🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bí Mật Vụ Trân Châu Cảng
Ebooks
Nhóm Zalo
BÍ MẬT VỤ TRÂN CHÂU CẢNG
(NHỮNG VỤ ÁN NỔI TIẾNG THẾ GIỚI)
Nhiều tác giả - Nhiều người dịch
NXB Công an Nhân dân 2004
Khổ 13 x 19. Số trang : 319
Thực hiện ebook : hoi_ls (TVE)
LỜI GIỚI THIỆU
DÀN NHẠC ĐỎ HAY LÀ HAI MẶT CỦA CHIẾC HUÂN CHƯƠNG VÀNG KHÁM PHÁ BÍ MẬT BOM BAY V1 VÀ V2
NƯỚC MẮT KẺ TỬ TÙ
CUỘC SĂN LÙNG CHIẾN HẠM KHỔNG LỒ TIRPITZ CỦA ĐỨC QUỐC XÃ NGƯỜI NHÁI - THUỶ LÔI Ý TRONG QUÂN CẢNG ALẾCDĂNGĐƠRI TẠI SAO HÍT LE KHÔNG SANG LUÂN ĐÔN ?
SỐ PHẬN NGƯỜI HÙNG MANG SỐ HIỆU A.54
BÍ ẨN VỀ PHÁO ĐÀI CUỐI CÙNG CỦA GƠ-BEN
VỤ ÁM SÁT HÂY-RÍCH VÀ TRANG SỬ ĐẪM MÁU LI-ĐI-XƠ ĐIỆP VIÊN VÀ TÌNH YÊU
NGƯỜI BẠN GÁI CỦA KLAUS FUCHS VÀ VỤ TIẾT LỘ BÍ MẬT BOM NGUYÊN TỬ
BÍ MẬT VỤ TRÂN CHÂU CẢNG
TIÊU DIỆT CƠ SỞ NGUYÊN TỬ BÍ MẬT
BẢN MẬT MÃ GỬI GIÁM ĐỐC FBI TỪ MÁT-XCƠ-VA
CUỘC ĐẤU TRÍ QUYẾT LIỆT GIỮA KẺ ĐI SĂN, NGƯỜI ĐI SĂN KẺ PHẢN BỘI TỆ HẠI NHẤT CỦA TÌNH BÁO QUÂN SỰ XÔ-VIẾT VỀ SỰ KIỆN “MÙA XUÂN 1968” Ở TIỆP KHẮC CŨ AI ĐÃ ĐƯA VỢ CHỒNG RÔ-DEN-BÉC LÊN GHẾ ĐIỆN ? DIOMID ĐIỆP VIÊN HUYỀN THOẠI
CƠ QUAN RẤT BÍ MẬT CỦA RISƠLIƠ
VỤ DREYFUS VÀ PHÒNG NHÌ
NHỮNG CON HỔ GIẤY
NỮ ĐIỆP VIÊN TRONG THẾ CHIẾN THỨ NHẤT
LỜI GIỚI THIỆU
Cho đến nay đã có nhiều sách, báo, phim ảnh viết về những vụ án, những hoạt động gián điệp nổi tiếng trong thế chiến thứ hai. Đằng sau cuộc “đại chiến” đẫm máu và tàn bạo nhất trong lịch sử thì trong hậu trường của các nước tham chiến cũng diễn ra một cuộc chiến tranh có một không hai.
Đáng chú ý là đại bộ phận những sách trên đều thuộc loại tiểu thuyết, truyện, rất hấp dẫn vì đầy tưởng tượng và hư cấu. Nhiều bạn đọc ngày nay rất thú vị về những truyện vụ án ly kỳ, có tính chất “sáng tạo” nhưng cũng có bạn muốn được biết các sự thật lịch sử.
Ở châu Âu đã hình thành một loại sách truyện vụ án tư liệu mới. Loại sách này được bạn đọc châu Âu ham thích chính vì các sự kiện, tình huống thật hấp dẫn, minh hoạ bằng những lời kể của nhiều nhân chứng lịch sử.
Các tác giả, đã để nhiều năm đi sưu tầm các tư liệu lịch sử về những vụ án lớn, những hoạt động tình báo được lưu giữ trong hai mươi lăm Cục lưu trữ và Phòng lưu trữ của nhiều nước, đã gặp gỡ, trò chuyện với một trăm hai mươi nhân chứng, có khi hai địch thủ ngày trước, nay gặp lại và trò chuyện với nhau ngay trên địa bàn hoạt động của họ thời chiến tranh. Để phát hiện sự thật, các tác giả đã đi một quãng đường dài, tổng cộng là hàng trăm nghìn ki-lô-mét.
Những truyện tư liệu lịch sử trong tập sách này đã được nhiều nước quay thành phim và đã được giải nhất trong Liên hoan phim vô tuyên truyền hình thế giới lần thứ IX tại Mông-tơ Các-lô.
Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một loại sách viết về thế chiến thứ hai kiểu hiện đại như vậy. Mong rằng loại hình mới về sách tư liệu này sẽ đáp ứng được yêu cầu chính đáng của các bạn : biết rõ sự thật trong nguyên bản lịch sử của nó.
Trong điều kiện eo hẹp về nhiều mặt, chúng tôi chỉ có thể chọn giới thiệu ở đây một số vụ việc tiêu biểu trên các chiến trường châu Âu, châu Á, châu Phi và chủ yếu là châu Âu.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc .
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN
DÀN NHẠC ĐỎ HAY LÀ HAI MẶT CỦA CHIẾC HUÂN CHƯƠNG VÀNG
Năm 1942, Mát-xcơ-va là nơi tập trung nhiều mạng lưới tình bác có chân rết ở hầu hết các nước châu Âu, kể cả ở Bộ Tổng tư lệnh tối cao của Hít-le. Trong hậu trường của cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu, có sự phối hợp hoạt động của tất cả các điệp viên các nước nhằm chặn đứng các tham vọng điên cuồng của phát xít. Nói đến các mạng lưới ấy không thể không nói đến “Dàn nhạc đỏ” và những hoạt động xuất quỷ nhập thần của điệp viên Ba Lan Tơ- rep-pe.
Mùa xuân 1926, cảnh sát Ba Lan bắt giam anh thợ trẻ hai mươi hai tuổi Lê-ô-pôn Tơ rep-pe, vì tội kích động thợ thuyền đình công. Sau mấy tháng ngồi tù, được phóng thích, anh đến Vác-sa-va.
Tơ-rep-pe đã học lịch sử và văn học ở Trường Đại học Cơ-ra-cô-vi nhưng trong hoàn cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế lúc bấy giờ, ở Vác-sa-va anh chẳng kiếm được việc làm và chỗ ở ổn định. Anh quyết định sang Pa-le-xtin. Ở đây anh làm công nhân nông nghiệp rồi đi học nghề thợ điện. Anh gia nhập Đảng Cộng sản vì nguyên nhân đó anh bị Chính quyền Anh bắt vì tội hoạt động chính trị. Sau khi được trả lại tự do, vào đầu những năm 30, anh bí mật sang Pháp.
Chính ở Pa-ri, anh đã liên lạc được với các cơ quan mật vụ Liên Xô và gia nhập một mạng lưới tình báo Xô Viết. Mạng lưới này đặt dưới sự chỉ đạo của một người chỉ huy tài năng, hoạt động có hiệu quả hơn ba năm, chỉ thất bại khi bị một tên phản bội tố giác.
Tơ-rep-pe đã chạy sang được Liên Xô kịp thời. Đến Mát-xcơ-va, người ta đưa anh vào Học viện quân sự và học nghề tình báo. Năm 1935, anh trở lại Pháp. Trong ba năm, anh làm nhiệm vụ con thoi giữa Liên Xô và các nước phương Tây.
Mùa thu 1938, anh đến cư trú ở Bơ-rúc-xen (thủ đô Bỉ) với quốc tịch Ca-na-đa. Từ đó anh bắt đầu thành lập mạng lưới tình báo. Dưới cái vỏ hoàn toàn hợp pháp, anh xác lập các quan hệ buôn bán với nhà doanh nghiệp Lê-ô mà anh từng quen biết ở Pa-le-xtin. Tơ rep-pe cùng với Lê- ô tổ chức một hãng Liên doanh. Hãng này chẳng mấy chốc đã có các chi nhánh ở Bỉ, Pháp, Hà Lan và Bắc Âu. Mùa hè năm 1939, Xta-lin ký một hiệp định với Hít-le và mạng lưới của Tơ-rep-pe vừa mới được thành lập được lệnh hướng các hoạt động về phía nước Anh.
Thế chiến thứ hai bùng nổ. Khi các đoàn quân Đức kéo vào Bỉ tháng 5 năm 1940 , cùng đi với các đoàn xe bọc thép của Đức, ngoài vài nhà ngoại giao Bun-ga-ri còn có cả hai nhà doanh nghiệp quan trọng của Bỉ: Tơ-rep-pe và Lê-ô. Họ có cơ hội để tập trung các tài liệu cần thiết cho một bản báo cáo chi tiết chiến lược và chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng. Trước khi các nhà quân sự Đức có thể tổng kết để gửi cho Tổng tư lệnh tối cao thì Mát-xcơ-va đã biết rõ vấn đề này trong từng chi tiết.
Cùng lúc đó, người ta gửi đến cho Tơ-rep-pe hai sĩ quan Xô Viết để giúp việc: Ma-ka rôp cháu của Bộ trưởng Ngoại giao Mô-lô-tôp với quốc tịch U-ru-goay và đại uý Xu-ku lôp, sau này lấy bí danh là Kent, đóng vai sinh viên U-ru-guay. Năm 1937 cả hai đều được chuyển sang Tây- ban-nha để chiến đấu chống Fran-co. Ở Bỉ, Kent thuê mấy gian phòng
làm chỗ làm việc và thành lập một công ty xuất nhập khẩu gọi là Si-mex-co.
Tháng 8 năm 1940, Tơ-rep-pe đã đổi tên là Gin-be, chuyển một bộ phận mạng lưới tình báo của anh sang Pa-ri và để lại cho Kent và Si-mex-co mạng lưới ở Bỉ. Trong thời gian ấy, Tơ-rep-pe được chỉ định là người lãnh đạo mạng lưới tình báo Xô Viết trên toàn lãnh thổ Tây Âu và được phong một quân hàm tương đương với cấp tướng của Hồng quân.
Sau khi các tài sản bị chính quyền chiếm đóng tịch thu, Lê-ô cũng chạy sang Pa-ri. Chỉ trong vòng vài tháng, nhà doanh nghiệp này đã tổ chức lại toàn bộ mạng lưới mới này và cung cấp được tài chính cho nó.
Một nhân vật thứ ba xuất hiện: Hi-lê-kat. Y cũng gốc Ba Lan và cũng như Lê-ô, là bạn thân của Tơ-rep-pe từ thời ở Pa-le-xtin.
Các nhân viên gọi Tơ-rep-pe là vị chỉ huy lớn. Từ tháng 5 năm 1941, từ Pa-ri anh đã có thể báo cho Mát-xcơ- va biết một thành công lớn của anh: anh đã thu thập được tất cả các tin tức có liên quan đến việc Đức xâm lăng Liên Xô. Những tài liệu ấy là chắc chắn.
Thường thì Xta-lin khi nào cũng tỏ ra tin ở công việc của Tơ-rep-pe, nhưng lần này ông ta lại nghi ngờ anh có thể là nạn nhân của sự khiêu khích mà chính phủ Anh đang thực hiện. Cuộc xâm lược của Hít-le bắt đầu ngày 22 tháng 6 năm 1941 mới khẳng định giá trị chính xác của các thông tin của Tơ-rep-pe. Từ đó mạng lưới tình báo bắt đầu làm việc sôi nổi. Càng ngày Pa-ri càng trở thành nơi tập trung các tin tức từ mọi vùng của châu Âu gửi đến.
Và cũng từ Pa-ri phát đi các luồng tin của Tơ-rep- pe. Mạng lưới hoạt động của Tơ rep-pe rất được Xta-lin tin tưởng.
Mùa thu đã đến bên bờ sông Xen. Ngày 16 tháng 10 năm 1941, trong khi Chính phủ Xô Viết và Đoàn ngoại giao phải rời thủ đô đến Quy-bi-xép cách ba trăm kilômét về phía Đông trước sự đe doạ tấn công vào Mát-xcơ-va của quân Đức. Cũng chính thời gian đó, Toà án Thương mại quận sông Xen cũng ghi vào sổ thương mại Pa-ri tên công ty xuất nhập khẩu Simex dưới ký hiệu 285031S.
Công ty đặt trụ sở trên lầu một ngôi nhà số bảy tám đường Chams E-ly-dê, một đường phố có tiếng ở Pa-ri. Đồng thời có tất cả người phòng thuê tại nhiều quận khác nhau ở Pa ri, vừa làm trụ sở phụ vừa là nơi ẩn giấu, điều bí mật đó chỉ có ban lãnh đạo Si-mếch biết.
Với công ty Si-mex-co, thủ đô Bơ-rúc-xen là địa điểm chuyển tiếp của tất cả các thông tin. Tại Béc-lanh cũng có các đài phát của mạng lưới Xô Viết khác, do vậy Mát-xcơ-va ra lệnh: Từ Béc-lanh sang Bơ-rúc-xen phải dùng nhân viên liên lạc và từ Bơ-rúc-xen sẽ phát về trung tâm để chuyển đến Mát-xcơ-va.
Các máy bay trinh sát của Đức rà thấp gần sát các mái nhà, cả các máy bay Jung-ke 52 ba động cơ cùng mang theo các máy phát hiện điện đài, nhiều đội khám xét đi lục soát khắp thành phố châu Âu… tất cả đều được động viên để dò tìm các đài phát bí mật đang mọc lên như nấm khắp mọi nơi. Các đài này luôn luôn thay đổi tần số, ký hiệu, mật mã. Ngay ở Béc-lanh cũng có ba đài phát: một đài chỉ cách xa đài của Trung tâm phản gián Đức ba cây số. Khi người ta tìm cách phát hiện thì cả ba đài tự nhiên đều câm bặt. Chỉ có một đài phát đều đặn nhất là đài phát bí mật của Tây Âu mang ký hiệu PTX, bị phát hiện ngày 26 tháng 6 năm 1941. Cơ quan trung tâm kiểm soát vô tuyến điện của Đức, người
Đức cuối cùng đã xác định một địa bàn hình tam giác, mỗi cạnh khoản năm mươi kilômét, trong đó nhất định có đài PTX, phía gần bờ biển Bỉ.
Bộ tư lệnh Đức ra lệnh cho đại uý dự bị Pi-e-pe. Pi- e-pe cải trang thành một nhà buôn Hà Lan mang tên Pi-e- pe, đến Bơ-rúc-xen và - thật là số phận trớ trêu - ở cùng nhà và cùng lầu với công ty Si-mex-co: nhà số một trăm chín hai phố Roay-a-lơ. Chỉ có một cửa kính ngăn cách hai công ty. Thỉnh thoảng, hai người thuê nhà lại gặp nhau ở hành lang, chào nhau một cách thân thiện.
Cuối tháng 11 năm 1941, một bộ phận kiểm soát vô tuyến điện mang theo những máy phát hiện các đài sóng ngắn rất hiện đại, đến giúp việc cho Pi-e-pe. Các loại xe trinh sát được nguỵ trang như những xe bình thường, đi lại khắp các ngả đường Bơ-rúc-xen. Cuối cùng khu phố của đài bị phát hiện chính là nơi có đài phát bí mật.
Lập tức cơ quan tình báo Đức cho xe trinh sát đi lại quanh khu vực để rà soát. Các vòng tròn cứ bị thu hẹp dần, cho đến mười bốn ngày sau thì chúng khẳng định được ngôi nhà trong đó có đài PTX.
Các chuyên gia phát hiện đài bí mật, ăn mặc thường phục, đi đi lại lại trước ngôi nhà, trong đó có Pi-e-pe !
Trong lúc đó, viên phát tin của đài chủ quan đến mức không đặt người canh gác nữa. Thật ra nếu có nhiều canh gác thì cũng không thể phát hiện ra kẻ địch dưới các bộ thường phục, mang theo những máy móc phát hiện cực kỳ hiện đại, không ai có thể biết được những máy nhỏ giấu trong áo khoác, thậm chí trong thắt lưng, trong mũ, trong tai. Càng lại gần máy phát thì tiếng kêu càng to lên. Khi chúng đến trước ngôi nhà số một trăm linh một thì tiếng kêu trong máy phát hiện, đạt mức tối đa. Vậy thì chính ngôi nhà này là nơi hoạt động của đài phát bí mật.
Đêm 12 rạng 13 tháng 12 năm 1941, Pi-e-pe cùng với mười người cảnh sát mật của quân đội bao vây ngôi nhà.
Đại uý dự bị Pi-e-pe kể lại:
“Để dễ dàng bắt gọn đài phát và không làm người ngoài chú ý, một đại đội đã mai phục sẵn ở đầu phố: lúc cần thiết sẽ can thiệp… Chúng tôi bắt đầu hành động lúc ba rưỡi sáng. Cả ba ngôi nhà đều bị lục soát. Chúng tôi phát hiện được đài phát ở ngôi nhà giữa, cùng lúc ấy một bóng người vượt qua tường vườn nhà bên cạnh và biến mất. Nhưng sau đó một lúc thì y bị bắt và giao lại cho chúng tôi.
Ở tầng một có một người đàn bà nhưng bà ta hoàn toàn không chịu nói gì hết. Bà ngồi trên chiếc giường ngủ. Đài phát đặt ở tầng hai, sờ vào vẫn còn nóng. Bên cạnh có rất nhiều bản điện tín mà hầu hết đều bằng tiếng Đức và có liên quan đến các cuộc hành quân của chúng tôi.
Ở tầng ba có một người đàn bà nữa mà chúng tôi phát hiện ra ngay là người Đức di tản. Bà ấy vừa khóc vừa thổ lộ với chúng tôi là bà bị bắt buộc phải tham gia các hoạt động này. Bà ấy cho chúng tôi biết mọi việc trong ngôi nhà và bảo chúng tôi phải cẩn thận với người ở tầng một.
Chúng tôi bắt người đàn bà ở tầng một, bà ta thú nhận là người ở Pa-ri. Sau đó bà ta lại im bặt, không nói gì hết. Lục soát trong phòng, chúng tôi tìm ra một cánh cửa giấu kín.
Mở cửa ra, chúng tôi thấy đủ các giấy tờ, ảnh và những cái mà người lính Đức cần phải có ở Pháp. Chúng tôi cũng phát hiện những gói bột màu và gửi ngay về Cô- lô-nhơ đề phân tích. Kết quả làm cho chúng tôi ngạc nhiên. Đó là những gói bột đặc biệt có thể gây ra bệnh lỵ và thương hàn, điều đã từng xảy ra ở Pa-ri. Chúng tôi cũng tìm thấy những con chuột sẵn sàng mang theo những loại bệnh này và một loại mực viết ra đến các nhà hoá học cũng không phát hiện được”.
Nhân viên điều khiển điện đài bị bắt mang quốc tịch U-ru-goay và có một hộ chiếu mang tên Các-lốt A-la- mô. Thật ra anh ta là đại uý Hồng quân và là cháu của Mô- lô-tôp tên là Ma-ca-rôp.
Đại uý Pi-e-pe kể tiếp:
“Sau khi thẩm vấn chớp nhoáng tại chỗ xong, khoảng sáu giờ sáng chúng tôi ra đi, để lại ba người với nhiệm vụ giữ lại tất cả những người vào ngôi nhà ấy, cho đến khi chúng tôi trở lại.
Khoảng chín giờ sáng, một người mang một cái giỏ đi đến, y muốn nói chuyện với bà chủ nhà. Y bán những con thỏ nhỏ, bà chủ nhà thường dặn y mang đến. Với tấm thẻ căn cước công dân Bỉ, khó ai có thể nghi ngờ con người ấy. Nhưng sau đó, chúng tôi phát hiện ra chính y là người lãnh đạo cao nhất, y muốn đến tận nơi để xem sự việc như thế nào.
Cuộc điều tra tiếp tục sau đó chứng tỏ rằng nhân vật lãnh đạo cao nhất ấy đã báo động cho tất cả mạng lưới nên tất cả đều im lặng”.
Sáng ngày 13 tháng 12 năm 1941, Pi-e-pe báo cáo cho các cấp lãnh đạo Đức ở Bơ-rúc xen biết kết quả. Một bản báo cáo được gửi đi Béc-lanh. Người Đức thường gọi các nhóm điện đài bí mật của địch là dàn nhạc. Khi mọi người bàn đặt tên gọi cho dàn nhạc này thì Pi-e-pe đề nghị: Dàn nhạc đỏ.
Việc tiếp tục điều tra phát hiện “Dàn nhạc đợ” được ưu tiên hàng đầu, đối với Ge-sta pô cũng như với cơ quan tình báo. Mọi hành động phải tuyệt đối bí mật. Đích thân Hít-le chỉ thị: “phải nhổ bằng được cái ung nhọt ấy đi”.
Trong lò sưởi phòng ở của Ma-ka-rôp, người của Pi-e-pe tìm thấy một mẩu giấy đã đốt thành than nhưng vẫn nhìn thấy một vài chữ số. Mẩu giấy này sẽ hết sức tai hại cho nhóm.
Sau sáu tuần làm việc, cơ quan giải mã Đức tìm được một chữ: Proctor. Người ta đoán rằng đây là tên một nhân vật tiểu thuyết và cuốn tiểu thuyết ấy chính là bộ khoá của mật mã.
Sau nhiều tuần tìm kiếm, cuối cùng người Đức tìm ra ở một cửa hàng sách cũ cuốn sách mà họ cần: cuốn Điều kỳ diệu của giáo sư Ôn-ma của Guy Đơ Tê-ra-mông, do báo Thế giới minh hoạ xuất bản năm 1910.
Cuốn sách đã giúp cho các nhà giải mã Đức đọc được gần một phần ba các bản tin của PTX. Trong đó có một bản gởi cho Kent như sau:
“Gửi Kent. Thủ trưởng. Riêng. Đến ngay ba địa chỉ sau đây: New-Westend, Altenburger số chín tầng ba phía phải, Choro-Charlottenburg số hai mươi sáu, tầng hai phía trái, Wolf Friednan số mười tám, tầng bốn phía trái, Bauer”.
Bọn Ge-sta-pô đã dễ dàng tìm ra Choro là Ha-rô Sun-dơ Bôi-xen, người được Thống
chế Gơ-rinh che chở. Y làm việc ở Bộ Không quân với tư cách là sĩ quan phản gián. Bôi xen là trưởng nhóm Choro. Wolf là bác sĩ A-đam Ku-khôp, nhà văn và nhà đạo diễn Bauer là bí danh của Ác-vit Hác-nác cố vấn cao cấp của Chính phủ ở Bộ Kinh tế Đức.
Bôi-xen là trái tim và khối óc của mạng lưới Béc- lanh. Kiên quyết coi thường cái chết, dốc tất cả sức lực vào một việc: làm sụp đổ chế độ phát xít. Bác sĩ Ác-vit Hác- nác có nhiệm vụ thâu lượm tất cả tin tức cho sứ quán Liên Xô ở Béc-lanh, từ 1935. Một nhân viên của sứ quán Liên Xô đã khuyến khích ông ta hợp tác với Bôi-xen. Từ giữa tháng 6 năm 1941, nhóm Bôi-xen Hác-nác tối nào cũng đánh tin sang Mát-xcơ-va. Những bản tin ấy cung cấp các chi tiết chiến lược và kỹ thuật qua ba đài phát do sứ quán Liên Xô cung cấp. Đã có đến hơn năm trăm bản tin được đánh đi. Không kể những bản miêu tả các loại máy bay chiến đấu mới, máy bay trinh sát, tên lửa chống máy bay và các thứ vũ khí bí mật khác.
Ngày 30 tháng 8 năm 1942, trong giờ ăn sáng. Bôi- xen đã bị Ge-sta-pô bắt ngay tại bàn giấy của ông ở Bộ Không quân; tiếp theo các tuần lễ sau, cho đến giữa tháng 10, có một trăm mười bảy người bị bắt và bị nhốt vào hầm của Ge-sta-pô.
Không được chuẩn bị trước để đối phó với các cuộc thẩm vấn của Ge-sta-pô, các cuộc thẩm vấn này lại được thực hiện rất tinh vi, khéo léo, nhiều tù nhân đã đầu hàng và tiết lộ tên các bạn chiến đấu. Rất ít người không khai báo.
Theo lệnh của Hít-le, Him-le tổng chỉ .huy Ge-sta- pô đã phải giao chức chủ tịch toà án cho Gơ-rinh để “thanh toán một lần cho hết cái ung nhọt ấy, trước Nô-en 1942”.
Ngày 22 tháng 12 năm 1942 , những bản án đầu tiên được thi hành tại nhà tù: tám người đàn ông bị treo cổ, ba người đàn bà bị chém đầu.
Thời kỳ này ở Pa-ri, Tơ-rep-pe cũng đang hoạt động mạnh với công ty Si-mex. Trụ sở công ty đặt rất gần Trung ương Todt (một tổ chức hậu cần của quân Đức). Sau vài tuần thành lập, Si-mex đã là một trong những công ty cung cấp cho Todt, mà theo lệnh của Hít le, phải chuẩn bị để xây dựng bức tường Đại Tây Dương. Ngoài vũ khí ra, tất cả những gì cần thiết để xây dựng bức tường đều do Si- mex - Pa-ri và Si-mex-co - Bơ-rúc-xen cung cấp với giá phải chăng: xi măng, bê tông, gỗ, các nguyên liệu để làm nên sân bay, các đồ trang bị của công binh… cho đến xe cam-nhông và các loại xe con.
Bức tường Đại Tây Dương dự kiến xây dựng lớn nhất trong thế chiến thứ hai. Nhờ cách làm ăn có hiệu quả và đứng đắn, hai công ty đã tranh thủ được lòng tin tuyệt đối của chính quyền chiếm đóng. Số tiền hoạt động lên đến nhiều triệu fờ-răng. Sự phát triển của hai công ty mạnh đến mức phong trào kháng chiến Pháp ra lệnh cho các thành viên phải theo dõi chặt chẽ các hoạt động của họ để sau này, khi chiến tranh kết thúc, sẽ tính sổ với họ.
Lúc bấy giờ phong trào kháng chiến không thể ngờ rằng tiền lời, khoảng năm mươi phần trăm là dùng để chi tiêu cho mạng lưới tình báo và nuôi sống những người lãnh đạo.
Một phần tiền lãi được dùng để hối lộ cho bọn quan chức và sĩ quan Đức để được thầu những món hời khác. Cuối cùng không có một dự kiến xây dựng lớn nào ở Tây Âu cũng như không có một sự chuyển quân nào thoát khỏi tai mắt của mạng lưới.
Kent ở cùng người tình trong một toà lâu đài hai bảy căn phòng; y hãnh diện có năm mươi bộ com-le và một ngôi nhà nghỉ ở nông thôn. Tơ-rep-pe thì mua một lâu đài ở miền
Nam nước Pháp làm chỗ cho các nhân viên nghỉ ngơi. Anh lại mua được một trang trại có khả năng tiếp tế lương thực cho anh em.
Ở khách sạn Ma-jes-tic, tổng hành dinh Pa-ri của bộ chỉ huy tối cao Đức, hàng ngày có một cô thư ký chuyên cung cấp cho Tơ-rep-pe các bản sao báo cáo mật về tình hình phương Tây. Sau đó cô ta đến công tác ở bộ phận hậu cần và cuối cùng lại trở thành thư ký riêng của đại sứ Đức ở Pa-ri.
Nói chung, ở Pa-ri, không có một cơ quan lớn nào của Đức mà Tơ-rep-pe không cài được người vào.
Tất cả mọi thông tin đều được chuyển về trung tâm Mát -xcơ-va rất đều đặn và với quy mô như một hãng báo chí quốc tế Tơ-rep-pe, vị chỉ huy lớn và tướng của Hồng quân, đã làm được điều mà không một cơ quan tình báo nào của Đồng Minh làm được: phá hoại các cơ sở của tổ chức và lãnh đạo của phát xít Đức.
Tháng 12 năm 1941, ít lâu sau khi phát hiện ra đài phát đầu tiên ở Bơ-rúc-xen, quân Đức đã tiến hành cuộc săn lùng lớn nhất trong thế chiến để tiêu diệt mạng lưới của “Dàn nhạc đỏ”.
Nhưng vị chỉ huy lớn đã chuẩn bị sẵn sàng. Kent - lúc bấy giờ được gọi là vị chỉ huy nhỏ - đã chuyển đến Mác-xây. Ở đây, anh đã tổ chức ngay một mạng lưới tạm thời.
Đội đặc nhiệm Đức chống “Dàn nhạc đỏ” biết rằng mạng lưới đã đình chỉ hoạt động ở Bỉ và tiếp tục tăng cường hoạt động ở Pa-ri. Đầu 1942 đội đặc nhiệm cũng chuyển sang Pa-ri. Các chuyên gia phát hiện điện đài mở chiến dịch hoạt động dọc hai bên bờ sông Xen, bởi vì trong cái biển nhà của Pa-ri, rõ ràng là có một đài phát bí mật đang hoạt động.
Ngày 10 tháng 6 năm 1942 , người ta xác định được khu vực có đài phát bí mật: Ở Man-me-dông, ngoại ô Pa-ri. Hai ngôi nhà bị tình nghi. Bọn Đức đến bắt cặp vợ chồng Héc và Xô-kôn, công dân Ba Lan. Cả hai vợ chồng dũng cảm chịu đựng tra tấn. Nhưng khi kẻ địch doạ sẽ bắn chết chồng trước mặt vợ thì bà ta đã khai hết các chi tiết về các bản tin phát đi, cung khai danh sách các bạn chiến đấu, bí danh của vị chỉ huy lớn.
Các cuộc thẩm vấn cặp vợ chồng Xô-kôn sắp kết thúc thì bỗng nhiên một đài phát bí mật lại bắt đầu hoạt động ở Bơ-rúc-xen”.
Đại uý Pi-e-pe kể lại:
“Đài này di chuyển chỗ luôn và người ta trở nên rất khôn ngoan. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện được là nó phải ở khu Sa-béc, trong một ngôi nhà ít nhất là bốn tầng. Lần này ngôi nhà lại bị bao vây. Trên gác xép còn có ánh sáng. Chúng tôi phá cửa vào: phòng trống không. Nhưng cánh cửa sổ thì mở toang. Nhìn qua cửa sổ, chúng tôi thấy một người đang bò qua các mái nhà, cả ống khói. Để làm cho chúng tôi sợ, anh ta bắn một phát súng. Anh ta cũng bắn xuống bọn lính đang chờ ở phía dưới. Khi hết đạn, anh ta biến mất trong một căn gác xép bằng cách phá cửa sổ và sau đó thì có tiếng một người đàn bà thét lên.
Chúng lôi lục soát mấy ngôi nhà và tìm thấy anh trong một căn hầm, nằm trong một chiếc bồn tắm úp sấp. Anh bị bắt giữ. Các tài liệu bên cạnh đài phát, hầu hết đều bằng tiếng Đức.
Chúng tôi bắt anh về thẩm vấn. Tôi đề nghị anh ta cứ nói tiếng Đức chứ tội gì mà nói
tiếng Pháp một cách khó nhọc như vậy. Anh bằng lòng và nói thật tên: Giô-han Ven-den, đã từng nhiều năm hoạt động cho Đảng Cộng sản Đức ở vùng Rê-na-ni. Đối với Béc-lanh, tin bắt được Ven-den là một tin cực kỳ quan trọng. Chúng tôi nói cho anh ta biết, anh là người kế tục công việc một người Nga đã bị bắt. Anh tỏ ra rất sợ rơi vào tay Ge-sta-pô. Về điểm này chúng tôi làm cho anh yên tâm nên anh bắt đầu nói. Đương nhiên là anh ta không nói tất cả nhưng qua một số chi tiết, chúng tôi biết rằng từ lâu anh đã cung cấp cho Mát-xcơ-va nhiều tin bí mật về quân sự của Đức”.
Ven-den, người chịu trách nhiệm về điện đài ở Tây Âu của “Dàn nhạc đỏ” chuyển sang phe đối địch. Từ đó anh lại tiếp tục phát điện báo nhưng theo lệnh của Ge-sta- pô với hai đài bắt được của mạng lưới Béc-lanh. Anh không dừng lại ở đấy: khi bị chuyển qua Ge-sta-pô, anh đã tiết lộ chỗ ẩn nấp của Ê-fơ-rê-môp, sĩ quan Hồng quân, lúc bấy giờ là người lãnh đạo “Dàn nhạc đỏ” ở Bỉ.
Mùa hè năm 1942, Pi-e-pe trở lại Pa-ri cùng với đội Ge-sta-pô để săn lùng vị chỉ huy lớn. Bây giờ chẳng những người ta có ảnh của anh bắt được ở Bơ-rúc-xen mà còn biết cả bí danh và theo Ven-den cho biết thì hiện anh đang ở Pa-ri.
Lúc đó bọn Đức mới biết rõ các hoạt động thực sự của hai công ty Si-mex và Si-mex co.
Từ một vài tháng nay, trụ sở của Si-mex ở Pa-ri dời đến những ngôi nhà khang trang hơn. Nhưng Tơ-rep-pe và các cộng sự gần gũi của anh ở đâu thì các nhân viên không ai biết cả.
Pi-e-pe định “nhử” vị chỉ huy lớn bằng một vụ buôn kim cương rất béo bở nhưng Tơ rep-pe cảnh giác không để bị sa bẫy. Tơ-rep-pe vẫn ẩn nấp một chỗ nào đó tại thủ đô.
Thấy rõ tình hình bi đát, vị chỉ huy lớn cho mạng lưới Pa-ri tạm ngừng hoạt động và chuyển về miền Nam nước Pháp. Trong một bản phát tin cuối cùng từ Pa-ri, anh báo trước cho Mát-xcơ-va phải cảnh giác, có thể Ge-sta- sẽ phát đi với danh nghĩa của anh. Trong lúc đó, Tơ-rep-pe bị bệnh nặng. Một vị thầy thuốc quen biết sẽ cấp giấy mai táng, người ta sẽ chôn một xác chết nào đó và trên danh nghĩa công khai, như thế là vị chỉ huy lớn đã từ giã cõi đời này.
Nhưng trước khi ẩn mình về tỉnh lẻ, anh muốn nhanh chóng chữa bệnh đau răng”. Đại uý Pi-e-pe kể tiếp:
“Chúng tôi đã ra sức tìm kiếm khắp nơi nhưng tuyệt đối không nghe thấy gì cả. Tình hình xem như là tuyệt vọng.
Các công ty đã làm ăn tốt với người Đức là Si-mex- co ở Bơ-rúc-xen và Si-mex ở Pa ri. Chúng tôi không thể sục sạo vào các công ty được, đành ra lệnh giải tán chúng. Nhưng ở Pa-ri, ông giám đốc, bà vợ và cô con gái của Si- mex-co vẫn tiếp tục công việc. Chúng tôi bắt cả ba người và hỏi xem vị chỉ huy lớn ở đâu. Họ trả lời là không biết. Không ai biết người lãnh đạo là ai và ở đâu hết, đó là một đặc điểm của tổ chức Nga.
Sau một thời gian khá lâu, một hôm cô con gái nhắc lại với bà mẹ là vị chỉ huy lớn - đương nhiên người ta không gọi như vậy mà gọi là ông Duy-boa một lần có nói đến địa chỉ của một thầy thuốc chữa răng giỏi. Bà mẹ nhớ lại và cho chúng tôi biết số nhà ở Ri-vô li. Chúng tôi cùng một đội Ge-sta-pô đến nhà bác sĩ chữa răng. Ông ta thừa nhận là có
chữa cho một ông tên là Duy-boa. Và trong một ngày sắp tới, ông ta sẽ trở lại. Đúng ngày giờ ấy, chúng tôi đến phục ở phòng chờ, ở trước cổng và cả trong nhà. Đúng mười bốn giờ, giờ hẹn, chẳng thấy ai đến cả.
Một lát sau mười bốn giờ, trong lúc chúng tôi chuẩn bị kết thúc việc phục kích thì nghe có tiếng người nói ở trong phòng. Chúng tôi đổ xô vào, vị chỉ huy lớn đang ở đó ngồi trong chiếc ghế bành và bác sĩ đang chuẩn bị làm việc.
Vậy là ông ta bị bắt.
Ông nói với chúng tôi: “Các ông giỏi đấy”. Thế là chúng tôi mặt đối mặt với vị chỉ huy lớn, con người mà lâu nay chúng tôi săn tìm !”.
Tơ-rep-pe bị mang đến trụ sở của đội đặc nhiệm. Dọc đường anh hỏi Pi-e-pe xem Pi-e pe thuộc Ge-sta-pô hay cơ quan phản gián. Pi-e-pe trả lời y thuộc cơ quan phản gián, thái độ Tơ-rep-pe rõ ràng có vẻ dễ chịu. Anh nói: “Đối với tôi, thế là hết. Tất nhiên tôi sẽ nói với các ông nhiều điều nhưng không phải tất cả… Chắc ông có thể hiểu”. Đến Tổng hành dinh Ge-sta-pô, hai người ngồi nói chuyện thoải mái bên cốc cà phê, vừa uống vừa hút xì gà như những người bạn cũ gặp lại nhau.
Vị chỉ huy lớn bị nhốt một mình trong một xà lim ở tầng trệt của trụ sở đội đặc nhiệm. Anh ở đấy mười tuần lễ. Cứ ba ngày lại có một bác sĩ Đức chuyên khoa về tim đến thăm bệnh. Người ta chăm sóc anh cẩn thận và các cuộc thẩm vấn diễn ra dưới hình thức những buổi trò chuyện thân mật thường là về buổi chiều.
Tơ-rep-pe đã tiết lộ cho Ge-sta-pô mọi chi tiết, và các bạn chiến đấu thân cận nhất của anh đều bị bắt. Khi Hin-le Kat được dẫn vào xà lim của anh, Tơ-rep-pe nói: “Kat ạ, chúng ta phải hợp tác với các ông này thôi. Chúng ta không còn lối thoát nào khác”. Họ không biết rằng lúc bấy giờ Kent cũng đã bị giam trong hầm của Ge-sta-pô ở Béc-lanh.
Đến đầu tháng 12 năm 1942, người ta chuyển Tơ- rep-pe đến Pa-ri. Sau khi nghỉ lại ở Mác-xây, ngày 12 tháng 11, người ta dẫn anh đến Béc-lanh để khẳng định các mối liên lạc với nhóm Bây-xen Hóc-nác. Đồng thời Ge- sta-pô cho Tơ-rep-pe biết kế hoạch của họ: họ muốn dùng điện dài để xác lập giữa Mát-xcơ-va và Béc-lanh những tiếp cận nhằm đi đến một ký kết hoà bình riêng rẽ. Điều đó có nghĩa là làm cho mặt trận Đồng Minh chống Hít le bị tan rã.
Tơ-rep-pe muốn tìm mọi cách làm cho kế hoạch ấy thất bại. Chỉ có với uy tín của anh và qua con đường của Đảng Cộng sản Pháp thì trò chơi ấy của Ge-sta-pô bằng điện đài mới có thể được Mát-xcơ-va tin. Nếu Đảng Cộng sản Pháp biết là Tơ-rep-pe đã bị bắt thì đó sẽ là một dấu hiệu cảnh cáo đủ cho Mát-xcơ-va hiểu. Và lúc bấy giờ, Ge-sta-pô sẽ phải từ bỏ kế hoạch của họ. Lấy cớ tiếp xúc với Đảng Cộng sản Pháp, Tơ-rep-pe vào ngôi nhà gần Sa- tơ-lê và mặc dầu luôn luôn có nhân viên Ge-sta-pô bí mật theo dõi, anh đã tìm cách gửi đến Mát-xcơ-va một báo cáo về các sự kiện trong mấy tuần vừa qua.
