🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bộ Não Tí Hon Tập 2: Thay Đổi Thế Giới
Ebooks
Nhóm Zalo
Tony Buzan
Biên dịch: Phạm Hoa Phương
Minh họa: Jo Godfrey Wood - Thiện Thông - Minh Trang
BỘ NÃO TÝ HON THAY ĐỔI THẾ GIỚI - TẬP 2
FIRST NEWS
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc – Tổng Biên tập
NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG
Biên tập : Chu Thị Kim Trang
Trình bày : Bích Trâm
Bìa : First News
Sửa bản in : Trần Minh
Thực hiện : First News – Trí Việt
NHÀ XUẤT BẢN TỔNG HỢP TP. HỒ CHÍ MINH
62 Nguyễn Thị Minh Khai - Q.1 - TP.HCM
ĐT: 38225340 - 38296764 - 38247225 - Fax: 84.8.38222726 Email: [email protected]
Website: www.nxbhcm.com.vn
Sách điện tử: www.sachweb.vn
NHÀ SÁCH TỔNG HỢP 1
62 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM - ĐT: 38 256 804 NHÀ SÁCH TỔNG HỢP 2
86 - 88 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM - ĐT: 39 433 868
In 3.000 cuốn, khổ 19 x 26 cm tại Công ty In Vườn Lài (106 Đào Duy Từ, Q.10, TP. HCM). Giấy đăng ký KHXB số 1211- 2014/CXB/02-119/THTPHCM ngày 02/07/2014-QĐXB số 803/QĐ - THTPHCM-2014 cấp ngày 02/07/2014. ISBN: 978- 604-58-2459-7. In xong và nộp lưu chiểu quý III/2014.
LỜI NÓI ĐẦU
Lời nhắn gửi từ Đứa trẻ của tương lai
T
hưa quý độc giả,
Một chiếc xe (thứ đơn giản hơn rất nhiều so với một ngón tay của bé nhà bạn) được đi kèm với quyển sách hướng dẫn một trăm trang.
Chiếc máy tính một megabyte (thứ kém thông minh hơn so với chỉ một trong số tỉ tỉ tế bào não của con bạn) được đi kèm với quyển sách hướng dẫn vận hành một ngàn trang.
Vậy, tại sao không có một cuốn sách hướng dẫn cách nuôi dạy trẻ… từ quan điểm của trẻ?
Bộ não tí hon chính là quyển sách như thế. Bởi vậy, hãy để tôi ngay lập tức chuyển sang chủ đề và chủ thể của quyển sách: Đứa trẻ đến từ tương lai.
Con chào mẹ! Con chào ba!
Bộ não tí hon là bộ sách con xin dành tặng cho ba mẹ, được viết từ quan điểm của con – đứa con tương lai của ba mẹ.
Bộ não tí hon là một bộ sách lý tưởng, chứa đựng đầy đủ mọi thứ mà con thực sự mong muốn trong quá trình lớn lên của mình để giúp con phát triển tối đa năng lực tiềm tàng của trí não, cơ thể và tâm hồn theo cách đơn giản hơn, vui hơn, nhẹ nhàng hơn cho cả con và ba mẹ.
Con chắc là ba mẹ cũng đã từng nghe rằng con, bé con của ba mẹ, sở hữu một mẩu thiết bị phức tạp đáng kinh ngạc, được tạo nên bởi bàn tay của tự nhiên: bộ não, món quà thực sự diệu kỳ cho cả ba mẹ lẫn cho con. Chưa hết đâu, con cũng sở hữu một cơ thể tinh xảo với những giác quan cực kỳ siêu việt.
Quyển sách này sẽ giải thích tại sao bộ não của mỗi đứa trẻ lại là một món quà kỳ diệu, và vai trò quan trọng mà ba mẹ, những người yêu dấu gần gũi nhất của con, đã và sẽ tiếp tục lãnh nhận trong quá trình phát triển của nó.
Phần lớn những quyển sách nuôi dạy trẻ đều chỉ tập trung vào việc ăn uống nuôi dưỡng cơ thể, còn quyển sách này tập trung vào vấn đề bồi dưỡng trí não.
Khi được sinh ra, bộ não kỳ diệu của con đã chứa sẵn một triệu triệu (1.000.000.000.000) tế bào não. Xin hãy giúp con dưỡng nuôi chúng hợp lý, thưa ba mẹ!
Gửi đến ba mẹ thật nhiều yêu thương,
Bé con thông minh của ba mẹ
Mới đây, tôi vừa hoàn thành loạt phim tài liệu In Search of Genius (tạm dịch: Tìm kiếm Thiên tài) cùng với hãng BBC. Đây là một nghiên cứu vô cùng thú vị: điều gì sẽ xảy ra khi bạn đón nhận những đứa trẻ bị cho là vô phương cứu vãn và nuôi dạy các bé theo cách để cho các bé tự do thể hiện cá tính nổi trội của mình. Kết quả cho thấy chính cách thức nuôi nấng mới là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển (hoặc làm thui chột) những tài năng tiềm ẩn.
Những đứa trẻ trong chương trình này đã hoàn toàn thay đổi khả năng tiếp thu, thái độ ứng xử, khả năng làm việc nhóm,
niềm vui cá nhân và cả sự tự tin so với trước đó.
Thực vậy, những nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh rằng khi được khơi dậy hết khả năng tiềm tàng sẵn có thì cơ thể và trí tuệ của trẻ sẽ có đủ sức mạnh làm thay đổi cả vũ trụ này.
Tôi hoàn toàn không có chút nghi ngờ nào về việc nếu có được sự khuyến khích thích hợp và môi trường nuôi dưỡng đúng đắn, mọi đứa trẻ đều có thể bộc lộ tài năng nổi bật của mình. Và điều quan trọng nhất là, sau này chúng sẽ trở thành những con người hoàn thiện và hạnh phúc.
LỜI GIỚI THIỆU
B
ộ não tí hon bao gồm 2 tập.
Tập 1, Cái nôi của thiên tài, sẽ giúp chúng ta nhận ra chức năng tuyệt vời của bộ não con người, các loại hình trí thông minh, những kỹ năng trí tuệ quan trọng như ghi nhớ, sáng tạo, Bản đồ Tư duy… và những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.
Tập 2, Thay đổi thế giới, đề cập đến những vấn đề đang gây tranh cãi trong thời gian gần đây về sự phát triển và hành vi của bé.
Quan điểm của tác giả nghiêng về khuynh hướng đồng tình với sự phát triển tự nhiên của bé. Bố mẹ, bạn bè, môi trường sống, nhà trường là các nhân tố chính góp phần cấu thành trí tuệ, thể chất và cảm xúc của bé. Kiến thức của bố mẹ sẽ giúp hướng cho bé trở thành “thiên thần”.
ĐIỀU CẦN LÀM
Bộ sách được viết ra để giúp cho những người sắp trở thành ông bố bà mẹ dần làm quen với những kiến thức quan trọng về việc nuôi dạy con cái.
Mỗi chương sách đều có mục những ĐIỀU CẦN LÀM, tập hợp các kinh nghiệm mà chúng ta đều biết, nhưng không may là thường có xu hướng bỏ qua!
Ngoài ra, các ông bố bà mẹ sẽ nhận ra mình cũng là những thiên tài bẩm sinh, cũng sở hữu những tài năng tiềm ẩn như của bé, qua đó giúp họ phát triển bản thân hơn nữa.
Tuy nhiên, có lẽ mục đích quan trọng nhất của tác giả là giới thiệu cho các bậc phụ huynh một bộ công cụ tối ưu và thiết thực nhất để giúp trẻ phát triển toàn diện – nhìn nhận mọi việc theo cách của bé – đồng thời cân nhắc những câu hỏi như:
• Những kinh nghiệm, trải nghiệm đầu tiên của bé nên là gì?
• Môi trường nào sẽ ảnh hưởng đến giác quan và nhận thức thông qua các giác quan của bé?
• Làm thế nào để giúp bé nhận ra được khả năng của trí não và cách để khuyến khích bé phát huy tối đa khả năng ấy?
• Làm sao để giúp bé vận dụng tối đa năng lực trí tuệ của mình?
• Làm thế nào để hỗ trợ và dẫn dắt bé trong giai đoạn then chốt này – giai đoạn phát triển tinh thần, thể chất, tình cảm?
• Thực phẩm nào là tốt nhất cho sự phát triển trí não và cơ thể của bé?
• Cách khuyến khích bé trân trọng sự độc đáo, khác biệt của mình để trở thành “con thiên nga xinh đẹp”, một con người hạnh phúc, đầy tự tin?
PHẦN 1
MÔI TRƯỜNG LÝ TƯỞNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN
Chương 1
THIÊN HƯỚNG TỰ NHIÊN HAY ĐIỀU KIỆN GIÁO DỤC, NUÔI DƯỠNG?
*
Điều gì quyết định năng lực của trẻ? Do di truyền hay là do kết quả của quá trình giáo dục?
Cuộc tranh luận về hai yếu tố: thiên hướng tự nhiên hay điều kiện nuôi dưỡng - giáo dục đã diễn ra gay gắt ở thế kỷ 20. Và đáng tiếc là trong phần lớn thời gian ấy, cuộc tranh luận chỉ tập trung vào vấn đề: hoặc cái này, hoặc cái kia.
*
G
iờ đây, chúng ta đã nhận thức rõ ràng rằng cả hai đều giữ vai trò nhất định. Vậy câu hỏi đặt ra là, mỗi yếu tố đóng góp được đến mức độ nào?
1. Một đứa trẻ sống trong môi trường nói tiếng Tây Ban Nha sẽ nói tiếng Tây Ban Nha, cũng đứa trẻ đó nhưng được nuôi nấng trong môi trường nói tiếng Trung Quốc sẽ nói tiếng Trung Quốc. Như vậy, yếu tố di truyền không hề ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ.
2. Tạo điều kiện cho con bạn tiếp xúc với ngôn ngữ toán học, âm nhạc, nghệ thuật… Nếu bị cô lập với chúng, bé sẽ chẳng học được điều gì cả. Di truyền không tác động tới những điều này, mà môi trường mới là yếu tố quyết định.
3. Nuôi con theo chế độ ăn của một tay vật Sumo, cơ thể bé sẽ trở nên giống đô vật; ngược lại, khi tước đi của bé khẩu phần dinh dưỡng phù hợp, bé sẽ trở nên gầy gò và tất cả các bộ phận cơ thể, đặc biệt là bộ não, sẽ không phát triển. Di truyền không đóng vai trò gì trong chuyện này. Môi trường vẫn là tất cả.
4. Không tiếp xúc với ánh sáng trong ba năm, hệ thống thị giác của bé sẽ ngừng phát triển. Di truyền không quyết định điều này mà là môi trường.
5. Ăn những thứ độc hại, con bạn sẽ chết dần. Cho bé dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, bé sẽ phát triển khỏe mạnh. Điều này không có sự tác động của di truyền, hoàn toàn vẫn là do môi trường.
Tất nhiên thiên hướng tự nhiên cũng có vai trò nhất định nào đó. Màu mắt, màu tóc của chúng ta, và rất nhiều đặc điểm tự nhiên khác, thậm chí cả bộ não cũng đều là sản phẩm của tự nhiên.
Tự tin bước đi, con sẽ thành công!
ĐIỀU CẦN LÀM
Hãy làm tất cả những gì có thể cho bé.
Bạn chính là nguồn ảnh hưởng tích cực đến cuộc đời bé. Hãy yêu bé thật nhiều và ở bên bé nhiều nhất có thể khi bé còn nhỏ. Những nỗ lực của bạn rồi sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.
Nhìn lại quá khứ, chiêm nghiệm và nhận ra những ảnh hưởng lớn lao nào đó – về tinh thần, thể chất, xã hội, con người, tâm linh – đã thay đổi cuộc đời bạn.
