"
Bí Quyết Để Trở Thành Người Xuất Sắc PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bí Quyết Để Trở Thành Người Xuất Sắc PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
HỘI MÊ SÁCH
Tải eBooks miễn phí tại https://hoimesach.com Nhận eBooks miễn phí qua Zalo: https://zalo.hoimesach.com Group: https://facebook.com/groups/mesachhoi
Các bạn độc giả Việt Nam thân mến,
Tôi thực sự biết ơn vì các bạn đã chọn cuốn sách này. Thật vinh dự biết bao khi cuốn sách của tôi được xuất bản tại Việt Nam.
Tôi sinh ra ở Kobe, một thị trấn nhỏ của Nhật Bản. Ở đây có khá nhiều người Việt Nam sinh sống vậy nên từ nhỏ tôi đã gặp không ít người Việt. Tôi nhớ rằng, suy nghĩ đầu tiên của mình về Việt Nam đó là “Tại sao lại có một đất nước đẹp lạ lùng đến vậy?!”.
Khi tôi đi du lịch khắp nước Mỹ lúc còn là sinh viên, bạn thân của tôi là một cậu sinh viên người Việt. Cậu ấy lúc nào cũng vui vẻ và rạng rỡ, đến mức tôi có cảm giác bất cứ điều gì cậu ấy làm cũng rất thú vị. Cậu hay kể những câu chuyện tiếu lâm khiến tôi cười lăn cười bò. Và sau mỗi câu chuyện tôi lại học được thêm một chút về đất nước, con người Việt Nam.
Khi đã trưởng thành, tôi có dịp đến thăm Việt Nam, và tôi vô cùng yêu thích con người nơi đây. Nhìn cách họ đối xử với gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh, tôi nhận ra rằng nét văn hóa đặc trưng nhất của người Việt chính là văn hóa yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Với tôi Việt Nam luôn là một đất nước xinh đẹp với những con người hiền hòa, nhân ái.
Hy vọng những câu chữ mà tôi viết sẽ làm các bạn thực sự cảm động giống như những gì mà Việt Nam đã chạm vào trái tim tôi vậy. Mong rằng trong lần đến Việt Nam sắp tới, tôi có thể được gặp các bạn – những độc giả đã chọn đọc cuốn sách của tôi.
Cuối cùng, tôi chúc các bạn sẽ luôn tiếp tục sống với ước mơ của mình. Hãy cố gắng biến nó thành hiện thực, bạn nhé!
– Ken Honda
Lời nói đầu
LÀM GÌ CÓ AI KHÔNG CÓ NĂNG KHIẾU!
Cảm ơn bạn đã chọn lấy quyển sách của tôi trong muôn ngàn quyển sách! Khi chọn quyển sách này, chắc hẳn trong bạn đã thoáng qua ý nghĩ: “Có lẽ mình cũng có một năng khiếu nào đó”.
Đồng thời, có lẽ bạn cũng tự hỏi: “Liệu năng khiếu có thể được phát hiện một cách đơn giản như thế chăng?”, bởi bạn cho rằng, chỉ những người nổi tiếng xuất hiện trên truyền hình, vận động viên thể thao, một số người có tài năng xuất sắc thì mới được gọi là có năng khiếu và phát triển được năng khiếu.
Trước đây tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng sau khi gặp những người đã phát huy được năng khiếu bản thân trong cuộc sống, suy nghĩ của tôi đã thay đổi.
Chắc chắn họ không phải là những người có tài năng đặc biệt. Nhưng họ là chủ các cửa hàng kinh doanh phát đạt, sở hữu các cửa hàng kinh doanh trực tuyến, có công ty nhỏ, hay làm việc tự do. Họ có được vị trí hiện tại nhờ đã tìm được cái tôi đích thực của mình. Họ chỉ là những người vô cùng bình thường, không có một bộ óc thông thái vượt xa mức trung bình, cũng chẳng thuộc giới tinh hoa xuất thân từ những trường đại học danh tiếng. Tuy không phải là người nổi tiếng nhưng họ phát huy tối đa năng khiếu bản thân và sống vui vẻ mỗi ngày.
Từ khi biết được điều đó, tôi cảm thấy thích thú với việc “phát huy năng khiếu bản thân”, và tôi đã tìm cách để gặp gỡ nhiều người có năng khiếu bẩm sinh.
Trên thế gian này, rất ít người có thể giàu sang nhờ sử dụng năng khiếu của bản thân, nhưng tôi cho rằng điều đó không phải là không thể thực hiện được.
Một người có thể chuyển từ một cuộc sống hết sức bình thường sang sống cuộc đời vui vẻ khi họ phát hiện ra năng khiếu bẩm sinh của chính mình, và trong quá trình rèn giũa năng khiếu ấy, họ đã tạo nên lối sống phù hợp với cá tính của bản thân.
Thường ngày, tôi gặp cả “những người phát huy năng khiếu bản thân” lẫn “những người chưa nhận ra năng khiếu bản thân”. Cuộc sống của hai kiểu người này khác nhau hoàn toàn.
Tôi luôn tự hỏi rằng điều gì đã làm cho cuộc sống của họ khác nhau đến như vậy, trong khi giữa họ không có sự phân biệt quá lớn về trí thông minh hay trình độ học vấn. Và sau khi quan sát, tôi cảm thấy có lẽ là do sự khác biệt trong việc họ có thể phát huy tốt những điều họ thích hay không. Ban đầu sự khác biệt ấy dường như rất nhỏ nhưng rồi nó cứ lớn dần lên theo năm tháng.
Người phát huy năng khiếu bản thân biết rõ “mình là ai” và sống theo đó, nên hài lòng với cuộc sống hiện tại. Hơn nữa, vì biết rõ “mình muốn làm gì trong thời gian tới”, nên họ tránh được những chuyện rắc rối.
Ngược lại, người chưa nhận ra năng khiếu bản thân thì ít nhiều cảm thấy bất an trong cuộc sống. Có lẽ vì họ không tự tin ở chính mình, và bối rối không biết sắp tới mình sẽ sống như thế nào.
Tôi mong những điều tôi viết trong quyển sách này sẽ trở thành một “cơ duyên nhỏ bé” làm thay đổi cuộc đời bạn. Từ bây giờ, tôi sẽ nói về những điều cần làm để mỗi chúng ta có thể phát hiện năng khiếu bản thân.
Phát hiện năng khiếu bản thân không phải là một việc đơn giản. Nhưng cũng không khó đến mức như bạn vẫn hình dung. Nếu cứ để năng khiếu trong hoàn cảnh bình thường thì khó mà phát hiện được, bởi năng khiếu hiếm khi bộc lộ ra trong cuộc sống thường nhật.
Đồng thời người phát hiện năng khiếu của bạn không hẳn lúc nào cũng phải là người thân trong gia đình, thầy cô ở trường hoặc lãnh đạo hay đồng nghiệp ở cơ quan bạn đang làm việc. Chắc hẳn cũng không có chuyện bạn đang đi trên đường thì một ông thầy bói gọi lại và nói rằng bạn có năng khiếu như thế này hay thế kia.
Năng khiếu thường được phát hiện một cách ngẫu nhiên khi người ta bắt đầu một lối sống khác với lối sống ở trước thời điểm đó.
Nói cách khác, năng khiếu chủ yếu được phát hiện khi xảy ra những biến cố quan trọng trong đời. Thú vị thay, đó thường là những biến cố xấu – những chuyện xảy ra khiến người ta đau khổ, như đau ốm, bị mất việc, ly hôn, v.v. Đó là bởi vi khi lâm vào hoàn cảnh bế tắc, người ta mới bộc lộ khả năng phi thường.
Chẳng hạn, có một người vợ chỉ làm việc nội trợ ở nhà, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện buôn bán, nhưng vì chồng thất nghiệp nên cô đành phải làm công việc bán bảo hiểm. Vậy mà ngay lập tức cô đứng vào hàng ngũ những người có doanh số cao nhất. Hay là, một người vì công ty mình đang làm việc bị phá sản nên lần đầu tiên thử làm công việc tư vấn ở công ty của bạn mình, và ngay lập tức trở thành một nhân viên đắt khách.
Ai cũng có sẵn những năng khiếu như vậy, chỉ là người ta chưa từng sử dụng đến nó nên chưa biết mà thôi.
Để phát hiện năng khiếu bản thân thì phải tạo ra một sự kích thích mạnh mẽ. Sự kích thích có thể gây chấn động sâu sắc trong tâm hồn bạn, từ đó làm bộc lộ những tài năng ngủ quên.
Hãy thử làm tất cả những điều bạn cảm thấy có vẻ thú vị. Nhờ thế mà cuộc đời bạn sẽ thật sự xoay chuyển!
Để thưởng thức cuộc hành trình phát hiện năng khiếu bản thân, thì sự linh hoạt rất quan trọng. Bên cạnh đó, mọi chuyện sẽ vui hơn nếu có thêm những người bạn đường hợp tính.
Không cần phải phủ nhận lối sống của bạn từ trước đến nay. Chỉ cần trong mọi tình huống, bạn có sự lựa chọn khác dần đi so với cách mình đã từng chọn. Cứ như thế, sau nhiều năm, cuộc sống của bạn sẽ hoàn toàn đổi khác.
Ở bước đi đầu tiên, khi bất cứ điều gì đó xảy đến, bạn nên nhìn nhận nó với khả năng: “Chuyện này biết đâu là năng khiếu của mình?”.
Nào, bạn đã chuẩn bị đầy đủ để đón nhận món quà trời cho của mình rồi chứ?
Quá trình phát hiện và rèn giũa năng khiếu bản thân nằm trong khả năng của con người, nhưng cũng rất đáng sợ và đầy hồi hộp.
Giờ thì chúng ta hãy cùng nhau bước vào cuộc mạo hiểm lớn nhất đời người!
Chương 1
THỬ ĐI KHI CÓ NGƯỜI KHÁC RỦ
▪ Hai lối sống khác biệt
Bạn có đang phát huy năng khiếu bản thân trong đời sống hay không? Nếu câu trả lời là có thì chắc hẳn bạn đang sống vui vẻ mỗi ngày.
Còn nếu không, chắc là trong đời sống thường ngày bạn gặp phải rất nhiều điều bực dọc.
Có sự khác biệt đáng kể trong đời sống giữa những người phát huy được năng khiếu bản thân và những người chưa phát huy được năng khiếu.
Theo một cách nào đó, thường thì chúng ta hay làm những việc mà mình không đặc biệt thích làm. Có lẽ là do chúng ta cứ bị thúc ép vì cảm giác bận rộn mà không suy nghĩ rạch ròi được tại sao mình lại làm vậy.
Người làm việc mình yêu thích thì mỗi ngày đều tràn ngập niềm vui và có những điều thú vị. Còn người không hề biết đến năng khiếu của bản thân thì mệt nhọc chỉ để xử lý những công việc mà mình chẳng mấy thích thú.
Vì sao tình cảnh của hai bên lại khác nhau đến vậy?
Đó là vì người đã phát hiện năng khiếu của bản thân thì ưu tiên việc làm cho cuộc đời mình trở nên thú vị, còn người còn lại thì chỉ hướng tới sự ổn định, an toàn.
Những người không mạo hiểm khi chọn trường, tìm việc, kết hôn,... chắc là sẽ có được sự an toàn, ổn định theo ý muốn. Nhưng tâm lý con
người thật lạ! Khi quá an toàn thì người ta cảm thấy mệt mỏi chán ngán, rồi muốn được hồi hộp sợ hãi.
Nếu có lúc nào đó, bạn đã từng cảm thấy cuộc đời mình lẽ ra không phải thế này, thì có lẽ bây giờ là thời điểm để bạn thay đổi.
Để thay đổi cuộc đời, không nhất thiết là người ta phải bị mất việc hay đau ốm, mà chỉ cần hoạt động để làm phong phú cách sống đã trở nên cứng nhắc của chính mình.
▪ Làm những điều mới mẻ
Nếu bạn muốn thay đổi cuộc đời mình, thì con đường ngắn nhất là bắt đầu làm những việc mà bạn chưa từng làm từ trước đến nay.
Vậy việc gì là việc mà bạn thầm nghĩ rằng mình muốn làm, nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa thực hiện?
Từ việc thử làm những điều như thế mà cuộc đời bạn sẽ đổi thay, tuy chậm nhưng rõ rệt. Việc ấy cũng có thể trở thành duyên cớ làm bừng nở tài năng của bạn.
Tuy nói thế nhưng khởi đầu mới mẻ cho những việc chưa từng làm cũng không phải dễ dàng.
Thường thì chúng ta đều sống theo cách vốn có của bản thân.
Nếu bạn là nhân viên công ty thì chắc hẳn sẽ hình thành lối sống theo kiểu cứ đến giờ nào đó là phải đi làm, rồi lại về nhà muộn. Dù có sở thích riêng nhưng nếu bạn chỉ sống theo sở thích một chút trong ngày nghỉ, thì cũng không mở rộng khía cạnh khác của cuộc sống được bao nhiêu. Bạn nghĩ rằng “Năm nay mình rất muốn làm một điều gì đó mới mẻ”, nhưng khi
sực nhớ thì một năm đã trôi qua mất rồi. Dường như bao giờ cuộc sống cũng diễn ra theo cách như vậy.
Thử thách đầu tiên là phá bỏ lối sống ấy để làm một điều mới. Bạn nên thử làm những việc nếu trong điều kiện bình thường thì bạn sẽ không bao giờ làm.
Nhưng thường tự bản thân bạn sẽ khó mà có động lực để làm những điều này mặc dù trong đầu đã nghĩ theo hướng đó. Vì thế, nếu có ai đó rủ bạn làm việc gì, thì trước mắt bạn nên thuận theo lời đề nghị ấy.
Khi đó bạn có thể biết được một cách sống khác với bản thân mình, nhờ việc trải nghiệm với những người bạn thú vị hoặc là với những người mà bạn chưa từng gắn bó trước đây.
Chẳng hạn, một thế giới khác sẽ mở ra khi người làm công ăn lương gặp gỡ người tự làm công việc kinh doanh, khi người tự làm kinh doanh gặp gỡ chủ doanh nghiệp, khi chủ doanh nghiệp gặp gỡ người làm việc tự do,... Việc gặp gỡ những người có lối sống khác với mình sẽ là chất xúc tác để bạn chú ý đến những điều bạn không nhận thấy trong hoàn cảnh thông thường.
Có trường hợp cuộc đời một người thay đổi theo hướng không ngờ tới vì người đó tình cờ gặp gỡ những người làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, biết được những lối sống và cách suy nghĩ khác, và đánh giá cao những lối sống đó.
Chúng ta nên gặp gỡ nhiều người không chỉ khác mình về công việc mà cả về lối sống, cách suy nghĩ.
Người thì cao giọng cho rằng: “Trong cõi đời này, tiền là quan trọng nhất!”. Người thì cầu nguyện cho hòa bình thế giới và làm những công việc
tình nguyện. Người thì hy sinh cả cuộc đời cho mỹ thuật, âm nhạc hay kịch nghệ. Người thì say sưa với cửa hiệu của mình, ở lại đó qua đêm hai, ba lần một tuần. Người thì cứ dồn được ít tiền làm thêm là lại ra nước ngoài phiêu du mấy tháng.
Khi gặp gỡ những người độc đáo như vậy, bạn sẽ nhận ra lối sống mà bản thân mình muốn hướng đến. Bạn có thể nghĩ rằng “Mình không muốn trở nên như vậy”, hoặc “Lối sống của người ấy khiến mình sửng sốt vì ngưỡng mộ!”, và từ đó bạn nhận ra mình yêu thích điều gì.
Trước hết, trong đời sống bình thường, chúng ta nên có ý thức về việc gặp gỡ “những người thú vị”.
▪ Chạm đến một phong cách sống khác
Việc gặp gỡ những người thú vị còn mang đến những giá trị khác nữa.
Những người ăn mặc khác với bạn, kiếm tiền theo cách khác với bạn là những người khác bạn hoàn toàn từ cách suy nghĩ đến lối sống.