Sau đó sự việc diễn tiến đến nỗi Ge-sta-pô cung cấp cho anh tiền bạc, giấy tờ, căn cước và cho anh đến ở tại biệt thự Nôi-y. Với sự bảo lãnh của anh, anh đã kéo được hai cộng sự thân cận nhất đến gần mình.
Khi Tơ-rep-pe được tin dường như Ge-sta-pô đã nắm được một nhân viên liên lạc của Đảng Cộng sản Pháp mà qua đó chúng có thể biết được bản báo cáo vừa gửi đến Mát-xcơ va thì anh quyết định tìm cách trốn thoát. Mặc dầu luôn luôn có một hoặc hai nhân viên
Ge-sta-pô đi theo một cách kín đáo, vị chỉ huy lớn vẫn thực tế có thể đi một mình trong Pa-ri.
Ngày 13 tháng 9 năm 1943, anh đi cùng người bảo vệ nhân viên Ge-sta-pô đến một hiệu thuốc gần ga Xanh La-da. Tên nhân viên Ge-sta-pô bị những cơn đau dạ dày mãnh liệt. Tơ-rep-pe bảo đảm tìm cho hắn một dược sĩ có thứ thuốc chữa rất công hiệu. Tên nhân viên Ge-sta-pô ngồi lại trong xe. Tơ-rep-pe bước vào hiệu thuốc và… không bao giờ trở ra nữa.
Hiệu thuốc ở giữa góc chéo của hai đường phố cho nên có hai lối vào. Vài giờ sau, Tơ rep-pe đã yên vị ngồi trên toa tàu hoả ngoại ô để đi đến Xanh Giéc-manh Lay. Ở đó anh có thể có chỗ trú ẩn tốt.
Bộ máy cảnh sát Đức ở Pa-ri được huy động để lùng sục. Cả khu vực nhà ga bị bao vây nhưng vị chỉ huy lớn đã biến mất.
Trong thời gian này, Kent bị thẩm vấn. Y tiết lộ các nơi ẩn giấu của Tơ-rep-pe, có thể có Xanh Giéc-manh Lay. Chủ nhà bị bắt nhưng Tơ-rep-pe thì chạy thoát. Bắt đầu từ đó, anh thay đổi hàng ngày chỗ ở. Cho đến khi anh tìm thấy một chỗ dung thân trong một căn phòng chỉ cách trụ sở đội đặc nhiệm đi tìm “Dàn nhạc đỏ” chưa đầy một trăm mét.
Anh được chứng kiến cảnh kẻ địch săn lùng anh. Dưới sự kiểm soát của Ge-sta-pô, Kent đánh điện sang Mát-xcơ-va: “Vị chỉ huy lớn hiện giờ ở đâu? Anh đã thoát nhà tù của Đức chưa?”. Vị tổng chỉ huy cơ quan mật vụ quân đội Liên Xô, nguyên soái Ku-zơ-nhet xôp trả lời: “Gin-be hãy trốn đi. Tơ-rep-pe này không làm được gì nữa. Đó là một tên phản bội”.
Bọn Ge-sta-pô vẫn tiếp tục kế hoạch chia rẽ mặt trận Đồng Minh. Nhưng những kế hoạch ấy đã tan thành tro bụi khi ngày 31 tháng 8 năm 1944, các xe tăng Đồng Minh đã xông vào chiếm lại Pa-ri.
Đội đặc nhiệm săn tìm “Dàn nhạc đỏ” vội vàng thu xếp hành trang và cuốn gối vù về Đức.
Phái đoàn quân sự Xô Viết đóng ở ngôi nhà trước kia là sứ quán E-xtô-ni. Chính ở đây, Tơ-rep-pe, vị chỉ huy lớn đã xuất hiện. Anh được đưa về Mát-xcơ-va bằng chuyến máy bay đầu tiên.
Ngày 6 tháng 1 năm 1945, một chiếc Dakôta cất cánh từ một sân bay gần Pa-ri đi Mát xcơ-va. Trên máy bay ấy có vị chỉ huy lớn.
Đến Mát-xcơ-va, Tơ-rep-pe được dẫn đến vị Tổng chỉ huy, thủ trưởng của anh. Vị Tổng chỉ huy trao đổi một vài câu với anh, sau đó anh bị nhốt vào nhà tù nổi tiếng Lu-bi an-ca.
Tơ-rep-pe ở nhà tù ấy mười năm. Sau khi được giải phóng, anh trở về Tổ Quốc và sinh sống ở Vác-sa-va.
KHÁM PHÁ BÍ MẬT BOM BAY V1 VÀ V2
Mùa thu 1944. Với các vũ khí bí mật, Hít-le hy vọng kéo dài thời kỳ hấp hối của chủ nghĩa phát-xít. Y dự định dội xuống Luân Đôn một đòn sấm sét để làm tê liệt trung tâm các lực lượng Đồng Minh. Nhưng với dự kiến phóng sang Anh năm mươi ngàn quả bom bay V1 , y chỉ phóng được hai ngàn năm trăm quả, như vậy là quá ít và quá muộn.
Nô-en 1942. Bọn phát-xít cho thí nghiệm lần đầu tiên chiếc máy bay không người lái. Từ lúc quyết định chế tạo cho đến lúc phóng chiếc đầu tiên, chỉ mất hơn sáu tháng. Thật ra đó là một chiếc bom bay. Vũ khí mới này được gọi là V1, giá tiền chỉ bằng một phần mười loại bom bay V2 chế tạo sau đó. Nhưng nó cũng chứa gần chín trăm kí thuốc nổ và bay xa được gần bốn trăm kilômét. Chỉ cần hai trăm tám mươi giờ làm việc là chúng đã có thể chế tạo hàng loạt loại bom bay này. Mỗi quả dài tám mét, nặng hai ngàn hai trăm ký và đạt tốc độ sáu trăm sáu mươi lăm kilômét một giờ. Phía đầu quả bom bay có một chiếc chong chóng nhỏ, chiếc chong chóng này rất quan trọng vì chính nó điều khiển hệ thống tự động lao quả bom xuống mục tiêu và cho nổ, khi nó đã quay đủ số vòng cần thiết do người phóng tính trước.
Khái niệm về động cơ phản lực do người Pháp Ka- ra-vô-din đề xuất đầu tiên và được cấp bằng phát minh năm 1907. Ba năm sau , tháng 5 năm 1910, một người Bỉ là Mác-con nê đề xuất một loạt hệ thống phản lực khác nhau, có thể dùng cho máy bay và khinh khí cầu. Bom bay V1 của Đức đã ứng dụng một trong những hệ thống này.
Đương nhiên là địa điểm chế tạo và thí nghiệm V1 được giữ tuyệt mật. Nhưng nó đã không thoát được con mắt của tình báo Ba Lan, trước hết bởi lẽ phần lớn công việc do các tù khổ sai làm, trong đó có nhiều người thuộc quốc tịch Ba Lan. Cốc-giăng, kỹ sư phụ trách trung tâm tin tức về kỹ thuật ở Vác-xa-va đã nghe nói đến một thứ vũ khí bí mật nào đó đang được nghiên cứu, chế tạo. Anh là một nhà chế tạo máy bay chuyên nghiệp. Anh phái kỹ sư Dơ-rét-de với tư cách là người tình nguyện nước ngoài, đến xin làm việc. Chỉ ít lâu sau, Vác-xa-va đã nhận được bản báo cáo đầu tiên trên mi-cơ-rô- phim, có cả bản vẽ. Bản báo cáo được gửi đến Anh, qua con đường Thuỵ Điển.
Cách Luân Đôn năm mươi ki-lô-mét có một trung tâm nghiên cứu các bức ảnh chụp bằng máy bay. Ngày 19 tháng 4 năm 1943, các chuyên gia được lệnh của Bộ Không quân điều tra mối hiểm hoạ của các vũ khí bí mật của Đức quốc xã dựa vào các tấm ảnh chụp. Sáu năm sau khi người Đức xây dựng các cơ sở thí nghiệm và chế tạo, không quân Anh mới bắt đầu thực hiện chương trình trinh sát để điều tra, nghiên cứu.
Một số thanh niên quen biết đều làm việc ở trung tâm này như Xa-ra Soóc-sin, con gái của Thủ tướng Anh Soóc-sin, Pê-te Rô-dơ-ven, con trai của Tổng thống Mỹ… Nhưng vai trò quan trọng lại thuộc về cô Ba-bin-tơn Xmit, con gái của viên giám đốc Ngân hàng Anh.
Ba-bin-tơn Xmit kể lại:
“Tôi được giao nhiệm vụ đặc biệt. Nhóm của tôi nghiên cứu qua các tấm ảnh để phát hiện các công trình nghiên cứu và chế tạo bí mật của địch. Sau đó chúng tôi lập các bản
báo cáo. Mùa xuân năm 1943, chúng tôi được lệnh đặc biệt chú ý đến cơ sở Pen-nơ-mun đơ. Tôi phải chú ý xem ở đó có những gì khác thường. Mặc dầu vậy, tôi cũng không được phép hỏi công việc khác thường ấy là cái gì.
Nhưng tôi cần cảnh giác. Và quả là chỉ một thời gian sau, tôi thấy ở đó có cái gì rất khác lạ. Tôi phát hiện thấy có một vật nhỏ rất lạ lùng mà sau chúng tôi biết là một chiếc máy bay phản lực không có đuôi người ta đang thể nghiệm. Tôi khảo sát và làm bản báo cáo. Những điều trên đây rất đáng chú ý. Nhưng một thời gian sau, tôi lại nhận thêm được nhiều tin tức khác cũng rất bí mật mặc dầu còn rất ít chi tiết. Tôi phải theo dõi để tìm một chiếc máy bay rất nhỏ. Lúc đó là mùa thu năm 1943 và tôi chưa biết rằng đã có nhiều báo cáo gửi về nói đến một chiếc máy bay không người lái mà địch có thể dùng để đánh nước Anh.
…Tôi quan sát tỉ mỉ các bức ảnh cũ và mới. Đó là kỹ thuật tình báo - ảnh. Tôi muốn nói đến sự so sánh các tấm ảnh cũ và các tấm ảnh mới, chính nhờ đó ta thường có thể hiểu ra những điều quan trọng trong các tấm ảnh cũ mà thoạt đầu ta chưa nhìn thấy gì cả. Rõ ràng là tôi đã phát hiện được một chiếc máy bay rất nhỏ ở bên cạnh các hầm máy bay. Nhưng điều đó chưa nói lên cái gì rõ ràng lắm. Tôi lập báo cáo và sự việc chỉ mới dừng lại ở đó”.
Một nhóm chuyên trách nghiên cứu các tên lửa bí mật của Đức, từ tháng 6 năm 1943 đã phát hiện ra những vật giống như những tên lửa đặt trên các xe cam-nhông và đang ở tư thế sẵn sàng phóng đi. Điều đó đã khiến Bộ Tư lệnh chiến tranh quyết định giội một trận bom dữ dội xuống vùng Pen-nơ-mun-đơ.
Ngày 17 tháng 8 năm 1943, sau mười hai giờ đêm, sáu trăm máy bay bỏ bom hạng nặng đã giội bom xuống khu vực trên. Người ta báo trước cho bốn ngàn phi công Anh là nếu trận đánh bom hôm đầu không phá huỷ được khu Pen-nơ-mun-đơ thì họ sẽ phải làm lại, hết đêm này sang đêm khác, kỳ đến khi nào hoàn thành nhiệm vụ mới thôi. Điều cần là phải “phá tan khu vực thí nghiệm và giết hoặc làm, bị thương nặng tất cả các nhân viên kỹ thuật làm việc ở đó.”
Khi vượt qua biển Bắc, máy bay phải bay sát mặt sóng biển để tránh hệ thống theo dõi của bộ đội phòng không Đức. Trận bom chia làm ba đợt và tất cả không quá bốn mươi lăm phút.
Từ lúc hai mươi ba giờ, tám máy bay dẫn đường đã thực hiện chiến thuật đánh lừa địch bằng cách bay thẳng về hướng Béc-lanh. Đây là một chiến thuật quan trọng. Lập tức không quân Đức đã phóng lên một lực lượng khổng lồ các máy bay chiến đấu. Hơn hai trăm chiếc quần lượn trên bầu trời để bảo vệ thủ đô chống sáu trăm máy bay ném bom. Chính trong thời gian này, sáu trăm máy bay ấy lại đang giội bom xuống cơ sở Pen-nơ mun-đơ không có một máy bay chiến đấu nào bảo vệ cả. Cả một khu vực rộng lớn trở thành một biển lửa và những cột khói bốc lên đến tận trời cao. Gần hai ngàn tấn bom đã giội xuống cơ sở thí nghiệm nhưng chủ yếu rơi xuống trại những người lao động khổ sai, các hầm trú ẩn của các nhà bác học Đức cùng với một số bộ phận của xưởng chế tạo. Ba trăm phi công Anh đã bỏ mạng trong cuộc oanh tạc này.
Hôm sau, một máy bay trinh sát bay trên vùng trời Pen-nơ mun-đơ. Các tấm ảnh chụp được cho ta thấy toàn cảnh khu vực thí nghiệm. Các chuyên gia nghiên cứu ảnh kết luận rằng hai hầm chế tạo vũ khí không bị đánh phá mặc dầu trông bề ngoài có vẻ như đã bị
phá hoại.
Viên chỉ huy khu vực thí nghiệm báo cáo về Béc- lanh: “Ngược lại với đánh giá ban đầu, nhà máy chế tạo bị hư hại rất ít” . Những cơ sở quan trọng nhất không bị đụng đến. Khu vực nhà ở của các nhà khoa học Đức bị phá hoại nghiêm trọng và trong ba mươi khu tù nhân khổ sai thì mười tám khu bị quét sạch. Bọn S.S. đã bắn vào các tù nhân định lợi dụng cơ hội bỏ bom để chạy trốn, làm cho số người chết tăng thêm. Không một người lao động nước ngoài nào chạy thoát. Sau đêm đó, Luân Đôn không còn nhận được bản báo cáo nào nữa của hai thành viên phong trào kháng chiến của Ba Lan, loại có trình độ kỹ thuật.
Một phi công Anh bị bắt làm tù binh, có tính ba hoa, đã đe doạ trong lúc bị thẩm vấn: “Chúng tôi còn trở lại mãi chừng nào mà cơ sở thí nghiệm chưa bị phá huỷ hoàn toàn” . Do đó bọn Đức đã dùng một chiến thuật lừa bịp lớn. Những phần bị hư hại không được sửa chữa lại. Vùng đất bị bom cày xới vẫn để nguyên. Toàn cảnh cho ta cảm giác là cơ sở thí nghiệm đã ngừng hẳn hoạt động. Kết quả là: trong chín tháng, các máy bay ném bom không trở lại nữa.
Đối với bom bay V1, cuộc tiến công bằng không quân của Anh đã xảy ra quá muộn nên không ngăn chặn được việc tiếp tục chế tạo và sử dụng nó trong chiến tranh. Bọn Đức không chế tạo ở Pen-nơ-mun-đơ mà ở nhà máy Vôn-va-gien. Tháng 9 năm 1943, chúng đã có thể chế tạo hàng loạt bom bay V1. Năm mươi ngàn quả bom bay V1 đầu tiên sẽ bắn đến Luân Đôn vào tháng 12 năm 1943. Kế hoạch dự kiến là: hai giờ trước bình minh, bắt đầu bằng một đợt bắn cấp tập, sau đó bắn lần lượt ba quả với tốc độ cực lớn. Đến trưa, một đợt bắn một trăm quả (sau đó mỗi giờ bắn hai hoặc ba quả). Buổi chiều lại bắn cấp tập, với tốc độ cực nhanh.
Nhưng kế hoạch này chỉ là những dòng chữ chết trên giấy. Điều đó trước hết là nhờ ông Mi-sen Hô-la, một đại biểu thương mại của Pa-ri. Sau chiến tranh, Hô-la đã được tặng danh hiệu “Cứu tinh của Luân Đôn”, danh hiệu cao quý nhất mà nước Anh tặng cho một người ngoại quốc.
Tháng 8 năm 1943, ở Ru-ăng (Pháp) là nơi bắt đầu phát hiện ra chiến dịch V1 sắp tới. Một công nhân cơ khí ở Ru-ăng vô tình đã cho Hô-la biết điều bí mật ấy. Anh ta viết cho Hô-la là anh đã nghe hai nhà xây dựng công trình bàn cãi nhau về việc chế tạo một cái gì rất mới lạ đòi hỏi người Đức phải dùng đến những lượng bê tông khổng lồ. Sau đây là lời kể lại của M. Hô-la:
“Tôi được một kỹ sư đường sắt ở Ru-ăng, thành viên trong mạng lưới thông tin của tôi, cho biết là kẻ địch đang xây dựng ở gần thành phố những công trình đặc biệt không biết dùng vào mục đích gì nhưng rất quan trọng. Y mời tôi đến tận nơi để xem xét. Vậy là tôi đến Ru-ăng. Ở đó tôi được biết và khẳng định là các công trình này cực kỳ quan trọng và bí mật nhưng không thể hiểu dùng để làm gì. Trước khi đi điều tra, tôi đã biết hàng trăm thậm chí hàng nghìn công nhân trẻ được điều đến để xây dựng các công trình ấy. Tôi bèn tìm đến bàn giấy và tự giới thiệu là người của hội “trợ giúp xã hội”. Tôi tuyên bố có nhiệm vụ mang lại niềm vui tinh thần cho những thanh niên phải sống cô độc, xa gia đình và chịu đựng mọi sự nguy hiểm. Nhờ ở màn kịch ấy, tôi biết được tên các thành phố, nơi họ tập trung thanh niên để làm các công trình bí mật.
Địa điểm đầu tiên ở Ô-phay, một nhà ga nhỏ trên đường sắt Ru-ăng. Tôi đi tàu hoả đến
Ô-phay, mặc quần áo xanh công nhân, và cũng có thể xem là quần áo nông dân. Vừa bước ra khỏi nhà ga, tôi đi tìm ngay các nơi xây dựng công trình. Thoạt đầu tôi đi bộ bốn kilômét mà chẳng tìm thấy gì cả. Lần thứ hai, tôi đi theo một con đường khác và kết quả cũng không hơn gì lần thứ nhất. Lần thứ ba cũng vậy. Cuối cùng lần thứ tư, tôi đi đến chỗ cách trung tâm Ô- phay bốn kilômét, vào giữa một công trường trong đó có vô số thanh niên công nhân, xung quanh có lính gác. Công trường nằm trên một diện tích vuông, khoảng bốn trăm mét mỗi chiều.
Bây giờ tôi cần phải vào chính trong khu vực ấy để biết tại sao lại có sự làm việc vội vã, căng thẳng như vậy. Tôi gặp một người đang đẩy một chiếc xe lăn, tôi nắm tay anh ta và cùng anh ta đẩy chiếc xe vào phía công trường. Bọn lính gác nghĩ tôi là một người thợ nên cho di qua.
Khi đã vào bên trong, tôi bắt đầu hỏi những người đang làm việc để tìm hiểu xem họ đang làm cái gì. Lúc bấy giờ, theo họ thì họ đang làm một nhà ga-ra để chứa những chiếc xe cam-nhông khổng lồ. Đương nhiên thông tin ấy không làm cho tôi thoả mãn. Tôi nghĩ là còn cần phải tiếp tục tìm hiểu thêm. Bỗng nhiên, một người trong bọn họ chỉ cho tôi một người khác đang chỉ huy các công việc và đang nói chuyện với một người Đức: “Cái ông kia, ông ấy biết đấy. Tại sao ông không đến đấy mà hỏi?”. Tôi tìm cách tiếp cận với con người ấy nhưng viên sĩ quan Đức không rời khỏi y một phút. Tôi phải chờ cho lúc viên sĩ quan đi rồi mới lại gần y và cũng làm cái “công việc” như y đang làm. Rồi tôi tìm cách hỏi chuyện nhưng y cũng chẳng biết gì hơn. Y có vẻ hoàn toàn không chút ngạc nhiên gì về câu hỏi của tôi mà cả chỉ nói: “Gần đây cũng có nhiều công trường như thế này”. Sau đó y cho tôi một vài thông tin mà tôi nghĩ rằng sau này sẽ bổ ích.
Tuy nhiên có một điều làm cho tôi đặc biệt chú ý: bức thành xi măng dài khoảng năm mươi mét chạy dọc công trình được xây một cách chuẩn xác theo một sợi dây này phải hướng về một cái gì quan trọng lắm. Tôi kín đáo rút ra một chiếc la bàn lên tấm bản đồ khu vực, tôi nhận ra rằng, hướng ấy kéo dài ra thì sẽ hướng về phía Luân Đôn. Đó là điều phát hiện quý giá đầu tiên của tôi về thứ vũ khí bí mật mà sau này chúng ta đã biết”.
Hô-la cùng bốn cộng sự nữa nhảy lên xe đạp và đi khắp mọi nẻo đường phía bắc nước Pháp, từ Ca-le đến Séc- bua. Trong ba tuần lễ đầu, họ đã phát hiện ra sáu mươi công trình xây dựng. Đến giữa tháng 11, họ tìm ra hơn một trăm công trình. Tất cả những công trình bí mật ấy nằm trên một khoảng đất dài ba trăm kilômét, rộng năm mươi kilômét, gần như song song với bờ biển. Tất cả đều hướng về phía Luân Đôn.
Cuối tháng 11 năm 1943, không quân Anh thực hiện các chuyến bay trinh sát trên các khu vực do Hô-la thông báo, đã chụp ảnh được sáu mươi chín công trình.
Ngày 1 tháng 12 năm 1943, chính cô Ba-bin-tơn Xmit cuối cùng đã làm sáng rõ được tấm màn bí mật đang trùm lên trên các công trình ấy.
Ba-bin-tơn Xmit kể lại:
“Đương nhiên các cơ quan nghiên cứu Pen-nơ- mun-đơ có nhiều khu vực thể nghiệm và một nhóm đồng nghiệp của tôi phụ trách phát hiện khu vực có những công trình chế tạo bom bay V2.
Tôi chuyên môn về khu vực sân bay và mỗi nhóm chúng tôi chuyên về một khu vực riêng biệt. Bằng mọi cách, tôi ra sức tìm kiếm một cách kiên nhẫn chiếc máy bay bé nhỏ
đặc biệt. Nhưng người nghiên cứu ảnh tất nhiên phải mở rộng sự quan sát và thế là tôi đã đi ra khỏi phạm vi sân bay để hướng dần về phía bãi biển Ban-tích. Lúc bấy giờ người ta đang tiếp tục xây dựng để mở rộng các khu vực sân bay. Trên các khu vực ấy có nhiều loại dụng cụ xây dựng, những điều mà tôi không quan tâm bởi lẽ tôi chỉ chú ý riêng đến các máy bay. Thế nhưng tôi đã quan sát các dụng cụ ấy từ sân bay cho đến bãi biển và lúc đến sát bờ biển, tôi phát hiện một vài công trình kỳ lạ mà chưa bao giờ tôi trông thấy.
Trong trường hợp người ta nghi là đã phát hiện ra điều có thể có liên quan đến cái người ta tìm kiếm, người ta sẽ làm một bản báo cáo rõ ràng và đơn giản. Tôi nhớ là tôi đã nói với các đồng nghiệp như sau: “Này các cậu hãy nhìn đây - Tôi thấy cái này giống như cái mà người ta thường xây dựng để bắn đi một cái gì đấy vượt qua mặt biển”.
Chúng tôi quan sát thấy những bệ nghiêng mà phía cuối ngẩng lên cao và hướng về phía biển. Vì khu vực này không thuộc phạm vi của tôi, tôi tìm những người có trách nhiệm và hỏi họ xem đã trông thấy những chiếc bệ kỳ lạ như thế này bao giờ chưa và theo họ thì chúng dùng để làm gì. Người ta trả lời tôi rằng họ đã trông thấy những cái đó. Họ ngờ rằng những chiếc bệ ấy nhằm mở rộng khu vực sân bay.
Tôi trở về cơ quan, có phần nào không thoả mãn về những điều đã phát hiện ra. Tôi quan sát lại các tấm ảnh và trong đầu luôn luôn bị ám ảnh bởi những chiếc máy bay không người lái. Tôi báo cho vị chỉ huy đang ở Luân Đôn và mời ông ta khi trở về gặp tôi. Ông ta đã tìm gặp tôi ngay. Khi tôi chỉ cho ông xem các tấm ảnh, ông ngồi im lặng hồi lâu. Tôi ngờ rằng ông ta cho là tôi đã nhầm. Tôi mạnh dạn hỏi: “Ông có nghĩ rằng những chiếc bệ ấy dùng để phóng những chiếc máy bay nhỏ không?”. Ông ta trả lời: “Tôi biết có những bệ phóng như vậy!”. Ông nói với một ý thức hiểu biết rõ ràng bởi lẽ ông đã biết đến các công trình như vậy ở Pháp. Lúc bấy giờ là ngày 1 tháng 12 năm 1943.
Trước đó một vài ngày, ngày 28 tháng 11, một máy bay trinh sát do một phi công trẻ có tài năng Mê-ri-phi-en lái, đã bay đi chụp ảnh thành phố Béc-lanh. Nhưng thời tiết lại rất xấu, Béc-lanh bị bao phủ sau các đám mây dày đặc. Anh ta tiếp tục chụp ảnh các vùng phụ trên bờ biển Ban- tích, nơi mà thời tiết tốt hơn. Một trong những vùng ấy chính là vùng căn cứ Pen-nơ-mun-đơ. Đúng vào buổi chiều sau khi việc phát hiện ra các bệ phóng đang làm cho tôi hết sức quan tâm và vị chỉ huy vừa nhớ lại những điều ông đã trông thấy ở Pháp thì cũng là lúc các bức ảnh mới được gửi đến cho tôi. Mê-ri-phi-en đã chụp những bức ảnh rất kịp thời. Các bệ phóng hiện ra trên các tấm ảnh và trên các bệ ấy rõ ràng có những chiếc máy bay nhỏ. Thật ra tấm ảnh không nét lắm nhưng do chúng tôi đã trông thấy chiếc máy bay và các bệ phóng trên những tấm ảnh khác , chúng tôi dám chắc rằng chúng tôi đã không nhầm. Giây phút thật là xúc động. Chứng cớ đã rõ ràng là các công trình dọc theo bờ biển Măng-sơ đều dùng để phóng bom bay. Sau đó lập tức chúng tôi phát hiện ra tầm cỡ của quả bom. Các chuyên gia đã tính được kích thước, sức nặng và sức công phá của chúng. Và lúc bấy giờ người ta đã có thể lập một kế hoạch cụ thể để đề phòng.
Ngoài việc máy bay trinh sát hàng ngày đi chụp mọi khu vực của miền Bắc nước Pháp, Bộ Tổng tham mưu Anh đã thành lập ngay lập tức một tiểu ban gọi là Cơ-rốt- xbô có nhiệm vụ hoàn toàn tập trung vào cuộc chiến đấu chống lại mọi thứ vũ khí bí mật của Đức quốc xã. Soóc-sin đích thân làm trưởng tiểu ban này và quyết định đầu tiên là lập tức giội bom xuống tất cả các công trình hiện có ở Pháp.
Theo các báo cáo của không quân hoàng gia, nhiều công trình đã được bảo vệ và nguỵ trang rất khéo léo. Người ta ngờ rằng có một vài công trình là giả tạo, một số khác đã được sửa chữa sau các trận ném bom. Một số nữa hoàn toàn ở trong màn bí mật.
Phía bên kia bờ biển Măng-sơ, đến tháng 3 năm 1944, tất cả đã sẵn sàng đón nhận các vũ khí trả thù của Hít-le. Các đơn vị cao xạ được tăng cường dọc bờ biển. Ngoài ra khu vực “đại Luân Đôn” được bao bọc bởi một vòng hai ngàn quả khí cầu. Ngày 2 tháng 5 năm 1944, người ta được tin chắc chắn là người Đức không còn có ý định xây dựng lại các bệ phóng đã bị bom phá huỷ.
Ngạc nhiên về cái tin ấy, Soóc-sin ra lệnh chụp ảnh lại một lần nữa - xin nói thêm, đây là lần thứ tư - toàn bộ miền Bắc nước Pháp. Người ta thấy rằng từ đã lâu, người Đức không còn sử dụng các công trình to lớn, đồ sộ mà các máy bay bỏ bom khổng lồ của Đồng Minh đã mất bao nhiêu công sức để công phá. Ngược lại chúng đang xây dựng bí mật những bệ phóng nhỏ, gọn nhẹ, có thể di chuyển được và nguỵ trang cực kỳ khéo léo khiến cho máy bay đối phương rất khó phát hiện.
Khoảng sau bốn giờ sáng ngày 13 tháng 6 năm 1944 , đội tuần tra của một trạm quan sát không quân ở vùng Kent, phía Nam nước Anh, nghe “một tiếng rít giống như tiếng gầm thét” và thấy bay qua trên đầu họ một “chiếc máy bay tí hon”, sau đuôi phụt ra những tia sáng màu da cam. Đã quá muộn để các súng cao xạ hoặc các máy bay chiến đấu có thể ngăn cản vật lạ ấy. Nó bay vút đi một cách ngang nhiên và chỉ vài phút sau, lao xuống một thành phố nhỏ, cách mục tiêu là Tô-ơ Bơ-rit-giơ khoảng ba mươi hai kilômét.
Trong mười ngày đầu bắn phá, ba trăm bảy mươi quả bom bay V1 đã đánh trúng Luân Đôn. Sau đó các biện pháp phòng không đã được tổ chức lại: máy bay chiến đấu tìm cách chặn các bom bay V1 ngay trên biển Măng-sơ. Tất cả các súng cao xạ đều di chuyển đến dọc bờ biển. Một vòng dày khinh khí cầu bao bọc thành phố Luân Đôn. Khoảng giữa hàng rào cao xạ bờ biển và hàng rào khinh khí cầu máy bay tiềm kích bay tuần tra thường trực. Các biện pháp đề phòng có hiệu quả đến nỗi trong một ngày, chín mươi bảy quả bom bay bắn sang thì chỉ có bốn quả vượt được các hàng rào để lao xuống thủ đô Luân Đôn.
Ngoài ra hàng vạn người dân Luân Đôn thoát chết chính là nhờ kỹ thuật bom bay của Đức còn có chỗ chưa hoàn hảo. Từ khi quả bom lao xuống cho đến lúc nổ, còn có một vài giây khiến người ta có thể chạy ngay đến chỗ ẩn nấp. Một yếu tố quan trọng nữa là trong thời gian phóng bom bay, người Đức không biết được cụ thể hiệu quả. Chúng phải dựa vào các tin tức trên báo hàng ngày của Anh phát hành sau các trận phóng bom để dự đoán kết quả của vũ khí bí mật. Nhưng đến một lúc chúng cũng thiếu nốt phương tiện ấy: các tin đăng trên báo nói rất ít và rất lờ mờ. Nguồn tin cuối cùng là do các nhân viên phản gián làm việc ở Anh. Nhưng thời gian này, cơ quan mật vụ Anh đã khôn khéo chặn tất cả các sóng điện phát ra ngoài. Vì vậy mà tám mươi phần trăm các vụ phóng đều chệch mục tiêu.
Nhưng người Đức không phải chỉ có V1. Ngày 19 tháng 9 năm 1939, mười chín ngày sau khi cuộc thế chiến thứ hai bùng nổ, Hít-le lần đầu tiên tuyên bố trước thế giới, qua một bài phát biểu trên đài phát thanh, là nước Đức có một thứ vũ khí chưa ai biết đến. Hít-le không nghĩ rằng câu nói đơn giản ấy đã lập tức làm nổ ra cuộc chiến đấu của Đồng Minh chống thứ vũ khí bí mật ấy, cuộc chiến đấu kéo dài từ đầu cho đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến và cái giá phải trả là hơn hai ngàn chín trăm phi công Đồng Minh phải hy sinh tính mệnh, hàng trăm máy bay ném bom bị bắn rơi và khoảng năm trăm ba mươi triệu
đô-la bị tiêu phí.
Đài BBC đã ghi âm ngay bài phát biểu của Hít-le và chuyển đạt cấp tốc cho Chính phủ.
Thủ tướng Săm-béc-lanh ( Thủ tướng Anh trước Soóc-sin) giao cho cơ quan tình báo Anh nghiên cứu ngay đó là thứ vũ khí gì. Giáo sư Vic- to Giôn chỉ huy bộ phận nghiên cứu khoa học của cơ quan phản gián, một bộ phận mới thành lập của không quân Anh, kể lại:
“Đầu tháng 9 năm 1939, tôi nhận trách nhiệm chỉ đạo một cơ quan thông tin khoa học. Phải nói rằng chúng tôi hoàn toàn chưa biết một tí gì về những điều đã xảy ra ở Đức trên bình diện khoa học, kỹ thuật. Chúng tôi phải tìm cách lấp lỗ hổng ấy.
Vừa mới nhậm chức thì tôi đã nhận ngay được một bưu kiện do sứ quán Anh ở Ô-xlô (Na-uy) gửi về Luân Đôn. Câu chuyện về bưu kiện ấy hơi rắc rối. Một hôm trong thùng thư của sứ quán Anh, người ta thấy một lá thư nói rằng “Nếu các ông muốn biết về những hoạt động khoa học kỹ thuật ở Đức thì các ông chỉ cần thay đổi một chút trong lời mở đầu các buổi phát thanh của đài BBC hướng về Đức”. Nếu tôi nhớ không nhầm thì người ta đề nghị thay lời mở đầu thông thường bằng câu: “A-lô! Đây là Luân Đôn”. Tác giả của bức thư vô danh sẽ biết rằng chúng tôi cần có những thông tin về tình hình khoa học kỹ thuật ở Đức và sẽ tìm cách thông báo cho chúng tôi biết.
Chúng tôi thay đổi ngay lời mở đầu buổi phát thanh BBC và hôm sau, trong thùng thư sứ quán lại có một lá thư thứ hai. Tuỳ viên hải quân Anh mang lá thư ấy về Luân Đôn. Một sĩ quan bước vào phòng tôi và nói: “Đây lá thư cho ông”. Y đặt bưu phẩm lên bàn. Tôi tự hỏi không biết trong này có cái gì: rất có thể đây là một cái bẫy. Nó có thể nổ tung khi mở ra chăng? Tôi mở bưu phẩm cực kỳ thận trọng. Nó không nổ tung, mặc dầu bên trong là một tên lửa. Tên lửa này do người vô danh gửi kèm theo một bản báo cáo. Người ấy viết rằng đây là bộ phận mà người Đức đang thực hiện và sẽ dùng để chế tạo một loạt tên lửa có điều khiển để chống máy bay.
Tên lửa không cần phải đụng vào máy bay mới nổ, chỉ cách một quãng cần thiết nó đã nổ. Ngoài tên lửa, trong thư còn có nhiều thông tin khác. Một thông tin có liên quan đến hai loại ra-đa mà người Đức đã thực hiện. Chính nhờ loại ra-đa này, kẻ địch đã hạ được nhiều máy bay của Anh trong hai trận oanh tạc vừa qua. Đương nhiên những thông tin đó làm cho chúng tôi hết sức quan tâm. Sau đó chúng tôi lại được biết người Đức đã chế tạo được các thuỷ lôi có điện nam châm. Ngoài ra có một cơ sở gọi là Pen-nơ-mun-đơ rất quan trọng. Tác giả bức thư không nói gì rõ về điểm này nhưng ở một giai đoạn khác trong bản báo cáo, anh ta ngầm ý nói rằng ở đó có một tên lửa tầm xa, đường kính tám mươi xăng-ti-mét, người Đức vừa mới hoàn thành. Một thông tin khác có liên quan đến việc hoàn tất một phương pháp mới nhằm đo đạc các khoảng cách trên không mà anh ta gọi là thước đo vô tuyến của phi công. Người ta có thể sử dụng các máy ấy ở mặt đất để điều khiển các máy bay ném bom. Thông tin này cực kỳ quan trọng, sau này loại máy ấy được gọi là máy Y.
Chúng tôi lưu giữ tất cả các thông tin ấy và đương nhiên là cơ sở Pen-nơ-mun-đơ đối với chúng tôi có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng cũng như hiện tượng người Đức đang thể nghiệm các loại tên lửa lớn.
Nhưng bản báo cáo lại gặp số phận không may. Nó quá đẹp và chứa đựng quá nhiều
thứ, có liên quan đến bao nhiêu lãnh vực, từ ra-đa đến tên lửa rơi đến các máy bay Jung-ke 88 dùng làm máy bay ném bom - điều mà lúc bấy giờ chúng tôi chưa hề biết đến. Vì vậy mà các bộ, ban lãnh đạo hải quân, bộ không quân và nội các chiến tranh, lúc đọc bản báo cáo, nói chung đều có thái độ ngờ vực. Nhất là ban lãnh đạo hải quân biểu lộ thái độ hoàn toàn không tin tưởng: người ta cho rằng ở Đức làm gì có người nào lại biết được lắm thứ như vậy. Bản báo cáo chỉ là một mánh khoé của cơ quan mật vụ Đức nhằm cung cấp cho người Anh những tin thất thiệt làm cho người Anh sao nhãng, không chú ý đến những gì đang thật sự xảy ra ở Đức. Riêng phần tôi, tôi không tán thành quan điểm ấy và tôi cứ lưu giữ bản báo cáo. Các bản sao khác, tôi chắc là đều bị huỷ hết”.
Số lượng lớn các bản vẽ và kế hoạch trong báo cáo, khối lượng quá lớn các thông tin khoa học mà một người riêng rẽ không thể nào biết hết được, những tri thức quá xa sự thật khiến người ta nghĩ đến một cuốn tiểu thuyết của G. Véc-nơ v.v… Tất cả những điều đó làm cho các cơ quan chuyên môn ở Luân Đôn xem bản báo cáo là một trò bịp của cơ quan tuyên truyền Đức. Vì vậy người ta cho vào hồ sơ lưu trữ. Thế nhưng giáo sư con rể của Soóc-sin, ở Bộ Tiếp tế lương thực, đã nhiều lần tìm “báo cáo Ô-xlô” để nghiên cứu.
Năm 1936, ở Đức người ta đã bắt đầu xây dựng trung tâm nghiên cứu Pen-nơ-mun-đơ và chú ý nghiên cứu các loại tên lửa lớn. Chính ớ đây người ta đã thể nghiệm loại tên lửa lớn đầu tiên, sau này gọi là bom bay V2.
Nhưng sau khi cuộc chiến bắt đầu, công việc đã ngừng lại. Nó ngốn quá nhiều ngân sách của không quân. Vả chăng sau các chiến thuật chiến tranh chớp nhoáng thành công, Hít-le nghĩ rằng không cần phải có tên lửa cũng có thể chiến thắng được.
Chỉ đến ngày 20 tháng 8 năm 1941, Hít-le mới ra lệnh tiếp tục nghiên cứu V2 bởi lẽ sau những trận oanh tạc các thành phố lớn của không quân Anh, và Mỹ bắt đầu cung cấp vũ khí cho Liên Xô thì cuộc chiến bắt đầu chuyển sang một cục diện mới. Đức dốc sức vào việc chế tạo vũ khí bí mật.
Quả bom bay V2 đã phóng lên thành công ngày 3 tháng 10 năm 1942. Nó nặng gần mươi hai tấn, dài khoảng mười hai mét, đường kính một mét năm mươi, chứa một tấn thuốc nổ và có thể bay xa ba trăm bốn mươi kilômét. Có nhiều tín đồn đại về vũ khí bí mật của Đức nhưng hãy còn mơ hồ nên ít người chú ý. Mãi đến cuối 1941, ba bản báo của một nhà hoá học Đan Mạch gửi đến Luân Đôn mới chỉ rõ Pen-nơ-mun-đơ là một trung tâm nghiên cứu vũ khí cực kỳ quan trọng. Cơ quan tình báo của phong trào kháng chiến Ba Lan cũng khẳng định tin này.
