🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bill Marriott - Những Quyết Định Lịch Sử Làm Nên Đế Chế Khách Sạn Thành Công Nhất Thế Giới Ebooks Nhóm Zalo NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI Trụ sở chính: Số 46, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội Tel: 0084.4.38253841 – Fax: 0084.4.38269578 Chi nhánh: Số 7, Nguyễn Thị Minh Khai. Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Tel: 0084.8.38220102 Email: [email protected] Website: www.thegioipublishers.vn BILL MARRIOTT - Những quyết định lịch sử làm nên đế chế khách sạn thành công nhất thế giới Chịu trách nhiệm xuất bản: GIÁM ĐỐC – TỔNG BIÊN TẬP TS. TRẦN ĐOÀN LÂM Biên tập: Hoàng Thị Mai Anh Sửa bản in: Trung Trịnh Thiết kế bìa: Mạnh Cường Trình bày: Vũ Lê Thư In 3.000 bản, khổ 16 x 24 cm tại Công ty TNHH In – Thương mại và dịch vụ Nguyễn Lâm. Địa chỉ: 352 Giải Phóng, Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Số ĐKXB: 5254- 2020/CXBIPH/04-260/ThG. Quyết định xuất bản số: 1512/QĐ-ThG cấp ngày 28 tháng 12 năm 2020. ISBN: 978- 604-77-8705-0. In xong và nộp lưu chiểu năm 2021. CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA www.alphabooks.vn VP HN: Tầng 3, Dream Center Home, số 11A, ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội Tel: (84-24) 3 722 62 34 | Fax: (84-24) 3 722 62 37 Chi nhánh TP. HCM: 138C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh Tel: (84-28) 38220 334 | 35 LỜI NÓI ĐẦU K HÔNG GIAN TĨNH LẶNG. Tĩnh lặng đến mức nguy hiểm. Nhưng không ai trên vùng hồ Winnipesaukee xinh đẹp có thể ngờ đến mức độ nguy hiểm của sự tĩnh lặng trong buổi sáng thứ Bảy yên ả năm 1985 đó đối với một trong những cư dân mùa hè nổi nhất vùng này, Bill Marriott. Bill đã nghỉ hè ở vùng hồ rộng nhất New Hampshire được bốn chục năm. Cha ông, người sáng lập chuỗi nhà hàng Hot Shoppe rộng lớn, mang cả gia đình tới đây từ những năm 1940. Dòng họ Marriott có lý khi coi nơi đây là chốn thiên đường hạ giới. Bằng chứng là đây là nơi duy nhất mà Bill, ở tuổi 53, cảm thấy thực sự thư giãn khi ở đây. Công ty trị giá 3,5 tỷ đô-la của ông có 140.000 nhân sự trên toàn thế giới. Ông đã xây dựng hoặc mua lại 144 khách sạn và khu nghỉ dưỡng, biến Marriott thành chuỗi khách sạn lớn nhất ở Mỹ do công ty sở hữu. Còn hàng chục khách sạn nữa đang được thiết kế hoặc xây dựng. Thêm vào đó là 90 nhà bếp phục vụ 150 hãng hàng không trên thế giới, hơn 1.400 nhà hàng, cung cấp dịch vụ cho 1.400 khách hàng là căng tin trường đại học, bệnh viện và công ty. Cha của Bill, ông J. Willard, đã sống để chứng kiến những thành công này và bình thản qua đời ở tuổi 84 sau khi dự bữa tiệc nướng bên hồ với gia đình vào ngày 13 tháng 8, mùa hè năm đó. Tang lễ được trang trọng tổ chức tại Washington D.C, với điếu văn từ những nhân vật nổi tiếng như cựu Tổng thống Richard Nixon và mục sư Billy Graham. Đến ngày 24 tháng 8, hầu hết các thành viên trong gia đình Marriott đều vừa từ Washington trở về khu nhà nghỉ hè nằm trên bờ hồ phía bắc. Một sự kiện quan trọng khác đã được ấn định vào ngày Chủ nhật. Toàn bộ gia đình đều là thành viên của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus (hay còn được gọi là Giáo hội Mặc Môn). Cộng đồng Thánh hữu Ngày sau ở Wolfeboro xung quanh khu hồ ngày một mở rộng qua thời gian và cuối cùng cũng đủ tiêu chuẩn để có nhà nguyện riêng, vừa mới khánh thành hồi tháng 6. Một người bạn thân của gia đình, Elder Boyd K. Packer, thành viên của Nhóm Túc số Mười hai Vị Sứ đồ, đã hứa với J.W. trước khi cụ qua đời là sẽ hiến tặng riêng cho nhà nguyện. Sau khi phát biểu tại đám tang của cụ J.W., ông cùng gia đình ở tại vùng hồ từ thứ Sáu, chờ đợi lễ hiến tặng ngày Chủ nhật. Đối với Allie, người mẹ mới trở thành góa bụa của Bill, được ở cạnh một vị sứ đồ là một niềm an ủi lớn lao về mặt tinh thần cũng như một vinh dự đặc biệt. Khi cụ Packer nói muốn đi thuyền vào sáng thứ Bảy, Bill cảm thấy rất vui khi được đáp ứng yêu cầu này. Với ông, ít có khi nào vui hơn lúc lái con tàu Donzi Express màu xanh nhạt trên mặt hồ lấp lánh nắng, tăng tốc hơn 80km một giờ. Những cơn gió liên miên trong ngày khiến mặt hồ nổi sóng bạc đầu, nhưng buổi sáng thứ Bảy đó thật hoàn hảo. Trời mát, hiu hiu gió khiến Bill phải mặc một chiếc áo len. Sau bữa sáng, ông đi xuống nhà thuyền hai bến đỗ để chuẩn bị chiếc Donzi. Lúc đó là hơn 9 giờ 30 phút sáng, và thường thì ba đứa cháu nhỏ của Bill đã lố nhố trên tàu, mong mỏi được gặp ông. Nhưng sáng hôm đó, Debbie, con gái của Bill, đã giữ chúng lại khi chúng vừa mặc áo phao. Roger Maxwell, vừa là bạn vừa là khách, tay chơi golf chuyên nghiệp kỳ cựu ở một khu nghỉ dưỡng Marriott, từ bãi cỏ đằng sau nhà bước ra và thấy Bill đang bơm xăng từ bể chứa bên cạnh bến. Chiếc vòi nối liền với một đường ống chạy từ máy bơm xăng mà nhà Marriott lắp gần như chỉ để đổ xăng cho xe của gia đình. Đổ xăng là việc thường nhật của Bill, nhưng buổi sáng hôm đó quá tĩnh lặng, không có gió để xua tan khói xăng, và hơi xăng đã nhỏ vào tàu. Bill không ngửi thấy mùi tích tụ, cũng không biết công tắc đánh lửa của tàu bị lỗi. Khi ông bật công tắc lên để kiểm tra mức xăng, một tia lửa đã bắt xăng. Vụ nổ khiến cửa sổ văng khắp bờ hồ, và dường như ngọn lửa đã nuốt trọn lấy Bill trong chớp mắt. Bill chắc không thể sống sót. Nhưng rồi, chỉ trong giây lát, Maxwell, nhân chứng duy nhất, nhìn thấy bạn mình lảo đảo bước qua chỗ nước cạn đi vào bờ. Báo chí nói rằng Bill bị thổi văng khỏi tàu. Nhưng với Bill, người thực sự ở trong đám lửa đó, một phép màu đã xảy ra. Giữa ngọn lửa bùng lên, ông nghe thấy một giọng nói rõ ràng: “Nhảy khỏi tàu đi!”. Thay vì choáng đến sững sờ, ông đã nhảy xuống hồ. Nghe thấy tiếng phụt của vụ nổ xăng, vợ Bill, Donna, và John con trai ông đã lao ra khỏi nhà và thấy con tàu chìm trong biển lửa. Họ nghĩ Bill khó sống sót. Rồi họ nhanh chóng thở phào nhẹ nhõm khi Bill loạng choạng bước lên từ hồ, da ám khói đen sì, hai bàn tay lủng lẳng, như lời một nhân chứng, trông giống như “quái vật đầm lầy đen”. Trong nhà, bạn gái của John là Angie đang tắm khi vụ nổ xảy ra. Nhìn qua cửa sổ hướng ra bờ nước, cô thấy Bill trồi lên khỏi mặt hồ. Cô nhanh trí hành động, nhảy ra khỏi nhà tắm, giật lấy mấy tấm ga phủ giường, đem vào nhà tắm nhúng sũng nước. Xỏ vội chiếc áo thun và quần đùi, cô lao ra khỏi nhà trong chưa đầy một phút, nhảy bổ xuống sân về phía Bill, lúc này vừa đổ vật xuống bãi cỏ còn Donna và John thì đang chăm sóc cho ông. Chiếc quần chơi golf bằng vải polyester của Bill bị đốt cháy, còn vài mảnh dính trên da, trong khi chiếc áo len, vẫn còn nóng, đã giúp ông không bị bỏng phần thân trên. Lột chiếc áo ra, Angie dùng mấy tấm vải ướt quấn lấy người ông. Ai đó đã gọi xe cứu thương, nhưng để chạy qua được thị trấn nghỉ dưỡng Wolfeboro đông nghẹt xe cộ sẽ rất mất thời gian. Maxwell vác Bill đang run rẩy vì sốc vào xe và phóng nhanh qua 11km đường làng tới Bệnh viện Huggins. Các bác sĩ và y tá đã được báo động về tình trạng bỏng độ ba trên khắp cơ thể ông cũng như khả năng khói và lửa đã nung khô phổi ông. Cụ bà Allie, mẹ của Bill, nhanh chóng tới cùng Donna, Debbie và cụ Packer trên chiếc xe đuôi dài của gia đình. Vẫn sợ Bill không thể qua khỏi, gia đình nhờ vị sứ đồ ban phước giới giáo cho Bill, bằng cách xức dầu thánh và đặt tay lên đầu ông. Cụ Packer được truyền cảm hứng tới mức cam đoan Bill chẳng những sẽ sống sót mà còn lành lặn. Cụ còn quả quyết tuyên bố tai nạn này mang một mục đích thần thánh bí ẩn nào đó chưa biết, ngoài phép màu giúp ông sống sót. Trong suốt những tuần hồi phục đầy đau đớn, Bill có thời gian để suy ngẫm về sự kiện đổi đời này. Ông vốn có một niềm tin mãnh liệt về Chúa, về sự hi sinh mang tính chữa lành của Chúa và về sự thật của Nhà thờ mang danh Đấng Cứu Thế. Ông biết chắc mình đã được cứu sống một cách kỳ diệu, rằng ông đã được dõi theo từ trên cao, rằng ông có một vị trí quan trọng trên đời và gánh trên vai một sứ mệnh bao gồm gia đình riêng, bạn bè, nhà thờ và đại gia đình Marriott. Trong số những lời chia buồn mà ông nhận được sau cái chết của cha trước đó gần hai tuần, có một bức thư vô cùng sâu sắc đến từ người bạn của gia đình, Coretta Scott King. Người vợ góa của Mục sư Martin Luther King, Jr., viết: “Tôi cầu Chúa sẽ cứu anh và giúp anh chấp nhận ý nguyện của Người, vì mọi sự hiệp lại đều vì điều tốt, dành cho những ai yêu mến Chúa và được gọi theo ý Người đã định.” Cho đến thời điểm đó, cuộc đời Bill chưa bao giờ dễ dàng. Với ông, kinh doanh vẫn luôn là một chiến trường khốc liệt với đối thủ, biến động giá cả, thị trường lao động, quy định của chính phủ và nền kinh tế bấp bênh. Bao trùm lên tất cả là ngọn lửa dữ dội nhất – tính khí nóng như lửa của người cha ra đời vào thời kỳ Đại Suy thoái, nỗi sợ nợ nần đã khiến ông cụ phản đối rất nhiều quyết định táo bạo mà Bill phải đưa ra để xây dựng đế chế Marriott. Bây giờ thì chỉ còn một mình ông. Bill không thể biết những năm tháng đầy thách thức phía trước sẽ bao gồm sự tăng trưởng bùng nổ của thập niên 1980; một đợt suy thoái đến mức tê liệt và thị trường chứng khoán Nhật Bản sụp đổ vào đầu những năm 1990 suýt làm ông mất công ty; một vấn đề sức khỏe cá nhân khiến ông suýt mất mạng; những thách thức của một thế giới hậu 11/9, khi khách sạn Marriott của ông nằm giữa tòa tháp đôi bị xóa sổ; và nhiều chuyện khác nữa. Ông không thể biết rằng rồi có một ngày số khách sạn Marriott lên tới hơn 7.000, và ông trở thành người kinh doanh khách sạn lừng danh số một thế giới. Nhưng những gì ông biết vào ngày hôm đó của năm 1985 đã là quá đủ. Ông biết Chúa yêu mến ông, rằng gia đình và bạn bè yêu mến ông, và nhân viên ghi nhận sâu sắc khả năng lãnh đạo của ông. Sau này, ông nói về ngày hôm đó: “Tôi nóng lòng muốn quay trở lại ngay với công việc.” Ông học được một bài học từ cha mình rằng cuộc đời an nhàn là kẻ thù của sự phát triển, đối với cá nhân cũng như đối với công ty – giống như Bill thường nói: “Thành công không bao giờ có hồi kết.” 1 HÀNH HƯƠNG VÀ TIÊN PHONG C Ô GÁI ELIZABETH STEWART 21 tuổi khi ấy chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào kinh hoàng như vậy trước rạng sáng ngày 15 tháng 11 năm 1850. Elizabeth đang ngồi trên chiếc James Pennell, con tàu khách ba cột buồm của Mỹ chở cô cùng 253 hành khách đi từ Anh đến Mỹ. Sau chuyến hải trình gian nan kéo dài sáu tuần, con tàu cao lớn đi vòng qua mũi Florida và tiến vào vịnh Mexico tới New Orleans, chỉ còn cách đó chưa đầy 160km. Nôn nóng trả khách đúng lịch trình, thuyền trưởng James Jullerton yêu cầu căng hết buồm lên thì gặp bão chỉ ngay sau 4 giờ sáng. Chỉ trong 10 phút, con tàu tan tành. Cột buồm chính bị đốn ngã nhanh tới mức dây buồm quất qua boong tàu, suýt nghiền nát nửa tá hành khách đang nằm trên giường phía dưới. Mưa xối qua boong tàu vỡ nát, Elizabeth và hành khách dưới boong có thể nghe thấy tiếng con tàu bị xé toạc ngay trên đầu mình. Điều tồi tệ nhất nhanh chóng qua đi, nhưng biển vẫn nổi sóng dữ dội suốt đêm. Khi mặt trời mọc xua tan mây mù, thủy thủ đoàn và hành khách đều sống sót, nhưng con tàu gặp vấn đề nghiêm trọng. Nó đã bị thổi vào vịnh Mexico và không có bất cứ thiết bị lái nào. Thức ăn và nước uống dự trữ đã cạn. Tới lúc này, đích đến gần trước mắt mà như xa vời vợi.1 Đối với Elizabeth Stewart, bà cố của Bill Marriott sau này, cuộc đời chưa bao giờ là dễ dàng. Bà đã trải qua một tuổi thơ nghèo đói và cơ cực ở Colmworth, vùng Bedfordshire thuộc nước Anh. Mẹ chết khi Elizabeth mới lên năm, cha qua đời năm bà 17 tuổi. Năm lên tám, bà bị đậu mùa và cuối năm đó suýt chết đuối trong ao. Đâu đó trong khoảng thời gian này, các nhà truyền giáo thuộc Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus đã gõ cửa nhà bà. Họ kể câu chuyện hấp dẫn về một cậu bé 14 tuổi tên là Joseph Smith, sống ở ngoài rìa New York năm 1820, đã đọc Kinh thánh và thấy bị thôi thúc phải cầu nguyện về việc nên tham gia nhà thờ nào trong số rất nhiều nhà thờ Công giáo. Khi cậu cầu nguyện trong khu rừng gần nhà, câu trả lời xuất hiện. Cậu nói rằng Chúa Cha và Đức Jesus xuất hiện và bảo cậu đừng tham gia bất cứ nhà thờ hiện có nào cả. Khi kể câu chuyện này, cậu bé bị “chế giễu, thù ghét và hành hạ,” theo như cậu kể lại. Năm 1823, cậu lại nhìn thấy một lần nữa, lần này là thiên thần tên Moroni, từng sống cuộc đời trần thế ở châu Mỹ khoảng năm 400 sau Công nguyên. Thiên thần này bảo với Joseph rằng gần trang trại có một bộ đĩa kim loại, trên đó có khắc lịch sử nghìn năm của một nền văn minh cổ ở châu Mỹ. Joseph tìm thấy bộ đĩa và dịch thành Sách Mặc Môn. Cuốn sách mô tả lần đến châu Mỹ của Jesus sau khi Người phục sinh. Năm 1830, Joseph Smith xuất bản cuốn sách và lập ra Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus. Trong vòng một thập kỷ, Smith cử các nhà truyền giáo đi khắp thế giới, tìm kiếm những người cải đạo sang tín điều mới. Các nhà truyền giáo Thánh hữu Ngày sau đã thành công vang dội ở Bedfordshire và những nơi khác tại nước Anh. Elizabeth 12 tuổi và anh trai William 17 tuổi tin vào thông điệp mang tính cách mạng này. William được rửa tội, nhưng Elizabeth thì chờ đến khi đủ 19 tuổi và tự sống độc lập. Đến lúc đó, Smith bị một đám đông sát hại vào năm 1844, gần cơ sở chính của Giáo hội ở Illinois. Giáo hội được đặt dưới sự chỉ đạo của người kế vị, Brigham Young, người đã chuyển hội viên đến lãnh thổ Utah để tránh bị bức hại thêm do đức tin khác biệt của mình. Young phát lời kêu gọi tất cả tín đồ trong Giáo hội, bao gồm cả những người ở Anh, đến thung lũng Great Salt Lake – Zion – tạo nên một cuộc di tản trên bộ và trên biển kéo dài từ năm 1846 đến năm 1890. Đến năm 1850, Elizabeth nhận thấy rõ sức hút phải tập hợp với các giáo hữu ở lãnh thổ Utah. Con tàu James Pennell giàn vuông được Giáo hội thuê để chở 254 người cải đạo sang Mỹ, khởi hành từ Liverpool vào ngày 2 tháng 10 năm 1850. Chỉ còn lại một đồng shilling sau khi trả tiền cho chuyến đi, Elizabeth không còn tiền để mua thức ăn trên tàu. Theo truyền thống gia đình, bà làm việc trong bếp ăn của tàu để đổi lấy thức ăn. Đến đầu tháng 11, tàu Pennel cập vịnh Mexico, nhưng biển động và hướng gió bất lợi khiến họ không ghé đất liền. Sau đó, cơn bão ập tới. Sau mấy ngày trôi dạt, thực phẩm dự trữ gần như cạn kiệt, tàu Pennell được một chiếc tàu kéo tiếp cận và dẫn tới New Orleans. Từ đó, hành khách lên tàu hơi nước ngược sông Mississippi tới St. Louis, và Elizabeth lên bờ cũng chỉ với một đồng shilling trong người. “Tôi phải xoay xở hết sức có thể,” bà nhớ lại. Người giúp Elizabeth “xoay xở” là mối tình đầu của bà, một người đàn ông hết lòng vì gia đình. Chỉ biết rằng bà đã giữ hình ảnh ông đến tận cuối đời để nhắc nhớ tới lòng quả cảm, sự lịch thiệp và tinh thần hi sinh của ông. Một buổi tối nọ, khi Elizabeth đang một tay cầm chiếc đèn dầu, tay kia xách thùng dầu gần 8 lít thì chiếc đèn phát nổ và bắt lửa lên người bà. “Tình yêu của tôi đã chạy tới và đưa tôi ra khỏi ngọn lửa,” bà viết. “Anh đã cứu sống tôi, nhưng 18 ngày sau đó anh lại chết vì hít phải khói.”2 Bà viết tiếp: “Ngọn lửa khiến tôi bỏng nặng và đau đớn khủng khiếp.” Trên thực tế,“vết bỏng phải mất ba năm mới lành”. Nhưng cũng như sự việc xảy ra sau đó hơn một thế kỷ khi ngọn lửa lớn nhấn chìm đứa chắt Bill Marriott, Elizabeth vẫn toàn mạng. Giống như Bill, quá trình hồi phục của bà thật gian khổ; nhưng kỳ diệu thay, gương mặt bà không hề bị sẹo. Cánh tay bà bị bỏng sâu, nhưng vết sẹo lớn nhất tạo thành hình chữ V, bắt đầu từ cằm kéo dài gần hai tấc xuống tới ngực. Một đứa cháu của bà nhớ lại rằng “cổ bà trong suốt, (phần ngực trên cũng vậy). Người ta có thể nhìn thấy các bộ phận bên trong khi bà thở, và