Khi gặp gỡ những người có lối sống khác mình như vậy, bạn sẽ thầm nghĩ “Mình thế này liệu có ổn chăng?”, và đồng thời nảy sinh tâm lý “Muốn thử làm một điều gì đó khác”. Điều đó sẽ trở thành duyên cớ làm lộ ra năng khiếu bất ngờ.
Để tạo ra những cuộc gặp gỡ như vậy, bạn cần đi đến những nơi mà thông thường mình không tìm đến.
Chẳng hạn, nếu bạn chỉ biết đến đời sống đô thị thì có lẽ nên thử đến vùng thôn quê vào dịp cuối tuần.
Đến những nơi mà bình thường mình không tìm đến thì mình cũng sẽ nói năng trò chuyện khác với thường lệ. Ấy cũng là cơ hội để gặp gỡ con
người mới mẻ của bản thân.
Vả chăng, có lẽ thử đi đến những nơi không thích hợp với chính mình cũng là điều tốt.
Chẳng hạn như thử đến những nơi sang trọng, cao cấp mà bình thường bạn ngần ngại không vào. Hoặc nếu bạn là người đã quen thuộc với những nơi như vậy thì có lẽ nên thử đến những nơi giá rẻ mà thông thường không tìm đến.
Hay như khi ở khách sạn trong những chuyến du lịch hoặc công tác, thường thì bạn luôn đặt phòng ở một mức giá nào đó, nhưng thật ra bạn nên thử dành tiền để ở khách sạn cao cấp hơn, và ngược lại cũng nên thử trọ hostal(1) hay nhà dân nơi đó. Đây là những bước đơn giản đầu tiên để bạn dễ dàng trải nghiệm việc “bắt đầu làm việc gì mới mẻ”.
(1) Hostal: Một hình thức ở trọ giá rẻ, trong đó một phòng được kê nhiều giường như ký túc xá.
Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt khi làm những điều mà bình thường bạn không làm. Và có thể những người bạn gặp gỡ trong hoàn cảnh mới lạ ấy sẽ mang lại những gợi ý thú vị, giúp năng khiếu của bạn bừng nở và tỏa sáng.
▪ Thế giới bên ngoài sẽ giúp bạn thay đổi
Nếu bạn cứ thoải mái bước ra với thế giới bên ngoài theo lời đề nghị của ai đó, bạn có thể thay đổi từ con người có phần khép kín sang một con người mới.
Tôi nghĩ rằng có không ít người phân vân lưỡng lự khi được rủ dự tiệc. Chắc hẳn ai cũng từng có lần được rủ đi xem phim, xem triển lãm, nghe tọa đàm nhưng đã buột miệng từ chối vì cảm thấy có vẻ hơi phiền toái.
Theo quan sát của tôi, có khoảng 80% cảm thấy phiền phức và không muốn đi khi được ai đó rủ đến một sự kiện hay hội họp gì đó.
Người ta thường có tâm lý “Nếu được lựa chọn thì mình không muốn đi”, hoặc cảm thấy “Phiền quá nhỉ!”.
Tuy nhiên, không ít trường hợp thử đi trong tâm trạng nặng nề như thế vì không thể từ chối được, rốt cuộc lại cảm thấy vui.
Lúc đi thì tâm trạng không mấy hứng thú, nhưng một khi đã thử đi rồi thì khi trở về lại cảm thấy phấn chấn hẳn lên. Ấy là vì đã có điều gì đó thay đổi ở con người bạn sau khi đi so với con người bạn trước khi đi.
Điều đã xảy ra đó có thể là:
– “Nhờ đi mà gặp được bạn tốt.”
– “Mình đã tình cờ gặp được người thật tuyệt!”
– “Mình đã học được những điều mới mẻ.”
– “Mình đã hiểu ra rất nhiều điều mà trước giờ còn vướng mắc.” – ...
Bạn cảm thấy vui là bởi vì những thay đổi tích cực như thế đã xảy ra.
Cũng có trường hợp cuộc đi đó dẫn đến những mong ước kiểu như “Trong tương lai mình muốn thử làm những việc thế này”, hay “Mình muốn thử sống tự lập”.
Khi bạn hướng đến điều mình đang mong ước và thầm nghĩ “Có lẽ mình cũng sẽ làm được”, thì điều đó có nghĩa là bạn đã phát hiện được năng khiếu mà trước đây mình không biết đến. Có ước mơ nghĩa là chạm đến cái
công tắc làm nở bừng năng khiếu mà cho đến lúc ấy bạn chưa nghĩ đến bao giờ.
Nhưng xin bạn hãy nhớ cho: Không phải bạn chỉ gặp toàn những điều tốt đẹp khi bạn thử bước ra thế giới bên ngoài đâu nhé. Có khá nhiều trường hợp khi tiếp xúc với những cách sống, cách nghĩ khác mình, người ta bẽ bàng nhận ra bản thân mình tầm thường, không có tài năng.
Nhưng cảm giác bẽ bàng trong hoàn cảnh ấy có thể trở thành duyên cớ để sau này bạn nắm bắt cơ hội đổi đời. Chỗ thú vị của cuộc đời là thế.
Ấy là việc bạn bắt đầu nghĩ rằng “Sao mình cứ bị trói buộc về thời gian thế này!”, “Sao mình chẳng có tiền gì cả?”, “Hình như cách sống của mình quá ư là gò bó!”, “Ôi, mình không muốn cứ như thế này mãi! Mình muốn sống bằng con người thật của mình nhiều hơn!”.
Giả sử bạn có trải qua cảm giác bẽ bàng, thì hãy luôn nhớ rằng điều đó có thể trở thành nguồn lực lớn để thay đổi cuộc đời của bạn.
▪ Đâu đó bên trong bạn bắt đầu tỉnh ngộ
Có trường hợp nhờ tiếp xúc với cái mới mà một điều gì đó lâu nay vẫn ngủ quên trong con người bạn được đánh thức.
Chẳng hạn như cách bạn trò chuyện cùng người khác. Sau khi vui vẻ trò chuyện với người mới gặp lần đầu, có thể bạn sẽ ngạc nhiên sực nghĩ “Ủa, người hời hợt như mình mà cũng có thể trò chuyện bình thường trong một khoảng thời gian lâu thế sao?”.
Hoặc đôi khi bạn có cảm giác “Mình cũng có thể trò chuyện với những người sang trọng mà không cần quá chú tâm giữ kẽ”, và biết đâu cũng được đối phương cho rằng “Tay này cũng có phần thú vị đấy chứ!”.
Khi ấy có thể bạn sẽ nảy ra ý nghĩ “Biết đâu mình cũng có thể làm được điều gì đó”, và rồi bạn sẽ trở thành một kiểu người khác với trước kia khi thực hiện chủ trương “Việc gì mình cũng nên thử sức”.
Bạn sẽ nhìn ra con người thật của mình trong quá trình hành động.
Lấy ví dụ như một người nào đó vốn có tài “nói chuyện thoải mái trước đám đông”. Người như vậy khi thử nói chuyện trước nhiều người sẽ trở nên tràn đầy sức sống và cảm thấy thích nói chuyện như thế nhiều hơn nữa.
Từ đó, người này sẽ nắm bắt nhiều cơ hội để hùng biện, và rồi sẽ được đề nghị diễn thuyết về lĩnh vực chuyên môn của mình.
Có thể trước đó họ chưa từng có cơ hội nói chuyện trước nhiều người nên không nhận ra năng khiếu trò chuyện ở bản thân, nhưng chỉ cần làm thử một lần thì đã cảm thấy chuyện này vui đến mức không thể từ bỏ được.
Tôi có biết những người đã đi theo con đường như thế và hiện đang thành công với công việc diễn thuyết chuyên nghiệp. Điều thú vị là ban đầu họ không nhận ra bản thân họ cũng có năng khiếu ấy!
Chương 2
THỬ NHẬN LỜI KHI NGƯỜI KHÁC NHỜ CẬY
▪ Bạn hay được nhờ làm điều gì?
Bạn có thường được nhờ cậy hay không?
Trong cuộc sống hàng ngày bạn hay được nhờ làm việc gì nhiều lần, thì nhiều khả năng việc ấy là năng khiếu của bạn.
Có thể lấy ví dụ như việc nói chuyện trước đám đông.
Hay là việc cài đặt máy tính.
Hoặc có thể là một công việc nào đó phải vận động chân tay. Hoặc có thể người khác nhờ bạn hỗ trợ thông tin hay tri thức. Hoặc có thể ai đó nhờ bạn giới thiệu người.
Dù là trường hợp nào đi nữa, nếu bạn được nhờ làm một công việc hai lần trở lên thì khả năng cao việc đó là năng khiếu của bạn. Hãy tin như thế, dù hẳn cũng có nhiều trường hợp bạn nghĩ rằng “Sao lại nhờ cậy một người như mình nhỉ?”, hoặc “Có lẽ mình chưa đủ khả năng”.
Trong vấn đề này bạn nên hành xử nhẹ nhàng thoải mái. Nghĩa là thoạt tiên thì nên làm việc ấy miễn phí, không cần nhận thù lao. Có thể bạn chỉ được đãi một bữa ăn, hay chỉ nhận được lời cảm ơn, nhưng điều quan trọng là bạn tiếp tục làm công việc đã được nhờ làm.
Kobayashi Seikan, một trong những cây bút mà tôi kính trọng, có viết rằng khi được nhờ cậy thì không nên từ chối.
Ở góc độ cá nhân, tôi biết sẽ thật khó để nhận lời bất cứ việc gì, với bất cứ ai. Nhưng nếu bạn xử lý ổn thỏa những công việc được nhờ thì điều đó rất có thể sẽ giúp bạn giống như nhân vật trong truyện cổ đã từ một cọng rơm mà trở nên giàu có(1).
(1) Truyện cổ tích Nhật Bản – Cọng rơm triệu phú.
Chắc hẳn cuộc sống sẽ thêm phần thú vị khi bạn tiếp nhận công việc mà người khác nhờ làm, nếu đó không phải là chuyện gì quá khó.
Dù có nghĩ là “Việc này mình không thể làm nổi!” thì cũng nên tiếp nhận. Thậm chí thử tiếp nhận công việc như thế lại là một điều hết sức cần thiết, nhờ đó bạn có thể có những cơ hội mới mẻ.
Xin lấy chuyện của tôi làm ví dụ. Lúc khoảng hai mươi tuổi, tôi nhận được lời mời diễn thuyết trước 500 người tại một nhà thờ ở Mỹ. Khi nhận được lời đề nghị, tôi đã run chân, tin chắc chắn rằng mình không thể nào làm nổi. Nhưng sau một đêm trăn trở đắn đo, tôi đã nhận lời với sự xác quyết rằng: “Dù thất bại đi nữa thì cũng đâu có chết!”.
Buổi diễn thuyết hôm ấy đã được đánh giá tốt, nên tiếp đó tôi liên tục nhận được nhiều lời đề nghị “Đến thuyết trình ở nhà thờ chúng tôi”. Và tại một trong những địa điểm thuyết trình như thế, tôi đã gặp được vị ân nhân đã làm thay đổi cuộc đời mình.
Nghĩ lại, tôi cho rằng nếu ngay từ buổi đầu mà mình đã bỏ cuộc vì e sợ, thì cuộc đời tôi sau đó sẽ khác hẳn so với bây giờ, khi mà tôi có sợ nhưng vẫn chấp nhận làm.
▪ Cơ hội phát hiện năng khiếu bản thân khi được nhờ cậy
Công việc người khác nhờ cậy bạn là công việc mà bạn có thể dễ dàng hoàn thành một cách tốt đẹp. Mọi người xung quanh đều biết rõ điều đó, chỉ có bạn là không nhận thấy mà thôi.
Bạn cứ thử nghĩ xem. Nếu bạn là người hậu đậu vụng về thì chẳng ai bảo bạn “Hãy sửa giúp tôi cái kệ với!”. Nếu bạn chẳng hề biết gì về máy tính thì người ta sẽ không mở lời nhờ bạn “Kết nối internet giúp tôi với!”.
Những lời nhờ giúp đỡ này đều nói lên một điều: người ta nhờ cậy bạn là bởi vì họ nghĩ rằng bạn có thể làm tốt công việc ấy.
“Hãy giúp trình bày sự việc trước đám đông.”
“Xin hãy dẫn chương trình cho tiệc cưới.”
“Rất mong bạn sẽ nấu ăn giúp mình!”
Trong cuộc sống hàng ngày, chắc là bạn bè hoặc người thân trong gia đình vẫn thường nhờ cậy bạn làm những việc tương tự như vậy.
Như tôi đã nói ở đoạn trên, mọi người chỉ nhờ vả bạn khi họ nghĩ rằng bạn có thể làm tốt những công việc đó. Người ta chắc chắn sẽ không nhờ bạn dẫn chương trình, nếu bạn là kiểu người có thể làm hỏng mất buổi tiệc cưới của họ. Và hẳn là người ta sẽ không đưa ra lời đề nghị cho một người có vẻ như chỉ làm ra những món đồ thô vụng.
Cho nên, hãy hiểu rằng việc người ta nhờ bạn là do người ta nghĩ “Mọi chuyện sẽ tốt đẹp nếu như bạn là người thực hiện”. Mà như vậy thì có nghĩa là, bạn giỏi hoặc có năng khiếu trong việc ấy.
Do đó, chỉ cần cân nhắc mọi chuyện từ trước đến nay bạn đã được nhờ làm, bạn có thể dễ dàng phát hiện năng khiếu của bản thân. Mọi người xung quanh thấy rõ bạn có thể làm được việc gì và không thể làm được việc gì.
Công việc người khác nhờ bạn làm là việc mà người ấy không làm được, nhưng bạn thì có thể thực hiện dễ dàng. Nên bạn hãy cứ tự tin rằng đó là năng khiếu của mình mà tiếp nhận lấy công việc ấy.
▪ Làm những việc mà chắc chắn bản thân không có động lực để tự làm
Điều thú vị khi được người khác nhờ cậy là ở chỗ, người ta nhờ bạn làm những việc mà thường thì bản thân bạn chẳng mấy khi làm.
Chẳng hạn như người ta nhờ bạn thuyết trình trong khi bạn lại chẳng bao giờ tự mình nói chuyện trước đám đông. Điều đó có nghĩa là mọi người xung quanh nghĩ rằng bạn có thể làm công việc ấy. Lúc đầu bạn cảm thấy bối rối chỉ vì không nghĩ đó là năng khiếu của mình.
Thực ra, có thể nói năng khiếu là tiềm năng của mỗi người được ủ mầm trong những lĩnh vực mà chính bản thân họ thường không chủ động khai thác.
Cho nên, tôi nghĩ rằng nhất định phải nhận lời khi được người khác nhờ làm những công việc mà bản thân thường không chủ động làm.
Dù bạn cảm thấy ngại ngùng xấu hổ, nghĩ rằng mình không có khả năng, nghĩ rằng mình không đủ sức làm, hay nghĩ rằng mình có thể gây “tổn thất” cho ai đó, nhưng dù sao bạn cũng hãy cứ tin vào phán đoán của người đã mở lời với mình, và trước mắt cứ bắt tay vào việc thử xem.
Cũng có cách là bạn nên suy nghĩ uyển chuyển rằng “Sự việc có thất bại thì cũng là do người đã nhờ mình làm đấy chứ!”.
Và có thể khẳng định một điều là, càng trải qua nhiều tình huống khó khăn thì năng khiếu của bạn càng bừng nở.
Hồi còn đi học, có lần khi được đề nghị thuyết trình thì tôi đã hùng biện bằng tiếng Anh, và mọi chuyện đã kết thúc thảm hại! Lúc ấy người chủ trì sự kiện đã nói với tôi: “Vì mình đã nhờ bạn, nên thất bại là chuyện của mình. Bạn không phải bận tâm”.
Bây giờ nghĩ lại thì thấy rằng những lời nói như thế chẳng vớt vát được cho mình bao nhiêu, nhưng khi ấy tôi cảm thấy mình nhờ vậy mà đã được cứu vớt! Tôi tiếp nhận điều đó, cố gắng hiểu những lời nói ấy như lời khen trong khi tự nhủ “Mình đã mạo hiểm và cố làm hết sức!”.
