"
Biến Thể - Những Huyền Thoại Hy-La Chọn Lọc Và Kể Lại PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Biến Thể - Những Huyền Thoại Hy-La Chọn Lọc Và Kể Lại PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
BIẾN THỂ
—★—
Tác giả: Ovide
Người dịch: Quế Sơn
Nhà xuất bản Tổng Hợp 09/2019ebook©vctvegroup
Huyền thoại thơ Ovid
NHẬT CHIÊU
Hoa thủy tiên tàn
nàng Echo im lặng
hoa làm sao dư vang
thánh ca thầm gởi hoa tàn
gió trên mặt nước còn lan sóng tình
mà sao lấy bóng bỏ hình.[1]
Đọc Biến Thể (Metamorphoses) của Ovid sau hơn hai nghìn năm, ta vẫn còn cảm thấy cái tươi tắn mới mẻ lạ thường của nó như thể nó viết cho ngày hôm nay hay nó viết cho bất kỳ ngày nào khi con người vẫn còn là con người, chứ chưa phải là cái máy, khi con người còn sống trong dòng biến dịch luân lưu vô tận như tư tưởng biến thể của Ovid.
Chính kiệt tác của Ovid cũng biến thể không ngừng kể từ khi nó xuất hiện, lưu hành vào năm thứ 8 của Tây lịch, được viết vào những ngày mà Chúa Jesus có thể vừa bắt đầu nói chuyện như một trẻ thơ. Từ hoàng đế Augustus ra lệnh lưu đày Ovid ngay khi tác phẩm vừa hoàn thành đến người bình thường biết đọc và từ đó trải qua hơn hai mươi thế kỷ người ta đọc Ovid, trong đó có tôi và bài thơ trên lấy cảm hứng từ truyện Echo và Narcissus trong Biến Thể, một truyện có thể gợi lên nhiều ý nghĩa khác nhau như hầu hết các huyền thoại Hy La mà Ovid kể lại bằng giọng điệu
bông đùa nhưng đầy hiểu biết về tâm lý con người, sự sống thiên nhiên và những tương quan thân mật trong vũ trụ.
•••
Publius Ovidius Naso ra đời vào năm 43 trước Tây lịch trong một gia đình La Mã thượng lưu. Lớn lên trong một thời đại bình yên dưới triều Augustus, Ovid yêu đời sống lộng lẫy của kinh thành, quyết định trở thành nhà thơ của tình yêu và chẳng mấy chốc lừng danh với tác phẩm Ars Amatoria (Nghệ Thuật Yêu Đương). Nhưng hoàng đế Augustus bỗng dưng muốn thiết lập một trật tự mới và luân lý mới cho La Mã, trong năm thứ 8 đầu Tây lịch ra lệnh lưu đày Ovid đến tận Biển Đen, cách ly ông với đời sống tráng lệ của kinh thành và nhà thơ chết trong đau buồn đày ải vào năm 17 hay 18 chưa một lần được đặt chân trở lại La Mã. Tại sao Ovid bị lưu đày thì chưa bao giờ được giải thích rõ ràng. Có thể vì viết sách “vô luân” như Nghệ Thuật Yêu Đương. Có thể vì dan díu với nàng Julia cháu gái Augustus hay có liên quan đến một âm mưu chống hoàng đế. Mọi lý do đều có vẻ vô lý. Nhưng bạo quyền thì hợp lý bao giờ?
Chỉ biết trước khi rời La Mã, ông đã hoàn thành bản thảo của kiệt tác Metamorphoses (Biến Thể) và trong tâm trạng bất an, ông tự tay đốt bản thảo nhưng may mắn là nhiều phiên bản chép lại đã lưu hành trong vòng bạn bè và người hâm mộ.
Tuy lệnh lưu đày không kèm theo biện pháp trừng phạt nào khác, các tác phẩm của Ovid (trong hình thức các tập giấy không đóng, giấy cuộn theo kiểu sách thời đó), vẫn âm thầm biến mất khỏi thư viện thành phố dù nhiều người kín đáo lưu giữ và đọc Ovid với bản chép tay mà mình có được, từ Nghệ Thuật Yêu Đương cho đến Biến Thể.
Ovid bị đày đến bờ phía tây của Hắc Hải, một thị trấn gọi là Tomis, biên cương xa nhất của Đế chế La Mã (ngày nay là Constanta thuộc Romania).
Trong những năm tháng buồn chán còn lại sau kiệt tác Biến Thể, Ovid vẫn viết. Bắt đầu là Fasti (Lễ Hội) về lịch pháp của những lễ hội La Mã nhưng không hoàn thành, chỉ chạm đến 6 tháng trong năm qua 6 chương sách. Kế đó là Tristia (Buồn) một loạt những bức thư tưởng tượng từ những nhân vật huyền thoại viết theo hình thức bi ca tự tình. Ngoài hư cấu, còn có tác phẩm viết từ trải nghiệm thực là Epistulae ex Ponto (Thư từ Hắc Hải).
Nhưng thực ra chỉ cần Metamorphoses (Biến Thể) thôi, Ovid đã là nhà thơ hàng đầu La Mã rồi, kế vị xuất chúng Virgil, tác giả sử thi Aeneid, Nhưng Ovid là nhà thơ của tình yêu, của niềm đam mê đời sống, của dòng luân lưu biến thể, của chơi đùa chứ không triết lý và nghiêm trang như Virgil.
Có một niềm thân thiết vũ trụ lạ lùng trong thơ Ovid. Thần linh với con người, các thời đại bao la, thiên nhiên với từng cá nhân, con người biến thành cỏ hoa (lau sậy, thủy tiên, nguyệt quế…); thành cầm thú (gấu, chim, nhện…); thành những vì sao; thậm chí thành âm vang. Hoặc ngược lại, đá có thể thành người hay nam nữ hoàn chuyển hoặc hòa làm một… tất cả biến đổi liên tục. Từ hình thể này sang hình thể kia. Không có hữu thể bất dịch, chỉ có biến thể.
Tất nhiên, không phải Ovid sáng tác ra các huyền thoại đó, cũng không tạo dựng ra triết lý biến thể mà ông mượn huyền thoại và tư tưởng biến thể từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng tất cả đi vào thơ ông, hòa quyện với nhau một cách mới mẻ, sinh động lạ lùng. Và dù không có gì mới dưới ánh
mặt trời, sau hơn hai nghìn năm, đọc Ovid vẫn còn kinh ngạc và choáng ngợp.
Độc giả Việt Nam lần đầu tiên đọc bản dịch Biến Thể sẽ khó tin nó được viết khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch.
Còn ở Phương Tây, xưa nay nó vẫn là nguồn ảnh hưởng lớn đến mức các thiên tài hàng đầu đều hầu như chịu mang nợ Ovid, một ảnh hưởng tràn ngập trong văn chương và mỹ thuật. Những Chaucer, Shakespeare, Milton, Goethe… cho đến Joseph Brodsky và hàng loạt Borges, Bulgakov, Calvino, Marquez, Joyce, Rusdie… không sao kể xiết!
Kiệt tác Biến Thể tuy kể về các huyền thoại khác nhau, trên 250 truyện, chia làm 15 thiên, tổng cộng dài hơn 12.000 dòng thơ nhưng vẫn là một tác phẩm có hình thức nhất quán như sử thi do giọng điệu độc đáo của Ovid và chủ đề Biến Thể không ngớt trở đi trở lại dù không phải lúc nào nhà thơ cũng nhất quyết kể một chuyện là phải có biến hóa hình hài.
“Biến Thể” là một từ mà Ovid không dùng để gọi tên tác phẩm của mình, “Metamorphoses” theo tiếng Hy Lạp; chính là đời sau, (thời của Seneca chẳng hạn) đã gọi kiệt tác của Ovid như thế và nó đã trở thành cái tên bất tử như ta biết ngày hôm nay.
Mở đầu với cuộc biến thể khởi nguyên của vũ trụ. Vũ trụ thành hình từ hỗn mang (chaos) rồi nhân loại đến, bước qua các thời đại Vàng, Bạc, Đồng, Sắt.
Gần phần ba các truyện đầu, biến thể là do thần linh gây ra với truyện tình đầu tiên là Daphne hóa thành cây nguyệt quế để thoát khỏi cuộc theo đuổi mê cuồng của thần Apollo.
Hơn phần ba kế tiếp, ta chứng kiến những đam mê dữ dội của bản thân con người. Và những huyền thoại từ đầu đến đây hầu hết thuộc về Hy
Lạp.
Mãi đến cuối thiên 14, huyền thoại La Mã mới xuất hiện với Aeneas đi tìm đất mới (Italy) để lập quốc và khi xong việc Aeneas cũng hóa thần. Tuy vậy hành trình của chàng vẫn đan xen nhiều huyền thoại Hy Lạp. Biến thể cuối cùng Tướng quân Julius Caesar hóa thành một ngôi sao.
•••
Nói rằng Ovid đam mê thám hiểm những đam mê trong tâm hồn con người với những hành động liều lĩnh hơn là trầm tư triết lý như Virgil thì không hẳn là đúng. Biến Thể được bọc trong một làn sương triết lý về biến dịch có thể thấy ngay ở những trang đầu và cuối:
“Tôi sẽ chú tâm kể chuyện về những hình hài biến đổi thành những hình thể mới. Hỡi chư vị thần linh, chính các ngài cũng đã tạo ra những sự biến dịch, vậy hãy truyền cho tôi nguồn thần cảm cho sự sáng tạo này, và hãy đi cùng bản trường ca của tôi với những giai điệu miên man từ thuở khai thiên lập địa cho tới tận ngày nay…”, “Không sự vật nào giữ được mãi hình thể của nó; mọi thứ đều đối nghịch bởi vì ngay trong một vật thể, cái lạnh đấu tranh chống cái nóng, cái ẩm chống cái khô, cái mềm chống cái cứng, cái nặng chống cái nhẹ.”[2]
Và mượn tư tưởng Pythagoras, Ovid biến triết gia này thành nhân vật của mình trong Biến Thể và để cho ông phát ngôn:
“… Tự nhiên, kẻ làm mới vĩ đại, luôn tạo ra những hình dạng khác. Trong toàn thể vũ trụ, hãy tin tôi đi, không có cái gì chết đi, nó chỉ biến đổi và làm mới hình dạng nó thôi.”
Tư tưởng bao quát Biến Thể đó cũng như tư tưởng Tài Mệnh trong
Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy không có gì là mới nhưng được tập trung thể hiện qua những hình tượng khắc họa trong những mê cung tâm lý ly kỳ diệu vợi đã làm cho hai kiệt tác có sức hút mãnh liệt.
Có thể thấy điều đó qua đơn cử truyện Echo và Narcissus. Narcissus là chàng trai tuyệt đẹp, tự yêu bóng mình dưới nước, chết thành hoa thủy tiên.
Echo là tiểu nữ thần, bị trừng phạt chỉ thốt ra một ít lời âm vang theo người khác.
Hai huyền thoại này được Ovid kết hợp, tạo nên một câu chuyện đáng nhớ đầy ý nghĩa tâm lý và triết lý.
Narcissus là một thiếu niên 16 tuổi vĩnh cửu, chàng bắt đầu tự ý thức về tình yêu của mình với cái bóng của chính mình. Ý thức về tôi và kẻ khác, tôi và chính tôi.
Cũng như Echo ý thức được tiếng nói của mình chỉ là bắt chước người khác, đau khổ vì mất tiếng nói riêng.
Nhưng cái chính là Ovid đã thể hiện thế nào những nội tâm đầy tính phân ly ấy trong thơ? Narcissus nói:
“…Cái mà tôi ham muốn thì tôi có đây. Sự giàu có cảm xúc khiến tôi cảm thấy thiếu thốn. Ôi, giá gì tôi có thể tách mình ra khỏi thân thể mình! Và đây là điều ước nguyện lạ lùng đối với một người tình si, tôi mong cho người tôi yêu hãy ở xa tôi…”
Trong tình hình dịch thuật ở Việt Nam, bản dịch Biến Thể đầy đủ của Quế Sơn giúp người đọc lần đầu đến với Ovid một niềm vui mới, hiểu biết mới và tình yêu mới. Giảng dạy và học tập văn học nước ngoài, nhất là ở đại học, có cơ duyên quen biết với một thiên tài tuyệt vời xa cách hơn
hai thiên niên kỷ bất ngờ có thể đi giữa chúng ta, ấm áp thân tình với nụ cười bất tuyệt.
Cực kỳ tài tình, Ovid diễn tả những nghịch lý lạ lùng nhất trong tâm hồn con người khi họ rơi vào những tình huống bi đát khi yêu bóng mình, yêu người đồng giới, yêu người đồng huyết thống, hoặc tình yêu và cái chết diễn ra trong cùng một thời điểm cho thấy những chân dung đa dạng vô cùng khi con người cố vượt lên vận mệnh, xoay mình giữa hai bản năng trọng yếu: Chết và Yêu (Thanatos và Eros).
Ovid, có thể gọi chàng là nhà thơ của tình yêu hay nhà thơ của nhà thơ?
Tài liệu tham khảo chính.
1. The Cambridge companion to Ovid, 2002, edited by Philip Hardie. 2. Ovid surveyed, 1962, Cambridge by L. P. Wilkinson.
3. A Handbook of Latin Literature, 1960, by H. J. Rose.
4. Các bản dịch Metamorphoses qua tiếng Anh và Pháp cũng như bản dịch tiếng Việt của Quế Sơn.
Thiên 1
Lời thơ mở đầu[3]
Tôi sẽ chú tâm kể chuyện về những hình hài biến đổi thành những hình thể mới. Hỡi chư vị thần linh, chính các ngài đã tạo ra sự biến dịch[4], vậy hãy truyền cho tôi nguồn thần cảm cho sự sáng tạo này, và hãy đi cùng bản trường ca của tôi với những giai điệu miên man từ thuở khai thiên lập địa cho tới tận ngày nay.
Cội nguồn của thế giới
Trước khi có biển, trước khi có đất có trời, và trời thì bao phủ mọi thứ, thế giới tự nhiên, trong suốt chu kỳ của nó, hiện ra cùng một dung mạo trong trạng thái mà người ta gọi là hỗn mang[5]. Đó chỉ là một mớ những vật thể gồ ghề, lộn xộn, không gì khác ngoài một khối trơ ỳ và các hạt giống đối nghịch của những nguyên tố[6] xung khắc dồn lại thành đống. Đến lúc đó vẫn chưa có Mặt trời[7] chiếu sáng vũ trụ, đến lúc đó Mặt trăng đang tròn dần vẫn chưa trở lại hình lưỡi liềm thanh mảnh; trái đất vẫn chưa lửng lơ trong bầu khí quyển, chưa giữ được thăng bằng nhờ vào sức nặng của chính nó, và đại dương[8] vẫn chưa vỗ sóng vào các bãi bờ xa khuất. Và dù cho nơi nào có đất thì cũng có biển và không khí nhưng không ai có thể đặt chân lên đất đó, hay bơi lội trong biển đó, và bầu không khí thì tối tăm mù mịt. Không sự vật nào giữ được mãi hình thể của nó; mọi thứ đều đối nghịch bởi vì ngay trong một vật thể cái lạnh đấu tranh chống cái nóng, cái ẩm chống cái khô, cái mềm chống cái cứng, cái nặng chống cái nhẹ.
Sự phân cách các nguyên tố
Một vị thần[9]- hay Tạo hóa tử tế hơn - chấm dứt cuộc xung đột này, bởi vì ngài đã phân ly đất với trời, biển với đất, và đã tách rời bầu không khí dày đặc với bầu trời trong vắt[10]. Do đó, sau khi đã phóng thích những nguyên tố này và giải thoát chúng ra khỏi cái đống vật tối tăm, ngài phân định mỗi nguyên tố có vị trí riêng của nó và kết nối chúng một cách chặt chẽ trong sự hòa hợp. Nguyên tố có lửa và không trọng lượng tạo nên bầu trời thì đã vươn lên cao và sửa soạn một chỗ cho riêng mình trên ngọn đỉnh trời. Rồi không khí, nhờ tính nhẹ tênh và vị trí có sẵn, đã tiến đến gần đỉnh nhất. Trái đất thì nặng hơn hai thứ trên và kéo theo mình những phần tử to lớn hơn đã sụt xuống đáy dưới sức nặng của chính nó. Nước thì chiếm chỗ cuối cùng, nó lưu chuyển nhưng giam hãm đất liền trong vòng ôm của nó.
Khi vị thần, bất kể là thần nào, đã sắp đặt đâu vào đấy như thế và giải quyết cái đống hỗn độn đó bằng cách biến nó thành nhiều phần khác nhau của vũ trụ thì việc đầu tiên ngài làm sau đó là tạo quả đất thành hình một quả cầu cực kỳ to lớn để mà tất cả bề mặt của nó đều giống nhau.
Rồi ngài truyền lệnh cho nước ở sông, ở biển tràn ra ngoài, dâng lên thành sóng cả dưới những trận gió cuồng điên rồi đổ ầm xuống xung quanh những bến bờ trên mặt đất đang bị vây hãm. Ngài cũng tạo ra các con suối, các ao lớn có nước tù đọng, các hồ, và bao che các dòng sông chảy nhanh bên trong hai bờ dốc đứng mà nước sông, tùy nơi chốn xa cách nhau, thì một phần bị chính mặt đất hút hết, và một phần đổ ra biển,
như thế là được hòa mình vào cái mênh mông với dòng chảy lớn tự do hơn, bây giờ thì vỗ sóng vào bờ biển thay vì vào bờ sông. Rồi ngài ra lệnh cho các bình nguyên trải dài ra, các thung lũng sụt xuống, các khu rừng phủ kín lá cây, các ngọn núi có sườn đá nhô lên. Và vì bầu trời bị cắt bởi hai khu vực ở phía phải, và ở phía trái cũng bị cắt bởi hai khu vực khác, và ở giữa thì còn có một khu vực thứ năm, nóng hơn bốn khu vực kia, cái khối mà bầu trời che phủ cũng được ngài chăm lo phân cách cũng như thế, tức là mặt đất bị đánh dấu tách biệt thành năm khu vực. Sức nóng của mặt trời khiến khu vực trung tâm không thể cư ngụ được; hai khu vực khác thì bị các lớp tuyết dày bao phủ, và ngài đặt hai khu vực còn lại ở giữa ba khu vực vừa nói, và cho chúng một khí hậu ôn hòa bằng cách hòa trộn cái nóng với cái lạnh[11].
