🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bình Yên Sau Đại Dịch
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
BÌNH YÊN SAU ĐẠI DỊCH
BÌNH YÊN SAU ĐẠI DỊCH
Copyright © 2023 Bs. Thanh Lộc. All rights reserved.
MỤC LỤC
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ | Bác sĩ | Phạm Thị Thanh Lộc
3 phần của sách sẽ giúp bạn như thế nào?
Chương 1: Đại dịch và Rào cản
Chương 2: Bình yên sau đại dịch
Chương 3: Bí quyết chữa lành sau đại dịch
Phần 1. | Phương pháp Tập thở giảm lo âu | Kết hợp giữa Thở cơ hoành - Thiền
tập
“Tập thở giảm lo âu” là gì?
Vì sao bệnh nhân nhiễm virus Sars-CoV-2 nặng lên và sự xuất hiện các hội chứng hậu COVID-19?
Vì sao “Tập thở giảm lo âu” lại có hiệu quả với các vấn đề tâm lý và đặc biệt là
bệnh sinh COVID-19?
Poster “Tập thở giảm lo âu”
Điều mong mỏi của tôi và | sự chung tay của Thầy Cô, đồng nghiệp khắp mọi
nơi!
Phần 2. | Thực hành | Tập thở giảm lo âu trong 4 phút Clip hướng dẫn Tập thở giảm lo âu:
BÌNH YÊN SAU ĐẠI DỊCH
Bs. Thanh Lộc - Phạm Thị Thanh Lộc
★ Khám phá 3 nỗi đau để lại tác hại dai dẳng trong và sau đại dịch. ★ Cách đối mặt căng thẳng hiệu quả khi hiểu rõ 3 phản ứng của cơ thể. ★ Tìm lại bình yên với chìa khóa "Tập thở giảm lo âu". Copyright © 2023 Bs. Thanh Lộc. All rights reserved.
Bản quyền thuộc về tác giả Thanh Lộc. Mọi hành vi sao chép, phóng tác sang định dạng khác, phát tán trên các phương tiện truyền thông mà chưa được sự
đồng ý bằng văn bản của tác giả đều là trái phép, vi phạm Luật Xuất Bản Việt Nam, Luật Bản quyền Quốc tế và công ước Berne về Bảo hộ quyền tác giả Sở
hữu trí tuệ.
MỤC LỤC
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ.
NƠI CÂU CHUYỆN BẮT ĐẦU.
CHƯƠNG 1 - KÝ ỨC COVID-19 GỌI VỀ.
CHƯƠNG 2 - BÌNH YÊN SAU ĐẠI DỊCH.
Hiểu về 3 mức độ phản ứng cơ thể trong hoàn cảnh khó khăn. Mức độ 1: Tương trợ xã hội.
Nỗi đau: "Tôi giúp đỡ người khác thì ai sẽ giúp đỡ tôi".
Liệu pháp Bình Yên.
Mức độ 2: Chiến đấu - Bỏ chạy.
Nỗi đau: "Cống hiến nhiều, nhận lại được bao nhiêu!". Liệu pháp Bình Yên.
Mức độ 3: Đóng băng - Suy sụp.
Nỗi đau: "Hoàn cảnh bắt buộc mà! Phải chịu thôi!”. Liệu pháp Bình Yên.
CHƯƠNG 3 - BÍ QUYẾT CHỮA LÀNH SAU ĐẠI DỊCH 1. Phương pháp Tập thở giảm lo âu.
2. Tập thở giảm lo âu trong 4 phút.
LỜI NHẮN GỬI TÂM HUYẾT
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Bác sĩ
Phạm Thị Thanh Lộc
Thời kỳ dịch bùng phát, đặc biệt tại Bình Dương và TP. HCM, bác sĩ Thanh Lộc đã trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19 suốt 9 tháng 10 ngày trong bệnh viện dã chiến (7/2021 - 4/2022). Vì thế, bác sĩ thấu hiểu những mất mát, đau thương và những căng thẳng tâm lý kéo dài của cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà người bệnh trong giai đoạn cách ly đầy khó khăn gian khó.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng đã từng nhiễm COVID-19 hai lần với các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài như rụng tóc, dễ quên, lo âu... nên bác sĩ cảm nhận rõ những khó khăn và mong muốn được quay về cuộc sống bình yên như trước.
Hơn thế nữa, trong suốt khoảng thời gian học y khoa 6 năm, bác sĩ Thanh Lộc đã trải qua nỗi đau mất 4 người thân liên tục qua các năm. Đỉnh điểm trong giai đoạn dịch bùng phát, bác sĩ đã mất người thân thứ 5 là anh trai mình khi đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Đến thời điểm hiện tại, bác sĩ Thanh Lộc đã dần bình yên trở lại trong cuộc sống và tập hợp những nghiên cứu khoa học lúc bấy giờ, cộng với quan sát thực nghiệm trong công tác điều trị bệnh nhân, để viết ra phương pháp "Tập thở giảm lo âu" nhằm giúp phục hồi chức năng hậu COVID-19 và cân bằng cảm xúc cho bệnh nhân và nhân viên y tế tại khu điều trị.
Bên cạnh đó, chuyên đề của bác sĩ đã vinh dự được đưa vào sách y văn “Chẩn đoán và điều trị COVID-19” của PGS.TS.BS. Nguyễn Lân Hiếu và các Thầy Cô trường Đại học Y Hà Nội, xuất bản đầu năm 2022.
Bác sĩ Thanh Lộc tin rằng:
“Mọi chuyện diễn ra đều có nguyên nhân của nó.
Giữ được tâm thái bình yên là một món quà quý giá trong cuộc sống.”
“Mọi người có nghe về dịch viêm đường hô hấp cấp bên Trung Quốc chưa?” “Sao vẫn thấy mọi người vẫn đi lại vô tư, không mang khẩu trang gì cả?” “Í vậy hả? Thế thì đeo khẩu trang vào rồi mình nói chuyện tiếp!” Cả nhóm cười khúc khích.
Đây là cuộc trò chuyện đơn giản đầu năm khi nhóm sinh viên y năm 6 của chúng tôi nhân lúc thăm thầy dịp Tết năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh. Những việc xảy ra sau này đã đi vào lịch sử, lúc ấy chúng tôi không ai ngờ rằng: ngày mình ra trường sẽ trở thành lực lượng y tế tuyến đầu trong phòng chống một trận đại dịch với tỷ lệ tử vong cao nhất trong thế kỷ 20 - 21. Một trận đại dịch mà thời điểm chúng tôi bàn về nó còn quá ít thông tin, chỉ biết là nếu lây lan qua đường không khí thì thật sự rất khó dập tắt ngay và mức độ lây lan sẽ rất nhanh chóng.
“Sau đó như bạn đã biết, đại dịch đã ập đến, bạn đã làm gì vào thời điểm đó? Bạn đã gặp những thay đổi hay khó khăn gì trong giai đoạn này?” Còn đây là những việc xảy ra với tôi:
Cuối năm 2021, ngay thời điểm COVID-19 mới chớm bùng phát tại TP. Hồ Chí
Minh và Bình Dương, thầy cô và bạn bè đều ở mặt trận chống dịch ở thành phố, thời điểm đó tôi chọn về quê nhà để gia cố cho y tế địa phương tại huyện Dầu Tiếng, Bình Dương.
Trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất, thuốc men, trang thiết bị, thời điểm có bệnh nhân F0 dương tính đầu tiên tại bệnh viện, đó thật sự là bước ngoặt lớn!
Vì sự kiện này đã làm thay đổi đời sống không chỉ của nhân viên y tế, mà còn cả
bệnh nhân, người nhà và toàn thể cả cộng đồng dân cư tại thị trấn Dầu Tiếng quê tôi.
Chắc hẳn đây cũng là điều mà bạn đã trải qua trong mùa dịch vừa rồi: Khi có một ca F0 dương tính trong cộng đồng thì ngay lập tức bệnh nhân sẽ
được đưa đến khu cách ly điều trị. Sau khi khai báo lịch trình trong vòng 14
ngày đã đi đến đâu và tiếp xúc những ai, thông tin này sẽ được thông báo khắp các khu phố, phường xã để đội y tế truy vết các F1 và giăng dây phong tỏa nhà người có tiếp xúc.
Các thành viên trong nhóm F1 cũng được “mặc áo xanh” rước vào các khu cách ly (lúc này là các trường tiểu học ở địa phương được trưng dụng). Chưa hết, đó còn là những buổi lấy mẫu cộng đồng dành cho “nhà hàng xóm” của các F0
“ngay trong đêm”. Sau đó là chuỗi ngày thực hiện chỉ thị 15, 16, phong tỏa khu vực trong 14 ngày kèm những buổi “ngoáy mũi” đều đặn 3 ngày một lần.
Cả một bầu trời ký ức trong hơn 2 năm dịch gọi về, bạn có thấy quen không?
Những thay đổi đột ngột về đời sống chỉ sau 1 chiếc test “lỡ dương tính” thật sự
tác động rất lớn đến tinh thần của tất cả mọi người.
Tôi cũng đã từng nhiễm bệnh hai lần vào tháng 8/2021 và 1/2022 với các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài. Và đó chưa phải là tất cả!
Tôi vẫn còn nhớ rõ sau 2 ngày nhận công tác điều trị cho những bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh tại quê nhà Dầu Tiếng, lúc đó chúng tôi đã xác định là khi vào khu điều trị, thì sẽ sống cách ly tại bệnh viện, không biết ngày về. Khi đang ngủ
chập chờn trên ghế bố sau 4 ngày trực liên tục, 2h sáng tôi nghe điện thoại, tiếng mẹ tôi thổn thức:
“Bé Lộc ơi, anh Tư bị té, giờ hôn mê ở bệnh viện ở Đồng Nai rồi, ba giờ đang chạy xe qua” - giọng mẹ tôi như vỡ òa qua qua điện thoại.
Một tia điện xẹt qua người tôi, tê cứng, phải một lúc sau, tôi mới nói được qua điện thoại:
“Ôi trời, giờ mẹ đang ở đâu!”
“Mẹ vẫn ở nhà, mà lo quá” - giọng mẹ đứt quãng.
“Dạ giờ, giờ mẹ ráng bình tĩnh một chút, để con gọi ba xem sao...”
Nói mẹ bình tĩnh, trong khi tay tôi run run, tôi sợ lắm! Lỡ anh có việc gì thì tôi biết giúp thế nào đây... những ngày qua rệu rã với những thay đổi chóng mặt về
đời sống, công việc, tận tình lo cho người bệnh, còn anh tôi biết giúp thế nào đây?
“Gọi cho ba đã! Đến đâu hay đến đó...”
“Câu chuyện này ắt hẳn trong mùa dịch đã nhiều người trải qua!
Bạn không cô đơn khi phải đối diện những việc này, ít ra đã có tôi cùng trải qua điều này với bạn!”
Khoảng thời gian trước tôi không nhớ rõ những sự kiện xảy ra sau đó (đây là một phần trong cơ chế phản ứng của một người khi tiếp xúc những sự việc gây căng thẳng để lại sang chấn tâm lý, tôi sẽ đề cập trong quyển sách lớn sau này).
Hiện tại tôi chỉ nhớ là trong đêm trực 2-3 ngày sau, trong khi người nhà báo tin đã đưa anh tôi về nhà đang bóp bóng thở, mong tôi về nhìn anh lần cuối.
