🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Biển Vàng Đảo Ngọc – Những Tác Phẩm Hay Về Biển Ebooks Nhóm Zalo BIỂN VÀNG ĐẢO NGỌC Những tác phẩm hay về biển HOÄI ÑOÀNG CHÆ ÑAÏO XUAÁT BAÛN Chuû tòch Hoäi ñoàng TS. NGUYEÃN THEÁ KYÛ Phoù Chuû tòch Hoäi ñoàng TS. NGUYEÃN DUY HUØNG Thaønh vieân TS. NGUYEÃN AN TIEÂM TS. KHUAÁT DUY KIM HAÛI NGUYEÃN VUÕ THANH HAÛO BIỂN VÀNG ĐẢO NGỌC Những tác phẩm hay về biển NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HÀ NỘI - 2012 NHÀ XUẤT BẢN KIM ĐỒNG Lời nhà xuất bản Bờ biển Việt Nam dài khoảng 3.400km, với hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ và hàng triệu kilômét vuông vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú. biển và đảo đã, đang và sẽ gắn liền với sự phát triển, đi lên của đất nước. Chăm lo nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển, đảo Việt Nam cho các em thiếu niên, nhi đồng từ tấm bé là việc làm vô cùng cần thiết để những chủ nhân tương lai của đất nước trở thành những công dân biết sống vì biển, luôn khát vọng “giàu từ biển, mạnh từ biển”, biến tiềm năng biển thành sức mạnh thực tế. Với mục đích trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp cùng Nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc, đặc biệt là với các em thiếu niên, nhi đồng cuốn sách Biển vàng đảo ngọc - Những tác phẩm hay về biển. 5 Cuốn sách bao gồm các tác phẩm tuyển chọn hoặc trích dẫn từ những tác phẩm hay, ngắn gọn của nhiều tác giả, mở ra cho bạn đọc nhỏ tuổi một thế giới kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ - đó là biển vàng, đảo ngọc của nước ta. Các tác phẩm với giọng văn hồn nhiên, tươi trẻ đọng lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó phai về biển, đảo, nơi có gió, trời, mây, nắng, sóng, nước, với tiếng ốc biển, với hang động huyền hoặc đầy ngọc trai óng ánh xà cừ... - một cuộc sống thanh bình, yên vui trên biển, đảo. Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc. Tháng 10 năm 2012 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT 6 Lời mở đầu Nước Việt của chúng ta có hơn 3.400km bờ biển, mở ra kì quan thắng cảnh, mênh mông luồng lạch cá tôm, thăm thẳm giếng dầu, hiên ngang và vững chãi những hải đảo chủ quyền... Sách này muốn kể hay, vẽ đẹp những chuyện kì vĩ, mênh mông, thăm thẳm, hiên ngang và vững chãi kia, từ ngày tạo hóa mới làm ra biển và đảo này; chuyện mặt trời “Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ quả trứng thiên nhiên đầy đặn” mỗi sáng tới đây, chuyện mỗi đêm, mặt trăng “... còn ướt nước nên chưa bay lên cao được. Ánh trăng lấp lánh làm cho những gợn sóng biển giống bộ vảy của một con cá lớn”. Giữa nhịp ngày đêm ấy là lịch sử với truyền thuyết về nỏ thần một lần nữa lên bờ, chuyện chàng An Tiêm ra đảo trồng dưa, chuyện nàng công chúa An Tư vì nước mà hy sinh… 7 Giữa nhịp ngày đêm ấy là cuộc sống biển đảo hôm nay với biết bao kì thú. Khi “Phì phò như bễ / Biển mệt thở rung / Còng giơ gọng bé / Định khiêng sóng lừng”, khi lại “Đá nằm cho sóng đấm lưng”... Một cô tiên cán bộ “Giọng cô hát ấm như tiếng sóng vào mùa cá, mỗi lần cất lên không cứ người, đến hoa thạch lan, tiêu tử lan trên đảo đều phải nghiêng cánh nghe”... Một chú bé lần đầu đi bộ trong lòng biển về kể lại “Soi kính nhìn xuống đáy, tôi như lạc giữa vùng hang động kỳ dị. Ghềnh đá kéo ra tận đây, chạy ngầm xuống biển, đây hình cóc nhảy, hình voi phục, kia là tượng những vị thần đáy biển, và kia nữa: mầm núi mới nhú lên giữa cát, bùn, rêu xanh và san hô lóng lánh...” Một anh bộ đội, mắt thần có thể nhìn thấy hòn đảo chìm trong biển từ những cánh chim giữa “lưng chừng giời”... Có thật nhiều chuyện trong Biển vàng đảo ngọc, chuyện nào cũng chỉ ngắn gọn như lời mời gọi các em ra với biển đảo ngoài kia. Hy vọng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật cùng Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ ra tiếp nhiều tập sách về biển, đảo để những lời mời như sóng nối nhau, mời rồi, mời nữa! Người tuyển chọn 8 Quả trứng thiên nhiên Nguyễn Tuân Tôi dậy từ canh tư. Còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán, thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như một tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú dần lên, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiễn ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở 9 biển Đông. