"
Benjamin Franklin - Cuộc Đời Một Người Mỹ PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Benjamin Franklin - Cuộc Đời Một Người Mỹ PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Dành tặng Cathy và Betsy, như vẫn luôn như vậy...
LỜI NÓI ĐẦU
Benjamin Franklin không phải là cái tên xa lạ với nhiều người chúng ta. Khuôn mặt nhân từ, phúc hậu và thông thái của ông trên tờ 100 đô-la Mỹ lôi cuốn chúng ta, nhưng cuộc đời và những gì ông đã làm được thì có nhiều điều vẫn chưa được biết đến. Cuốn sách bạn đang cầm trên tay của Walter Isaacson, tác giả những cuốn tiểu sử cực kỹ hấp dẫn về Einstein và Steve Jobs đã được chúng tôi xuất bản ở Việt Nam, sẽ giúp mở ra những điều chưa biết đó. Tiểu sử Benjamin Franklin là câu chuyện cuộc đời một người Mỹ với tính cách rất Mỹ, không chỉ cho ta biết tính cách một con người mà còn là tính cách của một dân tộc.
Benjamin Franklin, người cha sáng lập nước Mỹ, như thể đang hóm hỉnh nháy mắt với chúng ta trong từng trang cuốn tiểu sử này, một con người như được làm bằng xương, bằng thịt thật sự chứ không phải bằng đá cẩm thạch. Trong hành trình kể về cuộc đời của Franklin, từ Boston đến Philadelphia đến London và Paris và rồi quay trở lại, Walter Isaacson ghi lại những cuộc phiêu lưu trong suốt cuộc đời dài tám mươi tư năm của ông, từ một người học việc, rồi trở thành nhà văn, nhà phát minh, người truyền thông hay nhất nước Mỹ, đồng thời cũng là nhà khoa học, nhà ngoại giao, và chiến lược gia kinh doanh, và là một trong những nhà lãnh đạo chính trị thực tiễn và khéo léo nhất đất nước này. Tác giả nhìn ra trí thông minh đằng sau cuốn Niêm giám Richard Nghèo Khổ và sự khôn ngoan đằng sau bản Tuyên ngôn Độc lập, sự thông thái đằng sau thỏa thuận Liên minh của
các thuộc địa Mỹ với Pháp, một hiệp ước đã kết thúc Cách mạng và các thỏa hiệp đã tạo nên bản Hiến pháp Mỹ 1787 gần như hoàn hảo. Trong câu chuyện đầy màu sắc và thân mật này, Isaacson kể lại toàn bộ cuộc đời tuyệt vời của Franklin, cho thấy Benjamin Franklin đã góp phần định hình bản sắc dân tộc Mỹ như thế nào và lý do tại sao ông càng trở nên đặc biệt trong thế kỷ 21 này.
Chúng ta từng bị lôi cuốn và say mê với Tuyên ngôn Độc lập Mỹ năm 1776 do Thomas Jefferson chấp bút, đã biết đến bản Hiến pháp Mỹ năm 1787 và sự hùng mạnh, vĩ đại của nước Mỹ, giờ đây, qua cuốn tiểu sử này, chúng ta sẽ biết kỹ hơn về một trong những người có công sáng lập và kiến tạo tính cách Mỹ, kiến tạo thể chế và nền văn minh Hoa Kỳ.
Thật sửng sốt nếu biết rằng, vào năm 1728, khi còn là một chàng thợ in ngoài đôi mươi, Franklin đã viết những dòng ông muốn được ghi lên mộ chí sau này:
Thân xác của B. Franklin, Thợ in;
(Như bìa của một cuốn sách cũ, Nội dung đã hao mòn, Chữ nghĩa và màu mạ vàng đã mất đi)
Nằm đây, làm mồi cho giun dế.
Nhưng tác phẩm sẽ không mất đi:
Vì nó sẽ, (như ông hằng tin) xuất hiện một lần nữa,
Trong một phiên bản mới và trang nhã hơn,
Được Tác giả
Hiệu đính và sửa chữa.
Để cung cấp một cái nhìn đầy đủ và hệ thống, ngoài tiểu sử về Benjamin Franklin, trong tủ sách về các nhân vật vĩ đại nước Mỹ của chúng tôi còn giới thiệu “Những Người Cha lập quốc” như Thomas Jefferson, Alexander Hamilton..., và xa hơn nữa là George Washington; cùng chân dung các đời tổng thống Mỹ trong 44 đời tổng thống Hoa Kỳ.
Xin trân trọng giới thiệu tới các độc giả!
NGUYỄN CẢNH BÌNH
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Omega Plus
1
BENJAMIN FRANKLIN VÀ CÔNG CUỘC SÁNG LẬP NƯỚC MỸ
Hình ảnh Benjamin khi vừa đến Philadelphia là một trong những cảnh lừng danh bậc nhất của dòng văn học tự truyện: một cậu bé 17 tuổi bụi đời nhếch nhác, bản tính ngổ ngáo sau vẻ e dè, chen lấn ra khỏi tàu và mua ba ổ bánh mì* trong lúc thẩn thơ đi ngược lên Phố Chợ. Nhưng xin hãy chờ chút! Vẫn còn điều gì khác nữa. Một lớp màn được vén lên, chúng ta có thể thấy ông trong vai một nhà quan sát 65 tuổi khôi hài, đang ngồi trong một ngôi nhà ở miền quê nước Anh để tả lại cảnh này, vờ như đây là một đoạn trong bức thư gửi cho con trai - đứa con ngoài giá thú nay đã là một vị thống đốc hoàng gia thích học đòi làm quý tộc, cần được nhắc nhở về cội nguồn khiêm nhường của mình.
Thêm một lớp màn nữa lại vén lên khi ta đọc kĩ cuốn tự truyện hơn. Chen vào câu văn tả cuộc hành hương tiến về phía Phố Chợ là vài dòng do tác giả ghi bên lề, cho biết Benjamin mới đi qua nhà Deborah Read, vợ tương lai của ông, “nàng đứng trên thềm nhà nhìn tôi và nghĩ diện mạo tôi lúc đó mới thật tức cười và lố bịch làm sao, mà quả đúng như thế thật.” Vậy là chỉ với một đoạn văn ngắn ta thấy hiện lên một nhân vật đa tầng được tác giả trìu mến gọi tên Benjamin Franklin: thoạt tiên là một chàng trai trẻ, rồi được nhìn lại qua đôi mắt của chính chàng trai ấy lúc trung
niên, tiếp đó được tái hiện qua ký ức của người vợ. Sau cùng là lời khẳng định khéo léo của ông lúc về già - “quả đúng như thế thật” - chút tự trào này không thể che giấu niềm tự hào về sự vươn lên ngoạn mục của ông trong thế giới.1
Vị cha già lập quốc Benjamin Franklin đang nháy mắt với chúng ta. Với George Washington, ngay cả bạn hữu của ông còn khó nghĩ tới việc thân mật đặt tay lên vai vị tướng nghiêm nghị ấy, thì chúng ta ngày nay hẳn sẽ còn thấy ông xa cách hơn nữa. Jefferson và Adams cũng có vẻ xa cách không kém.* Trong khi Ben Franklin, vị doanh nhân thành thị đầy tham vọng, cho phép người ta gọi ông bằng biệt danh, sống động như thể bằng xương thịt chứ không phải tạc bằng cẩm thạch đang dõi về phía chúng ta từ sân khấu của lịch sử với đôi mắt lấp lánh sau cặp mục kỉnh tân thời. Ông đối thoại với hậu thế qua những bức thư, những trò đùa và lối tự truyện, được viết với sự sôi nổi song không chút khoa trương và lối châm biếm dí dỏm hết sức hiện đại, đôi khi đến mức làm người đọc bực mình. Chúng ta thấy được hình bóng của ông trong chính thời đại ngày nay.
Trong suốt cuộc đời dài 84 năm, ông là nhà khoa học, nhà phát minh, nhà ngoại giao, nhà văn, nhà chiến lược kinh doanh xuất sắc nhất nước Mỹ, đồng thời là một trong những nhà tư tưởng chính trị thực tiễn nhất, dù không hẳn uyên bác nhất. Chỉ qua việc thả diều, ông chứng minh được bản chất của sét chính là dòng điện và phát minh ra cột thu lôi để chế ngự nó. Ông là người phát minh ra kính hai tròng, bếp lò sử dụng nguyên liệu sạch, các biểu đồ về Dòng Vịnh (Gulf Stream)* và các lý thuyết về tính truyền nhiễm của chứng cảm cúm thông thường. Ông khởi xướng nhiều phương án phát triển cộng đồng, như thư viện cho mượn sách, trường đại học cao đẳng, các nhóm cứu hỏa tình nguyện, hiệp hội bảo hiểm và các quỹ được
gây dựng để tài trợ cho mục đích phù hợp. Ông là cha đẻ của phong cách hài hước chân phương có một không hai cùng chủ nghĩa thực dụng kiểu Mỹ. Trong chính sách đối ngoại, ông đề ra cách tiếp cận kết hợp thuyết lý tưởng với thuyết hiện thực cân bằng quyền lực. Và trong chính trị, ông đã đề xuất kế hoạch có ảnh hưởng lâu dài về việc hợp nhất các thuộc địa và lập ra mô hình liên bang cho một chính phủ quốc gia.
Song thứ thú vị nhất mà Franklin sáng tạo và liên tục sáng tạo ra chính là bản thân ông. Là nhà báo lớn đầu tiên của nước Mỹ, trong đời sống và trong các tác phẩm của mình, ông luôn có ý thức nỗ lực tạo lập một mẫu hình Mỹ kiểu mới. Trong quá trình đó, ông thận trọng xây dựng hình tượng, thể hiện nó trước công chúng và đánh bóng nó với hậu thế.
Một phần, đây là vấn đề hình ảnh. Khi còn là một thợ in trẻ ở Philadelphia, ông xuất hiện trong hình ảnh cần cù đẩy những súc giấy qua các ngả phố. Khi đã là một nhà ngoại giao lão luyện ở Pháp, ông đội chiếc mũ lông thú để đóng vai một nhà hiền triết chốn thâm sơn. Đâu đó, ông còn tạo cho mình hình ảnh một thương gia giản dị nhưng bền chí, cần mẫn rèn giũa các đức tính siêng năng, căn cơ, trung thực của một người chủ hiệu luôn sốt sắng với công tác thiện nguyện trong cộng đồng.
Có điều, hình ảnh mà ông tạo ra đều có nguồn gốc từ thực tế. Xuất thân và trưởng thành từ tầng lớp lao động, chí ít thì gần trọn cuộc đời Franklin đã sống gần gũi với các thợ thủ công và nhà tư tưởng hơn là giới trâm anh thế phiệt. Ông cũng dị ứng với thói xa hoa và những đặc quyền của giới quỹ tộc cha truyền con nối. Suốt đời, ông luôn tự gọi mình là “B. Franklin, thợ in.”
Thế giới quan này là cội nguồn cho tầm nhìn quan trọng nhất của Franklin: một bản sắc quốc gia Mỹ dựa trên đạo đức và các giá trị của tầng
lớp trung lưu. Khác với một số nhà đồng lập quốc, ông vốn dĩ cởi mở hơn với nền dân chủ và cũng không nhiễm phải thói trưởng giả mà sau này những người chỉ trích ông vẫn thường cảm thấy trong chính các chuẩn mực chủ hiệu của ông, ông đặt niềm tin vào sự sáng suốt của người bình dân và cho rằng, một quốc gia non trẻ sẽ được tiếp sức mạnh từ tầng lớp mà ông gọi là “những người bình dân.” Qua những bí kíp tự trau dồi tu dưỡng bản thân và các kế hoạch phát triển cộng đồng để thúc đẩy phúc lợi chung, ông góp phần tạo ra và tôn vinh giai cấp thống trị mới: những công dân bình thường.
Mối tương quan phức tạp giữa các phương diện tính cách đa dạng của Franklin - trí tuệ thiên tài và táo bạo, đạo đức Tin lành thoát ly khỏi mọi giáo điều, các nguyên tắc phải giữ vững và các nguyên tắc có thể thỏa hiệp - đồng nghĩa với việc mỗi cách nhìn mới về ông phản chiếu và khúc xạ các giá trị quốc gia khác nhau. Ông đã bị phỉ báng trong các thời kỳ lãng mạn và tung hô trong thời đại kinh doanh. Mỗi thời đại lại nhận định về ông một khác và điều này cũng ít nhiều phản ánh về chính thời đại đó.
Franklin có sự đồng điệu đặc biệt với nước Mỹ thế kỷ 21. Là một nhà xuất bản thành công đồng thời giao thiệp rộng, cộng với tính tò mò sáng tạo, hẳn ông sẽ như cá gặp nước trong thời buổi cách mạng thông tin. Nỗ lực không mệt mỏi nhằm hòa nhập vào một chế độ trọng đãi nhân tài luôn vận động đi lên sẽ biến ông thành người được nhà phê bình xã hội David Brooks gọi là “Yuppie thế hệ đầu của chúng ta.”* Ai cũng có thể dễ dàng hình dung việc uống bia với ông khi tan làm, chỉ cho ông cách dùng thiết bị công nghệ tân tiến, chia sẻ kế hoạch làm ăn một thương vụ mới, thảo luận về những bê bối chính trị cũng như các ý tưởng chính sách gần đây. Ông sẽ cười khi nghe câu chuyện tiếu lâm mới nhất về một thầy tu và một giáo sĩ
Do Thái, hay về một cô con gái nhà nông. Chúng ta sẽ ngưỡng mộ cả tính nghiêm túc lẫn sự trào lộng của ông và sẽ liên tưởng đến cách ông đã cố gắng để cân bằng, đôi khi không hề dễ dàng, giữa việc theo đuổi danh tiếng, sự giàu có - các giá trị trần tục - và các giá trị tinh thần.2
Một số người nhìn thấy hình bóng của Franklin trong xã hội hôm nay sẽ phiền lòng về sự nông cạn của tâm hồn và thói tự mãn về tôn giáo dường như đã ăn sâu vào một nền văn hóa coi trọng vật chất. Họ cho rằng ông chỉ dạy chúng ta sống một cuộc đời thực dụng gắn với đồng tiền, chứ không phải sống một cách sống cao cả. Một số người khác cũng nhìn thấy hình bóng đó và ngưỡng mộ các giá trị cơ bản của tầng lớp trung lưu và các tình cảm dân chủ mà hiện nay dường như đang phải chịu đựng sự công kích từ phía những kẻ mang tư tưởng ưu đẳng, những kẻ cực đoan, phản động và những phần tử quá khích khác của giai cấp tư sản. Họ coi Franklin là ví dụ điển hình của nhân cách con người và đạo đức công dân, vốn thường xuyên thiếu vắng ở nước Mỹ hiện đại.
Đa số sự ngưỡng mộ dành cho ông đều có căn cứ và một vài mối băn khoăn về ông cũng vậy. Song những bài học rút ra từ cuộc đời Franklin phức tạp hơn nhiều so với những gì vẫn được phe mến mộ hoặc ghét bỏ ông vẽ nên. Cả hai phe quá nhiều lần đánh đồng ông với người hành hương nhọc nhằn được ông miêu tả trong cuốn tự truyện. Họ nhầm lẫn giữa những câu châm ngôn đạo đức vui vẻ với đức tin căn bản thúc đẩy hành động của ông.
Giáo lý của ông được xây dựng trên niềm tin chân thành về một đời sống đức hạnh, phụng sự đất nước ông yêu và hy vọng sẽ được cứu rỗi nhờ làm việc phúc thiện. Điều đó đã dẫn dắt ông thực hiện việc gắn kết đạo đức cá nhân với đạo đức công dân. Và, dựa vào các bằng cứ ít ỏi nói về ý
Chúa mà ông có thể thu thập được, ông ngờ hoặc về mối liên hệ giữa đức hạnh dưới trần thế và trên thiên đàng. Như ông đã viết trong khẩu hiệu của thư viện do ông sáng lập: “Nhân rộng cho phúc lợi lan tràn vì thiện ích chung là việc làm thiêng liêng.” So với những người cùng thời như Jonathan Edwards vẫn tin con người là các tội đồ trong bàn tay của một chúa Trời cuồng nộ và sự cứu rỗi chỉ có thể đến thông qua ân điển, quan điểm này của Benjamin có phần hơi tự mãn. Từ khía cạnh nào đó thì đúng là như vậy, thế nhưng nó cũng hết sức thành thật.
Dù quan điểm của bạn thế nào, việc đối thoại một lần nữa với Franklin cũng sẽ rất hữu ích vì khi làm như vậy chúng ta sẽ phải đối mặt với một vấn đề căn bản: làm thế nào để sống một cuộc đời có ích, đức hạnh, xứng đáng, hợp luân lý và có ý nghĩa về tâm linh? Và về vấn đề này, thuộc tính nào kể trên là quan trọng nhất? Đây là những vấn đề có tính chất sống còn trong kỷ nguyên tự mãn cũng như kỷ nguyên cách mạng.
2
TIẾN TRÌNH CỦA KẺ HÀNH HƯƠNG
Boston, 1706-1723
NHÀ FRANKLIN Ở ECTON
Vào khoảng thời gian cuối thời Trung cổ, có một tầng lớp mới nổi lên ở các làng quê nước Anh: những người có đất đai và của cải nhưng không thuộc dòng dõi quý tộc. Kiêu hãnh song không quá tự phụ, họ khẳng định quyền lợi của mình với tư cách là thành viên của tầng lớp trung lưu độc lập. Các vị điền chủ ấy được gọi là “franklin”, bắt nguồn từ chữ “frankeleyn” trong tiếng Anh thời Trung cổ, nghĩa là người tự do.1
Khi lối sử dụng tên họ trở nên phổ biến,* nhiều gia đình ở tầng lớp trên có xu hướng lấy luôn danh xưng lãnh địa của mình làm tên họ, chẳng hạn Lancaster hay Salisbury. Các tá điền có khi phải dùng tên gọi của mảnh đất nhỏ nơi họ nương nhờ, như Hill hay Meadows.* Những người thợ thì thích được gắn họ tên với nghề nghiệp của mình: Smith, Taylor hay Weaver.* Còn đối với một số gia đình, cái tên họ mô tả phù hợp nhất chính là Franklin.
Dựa trên các tài liệu có thể tìm thấy được cho tới nay, tổ tiên nhà Franklin chính thức dùng họ này kể từ thời kỳ của Benjamin, Thomas Francklyne hay Franklin, sinh vào quãng năm 1540 tại làng Northamptonshire, vùng Ecton. Tinh thần độc lập của ông đã trở thành một
phần trong truyền thuyết của gia đình. Sau này Benjamin đã viết: “Lịch sử còn mù mờ của gia tộc chúng tôi bắt đầu từ thời Cải cách và đã có lúc gặp phiền hà vì lòng nhiệt thành chống đối lại Giáo hội.” Khi Nữ hoàng Mary I tiến hành cuộc thập tự chinh đẫm máu để tái lập Giáo hội Công giáo La Mã, Thomas Franklin đã giữ lại một bản Kinh Thánh bằng tiếng Anh bị cấm lưu hành. Nó được giấu ở mặt dưới của chiếc ghế đẩu để khi cần có thể dễ dàng lật ngược lên mà đọc và lập tức cất giấu khi bọn sai nha đi qua.2
Tinh thần độc lập mạnh mẽ nhưng rất thực tế cùng với tài tháo vát tài tình của Thomas Franklin dường như đã được truyền qua bốn thế hệ. Gia tộc này đã sản sinh ra những nhà bất đồng chính kiến và ly khai sẵn sàng thách thức giới cầm quyền, mặc dù không đến mức trở thành cuồng tín. Họ là những thợ thủ công khéo léo, những thợ rèn sáng tạo và ham học hỏi. Vốn luôn đọc rộng viết nhiều, họ có những quan điểm sâu sắc nhưng lại biết cách thể hiện chúng nhẹ nhàng. Với bản tính hòa nhã, những người mang họ Franklin có thiên hướng trở thành nhà cố vấn khả tín cho bạn hữu, và họ luôn tự hào được đứng trong đội ngũ các chủ cửa hiệu, thương gia và điền chủ trong tầng lớp trung lưu độc lập.
Có thể đơn thuần chỉ là sự tự phụ của một nhà viết tiểu sử khi đúc rút rằng tính cách của một người có thể được làm sáng tỏ nhờ soi xét gốc gác gia đình người ấy để chỉ ra các đặc điểm lặp lại và kết tinh ở người ấy. Tuy nhiên, di sản gia đình của Franklin có lẽ thật sự là nơi đầy hứa hẹn cho việc triển khai một nghiên cứu. Với một số người, yếu tố định hình nhân cách quan trọng nhất là nơi chốn. Ví dụ, phải hiểu rõ biên giới Missouri ở thế kỷ 19 để đánh giá Harry Truman, và cũng phải tìm hiểu kỹ vùng Hill Country của Texas mới có thể thấu tỏ Lyndon Johnson3.* Song Benjamin
Franklin lại không được định hình như thế. Ông sở hữu gia tài của nhóm người tứ cố vô thân: là con trai út của những người thợ thủ công ở tầng lớp trung lưu, phần lớn họ đều đi lập nghiệp ở xa quê. Vì vậy, tốt nhất nên nhìn nhận ông như sản phẩm của dòng tộc chứ không phải của thổ nhưỡng.