Giáo sư Giôn kể lại:
“…Khoảng tháng 12 năm 1942, chúng tôi bắt đầu chú ý đến “báo cáo Ô-xlô” và tên lửa tầm xa. Nhà kỹ sư hoá học Đan Mạch cho chúng tôi biết là ở Béc-lanh, ông đã bất ngờ nghe được mẩu chuyện giữa hai kỹ sư nói về một thứ vũ khí mới có thể bắn từ bờ biển Ban-tích và có thể đi xa tới hai trăm kilômét. Chúng tôi bắt đầu lo ngại. Đầu năm 1943, nhiều bản báo cáo khác cũng nói về vấn đề ấy. Đúng là một cái gì đó đang diễn ra trên bờ biển Ban- tích. Một hôm viên sĩ quan trợ lý bỗng nhiên nói với tôi: “Này giáo sư, chúng ta cần phải chú ý một cách nghiêm túc đến các tên lửa ấy đấy. Ông xem đây”, y đưa cho tôi bản ghi âm cuộc nói chuyện của hai viên tướng Đức trong nhà tù. Máy ghi âm được giấu kín ở một g;a pc phòng giam. Một viên tướng nói: “Chắc có điều gì trục trặc về các tên lửa. Tôi đã trông thấy chúng cách đây mười tám tháng và viên chỉ huy đã nói với tôi là sẽ
dùng sau một năm. Hình như chúng mình đang ở gần Luân Đôn, ấy thế mà tuyệt nhiên chẳng nghe thấy gì cả. Chắc là có gì trục trặc đây”.
Chúng tôi nghĩ, đúng là cần phải làm ngay một cái gì. Và thế là Pen-nơ-mun-đơ lâu nay bị lãng quên, nay bóng nhiên trở thành một đối tượng được đặc biệt chú ý. Chúng tôi tìm đủ mọi cách để phát hiện xem có phải ở đấy kẻ địch đang chế tạo tên lửa xuyên lục địa không”.
Tháng 3 năm 1943 cơ quan nghiên cứu hàng không được báo động. Mặc dầu vậy, người ta vẫn nghĩ rằng đó là một kiểu phao tin của người Đức để làm cho người Anh hoảng sợ và phung phí vào những cuộc oanh tạc vô ích.
Đến tháng 6 năm 1943 thì người Anh đã có đủ chứng cớ để kết luận rằng: tại Pen-nơ mun-đơ kẻ dịch đã chế tạo ra những cái ngoài sức tưởng tượng của người Anh.
…Ngày 7 tháng 7, mấy tuần trước cuộc oanh tạc khổng lồ của không quân Anh, Hít-le đã ra lệnh thực hiện khẩn trương kế hoạch sản xuất loại bom bay V2. Y cho rằng vụ oanh tạc là do có kẻ phản bội. Cơn tức giận của Híl-le tác động đến cả đội ngũ không quân Đức. Sau cú điện thoại của Hít-le với Gơ-rinh, Bộ trưởng không quân, viên tướng tham mưu trưởng không quân có trách nhiệm bảo vệ Pen-nơ-mun-đơ đã phải tự sát.
Người Đức bắt đầu tìm cách nguỵ trang bằng nhiều cách, nhất là phao tin đình chỉ sản xuất vũ khí bí mật. Các công xưởng đều đưa sâu xuống dưới đất làm thành một mê cung những hang động kéo dài hàng cây số.
Việc xây dựng khu vực này đã phải trả giá bằng sinh mệnh của hàng chục nghìn tù binh khổ sai. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 9 năm 1943, ở đây người ta bắt đầu sản xuất V2 theo hệ thống dây chuyền và chỉ cần kiểm tra lại một lần cuối cùng các cơ chế tự động. Mặc dầu bọn SS kiểm tra cực kỳ nghiêm ngặt, các tù binh vẫn thực hiện được sự phá hoại từ bên trong. Có đến gần một phần ba V2 không bay được đến Luân Đôn, hoặc nổ ngay trên dàn phóng hoặc đi chệch đường bay.
Suốt mùa hè 1943, nhiều công trình bê-tông cốt thép mọc lên trên miền Bắc nước Pháp, đó là những bệ phóng tương lai của V2. Qua phong trào kháng chiến Pháp, các tù binh đã tìm cách thông báo cho Anh về nguy cơ sắp xảy đến. Anh và Mỹ đã huy động tất cả các máy bay ném bom để công phá các công trình gồm hàng triệu thước khối xi-măng cốt sắt.
Một tốp máy bay oanh tạc bốn động cơ của Mỹ dã thất bại mặc dầu mang đầy chất nổ và được điều khiển tự động bằng vô tuyến sau khi các phi công đã nhảy dù xuống biển Măng-sơ. Người em của Tổng thống tương lai Ken-nơ-đi, trung uý phi công, đã hy sinh vì chiếc máy bay nổ tung quá sớm, lúc còn bay trên đất Anh. Nhà bác học Oa-li đã sáng chế ra một loại bom mười tấn để phá các công trình của Đức dày hàng chục thước bê-tông cốt sắt.
Hít-le giao trách nhiệm bảo vệ vũ khí bí mật V2 cho đội SS. Chúng nguỵ trang thành những khu dân cư bình thường, những đàn bò bằng gỗ trên bãi cỏ, những người nộm trước các quán hàng và đó đây phấp phới các quần áo phơi trên dây. Các đại liên và pháo cao xạ đều được nguỵ trang hết sức khéo léo. Từ tháng 11 năm 1943, tất cả đều đã sẵn sàng. Mặc dầu đã có nhiều báo cáo, phía Đồng Minh vẫn nghĩ rằng đây là một xí nghiệp chế tạo máy bay sơ tán. Cho đến một hôm cuối năm 1943, một chiếc xe du lịch chở ba người khách bị
tai nạn. Ba người Đức đều bị thương nặng và được mang cấp cứu tại bệnh viện. Một số công chức cao cấp đến hỏi thăm. Chỉ vài giờ sau, cả ba đều chết. Sự quan tâm đặc biệt của người Đức đối với ba vị khách thường dân, sự luyến tiếc đối với cái chết của họ đã đánh thức tính tò mò của các nhân viên bệnh viện. Cơ quan mật vụ Ba Lan (công trình của Đức xây dựng trên đất Ba Lan bị tạm chiếm) phát hiện ra rằng đó là ba chuyên gia bậc thầy của việc chế tạo vũ khí bí mật. Đồng Minh phái ngay các điệp viên đến khu vực này. Người nhân viên gác rừng đã tiết lộ cho họ biết nhiều sự việc lạ lùng xảy ra ở đây từ hồi mùa thu. Mỗi buổi sáng, một chiếc máy bay lượn mấy vòng trên khu rừng rồi sau đó biến mất. Tiếp theo là một tiếng nổ như sét và một quả đạn khổng lồ bay thẳng đứng từ từ lên khỏi rừng, cuối cùng tan biến trong không khí sau một tiếng nổ mạnh. Các điệp viên cũng chụp được nhiều bức ảnh. Họ cùng quan sát thấy những chuyến tàu hoả chở các thứ bom khổng lồ ấy đi đến một địa điểm khác.
…Ngày này qua ngày khác, khu vực yên tĩnh ấy bị xáo động dữ dội bởi những tiếng nổ xé tai, có ngày đến bốn lần. Các quả bom bay thể nghiệm gieo rắc cái chết và sự tàn phá trên một khu đất chừng sáu mươi mét vuông, có nhiều xóm làng và thành phố. Bọn địch rải truyền đơn để giải thích đánh lạc hướng quần chúng.
Ở Luân Đôn người ta hết sức quan tâm theo dõi từng chi tiết nhỏ các hoạt động ở vùng này. Bộ tư lệnh đòi hỏi các cơ quan gián điệp phải tìm cách sưu tầm các bộ phận của tên lửa.
Một hôm, cuối tháng 5 năm 1944, một người nông dân báo cho biết địa điểm của một tên lửa rơi mà không nổ. Người ta vội vàng đến tận nơi chụp ảnh và tìm cách giấu tên lửa vào một chỗ kín. Bọn Đức mở một cuộc tìm kiếm trên một khu vực rộng lớn, nhưng ba ngày sau thì xem như thất bại và công việc tìm kiếm bị bỏ.
Một chiếc máy bay vận tải Đakôta được bí mật phái đến và chở các bộ phận của V2 về Luân Đôn. Ma-rêc- xen đi trên chiếc Đakôta kể lại nỗi gian truân như sau:
“Giờ xuất phát trở về của chiếc Đakôta thật là bi kịch. Đó là đêm 25 rạng 26 tháng 7 năm 1944 . Đêm rất yên tĩnh. Mặt trận cách xa không là bao. Bỗng có tiếng động cơ máy bay, chiếc Đakôta lượn một vòng trên đầu chúng tôi rồi hạ cánh.
Mọi thứ đều được nhanh chóng chuyển lên máy bay. Và động cơ bắt đầu nổ. Nhưng chiếc máy bay vẫn đứng yên. Chắc là có chuyện gì đó, viên phi công tắt máy, nhảy ra ngoài và yêu cầu tất cả chúng tôi cùng xuống. Các bạn bè của tôi quan sát các bánh xe, người ta hỏi viên phi công xem đã mở máy hãm ra chưa? Lại thử cho máy bay cất cánh. Tát cả chúng tôi lại lên nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Động cơ nổ ầm ầm, nhưng máy bay vẫn không nhúc nhích. Thật là khủng khiếp. Chúng tôi lại phải bước xuống, té ra bánh máy bay bị lún xuống đất bùn.
Mọi người đều nổi cơn gai ốc. Cả bãi cỏ rực sáng dưới ánh đèn pha của máy bay, tiếng nổ của động cơ lại càng âm vạng mạnh mẽ hơn trong đêm khuya.. Bất cứ lúc nào bọn Đức cũng có thể ập đến. Chúng đóng quân ở gần đấy thôi. Chúng tôi vội vàng chặt các cành cây rồi đem đặt trước máy bay. Chúng tôi lại nhảy vội lên, và phi công lại cho nổ máy. Lần này tiếng động cơ nổ còn mạnh hơn, đuôi máy bay đã bắt đầu nhích lên… nhưng máy bay vẫn đứng nguyên tại chỗ, không nhích lên được một bước.
Mọi việc lại bắt đầu từ đầu. Chúng tôi lại phải nhảy xuống. Viên phi công tắt đèn pha. Bánh máy bay đã lún sâu xuống bùn. Đoàn phi hành dự định phải đốt cháy máy bay.
Tất cả chúng tôi đều kinh hoàng. Chúng tôi đã mất bao nhiêu công phu chuẩn bị, đã chờ máy bay đến gần hai tuần lễ và sống những giờ phút cực kỳ nguy hiểm. Tất cả những điều đó cuối cùng đều vô ích hay sao? Tôi mang một bao nặng đầy những báo cáo mật, tôi nhất định phải đến Luân Đôn càng sớm càng tốt. Các bạn bè của tôi cũng đều như vậy cả. Chúng tôi đứng im lặng như chôn chân xuống đất. Nhưng các bạn trong phi hành đoàn chưa chịu bó tay. Người thì lấy tay móc đất bùn dưới bánh máy bay, người thì đi tìm các tấm gỗ, thân cây khô đặt lên mặt đất. Sau khi móc hết đất bùn, người ta luồn các phiến gỗ xuống dưới bánh máy bay. Và chúng tôi lại leo lên. Động cơ lại nổ rền vang, chiếc máy bay bắt đầu lăn bánh, mỗi lúc một nhanh và cuối cùng nó cất cánh”.
Sau đó, chiếc Đakôta hạ cánh xuống Luân Đôn. Các bộ phận của tên lửa được nghiên cứu hết sức tỉ mỉ. Điều rõ ràng đối với loại tên lửa này là không thể phá đường bay của nó bằng cách gây nhiễu ra-đa. Hơn nữa không thể nào ngăn cản đường bay của nó khi nó đã đạt tốc độ siêu âm.
Ngày 3 tháng 9 năm 1944, sau mười tám giờ, có một tiếng nổ cực mạnh ở vùng ngoại ô Luân Đôn. Hai mươi ngôi nhà bị phá huỷ, nhiều người bị chết và bị thương nặng. Có tin đồn là một ống dẫn hơi lớn bị vỡ. Đó là cách người ta giải thích về quả bom bay V2 đấu tiên phóng xuống Luân Đôn.
Tám tuần lễ sau, ngày 10 tháng 11 năm 1944, Soóc-sin mới tuyên bố trước Nghị viện rằng những vụ nổ cực mạnh trong mấy tuần qua, mỗi vụ phá huỷ hàng chục ngôi nhà, là hoàn toàn không có liên quan gì đến các ống dẫn hơi đốt.
NƯỚC MẮT KẺ TỬ TÙ
Một buổi sáng đầu năm - ngày 8 tháng Giêng năm 1949 nhân dân Pa-ri xôn xao bàn tán về cái tin vừa niêm yết trước Toà án: bà Ma-tin Ca-rê bị kết tội tử hình. Bà Ma-tin Ca rê là ai? Và tại sao một người đàn bà lại phải lãnh án tử hình?
Ma-tin Ca-rê là một phụ nữ xinh đẹp, vóc người thon thả, mái tóc nâu mượt mà, hai hàm răng trắng nõn, đều đặn và cặp mắt dường như khi nào cũng có cái nhìn sâu thẳm.
Mác-xen A-sa, viên sĩ quan đóng vai trò nòng cốt trong cơ quan tình báo Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai và là tay chân của tướng Gioanh, tuyên bố trước toà án:
“Ma-tin Ca-rê đã lập được nhiều thành tích giúp quân đội Pháp. Trong những năm bà ấy làm việc với chúng tôi, bà đã khám phá được nhiều kế hoạch chiến dịch của quân Đức”.
Năm 1939 Ca-rê còn sống ở An-giê-ri. Đó là một cô gái có tính cách đặc biệt, biểu hiện trong cả những đường mi đậm nét, trong đôi môi đầy đặn và cả khi cô ấy ngồi bắt chéo chân, đôi chân nổi lên những bắp thịt rắn chắc và sống động.
Cô gái lấy chồng là một sĩ quan Pháp, viên sĩ quan đã hy sinh trên chiến trường châu Âu. Sau đó cô quyết định sang sinh sông sở Pa-ri. Sau thất bại của Pháp năm 1940 đã đẩy cô phiêu bạt xuống miền Nam, ở Tu-lu-dơ. Ở đây Ca-rê có sáng kiến tự mình tổ chức một trung tâm để cứu giúp những người bị nạn. Một hôm cô tiếp xúc với một người đàn ông đang tỏ ra cần sự giúp đỡ của cô. Đó là một sĩ quan Ba Lan vừa mới trốn khỏi nhà tù của phát xít Đức, có một cái bên Ba Lan rất khó gọi (tên Ba Lan của viên sĩ quan này là Roman Czerniawski), Ca-rê gọi anh ta bằng cái tên Ác-măng. Còn anh thì gọi cô là “Con Mèo của tôi” vì nét duyên dáng hiếm có của cô.
Sau này Ác-măng kể lại: Khi bọn Đức chiếm Ba Lan, tháng chín năm 1939, tôi là đại uý trong không quân Ba Lan. Tôi được lệnh rời khỏi Vác-sa-va bay vội vã qua Ru-ma-ni rồi sang Pháp. Ở đó tôi nhanh chóng được đào tạo để làm việc cho cơ quan phản gián. Sau khi Pháp thất bại, tôi chạy đến Luy-nê-vin và ở nhờ tại nhà bà Rơ-nê Boóc-ni. Khi tôi ra đi, bà ta giao lại cho tôi tất cả giấy tờ của người chồng bà đã chết là Ác-măng Boóc-ni… Chính từ đó mà anh ta mang cái tên Ác-măng. Từ mùa hè năm 1940, với cái tên ấy, viên sĩ quan Ba Lan bắt đầu tổ chức mạng lưới điệp viên gọi là mạng lưới Anh-te A-li-ê và tìm
cách bắt liên lạc với Luân Đôn (Lúc bấy giờ Luân Đôn được xem là Thủ đô chống phát xít của châu Âu).
Vào khoảng giữa tháng 9 năm 1940, Ác-măng làm quen được với Ma-tin Ca-rê trong một quán cà phê. Ác- măng tâm sự với cô gái muốn lập một mạng lưới kháng chiến làm công tác tình báo để góp phần đánh bại bọn Đức. Ca-rê nhiệt tình hưởng ứng.
Thế là cuộc chiến bắt đầu. Cả nước Pháp đang sống trong cảnh hoảng loạn, Ca-rê xông xáo khắp nơi để thực hiện ý đồ. Bước đầu “Con mèo” đã khai thác được những tin quan trọng
Trong tập Nhật ký, Ca-rê đã ghi lại một buổi gặp gỡ với tên sĩ quan Đức trong một quán cà phê:
“Một viên sĩ quan phát xít đi lại phía tôi và nói:
- Thưa bà, tôi có thể ngồi cùng bàn với bà không? Tôi muốn hỏi thăm bà về một vài điều cần biết về thành phố này.
Ca-rê trả lời:
- Được lắm, thưa ông. Tôi cũng muốn hỏi ông một câu hỏi.
- Vâng, xin bà cứ hỏi.
- Ông mặc quân phục Đức những hình như ông không phải là phi công phải không? Tôi không thấy ông đeo phù hiệu.
- Đúng thế thưa bà, tôi là người mà ở nước Pháp của bà người ta gọi là sĩ quan hậu cần của không quân…”.
Họ uống rượu sâm banh với nhau và sau đó còn cùng nhau đi uống nhiều chỗ khác nữa.
Trong Nhật ký, Ca-rê ghi tiếp:
“Tôi cố hết sức thật tỉnh ráo. Ngoài ra không tự hạn chế mình một điều gì hết”.
Khi gặp Ác-măng, “Con Mèo” báo tin là bọn Đức sắp sửa tiến quân qua Tây Ban Nha. Tuy nhiên cô vẫn ở lại để tiếp tục theo dõi công việc chuẩn bị của bọn Đức. Khi cô nhận thấy rằng việc chuẩn bị ấy đang chậm dần lại thì cô cũng là người đầu liên báo đi cái tin quan trọng là bọn Đức đã từ bỏ ý đồ xuyên qua Tây Ban Nha để chiếm Gi- bơ-ran-ta. Khi gặp lại Ác-măng, cô cảm thấy cực kỳ hạnh phúc vì đã đem lại cho chàng những tin vô cùng quý giá.
Ca-rê viết trong Nhật ký: “Tôi yêu Ác-măng quá. Tôi gọi anh ta là “Tô-tô bé nhỏ của em” và tôi nói với anh ta: “Thưa đại tướng, xin tuân thủ mọi mệnh lệnh của đại tướng”. Chúng tôi ôm hôn nhau thắm thiết… Sống với anh, tôi có cảm tưởng như được bay lên cao… tôi tin anh ta một cách tuyệt đối…”.
Đối với Tổng hành dinh của Tìn báo Anh, mạng lưới của “Con Mèo” có uy tín lớn vì đã khai thác được nhiều tin quan trọng. “Con Mèo” đã tổ chức cho quân Anh thả dù tiếp tế lương thực, vũ khí cho các vùng kháng chiến. Mạng lưới của cô trải rộng ra hầu hết các vùng bị chiếm đóng.
Ngày 10 tháng 5 năm 1941, từ ngôi nhà số Ba phố Tơ-rô-ca-đê-rô, bản tin điện đầu tiên được đánh thẳng sang Luân Đôn. Quân Đồng Minh bắt đầu trực tiếp liên lạc dược với Pa-ri. “Con Mèo” làm cả công việc quản lý tiền nong do Luân Đôn chuyển sang. Đã có lần, Ác-măng bay sang Luân Đôn để bàn bạc kế hoạch. Ác-măng kể lại:
“Giữa tháng 9 năm 1941 Luân Đôn muốn tôi sang Anh để trao đổi một số việc quan trọng. Ngày 1 tháng 10, tôi và hai người nữa đến địa điểm đã hẹn trước. Đống tài liệu báo cáo được giấu trong một hộp loa cũ. Khoảng quá nửa đêm, chúng tôi nghe có tiếng động cơ máy bay đến gần. Máy bay hạ cánh cách chúng tôi mấy mét. Chúng tôi leo lên và máy bay bay rất thấp, hướng về phía nước Anh”. (Hơn 25 năm sau, năm 1967, viên phi công Anh và Ác- măng đã gặp lại nhau ở địa điểm hạ cánh cũ để trò chuyện).
Ác-măng ở lại Luân Đôn mười ngày, sau đó lại nhảy dù bí mật xuống đất Pháp.
Một hôm cả Ác-măng và Ca-rê đều thấy cần có một người giúp việc thêm trong việc theo dõi các quán ăn, quán rượu, quán cà phê… Ca-rê tìm được một cô gái bí danh là Vi ô-lét. Cô gái trung thành tuyệt đối với người chỉ đạo và sau một thời gian, “Con Mèo” buồn bã phát hiện thấy Ác-măng cũng yêu cô gái ấy. Một hôm Ca-rê đề nghị Ác- măng cho cô gái về một tỉnh lẻ làm một công việc không quan trọng lắm, Ác-măng mỉm cười nói với Ca-rê:
- Em ghen đấy à? - Ca-rê chống chế:
- Chẳng phải thế đâu anh, em có linh tính chúng mình đang bị đe doạ. - Em muốn nói là em có cảm tưởng đang ghen chứ gì? Ác-măng vừa nói, vừa cười.
Trong thời gian đó, mạng lưới vừa kết nạp thêm một thành viên mới. Ê-min. Anh ta là một tay bợm rượu nhưng mạng lưới phải dùng anh vì anh làm ở nhà kho của không quân Đức ở Séc-bua, có thể thu thập nhiều tin tức. Một hôm trong quán rượu, lúc say Ê-min đã tiết lộ với một tên lính Đức về các hoạt động tình báo.
Tổng hành dinh phản gián Đức ở Pa-ri đã cử Huy- gô Bơ-lê-sơ, hạ sĩ quan công an mật đến điều tra. Chúng phát hiện ra Ê-min chỉ là mắt xích cuối cùng của mạng lưới. Mạng lưới này được chỉ đạo từ Tổng hành dinh đặt ở Pa-ri và là một mạng lưới cực kỳ quan trọng. Do Ê-min chỉ điểm, bọn Đức bắt được Pôn, chỉ huy một chi nhánh nhỏ ở Can-va đốt. Pôn tiết lộ là hắn có thể bắt liên lạc với Va- lăng-ti, người lãnh đạo cao nhất của mạng lưới. Hắn khai là có thể gặp Va-lăng-ti vào giữa tháng mười một, trong ga tàu điện ngầm gần nhà hát ô-pê-ra ở Pa-ri. Một nhóm Đức mặc thường phục chực sẵn ở cửa ga tàu điện ngầm để bắt Pôn nếu hắn chạy trốn vào đường hầm. Nhiều tốp Đức khác bao vây xung quanh để bắt Va-lăng-ti khi Va-lăng-ti xuất hiện. Cách xa một đoạn, một số người Đức lượn lờ, đi đi lại lại như những cặp tình nhân. Mấy chiếc xe ôtô đã sẵn sàng. Sau vài giờ chờ đợi, Pôn thú nhận là hắn bịa ra chuyện gặp gỡ này để báo cho các đồng sự của hắn chứ thật ra hắn chưa bao giờ gặp Va-lăng-ti ở Pa-ri và cũng không hề biết chỗ ở của Va lăng-ti. Hầu hết các thành viên trong mạng lưới chỉ liên lạc với Va-lăng-ti bằng hòm thư mật.
Mười tám giờ ngày 12 tháng 11, bọn Đức lại bắt Pôn từ nhà tù ra và doạ chỉ thoát chết nếu hắn nhắn một tin cho Va-lăng-ti qua hòm thư mật. Pôn viết theo địa chỉ cho Va-lăng-ti báo rằng cần gặp để bàn việc chi tiền cho một thành viên làm nghề đánh cá mà hắn vừa bắt liên lạc được. Bơ-lê-sơ giở bản đồ Pa-ri lên mặt bàn để Pôn chỉ địa điểm hòm thư mật.
Hòm thư mật số Một đặt trong ngôi nhà trường Béc-li, đại lộ Ý. Lên tầng thứ sáu, đến phòng số hai trăm tám mốt và nhét thư vào khe cửa. Mỗi nhân viên có một ám hiệu riêng. Chẳng hạn Pôn thì phải gõ cửa hai lần và vặn núm cửa ba lần xuống phía dưới. Lúc bấy giờ thư trả lời sẽ nhét ra qua khe cửa chứ Pôn không được vào phòng.
Hòm thư thứ hai đặt ở quán cà phê La Pa-lét, đại lộ Mông Pác-nát-xơ. Người đàn bà làm ở quán cà phê dưới mặt đất sẽ chuyển các thư từ. Pôn để lại ở đây một lá thư, lần này gửi cho Cơ-ri-xti-ăng, cộng tác viên thân cận nhất của Va-lăng-ti.
Ngày 14 tháng 11, hòm thư ở trường Béc-li không có ai cả. Pôn gõ cửa làm ám hiệu nhưng trong phòng vắng tanh.
Bảy giờ chiều ở quán cà phê La Pa-lét, có thư trả lời của Va-lăng-ti: “Hiện nay không thể trao đổi với nhau được. Đến ngay Gơ-răng-vin. Trở lại Pa-ri ngày 20 tháng 11. Sẽ có
các chỉ dẫn và tiền cho người đấnh cá. Rất quan trọng - Va-lăng-ti”.
Ngày hôm sau Pôn được phóng thích. Nhưng y cần phải gặp Cơ-ri-xti-ăng. Qua quán cà phê La Pa-lét, y hẹn gặp Cơ-ri-xti-ăng buổi chiều hôm đó ở quán cà phê Mông- tơ Các lô
Bơ-lê-sơ ngồi ở bàn cạnh cổng ra vào cửa quán, ngay bên bàn của Pôn. Một người bước vào ngồi đối diện với Pôn. Lập tức y bị bọn Đức bắt và còng tay lại.
Bị thẩm vấn, Cơ-rit-xti-tăng tiết lộ là y thường tiếp xúc với Va-lăng-ti. Nếu một ngày y không đến là Va-lăng- ti phải sẵn sàng cảnh giới. Bọn Đức hứa sẽ phóng thích Cơ- ri-xti ăng nếu y cho chúng biết ngay địa chỉ của Va-lăng- ti. Cơ ri-xti-ăng im lặng không trả lời. Chúng bèn tìm Pôn và để cho hai người cùng ở trong xà lim của Cơ-ri-xti-ăng cùng với một vài chai rượu vang và cô-nhắc. Đến nửa đêm, Pôn tập tễnh bước ra khỏi xà lim, theo sau là Cơ-ri-xti-ăng. Pôn tòi ra một mẩu giấy lộn, trên đó có dòng chữ “Ác- măng Boóc
ni, số Tám - biệt thự Lê-ăng Mông- mác-tơ- rơ”.
Đúng hai giờ sáng ngày 17 tháng 11, Bơ-lê-sơ phát hiện ra biệt thự Lê-ăng trong cái mê cung đầy những ngõ ngách của khu Mông mác-tơ-rơ. Lúc đó trong nhà số Tám cũng như trong mọi nhà xung quanh, thiên hạ còn ngủ say.
Ác-măng kể lại:
“Rất ít người biết ngôi nhà mới của chúng tôi, biệt thự Lê-ăng. Đây là một nơi lý tưởng để hoạt động. Tôi và Rơ-nê ở tầng một, những người phụ trách điện đài ở tầng hai. Lúc bấy giờ chúng tôi đã hoạt động trên quy mô lớn: hàng ngày chúng tôi đánh đi bốn bức điện, mỗi bức một trăm chữ”.
“Ngày 6 tháng 11 , ngày kỉ niệm thành lập mạng lưới chúng tôi chuẩn bị tổ chức liên hoan. Sau khi nhận được tin của Pôn về người đánh cá, tôi phái Cơ-ri-xti-ăng đến quán cà phê Mông-tơ Các-lô. Cơ-ri-xti-ăng hứa là sẽ trở về đúng để dự liên hoan kỷ niệm. Mọi người đều sốt ruột. Đúng hai giờ sáng, tôi đi nằm”.
Năm giờ sáng hôm ấy, đội cảnh sát một của Đức được lệnh chuẩn bị và đúng sáu giờ mười lăm phút, đoàn xe ô tô dừng lại trước biệt thự Lê-ăng. Bô-lê-sơ bấm chuông nhà số Tám. Một cụ già bận quần áo ngủ bước ra trả lời là không hề có ai tên là Ác-măng cả. Bơ lê-sơ sực nghĩ ra, hay là nhà 8 bis? Hắn ra lệnh: “Hai người ở lại đây và lục xét trong nhà, còn tất cả sang nhà 8 bis!”
Ác-măng lại tiếp tục kể:
“Tôi không nhớ là đã ngủ được bao nhiêu lâu. Tôi bị đánh thức dậy bởi một tiếng động lớn ở cầu thang. Một tiếng súng nổ, tiếp theo là nhiều tiếng kêu thét. Tôi vội nhảy ngay xuống giường. Lập tức cánh cửa phòng bị bật tung và một đám người hò hét ập vào. Ánh sáng bật lên, tôi nhận ra những tên lính Đức cùng với một người mặc thường phục, đeo kính, đội mũ nồi đen. Cùng lúc đó tôi nghe có tiếng người nhảy qua cửa sổ, đúng là các nhân viên điện đài đã chạy thoát. Không ai biết con đường này, từ mái nhà bên cạnh có một lối đi ra phía sau. Sau vài phút, tôi bước xuống cầu thang, tay đã bị còng. Đằng sau tôi là ngôi nhà đầy những lính Đức cùng với tất cả các tài liệu của mạng lưới. Tôi biết rằng một chương trong cuộc đời tôi đã chấm dứt. Tôi bị đưa đến nhà giam Fơ-rét-xnơ”.
Rơ-nê Bóc-ni cũng bị bắt và từ Rơ-nê, bọn Đức tìm ra Ca-rê, “Con Mèo”. Ca-rê đóng
một vai trò rất quan trọng trong mạng lưới. Ca-rê bị bắt ở gần nhà cô.
Ngồi trong xà lim nhà tù quân sự, Ca-rê vô cùng sợ hãi. Cô không rõ số phận những người bạn chiến đấu khác như thế nào. Ác-măng có bị bắt không? Và những ai nữa? Hay chỉ cô một mình cô? Nghĩ đến những cảnh tra tấn sắp tới, Ca-rê rừng mình.
Đêm đến. Một mình trong bóng tối xà lim, “Con Mèo” nghĩ đến hoàn cảnh và thân phận của mình và thấy không có tia hy vọng nào trốn thoát. Bỗng nhiên ánh đèn rực sáng, cửa mở và một người đàn ông bước vào, mặc quân phục Đức. Ca-rê run sợ liếc nhìn ông ta.
Bây giờ cô đã có thể dễ dàng nhận ra cấp bậc và binh chủng của sĩ quan Đức. Tay này là một viên đội. Nếu hắn mặc thường phục thì có lẽ khó nhận ra hắn là người Đức kể cả hình thể và thái độ.
Cô không kém phần ngạc nhiên về tay này. Hắn đứng lại gần cửa ra vào, dựa người vào tường và im lặng nhìn người đàn bà trẻ tuổi. Cặp mắt hắn không rời khỏi cô.
Ca-rê đứng dậy, hỏi:
- Thưa ông, ông cho biết tại sao tôi bị bắt?
Hắn không trả lời. Sự im lặng ấy lại làm cho cô khủng khiếp thêm.
Sau một lúc lâu, hắn bắt đầu nói:
- Cô đã từng ở An-giê-ri?
- Vâng !
- Pa-ri là một thành phố tuyệt vời, phải không cô?
Cô gái nhìn hắn, kinh sợ. Hắn hỏi:
- Cô sợ lắm phải không? Sợ về cái gì vậy? Tôi không làm gì hại cô đâu. Tôi biết cô là một cô gái thông minh. Cô có biết rằng với cách đội mũ của cô, trông cô giống như Gian Đa không? (một nữ anh hùng chống xâm lược theo truyền thuyết dân gian Pháp)
Sau này Ca-rê ghi trong nhật kí: “Đó là điều đáng kinh sợ nhất: con người vừa bước vào xà-lim của tôi lại rất người”.
Con người “rất người” ấy hỏi cô về các hoạt động của phong trào kháng chiến, nói chuyện về An-giê-ri, về nước Pháp, về Pa-ri. Hắn nói chuyện với một giọng êm dịu. Được một lúc, cô gái sợ hãi nhận thấy rằng cô đã cùng hắn ta trò chuyện rất dễ chịu. Tuy nhiên hắn đùa gần một cách độc ác.
- Ở đây quả là không dễ chịu chút nào nhỉ. Cô có muốn đi chỗ khác không?
Cô gái bỗng nhiên nhận thức rõ chỗ mình đang sống. Với một thái độ tuyệt vọng, cô nhún vai và nhìn xuống đất. Khi cô ngẩng lên thì viên đội đã biến mất. Ánh sáng trong xà lim lại tắt ngấm.
Sau này cô viết trong Nhật ký: “Bản nhạc của Mô- da Requiem vang đến tai tôi như từ một cõi xa xăm, hư ảo . Dường như tôi nghe rõ bản nhạc do một dàn nhạc nào đó đang chơi”.
Tiếp đó có tiếng động ở cửa. Đèn lại bật sáng. Lúc cánh cửa mở ra, Ca-rê trông thấy
một bon lính cảnh vệ Đức. Một viên cai ra lệnh cho cô đi theo hắn ta. Cô đi theo dọc các hành lang, qua các cửa có song sắt và qua một bàn giấy. Viên cai ký vào một tờ giấy. Một cánh cửa mở ra rồi lại một cánh cửa khác… Cuối cùng là một ô cửa có song sắt và rồi thì…
Ai vậy? Chính là viên đội vừa đến thăm cô ở xà lim. Khó khăn lắm cô mới nhận ra hắn. Hắn mặc thường phục, thắt một chiếc cà vạt rất lịch sự, đeo găng tay, đội mũ nồi rộng và một điếu thuốc lá trên miệng… tóm lại, hắn có dáng dấp hoàn toàn như một người Pháp sang trọng.
Với thái độ lịch sự của một khách thượng lưu, hắn mời Ca-rê lên ngồi phía sau một chiếc xe bóng lộn.
- Mời cô ngồi phía sau. Nhớ đừng kéo diềm lên.
Hắn nhẹ nhàng ngồi vào cầm tay lái. Ca-rê chú ý thấy chiếc gương lớn trước mặt người lái là một chiếc gương rất lớn, cho phép hắn có thể quan sát rất rõ người ngồi phía sau.
Xe nổ máy lướt đi và cô gái nhìn thấy mình lại trở lại Pa-ri. Hắn định đem cô đi đâu đây? Sau đó lại đi ra khỏi Pa-ri… Ca-rê rùng mình khi thấy xe đi qua một ngôi nhà to lớn, lộng lẫy, vốn là nhà của diễn viên nổi tiếng Ha-ri Bô và cô biết rằng ngôi nhà này đã bị quân đội phát xít trưng dụng làm Tổng hành dinh của cơ quan phản gián. Nếu hắn đưa cô vào ngôi nhà này thì hẳn phải là một việc hết sức hệ trọng. Cô nghĩ ngôi nhà đồ sộ này có lẽ nên treo chiếc biển mà Đăng-tơ đã viết trước ngục: “Ai vào đây thì hãy để lại mọi hy vọng ở bên ngoài cổng”.
Nhưng phải chăng đây thật sự là tổng hành dinh của cơ quan phản gián Đức? Hoàn toàn không có vẻ gì như vậy cả, ngược lại, cô gặp những kẻ tôi tớ lễ phép mời cô vào phòng khách và để cô ở lại một mình.
Ca-rê ngồi vào một chiếc ghế bành rất lịch sự. Qua cửa sổ, cô có thể nhìn thấy công viên trong bóng chiều tà. Tiếng ồn ào của thành phố nghe xa vắng. Dường như không có ai chú ý đến cô gái cả.
Bỗng nhiên cửa phòng mở ra, con người kia xuất hiện và đến tìm cô. Hắn dẫn cô đi qua hành lang dài, đến một gian phòng lớn trang hoàng, bày biện cực kỳ sang trọng. Qua một cánh cửa hé mở, cô trông thấy một chiếc gương phía trước có một ngọn đèn sáng. Ca rê bước vào gian phòng ấy: đó là một phòng ngủ.
Đâu đó sự việc gì đã diễn ra trong gian phòng ấy? Ca-rê không hề ghi lại điều đó trong Nhật ký. Nhưng về sau chánh án toà án, ông Đơ-ra-pi-ê lại muốn tìm hiểu cho rõ điều đó.
- Cô hãy nói cho thật những điều gì xảy ra. Cô có vào biệt thự Ha-ri Bô không?
- Tôi đã thuật lại đúng những điều gì xảy ra nhưng tôi sẽ nhắc lại lần nữa. Sau mười bốn tháng kháng chiến và hoạt động liên tục cho phong trào kháng chiến, tôi đã bị bắt và bị đưa đến biệt thự Ha-ri Bô. Tôi nằm trong lay bọn Đức. Viên cai Bơ-lê-sơ không bao giờ rời tôi một phút.
- Như vậy là cô đã biết được tên của viên cai?
- Hắn nói với tôi tên hắn là Huy-gô Bơ-lê-sê.
- Cấp cai có đúng là cấp bậc nó trong quân đội không?
- Điều đó tôi hoàn toàn không biết.
- Có đúng tên nó là Huy-gô Bơ-lê-sê không?
- Thưa ngài chánh án, làm sao tôi biết điều đó được.
- Được. Như vậy cô là tù nhân của Bơ-lê-sê. Trong cái đêm đầu tiên ấy, cô có trở thành tình nhân của nó không?
- Thưa ngài chánh án, ngài không thể đặt ngài vào địa vị của tôi.
- Cô hãy trả lời câu hỏi của tôi. Trong cái đêm đầu tiên ấy, cô có trở thành tình nhân của nó không?
- Tôi có buộc nhất định phải nói với ngài tất cả những gì xảy ra không? - Tại sao cô lại trở thành tình nhân của nó?
- Bơ-lê-sê nói với tôi: “Nếu cô tỏ ra biết điều thì đêm nay cô sẽ được tự do”. Vì vậy tôi đã phải tỏ ra biết điều.
- Cô là vợ goá của một sĩ quan quân đội Pháp, cô không thấy ghê tởm khi trở thành tình nhân của một tên cai Đức ư?
- Đương nhiên, thưa ngài chánh án, về thể xác tôi hoàn toàn ghê tởm. - Trong đêm ấy còn điều gì khác nữa không?
Im lặng
- Chúng tôi muốn biết điều gì khác đã xảy ra trong đêm ấy. Đó là điều mà cô cần phải giải thích cho chúng tôi. Cô thừa nhận rằng trong mười bốn tháng, cô đã xông pha vào những nơi nguy hiểm nhất để hoạt động cho kháng chiến. Và chỉ trong một đêm, cô đã quên tất cả quá khứ, cô đã quên nước Pháp, cô đã tự quên cả chính mình nữa. Và ngày hôm sau, cô đã đặt vào bàn tay tên cai Huy-gô Bơ-lê- sê danh sách ba mươi lăm nhân viên quan trọng nhất của Mặt trận kháng chiến Pháp. Đấy, cô hãy nói rõ điều gì đã xẩy ra trong đêm ấy.
Viên chánh án toà án nhìn thẳng một hồi lâu vào mặt của bị cáo.