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm biển sáng dần lên cái chất bạc nén… (Trích bút ký “Cô Tô”) 10 Hạ Long: Đá và Nước Nguyên Ngọc Sự kì lạ của Hạ Long là vô tận. Tạo hóa đã biết dùng đúng chất liệu hay nhất cho cuộc sáng tạo của mình: Nước. Chính Nước đã làm cho Đá sống dậy, làm cho Đá vốn bất động và vô tri bỗng trở nên linh hoạt, có thể động đến vô tận, và có tri giác, có tâm hồn. Nước tạo nên sự di chuyển. Và di chuyển theo mọi cách. Có thể để mặc cho con thuyền của ta mỏng như lá tre tự nó bập bềnh lên xuống theo con triều; có thể thả trôi theo chiều gió, theo các dòng chảy quanh co phức tạp giữa các đảo; cũng có thể thong thả khua khẽ mái chèo mà lướt đi, trượt nhẹ và êm trên sóng; 11 có thể nhanh tay hơn một chút để tạo ra một cảm giác xê dịch thanh thoát; có thể bơi nhanh hơn bằng thuyền buồm, nhanh hơn nữa bằng thuyền máy, cũng như bay trên các ngọn sóng lượn vun vút giữa các đảo trên canô cao tốc; có thể thả sức phóng nhanh hàng giờ, hàng buổi, hàng ngày khắp các trận đồ bát quái Đá trộn với Nước này; mà cũng có thể, như một người bộ hành tùy hứng, lúc đi lúc dừng, lúc nhanh lúc chậm, lúc tiến lúc lùi, thẳng tắp hay quanh co, lao ra những quãng trống hay len lỏi qua các khe hẹp giữa các đảo đá... Và thập loại chúng sinh Đá chen chúc khắp vịnh Hạ Long kia, già đi, trẻ lại, trang nghiêm hơn hay bỗng nhiên nhí nhảnh, tinh nghịch hơn, buồn hơn hay vui hơn,... Hóa thân không ngừng là tùy theo góc độ và tốc độ di chuyển của ta trên mặt nước quanh chúng hoặc độ xa gần và hướng ta tiến đến chúng hay rời xa chúng; còn tùy theo cả hướng ánh sáng rọi vào chúng, hoặc đột nhiên khiến 12 cho mái đầu một nhân vật Đá trẻ trung ta chừng đã quen lắm bỗng bạc xóa lên, và rõ ràng trước mắt ta là một bậc tiên ông không còn có tuổi. Ánh sáng hắt lên từ mặt nước lung linh chảy khiến những con người bằng đá vây quanh ta trên mặt vịnh càng lung linh, xao động, như đang đi lại, đang tụ lại cùng nhau, hay đang tỏa ra. Hoặc cũng rất có thể, khi đêm đã xuống, dưới ánh sao chi chít trên bầu trời và chi chít xao động dưới cả mặt nước bí ẩn nữa, sẽ có cuộc tụ họp của cái thế giới người bằng đá sống động đó, biết đâu! Để rồi, khi chân trời đằng đông vừa ửng tím nhạt, rồi từ từ chuyển sang hồng... thì tất cả bọn người đá ấy lại hối hả trở về vị trí của họ. Mà vẫn còn nóng hổi hơi thở cuộc sống đêm chưa muốn dứt. Hạ Long vậy đó, cho ta một bài học, sơ đẳng mà cao sâu: Trên thế gian này, chẳng có gì là vô tri cả. Cho đến cả Đá. Ở đây Tạo hóa đã chọn Đá làm một trong hai nguyên liệu chủ yếu và duy nhất của 13 Người để bày trên bản phác thảo của Sự sống. Chính là Người có ý tứ sâu xa đấy: Người chọn lấy cái vẫn được coi là trơ lì, vô tri nhất để thể hiện cái hồn ríu rít của sự sống. Thiên nhiên bao giờ cũng thông minh đến bất ngờ; nó tạo nên thế giới bằng những nghịch lí đến lạ lùng... 14 Miền quê cổ tích Nguyễn Vũ Tiềm Nhớ sao miền quê biển Hải Vân dựng trường thành Vai quàng khăn mây trắng Chân khỏa vào thẳm xanh. Tôm đội đèn lân tinh Ngàn sao bơi dưới nước Én nhả bạc xây nhà Trai kết tinh hồng ngọc. Có con cá biết bay Con chim bay biết lặn Thuyền bơi còn xòe cánh Làm ngọn gió mê say… Cá biết cứu thuyền trôi Sóng vây chìm tàu giặc 15 Cây san hô xòe hoa Mừng công con sóng biếc. Mừng vui dọc sơn hà Nối những miền cổ tích. 16 Vẽ màu của biển Nguyễn Thị Mai Chưa bao giờ ra biển Biết vẽ biển màu gì? Trước cả hộp bút chì Em băn khoăn chọn lựa. Nắng nhòm vào ô cửa Mách bảo: “Biển màu vàng” Ông mặt trời đi ngang Lại nhắc: “Biển màu đỏ”. Cây xạc xào hỏi gió Gió nói: “Biển không màu” Mây thong dong qua đầu Khoe rằng: “Biển rất trắng”. Cả gió, trời, mây, nắng Đều nói biển khác nhau 17 Vậy em biết làm sao Chọn đúng màu của biển. Chợt em nghĩ đến bố Lái tàu ngoài đảo xa Mỗi lần bố về nhà Mặc bộ xanh lính thủy. A! Làm sao phải nghĩ Biển đúng là màu xanh Em cầm bút rất nhanh Vẽ biển màu áo bố. 18 Biển của bé Nguyễn Đức Quang Nước với trời là bạn Cũng mặc áo màu xanh Mây trắng như trang sách Mở cả hai đọc cùng. Còn ven theo bờ cát Là một dải sân trường Sóng rủ nhau đi học Theo chân bé lon ton. 19 Rồng cuốn nước Tô Hoài Buổi chiều, An Tiêm trông ra biển giật mình. Trời hoàng hôn như ám khói, mỗi lúc một sẫm đặc, rồi những cơn gió đen cuồn cuộn nổi lên. Đứng trên mỏm đá, An Tiêm nghênh ốc tù và thổi gọi vào rừng từng hồi dài. Mỗi người đương mỗi việc quanh đấy. Nàng Hoa phơi mảnh vỏ sui. Mùa rét này, phải buộc thêm mấy cái chăn đắp. Mon và Gái lúi húi ngoài cửa suối, be bờ, đãi vàng làm vòng. Tết sắp đến. Tết này định ăn Tết to. Gấu em một mình đi hái lá ngót cho bữa ăn tối, đương lững thững về. Nghe tiếng tù và của An Tiêm, tất cả chạy lại. Trời đen thẫm đương lan xuống 20 mặt biển. Rồi từ thinh không mù mịt, thòng ra những lằn cột trắng nhởn như những chiếc ngà voi khổng lồ thả xuống. An Tiêm nói to: - Rồng cuốn nước! Rồng cuốn nước! Rồng về cuốn nước! Cây nước sắp đổ vào đây! Chạy đi! Chạy đi! Ngay sau nhà ở có cái hốc núi, cũng là nơi trú ẩn. An Tiêm đã định thế. Từ khi đến ở chỗ bờ biển này, mấy phen bão cạn, bão nước ập đến, lần nào cũng cầm cái chết trong tay, nhưng rồi qua khỏi cả, nhờ hốc núi ấy. An Tiêm đã sửa sang cái hang. Cái hang được phá cho rộng cửa, càng vào trong