thấy bất lực, tưởng chỉ ngoáy vài nét là xong ai dè càng vẽ càng xa rời ảnh thật, như có ai cứ đẩy tay mình ra, bắt bàn tay mình lạc đi, không gân không cốt, đùa cợt, trêu ngươi, xé vất đi cả đống rồi mà chưa đâu vào đâu.
Chả biết cái đầu thô thiển của người đàn bà có hiểu không nhưng cái miệng lại xổ ra một tràng sặc mùi tiền bạc: - Thì ông đừng vẽ nữa. Việc gì chuốc khổ vào thân? Hay là vì đã trót cầm tiền của người ta rồi? Nhiều không? Có giá
bằng một thùng mỳ tôm không?
- Không… - Giọng ông vẫn rì rầm - Đây không còn là chuyện tiền nong nữa mà hơn thế là chuyện danh dự bà ạ! Như thể tôi chưa làm cái nghề này bao giờ và tất cả những gì người ta đã nói về tôi lâu nay đều là giả trá, là sai sự thật hết, là của người khác chứ không phải của tôi.
- Kệ ông với cái nghề của ông, tôi chỉ biết rằng nếu ông cứ hành xác mãi thế này thì chỉ ba bảy hai mốt ngày chính tôi sẽ phải hương khói đưa ông ra đồng. Tôi nói hết, nghe được thì nghe, không nghe được thì tuỳ. Giờ tôi về. À mà đêm nay đài báo có mưa giông, đi ngủ ông nhớ đóng hết các cửa lại nhé!
Người họa sĩ lại bật cười:
- Chết nỗi, mẹ tôi ngày tôi còn bé cũng dặn tôi y hệt thế này.
Bà chủ nhà định đi nhưng rồi lại dừng, nhìn lão là lạ: - Này, ông cười đẹp phết! Ông không cười nhìn âm u cứ như cái người sắp giết ai hay là tự giết mình.
- Vâng, ngược lại tôi sắp bị cái người trong ảnh kia giết kìa, giết dần, giết từng phút một, sắp đi rồi!
Bà ta bất giác hơi lùi lại, miệng lầm rầm:
- Lão này có khi sắp thần kinh đến nơi thật!
Nói xong, bà quày quả đi ra luôn, quên cả khép cửa nhưng vẫn kịp nguýt trở lại lão một cái...
NĂM
L
úc ấy khoảng 12 giờ đêm. Ngoài cửa sổ trời bỗng nổi sấm chớp nhì nhoằng rồi mưa bắt đầu lộp bộp gõ xuống mái tôn, gõ xuống mặt sân, gõ mỗi lúc mỗi to như những bước nhảy âm binh đang hân hoan thực hiện một bản luân vũ cuồng loạn của bóng đêm.
Gió đem theo mưa thốc vào trong nhà, thổi tung những trang giấy Coki vón vào một góc. Ông vội chui ra khỏi màn, quờ dép, đi ra đóng cửa lại.
Chợt ông dừng sững! Mắt ông đập ngay vào một bóng người đang đứng co ro ngay dưới tấm ô văng cửa sổ phòng ông. Cái bóng trắng toát, tóc rối tung, toàn thân ướt nhép, thỉnh thoảng lại giật lên một cái.
Cùng lúc khuôn mặt ấy ngẩng nhìn lên. Qua ánh chớp, hiện lờ mờ một khuôn mặt xanh lét, răng trắng ởn, đôi mắt chỉ còn là hai cái hốc tối om… Giống hốc mắt của mấy bức tượng ngoài kia. Mẹ! Người hay ma thế này? Chả lẽ mấy bức tượng mất mắt, mất tay, mất đầu ngoài kia nó kéo nhau vào báo oán mình ư? Hay là ma thật đúng như người ta đồn đoán khi ông mới bước chân về đây rằng cái nhà này có dớp, lâu nay không ai dám thuê dù giá thuê rẻ đến cỡ nào vì năm kia có một cô gái thất tình hay mắc bệnh nan y không chữa trị được gì đó đã cứa cổ tự tử. Là người đã từng nằm bên những xác chết cả đêm mà vẫn ngủ ngon không thấy gì, ông không bao giờ tin trên đời này có ma, chết là hết, là tan biến,
là trở về với đất, ma miếc mẹ gì, thối chuyện. Còn báo oán ư? Càng thối nữa. Người thật đã chả ăn ai huống chi là tượng, mà tượng là cái gì, là mấy đống đất sét, đống thạch cao vô tri vô giác do chính tay ông dựng lên chứ có phải thiên la địa võng từ trên trời rơi xuống đâu.
Nhưng đêm nay ông bỗng thấy người nhờn nhợn. Chả lẽ cái cô gái cứa cổ kia đã nhập hồn vào đám tượng đến trêu chọc ông? Có thể lắm chứ. Ở đời không có cái gì là không thể, kể cả cái chuyện một thằng họa sĩ danh tiếng muối mặt ăn cắp tranh của ông mà trước công luận báo chí, nó còn trắng trợn nói chính ông đã tháu cáy tranh của nó. Đấy mới thực sự là ma, một thứ ma tanh tưởi nhất.
Nghĩ vậy ông thoắt rùng mình ập nhanh cửa lại. Tự nhiên mắt ông chạm vào tấm ảnh. Đôi mắt của người khách lạ trong ảnh lại nhìn xuống ông như khích lệ, như bảo ông hãy mở ra, nên mở ra cho người ta vào.
Thì mở chứ việc gì mà bà nhìn tôi như kẻ tội đồ, vô tâm, vô cảm như thế, rách việc, ông lầm bầm trong miệng rồi đi ra rút thanh chốt kêu đánh két như tiếng răng nhai xương. Cái bóng kia vẫn còn đó, rúm ró hơn. Kệ mẹ, ma cũng cho vào, thử xem nó dám làm gì mình nào, còn hơn để dầm mưa khốn khổ khốn nạn thế kia.
Cửa vừa hé, một thân hình ướt sũng đã ập vào rồi gần như ngã sụp xuống ngay chân ông. Hơi lùi lại, ông chú mục nhìn, mẹ khỉ, chả phải ma quái gì cả mà chính là cái bóng đen đứng dưới ô văng lúc nãy. Dưới ánh sáng đèn tù mù, ông nhận ra đó là một cô gái bằng xương bằng thịt còn khá trẻ, chắc mới ngoài hai mươi, nước da võ vàng, nhợt nhạt, mắt thâm quầng, tóc tai xõa xượi, quần áo kiểu thợ hồ hay phu làm đường bết nước.
Đôi mắt cô nhìn lên ông đầy vẻ van vỉ, tội tình. Hồi lâu cô mới cất tiếng, hai hàm răng va nhau lập cập:
- Em… em xin lỗi… em không định nhưng ngoài kia mưa quá… em rét!
