🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Biển, Đảo Việt Nam - Những Thông Tin Cơ Bản, Tập 3 - Khai Thác, Sử Dụng Biển Việt Nam
Ebooks
Nhóm Zalo
HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN
Chủ tịch Hội đồng
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương TRẦN THANH LÂM
Phó Chủ tịch Hội đồng
Giám đốc - Tổng Biên tập
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật PHẠM MINH TUẤN
Thành viên
NGUYỄN HOÀI ANH
PHẠM THỊ THINH
NGUYỄN ĐỨC TÀI
TỐNG VĂN THANH
NGUYỄN CHU HỒI
BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM - NHỮNG THÔNG TIN CƠ BẢN TẬP 3
KHAI THÁC, SỬ DỤNG BIỂN VIỆT NAM
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Tài nguyên biển và hải đảo là nguồn lực quan
trọng của đất nước, phải được khai thác, sử dụng bền vững cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử, nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển và hải đảo. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế
biển Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra các giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển, theo đó cần rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định một trong những nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là “Tài nguyên biển
5
và hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Dự thảo Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2030: Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng bền vững, công bằng phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế biển, nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa biển, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển và hải đảo; Tầm nhìn đến năm 2045: Tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng bền vững cho phát triển kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, cácbon thấp, xã hội hài hòa với thiên nhiên nhằm góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Nhằm góp phần cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về biển, đảo Việt Nam và tình hình khai thác, sử dụng biển và phát triển kinh tế biển
6
Việt Nam, tiếp theo tập 1, 2 của bộ sách Biển, đảo Việt Nam - Những thông tin cơ bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tiếp tục giới thiệu Tập 3 của bộ sách: Khai thác, sử dụng biển Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi biên soạn.
Cuốn sách trình bày dưới dạng hỏi - đáp, làm rõ một số khái niệm về tài sản tự nhiên biển; bản chất của tài nguyên biển; lịch sử khai lấn biển ở Việt Nam và tình hình khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển theo hướng bền vững, gìn giữ chất lượng môi trường biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển; phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng...
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quá trình biên tập, xuất bản, song cuốn sách khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 12 năm 2022
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT7
8
I
MỘT SỐ QUAN NIỆM, KHÁI NIỆM CHUNG VỀ KHAI THÁC, SỬ DỤNG BIỂN
Câu hỏi 1: Thế nào là vốn, vốn tự nhiên, vốn tự nhiên biển và tài sản tự nhiên biển?
Trả lời:
Vốn (Capital): được hiểu là của cải, vật chất hay tài chính có thể sử dụng để tạo ra thu nhập, hàng hóa hay các dịch vụ phục vụ đời sống và phát triển của con người.
Vốn tự nhiên (Natural capital) được sử dụng để mô tả các tài sản tự nhiên (Natural assets), là các hợp phần tự nhiên, như: các nguồn tài nguyên thiên nhiên (sinh vật, các hệ sinh thái, khoáng sản, đất, nước, sông, hồ, biển, đại dương, khí hậu,...), mà trên cơ sở đó con người có thể tạo ra thu nhập, hàng hóa và các dịch vụ. Nói cách khác, vốn tự nhiên là tập hợp các tài sản của hệ sinh thái (giá trị dịch vụ và chức năng), kết hợp với các loại vốn khác (vốn xã hội, vốn con người) tạo ra các dịch vụ thiết yếu cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ phúc lợi của con người.
Vốn tự nhiên biển là một phần của vốn tự nhiên, bao gồm toàn bộ các giá trị và lợi ích đem lại
9
từ nguồn vốn hay nguồn cung tài sản tự nhiên dưới dạng tài nguyên địa học, không khí, nước và toàn bộ sinh giới trong biển và đại dương.
Tài sản tự nhiên biển (Marine natural asset) là tất cả các loại tài nguyên thiên nhiên biển (sinh vật và phi sinh vật), các hợp phần tự nhiên (vật chất và phi vật chất) và các hệ sinh thái biển, đảo. Theo nhà nghiên cứu James K. Boyce, tài nguyên thiên nhiên biển chỉ trở thành tài sản tự nhiên biển khi con người có quyền tiếp cận tới các lợi ích của chúng (sở hữu chúng), như: các di sản tự nhiên biển, các dịch vụ hệ sinh thái biển tạo ra. Cho nên, để đảm bảo các dịch vụ này tiếp tục hỗ trợ phúc lợi và cuộc sống của con người, các tài sản và vốn tự nhiên biển nói trên cần được bảo vệ, bảo tồn và duy trì lâu dài. Trong thực tế, con người đã làm mất đi không ít tài sản tự nhiên biển, nhưng con người cũng có thể tái tạo chúng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào hình thức sở hữu tài sản, vào nhận thức và chính nỗ lực của con người.
Câu hỏi 2: Tăng trưởng xanh là gì?
Trả lời:
Theo Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP): Tăng trưởng xanh là phương thức chiến lược để đạt được phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và
10
là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, nhưng không làm ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Tăng trưởng xanh chủ trương tăng trưởng GDP trong khi vẫn duy trì hoặc khôi phục lại chất lượng và tính toàn vẹn của môi trường sinh thái, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của con người với mức tác động đến môi trường thấp nhất có thể. Đó là một chiến lược tìm kiếm tối đa hóa sản lượng kinh tế trong khi giảm thiểu gánh nặng về sinh thái. Cách tiếp cận này tìm kiếm sự hài hòa về tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường bằng cách thúc đẩy những thay đổi cơ bản trong sản xuất và tiêu thụ của xã hội. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa ô nhiễm và các tác động môi trường, có khả năng thích ứng trước các hiểm họa thiên nhiên, và vai trò của quản lý môi trường và vốn tự nhiên trong việc phòng ngừa thiên tai,... Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển kinh tế theo hướng bền vững với môi trường, thúc đẩy phát triển xã hội toàn diện và cácbon thấp. Tăng trưởng xanh cũng bao hàm các phương pháp tiếp cận chính sách mang lại hiệu quả sinh thái thực sự và chuyển dịch sang mô hình phát triển cácbon thấp, kết hợp các ứng phó khí hậu với mục tiêu phát triển.
11
Tháng 3/2005, UNESCAP đã xem tăng trưởng xanh như là một trọng tâm chính sách và chiến lược để thúc đẩy phương pháp tiếp cận cùng có lợi nhằm hòa giải các xung đột giữa các kết quả của hai mục tiêu phát triển thiên niên kỷ quan trọng: mục tiêu 1 (giảm nghèo) và mục tiêu 7 (tính bền vững môi trường). Tăng trưởng xanh bao gồm các nội dung mà các nhà hoạch định chính sách có thể tập trung can thiệp như: sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh doanh và thị trường xanh, cơ sở hạ tầng bền vững, thuế và cải cách ngân sách xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, và các chỉ số hiệu quả sinh thái1.
Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh có những điểm giống nhau và có sự khác biệt. Kinh tế xanh là nền kinh tế có khả năng vừa cải thiện chất lượng cuộc sống và sự công bằng xã hội, đồng thời làm giảm thiểu nguy cơ rủi ro môi trường sinh thái, tổn thất về mặt sinh thái học. Còn tăng trưởng xanh là tăng trưởng nhưng giữ được vốn tự nhiên. Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Chiến lược xanh) yêu cầu: “Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”. Chiến lược có mục tiêu: “Tăng trưởng xanh, tiến tới
1. Tăng trưởng xanh là gì?, http://csa.cuctrongtrot.gov.vn/ TinTuc/Index/3956.
12
các nền kinh tế cácbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”. Chiến lược xanh khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, chủ động chuyển dần từ nền kinh tế nâu sang một nền kinh tế xanh với các lợi ích cơ bản: góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên, cải thiện nguồn vốn văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội và hướng tới phát triển bền vững.
Câu hỏi 3: Bản chất của tài nguyên biển là gì?
Trả lời:
Về bản chất, tài nguyên biển/đại dương và vùng ven biển cấu thành các hệ thống tài nguyên biển và bờ (Coastal and marine systems), trong đó có các hệ sinh thái (Ecosystem). Đó là các hệ tài nguyên chia sẻ (Shared resources) được đặc trưng bởi ba thuộc tính chính: tính vượt trội (Dominance), tính đa dụng (Multi-use) và tính liên kết (Connectivity). Hiểu được tính vượt trội của một hệ thống tài nguyên biển, ven biển, đảo cụ thể sẽ xác định đúng lợi thế so sánh vượt trội của hệ thống này so với hệ thống khác lân cận, tạo cơ sở cho việc tìm kiếm các
13
giải pháp để chuyển lợi thế thành các lợi ích trong phát triển. Nhận diện đúng tính đa dụng của một hệ thống tài nguyên biển, ven biển, đảo cụ thể góp phần xây dựng được các cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên biển, cũng như các chính sách hướng tới hài hòa lợi ích giữa các ngành, tổ chức và cá nhân khai thác, sử dụng cùng một vùng biển, đảo và ven biển.
Tài nguyên biển/đại dương được phân bố theo không gian ba chiều (trên bề mặt biển, trong khối nước biển, trên bề mặt đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển), là đối tượng khai thác, sử dụng của nhiều ngành và thường cạnh tranh. Tức là, nhìn từ giác độ quản lý thì bất kỳ một vùng biển, đảo hoặc vùng ven biển sẽ không thuộc quyền khai thác, sử dụng duy nhất của một ngành, mà ngành nào cũng có nhu cầu không gian biển riêng cho mục đích phát triển của mình. Trong khi phần lớn các hệ tài nguyên biển và ven bờ được khai thác, sử dụng thực tế theo cách tiếp cận mở (Open access) và được quản lý theo ngành (Sectoral management) trong bối cảnh cạnh tranh thường làm nảy sinh mâu thuẫn lợi ích, xung đột không gian sử dụng. Điều này đã đặt ra nhu cầu phải quản lý biển, đảo và vùng ven biển theo không gian, dựa trên phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý về mặt nhà nước, đồng thời phải tiến hành “quy hoạch không gian biển”. Ở nước ta, tiếp cận quản lý tổng hợp biển và vùng ven biển đã được áp dụng từ
14
khoảng 20 năm trước, tuy nhiên chưa đạt hiệu quả như mong đợi; còn quy hoạch không gian biển ở cấp quốc gia đã được đưa vào Luật quy hoạch năm 2017 và bước đầu được triển khai thực hiện.
Câu hỏi 4: Việc sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên biển được hiểu như thế nào?
Trả lời:
Tài nguyên biển (bao gồm đảo và vùng ven biển) hình thành các hệ thống tài nguyên chia sẻ, cho nên sử dụng hợp lý (Reasonable use) tài nguyên biển cũng chính là việc sử dụng hợp lý các hệ thống tài nguyên chia sẻ nói trên. Về đại thể, một hệ thống tài nguyên biển bất kỳ đều bao gồm hai yếu tố có chức năng và vai trò khác nhau, nhưng phụ thuộc lẫn nhau: (1) Yếu tố đóng vai trò tài nguyên/nguồn lợi biển và (2) Yếu tố đóng vai trò nơi cư trú tự nhiên của loài (habitat). Đã là tài nguyên/nguồn lợi, về nguyên tắc, con người có quyền khai thác, sử dụng hạn định để bảo đảm tính bền vững và khả năng phục hồi nguồn tài nguyên đã tiêu hao (yếu tố có thể điều chỉnh); còn yếu tố habitat đóng vai trò “kho” lưu giữ và “ngôi nhà” duy dưỡng các nguồn và giá trị tài nguyên/nguồn lợi biển, nên là đối tượng cần phải được giữ gìn, bảo vệ, bảo tồn và quản lý thích ứng (yếu tố không thể điều chỉnh). Trên cơ sở đó, có thể hiểu đơn giản: “Sử dụng hợp lý tài nguyên biển là việc khai thác hạn định các nguồn và giá trị tài nguyên/nguồn lợi biển trong khi vẫn duy trì yếu tố
15
habitat của hệ thống”. Nếu ưu tiên khai thác các yếu tố habitat thì tài nguyên/nguồn lợi không khai thác cũng tự di cư hoặc biến mất, và hệ sẽ xảy ra sự cố, thiếu bền vững.
Sử dụng hiệu quả tài nguyên biển nhằm đảm bảo các nguồn tài nguyên biển được sử dụng trong sản xuất, chế biến và tiêu dùng một cách bền vững, giảm thiểu các tác động môi trường trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm trong toàn bộ vòng đời của chúng. Bằng cách sản xuất hiệu quả hơn, và tiêu thụ nguyên vật liệu ít hơn, thì việc sử dụng hiệu quả tài nguyên sẽ thúc đẩy các phương thức đáp ứng các nhu cầu của con người mà không vượt quá sức tải của các hệ sinh thái biển, đảo và ven biển.
Câu hỏi 5: Tại sao nói đại dương thế giới là hệ thống tự nhiên hỗ trợ đời sống Trái đất?
