🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bạo Lực Giới Và Cách Ứng Phó
Ebooks
Nhóm Zalo
HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN
Chủ tịch Hội đồng
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương LÊ MẠNH HÙNG
Phó Chủ tịch Hội đồng
Q. Giám đốc - Tổng Biên tập
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật PHẠM CHÍ THÀNH
Thành viên
VŨ TRỌNG LÂM
NGUYỄN ĐỨC TÀI
TRẦN THANH LÂM
NGUYỄN HOÀI ANH
Hãy vì một cộng đồng không có bạo lực giới!
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Bạo lực giới, hay bạo lực trên cơ sở giới là thuật ngữ chắc hẳn còn xa lạ với không ít người. Bạo lực giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của họ. Bạo lực giới không chỉ có bạo lực gia đình mà còn có nhiều hình thức khác như buôn bán người, xâm hại tình dục, quấy rối tình dục... Bạo lực giới có liên quan đến cộng đồng bởi các hình thức bạo lực này đều xuất phát từ cộng đồng. Bạo lực giới gây tác hại rất lớn đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Nói chung, hiện nay bạo lực giới là hậu quả của việc coi phụ nữ và trẻ em gái có địa vị thấp hơn trong xã hội, vì thế họ dễ bị cô lập bởi các định kiến giới và chịu sự phân biệt đối xử về giới. Bạo lực giới xảy ra dưới nhiều hình thức, song dù ở bất kỳ dạng nào cũng không thể chấp nhận. Đã có nhiều bài viết, tài liệu nghiên cứu về các hình thức bạo lực giới riêng lẻ nhưng hầu như
chưa có tài liệu nào đề cập đến vấn đề bạo lực giới, bàn thảo về nhiều hình thức bạo lực giới, để người đọc có cái nhìn bao quát về các loại bạo lực phát sinh dựa trên bất bình đẳng trong quan hệ quyền lực giữa nam giới và phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Nhằm cung cấp thêm tư liệu cho các nhà lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách, tuyên truyền viên và toàn thể nhân
5
dân về các vấn đề trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Bạo lực giới và cách ứng phó của TS. Dương Kim Anh - Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Trong phạm vi cuốn sách này, tác giả sẽ cung cấp cho độc giả các kiến thức, thông tin về bạo lực giới, khai thác ở bốn hình thức bạo lực giới phổ biến ở cộng đồng là bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người, và mại dâm.
Điểm mới và độc đáo của cuốn sách là các vấn đề bạo lực giới được nhìn nhận, phân tích từ quan điểm nhạy cảm giới, từ tiếp cận dựa trên quyền, có đáp ứng giới; quan tâm tới các đối tượng dễ bị tổn thương, dễ có nguy cơ bị bạo lực. Đồng thời, nội dung cuốn sách nhấn mạnh tiếp cận thúc đẩy sự tham gia của nam giới, coi nam giới là tác nhân quan trọng góp phần giảm thiểu và xóa bỏ bạo lực giới, thay vì coi nam giới là thủ phạm gây ra bạo lực giới.
Nội dung cuốn sách không chỉ cung cấp các kiến thức về bạo lực giới, các giải pháp phòng, chống bạo lực giới mà còn chia sẻ các câu chuyện có thực từ cộng đồng, khai thác nguồn thông tin từ sinh viên các trường đại học và người dân trong cộng đồng. Cuốn sách này, vì thế không nặng về kiến thức hàn lâm, mà
hết sức thiết thực và thực tiễn, gần gũi với cộng đồng. Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 7 năm 2019
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 6
MỤC LỤC
Trang
Phần I
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
VỀ BẠO LỰC GIỚI 9
1. Khái niệm bạo lực giới 9 2. Các loại bạo lực giới 11 3. Nguyên nhân của bạo lực giới 11 4. Tác hại của bạo lực giới 13 5. Tình hình bạo lực giới trên thế giới và ở
Việt Nam 14 Phần II
BẠO LỰC GIA ĐÌNH 17 1. Khái niệm bạo lực gia đình 17 2. Các hình thức bạo lực gia đình 19 3. Nguyên nhân của bạo lực gia đình 23 4. Hậu quả của bạo lực gia đình 26 5. Bạo lực gia đình trên thế giới và ở Việt Nam 30 6. Giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình 31
7
Phần III
XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM 39 1. Khái niệm xâm hại tình dục trẻ em 39 2. Hậu quả của xâm hại tình dục trẻ em 42 3. Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em 44 4. Một số quy tắc phòng, chống xâm hại tình
dục cơ bản cho trẻ em 46 5. Giải pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em 51 Phần IV
MUA BÁN NGƯỜI 62
1. Khái niệm mua bán người 62 2. Phân biệt buôn bán người và đưa người di cư trái phép 65 3. Tình hình buôn bán người trên thế giới và ở Việt Nam 67 4. Nguyên nhân của mua bán người 69 5. Giải pháp phòng, chống mua bán người 74 Phần V
MẠI DÂM 81
1. Khái niệm mại dâm 81 2. Nguyên nhân của mại dâm 84 3. Hậu quả của mại dâm 91 4. Luật pháp, chính sách về mại dâm: Một số
vấn đề cần điều chỉnh 95 5. Giải pháp phòng, chống mại dâm tại cộng đồng 98 Tài liệu tham khảo 106
8
Phần I
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
VỀ BẠO LỰC GIỚI
Bạo lực giới hay bạo lực trên cơ sở giới là thuật ngữ được sử dụng nhiều hiện nay. Tuy nhiên, còn ít tài liệu viết về bạo lực giới, đặc biệt là tài liệu viết cho cộng đồng, giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về bạo lực giới. Phần I của cuốn sách cung cấp một số thông tin cơ bản về bạo lực giới, bao gồm: Khái niệm bạo lực giới, các loại bạo lực giới, nguyên nhân của bạo lực giới, tác hại của bạo lực giới, tình hình bạo lực giới trên thế giới và ở Việt Nam.
1. Khái niệm bạo lực giới
Bạo lực giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó. Bạo lực giới bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe dọa dẫn đến những hành động trên, sự ép buộc và những
9
hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó. Định nghĩa này được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đưa ra năm 2003 và được xem là định nghĩa đầy đủ nhất về bạo lực giới cho tới thời điểm này.
Cho đến nay, Việt Nam chưa có văn bản chính thức nào đưa ra định nghĩa về bạo lực giới. Điều 10, Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã đề cập đến thuật ngữ “bạo lực trên cơ sở giới”, việc nghiêm cấm các hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Điều 40, 41 quy định các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Về cơ bản, khái niệm bạo lực giới ở
Việt Nam được hiểu như định nghĩa bạo lực giới đưa ra năm 2003 của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn.
Bạo lực giới là vấn đề toàn cầu. Có thể nói, ở đâu có con người, ở đó có bạo lực giới. Bạo lực giới diễn ra nghiêm trọng hơn ở các nước với thiết chế xã hội phụ quyền, nơi nam giới có quyền hơn phụ nữ, lợi thế hơn, phụ nữ ở vào thế phụ thuộc. Phụ nữ, nam giới, trẻ em gái, trẻ em trai đều có nguy cơ bị bạo lực giới. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất và chịu tác động nặng nề nhất do bạo lực giới gây ra. Các nhóm người dễ bị tổn thương, nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt có nhiều nguy cơ phải hứng chịu bạo lực giới.
10
2. Các loại bạo lực giới
Bạo lực giới được xem xét theo hai nhóm chính: bạo lực giới trong phạm vi gia đình (bạo lực gia đình, ép buộc hôn nhân, lựa chọn giới tính khi sinh...) và bạo lực giới trong cộng đồng (buôn bán phụ nữ và trẻ em, quấy rối tình dục, mại dâm).
Trên thực tế, có thể gọi tên một số hình thức bạo lực giới thường xảy ra như bạo lực gia đình, buôn bán người, mại dâm, lạm dụng tình dục, quấy rối tình dục, lựa chọn giới tính khi sinh, tảo hôn, các tập tục có hại cho phụ nữ (như cắt âm vật ở
trẻ em gái (FGM), ép phụ nữ sinh con trong rừng, tục là ngực, sinh con thuận theo tự nhiên, v.v..). Cuốn sách này viết về bốn loại bạo lực giới cơ bản và phương pháp phòng, chống các loại bạo lực này: bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người, mại dâm.
3. Nguyên nhân của bạo lực giới
Nguyên nhân gốc rễ của bạo lực giới chính là bất bình đẳng giới được hình thành và ăn sâu, bám rễ trong tư tưởng của nhiều người, do những định kiến giới và bất bình đẳng trong mối quan hệ
quyền lực giữa phụ nữ và nam giới trong xã hội. Ở Việt Nam, với tư tưởng phụ quyền, nam giới nắm ưu thế hơn, thường là người giữ vai trò kiểm soát
11
mối quan hệ quyền lực giữa nam và nữ. Bạo lực giới cũng liên quan đến các thói quen có hại như bia, rượu, lạm dụng chất gây nghiện, hạn chế về nhận thức. Ngoài ra, bạo lực giới cũng là hậu quả của thái độ chấp nhận bạo lực, coi đó là việc bình thường, hoặc thờ ơ với bạo lực.
Báo cáo của Liên hợp quốc (2014) về bạo lực giới nhấn mạnh các yếu tố thuộc vòng xoáy bạo lực giới, bao gồm: chuẩn mực và thái độ giới, việc coi thường giá trị của phụ nữ và trẻ em gái, việc bị
hạ thấp quyền trong cuộc sống riêng tư và nơi công cộng, dễ có nguy cơ bạo lực, và việc bình thường hóa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Chuẩn mực và thái độ phân biệt đối xử về giới, quan điểm trọng nam khinh nữ, tạo nên bối cảnh bất bình đẳng là nền tảng gây ra bạo lực giới. Các chuẩn mực và thái độ phân biệt đối xử cũng hạ
thấp giá trị của phụ nữ và trẻ em gái, ảnh hưởng tới sự phát triển đầy đủ, toàn diện của phụ nữ và trẻ em gái, khiến họ tiếp tục chịu thiệt thòi và tăng nguy cơ bạo lực giới. Với vị trí thấp kém hơn, họ bị hạn chế trong cơ hội tiếp cận và khả năng kiểm soát các nguồn lực, nguồn lợi ích. Định kiến giới, với quan niệm “làm hoa cho người ra hái, làm gái cho người ta trêu” cũng khiến nam giới nghĩ rằng mình có quyền gây ra bạo lực, khiến không ít người trong xã hội còn thờ ơ với bạo lực giới.
12
4. Tác hại của bạo lực giới
Bạo lực giới gây ra tác hại rất lớn, bao gồm thiệt hại vật chất (chi phí chăm sóc sức khỏe, thiệt hại về tài sản của hộ gia đình, mất thu nhập), thiệt hại tinh thần (tổn thương tâm lý, khủng hoảng tinh thần, căng thẳng tinh thần); ảnh hưởng tới cá nhân, gia đình và xã hội, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Tác hại của bạo lực giới không chỉ dừng lại đối với nạn nhân, mà còn tác động tới gia đình và toàn xã hội. Một người phụ nữ phải hứng chịu bạo lực giới có thể chịu hậu quả kéo dài trong suốt cuộc đời, và hậu quả này có thể kéo dài sang thế hệ tương lai.