Rất nhiều người, đặc biệt là những người vĩ đại, cho rằng tình yêu thương, lòng nhân hậu và sự ân cần thực sự là động lực làm biến đổi cuộc đời họ. Còn với những người khác thì những hình ảnh tuyệt vời họ thấy được khi còn bé đã in sâu vào tâm trí và trái tim họ đến mức họ khao khát trở nên như vậy khi trưởng thành.
Torvil và Dean, hai nhà vô địch trượt băng tại Thế vận hội Olympic, khi được xem nhà trượt băng vĩ đại người Nga
Protopovovs biểu diễn, đã ước muốn “được giống như vậy”.
Mohammed Ali, võ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử quyền anh, khi trông thấy Sugar Ray Robinson, tay đấm bốc hạng trung nổi tiếng, thì đã quyết định “muốn trở nên như thế”.
Không chỉ những người nổi tiếng hay vĩ đại mới giữ vai trò như vậy, tất cả mọi người đều có thể nhớ ít nhất một “người thầy vĩ đại” trong đời mình, người đã gây ấn tượng mạnh mẽ và cho ta học được điều quan trọng nào đó.
Ba mẹ là “người thầy” vĩ đại của con!
Chương 2
VUI CHƠI CÓ CẦN THIẾT?
*
“Ta sẽ được là chính mình khi ta thoải mái nô đùa như một đứa trẻ.”
- Heraclitus
*
“T
ôi nên để con vui chơi thỏa thích, cho chúng học ở trường chú trọng đến giờ chơi, hay là nên hạn chế việc chơi đùa, gửi chúng đến ngôi trường chỉ tập
trung vào việc học – khía cạnh 'quan trọng hơn cả'! – để chúng có được điểm số cao và bằng cấp tốt?”
Đây là điều trăn trở của rất nhiều bậc cha mẹ. Họ thực sự bối rối giữa một bên là bản năng mách bảo rằng vui chơi cũng rất cần thiết cho trẻ nhỏ với một bên là nhận thức thành công trong học thuật rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công ngoài xã hội.
Cũng giống như những cuộc tranh cãi về IQ với trí tưởng tượng, về thiên hướng tự nhiên với điều kiện nuôi dưỡng, về khuynh hướng thuận tay phải hay tay trái, sai lầm ở đây là sự tách bạch “hoặc cái này, hoặc cái kia” mà không nhận ra đóng góp của cả hai hay việc sử dụng cả hai sẽ tốn ít thời gian và mang lại nhiều năng suất hơn so với chỉ một.
Những cuộc nghiên cứu
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Y Baylor ở Houston, Texas đã tuyên bố rằng những món đồ chơi ở lứa tuổi còn nằm nôi có liên quan đến sự phát triển trí thông minh của bé năm lên ba. Với những trẻ không chơi đùa, sự phát triển não bộ sẽ thấp hơn 20 – 30% so với những đứa trẻ thường xuyên được vui chơi.
Nghiên cứu này nhận được sự ủng hộ của cả Tiến sĩ Glenn Doman và Tiến sĩ Kathleen Alfano, hai nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu về trẻ em và hoạt động vui chơi ở trẻ. Tiến sĩ Alfano đã chứng minh quan điểm của mình bằng việc đưa ra bản chụp cắt lớp bộ não của trẻ bình thường và trẻ bị bỏ rơi (những đứa trẻ bị bỏ rơi trong nghiên cứu là nạn nhân chiến tranh sống trong những trại mồ côi ở Rumani, thường phải ngồi cả ngày trong cũi).
Trong ảnh, bà chỉ ra những đường liên kết sáng màu ở trẻ bình thường, và những mảng tối rất dễ nhìn thấy ở trẻ bị bỏ rơi. Bà cũng cho rằng những đứa trẻ vui chơi, hoạt động nhiều thì sẽ đạt thành tích học tập cao hơn và phát triển được những kỹ năng cần có trong tương lai.
Nghiên cứu của bà chỉ ra sự sai lầm trong tranh cãi “hoặc cái này, hoặc cái kia” mà chúng ta đã nói đến ở đầu chương. Câu trả lời là cả hai: chơi và học! Nghiên cứu cũng đưa ra cùng một kết quả khả quan như nghiên cứu của Tiến sĩ Doman – đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận động đối với sự phát triển của trẻ.
Theo bà, vận động – cũng như vui chơi – là rất quan trọng bởi nó được điều khiển bởi cùng một phần não kiểm soát khả năng học tập, tiếp thu; do đó bà hoàn toàn ủng hộ ý tưởng cho rằng hoạt động thể chất là cần thiết để kích thích khả năng trí tuệ (Mens
sana in corpore sano – một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh).
Bà đã đưa ra một ví dụ ấn tượng về một đứa trẻ đang học đọc nhưng gặp vấn đề về liên kết từ. Nhưng khi thực hiện những bài tập vận động giống như Tiến sĩ Doman đã đề nghị, kết quả là khả năng liên kết từ của bé cải thiện một cách đáng kinh ngạc.
Có một sự thật rất thú vị đó là loài người được ưu tiên có một tuổi thơ dài nhất trong tất cả các loài động vật. Mẹ Thiên nhiên đã cho phép những bộ não đang phát triển của trẻ được trải qua quãng thời gian tối đa để khám phá, thử nghiệm và chơi đùa với biết bao hoạt động khác nhau để giúp đảm bảo sự tồn tại lâu dài của loài người.
Món quà mà Mẹ Thiên nhiên đã trao tặng cho con bạn là “công cụ tối thượng” cho sự phát triển và giúp bé nhận ra khả năng vô tận của mình thông qua hoạt động quan trọng, thú vị, quý giá nhất trong tất cả các hoạt động của loài người: VUI CHƠI.
Quan điểm sai lầm
Mặc cho ngày càng có nhiều bằng chứng được đưa ra bởi những nhà nghiên cứu như Tiến sĩ Alfano nhưng nhiều người không quan tâm đến giá trị của việc vui chơi. Họ đánh đồng việc vui chơi với sự thiếu nghiêm túc và “nhác việc”.
Hệ quả của những suy nghĩ sai lầm này là nhiều trường học đã quyết liệt cắt giảm, thậm chí hoàn toàn loại bỏ giờ chơi khỏi chương trình giảng dạy. Quyết định này dựa trên luận cứ rằng trẻ em đến trường là để học, rằng chơi đùa thật ngớ ngẩn và không thích hợp với môi trường học tập.
Đây rõ ràng là một tai họa đối với trẻ em và cả xã hội, bởi nó “cướp” đi của trẻ công cụ học tập hiệu quả nhất: VUI CHƠI.
Những lợi ích của vui chơi
1. Vui chơi vận động thân thể
Các hoạt động vui chơi, vận động là bài tập rèn luyện thân thể tuyệt vời nhất, giúp:
(a) Thân hình phát triển cân đối
(b) Cơ bắp mạnh mẽ
(c) Cơ thể cử động linh hoạt
Hơn nữa, các hoạt động này góp phần không nhỏ cho sự phát triển các khả năng của cơ thể như:
(a) Phối hợp
(b) Thăng bằng
(c) Tăng tốc độ nhận thức thông qua các giác quan (d) Tăng tốc độ phản ứng của các giác quan
(e) “Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ” – những hoạt động này rất vui nhộn, mang lại nhiều tiếng cười, được xem là liều thuốc giảm mệt mỏi, căng thẳng hiệu quả nhất
2. Vui chơi vận động trí óc
Lợi ích của dạng hoạt động này được trình bày rõ trong chương Trò chơi Vận động Trí óc ở phần ba quyển sách này. Tóm lại, nó giúp phát triển các kỹ năng: tư duy phân tích, hoạch định chiến
lược, sáng tạo, tổng thể; tập trung; ghi nhớ; độc lập; tương trợ; tự lực.
3. Vui chơi nói chung
Bên cạnh những lợi ích đã nhắc đến ở trên, các hoạt động vui chơi nói chung sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng như:
(a) Lãnh đạo/Tuân phục – Trẻ rất thích trò chơi lãnh đạo, thường là do các bé tự nghĩ ra; vai trò lãnh đạo sẽ lần lượt được các bé thay phiên nhau đảm nhiệm.
(b) Kết bạn – Thông qua những hoạt động vui chơi, trẻ sẽ tìm thấy được những người bạn có chung sở thích.
(c) Quan hệ xã hội – Thông qua các trò chơi, bé trải nghiệm được các mối quan hệ xã hội, từ đó giúp hình thành nên hành vi ứng xử. Chẳng hạn như, trò chơi mua bán là bước chuẩn bị tuyệt vời cho công việc kinh doanh sau này.
(d) Thắng/Thua – Nhiều trò chơi có sự phân định thắng - thua rõ ràng, qua đó rèn cho bé cách phản ứng phù hợp mỗi khi thắng cũng như khi thua.
(e) Bắt chước – Các trò chơi cho bé vô số cơ hội để phát triển khả năng bắt chước. Tiến sĩ Alfano đã quan sát thấy rất nhiều trò như vậy, ví dụ cô bé gái hai tuổi khi chơi với chiếc máy pha cà phê nhựa, bé cũng tạo ra âm thanh ùng ục giống hệt như tiếng nước sôi; hoặc một cậu bé ba tuổi khi chơi với bộ đồ chơi tiệc nướng cũng lui cui dùng chổi quét dầu lên thịt trước khi nướng, sau đó chùi tay vào tạp dề chính xác như bố bé vẫn làm.
4. Nghỉ ngơi và ở một mình
Khi chơi, con bạn thường xuyên có những giây phút yên lặng bất chợt, ví dụ khi bé ngồi trong lùm cây bên dòng suối để trốn “người đi tìm”; khi bé bỏ xa hết thảy bạn bè lúc đi dạo, thi chạy hoặc rượt đuổi; khi bé và đám bạn mỗi người chiếm cứ một cành cây; hoặc đơn giản là khi cả hội cùng nằm dài trên bãi cỏ ngắm mây trời.
Những hoạt động chậm đó cũng quan trọng như những hoạt động nhanh nhẹn không ngừng của bé.
Để nhận thức được tầm quan trọng của những khoảnh khắc chậm rãi ấy, chúng ta hãy xét lại bản thân mình – Thường là vào lúc nào thì những ý tưởng mới bất chợt xuất hiện, giải pháp cho vấn đề rắc rối đang gặp phải bỗng lóe lên, hay ta bất ngờ nhớ lại điều tưởng đã quên trong quá khứ? Câu trả lời thường gặp là:
• Khi đang tắm
• Trong nhà vệ sinh
• Đi dạo ngoài trời
• Chạy bộ đường dài
• Lúc đang bơi
• Trong lúc lái xe
• Đi máy bay chặng dài
• Trước khi ngủ hoặc khi vừa thức dậy
• Đang mơ
• Đang nghe nhạc
• Đang ngắm nước chảy
• Điểm chung của những câu trả lời trên là gì?
Đó là khi bộ não được NGHỈ NGƠI và Ở MỘT MÌNH.
Vào những lúc ấy, những ý tưởng sáng tạo vĩ đại sẽ nảy sinh. Bằng chứng là hàng triệu bài thơ đã được sáng tác trong những hoàn cảnh đó; và những khám phá của các nhà khoa học vĩ đại như Archimedes, Newton, Kekulai, Robert the Bruce và Einstein đều là kết quả của việc ngâm mình trong bồn tắm, nằm dài dưới tán cây táo, lơ mơ trước bếp than hồng, ngồi một mình ngắm nhện giăng tơ và mơ về chuyến du hành đến nơi tận cùng vũ trụ trên một tia nắng.