Không khí trùm lên tất cả, nó nặng hơn lửa bao nhiêu thì đất nặng hơn nước bấy nhiêu. Ở đó, theo lệnh thần, đến lấy chỗ của mình nào sương mù, nào mây, nào sấm - sấm có thể sẽ làm rúng động tâm can con người - và gió, cùng với tiếng sét, sẽ gây ra cái lạnh phát khiếp. Đối với những ngọn gió này, vị thần khai sinh thế giới không ban phát không khí cho chúng một cách bừa bãi, mà chúng có thể lưu giữ ở chỗ này, chỗ nọ cho mục đích hung hăng của chúng. Vì cứ như thế này thì, mặc dù chúng vẫn điều khiển các luồng khí mạnh trong mỗi vùng trời riêng của mình, không ai hầu như có thể ngăn cản chúng xâu xé thế giới vì cuộc xung đột giữa những anh em nhà này[12] thì quá dữ dội. Nhưng Eurus, gió Đông, rút lui về phần đất của rạng đông và vương quốc Arabie, và nơi mà những ngọn đồi xứ Perse ửng hồng dưới nắng ban mai. Những bến bờ miền Tây đỏ rực dưới ánh chiều tà là nơi chốn đi về của Zéphire, gió Tây. Và Borée, gió Bắc, nổi lên, dấn thân về vùng Scythie[13] và miền Bắc xa xôi nhất.
Phần đất đối diện ngoài xa thì ướt át với mưa và sương mù dai dẳng, đó là xứ sở của Auster, gió Nam. Bên trên những ngọn gió này thì ngài đặt ê-te, mội loại khí ở dạng lỏng, không trọng lượng và không mang dấu vết ô uế gì của thế gian.
Ngài vừa mới phân cách mọi thứ như thế bên trong các giới hạn đã được xác định của chúng thì các tinh tú, từ lâu nằm giấu mình vì bị đè ép dưới bóng tối, bắt đầu tỏa sáng khắp bầu trời. Và, nhằm không để cho khu vực nào bị thiếu những hình dạng các thực thể sống của riêng mình, các tinh tú và các thần linh dưới mọi hình hài thì trú ngụ ở tầng trệt của thượng giới; biển thì dành chỗ cho các con cá bóng loáng làm nhà; mặt đất thì tiếp nhận các loài thú vật, và chim thì xuất hiện trong bầu không khí luôn chuyển động.
Con người được tạo ra
Nhưng một sinh vật tinh tế hơn những thứ trên, có khả năng lớn hơn để suy nghĩ cao xa, xứng đáng thống trị trên tất cả những loài khác, thì vẫn còn thiếu. Thế rồi con người sinh ra: hoặc nó được tạo ra từ thể chất thần linh của riêng vị thần đã từng tạo ra mọi thứ khác và đang trù hoạch một thế giới hoàn chỉnh hơn, hoặc nó sinh ra từ đất mới - vừa tách ra khỏi vùng đỉnh trời ê-te nhưng vẫn còn giữ được vài yếu tố của bầu trời anh em - mà người con trai của thần Japet[14] đã hòa với nước ngọt đang chảy rồi nặn theo hình dạng những vị thần đang điều khiển vũ trụ. Và, dù cho mọi thú vật khác đều thụp đầu xuống, mắt nhìn đăm đăm mặt đất, chàng đã cho con người ngẩng cao đầu, truyền lệnh cho nó đứng thẳng lưng và đưa mắt nhìn lên cao, lên phía thượng giới. Thế là mặt đất mới đây còn thô sơ, không ra hình thù gì thì bây giờ đã biến đổi, mang trên mình những hình hài con người không hề được biết đến trước đó.
Bốn thời đại
Hoàng kim là thời đại đầu tiên mà vì không có ai ép buộc, không có luật lệ để tuân theo nên đã giữ vững niềm tin và thực hành lẽ phải. Không có nỗi sợ về sự trừng phạt, không có những lời lẽ hăm dọa cần được đọc to lên từ những tấm bảng đồng; không có đám đông cầu khẩn đưa mắt sợ sệt nhìn chăm chăm bộ mặt của ông quan tòa, họ vẫn sống an toàn không cần đến mấy vị này. Chưa có cây thông nào - bị đốn trong vùng rừng núi bản địa - đã từ đó trôi xuống đồng bằng đầy nước để thăm viếng các miền đất xa lạ; và con người chỉ biết những bến bờ quen thuộc của riêng mình.
Chưa có thành phố nào được các hào sâu dốc đứng bao quanh; không có kèn trum-pet với cái ống loa dài, không có kèn cor bằng đồng thau uốn cong, không có gươm giáo và mũ sắt. Và cũng chẳng có chút nhu cầu trang bị vũ khí cho con người vì các dân tộc, bảo đảm không sợ bị bóng ma chiến tranh đe dọa, sống qua những năm tháng thái bình yên ả.
Và mặt đất cũng vậy, không bị cái gì ép buộc, không bị cuốc đào xới, không bị lưỡi cày gây thương tích, dâng hiến tất cả những thứ cần thiết từ chính mình. Bằng lòng với thực phẩm dồi dào mà đất mang lại, con người hái lượm quả dương mai, dâu tây trên núi, rồi quả thù du, quả mọng lủng lẳng dầy đặc trên những cây ngấy nhiều gai, và quả sồi rơi rụng từ cây sồi có tán xòe rộng của Jupiter. Rồi mùa xuân thì vĩnh cửu, và ngọn gió Tây dịu dàng ve vuốt bằng hơi thở ấm áp những nụ hoa không trồng mà vẫn nở. Sau đó không lâu, đất không cày xới vẫn mang lại mùa gặt, và các cánh đồng không canh tác vẫn đầy bông trắng của những nhánh lúa mì trĩu
hạt. Rồi các dòng sữa, các dòng mật hoa ngọt ngào chảy ra ở chỗ này, chỗ kia, và mật ong vàng ươm rỏ giọt ra từ cây sồi cành lá xanh tươi. Sau khi Saturne bị lưu đày đến vùng đất tối tăm của cõi âm, và trong khi thế giới sống dưới sự cai quản của Jupiter[15] thì xuất hiện thời đại bạch ngân; bạc thì thấp kém hơn vàng nhưng có giá trị hơn đồng có màu vàng hung. Jupiter giờ đây thu ngắn lại mùa xuân có từ thời xa xưa, và thế là mùa đông, mùa hạ, mùa thu hay thay đổi[16], và mùa xuân ngắn ngủi đó hợp thành một năm có bốn mùa. Lúc đó, lần đầu tiên vì cái nóng thiêu đốt mà không khí khô rang trở nên sáng chói, vì những ngọn gió lạnh cóng mà nước đông đặc thành nhũ băng treo lơ lửng. Lúc đó, lần đầu tiên con người tìm nơi trú ẩn trong nhà cửa vì từ trước đến giờ nhà họ chỉ là hang động, bụi cây rậm rạp và các cành cây được cột lại với nhau bằng vỏ cây. Lúc đó, lần đầu tiên các hạt giống ngũ cốc được gieo trồng trên các luống cày dài và các con bò đực kêu rên dưới cái ách nặng nề.
Sau đó thời đại đồ đồng đến, đứng thứ ba theo thứ tự. Con người thời này có tính khí hung bạo, lúc nào cũng sẵn sàng lao vào chém giết nhau dã man nhưng họ chưa phải là thiếu lòng thành kính đối với thần linh. Rồi cuối cùng là thời đại đồ sắt. Ngay lập tức cả cái ác bùng phát trong cái thời của kim loại thấp hèn này: tính khiêm tốn, sự thật và niềm tin tháo chạy khỏi thế gian, và thế vào chỗ trống nào là mưu gian, nào là kế hiểm, rồi đến bao nhiêu cạm bẫy đi cùng bạo lực và lòng hám lợi đáng nguyền rủa. Người ta giờ đây giăng buồm trước gió nhưng dù có đi biển đó mà cho đến lúc này vẫn hầu như không biết các loại gió nào; và các sống tàu làm từ gỗ những cây tùng từng đứng thẳng trên núi cao giờ ngạo mạn lao vào các con sóng xa lạ. Và đất đai, trước đây là của chung như ánh sáng mặt trời, như không khí, giờ bị các người đo đạc chu đáo quy định ranh
giới bằng những đường vạch dài ngoằng. Người ta không những đòi hỏi ruộng đồng trù phú đương nhiên phải cung cấp cho mình những vụ mùa và thực phẩm mà còn đào bới tận trong lòng quả đất; và những của cải quý giá mà vị thần sáng thế đã che khuất và chôn sâu ngay giữa vùng bóng tối của Styx[17] vì chúng thường kích động con người phạm tội ác, thì bị mang ra ánh sáng. Và giờ đây đồ sắt tai hại đã đến, và vàng thì lại tai hại hơn sắt; chiến tranh xảy ra, dùng cả sắt lẫn vàng để đánh nhau, bàn tay đẫm máu của nó vung lên nào gươm, nào giáo nghe chan chát. Con người sống dựa trên cướp bóc. Khách khứa không an toàn với chủ nhà, cha vợ cũng chẳng an tâm với con rể; ngay cả giữa anh em với nhau cũng hiếm khi tìm thấy sự thương yêu. Chồng thì trông mong cho vợ chết, vợ cũng chẳng mong gì khác với chồng; các bà mẹ vợ, mẹ chồng có tâm địa sát nhân thì pha chế thuốc độc chết người, và những đứa con trai thì sớm dò hỏi xem cha mình còn sống bao lâu nữa. Lòng hiếu thảo bị hạ gục, và nàng trinh nữ Astrée[18], cuối cùng sau tất cả những vị thần bất tử khác, đành rời bỏ trần gian đẫm máu này.
Gigantos, những tên khổng lồ
Thế nhưng, cõi thiên giới có thể không an toàn hơn địa giới vì những Gigantos[19], theo lời người ta kể, do muốn chinh phục cả thiên đình, đã ra tay chồng chất những quả núi lớn, núi này trên ngọn núi kia, nhằm mở đường lên tận các vì sao[20]. Thế là Cha Trời toàn năng[21] liền tung sấm sét phá tan núi Olympe[22] và xô mạnh núi Pélion đang nằm trên đỉnh núi Ossa xuống. Khi thấy những xác chết rùng rợn của đám con khổng lồ của mình nằm bẹp dí dưới chính cái hình thù cồng kềnh của chúng, theo lời người ta kể, Mẹ Đất, cả người ướt sũng máu đang tuôn chảy của chúng, liền làm sống lại các dòng máu đó, và nhằm giữ lại hình tích nào đó của con cái mình, nàng cho nó mang hình hài con người. Nhưng đám hậu duệ này cũng tỏ ra khinh thường thần linh, có tính khí mãnh liệt, rất ham thích chém giết. Chúng sinh ra từ máu mà, ta có thể nhận thấy như thế.
Tên bạo nghịch Lycaon[23]
Khi con trai của Saturne[24] từ trên đỉnh trời chợt thấy cảnh tượng này, ngài buột miệng than van rồi nhớ lại bữa tiệc gớm ghiếc tại bàn ăn của Lycaon - một câu chuyện chưa ai biết vì hành động đó còn mới quá - ngài chất chứa trong lòng một nỗi phẫn nộ kinh khủng xứng tầm với Jupiter, và triệu tập hội đồng các thần linh. Không chút chậm trễ, họ vội vã đến họp.
Vào những khi trời trong người ta dễ dàng nhận thấy một con đường lớn. Nó có tên là Ngân Hà, nổi tiếng nhờ màu bạc chói lọi. Chính bằng ngả này mà các vị thần đi đến các đại sảnh và cung điện của thần Sấm[25] đầy uy lực. Ở phía bên phải và bên trái là dinh thự của những thần cấp cao, cửa mở toang và đông đảo khách khứa. Những thần cấp thấp thì cư ngụ nơi chốn khác. Đối diện với cung điện là nơi mà những vị thần lừng lẫy, đầy quyền thế chọn làm nhà ở. Đây là nơi, nếu muốn tỏ ra mạnh bạo thì tôi không ngại gọi nó là Palatin[26] của cõi trời.
Thế là khi chư thần đã yên vị bên trong phòng họp bằng cẩm thạch, chính Jupiter, tọa trên ngai cao, tay chống vương trượng bằng ngà, lắc đầu ba lần rồi một lần nữa để mái tóc dài đáng sợ bung theo, hành động này thường khiến cho đất, biển và bầu trời rung chuyển. Rồi ngài để cho sự căm phẫn của mình bùng nổ bằng những lời lẽ thế này:
“Ta đã không lo lắng hơn so với bây giờ cho chủ quyền trên trời đất mà ta nắm giữ vào thời điểm mà một lũ khổng lồ đầu người chân rắn chuẩn bị bắt giữ bầu trời trong trăm cánh tay của chúng. Chắc chắn đó là những kẻ thù dã man nhưng toàn bộ cuộc tấn công này chỉ xuất phát từ
một dòng giống, từ một nguồn gốc. Nhưng bây giờ, bất kỳ nơi nào trên mặt đất mà lão thần Biển[27] vỗ sóng ầm ầm, ta phải hủy diệt dòng giống con người. Ta thề, có các dòng suối ở địa ngục đang chảy dưới mặt đất xuyên qua những cánh rừng bên sông Styx chứng giám, là ta đã thử dùng mọi biện pháp cho tới nay. Nhưng vết thương này thì không thể chữa lành và phải dùng dao cắt bỏ nó để phần lành mạnh còn lại khỏi bị lây nhiễm. Ta có các á thần, từ thần sơn dã đến tiểu nữ thần[28], từ thần Đồng nội[29], thần Dê[30] đến thần Rừng[31] trên các triền núi. Vì chúng ta chưa xem họ xứng đáng với vinh dự có được một chỗ trên thiên đình, chúng ta ít ra hãy cho phép họ sống yên ổn ở các phần đất dành cho họ. Hay là các ngươi nghĩ rằng họ sẽ được an toàn khi mà ta đây, kẻ điều khiển sấm sét, kẻ chỉ huy và cai trị các ngươi như thần dân của ta, đã bị Lycaon, một tên khét tiếng hung bạo, gài bẫy?”
Tất cả các vị thần dự họp đều run rẩy khi nghe xong rồi tỏ ra sốt sắng đòi trừng phạt kẻ gây ra sự sỉ nhục táo tợn đến thế. Như vậy, khi một tốp người báng bổ thần linh đang điên tiết tìm cách xóa bỏ cái tên La Mã với máu của César[32], nhân loại bỗng nhiên sững sờ vì khiếp sợ trước một thảm họa như thế, và cả thế gian rùng mình ghê tởm. Hỡi Auguste[33], dưới mắt ngài, lòng trung thành của thần dân ngài cũng không kém dễ chịu hơn lòng trung thành của thần linh đối với Jupiter. Bằng giọng nói và điệu bộ, Jupiter kiềm chế tiếng la ó ầm ĩ của các vị thần, khiến họ sau đó đều im bặt. Khi sự ồn ào vừa mới chấm dứt nhờ sự uy nghiêm vương giả của mình, ngài liền phá vỡ sự im lặng một lần nữa bằng những lời lẽ này:
“Tên khốn đó đã bị trừng phạt. Các người đừng bận tâm về chuyện này nữa. Nhưng hắn đã làm gì, và sự trừng phạt ra sao, đó là những chuyện ta sẽ kể ra. Trước đây, tin tức về những sự ô nhục của thời buổi ấy đã đến tai
ta. Hăm hở muốn chứng minh đó chỉ là những tin đồn thổi, ta đã từ Olympe non cao vời vợi xuống trần, và cải trang thành người phàm, ta đã ngược xuôi mọi chỗ trên thế gian. A, nếu kể lại cho hết sự nghịch đạo, báng bổ thần linh tràn lan mà ta đã thấy khắp nơi thì sẽ quá dài. Những tin xấu đến tai ta trước đó thì còn kém xa sự thật đấy. Ta đã băng qua Ménale đầy dẫy hang ổ bọn thú hoang, rồi Cyllène, rồi những cánh rừng thông ở Lycée[34] lạnh buốt. Sau đó ta đến gần cơ ngơi và đi vào chỗ ở không hiếu khách chút nào của vua xứ Arcadie ngay khi bóng hoàng hôn chuyển dần sang bóng đêm. Ta ra hiệu là một thần linh đã đến, và dân chúng bắt đầu chiêm bái ta. Trước hết, Lycaon chế nhạo những lời cầu kinh sùng đạo của họ, rồi hắn nói:
‘Ta sẽ nhận ra sớm thôi, chỉ bằng một sự thử thách rõ ràng để xem gã này là thần linh hay người phàm, và để không ai nghi ngờ sự thật này nữa.’
Ngay đêm đó, hắn âm mưu giết ta bằng một cuộc tấn công tàn sát bất ngờ khi ta đang ngủ say. Chắc đây là cách thử nghiệm hắn chọn để tìm ra sự thật đấy! Vậy mà hắn vẫn chưa bằng lòng; hắn đem ra một con tin mà bộ tộc Molosse[35] đã gởi đến trước đó, dùng dao cắt họng nó, bỏ vào nồi luộc một phần tay chân còn ấm của nó, và đặt trên lửa nướng phần còn lại. Hắn vừa mới dọn lên bàn các món này trước mặt ta thì ta đã tung tiếng sét rửa hận, lật ngôi nhà đổ sụp trên người hắn, tên chủ nhà khốn kiếp, và trên cả đám thần hộ mạng trong nhà[36] cũng đáng khinh không kém.
Kinh hãi, tên vua này vội vã trốn chạy, và khi ra được ngoài đồng quê im ắng, hắn bắt đầu tru tréo ầm ĩ nhưng không thể nói ra được lời nào, dù đã cố hết sức. Miệng sùi đầy bọt mép, và quen thói ham thích uống máu xưa nay, hắn xoay sang tấn công đàn cừu, vì vẫn lấy làm thích thú trong
việc tàn sát. Áo quần hắn đang mặc biến thành bộ lông tua tủa, tay hắn biến thành chân. Hắn trở thành một con chó sói, nhưng vẫn giữ lại vài vết tích của hình hài trước đây. Vẫn còn đó những sợi lông xám, bộ mặt hung tợn, cặp mắt sáng quắc. Hắn vẫn là hình ảnh của sự tàn bạo đầy thú tính. Chỉ có một ngôi nhà đã sụp đổ nhưng nó không phải là ngôi nhà duy nhất đáng bị đánh sụp. Bất cứ nơi nào mặt đất trải rộng đến thì gặp phải sự thống trị của Érynis[37]. Các ngươi có thể nghĩ rằng đó là một âm mưu giữa con người với nhau để gây tội ác. Hãy để chúng chịu đựng những hình phạt mà chúng xứng đáng - càng sớm càng tốt. Đó chính là chủ tâm của ta.”