Bạo lực gia đình đe dọa hạnh phúc gia đình. Khi trẻ em chứng kiến bạo lực giới, các em bị tổn thương về tâm lý. Với bạo lực gia đình, trường hợp gia đình tan vỡ, phụ nữ dễ lâm vào cảnh đói nghèo và chịu các tác động xã hội tiêu cực. Khi bị tổn thương tâm lý, phụ nữ thường mất niềm tin vào quan hệ hôn nhân mới. Nạn nhân của bạo lực giới có thể trút các bực dọc lên con cái, gây căng thẳng cho những người xung quanh. Hơn nữa, bạo lực giới có thể làm trầm trọng thêm mức độ bất bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội.
13
5. Tình hình bạo lực giới trên thế giới và ở Việt Nam
Bạo lực giới diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Không một nước nào miễn nhiễm với bạo lực giới. Theo World Bank (2018), trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người gặp bạo lực giới trong suốt cuộc đời của mình. Có tới 35% phụ nữ trên toàn thế giới đã trải qua bạo lực thân thể hoặc bạo lực tình dục. Trên toàn cầu, 7% phụ nữ bị tấn công tình dục bởi người không phải là bạn tình; 38% các vụ giết phụ nữ do chính bạn tình của họ gây nên. Có tới 200 triệu phụ nữ đã trải qua hủ tục cắt âm vật. Thực trạng trên không chỉ gây ra sự hủy hoại, tàn phá đối với những người chịu bạo lực giới, mà còn đòi hỏi chi phí kinh tế, tài chính, y tế đáng kể. Cũng theo World Bank (2018), ở một số quốc gia, bạo lực giới khiến họ phải chi trả tới 3,7% GDP - nhiều hơn gấp đôi so với khoản chi cho giáo dục của hầu hết các chính phủ.
Tại Việt Nam, bạo lực giới diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Trước đây, khi nói đến bạo lực giới chúng ta thường chỉ nhắc đến bạo lực gia đình. Tuy nhiên, còn nhiều hình thức bạo lực giới cần quan tâm khác như mua bán người, quấy rối tình dục, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ
em, mại dâm.
14
Việt Nam có nhiều nỗ lực trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực giới. Chính phủ Việt Nam đã tiên phong trong việc tìm kiếm, xây dựng chính sách, luật pháp thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực giới với phụ nữ. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1982 và ký kết nhiều hiệp ước, công ước quốc tế về quyền phụ nữ, quyền con người, quyền bình đẳng giới. Việt Nam nỗ lực thực hiện và báo cáo việc thực hiện Công ước CEDAW, Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Tuyên bố Thiên niên kỷ, cũng như tích cực triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Những cố gắng này, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) (2012) đã góp phần tạo ra một khung khổ luật pháp, chính sách để giải quyết tình trạng bạo lực giới tại Việt Nam, mặc dù Việt Nam chưa có quy định pháp lý chung về bạo lực giới.
Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011. Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đưa ra các quy định pháp lý chặt chẽ liên quan đến việc giải quyết bạo lực giới,
15
các quy định liên quan đến quấy rối tình dục, xâm hại tình dục cần được quy định rõ ràng trong các bộ luật liên quan. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm và mạnh các chế tài xử phạt để tạo nên không gian an toàn trong gia đình và ngoài xã hội, đặc biệt là không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ
em gái.
Có nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Cuốn sách này nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy sự tham gia của nam giới, coi nam giới là tác nhân quan trọng, thúc đẩy sự tham gia của cả
hai giới trong phòng, chống bạo lực giới, thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững. Vấn đề giới không phải của riêng phụ nữ, vì vậy thúc đẩy sự tham gia của cả hai giới trong phòng, chống bạo lực giới là phù hợp.
16
Phần II
BẠO LỰC GIA ĐÌNH
Trong các hình thức bạo lực giới, bạo lực gia đình là hình thức phổ biến và được biết đến nhiều nhất với cộng đồng. Bạo lực gia đình xảy ra ở mọi quốc gia, mọi nền văn hóa, mọi tôn giáo, không có ngoại lệ về giàu - nghèo hay trình độ học vấn. Bạo lực gia đình là một vấn đề xã hội nan giải, để lại nhiều hậu quả cho cá nhân, gia đình và xã hội, đặc biệt là cho phụ nữ
và trẻ em. Bạo lực gia đình còn gây mất trật tự, an toàn xã hội, phá vỡ các chuẩn mực, đạo đức xã hội.
1. Khái niệm bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Định nghĩa này được nêu tại Khoản 2, Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội nước
17
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII ban hành năm 2007.
Các hành vi bạo lực gia đình được quy định trong Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, bao gồm:
• Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng; • Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
• Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; • Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
• Cưỡng ép quan hệ tình dục;
• Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; • Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
• Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
18
• Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 cũng nêu rõ, hành vi bạo lực theo quy định trong Luật cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ
không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.
2. Các hình thức bạo lực gia đình
Bạo lực trong gia đình có thể diễn ra dưới nhiều hình thức và giữa các thành viên khác nhau trong gia đình. Trong cuộc sống, chúng ta nghe thấy nhiều vụ bạo lực gia đình như đánh đập, hành hạ, gây thương tích, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc, v.v.. Có thể xác định các hình thức bạo lực gia đình theo tính chất của hành vi bạo lực và đối tượng của hành vi bạo lực.
2.1. Xét theo tính chất của hành vi bạo lực
Xét theo tính chất của hành vi bạo lực, có 4 loại bạo lực gia đình chính: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục, bạo lực tài chính (Hình minh họa 1).
19
Hình minh họa 1: Các hình thức bạo lực gia đình cơ bản
Nguồn: Internet.
Bạo lực thể chất bao gồm các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng.
Bạo lực tinh thần bao gồm các hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay cô lập, xua đuổi, gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng, hay ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa các thành viên gia đình hoặc hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở, cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.
Bạo lực tình dục là hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục, xảy ra giữa vợ với chồng. Trên thực tế, không ít phụ nữ đã kết hôn có trải nghiệm tình dục không mong muốn với chồng, chịu cực hình trong phòng ngủ.
20
Bạo lực tài chính (hay bạo lực kinh tế) bao gồm việc chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình, hay cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ, hoặc là kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.
2.2. Xét theo đối tượng của hành vi bạo lực
Xét theo đối tượng của hành vi bạo lực, có 3 hình thức bạo lực gia đình chính: bạo lực giữa vợ và chồng; bạo lực giữa cha mẹ và con cái; bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình.
Bạo lực giữa vợ và chồng là hình thức bạo lực gia đình phổ biến nhất. Hình thức bạo lực này thể hiện nhiều hơn ở bạo lực do người chồng gây ra và chủ yếu là bạo lực về thể chất, đây là dạng bạo lực dễ nhận diện và bị lên án mạnh mẽ. Không ít nam giới vừa sử dụng vũ lực vừa chửi bới, xúc phạm danh dự gây tổn thương tâm lý cho vợ mình, hoặc có các hành vi cưỡng bức tình dục, kiểm soát kinh tế. Trên thực tế, cũng có trường hợp bạo lực ngược, do vợ gây ra cho chồng, dùng lời lẽ xúc phạm, ứng xử thô bạo với chồng, coi
21
thường chồng, thậm chí là đe dọa, tước đoạt tính mạng của người chồng.
Bạo lực giữa cha mẹ và con cái, được xem xét dưới hai hình thức: bạo lực do cha mẹ gây ra với con cái và bạo lực con cái gây ra cho cha mẹ mình. Với quan niệm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” và các quan niệm “con hư tại mẹ”, “chó gầy xấu mặt người nuôi” ở Việt Nam, không ít cha mẹ coi việc đánh đập, chửi mắng con cái khi mắc lỗi là cần thiết để chúng nhận ra sai lầm và sửa chữa; hoặc hiểu sai mục đích của việc giáo dục con cái một cách nghiêm khắc, coi việc mạt sát, trách móc là động lực để con cái phấn đấu. Tuy nhiên, đây chính là hình thức bạo lực, gây tổn thương cho trẻ, vi phạm quyền, nhân phẩm của trẻ.
Ngoài ra, cũng có trường hợp bạo lực con cái gây ra với cha mẹ mình. Đây là hiện tượng con cái bất hiếu với cha mẹ, gây vết thương tinh thần, thể chất cho đấng sinh thành. Bạo lực gia đình do con cái gây ra cho cha mẹ là không thể biện hộ, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức xã hội, là hành vi đáng lên án nhất.
Bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình như giữa mẹ chồng với con dâu, anh chị em, chú cháu... mâu thuẫn, đánh chửi nhau, tranh chấp tài sản. Dạng bạo lực này đã tồn tại từ lâu nhưng chiếm tỷ lệ thấp hơn do mức độ phụ thuộc
22
giữa các thành viên gia đình này không cao như giữa vợ với chồng hay giữa cha mẹ với con cái. Đặc biệt là trong xã hội hiện đại, các gia đình lớn có xu hướng tách thành các gia đình hạt nhân, các thành viên gia đình này cũng ít sống cùng nhau hơn, nên tần suất va chạm cũng hạn chế hơn.
3. Nguyên nhân của bạo lực gia đình
Có nhiều nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình. Cuốn sách này tập trung vào một số nguyên nhân chính sau đây:
3.1. Bất bình đẳng giới
Trong xã hội hiện nay vẫn còn bất bình đẳng giới, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn tồn tại ở
nhiều địa phương.
Có thể nói, bất bình đẳng giới là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình chính là một biểu hiện của bất bình đẳng giới, là sản phẩm của chế độ gia trưởng. Bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực của người chồng với người vợ xảy ra do chính sự chênh lệch trong mối quan hệ quyền lực giữa nam giới và phụ nữ trong gia đình. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình còn thấp so với nam giới, vì vậy nhiều phụ nữ phụ thuộc chồng,
23
hạn chế trong quyền tự quyết, tự định đoạt các vấn đề của gia đình và của chính bản thân mình. Bên cạnh đó, với quan niệm “dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, thêm vào đó là tư tưởng phong kiến, gia trưởng; quan điểm “chồng chúa, vợ tôi” khiến không ít nam giới tự cho mình quyền được dạy vợ, quyền được định đoạt mọi việc trong gia đình. Nhận thức giới hạn chế cũng làm gia tăng nguy cơ bạo lực gia đình. Đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ phụ nữ và nam giới không cảm nhận được sự bất bình đẳng trong gia đình cũng như sự cần thiết phải thay đổi.
3.2. Nhận thức và thói quen cam chịu của người vợ
Không ít phụ nữ chưa nhận thức rõ quyền của mình trong gia đình, nghĩa vụ đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm quyền con người, nhân phẩm con người. Có thể nói, sự nhìn nhận, đấu tranh của phụ nữ trước bạo lực gia đình còn hạn chế. Nhiều phụ nữ cam chịu, bởi cho rằng “một điều nhịn bằng chín điều lành”, “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, hay “xấu chàng hổ ai”, “vạch áo cho người xem lưng”, sợ bạn bè, hàng xóm chê cười, ảnh hưởng tới danh dự của gia đình, của bản thân hoặc ảnh hưởng tới con cái. Chính tư tưởng cam
24
chịu, né tránh này khiến nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng xảy ra mà người vợ chính là nạn nhân. Trong các trường hợp khác, sự cam chịu khiến mâu thuẫn gia đình càng trầm trọng, gây ra những hậu quả khó lường.