Do vậy, những khoảnh khắc nghỉ ngơi tuyệt vời – một phần trong hoạt động vui chơi – là yếu tố quan trọng giúp bé rèn tính điềm tĩnh, trí tưởng tượng, sự sáng tạo, đồng thời cho bé khoảng thời gian thư giãn cần thiết và giảm bớt nỗi lo âu, căng thẳng.
Làm việc và vui chơi
Giải pháp của thế kỷ 21 là không chọn lựa hoặc chỉ làm việc hoặc chỉ vui chơi, không làm việc một chút rồi vui chơi một lúc, mà là kết hợp cả hai với nhau. Những người làm được việc này – chẳng có gì là ngạc nhiên! – đều là những bộ óc vĩ đại của thế giới. Một trong những điều dễ thấy ở những bộ óc vĩ đại ấy chính là khả năng làm việc không ngơi nghỉ và sức tưởng tượng vô tận.
Họa sĩ thiên tài Rembrandt được biết đến là người có khả năng làm mệt lử nhóm đồng nghiệp và bạn bè vào buổi sáng, nhóm khác vào buổi trưa, và nhóm khác nữa từ tối cho đến tận sáng
hôm sau. Năng lượng làm việc tương tự cũng được tìm thấy ở Marie Curie, Alexander Đại đế, Mohammed Ali (người thường phải bị đuổi mới rời khỏi phòng tập), Beethoven, Pablo Picasso, Maria Montessori, Nữ hoàng Elizabeth I, Thomas Edison và còn hàng ngàn thiên tài khác nữa.
Vậy, bí quyết của họ là gì?
Đơn giản thôi!
Họ xem công việc của mình như là trò chơi. Công việc không phải là điều bắt buộc đầy vất vả cực nhọc họ phải gánh, mà là cốt lõi, là trọng tâm, là niềm vui, là màn kịch của cuộc đời mình. Phòng thí nghiệm, xưởng vẽ, phòng làm việc, sàn đấu, rạp hát và thế giới họ sống chính là sàn diễn, là sân chơi, là nhà trẻ, là thiên đường của họ.
ĐIỀU CẦN LÀM
Cứ thoải mái vui chơi!
Dành thời gian nghỉ ngơi, không làm gì cả.
Dành thời gian để mơ mộng.
Đừng rơi vào “cái bẫy - cảm giác” mọi phút giây của cuộc đời mình phải gắn với một hoạt động có mục đích nào đó.
Điều này rất có ích cho bạn, và cũng rất quan trọng với con bạn nữa. Với bé, chơi là để sống và sống là để chơi. Vui chơi chính là “công việc” của trẻ.
Chọn cho con những món đồ chơi chất lượng cao.
Chất lượng cao ở đây nghĩa là những món đồ giúp kích thích các chức năng não bộ và giúp phát triển các loại hình trí thông minh.
Đừng phí thời gian và tiền bạc cho những món đồ chơi hoạt động bằng pin hay có chức năng/mục đích hạn chế.
Tránh xa loại đồ chơi chỉ để ngắm. Hãy chọn cho bé những món đồ chơi kích thích trí tưởng tượng.
Sớm cho bé tiếp cận với những Trò chơi Vận động Trí óc. Biến ngôi nhà của bạn thành sân chơi.
Sắp xếp không gian để bé có được chỗ vui chơi rộng rãi, nơi bé có thể bày bừa thoải mái và thực hiện những “dự án” kéo dài từ ngày này sang ngày khác của mình.
Mang thiên nhiên vào nhà và mang bé ra hòa nhập với thiên nhiên.
Dành một góc riêng trong khu vực chơi của bé làm “Góc thiên nhiên” – đặt vài chậu cây, rải vài chiếc lá, xếp vài chiếc vỏ sò, những viên đá cuội… mà bạn và bé tìm được.
Nên thường xuyên dẫn bé đi dạo công viên gần nhà hay cánh đồng ở ngoại thành.
Hãy mang đến cho bé người bạn chơi tuyệt vời – thú cưng.
Chương 3
THIÊN ĐÀNG TUỔI THƠ
*
Ước muốn mãnh liệt của bất kỳ “thế hệ hiện tại” nào là làm cho thế giới này trở thành một nơi chốn tươi đẹp hơn cho con cái mình. Đó là bước tiếp theo của quá trình tiến dần về Thiên đàng.
*
P
aradise, hay Thiên đàng, là tên gọi có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập, mang ý nghĩa hết sức gần gũi.
Paradise có nghĩa là khu vườn.
Trong nhiều tôn giáo, Thiên đàng thường được mô tả như là một khu vườn. Làm vườn cũng đang nhanh chóng trở thành thú vui của mọi người trên khắp thế giới. Và nơi chúng ta gửi cô cậu nhóc hai tuổi nhà mình đến học cũng là một khu vườn – vườn trẻ.
Để Đánh thức Thiên tài, bạn hãy dắt con bạn đến khu vườn – thiên đàng tuổi thơ – càng sớm và càng thường xuyên càng tốt.
Theo nghĩa rộng hơn, khu vườn còn có nghĩa là thiên nhiên. Và thiên nhiên nên được chọn là bà mẹ đỡ đầu cho mọi đứa trẻ.
Với những gì bạn đã biết về các dạng trí tuệ khác nhau ở trẻ, về các giác quan, về nhu cầu cần được khích lệ, về tính hiếu kỳ ham học hỏi, về lòng khao khát có được kiến thức và trải nghiệm mới(*), hãy suy xét những lợi ích mà bộ não cũng như cơ thể bé thụ hưởng được từ những điều sau đây:
(*) Các nội dung này đã được trình bày trong tập 1 - Cái nôi của thiên tài.
1. Vô vàn những giai điệu trầm bổng của tiếng chim hót. 2. Những cơn gió không ngừng mơn man làn da.
3. Cảm giác khi đôi chân bé tiếp xúc với mặt đất, như: cái nứt nẻ của ngày hè khô hạn, trơn trượt ẩm ướt vào mùa mưa, sự mềm mịn của bãi cỏ, cái nhấp nhô thô ráp của lớp đất đá hay tiếng lạo xạo níu chân của bãi cát ven biển.
4. Mùi hương dịu nhẹ của những bông hoa đang nở rộ lan tỏa trong không khí.
5. Sự biến chuyển liên tục của ánh sáng.
6. Ánh mặt trời chiếu xuống dòng nước chảy, tạo ra hàng triệu triệu viên kim cương lấp lánh trên mặt nước.
7. Cả thế giới đảo ngược xuất hiện qua mặt hồ trong vắt như gương.
8. Màn biểu diễn võ nghệ thượng đẳng của những con thiêu thân khi chúng liên tục lao vào, quay vòng, chụm lại rồi bật xa khỏi ngọn đèn.
9. Những mẫu trang trí nghệ thuật tuyệt vời với màu sắc đa dạng của thế giới côn trùng, điển hình là những cánh bướm có
thể làm mê hoặc hết thảy mọi người.
10. Mùi hương của thiên nhiên tỏa ra dưới tiết trời nóng bức, đặc biệt là hương cỏ.
11. Những đám mây với biết bao hình dạng khác nhau, khơi gợi trí tưởng tượng tuổi thơ về một thế giới thần tiên mộng ảo.
12. Màn trình diễn ánh sáng tuyệt vời của tia mặt trời chiếu xuyên qua những tán lá cây.
13. Từng đàn chim chao liệng trên bầu trời như những vận động viên nhào lộn kỳ cựu giữa không trung bao la.
14. Bầu trời đêm lung linh kỳ ảo với muôn vàn ánh sao lấp lánh, gợi cảm giác thán phục lẫn lòng khao khát được tìm hiểu vũ trụ.
Hãy nghĩ xem con bạn sẽ thế nào nếu thay vì được tận hưởng tất cả những điều kể trên, bé chỉ ngồi trước màn hình ti-vi thôi?
ĐIỀU CẦN LÀM
Biến ngôi nhà của bạn thành chốn thiên đường.
Ngoài việc mang thiên nhiên vào trong nhà, hãy cố gắng chăm chút cho ngôi nhà của mình thêm xinh xắn, đủ màu sắc và ấm cúng, nơi tất cả thành viên đều muốn dành thời gian quây quần bên nhau.
Sắp xếp các vật dụng sao cho dễ tìm và dễ bảo quản. Dọn dẹp bớt những thứ không cần dùng tới.
Dưỡng nuôi tình yêu, lòng mê say trước vẻ đẹp thiên nhiên.
Hãy đảm bảo sau này con bạn không trở thành người mà khi lên máy bay sẽ quay sang đề nghị với người đang ngồi cạnh cửa sổ nhìn ngắm mây trời rằng: “Kéo cửa xuống để tôi xem phim nào”.
Giúp bé nuôi giữ được lòng háo hức, nhiệt tình trước cuộc sống, thích nhìn ngắm “bộ phim” về đại dương, lục địa qua “màn hình” cửa sổ.
Chương 4
CÁC CHẶNG PHÁT TRIỂN
*
Trẻ em trải qua ba giai đoạn phát triển chính: phát triển kỹ năng vận động, phát triển thể chất và phát triển trí tuệ.
*
K
ỹ năng vận động bao gồm các kỹ năng vận động thô (như nâng đỡ cơ thể bằng đôi chân), và các kỹ năng vận động tinh (như điều khiển bàn tay, các ngón tay).
Sự phát triển về thể chất liên quan tới sự phát triển các giác quan, thói quen ngủ, thói quen ăn uống, mọc răng, chăm sóc bản thân…
Còn sự phát triển trí tuệ thì bao gồm việc học ngôn ngữ, ghi nhớ, nhận thức chung và sự phát triển trí thông minh.
Như bạn đã biết, mỗi đứa trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Bảng sau đây sẽ giúp bạn kiểm tra sự phát triển của bé dựa trên tiêu chuẩn trung bình. Dù con bạn đang ở mức trên, ngang bằng hay dưới chuẩn trung bình đó thì bạn cũng hãy khuyến khích, tạo điều kiện cho bé phát triển một cách toàn diện.
Tuổi:
1 tháng
Phát triển thể chất:
Kiểm tra: Được bác sĩ khám đều đặn trong vòng 6 tháng đầu. Bữa ăn: Phần lớn trẻ uống từ 90 – 120ml sữa mỗi cữ.
Giác quan: Thích những mùi thơm dịu, thích những bề mặt mềm mại. Bé dịu lại khi nghe giọng cao và nhạc nhẹ.
Kỹ năng vận động:
Vận động thô: Hệ thần kinh và khả năng kiểm soát cơ bắp phát triển giúp cho cử động của bé nhịp nhàng, uyển chuyển hơn. Phần lớn các động tác đều mang tính phản xạ, ví dụ như bú mút hay đưa tay lại gần miệng. Vung tay, vung chân. Ngã bật ra sau nếu không được đỡ.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Những âm thanh nhỏ trong cổ họng có thể trở thành tiếng thì thầm ê a ở cuối tháng thứ nhất. Phản ứng lại với tiếng nói của mọi người xung quanh.
Trí nhớ: Vài bé bắt đầu đòi ăn khi đến bữa.
Lời khuyên: Dùng những câu đơn giản khi nói chuyện với bé. Gọi bé bằng tên.
Tuổi:
2 tháng
Phát triển thể chất:
Sức khỏe: Mặc ấm cho bé bởi khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của bé chưa hoàn chỉnh.
Giác quan: Mắt trở nên nhạy hơn và dõi theo vật chuyển động. Thích nhìn khuôn mặt.
Ngủ: Bé có thể khóc do chứng đau bụng khi ngủ nhưng tình trạng này thường biến mất ở tháng thứ ba.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Mở và nắm bàn tay một cách cẩn thận. Có thể cầm được vật trong vài giây.