Trả lời:
Biển và đại dương là cội nguồn của sự sống trên Trái đất. Bởi lẽ, biển và đại dương có nhiều chức năng quan trọng liên quan tới đời sống Trái đất, đến hệ thống khí quyển bao quanh Trái đất. Theo D.B. Botkin và E.A. Keller1, đại dương thế giới là một hệ thống tự nhiên mở do thường xuyên trao đổi tương tác mạnh mẽ với hệ thống khí quyển
1. Daniel B. Botkin, Edward A. Keller: Environmental Science: Earth as a Living Planet, Third Edition, New York Chichester-Weinheim-Brisbane-Singapore-Toronto, 2000.
16
bao quanh Trái đất, tạo ra chu trình nước toàn cầu (chu trình mưa - bốc hơi). Biển và đại dương cũng là các bồn lưu chứa và cấp nước khổng lồ, kể cả nước ngọt cho các hoạt động phát triển và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của con người. Nếu thiếu biển và đại dương các đại lục chúng ta đang sống sẽ trở thành những “sa mạc khô cằn”, môi trường sống của con người trên Trái đất sẽ còn khắc nghiệt hơn rất nhiều hiện nay1.
Sự can thiệp lâu dài và tiêu cực của con người trong quá trình phát triển nhiều thế kỷ qua đã ảnh hưởng đến quan hệ tương tác đại dương - khí quyển nói trên. Ở quy mô toàn cầu, biến đổi khí hậu (Climate change) đang hiện hữu và tác động mạnh mẽ đến biển và đại dương, trái lại biến đổi đại dương (Ocean change) cũng đã xảy ra trong một quá trình lâu dài và đang tác động trở lại bầu khí quyển. Vì thế, đại dương thế giới được xem là một hệ thống tự nhiên hỗ trợ đời sống Trái đất - “ngôi nhà chung” của loài người, còn biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương được xem là hai mặt của một vấn đề trong các kế hoạch ứng phó2.
1. Dẫn theo Nguyễn Chu Hồi: Cơ sở tài nguyên và môi trường biển (Giáo trình), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005. 2. Nguyễn Chu Hồi: “Biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu - Hai mặt của một vấn đề trong ứng phó”, tạp chí Khoa học và Công nghệ biển, t.15, số 2, tháng 6/2015.
17
Các nhà khoa học quan niệm rằng, đại dương thế giới (World ocean) là một hệ thống tự nhiên cấp hành tinh. Theo nguyên tắc “thứ bậc”, đại dương thế giới được chia thành 5 đại dương (Ocean), 57 biển (Sea) và vùng bờ (Coastal area). Đó là những đại hệ sinh thái, và lần lượt các đại dương, biển và vùng bờ lại được chia ra thành các hệ tự nhiên (hệ sinh thái) cấp nhỏ hơn. Ví dụ, trong vùng bờ biển (hệ bờ) lại có các hệ sinh thái cửa sông, đầm phá, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô ven bờ và các vùng đất ngập nước ven biển. Về bản chất, các hệ thống tự nhiên đều là các hệ thống tài nguyên có quy mô lớn nhỏ khác nhau, tồn tại được nhờ quá trình tương tác nội tại hệ, nhưng phát triển được là nhờ các tương tác giữa hệ với hệ lân cận (tạo ra tính liên kết). Mỗi hệ tự nhiên được đặc trưng bởi các quá trình động lực học và sinh thái riêng, kéo theo là một cơ cấu tài nguyên riêng, đòi hỏi chúng ta phải có phương cách khai thác, sử dụng phù hợp.
Cần lưu ý rằng, mỗi hệ tự nhiên trong đại dương thế giới đều có “năng lực tải” (Carrying capacity) nhất định, nên nếu khai thác/sử dụng vượt quá năng lực tải này thì hệ xảy ra sự cố, bị suy thoái, suy kiệt. Đây là vấn đề cần phải cân nhắc và tính toán (năng lực tải của hệ) trong quá trình hoạch định chính sách, chiến lược và lập kế hoạch phát triển (khai thác, sử dụng đại dương, biển, đảo và vùng ven biển,...). Các vấn đề môi trường biển, đại dương mang tính xuyên biên giới (Transboundary),
18
điều này dẫn đến sự hình thành các mối liên kết sinh thái - tựa như các “dây xích sinh thái” khác nhau trong đại dương, biển và vùng bờ mà một mắt xích trong số chúng bị liệt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các mắt xích còn lại.
Với tư cách là một hệ tự nhiên, đại dương thế giới còn được ví như một “cỗ máy điều hòa nhiệt độ hai chiều” khổng lồ có tác dụng điều chỉnh cân bằng các cực trị nhiệt độ thịnh hành và làm dịu các ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết - khí hậu, cũng như sản sinh ra ôxy nuôi dưỡng nhịp sống của con người trên Trái đất1. Vì thế, nếu kiểm soát được “ngưỡng an toàn” của 9 “giới hạn hành tinh” của hệ thống Trái đất - Biến đổi khí hậu, tiêu thụ nước ngọt, suy giảm ôzôn ở tầng bình lưu, biến đổi trong sử dụng đất, tốc độ mất đa dạng sinh học, ô nhiễm nitơ và phốt pho, ô nhiễm hóa học, ô nhiễm không khí hoặc tải lượng sol khí và axít hóa đại dương, thì chúng ta sẽ giành được cơ hội để duy trì một tương lai tươi sáng cho các thế hệ mai sau2.
Thực vật phù du biển và các hệ thực vật khác trong biển và đại dương (rong tảo, cỏ biển, thực vật
1. Noone, K., Sumaila, R., and Diaz, R.,: Valuing the Ocean. Stockholm Environment Institute (SEI) publication, Stockholm, Sweden, 2012.
2. Johan Rockstrom and Mattias Klum: Big World, Small Planet. Bokforlaget Max Strom, FSC ISBN 978-91-7126-334-6, Italy, 2015.
19
ngập mặn), cùng với các hệ sinh thái có các giá trị dịch vụ quan trọng trong đại dương, như: rạn san hô có khả năng thu giữ và cố định được một lượng lớn CO2 thừa của bầu khí quyển gây hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt, thực vật phù du biển có thể tác động đáng kể đến chu trình cácbon toàn cầu, nhất là so với lượng con người bổ sung vào1. Như vậy, trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực ứng phó với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu thì biển và đại dương lại phát huy được vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, trong các hợp phần của vốn tự nhiên biển, các hệ sinh thái biển, ven biển và đảo nhỏ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống và sự phát triển lâu dài của con người, cũng như trong việc hỗ trợ đời sống Trái đất. Bởi vì, đại dương và biển là môi trường sống của các loài sinh vật (tuyệt đại đa số là sinh vật thủy sinh), là hệ thống “động” có khả năng điều chỉnh linh hoạt các tác động của biến đổi môi trường toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, trên thực tế, niềm hy vọng về một đại dương khỏe mạnh làm chỗ dựa cho cuộc sống loài người trên Trái đất đã không xảy ra, ngược lại, chúng ta đang phải sống trong “một thế giới lớn trên một hành tinh nhỏ” - một nền kinh tế “bão hòa” (kinh tế “nâu”) với các áp lực từ các vấn đề
1. Dẫn theo Nguyễn Chu Hồi: Cơ sở tài nguyên và môi trường biển (Giáo trình), Sđd.
20
môi trường toàn cầu đang có nguy cơ vượt ra khỏi năng lực tải của hành tinh Trái đất. Nền kinh tế thế giới đang phải trả giá cho những chi phí “khổng lồ” do sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan tới biến đổi khí hậu, biến đổi đại dương, biến động thực phẩm toàn cầu và sự mất mát nhanh chóng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển và đại dương. Bởi thế, chúng ta cần đổi mới tư duy và một tầm nhìn khác về mối quan hệ giữa chính con người với tự nhiên để bảo vệ được đại dương thế giới, để đại dương có thể mở ra một thời kỳ thịnh vượng mới cho nhân loại.
Quá nhiều rừng ngập mặn ven biển toàn cầu bị tàn phá, quá nhiều cá bị bắt khỏi đại dương, quá nhiều loài sinh vật biển quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đại dương đang bị con người và thiên nhiên “tấn công” từ mọi hướng: từ đất liền, từ lòng đất dưới đáy đại dương, từ khí quyển ép xuống và ở trong chính đại dương. Nước biển dâng, tăng xâm nhập mặn và xói lở bờ biển, axít hóa đại dương, ô nhiễm biển do hóa chất và rác thải nhựa,... dường như đã đạt tới “ngưỡng nguy hiểm” cho tương lai của đại dương. So với thời điểm đầu tiên của lịch sử loài người, chúng ta đã đẩy hành tinh Trái đất, bao gồm đại dương thế giới đi quá xa. Điều không mong đợi đó diễn ra quá nhanh và loài người đã lấn át khả năng Trái đất, bao gồm đại dương, hỗ trợ thế giới phát triển theo cách bền vững hơn. Chúng ta đã đi từ một thế giới nhỏ trong một Trái đất
21
lớn sang một thế giới lớn trong một Trái đất nhỏ. Ngôi nhà chung Trái đất của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng theo chiều hướng xấu, đòi hỏi các hành động ứng phó tập thể và phải trả lời câu hỏi lớn rằng chúng ta phải cùng nhau làm gì tiếp theo1.
1. Johan Rockstrom and Mattias Klum: Big World, Small Planet, Bokforlaget Max Strom, FSC ISBN 978-91-7126-334-6, Italy, 2015.
22
II
THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG, GIẢI PHÁP KHAI THÁC, SỬ DỤNG BIỂN VIỆT NAM
Câu hỏi 6: Lịch sử khai hoang lấn biển ở Việt Nam diễn ra như thế nào?
Trả lời:
Từ xưa ông cha ta đã nói, Việt Nam là đất nước “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, ngụ ý rằng, nước ta có biển rộng, nhiều núi đồi, nhưng rất ít đất ở và trồng trọt. Đất đã chật, người lại đông, bởi thế công cuộc khai hoang để mở mang, khai phá ruộng đất, phát triển kinh tế - xã hội đã được chú ý và bắt đầu từ lâu đời với quy mô và hình thức khác nhau. Các hoạt động khai hoang lấn biển được tiến hành ở các vùng đồng bằng phù sa màu mỡ, đất tốt và dễ canh tác, nhất là vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Một cách tự nhiên, đây là những vùng “châu thổ lấn tiến” ra biển và ở vùng ven biển của hai đồng bằng này hình thành nên các bãi bồi phù sa rộng lớn, tốc độ vươn ra biển hằng năm khá nhanh.
Mục đích chung và xuyên suốt trong thời gian dài của hoạt động khai hoang lấn biển là để tăng
23
diện tích đất trồng lúa, tạo dựng nền văn minh “trồng lúa nước” điển hình ở nước ta. Đầu tiên dân ta lấn các bãi bồi ven sông, sau đó chuyển sang lấn biển kết hợp “thau chua, rửa mặn” để ngọt hóa làm nông ở quy mô nhỏ lẻ, lâu dài dần chuyển thành làng mạc. Đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, vùng đất bãi bồi ven biển đồng bằng sông Hồng rộng mênh mông hầu như chưa được khai phá, chỉ có vài làng tự phát, nhà cửa thưa thớt phía trái sông Hồng. Nguyễn Công Trứ là người đầu tiên có công khai hoang lấn biển ở “quy mô lớn”, hình thành nên đơn vị cấp huyện từ khai hoang lấn biển là Tiền Hải (1828), nay thuộc tỉnh Thái Bình, và Kim Sơn (1829), nay thuộc tỉnh Ninh Bình. Sự nghiệp lấn biển cũng gắn với tài tổ chức của Nguyễn Công Trứ, ông tập hợp người lao động nghèo, phát triển sinh kế mới và khát vọng hướng biển lập cơ đồ.
Trong những năm 1961 - 1970, Chính phủ ta đã phát động phong trào khai hoang các vùng đất mới, gồm đồi núi hoang vu và lấn biển với mục đích để giãn dân, phát triển các vùng kinh tế mới, cải thiện đời sống của người dân. Ở vùng ven biển, lấn biển vẫn chủ yếu canh tác nông nghiệp, một số nơi lập nên những nông trường rộng lớn, sau này kết hợp làm các khu đầm nuôi thủy sản thông qua hình thức “quai đê” lấn biển. Các khu vực ven biển có rừng ngập mặn và đất chua phèn, sau khi lấn biển thì năng suất lúa và tôm đều thấp do đất ở đây dùng vài năm bị suy thoái, bị cứng rắn hóa,
24
bị chua phèn và giải phóng lưu huỳnh tự sinh gây độc cho môi trường nước mặn - lợ.
Càng về sau, lấn biển càng được thực hiện cấp tập hơn, đất lấn biển được sử dụng với mục đích xây dựng hoặc mở rộng đô thị, làm khu công nghiệp, trang trại nuôi thủy sản,... theo cách “đồng nhất hóa” việc sử dụng các vùng đất ven biển khác nhau về bản chất. Hệ lụy là nhiều vùng đất sau đó bị hoang hóa, thay đổi về chất, không cho năng suất như mong muốn. Tuy nhiên có thể nói, dù có những thành bại thế nào thì lấn biển/tiến biển vẫn luôn là khát vọng của người Việt, không chỉ để mưu sinh mà còn để tiến ra biển khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc1.