3.3. Nguyên nhân từ phía luật pháp, chính sách
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình và ban hành nhiều văn bản pháp luật trực tiếp và gián tiếp về vấn đề này như Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (nay là Luật Trẻ em), Bộ luật Dân sự, đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Những văn bản pháp luật này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội đối với lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình, tuy nhiên bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội hiện nay.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực từ ngày 01/7/2008, nhưng việc thực hiện còn khó khăn, chưa đồng đều ở các địa phương trong cả nước, việc tuyên truyền, giáo dục còn hạn chế. Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định cụ
thể về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về
25
phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, luật chưa thực sự đi vào thực tế cuộc sống. Mức phạt đối với các hành vi bạo lực còn thấp, chưa ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm. Ý thức chấp hành luật pháp cũng như việc giám sát thực hiện luật pháp còn hạn chế khiến việc phòng, chống bạo lực gia đình chưa có chuyển biến tích cực.
3.4. Hệ lụy của các tệ nạn xã hội khác
Không ít trường hợp gây bạo lực gia đình do rượu, ma túy, cờ bạc. Các chất kích thích như rượu, ma túy làm tăng nguy cơ gây bạo lực gia đình. Khi sử dụng các chất kích thích, nam giới có nguy cơ giải quyết những khó khăn bằng hành vi bạo lực, lấy cớ say rượu, thua bạc để đánh đập, hành hạ vợ con, bắt vợ phải đưa tiền để phục vụ thú vui cờ bạc, rượu chè... của mình.
Bạo lực gia đình cũng khiến phụ nữ, trẻ em có nguy cơ gánh chịu các dạng bạo lực khác. Phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, phải ra khỏi nhà dễ bị rơi vào cạm bẫy mua bán người, các ổ mại dâm, dễ trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục, xâm hại tình dục hay bóc lột sức lao động.
4. Hậu quả của bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, 26
xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của các thành viên trong gia đình. Bạo lực gia đình dù ở bất kỳ hình thức nào cũng để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe về thể chất, tinh thần không chỉ của nạn nhân mà còn đến thành viên khác trong gia đình, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của gia đình và xã hội.
Bạo lực gia đình có tác động lâu dài và ảnh hưởng nặng nề tới nạn nhân, thường là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ và trẻ em sống trong môi trường có bạo lực gia đình thường chịu cảnh sống ngột ngạt. Phụ nữ bị bạo lực gia đình sẽ không có điều kiện nuôi dạy con tốt. Trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình hay chứng kiến cảnh bạo lực, có thể xa lánh cha mẹ, chậm phát triển hoặc có vấn đề về tiếp xúc, gặp các vấn đề về tâm lý.
4.1. Tác động tới sức khỏe và tinh thần
Bạo lực gia đình gây ra các hậu quả nghiêm trọng về thể xác và tinh thần đối với phụ nữ và các thành viên khác trong gia đình. Đặc biệt, những hậu quả này kéo dài suốt cuộc đời nạn nhân và có thể ảnh hưởng tới thế hệ tương lai.
Bạo lực gia đình tạo ra thương tật, suy giảm sức khỏe, thậm chí còn gây tử vong. Trẻ em bị bạo lực gia đình dễ bị còi cọc, chậm lớn, nguy hiểm tới tính mạng. Đặc biệt, các em dễ thay đổi tính nết
27
với hai xu hướng phát triển. Một là, các em dễ trở nên cáu gắt, thậm chí hung bạo, ngang bướng và lì lợm. Hai là, các em dễ thu mình lại, trở nên lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người, ít tiếp xúc và luôn có cảm giác sợ sệt, nhút nhát, tự ti về bản thân. Trẻ em phải chứng kiến bạo lực gia đình, hay bị bạo lực gia đình có nguy cơ tiếp tục gây bạo lực hoặc bị bạo lực khi lớn lên.
Phụ nữ chịu bạo lực gia đình thường gặp các tổn thương về thể xác, với các bệnh tâm lý, rối loạn ăn uống, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa và các vấn đề sức khỏe tâm thần như rối loạn căng thẳng sau sang chấn (Posttraumatic Stress Disorder - PTSD). Ảnh hưởng của bạo lực gia đình khiến nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng trong hoạt động hằng ngày, luôn có cảm giác xấu hổ, cảm thấy bất an, mất niềm tin vào cuộc sống hôn nhân, tự cô lập mình khỏi cộng đồng.
4.2. Ảnh hưởng tới lực lượng lao động và hiệu quả kinh tế
Bạo lực gia đình gây tổn thương về thể xác và tinh thần, vì vậy làm suy giảm chất lượng lực lượng lao động, ảnh hưởng tới sức khỏe của thế hệ tương lai. Nạn nhân bạo lực gia đình có thể bị gián đoạn công việc do phải điều trị thương tật, không tập trung được vào công việc, giảm năng
28
suất lao động, không thể làm việc do thương tích, hoặc mất tự tin vì những hậu quả của bạo lực gia đình, xấu hổ với những người xung quanh.
Chi phí điều trị cho các nạn nhân bạo lực gia đình hàng năm là không nhỏ, tạo gánh nặng về y tế, ảnh hưởng tới kinh tế của nhà nước, cộng đồng, gia đình và cá nhân. Nạn nhân bạo lực gia đình phải thăm khám, điều trị, ảnh hưởng tới thời gian, công việc, ảnh hưởng tới vị trí, vai trò của nạn nhân trong gia đình và ngoài xã hội, đặc biệt là đối với phụ nữ.
4.3. Tạo gánh nặng cho hệ thống giáo dục
Bạo lực gia đình tạo gánh nặng cho hệ thống giáo dục. Bạo lực gia đình giữa vợ và chồng gây ra cho con cái họ - những nạn nhân trực tiếp - những rối loạn tâm lý và sa sút trong học tập. Bạo lực gia đình còn ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhân cách, tâm sinh lý của trẻ.
Xét từ góc độ khác, giáo dục nâng cao nhận thức về bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng là cần thiết để mỗi người trong xã hội có trách nhiệm bảo vệ chính mình và những thành viên trong gia đình mình.
4.4. Tạo gánh nặng cho hệ thống pháp lý Bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật,
29
chi phí để điều tra, xét xử, truy tố tội phạm là không nhỏ. Các vụ án làm tốn không ít thời gian, nguồn lực của nhà nước, của xã hội. Việc giáo dục, giam giữ các đối tượng gây ra bạo lực gia đình cũng là gánh nặng cho các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, nạn nhân bạo lực gia đình cũng có thể trở
thành nạn nhân của các loại tội phạm khác như mua bán người, ma túy, v.v. bởi họ rơi vào thế dễ bị tổn thương. Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc (2010) cũng nhấn mạnh rằng, bạo lực gia đình có mối liên hệ với các hình thức bạo lực khác như cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, bạo hành và bỏ rơi trẻ em, nạo phá thai lựa chọn giới tính.
5. Bạo lực gia đình trên thế giới và ở Việt Nam
Bạo lực gia đình xuất hiện ở mọi nền văn hóa, mọi quốc gia, mọi độ tuổi, giới tính, sắc tộc, màu da. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2013), có tới 35% phụ nữ toàn cầu hứng chịu bạo lực gia đình. Có 30% phụ nữ trên thế giới chịu bạo lực thể chất, bạo lực tình dục từ người bạn đời của mình. Ở một số khu vực, con số này lên tới 38%. Cũng theo WHO (2013), Đông Nam Á là nơi có tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành cao nhất (37,7%). Tỷ lệ này ở các vùng Đông Địa Trung Hải là 37%, châu Phi 29,8%, châu Mỹ, châu Âu là 25,4% và Tây Thái Bình Dương là 24,6%.
30
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Liên hợp quốc (trích dẫn trong Liên hợp quốc, 2014), có tới 58% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục hay bạo lực tinh thần. Tổng chi phí thiệt hại đối với cá nhân do bạo lực gia đình gây ra chiếm 1,41% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bên cạnh đó, phụ nữ từng bị bạo lực gia đình có thu nhập thấp hơn 35% so với phụ nữ không bị bạo lực gia đình. Cũng theo nghiên cứu trên, phụ nữ có nguy cơ bị bạo lực gia đình do chồng gây ra cao gấp ba lần so với nguy cơ do các đối tượng khác gây ra, kể từ khi họ 15 tuổi.
Bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động và trái ngược với truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức, trong đó phụ nữ vẫn là nạn nhân chính của bạo lực gia đình.
6. Giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình
Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã quy định nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình gồm: “Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục,
31
tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”. Cuốn sách này đưa ra các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm giải quyết các nguyên nhân của bạo lực gia đình được nêu ở trên.
6.1. Nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình
Nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình là nguyên tắc chủ đạo. Trên thực tế, quan hệ gia đình mang tính chất khép kín. Với quan niệm “vợ chồng đóng cửa bảo nhau”, “xấu chàng hổ ai”, bạo lực gia đình thường xảy ra trong gia đình, vì vậy việc nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực gia đình là rất quan trọng.
Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng không chỉ là tuyên truyền về nguyên nhân, về tác hại của bạo lực gia đình, các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình; mà quan trọng hơn, cần tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các thành viên gia đình trong việc tạo ra môi trường gia đình hòa thuận, thương yêu, hỗ trợ và gắn kết với nhau. Người dân cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ, kiềm chế hành vi bạo lực, trách nhiệm tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và có ứng xử phù hợp. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, tuyên truyền chính sách,
32
pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội tới cộng đồng.
Bạo lực gia đình là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới, có nguyên nhân từ bất bình đẳng giới, từ thói quen cam chịu, nhẫn nhịn của người vợ. Vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức giới, xóa bỏ định kiến giới, bất bình đẳng giới trong cộng đồng là cần thiết. Cần nâng cao nhận thức của người dân về quyền phụ nữ, quyền con người, quyền bình đẳng giới. Phụ nữ
cần hiểu được quyền của mình, có ý thức tự bảo vệ, có trách nhiệm vươn lên, cố gắng để nâng cao được địa vị, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Ngoài ra, đưa các nội dung về
giới, về phòng, chống bạo lực giới, trong đó có bạo lực gia đình vào giáo dục phổ thông để nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân của mọi người trong xã hội.
6.2. Phòng, chống bạo lực gia đình thúc đẩy sự tham gia của nam giới
Không chỉ với bạo lực gia đình, mà với các hình thức bạo lực giới khác, cần phải sử dụng phương pháp tiếp cận thúc đẩy sự tham gia của nam giới, coi nam giới là nhân tố đóng góp quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Việc thúc đẩy sự
33
tham gia của nam giới nhằm hai mục đích: Thứ nhất, tăng cường tiếng nói của cả hai giới trong thúc đẩy bình đẳng giới. Thứ hai, thúc đẩy cam kết của nam giới trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có bạo lực gia đình.
Phòng, chống bạo lực giới nói chung và phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng thúc đẩy sự tham gia của nam giới là phương pháp tích cực, tranh thủ sự ủng hộ của nam giới, đưa nam giới trở thành chủ thể phòng, chống bạo lực, tham gia các hoạt động phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình.
Phòng, chống bạo lực gia đình thúc đẩy sự tham gia của nam giới, một mặt, góp phần làm thay đổi các định kiến giới, khuôn mẫu giới tạo nên các bất bình đẳng giới trong xã hội, mặt khác, làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội. Thay vì coi nam giới là thủ phạm gây ra bạo lực giới, bạo lực gia đình, hãy coi nam giới là chủ thể tích cực, thúc đẩy trách nhiệm của nam giới trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình thúc đẩy sự tham gia của nam giới là phương pháp tiếp cận có nhạy cảm giới, tạo ra sự thay đổi từ nhận thức cho tới hành vi của đối tượng tham gia phòng, chống bạo lực. Vì vậy, với các hình thức bạo lực khác, đây cũng là một giải pháp cần lưu tâm.