Hiện tại, hằng tháng tôi có thể diễn thuyết trước cả nghìn người, cũng là nhờ tôi đã trải qua nhiều việc khiến mình phải hổ thẹn.
Hơn nữa, chỉ có bước vào thực tế bạn mới có trải nghiệm để biết rằng mình có thực sự tương thích với một điều gì đó hay không. Và điều mà bản thân bạn cảm thấy tương thích nhất, đơn giản đó chính là năng khiếu của bạn.
Vậy nên, đừng ngại ngần mà hãy thúc đẩy bản thân mình hành động bạn nhé! Còn gì vui hơn khi bạn tìm thấy được niềm yêu thích của mình ngay trong khi giúp đỡ người khác.
Chương 3
CÓ KHẢ NĂNG THEO ĐUỔI ĐẾN CÙNG
▪ Điều quan trọng đầu tiên là phải có sự tự tin
Thường thì không nhiều người nhận ra năng khiếu của mình chỉ bằng linh cảm.
Nhưng thường thì người ta dễ nhận ra cảm giác “hài lòng một chút” khi làm việc gì đó hơn. Cảm giác này chính là dấu chỉ để bạn nhận diện năng khiếu của mình.
Bước đi đầu tiên để phát hiện năng khiếu bản thân là tìm kiếm “những công việc mà mình có thể đảm đương tốt”, hay “công việc mà mình cảm thấy vui vẻ khi thực hiện”. Và ngay khi bạn có được cảm giác “mình có thể làm tốt việc này”, cho dù đó là việc gì đi nữa, thì mọi chuyện sau đó sẽ tiến triển thoải mái dễ dàng.
Chẳng hạn như bạn cảm thấy “Mình có sự tự tin khi nói chuyện trước đám đông”, hay “Mình sẵn sàng đảm nhận việc dẫn chương trình cho buổi tiệc”, hay “Mình rất thích công việc giới thiệu người này cho người khác”, hoặc là “Nếu viết bản kiến nghị thì mình có thể viết bao nhiêu trang cũng được”,... Chính điều mà bạn tâm đắc sẽ trở thành điểm tựa giúp cho bạn tự tin.
Cuộc đời sẽ rất buồn nếu bạn sống mà cảm thấy “Mình cũng chẳng biết là mình muốn làm gì”, hay “Mình chẳng biết mình tâm đắc với điều gì”, “Mình chẳng làm nên chuyện gì cả!”. Đó là những suy nghĩ tiêu cực, và thường là không chính xác.
Bất cứ ai cũng đến có một năng khiếu nào đó. Nếu bạn chưa nhận ra, thì có nghĩa là hiện tại bạn chưa nhận biết được năng khiếu ấy mà thôi.
Bạn nên tìm ra việc gì đó giúp bạn nghĩ rằng “Ít nhất thì mình cũng có thể làm được chuyện này chứ”, rồi từ đó mà phát triển dần lên. Khởi đầu bằng việc gì cũng được. Chỉ cần điều đó có thể trở thành bệ phóng để bạn tiếp tục vươn lên.
Chẳng hạn như khi mới vào công ty, bạn có thể thực hiện việc photocopy chu đáo hơn tất cả mọi người, trả lời điện thoại sốt sắng hơn tất cả mọi người, sắp xếp tài liệu ngăn nắp hơn tất cả mọi người, hay pha trà ngon hơn bất cứ ai.
Có thể bạn nghĩ “Mình chỉ làm được đến thế thôi”. Nhưng khi bạn nhận định đó là những việc bạn có thể làm tốt, rồi thì bạn sẽ có sự tự tin khi dần dần tiến bộ từ những việc như thế.
▪ Tìm thấy những điều có vẻ là năng khiếu của mình
Để một người nhận ra năng khiếu đang dần dần bộc lộ của mình thì anh ta nên để ý đến điều mình làm được dễ dàng mà người khác không làm được như vậy. Sau đây tôi xin đưa ra ví dụ về những điều như thế:
• Không bị căng thẳng khi nói trước đám đông.
• Có thể nói chuyện thoải mái trước cả hàng trăm người.
• Viết lách bao nhiêu lâu cũng chẳng thấy khó khăn.
• Trò chuyện với người khác đến mấy tiếng đồng hồ mà câu chuyện không hề bị đứt đoạn.
• Kể chuyện khiến cho người nghe rơi nước mắt.
• Có thể nấu bữa tối với những nguyên liệu tình cờ có sẵn.
Cứ thế, có những việc tuy là hơi khó nhưng mình vẫn có thể làm được rất tự nhiên. Đó chính là năng khiếu.
Năng khiếu cũng có thể phát lộ khi bạn theo đuổi một việc làm nào đó. Chẳng hạn khi bạn chăm chú nghe người khác kể chuyện. Hay khi bạn thử viết xem có thể diễn đạt đến đâu.
Hoặc khi bạn thử chế biến món ăn hết lần này sang lần khác.
Cứ tiếp tục theo đuổi việc mình làm, rồi bạn sẽ chợt cảm thấy rằng “Chắc mình có năng khiếu về việc này đấy nhỉ?”. Và bạn cần trau dồi những điều có vẻ là năng khiếu đó. Khi đó bạn sẽ nhìn ra một phần nhỏ năng khiếu của bạn.
Cũng có một cách tiếp cận khác, ấy là bạn nên đặc biệt lưu tâm đến những niềm vui.
Người đang phát huy hết năng khiếu bản thân trong cuộc sống thì trước hết là phải đang làm những việc mà họ cảm thấy vui.
Nếu bạn cứ theo đuổi những việc mà mình cảm thấy vui, những điều thật sự khiến mình hồi hộp vì thích thú, thì năng khiếu bản thân sẽ dần dần phát lộ.
Chẳng hạn như bạn thức suốt đêm để vẽ tranh.
Hay là thức thâu đêm để đọc sách.
Hay nghe nhạc liên tục đến lùng bùng cả lỗ tai.
Hay bạn dồn hết tâm lực để lắng nghe câu chuyện của một người nào đó.
Trước hết, nếu bạn cứ thử làm những việc như vậy với sự nhiệt tình đến khó tin, thì bạn sẽ dần định hình được điều gì có vẻ là năng khiếu của mình.
Thêm một cách để nhận ra năng khiếu tiềm ẩn của bản thân bạn là xem mình có quên đi thời gian khi thực hiện những việc gì không.
Chắc hẳn trong đời ai cũng từng có lúc chợt quên đi thời gian khi làm một điều gì đó.
Đối với bạn, điều gì có sức hấp dẫn đến mức bạn quên cả thời gian? Nếu bạn nhận ra điều đó thì có thể đó là năng khiếu của bạn.
Năng khiếu của bạn đang ngủ say đâu đó quanh những việc mà bạn có thể làm đến quên cả thời gian.
Cứ thử làm việc ấy đến cùng, rồi bạn sẽ dần định hình được điều gì có vẻ là năng khiếu của bản thân.
▪ Khi nhìn thấy bức tường không thể nào phá bỏ
Khi bạn nhìn thấy trở ngại như bức tường không thể nào phá bỏ, có thể nói đó chính là khoảnh khắc ngay trước thời điểm năng khiếu của bạn thật sự được bộc lộ.
Năng khiếu như một món quà dành cho những người vượt qua cửa ải ấy, còn nếu bỏ cuộc thì lại quay trở về với đời sống bình thường.
Người không có năng khiếu thì không phải đối mặt với bức tường như vậy. Còn người có năng khiếu thì nhìn thấy hạn chế của bản thân, hoặc buồn chán khi thấy người khác có tài năng nổi trội hơn mình. Bản thân việc nhìn thấy tài năng khác như thế đã là một năng khiếu, nhưng người trong cuộc thì lại không thể có được sự thư thả để nhận biết điều này.
Khi bạn đối mặt với bức tường cản trở, bạn đang ở trạng thái giống như côn trùng hay những sinh vật thuộc loài giáp xác trước thời điểm lột bỏ lớp vỏ ngoài. Chỉ là bạn cảm thấy rõ ràng mình không thể sống trong không gian từ trước đến nay mình vẫn sống.
Bạn nên nghĩ rằng vượt qua bức tường này thì “có lẽ mình sẽ lớn lên theo một cách nào đó”.
Chương 4
NGHĨ RẰNG THẤT BẠI CŨNG SẼ LÀ NHỮNG KỶ NIỆM ĐẸP
▪ Bạn đã dừng lại hay tiến lên khi gặp thất bại trong đời?
Thất bại là điều khó có thể tránh khỏi trong đời. Điều thú vị là trong khi có những người đứng lại trong cuộc sống vì thất bại, thì cũng có những người nhờ thất bại mà trưởng thành được thêm một bước.
Đến nay, sau khi đã quan sát nhiều người, tôi cho rằng giữa hai kiểu người nói trên có một sự khác biệt vô cùng cơ bản.
Người thành đạt và sống hạnh phúc sẽ có cảm nhận về thất bại khác với người bình thường. Bạn nghĩ rằng thất bại là dấu hiệu của một sự “tạm dừng”, hay thất bại là dấu hiệu “ngưng hẳn hoạt động”? Hai cách nghĩ này hoàn toàn khác nhau.
Tôi cho rằng có lẽ khi thất bại mang đến tổn thương càng lớn thì người ta càng có khuynh hướng xem thất bại là dấu hiệu của sự ngưng hẳn hoạt động.
Ví dụ như thuở nhỏ, khi bạn phạm lỗi và gặp phải thái độ giận dữ của bố mẹ hoặc thầy cô ở trường, có lẽ bạn cảm thấy như thể mình có thể chết vì lầm lỗi.
Trong số những người sợ mắc phải sai lầm, dường như có nhiều trường hợp thuở nhỏ đã từng bị bố hoặc mẹ ngược đãi về mặt thể chất hay tinh thần khi phạm lỗi.
Tất nhiên là khi mắc lỗi và phải nhận lấy thái độ giận dữ hay trách phạt, người ta sẽ không muốn lặp lại điều đó thêm một lần nào nữa. Vì thế họ phải cố gắng hết sức để không phạm sai lầm. Điều đó làm cho họ tự giới hạn mình trong vùng an toàn và không dám tham gia một thử thách nào.
Nhưng đối với những người thành đạt và sống hạnh phúc thì thất bại chẳng là gì cả. Họ có thái độ lạc quan trước thất bại đến mức có thể bị người khác nhắc nhở là cần phải nhìn lại bản thân hơn một chút.
Sở dĩ như vậy là vì họ cho rằng thất bại chỉ là một dấu hiệu tạm dừng. Một khi đã xác định đâu là lĩnh vực không thuận lợi thì họ sẽ bỏ qua và tiếp tục khai mở một vùng đất mới.
Nhờ thất bại mà người ta học hỏi được cái mới.
Vì vậy đối với họ, thất bại không có nghĩa là hỏng hết cả cuộc đời, mà chỉ là có thêm một bài học về cách làm không suôn sẻ mà thôi.
Vả chăng, thất bại cũng cho ta cơ hội để có cách nhìn khác về những sự vật sự việc quen thuộc, bình thường, cũng như cho ta cơ hội để thấy được những điều khác.
Chẳng hạn, thất bại trong kinh doanh giúp bạn biết được rằng cách làm đó là không hiệu quả, dễ gẫy tổn thất. Hoặc khi gặp thất bại trong tình yêu nam nữ, bạn sẽ biết thêm một điều rằng mình cần ứng xử khác đi với những gì mình đã làm trước đó. Tóm lại là bạn sẽ có thêm một hiểu biết mới, rằng không nên làm một điều gì đó trong việc này hoặc việc kia. Bạn sẽ lựa chọn được những hành động tốt hơn.
Bạn có thể xem thất bại là nguồn động lực để từ đó có thêm một bước trưởng thành và tiếp tục tiến lên phía trước. Hoặc có thể bạn cứ lặp đi lặp lại sai lầm và mắc kẹt trong tình thế khó khăn.
“Mình sẽ không bao giờ liên quan đến chuyện yêu đương gì nữa!” – Cũng có người từ bỏ chuyện tình cảm với tuyên bố như vậy. Nhưng nếu bạn bỏ cuộc như thế thì cuộc đời của bạn kể từ lúc ấy chẳng phát triển gì thêm. Điều đó cũng tương tự như trong tất cả những chuyện khác.
Tệ nhất là chưa làm gì mà đã bỏ cuộc vì sợ thất bại. Nếu dừng lại trong đời vì có thể mình sẽ gặp phải thất bại thì vô cùng uổng phí! Và bạn đã biến một nỗi sợ thất bại trở thành thất bại thực sự khi bỏ cuộc rồi đấy.
▪ Hành trình phát hiện năng khiếu là một chuỗi thất bại
Khi có ý định bước chân vào cuộc hành trình tìm kiếm năng khiếu, người ta thường mong muốn mình sẽ không phải rơi vào những cảnh ngộ khó coi khi mắc phải sai lầm.
Tuy nhiên, chắc hẳn là không có người nào tập đi xe đạp mà không trải qua một lần nào té ngã.
Trong quá trình tìm kiếm năng khiếu của bản thân, bạn sẽ phải chịu đựng đau đớn gấp nhiều lần những xây xát vì té ngã khi tập xe đạp.
Bạn nên biết trước rằng mình sẽ phải vấp ngã nhiều lần, để lần đầu tiên gặp thất bại bạn sẽ không đến mức suy sụp.
“Năng khiếu của mình là thế này đây sao?” – Dù nghĩ như thế đi nữa thì bạn cũng không thể biết ngay rằng sự thật có đúng như vậy hay không. Vì đó chỉ là một kết quả nhất thời, còn con đường của năng khiếu phải là một hành trình. Và cũng có khi bạn nhảy cẫng lên vì cứ ngỡ “Đây rồi!”, nhưng rồi lại thất vọng vì một thất bại hoàn toàn chẳng có gì đáng kể sau đó. Nói về năng khiếu của mình là chuyện không thể dễ dàng đưa ra nhận định chủ quan.
Khi bị xây xước và bầm dập, bạn thầm nghĩ “Có phải là mình không nhìn nhận được đúng thực lực của bản thân?”. Nhưng một khi bạn cảm thấy không thể bỏ cuộc, thì rồi chắc chắn bạn sẽ tìm được tiềm năng của mình. Năng khiếu là chuyện mà dù có thế nào thì bạn cũng không đành lòng từ bỏ.
Đó có thể là việc chế biến món ăn, là ca hát, hay lĩnh vực kinh doanh, giáo dục, y khoa,...
Lĩnh vực mà bạn thấy khó lòng từ bỏ đích thị là chỗ mà bạn có năng khiếu.
Hãy tìm kiếm lĩnh vực mà bạn đủ nhiệt tình để thử sức dài lâu. Rồi sẽ có lúc bạn tỏa sáng “tài năng” khi vết thương đã lành. Vậy đâu là lĩnh vực mà bạn thấy dù có thế nào cũng khó lòng từ bỏ? ▪ Ý nghĩa của thất bại
Định nghĩa lại khái niệm thất bại trong quá trình tìm kiếm năng khiếu của bản thân cũng là một điều rất quan trọng.
Nhiều người cho rằng khi thất bại thì mọi chuyện sẽ kết thúc ở đó.
Chẳng hạn, có trường hợp khi thất bại trong công việc thì người ta cho rằng mình không hợp với công việc này, và chọn cách chuyển sang công việc khác ở một nơi nào đó. Nhưng dù có chuyển hai hay ba công việc khác thì họ vẫn cứ thất bại như vậy.
Thực ra, để làm được một điều gì, bạn không được phép trốn chạy khỏi thất bại của mình.
Nếu thẳng thắn nhìn nhận thay vì tránh nhìn vào thất bại, người ta chắc chắn sẽ thành công khi thử sức lần thứ hai, thứ ba, thứ tư. Vì khi đó bạn đã rút được kinh nghiệm quý giá cho riêng bản thân.
