🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bí mật thành Paris - Tập 2 Ebooks Nhóm Zalo BÍ MẬT THÀNH PARIS (TẬP 2) Nguyên tác: Les Mystères de Paris (1842–43) —★— Tác giả: Eugène Sue Dịch giả: Nguyễn Xuân Dương & Lâm Phúc Giáp & Hoàng Tiến Hành & Lưu Đức Hiên & Cao Hữu Nhu NXB Hội nhà văn & Phúc Minh - 2020 Nguồn: VCTVEGROUP Chụp: V/C Chuyển text: Blue Rose & Caruri PHẦN III CHƯƠNG I CHỖ MAI PHỤC Nhà thờ và nhà cha xứ Bouqueval xây trên lưng chừng đồi, giữa một vườn trồng dẻ, ở đó có thể nhìn xuống thấy được cả làng. Marie và cha xứ đi vào một con đường gồ ghề dẫn đến nhà cha xứ qua con đường trũng cắt chéo ngọn đồi. Mụ Vọ, lão Thầy Đồ và thằng Tập Tễnh nấp ở chỗ đường ngoẹo ấy, nhìn Marie và cha xứ đi xuống một cái thung và ra khỏi đó, qua một sườn dốc gồ ghề, nét mặt người con gái lấp sau chiếc mũ trùm của tấm áo choàng làm cho mụ Vọ không nhận ra được nạn nhân cũ của mình. - Khẽ chứ, lão Trùm, - mụ Vọ nói với Thầy Đồ - đứa con gái và lão cố đạo vừa đi qua con đường trũng; đúng nó đấy, theo báo hiệu của ông quý tộc mặc tang phục: ăn mặc theo lối nông thôn, thân hình vừa phải, váy có sọc nâu, áo choàng len viền đen. Con Lỏi Con ngày nào cũng tiễn cha đạo về tận nhà lão và quay về một mình. Lát nữa, khi nó quay về, cần phải chộp ngay và bốc nó lên xe. - Nhưng nếu nó kêu cứu thì sao? Trong trang trại người ta sẽ nghe thấy, mụ chẳng vừa nói có nhà ở gần đây sao! Chúng bay có mắt kia mà! - Thầy Đồ giọng khàn khàn, đùng đục nói. Thằng Tập Tễnh liền đáp: - Đúng là từ đây có thể thấy các dãy nhà rất gần, lúc nãy tôi đã trườn lên bờ dốc và nghe rõ tiếng người xà ích quát lũ ngựa trong sân đằng kia. Sau một phút im lặng, Thầy Đồ bảo: - Thế thì phải có cách: thằng Tập Tễnh sẽ nấp ở lối vào con đê; khi thấy con bé từ xa, nó sẽ đi tới trước mặt con bé lừa là có một bà già nghèo và khốn khổ ngã bị thương ở đoạn đường trũng, mong con bé tới cứu. - Tao hiểu rồi, đại ca, bà già đáng thương sẽ là tao, mụ Vọ của đại ca - bố già lúc nào cũng là trùm nòng nọc*. Thế sau đó tao phải làm gì? Người có trí nhớ, lắm mưu mẹo, quyết đoán. - Mụ phải dẫn nó đi sâu vào con đường trũng về phía Cá Trê đang đợi bên chiếc xe. Tao sẽ nấp thật gần đấy; khi thằng Tập Tễnh dẫn con bé đến chỗ mụ, đến cái thung thì thôi trò rên rẩm, vồ ngay lấy nó, một tay nắm cổ, tay kia bịt miệng cho nó khỏi kêu la. - Hiểu rồi, đại ca ạ! Giống như trường họp ở kênh đào Saint-Martin hôm chúng ta cho một con mụ “đi tàu lặn” sau khi cướp cái hòm bọc lụa đen… cũng miếng võ ấy, phải không? - Đúng, cũng cái trò ấy… khi mụ đã tóm chặt con bé, thằng Tập Tễnh chạy tìm ta, chúng ta sẽ cuốn nó vào chiếc áo choàng của tao và vác nó ra xe của Cá Trê, rồi đưa nó đến cánh đồng Saint-Denis cho lão mặc đồ tang đang chờ ở đấy! - Tuyệt! Chộp thế mới cừ chứ! Thấy không? Lão Trùm! Chẳng ai so được với đại ca! Đệ nhất! Nếu tao mà “có” ra, thì tao sẽ đốt pháo hoa trên đầu đại ca, và thắp đèn kính màu rọi sáng chào mừng suy tôn đại ca theo kiểu Saint Charlot, thánh bản mệnh của bọn què-đi-nạng*, mày có hiểu không, hở nhóc? Nếu mày muốn trở thành đại bợm trứ danh, thì nhìn lão béo cho kĩ vào, thế mới là người thép chứ! Của tao đấy! - Mụ Vọ kiêu hãnh bảo với Tập Tễnh. Rồi nói với Thầy Đồ: Tiếng lóng, chỉ đao phủ. - Nhân tiện, lão không biết đâu, Cá Trê đang sợ gần chết bị truy tội ở tòa đại hình. - Vì sao thế? - Cách đây vài hôm, trong một cuộc đánh lộn, hắn đã “xơi” chồng chị bán sữa sáng nào cũng từ nông thôn kéo chiếc xe lừa lên khu Nội Thành bán sữa ở góc phố Vieille Draperie, gần quán trọ Lapin-Blanc. Thằng con trai lão Cánh Tay Đỏ không hiểu tiếng lóng, vừa tò mò vừa chán ngán lắng nghe mụ Vọ nói. - Mày muốn biết chúng tao vừa nói gì phải không, thằng nhóc? - Chu cha! Đúng thế. - Nếu mày thật ngoan, tao sẽ dạy cho. Mày đã đến tuổi dùng thứ tiếng đó, đồng ý không, nhóc con? - Ồ, tôi tin như thế, tôi thích ở với bà hơn là ở với lão lang băm để tán thuốc và chải lông ngựa, và nếu tôi biết lão ta giấu thuốc-chuột-dùng-cho-người ở đâu thì tôi sẽ bỏ vào xúp cho lão ăn để khỏi vất vả với lão. Mụ Vọ bật cười, vừa nói vừa kéo thằng Tập Tễnh vào lòng. - Lại hôn mẹ mày đi, thằng chó con. Mày thật láu nhưng sao mày biết lão ta có món thuốc-chuột-dùng-cho-người? - Tôi nghe lão ta nói thế mà, vào một hôm trong lúc tôi nấp trong buồng tối nơi lão xếp những chai lọ gì đó bằng thép và vầy vò những bình nhỏ của lão. - Mày nghe lão ta nói gì? - Mụ Vọ hỏi. - Tôi nghe lão ta nói với một ông khi đưa cho ông ta một gói bột: “Người nào đó mà uống phải thuốc này ba lần sẽ xuống lỗ… sẽ không ai biết vì sao… thế nào… và cũng chẳng còn tí dấu vết gì để lại”. - Người đàn ông đó là ai? - Lão Thầy Đồ hỏi. - Một ông trẻ, đẹp, có ria mép đen và khuôn mặt đẹp như phụ nữ… ông ta trở lại một lần khác và lần này khi ông ta ra về, theo lệnh của ông Bradamanti, tôi phải theo dõi xem ông ta ở đâu. Ông đẹp trai ấy đi vào một ngôi nhà rõ sang ở phố Chaillot. Chủ tôi dặn: “Dù ông ta rẽ tới đâu, cứ theo sát và chờ ở cửa. Nếu ông ta ra, tiếp tục bám gót đến nơi nào mà ông ta vào mà không ra nữa. Đó chính là nhà ông ta. Lúc đó, Tập Tễnh, mày sẽ tìm hiểu xem tên ông ta là gì… nếu không thì tao sẽ béo tai mày đến nơi cho mà xem.” - Thế rồi sao? - Rồi sao à? Tôi đã tập tễnh đi và biết rõ tên cái ông đẹp người đó. - Thế mày đã làm như thế nào? - Lão Thầy Đồ hỏi. - Này… tôi đâu phải thằng ngu. Tôi đã vào gặp bác gác cổng cái nhà ở phố Chaillot mà ông đẹp người đó vào rồi không ra nữa. Người gác cổng tóc rắc phấn mặc bộ đồ nâu, cổ vàng đeo lon bạc… Tôi nói với người đó: “Ông tốt bụng ơi! Tôi đến để xin một trăm xu mà ông chủ ở đây đã hứa cho tôi vì đã tìm thấy và đem trả cho ông ấy con chó đen tên là Trompette, ông ấy da bánh mật, có ria đen, mặc áo redingote màu nguyệt bạch và quần xanh nhạt đúng không? Ông ấy nói với tôi là ông ấy ở góc phố Chaillot - số 11 và tên là Dupont.” “Cái ông mày nói là ông chủ tao, là Tử tước de Saint-Remy, ông không có con chó nào khác ngoài mày, đồ ranh con láo toét, cút ngay hoặc tao sẽ cho mày một trận để dạy cho mày về ý định xoay của tao một trăm xu.” Người gác cổng trả lời tôi với một cú đá… Chẳng sao, - thằng Tập Tễnh nói một cách phớt đời - tôi đã biết được tên cái ông đẹp người có ria đen đó, người đã đến nhà ông chủ tôi mua thuốc-chuột-dùng-cho-người, ông ta là Tử tước de Saint-Remy, my, my, Saint-Remy. - Thằng con lão Cánh Tay Đỏ vừa nói thêm, vừa ngân nga những chữ đó theo thói quen. - Mày có muốn tao ăn thịt mày không? Hở lỏi con? - Mụ Vọ vừa nói vừa ôm Tập Tễnh vào lòng. - Nó ranh gớm! Này, mày xứng đáng là con tao, thằng ác ôn ạ! Những lời nói đó gây cho thằng bé Tập Tễnh một cảm giác đặc biệt. Bộ mặt dữ tợn, tinh quái, ranh mãnh của nó bỗng trở nên buồn tủi. Nó cảm nhận được những biểu hiện mẹ con của mụ và trả lời. - Còn tôi, tôi cũng yêu bà vì bà đã ôm hôn tôi vào ngày đầu bà đến tìm tôi ở quán Cœur-Saignant của bố tôi… Từ khi mẹ tôi mất, chỉ có bà là người vuốt ve tôi, người khác đánh tôi và đuổi tôi như đuổi một con chó ghẻ; mọi người, kể cả mẹ Pipelet, bà gác cổng. Mụ Vọ ra điều phẫn nộ làm thằng Tập Tễnh tưởng thật: - Đúng là mụ già khố rách! Ta đã góp ý với mụ, mụ ta lại làm ra vẻ ta đây! Lại nỡ xua đuổi một thằng bé đáng yêu như thế này! Và mụ Vọ lại ôm hôn Tập Tễnh, kiểu cách đến lố bịch. Thằng con lão Cánh Tay Đỏ rất cảm động trước biểu hiện trìu mến đó, đã bộc lộ lòng biết ơn và nỗi cảm kích mà kêu lên: - Bà cứ việc ra lệnh, bà sẽ thấy tôi vâng lời và hầu bà như thế nào! - Thật chứ! Này, mày sẽ không phải ân hận đâu! - Ôi! Tôi rất muốn ở cùng bà! - Nếu mày thật ngoan ngoãn thì rồi sẽ hay; lão già, lão sẽ không bỏ hai chúng tao chứ? - Được, - lão Thầy Đồ nói - mày sẽ dắt tao đi như dắt một người mù khốn khổ, mày sẽ nói mày là con tao, chúng ta sẽ vào các nhà, và tha hồ chém giết, - lão giận dữ nói thêm - có mụ Vọ giúp, chúng ta còn làm được nhiều cú ra trò. Tao sẽ chứng minh cho tên quỷ Rodolphe… đã làm tao mù rằng: Tao chưa cùng đường. Hắn đã lấy mất cặp mắt tao nhưng hắn không thể tước bỏ cái bụng gian ác của tao. Tao sẽ là cái đầu, thằng Tập Tễnh là đôi mắt, còn mụ là đôi tay, mụ Vọ nhé, mụ giúp tao chứ? Hả mụ? - Đại ca! Có phải là tao không thuộc về lão cho đến chết không nào! Đại ca, có phải là khi ra khỏi nhà thương, lão đã nhắn tao ở quán rượu về việc tên tẩm ở Saint-Mandé và tao đã chẳng đến ngay gặp bọn quéo ở chỗ lão ẩn nấp và nhận là vợ lão đó sao? Câu nói của mụ Vọ làm lão Thầy Đồ nhớ đến một kỷ niệm buồn, hắn đột ngột đổi giọng và càu nhàu giận dữ. - Phải, tao buồn chán, tao, một thân một mình với những con người lương thiện đó, sau một tháng tao không thể chịu nổi… tao đã sợ… lúc đó tao nảy ra ý nhắn mụ đến tìm tao - lão nói tiếp mỗi lúc một phẫn nộ hơn. - Hôm sau ngày mụ đến, tao mất hết chỗ tiền còn lại mà tên quỷ ở đường Gái Góa đã cho. Đúng, người ta đã lấy cắp của tao cái thắt lưng đầy vàng khi tao ngủ, chỉ có mụ, mụ mới dám làm việc đó. Vì thế lúc này tao mới bị mụ khống chế… Này, mỗi lúc nghĩ đến chuyện đó, tao không hiểu tại sao tao không giết mụ ngay tại chỗ… mụ già ăn cắp kia! Và lão tiến lên một bước về phía mụ Vọ. - Này liệu hồn, nếu lão động đến bà ấy! - Tập Tễnh quát to. - Tao sẽ nghiền nát hai đứa mày, mày và mụ ta. Chúng mày là đồ rắn độc. - Tên cướp hét lên điên dại. Rồi nghe tiếng thằng Tập Tễnh nói rất gần, lão đá một cái vu vơ nhưng khá dữ dội, nếu trúng có thể giết chết thằng bé. Thằng Tập Tễnh muốn trả thù cho mình và cho cả mụ Vọ, đã lượm một hòn đá nhằm vào lão Thầy Đồ và ném trúng trán lão. Cú ném không nguy hiểm nhưng rất đau, tên cướp tức giận vùng dậy, hung dữ như một con bò mộng bị thương, lão bước mấy bước về phía trước nhưng hẫng chân ngã nhào. Mụ Vọ la to và cười ngặt nghẽo: - Ngã gãy cổ đấy! Dù đã gắn bó với nhau bởi nhiều tội ác đẫm máu và vì nhiều lẽ nữa, mụ Vọ có một niềm vui quái ác trước sự thất thế của con người trước đây vốn rất đáng sợ nhưng giờ thì sức mạnh nghìn cân cũng trở thành vô hiệu. Mụ Vọ đã chứng minh theo kiểu của mụ cái tư tưởng đáng sợ này của La Rochefoucauld “Bao giờ chúng ta cũng thấy một cái gì đó để vừa ý trong nỗi bất hạnh của những bạn tốt nhất của chúng ta”. Thằng bé xấu xí tóc vàng, mặt chồn cũng cười vang với mụ Vọ. Trước một bước hẫng nữa của lão Thầy Đồ, thằng nhóc kêu lên: - Mở mắt ra, bố già, mở mắt ra!… Đi trệch rồi! Có phải bố không trông rõ, phải không? Lau kĩ mắt kính đi! Không bắt được thằng nhóc, lão sát thủ vô địch ấy dừng lại, giậm chân điên dại, đưa hai nắm đấm to lông lá lên mắt và gầm lên như tiếng một con cọp bị khóa mõm. - Bố già ho à? - Thằng Tập Tễnh nói. - Cam thảo hảo hạng đây, cầm lấy, một người sen đầm đã cho tôi đó, đừng ngấy nhé! Và nó lấy một nắm cát mịn ném vào mặt tên giết người. Bị trận mưa cát táp vào mặt, lão Thầy Đồ cảm thấy lần sỉ nhục này còn đau đớn hơn bị ném đá. Giận đến tím cả những cái sẹo trên mặt, lão bất thần giơ hai tay bắt tréo nhau bằng một cử chỉ tuyệt vọng khó tả, rồi ngẩng bộ mặt đáng sợ lên trời, lão van vỉ thật to: - Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Đối với một kẻ đã bị ô nhục vì tội ác mà trước đây, đối mặt với lão, những kẻ gian ác nhất cũng phải run sợ, thì lời cầu xin trong vô thức lòng trắc ẩn của đấng thần linh như thế có một cái gì đó như là ý trời. - A, đại ca mà cũng dang tay kêu trời che chở, - mụ Vọ cười khẩy. - Lão già đổi giọng rồi sao? Lão phải gọi quỷ Satan mới đúng. - Nhưng ít ra thì cũng cho tao một con dao chứ, để tao tự giết mình!