Sau cái đêm ấy, một buổi sáng, “Con Mèo” và Bơ- lê-sê (mặc thường phục) lại lên một chiếc xe mang biển xe Pháp. Họ trở lại Pa-ri và dừng lại trước ngôi nhà trú ẩn của Rô-chi ni. Nhiều xe khác cũng dừng lại trước ngôi nhà ấy nhưng không ai chú ý cả vì họ đều mặc thường phục và có vẻ là những người hiền lành. Người thì xuống xe mua thuốc lá, người khác thì lại vào hiệu mua báo…
Ca-rê leo lên cầu thang, gõ cửa theo ám hiệu. Cánh cửa mở ra: Rô-chi-ni đang ngồi với Fơ-răng, một nhân viên quan trọng khác của mạng lưới. Cả hai có một chút do dự khi thấy có một người khác ở bên cạnh “Con Mèo”. Họ không biết con người này. Ca-rê nói nhỏ:
- Ác măng đã bị bắt. Chúng ta cần làm ngay một việc gì.
Hai người bạn tỏ vẻ hoảng sợ.
- Đừng sợ - Ca-rê vừa nói với chỉ tay vào Bơ-lê-sê - Các cậu chưa biết anh này, anh ta là người của chúng ta đấy.
Họ trao đổi với nhau một lát rồi Ca-rê nói với Bơ- lê-sê:
- Anh cho xe nổ máy đi kẻo mất thì giờ.
Cô ta còn ở lại vài phút nữa. Rồi có tiếng đập cửa. Cô mở cửa thì một bọn Đức nhảy vào, tay lăm le những khẩu súng lục. Chúng thét: “Giơ tay lên !”.
Trong tám tiếng đồng hồ tiếp đó, màn kịch được chuẩn bị cẩn thận ấy đã diễn ra mãi cho đến khi cả ba mươi lăm thành viên của phong trào kháng chiến đều bị tóm gọn.
Trong một, hai tháng “Con Mèo” đã hành động như vậy theo mệnh lệnh của Bơ-lê-sê. Cô ta biết tất cả và đã phản bội tất cả. Cô đã cho tất cả bạn chiến đấu của mình vào nhà tù quân Đức.
Bàn tay chỉ đạo của Bơ-lê-sê là một bàn tay bậc thầy. Những người bị bắt hoàn toàn không thể không tin cho đồng đội. Vì vậy không một thành viên kháng chiến nào nghi ngờ Ca-rê cả. Sau vụ phản bội lớn, cô ta vẫn được xem như là một người yêu nước và cô ta vẫn tiếp tục đóng vai trò một phụ nữ kháng chiến. Không một chiến hữu nao nghĩ rằng cô bạn gái dũng cảm ấy đã phản bội. Nhất là khi họ thấy cô không dè xèn trong việc bỏ tiền ra để tổ chức, củng cố mạng lưới và tiếp tục động viên mọi người chiến đấu.
Nhưng thật ra tối nào Ca-rê cũng bí mật đến biệt thự Ha-ri Bô để trình bày các kế hoạch hoạt động ngày vừa qua của cô.
Một hôm Ca-rê gặp Luy-ca, một thành viên kháng
chiến vừa từ Anh tới để tồ chức các nhóm nhỏ lại thành một mạng lưới tình báo rộng lớn và có hệ thống trên khắp nước Pháp. Luy-ca là sĩ quan Pháp, tên thật là Vô-mê-cua. Ca-rê tìm cách lấy lòng lin của Luy-ca. Luy-ca không hề ngờ rằng cô ta đã làm việc cho Đức. Sau một thời gian, Luân Đôn báo tin cho Luy-ca trở về Anh vì một số công việc gấp. Tin ở lòng trung thành của Ca-rê, cơ quan phản gián Đức bàn kế hoạch cho cô ta cùng đi với Luy-ca sang Anh.
Lúc bấy giờ việc sang Anh không phải dễ dàng. Bọn Đức đã phát hiện ra các hành lang bí mật dẫn đến biên giới Tây Ban Nha cũng như các điểm trên bờ biển mà Tổ chức kháng chiến có thể vượt biển qua Anh. Cuối cùng Ca- rê báo là đã tìm ra được một biện pháp hiệu nghiệm để trốn sang Anh. Cô ta nói thêm là nên để cô cùng đi với Luy-ca vì cô được nhiều người ở Luân Đôn biết và để làm cho người Anh tin. Đề nghị của Ca-rê được mọi người tán thành và ủng hộ. Đó là một chiến tích mà chỉ có “Con Mèo” dũng cảm và thông minh mới có thể hoàn tất được.
Thế là Ca-rê cùng sang Anh với Luy-ca. Một chiếc thuyền nhỏ của Anh mang ký hiệu MGB 314 đón hai người ở bờ biển gần Lô-kê-rêc. Bọn lính Đức canh phòng bờ biển đã được báo trước: không có một bóng tên lính Đức nào trong phạm vi mấy cây số gần chỗ chiếc thuyền Anh cập bến. Đêm 27 rạng ngày 28 tháng 2 năm 1942, Ca- rê và Luy-ca đã vượt sang Anh trót lọt.
“Con Mèo” hoạt động ở Anh trong bốn tháng. Tất cả những tin tức thu lượm được đều chuyển về Pháp cho mạng lưới kháng chiến nhưng đều bị Bơ-lê-sê nắm được.
Dẫu vậy “Con Mèo” đã không tránh khỏi con mắt tinh đời của tình báo Anh. Tháng 7 năm ấy, cơ quan tình báo Anh đã ra lệnh bắt Ca-rê trong lúc cô đang hoạt động ở Luân Đôn. Trò chơi hai mặt của cô đã phải chấm dứt. Những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, Ca-rê sống trong nhà tù ở Anh.
Trong thời gian đó, số phận của Ác-măng ra sao? Chúng ta hãy nghe đại tá Ô-xca Rây kể lại:
“Với tư cách là thủ trưởng cơ quan phản gián Đức ở Pháp, tháng 2 năm 1942 tôi có trách nhiệm tìm mọi cách đưa Ác-măng vào hoạt động cho chúng tôi. Tôi đã lập một kế hoạch rất tỉ mỉ. Tôi đến gặp Ác-măng ở nhà tù, nói một vài câu khích lệ, khen ngợi những công việc mà anh ta đã làm cho đất nước của anh.
Ác- măng hỏi thăm tôi về tình hình các chiến hữu đã bị bắt giam. Tôi thấy có dịp thuận tiện để trò chuyện và đề nghị anh ta làm việc cho chúng ta. Cuối cùng Ác-măng tuyên bố sẵn sàng nhận lời với điều kiện là sáu mươi lăm chiến hữu của anh đang bị giam trong nhà tù này không phải đưa ra trước Toà án binh.
Thật kỳ quái cho con người này, anh ta dám đặt điều kiện với cơ quan hoạt động bí mật đang nắm vận mệnh anh trong tay. Ấy thế mà cuối cùng tôi đã chấp nhận và chúng tôi bàn ngay đến các kế hoạch để đưa anh sang Anh…”
Huy-gô Bơ-lê-sê kể lại phần tiếp theo:
“Đầu tháng 7 năm 1942 , người ta giao cho tôi một trách nhiệm đặc biệt. Tôi phải đến tìm Ác-măng ở nhà tù Pa-ri rồi lấy cớ là đưa đi thẩm ván. Dọc đường đi, tôi phải tìm cách để cho anh la trốn thoát. Và quan trọng là làm sao cho mọi người tin là đúng sự thật. Ngày 14 tháng 7 năm 1942 , ngày lễ quốc khánh Pháp, tôi đi xe đến nhà tù giam Ác-măng cách Pa-ri hai mươi cây số. Tôi cho gọi Ác-măng ra. Từ trước đến nay, nhiệm vụ duy nhất của tôi là đi bắt bọn điệp viên. Bấy giờ người ta lại đòi hỏi tôi tạo điều kiện. cho một tay chỉ đạo một mạng lưới gián điệp lớn trốn thoát! Trên con đường trở về Pa-ri, xe tôi phóng rất nhanh. Chính tôi cầm tay lái. Đến khoảng giữa đường, tai nạn đã xảy ra. Lúc quặt tay lái sang phải, bỗng nhiên một chiếc xe tải lớn đang đứng cản trên mặt đường. Tôi văng ra một tiếng chửi tục, nhảy ra khỏi xe, và quát tháo bọn lái xe khốn kiếp kia. Ác-măng lợi dụng ngay cơ hội may hiếm có. Mặc dầu tay bị trói quặt sau lưng, anh ta phóng chạy như bay. Để cuộc chạy trốn có vẻ thật hơn, tôi bắn mấy phát súng chỉ thiên rồi chạy phóng theo anh ta, có bọn lính Đức và người của chúng tôi chạy theo. Nhưng đã quá muộn. Ác-măng đã biến mất. Cuộc trốn thoát đã thành công”.
Ô-xca Rây kể thêm:
“Bắt đầu từ tháng 7 năm 1942 , đài thu của chúng tôi hoạt động đúng theo những giờ đã quy định với Ác-măng.
Nhưng nhiều tuần lễ trôi qua mà chúng tôi chẳng nhận được gì hết. Mãi đến đầu tháng 1 năm 1943, chúng tôi mới nhận được bản tin phát đầu tiên của anh. Tiếp theo nhiều tháng sau, hàng ngày chúng tôi nhận được đều. Sau khi đã giải mã, các bản tin đều được gửi lên Tổng hành dinh và nói chung là được đánh giá tốt. Mặc dầu bản thân tôi chẳng chú ý gì nhiều đến giá trị của các bản tin ấy, tôi tìm cách làm cho lời hứa của tôi với Ác-măng được thực hiện. Tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được cho sáu mươi lăm cộng tác viên của Ác-măng và tôi tin chắc rằng sau chiến tranh, họ vẫn sống. Đương nhiên đối với tôi, đó là
một niềm vui”.
Ngay sau lúc đến Luân Đôn, tất nhiên là Ác-măng thông báo cho người Anh biết các chỉ thị, kế hoạch của cơ quan phản gián Đức. Sau đó chính cơ quan tình báo Anh đã thảo các bản tin để điện cho bọn Đức. Người ta không quên sáu mươi lăm cộng tác viên của Ác-măng ở Pa-ri đang ngồi trong tù, cho nên dầu các bản tin không có gì thật quan trọng, chúng vẫn phải làm sao cho đối phương tin tưởng.
Tháng 4 năm 1967 - lần thứ nhất sau chiến tranh - hai đối thủ ngày trước, Ác-măng và Huy-gô Bơ-lê-sê gặp lại nhau ở Tổng hành dinh cũ của cơ quan tình báo quân đội ở Pa-ri. Ác-măng kể lại rằng lúc ông ta sang đến Luân Đôn thì “Con Mèo” cũng vừa bị bắt. Cuộc tái ngộ Ác- măng - Bơ-lê-sê diễn ra như cuộc tái ngộ của hai người bạn cũ để cùng nhắc lại các kỷ niệm xưa: Họ đã cứu sống cho sáu mươi lăm điệp viên bí mật.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Ác-măng trở lại hàng ngũ quân đội Ba Lan lưu vong và trở về Tổ quốc. Còn “Con Mèo” thì người Anh trả lại cho chính phủ Pháp.
Tháng 1 năm 1949, khi đứng trước vành móng ngựa, Ca-rê giữ thái độ bình tĩnh, mắt mơ màng nhìn lên trần nhà.
Chánh án toà tuyên bố :
- Trong hai tháng, bà đã phạm tội phản bội một cách ghê tởm. Tính ích kỷ, thói lừa đảo, sự kiên trì hoạt động tội lỗi mà bà ta đã ghi lại trong Nhật ký và tôi đã có đọc trích một số đoạn, đã nói lên đúng tính chất con người của bà ta: một bộ óc không có tim. Các ngài biết rằng trong trường hợp này, chỉ có một bản án là xứng đáng: Tử hình.
Luật sử bào chữa phát biểu:
- Tôi thừa nhận các tội lỗi của bà ấy. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng, lúc bấy giờ người đàn bà này phải lựa chọn giữa cái sống và cái chết. Và chúng ta cũng không nên quên rằng hồi đầu kháng chiến, bà đã từng là một nữ anh hùng. Chúng ta có nên kết án tử hình một người trong buổi đầu đã có công gieo mầm cho niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến không?
Tuy vậy bản án của toà vẫn có giá trị. Ca-rê bị kết án tử hình vì tội phản bội.
Trước khi toà tuyên án, lần đầu tiên và lấn duy nhất, Ca-rê mất bình tĩnh và tự chủ. Bà ta khóc trước toà:
- Tôi chờ đợi bản án không chút sợ hãi. Nhưng tôi không thể không đau lòng nghĩ rằng trong khi tôi bị người ta kết án tử hình ở toà án này thì Bơ-lê-sê lại đang sống tự do ở Hăm-buốc!
Một vài tháng sau, Tổng thống Pháp cho giảm xuống mức tù chung thân. Nhưng cuối cùng vì lý do sức khoẻ Ca-rê không phải lãnh án.
CUỘC SĂN LÙNG CHIẾN HẠM KHỔNG LỒ TIRPITZ CỦA ĐỨC QUỐC XÃ
Chiến hạm khổng lồ Tirpitz là niềm kiêu hãnh của Hải quân Đức: dài hai trăm năm mươi mốt mét, rộng ba mươi sáu mét, bốn ống tháp canh với nhiều đại bác 380mm, hàng chục đại bác cỡ nhỏ hơn và có thể hoạt động trên một đường kính mười ngàn ki-lô-mét mà không cần phải tiếp tế.
Đoàn thuỷ quân trên chiến hạm gồm hai ngàn ba trăm bốn mươi người; một ngàn hai trăm bốn mươi người đã bị chết lúc chiến hạm bị ném bom. Nội các chiến tranh Anh tuyên bố là việc đánh đắm chiến hạm Tirpitz đang làm chủ trên mặt biển châu Âu, sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến. Từ tháng 3 năm 1942 cuộc săn lùng bắt đầu và kéo dài trong hai năm.
Tại một quân cảng Đức (quân cảng Wihelanshaven) ngày 1 tháng 4 năm 1939 , tám mươi ngàn người đã lập trung dầy đặc xung quanh các nhà máy chế tạo tàu chiến của Hải quân để tham dự lễ hạ thuỷ chiến hạm khổng lồ Tirpitz. Công khai thì chiến hạm này trọng tải ba mươi lăm ngàn tấn, phù hợp với công ước quốc tế. Sau chiến tranh, người ta được biết là thật ra Tirpitz trọng tải ba mươi ngàn tấn và có thể đạt mức tối đa là năm mươi ba ngàn tấn. Nó bắt đầu hoạt động ngày 25 tháng 2 năm 1941. Bắt đầu từ hôm đó, các cơ quan tình báo không quân Anh liên tục theo dõi sự hoạt động của chiếc chiến hạm khổng lồ này.
Ngay lúc còn ở trong xưởng cho đến lúc bắt đầu hoạt động thử trên biển Ban-tích, máy bay trinh sát Anh đã chụp nhiều ảnh và tính toán tốc độ của nó. Người ta rất ngạc nhiên làm sao một quả núi đồ sộ như vậy lại có thể đạt đến tốc độ từ hai mươi bảy đến ba mươi mốt hải lý !
Cơ quan lãnh đạo Hải quân Anh hoàn toàn không chút nào ảo tưởng. Muốn công phá một chiến hạm cỡ như vậy phải chịu nhiều hy sinh, tổn thất. Vì vậy vấn đề còn phải tạm thời gác lại.
Chiến hạm Tirpitz cùng với nhiều lực lượng Hải quân khác là mối nguy cơ thường xuyên đối với các đoàn tàu vận tải của Đồng Minh. Để đề phòng quân Anh tiến công, chiến hạm Đức được nguỵ trang cực kỳ cẩn thận. Tuy vậy ít nhất mỗi tuần một lần, máy bay trinh sát Anh vẫn chụp được ảnh. Các máy bay Anh bay thấp đến mức các phi công trông thấy hết tất cả, cả mạng lưới chống thuỷ lôi bao bọc xung quanh: một mạng lưới hai tầng, có thể ngăn được cả các thuỷ lôi do máy bay ném xuống.
Ngày 28 và 29 tháng 4 năm 1942 , máy bay ném bom Anh tấn công chiến hạm. Thay vì loạt bom thông thường, quân Anh ném loại lựu đạn ngầm chuyển thành một loại mìn lăn. Loại mìn này được chế tạo đặc biệt. Máy bay ném mìn xuống dốc sườn núi sát cạnh cảng, nơi ẩn nấp của tàu Tirpitz. Sườn núi dốc và không có cây, người ta hy vọng rằng mìn sẽ lăn xuống và nổ dưới thân tàu.
Nhưng những cuộc tiến công bằng bom hoặc bằng mìn lăn đều không có hiệu quả lớn.
Bọn Đức sửa chữa rất dễ dàng cho nên vẫn rất nguy hiểm.
Sau đó người Anh phát hiện ra một phương pháp mới, có rất nhiều triển vọng. Từ tháng 1 năm 1942, sau những thành công mà người Ý đạt được bằng loại người - thuỷ lôi, Soóc-sin ra lệnh chế tạo những chiếc xuồng nhỏ cho hai người, dựa theo mẫu của Ý. Mỗi chiếc xuồng chở ba người: Hai người lặn phóng thuỷ lôi và một người giúp, họ trang bị đồ lặn và bình dưỡng khí. Xuồng có kích thước như một chiếc thuỷ lôi bình thường, phía đầu chứa ba trăm ký thuốc nổ. Tất cả nặng khoảng hai tấn. Họ có pin đủ chạy trong sáu giờ với tốc độ bốn kilômét một giờ. Vì vậy họ có thể hoạt động trong phạm vi hai mươi bốn kilômét.
Việc huấn luyện - người thuỷ lôi bắt đầu từ tháng 3 năm 1942, đến mùa hè thì họ đã tập tiếp cận với tàu thuỷ ở miền Bắc Ê-côt-xơ.
Người ta hy vọng có thể phá tàu Tirpitz với loại vũ khí mới này. Đương nhiên hai thuỷ lôi với sáu trăm ký chất nổ thì chưa có gì nguy hiểm đối với chiếc chiến hạm khổng lồ… nếu các thuỷ lôi ấy không được người mang đến đặt ở những điểm cần thiết. Chính đó là kế hoạch đã được quy định Chất nổ sẽ được đặt ở những điểm dễ bị phá nhất của chiến hạm: chỗ các tuyếc-bin và bánh lái. Tại bến Na-uy mà chiến hạm đang đậu, tình trạng hư hỏng như vậy sẽ không thể sửa chữa được. Do đó các đoàn tàu vận tải của Đồng Minh cũng được tự do một thời gian.
Chiếc xà lúp Na-uy sẽ keo theo hai chiếc xuồng, mỗi xuồng hai người - thuỷ lôi và người giúp việc. Cách mục tiêu chừng mười hai kilômét thì những người - thuỷ lôi tách ra.
Tất cả đã diễn ra gần đúng như dự kiến. Nhưng do thời tiết xấu, các dây cáp thép buộc các xuồng bị đứt và khi đã gần chiến hạm Tirpitz thì hai chiếc xuồng bị đắm. Theo lệnh trên, tất cả lại trở về Anh bằng con đường Thụy Điển.
Sau đó, vào cuối năm 1942, tàu Tirpitz đến thả neo ở Anh. Người Đức lại dùng lưới chống ngư lôi và nhiều biện pháp đề phòng khác để ngăn ngừa các cuộc oanh tạc hoặc phá hoại của Đồng Minh.
Theo lệnh của Hít-le, chiến hạm Tirpitz có khi nằm trong bến đến hàng tháng, hai ngàn bốn trăm thuỷ thủ đoàn đã gọi là “hòn đảo nghỉ hè”. Trong vài trường hợp, sự có mặt của nó hoặc nó chỉ chạy ra một thời gian ngắn cũng đủ làm cho các đoàn tàu Đồng Minh bỏ chạy tán loạn vì không thể nào có sức đối địch với một đối thủ khổng lồ như vậy.
Vì vậy Bộ chỉ huy Hải quân Anh không thể không tiếp tục tìm cách phá hoại chiến hạm Tirpitz.
Từ năm 1942, người ta đang chế tạo một loại vũ khí mới: tàu ngầm mini hay tàu ngầm X. Đến đầu năm 1943 thì tám chiếc tàu ngầm mini đã sẵn sàng. Các đội chiến đấu đang luyện tập ở phía bắc Ê-cốt-xơ. Loại tàu ngầm mini có thể chạy khoảng năm hải lý trên mặt nước và dưới nước thì tốc độ đạt hơn một nửa như vậy. Chúng được chế tạo đặc biệt để công phá các tàu lớn trong các cảng của đối phương.
Mỗi tàu ngầm có bốn người; trong một khoảng không gian cực kỳ chật hẹp. Người ta không thể đứng thẳng, và ngay ngồi thẳng cũng khó khăn. Điều đó đòi hỏi phải luyện tập lâu dài.
Thuyền trưởng Pơ la-xơ, người đã đánh thắng tàu Tirpitz và được gắn huân chương
cao quý nhất của nước Anh, huân chương Vic-tô-ria Cross, là người chỉ huy chiếc tàu ngầm mini X-7. Lúc đó ông mới hai mươi bốn tuổi. Ông kể lại:
“…Các tàu ngầm ấy được chế tạo cực kỳ đơn giản. Mỗi tàu mang theo hai quả mìn lớn để đặt xuống dưới tàu đối phương. Đến nơi, người ta vặn kim đặt giờ nổ và tháo hai quai để nó dính chặt vào vỏ tàu.
Trong thời gian chuẩn bị, chúng tôi luyện tập trên một chiếc sa bàn, dựng lại một cách chính xác con tàu Tirpitz thả neo trong bến Al-ta cùng với mạng lưới kép bảo vệ tàu.
Người ta chỉ cho chúng tôi chỗ nào cần phải dặt mìn trên chiếc tàu Tirpitz tí hon…”.
Thoạt đầu sáu chiếc tàu ngầm mini được lựa chọn để công phá tàu Tirpitz ở Al-ta từ mùa xuân năm 1943 . Nhưng việc luyện tập đòi hỏi nhiều thì giờ hơn cho nên phải hoãn đến mùa thu.
Bộ chỉ huy định ngày tấn công là 1 1 tháng 9. Các quả mìn được gắn vào tàu ngầm. Tất cả đều ở tư thế sẵn sàng.
Ngày 10 tháng 9, chỉ còn lại hai mươi bốn giờ. Bộ chỉ huy nhận được tin là ở Al-ta hiện có cả tàu Sác-nóc cùng với tàu Tirpit. Một thành viên kháng chiến Na-uy đã báo tin ấy. Anh ta tên là Ra-bi, ở trong gác chuông của một ngôi nhà thờ nhô lên cao trên bến Al ta. Ngày đêm anh theo dõi các tàu Đức ra vào và nhiều khi chụp được cả ảnh. Từ đài quan sát ấy, hàng ngày anh đánh.điện về Luân Đôn. (Bốn năm sau, năm 1947 , Ra-bi đã nổi tiếng về chuyến vượt Thái Bình Dương trên một chiếc bè cùng với Hây-e-đan).
Để bảo vệ chiếc tàu Tirpitz, người Đức đã dùng rất nhiều biện pháp nghiêm ngặt: Đèn pha và súng đại bác đặt rất nhiều trên các mỏm đồi xung quanh, các bãi biển đều thả mìn, các tàu cảnh vệ túc trực ngày đêm, các trạm quan sát khắp nơi… Lối vào cảng có dăng lưới dài ba trăm mét, các lưới chống thuỷ lôi xung quanh tàu chăng sâu xuống mười lăm mét dưới mặt nước. Nước ở đây lại không sâu nên tàu ngầm rất khó vào.
Trên tàu Tirpitz cũng canh phòng và bảo vệ rất chu đáo. Thuỷ thủ đoàn luôn sẵn sàng chiến đấu chống các cuộc tiến công bất ngờ.
Ngày 11 tháng 9 năm 1943, hồi mười sáu giờ, gió mạnh và biển động, chiếc tàu ngầm đầu tiên xuất phát. Sau đó tiếp tục năm chiếc nữa. Các tàu ngầm mini phải đi dưới nước, đề phòng máy bay trinh sát của Đức phát hiện. Mỗi tàu ngầm có hai nhóm để thay nhau vì hành trình như vậy rất mệt.
Trước khi vào bờ biển Na-uy thì chiếc X9 bị đắm. Một vài vết dầu lan trên mặt biển rồi là mất hút. Nó không bao giờ trở về nữa. X8 cũng chịu một số phận như vậy.
Chiều ngày 20 tháng 9 năm 1943, sau chín ngày luồn dưới nước biển, các tàu ngầm còn lại chuẩn bị tiến công; X5, X6, X7 đều rời khỏi các tàu ngầm kéo chúng.
Theo kế hoạch, sau khi tiến công, các tàu ngầm mini phải trở lại với các tàu kéo. Trong lúc các tàu mini tiến công địch thì các tàu kéo ra ngoài khơi chờ đợi ở khu vực đã định.
Thuyền trưởng Pơ-la-xơ kể:
“Khoảng hai mươi mốt giờ mười lăm phút, tôi xem xét lại một lần chiếc tàu ngầm và chúng tôi phải tránh một bãi mìn. Chúng tôi nổi lên mặt nước. Đêm rất yên tĩnh. Phía
đông có một dãy núi. Trăng chiếu sáng trên mặt tuyết. Rạng sáng, chúng tôi lại lặn xuống nước và ở dưới nước suốt ngày. Nhìn vào bản đồ, chúng tôi thấy cần phải tiến về phía nam. Hai bên là hai dãy núi, chúng tôi như đi vào một chiếc ống. Ở phần hẹp nhất, chính là nơi tàu Tirpitz thả neo. Trên bản đồ có vẽ các mạng lưới nhưng tôi biết chắc rằng có những lới bọn Đức mới đặt mà chúng tôi không thể biết. Nhưng chúng tôi cố không nghĩ đến những nguy hiểm ấy.
Ngày 21 tháng 9, đêm đến, chúng tôi lại ngoi lên mặt nước. Tôi chờ các tàu khác đến để có thể cùng nhau chiến đấu như đã dự kiến, vào lúc sáu giờ ba mươi phút sáng mai… Tôi băn khoăn chờ đợi nhưng mãi chẳng thấy gì. Vậy thì tôi phải chiến đấu một mình.
Sau đó, trước mặt tôi là mạng lưới chống tàu ngầm đầu tiên. Mạng lưới này tất nhiên phải có một chỗ nào đó để hở vì các tầu tuần tiễu và các tàu nhỏ của Đức phải ra vào luôn. Thế là may mắn, bỗng nhiên chúng tôi đến đúng chỗ ấy và chúng tôi vượt qua. Chúng tôi thoáng thấy một bóng tàu tuần tiễu của Đức và chúng tôi chui ngay xuống nước. Tàu ngầm chúng tôi không xuống quá hai mươi ba mét và bỗng nhiên tôi thấy rõ ràng nó va vào một mạng lưới. Chúng tôi không tiến lên được nữa, mạng lưới rất chắc.
Nhiều phút trôi qua. Nếu các tàu ngầm mini khác mà tôi đoán là đã tiếp cận với Tirpitz, cho mìn của họ nổ thì chúng tôi cũng ăn đòn. Bỗng nhiên tàu của chúng tôi lại được tự do. Chúng tôi nổi ngay lên mặt nước, gần như thẳng đứng. Tôi băn khoăn nhìn vào ống nhòm. Tàu Tirpitz trước mặt chúng tôi, sừng sững như một quả núi, chỉ cách nhau chưa đầy hai mươi mét. Không có mạng lưới nào ngăn cách chúng tôi với nó nữa.
Chúng tôi lại lặn xuống và vào khoảng ba mét chiều sâu thì đụng vào thành tàu Tirpitz, gần dưới chân máy của nó. Chiếc tàu mini lướt nhẹ dưới thân tàu khổng lồ. Chúng tôi thả mìn, sau đó từ từ lùi lại…
Chúng tôi muốn xuống sâu ba mươi mét để tìm lại chỗ chúng tôi đã vượt qua mạng lưới để vào. Nhưng xuống đến mười tám mét chiều sâu thì bị kẹt. Mìn của chúng tôi sẽ nổ sau một tiếng đồng hồ. Sau tám giờ, những chiếc mìn của những tàu ngầm khác cũng đều có thể nổ bất cứ lúc nào. Cần phải vượt ngay hàng rào của mạng lưới. Chúng tôi lại cố gắng nổi lên để cho khoảng cách giữa chúng tôi và nơi mìn nổ càng xa càng tốt. Đúng lúc đó có một tiếng nổ kinh hoàng. Chúng tôi bị bật ra khỏi mạng lưới nhưng thất vọng thấy tàu Tirpitz vẫn y nguyên trên mặt nước. Lúc ấy bọn Đức bắn vào chúng tôi xối xả cả bằng đại bác nhẹ và đại liên. Vỏ tàu chúng tôi bị thủng. Chúng tôi lại buộc phải lặn xuống và đi dưới nước sâu. Nhưng nước theo các lỗ thủng chảy ào vào tàu. Chúng tôi không còn cách nào khác là phải bỏ lại con tàu. Nhưng làm thế nào để ra ngoài? Với tư cách là người chỉ huy; tôi phải nhảy vào nguy hiểm đầu tiên. Tôi cởi áo Pun-lô-vơ trắng ra. Vừa ngoi lên khỏi mặt nước, bọn Đức lại tiếp tục bắn vào con tàu. Tôi thấy ở bên phải có một chiếc cầu con dài. Tôi bơi thẳng đến đó. Đến nơi, ngoảnh nhìn thì chiếc tàu ngầm mini X7 đã biến mất”.
Ngài thuyền trưởng Pơ-la-xơ, một người khác của tàu X7 cũng thoát chết. Ngoài X7 chỉ có X6 là vượt qua được các hàng rào để đặt mìn dưới thân tàu Tirpit. Thuyền trưởng X6 nổi lên quá gần chiến hạm nên bị bắt cùng với cả đội X6 bị đắm.
X10 không đi đến mục tiêu được vì giữa đường máy bị hỏng không sửa chữa được. Nó trở lại chiếc tàu kéo. Sau đó theo lệnh của Luân Đôn, chiếc tàu ngầm mini bị phá bởi vì sắp có bão to.
X5 khi cách Tirpitz gần năm trăm mét thì bị trúng đạn đại bác cực nhanh nên bị đắm. Cả đội không một người nào sống sót.
Cuốn sách nhật ký trên tàu Tirpitz đã ghi lại những sự kiện trong buổi sáng ấy như sau:
“22 tháng 9. Mạng lưới chắn mở ra cho các tàu và thuyền kéo qua lại. Trạm nhận tin bận đến bảy giờ. Sự canh phòng bị giảm sút. Ban đêm mọi biện pháp cảnh giới đều tuân thủ đúng lệnh trên. Một hạ sĩ quan thấy bên trong mạng lưới, cách đất liền khoảng hai mươi mét,.một hình đen, tròn, dài, giống một chiếc tàu ngầm. Viên chỉ huy phó và sĩ quan bảo vệ được thông báo có phần hơi muộn, khoảng năm phút vì vật trông thấy được xem là một con cá”.
Đô đốc Han May-e, chỉ huy tàu Tirpitz, nhớ lại:
“Ngày 22 tháng 9 năm 1943, chiến hạm của chúng tôi đậu ở phía bắc Na-uy, bên trong mạng lưới chắn. Tôi đang ăn sáng thì vị chỉ huy phó chạy vội đến báo với tôi rằng có một vật giống như một con tàu ngầm nhỏ vừa được phát hiện bên trong mạng lưới chắn. Chính bản thân ông ấy cũng không tin điều đó. Lần này chắc cũng lại là một báo động sai lầm thôi. Đã có biết bao nhiêu lần như vậy rồi? Tôi cũng hoài nghi như ông ta. Dẫu sao thì cũng cần phải ra lệnh báo động ngay. Vị chỉ huy phó bước ra. Một vài giây sau, chuông báo động réo lên. Tôi vội vàng khoác áo ngoài, vị chỉ huy phó trở lại phòng tôi, báo cho biết là đã bắt buộc một chiếc tàu ngầm nổi lên mặt nước. Bốn người Anh đã bị bắt. Người ta đang đem chúng lên tàu.
Sau còi báo động, tất cả mọi người chạy vội về vị trí chiến đấu. Tôi đứng trên cầu tàu. Vừa đi tôi vừa nghĩ xem cần làm gì bây giờ đây. Tôi nghĩ đến những quả mìn đặc biệt. Có lẽ không phải là thuỷ lôi bởi vì khoảng cách ngắn như vậy thì dùng thuỷ lôi không có hiệu quả. Điều tôi có thể làm là chuyển dịch ngay con tàu càng nhanh càng tốt. Con tàu thả hai neo. Người ta ra sức nhổ một neo; trong vài phút, con tàu đã chuyển ra xa được khoảng từ ba mươi đến bốn mươi mét. Người ta cũng làm như vậy ở phía sau lưng nhưng không làm được ngay. Phía sau dường như chiếc tàu không nhúc nhích được chút nào. Có lẽ đã đến hai mươi phút từ khi có lệnh báo động. Bỗng nhiên, một tiếng nổ khủng khiếp ! Một cột nước khổng lồ tung lên phía trước. Tôi mừng quá, cám ơn Thượng đế, quả mìn đã nổ và bề ngoài hình như chiếc tàu không việc gì. Nhưng sau đó tôi được báo là con tàu có bị hư hại và một quả mìn thứ hai đã nổ ở phía sau, bên dưới chiếc tàu. Tàu Tirpitz bị hư hại nhiều… cần phải sửa chữa lâu. Công việc sửa chữa được tiến hành ngay tại chỗ, ở Na uy… Nhưng việc sửa chữa kéo dài, chiếc tàu chỉ có thể sẵn sàng làm nhiệm vụ đầu tháng 3 năm 1944, khoảng hơn năm tháng sau khi bị tiến công. Nó lại trở lại hoàn toàn như cũ, hết sức hoàn thiện”.
Từ thời gian đó, Tirpitz được giấu kín trong cảng Tơ-rông-xô. Người ta mong rằng dần dà người Anh cũng không quan tâm đến đó nữa. Thật ra trong một thời gian lâu Bộ Tư lệnh Hải quân Anh không nắm rõ được hiện trạng của chiếc chiến hạm khổng lồ ấy. Tàu Tirpitz có bị hư hại nghiêm trọng nhưng không bị đắm và còn có thể hoạt động tốt.
Mặc dầu người ta biết chỗ ẩn giấu nó từ lâu nhưng đến 12 tháng 11 năm 1944 , người ta mới quyết định tấn công. Nó bị oanh tạc bằng loại bom năm tấn được chế tạo đặc biệt. Chiếc chiến hạm bị đánh lật sấp, chổng vó lên trời. Gần một nửa thuỷ thủ đoàn bị vùi chết trong chiếc quan tài thép khổng lồ ấy.
NGƯỜI NHÁI - THUỶ LÔI Ý TRONG QUÂN CẢNG ALẾCDĂNGĐƠRI
(AI CẬP)
Từ hè năm 1941, mục tiêu chính của hạm đội Anh ở Địa Trung Hải là tiêu diệt các đoàn tàu của Đức và Ý chuyên chở binh lính của phe trục đến chiến đấu ở Bắc Phi. Để đối phó với tình hình ấy, mùa thu 1941, Đức chuyển từ Đại Tây Dương sang Địa Trung Hải một số lớn tàu ngầm của Đức là một tai hoạ lớn đối với Đồng Minh trên các đại dương. Anh vốn là cường quốc số một về Hải quân cũng phải điêu đứng về cái nạn tàu ngầm của Đức. Chúng được điều sang Địa Trung Hải để bảo vệ các đoàn tàu tiếp tế vũ khí và lương thực cho quân lính ở Bắc Phi dưới quyền chỉ huy của tướng Rô-men.
Ngày 13 tháng 11 năm 1941, chiếc hàng không mẫu hạm lớn nhất của Anh là Ark Royal bị trúng thuỷ lôi ở gần Gi-bơ-ran-ta. Đoàn tàu hộ tống tìm mọi cách để cứu nhưng thất bại. Chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ, sau mấy tiếng đồng hồ, đã bị đắm.
Mười hai ngày sau, lại một tàu nữa của hạm đội Anh bị tàu ngầm Đức đánh đắm. Ngày 24 tháng 11, phần lớn hạm đội Anh ở quân cảng A-lêc-dăng-dơ-ri gồm ba chiến hạm Ê-li-da-bét, chiến hạm Bác-ham và chiến hạm Va-li-ăng phải xuất kích để chặn đoàn tàu tiếp tế của phát xít.
Buổi trưa ngày hôm sau, một tiếng nổ cực lớn làm cho cả đoàn tàu nghiêng ngả. Một tàu ngầm Đức đã phóng ba quả thuỷ lôi vào chiến hạm Bác-ham. Bị hư hại nặng, thuỷ thủ đoàn đã làm hết sức mình để cứu chữa Nhưng lại một tiếng nổ nữa long trời lở đất đã làm tan chiếc chiến hạm, một đám mây đen khổng lồ bay lên trời, chiến hạm bị lật sấp và bị đắm cùng với gần chín trăm thuỷ thủ.
Như vậy trên Địa Trung Hải, người Anh chỉ còn có hai chiến hạm. Đối địch với chúng là năm chiến hạm lớn của Ý, những chiến hạm được xem là hiện đại nhất. Đô đốc Anh Cu-nin-gam, sau những tổn thất nặng nề, hạ lệnh cho các chiến hạm còn lại vào ẩn ở cảng A-lêc-dăng-dơ-ri để chờ một dịp xuất kích khác. Quân cảng A-lêc-dăng-dơ- ri của Anh ở Ai Cập (Bắc Phi) là một quân cảng được bảo vệ tốt. Xung quanh hàng mấy cây số, có những bãi mìn lớn. Sâu dưới mặt nước mười mét có một hệ thống báo động tự động. Tàu vào phải đi qua một lối nhất định và được canh phòng cẩn mật. Các đội tuần tiễu xung quanh bờ biển luôn luôn sẵn sàng tác chiến. Vòng quanh các chiến hạm, người ta thả sâu xuống nước các mạng lưới thép chống thuỷ lôi. Chốc chốc đội bảo vệ lại ném xuống nước những quả lựu đạn chống tàu ngầm. Cả một hệ thống đại bác và cao xạ vây quanh quân cảng. Ban đêm các đèn pha chiếu sáng trên mặt biển hàng mấy cây số.
Hai chiến hạm cực lớn Ê-li-da-bét và Va-li-ăng thả neo trong quân cảng. Các thuỷ thủ đoàn có cảm giác được bảo vệ một cách an toàn.
Đã gần giữa tháng 12 năm 1941, thuỷ thủ của hạm đội Anh cũng như hạm đội Pháp ở A-lêc-dăng-dơ-ri chuẩn bị ngày lễ thiên chúa giáng sinh.
Tàu Ê-li-da-bét và tàu Va-li-ăng là nòng cốt của hạm đội Anh ở Địa Trung Hải, trọng tải đến ba mươi hai ngàn tấn. Lúc bấy giờ, đó là những chiến hạm đầu tiên có các đại bác
ba trăm tám mươi ly, chạy bằng ma dút chứ không phải bằng than. Mỗi chiến hạm có một ngàn thuỷ thủ. Mặc dầu nhẹ hơn một phần ba so với hai chiến hạm khổng lồ Đức Bi-xmắc và Tir-pitz, hai chiến hạm Anh vỏ tàu cũng dày như của Đức. Chính trên tàu Ê-li-da-bét, năm 1918 đã ký kết văn bản đầu hàng của Đức với quân đội Đồng Minh.
Trong tháng 12 năm 1941, sáu sĩ quan Hải quân Ý sắp kết thúc đợt luyện tập đặc biệt để phá hạm đội Anh trong quân cảng A-lêc-dăng-dơ-ri.