Công cuộc khai hoang, chinh phục những vùng đất mới là việc làm không thể thiếu được của mỗi triều đại hay mỗi một thời kỳ lịch sử ở Việt Nam. Thời Trần, các vương hầu, quý tộc được Nhà nước cho phép tổ chức khai hoang lập ra các điền trang thái ấp ở Nam Định có Trần Liễu, Trần Nhật Duật,... Thời Lê sơ, Nhà nước tập trung khai hoang ở địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định,... Cho đến nhà Nguyễn đã xác lập hình hài của lãnh thổ đất liền nước ta hình chữ S ven bờ Biển Đông. Triều đình Nguyễn cũng đã khai phá khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long ven sông Tiền, sông Hậu
1. Nguyễn Chu Hồi: “Lịch sử và tương lai của công cuộc lấn biển”, tạp chí Kiến trúc và Quy hoạch, Hà Nội, 2021.
25
đến tận ven sông Vàm Cỏ gọi là vùng Mỹ Tho - Long Hồ (Vĩnh Long - Mỹ Tho - Cần Thơ - An Giang). Đây là vùng đất phì nhiêu màu mỡ rất tốt, quanh năm có nước ngọt, mùa lũ không ngập, một vùng đất lý tưởng để làm ruộng, trồng màu, trồng dâu nuôi tằm, trồng cau, dừa và các loại cây trái đặc sản. Đây cũng là vùng giàu có nhất nước về cây ăn quả, về thủy hải sản. Ba nền văn minh về nông nghiệp của Nam Bộ cũng xuất hiện phần lớn ở vùng này. Đó là văn minh lúa nước, văn minh miệt vườn và văn minh kênh rạch Nam Bộ.
Những cuộc khai hoang mang lại ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, vì thuế ruộng đất là nguồn thu chủ yếu cho ngân khố quốc gia của các triều đại phong kiến. Ruộng đất canh tác càng nhiều thì tỷ lệ với nó là số ruộng đất đóng thuế nhiều lên và số lượng thuế thu được cho triều đình cũng gia tăng. Cũng vì lẽ đó mà trong bản điều trần của Nguyễn Công Trứ dâng lên vua Nguyễn, để xin khai hoang vùng Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) cũng nhấn mạnh vấn đề thu lợi cho ngân sách quốc gia và lợi ích kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, trong lịch sử dân tộc đã nổi lên một số cuộc khởi nghĩa nông dân liên quan đến vấn đề ruộng đất. Đối với nông dân, ruộng đất là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Triều đình phong kiến lấy biện pháp khai hoang để xung đất thành ruộng công rồi đem chia cho dân, coi đây là giải pháp nhằm dẹp yên các cuộc khởi nghĩa nông dân. Ngay cả việc
26
chiêu mộ dân phiêu tán, binh lính và tù phạm đi khai hoang cũng được xem là biện pháp mang lại nhiều lợi ích. Vì đất hoang khi đã sinh ra lời rồi thì tự nó nuôi sống những binh lính và tù phạm, ngoài ra còn góp phần không nhỏ vào vốn đất công cho nhà nước, làm gia tăng nguồn thuế cho triều đình. Chủ trương này còn làm bình ổn xã hội, tạo việc làm cho một số người thuộc đối tượng chống đối. Do vậy, từ thế kỷ XI về sau, các triều đại liên tục thực hiện chủ trương này.
Năm 1044, Lý Thái Tông đem hơn 5.000 tù binh Chiêm Thành về khai hoang ở Nghệ An và Hưng Hoá. Năm 1230, nhà Trần dùng tội nhân bị đày làm lính Lao thành phải làm việc phát cỏ rậm. Năm 1481, Lê Thánh Tông đã dùng binh lính lập thành 42 đồn điền tập trung ở vùng Nam Trung Bộ, nơi đã bình Chiêm, để khai phá đất mới. Năm 1572, Nguyễn Hoàng cho tù binh nhà Mạc đi khai hoang vùng Gio Linh (Quảng Trị) lập ra 36 làng. Năm 1741, Trịnh Doanh đã dùng binh lính lập ra 33 sở đồn điền ở kinh kỳ và các trấn. Đặc biệt, nhà Nguyễn đã sử dụng đông đảo lực lượng binh lính và tù phạm tham gia khai hoang, năm 1822 lập 117 sở đồn điền ở Nam Kỳ. Nhà Nguyễn coi khai hoang, lấn biển là quốc sách, có quan “doanh điền sứ” trông coi. Quan Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã lấy địa bàn cấp huyện làm quy hoạch khai hoang và lấy thủy lợi làm căn cứ tổ chức quy hoạch ruộng đất. Chỉ tính từ năm 1826 đến năm 1842,
27
Nguyễn Công Trứ đã tổ chức khai hoang, lấn biển được khoảng 16.480 ha.
Sau năm 1954, Nhà nước ta đã chủ trương tiến hành khai hoang xây dựng các vùng kinh tế - dân cư mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa III (tháng 7/1961) đã nêu: “Phải tận dụng những đất còn bỏ hoang, bỏ hóa, những đất bồi ở ven sông, ven biển”1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa III nêu cụ thể hơn: “Trong 5 năm, phải khai hoang thêm khoảng 45 vạn hécta”2. Để quản lý việc này, Chính phủ đã thành lập Cục Khai hoang nhân dân thuộc Bộ Nông trường. Đến tháng 02/1963, Cục này được nâng lên thành Tổng cục Khai hoang trực thuộc Hội đồng Chính phủ chịu trách nhiệm hoạch định kế hoạch và tổ chức khai hoang trên toàn miền Bắc, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Nghị định số 17/CP ngày 21/02/1963 của Hội đồng Chính phủ. Tại Thông tư liên bộ giữa Bộ Nội vụ và Tổng cục Khai hoang ngày 07/3/1963 đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy khai hoang của địa phương. Theo đó, căn cứ tính chất việc tổ chức nhân dân khai hoang và khối lượng công tác của từng địa phương, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố thành lập Ty khai hoang hoặc
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.22, tr.425. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.24, tr.475.
28
Phòng khai hoang trực thuộc Ủy ban hành chính. Sau khi thống nhất đất nước (1975), việc lấn biển, khai thác các bãi bồi và bảo vệ đất đai, chống xói lở bờ biển càng được chú trọng đặc biệt. Theo thống kê những năm 1958 - 1994, tại miền Bắc đã có 56 công trình khai hoang lấn biển với tổng diện tích là 55.465 ha. Ở đồng bằng sông Cửu Long, tại Cà Mau, diện tích đất bồi tự nhiên bồi lấn ra biển trung bình hằng năm từ 80 đến 100 m.
Câu hỏi 7: Quá trình từ lấn biển làm nông nghiệp đến lộ trình phát triển đô thị biển diễn ra như thế nào?
Trả lời:
Vào những năm 1997 - 1998, kinh tế Việt Nam đã có những biến động lớn do chịu ảnh hưởng lan truyền từ cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ của khu vực Đông Á. Hàng loạt rào cản đối với nền kinh tế quốc dân từ cuộc khủng hoảng trên đã bộc lộ, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta bị chậm lại, GDP/người đã không thể tiếp tục duy trì và giảm xuống còn 4% vào giai đoạn 1998 - 1999; các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký tham gia khi đó chưa kịp phát huy tác dụng; đầu tư nước ngoài cũng hạn chế,... Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó tiến ra biển, dựa vào biển vẫn là khát vọng cháy bỏng của Việt Nam. Chính thời điểm đó ở Việt Nam vẫn xuất hiện dấu ấn của việc chuyển từ “lấn biển” sang “tiến biển”
29
theo nghĩa vượt ra khỏi không gian ven bờ để nối kết với không gian đảo gần bờ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển.
Trong bối cảnh đó, mô hình những đô thị “tiến biển” dọc theo chiều dài đất nước đã xuất hiện, đánh dấu bước chuyển dịch quan trọng về nhận thức và tư duy với niềm tin vào những bước đột phá tiếp theo. Để làm được điều đó, cần có thể chế, chính sách mới và cần độ mở về cơ chế đủ để đánh thức tiềm năng vốn có của biển, đảo và vùng ven biển nước ta, đó là bài học quý được rút ra cho đến nay. Công cuộc đổi mới nào cũng cần có con người và nguồn lực, đặc biệt là từ các doanh nghiệp và doanh nhân, khi đất nước ta chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa “biển” đòi hỏi những người tiến biển phải có tố chất dám nghĩ, dám làm, thậm chí phải chấp nhận mạo hiểm, rủi ro vì suất đầu tư vào dự án biển thường lớn nhưng cho hiệu quả lâu dài.
Đảo Tuần Châu có thể xem là một ví dụ, khi tỉnh Quảng Ninh có chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng”, tranh thủ huy động vốn doanh nghiệp bằng “cơ chế” đúng, chấp nhận “đánh đổi” nhưng hai bên đều có lợi. Ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Công ty Âu Lạc - rất tự tin và quyết đoán đã mạnh dạn đầu tư vào đảo Tuần Châu, điều chỉnh linh hoạt và từng bước nâng cấp theo hướng hiện đại hóa rõ rệt. Đích cuối của ông là biến hòn đảo gần bờ, hoang sơ thành một khu đô thị du lịch đẳng cấp quốc tế.
30
Tuần Châu đã trở thành một khu đô thị du lịch đảo nổi tiếng thế giới trong quần thể đảo vịnh Hạ Long - Cát Bà với những giá trị di sản ngoại hạng toàn cầu. Tuy nhiên, vị thế và vẻ đẹp Tuần Châu sẽ được tôn vinh hơn thế nữa nếu tiến biển, nối kết bờ với hòn đảo này, khi đó không phải bằng một con đường mà bằng một cây cầu đẹp về kiến trúc, có giá trị văn hóa biển riêng, “tính đảo” của Tuần Châu còn nguyên vẹn chứ không bị “đất liền hóa” theo cách lấn biển xưa cũ.
Tuy đi sau, nhưng Công ty cổ phần Vinpearl, thành viên của Tập đoàn Vingroup đã xây dựng thành công Khu du lịch Hòn Ngọc Việt trên đảo Hòn Tre, trong vịnh Nha Trang (một trong những vịnh đẹp toàn cầu), tỉnh Khánh Hòa. Ban đầu là một khu du lịch nghỉ dưỡng sang trọng quy mô khiêm tốn ở Vũng Me, bãi Trũ thuộc đảo Hòn Tre (đảo rộng khoảng 36 km2), mở cửa vào năm 2003, sau được nâng cấp, mở rộng và có thể xem là một kiểu “Tiểu đô thị du lịch - dịch vụ đảo” đa dạng, một thiên đường du lịch biển, đảo của Việt Nam có đẳng cấp quốc tế với tên gọi mới từ năm 2006 - Vinpearl Land Nha Trang.
Câu chuyện về khu đô thị ven biển mới khang trang bên bờ biển Tây nhờ lấn biển ở vịnh Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cũng khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Người dân địa phương tự hào về sự “thay da, đổi thịt” của thành phố Rạch Giá và đặt nhiều kỳ vọng vào tương lai phát triển của nó.
31
Nhớ lại, dự án lấn biển Rạch Giá được chính thức khởi công từ năm 1999 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 420 hécta, khu Tây Bắc gần 100 hécta (khởi công năm 2015) và khu vực bãi bồi tự nhiên 16 hécta. Chỉ riêng dự án lấn biển, Rạch Giá đã giải quyết đất ở cho 60.000 người dân cùng với việc xây dựng các công trình công ích xã hội, khu hành chính cấp tỉnh, quảng trường, bệnh viện, trường học,... Công ty cổ phần đầu tư Phú Cường là đơn vị đầu tiên được tỉnh Kiên Giang bàn giao khoảng 160 hécta đất trong dự án biển Rạch Giá để xây dựng khu đô thị mới, có hạ tầng đồng bộ, các công trình đẳng cấp và hấp dẫn phục vụ cư dân địa phương và du khách,... Nhờ lấn biển, thành phố Rạch Giá có tầm vóc mới, có giá trị vị thế mới, xứng đáng là “thủ phủ” phía tây nam Tổ quốc.
Gần đây, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 hécta đã được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Vingroup là chủ đầu tư. Nếu được triển khai, đây sẽ là một trong những dự án tạo ra bước đột phá mới cho huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước trong việc phát triển kinh tế biển. Có thể nói, dự án này kế thừa không gian vốn có của thị trấn Cần Giờ hiện nay trên một cồn cát cửa sông đã cơ bản ổn định và sẽ bồi mở rộng về phía biển. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho khả năng nối kết và hài hòa sinh thái với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, phát huy các giá trị của
32
“Khu rừng Sác” lịch sử cũng như những khu đô thị, công nghiệp lân cận,... Song, để phát huy các lợi thế vốn có, Cần Giờ cần phát triển theo mô hình đô thị sinh thái ven biển xanh, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng với các ưu tiên cho phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn rừng ngập mặn, sử dụng năng lượng tái tạo, và là một trung tâm tài chính - văn hóa, thương mại - dịch vụ của Thành phố Hồ Chí Minh.
Nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài và nhiều đảo với các lợi thế cơ bản về phát triển cảng biển, đô thị, các khu công nghiệp và kinh tế biển đa lĩnh vực. Trong đó, cần phải phát triển các đô thị biển, bao gồm đô thị ven biển, đô thị đảo, đô thị trên biển và đô thị dưới đáy biển đang là một xu hướng thực tế, khách quan, không xa với sự “can thiệp” của công nghệ đại dương. Phát triển các đô thị biển là vấn đề chiến lược dài hạn để góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, hướng ra biển, tiến ra biển. Thời gian qua, các đô thị ở 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã có những đóng góp to lớn về phát triển kinh tế. Bởi vậy, đô thị biển không chỉ là nơi tích tụ dân số, mà phải là các trung tâm kinh tế biển lớn - kinh tế đô thị biển.
Phát triển hệ thống đô thị biển được tiến hành như sau: Thứ nhất là, phải thể chế hóa, tạo cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp/doanh nhân
33
và người dân. Thứ hai là, các đô thị biển phải có vị trí xứng đáng trong “Quy hoạch không gian biển quốc gia” thực hiện Luật quy hoạch năm 2017. Thứ ba là, kinh tế đô thị biển phải được nhìn nhận như một lĩnh vực quan trọng của kinh tế biển nước ta, tương xứng các ngành/lĩnh vực kinh tế biển khác.
Phát triển các đô thị biển cần có thời gian dài và lộ trình hợp lý. Trước hết là, chỉnh trang, nâng cấp và xây mới các đô thị ven biển, chú trọng các đô thị ven biển gắn với cảng nước sâu, như: Nghi Sơn (Thanh Hóa) gắn với cảng cùng tên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) gắn với cảng Vũng Áng, Chu Lai (Quảng Nam) gắn với cảng Kỳ Hà, Núi Thành (Quảng Ngãi) gắn với cảng Dung Quất,... Thứ hai là, sớm xây dựng chuỗi đô thị đảo tiếp theo thành phố đảo Phú Quốc, có thể là thành phố Côn Đảo, thành phố đảo Phú Quý, thành phố đảo Lý Sơn, Vân Đồn, Cô Tô,... Thứ ba là, xây dựng các đô thị trên biển gắn với các cụm đảo nhỏ, các vị trí bảo tồn biển,... Đây cũng là căn cứ thu hút sự quan tâm và định hướng sự vào cuộc của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngày nay, lấn biển và tiến biển đa dạng hơn, nhiều mục đích hơn, quy mô rộng lớn hơn, chất lượng ở đẳng cấp cao hơn nhiều với việc áp dụng chọn lọc và hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo ra một khu kinh tế, một khu đô thị xanh, sạch và thông minh. Chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại các bài học khai hoang lấn biển của cha ông trong quá khứ và tiến biển của
34
thế giới hiện đại. Trong đó, phát triển các đô thị biển gắn với kinh tế đô thị và bảo đảm quốc phòng an ninh ở tất cả các mảng không gian ven biển, đảo, biển và đáy biển là yêu cầu cấp bách và mang tầm chiến lược để “Việt Nam không mãi đứng ở ven bờ”.
Câu hỏi 8: Nước ta đã biến các “lợi thế” thành “lợi ích” biển như thế nào?
Trả lời:
Trong thực tế, đầu tư vào biển cũng là một dạng đầu tư “mạo hiểm”, do đó rất cần có cơ chế, chính sách thỏa đáng từ phía Nhà nước để khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp chủ động tham gia. Ở nước ta, ngày càng có nhiều dự án lấn biển, tiến biển ra đời, được thực hiện ở hầu hết địa phương ven biển với quy mô khác nhau. Bên cạnh những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động lấn biển cũng đặt ra những vấn đề phải giải quyết, nhất là về mặt môi trường và xã hội. Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các luật, cũng như các văn bản dưới luật liên quan tới khai thác, sử dụng biển, đảo, bao gồm hoạt động lấn biển, tiến biển. Tuy nhiên, để các dự án lấn biển đạt hiệu quả cao, bảo đảm an toàn sinh thái và môi trường, cần phải có chính sách, cơ chế, quy định cụ thể đối với các hoạt động đặc thù này.
Nghị định của Chính phủ về lấn biển với tinh thần chung là tháo gỡ quy định chồng chéo giữa các luật, chính sách trong cùng ngành, giữa các ngành,
35
giữa Trung ương và địa phương; bảo đảm lợi ích của người dân liên quan dự án; bảo đảm hài hòa giữa phát triển và môi trường; khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án lấn biển, tiến biển,... Bên cạnh đó, Nghị định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển, tiến biển, bảo đảm lợi ích “kép”, bảo tồn để phát triển và ngược lại. Theo tinh thần của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nước ta phải hướng ra biển, tiến ra biển và dựa vào biển để biến các lợi thế thành lợi ích, trong khi vẫn duy trì được khối tài sản tự nhiên biển quốc gia - yếu tố đầu vào của kinh tế biển xanh. Cho nên, cần chú trọng khai thác các giá trị không gian, giá trị phi vật chất và giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái biển. Tổ chức lại không gian kinh tế biển theo hướng ưu tiên phát triển các khu kinh tế biển, các đô thị lấn biển/tiến biển để hình thành các vùng kinh tế biển động lực, các “cực phát triển” kinh tế biển mạnh và có khả năng lan tỏa; bảo đảm liên kết vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh vùng miền. Phát triển kinh tế biển giàu mạnh là cách tốt nhất để bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh trên biển; góp phần duy trì môi trường hòa bình và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Trong công cuộc tiến biển, vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân cực kỳ quan trọng. Kinh tế biển nước ta rất cần có sự chung tay của “các đầu
36
tàu kinh tế”, đặc biệt khi nhu cầu đầu tư trí lực, tài lực, vật lực và nhân lực cho các phương án tiến biển có chất lượng cao và mang lại lợi ích chiến lược được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư cho các dự án tiến biển còn ít, chủ yếu vẫn dựa vào lấn biển để mở rộng vùng ven biển. Tăng nhanh số lượng các doanh nghiệp lớn, đặc biệt doanh nghiệp trong nước đầu tư vào các phương án tiến biển xứng tầm là một nhu cầu thực tế khách quan. Việt Nam cần tiến biển với tâm thức mới, tư thế mới, ý chí mới cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự chung tay của các doanh nhân, cùng với những người lao động biển của các ngành kinh tế biển khác để không còn đơn thuần là ra biển chỉ để làm kinh tế, làm giàu cho gia đình, cho doanh nghiệp, mà còn là góp phần quyết định vào việc khẳng định và thực hiện “chủ quyền dân sự” của Việt Nam trên Biển Đông.
Câu hỏi 9: Tác động môi trường từ hoạt động khai hoang lấn biển?
Trả lời:
Vùng ven biển nước ta đa dạng về các hệ tự nhiên và hệ sinh thái, rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, luôn biến đổi theo thời gian và dưới tác động từ các hoạt động của con người. Đặc biệt, nằm trong vùng nhiệt đới ẩm với sự hiện diện của hai đồng bằng châu thổ lấn tiến (sông Hồng và sông Mêkông) và đồng bằng cát ven biển miền Trung, quanh năm
37
bồi tụ ở mức khác nhau. Do vậy, quỹ đất “dự phòng” quốc gia ven biển ở nước ta luôn gia tăng và cũng thường xuyên biến động do thiên tai, biến đổi khí hậu và quá trình khai thác, sử dụng của con người, đáng kể là hoạt động khai hoang, lấn biển.
Thực tế những năm gần đây cho thấy ngày càng có nhiều dự án lấn biển được thực hiện, trong đó nhiều dự án lấn biển quy mô lớn ở khu vực biển nông ven bờ, trên nhiều bãi bồi - đối tượng tiềm năng cho hoạt động lấn biển. Diện tích có khả năng đưa vào khai hoang, lấn biển khu vực ven biển nước ta đạt hơn 100.000 ha. Vì thế, lấn biển vẫn là một “hướng mở” cho tương lai của các đô thị, khu kinh tế và dân cư ven biển,... Đây không chỉ là giải pháp để mở rộng quỹ đất, phát triển kinh tế - xã hội biển, mà còn là giải pháp “chủ động ứng phó” với tình trạng xói lở bờ biển và nước biển dâng đang tác động hiện hữu.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thu được thì hoạt động lấn biển cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm, giải quyết. Hoạt động lấn biển thường làm thay đổi một phần hoặc toàn bộ hệ thống tài nguyên ven biển, biển và đảo. Các công trình, hoạt động lấn biển có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan; làm thay đổi động lực tương tác sông - biển ở vùng cửa sông ven biển, cũng như hệ dòng chảy biển nông ven bờ, gây sa bồi các cảng biển; tạo thuận lợi cho bồi lắng, sạt lở khu vực ven biển lân cận và gây xói lở bờ biển,
38
làm mất an toàn cho chính các công trình ven biển. Hoạt động lấn biển cũng tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, tác động xấu tới đời sống của người dân ven biển. Xói lở bờ biển không chỉ gây thiệt hại về tính mạng, tiền của, đất đai, tài sản, mà còn tác động mạnh đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến dân sinh - kinh tế, đe dọa sự phát triển bền vững vùng bờ biển nước ta.
Việc quai đê, lấn biển để phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chủ yếu ở các vùng cửa sông lớn giàu phù sa và đào hút cát và nước ngầm ngọt để nuôi tôm trong vùng đất cát đã và đang tác động đáng kể đến tài nguyên và môi trường ven biển. Lấn biển tự phát, tràn lan từ Bắc vào Nam, thiếu quy hoạch hợp lý và không được kiểm soát chặt chẽ đã dẫn tới ô nhiễm môi trường, suy giảm hệ sinh thái về mặt diện tích, suy thoái về chất lượng,... khiến cho nhiều loài thủy sinh vật, động vật sống ở ven biển và cửa sông giảm đáng kể. Cùng với nước biển dâng, quá trình xói lở, bồi tụ diễn biến phức tạp cả về quy mô lẫn cường độ tùy từng khu bờ biển phụ thuộc mức độ thay đổi điều kiện thủy động lực cụ thể.
Ngoài ra, hoạt động lấn biển còn ảnh hưởng đến sinh kế, việc làm, chỗ ở của người dân khu vực lấn biển, phá vỡ quy hoạch về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục. Một số dự án đầu tư liên quan đến lấn biển là dự án bất động sản đã “quây kín” mặt biển và đường ra biển, biến các không gian công
39
cộng ven biển này thành “của riêng”, cản trở quyền tiếp cận của người dân với biển, hạn chế tiềm năng phát triển du lịch biển.
Trong thực tế đã có những dự án phải ngừng triển khai do chưa cân nhắc kỹ càng về sự can thiệp kỹ thuật, về tác động kinh tế - xã hội, về ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh biển, đảo, thậm chí vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương. Tình trạng san lấp, lấn biển tràn lan, phá vỡ quy hoạch, biến tướng các dự án để tiến hành lấn biển trái phép, thậm chí một số địa phương buông lỏng quản lý,... đã làm nảy sinh một số vấn đề khá phức tạp như ở Quảng Ninh (Hạ Long, Cẩm Phả), Hải Phòng (Cát Bà), Thanh Hóa (Sầm Sơn), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh),...
Câu hỏi 10: Quy định của pháp luật đối với hoạt động khai hoang, lấn biển hiện nay?
Trả lời:
Lợi ích và tác động của hoạt động lấn biển rất lớn, trong khi hệ thống pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể đối với hoạt động này. Pháp luật về đất đai chỉ quy định nguyên tắc chung đối với việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Pháp luật về đầu tư chỉ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, trong đó có quy định liên quan đến thẩm quyền đối
40
với một số dự án lấn biển có quy mô lớn. Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, hoạt động lấn biển chủ yếu lại không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển (vì nằm ngoài đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm).
Pháp luật bảo vệ môi trường có quy định một số dự án lấn biển quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên không có yêu cầu quy định cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển. Việc xem xét, thẩm định, quyết định cho phép thực hiện các hoạt động liên quan đến lấn biển đối với đê, kè biển, cảng biển, lấn biển để trồng rừng ngập mặn đã được quy định rõ ràng hơn trong Luật đê điều, Bộ luật hàng hải, Luật lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhưng các yêu cầu về kỹ thuật cũng chưa được quy định cụ thể.
Hệ thống pháp luật hiện hành cũng chưa quy định trách nhiệm quản lý nhà nước và nhiệm vụ của các cấp, các ngành liên quan đối với hoạt động lấn biển, đặc biệt là không có các quy định, yêu cầu cụ thể đối với hoạt động lấn biển để bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững.
Rõ ràng, việc thiếu các quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh hoạt động lấn biển là một trong
41
những nguyên nhân dẫn đến tính tiêu cực của hoạt động lấn biển và nếu không được kịp thời bổ sung sẽ gây ra những hệ lụy phức tạp, khó lường trong thời gian tới. Vì vậy, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã yêu cầu: “Kiểm soát chặt chẽ các dự án quai đê, lấn biển”. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trình Chính phủ xem xét, ban hành một nghị định về khai hoang, lấn biển.