… Một con dao!!! Vì tụi mày đã bỏ rơi tao… - Lão khốn nạn vừa la vừa cắn vào tay mình vẻ tức giận điên người. - Dao à? Trong túi lão đó, và còn sắc nữa! Đại ca ơi! Lão già bé nhỏ ở phố Roule và lão lái bò đã mách cho bọn chuột chũi biết hết rồi! Thầy Đồ, bị thúc giục tự sát, lại đổi hướng câu chuyện, nói tiếp với giọng âm thầm và yếu ớt. - Thế mà thằng Chọc Tiết lại tốt, hắn ấy, hắn không ăn trộm của tao, hắn còn thương tao. - Sao lão lại bảo tao “nẫng trộm vàng” của lão? - Mụ Vọ cãi, cố nhịn cười. - Chỉ có một mình mụ đã vào phòng tao. - Tên cướp nói. - Tao mất trộm giữa cái đêm mụ đến. Mụ còn muốn tao nghi cho ai nữa? Những người nhà quê kia không thể làm được chuyện đó. - Tại sao bọn nhà quê lại không biết thó như người khác? Có phải vì chúng đã thỏa mãn và đần độn không? - Tóm lại, có người đã xoáy của tao, thế thôi! - Có phải là lỗi của mụ Vọ này đâu? Thế đấy, hãy nghĩ lại xem. Nếu tao cuỗm tiền của lão thì tại sao sau đó tao vẫn ở lại với lão? Sao ngu thế? Nhất định tao sẽ xơi gọn số tiền của lão nếu có thể. Nhưng mụ Vọ này lấy danh dự mà thề, lão sẽ gặp lại tao khi tiền đã tiêu hết nhẵn rồi, nhưng dẫu sao tao vẫn khoái lão với đôi mắt cùi nhãn, lão giặc già ạ! Thấy không? Hãy tử tế nào, đừng nghiến răng nghiến lợi như thế mà nó mẻ hết bây giờ. - Người ta sẽ tưởng lão cắn hồ đào đấy! - Thằng Tập Tễnh nói. - Chà! Chà! Thằng bé nói phải đấy. Thôi đi! Bình tĩnh lại nào, lão già của tao, cứ để cho nó cười, tuổi nó thế mà! Nhưng lão phải nhận là lão sai khi cái lão lớn người mặc đồ tang, mặt mày rầu rĩ như anh phường đòn đám ma đã nói với tao: “Bà sẽ được thưởng một nghìn franc nếu bà bắt cóc được con bé ở ấp Bouqueval và đưa đến một địa điểm mà tôi sẽ chỉ cho bà ở cánh đồng Saint-Denis.” Hãy trả lời đi, có phải trong trường hợp ấy tao đã tức khắc bảo lão làm vụ đó chứ không chọn một người khác sáng mắt đó sao? Thế là, như người ta nói, tao đã gia ơn cho lão. Vì ngoài việc sẽ giữ chặt lấy con bé để tao và Tập Tễnh gò nó lại, lão chỉ giúp được tao như chiếc bánh xe thứ năm của một chiếc xe khách, nhưng chẳng sao, đừng kể là tao sẽ trộm hết tiền của lão, nếu tao đã muốn thì tao vẫn muốn làm điều tốt cho lão. Tao muốn lão phải mắc ơn gái này về tất cả mọi việc, tao thích thế đấy. Chúng ta sẽ cho Cá Trê hai trăm franc vì gã đã đánh xe lần này và đã đến đây với một đầy tớ của lão cao lớn mặc đồ tang để nhận biết nơi chúng ta cần nấp để chờ con bé… và còn tám trăm franc thì hai chúng ta tiêu xả láng. Lão nghĩ như thế nào về chuyện đó? Này, có còn tức giận mụ già này nữa không đấy? - Ai bảo đảm là mụ sẽ cho tao chút gì một khi công việc hoàn thành? - Tên cướp nghi ngờ nói. - Tao có thể sẽ không cho lão chút nào, đúng thế, vì lão đang núp váy tao kia mà, như con bé Sơn Ca ngày xưa ấy, lão già của tao ạ. Hãy chịu cho tao sai bảo trong khi chờ đợi quỷ sứ lôi lão đi. Hê! Hê! Này, đại ca, có phải lão vẫn hờn dỗi mụ Vọ phải không? - Mụ Vọ vừa nói vừa vỗ vai tên cướp đang lặng im, ủ rũ. - Mụ nói có lý, - lão thở dài nén giận - số phận của tao đã thế. Tao phải phục tùng một thằng bé và một con mụ mà trước đây chỉ thổi nhẹ một cái là toi mạng. Ồ, giá tao không quá sợ chết! - Vừa nói lão vừa ngồi bệt xuống bờ mương. - Lão sợ chết hả, lúc này lão sợ chết hả! - Mụ Vọ nói giọng khinh bỉ. - Hãy nói đến lương tâm của lão ngay đi, như thế sẽ khôi hài hơn. Này, nếu lão không còn gan dạ nữa thì tao sẽ chuồn và bỏ rơi lão đấy! - Và tao sẽ không thể trả thù kẻ đã đày đọa tao vào một hoàn cảnh đáng sợ, không bao giờ thoát ra được. - Lão Thầy Đồ kêu lên với một giọng thịnh nộ điên cuồng - Ôi! Tao rất sợ chết. Đúng! Tao đã rất sợ chết. Nhưng người ta có thể nói với tao: “Người ta sẽ giao hẳn con người ấy vào tay mày… Trong hai cánh tay mày… Sau đó người ta ném cả đôi xuống vực thẳm.” Tao mới bảo: “Cứ ném tôi xuống đó đi…” Phải, vì tao tin chắc là tao sẽ không buông nó ra trước lúc cùng nó lăn xuống đáy vực. Và trong khi cả hai cùng lăn, tao sẽ cắn vào mặt nó, vào họng nó và vào tim nó. Tóm lại, tao sẽ giết nó bằng hai hàm răng của mình… Tao ghen tị với một con dao! - Hay quá! Đại ca ạ, như thế tao yêu lão biết bao. Cứ yên tâm… chúng ta sẽ tìm thấy nó, cái tên Rodolphe vô lại ấy và cả thằng Chọc Tiết nữa. Khi ra khỏi nhà thương tao đã lảng vảng ở phố Gái Góa… cửa đóng kín mít và tao nói với ông cao lớn mặc đồ tang: “Trước đây ông muốn chi tiền cho chúng tôi để làm chuyện gì đó với tên quỷ sứ Rodolphe, có phải sau vụ đứa con gái mà chúng tôi chờ thực hiện còn phải chơi thêm một vố nữa với lão ấy chứ?” - “Có thể…” - ông ta trả lời tao như thế. Hiểu chưa? Đại ca? Có thể đấy, hãy can đảm lên, lão già! Chúng ta sẽ thịt thằng cha Rodolphe. Tao nói với lão thế đấy! Rồi chúng ta sẽ thịt nó. - Có thật là mụ sẽ không bỏ tao chứ! - Tên cướp nói với mụ Vọ một cách phục tùng nhưng không tin tưởng lắm. - Lúc này nếu mụ bỏ tao thì tao sẽ ra sao? - Điều đó đúng đấy, đại ca ạ, nếu như tao và thằng Tập Tễnh lên xe chuồn thẳng, để lại mình lão ở đây giữa đồng không mông quạnh, trong cái đêm rét cắt da cắt thịt này thì thật buồn cười. Chuyện đó thật kỳ cục, phải không, hả lão cướp? Trước lời đe dọa đó, lão Thầy Đồ run rẩy, lão đến bên mụ Vọ vừa nói vừa run: - Không, không, mụ đừng làm thế, mụ Vọ… cả mày nữa, Tập Tễnh… làm thế thì tàn nhẫn quá. - Chà chà! Tàn nhẫn quá… đơn giản thế thôi sao? Thế thì ông già nhỏ bé ở phố Roule, lão lái bò và người đàn bà ở sông đào Saint-Martin, và cái ông ở đường Gái Góa thì sao? Thế lão tưởng rằng bọn họ sẽ thấy lão hiền lành với con dao to tướng của lão à? Thế thì tại sao đến lượt lão, người ta lại không đem lão ra làm trò hề? - Đúng thế! Tao chịu thế là đúng, - lão Thầy Đồ nói - thật đấy, tao nhầm vì đã nghi ngờ mụ, tao cũng nhầm vì đã định đánh Tập Tễnh, tao xin lỗi cả hai đứa mày. - Tôi, tôi muốn lão phải quỳ xuống xin lỗi vì đã định đánh bà ấy. - Tập Tễnh nói. - Thằng ăn mày lỏi con kia! Nó nói buồn cười thật! - Mụ Vọ vừa nói vừa cười. - Tuy vậy nó làm cho tao đâm ra thèm được xem mặt mũi lão lúc đó sẽ như thế nào. Nào quỳ xuống như lúc lão ba hoa tán tỉnh để chài mụ Vọ của lão, nhanh lên, hoặc là bọn tao bỏ mặc lão ở đây và xin báo trước cho lão biết là chỉ trong nửa giờ nữa thôi, trời sẽ tối đấy. - Đêm hay ngày, điều đó có quan trọng gì với lão ấy, - Tập Tênh nói một cách giễu cợt - lão ấy luôn khép cửa sổ vì sợ đen da. - Tao quỳ đây. Tao xin lỗi mụ và cả mày nữa, Tập Tễnh ạ! Sao? Bằng lòng chưa? - Tên cướp vừa quỳ ngay giữa đường vừa nói. - Bây giờ chúng bay không bỏ tao nữa chứ, nói đi? Lũ người kỳ quặc, núp dưới bờ mương, dưới ánh sáng đỏ quạch của buổi hoàng hôn trông thật ghê tởm. Mụ Vọ, Tập Tễnh và Thầy Đồ Ở giữa đường, lão Thầy Đồ giơ hai bàn tay to lớn về phía mụ Vọ cầu xin, bộ tóc cứng và rậm của lão rủ như bờm ngựa xuống cái trán xám ngắt, các mi mắt đỏ, mở rộng vì sợ hãi, cho thấy nửa con ngươi bất động, lờ đờ, đùng đục, như đã chết… cái nhìn của một tử thi. Đôi vai rộng lớn của lão sụp xuống một cách khúm núm, con người có sức khỏe phi thường này vừa quỳ vừa run rẩy dưới chân một mụ già và một thằng nhóc con! Mụ Vọ quấn một chiếc khăn quàng bằng vải kẻ đỏ, đầu đội một chiếc mũ đã cũ bằng tuyn đen để lọt ra vài lọn tóc màu xám, chế ngự lão Thầy Đồ bằng cả chiều cao của mụ. Bộ mặt xương xẩu, xám xịt, nhăn nheo màu chì của mụ già với cái mũi khoằm bộc lộ một niềm vui vừa khinh mạn vừa hung bạo, con mắt xanh lè của mụ ánh lên và cái nhếch mép ảm đạm làm hếch lên đôi môi cùng những sợi lông dài và để lộ ra ba, bốn chiếc răng vàng đã tụt lợi. Thằng Tập Tễnh mặc một chiếc blouse có thắt lưng da, đứng trên một chân, tựa vào một cánh tay của mụ Vọ để giữ thăng bằng. Bộ mặt bệnh hoạn và tinh quái của thằng bé có màu da cũng nhợt nhạt như màu tóc nó, lúc này thể hiện một sự hung bạo, giễu cợt tinh quái. Bóng râm của con mương dốc đứng làm tăng vẻ dễ sợ của quang cảnh này mà màn đêm buông xuống vốn đã che đi một nửa. - Nhưng ít ra chúng mày cũng hứa sẽ không bỏ rơi tao chứ? - Lão Thầy Đồ nhắc lại, khiếp sợ trước thái độ im lặng của mụ Vọ và thằng nhóc, hai người đang thích thú trước nỗi khiếp sợ của lão. - Bọn bay còn ở đó không? - Tên giết người nghiêng mình lắng nghe, vừa hỏi tiếp vừa vươn hai cánh tay ra phía trước. - Có đây! Có đây! Lão già ơi! Đừng sợ! Bỏ lão ư! Thà về chầu Diêm Vương. Chúng tao đang ở đây mà! Dứt khoát là tao cần phải làm lão yên tâm và nói với lão vì sao tao không bao giờ bỏ rơi lão. Này lão, hãy nghe rõ đây! Tao vẫn luôn mong muốn sẽ có kẻ nào đó được nếm mùi móng vuốt của tao… súc vật hay người cũng thế. Trước con Lỏi Con (mà quỷ sứ đem đến cho tao vì lúc nào tao cũng có ý định lấy axit tạt vào mặt nó), đã có một thằng bé chết vì bị tao hành hạ và vì thế tao bị tống vào ngục sáu năm. Trong thời gian ở tù, tao đã làm tội bầy chim: tao đã thuần dưỡng chúng rồi vặt lông chúng, nhưng tao đã mất tiền vì chúng chóng chết. Tao ra tù thì con bé Sơn Ca lại rơi vào tay tao. Nhưng con bé khốn nạn đó đã trốn thoát trong lúc tao cần đem da thịt nó ra làm trò đùa. Sau đó có một con chó phải chịu cực khổ cũng như con bé. Tao đã chặt một cẳng sau, một cẳng trước của nó, nhìn ngộ lắm, làm tao cười vỡ bụng. “Mình sẽ phải làm như thế với một con chó đã cắn mình.” - Thằng Tập Tễnh tự nhủ. - Khi tao gặp lão, lão già của tao ơi, - mụ Vọ nói tiếp - tao đang chọc mù mắt một con mèo… Này, lúc này chính lão là con mèo, con chó, con chim, con Lỏi Con của tao, cuối cùng lão sẽ là con vật để tao hành hạ. Hiểu chưa, lão già của tao? Thay vì hành hạ một con chim hoặc một đứa bé, thì hành một con sói hay con cọp xem ra hơi bị oách đấy! - Con mụ la sát! - Lão Thầy Đồ nổi cơn thịnh nộ vụt đứng dậy. - Đấy! Lão lại hờn dỗi với gái này rồi! Hãy hê tao đi, lão là chủ mà, gái này không phản bội lão đâu! - Đúng rồi, cửa mở đấy, cứ đi đi, đồ không mắt! Và cứ đi thẳng mãi. - Tập Tễnh vừa nói vừa phá lên cười. - Ôi! Chết mất! Chết mất! - Lão Thầy Đồ vừa vặn hai tay vừa nói. - Lão lải nhải mãi thôi! Khọm già! Lão đã nói mãi thế rồi. Lão đã khoác lác là vững vàng như cầu Pont-Neuf kia mà. - Thôi bỏ đi, lão sẽ sống vì hạnh phúc của mụ Vọ này. Thỉnh thoảng tao cũng phải làm tình làm tội lão đôi chút cho vui và lão sẽ phải làm thế mới kiếm được miếng ăn tao cho lão. Nhưng nếu lão biết điều, lão sẽ giúp tao trong những phi vụ lớn như hôm nay, và cả những vụ đánh quả khác lớn hơn. Tóm lại, lão sẽ là thú vật của tao. Khi tao bảo “đem lại đây!” thì lão sẽ đem lại, bảo “cắn đi!” thì lão cắn. Này! Sau hết thì lão già kia ơi, ít ra tao cũng không ép buộc lão làm gì. Nếu không muốn cuộc sống như tao đã nói, nếu lão muốn có lợi tức niên kim, nếu lão muốn lên xe xuống ngựa với một phu nhân xinh đẹp, được ân hưởng Bắc đẩu bội tinh, được bổ nhiệm làm chánh án tối cao và sáng mắt chứ không phải mù, thì xin cứ tự nhiên. Dễ thôi, lão cứ việc nói ra, người ta sẽ phục vụ lão thật nóng sốt. Có phải thế không, Tập Tễnh? - Nóng sốt, sôi bỏng, ngay lập tức. - Thằng Tập Tễnh vừa trả lời vừa cười khẩy. Nhưng đột nhiên, nó cúi rạp xuống đất nói thầm: - Tôi nghe có tiếng chân người đi trên con đường mòn. Hãy nấp kĩ, không phải đứa con gái đâu, vì người đó đi cùng chiều với con bé. Thật vậy, một bà nông dân khỏe