Vận động thô: Đôi chân cong lúc mới sinh bắt đầu thẳng dần ra. Gượng đầu. Một số phản xạ mất dần ở cuối tháng thứ hai.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Bắt đầu liên kết được một số việc đơn giản – nếu khóc, bé sẽ được bế. Gia tăng nhận thức về các kích thích bên ngoài.
Ngôn ngữ: Giao tiếp chủ yếu bằng tiếng khóc. Tạo được các âm thanh như “ô ô”,“a a”.
Tuổi:
3 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Chép môi khi đến cữ bú.
Giác quan: Cất tiếng ê a và mỉm cười khi được trò chuyện. Khi bé không đáp lại, có thể là do có vấn đề về thính giác. Hai mắt thẳng hàng và tập trung được vào một điểm thay vì hai.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Đập tay vào những vật đung đưa. Vận động đều cả hai tay khi nằm ngửa.
Vận động thô: Đẩy cả hai chân khi được bế đứng trên bề mặt cứng. Học cách nhún nhảy. Có thể nâng cả đầu và ngực khi nằm sấp. Các cú đá chân đã có lực bởi hông và khớp chân đã phát triển linh hoạt hơn.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Cười đáp lại hình ảnh trong gương. Ngừng bú để hóng chuyện khi nghe giọng ba mẹ nói.
Ngôn ngữ: Rên rỉ, ré lên, cười thầm, líu ríu trong cuống họng. Thích thú phát ra âm thanh khi nghe người khác nói chuyện.
Tuổi:
4 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Một số trẻ bắt đầu ăn bột. Việc cân bằng giữa ăn dặm và uống sữa có thể khác nhau, tùy theo đáp ứng của từng bé.
Sức khỏe: Có thể bị cảm lạnh vì hệ miễn dịch còn yếu. Nên đến bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài.
Giác quan: Nhìn được màu sắc, điều chỉnh được các khoảng cách khác nhau và nhận biết chiều sâu.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Có thể với tay. Nắm chặt đồ chơi và cho vào miệng.
Vận động thô: Học được cách chuyển trọng lượng cơ thể từ bên này sang bên kia và lật. Phần thân trên và cánh tay mạnh lên giúp bé có thể ngồi dậy. Thường nghiêng người để giữ thăng bằng.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Biết lạ chỗ và cảm nhận được người lạ.
Ngôn ngữ: Thường bập bẹ với chính mình hoặc những người xung quanh. Có thể cao giọng như thể đặt câu hỏi.
Trí nhớ: Phân biệt được người quen. Có thể nhận ra mẹ giữa nhiều người.
Lời khuyên: Trò chuyện mặt đối mặt với bé. Bắt chước âm thanh của bé.
Tuổi:
4 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Một số trẻ bắt đầu ăn bột. Việc cân bằng giữa ăn dặm và uống sữa có thể khác nhau, tùy theo đáp ứng của từng bé.
Sức khỏe: Có thể bị cảm lạnh vì hệ miễn dịch còn yếu. Nên đến bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài.
Giác quan: Nhìn được màu sắc, điều chỉnh được các khoảng cách khác nhau và nhận biết chiều sâu.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Có thể với tay. Nắm chặt đồ chơi và cho vào miệng.
Vận động thô: Học được cách chuyển trọng lượng cơ thể từ bên này sang bên kia và lật. Phần thân trên và cánh tay mạnh lên giúp bé có thể ngồi dậy. Thường nghiêng người để giữ thăng bằng.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Biết lạ chỗ và cảm nhận được người lạ.
Ngôn ngữ: Thường bập bẹ với chính mình hoặc những người xung quanh. Có thể cao giọng như thể đặt câu hỏi.
Trí nhớ: Phân biệt được người quen. Có thể nhận ra mẹ giữa nhiều người.
Lời khuyên: Trò chuyện mặt đối mặt với bé. Bắt chước âm thanh của bé.
Tuổi:
5 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Những bé đã ăn dặm nên ăn những thực phẩm giàu chất sắt (như rau xanh) để hỗ trợ cho sự phát triển. Giai đoạn này bé dễ bị phân tâm khi đang bú mẹ. Vài bé đã sẵn sàng cai sữa.
Ngủ: Có thể ngủ suốt đêm và thêm hai giấc ngủ ngắn vào ban ngày.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Chuyển được vật từ tay này sang tay kia. Có thể cầm chai lọ.
Vận động thô: Điều khiển thân mình, đầu và cổ tốt hơn. Ngẩng đầu lên và giữ thẳng được khi đặt nằm sấp. Bé cũng có thể lắc lư thân mình, nắm lấy bàn chân và cho vào miệng khi nằm.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Có thể thả rơi vật để xem cha mẹ nhặt lên. Bé nhìn xem vật rơi từ đâu và chạm xuống nơi nào.
Ngôn ngữ: Bé chăm chú nhìn miệng người nói và cố bắt chước. Phát ra được những phụ âm như m, b.
Trí nhớ: Đoán được toàn bộ vật sau khi nhìn thấy một phần của nó.
Tuổi:
6 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Có thể gom thành 3 bữa chính một ngày, cộng thêm một số bữa phụ dinh dưỡng khác.
Mọc răng: Hai răng cửa hàm dưới bắt đầu nhú lên ở tháng thứ 6 hoặc thứ 7. Bé có thể bị sưng lợi, cáu kỉnh và khó chịu. Những chiếc gặm nướu xinh xinh bằng cao su có thể giúp bé dễ chịu hơn, nhưng không nên ướp lạnh.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Vươn người lên khi ngồi.
Vận động thô: Lật người theo cả hai hướng. Giữ được thăng bằng khi ngồi do các cơ bắp ở bụng và lưng mạnh lên. Có thể trườn người về trước.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Có thể nhận thức được nguyên nhân và kết quả: lúc lắc chiếc lục lạc sẽ khiến nó phát ra âm thanh.
Ngôn ngữ: Vận động đôi môi theo nhiều hình dạng khác nhau để tạo ra âm thanh mới.
Lời khuyên: Giảm dần các cuộc nói chuyện ê a với bé để thay bằng ngôn ngữ người lớn hơn.
Tuổi:
7 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Để ý xem những biểu hiện dị ứng đối với thức ăn mới. Sự tăng cân giảm dần do bé tăng cường vận động.
Giác quan: Nhìn tốt, xác định được nơi phát ra âm thanh. Ngủ: Có thể ngủ sâu giấc, đôi khi thức giấc vì đói hoặc bị đau. Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Vỗ tay, đập hai vật vào nhau. Dùng một tay nắm lấy đồ chơi.
Vận động thô: Đôi chân có thể chịu được trọng lượng cơ thể. Bé thích nhảy, ngồi được khi tựa vào gối và có thể xoay người để với lấy đồ vật khi đang ngồi. Có thể ngồi được bằng cách tựa lực vào hai tay chống dưới sàn.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Có thể phân loại các khối đồ chơi khác nhau theo kích thước.
Ngôn ngữ: Tạo được nhiều âm thanh chỉ với một hơi. Nhận ra các thanh điệu và sự chuyển điệu.
Trí nhớ: Tăng cường trí nhớ bằng các trò chơi giấu đồ/trốn tìm và quan sát sự xuất hiện, biến mất. Bé nhớ được chú hề trong hộp nhạc sẽ bật ra khi bài hát kết thúc.
Tuổi:
8 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Ít làm đổ nước khi uống bằng cốc. Để tránh bị nghẹn, cho bé ăn thức ăn nghiền nhuyễn hoặc đủ mềm để nuốt mà không cần nhai.
Ngủ: Học cách tỉnh thức. Kích thích quá độ có thể khiến bé khó dịu lại được.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Học được cách điều khiển ngón tay, thả rơi hoặc ném được đồ vật.
Vận động thô: Khả năng phối hợp hoàn thiện hơn. Bé bắt đầu bò, thường bò lui trước. Vài bé lết bằng mông đi khắp phòng.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Bắt đầu bắt chước nhiều âm thanh khác nhau. Đáp lại những âm thanh quen thuộc bằng cách quay cả đầu và thân người lại.
Ngôn ngữ: Nhớ được cách đáp lại những cụm từ cụ thể, ví dụ đưa cả hai tay lên khi nghe đến từ “to quá”.
Tuổi:
9 tháng
Phát triển thể chất:
Kiểm tra sức khỏe: Đến bác sĩ để được kiểm tra và tiêm ngừa.
Ngủ: Lo lắng không có ba mẹ bên cạnh có thể khiến bé khóc đòi vào giờ ngủ. Bé thư giãn bằng cách mút ngón tay cái, ôm ấp và
đu đưa thú bông.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Bé thích bỏ đồ vật vào hộp rồi lấy ra và đút ngón tay vào các lỗ nhỏ. Bé thích các món đồ chơi có bộ phận chuyển động như bánh xe hoặc bập bênh.
Vận động thô: Thời gian gần đến sinh nhật một tuổi, bé có thể bắt đầu bám lấy điểm tựa để đứng lên. Bé cũng học được cách cong gối ngồi xuống sau khi đứng.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Bé có thể đáp lại với tiếng gọi tên mình và những từ khác, ví dụ “Không”. Chăm chú lắng nghe khi người khác nói chuyện. Có thể nói “Ma-ma”,“Da-da”. Thích bắt chước tiếng ho.
Trí nhớ: Để ý khi có ai đó rời phòng và mong chờ sự quay lại.
Tuổi:
10 tháng
Phát triển thể chất:
Bữa ăn: Phần lớn các bé cần khoảng 750-900 calo một ngày, hơn một nửa trong số đó là từ sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Mặc/Vệ sinh: Bé có thể tự cởi nón và thích sử dụng xà bông. Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Có thể cầm bút chì màu và cố nguệch ngoạc. Thích thú với những vật nhỏ xíu.
Vận động thô: Có thể vịn tường bước đi rồi thả tay ra, đứng được trong chốc lát. Ngồi rất vững.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Xác định được chiều cao và mép của đồ đạc trong nhà.
Ngôn ngữ: Thêm cử chỉ vào lời nói, ví dụ vẫy tay khi “Bye bye” hay lắc đầu khi nói “Không”.
Tuổi:
11 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Có thể tự dùng tay để đút đồ ăn. Bé thích đồ ăn mềm hoặc giòn.
Mặc/Vệ sinh: Có thể tự cởi đồ, đặc biệt là cởi vớ.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Thích lật trang, nhưng thường vài trang cùng một lúc. Thích thú với bản lề cửa và hay đẩy cửa ra vô.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Bắt chước lời nói cũng như cử chỉ. Học nghĩa của từ khi nghe chúng ở các ngữ cảnh khác nhau.
Lời khuyên: Trò chơi ú òa hay các trò vừa hát vừa múa giúp kích thích trí nhớ ở bé.
Tuổi:
12 tháng
Phát triển thể chất:
Kiểm tra sức khỏe: Đến bác sĩ để được kiểm tra cân nặng, kỹ năng vận động.
Ăn: Thích tự đút ăn dù sẽ làm vương vãi khắp nơi. Bé có thể cầm muỗng nhưng đưa vào miệng chưa chính xác.
Ngủ: Bé có thể cưỡng lại cơn buồn ngủ, bỏ qua giấc ngủ ngắn vào ban ngày hoặc đi ngủ trễ hơn.
Kỹ năng vận động:
Vận động thô: Trước hoặc sau mốc sinh nhật một tuổi, bé tự đi được. Những bước đầu tiên sẽ còn loạng choạng, không vững và có thể bị té.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Bập bẹ những câu ngắn mà chỉ có bé mới hiểu được. Nói có ngữ điệu hơn. Có thể nói từ hai đến tám từ như: “Ai”,“Cha cha”.
Tuổi:
13 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Phản ứng thích/không thích đồ ăn một cách rõ ràng.
Sức khỏe: Bàn chân chĩa ra ngoài. Suốt năm thứ hai, dây chằng hông kéo căng và làm thẳng chân.