Câu hỏi 11: Thực trạng khai thác muối biển ở nước ta hiện nay?
Trả lời:
Là một quốc gia biển, nên nghề làm muối/ ngành muối (diêm nghiệp) cũng phát triển sớm ở nước ta và là một ngành kinh tế biển truyền thống, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ và chặng đường phát triển còn nhiều gian truân. Tuy nhiên, sản phẩm muối là thực phẩm không thể thay thế trong bữa ăn hằng ngày của con người và là thực phẩm lý tưởng nhất để bổ sung iốt cho người dân. Đây cũng là vấn đề mang tính toàn cầu trong phòng và chống bệnh bướu cổ - căn bệnh dẫn đến thiểu năng trí tuệ và ảnh hưởng đến tố chất giống nòi của các thế hệ mai sau. Không những thế, muối còn là nguồn nguyên liệu quan trọng không giới hạn để sản xuất các hóa chất cơ bản như NaCl và Sôđa tổng hợp -
42
là nguyên liệu đầu vào của hàng nghìn ứng dụng cho sản xuất và tiêu dùng khác. Các chuyên gia phân tích cho biết, số lượng sử dụng và tăng trưởng hằng năm của nguồn nguyên liệu này là một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia.
Nước ta được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển ngành sản xuất muối, với chiều dài bờ biển 3.260 km (không kể các đảo) kéo dài từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, cùng khí hậu nhiệt đới, nước biển nóng ấm, có độ mặn cao (từ 3,2% đến 3,5%). Tổng trữ lượng muối của nước ta được đánh giá khoảng 120 - 130 tỉ tấn. Hiện nay, cả nước có 21 tỉnh ven biển sản xuất muối nhưng diện tích sản xuất muối tập trung chính ở các tỉnh như: Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa... Muối Việt Nam chủ yếu được sản xuất bằng hai phương pháp: (1) Phương pháp phơi cát thủ công ở miền Bắc và bắc miền Trung; (2) Phương pháp phơi nước gồm phơi nước phân tán ở miền Trung và miền Nam, và phơi nước tập trung (sản xuất muối công nghiệp) được tiến hành ở Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Các sản phẩm muối đa dạng, nhất là sản phẩm dùng trong ăn uống, thực phẩm, hiện được phân thành 4 nhóm chính: muối thô, muối tinh, muối công nghiệp và muối thực phẩm. Ngoài ra, canh tác muối theo các phương
43
pháp trên đã tạo ra không ít đồng muối ven biển có cảnh quan đặc trưng, độc đáo và thường là đối tượng của các nhiếp ảnh gia. Cho nên, cũng có thể lựa chọn và tận dụng một số đồng muối như thế làm điểm thăm quan du lịch ven biển.
Nghề làm muối ở nước ta là một nghề truyền thống từ lâu đời, diêm dân cần cù, chịu khó, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối và có thể tạo ra loại muối phơi cát chứa nhiều loại khoáng chất rất tốt cho sức khỏe con người khi dùng làm thức ăn hằng ngày. Với ưu điểm này, hiện nay, sản phẩm muối của Việt Nam đã chinh phục thành công các thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,... với sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng. Cụ thể, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2.000 tấn/năm, sang Mỹ đạt 800 tấn/năm (chủ yếu là muối phơi cát thủ công của khu vực Nghệ An). Đồng thời, ngành muối cũng đang có những lợi thế nhất định để phát triển theo hướng công nghiệp với năng suất, chất lượng cao, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Tuy vậy, trong quá trình phát triển và hội nhập, ngành muối cũng có những khó khăn, như: sản xuất chưa ổn định, sản lượng tăng giảm thất thường, năng suất cũng như giá bán thường thay đổi. Theo thống kê, năm 2015 cả nước có tổng diện tích sản xuất muối xấp xỉ 15,2 nghìn ha, sản lượng muối đạt 1.504 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng muối sản xuất bằng phương pháp thủ công đạt
44
924 nghìn tấn (chiếm 61,44%); muối sản xuất bằng phương pháp công nghiệp đạt 580 nghìn tấn (chiếm 38,56%). Năm 2016, diện tích sản xuất muối giảm, còn khoảng 13,6 nghìn ha, trong đó diện tích sản xuất muối công nghiệp là 4,3 nghìn hécta (chiếm 31,2%); diện tích áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới xấp xỉ 5,1 nghìn ha (chiếm gần 34%); sản lượng muối tiếp tục đạt cao, khoảng gần 1,33 triệu tấn (trong đó, muối sản xuất công nghiệp đạt khoảng 378,7 nghìn tấn, muối sản xuất thủ công đạt khoảng 947,8 nghìn tấn). Năm 2017, do thời tiết diễn biến phức tạp, mưa, bão nhiều nên sản lượng đạt thấp, chỉ đạt khoảng 650 nghìn tấn. Tuy nhiên, tổng nguồn cung muối vẫn đạt 1.697 nghìn tấn, bao gồm lượng muối luân chuyển từ năm 2016 sang là 547 nghìn tấn; sản xuất trong nước 650 nghìn tấn; nhập khẩu 500 nghìn tấn. Đến năm 2018, diện tích sản xuất muối cả nước là 13,4 nghìn ha, sản lượng muối đạt xấp xỉ 966 nghìn tấn.
Do sản lượng tăng cao đã xảy ra tình trạng cung vượt cầu, khi tổng nguồn cung năm 2018 lên tới 1.686 nghìn tấn (bao gồm muối tồn kho luân chuyển từ năm 2017 sang 140 nghìn tấn, nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch hải quan 580 nghìn tấn). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019 diện tích sản xuất muối cả nước đạt xấp xỉ 13,6 nghìn ha (muối thủ công là 9,3 nghìn ha, muối công nghiệp là 4,3 nghìn ha), là năm vừa được mùa, vừa được giá, diêm dân có thu nhập cao nhất. Giá muối
45
thương lái hoặc doanh nghiệp thu mua tại chân ruộng muối ở miền Bắc khoảng 1.500 - 2.500 đồng/ kg; tại miền Trung, muối thủ công khoảng 1.500 đồng/kg; ở Nam Bộ giá muối đen khoảng 1.000 đồng/kg, muối trắng 1.500 - 1.800 đồng/kg1. Về sản lượng, năm 2020 đạt 1.334.507 tấn, năm 2021 đạt 914.999 tấn với diện tích sản xuất muối của cả nước khoảng 11.393 ha2.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cho diện tích và sản lượng muối của nước ta có sự biến động (tăng hoặc giảm) khá mạnh là do sản xuất muối ở Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết (khi thời tiết nắng nhiều thì được mùa, khi nắng ít thì mất mùa) nên năng suất muối qua các năm có sự tăng giảm mạnh. Giá muối trên thị trường cũng có sự biến động lớn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa có kho dự trữ muối đủ lớn; kho của diêm dân còn nhỏ bé, tam bợ, thương lái hay ép giá, nhất là vào chính vụ (chính vụ của miền Bắc và miền Trung từ tháng 2 đến tháng 8 hằng năm, của miền Nam là từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau). Một nguyên nhân nữa là do sản xuất muối ở nước ta còn theo phương pháp
1. Gia Linh: Thực trạng ngành muối Việt Nam, 2019, https:// consosukien.vn/thuc-trang-nganh-muoi-viet-nam.html. 2. BT: “Nghịch lý ngành muối Việt Nam”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 2022, https://dangcongsan.vn/cung ban-luan/nghich-ly-nganh-muoi-viet-nam-603954.html.
46
thủ công nên sản lượng không ổn định. Ngành muối cũng đang sử dụng quá nhiều lao động thủ công nên giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém so với muối nhập. Hạ tầng cơ sở đồng muối xuống cấp dẫn tới năng suất, chất lượng không cao; việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất muối chưa được quan tâm đúng mức. Khả năng và tính liên kết sản xuất muối ở một số nơi còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn lớn.
Muối được sử dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất hóa chất, công nghiệp, công nghiệp chế biến thủy hải sản, công nghiệp thực phẩm,... thì hàm lượng NaCl phải đạt trên 98% và chứa ít tạp chất, đảm bảo độ khô,... Mặc dù muối Việt Nam có độ mặn cao song nếu sản xuất thủ công hàm lượng mặn chỉ đạt khoảng 92%, lại chứa nhiều tạp chất,... nên chưa đảm bảo tiêu chuẩn là muối công nghiệp.
Theo dự báo, ngành muối Việt Nam sẽ là ngành kinh tế phải chịu tác động sớm nhất, trực tiếp nhất, nặng nề nhất khi nước biển dâng và hàng chục nghìn hécta diện tích sản xuất muối sẽ có nguy cơ dần dần bị xóa sổ theo thời gian. Trong khi hội nhập kinh tế kèm theo đó những yêu cầu về ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất, sự gia tăng về năng suất, giảm số lượng lao động thủ công... cũng đang đặt ngành muối trước yêu cầu cần đổi mới sản xuất và đẩy mạnh phát triển bền vững trong thời gian tới.
47
Câu hỏi 12: Nghịch lý đối với ngành muối Việt Nam hiện nay là gì?
Trả lời:
Thực tế hiện nay, tuy là nước có nhiều tiềm năng để sản xuất muối, nhiều địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển cánh đồng muối, nhưng muối của Việt Nam chưa được đánh giá cao, giá bán thấp. Bên cạnh đó, dù sản lượng muối trung bình trong những năm gần đây đạt trên 1 triệu tấn/năm nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng hằng năm của cả nước (khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn). Vì thế, hằng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 400 đến 600 nghìn tấn muối để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Theo các chuyên gia, đây cũng là vấn đề “nan giải” khi dự báo nhu cầu về tiêu dùng muối toàn quốc sẽ đạt khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030, trong muối công nghiệp khoảng 1,35 triệu tấn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, giai đoạn 2017 - 2020, lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan là 110.000 tấn, trong khi tổng nhu cầu muối công nghiệp của các doanh nghiệp để sản xuất hiện nay khoảng 350.000 tấn. Lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được phân giao còn thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất hóa chất.
Lý giải cho thực trạng trên có thể thấy do việc sản xuất muối của nước ta hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo
48
hộ diêm dân (chiếm tới 69% diện tích), nên năng suất, chất lượng muối thấp. Chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, nên vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp. Lượng muối của các đồng muối công nghiệp chủ yếu phục vụ chế biến muối tinh, cung cấp muối cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nên cạnh tranh trực tiếp
với muối do diêm dân sản xuất. Mặt khác, tại một số vùng sản xuất muối của nước ta có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển sản xuất muối quy mô công nghiệp nhưng chưa được quan tâm đầu
tư phát triển. Vấn đề khó khăn trong liên kết sản xuất muối cũng là một nguyên nhân dẫn đến ngành muối Việt Nam chưa đủ sức cạnh cạnh tranh, cũng như khó thu hút đầu tư dù có nhiều nhà đầu tư
mong muốn tham gia vào ngành chế biến muối. Ví dụ, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực diêm nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu còn gặp nhiều khó khăn do muối làm ra chỉ bán được cho thương lái, chưa có hợp đồng ký kết giữa hai bên, chưa liên kết được với các doanh nghiệp thu mua của địa phương. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất chế biến muối trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều hoạt động liên kết tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và diêm dân sản xuất muối. Nguyên nhân do giao thông đi lại và vận chuyển, mua bán, trao đổi muối của diêm dân tại đồng ruộng tới khu chế biến, bảo quản của các doanh nghiệp còn rất
49
khó khăn, làm tăng chi phí giá thành sản xuất. Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất muối của diêm dân đều đã xuống cấp, thậm chí hư hỏng, dẫn đến năng suất muối không cao. Điều kiện thời tiết, mưa nắng thất thường do biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề sản xuất muối phơi nước. Sản lượng muối cung cấp cho các cơ sở chế biến không ổn định, thiếu sự gắn bó, mối liên kết giữa diêm dân và các doanh nghiệp. Các mặt hàng muối chưa đa dạng vì các nhà sản xuất muối đều chọn sản phẩm tương tự nhau nên tạo ra “nội cạnh tranh”, kiềm chế nhau. Hạ tầng đồng muối không được đầu tư nâng cấp đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng muối, giá bán không cạnh tranh được với muối nhập khẩu. Ngoài ra, muối sản xuất chủ yếu là muối thô, hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm muối còn thấp nên chưa đưa vào chuỗi sản xuất, đồng thời khâu lưu trữ, vận chuyển logistics còn yếu. Chất lượng muối chưa đồng đều, giá cả đầu ra còn bấp bênh, gần như chưa có quảng bá thương hiệu và chỉ dẫn địa lý ngành muối có tính chủ đạo, dẫn dắt,... Các hộ diêm dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho sản xuất muối cũng khó khăn vì thu nhập từ sản xuất muối thấp nên nhiều hộ dân không đủ khả năng trả nợ ngân hàng đúng thời hạn quy định.