Hơn nữa, chính Franklin cũng nghĩ như vậy. “Tôi đã từng có niềm vui thích khi tìm được bất cứ giai thoại nhỏ nào về tổ tiên mình,” ông đã viết như thế trong câu mở đầu cuốn tự truyện. Đó là niềm vui mà ông có được khi sau này, đã ở tuổi trung niên, ông trở về Ecton để phỏng vấn riêng trực tiếp với những người họ hàng xa, lục tìm nghiên cứu thư tịch trong nhà thờ và chép lại những hàng chữ khắc trên các bia mộ của gia tộc.
Ông nhận thấy tính bất quy phục trong gia tộc mình không chỉ liên quan tới các vấn đề tôn giáo. Theo một giai thoại, thân phụ của Thomas Franklin từng tích cực đóng vai trò trạng sư biện hộ cho những con người bình dân trong một cuộc tranh cãi về việc giới quý tộc chúa đất đóng cửa điền trang của họ ngăn không cho những người nông dân nghèo chăn thả gia súc ở đây. Còn Henry, con trai Thomas, đã bị tống vào ngục một năm vì viết mấy câu thơ “đụng chạm tới nhân cách của một nhân vật tiếng tăm”, như một hậu duệ cho biết. Việc đối đầu với giới tinh hoa cũng như việc sáng tác thơ bình dần ấy còn kéo dài thêm vài thế hệ nữa.
Con trai của Henry, Thomas II, cũng có những nét tính cách về sau bộc lộ rõ rệt ở người cháu trai nổi tiếng. Ông là người thích giao du, ham đọc viết và mày mò. Khi còn trẻ, ông đã tự chế từ đầu đến cuối một chiếc đồng hồ và nó đã chạy suốt đời ông. Giống như cha và ông mình, Thomas II cũng theo nghề thợ rèn, nhưng ở các làng nhỏ nước Anh, các thợ rèn đảm nhận rất nhiều việc. Như một người cháu trai kể lại: “Ông đã làm rất nhiều nghề, từ thợ tiện (tiện gỗ bằng máy), thợ rèn súng, bác sĩ giải phẫu cho đến
người quản lý văn khế. Tôi từng được thấy chữ viết của ông rất đẹp. Ông còn là một nhà sử học và có ít nhiều hiểu biết về thiên văn và hóa học.”4 Con trai cả của ông đã nối nghiệp thợ rèn, đồng thời thành công trong vai trò một chủ trường học và luật sư. Nhưng đây là câu chuyện về những đứa con út: Benjamin Franklin là con trai út của năm thế hệ đều là con trai út. Phận em út thường đồng nghĩa với việc phải tự bươn chải lập nghiệp. Đối với các trường hợp như nhà Franklin, nói chung họ sẽ phải rời bỏ những ngôi làng quá bé nhỏ như làng Ecton nơi không thể dung thân hai người cùng hành nghề, để tìm đến các thành phố lớn hơn, nơi có thể đảm bảo việc học nghề cho họ.
Không có gì bất thường, nhất là trong nhà Franklin, khi em trai học nghề từ những người anh lớn hơn. Vì vậy, con trai út của Thomas II, Josiah Franklin, đã rời Ecton từ khoảng thập niên 1670* để tới khu chợ thành phố Oxfordshire vùng Banbury ở với một người anh trai vui tính tên John. John mở cửa hiệu và hành nghề nhuộm lụa và vải tại đây. Sau những ngày khắc khổ dưới chề độ bảo hộ Cromwell, sự phục vị của vua Charles II đã đem lại một thời kỳ rực rỡ ngắn ngủi cho ngành may mặc?*
Khi ở Banbury, Josiah bị cuốn vào cơn biến động tôn giáo lớn thứ hai từng tràn qua nước Anh. Cơn thứ nhất đã được Nữ hoàng Elizabeth dẹp yên: các nhà thờ Anh sẽ thiên về Tin lành hơn là Công giáo La Mã. Tuy nhiên, sau đó bà và những người kế vị phải đối mặt với áp lực từ phía những người muốn đi xa hơn nữa nhằm “thanh tẩy” các nhà thờ khỏi mọi dấu vết Công giáo La Mã. Là những người bất quy phục thuộc dòng Calvin và chủ trương xóa sạch tàn dư Công giáo, các tín đồ của giáo phái mang tên Thanh giáo có tiếng nói rất lớn ở vùng Northamptonshire và Oxfordshire. Họ coi trọng vai trò của các cộng đoàn tự quản, đặt việc
thuyết giáo và nghiên cứu Kinh Thánh lên trên các lễ nghi, phụng vụ. Họ tỏ thái độ khinh thị nhiều thứ phục sức của Giáo hội Anh, xem đó như vết ô uế vẫn còn dây dưa từ Tòa thánh. Dù giữ quan điểm khắt khe về đạo đức cá nhân, giáo phái này vẫn thu hút một số phần tử có học thức của tầng lớp trung lưu vì nó coi trọng giá trị của các cuộc hội họp, đàm luận, thuyết giáo và hiểu biết cá nhân về Kinh Thánh.
Khi Josiah tới Banbury, thành phố này đã bị cuộc đấu tranh cho Thanh giáo tàn phá. (Trong một trận hỗn chiến bằng tay chân, một đám đông tín đồ Thanh giáo đã lật đổ cây thập giá nổi tiếng ở Banbury.) Gia đình Franklin cũng bị chia rẽ, dù ít sâu sắc hơn. Trong khi John và Thomas III vẫn trung thành với Giáo hội Anh giáo; hai em trai của họ là Josiah và Benjamin (đôi khi được gọi là Benjamin Lớn để phân biệt với người cháu nổi tiếng) đã trở thành người bất quy phục. Song Josiah không hề cuồng tín theo đuổi các tranh luận về thần học. Không có bất cứ dấu tích nào của một mối hận thù gia đình vì lý do này.5
HÀNH TRÌNH ĐẾN NƠI HOANG DÃ
Sau này, Franklin cho rằng chính khao khát tự do tín ngưỡng đã khiến cha mình, Josiah, di cư sang Mỹ. Ở một mức độ nào đó, sự thật là như vậy. Sự cáo chung của nền cai trị Thanh giáo Cromwell và sự khôi phục của chế độ quân chủ vào năm 1660 đã dẫn tới việc các tín hữu Thanh giáo phải chịu nhiều cấm cản và các mục sư bất quy phục bị buộc phải rời khỏi bục giảng đạo.
Song anh trai của Josiah, Benjamin Lớn, có lẽ đã đúng đắn hơn khi cho rằng cuộc thiên cư này chịu ảnh hưởng của yếu tố kinh tế nhiều hơn tôn giáo. Josiah không nhiệt thành với đức tin của mình. Ông sống gần cha và
anh trai John và cả hai người này vẫn theo Anh giáo. Theo Arthur Tourtellot, tác giả cuốn sách bao quát 17 năm đầu đời của Franklin: “Mọi bằng chứng đều cho thấy chính tinh thần độc lập kết hợp với trí tuệ mẫn tiệp và đầu óc thực tế, chứ không phải niềm tin tôn giáo dẫn dắt, đã khiến hai Franklin duy nhất trong nhà, Benjamin Lớn và Josiah - những người cải sang Thanh giáo, lựa chọn con đường này.”6
Thật ra, Josiah trăn trở về việc chu cấp cho gia đình mình nhiều hơn. Năm 19 tuổi, anh thành hôn với một người bạn cũng đến từ Ecton, Anne Child, và đưa vợ tới Banbury. Họ nhanh chóng có với nhau ba người con. Qua thời gian học việc, anh được làm việc có lương trong cửa hiệu của anh trai. Song công việc kinh doanh không đủ nuôi sống cả hai gia đình Franklin vốn ngày một đông hơn, mà luật pháp không cho phép Josiah bước sang một nghề mới nếu không kinh qua thời gian học việc cho nghề mới đó. Như Benjamin Lớn đã nói: “Khi mọi việc không thành công như ý muốn, chú ấy đã tạm biệt cha và bạn bè để tới New England năm 1683.”
Chuyến di cư của nhà Franklin, cũng như câu chuyên về Benjamin Franklin, đem lại cho chúng ta một góc nhìn về sự hình thành nên tính cách Mỹ. Như các cuốn sách giáo khoa thường nhấn mạnh, trong các huyền thoại lãng mạn vĩ đại về nước Mỹ có một huyền thoại cho rằng tìm kiếm tự do, nhất là tự do tôn giáo, là động cơ chủ yếu của những người đến đây định cư.
Giống như đa số các huyền thoại lãng mạn về nước Mỹ, huyền thoại này cũng hàm chứa nhiều phần sự thật. Với rất nhiều người trong làn sóng di cư Thanh giáo đến Massachusetts hồi thế kỷ 17, cũng như những làn sóng di cư sau đó đã hình thành nên nước Mỹ, hành trình của họ là một cuộc hành hương tôn giáo - cuộc hành hương chạy trốn sự đàn áp và mưu
cầu tự do. Nhưng cũng như đa số các huyền thoại lãng mạn khác về nước Mỹ, huyền thoại này cũng che đậy đi một phần sự thật đáng kể. Đối với nhiều người Thanh giáo di cư, cũng như nhiều người trong các đợt di cư sau này, hành trình của họ về cơ bản là một cuộc thám hiểm kinh tế.
Tuy nhiên, đặt ra một sự phân biệt rạch ròi như thế dễ dẫn đến sự hiểu sai về các tín hữu Thanh giáo - và về nước Mỹ. Đối với hầu hết các tín hữu Thanh giáo, từ giàu có như John Winthrop tới nghèo khó như Josiah Franklin, hành trình đến nơi hoang dã của họ chịu sự thúc đẩy của những trăn trở cả về đức tin và tài chính. Bằng chứng là, các nhà đầu tư như Winthrop đã lập ra Thuộc địa Vịnh Massachusetts và đưa nó vào hoạt động như một tổ chức kinh doanh đủ tư cách pháp lý đồng thời cũng là ‘thành phố thiên đường trên ngọn đồi’*. Các tín hữu Thanh giáo này hẳn đã không phân biệt giữa động cơ thế tục và tinh thần. Bởi lẽ, một trong những di sản tinh thần lớn nhất họ để lại cho nước Mỹ là luân lý Tin lành cho rằng, tự do tôn giáo và tự do kinh tế gắn kềt với nhau, rằng dám mạo hiểm cũng là một đức tính, và rằng thành công về tài chính không nhất thiết ngăn trở sự cứu rỗi về tâm linh.7
Các tín hữu Thanh giáo khinh thường niềm tin cũ kĩ của giới tăng lữ thuộc Giáo hội La Mã rằng sự thánh khiết đòi hỏi phải từ bỏ mối bận tâm về kinh tế trần tục. Ngược lại, họ luôn rao giảng rằng cần cù là đức tính phải có ở cả trên thiên đàng lẫn dưới trần thế. Cái mà nhà văn học sử Perry Miller gọi là “nghịch lý của chủ nghĩa vật chất và tính phi vật chất Thanh giáo” lại không phải là nghịch lý với các tín hữu Thanh giáo. Kiếm tiền là một cách để vinh danh Thiên Chúa. Như Cotton Mather đã nói trong bài giảng nổi tiếng “Khi Một Ki-tô Hữu Được Ơn Gọi” năm năm trước khi Franklin chào đời: chăm lo cho công việc kinh doanh ổn định là điều rất
quan trọng, “vì nhờ đó một Ki-tô hữu sẽ dành phần lớn thời gian của mình để có thể vinh danh Thiên Chúa bằng cách làm lợi cho người khác và nhận điều tốt về mình”. Hay như sau này Niên giám Richard Nghèo Khổ* đã viết, Chúa sẽ nở nụ cười với những ai siêng năng làm theo tiếng gọi thế tục của họ và sẽ “giúp những ai biết tự giúp mình”.8
Như vậy, cuộc di cư Thanh giáo đã tạo nền tảng cho một số đặc điểm của Benjamin Franklin và của bản thân nước Mỹ: niềm tin rằng sự cứu rỗi tinh thần và sự thành công thế tục không nhất thiết mâu thuẫn với nhau, tính cần cù rất gần với lòng sùng đạo và tự do tư tưởng gắn bó mật thiết với tự do kinh doanh.
MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG CÓ ÓC SUY XÉT
Tháng 8 năm 1683, ở tuổi 25, Josiah Franklin dong buồm sang Mỹ cùng vợ, hai con trai mới chập chững biết đi và con gái út mới vài tháng tuổi. Chuyến vượt biển với cả trăm hành khách chen chúc trên một chiếc tàu chiến nhỏ kéo dài hơn 9 tuần và tiêu tốn của gia đình anh 15 bảng, bằng thu nhập nửa năm của một thương nhân như Josiah. Tuy nhiên, đây là một khoản đầu tư hợp lý vì thu nhập ở Tân Thế giới cao gấp hai, ba lần còn chi phí sinh hoạt lại thấp hơn.9
Nhu cầu về vải lụa sặc sỡ ở một thành phố biên giới, đặc biệt là một thành phố Thanh giáo như Boston, không nhiều. Đúng hơn, việc phục sức quá cầu kỳ bị xem là một hành vi phạm pháp. Song không giống như ở Anh, ở đây không có luật buộc một người phải trải qua thời gian học việc dài trước khi được hành nghề. Vì vậy, Josiah đã chọn một nghề mới, ít hào nhoáng nhưng hữu ích hơn nhiều: nghề làm đèn sáp, chuyên nấu mỡ động vật thành nến và xà phòng.
Đây là một lựa chọn khôn ngoan. Nến và xà phòng đang từ xa xỉ phẩm dần trở thành nhu yếu phẩm. Công việc thơm tho – chế thuốc giặt từ tro, sau đó ninh hàng giờ với chất béo - là một việc mà cả những bà nội trợ tận tâm nhất ở vùng biên giới này cũng sẵn sàng trả tiền để thuê người khác làm. Gia súc từng một thời hiếm hoi, giờ ngày một nhiều và bị giết thịt thường xuyên hơn, giúp cho việc sản xuất quy mô lớn từ mỡ động vật trở nên khả thi. Tuy nhiên, ngành nghề này lại ít người làm. Theo liệt kê trong bản đăng ký ngành nghề tại Boston ngay trước khi Josiah đến, có 12 thợ sửa giày, 11 thợ may, 3 người làm bia nhưng chỉ có 1 người làm đèn sáp.
Anh thuê một ngôi nhà ốp ván gỗ hai tầng rưỡi ở góc Phố Milk và Phố High (nay là Phố Washington), diện tích chỉ 6 x 9 m, để vừa làm cửa hiệu vừa sinh hoạt. Tầng trệt ngôi nhà chỉ có một phòng, còn nhà bếp là một chái nhỏ xây biệt lập phía sau nhà. Giống như những ngôi nhà khác ở Boston, nó có cửa sổ nhỏ để dễ dàng giữ ấm, nhưng được sơn màu sáng để trông tươi tắn hơn.10
Bên kia đường là Nhà thờ Nam phương, nhà thờ mới nhất và tự do nhất (nói một cách tương đối) trong số ba hội đoàn Thanh giáo ở Boston. Hai năm sau khi tới đây, Josiah đã được thừa nhận tư cách hội viên, hay được phép “sở hữu giao ước”*.
Trở thành một thành viên của nhà thờ là một đòn bẩy xã hội, ít nhất là với các tín hữu Thanh giáo. Dù chỉ là một thương nhân chật vật, nhờ tư cách hội viên của anh ở Nhà thờ Nam phương, Josiah có thể kết bạn với những danh nhân của xứ thuộc địa như nguyên thống đốc Simon Bradstreet hay thẩm phán Samuel Sewall, một học giả và người giữ sổ sách cần mẫn tại Harvard.
Là một nhân vật theo chế độ gia trưởng, được tín nhiệm, thứ bậc dân sự cũng như tôn giáo của Josiah ở Boston ngày càng tăng. Năm 1697, ông được cắt cử làm một người thu thuế thập phân* - tên gọi của chức quan chủ tế coi sóc luân lý có nhiệm vụ thúc đẩy việc đi lễ vào ngày Chủ nhật và coi chừng “bọn gái ăn sương, những gã nát rượu, những kẻ hay bỏ lễ... hoặc bất cứ điều gì khác có xu hướng dẫn tới sự đồi trụy, nghịch đạo, báng bổ và vô thần”. Sáu năm sau, ông được chọn làm một trong mười một giám sát viên,* chịu trách nhiệm quản lý đội thu thuế thập phân. Dù đây đều là các việc không được trả công xá, Josiah đã thực hành một nghệ thuật sau này được con trai ông hoàn thiện, đó là kết hợp đạo đức công với lợi nhuận tư: ông kiếm tiền bằng cách bán nến cho những người gác đêm mà ông quản lý.11
Trong cuốn tự truyện, Benjamin Franklin đã khắc họa cha mình như sau:
Ông có nhân dáng tuyệt đẹp, tuy tầm vóc chỉ trung bình nhưng cân đối và rất khỏe mạnh. Ông khéo tay, vẽ đẹp, có đôi chút khả năng về âm nhạc và sở hữu một giọng ca sáng, dễ nghe. Đôi lần vào buổi tối sau khi đã ngơi việc kinh doanh trong ngày, ông vừa trải giai điệu bản Thánh vịnh trên cây vĩ cầm vừa hát theo, nghe rất êm tai. Ông cũng có biệt tài về cơ khí và còn biết dùng cả dụng cụ của các nghề nghiệp khác. Song sự xuất sắc tuyệt vời của ông nằm ở tầm hiểu biết sâu sắc, và óc phán đoán cừ khôi về các vấn đề quan trọng, cả việc riêng và việc chung... Tôi nhớ rất rõ ông thường xuyên được các nhân vật lãnh đạo ghé thăm. Họ tới để xin ông cho ý kiến về các vấn đề của thành phố hoặc nhà thờ... Ông cũng được nhiều cá nhân
tham vấn về việc làm ăn khi họ gặp khó khăn, và thường xuyên được chọn làm trọng tài khi các bên có tranh chấp.12
Những lời mô tả này có lẽ quá hào phóng. Nói cho cùng, nó nằm trong một cuốn tự truyện được Benjamin viết ra để phần nào dạy dỗ con trai về lòng hiếu thảo. Chúng ta phải thấy rằng, dù sự thông thái của Josiah là không thể hoài nghi, ông vẫn có những tầm nhìn hạn chế. Ông có xu hướng cản trở những khát vọng về giáo dục, nghề nghiệp và thậm chí cả thơ ca của con trai mình.
Đặc điểm nổi bật nhất của Josiah được tóm gọn bằng một cụm từ có tinh thần Thanh giáo sâu sắc, thể hiện qua sự kiên định của nó đối với tính cần cù và chủ nghĩa bình quân, về sau được con trai khắc lên bia mộ ông: “cần mẫn với ơn gọi của mình”. Cụm từ này xuất phát từ một đoạn văn mà Josiah rất tâm đắc trong Sách Khôn ngoan của vua Solomon (cách ngôn 22:29), thường được ông trích đọc để răn dạy con trai: “Ai cần mẫn với ơn gọi của mình, người đó sẽ được đứng trước các Đức Vua.”* Khi đã ở tuổi 78, Franklin hồi tưởng lại trong cuốn tự truyện của mình với đôi chút tự cao xen lẫn niềm hứng khởi của một người đã hiểu rõ bản thân: “Từ đó, tôi coi tính cần cù như phương thức để đạt được cả tiền bạc và sự trọng vọng, những thứ cổ vũ tôi, dù không tin một ngày tôi sẽ thật sự được đứng trước các vị vua. Tuy vậy, điều đó đã xảy ra: tôi đã từng được đứng trước năm vị vua và thậm chí có vinh dự ngồi bên một vị để dùng bữa tối, đó là vua Đan Mạch.”13
Khi phát đạt là lúc gia đình Josiah mở rộng quân số hơn. Sau khoảng thời gian 34 năm, ông đã có tới 17 người con. Sức sinh sản là điểm chung của các tín hữu Thanh giáo tráng kiện và tràn đầy sinh lực: Cha Samuel
Willard, mục sư của Nhà thờ Nam phương, có 20 người con; nhà thần học nổi tiếng, Cotton Mather, có 15 người con. Con cái thường được xem như tài sản chứ không phải gánh nặng. Chúng giúp các việc trong nhà và ngoài cửa hàng bằng cách đảm nhận hầu hết các công việc chân tay.14
Sau ba đứa con theo họ từ Anh sang, Josiah và Anne Franklin nhanh chóng có thêm hai con nữa, và cả hai đều sống đến tuổi trưởng thành, đó là Josiah Nhỏ, sinh năm 1685 và Anne Nhỏ, sinh năm 1687. Thế nhưng, sau đó, cái chết đã ập đến tàn nhẫn. Trong 18 tháng kế tiếp, đã ba lần Josiah phải đưa tang qua Phố Milk để tới nghĩa địa của Giáo hội Nam phương: lần đầu vào năm 1688 để chôn cất đứa con trai mới sinh được năm ngày; sang năm 1689 đến lượt vợ anh, Anne qua đời một tuần sau khi sinh một đứa con trai khác; và chính đứa trẻ đó cũng chết một tuần sau đó. (Một phần tư số trẻ sơ sinh ở Boston vào thời đó đều không sống qua được một tuần.)
