🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bản Đồ Tư Duy Cho Trẻ Thông Minh - Tăng Cường Trí Nhớ Và Khả Năng Tập Trung Ebooks Nhóm Zalo THƯ CỦA THẦY TONY E m sẽ làm gì nếu có thể nhớ được bất cứ điều gì mình muốn, vào bất cứ lúc nào? Em sẽ: - trở thành “chuyên gia” tầm cỡ thế giới về “các nghệ sĩ nhạc pop được yêu thích”? - gây ấn tượng với bạn bè khi biết được tổng số bàn thắng trong mọi mùa bóng? - nhớ được nhiều câu chuyện cười và trở thành “cây hài” của lớp? - rành rẽ về các vì sao và hành tinh, rồi trở thành một nhà thiên văn học xuất chúng? - trở thành một diễn viên nổi tiếng, dễ dàng ghi nhớ mọi câu thoại? Nhớ được mọi thứ, em có thể đạt được bất kỳ thành quả nào mình mong muốn. Cuốn sách này tập hợp mọi sự hỗ trợ để em thực hiện điều đó. Tôi sẽ hướng dẫn em phát huy tối đa năng lực ghi nhớ của bộ não bằng những công cụ ghi nhớ kỳ diệu. Rồi em sẽ nhanh chóng nhận ra mình chỉ tốn chút ít thời gian học bài, trong khi thời gian thư giãn lại dài ra. Em sẽ học tập và đạt được điểm cao trong kỳ thi với tâm trạng thoải mái. Không những thế, em lại còn có thể chia sẻ với mọi người cách ghi nhớ sao cho tốt. Còn điều tuyệt vời nhất em đạt được là gì? Là chơi đùa cùng trí nhớ. Trí nhớ luôn yêu thích sự thoải mái và những điều thú vị. “Chơi đùa” với trí nhớ của mình, em sẽ thấy mọi thứ đều hấp dẫn, chẳng còn giới hạn nào đối với việc học hỏi. Với khả năng ghi nhớ “thần sầu”, em có thể biến MỌI giấc mơ thành hiện thực. Vậy thì còn chờ gì nữa? Giở sang trang mới ngay và sẵn sàng tối ưu hóa Bộ nhớ lẫn Khả năng tập trung của mình nào! TONY BUZAN TRÍ NHỚ TUYỆT DIỆU CỦA CHÚNG TA Em có biết khả năng ghi nhớ của em là vô cùng tận không? Phải, BẤT CỨ ĐIỀU GÌ đấy nhé! Cuộc sống sẽ đơn giản và vui vẻ hơn đến nhường nào khi em: - có thể gây ấn tượng với bạn bè nhờ nhớ được mọi cầu thủ đã ghi bàn trong các trận bóng; - không còn rơi vào tình trạng hốt hoảng, lo lắng khi làm mất điện thoại hay không có sổ danh bạ ở cạnh bên – vì em đã nhớ mọi số điện thoại cần thiết; - “bắt” đúng đáp án cho các bài thi, bài kiểm tra. Trước khi tiếp tục, hãy kiểm tra xem khả năng ghi nhớ của em có tốt hay không? Đôi khi nó hoạt động thật hiệu quả, song có những lúc lại khiến em vô cùng thất vọng? Ví dụ như: khi đang đứng trả bài trước lớp mà câu trả lời bỗng nhiên nhất định không chịu “chui ra” khỏi bộ não; em thực sự biết đáp án là gì, nhưng không tài nào cất thành lời. Thậm chí đáng chán hơn nữa là vừa lúc chuyển sang câu hỏi khác thì đáp án cho câu hỏi “bí lù” kia lập tức xuất hiện! Sao lại thế được chứ? Nếu trí nhớ của em đã từng khiến em thất vọng đến vậy thì không phải là do em ngốc nghếch hay “rùa bò” đâu! Đó chỉ là dấu hiệu cho thấy em cần làm gì đó để hỗ trợ trí nhớ lưu trữ thông tin, đến khi em cần thì sẽ nhớ được ngay. Bộ não của em là một thư viện khổng lồ đấy nhé! THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO LOÀI VOI KHÔNG BAO GIỜ QUÊN Có thật là… loài voi có trí nhớ tuyệt vời đến thế không? Đúng vậy! Hầu như mọi con voi đều có thể nhận ra bạn của chúng, dù là người hay động vật, sau NHIỀU NĂM xa cách. Có một câu chuyện thế này: một nhóm voi Tuli trẻ ngay khi vừa được trả về môi trường sống tự nhiên ở Nam Phi thì vẫn được cả đàn nhận ra và NGAY LẬP TỨC được chấp nhận cho nhập đàn. Những gì em đã đưa vào đầu thì sẽ luôn còn mãi, chỉ có điều cái “kho thông tin” này có vẻ khá là lộn xộn. Thế nên thật khó khi phải tìm đúng thông tin cần dùng. Những gì em cần làm là giúp bộ não sắp xếp lại thông tin cho gọn gàng để dễ dàng truy cập. Khi đọc xong cuốn sách này, em sẽ trở thành chủ nhân thực sự đối với chính trí nhớ của mình và có thể nhớ mọi điều em muốn trong bất cứ tình huống nào. Quý bà Mnemosyne Em có biết trong tiếng Anh, từ “memory” (tức “trí nhớ”,“khả năng ghi nhớ”) bắt nguồn từ tên của nữ thần Ký ức Mnemosyne(*) trong thần thoại Hy Lạp không? Bà sinh cho thần Zeus 9 người con – các nàng Muse. Họ lớn lên và trở thành 9 nữ thần bảo hộ cho các lĩnh vực khoa học và nghệ thuật. (*) Phiên âm: /nɪ’mɒsəni/ Đối với người Hy Lạp, nhờ sự kết hợp giữa năng lượng và sức mạnh (của thần Zeus) với khả năng ghi nhớ (của thần Mnemosyne) mà con người có được sự sáng tạo và trí tuệ (dưới dạng 9 nữ thần Muse). Với những kỹ thuật ghi nhớ được giới thiệu ở đây, khả năng ghi nhớ của em sẽ được cải thiện và em cũng sẽ sáng tạo hơn. Nghĩa là em sẽ nhanh chóng học hỏi thêm được nhiều điều mới. THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO CÀNG BIẾT NHIỀU, CÀNG PHÁT TRIỂN Trí nhớ cũng giống như các cơ bắp vậy, càng sử dụng nhiều thì càng ghi nhớ tốt. Trên thực tế, nó sẽ càng LỚN HƠN – chính vì thế em sẽ nhớ được NHIỀU HƠN! Tài xế taxi ở những thành phố lớn thường có đồi hải mã lớn hơn hầu hết mọi người bởi vì họ phải nhớ rất nhiều đường đi lối lại trong thành phố. À, quên mất! “Đồi hải mã” là một bộ phận trong não – do hình dạng giống như con cá ngựa nên nó mới có tên gọi ấy. Đây là nơi não tạm ghi lại mọi thứ để hình thành “trí nhớ ngắn hạn”, rồi sau đó mới chuyển đến vỏ não để lưu trữ lâu dài. THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO PHÁ KỶ LỤC GHI NHỚ NÀO! Ông Dominic O’Brien, người Anh, có một trí nhớ vô cùng TUYỆT VỜI! Với chỉ một lần nhìn qua, số lá bài mà ông nhớ được chính xác là… 2.808 (tức 54 bộ bài Tây 52 lá đấy!). Ông cũng là người 8 lần giành chức vô địch cuộc thi Trí nhớ Thế giới. Hai “ngôi sao” của Trí nhớ Từ thời Hy Lạp Cổ đại, nhiều người đã tạo được ấn tượng với bạn bè mình bằng tài ghi nhớ. Chẳng hạn như họ có thể nhớ và đọc