càng tun hút ngược lên. Bão nước, bão gió không thể kéo được cả quả núi. Nước dâng không thể lên được hang dốc ngược, cái sống chắc chắn ở trong này. (Trích tiểu thuyết “Đảo Hoang” - kể chuyện sự tích dưa hấu) 21 Huyền hoặc Trần Hoài Dương Trong một hang động rộng mênh mông, nhũ đá từ trên trần cao vòi vọi rủ xuống tầng tầng lớp lớp, mềm mại óng mượt như có nhung có tuyết, như lụa là gấm vóc… Tất cả sáng bừng lên, lóng lánh muôn hồng nghìn tía, màu sắc chuyển hóa kỳ ảo biến đổi không ngừng. Sỡ dĩ có chuyện lạ lùng đó là do trong lòng hang động cơ man là ngọc trai chất cao như núi. Những hạt ngọc óng ánh xà cừ, có hạt đỏ thắm, hạt xanh biếc, hạt vàng chanh, hạt màu ngọc lục bảo… Có hạt nhỏ như hạt ngô, hạt lạc, có hạt lớn như hòn bi, quả táo… Ánh sáng từ những hạt ngọc đó tỏa ra chói lòa cả hang động, hắt lên vách nhũ đá tạo ra những phản quang vô cùng huyền hoặc. (Trích từ truyện dài “Nàng công chúa biển”) 22 Phú Quốc Cao Xuân Sơn Đá nằm cho sóng đấm lưng Biển cười như phá làm rung cả chiều Mặt trời chầm chậm thả neo Trăng non như một con diều vút lên. Bé ngồi trên đảo bình yên Mà như say sóng con thuyền lắc lư Đất liền xa khuất tít mù Nghe mùi mực nướng thèm như ở nhà. Dăm ngày chơi đảo theo cha Loanh quanh người lạ thoắt là người quen... 23 Diều trên biển Vũ Duy Chu Như chạm vào ngọn sóng Chập chờn hải âu bay Xa hút tầm chớp trắng Ơ kìa, diều không dây! Bao nhiêu diều - hải âu Biển thả lên trời đó Xa xa buồm no gió Là cánh diều đang trôi. 24 Tiếng ốc biển Nguyễn Ngọc Quế Bỗng vang tiếng ốc tu… va Không gian xoay tít biển oà oà rung Sóng xô, sức gió trẻ trung Thuyền nghiêng cánh vát một vùng bao la. … Từ trong tiếng ốc bùng ra Con thu, con nụ, con chà vút qua Theo triều dù sứa loà xoà Con thờn bơn lấm bùn lua bãi bồi Con mực đi bước giật lùi Tôm cong mình nhảy lúc trời hừng đông. Le te lưới giã quây vòng Lưới xăm chắn sóng đón dòng moi lên 25 Thuyền câu đi sớm về đêm Bập bùng lửa đỏ bốn bên vạn chài Tu… va vang tiếng biển trời Chụm tay bé cũng hát lời tu… va. 26 Bến phân ly* Nguyễn Huy Tưởng Ngựa nàng đã ra đến bến. Ở đấy nàng đã thấy đức Thượng hoàng, đức Thiệu Bảo, Chiêu Văn Vương, Hưng Đạo Vương, cùng nhiều quan văn võ đứng chờ. Nàng vẫn thấy Thượng hoàng với nét mặt buồn *. Công chúa An Tư, còn có tên Thiên Tư, là con gái út của vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), em gái của Thượng hoàng Thánh Tông, cô ruột của vua Trần Nhân Tông. Mùa xuân năm 1285, trước sức tiến quân vũ bão và uy hiếp rất ngặt nghèo kinh đô Thăng Long của giặc Nguyên Mông do Thoát Hoan làm thống soái, Thượng hoàng Thánh Tôn và vua Nhân Tôn đứt ruột dâng công chúa An Tư cho Thoát Hoan, dùng mỹ nhân kế nhằm giảm bớt nhịp độ tiến quân của giặc, để ta có thời gian lui quân tránh mũi nhọn và củng cố lực lượng. Nhờ vậy, hai vua kịp thoát hiểm lánh về Tam Trĩ (thuộc Quảng Ninh). Sau đó quân Trần đã phản công và đại thắng quân Nguyên. Bà đã có công lớn đóng góp vào chiến thắng chung của cả dân tộc. Bến phân ly là trích đoạn trong tiểu thuyết lịch sử An Tư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, được sáng tác năm 1943. 27 rũ rượi, và con mắt bất nhẫn… Chiêu Văn Vương thì chạy lại ngay đón nàng theo cái tính niềm nở của vương, nhất là đối với An Tư. Xa xa là biển mênh mông, bấy giờ đang yên lặng, nhưng không biết sóng gió đến với bao giờ, có khi trong chốc lát. Ngoài bến, một chiếc thuyền rồng hoa lệ1 đậu bên hai chiếc chiến thuyền. An Tư chua chát nhìn trời biển, thuyền rồng. Đến đây là tuyệt vọng, là xa hết người thân và bắt đầu từ đây là biển thù và quân thù tàn ác. Lòng nàng bỗng chết đi trong giây phút. An Tư xuống ngựa. Trời trêu ngươi lại bày ra một cảnh thiên nhiên rực rỡ. Không trung xanh ngắt điểm những bóng mây bạc, biển cả rập rờn những gợn sóng nâu biêng biếc, óng ánh những vẩy vàng. Xa tít chân trời, mây nước họp nhau trong một đường biên tím. Ánh sáng vàng tươi tụ cả vào cái bến phân ly. Những màu sắc 1. Thuyền đưa An Tư đi hiến cho tướng giặc Thoát Hoan, để đổi lấy năm vạn binh lính bị giặc bắt vào năm Ất Dậu (1285). 28 của cờ quạt, phẩm phục, nổ trong bầu trời vui như hội. Gió mát thổi reo mừng, và sóng biển đánh vào bờ nhịp nhàng, như một điệp khúc. Người ta đã dắt con ngựa bạch của nàng xuống thuyền. Hoặc vì sợ, hay vì linh tính báo cho nó biết cuộc phiêu lưu của chủ, nó lồng lên không chịu xuống, bốn vó nhảy chồm chồm. Khi người ta cố ấn được nó xuống thuyền, nó vẫn hung hăng. Nghe tiếng hí bất lực của con vật tinh khôn, không ai không khỏi ngậm ngùi… Nàng khóc sướt mướt, rũ rượi, nước mắt nhiều như nước mắt Chức Nữ biệt Ngưu Lang. Thượng hoàng chép miệng than: - Khốn nạn, sớm hôm qua đến Thanh Hóa1 hăm hở được gặp anh, tưởng được cái gì, ai ngờ? Tội nghiệp cho em gái trẫm, có ai hay nó lại vô duyên đến thế! 1. Nơi