Sau khi ra khỏi buồng bệnh, tôi cởi đồ phòng hộ, và vội vàng hội chẩn để chuyển viện ca chị bầu đang trở nặng để cứu mẹ và con, không khí khẩn trương từng phút.
Trong lúc đánh giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân, nhìn các con chữ sao nhòe đi, nước mắt rơi từ lúc nào tôi cũng không biết. Lúc ấy, tôi bắt mình phải suy nghĩ
về những kiến thức y khoa, để cảm xúc của mình qua một bên, không thì không kịp! May mà tôi có đeo khẩu trang nên không ai biết việc này, chỉ đến khi tiếng xe cấp cứu hú vang trời chở bệnh nhân chuyển tuyến vang lên, tôi mới “xả vai”, khóc nấc từng tiếng! Lúc này các anh chị trong tua trực hỏi chuyện và xin cho tôi được về nhà với anh lần cuối.
Nhưng, không được!
Vì tôi là bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, lúc ấy khắp đường phố
Dầu Tiếng giăng dây khắp nơi, thực hiện chỉ thị 16 - cách ly toàn bộ xã hội, đa phần người dân đều chưa tiêm vaccine Sars-CoV-2, nên việc tôi từ khu điều trị ra ngoài, nếu có làm lây lan dịch ra cộng đồng thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, cho cả gia đình, đội ngũ y tế và nhiều đơn vị liên quan khác.
Qua màn hình điện thoại, cả nhà tôi trải qua nỗi đau mất người thân cùng nhau như thế, lặng lẽ và chấp nhận mọi điều xảy ra!
Bác Lê Ngọc Long và các anh chị đồng đội đã lập bàn thờ của anh tôi và cùng tôi trải qua những ngày “lặng lẽ” trong khu điều trị COVID-19
***
Những điều này là những điều đau buồn mà hầu như ai cũng từng trải qua trong đời, đặc biệt trong mùa dịch! Khi chứng kiến người xung quanh đã từng trải qua những việc tương tự như vậy, bạn sẽ làm gì để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn đó?
Thật sự, những đợt bùng nổ cảm xúc bất chợt - khi có một sự việc xảy ra là yếu tố gợi nhắc đến giai đoạn chống dịch vất vả hoặc khoảnh khắc chứng kiến những đau khổ của bệnh nhân và người nhà - đã ảnh hưởng rất nhiều đến cảm nhận niềm vui cuộc sống của tôi.
Cảm giác chơi vơi, lạc lõng và nỗi sợ bỏ rơi là có thật và tôi sống với nó, tìm hiểu về nó để tự chữa lành cho bản thân và giúp đỡ cho những người xung quanh mình.
Điều tôi mừng nhất là trong khoảng thời gian hoang mang nhất, tôi vẫn duy trì lịch sinh hoạt, làm việc điều độ của mình, để thời gian và thực tập “chữa lành”
bản thân từ từ. Giờ đây tôi đã có lại niềm vui cuộc sống sau rất nhiều biến cố xảy ra.
Hầu hết chúng ta khi trải qua những sự việc quá đau thương, thường sẽ phải trải qua khoảng thời gian rất dài để lại cân bằng hoặc thậm chí thay đổi luôn cả cách chúng ta nhìn nhận cuộc đời. Nhiều bạn chuyển sang “nghiện” một điều gì đó để
tạm quên đi nỗi đau, đó có thể là “ nghiện ăn uống”, “nghiện công việc”,
“nghiện” game, xa lánh mọi người... hay “nghiện rượu bia, thuốc lá” , thậm chí là các chất kích thích để não bộ được giải phóng nhất thời khỏi các đau thương mất mát.
Liệu các cách trên có hiệu quả?
Cách đó có thật sự giúp bạn chữa lành, hay làm mọi việc trông tệ hơn? ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, chất lượng cuộc sống, công việc, nhất là các mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp bạn bè của bạn!
Đó là lý do tôi khao khát được viết quyển sách này gửi đến bạn, những mong bạn sẽ đỡ tốn thời gian, loay hoay tìm kiếm lối thoát cho mình, rút ngắn khoảng thời gian chữa lành và sẵn sàng tìm đến nơi mà mình được giúp đỡ thật sự từ đội ngũ y tế, tâm lý học.
Để sau những biến cố, bạn sẽ vững vàng, mạnh mẽ, thêm thấu hiểu và yêu thương bản thân, gia đình và mọi người, mọi việc xung quanh nhé! Hay chí ít, bạn biết đường cần đi trong những lúc “đời chao đảo”, đối với tôi là một món quà lớn nhất rồi!
Tôi muốn nói với bạn một điều rằng:
“Khi bạn có những nỗi sợ hoang mang và lo lắng còn tồn tại sau đại dịch, điều đó hoàn toàn bình thường.
Điều chúng ta có thể làm, đó là tìm hiểu về nó, sống chung và dần dần chuyển hóa những đau thương mất mát thành những niềm vui sống, năng lượng tích cực và thêm trân trọng giây phút bình an hiện tại".
Phương pháp “Tập thở giảm lo âu” ra đời thời điểm tôi nhiễm bệnh lần thứ nhất khoảng tháng 8 năm 2021, tôi đã luyện tập hít thở thiền để duy trì năng lượng tích cực và nó có hiệu quả. Nhờ vậy tôi đã tìm kiếm rất nhiều nghiên cứu vào thời điểm đó về ứng dụng của tập thở và thiền trong việc giảm tiết các cytokine -
yếu tố do cơ thể tiết ra khi có tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể - trong diễn tiến nặng lên của bệnh COVID-19, hiện tượng xảy ra rất nhiều thời điểm đó vì người dân đều chưa tiêm vaccine. Tôi thật sự biết ơn vì gia đình đã bên cạnh tôi thời điểm khó khăn nhất! Mom Huỳnh Ngọc Hạnh, bạn bác sĩ Lê Hoàng Sang và lớp Med’s class đã ủng hộ, góp ý cho tôi về ý tưởng triển khai "Tập thở giảm lo âu"
từ những ý tưởng sơ khai nhất.
Thời điểm tôi quay lại khu điều trị và hướng dẫn cho bệnh nhân, bác sĩ Vũ Thị
Thu Hường, chuyên khoa phục hồi chức năng của bệnh viện C Đà Nẵng - hỗ trợ
Bệnh viện Becamex khu hồi sức COVID-19 tại Bình Dương lúc bấy giờ, đã đường xá xa xôi đến thăm đơn vị và vào buồng bệnh hướng dẫn tôi rất tận tình về những bài tập giúp phục hồi chức năng cho các bệnh nhân hậu COVID-19.
Chị đã tạo cơ hội cho tôi được tham gia viết chuyên đề “Phục hồi chức năng hậu COVID-19” và gửi tập bản thảo “Tập thở giảm lo âu” lần đầu tiên đến thầy
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu - thời điểm thầy cùng các thầy cô trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ Bình Dương điều trị Hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân COVID19.
Điều tuyệt vời hơn là thầy Lân Hiếu đã tạo cơ hội cho tôi được tham gia vào quyển sách “Chẩn đoán và Điều trị COVID-19” cùng các thầy cô trường Đại học Y Hà Nội, điều này đã giúp tôi hoàn thiện những kỹ năng về tìm hiểu nghiên cứu khoa học, cách tổng hợp kiến thức và trình bày một cách dễ hiểu đến người khác. Việc được độc giả, đa phần là các bác sĩ, biết đến phương pháp “Tập thở
giảm lo âu” trong một quyển sách y văn công phu, bài bản từ những chuyên gia đầu ngành về y khoa, thật sự là một vinh dự rất lớn cho bác sĩ trẻ như tôi! Và điều tôi mong muốn nhất là “bình yên sau đại dịch” sẽ đến được với độc giả
thông qua phương pháp và các ý tưởng trong sách.
Sách “Chẩn Đoán và Điều trị COVID-19”
Nhân dịp thầy PGS. TS. BS Nguyễn Lân Hiếu về thăm khu điều trị COVID 19 tại Dầu Tiếng, tôi đã gửi Thầy bản thảo “Tập thở giảm lo âu”.
––––––––
.
––––––––
Những kiến thức và sự thực tập đã giúp tôi vượt qua giai đoạn khó khăn hậu COVID-19 đều đến từ hơn 7 năm dưới mái trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cộng với hơn 5 lần mất người thân trong suốt khoảng thời gian học y và anh trai tôi đã mất thời điểm dịch mới bùng phát tại quê hương, lúc đó tôi đang là bác sĩ điều trị COVID-19 tại Trung Tâm Y Tế Dầu Tiếng, anh chị giúp tôi lập bàn thờ anh trai ngay trong khu điều trị để tôi được an ủi phần nào khi không được về nhà tiễn anh lần cuối.
Ở thời điểm khó khăn nhất, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về giải phẫu sinh lý hệ thần kinh, các nghiên cứu khoa học về tâm thần, tâm lý học.
Tôi đã học được từ rất nhiều kiến thức y khoa từ thầy cô - là các bác sĩ tâm huyết từ trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Bên cạnh đó, về mảng tâm lý, sức khỏe tinh thần, với sự dìu dắt của Phó giáo sư Trần Thị Minh Đức - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội đã giúp tôi hoàn thành khóa học "Kỹ năng tham vấn tâm lý". Bên cạnh đó, việc tham gia thiện nguyện cùng các bạn trong Chúng thanh niên Phật Quang và thực tập các bài khí công và Thiền dưới sự hướng dẫn của thiền sư Thượng tọa Thích Chân Quang và các Sư Thầy, Sư Cô tại Thiền Tôn Phật Quang thật sự tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của tôi rất nhiều!
Thầy Lm. Julio Julietti - Tiến sĩ Thần học và Tâm lý học lâm sàng, Đại học Georgetown (Hoa Kỳ) đã luôn nhắc tôi và các bạn sinh viên y khoa về việc thực tập hít thở trong tỉnh thức để giữ cân bằng cảm xúc, sau mỗi bài giảng của thầy trong lớp Medical English Class tại trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch.
Lớp Medical English Class cùng thầy Lm. Julio Julietti và Ts. Bs Lê Đình Hiếu và các bạn trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch Có lẽ từ những nền tảng ấy, nên khi gặp khó khăn trong
cuộc sống tôi liền nhớ quay về với hơi thở để bảo hộ thân tâm mình!
Làm cơ sở cho phương pháp “Tập thở giảm lo âu” hỗ trợ Phục hồi chức năng cho bệnh nhân COVID-19 sau này!
Trong đại dịch vừa qua, cô Đỗ Cao Vân Anh, Bộ môn Nhiễm của trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đã nhiệt tình hỗ trợ tôi về tất cả những tài liệu điều trị COVID-19 lúc bấy giờ (khi bệnh còn quá mới mẻ, đặc biệt ở bệnh viện tuyến cơ sở như Dầu Tiếng quê tôi). Bên cạnh đó, việc tham gia Tổ Y Tế từ xa của trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch thời điểm đó đã cho tôi rất nhiều bài học từ những Thầy Cô đáng kính của mình - người làm công tác hỗ trợ ngày đêm vì người dân nhiễm bệnh trong tình cảnh toàn TP. HCM phong tỏa.