Mọc răng: Tới thời điểm này, vài bé đã mọc hai răng cửa trên và hai răng cửa dưới. Chiếc răng hàm đầu tiên xuất hiện có thể gây đau đớn, khó chịu cho bé.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Chỉ ngón trỏ. Nhặt những vật nhỏ bằng ngón trỏ và ngón cái một cách chính xác.
Vận động thô: Bước rộng chân, các ngón chĩa ra. Dùng tay để giữ thăng bằng khi bước đi.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Bằng cách bắt chước hành động của người lớn, bé biết mỗi vật đều có chức năng riêng. Có thể sử dụng điện thoại đồ chơi như điện thoại thật.
Ngôn ngữ: Có thể chưa nói được rõ từ nhưng biết kết hợp cử chỉ, ví dụ nói “Bó” và chỉ tay vào quả bóng.
Tuổi:
14 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Cần khoảng 1.000 calo một ngày để có thể duy trì sự phát triển hợp lý.
Có thể uống ít sữa lại, nhưng thức ăn dặm cần đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết.
Mặc/Vệ sinh: Có thể phối hợp đưa tay lên và nhấc chân khi cởi đồ, thậm chí có thể tự chải tóc.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Cầm hai hoặc ba vật trong một bàn tay. Lật úp ly nước để xem nước đổ.
Vận động thô: Cúi người nhặt đồ chơi rồi mang đi khắp nhà. Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Hiểu rằng hành động của mình có thể gây ra hệ quả. Ngôn ngữ: Thích vần điệu và tiếng kêu leng keng.
Thể hiện nhu cầu bằng cử chỉ: Mang sách đến cho cha mẹ để được đọc truyện.
Tuổi:
15 tháng
Phát triển thể chất:
Kiểm tra sức khỏe: Đến bác sĩ để được kiểm tra khả năng nghe, nhìn và phản xạ.
Ngủ: Giấc ngủ ngắn buổi sáng đã ngắn hơn, nhưng vẫn cần ngủ trưa.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Xây tháp bằng cách chồng các khối lên nhau rồi phá đổ chúng.
Vận động thô: Lên cầu thang bằng tay và đầu gối, xuống bằng cách bò hoặc trượt. Đẩy hoặc kéo đồ chơi khi đang đi.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Có thể nghe theo những mệnh lệnh đơn giản như: “Đến đây”. Chỉ được các vật quen thuộc khi được hỏi. Nhận ra tên của các bộ phận trên cơ thể.
Lời khuyên: Phát triển khả năng liên kết ở bé bằng cách nói rõ cho bé nghe tên các đồ vật và hành động.
Tuổi:
16 tháng
Phát triển thể chất:
Mặc: Suốt năm thứ hai, cứ mỗi ba tháng là phải thay giày số lớn hơn.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Đặt khối tròn vào đúng lỗ trong trò thả hình khối. Thử đặt khớp vật này vào bên trong vật kia.
Vận động thô: Muốn đá nhưng thường dẫm lên banh. Đi nhịp nhanh khi hứng chí hoặc bị rượt đuổi.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Có thể nói sáu hay bảy từ rõ ràng. Thích các trò chơi liên quan đến chữ và hát những bài đơn giản.
Tuổi:
17 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Ăn nhơi nhơi vào bữa ăn, thích thử các vị từ nhạt đến rõ vị.
Ngủ: Thường chơi đến quá mệt và khó ngủ. Hơn phân nửa số bé từ 1 – 2 tuổi lè nhè, khóc váng lên khi đến giờ ngủ.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Có thể lăn banh cho người khác và nhặt những vật đang chuyển động. Có thể ném banh và uống nước từ cốc.
Vận động thô: Kiểm soát được việc dừng và rẽ khi đang đi. Thích tự mình đẩy xe đẩy hơn là ngồi để được đẩy đi.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Có thể bắt đầu sử dụng từ ngữ để biểu lộ nhu cầu – nói “Bế” để được bế lên. Thích chỉ tay vào tranh vẽ trong sách. Hiểu được nhiều từ hơn những gì có thể nói.
Lời khuyên: Nói chậm rãi và cho bé thời gian để trả lời.
Tuổi:
18 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Có thể đưa muỗng vào miệng chính xác hơn. Hạn chế cho bé ăn các món ngọt bởi có thể gây sâu răng.
Mặc/Vệ sinh: Có thể ra hiệu khi tã ướt. Thích tự cởi giày, vớ, kéo dây kéo.
Ngủ: Cầm thú nhồi bông hay gối để biểu thị muốn đi ngủ. Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Phân chia khối theo hình dạng rồi bỏ vào đúng lỗ trong trò thả khối. Bé thích gỡ đồ chơi ra rồi ghép lại với nhau. Thích mở dây kéo.
Vận động thô: Có thể giữ hai bàn chân gần nhau khi bước đi. Dáng đi đã uyển chuyển hơn. Có thể lên cầu thang khi được dắt tay.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Hiểu được khái niệm “bây giờ”.
Ngôn ngữ: Vốn từ tăng lên nhiều. Bé bắt đầu học được khoảng 12 từ một ngày. “Không” là từ quan trọng nhất. Khi được hỏi, bé có thể chỉ tay vào các bộ phận cơ thể mình. Dùng tên để chỉ mình.
Lời khuyên: Hỏi bé các câu hỏi đơn giản để tập khả năng đưa ra quyết định.
Tuổi:
19 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Biết thổi khi đồ ăn nóng. Nên uống khoảng 480-960 ml sữa mỗi ngày để cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho sự phát triển của cơ thể.
Mặc/Vệ sinh: Có thể đánh răng, rửa tay và lau khô tay với sự trợ giúp của người lớn. Hãy luôn nhớ kiểm tra nhiệt độ nước tắm trước khi tắm cho bé.
Ngủ: Ngủ sâu hơn nhưng thỉnh thoảng bị khó ngủ và cố trèo ra khỏi giường.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Có thể xếp ba hoặc bốn khối gạch. Thích quan sát các vật mới, địa điểm mới. Thử trèo khỏi giường. Có thể cởi vớ và giày.
Vận động thô: Vận động và khám phá suốt cả ngày. Bé luôn đi lại, leo trèo, chạy lon ton bất kỳ khi nào có thể.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Nhận thức được nguyên nhân – hệ quả nhưng chưa biết các hiểm nguy tiềm tàng. Nhận ra cửa có thể mở ra và đóng lại nhưng chưa biết rút tay ra để tránh bị kẹt.
Ngôn ngữ: Tập trung vào từ ngữ và sự vật quen thuộc quanh mình.
Tuổi:
20 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Biết nói “Nữa” hay “Hết rồi” trong bữa ăn.
Mặc: Khuyến khích bé tự mặc đồ, nhưng bé vẫn chưa thể tự đeo thắt lưng hay cột dây giày.
Ngủ: Thỉnh thoảng, những cơn ác mộng quấy rối giấc ngủ của bé.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Có thể giơ cao tay ném banh.
Vận động thô: Có thể đá banh mà không ngã hay bị vướng chân. Thích vươn tay nắm lấy chấn song. Bé có thể trèo lên ghế người lớn, xoay vòng quanh rồi ngồi xuống. Bé chạy còn cứng, chưa dừng và rẽ cua hợp lý khi chạy. Bé cố nhảy lên bằng cả hai chân nhưng thường chưa thành công.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Bé học được rằng mọi thứ đều có tên gọi và không ngừng hỏi: “Cái gì vậy?”. Có thể kết hợp hai từ như “Hết rồi”.
Trí nhớ: Nhớ lại những vật hay người quen mà không cần nhìn hay chạm vào.
Lời khuyên: Đừng gây áp lực buộc bé phải nói. Hãy hiểu ngôn ngữ cơ thể của bé nhưng để bé nghe đầy đủ từ ngữ bổ sung cho cử chỉ.
Tuổi:
21 tháng
Phát triển thể chất:
Mặc: Có thể tự mặc những đồ đơn giản.
Ngủ: Giấc ngủ trưa trở thành giờ nghỉ ngắn. Càng gần đến cuối năm thứ hai, tổng giờ ngủ mỗi ngày càng giảm xuống. Cố trì hoãn giờ đi ngủ buổi tối bằng những nụ hôn nịnh nọt.
Việc: Vài bé tự dọn đồ, cất đồ chơi.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Lật từng trang sách. Thích vẽ bằng ngón tay và vẽ nguệch ngoạc bằng bút màu cỡ lớn. Thích quan sát những vật nhỏ xíu, đặc biệt là các loại côn trùng. Thể hiện tay thuận.
Vận động thô: Nhìn xuống để tránh chướng ngại vật khi đi. Có thể đi lên cầu thang bằng cách vịn tay vào thành và đặt cả hai chân vào một bậc thang.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Kỹ năng ghi nhớ được cải thiện cho phép bé liên kết chính xác hơn. Bé biết được đôi giày nào là của thành viên nào trong nhà.
Lời khuyên: Dạy bé về sự an toàn theo cách dễ hiểu. Cảm nhận hơi nóng của bếp lò giúp bé hiểu mối nguy hiểm của vật “nóng”.
Tuổi:
22 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Đưa ly cho ba mẹ khi khát nước.
Mặc: Có thể mang giày, nhưng chưa phân biệt được chân phải hay trái.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Có thể tự mang giày nhưng thường nhầm chân.
Vận động thô: Thay đổi tư thế dễ dàng giữa đi và chạy, ngồi và đứng. Thích được đẩy xích đu và tham gia các hoạt động vui chơi khác.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Nhận ra được quyển sách tranh đặt ngược. Học cách lật giở từng trang.
Ngôn ngữ: Thích nghe những câu chuyện đơn giản. Có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện và dùng lời để diễn tả cảm nhận hay ý nghĩ của mình.
Tuổi:
23 tháng
Phát triển thể chất:
Mặc: Tự mặc đồ nhưng chưa phân biệt được phía trước, sau.
Việc: Cuối năm thứ hai, có thể tự mở cửa, mở hộp, có thể phụ được một số việc lặt vặt.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Thích chơi đất sét. Có thể vẽ vòng tròn nếu được làm mẫu.
Vận động thô: Phối hợp nhuần nhuyễn hơn trong vận động. Giai đoạn này bé thường chạy hơn là đi. Có thể tự ngồi lên ghế và ném banh vào rổ.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Có thể dùng lời để diễn tả sự thất vọng hay giận dữ. Thỉnh thoảng vẫn diễn tả bằng nét mặt hoặc hét lên để bày tỏ cảm xúc.
Trí nhớ: Tuân theo những hướng dẫn đơn giản, nhưng chỉ có thể tập trung chú ý trong một chốc.
Lời khuyên: Lắng nghe bé thật sự, đừng chỉ ừ hử cho qua vì bé sẽ nhận ra là bạn không hề lắng nghe.
Tuổi:
23 tháng
Phát triển thể chất:
Mặc: Tự mặc đồ nhưng chưa phân biệt được phía trước, sau.
Việc: Cuối năm thứ hai, có thể tự mở cửa, mở hộp, có thể phụ được một số việc lặt vặt.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Thích chơi đất sét. Có thể vẽ vòng tròn nếu được làm mẫu.
Vận động thô: Phối hợp nhuần nhuyễn hơn trong vận động. Giai đoạn này bé thường chạy hơn là đi. Có thể tự ngồi lên ghế và ném banh vào rổ.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Có thể dùng lời để diễn tả sự thất vọng hay giận dữ. Thỉnh thoảng vẫn diễn tả bằng nét mặt hoặc hét lên để bày tỏ cảm xúc.
Trí nhớ: Tuân theo những hướng dẫn đơn giản, nhưng chỉ có thể tập trung chú ý trong một chốc.
Lời khuyên: Lắng nghe bé thật sự, đừng chỉ ừ hử cho qua vì bé sẽ nhận ra là bạn không hề lắng nghe.