thấy bà nuốt như thế nào.”3 Elizabeth Stewart Marriott Sau vụ cháy, Elizabeth ở St. Louis thêm hai năm nữa, làm việc và sống nhờ vào lòng trắc ẩn của người lạ cho đến khi đủ tiền theo xe chở hàng đi qua các đồng bằng rộng lớn vào mùa hè năm 1853. Cuộc hành trình của bà là điển hình của trường thiên tiểu thuyết tiên phong kiểu Mặc Môn – đói khát, mệt mỏi, nóng nực, đụng độ với người da đỏ, người chết chôn bên vệ đường. Ban đêm, xe được kéo thành vòng tròn để bảo vệ. Sau khi đi bộ suốt ngày bên chiếc xe chất đầy hàng, Elizabeth nhặt phân bò khô để đốt lửa nướng bánh cho cuộc hành trình ngày hôm sau. Quanh đống lửa, những người lữ hành thường hát, ngâm thơ và nhảy múa cùng vài cây đàn violin. Đầu cuộc hành trình, bà kể,“giày của tôi mòn rách hết và tôi phải lấy giẻ quấn quanh bàn chân. Chuyến đi bộ đó kéo dài 2.500 km.” Đoàn xe hàng tới thành phố Salt Lake trong trạng thái loạng choạng mất vài ngày vào giữa tháng 11, và thành viên của đoàn được cư dân thành phố chào đón nhiệt liệt. Elizabeth nghèo kiết. “Tôi không có nhà để về, không tiền bạc và không kế sinh nhai,” bà viết. “Tất cả mọi người [ở Salt Lake] đều quá nghèo nên không thể thuê mướn hay bỏ tiền ra giúp đỡ. Tôi xin làm việc trên tàu, miễn là kiếm được thứ gì đó bỏ bụng. Nhưng tôi vẫn không nản chí, vì tôi biết mình phải đến Zion và Phúc Âm là có thật. Chúa Trời đã nghe thấy lời cầu nguyện của tôi và giúp tôi đến được mảnh đất mình hằng khao khát.” Không tìm được việc làm ở Salt Lake, bà đi về hướng bắc tới khu định cư Kaysville nhỏ bé và chuyển vào ở cùng gia đình anh trai William. Một hôm, khi đang ở trong nhà và nhìn qua cửa sổ, bà thấy một người đàn ông băng qua cánh đồng đi về phía ngôi nhà. Bà viết: “Thần linh thì thầm với tôi: ‘Đây là người sẽ trở thành chồng con.’” Đó là em rể của William, John Marriott. Elizabeth kể tiếp: “Vài ngày sau, anh ấy lại tới và ngỏ lời xin cưới tôi làm vợ.” Hậu duệ của Elizabeth – bao gồm cha con J. Willard và Bill Marriott – trưởng thành nhờ những câu chuyện về cuộc hành trình của bà đến với Tân Thế Giới, được kể đi kể lại trong gia đình. Lòng quả cảm dấn thân đó đã có sẵn trong máu của họ. Có lần Bill đã phát biểu trước một đám đông ở nhà thờ rằng: “Tôi thường nghĩ về tiền bối của mình, những người đã góp phần xây dựng nên gia tộc. Sáu trong số tám ông bà cố của tôi đã đi bộ qua các đồng bằng rộng lớn, kéo xe tay hoặc đi bộ sau những cỗ xe hàng phủ kín. Họ đi tìm nơi không bị bức hại. Họ đã nếm trải tình trạng hỗn loạn vô cùng. Nhà cửa, vườn tược bị đốt cháy, thủ lĩnh bị giết, tôn giáo bị cười nhạo và chế giễu. Họ có lý do để ngờ vực tương lai. Họ có lý do để quay về. Nhưng không. Họ tiến bước với niềm tin và lòng dũng cảm. Họ biết công việc sẽ nặng nhọc và niềm tin của họ sẽ tiếp tục bị thử thách. Nhưng họ tin vào Chúa Jesus. Họ nhận lấy gánh nặng cá nhân, tiến bước và đến với Người.”4 Chính chồng của Elizabeth, John Marriott, là người đã mang đến câu thần chú mà con cháu ông noi theo: “Không có cái gọi là ‘Không thể làm được.’” Sự trân trọng John dành cho công việc được phản ánh qua việc ông luôn mặc áo sơ mi trắng, dù đang lao động trên nông trại, trên đồng ruộng hay ở nhà. Bên cạnh ý chí không nao núng và tận tụy với công việc, John còn có thêm lợi thế là rất khỏe, biến ông trở thành một huyền thoại ở Ogden, Utah, nơi ông sinh sống. Người ta thường thấy ông cùng lúc vác mấy bao lúa mì nặng tới 180kg. Chuyện kể rằng có lần hai gã đàn ông bắt đầu cãi lộn, John can thiệp bằng cách nhấc cả hai lên, mỗi tay một người, đập đầu họ vào nhau rồi nhúng cả hai vào thùng nước, nhờ đó giúp họ bình tĩnh lại. Ông còn được biết tới là đã làm hỏng nhiều chiếc xẻng do cán không trụ được sức nặng mà ông xúc lên. Khi John hỏi cưới Elizabeth, ông đã có vợ tên là Susannah, nhưng lúc đó Thánh đồ Ngày sau đã khôi phục lại tập quán đa thê của Cựu Ước. Đa số đàn ông trong giáo hội đều không theo tập quán này – có lẽ chủ yếu là do họ không đủ tiền chu cấp cho nhiều bà nội trợ và hàng chục đứa con. Quan điểm lịch sử thì cho rằng một trong những lý do hình thành tập quán này là nó hỗ trợ cộng đồng chăm sóc một số lượng lớn những phụ nữ đơn thân như Elizabeth, vừa nghèo, đã 25 tuổi, lại không có chút triển vọng nào. Sau khi lấy chồng, Elizabeth không được chuyển tới nhà mới – người chồng 37 tuổi của bà không đủ tiền để xây nhà cho vợ hai. Thay vào đó, ngôi nhà của cô dâu mới trong năm đầu tiên làm vợ là chiếc giường trên khoang xe hàng. Chỉ một năm sau khi về sống chung, John được Brigham Young giao cho việc lập một thị trấn ở nơi hội tụ của hai con sông Weber và Ogden, cách thị trấn Ogden mới khoảng 5km về phía tây. Ông đưa người vợ đầu, Susannah, và năm đứa con riêng đến một chỗ trú tạm ở khu định cư mới. Đang mang bầu đứa con đầu tiên, Elizabeth ở lại Kaysville cho đến khi có thể đi bộ gần 30km, cõng theo đứa con gái mới sáu tuần tuổi của mình. John cho thấy ông là một thủ lĩnh bẩm sinh ở khu định cư mới, nơi cư dân quyết định đặt tên là “Marriott”. Elizabeth lại một lần nữa sống trong thùng xe hàng ở Marriott sáu tháng, sau đó chuyển tới một căn hầm không có cửa sổ, còn con gái thì phải ngủ trên kệ. Thỉnh thoảng, sau khi đi lấy nước cách chỗ trú khoảng 800m trở về, Elizabeth thấy rắn đã bò lên chỗ nằm của con gái để tìm hơi ấm. Về sau, bà sống trong một căn phòng nhỏ bằng gỗ chỉ cao khoảng 2m có mái lợp bằng cỏ. Mùa đông, căn phòng tạm bợ được che chắn sơ sài tới mức “bánh mì của chúng tôi đóng băng hết cả và phải hơ cho tan băng mới có thể ăn được,” Elizabeth nhớ lại. Tháng 12 năm 1863, khi các bang miền đông nước Mỹ bị kéo vào cuộc Nội chiến, Elizabeth sinh đứa con trai thứ hai, Hyrum Willard, tên thường gọi là “Will”. Lớn lên, cậu bé trở nên cứng đầu và nóng tính giống hệt bố. Năm 14 tuổi, Will bỏ ra ngoài sau một lần tranh cãi với John. Cậu nhận làm yên cương ngựa và về sau cưới một người bà con xa ở Marriott tên là Ellen Morris và trở thành một nông dân kiêm người chăn cừu giỏi. Khi nói về việc Will tán tỉnh Ellen, người ta không thấy lịch sử gia tộc nhắc tới tình yêu. Điều này cũng đúng với cha mẹ họ là John và Elizabeth. Trong cả hai trường hợp, hai người đàn ông nhà Marriott đều có chiều hướng tin rằng họ đang “cứu vớt” các phụ nữ khỏi cuộc sống đơn thân khổ cực. Tuy cả Elizabeth lẫn Ellen đều không sắc nước hương trời, nhưng họ lại là hai viên ngọc trong đá khi những năm đầu đã chứng tỏ mình dư sức thích nghi với bất cứ khó khăn nào của cuộc sống. Cả hai đôi đều yêu nhau say đắm trong suốt cuộc hôn nhân lâu dài của mình. John mất không lâu sau khi Will cưới Ellen. Đôi vợ chồng trẻ ổn định cuộc sống tại thị trấn Marriott và có hai con, đứa đầu là Doris (“Dodie”) còn đứa sau là John Willard. Khi trưởng thành, cậu con trai được biết đến với cái tên J.W. Marriott, người sáng lập doanh nghiệp nhà hàng trị giá nhiều triệu đô-la. Nhưng trong suốt thời niên thiếu ở Marriott, mọi người đều gọi cậu là Willard. Năm lên ba, Willard suýt chết vì sốt phát ban, nguyên nhân có thể là do sống cạnh con kênh đầy muỗi. Dodie cũng ốm, đứa thứ ba Ellen cũng vậy (cũng được gọi là Helen). Willard tự coi mình là “người đàn ông của gia đình” ngay từ khi còn rất ít tuổi. Khi mẹ cậu mang thai Helen, bà trèo cây để hái táo và bị ngã gãy chân. Cậu bé Willard trở thành điều dưỡng viên cho người mẹ nằm liệt giường, và mang về bất cứ thứ gì mẹ cần.5 Năm 1905, một thay đổi lớn xảy ra, khi cả gia đình chuyển tới “đại điền trang”. Là tài sản của một người chăn nuôi ngựa đua ở Ogden, nơi đây đẹp như điểm tham quan của Marriott – 40 héc ta đồng cỏ tươi tốt cùng một căn nhà hai tầng, một chuồng ngựa 20 ngăn và một hàng rào cao màu trắng vây kín khu đất này. Dù không có hệ thống điện nước bên trong, căn nhà mới này vẫn được dân thị trấn coi là biệt thự. Will và đứa con thứ tư của Ellen, Eva, là những người đầu tiên được sinh ra ở đây, tiếp theo là Paul và Kathryn (“Kay”). Khi Ellen mang bầu đứa thứ bảy thì Helen và Eva nghịch diêm và gây ra một đám cháy thiêu rụi toàn bộ tòa nhà. Về sau, khi đã trở thành một người kinh doanh nhà hàng nổi tiếng, Willard vẫn nhớ đám cháy đó và cho rằng ngọn lửa lan ra là do căn nhà quá bừa bộn, nơi lũ gà được phép đi lang thang và vải lanh bẩn chất từng đống. Kết quả là ông trở nên ám ảnh với sự sạch sẽ và ngăn nắp. Nhưng dù Will có thể không gọn gàng, ông lại rất chăm chỉ, và trong vòng sáu tháng đã xây lại căn nhà khác còn lớn hơn trước. Hai đứa con út, Russell và Woodrow (“Woody”), đều sinh ra ở đó, tổng cộng tám đứa. Will thường chăn cừu ở xa nên Ellen quán xuyến nhà cửa, bếp núc. Gia đình chẳng bao giờ bị đói cả, và Will luôn kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình để hào phóng với con cái. Ông thích đưa cả gia đình đi cắm trại hè trên núi. Vào mùa đông là những chuyến xe ngựa kéo với Will ngồi vắt vẻo một bên, cao giọng hát cùng tiếng chuông leng keng. Toàn bộ trẻ con trong thị trấn nhờ Will thắp đuốc quanh chiếc ao đóng băng trên đất nhà ông để chúng có thể trượt băng khi trời tối. Nhà Marriott là gia tộc đầu tiên trong thị trấn sở hữu ô tô – một chiếc xe du lịch Buick 1914. Khi họ lái chiếc xe mới đến nhà thờ, lũ trẻ trường Chúa nhật trèo khắp xe, thậm chí có đứa còn tự tiện vạch chữ cái đầu tên mình lên thân xe để kỷ niệm sự xuất hiện của cỗ xe không ngựa kéo đầu tiên của thị trấn.6 Vào mùa đông, Willard đi học không đều, vì nhận lãnh trách nhiệm ở nhà khi cha thường xuyên tới thành phố Salt Lake để phục vụ trong cơ quan lập pháp bang Utah. Willard đi học tới lớp sáu, thường xuyên dậy từ 4 giờ sáng để học bài. Nhưng đến trung học thì bữa có bữa không. Về việc học tôn giáo, Willard chịu ảnh hưởng của mẹ nhiều hơn. Vào các tối mùa đông, cả gia đình quây quần quanh chiếc lò sưởi lớn, và Ellen thường đọc Kinh thánh cho các con nghe. Tối thứ Bảy, Ellen thường đun nước tắm để lũ trẻ sạch sẽ đi lễ nhà thờ. Hiển nhiên, các con bà sẽ tuân theo giáo lý của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus. Bà nói với chúng: “Ta thà buộc đá vào cổ và thả con xuống biển còn hơn là để con quên tín ngưỡng và không thực hành hằng ngày suốt đời.” Từ bé, Willard đã thể hiện rõ tinh thần doanh nhân bẩm sinh. Sau khi giúp gia đình trồng củ cải đường và chăm sóc bò với cừu, Willard sắp xếp thời gian để kiếm tiền, chẳng hạn như nuôi thỏ và gà, sau đó bán chúng gần Ogden. Cậu chứng tỏ tài năng giống như Tom Sawyer trong việc quản lý các em. Khi phải làm những công việc kinh khủng như làm cỏ và tỉa thưa củ cải đường, Willard hứa thưởng cho các em một cốc soda mát lạnh nếu chúng làm được việc. Để công việc lại cho mấy đứa em, Willard vào thị trấn, mua soda, và khi quay về đặt chai xuống dòng suối chảy qua khu đất nhà mình. Bọn trẻ có thể nhìn thấy phần thưởng của chúng trong lúc làm việc. Chăn cừu là công việc làm ăn của gia đình, và Willard có tố chất bẩm sinh giống cha. “Cha tôi luôn trao cho tôi trách nhiệm của một người đàn ông,” cậu nói. “Cha thường bảo tôi phải làm gì, nhưng chẳng bao giờ nói nhiều về việc tôi phải làm như thế nào, cũng chẳng cho ai đó đi cùng để chỉ cho tôi. Tự tôi phải tìm hiểu lấy.”7 Nếu Willard không làm vừa lòng cha, ông sẽ bị đòn. Có lần cậu bị nhốt vào tủ quần áo hai tiếng và phải đi ngủ mà không được ăn tối. Willard thừa hưởng nét tính cách cứng rắn đó của cha mình. Năm 13 tuổi, Willard đã phải đi xa để giao hàng tiếp tế mùa hè tới một đồng cỏ trên núi cao, nơi những người chăn cừu Basque chăm đàn cừu của Marriott. Đối với Willard, quãng thời gian đó thật nhiều cảm xúc, đầu đội chiếc mũ chăn cừu lớn, mặc chiếc quần da phủ len, khẩu súng lục treo bên hông, súng trường và cuộn dây thừng bên yên ngựa. Một đêm nọ, có một con rắn chuông trườn dưới túi ngủ của cậu. Sáng hôm sau, khi phát hiện thấy con rắn, Willard bắn ba phát vào con rắn chuông 14 feet và giết chết nó, còn những người Basque thì hết sức kinh ngạc vì chưa bao giờ thấy một con rắn to như vậy. Một con rắn khác thì cứu Willard khỏi thói quen hút thuốc, ông kể đùa lại như vậy. Một hôm, khi đang nhai một cuộn thuốc lá mà mấy người Basque mời thì Willard nghe thấy tiếng một con rắn đuôi chuông gần con ngựa. Sửng sốt, ông nuốt luôn nùi thuốc khủng khiếp đó, và từ đó ghét thuốc lá.8 Mùa hè năm sau, khi lên 14, Willard đến dãy núi cao và thấy gấu bắt mất mấy con cừu. Willard và một người chăn cừu Basque tên là Manuel đã lần theo dấu vết còn mới của con gấu nâu từ chỗ con cừu chết dẫn lên núi. Địa hình dốc tới mức họ phải xuống dắt ngựa. Tới một điểm, họ nghe thấy tiếng rầm rập chạy về phía mình. Trong khi Manuel giữ cho hai con ngựa đứng yên, cậu bé Willard cầm súng nhìn thấy một con gấu con vọt ra, theo sau là gấu mẹ giận dữ. Nó chồm lên rồi lao về phía trước, còn Willard nổ hai phát súng, cả hai đều trúng đích. Con gấu con lao vọt lên cây, và họ nghe thấy tiếng rầm rập còn lớn hơn, Manuel bảo đó là gấu bố đi tìm con. “Cậu phải bắn con gấu con đi,” Manuel giục, và Willard bắn. Con gấu đực lớn hơn lập tức quay đầu xuống núi. Da gấu được treo để phơi khô trong một cửa hàng thịt ở Ogden, và một bài báo kể chuyện về cậu bé giết hai con gấu trong cùng một ngày.9 Khi cha cử cậu một thân một mình lên tàu cùng hàng ngàn con cừu đi San Francisco để bán, Willard chỉ mới 15 tuổi. Đây là một cuộc thám hiểm giúp cậu mở mang tầm mắt ra thế giới bên ngoài vùng Utah thôn dã. Cậu chạy dọc trên nóc con tàu đang chạy chỉ với một cây sào, nhảy từ toa này sang toa khác để sắp xếp lại lũ cừu ngã nhào vào nhau mỗi lần tàu phanh. Tại San Francisco, Willard mua bộ vest đầu tiên của mình có kèm quần dài. Cậu khám phá khu phố Tàu, chứng kiến các ổ thuốc phiện với những gã đàn ông hút tẩu và ánh mắt lờ đờ. Cậu ăn những món ăn lạ nơi cầu cảng, đi phà tới Sausalito, và kinh hoàng chứng kiến cảnh chiếc máy bay một lớp cánh quay vòng trên vịnh rồi lao xuống biển. Sau đó, cậu đi lang thang khắp Hội chợ Thế giới 1915, tên gọi chính thống là Triển lãm Quốc tế Panama-Thái Bình Dương, chào mừng lễ khánh thành kênh đào Panama. Nơi đây đã “nhồi vào đầu tôi những giấc mơ du lịch và thành tựu, những thành phố rực sáng, những người kiến tạo và làm rung chuyển thế giới không bao giờ phải cuốc luống củ cải đường dưới cái nắng chói chang của Utah, hay cưỡi ngựa chăn cừu qua một đám bụi trắng nghẹn họng,” Willard viết trong nhật ký.10 Năm sau đó, ở tuổi 16, Willard đưa cừu lên tàu đi bán ở Omaha. Dọc đường, một người soát vé đo chiều cao của cậu và quả quyết rằng cậu còn quá bé để đi một mình, sau đó buộc Willard phải xuống tàu ở Cheyenne trong khi lũ cừu tiếp tục đến Omaha. Không nao núng, Willard bắt chuyến tàu tiếp theo đến Omaha và thấy lũ cừu của mình đã bị lẫn với cừu của người khác. Cậu giải quyết vấn đề bằng cách tách những con cừu lớn nhất khỏi đàn và tuyên bố chúng thuộc về gia đình Marriott. Khi còn ở nhà, Willard là đứa trẻ duy nhất trong nhà được phép lái xe. Do vậy, cậu tự coi mình là chủ nhân không chính thức của chiếc Buick. Cha cậu đặt cậu ngồi sau tay lái từ khi chân của Willard còn chưa chạm sàn – điều này gây tức giận cho viên cảnh sát trưởng của thị trấn, người bị cụt một chân tên là “Peggy” với tài sản chỉ có một cỗ xe do con ngựa pony Shetland kéo. Peggy thường vẫy Willard xuống và giáo huấn cậu một bài về lái xe an toàn. Nhưng các đặc quyền lái xe của Willard đột ngột chấm dứt không lâu sau khi cậu bước sang tuổi 19, vì Will và Ellen phải bán chiếc Buick quý báu để gom tiền cho một sự kiện quan trọng trong đời cậu – sứ mệnh truyền giáo hai năm. 2 QUẦY BIA RỄI i. Từ gốc là root beer, là một dạng bia rễ với nồng độ cồn thấp làm từ rễ của cây sassafras là thành phần chính. (ND) C UỐI NĂM 1918, trong nhà Marriott không còn