" Bẫy 22 - Joseph Heller PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bẫy 22 - Joseph Heller PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo Dành tặng mẹ và Shirley, Cùng các con tôi, Erica và Ted 1 GÃ TEXAS Đ ó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Ngay lần đầu gặp mặt Yossarian đã si mê cha tuyên úy đến rồ dại. Yossarian phải nằm viện vì bị đau gan, chỉ kém đau hơn khi bị bệnh vàng da một chút. Các bác sĩ ở đây đau đầu bởi vì đó không thực sự là bệnh vàng da. Nếu nó tiến triển đủ để thành bệnh vàng da thật thì họ đã biết cách chữa. Nếu nó không thành bệnh vàng da mà khỏi dần thì họ đã có thể cho y xuất viện. Nhưng việc nó cứ mãi ngấp nghé bệnh vàng da khiến cho họ rất bối rối. Sáng nào họ cũng đến giường y, ba người đàn ông nhậm lẹ và nghiêm túc với những cái miệng hiệu suất cao và những cặp mắt hiệu suất thấp, tháp tùng là y tá Duckett nhậm lẹ và nghiêm túc, một trong số nhiều y tá trực phòng không ưa Yossarian. Họ đọc bảng thông số ở đuôi giường và sốt ruột hỏi y về chỗ đau. Có vẻ như họ rất bực khi những câu trả lời của y vẫn hệt như trước. “Vẫn chưa đại tiện được?” viên đại tá hỏi. Họ đưa mắt nhìn nhau khi y lắc đầu. “Cho anh ta thêm một viên thuốc nữa.” Y tá Duckett ghi sổ để sau còn cho y thêm một viên thuốc rồi bốn người bọn họ đi tiếp sang giường bên cạnh. Chẳng y tá nào thích Yossarian. Thực ra thì y đã không còn cảm thấy đau gan nữa, nhưng Yossarian cứ ỉm đi mà các bác sĩ không mảy may nghi ngờ. Họ chỉ nghi y đã đại tiện được mà không nói với ai. Trong bệnh viện Yossarian có tất cả những gì y muốn. Thức ăn không quá tệ, lại được phục vụ tận giường. Còn được thêm khẩu phần thịt tươi, và đến chiều nóng nực thì y và các bệnh nhân khác còn được uống nước quả lạnh hoặc sữa sô cô la lạnh. Ngoại trừ đám bác sĩ và y tá, không ai quấy rầy y. Mỗi buổi sáng y chỉ mất một chút thời gian để kiểm duyệt thư, nhưng sau đó thì y được tự do nằm ườn cả ngày mà không hề cắn rứt lương tâm. Y thấy rất thoải mái trong bệnh viện, và việc tiếp tục ở lại đây với y là khá dễ dàng bởi vì lúc nào thân nhiệt y cũng ở mức hơn 38 độ. Y thậm chí còn thoải mái hơn cả Dunbar, gã này cứ phải liên tục ngã dập mặt thì mới được phục vụ ăn uống tại giường. Sau khi hạ quyết tâm sẽ nằm viện đến khi chiến tranh kết thúc, Yossarian viết thư cho tất cả người quen để nói rằng y đang phải nằm viện nhưng không giải thích tại sao. Một ngày kia y nảy ra một ý hay hơn. Y nói với tất cả bọn họ rằng y đang thực thi một nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm. “Cần có người xung phong. Đó là một nhiệm vụ rất nguy hiểm nhưng vẫn phải có ai đó đảm nhiệm. Tôi sẽ viết thư kể cho anh nghe ngay khi tôi trở về.” Và kể từ đó y không viết thư nữa. Tất cả các bệnh nhân là sĩ quan ở đây đều buộc phải kiểm duyệt thư của các bệnh nhân là lính trơn - những người này nằm ở một khu riêng khác. Đó là một công việc đơn điệu, và Yossarian rất thất vọng khi biết rằng cuộc sống của những kẻ đó chỉ hơi thú vị hơn đôi chút so với cuộc sống của những sĩ quan ở đây. Ngay sau ngày đầu tiên y đã không còn tò mò gì nữa. Để phá vỡ sự đơn điệu, y nghĩ ra các trò chơi. Một hôm y tuyên án tử đối với tất cả các thành phần bổ nghĩa, và trong ngày hôm đó mọi trạng từ và mọi tính từ đã buộc phải ra đi khỏi các lá thư qua tay y. Ngày hôm sau y lại tuyên chiến với đám mạo từ. Hôm sau nữa, sức sáng tạo đã được nâng lên tầm cao mới khi y bôi đen đi tất cả, chỉ để lại những mạo từ: “cái”, “con”, và “chiếc”. Y cảm thấy như thế sẽ tạo ra thêm sức căng nội tuyến mãnh liệt, và trong hầu hết trường hợp sẽ tạo ra một thông điệp mang tính phổ quát hơn nhiều. Không lâu sau đó y trục xuất các phần chào hỏi và chữ ký, giữ nguyên phần còn lại. Lần khác thì y bôi đen đi tất cả chỉ để lại câu chào “Mary thân yêu” ở một lá thư, và ở dưới y viết thêm, “Anh khát khao em đến nát tan. R.O. Shipman, Cha tuyên úy, Quân đội Mỹ.” R.O. Shipman là tên của cha tuyên úy trong đơn vị của y. Khi đã thủ đủ trò với lá thư, y chuyển sang tấn công tên và địa chỉ trên phong bì, xóa sạch số nhà và tên phố, tiêu diệt toàn bộ tên thành phố chỉ bằng mấy cú lắc cổ tay cứ như thể y là Thượng đế. Bẫy-22 quy định rằng tất cả các thư được kiểm duyệt đều phải có tên người kiểm duyệt. Hầu hết các lá thư y không đọc chút nào. Trên các lá thư mà y không hề đọc chút nào thì y viết tên mình. Trên những lá thư y có đọc thì y viết “Washington Irving”(1). Khi chán thì sửa thành “Irving Washington”. Màn kiểm duyệt phong bì này đã gây ra một số hậu quả nghiêm trọng, gây ra một làn sóng lo âu trên tầng chỉ huy quân sự cấp cao, một làn sóng đã xô một nhân viên C.I.D(2). trong vai bệnh nhân dạt trở lại phòng bệnh. Tất cả mọi người đều biết gã là người của C.I.D. bởi vì gã cứ liên tục hỏi về một sĩ quan có cái tên Irving hoặc Washington và bởi vì ngay sau ngày đầu tiên gã đã không kiểm duyệt thư nữa. Gã cho rằng việc này quá đơn điệu. Phòng điều trị lần này thật tốt, một trong những phòng tốt nhất mà y và Dunbar từng được hưởng. Ở cùng bọn họ là một đại úy lái máy bay chiến đấu hai mươi tư tuổi lưa thưa ria vàng từng bị trúng đạn rơi xuống biển Adriatic giữa mùa đông mà thậm chí không hề bị cảm lạnh. Giờ thì đã là mùa hè, viên đại úy này không hề bị bắn rơi, nhưng gã vẫn bảo mình mắc bệnh cúm. Bên phải Yossarian, vẫn đắm đuối nằm sấp trên giường là một đại úy có bệnh sốt rét trong máu và bị muỗi đốt ở mông. Bên kia lối đi là Dunbar, và cạnh Dunbar là một tay đại úy pháo binh, giờ thì Yossarian đã không còn chơi cờ với gã nữa. Tay đại úy này chơi cờ khá tốt và những ván cờ luôn rất hay. Yossarian không chơi cờ với gã nữa bởi vì những ván cờ này hay tới mức trở nên ngớ ngẩn. Tiếp theo là một gã người Texas có học với vẻ bên ngoài giống như một kẻ màu mè huênh hoang, gã cảm thấy, theo đường lối ái quốc, rằng những người có tiền - những người tử tế - cần phải có nhiều quyền biểu quyết hơn những kẻ phiêu bạt, gái điếm, tội phạm, bọn sa đọa, vô thần và không tử tế - những kẻ không có tiền. Hôm đó khi Yossarian đang giải phóng nhịp điệu cho các lá thư thì người ta chuyển gã Texas đó đến. Hôm ấy vẫn là một ngày yên tĩnh, nóng bức và bình yên như bao ngày. Cái nóng ép mạnh lên mái nhà, bóp nghẹt mọi tiếng động. Dunbar nằm ngửa bất động, mắt trợn trừng nhìn lên trần nhà như mắt búp bê. Gã đang nỗ lực tăng tuổi thọ của mình. Gã làm việc đó bằng cách nuôi dưỡng sự buồn chán. Dunbar nỗ lực tăng tuổi thọ của mình đến mức Yossarian tưởng như gã đã chết. Người ta đặt gã Texas trên một giường giữa phòng và chẳng mấy chốc gã đã chia sẻ quan điểm của mình về mọi thứ. Dunbar ngồi bật dậy. “Nghĩ ra rồi,” gã hào hứng reo lên. “Thiếu một cái gì đó - tôi đã luôn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó - và giờ thì tôi đã biết đó là cái gì rồi.” Gã đấm nắm tay vào lòng bàn tay. “Không có lòng yêu nước,” gã dõng dạc tuyên bố. “Anh nói đúng,” Yossarian gào lên đáp lại. “Anh đúng, anh đúng, anh đúng. Miếng xúc xích, đội bóng chày Brooklyn Dodgers. Chiếc bánh táo mẹ làm. Mọi người chiến đấu đều là vì chúng. Nhưng ai sẽ chiến đấu vì những người tử tế? Ai sẽ đấu tranh đòi nhiều quyền biểu quyết hơn cho những người tử tế? Không có lòng yêu tổ quốc, đúng thế đấy. Và cũng chả có tình yêu quê hương.” Tay chuẩn úy ở bên trái Yossarian chẳng hề bị ấn tượng. “Ai thèm quan tâm chứ?” gã mệt mỏi hỏi và trở mình quay mặt đi để ngủ. Gã Texas hóa ra lại là một kẻ tốt bụng, hào phóng và dễ thương. Ba ngày sau không còn ai có thể chịu đựng được gã. Gã đã gây ra những cơn run rẩy vì bực tức ào ạt trên những cột sống mong manh, và tất cả đều bỏ chạy khỏi gã - tất cả ngoại trừ một binh sĩ trắng xóa, anh ta chẳng có lựa chọn nào khác. Binh sĩ trắng xóa được bó kín từ đầu đến chân trong băng gạc và bột thạch cao. Anh ta có hai cẳng chân vô dụng và hai cánh tay vô dụng. Anh ta bị tuồn vào viện buổi đêm và mọi người ở đây không biết gì cho đến sáng hôm sau khi thức dậy nhìn thấy cặp giò kỳ quái đang bị treo lủng lẳng, hai cánh tay kỳ quái đang neo lại trên cao, vuông góc với thân mình, cả tứ chi bị giữ chặt trên không một cách kỳ quái nhờ những quả tạ chì ủ ê treo bên trên anh ta. Được khâu vào lớp băng trên hõm cả hai khuỷu tay là hai mấu như hai cặp môi có khóa kéo, qua đó anh ta được truyền vào người thứ dịch trong suốt từ một chiếc bình trong suốt. Một ống kẽm lặng lẽ mọc lên từ khối thạch cao ở háng được nối với một ống cao su mảnh để vận chuyển chất thải từ thận đi, nhỏ nó vào một cái bình trong suốt nút chặt trên sàn. Khi chiếc bình trên sàn đã đầy và chiếc bình ở trên đã cạn thì chúng được thay rất nhanh sao cho dịch liên tục chảy vào trong người anh ta. Tất cả những gì mà bọn họ thực sự nhìn thấy ở binh sĩ trắng xóa này chỉ là một lỗ đen sờn rách trên vị trí của miệng. Binh sĩ trắng xóa được bố trí nằm cạnh gã Texas, và gã Texas ngồi trên mép giường mình mà nói chuyện với anh ta suốt cả buổi sáng, buổi chiều và buổi tối bằng chất giọng Texas lè nhè mềm mỏng và đầy cảm thông. Gã Texas không mảy may bận tâm việc chẳng có ai đáp lời gã. Nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân được đo hai lần một ngày. Mỗi ngày vào sáng sớm và vào chiều muộn, y tá Cramer lại bước vào phòng với một chiếc bình đầy nhiệt kế rồi chật vật đi từng dãy giường, xuôi hết một dãy rồi ngược lại ở dãy tiếp theo, phát cho mỗi bệnh nhân một chiếc. Với binh sĩ trắng xóa kia thì cô nhét nhiệt kế vào cái lỗ ở miệng, tựa nó vào mép dưới cho khỏi rơi ra. Khi đi được một vòng và quay lại bệnh nhân ở giường đầu tiên, cô thu nhiệt kế về và ghi lại nhiệt độ, sau đó đi tới giường tiếp theo, cứ thế cho đến khi hết cả phòng. Vào một buổi chiều khi cô đã đi hết vòng đầu tiên để phát nhiệt kế và đến chỗ binh sĩ trắng xóa lần hai để đọc nhiệt độ thì cô phát hiện ra anh ta đã chết. “Kẻ giết người,” Dunbar thì thầm nói. Gã Texas ngẩng lên nhìn, miệng cười gượng. “Đồ sát nhân,” Yossarian nói. “Các anh nói gì vậy?” gã Texas lo lắng hỏi. “Anh đã giết anh ta,” Dunbar nói. “Anh đã sát hại anh ta,” Yossarian nói. Gã Texas co rúm lại. “Các anh điên rồi. Tôi thậm chí còn không chạm vào anh ta.” “Anh đã giết anh ta,” Dunbar nói. “Tôi nghe người ta nói anh đã sát hại anh ta,” Yossarian nói. “Anh giết anh ta bởi vì anh ta là dân da đen,” Dunbar nói. “Các anh điên rồi,” gã Texas thốt lên. “Bọn da đen đâu có đuợc phép vào đây. Có khu riêng dành cho chúng.” “Tên hạ sĩ đã lén đưa anh ta vào đây,” Dunbar nói. “Một hạ sĩ cộng sản,” Yossarian nói. “Và anh biết điều đó.” Tay chuẩn úy ở bên trái Yossarian có vẻ chẳng quan tâm gì đến vụ binh sĩ trắng xóa. Thật ra gã chẳng quan tâm đến bất cứ chuyện gì và nếu không phải để tỏ lòng bực bội thì sẽ không bao giờ mở miệng. Hôm trước ngày Yossarian gặp cha tuyên úy, một chiếc lò sưởi đã phát nổ trong nhà ăn tập thể làm cháy luôn một bên nhà bếp. Hơi nóng dữ dội phụt ra khắp cả khu. Thậm chí ở trong phòng bệnh của Yossarian, cách đó gần ba trăm thước, người ta vẫn có thể nghe thấy tiếng gầm gào của ngọn lửa và những tiếng nổ lách tách đanh tai của gỗ cháy. Khói bay qua những ô cửa sổ ánh cam. Sau khoảng mười lăm phút thì những xe cứu hỏa từ sân bay mới tới. Trong suốt nửa giờ hoảng loạn tình hình rất nguy hiểm. Sau đó thì lính cứu hỏa mới bắt đầu giành được thế chủ động. Bỗng có tiếng ù ù của một đoàn máy bay ném bom đang trở về, lính cứu hỏa vội cuộn vòi rồng lại và nhanh chóng quay về phi trường phòng khi có chiếc máy bay nào đâm vào đâu mà bốc cháy. Những chiếc máy bay đã hạ cánh an toàn. Ngay khi những chiếc cuối cùng hạ cánh, những người lính cứu hỏa liền quay đầu xe cứu hỏa và phi ngược trở lại đồi để chữa cháy cho bệnh viện. Khi họ về đến nơi thì đám cháy đã tắt. Nó đã tự tắt ngóm, không còn dù chỉ là một đốm than hồng để mà tưới nước lên, và đám lính cứu hỏa đầy thất vọng chẳng còn việc gì làm ngoài ngồi uống cà phê nhạt và tán tỉnh các nữ y tá. Cha tuyên úy đến đây một ngày sau vụ hỏa hoạn. Yossarian đang bận cắt bỏ tất cả mọi thứ, chỉ để lại những từ lãng mạn trong các bức thư, thì cha tuyên úy đến ngồi ở một chiếc ghế đặt giữa hai giường và hỏi thăm sức khỏe y. Gã ngồi nghiêng về một phía nên tất cả những gì Yossarian nhìn thấy chỉ là một quân hàm đại úy đính trên ve áo. Yossarian không biết đó là ai và cứ thế cho rằng đó là một bác sĩ hoặc một kẻ điên nữa. “Ồ vâng rất khỏe,” y đáp lời. “Tôi hơi đau gan và không phải là anh chàng khỏe mạnh nhất phòng, chắc vậy, nhưng nhìn chung cũng phải thừa nhận rằng tôi cảm thấy khá ổn.” “Vậy thì tốt,” cha tuyên úy nói. “Vâng,” Yossarian nói. “Vâng, vậy thì tốt.” “Tôi cũng muốn tới đây sớm hơn,” cha tuyên úy nói, “nhưng tôi không được khỏe lắm.” “Tệ thật,” Yossarian nói. “Chỉ nhức đầu sổ mũi thôi,” cha tuyên úy nhanh chóng bổ sung. “Tôi thì bị sốt lên tới ba tám độ,” Yossarian cũng bổ sung nhanh không kém. “Tệ thật,” cha tuyên úy nói. “Vâng,” Yossarian gật đầu. “Vâng, tệ thật.” Cha tuyên úy bồn chồn. “Tôi có thể giúp gì anh không?” ngập ngừng một lát rồi gã cũng nói. “Không, không.” Yossarian thở dài. “Tôi nghĩ là các bác sĩ ở đây đều đã cố gắng hết mức con người có thể rồi.” “Không, không.” Cha tuyên úy thoáng đỏ mặt. “Ý tôi không phải vậy. Chẳng hạn như thuốc lá… sách… hay đồ chơi.” “Không, không,” Yossarian nói. “Xin cảm ơn. Tôi nghĩ là tôi đã có tất cả những gì cần thiết - tất cả trừ một thân thể khỏe mạnh.” “Vậy thì tệ thật.” “Vâng,” Yossarian nói. “Vâng, vậy thì tệ thật.” Cha tuyên úy lại ngọ nguậy. Gã liếc ngang liếc dọc vài lần, nhìn lên trần nhà rồi lại nhìn xuống sàn. Sau đó thở một hơi thật dài. “Trung úy Nately muốn gửi lời hỏi thăm anh,” gã nói. Yossarian rất chán khi biết rằng họ có bạn bè chung. Cuối cùng thì dường như họ có nền tảng để bắt đầu trò chuyện. “Anh có biết trung úy Nately à?” y hỏi với vẻ tiếc nuối. “Vâng, tôi biết khá rõ trung úy Nately.” “Cậu ta hơi dở hơi, nhỉ?” Nụ cười của cha tuyên úy trở nên thẹn