khoắn, có con chó lớn theo sau, trên đầu đội một cái thúng, xuất hiện sau vài phút, đi qua con mương và theo hướng con đường mòn mà cha xứ và Sơn Ca vừa đi. CHƯƠNG II NHÀ CHA XỨ Những tia nắng cuối cùng của mặt trời thong thả tắt dần sau cái khối đồ sộ của lâu đài Écouen và những cánh rừng bao quanh nó. Ở mọi phía trải ra đến hết tầm mắt những cánh đồng rộng với những rãnh cày, đông cứng vì băng giá. Trong cảnh cô quạnh mênh mông ấy, trang trại Bouqueval trông như một ốc đảo. Bầu trời trong vắt điểm những ráng đỏ, lúc mặt trời lặn, triệu chứng chắc chắn của gió to và giá rét. Những màu sắc đó lúc đầu đỏ thắm, sau thì tím dần cùng với hoàng hôn tỏa khắp không trung. Trăng lưỡi liềm mảnh, treo lơ lửng như nửa chiếc nhẫn bạc, bắt đầu tỏa ánh sáng nhẹ nhàng trong khung trời xanh và tối. Im lặng tuyệt đối, giờ phút trang nghiêm. Cha xứ dừng một lát trên đồi ngắm cảnh trời chiều thanh tịnh. Sau một lát tĩnh tâm, giơ bàn tay run rẩy chỉ nơi tận cùng của chân trời, đã mờ đi vì sương mù buổi chiều, ông nói với Marie đang suy tư bên cạnh. - Nhìn xem, con của cha, khoảng mênh mông này mà người ta không nhận ra giới hạn, không nghe thấy một tiếng động, cha cảm thấy hình như sự im lặng và vô biên gần như gợi cho chúng ta một ý nghĩ về sự vĩnh hằng; cha nói với con chuyện đó Marie ạ, vì con rất nhạy bén với cảnh đẹp của tạo hóa. Cha thường cảm động trước lòng mộ đạo do những cảnh đẹp ấy gợi nên ở con, mà con đã bị tước bỏ mất. Con bị thua thiệt. Đã khá lâu rồi, bị tước bỏ hết cả. Con có xúc động giống như cha trước sự im lặng hùng vĩ ngự trị trong giờ phút này không? Marie không nói gì. Cha xứ ngạc nhiên nhìn lại, cô gái đang khóc. - Thưa cha, con thật bất hạnh. - Bất hạnh, con… lúc này mà bất hạnh à? - Con biết con không có quyền phàn nàn về số phận của mình, sau tất cả những gì mọi người làm cho con… vậy mà… - Vậy mà làm sao? - Chao ôi! Thưa cha, hãy tha thứ cho những ưu phiền của con, có thể nó xúc phạm đến những người đã ban ơn cho con… - Nghe đây, Marie, chúng ta thường vẫn hỏi con về nguyên nhân của những nỗi buồn tủi đôi lúc giày vò con và gây nên cho mẹ nuôi con những nỗi ưu phiền gay gắt… con đã tránh không trả lời; chúng ta đã tôn trọng những điều sâu kín ấy, và vẫn sầu não vì đã không thể làm nhẹ đi nỗi phiền muộn của con. - Than ôi! Thưa cha, con không thể nói với cha những gì đã xảy ra với con. Cũng như cha, ban nãy con cảm thấy rung động trước buổi chiều yên tĩnh và buồn… trái tim con như muốn vỡ ra… và con đã khóc. - Nhưng con có chuyện gì thế, Marie? Con có biết họ yêu quý con như thế nào không? Nào, hãy nói hết với cha đi! Vả lại, cha có thể cho con biết điều này. Sắp đến ngày bà Georges và ông Rodolphe có mặt trong lễ rửa tội của con và cam kết trước Chúa là che chở cho con suốt đời. - Ông Rodolphe? Chính ông ấy… đã cứu con! - Marie vừa nói vừa chắp hai bàn tay - Ông ấy lại còn hạ cố thương xót con thêm nữa, chao ôi! Thưa cha, con sẽ không giấu cha điều gì nữa, cha của con, con lo là con sẽ quá bội bạc. - Bội bạc? Vì sao vậy? - Để cha hiểu con, con phải thưa với cha về những ngày đầu tiên con đến ở trang trại này. - Cha nghe con đây, chúng ta vừa đi vừa nói chuyện. - Cha rất khoan dung, phải không thưa cha? Điều con sẽ nói với cha có thể là điều khá tồi tệ. - Đức Chúa đã cho con thấy là lúc nào ngài cũng lòng lành vô cùng. Hãy can đảm lên con! - Khi con biết là con sẽ không rời trang trại và bà Georges, - Marie nói sau một phút trầm lặng - con đã tưởng là mình đã có một giấc mơ đẹp đẽ. Lúc đầu con cảm thấy choáng váng trước hạnh phúc, mỗi lúc con lại nghĩ đến ông Rodolphe. Nhiều khi một mình, dù không muốn, con đã ngước mắt lên trời như muốn tìm ông ấy để tạ ơn. Tóm lại… con xin nhận lỗi về điều ấy, thưa cha… con nghĩ đến ông ấy nhiều hơn là đến Chúa vì ông ấy đã cứu con, cho con những điều mà chỉ có Chúa mới làm được. Con đã sung sướng… sung sướng như một người đã vĩnh viễn thoát khỏi một tai họa lớn. Cha và bà Georges đã quá tốt với con, nên con nghĩ là con đáng thương nhiều hơn là đáng trách. Cha xứ nhìn Marie ngạc nhiên. Cô gái nói tiếp: - Dần dần con quen với cuộc sống êm đềm này; con không còn sợ hãi mỗi lúc thức dậy khi nhớ lại những lúc còn sống ở quán trọ; con cảm thấy con được ngủ yên giấc, mọi niềm vui của con lúc này là giúp đỡ bà Georges trong những công việc của bà, chăm chú học những bài học mà cha dạy con, thưa cha… và cả những lời khuyến khích của cha. Trừ đôi lúc con cảm thấy xấu hổ mỗi khi nghĩ đến quá khứ, con thấy mình bình đẳng với mọi người, vì mọi người đều tốt với con, cho đến một ngày… Nói đến đây Marie thổn thức ngừng lại. - Này con, bình tĩnh lại đi, con tội nghiệp của cha, hãy can đảm lên! Và hãy nói tiếp. Marie lau nước mắt, nói tiếp: - Thưa cha, cha có nhớ không, vào ngày lễ Phục sinh, bà Dubreuil quản lý trang trại của Công tước de Lucenay ở Arnouville đến đây chơi cùng cô con gái một thời gian. - Đúng thế. Cha vui mừng thấy con làm quen với Clara Dubreuil, cô gái ấy có nhiều đức tính tốt. - Đó là một thiên thần, thưa cha… một thiên thần… Khi con biết cô ấy sẽ đến trại chơi vài ngày, con vô cùng sung sướng và chỉ nghĩ đến lúc sẽ được gặp cô bạn đó. Cuối cùng cô ấy đã đến. Lúc đó con đang ở trong phòng, con phải chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp cô ấy. Con hồi hộp đi vào phòng khách, bà Georges giới thiệu với con về con người trẻ tuổi xinh đẹp dáng vẻ hiền hậu, khiêm tốn và nhân hậu ấy. Bà nói với con: “Marie, đây là một người bạn thân cho cháu”, bà Dubreuil nói thêm: “Ta mong muốn cháu và con gái ta sẽ nhanh chóng thân nhau như hai chị em ruột.” Mẹ của Clara vừa nói hết câu thì Clara đã chạy lại ôm hôn con… Lúc đó, thưa cha, - Marie nói - con không còn biết những gì đột nhiên đến với con… Nhưng khi khuôn mặt trong trắng, mát rượi của Clara áp vào chiếc má đã từng nhơ nhuốc của con… con lại nghĩ đến quá khứ của mình… Con!… Con mà được hưởng những cái hôn của một cô gái trong trắng như thế sao! Chao ôi! Điều đó khiến con cảm thấy như có một sự lừa dối, một sự lạm hưởng lòng quý mến của người khác mà không xứng đáng! - Nhưng con của cha… - Ôi! Thưa cha, - Marie ngắt lời cha xứ mà nói trong tâm trạng đau đớn - khi ông Rodolphe đưa con ra khỏi khu Nội Thành, con đã ý thức một cách mơ hồ về sự trụy lạc của mình. Nhưng cha có tin là sự giáo dục, những lời khuyên bảo, những gương sáng mà con đã nhận được ở bà Georges và ở cha, là cho trí óc sáng rạng hơn. Than ôi, lại làm con hiểu là con đã tội lỗi nhiều hơn là khốn khổ… Trước khi cô Clara đến, những ý nghĩ đó đã cắn rứt con, con đã cố gắng làm vừa lòng bà Georges và cha để cho khuây khỏa cha của con, cũng chính là tự con cảm thấy xấu hổ với quá khứ của mình… Con thấy giữa con và cô Clara cùng tuổi dịu dàng là thế, đức hạnh là thế, có một khoảng cách vĩnh viễn… Lần đầu tiên, con cảm thấy những vết nhơ không thể nào xóa bỏ được… Từ hôm ấy, suy nghĩ đó cứ ám ảnh con không rời. Từ hôm ấy, tóm lại con chẳng còn một phút nào thư thái nữa. Marie lau hai hàng nước mắt đầm đìa. Sau một hồi nhìn cô vừa âu yếm, vừa thương hại, cha xứ nói: - Con của cha, hãy suy nghĩ lại. Nếu bà Georges muốn con là bạn thân của tiểu thư Dubreuil thì chính là vì bà thấy con rất xứng đáng với quan hệ đó, vì hạnh kiểm tốt đẹp của con. Những lời con tự trách gần như chạm đến chính bà mẹ thứ hai của con đấy! - Con rất hiểu điều đó, thưa cha, chắc con đã sai lầm, nhưng con không thể vượt lên trên sự xấu hổ và nỗi lo sợ… Chưa phải đã hết… con phải có đủ can đảm để nói cho hết… - Hãy nói tiếp đi, Marie, cho đến lúc này sự câu nệ của con, hay nói đúng hơn nỗi hối hận của con là những bằng chứng hùng hồn cho tấm lòng tốt đẹp của con. - Khi Clara đến trang trại, lúc đầu con nghĩ rằng mình sẽ vui sướng vì có được một người bạn gái cùng tuổi nhưng con cũng lại cảm thấy buồn. Clara trái lại rất vui vẻ, người ta đã kê một chiếc giường cho cô ấy trong phòng của con. Buổi tối đầu tiên, trước lúc đi ngủ cô ấy đã ôm hôn con và nói là đã yêu quý con rồi, cô ấy thấy rất quyến luyến với con! Cô ấy bảo con gọi cô ấy là Clara, như cô ấy gọi con là Marie. Thế rồi, cô ấy cầu Chúa và nói với con là cô ấy sẽ gắn tên mình vào lời cầu nguyện của con. Con không dám từ chối điều đó. Sau vài phút trò chuyện, cô ấy đã ngủ, còn con, con chưa ngủ được, con lại gần cô ấy, vừa khóc vừa ngắm nhìn khuôn mặt thiên thần ấy rồi lại nghĩ đến việc cô ấy ngủ chung phòng với con… với con, mà người ta đã thấy ở nơi quán trọ của mụ Quỷ Cái với những tên trộm cướp và những kẻ giết người… Con đã run sợ như chính mình đã làm những việc xấu, con đã có những nỗi khiếp sợ vu vơ… Con có cảm tưởng là Chúa sẽ trừng phạt con một ngày nào đó… Con ngủ và mơ những giấc mơ khủng khiếp, con thấy lại những bộ mặt hung ác mà hầu như con đã quên lãng: Chọc Tiết, Thầy Đồ, mụ Vọ, cái mụ chột đã hành hạ con lúc con còn nhỏ ấy. Chao ôi! Lạy Chúa! Đêm gì? Những giấc mơ gì? - Marie nói mà vẫn run khi nhớ lại những kỷ niệm đó. - Marie tội nghiệp của cha! - Cha xứ cảm động. - Tại sao con không thổ lộ sớm với cha những chuyện riêng buồn tủi đó? Cha có thể đã làm con yên lòng hơn… Nhưng con hãy nói tiếp đi. - Con ngủ khá muộn. Cô Clara tới đánh thức con và ôm hôn con. Để chế ngự sự lạnh nhạt của con, và để bày tỏ tình bạn thân thiết với con, cô ấy đã muốn cho con biết điều bí mật của mình: khi tròn mười tám tuổi, cô ấy sẽ lấy con trai một người điền chủ ở Goussainville mà cô ấy yêu tha thiết: ngày cưới đã được ước định khá lâu giữa hai gia đình. Sau đó cô ấy kể sơ lược về quá khứ của mình, một cuộc sống giản dị, lặng lẽ, sung sướng: cô ấy chưa bao giờ phải xa nhà mà cũng không bao giờ phải xa mẹ vì người yêu của cô ấy sẽ cùng khai khẩn trang trại với ông Dubreuil. “Bây giờ, Marie ạ, - cô ấy nói với con - chị hãy coi em như một người em gái; chị hãy kể cuộc đời của chị cho em nghe…” Nghe xong, con muốn chết vì xấu hổ… con đỏ mặt, con ấp úng. Con không rõ bà Georges đã nói những gì về con, con sợ sẽ cải chính lời bà. Con trả lời mơ hồ là con mồ côi từ nhỏ và phải sống với những người nghiêm khắc nên lúc nhỏ không được sung sướng và chỉ có được hạnh phúc kể từ khi về ở với bà Georges. Lúc đó Clara vì quan tâm đến con hơn là tò mò, đã hỏi con là được nuôi ở đâu, ở thành thị hay ở nông thôn? Cha con tên gì? Cô ấy hỏi con là con có nhớ đã được thấy mẹ con lần nào chưa? Mỗi câu hỏi đó làm con lúng túng bao nhiêu thì cũng khiến con phiền muộn bấy nhiêu. Bởi vì con đều phải trả lời bằng những lời dối trá và thưa cha, cha đã dạy con nói dối là xấu xa như thế nào… Nhưng Clara không thể tưởng tượng được là con đã nói dối cô ấy. Cho rằng sự ngập ngừng trong các câu trả lời là do nỗi phiền muộn của con khi phải nhắc đến những kỷ niệm thời thơ ấu, Clara tin con, thương hại con với một lòng nhân hậu khiến cho con tủi hổ. Ôi! Cha của con, cha không bao giờ có thể hình dung được con đã đau khổ như thế nào trong lần tiếp xúc đầu tiên đó! Con phải chịu đựng bao nhiêu vì rặt phải nói những lời dối trá! - Con bất hạnh của cha, mong rằng sự giận dữ của Chúa sẽ giáng xuống đầu những kẻ xô đẩy con vào con đường sa đọa tồi tệ buộc con phải chịu đựng suốt đời những hậu quả khắc nghiệt của tội lỗi ban đầu. - Ôi! Quả vậy, những người đó thật là ác nghiệt, thưa cha của con. - Marie chua xót nhắc lại. - Bởi vì sự ô nhục của con