Khi Jupiter nói xong, một số thần tranh nhau lên tiếng tán thành những lời lẽ vừa nghe, lại còn đổ dầu vào lửa giận của ngài, trong khi một số thần khác thì chỉ thuận lòng trong im lặng. Thế nhưng, tất cả các thần đều cảm thấy đau lòng khi biết loài người đang có nguy cơ bị hủy diệt, và hỏi thế gian sẽ ra sao khi đã mất đi con người. Và ai sẽ mang hương đến bàn thờ của họ? Và ngài có định dành quả đất cho đám dã thú tàn phá không? Trước các câu hỏi này, vua Cõi trời bảo họ nên tỏ ra can đảm, tự ngài sẽ lo liệu mọi việc, và ngài hứa sẽ mang đến cho họ một loài người khác có nguồn gốc kỳ diệu, khác hẳn với loài người đầu tiên.
Trận hồng thủy
Và bây giờ ngài sẵn sàng tung sấm sét đánh xuống khắp mặt đất; nhưng ngài dừng tay lại vì sợ cõi trời thiêng liêng có thể bắt lửa từ đám hỏa hoạn khổng lồ ở hạ giới mà bốc cháy tan tành từ đầu này đến đầu kia. Ngài cũng nhớ lại số trời đã định là sẽ có một ngày mà biển, đất, thiên cung chưa hề bị đốt và cấu trúc bị vây bọc của vũ trụ sẽ bị lửa hủy diệt. Thế là ngài để sang một bên mấy cái vũ khí phóng sét mà bọn “Cyclope”[38] đã rèn đúc cho mình, và chọn một hình thức trừng phạt khác: gởi mưa to gió lớn từ khắp vùng trời xuống đất để tiêu diệt loài người dưới nước.
Ngay lập tức ngài nhốt kín Aquilon, gió Bắc, trong hang động của Éole[39] cũng như bất cứ ngọn gió nào thổi mây bay mất; nhưng ngài thả lỏng Notus, gió Nam. Đôi cánh ẩm ướt, bộ mặt kinh khiếp ẩn sau bóng tối đen đặc, Notus bay đi. Chòm râu sũng nước mưa, nước chảy xuống ròng ròng từ mớ tóc bạc, mây đen ngự trên trán, sương tụ trên cánh và áo choàng, nó vừa mới dùng bàn tay to đùng bóp chặt những đám mây thấp thì một tiếng nổ ầm ầm vang ra, và ngay sau đó những đám mây dày đặc đổ mưa xuống ào ào. Iris[40], người đưa tin của Junon[41], mặc áo choàng nhiều màu sắc, hút nước rồi chuyển ngược nó về lại các đám mây. Những cánh đồng ngũ cốc bị trốc gốc, vụ mùa mà nông dân từng cầu nguyện giờ đã tan hoang, và bao công sức khó nhọc bỏ ra suốt năm dài chán ngắt giờ chẳng còn gì.
Vậy mà Jupiter vẫn chưa thỏa cơn giận với hằng hà sa số nước từ trên
bầu trời của mình xối xả trút xuống. Neptune, thần Đại dương, anh trai ngài, cũng ra sức giúp bằng những đợt sóng lớn tràn bờ. Ngài còn gọi các con sông đến họp, và khi họ có mặt đông đủ ở cung điện, ngài nói:
“Bây giờ không phải lúc to mồm hô hào dài dòng nữa. Hãy bung toàn bộ sức mạnh ra, cần lắm đấy. Mở toang cửa, dỡ bỏ hết đê điều, hãy để mọi con sông dòng suối dâng nước, chảy tràn hết sức tự do.”
Lệnh ra như vậy, và các dòng sông trở về, khai thông các nguồn nước, rồi đua nhau chảy xiết ra biển.
Và chính thần Đại dương dùng cây đinh ba đánh mạnh xuống quả đất. Nó run rẩy, mặt nức toác ra dưới mỗi cú đánh, mở đường cho nước chảy qua. Các con sông vượt lên mọi ranh giới, tràn ngập các vùng đồng bằng trống trải. Và không những vườn cây ăn trái, vụ mùa ngũ cốc, các đàn gia cầm, gia súc, con người và nhà cửa mà còn đền thờ và các phẩm vật linh thiêng, tất cả đều bị nước cuốn trôi. Nếu có cái nhà nào còn đứng vững được, còn đủ sức chống cự trước cái tai họa lớn lao này mà không sụp đổ, những con sóng cao hơn lại trùm lên nóc và những ngọn tháp của nó thì chìm mất dạng dưới dòng nước lũ cuồn cuộn. Và giờ đây thì không còn phân biệt đâu là đất, đâu là biển nữa rồi. Tất cả là biển, một cái biển không bến bờ.
Đây đó có người vội vã chạy lên đỉnh đồi, có người ngồi trong chiếc ghe ra sức chèo trên chỗ mà trước đó anh ta đã cày cấy; rồi có người đi thuyền trên cánh đồng ngũ cốc hay trên mái nhà nông trại của mình giờ đã chìm sâu, và có người bắt được cá trên ngọn cây du. Và đôi khi một cái neo, do tình cờ, bị dính chặt ở cánh đồng đầy cỏ, hay cái sống thuyền cong cong lướt qua trên đầu các vườn nho. Và nơi mà trước đây mấy con dê gầy từng gặm cỏ, nay là đám hải cẩu con xấu xí nằm nghỉ. Các nữ thần
Biển “Néréide”[42] tỏ ra kinh ngạc khi thấy vườn tược, nhà cửa và thành thị chìm dưới nước. Cá heo giờ vào ở trong rừng, bơi lướt qua các cành cây cao, va mạnh vào các cây sồi khiến chúng rung lắc. Chó sói bơi lội giữa bầy cừu trong khi cọp và sư tử có màu lông vàng nâu trôi đi giữa các làn sóng. Lợn lòi không thể dùng sức mạnh của răng nanh, hươu không thể dùng cái nhanh lẹ của chân, vì cả hai cùng bị nước lụt cuốn trôi; và con chim lạc lõng sau một hồi lâu tìm chỗ đậu, đôi cánh rã rời, đành rơi xuống biển. Được tự do tung hoành ngang dọc, biển giờ đây đã vùi các ngọn đồi dưới nước, và các đợt sóng lạ thường cứ đập mạnh vào các đỉnh núi. Phần lớn các sinh vật đều bị chết trôi ngay tức khắc. Còn ai thoát được thì cũng từ từ chết đói vì thiếu đồ ăn.
Cặp vợ chồng Deucalion và Pyrrha
Dải đất Phocide[43] phân cách Aonie với những cánh đồng Oeta[44]; đó là một vùng đất màu mỡ, dĩ nhiên cho tới khi nó còn là đất; nhưng giờ thì nó đã thành một phần của biển và chỉ còn là một bề mặt mênh mông đầy nước một cách bất ngờ. Ở đó một trái núi dựng thẳng lên trời, với hai đỉnh cao ngất xuyên mây, có tên là Parnasse[45]. Đây là nơi duy nhất mà nước không nhấn chìm được, và là nơi mà Deucalion[46], lênh đênh trên một con thuyền nhỏ cùng với người vợ, đã đặt chân lên. Và việc đầu tiên họ làm là cầu nguyện các tiểu nữ thần Corycie[47] và các sơn thần, rồi Thémis[48] tiên tri, tức là nữ thần giữ các sấm truyền vào thời đó. Không ai đạo đức hơn chàng, không ai yêu chuộng công lý hơn chàng; và không người đàn bà nào tỏ ra tôn kính thần linh hơn nàng. Khi Jupiter thấy quả đất nay chỉ còn là một mặt nước mênh mông và phẳng lặng, và từ hàng ngàn người đàn ông, nay chỉ còn có một, và từ hàng ngàn người đàn bà, nay cũng chỉ còn có một, và cả hai đều vô tội, cả hai đều thờ phụng thần linh, ngài liền tách các đám mây ra xa và một khi chúng bị ngọn gió Bắc xua đi, ngài, một lần nữa, chỉ cho trời thấy đất và đất thấy trời.
Rồi cơn thịnh nộ của biển cũng lắng xuống khi Neptune, thần Đại dương đặt cây đinh ba sang một bên, làm dịu các con sóng; phía trên các vực thẳm là thân hình màu xanh biển đang đứng thẳng của Triton[49] với đôi vai ngoại khổ vì mọc đầy sò, ốc. Neptune gọi to, ra lệnh cho anh ta thổi mạnh vào vỏ sò thường kêu vang của mình, và bằng tín hiệu này các con sông, dòng suối được lệnh rút xuống. Triton nâng cái vỏ sò rỗng ruột và có
hình xoắn ốc từ phía dưới nhỏ rồi càng lên trên càng phình lớn ra - cái vỏ sò mà anh ta, đang ở giữa đại dương, vừa mới hà hơi thổi vào thì đã vang vọng đến tận những bến bờ xa khuất, từ đông sang tây. Thế là khi nó chạm đến đôi môi ướt vì nước rỉ ra từ bộ râu của vị thần Biển này và thổi ra hiệu lệnh rút lui thì mọi dòng nước cả trên đất lẫn dưới biển đều nghe hết, và mọi dòng nước nghe được lệnh rồi thì bắt đầu tháo lui. Bây giờ thì biển có bờ, sông có bãi, nước chảy đầy nhưng an phận khép mình trong lòng sông; cơn hồng thủy rút lui, và các đỉnh đồi xuất hiện, đất nổi lên, mặt đất từ từ dâng khi các con sóng xuống thấp dần; và bây giờ, sau một thời gian dài bị chìm ngập, các ngọn cây trơ trụi rốt cuộc cũng hiện ra nhưng lá trên cành vẫn còn đọng bùn đất do nước lụt để lại.
Thế giới đã thực sự được tái lập. Nhưng khi thấy đó là một thế giới trống vắng đến ghê sợ và một sự lặng ngắt như tờ ngự trị trên mặt đất tan hoang, Deucalion bật khóc và nói với Pyrrha thế này:
“Ôi em gái[50] ta, ôi vợ ta, ôi người đàn bà duy nhất còn lại trên thế gian này, nàng đã gắn bó với ta bởi một dòng máu chung, bởi mối liên hệ anh em của hai cha chúng ta, rồi bởi cuộc hôn nhân, và bây giờ chúng ta còn gắn bó với nhau hơn nữa bởi chính cơn nguy khốn này: hai ta đã là toàn bộ dân số của mọi vùng đất mà mặt trời trông thấy, từ khi mọc cho tới khi lặn đó; và biển thì cầm giữ tất cả những gì còn lại. Cho đến lúc này ta cũng chưa chắc chắn là cuộc sống đôi ta có đủ an toàn hay không. Các đám mây vẫn còn gây ra một nỗi kinh hãi trong lòng ta.
Nếu định mệnh cố tình chỉ cứu một mình nàng, không cứu ta, thì nàng, ôi con người đáng thương, cảm thấy thế nào bây giờ? Làm sao nàng chịu đựng được những nỗi lo sợ, một mình? Và những niềm đau xót, lấy ai an ủi nàng đây? Vì đối với ta, nàng hãy tin rằng, nếu nàng bị vùi thây dưới
biển thì ta hẳn sẽ theo nàng, ôi vợ yêu, ta cũng bị biển vùi thây. Ôi chao, giá mà ta có thể tạo ra lại, bằng tài năng của cha ta[51], những con người trên mặt đất này, và hà hơi tiếp truyền sự sống cho đất sét mà ta đã nặn thành hình. Nhưng đúng như thực tế bây giờ, dòng giống con người chỉ tùy thuộc vào hai ta mà thôi. Thần linh đã muốn thế, và hai ta là sinh vật mẫu duy nhất còn lại của loài người.”
Chàng nói xong và nước mắt chảy đầm đìa trên mặt họ một lúc. Rồi họ quyết định cầu xin vị thần trên thiên giới[52] cứu giúp họ thông qua các sấm truyền linh thiêng. Ngay lập tức, họ đi bên nhau tới con sông nhỏ Céphise[53]. Nước sông ở đó còn đục nhưng vẫn chảy giữa đôi bờ quen thuộc. Họ vốc nước rưới lên đầu, lên áo, xong họ cất bước về phía ngôi đền thiêng thờ nữ thần Thémis mà cái đầu hồi của nó thì nhem nhuốc với rong rêu hôi hám, và bàn thờ thì không nến, không hương. Khi tới ngưỡng cửa ngôi đền, cả hai để người ngã sấp xuống đất, và với đôi môi run rẩy họ hôn phiến đá lạnh lẽo rồi nói:
“Nếu lời nguyện cầu của con người ngay thẳng đủ tha thiết để các vị thần linh mềm lòng, để nỗi tức giận của các ngài được nguôi ngoai, hỡi thần Thémis, hãy bày cho chúng tôi làm cách nào mà loài người có thể được tái tạo, và hãy ra tay cứu giúp, hỡi vị thần có lòng khoan dung nhất, cái thế gian đã bị chìm ngập này.”
Nữ thần thấy xúc động, đưa ra lời sấm này:
“Hãy rời khỏi ngôi đền, lấy đồ bịt đầu lại, nới lỏng áo ra, và ném ra sau lưng những khúc xương của người mẹ cao quý của các ngươi.” Họ đứng đó khá lâu, sững sờ; và Pyrrha, người đầu tiên, phá sự im lặng, từ chối tuân theo mệnh lệnh của nữ thần. Đôi môi run run, nàng cầu xin tha thứ nhưng không dám xúc phạm đến hương hồn của mẹ nàng bằng
việc vứt bỏ đây đó xương cốt của bà như nàng được ra lệnh. Giữa lúc đó, họ ngẫm nghĩ rất lâu về lời sấm nghe quá tối tăm và rắc rối này, cố tìm ra ý nghĩa bí mật được giấu kín của nó. Sau cùng, người con trai của Prométhée vỗ về người con gái của Épiméthée bằng những lời lẽ làm vững lòng: “Hoặc trí khôn của ta bị nhầm lẫn, hoặc sấm truyền thì thiêng liêng và không bao giờ khuyên bảo ta làm điều sai quấy! Người mẹ vĩ đại của chúng ta, chính là quả đất đó, và ta nghĩ rằng các khúc xương mà nữ thần nói đó, chính là những hòn đá trong thân quả đất. Đó là thứ mà nữ thần lệnh cho ta ném ra sau lưng.”
Mặc dù Pyrrha cảm thấy xúc động trước sự phỏng đoán của chồng nhưng nàng vẫn do dự, không dám hy vọng nhiều, cả hai người đều nghi ngại quá đỗi đối với cái lệnh trời này. Nhưng cứ thử làm thì đã sao nào? Trùm đầu lại, mở lỏng áo choàng, họ rời đi, ném các hòn đá ra phía sau như lời thúc giục của nữ thần. Và các hòn đá - ai mà tin được chuyện này nếu truyền thống cổ xưa không chứng thực nó - ngay lập tức bắt đầu mất đi tính rắn chắc và vẻ ngoài cứng ngắc, từ từ mềm ra, và khi đã mềm hẳn thì mang một hình dạng mới. Rồi, khi chúng lớn dần lên và có tính chất mềm dẻo hơn thì người ta có thể thấy ra, tới một mức nào đó, dù còn mơ hồ, một hình dạng con người, tương tự như bức tượng bắt đầu ra khỏi tảng đá cẩm thạch vì mới tạc xong phần phác thảo và trông giống như các bức tượng không hoàn hảo. Tuy nhiên, cái phần ẩm ướt của những hòn đá này, hợp thành từ đất và hơi ẩm rịn ra, được biến thành phần thịt, còn cái gì cứng và không uốn được thì thành xương; vân đá thì thành mạch máu. Rồi chỉ trong chốc lát, và theo đúng ý nguyện của các thần linh, những hòn đá ném từ tay người đàn ông, Deucalion, thì có hình dạng đàn ông, và từ tay người đàn bà, Pyrrha, thì thành đàn bà. Thế mới hiểu tính cứng rắn
và sức chịu đựng công việc vất vả của dòng giống chúng ta từ đâu mà ra; chúng ta đưa ra bằng chứng về nguồn gốc xuất hiện của mình đó.
Mãng xà Python
Còn về những hình dạng khác của đời sống động vật thì chúng được tạo ra từ đất một cách tự phát, theo từng loài khác nhau, sau khi hơi ẩm còn sót lại từ cơn hồng thủy được các tia nắng mặt trời làm ấm dần, bùn đất của các đầm lầy ướt át phồng lên vì nóng, và các hạt mầm tốt giống của sự sống được nuôi dưỡng trong lòng đất đầy sinh lực y như trong bụng mẹ thì lớn dần lên và đến lúc nào đó sẽ mang những hình hài khác nhau. Như vậy, khi dòng Nil với bảy cửa sông[54] rút lui khỏi những cánh đồng ngập nước và trở về yên phận giữa hai bên bờ bãi trước đây của mình, và bùn đất mới để lại thì nóng lên dưới ánh nắng mặt trời, những người canh tác tìm thấy rất nhiều động vật khi đào xới đất. Và trong đám này họ thấy vài con còn chưa rõ hình dạng ngay lúc mới sinh ra, vài con khác thì có cơ thể chưa hoàn bị, còn thiếu các bộ phận thích hợp, và thường là trong cùng một cơ thể người ta thấy một bộ phận sống nhưng bộ phận khác thì chỉ là đất thô thôi. Vì khi sức nóng và hơi ẩm tác hợp thì sự sống được thụ thai, và từ hai nguồn cội này mà mọi sinh vật ra đời. Và dù cho lửa thì khắc với nước nhưng sức nóng và hơi ẩm sản sinh ra vạn vật, và sự hòa hợp nhưng không hài hòa này thì thích hợp với sự tăng trưởng của sự sống. Vì vậy, khi đất, ta hãy gọi đất là “nàng”, còn đầy bùn do trận lụt vừa rồi để lại, trở nên nóng lên nhờ các tia nắng tỏa nhiệt một cách dễ chịu của mặt trời, nàng sản sinh ra vô số sinh vật, một phần nàng tái tạo những hình dạng đã có từ trước, và một phần nàng tạo ra những động vật mới và kỳ quái.