Cho đến nay, đã hai lần hạm đội Ý định vào cảng A-lêc-dăng-dơ-ri nhưng không vào được.
Phương tiện mà người Ý sẽ dùng để công phá các chiến hạm Anh là một sáng chế mới của Ý: Một quả thuỷ lôi dài năm mét rưỡi, đường kính năm mươi xăng-ti-mét, trên đó có thể chở hai người có động cơ điện, chạy không có tiếng động, tốc độ bốn kilômét một giờ. Đường kính hoạt động khoảng mười sáu kilômét, có thể lặn sâu xuống đến ba mươi mét. Phía giữa thuỷ lôi là một khoang chứa nước, cho phép nó lặn xuống hoặc nổi lên tuỳ ý. Những người nhái - thuỷ lôi mang theo bộ Đa-vit để thở, có thể ở dưới nước khoảng sáu giờ liền (bộ Đa-vít do Anh sáng chế và Ý chế tạo).
Thuỷ lôi được tàu ngầm dắt vào khu vực cần hoạt động. Khi ấy, người nhái - thuỷ lôi sẽ tách ra khỏi tàu ngầm và đi về phía mục tiêu. Gặp nguy hiểm, trong vài giây nó có thể lặn sâu xuống nước và tiếp tục hướng về tàu địch. Cần phải khéo léo lắm mới lọt qua các mạng lưới chống tàu ngầm và thuỷ lôi. Hoặc phải lặn xuống bên dưới mạng lưới, hoặc phải nổi lên trên. Nếu cả hai khả năng đều không thực hiện được thì người nhái - thuỷ lôi sẽ tìm cách cắt đứt lưới. Sau đó sẽ chui xuống dưới thân tàu địch. Sau khi đã mắc thuỷ lôi vào chỗ hiểm của thân tàu và đặt kim nổ, hai người sẽ bơi ra.
Kế hoạch dự định ba thuỷ lôi như vậy sẽ được đưa vào quân cảng A-lêc-dăng-đơ-ri. Một chiếc sẽ phá tàu Ê-li- da-bet, một chiếc phá tàu Va-li-ăng và chiếc thứ ba phá một hàng không mẫu hạm.
Trong lúc các sĩ quan hải quân luyện tập thì một cơ quan đặc biệt của hạm đội Ý nghiên cứu các bản đồ, các bức ảnh trinh sát để lập một sa bàn chi tiết về quân cảng A-lêc dăng-dơ-ri là rất quan trọng. Nhờ đó người Ý phát hiện ra các điểm sơ hở trong hệ thống phòng thủ của địch.
Tất cả các đặc điểm của tàu Ê-li-da-bét cũng được nghiên cứu đầy đủ trên một mô hình riêng. Người xây dựng mô hình tuyệt đối không được phép bịa đặt một chi tiết nào hoặc bỏ trống để dành cho sự may rủi. Một hệ thống mật mã riêng đã được hoàn tất để bảo đảm sự liên lạc giữa các máy bay trinh sát với tàu ngầm trước khi những người nhái - thuỷ lôi xuất phát. Ngày 30 tháng 12 năm 1941, mọi công việc chuẩn bị đều hoàn tất. Kế hoạch bắt đầu triển khai. Khi hướng về A-lêc-dăng-dơ-ri thì thời tiết bỗng nhiên trở nến xấu làm cho các tàu ngầm rất vất vả. Hơn nữa càng gần địch thì càng nguy hiểm vì bắt đầu có các bãi mìn.
Thiếu lá Ý Đơ- la-pen, người chỉ huy chiến dịch, thuật lại :
“A-lêc-dăng-dơ-ri, đêm 18 tháng12năm 1941. Chúng tôi có ba nhóm sẵn sàng chuẩn bị tấn công địch. Khoảng tám giờ tối, tàu ngầm lặn xuống, chúng tôi cho thuỷ lôi tách ra. Trời lạnh và tối. Tất cả đều im lặng. Chúng tôi bắt tay vào việc. Biển rất bẩn vì thuỷ triều đang lên. Tôi đã từng chiến đấu ba lần, hai lần ở A-lêc- dăng-dơ-ri và một lần ở Gi-bơ-
ran-ta. Tôi thấy vấn đề giữ vững tinh thần là rất quan trọng. Chúng tôi bơi trên mặt nước để vào cảng. Một việc làm khá dễ dàng, nhất là một đèn pha lại bật sáng. Tôi nhận ra vị trí hiện tại của mình: Chúng tôi đã đến gần các mạng lưới cảng của đối phương. Đó là một trong những kẻ thù của chính chúng tôi”.
Những người nhái - thuỷ lôi đã trông thấy bóng bọn lính gác trên cảng. Thỉnh thoảng chúng lại ném những quả lựu đạn chống tàu ngầm xuống nước. Những người nhái - thuỷ lôi húc phải một mạng lưới rất cứng: Ba lần lưới thép. Họ lặn xuống, tìm một lỗ hổng và thấy nhiều mìn nổ được cặp vào các lưới.
Nếu dùng kéo bàng hơi ép để cắt lưới thì sẽ gây tiếng động. Họ lại nổi lên mặt nước, hy vọng vượt qua phía trên lưới. Đến nửa đêm thì bỗng nhiên đèn pha lối vào cảng bật sáng. Các mạng lưới được mở ra để cho một chiếc tàu chở hàng và ba tàu chống thuỷ lôi đi vào. Người Ý bèn lợi dụng ngay thời cơ để lẻn vào trong cảng mà không ai biết. Đơ-la pen hướng về phía bên trái, tiến lại gần chiến hạm Va-li-ăng. Anh len lỏi lướt nhanh giữa đoàn tàu của hạm đội Pháp cũng đang thả neo trong cảng. Cách Va-li- ăng độ vài chục mét, anh đụng phải lưới bảo vệ. Anh vượt lên phía trên lưới và lại gần chiếc tàu khổng lồ.
Thiếu tá Đơ-la-pen kể tiếp:
“Tôi lặn xuống khoảng bốn hoặc năm mét bên thân tàu định dừng lại quan sát một lúc. Muốn như vậy phải làm cho chiếc thuỷ lôi dừng lại nhưng các ngón tay của tôi đều lạnh cứng, không cử động được. Đến nỗi tôi đành chịu và cứ để cho thuỷ lôi áp sát vào thân tàu. Sau đó chúng tôi đi ra xa một quãng. Bỗng nhiên chiếc thuỷ lôi dừng lại… Một ý nghĩ loé sáng trong đầu làm cho tôi hoảng: cái im lặng xung quanh tôi hiện nay là cái im lặng không bình thường. Tôi tìm người hạ sĩ quan cùng đi với tôi: nhưng y đã biến mất.
Lập tức tôi nghĩ ngay chắc là y gặp sự cố gì rồi bởi vì chúng tôi đã lặn xuống quá sâu. Tôi cho rằng thế là hết, chẳng còn có thể làm gì được nữa. Tôi đã trông thấy một dây cáp thép quấn vào xung quanh chiếc chong chóng của thuỷ lôi khiến cho nó bất động. Sau nhiều năm chuẩn bị và luyện tập, chúng tôi chỉ còn cách cái đích cuối cùng có vài bước ấy thế mà hỏng hết. Tôi tìm mọi cách kéo chiếc thuỷ lôi ra. Nó dài đến bảy, tám mét và trọng lượng khá nặng. Nhất là nó lại ngập trong bùn của cảng, một thứ bùn rất trơn. Kéo nó ra quả thật là một việc làm cực kỳ khó khăn, mệt nhọc. Thế nhưng tôi đã kéo nó được đến dưới thân tàu. Khi đã chắc chắn là ở dưới thân tàu rồi, tôi rời khỏi thuỷ lôi và đặt kim nổ chậm. Quả là lúc bấy giờ tôi đã kiệt sức. Tôi ngoi lên mặt nước. Có kẻ nào đó bắn về phía tôi. Tôi bèn leo lên một chiếc phao treo xung quanh tàu. Ở đó tôi đã tìm thấy viên hạ sĩ quan của tôi. Tôi cho anh biết là nhiệm vụ đã xong và chỉ còn chờ nổ. Chúng tôi rất lo vì dưới thân tàu đã đặt thuỷ lôi. Thật chẳng có gì thú vị nếu chúng tôi lại được làm khách trên chiếc tàu ấy.
Trước tiên chúng tôi lại tìm cách chạy trốn. Lên đến bờ, người ta hỏi chúng tôi đến đây làm gì và lẽ dĩ nhiên là tôi chẳng trả lời. Sau đó một viên sĩ quan Anh, tay cầm súng, hỏi chúng tôi. Y nói là y rất bực bội vì bị chúng tôi đánh thức dậy quá sớm. Tôi không hề nói với y là chúng tôi đã làm gì.
Người ta bèn đưa chúng tôi xuống tàu, nhốt ở căn hầm ngay phía trên chỗ chúng tôi vừa đặt thuỷ lôi. Một vài thuỷ thủ Anh tỏ ra rất thân thiện với chúng tôi. Nước da họ hơi xanh và chắc chúng tôi còn xanh hơn thế vì chúng tôi biết cái sự thật mà họ không thể biết như chúng tôi được”.
Hai người nhái - thuỷ lôi phụ trách tàu Ê-li-da-bét cũng hoàn thành nhiệm vụ. Họ còn trải lên mặt biển một số bom cháy để sau khi nổ tàu, dầu ma-dút chảy ra thì mặt biển sẽ bốc cháy. Sau tám giờ làm việc và đi lại dưới nước, họ phải cố gắng lắm mới bò được lên đất liền và cất giấu các trang bị mang theo.
Nhóm thứ ba phụ trách tàu hàng không mẫu hạm gặp sự cố. Họ bơi loanh quoanh dưới nước tìm bóng của tàu hàng không mẫu hạm. Nhưng chiến hạm này đã được lệnh chuyển sang Thái Bình Dương, trước đó đúng hai mươi bốn giờ. Hai người nhái - thuỷ lôi bèn tìm đến chiếc tàu chở dầu Xa-go-na trọng tải bảy ngàn năm trăm năm mươi tấn và đặt thuỷ lôi dưới bánh lái. Sau đó họ cũng trải bom cháy lên mặt biển. Nhưng họ bị lính bảo vệ bắt khi ra khỏi cảng.
Như vậy là tất cả chất nổ đã được đặt xong. Bây giờ đã quá muộn để người Anh thực hiện các biện pháp đề phòng”.
Thiếu tá Đơ la-pen kể tiếp:
“Chỉ còn từ mười đến hai mươi phút nữa thì sẽ nổ tung tất cả. Tôi đề nghị được nói chuyện với thuyền trưởng. Người ta dẫn tôi đến gặp viên sĩ quan. Tôi nói với y là y không thể cứu vãn được chiến hạm, nó sắp bị nổ tung. Nhưng nếu y muốn thì có thể cứu được thuỷ thủ đoàn. Một lần nữa viên thuyền trưởng hỏi tôi đã đặt thuốc nổ ở đâu. Tôi từ chối không trả lời. Thế là y lại bắt dẫn tôi vào căn hầm cũ, ngay trên chiếc thuỷ lôi sắp nổ. Lần này chỉ có một mình tôi. Khi bước cầu thang xuống hầm, tôi thấy mấy thuỷ thủ Anh đã biến mất. May thay - ngày nay tôi biết đó là điều may - tôi ngồi một mình ở đấy và chờ đợi những giây phút dài đằng đẵng, những giây phút hấp hối mà tôi nghĩ là cuối cùng của đời tôi. Dầu sao tôi đã làm tròn nhiệm vụ. Tôi cắn chặt răng - thật không dễ dàng chút nào để tự chủ khi biết rằng mình sắp bị chết vì chính thuốc nổ của mình đã đặt. Nhưng tôi đã chịu đựng được. Bởi vì tôi muốn chứng tỏ cho thuỷ thủ Anh biết rằng thuỷ thủ Ý cũng dũng cảm không kém họ.
Đến một lúc, tôi tính toán thì biết là đã đến giờ nổ. Tiếp liền đó là một tiếng nổ dữ dội. Sau một phút bị ngất, tôi thấy mình nằm dưới nước. Chiếc tàu bị vỡ và tôi thoát chết. Tôi tìm cách leo lên tàu rồi đi dọc thành tàu. Còn có những người ở trên tàu, khi tôi đi qua họ chào tôi. Đến đầu mũi tàu, tôi trông thấy viên thuyền trưởng. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ nét mặt của ông ta và đôi mắt ông nhìn tôi không chớp trong lúc chiếc tàu đắm dần. Chắc chắn đây là một con người rất có bản lĩnh và là một thuỷ thủ giỏi. Tôi đang đứng nhìn đuôi tàu, mặt trời đã nhô lên cao. Cùng lúc ấy, chiếc tàu nổ tung”.
Lúc bấy giờ Uyn-kin là pháo thủ Anh trên tàu Ê-li- da-bét. Anh thuật lại: “Tôi đang ở đài chỉ huy pháo hạng nhẹ phòng không của chiến hạm Ê-li-da-bét. Khoảng hai giờ sáng có lệnh báo động: Người ta thông báo là các tàu ngầm của địch đã vào được bên trong cảng.
Toàn bộ thuỷ thủ đoàn ra được lệnh phải lên cả trên cầu tàu trên. Tôi vẫn đứng ở các ụ pháo cao xạ cho đến hai giờ sau thì lại có lệnh cho thuỷ thủ trở xuống cầu dưới. Tất cả mọi việc đều tốt đẹp. Hai người nhái Ý bị bắt không chịu khai là đã để chất nổ ở đâu. Chúng bị giam xuống hầm tàu.
Trước sáu giờ sáng, mấy người Ý cho thuyền trưởng biết là họ đã để chất nổ dưới tàu Va-li-ăng và cả dưới tàu Ê- li-da-bét. Đến sáu giờ thì có tiếng nổ cực lớn. Vụ nổ lớn đến mức nước biển xối xả chảy ùa vào các phòng trong tàu. Tàu bị chìm. Tôi tìm được lối
thoát và chạy lên trên. Cả hai chiến hạm đang đắm dần”.
Tiếp đó là một tiếng nổ thứ ba, phá buồng máy của tàu Xa-go-na.
Cũng may là các bom cháy thả trên mặt nước không nổ. Nếu không, dầu ma dút bốc cháy thì còn gây nhiều tai hoạ nữa.
Máy bay trinh sát Ý đã chụp ảnh và xác định công việc của mấy người nhái - thuỷ lôi đã thành công.
Thế nhưng người Anh vẫn tìm cách che giấu. Tàu Ê- li da-bét vẫn tiếp tục tiếp khách tham quan trên tầng trên. Trong lễ Thiên chúa giáng sinh và Tết năm mới, người ta vẫn tổ chức hoà nhạc và khiêu vũ. Cơ quan mật vụ Anh phát hiện ra rằng người Ý biết là họ chỉ phá được tàu Va-li-ăng thôi.
Đô đốc Cu nin-ham đã thao bị ra đủ thứ để làm cho các vị khách hoàn toàn không có chút nghi ngờ gì là bên dưới vỏ tàu Ê-li-da-bét hiện người ta đang làm việc hối hả ngày đêm để cố gắng hàn tạm vết nứt lớn dài đến hơn mười hai mét.
Chiếc tàu Va-li-ăng bị phá nặng hơn nên không giấu được dư luận.
Chiếc tàu ngầm Ý chờ đợi một cách vô vọng trước đồng bằng sông Nil để chở những người nhái - thuỷ lôi trở về. Bốn ngày sau, hai người phá tàu Ê-li-da-bét đã bị bắt ở cửa sông Nil chỉ vì những đồng tiền Anh mà chỉ huy giao cho họ để ăn tiêu lúc chạy trốn thì lại không phải là những đồng tiền vẫn dùng ở Ai Cập. Chính những đồng tiền ấy đã làm hại họ.
Sau vụ công phá ấy, hạm đội Anh ở Địa Trung Hải xem như không còn tồn tại trong một thời gian dài.
Và mãi bốn tháng sau, tháng 3 năm 1942, trong một phiên họp bí mật. Soóc-sin mới thông báo cho Nghị viện biết về tổn thất của hai chiến hạm lớn.
Đơ-la-pen được người Anh phóng thích sau khi Ý đầu hàng Đồng Minh năm 1943.
Anh tham gia các đơn vị chiến đấu nhỏ của Ý đang chiến đấu bên cạnh quân Đồng Minh và anh đã tham gia vào một vụ công phá hỗn hợp Anh - Ý chống lại cơ sở Hải quân La Xpi-ê-da, nhằm mục đích ngăn cản bọn Đức phá hoại cảng lúc chúng rút lui. Nhiệm vụ của Đơ-la-pen là không cho bọn Đức phong toả lối vào cảng.
Đầu năm 1945 , Đơ-la-pen được trao tặng từ tay Hoàng tử kế vị Um-béc-tô, huy chương cao quý nhất của Ý, huy chương Medagha d’Oro (huy chương vàng).
Trong buổi lẽ này, một sĩ quan cao cấp của Hải quân Anh bỗng nhiên bước ra: Đó là phó đô đốc Móc-gãng, cựu thuyền trưởng tàu Va-li-ăng. Quay người về phía Hoàng tử kế vị, ông ta nói: Hoàng tử có thể cho phép tôi được vinh dự tự tay tôi gắn chiếc huy chương vàng lên ngực của người hiệp sĩ dũng cảm này không.
TẠI SAO HÍT LE KHÔNG SANG LUÂN ĐÔN ?
Tháng 5 năm 1940 - Quân Đức đang chuẩn bị chiếm Đong-kéc (vùng bờ biển phía Bắc nước Pháp) để mở cuộc tiến công sang Anh thì được lệnh của Tổng hành dinh Hít-le cho phép tạm dừng lại. Trong mệnh lệnh có ghi rõ “Hãy để Đong-kéc cho không quân”. Gơ rinh, Bộ trưởng Bộ Không quân đã thuyết phục được Hít-le về giá trị ưu việt của không quân Đức. Cú đánh quyết định cuối cùng sẽ do không quân.
Chính nhờ điều này mà nước Anh được cứu thoát. Cả Đong-kéc trở thành một biển lửa nhưng thật ra không quân Đức đã không đạt được hiệu quả như Gơ-rinh mong muốn. Cuộc chiến đấu phải kéo dài.
Trong lúc đó, Bộ Tổng tư lệnh Anh đã báo động cho tất cả các xưởng đóng tàu, thuyền ở miền Nam phải tập trung ngay tất cả những gì có thể góp phần đẩy lùi cuộc đổ bộ của quân Đức. Tất cả, kể cả ca-nô chạy máy, xà-lúp, tàu kéo, tàu đánh cá, thuyền buồm, xuồng… Người ta kêu gọi tập trung bất cứ phương tiện gì có thể đi lại trên mặt nước. Cả những ca-nô cấp cứu cũng được điều đến.
Sau một trăm tám mươi giờ đồng hồ, ba trăm ba mươi tám ngàn hai trăm hai mươi quân Đồng Minh ở Đong-kéc đã rút được sang Anh.
Người ta tìm mọi biện pháp để ngăn chặn một cuộc đổ bộ ồ ạt của quân Đức lên đất Anh. Trong một thời gian ngắn, Anh đã tập trung được hơn một triệu người để tổ chức thành đội Dân quân. Phần lớn không có đồng phục quân đội, lúc đó chỉ có súng săn, kiếm cũ, dao, búa… Họ được hướng dẫn là có thể dùng thêm hạt tiêu để ném vào mắt bọn xâm lược.
Dân Anh tin chắc chắn thế nào Anh cũng bị Đức tấn công. Thủ tướng Soóc-sin đã khẳng định ý kiến ấy: “Trận đánh ở Pháp đã kết thúc, trận đánh Anh bắt đầu”. Người Anh không thể đầu hàng. Cho nên ngay từ khi quân Đức tiến đến gần Pa-ri, Soóc-sin đã cho chuyển sang Ca- na-đa hơn một ngàn tám trăm triệu đồng Stéc-ling vàng bởi vì Anh dự kiến, nếu cần thiết sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh ở đấy.
Chiến hạm Ê-mơ-rôn chứa đầy vàng thoi, nặng đến nỗi các sạp tàu bị sập xuống nhiều chỗ. Vàng được đựng trong hai ngàn hai trăm ba mươi két. Bên ngoài được xếp như những thùng cá. Chiến hạm cập bến Ca-na-đa Ha-li-fec và vàng được chở bằng tàu hoả đến Mông-rê-an (thủ đô Ca-na-đa) ngày 32 tháng 7 năm 1940, mười bảy ngày sau khi Pa
ri thất thủ.
Một đoàn tàu khác rời khỏi Anh trong vài ngày sau. Nó được các chiến hạm hộ tống. Đoàn tàu cũng chuyển đi những kho vàng lớn.
Đoạn bờ biển nước Anh mà Đức có thể đổ bộ, Soóc sin đích thân đến thị sát, chỉ có vẻn vẹn ba khẩu đại bác, mỗi khẩu có bốn viên đạn, trên một chiều dài tám kilômét. Phần còn lại, khoảng một trăm kilômét được bảo vệ bằng dây thép gai, bãi mìn và lưới, còn nữa thì bỏ trống.
Người ta bèn có sáng kiến lắp những ống dẫn ma- dút, khi nào địch đến thì cho ma-dút
chảy ra ngoài và đốt lửa. Lửa sẽ cháy lan khắp và làm thành một bức tường ngăn kẻ địch tiến lên. Tuy vậy biện pháp này rất tốn kém mà lại hiệu quả không cao. Ma-dút sẽ có thể trộn lẫn với nước biển và không bốc cháy.
Ở đâu căng tràn ngập các khẩu hiệu “Đánh thắng bọn lính nhảy dù Đức”. Người ta ra lệnh cho dân quân không được bắn vào những tốp nhảy dù dưới sáu người vì các phi hành đoàn của mỗi máy bay Anh không bao giờ quá năm người.
Trong lúc cả nước Anh ráo riết chuẩn bị thì ngày 2 tháng 7 năm 1940, Hít-le ra các chỉ thị để xây dựng kế hoạch đánh chiếm Anh. Chúng dự kiến trong ba ngày đầu sẽ đổ bộ mười ba sư đoàn. Nhóm đầu tiên sẽ được tăng cường thêm hai mươi tám sư đoàn trong đó có một sư đoàn xe bọc thép.
Một sư đoàn nhảy dù và một sư đoàn không vận sẽ đảm bảo lập đầu cầu đổ bộ. Bộ chỉ huy huy động tất cả các tàu bè: tất cả có hơn bốn ngàn, trong đó hơn một nửa là ca- nô và tàu đánh cá.
Quân lính cũng bắt đầu được luyện. Rất ít sĩ quan và cán bộ chỉ huy Đức có những hiểu biết cần thiết về hàng hải. Trước tiên là phải cho quân lính tập bơi. Bộ tham mưu tập trung tất cả các tư liệu về những vùng sẽ đổ bộ. Người ta phải tra khảo cả những tư liệu lịch sử về việc vượt biển Măng-sơ của Hoàng đế Xê-da trong đêm 1 tháng 9 năm 55 trước công nguyên. Một sự kiện độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh! Sau này, tướng Đức Giôn nhận xét là công tác chuẩn bị của quân Đức lúc bấy giờ (năm 1940) rất giống với cách làm của Hoàng đế La Mã thời cổ đại.
Bên cạnh đó, Ge-sta-pô cũng ráo riết chẩn bị để chiếm đóng Anh. Bác sĩ Xíc, ba mươi mốt tuổi được chỉ định làm Tổng chỉ huy Ge-sta-pô ở Anh.
Từ tháng 7 năm 1940, Ge-sta-pô đã cho in cuốn sổ đen ở Anh (danh sách những người bị xem là thù địch để bắt giam), trong đó phần lớn là tên họ, địa chỉ của các nhà chính trị Anh, các chính khách châu Âu lưu vong… những kẻ cần bắt ngay khi quân Đức chiếm đóng và giao cho Ge- sta-pô. Trong bản danh sách có cả những người đã chết từ lâu. Chẳng hạn bác sĩ Xi-mun Fơ-rớt đã chết ngày 23 tháng 9 năm 1939 tại Luân Đôn.
Phía Anh vẫn tiếp tục chuẩn bị. Ngay trong những pháo đài xây dựng từ năm 1805 để ngăn ngừa Na-pô-pê- ông đổ bộ, dàn quân ráo riết luyện tập chiến đấu với những vũ khí cực kỳ thô sơ: cán cuốc của nông dân !
Trên tất cả cánh đồng miền Nam và Đông Nam, để chống lính nhảy dù, người ta đặt đủ các thứ chướng ngại vật: những đống đất, đống gạch, những thùng rượu, xe cũ… đến nỗi viên tướng không quân Xtu-đen ở Bộ chỉ huy Đức nhận định là “không thể đổ bộ xuống Anh được” vì không còn có chỗ nào để mà nhảy dù.
Lại có tin đồn là bọn lính nhảy dù Đức bị bắt ở Hà Lan đều mặc quần áo nữ tu sĩ nên đài BBC loan báo bọn nhảy dù nào không mặc quân phục Đức đều phải tiêu diệt ngay lập tức.
Ngày 1 tháng 8, Hít-le chỉ thị phá tan không quân Hoàng gia Anh trước khi đổ bộ. Không quân Đức phải bằng mọi cách chiến thắng không quân Anh. Điều đó cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Với những chỉ thị ấy, Hít-le đã thực sự ra lệnh tiến công Anh.
Oát-xơn Oát đã có sáng kiến cho lập các trạm ra-đa dọc theo bờ biển Anh. Hàng rào
ra-đa cao đến năm trăm mét khiến cho các máy bay trinh sát Anh không cần phải cất cánh để phát hiện máy bay Đức. Chỉ khi nào tiếp cận với địch thì máy bay chiến đấu mới cất cánh và được chỉ huy bằng vô tuyến để đâm thẳng vào các máy bay ném bom của đối phương. Vì vậy mà sau đó Oát-xơn Oát được gọi là người cứu nguy Tổ Quốc.
Đương nhiên người Đức không biết hết những điểm yếu của hệ thống ra-đa của Anh và không biết rằng hệ thống chỉ huy bằng vô tuyến chỉ có thể chỉ huy mỗi lần rất ít máy bay chiến đấu. Những trạm chỉ huy ấy lại quá phức tạp và cồng kềnh nên rất khó di chuyển.
Ngày 10 tháng 8 năm 1940, ba phi đoàn Đức sẵn sàng tiến công Anh. Theo Gơ-rinh chỉ cần bốn ngày là có thể phá huỷ hệ thống phòng thủ phía Nam Luân Đôn. Y dự kiến tiêu diệt không quân Hoàng gia Anh trong vòng bốn tuần lễ. Do đó ngày đổ bộ được quy định vào trung tuần tháng 9.
Nhưng do thời tiết xấu, chiến dịch tiến công bằng không quân phải hoãn đi hoãn lại. Cuối cùng mặc cho thời tiết vẫn tiếp tục xấu thêm, các phi đoàn máy bay ném bom vẫn được hạ lệnh cất cánh. Trong lúc đó thì các phi đội máy bay tiên kích đã cất cánh bị gọi trở lại. Điều đó tạo nên một sự hỗn độn kinh khủng. Máy bay ném bom và máy bay tiêm kích không còn có thể bay theo một đội hình quy định. Tình trạng ấy đã gây nên một tổn thất lớn: Năm mươi nhăm máy bay Đức bị rơi chỉ vì đâm vào nhau.
Máy bay Xtu-ca, rất thành công trong các trận đánh Ba Lan và Pháp thì khi sang Anh lại rất lúng túng vì hệ thống khinh khí cầu bảo vệ Luân Đôn. Chúng phải bay chậm và trở thành miếng mồi ngon cho súng cao xạ của Anh. Ngày 17 tháng 8 máy bay Xtu-ca bỏ cuộc hoàn toàn.
Ngày 13 tháng 8, Chính phủ Anh cấm kéo chuông. Chỉ có quân đội và cảnh sát mới có quyền kéo chuông để báo động khi có máy bay địch.
Đêm 13 tháng 8, máy bay Đức ném xuống đất Anh đủ mọi thứ: ca-nô có phao, điện đài, thuốc nổ, bản đồ, danh sách những người cần bắt, các chỉ thị cho các điệp viên mật của Đức (thật ra là không có). Việc làm đó nhằm đánh vào thần kinh người Anh, là một bộ phận của chiến tranh cân não. Đài phát thanh Đức loan tin các binh lính nhảy dù sẽ mang theo đạn khói, do đó họ có thể ẩn giấu như ẩn giấu trong một đám mây nhỏ. Lính Đức lại dùng những loại dù có thể lơ lửng trên không đến mười tiếng đồng hồ, vì vậy mọi người có thể tưởng là những đám mây.
Sau ngày 12 tháng 8, không quân Đức tập trung đánh ồ ạt vào hệ thống ra-đa Anh. Nhưng đến 24 tháng 8 thì người Đức phát hiện ra chỗ yếu của hệ thống phòng thủ Anh, chúng tập trung đánh vào các trạm chỉ huy. Không quân Hoàng gia gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 22 tháng 8, đài phát thanh Đức loan tin sẽ tiến công Luân Đôn bằng pháo đài bay, điều khiển bằng vô tuyến và có sức nổ cực mạnh. Chiều 24 tháng 8, một trận mưa bom tàn phá Luân Đôn: Luân Đôn bị bom lần đầu tiên từ sau 1918 !
Nhưng các phi công Đức do hoảng sợ, đã bỏ bom chệch mục tiêu xuống các khu phố thường dân chứ không phải xuống các kho xăng và nhà máy chế tạo máy bay. Đứng trên lâu đài, Soóc-sin trông thấy tất cả các đám cháy xung quanh. Và ông ta đã phản ứng quyết liệt. Ngày hôm sau, Không quân Hoàng gia bắt đầu tấn công Béc-lanh.
Đêm 25 tháng 8, tám mươi mốt máy bay ném bom cất cánh nhưng một nửa phải quay trở lại trước khi đến Béc- lanh. Bom rơi cách phòng ngủ của Hít-le có mấy mét. Khoảng hai mươi người bị chết. Người Anh- tấn công Béc- lanh suốt mấy đêm liền mà không một chiếc máy bay nào bị rơi cả.
Hít-le quyết định đổ bộ xuống Anh ngày 21 tháng 9. Bắt đầu từ 7 tháng 9, máy bay Đức tập trung đánh phá mục tiêu duy nhất là Luân Đôn.
Cuộc chiến ở Anh đạt đến cao điểm. Ngày 28 tháng 8, Hít-le quyết định đổ bộ trên một chiều dài khoảng một trăm bốn mươi kilômét, về phía đông-nam Anh.
Do người Anh bỗng nhiên thay đổi mật mã nên cơ quan tình báo Đức phải tìm mọi cách lấp lỗ hổng để có các thông tin mới. Họ cho các điệp viên bí mật đổ bộ sang Anh. Sáng 3 tháng 9, một điệp viên gõ cửa một khách sạn và hỏi mua một chai rượu. Ngày 10 anh ta bị treo cổ vì y không biết rằng khách sạn ở Anh không bao giờ mở cửa trước mười giờ sáng. Một điệp viên khác không biết một tiếng Anh nào cũng bi bắt hai mươi bốn giờ sau và bị treo cổ. Một điệp viên nữa đã bị tóm vì sau khi ăn xong ở một quán ăn, y định trả tiền bằng tic-kê nhưng ở Anh, trong các quán ăn và quán cà phê không bao giờ người ta trả tiền bằng tic-kê. Một điệp viên khác vào nhà ga đã bị lộ vì hiểu sai tiếng Anh v.v… Qua các điệp viên bị bắt, người ta biết rằng công việc chuẩn bị để tiến công Anh đã hoàn tất.
Anh cũng chuẩn bị gấp rút các cơ sở cho cuộc kháng chiến bí mật sắp tới khi bị quân Đức chiếm đóng. Một phong trào rèn luyện chiến tranh du kích lan rộng khắp mọi nơi. Cho đến lúc giải tán các đội du kích đã chuẩn bị được một ngàn địa điểm bí mật, rải rác khắp các địa phương. Trong mỗi hầm bí mật đều có giường, ghế, bếp và các thứ tiện nghi khác, có kho dự trữ nước và thức ăn, có nơi một đội có thể ở hàng tháng liền dưới mặt đất.
Cho đến cuối tháng 9 năm 1940 , không quân Đức vẫn hy vọng làm chủ trên không. Nhưng để thực hiện đổ bộ thì mùa đông đã đến quá gần mất rồi.
Vả chăng Không quân Hoàng gia Anh chẳng những không bị đánh bại mà ngày càng tiến công quân Đức mãnh liệt hơn. Do đó Hít-le ra lệnh hãm bớt tốc độ khẩn trương đóng các tàu vận tải. Y không cho ngày cụ thể nhưng ra lệnh tất cả phải sẵn sàng để có thể xâm chiếm Anh bất cứ lúc nào, trong vòng mười ngày. Cho đến ngày 12 tháng 10 năm 1940, chiến dịch đổ bộ để chiếm nước Anh đã chính thức bị hoãn sang năm 1941.
Từ ngày 21 tháng 7, Hít-le đã thông báo cho Bộ Tư lệnh tối cao biết các dự án tuyệt đối bí mật của về chiến dịch phía Đông, tức là chiến dịch xâm lược Liên Xô. Ngay mùa hè, viên sĩ quan trợ lý của Hít-le đã chọn địa điểm cho Tổng hành dinh của chiến dịch: một khu rừng ở miền Đông Phổ.
Tháng 11 năm 1940 Bộ Tổng tham mưu Anh tin chắc chắn là thời cơ tốt nhất để xâm chiếm nước Anh đã qua đi và người Đức đang chuẩn bị để xâm chiếm Liên Xô. Tướng Guy-banh được giao phụ trách cơ quan đặc nhiệm SOE, một cơ quan có nhiệm vụ tiếp tục đào tạo cán bộ và giúp đỡ các nước châu Âu bị chiếm đóng tiến hành chiến tranh du kích chống phát xít Đức.
SỐ PHẬN NGƯỜI HÙNG MANG SỐ HIỆU A.54
Trong thế chiến thứ hai, Praha là thủ đô dùng làm hậu trường cho các hoạt động tình báo của người điệp viên bí mật Đức, người đã cung cấp cho Đồng Minh phần lớn những tin tức có liên quan đến các ý đồ của Hít-le.
Pôn Tu-men, vốn là người bán bánh mì và là bạn nối khố của Him-le (Tổng chỉ huy SS), sau trở thành sĩ quan phản gián Đức. Anh là một trong những người được tin cẩn nhất nhưng đồng thời cũng là cộng tác viên đắc lực của Đồng Minh. Anh đã cho những tin tức chuẩn xác về kế hoạch Đức đánh chiếm Tiệp Khắc, đánh chiếm Ba Lan cũng như đã báo trước cho Anh về các đợt tiến công Luân Đôn. Anh cũng báo trước các cuộc xâm lược Na Uy, Hà Lan, Bỉ và Pháp. Từ năm 1940, anh đã thông báo thời điểm quan Đức mở mặt trận phía Đông chống Liên Xô, báo trước kế hoạch bí mật của bọn SS bắt cóc bá tước Uyn-xo ở Li-xbon (thủ đô Bồ Đào Nha).
Pôn Tu-men có nhiều bí danh, trong đó có số hiệu A.54. Năm 1927, anh cùng bạn bè sáng lập ra nhóm Quốc xã ở địa phương. Trong buổi lễ thành lập, Him-le đã đến diễn thuyết rất hùng hồn và tối ngủ tại nhà Tu-men.
Sau khi cướp được chính quyền, Him-le trở thành Tổng chỉ huy đội Sung sướng. Y trả ơn cho bạn bằng cách sắp xếp cho Tu-men một chỗ làm việc tốt ở cơ quan phản gián quân đội đo đô đốc Ca-na-ti chỉ huy. Chẳng mấy chốc mà người đồng chí lão thành của đảng, Tu-men, mang đảng hiệu số 61574, được tặng huy hiệu vàng của đảng và được xem là người tin cẩn số một của cơ quan phản gián.
Người ta dự đoán rằng vì cần tiền mà đầu tháng 2 năm 1936, Tu-men đã vượt biên giới Tiệp Khắc bằng một chuyến tàu đêm để đến bỏ một lá thư vào hòm thư Most.
Lá thư mang dấu bưu điện ngày 8 tháng 2 năm 1936, gửi cho Bộ Quốc phòng Tiệp Khắc ở Praha. Trong lá thư viết: “Người gửi lá thư này sẵn sàng hợp tác với cơ quan mật vụ Tiệp. Lý do vì sao, các ngài không cần biết. Tôi có thể giúp các ngài như sau…”.
A-lôi Fơ-răng, lúc bấy giờ là trung uý trong cơ quan mật vụ Tiệp Khắc, nhớ lại lá thư và các sự kiện như sau:
“Một hôm cơ quan tôi nhận được một lá thư làm cho mọi người kinh ngạc. Một người Đức đề nghị thông tin cho chúng tôi về các phương pháp truyền tin của Đức từ Tiệp sang Đức, về tổ chức gián điệp của Đức và Tiệp v.v. Anh ta nói rõ là không bao giờ chúng tôi có thể biết tên tuổi của anh và cũng không bao giờ anh gặp các sĩ quan mật vụ Tiệp trên đất Tiệp. Đáp lại công việc của anh, anh đòi phải trả mười lăm ngàn mác và gửi ngay trong tuần sau. Để làm việc, anh ta cần một chiếc máy ảnh và để bảo đảm an toàn, anh muốn mua máy ấy ở Đức. Kết thúc lá thư anh nói rõ là sau khi đã cung cấp những tin tức trên, anh sẽ ngừng cung cấp các tin trong một năm. Cũng vì những lý do an toàn, anh không thể làm việc thường xuyên với chúng tôi. Anh chờ trả lời của chúng tôi cho đến ngày 14 tháng 2 và nói rõ là lá thư trả lời ấy sẽ quyết định thái độ của anh: hoặc anh sẽ hợp tác với chúng tôi hoặc anh sẽ hợp tác với mật vụ Pháp.
Cuối lá thư ký tên “F.M.” và địa chỉ “F.M.137, hòm thư lưu, A-na-béc”.
Nhận được lá thư, người sĩ quan chỉ huy chúng tôi là F.Mô-ra-vêc lập tức triệu tập họp tất. cả những người thân cận. Một điều làm cho chúng tôi nghi ngờ là lá thư đầy lỗi chính tả, những lỗi không thể chấp nhận được ở một người Đức. Mặc dầu đề nghị của tác giả lá thư rất hấp dẫn nhưng rất có thể đó chỉ là một thủ đoạn khiêu khích của một điệp viên bí mật. Sau khi bàn cãi khá lâu, chúng tôi quyết định cứ trả lời và dĩ nhiên là trả lời ngay. Anh ta thì cần tiền mà chúng tôi thì cần thông tin.
Ngay hôm đó chúng tôi viết thư trả lời là đề nghị của anh rất bổ ích đối với chúng tôi. Chúng tôi gửi tiền cho anh mặc dầu về phía anh chưa có gì là bảo đảm. Đương nhiên là thư viết theo ngôi thứ nhất, tên người gửi là Xi- mếc, địa chỉ Praha 19 ngõ Đô-xtan (một địa chỉ giả tạo).
Lá thư trả lời của F.M. chưa có giá trị gì lắm. Anh cho chúng tôi biết tên một vài điệp viên Đức đang ở Tiệp Khắc và một vài tên đang làm việc ở Đức chống Tiệp Khắc. Chúng tôi viết cho anh ta hai lần nữa, mỗi lần kèm theo một trăm mác và đề nghị được trực tiếp gặp anh. Anh nhận lời. Thời gian và địa điểm được quy định như sau: Hai mươi giờ ba mươi ngày thứ hai 6 tháng 4 năm 1936 tại ngã ba Nơ-ges-rây sát biên giới Đức - Tiệp.