Việc nam giới ở xứ thuộc địa New England sống lâu hơn hai, ba đời vợ là điều không có gì bất thường. Chẳng hạn, trong 18 phụ nữ tới Massachusetts năm 1628, 14 người đã qua đời chỉ sau một năm. Việc những người chồng mất vợ tái hôn sớm cũng không bị đánh giá là tàn nhẫn. Thực tế, như trong trường hợp của Josiah, tái hôn được xem là cần thiết về mặt kinh tế. Ở tuổi 31, với năm người con phải nuôi nấng, một công việc đang phất và một cửa hiệu phải trông coi, anh cần có một người vợ mới khỏe mạnh và cần cô ấy xuất hiện thật nhanh chóng.
MỘT NGƯỜI PHỤ NỮ ĐỨC HẠNH
Giống như nhà Franklin, nhà Folger (tên gốc là Foulgier) cũng có cả tinh thần phản kháng lẫn óc thực tế. Họ giống nhau ở nỗi trăn trở về việc
đan xen giữa tôn giáo và kinh tế. Là hậu duệ của các nhà cải cách Tin lành Flemish từng sang nước Anh lánh nạn hồi thế kỷ 16, nhà Folger thuộc làn sóng di cư đầu tiên tới Massachusetts khi vua Charles I và Tổng Giám mục Canterbury, William Laud, bắt đầu trấn áp Thanh giáo*. Gia đình của John Folger, trong đó có cậu con trai Peter 18 tuổi, lên tàu sang Boston vào năm 1635, khi thành phố này mới chỉ được năm tuổi.
Trong chuyến đi, Peter gặp một đầy tớ gái trẻ tên là Mary Morrill. Cô có khế ước với một trong số các mục sư Thanh giáo trên tàu. Sau khi đến nơi, Peter đã chuộc cô với giá 20 bảng và cưới cô làm vợ.
Khi đã tìm được cho mình tự do cá nhân và tự do tôn giáo, nhà Folger không ngừng tìm kiếm các cơ hội kinh tế. Từ Boston, họ ngược sông để đến khu định cư mới có tên Dedham, sau đó chuyển tới Watertown và cuối cùng là Đảo Nantucket, nơi Peter làm thầy giáo dạy học. Hầu hết cư dân tại đây là người Anh-điêng.* Peter học tiếng của họ, dạy họ tiếng Anh và ấp ủ (và thành công lớn) cải họ sang Thiên Chúa giáo. Vốn dĩ là người có bản tính bất trị, ông cũng tự cải mình sang dòng Báp-tít, điều đó có nghĩa là những người Anh-điêng trung thành được ông dẫn dắt theo đạo Chúa sẽ phải cùng ông thực hiện nghi lễ dầm mình hoàn toàn trong nước*.
Mang dòng máu đối kháng mạnh mẽ với công quyền chảy trong cả hai gia đình Folger và Franklin, Peter thuộc kiểu nổi loạn, mang trong mình sứ mệnh cải tổ xứ thuộc địa Mỹ. Khi là thư ký tòa án ở Nantucket, ông đã một lần bị tống giam vì trái lệnh quan tòa địa phương trong một vụ tranh đấu giữa các cổ đông giàu có của đảo và giới trung lưu ngày một lớn mạnh của các chủ cửa hiệu và thợ thủ công.15
Ông còn viết một bài luận ngắn bằng thơ có nội dung gần như dấy loạn, bày tỏ lòng cảm thông với người Anh-điêng trong Chiến tranh của
vua Philip năm 1676.* Ông tuyên bố rằng cuộc chiến nổ ra do Chúa Trời nổi giận trước sự thiếu độ lượng của giới tăng lữ Thanh giáo ở Boston. Có thể thấy sự phẫn nộ còn cao hơn cả văn tài của ông: “Hãy để các quan tòa và mục sư / xem lại những việc họ làm; / Hãy để họ bãi bỏ luật ác / và xé đôi những bản giao kèo.” Sau này, cháu ngoại của ông, Benjamin Franklin, nhận xét bài thơ “được viết với tinh thần tự do rất nam nhi và sự giản dị dễ chịu”.16
Peter và Mary Folger có mười người con. Con gái út, Abiah, sinh năm 1667. Khi đã 21 tuổi và chưa lập gia đình, cô dọn tới Boston sống cùng vợ chồng người chị gái mà cả vợ cả chồng đều là hội viên Giáo hội Nam phương. Dù được nuôi dạy theo dòng Báp-tít, chỉ một thời gian ngắn sau khi tới đây, Abiah đã gia nhập hội đoàn này. Tháng 7 năm 1689 khi người thợ đèn sáp khả kính Josiah Franklin tới nhà thờ để chôn cất vợ, Abiah đã là một tín hữu thuần thành.17
Chưa đầy năm tháng sau, vào ngày 25 tháng 11 năm 1689, họ kết hôn với nhau. Cả hai đều là con út trong gia đình. Họ cùng nhau sống đến tuổi xưa nay hiếm - ông, 87 và bà, 84. Sống thọ là một trong rất nhiều đặc điểm họ sẽ đề lại cho cậu con trai út nổi tiếng của mình, người sống đến tuổi 84. “Cha là một người sùng đạo và cẩn trọng, mẹ là một người kín đáo và đức hạnh,” về sau Benjamin đã ghi như thế trên bia mộ họ.
Sau 12 năm, Josiah và Abiah Franklin có với nhau sáu người con: John (sinh năm 1690), Peter (1692), Mary (1694), James (1697), Sarah (1699) và Ebenezer (1701). Nếu tính cả những đứa con từ cuộc hôn nhân trước của Josiah, họ có tổng cộng 11 người con, tất cả đều chưa lập gia đình, sống chen chúc trong ngôi nhà nhỏ ở Phố Milk cùng với dầu mỡ, xà phòng và dụng cụ để làm nến.
Có lẽ việc trông coi một bầy con quá đông trong hoàn cảnh như thế là điều bất khả thi và chuyện nhà Franklin là minh chứng bi thảm cho điều này. Ebenezer chết đuối trong bồn xà phòng của cha khi mới 16 tháng tuổi. Cuối năm đó, tức năm 1703, vợ chồng Franklin sinh thêm một cậu con trai nhưng cậu bé cũng sớm chết yểu.
Cậu con trai tiếp theo của họ là Benjamin. Thời niên thiếu, cậu sẽ sống dưới cùng một mái nhà với mười anh chị nữa, nhưng người bé nhất trong số đó cũng lớn hơn cậu tới bảy tuổi. Dưới cậu còn có hai cô em gái: Lydia (sinh năm 1708) và Jane (1712).
MỘT CẬU BÉ CAN ĐẢM
Benjamin Franklin được sinh ra và rửa tội trong cùng một ngày: Chủ nhật, ngày 17 tháng 1 năm 1706*. Khi đó, thành phố Boston đã 76 năm tuổi, không còn là tiền đồn Thanh giáo nữa mà là một trung tâm thương mại đang phát triển, với đầy ắp các nhà thuyết giáo, thương nhân, thủy thủ và gái mại dâm. Boston có hơn một ngàn hộ gia đình, một ngàn tàu đăng ký tại bến cảng và bảy ngàn cư dân, con số này cứ đều đặn nhân đôi sau mỗi hai thập niên.
Là một đứa trẻ lớn lên bên sông Charles, trong ký ức của Franklin, cậu “về đại thể là người cầm đầu lũ trẻ”. Một trong số những nơi tụ tập ưa thích của chúng là con đầm ngập mặn gần cửa sông; nó trở thành đầm lầy do bị bọn chúng giẫm đạp liên tục. Dưới sự chỉ đạo của Franklin, lũ trẻ đã chôm chỗ đá sỏi người ta dùng để xây một ngôi nhà kế đó để tự xây lên một cầu tàu. “Chiều chiều khi các công nhân đã về nhà, tôi tập hợp mấy thằng bạn lại, lao động cần mẫn như những con kiến; có khi hai ba đứa
cùng vần một tảng, cho đến khi gom được đủ đá để xây chiếc cầu tàu nhỏ của mình.” Sáng ngày ra, cậu và các đồng phạm bị bắt và phải chịu phạt. Franklin nói, ông kể lại chuyện này trong cuốn tự truyện để minh họa cho phương châm của cha mình, rằng “không có thứ gì hữu ích được tạo ra từ sự không trung thực”.18 Song cũng như nhiều lần cố gắng tự hạ thấp bản thân của mình, giai thoại này của Franklin hình như được sắp đặt để làm nổi bật hình ảnh một cậu bé có tài lãnh đạo hơn là một cậu bé hư. Suốt đời, ông không giấu giếm niềm tự hào về khả năng điều phối các nỗ lực tập thể và các dự án có tính cộng đồng.
Tuổi thơ vui đùa bên sông Charles đã khơi nên tình yêu vĩnh cửu của Fanklin đối với môn bơi lội. Khi đã học được và dạy lại cho các bạn đồng lứa, cậu mày mò tìm cách bơi nhanh hơn. Cậu nhận ra kích thước bàn tay và bàn chân sẽ giới hạn lượng nước mà một người có thể đẩy và cả sức đẩy của người đó. Vì thế, cậu làm hai miếng ván hình bầu dục, có lỗ để đút ngón tay cái vào. Như Franklin giải thích trong bức thư gửi một người bạn: “Tôi cũng xỏ thêm một loại xăng-đan vào bàn chân.” Với các mái chèo và chân chèo này, cậu đã tăng tốc độ rẽ nước lên đáng kể.
Tính hữu dụng của những cánh diều sau này cũng sẽ được cậu chứng minh rất xuẩt sắc. Thả một cánh diều lên cao, cậu cởi đổ, lội xuống hồ nước, nằm ngửa trên mặt nước, và để cánh diều kéo cậu đi. Franklin nhớ lại: “Tôi đã nhờ một cậu bạn cầm quần áo của tôi đi quanh hồ rồi bắt đầu băng qua hồ bằng cánh diều. Nó kéo tôi đi không tốn chút sức lực và đem lại cho tôi niềm vui sướng vô bờ.”19
Có một sự việc thời thơ ấu không được đưa vào cuốn tự truyện song được ông kể lại sau hơn 70 năm để mua vui cho bạn bè ở Paris, xảy ra khi Franklin gặp một cậu bé thổi còi. Bị mê hoặc bởi vật này, cậu đã đem tất số
tiền trong túi để mua nó. Các chị em ruột của cậu đã giễu cợt và nói rằng cậu đã trả đắt gấp bốn lần giá trị thật của chiếc còi. “Tôi đã khóc vì bực tức”, Franklin nhớ lại, “nỗi thất vọng mà sự chỉ trích đó đem lại còn lớn hơn cả niềm vui mà tiếng còi đưa đến cho tôi.” Với Franklin, tính căn cơ không chỉ là một đức tính mà còn là niềm vui. “Siêng năng và căn cơ là phương tiện để mưu cầu giàu sang, bởi thế nó giúp giữ gìn đạo đức”20, ông viết như thế khi diễn tả chủ đề của Niên giám Richard Nghèo Khổ.
Khi Benjamin lên sáu, gia đình cậu chuyển từ căn nhà hai phòng chật chội trên Phố Milk, nơi 14 đứa trẻ đã được nuôi dưỡng, tới một ngôi nhà và cửa hiệu lớn hơn ở trung tâm thành phố, tại khu Phố Hanover và Union. Cùng năm đó (1712), ở tuổi 45, mẹ cậu sinh Jane - đứa con cuối cùng của bà. Đây là người em gái thân thiết và người bạn thư từ suốt đời của Benjamin.*
Nhà mới khang trang hơn, cộng với việc số con cái còn sống chung với ông giảm xuống, tạo điều kiện để Josiah Franklin tiếp đãi được các vị khách thú vị trong bữa tối. Benjamin nhớ lại: “Mỗi khi có dịp, cha tôi thích mời một vài bạn hữu hoặc láng giềng có hiểu biết đến để cùng hàn huyên và luôn để ý khơi mào một số chủ đề tinh tế và hữu ích, có thể tốt cho sự hoàn thiện tư duy của các con, để đàm luận.”
Trong cuốn tự truyện, Franklin thừa nhận mình đã bị những cuộc hội luận như thế choán hết tâm trí, đến mức “rất ít, thậm chí không còn để ý” xem món gì được dọn ra trong bữa tối. Quá trình rèn luyện này khiến ông dần trở nên “thờ ơ hoàn toàn” với đồ ăn trong suốt quãng đời về sau, một đặc điểm được ông xem như “sự giản tiện tuyệt vời”. Dù vậy, số lượng công thức nấu ăn của hai nền ẩm thực Pháp và Mỹ trong các tác phẩm của ông dường như đã đi ngược lại điều này.21
Ngôi nhà mới cũng cho phép nhà Franklin cưu mang anh trai Josiah, tức Benjamin Lớn. Ông rời nước Anh năm 1715 khi đã 65 tuổi, còn đứa cháu cùng tên với ông thì lên 9. Giống như Josiah, Benjamin Lớn nhận thấy Tân Thế giới không chào đón nghề nhuộm lụa của mình; nhưng không giống như Josiah, ông không có nghị lực để học một nghề mới. Vì thế, ông tha thẩn quanh nhà Franklin làm thơ con cóc (trong đó có một cuốn tự truyện gồm 124 bài tứ tuyệt) và một biên niên sử gia tộc, một việc khá hữu ích. Ông cũng tham dự và chép tay lại các bài thuyết pháp, đùa giỡn với cháu trai và dần khiến em trai ông bực mình.22
Ông bác Benjamin sống cùng gia đình Franklin được bốn năm, nhanh chóng dốc cạn sự ân cần của em trai, nếu không nói là cả cháu trai. Cuối cùng, ông chuyển đến sống với con trai mình, Samuel, một người thợ làm dao kéo cũng di cư tới Boston. Nhiều năm sau, Benjamin Nhỏ viết thư cho em gái Jane và hài hước kể lại “những mâu thuẫn và hiểu lầm” ngày càng chồng chất giữa cha và bác. Bài học Josiah rút ra là: cuộc viếng thăm của những người họ hàng ở xa “không thể đủ ngắn để khi chia tay họ vẫn là những người bạn tốt”. Sau này, trong Niên giám Richard Nghèo Khổ, Benjamin Nhỏ còn đúc rút súc tích hơn: “Cả cá lẫn khách khứa đều thối sau ba ngày.”23
GIÁO DỤC
Kế hoạch dành cho Benjamin Nhỏ là học để trở thành tu sĩ. Josiah muốn đứa con trai thứ mười được xức dầu và hiến dâng lên Chúa như một khoản thuế thập phân.* Bác Benjamin Lớn hết sức tán đồng kế hoạch này vì một trong số nhiều lợi ích của nó là ông có thể làm gì đó với các bài giảng ông nhặt nhạnh chép lại để lưu giữ. Suốt nhiều năm liền, ông đã theo
dõi các nhà thuyết giáo hay nhất và chép lại lời họ giảng bằng phép tốc ký do chính ông sáng tạo ra. Sau này, cháu trai ông vui vẻ kể lại câu chuyện pha chút chế giễu: “Bác ấy định cho tôi tất cả những bản tốc ký của mình mà tôi đồ là cho tôi làm vốn để hành nghề.”
Để chuẩn bị cho con trai vào Harvard, Josiah gửi cậu, khi đó mới 8 tuổi, đến Trường Latin Boston. Đây là nơi Cotton Mather từng theo học và con trai ông, Samuel, lúc đó cũng vừa ghi danh. Dù là một trong những học sinh ít được ưu ái nhất, Franklin đã tỏa sáng trong năm học đầu tiên, vươn từ vị trí trung bình lên vị trí đầu tiên và được phép nhảy cóc một lớp. Dù con trai học hành tấn tới như thế, Josiah đột ngột thay đổi quyết định về việc gửi cậu tới Harvard. Franklin viết: “Gánh trên vai gánh nặng của một gia đình đông con, cha tôi hẳn là không thể không chật vật khi phải trang trải chi phí cho tôi theo học đại học.”
Lời biện minh về điều kiện kinh tế này không thật sự thỏa mãn. Gia đình Franklin lúc đó đủ khá giả và số con cái cần bố mẹ chu cấp lại ít hơn so với các năm trước (chỉ còn lại Benjamin và hai em gái). Trường Latin không thu học phí, và là học trò đứng đầu lớp, cậu sẽ dễ dàng được nhận học bổng để vào Harvard. Trong số 43 sinh viên lẽ ra sẽ là bạn đồng niên của Benjamin, chỉ có 7 người xuất thân từ các gia đình giàu có; 10 người là con của các thương nhân và 4 người là trẻ mồ côi. Đại học Harvard thời đó dành ra khoảng 11% ngân sách để hỗ trợ tài chính, nhiều hơn so với ngày nay.24
Có thể còn có một yếu tố khác. Josiah dần tin, hay nói đúng hơn là ông không còn nghi ngờ, rằng con trai út của mình không hợp với giới tăng lữ. Benjamin là một đứa trẻ hay hoài nghi, tinh nghịch, tò mò, bất kính - kiểu người sẽ suốt đời cười thầm suy nghĩ của ông bác về sự hữu ích của kho
bài giảng đã qua sử dụng đối với một nhà thuyết giáo mới bắt đầu sự nghiệp. Có nhiều giai thoại về đầu óc trẻ trung và bản tính tinh quái của cậu, song không có gì cho thấy cậu là một đứa trẻ ngoan đạo hay sùng đạo.
Mà là ngược lại. Một câu chuyện do cháu trai Franklin kể lại nhưng không được đưa vào tự truyện cho thấy ông không chỉ giỡn cợt về tín ngưỡng mà cả sự dài dòng của các lễ nghi thờ phụng, vốn là một dấu ấn của đức tin Thanh giáo. “Khi còn là một đứa trẻ, Tiến sĩ Franklin đã cảm thấy những lời cầu nguyện lê thê của cha mình trước và sau mỗi bữa ăn thật tẻ nhạt,” cháu trai ông thuật lại. Một ngày, khi nhìn số thức ăn được ướp muối dự trữ cho mùa đông, Benjamin nói: “Thưa cha, con nghĩ nếu cha cầu nguyện luôn một lần cho cả thùng thì hẳn sẽ tiết kiệm được vô khối thời gian.”25
Vì thế, Benjamin được cha ghi danh cho theo học một năm về ngữ văn và số học tại một trường tư thục cách đó hai dãy nhà. Ngôi trường do một thầy hiệu trưởng ôn tồn nhưng có đầu óc kinh doanh tên là George Brownell điều hành. Benjamin xuất sắc ở môn văn nhưng lại thất bại với môn toán - một sự thiên lệch về học thuật mà ông không bao giờ khắc phục được hoàn toàn. Điều này, cộng với sự thiếu hụt quá trình đào tạo hàn lâm trong lĩnh vực đó, khiến ông cuối cùng chỉ trở thành nhà khoa học tài hoa nhất trong thời đại của mình mà không thể vượt lên để bước vào ngôi đền thiêng của các nhà lý luận uyên bác thực thụ như Newton.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Franklin thật sự có cơ hội được hưởng thụ một quá trình giáo dục hàn lâm và sau đó vào Harvard? Một số sử gia như Arthur Tourtellot lập luận, ông hẳn sẽ mất đi “tính tự phát”, phong cách văn chương “trực quan”, “niềm say mê”, “sự tươi mới” và “tính ngăn nắp”
trong tư duy. Sự thật là Harvard từng được biết đến vì gây ra điều này, thậm chí còn tồi tệ hơn, đối với một số sinh viên theo học tại đây. Song bằng chứng để chứng minh Franklin có thể sẽ chịu tác động tiêu cực này là không đủ mạnh, nên thật không công bằng cho cả ông lẫn Harvard. Với lối tư duy hoài nghi và sự dị ứng với chính quyền, có ít khả năng Franklin sẽ trở thành mục sư như được sắp xếp. Chưa đầy một nửa trong số 39 người lẽ ra đã học cùng lớp với ông cuối cùng thực sự gia nhập giới tăng lữ. Bản tính ương ngạnh của ông có thể sẽ được củng cố thay vì bị đè nén. Nên nhớ ban quản trị nhà trường khi đó đang phải ra sức vật lộn với nạn tiệc tùng, ăn uống quá đà vốn đã lây lan trong toàn học xá. Một khía cạnh thiên tài của Franklin được thể hiện ở những mối quan tâm rộng khắp của ông, từ khoa học đến quản trị nhà nước, từ ngoại giao đến báo chí; tất cả đều được ông tiếp cận dưới góc độ thực tế chứ không phải lý thuyết. Nếu ông vào Harvard, thế giới quan đa diện này chưa chắc đã thui chột đi vì từ khi đặt dưới sự lãnh đạo của John Leverett, người theo tư tưởng tự do, trường đại học này không còn chịu sự quản chế khắt khe của các tu sĩ Thanh giáo. Vào thập niên 1720, bên cạnh kinh điển Hy-La* và thần học, trường đã mở các khóa học lừng danh về vật lý, địa lý, logic học và đạo đức học. Chiếc kính viễn vọng đặt nơi nóc hội trường Massachusetts còn biến Harvard thành một trung tâm về thiên văn học. May mắn thay, Franklin đã học được một số điều có lẽ cũng có tính khai sáng như nền giáo dục của Harvard: sự rèn luyện và những trải nghiệm của một chủ bút, một thợ in và một nhà báo.