Mặc dù cũng còn tùy theo mức độ hoặc cách thất bại để ta quyết định có tiếp tục đối diện với sự việc hay không. Nhưng nếu bạn thể hiện tốt năng lực trong thất bại của mình thì rồi bạn sẽ có cơ hội lần thứ hai, thứ ba.
Ví dụ như ở Mỹ, nơi có hoạt động khởi nghiệp sôi nổi, người đã trải qua một lần thất bại thường được nhìn nhận là giỏi hơn so với người chưa thất bại lần nào.
Từ trước đến nay, bạn đã trải nghiệm những thất bại thế nào?
Hãy thử viết ra những điều bạn cho là thất bại của bản thân trong các lĩnh vực như tiền bạc, các mối quan hệ, công việc, tình yêu nam nữ, gia đình,...
Và hãy nhìn nhận xem điều đó có ý nghĩa thế nào đối với bản thân bạn.
Hãy viết ra cả hai trường hợp, là bài học tiêu cực và bài học tích cực. Qua đó định nghĩa lại xem “Thất bại có ý nghĩa gì với chính mình” qua sự nhìn nhận này, biết đâu bạn có thể tiến về phía trước với tinh thần tự do, thoải mái hơn.
▪ Nếm mùi thất bại là dấu hiệu trưởng thành
“Có thể nói rằng việc nếm mùi thất bại là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bản thân đã trưởng thành”. Đó là điều mà tôi đã học được từ một vị ân sư.
Quả là trước khi học được điều này, mỗi khi thất bại thì tôi lại phủ nhận chính mình, hoặc cảm thấy vô cùng suy sụp.
Tuy nhiên, kể từ khi tiếp nhận lời nói ấy, mỗi lần gặp phải tình huống được xem là thất bại, tôi đã đón nhận bình tĩnh hơn, và biết rằng mình có thể rút ra được bài học gì từ điều đó. Tôi đã biết trải nghiệm sự thất bại khi sự việc cứ thế lặp đi lặp lại mấy lần.
Một trong những hoạt động sôi nổi nhất mà tôi được biết đến ở nhà dưỡng lão là các cụ ông, cụ bà tự hào kể cho nhau nghe về những thất bại nghiêm trọng thời tuổi trẻ. Những thất bại đó thực sự giúp họ cảm nhận được niềm vui, tuy lúc sự việc xảy ra thì cũng có không ít đau khổ. Nhưng giờ đây, khi đã ở tuổi xế chiều, họ nhớ lại những điều đó như một kỷ niệm quý giá.
Nếu bạn cho rằng những thất bại và sai lầm của mình là “vết nhơ trong đời” thì hầu như bạn sẽ không thể rút ra bài học bổ ích nào từ việc đó.
Và có một điều chắc chắn là từ giờ trở đi, bạn sẽ còn gặp phải nhiều thất bại nữa trong đời. Đây là điều không thể nào tránh khỏi được.
Vậy khi đó, liệu bạn có từ bỏ nỗ lực từ đầu vì sợ sẽ thất bại tiếp theo, vì nghĩ rằng thất bại là chấm hết? Hay bạn sẽ xem thất bại kia là một tiền đề để tiến lên phía trước? Tùy vào hướng bạn rẽ mà cuộc đời của bạn sẽ hoàn toàn khác biệt.
Chẳng hạn, khi định đi dã ngoại mà thấy trời sắp mưa, thì đa số trường hợp sẽ bỏ chuyến đi ấy. Nhưng lẽ ra nếu trời mưa thì chỉ cần mang theo dù, áo chống thấm hoặc áo mưa là được.
“Dù có bị mắc mưa thì chắc cũng vui mà!” – Vấn đề là bạn có nghĩ được như thế hay không.
Chắc chắn người ta không vì trời mưa mà cần phải dừng bước trong đời.
Chương 5
DÀNH 5 PHÚT MỖI NGÀY ĐỂ KHƠI GỢI CẢM XÚC
▪ Bạn trải nghiệm cảm xúc mạnh mẽ đến đâu trong cuộc sống hàng ngày?
Mỗi ngày trôi qua sẽ viết thêm một trang đời sống của bạn.
Và nội dung mỗi ngày đó như thế nào là tùy thuộc vào cách thức bạn sử dụng thời gian trong ngày ra sao. Nếu bạn để thời gian trôi qua vô vị thì hôm ấy sẽ là một ngày vô vị, nhưng nếu bạn vui sống thì hôm ấy sẽ là một ngày rất tuyệt vời.
Thời gian mà bạn có cảm xúc hồi hộp, hứng khởi trong ngày là bao nhiêu? Hay là, trong một ngày thì bạn có bao nhiêu thời gian sống vội vã, tất bật?
Nếu bạn sống bận rộn mỗi ngày thì bạn sẽ có một cuộc đời bận rộn.
Nếu mỗi ngày bạn đều sống vui vẻ với cảm giác hào hứng, thì cuộc đời của bạn cũng sẽ là như vậy.
Có thể nhiều người sẽ cảm thấy thất vọng khi đối mặt với điều này. Sở dĩ như thế là bởi hầu hết mọi người đều sống cuộc đời với chuỗi ngày phải loay hoay trong những việc bắt buộc phải làm, bị vùi lấp trong trạng thái lưng chừng giữa cảm giác tuyệt vọng mơ hồ và tâm trạng lo lắng không yên.
Nhưng dù như thế thì cũng không nên đánh mất hy vọng.
Bởi vì bạn có thể làm chủ bản thân trong cuộc sống.
Để được như vậy, bạn nên bắt đầu từ việc suy nghĩ về điều mà mình muốn làm trong tương lai.
Bạn muốn sống như thế nào mỗi ngày? Sống ở đâu, với người như thế nào, làm những việc gì thì bạn cảm thấy vui? Bạn nên thử suy nghĩ về điều đó.
▪ Điều gì làm cho bạn thật sự hứng khởi?
Hãy nhìn rõ hơn một chút về hình ảnh cuộc sống mà bạn đã tự hỏi và hằng mơ.
Bạn muốn buổi sáng mình thức dậy với cảm giác thế nào? Bạn muốn trải qua một ngày ở đâu?
Liệu rằng khi làm gì, với ai thì cuộc đời bạn sẽ trở nên hoàn hảo? Nhiều người dường như không nghĩ đến những chuyện kiểu như vậy.
Người ta thường sống ngày hôm nay tương tự những gì đã làm ngày hôm qua.
Bi kịch nhất là bạn làm những việc không đến nỗi ghét làm, nhưng vì trong lòng bạn không thật sự hướng về điều đó nên không thể có niềm vui trọn vẹn. Hơn nữa bạn cũng không có động lực thúc đẩy để thay đổi công việc đó. Thế nên cuộc sống ngày qua ngày cứ lặp đi lặp lại đến nhàm chán.
Bạn hãy thử liên hệ điều này với nghề nghiệp của bạn. Hoặc bạn có thể thay thế nghề nghiệp bằng “công việc nhà”. Còn nếu là học sinh thì bạn hãy thay bằng “việc học”. Có thể bạn sẽ thấy bóng dáng mình trong bi kịch trên.
Nhưng cũng có khả năng là, tuy hoàn cảnh hiện tại có thể đang gần với sự hoàn hảo theo mong muốn của bạn, nhưng cảm giác bất bình hoặc bất mãn trong cuộc sống hằng ngày đã làm bạn ít hài lòng với cuộc sống hơn.
Chẳng hạn, tuy đại thể là bạn được làm công việc mình yêu thích, nhưng vì phải đảm nhận khá nhiều công việc nên bạn cảm thấy bất mãn.
Hoặc tuy được làm công việc mình yêu thích nhưng hằng ngày bạn luôn cảm thấy khó chịu vì phải làm việc chung với những người không tốt.
Hoặc tuy công việc bạn làm không phải là đáng ghét, nhưng vì địa điểm không tốt nên bạn cảm thấy công việc không hay.
Ta nên nhìn nhận xác đáng những điều này để thử suy nghĩ xem đâu là công việc thật sự khiến bạn thấy hứng khởi.
▪ Sự hào hứng dẫn đường vào năng khiếu
Điều khiến bạn cảm thấy hào hứng sẽ dẫn lối bạn tìm thấy năng khiếu của mình, bởi sự hào hứng là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất cho biết rằng bạn có năng khiếu với việc gì.
Bạn hào hứng với việc nói chuyện trước đông người có nghĩa là bạn có năng khiếu để trở thành một nhà diễn thuyết. Trong quá trình rèn giũa năng khiếu ấy, bạn sẽ lần lượt khám phá ra những năng khiếu mới như khả năng thuyết phục người khác, khả năng pha trò,...
Có thể nói rằng điều khiến bạn cảm thấy hào hứng là hệ thống định vị cần cho việc phát hiện năng khiếu của bạn. Và nếu cứ theo đuổi con đường ấy, thì năng khiếu của bạn rồi sẽ lần lượt thể hiện ra.
Điều thú vị là, những năng khiếu ở con người thường gắn liền với nhau chặt chẽ. Một năng khiếu bừng nở sẽ làm nở rộ hàng loạt năng khiếu khác,
như thể chúng kêu gọi nhau thức tỉnh vậy. Một khi năng khiếu đã được khơi mào thì không ai có thể ngăn chặn kiểu phản ứng dây chuyền như thế. Mọi thứ đã có sự xếp đặt rõ ràng, chỉ cần đủ điều kiện thì năng khiếu sẽ tự nhiên bừng nở.
Những điều kiện cần có khác bao gồm sự nhiệt tình, môi trường và thời điểm thích hợp. Năng khiếu sẽ không được hâm nóng nếu không có sự nhiệt tình ở mức độ nhất định. Bên cạnh đó, nếu không có môi trường thì năng khiếu không thể bỗng chốc bừng nở được.
Chẳng hạn như khi hoàn cảnh là phải sinh sống bằng công việc buôn bán xuất hiện, thì năng khiếu bán hàng mới bắt đầu bộc lộ.
Trong số các điều kiện nói trên, thời điểm thích hợp là yếu tố quan trọng nhất.
Mọi việc trong đời đều có cái gọi là thời điểm thích hợp nhất. Đó là khi các điều kiện cần thiết hội tụ đủ thì sự việc bắt đầu diễn ra suôn sẻ.
Nếu cứ theo đuổi những việc khiến cho bạn cảm thấy hào hứng, thì một lúc nào đó rồi bạn sẽ bắt gặp năng khiếu của mình.
▪ Hãy bắt đầu với 5 phút mỗi ngày
Từ bây giờ bạn hãy suy nghĩ về những điều khiến bạn hào hứng nhất.
Hãy dành 5 phút mỗi ngày để thử làm công việc khiến cho bạn hào hứng, dù đó là việc gì đi nữa.
Kiểu người cho rằng bản thân muốn làm điều mình thích nhưng hiện tại thì vẫn chưa làm được thường bao biện là không làm được vì không có thời gian.
Nhưng có thật là “Không có thời gian” không?
Nếu là 5 phút mỗi ngày thì dù bận rộn đến đâu người ta vẫn có thể làm được.
Và sau đó hãy thử tăng khoảng thời gian đó lên thành 6 phút, 7 phút, 10 phút, 30 phút.
Có thể thoạt tiên người ta sẽ có cảm giác rằng khó mà tranh thủ dù chỉ là 5 phút. Nhưng về sau vì đã thấy hào hứng nên khoảng thời gian đó có thể kéo dài ra đến 1, 2 tiếng đồng hồ. Rồi sau nữa có khả năng bạn sẽ trở thành một người suốt cả ngày luôn sống trong tâm trạng hứng khởi. Tất cả tùy thuộc vào chính bạn.
Làm những việc giúp bạn cảm thấy hào hứng, dù chỉ là làm từng chút một, chính là làm tăng mức năng lượng cho bạn.
Một khi có thể sống vui mỗi ngày thì cơ hội sẽ đến với bạn từ thế giới xung quanh. Trong đó có cả những thông tin thú vị. Rồi lúc nào đó sẽ có người ngỏ lời nhờ bạn làm công việc mà bạn cho rằng “Đây là điều mình vốn thích làm”, và bạn sẽ có cơ hội để thay đổi công việc.
Tùy theo mỗi người mà cơ hội có thể khác nhau. Khi ấy, nếu bạn không sắc sảo linh hoạt nhờ thường làm những việc khiến bản thân cảm thấy hứng khởi, thì cho dù cơ hội có sẵn nhiều đến mức nào bạn cũng không thể nắm bắt.
Vì vậy, chí ít thì cũng nên chuẩn bị tâm thế để lao vào công việc khiến bản thân cảm thấy hào hứng, và với tâm thế đó mà sống vui mỗi ngày.
Chương 6
ĐỘNG VIÊN BẢN THÂN
▪ Khi nào thì bạn thấy cao hứng?
bạn có thường cảm thấy cao hứng hay không?
Có lẽ thời còn đi học thì bạn thỉnh thoảng có những phút bốc đồng, nhưng khi đã đi làm được chừng 3 năm thì chắc hiếm khi bạn làm điều gì đó mà cảm thấy cao hứng.
Có thể cũng có lúc bạn buột miệng pha trò trong tâm trạng phấn khởi, nhưng khi ấy bạn lại thấy lo lắng mơ hồ, nghĩ rằng biết đâu mình làm cho những người xung quanh khó chịu, vì vậy ngay lập tức trở về trạng thái bình thường.
Dù là người nghiêm túc đến đâu thì cũng sẽ có lúc người ta buột miệng pha trò bằng cách chơi chữ vụng về trong tâm trạng phấn khích, nhưng điều đó thường sẽ không kéo dài.
Cuối cùng thì hầu hết mọi người đều không còn tự tin để thể hiện chính mình nữa.
Nhưng điều này lại không đúng ở những người thành đạt và đang sống hạnh phúc, họ thường làm rất tốt công việc tự động viên chính mình. Họ làm những việc mà bản thân cảm thấy thích thú và tạo điều kiện để bản thân luôn sống trong “niềm vui vô hạn”.
Trong những dịp như họp mặt bạn bè với tinh thần thoải mái thì mọi người thường tha hồ vui đùa vì có cao hứng quá đà cũng sẽ được thông
cảm. Có chỗ để bộc lộ bản thân thoải mái không giữ kẽ, ấy là điều kiện để bạn phát hiện ra năng khiếu bản thân.
Một khi có thể gặp gỡ bạn bè với tinh thần thoải mái trong hoàn cảnh có thể chấp nhận sự cao hứng quá đà, và để bản thân có cảm giác hồi hộp hứng khởi, được tự do trong suy nghĩ và hành động, thì con người vốn có của bạn sẽ được thể hiện ra. Nếu có thể duy trì điều đó trong một khoảng thời gian nhất định, thì năng khiếu của bạn nếu có, sẽ nhờ điều này mà bộc lộ ra.
Và đó là khi đời sống của bạn bắt đầu thực sự có nhịp điệu hào hứng, vui tươi. Hãy dốc hết tài trí để tạo cho mình cuộc sống “vui bất tận”!
▪ Người có năng khiếu thường cao hứng đúng thời điểm
Nếu quan sát những người đang phát huy năng khiếu bản thân, bạn sẽ thấy rằng họ say sưa làm việc và vui sống.
Họ liên tục nghĩ ra các dự án mới và mạnh dạn thực hiện chúng trong đời sống thực tế.
Trước những việc mà bình thường người ta cho rằng “Không làm được” vì trở ngại về thời gian hay tiền bạc thì họ lại giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và đi đến thành công.
Họ là những người biết khơi gợi cảm hứng cho bản thân khi cần thiết.
Với bất cứ việc gì mới mẻ, mọi thứ không thể lúc nào cũng suôn sẻ dễ dàng. Đã là dự án thì chắc chắn sẽ có vấn đề xảy ra, dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Miyazaki Hayao(1) có nói “Những gì quan trọng đều sẽ gây phiền phức”. Những lĩnh vực giúp ta có thể phát huy năng khiếu cũng sẽ nảy sinh những chuyện phiền hà.