Tại quê hương Dầu Tiếng, Ban giám đốc TTYT Dầu Tiếng, Bs CKII Bùi Công Chiến, Ts. Bs Lê Ngọc Long cùng các anh chị bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ lý, dân quân, cộng tác viên đã tạo điều kiện, hướng dẫn tôi từ những ngày đầu hành nghề y và sát cánh cùng tôi trong khu điều trị COVID 19 tại Trung tâm, Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền. Bên cạnh đó các thầy cô trường Đại học Y Hà Nội đã hỗ trợ hội chẩn trực tuyến các ca bệnh nặng hàng đêm cùng các bạn sinh viên của trường, anh chị bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên từ đoàn Bắc Ninh, đoàn Tuyên Quang và Quân y 103 đã thân tình lặn lội xa xôi đến đồng hành, hỗ
trợ huyện Dầu Tiếng trong giai đoạn chống dịch gian nan nhất.
Đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19 - Trung tâm Y Tế Dầu Tiếng 9/2021 với sự hỗ trợ của Đoàn y tế Bắc Ninh và Tuyên Quang.
Đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền với sự hỗ trợ
của Đoàn Quân Y 103 và Tuyên Quang.
..................................................................
Những ân nhân bạn đã gặp trong cuộc đời là những vị thuốc quý giúp chữa lành tâm hồn và soi sáng cho hành trình cuộc sống của bạn!
..................................................................
Và người thầy lớn nhất của tôi không ai khác đó chính là những khó khăn trong cuộc sống mà tôi gặp phải, những lần bùng nổ cảm xúc những bệnh nhân và người thân mà tôi có dịp gặp gỡ và tiếp xúc trong đại dịch!
Điều đó đã thôi thúc tôi luôn tìm tòi học hỏi để giúp đỡ cho bản thân gia đình và những bệnh nhân của mình.
Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe mà không biết tìm hiểu, giải bày cùng ai, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, các mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, đặc biệt sau đại dịch, thì quyển sách nhỏ này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và chi phí để hiểu về những phản ứng đang diễn ra trong cơ thể bạn và phương pháp giúp bạn “bình yên sau đại dịch”.
............................................................
Có hướng tiếp cận phù hợp từ đầu, bạn sẽ có hướng đi để “bình yên sau đại dịch” và “phòng ngừa” cho các tình huống tương tự xảy ra trong cuộc sống sau này.
............................................................
Hãy tưởng tượng bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc trong giây phút hiện tại và tìm lại bình yên sau những lần bùng nổ cảm xúc, giống như trời quang sau trận mưa rào, gột rửa những vướng bận trong lòng, để tâm sáng rõ và trong trẻo như
hạt sương mai.
3 phần của sách sẽ giúp bạn như thế nào?
Các chương sách dần gợi mở nhằm giúp bạn mời gọi “Bình Yên” quay trở lại sau đại dịch.
Chương 1: Đại dịch và Rào cản Phần này sẽ giúp bạn nhận ra "bạn không cô đơn" khi gặp những khó khăn trong và sau đại dịch. Vì đó là sự lồng ghép những mảnh ký ức và những câu chuyện để làm ví dụ minh họa cho những cơn bùng nổ cảm xúc sau sự kiện đau thương, mất mát!
Chương 2: Bình yên sau đại dịch Chương này sẽ giúp bạn hiểu được nguồn cơn của những lần bùng nổ cảm xúc, khi có yếu tố gợi nhắc về hiện tượng gây đau khổ cho chúng ta như cách ly thiếu thốn trong đại dịch, những mất mát về người thân... Với việc hiểu về “3 mức độ
an toàn khi con người đối mặt với những sự kiện đau thương” giúp bạn chấp nhận cảm xúc tiêu cực của bản thân và mọi người xung quanh, nhất là sau
giai đoạn gần 3 năm cách ly do đại dịch, và khó khăn về kinh tế, đời sống trong hiện tại và các năm sắp tới.
Chương 3: Bí quyết chữa lành sau đại dịch Bạn sẽ giảm được các triệu chứng khó thở hụt hơi hậu COVID-19 khi thực tập phương pháp "Tập thở giảm lo âu" sẽ được hướng dẫn cụ thể trong chương 3
này.
Khi bạn đã thực tập hít thở trở thành một thói quen thì điều này sẽ rất hữu ích giúp bạn “bình yên” vượt qua “cơn bùng nổ cảm xúc”.
Mời bạn hãy cùng tôi lật từng trang sách để khám phá những bí mật ấy và cùng thực tập chữa lành cùng tôi nhé!
Ngày 31 tháng 10 năm 2022,
Một ngày đi làm thường lệ của tôi và một chút gợn nhẹ khi Trưởng khoa Nhiễm phân chia công việc:
“Bên khu COVID có 4 ca bệnh, giờ anh với em phân chia nhau trực! Ban ngày anh trực bên khu COVID, em làm ở khoa. Hôm sau đổi lại, em ở khoa COVID, anh ở khoa nha!”
“Dạ vậy là không có ra trực, vậy cuối tuần thì sao anh?” - tôi bất ngờ, cao giọng.
“Trước mắt cứ vậy trước đã, khi nào mệt thì báo anh làm choàng cho em một chút nhé!”
Khựng lại vài giây, trong suy nghĩ của tôi khi vừa xong 9 tháng chống dịch xa nhà, không có cảm xúc gì quá đặc biệt! Vì cơ bản tôi hiểu là tôi không có sự lựa chọn, việc có cảm xúc mãnh liệt lúc này chỉ làm mình thêm mệt mỏi mà thôi!
“Hôm nay em chưa chuẩn bị đồ đi trực, vậy mai em trực nha!” - giọng tôi trầm xuống như thầm chấp nhận mọi sự phân công của bác Trưởng khoa.
“Ừa, mai em đi trực, nay anh trực cho.”
Trong suốt quãng đường về nhà, tôi ráng tìm một lý do hay một khoảnh khắc dễ
chịu cho tua trực ngày mai để có chút động lực đi làm. Đây là điều tôi học được để tự động viên khi gặp việc mà muốn cũng phải làm, không muốn cũng phải làm!
Về tới nhà, lặng lẽ gói ghém đồ đạc cho tua trực ngày mai, tôi cũng không dám nhắc đến cho cả nhà biết mình chuẩn bị trực COVID. Tôi chỉ nói là: “Con đi trực bù” cho cả nhà yên tâm.
Tua trực đầu tiên cũng khá êm ả với 4 bệnh nhân và chuẩn bị xuất viện 1 bệnh nhân nếu kết quả test nhanh âm tính. Không gian vẫn là khu buồng bệnh cách ly, tách biệt ra khỏi các khoa phòng khác của bệnh viện.
Chị điều dưỡng động viên tôi - một cô bác sĩ trẻ:
“Em cứ thư giãn đi! Bệnh nay ổn mà, không giống lúc ở bệnh viện dã chiến Ngô Quyền đâu mà em lo!”
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
“Em cũng mong là vậy! Em vẫn thấy ám ảnh đợt điều trị COVID ở khu Ngô Quyền đến giờ!”
***
Buổi chiều ngày nắng đẹp với tiếng gió rì rào của những cây dầu trước sân làm bầu không khí dịu mát hẳn! Khi tôi đang tự thưởng cho mình một cái dựa lưng vào tường và tai nghe vài bản nhạc thư giãn, thì đột ngột có thông báo:
“Khoa cấp cứu chuẩn bị chuyển xuống một bệnh nhân là ông cụ suy kiệt, chưa tiêm vaccine! Khi nào có đầy đủ xét nghiệm sẽ chuyển xuống tới” - chị điều dưỡng thông báo lại qua cuộc điện nhận từ khoa cấp cứu.
“Ui! Em thấy bắt đầu lại rồi!” - gợn sóng lăn tăn trong lòng cô bác sĩ trẻ giờ đây cuộn trào hơn một chút! Thật ra là nhiều lắm!
Hiện tại, khi nhắc lại khoảng thời gian đại dịch vừa qua, câu chuyện nào hiện lên trong tâm trí bạn?
Bạn có những cảm xúc thế nào?
Còn đây là những điều xảy ra trong suy nghĩ của tôi: Đó là những ký ức về những lần tôi mặc vội đồ bảo hộ chạy cho nhanh vào buồng bệnh, chụp vội SpO2 đo cho bệnh nhân và xem tình trạng người bệnh đang như thế nào! Ở thời điểm dịch cao trào nhất, lần nào vào buồng bệnh như
thế tôi đều bắt gặp hình ảnh bệnh nhân thở ngáp từng hơi nặng nhọc hoặc da xanh lại do thiếu oxy lâu.
Nếu cần đặt nội khí quản để khai thông đường thở cấp cứu, đó là kết cuộc mệt mỏi nhất! Tôi sợ viễn cảnh này nhất! Vì phải huy động cả ekip trực hỗ
trợ, tiên
lượng sống của bệnh nhân cũng không còn cao nữa!
Các công việc cần làm sẽ là chuỗi liên hoàn những hành động nối tiếp nhau, không lúc nào ngơi nghỉ:
- Nếu cần thở máy HFNC thì vội đi lắp máy, gọi người trợ giúp.
- Không thì kiểm tra mask thở oxy, chỉnh liều oxy và hướng dẫn bệnh nhân tập thở.
- Rồi hỏi vội người nhà trước đó đã xảy ra chuyện gì? Có ăn uống, đi vệ sinh hay hoạt động mạnh gì không?
Chỉ đến khi nồng độ oxy của bệnh nhân ổn định trở lại với SpO2 lúc đó tôi mới thở phào!”
Trong đại dịch vừa qua, ai đã dang tay giúp đỡ bạn trong lúc bạn cần đến nhất?
Hãy dành 30s nghĩ đến họ và thầm cảm ơn họ đã xuất hiện bên cạnh bạn trong lúc khó khăn nhé!
Khi cấp cứu xong bệnh nhân, nhìn lại mình quần áo bảo hộ xộc xệch, ướt đẫm mồ hôi, hơi nước nhòe cả tấm chắn bảo hộ, tôi thở từng hơi thở ngắn, dồn dập lếch thếch ra khỏi buồng bệnh thay đồ bảo hộ! Rồi lặng lẽ băng qua các dãy hàng lang của trường tiểu học - nơi được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến lúc
bấy giờ - có một sự thật dù muốn hay không cũng luôn xuất hiện trong đầu tôi là:
“Con sợ ma lắm! Đừng có nhát con nha!” - và theo sau đó là một loạt lời cầu nguyện các kiểu, hai chân ríu lại ráng đi cho lẹ, để nhanh ra khỏi dãy hàng lang tối om buổi khuya thanh vắng.
Những hình ảnh dễ thương rất đời thường, của những nhân viên y tế tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh lúc bấy giờ, đều được báo đài đưa tin với
các minh họa dí dỏm. Có hình ảnh hay bài hát nào về đại dịch và nhân viên y tế mà bạn còn nhớ đến giờ không?
Hình ảnh tôi trong quần áo bảo hộ xộc xệch, ướt đẫm mồ hôi, hơi nước nhòe cả
tấm chắn bảo hộ.
Bức vẽ ký họa của tôi dành tặng chị Thu - chị điều dưỡng trong khu điều trị, anh chị luôn mang theo cả thùng y dụng cụ, để tiêm truyền cho bệnh nhân dù qua lớp kính bảo hộ nhòe sương.