Sản xuất bấp bênh, giá bán muối thấp khiến cho nhiều diêm dân không còn mặn mà với sản xuất muối, dẫn đến tình trạng bỏ đồng muối chuyển sang
50
công việc khác có thu nhập cao hơn. Để gỡ khó cho ngành muối Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng, với các đồng muối sản xuất tập trung (hay còn gọi là các đồng muối công nghiệp) cần quay về với sản xuất muối công nghiệp (kết tinh dài ngày, nước chạt sâu, làm sạch sau thu hoạch, cơ giới hóa đồng bộ). Muối công nghiệp làm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy hóa chất, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến muối tinh sấy cao cấp để góp phần thay thế muối tinh nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.
Đặc biệt, cần tập trung phát triển mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và diêm dân, xây dựng vùng nguyên liệu muối chất lượng cao, phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của diêm dân. Khuyến khích mở rộng doanh nghiệp, thành lập hợp tác xã để hỗ trợ diêm dân trong cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm cho diêm dân, phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia liên kết và chia sẻ lợi ích tạo giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, cần xúc tiến thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và phát triển các mô hình hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng thông qua triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
51
Nhà nước cần đẩy nhanh đầu tư hạ tầng cơ sở cho sản xuất ngành muối. Các địa phương cũng cần phải điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất muối thủ công và công nghiệp, lựa chọn sản phẩm phù hợp đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, cần xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chí để đảm bảo chất lượng muối; có chính sách điều tiết nhập khẩu phù hợp và kiểm soát tốt muối thô nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam.
Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi về đất đai cũng như nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư lớn, áp dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến muối để giữ vững thị trường và phục hồi sản xuất công nghiệp muối trong nước, hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, có chính sách về hỗ trợ thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy chương trình liên kết giữa các đơn vị sản xuất muối và kênh tiêu thụ sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực sản xuất trực tiếp cho các địa phương và doanh nghiệp1.
Câu hỏi 13: Định hướng phát triển bền vững ngành muối ở Việt Nam hiện nay? Trả lời:
Hiện nay các địa phương ven biển đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có nội dung tái cơ cấu ngành muối. Đây được xem như một
1. BT: Nghịch lý ngành muối Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 2022, https://dangcongsan.vn/cung-ban luan/nghich-ly-nganh-muoi-viet-nam-603954.html.
52
định hướng quan trọng trong triển khai xây dựng, phát triển ngành muối thời gian tới. Tuy nhiên, để thị trường muối phát triển ổn định, bền vững đảm bảo cuộc sống của diêm dân, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, ngành muối cần nâng cao chất lượng muối trong nước và thực hiện các giải pháp nhằm hạ giá thành để đáp ứng được nhu cầu của nhiều ngành sản xuất nội địa, đặc biệt là ngành hóa chất. Theo đó, cần đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vùng sản xuất muối theo quy hoạch phát triển sản xuất muối đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: đê bao, trạm bơm, hệ thống cống, kênh mương cấp nước biển, hệ thống cống, kênh mương thoát lũ, công trình giao thông, thủy lợi nội đồng,...
Có kế hoạch chuyển đổi diện tích sản xuất muối thủ công sang mô hình sản xuất có thu nhập cao hơn. Các địa phương cần tổ chức sản xuất đúng diện tích trong quy hoạch, theo dõi sát diễn biến thời tiết để kịp thời thông báo, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quy trình sản xuất, giảm thiệt hại. Tăng cường liên kết hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối; đầu tư các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng muối. Cần giữ ổn định đồng muối công nghiệp hiện có; tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích sản xuất muối quy mô công nghiệp; ứng dụng khoa học - công nghệ vào khâu sản xuất và thu hoạch muối.
53
Thứ hai, Chính phủ cần chủ động thực hiện chính sách bình ổn giá muối theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của thị trường. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm sản xuất muối ổn định.
Thứ ba, theo dõi sát tình hình sản xuất trong nước để điều tiết việc nhập khẩu muối. Áp thuế đúng chủng loại muối nhập khẩu để tránh gian lận thương mại, giảm lượng muối nhập khẩu tràn lan, gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với muối nhập khẩu.
Thứ tư, xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá chất lượng muối rõ ràng để tránh tình trạng ép giá, ép cấp gây thiệt hại cho diêm dân,... Theo đó, cần đẩy mạnh quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu muối và muối iốt tại địa phương. Huy động các nguồn vốn và ưu tiên kinh phí hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất muối. Hỗ trợ người dân, hợp tác xã muối thành lập tổ liên kết sản xuất muối sạch từ nguồn kinh phí địa phương và ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định với các cơ sở chế biến,...
Thứ năm, xây dựng các nhà máy chế biến muối gắn với vùng nguyên liệu. Đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng muối trong nước và xuất khẩu. Tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng muối ăn được
54
sản xuất từ nước biển vẫn còn các vi chất khác có lợi cho sức khỏe,...
Thứ sáu, xây dựng kịch bản về biến đổi khí hậu vùng ven biển chi tiết cho các đồng muối hiện có, đặc biệt là vùng muối phơi cát phía Bắc và các đồng muối phơi nước cổ truyền có năng suất, chất lượng thấp thuộc Nam Bộ,... Ngoài ra, địa điểm sản xuất, khai thác muối cần được xây dựng ở những địa điểm thuận lợi về điều kiện tự nhiên cho sản xuất muối đạt năng suất, chất lượng cao, không chịu ảnh hưởng của nước biển dâng.
Áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, bảo đảm chất lượng muối đạt chuẩn quốc tế đối với muối công nghiệp để thay thế dần muối công nghiệp nhập khẩu. Đồng muối cũng cần có quy mô đủ lớn để có khả năng tổng hợp, tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lợi hóa chất sau muối, vừa gia tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đồng muối, vừa sản xuất theo chu trình khép kín, thân thiện với môi trường.
Sản phẩm muối là thực phẩm có nhu cầu hạn chế nhưng không thể thiếu và không thể thay thế. Vì vậy, với dân số hơn 95 triệu dân, Việt Nam sẽ là nguồn tiêu thụ lớn, thường xuyên nguồn sản phẩm này và sản xuất muối vẫn sẽ là ngành kinh doanh không thể thiếu trong phát triển hội nhập kinh tế biển của đất nước.
55
Câu hỏi 14: Hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam diễn ra như thế nào?
Trả lời:
Trong số các nguồn năng lượng biển của nước ta, dầu và khí (dầu khí) là nguồn năng lượng biển tiên phong. Ngành dầu khí đã trở thành một trong những ngành kinh tế biển chủ lực của Việt Nam, là ngành xuất khẩu hàng đầu của đất nước. Tổng cục Dầu khí Việt Nam, nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trải qua 47 năm thành lập (3/9/1975 - 3/9/2022) với các hoạt động đều gắn liền với kinh tế biển Việt Nam. Nhờ có nguồn dầu khí khai thác, nước ta đã phát triển công nghiệp điện lực, hóa chất (phân bón và hóa dầu) với quy mô khá lớn. Các cơ sở công nghiệp này đều gắn liền với các vùng ven biển, như: Khu khí điện đạm Phú Mỹ, Cà Mau; Nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố; Khu lọc hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn, v.v.. Tuy nhiên, gia tăng mức độ sử dụng năng lượng luôn kèm theo nguy cơ gây ô nhiễm cho môi trường.
Ngoài dầu khí, nước ta còn có nhiều nguồn tài nguyên phục vụ phát triển năng lượng như than, thủy điện, điện mặt trời, phong điện, năng lượng biển, v.v., nhưng khả năng khai thác, chế biến còn rất hạn chế. Do đó, trong một thời gian khá dài (đến năm 2030), nước ta vẫn tiếp tục phải nhập khẩu các sản phẩm dầu, trong khi giá dầu luôn biến động thất thường gây áp lực rất lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó,
56
do những hạn chế về công nghệ, về điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế các nguồn năng lượng truyền thống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Dự báo, đến cuối thế kỷ XXI các nguồn năng lượng của nước ta sẽ trở nên khan hiếm, trong đó với tốc độ gia tăng mức khai thác nguồn năng lượng như hiện nay thì các mỏ dầu và khí đốt đang khai thác suy giảm sản lượng, các mỏ mới phát hiện có trữ lượng nhỏ, tài nguyên dầu khí ở nước ta có thể sẽ cạn kiệt trong khoảng 50 năm tới. Thêm vào đó, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường đã và sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động dầu khí của nước ta1. Sản lượng khai thác dầu khí trong nước thời gian tới có thể sẽ chững lại tương đối và sẽ giảm đến mức 13 triệu tấn vào năm 2025, trong khi sản lượng khai thác ngoài nước sẽ tăng trưởng đáng kể. Khí đốt, nguồn năng lượng sạch (trong sản xuất điện, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, v.v.) có sản lượng tăng liên tục, đến năm 2025 dự kiến đạt đến 16 tỉ m3.
Ngành dầu khí đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018
1. Hoạt động dầu khí tương ứng với chuỗi giá trị dầu khí với 5 phân ngành: thăm dò và khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, truyền tải, xử lý khí và phát điện.
57
của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mặc dù trong bối cảnh diễn biến phức tạp ở Biển Đông và tác động của đại dịch Covid-19, nhưng ngành dầu khí đến nay vẫn đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể là1:
- Đến nay, khối lượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên 4 bể trầm tích ở vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên 600.000 km tuyến địa chấn 2D, khoảng 100.000 km2 địa chấn 3D và khoảng 1.000 giếng khoan dầu khí. Nước ta đã phối hợp với Trung Quốc và Philíppin khảo sát địa chấn 3 bên ở khu vực Trường Sa, hợp tác Việt - Trung trong khu vực Thỏa thuận tại vịnh Bắc Bộ.
- Trữ lượng dầu khí: đã phát hiện gần 1,55 tỉ mét khối quy dầu, gồm 750 triệu mét khối dầu và gần 800 tỉ mét khối khí. Năm 2021, tổng sản lượng khai thác dầu khí tại Việt Nam khoảng 720 triệu mét khối quy dầu, gồm khoảng 500 triệu mét khối dầu và 224 tỉ mét khối khí. Tính riêng giai đoạn sản lượng khai thác dầu và condensate đạt khoảng 12,3 triệu tấn/năm và lượng khí về bờ đạt gần 10 tỉ m3/năm. Kết quả này đã mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh
1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
58
năng lượng, tạo nhiều việc làm cho lao động ở các địa phương có các dự án của ngành dầu khí.
Câu hỏi 15: Công nghiệp khí, điện, chế biến lọc - hóa dầu đóng góp như thế nào cho quốc gia?
Trả lời:
Với vai trò là doanh nghiệp chủ lực trong ngành dầu khí nước ta, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã trải qua quá trình xây dựng, phát triển và hình thành hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ từ khâu khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - xuất nhập khẩu - dự trữ - phân phối khí và các sản phẩm khí. Thông qua đó, ngành dầu khí góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước1.
Lĩnh vực công nghiệp khí hiện có 5 hệ thống khí với trên 1.200 km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí, 13 kho chứa khí hóa lỏng (LPG) với công suất gần 100 nghìn tấn, hệ thống phân phối khí và sản phẩm khí trên toàn quốc,... Các hệ thống công nghiệp khí được vận hành an toàn, hiệu quả
1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
59
và duy trì cung cấp 100% thị phần khí khô ổn định cho phát triển công nghiệp. Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đáp ứng nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất 15 - 30% sản lượng điện toàn quốc, sản xuất 1,6 triệu tấn/năm, đáp ứng 70% nhu cầu đạm cả nước và chiếm lĩnh hơn 60% thị phần LPG toàn quốc. Ngành dầu khí đang nghiên cứu xây dựng hạ tầng cơ sở kho cảng để nhập khẩu LPG, cũng như xây dựng đường ống dẫn khí kết nối các khu vực và trong phạm vi quốc gia.
Hiện nay, ngành dầu khí có hệ thống nhà máy điện với tổng công suất khoảng 4.205 MW và tổng công suất lọc dầu là 16,5 triệu tấn/năm. PVN cung cấp khoảng 21 tỉ kWh điện và đáp ứng 70% nhu cầu sản phẩm xăng dầu trong nước.
Bên cạnh phát triển các lĩnh vực kinh doanh thì lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành dầu khí nước ta phát triển, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và hướng tới hội nhập, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Ví dụ, giai đoạn 2016 - 2020 lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí chiếm khoảng 50 - 60% thị trường cung cấp giàn khoan tự nâng trong nước; duy trì 100% thị phần vận tải dầu thô và khí hóa lỏng LPG trong nước; chiếm khoảng 30% thị phần vận tải xăng dầu thị trường trong nước. Thông qua phát triển dịch vụ kỹ thuật, ngành dầu khí nước ta đã thực hiện các hợp đồng khoan dài hạn, cung cấp dịch vụ xà lan, tàu địa chấn, tàu
60
dịch vụ cho các đối tác nước ngoài, đặc biệt ưu tiên cho khu vực Đông Nam Á, Trung Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương,...