không thể nào xóa sạch được. Chưa hết. Trong khi Clara nói về hạnh phúc đang chờ cô ấy, đám cưới và cuộc sống êm đềm trong gia đình, con không khỏi so sánh số phận của con với số phận của cô ấy, bởi vì mặc dù những điều tốt lành mà người ta dành quá nhiều cho con, số phận con là cứ phải khốn khổ suốt đời. Cha và bà Georges dạy cho con hiểu được điều tốt cũng là dạy cho con thấy được hậu quả của quá khứ ti tiện của con, không gì có thể ngăn cản con đã là thứ cặn bã của những gì xấu xa nhất trên đời. Than ôi! Sự hiểu biết về điều thiện và điều ác đối với con bi thảm biết bao, tại sao người ta không để mặc con cho số phận bi thảm của con! - Chao ôi! Marie! Marie… - Có phải thế không, thưa cha của con… điều con nói thật là không tốt? Than ôi! Đó là điều con không dám thưa với cha. Vâng, đôi khi con thật bội bạc, vì không nhận ra những điều tốt lành mà người ta dành cho mình để mà tự nhủ rằng: “Nếu người ta không kéo mình ra khỏi sự ô nhục thì chắc chắn sự khốn cùng và những xúc phạm mà mình phải chịu đựng có thể sớm giết chết mình nhanh chóng, ít ra mình sẽ chết mà không ý thức được sự trong sáng mà mình quyến luyến suốt đời.” - Than ôi! Marie, điều đó là số mệnh! Một tạo vật đã được hóa công ban phát dồi dào dù chỉ có một ngày bị chìm ngập trong vũng bùn và sau đó, được lôi ra, vẫn giữ một vết nhơ không gì xóa nổi… Đó là định luật bất di bất dịch của chính nghĩa chí tôn! - Cha đã thấy rõ, cha của con, - Marie đau đớn kêu lên - con phải thất vọng cho đến chết. - Con không hy vọng xóa bỏ khỏi cuộc đời con những trang sầu thảm đó, - cha xứ nói bằng giọng buồn rầu và trang trọng - nhưng con phải hy vọng vào lòng khoan dung vô hạn của… Đấng Tối cao. Dưới trần thế này, đối với con, con đau khổ của cha, là nước mắt, sự hối hận, sự chuộc tội, nhưng một ngày kia trên cao… - cha vừa nói vừa giơ tay lên trời đầy sao - trên đó là xá tội, là chân phúc vĩnh hằng. - Xin rủ lòng thương, xin rủ lòng thương… Lạy Chúa! Con còn quá trẻ và đời con chắc sẽ còn khá dài! - Marie nói giọng đau đớn, quỳ xuống chân cha xứ. Marie quỳ dưới chân cha xứ Cha xứ đứng trên đỉnh đồi, tu viện cách đó không xa; tấm áo choàng đen, bộ mặt đáng kính khuôn trong bộ tóc bạc dài, được dịu dàng chiếu sáng bởi những ánh sáng cuối cùng của hoàng hôn, tất cả in trên nền trời trong sáng tuyệt vời: vàng nhạt phía tây, ngọc lam trên đỉnh. Cha xứ giơ lên trời một trong hai bàn tay run rẩy, còn bàn tay kia ướt đầm nước mắt của Marie. Cái mũ trùm đầu của áo choàng màu xám, lúc này phủ trên đôi vai, để lộ khuôn mặt nhìn nghiêng rạng rỡ của cô gái, cái nhìn cầu xin dễ thương đầy nước mắt… cổ cô gái trắng ngần với sợi dây mềm mại buộc bộ tóc màu vàng hung tuyệt đẹp. Cái cảnh đơn giản và vĩ đại đó tương phản mà cũng trùng hợp một cách kỳ cục, với một cảnh đê tiện, cùng lúc đó đang diễn ra ở con đường trũng giữa lão Thầy Đồ và mụ Vọ. Trốn trong bóng tối của bờ mương, ám ảnh bởi nỗi lo sợ hèn nhát, một tên sát nhân hung bạo, chịu cái nhục đầu hàng, quỳ gối trước con mụ đồng bọn đang ra sức giễu cợt, trả thù, hành hạ lão không thương xót và đẩy lão đến những tội ác mới… Con mụ đồng bọn của lão, mụ Vọ - người đã gây nên nỗi đau khổ đầu tiên của Marie. Marie bị giày vò bởi nỗi ân hận khôn nguôi. Từ thuở nhỏ đã bị bao quanh bởi những kẻ đốn mạt, gian ác, đê tiện, người con gái đau khổ đó phải chăng cho đến nay vẫn chưa hề biết đến điều tốt, điều lành, hoàn toàn xa lạ với những tình cảm cao thượng, mộ đạo cũng như sự huy hoàng rực rỡ của thiên nhiên? Và bỗng chốc, cô từ bỏ nơi ô trọc bẩn thỉu để đến sống một cuộc sống thú vị, quê mùa, từ bỏ cuộc đời dơ bẩn để sống một cuộc sống sung sướng, thanh bình với những con người đức hạnh nhất, dịu dàng nhất và thông cảm nhất với những nỗi bất hạnh của cô… Trước quang cảnh hùng vĩ đó, trí tuệ cô rộng mở, năng lực nhận thức của cô phát triển, bản năng cao quý được thức tỉnh…, cô cảm nhận ở cuộc sống đã qua một nỗi đau đớn và khiếp sợ không thể quên, và hiểu được, than ôi! như cô đã nói, rằng có những vết nhơ không thể nào xóa đi được. - Ôi! Bất hạnh cho con! - Marie thất vọng thở than. - Cuộc đời con dẫu còn dài, dẫu cho trong sạch được như cuộc đời cha, thì thưa cha, từ nay về sau sẽ héo úa đi vì con ý thức rõ và vì nhớ lại quá khứ. Thật bất hạnh cho con! - Hạnh phúc cho con, trái lại, Marie ạ, hạnh phúc cho người mà Thượng đế gửi đến những hối hận đầy cay đắng nhưng trong lành ấy, nó chứng tỏ độ nhạy cảm thầm lặng trong tâm hồn con! Nhiều kẻ khác không được bề trên phú cho cao quý bằng con; ở hoàn cảnh con, họ đã nhanh chóng quên quá khứ để chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ đại phúc nhãn tiền! Một tâm hồn nhạy cảm như con gặp những nỗi đau khổ ở nơi mà kẻ phàm phu tục tử không cảm thấy một chút đau đớn nào. Nhưng mỗi nỗi đau khổ đó sẽ được Thượng đế quan tâm, hãy tin ở cha. Chúa để cho con sống một thời gian trong cuộc sống xấu xa là để dành cho con vinh quang của sự ăn năn hối lỗi và phần thưởng vĩnh viễn do sự đền tội đem lại. Chính ngài đã chẳng dạy con: “Những kẻ làm điều tốt mà không phải chiến đấu và đến với ta với nụ cười trên môi, những người đó là những người được ân sủng, những kẻ bị thương trong chiến đấu đến với ta đầy máu và tử thương, những kẻ đó là những người được ân sủng nhất trong những người được ân sủng của ta!”… Can đảm lên, con của cha!… Sự nâng đỡ, chỗ dựa, những lời khuyên sẽ không thiếu đối với con… Cha đã già rồi, nhưng bà Georges và ông Rodolphe còn sống lâu… Nhất là ông Rodolphe, người quan tâm đến con biết bao… người đã theo dõi sự tiến bộ của con với sự chăm sóc ân cần và sáng suốt nhường nào… Hãy nói đi, Marie, có thể nào con lại hối tiếc đã được gặp con người ấy? Marie sắp sửa trả lời thì ngừng lại bởi người phụ nữ nông dân, người đi cùng đường với cô và cha xứ, vừa theo kịp họ. Đó là một người đầy tớ gái trong trang trại. - Xin lỗi, thưa cha xứ, - người đó nói với cha xứ - bà Georges bảo con đem rổ quả này đến nhà xứ và đón cô Marie về vì trời đã tối. Nhưng con đã đưa Turc đi cùng, - người nữ nông dân vừa nói vừa vuốt ve một con chó lớn vùng Pyrénées, loại chó có thể đánh thắng một con gấu. Dù không có chuyện gì xảy ra trong vùng nhưng như thế vẫn thận trọng hơn. - Con nói có lý, Claudine ạ. Vả lại, chúng ta đã đến nhà xứ, nhờ con cảm ơn bà Georges giúp cha. Rồi ghé sát Marie, cha xứ nói rất nhỏ bằng giọng trang nghiêm: - Sáng mai cha phải đi dự một cuộc nói chuyện ở giáo khu, nhưng cha sẽ về lúc năm giờ chiều. Nếu con muốn, con của cha, cha sẽ đợi con ở nhà xứ. Cha thấy, với tâm trạng hiện nay, con cần trao đổi nhiều nữa với cha. - Con cảm ơn cha, thưa cha. - Marie trả lời. - Ngày mai con sẽ đến vì đã được cha cho phép. - Bây giờ chúng ta đã đến cửa vườn rồi. - Cha xứ nói. - Để rổ quả ở đây, Claudine, bà quản gia của cha sẽ nhận. Con hãy quay nhanh về trang trại với Marie vì trời sắp tối và đã rét hơn. Ngày mai, Marie, năm giờ nhé! - Vâng, ngày mai, thưa cha. Cha xứ đi vào trong vườn. Marie và Claudine, có Turc theo sau trở lại con đường cũ dẫn về trang trại. CHƯƠNG III CUỘC CHẠM TRÁN Đêm đã xuống, trời quang và lạnh. Theo ý lão Thầy Đồ, mụ Vọ đã cùng tên cướp đến chỗ đường trũng cách xa bờ mương và gần ngã tư nơi Cá Trê đang chờ cùng chiếc xe ngựa thuê. Tập Tễnh ngồi rình chờ lúc Marie quay về sẽ dụ cô vào bẫy bằng cách giả vờ xin cô tới giúp nó cứu một bà già đang lâm nạn. Thằng con lão Cánh Tay Đỏ bước vài bước ra ngoài rãnh để phát hiện cô gái. Nó vểnh tai nghe từ xa Marie nói chuyện với chị nông dân. Marie không đi một mình, mọi việc hỏng bét. Tập Tễnh vội vàng tụt xuống rãnh và chạy báo cho mụ Vọ. - Có ai đó đi cùng với con bé. - Nó nói nhỏ và thở hổn hển. - Mong “Thằng què cắt họng nó đi”, cái con bé khốn nạn ấy. - Mụ Vọ giận dữ kêu lên. - Nó đi với ai? - Lão Thầy Đồ hỏi. - Có lẽ nó đi với mụ nông dân ban nãy qua đây với con chó lớn theo sau. Tôi nhận ra tiếng đàn bà. - Tập Tễnh nói. - Này các người có nghe thấy tiếng guốc của bọn họ không? Thật vậy, trong sự im lặng của đêm, tiếng guốc gõ trên đất rắn vì băng giá vang lên từ xa. - Chúng có hai người… tao có thể đảm nhận con bé áo choàng xám, nhưng còn con kia? Làm thế nào bây giờ? Lão già thì không nhìn thấy… và thằng Tập Tễnh thì quá yếu không thịt nổi con bạn nó. Ma quỷ bắt nó đi. Làm thế nào bây giờ? - Mụ Vọ nhắc lại. - Tôi không khỏe, nhưng nếu bà muốn, tôi sẽ nhảy vào ôm lấy chân mụ nông dân có con chó, tôi sẽ cào và cắn mụ, tôi không buông tha mụ!… Trong lúc đó, bà sẽ tóm lấy cô gái… bà… bà Vọ ạ! - Nhưng nếu chúng kêu và chống cự, người trong trang trại sẽ nghe thấy, - mụ Vọ nói - người ta sẽ có đủ thời giờ ra cứu chúng trước khi chúng ta kịp chuồn ra xe của Cá Trê, thật không dễ gì bắt nổi một con đàn bà khi nó chống cự lại. - Và chúng lại có một con chó lớn nữa. - Thằng Tập Tễnh nói. - Úi chà, úi chà! Nếu chỉ thế thôi thì một cú đá của tao cũng đủ làm vỡ mõm con chó của bọn chúng. - Mụ Vọ nói. - Chúng đang lại gần, - thằng Tập Tễnh vừa nói vừa vểnh tai nghe những tiếng bước chân từ xa - chúng đang đi xuống mương đấy. - Này, có ý kiến đi, đại ca, - mụ Vọ nói với lão Thầy Đồ - lão bảo nên làm thế nào bây giờ, lão Trùm?… Lão câm rồi à? - Hôm nay thì chịu, chẳng làm gì được nữa đâu! - Tên cướp trả lời. - Thế còn một nghìn franc của ông mặc đồ tang? - Mụ Vọ kêu lên. - Đành để đi tong à? Không thể nào, thế dao của lão đâu? Dao của lão đâu, đại ca? Tao sẽ giết phăng con mụ cùng đi cho khỏi vướng, còn con bé kia, tao và Tập Tễnh sẽ nhét giẻ vào miệng nó. - Nhưng ông mặc đồ tang không muốn có ai bị giết, vậy thì chúng ta sẽ coi cái mạng ấy là một khoản phải thêm trong bản thanh toán mà ông ta phải trả cho chúng ta, nếu ông ta không muốn là tòng phạm. - Chúng nó đó!