vua tôi nhà Trần từ Thăng Long rút về trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai. 29 An Tư cúi đầu chào mọi người một lần nữa. - Công chúa đi nhé! Tiếng nói nhao nhao. Nàng bước xuống thuyền. Không còn hơi sức nữa, vừa vào đến cái lầu lịch sự của thuyền rồng, nàng đã tan ra trong nước mắt. Thị nữ xúm lại lay gọi nàng. Thuyền đã ra khỏi, nàng nhòm qua cửa sổ về phía bên thành, vẫn thấy hình dáng những người thân đứng đấy trông theo. Trong số ấy, đứng biệt ra một mỏm đá ăn dài ra biển nhất, là tráng sĩ thân yêu của nàng, Chiêu Thành Vương1, mà nàng không nhận rõ vẻ buồn, vì thuyền đã xa. Chàng im lặng, thanh kiếm bên mình, và chiếc bào đỏ, gió đánh bạt sang một phía. Nàng nhìn mãi, tưởng như rách mắt. Hình thân yêu dần dần chỉ còn là một dấu chấm con con rồi lẫn với hư không. (Trích tiểu thuyết “An Tư”) 1. Bấy giờ An Tư đã đính ước với Chiêu Thành Vương, nhưng vì việc nước nàng đành gác tình riêng và hi sinh thân mình. 30 Chiếc nỏ thần Viết Linh Mỗi lần đi qua phòng chị Hà, Tấn cũng đứng lại ngắm ảnh chị đeo huy chương vàng về môn bắn cung. Hè này, Tấn theo chị ra biển nghỉ mát. Sớm nay, trời đẹp làm sao! Ông mặt trời đỏ ối từ dưới biển mọc lên. Sóng rì rào hòa cùng tiếng hát phi lao. Bỗng có tiếng kêu: - Cứu tôi với! Thì ra một chú rùa mắc cạn đang ra sức múa chân. Tấn khẽ nhắc lên, thả xuống biển. Đang định quay về thì giữa mặt nước hiện lên một hoàng tử tuấn tú: 31 - Ta là hoàng tử, con thần Kim Quy đi chơi chẳng may gặp nạn, may được cứu thoát, ta sẽ đền ơn một điều ước, để làm việc nghĩa. - Ước gì có nỏ thần! Vừa dứt lời, Tấn đã thấy nỏ thần hiện ra. Đúng lúc trên trời xuất hiện một đàn chim. Tấn vội giương nỏ. Ào một cái, chim rơi xuống như mưa, đếm vừa đúng trăm con. Nỏ thần có khác. “Trăm phát trăm trúng” mà! Về đến nhà, cất nỏ đi, Tấn mới chợt nhớ ra: trong các cuộc thi, nó chỉ được bắn phát một. Hay ta xin thần Kim Quy đổi loại nỏ này, chắc thần sẽ bảo: “Thế thì việc gì phải dùng đến nỏ thần?” Sáng nay, đến giờ Sử, cô Lan giảng: - Cuối cùng nhà Thục mất, các em có biết ai lấy nỏ thần của An Dương Vương không? Cả lớp yên lặng. 32 Bỗng có ai nói: - Cậu nào lấy thì nhận đi, đừng để lớp mang tiếng. Tấn đứng dậy đỏ mặt nói: - Thưa cô là con thần Kim Quy cho em ạ! Cô giáo gật gù: - Em hãy mang đến đây nộp thầy hiệu trưởng. Thế là cả lớp kéo về nhà Tấn. Rất tiếc tìm mãi chẳng thấy gì! 33 Ngọn đèn biển Nguyễn Văn Dinh Cửa Nhật Lệ đêm đêm Sáng ngời ngọn đèn biển Đèn soi nước triều lên Gọi con thuyền về bến. Đêm mưa sao lẩn trốn Đèn vẫn sáng lưng trời Như mắt ai chờ đợi Nhấp nháy hoài không thôi. 34 Bé nhìn biển Trần Mạnh Hảo Nghỉ hè với bố Bé ra biển chơi Tưởng rằng biển nhỏ Mà to như trời. Như con sông lớn Chỉ có một bờ Bãi giằng với sóng Chơi trò kéo co. Phì phò như bễ Biển mệt thở rung Còng giơ gọng bé Định khiêng sóng lừng. Nghìn con sóng khoẻ Lon ta lon ton Biển to lớn thế Vẫn là trẻ con. 35 Ra đảo Hòn Dấu1 Lê Phương Liên Tàu đã cập bến Hòn Dấu. Kia là lối đi vào rừng nguyên sinh với những cây si cổ thụ to lớn chưa từng trông thấy bao giờ. Nơi đây còn nguyên ba tầng thực vật. Những rễ cây to lớn bằng bắp chân đâm ra tua tủa bám vào đất bên những cây thân thảo, thân bò, thân leo vươn lên chằng chịt. Dưới mái nhà cây rợp mát là thảm cỏ đầy lá khô vàng rơi. Giữa những bãi cỏ xanh là những khóm hoa cúc dại nở trắng. Đi một quãng nữa là bậc thang đi lên ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ những năm 1892-1896, nó đã 1. Đảo Hòn Dấu ở thị xã Đồ Sơn, Hải Phòng. 36 từng bị bom Mỹ phá hoại và rồi đã được xây dựng lại. Chàng họa sĩ nói: - Đèn biển này chiếu xa được 40km đấy. Nó được gọi là “con mắt ngọc”. Bà giáo mỉm cười trìu mến nhìn cậu họa sĩ rồi nói với tất cả: - Trước khi lên thăm đèn biển, ta đến đền thờ Nam Hải thần vương trước các em ạ. Đó là đền thờ một vị tướng nhà Trần. Theo truyền thuyết, sau trận thủy chiến đánh tan quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, người dân thấy một tử thi cụt đầu trôi vào đảo. Nhìn quần áo của Ngài biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con liền đắp mộ, rồi lập đền thờ. Tương truyền Nam Hải dị nhân rất linh thiêng, nếu ai lấy đi một cái gì đó trên đảo, dù chỉ là một cái lá cây, sẽ bị Ngài phạt, phải đem trả mới yên. Chính vì thế hàng trăm năm nay, đảo Hòn Dấu vẫn giữ được vẻ nguyên sơ... 37 Bà giáo ngừng lời và bỗng đứng ngẩn ngơ, cây si cổ thụ và bóng dáng ngôi đền cổ ẩn hiện chập chờn trong mắt bà… Lúc ấy cô bé nhà báo cúi xuồng bãi biển, thò tay xuồng dưới làn nước xanh cầm lên một vật gì. - Cô ơi cái này có phải là san hô non không? Bà giáo cầm lấy vật đó và ngắm nghía: - Có lẽ… phải em ạ, san hô non mềm mại làm sao. Bỗng nhiên, vật cầm trên tay bà phát sáng, ngay lúc ấy bà cảm thấy có cánh chim hải âu bay qua và bóng anh chiến sĩ hải quân bỗng hiện lên lung linh trên mặt nước xanh. Bà giáo nghẹn lời gọi thì thầm, khan giọng lại: - Các em ơi, chuyện cổ tích là có thật. Anh ấy đã trở về đây, dù sau hơn bốn mươi lăm năm, cô mới trở lại nơi này. Cả bốn thiếu niên chuyền tay nhau cành san hô non, mùi biển đậm đà 38 trong gió, trên tay. Các em không nhìn thấy gì, chỉ thấy trời và biển dạt dào. Nhưng các em tin lời cô giáo vừa nói, chắc chỉ có mình cô đã nhìn thấy anh chiến sĩ hải quân. (Trích truyện ngắn “Chim hải âu ở đảo Hòn Dấu”, nhân vật cô giáo đưa các học trò đến đảo Hòn Dấu, nơi một người thân yêu của bà đã hi sinh nay trở về trong một hồi nhớ mang tính huyền thoại) 39 Hòn đảo kỳ lạ Trần Đăng Khoa Cậu lính trẻ vỗ vai tôi, nói nhỏ: - Tới đảo rồi. Anh chuẩn bị vào đảo nhé! Tôi cuộn vội võng bạt. Rồi thì ớ ra, cứ ngỡ mình nghe nhầm. Nhưng con tàu đã quá quen sóng gió, luồng lạch biển cả này thì không thể nhầm được. Nó đang òng ọc buông neo. Sau lưng tôi, trên mặt boong ướt nhoẹt, ngổn ngang những xích sắt, thừng chão, mấy cậu lính trẻ đang nhí nhóp bơm cái xuồng cao su. Tôi đưa mắt lục lọi bốn phía trời, vẫn chẳng thấy gì hết ngoài một đại dương nước đen ngầu, chảy vật vã dưới vòm mây hoang vu, khô héo. Đảo đâu? 40 - Kia kìa. Nó đấy! Chính cu cậu đấy! Cậu lính nói khào khào, rồi vung tay, chỉ lên... lưng chừng giời. ở đó, một đàn chim bay loạn xạ. Những con chim đen kít, trông như những nắm giẻ rách mà một gã tàng hình quái quỷ nào đó, cứ nhắm tịt mắt, rồi ném loạn xạ lên thinh không. Dưới bầy chim, biển đen sẫm ánh lên một dải nước xanh ệch như màu lá mạ. Trên quầng xanh rờn rợn ấy, xập xoè một lều bạt. Cái lều hoang sơ, ngơ ngẩn như lều vịt mà ông chủ đãng trí nào đó đã bỏ quên trên cánh đồng đang cày vỡ. Mái lều trũng xuống vì phân chim. Những vệt phân lâu ngày trắng xoá. Những vệt phân tươi nâu sậm, lác đác có cả những vệt đỏ nhờ, trang điểm cho mái lều một vẻ đẹp sặc sỡ đến quái đản. Đảo đấy! Nó là cái dải nước xanh phơn phớt nằm dưới chân lều bạt. Thế mà trong sách báo, cả sách khoa học, sách địa lý dành cho giới học đường, người ta lại định nghĩa: Đảo là một khoảng đất nhô lên giữa biển khơi, bốn xung quanh là sóng gió, mây nước. 41 Bịa! Toàn là bịa! Làm gì có chuyện hoang đường như thế, hả các nhà khoa học? Xin các ngài hãy nhìn một sự thật đang lồng lộng hiện ra ở phía trước mặt kia kìa! Cứ tưởng các vị lúc nào cũng chính xác, cũng tỉnh queo như sáo tắm. Ai dè các bố cũng mơ mộng, cũng nói rặt những chuyện tưởng tượng. Đã thế lại còn đàn sáo văn thơ... (Trích tập truyện “Đảo chìm”) 42 Con mắt cánh buồm Trần Nhật Thu Bãi ngang chiều nào cũng chật người. Mùi cá, mùi rong rêu cứ tạt ngang qua mùi gió biển mằn mặn. Bố không cho Nhi xuống bãi. Trẻ con chạy đuổi nhau làm vướng chân người lớn. Có hàng chục thuyền về bến thế mà bao giờ Nhi cũng nhận ra thuyền của bố trước. Thuyền của bố có cánh buồm mang một miếng vá. Những năm chiến tranh, bố và các bác ở lại bám biển. Bố kể: máy bay Mỹ vây lấy thuyền bố từ ngoài khơi, chúng nó xả hàng loạt đạn xuống biển. Thuyền của bố bị thương và trận ấy trở về cánh buồm bị rách mất một miếng rất lớn. Các cô chú dân quân ngồi vá lại cánh buồm 43 trắng và chỗ rách ấy được thay bằng một miếng vải xanh đậm đặc màu nước biển. Bố nói: đây là kỉ niệm những năm chiến tranh bám biển của làng cát. Còn Nhi, Nhi nghĩ đấy là con mắt của cánh buồm. Con mắt đó dẫn thuyền của bố mỗi chiều về trên bãi. 44 Biển Đặng Hấn Như chiếc chảo rất lớn Ông trời định nấu canh Lỡ tay bỏ nhiều muối Nên thôi, lại để dành! Uống bao nước vào lòng Biển vẫn gào vẫn thét Ăn mặn quá phải không? Nước nào cho đã khát. Biển reo vui ào ạt Khi bãi có chúng em Biển xô vai người lớn Hắt sóng vào trẻ con. Chiều, biển trở nên buồn Khi chúng em rời bãi 45 Nước dâng tận bờ dương Muốn cùng lên xe đấy! Biển ơi, chờ chút nhé Hình như còn chỗ ngồi Nhưng... biển to lớn thế Ta đành tạm biệt thôi! Bác tài xế nhìn biển Nhấn vang một hồi còi... 46 Sóng Đỗ Xuân Thanh Con sóng trước vừa ngã Con sóng sau lại quỳ Sóng không hề biết mỏi Lặn ngụp và bơi thi. Con sóng nào đến trước Lặn trở về biển sâu Sóng nổi lên lớp lớp Vai kề vai bên nhau. Tuổi sóng đã bao nhiêu Bạc đầu còn đi mãi Khi ngả lên cát vàng Tóc xòa tung trắng bãi 47 Xóm Trường Lệ Khái Hưng Những tiếng “dô ta” làm cho Hiền tỉnh mộng, quay nhìn về phía xóm Trường Lệ. Một đám dân chài đương xúm nhau khiêng một chiếc thuyền lên bãi cao. Nàng đi lại gần, tò mò đứng xem. Sáu người từ 17-18 tuổi tới ngoài 30 lực lưỡng, mập mạp, da sẫm đen và bóng như màu gỗ lim trên nước cùng gò sức cố nhấc bổng cái thuyền mành lên bằng ba cái đòn tre già và những dây thừng to. Mỗi lần họ kêu “dô ta” sau câu hát ngắn hai, ba chữ của một người trong bọn thì những bắp thịt tròn ở tay, ở ngực, ở lưng họ lại nổi lên một cách rõ rệt, trông như những