HỌC VIỆC
Ở tuổi lên 10, sau hai năm học hành, Benjamin bắt đầu làm việc toàn thời gian tại cửa hàng nến và xà phòng của cha, thế chỗ anh trai John, người đã hoàn tất thời kỳ học việc và rời nhà đến khởi sự kinh doanh ở Đảo Rhode. Công việc này không hề dễ chịu - hớt váng mỡ nấu chảy từ các vạc dầu đang sôi thì hết sức độc hại, còn cắt bấc bỏ vào khuôn lại rất vô vị - và Franklin không giấu giếm nỗi chán ghét đối với nó. Đáng lo hơn, cậu rõ tỏ “thiên hướng mạnh mẽ với biển cả”, dù một người anh trai khác, Josiah Nhỏ, vừa mới bỏ xác nơi đáy biển.
Lo sợ con trai “thoát khỏi vòng kiềm tỏa và ra biển”, Josiah đưa cậu dạo khắp Boston để gặp những người thợ thủ công khác, nhờ đó ông có thể “quan sát thiên hướng của tôi và nỗ lực gắn nó với một cái nghề nào đó hòng giữ chân tôi trên bờ”. Những chuyến đi như thế đã khắc sâu trong Franklin niềm ngưỡng mộ suốt đời với giới thợ thủ công và thương gia. Sự làm quen ngắn ngủi với hàng loạt nghề thủ công cũng giúp Franklin trở thành một thợ hàn lành nghề, một điều cực kỳ hữu ích cho công việc của một nhà phát minh.
Cuối cùng, Josiah kết luận rằng tốt nhất Franklin nên làm thợ dao kéo, chuyên rèn dao và mài các loại lưỡi. Do đó, ít nhất là trong vài ngày, cậu được gửi tới học việc với Samuel, con trai bác Benjamin. Thế nhưng Samuel đòi hỏi một khoản phí học việc mà Josiah cho là vô lý, nhất là khi nhớ lại câu chuyện dài về lòng hiếu khách cũng như mối hiềm khích của ông với Benjamin Lớn.26
Vì thế, gần như bất đắc dĩ chứ không theo kế hoạch, Benjamin Nhỏ đành bắt đầu học việc từ năm 1718 ở tuổi 12 với người anh trai 21 tuổi tên James. James đã hoàn tất việc học hành ở Anh và trở về Mỹ để khởi nghiệp làm thợ in. Cậu bé Benjamin bướng bỉnh ban đầu không chịu ký các
loại giấy giao kèo; tuổi cậu hơi nhiều hơn so với tuổi bắt đầu học việc thông thường và James yêu cầu cậu học với thời hạn chín năm thay vì bảy năm như thường lệ. Sau cùng, Benjamin vẫn ký dù không có ý định giữ cam kết cho đến năm 21 tuổi.
Trong thời gian ở London, James gặp những người hát nhạc trữ tình trên Phố Grub, họ in những bài tụng ca và bán rong tại các quán cà phê. Bởi thế, anh muốn Benjamin lập tức bắt tay vào công việc, không chỉ là việc sắp chữ mà cả việc sáng tác thơ. Được sự khuyến khích của bác trai, cậu bé Franklin đã viết hai bài thơ dựa trên hai mẩu tin trên báo, tất cả đều liên quan tới biển: bài thứ nhất nói về một gia đình bỏ mạng trong một tai nạn tàu bè, bài thứ hai nói về việc hạ được tên cướp biển có tên Râu đen. Franklin nhớ lại, đó chỉ là “những bài thơ rất dở” song lại bán khá chạy, điều đó càng “tâng bốc thói kiêu căng của tôi”.27
Về sau, Herman Melville* từng viết rằng Franklin “có thể làm bất cứ nghề gì trừ làm nhà thơ”. Vốn không phải là người lãng mạn, Josiah thực ra lại thích như thế và ông đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chuyển thể văn xuôi thành thơ của con trai. “Cha tôi đã làm tôi nhụt chí bằng cách chế giễu công việc của tôi và nói những kẻ làm thơ đa phần đều đói rách như ăn mày. Thế là tôi đã chấm dứt đời thi sĩ mà hẳn nếu có thì là một thi sĩ rất tồi.”
Khi Franklin bắt đầu học nghề, tại Boston chỉ có duy nhất tờ Boston News-Letter (Bản tin) do John Campbell, một chủ nhà in thành đạt, giám đốc bưu điện thành phố, khai trương vào năm 1704. Thời đó cũng như ngày nay, quyền kiểm soát nội dung cũng như phát hành là một lợi thế lớn trong ngành truyền thông. Campbell có khả năng phối kết hợp với một mạng lưới các chủ bưu điện từ New Hampshire cho đến Virginia. Không
giống như các nhà in khác, sách và báo của ông được chuyển miễn phí theo đường này và các bưu điện trong mạng lưới còn là nguồn cung cấp tin tức đều đặn cho ông. Chưa kể, nhờ có chân trong chính quyền, ông có thể tuyên bố tờ báo của mình “do chính quyền phát hành”. Đây là một chứng chỉ quan trọng vào thời bấy giờ, khi mà ngay cả báo chí cũng chưa được lấy làm tự hào về tính độc lập của nó.
Mối liên kết giữa hai công việc giám đốc bưu điện và chủ bút tờ báo tự nhiên đến mức khi Campbell mất việc ở bưu điện, người kế nhiệm ông, William Brooker, cứ đinh ninh rằng mình cũng sẽ tiếp quản luôn tờ báo. Tuy nhiên, Campbell kiên quyết giữ lấy nó. Điều này khiến Brooker, vào tháng 12 năm 1719, quyết định tung ra một tờ báo đối thủ: Boston Gazzette (Công báo Boston). Ông thuê James Franklin, chủ nhà in rẻ nhất trong thành phố, làm công việc ấn loát.
Nhưng sau hai năm, James bị cắt hợp đồng in tờ Gazzette và anh đã làm một việc khá táo bạo. Anh cho ra đời một ấn phẩm sau này trở thành tờ báo độc lập đúng nghĩa duy nhất ở xứ thuộc địa và là tờ báo đầu tiên mang hơi hướng văn chương. Tờ New England Courant (Tuần báo New England) của anh thể hiện rõ ràng nó không phải “do chính quyền phát hành”.28
Tờ Courant được lịch sử ghi nhớ chủ yếu vì nó là nơi những áng văn xuôi đầu tiên của Benjamin Franklin được xuất bản. Còn James trở nên nổi tiếng với vai trò một ông chủ cộc cằn, hay ghen tị được mô tả trong cuốn hồi ký của em trai mình. Nhưng công bằng mà nói, tờ Courant phải được nhớ đến vì chính nó, với tư cách tờ báo hết sức độc lập đầu tiên của nước Mỹ. Sự táo bạo chống lại các chuẩn mực định sẵn của nó đã khơi nguồn truyền thống không kiêng nể của nền báo chí quốc gia. Nhà văn học sử
Perry Miller nhận định đây là “lần đầu tiên báo chí dám thách thức các chuẩn mực một cách công khai”.29
Thách thức nhà cầm quyền Boston lúc đó có nghĩa là thách thức nhà Mather và vai trò của giới tăng lữ Thanh giáo trong đời sống thế tục, mục tiêu được James đưa lên trang nhất của số báo đầu tiên. Thật không may anh chọn chống lại việc tiêm chủng phòng bệnh đậu mùa và trong trận chiến này anh đã chọn nhầm bên.
Với các đợt tấn công ngắt quãng, dịch bệnh đậu mùa đã tàn phá Massachusetts trong suốt 90 năm kể từ khi thành lập thành phố. Vào năm 1677, một trận dịch bùng nổ đã cướp mất sinh mạng của bảy trăm người, chiếm 12% dân số. Trong trận dịch năm 1702, khi ba đứa con của ông đều mắc bệnh song may mắn qua khỏi, Cotton Mather bắt tay vào nghiên cứu về chứng bệnh này. Vài năm sau, Mather được một người nô lệ da đen nói cho biết về tập tục tiêm chủng. Anh ta đã trải qua thủ tục này khi còn ở châu Phi và chỉ cho Mather thấy vết sẹo của mình. Mather kiểm tra lại với những người da đen khác tại Boston và nhận thấy tiêm chủng là một tập tục được chấp nhận rộng rãi ở một số vùng của châu Phi.
Ngay trước khi tờ Courant của James Franklin trình làng vào năm 1721, con tàu HMS Seahorse đến từ Tây Ấn đã mang theo một đợt dịch đậu mùa mới. Trong vòng vài tháng, chín trăm trên tổng số một vạn dân của Boston đã chết. Mather, vốn được đào tạo để làm bác sĩ trước khi trở thành nhà truyền giáo, đã gửi một lá thư đến mười bác sĩ thực hành tại Boston (chỉ một người trong số đó có bằng cấp về y khoa) tóm tắt những kiến thức của ông về tiêm chủng ở châu Phi và thúc giục họ áp dụng cách thức này. (Mather đã tiến bộ rất xa so với thời niềm tin mê tín khiến ông ủng hộ các cuộc săn lùng phù thủy ở Salem.)*
Hầu hết các bác sĩ đều bác bỏ ý tưởng này và tờ báo mới của James Franklin cũng vậy (dù anh không có lý lẽ nào khác để biện minh ngoài mong muốn đả kích nguyện vọng của các tu sĩ). Số đầu tiên của tờ Courant (ra ngày 7 tháng 8 năm 1721) đăng tải bài bình luận mà tác giả là một anh bạn trẻ của James, John Checkley, một tín hữu Anh giáo xấc xược từng theo học ở Oxford. Mục tiêu tấn công được anh ta lựa chọn là giới tu sĩ Thanh giáo, “những kẻ bằng cách giáo huấn và thực hành những thứ thuộc về Chính thống giáo, luôn khẩn thiết cầu nguyện chống lại bệnh tật nhưng lại rao giảng cho chứng đậu mùa!” Số báo này còn đăng tải bài công kích của vị bác sĩ có bằng y khoa duy nhất, tiến sĩ William Douglass, người chối bỏ tiêm chủng như “hủ tục của các mụ già Hy Lạp” và gọi Mather cùng các tu sĩ ủng hộ ông là “sáu quý ông có đạo đức và học thức hoàn toàn mù tịt về vấn đề”. Đây là thí dụ đầu tiên và là thí dụ điển hình về việc một tờ báo đối chọi với thế lực nắm quyền của nước Mỹ.30
Increase Mather, vị trưởng thượng già cả của gia tộc, đã nổi trận lôi đình: “Ta chỉ biết thương cảm cho Franklin tội nghiệp, dù còn trai trẻ nhưng anh ta sẽ sớm phải hiện diện trước ngai phán xét của Chúa.” Con trai ông, Cotton Mather, gửi thư cho một tờ báo đối thủ để tố cáo tờ Courant - “tờ báo tai tiếng mang tên Courant, đầy rẫy những chuyện vô nghĩa, vô nhân và giễu cợt”, đồng thời ví những kẻ đóng góp bài vở cho nó với Câu lạc bộ Hell-Fire (Lửa Địa ngục), một phe nhóm nổi tiếng của những kẻ dị giáo trẻ tuổi có bề ngoài tử tế ở London. Một người họ hàng của Cotton, mục sư Thomas Walter, đóng góp thêm bằng một bài viết gay gắt có nhan đề “Chống Couranf.”
Biết chắc rằng trận khẩu chiến công khai này sẽ khiến tờ báo bán được đắt hàng và vì muốn hưởng lợi từ cả hai phe trong cuộc tranh luận, James
Franklin rất vui vẻ tiến hành đăng tải và bán bài phản biện của Thomas Walter. Tuy nhiên, cuộc tranh luận ngày càng mang tính chỉ trích cá nhân khiến anh bắt đầu thấy bất an. Vài tuần sau, trong lời ngỏ của tòa soạn, anh thông báo tờ báo đã cấm chỉ Checkley vì đã để cho mối hận thù trở nên quá hằn học. Anh hứa tờ Courant từ đây sẽ nhằm vào mục tiêu “định hướng vô hại” và sẽ đăng tải các ý kiến đến từ cả hai phía của cuộc tranh luận về tiêm chủng miễn là chúng “tránh xa những lời chỉ trích có ác ý”.31
Benjamin Franklin cố gắng đứng ngoài cuộc chiến về đậu mùa của anh trai mình với gia đình Mather và không bao giờ đề cập tới nó trong tự truyện hay trong bất kỳ thư từ nào của ông. Sự lược bỏ công khai này cho thấy ông không hề tự hào về lập trường mà tờ Courant đã chọn. Về sau ông trở thành một người nhiệt tình ủng hộ tiêm chủng. Ông chua xót và đau đớn tán thành mục tiêu của nó sau khi chứng kiến đứa con trai 4 tuổi, Francis, chết vì bệnh đậu mùa vào năm 1736. Benjamin, vốn là một cậu bé ham mê chữ nghĩa và trên con đường phấn đấu luôn tìm kiếm sự hỗ trợ của các bậc tiền bối có tầm ảnh hưởng, sau cùng đã trở thành một người ngưỡng mộ Cotton Mather và vài năm sau trở thành người quen của vị mục sư này.
SÁCH
Nghề in ấn là một tiếng gọi tự nhiên đối với Franklin. “Từ khi còn nhỏ tôi đã thích đọc sách và số tiền ít ỏi tôi có trong tay đều được dùng để mua sách,” ông nhớ lại. Quả thật, sách chính là yếu tố định hình nhân cách quan trọng nhất trong cuộc đời Franklin. Ông đã may mắn lớn lên tại Boston, nơi các thư viện được chăm lo cẩn thận từ khi con tàu Arabella mang theo 50 cuốn sách đầu tiên đến đây khi thành phố được thành lập vào năm
1630. Vào thời gian Franklin ra đời, Cotton Mather đã xây dựng một thư viện tư nhân với gần 3.000 đầu sách đa dạng, từ các công trình về kinh điển, khoa học cho đến thần học. Coi trọng sách vở là một trong số những điểm tương đồng giữa Mather và Locke, dù một người là tín đồ Thanh giáo còn người kia theo chủ nghĩa Khai sáng. Chính hai thế giới này đã kết hợp trong cá tính của Benjamin Franklin.*32
Cách thư viện của Mather chưa đầy một dặm là giá sách nhỏ của Josiah Franklin. Việc một người thợ làm nến ít học có giá sách riêng, dù rất khiêm nhường như thế, là điều đáng kể. Nửa thế kỷ sau, Benjamin vẫn nhớ rõ nhan đề của chúng: Những cuộc đời của Plutarch (được ông đọc lại nhiều lần), Khảo luận về các dự án của Daniel Defoe và Bonifacius: Các tiểu luận về làm điều tốt của Cotton Mather, cùng một số cuốn thuộc thể loại tranh luận thần học.
Từ khi làm việc tại xưởng in của anh trai, Franklin có thể đọc lén sách của những người tập sự làm việc cho các chủ nhà sách, với điều kiện cậu trả chúng lại nguyên vẹn. “Tôi thường ngồi trong phòng, dành phần lớn buổi tối đề đọc sách bởi thường mượn chúng vào buổi chiều và phải trả lại vào sáng sớm hôm sau kẻo bị thất lạc hoặc có ai đó cần dùng nó.”
Franklin thích nhất những cuốn sách phiêu lưu, thần thánh cũng như phàm trần, và Tiến trình của kẻ hành hương của John Bunyan, tác phẩm nổi bật nhất ở thể loại này, kết hợp được cả hai.* Đây là một trường thiên tiểu thuyết kể về cuộc du hành kiên cường của một người đàn ông có tên Christian để tìm đến thành phố Thiên đường. Cuốn sách được xuất bản năm 1678 và nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong cộng đồng Thanh giáo và các nhóm bất quy phục khác. Ngoài thông điệp tôn giáo, nó còn có một thông điệp khác cũng quan trọng không kém, ít nhất là đối với Franklin.
Đó chính là phong cách văn chương nhẹ nhàng, trong sáng rất mới mẻ, trong một thời đại mà văn chương vón cục vì sự rườm rà sau khi chế độ quân chủ được khôi phục. Franklin đã nhận định rất xác đáng rằng: “John là người đầu tiên tôi biết từng pha trộn tự sự và hội thoại, một bút pháp rất lôi cuốn độc giả.”
Chủ đề trung tâm của cuốn sách này, cũng là của con đường từ Thanh giáo tới Khai sáng và của chính cuộc đời Franklin, được thể hiện trong tiêu đề của nó: tiến trình - khái niệm để chỉ việc các cá nhân và loài người nói chung tiến về phía trước và hoàn thiện thông qua việc gia tăng đều đặn tri thức và trí khôn nhờ chiến thắng nghịch cảnh. Câu mở đầu nổi tiếng của Christian đã thể hiện tinh thần ấy: “Tôi đi qua miền hoang vu của thế giới này...” Ngay cả với các tín đồ ngoan đạo, tiến trình này cũng không chỉ do bàn tay nhào nặn của Chúa mà còn là kết quả sự đấu tranh của con người, từng cá nhân hay cả cộng đồng, để vượt qua mọi trở ngại.
Tương tự như thế, một cuốn sách yêu thích khác của Franklin là Những cuộc đời của Plutarch (và ta phải dừng lại để ngưỡng mộ một cậu bé 12 tuổi với thị hiếu giải trí như vậy).* Tác phẩm cũng dựa trên luận đề rằng nỗ lực cá nhân có thể thay đổi lịch sử theo hướng tốt hơn. Những người anh hùng của Plutarch, cũng như Christian của Bunyan, là những con người đáng kính luôn tin rằng nỗ lực cá nhân của họ bện vào với sự tiến bộ của nhân loại. Franklin bắt đầu tin rằng lịch sử là một câu chuyện, không phải về các thế lực vĩnh hằng mà về những nỗ lực của con người.
Quan điểm này xung đột với một số giáo lý của chủ nghĩa Calvin* chẳng hạn như sự đồi bại thuộc bản chất của con người và sự tiền định của linh hồn con người. Franklin cuối cùng đã từ bỏ niềm tin cũ khi ông tiến gần hơn tới thuyết thần giáo tự nhiên,* ít bi quan hơn và là tín ngưỡng
được lựa chọn trong thời kỳ Khai sáng. Tuy vậy, có nhiều khía cạnh của Thanh giáo để lại dấu ấn lâu dài, đáng kể nhất là tính thực tế, hòa đồng và hướng đến cộng đồng của tôn giáo này.
Những điều này được trình bày hùng hồn trong một tác phẩm thường được Franklin coi là có ảnh hưởng lớn: Bonifacius: Các tiểu luận về làm điều tốt* một trong vài tiểu luận nhẹ nhàng nhất trong tổng số hơn 400 tác phẩm của Cotton Mather. Gần 70 năm sau, Franklin đã viết thư cho con trai của Mather: “Nếu tôi đã là một công dân tốt và điều đó có làm lợi gì cho công chúng thì họ phải cảm ơn cuốn sách này.” Bút danh đầu tiên của Franklin, Silence Dogood (Im lặng Làm tốt), bày tỏ tri ân với cuốn sách này và bài giảng nổi tiếng của Mather, “Silentiarius: Kẻ chịu đựng âm thầm”.