Thật vậy, nàng hẳn đã không muốn làm chuyện này chút nào nhưng dù sao nàng cũng đã sinh ra mày, Python à, mày là con trăn khổng lồ nằm choán cả một triền núi, mày chưa từng được biết đến trước đây nhưng mày làm cho giống người mới được tạo ra cực kỳ kinh hãi; và vị Cung thần[55], với bộ cung tên lấp lánh, trước nay chỉ dùng vũ khí của mình để bắn mấy con hươu cái hay dê cái hoang dã, đã bắn ra cả ngàn mũi, gần như sạch hết ống đựng tên, tiêu diệt được con quái thú này, cho tới khi dòng máu đầy chất độc của nó trào ra từ các vết thương đen.
Và để cho thời gian không xóa nhòa tiếng tăm của thành tích này, ngài sáng lập các cuộc thi đấu linh thiêng gọi là “Pythique”, đặt theo tên con mãng xà đã bị ngài giết, và đám đông được tham dự với tư cách khán giả. Ở các cuộc tranh tài đó, những người trẻ tuổi chiến thắng trong các môn quyền thuật, chạy đua, hay đua xe ngựa thì được vinh danh bằng một vòng gỗ sồi. Vẫn chưa có vòng nguyệt quế cho tới khi đó, và Phébus[56] quen buộc mái tóc dài của mình hai bên thái dương đẹp đẽ bằng một cái vòng bằng lá từ bất cứ cây nào.
Nàng Daphné
Mối tình đầu của Phébus là Daphné[57], con gái của Pénée, thần Sông. Niềm say đắm của chàng phát sinh không phải từ một sự tình cờ mù quáng mà từ lòng oán hận hiểm độc của Cupidon[58]. Apollon, cũng là thần của đảo Délos, vẫn còn say men chiến thắng trước con mãng xà Python, khi thấy Cupidon đang ra sức kéo căng dây khiến cây cung của nó bị cong lại, liền buột miệng:
“Này thằng bé tinh nghịch kia, mi biết gì cung với tên mà cũng đòi bắn? Đó là vũ khí của người lớn mà. Đôi vai ta đây mới là chỗ thích hợp đeo cung vì chỉ ta mới có sức mạnh bắn không thể trật và làm bị thương mấy con thú hoang cũng như các kẻ thù, và mới đây ta đã trừ khử con Python, vô số mũi tên của ta đã làm cái thân chứa đầy mầm độc gây bệnh dịch của nó trương phình lên, nằm choán hết cả cánh đồng. Mi nên lấy việc cầm đuốc đi soi sáng những ngọn lửa thầm kín của tình yêu mà làm vui, chớ đừng mơ tưởng mi sẽ tạo được vinh quang như ta.”
Nghe xong, đứa con trai của nữ thần Vénus trả lời:
“Này Apollon, mũi tên của mi có thể xuyên qua mọi thứ khác, nhưng mũi tên của ta sẽ chọc thủng người mi; muôn loài sinh vật nằm ở mức thấp hơn thần linh bao nhiêu thì vinh quang của mi thấp hơn của ta bấy nhiêu.”
Nói thế xong, hắn vung mạnh đôi cánh tung người bay xuyên qua không trung rồi nhanh chóng đậu xuống đỉnh núi Parnasse nhiều bóng mát. Ở đó, hắn rút từ bao ra hai mũi tên có tác dụng trái ngược nhau: một cái nhen lên ngọn lửa ái tình, một cái xua đuổi nó. Tên nhen lửa tình yêu
thì bằng vàng, có mũi nhọn sắc bén và lấp lánh; và cái tên kia thì cùn, mũi bịt chì. Cupidon bắn vào tim Daphné, cô con gái của Pénée, với mũi tên sau, và bắn Apollon với mũi tên đầu, xuyên thấu tận xương tủy.
Ngay lập tức, Apollon thấy lòng mình bất chợt rạo rực vì yêu trong khi Daphné thì tìm cách xa lánh ngay cả cái tên gọi của tình yêu. Nàng lấy làm vui sướng khi sống kín đáo trong rừng sâu, khi săn được những con thú hoang, ganh đua với nàng trinh nữ Phébé[59]. Một sợi dây nhỏ kết lại cho gọn các lọn tóc lòa xòa của nàng. Nhiều chàng trai tìm cách quyến rũ nàng nhưng nàng không thích tất cả những người theo đuổi đó chút nào; nàng không nghĩ đến đàn ông, không muốn bị ràng buộc, chỉ thích rong chơi trong những khu rừng hoang dã chưa có lối đi, và chẳng muốn biết Hymen[60], tình yêu hay hôn nhân có thể là cái thứ gì. Cha nàng, Pénée, thường nói:
“Này con gái, con nợ ta một anh con rể đấy,” và cũng thường nói, “Này con gái, con nợ ta mấy đứa cháu ngoại đấy.”
Nhưng vì ghét các ngọn đuốc hôn lễ như thể chúng là cái gì xấu xa, khuôn mặt đẹp đẽ của nàng đỏ bừng lên, và đưa tay quàng xung quanh cổ cha, nàng nũng nịu:
“Ôi cha yêu quý, hãy cho phép con được là trinh nữ mãi mãi nhé, thế con mới vui được, cha ơi. Jupiter, cha của Diane, đã cho phép chị ấy như thế rồi.”
Ông chấp nhận thực sự lời cầu xin của nàng nhưng đưa ra nhận xét này:
“Daphné ơi, nhan sắc của con sẽ ngăn cản con thực hiện ý nguyện của mình, và vẻ yêu kiều của con thì không phù hợp với lời cầu nguyện của con đâu.”
Phébus yêu Daphné ngay khi vừa thấy nàng lần đầu, và ước ao cưới nàng làm vợ; chàng nuôi hy vọng về những gì mình ao ước, nhưng tài năng thiên bẩm về tiên tri của riêng chàng thì lại đánh lừa chàng. Như rơm rạ hừng cháy sau khi đồng lúa đã gặt xong, như một hàng rào bắt lửa từ ngọn đuốc mà lữ khách nào đó tình cờ đặt quá gần hay bỏ lại đó khi bình minh ló dạng, chàng thấy mình như bị ngọn lửa thiêu đốt, cả con tim hừng hực yêu thương, và niềm hy vọng vẫn ấm áp cho mối tình đơn phương này. Chàng nhìn mái tóc lõa xõa của nàng hờ hững buông xuống hai bờ vai, và buột miệng:
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nàng chịu khó chải tóc?”
Đăm đăm, chàng nhìn đôi mắt lóng lánh như ánh sao của nàng, chàng nhìn đôi môi nàng mà chàng cảm thấy nếu chỉ tiếp tục nhìn sững như thế này thôi thì quả tình không thỏa mãn. Chàng trầm trồ trước cổ tay, bàn tay và các ngón tay của nàng, và hai cánh tay để trần tới vai, và cái gì được che kín, không thấy được thì càng đẹp hơn, chàng nghĩ thầm. Thế nhưng, nàng cứ lẩn trốn chàng, còn nhanh hơn cơn gió thoảng, nàng cũng chẳng dừng bước khi chàng gọi nàng lại:
“Tiểu nữ thần ơi, cô con gái của thần Pénée ơi, chờ đã nào! Ta không phải kẻ thù theo đuổi nàng đâu. Ôi, hãy dừng chân! Như nàng, con cừu chạy trốn chó sói, con hươu chạy trốn sư tử; như nàng, con bồ câu, đôi cánh run rẩy, chạy trốn đại bàng; như nàng, mọi sinh vật chạy trốn kẻ thù của mình. Nhưng chính tình yêu thúc đẩy ta theo đuổi nàng đấy! Khốn khổ cho ta! Ta lo nàng sẽ ngã đâm đầu xuống, ta lo những bụi gai sẽ làm sây sát chân tay lành lặn của nàng, và cũng lo là ta sẽ gây đau khổ cho nàng. Vùng đất này, mà nàng băng qua, thì gồ ghề lắm. Chậm lại nào, ta van nài đấy, và đừng chạy trốn nữa! Ta cũng chậm lại đây này. Nhưng nàng hãy
dừng chân và hãy biết kẻ si mê nàng là ai chứ. Ta không phải là người miền núi, không phải tên chăn cừu, cũng không phải là kẻ canh giữ thô lỗ cho mấy đàn súc vật này nọ. Nàng không biết, hỡi cô gái hấp tấp, nàng không biết mình đang chạy trốn ai đây, và vì thế mà nàng cứ nhắm mắt nhắm mũi bỏ chạy thục mạng! Delphes[61] là đất của ta, và Claros[62], Ténédos[63] và cung điện ở Patara[64] đều thừa nhận ta là vua của họ. Jupiter là cha ta. Chính ta là kẻ có thể tiết lộ tương lai, quá khứ và hiện tại, tất cả. Và nhờ ta mà đàn lia hòa âm được với lời ca, tiếng hát. Tên ta bắn ra bao giờ cũng trúng đích, nhưng ôi chao, lại có một mũi tên còn chính xác hơn tên của riêng ta, nó đã gây thương tích cho trái tim ta, tới lúc đó vẫn còn lành mạnh. Thuật y khoa là do ta khám phá ra. Cả thế gian này gọi ta là cứu tinh, và tất cả sự hiệu nghiệm của các loài dược thảo ta đều nắm rõ. Than ôi, tình yêu không thể chữa khỏi bằng dược thảo, và y thuật của ta có thể chữa lành mọi người, lại không thể chữa lành chính ta!”
Chàng hẳn sẽ nói thêm nữa nhưng nàng trinh nữ ấy, lúc nào cũng đẹp dưới mắt chàng, cứ cuống cuồng ba chân bốn cẳng chạy mãi, bỏ mặc chàng với những lời lẽ chưa kịp nói xong. Gió làm tay chân nàng lộ ra, hơi gió tạt qua người nàng theo hai chiều ngược nhau làm vạt áo nàng bay lên khi chạy, và một làn gió nhẹ thổi các lọn tóc phất phơ của nàng ra phía sau. Sắc đẹp nàng càng nổi lên qua sự trốn chạy này. Nhưng cuộc rượt đuổi sắp kết thúc rồi vì vị thần trẻ tuổi không còn có thể bỏ phí thời gian với những lời dỗ dành ngon ngọt nữa, và bị tình yêu thôi thúc, chàng chạy theo với tốc độ cao nhất. Như con chó săn xứ Gaule[65] khi thấy ra con thỏ rừng ở một cánh đồng trống, cả hai đều vụt chạy, chó chạy để tìm mồi, thỏ chạy để thoát thân; và khi có vẻ sắp sửa vồ được con mồi, chó nghĩ, a, bắt được nó rồi đây, và đưa cái mõm quệt vào hai cái chân sau của thỏ; trong khi đó
thì thỏ không biết mình đã bị vồ chưa, chỉ vừa kịp thoát khỏi mấy cái răng nanh nhọn hoắt, để lại đằng sau cái miệng mở toang đang cố ngoạm mình. Vị thần trẻ và nàng trinh nữ cũng chạy như thế, kẻ vì hy vọng, kẻ vì sợ hãi. Nhưng kẻ theo đuổi, nhờ tình yêu chắp cánh, thì nhanh hơn, không để nàng kịp nghỉ chân chút nào, và lúc này thì đã nghiêng người trên vai nàng, hơi thở đã phả lên mái tóc lòa xòa trên cổ nàng. Giờ thì nàng kiệt sức rồi, đôi chân rã rời sau cuộc chạy trối chết, mặt mũi tái xanh vì sợ, nhưng nàng chợt thấy mặt nước của một con sông gần đấy, liền kêu to:
“Cha ơi, cứu con với! Nếu sông nước cũng có quyền năng như cha[66] thì hãy biến thể đứa con gái khốn khổ vì nhan sắc của mình, hãy hủy hoại cái sắc đẹp quá quyến rũ này đi!”
Nàng vừa mới nói xong lời cầu cứu thì đã cảm thấy tay chân mình bắt đầu tê cứng dần, và một lớp vỏ mỏng bọc quanh đôi vú, và tóc biến thành lá cây, cánh tay thành cành cây. Hai bàn chân, vừa rồi chạy rất nhanh, giờ bỗng dưng kéo dài thành rễ cây chậm chạp mọc lan ra, và một ngọn cây bao vòng quanh đầu nàng. Chỉ nhan sắc kiều diễm của nàng còn lại mà thôi.
Nhưng ngay cả bây giờ, dưới hình dạng mới này, Phébus vẫn yêu nàng. Đặt bàn tay lên thân cây, chàng cảm thấy trái tim nàng còn phập phồng dưới lớp vỏ cây. Chàng ghì chặt các cành cây như thể chúng là tay chân con người và đưa môi hôn lên gỗ. Nhưng mà gỗ cũng co rút lại dưới các nụ hôn của chàng. Và vị thần kêu to:
“Chính vì nàng không thể làm vợ ta thì ít ra nàng phải là cây lá của ta!” Hỡi nguyệt quế, nàng sẽ là vòng lá mà ta sẽ đội lên đầu, nàng sẽ làm đẹp cây đàn lia, nàng sẽ quấn quanh bao đựng tên của ta. Các tướng lãnh La Mã sẽ đội vòng nguyệt quế khi dân chúng hò reo đón mừng họ trở về trong
chiến thắng và các đoàn diễu hành dằng dặc kéo nhau leo lên đồi Capitole[67]. Nàng sẽ đứng thẳng trước các cổng chính của dinh thự hoàng đế Auguste như một người cảnh vệ tin cẩn và canh chừng sát sao các vòng bằng gỗ sồi tượng trưng cho thành phố được đặt giữa các cổng. Và tương tự như cái đầu của ta luôn trẻ mãi[68], với mái tóc không bao giờ cắt, nàng cũng phải giữ gìn sao cho vẻ đẹp của lá cây nàng luôn vĩnh cửu[69].”
Péan[70] nói xong, cây nguyệt quế vung vẩy các cành nhánh mới mọc ra và có vẻ rung nhẹ cái vòng lá trên đỉnh đầu như muốn tỏ ý thuận tình.
Nàng Io[71]
Ở vùng Thessalie có một thung lũng được bao quanh bốn phía bởi những đồi dốc rậm rạp cây cối. Nó có tên là Tempé[72]. Con sông Pénée, bắt đầu chảy từ chân núi Pinde, nước ngầu bọt, xuyên qua nó, và nơi mà sông đổ ầm xuống như thác thì bốc lên một đám mây hơi nước mỏng và nhẹ như khói sương rơi xuống lắc rắc trên các ngọn cây và tiếng nước gầm rú hung hãn làm inh ỏi cả những vùng đất xa hơn. Đây là nhà, là nơi cư ngụ, là nơi vãng lai sâu kín nhất của dòng sông lớn này. Ngồi chễm chệ ở đây, trong một hang động có mái đá nhô ra ngoài, thần Pénée đang ban lệnh cho sông nước và các tiểu nữ thần sống trên sông nước của ngài. Tại đây, các con sông trên xứ sở của riêng ngài tụ họp nhau đầu tiên, không biết có nên chúc mừng hay an ủi người cha của Daphné: sông Sperchios với hàng dương hai bên bờ, sông Épinée nước chảy xiết, sông Apidanus già nua, sông Amphrysos và sông Éas, cả hai lặng lờ trôi xuôi; rồi sau đó mọi con sông khác, bất kể bằng cách nào mà các dòng chảy kéo chúng đi, đưa các con nước mệt mỏi vì uốn khúc quá nhiều ra đến biển.
Chỉ có sông Inachus[73] là không đến góp mặt; ẩn mình trong cái hang sâu nhất của mình, thần khóc, lệ rơi xuống làm nước sông dâng lên, và trong mối sầu đau chất ngất, thần thương xót Io, đứa con gái tưởng là thất lạc của mình. Thần không biết là nàng còn sống hay nàng vất vưởng giữa các vong hồn. Nhưng, vì không thể tìm thấy nàng ở bất cứ nơi nào, thần nghĩ rằng nàng không ở đâu cả, và lòng dạ bồn chồn, thần có linh tính là số phận nàng còn khốn khổ hơn cái chết.
Jupiter trước đó đã thấy nàng trở về từ dòng sông của cha, nói: “Hỡi nàng trinh nữ kia, nàng thật xứng đáng với tình yêu của Jupiter dành cho đó, và có số làm cho đàn ông sung sướng trên giường, bây giờ hãy đến dưới bóng mát của rừng sâu này,” và đưa tay chỉ cụm rừng nhiều bóng cây, “trong khi mặt trời ở đỉnh điểm và không khí oi bức. Nhưng nếu nàng sợ đi một mình giữa hang ổ của thú dữ, thì hãy biết rằng có một vị thần sẽ bảo vệ nàng, nàng sẽ được an toàn ngay cả khi đi trong rừng sâu núi thẳm nhất. Hãy biết rằng ta không phải một tên thần linh bình thường, đây, bàn tay đầy uy lực của ta đang cầm cây thiên trượng và tung ra sấm sét ngang dọc trên bầu trời. Ồ, đừng chạy trốn ta!”
Thật vậy, nàng đã ba chân bốn cẳng chạy mất rồi; nàng đã bỏ lại đằng sau những cánh đồng cỏ Lerne và vùng bình nguyên Lyrcée đầy cây cối khi Jupiter phủ kín vùng đất mênh mông đó bằng một đám mây dày đặc và tối đen; thần chụp bắt được nàng trinh nữ trên đường trốn chạy và cưỡng đoạt trinh tiết của nàng.
Tên canh gác Argus
Trong khi đó Junon tình cờ nhìn xuống màn sương mù lơ lửng trên thành Argos[74] và tỏ ra ngạc nhiên sao lại có các đám mây bỗng dưng tụ về nhanh chóng khiến đất trời tối sầm ngay giữa ngày nắng chói chan. Bà biết chúng không phải là hơi nước bốc lên từ sông hay sương mù tỏa ra từ mặt đất ẩm ướt, và ngay lập tức bà đảo mắt nhìn quanh để tìm xem đức ông chồng của mình đang ở đâu, vì bà biết quá rõ các mưu mèo chước khỉ của ông mà bà thường bắt gặp tại trận. Khi không thể tìm ra ông ở trên trời, bà buột miệng:
“Hoặc là ta sai lầm, hoặc là ta bị lừa dối.”
Rồi bay lướt xuống trần từ trên đỉnh trời. Bà đứng trên mặt đất, truyền lệnh cho các đám mây bay đi. Nhưng Jupiter đã đoán trước bà vợ có máu ghen nóng hổi của mình chắc sắp đến nên đã biến cô con gái của Inachus thành một con bò cái tơ có bộ lông trắng toát. Ngay cả dưới hình dạng này nàng vẫn còn đẹp. Junon, con gái của thần Saturne, ngắm nhìn con bò cái tơ một lúc, trầm trồ một cách miễn cưỡng, rồi gằn giọng hỏi:
“Nó thuộc về ai đây? Nó từ đâu đến? Từ đàn bò nào?” như thể bà không biết gì ráo trọi.