34
6.3. Nâng cao hiệu quả pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình
Việt Nam có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng các quy định chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa làm thay đổi cơ bản tình hình bạo lực gia đình trong thời gian qua. Cần nâng cao hiệu quả pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình và cần nghiêm trị hành vi bạo lực gia đình.
Quy định nộp phạt trong phòng, chống bạo lực gia đình là chế tài cần thiết. Tuy nhiên, mức phạt nhìn chung còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với những hành vi như xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình. Với những người gây ra bạo lực có kinh tế, thì mức phạt thấp không có hiệu quả. Trường hợp khác, với người không có điều kiện kinh tế, áp lực nộp phạt tạo ra những hành vi bạo lực nặng nề hơn, hoặc người phụ nữ lại phải lo việc nộp phạt, làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình.
Từ những bất cập trên, có thể đưa ra chế tài xử phạt lao động công ích trong xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình. Biện pháp này có thể mang tính khả thi cao hơn vì nó
35
có ý nghĩa giáo dục tích cực với người có hành vi bạo lực, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền lợi của nạn nhân. Hơn nữa, biện pháp này còn mang tính giáo dục tích cực đối với những cá nhân khác: họ không muốn hình thức xử phạt công khai, có nhiều người biết tới như vậy, nên sẽ cố gắng tránh bằng cách không thực hiện hành vi vi phạm.
Hiệu quả của pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình cũng phụ thuộc nhiều tới việc thực thi pháp luật. Vì vậy, cần thúc đẩy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cần có quy định chặt chẽ ràng buộc trách nhiệm của các cơ
quan này. Ngoài ra, cần giám sát, đánh giá chặt chẽ việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm việc này được tiến hành thường xuyên và có hiệu quả bởi các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện.
Câu chuyện bạo lực gia đình từ cộng đồng: Chuyện của M.A.*
Mỗi lần dấy lên vụ con trẻ bị đánh đập, hành hạ bởi chính người sinh ra mình là mỗi lần tôi không thể không bàng hoàng, đau xót. Đó không chỉ là nỗi đau thể xác mà còn là nỗi đau tinh thần và trở thành vết thương lớn của những đứa trẻ thơ ngây ám ảnh đến tận khi đã trưởng thành.
36
Và đó cũng là tâm trạng của tôi, một cô gái 22 tuổi, đến giờ khi nhắc đến vấn đề này tôi vẫn thấy hoang mang, lo sợ.
Hiện tại tôi là một sinh viên ngành công tác xã hội, tôi sinh ra trong một gia đình với nhiều mảnh vỡ. Bố mẹ chia tay, tôi sống với một người cha bạo lực cả thể xác lẫn tinh thần, chịu những trận đòn roi, chửi mắng suốt thời thơ ấu. Tôi bị cha bạo hành từ năm lớp 7. Ông thường dùng đòn roi và lời nói bạo hành tôi. Cuộc sống mà tôi phải chịu đựng như địa ngục trần gian, mỗi khi gặp những chuyện không vui ông đều trút giận lên tôi.
Có những thời điểm tôi phải tới Viện Tâm thần để mong thoát khỏi căn bệnh trầm cảm. Đỉnh điểm là tôi đã tìm đến cái chết với hy vọng giải thoát cho những tháng ngày cùng cực, nhưng tôi đã được cứu sống kịp thời. Tôi đã dũng cảm thoát khỏi người cha bạo lực đó, tự ra ngoài bươn chải kiếm sống để tiếp tục thi đại học. Giờ đây, khi cuộc sống của tôi dần ổn định, học hành và công việc đã khiến tinh thần tôi tốt hơn trước rất nhiều nhưng nỗi đau ấy chưa ngày nào nguôi ngoai. Đánh đập hay hành hạ chỉ gây ra những vết thương và rồi sẽ lành, nhưng tổn thương tinh thần sẽ theo suốt cuộc đời, tạo nên nỗi đau lớn dần theo thời gian. Từ lâu tôi chưa bao giờ muốn sau này sẽ lập gia đình, tôi sợ chính mình sẽ đi
37
lại vết xe đổ tôi đã từng trải qua, tôi không muốn những đứa trẻ là con tôi bị ảnh hưởng, bị ám ảnh, giống như tôi.
Nếu như có một lời, tôi muốn chia sẻ rằng: giông bão có thể đến với bất kỳ ai và chúng ta nên đối mặt để vượt qua nó. Khi tôi biết đến truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, tôi luôn muốn khuyên nạn nhân gặp bạo lực bằng mọi cách thoát ra khỏi hoàn cảnh đó, tính mạng mình mới là quan trọng, phải yêu bản thân mình trước đã còn những công việc như học hành, ổn định cuộc sống là bước tiếp theo.
Bạo lực gia đình đang là vấn đề nan giải của xã hội cần sự chung tay của tất cả chúng ta. Hãy để gia đình là nơi để quay về sau mỗi áp lực, là chỗ dựa tinh thần để ta bước tiếp trong cuộc sống.
* Ghi theo lời kể của M.A., sinh năm 1997, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội.
38
Phần III
XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt, cần được bảo đảm an toàn. Xâm hại tình dục trẻ em cũng là một hình thức bạo lực giới đối với trẻ em. Tất cả trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục. Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng xã hội. Trẻ em gái và trẻ em trai, ở mọi độ tuổi, có thể trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục có thể xảy ra với chính con em mình. Vì vậy, mỗi người cần trang bị đầy đủ kiến thức về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và chung tay đẩy lùi xâm hại tình dục trẻ em.
1. Khái niệm xâm hại tình dục trẻ em
Xâm hại trẻ em là mọi hành động có chủ ý, làm tổn thương hoặc gây nguy hại cho trẻ. Có 4 hình thức xâm hại trẻ em chủ yếu: xao nhãng (tức
39
không quan tâm, bỏ bê con cái), xâm hại thể chất, xâm hại tinh thần, xâm hại tình dục.
Theo Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Vì vậy, xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục.
Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm các hành vi xâm hại có tiếp xúc (động chạm) và hành vi xâm hại không tiếp xúc (không động chạm). Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách đụng chạm bộc lộ qua một số hành vi như hôn hít hoặc ôm trẻ theo kiểu tình dục, sờ mó vào bộ phận sinh dục của trẻ, hoặc bắt trẻ sờ mó vào bộ phận sinh dục của người lớn hoặc của một đứa trẻ khác, ép trẻ thực hiện hành vi mại dâm. Xâm hại tình dục trẻ em bằng cách không đụng chạm là những hành vi như dùng lời nói hoặc tranh ảnh khiêu dâm để làm cho trẻ sốc, làm cho trẻ hưng phấn tình dục hoặc làm cho trẻ quen với tình dục, cho trẻ nghe hoặc nhìn những cảnh tình dục, bắt trẻ đứng, ngồi theo tư thế gợi dục để chụp ảnh (khiêu dâm), hoặc cho trẻ xem sách báo khiêu dâm.
Trẻ em có thể bị xâm hại tình dục với những hình thức khác nhau, phổ biến là các hành vi sau đây:
• Cho xem phim, hình ảnh khiêu dâm; 40
• Quan hệ tình dục với trẻ;
• Động chạm vào các bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ;
• Chụp ảnh trẻ không mặc quần áo vì những mục đích khác nhau;
• Sờ mó trẻ hoặc ép buộc trẻ sờ mó các bộ phận trên cơ thể nhằm thỏa mãn tình dục;
• Nhìn trộm hoặc ép buộc trẻ phô bày cơ thể hoặc bộ phận sinh dục trước người khác. Trên thế giới, hằng ngày có hàng triệu trẻ em bị xâm hại tình dục. Ước tính, trên thế giới, cứ 4 trẻ em gái thì có 1 trẻ bị xâm hại tình dục. Trẻ em trai cũng không an toàn khi cứ 6 trẻ em trai thì có 1 trẻ bị xâm hại tình dục. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố tại Hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội năm 2016, mỗi năm ở Việt Nam có đến hơn 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Cứ 8 giờ trôi qua lại có 1 trẻ em bị xâm hại tình dục. Tức là trung bình mỗi ngày có 3 trẻ bị xâm hại tình dục được báo cáo. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nhiều bởi nhiều trường hợp người lớn không biết hoặc trẻ em không dám tiết lộ vì bị đe dọa hay vì lo sợ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ em bị lạm dụng mà không hay biết.
41
2. Hậu quả của xâm hại tình dục trẻ em
Xâm hại tình dục trẻ em để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và cộng đồng. Trẻ em đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về thể chất và tâm sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị xâm hại tình dục sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội. Nạn nhân không chỉ bị tổn thương về thể chất mà còn luôn sống trong sự sợ hãi và ám ảnh, đặc biệt là các em gái nhỏ tuổi rất khó hòa nhập vào cộng đồng.
Tổn thương về tinh thần. Trẻ bị xâm hại tình dục dễ bị tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hoà nhập với xã hội và đặc biệt là tổn thương về sức khoẻ thể chất. Trẻ bị xâm hại tình dục thường cảm thấy tội lỗi, sợ hãi, xấu xa, trở nên cục cằn. Đặc biệt, trẻ bị xâm hại tình dục, nếu không được điều trị tâm lý sẽ dễ bị ám ảnh và khi lớn lên có thể sẽ trở thành người xâm hại tình dục trẻ em khác, hoặc xem xâm hại tình dục là việc bình thường. Trẻ bị xâm hại tình dục có thể mơ hồ về giới tính của mình, thậm chí bị trầm cảm, rối loạn nhân cách. Sang chấn tâm lý có khi nhiều năm mới thể hiện ra. Nhiều trẻ sau khi bị
42
xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại, v.v..). Nghiêm trọng hơn, sau khi bị xâm hại tình dục không ít em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy bế tắc. Nhiều trường hợp, do bị đe dọa, do xấu hổ, các em không dám chia sẻ câu chuyện với cha mẹ, người thân, khiến gánh nặng tâm lý càng nghiêm trọng.
Tổn hại về thể chất. Việc bị xâm hại tình dục khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện có thể gây những tổn thương nặng nề bộ phận sinh dục: bị nhiễm trùng đường tiết niệu, chảy máu kéo dài ở bộ phận sinh dục hoặc các tổn thương thể chất khác như đau bụng, đau đầu, mất ngủ... Trẻ bị xâm hại tình dục thô bạo, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ có thể bị nhiễm các bệnh xã hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan, lậu, giang mai, nhiễm HIV/AIDS và những bệnh lây qua đường tình dục khác. Ngoài ra, trẻ còn có thể chịu những tổn thương thể chất trong quá trình phản kháng lại hành vi xâm hại tình dục.
Xâm hại tình dục trẻ em gái có thể khiến các em mang thai ngoài ý muốn, gây nguy hiểm cho
43
các em và thai nhi, khi cơ thể chưa phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe hoặc dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình sau này. Trẻ có thể mất tương lai khi xấu hổ không dám tới trường sau khi bị xâm hại, đặc biệt là khi nhiều người biết chuyện.