Sau đó tôi báo cáo nhanh tình hình bên trong cho trưởng tua được nắm rõ, khi có cái gật đầu ghi nhận là tôi nhanh chóng... soạn đồ đi tắm! Như một “liệu pháp”
gột rửa những điều vừa xảy ra (đây là cách nói hoa mỹ của tôi thôi! Còn thật ra là để tuân thủ quy định kiểm soát nhiễm khuẩn trong phòng chống lây lan dịch).
Đó có khi là tia nước ấm hiếm hoi, còn đa phần là tia nước lạnh giữa đêm trực!
Tôi tắm vội để còn vào hoàn thành bệnh án để bàn giao tua trực sáng mai. Tiếp đến là những giấc ngủ chập chờn trong đêm trực.
Sáng đến, bàn giao tua trực xong là cơn buồn ngủ mệt mỏi, uể oải ập đến, tôi vội ăn sáng rồi leo lên giường tại khu nghỉ của nhân viên tại bệnh viện, tiếp tục vỗ
về cơn buồn ngủ như một đứa trẻ cần được quan tâm!”
Bệnh viện dã chiến Ngô Quyền ngày ấy - trưng dụng từ trường Tiểu học Ngô Quyền, Dầu Tiếng, Bình Dương.
Những mảng ký ức này ùa về trong đầu tôi một cách nhanh chóng đến choáng váng, đó là những cảm xúc không mấy dễ chịu mà tôi vẫn ấn tượng đến giờ!
Hễ có yếu tố gợi nhắc về bệnh nhân chuyển nặng, là mọi thứ chợt tuôn trào, nuốt trọn niềm vui sống của tôi lúc nào không biết!
Giống như “bị tấn công” bởi Giám ngục Azkaban trong truyện Harry Potter -
sinh vật hút lấy mọi hy vọng, bình yên và khiến người ta trở nên vô cảm, khóa kín mọi cảm xúc. Mọi điều tiêu cực ùa đến ngay lập tức, vượt quá sức chịu đựng của cô bác sĩ nhỏ! Tôi hoảng sợ trước những điều này, không biết phải làm sao?
Chỉ một câu nói mà bao cảm xúc, ký ức được gọi về một cách sống động, khủng khiếp như vậy!
Tôi ngồi thẫn thờ, chờ đợi ca bệnh được chuyển xuống.
***
Những mảng ký ức đầy đủ cảm xúc, mà không hề có một câu chuyện cụ thể, rõ ràng nào, gây tê liệt mọi giác quan của cô bác sĩ trẻ, hút cạn sinh lực sống, điều này đã được ghi nhận trong những nghiên cứu khoa học về căng thẳng cấp và rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD - Post - Traumatic Stress Disorder).
Những điều cô bác sĩ trẻ trải qua, đều không quá xa lạ với những nhân viên y tế, lực lượng từng đi phục vụ các khu điều trị COVID-19, khi dịch bùng phát dữ dội ở khắp cả nước.
Bạn đã từng trải qua hay chứng kiến những ai đã trải qua và kể những câu chuyện tương tự như vậy chưa ạ? Nếu đã trải qua tôi mong bạn biết một điều rằng:
“Bạn không hề đơn độc trong cuộc đời này, những việc không mong muốn xảy ra với bạn cũng đã xảy ra với rất nhiều người, trong đó có tôi!”
Hầu như trong bất cứ trải nghiệm nào, có những sự việc diễn ra có thể làm chúng ta “đau”, ví dụ như bệnh tật, mất mát về công việc, mối quan hệ, tài chính...
Nhưng điều thật sự làm chúng ta “khổ” dai dẳng là cách ta nhìn nhận về sự việc đó, điều này có khoa học lý giải rõ ràng những phản ứng của cơ thể con người khi đối diện với những sự việc gây căng thẳng (tôi sẽ đề cập trong chương 2).
Mời bạn cùng tôi chiêm nghiệm lại những việc đã xảy ra trong giai đoạn dịch vừa rồi, với chuỗi những sự kiện xảy ra liên tiếp nhau, tình cảnh nhiễm bệnh, cách ly, gián đoạn học hành, công việc...
Đó là những việc không của riêng ai, những mối bận tâm chung có thể kể đến như sau:
- Không biết người thân nhiễm COVID-19 của mình được đem đi đâu, nhất là ông bà lớn tuổi và mấy đứa nhỏ không ai chăm sóc thì biết thế nào?
- Mình thấy ngứa cổ rồi nè, ho ho rồi, có triệu chứng rồi mà sao test hoài vẫn không “dương tính” là sao nhỉ? Dương tính lẹ lẹ đi để mình xin vào khu điều trị
chăm sóc cho con/cha,mẹ bệnh nữa?
- Mình cũng đang bị cách ly, không biết nơi này là đâu nữa, không biết mấy ngày tới liệu có “dương tính” không?
- Mình chưa tiêm vaccine, hôm trước ông kia ho vào mặt mình, nay nghe báo ông đó “dương tính” rồi, lo quá, có nên nói cho cả nhà hay địa phương biết không? Báo rồi lỡ mình “dương tính” rồi cả nhà bị lây thì sao?
- Cả nhà mình bị dương tính thế này, báo chỗ làm nghỉ việc không biết mấy ngày tới có cơm ăn không? biết người ta có cho đi làm hay đuổi việc mình nữa?
rồi cả nhà mình ba mẹ già, vợ con nhỏ biết sống sao!
- Trường học đóng cửa hết rồi, mấy đứa nhỏ ở nhà học online không biết sao, biết có theo kịp bài không?
- Hôm qua nghe tin ba mẹ trở nặng, phải chuyển đến tuyến cao hơn, mình không ngủ được, cũng không đi theo chăm sóc được, mình lo quá! Bác sĩ dặn mình lo lắng quá là bệnh trở nặng, là cũng bị chuyển đi, mà tình trạng này, sao mà không lo cho được!
...
Và còn rất nhiều, rất nhiều những trăn trở không hồi kết cứ tiếp diễn và leo thang mỗi ngày. Mỗi khi nghĩ lại tôi cảm thấy như tua lại một đoạn phim xưa cũ, và nhận ra rằng mình đã từng sống trong “giai đoạn lịch sử” của dân tộc và thế giới.
Nhiều người cho đến hiện tại vẫn còn dư âm của các triệu chứng hậu COVID-19
như thở hụt hơi, lo âu kéo dài, mất ngủ, rụng tóc, hay dễ quên... Chúng ta đang chịu những tác động lâu dài của virus Corona và thời kỳ đại dịch gây ra, không chỉ là những ai từng nhiễm bệnh và mà cho những ai chịu ảnh hưởng đời sống, kinh tế, công việc, con cái, thậm chí là mất mát người thân sau đại dịch.
Việc lấy lại cân bằng sau đại dịch, tưởng đơn giản mà cần rất nhiều thời gian và nếu không nhận diện chúng thì chúng ta dễ có những lời nói, quyết định sai lầm gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình, tổn hại bản thân hay ảnh hưởng đến chất lượng đời sống sau này.
Để có thể hiểu cặn kẽ về những hiện tượng tâm lý xảy ra chúng ta khi trải qua giai đoạn khó khăn trong và sau đại dịch, mời bạn cùng tôi hiểu về 3 phản ứng của cơ thể khi đối mặt với sự kiện nguy hiểm hay đau thương, tương ứng với 3
nỗi đau thường gặp và nhất là biện pháp cùng Bình Yên vượt qua từng mức độ
tâm lý này nhé!
Cơ thể con người có hệ điều hòa là hệ thần kinh tự chủ (Autonomic Nervous System - ANS), nơi chi phối tất cả những biểu hiện ghi nhận trong cuộc trò chuyện, trong đó có chuyển động và sự căng cơ mặt, chuyển động mắt, cao độ
tốc độ giọng nói và những thay đổi bên trong như nhịp tim, nhịp thở và tiết mồ
hôi, nước bọt. Hệ thống này giúp chúng ta phản ứng với các sự kiện gây căng thẳng tùy theo mức độ, mà trạng thái sinh lý nào của cơ thể được kích hoạt.
Trong đó bao gồm hai nhánh hoạt động đối lập nhau là:
- Hệ thần kinh giao cảm (Sympathetic Nervous System - SNS):: kích hoạt các phản ứng của cơ thể làm tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, kích hoạt phản ứng Chiến đấu hay Bỏ chạy khi đối mặt nguy hiểm.
- Hệ thần kinh đối giao cảm (Parasympathetic Nervous System - PNS): giúp điều hòa giảm nhịp tim, giảm nhịp thở, và giúp cơ thể thư giãn. Trong đó 80% hệ
thần kinh này do dây thần kinh phế vị chi phối, vì thế việc tập thở giúp kích hoạt dây phế vị, tác động lên hệ thần kinh đối giao cảm giúp cơ thể được thư giãn, nghỉ ngơi, tôi sẽ đề cập chi tiết ở chương 3.
(sách Sinh lý học cơ thể người - sưu tầm http://baigiang.biotest365.com/tnxh/iii_h_thn_kinh.html)
Phần khái niệm trên sẽ hỗ trợ bạn khi hiểu về 3 mức độ phản ứng của cơ thể với căng thẳng theo học thuyết Đa thần kinh phế vị (Polyvagal Theory) của Stephen W. Porges, Ph.D - Giáo sư Tâm thần học tại Đại học Bắc Carolina, Đại học Illinois ở Chicago và Đại học Maryland (Hoa Kỳ). Học thuyết cung cấp cho chúng ta một sự hiểu biết tinh vi hơn về mặt sinh học của an toàn và nguy hiểm, dựa trên tương tác tinh tế giữa những trải nghiệm các cơ quan trong cơ thể chúng ta với giọng nói và khuôn mặt những người xung quanh chúng ta[1].
Trước hết, chúng ta cùng phân tích 3 mức độ phản ứng của cơ thể tương ứng với 3 nỗi đau chung thường gặp trong đại dịch nhé!
Bất kỳ mối đe dọa nào tới sự an toàn hoặc các mối quan hệ xã hội của chúng ta đều kích hoạt những thay đổi trong khu vực được điều khiển bởi hệ thống não bộ
- phức hợp bụng phế vị VVC (ventral vagal complex).
Khi một điều gì đó đáng buồn xảy ra chúng ta tự động biểu hiện nỗi phiền muộn của mình bằng những biểu cảm trên gương mặt và giọng nói. Những thay đổi này có ý nghĩa kêu gọi sự trợ giúp từ những người khác.
—-> Cơ thể kích hoạt phản ứng sinh lý ở “Giai đoạn tương trợ xã hội” khi có sự
kiện không như ý xảy ra. Mọi người thường thể hiện sự lo lắng bằng lời nói, có khi là những giọt nước mắt trong sợ hãi, hoang mang.
Nên nỗi đau: “Tôi giúp đỡ người khác, còn ai sẽ giúp đỡ tôi” xảy ra khi bạn đã thể hiện mong muốn được giúp đỡ trong lúc khó khăn, mà dường như không nhận được sự hỗ trợ nào!
Điều này thể hiện rõ nhất khi nhìn vào đội ngũ y tế trong mùa dịch vừa qua.
Đó là cảm giác bản thân là nhân viên y tế mà không thể chăm sóc được gia đình mình trong đại dịch là một nỗi đau mà nhiều anh chị, nhất là các chị có con nhỏ
phải vượt qua.