… Chúng đang đi xuống. - Thằng Tập Tễnh thì thầm. - Này bà Vọ, - thằng Tập Tễnh sợ hãi kêu lên, giơ hai tay về phía mụ Vọ - giết nó ư, thật là quá! Ôi! Không, không! - Con dao của lão! Tao đã bảo mà… - Mụ Vọ nói rất khẽ, không để ý đến lời can ngăn của thằng Tập Tễnh và vội vàng cởi giày ra. - Tao tháo giày ra, - mụ nói tiếp - để có thể nhẹ nhàng theo sau tóm cổ nó. Trời đã tối rồi nhưng tao vẫn nhận ra con bé khoác áo choàng và tao sẽ giết con kia. - Không! Hôm nay không được việc đâu! Nhất định sẽ phải để ngày mai! - Tên cướp nói. - Lão sợ hả? Đồ hèn! - Mụ Vọ nói với thái độ khinh bỉ dữ dội. - Tao không sợ đâu, - lão Thầy Đồ trả lời - nhưng mụ có thể không thành công và sẽ làm hỏng bét. Con chó đi theo, đánh hơi thấy bọn cướp nấp ở chỗ đường trũng, nó dừng lại, sủa như điên và không chịu nghe theo tiếng gọi lặp lại nhiều lần của Marie. - Lão có nghe tiếng chó của bọn chúng sủa không? Chúng nó kia rồi, nhanh lên, dao của lão đâu, nếu không… - Mụ Vọ lên tiếng đe dọa. - Vậy thì lại đây mà dọa! - Lão Thầy Đồ nói. - Hỏng rồi, quá muộn rồi! - Mụ Vọ kêu lên sau một lúc chăm chú lắng nghe. - Chúng đã đi qua rồi… lão sẽ phải trả giá! Cút đi, đồ chết treo! - Mụ giận dữ vừa nói vừa giơ quả đấm về phía tên đồng bọn. - Vì lão mà mất toi một nghìn franc đấy. - Một nghìn, hai nghìn, ba nghìn trái lại vẫn có thể kiếm được. - Lão Thầy Đồ nói với giọng quyền lực. - Hãy nghe tao mụ Vọ, - lão nói tiếp - mụ sẽ hiểu liệu tao không đưa dao cho mụ có phải là sai lầm không… Mụ sẽ cùng Cá Trê đưa xe quay lại chỗ ông mặc áo tang, nói với ông ta là hôm nay không thể làm gì được, nhưng ngày mai nhất định sẽ xong việc. - Thế còn lão? - vẫn chưa nguôi cơn thịnh nộ, mụ Vọ lẩm bẩm. - Nghe tiếp đây, con bé chiều nào cũng một mình đến gặp lão cha xứ. Nếu hôm nay nó gặp người nào đó thì chỉ là sự tình cờ, chắc ngày mai chúng ta sẽ gặp may. Ngày mai mụ sẽ trở lại đây vào giờ này ở ngã tư với Cá Trê và xe ngựa. - Thế còn lão thì sao? - Thằng Tập Tễnh sẽ dẫn tao đến chỗ trang trại con bé ở. Thằng nhóc sẽ nói rằng bọn tao bị lạc, rằng tao là bố nó, một người thợ máy nghèo bị mù vì tai nạn, rằng bọn tao đi Louvres* đến nhà một người họ hàng có thể giúp đỡ bọn tao, rằng bọn tao lạc trong cánh đồng vì muốn đi đường tắt. Bọn tao xin được ngủ lại ở trang trại trong một góc chuồng bò. Chuyện đó chắc sẽ không bị từ chối, những người ở đó sẽ tin như thế và cho bọn tao ngủ nhờ. Thằng Tập Tễnh quan sát kĩ các cửa ra vào, cửa sổ và lối đi trong nhà. Chắc bọn này sẵn tiền, gần đến ngày nộp tô mà. Tao, xưa tao cũng có đất, - lão nói giọng cay đắng - tao hiểu chuyện đó. Chúng ta đang ở thượng tuần tháng Giêng, đây là thời điểm tốt, thời điểm mà hạn trả đã đến… Trang trại, như mụ nói, nằm ở nơi vắng vẻ, một khi đã thông tỏ đường ra lối vào, ta có thể trở lại đó với đồng bọn, đây là một vụ cần chuẩn bị kĩ… Một cung điện cũ của hoàng gia Pháp nằm ở bờ phải sông Seine, thuộc trung tâm thành phố Paris. - Vẫn xứng là trùm, nhiều bản lĩnh thật! - Mụ Vọ dịu giọng nói. - Nói tiếp đi, đại ca. - Sáng mai, lẽ ra phải rời trang trại, tao sẽ bịa ra một bệnh làm tao không thể nào bước đi được. Nếu họ không tin, tao sẽ chỉ cái vết thương còn lại từ ngày tao phải “xiềng” mà cho đến giờ vẫn chưa hết đau. Tao sẽ nói đó là vết bỏng mà tao đã bị một thanh sắt nung đỏ chạm phải khi đang làm thợ máy, người ta sẽ tin tao. Như thế tao sẽ ở lại trang trại, gắng để thằng Tập Tễnh có đủ thời giờ quan sát kĩ mọi nơi cho đến chiều, lúc con bé ra đi với cha xứ như thường lệ, tao sẽ nói là tao đã khá hơn và có thể rời đi. Thằng Tập Tễnh và tao sẽ theo sát con bé từ xa, bọn tao sẽ chờ nó ở đây, trong rãnh này. Đã biết bọn tao, chắc con bé không nghi ngờ gì khi gặp lại, bọn tao sẽ lại gần nó và một khi nó ở trong tầm tay tao và thằng Tập Tễnh, nó sẽ bị tóm và món tiền một nghìn franc sẽ về tay ta. Chưa hết, trong hai hoặc ba ngày, chúng ta có thể thông báo tình hình trong trang trại cho Cá Trê hoặc những đứa khác và ăn chia với chúng nếu trúng quả, bởi vì chính ta đã tăm trước kia mà. - Này lão không đồng tử, không ai cừ bằng lão - mụ Vọ vừa nói vừa ôm hôn lão Thầy Đồ. - Nhưng nếu chiều mai con bé không đưa cha xứ về thì sao? - Thì chúng ta lặp lại chiều hôm sau. Đó là miếng mồi không cần ăn sống nuốt tươi, vả chăng như vậy sẽ tăng thêm chi phí cho bản thanh toán của ông mang đồ tang. Vả lại, khi ở trong trang trại, tao sẽ xem xét cẩn thận, sau khi đã nghe ngóng, xem liệu chúng ta có may mắn tóm được con bé bằng cách đã định hay không, nếu không, chúng ta sẽ tìm cách khác. - Được đấy, ông lão của tao! Kế hoạch của lão tuyệt lắm. Vậy đại ca, sau khi lão trở thành tàn tật hoàn toàn, lão chỉ cần làm cố vấn cho bọn cướp thì cũng sẽ kiếm nhiều tiền như bọn luật sư. Nào, hôn mụ Vọ của lão đi nào, nhanh lên… Bọn nông dân ấy ngủ sớm như gà. Tao chạy đi tìm Cá Trê đây. Sáng mai lúc bốn giờ, tao sẽ ở chỗ ngã tư đường với gã và xe ngựa, ít ra là từ đây đến đó người ta không bắt gã vì đã giết chồng chị bán sữa ở phố Vieille-Draperie. Nhưng nếu không phải gã thì là một người khác, bởi vì chiếc xe là của ông quý tộc mang tang, người đã dùng nó. Mười lăm phút sau khi đã đến ngã tư, tao sẽ ở đây chờ lão. - Nhất trí!… Ngày mai, mụ Vọ nhé! - Tao quên chưa đưa sáp cho thằng Tập Tễnh để nếu cần thì lấy dấu cái khóa trong trang trại! Này, mày biết dùng cái này không hả? - Mụ Vọ vừa cười vừa đưa một miếng sáp cho thằng Tập Tễnh. - Được, được, bố tôi đã dạy tôi. Tôi đã lấy cho bố tôi dấu lỗ khóa chiếc hộp nhỏ bằng sắt của ông chủ tôi, lão lang băm ấy cất trong buồng tối. - Hay quá! Và để sáp khỏi dính, nhớ phải ủ ấm sáp trong lòng bàn tay để thấm ướt nó. - Biết rồi, biết rồi! - Thằng Tập Tễnh nói. - Nhưng bà biết đấy, tôi sẽ làm tất cả những gì bà đã dặn tôi… Vì bà đã yêu tôi chút xíu, phải không? - Tao yêu mày chứ!… Tao yêu mày như tao đã được cố đại đế Napoléon để lại mày cho tao! - Mụ Vọ vừa nói vừa ôm hôn thằng Tập Tễnh, phỉnh nó như con vua cháu chúa. - Ngày mai nhé… Đại ca! - Mai nhé! - Lão Thầy Đồ nhắc lại. Mụ Vọ quay lại chỗ chiếc xe ngựa. Lão Thầy Đồ và thằng Tập Tễnh ra khỏi đường trũng và đi về phía trang trại: ánh sáng lọt qua các cửa sổ giúp chúng định hướng. Một định mệnh lạ kỳ đã đưa Anselme Duresnel đến với vợ lão, người mà lão chưa hề gặp lại từ ngày bị kết án khổ sai. CHƯƠNG IV TRÒ CHUYỆN TRONG BỮA TỐI Còn gì thú vị hơn khi thấy quang cảnh nhà bếp trong một trang trại lớn vào giờ ăn tối, nhất là về mùa đông? Còn gì gợi lại hơn sự êm ấm và thoải mái của cuộc sống thôn dã? Người ta có thể tìm thấy không khí đó khi đi vào nhà bếp của trang trại Bouqueval. Trong lò sưởi rực cháy những khúc gỗ dẻ và sồi. Cục than đỏ rực khổng lồ ấy tỏa ra ánh sáng và sức nóng át hẳn ánh đèn treo trên xà chính của trần nhà. Một chiếc bàn dài, lớn, trải chiếc khăn bằng vải thô cứng rất sạch đặt ở giữa phòng. Chỗ ngồi của mỗi người được ghi nhận bằng những chiếc bát bằng sứ lòng trắng da nâu và bộ đồ ăn bằng sắt, bóng như bạc. Ở giữa bàn là một nồi xúp rau tỏa khói và một đĩa lớn dưa bắp cải thái nhỏ trộn giăm-bông, một đĩa khác to không kém đựng món ra-gu thịt cừu khoai tây, một phần tư con bê quay đặt cạnh hai đĩa rau xà lách, hai giỏ khoai và hai bánh pho-mát làm hoàn chỉnh sự phong phú, hài hòa của bữa ăn. Ba hoặc bốn bình rượu to nổi bọt, nhiều ổ bánh mì lớn như những thớt cối xay, dành cho những người tá điền ăn thỏa thích. Một con chó béc-giê già, móng đen, gần như rụng hết răng, được phép nằm bên một góc lò sưởi, theo dõi chăm chú mọi công việc bếp núc. Con chó đáng mến đó xứng đáng với cái tên ít mang tính mục ca - Lysandre. Thường ngày, những người trong trang trại này mặc dù rất giản dị vẫn ít nhiều được phong lưu, bà Georges luôn cố gắng cải thiện số phận của những người giúp việc được chọn lựa cẩn thận trong số những người thật thà, cần cù. Vì vậy được nhận làm tá điền trong ấp Bouqueval là mục tiêu của tất cả thợ cày trong vùng. Rodolphe tạo ra trong một quy mô nhỏ như thể một trang trại kiểu mẫu, không phải chỉ cải tiến cách chăm nuôi súc vật và các nông cụ mà chủ yếu là cải thiện con người, và ông đã đạt mục đích đó bằng cách quan tâm làm sao cho con người trở nên trung thực, hoạt bát và thông minh. Sau khi chuẩn bị xong bữa ăn tối và đặt trên bàn một bình rượu vang cũ dùng khi tráng miệng, chị nấu bếp gõ chuông. Nghe hiệu gọi vui mừng đó, những thợ cày, người hầu, người vắt sữa, người chăn nuôi gia cầm, khoảng mười hai đến mười lăm người, vui vẻ đi vào bếp. Các ông thì cởi mở, các bà thì tươi cười, các cô gái thì tươi tắn vui vẻ. Tất cả những bộ mặt bình dị đó đều thể hiện một tâm trạng vui vẻ, bình thản và thỏa mãn. Họ vào bàn ăn, hài lòng, thực sự thoải mái sau một ngày lao động vất vả. Phía đầu bàn là chỗ ngồi của một bác thợ cày già, tóc đã bạc, nét mặt chất phác, mắt nhìn thẳng thắn, mạnh dạn, hóm hỉnh, kiểu người nông dân tốt bụng, kiên nghị, thẳng thắn, trong sạch, chất phác và tinh ranh, tính chất thuần Gaulois xa xưa. Bố Châtelain, tên ông già khôn ngoan lịch lãm này, sống trong trang trại từ nhỏ, nay được cử làm người quản lý thợ cày. Khi Rodolphe mua trang trại, người đầy tớ già này vốn được ông chủ cũ quý mến, tin cậy nên chủ mới đã giữ ông già lại và giao cho ông, dưới quyền bà Georges, làm người tổng giám sát công việc đồng áng. Bố già Châtelain sẵn có uy tín lớn đối với những người làm công trong trang trại do tuổi tác, sự hiểu biết và kinh nghiệm. Tất cả mọi người ngồi vào bàn ăn. Sau khi đã cao giọng cầu kinh Benedicite, ông già Châtelain, theo phong tục lâu đời, lấy mũi dao rạch một hình chữ thập trên một trong những chiếc bánh mì, cắt ra một miếng tượng trưng cho phần của Đức mẹ hoặc phần của kẻ nghèo, tiếp theo ông rót một cốc rượu vang cũng với mục đích cầu nguyện đó rồi để tất cả trên một chiếc đĩa và đặt một cách trịnh trọng giữa bàn. Vào lúc đó, đàn chó canh gác bỗng sủa vang, con chó già Lysandre đáp lại bằng một tiếng rống, mép cong lên để lòi ra hai hoặc ba chiếc răng còn khá vững. - Có người nào đó đi dọc bức tường ngoài sân chăng? - Ông già Châtelain hỏi. Ông chưa nói hết lời thì ở cửa lớn vang lên tiếng chó sủa. - Ai mà tới muộn thế nhỉ? - Người nông dân già nói. - Mọi người đã trở về cả rồi… Hãy cứ ra xem sao, Jean-René. Jean-René là cậu thanh niên trong trang trại, tiếc rẻ bỏ lại trên đĩa một thìa canh lớn, nóng hổi mà anh đang thổi mạnh, và đi ra khỏi bếp. - Này, đã lâu lắm, đây là lần đầu tiên bà Georges và cô Marie không đến ngồi ở góc lò sưởi dự bữa cơm tối với chúng ta. Tôi đói thật đấy nhưng tôi cảm thấy ăn cũng kém ngon. - Bố Châtelain nói. - Bà Georges lên phòng cô Marie vì ở nhà cha xứ về cô thấy hơi mệt và đã đi nằm. - Claudine, cô gái to lớn, người đã đưa Marie từ tu viện về, trả lời, không hề biết là mình đã phá vỡ những âm mưu đen tối của mụ Vọ. - Cô Marie tốt bụng chỉ khó ở thôi… cô ấy không ốm phải không? - Ông già tá điền lo lắng hỏi. - Không, không! May thay! Bố Châtelain ạ, bà Georges nói là không có chuyện gì hệ trọng đâu, - Claudine nói tiếp - nếu không thì đã cho người đi tìm ông David ở Paris, ông thầy thuốc da đen đó… người đã chữa cho cô Marie mỗi khi cô ấy ốm. Thật kỳ lạ, một ông thầy thuốc da đen! Nếu là chữa cho tôi thì tôi chẳng tin cậy lắm đâu. Được một thầy thuốc da trắng thì may quá! Mà lại là người theo đạo Ki-tô nữa. - Thế ông David đã chẳng chữa khỏi cho cô Marie khi cô ấy bị suy nhược hồi mới đến đây đó sao? - Đúng, bố Châtelain ạ, nhưng một thầy thuốc da đen cũng có đôi chút dễ sợ. - Chẳng phải ông David đã chữa cho bà Anique bị vết thương ở chân suốt ba năm chỉ loanh quanh trên giường là gì? - Đúng, đúng, bố Châtelain ạ… nhưng một thầy thuốc da đen… bố cứ nghĩ xem… đen ngỏm đen ngòm… - Này, hãy nghe đây, con gái của bố, thế con bò cái tơ Musette của con, màu gì? - Trắng, bố ạ, trắng như một con thiên nga, tốt sữa phải biết. - Thế con bò cái tơ Rosette? - Đen như một con quạ, bố ạ, tốt sữa lắm. - Thế sữa của con bò đen ấy màu gì? - Màu trắng… bố Châtelain ạ… đơn giản thôi, trắng như tuyết ấy. - Cũng trắng và cũng tốt như sữa con Musette chứ? - Vâng ạ. - Mặc dù Rosette lông đen? - Mặc dù Rosette lông đen… Dẫu con bò cái lông đen, đỏ hoặc trắng, thì chuyện ấy có can hệ đến sữa của nó ư? - Không sao cả chứ? - Không sao cả, bố Châtelain ạ. - Ấy vậy thì, con gái của bố ơi, tại sao lại không muốn một thầy thuốc da đen giỏi bằng một thầy thuốc da trắng? - Chúa ôi, bố Châtelain ạ, đó là đối với màu da - cô gái nói sau một lát suy nghĩ sâu xa. - Nhưng trong thực tế con Rosette đen mà sữa của nó vẫn tốt như sữa của con Musette trắng, thì màu da có ảnh hưởng gì đâu. Những suy nghĩ chỉ căn cứ vào bề ngoài của Claudine xung quanh những màu da khác nhau bị cắt đứt, vì Jean René vừa nói vừa đi vào bếp: - Thời tiết này thì chỉ ở trong nhà là hơn, ôi, rét làm sao! - Giá rét bắt đầu bằng giá đông, sẽ rét đậm và kéo dài, con nên hiểu điều đó, con trai của bố. Nhưng ai gọi cửa thế? - Ông già