Với gia đình, xâm hại tình dục trẻ em ảnh hưởng tới danh tiếng của gia đình, khiến các thành viên gia đình cảm thấy xấu hổ, lo lắng bị trả thù khi tố giác tội phạm. Xâm hại tình dục trẻ em tạo gánh nặng tài chính và tốn thời gian đối với gia đình khi phải chữa trị vết thương thể chất, tâm lý cho trẻ, hoặc tìm công lý cho trẻ.
Xâm hại tình dục trẻ em gây lo lắng, sợ hãi, tâm lý bất an trong cộng đồng. Tội phạm này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế khi cha mẹ, những người thân trong gia đình lo lắng, không tập trung được vào công việc. Đặc biệt, xâm hại tình dục trẻ em làm hủy hoại văn hóa và truyền thống, làm gia tăng các vấn đề xã hội.
3. Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em
Bất kỳ ai cũng có thể là kẻ ấu dâm. Trong nhiều trường hợp, người xâm hại tình dục là những người ít ai ngờ đến như chính người thân trong gia đình, thậm chí là cha, anh trai, hiệu trưởng, thầy giáo, v.v.. Trên thực tế, không loại
44
trừ trường hợp người xâm hại là nữ giới, tuy nhiên tỷ lệ nam giới là người xâm hại cao hơn. Xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra ngay tại gia đình, trong trường học, ngoài xã hội. Không chỉ ở ngoài không gian công cộng mà ở những nơi không gian khép kín như nhà vệ sinh, trong thang máy... trẻ em cũng có thể bị xâm hại.
Yêu râu xanh, “kẻ xấu” không phải là kẻ có ngoại hình xấu, thậm chí rất đẹp đẽ và bảnh bao, thân thiện. Điều này cần nhắc để trẻ lưu tâm.
Thủ phạm thường dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để xâm hại tình dục trẻ em, như tìm mọi cách tạo dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân và gia đình để tiến tới hành vi xâm hại tình dục. Quá trình dụ dỗ nạn nhân thường diễn ra với các thủ đoạn như: đưa trẻ đi chơi; cho trẻ làm những điều trẻ thích; tặng quà cho trẻ; cho tiền trẻ hoặc gia đình; mời trẻ ăn uống. Kẻ xâm hại cũng có thể đi theo lộ trình: xác định đối tượng (dành thời gian tiếp xúc, làm quen), xây dựng niềm tin với trẻ (quan tâm, chăm sóc, đưa trẻ đi chơi), tạo bí mật (xây dựng bí mật riêng với trẻ, yêu cầu trẻ giữ bí mật), hành động leo thang (nói về tình dục, cho xem hình ảnh đồi trụy), thực hiện xâm hại (thực hiện hành vi). Tuy nhiên, trong không ít trường hợp, kẻ xấu thực hiện ngay hành vi xâm hại mà không theo lộ trình trên.
45
4. Một số quy tắc phòng, chống xâm hại tình dục cơ bản cho trẻ em
Các quy tắc sau có thể giúp trẻ em chủ động phòng, chống xâm hại tình dục trong cuộc sống.
4.1. Quy tắc đồ lót (PANTS)
Quy tắc đồ lót là quy tắc cơ bản trẻ em cần nắm được để chủ động bảo vệ mình khỏi xâm hại tình dục. Nguyên tắc được cụ thể hóa với 5 chữ cái tiếng Anh: P (Private) - Sự riêng tư; A (Always) - Luôn luôn; N (No) - Không; T (Talk) - Nói, chia sẻ; S (Speak up) - Lên tiếng.
P- Privates are private (Riêng tư là riêng tư)
Chúng ta cần căn dặn trẻ rằng, vùng kín (vùng đồ bơi) của bé là chỗ riêng tư, che phủ bộ phận sinh dục. Vùng kín che chắn khi mặc đồ bơi được xem là khu vực bí mật, không ai được nhìn, nói đến, chạm, sờ hoặc làm đau, trừ bác sĩ, y tá hay cha mẹ. Cha mẹ có thể làm vệ sinh cho con. Bác sĩ, y tá cần phải mặc đồng phục và đang trong giờ khám chữa bệnh. Họ phải giải thích cho con lý do họ phải chạm vào vùng kín của con và cần có sự đồng ý của con, của cha mẹ đi cùng. Nếu ai làm trẻ khó chịu, sợ hãi, trẻ cần
46
nói “không”, biết phản kháng để chấm dứt hành động ấy.
A - Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con)
Chúng ta cần nói cho trẻ biết rằng cơ thể của trẻ thuộc về chính bản thân trẻ, không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể của trẻ, khiến trẻ khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói “không” hoặc hét to, gây sự chú ý với người xung quanh.
N - No means no (Không là không)
Chúng ta giúp trẻ nhận thức được rằng, trẻ có quyền nói “không” với những động chạm mà trẻ không thích từ bất kỳ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.
T - Talk (Nói về những điều bí mật khiến con buồn)
Cha mẹ hãy thủ thỉ tâm sự với trẻ để trẻ hiểu bí mật nào là “tốt” hoặc “xấu”, phân biệt được bí mật “tốt” và “xấu”. Kẻ ấu dâm thường hay sử dụng câu nói “đây là bí mật của riêng hai chú cháu mình” thường khiến trẻ cảm thấy lo lắng và không dám kể cho ai, kể cả cha mẹ. Kẻ ấu dâm cũng thường tạo ra cho trẻ những bí mật
47
“tốt” như món quà trẻ thích, bánh kẹo, đồ chơi. Những bí mật “xấu” là cái khiến trẻ cảm thấy buồn bã, lo lắng, sợ hãi. Trẻ cần nói ra các bí mật, đặc biệt là các bí mật “xấu”.
S - Speak up (Lên tiếng)
Động viên trẻ lên tiếng, chia sẻ khi trẻ thấy buồn bã, sợ hãi, lo lắng. Trẻ có thể chia sẻ với cha mẹ hoặc cô giáo, chị gái, người trẻ thấy tin tưởng.
Song song với Nguyên tắc đồ lót, có 5 dấu hiệu báo động đi kèm, giúp trẻ và người xung quanh nhận thức được mức độ xâm hại và cần tránh. Bao gồm: báo động nhìn, báo động nghe, báo động chạm, báo động một mình, và báo động ôm. Trẻ
cần lưu ý rằng: không ai có quyền nhìn, nói hay chạm vào vùng kín của các em. Vì vậy, trẻ cần phản ứng hoặc thu hút sự chú ý của người xung quanh về phản ứng của mình với những hành vi báo động.
Báo động NHÌN: Khi có ai đó nhìn vào vùng đồ bơi hoặc yêu cầu trẻ nhìn vào vùng đồ bơi của họ.
Báo động NGHE: Khi có ai đó nói, bình phẩm, bàn luận về vùng đồ bơi của họ hoặc của trẻ. Báo động CHẠM: Khi có ai đó sờ vào vùng đồ bơi của trẻ hoặc yêu cầu trẻ, ép trẻ sờ vào vùng đồ bơi của họ.
48
Báo động MỘT MÌNH: Khi trẻ ở một mình với người lạ. Tuyệt đối không bao giờ ở một mình với người lạ. Không bao giờ nhận đồ từ người lạ, đặc biệt là khi chỉ có một mình.
Báo động ÔM: Khi có ai đó ôm hôn, ôm chặt trẻ. 4.2. Quy tắc 4 vòng tròn
Hình minh họa 2: Quy tắc 4 vòng tròn
Nguồn: Internet.
Quy tắc 4 vòng tròn thể hiện các mức độ hành vi và mức quan hệ nào được làm với trẻ và những hành vi nào không nên làm. Với quy tắc 4 vòng tròn, trẻ giữ được khoảng cách và có cách ứng xử
phù hợp, lịch sự.
49
Vòng tròn chính giữa là khu vực cha mẹ. Cha mẹ là người sinh ra, chăm sóc, dạy dỗ trẻ, nên được phép động vào một số bộ phận trên cơ thể của trẻ.
Vòng tròn tiếp theo là khu vực người nhà. Đó là ông bà, anh chị em. Những người này chỉ được cầm tay trẻ, hạn chế tối đa động vào khu vực khác trên cơ thể của trẻ.
Vòng tròn tiếp theo nữa là họ hàng và người thân quen (hàng xóm, bạn bố mẹ...). Trẻ chỉ nên bắt tay nếu họ yêu cầu. Tuyệt đối không cho họ động chạm vào các phần khác trên cơ thể.
Vòng tròn ngoài cùng là khu vực người lạ. Tuyệt đối xua tay nếu họ đến quá gần hoặc cố tình động chạm vào cơ thể trẻ. Nếu cần thì trẻ chạy trốn hoặc kêu cứu để được giúp đỡ.
4.3. Quy tắc 5 ngón tay
Quy tắc 5 ngón tay giúp trẻ xác định được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, từ đó có cách giao tiếp phù hợp, tránh nguy cơ bị lạm dụng, mua chuộc hay xâm hại tình dục.
Ngón cái: Ngón gần trẻ nhất. Tượng trưng cho những người thân thiết ruột thịt trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột. Bé có thể ôm hôn những người này hoặc đồng ý để các thành viên trong gia đình ôm hôn, thể hiện tình yêu
50
thương, chăm sóc bé khi còn nhỏ. Khi lớn lên, trẻ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín1. Ngón trỏ: Tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường, họ hàng. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa với trẻ. Nếu chạm vào vùng đồ bơi, trẻ sẽ hét to và gọi cha mẹ. Ngón giữa: Người quen biết nhưng ít gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ. Những người này trẻ chỉ cần chào hỏi, cười, bắt tay xã giao. Ngón áp út: Người quen của gia đình mà bé gặp lần đầu. Với những người này trẻ chỉ cần chào hỏi. Ngón út: Ngón tay xa trẻ nhất. Thể hiện những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật khiến trẻ thấy lo sợ, bất an. Với những người này, trẻ có thể bỏ chạy, hét to để báo cho người xung quanh biết.
5. Giải pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em
5.1. Dạy con bảo vệ mình trước nạn ấu dâm Cha mẹ cần lưu tâm trang bị cho trẻ các kiến _______________
1. Có thể thấy, giữa Quy tắc 4 vòng tròn, hoặc Quy tắc 5 ngón tay có sự bất cập. Với Quy tắc 4 vòng tròn, ông bà, anh chị em ruột chỉ được khoác tay nhưng với Quy tắc 5 ngón tay, ông bà, anh chị em ruột lại được ôm hôn. Theo quan điểm của tác giả, quy định trong Quy tắc 5 ngón tay là phù hợp với văn hóa của Việt Nam.
51
thức về cơ thể của mình, về nguy cơ xâm hại tình dục. Căn dặn con tuyệt đối không để ai sờ soạng vào vùng nhạy cảm, cơ quan sinh dục, ngực, miệng. Không nhận quà từ người lạ mặt. Kể cho cha mẹ, người con tin cậy nghe về hành vi thân mật từ bất cứ ai làm con sợ. Hạn chế các hành vi ôm hôn. Kể cho cha mẹ khi có người cố ý ôm hôn, sờ soạng. La hét, bỏ chạy khi có bất kỳ người nào cố tình ôm hôn, sờ soạng vào vùng nhạy cảm. Cha mẹ hãy lắng nghe con nói và tin tưởng con. Không trách phạt con nếu con nhỡ phạm sai lầm.
Để giảm thiểu nguy cơ xâm hại tình dục cho trẻ, cha mẹ và người thân cần:
• Luôn quan tâm, chăm sóc trẻ.
• Để ý các biểu hiện lạ của trẻ, của người khác đối với trẻ để có thể ngăn ngừa các ý tưởng, hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ.