Tiểu luận của Mather kêu gọi các thành viên trong cộng đồng lập ra các hội tự nguyện làm lợi cho xã hội. Cá nhân ông đã lập một hội đề hỗ trợ láng giềng, tên là Liên minh Gia đình - cha của Benjamin có tham gia hội này. Mather còn kêu gọi việc sáng lập các câu lạc bộ Liên minh Đàn ông Trẻ và Hiệp hội Cải cách để Trấn áp Hỗn loạn, nhằm mục đích cải thiện luật lệ địa phương, hỗ trợ người nghèo và khuyến khích việc cư xử phải đạo.33
Những ý tưởng của Mather chịu ảnh hưởng của tác phẩm Tiểu luận về các dự án của Daniel Defoe,* một cuốn sách mà Franklin cũng rất yêu thích. Xuất bản năm 1697, cuốn sách đề xuất nhiều dự án cộng đồng cho London mà về sau Franklin đã tiến hành ở Philadelphia: các hiệp hội bảo hiểm hỏa hoạn, các hội gây quỹ lương hưu tự nguyện của thủy thủ, các kế hoạch chu cấp phúc lợi cho người già và quả phụ, các trường tư thục dành cho con em của tầng lớp trung lưu và (với một chút hài hước của Defoe)
các cơ sở nuôi dưỡng người thiểu năng trí tuệ được đài thọ bằng một sắc thuế đánh lên giới sáng tác với lý do họ có trí tuệ bẩm sinh cao hơn trong khi những người thiểu năng phải chịu thua thiệt.34
Một trong những điểm tiến bộ nhất của Defoe là việc ông cho rằng chối bỏ các quyền lợi và sự học hành của nữ giới là “man rợ” và “vô nhân đạo”. Tiểu luận về các dự án dành hẳn một bài công kích nạn kỳ thị giới tính. Cũng vào thời gian này, Franklin và “một cậu bạn mọt sách khác” tên là John Collins bắt đầu lấy việc tranh luận với nhau làm trò chơi trí tuệ. Chủ đề đầu tiên của họ là quyền giáo dục của phụ nữ, và Collins phản đối điều này. “Tôi chọn quan điểm đối lập” dù không hoàn toàn bị thuyết phục mà “có lẽ một phần chỉ vì mục đích tranh luận,” Franklin nhớ lại.
Nhờ tập tranh luận với Collins, Franklin bắt đầu xây dựng cho mình một tính cách ít sinh sự và đối đầu. Điều này khiến Franklin có vẻ dễ mến và quyến rũ khi lớn lên - hoặc với một bộ phận kẻ thù nhỏ nhưng có tiếng nói, đó là sự lôi cuốn và thâm sâu. Theo cậu, “tính thích cãi vã là một thói quen rất xấu” vì khi mâu thuẫn, người ta sẽ sinh ra “căm ghét và có thể cả thù hằn”. Sau này, Franklin hài hước nói về việc tranh luận: “Tôi nhận thấy những người khôn ngoan ít khi sa vào nó, trừ các luật sư, các giáo sư đại học và mọi loại người sinh ra ở Edinburgh.”
Thay vào đó, sau khi tinh cờ đọc được một số cuốn sách về thuật hùng biện ca ngợi phương pháp Socrates* - xây dựng lập luận qua các truy vấn nhẹ nhàng - cậu đã từ bỏ phong cách tranh luận nặng tính đối đầu của mình và “khoác lên hình ảnh một nhà truy vấn khiêm tốn” kiểu Socrates. Bằng cách đặt các câu hỏi có vẻ vô hại, Franklin khiến đối phương phải dần nhượng bộ và điều đó sẽ dần làm sáng tỏ quan điểm cậu muốn khẳng định. “Tôi nhận thấy phương pháp này là an toàn nhất cho bản thân và khiến
những người mà tôi sử dụng nó để chống đỡ thấy bẽ mặt; việc đó đem lại niềm vui cho tôi.” Dù sau này Franklin bỏ bớt các khía cạnh phức tạp trong lối tiếp cận của Socrates, cậu vẫn tiếp tục nghiêng về việc đưa ra lập luận gián tiếp nhẹ nhàng thay vì trực tiếp đối đầu.35
IM LẶNG LÀM TỐT
Một phần cuộc tranh luận về giáo dục và nữ giới với Collins được trao đổi qua thư và cha cậu tình cờ đọc được chúng. Trong cuộc tranh luận này, Josiah không đứng về bên nào (ông có vẻ là người bình đẳng, thể hiện ở việc đối với tất cả con cái, cả trai lẫn gái, ông đều chỉ cho học chính khóa một thời gian ngắn). Tuy vậy, ông phê bình con trai về phong cách viết yếu và kém thuyết phục của cậu. Để đáp lại, cậu bé sớm phát triển này đã thiết kế cho mình một khóa học tự hoàn thiện với sự giúp đỡ của một tờ Nhà quan sát* mà cậu tìm được.
Nhà quan sát, một tờ nhật báo tại London thành công nhất vào giai đoạn 1711-1712, đăng tải những bài luận tài hoa của Joseph Addison và Richard Steele bàn về sự phù phiếm và các giá trị của xã hội đương đại. Góc nhìn của họ có tính nhân đạo và khai mở nhưng nhẹ nhàng. Như Addison đã nói: “Tôi sẽ cố gắng làm cho Đạo đức trở nên sống động với sự Hóm hỉnh và hòa trộn sự Hóm hỉnh với Đạo đức.”
Như một phần của khóa học tự hoàn thiện, Franklin đọc các bài luận này, ghi chép ngắn gọn và để chúng qua một bên. Sau vài ngày, cậu cố gắng viết lại bài luận bằng ngôn từ của mình, sau đó so sánh với bản gốc. Đôi khi cậu còn đảo lộn các ghi chép của mình nhằm buộc bản thân tìm ra cấu trúc tốt nhất để triển khai các lập luận của bài viết.
Benjamin biến một số bài luận thành thơ vì nghĩ việc đó sẽ giúp mở rộng vốn từ do cậu buộc phải tìm ra các từ đồng nghĩa nhưng có vần điệu
khác nhau. Sau vài ngày, cậu lại chuyển các bài thơ này thành văn xuôi để so sánh xem chúng đã bị tam sao thất bản so với bản gốc đến đâu. Khi thấy bản của mình còn thiếu sót, cậu sẽ sửa chữa lại. “Đôi khi tôi vui mừng vì thấy rằng ở một số chi tiết nhất định không mấy ý nghĩa, tôi đã may mắn hoàn thiện được bút pháp hoặc ngôn ngữ. Điều đó khuyến khích tôi nghĩ rằng sẽ đến lúc tôi thực hiện được mơ ước của mình: trở thành một người viết tiếng Anh chấp nhận được.”36
Hơn cả việc chỉ trở thành một người viết “chấp nhận được”, Franklin trở thành một trong số những cây bút nổi tiếng nhất tại vùng thuộc địa Mỹ. Phong cách tự học của cậu, thích hợp để làm đệ tử của Addison và Steele, được đặc trưng bởi lối văn xuôi hội thoại và hóm hỉnh, ít hoa mỹ mà mạnh mẽ với một tinh thần bộc trực.
Thế là bút danh Silence Dogood ra đời. Tờ Tuần báo* của James Franklin vốn dựa theo khuôn mẫu của tờ Nhà quan sát, nổi bật với những tiểu luận ngông ký bằng bút danh và nhà in của anh thu hút một nhóm những cộng tác viên trẻ thích tụ họp để khen ngợi văn chương của nhau. Benjamin rất háo hức tham gia vào nhóm này nhưng biết rõ James, vốn sẵn lòng ghen tị với cậu em trai mới nổi, chắc chắn sẽ tìm cách ngăn cản mình. “Nghe họ thảo luận và kể về sự tán đồng mà các bài viết của họ nhận được, tôi cũng háo hức muốn được thử sức như họ.”
Vì thế, một đêm, Franklin đã thay đổi nét chữ của cậu để viết một tiểu luận sau đó đẩy nó qua khe cửa nhà in. Các biên tập viên của tờ Tuần báo họp mặt ngày hôm sau, họ ca ngợi bài viết do tác giả vô danh gửi tới. Franklin thì được hưởng “thú vui tao nhã” - lắng nghe họ quyết định đăng bài viết lên trang nhất của số báo xuất bản vào đầu tuần sau, thứ Hai ngày 2 tháng 4 năm 1722.
Nhân vật văn học do Franklin tạo ra là một thành tựu của trí tưởng tượng. Silence Dogood là một góa phụ hơi kiểu cách đến từ một vùng quê, được sáng tạo ra bởi một chàng thiếu niên chưa vợ sống ở Boston, người chưa bao giờ ngủ một đêm bên ngoài thành phố. Mặc dù chất lượng của các bài viết không đồng đều, khả năng nói chuyện thuyết phục hệt như một phụ nữ của Franklin rất đáng ghi nhận, nó cho thấy cả tài sáng tạo và sự tôn trọng của cậu dành cho trí tuệ phụ nữ.
Dấu ấn của Addison thể hiện ngay từ bước khởi đầu của Franklin. Trong bài viết đầu tiên đăng trên Nhà quan sát của mình, Addison viết: “Tôi nhận thấy độc giả ít khi hứng thú dõi theo một cuốn sách cho đến khi họ biết được tác giả của nó là người da đen hay da trắng, có tính khí ôn tồn hay dễ nổi giận, đã có gia đình hay còn độc thân.” Tương tự, Franklin cũng mở đầu bằng cách biện giải cho lời giới thiệu có tính tự truyện về nhân vật hư cấu: “Dễ thấy rằng đa phần độc giả ngày nay không sẵn lòng tán thưởng hay chê bai những gì họ đọc cho tới khi bằng cách nào đó họ biết được tác giả của nó là ai hoặc là người như thế nào, giàu hay nghèo, già hay trẻ, là một học giả hay một anh thợ đóng giày.”
Một lý do khiến các tiểu luận dưới bút danh Silence Dogood đáng chú ý về mặt lịch sử là chúng nằm trong số các thí dụ đầu tiên về tiền thân của thể loại hài hước tinh túy kiểu Mỹ. Sự pha trộn còn gượng gạo và thô kệch giữa những câu chuyện bình dân và những quan sát sắc bén sẽ được những người tiếp nối Franklin như Mark Twain và Will Rogers hoàn thiện. Chẳng hạn trong tiểu luận số hai, Silence Dogood kể lại việc vị mục sư nơi cô tập sự quyết định cưới cô làm vợ: “Sau khi thực hiện một số nỗ lực vô ích, bất thành với những người cao quý hơn ở giới chúng tôi và chán chường những hành trình và những chuyến viếng thăm phiền toái không có mục
đích, anh ấy bắt đầu bất ngờ liếc mắt đưa tình với tôi... Chắc chắn hiếm có khi nào trong đời, một người đàn ông lại trở nên ngớ ngẩn và phi lý hơn khi anh ta bắt đầu việc tán tỉnh.”
Việc khắc họa bà Dogood thể hiện một kỹ năng văn chương khá tinh tế so với độ tuổi 16 của Franklin. “Tôi có thể dễ dàng bị thuyết phục đi bước nữa,” cậu đã để bà ta tuyên bố như thế. “Tôi lịch thiệp và niềm nở, tốt tính (trừ khi bị chọc tức trước), hào phóng và đôi khi còn dí dỏm nữa,” - cách dùng từ “đôi khi” ở đây hết sức khéo léo. Khi mô tả những niềm tin và thiên kiến của nhân vật, Franklin đã để bà Dogood khẳng định một quan điểm mà nhờ sự khuyến khích của cậu sẽ trở thành một phần của tính cách Mỹ mới: “Tôi là... kẻ tử thù của chính phủ độc đoán và quyền lực vô hạn. Tôi luôn khao khát các quyền lợi và sự tự do cho đất nước tôi; và một biểu hiện dù nhỏ nhất của việc xâm phạm các quyền vô giá ấy cũng có thể làm tôi sôi máu. Tương tự, tôi cũng có xu hướng tự nhiên trong việc quan sát và quở trách lỗi lầm của người khác, việc mà tôi có năng lực xuất sắc.” Đó là lời mô tả về chính con người Benjamin Franklin và quả thật, đó cũng là một người Mỹ điển hình mà ta có thể gặp ở bất cứ đâu.37
Trong số 14 tiểu luận dưới bút danh Dogood mà Franklin viết từ tháng Tư đến tháng Mười năm 1722, bài viết nổi bật nhất về tính báo chí cũng như sự hé lộ bản thân là bài công kích ngôi trường nơi cậu không bao giờ có dịp theo học. Đa số bạn bè từng thua kém cậu ở trường Boston Latin nay đã vào Harvard nên Franklin không thể kiềm chề việc đả kích họ và cơ sở đào tạo này. Hình thức được cậu sử dụng là một câu chuyện phúng dụ có bố cục như một giấc mơ. Để làm được điều này, cậu dựa trên và có phần nhại lại cuốn Tiến trình của kẻ hành hương (Pilgrim’s Progress) của tác giả Bunyan, vốn cũng kể về một hành trình có tính phúng dụ được thể hiện
dưới dạng một giấc mơ. Addison cũng từng sử dụng hình thức này, song có phần hơi vụng về, trong một số của tờ Nhà quan sát mà Franklin đã đọc. Ông kể lại giấc mơ của một chủ nhà băng về một trinh nữ có ỹ nghĩa phúng dụ mang tên Tín dụng Công.38
Trong bài viết này, bà Dogood kể lại việc ngủ quên dưới gốc táo trong khi đang mải nghĩ về việc liệu có nên gửi con trai tới Harvard không. Trên hành trình trong mơ đi đến ngôi đền của giáo dục này, bà khám phá ra sự thật về những người gửi con trai tới đây: “Hầu hết đều tham vấn ý kiến của chiếc hầu bao thay vì năng lực của con em họ. Vì thế, tôi đã quan sát rất kĩ, vâng, đa số những kẻ lều chõng đến đây chẳng giỏi giang hơn Tối dạ và Đần độn.” Bà nhận thấy cánh cổng của ngôi đền được canh giữ bởi “hai gã gác cổng lực lưỡng tên là Giàu và Nghèo” và chỉ những ai được sự chấp thuận của gã thứ nhất mới có thể vào trong. Phần nhiều sinh viên đều hài lòng với việc vui đùa cùng các nhân vật mang tên Lười biếng và Ngu dốt. “Họ chẳng học hành gì nhiều hơn việc làm thế nào để trở thành những kẻ vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa (điều có thể học được ở bất cứ trường khiêu vũ nào). Do đó, họ trở về sau vô số rắc rối và chi phí và vẫn dốt nát vĩ đại như bấy lâu nay, chỉ khác là giờ đây họ tự đắc và kiêu ngạo hơn.”
Tiếp thu các đề xuất của Mather và Defoe về các hiệp hội dân sự tự nguyện, Franklin dành hai trong số các tiểu luận ký tên Silence Dogood để viết về chủ đề trợ cấp cho phụ nữ đơn thân. Với các góa phụ như mình, bà Dogood đề xuất các chương trình bảo hiểm được các cặp vợ chồng đóng góp để gây quỹ. Tiểu luận tiếp theo mở rộng ý tưởng này sang cho cả các phụ nữ không chồng. Một “hội thân thiện” sẽ được thành lập để đảm bảo trao 500 bảng “tiền tươi” cho bất cứ thành viên nào tới tuổi 30 mà vẫn
chưa lập gia đình. Bà Dogood lưu ý số tiền này được trao với điều kiện: “Không người phụ nữ nào sau khi yêu cầu và nhận được trợ cấp, nếu may mắn có thể kết hôn, có nghĩa vụ tiêu khiển bạn bè bằng cách ca ngợi chồng mình trong vòng nhiều hơn một tiếng đồng hồ mỗi lần về nỗi đau khổ khi phải hoàn trả một nửa số tiền cho văn phòng cho lần vi phạm thứ nhất và hoàn trả phần còn lại cho lần vi phạm thứ hai.” Trong các bài viết này, Franklin mới chỉ châm biếm nhẹ nhàng chứ chưa thực sự gay gắt. Như chúng ta thấy, sau này khi trở thành một chủ cửa hiệu trẻ tuổi tại Philadelphia, mối quan tâm của cậu với các hiệp hội dân sự sẽ được bộc lộ một cách chân thành hơn.
Sự tự phụ của Franklin còn được dung dưỡng thêm vào mùa hè năm 1722 đó, khi anh trai cậu bị chính quyền Massachusetts giam giữ trong ba tuần - không qua xét xử - vì tội “lăng mạ” khi dám hoài nghi khả năng truy đuổi hải tặc của họ. Do đó, Benjamin đảm nhiệm việc xuất bản ba số báo liên tiếp.
Franklin ba hoa trong cuốn tự truyện rằng: “Tôi nắm quyền quản trị tờ báo và đã dũng cảm gây ít nhiều khó dễ cho giới chức. Điều này được anh trai tôi đón nhận rất thân ái trong khi những người khác bắt đầu nhìn tôi với con mắt không thiện cảm như thể tôi là một thiên tài trẻ tuổi có khiếu bôi bác và châm biếm.” Thực tế, ngoài lá thư gửi độc giả được James viết trong tù, không có gì trong ba số báo của Benjamin trực tiếp thách thức chính quyền. Lần cậu dám đi xa nhất là khi để bà Dogood trích nguyên văn một bài viết trên một tờ báo Anh có nội dung cổ vũ tự do ngôn luận. Nó khẳng định, “nếu không có tự do tư tưởng thì không thể có sự thông thái và không thể có tự do công khai nếu thiếu quyền tự do ngôn luận”.39
Những sự “ngăn trở” mà Franklin nhắc đến thực chất lại xảy ra một tuần sau khi anh trai cậu ra tù. Vẫn với bút danh Silence Dogood, cậu tung một cú tấn công sắc nhọn vào chính quyền dân sự. Có lẽ đó là đòn hiểm nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Franklin. Câu hỏi được bà Dogood đặt ra là: “Liệu toàn thể nhân dân sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn bởi những kẻ đạo đức giả tỏ ra ngoan đạo hay những kẻ báng bổ thần thánh công khai?”
Không ngạc nhiên, bà Dogood của Franklin lập luận: “Một vài suy nghĩ muộn màng về bản chất vấn đề khiến tôi nghĩ rằng kẻ giả tạo còn nguy hiểm hơn, nhất là khi kẻ đó nắm vị trí trong chính quyền.” Bài viết công kích mối liên hệ giữa nhà thờ và chính quyền, vốn là nền tảng của cộng đồng Thanh giáo. Thủ hiến Thomas Dudley, vốn là một mục sư trước khi chuyển sang làm luật sư, được dẫn ra (dù không nêu tên) làm thí dụ: “Kẻ giả tạo nhất trong toàn thể nhân dân là kẻ từ bỏ phúc âm để chạy theo luật pháp. Một kẻ nắm trong tay cả luật pháp và phúc âm có thể lừa dối được người dân bằng tôn giáo của hắn ta, sau đó hủy hoại họ bằng luật pháp.”40
Đến mùa thu năm 1722, Franklin bắt đầu cạn ý tưởng cho bà Silence Dogood. Tệ hơn nữa, anh trai cậu bắt đầu nghi ngờ nguồn gốc của các tiểu luận. Trong bài viết thứ 13, Silence Dogood kể lại rằng bà đã nghe lỏm được cuộc trò chuyện vào một đêm nọ, trong đó một quỹ ông nói rằng: “Dù tôi viết dưới danh nghĩa một phụ nữ, anh ta biết tôi là một người đàn ông; Song anh ta tiếp tục, nhu cầu được nỗ lực vì sự cải cách bên trong anh ta còn lớn hơn việc dùng tài dí dỏm của mình để châm biếm người khác.” Tiểu luận tiếp theo là bài viết cuối cùng Franklin ký bút danh Dogood. Khi cậu tiết lộ danh tính thật sự của bà Dogood, điều đó nâng tầm của cậu trong số những người làm cho tờ Tuần báo, nhưng việc này khiến James “không
mấy hài lòng”. “Anh ấy nghĩ, có lẽ cũng khá hợp lý, rằng điều đó có xu hướng khiến tôi trở nên quá tự phụ.”
Silence Dogood đã có thể rút êm sau cú tấn công vào thói đạo đức giả và tôn giáo nhưng khi James viết một bài tương tự vào tháng 1 năm 1723, một lần nữa anh lại gặp rắc rối. Anh viết, “trong tất cả những kẻ bất lương, kẻ bất lương về tôn giáo là đốn mạt nhất”. Anh cho rằng tôn giáo rất quan trọng, nhưng bằng việc dùng các từ ngữ mô tả chính xác quan điểm suốt đời của cậu em trai, anh nói thêm, “thứ gì thái quá còn tệ hơn là không có”. Giới chức địa phương nhận định “bài báo có khuynh hướng nhạo báng tôn giáo” và lập tức thông qua một nghị quyết buộc James phải nộp mỗi số báo lên để chính quyền phê duyệt trước khi xuất bản. James đã chống lại lệnh này với đầy sự thích thú.
Phiên tòa sơ thẩm đã phản ứng bằng cách cấm James Franklin xuất bản tờ Tuần báo. Trong một cuộc họp bí mật tại cửa hiệu, các thành viên quyết định rằng cách tốt nhất để lẩn tránh lệnh này là tiếp tục xuất bản tờ báo nhưng James không làm chủ bút nữa. Thứ Hai ngày 11 tháng 2 năm 1723, trên đầu tờ Tuần báo xuất hiện phần thông tin tòa soạn ghi: “Do Benjamin Franklin in ấn và phân phối.”