Tôi đã chứng kiến rất nhiều những cuộc gọi điện video call sau mỗi tua trực của các chị bác sĩ và điều dưỡng về nhà cho con, nhắc nhở con ngoan ngoãn, ráng học bài (có chị còn viết chữ làm mẫu hướng dẫn con tập viết để vào lớp 1). Khi vô tình con hỏi:
“Khi nào mẹ về?”
“Chừng nào hết dịch thì mẹ về với cu Tin nha!”.
Sau cuộc gọi điện, các chị lặng lẽ hoàn thành công việc và tuyệt nhiên không ai nhắc tới "ngày về".
Chắc hẳn cảm giác đau lòng nhất là không được ở bên người thân khi họ cần đến nhất!
Khi tình thương và mong muốn chính đáng của mỗi người, vì một hoàn cảnh nào đó, mà không thể thực hiện được, điều đó gây nên sự ức chế tâm lý, đau khổ mà ai cũng phải trải qua!
Xót xa nhất là lúc khu điều trị nhận được tin có mẫu gộp của nhân viên mình DƯƠNG TÍNH!
Thế là nhóm “dương tính” thu lu một góc, có người không kìm được, khóc tu tu như đứa trẻ! Lo bệnh tật thì ít mà lo không biết khi nào được về với con thì nhiều!
Đó thật sự là sự hy sinh rất lớn!
Tôi từng trong nhóm nhân viên bị nhiễm COVID-19 đầu tiên tại khu điều trị, ráng vững lòng an ủi và chăm sóc các chị để còn có ngày về với con. Đau lòng hơn là dù đang cách ly điều trị tại khu riêng, nhiều người còn xót xa
cho đồng đội phải gồng gánh phần việc của mình để lại, kèm theo nỗi lo "dương tính" bất cứ lúc nào luôn rình rập đội ngũ y bác sĩ còn lại, ngày càng đuối sức và lực lượng mỏng dần đi.
Đây là lúc tôi thấm thía câu nói trên:
“Các anh chị đã giúp bệnh nhân rất nhiều, còn ai sẽ giúp các anh chị đây!”. ***
Liệu pháp Bình Yên:
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người xung quanh, có thể giúp xoa dịu nhanh những căng thẳng về mặt cảm xúc, như gia đình, đồng nghiệp, hỗ trợ của nhân viên y tế, chuyên viên tâm lý học...
Với nỗi đau:
“Tôi giúp đỡ người khác, thì ai sẽ giúp đỡ tôi”.
Đối với khu điều trị của tôi, may mắn là trong nhóm, khi được chia sẻ những lo lắng về bệnh tật, thu xếp việc nhà việc cửa, an ủi nhau động viên nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn. Điều này đã giúp kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm giúp giảm nhịp tim, thở sâu và mọi người cảm thấy bình yên được che chở và nhanh chóng lấy lại tinh thần.
Dụng cụ thăm khám mỗi ngày của tôi khi điều trị cho nhóm các anh chị nhân viên y tế “dương tính”, trong đó có tôi hồi tháng 8/2021.
Tôi còn nhớ khi làm bác sĩ điều trị trong bệnh viện dã chiến Ngô Quyền, vào mỗi buổi sáng các bệnh nhân tự động viên nhau rủ nhau đi tập thể dục vòng vòng ở dưới sân của trường tiểu học. Bằng một cách nào đó họ còn đánh cầu lông, cùng nhau rủ nhau ăn trưa, tâm sự trò chuyện và các cụ già còn đánh cờ
cùng nhau.
Những lần vào buồng bệnh thăm khám nhìn thấy mọi người tự động viên nhau như thế, bản thân là nhân viên y tế tôi cũng được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc của mình. Và những nhóm bệnh nhân như thế, rất nhanh sau đó, sẽ
được xuất viện và ít bị diễn tiến bệnh nặng lên.
Chắc hẳn bạn còn nhớ những lúc đầu bùng phát dịch năm 2020, có rất nhiều bài hát truyền năng lượng tích cực để giúp mọi người đồng lòng cùng nhau vượt qua đại dịch: như Ghen Cô Vy, Sao anh chưa về nhà, COVID nhanh đi đi... cổ vũ
tinh thần chống dịch cho đội ngũ y tế và khuyến khích mọi người đồng lòng tuân thủ giãn cách xã hội trong đại dịch. Điều này đã giúp chúng ta vượt qua giai đoạn 14 ngày dãn cách toàn xã hội thành công! Và nhận được lời khen ngợi của thế giới về tinh thần hợp tác của đoàn thể dân tộc Việt Nam đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh thời điểm đó!
Tôi vẫn còn nhớ lần tham gia vào Tổ y tế từ xa của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thời điểm 9/2021, lúc ấy khi các bạn sinh viên gửi cho tôi thông tin ngắn về những trường hợp người dân tại TP. HCM test nhanh dương tính.
Qua màn hình điện thoại cuộc gọi video call lúc bấy giờ, tôi nhận thấy rõ sự hoang mang lo lắng của người bệnh:
● Có khi là những người mẹ có con 3 tuổi 5 tuổi và chồng test nhanh dương tính trong khi mình thì âm tính và rất hoang mang không biết phải làm sao để chăm sóc được cho mọi người hay có khai báo y tế phường vào khu cách ly hay quyết định điều trị tại nhà dưới sự hỗ trợ của tổ y tế?
● Có khi là các cô bác lớn tuổi có bệnh nền, nhiễm COVID-19 cùng với con cháu của mình và không biết có vào bệnh viện dã chiến hay không và liên lạc như thế nào?
● Có khi là test nhanh dương tính và không tin tưởng vào kết quả thì phải làm thế nào?
● Còn những em sinh viên ở trọ, kẹt lại thành phố và không biết mua thuốc hay chăm sóc bản thân thế nào trong đại dịch khi sống xa nhà?...
Đa phần tâm trạng mọi người rất hoang mang lo lắng! Khi được tư vấn khám bệnh hỗ trợ từ tổ y tế và sự thăm hỏi động viên của các bạn sinh viên mỗi ngày, những cuộc gọi sau, tôi cảm nhận rõ mọi người với những hiểu biết nhất định về
bệnh và cách chăm sóc cho người thân gia đình tại nhà, tập hít thở, các triệu chứng cũng dần thuyên giảm, mọi người dần an tâm quay về đời sống hàng ngày. Đây là trường hợp mà hệ thống tương trợ xã hội đã giúp người bệnh cảm thấy bình tĩnh thư giãn và được quan tâm.
Trong trường hợp, bạn ở trong hoàn cảnh chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết, cơ
thể sẽ tự động chuyển sang mức độ 2.
Tuy nhiên, nếu bạn không muốn mình chuyển sang mức độ 2, bạn có thể thực hành theo hướng dẫn ở Chương 3: “Bí quyết chữa lành sau đại dịch” nhé!.
Tuy nhiên nếu không ai hồi âm lời yêu cầu giúp đỡ của chúng ta, mối đe dọa xảy ra sẽ gia tăng.
Điều đó khiến bạn cảm thấy ít được chia sẻ và thấu hiểu, nên hệ thống Chiến đấu hay Chạy trốn của não bộ được kích hoạt, trong y văn gọi là kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, làm sản sinh rất nhiều adrenaline, chất này tiết ra sẽ làm tim đập nhanh thở gấp và có những cảm xúc mãnh liệt để chống đối hoặc là bỏ chạy nhằm bảo vệ cơ thể.
Chắc hẳn bạn đã từng gặp trường hợp trong giai đoạn đỉnh dịch, đó là khi có một ca test nhanh dương tính, việc đem được người ấy vào khu điều trị cũng gặp không ít khó khăn. Có nhiều người trở nên kích động giận dữ và chống đối đội ngũ nhân viên y tế cũng như dân quân tự vệ, và cũng có trường hợp họ bỏ trốn làm mất dấu F0, dẫn đến lây lan dịch cho cộng đồng nhiều hơn.
Đây là phản ứng thường gặp của cơ thể khi cảm thấy là hệ thống tương trợ xã hội không giải quyết được vấn đề, tức là người bệnh không muốn vào khu điều trị cách ly nhưng họ vẫn phải tuân thủ quy định phòng chống dịch lúc bấy giờ.
Với nỗi đau: “Cống hiến nhiều, nhận được chẳng bao nhiêu”, nhiều nhân viên y tế nghỉ việc trong thời gian trong và sau đại dịch cũng như những lúc công nhân đình công nghỉ việc, cũng là trong giai đoạn này!
Khi những khó khăn gian khó không được chia sẻ bởi những người xung quanh, mọi người đứng lên chiến đấu cho quyền lợi chính đáng của mình hoặc từ bỏ
công việc hiện tại. Đây là cơ chế bảo vệ cơ thể khỏi những đau thương, mất mát.
Đây là điều thật sự đã diễn ra trong khu điều trị!
Khi chứng kiến hoặc nghe tin báo về từ khu Hồi sức cấp cứu Phú Chánh hay Becamex, bệnh viện tỉnh Bình Dương tầng 3 - điều trị COVID-19 nặng về
những bệnh nhân mình từng chăm sóc ngày đêm, cố gắng phát hiện sớm các giai đoạn chuyển độ nặng để chuyển viện kịp thời đều không qua khỏi, đó thật sự ảnh hưởng đến tinh thần của đội ngũ y bác sĩ rất nặng nề.
Đó là những buổi chiều dưới cái nắng gắt vừa cởi ra bộ đồ phòng hộ ướt nhẹp mồ hôi, vừa nghe tin vừa buồn rười rượi, rồi thu xếp bàn giao tua trực, ăn vội bữa cơm nhạt, chuẩn bị hội chẩn và vào tua trực kế tiếp.
Ở nhân viên y tế, tôi cảm nhận rõ nhất sự căng thẳng, mệt mỏi là lúc chứng kiến mọi người bình thường rất ôn hòa, nhưng khi thấy bệnh nhân "quên" không đeo dây oxy thở hay không tuân thủ nằm sấp với những bệnh nhân đang thở HFNC, là đa phần đều lớn tiếng yêu cầu người bệnh tuân thủ ngay! Và cho bệnh nhân những ví dụ về hậu quả của việc không tuân thủ điều trị.
Về phía người bệnh, ngay cả thanh niên trẻ khỏe hay các cô bác trung niên, lớn tuổi khi bắt đầu tụt oxy, phổi có dấu hiệu tổn thương phải dùng thuốc kháng đông, kháng virus... là tinh thần giảm sút nhanh chóng, bệnh nhân trở nên kém tuân thủ điều trị, nhất là khi nghe tin người thân qua đời.
Có những trường hợp tự ý giật oxy ra, rồi khó thở hụt hơi và cầu cứu nhân viên y tế, có những trường hợp cứu kịp, có những trường hợp không qua khỏi, có những trường hợp loạn thần trong quá trình điều trị. Bệnh nhân sợ hoạt động mạnh tụt oxy đến nỗi những hoạt động vệ sinh hàng ngày đều do nhân viên y tế
thay nhau chăm sóc.
Điều này thật sự rất nặng nề về cả nhân viên và người bệnh, trong phim tài liệu
"Ranh giới" tại bệnh viện Hùng Vương vào tháng 9/2021 đã mô tả chân thực một phần những khó khăn này.