vanh vách hàng trăm mục trong một danh sách (ngày tháng và con số; tên gọi và khuôn mặt) theo chiều xuôi, ngược hoặc theo bất kỳ trình tự nào. Sao lại thế được cơ chứ? Hẳn em sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng họ đều dùng Bộ Công cụ Ghi nhớ kỳ diệu để giúp ghi nhớ mọi thứ. Bộ công cụ đó sẽ phát huy hiệu quả khi được kết hợp với hai “ngôi sao” sau đây: - Trí tưởng tượng - Sự liên tưởng Để nhớ tốt, em chỉ cần liên tưởng – dĩ nhiên là cũng sử dụng cả trí tưởng tượng nữa – điều cần nhớ với điều gì đó em đã biết. Nào, chúng ta hãy cùng nhau theo dõi cách thức làm việc của hai “ngôi sao” này nhé! TĂNG CƯỜNG TRÍ NHỚ TUNG & HỨNG Tung hứng không chỉ là một trò VUI NHỘN mà còn là một kỹ thuật tuyệt vời giúp CẢ HAI bán cầu não phối hợp hoạt động cùng nhau, qua đó tăng cường khả năng ghi nhớ và tập trung. Sử dụng cả hai bán cầu não để ghi nhớ Bộ não chúng ta bao gồm hai bán cầu não. Mỗi bán cầu não có những chức năng và phương thức hoạt động riêng biệt. Khi phải tư duy về ngôn ngữ, con số và trình tự, em sẽ dùng bán cầu não trái. Còn bán cầu não phải sẽ “thích thú” khi bắt gặp những màu sắc, bắt được giai điệu của bài hát yêu thích, hay khi sử dụng trí tưởng tượng để lên chủ đề cho bữa tiệc sinh nhật. Tại sao trí tưởng tượng lại có vai trò quan trọng trong học tập và ghi nhớ? Đó là vì nó khiến phần bán cầu não phải hoạt động thật nhiều, trong khi bình thường em dùng chủ yếu là bán cầu não trái. Chỉ dùng có một bên não thì chẳng khác nào cố đi bằng một chân: vất vả vô cùng! Khi phối hợp được cả hai bán cầu não, em sẽ thấy việc ghi nhớ mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều. 1. Trí tưởng tượng Trí tưởng tượng làm cho những điều cần ghi nhớ trở nên thú vị hơn. Và điều gì càng thú vị thì lại càng dễ nhớ. Hãy xem hai nhóm từ sau đây: 1. Bữa tiệc, khoảng trống, quà, nghỉ, trắng, nắng 2. Tiệc tùng, trống trải, quà tặng, nghỉ ngơi, trắng tinh khôi, giọt nắng Theo em thì nhóm từ nào dễ nhớ hơn? Tất nhiên đó sẽ là dãy từ khiến em thích thú và nghe vui tai rồi. Những điều em không thích hoặc không gợi thanh, gợi hình sẽ dễ bị quên hơn. Sau đây là những “trợ tá” của “ngôi sao” Trí tưởng tượng: SỰ CƯỜNG ĐIỆU. “Luân canh” là một đề tài chẳng thú vị chút nào, ấy vậy mà em vẫn phải học đấy. Tuy nhiên, trí tưởng tượng của em có thể khiến chủ đề này thú vị hơn. Chẳng hạn, hãy hình dung cảnh những đám bắp cứ đến cuối mùa vụ là lại nhảy loạn ra khỏi cánh đồng và chạy vội sang phần đất bên cạnh. TIẾNG CƯỜI. Cười và chuyện tiếu lâm ở cùng một đội với sự cường điệu. Càng nghĩ đến những gì đang phải học theo hướng buồn cười và kỳ quặc, em sẽ càng ghi nhớ dễ dàng hơn. Cứ hình dung cảnh đám bắp kia cứ rối rít phóng sang mảnh đất bên cạnh, chúng ta không thể nín cười với hình ảnh mồ hôi mồ kê nhễ nhại ướt cả trái bắp – Ái chà, sao mà thèm món bắp luộc thế nhỉ! GIÁC QUAN. Hãy dùng cả năm giác quan để hỗ trợ thêm cho trí tưởng tượng. Hình dung ra một cánh đồng bắp vàng ươm, cảm giác thô ráp ra sao khi sờ lên lớp vỏ bao ngoài trái bắp, rồi mùi đất ẩm, tiếng cây lá nghe lạo xạo trong gió, và vị ngọt của những hạt “ngọc” quý này. MÀU SẮC. Khi tưởng tượng ra một khung cảnh nào đó, cố gắng để màu sắc hiện thật rõ trong tâm trí: cả cánh đồng lúa vàng rực trông thật chói mắt, em phải cúi mặt nhìn xuống lớp đất màu sậm để làm dịu mắt lại và rồi ngẩng đầu lên nhìn những thân lúa mảnh mai đang chao nghiêng theo chiều gió. LUÂN CANH LÀ GÌ? Để đất đai không bị cạn kiệt chất dinh dưỡng, người ta thường thay đổi giống cây trồng trên mỗi mảnh đất sau một vụ mùa. Thường thì vụ đầu trồng lúa thì vụ sau trồng bắp, hoặc có thể ngưng một vụ để đất trồng được “nghỉ ngơi”, và như thế sẽ không “vắt kiệt” chất dinh dưỡng trong đất(*). (*) Tháng chạp là tháng trồng khoai, Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà. Tháng ba cày vỡ ruộng ra, Tháng tư làm mạ mưa sa đầy đồng. - Ca dao Việt Nam NGÂN NGA NGÂN NGA. Càng đưa thêm âm thanh, nhịp điệu vào bài học,“bức tranh” sẽ càng hiện lên sống động trong tâm trí em. Hãy tưởng tượng cảnh những cây bắp kéo rễ chạy trên đất rồi nhảy phắt sang mảnh đất bên cạnh, còn những người nông dân thì chạy ngược xuôi trên cánh đồng để giữ cho đám cây trồng không gây huyên náo. SUY NGHĨ THEO HƯỚNG KHẲNG ĐỊNH. Nhìn chung, những gì em thích và suy nghĩ theo hướng khẳng định thì dễ nhớ hơn so với những điều em không thích, hay suy nghĩ theo hướng phủ định (ví dụ: không, chớ, cấm, đừng…). Chẳng hạn như, nếu cứ bảo mình không được quên, thể nào em cũng sẽ quên vì não bộ chỉ tập trung vào hướng khẳng định nhiều hơn – nghĩa là được… quên. Vì vậy hãy tự nhắc mình cần phải nhớ; nếu mải lo rằng mình sẽ quên, tất nhiên là em sẽ quên rồi! THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO LƯỢC SỬ VỀ BỘ NÃO Em có biết: Tuổi của Trái đất là khoảng → 5.000.000.000 năm? Sự sống đầu tiên trên Trái đất xuất hiện khoảng → 4.000.000.000 năm trước? Bộ não của con người bắt đầu phát triển từ → 100.000 năm trước? Chúng ta chỉ mới biết bộ não nằm trong đầu, không phải trong tim từ cách đây → 500 năm? Và 95% những gì chúng ta BIẾT về hoạt động của não bộ chỉ mới được khám phá từ khoảng → 10 năm trước? Còn gì nữa không? Đây nhé! Các nhà khoa học nhận ra rằng trung bình con người dùng chưa tới 1% khả năng của bộ não để ghi nhớ. Đúng thế, dưới 1% đấy! Nghĩa là sao? Còn đến 99% khả năng trí não chưa được tận dụng. Như vậy em có thể ghi nhớ bất cứ điều gì em muốn. 2. Sự liên tưởng Giờ là “ngôi sao” thứ hai của đội Trí nhớ đây! Liên tưởng là liên kết những gì