(1) Miyazaki Hayao là một đạo diễn phim hoạt hình danh tiếng của Nhật Bản và ông là người đồng sáng lập hãng phim hoạt hình Ghibli nổi tiếng.
Trong hoàn cảnh ấy, sẽ rất đơn giản nếu ta chọn “Vậy thì bỏ cuộc thôi!”. Nhưng theo tôi thì chỉ những người biết cách tự khích lệ mình trong tình huống như vậy mới là người tài năng, và chỉ có họ mới nắm rõ được cách thức khai mở trọn vẹn tài năng ấy.
Năng khiếu sẽ được thể hiện khi bạn biết cách động viên bản thân hiệu quả để tiếp tục vượt qua khó khăn ngay khi nó xuất hiện, thay vì bỏ qua chúng. Liệu bạn có nghĩ rằng sẽ rất tuyệt vời nếu dành trọn cuộc đời để mang lại niềm vui cho người khác, và bản thân mình cũng thấy vui khi làm việc trong cảm giác tràn đầy hứng khởi?
Khi bạn sống vui vẻ hào hứng thì bạn sẽ cảm thấy cao hứng một cách tự nhiên mà không cần phải cố công tìm kiếm cảm giác đó.
▪ Điều gì khiến bạn cảm thấy vui đến mức cao hứng?
Thuở bé, bạn đã làm những gì khiến người khác nổi giận?
Bạn có gây ồn ào khắp nơi? Bạn có nói to tiếng hay là quá mải mê trò chuyện? Hay bạn hát lên mà không để ý mình đang ở chỗ nào?
Chắc chắn là khi ấy bạn chẳng có ý định làm điều gì xấu.
Chỉ vì bạn muốn biểu lộ niềm vui hay cảm giác hạnh phúc, và cũng không nhận ra mình đang làm phiền đến những người xung quanh.
Nhưng chắc hẳn bạn đã bị tổn thương với ý nghĩ khiến người khác nổi giận khi cao hứng quá đà. Bạn nghĩ rằng cao hứng là không tốt, hoặc cho rằng bản thân mình trót làm chuyện không hay. Mong rằng bạn sẽ chữa lành những vết thương đó.
Bạn hãy nhắm mắt lại, ôm lấy chính mình đang buồn nản vì cao hứng mà làm người khác giận, và tự nhủ rằng “Mình chẳng có gì xấu cả!”.
Và trong khi ôm lấy bản thân mình như vậy, hãy tự nói với mình trong tưởng tượng rằng “Hãy cứ cao hứng nhiều hơn nữa! Có hát hò nhảy múa vui nhộn hơn nữa cũng không sao!”.
Có lẽ chỉ cần làm thế thôi thì bạn cũng đã thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều. Vậy lần gần đây nhất mà bạn thấy cao hứng là khi nào ấy nhỉ?
Tùy mỗi người, có trường hợp người ta không hề thấy cao hứng trong suốt mấy chục năm, nhưng cũng có những người trẻ tuổi với tính khí bốc đồng nên mới tuần trước lại bị cấp trên mắng mỏ vì quá cao hứng.
Chẳng ai có thể cười cợt hay chế giễu một người cao hứng cả. Nhưng nếu bạn vì đời sống ngột ngạt mà mỗi khi cao hứng đều quá đà, thì sẽ bị người xung quanh chê trách.
Vậy nên, hãy tự tìm cho mình cách thức phù hợp để có được niềm vui khi cao hứng.
▪ Điều cần thiết để động viên bản thân
Bạn đã biết rằng cao hứng không phải là chuyện xấu. Nhưng nhiều người vẫn cảm thấy “hơi bị xấu hổ” khi cao hứng ở tuổi trên 30, trên 40 hoặc trên 50. Có lẽ là vì họ có sự dè dặt thái quá khi nghĩ về chính bản thân mình.
Theo một nghĩa nào đó, cao hứng là khi mình không để ý đến sự quan sát của những người xung quanh.
Vậy phải làm sao để có thể trở nên cao hứng?
Khi tôi thử đặt câu hỏi này, cũng có người đã trả lời rằng họ cần có một chiếc ô tô thể thao màu đỏ. Vì ô tô thì rất đắt đỏ nên tôi không thể khuyên cứ theo cách đó được.
Vậy còn riêng bạn, bạn cần hoàn cảnh hay điều kiện thế nào để trở nên cao hứng?
Bạn hãy viết ra những điều đó rồi thực hiện lần lượt, bắt đầu từ những việc không cần phải tốn tiền.
Tùy theo mỗi người, cũng có trường hợp chỉ đeo kính râm vào thì người ta đã có cảm giác cứ như là mình không còn nhút nhát, và trở thành người nói năng táo bạo.
Tương tự như khi có người nhuộm tóc nâu, tóc vàng.
Hay trường hợp người ta mua cho mình một món đồ trang sức lộng lẫy. Hay trường hợp người ta mặc váy ngắn.
Hay trường hợp người ta mặc bộ trang phục bó sát người. Hay trường hợp người ta mua một cây bút máy thật đắt tiền.
Hay trường hợp người ta mua một chiếc máy tính cá nhân hàng hiệu. Hay trường hợp người ta đi du lịch nước ngoài.
Vậy điều gì khiến bạn cảm thấy vui đến mức có khả năng trở nên cao hứng?
Chắc chắn điều đó sẽ định hướng cho bạn khám phá được năng khiếu bản thân.
Chương 7
GỬI EMAIL ĐẾN 3 NGƯỜI BẠN, HỎI XEM “CÓ GÌ THÚ VỊ KHÔNG?”
▪ Bạn bè là mạng lưới liên lạc của bạn
Bạn bè giống như chiếc ăng-ten giúp bạn nắm bắt những thông tin cần thiết.
Nếu bạn và bạn bè của mình quan tâm những điều giống nhau, thì họ sẽ giúp bạn phát hiện những đối tác tiềm năng tuyệt vời, và những cơ hội có thể thay đổi cuộc đời.
Những gì đã bị hút vào chiếc ăng-ten của người mà bạn thân thiết cũng sẽ là của bạn.
Ngược lại, những thông tin thú vị đã đến với bạn thì cũng sẽ là như thế đối với bạn bè bạn. Nếu bạn nghĩ “Đây chẳng phải là thông tin tốt đẹp đối với bạn ta sao?”, thì hãy nói cho người bạn kia biết ngay thông tin ấy.
Cũng có khả năng là thông tin ấy trở thành nguyên cớ để cuộc đời người bạn kia thay đổi ngoạn mục.
Tôi nghĩ rằng nếu là người trên 25 tuổi, hẳn bạn đã có nhiều trải nghiệm theo kiểu như thế.
Bạn bè thân thiết sẽ là người đại diện cho bạn, giúp bạn thu nhặt được nhiều điều.
Điều quan trọng là thường ngày bạn nên chuyện trò chia sẻ với bạn thân và những người quen biết xung quanh rằng bạn muốn gặp gỡ người
như thế nào, rằng bạn quan tâm đến điều gì hay bạn thích làm gì.
Một khi đã có sẵn điều đó thì mạng lưới bạn bè sẽ dần trở thành mạng lưới ăng-ten để giúp đỡ nhau. Hay nói ngược lại, nếu bạn không chia sẻ thì những thông tin bạn muốn có sẽ không bị hút vào chiếc ăng- ten của những người thân thiết với bạn.
Chẳng hạn, nếu bạn đang nghĩ đến chuyện du học nước ngoài, thì hãy nói: “Mình muốn ra nước ngoài du học”. Như vậy, có thể người bạn thân của bạn khi nghe được thông tin học bổng đâu đó thì sẽ nói lại cho bạn biết. Thực tế là một người bạn thân của tôi đã từng sang Mỹ du học theo cách ấy.
Càng có nhiều bạn bè thân thiết, và mối quan hệ càng sâu đậm thì những chiếc ăng-ten này hoạt động càng hiệu quả tinh vi.
Nếu giữa đôi bên chỉ là mức độ quen biết thông thường thì chiếc ăng ten của bạn hầu như không hoạt động.
Bạn cần nhiều thông tin để phát hiện và phát huy đúng mức năng khiếu của bản thân.
Việc bạn có nắm bắt được nhiều thông tin tốt hay không sẽ phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của mạng lưới ăng-ten mà bạn có.
▪ Những việc quan trọng trong đời đến với ta thường qua bạn bè giới thiệu
Cho đến nay, sau khi đã phỏng vấn nhiều người, tôi thấy rằng những gì mà bạn bè thân thiết đã giới thiệu cho ta có thể xem là những điều quan trọng nhất trong đời.
Chẳng hạn, nhiều nhất là những trường hợp mọi việc được suôn sẻ khi bạn thân giới thiệu cho ta công việc, địa chỉ xin việc, nguồn tin riêng.
Trong quan hệ tình cảm, thì chắc hẳn chuyện bạn bè giới thiệu cũng là duyên cớ tự nhiên nhất để hai người nào đó quen biết với nhau, chứ không phải là chuyện kiểu như đột ngột kết thân với nhau vì bị ai đó giẫm vào chân trên tàu điện.
Thử nghĩ xem nào, hẳn là bạn cũng từng nhờ bạn bè giới thiệu mà có được nhiều thứ như công việc, những cuộc gặp gỡ, tiền bạc hay cơ hội kinh doanh.
Giờ hãy chọn ra tên của 5 người bạn thân nhất, rồi viết ra những điều mà bạn đã nhận được từ 5 người bạn ấy, cũng như những điều bạn đã làm cho họ.
Tôi nghĩ rằng khi ấy, bạn sẽ nhớ ra những chuyện như mình đã từng là duyên cớ để anh bạn thân gặp gỡ được vợ anh ấy bây giờ.
Hay bạn nhận ra rằng nhờ mấy lời bàn luận của một người bạn thân mà mình đã tìm được chỗ làm việc bây giờ.
Chắc hẳn là khi xác nhận lại mọi chuyện bằng cách làm như thế, bạn sẽ nhận ra nhờ bạn bè thân thiết mà mình đã có được rất nhiều điều tuyệt vời. Và bản thân mình cũng góp phần giúp mang lại nhiều niềm vui cho những người bạn ấy.
Đó là lý do mà ta cần phải coi trọng những bạn bè thân thiết!
Tôi biết bạn vẫn thường phải bận rộn vì công việc và chuyện gia đình, nhưng nhất định bạn cần phải chú ý đến việc duy trì tình bằng hữu.
Danh sách những điều bạn đã nhận được từ bạn bè thân thiết: –.........................................................................
–.........................................................................
–.........................................................................
Danh sách những điều bạn đã mang lại cho bạn bè thân thiết: –.........................................................................
–.........................................................................
–.........................................................................
▪ Cuộc đời bạn thế nào tùy thuộc vào việc bạn gắn bó với ai
Khi viết ra “Danh sách những điều bạn đã nhận được từ bạn bè thân thiết” và “Danh sách những điều bạn đã mang lại cho bạn bè thân thiết”, như ở phần trên, có thể bạn sẽ nhận ra rằng ở đó không chỉ có những điều tốt đẹp mà còn có cả những chuyện không hay.
Chẳng hạn, thói lãng phí hay tật lười nhác đều thông qua bạn bè mà trở thành tính cách của bạn.
Thất bại lớn nhất trong đời bạn có thể là công việc kinh doanh hoặc đầu tư do bạn bè giới thiệu. Tôi nghĩ rằng cũng có trường hợp do bạn bè mà bạn gặp trục trặc trong quan hệ tình cảm.
Khi nghĩ về những điều đã qua như thế, hẳn là không quá lời nếu nói rằng cuộc đời bạn thế nào tùy thuộc vào việc bạn gắn bó với ai.
Có thống kê đã chỉ ra rằng mức độ hạnh phúc của chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ mức độ hạnh phúc của 20 người mà chúng ta thân thiết.
Như vậy có nghĩa là, nếu những người mà bạn vẫn gắn bó trong đời đang sống hạnh phúc thì bạn cũng có được cuộc sống hạnh phúc, nếu bạn
bè thân thiết với bạn có điều kiện kinh tế khá giả thì bạn cũng có một cuộc sống khá giả. Nếu bạn đang được hưởng lợi từ quan hệ hợp tác thì chắc hẳn bạn bè xung quanh cũng được hưởng lợi, mà nếu bạn vẫn luôn tìm kiếm người hợp tác với mình thì nhiều khả năng là bạn bè của bạn cũng đang tìm đối tác.
Trên thực tế, trong các buổi diễn thuyết, khi thử phát phiếu khảo sát để tìm hiểu, tôi được biết rằng những người khó khăn về tài chính và không lập gia đình thường gắn bó với những người có hoàn cảnh tương tự, còn người có cuộc sống hôn nhân tốt đẹp thì những người gần gũi họ cũng thế. Và những người không được may mắn trong công việc vẫn thường hay gắn bó với những bạn bè cũng không được may mắn như mình.
Có thể bạn nghĩ rằng thật khó mà làm chủ cuộc đời, nhưng thay đổi đối tượng mà bạn gắn bó là một điều đơn giản. Điều đó chẳng có gì hạn chế, chỉ là do bạn lựa chọn mà thôi.
▪ Gắn bó với bạn bè có năng khiếu dễ làm bừng nở năng khiếu của bạn
Tôi nghĩ bạn hiểu rõ chuyện “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, và điều đó cũng đúng khi nói về năng khiếu.
Nhìn từ góc độ năng khiếu, rõ ràng xung quanh một người đầy tài năng sẽ có nhiều người tài năng như vậy.
Ngược lại, khó mà tìm được người xuất chúng trong một môi trường toàn những người bình thường.
Trong chuyện này cũng có phần là do những người có tài thu hút lẫn nhau, nhưng có lẽ chính xác hơn là do người ta làm phát lộ năng khiếu của nhau.
Chắc hẳn năng khiếu của người này đã có tác động khích lệ rất lớn đến năng khiếu của người kia, như giữa những nghệ sĩ như Ishinomori Shotaro hay Akatsuka Fujio(1) và họa sĩ manga trẻ từng sống ở Tokiwa-so(2) về sau. Họ đều đã trở nên nổi tiếng.
(1) Ishinomori Shotaro và Akatsuka Fujio đều là những tác giả nổi tiếng của truyện tranh Nhật Bản (manga). Những chú thích trong sách đều là của người dịch.
(2) Một tòa nhà bằng gỗ hai tầng ở quận Toshima, Tokyo, từng là nơi sinh sống của nhiều nghệ sĩ manga nổi tiếng trong thế kỷ XX.
Một tác giả trong số đó kể rằng mình đã định đi ngủ vào lúc 2 giờ sáng nhưng vì phòng bên cạnh vẫn còn sáng đèn, nghĩ đi ngủ lúc ấy thì thua kém người ta nên sau đó người này ngồi lại làm thêm chút nữa.
Theo ví dụ trên, khi những người tài năng sống gần gũi với nhau thì sẽ có tác dụng khích lệ nhau rất lớn.
Mặt khác, nếu bạn bè thân thiết lại là người lười nhác, mỗi khi bạn định cố gắng hết sức để làm việc gì thì lại bị kéo ra khu ăn nhậu với lời can rằng “Không được cố gắng riêng mình cậu! Hãy đi uống thôi nào!”.
Thân thiết với những bạn bè có tài thì tự nhiên bạn sẽ được soi sáng, và đôi bên có thể cùng khơi gợi cảm hứng cho nhau.
Để khai mở năng khiếu bản thân thì bạn hãy tìm kiếm những người bạn tốt, gìn giữ và phát triển tình bằng hữu.
Biết đâu sự gắn bó với những người bạn ấy sẽ trở thành một giá trị quý báu trong đời bạn.
Chương 8
TÌM KIẾM BẠN BÈ CÙNG CHÍ HƯỚNG
▪ Bạn đang có mấy người bạn thân?
Bao nhiêu người có thể được gọi là bạn thân của bạn?
Bạn thân chứ không phải là người quen.
Bạn thân là mối quan hệ mà người bạn kia biết rõ về bạn, và bạn cũng biết rõ về người ấy.