thùng. “Tôi e là tôi không thể nói được. Tôi không nghĩ mình lại biết rõ về cậu ấy tới mức đó.” “Về chuyện này thì anh có thể tin lời tôi,” Yossarian nói. “Cậu ta ngớ ngẩn hết mức.” Cha tuyên úy kéo trĩu khoảnh khắc im lặng tiếp theo đó xuống rồi đột ngột đập tan nó bằng câu hỏi. “Anh là đại úy Yossarian phải không?” “Nately có một khởi đầu rất tệ. Ấy là cậu ta lại xuất thân từ một gia đình tốt.” “Làm ơn thứ lỗi cho tôi,” cha tuyên úy e dè hỏi lại. “Rất có thể tôi đã nhầm lẫn. Anh có phải là đại úy Yossarian?” “Vâng,” đại úy Yossarian thừa nhận. “Tôi là đại úy Yossarian.” “Thuộc phi đoàn 256?” “Thuộc phi đoàn chiến đấu 256,” Yossarian đáp lời. “Tôi không biết liệu có đại úy Yossarian nào khác không. Như tôi được biết thì tôi là đại úy Yossarian duy nhất, nhưng đó chỉ là trong phạm vi những gì tôi biết.” “Tôi hiểu,” cha tuyên úy buồn rầu nói. “Tức là phi đoàn chiến đấu hai mũ tám,” Yossarian chỉ ra, “nếu như anh muốn viết một bài thơ tượng trưng về phi đoàn của chúng tôi.” “Không,” cha tuyên úy lầm bầm. “Tôi không định viết một bài thơ tượng trưng về phi đoàn của anh.” Yossarian đột ngột ngồi thẳng dậy khi y nhìn thấy một chữ thập bạc nhỏ xíu ở ve áo bên kia của cha tuyên úy. Y kinh ngạc cực độ, bởi vì trước đó y chưa bao giờ được nói chuyện với ai làm cha tuyên úy. “Anh là cha tuyên úy quân đội à,” y reo lên phấn khích. “Tôi không biết anh là cha tuyên úy đấy.” “Ồ, vâng,” cha tuyên úy trả lời. “Anh không biết tôi là cha tuyên úy thật à?” “Ồ, không. Tôi không biết anh là cha tuyên úy.” Yossarian chăm chú nhìn gã với nụ cười rộng ngoác và mê mẩn. “Tôi chưa từng gặp một ai làm cha tuyên úy.” Cha tuyên úy lại đỏ mặt nhìn xuống đôi bàn tay mình. Đó là một anh chàng mảnh khảnh có lẽ ba mươi hai tuổi với mái tóc nâu nhạt và cặp mắt nâu nhút nhát. Gương mặt nhỏ nhắn và hơi nhợt nhạt. Một ổ vết mụn ngây thơ nằm dưới gò mỗi bên má. Yossarian thấy muốn giúp đỡ gã. “Liệu tôi có giúp gì anh được không?” cha tuyên úy hỏi. Yossarian lắc đầu, vẫn toét miệng cười. “Không, tôi rất tiếc. Tôi đã có tất cả những gì cần thiết và tôi rất thoải mái. Thực ra tôi thậm chí còn không có bệnh.” “Vậy thì tốt.” Ngay khi vừa thốt ra những từ này, cha tuyên úy đã lập tức cảm thấy hối tiếc, gã ấn vội các khớp ngón tay nắm chặt vào miệng cùng một tiếng bật cười hoảng hốt, nhưng Yossarian vẫn im lặng và làm cho gã thất vọng. “Tôi còn phải đi thăm mấy người nữa trong nhóm,” rốt cuộc gã cáo lỗi. “Tôi sẽ lại tới gặp anh, có thể là ngày mai.” “Nhớ đến nhé,” Yossarian nói. “Tôi sẽ chỉ tới nếu anh muốn,” cha tuyên úy nói, bẽn lẽn cúi đầu. “Tôi nhận thấy mình đã làm cho nhiều người ở đây khó chịu.” Mặt Yossarian bừng lên vẻ yêu thương. “Tôi muốn anh đến,” y nói. “Anh sẽ không làm tôi thấy khó chịu.” Cha tuyên úy rạng rỡ đầy vẻ biết ơn rồi đưa mắt ngó xuống một mẩu giấy gã vẫn giấu trong tay suốt nãy giờ. Gã đếm số giường, môi mấp máy, rồi gã ngập ngừng tập trung chú ý vào Dunbar. “Cho phép tôi hỏi,” gã khẽ thì thào, “đó có phải là trung úy Dunbar không?” “Vâng,” Yossarian trả lời rõ to, “đó là trung úy Dunbar.” “Cảm ơn anh,” cha tuyên úy thì thào. “Cảm ơn anh rất nhiều. Tôi phải thăm anh ấy. Tôi phải thăm tất cả mọi người trong bệnh viện này.” “Kể cả những kẻ ở phòng khác à?” Yossarian hỏi. “Kể cả những người ở phòng khác.” “Hãy cẩn thận với những kẻ ở phòng khác nhé Cha,” Yossarian cảnh báo. “Đó là chỗ những ca thần kinh. Bọn họ toàn những kẻ điên.” “Không cần phải gọi tôi là Cha,” cha tuyên úy nói. “Tôi là tu sĩ theo dòng Anabaptist.” “Chuyện về những phòng khác là rất nghiêm túc đó,” Yossarian dứt khoát khẳng định. “Quân cảnh sẽ không bảo vệ được anh đâu, bởi vì họ chính là những kẻ điên nhất. Tôi có thể đi cùng anh, nhưng tôi sợ đến chết mất. Bệnh điên vốn dễ lây lan. Đây là phòng duy nhất trong bệnh viện không bị điên. Tất cả mọi người đều bị điên ngoại trừ chúng tôi. Về mặt này mà nói thì đây có lẽ là phòng bệnh duy nhất không có người điên trên cả thế giới này.” Cha tuyên úy đứng dậy rất nhanh và lách khỏi giường bệnh của Yossarian, gật đầu cười xòa và hứa sẽ hành động cẩn trọng. “Giờ tôi phải đến thăm trung úy Dunbar đây,” gã nói. Nhưng gã vẫn nán lại, đầy vẻ ăn năn. “Trung úy Dunbar thì thế nào nhỉ?” cuối cùng gã hỏi. “Rất tốt,” Yossarian trấn an gã. “Một ông hoàng đích thực. Một trong số những người tốt nhất và ít tận tụy nhất trên toàn thế giới.” “Ý tôi không phải vậy,” cha tuyên úy trả lời, rồi lại thì thào. “Anh ấy bệnh có nặng lắm không?” “Không, anh ta không bệnh lắm đâu. Thực ra thì anh ta chẳng có bệnh gì cả.” “Vậy thì tốt.” Cha tuyên úy thở phào nhẹ nhõm. “Vâng,” Yossarian nói. “Vâng, vậy thì tốt.” “Một cha tuyên úy,” Dunbar nói sau khi cha tuyên úy đến hỏi thăm gã và rời đi. “Anh có thấy không? Một cha tuyên úy.” “Gã cũng dễ thương nhỉ?” Yossarian nói. “Có lẽ họ nên bầu cho gã ba phiếu.” “Họ là ai vậy?” Dunbar ngờ vực hỏi. Trên một giường bệnh trong góc nhỏ dành riêng ở cuối phòng, luôn làm việc không ngừng nghỉ phía sau lớp gỗ dán màu xanh lá, là một đại tá nghiêm nghị trung tuổi ngày nào cũng được một phụ nữ dịu dàng khuôn mặt xinh đẹp tóc xoăn vàng nhạt tới thăm nom, không phải là y tá, không phải là nữ quân nhân, cũng không thuộc hội Chữ thập đỏ nhưng vẫn đều đặn có mặt tại bệnh viện ở Pianosa mỗi chiều trong những bộ váy áo mùa hè màu phấn nhạt xinh xắn rất lịch sự cùng đôi giày da trắng bít mũi gót hơi cao bên dưới đôi tất nylon với đường may đương nhiên là rất thẳng. Viên đại tá thuộc binh chủng Thông tin, và suốt ngày đêm gã luôn bận rộn truyền đi các thông điệp nhớp nháp từ bên trong cơ thể vào các miếng gạc hình vuông, cẩn thận niêm phong chúng lại và đưa vào trong một cái thùng trắng có nắp đặt trên bàn cạnh giường. Viên đại tá rất điển trai. Gã có khuôn miệng sâu hoắm, gò má sâu hoắm, đôi mắt buồn và sâu hoắm như phủ đầy nấm sương. Mặt gã màu bạc ảm đạm. Gã ho rất khẽ khàng, thận trọng, rồi chấm nhẹ những miếng gạc vào môi với vẻ chán ghét đã trở thành phản xạ tự nhiên. Viên đại tá chìm trong một vòng xoáy các chuyên gia vẫn đang chuyên tâm tìm cách xác định xem bệnh của gã là gì. Họ chiếu đèn vào mắt gã để xem gã còn nhìn được không, chọc kim vào dây thần kinh để xem gã có còn cảm giác không. Có chuyên gia tiết niệu lo cho nước tiểu của gã, có chuyên gia bạch huyết học cho bạch huyết của gã, có chuyên gia nội tiết cho nội tiết tố của gã, có chuyên gia tâm lý học cho tâm lý của gã, có chuyên gia da liễu cho da của gã; có chuyên gia bệnh học để theo dõi cảm xúc của gã, có chuyên gia tế bào học cho mụn cóc của gã, và có cả một chuyên gia hải dương học hói đầu và mô phạm đến từ khoa Động vật học trường Harvard, từng bị phũ phàng tống vào Quân y do một lỗi ở cực dương của một máy tính IBM, để cố gắng thảo luận về Moby Dick với viên đại tá suốt các phiên điều trị của mình. Viên đại tá đã được săm soi rất kỹ. Không có bộ phận nào trong người gã mà chưa bị dùng thuốc và động tới, bị lau chùi và nạo vét, bị sờ mó và chụp ảnh, bị cắt bỏ, tước đoạt và thay thế. Gọn ghẽ, mảnh mai và đứng thẳng, người phụ nữ thường xuyên vuốt ve gã mỗi khi cô ngồi xuống bên giường, và mỗi lần cô mỉm cười đều là một mẫu mực của vẻ buồn bã trang nghiêm. Viên đại tá rất cao, gầy và hơi gù. Mỗi khi đứng dậy để đi, gã thậm chí còn chúi về phía trước nhiều hơn, biến cơ thể gã thành hình một cái hố sâu, đặt chân rất thận trọng, nhích về phía trước từng phân tính từ đầu gối xuống. Dưới cặp mắt gã là những quầng thâm tím. Người phụ nữ nói rất khẽ, khẽ hơn cả tiếng ho của gã, và chưa ai trong phòng này nghe thấy tiếng cô bao giờ. Trong vòng chưa tới mười ngày, gã Texas đã dọn sạch phòng bệnh. Viên đại úy pháo binh bỏ chạy đầu tiên, sau đó cuộc di tản bắt đầu. Dunbar, Yossarian và tay đại úy lái máy bay chiến đấu, tất cả cùng chuồn trong một buổi sáng. Dunbar không còn bị chóng mặt nữa, còn tay đại úy phi công đã xì hết mức mũi. Yossarian nói với các bác sĩ rằng y đã hết đau gan. Đơn giản thế đấy. Đến cả tay chuẩn úy cũng chạy. Trong vòng chưa tới mười ngày, gã Texas đã khiến cho tất cả mọi người trong phòng quay lại chiến trường - tất cả mọi người trừ gã C.I.D., gã này đã lây cúm từ tay đại úy phi công rồi biến chứng thành viêm phổi. 2 CLEVINGER T uy nhiên xét ở khía cạnh khác thì gã C.I.D. cũng khá may mắn, bởi vì bên ngoài bệnh viện chiến tranh vẫn tiếp diễn. Những người lính phát điên rồi được trao thưởng mề đay. Khắp nơi trên thế giới, các gã trai ở cả hai bên chiến tuyến đang ngã xuống cho cái mà người ta bảo họ là tổ quốc, và dường như chẳng ai thèm bận tâm, ít nhất là chẳng ai trong số những gã trai đang ngã xuống ấy. Không thấy có dấu hiệu kết thúc nào trong tầm mắt. Kết thúc duy nhất thấy được là ở trong tầm mắt của Yossarian: y đã có thể ở trong bệnh viện đến tận ngày phán quyết nếu không có gã Texas yêu nước với xương hàm hình phễu, nụ cười ngớ ngẩn nhàu nhĩ bất khả hủy hoại ngoác ra vĩnh viễn ngang mặt tiền khuôn mặt như vành của một chiếc mũ đen mười-ga lông(3) ấy. Gã Texas muốn tất cả mọi người trong phòng được vui vẻ ngoại trừ Yossarian và Dunbar. Gã quả thật rất bệnh. Nhưng Yossarian không thể vui vẻ được, mặc dù đấy chính là điều gã Texas muốn, bởi vì những gì đang xảy ra bên ngoài bệnh viện chả có gì vui thú cả. Điều duy nhất đang diễn ra là chiến tranh, và chẳng có ai để ý đến chuyện này ngoài Yossarian và Dunbar. Và khi Yossarian cố gắng nhắc mọi người về điều này thì họ đuổi y đi và cho rằng y bị điên. Ngay cả Clevinger, một kẻ lẽ ra phải biết rõ hơn, thậm chí đã bảo Yossarian rằng y bị điên trong lần nói chuyện gần đây nhất, ngay trước khi Yossarian chuồn vào viện. Clevinger đã trừng mắt nhìn y, phẫn nộ và điên tiết, bấu chặt bàn bằng cả hai tay, quát, “Anh điên rồi!” “Clevinger, anh muốn gì ở mọi người?” tiếng Dunbar mệt mỏi trả lời, âm lượng chỉ vừa đủ để không bị át đi bởi tiếng ồn trong câu lạc bộ dành cho sĩ quan. “Tôi không đùa đâu,” Clevinger khẳng định. “Họ đang cố giết tôi,” Yossarian bình tĩnh nói với gã. “Không có ai cố tìm cách giết anh cả,” Clevinger ré lên. “Vậy thì tại sao họ cứ bắn vào tôi?” Yossarian hỏi. “Họ bắn vào tất cả mọi người mà,” Clevinger trả lời. “Họ đang cố giết tất cả mọi người.” “Vậy thì có khác gì đâu?” Clevinger đã toan bỏ đi, tức giận nhỏm hẳn người ra khỏi chiếc ghế đang ngồi, đôi mắt long lên, đôi môi run rẩy tái nhợt. Cứ mỗi khi phải tranh cãi với ai về những nguyên tắc mà gã tin tưởng nhiệt thành thì cuối cùng gã đều trở nên như vậy, hổn hển dữ dội đớp lấy không khí, và chớp mắt liên tục để nuốt lại những giọt nước mắt kết tội cay đắng chực trào. Có rất nhiều nguyên tắc mà Clevinger tin tưởng nhiệt thành như vậy. Gã bị điên. “Họ là những ai?” gã hỏi. “Anh nghĩ ai, nói cụ thể đi, đang muốn giết anh?” “Tất cả bọn họ,” Yossarian trả lời. “Tất cả bọn nào?” “Thế anh nghĩ là bọn nào?” “Tôi không biết.” “Vậy thì làm sao anh biết họ không muốn giết tôi?” “Bởi vì…” Clevinger ấp úng, rồi bất lực không nói nữa. Clevinger thực lòng nghĩ mình đúng, nhưng Yossarian có bằng chứng, bởi vì những người lạ mà y chẳng quen biết gì luôn dùng súng bắn vào y mỗi lần y bay lên trời ném bom xuống đầu họ, và chuyện này chẳng buồn cười chút nào. Và nếu như thế đã không buồn cười, thì còn có rất nhiều thứ khác còn không buồn cười hơn. Không có gì buồn cười khi phải sống như một thằng ma cà bông trong một túp lều ở Pianosa, đằng sau là những dãy núi lừng lững và phía trước là mặt biển xanh ngắt tới mức có thể nuốt chửng một người trong chớp mắt rồi ba ngày sau trả lại anh ta, cả vốn lẫn lãi, người trương phềnh lên, tím bầm và thối rữa, nước chảy ra từ hai lỗ mũi lạnh ngắt. Căn lều y ở nhìn thẳng vào bức tường rừng thưa và nhợt nhạt phía trước, ngăn cách phi đoàn của y với phi đoàn của Dunbar. Dọc theo bìa rừng là một con hào đường tàu bỏ hoang giờ đang đặt các đường ống xăng dầu hàng không dẫn thẳng tới các xe tải chở nhiên liệu ở sân bay. Nhờ có Orr, bạn cùng lều với y, nơi đó trở thành căn lều sang trọng nhất của phi đoàn. Mỗi lần Yossarian trở về từ một trong những kỳ nghỉ ở bệnh viện hoặc ở Rome, y đều ngạc nhiên trước một thứ tiện nghi nào đó mà Orr đã xây lắp thêm trong khi y đi vắng: vòi nước, bếp củi, nền xi măng. Yossarian đã chọn địa điểm, rồi y và Orr đã cùng nhau dựng lều. Orr, một gã tí hon nhăn nhở với phù hiệu phi công và mái tóc nâu dày lượn sóng chẻ ngôi giữa, là người cung cấp kiến thức, trong khi Yossarian, cao hơn, khỏe hơn, to hơn và nhanh hơn, làm hầu hết những việc tay chân. Chỉ có bọn họ sống ở đó, mặc dù căn lều này có thể chứa được tới sáu người. Khi mùa hè đến, Orr cuộn các tấm bạt che một bên lều lên để đón một làn hơi chẳng bao giờ thành gió vào cuốn đi bầu không khí nóng như nung bên trong. Ngay sát lều của Yossarian là Havermeyer, một gã thích ăn kẹo lạc và sống một mình trong cái lều dành cho hai người, ở đó tối tối gã bắn những con chuột đồng nhỏ xíu bằng những viên đạn khổng lồ từ khẩu .45 chôm được từ xác chết trong lều của Yossarian. Phía bên kia lều của Havermeyer là McWatt, người giờ đây không còn phải ở chung với Clevinger nữa bởi vì gã này vẫn chưa trở về từ ngày Yossarian xuất viện. McWatt hiện chung lều với Nately, cậu này đang ở Rome để tán tỉnh một cô gái điếm mà cậu đã yêu say đắm nhưng cô ta lại đang chán nghề và chán luôn cả cậu. McWatt bị điên. Gã là phi công và thường đưa máy bay xuống thấp nhất có thể, sát vào lều của Yossarian nhiều lần nhất có thể, chỉ để xem gã có thể khiến y sợ hãi đến mức nào, và rất thích khuấy động bằng một tiếng rồ máy hoang dại ngay sát bên trên bè gỗ bập bềnh trên những thùng dầu rỗng bên ngoài doi cát của bãi biển trắng tinh nơi đám lính bọn họ hay ra tắm truồng. Sống chung lều với một gã điên như vậy quả là không dễ, nhưng Nately không quan tâm. Nately cũng điên không kém, và cứ rảnh ngày nào thì lại đến làm việc ở câu lạc bộ sĩ quan mà Yossarian đã không tham gia xây dựng. Thực ra thì có rất nhiều