Ông đỡ cô gái dậy:
- Thì cô cứ vào hẳn trong này đã để tôi đóng cửa! Mà… cô ở đâu và làm sao lại gõ cửa nhà tôi giữa lúc đêm hôm mưa gió thế này?
Cô gái ngồi xuống chiếc ghế ông vừa kéo đến, người co rúm lại nhưng những đường nét đàn bà vẫn hằn cong lên sau lần vải ướt. Ông bất giác quay mặt đi. Thái độ ấy vẻ như không qua được cái nhìn tinh quái kia, cô ta hơi kéo trễ cái cổ áo xuống một chút:
- Tại... tại em thấy đèn nhà ông còn sáng nên...
“Em…”. Ông thấy thật sự dị ứng với kiểu xưng hô quái đản này, nó làm ông chợt nhớ lại cái lần cách đây không lâu lắm, vì nhận được bản quảng cáo quá ưng ý nên khách hàng đã nài nỉ mời ông vào một quán karaoke để chiêu đãi bàn tay vàng, ông đành khiên cưỡng đi theo nhưng vừa ngồi xuống ông đã phải bật đứng dậy bởi một con bé tuổi còn ranh con đã vừa vuốt ve sờ nắn khuôn mặt ông vừa nũng nịu: “Anh… anh đến đây lần đầu phải không? Nào ngồi xích vào em lau mặt, lau ngực cho! Ôi, anh có khuôn mặt nghệ sĩ quá…”. “Này, xin lỗi cô, tôi đáng tuổi cha chú, thậm chí tuổi ông của cô, cô không nên xưng hô như thế”. Con ranh bị bất ngờ ngẩn tẽn mặt ra, còn vị khách phá lên cười sặc sụa…
Cô gái đưa đôi mắt mệt mỏi nhìn quanh:
- Ông… nhà có trà hay nước nóng không ạ? Làm ơn cho em xin một cốc, thật nóng vào! Em rét…
“Lại em… Bố tiên sư khỉ! Thời buổi này, chưa nói đến các
giá trị cơ bản, ngay đến cách xưng hô cũng lộn tùng phèo mẹ nó lên hết rồi”. Dù không muốn nhưng ông cũng lục tủ lôi ra một chiếc khăn màu cỏ úa, một bộ quân phục cũ nhăn nhúm, lôi mạnh đến nỗi cái gói tiền bọc giấy xanh cũng theo đống lổn nhổn đó mà rơi ra, lăn xuống đất. Ông thờ ơ nhặt lên, nhét trở lại. Đôi mắt cô gái thoáng nhìn vào cái vật màu xanh đó rồi bối rối nhìn xuống…
- Có, có trà nhưng trước hết cô vào trong kia lau qua người đi cái đã và khoác tạm bộ quần áo này vào, kẻo cảm lạnh chết.
- Cám ơn ông… Ông tốt quá nhưng thôi, cứ kệ em, em quen rồi. Vả lại người em… bẩn lắm!
Nói vậy nhưng cô cũng ngoan ngoãn cầm chiếc khăn, bộ quần áo lui vào ngách tối. Ngoài này ông lóng ngóng tìm phích nước pha trà. Trà còn mấy sợi vụn nhưng may quá, nước sôi vẫn còn một chút ở đáy phích mà sáng nào bà chủ nhà cũng có ý lọ mọ đưa sang.
Pha xong, ông quay ra thì chút nữa bật cười. Phần nào giống như thời ở Trường Sơn khi có một đoàn tân binh gái mới nhập ngũ, trước mặt ông là một cô bộ đội mảnh gày, nhỏ xíu khoác bên ngoài bộ đồ lính rộng thùng thình. Vạt áo thì đến gối mà gấu quần thì quét đất và cũng tự nhiên như lính, không một chút bẽn lẽn, cô khẽ xoay người, mở khuy áo, luồn cái khăn khô lau vào phía trong, vô tình để lộ ra một mảng ngực tròn căng, trắng nõn. Như bị một dòng điện cao thế giật mạnh, đôi mắt người họa sĩ sa sầm, lại bất giác khó nhọc lảng nhìn sang chỗ khác.
Dường như cảm nhận được điều đó, cô gái vội ngượng ngập khép nhanh ngực áo, người hơi co lại, nói lí nhí: - Ấy chết! Em xin lỗi… Em vô ý quá!
Vẫn quay đi hướng khác, ông chỉ ấm trà trên mặt bàn: - Trà… pha rồi đây, cô uống đi, trà Thái đấy.
Cô gái sáng mắt, vội đưa ly trà lên miệng thổi phù phù rồi tợp một ngụm, xuýt xoa:
- Trời! Ngon quá!... Sao… ông pha khéo thế? Em ở đất chè mà chưa bao giờ được uống một chén trà ngon thế này. Cho em chén nữa!... Thôi cứ đưa cả ấm đây em tự uống.
Vẫn rất tự nhiên và chân mộc, cô đưa vòi ấm lên miệng uống một hơi dài rồi lắc lắc vẻ tiếc rẻ:
- Ơ, hết rồi… Nhà còn nước sôi không ông?
- Để tôi sang hàng xóm xin.
- Thôi, không cần đâu. Thế là người em ấm lại rồi. Người họa sĩ nhìn ra cửa sổ. Ngoài đó mưa gió vẫn gầm gào. Chà, mưa kiểu này là chưa biết khi nào tạnh đây? Khi ông quay nhìn lại thì chợt giật mình khi thấy cô khách đang gập người xuống, ôm bụng nhăn nhó. Cái khỉ gì nữa thế này, nó mà giở chứng đau ruột thừa ở đây một cái là mình coi như ra bã.
Ông nhăn mặt hỏi:
- Làm sao thế?
Cô gái rên rỉ:
- Em dại rồi !
- Nhưng mà cô làm sao?
- Em… em đói! Cả ngày nay chưa có cái gì vào bụng. Lại uống trà đặc nữa.
Ông nén một tiếng thở phào:
- Đói à? Sao không nói ngay? Để tôi chạy ù ra phố mua cái gì cho mà ăn.
- Thôi, khuya thế này lại mưa rét nữa, tội ông, vả lại làm gì có quán nào mở. Cứ kệ em… Đau tý là lại thôi, em… quen
rồi.
- Hay là thế này - Ông xoa hai tay vào nhau - Lát nữa mưa tạnh, tôi đưa tiền cho cô đi ăn cái gì vậy nhé, được không? Cô gái bỗng khóc òa như thể cùng với tiếng khóc ấy, bao nhiêu nỗi niềm đều tứa ra cả:
- Nhà em vô phúc... Bố mẹ mất sớm, chồng nghe người ta xui dại xui khôn đi đào vàng cũng chết nốt, thế là em phải gửi đứa con bệnh tật bỏ làng ra đi. Ngồi trên tàu em lại bị chúng nó trấn sạch đồ đạc, tiền nong. Cái số em nó khổ quá ông ơi…
Tiếng khóc đàn bà nổi lên rấm rứt giữa đêm mưa khiến ông khổ sở loay hoay đi đi lại lại không biết tính sao rồi chợt nhìn thấy tô phở hồi chiều bà chủ nhà mang đến còn để trên kệ tủ, ông gần như reo lên:
- Tốt rồi. Còn bát phở, nguội ngặm một tý nhưng cô lót bụng tạm vậy. Phở… phở Nam Ngư đấy. Ngọt thịt lắm! Mắt cô gái chợt sáng lên mừng rỡ như mắt trẻ thơ: - Phở hả ông? Giá mà có ít cơm nguội trộn vào nữa thì ngon hết ý!