mùi bánh nướng mà chỉ có mùi ốm đau. Không chiếc giường nào trống; từ Woody bốn tuổi cho tới Willard tám tuổi và Doris 20 tuổi, cả tám đứa trẻ đều ho, vài đứa sốt, vài đứa chảy máu cam. Will và vợ, Ellen, không còn đủ sức rời giường để chăm sóc lũ trẻ nữa. Trước cửa ngôi nhà là một lá cờ tạm làm bằng giẻ, và trên tấm biển đóng cạnh cánh cửa là lời cảnh báo to tướng viết đúng một chữ: “CÚM.” Cả gia đình Marriott trở thành nạn nhân của dịch bệnh chết người đôi khi được gọi bằng cái tên “cúm Tây Ban Nha”. Đó là một loại virus nguy hiểm đến mức chỉ trong chưa đầy một năm, số người chết vì cúm còn nhiều hơn vì bệnh dịch hạch – “Cái Chết Đen” tràn lan trong suốt thế kỷ XIV. Trước đó, chưa có thứ gì – bệnh tật, đói kém, thảm họa tự nhiên hay chiến tranh – lại khiến nhiều người chết trong một thời gian ngắn như vậy. Một phần năm dân số thế giới bị mắc bệnh cúm nguy hiểm này, và hơn 50 triệu người tử vong. Theo thông tin còn xác minh được, đại dịch này lần đầu tiên xuất hiện ở Utah vào đầu tháng 10 năm 1918. Lây nhiễm lan nhanh đến mức tới giữa tháng 10, các bệnh viện không còn chỗ trống. Hầu hết mọi người đều được cách ly ở nhà và được yêu cầu treo “cờ cúm”. Qua tháng tiếp theo, dịch có vẻ đã dịu đi ở Utah, nhưng rồi Thế chiến I kết thúc vào ngày 11 tháng 11, và đội ngũ nhân viên y tế không thể nào ngăn các đám đông tụ tập ăn mừng ở mọi thị trấn và thành phố. Chỉ trong một vài ngày, làn sóng lây nhiễm thứ hai xảy ra, tồi tệ hơn cả lần đầu. Quá tuyệt vọng, sau lễ Tạ ơn, các lãnh đạo Ogden đã đóng cửa hoàn toàn thành phố, nội bất xuất, ngoại bất nhập.1 Khi Willard đang học năm thứ hai tại trường trung học Weber Academy, đại dịch cúm bùng phát. Những lần cậu vắng mặt do đi chăn cừu vào mùa xuân và thu hoạch củ cải đường vào mùa thu, việc học đã “chập chờn rồi”, Willard viết.2 Nhưng khi trường học bị đóng cửa do dịch bệnh suốt bốn tháng, Willard không còn khả năng tốt nghiệp vào mùa xuân 1919. Cuối cùng, dịch bệnh cũng lắng xuống vào mùa xuân đó. Willard không nản chí vì kế hoạch tình nguyện phục vụ hai năm cho Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus sau khi bước sang tuổi 19 vào tháng 9 năm 1919. Cậu được phân công tới Hội truyền giáo Eastern States, có trụ sở tại New York. Cha cậu lo rằng gia đình Marriott không thể xử lý hai gánh nặng tài chính của một sứ mệnh – thiếu vắng sự giúp đỡ của Willard ở nhà, cộng với chi phí chu cấp cho cậu khi đi xa. Nhưng Willard thuyết phục cha tin rằng đây là việc nên làm. Will đồng ý và bán chiếc Buick yêu quý, còn Ellen bán đi tài sản quý giá duy nhất của bà, một chiếc đồng hồ vàng và sợi dây chuyền thừa kế từ mẹ. Khoản tiền này được dùng để mua đồ đạc cho Willard, một chiếc mũ quả dưa mới, mấy cái áo sơ mi trắng bảnh bao cổ cứng, một chiếc áo khoác và quần, cùng một đôi giày đen mới toanh. Khoản tiền còn lại mua vé tàu cho cậu đi New York và trang trải trong vài tháng. Con tàu vào ga Hoboken thuộc New York đầu tháng 11. Willard bắt tàu điện ngầm chạy dưới sông Hudson tới Brooklyn để nhận bổ nhiệm từ chủ tịch truyền giáo của mình, George McCune. Cậu ở lại viện truyền giáo Brooklyn một tuần để đào tạo. Trong suốt tuần đó, cậu đến thăm một người bà con tên là Laura Bushnell, sống với chồng tên George trong một căn hộ lớn hơn ở đại lộ West End. George là Phó chủ tịch kiêm trưởng ban tài chính của công ty J.C. Penny đang lên như diều, vừa mới chuyển trụ sở từ Salt Lake về New York cách đó năm năm. Đây là mối liên hệ gia đình rất ngẫu nhiên đối với vị doanh nhân tương lai. Để thực hiện nhiệm vụ đầu tiên, anh hai nhà Marriott đi tàu hỏa tới Burlington, Vermont, và nhanh chóng thích nghi với công việc – và học được tính khiêm nhường. Trong ngày thứ sáu ở Burlington, Willard viết trong cuốn nhật ký được giữ chân thực của mình: “Tôi bắt đầu nhận ra tiếng gọi thần thánh của mình và trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ của bản thân. Tôi có thể thấy rõ những lần mình vượt qua giới hạn, và nếu tôi không dừng lại thì sẽ ra sao.” Cậu nhanh chóng thể hiện nhiệt huyết trong công việc – đôi khi quá mức. Trong một chuyến tàu tới Hyde Park, New York vào đêm Giáng sinh, Willard rủa một người đàn ông xuống địa ngục vì không lắng nghe thông điệp trong Phúc Âm. Một đêm ở Burlington, cậu nhận được một cú điện thoại đáng sợ từ gia đình Mathers, hội viên Giáo hội. Cô con gái tên Ruth của họ ngã từ một vách đá cao 13m bên cạnh hồ Champlain. Bác sĩ nói với cha mẹ cô rằng cô sắp chết. Willard đến nhà họ và yêu cầu được ở một mình với Ruth đang bất tỉnh, nơi cậu cầu xin Chúa hãy cho cậu biết mình nên làm gì. Sau đó cậu đặt tay lên đầu cô theo cách ban phước của các mục sư Thánh hữu Ngày sau và đảm bảo với cô rằng cô sẽ sống. Chưa đầy nửa giờ, Ruth tỉnh dậy và đòi uống nước. Điều này củng cố mạnh mẽ niềm tin của Willard vào Chúa và vào chính bản thân cậu. Cùng những điểm thú vị, lao động truyền giáo cũng rất cực nhọc. Ra khỏi giường từ sáng sớm, từ khi nhiệt độ ngoài trời đang là âm 20 độ, Willard cùng đạo hữu đi thuyết giáo tới từng nhà và từng góc phố. Con trai thứ hai nhà Marriott đã thất bại hoàn toàn trong lần thuyết giảng đầu tiên trên phố. “Suốt 15 phút, chúng tôi chỉ nói với bốt điện thoại và đèn điện. Chẳng ai dừng lại cả,” Willard viết.4 Vài tuần sau, một cuộc gặp mặt khác trên phố đã thu hút một đám đông thù địch ngày một đông tới mức thu hút sự chú ý của báo chí địa phương. Biên tập viên của tờ Herald Reporter ở Rutland mời các nhà truyền giáo về văn phòng để trò chuyện về tôn giáo, sau đó viết một bài báo vui vẻ về nỗ lực của họ. J.W. Marriott (trái) với đạo hữu Hugh Colton, đối tác kinh doanh tương lai của ông. Thông thường, phản ứng của mọi người đi từ không quan tâm tới giận dữ với các nhà truyền giáo. Khi Willard đến thăm một phòng chụp ảnh địa phương, tay chụp ảnh bảo với cậu rằng hắn ta “thà bị bắn còn hơn trở thành một người Mặc Môn”. Một người phụ nữ giận dữ “dập cửa vào các ngón tay của tôi”, trong khi một người khác “hành xử hết sức thù địch. Bà ta đóng sầm cánh cửa và tôi hét lên rằng bà ta nên hối hận vì đã đóng sầm cánh cửa trước mặt tôi. Bà ta điên cuồng lao ra và bảo chúng tôi cút ngay đi chỗ khác. Rồi thả chó ra đuổi chúng tôi.”5 Ở Colchester, gần Burlington, Willard đã có trải nghiệm đau lòng nhất về sứ mệnh của mình. Những người phản đối trong thị trấn liên kết lại vì ác cảm với Thánh hữu Ngày sau. Willard cùng đạo hữu thận trọng đi vào thị trấn vào ngày 16 tháng 6 năm 1920 và tiến hành vài vụ truyền giáo riêng, nhưng tin đồn về sự xuất hiện của họ đã lan nhanh. Một gia đình ân cần chào đón mời họ ở lại ăn tối và nghỉ ngơi, nhưng chẳng bao lâu ngôi nhà đã bị một đám đông giận dữ bao vây. Chủ nhà mạo hiểm bảo vệ các nhà truyền giáo còn hai chàng trai trẻ vội vã rời đi, trốn trên cánh đồng.6 Suốt đêm tối mịt mù đó, họ nghe thấy tiếng chửi thề và nguyền rủa “bọn Mặc Môn bẩn thỉu”; và thỉnh thoảng là cả tiếng súng trường. Có lúc khi tình hình dịu lại, hai nhà truyền giáo đã đứng dậy để nghe ngóng tình hình thì nghe thấy tiếng bước chân quanh mình. Đạo hữu của Willard đá vào cái bóng gần nhất – một con bò rống lên vì đau. Willard kể lại rằng khi mặt trời lên, sau khi “lên xuống mấy ngọn đồi, trèo qua và bò dưới hàng rào rồi lội qua đám cỏ đẫm sương”7, họ cũng thoát khỏi đám người truy đuổi. Dường như việc bị ngược đãi chỉ khiến Willard thêm tận tâm. “Thời điểm duy nhất tôi thực sự hạnh phúc là khi truyền đạo,” Willard viết.8 Cho đến khi kết thúc sứ mệnh, Willard đã gặp vô số những người có ảnh hưởng lớn, trong đó có Babe Ruth, người đã đánh quả bóng ghi điểm trực tiếp lần thứ 140 về phía nhà truyền giáo đang sửng sốt. Ruth đang ở giữa thời kỳ mà một số nhà sử học cho là mùa bóng thành công nhất của anh, dẫn dắt đội New York Yankee giành chức vô địch liên đoàn đầu tiên. Vào ngày 30 tháng 7, đội Yankee gặp đội Cleveland Indians trên sân nhà. Hồi hộp được xem Sultan of Swati chơi chỉ một lần, không hiểu bằng cách nào mà Willard và đạo hữu xoay xở được hai chỗ ngồi trong khán đài kín mít lên tới 38.000 người, và Bambinoii đã đánh một cú ăn điểm trực tiếp. i. Biệt danh của cầu thủ bóng chày Babe Ruth. (ND) ii. Một biệt danh khác của Babe Ruth. (ND) “Tôi đang ước Babe Ruth đánh một cú ăn điểm trực tiếp thì anh ta đánh bóng thẳng về phía tôi,” Willard hào hứng viết trong nhật ký. “Chúng tôi đang trên khán đài. Tay tôi bận cầm áo khoác và sách nên không chộp được, vì thế bóng văng trúng đầu người ngồi cạnh tôi. Anh ta ngã vật ra mất vài phút. Giá mà tôi kịp bỏ áo khoác xuống để đỡ lấy bóng, nhưng chuyện đó quá bất ngờ.”9 Willard chưa bao giờ kể cho bất cứ ai trong gia đình nghe về thời khắc đó, có thể vì đã không kịp bỏ áo khoác xuống và bắt lấy trái bóng. Nhưng hơn hầu hết các thời khắc khác trong thời thanh niên của mình, điều này ngầm tiên đoán về sự khác biệt sau này giữa J.W. và Bill con trai mình. Người cha thì thận trọng và kỉ luật, không bao giờ chơi trò thả mồi bắt bóng. Bill thì mạo hiểm, có thể đem công ty ra đặt cược. Mùa hè năm 1921, J.W. nhận được thư của mẹ báo rằng khi 100 đô-la cuối cùng họ gửi cho Willard hết thì có thể anh sẽ phải về nhà. Hai tuần sau, cha gửi thư bắt anh phải về nhà vào tháng 8 để học đại học. Rồi một lá thư khác của mẹ vào tháng 8 nhắc anh về những hi sinh mà gia đình dành cho mình. Willard nghĩ mãi không biết phải làm gì. Cuối cùng, chủ tịch hội truyền giáo quyết định giúp đỡ, cho anh về nhà khi còn 10 tuần nữa mới hết hạn hai năm. 21 tháng đó đã thay đổi Willard vĩnh viễn. “Tôi đã phát triển ngoài sức tưởng tượng – từ thần thái, vốn từ, kiến thức, tâm linh cho đến cách làm việc với mọi người,” Willard mô tả lại.10Không phải ngẫu nhiên mà anh đã có thêm nhiều người bạn mới đóng vai trò chủ chốt trong các dự án kinh doanh đầu đời của mình, trong đó có Franklin Richards, người đã giới thiệu anh vào nghề cung ứng thực phẩm, và đạo hữu truyền giáo Hugh Colton, người về sau trở thành cộng sự đầu tiên thành lập doanh nghiệp nhà hàng gia đình. George Bushnell, thành viên quản trị công ty J.C Penney và là anh em đồng hao, cũng là một nhà đầu tư thời kỳ đầu đã giới thiệu anh với một nhà đầu tư kiêm cố vấn chủ chốt, Earl Sams, và vùng hồ Winnipesaukee ở New Hampshire. Cuối cùng, một điểm dừng chân ở Washington, D.C., trên đường về nhà sau khi thực hiện sứ mệnh truyền giáo, đã gợi ý cho anh chọn đây là vị trí tốt nhất để khởi nghiệp kinh doanh nhà hàng mà người con trai Bill sau này mở mang thành một đế chế khách sạn quốc tế. Willard bước sang tuổi 21 vào cái ngày anh rời khỏi con tàu của hãng Đường sắt Pennsylvania ở Ga Union và lần đầu tiên nhìn thấy Washington, D.C. Anh chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ sống ở miền Đông, chứ đừng nói đến việc khởi nghiệp ở đó, vì vậy anh nghĩ đây là cơ hội duy nhất để được nhìn ngắm thủ đô. Sáng hôm sau, anh nhảy lên một chiếc xe buýt tham quan, đi một vòng từ nghĩa trang Arlington, Nhà Trắng, tới khu nhà của những nhà lãnh đạo quan trọng nhất thủ đô, trong đó có Reed Smoot, nghị sĩ tôn kính người Utah mà về sau trở thành cha vợ của Willard. Trong hồi ức, hình ảnh đáng nhớ nhất đối với Willard là một người bán hàng xe đẩy rất chăm chỉ, luôn tay chân phục vụ du khách muốn mua nước chanh và kem trong cái nóng oi bức. Ký ức đó về sau khiến Willard kết luận rằng D.C là nơi dành cho bia rễ. Quay về nhà ở Utah, Willard đối mặt với hai trở ngại trong kế hoạch đi học đại học của mình – anh không có tiền và không có bằng phổ thông. Nhìn thấy tiềm năng ở chàng trai này, một giáo sư Đại học Weber ở Ogden đã sắp xếp cho anh làm việc và học trong trường để có thể lấy tín chỉ trung học và đại học. Anh bắt tay vào học, trở thành chủ tịch hội sinh viên và tốt nghiệp hệ hai năm vào năm 1923. Mùa hè năm đó, Willard và một người bạn nhận công việc bán hàng cho Nhà máy len Baron và được cử tới trại đốn gỗ ở bắc California để bán quần dài lót len cho dân làm gỗ. Cứ đến trại nào, họ lại chọn hai người thợ gỗ khỏe nhất và thách những người này xé rách được quần. Chẳng ai xé nổi cả, vì vậy đơn hàng cho bộ áo liền quần trị giá 22 đô-la cứ thế dày lên. Hai cộng sự thận trọng nhanh chóng nhận ra rằng họ phải thu tiền hàng vào thứ Bảy, ngay sau khi thợ đốn gỗ nhận lương và trước khi họ bắt đầu đi uống rượu và đánh bạc. Vào mùa hè năm đó, hai người bạn mỗi người kiếm được 3.000 đô-la khi miệt mài làm việc 18 tiếng một ngày.11 Đến mùa thu, Willard được nhận vào Đại học Utah ở thành phố Salt Lake, đại học công lập lâu đời nhất ở phía tây sông Missouri. Anh em bằng hữu của anh ở hội kín Phi Delta Theta có cả các đạo hữu truyền giáo Hugh Colton và Franklin Richards, những người đã thuê anh làm việc cho một công ty cung ứng thực phẩm cho các trường đại học – lần thử sức đầu tiên của anh trong ngành thực phẩm. Mùa hè năm sau, Willard trở về với nghề len và một lần nữa kiếm được 3.000 đô-la. Rủng rỉnh tiền bạc và hào hứng về việc có thể theo hết chương trình đại học, Willard về nhà vào cuối mùa hè, nhưng nhiệt huyết của anh đã bị rút cạn. Trước đó, cha anh đã vay mượn để mua một đàn cừu 3.000 con ở Elko, Nevada, và đàn cừu cần được chở tới Tremonton, Utah. Will không tin ai ngoài cậu con trai có thể làm tốt việc đó, vì vậy Willard đành gác sách bút lại. Với sự trợ giúp của hai người chăn cừu Basque, anh lùa đàn cừu qua mấy tháng mùa đông lạnh giá, từ tháng 10 tới tháng 5. Có đêm anh suýt chết cóng, rồi mất 500 con cừu do thời tiết, sư tử, chó sói và nước nhiễm độc. Cuối cùng Willard cũng thành công, nhưng phần lớn số cừu này bị bán đi để trả tiền vay ngân hàng. Sau chuyến lùa cừu đó, Willard hình thành bản năng nghi ngờ chuyện nợ nần, điều sẽ ảnh hưởng rất lớn tới những quyết định kinh doanh trong tương lai của công ty Marriott. Sau chuyến lùa cừu đó, anh đăng ký làm công việc mùa hè tại Nhà máy len Baron, được đưa lên làm giám sát cấp quận ở bảy bang, và nhanh chóng xây dựng được một đội ngũ bán hàng gồm 45 sinh viên Đại học Utah. Dù vị trí này không có lương nhưng hoa hồng bán hàng năm đó của anh vẫn đạt gần 5.000 đô-la. Khoản tiền để dành này cho phép anh hoàn thành năm thứ hai đại học. Điểm sáng của năm đó là ngày anh vòng qua một góc phố và phát hiện một cô gái mảnh khảnh mặc chiếc váy màu xanh lá cây làm tôn thêm đôi mắt màu nâu xinh đẹp cùng mái tóc nâu dày. “Đó là mẫu con gái mà tớ muốn lấy làm vợ,” Willard nói với một người bạn, và người đó trả lời rằng Allie Sheets hoàn toàn ở ngoài tầm với của một gã chăn cừu. • Vài thập kỷ trước cuộc gặp gỡ tình cờ đó, một góa phụ ở Westvale, Yorkshire, Anh, đang nuôi sáu đứa con nhỏ và nhìn tương lai bằng con mắt ảm đạm. Cuộc đời Martha Hirst Taylor thay đổi hoàn toàn khi chú ý tới lời kêu gọi di cư tới Utah của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus. Năm 1888, bà cùng các con thực hiện chuyến hành trình dài vượt biển, vượt đất liền tới thành phố Salt Lake. Mười một năm sau, con gái của Martha là Alice lấy Edwin Sheets. Ba năm sau khi sinh được một cậu con trai, Alice và Edwin sinh thêm đứa thứ hai và cũng là đứa út, đặt tên là Alice, nhưng mọi người vẫn gọi cô bé là “Allie” để phân biệt với mẹ. Khi Allie chưa được một tuổi, cả gia đình theo Edwin tới trường luật thuộc Đại học Chicago. Khi họ quay về Salt Lake, Edwin bắt đầu hành nghề luật sư. Ông còn là mục sư của một giáo đoàn Thánh hữu Ngày sau, và khi dịch cúm Tây Ban Nha tràn vào Utah, Edwin đi thăm người bệnh rồi bị lây do không quan tâm phòng bệnh. Ông chết ở tuổi 44 vì bệnh viêm phổi và cúm. Vài tháng trước khi mất, trong giấc mơ Edwin thấy có người nói muốn ông “sang bên kia” để thuyết giảng cho linh hồn của binh sĩ tử trận trong Thế chiến I. Ông