câu lạc bộ sĩ quan mà Yossarian không tham gia xây dựng, nhưng y rất tự hào về câu lạc bộ ở Pianosa. Nó là một tượng đài vững chãi và phức tạp tôn vinh sức mạnh lòng quyết tâm của y. Yossarian chưa từng đến đó giúp chút nào cho đến khi nó xây xong; sau đấy thì y mới tới thường xuyên, rất hài lòng với một tòa nhà rộng lớn, đường bệ, với bảng hiệu rất dài. Đó quả là một công trình hoành tráng, và lần nào Yossarian ngây ra nhìn nó tim y cũng rộn ràng với cảm giác mãn nguyện phi thường rồi nhớ ra rằng chẳng có phần công sức nào từng đổ vào xây nó là của y hết. Lần gần đây nhất y và Clevinger gọi nhau là đồ điên, có tất cả bốn người đang ngồi chung một bàn trong câu lạc bộ sĩ quan. Họ ngồi ở phía cuối, gần bàn chơi trò đổ súc sắc mà lúc nào Appleby cũng xoay xở giành được phần thắng. Appleby chơi đổ súc sắc cũng giỏi như chơi bóng bàn, và gã chơi bóng bàn cũng giỏi như mọi trò khác. Bất cứ việc gì Appleby làm, gã đều làm tốt. Appleby là một gã trai tóc vàng đến từ Iowa, tin vào Chúa, tình mẹ và lối sống Mỹ mà thậm chí chưa từng nghĩ về những điều này. Bất cứ ai biết Appleby đều thích gã ta. “Tôi ghét thằng khốn đó,” Yossarian càu nhàu. Vụ cãi nhau với Clevinger đã bắt đầu từ trước đó vài phút, khi Yossarian không thể tìm được khẩu súng máy. Đó là một buổi tối bận rộn. Quầy bar đông khách, bàn súc sắc đông người, bàn bóng bàn cũng đông. Những người Yossarian muốn lia cho một tràng súng máy thì đang bận đứng ở quầy bar hát những bài sến sẩm mà chẳng có ai phát ngấy ngoài y. Thay vì bắn bọn họ bằng súng máy, y giậm mạnh gót chân lên quả bóng vừa lăn tới từ vợt của một trong hai gã sĩ quan đang chơi bóng bàn ở gần đấy. “Đúng là Yossarian,” hai gã sĩ quan phá lên cười, lắc đầu, và lấy quả bóng khác từ trong chiếc hộp đặt trên giá. “Đúng là Yossarian,” Yossarian đáp lại họ. “Yossarian, thôi,” Nately thận trọng thì thầm. “Các anh thấy chưa?” Clevinger hỏi. Hai gã sĩ quan lại cười khi nghe thấy Yossarian nhại bọn họ. “Đúng là Yossarian,” họ nói to hơn. “Đúng là Yossarian,” Yossarian nói vọng lại. “Yossarian, thôi đi,” Nately năn nỉ. “Các anh thấy chưa?” Clevinger hỏi. “Anh ta mắc chứng thích gây hấn chống đối xã hội đấy.” “Ôi, câm đi,” Dunbar bảo Clevinger. Dunbar thích Clevinger vì Clevinger làm cho gã tức giận và khiến cho thời gian trôi chậm lại. “Appleby thậm chí còn không ở đây,” Clevinger đắc thắng chỉ ra cho Yossarian thấy. “Ai nói gì về Appleby vậy?” Yossarian muốn biết. “Đại tá Cathcart cũng không ở đây.” “Ai nói gì về đại tá Cathcart?” “Thế anh ghét thằng khốn nào?” “Thằng khốn nào đang ở đây?” “Tôi sẽ không tranh cãi với anh nữa,” Clevinger quyết định. “Anh không biết anh ghét ai.” “Bất cứ ai muốn đầu độc tôi,” Yossarian bảo. “Đâu có ai muốn đầu độc anh.” “Họ đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của tôi hai lần, không phải sao? Không phải là họ đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của tôi hồi trận Ferrara và Trận Vây Thành Bologna Vĩ Đại đó sao?” “Họ bỏ thuốc độc vào thức ăn của tất cả mọi người,” Clevinger giải thích. “Thế thì có khác gì?” “Và đó thậm chí còn không phải là thuốc độc!” Clevinger nóng nảy thét lên, nhấn giọng mạnh hơn vì gã mỗi lúc một thêm bối rối. Theo trí nhớ của Yossarian thì y đã kiên nhẫn mỉm cười giải thích với Clevinger, rằng có ai đó luôn ấp ủ dự định giết y. Có những người quan tâm tới y, có những người không quan tâm, và có những người không căm thù y và những người nhất định phải tóm được y. Họ căm ghét y bởi vì y thuộc dòng giống Assyria. Nhưng họ không thể động tới y được, y nói với Clevinger như vậy, bởi vì y có tinh thần khỏe mạnh trong một thể xác trong sạch, và khỏe như một con bò vậy. Họ không để động tới y bởi vì y là Tarzan, Mandrake, Flash Gordon. Y là Bill Shakespeare. Y là Cain, Ulysses, là Người Hà Lan Bay; y là Lot ở xứ Sodom, là Deirdre xứ Sorrows, là Sweeney giữa bầy chim sơn ca ở trong rừng. Y là thành phần Z-247 kỳ diệu. Y thật là… “Điên quá đi mất!” Clevinger rít lên ngắt lời y. “Anh đích thị là thế đấy! Điên!” “… vĩ đại. Tôi thực sự là chiến binh cừ khôi nhất, đích thực, dữ dội, trung thực với cái thiện, mạnh mẽ với ba nắm đấm. Tôi là một siu nhưn của cái thiện.” “Siêu nhân ư?” Clevinger hét lên. “Siêu nhân?” “Siu nhưn,” Yossarian nhắc lại. “Này các anh, bỏ trò này đi,” Nately bối rối cầu xin. “Mọi người đang nhìn chúng ta kìa.” “Anh điên rồi,” Clevinger gào lên dữ dội, mắt đã ầng ậng ước. “Anh đúng là bị mặc cảm Jehovah(4) rồi.” “Tôi nghĩ tất cả mọi người đều là Nathaniel.” Clevinger đang chuẩn bị đưa ra một bài diễn thuyết hùng hồn thì bị ngắt giữa chừng, tò mò hỏi. “Nathaniel là ai?” “Nathaniel nào?” Yossarian ngây thơ hỏi lại. Clevinger nhẹ nhàng lách khỏi bẫy. “Anh nghĩ tất cả mọi người đều là Jehovah. Anh chẳng hờn gì Raskolnikov(5)…” “Ai?” “… đúng thế, Raskolnikov, kẻ…” “Raskolnikov!” “… kẻ - ý tôi là - kẻ cho rằng anh ta có thể biện minh cho việc anh ta giết một bà già…” “Chẳng hơn gì?” “… phải, biện minh, đúng đấy - bằng một cái rìu! Và tôi có thể chứng minh điều đó cho anh thấy!” Vừa điên cuồng hớp lấy không khí, Clevinger vừa liệt kê ra các triệu chứng của Yossarian: một niềm tin vô lý rằng tất cả mọi người quanh y đều bị điên, nỗi bức xúc muốn giết sạch người lạ bằng súng máy, thói xuyên tạc quá khứ, mối nghi ngờ không có cơ sở rằng mọi người căm ghét y và có âm mưu giết y. Nhưng Yossarian biết rằng y đúng, bởi vì, như y đã giải thích cho Clevinger, theo như y biết thì y chưa bao giờ sai. Y nhìn vào đâu cũng thấy chỗ đó điên, và tất cả những gì mà một quý ông trẻ tuổi đầy hiểu biết như y có thể làm là giữ vững quan điểm của mình giữa ngần ấy điên khùng. Đó là một việc rất cấp bách, bởi y biết mình đang trong hiểm họa. Yossarian thận trọng quan sát tất cả những người mà y thấy kể từ khi xuất viện trở về với phi đoàn. Milo cũng đã đi vắng, đến Smyrna để thu hoạch quả vả. Nhà ăn tập thể vẫn hoạt động trơn tru khi không có Milo. Yossarian đã hưởng ứng đầy khao khát cái hương thơm hăng hắc của thịt cừu được tẩm ướp từ lúc vẫn còn ở trong thùng chiếc xe cứu thương đang xóc nẩy phi trên con đường ngoằn ngoèo trông như một dây nịt quần bị đứt nối bệnh viện với phi đoàn. Bữa trưa có món thịt nướng, một khúc thịt xiên khổng lồ thơm phức xèo xèo như một con quỷ trên lớp than sau khi được ướp trong suốt bảy mươi hai giờ theo công thức bí mật mà Milo đã chôm được từ tay một gã lái buôn gù ở Cận Đông, thịt sẽ được ăn với cơm Iran và ngọn măng tây Parmesan, món tráng miệng sẽ là anh đào và sau đó là những ly cà phê mới pha còn bốc hơi nghi ngút cùng Benedictine và rượu mạnh. Bữa ăn được chia thành những suất ăn khổng lồ đặt trên khăn trải bàn hoa, được phục vụ bởi các bồi bàn chuyên nghiệp người Ý mà thiếu tá …de Coverley đã bắt cóc từ đất liền đem tới giao cho Milo. Yossarian ngồi ních thức ăn cho tới khi có cảm giác như muốn nổ tung vì no và rồi rút vào một trạng thái ngẩn ngơ mãn nguyện, miệng vẫn còn nhẫy nước mỡ sót lại. Chưa sĩ quan nào trong phi đoàn từng ăn uống ở nơi nào khác mà được ngon lành như ở nhà ăn của Milo, và trong một thoáng Yossarian đã băn khoăn rằng có khi không phải tất cả đều xứng đáng. Nhưng sau đó y ợ hơi và nhớ ra rằng họ đang cố giết y, y bèn chạy như điên ra khỏi nhà ăn và tìm đến bác sĩ Daneeka để xin giải ngũ và trở về nhà. Y thấy bác sĩ Daneeka dưới nắng trời, đang ngồi trên ghế đẩu cao bên ngoài lều của ông. “Năm mươi nhiệm vụ,” bác sĩ Daneeka bảo y, và lắc đầu. “Đại tá muốn phải hoàn thành năm mươi nhiệm vụ.” “Nhưng tôi mới chỉ bay được bốn mươi bốn!” Bác sĩ Daneeka không nhúc nhích. Ông là một người buồn bã, trông giống như một con chim, với khuôn mặt hình thìa và những nét thon gọn, nuột nà của một con chuột được chăm chút. “Năm mươi nhiệm vụ,” ông nhắc lại, và vẫn lắc đầu. “Đại tá muốn phải hoàn thành năm mươi nhiệm vụ.” 3 HAVERMEYER T hực ra thì khi Yossarian trở về từ bệnh viện, trong lều của y không có ai ngoài Orr và một xác chết. Xác chết trong lều của Yossarian là một tai họa, và Yossarian không thích người đó mặc dù chưa nhìn thấy anh ta bao giờ. Việc có xác chết nằm ở đó suốt ngày đã khiến cho Yossarian tức giận tới mức y phải đến bàn trực nhiều lần để than phiền với trung sĩ Towser, gã này thậm chí còn không chịu thừa nhận rằng xác chết đó có tồn tại, nên dĩ nhiên là giờ Yossarian không còn đến đó than phiền nữa. Việc khiếu nại trực tiếp lên thiếu tá Major còn tuyệt vọng hơn, gã này là chỉ huy của phi đoàn, dài ngoằng và xương xẩu, nhìn hơi giống Henry Fonda khi đang bị trầm cảm, thường nhảy luôn ra khỏi cửa sổ phòng làm việc mỗi khi Yossarian hung hăng bước qua trung sĩ Towser để tới nói với gã về chuyện đó. Xác chết trong lều của Yossarian quả là không dễ sống chung. Xác chết đó thậm chí còn làm phiền cả Orr, một người cũng không dễ sống chung chút nào, cũng là người mà vào ngày Yossarian trở về đang hàn nối vòi dẫn gas vào lò sưởi mà gã đã khởi công từ khi Yossarian còn nằm viện. “Anh đang làm gì vậy?” Yossarian cảnh giác hỏi khi bước vào trong lều, mặc dù y đã biết ngay đó là gì rồi. “Ở đây bị rò rồi,” Orr nói. “Tôi đang cố chữa.” “Làm ơn dừng lại đi,” Yossarian nói. “Anh đang làm tôi căng thẳng đấy.” “Hồi còn bé,” Orr đáp lời, “tôi thường đi loanh quanh cả ngày, táo dại ngậm trong má. Mỗi quả một bên.” Yossarian, đang lấy đồ vệ sinh cá nhân ra khỏi chiếc túi vải bố quân dụng, bèn gạt luôn cái túi sang một bên mà cảnh giác suy nghĩ. Một phút trôi qua. “Tại sao?” cuối cùng y buộc phải cất tiếng hỏi. Orr đắc thắng cười khúc khích. “Bởi vì táo tốt hơn hạt dẻ,” gã trả lời. Orr đang quỳ trên sàn. Gã không ngơi tay, tháo cái vòi, cẩn thận trải tất cả những chi tiết nhỏ xíu ra, đếm số lượng và kỹ lưỡng nghiên cứu từng thứ một như thể chưa từng thấy thứ gì như thế, sau đó lắp tất cả lại hoàn chỉnh, rồi lại tháo ra, cứ như thế mãi mà vẫn không hề mất đi kiên nhẫn và thích thú, không có dấu hiệu mệt mỏi, không có vẻ gì sẽ kết thúc. Yossarian quan sát gã sửa chữa, và cảm thấy chắc chắn là mình sẽ buộc phải tàn nhẫn mà giết gã ngay nếu như gã không ngừng lại. Đôi mắt y di chuyển về phía con dao săn được người chết treo ở trên thanh mắc màn vào ngày đến. Con dao được treo bên cạnh bao súng da rỗng của người chết, khẩu súng trong đó đã bị Havermeyer ăn trộm. “Khi tôi không thể kiếm được táo dại,” Orr tiếp tục kể, “tôi sẽ dùng hạt dẻ. Hạt dẻ này có cùng kích cỡ với táo dại và thực ra thì có hình dáng đẹp hơn, mặc dù hình dáng chả quan trọng gì.” “Tại sao anh lại đi lang thang với những quả táo trong má?” Yossarian hỏi lại. “Tôi muốn hỏi điều đó đấy.” “Bởi vì chúng có hình dáng đẹp hơn hạt dẻ,” Orr trả lời. “Tôi chả vừa nói với anh rồi còn gì.” “Tại sao,” Yossarian trìu mến chửi gã, “đồ chó đẻ tà ác, giỏi cơ khí, bị ruồng bỏ kia, sao anh lại đi lang thang với một thứ gì đấy trong má kia chứ?” “Không,” Orr nói, “không phải một thứ bất kỳ gì đấy. Tôi đi lang thang với táo dại ngậm trong má. Khi không kiếm được táo dại thì tôi sẽ dùng hạt dẻ. Ở trong má tôi.” Orr cười hinh hích. Yossarian quyết định sẽ ngậm miệng không nói nữa. Orr chờ đợi. Yossarian đợi còn lâu hơn. “Mỗi quả ở một bên má,” Orr nói. “Tại sao?” Orr chộp lấy. “Tại sao gì cơ?” Yossarian lắc đầu, mỉm cười và từ chối không nói gì cả. “Có một điều khá thú vị về chiếc van này,” Orr nói to. “Điều gì vậy?” Yossarian hỏi. “Bởi vì tôi muốn…” Yossarian biết ngay. “Ôi Chúa ơi! Tại sao anh lại muốn…” “… đôi má hình quả táo.” “… đôi má hình quả táo?” Yossarian hỏi. “Tôi muốn có má quả táo,” Orr nhắc lại. “Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã muốn một ngày nào đó mình sẽ có má quả táo, và tôi đã quyết định sẽ tập luyện cho tới khi có má quả táo thật, và có Chúa chứng giám, tôi đã thực sự tập luyện vất vả, và đây là cách mà tôi đã làm: để táo dại vào trong má cả ngày.” Gã lại cười hinh hích. “Mỗi bên một quả.” “Tại sao anh lại muốn có má quả táo?” “Không phải tôi muốn có má quả táo,” Orr nói. “Tôi muốn có má thật bự. Tôi không quan tâm lắm đến màu sắc, nhưng tôi muốn chúng phải to. Việc tôi tập luyện thế này cũng giống như một trong mấy gã điên ta đã đọc trên báo, những kẻ cả ngày đi bóp những quả bóng cao su chỉ để cho khỏe tay. Thực ra thì tôi cũng là một trong mấy gã điên đó. Tôi cũng vẫn thường đi lang thang cả ngày với bóng cao su trong tay.” “Tại sao?” “Tại sao gì cơ?” “Tại sao anh lại đi lang thang cả ngày với những quả bóng cao su trong tay?” “Bởi vì bóng cao su…” Orr nói. “… thì tốt hơn quả táo dại?” Orr gật đầu cười khẩy. “Tôi làm vậy để giữ thể diện trong trường hợp có ai đó bắt gặp tôi đang đi lang thang với những quả táo dại trong má. Với những quả bóng cao su trong tay, tôi có thể chối rằng không có quả táo dại nào trong má. Mỗi lần có ai đó hỏi tại sao tôi lại đi lang thang với táo dại trong má thì tôi chỉ việc mở lòng bàn tay ra và chỉ cho họ biết rằng tôi đi lang thang với những quả bóng cao su, chứ không phải là với những quả táo dại, và chúng đang nằm trong tay tôi, chứ không phải là trong má. Đó là một câu chuyện hay. Nhưng tôi chẳng thể biết được liệu giải thích như thế có được hay không, bởi vì không dễ gì khiến cho người khác có thể hiểu được anh đang nói gì khi đang có hai quả táo dại trong má.” Đến đây thì Yossarian cảm thấy khó mà hiểu nổi nữa, và một lần nữa y lại tự hỏi liệu có phải Orr đang nói chuyện với y trong khi đầu lưỡi đang nằm trong một bên má quả táo của gã. Yossarian quyết định sẽ không thốt ra một từ nào nữa. Sẽ vô ích thôi. Y biết Orr, và y biết sẽ chẳng có cơ hội chết tiệt nào để y có thể tìm được ở gã lý do gã muốn có má bự. Chẳng ích gì hơn lần Yossarian hỏi gã sao buổi sáng hôm đó ở Rome cô điếm của Nately lại cứ cầm giày nện vào đầu gã trong hành lang chật chội bên ngoài cửa phòng đang mở toang của em gái cô ta. Cô ta cao và lực lưỡng, tóc dài, mạch máu xanh rừng rực chằng chịt chi chít ở những chỗ thớ thịt mềm và mỏng nhất trên