em đã biết lại với nhau. Ví dụ như khi về thăm trường cũ, mùi hương, cảnh vật hay âm thanh nào đó ngay lập tức sẽ gợi lên trong em một ký ức rõ ràng về thời còn đi học. Em có thể nhớ lại trọn vẹn mọi thứ. Ký ức mãi mãi được lưu giữ trong bộ não, và chính mùi hương hay âm thanh kia đóng vai trò như “chất xúc tác” khiến cho bộ nhớ vận hành để lôi ra mảnh ký ức tương ứng. Hoạt động liên tưởng cũng khá vui và đơn giản bởi nó giúp em làm phong phú thêm trí tưởng tượng của mình. Em có thể tận dụng khả năng tự nhiên của bộ não để phục vụ cho việc học và nhớ kiến thức. Sự liên tưởng cũng giống như một chiếc tủ quần áo lớn với nhiều giá treo. Nếu muốn học điều mới nào đó, em cần “phối” điều mới này với điều đã có sẵn trong “chiếc tủ”, rồi treo chúng vào cùng một giá. Giả như em đi dự tiệc và gặp một người bạn mới tên là Alex. Làm sao để nhớ tên cậu ấy đây? Anh trai của em cũng tên là Alex và anh ấy trượt ván cực giỏi. Vậy hãy tưởng tượng hai người đang trượt với nhau trên cùng tấm ván. Nếu liên kết được Alex ở bữa tiệc với ông anh trai của mình, chắc chắn em sẽ nhớ cái cậu Alex mới quen mà chẳng mất nhiều công sức. Và sau đây là “trợ tá” của “ngôi sao” Liên tưởng: THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO QUÊN MẤT TỪ Ư? Em có biết Cuộc thi Trí nhớ Thế giới được tổ chức hàng năm không? Vào năm 2004, anh Ben Pridmore đã phá kỷ lục thế giới khi nhớ được thứ tự của 3.705 chữ số 1 và 0 (tức là: 1, 0, 0, 1, 1, 0,…) được xếp ngẫu nhiên. ĐẶC ĐIỂM. Hãy tìm ra đặc điểm của những thứ cần nhớ. Chẳng hạn khi em đi mua hàng cho mẹ và cần nhớ danh sách những thứ cần mua. Thử xếp các món theo nhóm, như trái cây, rau củ, thịt hay đồ dùng gia đình,… xem sao. Lượng thông tin cần nhớ được chia thành từng nhóm nhỏ hơn nên việc xử lý từng nhóm nhỏ sẽ dễ hơn so với cả một danh sách dài. Em cũng có thể căn cứ theo những đặc điểm khác để phân loại, như kích cỡ (từ bé đến lớn), theo trình tự thời gian (rất hữu hiệu khi phải nhớ những cuộc hẹn hay những sự kiện), theo màu sắc, v.v. THỨ TỰ. Một số cách đánh số đặc biệt có thể giúp em nhớ cả một danh sách dài (hãy xem ở chương 4 nhé!). BIỂU TƯỢNG. Dùng biểu tượng và hình ảnh là một cách thông minh để “kích hoạt” trí nhớ. Ví dụ, mỗi khi bắt gặp một ý tưởng mới, em có thể viết chữ và vẽ một cái bóng đèn ở bên cạnh; hay nếu gặp chuyện gì vui, em có thể vẽ một mặt cười cạnh bên. Bản đồ Tư duy là một trong những công cụ ghi nhớ sử dụng rất nhiều hình ảnh và biểu tượng đấy! Sau khi đã biết cách điều khiển hai “cầu thủ ngôi sao”, Trí tưởng tượng và Sự liên tưởng để giúp em giành chiến thắng, đã tới lúc chúng ta cần khám phá thêm những công cụ khác giúp tối ưu hóa trí nhớ kỳ diệu của mình nhé! BẢN ĐỒ TƯ DUY CHO TRÍ NHỚ Bản đồ Tư duy là công cụ có thể giúp em sử dụng tốt trí nhớ của mình. Bản đồ Tư duy hiệu quả là do phối hợp được hai “ngôi sao”: trí tưởng tượng và sự liên tưởng. Vua của Bộ Công cụ Ghi nhớ B ản đồ Tư duy là một dạng ghi chép đặc biệt giúp bộ não dễ dàng ghi nhớ mọi thứ. Công cụ này dùng màu sắc và hình ảnh để khơi dậy trí tưởng tượng; đồng thời, khi em tự tay vẽ và viết, hình ảnh hay từ ngữ sẽ được những đường cong (chính là các nhánh) liên kết với nhau – liên tưởng. Với Bản đồ Tư duy, việc ghi nhớ trở nên thật đơn giản. Đây chính là Vua của các công cụ ghi nhớ. - Bản đồ Tư duy sẽ giúp em: - Nhớ những ai đã mượn sách, truyện - Liệt kê mọi thứ em cần mang theo cho chuyến đi nghỉ - Tập trung lại mỗi khi tâm trí đi “lang thang” Ghi bài trong lớp - Nhớ ngày sinh nhật của bạn bè và người thân - Tra cứu và phân loại thông tin từ nhiều nguồn, như Internet, thư viện, bảo tàng… - Ôn thi - Nhớ lại giấc mơ Cách vẽ Bản đồ Tư duy để ghi nhớ Bản đồ Tư duy thực sự rất dễ vẽ. Giả sử em vừa đi nghỉ về, vừa trải qua một khoảng thời gian tuyệt vời nhưng ngay khi trở lại với việc học, em lại cảm thấy những ngày nghỉ kia dường như đã trôi qua lâu lắm rồi và ký ức đẹp bắt đầu phai nhạt. Nếu vẽ Bản đồ Tư duy cho kỳ nghỉ của mình, em sẽ nhớ được những gì mình đã làm – sẽ rất hiệu quả khi có người hỏi em về kỳ nghỉ. 1. Lấy một tờ giấy không đường kẻ – vì giấy có đường kẻ sẽ cản trở khả năng tưởng tượng của em. Xoay tờ giấy theo chiều ngang. 2. Chuẩn bị vài cây bút lông, chọn những màu em thích. 3. Vẽ một hình ảnh ở giữa trang giấy, hình ảnh này có liên quan đến những gì em đã làm hay nơi em đã đi trong kỳ nghỉ. Viết chữ “KỲ NGHỈ” ở giữa hình minh họa (bên trên hay bên dưới cũng được), nhớ là viết bằng chữ in hoa. Cách đặt chủ đề chính vào giữa sẽ giúp em luôn tập trung, để từ đó tự do phát triển ý tưởng. 4. Chọn màu và vẽ các nhánh chính tỏa ra từ hình ảnh trung tâm. Ở đầu nối với hình trung tâm, hãy vẽ thật dày, rồi mảnh dần cho đến cuối nhánh. Viết ý chính đầu tiên về kỳ nghỉ, chỉ dùng một từ/cụm từ ngắn, dùng CHỮ IN HOA. Viết trên nhánh, dọc theo chiều dài nhánh. Tiếp tục vẽ thêm các nhánh chính khác, mỗi nhánh một màu. Trong ví dụ sau, bạn Mike vừa đi du lịch nước ngoài về; các nhánh của bạn bao gồm “BÃI BIỂN”,“ĐI THAM QUAN”,“KHÁCH SẠN”,“NGƯỜI ĐI CÙNG” và “CÁC HOẠT ĐỘNG”. 5. Giờ hãy để bộ não nghĩ ra ý tưởng để phát triển thêm nhánh chính. Nếu một trong các nhánh chính là “BÃI BIỂN”, vậy thì em thường làm gì ở đó? Bơi? Tắm nắng? Hay xây lâu đài cát? Vẽ các nhánh nhỏ hơn để thể hiện các ý phụ, viết dọc theo nhánh từ/cụm từ ngắn bằng chữ thường. Em có thể vẽ thêm hình minh họa hay biểu tượng nhỏ cạnh mỗi ý. Hình ảnh sẽ giúp em phát huy tối đa khả năng TƯỞNG TƯỢNG! Những phác họa đơn giản cũng không sao – em CÓ THỂ vẽ mà! Đảm bảo cả chữ và hình vẽ đều chạm vào nhánh để cả một hệ thống liên kết với nhau trong trí não em (chính các nhánh hỗ trợ cho việc LIÊN TƯỞNG). 