Tuổi:
24 tháng
Phát triển thể chất:
Kiểm tra sức khỏe: Đến bác sĩ để được kiểm tra tổng quát, có thể bao gồm cả thử máu và kiểm tra da. Nên đến nha sĩ cho lần khám răng đầu tiên.
Ăn: Có thể ăn mọi loại đồ ăn. Khuyến khích bé tự dùng muỗng xúc ăn.
Mặc/Vệ sinh: Vài bé sẵn sàng ngồi bô nhưng số khác vẫn còn cần nhiều thời gian hơn cho đến khi kỹ năng vận động và kiểm soát bàng quang phát triển hơn.
Sức khỏe: Cẩn thận với bệnh nhiễm trùng tai, dấu hiệu bao gồm đau tai và sốt.
Kỹ năng vận động:
Vận động thô: Vào cuối năm thứ hai, bé vận động một cách thuần thục hơn, vững chãi hơn trên đôi chân mình và ít ngã hơn. Vài bé đã có thể tự đi lên, đi xuống cầu thang, số khác lại cảm thấy thích bò từng bậc. Bé thích nhảy theo nhạc và học được cách vận động theo giai điệu.
Phát triển trí tuệ:
Ngôn ngữ: Vài bé có vốn từ lên đến hơn 200 từ. Bé bắt chước giọng điệu và hành động của người lớn.
Trí nhớ: Hiểu được khái niệm “sớm”,“sau bữa ăn”… nhưng vẫn chưa hiểu nhiều về ngày và thời gian.
Tuổi:
25 – 29 tháng
Phát triển thể chất:
Ăn: Nên ăn chung các món ăn với gia đình. Không nên dùng kẹo để dụ bé ăn hết bữa.
Mặc/Vệ sinh: Hình thành các thói quen nhất định. Bé có thể thông báo muốn đi vệ sinh, nhưng việc lỡ quên là rất thường xuyên. Thích khăng khăng chọn đồ và tự mặc lấy những đồ đơn giản. Bé rất thích băng dán cho những vết sưng và bầm của mình.
Sức khỏe: Mỡ trong cơ thể bé giảm dần ở năm thứ ba này. Dáng điệu của bé uyển chuyển hơn nhiều nhờ vào sự mạnh lên của các cơ bắp.
Ngủ: Có thể chuyển từ cũi qua giường. Cố gắng duy trì giờ ngủ cố định mỗi ngày, gồm những “nghi thức” quen thuộc vào buổi tối như đọc truyện, hôn chúc ngủ ngon. Có thể dùng miếng chặn một bên giường để tránh việc bé bị rơi xuống sàn.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Phối hợp hoạt động cổ tay, ngón tay và lòng bàn tay. Bé có thể vặn nắp chai, xoay nắm cửa và mở giấy bọc.
Vận động thô: Bé vận động liên tục. Rất thích được đuổi bắt, trượt cầu tuột, ngồi xích đu và chạy lòng vòng quanh sân chơi. Bé cũng có thể đạp xe ba bánh, học cách đi nhón chân và đứng được trên một chân. Bé có thể đếm bậc thang và nhảy lên bậc cuối cùng. Việc nhảy bằng hai chân vẫn còn cần nhiều cố gắng và khả năng phối hợp.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Bắt đầu nghĩ cách giải quyết vấn đề trong đầu. Có thể hiểu được khái niệm về con số như phối hợp (một con chó, hai con chó) và phân loại (mèo là loài động vật).
Ngôn ngữ: Vốn từ tăng lên nhanh chóng. Bé bắt đầu kết hợp danh từ với động từ để tạo thành câu, bắt đầu dùng đại từ như “con”,“cháu” để chỉ mình. Rất chú ý đến những gì người khác nói, dù là nói với mình hay nói với ai khác.
Lời khuyên: Để thu hút sự chú ý của bé, chọn những quyển sách khuyến khích việc chạm vào và chỉ tay.
Tuổi:
30 – 36 tháng
Phát triển thể chất:
Kiểm tra sức khỏe: Đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe hàng năm. Chăm sóc răng tại nha sĩ sáu tháng một lần từ lúc hai tuổi rưỡi.
Ăn: Sự ngon miệng của bé thay đổi thất thường, thỉnh thoảng lại bỏ một vài bữa ăn. Khuyến khích bé ăn một cách đĩnh đạc, đàng hoàng như dùng muỗng, ngồi suốt bữa ăn với các thành viên khác của gia đình. Vào sinh nhật thứ ba, bé có thể sử dụng muỗng rất tốt nhưng thỉnh thoảng lại quên nhai kỹ đồ ăn.
Vệ sinh: Thể hiện rõ hơn khi có nhu cầu đi vệ sinh.
Việc: Trở thành trợ tá đắc lực cho mẹ. Bé tự dọn giường, dọn đống bừa bộn mình gây ra nhưng cần được giám sát cẩn thận, đặc biệt trong nhà bếp.
Kỹ năng vận động:
Vận động tinh: Học được cách cầm bút chì ở tư thế viết. Bé rất thích vẽ bằng phấn hoặc bằng chì màu. Bé cũng đã sử dụng được cây kéo nhỏ với sự giám sát của cha mẹ, có thể xoay những mảnh ghép hình cho đúng hướng và xếp được những hình đơn giản. Ở tuổi lên ba, bé đã có thể phối hợp các cơ để chơi nhạc cụ đơn giản.
Vận động thô: Bước đi giống người lớn hơn. Thích thử những dạng chuyển động mới như chạy nhanh, chạy lon ton. Có thể đổi chân khi lên cầu thang. Bé thực hiện được nhiều hành động khác nhau khi đang di chuyển, ví dụ ném banh khi đang chạy hay ăn kem khi đang đi. Bé cũng có thể cúi người mà không bị ngã, đá banh theo hướng mình muốn, biết đạp và điều khiển xe ba bánh theo ý mình.
Phát triển trí tuệ:
Nhận thức: Hiểu được mối quan hệ giữa các vật, phân biệt được màu sắc và hình dáng của vật.
Ngôn ngữ: Hiểu được các mệnh lệnh gồm hai hay ba vế, có thể dõi theo từng dòng của câu chuyện và nhớ nhiều ý trong quyển sách. Bé cũng có thể gọi đúng tên màu sắc.
Trí nhớ: Trở nên tập trung hơn vào những hoạt động như đọc hay vẽ. Bé cũng có thể nói được tuổi mình nhưng chưa hiểu về khái niệm độ dài của năm.
Lời khuyên: Đừng hy vọng con bạn sử dụng được từ ngữ một cách hoàn hảo. Nếu bé nói lắp, làm gương cho bé bằng cách nói chậm và chính xác. Nói chuyện chậm rãi với bé và tỏ ra không chú ý đến những khó khăn bé mắc phải. Hãy giúp bé sử dụng từ ngữ diễn tả cảm xúc.
Chương 5
SỨC MẠNH & SỰ PHỐI HỢP
*
Bé một ngày tuổi của bạn mạnh như thế nào?
*
P
hần lớn mọi người sẽ trả lời rằng “Mạnh thế nào được, bé yếu lắm!”.
Chúng ta thường xem trẻ sơ sinh như là những sinh vật yếu đuối, mỏng manh, không có khả năng tự bảo vệ.
Nhưng thật là sai lầm.
Nếu bạn cột lơi sợi dây vào tay hoặc chân em bé một ngày tuổi, rồi nhẹ nhàng kéo sợi dây lên (nhớ là thực hiện điều này trong một chiếc cũi có lót đệm bông êm ái), thì rất nhiều bé sẽ ghì lấy sợi dây.
Tương tự với câu hỏi: “Em bé một ngày tuổi có thể phối hợp như thế nào?”, nhiều người sẽ trả lời: “Không thể”.
Một lần nữa, điều này hoàn toàn không chính xác.
Nếu trong ngày đầu tiên có mặt trên hành tinh này, bé được đặt vào một hồ nước sạch và ấm, hãy đoán xem bé sẽ làm gì? Bơi, và bơi rất giỏi!
Cơ bắp của bé đã đủ mạnh và có thể phối hợp nhịp nhàng từ sau khi được sinh ra, và chúng cần được thường xuyên vận động, kích thích, tập luyện và nuôi dưỡng để ngày càng lớn mạnh.
Nhưng đó có phải là điều ta thường làm?
Không!
Chúng ta đã đặt một thiên tài hoàn hảo về thể chất lẫn trí tuệ, “viên ngọc quý” ấy vào một vở bi hài kịch như sau:
Đầu tiên, ta quấn một chiếc tã cho bé, rồi mặc ngoài một chiếc quần dài.
Tiếp theo, một chiếc áo vải mềm được mặc thêm vào, khoác bên ngoài một chiếc khăn to, rồi gấp mép bên phải, chằng mép bên trái theo kỹ thuật được hướng dẫn, quấn chặt toàn thân bé, thậm chí càng chặt càng tốt. Chưa hết! Bên ngoài còn đè thêm một chiếc mền bông. Tay bé được đeo găng, chân bé được mang vớ, bé còn được đội thêm một chiếc mũ kéo xuống che đôi tai và thậm chí một phần mắt.
Đã sẵn sàng để bay vào không gian!
Ta đặt sinh vật nhỏ bé tội nghiệp ấy vào một chiếc xe đẩy.
“A, ánh sáng có thể gây hại cho mắt!” – nghĩ vậy, ta kéo mui xuống, che khuất tầm mắt bé.
Tiếp theo, sợ “cục vàng” của mình bị ngã, ta thắt dây an toàn quanh bụng bé. Chưa hết, nghĩ rằng sẽ kích thích giác quan cho bé, ta gắn một chiếc chuông bên trên mui để khi xe chuyển động, chuông không ngừng đing, đing, đing…
Vẫn chưa thỏa mãn, nghĩ rằng hoạt động lưỡi nhiều sẽ giúp tạo nên một nhà hùng biện giỏi trong tương lai nên ta đút vào miệng bé chiếc núm vú giả.
Cuối cùng, để hoàn tất quy trình hoàn hảo của mình, ta lấy một món đồ chơi treo trên mui, trước mặt bé để mỗi di chuyển sẽ làm món đồ đung đưa, đung đưa không ngừng.
Thế rồi ta tự hỏi thời nay, những thiên tài biến đi đâu hết cả!
Người lớn chúng ta hiện vẫn còn ngồi trong những “chiếc xe đẩy” tù túng của mình. Tất cả những gì ta cần làm là xếp mui xe lại, lấy núm ti giả ra, dẹp chuông qua một bên, tháo dây an toàn, cởi hết thảy quần áo, rồi tự do nhảy mừng.
Và những gì ta cần làm cho con mình đó là đảm bảo chúng không bao giờ bị hạn chế để phát triển.
ĐIỀU CẦN LÀM
Hãy bế bé, ôm bé trong vòng tay hoặc địu bé.
Phương tiện vận chuyển tốt nhất của con bạn là chính bạn. Chiếc địu có lợi điểm là giúp bé luôn tiếp xúc được với cha mẹ mình. Một vài loại địu được thiết kế để bé quay mặt ra ngoài, giúp bé nhìn thấy những gì đang diễn ra, thích hợp cho những em bé đã nâng giữ được đầu mình.
Bé lớn hơn thì thích được cõng sau lưng. Tuy nhiên, hãy dùng xe đẩy nếu con bạn đã quá nặng. Hãy nghĩ kỹ đến công dụng của chiếc xe cần mua. Xe có mái che chỉ sử dụng khi trời mưa hoặc có gió lớn, nhưng lại che mất tầm nhìn của con. Nếu bé không ngủ, hãy dựng lưng ghế ngồi lên để bé quan sát; và khi đã có thể ngồi được, để bé ngồi thẳng dậy thay vì tựa vào lưng ghế.