Chắc hẳn điều này đã giúp bạn hình dung được phần nào những hy sinh, cống hiến của đội ngũ y tế và của bất kỳ ngành nghề nào.
Không chỉ là về sức khỏe tinh thần, thể chất, ai cũng mong muốn được ghi nhận những thành quả, công sức của mình, nên trong nhiều trường hợp khi nhu cầu cần thiết ấy chưa được đáp ứng thì ý nghĩ “cống hiến nhiều, nhận lại được bao nhiêu” cũng là suy nghĩ phổ biến của nhiều người nếu xét riêng về khía cạnh này!.
––––––––
Liệu pháp Bình Yên :
Việc xoa dịu cảm giác căng thẳng ngay thời điểm bùng nổ cảm xúc là vô cùng quan trọng!
Điều này ngăn bạn không đưa ra những quyết định, lời nói hay hành động gây tổn hại đến bản thân và các mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Một biện pháp hữu hiệu giúp bạn giữ được bình tĩnh trong bất kể tình huống nào, đó chính là tập trung vào "Hơi thở" (mà tôi sẽ trình bày trong chương 3).
Những hơi thở sâu, nhịp nhàng lên xuống theo sự phồng xẹp của bụng, giúp xoa dịu tâm trí vô cùng hiệu quả trong trường hợp này. Khi hệ thần kinh phó giao cảm - giúp giảm nhịp tim, giảm huyết áp - được kích hoạt giúp cơ thể được thư
giãn, làm dịu "cơn bão cảm xúc" do phản xạ "chiến đấu hoặc bỏ chạy" gây ra.
Điều này thực sự hiệu quả, nhất là khi chúng tôi điều trị cho hơn 3000 bệnh nhân nhiễm COVID-19 mức độ trung bình, nặng tại bệnh viện dã chiến Ngô Quyền thời điểm tháng 10/2021-4/2022.
Khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu chuyển độ nặng cần phải thở oxy, tôi gặp khá nhiều trường hợp mọi người, đặc biệt là các cô bác lớn tuổi nhiều bệnh đi kèm, từ chối chấp nhận việc bệnh mình nặng lên và không tuân thủ việc
thở oxy. Điều này gây cản trở rất nhiều cho công tác điều trị cũng như phục hồi của bệnh nhân.
Tại Dầu Tiếng lúc ấy, thì có bệnh nhân chuyển độ nặng, cần thở oxy thì các khu cách ly điều trị F0 tầng nhẹ tầng 1 sẽ hội chuẩn với bệnh viện để chuyển các
bệnh nhân chuyển độ nặng về trung tâm để tiếp tục điều trị, điều này có nghĩa là những cô bác lớn tuổi khi chuyển độ nặng, xe cấp cứu sẽ đưa họ một mình vào bệnh viện và ít được ở gần người thân con cháu như hồi điều trị tại tầng 1 (sau này trung tâm hỗ trợ cho người thân theo chăm sóc nên bệnh nhân đỡ lo lắng hơn rất nhiều)
Vì thế mong muốn được ở gần người thân trong giai đoạn này ít được chia sẻ, đáp ứng nhu cầu, phản ứng tương trợ xã hội của cơ thể không giải quyết được vấn đề vì thế thần kinh giao cảm kích hoạt hệ thống Chiến Đấu - Bỏ Chạy, dẫn đến việc bệnh nhân có phản ứng gay gắt với nhân viên y tế và kém tuân thủ điều trị.
Ngay thời điểm đó, những bệnh nhân được tôi nhận bệnh ngay từ lúc họ được chuyển vào khu điều trị, tôi đã hướng dẫn tập thở cho họ ngay. Sau khi giải thích tình hình bệnh của họ, thoáng thấy nỗi lo lắng hoang mang hiện lên nét mặt và giọng nói của các cô bác, anh chị, tôi liền hướng dẫn họ "tập hít thở cơ hoành"
và tập trung tâm ý vào sự phồng xẹp của bụng. Khi đó mọi người chỉ còn chú ý vào việc:
“Cô/chú tập vậy có đúng chưa bác sĩ?”
“Bài này mình tập mấy lần một ngày thế?...”
Hoàn toàn quên đi trước đó chỉ 1-2 phút bản thân còn lo lắng, không muốn gắn dây thở oxy nữa! Tôi còn minh chứng hiệu quả của việc tập thở bằng việc đo nồng độ oxy trước và sau tập thở cho các cô bác xem.
Có cô, bác cải thiện nồng độ oxy trong máu từ 88-89% sang 94-95%, làm họ
phấn khởi vô cùng và như thể có tia sáng cuối đường hầm soi rọi cho họ qua giai đoạn khó khăn vậy!
––––––––
Ở mức độ 3 này, khi đã trải qua sự thiếu hỗ trợ cần thiết từ mọi người xung quanh, trải qua luôn giai đoạn chống đối hay cố gắng trốn khỏi vấn đề đang
gặp phải mà vẫn không được!
Cuối cùng nếu không còn cách nào khác chúng ta sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh khẩn cấp cuối cùng: phức hợp lưng phế vị (dorsal vagal complex - DVC).
Hệ thống này nối từ dưới cơ hoành xuống dạ dày, thận và ruột và làm giảm đáng kể quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Nhịp tim giảm (chúng ta cảm thấy muốn "đứng tim") chúng ta không thể thở và ruột của chúng ta ngừng hoạt động hoặc trống rỗng (ta thấy "sợ chết khiếp") đây là lúc chúng ta cảm thấy sụp đổ hoặc đóng băng.
Trong khu điều trị, tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý giật dây thở oxy mũi, có người tháo mặt nạ chụp oxy, thậm chí có cả trường hợp tháo luôn cả dây oxy khi đang thở máy HFNC!
Khi cấp cứu những trường hợp như vậy chúng tôi vừa thương mà cũng vừa trách, vì đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân không thể cứu sống kịp chỉ
vì kém tuân thủ điều trị!
Tiếp xúc với những bệnh nhân này, tôi không còn thấy họ kích động hay giận dữ, mà chỉ còn là "mùa đông ảm đạm". Hiền lành, ít nói và cũng "ít tuân thủ điều trị". Mỗi lần như thế, họ trải qua cơn thiếu oxy trầm trọng và nghị lực sống ngày càng giảm dần.
Có 2 bác dù đã được điều trị ổn không còn nồng độ virus Sars-CoV-2 trong cơ
thể, mà 1 tháng rồi vẫn chưa cai máy thở oxy HFNC được. Mỗi khi cử động qua lại là nồng độ oxy tụt rất sâu, họ phải trải qua giai đoạn thiếu oxy, trải nghiệm này rất khủng khiếp! Hãy tưởng tượng việc ăn uống hay ngồi dậy đi vệ sinh hoặc thậm chí chỉ cần nghiêng nhẹ người là cảm thấy "không thở được, ngộp" và nồng độ oxy tụt giảm rất sâu... niềm hy vọng sống của hai bác tụt giảm trầm trọng!
Nỗi đau: "Hoàn cảnh mà, phải chịu vậy thôi!"
Đó là cảm giác buông xuôi trước hoàn cảnh với phản ứng "đóng băng hoặc suy sụp"!
Đây là điều mà ít nhất một lần bạn và tôi đều thầm nghĩ trong giai đoạn đại dịch!
Ai cũng từng trải qua giai đoạn cách ly vì dịch COVID trong suốt gần 2 năm! Ai ở nhà nấy, trường học, nhà máy, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn, du lịch, xe bus đều phải đóng cửa, dừng hoạt động. Điều này dẫn đến rất nhiều người bị mất việc trong đại dịch, làm cuộc sống của bản thân và gia đình rất khó khăn[2].
Việc học tập và làm việc được chuyển sang hình thức online cũng gây trở ngại không ít cho học sinh và phụ huynh trong việc tiếp tục đời sống hàng ngày trong tình trạng giãn cách xã hội.
"Đại dịch mà, phải chịu vậy thôi!"
Thời điểm dịch mới bùng phát tháng 7-8/2021, khắp nơi ở Bình Dương và TP.
HCM, đại bộ phận người dân chưa được tiêm vaccine, "nhiễm COVID-19" là một dấu ấn như "phong sát" cho bản thân người bệnh và gia đình họ.
Khi có một ca test dương tính, người bệnh sẽ nhanh chóng được dẫn vào khu điều trị tại bệnh viện và chưa kịp gặp người thân và soạn đồ đạc.
Chưa hết, việc khai báo y tế, đi đâu và tiếp xúc những ai trong 14 ngày qua cũng gây "đau khổ, trăn trở" rất nhiều cho các F0 thời bấy giờ. Vì sau mỗi dòng thông tin họ cung cấp là những chuyến xe y tế còi hú khắp xóm đến từng nhà, để bắt cho đúng và đủ "đối tượng" để đưa vào khu cách ly, và nhà họ có một dải băng đỏ khoanh lại.
Ngày càng dồn dập những đợt lấy mẫu cộng đồng diện rộng khắp xóm, mỗi tuần 1-2 lần.
F0, F1 và các "F lang thang" ở khắp nơi và bị thay đổi đời sống nhanh chóng khi bị chuyển đến các khu điều trị, khu cách ly; công ăn chuyện làm trì trệ, ăn uống, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đó là chưa kể đến các mối lo về bệnh tật, diễn tiến bệnh nặng lên và người thân yêu, nhất là người già và trẻ nhỏ nhiễm bệnh...
Kể đến đây, chắc hẳn các ký ức về mùa dịch ùa về như bão lũ trong bạn và tôi rồi phải không!
Giai đoạn ấy thực sự không dễ chịu cho tất cả mọi người, tâm lý ức chế là điều hiển nhiên!
"Đại dịch mà phải chấp nhận vậy thôi!"
Đó là sự thật và cũng là câu nói an ủi mà mọi người dành cho nhau để có thể giữ
lại chút bình yên trong giai đoạn cuộc sống nhiều biến động. ––––––––
Liệu pháp Bình Yên:
★ Tăng cường các hoạt động thể chất như tập luyện thể dục và đơn giản nhất là
"Thở cơ hoành" tỏ ra có ích trong trường hợp này! Điều này giúp thiết lập lại sự
kết nối não bộ với cơ thể.
★ Bên cạnh đó, việc tập trung vào những hoạt động đang diễn ra trong đời sống như "đang ăn thì biết là mình đang ăn", "đang rửa chén thì biết là mình đang rửa chén" giúp giải phóng tâm trí rất nhiều! Đây là thực tập duy trì Chánh niệm trong đời sống hàng ngày, bạn có thể tìm đọc quyển sách "Phép lạ của sự tỉnh thức" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để chiêm nghiệm sâu sắc hơn về sự thực tập này nhé!
★ Thực hành lòng biết ơn những việc nhỏ và ghi nhận lại mỗi ngày cũng hữu ích trong trường hợp này. Thói quen này giúp luyện tập cho não bộ nhìn vào mặt tích cực của các sự việc dẫn đến nhiều lựa chọn tích cực trong cuộc sống!
***
“Sau này được về nhà, việc đầu tiên cô làm là gì ạ?”
Tôi nói với cô bệnh nhân đang nằm sấp, từng hơi oxy từ máy HFNC cung cấp phụt phà liên hồi, đã 1 tháng điều trị khỏi COVID, nhưng cô không cai máy thở
HFNC được. Con người nằm dài thườn thượt mất hết hy vọng sống ấy bỗng khựng lại, suy nghĩ vài giây rồi trả lời:
“Cô sẽ về nhà và làm thiện nguyện, cô còn có kế hoạch dang dở chưa làm xong mà lại bị COVID thế này!”