6. Càng nảy ra nhiều ý tưởng có liên quan, hãy vẽ thêm các nhánh phụ. Như vậy là em đã ghi lại được toàn bộ kỳ nghỉ của mình rồi – không khác gì một cuốn nhật ký! Còn bây giờ hãy xem Mike đã làm gì với kỳ nghỉ của cậu ấy nhé! THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO CỨ MƠ ĐI! Em có biết ngủ mơ và mơ mộng đều GIÚP nâng trí tưởng tượng bay cao và tăng cường TRÍ NHỚ không? ĐỐ VUI 1. Hai “cầu thủ ngôi sao” của trí nhớ là gì? 2. Hai “ngôi sao” này có những phẩm chất nào? Và chiến tranh bắt đầu! Giả sử em sắp thuyết trình về đề tài Thế chiến thứ II. Em đã tìm kiếm thông tin từ sách vở trong thư viện, trên mạng Internet, những chương trình ti-vi… Giờ thì em phải phân loại và sắp xếp thông tin theo một trình tự hợp lý, rồi ghi nhớ để có thể trình bày trước cả lớp. Em sẽ xử lý cả đống thông tin kia theo cách nào? Không chỉ có một phương án sắp xếp duy nhất, em có thể sắp xếp thông tin lên các nhánh Bản đồ Tư duy theo nhiều cách khác nhau. Hãy tìm những thông tin có thể kết nối với nhau trên một tấm bản đồ. Bản đồ Tư duy giúp em tìm kiếm những điểm chung giữa các thông tin (sự liên tưởng) và sắp xếp chúng lại. Đây là lý do Bản đồ Tư duy có thể giúp não ghi nhớ mọi thứ vô cùng dễ dàng. Hơn nữa, khi dùng Bản đồ Tư duy, tất cả thông tin sẽ được tập hợp trên một trang giấy duy nhất. Tuyệt chưa! Để thuộc bài hoặc để ghi nhớ từng ý kiến thảo luận trong lớp, em chỉ cần lần theo các nhánh bản đồ trong đầu mình. Chỉ cần xem qua bản đồ vài lần, em sẽ dễ dàng nhớ được toàn bộ. Không khó khăn mấy đâu! TĂNG CƯỜNG TRÍ NHỚ NGÀY GÌ ĐÂY? Không nhớ được mình định làm gì hôm nay, hay ngày mai ư? Không sao đâu! Hãy lập Bản đồ Tư duy cho từng ngày, hay từng tuần, và rồi em sẽ có mặt đúng nơi, đúng lúc cùng với những điều mình cần. Chúc mừng! Giờ thì em đã làm chủ được “vua” của các công cụ ghi nhớ – Bản đồ Tư duy – rồi đấy. ĐỐ VUI 1. Em bước vào một căn phòng tối thui lui, và chỉ có một que diêm trong tay. Trong phòng có một cái đèn dầu, một lò sưởi và một cái bếp. Em sẽ nhóm cái nào trước tiên? 2. Một người tắt hết đèn trong nhà để đi ngủ. Nhưng hôm sau, khi theo dõi tin tức, ông ấy vô cùng hối hận và đau buồn. Tại sao vậy? 3. Cái gì được đặt lên bàn, chia ra thành nhiều phần bằng nhau, nhưng lại không để ăn? 4. Chúng ta hỏi câu này suốt ngày, nhận được những câu trả lời khác nhau nhưng câu nào cũng đúng. Đó là câu hỏi gì? LẶP LẠI & NGHỈ NGƠI Nghỉ giải lao không chỉ để thoải mái thôi đâu. Tin hay không thì tùy, nhưng em thực sự học tốt nhất trong khi nghỉ ngơi đấy! L ý do em học tốt nhất trong khi nghỉ ngơi là vì: não của em vẫn bận rộn cho việc này trong khi em đang làm việc kia. Nghỉ ngơi là những lúc em không cảm thấy quá căng thẳng mà vẫn có thể giải quyết vấn đề của bản thân. Khi đó, trí nhớ sẽ sắp xếp những thông tin đã tiếp thu trước đó để sau này có thể gợi nhớ lại dễ dàng khi em cần đến. Tuyệt ha! Khi đã lưu lại được một “gói” thông tin, bộ nhớ sẽ sẵn sàng lưu thêm “gói” tiếp theo. Trí nhớ luôn “đói” thông tin, và nó cũng cần có thời gian để sắp xếp lại không gian lưu trữ. THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO NGHỈ NGƠI ĐỂ ĐẠT KẾT QUẢ TỐT Em có bao giờ nhận thấy rất nhiều ý tưởng hay xuất hiện khi em không căng đầu suy nghĩ về vấn đề cần giải đáp không? Em nghĩ đến những ý tưởng tuyệt vời cho ngày sinh nhật của mình ở đâu nào? Trong phòng tắm phải không! Em nghĩ ra cách giải bài toán vào lúc nào? Khi đang trên đường đi học về. Các thiên tài trên thế giới đều như vậy! Bộ não thường hoạt động TỐT NHẤT khi được NGHỈ NGƠI, vì thế nếu đang “bí lù” chuyện gì đó thì hãy đứng dậy và kiếm chuyện gì khác để làm. Nghỉ ngơi một chút mà hiệu quả vô cùng Chúng ta sẽ đề cập đến hình thức nghỉ ngơi nào đây? Ở nhà, em có thể tự sắp xếp kế hoạch cho mình – vừa học vừa chơi, làm bài tập hay ôn tập cho kỳ thi sắp tới. Khi cảm thấy mệt mỏi, hết hứng thú, hãy tạm nghỉ khoảng 5 – 10 phút. Lý tưởng nhất là cứ sau 45 phút học bài thì em nghỉ ngơi một chút. Ra ngoài hít thở không khí trong lành, tung hứng (xem trang 42 – 43) hay đi sang phòng khác – bất cứ việc gì khiến tâm trí em ngừng suy nghĩ về việc đang làm. Khi trở lại, đầu óc sẽ tỉnh táo hơn và ham thích học hơn. Em nhìn thấy hai sợi dây thừng bắc qua dòng sông Quên lãng bên dưới chứ? Sợi dây bị chùng thể hiện những gì em ghi nhớ được sau hai tiếng đồng hồ miệt mài học mà không hề ngơi nghỉ. Hãy xem nó đã sa xuống thấp đến chừng nào và mất bao nhiêu sức để giữ nó không bị rớt xuống sông!? Những gì rơi xuống dòng sông Quên lãng hầu như sẽ nhanh chóng bị đàn cá răng đao – “sát thủ” Ký ức – xơi sạch! Trong khi đó, hai cậu bé ở bên trên trông có vẻ thoải mái hơn nhiều. Họ đã dựng được những chiếc cọc từ lòng sâu để đỡ sợi dây thừng. Mỗi chiếc cột tượng trưng cho một lần nghỉ giải lao. Sợi dây của hai cậu ấy được giữ an toàn và khô ráo ở trên cao – nghĩa là họ nhớ được rất nhiều! Trở thành thần đồng tung hứng Thích chơi tung hứng nhưng lại không biết tập thế nào à? Dễ thôi! Em chỉ cần chuẩn bị ba quả bóng nhỏ, mềm, hay mấy túi đậu cùng kích cỡ, nặng bằng nhau và thêm chút… quyết tâm. Bước 1 – Luyện với 1 bóng Giơ cả hai tay lên, ở vị trí ngang hông, một tay cầm lấy quả bóng. Tung nhẹ quả bóng sao cho bóng bay theo ĐƯỜNG CONG, rồi hứng bằng tay kia. Tung bóng qua lại giữa hai tay cho đến khi thuần thục, có thể thực hiện tự nhiên mà không còn nghĩ ngợi gì nữa. Mẹo nhỏ: Dùng cử động của cùi chỏ để thảy bóng, không phải cử động của cổ tay. Đứng luyện tập trước bức tường để có được đường bóng thẳng. Bước 2 – Dùng 2 bóng Giờ thì mỗi tay cầm một quả bóng. Đầu tiên tung quả bóng 1 (ở tay phải) lên, để nó bay theo hình cung và rơi vào tay trái. Điểm bay cao nhất của quả bóng là ngang tầm mắt. Khi bóng đạt đến điểm cao này, ngay lập tức tung bóng 2 (ở tay trái) sang cho tay phải. Dùng tay trái bắt bóng 1 và dùng tay phải bắt bóng 2. Dừng tại đây! Thử lại lần nữa. Nhưng lần này thì tung bóng bằng tay trái trước. Tiếp tục tập luyện cho đến khi em có thể thảy bóng qua lại giữa hai tay một cách nhịp nhàng mà không cảm thấy chần chừ, do dự nữa. Bước 3 – Với 3 quả bóng Tay thuận giữ lấy bóng 1 và 3 (trong trường hợp này, tôi sẽ bắt đầu bằng tay phải, nếu em thuận tay trái thì hãy bắt đầu bằng tay trái trước nhé!), bóng 2 nằm ở tay còn lại (trong trường hợp này là tay trái). Bắt đầu tung bóng 1 theo hình cung sang bên trái. Khi bóng 1 lên đến điểm cao nhất (ngang tầm mắt) thì tung bóng 2 lên, theo hình cung sang bên phải. Đến đây thì làm giống như Bước 2. Khi bóng 2 đạt đỉnh cao nhất, tung bóng 3 lên theo hình cung sang bên trái. Bắt bóng 2 bằng tay phải. Mẹo nhỏ: Em sẽ thấy dễ hơn một chút nếu để bóng 3 trượt xuống nửa trước của bàn tay trước khi tung nó lên. Khi bóng 3 chạm đỉnh cao nhất, lại tung bóng 1 (ở trong tay trái) lên theo hình cung về bên phải. Bắt bóng 3 bằng tay trái. Bắt đầu lại từ đầu và cứ tiếp tục. Những mẹo vặt tung hứng tuyệt vời: - Luôn tung bóng lê vòng cung - Giữ hai bàn tay cao thắt lưng - Dùng những quả b màu để dễ phân bi - Tung bóng lên ca ngang tầm mắt - Đừng tự ép mình phải làm cho được ngay trong lần đầ Từ từ, từng chút một nhưng thường xuy mới hiệu quả - Luyện tập – luyện t luyện tập! Khi nào thì em tiếp thu tốt nhất? Em có nhận thấy em thường chỉ nhớ được nhiều hơn vào đầu giờ học không? Tâm trí chúng ta rất dễ “lang thang” từ giữa giờ học, trừ khi em học những bài có liên hệ với nhau (sự liên tưởng!), hay khi giáo viên nói về điều gì đó thật sự khác biệt và gây chú ý. Chỉ khi đến gần cuối giờ học, bộ não em mới tỉnh táo, tập trung trở lại và em sẽ thấy phần bài học này thật dễ nhớ. Hình trang bên thể hiện rất rõ điều này: bắt đầu với mực nước cao, rồi hạ thấp và lại dâng cao. Những điểm cao nhất thể hiện khả năng tiếp thu và ghi nhớ tốt nhất là ba ngọn sóng lớn liên tục, đây là những điều có liên hệ với nhau trong bài học; còn ngọn sóng lướt là điều nổi bật, đáng chú ý. Cũng như những sợi thừng bắc ngang con sông Quên lãng, nếu thường xuyên nghỉ giải lao, lượng thông tin em phải ghi nhớ mỗi lần sẽ ít hơn và theo đó sẽ ít bị quên, ít mất tập trung hơn. THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO Em có biết trong cái đầu kỳ diệu của em có đến khoảng 1 triệu triệu tế bào thần kinh không? Các tế bào này rất nhỏ, nhỏ đến nỗi em có thể nhét cả trăm cái vào trong đầu kim. Còn nếu xếp chúng thành hàng thì ta sẽ có được sợi dây dài bằng từ đây lên đến Mặt trăng rồi vòng về Trái đất đấy – mà Mặt trăng thì cách Trái đất khoảng 384.400 km! Con “chiến mã” tập trung Để tập trung tốt, ta cần giữ cho tâm trạng mình thật thoải mái. Có tập trung thì mới học tốt được. Hãy hình dung sự tập trung cũng giống như con chiến mã dũng mãnh luôn nôn nóng muốn lao đi! Và em phải cưỡi lấy nó! Đôi khi việc đó cũng dễ thôi, nếu điều nó muốn làm cũng là điều em muốn làm, nhưng cũng có lúc nó biết em không thực sự để tâm vào điều em yêu cầu nó làm – nó biết em đang mơ mộng trở thành ngôi sao điện ảnh hơn là ngồi tính số đo góc hình tam giác trong lớp. THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO Em có biết những vùng khác nhau trong bộ não thực hiện những chức năng khác nhau không? Phần não giúp ta ghi nhớ là đại não (cerebrum). Đây là phần não lớn nhất chiếm trọn gần hết hộp sọ, trông như một chiếc mũ trùm phủ lên những phần còn lại. Trên đại não có những nếp nhăn và rãnh uốn. Đại não gồm hai bán cầu não nằm ở bên trái và phải. Thế rồi nó lao như điên, tơ tưởng hết điều này đến điều nọ. Tuyệt thật đấy, nhưng em vẫn phải tính số đo ba góc của hình tam giác đấy nhé! Con “chiến mã” Tập trung của em là con ngựa đua số một. Tất cả những gì em cần làm là học cách điều khiển nó. Và rồi em sẽ có thể tập trung vào đúng đối tượng, vào đúng lúc và bỏ xa những người khác để về đích trước. Làm sao ư? Hãy để trí tưởng tượng của mình hoạt động. Tưởng tượng và phi vụ giải cứu! Đôi khi tập trung trong giờ học là điều hết sức khó khăn vì em không thể nghỉ giải lao theo ý mình muốn. Thử vài cách sau để bắt trí tưởng tượng hoạt động nhé: Vẽ một Bản đồ Tư duy về những gì thầy cô đang giảng. Cách làm này sẽ khiến trí tưởng tượng và cả sự tập trung của em phải làm việc để tâm trí không “phiêu du”, đồng thời em cũng mau nhớ bài hơn. Nếu cần, hãy vẽ sẵn các nhánh cho Bản đồ Tư duy rồi mang theo đến trường và chỉ phải điền vào các nhánh trong giờ học thôi. Tìm cách ứng dụng những Công cụ Ghi nhớ (xem chương 4). Chẳng hạn như nếu phải ghi nhớ cả một lô ngày tháng năm, hãy KHỞI ĐỘNG trí tưởng tượng bằng cách ghi nhớ số thông qua Hình dạng và Vần điệu, hoặc nếu phải đọc một quyển sách mà bản thân chẳng thích thú gì mấy, em có thể làm cho câu chuyện sinh động hơn bằng Cuốn phim Ký ức. Hãy đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi khi có cơ hội. Nếu em năng động, nhiệt tình tham gia trong giờ học thì trí tưởng tượng sẽ làm việc CÙNG em, giúp “ngấm” bài nhanh hơn. Nếu em không thích môn học nào đó, hãy dùng trí tưởng tượng