Jupiter nói láo không ngượng mồm:
“Nó sinh ra từ đất đấy,” nhằm chặn trước các câu hỏi soi mói về nguồn gốc của con bò. Ngay sau đó Junon đòi chồng tặng nó cho mình như một món quà. Ôi, ông thần của mọi thần có thể làm gì được đây? Từ bỏ cái tình này chăng? Tàn nhẫn quá đi! Không giao nộp người yêu dấu này ư? Lại
gây ra ngờ vực! Một bên, sự xấu hổ thúc đẩy thần bỏ rơi nàng, một bên tình yêu nài nỉ thần đừng làm thế. Tình yêu có lẽ sẽ thắng nỗi xấu hổ, nhưng nếu Jupiter từ chối trao cho một người vừa là vợ, vừa là em gái mình một món quà quá đỗi tầm thường như con bò cái tơ này thì thần hẳn sẽ khiến cho vợ hiểu là nó chẳng phải con bò cái tơ gì sất.
Cuối cùng Junon cũng có được nàng tình địch trong tay nhưng bà không rủ bỏ được ngay lập tức mọi mối nghi ngờ, vì bà sợ ông sẽ còn dở những trò bội bạc khác, cho đến khi bà giao Io cho Argus[75], con trai của Arestor, coi giữ giùm bà. Argus có cái đầu bao quanh bởi một trăm con mắt, khi ngủ thì cứ hai con thay phiên nhau nhắm lại trong khi những con khác thì mở thao láo để canh chừng mọi thứ. Dù đứng như thế nào đi nữa anh ta vẫn nhìn thấy Io; ngay cả khi quay lưng anh ta vẫn có Io trước mắt mình. Ban ngày anh ta để cho nàng tự do gặm cỏ nhưng khi mặt trời lặn xuống dưới mặt đất, anh ta nhốt nàng lại và cột cổ nàng bằng một sợi dây thòng lọng rất chi là xấu xí. Nàng ăn lá cây, ăn rau đắng, nàng chỉ có mặt đất trống trơn, tội nghiệp chưa, không phải bãi cỏ, làm chỗ ngủ, và nàng uống nước ở các con suối đầy bùn. Khi cố gắng đưa thẳng cánh tay ra để van nài Argus nàng nhận ra là mình không có cánh tay nào để đưa ra; và khi nàng thử than phiền bằng lời nói thì chỉ có tiếng rống ò ò phát ra từ miệng mình. Nàng bắt đầu lo lắng vì cái âm thanh này và cảm thấy khiếp sợ với giọng nói của chính mình. Rồi nàng cũng đến được bên bờ sông Inachus, nơi nàng thường chơi đùa, nhưng khi bỗng thấy phản chiếu trên mặt nước cái hàm toác hoác và cặp sừng mới nhú ra, nàng giật mình bỏ chạy trong nỗi kinh sợ cùng cực.
Các chị em gái “Naïade”[76] không biết nàng là ai, và chính cha nàng, Inachus, cũng vậy. Nhưng nàng đi theo ông và các chị em gái đó, để cho họ
trầm trồ và vuốt ve nàng. Ông già Inachus nhổ vài nhúm cỏ và chìa ra trước miệng nàng; nàng liếm bàn tay ông, tìm cách hôn nó, và không thể ngăn được nước mắt trào ra, ôi, phải chi có thể nói được thì nàng sẽ xưng tên, sẽ kể ra nỗi bất hạnh đau lòng này và xin cứu giúp. Nhưng thay vì bằng lời nói, nàng dùng móng guốc vẽ ra trên lớp bụi những chữ cái, chúng từ từ tiết lộ câu chuyện về sự biến thể buồn thảm của nàng.
“Ôi, khổ thân tôi chưa!”
Cha nàng, Inachus, rú lên, tay giữ chặt cái sừng và cái cổ trắng như tuyết của con bò cái tơ đang sụt sùi.
“Ôi, khổ thân tôi chưa! Con có thật là con gái ta không, đứa con mà ta đã tìm kiếm khắp nơi trên mặt đất này? Con mất tích, không tìm ra thì có lẽ ta sẽ thấy ít đau buồn hơn là tìm lại được con trong tình trạng thế này! Con im lặng, con không trả lời ta bằng lời nói, con chỉ thở dài sườn sượt, và tất cả những gì con có thể một mình làm được để trả lời ta là rống lên ò ò. Và ta, trong sự vô tri mãn nguyện, định sắp xếp các nghi thức hôn lễ cho con, hy vọng là đầu tiên ta có được chàng rể rồi sau là các đứa cháu ngoại. Nhưng giờ đây ta phải tìm cho con một tấm chồng từ đàn bò, và cũng từ đàn bò mà ta chờ mong mấy đứa cháu ngoại! Và ngay cả cái chết cũng không thể chấm dứt giùm ta nỗi đau đứt ruột này. Làm thần linh thật là khốn khổ, vì rằng cánh cửa dẫn vào cõi chết không bao giờ mở cho ta, và nỗi đau buồn của ta vẫn phải kéo dài đến thiên thu.”
Trong khi hai cha con cùng nhau than khóc như thế, Argus với trăm con mắt như sao trời tách rời họ ra, kéo đứa con gái ra khỏi vòng tay của cha nàng, dẫn nàng đi về những đồng cỏ xa xôi. Khi tới đó rồi, anh ta đơn độc leo lên ngồi trên một đỉnh núi mà từ đó anh ta có thể thoải mái canh gác vì nhìn được bốn phương tám hướng.
Nhưng bây giờ Jupiter, vị thần thống lĩnh toàn bộ các thần khác, không thể tiếp tục chịu đựng trước sự đau khổ quá sức của Io liền cho gọi Mercure[77], con trai của ông do một nàng “Pléiade”[78] sáng chói sinh ra, đến và ra lệnh cho chàng đi giết Argus. Không chút chậm trễ, Mercure xỏ đôi cánh vào chân, đưa bàn tay rắn chắc cầm lấy chiếc gậy thần có khả năng gây buồn ngủ và đội cái mũ thần diệu lên đầu. Trang bị như thế rồi, đứa con trai của Jupiter nhảy một cú từ trời cao xuống mặt đất; ở đó, chàng cởi mũ, xếp cánh đặt qua một bên. Chàng chỉ giữ lại chiếc gậy thần, nhờ nó chàng hóa trang thành một tên chăn dê đang dẫn theo những con đường mòn vắng vẻ ở miền quê một bầy dê mà chàng dần dần tập hợp được dọc đường đi. Và chàng vừa bước vừa thổi cái ống sáo bằng sậy. Argus, tên canh gác của Junon, nghe được giai điệu mới mẻ này liền bị quyến rũ ngay.
“Này thằng kia,” anh ta gọi to, “dù mày là ai thì cũng có thể ngồi xuống bên cạnh tao, trên tảng đá này; vì không có chỗ nào có nhiều cỏ hơn đây cho đàn dê của mày, và mày thấy đấy, có nhiều bóng râm tiện cho đám chăn dê tụi mày tránh nắng.”
Vậy là đứa cháu ngoại của Atlas ngồi xuống và trải qua nhiều giờ bằng cách nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, và chơi nhạc bằng ống sáo, chàng đang tìm cách vượt qua những con mắt đầy cảnh giác đó. Nhưng Argus gắng gỏi chống cự những cơn buồn ngủ êm dịu một cách can đảm; và dù để cho vài con mắt nhắm khít để ngủ, anh ta vẫn tiếp tục canh chừng với những con mắt còn lại. Và vì ống sáo bằng sậy mới được sáng chế gần đây, anh ta còn hỏi nó được chế tạo thế nào.
Vậy thì Mercure trả lời:
“Ở các triền núi mát mẻ vùng Arcadie, giữa những tiểu nữ thần của
rừng cây cư ngụ ở núi Nonacris thì có một cô được nhiều người săn đón nhất. Các nữ thần thân thuộc đó gọi nàng là Syrinx. Rất nhiều lần nàng đã lẩn tránh được sự theo đuổi của các thần Dê và tất cả các thần ngụ trong rừng cây rậm rạp hoặc cánh đồng phì nhiêu. Nhưng nàng lại chọn nữ thần đảo Délos, tức Diane, làm khuôn mẫu trong các hoạt động giải trí và nhất là trong cuộc sống với trạng thái còn trinh bạch. Khi thắt chặt lưng áo theo phong cách của Diane, nàng sẽ làm cho người nhìn lầm lẫn, họ có lẽ sẽ tưởng nàng là con gái của Latone[79] nếu nàng không mang cái cung bằng sừng trong khi cung của Diane thì bằng vàng. Nhưng ngay cả như thế rồi mà người ta vẫn lầm nàng là nữ thần Diane. Một ngày kia Pan trông thấy Syrinx trở về từ núi Lycée. Đầu anh chàng Pan[80] này thì đội một cái vòng làm bằng lá thông, và anh ta nói với nàng rằng…”
Mercure còn phải kể tiếp là Pan đã nói những gì, và làm sao nàng Syrinx, sau khi cự tuyệt lời khẩn cầu của anh ta, đã chạy trốn xuyên qua cả một vùng đất hoang vu không có đường mòn cho tới khi đặt chân đến con sông nhỏ Ladon chảy êm đềm giữa hai bờ cát; và làm sao ở đây, vì không thể băng qua sông, nàng đã van nài các nữ thần sông nước chị em hãy biến đổi hình dạng nàng; và làm sao Pan, khi ấy tưởng mình đã bắt được Syrinx, giờ nhận ra là, thay vì thân thể của nàng, đã ôm vào lòng không gì khác hơn là một đám sậy của đầm lầy; và trong khi anh ta thở dài sườn sượt vì thất vọng, hơi gió nhẹ êm từ tiếng thở chuyển động trong ống sậy làm phát ra âm thanh khẽ khàng như lời trách than nhỏ nhẹ. Xúc động bởi sự kỳ diệu này, và bị quyến rũ bởi thanh sắc dịu êm, Pan kêu lên:
“Đây là cách mà chúng ta gắn bó với nhau, ít ra là vậy.”
Và Pan ra tay gắn lại với nhau bằng sáp các ống sậy dài ngắn khác nhau, tạo ra một nhạc cụ mới, nó mang và lưu giữ cho người đời cái tên
nàng trinh nữ yêu kiều đó, “syrinx”.
Trong khi Mercure tiếp tục kể câu chuyện này, chàng bỗng thấy tất cả các con mắt của Argus giờ đã chịu thua cơn buồn ngủ, đã nhắm ghiền lại. Tức khắc chàng ngừng nói, đưa cây gậy thần qua lại ngay trên những mí mắt uể oải đó nhằm làm cho giấc ngủ của Argus say hơn. Rồi ngay lập tức chàng dùng thanh gươm cong chặt cái đầu đang gục xuống ngay chỗ nối đầu và cổ, và hất nó, đẫm máu, xuống phía dưới tảng đá lớn khiến cho cái vách đá lởm chởm bị vấy máu lấm lem. Argus này, mày giờ đây nằm im hơi lặng tiếng rồi đó, ánh sáng trong các tia nhìn rực lửa của mày nay đã lụi tàn hết, và cả trăm con mắt mày giờ đã chìm sâu trong bóng tối.
Junon, con gái của Saturne, lấy về trăm con mắt này và gắn chúng lên bộ lông của con chim yêu dấu[81] của bà, nạm đuôi nó bằng đá quý trông giống như các vì sao. Ngay lập tức sau đó bà nổi giận đùng đùng, và ra tay hành động để cho nguôi cơn thịnh nộ của mình. Bà gọi và cho “Furies”[82], kẻ làm mọi người kinh khiếp, xuất hiện trước mắt và trong tim của Io, gieo rắc một mối sợ hãi ray rứt trong thâm tâm tình địch của bà, khiến nàng phải trốn chạy khắp thế giới trong nỗi kinh hoàng. Ôi thần sông Nil, chỉ mình ngài đã thực sự chấm dứt nỗi khó nhọc vô hạn của nàng. Khi chạy tới được con sông này, nàng vội vàng quỳ sụp xuống bên bờ; đầu ngửa ra sau, nàng đưa cao mặt, đó là tất cả những gì mà nàng có thể đưa lên cao, về phía những vì sao xa tít, và với tiếng rên rỉ, với nước mắt, với tiếng bò rống quằn quại nàng dường như bày tỏ nỗi đau xót của mình trước Jupiter và van xin ông chấm dứt cái tai họa đã kéo dài quá lâu này. Ngay sau đó, Jupiter đưa tay quàng quanh cổ vợ và khẩn cầu bà cuối cùng nên kết thúc sự trả thù cho rồi.
“Từ nay về sau,” ông nói, “hãy dẹp mọi lo lắng sang một bên, vì cô ấy
sẽ không bao giờ gây ra đau khổ cho bà một lần nữa.”
Và ông kêu gọi các vực sâu của con sông Styx chảy qua địa ngục làm chứng cho lời thề của mình.
Nỗi oán giận của Junon được nguôi ngoai; Io lấy lại hình dạng ban đầu của mình và trở thành cô gái xinh đẹp như ngày trước. Cả bộ lông bờm xờm rơi khỏi thân thể nàng, hai cái sừng biến mất, đôi mắt to tròn thu nhỏ lại, cái miệng rộng thì hẹp lại, vai và bàn tay trở lại, và móng guốc tiêu mất vì mỗi cái bị đổi thành năm cái móng tay hay chân. Không còn dấu vết gì còn sót lại từ con bò cái tơ, ngoại trừ sắc trắng sáng của làn da trên cơ thể nàng. Bây giờ cuối cùng có được khả năng đứng trên hai chân, Io đứng thẳng người nhưng nàng lại sợ mở miệng nói vì không biết còn rống ò ò như con bò cái tơ hay không, và vừa lo vừa run, nàng bắt đầu lấy lại tiếng nói đã bị bỏ rơi từ lâu.
Cậu bé Phaéthon
Giờ đây nàng là một nữ thần được đám đông ăn mặc áo quần bằng vải lanh[83] thờ phụng hết mực. Nàng sinh hạ một đứa con trai, Épaphus, được cho là thụ thai rất lâu từ hạt giống của Jupiter đầy quyền uy; nó cư ngụ với mẹ trong các đền thờ tọa lạc trong khắp các thành phố. Nó có một thằng bạn cùng tuổi, cùng tính cách, tên là Phaéthon, con của Mặt trời. Một ngày kia Phaéthon tỏ ra phách lối, khoe khoang cha mình là Phébus[84], và không chịu nhường bước cho Épaphus; vậy là đứa cháu ngoại của Inachus phản đối và nói: “Mày đúng là thằng ngốc mới tin tất cả những gì mẹ mày nói ra với mày, và còn tỏ ra kiêu căng với những ý nghĩ sai lầm về ai là cha mày.”
Phaéthon giận đỏ mặt tía tai nhưng sự xấu hổ chế ngự được cơn giận trong người, nó đem lời chế nhạo xấc xược của bạn về nói lại ngay với mẹ nó, Clymène[85].
“Và mẹ ơi, còn điều này có thể làm mẹ đau lòng hơn là con,” nó nói, “một đứa gan dạ, miệng lưỡi mạnh dạn, con đã không nói được tiếng nào! Con thấy xấu hổ là một lời sỉ nhục như thế được buông ra mà không thể đáp trả. Nhưng nếu con thực sự sinh ra từ dòng dõi thần linh thì mẹ hãy cho con một bằng chứng về sự xuất thân cao quý của con và xác minh những gì con nói về nguồn gốc thần linh của mình.”
Nói xong nó đưa tay quàng cổ mẹ, van nài bà, trước cuộc đời của chính nó, của Merops[86], trước những ngọn đuốc trong lễ cưới[87] của các chị nó, hãy cho nó một chứng cớ chắc chắn về người cha thực sự của nó.
Clymène tỏ ra xúc động - nhưng ta không biết chắc là bà xúc động hơn vì lời cầu khẩn của con hay vì tức giận trước lời sỉ nhục bà - dang cả hai cánh tay lên trời, đưa mắt nhìn mặt trời chói lọi, mở miệng kêu lên:
“Trước sự huy hoàng của thiên thể đang chiếu sáng rực rỡ và đang nghe và thấy ta đây, ta thề với con, con trai của ta, rằng Mặt trời con đang thấy đó, Mặt trời thống trị thế giới đó, chính là cha con. Nếu ta không nói sự thật thì ta sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy ông lần nữa và đây sẽ là lần cuối cùng mà mắt ta còn thấy ánh sáng ban ngày. Nhưng tìm ra nhà của cha con thì, đối với chính con, không khó gì đâu. Nơi chốn mà ông nổi lên thì không xa xứ sở của chúng ta. Nếu con thực sự quan tâm thì hãy đi đến đó và đặt ra câu hỏi với chính ông.”
Phaéthon vui mừng nhảy cẫng lên khi nghe những lời lẽ của mẹ, và bắt đầu mơ tưởng đến các cảnh trời trên cao; sau đó, nó lên đường, đầu tiên đi xuyên qua đất nước nó, Éthiopie, rồi qua Ấn Độ, vùng đất nằm gần mặt trời, và nhanh chóng đặt chân đến nơi chốn mà cha nó mọc lên mỗi ngày.
Thiên 2
Cậu bé Phaéthon(tiếp)
Cung điện của Mặt trời trông sừng sững trên các cột trụ cao ngất, rực rỡ với ánh lấp lánh của vàng và đồng thiếc tỏa sáng như lửa. Ánh lập lòe của ngà bao quanh những đầu hồi phía trên, và cửa ra vào có hai cánh bằng bạc đã đánh bóng thì sáng chói. Và sự khéo léo của tài nghệ thực hiện thì còn đẹp hơn các vật liệu được sử dụng. Vì Mulciber[88], trên các cánh cửa, đã chạm nổi các dòng nước bao quanh vùng đất trung tâm, quả đất hình cầu và bầu trời mở rộng bên trên mặt đất. Biển là nơi trú ngụ của các thần có nước da sậm màu biển: Triton với vỏ sò có giai điệu du dương, Protée với hình dạng thay đổi bất thường, và Égéon với hai cánh tay lực lưỡng đặt ngang lưng một cặp cá voi kếch xù; rồi Doris và các con gái, đứa thì thấy đang bơi dưới nước, đứa thì ngồi phơi tóc có màu lục trên các phiến đá, đứa khác thì cưỡi cá. Bọn họ thì không phải tất cả giống nhau, cũng không phải tất cả khác nhau, chị em thì phải như thế rồi. Trên đất liền thì có người, thành phố, rừng cây và thú vật, sông suối, tiểu nữ thần và các thần miền quê khác. Phía trên các hoạt cảnh này là một hình ảnh tượng trưng cho bầu trời sáng chói, sáu cung của hoàng đạo[89] trên các cửa bên tay mặt và sáu cung trên các cửa bên tay trái.