Các nhà máy lọc hóa dầu ở Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa) tiếp tục khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, bảo đảm nguồn cung dầu cho phát triển đất nước. Điển hình là năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh, khó lường, nhất là cuộc chiến Nga - Ucraina, đã tác động mạnh đến thị trường năng lượng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Giá xăng dầu tăng cao vừa qua đã tác động mạnh đến nhu cầu tiêu thụ và sử dụng xăng dầu cho sinh hoạt và phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh, quốc phòng quốc gia. Ngoài nỗ lực của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo linh hoạt của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, ngành công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các nhà máy lọc hóa dầu trong nước để duy trì nguồn cung và điều chỉnh hiệu quả giá xăng dầu trong nước. Trong gian khó và thử thách thực tiễn, dầu khí tiếp tục trụ vững là ngành kinh tế trọng điểm trong kinh tế biển của đất nước. Bên cạnh vai trò đầu tàu trong kinh tế biển, ngành dầu khí nước ta còn góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dầu khí bình quân đạt 7%/năm, nộp ngân sách nhà nước tăng 6%/năm, đóng góp 10% tổng thu ngân sách nhà nước và chiếm 10 - 13% GDP cả nước từ năm 2016 đến nay.
61
Câu hỏi 16: Các vấn đề môi trường trong hoạt động dầu khí ở nước ta là gì?
Trả lời:
Ngành dầu khí đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, như: xóa đói, giảm nghèo, cung cấp năng lượng hợp lý cho người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm, phát triển hạ tầng tạo động lực phát triển một số vùng/tỉnh/khu công nghiệp dầu khí lớn tại một số tỉnh/thành phố ven biển. Tuy nhiên, gia tăng mức độ sử dụng năng lượng hóa thạch (dầu khí) luôn kèm theo nguy cơ gây ô nhiễm cho môi trường. Theo đánh giá, hơn 90% nguồn năng lượng sử dụng của nước ta là nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu có nguồn gốc hữu cơ. Quá trình đốt cháy một lượng lớn nhiên liệu như vậy sẽ phát thải ra các khí gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là CO2.
Ngoài dầu khí, nước ta còn có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng khác, như: than, thủy điện, băng cháy, điện mặt trời, phong điện, năng lượng biển tái tạo, v.v., nhưng tỷ lệ thay thế dầu khí bằng các dạng năng lượng này còn chậm và ở mức rất hạn chế. Do đó, trong tương lai gần (đến năm 2025, 2030) nước ta vẫn tiếp tục phải nhập khẩu các sản phẩm dầu, trong khi giá dầu luôn biến động thất thường, đặc biệt cuộc chiến Nga - Ucraina đã gây áp lực rất lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có nước ta.
62
Bên cạnh đó, do những hạn chế về công nghệ, về điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế các nguồn năng lượng truyền thống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong khi Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (zero) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26). Đồng thời, Việt Nam cũng nhất trí ủng hộ các tuyên bố và sáng kiến quan trọng của Liên hợp quốc về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan (trong đó có các vụ rò rỉ khí metan ở các mỏ băng cháy dưới đáy biển, ở các vùng cực do tan băng và do khai thác thiếu trách nhiệm).
Hoạt động dầu khí cũng thải ra một lượng lớn chất thải, phế thải khó xử lý, đôi khi độc hại, bao gồm cả chất thải sinh hoạt trên các giàn khoan dầu khí ngoài khơi trên vùng biển thềm lục địa. Nếu thiếu kiểm soát, lượng phế thải và chất thải này có thể đổ xuống môi trường biển, gây hệ lụy lâu dài đến đời sống sinh vật và sức khỏe con người. Các vấn đề môi trường dầu khí nảy sinh từ các sự cố giàn khoan, vỡ ống dẫn dầu khí vào bờ, va đập tàu dầu với giàn khoan và giữa các tàu trên biển với nhau; sự cố tràn dầu, thải dầu cặn và rò rỉ dầu ra vùng biển xung quanh trong quá trình hoạt động dầu khí. Những vấn đề môi trường nói trên thường được các cơ quan dầu khí xử lý thông qua Ban/Trung tâm An toàn
63
dầu khí có trách nhiệm điều hành, kiểm soát, giám sát, quan trắc và xây dựng kế hoạch ứng cứu sự cố môi trường dầu khí, bao gồm sẵn sàng ứng cứu sự cố tràn dầu trên biển. Thông qua đó, ngành dầu khí tập hợp lực lượng và phối hợp với các doanh nghiệp để ứng cứu kịp thời các vụ tràn dầu hay sự cố môi trường từ hoạt động dầu khí.
Câu hỏi 17: Năng lượng biển tái tạo là gì?
Trả lời:
Nguồn và tiềm năng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo - nguồn năng lượng được đánh giá là ít ảnh hưởng và hầu như không gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg
phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược xác định: “Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh. Cụ thể: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường, khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050. Góp phần giảm nhiên liệu nhập khẩu cho mục đích năng lượng: giảm khoảng 40 triệu tấn than và 3,7 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2030; giảm khoảng 150 triệu tấn than và 10,5 triệu tấn sản phẩm dầu vào năm 2050”.
64
Trong tương lai, khi các nguồn điện sơ cấp cạn kiệt thì việc phát triển phong điện, năng lượng biển và điện nguyên tử dọc bờ biển sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong công nghiệp. Năm 2018, Nhà máy điện gió Bạc Liêu (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã hoàn thành hai giai đoạn với tổng công suất gần 100 MW và đang triển khai giai đoạn 3 với công suất 142 MW. Các trang trại tuốcbin gió tại đảo Phú Quý và Bạc Liêu đã hoạt động tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cơ hội thu hồi vốn khoảng hơn 10 năm, so với tuổi thọ tuốcbin 20 năm. Trang trại gió biển Khai Long (Cà Mau) được xây dựng từ tháng 01/2016 với công suất giai đoạn I là 100 MW. Trang trại gió biển hiện đóng góp ngân sách cho các địa phương với nguồn thu ổn định, như tỉnh Bạc Liêu đạt 76 tỉ đồng/năm, khi hoàn thành trang trại gió 400 MW sẽ đóng góp ngân sách lên tới gần 300 tỉ mỗi năm. Tỉnh Cà Mau với 300 MW cũng sẽ thu được hơn 200 tỉ/năm1. Ở ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận phong điện cũng đang được xây dựng và đang tiếp tục được quy hoạch mở rộng ra các tỉnh khác ven biển đồng bằng sông Cửu Long.
Trước những thách thức về tình trạng thiếu điện và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong những năm tới thì kế hoạch phát triển “điện xanh”
1. Tiềm năng phát triển năng lượng gió biển ở Việt Nam, http://tietkiemnangluong.com.vn/tin-tuc/kinh-nghiem-trien khai/t26058/tiem-nang-phat-trien-nang-luong-gio-bien-o viet-nam.html.
65
từ các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, sóng biển, dòng chảy biển và có thể thủy triều được xem là giải pháp khả thi nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Năng lượng tái tạo là một nguồn năng lượng bền vững, không thải ra các chất ô nhiễm gây thiệt hại cho môi trường và có thể được khai thác mà không gây tổn hại đến các hệ sinh thái. Hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu năm 2015 đã đưa ra thỏa thuận về việc sử dụng năng lượng trên toàn cầu, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng sạch thay thế, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời nhằm hạn chế mức tăng nhiệt Trái đất không quá 20C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
Báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam: tầm nhìn đến năm 2050” của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã (WWF) và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) công bố ngày 12/5/2017 đã nhấn mạnh: đến năm 2050, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khí thải cácbon độc hại có liên quan tới biến đổi khí hậu1.
1. Việt Nam hiện cũng là 1 trong 48 thành viên tham gia sáng kiến Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu (CVF) tháng 11/2016 đồng ý thực hiện cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050 cùng với các quốc gia khác như: Ápganixtan, Haiti, Philíppin, Bănglađét, Hônđurát, Ruanđa, Barbados, Kênia, Êtiôpia, v.v..
66
Câu hỏi 18: Việc phát triển cảng, hàng hải ở nước ta diễn ra như thế nào?
Trả lời:
Hoạt động giao thương hàng hải nói chung và hệ thống cảng biển ở nước ta nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định chiến lược “vươn ra biển lớn” và hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng lợi thế gần tuyến đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới cắt qua Biển Đông. Chính vì thế, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (2007) đã xác định vị trí hàng đầu của kinh tế hàng hải trong tổng sơ đồ kinh tế biển từ năm 20201. Trước khi có Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, kinh tế hàng hải chỉ chiếm trên 11% tổng giá trị kinh tế tbiển và ven biển của cả nước (năm 2005). Hạ tầng cơ sở hàng hải còn yếu kém, lạc hậu; hệ thống cảng biển nhỏ và manh mún. Năm 2005, trong tổng số 126 cảng biển bố trí ở các vùng, chỉ có 4 cảng (Than Cẩm Phả, Hải Phòng, Sài Gòn và Tân Cảng) có công suất trên 10 triệu tấn/năm, 14 cảng có công suất trên 1 triệu tấn/năm và còn lại đều có quy mô nhỏ, khả năng neo đậu tàu dưới 3.000 tấn. Thiết bị lạc hậu, chưa đồng bộ, hiệu quả khai thác thấp. Các chỉ tiêu hàng thông qua cảng trên đầu người rất thấp so với các nước trong khu vực;
1. Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định ngành hàng hải đứng ở vị trí ưu tiên thứ hai.
67
năng suất xếp dỡ bình quân chỉ đạt mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực. Đội tàu biển chỉ có hơn 1.000 chiếc, trong đó có 20 chiếc tàu côngtenơ, độ tuổi bình quân của đội tàu viễn dương lớn (15 - 17 tuổi)1.
Sau năm 2007, hệ thống cảng biển được đầu tư, nâng cấp, mở rộng; sản lượng hàng hóa thông qua cảng ngày càng tăng. Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng); quy hoạch xây cảng Vân Phong (Khánh Hòa), nhiều cảng biển tổng hợp từng bước được đầu tư, nâng cấp. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển (do Nhà nước quản lý) giai đoạn 2007 - 2012 tăng 9,4%/năm. Năm 2015, sản lượng thông quan hàng hóa của toàn hệ thống cảng biển Việt Nam đạt trên 600 triệu tấn. Trong đó, riêng ngành hàng hải đang quản lý, khai thác 35 luồng vào các cảng quốc gia, hàng chục luồng vào các cảng chuyên dụng và trên 330 cầu bến,... với tổng chiều dài lên tới 39.950 m, tăng gấp hai lần so với năm 1999, góp phần đưa năng suất xếp dỡ, thông quan hàng hóa các loại của hệ thống cảng biển Việt Nam lên ngang hàng các nước trong khu vực.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo giữa kỳ Đề án “Xây dựng phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển theo quy định tại Điều 43 của Luật biển Việt Nam”. Tài liệu lưu tại Viện Chiến lược phát triển, Hà Nội, 2015.
68
Trong hệ thống cảng ở nước ta có 45 cảng biển, 251 bến cảng với 87,5 km cầu cảng, tổng công suất thiết kế đạt 534,7 triệu tấn hàng/năm. Cảng biển được chia ra làm 5 nhóm chính với các cụm/cảng khác nhau. Sản lượng hàng hóa thông qua năm 2016 đạt 459,8 triệu tấn, bằng 86% công suất thiết kế1. Hầu hết, cảng biển hiện do các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân sở hữu và quản lý khai thác. Trong tổng số cảng biển ở các vùng, miền chỉ có 17 cảng biển loại I; 9 cảng biển loại II; 23 cảng biển loại III và hàng triệu mét vuông kho, bãi chứa hàng. Các cảng biển chính hiện nay gồm: Cảng Hải Phòng, Cái Lân ở miền Bắc; cảng Tiên Sa, Quy Nhơn ở miền Trung và cảng Sài Gòn, Cát Lái ở miền Nam.
Câu hỏi 19: Thực trạng hệ thống cảng biển nước ta hiện nay như thế nào?
Trả lời:
Ngày 15/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1601/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2020, hệ thống cảng biển quốc gia cần
1. Trịnh Thế Cường: “Vai trò của vận tải biển trong phát triển kinh tế biển”. Báo cáo tại Hội thảo về “Nâng cao vị thế và vai trò của kinh tế biển Việt Nam”, ngày 25/5/2018, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội, 2018.
69
đáp ứng lưu lượng hàng hóa thông qua khoảng 1 tỉ tấn/năm và 1,6 - 2,1 tỉ tấn/năm vào năm 2030. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 6 nhóm cảng biển trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Gần đây, ngoài việc nâng cấp, đầu tư chiều sâu, phát huy hết công suất, hiệu quả của các cảng hiện có thì việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế cũng được chú trọng (Vân Phong, Khánh Hòa), cảng cửa ngõ quốc tế (Lạch Huyện, Hải Phòng) tại các vùng kinh tế trọng điểm, một số cảng nước sâu chuyên dụng xếp dỡ container, than quặng và dầu quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, hiệu quả sử dụng, khai thác hệ thống cảng biển của nước ta còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đến nay vẫn đang ở trong tình trạng kém hiệu quả, thiếu sức cạnh tranh. Nguyên nhân chính của tình trạng này có thể do: quy mô cảng nhỏ bé, chia cắt, thiết bị xếp dỡ lạc hậu, thiếu cảng nước sâu, cảng tàu container, những cảng tổng hợp quan trọng đều nằm sâu trong đất liền như Hải Phòng (30 km), luồng lạch hẹp lại bị sa bồi lớn không cho phép các tàu lớn ra vào cảng, mặt bằng chật hẹp, thiếu hệ thống đường bộ, đường sắt nối vào mạng lưới giao thông quốc gia.