- Cơm nguội hả?... Có, có nhưng để mấy hôm rồi, sợ thiu. - Thiu cũng được ạ! Bụng em nó ăn thiu quen rồi, ăn đồ mới có khi lại đau.
Ông nhìn cô lắc đầu như không hiểu rồi cũng đi lại góc tủ mở nồi cơm, ngửi ngửi một tý thấy có vẻ ổn, bèn dùng môi quèn quẹt múc hết vào tô phở, trộn đều, thêm đôi đũa đưa cho cô.
Cô gái gần như vồ lấy và không một chút khách sáo, chỉ nói mỗi tiếng “Em ăn nhá!” là đưa lên miệng và luôn, và một lèo, và không kịp nuốt, thoáng cái đã hết sạch rồi đưa đôi đũa gạt qua miệng, đánh lưỡi vào chân răng chóp chép,
giọng tiếc rẻ:
- Hết rồi!... Ngon quá! Đời em chưa bao giờ được ăn một bữa ngon ơi là ngon thế này. Kể còn nữa em cũng ăn hết. Chưa nói xong, cô đã đưa tay che miệng ngáp một cái rõ dài. Ngoài kia trời đã ngớt gió. Tiếng mưa gõ xuống mái tôn cũng nhỏ dần. Ông mở cánh cửa nhìn ra rồi quay lại. Thấy cô vẫn ngồi im, hơi tựa lưng vào thành ghế, mắt lim dim, ông thoáng tỏ ra sốt ruột:
- Hình như… ngớt rồi thì phải.
Cô mở bừng mắt, cãi:
- Đâu, chỉ tạm ngớt thôi, nó lại mưa to bây giờ đấy. Kiểu này là phải mưa đến sáng.
Lại ngáp một tiếng nữa, dài hơn. Dường như tiếng ngáp ấy đã làm chủ nhà nhăn quắt mặt lại nhưng lại thả ra một câu vô nghĩa:
- Ừ, mưa cuối mùa mà dai nhỉ?
Nói xong ông nhặt cái điếu lên, vê vê một bi thuốc lào định hút, cô gái mở to mắt:
- Ấy chết, ông đừng hút, ho lao đấy. Ở quê em cũng có mấy người nghiện thuốc rồi thay nhau ra… đồng cả. Mà hôi lắm, cẩn thận không bà chị em lại chê. Ơ, mà chị nhà đâu hả ông?
- Tôi chưa có chị nào cả, à, mà trước đây cũng có nhưng có lẽ vì cái mùi hôi như cô nói, bà ấy bỏ đi rồi.
- Tội nghiệp! Chỉ vì mùi thuốc lào mà nửa đường đứt gánh em thấy nó… thế nào ấy.
Đến đây thì ông thấy đã đến lúc không cần kéo dài cái tình trạng lằng nhằng và nhạy cảm này thêm nữa, trong đầu lại thấy có tiếng trống gõ quái ác, bèn lấy cái áo mưa bộ đội treo trên móc xuống, đưa cho cô:
- Xin lỗi, đã quá nửa đêm rồi, gần sáng rồi, cô có thể cầm cái áo mưa của tôi mà dùng, cầm luôn cũng được, cả cái bộ quần áo kia nữa, cho cô luôn, thú thật tôi cũng cần nằm nghỉ một chút.
Cô gái sững lại giây lát rồi méo giọng như sắp khóc: - Thì ra ông cho em ăn rồi ông đuổi em đi ư?
- Ấy, tôi đâu dám… Tôi chỉ… quả thực là…
Cô ta càng mếu máo:
- Ông ác lắm! Trời đang mưa to, em biết đi đâu? Ông chỉ coi em như con ăn mày ăn nhặt, thậm chí như con chó đói vậy thôi sao? Hu hu…
Cô bật oà khóc thật. Khóc tức tưởi, khóc như trẻ con bị mẹ mắng oan, nước mắt nước mũi tứa ra ròng ròng. Tiếng khóc ấy làm cho người đàn ông vò đầu bứt tóc, vẻ vô cùng khổ sở. Giọng ông bất giác cũng méo theo: - Khổ quá! Thì cô cứ ở nhưng… nhà tôi có mỗi cái giường. Chỉ cần thế, cô đã ngừng khóc:
- Thì em nằm đất, đời em ăn đất nằm cát quen rồi. - Ấy, ai lại thế…
Rõ ra vẻ bất lực, ông thở phì một cái rồi mở cánh tủ kêu đến két một cái, moi chiếc võng dù, một chiếc võng quen thuộc thời Trường Sơn giờ đã rạn nứt, thủng lỗ chỗ ra mắc ngang nhà, một đầu quấn vào song cửa sổ, một đầu quấn vào bản lề cửa ra vào.
Đôi mắt cô khách một lần nữa vô tình nhìn nhanh vào cánh tủ ấy rồi chuyển qua chiếc võng, thốt kêu lên: - Ôi, giống y đúc chiếc võng của mẹ nuôi em. Mà ông biết không, mẹ nuôi em cũng là dân kháng chiến trở về đấy. Không để ý đến câu bộc bạch ấy, ông nắm đầu dây võng nhún nhún lắc lắc mấy cái như để chắc ăn rồi hất cằm:
- Cô nằm giường, tôi nằm võng.
Cô gái đột nhiên lắc đầu quầy quậy:
- Không, em thích võng. Hồi ở nhà em toàn lấy chiếc võng của mẹ nuôi em mắc giữa hai bụi tre ngủ trưa đấy. Nói rồi, cô thoải mái bước đến chiếc võng, hạ ngay lưng xuống, chân dậm nhẹ vào đất lấy đà cho võng đòng đưa, vẻ khoan khoái lắm:
- Ôi, êm quá! Võng thế này mới gọi là võng chứ!... À mà ông thích nghe hát không? Em hát một điệu dân ca quê em ông nghe nhé?
Ông giật nảy người:
- Thôi tôi xin, tôi xin, cô mà hát bây giờ là thiên hạ người ta tưởng tôi nhốt người điên trong nhà.
- Thì thôi vậy - Vẻ tin cậy, cô oằn lưng bẻ người đến rắc một cái rồi duỗi dài chân, chiếc gấu quần bị mắt võng giữ lại để hở ra đôi bắp chân cũng trắng mịn, thon dài - Em ngủ trước đây. Ông cũng ngủ ngon nhé! Hì, mà em ngáy to lắm đấy.