để liên tưởng nó với điều gì đó đáng CHÚ Ý. Ví dụ như, em không thích môn Ngữ văn nhưng em lại rất thích trò chuyện với bạn bè qua điện thoại. Vậy thì môn Ngữ văn và những câu chuyện trao đổi với bạn bè có LIÊN HỆ mật thiết với nhau thế nào?! Ngôn ngữ là phương tiện hình thành và phát triển nhận thức về thế giới xung quanh. Ngôn ngữ còn hỗ trợ giao lưu cảm xúc với mọi người. Ngôn ngữ còn là công cụ giúp hòa nhập với cộng đồng. Shakespeare, nhà soạn kịch thiên tài, cũng hay thu thập ý tưởng để viết khi trò chuyện và lắng nghe người khác nói đấy! Em cũng có thể làm như vậy, dù là bài văn, câu chuyện hay là kịch bản. Vì thế nếu thích gặp gỡ và vui đùa với bạn bè, em rồi sẽ thích môn Ngữ văn thôi! Cứu với! Trống trơn rồi! Nếu em từng rơi vào trạng thái đầu óc “trống rỗng”, thì hẳn đó là do em đang ở đợt cao điểm và đang chịu áp lực phải ghi nhớ quá nhiều thứ. Nếu bị hỏi bài trong lớp mà không trả lời được thì cũng đã tệ lắm rồi, nhưng nếu “bí lù” ngay trong khi thi thì đây mới đúng là ác mộng. Vậy nên em cần thư giãn ngay thôi. Trí tưởng tượng sẽ “chạy mất tiêu” mỗi khi em căng thẳng quá độ – nhưng nếu giữ cho mình thoải mái một chút, nó sẽ luôn trở về với em. Giả sử như em vừa đọc xong đề bài môn thi vật lý và đang cần trả lời cho câu hỏi về trọng lực. Em chăm chăm nhìn vào trang giấy trắng nhưng chẳng nghĩ ra gì. Vậy thì hãy làm như sau: Nhắm mắt lại, hít vào rồi thở ra CHẬM và SÂU, hai bàn tay đặt trên bụng. Cảm nhận bụng phồng lên, xẹp xuống. Sau vài giây, hãy trở lại với câu hỏi và chỉ nghĩ đến chủ đề cần trả lời – trọng lực. Chà, em BIẾT rằng chính nhờ trọng lực mà chúng ta đứng được trên mặt đất mà! Với thông tin đầu tiên đó, hãy phác họa nhanh một Bản đồ Tư duy đơn giản để hướng trí tưởng tượng đi ĐÚNG hướng. Trên những hành tinh khác nhau, trọng lực sẽ khác nhau, và trên Mặt trăng cũng thế – em đã xem những đoạn phim và thấy các phi hành gia phải nhảy nhảy trên đó mà. Hãy thêm vào Bản đồ Tư duy các ý này. Tiếp tục tự hỏi rồi tự trả lời nhờ vào công cụ Bản đồ Tư duy. Em sẽ thấy kiến thức cứ thế quay lại với em; và nếu đã từng vẽ một Bản đồ Tư duy về trọng lực trong lúc ôn tập, em sẽ sớm nhớ lại bài thôi. MẸO: Nếu sau 1 – 2 phút mà em vẫn chưa nghĩ ra câu trả lời thì hãy chuyển sang câu hỏi dễ hơn. Trong lúc đó, trí nhớ vẫn làm việc để giải quyết câu hỏi còn “nợ” và sẽ đưa ra câu trả lời khi em trở lại với câu hỏi dang dở. Mấu chốt là 5 lần ôn tập! Thật phiền toái khi những gì em nắm rất rõ, hiểu rất kỹ đôi khi cứ trôi tuột ra khỏi đầu em, như thể em chưa từng biết gì về nó vậy. Đừng hoảng hốt! Em chỉ quên vì chưa khắc ghi nó vào sâu trong trí nhớ mà thôi. Khi mới học điều gì đó, kiến thức sẽ được lưu vào bộ nhớ tạm thời. Tức là em chỉ nhớ trong vài phút, vài ngày (hay thậm chí vài tuần nếu sử dụng bộ công cụ ghi nhớ tôi đã giới thiệu). Nếu muốn ghi nhớ mãi mãi, em cần chuyển thông tin vào vùng nhớ dài hạn bằng cách thường xuyên xem lại bài vở. Nếu vừa xem lại bài, vừa dùng các công cụ ghi nhớ thì em chỉ cần xem lại bài tối đa năm lần, rồi em sẽ nhớ mãi. Thử nghĩ xem em sẽ tiết kiệm được bao nhiêu thời gian và công sức khi kỳ thi tới. Vậy em sẽ xem lại bài vở như thế nào đây? Ôn đi ôn lại năm lần sẽ giúp nhớ thật lâu! Lần thứ nhất: Khoảng một tiếng sau giờ học ở trường, hoặc sau khi xem xong quyển sách, bài viết… nào đó Lần thứ hai: Ngày hôm sau Lần thứ ba: Một tuần sau Lần thứ tư: Một tháng sau Lần cuối cùng: 3 – 6 tháng sau Sau lần ôn bài thứ năm, đây là lúc đến phiên sự sáng tạo hoạt động. Trí tưởng tượng sẽ luôn song hành cùng những gì em đã học và đã nhớ, nhờ vậy em thấy mình dường như biết nhiều hơn. Em kết nối các ý với nhau bằng khả năng ghi nhớ tuyệt vời của mình. Mơ mộng cũng rất có ích. Hãy để tâm trí “thơ thẩn” với những ý tưởng hay thông tin nào đó và rồi nó sẽ trở nên sống động hơn đối với em. Chiếc máy bay màu đỏ biểu trưng cho kết quả nếu em không chịu xem lại bài – nó bay lên được một chút rồi cứ thế lao xuống bởi càng lúc em càng mất tự tin và suy nghĩ lung tung. Trong khi đó chiếc máy bay màu trắng vẫn duy trì được độ cao, và rồi bay vút lên. Đó là do em đã nhớ hết mọi thứ và có thể liên kết những kiến thức đã học với nhau. Chính vì vậy em mới nhớ được nhiều, nhiều HƠN nữa! Xây dựng thói quen ôn tập Làm thế nào để biết em đã ôn được những gì và khi nào thì cần xem lại bài? Cách tốt nhất là mua hoặc tự thiết kế cho mình một cuốn lịch lớn, nhiều màu sắc và tập thói quen kiểm tra lại những gì đã học trong ngày. Dành ra 20 phút xem lại bài đã học ở trường ngày hôm đó, rồi xem lại lịch của tuần trước, tháng trước và sáu tháng trước để xem mình cần ôn lại nội dung nào. Đánh dấu bất cứ chỗ nào không hiểu rồi hỏi bạn bè, bố mẹ hay thầy cô. Theo cách này, em sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, lo sốt vó vào những giây phút cuối cùng bởi vì em đã nhớ được mọi điều đã học. ĐỐ VUI 1. Ba từ FLOUR, TERN và THIRSTY có điểm chung nào? 2. Làm ra bao nhiêu, bỏ lại bấy nhiêu. Đấy là gì? 3. Ba người đang đi câu cá thì thuyền bị lật do tai nạn. Cả ba rơi xuống nước nhưng chỉ có hai người bị ướt tóc. Tại sao tóc người còn lại không bị ướt? 4. Hãy lấy tôi ra và chà chà cái đầu tôi. Ôi, cái đầu đỏ của tôi giờ đã đen thui rồi. Tôi là ai vậy? MẸO HAY GIÚP NHỚ TỐT Cũng như Bản đồ Tư duy, những công cụ ghi nhớ sau đây cũng hoạt động nhờ vào hai “cầu thủ ngôi sao” trí tưởng tượng và sự liên tưởng. Em có thể vận dụng riêng từng kỹ thuật, hoặc dùng kết hợp với Bản đồ Tư duy. Những công cụ này sẽ giúp em đùa vui với trí nhớ, vì thế hãy