Lúc bấy giờ, khi đứa con trai của Clymène đã leo lên con đường dốc nhỏ dẫn đến đó, và đã vào dưới mái nhà của người cha mà nó không chắc lắm về mối quan hệ ruột thịt này, nó liền quay người để nhìn cho rõ mặt ông nhưng nó đành dừng lại cách đó vài bước chân vì không thể chịu nổi ánh sáng chói lòa khi nhìn gần hơn. Khoác một cái áo ngoài đỏ tía, Phébus
ngồi trên một cái ngai lóng lánh ngọc lục bảo rực rỡ. Bên phải và bên trái đứng thẳng người là Ngày, Tháng, Năm và Thế kỷ, và những Giờ được đặt ở từng khoảng cách bằng nhau. Mùa Xuân trẻ cũng có mặt, đầu đội một vòng hoa tươi; mùa Hạ lõa lồ đeo một chuỗi những hạt ngũ cốc đã chín; mùa Thu đứng đó, người lấm lem vì những chùm nho bị giẫm đạp; và mùa Đông băng giá thì tua tủa những lọn tóc trắng.
Ngồi ngay giữa đám người này, và với cặp mắt thấy mọi thứ, Mặt trời nhìn đứa bé đang tỏ ra sợ sệt trước cảnh tượng lạ lùng và mới mẻ này, lên tiếng:
“Tại sao con đến đây? Con muốn tìm gì ở những tầng cao này, Phaéthon, đứa con trai mà không người cha nào cảm thấy cần phải chối từ?”
Cậu bé trả lời:
“Ôi ánh sáng chung cho cả vũ trụ bao la này, ôi Phébus, cha của con, nếu cha cho phép con được dùng cái tên đó, nếu mẹ Clymène không giấu giếm sự xấu hổ[90] của mình bằng một sự bịa đặt dối trá, thì cha hãy cho con một bằng chứng để mọi người biết con thực sự là con trai của cha, và để xóa bỏ cái chuyện nửa tin, nửa ngờ trong tâm trí con.”
Chờ nó nói xong, Phébus đưa tay gỡ cái vương miện ánh sáng chói lọi ra khỏi đầu mình, và ra lệnh cho đứa bé đến gần hơn. Ôm hôn nó, ông nói: “Con xứng đáng được gọi là con của ta, và Clymène đã thố lộ với con về nguồn gốc thực sự của con. Và để con khỏi phải nghi ngờ lời nói của ta, hãy lên tiếng yêu cầu bất cứ ân huệ nào mà con muốn và con sẽ nhận nó từ tay ta. Mong cho cái vực sâu của con sông Styx mà các thần linh thường thề thốt trước nó, nhưng mắt ta chưa từng thấy nó, làm chứng cho lời hứa của ta.”
Ông vừa mới dứt lời thì Phaéthon đã đòi cái cỗ xe ngựa của ông và cái quyền cưỡi trong một ngày những con ngựa có cánh của ông. Phébus cảm thấy hối tiếc về lời thề của mình. Ba lần, rồi thêm một lần nữa, ông lắc cái đầu đầy các tia sáng và nói:
“Những lời con vừa nói ra chứng tỏ ta đã phát ngôn quá hấp tấp. Giá mà ta có thể rút lại lời hứa! Vì con ơi, ta thú nhận, đó là một điều duy nhất mà ta sẽ từ chối cho con. Nhưng ít ra ta có thể ra sức khuyên can con. Điều mà con muốn làm thì không an toàn. Con yêu cầu một ân huệ lớn quá đi, Phaéthon à, nó không thích hợp với sức con cũng như với tuổi còn nhỏ của con. Số phận con là của một người phàm trong khi tham vọng con là của một thần linh. Chỉ đơn giản là không biết nên con đòi hỏi còn nhiều hơn những gì mà bản thân các vị thần có thể được ban cho. Dù rằng mỗi thần trong bọn họ có thể làm theo ý mình, nhưng không một ai, trừ ta ra, có quyền hạn lấy một chỗ trên cỗ xe ánh lửa của ta. Không đâu con, ngay cả Jupiter, vị chúa tể của núi Olympe hùng vĩ, mà bàn tay uy nghi tung ra các cơn sấm sét kinh hoàng, cũng không thể điều khiển cỗ xe ngựa này, và chúng ta có ai là vĩ đại hơn Jupiter đâu?
Đoạn đường đầu thì dốc đứng, các con ngựa của ta buổi sáng còn sung sức mà phải cực nhọc lắm mới có thể leo lên được. Ở lưng trời thì đường đã lên cao quá chừng, từ đó mà nhìn xuống biển và mặt đất thì nhiều khi ngay cả ta cũng phải run rẩy và tim ta đập loạn lên vì sợ. Đoạn đường cuối thì xuống dốc đứng nguy hiểm, cần phải điều khiển xe một cách đảm bảo. Lúc đó, ngay cả Téthys[91], nữ thần thường tiếp ta bên dưới mặt nước, cũng hay tỏ ra lo ngại không biết ta có bị ngã đâm đầu xuống trước không. Hơn nữa, vòm trời cứ xoay tròn trong sự chuyển động liên tục, kéo theo những ngôi sao xa tít và làm chúng quay với tốc độ chóng mặt. Ta mở lối
đi ngược với sự chuyển động này, dù rằng đà quay của nó mau lẹ đến mấy cũng không khuất phục được ta, trong khi tất cả những kẻ khác thì không thể cưỡng lại được nó; và ta điều khiển cỗ xe rõ ràng là ngược với hướng đi vòng quanh nhanh chóng của vũ trụ. Giả dụ là con được ta giao cỗ xe đó thì con sẽ làm gì? Con có đủ sức đi ngược với vòng xoáy của các cực để mà cái trục quay nhanh của chúng không cuốn con đi mất không?
Cũng có lẽ là con tưởng tượng ở trên kia thì có những vườn cây, những thành phố có thần linh cư ngụ, và những đền thờ đầy những quà cúng quý giá? Không phải vậy đâu con. Đường đi thì lắm chông gai, nào là những hiểm nguy giấu mặt, nào là những con thú săn mồi hung dữ[92]. Và ngay cả khi con giữ được đúng hướng, không bị lạc ra khỏi đường đi, con còn phải tránh cho được mấy cái sừng của con Kim Ngưu đứng chắn ngay giữa đường, tên cung thủ Nhân Mã ở vùng Hémonie[93], tránh nanh vuốt của con Sư Tử hung dữ, con Hổ Cáp, tức Bọ Cạp, uốn cong hai cái càng độc ác thành một đường quét dài, và Cự Giải, tức con Cua, chìa càng ra để bò ngang.
Và đối với con, điều khiển các con ngựa của ta không phải dễ đâu. Chúng hay hăng tiết do các ngọn lửa hừng hực mà chúng mang trong ngực, mà chúng thở ra bằng miệng và lỗ mũi. Một khi nhiệt tình của chúng trở nên sôi sục thì chúng hầu như không chịu đựng nổi sự điều khiển của ta, và cổ chúng bắt đầu cưỡng lại các dây cương.
Con ơi, bây giờ con hãy tỏ ra thận trọng trong trường hợp ta là kẻ ban cho con một món quà ẩn chứa đầy tai họa, và trong khi còn thì giờ thì hãy sửa đổi lời thỉnh cầu của con đi. Có phải con thực sự tìm một bằng chứng chắc chắn con là con trai của ta không? Đây, chính nỗi sợ này là bằng chứng chắc chắn mà ta cho con đó; chính qua sự lo âu như một người cha
mà ta tỏ ra ta là cha của con đó. Này, nhìn mặt ta đi. Ôi, giá mà con cũng có thể nhìn thấu trái tim ta và hiểu được nỗi lo lắng của một người cha ở trong đó! Rồi con hãy nhìn xung quanh đi, hãy thấy tất cả những gì mà thế giới đẹp đẽ này hiến dâng, và con hãy đòi hỏi bất cứ thứ gì từ kho của cải to lớn và vô hạn đó, từ biển, từ đất, từ trời. Ta sẽ không từ chối con thứ gì. Nhưng chỉ có một thứ mà ta xin con đừng đòi hỏi, nếu hiểu đúng nó thì nó là một tai họa thay vì một ân huệ. Phaéthon, con đang tìm một hình phạt như là một phần thưởng! Ô hay thằng ngốc này, sao lại đưa tay dịu dàng ôm cổ ta vậy? Đừng nghi ngờ gì nữa! Ta sẽ cho con bất cứ thứ gì con chọn, ta đã thề trước sông Styx rồi mà. Nhưng… nhưng con hãy chọn lựa một cách khôn ngoan hơn đi!”
Lời cảnh báo của người cha chấm dứt, nhưng Phaéthon vẫn quyết tâm chống lại những lời lẽ tha thiết của ông, vẫn đưa ra lời yêu cầu đầu tiên của mình vì sự ham muốn cầm cương cỗ xe ngựa cứ cháy bỏng trong lòng nó. Vậy là người cha, sau khi cố tình trì hoãn lâu chừng nào có thể được, đưa Phaéthon đến chiếc xe to cao, sản phẩm của Vulcain, thần của Lò rèn. Trục và càng xe thì bằng vàng, bánh xe thì có vành bằng vàng và các vòng nan hoa bằng bạc. Dọc theo cái ách, đá hoàng ngọc và các đá quý khác được nạm đều đặn hắt lại phía Phébus ánh phản chiếu từ các tia sáng của riêng ông.
Thế rồi, trong khi cậu bé Phaéthon nhiều khát vọng đang nhìn chằm chằm cỗ xe với vẻ thán phục trước tài nghệ khéo léo của Vulcain thì ta hãy nhìn Aurore[94], người canh gác trong buổi rạng đông ửng đỏ, mở toang những cánh cổng màu tía, và các sân nhà của nàng trở nên rực rỡ dưới ánh sáng có màu hoa hồng đỏ. Các vì sao, tất cả, biến mất, và Lucifer[95], ngôi sao buổi sáng tập hợp chúng lại theo đội hình và là kẻ cuối cùng rời khỏi
tháp canh trên bầu trời của mình.
Khi Titan[96] thấy Lucifer lặn mất tăm, mặt đất và bầu trời đang ửng đỏ và hai đầu nhọn của mảnh trăng lưỡi liềm mờ dần, ông ra lệnh cho các Giờ[97] có tiếng là nhanh tay lẹ mắt đi thắng ngựa cho ông. Các nữ thần Giờ tuân lệnh không chút chậm trễ, và từ các dãy chuồng cao ngất dẫn ra các con ngựa bụng no nê với với thức ăn dành cho chư thần và miệng thở ra lửa, và họ đóng các yên cương kêu loảng xoảng lên ngựa. Rồi người cha xức lên mặt đứa con một thứ dầu thiêng có sức chống lại những ngọn lửa thiêu hủy; xong, ông đặt lên đầu nó một vòng ánh sáng, và linh cảm được tai ương sắp tới, ông thở dài sườn sượt một lát rồi nói:
“Con ít ra cũng nên nghe theo lời cảnh báo của cha, hãy bớt dùng roi, nên dùng dây cương chặt hơn! Ngựa tự ý nó sẽ chạy nhanh; việc khó là làm sao kiềm chế được sự hăng say của chúng. Và nhất là con đừng chọn con đường xuyên thẳng qua năm vùng trời mà nên chọn con đường đi chéo sang một bên theo một vòng cung rộng nhưng nó không ra khỏi ba vùng nên nó tránh được vùng trời Nam cực cũng như vùng trời Bắc cực. Đây là con đường của con đó. Con sẽ thấy rõ những dấu vết các bánh xe của ta để lại. Và, để chia đều sức nóng cho mặt đất và bầu trời, con đừng đi quá thấp cũng đừng đưa cỗ xe chạy trên đỉnh trời! Bởi vì nếu con lên quá cao thì con sẽ thiêu đốt cả bầu trời, nếu quá thấp thì mặt đất sẽ là nạn nhân. Con đường ở giữa là an toàn nhất đó con! Và cũng đừng đi chệch quá sang tay mặt, về phía chòm sao Xà Tinh uốn khúc như rắn, hay là chệch quá sang tay trái, về phía vùng trũng của chòm sao Tế Đàn[98], hãy cầm cương thật vững, lèo lái bánh xe không đi chệch, cứ thẳng ở giữa mà đi nghe con! Ta phó thác mọi sự còn lại cho nữ thần Số mệnh[99], cầu mong nàng giúp đỡ con, dẫn dắt con tốt hơn chính con dẫn dắt mình.
Trong khi ta đang nói đây thì đêm ướt sương đã tới được đích đến của nó ở bờ viễn Tây của Hespérie[100]. Chúng ta không thể chậm trễ được nữa. Người ta đã lên tiếng gọi chúng ta rồi đó. Nhìn kìa, rạng đông rực rỡ đang làm cho bóng tối trốn chạy hết. Đây, con hãy nắm lấy dây cương, hay là, nếu con thấy còn có thể thay đổi ý định thì hãy chấp nhận lời khuyên của ta, chứ đừng chấp nhận cỗ xe của ta, trong khi con còn có thể, trong khi con còn đứng trên chỗ đứng vững chắc này, trong khi con chưa bước lên chiếc xe mà vì không biết gì hết nên con đã dại dột ham muốn nó. Hãy để ta ban phát ánh sáng cho cả đất trời mà con có thể ngắm nhìn một cách an toàn.”
Nhưng cậu bé đã leo lên cỗ xe thường chạy nhanh này rồi, hãnh diện đứng trên nó, vui sướng đưa tay cầm lấy bộ dây cương, và tỏ lời cám ơn người cha đã trao cho mình một cách miễn cưỡng món quà này.
Trong khi đó những con ngựa thần tốc của Mặt trời, Pirois, Éoiis, Éthon và con thứ tư, Phlégon, hí vang cả vùng trời, miệng thở ra lửa, móng vuốt nôn nóng gõ lên các thanh chắn cổng. Khi Téthys, hoàn toàn không biết gì về số phận của Phaéthon, cháu ngoại mình, vừa đưa tay mở rộng cánh cổng[101], tức mở ra con đường tự do đi vào bầu trời bao la, là chúng liền lao tới trước, tung vó như bay xé toang các đám mây cản đường, và nhờ đôi cánh đưa lên cao, chúng vượt qua Eurus, ngọn gió Đông, nổi lên từ cùng một phía với chúng. Nhưng cỗ xe thì nhẹ hơn những con ngựa của Mặt trời có thể cảm thấy, và cái ách thì không có sức nặng quen thuộc. Tương tự như những chiếc tàu thủy với mạn tàu uốn cong lắc lư do không có đồ dằn thích hợp, và bấp bênh trên sóng vì quá nhẹ, bị đẩy ra khỏi hướng đi của chúng, cỗ xe cũng thế, không chở theo gánh nặng thường lệ, nhảy vọt trong không gian, bị hất tung lên cao như thể nó không có người
cưỡi.
Khi các con ngựa cảm thấy điều này, cả bốn con đều chạy loạn lên, rời bỏ con đường quen thuộc và không còn theo cùng một hướng như trước. Phaéthon trở nên hốt hoảng. Nó không biết làm sao sử dụng dây cương mà nó được giao phó, cũng không biết con đường ở đâu, và ngay cả nó có biết đi nữa thì cũng sẽ không đủ sức điều khiển các con ngựa. Thế là lần đầu tiên các chòm sao Đại Hùng và Tiểu Hùng lạnh lẽo giờ đây nóng lên do các tia nắng mặt trời và tìm đủ cách lao đầu xuống biển nhưng hoàn toàn vô ích vì biển thì cấm tiệt đối với chúng[102]. Nằm gần Bắc cực băng giá nhất, chòm sao Cự Xà trước nay vô hại đối với bất cứ ai vì bị cái lạnh làm cho uể oải giờ cũng nóng lên, cảm thấy một nỗi điên cuồng phát sinh từ cái sức nóng như lửa đang xâm nhập vào mình. Mục Phu[103], mày cũng bỏ chạy vì khiếp sợ, theo lời người ta kể, dù mày thì chậm chạp và còn bị cái xe bò lóng ngóng làm vướng tay, vướng chân.
Nhưng khi cậu bé Phaéthon bất hạnh từ đỉnh trời nhìn xuống mặt đất nằm xa, xa tít mù phía dưới, thì mặt nó tái đi, hai đầu gối run rẩy vì nỗi sợ bất ngờ, đôi mắt tối sầm lại vì quá nhiều ánh sáng. Và giờ đây nó than thầm - ôi phải chi mình đừng bao giờ đụng đến các con ngựa của cha - và thấy hối tiếc là đã tìm ra dòng dõi thực sự của mình và lời yêu cầu đã được cha thỏa mãn. Bây giờ nó chỉ muốn được gọi là con của Myrops[104] trong khi nó bị kéo theo như một con tàu bị một luồng gió mạnh thổi bạt đi mà người lái tàu đã buông cái bánh lái vô dụng và phó mặc nó cho thần linh và lời cầu nguyện. Phaéthon sẽ làm gì đây? Nó đã bỏ lại sau lưng một không gian rộng lớn trong bầu trời, nhưng vẫn còn có một cái khác rộng lớn hơn nữa ở trước mặt. Nó ước tính cả hai trong đầu.
Và bây giờ nó nhìn về phía tây trước mắt, nơi mà số mệnh không cho
phép nó đến bao giờ, và đôi lúc nó quay ra sau nhìn về phía đông. Choáng váng cả người, nó thấy không biết làm gì; nó không thể buông lỏng dây cương, cũng không thể nắm chặt nó, và ngay cả tên các con ngựa, nó cũng không biết. Rồi nỗi hoảng sợ càng tăng thêm khi nó thấy rải rác khắp nơi trong bầu trời các hình thù quái dị của những con thú hoang khổng lồ. Có một chỗ mà con Bọ Cạp đưa càng ra ngoài rồi cong lại thành hai cánh cung, và với đuôi và càng căng ra hai bên như thế, cả thân hình nó trùm lên khoảng không gian giữa hai cung hoàng đạo[105]. Khi cậu bé thấy con quái vật này toát ra mồ hôi chứa đầy chất độc đen thui, và đang hăm he chích mình bằng cái đuôi cong, nó thất kinh hồn vía và buông hẳn dây cương.