Nói xong, cô nhắm mắt và đúng là chỉ phút sau là tiếng ngáy đã giòn tan vang lên. Ngồi bần thần ở mép giường, nhịp điệu tiếng ngáy nửa đàn ông nửa đàn bà đó đã làm cái thân hình ọp ẹp của ông bất giác cũng nhô lên hạ xuống theo, khi nhanh khi chậm, lúc lại trải ra…
Chao ôi, sao giống tiếng ngáy vô tư của các cô gái sau một đêm vật lộn trên trọng điểm sáng ra mới trở về lán thế? Tiếng ngáy như có cả một đời con gái đi qua cánh rừng ẩn chìm trong đó. Ông bất giác đưa mắt nhìn cái thân hình đàn bà nằm cuộn tròn trên võng kia. Đường hông cong vênh, khuôn ngực căng tròn, đôi bắp chân thon dài ló ra khỏi ống quần, nét mặt vừa trẻ thơ vừa như tội tình của người già. Thỉnh
thoảng cô ta lại trở mình sau một tiếng thở dài đứt đoạn. Chao ôi, lâu lắm rồi trong ông mới lại nảy sinh một cảm giác kỳ lạ ở chung phòng với một người đàn bà còn trẻ và khá xinh xắn như thế này. Đàn bà…
Bỗng dưng ông cảm thấy một cái gì đó như nôn nao, như nhơn nhớt đang ngọ nguậy chuyển động trong người, chuyển động từ sống lưng xuống vùng thắt lưng và dừng lại ấm hỉm nơi đũng quần. “Khốn nạn chưa, cái của nợ ấy mà vẫn còn có thể ấm hỉm được nữa ư? Tao tưởng mày đã ỉu xìu, tê liệt, vô tích sự hoàn toàn rồi mà lâu nay mày chỉ còn có độc một chức năng là tiết thải nước tiểu thôi”.
Ông nhắm mắt lại và khi mở ra, thoáng nhợn người vì vấp phải cái nhìn của người đàn bà trong tấm ảnh kia đang rọi thẳng vào mặt mình, săm soi, theo dõi, thậm chí có điều gì đó như tò mò lại như ngăn cản.
“Ngăn cản mẹ gì, việc chó gì mà phải ngăn” - ông nhếch một cái cười khinh bạc - “Bà tưởng tôi thèm nhạt lắm đấy à? Không nhé! Cái đó trong tôi đã chết từ lâu rồi nhé! Tôi chỉ coi nó như con cái trong nhà thôi nhé! Mà nếu như vừa rồi cái đũng quần của tôi chẳng may có ngọ nguậy tý chút thì cũng là chuyện bình thường thôi, nhìn gì, đểu!”.
Nghĩ vậy, ông với tay tắt đèn, ngả lưng xuống giường, quay lưng úp mặt vào vách. Hình như chưa đủ, ông còn quơ chiếc gối ẩm sì, mốc mác áp chặt vào tai như để che đi mọi âm thanh và hương vị nồng nồng ngầy ngậy đang gào thét từ chiếc võng kia dội lại.
Và cũng chìm nhẹ vào giấc ngủ nhọc nhằn.
Ngoài kia mưa lại trút rào rào, gió vẫn không ngừng rít qua khe cửa, chỉ có tiếng giọt gianh đầu hồi là rỏ tinh tang đến sốt ruột xuống lòng chum như giọt nước đái khốn khổ
của một gã đàn ông mắc bệnh phì đại tiền liệt tuyến… ***
Lúc ấy đã hai giờ đêm…
Trong giấc ngủ nhọc nhằn, không hiểu có phải do mưa gió, do tấm ảnh bí hiểm kia hay do chính cái võng dù đang ôm gọn một thân hình con gái nồng nàn như ôm gọn thân hình các cô trong rừng năm nào mà ông toàn mơ thấy rừng là rừng, thấy cả mình lúc đó còn trẻ đang ngồi che mưa chắn gió cho em dưới một gốc cây trụi lá. Em ngước mắt nhìn lên, một đôi mắt chứa cả trời hoả châu pháo sáng bên trong… Anh, anh ơi! Yêu em đi… Nhớ trở về với em nhé! Tiếng nói của em hay tiếng gió đại ngàn? Nhất định anh sẽ trở về, chờ anh nhé… Thủy ơi, anh yêu em… Một nụ hôn giữa gió lạnh mà ấm nồng như ngọn lửa bếp Hoàng Cầm hí hóp cháy giữa rừng. Một sự ngào trộn, xuyên thấu vào thân thể như có lưỡi lửa Napan lê liếm, ngoáy sâu vào thân thể. Anh… Đừng anh ơi… Ôi, em chết, em chết…
Một ánh chớp pháo sáng nhoằng lên, tiếp liền là một tiếng nổ rền của B-52 xé ngang trời. Ông rùng mình choàng tỉnh… Đến lúc ấy ông mới chợt nhận ra đũng quần mình ướt dấp dính… Và cùng lúc, ông cũng nhận ra chiếc võng lúc này đã trống không, trống như cái cô khách quái quỷ đêm hôm qua chỉ là một ảo ảnh.
Ông vội đảo mắt một vòng quanh phòng, đảo cả xuống dưới gầm giường, gầm tủ, ngách bếp… Vẫn tịnh không thấy gì. Chắc biến rồi, cũng may, giờ này mà cô ta còn nằm chình ình ở đây thì sáng mai cái mồm xoe xoé của mụ chủ nhà chắc sẽ vang vọng cả xóm. Ông vươn vai thở ra một cái như trút đi được một gánh nặng. Theo thói quen buổi sáng vừa tỉnh dậy, chưa súc miệng, chưa đi tè, ông vơ cái điếu cày tính làm
một bi cho đã đời nhưng, cái đóm trên tay ông chưa kịp đưa vào miệng nõ thì bỗng sựng lại. Cái cánh tủ trước mặt ông mở ra toang hoác như một vết thương đang há miệng. Bỏ mẹ rồi, một linh cảm không bình thường ập xuống, ông vội lao đến, thọc tay vào góc tủ, lục lọi… Rồi như bị một con rắn lục từ chính chỗ đó đớp vào tay, ông giật nảy người lùi lại, vẻ mặt thất thần. Liền đó, không kịp xỏ dép, ông mụ mị lao ra cửa, chạy qua sân, phóng nhanh lên mặt đường…
Đường vắng tanh, chỉ có mấy người đạp xe đi làm sớm hoặc bán hàng ăn sáng lầm lũi đi ngược lại. Bần thần đứng im một lúc, vẫn chân đất, quần áo lót, ông cười đắng chát một tiếng rồi thất thểu đi trở lại. Nhưng như thế đâu đã xong, dọc đường về, gặp mấy ông bà cựu chiến binh đi bộ tập thể dục, ông lại phải khiên cưỡng trả lời những câu chào hỏi khê nồng hoàn toàn không đúng lúc chút nào của họ. Nào là “Ối chà chà, ông họa sĩ sáng nay cũng hạ sơn tập thể dục với bà con kia đấy! Nào là, có khi hôm nay trời có bão đây!”. Lại nữa: “Có vậy chứ, nghệ sĩ phải hòa nhập, phải thở hơi thở của nhân dân cần lao mới có cảm hứng chứ ông nhỉ?”... “Chào ông!”. “Vâng chào bà!”. Ông chỉ ậm ừ trả lời cho qua, cố cười mà không cười nổi. “Hòa nhập gì, cần lao gì? Một ả cần lao vừa cuỗm đi của tôi một đống tiền đây”.