Tờ Tuần báo của Benjamin thận trọng hơn so với của anh trai. Bài xã luận trong số đầu tiên lên án các ấn phẩm có tính “hận thù” và “độc hại”, đồng thời tuyên bố từ đây tờ báo sẽ được “thiết kế thuần túy phục vụ thú tiêu khiển và niềm vui của độc giả” và “giải trí cho thành phố bằng những tình huống đời thường vui tươi và hài hước nhất”. Bài xã luận tuyên bố người thầy của tờ báo là Janus, một vị thần La Mã có thể nhìn về hai hướng cùng một lúc.41
Tuy vậy, một vài số báo tiếp theo hầu như không đáp ứng được lời quảng cáo này. Đa số các bài báo là những thông điệp muộn màng gồm tin tức nước ngoài và vài bài phát biểu cũ. Chỉ có một tiểu luận chắc chắn do Franklin viết - một suy tưởng đầy tính chế giễu về sự nực cười của các tước hiệu như Tử tước hay Đức ông. (Nỗi ác cảm với các tước hiệu quý tộc và chế độ tập ấm là đề tài công kích suốt đời của Franklin.) Một vài tuần sau, James trở lại với vị trí chỉ huy tờ Tuần báo, dù chưa công khai thì cũng trên thực tế, và Benjamin tiếp tục bị đối xử như một nhân viên tập sự, đôi khi còn bị đánh đập. James không xem cậu là em trai hay một người bạn viết. Cách đối xử ấy “hạ thấp tôi quá mức”, Franklin nhớ lại, và cậu bỗng háo hức được thay đổi. Sự thôi thúc của tinh thần độc lập với cậu lớn đến mức nó sẽ trở thành dấu ấn của tính cách Mỹ.
CUỘC CHẠY TRỐN
Franklin thực hiện việc bỏ trốn bằng cách dùng chính mưu mẹo mà anh trai mình đã trù tính. Khi giả vờ trao tờ Tuần báo cho Benjamin, James đã lập văn bản chính thức xác nhận việc hoàn tất thời gian tập sự để cuộc chuyển giao có vẻ hợp pháp. Sau đó, James lại bắt em trai ký một hợp đồng tập sự mới mà anh phải giữ bí mật. Vài tháng sau, Benjamin quyết định bỏ trốn. Cậu đã đúng khi đoán rằng anh trai mình sẽ nhận ra sự thiếu khôn ngoan của việc cố gắng bắt cậu thực thi khế ước bí mật kia.
Benjamin Franklin bỏ lại người anh trai và tờ báo dần lụn bại; uy tín của nó cuối cùng sẽ thu hẹp đến mức chỉ còn là một chú thích về lịch sử mờ nhạt. Bị kết tội dưới ngòi bút sắc bén của em trai, James được nhớ đến vì “các cú đấm mà niềm đam mê khiến anh thường xuyên giáng chúng xuống tôi”. Thực tế, tầm quan trọng của anh trong cuộc đời Franklin được
mô tả trong một chú thích thô lỗ trong cuốn tự truyện, được viết vào thời gian Franklin là một nhà đấu tranh của xứ thuộc địa chống lại ách thống trị của nước Anh: “Tôi thiết tưởng cách đối xử cộc cằn và bạo hành anh ấy dành cho tôi có thể là một cách thức để tôi có được ấn tượng sâu sắc về mối ác cảm với quyền lực độc đoán, thứ sẽ theo tôi suốt cuộc đời.”
James xứng đáng với điều tốt đẹp hơn. Nếu Franklin học được từ James “mối ác cảm với quyền lực độc đoán”, đó không chỉ là do cách cư xử bị cho là bạo hành của anh mà còn bởi anh, bằng lòng can đảm và sự giận dữ, đã nêu gương trong việc thách thức tầng lớp tinh hoa cầm quyền ở Boston. James là chiến binh vĩ đại đầu tiên của nền báo chí Mỹ tự do và là người có ảnh hưởng lớn nhất về phong cách báo chí lên em trai mình.
Sự đổ vỡ của Benjamin với anh trai là một điều may mắn cho sự nghiệp của cậu. Được sinh trưởng tại Boston là điều tuyệt vời nhưng thành phố này có khả năng trở thành nơi làm thui chột một người theo thuyết thần giáo tự nhiên, mang tư tưởng tự do và chưa từng theo học ở Harvard. Sau này Franklin đã viết: “Trong mắt nhà chức trách, tôi đã khiến mình trở nên ít nhiều đáng ghét nên nếu ở lại có lẽ chẳng bao lâu tôi sẽ tự đẩy mình vào tình thế khó khăn.” Sự chế nhạo tôn giáo của cậu đồng nghĩa với việc khi ra phố, cậu sẽ bị người ta chỉ trỏ “với nỗi ghê tởm của những người ngoan đạo dành cho những kẻ không tin tôn giáo hay vô thần”. Dù sao thì đây cũng là thời điểm hợp lý để cậu rời bỏ cả anh trai và Boston.42
Truyền thống của những người Mỹ tiên phong là khi cộng đồng của họ trở nên quá tù túng, họ sẽ đi ra nơi biên ải. Song Franklin là một kiểu khác của tinh thần nổi loạn Mỹ. Chốn hoang vu không mời gọi cậu. Thay vào đó, cậu bị thu hút bởi các trung tâm kinh tế mới như New York và Philadelphia, nơi đầy ắp cơ hội để người ta tự làm nên thành công. Có thể
John Winthrop* đã dẫn đầu nhóm tín hữu Thanh giáo của ông trong hành trình đến nơi hoang dã; ngược lại, Franklin là một phần của thế hệ mới đã dẫn đầu cuộc hành trình đến các khu phố thị.
Lo sợ anh trai sẽ tìm cách ngăn cản cậu, Franklin nhờ một người bạn bí mật đặt chuyến cho mình trên một con tàu nhỏ tới New York bằng cách bịa ra câu chuyện về một cậu trai cần lẩn trốn vì “tằng tịu với một cô gái xấu tính”, (hoặc như Franklin viết trong một bản thảo trước đó, “lỡ làm một cô gái hư có bầu”). Sau khi bán đi vài cuốn sách để trả tiền vé, cậu bé Franklin 17 tuổi thuận gió ra khơi vào tối thứ Tư ngày 25 tháng 9 năm 1723. Thứ Hai tuần sau, trên tờ Tuần báo New England có đăng một mẩu quảng cáo ngắn gọn với giọng hơi buồn: “James Franklin, chủ nhà in trên phố Queen, cần tuyển một nam thiếu niên có năng lực vào vị trí tập sự.”43
3
NGƯỜI LÀM CÔNG
Philadelphia và London, 1723-1726
CỬA HIỆU CỦA KEIMER
Khi còn là một người học việc ít tuổi, Franklin đã đọc được một cuốn sách đề cao việc ăn chay. Cậu nắm ngay lấy chế độ ăn này song không phải chỉ vì lý do đạo đức và sức khỏe. Động cơ chính của cậu là tiền bạc: ăn chay cho phép cậu tiết kiệm một nửa số tiền được James phân phát để chi cho ăn uống và dành dụm mua sách. Trong khi các đồng nghiệp của cậu nghỉ ngơi để hưởng thụ những bữa ăn thịnh soạn, Franklin chỉ ăn bánh quy với nho khô và tận dụng thời gian để nghiên cứu: “Trong thời gian đó, tôi tiến bộ nhiều hơn vì đầu óc thông suốt hơn và khả năng lĩnh hội nhanh hơn thường đi kèm với sự chừng mực trong ăn uống.”1
Song Franklin là một người lý trí, cậu trung thành với việc sống duy lý đến mức trở thành người khéo léo trong việc duy lý hóa mọi thứ. Trong chuyến hải hành từ Boston tới New York, khi con tàu thả neo ngoài đảo Block, thủy thủ đoàn bắt và nấu vài con cá tuyết. Ban đầu Franklin từ chối, cho đến khi mùi thơm bay lên từ chiếc chảo rán trở nên quá hấp dẫn. Với sự tự nhận thức khôi hài, sau này Franklin nhớ lại câu chuyện xảy ra khi đó:
Tôi cân nhắc đôi chút giữa nguyên tắc và khuynh hướng cho đến khi nhớ lại rằng lúc những con cá tuyết được mổ ra, tôi đã thấy những con cá nhỏ hơn được lôi ra từ bụng chúng. Vậy là tôi nghĩ, “nếu bọn mày còn ăn thịt nhau thì đâu có lý do gì mà bọn tao không được phép ăn thịt bọn mày.” Thế nên tôi đã có một bữa cá tuyết ngon lành và từ đó tiếp tục ăn uống như mọi người, chỉ một vài lần trở lại với chế độ ăn chay.
Từ đấy Franklin rút ra một bài học hài hước, thậm chí có phần giễu cợt, thể hiện qua châm ngôn: “Là một sinh vật có lý trí thật sự rất tiện lợi vì điều đó cho phép bạn tìm ra hoặc tạo ra lý do cho bất cứ việc gì mà bạn muốn làm.”2
Sự duy lý sẽ khiến Franklin trở thành một mẫu mực của thời kỳ Khai sáng - thời kỳ của nhận thức lý tính nở rộ vào thế kỷ 18 ở châu Âu và Mỹ. Nó không mấy có ích cho sự sôi nổi của thời kỳ tôn giáo khi ông sinh ra hay cho những tình cảm cao cả của thời kỳ Lãng mạn, bắt đầu nảy nở khi ông đã gần đến cuối đời. Cũng như Voltaire,* ông là người được lý trí dẫn dắt, có thể đem sự nỗ lực của bản thân và của con người nói chung ra giễu cợt. Một chủ đề trở đi trở lại trong cuốn tự truyện cũng như trong các truyện ngắn và niên giám của ông là sự thích thú khi thấy con người có khả năng nhận ra đâu là điều tiện lợi.
Ở tuổi 17, Franklin có một hình thể rất nổi bật: cơ bắp, ngực nở, gương mặt sáng sủa và cao gần sáu thước. Cậu có biệt tài dễ dàng kết bạn với bất kỳ ai, từ người buôn vặt tới thương nhân giàu có, từ người có học tới kẻ lêu lổng. Điều đáng chú ý nhất ở Franklin là sức hút cá nhân: cậu thu hút những ai muốn giúp mình. Không nhút nhát mà luôn sẵn sàng kết giao với
bạn hữu và người bảo trợ, cậu biết cách giao du để khai thác sự quyến rũ của mình.
Thí dụ, trên đường bỏ trốn, cậu gặp chủ nhà in duy nhất của New York, William Bradford, người đã đăng các bài xã luận ủng hộ James Franklin trong cuộc đấu tranh chống lại “những kẻ áp bức và mù quáng” tại Boston. Dù không có công việc gì cho Franklin làm, nhưng Bradford gợi kẻ chạy trốn trẻ tuổi nên tiếp tục tới Philadelphia và tìm việc ở chỗ con trai ông, Andrew Bradford, hiện đang điều hành nhà in của gia đình và một tờ tuần báo tại đây.
Franklin cập bến tàu Phố Chợ ở Philadelphia vào một buổi sáng Chủ nhật, mười ngày sau khi rời Boston. Trong túi cậu không có gì ngoài một đô-la Hà Lan và một silinh; đồng tiền sau được dùng để trả cho chuyến đi. Người lái thuyền ra sức từ chối vì cậu đã giúp chèo thuyền nhưng cậu một mực đòi trả. Cậu còn lấy hai trong ba chiếc bánh puffy đã mua đem cho một phụ nữ cùng đứa con nhỏ mà cậu gặp trong chuyến đi. “Đôi khi, lúc có ít tiền, con người lại hào phóng hơn lúc có nhiều tiền, có lẽ vì sợ bị coi là kẻ ít tiền,” về sau Franklin đã viết như thế.3
Từ những phút đầu tiên tại Philadelphia, Franklin đã chú ý đến hình ảnh bề ngoài như vậy. Những người Mỹ theo chủ nghĩa cá nhân đôi khi khoe khoang rằng họ không để tâm tới việc người khác nghĩ gì về họ. Franklin, theo một cách truyền thống hơn, chăm lo cho uy tín của mình vì cả lòng tự tôn lẫn tính thiết thực, nhờ đó đã trở thành chuyên gia quan hệ công chúng không-biết-bối-rối đầu tiên của nước Mỹ. “Tôi không chỉ chăm lo làm người cần mẫn và căn cơ trên thực tế mà còn tránh xuất hiện trong hình ảnh ngược lại,” ông nhấn mạnh. Đặc biệt, trong vài năm đầu tiên khi là một chủ cửa hiệu trẻ, Franklin - theo ngôn ngữ của nhà phê bình Jonathan
Yardley - là “một người tự sáng tạo và tự định hướng, đi qua cuộc đời với một tốc độ được tính toán để nhắm đến những cái đích được tính toán.”4 Với chừng hai ngàn dân, Philadelphia thời đó là cộng đồng lớn thứ hai tại Mỹ chỉ sau Boston. Nó được William Penn hình dung như một “thị trấn đồng quê xanh” có đặc trưng là hệ thống đường phố rộng rãi được quy hoạch tốt và dãy nhà gạch thẳng tắp. Ngoài các tín hữu Quaker* đã định cư ở đây từ nửa thế kỷ trước, thành phố có cái tên ca ngợi tình anh em* này còn thu hút những người nhập cư có giọng khàn khàn và tinh thần doanh nhân đến từ Đức, Scotland và Ireland. Chính họ đã biến nơi đây thành một vùng thương mại nhộn nhịp, chật kín cửa hiệu và quán ăn. Dù nền kinh tế của nó chỉ mới khởi động, hầu hết phố xá còn bẩn thỉu và chưa được lát đá, tinh thần của các tín hữu Quaker và những người di cư đến sau vẫn hấp dẫn Franklin. Họ là những người cần cù, thân thiện và khoan dung, nhất là so với các tín hữu Thanh giáo ở Boston.
Buổi sáng sau ngày đến, sau khi đã nghỉ ngơi và mặc tươm tất hơn, Franklin hỏi đường đến nhà in của Andrew Bradford. Tại đây, cậu không chỉ gặp vị chủ nhà in trẻ mà cả người cha, William. Ông đi từ New York bằng ngựa, vì thế đến nơi sớm hơn. Andrew không có ngay công việc gì cho cậu bé bỏ nhà ra đi nên anh đưa cậu đến gặp Samuel Keimer, một chủ nhà in khác trong thành phố. Đó là bằng chứng về khả năng mở rộng số người hỗ trợ của Franklin. Nó cũng cho thấy sự kết hợp độc đáo giữa sự cạnh tranh và hợp tác thường thấy trong giới thương nhân Mỹ.
Keimer tóc tai rối bù và là người kỳ quặc, với lối in ấn pha tạp. Ông hỏi Franklin một vài câu và đưa cho cậu chiếc que sắp chữ để đánh giá kỹ năng, sau đó hứa hẹn sẽ tuyển dụng cậu ngay khi có nhiều việc hơn. Vì không biết William là cha của đối thủ cạnh tranh, Keimer liến thoắng mô tả
kế hoạch nhằm kéo mất phần lớn công việc làm ăn của Andrew Bradford. Franklin đứng lặng lẽ vì kinh ngạc trước sự cao tay của Bradford cha. Franklin nhớ lại, khi ông Bradford đi khỏi, Keimer “vô cùng ngạc nhiên khi tôi nói cho ông ấy biết ông lão kia là ai”.
Sau lần giới thiệu thật xui xẻo này, Keimer vẫn nhận Franklin vào làm dù cậu tá túc ở nhà Andrew. Cuối cùng, khi Keimer nhất định muốn cậu tìm nơi sinh sống khác ít xung đột về nghề nghiệp hơn, cậu tình cờ thuê được một phòng tại nhà John Read. John là cha của cô gái trẻ đã tỏ ra thích thú trước sự xuất hiện của Franklin vào ngày cậu chen lấn ra khỏi tàu. “Lúc này rương quần áo của tôi đã đến nơi nên tôi xuất hiện chỉnh tề hơn trong mắt cô Read so với lần trước, khi nàng tình cờ thấy tôi đang ăn chiếc bánh trên đường phố,” Franklin viết.5
Franklin nghĩ Keimer là một “con cá lạc bầy” nhưng cậu thích rèn luyện trí tuệ với ông vì họ có chung sở thích tranh luận triết lý. Franklin mài giũa phương pháp Socrates mà cậu thấy rất hữu ích trong việc giành chiến thắng mà không khiến đối thủ phản kháng. Cậu hỏi Keimer những câu tưởng như vô hại và xa rời chủ đề nhưng cuối cùng sẽ bộc lộ các sai lầm về logic của ông. Keimer, vốn rất sốt sắng bảo vệ các niềm tin tôn giáo, ấn tượng với điều này đến mức ông đề xuất họ cùng nhau lập ra một môn phái. Keimer phụ trách soạn giáo lý, chẳng hạn như không được tỉa râu, còn Franklin phụ trách việc bảo vệ chúng. Cậu đồng ý với điều kiện ăn chay sẽ là một tín điều trong số đó. Thí nghiệm này kết thúc sau ba tháng khi Keimer, một người phàm ăn, đành chào thua sự cám dỗ, một mình chén hết một con lợn quay trong một buổi tối.
Sức hút của Franklin không chỉ hấp dẫn những người hỗ trợ mà cả bạn bè. Với tư duy sáng láng, sự hóm hỉnh nhẹ nhàng và nụ cười cuốn hút, cậu
trở thành một thành viên được yêu thích trong nhóm các thương nhân trẻ của thành phố. Nhóm của Franklin gồm ba nhân viên trẻ tuổi: Charles Osborne, Joseph Watson và James Ralph. Ralph là người nhiều chữ nghĩa nhất trong nhóm - một nhà thơ tin chắc vào tài năng của bản thân và sự cần thiết phải tự nuông chiều để trở thành một nghệ sĩ lớn. Osborne, một anh chàng có óc phê phán, thì hay ghen tị và luôn luôn hạ thấp những cố gắng của Ralph. Trong một chuyến tản bộ dọc bờ sông, bốn người bạn đọc sáng tác của mình cho nhau nghe. Ralph có một bài thơ và biết Osborne thể nào cũng sẽ chê bai, vì thế cậu nhờ Franklin giả vờ làm tác giả và đọc nó. Osborne mắc mưu và đã trút lên bài thơ vô số lời khen ngợi. Câu chuyện này dạy cho Franklin một quy luật về bản tính con người, điều có ích cho cậu trong toàn bộ sự nghiệp về sau (trừ một số ngoại lệ): người ta có xu hướng ngưỡng mộ việc làm của bạn hơn nếu bạn tránh cho họ cảm giác đố kị với bạn.6
NGƯỜI BẢO TRỢ KHÔNG ĐÁNG TIN CẬY
Nhà bảo trợ tai hại nhất mà Franklin kết thân là Ngài William Keith, vị thống đốc dạt dào tình cảm của tỉnh Pennsylvania - một người xăng xái, giàu thiện chí nhưng kém hiệu quả. Việc họ gặp nhau là kết quả của lá thư tha thiết mà Franklin đã gửi cho một người anh rể, nói rõ cậu sống rất vui vẻ ở Philadelphia và không có ý muốn trở về Boston hoặc cho cha mẹ biết cậu đang ở đâu. Người anh rể đưa lá thư này cho Thống đốc Keith xem, ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi một lá thư hùng hồn như vậy lại do một chàng trai rất trẻ viết ra. Ngài thống đốc nhận thấy cả hai nhà in trong tỉnh mình đều đáng ghét nên quyết định tìm ra Franklin để khích lệ cậu.
Khi thấy Thống đốc Keith, với phục sức lộng lẫy nhất có thể, đang diễu phố về hướng nhà in của minh, Keimer vội vã ra nghênh đón. Trước sự ngạc nhiên của ông chủ đầu bù tóc rối, Keith chỉ muốn gặp Franklin. Vị thống đốc không tiếc lời khen dành cho cậu và mời cậu đi uống. Sau này Franklin nhớ lại, Keimer khi ấy “mắt chòng chọc như một con lợn phải bả”.7
Sau vài ly Madeira ở một tửu quán gần đó, Thống đốc Keith đề nghị giúp Franklin tự khởi nghiệp. Ông hứa hẹn sẽ dùng ảnh hưởng của mình để đem lại cho cậu mối làm ăn chính thức của tỉnh và sẽ viết thư cho cha cậu hối thúc ông giúp đỡ tài chính cho con trai. Keith còn mời cậu đến nhà dùng bữa tối, tâng bốc thêm và tiếp tục khuyến khích cậu. Thế là, với một lá thư thừa thãi lời ca ngợi của Keith trong tay và giấc mơ hòa giải gia đình đi cùng danh tiếng và tiền bạc, Franklin sẵn sàng trở về gặp lại gia đình. Cậu lên tàu hướng về Boston vào tháng 4 năm 1724.
Đã bảy tháng kể từ khi Franklin bỏ đi và cha mẹ cậu thậm chí còn không biết cậu vẫn còn sống, thế nên họ run lên khi thấy cậu trở về và chào đón cậu hết sức nồng hậu. Thế nhưng khi đó Franklin vẫn chưa học được bài học về những cạm bẫy của tính tự phụ và thói đố kị nhỏ nhen. Cậu cuốc bộ đến xưởng in của James, người anh bị cậu bỏ rơi, tự hào diện một “bộ cánh mới lịch lãm” cùng chiếc đồng hồ đẹp và nhét mấy đồng bạc trị giá năm bảng cho phồng túi. James nhìn cậu từ trên xuống dưới rồi trở gót, lặng lẽ quay lại với công việc.