Khi các con ngựa cảm thấy dây cương nằm trên lưng, chúng liền tách ra khỏi đường đi, và vì không ai kiềm chế, chúng chạy rông xuyên qua những vùng xa lạ trong không trung. Bất cứ nơi nào mà sự tùy hứng dẫn dắt đến, chúng cứ lao tới đó mà chẳng có mục đích gì, va phải cả những vì sao nằm xa tít trong bầu trời và kéo cỗ xe chạy theo những lối đi chưa hề được biết đến. Khi thì chúng leo lên tận đỉnh trời, khi thì lao đầu theo dốc đứng xuống gần trái đất hơn. Mặt trăng ngạc nhiên thấy ngựa của anh mình[106] chạy bên dưới ngựa của mình và khói bốc ra từ các đám mây bị cháy sém. Rồi mặt đất cũng bùng cháy, bắt đầu từ những vùng cao nhất, và nứt ra, tạo thành những khe hở sâu hoắm, và không khí ẩm ướt thì khô quánh lại hết. Đồng cỏ bị đốt thành tro trắng, cây lá xanh tươi cháy rụi, và ngũ cốc đã chín biến thành nhiên liệu để thiêu hủy chính mình. Nhưng đó chỉ là những mất mát nhỏ nhoi mà tôi kêu than.
Các đô thị lớn sụp đổ cùng với các thành lũy của chúng; toàn bộ các lãnh thổ và dân chúng bị cuộc đại hỏa hoạn biến thành tro than. Núi, rừng bốc cháy theo; núi Athos rực lửa, cũng như các ngọn núi Taurus xứ Cilicie,
Tmolus, Oeta, và núi Ida nay khô rang dù trước đó có nhiều dòng suối trong mát, và núi Hélicon, nơi cư ngụ của các nữ thần đồng trinh[107], núi Hémus, khi đó chưa mang tên của vua Oeagre[108]. Và ngọn núi lửa Etna phun trào bất tận, sức lửa giờ tăng gấp đôi vì có thêm lửa từ trên trời đổ xuống, rồi núi Parnasse với hai đỉnh cao, các ngọn Éryx, Cynth, Othrys, Rhodope chắc chắn sẽ mất hết tuyết, và Mimas, Dindyme, Mycale, và Cithéron, từng nổi tiếng về các lễ nghi thờ phụng thần linh. Ngay cả khí hậu giá lạnh cũng không cứu nổi Scythie; cả vùng Caucase bốc cháy cũng như ngọn Ossa với ngọn Pinde, và Olympe, cao hơn hai ngọn kia; và dãy núi Alpes cao chọc trời và ngọn Apennin có đỉnh phủ mây.
Lúc đó Phaéthon quả thực thấy khắp mặt đất bốc lửa ngùn ngụt; nó không thể chịu đựng sức nóng dữ dội, và không khí nó thở thì giống như luồng hơi nóng bỏng thoát ra từ một lò lửa lớn và sâu. Nó cảm thấy cỗ xe bị nung đến trắng ra dưới hai bàn chân. Nó cũng không còn chịu nổi tro than và tàn lửa bay loạn xạ, và khói dày đặc, nóng rát bao quanh mình. Nó đang ở đâu? Nó đi về đâu? Trong bóng tối đen như nhựa đường nó chẳng còn biết gì nữa, để mặc cho các con ngựa có cánh mặc sức cuốn đi.
Chính vào lúc đó, như người ta tin, mà màu da của các dân tộc xứ Éthiopie trở nên đen, bởi vì sức nóng đã kéo máu chạy lên bề mặt thân thể họ. Cũng vào lúc đó xứ Lybie trở thành sa mạc vì không khí, đất đai bị đám cháy làm mất hết hơi ẩm. Lúc đó các tiểu nữ thần, tóc tai rối bù, khóc than cho ao hồ, sông suối của mình: vùng Béotie thương tiếc sự biến mất của dòng suối Dircé; thành Argos nhớ nguồn nước Amymone; còn thành Corinthe thì nghĩ đến con suối Pirène[109]. Ngay cả những dòng sông mà số phận đã chia cách hai bờ cách nhau rất xa cũng vẫn không bình an. Sông Tanaïs bốc hơi ở giữa dòng nước, cũng như dòng sông Pénée xưa cũ;
và sông Caïque của vùng Teuthranie, sông Isménus nước xiết, sông Érymanthe vùng Phégia, rồi sông Xanthe chắc chắn sẽ bốc cháy một lần nữa; sông Lycormas có nước màu vàng nâu, sông Méandre lượn lờ quanh co, sông Mélas của vùng Mygdonie, và sông Eurotas vùng Laconie.
Sông Euphrate chảy qua thành Babylone cũng bốc cháy; rồi sông Oronte, sông Thermodon nước xiết, sông Gange, sông Phase và sông Danube cũng không thoát khỏi đám cháy khổng lồ này; sông Alphée sôi sùng sục; hai bên bờ của sông Sperchius bốc lửa hừng hực; cát vàng của sông Tage cũng tan chảy dưới sức nóng dữ dội; và các con thiên nga[110] thường tụ tập ca hát bên các con sông nhỏ vùng Méonie thì bị thiêu sống ngay giữa sông Caÿstre.
Sông Nil, kinh hãi tột cùng, đã trốn chạy tận chân mây cuối trời, che giấu đầu nguồn của mình ở đó và giữ kín được tới bây giờ. Bảy cửa sông khô cạn của nó thì chỉ còn đất cát; bảy lòng sông rộng không có lấy một dòng nước chảy! Các con sông khác cũng chịu chung số phận không may đó, tất cả đều trơ đáy: Hèbre và Strymon ở xứ Ismarus cũng như các sông ở phía tây như Rhin, Rhône, Pô và Tibre (Tibre thì được hứa hẹn trước đó là sẽ thống trị thế giới).
Khắp nơi đất nứt toác ra, và ánh sáng luồn qua các vết nứt lớn, thâm nhập vào cõi âm[111] khiến cho ông vua và hoàng hậu của địa ngục giật mình kinh hãi. Ngay cả biển cũng thu hẹp lại và những dải cát khô khốc nhưng rất rộng thay chỗ cho cái mà trước đó là đại dương. Những ngọn núi, tới lúc đó vẫn chìm ngập dưới nước biển, nay vụt trồi lên, và làm tăng con số những hòn đảo nằm rải rác trong quần đảo Cyclades[112]. Cá thì lặn xuống tầng sâu nhất dưới đáy biển; những con cá heo không còn dám cong mình nhảy lên khỏi mặt nước, vào trong không trung, như theo thói
quen trước đó. Xác chết nằm ngửa của những con chó biển thì trôi nổi lềnh bềnh trên nước. Người ta kể rằng chính Nérée[113] cùng Doris[114] và các cô con gái cũng thấy nóng rang cả người khi họ núp trốn trong hang động của mình. Và Neptune ba lần cố gắng giơ cao cánh tay và đưa bộ mặt uy nghi trồi lên khỏi mặt nước, nhưng cả ba lần ông đành bỏ dở vì không chịu đựng nổi không khí nóng như lửa cháy này.
Tuy nhiên, Mẹ Đất nuôi dưỡng[115], được đại dương bao quanh như bà đã từng, giữa những dòng nước biển, giữa các con suối đang nhanh chóng bị nhỏ hẹp lại vì đã chui rúc trong lòng đất tối đen và ẩn núp trong đó, và dù bị sức nóng nung cháy, bà vẫn nâng cao bộ mặt phủ đầy tro than. Đưa bàn tay che chắn lên ngang trán và làm rung lắc mọi thứ vì đang run lập cập, bà hạ mình xuống thấp hơn một chút so với mức thường lệ, rồi nói, giọng kinh hãi:
“Hỡi thần của mọi thần, nếu đây là ý định của ngài, và nếu ta đây hoàn toàn xứng đáng với sự trừng phạt này, thì ngài còn chờ đợi gì mà không tung ra sấm sét kinh hoàng? Nếu đúng là phải chết cháy, ôi, thì hãy để ta chết vì lửa của ngài và làm nhẹ bớt nỗi đau của mình bằng cách nghĩ rằng chính ngài đã ra tay chứ không phải kẻ nào khác. Ta hầu như không thể mở miệng để nói ra những lời này.” - khói nóng làm bà nghẹn họng - “Hãy nhìn mái tóc cháy xém và tất cả tro bụi trong mắt, và cả trên mặt ta nữa! Đây có phải là ngài đền đáp, đây có phải là ngài tưởng thưởng cho đất đai màu mỡ và ý thức làm đầy đủ bổn phận của ta không? Cho những thương tích do cày cuốc cong vênh hành hạ con người ta hết năm này sang năm nọ không? Cho việc ta rộng lượng cung cấp đồng cỏ xanh tươi cho các bầy súc vật, ngũ cốc cho loài người, nhang đèn cho bàn thờ thần linh không?
Nhưng cứ cho là ta xứng đáng bị tiêu diệt đi thì đại dương cũng như
anh trai ngài, họ đã làm gì mà cũng bị trừng phạt như ta? Tại sao các vùng biển, mà số mệnh đã giao phó cho ông ấy, lại bị thu hẹp đến thế, xuống thấp, xa hơn cõi trời của ngài đến thế? Nếu ngài chẳng đếm xỉa gì đến anh trai ngài hay cả ta nữa thì ít ra ngài hãy động lòng trắc ẩn trước thiên giới của chính ngài chứ! Hãy nhìn quanh đi: nó đang bốc khói từ cực này sang cực kia đó. Nếu lửa làm suy yếu hai cực này thì các dinh thự, nhà cửa của các thần linh sẽ không tránh khỏi sụp đổ. Ngài hãy nhìn này, chính thần Atlas[116] cũng đang quằn quại đau đớn và hầu như không thể mang vòm trời sáng rực trên vai. Nếu biển, nếu đất, nếu vương quốc trên thượng giới, cả thảy đều diệt vong, vậy thì chúng ta hẳn sẽ bị ném trả về lại tình trạng hỗn mang nguyên thủy! Ngài hãy ra tay cứu vớt bất cứ thứ gì còn sót lại từ lửa và hãy quan tâm đến sự an toàn của vũ trụ này!”
Vậy là Mẹ Đất dứt lời, không thể chịu đựng sức nóng nổi nữa; và bà vùi đầu vào sâu trong lòng của chính mình, gần với chốn âm ty hơn. Nhưng Cha Trời trèo lên ngọn đỉnh trời, nơi mà ngài thường giăng ra các đám mây bên trên mặt đất bao la, nơi mà ngài thường làm chuyển động tiếng sấm và tung ra tiếng sét rít lên ầm ầm, kêu gọi các thần linh, đặc biệt là vị thần đã cho mượn cỗ xe mặt trời đó, đến làm chứng rằng, trừ phi ngài ra tay giúp đỡ, cả thế giới sẽ tiêu tan, nạn nhân của cái tai ương trầm trọng này.
Nhưng, bây giờ đứng ở đây, ngài không có mây để phủ khắp mặt đất, không có mưa để trút xuống từ trời cao. Ngài nổi sấm ầm vang, và giữ thăng bằng một lưỡi sét trong bàn tay phải, giơ ngang tai rồi tung nó thẳng đến tên lái cỗ xe, làm hắn văng ra khỏi xe cũng như ra khỏi đời sống nữa, vì thế mà lửa bị dập tắt bằng lửa nổ vang. Các con ngựa cuống cuồng nhảy tách ra, giật mạnh cổ ra khỏi ách và thoát khỏi bộ dây cương đứt rời. Rải
rác chỗ này là cái trục bị văng ra từ càng xe, chỗ kia là những sợi dây cương, chỗ khác nữa là các nan hoa của hai bánh xe gãy đổ, và các mảnh vỡ của cỗ xe bị hủy hoại thì vung vãi khắp nơi.
Nhưng Phaéthon, mái tóc đỏ hoe bị lửa đốt cháy xém, bị đánh văng, đầu đâm xuống trước, bỏ lại đàng sau một vệt dài xuyên qua không trung, như một vì sao đôi khi tạo ra một vệt tương tự giữa bầu trời trong, khi nó thực sự không rơi nhưng trông có vẻ rơi. Rất xa quê hương mình[117], ở một khu vực khác của quả đất, Phaéthon được thần Sông Éridan[118] tiếp nhận và rửa sạch khuôn mặt ám khói của nó. Những nàng “Naïade”[119] của vùng đất phương Tây đó đặt cái xác của Phaéthon, còn bốc khói vì các tia lửa phát ra từ sấm sét bắn phải, xuống mộ và khắc trên bia đá câu thơ này:
NƠI ĐÂY AN NGHỈ PHAÉTHON,
NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN CỖ XE MẶT TRỜI
DÙ THẢM BẠI, VẪN LÀ SỰ ĐƯƠNG ĐẦU CAO CẢ
Người cha bất hạnh, lòng nặng trĩu tiếc thương, đành giấu mặt, và nếu chúng ta tin được lời kể của người xưa, thì trọn một ngày trôi qua mà không thấy mặt trời đâu cả. Nhưng thế giới đang bốc cháy cũng tạo ra ánh sáng, và vậy là cũng có chút ích lợi ngay giữa tai họa này.
Các nàng “Héliade”[120]
Tuy nhiên, Clymène, sau khi thốt ra bao nhiêu là lời than trách có thể được thốt ra trong nỗi thống khổ như thế, u sầu và điên dại cùng lúc, khi kéo, khi đấm ngực, đi len lỏi khắp sơn cùng thủy tận trên mặt đất, trước hết là để tìm chân tay giờ đã bất động của đứa con trai mình, rồi đến xương cốt của nó; cuối cùng bà tìm được những khúc xương tàn của con, được chôn cất bên bờ sông ở một đất nước xa lạ. Tại đây bà nằm phủ phục trên mộ con, nước mắt chảy ướt đẫm cái tên yêu quý được khắc trên phiến đá lạnh lẽo, rồi mơn man nó với bộ ngực trần của mình. Các cô con gái, có tên chung là “Héliade”, cùng nhau than khóc với mẹ, nước mắt họ chảy đầm đìa như một lời ai điếu phù phiếm cho người chết. Nằm dài bên hầm mộ, đấm lên ngực trần của mình với các bàn tay bầm tím, họ ngày đêm kêu gọi đứa em trai dù Phaéthon không bao giờ có thể nghe tiếng rên rỉ buồn thảm của các chị mình được nữa.
Khuyết rồi lại tròn, bốn mùa trăng đã qua đi. Nhưng họ, theo thói quen - vì cái gì làm riết thì tạo thành thói quen - vẫn còn than khóc. Rồi một ngày kia, Phaéthuse, người chị cả, khi muốn phủ phục trên mộ em thì lên tiếng kêu ca là hai bàn chân nàng tự nhiên trở nên lạnh toát và cứng đờ; và khi cô em Lampétie xinh xắn tìm cách đến bên chị thì bỗng dưng bị một rễ cây giữ chặt lại. Cô thứ ba, đưa tay giật tóc thì thấy mình bứt lá cây trên đầu. Một cô than phiền cổ chân mình bị bọc trong gỗ, cô khác kêu ca hai cánh tay mình biến thành cành cây dài. Và trong khi họ đưa mắt sửng sốt nhìn các sự biến đổi đó thì vỏ cây bắt đầu bọc kín quanh đùi họ rồi từ từ
lên vùng eo, vùng ngực, rồi vai, bàn tay, và cái duy nhất trên người họ còn được tự do là cái miệng đang hốt hoảng gọi mẹ.
Nhưng người mẹ phát cuồng có thể làm được gì ngoài việc chạy lung tung đến chỗ này, chỗ kia, theo sự thúc đẩy của nỗi đau, và hôn lên môi các con mình? Thế vẫn chưa đủ: bà ra sức bóc giật vỏ cây ra khỏi cơ thể họ nhưng chỉ làm gãy những nhánh cây mới mọc, và máu rỉ ra từng giọt như thể từ một vết thương. “Ôi, tha cho con, mẹ ơi,” mỗi cô gái bị đau kêu lớn, “Tha cho con, con van mẹ. Chính thân thể con ở trong cây mà mẹ đang cấu xé đấy ạ… và bây giờ, xin vĩnh biệt!” Vỏ cây khép kín lại sau lời nói cuối cùng này. Vậy mà những giọt lệ của họ vẫn ứa ra, cứng lên thành hổ phách dưới ánh mặt trời, rồi rơi rụng từ những nhánh cây non. Và dòng sông trong vắt tiếp nhận và mang chúng trôi xa, cho tới một ngày kia các cô dâu ở thành La Mã đeo chúng như đồ trang sức.
Người bạn Cygnus
Cygnus con trai của Sthénélée, là chứng nhân trước phép lạ này; dù có họ hàng với mi đó, Phaéthon à, qua máu mủ của mẹ nó, nhưng nó còn gần gũi với mi hơn vì tình bạn giữa hai đứa mi. Rời bỏ vương quốc của mình - nó trị vì các thành phố lớn và nhân dân xứ Liguria[121] mà - nó đến đây, nhỏ lệ tiếc thương mi, bên bờ sông xanh mướt của dòng Éridan, bên khu rừng mà các chị mi đã làm tăng thêm cây lá[122]; và khi đang khóc than thì bất ngờ thay, giọng đàn ông của nó trở nên yếu và nhẹ đi, gần như eo éo, và một bộ lông chim màu trắng bọc lấy người nó, rồi cổ nó từ ngực kéo dài ra. Một màng da chân nối các ngón đang ửng đỏ lại với nhau, hai cánh che hai bên sườn, và một cái mỏ không nhọn thay cho cái miệng. Thế là Cygnus biến thành một loài chim mới và lạ - thiên nga. Nhưng nó không đặt lòng tin vào Jupiter cũng như thiên giới vì nó còn nhớ đến tiếng sét bốc lửa mà ngài đã tung ra trước đó một cách bất công. Nó thích tìm đến những ao nước phẳng lặng hay những mặt hồ trải rộng. Nó chúa ghét lửa nên nó chọn nước làm nhà, như muốn tỏ ra đối nghịch với các ngọn lửa.
Trong khi đó, Phébus, cha của Phaéthon, ngồi rũ rượi trong bộ áo tang, bị tước đi sự sáng ngời thường lệ, trông giống như khi mặt đất và bầu trời bị thiên thực làm cho tối sầm lại. Ông ghét ánh sáng ban ngày, và ghét cả chính mình nữa, phó mặc tâm trí cho nỗi bi thương, lại còn thêm một nỗi giận dữ không lúc nào nguôi trong lòng. Và từ chối ban phát ánh sáng cho thế giới.