Hiện nay, phần lớn các cảng biển vẫn sử dụng công nghệ quản lý, khai thác lạc hậu, năng suất xếp dỡ hạn chế (chỉ đạt 45 - 50% mức tiên tiến của
70
thế giới). Trong khi đó, một số bến cảng, do quy hoạch thiếu tầm nhìn, nặng về đối phó với tăng trưởng cục bộ, nên khó có thể kết nối để thiết lập mạng lưới giao thông quốc gia đồng bộ, chặt chẽ. Điều này không chỉ dẫn tới tình trạng cảng nhiều, hàng hóa ít, mà còn làm suy yếu năng lực thông quan hàng hóa ở các cảng vốn là đô thị lớn, nhưng phải chịu sức ép về dân số tăng nhanh và hạ tầng giao thông xuống cấp, v.v.. Khắc phục tình trạng trên, ngành hàng hải đang tập trung triển khai áp dụng chuyển đổi số, tự động hóa, hiện đại hóa các khâu trong chuỗi sản xuất của ngành. Xây dựng mô hình cảng xanh, con tàu xanh và phát triển bền vững kinh tế hàng hải, điển hình là Công ty Tân Cảng - lá cờ đầu của ngành hàng hải nước ta.
Câu hỏi 20: Thực trạng đội tàu biển Việt Nam hiện nay như thế nào?
Trả lời:
Đội tàu biển Việt Nam từng bước đáp ứng được nhu cầu vận chuyển trên biển, đảm bảo an toàn và lưu thông hàng hóa, hành khách giữa các vùng, khu vực biển và các tuyến vận tải từ bờ ra các đảo xa bờ. Tính đến đầu năm 2022, tổng số tàu biển Việt Nam là 1.563 tàu với tổng trọng tải khoảng 12,7 triệu DWT, dung tích khoảng 7,7 GT1.
1. Số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam năm 2022.71
Theo thống kê của diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) năm 2019, đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực và thứ 30 trên thế giới. Mặc dù đại dịch Covid-19 tác động mạnh, song năm 2021, tổng khối lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu quốc tế của đội tàu biển Việt Nam đạt mức tăng trưởng hiếm có (tăng 54%) đạt gần 5 triệu tấn so với năm 2020.
Tuy nhiên, trong phát triển đội tàu biển Việt Nam, cơ cấu đội tàu chưa phù hợp, tuổi tàu cao, chất lượng tàu thấp, trình độ quản lý khai thác tàu còn hạn chế. Đội tàu biển chưa đồng đều về chủng loại tàu, đặc biệt các loại tàu chuyên dụng: chở khí hóa lỏng, chở dầu, chở côngtennơ, chở xi măng rời, tàu lai dắt, hỗ trợ với công suất lớn.
Công nghiệp đóng tàu có những thăng trầm, khó khăn, nhưng đến nay cả nước vẫn duy trì được các cơ sở đóng tàu truyền thống ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh. Năng lực đóng tàu đã dần được nâng cao, trong tổng số 46 nhà máy đóng sửa tàu biển có trọng tải từ 1 đến 400 nghìn DWT và có khả năng đóng mới 150 chiếc/năm, bao gồm các tàu đòi hỏi những tính năng kỹ thuật cao và có thể hoạt động trên các đại dương, trong mọi thời tiết1. Gần đây,
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo giữa kỳ Đề án “Xây dựng phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển theo quy định tại Điều 43 của Luật biển Việt Nam”, Tlđd.
72
một số doanh nghiệp hàng hải của Việt Nam đã liên doanh, liên danh, liên kết kỹ thuật trong phát triển công nghiệp đóng tàu biển ở nước ta (chủ yếu với Hà Lan). Vì thế, những con tàu biển “Made in Vietnam” ra đời đã đáp ứng chất lượng theo tiêu chí và tiêu chuẩn quốc tế.
Trong những năm qua, vận tải đường biển vẫn khẳng định ưu thế trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hóa có khối lượng lớn. Khối lượng vận tải biển tiếp tục tăng trưởng bình quân gần 12%/năm, cao hơn so với các phương thức vận tải khác. Mặc dù thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của đội tàu Việt Nam tăng không đáng kể, nhưng khối lượng vận tải biển do đội tàu Việt Nam thực hiện tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây với tốc độ tăng bình quân gần 20%/năm, trong đó khối lượng vận tải chở thuê đạt khoảng 35% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Vận tải hành khách đường biển còn rất hạn chế, trong đó vận tải hành khách du lịch quốc tế bằng tàu biển ở Việt Nam chủ yếu vẫn do các hãng tàu nước ngoài đảm nhận.
Đề án phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đã xác định mục tiêu tăng gấp đôi thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên 10% năm 2026 và 20% vào năm 2030.
73
Câu hỏi 21: Các vấn đề môi trường chủ yếu trong hoạt động cảng - hàng hải đối với nước ta là gì?
Trả lời:
Do lấy lợi nhuận làm mục tiêu chính nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển đội tàu của doanh nghiệp, nên hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển thuộc các thành phần kinh tế ít chú ý đến những tác hại về ô nhiễm môi trường biển do hoạt động của chính đội tàu gây nên. Trang bị cho đội tàu thường là các thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiên liệu lớn, tính an toàn kém, nhiên liệu đốt không hết, các chất độc hại thải ra biển ngày càng nhiều hơn. Cho nên, nếu không có biện pháp quản lý tốt thì ở các cảng này nguy cơ xảy ra các vụ tràn dầu gây ô nhiễm môi trường biển là rất lớn.
Các vấn đề môi trường chủ yếu trong hoạt động vận tải biển gây ra ở nước ta thường là: - Rác thải từ sinh hoạt, cặn dầu, vệ sinh tàu, nước la canh (ballast),...
- Khí thải, tiếng ồn khi vận hành tàu trên luồng không đảm bảo, làm tăng phát thải khí nhà kính. - Tai nạn hàng hải gây chìm tàu, đâm va, mắc cạn, cháy nổ, v.v., thường kèm theo sự cố tràn dầu trên biển và trong vùng nước của cảng. - Lượng dầu rò rỉ ra môi trường biển trong hoạt động hàng hải trên biển.
74
- Lượng dầu thải ra biển được phép theo quy định pháp luật hàng hải quốc tế và quốc gia, nhưng lại có khả năng gây tác động tích lũy và cộng hưởng.
- Các tàu biển quốc tế cũng dễ là “vật mang” các sinh vật ngoại lai, ngoại lai gây hại, thậm chí các vi khẩu gây bệnh dịch khi đi qua nhiều quốc gia có mầm bệnh.
- Các tác động của các tuyến luồng mật độ tàu hoạt động lớn đến các vùng biển lân cận có nhiều giá trị bảo tồn biển (giá trị tự nhiên, văn hóa và đa dạng sinh học).
- Vấn đề thiếu an toàn hàng hải đối với các tuyến, luồng hàng hải gây ra các sự cố nghiêm trọng. - Vấn đề sa bồi luồng cảng, nạo vét sa bồi và nhận chìm vật, chất nạo vét ra biển gây tác động lớn đến môi trường biển.
Trước những thách thức như vậy, bên cạnh phát triển kinh tế hàng hải hiệu quả, để bảo đảm tính bền vững, ngành hàng hải cần thực hiện các sáng kiến “xanh”, giải pháp xanh, như: xây dựng các mô hình cảng xanh, con tàu xanh, kiểm soát để kéo giảm các sự cố môi trường trong vùng nước của cảng và khi hoạt động trên biển. Ngoài ra, cần sớm đánh giá và thiết lập các “Vùng biển đặc biệt nhạy cảm về môi trường” (PSSA) về môi trường liên quan tới các khu vực hoạt động hàng hải quốc tế lân cận các vùng biển có giá trị bảo tồn cao. Hồ sơ thành lập PSSA phải được trình Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) xem xét, phê chuẩn theo quy định
75
của Công ước MARPOL. Sau khi được phê duyệt, các vùng biển như vậy được quản lý môi trường theo tiêu chuẩn cao, khắt khe hơn đối với các tàu biển quốc tế khi cặp mạn vào cảng. Cần tăng cường kiểm tra y tế, dịch tễ, rác thải (bao gồm rác thải nhựa) ngay từ phao số 0, trước khi cập cảng. Hiện đại hóa hoạt động quản lý môi trường vùng nước cảng biển, kiểm soát định kỳ an toàn kho bãi, bảo đảm hàng hải tuyến luồng vào cảng một cách hiệu quả, khắc phục sa bồi luồng và tuân thủ nghiêm quy trình nhận chìm vật, chất nạo vét ra biển.
Câu hỏi 22: Phát triển du lịch biển Việt Nam có vai trò như thế nào?
Trả lời:
Với vị trí địa lý thuận lợi, nước ta có tiềm năng phát triển du lịch biển và du lịch biển tiếp tục trở thành một ngành kinh tế tiềm năng và chiếm vị trí quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế biển đất nước. Vùng biển và ven biển tập trung tới 3/4 khu du lịch tổng hợp và 10/17 khu du lịch chuyên đề, có trên 30 bãi biển đã được đầu tư và khai thác theo hướng hiện đại. Hệ thống cơ sở lưu trú vùng ven biển không ngừng tăng lên với những cơ sở lưu trú từ ba sao trở lên phần lớn tập trung ở các địa phương ven biển. Tuy nhiên, nước ta vẫn thiếu những khu du lịch biển tổng hợp đạt trình độ quốc tế hay sản phẩm dịch vụ biển, đảo đặc sắc có tính cạnh tranh cao so với khu vực và thế giới.
76
Định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam hiện nay xác định 24/47 khu du lịch quốc gia và 5/7 khu vực trọng điểm phát triển du lịch của cả nước nằm trên dải ven biển (Hạ Long - Cát Bà, Lăng Cô - Cảnh Dương, Đà Nẵng - Hội An, Vân Phong - Nha Trang, Hà Tiên - Phú Quốc).
Các tuyến du lịch sinh thái biển, đảo được hình thành và bước đầu đa dạng hóa các loại hình du lịch biển, đảo, như: du ngoạn biển - đảo, du lịch lặn biển, lướt thuyền, nhảy dù và thuyền đáy kính, v.v.. Văn hóa bước đầu được lồng ghép vào phát triển du lịch, góp phần tạo lợi ích kép cho du lịch biển - ven biển, là biểu hiện của cách tiếp cận quản lý liên ngành trong phát triển du lịch với tư cách ngành kinh tế tổng hợp. Ví dụ, thành phố Đà Nẵng đã “thổi” văn hóa vào tư duy kiến trúc, nên mỗi cây cầu bắc qua sông Hàn đã trở thành một công trình kiến trúc - văn hóa, không chỉ thực hiện chức năng giao thông mà còn là điểm đến của du khách, khiến Đà Nẵng trở thành thành phố “đáng sống”.
Tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành du lịch tăng từ 3,5% trước khi ban hành Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 (năm 2007) lên 5,2% (năm 2009) và 6% (năm 2015). Giai đoạn 2007 - 2017, xu thế phát triển của du lịch biển, đảo tăng tuyến tính theo thời gian cả về lượng du khách và thu nhập. Thu nhập từ du lịch đạt 2 tỉ USD (năm 2003) tăng lên gần 6 tỉ USD (năm 2009) và đạt 10 tỉ USD (năm 2015), không kể thu nhập từ hoạt động vận chuyển
77
công cộng1. Năm 2017, khu vực dải ven biển thu hút được 22 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa. Giá trị tổng thu từ khách du lịch tại dải ven biển đạt trên 200.000 tỉ đồng. Du lịch biển, đảo nước ta đã tạo ra khoảng 600.000 việc làm trực tiếp và trên 1,1 triệu việc làm gián tiếp2. Du lịch biển, đảo đã thực sự khẳng định vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của cả ngành khi số lượng khách quốc tế và nội địa đến các địa phương ven biển chiếm tỷ trọng lần lượt là 71% và 61% của cả nước. Đặc biệt, đến năm 2030, du lịch được xác định là ngành kinh tế biển đứng vị trí đầu và then chốt theo tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GDP toàn cầu ước tính thiệt hại khoảng 4,5 nghìn tỉ USD và mất đi hơn 60 triệu việc làm trong năm 2020, trong đó du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Báo cáo giữa kỳ Đề án “Xây dựng phương án tổng thể phát triển các ngành kinh tế biển theo quy định tại Điều 43 của Luật biển Việt Nam”, Tlđd.
2. Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Báo cáo “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch biển Việt Nam”, Tlđd.
78