Franklin không thể kiềm chế việc phô trương vị thế mới của mình. Khi James để mặc cậu một mình, Franklin thết đãi các thợ học việc trẻ tại xưởng in bằng những câu chuyện kể về cuộc sống vui vẻ tại Philadelphia, rải những đồng bạc lên bàn trước ánh mắt thán phục và cho họ tiền mua
rượu. Sau đó, James nói với mẹ rằng anh không thể quên hoặc tha thứ sự xúc phạm này. “Tuy nhiên, về điều này anh ấy đã nhầm,” Franklin nhớ lại. Cotton Mather, người đối địch cũ của gia đình cậu thì sẵn sàng hơn để đón nhận và chỉ bảo cậu. Ông mời Franklin đến, trò chuyện với cậu trong thư viện hoành tráng của mình và cho cậu biết ông đã tha thứ những lời châm chọc đăng tải trên tờ Tuần báo. Khi trở ra, họ phải qua một lối hẹp và Mather bỗng kêu lên: “Cúi xuống! Cúi xuống!” Franklin không hiểu lời cảnh báo này nên đập đầu vào một thanh xà thấp. Theo thói quen, Mather biến việc này thành một bài thuyết giảng: “Con hãy nhớ bài học cẩn trọng - không phải lúc nào cũng ngẩng đầu quá cao. Cúi xuống, chàng trai trẻ ạ, hãy cúi xuống khi con đi qua thế giới này. Như thế con sẽ tránh được nhiều đòn đau.” Sau này, Franklin nhắc lại với con trai của Mather: “Lời dạy ấy đã khắc sâu vào tâm trí tôi và vẫn thường trực có ích cho tôi. Tôi hay nghĩ đến nó mỗi khi thấy tính tự phụ hành hạ những kẻ ngẩng đầu quá cao và những điều không may xảy ra với họ.” Dù bài học này tương phản rõ ràng với chuyến ghé thăm đầy phô trương tới nhà in của anh trai, Franklin đã quên đưa nó vào trong tự truyện của mình.8
Lá thư và đề nghị của Thống đốc Keith khiến Josiah Franklin ngỡ ngàng. Nhưng sau vài ngày suy xét, ông đi đến nhận định rằng cấp tiền cho một đứa con bỏ nhà ra đi, có bản tính khá bất trị và mới chỉ 18 tuổi là một việc làm khinh suất. Dù tự hào về sự bảo trợ mà con trai mình thu hút được và sự cần cù mà cậu thể hiện, Josiah biết Benjamin vẫn còn thiếu chín chắn.
Không nhìn thấy khả năng hòa giải của hai người con trai, Josiah chúc phúc để Benjamin trở lại Philadelphia cùng lời khuyên “cư xử một cách lễ phép với mọi người ở đó... và tránh việc đả kích hay phỉ báng - những điều
cha tôi nghĩ tôi có xu hướng”. Josiah hứa, nếu Benjamin có thể gom góp gần đủ để mở cửa hiệu riêng vào tuổi 21 bằng “sự cần cù bền bỉ và căn cơ thận trọng”, ông sẽ giúp cậu phần vốn còn lại.
Bị mê hoặc bởi lời kể của Franklin, người bạn cũ John Collins của cậu cũng quyết định rời Boston. Nhưng khi ở Philadelphia, hai anh chàng đã gây hấn với nhau. Collins sáng sủa hơn Franklin về mặt học thuật song lại thiếu kỉ luật hơn nên đã sớm sa vào rượu chè. Cậu ta vay tiền của Franklin và bắt đầu oán giận bạn mình. Một ngày, khi hai người đi bơi thuyền cùng bạn bè trên sông Delaware, dù tới lượt mình nhưng Collins không chịu chèo. Những bạn khác trên thuyền sẵn sàng bỏ qua còn Franklin thì không. Cậu đã xô xát với Collins, túm hạ bộ và hất cậu ta ra khỏi thuyền. Mỗi khi Collins bơi đến gần, Franklin và các bạn lại chèo vượt lên mấy thước, nhất định bắt cậu ta hứa sẽ chèo khi tới lượt mình. Vì tự cao và uất ức, Collins không đồng ý nhưng cuối cùng vẫn được cho lên thuyền. Từ đó, hai cậu hầu như không còn nói chuyện với nhau nữa. Kết cục, Collins lên đường đi Barbados và không bao giờ trả lại số tiền đã vay Franklin.
Chỉ sau vài tháng, Franklin đã học được các bài học về đối đầu và oán giận, tự cao và khiêm tốn từ bốn người - James Ralph, James Franklin, Cotton Mather và John Collins. Trong đời, đôi khi Franklin cũng tự tạo ra kẻ thù cho mình (như nhà Penn) và đối thủ đố kị với mình (như John Adams). Nhưng so với đa số đàn ông, nhất là những người toàn mỹ đến vậy thì con số này ít hơn hẳn. Cậu đã học được bí quyết sống để được kính trọng thay vì bị thù ghét: thể hiện (ít nhất là khi nào có thể tuân thủ nguyên tắc này) một óc hài hước tự trào, những cử chỉ khiêm tốn và một lối đối thoại không công kích.9
Việc Josiah Franklin từ chối cấp vốn cho con trai mở xưởng in không làm giảm lòng nhiệt thành của Thống đốc Keith. “Nếu ông ấy không giúp cậu khởi nghiệp thì ta sẽ giúp,” ông hứa đàng hoàng. “Ta quyết tâm phải có một nhà in tốt ở đây.” Ông đề nghị Franklin lên danh sách các thiết bị cần thiết - cậu ước chừng sẽ tốn khoảng 100 bảng - và gợi ý Franklin nên đến London để có thể tự chọn các bộ chữ và mở rộng mối quan hệ. Keith cam kết sẽ lập các thư tín dụng để trả cho cả thiết bị lẫn chuyến hải hành.10
Chàng trai Franklin mê phiêu lưu rất cảm động. Suốt mấy tháng trước khi khởi hành, cậu thường xuyên ăn tối với vị thống đốc. Mỗi khi cậu hỏi về các tín dụng thư mà ông hứa hẹn, chúng đều chưa xong xuôi; nhưng Franklin không thấy có lý do gì phải lo lắng.
Trong lúc đó, Franklin đang tán tỉnh con gái của chủ nhà, Deborah Read. Bất chập sự ham muốn về giới tính, cậu rất thực tế về những tiêu chuẩn muốn có ở người vợ. Deborah là người khá thô mộc, nhưng cô đem lại viễn ảnh về một người thích an nhàn và cuộc đời nội trợ. Đổi lại, Franklin cũng có nhiều thứ khác bên cạnh ngoại hình ưa nhìn vạm vỡ cùng sự lôi cuốn ấm áp của cậu. Cậu đã biến mình từ một kẻ bỏ nhà rách rưới lững thững đi ngược lên Phố Chợ khi cô lần đầu nhìn thấy thành một trong những thương nhân trẻ có tư cách và triển vọng nhất của thành phố, một người được Thống đốc và bạn bè quý mến. Cha Deborah mới qua đời khiến mẹ cô lâm vào cảnh khó khăn về tiền bạc nên bà sẵn lòng để con gái bước vào một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Tuy vậy, bà thận trọng với việc cho con gái lấy một vị hôn phu sắp sửa đi London và một mực muốn dời đám cưới cho đến khi Franklin trở về.
LONDON
Tháng 11 năm 1724, chỉ hơn một năm sau khi tới Philadelphia, Franklin lại khởi hành đi London. Cùng đi với cậu là người đã thế chỗ người bạn không đáng tin cậy, Collins: nhà thơ đầy khát vọng James Ralph - anh để lại nhà một vợ và một con. Franklin vẫn chưa nhận được các tín dụng thư từ Thống đốc Keith nhưng tin chắc rằng chúng sẽ được gửi lên tàu trong túi thư tín cuối cùng.
Chỉ sau khi tới London vào đêm Giáng sinh, cậu mới phát hiện ra sự thật: vị thống đốc phù phiếm không viết cho cậu bức thư tín dụng hay thư giới thiệu nào. Rất bối rối, Franklin tìm cách liên lạc với người bạn đồng hành Thomas Denham, một thương gia và một tín hữu Quaker xuất chúng mà cậu đã kết bạn trên đường đi. Denham đã giải thích để Franklin biết Keith là người có tính khí thất thường đã ăn vào máu và anh “cười vào ý nghĩ của tôi rằng ngài thống đốc sẽ viết cho tôi một lá thư tín dụng vì như anh nói, ông ấy chẳng có chút khả tín nào để cho đi”. Với cái nhìn thấu suốt, Franklin xem đây là điểm yếu hơn là cái ác của con người. Franklin sau này đã nói về Keith: “Ông ấy hứa hẹn để làm hài lòng tất cả mọi người, và bởi không có nhiều để cho đi, nên ông ấy cho đi sự kỳ vọng.”11
Nhờ lời khuyên của Denham, Franklin quyết tâm lèo lái tình thế của mình theo chiều hướng tốt nhất. London khi đó đang tận hưởng thời hoàng kim của hòa bình, thịnh trị là một nơi đặc biệt hấp dẫn đối với một thợ in trẻ có tham vọng về tri thức. Trong số những nhân vật đang làm sáng bừng thế giới thời ấy có Swift, Defoe, Pope, Richardson, Fielding, và Chesterfield.
Phải cưu mang anh chàng Raph bơ vơ và mơ mộng, Franklin tìm mấy chỗ trọ giá rẻ và một công việc ở nhà in nổi tiếng của Samuel Palmer.
Ralph cố gắng xin làm diễn viên, sau đó là nhà báo hay thư ký. Anh thất bại trên mọi lĩnh vực và luôn phải vay tiền của Franklin.
Đây là một kiểu cộng sinh đũa lệch thường thấy giữa những người thực tế và tham vọng với những người bạn lãng mạn và vô tư: Franklin cần mẫn kiếm tiền còn Ralph đảm bảo họ sẽ nướng hết vào ca kịch và các trò tiêu khiển khác, đôi khi là cả “những cuộc dan díu với đám phụ nữ thấp hèn”. Ralph sớm quên mất vợ con ở Philadelphia và Franklin cũng theo gương. Cậu phớt lờ luôn việc đã đính hôn với Deborah và chỉ viết thư cho cô một lần.
Không có gì bất ngờ khi tình bạn này tan vỡ vì một người con gái. Ralph đem lòng yêu một cô thợ làm mũ trẻ tuy nghèo nhưng dễ thương và chuyển đến ở với cô. Sau đó, anh được khuyến khích xin việc làm giáo viên tại một trường làng ở Berkshire. Anh thường xuyên viết thư cho Franklin, gửi cho bạn các đoạn của một thiên anh hùng ca dở tệ cùng lời nhắn nhủ nhờ Franklin trông nom bạn gái. Franklin đã làm việc đó quá tốt. Cậu cho cô ấy mượn tiền, an ủi nỗi trống trải của cô và sau đó, (“vào một thời điểm không chịu sự ràng buộc tôn giáo”), đã tìm cách quyến rũ cô. Ralph trở về trong cơn thịnh nộ, cắt đứt tình bạn của hai người và tuyên bố rằng sự vượt quá giới hạn này đã giải thoát anh khỏi nghĩa vụ hoàn trả cho Franklin số tiền nợ lúc này đã lên đến 27 bảng.12
Về sau Franklin cho rằng việc mất số tiền nợ được bù đắp bằng việc không phải làm bạn với Ralph nữa. Vậy là một lối sống đã hình thành. Bắt đầu từ Collins và Ralph, Franklin dễ dàng có những bằng hữu tình cờ, những bạn đồng hành tài trí, những người bảo trợ hữu ích, những kẻ ngưỡng mộ thích ve vãn cùng các mối quan hệ thân tình khác. Nhưng cậu
lại không giỏi giữ gìn những mối quan hệ lâu dài và có ràng buộc cá nhân hoặc liên kết tình cảm sâu sắc, ngay cả với gia đình mình.
CHỦ NGHĨA CALVIN VÀ TỰ NHIÊN THẦN GIÁO Khi làm việc tại nhà in của Palmer, Franklin giúp việc in một ấn bản của cuốn Tôn giáo của tự nhiên giản lược của William Wollaston,* một luận văn Khai sáng cho rằng có thể đạt được chân lý tôn giáo thông qua nghiên cứu khoa học và tự nhiên thay vì sự mặc khải của thánh thần. Với khí thế trí tuệ của một người trẻ không qua trường lớp, Franklin tin rằng Wollaston đúng về tổng thể nhưng sai ở một số chi tiết. Cậu đã sớm trình bày suy nghĩ riêng của mình trong một bài viết vào năm 1725 có tiêu đề “Luận văn về Tự do và Tất yếu, Vui sướng và Khổ đau.” Trong Luận văn này, Franklin kết hợp các tiền đề thần học với phép tam đoạn luận logic học với nhau và khiến chính cậu rối tung. Chẳng hạn, cậu thừa nhận Chúa Trời “toàn trí, toàn mỹ, toàn năng”. Vì thế, mọi thứ tồn tại hay xảy ra đều phải được sự ưng thuận của Chúa. “Những gì Người ưng thuận phải là điều tốt, bởi Người là toàn mỹ; do đó cái xấu không tồn tại.” Hơn nữa, hạnh phúc chỉ tồn tại trong sự tương phản với không hạnh phúc; nếu thiếu vắng một thứ thì thứ kia không thể tồn tại. Do đó, chúng triệt tiêu lẫn nhau: “Theo lẽ tự nhiên và bất biến, nỗi khổ đau sản sinh ra niềm vui sướng tương ứng với nó, nên mỗi cá thể sinh vật, ở bất cứ dạng sống nào, đều có một lượng bằng nhau của mỗi cảm giác.” Đồng thời, Franklin bác bỏ (ít nhất là để thỏa mãn bản thân) khái niệm linh hồn bất tử, sự tồn tại của ý chí tự do và giáo lý cơ bản của chủ nghĩa Calvin cho rằng con người tất yếu sẽ được cứu rỗi hoặc bị đọa đày. Cậu tuyên bố, “mọi
sinh vật không thể làm điều gì ngoài điều tốt” và tất cả “đều được Đấng Sáng thế tôn trọng như nhau”.13
Luận văn của Franklin không được xếp vào biên niên sử của triết học tinh xảo. Thực tế, như Franklin thừa nhận sau này, nó nông cạn và thiếu thuyết phục đến mức làm cậu bẽ mặt. Franklin in ra 100 bản, việc mà cậu gọi là “lỗi in ấn”, và cố đốt hết những gì thu hồi lại được.
Để biện hộ cho Franklin, có thể thấy ngay cả các triết gia vĩ đại và trưởng thành hơn cậu còn lạc lối suốt nhiều thế kỷ khi cố gắng trả lời câu hỏi về ý chí tự do và dung hòa nó với Thiên Chúa - đấng toàn tri. Nhiều người trong số bạn đọc hẳn còn nhớ, hoặc sẽ co rúm người khi bị nhắc lại, những tiểu luận hay luận văn theo nhóm khi chúng ta 19 tuổi, đang là sinh viên năm nhất. Kể cả khi đã trưởng thành hơn, Franklin cũng không bao giờ trở thành một triết gia nghiêm cẩn hàng đầu, được đứng chung với những người đương thời như Berkeley và Hume. Giống như tiến sĩ Johnson, Franklin thích hợp khám phá các suy nghĩ thực tế và tình huống ngoài đời hơn là những phép trừu tượng siêu hình hoặc chứng minh diễn dịch.
Giá trị cơ bản của Luận văn thể hiện ở việc nó hé lộ sự sẵn sàng có tính thất thường của Franklin để từ bỏ thần học Thanh giáo. Khi còn trẻ tuổi, cậu đã đọc John Locke, Lord Shaftesbury, Joseph Addison và các tác giả khác ủng hộ tư tưởng độc lập về tôn giáo và triết lý về thần giáo tự nhiên của chủ nghĩa Khai sáng, cho rằng mỗi cá nhân đều có thể khám phá được chân lý về Chúa thông qua nhận thức lý tính và nghiên cứu tự nhiên thay vì đặt niềm tin mù quáng vào các giáo lý được thừa nhận rộng rãi và sự mặc khải của thánh thần. Cậu cũng đọc các tác phẩm có tính chính thống hơn, bảo vệ giáo lý của chủ nghĩa Calvin trước tư tưởng dị giáo nhưng cậu thấy
chúng kém thuyết phục hơn. Franklin đã viết trong tự truyện: “Lập luận của các nhà tự nhiên thần giáo được dẫn ra để bác bỏ, đối với tôi còn mạnh mẽ hơn chính những luận điệu bác bỏ.”14
Tuy vậy, cậu sớm đi đến kết luận rằng, một chủ nghĩa tự nhiên thần giáo giản đơn và tự mãn cũng có các hạn chế riêng. Cậu đã truyền tư tưởng tự nhiên thần giáo cho Collins và Ralph và chẳng mấy chốc họ đã xử tệ với cậu mà chẳng có chút ăn năn về đạo đức nào. Tương tự, cậu cũng lo lắng chính sự độc lập tư tưởng của mình đã khiến cậu phóng túng với Deborah Read và những người khác. Trong một châm ngôn cổ điển điển hình cho cách tiếp cận thực dụng của cậu với tôn giáo, Franklin tuyên bố về tự nhiên thần giáo như sau: “Tôi bắt đầu hoài nghi học thuyết này, dù có thể nó đúng nhưng nó không mấy hữu dụng.”
Mặc dù cho rằng mặc khải của Thiên Chúa “không có chút trọng lượng nào” với mình, cậu đinh ninh thực hành tôn giáo là một việc có lợi bởi nó khuyến khích hành vi cư xử tốt đẹp và một xã hội đạo đức. Vì thế cậu bắt đầu ủng hộ một nhánh tự nhiên thần giáo chú trọng đến đạo đức, cho rằng cách vâng phục Chúa tốt nhất là thông qua làm điều thiện và giúp đỡ người khác.
Đây là triết lý dẫn tới việc cậu từ bỏ phần lớn giáo lý Thanh giáo và các giáo phái theo chủ nghĩa Calvin khác, vốn dạy rằng sự cứu rỗi chỉ đến qua ân điển của Chúa và không thể đạt được nhờ làm điều thiện. Họ tin rằng khả năng này đã mất đi khi Adam từ chối giao ước của Chúa về điều thiện và được thay thế bằng giao ước về ân điển, theo đó những người được cứu rỗi là một phần của nhóm người được chọn lên thiên đàng do Chúa định trước. Với một người duy lý và thực dụng mới chớm như Franklin, giao ước về ân điển có vẻ “khó hiểu” và thậm chí tệ hơn nữa, “không có lợi”.15
KẾ HOẠCH CHO HÀNH XỬ ĐẠO ĐỨC
Sau một năm làm việc cho Palmer, Franklin tìm được một công việc trả lương khá hơn tại một nhà in lớn hơn của John Watts. Ở đây, các thợ in uống bia pha loãng suốt cả ngày, để giữ cho họ được khỏe khoắn. Với thói quen uống điều độ và thanh đạm, Franklin cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp rằng họ có thể có một chế độ dinh dưỡng tốt hơn nhờ ăn những bát cháo nóng với bánh mì. Vì thế cậu được mọi người gọi là “người Mỹ uống Nước”, được thán phục vì sức khỏe, tư duy rõ ràng và khả năng cho họ vay tiền khi họ đã nướng sạch thu nhập kiếm được mỗi tuần ở các quán rượu.
Bất chấp sự kiêng cữ của cậu, các công nhân ở nhà in Watts nhất định muốn cậu trả một khoản phí khai tâm có giá năm shilling để mua đồ uống. Khi được thăng chức từ phòng in lên phòng sắp chữ, cậu bị dụ dỗ trả một khoản phí khai tâm khác, nhưng lần này cậu từ chối. Kết quả là cậu bị đối xử như thành phần cá biệt và phải chịu một số tổn hại nhỏ. Cuối cùng, sau ba tuần, cậu đấu dịu và chịu bỏ tiền vì tin rằng việc duy trì mối quan hệ xấu với đồng nghiệp là sự điên rồ. Cậu nhanh chóng lấy lại sự yêu mến của mọi người, được tiếng là “một người pha trò cừ khôi” - được kính trọng nhờ tính hài hước và khả năng “châm biếm bằng ngôn từ”.