quả lựu rám nắng vậy. 48 Luôn bốn, năm lần họ dùng sức, chiếc thuyền vẫn không nhúc nhích. Thỉnh thoảng, một đợt sóng ở ngoài khơi chạy tới xô mạnh vào thân thuyền làm tung tóe nước mặn lên mặt họ khiến họ buông tay ra đứng cười, cái cười mộc mạc, vô nghĩa. - Các bác yếu lắm nhỉ? Nghe lời chê bai của Hiền, có người vui vẻ đáp: - Vậy nhờ cô một tay. Một người khác bảo: - Trông cô ấy sức lực đấy chứ. Hiền tay cầm đòn, tay cuốn dây thừng. Ai nấy tưởng nàng khiêng giúp thật, toan cũng ghé vai vài đòn thì nàng đã vội buông ra cười ngất: - Nói đùa đấy thôi, chứ tôi yếu lắm! Mọi người đương hì hục đào và san thoai thoải cát ở phía trên để kéo thuyền lên thì bỗng có tiếng kêu vui mừng: - May quá! Vọi kia rồi! Vọi mà giúp thì đến hai cái thuyền cũng xong chứ đừng nói một. 49 Quả thật, một người vạm vỡ từ trong xóm đi ra. - Hộ một tay, anh Vọi ơi! Vọi yên lặng cởi áo, xắn quần. Hiền kinh ngạc. Nàng thấy hiện ra một nhà lực sĩ cường tráng, mỹ lệ như một pho tượng cổ Hy Lạp. Nàng không lưu ý đến màu da rám nắng mà chỉ ngắm nghía những nét nhịp nhàng cân đối của một tấm thân thể hoàn thiện. Vọi lại có khuôn mặt đều đặn, cặp mắt hơi xếch và sáng, cái cằm vuông và lồi khiến chàng nổi hẳn trong bọn dân chài nặng nề, kém thông minh. Có lẽ sự xét đoán của Hiền cũng bị trí tưởng tượng làm sai đi vài phần. Nhưng một điều chắc chắn là Vọi đẹp, đẹp theo nhà hội họa, nhà điêu khắc, nhà thể thao... Một hôm, Hiền hỏi chàng về hình dáng các loài cá biển. Không có đủ từ ngữ để diễn tả bằng lời nói cho Hiền hiểu được, Vọi dùng ngón tay vẽ xuống cát rất mau và giống hệt loài cá nọ đến cá kia... Cá thủ thế này... Cá đuối thế này... Cá chim thế 50 này... Cá thu thế này... Cứ như vậy, chàng kéo hơn một giờ, cố moi óc tìm ra nhiều loại cá lạ để được vẽ mãi. Hiền tấm tắc khen chàng khéo tay. Có khi nàng gợi ra để nhắc Vọi hoặc bảo chàng vẽ cho xem một giống cá mà chàng đã hai lần vạch hình lên cát rồi. Lần thứ ba, thấy Vọi vẽ hệt như hai lần trước không thiếu một nét, không sai một cái vẩy… (Trích tiểu thuyết “Trống mái”) 51 Chú bé đi dưới đáy nước Nguyễn Thị Cẩm Thạnh Thoạt đầu, chân tay tôi còn chới với như con chẫu chàng giữa lưng chừng tầng nước. Soi kính nhìn xuống đáy, tôi như lạc giữa vùng hang động kỳ dị. Ghềnh đá kéo ra tận đây, chạy ngầm xuống biển, đây hình cóc nhảy, hình voi phục, kia là tượng những vị thần đáy biển, và kia nữa: mầm núi mới nhú lên giữa cát, bùn, rêu xanh và san hô lóng lánh… Ánh trời chiếu xuyên qua sóng gợn, nhuộm xuống đáy nước một quầng tía, biếc, bảy sắc cầu vồng. Noi theo từng bước chân khẽ khàng của bố, tôi đưa tay xê dịch một rẻo đá 52 ngầm nhỏ bằng chiếc nồi úp. Hai con bào ngư hình trái xoan, bằng miệng thìa canh dán mình xuống cát. Lúc những ngón tay tôi chụm lên trên lưng con này, con kia vội vàng chạy cuống. Bốn chân và đầu nó ló ra màu hồng trong suốt. Đây là hai con bào ngư đầu tiên tự tay tôi bắt được. Tôi sẽ giữ mãi hai chiếc vỏ của nó với màu sắc lóng lánh xà cừ, hồng, tía, biếc, rực rỡ không phai. Một con cá song khắp mình như khoác một tấm lụa mỏng màu nâu nhạt, có điểm hoa tròn màu sẫm, nom thấy tôi, giật mình quẫy đuôi chốn sau rẻo đá. Một con cá nhám dài bằng nửa sải tay ngỡ tôi là con mồi lạ, bơi như lao đến gần tôi rồi chờn vờn dừng lại nghe ngóng, hai con mắt lừ đừ, cái mang phì phò hắt ra một tràng bong bóng nước. (Trích tiểu thuyết “San hô đỏ”) 53 Cát ngọt Trần Quốc Toàn Sau tràng cười ấy, quan hệ thân mật khác thường. Cô đoàn trưởng chính thức thuê nó dẫn đường đi săn lùng những đồi cát khác ngoài Đồi Hồng ai cũng đã biết. Trúng mánh rồi. Cát là bạn nó. Nó thuộc cát như thuộc bài hồi còn học trong trường. Vừa đưa dù che nắng cho cô trưởng đoàn, Nép vừa thủ thỉ: - Các cô phải đến đồi cát vàng Tuy Phong hay đồi cát trắng Trinh Nữ. Lạ lắm cô ơi, chúng con gặp từng ngày mà nhìn vẫn không quen mặt. Gió thổi cát bay, những khu đồi ấy mỗi ngày mỗi khác. 54 Vẫn Trinh Nữ vậy thôi, mà hôm ốm, hôm mập. Có ngày cát đổ mất eo. - Sao con rành về cát vậy? - Thì con sinh trong cát mờ! Cô biết không, khi còn ướt, cát vàng mịn như đường chảy, gió đẩy cát lên động để hong nắng. Được phơi khô, cát có màu trắng như đường cát. Cô nhìn đồi Trinh Nữ kia! Ngọt dáng không! - Cát mà ngọt à? - Thiệt mờ! Ấm nữa. Có hôm ra biển sớm quá, mặt trời chưa lên, lạnh không chịu được, má con khoét một cái nôi cát, hai mẹ con nằm chờ sáng. Con nằm vậy quen rồi. Cát che gió, như manh áo ấm. Cô biết tại sao vùng này gọi là Mũi Né không? - Tại sao? - Tại vì khi biển động tàu bè nép vào mũi đất này né bão. Những ngày né bão, không có cá mà lựa. Biển êm thì dù nắng hay mưa, má con cũng phải ra bến lựa cá. 55 Ngày bể bầu sanh con, má vẫn ngoài bến. Con là đứa má đẻ rơi trên cát cô ơi. (Trích từ truyện “Trời xanh cúi xuống” trong tập “Học trong bụng