Về đến đầu ngõ, vô tình đụng bà chủ nhà đi ra, trên tay cầm chiếc chổi cán dài thượt chuẩn bị làm cái động tác quét tước, dọn dẹp hàng sáng của mình, ông đã định tránh nhưng không tránh nổi.
Nhìn thấy ông, bà tròn mắt:
- Ông đi đâu về đấy?
- Tôi… tôi đi tập thể dục.
Lần này thì bà ta há to miệng:
- Thể dục?... Tôi có nghe nhầm không đấy? Thế cái đôi mắt quái quỷ của con mụ nạ dòng nào đó, đêm qua chắc ông vẽ xong rồi?
- Vâng xong. Xong sạch. Xong cả chì lẫn chài. Chào bà! Buông thõng một câu, ông lách qua tấm thân phốp pháp của bà đi vào. Bà chủ nhìn theo, nhìn cả bàn chân lầm bụi của ông nữa, cái miệng có đôi môi đỏ như đang nhai trầu vẫn há ra như vừa rồi không phải gặp cái lão già thuê nhà kỳ dị mà gặp một ai khác.
Bàn chân ông dợm dừng ở trước cửa phòng như dừng trước một con mắt mù loà đang phả hơi lạnh vào mặt mình. Và có lẽ ông sẽ đứng như thế không biết đến bao lâu nếu cái nhìn nhập nhèm không va phải chiếc võng có bộ quân phục nhàu nát của ông đang đòng đưa như trêu ngươi ở giữa phòng. Lại còn đòng đưa à, con mẹ mày! Ông bước vào, vung chân đá một phát như đá chính vào cái thân hình con gái mới đêm qua còn ngầy ngậy nồng nồng kia. Bộ quần áo bay lên rồi rơi xuống đất, quẩn cả vào chân người đá nó. Ông vội quýnh quáng hất mạnh ra như hất một con rắn hổ đang quấn siết vào chân mình. Lại nhác thấy cái giá vẽ dựng ở gần đó đứng khẳng khiu như một bộ xương người, ông vung chân đá tiếp mặc kệ cho tấm ảnh chân dung của người đàn bà rơi ra, liệng bay xuống đất rồi thả người ngồi bệt, mắt nhìn trân trân lên trần, tuyệt vọng và trống rỗng…
Và lạ chưa, đúng giây phút ấy ông cảm nhận rõ đôi mắt trong tấm ảnh kia cũng đang nhìn lên ông khắc khoải, thương xót và cả hờn trách. Hờn trách cái con khỉ! Chính đêm qua, khi con khốn đó bước vào, bà đã chả nhìn tôi với cái nhìn hàm ý khích lệ sao. Để bây giờ, chỉ mình tôi là trần thân chịu trận. Khốn nạn, đúng là chó cắn áo rách! Một trăm
năm mươi triệu… Không, không phải tôi tiếc nó bởi không có nó tôi cũng chả chết, cái thân tôi nghèo quen rồi, nhưng đây là trận đấu giữa tôi và bà mà bà là người thách đấu, một trận đấu cam go bất phân thua thắng nhưng tôi sẽ nhất định phải thắng vì nó thuộc về danh dự, về những gì ẩn sâu nhất trong lòng tự trọng nghề nghiệp của tôi chứ tuyệt nhiên không phải vì tiền. Tôi đã quyết định khi vẽ xong, vẽ được, tôi sẽ chính thức trao bức chân dung cho bà cùng với mớ tiền chết tiệt ấy để bà mở to mắt ra mà thấy rằng, ở đời có những lúc đồng tiền không là cái mẹ gì cả, đồng tiền nhiều khi chỉ là tờ giấy lộn nhưng, ông rên lên một tiếng trong cổ họng như vừa bị mắc xương, con khốn ấy nó đã cướp đi danh dự, lòng tự trọng của tôi rồi bà có hiểu không hay không hiểu mà mắt cứ mở trừng trừng rất khó chịu như thế. Ông quờ tay úp sấp tấm ảnh lại như úp đi một sự ám ảnh không còn chịu nổi.
Nhưng mà khoan đã, ông vỗ mạnh vào đầu. “Con khốn à”. Nó có đúng là khốn thật không hay ông tìm chưa kỹ, hoặc nhớ nhầm để một chỗ kiếm một nơi? Chút hy vọng loé lên đó làm ông nóng phực người… nhưng liền đó lại tắt ngúm khi tại cái góc tủ tối thui, mốc mác đó những ngón tay run rẩy của ông chỉ còn chạm vào được một tệp tiền mỏng ước khoảng vài triệu. “Mẹ, đã khoắng thì khoắng sạch trơn mẹ nó đi cho đỡ ngứa mắt, để lại mấy tờ làm con mẹ gì? Trộm mà cũng có nhân tình nhân đạo hay hữu ái giai cấp cùng cảnh ngộ thương nhau mà không nỡ khoắng sạch trơn à? Thà mày cứ lấy hết mẹ nó đi còn đỡ ngứa mắt”. Ông ném tung tệp tiền ra nhà rồi loáng quáng đi tìm chai rượu lăn xuống gậm tủ. Chai cạn kiệt. “Đời đểu thế này, con người bạc thế này thì chỉ có hơi men mới hòng xoá đi được. Vậy mà ngay cái hơi men rẻ tiền đó lúc này cũng bỏ ông mà đi nốt.
Đểu!”.
Chính lúc đó, như phù họa cho cái tiếng “đểu” chưa kịp bục ra khỏi đầu lưỡi khô rạn ấy thì ngoài sân bỗng có những tiếng xôn xao khác lạ. Tiếng xôn xao lớn dần biến thành những bước chân đi rầm rập đến gần. Ông chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì bóng hai người một đàn ông, một đàn bà mặc sắc phục công an đã hiện ra ngay trước cửa phòng. Phía sau họ là lố nhố những bóng người khác mà nổi bật là mấy cái dáng nữ sinh viên thon mảnh xanh đỏ tím vàng đang cố chen vào.