Là một trong số những người ít nhút nhát nhất mà ta có thể tưởng tượng, Franklin thích giao du ở London hệt như trước đây ở Boston và Philadelphia. Cậu đều đặn tới dự các tọa đàm bàn tròn do những ngôi sao nhỏ trên ván đàn đương thời tổ chức và tìm cách để được làm quen với nhiều nhân vật thú vị. Trong những bức thư đầu tiên của Franklin còn lại cho đến nay, có một bức gửi cho Ngài Hans Sloane, thư ký của Hội Hoàng gia. Franklin cho biết, cậu mang theo từ Mỹ một chiếc ví làm từ amiăng và tự hỏi liệu Sloane có muốn mua nó. Sloane gọi Franklin đến, đưa chàng trai
về nhà ông ta ở quảng trường Bloomsbury để khoe khoang bộ sưu tập của mình và bỏ ra một số tiền hào phóng để mua chiếc ví. Franklin cũng thương lượng để được mượn sách từ một hiệu sách cạnh nhà.
Kể từ khi còn là một cậu bé biết sáng chế ra mái chèo và chân vịt để đẩy mình bơi qua cảng Boston, Franklin đã đam mê bơi lội. Cậu đã nghiền ngẫm một trong số những tác phẩm đầu tiên viết về bộ môn này, Nghệ thuật Bơi lội, cuốn sách được tác giả người Pháp Melchisedec Thevenot viết năm 1696, giúp phổ biến kỹ thuật bơi ếch. (Kỹ thuật bơi sải phải hơn một thế kỷ sau mới trở nên thông dụng.) Franklin đã hoàn thiện nhiều biến thể của động tác bơi cả trên mặt nước và dưới nước “sao cho vừa đẹp mắt vừa dễ dàng và hữu ích”.
Trong số những bạn bè mà cậu dạy bơi có một thợ in trẻ đồng nghiệp tên là Wygate. Một ngày, khi đang đi bơi thuyền trên sông Thames với Wygate và vài người khác, Franklin quyết định trổ tài. Cậu lột đồ, nhảy xuống sông và bơi ra bơi vào bờ với nhiều kiểu khác nhau. Một thành viên trong nhóm ngỏ ý tài trợ để Franklin mở trường dạy bơi. Về phần mình, Wygate “càng ngày càng trở nên gắn bó” với Franklin và đề nghị hai người sẽ đi du lịch khắp châu Âu như các thợ in và giáo viên làm công. “Tôi suýt bị thuyết phục,” Franklin nhớ lại, “nhưng khi hỏi ý kiến người bạn tốt Denham, người mà tôi luôn dành hàng giờ tâm sự khi có thời gian rỗi, cậu đã thuyết phục tôi từ bỏ ý định này và khuyên tôi chỉ nên nghĩ đến việc mà cậu sắp sửa làm lúc ấy - trở về Pennsylvania.”16
Denham, vị thương gia theo đạo Quaker mà Franklin đã gặp trên chuyến hải hành, đang lên kế hoạch mở một cửa hiệu tạp hóa tại Philadelphia và hứa hẹn sẽ trả tiền vé tàu cho Franklin nếu cậu đồng ý ký hợp đồng làm nhân viên cho anh với mức lương 50 bảng một năm. Tuy số
tiền này thấp hơn số tiền cậu đang kiếm được ở London, nhưng nó đem lại cho cậu cơ hội được trở về Mỹ cùng khả năng lập nghiệp như một thương nhân, một nghề nghiệp cao sang hơn so với làm thợ in. Thế là họ lên tàu trở về cùng nhau vào tháng 7 năm 1726.
Trong quá khứ, Franklin từng bị chuốc vạ vì thích chơi với những kẻ lêu lổng lãng mạn có tính cách không đáng tin cậy (Keith, Collins, Ralph). Ngược lại, Denham là một người toàn vẹn. Anh bỏ xứ ra đi vài năm trước trong cảnh nợ nần chồng chất, để rồi gây dựng được một cơ đồ nhỏ ở Mỹ. Lần này trở về Anh, Denham có thể ném cả bữa tối xa hoa vào các chủ nợ cũ của anh. Sau khi vung vãi những lời biết ơn dành cho họ, anh đề nghị tất cả nhìn dưới đĩa của mình, ở đó là toàn bộ số tiền nợ được trả đủ cộng thêm tiền lãi. Từ đây về sau, Franklin thấy mình bị thu hút nhiều hơn bởi những người thiết thực và đáng tin cậy hơn là những người mơ mộng và lãng mạn.
Để hoàn thiện nghệ thuật trở thành người đáng tin, Franklin đã viết “Kế hoạch cư xử tương lai” trong chuyến hải hành dài 11 tuần trở lại Philadelphia. Đây là một trong rất nhiều cương lĩnh cá nhân đặt ra các quy tắc thực dụng để đạt thành công và đưa Franklin trở thành vị thánh bảo hộ của những người chỉ bảo việc tự hoàn thiện. Cậu than thở rằng vì chưa bao giờ vạch ra cho mình một đề cương về cách cư xử, cuộc đời của cậu từ trước tới nay có phần hơi lộn xộn. “Vì thế, hãy để tôi thể hiện sự quyết tâm và một hình thức hành động nào đó, sao cho từ nay trở đi tôi có thể sống như một sinh vật có lý trí với tất cả sự tôn trọng.” Có bốn quy tắc như sau:
#1. Tôi cần phải cực kỳ căn cơ một thời gian, cho đến khi tôi trả hết nợ nần.
#2. Cố gắng nói thật trong mọi hoàn cảnh; không để ai nghĩ rằng họ có thể không được đáp lời, và hướng đến sự chân thành trong từng từ ngữ và hành động - điểm vượt trội dễ mến nhất ở một con người có lý trí.
#3. Để bản thân tôi chuyên tâm vào bất cứ công việc nào mà tôi đảm nhận, không hướng suy nghĩ của tôi xa rời công việc vì bất cứ kế hoạch làm giàu chớp nhoáng ngớ ngẩn nào; bởi lẽ sự chăm chỉ và kiên nhẫn là phương thức chắc chắn nhất để giàu có.
#4. Tôi quyết tâm dù thế nào cũng không nói xấu ai.17
Quy tắc 1 cậu đã nắm vững. Tương tự, quy tắc 3 cũng không khó để cậu tuân thủ. Về quy tắc 2 và 4, từ nay trở đi, cậu phải siêng năng tự răn dạy bản thân và nói chung phải cố thể hiện việc thực hành chúng, dù đôi khi cậu giỏi thể hiện hơn là thực hành.
Trên đường về nhà, chàng trai Franklin 20 tuổi ấp ủ một điều mà về sau trở thành niềm hiếu kỳ suốt đời đối với khoa học. Cậu thí nghiệm trên những con cua nhỏ tìm được trên đám tảo biển, tính toán khoảng cách từ London dựa trên hiện tượng nguyệt thực và nghiên cứu tập quán của cá heo và cá chuồn.
Nhật ký của Franklin về chuyến hải hành cũng tiết lộ tài quan sát bản tính con người của cậu. Khi nghe chuyện về vị cựu thống đốc Đảo Wight, người được tung hô như một vị thánh nhưng lại bị lính gác lâu đài xem là kẻ đểu giả, Franklin kết luận rằng, một người thiếu trung thực sẽ không thể che đậy hoàn toàn con người thật của mình, dù anh ta có xảo trá đến đâu. “Sự thật và lòng chân thành có những hào quang tự nhiên đặc biệt, không thể nào bị giả mạo một cách hoàn hảo; chúng tựa như ngọn lửa và ánh hồng, vốn không thể tô vẽ.”
Khi cá cược về cờ đam với vài bạn cùng tàu, cậu đã đưa ra “quy tắc không thể sai,” theo đó “nếu hai người có khả năng phán đoán như nhau đánh với một số tiền đáng kể, kẻ nào ham tiền hơn sẽ thua; chính sự sốt sắng chiến thắng trò chơi sẽ làm hại anh ta.” Cậu tin rằng quy tắc đó cũng đúng với những trận đấu khác - một người khi quá sợ hãi kết cục sẽ chiến đấu theo kiểu phòng thủ và vì thế bỏ lỡ các lợi thế tấn công.
Cậu cũng phát triển những lý thuyết về sự khao khát hòa đồng của con người, vốn đặc biệt đúng với bản thân cậu. Một trong số các hành khách bị bắt gặp gian lận khi chơi bài và những người khác đòi phạt anh ta. Khi kẻ này không chịu trả tiền, họ quyết định đưa ra một hình phạt nặng hơn: anh ta sẽ bị tẩy chay và xa lánh hoàn toàn cho đến khi chịu thua. Cuối cùng, kẻ vô lại đã trả tiền phạt để chấm dứt vạ tuyệt tông. Franklin kết luận:
Con người là một sinh vật thích giao tiếp và vì thế, theo tất cả những gì tôi được biết, một trong những hình phạt tồi tệ nhất là bị cách ly khỏi xã hội. Tôi đã đọc rất nhiều thứ hay ho về đề tài cô đơn và biết những kẻ thích được xem là khôn ngoan có một lời khoe khoang chung nơi đầu môi: sự đơn độc không thể làm họ đơn độc hơn được nữa. Tôi thừa nhận nỗi cô đơn là một sự nghỉ ngơi có thể chấp nhận được đối với một trí óc bận rộn; nhưng nếu những gã trầm tư này phải luôn sống đơn độc, tôi tin rằng họ sẽ sớm nhận ra bản thể của họ chẳng giúp ích gì cho họ.
Một trong những tư tưởng của thời kỳ Khai sáng cho rằng trong mỗi người đều tồn tại một ái lực xã hội, dựa trên thiên hướng tự nhiên của lòng nhân từ và Franklin là một mẫu mực của tư tưởng này. Câu đầu tiên trong đoạn văn trên - “Con người là một sinh vật thích giao tiếp” - trở thành tôn
chỉ định hướng suốt cuộc đời dài của cậu. Về sau trong chuyến hải hành, họ gặp một chiếc tàu khác. Franklin ghi lại:
Có điều gì đó thật sự đang reo vui một cách lạ lùng trong tâm hồn chúng tôi khi gặp gỡ nơi biển cả một nhóm sinh vật cùng loài, cùng chung hoàn cảnh với chúng tôi sau khi bị ngăn cách và tuyệt giao với phần còn lại của nhân loại như thế. Tôi khó lòng kiềm chế được tiếng cười phát xuất đâu đó từ một niềm khoan khoái bên trong.
Song niềm hạnh phúc lớn nhất của cậu là cuối cùng đã lờ mờ trông thấy bờ biển nước Mỹ. Cậu viết, “mắt tôi nhòa đi vì hai giọt nước mắt hân hoan bỗng trào ra”. Với lòng coi trọng tính cộng đồng sâu sắc, tính hiếu kỳ dành cho khoa học và các quy tắc để sống một cuộc đời thực tế, Franklin đã sẵn sàng an cư để tìm kiếm thành công ở một thành phố mà giờ này cậu nhận ra đây mới thực sự là nhà mình, hơn cả Boston hay London.18
4
CHỦ NHÀ IN
Philadelphia, 1726-1732
CỬA HIỆU RIÊNG
Franklin bẩm sinh đã có những đức tính một chủ cửa hiệu: khéo léo, có duyên, sắc sảo trong đánh giá tính cách con người và luôn háo hức thành đạt. Anh trở thành một “chuyên gia bán hàng” - theo cách nói của anh - khi cùng Denham mở một hiệu tạp hóa trên Phố Water một thời gian ngắn sau khi trở về Philadelphia vào cuối năm 1726. Denham đóng vai trò một người thầy và người giám hộ của chàng trai 20 tuổi nhiều khát vọng. “Chúng tôi ở cùng nhà và ăn cùng mâm; anh ấy khuyên nhủ tôi như một người cha, dành cho tôi sự quan tâm chân thành. Tôi kính trọng và yêu quý anh ấy.”1
Nhưng giấc mơ trở thành một thương gia giàu có của Franklin tan tành sau vài tháng khi Denham lâm bệnh rồi qua đời. Trong di chúc bằng lời, anh xóa cho Franklin số nợ 10 bảng chi phí cho chuyến đi nhưng không để lại cho anh công việc kinh doanh họ đã cùng gây dựng. Hết tiền và chẳng có mấy hy vọng, Franklin nuốt tự ái vào lòng để nhận lời đề nghị của Keimer kỳ quặc - trở lại làm việc tại nhà in của ông, lần này trong vai trò người quản lý.2
Vì ở Mỹ không có xưởng đúc để đúc chữ, Franklin đã nghĩ ra cách riêng thông qua việc sử dụng các mẫu tự của Keimer để làm khuôn chì. Do đó, anh đã trở thành người đầu tiên ở Mỹ sản xuất chữ in. Một trong các kiểu chữ hiện đại phổ biến nhất, phông chữ sans-serif* có tên Franklin Gothic, thường được sử dụng cho tiêu đề bài báo, được đặt theo tên anh vào năm 1902.
Khi Keimer bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình, mối ác cảm - một phần do di truyền và giáo dục - của anh với quyền lực độc đoán lại bùng lên. Một ngày, có một cuộc ẩu đả bên ngoài cửa hiệu và Franklin ló đầu ra khỏi cửa sổ để quan sát. Keimer lúc đó đang ở dưới phố đã gào lên yêu cầu anh tập trung vào công việc. Tính công khai của sự quở trách này làm Franklin bẽ mặt và anh đã bỏ việc ngay lập tức. Nhưng vài ngày sau, khi Keimer đến năn nỉ anh quay trở lại, Franklin đã đồng ý. Họ đều cần nhau, ít nhất là trong thời điểm đó.
Keimer giành được quyền ấn loát trong một đợt phát hành tiền giấy mới của Hội đồng Lập pháp New Jersey và Franklin là người duy nhất có kỹ năng thực hiện việc này một cách hoàn hảo. Anh sáng tạo ra kỹ thuật in sử dụng bản khắc đồng để tạo ra những tờ giấy bạc được trang trí công phu đến mức chúng không dễ bị làm giả, và họ cùng nhau đi tới Burlington. Một lần nữa, chính chàng trai trẻ Franklin, người có tài nói chuyện hóm hỉnh và nhiệt tình, chứ không phải ông chủ luộm thuộm của anh, đã kết bạn được với những người quyền cao chức trọng. “Trí tuệ của tôi so với Keimer đã được mở mang nhiều hơn nhờ đọc sách, tôi đoán đó là lý do những cuộc trò chuyện của tôi được đánh giá cao hơn. Họ đưa tôi về nhà, giới thiệu với bạn bè và đối xử với tôi rất lịch sự.”3
Mối quan hệ với Keimer được định trước không thể kéo dài. Franklin - một người không ngừng phấn đấu và cọ xát - nhận thấy anh đang bị lợi dụng. Keimer đang trả tiền đề anh đào tạo bốn “đôi tay giá rẻ” làm việc ở nhà in với ý định sẽ sa thải anh khi họ đủ lông đủ cánh. Về phần mình, Franklin cũng chẳng ngại lợi dụng Keimer. Anh và một trong số các thợ học việc, Hugh Meredith, đã bí mật lên kế hoạch mở một nhà in cạnh tranh sau kỳ phục dịch của Meredith kết thúc, do cha Meredith cấp vốn. Dù đây không hẳn là một kế hoạch gian dối thật sự, nhưng nó không hoàn toàn phù hợp với lời hứa trịnh trọng của Franklin rằng sẽ “hướng đến sự chân thành trong mọi lời nói và cử chỉ”.
Meredith 30 tuổi, ham đọc sách và ham cả rượu chè. Cha Meredith, một nông dân sinh ra ở xứ Wales, quý mến Franklin, đặc biệt vì anh đã thuyết phục con trai ông tránh xa việc uống rượu (ít nhất là tạm thời). Ông đồng ý cấp một số vốn cần thiết (200 bảng) để hai chàng trai bắt đầu hợp tác làm ăn, trong đó phần đóng góp của Franklin là tài năng của anh. Họ gửi mua thiết bị từ London.* Hàng về đến nơi đầu năm 1728 ngay sau khi Franklin chấm dứt hợp đồng và Meredith kết thúc kỳ học việc.
Hai người đối tác nói lời từ biệt với ông chủ kém may mắn Keimer, thuê một ngôi nhà trên Phố Chợ, mở xưởng và nhanh chóng được phục vụ khách hàng đầu tiên, một nông dân do một bạn hữu giới thiệu tới. “Năm shilling của người đàn ông này là thành quả đầu tiên của chúng tôi và nó đến thật đúng lúc, đem lại cho tôi niềm vui sướng lớn hơn bất cứ đồng curon* nào tôi kiếm được từ đó.”
Công việc kinh doanh thành công phần lớn do sự cần cù của Franklin. Khi họ được một nhóm tín hữu Quaker thuê in 178 trang sử của họ, phần còn lại sẽ do Keimer in, mỗi tối Franklin không rời xưởng cho đến khi đã
hoàn tất một folio* bốn trang. Thường anh phải làm việc đến quá 11 giờ khuya. Một đêm, ngay khi anh đang hoàn thiện tờ in của ngày hôm đó, chiếc khuôn rơi ra và vỡ; thế là Franklin phải thức cả đêm để làm lại. “Sự cần cù mà ngay cả hàng xóm của chúng tôi cũng có thể thấy được bắt đầu đem lại cho chúng tôi danh tiếng và uy tín,” Franklin nhớ lại. Một trong những thương gia nổi tiếng của thành phố đã nói với các thành viên trong câu lạc bộ của ông rằng: “Sự cần cù của anh chàng Franklin này vượt xa bất cứ người nào tôi từng gặp; tôi thấy anh ta vẫn đang làm việc khi tôi rời câu lạc bộ về nhà, và trước khi hàng xóm ra khỏi giường, anh ta đã lại bắt đầu làm việc.”
Franklin trở thành ông tổ truyền bá đức tính cần cù - và việc tỏ ra cần cù cũng quan trọng không kém. Ngay cả khi đã thành công, anh vẫn cho mọi người thấy hình ảnh anh tự thồ những cuộn giấy đã mua bằng xe cút kít, xuôi xuống phố hướng về phía nhà in, thay vì thuê người làm việc đó.4
Trái lại, Meredith không hề cần cù và uống rượu trở lại. Thêm vào đó, cha anh ta chỉ mới trả một nửa số tiền mua thiết bị ông đã hứa hẹn, khiến các nhà cung cấp phải viết thư đe dọa. Franklin tìm được hai người bạn sẵn lòng cung cấp tài chính cho anh với điều kiện anh phải vứt bỏ Meredith. May mắn là Meredith nhận thấy tốt hơn cả anh ta nên trở lại với công việc đồng áng. Mọi thứ kết thúc tốt đẹp: Meredith đồng ý cho Franklin hoàn lại tiền để chấm dứt hợp tác, trở về vùng Carolina và sau này viết những lá thư tả cảnh đồng quê nơi đây. Chúng được Franklin xuất bản.
Vậy là cuối cùng Franklin đã có một nhà in của riêng mình. Hơn thế nữa, anh đã có một sự nghiệp. Nghề in và các nghề liên quan - chủ bút, nhà văn, nhà báo, chủ bưu điện - bắt đầu không còn là một công việc đơn thuần mà là một tiếng gọi thú vị, vừa cao quý vừa vui thích. Trong cuộc đời dài
sau này, anh sẽ có nhiều sự nghiệp khác: nhà khoa học, chính trị gia, chính khách, nhà ngoại giao. Song từ đây anh luôn nhận diện bản thân theo cách mà ông lão Franklin 60 năm sau sẽ viết ở những dòng mở đầu cho ước nguyện sau cùng trong di chúc: “Tôi là Benjamin Franklin người Philadelphia, chủ nhà in.”5
HỘI KÍN
Franklin là người giỏi kết nối. Anh thích kết hợp đời sống công dân với đời sống xã hội và vui vẻ dùng cả hai làm đòn bẩy thúc đẩy đời sống kinh doanh. Cách tiếp cận này thể hiện rõ ở việc anh thành lập một hội của những người lao động trẻ vào mùa thu năm 1727, một thời gian ngắn sau khi trở về Philadelphia. Nó được biết đến rộng rãi với cái tên Câu lạc bộ Tạp dề da và được đặt tên chính thức là Hội Kín.
Câu lạc bộ nhỏ của Franklin gồm các thương nhân và thợ thủ công dám nghĩ dám làm chứ không phải giới tinh hoa trong xã hội, vốn đã có những câu lạc bộ quý ông hào nhoáng hơn. Ban đầu, các thành viên họp mặt ở một quán rượu trong vùng vào mỗi chiều thứ Sáu, song chẳng bao lâu họ đã thuê được một ngôi nhà riêng. Tại đây họ bình luận các vấn đề thời sự, tranh luận các đề tài có tính triết lý và vạch ra các kế hoạch để hoàn thiện bản thân và thiết lập một mạng lưới để mở mang sự nghiệp của mình.
Franklin một là người dám nghĩ dám làm điển hình, luôn sẵn lòng tổ chức các hội nhóm vì lợi ích chung, và đó cũng là đặc trưng kiểu Mỹ. Khi trong lòng nước Mỹ, tầng lớp trung lưu của các chủ cửa hiệu dần phát triển, người dân đã cân bằng các đặc tính cá nhân chủ nghĩa với thiên hướng thành lập các câu lạc bộ, bang nhóm, đoàn thể và hội kín. Franklin là
"""