mẹ”, Nxb. Kim Đồng, 2010) 56 Biển lạ Phan Thị Thanh Nhàn Gặp biển trong sách đọc Lại gần trong mắt nhìn Đã thức cùng tiếng sóng Giục giã bờ không yên. Mà hôm nay biển lạ Giấu bao nhiêu bất ngờ Biển gió vì cá gúng Biển êm vì cá thu. Lưới rê rồi mành rút Đèn dắt và lưới quây Bắt bao nhiêu tấn cá Biển vẫn mênh mông đầy. Ai người không cảm động Trước tình biển bao la 57 Những vũng sâu bãi cạn Gió táp rồi mưa sa. Biển ơi con sóng thức Đã bao mùa bão giông Để hôm nay kéo lưới Khoang tàu nghiêng - cá đằm! Cá mòi màu đỏ đậm Cá trích - làn sóng thơm Cá kiếm ngời trong nắng Cá chuồn bay như tên. Biển gìn giữ ngàn năm Cái mặn mòi vị cá Biển bao giờ cũng lạ Cho hoài mà không vơi... 58 Kể em nghe chuyện cá Nguyễn Duy Quế Mặc cho sóng dạt Là cậu cá Trôi Mặt trắng như vôi Là cô Bạc Má Trả lời ấm ớ Là cá Lưỡi Trâu Chỉ dẫn vài câu Là anh cá Trích Học hành chẳng thích Là tụi cá Chuồn Chặt phá cây vườn Là con cá Rựa Trình bày nham nhở Là cậu cá Bôi Chẳng chịu vâng lời 59 Là thằng cá Ngạnh Có chương có đoạn Là bác cá Hồi Mặn như cá Mòi Sắc như cá Kiếm Đi tìm từ điển Là chú ca Tra Tìm dòng sông xa Là trăm cá Thác Tìm luồng cá bạc Là tàu của ba! 60 Chim yến biển Nha Trang Thy Ngọc Xuân đã về Xuân đã về Vút cao đàn én đuôi xòe chữ V Học tài đem chữ đi khoe? Không đâu, én vội! Đảo quê! Trễ rồi Tết này nghỉ mấy ngày thôi Chữ V là vội! Là vui! Là…vèo 61 Biển đêm Trần Thanh Giao Bóng tối dần dần bao trùm trên biển rộng. Mặt biển từ màu xanh nhạt ngả dần sang màu lam, rồi xanh sẫm lại. Gió thổi đều làm căng phồng hai chiếc buồm cánh dơi giương ở trước mũi và giữa con thuyền. Sóng nhè nhẹ vỗ vào mạn thuyền lách cách. Chiếc thuyền xé nước lướt đi re re. Trên cao, bầu trời bát ngát. Những vì sao hiện ra lờ mờ, nhấp nháy. Trời và nước hòa vào nhau, thật khó mà phân biệt. Tôi có cảm giác như thuyền đang lướt trong một bể mực xanh rắc kim nhũ vậy. Mặt trăng đã lên khỏi nước. Vành trăng trong là đà trên biển rộng, dường như nó còn ướt nước nên chưa bay lên 62 cao được. Ánh trăng lấp lánh làm cho những gợn sóng biển giống bộ vảy của một con cá lớn. Trước mũi thuyền chúng tôi, đảo Cái Chiên cũng đã hiện rõ một vệt đen dài, nổi hẳn trên mặt nước. Dưới ánh trăng, hòn đảo trông như một khúc cá to đặt nằm trên chiếc đĩa sứ tím, mà mép đĩa có chạy hình sóng gợn. Én kéo lại đây lèo cho buồm bọc hết gió. Con thuyền của chúng tôi cứ nhằm thẳng Cái Chiên mà lướt đi. (Trích từ truyện dài “Đi tìm ngọc” kể về chuyến đi biển li kì của hai anh công nhân nhà máy văn phòng phẩm đi tìm đá xay gơraphít làm bút chì cho các em học sinh) 63 Con còng gió Võ Huy Tâm Bãi biển Trà Cổ, cát nhỏ và chắc như được nện. Sóng rất to mà nước vẫn trong. Em Thủy, tóc vừa tết lại, tay xách cái xô nhựa con con, đi trên bãi biển. Những con dã tràng hai “tay” đang vê cát, thấy bóng người chạy tỏe hình rẻ quạt. Một con còng gió đứng lại, cặp mắt giương lên khỏi mai, giơ hai càng ra thách thức. Những con còng con, “ngón chân” nhỏ như sợi cước, chạy ẩn vào yếm mẹ. Thủy nhẹ bàn chân, bước đến, cúi xuống, chộp lấy con còng gió: - Cái con “cua con” này lạ quá! Bé thế mà trông được bao nhiêu là em! Ta rửa sạch đi đem về phố nuôi thì thích lắm. 64 Mẹ Thủy đang vò cái áo tắm nắng, nghe tiếng khóc thét của Thủy, liền chạy lại. Con còng gió đã mang lũ con biến vào trong cát. Bàn tay nhỏ xíu của Thủy chìa ra, hai cái càng con còng gió đã lìa khỏi mình vẫn bấu chặt vào bàn tay nhỏ xíu… Mẹ Thủy dỗ ngọt: - Con ngoan của mẹ, nó chịu mất hai càng, vì sợ con bắt mất đàn con của nó. Vừa nói, người mẹ vừa gỡ hai cái càng con còng gió ra khỏi bàn tay nhỏ xíu của con gái… Thủy không thấy đau, chỉ thương con còng gió. Trước mặt em là những con sóng to bằng cái đình làng Trà Cổ. Em tưởng tượng những con còng gió mang lũ con đang chống nhau với sóng gió. 65 Nhìn mặt biển và bầu trời Nguyễn Quang Thân - Đừng quẳng nó xuống nữa! Thằng thứ hai nhắc lại, chắc nó biết rằng thằng anh coi khinh lời cảnh cáo. Và khi thấy anh xốc nách đứa út thì nó lăn vào giữ chặt tay thằng anh, đấm vào lưng anh nó túi bụi. Nó vừa khóc, vừa chửi rủa, tay vẫn đấm vào lưng anh thùm thụp, những cú đấm tôi biết rõ là không hề gây đau đớn. Lần này thằng anh lớn buông chú bé ra. Nó khẽ cởi bàn tay nắm chặt của thằng thứ hai, rồi nói vẻ lạnh lùng, khinh bỉ: - Thôi đi, thằng chó! Hồi bố còn sống, dễ bố không quẳng tao và mày xuống nước như thế à? 66 Thừa dịp, chú vịt con nhảy tùm một cái xuống biển. Nó chìm mất trong nước xanh, lần nữa tôi giật thót người vì bị bất ngờ. Nhưng phép lạ đã hiện ra trước mắt tôi. Chú thủy thần nhỏ bé đã ngoi lên được. Nó túm ngay lấy sợi dây chão cạnh thuyền và nhìn chúng tôi, nhìn mặt biển và bầu trời một cách kiêu hãnh. (Trích truyện ngắn “Anh em thủy thần”) 67 Trên bãi biển Lữ Huy Nguyên Bãi bờ mịn cát Dãi nắng em ngồi Được đi tắm