Nói đến đây, mắt cô sáng rỡ, giọng nói tuy còn ngắt quãng nhưng đầy nhiệt huyết trở lại:
“Ờ ha, cô phải ráng sống để về nhà làm được nhiều chuyện có ích nữa! Mình phải làm được chớ! Con hướng dẫn lại cho cô tập thở như nào với, để cô ráng tập để còn đi về nhà nữa!”
Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được niềm hy vọng sống mãnh liệt như vậy! Từ
thời khắc đó, những điều tôi hướng dẫn đều được cô tiếp thu là luyện tập "hít thở" ngày đêm! Cô cải thiện nồng độ oxy trong máu nhanh chóng, bên cạnh các bài tập Phục Hồi Chức Năng đi kèm, cô dần giảm bị hụt hơi, xoay trở được và dần ngồi dậy được. Điều kỳ diệu đã xảy đến khi cô cai được oxy và được xuất viện chỉ 3 tuần sau đó!
Hình ảnh cô được cai oxy xuất viện mang lại niềm vui cho cả khu điều trị COVID-19 lúc bấy giờ
***
Như vậy trong chương 2 này, bạn cùng tôi đã hiểu rõ về 3 mức độ phản ứng của cơ thể trước sự kiện gây căng thẳng tâm lý và lý giải rõ ràng cho 3 nỗi đau thường gặp trong chương 1.
Các biện pháp giúp bạn vượt qua từng mức độ cũng đã được tôi trình bày, và có một biện pháp đơn giản mà hữu hiệu nhanh chóng ngay khi thực hiện, hiệu quả
cho cả 3 mức độ. Đó là "Tập thở giảm lo âu" - kết hợp giữa Thở cơ hoành và Thiền tập, tôi sẽ trình bày chi tiết trong chương tới!
Vậy là qua hai chương trước, bạn đã hiểu rõ những rào cản tâm lý tương ứng với 3 mức độ phản ứng của cơ thể, kèm biện pháp chữa lành như sau:
★ Mức độ 1: Tương trợ xã hội
➔ Tương ứng với nỗi đau: "Tôi giúp đỡ người khác, thì ai sẽ giúp đỡ cho tôi".
➔ Biện pháp chữa lành: Tập thở, tìm đến sự hỗ trợ từ người xung quanh như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, hỗ trợ của nhân viên y tế, tâm lý học... ★ Mức độ 2: Chiến Đấu - Bỏ chạy
➔ Tương ứng nỗi đau: "Cống hiến nhiều, nhận lại chẳng bao nhiêu" ➔ Biện pháp chữa lành: Tập thở
★ Mức độ 3: Đóng băng - Suy sụp
➔ Tương ứng nỗi đau: "Hoàn cảnh mà, phải chịu vậy thôi".
➔ Biện pháp chữa lành: Tập thở, ý thức trong từng hành động, viết biết ơn, tập
thể dục.
Trong đó, "Tập thở giảm lo âu" mang lại hiệu quả ở 3 mức độ phản ứng tâm lý, bí quyết này bạn sẽ nắm rõ ngay sau đây!
Phần 1.
Phương pháp Tập thở giảm lo âu
Kết hợp giữa Thở cơ hoành - Thiền tập
1. Định nghĩa và cơ sở khoa học của phương pháp.
“Tập thở giảm lo âu” là gì?
Đây là một thuật ngữ mà tôi dùng để giải thích cho việc kết hợp giữa Thở cơ
hoành và Thiền nhận biết từng hơi thở, để nhấn mạnh phần điều hòa thân tâm, bên cạnh việc phục hồi chức năng cho cơ hô hấp.
Vì sao bệnh nhân nhiễm virus Sars-CoV-2 nặng lên và sự xuất hiện các hội chứng hậu COVID-19?
Đối với đặc thù riêng của bệnh do virus Sars-CoV-2 gây ra, với sự tấn công của virus vào nhiều cơ quan như hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh... làm bệnh nhân thở nhanh và mệt, nhất là giai đoạn khi dịch mới xuất hiện năm 2020-2021, đa số mọi người chưa được tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, cộng với những thay đổi đột ngột trong đời sống (như bệnh nhân phải sống trong khu điều trị không người thân bên cạnh, ăn uống sinh hoạt thiếu thốn, nỗi lo gia đình chia cắt vì họ cũng phải trong khu cách ly riêng...) làm kích hoạt hệ thần kinh giao cảm mạnh mẽ mức độ 2 - Chiến đấu hoặc Bỏ chạy (như
tôi đã đề cập trong chương 2). Những tác động trên kích hoạt các phản ứng của cơ thể, gây giải phóng nhiều cytokine tiền viêm - chất đóng vai trò tạo nên cơn bão cytokine, trong cơ chế bệnh sinh của COVID-19. Kết quả là làm diễn tiến bệnh nặng lên nhanh chóng, gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể.
Thực tế trong điều trị, khi được các “phi hành gia áo bảo hộ trắng” yêu cầu đeo dây oxy, mask thở liên tục, không được tháo ra trong các hoạt động hàng ngày, kèm những cử tiêm thuốc và chuyển vào khu vực chăm sóc riêng, bệnh nhân tự
ý thức được bệnh tình mình đang nặng lên.
Khi chứng kiến mọi người xung quanh ai cũng đeo oxy, vài ba hôm lại thấy chuyển sang thở máy HFNC, phải nằm sấp, tiêu tiểu tại giường, tệ hơn là chuyển tuyến không rõ số phận thế nào! Cảnh tượng rất kinh hoàng!
Tóm lại, cơ thể người nhiễm virus Sars-CoV-2 chịu tác động của nhiều tác nhân cùng lúc, đều góp phần làm diễn tiến bệnh nặng lên:
Vòng luẩn quẩn giữa COVID‐19 và các bệnh đi kèm. Lão hóa và các bệnh đi kèm (bệnh phổi, tim mạch, thận và chuyển hóa) được đặc trưng bởi hoạt động giao cảm quá mức, có thể gây tác động bất lợi lên phổi, tim, mạch, thận, chuyển hóa và/hoặc hệ miễn dịch của bệnh nhân COVID‐19. COVID‐ 19 có thể làm tăng tiết dịch giao cảm, do thiếu oxy, mất cân bằng ACE1/ACE2, các yếu tố miễn dịch/viêm và đau khổ về cảm xúc (Andrea Porzionato, et al, 2020).
- Sự tấn công của virus vào hệ thần kinh thông qua dây thần kinh khứu giác, mạch máu...
- Những căng thẳng tâm lý do hoàn cảnh dịch bệnh mang lại tác động hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến tăng sản xuất các cytokine tiền viêm, tấn công đa cơ
quan, trong đó có hệ hô hấp, thần kinh làm bệnh diễn tiến nặng lên.
- Vì tấn công hệ hô hấp là hoạt động sống thiết yếu, bệnh nhân phải thở oxy mũi, mask... ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày, những lần tụt oxy sâu, cảm giác ngộp thở, bệnh nhân càng thở nhanh hơn, dẫn đến hô hấp kém hiệu quả, ảnh hưởng cung cấp oxy lên não, bệnh nhân lại càng hoảng loạn, dẫn đến bệnh nặng lên và tâm lý căng thẳng mức độ 3 - đóng băng, suy sụp → kém tuân thủ điều trị, tình trạng bệnh lại càng diễn tiến xấu hơn.
- Những triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài thường gặp như mệt mỏi (20- 75%), khó thở (15-50%), suy giảm trí nhớ (34%), rối loạn giấc ngủ (30%) [3]... thường gặp ở hầu hết bệnh nhân sau nhiễm COVID-19.
Vì sao “Tập thở giảm lo âu” lại có hiệu quả với các vấn đề tâm lý và đặc biệt là bệnh sinh COVID-19?
Chắc hẳn bạn đã nghe đến và xem nhiều video hướng dẫn về “Tập thở cho F0”
để giảm các triệu chứng khó thở, hụt hơi hậu COVID-19 trong thời gian sau đại dịch vừa qua. Thực chất đó là “Thở cơ hoành” hay còn gọi là “Thở bụng” (các bạn có tập yoga căn bản đều đã thực tập qua bài học vỡ lòng này).
Điều quan trọng góp phần tạo nên hiệu quả của phương pháp là khi tập trung tâm trí vào từng hơi thở trong lúc thực tập, điều này sẽ giúp:
- Kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm - giúp ức chế hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, để giảm tiết các cytokine tiền viêm. Vì 80% hệ thần kinh đối giao cảm là dây thần kinh phế vị đi ngang qua cơ hoành, nên việc thực tập Thở cơ hoành sẽ kích hoạt dây thần kinh phế vị. Điều này đóng vai trò “chữa lành” khi cơ thể
đối mặt với 3 phản ứng khi đối mặt với căng thẳng mà tôi đã đề cập ở Chương 2.
- Tăng sự ổn định, sức mạnh cơ hoành.
- Giảm công thở, giảm nhu cầu oxygen bằng việc làm chậm nhịp thở xuống, giúp hạ huyết áp.
- Giúp giữ cho thân tâm được bình an trong khi đang có những suy nghĩ, cảm xúc lo lắng, đau khổ, buồn giận.
Đây là biện pháp giúp thư giãn rất hiệu quả và giúp giấc ngủ được ngon và sâu hơn. Khi tôi hướng dẫn cho các bệnh nhân hậu COVID-19 thực tập bài tập này, ngay cả các cô bác lớn tuổi khó ngủ lâu năm, sau khoảng 5 đến 7 ngày tập luyện cũng đã có giấc ngủ ngon hơn, giảm được hiện tượng hụt hơi, khó thở; các bệnh nhân thở oxy lâu ngày cũng cai được oxy và quay trở về hít thở không khí trong lành.
Hình 1, Con đường chống viêm của dây thần kinh phế vị (dây X). Việc kích thích dây thần kinh phế vị giúp giảm các chất IL-1, TNF-α, IL-6 qua 3 con đường: Trục hạ đồi -tuyến yên-thượng thận, Con đường chống viêm
cholinergic (CAIP), Liên kết không thần kinh từ dây thần kinh phế vị đến lách. Vì thế việc kích thích hoạt động của dây thần kinh phế vị được xem là biện pháp triển vọng để kích hoạt các con đường này nhằm giảm phóng thích các cytokine do đáp ứng miễn dịch gây ra trong bệnh sinh của COVID 19. (Svetlana et al, 2021).
2. Trường hợp thực hiện:
- Đang có những lo lắng, suy nghĩ, đau khổ về những việc không mong muốn xảy ra trong đời sống.
- Thở hụt hơi kéo dài sau nhiễm COVID-19.
- Cảm giác khó thở (với bệnh nhân đang nằm viện, kèm thông báo ngay cho nhân viên y tế để có hướng xử trí thích hợp).
3. Hướng dẫn bài Tập thở giảm lo âu:
★ Bước 1: Tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái.
Điều này giúp đưa cơ thể vào trạng thái nghỉ ngơi, đặc biệt hữu ích trong trường hợp bạn đang có những lo lắng, buồn, giận. Việc thay đổi tư thế chuyển sang
"ngồi hay nằm", sự điều chỉnh tư thế tác động phần nào lên trạng thái tâm lý của
não bộ.