nông dân hỏi. - Một ông già mù nghèo khổ và một thằng bé dẫn ông ta đi, bố Châtelain ạ. CHƯƠNG V NGỦ TRỌ - Ông già mù đó muốn gì? - Bố Châtelain hỏi Jean-René. - Ông già mù đó cùng với đứa con trai đi Louvres nhưng lạc đường, trời quá rét và tối đen như mực, hai bố con họ muốn xin ngủ lại trong trang trại, trong một góc chuồng bò. - Bà Georges rất tốt bụng, bà không bao giờ từ chối những người nghèo khổ xin ở trọ; bà sẽ đồng ý, chắc chắn như thế, nhưng phải thưa trước với bà. Đi đi, Claudine. Claudine ra khỏi phòng. - Họ chờ ở đâu? - Bố Châtelain hỏi. - Trong kho lúa nhỏ. - Sao mày lại đưa họ vào kho lúa? - Nếu họ ở ngoài sân thì lũ chó sẽ xơi cả hai bố con. Vâng, bố Châtelain ạ. Con đe mãi: “Khôn nào, Médor, nào Turc, nào Sultan…” Chưa bao giờ chúng lồng lên như thế. Mà ở trang trại này, có ai dạy chúng cắn người nghèo như ở nhiều nơi khác đâu… - Quả thật, các con ạ, phần cho người nghèo tối nay đã sẵn, hãy ngồi chật một chút… Được… thế thì dành chỗ cho hai bố con họ. Đặt thêm hai bộ đồ ăn nữa, một cho ông già, một cho đứa con ông ta vì chắc chắn bà Georges sẽ cho họ ở lại. - Thật không hiểu sao lũ chó lại cắn dữ thế. - Jean-René nói. - Nhất là con Turc mà Claudine dắt theo khi đến tu viện… nó như bị ma ám. Vừa nựng cho nó im đi, con thấy lông gáy của nó dựng ngược như lông nhím. Bố bảo như thế là thế nào? Hả bố? Cái gì bố cũng biết kia mà. - Ta nói, con ạ, ta hiểu hết mọi chuyện nhưng lũ chó còn biết hơn ta… Vào cơn bão mùa thu năm ấy, trận bão đã biến dòng sông bé thành thác, lúc ta trở về trong đêm tối đen như mực, với những con ngựa kéo cày, ta ngồi trên lưng con ngựa già lông trắng pha đỏ sẫm, bờm đen, không biết đường nào mà đi, vì có trông thấy gì nữa đâu, cứ như trong hang ấy. Ta đã buông lỏng cương, và nó đã tự tìm được đường về… Thế thì ai dạy cho nó như thế? - Phải đấy, bố Châtelain ạ. Ai dạy cho con ngựa bờm đen, lông màu pha đó? - Người đã dạy cho con chim én làm tổ trên mái nhà, cho chim chìa vôi làm tổ giữa đám lau sậy đấy con ạ. À mà, Claudine, - ông già bảo với cô gái vắt sữa vừa trở vào phòng, ôm theo hai khăn trải giường trắng muốt tỏa mùi thơm mát - bà Georges đã cho phép hai bố con ông già mù ăn tối và ngủ lại đây đêm nay, phải không? - Vâng, đây là hai chiếc khăn trải giường trong phòng nhỏ ở đầu hành lang. - Claudine nói. - Bảo họ vào đây, Jean-René. Còn con gái của bố hãy đặt hai chiếc ghế gần lò sưởi để họ sưởi ấm một lát trước khi vào bàn ăn… vì đêm nay trời rét dữ. Người ta lại nghe tiếng chó sủa dữ dội và tiếng Jean René đe chúng. Cửa nhà bếp bật mở, lão Thầy Đồ và thằng Tập Tễnh kêu lên: - Chúng suýt cắn bọn tôi đó. - Chúng đã cắn rách một mảnh áo tôi - thằng Tập Tễnh nói, xanh mắt vì sợ hãi. - Xin lỗi ông già nhé, - Jean-René vừa nói vừa khép cửa lại - nhưng chưa bao giờ tôi thấy lũ chó của chúng tôi dữ đến thế, chắc là trời quá lạnh đã kích thích chúng. Lũ chó chẳng hiểu gì cả, có lẽ chúng muốn nhảy lên cắn cho đỡ lạnh đấy! - Bây giờ đến lượt con này - người tá điền vừa nói vừa ngăn con chó già Lysandre đang gầm gừ định nhảy xổ vào hai người mới đến. - Nó đã nghe những con chó khác sủa như điên, nó cũng muốn bắt chước. Mày có nằm yên ngay không? Con chó già hung bạo… mày có muốn… - Vừa nói bố Châtelain vừa đá nó một cái, con Lysandre lùi về chỗ cũ ở góc lò sưởi mà vẫn chưa thôi gầm gừ. Lão Thầy Đồ và thằng Tập Tễnh đứng yên ở cửa bếp, không dám bước vào. Quàng một chiếc áo khoác xanh, cổ lông, mũ chụp xuống tận mắt che kín cả vầng trán, tên cướp cầm tay thằng Tập Tễnh và nép sát vào nó; nó nhìn những người nông dân một cách nghi ngại, trước mặt những người lương thiện ấy, thằng Tập Tễnh hoang mang và hơi sợ hãi. Bọn người xấu có những húy kỵ cũng như ghê tởm những thiện cảm của chúng. Nét mặt lão Thầy Đồ gớm ghiếc đến nỗi những người trong trang trại phải chú ý, người thì khó chịu, người thì khiếp sợ; cảm giác của họ không qua khỏi con mắt của thằng Tập Tễnh, sự sợ hãi của những người nông dân làm nó yên tâm. Nó thấy tự hào về nỗi khiếp sợ mà người đi cùng nó gây ra cho họ. Sự xúc động ban đầu đã qua, bố Châtelain chỉ còn nghĩ đến việc thực hiện nhiệm vụ của mình, ông nói với lão Thầy Đồ: - Ông lão ơi! Ông hãy ngồi xích lại gần lò sưởi, sưởi ấm rồi ăn tối với chúng tôi vì ông đã đến đúng lúc chúng tôi ngồi vào bàn. Này, ông hãy ngồi vào đây. Nhưng mà đầu óc tôi để đâu nhỉ? - Ông già Châtelain nói thêm. - Không phải với ông mà tôi phải nói với con trai ông kia, vì ông không may đã bị mù. Này cháu, cháu hãy dẫn bố cháu lại gần lò sưởi đi! - Thưa ông, vâng ạ. - Thằng Tập Tễnh trả lời bằng giọng khéo léo và đạo đức giả. - Cầu Chúa sẽ ban phước lành cho ông! Hãy theo con, cha tội nghiệp của con, theo con… cẩn thận đấy cha ạ! - Và thằng bé dẫn lão kẻ cướp đi. Cả hai đến bên lò sưởi. Đầu tiên con Lysandre gầm gừ, nhưng khi đánh hơi lão Thầy Đồ một lúc, nó bỗng sủa lên một tiếng rùng rợn như thể có tử khí. - Nguy chưa! - Lão Thầy Đồ tự nhủ. - Nó đánh hơi thấy máu chăng, con vật đáng nguyền rủa kia? Ta vẫn mặc chiếc quần hôm giết lão lái bò… - Này, thật kỳ lạ, - Jean-René nói khẽ - con Lysandre thấy hơi ông già này là rống lên như khi có tử khí. Ngay lúc đó, một chuyện lạ xảy ra. Tiếng sủa của con Lysandre sắc gọn, rền rĩ đến nỗi các con chó khác nghe thấy (sân trại chỉ cách bếp bởi một cửa sổ có kính) và theo thói quen của loài chó, chúng nhất loạt sủa theo rền rĩ. Mặc dù ít mê tín, người trong trang trại lo sợ nhìn nhau. Một người mà họ đã không thể chú ý nhìn mà không ghê sợ đi vào trang trại. Thế là lũ chó từ trước đến giờ đang yên lành trở nên giận dữ, tru vang thê thảm, dường như báo trước có chết chóc, theo tín ngưỡng của dân thường. Ngay cả lão ăn cướp cũng vậy, dù đã chai sạn, táo bạo, hung dữ, lão cũng phải run rẩy một hồi trước những tiếng chó tru quái gở, rùng rợn, đột khởi khi lão thoạt bước chân vào, cái lão sát nhân ấy. Thằng Tập Tễnh, hoài nghi, trâng tráo như một đứa trẻ của thành Paris có thể nói là đã lêu lổng từ lúc còn nhỏ, thì cứ dửng dưng trước cái ấn tượng tinh thần mà cảnh tượng ấy gây nên. Không sợ bị chó cắn nữa, thằng oắt con hay trêu chọc ấy coi thường cái điều làm cho người trong trang trại rụng rời và làm cho Thầy Đồ rùng mình sợ hãi. Thật vậy, điều diễn ra thật khác thường. Trạng thái sững sờ ban đầu qua đi, Jean-René đi ra ngoài và người ta nghe tiếng roi quất vun vút làm tan biến những linh cảm ghê rợn của lũ chó Turc, Sultan và Médor. Dần dần bộ mặt buồn rầu của các tá điền tươi tỉnh lại, một lát sau bộ mặt xấu xa đáng sợ của lão Thầy Đồ gây cho họ lòng thương hại hơn là khiếp sợ. Họ thương thằng Tập Tễnh bị tàn tật, thấy được bộ mặt tinh quái, khá thông minh và khen ngợi sự chăm sóc ân cần mà nó dành cho ông bố. Sao nhãng một lúc, họ sực nhớ đến bữa ăn, càng không hám đói, và người ta chỉ còn nghe sau đó những tiếng thìa dĩa. Vừa chăm chú thưởng thức những món ăn thôn dã, những người tá điền nam và nữ cảm động chú ý đến sự săn sóc của thằng bé đối với ông già mù mà người ta xếp cho nó ngồi bên cạnh. Thằng Tập Tễnh tìm ra một hứng thú độc địa trong việc trêu chọc lão Thầy Đồ, noi gương mụ Vọ mà nó tự hào đã bắt chước y chang, cái mụ mà nó yêu mến thực sự. Tại sao thằng bé tai quái đó lại cảm thấy sung sướng với chút yêu thương giả tạo mà mụ Vọ tỏ ra? Tại sao nó có thể rung cảm với kỷ niệm xa xôi về những trìu mến của mẹ nó? Đó là một trong nhiều sự dị thường thỉnh thoảng vẫn gặp và may mắn làm sao lại phá vỡ tính đơn nhất của tội ác. Như chúng tôi đã nói, chẳng khác gì mụ Vọ, thằng Tập Tễnh cảm thấy vô cùng thích thú vì nó gầy yếu như thế mà lại buộc được một con mãnh hổ phải ngoan ngoãn cho nó tha hồ hành hạ. Nó lựa lúc thuận lợi nhất giáng cho lão già một cú đá dưới gầm bàn, vào đúng cái vết thương đã rất cũ mà lão Thầy Đồ cũng như mọi tên tù khổ sai phải chịu đựng ở chân phải, ở đúng vị trí mà người ta đặt chiếc cùm trong thời kỳ bị giam. Lão kẻ cướp phải có một sức chịu đựng phi thường mới giấu nổi sự đau đớn mỗi khi thằng Tập Tễnh đá phải. Con quái vật tí hon này muốn đặt nạn nhân của mình trong một tình thế gian nan hơn nữa, đã chọn đúng lúc lão Thầy Đồ đang uống hoặc đang nói để thực hiện mưu đồ. Tuy nhiên tên cướp vẫn giữ được thái độ tự nhiên. Lão nén được tức giận và đau đớn một cách tài tình, nghĩ rằng (và thằng Tập Tễnh biết rõ điều đó) sẽ vô cùng nguy hiểm cho việc thực hiện thành công ý đồ của lão, nếu lão để người khác đoán được chuyện gì đang diễn ra dưới gầm bàn. - Này, cha thân yêu, đây là một quả hồ đào được gọt sẵn. - Thằng Tập Tễnh vừa nói vừa đặt vào đĩa của lão Thầy Đồ một quả đã đập vỡ. - Tốt lắm, con ạ. - Bố Châtelain nói, rồi bảo với tên cướp. - Thật đáng thương, ông già tội nghiệp, nhưng ông đã có một đứa con rất tốt… mong điều đó cũng an ủi ông đôi phần. - Dạ, dạ, nỗi đau khổ của tôi thật là lớn và nếu không có sự chăm sóc của thằng con yêu quý thì… tôi… Lão Thầy Đồ không thể giữ nổi một tiếng kêu đau đớn, thằng con lão Cánh Tay Đỏ đã đá trúng chỗ đau nhất của vết thương, đau không thể nào chịu nổi. - Lạy Chúa, có chuyện gì thế cha? - Thằng Tập Tễnh kêu lên một tiếng cảm động và đứng lên ôm lấy cổ lão Thầy Đồ. Trong phút đầu tức giận điên người, tên cướp muốn bóp cho thằng bé phải chết ngạt trong đôi tay hộ pháp. Lão đã ôm ghì thằng bé vào ngực làm cho nó tức thở bật ra một tiếng rên nặng nề. Nhưng vụt nghĩ rằng mình không thể thiếu được thằng Tập Tễnh nên lão Thầy Đồ đã tự kiềm chế và đẩy thằng bé xuống ghế. Qua tất cả những cái đó, những người nông dân chỉ nhận thấy sự giao lưu tình cảm đằm thắm cha con. Nét mặt tái mét và sự tức thở của thằng Tập Tễnh đối với họ dường như là biểu hiện cảm động của thằng con hiếu thảo. - Ông già của tôi làm sao thế? - Bố Châtelain hỏi. - Tiếng kêu của ông vừa rồi đã làm cho thằng con ông tái mặt. Tội nghiệp thằng bé này, nó gần như ngạt thở. - Không có chuyện gì đâu. - Lão Thầy Đồ vừa lấy lại bình tĩnh vừa trả lời. - Đấy là do nghề làm thợ máy của tôi. Thời gian gần đây khi lấy búa đập một thanh sắt đỏ, tôi đã để thanh sắt rơi vào chân, bị bỏng nặng, vết thương đến nay vẫn chưa lành hẳn. Ban nãy tôi va phải chân bàn nên không nén nổi một tiếng kêu đau đớn. - Tội nghiệp cha! - Thằng Tập Tễnh đã hoàn hồn, ném một cái nhìn ma quái vào lão Thầy Đồ. - Cha tội nghiệp! Thật đúng như vậy, thưa các vị, không ai chữa nổi vết thương đó cho cha tôi… Than ôi! Không, không thể nào! Ôi! Tôi rất muốn chịu đau đớn thay cho người cha tội nghiệp này. Các chị nông dân nhìn thằng Tập Tễnh thông cảm. - Này ông già đau khổ, - bố Châtelain nói - thật không may cho ông đã không có mặt ở trang trại này cách đây ba tuần, để mãi tới hôm nay mới đến. - Vì sao thế ạ? - Vì khi đó chúng tôi có một bác sĩ từ Paris tới, có món thuốc thần chữa bệnh đau chân. Một bà già nhân hậu bị què, không đi được đã ba năm, ông bác sĩ đó đã cho bà ta một thứ thuốc bôi vào vết thương… Bây giờ bà ta đã chạy khắp nơi và hứa một ngày gần đây bà ta sẽ đi bộ đến phố Gái Góa ở Paris để cảm ơn người đã chữa cho bà ta. Từ đây đến đó là một đoạn đường dài đấy. Nhưng ông sao vậy, lại đụng vào vết thương chết tiệt đó sao? Những tiếng “phố Gái Góa” làm cho lão Thầy Đồ nhớ lại những kỷ niệm khủng khiếp, lão không thể không rùng mình, nét mặt hung dữ nhăn nhúm. - Thật vậy, - lão trả lời, cố lấy lại sự bình tĩnh - lại một cơn đau nữa nhói