làn da mềm mại màu ca cao, và cô ta liên tục chửi thề và ré lên và bật thật cao lên không trung trên đôi chân trần để có thể nện quả gót giày nhọn hoắt trúng đỉnh đầu gã. Cả hai đều trần truồng, và họ đã gây náo động tới mức lôi được cả cái nhà thổ đó ra ngoài hành lang xem, mỗi đôi đứng ở một cửa, tất cả đều khỏa thân ngoại trừ một bà già đeo tạp dề mặc áo len miệng đang lầm bầm quở trách và một lão già phóng đãng quang quác bình phẩm suốt vụ việc với một vẻ hân hoan bề trên đầy thèm khát. Cô gái cứ ré lên thì Orr lại cười. Mỗi lần cô ta tiếp đất cùng gót giày bổ xuống đầu Orr thì gã lại cười to hơn, khiến cô nàng điên tiết thêm mà lại bay lên cao hơn nữa để có thể phang mạnh hơn nữa vào cái đầu bù xù của gã, cặp vú khổng lồ lại được dịp tung bay như cờ căng gió, đôi mông và cặp giò khỏe mạnh lùi tiến nhịp nhàng, tất cả như một mỏ quặng phì nhiêu kinh dị. Cô nàng cứ ré lên và Orr cứ cười hinh hích cho tới lúc cô ta thét lên và hạ đo ván gã bằng một cú nện ra trò ngay chỗ thái dương, khiến gã thôi hinh hích và phải lập tức nhập viện trên cáng với một lỗ thủng trên đầu, có điều cái lỗ không sâu lắm và chỉ gây choáng một chút nên Orr chỉ được nghỉ không phải ra trận có mười hai ngày. Không ai có thể hiểu được điều gì đã xảy ra, ngay cả lão già quang quác và bà già lầm bầm kia, những người ở vị trí có thể thấy được tất cả những gì đã xảy ra trong cái nhà thổ khổng lồ bất tận với vô số phòng ngủ đối diện nhau qua những hành lang chật hẹp tỏa đi theo các hướng đối diện từ phòng khách buông mành chỉ có một ngọn đèn ấy. Mỗi lần gặp lại Orr sau đó cô ta đều vén váy lên quần lót vải co dãn trắng và, vừa tục tĩu chế nhạo, vừa chĩa cái bụng rắn chắc, tròn xoe vào gã, khinh miệt chửi rủa gã và rồi phá lên cười khùng khục khi nhìn thấy gã hinh hích cười sợ hãi nấp sau lưng Yossarian. Gã đã làm gì, hay đã cố gắng làm gì, hay định làm gì nhưng thất bại ở đằng sau cánh cửa đóng kín của căn phòng em gái cô điếm của Nately, tất cả vẫn là bí mật. Cô nàng không kể cho ai biết, dù là cô điếm của Nately, bất cứ cô điếm nào khác, hay Nately và Yossarian. Orr có thể sẽ nói, nhưng Yossarian đã quyết định sẽ không thốt ra một lời nào nữa. “Anh có muốn biết tại sao tôi lại muốn có má bự không?” Orr hỏi. Yossarian vẫn ngậm chặt miệng. “Anh có nhớ không?” Orr nói, “lần ở Rome cô nàng ghét anh đó cứ nện gót giày lên đầu tôi ấy? Anh có muốn biết tại sao cô ta đánh tôi không?” Quả là không thể tưởng tượng được gã đã làm gì khiến cô nàng giận tới mức phải nện vào đầu gã tới tấp trong suốt mười lăm, hai mươi phút, tuy vẫn chưa giận tới mức túm lấy chân gã xốc ngược lên mà dộng đầu gã vào đâu đấy cho lòi óc ra. Cô nàng dĩ nhiên là đủ cao, còn Orr dĩ nhiên là đủ thấp. Orr có bộ răng thỏ và cặp mắt lồi phù hợp với đôi má bự, gã thậm chí còn nhỏ hơn cả thằng nhóc Huple, một kẻ kém may mắn khi sống ở phía bên kia đường ray, trong một cái lều ở khu hành chính nơi Hungry Joe gào thét hằng đêm trong giấc ngủ. Khu hành chính nơi Hungry Joe đã dựng lều sai chỗ nằm ở trung tâm của phi đoàn, giữa một bên là hào đường tàu, với những đường ray hoen gỉ, và một bên là mặt đường nghiêng rải nhựa màu đen. Mấy gã có thể chăn được gái dọc theo con đường này nếu biết cách hứa hẹn sẽ đưa gái tới chỗ gái muốn, những cô gái đẫy đà, trẻ trung, quê kệch, miệng cười toe toét khoe hàm răng thiếu, mấy gã có thể lái xe chở họ tạt khỏi con đường rồi cùng nằm trên cỏ dại. Yossarian cũng làm vậy bất cứ khi nào có thể, mặc dù không thường xuyên như Hungry Joe, kẻ có thể lấy được chiếc xe Jeep nhưng lại không biết lái, vẫn năn nỉ y hãy thử. Dãy lều cho đám lính trơn trong phi đoàn nằm ở bên kia con đường, dọc theo bãi chiếu phim ngoài trời nơi ngày ngày mua vui cho đám người đang sắp chết, nơi các đội quân ngu ngốc vẫn choảng nhau suốt đêm trên một màn hình có thể gấp lại được, cũng là nơi chiều hôm đó một đoàn văn công U.S.O.(6) đã đến. Các đoàn văn công U.S.O. do tướng P.P. Peckem điều đến, ông đã chuyển trụ sở của mình lên tận Rome và chẳng còn việc gì khác để làm trong khi lên kế hoạch chống lại tướng Dreedle. Peckem là một tướng cực kỳ coi trọng sự ngăn nắp. Ông ta là một vị tướng rất nhanh nhẹn, tinh tế và tỉ mỉ, biết cả chu vi của xích đạo, và luôn luôn viết “tăng cường” mỗi khi ý của ông là “tăng”. Ông là một cái gai, và không ai biết điều này rõ hơn tướng Dreedle, ông này vừa bị chọc giận bởi một mệnh lệnh gần đây của tướng Peckem yêu cầu tất cả các lều trong vùng chiến sự thuộc Địa Trung Hải phải được dựng thành hàng song song với nhau, sao cho tất cả cửa ra vào đều phải kiêu hãnh hướng về Đài Tưởng niệm Washington. Đối với tướng Dreedle, người luôn mặc quân phục chiến đấu, thì điều này có vẻ như quá ư nhảm nhí. Hơn nữa, việc các lều dưới trướng tướng Dreedle được dựng như thế nào chẳng liên quan khỉ gì tới tướng Peckem. Vậy nên sau đó đã xảy ra một cuộc tranh cãi sôi động về mặt pháp chế giữa hai ông tướng này và kết quả cuối cùng được xử nghiêng về phía tướng Dreedle nhờ Wintergreen, một cựu binh nhất, gã bưu tín viên trong trụ sở quân đoàn Không lực Hai mươi bảy. Wintergreen quyết định kết quả bằng cách quẳng tất cả thư từ do tướng Peckem gửi vào thùng rác. Gã thấy chúng quá dài dòng. Trong khi đó, quan điểm của tướng Dreedle được thể hiện một cách ít văn vẻ hơn lại làm hài lòng cựu binh nhất Wintergreen và được mau chóng chuyển đi theo đúng quy định. Tướng Dreedle chiến thắng vì không có đối thủ. Để giành lại địa vị đã mất, tướng Peckem bắt đầu điều đến các đoàn văn công U.S.O. với số lượng lớn chưa từng thấy và đích thân giao cho đại tá Cargill trách nhiệm phải tạo ra đủ nhuệ khí cho binh lính. Nhưng chẳng có chút nhuệ khí nào trong liên đoàn của Yossarian. Trong liên đoàn của Yossarian chỉ có ngày một nhiều hơn cả sĩ quan lẫn lính trơn nghiêm trang tìm gặp trung sĩ Towser nhiều lần trong một ngày chỉ để hỏi xem đã có giấy cho phép họ về nhà chưa. Đó là những người đã bay đủ năm mươi nhiệm vụ. Những người như vậy giờ đã nhiều hơn so với lúc Yossarian phải nhập viện, và họ vẫn chờ đợi. Họ lo lắng và họ cắn móng tay. Họ rất kỳ cục, như là những gã trai trẻ vô dụng đang bị trầm cảm. Họ đi ngang, như bọn cua. Họ đợi có giấy cho phép họ ra khỏi trụ sở quân đoàn Không lực Hai mươi bảy ở Ý về nhà, và trong lúc chờ đợi họ không biết làm gì ngoài lo lắng và cắn móng tay và nghiêm trang tìm gặp trung sĩ Towser chỉ để hỏi xem giấy đã về chưa. Họ đang phải chạy đua với thời gian và họ biết điều đó, bởi vì kinh nghiệm cay đắng cho họ biết rằng đại tá Cathcart có thể lại tăng số lượng nhiệm vụ phải hoàn thành lên bất cứ lúc nào. Họ chẳng thể làm gì ngoài chờ đợi. Chỉ Hungry Joe là có việc để làm mỗi khi xong một nhiệm vụ. Gã la hét trong ác mộng và giành chiến thắng khi choảng nhau với con mèo của Huple. Hungry Joe cầm máy ảnh lên hàng ghế đầu để chụp tất cả các buổi biểu diễn của U.S.O. và luôn cố chụp từ dưới lên một cô ca sĩ tóc vàng với hai quả bưởi bự trong bộ đầm kim sa lúc nào cũng như sẵn sàng bật tung. Những bức ảnh chưa bao giờ được công bố. Đại tá Cargill, chuyên viên thu xếp rắc rối giúp tướng Peckem, là một gã đàn ông to khỏe. Trước chiến tranh gã từng là một trưởng phòng marketing nhanh nhảu, bốp chát và hung hãn. Gã là một trưởng phòng marketing rất tồi. Đại tá Cargill làm marketing tồi đến mức gã được rất nhiều công ty săn đuổi vì họ muốn thua lỗ để trốn thuế. Khắp thế giới văn minh, từ khu Battery Park cho tới phố Fulton, gã được biết đến là một người đáng tin cậy trong việc giảm thuế nhanh chóng. Gã trở nên rất có giá, bởi vì thất bại đến chẳng dễ chút nào. Gã phải bắt đầu làm từ trên đỉnh, rồi đi xuống, và với những người bạn đầy cảm thông ở Washington, thì việc mất tiền là chuyện không hề đơn giản. Phải mất nhiều tháng làm việc vất vả và cẩn thận lên kế hoạch sai. Một người đặt sai chỗ, tổ chức sai, tính toán sai, bỏ sót tất cả mọi yếu tố và mở toang tất cả các lỗ hổng, thế rồi ngay khi ta nghĩ mình đã làm xong việc thì chính phủ lại cho ta cả một cái hồ hay một khu rừng hoặc một mỏ dầu và phá hỏng bét nỗ lực thua lỗ. Nhưng ngay cả với hoàn cảnh bất lợi như vậy thì ta vẫn luôn có thể tin cậy đại tá Cargill trong việc đưa những doanh nghiệp ăn nên làm ra nhất xuống hố. Đó là năng khiếu bẩm sinh của gã chứ không phải vay mượn từ ai hết. “Hỡi anh em,” đại tá Cargill bắt đầu nói tại phi đoàn của Yossarian, cẩn thận ngừng lời lại một lúc rồi mới nói tiếp. “Các anh là những sĩ quan Mỹ. Không có sĩ quan quân đội nước nào khác trên thế giới có thể tuyên bố được như vậy. Hãy nghĩ về điều này.” Trung sĩ Knight suy nghĩ và lịch sự thông báo với đại tá Cargill rằng gã đang nói chuyện với lính trơn, còn các sĩ quan đang đợi gã ở phía bên kia phi đoàn. Đại tá Cargill lập tức cảm ơn Knight và bước đi, mặt bừng lên tự mãn. Gã rất tự hào vì hai mươi chín tháng tại ngũ đã không làm thui chột năng khiếu làm hỏng việc của mình. “Hỡi anh em,” gã lại bắt đầu nói như vậy với các sĩ quan, cẩn thận dừng lại một chút. “Các anh là những sĩ quan Mỹ. Không có sĩ quan quân đội nước nào khác trên thế giới có thể tuyên bố như vậy. Hãy nghĩ về điều này.” Gã đợi một lúc để cho họ có thời gian suy nghĩ. “Những người này là khách của các anh!” đột nhiên gã quát lên. “Họ đã đi hơn ba nghìn dặm để tới đây tiêu khiển cho các anh. Họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu như không có ai đến xem? Tinh thần của họ sẽ ra sao? Này, các anh ạ, chuyện này cũng chả ảnh hưởng quái gì tới tôi. Nhưng hãy nhìn cô gái đang muốn chơi phong cầm cho các anh ngày hôm nay đã đủ lớn để làm mẹ. Các anh sẽ cảm thấy ra sao nếu mẹ của các anh đi cả nghìn dặm để chơi phong cầm cho những đội quân không muốn xem bà biểu diễn? Liệu đứa trẻ có mẹ ở độ tuổi của cô gái chơi phong cầm kia sẽ nghĩ gì khi nó lớn lên và biết được chuyện này? Tất cả chúng ta đều biết câu trả lời. Nào, các anh, đừng hiểu lầm tôi. Tất cả chuyện này đều là tự nguyện, tất nhiên rồi. Tôi hẳn là viên đại tá kém hào hứng nhất trần đời với việc ra lệnh cho các anh đến xem và thưởng thức buổi biểu diễn của U.S.O. đó, nhưng tôi muốn tất cả các anh, người nào không bị ốm nặng tới mức phải nằm viện, phải đến buổi biểu diễn U.S.O. ngay lập tức và thưởng thức nó, đây là một mệnh lệnh!” Yossarian thực sự thấy đã ốm nặng tới mức có thể quay trở lại bệnh viện, và cảm thấy càng ốm thêm sau khi hoàn thành thêm ba nhiệm vụ bay nữa mà bác sĩ Daneeka vẫn buồn bã lắc đầu và từ chối cho y giải nhiệm. “Anh nghĩ là chỉ mình anh gặp rắc rối?” bác sĩ Daneeka bi ai quở trách y. “Còn tôi thì sao? Suốt tám năm học nghề y tôi đã ăn lạc qua ngày. Hết lạc, tôi đã phải sống nhờ thức ăn cho gà trong phòng làm việc của mình cho đến khi dựng lên được một phòng khám tươm tất với tiền kiếm được chỉ vừa đủ bù chi phí. Sau đó, ngay vào lúc phòng khám bắt đầu có lời thì họ bắt tôi nhập ngũ. Tôi chẳng thể hiểu được anh đang than phiền về chuyện gì nữa.” Bác sĩ Daneeka là bạn của Yossarian và không thể làm được gì trong phận sự của ông để giúp đỡ y được. Yossarian chăm chú lắng nghe khi bác sĩ Daneeka kể cho y nghe về đại tá Cathcart ở liên đoàn, người muốn lên cấp tướng, về tướng Dreedle ở không đoàn và nữ y tá của tướng Dreedle, về tất cả các tướng khác ở trụ sở chỉ huy Không lực Hai mươi bảy, những người từng khăng khăng rằng chỉ cần xong bốn mươi nhiệm vụ là sẽ hoàn thành nhiệm kỳ bay. “Tại sao anh không cười lên và tận hưởng cuộc sống?” ông rầu rĩ khuyên bảo Yossarian. “Hãy như Havermeyer ấy.” Yossarian giật mình khi nghe lời khuyên này. Havermeyer là phi công cắt bom trưởng không bao giờ chọn cách tránh khỏi mục tiêu ngay cả khi có nguy hiểm và do vậy đã làm tăng nguy cơ bị bắn rơi cho tất cả những người bay cùng đội hình với gã. “Havermeyer, thế quái nào mà anh chẳng bao giờ biết bay tránh đi khi có nguy hiểm vậy hả?” thường thì bọn họ sẽ giận dữ chất vấn gã sau mỗi chuyến bay. “Này, các anh hãy để cho đại úy Havermeyer yên,” thường thì đại tá Cathcart sẽ ra lệnh. “Anh ta là người cắt bom khủng nhất mà chúng ta có đấy.” Havermeyer cười toét miệng, gật đầu và cố giải thích với mọi người về cách gã dùng dao đi săn để khía đạn thường thành đạn nở(7)rồi bắn chuột đồng ngay trong lều mình tối tối. Havermeyer là tay cắt bom khủng nhất mà bọn họ có, nhưng gã luôn giữ nguyên cao độ và bay thẳng từ điểm xuất phát tới mục tiêu, thậm chí còn bay quá mục tiêu một quãng xa nữa cho đến khi gã nhìn thấy những quả bom chạm đất và phát nổ thành một cú phụt chớp nhoáng màu cam đột ngột lóe lên bên dưới màn khói mịt mù, những mảnh vụn cuồng nộ phun lên thành những đợt sóng khổng lồ cuồn cuộn màu đen và xám. Havermeyer đã khiến cho những gã trai người trần mắt thịt trong sáu chiếc máy bay sợ đến đờ người, ngồi yên bất động như lũ vịt chờ thịt khi gã cứ chăm chú dõi theo những quả bom rơi qua cái mũi đeo kính phi công và cho những tay súng Đức bên dưới đủ thời gian cần thiết để ngắm và kéo cò, giật dây, bấm nút hay bất kỳ việc của khỉ ma toi nào mà họ vẫn thường làm mỗi khi họ muốn giết những người không quen biết. Havermeyer là phi công cắt bom trưởng không bao giờ trượt mục tiêu. Yossarian cũng là phi công cắt bom trưởng nhưng đã bị giáng cấp bởi vì y không còn quan tâm đến việc có thả bom trúng mục tiêu hay không. Y đã lựa chọn giữa sống mãi mãi hoặc chết khi tấn công, và nhiệm vụ duy nhất của y mỗi khi cất cánh là làm sao để hạ cánh mà còn sống. Mọi người rất thích được bay sau Yossarian, y bay tới mục tiêu theo đủ mọi hướng, đủ mọi độ cao, tăng tốc khi tới gần, thăng thiên, bổ nhào, xoáy và lượn rất nhanh và lắt léo tới mức điều duy nhất mà năm phi công trong cùng tổ bay với y có thể làm chỉ là theo đúng đội hình với y, chỉ giữ nguyên độ cao trong khoảng hai đến ba giây để thả bom rồi lại phóng đi trong tiếng rú của động cơ, và ngoặt tay lái xé trời bay đi mỗi khi gặp phải những hàng rào súng phòng không kinh tởm, nhanh tới