★ Bước 2: Thở cơ hoành.
● Đặt một tay lên ngực và một tay lên bụng để cảm nhận nhịp thở. ● Hít vào bằng mũi, đếm 2 nhịp bụng phồng lên.
● Thở ra từ từ, đếm bốn nhịp bụng xẹp xuống.
Lưu ý:
Để dễ thực hiện bài tập này trong lần đầu tiên, bạn có thể bắt đầu bằng việc thở
ra hết xẹp bụng xuống. Sau đó hơi thở tiếp theo là hít vào bằng mũi, đếm hai nhịp và phồng bụng lên.
★ Bước 3: Tâm ý chỉ chú ý vào hơi thở và sự phồng xẹp của bụng.
Vì khi tập bạn sẽ chú ý vào động tác hít thở và phồng xẹp của bụng, điều này giúp tâm trí được giải phóng khỏi những suy nghĩ buồn lo trước đó.
Hơn thế nữa, khi cơ hô hấp được hoạt động lên xuống theo nhịp thở, sẽ kích hoạt dây thần kinh phế vị giúp điều hòa nhịp tim, hơi thở, đưa cơ thể vào trạng thái
nghỉ ngơi, thư giãn.
Lưu ý:
❖ Trong khi thở, có thể sẽ có những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực xen vào, trong trường hợp đó, ta không nên xua đuổi hay đè nén chúng, trở lại tập trung vào hơi thở để cho cơn khó thở, cảm xúc đau khổ đi qua.
❖ Có thể nhẩm theo bài kệ:
“Thở vào, tâm tĩnh lặng
Thở ra, miệng mỉm cười
Thở vào, an trú trong hiện tại
Thở ra, giây phút đẹp tuyệt vời”
(trích Sen búp từng cánh hé - Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
❖ Chìa khóa của sự thực tập là thấy biết ơn rằng mình đang còn sống, đang được thở vào, thở ra một cách thông suốt, khi đó cơn khó thở cũng như mọi suy nghĩ, cảm xúc khổ đau qua đi, ta có an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút của sự
thực tập.
❖ Có thể thêm việc thực tập viết 3 điều biết ơn mỗi ngày để trân trọng những điều mình đang có và phút giây hiện tại và viết điều mong muốn thực hiện sau khi hết bệnh để có thêm động lực tích cực vượt qua giai đoạn khó khăn.
4. Thời gian tập luyện:
- Tập luyện 2-3 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, mỗi lần tối thiểu 10 phút.
- Khi quen rồi có thể tăng thêm 3-4 lần/ngày.
➔ Mục tiêu là xoa dịu thư giãn tâm trí mỗi ngày và nhất là để bạn nhớ "Tập thở" để bảo hộ thân tâm mình khi có cảm xúc hay sự việc gây buồn giận đột ngột xuất hiện.
Poster “Tập thở giảm lo âu”
(tôi đã in ra và dán lên khắp buồng bệnh
để hướng dẫn cho bệnh nhân)
Thời điểm 2021 - 2022, chúng tôi tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 2, trung bình nặng với nồng độ oxy trong máu SpO2<93% và cần cung cấp oxy qua cannula mũi, oxy mask, thở máy HFNC tại đơn vị.
Với cường độ làm việc vô cùng căng thẳng, 3 ca 4 kíp trực, lượng bệnh nhân đông và nặng, ngoài là bác sĩ thăm khám, ra y lệnh điều trị cho bệnh nhân, mỗi khi vào tua trực, tôi làm thêm phần phục hồi chức năng cho bệnh nhân COVID19.
Lúc đầu việc đề xuất đưa phương pháp Tập thở vào thực hiện cho bệnh nhân thời điểm tháng 9/2021 thật sự gặp rất nhiều ý kiến trái chiều.
- Thứ nhất vì y văn thời điểm đó về các hội chứng hậu COVID-19 còn khan hiếm và việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân COVID-19 chưa triển khai phổ
biến, khối điều trị chủ yếu tập trung và hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân. - Thứ hai là do tôi là bác sĩ trẻ mới ra trường, về đơn vị công tác mới được 3
tháng thì quê tôi bùng dịch! Do đó trước khi triển khai cho bệnh nhân, tôi đã tập hợp những nghiên cứu khoa học thời điểm bấy giờ về tác dụng giảm tiết các cytokine tiền viêm do tập thở mang lại, để trình lên lãnh đạo khu điều trị là bác Ths. Bs Lê Ngọc Long. May mà nhận được ủng hộ từ bác, tuy vậy việc triển khai cho bệnh nhân cũng gặp không ít khó khăn! Tôi nghĩ rằng các khu điều trị
bệnh nhân COVID-19 lúc bấy giờ khi bắt đầu triển khai phục hồi chức năng cho bệnh nhân cũng gặp các khó khăn tương tự trường hợp của tôi.
Vì chỉ có mình tôi “tự” đảm nhiệm thêm phần hướng dẫn tập thở cho bệnh nhân toàn khu điều trị, lúc đó lượng bệnh nhân thở máy HFNC 17 người, bệnh nhân thở oxy mask, oxy mũi cannula 50-60 bệnh nhân. Trong trang phục bảo hộ kín
bưng, tôi ưu tiên hướng dẫn cho các bệnh nhân mới chuyển từ khu điều trị tầng 1
qua tầng 2 trước, là các bệnh nhân mới thở oxy cannula mũi để bệnh nhân biết cách tự phục hồi và hơn thế là giảm tải số lượng bệnh nhân chuyển nặng cần thở
máy sau này, giảm tải gánh nặng cho khu điều trị.
Đối tượng tiếp theo là bệnh nhân thở oxy mask vì nguy cơ chuyển sang thở máy HFNC rất cao nếu nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân không đảm bảo >90%, trong khi khu điều trị chỉ có 17 máy HFNC, việc giúp nhóm bệnh nhân này duy trì cải thiện nồng độ oxy thông qua tập thở đóng vai trò vô cùng quan trọng cho cả tính mạng bệnh nhân trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị như bệnh viện tuyến cơ sở của chúng tôi.
Và sau đó là các bệnh nhân đang thông khí nằm sấp và thở máy HFNC, nồng độ
oxy có thể tụt rất sâu 70-80% chỉ vì bệnh nhân mới cựa mình hay ăn uống hoặc đi vệ sinh tại giường. Theo dõi và chăm sóc nhóm bệnh nhân này rất vất vả, vì họ gặp rất nhiều vấn đề cùng một lúc. Trước hết là việc lấy lại nồng độ oxy để
bệnh nhân vượt qua cơn khó thở, hoảng loạn cho bệnh nhân. Việc hướng dẫn bệnh nhân cách thở phình bụng để hít vào và xẹp bụng đẩy khí ra, để tâm trí bệnh nhân tập trung vào hít thở, vừa giúp bệnh nhân lấy được nhiều oxy nhất có thể trong một hơi thở và “tạm quên đi” cơn hoảng loạn, thật sự vô cùng hữu ích!
Có bệnh nhân sau 2-3 hơi thở SpO2 cải thiện ngoạn ngục từ 75-80% khi khó thở
lên 90-93%, bệnh nhân dần bình tĩnh lại. Khi tôi đưa chỉ số nồng độ oxy trên máy SpO2 cho bệnh nhân xem, niềm tin cuộc sống dần trở lại và tôi gửi clip hướng dẫn tập thở mà tôi tự làm “cây nhà lá vườn” cho bệnh nhân nghe và tập theo, trong khoảng thời gian trong ngày khi tôi không ở trong buồng bệnh.
Trong giai đoạn đầu, tôi gặp không ít trường hợp bệnh nhân đang ở mức độ 2
(chiến đấu - bỏ chạy) hay 3 (đóng băng - suy sụp), bệnh nhân trở nên kích động, sợ hãi và sau đó là kém tuân thủ điều trị, tự động giật dây oxy ra trong khi đang thở máy HFNC, oxy tụt nhanh, nhiều trường hợp chúng tôi không cấp cứu kịp.
Đó là những ngày ảm đạm cho tua trực và khu điều trị. Ngay cả nhân viên y tế
chúng tôi, sau những sự việc như vậy, rất đau lòng, và trở nên “nghiêm khắc”
nhắc nhở bệnh nhân tuyệt đối tuân thủ việc nằm sấp và thở oxy (riêng tôi nhắc bệnh nhân thêm tập thở mỗi ngày).
––––––––
Hình ảnh chúng tôi theo dõi, điều chỉnh máy HFNC mỗi khi vào buồng bệnh. Sau cùng là nhóm bệnh nhân đã âm tính với virus Sars-CoV-2 nhưng vẫn lệ
thuộc vào các thiết bị cung cấp oxy, không thể cai máy HFNC, không thể ngưng sử dụng oxy mask, oxy cannula. Khi không sử dụng oxy của bệnh nhân tụt 70%-85% kèm theo nỗi sợ khó thở trong giai đoạn bệnh nặng thật sự ám ảnh bệnh nhân lúc bấy giờ rất nhiều! Có rất nhiều bài tập phục hồi chức năng tôi tìm được qua các nghiên cứu và guideline hướng dẫn, nhưng tôi vẫn ưu tiên hướng dẫn “Tập thở” cho bệnh nhân trước. vì hai lý do:
- Tăng sức mạnh nhóm cơ hô hấp: vì sau khoảng thời gian dài nằm sấp, hạn chế
cử động để tránh tụt giảm oxy, hệ thống cơ hô hấp của bệnh nhân cũng bị suy nhược. Việc tập thở bụng, giúp toàn bộ nhóm cơ hô hấp được hoạt động, tăng sức mạnh cơ bắp. Sau đó sẽ đáp ứng được nhu cầu oxy cho bệnh nhân với các động tác phục hồi các nhóm cơ khác trong cơ thể.
- Tác dụng kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm - thông qua kích hoạt dây thần kinh phế vị khi bệnh nhân thực hiện thở cơ hoành: điều này giúp xoa dịu những mức độ phản ứng tâm lý của bệnh nhân với những xáo trộn trong đời sống thời kỳ khốc liệt của đại dịch.
“Bình yên sau đại dịch” với việc tập thở thực sự đã giúp được các bệnh nhân của tôi. Hai trường hợp hai bác khi âm tính với COVID19 mà 1 tháng vẫn lệ thuộc máy HFNC không cai máy được, khi được hướng dẫn tập thở đã dần giảm xuống oxy mask, rồi oxy cannula mũi, khi đó là các bài tập động tác tay chân phối hợp, dần tập đi với sự theo dõi nồng độ oxy liên tục, và ngày các bác xuất viện thật sự để lại nhiều cảm xúc trong chúng tôi.
Một bác bệnh nhân đã nói với tôi rằng:
“Khi nghe tiếng phát thanh vang lên bà thấy dễ chịu lắm! Nghe phát thanh mỗi buổi sáng, bà ráng tập theo và giờ cai oxy được rồi bác sĩ ạ!”
Đó là lời cám ơn của bác bệnh nhân 1 tháng rồi vẫn chưa cai oxy được, dù đã âm tính với virus Corona. Đã có lúc bà tuyệt vọng không còn muốn tiếp tục điều trị
và không mong có ngày trở về với con cháu. Nhưng nhờ nghị lực và sự chăm chỉ