chia sẻ giấc mơ này với một người bạn, sau đó bắt người này thề phải giữ bí mật cho đến sau khi ông mất. Sự tôn kính cao cả dành cho Edwin Sheets thể hiện rõ qua thực tế rằng giữa muôn vàn cái chết vì bệnh cúm xảy ra tại thời điểm đó, tờ Deseret News vẫn dành một bài viết về cái chết của Edwin: “Ông dành cả cuộc đời thực tâm phụng sự mọi người, và dù ông tuổi đời còn trẻ, song những người bạc đầu vì tuổi tác cũng khó mà vượt qua được kinh nghiệm lâu năm cùng sự tận tụy đối với bổn phận của ông.”12 Edwin đảm bảo tốt tài chính cho gia đình nên người vợ góa Alice của ông có thể dành toàn tâm toàn trí cho tôn giáo và từ thiện. Bà vận động thành công giáo hội xây một bệnh viện nhi và làm thiện nguyện không mệt mỏi cho bệnh viện đó. Dù mất cha nhưng Allie Sheets không hề mất đi các đặc quyền và cơ hội. Cô học xuất sắc ở trường và học piano với người đánh piano cho Ca đoàn Nhà thờ Mặc Môn. Cô học chữ Latinh và hình học cho vui và bỏ qua năm cuối trung học. Năm 15 tuổi, cô đăng ký vào Đại học Utah. Đến tuổi 18 chín muồi, thẻ khiêu vũ của cô đã kín mít và mục tiêu của cô là cưới một bác sĩ. Chắc chắn là cô không hề môn đăng hộ đối với Willard, nhưng anh chàng không hề nao núng và ngượng ngùng về dòng dõi của mình. Trong lần hẹn hò đầu tiên, Willard cho cô xem ảnh đàn cừu của mình. Rồi anh đưa cô lên núi để ngắm đàn gia súc của gia đình – nhưng Allie không hề biết rằng thực ra đó là gia súc của ngân hàng. Mùa hè mà Willard tốt nghiệp, anh cầu hôn và Allie nhận lời. Họ dành phần lớn thời gian yêu nhau ở khu tái định cư mới và đó là mốt ở Salt Lake. Nơi đây được gọi là “A&W” (tình cờ lại trùng với chữ cái đầu tên của hai người), và người ta bán những cốc bia rễ mát lạnh giá 5 xu. Công việc kinh doanh đang bùng nổ – 5.000 đơn một ngày – và Willard nhớ lại người bán hàng xe đẩy mà anh từng thấy trong ngày nóng nực đó ở Washington, D.C. Đối với Willard và Allie, cuộc hôn phối trong hình dung giữa sản phẩm (A&W) và vị trí (D.C.) trở thành khởi đầu của một giấc mơ. A&W là sáng tạo của doanh nhân người California tên là Roy Allen, ông này mua công thức bia rễ của một nhà hóa học về hưu ở Arizona. Ông thử bán tại một quầy ven đường trong suốt một cuộc diễu hành của các cựu chiến binh và nhanh chóng trở thành nhà cung cấp bia rễ cho 5-6 cửa hàng ở trung tâm California. Sau đó, vào năm 1923, Allen phát minh ra quầy ăn phục vụ khách ngồi trong ô tô. Tại thời điểm đó, Allen hợp tác với một nhân viên của mình tên là Frank Wright, vì vậy họ đặt tên cho món đồ uống này là “A&W”. Khi Willard và Allie nhấm nháp món bia rễ ở thành phố Salt Lake, Allen đã đi tiên phong về khái niệm nhượng quyền cửa hàng nước ngọt. Người bà con của Willard là Sherman Marriott mua nhượng quyền cho Fort Wayne, Indiana. Quan trọng hơn, đạo hữu truyền giáo của Willard là Hugh Colton, lúc này đang học trường luật thuộc Đại học George Washington ở Washington D.C., bắt đầu giục Willard cùng tham gia một thương vụ nhượng quyền A&W tại thủ đô. Mùa thu năm đó, Willard lái xe tới Sacramento để đàm phán với Roy Allen và thấy vô cùng ấn tượng. Tháng 4 năm 1927, anh cùng Colton ký hợp đồng với Allen và mở cửa hàng nhượng quyền A&W chín chỗ ngồi tại một vị trí khiêm tốn trước cửa hàng ở Đường số 14 trung tâm D.C. Họ khai trương vào ngày 20 tháng 5 – cũng là ngày Charles A. Lindbergh cất cánh từ sân bay Roosevelt ở Long Island trên chiếc Spirit of St. Louis một động cơ, thực hiện chuyến bay một mình đầu tiên vượt Đại Tây Dương. Willard và Hugh mở cửa lúc 10 giờ sáng, và khách hàng bắt đầu đổ tới. Nhiều người lo lắng chờ tin về “Lindy May mắn”, vì vậy Willard chạy bổ ra ngoài và mang về một chiếc radio đặt trên quầy hàng để khách có thể theo dõi bình luận từng phút về chuyến bay của Lindbergh. Nhiều năm sau, khi Willard và Allie ngồi chung bàn với Lindbergh khi ăn tối tại Nhà Trắng, Willard thản nhiên nói với Lindy: “Anh biết đấy, chúng ta bắt tay vào làm ăn cùng một ngày, nhưng anh lại được cả thiên hạ biết tới!”13 Kết thúc ngày lịch sử đó, Willard và Hugh đã phục vụ gần 2.000 cốc bia rễ. Chỉ 5 xu một cốc, và với vô số phiếu miễn phí được phát ra, doanh thu ngày hôm đó là 73,1 đô-la, nhưng các doanh nhân mới khởi nghiệp đã thu hút được gần 2.000 người biết tới công thức A&W. Trong khi đó, Allie Sheets đang chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Utah vào tháng 6, đồng thời sẽ lên kế hoạch làm đám cưới luôn. Willard kịp về nhà để chứng kiến cô nhận bằng. Sau đó, anh còn một việc cuối cùng phải làm trước khi đám cưới của họ được tiến hành vào 11 giờ sáng hôm sau. Anh cần một chiếc nhẫn. Sau một đêm chập chờn ở nhà cùng gia đình tại Marriott, Willard dậy sớm, lột bạt ra khỏi chiếc xe Model T rồi phóng về phía bắc tới Xưởng len Baron, nơi vẫn còn nợ anh 3.000 đô-la hoa hồng của mùa hè trước đó. Người giám đốc đang chờ anh, vẻ lạnh lùng. Ông ta không muốn trả tiền bởi đội của Willard có quá nhiều đơn hỏng. Anh đã lường trước về một khoản thiếu hụt, nhưng không bao giờ nghĩ sẽ tới mức độ đó. Điều anh không biết là xưởng vừa mua một số thiết bị đắt tiền, vì vậy khoản hoa hồng của Willard là một tổn thất về mặt ngân sách.14 Quá thất vọng, chú rể lái chiếc Model T tới một ngân hàng ở Ogden và hỏi vay 1.500 đô-la, nhưng viên giám đốc từ chối với lí do lịch sử tín dụng của cha Willard ở đó không tốt. Đây là nỗi nhục mà Willard không bao giờ quên, góp phần vào nỗi ác cảm của anh đối với nợ nần. Lúc này, anh không một xu dính túi và đã muộn giờ đám cưới. Khi anh gọi cho Allie thì cô đang khóc, chắc mẩm rằng anh đã đổi ý vào phút chót. Nhận thấy đây “chỉ” là vấn đề tiền bạc, cô quá đỗi vui mừng vì đám cưới vẫn được cử hành, chỉ muộn mất hai tiếng. Khi họ chuẩn bị bước vào Đền Salt Lake, mẹ Allie nhét bốn tờ 50 đô-la mới cứng vào tay Willard. Bà định dùng số tiền này để mời khách đám cưới tại gia đình, nhưng bà biết họ cần nó trên chặng đường dài lái xe trở về Washington, D.C. Vào cuối những năm 1920, ở Mỹ đã có một vài con đường rải nhựa. Model T là loại xe chắc chắn, nhưng nó không thể đi quá 88km/ giờ. Nó thường bị sa lầy và động cơ liên tục bị nóng khi leo dốc – buộc hai vợ chồng phải dừng lại và chờ cho đến khi máy nguội bớt, sau đó đổ đầy bộ tản nhiệt bằng nước từ can 10 lít buộc ở bậc lên xuống xe. Đêm tân hôn của họ diễn ra ở một khách sạn xập xệ trong khu phố chăn bò Evanston, Wyoming. Chuyến trăng mật kéo dài 11 ngày đầy thử thách, nhưng J.W. (cái tên mà người ta đôi khi vẫn gọi anh khi đã trưởng thành) và Allie vẫn luôn thích thú khi nhớ về nó. “Chúng ta yêu nhau say đắm và 11 ngày trôi qua quá nhanh,” J.W. nói.15 Nhà Marriott sắp xếp công việc tại D.C. trong một tòa nhà chung cư trên đại lộ New York, bây giờ là Bộ Ngoại giao Mỹ. Tầng dưới là chỗ của các đối tác kinh doanh mới của họ, nhà Colton. Họ nhanh chóng mở cửa hàng nhượng quyền A&W thứ hai, và Allie tạm thời đảm nhiệm vị trí kế toán. Công việc ổn, nhưng không quá tốt. Nếu không từ bỏ những phần chính trong hợp đồng với A&W, có thể Marriott và Colton đã không qua nổi năm đầu tiên. Đây có lẽ là nhân tố tiềm thức trong việc J.W. sau này phản đối việc nhượng quyền các khách sạn và nhà hàng Marriott. Trong sâu thẳm, anh biết bản thân đã khởi nghiệp kinh doanh nhượng quyền bằng cách không tuân thủ hợp đồng. Marriott và Colton thường chậm trễ các khoản thanh toán cho Roy Allen. Và có lần họ đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi thay một sản phẩm khác vào công thức của A&W do thiếu loại xi-rô bí mật. Allen bắt được họ nhờ có gián điệp kiểm tra chất lượng ở cửa hàng. Hai người xin lỗi và Allen bỏ qua cho họ. Họ là những khách hàng nhượng quyền đầu tiên của ông ở miền đông Mississippi, vì vậy Allen phụ thuộc nhiều vào thành công của họ. Cố gắng kiếm tiền từ món bia rễ trong mùa đông, J.W. đi tàu tới California để xin phép Allen cho họ được bán thức ăn tại các quầy nước ngọt tại D.C., vốn là điều đi ngược lại với hợp đồng. Allen nhượng bộ, và J.W. quay trở lại D.C để bàn với Allie về thực đơn. Hambuger thậm chí còn không được xem xét bởi loại thịt trong đó quá thấp kém trên bậc thang xã hội nên rất ít nhà hàng cung cấp. Họ thống nhất rằng xúc xích và bánh kẹp thịt nướng sẽ phù hợp, và do là người phương Tây, nên họ nghĩ có thể sẽ đưa vào thực đơn một số món Texas-Mexico. Allie tới đại sứ quán Mexico gần đó và dùng thứ tiếng Tây Ban Nha học ở trường đại học để xin công thức nấu ăn từ đầu bếp. Allie nhanh chóng nấu các món thịt nêm ớt và tamale ngay trong căn hộ của mình. Do họ là những người đầu tiên cung cấp các món ăn này trong chuỗi cửa hàng ở bờ Đông, Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia sau đó gọi J.W. là “cha đẻ của các nhà hàng Texas-Mexico”. J.W. tại lối ra vào cửa Hot Shoppe đầu tiên, năm 1927. Tin đồn về thay đổi sắp tới đối với hệ thống nhà hàng bia rễ của họ lan rộng vào mùa thu năm 1927, và một người bạn đã hỏi khi nào họ mở “hot shop” (cửa hàng đắt khách) tiếp theo. Nhà Marriott thích cái tên này, đặc biệt là sử dụng thứ tiếng Anh cổ “Hot Shoppe”. Ngày hôm sau, họ đổi lại định vị của họ từ quầy bia rễ nơi mặt đường thành “Hot Shoppe” ấm áp và khép kín, vẫn cung cấp sản phẩm của A&W. Một chuỗi nhà hàng mới ra đời từ đó. Đến tháng 3 năm 1928, Hugh Colton muốn quay về Utah. Lợi nhuận èo uột, vì vậy công việc này không thể nuôi sống hai gia đình. Colton đề nghị rút. “Chúng tôi suýt thì phải tung đồng xu để xem ai được giữ công việc này,” J.W. nói trong một cuộc phỏng vấn. “Cả hai đều không quá thiết tha với nó. Trong thâm tâm, J.W. vẫn là một chàng chăn bò, và anh cũng mong muốn được trở về Utah. Cuối cùng nhà Marriott chấp thuận, dù là miễn cưỡng, mua lại cổ phần của nhà Colton với giá 5.000 đô-la, và J.W. phải vay khoản này từ ngân hàng.”16 Hợp đồng với Allen yêu cầu nhà Marriott phải mở một cái gì đó mới trong năm 1928 – một nhà hàng nơi khách có thể dừng xe và được phục vụ tận xe, không giống các cơ sở ăn uống thông thường. Đây sẽ là “nhà hàng đậu xe” đầu tiên ở phía tây dãy núi Rocky. Họ tìm thấy một địa điểm ở đại lộ Georgia và tranh cãi với chính quyền D.C. về những yêu cầu riêng đối với giao thông và chỗ đậu xe. Một trong số những sáng chế mà J.W. đưa vào “nhà hàng đậu xe” đầu tiên của mình là một khay đựng thức ăn gắn lên cửa xe, do một người bạn phát minh ra cho quầy A&W ở Salt Lake. Những chàng trai trẻ phục vụ, còn được gọi là “nài xe”, mặc đồng phục màu vàng-đen của A&W và vội vã nhận những khoản thu nhập chỉ đến từ tiền thưởng của khách. Hình ảnh “chàng trai chạy” nhanh chóng trở thành một phần của logo Hot Shoppe. Bình quân mỗi ngày trong tuần, hơn 200 lít bia rễ được rót ra từ sáu chiếc vòi của nhà hàng. Không giống hai nhà hàng trước, mô hình phục vụ đồ ăn trong xe ngay lập tức thành công. Khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10 năm 1929, nhà Marriott có 80 nhân viên tại ba nhà hàng. Dù đôi vợ chồng trẻ muốn có con hơn bao giờ hết, nhưng phải tới năm năm sau ngày cưới, Bill mới chào đời. Khi đó, Allie cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Tháng 3 năm đó, cô viết cho chồng một lá thư khi về thăm Utah. Đoạn gây ấn tượng nhất thể hiện suy nghĩ của cô sau khi ghé thăm một người bạn có chồng làm nghề chăn cừu: “Anh ấy ra ngoài với lũ cừu và cô ấy ở nhà chăm lo gia đình. Hai tháng anh ấy mới về nhà được một tuần. Đã bảy tuần rồi cô ấy không hề gặp chồng còn em chỉ mới có ba tuần rưỡi. Cô ấy bảo cuộc sống thật kinh khủng và sẽ không bao giờ để anh làm vậy. Vì thế nếu chúng ta bán xúc xích cho đến cuối đời, em cũng chẳng quan tâm – miễn là em được ở bên cạnh tình yêu của mình 25 trên 24 giờ.”17 J.W. và Allie Marriott ở Washington, D.C. Chỉ vài tháng sau, khi Hot Shoppe làm xong thủ tục giấy tờ, Allie Marriott trở thành chủ tịch đầu tiên của công ty. J.W. thậm chí còn không có tên trong hội đồng quản trị cho đến buổi họp ban quản trị lần thứ ba. Trò lần lượt nắm quyền cứ thế tiếp diễn cho đến khi J.W. trở thành chủ tịch. Danh sách ban quản trị được chốt, có lẽ là để điền vào chỗ trống trong mẫu giấy tờ hơn là thể hiện quyền thực sự kiểm soát công ty. Dù chưa có con, cuộc sống của nhà Marriott ở Washington vẫn sôi động. Họ có rất đông bạn bè, trong đó nhiều người là Thánh đồ Ngày sau Utah từng được Thượng nghị sĩ Reed Smoot mời vào làm việc cho chính phủ. Họ gặp mặt để đi lễ ở một hội trường thuê, và lớp học Chủ nhật được một luật sư Thánh đồ Ngày sau xuất sắc, J. Reuben Clark, thứ trưởng ngoại giao dưới thời Coolidge đứng lớp. Khi năm 1929 khép lại và những làn sóng đầu tiên của cuộc Đại Suy thoái tràn khắp đất nước, nhà Marriott tìm xem có dấu hiệu rắc rối nào trong công việc kinh doanh của họ hay không nhưng không thấy. Họ nhanh chóng tiến tới nhà hàng thứ năm, tất cả đều ở D.C. – thành phố ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái nhất nước. Điều tương tự không xảy ra với gia đình J.W. ở quê nhà. Will Marriott phá sản hoàn toàn. Khi trang trại của ông được đưa ra bán đấu giá, người thắng thầu, với mức giá 5.000 đô-la, không phải ai khác mà chính là J.W. Với cách kiếm tiền sáng tạo, anh đã cứu được trang trại của gia đình, nhưng không muốn cha tiếp tục làm việc nữa, vì vậy J.W. đã bỏ thêm 6.000 đô-la để đưa cha mẹ và chị Doris tới Ogden.18 Nhà hàng Hot Shoppe số 5 khai trương ngày 2 tháng 7 năm 1930, cũng là ngày người mẹ góa bụa của Allie lấy Thượng nghị sĩ Reed A. Smoot. Bà góa Alice Sheets, lúc đó 54 tuổi, đã tới D.C. để tham quan vào mùa xuân trước. Tại nhà thờ, bà gặp ông thượng nghị sĩ, lúc đó 68 tuổi, góa vợ được hai năm. Ngay lập tức ông tìm cách giành lấy trái tim của bà bằng một loạt cuộc hẹn, được đăng tin trên báo địa phương. Sau lễ cưới, tuần trăng mật của họ bị rút ngắn bởi Tổng thống Herbert Hoover cần Smoot ở lại thành phố để xử lý công việc pháp lý. Cặp đôi mới cưới dành hai tuần trăng mật trong Nhà Trắng. Buổi sáng đầu tiên ở đó, tổng thống và phu nhân Hoover tặng họ một bữa sáng ngày cưới để tôn vinh họ, và khách mời duy nhất là J.W. và Allie. Tân phu nhân Smoot viết thư về Utah: “Mọi người có tưởng tượng được có cô gái nhỏ nào vượt qua đại dương và băng qua quãng đường gần bằng chiều rộng nước Mỹ để di cư, mơ ước sẽ có ngày trở thành vợ của một thượng nghị sĩ Mỹ [và thấy] chính mình, cùng người chồng đáng kính, được làm khách quý của người đứng đầu chính phủ Mỹ hay không?”19 Hóa ra, dòng họ Marriott mở rộng sẽ quen với việc bước vào các giới như vậy khi đế chế kinh doanh của họ phát triển, là nhờ người con trai của J.W. và Allie, sinh ngày 25 tháng 3 năm 1932. 3 NHÓC BILLY C UỘC CHẠY ĐUA với thời gian của Bill Marriott bắt đầu ngay từ ngày cậu được sinh ra, khi cậu lần đầu tiên thể hiện bản tính cạnh tranh và ưa thích tốc độ. Bạn bè thân nhất của cha mẹ cậu, Isaac và June Stewart, cũng đang mong chờ đứa con thứ hai của mình khi Allie và J.W. chờ đón đứa con đầu lòng. Hai cặp vợ chồng đặt lịch với cùng bác sĩ sản khoa và dự sinh cùng ngày 5 tháng 4 năm 1932. Thậm chí bác sĩ sản khoa còn đặt phòng liền kề tại Bệnh viện Phụ nữ Columbia cho hai bà mẹ tương lai. Allie bắt đầu trở dạ vào sáng 25 tháng 3, vì vậy J.W. vội vã đưa cô ra khỏi khu chung cư trên chiếc xe Nash của anh. Khi anh lao nhanh trên đường thì nhà Stewart, sống cách đó hai khu nhà, vượt qua họ trên một chiếc xe phóng hết tốc độ. Tới bệnh viện gần như cùng lúc, hai bà bầu được đưa gấp tới phòng sinh liền kề, và như các ca đưa vợ đi đẻ thời đó, hai người đàn ông sắp làm cha được đưa tới phòng chờ, đi đi lại lại mòn cả sàn. Sau ba giờ chuyển dạ, Allie hạ sinh một cậu bé nặng 3,4kg, đặt tên là John Willard Marriott, Jr. Hai tiếng sau, cậu con thứ hai của nhà Stewart ra đời. Bé Billy đã thắng trong cuộc đua đầu tiên. Đó là một ngày thứ Sáu Tốt lành – một ngày thứ Sáu cực kỳ tốt lành đối với nhà Marriott.1 Bên ngoài ngôi nhà hạnh phúc của gia đình Marriott, thế giới vẫn đang đảo điên trong cuộc Đại Suy thoái, một sự kiện kinh tế tạo nên chuyển biến rộng khắp. Ở nước Mỹ, sự bất mãn của công chúng đối với Tổng thống Herbert Hoover lên cao chưa từng thấy, và cơ hội tái cử của ông đang bị thách thức bởi thống đốc New York Franklin Delano Roosevelt. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, số công dân rời bỏ đất nước nhiều hơn số người nhập cư, và chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones đạt mức thấp kỷ lục: 44,22. Bên cạnh việc Billy ra đời trong năm đó, còn có một vài điểm sáng nữa. Vận động viên trượt băng người Na Uy Sonja Henie khiến ban giám khảo sửng sốt khi giành huy chương vàng ở kỳ Olympic Mùa đông tháng 2 tại Hồ Placid, New York, và kỳ Olympic Mùa hè Los Angeles mang lại nhiều huy chương cho người Mỹ tới mức bỏ xa nước đứng thứ hai, Italy, tới gần 500 điểm. Đội New York Yankees lại một lần nữa càn quét giải World Series khi Babe Ruth và Lou Gehrig đang ở đỉnh cao. Huyền thoại tóc xoăn tên Shirley Temple xuất hiện trong bộ phim đầu tiên của mình. Một loại vải không nhăn được phát minh, và Ford hé lộ thông tin về động cơ V-8, trong khi nhà sáng chế người Italy Guglielmo Marconi thử nghiệm radio sóng ngắn đầu tiên. Dù hay dở thế nào thì một kỷ nguyên mới cũng đang bắt đầu ngay khi cậu bé Billy đặt chân lên hành trình cuộc đời mình. Khi văn phòng của Allie trong căn hộ được chuyển thành phòng nuôi trẻ, J.W. thuê một văn phòng ở tầng hầm tòa nhà. Phần lớn năng lượng của Allie đều dành cho đứa bé, vì vậy J.W. thuê thư ký kiêm kế toán đầu tiên cho mình. Cậu em Paul đã thành thạo công việc nhà hàng và trở thành cánh tay phải của Willard Paul có đầu óc và tầm nhìn để triển khai kế hoạch phát triển nhanh của J.W. Không lâu sau khi Billy ra đời, chính Paul là người được J.W. bật đèn xanh cho mở Hot Shoppe đầu tiên bên ngoài khu vực D.C., Baltimore. J.W. còn giao cho Paul nhiệm vụ đàm phán mua nhượng quyền A&W ở Philadelphia. Nhưng anh chưa bao giờ cần em trai mình nhiều như thời điểm đầu năm 1933, khi J.W. được chẩn đoán chỉ còn sống chưa đầy một năm nữa. Billy trên một chú ngựa con. Franklin Delano Roosevelt (FDR) được bầu làm tổng thống thứ 32 của Mỹ trong một chiến thắng long trời lở đất vào tháng 11 năm 1932, sự kiện chứng kiến bước chuyển đổi lớn của nhiều người Cộng hòa sang Dân chủ. Danh tiếng của FDR đã khiến Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Reed Smoot, lúc này đang chạy đua cho nhiệm kỳ thứ sáu, phải mất ghế trong một thất bại đáng ngạc nhiên. Trong đêm bầu cử, khi Smoot nghe được xu hướng bất lợi cho mình ở những vòng đầu qua radio và báo cáo qua điện thoại, ông đặt cặp kính vào túi áo vest, cầm lấy tay Alice và nói: “Trễ giờ đi ngủ rồi em.” J.W. và Allie đến gặp họ vào đêm bầu cử, và Smoot nói: “Khi nào các con muốn về thì hãy tắt đèn nhé.” Sáng hôm sau, ông bảo với nhà Marriott rằng ông sẽ phục vụ những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, sau đó sẽ cùng Alice quay về Utah để hoàn thành nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên Nhóm túc số Mười hai Vị sứ đồ thuộc Giáo hội Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus.2 Nhà Marriott tham gia buổi khiêu vũ ra mắt của FDR, nhưng họ thấy các chương trình Kinh tế Mới của tổng thống có vẻ ngày càng mang tính xã hội. Về phần pháp chế, luật lương tối thiểu và công đoàn thương lượng tập thể sẽ thách thức doanh thu của các cửa hàng Hot Shoppe, sau đó là công ty Marriott trong những thập kỷ sắp tới. Vào tháng 3, sau lễ ra mắt của FDR vài tuần, Billy tròn một tuổi, cả gia đình chuyển vào biệt thự kiểu Pháp của Thượng nghị sĩ Smoot tại 4500 đường Gareld. Đây sẽ là chỗ ở thường trú của Billy cho tới khi cậu đi học đại học. J.W. và Allie thấy ngôi nhà bảy phòng ngủ này quá đẹp đối với gia đình trẻ ba người, nhưng Reed và Alice Smoot không tìm nổi người mua căn biệt thự này, vì vậy họ mời gia đình Marriott tới trông nhà. Cuộc Đại Suy thoái tiếp tục diễn ra khiến người mua nản chí, vì vậy cuối cùng J.W. và Allie tiếp quản tài sản này với giá 35.000 đô-la rồi ở hẳn tại đó. Khi nhà Marriott vừa chuyển tới nhà mới, Allie đã giục J.W. đi gặp bác sĩ để khám mấy cục u mọc dưới tay và sau gáy anh. Sau một loạt xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh Hodgkin, một dạng ung thư hạch bạch huyết. Loại bệnh này mới nên năm vị bác sĩ đều tuyên bố không thể chữa được. “Tôi còn bao nhiêu thời gian?” J.W. hỏi thẳng. “Sáu tháng – tối đa là một năm,” một người trả lời, và các bác sĩ còn lại đều đồng ý. Họ khuyên rằng anh có thể kéo dài cuộc sống tới một năm nếu nghỉ ngơi dài ngày và gác lại những lo lắng về công việc. J.W. nghe theo lời khuyên này. Anh chuyển giao công việc kinh doanh lại cho Paul và đưa Allie cùng Billy đi phượt. Ba người đi lên vùng ven biển phía Đông, dừng lại ở nhà nghỉ mỗi khi J.W. cảm thấy quá mệt. Tại hồ Moosehead ở Maine, họ vào một trại câu cá và săn bắn hẻo lánh có tên “The Birches”. Sau khi nghỉ ở đó một thời gian, họ đi về phía nam để khám phá những địa điểm ngày xưa J.W. đi truyền giáo. Ký ức trong anh tràn về, đó là những lần anh chứng kiến sức mạnh của Chúa chữa lành cho người khác. Với J.W., bệnh tật chỉ là một phép thử niềm tin của anh và đã đến lúc anh phải đi tìm các trưởng lão trong giáo hội để ban phước chữa lành cho mình. Quay về nhà ở Washington, anh mời hai hội viên Thánh hữu Ngày sau tới nhà, đặt tay lên đầu anh và, sau khi tìm linh cảm, họ đoan chắc rằng anh sẽ được chữa lành: “Chúng tôi quở trách căn bệnh này. Chúng tôi tin và yêu cầu anh hãy tin cùng chúng tôi trong sứ mệnh phục vụ đạo hữu và giáo hội, và chúng tôi hứa rằng anh sẽ sống để thực hiện sứ mệnh này.”3 Gánh nặng của J.W. được trút bỏ. Trong vòng vài tuần, các hạch bạch huyết nhỏ lại, sau đó biến mất toàn bộ. Các bác sĩ kinh ngạc. Trong vòng vài tháng, họ không còn tìm thấy dấu hiệu nhỏ nhất của bệnh Hodgkin. Đến Giáng sinh, anh trở lại làm việc. Đây không chỉ là phép màu anh không bao giờ thôi biết ơn mà còn thừa nhận rằng nó buộc anh phải phụng sự Chúa bằng bất cứ khả năng nào cho đến hết đời. Đến năm 1934, J.W. trở thành người đứng đầu của gia tộc Marriott mở rộng, dù cha mẹ anh vẫn còn sống. Anh rất có trách nhiệm với anh chị em, và sự thịnh vượng của các cửa hàng Hot Shoppe cho phép anh hỗ trợ họ về mặt tài chính. Doris, chị cả và cũng là người đầu tiên lập gia đình, cưới một gã về sau bỏ rơi cả hai mẹ con, vì vậy cô đã chuyển tới ở cùng cha mẹ ở Utah. Người cha 70 tuổi của J.W., Will, vẫn còn đam mê công việc nên khi có Doris ở nhà với vợ mình, năm 1934, ông đến Washington để làm việc cho con trai, khi Billy lên hai tuổi. Will Marriott trở thành nhân viên quan hệ nhân sự không chính thức đầu tiên của Hot Shoppe. Ông đi khắp các nhà hàng, làm quen với toàn bộ nhân viên. Ông còn sục sạo khắp các chợ địa phương để tìm mối nhập sỉ thực phẩm tốt nhất cho nhà hàng. Biệt tài của ông là đánh giá thịt. Có lần một người bán thịt đã thách thức: “Tôi cá một chiếc mũ Stetson là ông không thể phân biệt đây là loại thịt nào, hoặc cân được chính xác 4,5kg thịt.” Will đã tự hào đội chiếc mũ Stetson đến cuối đời.4 Trong những năm đầu đời, Billy được thấy rất nhiều nhà hàng Hot Shoppe. “Khi tôi còn bé,” ông nhớ lại, “tôi nhớ đã cùng mẹ đi chợ Arcade ở Đường số 14, nơi mùn cưa bám trên sàn, thịt tươi và thịt gà treo trên giá trưng bày. Sau đó, chúng tôi đi qua Hot Shoppe ở Đường số 14 cũ. Tôi đặc biệt nhớ nhà hàng Số 5.”5 Hot Shopee Số 5 ở Đại lộ Connecticut là ngôi sao của chuỗi nhà hàng, tăng trưởng nhanh hơn đồ thị thất nghiệp hồi những năm 1930. “Xe hơi ngày đó xếp hàng dài trên Đại lộ Connecticut để chờ,” em trai J.W. là Woody nhớ lại khi lần đầu tiên đi làm với vị trí phục vụ đồ ăn tại xe ở nhà hàng Số 5. “Mọi người làm phục vụ xe đều phải học cách chạy. Bạn sẽ không dám ra khỏi cánh cửa đó nếu không chạy. Đó là ý tưởng của anh tôi để nói với họ [khách hàng] rằng chúng tôi đang đẩy nhanh dịch vụ.”6 Người được mệnh danh “thị trưởng Đại lộ Connecticut” là Mack Woodward, quản lý nài xe. Anh giám sát các nhân viên, dạy họ cách cầm khay cao khi chạy giao hàng. Woodward chẳng tự hào gì khi kiếm được chút tiền ngoài, thu của các cậu bé ít phí để mua mẩu bút chì và danh thiếp gắn ở gạt nước để đặt món, đòi tiền lãi của những khoản anh cho chúng vay, và đôi khi tổ chức mấy trò vớ vẩn trong tầng hầm của cửa hàng Số 5.7 Billy thấy không khí náo nhiệt này vừa hấp dẫn vừa vui. Mấy anh lớn tuổi hơn kể cho Billy nghe những câu chuyện bịa đặt, ví dụ như có lần một anh mang món sô-cô-la nóng trên khay trong một tối mùa đông lộng gió, và cơn gió thổi chỗ kem đặc quánh bay khỏi lớp sô-côla, qua vai anh, đông cứng trong không khí và đập vào đầu một anh khác chạy đằng sau, khiến anh này ngã chỏng vó. Đôi khi có những khách quen chếnh choáng ở Hot Shoppe có hành vi rất vui nhộn. J.W. bắt đầu bán cả bia nhẹ và bia đen, sau khi Đạo luật Cấm rượu bia được gỡ bỏ vào tháng 2 năm 1934. Do bia đen trông giống bia rễ nên những vụ lộn xộn rắc rối vẫn thường xảy ra, khi khách gọi bia rễ lại nhận được bia đen và ngược lại. Vì vậy, một số nài xe sẽ được chọn trở thành thợ nếm bia không chính thống. Việc này khiến một số chân chạy ngà ngà say, trước khi một hệ thống nhận biết đáng tin cậy hơn được thiết lập. Năm 1935, khi Billy lên ba, có một số thay đổi lớn tại Số 5 khiến lượng khách quen ở đây tăng đáng kể. Các bản tin năm đó dò la về hệ thống truyền phát hiện đại của Số 5 – bảy cọc truyền phát giúp các nài xe báo đơn vào trong và một hệ thống loa để báo tin ra ngoài cho họ khi món đã được chuẩn bị xong. Các nài xe và quản lý thông minh cũng điều chỉnh nó thành một hệ thống cảnh báo sớm để chống lại những đợt kiểm tra bất ngờ của J.W. Khi một nài xe phát hiện J.W. lái xe vào bãi, cậu ta nhanh chóng gọi vào báo đơn qua loa phóng thanh: “Một phần tamale lớn!” – và mọi thứ sẽ diễn ra chỉn chu nhất có thể. Các cuộc kiểm tra bất ngờ của J.W. là bài học ban đầu về triết lý quản lý mà sau này Bill áp dụng: “Quản lý bằng cách đi loanh quanh.” Có lần J.W. nói với một đám đông nhân viên: “Sai lầm lớn nhất của tôi là có văn phòng đẹp. Tôi thích nó. Khách tới thăm thích nó. Vì thế, tôi không ghé thăm các cửa hàng Hot Shoppe đủ mức cần thiết. Những khi đó, tôi có cảm giác như bị thiếu mất cái gì đó.”8 Số 5 được coi là nhà hàng đắt khách số một ở Washington những năm 1930. Nó “thu hút những khách đêm sành điệu của thành phố,” một bài báo cho biết.9 Khi Dwight Eisenhower trở thành Tổng thống, ông tiết lộ với J.W. rằng ông và vợ, Mamie, đã tới đó ít nhất mỗi tuần một lần khi ông còn là phụ tá của tướng Douglas MacArthur. Gia đình Eisenhower tới vì món tamale ớt nóng của Allie. Có lẽ bài báo đương thời màu mè nhất viết về Số 5 là của Gil Miner, nhà báo phụ trách chuyên mục của tờ Madison Bulletin của Maine, người được một nghị sĩ Mỹ dẫn tới nhà hàng khi đến gặp ông này vào tháng 6 năm 1934. Đó là một buổi tối mùa hè nóng nực, vì vậy Miner muốn có một ly đồ uống lạnh. Cứ như thể đó là kỳ quan thế giới thứ tám, ông nghị sĩ khoe rằng ông ta có thể dẫn Gil tới một nơi không phải ra khỏi xe mà vẫn có thể gọi một ly đồ uống lạnh, xúc xích hoặc bít tết, và có thể ăn trên chiếc khay gắn vào cửa xe. “Điều này làm tôi thấy thích thú,” Miner viết,“và chúng tôi cũng đã tới nhà hàng ‘Hot Shoppes’ trên Đại lộ Connecticut. Tin tôi đi, nó ‘nóng’ thật! Không gian đỗ xe cho hơn 1.000 xe hơi, hàng trăm thanh niên mặc đồng phục màu nâu rất đẹp, chạy ngược xuôi nhận đơn và giao đồ ăn, đội trưởng của họ mặc đồ trắng tới mức một đô đốc cũng phải đỏ mặt.” Nhà báo khám phá khu vực bên trong và tự giới thiệu với J.W., tình cờ cũng có mặt ở đây trong đêm đó. Miner mời Marriott đi nghỉ ở Maine. “Tôi đã tới đó rồi,” J.W. mỉm cười. “Gia đình tôi mùa hè nào cũng dành cả tháng ở Moosehead. Anh đã bao giờ tới đó chưa?” Miner thích thú, một phần do đây là “lần đầu tiên tôi được nói đủ chuyện với một Horatio Alger sống,” ông viết. Sau khi khám phá ra khu trại săn bắn và câu cá đồng quê ở hồ Moosehead lúc J.W. đang đối mặt với căn bệnh Hodgkin, nhà Marriott dành bảy mùa hè ở đó. Đây là nơi Billy có thể được cha dành toàn thời gian ở bên. Không có điện thoại, vì vậy J.W. tách khỏi công việc hoàn toàn. Hồ nước quá lạnh nên không bơi được, nhưng cá thì rất nhiều, vì vậy cả gia đình dành nhiều bữa tối với mẻ cá bắt được trong ngày, sau đó ngồi trong những chiếc ghế Adirondack nhìn ra ngọn Kineo cao 243m đẹp như tranh nằm bên kia hồ, cách nhà khoảng 800m. Khi chuyện trò đã vãn trong đêm, J.W. vặn dây cót chiếc Victrola xách tay và mở những bản nhạc yêu thích như “Drifting and Dreaming”,“Stardust”, “Moonlight Bay” hay “Home on the Range”. Trong suốt thời kỳ then chốt đó, J.W. có được một người bạn, người thầy, nhà đầu tư bên ngoài quan trọng nhất của Hot Shoppe, Earl Sams. Ông là chủ tịch của công ty J.C. Penney, sếp của George Bushnell, anh em cọc chèo với J.W. Sams lớn hơn J.W. 16 tuổi, và tính cách, triết lý cũng như sự độ lượng của ông cực hợp với tính cách của riêng J.W. Hai người hình thành một mối quan hệ cha-con bắt đầu từ những lời khuyên kinh doanh sống còn mà Sams dành cho J.W. trong những lần họ trò chuyện dưới cổng vòm nhà Sams ở hồ Winnipesaukee tại New Hampshire. Hai chìa khóa quan trọng dẫn tới thành công của Sams mà J.W. thấm nhuần là không bao giờ vay tiền để mở rộng và chỉ thuê “những công nhân giỏi, gọn gàng và tử tế”. Nhân viên phải coi công việc của mình ở Hot Shoppe là một sự phục vụ chứ không đơn thuần là chuyện kinh doanh. Nhận thấy rõ ít năm trước đó J.W. gần như làm tới chết, Bushnell khuyên anh: “Tôi nghĩ không nhất thiết phải làm việc tới 18 tiếng một ngày. Trên thực tế, tôi biết anh ấy sẽ không trụ nổi.” Bushnell cũng tin vào việc tôn trọng cộng đồng. “Một số chủ cửa hàng coi thành phố là cái mỏ để mặc sức khai thác của cải triệt để mà không chịu đền đáp trở lại. Tạo hóa không bao giờ cho phép chúng ta làm điều đó. Chúng ta sống với nhau để phục vụ, xây dựng, truyền cảm hứng. Đó là nghĩa vụ của chúng ta với cộng đồng.”11 Sams và Bushnell không cần phải nói nhiều với J.W., nhưng anh vẫn cảm thấy được khích lệ khi triết lý hoạt động của chính mình được xác nhận bởi những người đã làm nên sự nghiệp. Trong tương lai, các nguyên tắc kinh doanh nền tảng của ba người sẽ tác động mạnh mẽ đến cậu bé nghe lỏm chuyện của người lớn. Sẽ có ngày Billy dạy chính những nguyên tắc đó cho hàng trăm nghìn nhân viên của đế chế khách sạn Marriott. Khi công việc kinh doanh của Hot Shoppe khấm khá lên, với việc có thêm các nhà hàng nhượng quyền A&W, Billy tìm thấy vị trí của mình trong công ty. Những ký ức sớm nhất của cậu về công việc là khi theo cha tới thăm các nhà hàng. Có những khoảnh khắc đầy tự hào khi J.W. hỏi ý kiến cậu, coi Billy như một nhóm tập trung một thành viên. Ở tuổi lên năm, dù Billy chưa biết đọc, nhưng cha cậu đã cho cậu xem thiết kế năm 1937 của thực đơn 35 xu đầu tiên của Hot Shoppe dành cho trẻ em. Nó lập tức thành công và được đưa vào hệ thống các nhà hàng Shoppe. Billy lớn nhanh như thổi. Sau khi hết tuổi đi nhà trẻ ở Phố Macomb, năm 1937, cậu đi học mẫu giáo tại trường Horace Mann. Trong năm đó, J.W. và Allie đưa Billy đi chơi ở bờ biển Thái Bình Dương, dừng lại ở Utah để thăm ông bà Marriott. Ông Will đã nghỉ việc ở D.C. và quay về Ogden hồi đầu năm, và ông vui mừng đưa con trai cùng cháu nội đi săn chim trĩ, chụp một bức ảnh ba người đứng cạnh xe hơi cùng chiến lợi phẩm vô