lên. - Cha yêu quý, hãy bình tĩnh, ngay đêm nay con sẽ rửa ráy cẩn thận vết thương ở chân cho cha. - Thằng bé tội nghiệp, - Claudine nói - nó yêu cha nó biết bao! - Thật đáng tiếc, - bố Châtelain nói với lão Thầy Đồ - tiếc rằng ông thầy thuốc đáng kính ấy lại không có mặt ở đây. Nhưng tôi nghĩ, ông ấy vừa nhân đức vừa thông thái. Khi nào trở lại Paris, ông bảo thằng bé dẫn đến chỗ ông bác sĩ ấy. Ông ấy sẽ chữa khỏi cho ông, tôi chắc chắn thế. Địa chỉ của ông ấy không khó nhớ lắm đâu: Đường Gái Góa, số 17. Nếu ông quên số nhà… không hề chi, ở đấy không có nhiều bác sĩ đâu, và nhất là bác sĩ người da đen… Và ông hãy hình dung là ông ấy đen, cái ông bác sĩ David tuyệt vời đó. Mặt lão Thầy Đồ chằng chịt sẹo nên người ta không thấy nó tái xanh. Tất nhiên là lão ta xanh mặt… xanh ghê gớm khi nghe đến số nhà của Rodolphe và sau đó lại đến David, người bác sĩ da đen… Người bác sĩ da đen đó, theo lệnh của Rodolphe, đã bắt lão phải chịu một hình phạt ghê rợn, mà lúc nào lão cũng phải chịu những hậu quả khủng khiếp. Đó là một ngày đau buồn đối với lão Thầy Đồ. Buổi sáng, lão đã phải chịu những hình phạt của mụ Vọ và thằng Tập Tễnh, đến trang trại thì bị đàn chó sủa rống lên trước bộ mặt giết người của lão và định xé xác lão, cuối cùng, sự tình cờ lại đưa lão vào một nhà mà vài ngày trước kẻ thù của lão đã ở đấy. Tách biệt những tình tiết ấy cũng thừa đủ để lần lượt kích thích lão nổi giận hoặc hoảng sợ, nhưng mà dồn dập như thế trong khoảng vài tiếng đồng hồ thì quả là những cú mãnh liệt cho lão. Lần đầu tiên trong đời, lão mới cảm thấy một thứ khủng khiếp quái dị như thế… lão tự hỏi, phải chăng chỉ do tình cờ thôi mà những sự kiện kỳ dị đã xảy ra như vậy. Bố Châtelain không nhận ra sắc mặt tái nhợt của lão Thầy Đồ. - Vả chăng, ông già của tôi ơi, khi nào ông về, người ta sẽ cho con trai ông địa chỉ của bác sĩ và sẽ yêu cầu ông ấy chữa cho ông. Ông ấy rất tốt… rất tốt! Phiền một nỗi là ông ấy lúc nào cũng có vẻ buồn. Nhưng này, uống một cốc chúc mừng sức khỏe vị cứu tinh tương lai của ông đi. - Cảm ơn ông, tôi đã hết khát. - Lão Thầy Đồ trả lời với thái độ buồn rầu. - Uống đi, cha thân yêu! Uống đi, cha sẽ cảm thấy dễ chịu… - Thằng Tập Tễnh vừa nói vừa đặt cốc rượu vào tay lão. - Không, không… tao không muốn uống nữa. - Lão đáp lại. - Không phải loại rượu táo mà tôi đã rót cho ông đâu, đây là loại rượu vang cũ. - Ông già nói tiếp. - Nhiều nhà tư sản không được uống thứ này đâu! Trang trại này không giống như trang trại khác đâu. Ông nghĩ thế nào về trang trại của chúng tôi? - Rất tốt. - Lão Thầy Đồ trả lời như một cái máy vì mỗi lúc lão lại chìm sâu vào những ý nghĩ đau buồn. - Này, ngày nào cũng thế này, làm khỏe, ăn ngon, thoải mái và ngủ ngon, bốn chữ đó tóm lại là cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi có bảy người làm ruộng, và không khoác lác đâu, chúng tôi làm bằng mười bốn người và cũng được trả công bằng mười bốn người; cho những người làm ruộng bình thường là một trăm năm mươi đồng écu một năm, cho những người vắt sữa và giúp việc trong trang trại là sáu mươi đồng écu và chúng tôi còn chia một phần năm lợi tức trang trại. Thế chứ! Ông hiểu rằng chúng tôi không để cho đất nghỉ chút nào vì bà mẹ đất đáng thương ấy càng cho nhiều chúng tôi càng được hưởng nhiều. - Ông chủ của các ông không nghĩ đến chuyện làm giàu mà lại ưu đãi cho các ông như thế à? - Lão Thầy Đồ hỏi. - Ông chủ chúng tôi… Ôi! Không phải như các ông chủ khác đâu, ông ấy có cách làm giàu riêng. - Ông muốn nói gì ạ? - Lão già hỏi, muốn trao đổi để gạt đi những ý nghĩ đen tối trong đầu lão. - Ông chủ của ông thật là khác thường. - Khác thường về mọi phương diện, ông già của tôi ạ! Nhưng này, sự tình cờ đã đưa ông đến đây, vì làng này cách xa đường lớn. Có lẽ ông sẽ không bao giờ trở lại đây nữa. Ông sẽ không rời khỏi nơi này mà không hiểu gì về ông chủ của chúng tôi và những gì ông ấy đã làm trong trang trại này. Chỉ vài lời thôi, tôi sẽ kể với ông, với điều kiện là ông sẽ nói lại cho mọi người biết. Ông sẽ thấy, thật bổ ích dù nói hay nghe. - Tôi xin nghe ông đây. - Lão Thầy Đồ nói. CHƯƠNG VI MỘT TRANG TRẠI KIỂU MẪU - Chắc ông sẽ không thấy nhàm tai khi nghe tôi nói đâu. - Bố Châtelain nói với Thầy Đồ. - Ông cứ hình dung xem, một hôm ông chủ của chúng tôi tự nhủ: “Ta rất giàu, tốt lắm, nhưng như vậy ta cũng không thể ăn liền hai bữa, hay là ta cho những người không có ăn được ăn và cho những người tốt được ăn đầy đủ hơn khi họ không có gì để ăn nhỉ? Như thế là hợp lý. Hãy bắt tay vào việc thôi!”… Và ông chủ chúng tôi bắt đầu hành động, ông ấy đã mua trang trại này, trước đó chưa được khai khẩn nhiều và không sử dụng quá hai chiếc cày, tôi biết điều đó vì tôi sinh ra trên mảnh đất này. Ông chủ của chúng tôi đã tăng thêm diện tích đất đai, lát nữa ông sẽ hiểu vì sao. Để quản lý trang trại, ông đã cử một phụ nữ có phẩm hạnh, bà rất đáng trọng cũng như rất đáng thương; lúc nào ông ấy cũng chọn người như thế; và ông ấy bảo bà: “Nhà này sẽ như nhà của Chúa, mở rộng cửa cho những người tốt, kẻ xấu thì không cho vào, xua đuổi những kẻ ăn xin lười nhác, nhưng sẵn sàng bố thí công việc cho những kẻ có nghị lực, của bố thí đó không hạ thấp người nhận và có lợi cho người ban phát, người giàu nào không làm như thế là một người giàu tồi.” Chính ông chủ của chúng tôi đã nói thế, quả ông ấy nói có lý, và ông ấy đã làm nhiều hơn là nói suông, ông ấy hành động. Xưa có một con đường thẳng từ đây đến Écouen, rút ngắn đến hơn một dặm nhưng khốn thay nó đã sụt lở nhiều nên rất khó đi. Thật nguy hiểm cho xe và ngựa. Nếu có một điền chủ nào bỏ tiền và công sức thì con đường sẽ được sửa lại tốt hơn, nhưng không một điền chủ nào chịu bỏ tiền và công sức ra cả. Ông chủ chúng tôi thấy thế, nói: “Con đường sẽ được sửa chữa, nhưng vì lẽ những người có thể góp sức vào thì lại không chịu góp, vì nó gần như là một con đường xa xỉ, nó sẽ có lợi cho những ai có tấm lòng và không có việc làm! Như vậy, chẳng hạn như có gã vạm vỡ gõ cửa trang trại và nói: “Tôi đói và không có việc làm” - “Anh bạn trẻ, đây là một bữa ăn ngon, một cái cuốc và một cái xẻng, người ta sẽ đưa anh đến con đường đi Écouen. Mỗi lần anh hãy làm hai thước đá sỏi và mỗi buổi chiều anh sẽ có 40 xu, mỗi thước 20 xu, nửa thước 10 xu, nếu không anh sẽ không có gì cả.” Lúc chiều tà ở ruộng về, tôi đi kiểm tra con đường và công việc của mỗi người đã làm. - Và khi chúng ta nghĩ là có hai đứa nhẫn tâm, khá đê tiện đã ăn không lại còn ăn cắp cuốc xẻng! - Jean-René phẫn nộ nói. - Như thế thì chỉ làm người ta phát chán mà ngại làm việc tốt. - Đúng đấy! - Một vài người nông dân khác tán thành. - Các con này! - Ông Châtelain nói. - Thậm chí người ta cũng không trồng trọt, không gieo mạ bởi vì có những con bọ, con sâu và nhiều con vật nhỏ khác gặm lá và cắn hạt ư? Không! Không! Người ta sẽ tiêu diệt loài sâu bọ: Chúa nhân từ không dè sẻn đâu! Người sẽ làm nảy mầm non để nảy thêm bông mới, sự thiệt hại được đền bù và người ta sẽ không còn thấy tí dấu vết nào của những con vật phá hoại đã từng có nữa. Có phải thế không, ông già tội nghiệp của tôi? - Người nông dân hỏi lão Thầy Đồ. - Đúng thế! Đúng thế! - Lão Thầy Đồ ra vẻ như trong vài phút qua đã suy nghĩ lung lắm. - Còn về đàn bà và trẻ em thì cũng có những công việc cho họ, hợp với sức khỏe của họ. - Ông Châtelain nói thêm. - Và mặc dù thế, - Claudine, cô vắt sữa, nói - tiến độ làm đường vẫn chưa nhanh. - Chết nỗi, gái ạ! May thay, điều đó chứng tỏ trong vùng này, những con người chịu khó không thiếu việc làm. - Nhưng đối với người tàn tật như tôi chẳng hạn, - lão Thầy Đồ bỗng lên tiếng - không biết có được người ta đồng ý cho một góc trong trang trại, cho một mẩu bánh mì và một chỗ ở trong quãng thời gian sống ngắn ngủi của tôi hay không? Ôi! Nếu có thể được thì, thưa các vị có lòng trung hậu, tôi xin dành cả đời để cảm ơn ông chủ của các vị. Lúc này tên cướp nói một cách thành thật, không phải vì thế mà lão hối hận về những tội ác của lão đâu! Nhưng cuộc sống yên lành, sung sướng của những người nông dân làm lão phải nghĩ đến tương lai khủng khiếp mà mụ Vọ sẽ dành cho mình, cái tương lai mà lão không thể đoán trước được và làm cho lão càng hối tiếc vì đã gọi mụ Vọ, tòng phạm của lão, đến gặp lão, khiến chẳng bao giờ lão có thể sống bên những người lương thiện đã đồng ý với Chọc Tiết cưu mang lão. Ông Châtelain ngạc nhiên nhìn lão Thầy Đồ: - Nhưng ông già tội nghiệp của tôi, tôi không nghĩ rằng ông đã hoàn toàn hết cách xoay xở… - Than ôi! Lạy Chúa, nếu tôi bị mù vì một tai nạn nghề nghiệp… Tôi đến Louvres nhờ cậy một người bà con xa, nhưng, ông hiểu cho, con người ta đôi khi ích kỷ và tàn nhẫn. - Lão Thầy Đồ nói. - Ôi! Không có một tính ích kỷ nào đứng vững được. - Ông Châtelain nói. - Một người tốt và thật thà như ông, đau khổ như ông, với một đứa con ngoan ngoãn như thế, tốt như thế, thì đến đá cũng phải mềm lòng. Nhưng ông chủ đã thuê ông làm trước khi xảy ra tai nạn tại sao lại chẳng giúp gì cho ông? - Ông ta đã chết! - Lão Thầy Đồ trả lời sau một phút ngập ngừng. - Ông ta là người duy nhất bảo vệ tôi. - Thế nhà an dưỡng cho những người mù? - Tôi chưa đến tuổi vào đấy! - Tội nghiệp chưa! Ông thật đáng thương! - Ông ạ! Nếu tôi không tìm được người bà con ở Louvres để nhờ cậy thì ông chủ của ông, một người tôi rất kính mến, mặc dù tôi chưa được quen biết, liệu có cứu giúp tôi không? - Thật đáng buồn, ông hiểu cho, trang trại không phải là nhà an dưỡng. Thường thì ở đây người ta cho những người tàn tật ngủ lại một đêm hoặc ở lại một ngày rồi cho họ một khoản trợ cấp, sau đó thì Chúa sẽ cứu trợ cho họ. - Như thế thì tôi không còn chút hy vọng trông mong vào sự giúp đỡ của ông chủ ông cho số phận buồn tủi của tôi ư? - Tên cướp thở dài luyến tiếc. - Tôi nói với ông như thế là về nguyên tắc, ông già tội nghiệp ạ, nhưng ông chủ của chúng tôi rất thương người, rất rộng lượng, ông ấy có thể làm được tất cả. - Ông tin như thế ư, thưa ông? Rất có thể là ông ấy sẽ cho tôi sống ở đây, trong một góc trại ư? Chỉ cần như thế tôi cũng đủ sung sướng rồi. - Tôi đã nói là ông chủ của tôi có thể làm tất cả. Nếu ông ấy đồng ý cho ông sống ở trang trại này thì không việc gì ông phải sống ở một góc nhà, ông sẽ được đối xử như chúng tôi… như ngày hôm nay. Người ta sẽ tìm cho thằng con ông một việc làm vừa sức với nó. Những lời khuyên hay và những gương sáng không thiếu cho nó. Cha xứ đáng kính của chúng tôi sẽ dạy dỗ nó cùng với những đứa trẻ trong làng, và nó sẽ lớn lên trong điều thiện, như người ta thường nói. Nhưng việc đó phải chờ đến sáng mai thưa chuyện với Đức bà cứu trợ. - Sao cơ ạ? - Chúng tôi gọi bà quản lý của chúng tôi như thế… Nếu bà ấy lưu ý đến ông, công việc của ông chắc sẽ xong thôi. Về chuyện làm điều thiện, ông chủ của chúng tôi chưa bao giờ từ chối. - Ôi, vậy thì tôi sẽ thưa chuyện với bà ấy, tôi sẽ thưa chuyện! - Lão Thầy Đồ reo lên vui vẻ, coi như lão đã thoát khỏi bàn tay bạo ngược của mụ Vọ. Thằng Tập Tễnh xem ra chẳng muốn hưởng ứng cái hy vọng ấy, không cảm thấy sẵn sàng chút nào để nhận những ân huệ của ông già nông dân và lớn lên trong cái thiện dưới sự che chở của một cha xứ đáng kính. Thằng con của Cánh Tay Đỏ vốn có những thiên hướng xa vời với nơi thôn dã, đầu óc lại ít thích chốn điền viên, vả chăng, trung thành với “nghiệp nhà” của