“Cái quái gì thế nhỉ? Bạo loạn à hay cháy nhà? Hay lại có án mạng, giết người hàng loạt?… Không! Mình đã giết ai đâu, chỉ mới có ý định giết thôi chứ đã dám động dạng gì?”.
Đang ngơ ngác như thế thì nữ chiến sĩ công an, nói đùa, con gái mặc võ phục đẹp thật, dường như cái vẻ cứng cáp oai phong của bộ cảnh phục càng làm tôn cái chất nữ tính mềm mại, bí hiểm bên trong lên đáo để, bước vào, đứng trước mặt ông, giọng lạnh và êm như giọng của nữ thần tù ngục:
- Ông là Linh, Trần Hoài Linh?
- Vâng, tôi đây! Có chuyện gì không, đồng chí? Ông cố làm ra vẻ bình thản, pha chút ủ dột, bất cần nhưng lại thoáng chột dạ: “Bỏ mẹ, có khi con bé này là cán bộ an ninh văn hoá đến tra hỏi mình những câu phát ngôn về cuộc đời vẩn đục, về các giá trị tinh thần, đạo đức xuống cấp, về văn hoá nghệ thuật chợ chiều… mà thỉnh thoảng ở chỗ này chỗ khác, mình vẫn thường phọt ra tung toé vô tội vạ đây! Vậy thì xin mời, mồm miệng đang ngứa ran, nhân tiện xả ra một thể cho nó xông khí”.
Nhưng không, với vẻ mặt dễ thương và giọng nói cũng không thể dễ thương hơn, cô trung úy công an đưa ra trước
mặt ông một cái gói giấy màu xanh có chằng bằng mấy sợi dây thun quá đỗi quen thuộc mà nếu không kịp kìm chế, ông đã reo toáng lên và vồ lấy rồi.
- Xin hỏi, cái gói này có phải của ông không?
- Hả… Cái… cái gói này ấy à? - Giọng ông nhột nhạt - Màu xanh… Vâng, của tôi… Hình như là của tôi… Tất nhiên là của tôi.
Cô trung úy cau mày:
- Sao lại hình như? Của ông ông phải biết chứ? - Vậy thì chắc chắn là của tôi. Chả lẽ lại của ai khác? Nét mặt cô gái bận cảnh phục ánh lên một chút gì như là sự lạnh lẽo của nghiệp vụ:
- Vậy trong đó có gì, thưa ông?
- Tiền chứ còn gì nữa. Rất nhiều tiền.
Ông buột miệng nói luôn. Cô trung úy gật nhẹ rồi tung ra câu hỏi mang tính nghiệp vụ cuối cùng:
- Bao nhiêu, nếu ông không cảm thấy phiền?
- Hả?... Chừng trăm năm mươi… hay gần trăm năm mươi triệu gì đó. Tiền người ta gửi tôi.
Cô công an đánh mắt nhìn sang người đồng nghiệp nam đứng cạnh đó rồi hất tay ra hiệu về phía sau. Lập tức đám đông bị rẽ ra lấy lối cho một thân hình con gái nhếch nhác được đẩy bắn vào phòng. Ông trố mắt, không ai khác, đó chính là con khốn ngủ trọ đêm qua. Lúc này hình dong nó thật thảm hại, mặt mày xanh mét, chân tay run rẩy, hai đầu gối gần như muốn quỵ xuống, đôi mắt lấm lét nhìn lên ông rồi lại nhìn cắm xuống đất như muốn tìm một lỗ nẻ nào đó để chui vào.
Cô trung úy hỏi:
- Ông còn nhớ người này chứ?
- Cô này… Vâng, nhớ, nhớ… Đêm qua mưa to, tôi đã cho cô ấy trú nhờ.
- Tốt rồi! Sáng nay chúng tôi đã bắt được cô ta từ trong nhà ông đi ra với số tiền này trong người.
Nghe tới đó, cô gái khóc nấc lên, ngước nhìn lên ông với đôi mắt khổ sở đến tột độ, đôi mắt của con nai vừa bị sa bẫy, đôi mắt con gái trong rừng năm ấy khi phải nhìn một cẳng chân của mình bị cưa đi. Đôi mắt ấy khiến ông ớn lạnh. Không!
Bằng sự từng trải và nhạy cảm vốn có cùng thói quen quan sát nhiều năm của nghề nghiệp, ông không thấy cái nhìn kia đơn thuần chỉ là cái nhìn cố tạo của một con ăn cắp, của một ả tội đồ chuyên nghiệp khi bị sa cơ mà ẩn đằng sau nó, sâu lắm, còn có một cái gì đó toát lên vẻ oan ức, đau đớn, thống khổ và tuyệt vọng đến không cùng. Cái nhìn ấy giống một làn sóng màu chì cứ không thôi vỗ dồn dập vào khoảng tâm hồn vốn đã mỏng rách của ông, khiến ông thấy lồng ngực mình thắt bóp nhói đau như có một mũi kim lạnh buốt đang thúc mạnh vào.
Tiếng nói và nét mặt ông bỗng trở về vẻ bình thản mà sau này khi nghĩ lại chính ông cũng không hiểu làm sao mình lại có thể có được cái vẻ bình thản bất ngờ ấy như thế:
- Chết!... Có lẽ các đồng chí hiểu sai rồi. Cắp kiếc gì đâu. Đây là số tiền mà tôi cho cô ấy vay để về chạy chữa cho bà mẹ bị trọng bệnh.
Tiếng xôn xao của đám người hiếu kỳ nổi lên khiến cô công an hơi sững lại một chút. Đang từ thế thắng chuyển sang thế bại, đang từ chiến công lại hoá thành vô công, đôi mắt khá sắc và đẹp của cô trừng lên, chuyển làn xoáy sâu vào mắt cô gái:
- Có đúng vậy không?
Cô gái nhìn lên ông vẻ bàng hoàng, sửng sốt như không tin vào tai mình… Rồi trước khuôn mặt nhân từ cũng như đôi mắt hàm chứa sự khích lệ của ông, đôi mắt của một người cha, người ông, cô gái khẽ cúi đầu xuống, nói lí nhí:
- Dạ…
Đến đây thì cái giọng của người nữ sĩ quan công an không còn êm êm được nữa mà chuyển sang gắt gỏng rất đanh: - Sao lúc nãy cô không nói, hả? Cô đùa với chúng tôi đấy à? Mất thì giờ, vớ vẩn! Lần sau thì liệu cái thần hồn! Nói rồi, để lại trên bàn gói tiền, cô gật đầu chào chủ nhà bỏ đi, kéo luôn cả đám đông hiếu kỳ đi theo.
Chờ cho tiếng chân của mọi người đã đi khuất sang bên kia mảnh vườn hoang, cô gái mới vội quỳ sụp xuống chân ông, hai tay vái lạy sát đất, giọng nghẹn ngào:
- Bác… Bác ơi!... Cháu đội ơn bác. Cháu là con đàn bà không ra gì, hôm nay nếu không có tấm lòng trời biển của bác thì…
Ông nhăn mặt quay đi:
- Cô đứng lên đi! Đừng để tôi phải ghê tởm đuổi cô ra khỏi đây ngay bây giờ.