• Dạy trẻ không đụng chạm vào vùng đồ lót của người khác dù bên ngoài hay bên trong. Nếu bất cứ ai chạm vào trẻ dù bên ngoài hay bên trong vùng đồ lót thì trẻ có quyền nói người đó dừng lại. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì trẻ hét lên và bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.
• Nhắc trẻ không được để lộ vùng đồ lót ở nơi công cộng, không để “lộ hàng”. Nếu kẻ xấu “khoe hàng”, ép nhìn bộ phận sinh dục của họ thì từ chối và rời đi ngay.
52
• Cha mẹ không tắm rửa quá kỹ vùng đồ lót của trẻ. Không vuốt ve, mân mê bộ phận sinh dục của trẻ.
• Gọi đúng tên bộ phận sinh dục của trẻ: âm vật với bộ phận sinh dục của trẻ em gái, dương vật với bộ phận sinh dục của trẻ em trai. Tránh gọi tên bộ phận sinh dục bằng những từ khác, bằng tiếng lóng. Sử dụng đúng thuật ngữ sẽ giúp các em thoải mái chia sẻ về các bộ phận trên cơ thể
của mình. Tuyệt đối không coi đó là từ ngữ, bộ phận để mang ra đùa cợt.
Cha mẹ, người thân cần lưu ý các biểu hiện, hành vi sau đối với trẻ để bảo đảm an toàn cho trẻ, tránh nguy cơ bị xâm hại:
• Người lớn thể hiện quan tâm quá mức đến trẻ (gồm những người thân trong gia đình, bạn bè, người được tin tưởng, hoặc những người lạ) bằng cách tặng nhiều quà giá trị, yêu mến không bình thường, yêu cầu ở với trẻ một mình hoặc thăm trẻ mà không có người giám sát.
• Những thay đổi về hành vi của trẻ (trẻ hay cáu gắt, nóng giận bất thường, chán nản, buồn phiền, biểu hiện bất an, sợ sệt, giấu giếm).
• Trẻ ngại đi học và bỏ học trong thời gian dài hoặc kết quả học tập giảm sút.
• Trẻ bỏ nhà hoặc vắng mặt trong thời gian dài.
53
• Trẻ có lời nói và hành vi giới tính không phù hợp.
• Trẻ có nhiều dấu hiệu thể chất (tổn thương, đái dầm, tự hủy hoại bản thân, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc có thai).
• Trẻ sợ hãi hoặc nóng giận với người khác. • Trẻ sử dụng hoặc lén lút sử dụng các đồ vật mới, đồ vật đắt tiền.
• Trẻ lạm dụng chất kích thích (ma túy, và các chất có cồn).
Cần lưu ý rằng, xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra với bất kỳ trẻ em nào, có thể là con cái của chính mình. Vì vậy, luôn có sự cảnh giác, quan tâm tới con mình, trẻ em trong gia đình, trẻ em trong cộng đồng. Luôn nói không với xâm hại tình dục trẻ em bởi xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác. Cha mẹ và con cái cần tương tác hàng ngày để con tin tưởng chia sẻ mọi chuyện tốt, xấu.
5.2. Hỗ trợ trẻ em bị xâm hại
Khi trẻ bị xâm hại, cần hỗ trợ trẻ ổn định tâm lý. Lên tiếng tố cáo kẻ xâm hại, bởi nếu cha mẹ không tố cáo kẻ xâm hại, kẻ xâm hại có thể tiếp tục xâm hại trẻ và nhiều trẻ khác. Dù kẻ xấu là máu mủ ruột rà, chúng ta cũng cần phải lên tiếng tố cáo để mọi người đề phòng, để họ không còn cơ hội hại thêm người khác. Nếu chúng ta im lặng, có
54
nghĩa là chúng ta đồng lõa với kẻ xấu, tạo cơ hội để kẻ xấu tiếp tục phạm tội. Chúng ta lên tiếng tố cáo kẻ xấu tức là chúng ta bảo vệ chính con em mình và trẻ em trong cộng đồng.
Khi phát hiện con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục, cần hết sức bình tĩnh. Cần cách ly trẻ khỏi kẻ xâm hại, bảo đảm an toàn cho trẻ. Hỗ trợ tâm lý để trẻ ổn định tinh thần. Có thể tìm đến các chuyên viên tham vấn tâm lý để ổn định tinh thần cho trẻ.
Giữ nguyên trạng hiện trường và các chứng cứ xâm hại như quần áo, ga trải giường, quà tặng, tin nhắn, v.v.. Khai thác thông tin từ trẻ, ghi nhận những tâm sự ban đầu của trẻ. Sau đó, đưa trẻ đến cơ quan công an gần nhất để tố cáo tội phạm và yêu cầu thực hiện các quy trình giám định pháp y.
Cha mẹ hoặc người giám hộ cần ở bên trẻ khi trẻ tiếp xúc với bất kỳ ai. Cha mẹ cần kiểm tra sức khỏe cho con càng sớm càng tốt nhằm phát hiện và điều trị các chấn thương về thể chất; tìm luật sư giúp đỡ khi tiếp xúc với các cơ quan điều tra, báo chí; liên hệ với giáo viên, nhà trường giúp con tiếp tục đi học và ngăn sự chế nhạo từ bạn bè hay ai đó ở trường. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể tìm các chuyên viên tham vấn tâm lý để giúp trẻ vượt qua cú sốc.
55
Với trẻ bị xâm hại, cha mẹ cần bình tĩnh và cư xử theo cách tôn trọng cảm xúc của trẻ, công nhận hoàn cảnh khó khăn trẻ phải trải qua. Cho trẻ biết cha mẹ luôn ở bên trẻ và chăm sóc trẻ. Lắng nghe tâm sự và những biểu hiện của trẻ. Quan sát và hỗ trợ trẻ trong giai đoạn khó khăn này. Dành thời gian bên trẻ, đặc biệt là khi ngủ
bởi trẻ dễ bị ám ảnh, mê sảng. Cả nhà có thể đi chơi, đi du lịch, tạo không gian để trẻ thư giãn, chia sẻ.
5.3. Các giải pháp từ cộng đồng
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của xâm hại tình dục trẻ em. Việc tuyên truyền, phổ
biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể. Đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư...
Tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết. Khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm.
56
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm, chia sẻ
với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý cần thiết. Cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con biết cách thức phòng vệ trước những kẻ xâm hại.
Xây dựng và hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ em bị xâm hại; thống nhất hoạt động phối hợp liên ngành để xác minh, điều tra, xử lý từng trường hợp trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ các thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ
giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình, cá nhân và trẻ em.
Nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đối với người phạm tội cần xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm. Tổ chức tốt các phiên tòa lưu động đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em để tăng tính giáo dục.
Đặc biệt, cần thúc đẩy phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em với sự tham gia của nam giới để phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trở thành
57
cam kết của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em từ cộng đồng: Chuyện của P.*
Ngay từ khi còn bé, tôi đã là nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em. Thủ phạm không ai khác chính là những người ngay trong gia đình, những người tưởng chừng như không bao giờ có thể hại mình. Tuổi thơ, tôi luôn sống trong nỗi ám ảnh và sợ hãi khi bị chính người chú họ và người em họ
của mình làm điều đồi bại. Mặc dù không bị tổn thương về mặt thể xác, nhưng tổn thương về tinh thần hay thể xác đều là nỗi khiếp sợ như nhau!
Thời gian sau đó mới thực sự khủng hoảng, tôi không dám nói với cha mẹ vì quá sợ hãi, không biết dùng từ nào để diễn tả, để mở lời với mẹ rằng chú ấy đã làm gì với con, điều đó vượt xa trí tưởng tượng của một cô bé 5 tuổi khi ấy còn chưa biết đọc, biết viết. Hình ảnh kinh tởm ấy cứ hiện hữu trong tâm trí của một đứa con nít khi ấy ghê sợ
biết chừng nào!
Tôi còn nhớ khi ấy hắn đứng lên để “vật đó” về phía mình và nói “có thích không?”. Tôi khóc lóc, xin về chứ không biết làm gì vào lúc đó bởi tôi không được cha mẹ giáo dục giới tính ngay từ nhỏ (tôi không trách cha mẹ bởi lẽ quan điểm của các
58
bậc phụ huynh ngày đó là trẻ con thì không nên biết mấy chuyện về tình dục, giới tính..., như vậy sẽ không tốt). Sau đó, mỗi khi nhìn thấy người chú đồi bại, tôi chỉ biết chạy trốn vào một góc, không dám đi chơi xa, đêm ngủ cứ thấp thỏm lo sợ, cảm giác đó đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in như vừa mới hôm qua.
Chuyện tiếp theo là vào năm đó tôi học lớp 6, trong một lần nghỉ hè tôi được đi Sơn La chơi cùng gia đình. Lần đó tôi bị chính em họ của mình (hơn tôi 7 tuổi) dụ vào phòng xem hoạt hình nhằm mục đích ấu dâm. Bị hắn đè xuống giường, tôi cố vùng chạy. Hắn ghé tai tôi thì thầm “chỉ một lúc thôi!”. May sao lúc đó có người gọi cửa nên hắn buông tha. Cả chuyến đi nghỉ hè đó tôi luôn thấp thỏm lo sợ. Khi về nhà tôi trốn bặt trong phòng.
Cuộc sống sau đó của tôi dần thay đổi ngay từ chính trong suy nghĩ, luôn lo sợ không dám đến gần bất kỳ người đàn ông nào, kể cả các bạn nam ở trường, trong đầu lúc nào cũng nghĩ rằng ai cũng có thể làm “việc đó” với mình.
Sau đó, khi tới lớp, bị các bạn trai sờ mó, trêu chọc khiến tâm lý tôi không ổn định, tới mức đã có lần tôi khóc nức nở xin mẹ, nài nỉ mẹ chuyển trường. Tôi gào khóc trong phòng, không vui chơi, không giao tiếp với ai. Nhưng mẹ nào có hiểu, chỉ
hỏi đại khái rồi bảo không sao đâu các bạn trêu
59
con thôi. Vậy là cứ mỗi sáng thức giấc, tôi lại đấu tranh tư tưởng, dũng cảm tới trường, lúc nào ngồi trong lớp cũng với tâm trạng căng thẳng, lo sợ...
Tiếp tục những năm tháng cấp 3. Tôi không biết mình đã bị quấy rối tình dục bao nhiêu lần kể từ khi lên lớp 10 cho tới khi tốt nghiệp phổ thông trung học. Việc này diễn ra thường xuyên trên đường về nhà, tới trường hay trên xe bus. Mỗi lần bị như vậy tôi lại khủng hoảng tinh thần, ảnh hưởng tới suy nghĩ, nhận thức; và rồi những việc đã xảy ra trong những năm tháng tuổi thơ ấy lại ùa về.
Lên đại học, tôi may mắn được học những kiến thức chuyên sâu về giới, giới tính. Tôi đã tự nhận ra lẽ phải, tự trách bản thân rằng sao ngày đó lại im lặng. Ngay cả khi tôi chia sẻ những dòng này bố mẹ tôi cũng không hề hay biết con gái mình đã có những tháng năm tuổi thơ đáng sợ, ám ảnh đến vậy!