thư giãn, bạo dạn vào, cười đùa thoải mái và không ngại sự khác biệt! Đầu óc càng thư thả, vui vẻ thì càng dễ nhớ. 1. Cuốn phim Ký ức uốn phim Ký ức là một trong những công cụ hỗ trợ ghi nhớ đơn C giản nhất. Em sẽ tự “quay” một đoạn phim trong đầu mình và cố làm sao để nó thật nhiều màu sắc, thú vị và cường điệu hết mức có thể. Kết hợp với trí tưởng tượng, em sẽ nhớ được mọi diễn tiến của câu chuyện. Hãy hình dung em là đạo diễn của một bộ phim “bom tấn” nào đó, như Harry Potter, Chiến tranh giữa các vì sao, hay Shrek ! Còn nhớ mẹo ôn đi ôn lại ở chương vừa rồi không? Em cần tua đi tua lại đoạn phim của mình vài lần để đảm bảo đã có được mọi thông tin cần thiết và thông tin in dấu sâu đậm trong tâm trí em. Sau đó, khi muốn nhớ lại điều gì, chỉ cần nhấn nút “PLAY” để vận hành trí nhớ thôi. Cuốn phim Ký ức đặc biệt hữu dụng khi cần ghi nhớ: - Chiến thuật mà đội bóng yêu thích của em đã dùng để ghi bàn - Diễn biến của một trận chiến và các bên đã tham chiến - Các bước nhảy - Cách làm món bánh em yêu thích - Những bước cần thực hiện trong một thí nghiệm vật lý, hóa học… - Bản đồ Tư duy (chỉ cần xem lại các nhánh, rồi thông tin sẽ tự động “ùa ra” ngay!) THÔNG TIN THÚ VỊ VỀ BỘ NÃO SAO LẠI THẾ ĐƯỢC? Đầu em chứa cả Vũ trụ này đấy! Sao lại thế được? Các nhà khoa học đã chứng minh rằng số lượng ý nghĩ chúng ta sản sinh ra NHIỀU hơn số lượng nguyên tử có trong Vũ trụ này. ĐỐ VUI 1. Jack và Jill được phát hiện đang nằm thở hổn hển trên vũng nước, xung quanh là những mảnh vỡ thủy tinh! Chuyện gì đã xảy ra vậy? 2. Chỉ có một màu nhưng kích cỡ luôn thay đổi. Dính chặt bên dưới nhưng dễ dàng bay đi. Hiện hữu dưới ánh mặt trời nhưng biến mất dưới cơn mưa. Chẳng hại ai và cũng chẳng thấy đau. Tôi là ai? 3. Ngày xưa có một tên trộm ranh mãnh bị kết án tử hình vì dám chống đối nhà vua. Nhưng nhà vua vẫn bao dung, cho phép hắn lựa chọn cách để kết liễu cuộc đời. Tên trộm sẽ chọn cách chết nào? 4. Ở nơi nào trên Trái đất mà khi em đứng thẳng thì vẫn bị xem là nghiêng? Ánh sáng! Máy quay! Diễn! Có bao nhiêu hành tinh trong Thái Dương hệ nhỉ? Em có thể kể tên chính xác tất cả theo đúng thứ tự lớn, nhỏ và bé xíu không? (Mẹo: có 3 hành tinh nhỏ, 4 hành tinh lớn và 1 hành tinh trung bình). Với Cuốn phim Ký ức, em sẽ nhớ được thứ tự và một số đặc điểm của các hành tinh trong Thái Dương hệ – NHỚ MÃI KHÔNG QUÊN đấy! Tính từ Mặt Trời trở ra, thứ tự của các hành tinh trong Thái Dương hệ là như sau: 1. Sao Thủy 2. Sao Kim 3. Trái Đất 4. Sao Hỏa 5. Sao Mộc 6. Sao Thổ 7. Sao Thiên Vương 8. Sao Hải Vương 9. … À à… sao Diêm Vương không còn được xem là hành tinh thuộc Thái Dương hệ rồi! Thế thì Thái Dương hệ có 8 hành tinh. Xem ra hơi khó thuộc lòng danh sách này đấy. Vậy sao không thả sức tưởng tượng với Cuốn phim Ký ức nhỉ! Nào! Diễn! Nhắm mắt lại và nghĩ đến MẶT TRỜI. Phải, đó là quả cầu nhiệt nóng bỏng, màu vàng cam sáng rực. Chà chà, đã thấy nóng chưa nào!? Coi chừng! Nóng! Nóng đấy! Chạy nhanh thôi! Và… Ô kìa! Một quả cầu nhỏ với cái tên nghe mà… mát rượi. Dù kích cỡ chẳng đáng là bao so với Mặt Trời nhưng nó phần nào cũng khiến chúng ta thấy dễ chịu hơn hẳn sau khi đã “áp sát” quả cầu lửa vĩ đại kia! Phải, tiếp theo là SAO THỦY! Sau khi đã hạ nhiệt rồi, chúng ta đi tiếp chứ! Kia kìa!!! Một quả cầu nhỏ trông thật đẹp xinh và hấp dẫn. Quả đúng là hành tinh của Thần Tình Yêu (Venus) – SAO KIM. Ôi, nhưng cẩn thận đấy, vị nữ thần này có lúc cũng nóng tính lắm. Nhớ đừng chạm vào!!! Này! Thôi rồi! Đã nói là đừng chạm vào.... Chúng ta bị hất bay rồi! Bay đến đâu đây? ẦM!!! À, may quá! Hạ cánh xuống ngay một khu vườn xanh tươi! Ủa, vậy là về đến TRÁI ĐẤT rồi ư? Vậy thì phải xem lại xem phi thuyền có bị gì không Cũng may mà “nàng” SAO KIM chỉ đẩy nhẹ thôi đấy! Phi thuyền cũng chẳng hỏng hóc gì nhiều. Tiếp tục hành trình thôi! Nào! Rời khỏi TRÁI ĐẤT! Ơ! Lại là một hành tinh nhỏ nữa à? – Phải! Nhỏ… nhưng có võ đó! Nhìn vẻ mặt nóng bừng bừng của nó kìa!!! Một hành tinh “nóng tính” – SAO HỎA. Thế thì không nên liều lĩnh, không khéo lại xảy ra sự cố như ở SAO KIM! Ta đi tiếp thôi! Nhưng… Ô kìa! Vĩ đại làm sao! SAO MỘC ấy mà – hành tinh lớn nhất trong Thái Dương hệ. Vì là “anh cả” của các hành tinh nên SAO MỘC mới được xếp nằm gần hành tinh nóng tính như SAO HỎA để nhắc nhở, bảo ban “cậu em” nóng nảy. Tiếp sau SAO MỘC là SAO THỔ,“chị hai” của Thái Dương hệ, hành tinh lớn thứ hai – “bà chị” này rất thích môn lắc vòng. Mà đã có “đất” (Thổ) thì phải có “trời” (Thiên) và biển” (Hải) chứ. Phải rồi! Hai hành tinh cuối cùng trong Thái Dương hệ chính là SAO THIÊN VƯƠNG và SAO HẢI VƯƠNG. TỐT LẮM! CẮT! Giờ hãy mở lại đoạn phim để xem nào! XEM LẠI! ÔN LẠI! Tập trung tất cả các giác quan! Những ký ức sống động, giàu hình ảnh là chất xúc tác, khiến cho kiến thức về các hành tinh xuất hiện và tự sắp đặt theo đúng thứ tự. Thế đã nhớ cả chưa? Vẫn chưa hoàn toàn à? Vậy thì hãy XEM LẠI lần nữa, làm cho hình ảnh hiện ra rõ nét hơn. Nếu có chỗ nào vẫn chưa rõ! Cứ tua đi tua lại để hình ảnh liên tục tái hiện trong đầu, càng lúc sẽ càng rõ hơn. Nhớ vận dụng tất cả các giác quan đấy! Chẳng hạn như nếu vẫn chưa nhớ được Sao Kim, hãy liên tưởng trên hành tinh đó có một Nữ thần Tình yêu với suối tóc vàng tuôn dài óng ả, mặc một bộ váy trắng trông vô cùng kiêu sa! KHOẢNG TRỐNG KÝ ỨC Nếu có lỡ quên ý nào ngay trong lúc thi thì hãy cứ bình tĩnh. Hồi tưởng lại lúc đang học hay đang ôn phần kiến thức đó. Khi ấy, em đang ngồi ở đâu? Tại bàn học, hay đang nằm trên giường ôn bài? Phần kiến thức đó nằm trong cuốn sách nào? Trang