Nếu chỉ mới gặp nhau vài lần, thì mối quan hệ ấy chỉ dừng lại ở mức độ quen biết mà thôi.
Bạn thân là người mà bạn gặp nhiều lần trong năm, hoặc tuy không gặp gỡ thường xuyên nhưng có nhân sinh quan tương đồng với bạn.
Có nhiều kiểu bạn thân.
Có người là bạn học cùng khóa, chia sẻ kỷ niệm về một thời đã qua, nhưng cũng có người là đồng nghiệp, hiện đang làm việc chung với bạn. Tôi nghĩ rằng cũng có kiểu bạn bè cùng chia sẻ tương lai. Và tình bạn cũng sẽ khác nhau trong từng trường hợp.
Những người bạn có kỷ niệm chung thường chia sẻ với nhau một tình cảm riêng nào đó. Chẳng hạn, bạn bè thân thiết vì đã học chung trường tiểu học, hay đã sinh hoạt cùng một câu lạc bộ, thường có sự gắn kết với nhau như là những chiến hữu. Những người bạn đã cùng nhau reo hò thỏa thích sau khi trải qua năm tháng khó khăn gian khổ thì rất sôi nổi khi kể chuyện
ngày xưa. Cho dù mấy năm không gặp thì cũng hầu như không cảm thấy có khoảng cách. Tôi cho rằng họ có cảm giác gắn bó với nhau suốt cả đời.
Cũng có kiểu bạn bè trong đời sống hiện tại, có thể chỉ là tình cờ làm chung một công ty. Kiểu bạn bè như thế thì có thể trở thành người xa lạ hoàn toàn nếu một bên nghỉ làm hoặc thay đổi công việc.
Trong số bạn bè hiện tại đó lại có một số nổi bật lên như kiểu bạn bè cùng chia sẻ tương lai. Những người bạn kiểu này có thể chia sẻ sự hào hứng khi nói về mơ ước hay vạch ra một kế hoạch vui.
Tuy nhiên, nếu kế hoạch mất đi thì có thể mối quan hệ giữa những người như vậy không còn sâu sắc mà chỉ là ở mức độ xã giao.
Bạn hãy thử nghĩ xem mình muốn có được tình bạn sâu sắc ở mức nào, và muốn có tình cảm sâu sắc như thế với bao nhiêu người bạn.
Hầu hết mọi người thường có khoảng 2, 3 người bạn thân, và ngoài ra thì có mối quan hệ với nhiều người nhưng chỉ dừng ở mức độ quen biết trong công việc. Những người như vậy không thể nào biết bạn thích ăn những món gì hay kiểu người khác phái nào, hay là thích trang trí nội thất ra sao.
Có thể gọi một người là bạn thân khi người ấy biết đến những chuyện như bạn uống hồng trà hay uống cà phê sau bữa ăn, hay khi nấu bạn thường chọn món cá hay món thịt.
Tôi cho rằng nếu là bạn thân thì người ta sẽ biết những điều như sở thích của bạn, lĩnh vực bạn quan tâm, hoàn cảnh gia đình, quá trình học tập và quê quán của bạn.
Bạn thân càng nhiều thì sự mối liên kết của bạn với cuộc sống càng mở rộng. Và những thông tin hay những cơ hội đến với bạn cũng tỉ lệ thuận theo số lượng và chất lượng của những người mà bạn kết thân.
▪ Bạn bè là điểm tựa khi bạn tìm lối đi cho mình
Hành trình phát hiện năng khiếu bản thân là một cuộc hành trình cô độc. Ấy là bởi vì bạn phải thường xuyên đối diện với chính mình.
Những người chia sẻ với bạn trong việc tìm kiếm, phát hiện và rèn giũa năng khiếu bản thân có thể sẽ trở thành những bạn bè thân thiết suốt đời bạn.
Bởi lẽ họ đã cùng bạn trải qua những lúc vui sướng cũng như những khi đau khổ nhất trong đời.
Khi bạn mong muốn được sống đúng với con người thật của mình, thì việc bạn có tận hưởng được cuộc hành trình đó hay không sẽ tùy thuộc vào việc bạn có được bao nhiêu bạn bè trong nhóm để nương tựa lẫn nhau.
Nhiều người đã đơn độc bước vào cuộc hành trình.
Và rồi trên đường đi, họ quay trở lại vì cảm thấy mình không đủ khả năng để vượt qua quá nhiều gian nan mà hành trình đó thử thách.
Giá mà từ đầu họ có những người bạn vui vẻ cùng đi thì cả nhóm đã có thể hợp sức để leo lên vách đá hay vượt qua bức tường, và khi chùn chân mỏi gối thì có thể giúp đỡ, động viên nhau.
Nếu ví đời người như một cuộc leo núi, thì hoặc là bạn lặng thinh mà leo núi một mình, hoặc là mọi người vừa leo vừa vui chơi, ca hát.
Nếu muốn leo cùng một nhóm bạn bè thì bạn sẽ chọn thành viên trong nhóm ra sao?
Bạn thích họ là những người có tính cách thế nào?
Bạn thích họ làm nghề gì và khoảng bao nhiêu tuổi?
Những người có lối sống thế nào thì phù hợp trong hoàn cảnh ấy? Bạn muốn trong khi leo núi thì nói những chuyện gì?
Tùy theo nhóm bạn bè cùng leo núi với bạn mà niềm vui bạn được trải nghiệm sẽ rất khác nhau.
▪ Khi bạn bè trở nên thân thiết
Bạn có mấy người là bạn thân?
Có thống kê cho biết, hầu hết người Nhật đã trả lời rằng họ không có ai để gọi là bạn thân.
Người nào nghĩ rằng mình có bạn thân chắc hẳn là trường hợp cực kỳ may mắn.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp bạn tự cho rằng người ấy là bạn thân nhưng thật ra lại không phải như vậy.
Cũng có người nhầm tưởng, cho rằng người nhấn nút “like” cho mình trên Facebook thì đã là bạn thân.
Sự khác biệt rất lớn giữa bạn bè thông thường và bạn thân là ở chỗ, bạn bè thông thường rất chú trọng đến khoảng cách giữa hai bên, còn bạn thân thì không hề chú ý về điều đó.
Bạn thân là người gần gũi với mình đến như vậy.
Chẳng hạn, dù bạn có hẹn hò với người mà lẽ ra mình không nên gắn bó, thì một người bạn bình thường vẫn chỉ toàn nói theo hướng tốt, kiểu như “Anh ấy dễ thương thế!”, “Cô ấy đáng yêu nhỉ!”.
Còn nếu là bạn thân thì trong trường hợp ấy sẽ nói với ta rằng “Tốt nhất là cậu nên chia tay đi!”. Bạn thân là người vượt qua nhiều rào cản giữa đôi bên, can thiệp vào chuyện đời của ta một cách tự nhiên như thể đó là chuyện của chính bản thân họ.
Không chỉ có bạn mà còn có bạn thân thực sự là điều hạnh phúc ở đời. Thật hạnh phúc khi người ta có được mối quan hệ sâu sắc đến mức có thể can thiệp vào cuộc đời của nhau!
Nhiều cặp vợ chồng dù có yêu nhau đến mức nào đi nữa thì đối với nhau cũng chỉ dừng ở mức độ người quen biết, không thể được như mức bạn bè.
Chỉ riêng việc gìn giữ mối quan hệ để luôn là bạn thân của nhau cũng đã rất khó khăn.
Nếu có bạn thân thì bạn nên trân trọng người bạn ấy.
Những ai chưa có người nào có thể gọi là bạn thân thì nên biết rằng trong tương lai mình vẫn có thể gặp được người như vậy.
Bạn thân có thể là duyên cớ để bạn phát hiện năng khiếu mà hiện giờ bản thân vẫn chưa kịp nhận ra.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tích cực vượt qua khoảng cách trong quan hệ bạn bè thông thường để tìm kiếm bạn thân. Có thể bạn sẽ gặp phải thái độ khó chịu, nhưng nhất định rồi sẽ có người đáp lại tình cảm ấy.
Bạn tiếp xúc với 20 người, dù trong số đó chỉ có được một người là bạn thân gắn bó suốt cả đời thì đã là cực kỳ may mắn.
Bạn cần phải hành động với quan niệm rằng việc tìm kiếm bạn thân có vị trí ưu tiên ngang hàng với việc tìm kiếm năng khiếu của mình. Chắc chắn rồi bạn bè thân thiết sẽ giúp làm phong phú thêm cuộc đời của bạn.
▪ Làm thế nào để tìm được bạn thân?
Để tìm được bạn thân, chỉ có cách là bạn phải mạo hiểm.
Nhận biết rõ ràng về TPO(1) là điều cần thiết, nhưng vấn đề còn nằm ở việc bạn có thể tích cực bao nhiêu để vượt qua khoảng cách trong quan hệ bạn bè thông thường.
(1) Tức là thời điểm (time), địa điểm (place) và cơ hội (occasion).
Bạn sẽ trở thành người thiếu tinh tế nếu thực hiện điều đó vào thời điểm người bạn kia chưa muốn có quan hệ bạn bè ở mức độ thân mật.
Nhưng cũng cần hiểu rằng khi mối quan hệ đã phát triển đến mức độ thân thiết thì người bạn kia cũng sẽ can dự sâu vào cuộc đời của bạn một cách rất tự nhiên.
Khi sự thông cảm giữa đôi bên đạt đến mức người ta có thể tự nhiên thâm nhập vào thế giới của nhau, đó chính là khoảnh khắc mối quan hệ bạn bè thân thiết được hình thành.
Và sự đúng lúc có lẽ cũng cần thiết ở mức độ như vậy.
Tôi nghĩ rằng khi đang trong tâm trạng buồn bực mà người khác lại tự nhiên đường đột xen vào chuyện của mình, thì chắc hẳn trong nhiều trường hợp, bạn sẽ cảm thấy như thế là người mất lịch sự chứ không là bạn thân.
Tuy nhiên, dù trong trường hợp có thiếu tinh tế như vậy, nhưng quan hệ bạn bè thông thường đôi khi vẫn có thể chuyển thành bạn thân vì người ta phần nào cảm kích khi người khác đã thành thật quan tâm đến mình.
Dù có thể đôi khi người ta cũng tỏ thái độ khó chịu vì những can thiệp không hợp lý.
Khả năng đánh liều với nguy cơ làm người khác khó chịu là một trong những điều kiện để xây dựng một tình bạn thân thiết.
Có một điều bạn nên biết nữa là khi gặp phải hoàn cảnh khó khăn, người ta thường trở nên hẹp hòi trong tình cảm.
Khi đó có thể người ta lại chấp nhặt những điều mà thông thường thì có thể bỏ qua.
Điều đó giống như khi một người có khả năng trở thành bạn thân làm việc gì hơi vô ý một chút có thể khiến người khác khó chịu, thì bạn nghĩ ngay rằng “Gã này chẳng ý tứ gì cả!”, mặc dù nếu trong tâm trạng tốt bạn sẽ không đánh giá như vậy.
Và một trường hợp nữa khá phổ biến mà bạn nên chú ý là khi ai đó mong muốn được người khác giúp đỡ nhưng không thể mở lời. Lúc này nếu hiểu ý thì bạn sẽ dễ dàng xây dựng được tình bạn thân thiết với người đó khi giúp đỡ đúng lúc họ cần. Giúp đỡ nhau khi khó khăn là một cây cầu để bước từ tình bạn bình thường trở thành tình bạn thân.
Còn trong một số trường hợp, không chỉ là không thể mở lời nhờ vả, mà thậm chí còn thẳng thừng tỏ vẻ “cự tuyệt sự trợ giúp”. Nhưng cũng có thể nói rằng một người có khả năng trở thành bạn thân với người đó nếu anh ta có thể vượt qua thái độ “cự tuyệt sự trợ giúp” để giúp đỡ bạn mình.
Bạn thân là người không bận tâm đến sự e ngại của bạn mình mà có thể lao vào giúp đỡ trong tình huống ấy.
Người có thể trở thành bạn thân là kiểu người biết nhảy vào khi bạn mình gặp khó khăn, yếu đuối hay đau khổ.
Có khi người bạn ấy không cần hẹn trước mà đường đột đến nhà.
Bạn có mấy người bạn thân mà không cần hẹn trước cũng có thể gặp nhau?
Và có mấy người không liên lạc gì cả mà thoắt cái đã chạy đến với bạn?
SÁCH CÙNG TÁC GIẢ
Bí Quyết Làm Chủ Đồng Tiền
Làm sao để bạn có đươc sự tự do với tiền bạc? Làm sao để cuộc sống của bạn không...
Bí Quyết Để Có Sự Nghiệp Mơ Ước
Bí quyết để có sự nghiệp mơ ước viết về những suy nghĩ xung quanh vấn đề công việc, cuộc sống...
Những Bài Học Đáng Giá Về Xây Dựng Mối Quan Hệ
Cuốn sách này được viết ra sau trận động đất lớn ở quê hương Kobe của tác giả vào năm...
Những Bài Học Đáng Giá Về Hạnh Phúc
Những bài học đáng giá về hạnh phúc là cuốn sách đầu tiên trong bộ Happy Life của Ken Honda – kể về cuộc gặp gỡ...
Những Bài Học Đáng Giá Về Giàu Có
Cuốn sách thứ hai trong bộ Happy Life của tác giả Ken Honda – Những bài học đáng giá về giàu có – mang đến cho...
Chương 9
MỖI ĐÊM TRƯỚC KHI NGỦ ĐỀU NGHĨ ĐẾN CHUYỆN VUI
▪ Những điều làm bạn cảm thấy vui là năng khiếu của bạn Thông thường, những điều gì làm bạn cảm thấy vui?
Điều gì làm bạn cảm thấy vui thì đích thực đó là năng khiếu của bạn.
Những điều mà hễ có thời gian thì tự nhiên bạn sẽ nghĩ đến, ấy chính là năng khiếu của bạn. Nhưng hầu hết mọi người đều nhầm lẫn cho rằng đó chỉ là suy nghĩ viển vông.
Tôi nghĩ rằng có những người mơ đến chuyện đứng hát trên sân khấu, hoặc hình dung cảnh tượng những cuốn sách mình viết xếp hàng trong hiệu sách. Nhưng đồng thời họ lại cho rằng bản thân không thể nào làm được những việc như thế.
Quả thật là khó có chuyện bỗng chốc bạn trở thành ca sĩ và biểu diễn trong chương trình hòa nhạc ở Budokan(1), hoặc trở thành tác giả ăn khách bậc nhất.
(1) Tên một nhà thi đấu có quy mô lớn nằm ở trung tâm Tokyo. Budokan lúc đầu được xây dựng để phục vụ cho Olympic Tokyo 1964, và hiện nay chủ yếu được sử dụng để tổ chức thi đấu các môn võ thuật Nhật Bản, nhưng cũng là một nơi có thể tổ chức các sự kiện âm nhạc quy mô lớn.
Nhưng một khi đã có sự hình dung nào đó, thì ít nhiều hình ảnh ấy cũng cho bạn biết một trong những điều mà bản thân có khả năng.
Xuất phát từ quan điểm cho rằng “Những gì khiến cho bạn thấy vui là năng khiếu của bạn”, tôi khuyên bạn nên duy trì bất cứ công việc nào làm bạn cảm thấy vui.
Bạn hãy tiếp tục viết lách nếu điều đó mang đến niềm vui cho bạn.
Rồi trong khi viết lách thì bạn sẽ cảm thấy muốn công bố những gì mình đã viết.
Ban đầu bạn có thể công bố những gì bạn viết lên blog, tạp chí dưới dạng thư điện tử, hay là Facebook,... Bạn cứ tiếp tục duy trì công việc viết lách thì chắc chắn sẽ có những người cho rằng bạn viết hay. Khi có nhiều người đọc, chắc chắn sẽ có người ủng hộ vì tâm đắc với những điều bạn viết. Theo lý thuyết xác suất, đây là bài toán cho thấy sẽ có một số người nhất định cùng suy nghĩ và đồng cảm với bạn.