Chúng tôi đến địa điểm đúng giờ hẹn và chờ đợi. Bỗng nhiên anh ta xuất hiện và cẩn thận đi lại gần chúng Tôi. Sau khi chào nhau, chúng tôi mời anh lên xe đến Chô- mu-tôp và đàm đạo với nhau tại đấy hơn ba tiếng đồng hồ. Anh bảo chúng tôi gọi anh bằng tên thật là Bơ-rây-me và để bảo đảm an toàn, anh không mang theo giấy tuỳ thân, Anh nói anh làm việc tại cơ quan phản gián Đức ở Đơ-re-xđen với tư cách là thợ vẽ, thợ chụp ảnh. Vợ chưa cưới của anh làm việc ở phòng lưu trữ phản gián cho nên anh biết được nhiều tài liệu mật. Anh muốn hợp tác với chúng tôi vì anh cần tiền để trả nợ và để cưới vợ trong thời gian tới.
Anh mang theo một vài tài liệu quan trọng, nhất là các sơ đồ tổ chức cơ quan phản gián và cơ quan Ge-sta-pô ở Đơ-re-xđen, một bản phác thảo mạng lưới điệp viên ở vùng biên giới và một bản phác thảo mạng lưới điệp viên Đức hiện đang làm việc ở Tiệp.
Trong buổi trò chuyện, anh tỏ ra rất nhanh trí và có nhiều hiểu biết mà một điệp viên lành nghề mới có được. Sau buổi nói chuyện, chúng tôi mới tin chắc anh không phải là một tên khiêu khích mà thực sự anh muốn làm việc với chúng tôi. Sau khi quy định lần gặp sau, chứng tôi đưa anh trở lại điểm gặp. Anh trở thành nhân viên của chúng tôi và mang ký hiệu A54.
Cuộc gặp lần thứ hai cũng ở địa điểm trên nhưng ở bên cạnh nhà thờ. Và sau đó thì đến đầu tháng 6 năm 1937, chúng tôi mới gặp lại A54 ở Cac-lô-vi Va-ri. Lần này chẳng những anh mang theo sơ đồ tổ chức lại Ge-sta-pô và hệ thống tình báo quân sự thời chiến mà còn cả những trích đoạn các tuyên bố bí mật của Hít-le về Tiệp Khắc.
Đối với chúng tôi, A54 thật là vô giá. Mỗi lần gặp nhau, chúng tôi lại tìm cách hẹn với anh lần gặp tiếp. Chúng tôi rất vui sướng khi được anh hẹn sẽ gặp lại ở Praha vào trung tuần tháng 8.
Cùng làm việc ở cơ quan mật vụ Tiệp Khắc với Fơ-răng còn có Fơ-ríc, là người trực tiếp phụ trách A54. Ở Praha, A54 mang tên là Vô-ran. Fơ-ric kể lại thời gian làm việc với Vô-ran ở Praha như sau:
“Trong thời gian Vô-ran ở Praha, vào tháng 8 năm 1938, chúng tôi thường gặp nhau ở quán ăn Man-nơ. Mặc dầu không biết tên thật của anh, nhưng chúng tôi được hiểu về anh nhiều hơn. Anh trở thành cộng tác viên quý nhất của chúng tôi. Tôi nhớ là một hôm anh ta nói với tôi: “Các ông muốn tôi kể những gì ở Đức? Ở đó có đội SS. Tôi thì rất ghét những người đen. Một sự thù ghét kinh khủng!” Tại sao lại như vậy? Anh ta không nói rõ với tôi điều đó. Chúng tôi thống nhất với nhau là từ nay chúng tôi sẽ gửi tiền vào tài khoản của anh ở Thuỵ Sĩ để khi bất trắc, anh có thể vù ngay khỏi nước Đức.
Một hôm khác, anh kể là mẹ anh vốn người Luy-da-xơ, trong anh có dòng máu Xla-vơ cho nên anh cảm thấy cùng chủng tộc với chúng tôi. Sau chiến tranh, chúng tôi tìm hiểu thì được biết bà anh chứ không phải mẹ anh, là gốc Luy-da-xơ.
Sang tháng 9 năm 1938, Vô-ran lại trở lại Praha. Anh ta mang cho chúng tôi các mẫu mã thuốc nổ Đức mới chế tạo, chúng tôi gửi về Viện Không quân Tiệp để kiểm tra.
Trước cuộc gặp gỡ ấy, A54 viết cho chúng tôi là anh chỉ muốn học. Điều đó có nghĩa là đã đến lúc anh muốn làm quen với việc sử dụng điện đài vì cuộc xâm lược của Đức đối với Tiệp Khắc đã là điều không thể tránh khỏi. Nhưng sau đó chẳng bao giờ A54 sử dụng điện đài vì anh dễ dàng gửi các tài liệu cho chúng tôi qua một cơ sở liên lạc của phong trào kháng chiến”.
Đến lượt A-lôi Fơ-răng lại tiếp tục kể:
“Đêm 12 rạng 13 tháng 9 năm 1938, chúng tôi chở A54 trở về điểm hẹn ở biên giới. Bài diễn văn của Hít-le đọc ở Nu-rem-be, chỉ vài hôm sau, đã mang lại hậu quả. Đêm hôm đó đã xảy ra các hành động khủng bố của đội Hen-len khiến cho chính phủ Tiệp đã phải ban hành thiết quân luật trên toàn bộ vàng Xuy-đét ( Xuy-dét là vùng đất Tiệp giáp biên giới Đức. Đội Hen-len là tổ chức phát xít bí mật hoạt động trên đất Tiệp). Cuộc hành trình của chúng tôi hơi phiêu lưu. Chúng tôi ra đi từ Praha lúc mười giờ ba mươi tối. Trên các đường phố mà chúng tôi đến, bọn khủng bố bắt đầu hoạt động. Vào khoảng nửa đêm, một tốp khoảng mười lăm tên vũ trang ngăn xe chúng tôi lại, một tên bắn một phát súng. Tôi nghĩ “có chuyện rắc rối rồi đây”. Tất cả chúng tôi mở khoá an toàn các khẩu súng lục mang theo người và lo lắng chờ đợi chuyện gì sẽ xảy ra. Chính A54 đã cứu vãn tình hình. Nhảy vội ra khỏi xe, anh nói lớn điều gì đó với nhóm người. vũ trang. Một tên trong bọn chúng trao đổi với anh một lúc và chúng tôi lại có thể tiếp tục đi Khi xe chúng tôi gặp các đội tuần tra, họ còn chào chúng tôi nữa. Chúng tôi đến biên giới an toàn. Ở đó A54 cho chúng tôi biết khẩu lệnh trở về Praha an toàn: Lăng-ghe Max. Quả là chúng tôi phải dùng đến khẩu lệnh ấy bởi vì dọc đường xe chúng tôi lại bị ngăn. Từ xa, người lái xe của chúng tôi đã nói “Lăng-ghe Max” và thế là chúng tôi được đi qua mà không phải kiểm soát giấy tờ gì cả. Chúng lại còn chào chúng tôi và tỏ vẻ thân thiện.
Tiếp đó, các sự kiện diễn ra thật nhanh chóng. Săm-béc-lanh (Thủ tướng Anh) đến thăm Hit-le và ký kết hiệp ước Muy-ních. Đức xâm chiếm vùng Xuy-dét. Đầu năm 1939, A54 đề nghị gặp chúng tôi. Bạn đồng nghiệp của tôi là trung uý Fơ-ric đã đi gặp A54”.
Fơ-ric thuật lại cuộc gặp gỡ ấy như sau:
“Tôi gặp A54 ở Tuyếc-nôp. Anh nói thẳng với tôi: Ở Béc-lanh, người ta đã quyết định. Nước Tiệp Khắc sẽ không còn nữa, chậm nhất là sau ngày 15 tháng 3”. Tôi như người mất hồn. Tôi biết rằng con người ấy đã nói đúng sự thật thế mà tôi vẫn cứ như không thể tin được. Căn cứ trên những chi tiết mà anh ta cho chúng tôi biết, chúng tôi thấy rõ tính chất
quyết hệt của các quyết định của cơ quan tối cao ở Đức.
Tất cả đã diễn ra đúng như A54 cho chúng tôi biết.
Viên quan năm Mô-ra-vêc, người chỉ huy chúng tôi, báo động ngay cho Chính phủ biết và chúng tôi tìm mọi biện pháp cất giấu tài liệu, hồ sơ mật, chậm nhất là trước ngày 15 tháng 3. Đích thân Mô-ra-vêc đến sứ quán Anh ở Praha để thảo luận việc chuyên chở hồ sơ của cơ quan mật sang Anh. Tất cả sẽ được chuyển đến một biệt thự ở Praha, từ đó một xe cam-nhông của sứ quán Anh sẽ đến mang đi.
Bạn đồng nghiệp của tôi là Fơ-răng chịu trách nhiệm chuyển toàn bộ tài liệu và chính anh cũng là người tổ chức để chúng tôi bay sang Luân Đôn”.
Trung uý Fơ-răng thuật lại:
“Ngày 14 tháng 3 năm 1939, khoảng một giờ chiều, tôi đến sân bay Praha. Sau bốn giờ chờ đợi mệt mỏi, có một người thấp béo đi thẳng lại phía tôi: - Ông là Fơ-răng? Tôi trả lời: Vâng. Chúng tôi đi ra khỏi ngôi nhà của sân bay. Một phi công hãng hàng không Hà Lan KLM báo cho chúng tôi biết là máy bay sắp cất cánh.
Đến sáu giờ ba mươi, chúng tôi tất cả là mười một người trên máy bay KLM. Đó là chuyến bay đặc biệt chở Bộ Tham mưu cơ quan mật vụ rời khỏi đất nước. Ngày 15 tháng 3 báo chí Anh đưa tin có mười một nhân vật bí mật từ Chính phủ Tiệp Khắc đến Luân Đôn để hội đàm…
Ngoài hành trang tư nhân, chúng tôi mang theo những tài liệu quan trọng nhất trong đó dĩ nhiên là có các tài liệu liên quan đến A54. Sau khi nghỉ lại một thời gian ngắn ở Rô-téc đam, chúng tôi tiếp tục bay sang Luân Đôn. Mô-ra-vêc bắt liên lạc ngay với bác sĩ Bê-nét, nguyên Tổng thống nước cộng hoà, đã rời khỏi đất nước sau khi vùng Xuy-đét bị xâm
chiếm. Bạn đồng nghiệp của tôi được lệnh sang Pa-ri, còn tôi thì đi La Hay, nơi mà chúng tôi đã có một mạng lưới tình báo nhỏ”.
Ngày 15 tháng 3 năm 1939. Sáu giờ sáng, quân đội Đức xâm nhập Tiệp Khắc. Đó cũng là thời gian mà bác sĩ Pôn Xten-be đến trú ở khách sạn Ngỗng Vàng tại Praha. Pôn Xten-be là một trong nhiều bí danh của A54. Anh được cơ quan phản gián Đức cử sang công tác ở Praha như là một cán bộ tin cẩn nhất. Một hôm Xtenbe đi tìm thuê một gian nhà riêng để ở, ngoài trụ sở công vụ. Anh tìm được ngôi nhà của nhà điêu khắc Bo-xvác ở một khu phố sang trọng ở Praha. Ở đây còn một căn phòng bỏ trống.
Bô-xvác còn nhớ lại rõ ràng:
“Lúc bấy giờ vào khoảng cuối tháng 5. Chúng tôi đang ăn trưa trong vườn thì có tiếng chuông ngoài cổng. Đó là một người khách lạ. Ông ta hỏi chúng tôi bằng tiếng Đức xem chúng tôi còn có căn phòng nào cho thuê không. Tôi hơi ngạc nhiên. Tôi mời ông ta vào rồi tôi và vợ tôi đưa ông ta đi xem các căn phòng ở tầng trệt. Xten-be nói là ông ta rất thích và sẽ đến ở đây. Tôi đáp lại: “Nhưng chúng tôi là người Tiệp”. Ông ta nói điều đó không quan trọng và mỉm cười, vui vẻ vỗ lên vai tôi. Ông ta trả trước cho chúng tôi ngay một ngàn hai trăm cua-ron và ghi tên vào sổ cư trú: Bác sĩ Xten-be, nghề nghiệp: công chức; vợ là En-xa.
Xten-be là một con người rất dễ chịu, bao giờ cũng lễ phép, niềm nở. Chúng tôi gọi ông là “ông người Đức tốt” Chẳng bao giờ chúng tôi biết ông ta làm nghề gì và là ai.
Xten-be có hai xe ôtô, một do lái xe lái. Ông ta thường tổ chức nhóm họp vui chơi ngoài vườn với nhiều bạn bè, khách khứa. Nhất là phụ nữ. Vợ ông ta thường đi Đức luôn.
Đó là một người vui tính, rất dễ mến và qua ý kiến của ông, chúng tôi nhận thấy đúng ông ta là một người bạn chân thành của người Tiệp”.
Trong thời gian này, trung uý Fơ-răng đang ở La Hay, với tư cách là đại diện của Công ty Anh Fo-xtơ, công ty nhập khẩu than. Cửa hàng đồ cổ của cặp vợ chồng Tiệp Giê-li-nêc ở trung tâm thành phố được dùng làm hòm thư cho các thông tin từ nước Tiệp Khắc bị tạm chiếm gởi đến.
Trung uý Fơ-răng kể lại:
“Vừa đặt chân đến La Hay, tôi đến gặp ngay gia đình Giê-li-nêc. Lần gặp nhau cuối cùng ở Praha với A54, chúng tôi đã hẹn địa chỉ ở đây để liên lạc với nhau sau khi chúng tôi rời khỏi đất nước.
Ngày 13 tháng 4 năm 1939, một bưu thiếp của A54 đã gửi đến cửa hàng Giê-li-nêc. Anh báo cho chúng tôi biết là được chỉ định công tác ở Praha. Ngoài những thông tin thuần tuý quân sự, A54 cho chúng tôi biết về tình hình ở nước Tiệp Khắc bị chiếm đóng.
Ít lâu sau anh báo tin sẽ đến La Hay lần đầu tiên.
Chúng tôi gặp nhau ngày 3 và ngày 4 tháng 6 tại cửa hàng của vợ chồng Giê-li-nêc. Lần gặp sau đó vào đầu tháng 8, anh cho chúng tôi biết Đức sắp xâm chiếm Ba Lan. Một thông tin có giá trị đặc biệt quan trọng.
Cũng trong cuộc gặp ấy, anh cho biết là đã đổi tên. Từ tháng 8 năm 1939 anh không gọi là Vô-ran nữa mà là Fơ-răng-ta. Anh cho chúng tôi một địa chỉ quy ước ở Praha.
Thông tin gần nhất mà chúng tôi nhận được của A54 ở La Hay là một bức điện khẩn đánh đi từ Praha trong đó anh dùng mật số báo cho chúng tôi biết là Hà Lan và Bỉ sẽ bị tấn công vào ngày 10 tháng 5 năm 1940. Tất cả diễn ra rất nhanh và ngày 11, tôi đã quay trở lại Luân Đôn”.
Tổng thống Bê-net viết trong tập Hồi ký:
“Từ đầu tháng 4 năm 1940, hàng ngày chúng tôi đã nhận được những tin từ Praha và Béc-lanh, những tin đáng tin cậy cho hay là Đức chuẩn bị tấn công Pháp và Anh qua Bỉ và Hà Lan”.
Fơ-ric lúc bây giờ đang công tác ở Pa-ri cũng nhận được một tin của Fơ-răng-ta. Fơ-ric kể lại:
“Chúng tôi ở trong một biệt thự thuộc đường phố Vic-to Huy-gô, đầu rừng Bu-lô-nhơ. Một buổi chiều tháng 2 năm 1940, tôi giải mã một thông tin của Fơ-răng-ta mà tôi cho là vào loại quan trọng nhất trong những tin mà A54 cung cấp cho chúng tôi. Trong thông tin gửi cho chúng tôi qua một người tin cẩn ở Thuỵ Sĩ , anh cho chúng tôi biết chính xác kế hoạch Đức tấn công Pháp. Tôi liền mang tin ấy chạy đến vị lãnh đạo của tôi. Ông ta cũng tỏ ra rất xúc động và chạy ngay đến Bộ Tổng tham mưu Pháp. Ông trở về với vẻ mặt rất khổ sở. Mặc dầu biết nguồn tin của chúng tôi là đáng tin cậy, người Pháp vẫn nghi ngờ là thông tin ấy không chính xác. Họ không tin rằng người Đức lại dám đi vòng quanh chiến luỹ Ma-gi-nô…
Ấy thế nhưng tất cả đã diễn ra đúng như A54 dự đoán. Tôi bay sang Luân Đôn cùng với các đồng nghiệp.
Tháng 6 năm 1940, chúng tôi để A54 liên lạc với một nhóm sĩ quan tình báo ở Praha, nhóm này liên lạc với Luân Đôn bằng điện đài.
Bắt đầu từ thời điểm ấy, gần như hàng ngày chúng tôi nhận được các tin tức của Fơ răng-ta. Ngoài ra A54 cũng hợp tác với phong trào kháng chiến Tiệp. Anh có liên hệ chặt chẽ với đại uý Mô-ra-vêc, một con người ưu tú của chúng tôi ở Praha. A54 liên hệ với Mô-ra-vêc bằng ba hòm thư mật…
Chúng tôi được thông báo là kế hoạch tấn công Anh đã được hoãn lại chưa biết đến bao giờ. Vào cuối năm 1940, A54 cho chúng tôi biết: kế hoạch tấn công Liên Xô sẽ thực hiện vào thượng tuần tháng năm. Tin ấy đến với chúng tôi chỉ một tuần sau khi Hít-le ký mệnh lệnh số hai mươi mốt cho chiến dịch Bác-bơ-rút (chiến dịch Đức tốn công Liên Xô). Chúng tôi có dịp nghiên cứu kế hoạch ấy trước khi nhiều tướng lĩnh quốc xã chưa được biết một cách đầy đủ.
Sau đó chúng tôi đề nghị A54 đổi tên. Anh không còn là Fơ-răng-ta nữa mà là Rơ-nê.
Nhưng không phải Ge-sta-pô hoàn toàn không biết gì. Từ 1940 nó đã theo dõi tổ chức của Mô-ra-vêc. Nhờ một người bạn ở Ge-sta-pô, Rơ-nê biết quân Đức đang làm những gì. Anh báo động cho Mô-ra-vêc biết: “Ge-sta-pô đã biết nơi giấu điện đài”.
Từ đó, mỗi lần phát sang Luân Đôn, Mô-ra-vêc lại chuyển đài đi một chỗ khác. Nhưng ngày 3 tháng 10 năm 1941, nhờ máy móc phát hiện hiện đại , bọn Đức tìm ra nơi giấu điện đài. Chứng bắt được các tài liệu có liên quan đến Rơ-nê.
Bọn Ge-sta-pô phát hiện từ các tài liệu ấy điều mà từ lâu chúng dã nghi ngờ: có một công chức cao cấp Đức làm việc cho phong trào kháng chiến Tiệp và cung cấp cho họ những tin tuyệt mật.
Hây-rich, nguyên Tổng chỉ huy SS vừa sang nắm quyền ở Tiệp, đã đích thân giải quyết việc này: Y ra lệnh thành lập một cơ quan đặc biệt để truy tìm tên phản bội X, và tuyên bố đây là một việc thuộc bí mật quốc gia. Một vài ngày sau, hai điệp viên bí mật của Ge-sta-pô phát hiện ra Rơ-nê là một quan chức Đức cao cấp hiện đang ở phía bắc Praha. Người ta tìm trong các hồ sơ, tài liệu và nhận ra con người tin cẩn Tu-men tức là bác sĩ Xten-be hiện đang ở phía bắc Praha. Anh bị bắt ngày 13 tháng 10 năm 1941. Trong thẩm vấn, anh giải thích rằng những hoạt động của anh cho phong trào kháng chiến Tiệp chỉ là một chiến thuật hai mặt dùng để chuẩn bị cho một vụ lớn. Anh chuẩn bị nắm gọn toàn bộ mạng lưới của Mô-ra-vêc nhưng để làm như vậy thì phải để cho ông ta thêm một thời gian.
Ngày 2 tháng 3 năm 1942, anh được tha. Nhưng bao giờ cũng bị theo dõi. Anh buộc phải có những cuộc hẹn với Mô-ra-vêc: bọn Ge-sta-pô định chăng một mẻ lưới bắt cả hai con.
Rơ-nê không thoả mãn yêu cầu ấy của Ge-sta-pô. Mô-ra-vêc đánh diện sang Luân Đôn đề nghị tìm một giải pháp để cứu vãn Rơ-nê. Bản thân anh , cũng đề nghị Anh cho một máy bay đến để chở anh đi. Nhưng đã quá muộn”.
Ông Bô-xvác chủ ngôi nhà mà A54 thuê, ôn lại những sự kiện đã xảy ra:
“Suốt năm, chúng tôi đã có quan hệ bè bạn thân thiết với khách thuê nhà. Ông ta rất độ lượng và đúng là một người bạn thực sự của người Tiệp. Ông ta đi vắng một thời gian, sau đó chúng tôi được biết là ông bị bắt và bị giam. Từ đó đêm nào cũng có một nhân viên Ge-sta-pô ngủ trong phòng của ông. Bác sĩ Xten-be thường đi ngủ rất muộn. Tên Ge-sta pô ngủ say, không biết rằng Xten-be đã nhảy qua cửa sổ đến báo động cho Mô-ra-vêc.
Ngày 20 tháng 3 năm 1942, Xten-be bị bắt buộc phải mời Mô-ra-vêc đến. Cả nhà đầy những nhân viên Ge-sta-pô. Xten-be đi tìm Mô-ra-vêc ở tàu điện nhưng rồi ông trở về một mình.
Hôm ấy ông bị chúng bắt đi và không bao giờ chúng tôi được gặp lại ông nữa.
Thật ra Tu-men đã hẹn gặp Mô-ra-vêc ngày hôm sau. Hôm đó Mô-ra-vêc đã đến chỗ hẹn. Bọn Ge-sta-pô biết chỗ hẹn này. Nhưng Mô-ra-vêc không để bị bắt sống: ông nổ súng vào bọn Ge-sta-pô và sau đó thì tự sát.
Ngày 27 tháng 3 năm 1942, Hây-rích viết thư cho Boóc-man, người lãnh đạo cao nhất của đảng Quốc xã:
“Đồng chí Boóc-man thân mến!
Ngày 20 tháng 3 năm 1942, Pôn Tu-men sinh ngày 15 tháng 1 năm 1902 tại Nơ-hô xen, hiện công tác ở Praha, đã bị cảnh sát quốc gia bắt; y bị tình nghi là đã phạm tội phản bội Tổ Quốc.
Tu-men được thưởng huy chương danh dự, là đảng viên mang số 61574 của đảng Quốc xã.
Tu-men thú nhận là đã làm việc từ những năm ba tư ba nhăm cho đến ngày bị bắt, với cơ quan mật vụ cũ của Tiệp Khắc ở Praha, tức là cơ quan mật vụ Anh-Tiệp và đã nhận ít nhất là bốn mươi ngàn mác cho cái giá phản bội ấy.”
Nhưng đối với Ge-sta-pô, việc điều tra vụ phản bội X còn nhưng chưa kết thúc. Tu men bị giam ở nhà tù Praha với cái tên là Tô-man. Bà mẹ của Tu-men viết thư nhờ Him-le can thiệp.
Ngày 12 tháng 9 năm 1944, Him-le viết thư trả lời cho bà như sau:
“Bà Tu-men thân mến !
Tôi đã nhận được thư của bà vào ngày 25 tháng 8 năm 1944 có liên quan đến việc con trai bà. Rất không may là tôi không thể làm theo ý bà được. Con trai bà sẽ phải ra trước toà án quân sự để trả lời về việc phản bội Tổ Quốc, khi mà công việc điều tra đã kết thúc. Ký tên: Him-le.”
Nhưng Tu-men đã không phải ra trước toà án quân sự. Công cuộc đào tạo vụ này chẳng bao giờ kết thúc. Người ta đoán rằng bọn SS dự định gây ra một vụ án lớn chống lại Ca-na-ri (người phụ trách tình báo quân sự). Tu-men sẽ làm nhân chứng và sẽ thoát chết. Để cho cơ quan phản gián quân sự không tiếp cận được anh, người ta đổi tên anh là Tô man và tuyên bố anh là tuỳ viên quân sự của Sứ quán Hà Lan ở Praha trước kia, nay bị bắt. Thật ra không một người bạn tù nào nghe anh nói tiếng Hà Lan bao giờ cả. Anh chỉ nói tiếng Anh. Và các nhà chức trách Hà Lan cũng nói là chưa bao giờ sứ quán Hà Lan ở Praha có một tuỳ viên quân sự tên là Tô-man.
Dưới cái tên giả này, một hôm Tu-men, con người đã mang biết bao nhiêu là tên giả, phải bước qua cổng Tê-den-xtát để sau đó không bao giờ trở lại nữa. Người ta thường gọi cổng ấy là cổng của Thần chết, nó dẫn đến chỗ hành hình các tội nhân. Hôm đó là ngày 20 tháng 4 năm 1945, cũng là ngày lễ sinh nhật cuối cùng của Hít-le.
BÍ ẨN VỀ PHÁO ĐÀI CUỐI CÙNG CỦA GƠ-BEN
Mùa xuân 1945 quân Đồng Minh đã vượt qua sông Ranh. Con đường dẫn tới Béc Lanh đã rộng mở.
Ấy thế mà ngày 1 tháng 4 năm 1945 , tướng Ai-xen-hao hạ lệnh huỷ bỏ cuộc tiến quân vào Béc-lanh. Ai-xen-hao nói với nguyên soái Mông-gô-mê-ri rằng “địa phương ấy đối với tôi chỉ mới là một khái niệm địa lý”…
Thật ra mệnh lệnh ấy là do dựa trên cơ sở các báo cáo của các cơ quan tình báo Đồng Minh về hệ thống các pháo đài Đức xây dựng bí mật ở vùng núi An-pơ.
Bằng mọi thủ thuật tuyên truyền lừa bịp, Gơ-ben dã làm cho Bộ Tổng tư lệnh quân Đồng Minh thay đổi cả chiến lược trong giai đoạn cuối cùng của thế chiến.
Đầu tháng 9 năm 1944. Gông-ta viên sĩ quan chỉ huy SS vùng biên giới xem lại các báo cáo mật vừa mới gửi đến. Y chú ý bản tường trình của một điệp viên bí mật Mỹ ở Duy-rích. Bản tường trình gồm nhiều trang đánh máy, nói đến hệ thống xây dựng các pháo đài cực kỳ hùng mạnh của Đức ở vùng núi An-pơ.
Để ngăn ngừa các cuộc oanh tạc của không quân Đồng minh, Đức đã bố trí hàng loạt trại giam lớn các tù nhân chiến tranh xung quanh các pháo đài, trong đó chủ yếu là các sĩ quan và hạ sĩ quan quân Đồng Minh. Nhiều bản đồ, sơ đồ, tài liệu được gởi kèm theo bản báo cáo chi tiết về các công trình khổng lồ, xây dựng dưới mặt đất các nhà máy, các kho vũ khí, quân trang quân dụng, các sân bay và doanh trại cho hai triệu lính được vũ trang hiện đại nhất. Toàn bộ khu vực ấy của dãy núi An-pơ là một cứ điểm không có sức mạnh nào công phá nổi.
Lão Gông-ta chính gốc ở vùng ấy và chỉ cách mấy ngày, lão vừa đi qua thì chưa thấy gì hết. Cho nên lão không khỏi thấy buồn cười lúc lướt qua bản báo cáo. Lão nghĩ chắc tay nào muốn được cấp trên chú ý đây. Ít lâu sau nhân đến làm việc với viên chỉ huy Hô-fe, Gông-ta đưa cho Hô-fe xem bản báo cáo. Y cho bản báo cáo của điệp viên Mỹ là một trò đùa xấu vì khu vực của y chỉ huy chẳng những không hề “chứa đầy vũ khí” mà do hoạt động mạnh mẽ của phòng trào kháng chiến địa phương, hiện y không làm chủ được tình hình nữa.
Cùng trong khoảng thời gian ấy, một nhóm tham mưu công binh Đức đi xem xét địa hình vừng An-pơ, kết luận rằng các công trình xây dựng của Ý và Áo trong thế chiến thứ nhất còn có thể sửa chữa lại để cho quân đội đang ở Ý lúc rút lui có thể có chỗ để phòng thủ.
Biết được bản báo cáo ấy của công binh, lại được khích lệ bởi báo cáo mật hoang tưởng của người Mỹ, Hô-fe đệ trình lên Hít-le một dự án xây dựng vùng An-pơ. Dự án này nhằm hai mục đích: tăng cường bảo vệ cho khu vực của y đồng thời có thể đẩy lùi cuộc tiến quân của Đồng Minh vì sự lo sợ của người Mỹ trước những pháo đài ma.
Hô-fe xin Hít-le cung cấp nguyên liệu để xây dựng pháo đài, các kho dự trữ vũ khí, lương thực một trại gồm ba mươi ngàn sĩ quan Anh Mỹ… đương nhiên quy mô nhỏ hơn
nhiều so với báo cáo mật của điệp viên Mỹ.
Ngày 12 tháng 11 năm 1944, tờ New York Times đăng một bài nhan đề là “Chỗ ẩn trú của Hít-le”, miêu tả rất chi tiết Tổng hành dinh của Hít-le, với nhiều điều ngoài sức tưởng tượng”.
“…Biện pháp đề phòng phụ: toàn bộ khu vực xung quanh đều chôn mìn, trên chiều rộng hai mươi bốn kilômét, chiều dài ba mươi ba kilômét, chỉ cần bấm nút là toàn bộ sẽ nổ tung. Người ta nói rằng cái nút ấy để ngay trên bàn làm việc của Him-le, trong phòng ở sâu dưới đất, dưới ngọn đồi có ngôi nhà nghỉ của Hít-le”.
Bài báo của New York Times mở đầu cho một loạt bài báo khác từ mùa thu 1944 cho đến tháng 5 năm 1945, tất cả đều ám chỉ hệ thống pháo đài bí mật ở An-pơ.
Thật ra thì cả các bộ tham mưu, cả Hít-le, chẳng ai chú ý đến đề nghị của Hô-fe về việc xây dựng vùng An-pơ vì lúc bấy giờ chúng đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách hơn. Trong lúc đó báo chí phương Tây tiếp tục đưa nhiều tin về khu vực An-pơ. Người ta đồn đại là bọn phát xít sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng ở đấy, mặt trận ở đấy sẽ còn quyết liệt hơn cả ở Xta-lin-grát và Hồng quân sở dĩ mở phản công ở Hung là cốt để chi viện nhanh cho người Mỹ v.v và v.v…
Chính lúc bây giờ, Gơ-ben vào cuộc. Trong Bộ Tuyên truyền, một cơ quan được thành lập và từ tháng 1 năm 1945, bắt đầu tập trung tuyên truyền về pháo đài An-pơ. Các sự kiện, các con số ma được tạo nên một cách như thật. Một mặt các chuyên gia của Bộ Tuyên truyền tung ra các tin tức để gây nên sự sợ hãi, mặt khác các điệp viên tìm cách để lọt vào tay các cơ quan tình báo Đồng Minh các tài liệu về kỹ thuật, các sơ đồ xây dựng, các con số tuyệt mật. Hô-fe cũng lợi dụng được sự thành công của chiến dịch tuyên truyền của Gơ-ben: Khi người ta báo cáo với Hít-le về sự lo sợ đang tăng lên về phía điều đó đối với hệ thống pháo đài An-pơ thì y cho phép Hô-fe được xây dựng khu phòng thủ cần thiết. Bộ phận xây dựng được lệnh dựng lên ở biên giới Thuỵ Sĩ một số công trình có thể làm cho đối phương dự đoán là những công trình cửa ngõ của pháo đài An-pơ.
Tờ Daily Worker đăng bài nói rằng người Đức đang ra sức chiếm lại Bu-da-pét, như vậy có nghĩa là chúng tìm mọi cách để phòng thủ các pháo đài An-pơ chống lại Hồng quân có thể tiến từ phía Đông tới. Còn cuộc chiến đấu tuyệt vọng của người Đức ở Xtra xbua thì được bình luận là cố gắng của người Đức để bảo vệ sườn phía Tây của pháo đài An-pơ.
…Bộ Tư lệnh tối cao của quân Đồng Minh, căn cứ thêm các nguồn tin từ Mát-xcơ-va chuyển sang, cuối cùng tin rằng pháo đài An-pơ là có thật. Người ta nhận được những thông tin chính xác nhất về các chi tiết của công trình khổng lồ ấy.
Phía Đức tuyên bố không úp mở là Văn phòng Bộ Ngoại giao cũng như các bộ phận khác sẽ chuyển về pháo đài An-pơ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao lại cho biết sẽ có hàng triệu lính Đức tiến hành cuộc chiến tranh du kích ác liệt ở đây. Cơ quan mật vụ có nhiệm vụ làm cho những tin này lọt vào tay các điệp viên Đồng Minh. Tù nhân các trại tập trung được đưa về đây và được dùng vào việc in tiền giả của Anh và Mỹ. Sau đó các tù nhân đều bị bí mật thủ tiêu còn máy móc, phương tiện in thì vứt xuống hồ.
Ngoài báo chí phương Tây, sau khi quân Anh- Mỹ vượt qua sông Ranh, Mát-xcơ-va cũng chú tâm lưu ý Đồng Minh về cứ điểm của địch ở vùng An-pơ. Qua báo Daily
Worker, tờ báo tiến bộ của Mỹ, dư luận Mỹ luôn luôn chú ý đến những hiểm hoạ mà quân Đồng Minh sẽ gặp phải ở An-pơ. Các bài báo hầu hết đều do các chuyên gia quân sự viết. Tóm lại mọi người đều nghĩ về những trận chiến đấu ác liệt sẽ diễn ra xung quanh cứ điểm An-pơ và những pháo đài khổng lồ ngầm dưới đất có thể giúp người Đức kéo dài cuộc chiến đấu hàng năm.
Trong thời gian đó, các bộ tham mưu liên quân Đồng Minh đang hối hả chỉ đạo việc tập luyện để sẵn sàng “nhảy xuống Béc-lanh”. Một kế hoạch chiếm Béc-lanh bằng nhảy dù đã được xây dựng và hoàn tất. Các sư đoàn không quân của Anh và Mỹ sẽ đảm nhiệm thực hiện kế hoạch này. Người ta đã xây dựng những sa bàn về Béc-lanh và các sân bay ở xung quanh Béc-lanh để luyện tập.
Tất cả đều đã sẵn sàng và chỉ còn chờ mệnh lệnh tối cao của Ai-xen-hao (viên tướng Mỹ được chỉ định là Tổng chỉ huy liên quân Anh - Mỹ, sau này sẽ là Tổng thống Mỹ).
Ngày 25 tháng 3 năm 1945 , quân đoàn số Bảy nhận được những tin tức kỹ hơn về pháo đài An-pơ. Đối phương chở đến đây những kho quân nhu, vũ khí cho hàng trăm nghìn người: tám mươi đơn vị tinh nhuệ mỗi đơn vị từ một ngàn đến bốn ngàn người. Hàng đoàn tàu hoả liên tục chở đến những vũ khí tối tân nhất, những phương tiện chiến đấu hiện đại nhất. Nhiều nhà máy ngầm dưới đất chuyên sản xuất vũ khí đang được tiếp tục xây dựng.
Ba ngày sau, ngày 28 tháng 3 năm 1945, Ai-xen-hao thông báo cho Xta-lin biết về kế hoạch mới: Trước hết quân Đồng Minh mở cuộc tiến công về phía Nam, tiêu diệt hệ thống pháo đài An-pơ chứ chưa tiến công Béc-lanh như đã dự kiến.
Sau đó các Tổng tham mưu trưởng liên quân mới nhận được chỉ thị và người nhận cuối cùng là nguyên soái Mông-gô-mê-ri.
Hồi tháng 9 năm 1944, Aixen-hao tuyên bố “Mục tiêu chính đương nhiên là Béc-lanh” thì ngày 31 tháng 3 năm 1945 nguyên soái Mông-gô-mê-ri nhận được điện: “…Ông nhớ rằng tôi tuyệt đối chưa bao gì nói đến Béc-lanh. Thành phố ấy đối với tôi chỉ mới là một khái niệm về địa lý cho nên chưa bao giờ tôi quan tâm đến. Mục tiêu của tôi là phá tan các lực lượng của đối phương và bẻ gãy sức kháng cự của chúng”.
Lúc bây giờ, Soóc-sin và Mông-gô-mê-ri rất bực bội về tính chất ngây thơ của chiến lược Mỹ. Mông-gô-mê-ri điện cho Thủ tướng Soóc-sin là theo ông, người ta đang phạm “một sai lầm kinh khủng”.
Xta-lin vội vàng làm cho Bộ chỉ huy tối cao liên quân tin chắc chắn thêm là Béc-lanh đã mất ý nghĩa chiến lược. Ông cho Ai-xen-hao biết rằng chính vì lẽ đó mà trong chiến dịch đánh chiếm Béc-lanh, Liên Xô chỉ sử dụng “những đơn vị loại hai”. Thật ra Liên Xô đã chuẩn bị đánh chiếm Béc-lanh bằng những đơn vị tinh nhuệ nhất : hai mươi quân đoàn và một trăm năm mươi binh đoàn lấy từ mặt trận U-cơ-ren và Bạch Nga sang, dưới quyền chỉ huy của nguyên soái Rô-cô-xôp-ki tổng số hơn hai triệu rưỡi lính đã từng tôi luyện trong chiến đấu, bảy ngàn năm trăm máy bay, bốn mốt ngàn sáu trăm đại bác và sáu ngàn ba trăm xe tăng.
Trước các tướng lĩnh và các Bộ tham mưu liên quân, Ai-xen-hao thuyết minh về quy mô và tính chất quyết liệt của cuộc kháng cự tuyệt vọng của quân Đức và nhiệm vụ cấp thiết phải đập tan hệ thống pháo đài An-pơ.
Trái với cơ quan tình báo Mỹ và Ai-xen-hao, người Anh vẫn cho chuyện pháo đài An pơ chỉ là chuyện bịp bợm. Theo tình báo Anh thì cả Hít-le và Bộ chỉ huy tối cao Đức không thể nào còn có sức để xây dựng những công trình quy mô như vậy để tạo nên một bước ngoặt lớn đối với số phận nước Đức. Những dự kiến xây dựng lớn đều không thể nào thực hiện được vì không quân Đồng Minh đã làm chủ không phận.
Nhưng trên đây cũng chỉ là giả thuyết. Thật ra cho đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1945, ngoài người Anh thì ai cũng tin ở pháo đài An-pơ. Binh lính Đức cũng vậy. Họ tin rằng có một cứ điểm hùng mạnh cuối cùng sẽ giúp cho họ chiến thắng.
Sự thật thì thế nào? Trong thời gian ấy, việc xây dựng khu vực An-pơ đã hầu như phải ngừng lại. Cả khu vực tràn đầy những nhân viên của bộ máy hành chính và các bộ sơ tán đến, các bộ chỉ huy cũng chạy đến trú ẩn, trong tay chẳng còn tên lính nào, các nhân viên mặt đất của không quân.v.v. Không một sư đoàn nào còn có khả năng chiến đấu mà lại được điều về vùng An-pơ.
Trong lúc đó, ở Mỹ vừa xuất bản một tập tài liệu nhan đề Pháo đài An-pơ của Hít-le gồm hai mươi bảy trang, bán gần ba đô-la, trong đó có các báo cáo gửi từ Thuỵ Sĩ và Đức về. Tác giả tập tài liệu khẳng định pháo đài An-pơ có thể kéo dài cuộc chiến đấu đến năm năm, ở đó có bốn sư đoàn Sung sướng gồm phần lớn là những người đi săn ở núi An-pơ, được huấn luyện đặc biệt.