cùng đáng nhớ. Tháng 8 năm 1937, J.W. mở Hot Shoppe Số 8 ở đầu phía nam cầu Phố 14 trên sông Potomac. Phần lớn đất đai xung quanh còn trống; tòa nhà đồ sộ về sau này của vùng, Lầu Năm Góc, phải đến Thế chiến II mới được xây dựng. Doanh nghiệp thực thụ duy nhất gần đó là sân bay Hoover nhỏ bé đối diện bên kia đường. Đây là vị trí đầu tiên của chuỗi Hot Shoppe nằm ở ngoại ô, nơi không hề có nhà ở. Trong vài ngày khai trương Số 8, J.W. thấy có một vị khách ngồi chờ máy bay bên ngoài sân bay Hoover. Ông này bảo cô phục vụ tìm đồ đựng để mang 1,5 lít cà phê lên máy bay. Cô làm theo và được thưởng hậu hĩnh. Vài ngày sau, J.W. lại đến thăm Số 8 và thấy một hành khách đi máy bay khác đang bọc một chiếc sandwich để mang theo lên chuyến bay. Một ý tưởng lóe lên trong đầu J.W., và anh đã tới thăm đại úy Eddie Rickenbacker, viên phi công nổi tiếng trong Thế chiến I, chủ của Eastern Airlines. Đề xuất của J.W. rất đơn giản: “Tại sao ông không mua đồ ăn của tôi cho hành khách và tính thêm ít phí vào tiền vé?” Rickenbacker thích ý tưởng này và ký hợp đồng với Hot Shoppes, biến J.W. thành người tiên phong trong việc cung cấp thực phẩm độc lập trên chuyến bay. Tầng hầm của Số 8 được cải tạo thành nhà bếp hàng không đầu tiên của công ty. Bill nhớ sự tấp nập của căn bếp đó khi cậu còn bé. Đó là một khởi đầu khiêm tốn cho cái mà sau này – dưới sự lãnh đạo của Bill – trở thành dịch vụ thực phẩm hàng không lớn nhất thế giới. Mùa hè năm 1938, chú Woody ân cần làm việc trong tầng hầm Số 8, thái thịt 35 con gà tây mỗi ngày để chế biến các món ăn cho hãng hàng không. Woody trở thành một tài sản của J.W., và trong năm đó được đề bạt làm phó chủ tịch vận hành nhà hàng. Sinh ra và lớn lên ở Ogden, Utah, Woody biết rất ít người da đen. Khi tới làm việc cho J.W., anh nhanh chóng để ý tới nhóm người thiểu số trên bảng lương. “Này, Willard, có kha khá người da đen làm việc cho anh nhỉ?”, anh nhận xét. J.W. đưa mắt nhìn cậu em trai một cách thận trọng và trả lời: “Woody, anh không phân biệt đối xử với bất cứ ai. Nhưng anh muốn nói với chú một điều – những người da đen đó còn sùng đạo và đáng tin hơn một số cặn bã da trắng mà anh từng thuê. Họ chăm chỉ làm việc, trung thành, trung thực và mộ đạo hơn rất nhiều người da trắng anh từng gặp!”12 • Đến cuối năm 1938, Billy có lý do để phấn khích về một sự kiện sắp xảy ra trong gia đình. Mẹ cậu đang mang bầu. Sau gần bảy năm làm con một, cuối cùng cậu cũng sắp có em. Ngày 9 tháng 1 năm 1939, giữa một cơn bão tuyết lớn, Allie mang bầu ở tháng thứ chín được mời tới nhà Louise Bennion, bạn thân nhất của cô, để may vá. Chiều hôm đó, hai người vừa may vá vừa trò chuyện cho đến khi Allie bắt đầu trở dạ. Tuyết dày ít nhất ba tấc trên mặt đất, vì vậy Allie tới được Bệnh viện Columbia chỉ một tiếng trước khi bé Richard (“Dick”) Edwin Marriott ra đời vào 6 giờ chiều. Người ông duy nhất còn sống của cậu bé, Will, rất nóng lòng gặp đứa cháu mới sinh, đã bắt tàu hỏa từ Utah trong mùa xuân vừa đúng lúc hoa anh đào nổi tiếng của D.C. bung nở. Ông Will 75 tuổi có vẻ vẫn mạnh khỏe và tráng kiện, ngoại trừ bị đau dạ dày mạn tính. Tại thời điểm đó, Washington đang ồn ào với vụ viếng thăm theo dự kiến của nhà vua Anh George VI và hoàng hậu. Hoàng gia đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Roosevelt đi thăm các thuộc địa cũ, đánh dấu lần đầu tiên một quốc vương Anh đang trị vì đặt chân lên đất Mỹ. Ngày 7 tháng 6 năm 1939, Billy dậy sớm để có một chỗ đẹp xem đoàn diễu hành chào đón gia đình hoàng gia trên Đại lộ Massachusetts cùng cha mẹ. Ông nội Will chẳng quan tâm gì mấy tới việc xem vua Anh. Cha ông, John Marriott, đã vui vẻ rời đất nước đó hàng thập kỷ trước để tìm cơ hội lớn hơn ở Mỹ, và Will chẳng có ý định nhìn lại. Vì vậy Woody đưa ông tới vùng nông thôn Virginia. Họ lái chiếc Buick bỏ mui của Woody tới nông trại nơi Woody nuôi ngựa. Will hồi hộp khi có được vài tiếng đồng hồ trên lưng ngựa – vừa khớp, đây hóa ra lại là hoạt động cuối cùng mà chủ trại đã nghỉ hưu này được tham gia. Woody chở cha quay trở về phố Gareld vào khoảng 4 giờ chiều, vài tiếng sau khi nhà Marriott đi xem diễu hành về. Khi bước ra khỏi xe, Will mất thăng bằng, một bên người va vào cánh cửa xe đang mở, chiếc mũ Stetson văng xuống đường. “Cha có sao không?” Woody lo lắng hỏi. “Ôi trời!”, ông trả lời. “Va một cú ra trò.” Vẫn ôm lấy một bên sườn, Will đi qua ngôi nhà tới gian sưởi nắng để báo cho J.W. và mọi người trong gia đình rằng ông sẽ lên gác nghỉ ngơi. “Cha va vào cửa xe khi ra khỏi xe của Woody,” ông giải thích. “Đau lắm.” J.W. gọi bác sĩ, và ông này bảo không có gì đáng ngại cả rồi cho Will một ít thuốc morphine để ông có thể ngủ.13 Ngày hôm sau, Will thấy đau dữ dội. J.W. gọi xe cấp cứu đưa Will tới Bệnh viện Đại học George Washington. Ở đây, ông bị hôn mê. Ông cầm cự được vài ngày rồi mất. Nhà Marriott yêu cầu khám nghiệm tử thi, hóa ra cú va vào cửa xe đã làm nứt động mạch chủ của ông; và qua đời vì chảy máu trong.14 Cha dượng của Allie, Reed Smoot, là người đọc điếu văn chính tại đám tang. Sau lễ viếng, cả một dòng người đã đến thăm ngôi nhà ở Đại lộ Jackson để dúi những chiếc phong bì tiền vào tay bà góa Ellen Marriott, giải thích rằng họ muốn trả lại số tiền mà Will đã cho họ vay mà không đòi hỏi một câu. Trong số những người trả lại tiền, nhiều người chẳng hề quen biết gì với gia đình. Cuối mùa hè đầy biến động năm 1939, cậu bé Billy bảy tuổi lần đầu tiên đi máy bay. Cả gia đình bay từ Washington tới Boston. Tại một điểm nghỉ chân ở New Jersey, bé Dickie được đặt tạm trên quầy của hãng hàng không đúng lúc diễn viên hài Red Skelton đi qua. Ông nhìn cậu bé tám tháng tuổi và tuyên bố Dickie là “em bé dễ thương nhất tôi từng gặp,” Bill nhớ lại. Hóa ra chuyến đi Boston đó là chuyến thứ bảy và là chuyến đi mùa hè cuối cùng của họ đến hồ Moosehead. Đó là mùa hè mà J.W. đưa ra một quyết định quan trọng về chuyện học hành của con trai. Dù Billy đã học khá tốt ở lớp một tại trường công, nhưng cha cậu vẫn cho rằng cậu nên chuyển tới một môi trường khác. Mùa thu năm đó, J.W. sắp xếp cho Billy vào lớp hai tại ngôi trường tư của Quaker có tên là Sidwell Friends. Danh tiếng của Sidwell tuyệt vời tới mức đó là ngôi trường được một vài tổng thống Mỹ chọn cho con theo học. Billy hòa đồng nên dễ kết bạn ở đó, nhưng những mối quan hệ này không sâu. “Tôi có bạn bè ở Sidwell, nhưng không có người bạn nào thực sự thân thiết cả,” Bill nhớ lại. Có lẽ cậu đã có nhiều bạn bè ở Sidwell hơn nếu các cậu bé khác hiểu truyền thống tôn giáo của cậu. Trong những năm sau đó, cậu nói đùa rằng ở Sidwell, số học sinh theo đạo Phật nhiều gấp đôi Thánh hữu Ngày sau; cậu nói đúng. Lịch sử 125 năm chính thức của Sidwell ghi chép chi tiết tôn giáo của học sinh Sidwell khi Billy vào học: “386 học sinh… bao gồm 69 Tân giáo, 54 Giáo hội Trưởng lão, 24 Giám lý, 23 Công giáo, 17 Do thái, 15 Giáo hữu, 14 Khoa học Cơ đốc, hai Đạo Phật và một Mặc Môn.”15 Khi Billy lớn hơn, J.W. gia tăng việc vặt cho con trai. “Những năm tuổi trẻ của tôi có phần cô độc,” Bill giải thích, ngay cả sau khi em trai chào đời. Mối quan hệ của Billy với cha trở nên phức tạp lúc cậu còn ít tuổi. Có rất nhiều quy tắc và kỳ vọng, nhưng không có nhiều thời gian cho yêu thương. “Cha mẹ tôi kiên quyết sử dụng phương pháp củ cà rốt và cây gậy. Cha tôi lo tôi sẽ chơi bời giống như con của các gia đình giàu có khác. Vì vậy tôi lúc nào cũng phải đạt được mục tiêu gì đó – điểm cao ở trường, việc vặt ở nhà... Sự nóng nảy và mưu cầu sự hoàn hảo ở cha đối với con trai được cân bằng bởi sự tốt bụng, sâu sắc, thấu hiểu, luôn luôn lắng nghe cũng như tìm cách giúp đỡ ở mẹ. Nếu không có tình yêu và sự hỗ trợ không ngừng của mẹ, tôi không biết sẽ ra sao nữa.”16 Hầu hết việc nhà của cậu đều ở ngoài trời – cào lá, rửa xe, cắt cỏ. Cậu thường xuyên đánh giày cho J.W., và thường phải đánh hai lần liên tiếp mới làm hài lòng cha. J.W. là người cầu toàn, và Billy phải chịu đựng điều đó – một mẫu xung đột cha và con trai đã tiếp diễn trong suốt cuộc đời trưởng thành của Bill trong kinh doanh. J.W. luôn tìm những cách tốt hơn khi con trai làm gì đó. Có lần ông bảo Billy nhặt lá rồi quan sát con trai mang từng bó lá tới giỏ. “Tại sao con không mang cái giỏ tới chỗ đống lá để khỏi phải đi lại?”, J.W. nói. Bill gọi đây là “bài học đầu tiên của tôi về hiệu quả mà tôi không bao giờ quên được”.17 Nếu xe bẩn vào sáng Chủ nhật, J.W. sẽ không đi nhà thờ cho đến khi xe được rửa sạch. “Chúng tôi hiếm khi tới nhà thờ đúng giờ,” Bill nói. Bỏ cuộc không có trong từ điển của nhà Marriott. “Cha tôi không bao giờ hài lòng. Mỗi ngày mang lại cho tôi một cơ hội để làm tốt hơn, và cha không bao giờ ngần ngại cho tôi biết điều đó. Mặt khác, mẹ tôi thì trầm lặng và hiếm khi chỉ trích. Bà không phải làm vậy, bởi tôi đã nhận quá đủ từ cha rồi.”18 Một cách vô thức, Billy tiếp nhận thêm nhiều bài học về sự hoàn hảo trong những lần theo chân cha đi kiểm tra các nhà hàng Hot Shoppe. J.W. yêu cầu sàn nhà phải được lau hai lượt bằng hai xô nước. Sau đó, ông phát minh ra loại xô hai ngăn. “Ông nhất quyết yêu cầu mọi người xịt rửa bãi đỗ xe hằng đêm. Ông làm ầm lên khi thấy bụi bám trên mành cửa chớp. Ông muốn đồ ăn nóng phải nóng bỏng lưỡi; đồ ăn nguội phải mát lạnh như băng.” Billy có lần chứng kiến một cuộc tranh cãi giữa J.W. và một quản lý của Hot Shoppe về lượng muối trên bánh hamburger. Người quản lý phải bỏ đi 10 chiếc bánh thì J.W. mới hài lòng. “Ông ấy lo lắng về vẻ ngoài của các cô phục vụ bàn – không được trang điểm đậm quá, không sơn móng tay, tóc tai gọn gàng, và thời đó, đường chỉ trên tất chân phải thẳng.” Phục vụ nam không được để ria dài quá khóe miệng.19 J.W. đòi hỏi cao ở nhân viên, nhưng bù lại tình thương của ông dành cho họ cũng rất bất ngờ. Khi Allie đưa cậu bé Billy tới gặp bác sĩ gia đình để khám tai, Billy ngạc nhiên thấy mẹ mình được ưu tiên hàng đầu cùng vài người da đen khác trong phòng đợi. Cậu phát hiện ra cha mình đã trả lương cho bác sĩ để ông này chăm sóc các công nhân – dạng bảo hiểm y tế cho nhân viên theo kiểu của riêng ông. Về sau, J.W. còn trả lương thêm cho một bác sĩ phẫu thuật nữa. Ngoài công việc và việc nhà, Billy ít khi gặp bố, cho dù J.W. cố gắng về nhà để ăn gần như tất cả các bữa tối. Có lần khi đi tàu rời Washington, ông viết cho gia đình một lá thư thể hiện hai mặt của J.W. Marriott: “Allie và các con trai thân yêu... Trong đời mình, chưa bao giờ anh cảm thấy buồn như vậy khi xa em và các con. Suýt thì anh đã xuống tàu ở [Silver Spring, MD]. Nhưng như lời em nói, khi nghĩ tới điều gì đó trong đầu, anh không thể dứt ra nổi. Ứớc gì anh khác đi, nhưng anh đoán là em sẽ phải chịu đựng những gì đã gắn bó với em dù xấu hay tốt. Thật khó để hiểu được con người và đặc biệt là JWM.”20 Gia đình Marriott năm 1939: Allie, Billy, J.W. và Dick. Dù J.W. rất hoạt bát, Allie lại ngày càng trở nên suy nhược do chứng viêm khớp, đến nỗi không thể tới dự đám tang cha dượng Reed Smoot vào tháng 2 năm 1941 ở thành phố Salt Lake. Tang lễ của ông cựu nghị sĩ và tông đồ đáng kính của Chúa tương đương với quốc tang. Trong số những lời ca tụng và câu chuyện kể về Smoot, có một chuyện mà đứa cháu Bill của ông rất thích. Chuyện đến từ các phiên điều trần mệt mỏi kéo dài ba năm của thượng viện hồi đầu những năm 1900, khi các nghị sĩ không chịu bổ nhiệm Smoot vì ông là thành viên của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus, vốn một thời ủng hộ đa thê. Bản thân Smoot rất nghiêm túc với chế độ một vợ một chồng, vì vậy Thượng nghị sĩ Boise Penrose của Pennsylvania đã đứng dậy bảo vệ ông. Nhìn một vài đồng nghiệp trong thượng viện vốn có tiếng lăng nhăng, ông tuyên bố một câu nổi tiếng: “Trong căn phòng này, tôi thà chấp nhận ngồi cạnh một người theo chủ nghĩa đa thê nhưng không đa thê, còn hơn là một người theo chủ nghĩa một vợ một chồng nhưng lại không hề một vợ một chồng!” Những ký ức đó về gia đình và các trải nghiệm khác đã dạy cho Billy từ khi còn bé rằng tôn giáo của cậu gây rất nhiều tranh cãi và thường bị hiểu nhầm. Nhưng nhà Marriott vẫn vững tin, và Billy lớn lên trong “vùng an toàn” của cộng đồng Thánh đồ Ngày sau đang ngày một phát triển ở Washington, D.C. 4 CHIẾN TRANH C ẬU BÉ BILLY MARRIOTT chín tuổi thức dậy vào buổi sáng Chủ nhật ngày 7 tháng 12 năm 1941, không quá hào hứng với việc đi lễ nhà thờ. Buổi họp mặt kéo dài lê thê, tâm trí của cậu cứ lang thang. Trong lúc Billy đang ngồi, vừa nghe vừa mơ màng, thì cách đó 8.000 km, người bạn của gia đình là thuyền trưởng Mervyn Bennion, chồng của Louise, bạn thân nhất của Allie, tỉnh dậy trong doanh trại trên chiến hạm U.S.S West Virginia tại Trân Châu Cảng. Anh định lên bờ dự lễ Thánh hữu Ngày sau ở Honolulu. Trong khi thuyền trưởng Bennion hoàn thành những việc thường lệ của sáng Chủ nhật thì Billy về nhà, ăn xong bữa trưa và xuống tầng hầm để chơi bộ đồ chơi tàu hỏa. Vào khoảng thời gian Billy bật công tắc vận hành, thuyền trưởng Bennion đang cạo râu. Lúc đó là 7 giờ 50 phút sáng theo giờ Hawaii, và viên thuyền trưởng thích cạo sát, đặc biệt là khi anh chuẩn bị tới nhà thờ. Dù hôm đó có vẻ là một ngày xả hơi nơi thiên đường, nhưng thuyền trưởng Bennion không hoàn toàn nghỉ ngơi. Khi con tàu ở trên biển, đã có một vài đụng độ đáng báo động với tàu ngầm của Nhật. Thuyền trưởng Bennion tin rằng các chiến hạm nên dành thêm thời gian đi lại chứ không nên bỏ neo trong Trân Châu Cảng, vì điều kiện nước nông và đậu gần nhau sẽ khiến tàu dễ bị tấn công. Cấp trên nghe được lời phản đối của anh, cùng một vài sĩ quan khác, nhưng không thay đổi mệnh lệnh. 13 giờ 25 phút ở D.C., đoàn tàu của Billy đang chạy nhanh. 