Vậy nên, mỗi đêm trước khi ngủ bạn hãy nghĩ về những điều làm bạn vui vẻ đó.
Vì sao lại nên làm điều đó vào buổi tối? Ấy là vì, trước khi đi vào giấc ngủ ban đêm là thời điểm người ta có thể suy nghĩ tự do, thoát khỏi sự hạn chế, bó buộc của cuộc sống đời thường.
Mỗi đêm trước khi ngủ bạn nghĩ về những điều mà hôm nay mình chưa làm được, hay những điều mình có thể thực hiện trong tương lai, hoặc những gì mình mong muốn bản thân đạt được? Những điều bạn nghĩ đó sẽ mang đến cho bạn những giấc ngủ khác nhau. Và dĩ nhiên suy nghĩ vui vẻ sẽ mang đến một giấc ngủ ngon lành hơn.
Bạn hãy thử dùng khoảng thời gian trước khi ngủ mỗi đêm cho những suy nghĩ viển vông đầy hạnh phúc.
Đừng ngại nghĩ đến những chuyện mà thông thường bạn cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ. Bạn tưởng tượng ra những chuyện kỳ quặc, lạ lùng đến đâu cũng được.
Bạn hãy thử tưởng tượng mình là một ngôi sao, một đầu bếp danh tiếng, một nhà diễn thuyết hay là một diễn viên,...
Nếu bạn không nói ra thì chẳng ai có thể biết được những mơ tưởng đó của bạn. Vậy nên chẳng có gì để ngại ngùng với ai cả.
Và bạn nên tạo cho mình thói quen là trước khi đi ngủ thì nghĩ rằng “Mình sẽ rất vui nếu làm được điều này”, hay “Thật tuyệt vời nếu làm được như thế”, cứ nghĩ như vậy mà chìm vào giấc ngủ.
Không hẳn là tôi hoàn toàn tin vào định luật Murphy(2), nhưng cũng có thể điều mà bạn tưởng tượng về sau này sẽ trở thành hiện thực. Nếu bạn chỉ nghĩ những điều không tốt, bạn có thể sẽ kêu gọi chúng đến. Vậy nên, hãy nghĩ về những điều vui vẻ!
(2) “Định luật Murphy” là một cách ngôn hài hước cho rằng: “Việc gì có khả năng sai lầm thì nó sẽ xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất”.
▪ Hình ảnh tưởng tượng giúp mở mang cuộc sống
Không chỉ giới hạn ở thời điểm trước khi ngủ ban đêm, mà cả những hình ảnh bạn mơ hồ có hình dung thấp thoáng cũng có nhiều khả năng là dấu hiệu ám chỉ năng khiếu của bạn.
Dẫu là hình ảnh có khác thường kỳ lạ đến đâu thì bạn cũng đừng nên phủ nhận điều đó ngay từ đầu.
Tôi đã phỏng vấn nhiều người thành đạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và có những người cho biết “Tôi cứ thấy hiện lên trong đầu cảnh tượng mình sống tại một thành phố ở nước ngoài”, “Tôi hình dung ra cảnh tượng mình điều hành một công ty kinh doanh”, hay “Tôi có dự cảm rằng mình sẽ đảm nhận công việc diễn thuyết trước nhiều người”. Tôi được biết những người như vậy đã rất ngạc nhiên vì những hình ảnh tưởng tượng kia sau khoảng thời gian hơn 10 năm đã trở thành hiện thực.
Thật khó mà tưởng tượng rằng hình ảnh mà mình hình dung trong đầu lại có thể trở thành hiện thực trong tương lai. Nhưng nếu là trường hợp hình ảnh ấy hiện ra trong đầu bạn nhiều lần, thì có thể đó là một kiểu giấc mơ báo trước về việc mà bạn sẽ làm trong thời gian tới.
Bạn cũng có thể tự mình tạo ra những giấc mơ báo trước tương lai. Đó là cách làm thay đổi cuộc đời bằng năng lực tưởng tượng.
Kim cổ đông tây đã có nhiều người kể về chuyện hình ảnh tưởng tượng trở thành hiện thực, và theo tôi đó là điều có thể xảy ra. Nhưng thường là điều mà trái tim của bạn mách bảo phải trải qua một khoảng thời gian mới đến lúc trở thành hiện thực được.
Cho nên mới có trường hợp, trước khi ngủ một người hay nghĩ: “Giá mà mình gặp được kiểu người như thế này”, “Giá mà mình làm được việc như vậy nhỉ”,... cứ thế và rồi ngủ thiếp đi, thì lạ thay mấy ngày sau người đó lại tình cờ gặp được người đúng như hình ảnh trong tưởng tượng.
Bạn cứ xem như mình được ru ngủ và hãy thử tưởng tượng về những điều vui thích.
Bạn không bị thiệt hại chút gì trong thực tế vì đã làm như vậy. Điều tệ nhất chỉ là bạn thất vọng vì mọi chuyện không được như bạn nghĩ mà thôi.
▪ Khả năng mơ tưởng viển vông sẽ giúp bạn có thêm triển vọng
Trước khi đi ngủ bạn hãy gỡ bỏ những rào cản thông thường, và thử tưởng tượng thỏa thích về những điều rất ít có khả năng đạt được.
Chẳng hạn như mơ tưởng viển vông về những chuyện chẳng ăn nhập gì với bản thân trong hiện tại, như chuyện cùng với Lady Gaga biểu diễn hòa nhạc, chuyện trở thành tác giả ăn khách nhất, hay trở thành một chính trị gia, hay trở thành thợ làm bánh nổi tiếng,...
Bạn tuyệt đối đừng băn khoăn gì về việc điều đó có thể thành hiện thực hay không. Những suy nghĩ như:
– Sẽ thế nào nếu mình trở thành một diễn viên?
– Nếu mình làm chủ một nhà hàng?
– Nếu mình làm tư vấn kinh doanh?
– Nếu mình trở thành một vũ công?
– Nếu mình là một người thành đạt có tầm bao quát cả thế giới?
Trong khi bạn mơ tưởng viển vông về những điều như vậy, thì cảm giác hào hứng sẽ dâng lên từ đâu đó từ sâu thẳm trong lòng, đến mức khiến cho bạn không thể nào ngủ được.
Cho dù những điều bạn mơ tưởng không thể trở thành hiện thực ngay lập tức, thì cảm giác hào hứng như vậy cũng sẽ là động lực thúc đẩy bạn làm việc trong ngày tiếp theo.
Chương 10
NHẢY VÀO LĨNH VỰC BẠN CẢM THẤY “CÓ VẺ THÚ VỊ”
▪ Điều bạn cảm thấy “có vẻ thú vị” có thể là duyên cớ thay đổi cuộc đời
Cho đến nay tôi đã phỏng vấn nhiều người, và được biết rằng cuộc đời họ thay đổi nhờ những điều mà họ nhận thấy “có vẻ là thú vị”.
Chẳng hạn như có người tình cờ được nghe bài thuyết trình về nghề dịch thuật và nhận thấy “công việc dịch thuật có vẻ thú vị nhỉ?”, rồi về sau đã trở thành dịch giả bởi vì yêu thích công việc đó.
Cũng có người kể rằng vì có bạn đang theo học một lớp nấu ăn nên bản thân cũng đi học thử, rồi vì cảm thấy vui nên đã bước vào nghề đầu bếp.
Cũng có người biết bạn mình theo học ngành luật thì chợt nghĩ “Ngành ấy là thế nào? Nghe có vẻ thú vị đấy nhỉ!”, rồi từ đó bản thân người ấy cũng bắt đầu học luật, và lấy được chứng chỉ luật sư.
Cũng có người nghe bạn mình kể chuyện diễn thuyết trước đám đông rồi bị hỏi nửa đùa nửa thật rằng: “Cậu không muốn thử làm thế sao?”. Khi người ấy thử làm thì cảm thấy vui thích, rồi bước vào cuộc đời diễn giả.
Theo đó, như tôi sẽ trình bày dưới đây, sẽ có sự khác nhau rất lớn giữa kiểu người nhảy vào lĩnh vực mình nhận thấy “có vẻ là thú vị” và kiểu người không hành động như thế.
Điều mà bạn cảm thấy “có vẻ là thú vị” nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực mà bạn có năng khiếu. Sở dĩ nói như vậy là bởi vì bạn sẽ không cảm thấy
“có vẻ thú vị” nếu điều đó chẳng liên quan gì đến năng khiếu của bạn.
Chẳng hạn, một người không có năng khiếu về âm nhạc thì chắc hẳn sẽ chẳng hề cảm thấy có gì là thú vị khi bạn bè mời rủ “Chúng ta lập một ban nhạc nhé?”.
Điều kỳ lạ là con người thường có tâm lý kháng cự một cách vô thức trong trường hợp điều khiến anh ta cảm thấy thú vị gần với lĩnh vực thuộc năng khiếu của mình. Khi nghĩ rằng điều này “có vẻ thú vị nhỉ”, thì vì lý do nào đó mà hầu hết mọi người đều ngần ngại không nhảy vào việc ấy.
Tôi nghĩ, sự kháng cự đó là một kiểu bản năng phòng vệ, vì người ta biết khi thâm nhập vào lĩnh vực ấy thì cuộc đời mình sẽ thay đổi sâu sắc. Có thể nói người ta có xu hướng tự động khép mình lại trước bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời.
Người ta sẽ bắt đầu nghĩ ra nhiều lý do để viện cớ như “Có vẻ hay đấy nhưng mà sẽ tốn tiền”, hay là “Tốn thời gian”, hay là “Nếu người khác bảo mình kỳ quặc thì sao nhỉ?”,...
Có thể nói, việc bản thân bất giác khựng lại là kháng cự về mặt tâm lý, nhằm loại trừ nguy cơ trong thời gian sắp tới ta sẽ tự làm tổn thương chính mình.
Nếu biết trước điều này thì có thể vượt qua được sự kháng cự đó.
Rất đơn giản, chỉ cần bạn giữ sẵn ý định “Dù sao thì mình cũng sẽ nhảy vào lĩnh vực mà mình nhận thấy có vẻ là thú vị”.
Ở độ tuổi hai mươi, tôi luôn đeo ba lô có đựng hộ chiếu và một ít tiền đô Mỹ. Tôi sẵn sàng để có thể lên đường nếu có ai đó mở lời bảo với tôi
“Mình sắp đi du lịch nước ngoài, cậu cùng đi nhé!”, dù chuyến đi có xuất phát ngay trong ngày hôm ấy đi chăng nữa.
Mà dẫu trên thực tế không có chuyện nhận được một lời rủ rê như vậy, nhưng khi tôi nói chuyện với một người lớn tuổi thì người ấy bảo rằng “Cậu là người thú vị đấy nhỉ!”, rồi về sau người ấy đã có lần dẫn tôi đi du lịch nước ngoài.
Tôi coi trọng việc có thể ngay lập tức phối hợp với người khác khi có chuyện gì đó thú vị, nên tôi nghĩ mình đã được nhìn nhận và đánh giá cao vì tâm thế ấy.
Trong khi ta làm việc, thỉnh thoảng cơ hội gặp được người tuyệt vời bất ngờ tìm đến với ta. Khi đó, tuy bản thân cảm thấy “muốn gặp” nhưng để gặp được thì có thể cần phải đi tàu Shinkansen, hoặc ra nước ngoài, tùy theo trường hợp. Chắc cũng có nhiều người bỏ cuộc trong những hoàn cảnh ấy.
Rồi sau đó, khi tình cờ nghe chuyện từ người bạn đã thực hiện chuyến đi để gặp gỡ đó thì người ta lại hối hận với suy nghĩ “Tiếc quá! Giá mà mình cũng đi!”. Bỏ lỡ một cơ hội không dễ dàng có được cũng giống như tự mình vứt đi một cơ hội mở mang cuộc đời.
Khi cảm thấy điều gì đó thú vị, dù chưa hiểu rõ nhưng trước mắt bạn hãy cứ đi thử, hoặc mua thử xem sao. Dĩ nhiên bạn phải suy nghĩ kỹ trong trường hợp cần vay tiền hoặc mua thứ gì giá đắt.
Lao vào sự việc bằng mọi giá cũng là một vấn đề, nhưng tính ra thì sai lầm vì do dự lại còn là vấn đề lớn hơn.
▪ Hãy níu giữ vị thần may mắn
Mọi người đều được ban tặng những cơ hội, nhưng cách nắm bắt cơ hội ở mỗi người lại có sự khác nhau. Có người giỏi nắm bắt thời cơ, nhưng cũng có người mãi vẫn không nắm được.
Ta hãy lấy ví dụ về trường hợp một người gặp được vị thần may mắn. Chắc hẳn hầu hết mọi người đều nghi ngờ tự hỏi “Liệu đây có thật là vị thần may mắn hay không?”. Rồi bỏ qua cơ hội vì nghĩ rằng “Chắc không phải đâu”.
Có thể tối hôm ấy người kia sẽ viết vào nhật ký: “Mình đã tình cờ gặp vị thần may mắn. Thế là thế nào nhỉ?”. Lúc người đó viết những dòng như vậy thì vị thần may mắn đã đi đến nơi nào khác mất rồi.
Người có thể nắm bắt cơ hội là kiểu người sẽ lấy ra từ trong cặp hợp đồng đầu tư đã được chuẩn bị sẵn, trong trường hợp gặp được nhà tư bản có thể đầu tư vốn cho mình.
Có nghĩa là mọi chuyện sẽ thuận lợi khi người ta ngỏ lời cùng vị thần may mắn, rằng “Tôi định thực hiện một kế hoạch kinh doanh thế này”.
Điều quan trọng là ta cần phải chuẩn bị trước để có thể chớp lấy thời cơ khi vị thần may mắn xuất hiện.
Hầu hết mọi người đều nghĩ “Giá mà có cơ hội thì mình sẽ nắm bắt được ngay”, nhưng đó là trường hợp người ta chưa có sự chuẩn bị.
Người đã có sự chuẩn bị đầy đủ thì nghĩ rằng mình sẽ lao vào ngay nếu cơ hội tìm đến.
Ở Mỹ có khái niệm “trò chuyện trong thang máy”, nghĩa là tranh thủ thuyết phục một ai đó trong thời gian ngắn ngủi khi đi cùng nhau trong thang máy về một vụ kinh doanh nào đó. Và có người chỉ trong vòng 30
giây hay 1 phút đi thang máy đã có thể thuyết trình được dự án hay ý tưởng của mình và nhận được đầu tư.
Rèn giũa cảm quan nhạy bén với thời cơ sẽ giúp cho năng khiếu của bản thân bừng nở.
▪ Điều khiến bạn bận tâm là tín hiệu giúp bạn đổi đời
Chắc hẳn người ta vẫn có những điều bận tâm trong cuộc sống thường ngày khi đọc sách, khi gặp gỡ ai đó, hoặc khi xem một quyển tạp chí nào đó,...
Khi có điều khiến cho bạn bận tâm xuất hiện, hãy nghĩ rằng đó một tín hiệu.
Chẳng hạn đó là việc bạn nghe rất nhiều người nhắc đến cụm từ “trị liệu bằng thảo dược”, hay bạn cứ liên tục nghe người ta nói đến chuyện đi học ở nước ngoài, hoặc bạn đã nhiều lần nhìn thấy từ “khiêu vũ”,... Và mỗi khi nghe đến những cụm từ đó trong lòng bạn lại gợn lên một chút ít bận tâm.
Việc bạn có cảm giác “hơi bận tâm” là một điều rất đỗi quan trọng. Bởi điều đó chính là những gợi ý mà bạn nhận được trong vô thức.
Bạn mới xem một chương trình tivi đặc biệt về một khu phố ở New York, thì đúng ngày hôm sau bạn lại tình cờ gặp một người mới ở New York về. Rồi có thể tối hôm đó bạn nhận được email của một người bạn khác ngỏ lời rằng “Mình đang định tháng sau sẽ đi New York, cậu có muốn đi cùng với mình không?”.