Đến lúc bé biết đi, hãy để cho bé tự bước đi hơn là ngồi xe đẩy. Kéo dài thời gian sử dụng xe đẩy có thể tiện cho bố mẹ nhưng sẽ khiến bé lười biếng và dễ bị béo phì do thiếu vận động.
Cho bé tập bơi.
Ban đầu hãy để bé vẫy nước, rồi dần dần mới cho bé tập bơi.
Hãy chắc rằng bạn cũng là một tay bơi không đến nỗi tồi. Nếu chưa biết bơi, hãy đăng ký ngay một khóa học bơi.
Bẩm sinh trẻ nhỏ vốn là những tay bơi siêu hạng
Chương 6
TAY THUẬN
*
Trong những chuyến đi đến hơn 70 nước khác nhau trong vòng 30 năm qua của tôi, tôi luôn kiên trì nghiên cứu về vấn đề thuận tay. Tôi hỏi khán thính giả của mình – từ trẻ mẫu giáo cho đến người lớn tuổi, từ sinh viên đại học cho đến giáo sư, từ thương nhân cho đến chính trị gia – câu hỏi: “Bao nhiêu người trong số các bạn thuận tay phải?” và “Bao nhiêu người thuận tay trái?”. Hơn 90% trả lời thuận tay phải, phần còn lại là thuận tay trái.
*
T
hật ngạc nhiên! Tất cả mọi người đều có hai tay, và phần lớn họ sử dụng cả hai tay một cách hoàn hảo khi đi lại, giữ thăng bằng, nói chuyện, ăn uống, chào hỏi, bắt tay, đóng mở cửa, ôm hôn…
Thú vị là những người “thuận tay phải” lại cầm nĩa tay trái và cầm dao bằng tay phải, trong khi việc cầm dao cắt thịt lại đơn giản hơn nhiều so với việc dùng nĩa xiên thịt, đưa lên miệng – nếu không sẽ trúng phải tai hay mũi. Lẽ ra họ phải xem mình là người thuận tay trái mới phải!
Trong vòng vài thế kỷ cuối của thiên niên kỷ vừa qua, xã hội chúng ta đã phạm phải hai sai lầm lớn:
1. Chúng ta xem việc thuận tay trái như là một điều không phù hợp, không đúng đắn.
Người thuận tay trái thậm chí còn bị coi khinh và bị chối bỏ. Hàng triệu trẻ em “thuận tay trái” bị ép buộc dùng tay phải bằng cách cột tay trái ra sau lưng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn, các em còn bị trừng phạt bằng đòn roi.
2. Biến tỉ lệ người sử dụng hai tay từ 60/40 (thậm chí 51/49) thành 100 – 0 (hoặc tay này, hoặc tay kia).
Sự phân chia đó dần dần khiến mọi người nghĩ rằng mình thuận tay phải (hoặc ngược lại) và càng sử dụng tay thuận đó. Nhưng càng sử dụng thì họ càng quen tay, nên lại càng tin đó đích thực là tay thuận của mình.
Câu chuyện minh họa cho suy nghĩ sai lầm này đã diễn ra trong một cuộc hội thảo tôi từng tham dự. Lần đó, sau một tuần nghỉ ngơi và trượt tuyết thư giãn trên núi, một đại biểu trở về với cánh tay bó bột kín mít.
Thấy tôi và mọi người hỏi thăm, anh cười xòa, tỏ vẻ lạc quan: “Ồ, đừng lo! Tôi may mắn lắm! Tôi chỉ làm gãy cánh tay mình không dùng tới thôi mà!”.
Câu nói đùa của anh cho thấy ý niệm “tay thuận” đã ăn sâu vào suy nghĩ của chúng ta đến thế nào.
Sự thật là tất cả em bé khi sinh ra đều THUẬN CẢ HAI TAY. Dù thích sử dụng tay này hơn tay kia, nhưng cơ thể của bé được tạo ra là để vận động một cách cân bằng, hòa hợp. Nếu không tin, hãy quan sát sự phát triển cơ bắp và cách phối hợp hoạt động của bé, đặc biệt là các hoạt động như trườn, bò, nắm, leo trèo.
Những người vĩ đại & những nhà vô địch
Một bài phân tích nhanh về lịch sử nghệ thuật và thể thao cũng chỉ ra rằng: những người thuận cả hai tay sẽ có lợi thế hơn hẳn. Trong nghệ thuật, Leonardo da Vinci và Michelangelo đều là những người thuận cả hai tay. Có giai thoại rằng khi Michelangelo(*) thấy mỏi tay, ông đã đổi tay để tay kia được “nghỉ ngơi”, không phải gián đoạn quá trình sáng tạo của mình.
(*) Michelangelo là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục hưng Ý.
Trong thể thao, những vận động viên bóng cricket và bóng chày nổi tiếng là những người có khả năng “bắn” banh đến bất kỳ nơi nào trên sân. Chẳng hạn như vận động viên bóng chày vĩ đại Hank Arron và Stan Musual có thể đổi tay và đổi tư thế từ phải sang trái hoặc từ trái sang phải để làm bối rối bất kỳ người ném bóng nào.
Trong môn đấm bốc, hai cái tên lẫy lừng nhất mọi thời đại – Sugar Ray Robinson và Mohammed Ali – cũng thuận cả hai tay, có thể phòng thủ cũng như tấn công bằng cả hai tay và đứng trụ bằng cả hai chân. Các đối thủ của hai người đều rất lúng túng, bởi họ không bao giờ biết được cú đấm sẽ xuất phát từ đâu.
Trong quá trình huấn luyện cho Thế vận hội Olympic, đặc biệt với các môn thể thao như đá banh, hockey, chèo thuyền và bơi lội, những vận động viên hàng đầu đều bắt buộc phải tập luyện bên ít thuận hơn của mình sao cho cân bằng với bên thuận. Việc làm này sẽ tạo sự liên kết cân bằng toàn thân và các cơ bắp, cộng thêm một loạt lợi thế khác nữa.
Để hiểu rõ hơn về sự thuận cả hai bên của bộ não và cơ thể, cũng như tính linh hoạt điều chỉnh của bộ não khi cần thiết hay khi được tập luyện, hãy xem xét kết quả đáng kinh ngạc của những người bị cụt chi. Trong vòng ba tháng sau khi mất đi tay thuận, tay còn lại có thể đảm nhận hết tất cả nhiệm vụ của tay kia, với mức độ khéo léo gần như giống hệt. Thậm chí chữ viết từ tay mới này cũng hoàn toàn giống như từ bàn tay thuận đã mất.
Kỳ diệu hơn nữa là khi hai tay không may bị mất đi, chỉ trong vòng vài tháng tập luyện, đôi chân có thể làm được nhiều việc trước kia vốn là của đôi tay, bao gồm cả những việc phức tạp như vẽ và tô màu. Không những thế, khi bị mất cả tay lẫn chân, họ có thể dùng miệng hoặc cơ cổ để thay thế.
Những nghiên cứu này chứng minh rằng bộ não con người luôn trong tư thế sẵn sàng để thể hiện thông qua các chi và bộ phận khác, rồi các chi và bộ phận đó cũng sẽ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của bộ não.
ĐIỀU CẦN LÀM
Tập cho bé thuận cả hai bên cơ thể thông qua các trò chơi thay vì phải làm nhiệm vụ nặng nề khiến bé mệt mỏi.
(a) Dùng muỗng, đũa bằng tay không quen
(b) Mặc đồ/cởi đồ bằng tay không quen
(c) Ném và bắt bóng bằng tay không quen
(d) Chơi quần vợt với tay không thuận
(e) Lần lượt đổi tay đánh răng và chải tóc
(f) Vẽ, tô màu bằng cả hai tay
(g) Tập cho bé chơi trò tung hứng, một trò chơi tuyệt vời rèn luyện khả năng thăng bằng và vận động cả hai tay
(h) Cho bé học piano
(i) Khuyến khích bé tham gia các môn thể thao cân bằng như khiêu vũ, chèo thuyền, võ thuật, chạy, bơi…
Chương 7
NHÓM HỖ TRỢ
*
Để vận hành một chiếc xe hơi Công thức Một, cần có một đội gồm: kỹ sư, nhà khí động học, chuyên gia nhiên liệu, chuyên gia lốp, chuyên gia máy tính, chuyên gia tâm lý, bác sĩ, chuyên viên ngân hàng, kế toán, luật sư, nhà vật lý trị liệu, chuyên viên mát xa, bảo vệ, chuyên viên tiếp thị, nhà biên kịch, quay phim, phóng viên, nhà khí tượng học… và còn nhiều người nữa.
*
C
hi phí để duy trì cả đội trong vòng một năm, chỉ với một mục đích duy nhất là đưa vật thể sắt thép, sợi thủy tinh và cao su ấy chạy quanh đường đua nhanh hơn bất kỳ
vật thể nào tương tự, là 250 triệu bảng Anh. Nhưng ngay cả với đội ngũ hùng hậu và phí tổn kinh hoàng như vậy, cỗ máy đốt tiền ấy lại hỏng trung bình 50% sau 17 lần lăn bánh mỗi năm.
Thân xe, không quá một trăm chi tiết máy; và “bộ não” của nó (hệ thống điều khiển) thì gồm khoảng một vài triệu vi mạch.
Bây giờ, hãy so sánh chiếc xe với con bạn. Cơ thể bé triệu triệu lần phức tạp hơn và xinh đẹp hơn, còn bộ não bé có sức mạnh vô tận, không gì sánh nổi. Vậy nhóm hỗ trợ mà bạn chuẩn bị cho bé thì như thế nào? Bạn sẵn sàng đầu tư bao nhiêu để phát huy tối đa năng lực của bé? Ngay cả với sự đầu tư rất ít thôi, thì cơ thể bé
cũng vận hành một cách hoàn hảo không phải trong 365 ngày của một năm, mà gần như 31.176.000 giây của năm đó, và những năm tiếp theo nữa.
Nhóm Hỗ trợ cần thiết cho mọi đứa trẻ hơn là cho bất kỳ chiếc xe hơi Công thức Một nào!
Hãy chọn ra một số (hoặc tất cả) đề xuất dưới đây cho nhóm Hỗ trợ của con bạn: nhạc sĩ, họa sĩ, bác sĩ, vận động viên, chú hề, nhà thám hiểm, nhà thiên văn, nhà kinh tế, võ sư, nhà khoa học, huấn luyện viên, nhà thơ… Thành viên nhóm có thể là bạn bè và họ hàng của bạn, với công việc không hề phiền hà hay khó nhọc gì, chỉ cần làm cha/mẹ đỡ đầu cho con bạn, vậy nên mọi người sẽ sẵn lòng khi bạn đề nghị. Sẽ còn dễ dàng hơn nhiều nếu bé đã quen với những thành viên này. Khi nhóm Hỗ trợ thiếu thành viên cần thiết cho một môn đặc biệt nào đó, hãy tìm một quyển sách tham khảo chất lượng nhất nếu có thể.
Gần như không ai có thể từ chối những ông bố, bà mẹ quan tâm tới con mình và những đứa trẻ khát khao kiến thức.