mụ Vọ, nó tất sẽ rất bất bình khi thấy lão Thầy Đồ có thể thoát được ách hung bạo của bọn chúng; nó muốn lôi kéo lão ăn cướp ấy trở về với thực tại, vì lão này đã bị sa đà vào những ảo ảnh tươi vui nơi đồng áng. - Vâng. - Lão Thầy Đồ nhắc lại. - Tôi sẽ nói với bà ấy, với Đức bà cứu trợ… Bà ấy sẽ thương hại tôi và… Đúng lúc ấy, thằng Tập Tễnh khéo đá rõ mạnh vào chân lão Thầy Đồ, trúng ngay vào giữa chỗ đau. Thầy Đồ đau quá không nói được nữa, đành rút gọn câu nói. - Vâng, tôi hy vọng bà quản lý phúc hậu ấy sẽ thương hại tôi! - Cha tội nghiệp của con! - Thằng Tập Tễnh nói. - Cha không coi dì Vọ tốt bụng của con, người rất mực yêu quý cha, là gì cả sao? Dì Vọ tội nghiệp! Ôi! Dì sẽ không bỏ cha đâu! Cha thấy không? Có thể dì sẽ đến đây với người anh em là chú Cá Trê để đón cha đấy. - Con người tội nghiệp đó có cả bà con thuộc loài cá, loài chim. - Jean-René vừa khẽ nói một cách hóm hỉnh, vừa lấy khuỷu tay hích Claudine ngồi bên cạnh. - Này, thôi đi, rõ cái đồ nhẫn tâm! Trêu chọc làm gì những kẻ khốn cùng. - Claudine khẽ trả lời và cũng hích René một cái mạnh tưởng gãy xương sườn. - Bà Vọ là bà con của ông ư? - Bác nông dân hỏi lão Thầy Đồ. - Vâng, bà ta là một người bà con của tôi. - Lão Thầy Đồ đáp với vẻ phiền muộn và sầu não. Trong trường họp mà lão Thầy Đồ có cơ tìm được nơi nương náu quá ít mong đợi như trang trại, lão lại sợ mụ Vọ, vốn hiểm độc, đến tố giác lão; lão cũng sợ những cái tên kỳ cục như mụ Vọ, Cá Trê mạo xưng là bà con của lão do thằng Tập Tễnh nói ra có thể gây nên nhiều ngờ vực nhưng về điều này thì lão không cần lo cho lắm; Jean-René coi đó là đầu đề của một trò đùa bỡn, nói nhỏ thêm với Claudine thêm nhưng không được cô nàng hưởng ứng. - Có phải đó là người bà con mà ông đến tìm ở Louvres chăng? - Ông Châtelain hỏi. - Vâng, - lão Thầy Đồ đáp - nhưng tôi nghĩ thằng con tôi đã lầm khi quá trông mong ở họ. - Ôi! Cha tội nghiệp của con… con không lầm đâu… Dì tốt thế kia mà… dì Vọ của con ấy!… Cha biết lắm chứ… chính dì đã đưa nước nóng để con rửa chân cho cha và bảo cách dùng. Chính dì đã nói với con: “Hãy làm cho cha con những gì tự tay dì đã làm và Chúa sẽ ban phúc cho con…” Ôi! Dì Vọ của con… dì yêu cha biết bao… dì yêu cha đến mức… - Cha biết thế, cha biết thế. - Lão Thầy Đồ ngắt lời thằng Tập Tễnh. - Nhưng dẫu sao chuyện đó cũng không ngăn được cha sáng mai thưa chuyện với quý bà tốt bụng nơi đây! - Lão nói thêm để thay đổi chiều hướng câu chuyện và chấm dứt những câu nói hớ hênh của thằng Tập Tễnh. - Nhưng về ông chủ của trang trại này, ông đây đã hứa cho cha biết những gì đặc biệt trong cách tổ chức trang trại. - Vâng, tôi đã hứa với ông điều đó, - ông Châtelain nói - và tôi sẽ thực hiện lời hứa. Ông chủ chúng tôi sau khi có sáng kiến về cái mà ông ấy gọi là “bố thí” công việc, đã nói: “Có những địa vị và phần thưởng để khuyến khích những sáng kiến trong chăn nuôi ngựa, gia súc, cải tiến những chiếc cày và nhiều thứ khác… Quả vậy, ta nghĩ là mới dành quá ít thì giờ để đạt được những gì làm cho con người tốt hơn… Gia súc tốt, hay lắm; người tốt, điều đó càng hay hơn, nhưng khó hơn. Lúa mạch to hạt, đồng cỏ dày, nước trong, không khí trong lành, chăm sóc chu đáo và có nơi ở chắc chắn, ngựa và gia súc sẽ được như ý muốn của ta và thỏa mãn ta; nhưng với con người, đấy lại là chuyện khác: người ta không coi một con người đức độ như một con bò nhiều thịt, cỏ có lợi cho bò vì bò thích cỏ, cỏ làm cho bò béo. Nhưng này, theo ý ta thì, muốn những lời khuyên tốt có tác dụng tốt, đem lợi ích cho con người nhiều hơn thì cần phải làm cho họ tìm thấy cái lợi khi làm theo những lời khuyên đó.” - Cũng như con bò thấy lợi khi ăn cỏ, có phải thế không ạ, thưa bố Châtelain? - Đúng vậy, con ạ! - Nhưng, bố Châtelain này, - một người nông dân khác nói - người ta nói rằng ngày đó có những kiểu trang trại, ở đó những tên trộm ít tuổi, dù có tiền án đi nữa cũng trở nên có hạnh kiểm tốt, được học làm nghề nông và được chăm sóc, cưng chiều như những ông hoàng con. - Đúng thế các con ạ, trong đó có những mặt tốt; đừng để kẻ ác phải lâm vào tuyệt vọng, như thế mới là nhân ái và từ thiện. Nhưng cũng cần làm cho người tốt biết hy vọng. Một người trẻ tuổi lương thiện, to khỏe và cần cù, ý chừng muốn làm việc tốt và học điều tốt, đã tự tìm đến trang trại dành cho những tên trước đây là kẻ trộm và giả sử người ta nói với anh: “Anh bạn, anh đã có lần nào ăn cắp và lang thang chưa?” - “Chưa!” - “Thế thì không có chỗ cho anh ở đây.” - Điều bố nói quả thật là đúng, bố Châtelain ạ. - Jean René nói. - Người ta làm cho quân đểu cáng những điều mà người ta không làm cho những người lương thiện. Người ta cải tiến con vật chứ không cải tiến con người. - Chính để nêu gương và sửa chữa chuyện đó, con ạ, mà ông chủ của chúng ta đã lập ra trại này, như ta đang cho người đàn ông trung hậu này biết. - “Ta rất biết - ông nói - là trên kia có những phần thưởng cho những người tốt, nhưng trên kia… chết nỗi thật là quá cao, quá xa; và có một vài người (cần phải thương xót họ, các con ạ) không có tầm nhìn và đủ kiên nhẫn để vươn tới, hơn thế nữa, họ lấy đâu ra thời gian để hướng mãi lên cao? Ban ngày, họ còng lưng cuốc đất cho chủ, tối đến họ thiếp đi trên những chiếc giường tồi tàn… Ngày chủ nhật, họ say mềm ngoài quán rượu để quên đi nỗi mệt nhọc của ngày hôm qua và ngày mai. Chính vì thế mà những nỗi mệt nhọc ấy trở nên thật vô bổ với họ, những con người tội nghiệp đó! Sau công việc quá sức ấy, cơm họ ăn có bớt hẩm đi không, con cái họ có bớt gầy còm đi không và vợ họ có đỡ kiệt sức để nuôi họ không?… Nuôi họ…! Khi vợ họ cũng chẳng có mà ăn. Không! Không! Không! Sau đó ta biết rất rõ, các con ạ, cơm họ ăn dù là cơm hẩm cũng vẫn là cơm, giường họ nằm dù tồi tàn cũng vẫn là giường, các con họ gầy còm nhưng vẫn sống. Những người khốn khổ có thể vui vẻ chịu đựng số phận nếu họ nghĩ ai cũng như họ. Những ngày phiên chợ, họ ra thị xã hoặc thị trấn, ở đó họ thấy bánh mì trắng, thấy đệm ấm êm, những con trẻ tươi tắn như bông hồng tháng Năm, no nê, thừa mứa đến mức ném bánh ngọt cho chó. Đến lúc quay về túp lều, thấy cơm hẩm, thấy chiếc giường tồi tàn, thấy con họ gầy còm, đói khát, khóc lóc, họ tự nhủ: ‘Nhưng tại sao chúng ta lại không được sinh ra giàu có? Thật bất công… Tại sao mỗi người lại không một lần được giàu có?’ Và thế là họ đi làm với một nỗi chán ngấy và buồn tủi. Rốt cuộc, phần lớn những con người được trả công đều tự nhủ: ‘Làm nhiều và làm tốt để làm gì! Bông lúa nặng hay nhẹ đối với ta chỉ là một! Hăng hái, nhiệt tình cho lắm để mà chết à? Cứ giữ mình thật lương thiện là được! Chúng ta đừng nên làm điều ác. Cái tốt chẳng được đền bù. Chúng ta cũng chẳng cần làm việc tốt… Hãy có những đức tính của những con vật thồ: chịu đựng khỏe và dễ sai khiến.’ Những tư tưởng đó đều không lành mạnh, các con ạ! Từ vô tư đến lười biếng không xa và từ lười biếng đến đồi bại càng gần nhau hơn nữa… - Ông chủ của chúng tôi đã nói. - Chính những con người đó mới cần được cải tạo, đúng thế, nếu họ xem bản thân như bò, như ngựa, là chó… Hãy làm cho họ biết là năng nổ, chuyên cần, hiểu biết và tận tâm với bổn phận thì sẽ có lợi. Hãy chứng tỏ để họ biết là nếu trở nên tốt hơn, họ sẽ càng trở nên sung sướng hơn về vật chất… và mọi người đều có lợi…” Kế hoạch đã quyết định, ông chủ thông báo trong vùng là ông cần sáu thợ cày và cũng từng ấy phụ nữ giúp việc trong trang trại nhưng ông muốn chọn những người tốt nhất trong vùng. Họ phải được trả công như chúng tôi, được nuôi dưỡng tốt hơn và được chia một phần hoa lợi. Họ có thể sống hai năm trong trang trại, để còn dành chỗ cho những dân cày khác. Sau năm năm, họ có thể xin làm lại nếu còn chỗ trống… Do vậy, những người thợ cày làm công nhật nói với nhau: “Phải năng nổ, thật thà, cần cù, hãy làm cho người ta phải chú ý nhờ hạnh kiểm tốt và một ngày nào đó chúng ta sẽ có được một chỗ trong trang trại Bouqueval; ở đó chúng ta sống như trên thiên đường trong hai năm; chúng ta sẽ giỏi tay nghề hơn, sẽ có một số tiền dành dụm và khi rời khỏi nơi đây, ai chẳng muốn thuê chúng ta, vì để được nhận vào trang trại này, phải đảm bảo là người xuất sắc.” - Tôi đã được dành chỗ ruộng đồng để sau này vào làm ở trang trại Arnouville của bà Dubreuil. - Jean-René nói. - Còn tôi sẽ được nhận vào trang trại Gonesse. - Một nông dân khác nói theo. - Ông đã thấy chưa, ông già trung hậu của tôi, cứ như thế thì ai cũng đều có lợi cả, những người lính canh ở các vùng lân cận cũng được lợi gấp đôi. Chỉ cần tuyển mười hai người làm, cả nam lẫn nữ, nhưng dễ có đến năm mươi người tốt trong vùng cũng muốn được nhận vào, và những người không được nhận không phải vì thế mà là những người không tốt, phải không? Và như người ta nói, vận lần này chưa gặp thì lần sau vẫn còn hy vọng. Chung quy chỉ càng có thêm nhiều người tốt. Vậy thì, nói lỗi phép, để chọn ra một con ngựa hay một con gia súc lớn nào đó thắng trong cuộc chạy thi, trong cuộc đọ sức, hoặc trong cuộc thi sắc đẹp, người ta đưa ra một trăm con có khả năng tranh giải. Sao! Thế những con còn lại trong số một trăm con không được giải đâu phải là không tốt, không ra sức. Thế nào, ông già trung hậu của tôi, khi tôi nói trang trại của chúng tôi không phải là một trang trại bình thường và ông chủ chúng tôi cũng không phải một ông chủ bình thường thì có đúng thế không? - Ôi! Không, chắc chắn là thế… - Lão Thầy Đồ nói. - Và càng thấy lòng nhân đạo, sự rộng lượng của ông chủ càng lớn, tôi càng hy vọng ông sẽ thương đến số phận đau khổ của tôi. Một người làm điều tốt một cách cao thượng như thế, quá thông minh như thế, hẳn sẽ không chú ý đến việc thêm hoặc bớt đi một việc từ thiện. - Trái lại, ông ấy quan tâm đến, ông già ạ, - bố Châtelain nói - quan tâm để được tự hào về một việc từ thiện nữa. Tôi nghĩ rằng nhất định chúng ta sẽ còn gặp nhau lại ở trang trại này và đây không phải lần cuối cùng ông được ngồi ở bàn này. - Có phải thế không? Này, ông ơi! Dù sao tôi cũng cứ hy vọng. Ôi! Nếu ông biết là tôi sung sướng như thế nào và biết ơn đến thế nào! - Lão Thầy Đồ nói. - Tôi chẳng nghi ngờ gì hết, ông chủ của chúng tôi tốt đến thế kia mà. - Nhưng ít nhất tôi cũng phải được biết tên ông chủ và cả tên của Đức bà cứu trợ ấy nữa, - lão Thầy Đồ vội vã nói - để có thể cầu phúc cho những người cao quý đó, ngay từ lúc này. - Tôi hiểu sự nôn nóng của ông. Chà! Đúng thế! Có thể ông trông chờ để biết những nhân vật tiếng tăm lừng lẫy? Lầm to! Đó là những nhân vật hiền từ, giản dị như những thánh nhân. “Đức bà cứu trợ” là bà Georges… và ông chủ chúng tôi là ông Rodolphe. - Vợ tôi!… Tên đao phủ của tôi… - Lão Thầy Đồ khẽ lẩm bẩm, rụng rời vì sự phát hiện đó. CHƯƠNG VII BAN ĐÊM Rodolphe!!! Bà Georges!!! Lão Thầy Đồ không thể cho là bị nhầm lẫn bởi sự giống nhau tình cờ về tên gọi như thế; trước khi xử phạt lão bằng một hình phạt khủng khiếp, Rodolphe đã nói với lão là ông đem lại cho bà Georges niềm hứng thú lớn. Sau nữa, sự có mặt mới đây của ông David da đen trong trang trại này chứng tỏ cho lão Thầy Đồ thấy là lão không nhầm. Lão nhận ra một cái gì đó thuộc về định mệnh, không thể tránh được trong lần trùng hợp cuối cùng làm đảo lộn những hy vọng đã có lúc lão mơ tưởng về lòng độ lượng của ông chủ trang trại. Thầy Đồ kéo Tập Tễnh rời trang trại Hành động đầu tiên của lão là chuồn khỏi trang trại