Tổng tham mưu trưởng của Ai-xen-hao là tướng Xmit họp báo nói lên mối lo ngại của bộ chỉ huy tối cao và Ai-xen-hao về hệ thống pháo đài An-pơ.
Khi bị chất vấn, ông phải thừa nhận rằng ở Bộ Tổng tham mưu tối cao, người ta không biết cụ thể những cái gì có thật ở pháo đài An-pơ và rồi sẽ tìm thấy những gì ở đó. Nhưng ông ta thú nhận rằng mọi người đều lo sợ. Tóm lại dẫu sao thì pháo đài An-pơ vẫn là vấn đề số một trước mắt và nhất định chúng ta sẽ đánh chiếm khu vực ấy, nếu cần thì thêm sự giúp sức của người Nga.
Trong hàng trăm phóng viên chiến tranh làm việc cho các Bộ tham mưu liên quân, không có một người nào chống lại huyền thoại ấy, ngay cả cơ quan mật vụ, mặc dầu họ thừa nhận là máy bay trinh sát không phát hiện ra một vụ tập trung quân nào cả và xung quanh khu vực cũng không có một cứ điềm nào lớn.
Vài ngày sau, Đít-ma, người phát ngôn chính thức của Chính phủ Đức, chạy trốn khỏi Béc-lanh, đi dọc sông En-bơ đến đấu hàng quân Mỹ. Cơ quan mật vụ thẩm vấn Đít ma, con người có thể tin được, thì y khẳng định câu chuyện pháo đài An-pơ chỉ hoàn toàn là tưởng tượng.
Thế nhưng những tin tức ấy không hề làm thay đổi chiến lược như đã quyết định. Bây giờ cũng như trước kia, những tin tức ngược lại bao giờ cũng được tin hơn. Cho nên sau đó, tướng Bơ-rát-lây, chỉ huy quân đoàn số mười hai Mỹ, đã cho nhiều thượng nghị sỹ Mỹ đến thăm chiến trường, biết rằng các cuộc chiến đấu ở pháo đài An-pơ có thể kéo dài hàng tháng thậm chí cả năm.
Vào trung tuần tháng 4, Ai-xen-hao điều sư đoàn vận số mười ba sang châu Âu. Khi những binh lính được vũ trang hiện đại nhất để phá tan pháo đài An-pơ đến Ăng-ve thì chiến tranh kết thúc. Không còn ai nhắc đến pháo đài An-pơ nữa.
Ngày 29 thắng 4 năm 1945, nhiều đơn vị lính Mỹ và Pháp kéo đến thì thấy chẳng có
dấu vết gì ở An-pơ cả.
Ngày 5 tháng 5 họ đến giải phóng lâu đài I-te, nơi từ 1943 bọn phát xít giam cầm những con tin quý nhất của Pháp : hai thủ tưởng cũ Rây-nô và Đa-la-diê, đại sứ Pháp ở Béc-lanh. Tổng tham mưu trưởng Pháp, tướng Ga-mơ-lanh, tướng Vây-găng, cô em của tướng Đờ-gôn v.v..
Sau đó người ta đi tìm các cứ điểm bí mật của pháo đài An-pơ thì lại phát hiện ra cả một kho báu nghệ thuật của châu Âu!
Hơn một ngàn năm trăm thùng lớn đựng các tác phẩm điêu khắc, các tác phẩm tạo hình, các bản thảo… sáu ngàn năm trăm bức hoạ nổi tiếng thế giới. Không có một viện bảo tàng châu Âu nào không có các tác phẩm ở đây. Tập ca-ta-lô dày hơn sáu ngàn trang đánh máy. Để chuyên chở kho tàng nghệ thuật ấy, người ta phải dùng hơn một ngàn xe cam-nhông. Tổng giá trị ước tính khoảng bốn tỷ đô-la.
Ngày 7 tháng 5, toàn bộ lính Đức ở An-pơ đầu hàng không điều kiện. Điều mà tướng Ai-xen-hao tin một cách chắc chắn, cho đến nay vẫn không ai hiểu nổi. Bởi lẽ các cơ quan mật vụ của Đồng Minh thường rất chuẩn xác trong công tác điều tra, phát hiện.
Chẳng hạn sau khi cứ điểm Séc-bua đầu hàng, viên tướng Mỹ đã chỉ cho viên tướng Đức xem bản đồ Séc-bua. Bản đồ này còn chi tiết và chính xác hơn cả bản đồ Đức ! Người Mỹ chẳng những biết rõ số quân lính mà còn biết tên của cả các hạ sĩ quan Đức.
Trong lúc đó, vùng An-pơ thật ra chỉ được bảo vệ rất vừa phải, máy bay trinh sát Đồng Minh xâm nhập chẳng có gì là khó khăn. Cơ quan mật vụ Mỹ lại do một người có tài năng cầm đâu là A-lanh-đơn.
Lúc bấy giờ rõ ràng là người Đức không còn có thể có nguyên liệu và nhân công để thực hiện những công trình xây dựng khổng lồ. Các thung lũng lũng An-pơ lại rất rộng, không thể nào bảo vệ có hiệu quả chống các cuộc oanh tạc của đối phương.
Ai-xen-hao có trong tay đủ mọi phương tiện hiện đại để điều tra, phát hiện, làm sao lại không thể hiểu sự thật về một vùng ít được bảo vệ như vậy? Và từ đấy đi đến một sai lầm chiến lược lớn?
Ai-xen-hao chưa bao giờ trả lời những câu hỏi ấy. Những lý do khiến ông hành động sai lầm cũng bị chôn vùi xuống đất cùng với ông ta dưới nấm mộ.
VỤ ÁM SÁT HÂY-RÍCH VÀ TRANG SỬ ĐẪM MÁU LI-ĐI-XƠ
Béc-lanh, mồng 8 tháng 6 năm 1942. Trong một lễ tang cực kỳ long trọng, các quan chức cao cấp Đức Quốc xã đã vĩnh biệt một con người từng làm cho cả thế giới phải run sợ: Rê-na Hây-rích, tổng chỉ huy SS.
Năm 1931, hắn lại bị loại ra khỏi Hải quân và bóc quân hàm. Sau đó hắn vào SS và do gia đình bên vợ, hắn kết thân với Him-le. Hai mươi chín tuổi hắn đã trở thành chỉ huy đội hiến binh SS. Ba năm sau, hắn giữ chức Tổng chỉ huy cơ quan An ninh Đức. Một vợ và ba con hắn là người có biệt tài trong việc thanh toán các đối thủ chính trị, là người tổ chức các vụ tàn sát dã man người Ba Lan, người Do Thái, người Nga. Chính Hây-rích là người cuối cùng quyết định số phận của hàng triệu người Do Thái ở châu Âu.
Sau khi nước Pháp bị bại trận, Anh trở thành nơi cư trú của chính phủ và những nhà quân sự của tất cả các nước trong lục địa. Bên cạnh những người tình nguyện Ba Lan, Na Uy, Hà Lan, Bỉ và Pháp, đội đặc nhiệm (SOE) cũng huấn luyện trong trại một nhóm người tình nguyện Tiệp Khắc để họ trở về chiến đấu ở Tổ Quốc.
Trong mùa thu 1941 có hai thanh niên được huấn luyện một cách đặc biệt, đó là Ku-bi, con một gia đình nông dân và Gáp-xíc, một người thợ khoá. Cả hai đều là cựu hạ sĩ quan quân đội Tiệp. Hai thanh niên này đã trở thành bạn thân khi họ gặp nhau ở Anh và có liên quan đến số phận hàng nghìn người Tiệp sau này.
Tháng 3 năm 1939, Hít-le chiếm đóng toàn bộ nước Tiệp. Ở Praha, không còn chính phủ bù nhìn Ha-sa nữa, chính quyền trực tiếp do người Đức nắm. Nhân dân bị tước hết mọi quyền tự do dân chủ. Nền kế hoạch Tiệp Khắc hoàn toàn hướng về phục vụ cho chiến tranh của Đức Quốc xã.
Viên tướng SS ở Tiệp Khắc tỏ ra bất lực và Tổng tư lệnh SS Hây-rích, ba mươi bảy tuổi, được cử sang thay thế. Ngày 27 tháng 9 năm 1941, Hây-rích đến Praha với một Bộ Tham mưu gồm sáu mươi hai chuyên gia của cơ quan An ninh Trung ương.
Ba ngày sau, ngày 2 tháng 10, Hây-rích triệu tập tất cả các quan chức Đức để giải thích các nguyên tắc và mục tiêu của Đức ở Tiệp Khắc. Chẳng những phải Giéc-man hoá Tiệp Khắc mà Hây-rích còn đề cập đến vấn đề “Phân chia lại châu Âu”. “Những người Tiệp gốc thuần tuý, có thể Giéc-man hoá được” còn nữa thì phải tiêu diệt hết. Tuy vậy, đó là mục tiêu lâu dài. Trước mắt cần giữ vững tinh thần của thợ thuyền Tiệp, rất cần thiết cho công nghiệp chiến tranh. Cần tăng thêm khẩu phần và tiền thưởng.
Trung thành với sứ mệnh của y, Hây-rích đã kết án tử hình hai trăm vụ chỉ trong vòng chưa đấy hai tuần lễ.
Trong thời gian này, Ku-bi và Gáp-xíc vẫn ráo riết luyện tập: học sử dụng lựu đạn chống tăng và học bắn để trở thành thiện xạ. Cuối cùng tất cả đã sẵn sàng.
Ngày 28 tháng 12 năm 1941, một máy bay Anh bay tầm xa, cất cánh từ một sân bay gần Luân Đôn. Sau một chặng bay đầy nguy hiểm trên châu Âu bị chiếm đóng, Ku-bi và Gáp-xíc nhảy xuống một làng cách Praha hai mươi kilômét. Sứ mệnh của họ rất rõ ràng:
ám sát Hây- rích.
Sau khi đi mấy vòng xung quanh địa điểm nhảy dù, họ tìm được một chỗ trú ẩn lý tưởng trong một hang đá hoang vắng. Nhưng ngay hôm sau, họ đã sợ hãi khi thấy có người phát hiện ra. Người ấy nói: Tôi nghe tiếng động cơ máy bay và sau đó thấy hai người nhảy dù xuống. Anh ta nói biết rõ vùng này và theo người ấy thì chỗ ẩn nấp ấy là rất tốt.
Khi trông thấy người lạ, Ku-bi và Gáp-xíc đều đặt ngay tay lên khẩu súng để sẵn sàng ứng phó. Nhưng không có gì đáng sợ. Anh ta tự giới thiệu là Bô-man và nói cho hai thanh niên biết là họ đang ở cách Praha hai mươi kilômét và hứa là sẽ giúp cho họ bắt liên lạc với nhóm kháng chiến trong thành phố. Chính anh cũng là thành viên của tổ chức kháng chiến, một tổ chức yêu nước nhưng hiện nay đã bị cấm. Nhờ Bô-man và chỉ sau bốn ngày ở hang đá Ku-bi và Gáp-xíc đã được đưa đến một gia đình ở Praha và bắt liên lạc được với các vị lãnh đạo phong trào kháng chiến.
Giáo sư hoá học Va-nêc, bí danh là Jin-dra, là thủ lĩnh của tổ chức kháng chiến Tiệp Khắc, đã kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Ku-bi như sau:
“Đầu năm 1942, với tư cách là thủ lĩnh phong trào kháng chiến Tiệp Khắc, tôi được biết là người ta đang chuẩn bị để ám sát tên Hây-rích. Một thành viên của chúng tôi đã phát hiện trong hang đá hai người thanh niên. Họ nói rằng họ từ Anh đến và muốn đến Praha để làm nhiệm vụ quan trọng. Họ đã ở Praha được một tuần lễ và tôi đề nghị gặp họ. Nhưng chỉ có một người đến. Chúng tôi chỉ mới biết rằng họ là những người nhảy dù xuống. Nhưng máy bay cũng có thể là của Đức lắm chứ. Và dầu cho đúng là máy bay của Anh thì vẫn cố khả năng là những điệp viên đã bị bắn chết hoặc bị bắt và người Đức đã thay thế bằng người của họ. Lúc bấy giờ, cần phải hết sức cảnh giác.
Trước tiên tôi yêu cầu người thanh niên cho xem các giấy tờ, đương nhiên là giấy tờ giả. Sau đó tôi yêu cầu cho biết tên các sĩ quan Tiệp đang ở Anh. Cuối cùng yêu cầu miêu tả cho tôi biết làng xóm nơi anh sinh đẻ. Anh ta tỏ ra hơi bực mình vì sự quá ư thận trọng của tôi. Chắc Ku-bi chờ đợi một sự đón tiếp kiểu khác. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp những người nhảy dù mà thời gian gần đây thì các liên lạc của chúng tôi với Luân Đôn rất thất thường, không ổn định. Chúng tôi không được thông báo trước về việc họ đến. Trong suốt cuộc nói chuyện - gần như một cuộc thẩm vấn - các khẩu súng bao giờ cũng để trên bàn và sẵn sàng nhả đạn. Cuối cùng tôi tin đúng là hai người kháng chiến. Tôi hỏi Ku-bi và anh bạn anh định làm gì ở đây. Thoạt đầu anh còn nói về một nhiệm vụ quan trọng nhưng mơ hồ. Sau đó anh thú thật là họ đến để giết Hây-rích. Tôi hơi nghi ngại.
Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, thật ra ý định ấy không làm tôi thú vị lắm. Hậu quả một cuộc ám sát bao giờ cũng rất ghê gớm, khó lường trước được. Nhất là ám sát một người như vậy, một người trong những cột trụ của phát xít, tất nhiên sẽ kéo theo những đòn trả thù khủng khiếp.
Nhưng khía cạnh này của vấn đề hình như họ không hề nghĩ đến và cũng không quan tâm nhiều lắm. Tôi nói với Ku-bi về điều đó nhưng hình như không gây tác động gì ở anh cả. Họ cần làm đúng mệnh lệnh của Luân Đôn, còn chúng tôi, phong trào kháng chiến địa phương, chúng tôi có nhiệm vụ giúp sức cho họ thực hiện cuộc mưu sát. Trong lúc chờ đợi, tôi cho họ một người bảo vệ, một trong những người tốt nhất của chúng tôi, thường gọi một cách thân mật là chú Ha-xki. Ha-xki tìm cho hai chàng trẻ một chỗ ở mới, gần
ngay nhà ông, thuộc gia đình bà Mô- ra-vêc, thường gọi là thím Ma-ri-a.
Ma-ri-a là một phần tử kháng chiến ưu tú. Con trai lớn của bà hiện nay đang ở trong không quân Hoàng gia Anh, còn chú em A-ta thì rất tự hào được kết bạn với những chiến sĩ nhảy dù thực sự.
Ông Xa-pha-ric đã làm thợ mộc bốn mươi năm ở lâu đài Praha, kể lại những kỷ niệm xưa:
“Tôi biết ông Ha-xki từ ngày ông là thầy giáo của tôi. Đã nhiều năm tôi không gặp lại ông. Tôi đã đến Praha, học nghề thợ mộc và sau đó làm ở lâu đài Praha, sửa chữa đồ cũ và làm đồ mới.
Một hôm vào mùa thu 1941, lúc tôi bước ra sân của lâu đài thì bỗng nhiên thấy ông Ha-xki đi lại gần tôi. Ông ta nhận ra tôi ngay. Ông hỏi tôi làm gì ở đây và hỏi xem tôi suy nghĩ như thế nào về hoàn cảnh hiện nay. Tôi nói là tôi không thể chịu được người Đức, chúng ta đang sống trong một thời kỳ rất tồi tệ…
Ông ta mời tôi đi uống một ly giải khát và chuyện trò rất thân mật. Sau đó nhiều lần ông trở lại lâu đài để thăm tôi, tìm hiểu về đủ mọi thứ và cuối cùng thì hỏi thẳng xem tôi có muốn giúp việc gì cho kháng chiến hay không? Tôi suy nghĩ trong mấy ngày và trả lời ông là tôi đồng ý.
Đến đầu năm 1942, ông giới thiệu với tôi hai người thanh niên. Họ nói rằng họ bay từ Anh sang và đã nhảy dù xuống. Họ có một nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện, họ yêu cầu tôi chỉ cho họ chiếc ô-tô của Hây-rích và nói cho họ biết những điều họ cần biết. Tôi chỉ cho họ chiếc xe Méc-xơ-đét và chiếc xe tuỳ tùng.
Hai chàng trai thường trở lại thăm tôi ở lâu đài. Đôi khi họ mang theo cả bạn gái. Và một hôm họ nói thẳng với tôi là họ muốn giết Hây-rích”.
Đầu năm 1942, Ku-bi và Gáp-xíc đã xoay xở được các giấy tờ và xe đạp, họ cũng tìm ra con đường thường đi của Hây-rích và cố tìm một chỗ nào thuận tiện nhất để thực hiện nhiệm vụ. Thoạt đầu họ định chọn con đường dài bóng mát và chăng một sợi dây thép ngang đường để đón xe Hây-rích. Nhưng chỗ này có cái bất tiện là nếu thất bại thì không có lối thoát. Họ lại lên xe đạp và trở về Praha, có phần thất vọng. Sau đó họ phát hiện ra một địa điểm lý tưởng: một khúc quanh mà lúc qua đó, nhất định xe của Hây-rích sẽ phải đi chậm lại như mọi chiếc xe khác, rất chậm thì mới có thể vòng qua được. Trong một vài giây, Hây-rích sẽ là mục tiêu lý tưởng để cho người nấp gần đấy nổ súng. Một người bạn khác là Van-xic cũng được đào tạo ở Anh về, cũng biết được kế hoạch này. Khoảng chín giờ sáng, Ku-bi, Gáp-xíc và Van-xic sẽ gặp nhau ở bến tàu điện, rất gần khúc đường vòng quanh. Ku-bi và Gáp-xíc dừng lại như mọi người dân bình thường khác. Ku-bi mang theo trong túi tài liệu một lựu đạn chống tăng, chế tạo một cách đặc biệt còn Gáp-xíc thì mang theo một súng liên thanh nhỏ giấu trong áo khoác ngoài. Van-xic đứng ở một góc đường, cách xa khoảng hai trăm năm mươi mét. Từ đó có thể trông thấy các xe đi đến. Khi thấy chiếc xe Mec-xe-đét của Hây-rích, anh sẽ dùng tấm gương để báo hiệu. Thấy tín hiệu ấy, Ku-bi và Gáp-xíc sẽ rời ngay khỏi trạm tàu điện, chạy đến chỗ đường ngoặt và sẽ còn đủ thời gian để chuẩn bị tiến công lúc chiếc xe đến. Để chạy thoát, họ đã có xe đạp.
Giáo sư Va-nêc kể lại:
“Hoàn cảnh trở nên cực kỳ phức tạp. Chỗ nào Ku-bi và Gáp-xíc cũng tìm ra cách để
giết Hây-rích, trong lúc đó thì tổ chức chúng tôi đang ở trong thời kỳ khá nguy hiểm từ cuối tháng 3 năm 1942 sau khi tay điện đài bị bắt cùng một số thành viên khác nữa. Mỗi lần tôi tìm cách làm cho hai thanh niên ấy hiểu rõ hậu quả vô cùng nguy hiểm của việc giết Hây-rích thì họ đều nhất mực trả lời rằng đó là mệnh lệnh của Luân Đôn và sớm muộn họ cũng phải thực hiện… Chúng tôi quyết định xin ý kiến Luân Đôn xem đã nên thực hiện vụ ám sát ấy trong tình hình hiện nay chưa?
Luân Đôn trả lời rất rõ ràng: cần làm ngay, không chần chừ! Chính phủ của chúng tôi ở Luân Đôn (Chính phủ Tiệp lưu vong) muốn bằng hành động, chứng tỏ cho nhân dân Tiệp biết rằng Chính phủ hoàn toàn không giống như bọn bù nhìn Ha-sa và ở trong nước có một tổ chức kháng chiến đang hoạt động mạnh và đang phát triển.
Thêm nữa, người ta cũng hy vọng rằng sự trả thù của bọn phát-xít sau vụ ám sát sẽ kích động thêm phong trào kháng chiến. Quả nhiên điều đó đã xảy ra.
Khoảng giữa tháng 5 năm 1942, Ku-bi và Gáp-xíc cho tôi biết rằng họ đã tìm ra một địa điểm lý tưởng để hành động và họ trình bày cho tôi nghe toàn bộ kế hoạch. Tôi thấy tốt.
Vài ngày sau, nhờ một đầu mối, tôi biết được là Hây-rích sẽ bay sang Béc-lanh vào ngày 27 tháng 5 năm 1942 . Tôi báo cho Ku-bi và Gáp-xíc rằng ngày 27 tháng 5 năm 1942 là ngày tốt nhất để thực hiện kế hoạch, bởi vì hôm đó chắc chắn là sẽ không có xe hộ tống”.
Sáng 27 tháng 5 năm 1942… Một buổi sáng mùa xuân đẹp trời. Sau mười giờ, Hây rích tạm biệt vợ con. Người lái xe đã chực sẵn. Hây-rích bước lên xe để ra sân bay, không có hộ tống. Cùng lúc ấy, ở địa điểm đã định, hai thanh niên đứng chờ ở trạm tàu điện. Đã mấy chuyến tàu đi qua mà họ chưa lên vội. Theo họ biết thì Hây-rích phải ra đi lúc chín giờ. Họ sốt ruột đứng chờ, luôn luôn nhìn chiếc đồng hồ cửa hàng bên cạnh. Tất cả đều phối hợp rất tốt… có điều là Hây-rích không đến? Mười giờ ba mươi phút… Đây rồi, Van
xic đã báo hiệu bằng chiếc gương. Cả hai vội vàng chạy đến chỗ ngoặt. Trước khi vào khúc quanh, người lái xe hãm xe, chạy rất chậm.
Khẩu tiểu liên sẵn sàng trong tay, Gáp-xíc nghe tiếng động cơ nổ ròn. Anh đã trông thấy Hây-rích. Anh nhắm mục tiêu, bóp cò nhưng không có viên đạn nào ra khỏi nòng. Chiếc quy-lát bị hóc ! Gáp-xíc đứng như chôn chân xuống đất, cực kỳ hoảng sợ. Ku-bi sợ hãi, gọi to “Giô-dép!” Không có gì hết !
Hây-rích và tên SS lái xe đã trông thấy người giương súng bắn. Tên lái xe phanh ngay xe lại, cả hai rút vội súng lục ra. Lúc bây giờ Ku-bi nghĩ ngay đến quả lựu đạn. Anh vừa chạy vừa rút chốt lựu đạn và ném nhanh vào chiếc xe ô-tô. Một tiếng nổ cực mạnh. Nhiều mẩu kim khí và từng nắm đệm bông bay tơi tả lên không. Hây-rích và tên lái xe nhảy ra khỏi xe, bề ngoài trông như không việc gì cả. Đoàn tàu điện dừng lại. Ku-bi nhảy lên xe đạp và phóng đi như gió. Tên lái xe vừa chạy vừa bắn vừa thét to sau Gáp-xíc. Anh nhảy vào một cửa hàng đang mở cửa. Từ chỗ đó, anh bắn gục tên lái xe rồi tiếp tục chạy và nhảy lên được một chiếc tàu diện đang chạy vào thành phố.
Chẳng ai chú ý đến thái độ bối rối của anh. Chỉ dọc đường anh mới nhớ ra là đã bỏ lại nhiều thứ ở địa điểm vừa rồi: súng tiểu liên, túi tài liệu, áo khoác và chiếc xe đạp.
Chiếc xe này là của thím Ma-ri-a ! Anh không biết rằng Ku-bi cũng đã bỏ quên túi tài
liệu, mũ cát két, ngoài ra anh còn bị thương ở mắt.
Trong lúc ấy, đội cảnh sát Tiệp chạy đến chỗ đường ngoặt: họ đón một chiếc xe cam nhông nhỏ chở hàng. Cố lấy hết sức lực còn lại, Hây-rích gượng dậy một cách khó khăn và người ta đưa hắn vào bệnh viện. Vết thương cực kỳ nguy hiểm: các mảnh lựu đạn và cả những sợ bông đệm đã vào trong lá lách, trong gan. Cùng với nhiều vết thương bên trong, máu của hắn cũng bị nhiễm độc.
Tất cả những thứ hai thanh niên bỏ lại trên hiện trường đều được trưng bày trong một tủ kính và chụp ảnh đăng lên các báo. Đài phát thanh và các loa phóng thanh báo tin vụ ám sát và miêu tả vài nét đại khái về hình dáng các tội phạm. “Tất cả những ai che chở bọn tội phạm hoặc cho chúng ẩn nấp sẽ bị xử bắn đi cùng với toàn bộ gia đình”. Chúng kích thích mọi người tìm thủ phạm bằng cách đặt một giải thưởng mười triệu cua-ron. Ít ngày sau, giải thưởng được tăng lên gấp đôi, hai mươi triệu, bằng khoảng hai triệu tiền mác Đức.
Gáp-xíc trốn trong nhà của Fa-fếc, ở ngoại ô còn Ku-bi thì trú tại nhà thím Ma-ri-a, điều cực kỳ nguy hiểm vì chiếc xe đạp của thím anh đã bỏ lại nơi xảy ra vụ ám sát. Lệnh bao vây lập tức được ban hành ở Praha. Các quán ăn, rạp chiếu bóng, rạp hát đều bị đóng cửa. Lệnh thiết quân luật hai mươi mốt giờ mỗi ngày. Cả thành phố nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đêm nào bọn Ge-sta-pô cũng đi lùng sục từng nhà một. Các đường phố bị ngăn chặn. Tất cả đều bị lục xét tỉ mỉ. Bốn trăm năm mươi ngàn lính Đức thuộc đủ các binh chủng tham gia vào chiến dịch càn quét này. Năm nghìn ngôi nhà bị lục tung, có nhà bị lục nhiều lần. Bọn Đức kiểm tra thẻ căn cước của gần năm triệu công dân Tiệp. Một cuộc càn quét chưa từng thấy trong lịch sử.
Nhưng chúng vẫn không tìm ra thủ phạm. Tuy vậy các chỗ trú ẩn của họ đều thay đổi luôn, vẫn không đủ an toàn. Không chỉ có họ là bị đe doạ mà cả những người giúp đỡ họ. Đài phát thanh vẫn tung ra những lời doạ dẫm. Đã có hàng trăm người Tiệp bị bắt hoặc bị xử bắn.
Trong hoạn nạn, con người đã đến cưu mang những kẻ bị săn đuổi là bác sĩ Pê-tơ-rêc, linh mục nhà thờ chính thống Tiệp ở trung tâm thành phố Praha. Pê-tơ-rêc dùng nhà thờ làm nơi trú ẩn cho những người nhảy dù. Ku-bi, Gáp-xíc, Van-xic và bốn người nhảy dù nữa vào ở trong nhà thờ.
Hây-rích chết hôm mồng 4 tháng 6 năm 1942 . Các nhà phẫu thuật giỏi nhất của Đức cũng đều bất lực. Cảnh hấp hối của hắn cũng kéo dài và đau đớn như nhiều nạn nhân của hắn đã từng bị.
Ngày 11 tháng 6 năm 1942, đài phát thanh loan báo nhiều biện pháp nghiêm khắc chống nhân dân vùng Li-đi-xơ: “Tất cả đàn ông đều bị xử bắn, tất cả đàn bà đưa vào trại tập trung, trẻ con đưa đi trại cải tạo. Nhà cửa đều bị phá huỷ hết và tên làng bị xoá”.
Một vài tuần sau, làng Lê-da-ki cũng chịu một số phận giống y như thế. Kẻ địch vẫn tiếp tục săn đuổi nhưng vẫn không thể tìm ra thủ phạm. Các nhà tù đều chật ních người. Mỗi xà lim chứa đến mười bảy người. Xe quân sự kéo đi từng đoàn để làm nhiệm vụ xử bắn, máy chém ở nhà tù Praha làm việc suốt ngày. Riêng nhà tù này đã có hơn một ngàn người bị chém, không kể những người bị treo cổ. Lệnh săn lùng các thủ phạm sẽ kết thúc vào ngày 18 tháng 6. Sau đó sẽ như thế nào? Không ai có thể biết được. Vụ Li-đi-xơ đã chứng tỏ rằng bọn phát xít có thể làm tất cả mọi thứ.
Thần kinh của Kiyếc-đa - một nhân vật cũng từng luyện tập ở Anh về - không còn chịu đựng nổi sự căng thẳng. Ngày 16 tháng 6 năm. 1942, y đến trình diện ở Tổng hành dinh Ge-sta-pô tại Praha. Y đã thuật lại tất cả mọi sự việc.
Trái với mọi quy tắc, sau khi nhảy dù xuống Tiệp, y không trú ẩn ở nhà người lạ mà ở trong trang trại của bố mẹ. Y là bạn của Ku-bi và Gáp-xíc, y biết tất cả mọi kế hoạch, biết tất cả những người tham gia vào vụ ám sát. Nhưng y không thể biết hiện nay các thủ phạm và những người nhảy dù ẩn nấp ở đâu.
Tuy vậy, bọn Ge-sta-pô và SS đã thoả mãn. Chúng đã nắm được các tên và địa chỉ. Thế là bắt đầu ngay cuộc bắt bớ. Trước hết là đến Ha-xki. Ông uống một liều thuốc độc. Rạng sáng, bọn Ge-sta-pô kéo đến nhà thím Ma-ri-a và phá huỷ ngôi nhà. Trong lúc đó thím cũng uống một liều thuốc độc. Thím quỵ xuống trước mặt chú con út A-ta. Mô-ra vêc và A-ta đều bị dẫn đến Tổng hành dinh cùng với nhiều chiến sĩ khác của phong trào kháng chiến và tất cả đều bị thẩm vấn. Bọn Ge-sta-pô nghĩ rằng ngoài bà mẹ của A-ta thì chỉ có A-ta là người duy nhất biết các thủ phạm hiện nay trốn tránh ở đâu. Chúng biết rằng họ ở trong một nhà thờ. Nhưng nhà thờ ở Praha thì rất nhiều. Hôm ấy là ngày 17 tháng 6, hôm sau 18 tháng 6, lệnh truy tầm đã kết thúc. A-ta phải nói! Nhưng người con trai mười bảy tuổi vẫn hoàn toàn im lặng. Chú dũng cảm chịu đựng mọi sự tra tấn dã man của bọn Ge-sta-pô. Sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ bị nhục hình, cuối cùng bọn Ge-sta-pô đưa cho A-ta xem đầu lâu của bà mẹ. Liệu chú có muốn trông thấy đầu lâu của ông bố hiện nay đang sống không? Không chứ ? Vậy thì hãy nói tên của nhà thờ ra. Trước nửa đêm, A-ta quỵ xuống và nói tên nhà thờ.
Ba giờ sau, lúc ba giờ bốn mươi lăm phút, viên tướng SS cho quân đến bao vây nhà thờ và ra lệnh bằng mọi cách bắt sống các thủ phạm chứ không bắn chết. Đêm ấy Gáp-xíc và Van-xíc ngủ dưới hầm còn Ku-bi và hai người nữa thì luân phiên gác nhà thờ. Cũng thật không may, đêm nay là đêm cuối cùng của họ ở đây, ngày mai người ta sẽ dẫn họ đến một chỗ trú ẩn khác ở nông thôn.
Khi trông thấy bọn Ge-sta-pô vào nhà thờ, ba người gác liền nổ súng. Viên tướng SS đã báo cáo khá chi tiết về tình hình đêm ấy như sau:
“Sau khi phá khoá nhà thờ, lính SS bắn trả những người đã bắn từ nhà thờ ra. Tiếp đó diễn ra cuộc đấu súng giữa hai bên, phía Đức có ném thêm nhiều lựu đạn. Cùng lúc ấy lính SS bắn nhiều tràng tiểu liên vào các nhà đối diện và vào phía sau nhà thờ. Điều đó gây nguy hiểm cho những người của chúng ta đang ở trong các ngôi nhà. Vì vậy tôi ra lệnh:
- Ngừng bắn ngay lập tức vào nhà thờ và các nhà ở phía trước.
- Tất cả lính SS phải lập tức tìm cách đưa những người ở trong nhà thờ ra ngoài.
- Một nhóm xung kích SS do viên chỉ huy có kinh nghiệm chiến trường sẽ tìm cách kết thúc cuộc đấu súng và bắt sống bọn thủ phạm”.
Bọn Đức vẫn chưa biết số lượng địch thủ và chỗ ẩn nấp của họ. Sau khoảng hai giờ chiến đấu, vào lúc bảy giờ sáng, ba người gác nhà thờ bị bắt. Một người đã chết, hai người nữa bị thương nặng. Ku-bi bị thương quá nặng nên chỉ vài phút sau thì chết. Bọn Ge-sta pô bắt Kuyếc-đa đến nhận dạng. Trong ba người chết chỉ có một người là thủ phạm.
Ge-sta-pô tiếp tục truy tìm. Chúng phát hiện ra một hầm ngầm dưới đất. Chúng bắt
những vị linh mục kêu gọi những người dưới đất ra đầu hàng. Họ nhất loạt trả lời: “Không bao giờ !”. Ge-sta-pô cho bơm hơi cay và nước xuống hầm. Nhưng nước dâng lên rất chậm. Chúng sợ rằng các thủ phạm đã thoát ra một lối nào khác và dưới hầm có chỗ tiêu nước. Một nhóm xung kích SS được lệnh nhảy xuống hầm. Lập tức có tiếng súng nó. Bọn Đức phải bắn trả và phải dùng cả lựu đạn. Khi ngừng tiếng súng, chúng dùng đèn pha chiếu xuống thì thấy bốn người bị chết. Có người tự bắn vào đầu mình.
Mãi về sau, qua một bản báo cáo, người ta biết rằng, phía quân Đức có mười bốn tên lính bị chết, hai mươi mốt tên khác bị thương nặng và có tất cả ba trăm năm mươi người đã tham gia cuộc đấu súng kéo dài hơn sáu tiếng đồng hồ.
Xác của bảy người nhảy dù bị kéo ra vỉa hè trước nhà thờ, và Kuyếc-đa lại buộc phải ra nhận dạng.
Nhưng bọn Ge-sta-pô chưa kết thúc công việc. Linh mục Pê-tơ-rêc và các nhân viên khác của nhà thờ chính thống Tiệp bị kết án tử hình. Cuộc trả thù đẫm máu của phát xít sau đó nhằm vào các gia đình của bảy người nhảy dù.
Tính ra tất cả hơn mười ngàn người bị bắt đi trại tập trung và gần một ngàn năm trăm người bị xử bắn. Với cái giá phản bội, Kuyếch-đa sống cho đến hết chiến tranh và năm 1946, y đã bị kết án treo cổ.
ĐIỆP VIÊN VÀ TÌNH YÊU
Trong thế chiến thứ hai, ảnh chụp có một vai trò quan trọng có lẽ không kém gì ra-đa. Những tấm ảnh chụp từ trên máy bay về các thành phố, các bến cảng, đường giao thông v.v… có giá trị rất lớn vì qua đó người ta có thể phát hiện ra các sân bay, các nhà máy quốc phòng. Từ lâu trước khi xảy ra chiến tranh, các cường quốc châu Âu đã đi săn tìm các tấm ảnh cho các Bộ Tư lệnh quân đội.
Thời bấy giờ ở phía Tây Béc-lanh có một nhà văn sống riêng biệt để viết. Vốn là sĩ quan phản gián của Phổ, ông ta từ bỏ nghề cũ và đi vào sự nghiệp sáng tác văn học. Sách của ông viết cũng được nhiều người biết đến. Chúng ta tạm gọi tên ông là Fen-sếc. Fen sếc rất được các điệp viên, thám tử kính phục vì người ta bảo ông có sức mạnh linh tính rất đặc biệt.
Điều làm cho nhà văn đã có tuổi này khó chịu nhất là trên bầu trời thành phố suôtt ngày có tiếng động cơ của một chiếc máy bay quảng cáo. Gần như thần kinh ông không bao giờ được nghỉ ngơi. Suốt ngày chiếc máy bay quảng cáo cho một số các hãng công nghiệp. Chốc chốc nó lại tung ra một bó giấy quảng cáo.
Một buổi sáng Fen-sếc đang ngồi đọc sách, hai tai nhét chặt bông thì cô đầy tớ gái bước vào phòng ra hiệu cho ông lấy bông ra. Cô ta muốn nói với ông một điều gì Ma-ri, tên cô gái, tỏ ra cực kỳ bối rối. Cô là người An-da-xơ, trẻ tuổi và rất xinh đẹp. Fen-sếc từng bị cuốn hút bởi hình thể cô gái với những đường nét hấp dẫn và nụ cười duyên dáng.
Phải chăng vì thế mà từ một năm nay, Ma-ri đã trở thành người tình của Fen-sếc? Fen sếc cũng chẳng biết nữa vì tính ông ta vốn không thích phân tích các thứ tâm lý phức tạp của tình yêu.
Thế nhưng hiện nay trước mắt ông, Ma-ri không phải là người tình mà là cô hầu phòng đang run rẩy và sợ hãi. Chỉ nhìn đôi mắt cũng đủ biết là cô đang cảm thấy bị đe doạ vì cô là người nước ngoài.
Khi cô gái trở lại bình tĩnh và nói với Fen-sếc thì đến lượt ông ta cũng cảm thấy có phần lo âu.
Ma-ri báo cho ông biết là có hai người lạ mặt đến hỏi ông và đang chờ ngoài cổng.
… Chào Fen-sếc xong, hai người khách lạ tự giới thiệu là người của Ge-sta-pô. Một người mở cặp lấy ra một tập hồ sơ và nói qua về nguồn gốc của của Fen-sếc: ông là con một sĩ quan Phổ đã chiến đấu trong chiến tranh Pháp - Đức 1870-1871 và nổi tiếng là một sĩ quan chỉ huy kỵ binh giỏi. Bản thân Fen-sếc, sau thế chiến thứ nhất, đã dũng cảm vượt khỏi nhà tù của Nga, và thời cộng hoà Vây-ma, đã là một điệp viên phản gián đắc lực.
Fen-sếc chợt nghĩ, họ đến đây chắc là vì việc này.
Người của Ge-sta-pô nói tiếp, lần này y hạ giọng như một lời tâm sự riêng tư. Ge-sta pô đang tổ chức một mạng lưới phản gián trong quân đội. Ge-sta-pô muốn đề nghị Fen-sếc cộng tác bởi Fen-sếc có biệt tài về các hoạt động này.
Thoạt đầu Fen-sếc lúng túng chưa biết nghĩ như thế nào, trong lúc trên đầu vẫn ì ầm tiếng động cơ máy bay quảng cáo. Ông nói đây là một đề nghị quan trọng, ông phải có thì
giờ để suy nghĩ. Vả chăng tuổi tác của ông có còn thích hợp để làm công việc ấy nữa không?
Người của Ge-sta-pô thấy Fen-sếc nói có lý nên hẹn để ông suy nghĩ và sẽ trở lại sau ít hôm.
Fen-sếc cũng ra phố. Ông giơ nắm đấm về phía chiếc máy bay quảng cáo. Sau đó ông vào một quán cà phê. Vừa uống vừa suy nghĩ về hoàn cảnh khó xử hiện nay. Là con cháu của một dòng họ quý tộc, ông thù ghét chính quyền mới thành lập ở Đức. Vào Ge-sta-pô đối với ông thật chẳng có gì là thích thú. Thế nhưng khó có cách nào thoát khỏi nó.
Fen-sếc khất lần trong nhiều tuần và cuối cùng thì đành phải chấp nhận. Người ta lại giao cho ông làm công tác phản gián với mục đích phát hiện các gián điệp nước ngoài cài vào Đức.