7 giờ 55 phút giờ Hawaii, đợt đầu tiên gồm các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom Nhật xuất hiện từ phía đông đã tấn công nhóm tàu Battleship Row. Chiếc West Virginia bị trúng hai quả bom và bảy quả ngư lôi, xé hai lỗ toang hoác bên mạn trái. Thuyền trưởng Bennion lao ra khỏi căn cứ, hướng về phía cầu chỉ huy và bị mảnh bom cắt ngang bụng. Anh ngã xuống boong, một y sĩ chạy bổ tới, nhanh chóng băng bó cho anh trước khi viên thuyền trưởng ra lệnh cho anh này chăm sóc người khác. Trong 90 phút tiếp theo, Bennion nhận các báo cáo và đưa ra mệnh lệnh. Anh không chịu xuống dưới để chữa trị y tế, ngay cả khi đợt máy bay Nhật thứ hai bắt đầu thả bom và oanh tạc.1 Một giờ sau, gia đình và bạn bè của Bennion được báo tin về vụ tấn công Trân Châu Cảng. Lúc 2 giờ 30 phút chiều theo giờ bờ Đông, mọi đài phát thanh đều cắt ngang chương trình thường lệ để thông báo về tin tức này. J.W. quát Billy tắt bộ đồ chơi tàu hỏa dưới tầng hầm và chạy nhanh lên gác. “Chúng tôi lắng nghe suốt cả buổi chiều khi những bản tin đầu tiên về vụ người Nhật tấn công Trân Châu Cảng,” ông nhớ lại. “Tất cả đều rất lo lắng về người bạn thân thiết của gia đình là thuyền trưởng Mervyn Bennion trên chiến hạm West Virginia.”2 Nửa giờ sau khi đài phát thanh bắt đầu phát thông báo ở D.C., một ngọn lửa bốc lên trên chiến hạm West Virginia và vài thủy thủ buộc thuyền trưởng Bennion vào một chiếc thang rồi đưa anh lên cầu hoa tiêu. Không lâu sau, khói và lửa đe dọa vị trí đó, vì vậy Bennion ra lệnh cho họ hãy tự thoát thân. Ít phút sau, người y sĩ trước đó ở cùng viên thuyền trưởng nghe anh nói: “Tôi đi đây.” Anh trút hơi thở cuối cùng. Chiếc West Virginia chìm lúc 2 giờ 30 phút chiều – 8 giờ tối ở nhà Marriott – cùng xác của vị thuyền trưởng trên boong. Khi nhà Marriott nghe Bộ trưởng hải quân Frank Knox thông báo trên radio về người chỉ huy hải quân anh dũng, họ không biết ông đang nói về bạn mình. “Vị thuyền trưởng sắp chết của một chiếc chiến hạm đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng cá nhân xuất sắc trong ngày,” Bộ trưởng Knox nói. Louise Bennion được báo về cái chết của chồng sau đó vài ngày. Một đám đông nghẹt người, bao gồm Billy, cha mẹ cậu cùng các sĩ quan quân đội cao cấp tập trung làm lễ tưởng niệm tại nhà nguyện Washington của Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Jesus. Vị thuyền trưởng được truy tặng Huân chương Danh dự Quốc hội hạng Nhất, và hai năm sau, Louise đồng ý đặt tên chồng cho một chiếc tàu khu trục nhằm vinh danh anh. Bill không bao giờ quên bài phát biểu nổi tiếng của tổng thống trước Quốc hội. Mỗi lớp học ở trường Sidwell Friends đều có một chiếc radio, và từng học sinh đã nghe thấy lời mở đầu khủng khiếp của Roosevelt: “Hôm qua, ngày 7 tháng 12 năm 1941, một ngày ô nhục, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã bị tấn công một cách đột ngột và có dự mưu bởi lực lượng hải quân và không quân của Đế quốc Nhật Bản.” Trong suốt bài phát biểu bảy phút, các học sinh ngồi trong yên lặng; sau đó tất cả đứng dậy hát quốc ca. Giống như hầu hết mọi người ở hậu phương, cuộc sống hằng ngày của nhà Marriott bị chiến tranh làm đảo lộn. Họ trang bị tầng hầm làm hầm tránh bom, và Allie tình nguyện dành nhiều giờ làm việc cho hội Chữ thập đỏ, cũng như cung cấp bữa ăn cho những người lính mà cô gặp tại nhà thờ. Tại các nhà hàng Hot Shoppe, J.W. đối mặt với thực tế thiếu hụt nhân lực nam. Ông để em trai Woody phụ trách phòng nhân sự. Giải pháp của Woody là lái xe về North Carolina để tuyển dụng những cô gái trẻ đang háo hức được rời quê nhà miền núi tới làm việc ở thành thị. Anh tuyển được 150 người, sau khi giúp hai phần ba số đó điền vào giấy tờ, vì họ không biết đọc cũng chẳng biết viết. Khi chuẩn bị đưa họ lên xe trở về Washington, Woody nhận được một cuộc gọi từ J.W. lệnh cho anh hủy vụ tuyển dụng vì D.C. vừa ban hành quy định cấm sử dụng xe hơi riêng “để đi từ nhà tới những nơi giải trí, trong đó có nhà hàng” do tình trạng thiếu xăng dầu. Công việc kinh doanh sẽ phải chịu thiệt hại, và các nhà hàng Hot Shoppe không cần thêm bất cứ nhân sự nào mới nữa. Nhưng Woody không nghĩ sắc lệnh này tồn tại lâu, vì vậy anh phớt lờ lệnh của anh trai và quay về D.C. cùng một chuyến xe đầy ắp những công nhân đang háo hức. Như anh dự tính, D.C. đã bãi bỏ lệnh cấm ngắn ngủi đó. Các cô gái miền núi phải mất một thời gian để làm quen với cuộc sống đô thị và công việc nhà hàng. Hầu hết các cô đều hít thuốc lá bột hoặc nhai lá thuốc, và họ sử dụng những can cà chua rỗng loại lớn để làm ống nhổ và giấu biệt chúng đi mỗi khi J.W. xuất hiện.3 Việc thiếu xăng dầu đã thôi thúc Billy lần đầu đóng góp cho Hot Shoppe. “Nhờ đi học bằng xe bus và xe điện nên tôi là thành viên duy nhất trong nhà biết các tuyến đường.” J.W. tận dụng Billy để có những ý tưởng về cách khuyến khích các chuyến xe bus mang khách hàng đến với Hot Shoppe. “Đây là lần đầu tiên tôi được đề nghị góp sức cho công việc kinh doanh, vì vậy tôi rất hào hứng và tự hào. Tôi thực sự cảm thấy mình đã trưởng thành cùng công ty.”4 Do quá ốm yếu, Allie không thể đi nghỉ cùng gia đình vào mùa hè năm 1942, vì vậy Billy chọn một trại hè hai tháng tại Đảo Bò ở hồ Winnipesaukee, lập luận rằng cha mẹ có thể thích đến thăm nhà Sams và nhà Bushnell khi họ thả cậu ở đó hoặc đón cậu về. Nhưng trại Idlewild không ngập tràn niềm vui như cậu nghĩ. “Tôi chỉ mới 10 tuổi và chưa bao giờ xa nhà cả,” Bill nhớ lại. “Tôi nhớ nhà kinh khủng nhưng đã cố gắng chịu đựng cả hai tháng trời. Cha mẹ tới thăm tôi một lần, và khi họ ra về, tôi nghĩ mình chết mất.”5 Billy gầy tới mức cha mẹ cậu hy vọng cậu sẽ tăng thêm 4 kg khi ở trại. Ngược lại, lúc về nhà cậu gầy 4 kg, cộng với việc bị xuất huyết cả hai mắt và bị cúm trầm trọng. Nhưng cậu đã học bơi và giành được tất cả giải thưởng hàng đầu ở trại. Mùa thu năm 1942, Billy sợ phải vào lớp năm ở Sidwell đến mức cậu bày trò giả ốm. Cậu đã “nghe quá nhiều điều tồi tệ về một giáo viên tới mức vô cùng sợ hãi. Mọi người cho tôi ở nhà liền ba ngày đầu năm học mới vì tôi quá hoảng sợ.” Sau đó, mẹ cậu bình tĩnh giải thích cho cậu hiểu. “Billy này, con không thể ở nhà mãi được. Con phải đến trường.” Vì vậy, vào ngày thứ tư, cậu ngồi dậy và đến lớp. “Rốt cuộc thì thầy giáo cũng ổn,” Bill nhớ lại. Trong suốt năm sau đó, J.W. đóng cửa dịch vụ ăn tại xe của Hot Shoppe để giảm bớt lượng tiêu thụ xăng dầu. Rồi ông khéo léo thay đổi mọi thứ bằng cách chuyển Hot Shoppe vào một khu chợ công nghiệp “đông người ăn”, ký hợp đồng vận hành những quán ăn tự phục vụ ở nơi làm việc trong các công trường và tòa nhà chính phủ. Mùa hè năm 1943 bắt đầu một truyền thống kéo dài hàng thập kỷ của gia đình Marriott là đi nghỉ tại hồ Winnipesaukee, New Hampshire, trong ngôi nhà mà ban đầu họ thuê nhưng sau đó mua lại. Mùa hè sau đó, Billy phải chịu “vết thương lớn đầu tiên” khi đang chơi trò “King of the Hill” trên bè. Một cậu bé xô cậu ra nhưng Billy không chịu thua nên va vào cạnh bè, lãnh một vết sẹo mà cậu mang theo suốt đời. Lớp sáu ở Sidwell là một năm đáng nhớ đối với Billy bởi đây là học kỳ mà cậu tìm thấy người bạn đầu tiên không theo Thánh hữu Ngày sau, Gilbert “Gibby” Grosvenor. Khi lớn lên, Gibby nối nghiệp cha làm chủ tịch Hiệp hội Địa lý Quốc gia. Ông kể với một phóng viên rằng trong những ngày mới học ở Sidwell, cả ông lẫn Billy đều không ai thấy áp lực phải nối gót cha họ. “Cha tôi và cha Billy vẫn thường đùa rằng họ cố gắng không thúc ép chúng tôi nối nghiệp bởi như vậy chỉ phản tác dụng.” Dù cha mẹ cố tình không định hướng, Billy vẫn không bao giờ mơ ước trở thành nhà khoa học, nhà thám hiểm hay ngôi sao bóng chày, Gibby nhớ lại. Cậu muốn trở thành một doanh nhân thành đạt như bố.6 (Khi lớn lên, cả Bill và Gibby đều có nhiều năm làm việc trong ban quản trị doanh nghiệp nhà nhau.) Nhà Marriott có một hàng xóm mà cậu bé Billy rất thích. Anita Patton là em ruột duy nhất của tướng George S. Patton, người mà bà vô cùng yêu quý. Muốn ở gần anh mình khi ông nghỉ phép về thăm nhà giữa cuộc chiến tranh, bà chuyển tới ở bên kia đường, đối diện với nhà Marriott. Dưới tầng hầm nhà mình, cô Patton nuôi một bộ sưu tập chuột bạch trong lồng có cối xay guồng và các trang bị thú vị khác. “Tôi thường tới đó chơi với những chú chuột trắng nhỏ xíu,” Bill nhớ lại. “Cô ấy cho tôi hai con mang về, vì vậy tôi bỏ chúng trong lồng kính. Không hiểu bằng cách nào mà chúng thoát ra được, giao phối với chuột nhà, và chúng tôi có lũ chuột xám chạy loăng quăng khắp nhà.” Lệnh hạn chế do chiến tranh làm đảo lộn tất cả mọi thứ tiếp tục thử thách khả năng duy trì Hot Shoppe và kiếm lời của J.W. Việc bán bia vẫn luôn là một vấn đề bực bội đối với người không bia rượu như J.W., vì vậy khi định mức bia còn một phần năm do lệnh hạn chế, ông đã vui vẻ bỏ nó ra khỏi thực đơn. Đường, bơ và thịt bị hạn chế tới mức tối đa để gửi ra chiến trường. Hot Shoppe sáng tạo ra nhiều món thay thế không dùng thịt trong thực đơn, chẳng hạn như trứng rán phồng, mì ống macaroni và các loại rau. J.W. đã tạo được thành tựu đáng nể khi giữ được tất cả các nhà hàng Hot Shoppe mở cửa trong suốt chiến tranh. Để so sánh, khi mới bắt đầu chiến tranh, chuỗi Howard Johnson nổi tiếng sở hữu 200 nhà hàng nhượng quyền nhưng chỉ còn 12 nhà hàng hoạt động khi chiến tranh kết thúc. J.W. chẳng những phát triển được công việc kinh doanh nhờ dòng quán ăn tự phục vụ công nghiệp mới mẻ mà còn gia tăng danh tiếng cho các nhà hàng của mình. Billy Marriott đặc biệt mong chờ tuổi 12. Lúc đó cậu có thể trở thành trợ tế cho những người tu tại gia của Giáo hội. Bên cạnh đó, cậu có thể gia nhập đội quân hướng đạo sinh do Giáo hội tài trợ. Một tuần trước ngày sinh nhật đáng nhớ của Billy, J.W. và Allie đưa con trai tới thành phố New York. Nhà Marriott tới xem một vài buổi biểu diễn ở Broadway, nhưng chỉ có một điều duy nhất đọng lại trong đầu Billy – hội nam hướng đạo sinh rộng lớn và hội sở tại số 2 Park Avenue. Cậu cầm chắc tấm thẻ đăng ký hướng đạo sinh trong tay – tấm vé để nhận được bộ đồng phục hướng đạo sinh đầu tiên và những dụng cụ hướng đạo đáng thèm muốn khác. “Tôi cảm thấy ngỡ ngàng khi nhìn thấy tất cả chỗ dụng cụ cắm trại tuyệt vời đó. Tôi tiêu sạch tiền trợ cấp và xin bất cứ khoản nào mà cha mẹ cho phép để sắm đầy đủ nhất bộ dụng cụ hướng đạo sinh mà tôi có thể có,” Bill nhớ lại. Ngay khi về nhà, Billy thử sắp xếp đồ đạc vào chiếc ba lô dã ngoại mới. “Tôi sắp xếp gọn gàng mọi dụng cụ cùng số đồ ăn đóng hộp đủ cho một tuần vào ba lô và sẵn sàng cho trải nghiệm cắm trại qua đêm đầu đời. Khi nhấc chiếc ba lô to đùng để khoác lên lưng, tôi không tài nào nhấc nổi. Nó nặng tới mức tôi phải nhờ cha nhấc giúp lên bàn ăn rồi luồn tay vào quai để đưa nó lên lưng. Khi đã khoác được lên, suýt nữa chiếc ba lô đã kéo tôi ngã ngửa ra sau. Tôi không thể đi cả một chặng đường dài với đủ thứ đồ như vậy – thậm chí tôi còn không đi nổi đến cửa phòng! Lúc này, tôi mới nhận ra tôi còn phải học quá nhiều thứ về hướng đạo.” Nhờ gia nhập đội hướng đạo sinh trong suốt Thế chiến II, Billy đã tham gia vào một số dịch vụ cộng đồng liên quan tới chiến tranh, trong đó có việc phân phát thẻ thế chấp trái phiếu chiến tranh và phiếu tiết kiệm, quảng bá vườn chiến thắng, đứng chờ phục vụ trong các phòng cấp cứu y tế và thu gom nhôm, giấy vụn, đồ phế liệu. “Khi nhặt đủ lượng giấy yêu cầu, chúng tôi được tặng một loại huy chương quân đội với dây đeo đỏ pha trắng có chân dung tướng Eisenhower trên đó. Tôi tự hào đeo chiếc huy chương này trên đồng phục hướng đạo sinh của mình.” Trở thành một hướng đạo sinh Đại bàng đòi hỏi một người phải nhận được ít nhất 21 huy hiệu chiến công. Đặc biệt có hai loại khó kiếm nhất: Nghiên cứu chim và Cắm trại. Để có được huy hiệu Nghiên cứu chim, hướng đạo sinh buộc phải tự quan sát và mô tả 40 loài chim hoang dã. Billy giành được chiếc huy hiệu này nhờ kỳ nghỉ đông ở Florida đã đưa cậu đến với một trong những bang có nhiều chim nhất nước. Song chiến thắng vang dội nhất của cậu sau này là chiếc huy hiệu Cắm trại. Nó đòi hỏi ít nhất 50 đêm ngủ ngoài trời, với tối thiểu 10 đêm đeo ba lô hành quân. Suýt thì cậu bỏ cuộc. “Làm sao một cậu bé thành phố có thể ngủ ngoài trời 50 ngày đêm để vượt qua yêu cầu đặc biệt này khi không có trại hướng đạo nào ở quanh đây?” Cậu hoàn thành 10 đêm hành quân cùng đội hướng đạo sinh của mình, sau đó quyết tâm dựng lều ở sân sau cho những đêm còn lại. Chướng ngại vật cuối cùng là nhóm lửa bằng cách xát que củi vào nhau. “Tôi xoáy cái que nhưng nó chỉ ấm lên mà thôi. Vì vậy tôi xoáy càng lúc càng mạnh và nhanh hơn. Khói bắt đầu bốc lên, nhưng không thấy tia lửa nào cả. Khói nhiều thêm nữa. Tôi bắt đầu thở mạnh và nhanh trong quá trình làm việc. Tôi hít phải khói và nước mắt bắt đầu chảy ra. Tôi bắt đầu ho và nước mắt chảy ròng ròng. Tôi đang định bỏ cuộc thì, qua làn khói, tôi phát hiện thấy một tia lửa nhỏ nhen lên. Đó thực sự là thứ đẹp nhất tôi từng thấy!”7 Billy, 15 tuổi, là một Hướng đạo sinh Đại bàng vào năm 1947. Chưa tới 10% hướng đạo sinh đạt tới cấp Đại bàng, và tuổi trung bình của những người làm được điều này là 17. Luôn là người kiên quyết, Billy được trao tặng vinh dự này chỉ sau sinh nhật tuổi 15 vài tháng. • Mùa thu năm 1945, khi Billy vào lớp tám, nước Mỹ vẫn ở trong tình trạng thiếu thực phẩm thời kỳ hậu chiến. Do nhiều vật phẩm khan hiếm, tăng trưởng ban đầu của Hot Shoppe ngay sau chiến tranh vẫn chậm. Tuy nhiên, vào tháng 12, J.W. và em trai Paul ký được hợp đồng độc quyền cung cấp thực phẩm trên chuyến bay cho hãng hàng không Eastern Airlines tại Miami với Chủ tịch Eddie Rickenbacker. Đến Giáng sinh năm 1945, J.W. bắt đầu quan tâm tới các nền văn minh cổ đại ở Mexico. Ông dự định dành hai tuần cùng Billy và Allie đi thăm các di tích quan trọng của người Maya và Aztec ở Mexico và Guatemala. Kể từ chuyến truyền giáo cho Giáo hội cách đó 25 năm, J.W. chưa từng ghi nhật ký. Nhưng nhìn thấy tương lai xán lạn phía trước trong những năm tháng hậu chiến và hào hứng với chuyến đi, năm 1946, vào khoảng thời gian đi tham quan, ông bắt đầu ghi nhật ký trở lại. Cả gia đình đi thăm quan các di tích rồi xem trò jai alai và đấu bò. Trên đường về, họ dừng lại ở Miami cho kỳ nghỉ thường niên tháng 2 ở đó. Tại thời điểm này, Billy đã lỡ mất ba tuần đi học, vì vậy cậu đi máy bay về nhà trong khi cha mẹ lái xe. Chặng đường lái xe dài giúp họ có thời gian trò chuyện về chuyện J.W. tính nghỉ hưu. Vấn đề là không cậu em nào – Paul hay Woody – có thể tiếp quản công việc kinh doanh, vì vậy J.W. đành gác lại dự định đó. Khi họ về tới nhà, ông đối mặt với những khả năng mới khi hệ thống cấp bậc Giáo hội bổ nhiệm ông cho một trong những vị trí lãnh đạo của Washington D.C. Stake, nơi tập trung tất cả các giáo đoàn của thủ đô. J.W. sửng sốt, nhưng ông đồng ý phục vụ tình nguyện. Trong suốt năm lớp tám này, Billy đi cùng Gibby Grosvenor đến trung tâm kiểm tra để xác minh thế mạnh của mình cho lựa chọn sự nghiệp tương lai. Nhiều năm sau ông nhớ lại: “Bạn tôi giỏi sử dụng đôi tay và người ta bảo cậu ấy sẽ là một bác sĩ phẫu thuật xuất sắc. Họ nghiên cứu điểm kiểm tra của tôi một lúc lâu và bảo tôi có thể đọc tên hầu hết các loài trong sở thú. Có lẽ tôi nên làm kinh doanh, bởi họ chẳng tìm thấy tài năng đặc biệt nào ở tôi cả.” Thời gian đó, một tông đồ của Giáo hội và cũng là người bạn của gia đình ở thành phố Salt Lake làm một tấm phiếu chỉ mục với nội dung đầy tự hào: “Billy Marriott [là] em duy nhất trong lớp không hoặc chưa hề hút thuốc. Em có điểm số cao nhất lớp.”8 Tại thời điểm này, J.W. bắt đầu cân nhắc tới việc chuyển Billy tới một trường tư khó hơn, Trường nam sinh St. Albans của Tân giáo. “Cha mẹ quyết định giao tôi cho người Tân giáo sau khi các tín đồ Quaker đã làm hết sức mình,” về sau ông đùa như vậy. Trong một thời gian ngắn, J.W. tự ép mình phải ở bên con trai nhiều hơn. Ông đưa Billy tới trường bắn và đăng ký cho cậu học các bài trên lưng ngựa. Họ còn một hoạt động tuyệt vời nữa là cùng nhau đến xem các trận đấu mở rộng mùa bóng chày năm 1946 dành cho các nghị sĩ Washington vào tháng 4, khi tổng thống Truman đích thân ném cú bóng đầu tiên. Tình cảm cha-con họ thêm khăng khít khi vào ngày 20 tháng 5, J.W. nhờ Billy giúp ông chọn xe hơi mới cho gia đình – một chiếc Ford Super Deluxe Station Wagon đời ’46 màu xám. Đây là chiếc “Woodie” cao cấp của kỷ nguyên hậu chiến, được đặt tên như vậy bởi sườn xe, đuôi xe, nội thất và trần xe đều được ốp gỗ. Một lần, lúc cha cậu ra khỏi nhà để đi làm thì Billy đang ngồi trên ghế lái, cố gắng thao tác cần số. J.W. nhìn con trai thật lâu, sau đó ném chìa khóa xe cho cậu và nói: “Chở cha đi làm.” Billy chưa từng lái xe bao giờ. “Tôi suýt văng ra khỏi đường. Cha dạy tôi cách sử dụng bộ ly hợp, vào ga, nhấn phanh. Chiếc xe cứ nhảy chồm chồm,” Bill nhớ lại. “Văn phòng của cha ở phố Upshur, vì vậy tôi phải đi khắp thành phố cùng ông ấy.” J.W. đưa ra vài hướng dẫn, và ông rất kiên nhẫn. “Thằng bé không tỏ ra phấn khích hay lo lắng gì mấy. Tôi nghĩ nó thấy điều này khá vui.” Billy không nghĩ vậy, đặc biệt là khi J.W. bảo cậu đỗ xe trên đồi dốc. “Ông ấy muốn thấy tôi để xe trôi bao xa, hoặc xem tôi có làm chết máy khi cố gắng đưa xe lên dốc hay không. Lúc đến được văn phòng của cha thì người tôi mềm nhũn ra vì căng thẳng.” Mùa hè năm đó, J.W. cho rằng chàng trai Billy 14 tuổi đã sẵn sàng đảm nhận công việc đầu tiên tại Hot Shoppes. “Trong một tháng, tôi lọc riêng các hóa đơn hồng, vàng và xanh lá, sau đó ghim các hóa đơn cùng loại lại với nhau. Đó là tất cả những gì tôi biết về cách làm. Nhưng tôi kiếm được 2-3 đô-la một giờ, và tôi nhớ là mình có 40 đô-la tiền mặt khi làm xong.” Tới mùa hè năm sau, khi Billy học năm đầu tiên tại St. Albans, công việc kinh doanh tại Hot Shoppe thời hậu chiến bắt đầu phát triển trở lại, vì vậy J.W. không có nhiều thời gian cho gia đình. Billy tìm tới những người đàn ông khác để khỏa lấp, và thân thiết với Bill Werber, một cựu cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp về sau làm nghề bảo hiểm và vớ được khách sộp J.W. Sau khi giải nghệ và trở thành một thợ săn chim đầy khao khát, Werber đã đưa J.W. cùng Billy đi săn vài lần vào cuối tuần trong mùa thu năm 1946. Một vài câu chuyện ưa thích từ những chuyến đi đó đã được dùng làm chất liệu cho cuốn sách năm 1981 của Werber, Hunting Is for the Birds (tạm dịch: Săn bắn là dành cho chim). Trong một dịp đi săn chim cút, J.W. hạ được một con, nhưng súng của Billy bị hóc. J.W. và Werber thì cứ liên tục hét. “Trong khi đó, Billy cố gắng lấy vỏ đạn lỗi ra khỏi khẩu súng và lầm bầm chửi rủa như một tên cướp biển thua trận trên chiếc thuyền buồm đang chìm. Tôi nghĩ cha cậu ấy sẽ cười chết mất, nhưng ông ấy chỉ bình luận đúng một câu: ‘Tôi không nghĩ thằng bé lại biết hết những câu chửi ấy đâu.’ Sau đó Billy, với vẻ hết sức bực bội, ném khẩu súng tự động vào bụi kim ngân, nhưng rồi nhặt lại và cẩn thận lau sạch nó.” Werber dành nhiều thời gian gặp Billy để dạy cậu cách kiềm chế bản thân. Nhưng Werber thích tính Billy. Ông khẽ cười khi họ đi săn chim cút ở Front Royal, Virginia, vào một ngày nóng và Billy xin nếm thử “bia của bác Werber”. J.W. bực bội trả lời: “Con có uống được đâu,” và chỉ có thế. Billy là một trong những thợ săn quyết tâm nhất mà Werber từng săn chim cút cùng, và điều đó thể hiện rõ trong một câu chuyện khác mà Werber thích kể. Ông và nhà Marriott đang đi săn thì gặp mưa lớn. Họ dừng xe lại và chờ một giờ, hy vọng cơn mưa sẽ ngớt. Cuối cùng, Billy nhất quyết đòi ra ngoài và đi săn trong mưa. “Đi thôi bác Werber, đi thôi,” Billy khẩn khoản. “Thả chó ra thôi. Đây là ngày cuối cùng và cháu phải đi săn.” Werber đồng ý, dù ông nghĩ lũ chó sẽ không đánh hơi được gì. Kỳ diệu thay, lũ chó lập tức chạy tới một điểm trên đồng, và ba thợ săn bắn được vài con chim. Khi lũ chó rượt theo mấy con chim chạy trốn vào khu rừng gần đó, Billy xin được theo vào đám cây đang sũng nước. “Không được, Billy,” Werber trả lời. “Chỉ tốn thời gian thôi. Cây rậm rạp lắm, cháu không thể rút súng bắn trong đó được đâu.” Nhưng lũ chó vẫn lao về phía rừng thông. Ba người thợ săn dừng lại ngay sát hàng cây khi lũ chó chặn được hai bầy chim. Họ có những phát bắn hoàn hảo. “Chúng ta có thể thử ở một vài cánh đồng khác,” Werber đề xuất với J.W. “Bây giờ chúng ta ướt rồi. Có thể hong khô sau cũng được.” Werber nói rằng J.W. “suýt thì giết tôi. Ông ấy không thích kiểu tự hành xác này – và, nói thật, nếu đi với bất cứ ai chứ không phải chàng trai trẻ Marriott đầy nhiệt huyết, còn lâu tôi mới lội bì bõm trong cái thứ đó.”10 • Ảnh hưởng của người Tân giáo ở trường trung học St. Albans rất mạnh, nhưng điều đó không làm Billy nao núng bởi Chúa Jesus cũng là trung tâm của tín điều Thánh hữu Ngày sau. Dù Billy không gây ra bất cứ mối lo ngại nào với cha về khía cạnh đạo đức của mình, nhưng vào đầu năm 1947, J.W. vẫn cho rằng đã đến lúc cha con họ phải nói chuyện nghiêm túc với nhau. Hai người lên tàu cho chuyến đi sáu ngày tới hồ Winnipesauke và Montreal. Họ đặt khách sạn Colonial Arms ở gần hồ, sau đó lái xe tới hồ, nơi những người hỗ trợ đã nhóm một đống lửa để chào mừng. Billy lần đầu tiên được trượt băng. “Làm tốt nhưng mắt cá còn yếu,” cha cậu nhận xét. Vào tối thứ Bảy, J.W. lấy hết can đảm để nói với con trai về chuyện “trai gái”, mục đích chính của chuyến đi này. Từ đám bạn ở trường, Billy đã biết những điều cơ bản về tình dục. Suốt cả câu chuyện, không ai tỏ ra thoải mái, nhưng J.W. kiên quyết cho rằng con trai phải còn “tân” cho đến khi cưới. “Cha thà thấy con về nhà trong chiếc hòm gỗ thông còn hơn thấy con về nhà sau khi khiến một con bé nào đó có bầu,” người cha cảnh cáo. Billy với chiếc xe đầu tiên của mình ở St. Albans. Năm đầu tiên ở trường St. Albans., Billy tránh xa những cậu bé mà cậu gọi là BTO – Big Time Operator (hot boy) – và chắc chắn cậu không muốn trở thành người như vậy. Nhìn chung, J.W. hài lòng với sự tiến bộ và thái độ của Billy, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Chẳng hạn, vào khoảng thời gian này, J.W. ghi trong nhật ký rằng sau buổi đi nhà thờ về, ông đã “dùng roi da vụt mấy thằng nhóc vì tội không chịu đi ngủ”. Nhiều năm sau, Bill vẫn còn nhớ dây da dùng để mài dao cạo, nhưng cũng nói rằng cha chỉ dùng nó làm roi đó “có vài lần thôi”. J.W. tiếp tục dành thời gian đi săn với Billy và Bill Werber, thậm chí còn mua hai con chó săn lông xù giống Anh được nuôi dưỡng tốt của Werber, và đặt tên cho chúng là “Judy của Marriott” và “Tip của Marriott”. Đôi khi, Billy mang súng ra ngoài đi săn cùng cậu bạn Tyler Abell. Dù vậy, càng lúc cậu càng khó sắp xếp được thời gian khi Hot Shoppe tiếp tục phát triển và J.W. cảm thấy khó chịu với một nhân sự cao cấp của mình – cậu em trai Paul. Từng là một lãnh đạo uy tín, lôi cuốn, đầy ý tưởng, Paul trở nên thất thường, thể hiện hành vi đa nhân cách có thể là một dạng rối loạn lưỡng cực chưa được chẩn đoán ra, ngày càng trầm trọng thêm do nghiện rượu. J.W. cảm thấy lạc quan khi Paul lấy vợ và có con, nhưng tác dụng của việc làm cha không được bao lâu. Những tiểu tiết này trong gia đình không làm Billy lo lắng, nhưng cuối cùng cậu vẫn phải đối mặt với hậu quả của nó trong những năm về sau. Billy tìm thấy rất nhiều thứ để bận rộn. Khi tới thăm câu lạc bộ đại học ở trung tâm Washington, D.C., cậu bắt đầu đẩy tạ, và kết quả thật thảm khốc. “Tôi nhấc tạ qua đầu và cứ thế tiếp tục,” sau này Billy nhớ lại. “Thay vì thả quả tạ ra thì tôi lại giữ lấy nó, vì vậy nó giật khiến vai phải tôi trật khớp. Qua đó, tôi học được bài học rằng tôi nên buông tay ngay khi biết nguy hiểm đang cận kề, nhưng tôi lại không làm vậy.” Về sau, bất cứ hoạt động thể chất mạnh nào cũng đều khiến vai phải Bill dễ trật khớp. Tháng 3 năm 1948, vào sinh nhật thứ 16, Billy nhận được bằng lái xe. Đồng thời, tờ St. Albans News đưa tin cậu đứng thứ ba trong lớp về thành tích học tập, xét theo điểm giữa kỳ. Vào cuối năm thứ hai, cậu được tái bầu làm thủ quỹ lớp cho năm sau. Mùa hè năm đó, Billy làm việc trên chiếc xuồng máy của cha và lái nó trong các cuộc đua trên hồ Winnipesaukee. Sở thích tốc độ thời niên thiếu đó – mà cậu không bao giờ bỏ được – khiến mẹ cậu lo lắng. “Đó là chuyện khiến tôi bắt đầu có tóc bạc,” bà nhớ lại, đặc biệt là khi cậu “đua với những người lớn tuổi hơn tìm cách tạt sóng và nhấn chìm xuồng của nó.”11 Nhưng với Billy, cuộc đua mang lại cho cậu những khoảnh khắc thư giãn hiếm hoi. Về sau, Bill liên hệ trong một bài phát biểu tại một sự kiện hàng hải ở Florida rằng: “Tôi lớn lên ở gần bờ nước và 12 tuổi đã lái xuồng máy. Một chuyến chạy xuồng ngắn chừng 30 phút là việc giúp tôi giải khuây nhất. Đối với tôi, chẳng có gì thư giãn hơn việc đứng sau bánh lái của một chiếc xuồng mạnh mẽ.”12 5 NHỔ NEO V ÀO SINH NHẬT LẦN THỨ 17 của Billy, J.W. tự hào đưa con trai đi mua chiếc xe hơi đầu tiên của chàng thanh niên này. J.W. đủ tiền để làm hư con, nhưng thường thì ông không chọn điều đó. Ông yêu cầu Billy phải tuân thủ các nguyên tắc của ông và vui vẻ chấp nhận làm việc nhà. Ông kỳ vọng các con phải cố gắng hết sức ở trường và triệt để tuân theo những chuẩn mực nghiêm ngặt của Giáo hội đối với đạo đức và sức khỏe, bao gồm không quan hệ tình dục trước hôn nhân, không uống rượu hay hút thuốc. Billy đã làm theo hầu như mọi yêu cầu của cha, vì vậy cha đã thưởng cho anh một chiếc Ford 1949, với tất cả sự độc lập có được của một chàng thanh niên. Đến cuối năm thứ hai của Billy, J.W. mua một chiếc xuồng cao tốc động cơ gắn trong – chiếc Higgins dài 5m. J.W. rất thích lướt xuồng thật nhanh cùng con trai, và đôi khi ông còn mời bạn bè đi cùng, trong đó có gia đình George Romney, đến thăm họ vào mùa hè. Đến từ Detroit, Romney từng là người phát ngôn chính cho ngành công nghiệp ô tô trong suốt thời chiến tranh, còn sau này là ủy viên hàng đầu của công ty Nash-Kelvinator (sẽ sớm đổi thành American Motors). J.W. và Romney là giáo hữu và chơi thân với nhau. Romney đặt tên cho một đứa con trai của mình là Willard theo tên J.W., dù cậu bé được biết tới nhiều hơn bởi tên đệm, Mitt. Ở trường, ngoài việc cùng quản lý đội bóng chày, Billy gia nhập nhóm niên giám của The Albani với tư cách là nhân viên bán quảng cáo vào năm thứ ba. Cuốn niên giám cho biết rất nhiều quảng cáo xuất hiện trong số đó “đều nhờ vào sự ngoan cường và hiệu quả của cậu ấy.”1 Cha mẹ rất hài lòng với các hoạt động, thành tích học tập và hành vi của anh. Sau một buổi sinh hoạt Chủ nhật tại giáo hội, J.W. viết vào nhật ký: “Chúng tôi trao đổi khá nhiều với Billy về việc có nên cho nó đi dự tiệc sau buổi sinh hoạt hay không.” Đây là một vấn đề bởi Thánh hữu Ngày sau khuyến khích việc ngầm tuân thủ ngày Sabbath với rất ít hoạt động bên ngoài. “Chúng tôi để thằng bé tự quyết định, vậy là Billy đi và về nhà vào lúc 12 giờ, đúng như lời hẹn. Billy là một thanh niên nghiêm túc. Thằng bé trung thực tuyệt đối. Nó kể cho chúng tôi những việc nó làm khi ra ngoài, và chúng tôi không bao giờ phải lo lắng về việc nó về nhà có hơi men. Nó có những thói quen đạo đức tốt, và chúng tôi hết sức tự hào về con.”2 Những ngày tháng ở St. Albans đã định hình sự phát triển của Billy về mặt tôn giáo, dù anh có ít bạn bè cùng tín ngưỡng. Khi đã trưởng thành, Bill kể cho khán giả ở Giáo hội nghe về những năm ở trường phổ thông: “Tôi thường được gọi tới để bảo vệ tôn giáo của mình trước những đứa bạn cùng lớp đưa chuyện này ra trêu chọc. Tôi nghĩ về cụ Elizabeth Stewart và những hi sinh cụ dành cho tín điều. Khi bảo vệ giáo hội của mình, tôi một mực tin tưởng điều này là đúng đắn. Để tăng sức thuyết phục, tôi nghiên cứu và cố gắng học hỏi thêm về lời dạy và giáo lý của chúng tôi. Càng học hỏi và cầu nguyện, tôi càng tin rằng nhà thờ nơi tôi được sinh ra thực sự là Ngôi nhà của Chúa Jesus.”3 Sau khi tốt nghiệp, Billy là học sinh duy nhất của St. Albans nhắm tới Đại học Utah, nhưng tính cách độc lập đã tách anh ra khỏi hội huynh đệ Phi Delta Theta của cha; thay vào đó anh dự định sẽ tuyên thệ với Sigma Chi. Bất kể Billy đi đâu, J.W. vẫn hi vọng con trai sẽ tìm được một người vợ Thánh hữu Ngày sau, và ở Utah thì xác suất này cao hơn. Vì vậy, khi Billy đi cùng gia đình tới hồ Winnipesaukee để nghỉ mát vào mùa hè năm 1950, cả gia đình đều rất vui vẻ. Billy đã đưa ra quyết định về trường đại học, và quyết định đó khiến cha mẹ anh đều hài lòng. Điều không may là chỉ hai tuần sau khi kỳ nghỉ bắt đầu, chỉ 22 ngày sau khi Billy tốt nghiệp phổ thông trung học, cả thế giới đảo lộn. Chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào ngày 25 tháng 6. Nước Mỹ lại một lần nữa tham chiến, chỉ năm năm sau khi cuộc chiến trước đó kết thúc. Không giống như cha mình trong Thế chiến II, Billy ở đúng độ tuổi tòng quân. Mọi dự định trở thành vô định. Mùa thu 1950, Billy lái chiếc Ford xuyên qua đất nước để tới thành phố Salt Lake học đại học. Đối với mọi người, từ nay anh là “Bill”, chứ không phải “Billy” của thời niên thiếu, trừ khi ở cùng gia đình và bạn bè cũ. Chủ tịch cử tuyển của Sigma Chi mùa thu năm đó là Sterling Colton, con trai của đối tác kinh doanh đầu tiên và cũng là người bạn lâu năm của J.W., Hugh Colton. Cậu và Bill trở thành bạn thân suốt đời. Với bề dày 100 năm tuổi, trường đại học này vẫn đang vật lộn với tình trạng hỗn loạn và chuyển đổi hậu chiến với đỉnh điểm lên tới hơn 12.000 sinh viên, trường phải xoay xở với tình trạng không đủ chỗ ở và lớp học chật chội. Thay vì sống cùng hội huynh đệ, Bill chọn cuộc sống ký túc xá trong một bệnh viện quân đội cải tạo trên nền pháo đài Douglas bên cạnh khuôn viên trường. Dự định vào làm cho công ty của cha, Bill chọn chuyên ngành ngân hàng và tài chính. Ngay từ ngày đầu tiên nhập học, Bill nhận ra rằng so với St. Albans, đại học sẽ chỉ là cuộc dạo chơi trong công viên. “Ngay từ đầu, tôi đã nghĩ đây là chốn chơi bời,” anh nói, có nghĩa là anh có nhiều thời gian hơn cho việc giao thiệp. “Năm thứ nhất tôi học không giỏi lắm bởi tôi bắt đầu quan tâm đến bọn con gái.” (Đối với Bill, lầm lỗi đó chỉ gây ra vài điểm B trong hầu hết các điểm A.) Trong những ngày đó, trường mang một cảm giác về đại học cộng đồng; tối đến, hầu hết sinh viên đều về nhà với gia đình. Hội huynh đệ nở rộ bởi nó là trung tâm cho các hoạt động xã hội, một trong những lý do khiến Bill gia nhập Sigma Chi. Cậu tìm thấy người bạn thân thiết suốt đời trong hội huynh đệ – người anh em Bruce Haight đến từ Palo Alto, California. Vấn đề khó nhất mà Bruce và Bill phải vật lộn trong suốt những tháng đầu của năm thứ nhất là khao khát được phụng sự cho giáo hội trong khi chính quyền liên bang muốn họ đi lính phục vụ chiến tranh Triều Tiên. Bill ưu tiên kế hoạch phụng sự, hi vọng sẽ được đi vào mùa hè sau năm thứ nhất. Anh cũng lên lịch hẹn ở Washington vào khoảng thời gian Giáng sinh cho một buổi ban phước của trưởng lão: một lễ ban phước đặc biệt của giới giáo được tuyên bởi một trưởng lão phong chức, trao cho người đó định hướng về tương lai và thấu hiểu ý nguyện của Chúa. Vị trưởng lão đặt tay lên đầu đang cúi xuống của Bill và tuyên bố, cùng những điều khác, rằng một ngày nào đó cậu sẽ đi truyền giáo. Nhưng Giáo hội nhanh chóng nhận được cảnh báo từ tướng Lewis B. Hershey, Giám đốc Hệ thống Ban Tuyển quân, rằng thanh niên sẽ không được hoãn quân dịch vì mục đích truyền giáo, và những người đã đi truyền giáo vẫn có thể bị gọi nhập ngũ bất cứ lúc nào.4 Năm 1955, sau chiến tranh Triều Tiên, Quốc hội phê chuẩn nghị quyết cấp trạng thái mục sư phong chức cho người truyền giáo của Thánh hữu Ngày sau, cho phép họ được hoãn quân dịch để làm mục sư – nhưng với Bill thì đã quá muộn. Anh không bao giờ đi truyền giáo toàn thời gian cho Giáo hội khi còn là một thanh niên độc thân, dù sau này khi đã trưởng thành, anh phục vụ một loạt các vị trí trong Giáo hội liên quan đến truyền giáo. Dù cảm nhận sâu sắc được việc để mất cơ hội đi truyền giáo theo kiểu truyền thống, nhưng anh không bao giờ quá nuối tiếc. Sau này Bill nói: “Tôi làm tốt nhất có thể và tin tưởng vào Chúa rằng như vậy là đủ tốt rồi.”5 Không giống Thế chiến I, hành động can thiệp vào Triều Tiên khá xa lạ với hầu hết người Mỹ. Đối với thanh niên đang tuổi nhập ngũ, vụ xung đột này không hẳn là bảo vệ tổ quốc, và mục đích của nó không đủ thuyết phục để khiến nhiều người tình nguyện nhập ngũ. Bill Marriott cũng không phải là ngoại lệ. Anh tìm một kế hoạch rút lui để không bị đưa ra tiền tuyến. Lệnh hoãn quân dịch được áp dụng cho sinh viên có tối thiểu 12 giờ tín chỉ ở trường đại học chỉ được một thời gian, nhưng anh biết tốt hơn nên là gia nhập Quân đoàn Huấn luyện Sĩ quan Dự bị (ROTC), đảm bảo được tuyển làm sĩ quan. Anh thích vào hải quân, nhưng danh sách ROTC của lực lượng này đã gần đầy. Dù vậy, sau khi gây ấn tượng với các chỉ huy, anh được nhận vào ROTC của hải quân. Trong khi không phải nhập ngũ, điều này mang lại cho anh cơ hội phục vụ đất nước. Trong suốt năm thứ nhất của Bill, một sự kiện quan trọng khác xảy ra: Anh thấy thích làm việc trong lĩnh vực nhà hàng của cha. Thậm chí trước khi Bill dự định đi học ở Utah, J.W. đã nghĩ tới việc mở một nhà hàng Hot Shoppe ở thành phố Salt Lake. Một người bạn của J.W., trước đây cũng làm nghề chăn cừu, Stephen M. Covey, đã mở một trạm khách sạn-nhà hàng-cây