“Đủ rồi đó,” ông nói, “từ nguyên thủy, số phận của ta cho tới giờ là
không được nghỉ ngơi. Ta thấy mệt mỏi với cái công việc của mình, nó không bao giờ hết và không được đền đáp. Hãy để ai đó, nếu muốn, điều khiển cỗ xe ánh sáng. Nếu không ai muốn, và tất cả chư vị thần linh thú nhận việc này là quá sức mình, thì hãy để chính Jupiter gánh vác lấy; ít ra là trong một thời gian, khi ngài ra sức cầm cương ngựa của ta cho quen thì ngài hẳn phải đặt xuống bên cạnh mấy cái tia sét dành để cướp đoạt con cái từ cha của chúng. Lúc đó ngài sẽ biết ra, khi chính ngài đã thử thách với sức mạnh của các con ngựa có móng vuốt tóe lửa đó, là người nào đã thất bại trong việc cầm cương điều khiển chúng cho tốt thì không đáng bị trừng phạt bằng cái chết chút nào.”
Trong khi ông thốt ra những lời cay đắng thế này thì tất cả thần linh đến quây quần bên ông, và họ đồng thanh van nài ông đừng nhấn chìm thế giới vào trong bóng tối. Còn chính Jupiter thì ngài tìm cách phân bua cho tiếng sét mà ngài đã tung ra, và với cung cách hành xử như vua, ngài buông ra những lời đe dọa theo sau lời cầu xin của mình. Rồi Phébus buộc ách các con ngựa lại với nhau, chúng còn hoảng loạn, còn run rẩy vì sợ; và trong nỗi đau khổ của mình, ông dùng cả roi lẫn gậy nhọn đánh chúng một cách dữ tợn, vừa đánh mạnh, vừa trách mắng, buộc tội chúng đã gây ra cái chết của người điều khiển cỗ xe, tức đứa con trai nhỏ của ông.
Nàng trinh nữ Callisto
Nhưng bây giờ Cha Trời toàn năng đi một vòng những bức tường thành rộng lớn bao quanh cõi trời và xem xét khắp nơi để tìm ra những phần tường nào có thể bị hủy hoại do ngọn lửa bạo liệt gây ra. Khi thấy ra mọi chỗ đều vững chắc như trước, có lẽ nhờ vào sức bền vĩnh cửu của chúng, ngài liền để mắt kiểm tra mặt đất và công việc của loài người. Nhưng trước tiên là Arcadie, vùng đất mà ngài sốt sắng quan tâm[123]. Ở đó, ngài phục hồi các con suối, các dòng sông, tới giờ chúng hầu như không dám chảy, và cho cỏ mọc lại trên các bãi đất xác xơ, cho cây trổ lá, lệnh cho rừng bị thương tích ươm lại màu xanh.
Trong khi đi lại nhiều lần để lo liệu các việc này, tình cờ ngài trông thấy Callisto, một tiểu nữ thần vùng Arcadie, và ngay lập tức lửa lòng của ngài bốc lên hừng hực, nóng rang tận xương tủy. Đó là một cô gái không có nhu cầu phải ngồi dệt len hay chăm chút mái tóc cho thật thanh lịch. Một cái móc đơn giản cài áo, một dây băng màu trắng buộc lại các lọn tóc buông xõa. Ăn mặc như thế, rồi có khi cầm giáo, có khi cầm cung, cô được xếp vào đội hình các nữ chiến binh của Diane[124]. Không một tiểu nữ thần nào rong ruổi ở các triền núi Ménale[125] được nữ thần Săn bắn yêu quý, hơn cô. Nhưng không có sự ưu ái nào kéo dài được lâu.
Vầng thái dương vừa mới vượt qua thiên đỉnh, còn rất cao trên trời, khi Callisto đi vào khu rừng mà quanh năm suốt tháng chẳng ai đặt chân đến chặt cây đốn củi. Tại đây, cô tháo bọc đựng tên ra khỏi vai, thả chùng dây cung, rồi ngả lưng xuống bãi cỏ, đầu gối lên cái bọc tên có hình vẽ bên
ngoài. Ngay khi thấy cô nằm sóng soải, mệt mỏi và hớ hênh, Jupiter nói: “Ở chỗ này thì… chắc chắn mụ vợ ta sẽ không biết gì về cái trò lừa của mình, hay, nếu mụ có biết được đi nữa mà chì chiết ta suốt ngày thì đó chỉ là một cái giá quá rẻ mà ta phải trả so với cái mà ta sắp được đây.” Ngay lập tức ngài biến thành Diane với khuôn mặt và trang phục của nàng, và nói:
“Này em, người mà ta yêu quí nhất trong tất cả đoàn tùy tùng của ta, em đã đi săn ở đâu ngày hôm nay?”
Nàng trinh nữ ngồi nhỏm dậy từ bãi cỏ và trả lời:
“Dạ chào cô, nữ thần của em, cao cả hơn ngài Jupiter nhiều, em cứ nói dù ngài ấy có nghe được đi nữa.”
Jupiter bật cười khi nghe cô nói thế, thấy hoan hỉ được đánh giá cao hơn chính ngài, và hôn môi cô một cách mạnh bạo và cuồng dại, không giống như cách hôn của một cô nàng còn trinh[126]. Khi Callisto bắt đầu kể mình đã đi săn ở khu rừng nào, ngài cắt ngang câu chuyện bằng cách ôm chặt cô trong vòng tay rồi cưỡng đoạt trinh tiết của cô, và qua đó lộ ra mình là đàn ông. Thật ra, cô đã cố gắng chống cự với tất cả sức lực con gái - bà Junon[127] ơi, phải chi bà có mặt ở đây để chứng kiến cảnh này thì bà hẳn sẽ khoan dung với cô gái tội nghiệp này hơn! - nhưng người đàn ông nào mà một cô gái bình thường có thể thắng được, và ai trong thiên hạ thì mạnh hơn Jupiter chứ? Thỏa mãn với chiến thắng tình dục của mình, Jupiter tung mình về lại cõi trời; còn Callisto thì đâm ra ghét khu rừng cùng với cây cối đã biết được cái bí mật xấu hổ của cô. Khi trở về nhà bằng lối đi cũ, cô hầu như quên béng đeo lại cái bao đầy tên và cây cung mà cô đã treo đâu đó.
Nhưng nhìn này, Diane, cùng với đoàn tùy tùng gồm toàn các tiểu nữ
thần, đang từ triền núi Ménale đến gần, mặt lộ vẻ hãnh diện với những chiến lợi phẩm có được từ cuộc săn. Nàng trông thấy Callisto và lên tiếng gọi. Cô này vừa nghe tên mình liền bỏ chạy, sợ đó là Jupiter trá hình thành Diane lần nữa. Nhưng khi thấy các tiểu nữ thần khác cũng đi đến gần, cô cảm thấy an tâm và nhập vào bọn họ. Than ôi, thật khó làm sao để không bị lộ cái mặc cảm tội lỗi trên bộ mặt mình! Chân bước mà mắt nhìn xuống đất, và khác với thường lệ, cô không dám đi gần Diane hay dẫn đầu các bạn đồng hành. Cô cứ im lặng, mặt lại ửng đỏ vì bối rối, ôi chao, đó là những dấu hiệu làm lộ rõ nỗi xấu hổ về chuyện bị cưỡng đoạt vừa qua; và nếu chính Diane mà không phải là trinh nữ thì nàng hẳn có thể nhận ra, bằng cả ngàn dấu hiệu, cái cảm giác tội lỗi nơi Callisto; còn các tiểu nữ thần khác, nghe nói là họ biết được đấy.
Chín mùa trăng khuyết rồi lại tròn qua đi từ dạo đó. Khi cảm thấy mệt nhoài sau một chuyến đi săn và kiệt sức vì ánh nắng nóng gắt, Diane dừng chân ở một vườn cây xanh mát có một dòng suối hiền lành rì rào chảy trên cát mịn. Nàng tỏ ra yêu thích chỗ này, đưa cả hai bàn chân nhúng vào nước.
Cảm thấy sảng khoái, nàng lên tiếng với đoàn tùy tùng:
“Các em ơi, nơi đây chẳng có ai, hãy cởi hết đồ mà tắm cho thoải mái trong con suối nhỏ này.” Callisto đỏ mặt, và trong khi các cô gái khác làm theo lời Diane, cô lại tìm cách thoái thác. Nhưng các bạn đồng hành ép buộc nàng phải cởi đồ, và ôi chao, cái thân thể trần truồng bây giờ làm lộ ra nỗi hổ thẹn. Cô đứng đó, tay chân rụng rời, luống cuống che giấu cái bụng đã phình to. Diane hét lên:
“Cút đi! Đừng làm bẩn dòng nước thiêng này!”
Và đuổi Callisto ra khỏi đoàn tùy tùng của mình.
Junon, vợ của Jupiter, từ lâu đã biết tất cả chuyện truy hoan trong rừng này của đấng ông chồng nhưng bà cứ ngấm ngầm chờ đợi ngày giờ thuận tiện để ra tay trả thù. Bây giờ thì đúng lúc rồi đó: Callisto, cô gái tội nghiệp mà bà xem như tình địch, đã sinh hạ một bé trai được đặt tên là Arcas, và việc này như mũi kim chọc vào mạch máu ghen của bà. Mắt long lên vì tức, lòng sục sôi vì giận khi nghĩ đến đứa bé đó, bà thét:
“Này, hỡi con dâm phụ kia, mi chẳng cần gì hơn ngoài việc có chửa, mi sinh con là làm nhục mặt ta đấy, con mi là bằng chứng sống cho hành vi đáng xấu hổ của chồng ta. Mi sẽ đau khổ về chuyện này. Bởi vì ta sẽ hủy hoại nhan sắc của mi, hỡi con mặt dạn mày dày kia, cái thứ nhan sắc mà mi hãnh diện, mà mi quyến rũ chồng ta.”
Nói thế xong, bà chồm đến trước mặt Callisto, túm tóc rồi kéo mạnh đầu cô xuống đất. Và khi cô gái dang hai cánh tay ra cầu xin dung thứ thì hai cánh tay đó bắt đầu mọc ra lởm chởm những sợi lông đen, hai bàn tay biến thành hai bàn chân với hàng vuốt sắc nhọn; và đôi môi cô, mà Jupiter từng ca ngợi trước đó, giờ là một cái quai hàm rộng và xấu xí; và không để cho những lời van nài có thể làm xiêu lòng Jupiter, khả năng nói của cô bị tước đi, chỉ còn lại tiếng gầm gừ gây sợ và khó chịu thoát ra nặng nhọc từ cổ họng cô. Ấy thế mà những cảm xúc con người mà cô có trước đây vẫn còn nguyên vẹn dù bây giờ cô đã là một con gấu.
Cô rên rỉ không ngừng, như để giải tỏa nỗi đau quá sức này, giơ hai bàn tay được để lại cho cô như thế lên trời cao, và dù không thể nói ra lời nhưng cô vẫn cảm thấy xót xa cho sự bạc nghĩa của Jupiter. Ôi, đã bao lần cô lần mò quay về chốn cũ, nơi có mái nhà êm ấm và những cánh đồng quen thuộc của mình, vì không dám nằm ngủ trong các khu rừng hiu quạnh! Ôi, đã bao lần cô đã phải trốn chui trốn nhủi sau các núi đá khi
nghe tiếng chó săn sủa từ xa, và tuy từng là người đi săn trong kiếp trước, giờ cô sợ hãi chạy trốn trước bọn đi săn! Nhiều lần cô tìm cách ẩn nấp khi chợt thấy các con thú hoang, quên béng mình là gì, và dù chính mình giờ đây là gấu chứ không còn là người, cô run bắn lên khi thấy những con gấu khác xuất hiện ở các triền núi. Cô thậm chí sợ cả những con chó sói dù cha ruột nàng, Lycaon, cũng là một con chó sói[128].
Cậu thiếu niên Arcas
Bây giờ Arcas, con trai của Jupiter và là cháu ngoại của Lycaon, đã đến tuổi mười lăm nhưng vẫn hoàn toàn không biết gì về cảnh ngộ khốn khổ của mẹ mình. Trong khi nó đi săn những con thú hoang, tìm kiếm các chỗ mà chúng thường thích đến kiếm mồi, trong khi giăng lưới quanh các khu rừng với các tấm lưới được đan dày, nó tình cờ gặp mẹ. Vừa nhìn thấy nó, bà đứng sững lại như thể bà nhận ra con mình. Nó lùi lại trước cặp mắt bất động đang nhìn nó đăm đăm, bỗng dưng thấy sợ hãi mà không biết vì sao, và khi bà cố gắng đến gần hơn thì nó sắp sửa ra tay đâm thủng ngực bà với cây lao sát thương. Nhưng ngài Jupiter toàn năng đã chặn được bàn tay nó và cùng lúc di chuyển cả hai mẹ con đi chỗ khác khiến tội ác không thể xảy ra. Một cơn gió lốc nổi lên, cuốn họ vào không gian, và Jupiter đặt họ an vị trong bầu trời, biến họ thành hai chòm sao gần gũi nhau, đó là Đại Hùng Tinh và Tiểu Hùng Tinh[129].
Junon quả là tức phát điên khi thấy cô tình địch tỏa sáng trên bầu trời. Bà tức tốc đi thẳng xuống biển gặp Téthys, bà thần Biển đáng kính, và ông thần già Océan, cả hai thường được các vị thần khác tôn trọng. Khi họ hỏi lý do của cuộc gặp gỡ này, bà bắt đầu nói:
“Các người hỏi tại sao ta, bà hoàng của các thần linh, có mặt ở đây? Bởi vì có một bà hoàng khác đã chiếm đoạt địa vị của ta trên trời! Hãy xem là ta nói láo, nếu đêm nay, khi bóng tối lan khắp đất trời, các người không thấy các chòm sao mới được đưa lên chỗ vinh dự, chỉ để xúc phạm ta, tỏa sáng ở nơi cao nhất của cõi trời, nơi mà vòng tròn cuối cùng và
ngắn nhất bao quanh cái cực xa nhất[130]. Và bây giờ, còn ai sẽ tránh sỉ nhục ta, còn ai sẽ sợ cơn thịnh nộ của ta, một khi biết ta lại đem thân đi phục vụ những nạn nhân mà ta trừng phạt chứ? Ôi, ta đã hoàn thành những việc to tát làm sao! Ôi, quyền năng của ta thì vô hạn làm sao! Một con bé, ta ra tay không cho nó làm người nữa, vậy mà bây giờ nó trở thành nữ thần! Ta trừng phạt kẻ đối xử không đúng với ta như thế đấy! Quyền lực vô hạn của ta là thế đấy! Ông chồng ta chỉ còn việc giải thoát cô ta khỏi hình dạng thú vật và phục hồi nhan sắc ngày trước cho nó, như ông ta đã làm một lần với con bé Io ở xứ Argolide. Ta giờ đây bị hạ bệ, vậy thì tại sao ông ta không lấy nó làm vợ và bê nó vào nằm trong giường ta, và trở thành thằng rể của con chó sói Lycaon cơ chứ? Nhưng nếu sự sỉ nhục đối với đứa con nuôi này[131] làm cho các người xúc động thì hãy ngăn cấm những ngôi sao của chòm Gấu Mẹ, Gấu Con đó sa xuống biển xanh của các người, đừng thừa nhận cái thứ thiên thể được lên cõi trời đó như cái giá phải trả cho cuộc cưỡng dâm, và đừng để cho con điếm đó tắm rửa trong dòng nước thanh khiết của các người.”
Con quạ lẻo mép
Sau khi hai thần Biển, Téthys và Océan, gật đầu chấp thuận lời cầu xin, Junon, con gái của Saturne, leo lên cỗ xe được các con công màu sắc tươi sáng kéo đi nhanh, xuyên qua bầu không khí trong vắt để quay về thượng giới. Những con công này, khi Argus bị Mercure giết, mới đây được trang điểm thêm bằng đôi mắt của hắn, cùng lúc mà bộ lông của mày từ màu trắng đột ngột đổi sang màu đen đó, đồ con quạ[132] lắm mồm. Ngày xưa nó là con chim có bộ lông trắng như bạc, từng đua sắc với các con bồ câu trắng, và chẳng thua kém gì các con ngỗng, từng là cứu tinh của Capitole[133] nhờ tiếng kêu báo động của chúng, hay các con thiên nga yêu sông nước. Cái lưỡi ba hoa chích chòe đã làm hại nó quá sức: ôi con chim lẻo mép, trước đây lông trắng, giờ thì lông đen.
Nàng Cronis
Khắp cả vùng Thessalie không ai đẹp hơn Coronis xứ Larisse. Nàng chắc vẫn là người đẹp trong mắt ngài, hỡi thần Apollon, miễn là nàng đoan trinh… hay ít ra không bị phát hiện. Nhưng con quạ của Phébus khám phá ra là nàng không chung thủy chút nào và cái con bẻm mép khắc nghiệt này liền mau mắn bay về gặp chủ để vạch trần tội lỗi của nàng. Một con quạ khác, ưa ngồi lê đôi mách, đập cánh bay theo nó vì tò mò muốn biết việc này, chuyện nọ ở làng trên, xóm dưới. Nhưng khi nghe xong mục đích thực sự của chuyến đi, con này nói:
“Này bạn, việc bạn định làm thì không có lợi cho bạn lắm đâu. Đừng coi khinh lời tiên báo cái lưỡi tui phát ra nghe. Hãy xem tui đã từng như thế nào trong quá khứ, và hãy nhìn tui bây giờ, rồi hỏi sao ra nông nỗi này. Bạn sẽ thấy ra chính cái hảo ý đã hủy hoại tui, chứ không phải cái gì khác. Nghe tui kể này:
Ngày xửa ngày xưa có một đứa bé ra đời tên là Érichthon, một đứa bé được sinh ra mà không có mẹ[134]. Nữ thần Pallas giấu nó trong một cái giỏ bằng liễu gai vùng Acté[135] và giao cho ba nàng trinh nữ, con gái của Cécrops[136], một ông vua có hình dạng kỳ dị nửa người, nửa rắn. Bà cũng ra lệnh cấm ba nàng nhìn vào cái bí mật của mình. Ẩn mình trên ngọn cây du, dưới tán lá rậm rạp, tui cố rình xem họ sẽ làm gì. Hai trong ba cô nàng đó, Pandrosos và Hersé, với thiện ý, chỉ trông chừng cái giỏ, nhưng cô nàng thứ ba, Aglauros, cho các chị mình là hèn nhát, dùng tay mở các dây buộc giỏ. Và trong giỏ, họ thấy một bé trai sơ sinh nằm bên cạnh một con
"""