Nhưng do chán ghét các vị chỉ huy nên ông tỏ ra gần như hoàn toàn bất lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau một thời gian, rõ ràng ông làm ăn chẳng có chút hiệu quả nào cả. Cực hơn nữa, chiếc máy bay quảng cáo vẫn ì ầm suốt ngày trên bầu trời làm cho thần kinh ông càng căng thẳng, mệt mỏi.
Và điều phải đến đã đến. Một buổi sáng, viên chỉ huy gọi ông đến và nói bằng giọng hết sức lạnh lùng:
- Ông Fen-sếc, công việc của ông cấp trên không hài lòng chút nào. Có dư luận cho rằng ông thuộc phe đối lập. Bản thân tôi cũng nghĩ rằng hình như dư luận ấy là đúng. Nào, ông bạn hãy cố gắng một lần nữa xem.
Trở về căn phòng, Fen-sếc bỗng nổi giận. Chiếc máy bay quảng cáo đang bay lượn trên các toà nhà Chính phủ. Ông bèn lấy giấy viết mấy dòng cho viên chỉ huy cơ quan phản gián của Ge-sta-pô: “Theo tôi, nên chú ý việc chiếc máy bay tư nhân lại được phép bay tự do suốt ngày trên bầu trời thủ đô. Các máy bay thương mại không được phép bay trên một số khu vực, cả máy bay du lịch cũng vậy. Tôi đề nghị cần tiến hành điều tra kỹ lưỡng về những người trên chiếc máy bay từ chiều ngày nay đang bay lượn trên các toà nhà của Chính phủ. Nói chung cần cấm các máy bay quảng cáo tư nhân để bảo đảm an ninh quân sự”.
Nửa giờ sau, Fen-sếc kinh hoàng thấy ba sĩ quan không quân bừng bừng nổi giận ập vào căn phòng của ông ta. Họ cho ông biết rằng Bộ trưởng Không quân đang điên tiết lên vì ông. Người lái chiếc máy bay quảng cáo là một sĩ quan nổi tiếng trong cuộc thế chiến thứ nhất, đã được thưởng nhiều huân chương quân công. Đó là một con người hoàn toàn có đủ tín nhiệm, không ai có thể nghi ngờ được. Tức giận và quyết làm cho ra lẽ để mọi người thấy cái sai của Ge-sta-pô đã nghi ngờ không có cơ sở, vị Bộ trưởng Không quân đã ra lệnh bắt chiếc máy bay quảng cáo phải hạ cánh xuống một sân bay quân sự.
- Ông hãy đi cùng chúng tôi.
- Đi đâu? Fen-sếc hỏi.
- Đến sân bay. Thống chế Gơ-rinh đã yêu cầu cơ quan của ông mời ông có mặt ở sân bay để ông thấy rõ sự thật về cái mà ông đã buộc tội.
Fen-sếc lên xe cùng ba sĩ quan đi đến sân bay.
Bỗng nhiên chiếc máy bay quảng cáo lại xuất hiện trên bầu trời. Ba chiếc máy bay chiến đấu từ trên cao lao xuống, ra hiệu cho chiếc máy bay quảng cáo phải hạ cánh. Trên sân bay, một đại đội quân của Thống chế Gơ-rinh đã ở tư thế sẵn sàng nổ súng. Xa xa, đoàn xe cảnh sát túc trực để đề phòng mọi bất trắc.
Chiếc máy bay quảng cáo nhỏ bé đáp xuống sân bay trong lúc ba chiếc máy bay chiến đấu bay sát lại gần, nòng súng chĩa vào đối phương.
Các sĩ quan không quân nói với Fen-sếc:
- Ông lại đây. Chúng tôi muốn ông chứng kiến cuộc khám xét chiếc máy bay quảng cáo.
Khi chiếc máy bay này đã hạ cánh, các sĩ quan chạy ra sân bay và làm thành một vòng tròn xung quanh. Một người mặc bộ y phục phi công sang trọng bước xuống. Y dừng lại giây lát để nhìn quang cảnh xung quanh rồi lấy hộp thuốc lá mạ vàng, rút ra một điếu, bình tĩnh châm lửa hút.
Một viên sĩ quan lại gần Fen-sếc, nói lớn:
- Ông đã thấy rõ chưa? Người lái máy bay là phi công nổi tiếng của chúng ta, Ren-fen. Sau đó y nói với viên phi công:
- Lại đây ông Ren-fen. Ai mà biết thế nào được! Ông sẽ thấy một điều rất lạ trong cuộc đời của ông.
Giọng nói của viên sĩ quan vang lên giữa sân bay. Ren-fen tiến lại gần. Rồi y cúi đầu xuống nói se sẽ:
- Tôi đã phạm sai lầm.
Trong một phút, mọi người ngớ ra, lặng người đi như chôn chân tại chỗ. Tiếp đó là công việc lục soát vội vã. Người ta phát hiện ra một máy ảnh để chụp từ máy bay được giấu kín trong một góc. Người thứ hai ngồi trên máy bay không có vẻ gì là một thợ cơ khí người Đức. Y văng ra một tiếng chửi tục bằng tiếng Pháp. Công việc của những kẻ điều tra không có gì khó khăn vì y tuyên bố bằng tiếng Pháp hẳn hoi là y sẽ không giấu điều gì hết.
Ren-fen gần như quỵ xuống. Y không phản ứng gì cả và người ta kéo tay y ra sau lưng để cho vào còng số tám. Ngược lại, con người nước ngoài thì sẵn sàng giơ tay ra cho cảnh sát còng, trên môi nở một nụ cười thân thiện.
Trong cái giây lát bất thần ấy, người ta dường như quên mất Fen-sếc. Sau đó các sĩ quan mới nhớ đến ông. Họ lại gần ông, đập mạnh hai gót giầy vào nhau, giơ tay chào và xin lỗi ông. Họ cũng nói lên sự thán phục đối với trình độ chuyên môn của Ge-sta-pô đồng thời tuyên bố là bao giờ ông ta cũng được Bộ trưởng không quân kính trọng.
Sau khi nhìn một lần cuối viên gián điệp người Pháp đang tươi cười và lão Ren-fen khốn khổ, Fen-sếc chạy vội đến trạm điện thoại và gọi điện báo cáo tất cả mọi sự việc cho viên chỉ huy của ông. Lão này rú lên vì vui sướng và ôm hôn thắm thiết Fen-sếc khi ông trở về trụ sở cơ quan phản gián của Ge-sta-pô. Như vậy là Ge-sta-pô đã chứng tỏ được tài năng của mình cho các cấp lãnh đạo cao nhất biết. Đồng thời nó cũng chứng minh sự yếu kém của cơ quan phản gián trong quân đội.
Ren-fen từ chối không trả lời bất cứ một câu thẩm vấn nào. Ông chỉ khóc lóc và than thở. Ngược lại, viên gián điệp Pháp thì chưa hỏi đã cung khai hết. Y nói rõ là y đã làm công việc này trong nhiều tháng và đã bay trên khắp nước Đức. Nhưng y tuyên bố một cách thoả mãn rằng các tấm ảnh chụp được đều đã ở trong tay các cấp trên của y từ lâu. Người ta không thể làm gì được nữa. Và y thì sẵn sàng chịu xử bắn.
Sự vui mừng tràn ngập trong cơ quan phản gián của Ge-sta-pô. Thật là một đòn vào loại bậc thầy. Tên gián điệp đầu tiên bị bắt là do Ge-sta-pô chứ không phải do cơ quan phản gián của quân đội. Thành công ấy là nhờ ai? Chính là nhờ Fen-sếc.
Ông ta về nhà và uống ly rượu. Hôm ấy, cả buổi chiều rõ ràng là ông không còn bị quấy rầy bởi tiếng động cơ của chiếc máy bay quảng cáo. Khoảng nửa đêm, Fen-sếc đi ngủ.
Đúng một giờ sáng, có tiếng chuông réo mạnh ngoài cửa. Fen-sếc yên chí là những bạn đồng nghiệp ở Ge-sta-pô quá chén đang đến để chúc mừng. Nhưng vừa mới mở khoá thì cánh cửa bật tưng, một sĩ quan cùng hai tên lính xông vào.
- Ông là Fen-sếc?
- Vâng, chính tôi đây.
- Chúng tôi được lệnh bắt ông.
- Tại sao vậy?
- Chúng tôi không được phép bàn cãi với ông.
Fen-sếc nghĩ “bắt đầu lôi thôi dây” và mặc quần áo, lên xe đi đến nhà giam quân đội. Suốt đêm, ông băn khoăn lo nghĩ. Sáng hôm sau, các sĩ quan phản gián của quân đội đến thẩm vấn. ông biết rằng mình bị bắt vì bị tình nghi là gián điệp.
- Tại sao ông biết là trong chiếc máy bay quảng cáo ấy có gián điệp? Fen-sếc trả lời:
- Tôi cũng chẳng biết nữa.
Các sĩ quan không tin ông ta. Họ nghi rằng do hối hận đã hợp tác với những tên gián điệp ấy và để chuộc tội, ông ta đã tố giác.
Nhưng sự việc đến tai Ge-sta-pô. Người ta lấy làm lạ tại sao Fen-sếc bị bắt? Hay là do sự ganh tị giữa hai cơ quan phản gián? Viên chỉ huy của Fen-sếc đã làm mọi cách để ông ta được thả ra ngay lập tức.
Ba ngày sau, Fen-sếc ăn cơm trong một khách sạn ở Xtốc-khôm cùng với tác giả bài này. Ma-ri, cô “đầy tớ” ăn mặc cực kỳ sang trong. Họ vừa cưới nhau xong.
Fen-sếc nói:
- Bọn phát xít muốn buộc tôi trở thành gián điệp.
- Nhưng tại sao ông biết là chiếc máy bay ấy chụp hình thành phố Béc-lanh?
Cặp mắt của Ma-ri sáng lên một cách tinh nghịch. Cô không nói tiếng Đức nữa mà nói tiếng Pháp một cách thành thạo:
- Người yêu của tôi làm việc với tôi. Anh ấy làm việc cho cả hai bên. Đó là cách duy nhất để khỏi bị bắt. Tôi được gửi đến Béc-lanh với nhiệm vụ giám sát Fen-sếc. Nhưng chúng tôi yêu nhau. Chúng tôi thấy cần phải cho người Đức một cái gì đó để cho họ khỏi nghi ngờ.
Câu chuyện của cặp vợ chồng thật là kỳ lạ. Nhưng tại sao họ không về Pháp?
- Nhưng những phi công bị bắt thì thế nào, khi ông bà bỏ trốn thì họ phải trả giá bằng cái chết ư?
Fen-sếc nói với Ma-ri:
- Em nói cho ông ta rõ sự thật đi.
- Thế này nhé. Không có gì phức tạp hết. Hiện nay Pháp cũng đã bắt được hai điệp viên Đức trong một trường hợp tương tự. Người ta sẽ trao đổi cho nhau thôi mà. Sẽ chẳng có người nào bị chết cả. Thời chiến thì không được nhưng thời bình thì đó là chuyện thường thôi (câu chuyện này xảy ra trước năm 1939).
Sau đó cặp vợ chồng rời khỏi Thuỵ Điển, trở về Pháp. Năm 1948, họ sống ở Đức. Và sau đó, họ đến Thượng Hải. Dường như nhiều người cho rằng với quá khứ chống phát xít, cặp vợ chồng ấy đã đi theo chủ nghĩa cộng sản. Nhưng có lẽ ít ai nghĩ rằng, họ lại là những người của Oa-sinh-tơn phái đến Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
NGƯỜI BẠN GÁI CỦA KLAUS FUCHS VÀ VỤ TIẾT LỘ BÍ MẬT BOM NGUYÊN TỬ
Đã một thời không ai không biết đến cái tên của nhà bác học Đức trẻ tuổi Klaus Emil Julius Fuchs, xuất sắc về tài năng nhưng lại bị kết án là phản bội.
Đằng sau K.Fuchs có bóng dáng một người đàn bà xinh đẹp. Trong các hồ sơ mật của Luân Đôn và Oa-sinh-tơn đều có tập hồ sơ riêng về vai trò của người đàn bà này trong cuộc đời của nhà bác học.
Ít ai biết tên thật của cô gái. Trong các hồ sơ chỉ ghi là Hin-đa X. các bạn bè thân thiết gọi cô bằng cái tên Brandt, tiếng Đức có nghĩa là “đám cháy”.
Hin-đa vóc người tầm thước, mái tóc màu hung, tiếp xúc với nhiều phong trào chính trị cánh tả. Cô quen Fuchs khoảng năm 1930 ở Trường Đại học Kiel lúc cả hai còn là sinh viên. Fuchs và Hin-đa đều gia nhập một nhóm sinh viên cộng sản. Hin-đa chỉ là “lính mới”. Lúc gặp Fuchs, một sinh viên có phong thái nghiêm trang, người dỏng cao và hơi gầy, cô đã có cảm tình ngay và biết rằng đấy chính là kiểu người mà mình thích. Mỗi tuần Fuchs đến thăm cô hai lần tại một căn phòng bé ở phố Hin-đen-bua. Cả hai đều không muốn phí thì giờ vào những chuyện yêu đương, họ ước mơ góp phần vào việc xây dựng phong trào cách mạng trên toàn thế giới. Họ cùng nhau bắt tay vào nhiều công việc. Mùa đông, họ đến các khu tập trung công nhân, phát truyền đơn kêu gọi đấu tranh chống phát xít, chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, liên hiệp lại để đấu tranh giai cấp.
Cuối cùng Hin-đa từ bỏ gia đình mà cô cho là tư sản. Cô tự thấy trước đây mình quá yếu đuối, chỉ sợ mất cuộc sống yên ổn và đầy đủ tiện nghi của gia đình. Bây giờ cô đã thấy tất cả những cái đó đều vô nghĩa- Fuchs đã mở mắt cho cô. Cô thấy muốn đấu tranh bí mật thì cần phải biết hy sinh.
Hai người bắt đầu đi vào hoạt động bí mật và sống như vợ chồng cùng chung lý tưởng. Cuộc sống của họ luôn bị đe doạ bởi Ge-sta-pô nhưng cũng là dịp để cô hiểu người yêu của mình hơn.
Chính quyền phát xít ra lệnh bắt tất cả các đảng viên chi bộ cộng sản ở Trường Đại học Kiel. Buộc phải đi trốn, họ sống với nhau hàng tháng trong căn phòng đóng kín. Chỉ có Hin-đa thỉnh thoảng vẫn phải đến các hiệu thực phẩm. Nếu chẳng may cô bị bắt thì người bạn trai cũng tin rằng không bao giờ cô ta phản bội anh. Có lẽ không có một người đàn ông nào tin ở một người đàn bà như anh tin cô. Cho đến mười lăm năm sau, khi bị bắt ở Luân Đôn về tội tình báo nguyên tử, anh vẫn cứ tin ở cô.
Mặc dầu đã cắt đứt với gia đình nhưng sống trong bí mật, họ vẫn phải sống bằng tiền của gia đình Hin-đa. Có lần Fuchs đã nghĩ là có lẽ nên qua một “tuần trăng mật” ngắn ngủi rồi chia tay nhau, mỗi người mỗi ngả thì hơn. Nhưng Hin-đa không cho anh ra đi trong giờ phút hiểm nghèo ấy, lúc mà đoàn thanh niên cộng sản đang bị Hít-le truy lùng và tiêu diệt.
Tuần lễ sống bí mật đầu tiên ở Đức đối với đôi bạn trẻ quả thật là thiên đường. Trong tuần trăng mật đặc biệt ấy họ xây bao nhiêu mộng cho tương lai. Trước hết là phải đi khỏi nước Đức. Rồi một ngày trong tương lai, khi cuộc đấu tranh đã kết thúc, họ cũng sẽ có một ngôi nhà riêng chứa đầy sách, báo, sẽ có các đĩa hát Bê-to-ven, So-xta-cô- vích, trên tường nhà có những bức tranh của các nhà cách mạng…
Nhưng trước mắt, muốn sống bí mật trong thành phố Kiel, họ phải đốt tất cả các giấy tờ, cất giấu các bằng cấp,chứng minh thư. Thậm chí Hin-đa phải chạy đi xoay các giấy tờ giả mạo hợp pháp.
Fuchs thuyết minh về chiến lược của tương lai, Hin-đa chỉ nghe nói cũng đã đủ mê. Nhất là anh ta lại giải thích cho cô nghe về học thuyết Mác. Sau này Hin-đa kể lại với mọi người là Fuchs đã giảng giải cho cô biết rằng bọn tư sản ngu xuẩn thường giải thích xuyên tạc chủ nghĩa duy vật. Chúng cho rằng chủ nghĩa duy vật là chủ nghĩa chỉ quan tâm đến tiền tài, vật chất. Đâu phải thế! Chủ nghĩa duy vật là quan niệm cho rằng cuộc sống trên thế giới bắt nguồn từ các tế bào vật chất. Triết học duy tâm của xã hội cũ bắt nguồn từ Pơ la-tông, Càng cho rằng mọi vật đều do Thượng đế sinh ra…
Hin-đa nghe tất cả những điều đó một cách say mê và càng thán phục người yêu mình thông minh, hiểu biết rộng.
Thế rồi… hai người buộc phải trốn khỏi nước Đức phát xít. Nhưng làm thế nào để trốn?
Hin-đa nghĩ rằng không một người vợ nào hiểu chồng như cô hiểu Fuchs. Trong suốt ba tháng, họ sống chung trong căn phòng ở Kiel, để ngày đêm cùng nhau bàn bạc cho kế hoạch đó.
Đến bây giờ thì Hin-đa biết từng chi tiết nhỏ trong quá khứ của Fuchs. Khi anh mới được ba tuổi, quân đội Hoàng gia Đức đã nã đại bác sang Pa-ri. Bố anh là một người có đầu óc hoà bình. Gia đình đã nghiêm cấm chú bé Fuchs không được đi theo bọn trẻ ngoài đường để hoan hô đoàn quân đang đi ra mặt trận. Vì vậy chú bé như một người ngoại đạo đối với cuộc đời, cách biệt khỏi mọi người xung quanh. Chú không hề có bạn mà chỉ sống với các anh, chị trong một thế giới riêng biệt, không tiếp xúc với tư tưởng yêu nước sô vanh của người Phổ.
Cuộc sống cô độc đã đưa Fuchs đến với Hin-đa. Anh ta không thể chịu được cảnh gia đình mình bị tàn phá bởi bọn phát xít. Một bà chị của anh đâm đầu vào tầu hỏa, một bà chị khác bị điên, bố bị bắt vào trại tập trung. Fuchs muốn trả thù cho gia đình. Hin-đa bàn với Fuchs cùng trốn sang Anh để gặp lại các bạn chiến đấu và tiếp tục cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.
Hai người vượt biên giới nhưng Fuchs sang Pháp một thời gian, còn Hin-đa thì qua Anh trước. Sau đó họ cùng tiếp tục học ở Trường Đại học Bơ-ri-xtôn ở Anh. Fuchs rất thích nước Anh còn Hin-đa thì ngược lại. Cái gì ở Anh cô ta cũng ghét bởi vì nước Anh đã làm cho Fuchs của cô say mê nghiên cứu khoa học. Anh ta gần như sống cách biệt với cô. Mỗi khi gặp nhau - hoạ hoằn họ mới gặp nhau - cô gọi anh là đồ hèn nhát, đồ vô tích sự, đồ tư sản. Cô có chút ngờ vực là anh hơi quá chú ý đến các cô gái Anh.
Một hôm Hin-đa từ biệt Fuchs vì những lời thoá mạ:
- Rồi anh sẽ thấy là một ngày kia các bạn bè Anh sẽ phản bội anh cho mà xem.
Hin-đa sang Pháp sau đó lại sang Đan Mạch. Cô trở thành liên lạc viên và nhân viên hoạt động bí mật của Quốc tế cộng sản ở châu Âu. Trong thời gian đó, Fuchs có thêm nhiều bè bạn ở Anh. Phạm vi nghiên cứu của anh ngày càng mở rộng. Năm 1938, anh vào Trường Đại học Ê-đin-bua, ở đó anh tốt nghiệp bang tiến sĩ khoa học. Các công trình nghiên cứu về vật lý nguyên tử và nhiệt hạch làm cho anh chiếm vị trí hàng đầu trong các nhà khoa học trẻ tuổi. Anh công bố các công trình nghiên cứu trên các Tập san của Hội khoa học Hoàng gia. Người thanh niên Đức lưu vong đã có tên tuổi và có một vị trí cao trong giới khoa học. Dường như lý tưởng cộng sản lu mờ dần trong đầu óc của Fuchs.
Hin-đa thì ngược lại. Cô đang góp sức tổ chức các mạng lưới tình báo ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức và các nước Bắc Âu. Cô tham gia nhiều hoạt động bí mật. Chắc chắn cô còn yêu Fuchs nhưng cô đã vượt xa người thầy đã dạy cho cô những bài khai tâm về chủ nghĩa cộng sản. Đến mức họ chẳng viết thư cho nhau nữa.
Nhưng việc đời cứ tiếp tục thay đổi. Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Hít-le xâm chiếm Ba Lan và chiến tranh bùng nổ. Vốn là một thành viên không thể thiếu của nền khoa học Anh, Fuchs bỗng nhiên trở thành một người nước ngoài, công dân của một nước thù địch. Thế là anh bị tập trung để đưa sang Ca-na-đa. Anh nhận được lệnh phải chuẩn bị đi gấp. Lúc bấy giờ bỗng nhiên anh nhớ đến Hin-đa. Cô ta đã nói đúng: nước Anh đã phản bội anh. Người Anh đúng là những tay tư sản, phát xít, những con thú. Là kẻ thù của Hít-le, nhưng Fuchs đã bị giam giữ và chuyển đi nơi khác. Mà lại phải vượt qua Đại Tây Dương đang đầy những tàu ngầm hoạt động!
Fuchs tự cảm thấy như một kẻ tử vì đạo. Anh đã quên chủ nghĩa cộng sản nhưng nay thì anh lại sẵn sàng trở lại với nó. Đúng, Hin-đa đã nói đúng, làm sao có thể quên được lời cảnh cáo của cô ta. Cô ấy có lý, anh vẫn yêu cô ấy. Nhưng bây giờ Hin-đa ở đâu? Ở Nga chăng?
Sau khi bị tập trung ở Ca-na-đa, Fuchs quyết định đi tìm Hin-đa. Ở Ca-na-đa, cũng như ở Mỹ, có những đảng viên cộng sản sẵn sàng giúp anh đi tìm Hin-đa. Trong đó có cả Hội chữ thập đỏ nữa.
Nhưng may mắn làm sao, anh không phải chờ đợi lâu. Dường như ở đâu đấy, Hin-đa đã nghe tiếng kêu tuyệt vọng của anh. Anh nhận được một bức thư của cô. Hin-đa đang ở Mỹ và hỏi xem anh có cần cô giúp đỡ, có cần cô gửi cho một ít tiền không, Hin-đa nhắc lại với anh rằng, với tư cách là một nhà khoa học, một ngày kia anh sẽ được tự do. Cô cũng nhắc khéo anh nhớ lại tất cả những gì hai người đã đàm luận với nhau ở Kiel, trong những ngày quá khứ đẹp đẽ.
Cho đến khi Fuchs được trở lại với các công trình nghiên cứu thì những niềm tin cũ lại sống lại mãnh liệt trong tâm trí anh: điều đó chính là nhờ có Hin-đa và cũng nhờ có thời gian bị giữ trong trại tập trung.
Năm 1941, anh được trả lại tự do để có thể tiếp tục các công trình nghiên cứu và hoàn tất kế hoạch chế tạo bom nguyên tử. Mặc dầu mọi người đều biết đến cái quá khứ cộng sản của anh, anh hoàn toàn được các cơ quan an ninh của Anh và Mỹ tin tưởng.
Đây là thời gian mà Hít-le đang đe doạ thế giới bằng một thứ vũ khí bí mật mới. Bên mặt trận Đồng Minh, tất cả các nhà khoa học nguyên tử đang được động viên để tìm cách đánh bại bọn phát xít. Là một người cộng sản nhưng Fuchs được phép vào tất cả các phòng thí nghiệm nguyên tử và tham gia các công trình nghiên cứu. Anh trở thành một
nhân vật quan trọng trong việc chế tạo bom nguyên tử và cuối cùng được nhập quốc tịch Anh.
Anh sang Mỹ nhưng Hin-đa đã đi rồi. Anh trở lại Anh nơi mà Hin-đa vừa mới ở một thời gian ngắn. Cô ta đi khắp nơi với danh nghĩa nhà báo nhưng Fuchs đã biết cô ta làm công việc gì rồi. Họ viết cho nhau những lá thư tràn đầy tình yêu tha thiết.
Một hôm Hin-đa nhờ một nhân viên Xô Viết chuyển đến cho Fuchs mấy trăm quan tiền Anh. Số tiền ấy từ nay làm cho anh trở thành một thành viên của cơ quan tình báo Xô Viết.
Rồi sau đó Hin-đa trở về Anh trong một đêm, chỉ một đêm thôi. Họ thức với nhau trắng đêm để nói chuyện tâm tình. Ngày hôm sau Hin-đa dã phải ra đi vì một công việc quan trọng. Fuchs cũng vậy…
Buổi chiều chủ nhật hôm ấy, khi anh đến Cơ-rốt Rôm thì Hin-đa vẫn chưa ra đi. Cô muốn bí mật quan sát cái gì sẽ diễn ra: Một người đàn ông vẻ mặt băn khoăn đi về phía Tơ-ra-phan-ga. Một người khác dong dỏng cao và gầy, đeo kính, đi lại gần người kia, hai tay bỏ túi. Người thứ nhất trao cho người thứ hai một chiếc phong bì - Chiếc phong bì đã tiết kiệm cho nước Nga được mười tám năm nghiên cứu nguyên tử! Sau đó Hin-đa thấy người yêu của cô đi rất nhanh xuống ga tàu điện ngầm rồi biến mất.
Khi bị đưa ra toà, Fuchs khai là anh bị bệnh tâm thần, tiềm thức của anh bị chia làm hai phần, một phần tốt, một phần không tốt. Anh tự nhận về mình hết mọi tội lỗi để che chở cho Hin-đa. Trong suốt phiên toà, anh không hề nhắc một lần nào đến tên người yêu cả.
BÍ MẬT VỤ TRÂN CHÂU CẢNG
Trân Châu Cảng là một quân cảng lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong thế chiến thứ hai, hạm đội Mỹ ở đây đã bất ngờ bị quân Nhật nện một đòn chí mạng. Chiến công lừng lẫy này là kết quả của những hoạt động tình báo đã được chuẩn bị rất công phu.
…Một làn sóng nghệ thuật hiện đại tràn ngập đến Ha-oai: các ban nhạc Jazz, các hộp đêm có ca nhạc… chẳng bao lâu tất cả các cô, các bà, nhất là vợ con của các sĩ quan thuỷ quân và các cô thiếu nữ Mỹ đang chịu đựng cảnh thiếu thốn của cuộc sống xa hoa ở quê hương… tất cả đều xôn xao vì một sự kiện giật gân: cô Ruth đã khai trương một phòng mỹ viện hiện đại có thể là niềm tự hào cho cả Ha-oai. Khách hàng cả Hô-nô-lu-lu đổ xô đến. Chủ quán sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất để uốn tóc, nhuộm tóc và sửa lại các khuôn mặt.
Cửa hàng mỹ viện trở thành nơi gặp gỡ của giới nữ thượng lưu. Họ trò chuyện, bàn tán về đủ mọi thứ tin tức mới nhất: những sĩ quan nào mới đến, những sĩ quan nào đi nghỉ phép, những nhân vật đặc biệt nào ghé qua vì một nhiệm vụ quan trọng nào đó… rồi những chuyến tàu nào cập bến, những chiếc tàu nào nhổ neo v.v. Cuộc sống hàng ngày trên mấy hòn đảo chỉ có thể nên ai cũng biết, cũng quan tâm.
Phòng mỹ viện khai trương năm 1939. Lúc bấy giờ chưa ai nghĩ rằng chiến tranh có thể xảy ra nơi những hòn đảo xa xôi ấy. Nhưng tình báo là một công việc không bao giờ nghỉ, thời bình cũng như thời chiến.
Vụ việc này không bắt nguồn như những vụ việc khác, từ Bộ Chiến tranh Đức quốc xã, hoặc từ bộ óc giàu tưởng tượng của viên đô đốc Ca-na-ri, người lãnh đạo công tác tình báo của phát xít mà từ Bộ trưởng Tuyên truyền Gơ-ben (y tự sát năm 1945).
Đầu năm 1935, sau hai năm thừa hành chức vụ, Gơ-ben mở tiệc chiêu đãi toàn bộ các nhân viên trong bộ. Đó là một buổi dạ hội tưng bừng, mọi người bộc lộ niềm vui sướng được là thành viên của một nước Đức phát xít trẻ tuổi nhưng đã hùng mạnh.
Gơ-ben là một tay rất thích phái đẹp, nhiều chuyện riêng của y đã từng trở nên phức tạp và mang lại hậu quả nặng nề. Có thể chăng buổi dạ hội hôm nay sẽ là mở đầu cho một cuộc phiêu lưu mới?
Viên thư ký riêng của Gơ-ben, Lê-ô-pôn Cu-en mang theo cả cô em gái Ruth đến dự dạ hội. Cô gái được mọi người chú ý.
Đặc điểm của Gơ-ben, con người sắt đá ấy là khi cần, y có thể đóng vai một tay ăn chơi hào hoa, lịch thiệp bậc nhất. Suốt buổi dạ hội, y đã luôn luôn nhảy với Ruth. Họ uống khá nhiều và đùa vui thoả thích. Mọi người biết rằng mối quan hệ như vậy với vị Bộ trưởng Tuyên truyền có thể sẽ dẫn đến một cuộc phiêu lưu lớn.
Nhưng rồi không ai biết cuộc phiêu lưu ấy dẫn đến đâu cả. Cái kết cục bí mật chỉ có hai người biết với nhau. Người ta chỉ biết rằng sau đó bỗng nhiên vị Bộ trưởng quyết định Ruth phải rời khỏi nước Đức. Phải chăng có một sự can thiệp quyết liệt của bà vợ là Fơ-rô Gơ-ben (bà này sau bị chồng giết chết), hoặc là Ruth đã đòi hỏi quá đáng, hoặc là Ruth đã đe doạ sẽ làm cho câu chuyện tung toé ra?
Những câu hỏi ấy không ai trả lời được và cũng ít liên quan đến câu chuyện chúng tôi đang kể.
Điều chắc chắn là cô gái đã phải rời bỏ nước Đức. Gơ-ben không có quan hệ tốt đẹp gì lắm với các cơ quan tình báo của quân đội và thuỷ quân. Họ đã biết về y quá nhiều. Y dựa vào một người bạn thân tình là tiến sĩ Cơ-lôt Hô-sô-phe, con trai của một vị tướng nổi tiếng. Cả bố và con Hô-sô-phe lãnh đạo Viện Địa lý chính trị của Trường đại học Béc lanh. Các sinh viên của họ thường làm ở ngành ngoại giao và đặc biệt là trong tổ chức tình báo chỉ đạo bởi Bộ Trưởng Ngoại giao Ri-ben-tơ-rôp.
Chính viên tướng Hô-sô-phe (viên tướng này cũng tự sát năm 1946) là người đầu tiên xây dựng các mối quan hệ giữa Đức với Nhật. Uy tín của y một phần lớn là nhờ Gơ-ben mà có cho nên, hễ Gơ-ben cần việc gì là y tìm cách giúp đỡ hết sức mình.
Đúng thế, Hô-sô-phe có thể giúp đỡ cô gái trẻ Ruth. Viên tướng già đã từng đến thăm Nhật Bản, từ năm 1914 y đã trông thấy các tiềm lực của đất nước này và cũng từ đó đã giữ những mối quan hệ chặt chẽ với người Nhật Rất gần đây, các đồng nghiệp của y ở Tô-ky-ô đã cho y biết là họ đang cần một số đàn ông và đàn bà da trắng. Cơ quan tình báo và quân cảnh mật của Nhật, gọi là Kempai Tai, đang cần tuyển mộ một số người châu Âu qua trung gian các sĩ quan liên lạc Nhật ở Đức và qua hai bố con Hô-sô-phe. Lúc bấy giờ Nhật đang tìm rất nhiều cộng tác viên cho các cơ quan mật vụ. Do đó tiến sĩ Hô-sô-phe đã cho Gơ-ben biết là y đang có một nơi cần sử dụng người châu Âu, chẳng những Ruth mà cả bố mẹ, anh em cô ta cũng đều có chỗ làm việc với điều kiện là phải thông minh, khôn ngoan và hiểu biết ít nhiều về công tác tình báo.
Đôi khi các năng khiếu nghệ thuật rất có lợi cho công tác tình báo. Trong trường hợp này rõ ràng là cả gia đình của Ruth có nhiều thuận lợi, đặc biệt là Ruth.
Bố cô là tiến sĩ Béc-na, sinh ở Béc-lanh. Năm đó ông ta bốn mươi tuổi, còn Ruth thì mới mười tám. Hồi trẻ ông đã phục vụ trong thuỷ quân hoàng gia Đức nhưng trong thế chiến thứ nhất, tàu ông bị thuỷ quân Anh đánh đắm (năm 1915). Bị bắt làm tù binh, ông ở lại Anh và chẳng mấy chốc đã thông thạo tiếng Anh. Sau chiến tranh, ông không có nghề nghiệp gì nên trở lại phục vụ trong thuỷ quân nước Cộng hoà Vây-ma. Ông quyết định đi học y khoa và trở thành một trong những người đầu tiên nhiệt liệt ủng hộ tư tưởng phát xít. Lúc bây giờ Ruth còn là một cháu gái bé nhưng ông đã truyền dạy cho con các tư tưởng của Hít-le.
Không thể nào đỗ được bác sĩ, ông xin gia nhập đội Ge-sta-pô, dưới quyền của Him le. Him-le và Béc-na trở thành đôi bạn thân thiết. Và trong lúc chờ đợi nhận một cương vị trong Ge-sta-pô thì ông ta lại phải dời sang Ha-oai vì có cô con gái quá hấp dẫn và quá say mê các chuyện phiêu lưu.
Thời gian mà gia đình Đức bé nhỏ cập đảo Ha-oai (ngày 15 tháng 8 năm 1935) thì cũng là thời gian thế giới vừa trải qua một cuộc khủng hoảng lớn, các tổ chức hoà bình đang mọc lên khắp nơi.
Béc-na đến Ha-oai cùng với tất cả gia đình, trừ cậu con trai Lê-ô-pôn ở lại Béc-lanh làm thư ký cho Gơ-ben. Thật ra thì Ruth và Lê-ô-pôn chỉ là con riêng của bà vợ. Nhưng gia đình ấy tỏ ra rất ấm cúng, thương yêu nhau. Ông bố có vẻ quan tâm nhiều đến tiếng Nhật. Cả ông và cô con gái cũng quan tâm đến việc nghiên cứu lịch sử của quần đảo Ha
oai. Họ đi đó đi đây, thăm thú các ngôi nhà cổ bằng đá và chỉ ít lâu sau, họ đã nắm vững
địa lý, lịch sử của địa phương. Ruth mê nhất là tắm biển và tập thể dục trên bãi biển. Thỉnh thoảng họ cùng nhau đi tắm biển hoặc thuê thuyền buồm hay xuồng máy đi khắp mọi nơi. Bà mẹ tỏ ra là một người nội trợ rất tận tình với gia đình. Nhưng bà ta cũng rất đắc lực trong công việc nghe ngóng, quan sát các chi tiết có liên quan đến hoạt động quân sự. Từ 1936 đến 1941, mỗi năm bà ta sang Nhật hai lần với tư cách là nhân viên liên lạc của cơ quan mật vụ Nhật thế nhưng F.B.I và Phòng nhì của thuỷ quân Mỹ không hề có tí gì nghi ngờ cả.
Ruth, cô gái lịch sự và xinh đẹp cứ thế thực hiện các kế hoạch của cô. Học tiếng Anh rất nhanh và khiêu vũ giỏi, cô tham dự hầu hết các buổi dạ hội của giới thượng lưu, vào cả trong các câu lạc bộ thể thao và thuỷ quân Mỹ. Cô biết cách làm cho các sĩ quan trẻ thích thú và say mê, những sĩ quan chắc chắn còn hấp dẫn nhiều hơn so với Gơ-ben.
Khi có ai hỏi về các vấn đề chính trị của Đức, cả gia đình Hô-sô-phe đều trả lời là riêng họ, họ không có cảm tình với chủ nghĩa phát xít. Ruth nói: “Lúc rời khỏi nước Đức thì tôi hãy còn bé quá, chẳng biết gì”. Ông bố viết một số bài báo nghiên cứu về những người Đức đầu tiên đến cư trú ở Ha-oai và đăng trên các tạp chí ở Đức.
Bà con láng giềng và bè bạn quen biết đều cho rằng gia đình ông rất giàu. Ông từng khoe là đã gửi nhiều tiền ở Hà Lan và ở Đức do đó sinh lợi rất khá. Trang trí nội thất của ngôi nhà chứng tỏ đây là một gia đình giàu sang và có học thức; các tác phẩm nghệ thuật, các đồ mỹ nghệ bằng bạc cực đẹp…
Trong ba năm đầu tiên ở trên hòn đảo này, gia đình ông đã nhận bảy chục nghìn đôla do ngân hàng Rôt-tec-đam gửi đến Hô-nô-lu-lu. Ngoài ra có một lần du lịch sang Nhật ông ta đã mang về mười sáu nghìn đôla.
Sau này F.B.I và cơ quan mật vụ của thuỷ quân Mỹ đã phát hiện ra là gia đình này đã nhận được trong thời kỳ ấy hơn một trăm nghìn đôla. Chắc chắn con số này có ở dưới sự thật, vì có những món tiền khác được gửi đến mà không ai biết.
Nếu chúng ta chú ý đến những số tiền tiêu xài cần thiết thì sẽ thấy cái nghề tình báo cũng không phải là nghề kiếm được nhiều tiền đâu, thoạt đầu, cả gia đình chỉ mới làm những nhiệm vụ thứ yếu như nghe ngóng các tin tức qua các câu chuyện phiếm… Dần dần họ hoạt động trên một mức cao hơn bằng cách tiếp cận với giới sĩ quan. Ruth biết cách khéo léo khai thác. Cô ta thông minh và có một thân hình gợi cảm. Bố dượng khuyến khích cô nên đi chơi đó đây với các sĩ quan.
Họ làm việc đồng thời cho cả hai nước. Tướng Hô-sô phe cho Nhật Bản “mượn” họ, nhưng mỗi bản báo cáo đều phải sao chụp để gửi về Đức và người Đức đã đánh giá cao tài năng của họ. Chính vì vậy mà Hô-sô-phe đã đòi phải trả tiền cao hơn. Vả chăng ông ta bắt đầu quen với cuộc sống xài tiền một cách đế vương còn Ruth cũng bị cuốn hút vào cuộc sống thượng lưu phú quý.
Đến đầu năm 1939 , Hô-sô-phe tỏ ý muốn chọn một nơi sống yên tĩnh để có thể tiếp tục nghiên cứu ngôn ngữ Nhật Bản. Ông tạm rời khỏi Hô-nô-lu-lu và cùng gia đình chuyển về ở Trân Châu Cảng. Bắt đầu từ đó kế hoạch của cơ quan mật vụ Nhật bắt đầu được thực hiện. Chẳng mấy chốc mà tiếng tăm của Ruth đã được biết đến trong hầu hết các giới sĩ quan và phu nhân. Năm 1939, khi cô loan báo sẽ mở một cửa hàng mỹ viện thì mọi người đều nhiệt tình ủng hộ và hứa sẽ tìm cho cô nhiều khách hàng. Quả là Ruth không thể ngờ rằng tiệm mỹ viện của cô lại thành đạt nhanh đến như thế. Mẹ cô cũng phải