Cô gái vẫn quỳ:
- Vâng, cháu là một con đàn bà ghê tởm… Cháu không xứng đáng được ở lại đây, bác cứ đuổi cháu đi nhưng cháu chỉ xin bác nghe cháu nói một câu thôi, chỉ một câu để bác thấu hiểu cho hoàn cảnh cháu phần nào rồi cháu sẽ đi ngay.
- Câu gì?
- Vâng - Cô luýnh quýnh ngồi dậy, nước mắt vẫn lưng tròng - Cháu không phải là một con ăn cắp, cháu chưa bao giờ ăn cắp nhưng chỉ vì hoàn cảnh cháu…
- Hoàn cảnh! - Ông nhếch một tiếng cười chua chát - Con người bây giờ đổ đốn thật, cứ hễ gây tội bị sờ gáy là lại đổ tại cơ chế, tại hoàn cảnh này nọ.
- Không, cháu không đổ tại mà sự thật là như vậy. Cháu… - Có gì thì cô nói luôn đi, tôi không có thì giờ và cô cũng không nên ở lại đây lâu.
- Vâng - Cô gạt nước mắt để lại một vết nhọ ngang mặt - Hoàn cảnh cháu nói ra thì dài lắm, nhưng cháu không thể không nói, ít nhất cũng để bác hiểu mà tha thứ cho… mẹ con cháu phần nào được phần ấy.
- Con cô thì dính dáng gì vào đây? Vớ vẩn!
- Dính ạ, dính lắm bác ơi, chính vì mạng sống của nó mà cháu phải ra nông nỗi này. Nó bị suy tim bẩm sinh nặng lắm mà nhà cháu… Giờ thằng bé đang chờ mẹ mang tiền về. Con ơi!...
- Thế bố nó đâu? Có đúng là đi đào vàng chết như cô nói không?
Cô gái bỗng khóc oà:
- Trời, nếu thế thì còn là phước, đằng này lão ấy bỏ mẹ con cháu theo người đàn bà khác đi vào Nam làm ăn rồi. Ông ra bàn rót đưa cô một cốc nước:
- Uống đi!... Cô nói bố mẹ cô mất sớm?
Cô cầm lấy cốc nước, lắc lắc đầu:
- Không ạ… Cháu nói vậy để lúc ấy bác thương không đuổi cháu đi chứ thực ra cháu không có cha mẹ, cháu chỉ là đứa trẻ mồ côi được một người hồi chiến tranh là thanh niên xung phong ở Trường Sơn nhận về làm con nuôi.
- Thanh niên xung phong ở Trường Sơn à?...
- Dạ, cuộc đời mẹ nuôi cháu cũng cơ cực lắm! Cả tuổi trẻ vào chiến trường, đến khi ra khỏi rừng thì đã quá lứa lỡ thì,
lại bệnh tật triền miên, thế là mẹ xuống tóc vào chùa… Người họa sĩ già khẽ nhíu mày vẻ như không muốn nghe thêm nữa, đứng dậy rít một hơi thuốc lào, ngửa cổ lên trần nhà nhả khói chầm chậm như đang suy nghĩ điều gì khó nghĩ.
- Tất cả những điều cô nói, tôi tin.
- Vâng, cháu cám ơn bác, trước một tấm lòng trời biển như bác, cháu lại có thể nói dối thêm một lần nữa được ư? Không, dạ, không bao giờ. Cháu thề…
Người họa sĩ lắng lại giây lâu như để một lần nữa lắng nghe trở lại tiếng động thì thầm trong lòng mình. Ở đời, để tồn tại, con người ta có thể giả mọi điều nhưng những giọt nước mắt đang tuôn ra lã chã kia không thể là giả, là diễn được.
Rồi ông quay lại, cầm gói tiền đặt vào tay cô:
- Giờ thế này, cô cứ cầm số tiền này về chạy chữa cho cháu, sau này có tiền thì trả, không thì thôi, mạng người là quý, và nhớ là cuộc sống dù có khốn cùng thế nào đi nữa thì cũng không được làm liều.
Cô gái mở tròn mắt, hơi giật lùi lại:
- Không… Bác đã tha cho cháu là phúc bảy đời nhà cháu rồi, cháu còn lòng dạ nào cầm tiền của bác nữa mà… mà cháu thấy cuộc sống của bác cũng cơ hàn, vất vả lắm.
Ông thoáng nhìn ra khung cửa sổ đang có những tia nắng sớm cùng tiếng chim hót ríu ran dội vào:
- Thôi, không nói nhiều nữa, cầm tiền về với thằng bé ngay đi, kẻo bệnh tình nó chuyển lại hối không kịp. Tôi cũng đang có việc bận.
Nói rồi ông quay về với giá vẽ, nhặt một tấm toan rơi dưới đất định căng lên. Cô gái ngẩn người, dừng sững như không
tin vào những điều vừa xảy ra, chần chừ một lát rồi khi đã hiểu ra đó là sự thật, cô quỳ hẳn xuống, nấc lên: - Thôi, bác đã nói thế cháu xin cầm nhưng chỉ dám vay thôi, sau này nếu làm được tiền cháu… cháu sẽ hoàn lại. Đây là địa chỉ của cháu, cháu tên là Hoà, Nguyễn Thị Hoà, nếu có dịp mẹ con cháu xin mời bác về chơi như một người ông đỡ đầu.
Cô gái run run rút trong túi áo ra một miếng giấy nhàu nát đã ghi sẵn địa chỉ như để đề phòng những cơ nhỡ bất trắc có thể xảy ra dọc đường, đặt lên bàn.
Ông họa sĩ cầm lấy thờ ơ đưa lên mắt đọc…
- Yên Trường, Yên Định, Thanh Hoá à?
Cô gái đột nhiên thay đổi nét mặt, giọng đỡ tức tưởi hơn: - Dạ. Quê cháu có ngôi chùa cổ đẹp lắm, bác về đấy tha hồ mà vẽ. Ngay tối qua nhìn cái khung vẽ kia con đã biết bác là họa sĩ rồi.
Không thấy ông họa sĩ nói gì, đôi mắt lại trở về vẻ đăm chiêu, xa vắng nhìn vào bức ảnh gắn trên giá, cô len lét cầm lấy gói tiền rồi khe khẽ đi ra. Ra đến cửa, dù biết ông vẫn không quay lại nhưng cô vẫn quỳ thụp xuống, nước mặt giàn giụa, vái ông ba vái rồi mới đi hẳn.
Ra đến đầu ngõ, đụng bà chủ nhà xách cái cặp lồng đi ngược lại, như mê mụ, cô vái luôn rồi hấp tấp đi qua vườn. Bà chủ nhìn theo, hứ một tiếng như cóc kêu, đủ để đẩy cái thân hình tiều tuỵ kia bắn nhanh ra mặt đường.