Trong trường hợp không thể hay không dễ thành lập nhóm Hỗ trợ thực tế, hãy tìm nhóm Hỗ trợ “ảo”, từ: sách vở, chương trình máy tính, website, đồ chơi, phim, đĩa…
Nhóm Hỗ trợ, với đa dạng các thành viên, sẽ giúp đưa ra một “công thức” vô địch
Trên bước đường sự nghiệp của những thiên tài vĩ đại, luôn có sự hiện diện của nhóm Hỗ trợ. Leonardo da Vinci, Isaac Newton, Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, Thomas Jeerson, Einstein, Beethoven, Picasso và Garry Kasparov đều có xung quanh mình những “cây đại thụ” trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Alexander Đại Đế, nhà lãnh đạo quân sự và chiến lược gia vĩ đại nhất trong lịch sử, là một ví dụ điển hình. Cha của ông, vua Philip của Macedonia, đã dành toàn bộ sự quan tâm và cố gắng tối đa cho việc nuôi nấng con trai mình. Rất đáng ngạc nhiên, ông để cho con trai mình tự chọn ngành học. Alexander được huấn luyện chiến đấu và tư duy hoạch định chiến lược bởi những nhà quân sự lỗi lạc nhất thời bấy giờ. Về văn hóa, nghệ thuật, ông được dạy bởi những họa sĩ và nhạc sĩ hàng đầu. Về triết học và khoa học, ông chọn thầy giáo riêng cho mình là Aristotle vĩ đại, người đã đánh giá ông là một học trò mẫu mực và sáng láng.
Kết quả của việc đào tạo này không hề cho ra đời một tên giết người, một kẻ điên cuồng khao khát quyền lực như nhiều người từng tiên đoán, mà là một vị lãnh đạo nổi tiếng với sự mạnh mẽ, nhiệt tình, đầy lòng trắc ẩn, thấu hiểu những nhu cầu của thần dân mình, với một trí tuệ uyên thâm, tầm nhìn rộng lớn. Bản thân ông đã thành lập hơn một trăm trường học về nghệ thuật lẫn khoa học trên khắp cả một đế chế rộng lớn nhất mà thế giới từng biết đến.
ĐIỀU CẦN LÀM
Bộ não của trẻ chỉ có thể học hỏi từ môi trường xung quanh, vì vậy hãy đảm bảo môi trường đó có đa dạng các thành viên hỗ trợ.
CÁC GIÁC QUAN
PHẦN 2
CÁC GIÁC QUAN
Chương 1
CHÀNG TÍ HON HẠNH PHÚC
*
Ở nửa sau thế kỷ 20, Tiến sĩ Wilder Peneld, một nhà khoa học người Canada, đã khám phá ra một điều thật đáng kinh ngạc.
*
V
ới một điện cực nhỏ, Tiến sĩ Peneld tiến hành thăm dò bộ não của những người đang bị chứng động kinh. Mục đích của ông là tác động đến những tế bào hay nhóm tế
bào, từ đó xác định những vùng trên bộ não làm gia tăng cơn động kinh.
Những gì Peneld khám phá được hóa ra lại quan trọng hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu.
Trong khi thăm dò bề mặt não, ông tìm thấy những vùng mà khi tác động vào, các bộ phận khác nhau của cơ thể sẽ hồi đáp lại.
Tiếp tục thí nghiệm của mình, Peneld đã có thể “vẽ sơ đồ” toàn bộ bề mặt của bộ não, chỉ rõ được phần nào ở vỏ não điều khiển hoạt động của từng bộ phận riêng biệt trên cơ thể.
Sau đó, ông “thiết kế lại” cơ thể con người, tạo nên một “con người giác quan” dựa trên tầm quan trọng của những bộ phận
cơ thể theo đánh giá của bộ não và lượng não dùng để điều khiển bộ phận đó.
Kết quả là chàng Tí hon Hạnh phúc đã ra đời.
Chàng Tí hon Hạnh phúc
Khi nhìn anh chàng này, ngay lập tức bạn sẽ nhận thấy những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể chúng ta. Theo quan điểm của bộ não, trước hết là đôi tay, tiếp theo là đôi chân, rồi đến miệng.
Tại sao bộ não phân chia ưu tiên theo thứ tự như vậy? Lý do hết sức rõ ràng:
1. Đôi tay là công cụ, là “người bảo vệ”, là đối tượng nâng đỡ tối quan trọng, vô cùng phức tạp và đặc biệt nhạy cảm.
2. Đôi chân là “đôi tay thứ hai”, cung cấp cho cơ thể tất cả những thông tin cảm nhận được về bề mặt, cũng như giúp giữ tư thế thăng bằng và đĩnh đạc.
3. Miệng là “hệ thống phòng ngự” nhiều lớp trước hàng triệu triệu “kẻ xâm lăng” hóa sinh và hóa học. Đây cũng là “cỗ máy cắt, nghiền” vô cùng sắc bén. Miệng còn là “phòng thí nghiệm hóa học” tân tiến nhất thế giới, là cửa ngõ dẫn vào bên trong cơ thể bé.
*
Chàng Tí hon Hạnh phúc có thể đóng vai trò là người hướng dẫn tuyệt vời cho những ông bố, bà mẹ đầy tình yêu thương và sự quan tâm tới con mình, để họ biết những nơi cần tập trung nhằm chăm sóc và kích thích bộ não, cũng như cơ thể của bé, phát triển tốt hơn.
*
ĐIỀU CẦN LÀM
Đọc những chương tiếp theo và luôn giữ trong đầu hình ảnh chàng Tí hon Hạnh phúc và những thành phần ưu tiên của bộ não.
Ý thức rằng làn da chính là cơ quan cảm giác lớn nhất, liên quan đến hầu hết mọi khía cạnh của bộ não đang phát triển của bé.
Làn da là cửa ngõ liên lạc giữa vũ trụ bên ngoài và bộ não bé. Hãy luôn giữ làn da bé khỏe mạnh bằng những thực đơn tốt cho sức khỏe và vệ sinh sạch sẽ cho da. Một cữ tắm mỗi ngày trước khi đi ngủ là đủ, nhưng hãy luôn nhắc bé rửa mặt, rửa tay và thân trên vào buổi sáng.
Để tránh hăm tã, hãy cho bé được tự do, khỏi đóng bỉm vài giờ mỗi ngày. Nếu bạn còn lo lắng về những vấn đề nghiêm trọng hơn của da, hãy đến bác sĩ để được tư vấn.
Mua một chàng Tí hon Hạnh phúc đồ chơi để luôn nhớ về những ưu tiên của bộ não, hoặc cũng có thể photo lại bức hình chàng ta và đặt nó ở nơi dễ thấy mỗi ngày.
Chương 2
MẮT & THỊ GIÁC
*
Mỗi con mắt kỳ diệu của con bạn chứa 130 triệu bộ phận nhận sáng. Mỗi một bộ phận nhận sáng đó có khả năng tiếp nhận 5 lượng tử ánh sáng (“gói” năng lượng và thông tin ánh sáng) mỗi 1/100 giây.
Để tạo nên chỉ một con mắt như vậy phải cần đến những thiết bị công nghệ cực kỳ phức tạp, hệ thống kính hiển vi và kính viễn vọng, một tòa nhà lớn và một ngân sách khoảng 100 triệu bảng Anh.
*
B
é yêu của bạn thật sự là một vật báu vô giá!
Giống như một chiếc máy quay, mắt của bé nhìn mọi thứ đảo ngược lại, nhưng bộ não sẽ chuyển những hình ảnh ngược đó sang chiều đúng. Mọi thứ bé nhìn thấy sẽ được não phân loại, liên kết, cảm nhận, ghi lại và sắp xếp để trở thành trí nhớ dài lâu, đồng thời kết nối với âm thanh, mùi hương, cảm giác, vị giác, cảm nhận khi tiếp xúc, sờ chạm ở thời điểm xuất hiện hình ảnh.
Đôi mắt của bé, cùng với hệ thống thần kinh hỗ trợ, trên thực tế hoạt động giống như một trường quay. Chỉ với hai chiếc máy
quay nhưng có đến hàng triệu triệu thước phim. Quả là chiếc máy quay kỳ diệu, có thể kết hợp đồng bộ với các “thiết bị - giác quan” khác để ghi lại âm thanh, mùi, vị, hình ảnh chất đầy đến tận nóc của nhiều nhiều đại thính phòng Hoàng gia Albert Halls. Và trên hết, trường quay ấy có năng lực làm việc với công suất của toàn bộ dân số Luân Đôn, bao gồm: nhà văn, họa sĩ, đạo diễn, nhà tư tưởng, nhà toán học, người thay cảnh phông, công nhân… tất cả đều phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ.
Ngoài ra, con bạn còn sở hữu và điều hành một “rạp hát” riêng, nơi bé “diễn lại” những sự kiện đã xảy ra với mình trong ngày. Những giấc mơ của bé đặc biệt quan trọng. Ngoài bé ra, chẳng ai biết được giấc mơ ấy phóng chiếu lên màn hình tâm trí của bé như thế nào.
Cả Vũ trụ trong đôi mắt bé
ĐIỀU CẦN LÀM
Cho bé nhìn ở tầm gần, tầm trung, tầm xa để tập thể dục cho đôi mắt.
Khi đi dạo, đừng che khuất tầm nhìn của bé bằng những món đồ chơi treo lủng lẳng trước xe đẩy. Bé sẽ phát ốm với những món đồ ngớ ngẩn đung đưa qua lại. Với bé, những đám mây, cây cối, xe hơi… thú vị hơn nhiều!
Nếu lo lắng cho vấn đề mắt của bé, hãy đến bác sĩ để thăm khám kỹ.
Chương 3
TAI & THÍNH GIÁC
*
Mỗi chiếc tai chứa 24 ngàn sợi và nhiều bộ phận phức tạp khác khiến nó trở thành một nhạc cụ tinh vi nhất từng được biết đến trong Vũ trụ. Những sợi này có thể phát hiện được rất nhiều dạng âm thanh, nhận dạng được nhiều nét đặc trưng không dễ phát hiện được trong số những dao động phân tử nhỏ nhất trong không khí.
Cũng giống như đôi mắt, hệ thống trung tâm của tai phân loại, liên tưởng, giải thích, ghi lại, sao lưu tất cả những âm thanh nghe được trong đời.
*
T
ai bé có thể ghi nhớ và lặp lại một cách hoàn hảo từng tiếng chim hót, mọi lời thì thầm yêu thương, mọi giai điệu bé từng được nghe.
Cho đến tận gần đây, chúng ta vẫn cho rằng những em bé mới sinh chỉ là những sinh vật yếu ớt, khờ dại, vô tri vô giác, chậm chạp, với những nhu cầu chính yếu chỉ là được ăn, được vệ sinh sạch sẽ cho đến khi phát triển lên giai đoạn tiếp theo, khoảng sáu tháng đến một năm tuổi.
Nhưng giờ thì chúng ta biết rằng hoàn toàn ngược lại mới là đúng.
Một em bé mới sinh quả thật là một thiên tài tương lai với sức mạnh đáng kinh ngạc; với sự phối hợp phi thường (hãy luôn nhớ bé có thể bơi một cách điêu luyện từ khi mới chào đời!); với những giác quan đã phát triển hoàn thiện với tốc độ, sự chính xác và công suất khó có thể tin được; và với ngân hàng trí nhớ chứa vô vàn thông tin từ lúc 9 tháng nằm trong bụng mẹ.
Một thí nghiệm thú vị, từng được thực hiện rất nhiều lần, có thể chứng minh điều này:
Khi một em bé mới sinh đang nằm yên trong vòng tay mẹ, lim dim thưởng thức dòng sữa mẹ ngọt ngào thì một nhóm các bác sĩ, y tá, người thân, bạn bè của gia đình đứng quây quần quanh bé. Lần lượt từng người trong số họ gọi tên bé. Gần như trong tất cả các trường hợp, do người cha đã từng trò chuyện với con mình ngay khi bé còn trong bụng mẹ cho nên bé sẽ có phản ứng khi đến lượt cha gọi tên.
Dù người cha đứng ở bất kỳ vị trí nào trong vòng tròn và gọi tên bé ở thứ tự nào, thì bé sẽ hướng sự chú ý đến chỗ ấy. Điều này chứng tỏ rằng ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bé đã nghe được tiếng nói của cha, nhận ra và phân biệt được với những âm thanh khác.