“Thế này thì mình hãy đi New York thôi nào!” – Trong hoàn cảnh ấy, vấn đề là bạn có nghĩ được như thế hay không. Cũng có người nghĩ “Ồ,
chắc chỉ là chuyện ngẫu nhiên thôi!”.
Việc nhỏ nhặt như thế sẽ trở thành ngã rẽ trong cuộc đời của bạn.
Theo kinh nghiệm của tôi, nếu ta gặp một từ khóa nào đó từ 3 lần trở lên và xuất phát từ những chỗ khác nhau, thì đó chắc chắn là cơ hội của bạn.
Khi bạn bận tâm về một điều gì đó, hãy nghĩ rằng đó là dấu hiệu có thể sẽ làm cuộc đời bạn trở nên thú vị hơn.
Về vấn đề “Tại sao lại cảm thấy bận tâm?”, có lẽ rằng người ta vốn dĩ đã biết hướng đi tốt cho mình.
Tôi cho rằng có thể là chiếc ăng-ten của mỗi người sẽ bắt được những thông tin cần thiết cho người đó. Và nó được biểu hiện ra bên ngoài thành sự bận tâm của bạn đối với điều đó.
▪ Gặp gỡ người cần gặp, đi đến nơi cần đến
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất để thay đổi cuộc đời là gặp người mà bản thân mình cần gặp, đi đến nơi mà mình cần đến.
Khi sống một cuộc đời bình thường, người ta sẽ bị chôn vùi trong cách sống khuôn thước đến mòn mỏi, nên sẽ khó gặp được kiểu người sôi nổi hay những kiểu người khác biệt với mình.
Người tìm thấy năng khiếu của bản thân, tự rèn giũa chính mình thì gần như mỗi tuần đều gặp được những kiểu người rất tuyệt. Tuy họ có thể cảm thấy bị choáng nhưng rồi vẫn nghĩ “Nào, mình cũng hãy cố lên!”. Và mọi chuyện cứ nối tiếp xoay vòng như thế.
Cho đến bây giờ, liệu bạn đã từng gặp kiểu người mà chỉ cần ở bên cạnh họ là bạn đã cảm thấy hào hứng hay chưa?
Nếu bạn trả lời là gần đây không có, thì lần gần nhất bạn gặp người như vậy là khi nào?
Còn nơi cần đến chính là địa điểm có thể làm thay đổi cuộc đời bạn. Đó là nơi khi người ta tìm đến thì có rất nhiều điều xảy ra, và cảm nhận về cuộc đời của người ấy khác đi so với khoảng thời gian trước đó. Cuộc gặp gỡ tình cờ ở địa điểm này sẽ khiến bạn thực sự thấy chấn động.
Địa điểm đó không nhất thiết phải được xác định rõ ràng. Trường hợp của tôi thì mỗi khi gặp phải khủng hoảng trong cuộc sống, tôi đều sẽ lên đường đi du lịch. Hồi chưa kiếm được tiền thì tôi thực hiện những chuyến đi chỉ trong vòng một ngày, đi xe điện loại thường đến những thành phố mình chưa biết.
Chỉ cần làm thế thôi mà tâm trạng cũng đã thay đổi rất nhiều.
Nhìn lại quá khứ, bạn có thấy đâu là địa điểm cho bạn cảm giác rằng cuộc đời mình đã thay đổi hay không?
Đi đến nơi đó cũng là một cách giúp bạn lấy lại được tinh thần khỏe khoắn. Tùy theo mỗi người mà nơi cần đến có thể là vùng biển hay đồi núi, nhưng cũng có thể là sảnh chờ của một khách sạn trong đô thị.
Tôi nghĩ rằng người mà bạn cần gặp đang đợi bạn ở đó.
Chương 11
TRƯỚC MẮT, BẠN HÃY THỬ GIẢI QUYẾT "VẤN ĐỀ SỐ LƯỢNG"
▪ Bắt bản thân phải chịu “ngàn cái tát”
Đặc điểm của năng khiếu là phải được tác động đến cùng mới bắt đầu hé lộ. Nghĩa là thường bạn phải ép bản thân vào một hoàn cảnh “không lối thoát” hay quá sức nào đó thì năng khiếu mới bật ra được.
Dĩ nhiên là cũng có những thiên tài như kiểu người biết hát mà không cần tập luyện gì cả, hay kiểu người có khả năng chạy nhanh bẩm sinh. Nhưng đó là trường hợp cá biệt, còn đa số những người thành đạt trong thế giới ngày nay đều là kiểu người bộc lộ năng khiếu trong quá trình nỗ lực.
Nếu là kiểu người yêu thích sự nỗ lực thì bạn hãy tự bắt bản thân chịu “ngàn cái tát”.
Chẳng hạn, bạn thử làm nhiều việc như vẽ tranh, viết lách, thuyết trình trước đám đông, nấu ăn, lập kế hoạch tổ chức buổi tiệc,...
Sau khi đã chọn được việc để làm rồi thì bạn chỉ cần một mực tập trung tâm trí vào việc tăng số lần thực hiện. Có thể là sau 10 lần hay 20 lần bạn vẫn chưa phát hiện được năng khiếu, nhưng có khi điều đó sẽ trở nên rõ ràng ở lần thứ 30 hay lần thứ 40.
Có nhiều người không nhận ra mình yêu thích điều gì, nhưng hầu hết những người như vậy đều là kiểu “chưa ăn mà đã ghét”.
Trước khi bắt tay vào một việc gì, thật khó để bạn biết được “Đây chính là lĩnh vực mà mình có năng khiếu!”. Nhưng bằng cách thực hiện
điều đó nhiều lần bạn mới có thể phát hiện được bản thân mình phù hợp với điều đó đến mức nào.
Chẳng hạn với việc nấu ăn, bạn cũng phải làm thử cả trăm lần cho cùng một món, thì rốt cuộc mới biết là bạn có thấy vui vì việc đó hay không. Khi nhận ra rằng mình không thấy vất vả dù phải bưng nồi từ sáng đến tối, thì bạn mới bắt đầu nghĩ rằng “Có lẽ mình thích việc này chăng?”.
Luôn có trường hợp là nếu không thử làm đến một mức độ nào đó thì không thể biết được điều đó có ý nghĩa với mình như thế nào.
Vậy nên, khi bắt đầu một việc gì đó, thoạt tiên bạn không cần phải suy nghĩ nhiều, trước mắt thì chỉ cần làm thử mà thôi. Sau đó, nếu là việc mà bạn không thích thì tự nhiên bạn không thể tiếp tục được nữa.
Bạn sẽ tiếp tục nếu đó là công việc bạn yêu thích thật sự, hoặc đó là lĩnh vực mà bạn có năng khiếu.
Kiểu người phát huy năng khiếu bản thân trong cuộc sống có những lúc sẽ tập trung hoàn toàn vào công việc trước mắt, và có cảm giác đạt được thành tựu khi giải quyết được một lượng lớn công việc đó. Chẳng hạn như trường hợp từ sáng đến tối người ta cứ mải mê viết lách, nấu ăn, hay ngồi trước máy tính để sáng tạo phần mềm,... và tạo ra một kết quả rất khá.
Có thể những người xung quanh sẽ thấy rằng phải cố gắng lắm mới làm được như thế. Nhưng chính người trong cuộc thì không hề nghĩ rằng việc ấy là vất vả, vì còn phải lo giải quyết những đơn hàng trước mắt, hoặc cố gắng hết mình để hoàn thành công việc đúng thời hạn.
Cũng có trường hợp người ta làm việc hăng say cứ như bị cuốn vào giông bão, sau đó khi chợt nhận ra thì đã trải qua 5 năm rồi.
Cứ thế, sau khi đã dốc toàn lực cho công việc trong một khoảng thời gian nhất định, người ta sẽ biết được mình có năng khiếu trong lĩnh vực ấy hay không, tùy theo họ cảm thấy mình muốn làm việc này suốt đời, hay cảm thấy mình không thế kéo dài thêm nữa.
Khi có cảm giác mình muốn tiếp tục công việc này, bạn sẽ biết rõ rằng đó là lĩnh vực mà mình có năng khiếu.
Ta hãy thử để cho bản thân mình đảm nhận công việc mà mình cảm thấy “có vẻ là thú vị”.
Năng khiếu của bạn sẽ được thể hiện ra khi bạn cố gắng thử làm một công việc nào đó, chứ không phải là nhờ bạn suy nghĩ liệu mình có làm được hay không.
▪ Có những năng khiếu ta phải mất thời gian thì mới nhìn thấy được
Có nhiều người cảm thấy “Chẳng biết mình thật sự muốn làm việc gì!”.
Nhiều người trong số đó thường chưa bắt tay vào làm thử mà đã có tình cảm yêu ghét dựa trên sự phỏng đoán, hình dung của họ đối với việc nọ việc kia.
Việc gì cũng vậy, luôn có trường hợp trong quá trình thực hiện thì mình dần yêu thích công việc ấy.
Tôi nghĩ chuyện này cũng giống như tình yêu, có kiểu tình yêu sét đánh nhưng cũng có kiểu tình yêu nảy nở dần dần khi người ta thường xuyên trò chuyện và tiếp xúc.
Điều bất ngờ là tình yêu sét đánh thường không đáng tin cậy. Thoạt tiên ta cảm thấy ưa thích, nhưng khi dần dần biết thêm về người ấy thì có thể ta sẽ nhận ra mọi chuyện không hẳn vậy.
Công việc của cả một đời người càng không thể có chuyện vì cảm giác yêu thích trong chớp nhoáng mà mọi thứ luôn tiến triển thuận lợi. Khi bạn gắn bó với một công việc lâu dài thì thể nào cũng có những lúc thăng trầm không tránh khỏi.
Một số năng khiếu chỉ có thể được nhận thấy khi thử trải nghiệm ở mức độ nhất định.
Chẳng hạn, nếu bạn viết lách mãi mà vẫn không thấy chán, thì rõ ràng đó chính là năng khiếu của bạn.
Điều đó giống như khi gặp phải tiếng sét ái tình, nếu bạn thật sự thích người ấy thì có trải qua bao nhiêu ngày cũng sẽ không thấy chán. Có lẽ càng gặp nhiều, biết nhiều về người ấy thì bạn càng thích hơn.
Điều này khác với trường hợp thoạt tiên thấy thích nhưng vẫn có cảm giác gì đó không thật sự hợp nhau, càng biết nhiều về đối phương thì cảm hứng lại càng giảm sút.
Mỗi chuyện đều có ý nghĩa riêng. Chắc hẳn khi thử làm một việc nào đó trong một khoảng thời gian nhất định, bạn có thể nhận ra rằng việc ấy có thật sự là lĩnh vực mà mình có năng khiếu hay không.
▪ Khi đã thấu suốt một lĩnh vực nào đó thì có thể bước sang lĩnh vực tiếp theo
Điểm chung giữa những người xuất sắc là một khi đã thấu suốt một lĩnh vực nào đó thì trong lĩnh vực khác, họ cũng có thể phát triển được tài
năng.
Một ví dụ cho trường hợp này là người thành công trong thế giới ca nhạc và điện ảnh cũng thành công trong lĩnh vực hội họa.
Có khả năng là, một khi đã thấu suốt tận cùng một lĩnh vực thì năng khiếu trong công việc gần với lĩnh vực ấy cũng sẽ thể hiện ra.
Cũng có trường hợp thú vị là trong khi người ta chẳng đạt được thành tựu gì lúc định đi sâu tìm hiểu về lĩnh vực nào đó, nhưng rồi lại thành công trong công việc gần với lĩnh vực ấy.
Chẳng hạn, có trường hợp người ta theo đuổi nghiệp diễn viên nhưng chẳng đạt được thành tựu nào xuất sắc, mà khi viết kịch bản thì lại được công nhận.
Một khi đã cố gắng hết sức để làm một việc gì, cho dù mọi chuyện không thuận lợi thì công việc mình làm chắc chắn sẽ giúp mình kết nối với một điều nào đó.
Và chỉ trong khi sử dụng một khả năng nào đó để làm việc hết mình, người ta sẽ nhận ra “Mình không thuộc về lĩnh vực này” hoặc “Mình thuộc về lĩnh vực này đây!”.
Chính vì vậy mà điều quan trọng đầu tiên là phải tập trung vào một điều gì đó trước mắt. Tôi nghĩ rằng có nhiều người không bước vào thử thách vì cho rằng nếu làm đến cùng mà thất bại thì sẽ rất thảm hại. Tuy nhiên, người ta sẽ có cảm giác muốn thử làm nếu nhận thấy rằng cho dù mọi chuyện không thuận lợi thì mình cũng tìm thấy một điều gì đó.
Chương 12
TIẾN BỘ NHỜ ĐƯỢC GIÚP ĐỠ
▪ Nhiều người không thích phải nhờ vả người khác
Có lẽ nhiều người chỉ cần nghe đến chuyện phải nhờ vả người khác là đã thấy khó chịu.
Sở dĩ như vậy là bởi vì có nhiều người Nhật rất thích giúp đỡ người khác nhưng lại rất ngại nhờ người khác giúp đỡ. Đặc biệt là những người hay giúp đỡ người khác. Mặc dù bản thân thích giúp đỡ ai đó nhưng họ lại cảm thấy khó chịu khi phải nhờ người khác việc gì.
Chẳng hạn, một người sẵn sàng lái xe suốt một tiếng đồng hồ để mang món súp nóng đến cho một người bạn bị cảm, nhưng khi bản thân mình bị cảm thì chẳng nói với ai, chỉ thu mình một chỗ như gấu ngủ đông trong ba ngày.
Thực ra, cần phải có sự dũng cảm để kêu gọi người khác giúp đỡ khi bản thân gặp hoàn cảnh khó khăn.
Vì người ta thường nghĩ rằng nhờ vả là tạo ra gánh nặng cho người khác.
Nhưng ngược lại, bạn hãy đặt mình vào vị trí của người khác mà suy nghĩ thử xem. Lẽ nào bạn không cảm thấy vui khi mình được nhờ cậy, nếu có bạn bè lên tiếng nhờ giúp đỡ?
Có thể bạn cảm thấy khó chịu nếu là mối quan hệ phụ thuộc, khi một bên luôn phải nhờ vả bên còn lại. Nhưng nếu có bạn bè thân thiết cậy nhờ thì hẳn bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và giúp đỡ họ rất tự nhiên.
Bản thân mình lên tiếng nhờ giúp đỡ cũng là tạo một cơ hội rất lớn để làm cho tình bạn trở nên sâu sắc.
Chẳng hạn khi chuyển nhà, có những người cho rằng nên sử dụng dịch vụ trọn gói cho tiện lợi. Nhưng cũng rất vui nếu làm theo cách của người xưa, nhờ người khác phụ giúp khi mình chuyển nhà, rồi khi có bạn bè chuyển nhà thì mình lại giúp đỡ. Tình bạn sẽ càng thêm sâu sắc khi mọi người giúp đỡ nhau trong những việc hàng ngày như thế.
Tình bạn là chuyện có đi có lại với nhau chứ không phải là mối quan hệ khô khan không hề có điều gì tương trợ lẫn nhau.
▪ Giúp đỡ và nhờ cậy
Bạn là người giúp đỡ hay nhờ cậy người khác nhiều hơn?
Theo tôi, dường như ai càng là người có hoạt động xã hội sôi nổi thì người đó càng giúp đỡ người khác nhiều hơn.
Người hạnh phúc là người hay giúp đỡ người khác và cũng được nhiều người giúp đỡ.
Bởi lẽ mối quan hệ giữa người và người thường chính là sự kết hợp giữa việc giúp đỡ và nhờ cậy người khác.
Vậy nên, nếu bạn là kiểu người hay giúp đỡ người khác thì cũng nên cố gắng làm quen với việc nhờ người khác giúp đỡ mình.
Như chính tôi cũng cần sự hỗ trợ của nhiều tình nguyện viên ở trung tâm nghiên cứu tại Yatsugatake(1) mà mình đang điều hành.
(1) Một địa danh thuộc tỉnh Nagano, miền trung Nhật Bản.
"""