Rồi với vẻ mặt căng chằng, bà bước phăm phăm qua sân đến trước cửa phòng ông, trợn mắt nhìn vào, tay chống nẹ, chao chát:
- Sao? Đẹp mặt chưa? Tưởng con người ông hiền lành, tử tế mà cũng dám chứa gái qua đêm để rồi tý nữa thì mất cả
chì lẫn chài. May mà lúc đó tôi ra chợ chứ không là tôi xé xác con đĩ ấy.
Ngược lại với giọng nói lửa khói của bà, ông lại gãi đầu cười:
- Thì bà cứ vào trong này đã rồi muốn xé gì thì xé… Khổ, mà có chứa gì đâu. Nếu cái thằng tôi mà còn sức để… chứa thì đã phúc. Chỉ tại hoàn cảnh cô ấy tội quá!
Vẻ như không thèm đôi co mất giá, bà phẩy tay, đảo mắt nhìn quanh nhà, nhìn găm vào bộ quần áo nhàu nát nằm trên sàn nhà, nhìn vào chiếc giường có chiếc chăn chưa kịp gấp, lại nhìn sang cánh võng vẫn đang còn đong đưa, cười nhạt một tiếng lạnh đến nhởn da ốc:
- Hì! Chắc đêm qua mèo mả gà đồng gặp nhau, mọi thứ cứ rung giật lên phải biết nhỉ?
Ông lại gãi đầu mặc dù mấy cái móng tay cáu bẩn của ông toàn cạo cồn cột vào sọ chứ chả thấy tóc đâu:
- Thôi, tôi xin bà! Tôi hết cái tuổi rung giật ấy rồi mà sao bà nhìn đâu cũng thấy toàn bóng đen cả thế?
- Vâng, tôi đen đúa vậy đấy. Còn ông thì sáng lắm! Sáng trưng. Mà tôi nói cho có nói thế thôi chứ nhìn cái bộ dạng ông, lại nhìn cái võng mới được mắc kia là đủ biết đêm qua… ông chả nước non mẹ gì.
Ông cười, nhe ra mấy chiếc răng ám khói:
- Cám ơn bà đã hiểu cho tôi!
- Tôi không cần cám ơn, vẽ! Một lần thì cạch đến già… Mà ông cũng già thật rồi còn gì! Lần này tôi bỏ qua, lần sau với tư cách chủ nhà, tôi sẽ làm việc với ông cẩn thận đấy. Tiếng là nhà trọ nhưng ít nhất nó cũng không phải là nhà thổ.
- Khiếp, bà nói cái gì mà nghe thum thủm như món bốc mả thế?
Nét mặt bà chợt dịu đi, các cơ dãn ra làm nền cho cái giọng trở nên mềm hơn:
- Nào, trưa nay ông định ăn gì để tôi còn xuống bếp? Hì, sau một trận mây mưa, chắc cũng phải có tý tẩm bổ chứ? - Lại nữa! Sao ba cái chuyện mây mưa, chăn gối, xác thịt nó cứ dính mãi vào miệng bà thế nhỉ? Thôi, bà cho ăn gì cũng được, miễn là được nhìn cái cười phúc hậu của bà như lúc này là đủ no rồi.
Bà đặt cái cặp lồng lên mặt bàn, rút trong túi áo đặt thêm một gói giấy nhỏ màu vàng nữa:
- Nỡm cái nhà ông này! Già mà vẫn chưa thành nết. Phở gà đồi đây, ông ăn cho nóng. Có gói thuốc lào hiến vua mà tôi đặt mua tận Vĩnh Bảo cho ông nữa. Mà cũng rít vừa thôi, ông thử một lần đi kiểm tra xem, phổi nó lại chả rỗ chằng rỗ chịt như cái tổ ong rồi ấy à. Thôi tôi đi đây, nói với ông có mà cả ngày.
Nguýt nhẹ một tiếng, nhưng là một tiếng nguýt thật duyên và dịu dàng, bà xoay người đi ra. Ra đến cửa như chợt nhớ ra điều gì, bà lại quay lại:
- À mà này, đêm nay họ báo mất điện đấy, nếu ông định làm việc khuya thì có mấy cây nến để ở gầm tủ ấy. Thắp cẩn thận chứ không lại cháy nhà!
Cháy nhà… Câu nói mang đậm hơi hướng của chiếc loa phường suốt ngày đêm ra rả trên ngọn cây cột điện ngoài kia không hiểu sao lại khiến ông chợt rùng mình. Nó kéo xếch đầu óc ông trở lại với phần việc đang còn dang dở, khắc khoải của mình. Phần việc nhức nhối từ trên trời rơi xuống đã hành hạ cả tâm hồn, thể xác ông suốt mấy tuần qua. Và sẽ còn hành hạ nữa nếu ông không nắm bắt được cái thần sắc của đôi mắt càng ngày càng rời xa đó.
Đ
SÁU
êm ngoại thành huyền hoặc và thẳm sâu. Đêm Thăng Long ngào ngạt hương hoa sữa báo hiệu mùa thu đã trở về. Chiếc lá vàng nào rơi nhẹ xuống vườn hoang tạo nên cái thanh âm xào xạc nôn nao quen thuộc mà chỉ một lần nghe thấy sẽ nhớ khôn nguôi suốt cả cuộc đời. Đêm thu. Đêm Tràng An. Đêm Hà Nội. Dường như nghe đâu đây có cả tiếng vó ngựa chiến chinh từ ngàn năm xa ngái vọng về. Thời gian trôi qua, các triều đại trôi qua, các đế chế suy rồi thịnh, các lớp người đến rồi đi, chỉ có ngọn gió La Thành mang hồn vua Lý là vẫn thổi vô tư, bền bỉ qua năm tháng, qua bao thăng trầm vật vã của kiếp người.
Cái nóng khắc nghiệt đã bướng bỉnh lùi lại phía sau nhưng cái dư ba của nó vẫn dùng dằng ở lại để cho đêm nay, một đêm chớm thu mà sao đất trời vẫn oi nồng đến thế! Lại mong cháy lòng một cơn mưa rào mùa hạ cho cảnh vật, đầu óc thơi thoáng đi được chút nào.
Ngoài mặt đường đã vãn tiếng động cơ xe cộ, bên khu nhà trọ sinh viên ngọn đèn cuối cùng cũng đã phụt tắt để đẩy các nữ sinh viên vào giấc ngủ nồng nàn và chắc cũng có nhiều mộng mị trăn trở, khát khao.
Chỉ có cây cọ trên tay người họa sĩ già vẫn đánh vật với đôi mắt của người đàn bà bí ẩn trên tấm toan trắng xác màu pháp trường. Đúng là đánh vật cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đầu óc ông ong ong như có một đàn côn trùng cùng đồng