biển Vui ơi là vui! Em nhặt ốc, hến Em đơm cơm nào, Cơm là cát biển Đũa: nhánh phi lao. Em ngồi dưới nắng Bưng bát cơm đầy Em và cho sóng Sóng trèo lên tay. 68 Đảo Vũ Duy Thông Đảo như con tàu Neo trên mặt nước Sóng lớn gió to Không làm đắm được. Cũng rừng cây bãi cát Cũng giếng nước cửa nhà Đảo như làng của bé Từ đất liền trôi ra. 69 Cửa sông Quang Huy Là cửa nhưng không then khóa Cũng không khép lại bao giờ Mênh mông một vùng sóng nước Mở ra bao nỗi đợi chờ. Nơi những dòng sông cần mẫn Gửi phù sa lại bãi bồi Để nước ngọt ùa ra biển Sau cuộc hành trình xa xôi. Nơi biển tìm về với đất Bằng con sóng nhớ bạc đầu Chất muối hòa trong vị ngọt Thành vùng nước lợ nông sâu. Nơi cá đối vào đẻ trứng Nơi tôm dảo đến búng càng 70 Cần câu uốn cong lưỡi sóng Thuyền ai lấp lóa đêm trăng. Nơi bình minh lên sớm nhất Chim én sà ngang lá buồm Chân mây gửi về trận gió Vấp hoài ngọn sóng chon von. Nơi con tàu chào mặt đất Còi ngân lên khúc giã từ Cửa sông tiễn người ra biển Mây trắng lành như phong thư. Dù giáp mặt cùng biển rộng Cửa sông chẳng dứt cội nguồn Lá xanh mỗi lần trôi xuống Bỗng… nhớ một vùng núi non. 71 Như ngực áo bác nông dân Vũ Tú Nam Buổi sớm nắng sáng. Những cánh buồm nâu trên biển, được nắng chiếu vào, hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh. Lại đến một buổi chiều, gió mùa đông bắc vừa dừng. Biển lặng, đỏ đục, đầu như mâm bánh đúc, loáng thoáng những con thuyền như những hạt lạc ai đem rắc lên trên. Rồi ngày mưa rào. Mưa giăng giăng bốn phía. Có quãng nắng xuyên xuống biển, óng ánh đủ màu: xanh lá mạ, tím phớt, hồng, xanh biếc… Có quãng biển thâm sì, nặng trịch. Những cánh buồm ra 72 khỏi cơn mưa, ướt đẫm, thẫm lại, khỏe nhẹ bồi hồi, như ngực áo bác nông dân cày xong ruộng về bị ướt. Có buổi sớm nắng mờ, biển bốc hơi nước, không nom thấy đảo xa, chỉ một màu trắng đục. Không có thuyền, không có sóng, không có mây, không có sắc biếc của da trời. Một buổi chiều lạnh, nắng tắt sớm. Những đảo xa lam nhạt pha màu trắng sữa. Không có gió, mà sóng vẫn vỗ đều đều, rì rầm. Nước biển dâng đầy, quánh đặc một màu bạc trắng, lấm tấm như bột phấn trên da quả nhót. (Trích truyện ngắn “Biển đẹp”) 73 Mặt trời tắm biển Nguyễn Gia Nùng Suốt ngày làm việc chiếu sáng cho muôn loài, đêm đêm mới được nghỉ, nhà lại ở rất xa, mãi tận bên kia dãy núi nhưng Mặt Trời vẫn rất chăm tắm biển. Suốt mùa xuân ấm áp, mùa hè bức bối, mùa thu mát mẻ, hay mùa đông rét buốt, Mặt Trời không bỏ tắm biển ngày nào. Biết là người mình rất nóng, sợ làm phiền đến mọi người, Mặt Trời thường dậy rất sớm, lúc mọi người còn đang ngủ say. Khi họ thức dậy thì Mặt Trời đã tắm gội xong xuôi và bắt đầu một ngày làm việc của mình. Có lần chị Trăng làm ca đêm về muộn, vô tình bắt gặp anh Mặt Trời vừa tắm xong nhô lên khỏi mặt biển. Mặt Trời 74 mắc cỡ quá liền vơ đám mây trắng xốp như những chiếc khăn bông ai phơi để quên không cất từ đêm qua đắp vội lên tấm thân còn ướt át của mình, che kín luôn cả mặt mũi. Cũng may là lúc đó chị Trăng đã đi xa về cuối chân trời phía tây, nhưng chị cũng hốt hoảng, mặt mày cứ nhợt nhạt cả đi. Còn anh Mặt Trời mãi đến lúc chị Trăng đã khuất hẳn mới dám trút những đám mây trắng xốp ra khỏi thân mình, nhưng mặt anh thì cứ đỏ như gấc chín mãi một lúc lâu, đỏ đến nỗi làm hồng cả những đám mây trắng quanh mình. Cho đến bây giờ, dù không thấy bóng chị Trăng nhưng hễ nhô khỏi mặt biển, anh Mặt Trời vẫn cứ giật mình, choàng vội tấm khăn mây và đỏ mặt mất một lúc. Tuy vậy, anh vẫn chăm chỉ làm công việc chiếu sáng và sưởi ấm cho muôn loài, chẳng bỏ việc bao giờ cũng như không ngày nào anh quên tắm biển… 75 Đảo ngọc Lý Biên Cương Đảo Ngọc nằm giữa biển khơi, quanh năm mịt mù sóng vỗ. Nếu ai đứng tít trên trời cao kia nhìn xuống, hẳn sẽ ngạc nhiên thấy hòn đảo bé xíu này thật giống cái phao xanh nổi trên một vùng nước cũng rất xanh. Ở đấy, ngày xưa có vợ chồng ông tổ họ Phạm đi thuyền bị bão dạt đến đảo, làm bạn với con kỳ đà trên vách đá, con én biển ngoài khơi xa, sinh cơ lập nghiệp, gây dựng nên dòng dõi họ Phạm ngày nay. Dòng họ này hiện có một cô gái rất đẹp, đẹp nhất vùng sóng nước đảo xa. Dáng người cô to đậm, đôi mắt sáng trắng màu hoa cát, tóc đen mướt như vạt buồm nhuộm than. Giọng cô hát ấm như tiếng 76 sóng vào mùa cá, mỗi lần cất lên không cứ người, đến hoa thạch lan, tiêu tử lan trên đảo đều phải nghiêng cánh nghe. Có một ông tiên tóc bạc phơ, hai mắt sáng như hai ngọn lửa, khi qua thăm đảo Ngọc đã ngắt tặng cô bông hoa mẫu đơn biển và khen: “Cháu tốt bụng lắm. Cháu thành nàng tiên của đảo rồi!”… (Trích truyện ngắn “Nàng tiên đảo Ngọc”) 77 Sóng Tạ Hữu Yên Cái sóng lớn Cái sóng con Chạy lon ton Trên mặt biển. Mặt trời lên Sóng màu đỏ Mặt trời ngủ Sóng màu lam. Ngoài khơi xa Gió thổi lại Cho sóng nhảy Cho sóng reo. Sóng nâng thuyền Lao hối hả 78