Thay vì trốn tránh, vì ngại ngùng, sợ hãi hay vì bất kể một lý do vô hình nào đó chi phối thì những người bị lạm dụng tuyệt đối không nên im lặng, hãy lên tiếng để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, cùng với đó hãy tự
trang bị cho bản thân và con em mình cách ứng phó. Các bậc phụ huynh hãy giáo dục giới tính cho trẻ em và nguy cơ bị xâm hại tình dục ngay từ khi
60
còn học mẫu giáo. Các bài giảng về giới, giới tính cần được đưa vào chương trình học ngay từ mẫu giáo đến các bậc phổ thông, từ đơn giản đến mức độ khó hơn. Có như thế mới góp phần giảm thiểu được các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có quấy rối tình dục trẻ em.
Qua câu chuyện của bản thân, tôi mong muốn quãng thời gian dài đầy biến cố ấy có thể là bài học nhận thức thúc đẩy các bậc cha mẹ hãy hành động ngay; cần quan sát con cái mình; cần lưu ý đến các cử chỉ, thái độ bất thường từ nhỏ nhặt nhất. Hãy quan tâm hơn đến cảm xúc của trẻ vì nếu các em bị tổn thương thì khi lớn lên vết thương sẽ rất khó lành. Vết thương về tinh thần còn đáng sợ gấp nhiều lần vết thương về thể xác. Gia đình và nhà trường cần có những bài học nhận thức đúng đắn cho trẻ về giới tính của mình, những nguy hiểm mà các em có thể gặp phải và ứng phó ra sao.
Hãy cùng nhau lên tiếng để bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Im lặng chính là vũ khí vô hình tiếp tay cho tội ác!
* Ghi theo lời kể của P., sinh năm 1997, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội.
61
Phần IV
MUA BÁN NGƯỜI
Mua bán người là loại tội phạm có tổ chức, nguy hiểm, có quy mô lớn trên toàn thế giới. Mua bán người là tội ác phi nhân tính, vi phạm quyền con người, nhân phẩm con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân, gây tác động xấu tới cá nhân và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của các quốc gia. Mua bán người là một hình thức bạo lực trên cơ sở giới, có thể xảy ra với bất kỳ ai, tuy nhiên, đa phần nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Mua bán người là loại tội phạm cần quan tâm trong cộng đồng, bởi kẻ buôn người có thể hiện diện ở mọi nơi, đặc biệt thường nhằm vào những đối tượng dễ bị tổn thương để lừa gạt và kiếm lợi bất chính.
1. Khái niệm mua bán người
Năm 2000, Liên hợp quốc đưa ra khái niệm buôn bán người (human trafficking), theo đó:
62
Buôn bán người được hiểu là việc mua bán, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp và nhận người nhằm mục đích bóc lột bằng cách sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực hay bằng các hình thức ép buộc, bắt cóc, gian lận, lừa gạt, hay lạm dụng quyền lực hoặc vị thế dễ bị tổn thương, hay bằng việc đưa hay nhận tiền hay lợi nhuận để đạt được sự đồng ý của một người đang kiểm soát những người khác. Hành vi bóc lột sẽ bao gồm, ít nhất, việc bóc lột mại dâm những người khác hay những hình thức bóc lột tình dục khác, các hình thức lao động hay phục vụ cưỡng bức, nô lệ hay những hình thức tương tự nô lệ, khổ sai hoặc lấy các bộ phận cơ thể.
Định nghĩa trên được Liên hợp quốc (2000) đưa ra trong Điều 3a, Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về
chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Nghị định thư Palermo).
Năm 2011, Việt Nam thông qua Luật Phòng, chống mua bán người, quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ
trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ,
63
các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người.
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 không có định nghĩa cụ thể về mua bán người. Tuy nhiên, Luật này đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người tố cáo, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi mua bán người, v.v..
Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư Palermo của Liên hợp quốc vào năm 2012. Có nghĩa là Việt Nam tuân thủ định nghĩa buôn bán người cũng như các quy định trong Nghị định thư Palermo. Vì vậy, mua bán người có thể được hiểu theo định nghĩa được Liên hợp quốc đưa ra trong Điều 3a, Nghị định thư Palermo. Buôn bán người và mua bán người, về bản chất đều là hành vi coi con người là hàng hóa để mua bán nhằm kiếm lời một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, hai khái niệm này khác nhau ở quy mô, mức độ. Buôn bán người thể hiện quy mô, mức độ lớn hơn, phức tạp hơn mua bán người.
64
Cuốn sách này sử dụng khái niệm mua bán người cho phù hợp với quy định luật pháp Việt Nam, nhưng lý giải từ góc độ thuật ngữ gốc trên thế giới là buôn bán người, theo quy định trong Nghị định thư Palermo năm 2000 của Liên hợp quốc. Trong phạm vi cuốn sách này, hai thuật ngữ
được sử dụng thay thế nhau, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế.
2. Phân biệt buôn bán người và đưa người di cư trái phép
Trên thực tế, cần phân biệt hai khái niệm buôn bán người (human trafficking) và đưa người di cư trái phép (smuggling of migrants). Buôn bán người và đưa người di cư trái phép đều là vấn đề
toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng quyền con người, nhân phẩm con người. Đây là hai loại tội phạm khác nhau, nhưng đều là tội phạm xảy ra ở cộng đồng và dễ có sự nhầm lẫn.
Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường không (bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, 2000), Điều 3a định nghĩa:
Đưa người di cư trái phép là việc giao dịch để đạt được trực tiếp hoặc gián tiếp lợi ích về tài chính hoặc lợi ích vật chất khác từ việc một người
65
nhập cảnh trái phép vào một quốc gia thành viên mà người này không phải là công dân của quốc gia đó hoặc thường trú tại quốc gia đó.
Giữa buôn bán người và đưa người di cư trái phép có 3 khác biệt cơ bản: Thứ nhất, sự đồng thuận của nạn nhân. Người di cư có thể chủ động tìm cách để có cuộc sống tốt đẹp hơn ở nơi đến và đồng thuận với kẻ đưa người di cư để vượt biên, trong khi đó nạn nhân buôn bán người thường bị lừa gạt, bị lạm dụng. Trong trường hợp nạn nhân bị buôn bán, ban đầu có thể có sự đồng thuận, tuy nhiên sự đồng thuận trở nên vô nghĩa khi có các hành vi bất hợp pháp. Thứ hai, sự bóc lột. Đưa người di cư trái phép kết thúc khi người di cư tới điểm đến, trong khi đó buôn bán người tiếp diễn với việc tiếp tục bóc lột nạn nhân. Nạn nhân bị đưa di cư trái phép cũng có thể trở thành nạn nhân buôn bán người nếu họ bị bóc lột tại nơi đến. Thứ ba, tính chất xuyên quốc gia. Trong khi đưa người di cư trái phép thường mang tính xuyên quốc gia, với người di cư di chuyển ra ngoài lãnh thổ nước đi, buôn bán người có thể xuất hiện bên trong và bên ngoài nước đi. Ngoài ra, đưa người di cư trái phép và buôn bán người còn có một số khác biệt như: lợi nhuận của việc đưa người di cư trái phép xuất hiện từ sự di chuyển của nạn
66
nhân trong khi lợi nhuận của buôn bán người không xuất hiện từ sự di chuyển của nạn nhân, mà xuất hiện từ việc bóc lột tình dục, bóc lột sức lao động hay lấy nội tạng của nạn nhân.
3. Tình hình buôn bán người trên thế giới và ở Việt Nam
Buôn bán người là vấn đề toàn cầu. Không một quốc gia nào có thể thực sự miễn nhiễm với buôn bán người. Các nước phát triển có thể là điểm đến của buôn bán người, trong khi đó các nước đang phát triển, kém phát triển có thể trở
thành điểm trung chuyển, điểm đi của buôn bán người. Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng từ 800.000 đến 1.000.000 người bị buôn bán. Lợi nhuận có được từ buôn bán người lên đến 150 tỷ USD mỗi năm. Ước tính năm 2019 có tới 24,9 triệu người trên thế giới bị buôn bán với nhiều hình thức khác nhau, phổ biến là buôn bán người vì mục đích bóc lột tình dục và vì mục đích bóc lột sức lao động (USDOS, 2019).
Việt Nam nằm ở tiểu vùng sông Mêkông (GMS), được xác định là điểm đi, điểm đến, trung chuyển của buôn bán người. Thông tin tại Hội thảo Kết nối mạng lưới các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới do Trung tâm Phụ nữ và
67
Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 14/6/2018 cho thấy, từ năm 2011 đến năm 2017, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, xử lý 2.748 vụ mua bán người với 4.110 đối tượng, số người đã bị mua bán là 5.984 người. Tình hình tội phạm mua bán người xảy ra trên cả nước, đặc biệt là trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đối tượng phạm tội thường lợi dụng hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế của một số người dân để dụ
dỗ, lừa gạt, sau đó mua bán ra nước ngoài. Buôn bán người ở Việt Nam không chỉ có buôn bán người ra nước ngoài mà còn có buôn bán người trong nước. Các nạn nhân bị bán vì nhiều mục đích khác nhau như: bóc lột tình dục, hôn nhân trái pháp luật, bóc lột sức lao động, buôn bán người vì mục đích đẻ thuê, thậm chí là buôn bán người vì mục đích lấy nội tạng.
Đối tượng phạm tội là người Việt Nam rất đa dạng như lưu manh, người có tiền án, tiền sự cấu kết với đối tượng là người nước ngoài ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, móc nối ra nước ngoài bán. Đặc biệt, đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng. Các đối tượng này đã lợi dụng chính sách mở
cửa của Việt Nam, thông qua các hình thức vào 68
du lịch, liên doanh, liên kết làm ăn để lừa gạt phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài. Đáng chú ý, trong số các đối tượng mua bán người, nhiều người từng là nạn nhân bị bán ra nước ngoài, khi quay lại Việt Nam thăm thân hoặc trốn về lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân. Chưa kể, một số đối tượng còn giả danh công an, bộ đội biên phòng thông qua mạng Zalo, Facebook để kết bạn, làm quen phụ nữ sau đó lừa bán ra nước ngoài.
Các nạn nhân thường bị bán sang Trung Quốc, Campuchia, các điểm đến còn lại là Xingapo, Malaixia, Thái Lan và một số nước Đông Âu. Đa phần các vụ buôn bán người vì mục đích bóc lột tình dục, vì mục đích kết hôn giả mạo, cưỡng ép hôn nhân, ngoài ra có các trường hợp buôn bán người vì mục đích bóc lột sức lao động, buôn bán người vì mục đích đẻ thuê.
Hậu quả của buôn bán người là rất lớn. Trên thực tế nhiều trường hợp bị giam cầm, ngược đãi, bị bán vào các động mại dâm. Rất nhiều trường hợp không có cơ hội trở về. Các nạn nhân thường bị tổn thương về sức khỏe, tâm lý. Bên cạnh đó là các tác động tiêu cực tới cộng đồng, xã hội.
4. Nguyên nhân của mua bán người Xuất phát từ thực tế, cuốn sách này khai thác
69
nguyên nhân của tình trạng mua bán người dưới góc độ các yếu tố lực đẩy (push factors) và các yếu tố lực kéo (pull factors). Yếu tố lực đẩy là các yếu tố phát sinh từ điểm đi (source place), trong khi đó yếu tố lực kéo là các yếu tố phát sinh từ nơi đến (destination place).
4.1. Các yếu tố lực đẩy
Yếu tố lực đẩy là nguyên nhân khiến nạn nhân dễ lâm vào bối cảnh dễ bị tổn thương và dễ bị mua bán. Một số yếu tố lực đẩy tác động tới mua bán người như nghèo đói, sự gia trưởng, thảm họa thiên tai, yếu kém trong thực thi luật pháp.