mức chẳng mấy chốc cả sáu máy bay đã tóe ra khắp bầu trời như những lời cầu nguyện, mỗi chiếc là một miếng mồi ngon cho chiến đấu cơ của Đức, với Yossarian thì như vậy cũng chẳng sao vì giờ Đức cũng chẳng còn chiến đấu cơ nữa, và y cũng không muốn có chiếc nào bị nổ gần y, nếu điều đó xảy ra. Chỉ khi đã bỏ xa mọi Sturm und Drang(8)lại phía sau thì y mới mệt mỏi chỉnh lại chiếc mũ chống đạn cho ngay ngắn trên cái đầu đang vã mồ hôi và thôi không gào lên để chỉ đường cho McWatt đang lái nữa, vào một thời điểm như thế thì gã này chả còn thắc mắc gì ngoài việc bom đã rơi ở đâu. “Hết bom trong khoang rồi đấy,” trung sĩ Knight ở ghế sau trả lời. “Ta đã đánh trúng cây cầu đó chưa?” McWatt hỏi. “Tôi không nhìn rõ, thưa sếp, lúc trước ngồi ở ghế sau tôi cứ bị xóc nẩy lên nẩy xuống nên chẳng thấy được gì. Giờ thì khói lại mù mịt khắp nơi nên tôi cũng không thấy nốt.” “Này, Aarfy, bom có rơi trúng mục tiêu không?” “Mục tiêu nào cơ?” đại úy Aardvaark, tay hoa tiêu mũm mĩm hút tẩu của Yossarian nói, nhìn vào đống bản đồ hổ lốn mà gã đã vẽ ở bên cạnh Yossarian phía đầu máy bay. “Tôi nghĩ là chúng ta chưa tới mục tiêu đâu. Ta tới mục tiêu chưa vậy?” “Yossarian, bom có rơi trúng mục tiêu không?” “Bom nào cơ?” Yossarian trả lời, điều duy nhất y quan tâm là hỏa lực phòng không. “Giời ơi,” McWatt véo von, “cái của khỉ gì thế này.” Yossarian cóc thèm quan tâm xem liệu y có đánh trúng mục tiêu hay không, miễn là Havermeyer hay một trong số những người cắt bom trưởng khác đã đánh trúng, và họ sẽ không phải quay lại chỗ đó. Thỉnh thoảng lại có người nổi nóng với Havermeyer và đấm gã. “Tôi đã bảo các anh hãy để cho đại úy Havermeyer được yên thân,” đại tá Cathcart giận dữ cảnh cáo tất cả bọn họ. “Tôi đã nói rằng anh ta là tay cắt bom khủng nhất mà chúng ta có, phải không?” Havermeyer lại toét miệng cười khi có sự can thiệp của viên đại tá và nhét thêm một mẩu kẹo lạc nữa vào miệng. Havermeyer đã trở nên rất thiện nghệ trong nghề bắn chuột đồng giữa đêm tối với khẩu súng gã chôm được từ xác chết trong lều Yossarian. Mồi của gã là một thanh kẹo và gã sẽ hình dung trước cảnh tượng đó ở trong bóng tối khi ngồi đợi chuột tới cắn rỉa, một ngón của bàn tay kia móc vào một vòng dây nối từ khung màn tới một chuỗi các bóng đèn điện ở phía trên. Sợi dây căng như dây đàn banjo, và chỉ một cú kéo nhẹ cũng bật điện sáng và làm lóa mắt con mồi đang run rẩy. Havermeyer sẽ hớn hở cười như nắc nẻ khi quan sát loài động vật có vú tí hon này đông cứng lại và đảo cặp mắt kinh hãi nhìn quanh, hoảng loạn tìm kẻ xâm nhập. Havermeyer sẽ đợi đúng đến khi cặp mắt đó nhìn vào mắt gã thì sẽ phá lên cười to đồng thời kéo cò súng, cơ thể lông lá ấy liền bắn tung tóe lên khắp lều sau một cú va đập cực mạnh và gửi trả linh hồn nhút nhát ấy cho Đấng Sáng Thế của nó. Một lần vào đêm khuya, một cú bắn chuột của Havermeyer đã khiến Hungry Joe chân trần lao về phía gã, rít lên quát tháo đoạn trút hết đạn từ khẩu .45 của mình vào lều của Havermeyer trên đường lao xuống một bên con hào, leo lên từ bên kia, rồi trong chớp mắt mất hút vào một trong những rãnh sâu đã xuất hiện như có phép lạ bên cạnh mỗi lều ngay buổi sáng sau khi Milo Minderbinder đánh bom cả phi đoàn. Lúc đó là ngay trước bình minh trong Trận Vây Thành Bologna Vĩ Đại, khi những người chết cụt lưỡi tràn ngập bóng đêm như những bóng ma sống và Hungry Joe gần như đã mất trí bởi vì gã đã hoàn thành nhiệm vụ mà chưa được xếp lịch để bay tiếp. Khi mọi người bốc được gã lên khỏi đáy cái rãnh ẩm thấp, Hungry Joe đang lảm nhảm những câu rời rạc, gã lảm nhảm về rắn, chuột và nhện. Mọi người chiếu đèn xuống để kiểm tra. Không thấy gì cả ngoài vài phân nước mưa ứ đọng. “Các anh thấy chưa?” Havermeyer reo lên. “Tôi đã bảo rồi mà. Tôi đã bảo các anh là gã bị điên, phải không?” 4 BÁC SĨ DANEEKA H ungry Joe bị điên, không ai biết điều ấy rõ bằng Yossarian, và y đã làm mọi cách để giúp đỡ gã. Có điều Hungry Joe không chịu nghe Yossarian. Hungry Joe không chịu vì gã nghĩ rằng Yossarian mới bị điên. “Tại sao anh ta phải nghe lời anh?” bác sĩ Daneeka chất vấn Yossarian mà không thèm ngẩng mặt lên. “Bởi vì anh ta đang gặp rắc rối.” Bác sĩ Daneeka khịt mũi đầy vẻ khinh miệt. “Anh ta nghĩ anh ta gặp rắc rối ư? Còn tôi thì sao?” Bác sĩ Daneeka tiếp tục nói rất chậm, cười khẩy buồn bã. “Ôi, tôi không than phiền gì cả. Tôi biết là đang có chiến tranh. Tôi biết là sẽ có rất nhiều người phải chịu khổ để chúng ta chiến thắng. Nhưng sao tôi lại phải là một người trong số đó? Sao không gọi tòng quân luôn mấy lão bác sĩ già cứ ông ổng trước công chúng về sự hy sinh to lớn mà những người làm y tế luôn sẵn sàng chấp nhận? Tôi đâu có muốn hy sinh gì. Tôi muốn kiếm tiền.” Bác sĩ Daneeka là một người rất gọn gàng, sạch sẽ, với quan điểm rằng hờn dỗi chính là thú tiêu khiển. Ông có làn da sậm cùng khuôn mặt nhỏ, thông thái, ủ dột với hai bọng u sầu bên dưới mắt. Ông suốt ngày lo lắng về sức khỏe của mình và gần như ngày nào cũng đến lều y tế bắt một trong hai người lính ở đó đo thân nhiệt cho. Hai gã này giúp việc cho ông nhưng họ làm việc tốt tới mức gần như ông không phải động chân động tay gì cả ngoài việc ngồi phơi nắng trong tình trạng nghẹt mũi và suy nghĩ xem điều gì khiến cho mọi người quá lo lắng đến vậy. Tên của hai gã này là Gus và Wes, và họ đã thành công trong việc đưa y tế lên thành một ngành khoa học chính xác. Tất cả những ai báo ốm với thân nhiệt trên 39 độ đều được nhanh chóng đưa tới bệnh viện. Tất cả những ai, trừ Yossarian, báo ốm với thân nhiệt dưới 39 độ đều được bôi dung dịch thuốc tím gentian vào lợi và ngón chân, và được phát cho một viên thuốc nhuận tràng để vứt vào bụi rậm. Tất cả những ai báo ốm với thân nhiệt đúng 39 độ sẽ được đề nghị quay lại đó sau một tiếng để đo lại thân nhiệt. Yossarian, với thân nhiệt hơn 38 độ, thì có thể nhập viện bất cứ khi nào y muốn bởi vì y không sợ bọn họ. Tất cả mọi người đều hài lòng với hệ thống này, đặc biệt là bác sĩ Daneeka, bởi nhờ vậy ông có đủ thời giờ tùy thích để quan sát thiếu tá …de Coverley quăng những chiếc móng ngựa trong sân ném móng ngựa của riêng mình, mắt đeo miếng bịt trong suốt được bác sĩ Daneeka thiết kế cho từ một dải phim celluloid lấy trộm từ cửa sổ căn phòng ngăn nắp của thiếu tá Major nhiều tháng trước khi thiếu tá …de Coverley trở về từ Rome với giác mạc bị thương sau khi thuê hai căn hộ ở đó cho sĩ quan và lính sử dụng trong kỳ nghỉ phép. Hằng ngày, thời điểm duy nhất bác sĩ Daneeka bước vào lều y tế là khi ông bắt đầu cảm thấy mình ngày một ốm yếu và ghé qua đó để Gus và Wes kiểm tra. Họ chẳng thể phát hiện được vấn đề gì. Nhiệt độ cơ thể của ông luôn là 36 độ, một mức nhiệt độ hoàn toàn bình thường đối với họ, miễn là ông không phản đối. Nhưng bác sĩ Daneeka phản đối. Ông bắt đầu không còn tin ở Gus và Wes nữa, và ông đã nghĩ đến việc chuyển cả hai người bọn họ về bên quản lý xe cộ và thay họ bằng ai đó có khả năng phát hiện ra vấn đề. Bản thân bác sĩ Daneeka đã rất quen với một cơ số các vấn đề khủng khiếp. Ngoài sức khỏe của chính mình, ông còn lo lắng về Thái Bình Dương và giờ bay. Sức khỏe là thứ mà không ai có thể tự tin được sau một khoảng thời gian đủ dài. Thái Bình Dương là một vũng nước được bao bọc tứ phía bởi chứng phù voi và nhiều thứ bệnh đáng kinh sợ khác và nếu như ông làm mất lòng đại tá Cathcart bằng việc cho phép Yossarian nghỉ bay thì ông rất có thể sẽ thấy mình bỗng nhiên được chuyển tới đó. Còn thời gian bay là khoảng thời gian mà ông phải ở trên máy bay mỗi tháng để có được tiền trợ cấp bay. Bác sĩ Daneeka căm ghét các chuyến bay. Ông cảm thấy như bị ngồi tù khi ở trong một chiếc máy bay. Trong máy bay, quả thực không có chỗ quái nào để đi, ngoài tới một phần khác của chính chiếc máy bay đó. Người ta đã nói với bác sĩ Daneeka rằng những người thích leo lên máy bay thực ra là có khát vọng trong tiềm thức được trở lại tử cung. Yossarian đã nói với ông điều này, và y cũng giúp Dan Daneeka lấy được tiền trợ cấp bay hằng tháng mà không phải quay lại tử cung. Yossarian thuyết phục McWatt ghi tên bác sĩ Daneeka vào sổ nhật ký bay tập hoặc bay đi nghỉ ở Rome. “Anh biết đó,” bác sĩ Daneeka nịnh bợ, nháy mắt ranh mãnh đầy ẩn ý. “Tại sao phải mạo hiểm khi tôi không bị ép buộc?” “Đồng ý,” Yossarian gật đầu. “Việc tôi có mặt trên máy bay hay không cũng chẳng tạo ra sự khác biệt đối với bất cứ ai cả, có phải không?” “Không có khác biệt gì cả.” “Chắc chắn rồi, ý của tôi là thế này,” bác sĩ Daneeka nói. “Thế giới này muốn vận hành được cũng cần phải có một ít chất bôi trơn chứ. Đôi bên cùng có lợi mà. Anh hiểu ý tôi chứ? Nếu anh gãi lưng cho tôi thì tôi cũng gãi lưng cho anh.” Yossarian bèn hiểu luôn ý này. “Ý của tôi không phải là vậy,” bác sĩ Daneeka nói, khi Yossarian bắt đầu gãi lưng cho ông. “Tôi đang nói về sự hợp tác. Về giúp đỡ. Nếu anh giúp đỡ tôi thì tôi cũng sẽ giúp đỡ anh. Hiểu chưa?” “Hãy giúp đỡ tôi đi,” Yossarian yêu cầu. “Không đời nào,” bác sĩ Daneeka đáp. Có vẻ gì đó vừa đáng sợ vừa mong manh ở bác sĩ Daneeka khi ông chán nản ngồi bên ngoài lều của mình để tắm nắng thường xuyên hết mức có thể, mặc chiếc quần kaki mùa hè và áo sơ mi cộc tay mùa hè đã bị tẩy nhiều tới mức gần như biến thành màu xám tẻ nhạt sau quá trình giặt giũ mà ngày nào ông cũng bắt nó phải hứng chịu. Ông giống một người từng bị đông cứng lại vì sợ hãi và từ đó không bao giờ hoàn toàn tan ra được nữa. Ông ngồi đó rúc vào chính mình, đầu gục xuống gần như khuất sau đôi vai gầy, đôi bàn tay rám nắng với những móng tay lấp lánh ánh bạc đang xoa xoa trên mặt ngoài hai cánh tay trần đang khoanh lại như thể ông đang bị lạnh. Thực sự thì, ông là một người ấm áp và giàu lòng trắc ẩn tới mức không bao giờ ngừng thương thân. “Tại sao lại là tôi?” đó là câu mà ông thường xuyên than vãn, và đó cũng là một câu hỏi hay. Yossarian biết đó là một câu hỏi hay bởi vì Yossarian là người sưu tầm các câu hỏi hay và sử dụng chúng để ngắt quãng các buổi học mà một thời Clevinger từng tiến hành hai tối mỗi tuần trong lều quân báo của đại úy Black với một viên hạ sĩ đeo kính mà ai nấy đều biết là một kẻ phản động. Đại úy Black biết gã là một kẻ phản động bởi vì gã đeo kính và sử dụng những từ như thuốc chữa bách bệnh, xã hội không tưởng, và bởi vì gã phản đối Adolf Hitler, kẻ đã hoàn thành xuất sắc việc chống lại những hoạt động không có người Mỹ tham gia ở nước Đức. Yossarian tham gia các buổi học này bởi vì y muốn biết được tại sao có nhiều người đến thế đang nỗ lực đến thế để giết y. Cũng có khá nhiều người quan tâm, và có nhiều câu hỏi hay khi Clevinger và viên hạ sĩ phản động kết thúc buổi học và mắc phải sai lầm khi hỏi xem mọi người có câu hỏi nào không. “Tây Ban Nha là ai?” “Tại sao lại Hitler?” “Khi nào thì hợp lý?” “Cái lão còng mặt nhợt mà tôi từng gọi là bố ấy ở đâu khi cái đu quay bị hỏng?” “Biện pháp cuối cùng ở Munich là thế nào?” “Hô hô beriberi(9).” và “Cái con kẹc!” tất cả vang lên liên tiếp, và sau đó đến lượt Yossarian với câu hỏi không có câu trả lời: “Những Snowden của muôn năm cũ giờ đâu?” Câu hỏi đó khiến mọi người phiền lòng, bởi vì Snowden đã chết trên bầu trời Avignon khi Dobbs phát điên ngay trên không và giật lấy cần điều khiển từ tay Huple. Viên hạ sĩ giả ngơ. “Cái gì cơ?” gã hỏi. “Những Snowden của muôn năm cũ giờ đâu?” “Tôi e là tôi không hiểu ý anh.” “Où sont les Neigedens d’antan?”(10) Yossarian nói lại để gã dễ hiểu hơn. “Parlez en anglais(11), lạy Chúa,” viên hạ sĩ nói. “Je ne parle pas francais(12).” “Tôi cũng không biết,” Yossarian trả lời, y đã sẵn sàng sử dụng tất cả từ ngữ trên thế giới này để truy hỏi gã nếu có thể, nhưng Clevinger xen vào, trông tái nhợt và gầy nhom, thở không ra hơi, một màn nước mắt ướt át đã lấp lánh phủ lấy đôi mắt thiếu ăn của gã. Trụ sở liên đoàn đã được báo động, bởi vì không thể biết được mọi người sẽ phát hiện ra những gì một khi họ được phép tự do đặt câu hỏi. Đại tá Cathcart điều trung tá Korn tới chấm dứt vụ này, và trung tá Korn đã thành công với một quy định về việc đặt câu hỏi. Quy định của trung tá Korn thật là một kiệt tác, trung tá Korn đã giải thích như vậy khi báo cáo tình hình cho đại tá Cathcart. Theo quy định của trung tá Korn, chỉ những người chưa bao giờ đặt câu hỏi thì mới được phép hỏi. Chẳng mấy chốc, chỉ có những người chưa từng đặt câu hỏi mới tham dự buổi học, và những buổi học này đã bị ngừng hết lại, bởi vì Clevinger, viên hạ sĩ và trung tá Korn nhất trí rằng không thể và không cần phải giáo dục những người không bao giờ đặt câu hỏi. Đại tá Cathcart và trung tá Korn sống và làm việc ở tòa nhà trụ sở của liên đoàn, cùng với tất cả những người khác cùng biên chế, trừ cha tuyên úy. Tòa nhà trụ sở liên đoàn là một khối kiến trúc khổng lồ, lộng gió và cổ xưa xây từ đá bột đỏ và những ống nước kêu ầm ĩ. Đằng sau tòa nhà là một trường bắn đĩa bay rất hiện đại được đại tá Cathcart xây dựng làm chỗ giải trí dành riêng cho các sĩ quan trong đơn vị, nhưng giờ thì, nhờ ơn tướng Dreedle, tất cả các sĩ quan và lính chiến, đều phải tới chơi ở đó ít nhất tám tiếng một tháng. Yossarian cũng bắn đĩa, nhưng chưa lần nào trúng. Appleby bắn đĩa, và chưa bắn trượt phát nào. Yossarian bắn đĩa cũng kém như đánh bạc. Y chưa từng thắng bạc bao giờ. Kể cả có gian lận thì y cũng không thắng nổi, vì những người chơi cùng y còn giỏi gian lận hơn y. Có hai điều đáng thất vọng mà y chấp nhận về bản thân: y sẽ không bao giờ trở thành một xạ thủ bắn đĩa, và y sẽ không bao giờ kiếm được tiền. “Phải có đầu óc thì mới không kiếm được tiền,” đại tá Cargill viết như vậy ở một trong các thông báo nội bộ sặc mùi thuyết pháp ký tên Peckem mà gã vẫn thường chuẩn bị để phân phát cho mọi người. “Ngày nay, bất cứ kẻ ngốc nào cũng có thể kiếm được tiền và hầu hết bọn họ đều kiếm được tiền. Thế những người xuất sắc và có đầu óc thì sao? Thử chỉ ra, chẳng hạn như, một nhà thơ có thể kiếm tiền xem nào.” “T.S. Eliot,” cựu binh nhất Wintergreen lên tiếng từ phòng phân loại thư ở trụ sở quân đoàn Không lực Hai mươi bảy, rồi dập điện thoại ngay mà không nói tên mình. Đại tá Cargill ở Rome kinh ngạc. “Ai đấy?” tướng Peckem hỏi. “Tôi không biết,” đại tá Cargill trả lời. “Anh ta muốn gì?” “Tôi không biết.” “Chậc, thế anh ta đã nói gì?” “ ‘T.S. Eliot,’ ” đại tá Cargill báo cáo. “Là gì vậy?” “ ‘T.S. Eliot,’ ” đại tá Cargill lặp lại. “Chỉ ‘T.S. gì gì đó’ thôi sao?” “Vâng thưa sếp. Đó là tất cả những gì mà anh ta nói. Chỉ là ‘T.S. Eliot.’ ” “Tôi tự hỏi như vậy có nghĩa gì,” tướng Peckem suy tư. Đại tá Cargill cũng tự hỏi như vậy. “T.S. Eliot,” tướng Peckem trầm ngâm. “T.S. Eliot,” đại tá Cargill cũng lặp lại với vẻ băn khoăn rầu rĩ. Một lúc sau, tướng Peckem đứng dậy với một nụ cười ngọt ngào và nhân từ. Gương mặt của ông toát lên vẻ sắc sảo và thạo đời. Cặp mắt ông long lên độc ác. “Bảo ai đó nối máy với tướng Dreedle cho tôi đi,” ông ra lệnh cho đại tá Cargill. “Đừng để cho ông ta biết ai gọi.” Đại tá Cargill đưa điện thoại cho ông. “T.S. Eliot,” tướng Peckem nói, đoạn dập máy luôn. “Ai đó?” đại tá Moodus hỏi. Tướng Dreedle, ở Corsica, không đáp lời. Đại tá Moodus là con rể của tướng Dreedle, và tướng Dreedle, theo sự nài nỉ của vợ và đi ngược lại với óc đánh giá khôn ngoan hơn của mình, đã đưa chàng rể vào quân đội. Tướng Dreedle nhìn đại tá Moodus chằm chằm đầy căm ghét. Chỉ cần nhìn thấy thằng con rể thôi ông đã ghét cay ghét đắng, nhưng tay này lại là trợ lý của ông và do vậy luôn có mặt bên cạnh ông. Ông đã phản đối con gái mình cưới đại tá Moodus bởi vì ông ghét dự đám cưới. Khoác lên một vẻ mặt cau có suy tư đầy vẻ hăm dọa, tướng Dreedle đi tới chiếc gương dài đặt trong phòng làm việc và nhìn chằm chằm vào hình ảnh phản chiếu chắc nịch của mình trong đó. Ông có mái tóc hoa râm, vầng trán rộng cùng chùm lông màu xám thép bên trên cặp mắt và quai hàm lỗ mãng thù địch. Ông chậm chạp nghiền ngẫm về thông điệp bí ẩn mà ông mới nhận được. Dần dần mặt ông dãn ra vì có một ý tưởng mới, ông liếm môi với vẻ thích thú đầy xấu xa. “Nối máy với Peckem đi,” ông nói với đại tá Moodus. “Đừng để cho tên khốn đó biết ai gọi.” “Ai đó?” đại tá Cargill hỏi từ Rome. “Vẫn người đó,” tướng Peckem đáp lời với vẻ hoảng hốt rõ rệt. “Giờ thì anh ta đang bám theo tôi rồi.” “Anh ta muốn gì?” “Tôi không biết.” “Anh ta nói gì?” “Vẫn thế.” “Vẫn ‘T.S. Eliot’?” “Đúng rồi, ‘T.S. Eliot’. Đó là tất cả những gì anh ta nói.” Tướng Peckem nhen lên một ý nghĩ đầy hy vọng. “Có lẽ đó là mật mã mới hoặc cái gì đó, chẳng hạn như kiểu cờ hiệu mỗi ngày. Sao anh không cử người tới phòng thông tin liên lạc xem liệu đó có phải là mật mã mới hay cái gì đó không, hay là mã cờ hiệu cho mỗi ngày?” Phòng thông tin liên lạc trả lời rằng T.S. Eliot không phải là mật mã mới hay mã cờ hiệu mới. Đại tá Cargill lại có một ý mới. “Có khi tôi phải gọi điện lên trụ sở quân đoàn Không lực Hai mươi bảy để hỏi xem họ có biết gì không. Ở đó có một nhân viên là Wintergreen mà tôi khá thân. Anh ta là người đã mật báo cho tôi rằng cách hành văn của chúng ta quá dài dòng.” Cựu binh nhất Wintergreen nói với Cargill rằng ở trụ sở quân đoàn Không lực Hai mươi bảy không có hồ sơ nào nhắc đến T.S. Eliot. “Anh thấy dạo này cách hành văn của chúng tôi thế nào rồi?” đại tá Cargill quyết định hỏi luôn vụ này nhân lúc đang nói chuyện với cựu binh nhất Wintergreen qua điện thoại. “Tốt hơn rất nhiều rồi, phải không?” “Vẫn khá dài dòng,” cựu binh nhất Wintergreen đáp lời. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu như tướng Dreedle là người đứng đằng sau vụ này,” tướng Peckem cuối cùng cũng thừa nhận. “Anh có nhớ ông ta đã làm gì với trường bắn đĩa bay không?” Tướng Dreedle đã mở cửa trường bắn đĩa bay của đại tá Cathcart cho mọi sĩ quan và lính chiến. Tướng Dreedle muốn người của mình dành thời gian ở trường bắn đĩa bay nhiều hết mức mà cơ sở vật chất và lịch bay cho phép. Bắn đĩa bay tám tiếng một tháng có tác dụng huấn luyện rất tốt. Huấn luyện mọi người bắn đĩa bay. Dunbar rất thích bắn đĩa bay bởi vì gã căm ghét từng phút làm việc đó và bởi vì thời gian trôi rất chậm. Gã đã tính được rằng một giờ ở trường bắn đĩa bay với những người như Havermeyer và Appleby có thể dài như mười một lần mười bảy năm. “Tôi nghĩ anh điên rồi,” đó là cách mà Clevinger phản ứng trước phát hiện của Dunbar. “Ai muốn biết chứ?” Dunbar trả lời. “Tôi nói thật đó,” Clevinger tiếp tục nói. “Ai thèm quan tâm chứ?” Dunbar trả lời. “Tôi quan tâm lắm đấy. Tôi thậm chí còn nghĩ xa tới mức thừa nhận rằng đời có vẻ như dài hơn n…” “… thực sự dài hơn n…” “… thực sự dài hơn… Thực sự sao? Thôi được rồi, thực sự dài hơn nếu như nó có những khoảng thời gian chán nản và bực dọc, b…” “Biết nhanh tới mức nào không?” Dunbar đột nhiên nói. “Hả?” “Chúng nó đi nhanh đến mức nào ấy,” Dunbar giải thích. “Ai cơ?” “Năm tháng.” “Năm tháng.” “Năm tháng,” Dunbar nói. “Năm tháng, năm tháng, năm tháng.” “Clevinger, sao anh không để Dunbar yên đi?” Yossarian cắt ngang. “Anh không thấy việc này gây ra thiệt hại như thế nào à?” “Không sao đâu,” Dunbar cao thượng nói. “Tôi có cả vài thập kỷ để dành cho chuyện này cơ. Anh có biết một năm là bao lâu khi nó trôi đi không?” “Cả anh cũng câm miệng lại đi,” Yossarian bảo Orr, gã đã bắt đầu cười rinh rích. “Tôi vừa nghĩ về cô gái đó,” Orr nói. “Cô gái ở Sicily. Cô gái ở Sicily với cái đầu hói.” “Anh nên câm miệng lại được rồi đấy,” Yossarian cảnh cáo. “Đó là lỗi của anh,” Dunbar nói với Yossarian. “Tại sao anh lại không cho Orr cười rinh rích nếu như anh ta muốn làm điều đó? Như vậy còn tốt hơn việc phải nghe anh ta nói.” “Được rồi. Cứ việc làm tới đi, cứ rinh rích mà cười đi nếu anh muốn.” “Anh có biết một năm là bao lâu khi nó trôi đi không?” Dunbar lặp lại câu hỏi với Clevinger. “Lâu chừng này này.” Gã búng ngón tay. “Một giây trước anh còn đang bước vào đại học, phổi căng tràn dưỡng khí. Hôm nay thì anh đã là một lão già.” “Già?” Clevinger ngạc nhiên hỏi. “Anh nói gì vậy?” “Già.” “Tôi không già.” “Anh cách cái chết chỉ vài phân mỗi lần anh bay ra trận. Ở tuổi này anh còn có thể già hơn thế chút nào nữa không? Cách đây nửa phút anh mới vừa bước vào trung học, và chuyện cởi được một chiếc xu chiêng cũng ngang với lên được Thiên Đường. Chỉ một phần năm giây trước anh còn là một đứa trẻ với kỳ nghỉ hè mười tuần dài như cả trăm nghìn năm mà khi kết thúc anh vẫn thấy là quá sớm. Vèo cái! Chúng đều trôi đi quá nhanh. Vậy thì vì lý do chết tiệt nào mà anh lại muốn thời gian trôi chậm lại?” Dunbar gần như nổi khùng lên khi kết thúc bài diễn văn. “Chậc, có thể đúng là vậy,” Clevinger hạ giọng miễn cưỡng chấp nhận. “Có lẽ đời mà muốn có vẻ dài thì thật sự cần phải bị lấp đầy bởi những hoàn cảnh khó chịu. Nhưng nếu mà như vậy thì liệu có ai muốn?” “Tôi muốn,” Dunbar nói. “Tại sao?” Clevinger hỏi. “Ngoài ra thì còn gì nữa đâu?” 5 THƯỢNG SĨ WHITE HALFOAT B ác sĩ Daneeka sống ở một căn lều xám xịt bẩn thỉu cùng thượng sĩ White Halfoat, người mà ông vừa sợ vừa khinh. “Tôi có thể chụp ảnh gan của gã,” bác sĩ Daneeka gầm gừ. “Chụp gan của tôi ấy,” Yossarian gợi ý. “Gan của anh chẳng làm sao cả.” “Chứng tỏ ông chẳng biết gì,” Yossarian chộp lấy cơ hội và nói cho bác sĩ Daneeka về cơn đau phiền phức từng làm khó cả y tá Duckett, y tá Cramer và tất cả bác sĩ trong bệnh viện bởi vì nó không trở thành bệnh vàng da mà cũng chẳng chịu biến đi. Bác sĩ Daneeka không quan tâm. “Anh nghĩ anh gặp rắc rối?” ông vặn. “Thế còn tôi thì sao? Lẽ ra anh phải ở trong phòng khám của tôi cái hôm bọn mới cưới ấy bước vào.” “Bọn mới cưới nào?” “Bọn mới cưới đã bước vào phòng khám của tôi hôm đó ấy. Tôi chưa kể anh nghe về họ à? Cô dâu dễ thương lắm.” Phòng khám của bác sĩ Daneeka cũng dễ thương. Ông đã trang trí phòng chờ bằng bể cá vàng và một trong những bộ nội thất loại rẻ tiền tốt nhất. Ông mua trả góp bất cứ thứ gì có thể, kể cả con cá vàng. Phần còn lại, ông thu tiền từ những người bà con tham lam muốn đổi lấy cổ phần lợi nhuận. Phòng khám của ông ở Staten Island trong một tòa nhà không có lối thoát hiểm dành cho hai gia đình chỉ cách bến phà bốn khối nhà và cách một siêu thị, ba thẩm mỹ viện và hai cửa hàng thuốc lậu có một khối nhà về phía Nam. Nó nằm ở góc phố, nhưng chả ích gì. Dân số ở đây khá thấp và mọi người ở đây đều bám chặt với các bác sĩ mà họ đã quen khám nhiều năm. Các hóa đơn cần thanh toán nhanh chóng chất thành đống, và chẳng mấy chốc ông phải đối mặt với việc mất đi thiết bị y tế quý giá nhất: chiếc máy tính của ông đã bị thế chấp, sau đó là chiếc máy chữ. Con cá vàng chết. May thay, đúng vào lúc mọi thứ tối tăm nhất thì chiến tranh nổ ra. “Đó là món quà của Chúa,” bác sĩ Daneeka trang trọng thú nhận. “Hầu hết các bác sĩ khác đều sớm phải nhập ngũ, và mọi việc khởi sắc chỉ sau một đêm. Vị trí góc phố trở nên hữu dụng, và chẳng mấy chốc tôi đã thấy mình phải xử lý nhiều bệnh nhân đến mức tôi chẳng thể xử lý cho tử tế. Tôi đã đòi hai cửa hàng thuốc ở đó tăng mức tiền lại quả. Các thẩm mỹ viện có thể phục vụ tốt cho hai tới ba ca nạo thai một tuần. Mọi thứ đang không thể tốt hơn được nữa thì hãy xem điều gì đã xảy ra. Họ điều hẳn một thằng cha từ ban tuyển quân tới kiểm tra nhanh sức khỏe tôi. Tôi ở mức 4-F. Tôi đã tự kiểm tra sức khỏe cho bản thân khá kỹ và phát hiện ra rằng tôi không đủ sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Anh sẽ cho lời của tôi như vậy là đủ, phải không, vì tôi là một bác sĩ được cả hội y khoa hạt lẫn BBB(13) địa phương đánh giá tốt? Nhưng không, như vậy là không đủ, và họ điều thằng cha đó đến chỉ để xem có đúng là tôi bị cụt một chân tới tận hông và đang liệt giường vô dụng vì chứng viêm-thấp khớp nan y hay không. Yossarian, chúng ta đang sống trong một thời đại không có niềm tin và những giá trị tinh thần xuống cấp. Đó là một điều khủng khiếp,” bác sĩ Daneeka nói bằng giọng run run vì bức xúc cao độ. “Thật khủng khiếp khi ngay cả lời của một bác sĩ có chứng chỉ hành nghề cũng bị nghi ngờ bởi chính tổ quốc mà anh ta yêu.” Bác sĩ Daneeka đã bị gọi nhập ngũ và chuyển tới Pianosa với vai trò bác sĩ phẫu thuật trên máy bay mặc dù ông sợ bay chết khiếp. “Tôi không cần phải tìm kiếm rắc rối ở trên máy bay,” ông nhận xét, chớp cặp mắt cận thị ti hí màu nâu vẻ tổn thương. “Nó sẽ tự tìm đến tôi. Như cô trinh nữ không thể có con mà tôi đã kể cho anh nghe ấy.” “Trinh nữ nào cơ?” Yossarian hỏi. “Tôi tưởng ông kể cho tôi về bọn mới cưới nào đó.” “Là trinh nữ mà tôi kể cho anh. Họ chỉ là một cặp trẻ con, họ đã cưới được, chậc, khoảng hơn một năm tính đến thời điểm họ bước vào phòng khám của tôi mà không hẹn trước. Giá mà anh nhìn thấy cô nàng nhỉ. Cô ấy quả là ngọt ngào, trẻ và đẹp. Cô ấy thậm chí còn đỏ mặt khi tôi hỏi về chu kỳ kinh nguyệt. Tôi không nghĩ là có lúc nào tôi lại ngừng mê cô ấy. Cô ấy có một cơ thể như mơ và đeo một chiếc dây chuyền với mặt hình Thánh Anthony rủ xuống bên trong bộ ngực đẹp nhất mà tôi từng được thấy. ‘Quả là một cám dỗ khủng khiếp đối với Thánh Anthony,’ tôi đùa, chỉ để cho cô ấy thấy thoải mái hơn, anh biết đấy. ‘Thánh Anthony ư?’ chồng cô ấy nói. ‘Thánh Anthony là ai?’ ‘Hỏi vợ anh đi,’ tôi bảo anh ta. ‘Cô ấy có thể nói cho anh biết Thánh Anthony là ai.’ ‘Thánh Anthony là ai?’ anh ta hỏi cô bé. ‘Ai cơ?’ cô gái muốn biết. “Thánh Anthony,’ anh ta nói cho cô. ‘Thánh Anthony ư?’ cô nói. ‘Thánh Anthony là ai?’ Khi tôi kiểm tra cô gái kỹ hơn ở trong phòng khám riêng thì tôi phát hiện ra cô ấy vẫn còn trinh. Tôi nói chuyện riêng với chồng cô gái trong lúc cô ấy kéo áo nịt eo lên trở lại và cài nó vào tất chân. ‘Tối nào mà chẳng,’ anh ta khoác lác. Một gã tài lanh, anh biết đấy. ‘Tôi không bao giờ nghỉ đêm nào,’ anh ta khoác lác. Ý của anh ta đúng là như vậy thật. ‘Tôi thậm chí còn đưa nó vào cô ấy trước mỗi bữa sáng cô ấy nấu cho tôi trước khi đi làm,’ anh ta tiếp tục khoác lác. Chỉ có thể có một lời giải thích. Tôi kéo cả hai người lại để diễn cho họ biết thế nào là giao họp bằng những hình nộm cao su tôi có trong phòng khám. Tôi có trong phòng khám những hình nộm cao su với đầy đủ bộ phận sinh dục của cả hai giới mà tôi khóa trong một phòng riêng để tránh tai tiếng. Ý tôi là tôi đã từng có chúng. Giờ thì tôi không còn có chúng nữa, thậm chí còn không có cả phòng khám. Điều duy nhất mà tôi có bây giờ là thân nhiệt thấp đã bắt đầu khiến tôi trở nên lo lắng. Hai thằng nhóc làm việc cho tôi ở lều y tế đều chẳng đáng một xu với vai trò của người chẩn bệnh. Tất cả những gì bọn nó biết làm là than phiền. Chúng nghĩ chúng gặp rắc rối ư? Thế tôi thì sao? Lẽ ra chúng nên ở trong phòng khám của tôi vào ngày hai đứa mới cưới đó nhìn tôi như thể tôi đang nói cho chúng biết điều chưa ai từng nghe thấy. Anh sẽ chẳng bao giờ gặp được ai tỏ vẻ quan tâm tới vậy. ‘Ý của ông là như này?’ anh ta hỏi tôi, và tự cho các hình nộm làm việc với nhau một lúc. Anh thấy đấy, tôi biết có một vài loại người chỉ cần làm thế thôi cũng đủ mê mẩn. ‘Đúng rồi đấy,’ tôi bảo anh ta. ‘Giờ thì anh về nhà và thử làm việc đó theo cách tôi vừa chỉ một vài tháng xem sao, được không?’ ‘OK,’ họ nói và trả tiền mặt cho tôi mà không đôi co gì hết. ‘Chúc các bạn vui vẻ,’ tôi nói với họ như vậy và họ cảm ơn tôi rồi cùng nhau ra về. Chàng trai vòng tay ôm eo cô gái như thể anh ta sốt ruột không đợi được tới khi về nhà để đưa nó vào cô tiếp. Vài ngày sau, anh ta quay lại một mình và nói với y tá của tôi rằng anh ta phải gặp tôi ngay lập tức. Ngay khi chỉ còn chúng tôi với nhau, anh ta liền đấm cho tôi một phát ngay mũi.” “Anh ta làm gì cơ?” “Anh ta gọi tôi là đồ tài lanh và đấm vào mũi tôi. ‘Ông nghĩ ông là ai, tài lanh quá hả?’ anh ta nói rồi nện tôi ngã ngửa thẳng cẳng. Rầm! Đúng thế đấy. Tôi không đùa đâu.” “Tôi biết ông không đùa rồi,” Yossarian nói. “Nhưng sao anh ta lại làm thế?” “Làm sao tôi biết được tại sao anh ta lại làm thế?” bác sĩ Daneeka giận dữ phản pháo. “Có thể có liên quan đến Thánh Anthony chăng?” Bác sĩ Daneeka ngây ra nhìn Yossarian. “Thánh Anthony ư?” ông kinh ngạc hỏi. “Thánh Anthony là ai?” “Làm sao tôi biết được?” thượng sĩ White Halfoat trả lời, tay ôm chai whisky loạng choạng đi vào trong lều rồi ngồi chen vào giữa hai người với vẻ gây gổ. Bác sĩ Daneeka đứng dậy mà không nói một lời, đem ghế tựa ra ngoài lều, lưng còng xuống vì một khối bất công giờ đã thành gánh nặng vĩnh cửu. Ông không chịu đựng được sự có mặt của gã bạn chung lều này. Thượng sĩ White Halfoat nghĩ ông điên. “Tôi không hiểu thằng cha này có vấn đề gì,” gã nhận xét bằng giọng chỉ trích. “Ông ta không có đầu óc, vấn đề của ông ta chỉ có thế. Nếu có chút đầu óc thì ông ta sẽ cầm lấy xẻng mà đào đất. Ngay tại đây ở trong lều này, ông ta có thể đào, ngay dưới giường xếp của tôi. Ông ta có thể thấy dầu ngay lập tức. Ông ta không biết là có thằng lính trơn đã đào được dầu chỉ bằng một cái xẻng ngay ở nước Mỹ sao? Ông ta không biết chuyện đã xảy ra với thằng nhóc đó sao - tên của thằng ranh chết tiệt thò lò mũi xanh ở Colorado ấy là gì nhỉ?” “Wintergreen.” “Wintergreen.” “Ông ấy sợ,” Yossarian giải thích. “Ồ không. Không phải Wintergreen đấy chứ.” Thượng sĩ White Halfoat lắc đầu với vẻ thán phục không giấu giếm. “Thằng chó đẻ tài lanh thối tha đó không bao giờ sợ ai hết.” “Bác sĩ Daneeka đang sợ. Đó là vấn đề của ông ấy.” “Ông ta sợ gì?” “Ông ấy sợ anh,” Yossarian nói. “Ông ấy sợ anh sẽ chết vì viêm phổi.” “Ông ta nên sợ,” thượng sĩ White Halfoat nói. Một tiếng cười trầm, sâu khùng khục xuyên qua lồng ngực đồ sộ của gã. “Tôi cũng sẽ sợ, nếu bị. Anh cứ chờ mà xem.” Thượng sĩ White Halfoat là một người da đỏ đẹp trai, da ngăm đen đến từ Oklahoma với gương mặt nặng nề xương xẩu cùng mái tóc đen bù xù, mang một nửa dòng máu Creek(14) vùng Enid, người đã, vì một vài lý do huyền bí riêng tư nào đó, quyết sẽ chết vì bệnh viêm phổi. Gã là một người da đỏ dữ dằn, thù hận, vỡ mộng vốn rất ghét bọn ngoại lai với những cái tên như Cathcart, Korn, Black và Havermeyer, và ước sao tất cả bọn họ hãy cuốn gói về nơi mà tổ tiên đê tiện của bọn họ đã xuất thân. “Anh không thể tin được đâu, Yossarian,” gã trầm ngâm nói, cố tình cao giọng để trêu ngươi bác sĩ Daneeka, “nhưng đây đã từng là một đất nước khá tốt để sống trước khi họ làm cho nó hư hỏng bằng sự sùng đạo trời đánh thánh vật của họ.” Thượng sĩ White Halfoat ra trận để trả thù người da trắng. Gã gần như không biết đọc biết viết, và gã đã được phân làm sĩ quan trợ lý quân báo cho đại úy Black. “Làm sao tôi có thể học đọc học viết được?” Thượng sĩ White Halfoat hỏi với vẻ thù địch vờ vịt, lại cao giọng để bác sĩ Daneeka nghe thấy. “Bất cứ chỗ nào chúng tôi dựng lều, họ đều đào ở đó một cái giếng. Mỗi lần họ đào một cái giếng, họ lại gặp được dầu. Và mỗi lần họ gặp được dầu, họ lại bắt chúng tôi thu dọn lều và chuyển đi chỗ khác. Chúng tôi là những que dò mạch bằng người. Cả gia đình tôi có mối liên hệ tự nhiên với các mỏ dầu lửa, thế là chẳng mấy chốc tất cả các công ty dầu lửa trên thế giới đều điều các kỹ thuật viên tới để đuổi theo chúng tôi khắp mọi nơi. Chúng tôi liên tục di chuyển. Thật là một cách đặc sắc để nuôi dạy trẻ con ấy nhỉ, tôi có thể nói với anh như vậy. Tôi không nghĩ là tôi dừng lại ở đâu đó quá một tuần.” Ký ức đầu tiên của gã là ký ức của một nhà địa chất… “Mỗi khi có một White Halfoat nữa được sinh ra,” gã tiếp tục nói, “thị trường chứng khoán lại tăng mạnh. Chẳng mấy chốc tất cả các đoàn khoan dầu đều đi theo chúng tôi khắp nơi, mang theo toàn bộ thiết bị của họ để chiếm ưu thế với các đoàn khác. Các công ty bắt đầu sáp nhập để có thể giảm số người đi theo chúng tôi. Nhưng đám đông đi sau lưng chúng tôi vẫn ngày một phình ra. Chúng tôi chẳng bao giờ có được một giấc ngủ ngon. Khi chúng tôi dừng thì họ cũng dừng. Khi chúng tôi đi thì họ cũng đi, cùng các xe chở thức ăn, xe ủi, giàn khoan, máy phát điện. Chúng tôi chính là sự phát đạt biết đi, và chúng tôi bắt đầu nhận được lời mời từ một số khách sạn xịn nhất chỉ vì các cơ hội làm ăn mà chúng tôi sẽ kéo theo khi đến nơi nào đó. Một số lời mời khá hào phóng, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận bởi vì chúng tôi là những thổ dân da đỏ và tất cả các khách sạn xịn có mời chúng tôi đều không nhận khách là thổ dân da đỏ. Phân biệt chủng tộc quả là một điều khủng khiếp, Yossarian ạ. Thực sự là vậy. Thật khủng khiếp khi đối xử với một thổ dân da đỏ tử tế, trung thành như với một thằng mọi đen, Do Thái, lũ Ý lợn hay bọn nhà quê nói tiếng Tây Ban Nha,” thượng sĩ White Halfoat chậm rãi gật gù kết án. “Thế rồi, Yossarian này, điều đó cuối cùng cũng xảy ra - sự bắt đầu của kết thúc. Họ bắt đầu bám theo chúng tôi từ phía trước. Họ sẽ cố đoán xem chúng tôi sẽ đi đâu tiếp và sẽ bắt đầu khoan trước khi chúng tôi tới đó, điều đó khiến cho chúng tôi không thể dừng lại. Ngay khi chúng tôi trải chăn ra, họ đã đá luôn chúng tôi ra khỏi chỗ đó. Họ luôn tin tưởng chúng tôi. Họ thậm chí còn không đợi tới lúc thấy dầu mới đá chúng tôi đi. Chúng tôi mệt mỏi tới mức gần như chẳng để ý cái ngày mà thời của chúng tôi đã hết. Một buổi sáng chúng tôi ngủ dậy thấy vây kín quanh mình toàn những người đi tìm dầu đang đợi chúng tôi đi về phía họ để họ có thể đá chúng tôi đi. Bất cứ chỗ nào anh nhìn tới đều có một người đi tìm dầu lấp ló, phục sẵn như chính dân da đỏ lúc chuẩn bị tấn công. Đó là dấu chấm hết. Chúng tôi không thể ở chỗ chúng tôi đã đứng bởi vì chúng tôi vừa bị đá khỏi đó. Và cũng không có chỗ nào cho chúng tôi đi. Quân đội đã cứu vớt tôi. Thật may là chiến tranh đã xảy ra đúng lúc, rồi ban tuyển quân đã chọn tôi và đưa tôi tới Lowery Field ở Colorado. Tôi là người duy nhất sống sót.” Yossarian biết gã đang nói dối, nhưng không ngắt lời khi thượng sĩ White Halfoat tiếp tục thao thao rằng gã không có tin tức gì về cha mẹ mình kể từ đó. Dù sao thì điều đó cũng chẳng mấy khiến gã phiền lòng, gã cũng chỉ biết họ là cha mẹ của gã vì họ nói thế, mà họ đã nói dối gã về quá nhiều chuyện khác, nên rất có thể họ cũng nói dối nốt về chuyện đó. Gã còn thân thuộc hơn với số phận của một bộ lạc của những người anh em họ, họ đã lang thang về phương Bắc trong một lần nghi binh và tình cờ lạc sang Canada. Khi cố trở về thì họ bị chặn lại ở biên giới bởi các quan chức xuất nhập cảnh Mỹ. Họ không thể quay về bởi vì họ là người da đỏ. Đó là một chuyện cười kinh khủng, nhưng bác sĩ Daneeka không cười cho đến khi Yossarian quay lại sau khi xong một nhiệm vụ nữa và lại năn nỉ ông, dù không có chút hy vọng thành công, cho mình nghỉ bay. Bác sĩ Daneeka cười khẩy một cái và chẳng mấy chốc lại chìm vào những vấn đề của bản thân ông, bao gồm cả thượng sĩ White Halfoat, kẻ mà suốt buổi sáng hôm đó đã thách ông đấu vật kiểu thổ dân da đỏ, và Yossarian, kẻ đã quyết định ngay và luôn rằng y sẽ phát điên. “Anh đang phí thời gian vô ích đấy,” bác sĩ Daneeka buộc phải nói với y. “Ông không thể cho một kẻ điên nghỉ bay à?” “Ồ, chắc chắn là có chứ. Tôi phải làm việc đó. Có quy định là tôi phải cho bất cứ ai điên nghỉ bay.” “Vậy thì tại sao ông không cho tôi nghỉ bay? Tôi điên mà. Hỏi Clevinger thì biết.” “Clevinger? Clevinger đang ở đâu? Anh tìm Clevinger đi rồi tôi sẽ hỏi anh ta.” “Thế thì hỏi bất cứ ai khác đi cũng được. Họ sẽ nói với ông rằng tôi điên tới mức nào.” “Bọn họ đều điên mà.” “Thế sao ông không cho họ nghỉ bay đi?” “Tại sao họ không đòi tôi cho nghỉ bay?” “Bởi vì họ điên, đó là lý do.” “Tất nhiên là họ điên rồi,” bác sĩ Daneeka đáp. “Tôi vừa nói với anh rằng họ điên, có phải không? Và ta không thể để cho người điên quyết định xem liệu anh có điên hay không, đúng không?” Yossarian nghiêm trang nhìn ông và cố thử một cách tiếp cận khác. “Orr có điên không?” “Tất nhiên là anh ta điên rồi,” bác sĩ Daneeka nói. “Ông có thể cho anh ta nghỉ bay được không?” “Tất nhiên là tôi có thể. Nhưng đầu tiên anh ta phải có yêu cầu với tôi đã. Trong quy định có điều đó.” “Vậy thì tại sao anh ta lại không yêu cầu?” “Bởi vì anh ta điên,” bác sĩ Daneeka nói. “Chắc chắn là anh ta điên thì mới tiếp tục bay ra trận sau bao lần suýt chết như vậy. Tất nhiên là tôi có thể cho Orr nghỉ bay. Nhưng đầu tiên anh ta phải yêu cầu.” “Đó là tất cả những gì anh ta cần phải làm để được nghỉ bay sao?” “Đó là tất cả. Cứ để cho anh ta yêu cầu tôi cái đã.” “Rồi sau đó ông sẽ cho anh ta nghỉ bay?” Yossarian hỏi. “Không. Sau đó tôi vẫn không thể cho anh ta nghỉ bay được.” “Ý ông là có một cái bẫy à?” “Tất nhiên là có bẫy,” bác sĩ Daneeka đáp. “Bẫy-22. Bất cứ ai muốn ngừng ra trận đều không thực sự điên.” Chỉ có một cái bẫy và đó là Bẫy-22, nó chỉ ra rằng việc lo lắng cho sự an toàn của bản thân khi đối mặt với những hiểm nguy có thực và ngay trước mắt là sự vận hành của một bộ óc sáng suốt có lý trí. Orr bị điên và có thể được nghỉ bay. Tất cả những gì gã cần làm là đưa ra yêu cầu; và ngay khi gã làm việc đó thì gã không còn điên nữa và sẽ phải tiếp tục bay ra trận. Orr sẽ phát điên nếu phải bay ra trận nữa và sẽ không điên nếu gã không phải bay, nhưng nếu gã không điên thì gã phải bay ra trận. Nếu gã bay thì gã điên và nhờ thế mới không phải bay; nhưng nếu gã không muốn bay thì gã không điên và vì vậy gã phải bay. Yossarian cảm động sâu sắc trước sự đơn giản tuyệt đối của Bẫy-22 và buông ra một cú huýt sáo đầy kính nể. “Quả là một cái bẫy ra trò, cái Bẫy-22 đó,” y nhận xét. “Xịn nhất hiện có,” bác sĩ Daneeka đồng ý. Yossarian nhìn thấy nó rất rõ trong toàn bộ sự hợp lý quay cuồng của nó. Có một sự chính xác súc tích vừa phong nhã vừa gây choáng váng trong các cặp mệnh đề hoàn hảo, giống như nghệ thuật hiện đại đích thực, và đôi lúc Yossarian cũng không thực sự chắc là mình đã nhìn thấy nó, cũng giống như khi y không thực sự chắc về nghệ thuật hiện đại đích thực hay về những con ruồi mà Orr nhìn thấy trong mắt Appleby. Y chỉ biết dựa vào lời của Orr để tin là có ruồi ở trong mắt Appleby. “Ồ, chúng đang ở đó, khỏe mạnh cả,” Orr khẳng định với Yossarian về chuyện lũ ruồi trong mắt Appleby sau khi Yossarian với Appleby đấm nhau ở câu lạc bộ sĩ quan, “mặc dù có lẽ anh ta thậm chí còn không biết điều đó. Đó là lý do anh ta không thể nhìn nhận sự việc đúng với bản chất của chúng.” “Làm sao mà anh ta lại không biết được?” Yossarian chất vấn. “Bởi vì anh ta có ruồi ở trong mắt,” Orr giải thích với vẻ kiên nhẫn cường điệu. “Làm sao anh ta thấy được có ruồi ở trong mắt mình nếu như anh ta có ruồi ở trong mắt?” Điều đó có lý chẳng kém bất cứ điều gì khác, và Yossarian đã sẵn lòng tin Orr chừng nào chưa chứng minh được điều ngược lại, bởi vì Orr xuất thân từ vùng hoang vu bên ngoài thành phố New York nên sẽ hiểu biết về cuộc sống hoang dã rõ hơn Yossarian nhiều, và bởi vì Orr, không như mẹ, cha, anh, chị, em, cô, dì, chú, bác, anh chị em dâu rể, thầy cô giáo, lãnh tụ tinh thần, nhà lập pháp, hàng xóm và tờ báo của Yossarian, chưa từng nói dối y một điều gì quan trọng. Yossarian một mình nghiền ngẫm tri thức mới về Appleby này suốt một, hai ngày gì đó và rồi quyết định, như một hành động thiện chí, chuyển lời thông báo cho chính Appleby. “Appleby, anh có ruồi ở trong mắt,” y thì thầm đầy thiện ý khi họ đi lướt qua nhau ở cửa lều quân trang vào ngày phải đi đưa sữa(15)tới Parma theo lộ trình đã định sẵn hằng tuần. “Gì cơ?” Appleby gắt lên, rơi vào bối rối vì Yossarian lại nói chuyện với gã. “Anh có ruồi ở trong mắt,” Yossarian lặp lại. “Có lẽ đấy là lý do tại sao anh không nhìn thấy chúng.” Appleby lùi xa Yossarian với vẻ hoang mang đầy ghê tởm và chìm trong im lặng cho đến khi gã ở trong xe Jeep với Havermeyer đi dọc con đường dài và thẳng tới phòng tác chiến, tại đó thiếu tá Danby, sĩ quan tác chiến hay sốt ruột của phi đoàn, đang đợi để đưa các chỉ dẫn tác chiến sơ bộ cho các phi công trưởng, những người cắt bom và các hoa tiêu. Appleby nói thật nhỏ sao cho lái xe và đại úy Black, người đang nằm dài nhắm tịt mắt ở ghế trước, không thể nghe lỏm được. “Havermeyer,” gã ngập ngừng hỏi. “Tôi có ruồi ở trong mắt không?” Havermeyer nháy mắt chế nhạo. “Cái lẹo(16) ấy hả?” “Không, con ruồi.” Havermeyer lại chớp mắt. “Ruồi?” “Ở trong mắt tôi.” “Anh điên rồi,” Havermeyer nói. “Không, tôi không điên. Yossarian mới điên. Nào nói cho tôi biết có ruồi ở trong mắt tôi hay không ngay đi. Nói đi. Tôi có thể chịu được.” Havermeyer bỏ thêm một miếng kẹo lạc vào miệng và nhòm sát vào mắt Appleby. “Không thấy gì cả,” gã tuyên bố. Appleby thở phào nhẹ nhõm. Havermeyer bị dính đầy kẹo lạc trên môi, cằm và má. “Mặt anh dính đầy kẹo lạc kìa,” Appleby nhắc gã. “Tôi thà có kẹo lạc trên mặt còn hơn có ruồi trong mắt,” Havermeyer trả đũa. Xe tải chở các sĩ quan của năm chiếc máy bay còn lại trong mỗi tổ bay đã tới chờ nghe buổi chỉ dẫn tác chiến chung sẽ diễn ra sau đó khoảng ba mươi phút. Mỗi tổ có ba lính không được nghe tác chiến mà được đưa thẳng đến sân bay tới những máy bay khác nhau được bố trí bay vào ngày hôm đó, họ đợi ở đó cùng với các nhân viên mặt đất cho tới khi các sĩ quan bay cùng bước ra khỏi cửa hậu lúc lắc của những chiếc xe tải chở họ, đó là lúc phải leo lên máy bay mà khởi sự. Mấy cái động cơ cáu kỉnh trở mình trên bãi đỗ hình kẹo que, đầu tiên không chịu, sau đó ì ì kêu tại chỗ một lúc, và rồi những chiếc máy bay mới ì ạch lết đi, mũi thảm hại hướng về phía trước bên trên mặt đất sỏi đá như những con vật mù mắt ngu dốt què cụt cho đến khi chúng chạy đà vào đường băng và nhanh chóng cất cánh, nối đuôi nhau, lượn vút lên cao trong tiếng máy gầm, chầm chậm chao cánh rồi xếp lại thành một đội hình phía trên các ngọn cây lốm đốm, bay vòng quanh sân bay với tốc độ không đổi cho đến khi các đội hình sáu máy bay có mặt đầy đủ thì lượn qua mặt nước xanh màu trời trong chặng đầu tiên của hành trình bay tới mục tiêu ở phía Bắc nước Ý hoặc Pháp. Các máy bay nâng dần độ cao, và trước