Nghèo đói: Một trong những nguyên nhân cơ bản của mua bán người là nghèo đói, khiến con người tìm đến các cơ hội có thể thoát nghèo. Nghèo đói, nếu đi kèm với thiếu việc làm, thất nghiệp sẽ khiến phụ nữ dễ lâm vào thế dễ bị tổn thương. Di cư trong nước hoặc ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, người di cư sống xa nhà, dễ bị dụ dỗ, lừa gạt bởi những lời hứa tạo điều kiện làm việc với mức lương cao. Tuy nhiên không phải lúc nào nghèo đói và thiếu cơ hội phát triển kinh tế cũng là nguyên nhân của mua bán người. Trên thực tế, không ít người có điều kiện kinh tế vẫn là nạn nhân của mua bán người. Trong trường hợp này, còn có các nguyên nhân khác như lối sống,
70
mong muốn cơ hội làm giàu dễ dàng hơn, tham vọng đổi đời, hoặc đơn giản là bị lừa gạt. Sự gia trưởng: Sự gia trưởng, tư tưởng phụ quyền là nguyên nhân sâu xa của mua bán người. Sự gia trưởng, trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử về giới khiến không ít nam giới tự cho rằng mình có quyền kiểm soát phụ nữ, bắt phụ nữ phải phục vụ nhu cầu tình dục, đó cũng là nguyên nhân dẫn tới bóc lột tình dục và mua bán người vì mục đích bóc lột tình dục. Sự gia trưởng cũng kéo theo bất bình đẳng giới, áp bức giới, khiến phụ nữ lâm vào thế dễ bị tổn thương và dễ rơi vào cạm bẫy buôn người.
Thảm họa thiên nhiên: Hạn hán, lũ lụt làm mùa màng thất bát cũng khiến nhiều người phải di cư tìm kế sinh nhai và trở nên lạ lẫm với cuộc sống ở đô thị. Trong điều kiện sống, điều kiện làm việc khó khăn, thiếu các nguồn lực, rủi ro bị mua bán đối với người di cư sẽ cao hơn.
Yếu kém trong thực thi pháp luật: Buôn bán người là tội phạm xuyên quốc gia và siêu lợi nhuận. Vì vậy, kẻ buôn người thường tìm các khe hở pháp luật, hoặc phớt lờ quy định pháp luật. Yếu kém trong thực thi pháp luật hoặc hình phạt nhẹ sẽ không đủ sức răn đe và ngăn chặn loại tội phạm này.
71
Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao hình phạt cho tội danh mua bán người. Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các mức phạt khác nhau, theo các tội danh liên quan nhất định, từ 5-10 năm tù, từ 8-15 năm tù, từ 12-20 năm tù, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng và một số hình phạt bổ sung khác. Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức phạt cho tội danh mua bán người dưới 16 tuổi. Theo đó, hình phạt được áp dụng ở mức 7-12 năm tù, 12-20 năm tù, 18-20 năm tù, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng và một số hình phạt bổ sung khác. So với các hình phạt trước đây, mức phạt đã cao hơn nhiều. Tuy nhiên, việc xét xử, truy tố, xử phạt phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực thi pháp luật và sự nghiêm minh của pháp luật.
4.2. Các yếu tố lực kéo
Hai yếu tố lực kéo quan trọng có tác động tới mua bán người, đó là nhu cầu nguồn nhân công giá rẻ và sự phát triển của công nghiệp tình dục hoặc du lịch tình dục tại nơi đến.
Nhu cầu nguồn nhân công giá rẻ: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự xuất hiện của nhiều nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp lớn, với nhu cầu nhân công giá rẻ, thúc đẩy làn sóng di cư tới
72
các thành phố để tìm việc làm. Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, phụ nữ trở thành nguồn nhân công chính cho các công ty dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử, chế biến thủy hải sản, chế biến thức ăn. Ở các nước phát triển, nhu cầu nhân công giá rẻ là lao động giản đơn cũng tăng cao, đặc biệt là giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người ốm, chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, là công việc không ít người lựa chọn làm khi xuất khẩu lao động sang nước ngoài, đặc biệt là với phụ nữ bởi vì các công việc này không xa lạ với họ. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, và những bất ổn tiềm ẩn tại nơi đến khiến người di cư dễ trở thành nạn nhân của mua bán người.
Sự phát triển của công nghiệp tình dục hoặc du lịch tình dục: Sự phát triển của công nghiệp du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa ở các nền kinh tế chuyển đổi, trong đó có Việt Nam, thu hút nhiều phụ nữ vào làm việc cho các dịch vụ
giải trí, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị mua bán hơn so với các công việc khác. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa với quy định nới lỏng thị thực (visa) đối với một số quốc gia, khiến việc đi lại dễ dàng hơn, cũng là khe hở khiến các đối tượng mua bán người lợi dụng đưa người xuất cảnh trái phép, phục vụ mại dâm hoặc du lịch tình dục.
73
Các yếu tố lực đẩy, lực kéo có thể khác nhau ở các địa phương, các quốc gia. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mua bán người. Ngoài các nguyên nhân kể trên, còn có các nguyên nhân khác như
mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số nước, mặt trái của phát triển công nghệ thông tin. Ai cũng có thể là nạn nhân của mua bán người. Kẻ buôn người có thể chính là những người xung quanh, thân quen, bởi để lừa gạt nạn nhân họ cần tạo dựng được niềm tin với họ. Trên thực tế, đã có trường hợp cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi lừa bán con cái, bạn trai lừa bán bạn gái của mình, lừa bán bạn thân sang bên kia biên giới. Mỗi cá nhân, vì vậy, cần có sự cảnh giác cao độ. Gia đình, cộng đồng cần có sự quan tâm đối với việc phòng, chống loại tội phạm này.
5. Giải pháp phòng, chống mua bán người
Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp, với các đường dây, tổ chức tội phạm có quy mô lớn liên quan đến nhiều quốc gia và tính chất ngày càng nghiêm trọng, vì vậy cần có các giải pháp đồng bộ từ phía người dân, cộng đồng và Nhà nước.
5.1. Giải pháp từ phía người dân
Trong đa phần các vụ mua bán người, các đối 74
tượng thường nắm bắt được tâm lý người dân có nhu cầu đi lao động để giúp đỡ gia đình, cải thiện điều kiện kinh tế, cải thiện điều kiện sống. Đa số các nạn nhân bị lừa gạt chủ yếu bị bán sang Trung Quốc ép buộc “làm vợ”, làm gái mại dâm. Nếu không may rơi vào tình trạng bị mua bán, nạn nhân cần bình tĩnh, ghi nhớ các đặc điểm về
nơi mình đang bị giam giữ, ép bán dâm, sau đó tìm mọi cách thông tin về cho gia đình hoặc cơ quan công an để được giúp đỡ, giải cứu.
Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tội phạm mua bán người, để tránh các rủi ro bị mua bán. Đồng thời chia sẻ với những người xung quanh những kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người. Kịp thời ngăn chặn, tố cáo các hành vi mua bán người, nỗ lực xây dựng xã hội an toàn cho mọi người, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em gái.
Người dân cần lưu ý ghi nhớ tư vấn giúp đỡ trong trường hợp bị mua bán, hoặc phản hồi thông tin về hành vi mua bán người tới số điện thoại 111, phủ sóng trên cả nước. Đây là đường dây nóng thuộc mạng lưới phòng, chống mua bán người do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp thực hiện.
75
5.2. Giải pháp từ phía cộng đồng
Tại cộng đồng, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra phát hiện các dấu hiệu mua bán người để có thể ngăn chặn mua bán người ngay từ
phạm vi địa phương, làng xã. Lưu tâm giải quyết các nguyên nhân của mua bán người, đặc biệt là các yếu tố lực đẩy. Các yếu tố có thể giải quyết tốt từ cấp cộng đồng là nghèo đói, sự gia trưởng. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về mua bán người, về các thủ đoạn mà những kẻ buôn người thường dùng như dụ dỗ, thuyết phục người dân đi làm ăn ở nước ngoài với mức lương cao, hoặc đi lấy chồng có khoản tiền lớn gửi về hỗ trợ gia đình. Đối tượng mua bán người có thể trực tiếp đưa nạn nhân đi, nhưng ở một số trường hợp khác chúng lại dùng điện thoại hướng dẫn nạn nhân di chuyển đến khu vực giáp biên rồi đưa qua biên giới để tránh bị công an bắt giữ.
Hội phụ nữ địa phương cần phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng kiến thức pháp luật và rủi ro bị mua bán người tới người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, nơi các đối tượng mua bán người thường lợi dụng để lừa bán
76
nạn nhân sang nước ngoài. Các ban, ngành, đoàn thể địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để có thể ngăn chặn tội phạm mua bán người, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.
Đối với các tuyến biên giới, địa bàn giáp ranh, lực lượng công an, biên phòng cần phối hợp tổ chức thực hiện tốt phương án bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tổ chức diễn tập phòng, chống tội phạm tại các xã biên giới, đưa nhiệm vụ phòng ngừa đấu tranh tội phạm thành nhiệm vụ thường xuyên.
5.3. Giải pháp từ phía Nhà nước
Ngoài việc đẩy mạnh xây dựng luật pháp và nâng cao năng lực thực thi pháp luật, Nhà nước cần thúc đẩy giải quyết các vấn đề mặt trái có thể xảy ra liên quan đến yếu tố lực hút của mua bán người. Nhà nước cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tổ chức, đường dây buôn bán người xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là với Trung Quốc và các nước trong khu vực về phòng, chống mua bán người nhằm giải quyết các vấn đề nạn nhân bị mua bán người liên quan đến hai bên biên giới. Ngoài ra,
77
nạn nhân mua bán người hiện nay không chỉ có phụ nữ và trẻ em gái, vì vậy, các chính sách phòng, chống mua bán người, chính sách bảo vệ nạn nhân cần hỗ trợ cả nam giới, chứ không chỉ có phụ nữ và trẻ em. Chính sách, luật pháp phòng, chống mua bán người, vì thế, cần có nhạy cảm giới, bảo đảm thúc đẩy quyền con người và nhân phẩm con người.
Câu chuyện mua bán người từ cộng đồng: Chuyện của H.*
H. 32 tuổi, có chồng con, làm nghề may ở Sài Gòn. Một hôm, H. ra bến xe bắt xe về Đắk Lắk làm giấy tờ chuyển việc sang công ty khác. Ở bến xe, H. gặp một người đàn ông hỏi có muốn đi làm kiếm tiền không, rồi hắn đập vào vai H., cô bị thôi miên và đưa hết giấy tờ cho hắn. H. bị đưa ra Hà Nội. Sau khi tỉnh dậy, H. mới biết mình bị bắt cóc. Rồi H. bị đưa sang Trung Quốc qua một cửa khẩu ở Lạng Sơn. Họ đốt hết giấy tờ của H., rồi đưa H. đến các gia đình có nhu cầu để người ta xem mặt chọn làm vợ. H. bị bệnh tim, khi sợ hay bị ngất và co giật nên dù qua rất nhiều gia đình nhưng không ai chọn H. làm vợ. Thời điểm đó H. cảm thấy may mắn khi mình mắc bệnh như vậy.
Tuy nhiên, sau đó, H. bị đưa đến nhà chứa. Mỗi khi chống đối không đi khách, H. bị bà chủ
78