khi tới không phận địch đã đạt tới mức trên hai nghìn bảy trăm mét. Một trong những điều đáng ngạc nhiên luôn là cảm giác êm đềm và yên tĩnh tuyệt đối, chỉ bị phá vỡ bởi loạt đạn bắn thử từ súng máy, bởi những nhận xét ngắn ngủn, không ngữ điệu qua hệ thống điện đàm nội bộ, và, cuối cùng, là bởi lời tuyên bố trang nghiêm của người cắt bom trong mỗi máy bay rằng họ đã tới đúng vị trí và chuẩn bị đối mặt với mục tiêu. Luôn có nắng, luôn có cảm giác dấp dính vướng trong họng vì không khí loãng. Những chiếc B-25 mà họ lái đều là những máy bay chắc chắn, đáng tin cậy, màu xanh đục với cánh lái kép, động cơ đôi và sải cánh rộng. Lỗi duy nhất của chúng, từ chỗ Yossarian ngồi với tư cách là người cắt bom, là lối trườn quá hẹp ngăn giữa chỗ của người cắt bom ở phần mũi máy bay bọc kính plexi với cửa thoát hiểm gần nhất. Lối trườn là một đường ống vuông hẹp lạnh lẽo khoét vào bên dưới buồng điều khiển bay, và một gã to con như Yossarian sẽ phải rất vất vả mới có thể ép thân trườn qua được. Một gã hoa tiêu mập mạp, mặt tròn với cặp mắt lươn và một cái tẩu như Aarfy cũng sẽ gặp rắc rối, và Yossarian thường phải đuổi gã ra khỏi khoang mũi máy bay khi họ tới gần mục tiêu, lúc chỉ còn cách vài phút nữa. Khi ấy luôn có một khoảng thời gian căng thẳng, một khoảng thời gian chờ đợi chẳng có gì để nghe và chẳng có gì để thấy và chẳng có gì để làm ngoài chờ đợi trong lúc các khẩu súng phòng không bên dưới ngắm bắn và nếu có thể thì sẵn sàng hạ cả bọn gục thẳng cẳng mà đi vào giấc ngủ vĩnh hằng. Lối trườn là con đường sống dẫn Yossarian ra khỏi một chiếc máy bay sắp rơi, nhưng Yossarian chửi bới nó với sự thù địch sôi sục, rủa xả coi nó là một vật cản được ý trời đặt ở đó như một phần của âm mưu hủy diệt y. Có đủ chỗ để làm thêm một cửa thoát hiểm nữa ở ngay phần mũi máy bay nhưng không hề có cửa thoát hiểm nào ở đó. Thay vào đó là một lối trườn, và kể từ vụ lộn xộn trong trận Avignon, y đã trở nên căm ghét từng xăng ti mét của lối trườn ấy, bởi vì nó luôn quẳng vào mặt y hàng đống giây đồng hồ ngăn cách y với dù của mình, chiếc dù này quá cồng kềnh y không thể mang theo lên tận mũi máy bay được, rồi sau đó lại quẳng thêm ra cả đống giây đồng hồ nữa ngăn cách y với cửa thoát hiểm trên sàn nằm ở khoảng giữa đuôi của buồng điều khiển được thiết kế nâng lên và chân của tay súng không thấy mặt ngồi trong tháp súng cao phía trên. Sau khi đuổi Aarfy khỏi phần mũi máy bay, Yossarian lại khát khao được ở chỗ gã đang ở; Yossarian muốn được co ro ngồi cuộn tròn trên sàn ngay trên cửa thoát hiểm, bên trong sự che chở của một bộ giáp chống đạn dự trữ mà nếu được thì y rất sẵn lòng mang theo, dù đã ở đúng vị trí trên người, một tay ghì chặt sợi dây mở dù màu đỏ, tay kia bấu chặt chốt mở cửa thoát hiểm sao cho y có thể bị hất thẳng ra không khí về phía mặt đất ngay khi nghe thấy tiếng rít chết chóc hủy diệt đầu tiên cất lên. Trong tình huống xấu nhất thì y muốn ở đó thay vì mắc kẹt ở mũi máy bay như một con cá vàng chơ vơ chết tiệt trong một bể cá vàng chơ vơ chết tiệt trong khi những tầng đạn phòng không đen sì thối tha chết tiệt tóe ra và ầm ầm và cuồn cuộn khắp xung quanh, ở trên và ở dưới y, một vẻ gớm ghiếc dâng cao, nổ lạch tạch, đan chéo nhau, nổ đùng đoàng, như ảo ảnh, như vũ trụ, rung chuyển, lật nhào, làm run rẩy, gây náo động, đâm xuyên qua và đe dọa sẽ xóa sổ tất cả bọn họ chỉ trong một sát na bằng một quầng lửa khổng lồ bùng cháy. Aarfy không giúp được gì cho Yossarian với tư cách một hoa tiêu hay bất cứ vai trò nào khác, nên lần nào Yossarian cũng kịch liệt đuổi gã ra khỏi khoang mũi để bọn họ khỏi cản đường nhau nếu như bỗng nhiên họ phải trườn đi giành lấy sự an toàn cho bản thân. Khi Yossarian đã đuổi được gã trở lại khoang lái, Aarfy đã được tự do ngồi co rúm lại trên sàn, ở chỗ Yossarian khao khát được ngồi đó mà co rúm, nhưng thay vì thế Aarfy chỉ hiên ngang đứng thẳng, hai cánh tay lực lưỡng thoải mái tựa lên ghế phi công chính và phi công phụ, tay cầm tẩu thuốc và niềm nở tiếp chuyện McWatt và với bất cứ ai làm phi công phụ, tay chỉ trỏ vào đủ thứ vặt vãnh thú vị trên bầu trời mà hai tay phi công kia quá bận bịu không thèm để ý. McWatt quá bận điều khiển máy bay theo những chỉ dẫn đinh tai nhức óc của Yossarian khi Yossarian cho máy bay trút vội bom rồi gào thét đòi cả bọn quất ngựa truy phong ngay giữa những cột đạn khát máu nổ tung tóe bằng những lệnh cộc lốc, chát chúa và thô tục gửi tới McWatt giống như những tiếng ú ớ của Hungry Joe trong những cơn ác mộng thống khổ thê thảm giữa đêm. Aarfy sẽ trầm ngâm rít tẩu trong suốt khoảng thời gian đụng độ hoảng loạn đó, đăm đắm nhìn cuộc chiến với vẻ tò mò trầm tĩnh qua cửa sổ chỗ McWatt ngồi như thể nó chỉ là một chút náo động xa xăm chẳng thể nào ảnh hưởng gì đến gã. Aarfy là một thành viên tận tụy của hội sinh viên rất thích các hoạt động cổ vũ và họp lớp và lại không có đầu óc nên chẳng biết sợ là gì. Yossarian thì lại có đầu óc nên biết sợ, và điều duy nhất ngăn y rời vị trí hứng đạn mà chui trở lại vào lối trườn như một con chuột hèn nhát là vì y không sẵn lòng trao nhiệm vụ điều khiển quá trình tẩu thoát khỏi mục tiêu cho bất cứ ai khác. Không có bất cứ ai trên thế giới này mà y có thể trao cho trọng trách vinh quang tới vậy. Không có ai khác mà y quen biết mà lại hèn nhát được như y. Trong nhóm Yossarian là người giỏi tẩu thoát nhất, nhưng y không hiểu tại sao. Không có một quy trình cụ thể nào cho việc tẩu thoát. Tất cả những gì y cần là nỗi sợ, và cái đó thì Yossarian có rất nhiều, nhiều hơn cả Orr và Hungry Joe, hơn cả Dunbar, kẻ đã sớm chấp nhận rằng một ngày nào đó gã sẽ phải chết. Yossarian thì không chấp nhận điều đó và y điên cuồng chạy trốn để giữ lấy mạng sống của mình trong mỗi trận đánh, ngay tại khoảnh khắc trút xong bom, rống lên với McWatt “Mạnh nữa lên, mạnh, mạnh, mạnh, đồ chết tiệt, mạnh nữa lên!” và căm ghét McWatt đến hằn học trong suốt khoảng thời gian đó cứ như thể McWatt là người chịu trách nhiệm cho việc bọn họ phải ở tít trên đó và sắp bị giết sạch bởi toàn những người dưng, và cả bọn còn lại đều mặc xác máy điện đàm; chỉ trừ trong vụ lộn xộn đáng tiếc hồi trận Avignon khi Dobbs phát điên giữa trời và khóc nức lên cầu xin được giúp đỡ. “Cứu anh ta với, cứu anh ta với,” Dobbs nức nở. “Cứu anh ta với, cứu anh ta với.” “Cứu ai? Cứu ai?” Yossarian hỏi khi cắm lại tai nghe vào hệ thống điện đàm nội bộ, sau khi nó bị bật tung ra lúc Dobbs giật cần lái khỏi tay Huple, đột ngột quăng tất cả bọn họ vào một cú bổ nhào inh óc, tê liệt, kinh hoàng, dán chặt đỉnh đầu Yossarian lên trần máy bay trong tuyệt vọng, và Huple đã kịp cứu họ khi giành lại cần lái từ tay Dobbs và gần như cũng đột ngột như vậy đưa máy bay thăng bằng trở lại ngay giữa lớp đạn phòng không chói tai bắn tới tấp mà họ chỉ vừa mới thoát được trước đó một khoảnh khắc. Ôi Chúa ơi! Ôi Chúa ơi, ôi Chúa ơi! Yossarian cầu khẩn không nên lời trong khi đỉnh đầu vẫn dán trên trần mũi máy bay, thân lủng lẳng, không sao cựa quậy. “Người cắt bom, người cắt bom,” Dobbs thét lên trả lời khi Yossarian nói. “Anh ta không trả lời, anh ta không trả lời. Hãy giúp người cắt bom, hãy giúp người cắt bom.” “Tôi là người cắt bom,” Yossarian hét lên. “Tôi là người cắt bom. Tôi không sao. Tôi không sao.” “Vậy thì cứu anh ta đi, cứu anh ta đi,” Dobbs cầu xin. “Cứu anh ta với, cứu anh ta với.” Và Snowden đang nằm hấp hối ở phía sau. 6 HUNGRY JOE H ungry Joe đã bay đủ năm mươi nhiệm vụ, nhưng như vậy cũng chẳng ích gì. Gã đã gói hành lý nhưng vẫn tiếp tục phải chờ để được về nhà. Đêm đêm gã có những ác mộng kỳ quái, chói tai khiến cho tất cả mọi người trong phi đoàn tỉnh giấc, trừ Huple, một phi công mười lăm tuổi, cu cậu đã nói dối tuổi để được nhập ngũ và sống chung với con mèo của mình ở cùng lều với Hungry Joe. Huple là người thính ngủ, nhưng cậu ta cứ khăng khăng là chưa từng nghe tiếng thét nào của Hungry Joe. Hungry Joe đang bị ốm. “Vậy thì đã làm sao?” bác sĩ Daneeka bực bội làu nhàu. “Tôi nói anh hay, tôi đây đã từng thành đạt đấy. Tôi đang đút túi ngon ơ năm mươi nghìn đô một năm, gần như tất cả số đó đều không phải trả thuế, bởi vì khách hàng phải trả cho tôi tiền mặt. Tôi có hiệp hội thương mại mạnh nhất thế giới làm chỗ dựa. Thế rồi hãy xem chuyện gì đã xảy ra. Ngay khi tôi có thể bắt đầu đem tiền đi giấu thì họ sản xuất ra chủ nghĩa phát xít và làm nổ ra cuộc chiến đủ lớn tới mức ảnh hưởng tới cả tôi. Tôi thấy thật nực cười khi nghe chuyện một kẻ nào đó như Hungry Joe gào hét như điên vào mỗi tối. Thực sự nực cười. Anh ta bị ốm ư? Anh ta có biết tôi cảm thấy gì không?” Hungry Joe thì đã tự chìm quá sâu vào trong những tai ương của bản thân nên không thể quan tâm xem bác sĩ Daneeka cảm thấy gì. Tiếng ồn chẳng hạn. Tiếng ồn nhỏ làm gã phát điên và gã lại khàn khàn rống lên với Aarfy vì tiếng rít ẩm ướt khi gã này hút tẩu, với Orr vì tiếng hàn, với McWatt vì tiếng lật đánh choách mỗi lần gã chia bài poker hay blackjack, với Dobbs vì tội cứ để răng va vào nhau lập cập trong lúc hậu đậu đi loanh quanh và va quệt vào đủ thứ. Hungry Joe là một khối cáu kỉnh di động luôn sục sôi và xơ xác. Tiếng đồng hồ đeo tay tích tắc trong phòng vắng cũng là một sự tra tấn kinh khủng đối với bộ não mong manh của gã. “Nghe này, nhóc,” gã cộc cằn giải thích cho Huple vào một buổi tối muộn, “nếu cậu muốn sống trong căn lều này thì cậu cần phải làm như tôi. Cứ đêm đến cậu phải lấy một đôi tất len bao kín đồng hồ đeo tay lại rồi cất nó vào đáy hòm đặt ở phía bên kia phòng.” Huple vênh mặt thách thức, tỏ ý cho Hungry Joe biết là cậu ta không dễ bị bắt nạt và rồi làm chính xác như những gì Hungry Joe bảo cậu ta lúc trước. Hungry Joe là một gã khốn khổ hay hốt hoảng, hốc hác với khuôn mặt không thịt chỉ có xương và da xám xịt và những mạch máu nổi lên rần rật ngoằn ngoèo dưới da trong những hố thâm đen dưới mắt như những phần bị cắt lìa của một con rắn. Đó là một gương mặt tan hoang lồi lõm, ám đầy muội lo âu như một cái mỏ bị bỏ hoang. Hungry Joe ăn ngấu nghiến, liên tục gặm đầu ngón tay, nói lắp bắp, hay bị nghẹn thở, hay ngứa, hay đổ mồ hôi, hay chảy dớt dãi, và hay nhảy từ chỗ này qua chỗ khác như điên với một chiếc máy ảnh phức tạp màu đen mà gã luôn mang theo để cố chụp hình các cô gái khỏa thân. Không bao giờ có ảnh. Gã luôn quên bỏ phim vào máy, hoặc quên bật đèn, hoặc quên bỏ nắp ống kính ra. Cũng không dễ để thuyết phục các cô gái khỏa thân đứng chụp ảnh, nhưng Hungry Joe có mánh lới của riêng gã. “Tôi nhân vật lớn,” gã thường hét to lên. “Tôi nhiếp ảnh gia lớn của tạp chí Life. Có ảnh lớn trên trang bìa lớn. Si(17), si, si! Minh tinh Hollywood. Nhiều dinero(18). Nhiều ly dị. Nhiều phang và phịch suốt cả ngày.” Hiếm phụ nữ nào cưỡng lại được lời phỉnh nịnh xảo trá đến vậy, và các cô gái điếm sẽ nhảy cẫng lên háo hức và sẵn lòng thể hiện bất cứ tư thế tuyệt vời nào mà gã yêu cầu. Hungry Joe chết vì phụ nữ. Phản ứng của gã đối với họ với tư cách các sinh vật mang tính dục là một kiểu thờ phụng và sùng bái điên cuồng. Họ là biểu hiện đáng yêu, khiến người ta thỏa mãn, khiến người ta phát điên của điều huyền diệu, là nguồn đem lại khoái lạc quá mạnh mẽ không sao đong đếm, quá mãnh liệt không sao chịu đựng, và quá thanh tao không thể để cho bị lợi dụng bởi một gã đàn ông đê tiện và không xứng đáng. Gã chỉ có thể hiểu sự hiện diện khỏa thân của họ trong tay gã là một sơ suất của vũ trụ và nó nhất định sẽ được điều chỉnh lại nhanh chóng, nên gã luôn bị dồn vào thế phải tận dụng xác thịt của họ bằng bất cứ cách nào có thể trong một hoặc hai khoảnh khắc mà gã nghĩ là mình có trước khi Ai Đó phát hiện ra và xua chúng đi. Gã không bao giờ quyết được nên nện họ hay là chụp ảnh họ, bởi vì gã đã nhận ra không thể làm được cả hai việc đó cùng một lúc. Thực ra, gã còn nhận ra rằng làm được một trong hai việc đó thôi cũng gần như là không thể, bởi vì năng lực thể hiện của gã lúc nào cũng bị cạnh tranh bởi nhu cầu cưỡng bách trăm lần như một thúc gã phải nhanh lên. Những bức ảnh chẳng bao giờ xuất hiện và Hungry Joe cũng chẳng bao giờ được “cho vào”. Điều kỳ cục là trước khi nhập ngũ Hungry Joe thực sự từng là một nhiếp ảnh gia của tạp chí Life. Giờ thì gã là một người hùng, người hùng vĩ đại nhất mà Không lực có, Yossarian nghĩ vậy, bởi vì gã đã có nhiều nhiệm kỳ bay chiến đấu hơn bất cứ người hùng nào mà Không lực có. Gã đã bay tới sáu nhiệm kỳ. Hungry Joe hoàn thành nhiệm kỳ bay chiến đấu đầu tiên từ thời chỉ cần hoàn thành hai mươi lăm nhiệm vụ là đủ để cho gã gói đồ, viết thư báo tin vui về nhà và bắt đầu hài hước giục giã trung sĩ Towser đòi lệnh điều động gã về lại nước Mỹ. Trong khi chờ đợi, ngày nào gã cũng nhịp chân diễu loanh quanh chỗ cửa lều chỉ huy, ồn ào buông lời khiếm nhã với bất cứ ai đi qua và bỡn cợt gọi trung sĩ Towser là đồ chó đẻ bần tiện mỗi khi trung sĩ Towser thò đầu ra khỏi phòng trực. Hungry Joe hoàn thành hai mươi lăm nhiệm vụ bay đầu tiên ngay trong tuần diễn ra trận Salerno(19), lúc đó Yossarian đang nằm viện vì cú bùng phát bệnh lậu mà y đã dính phải trong một nhiệm vụ ở tầm thấp trên người một nữ quân nhân trong bụi rậm trên đường tiếp tế cho Marrakech. Yossarian đã cố gắng hết sức để bắt kịp với Hungry Joe và suýt đã đạt được, bay sáu nhiệm vụ trong sáu ngày, nhưng nhiệm vụ thứ hai mươi ba lại là bay tới Arezzo, tại đó đại tá Nevers đã tử trận đúng vào lúc y đã ở gần cơ hội được trở về nhà hơn bao giờ hết. Ngay hôm sau đại tá Cathcart đã xuất hiện, tràn đầy kiêu hãnh trong bộ quân phục mới và kỷ niệm sự kiện mình được đảm nhiệm chức chỉ huy bằng cách nâng số nhiệm vụ cần thiết từ hai mươi lăm lên tới ba mươi. Hungry Joe dỡ hành lý ra, viết lại thư báo tin mừng về nhà. Gã không còn hài hước giục trung sĩ Towser nữa. Gã bắt đầu ghét trung sĩ Towser, cay nghiệt đổ mọi thứ lên đầu tay này, mặc dù gã biết rằng trung sĩ Towser chả dính dáng gì tới việc """