nào? Trí não của chúng ta “yêu thích” các vị trí, vậy nên hãy “xóc” trí nhớ lên bằng cách đưa tâm trí dạo qua từng nơi một, và rồi em sẽ nhớ được ngay phần kiến thức tưởng đã quên. Những công cụ ghi nhớ khác! Vần điệu, thủ pháp chơi chữ cũng là những “trò” vui giúp kích hoạt trí nhớ. Viết tắt Em có biết những cụm từ này không? - United Nations Educational, Scientic and Cultural Organization - Light Amplication by Stimulated Emission of Radiation - Acquired Immune Deciency Syndrome - Test Of English as a Foreign Language Hãy ghép chữ đầu (in hoa) của những cụm từ này lại rồi xem thế nào. Quen lắm phải không? - UNESCO - LASER - AIDS - TOEFL Viết tắt(*) đôi khi cũng giúp em ghi chép và ghi nhớ nhanh chóng hơn. Hãy tìm thêm một số cách viết tắt giúp em nhớ bài tốt hơn nhé! Sáng tác thơ cho bài học Sao khó nhớ diễn biến các sự kiện lịch sử quá! Làm thế nào để nhớ một bản danh sách dài dòng đây! Thế thì em hãy chuyển nội dung bài học thành bài thơ có vần điệu thử xem(**). (*) Xem Phụ lục 1 (**) Xem Phụ lục 2 Phổ nhạc cho bài học Tại sao chúng ta dễ thuộc lời một bài hát yêu thích hơn so với một danh sách ngày tháng, tên gọi, sự kiện, hay số liệu? Vì vậy em hãy thử phổ nhạc – như đọc rap chẳng hạn – cho những bài học “khó nhằn” để xem có dễ nhớ hơn hay không nhé! ĐỐ VUI Hãy tìm tên của 5 hành tinh qua những manh mối sau: 1. “What hurts?”, asked the doctor. “It’s my ear,” the patient cried. 2. “Steven, use the screwdriver to build those shelves.” 3. Everyone takes a turn during Monopoly. 4. “Cassie, you ran us over with your bicycle!” 5. “Sam, arsenic is poisonous. I read the de- nition in the dictionary.” “Bật mí”: em không cần hiểu nghĩa của những câu trên; càng cố dịch nghĩa, em càng không thể đoán được tên! 2. Lâu đài Hồi tưởng Hẳn là em đã từng bị xao nhãng trên đường đi và cuối cùng quên khuấy luôn việc định làm. Lúc đó thì chỉ có nước quay lại nơi mình đã đi qua để nhớ lại thôi. Sao lại thế nhỉ? Là vì bộ não của em có thể hồi tưởng rất tốt vị trí của mọi vật. Với kỹ thuật Lâu đài Hồi tưởng, em có thể tận dụng khả năng nhạy bén với không gian của bộ não. Tôi đã học tập ý tưởng này từ người La Mã, những con người vô cùng sáng tạo và chính họ đã nghĩ ra kỹ thuật ghi nhớ này. Họ gọi đó là Hệ thống Căn phòng, còn tôi thì thích gọi là Lâu đài Hồi tưởng hơn vì đây là nơi cất giữ rất tuyệt vời. Một yêu cầu bắt buộc khi muốn “sống” trong tòa lâu đài này là hãy giữ yên tất cả những gì có sẵn bên trong và đặt điều em muốn nhớ bên cạnh những vật dụng đã bày trí sẵn. Hơi giống chuyện cái tủ áo tôi đã đề cập ở trang 20. Em “treo” thông tin ở gần một điều mà em đã biết. Kỹ thuật Lâu đài Hồi tưởng phát huy hiệu quả nhờ vào sự liên tưởng để liên kết các thông tin với nhau. ĐỐ VUI 1. Hãy liệt kê theo thứ tự các hành tinh trong Thái Dương hệ, tính từ Mặt Trời trở ra. 2. Hai con vịt đi trước hai con vịt, hai con vịt đi sau hai con vịt và hai con vịt đi giữa hai con vịt. Vậy hỏi có bao nhiêu con vịt tất cả? 3. Không thể nhìn thấy tôi, không thể cảm nhận tôi, không thể nghe tiếng tôi, không thể ngửi thấy mùi tôi. Tôi nằm phía sau các vì sao, bên dưới những rặng đồi và lấp đầy những cái hố. Tôi là ai? 4. Có 6 ly rượu nằm thẳng hàng trên bàn. 3 ly đầu chứa đầy rượu còn 3 ly sau không có giọt rượu nào. Làm thế nào để các ly đầy rượu và không có rượu này nằm xen kẽ nhau chỉ với 1 lần di chuyển duy nhất 1 ly rượu? Tòa lâu đài trong miền ký ức Đầu tiên em cần dùng trí tưởng tượng để “vẽ” ra khung cảnh tòa Lâu đài Hồi tưởng của mình. Dành ra một ít thời gian để hình dung và vẽ Bản đồ Tư duy, nhờ đó em sẽ biết được mỗi phòng chứa những gì và được sắp xếp theo trật tự nào. Nào, em nhìn thấy gì ngay khi mới bước vào lâu đài? Thường sẽ có một cầu thang lớn bằng đá cẩm thạch trắng sáng bóng nằm ngay giữa sảnh, dẫn lên lầu một. Đưa chi tiết này vào Bản đồ Tư duy nào! Tiếp theo là gì? Khi ngước nhìn lên thì em sẽ thấy gì? À, một bộ đèn chùm sáng lấp lánh trên trần. Nào, thêm vào bản đồ luôn đi! Còn sàn nhà thì sao? Em đang đứng trên một tấm thảm tròn êm mượt màu xanh dương nhạt với viền tua rua màu vàng. Trong sảnh còn gì nữa không? Một cái đồng hồ cổ đang nhịp tích tắc tích tắc ở góc phòng. Giờ khi đã bắt gặp những vật dụng quan trọng ở tiền sảnh, hãy đi sang phòng khách ở kế bên thôi. Đảo mắt nhìn quanh, em nhìn thấy cái gì đầu tiên? Một chậu cá cảnh thật đẹp, với chú cá vàng đang bơi lội tung tăng. Cứ thế, hãy dùng trí tưởng tượng và các giác quan để “vẽ” ra bức tranh rõ ràng về Lâu đài Hồi tưởng trong tâm trí em. Nhớ là phải xem đi xem lại Bản đồ Tư duy nhiều lần để có thể lưu từng chi tiết vào “bộ nhớ”. Bản đồ Tư duy về vị trí đặt mọi vật trong lâu đài sẽ giúp em biết được mình có thể “treo” thứ gì lên. Nếu muốn, hãy dùng chính ngôi nhà của em làm Lâu đài Hồi tưởng. Dạo chơi trong lâu đài Giả sử em cần nhớ danh sách những món đồ/công việc sau: - dắt chó đi dạo - máy trò chơi điện tử quả bóng đá - máy ảnh - hộp cơm trưa - điện thoại di động bài tập môn Địa lý - vệ sinh chậu cá cảnh đĩa CD mới mua - mua hoa tặng mẹ Nào! Giờ đã hình dung rõ ràng hình ảnh Lâu đài Hồi tưởng trong đầu mình chưa? Rồi đúng không? Nhớ là hãy tự do và thoải mái phát huy trí tưởng tượng nhé! Bắt đầu thôi! Việc đầu tiên cần nhớ là dắt chó đi dạo. Hãy tưởng tượng chú chó nhà em đang ve vẩy đuôi, lăng xăng chạy lên chạy xuống cầu thang đá cẩm thạch với vẻ hí hửng, miệng ngậm sợi dây dắt chó như thể đòi đi chơi. Tiếp theo, đến cái máy trò chơi điện tử. Làm thế nào để nhớ đây? Phải rồi! Cái máy trò chơi nhảy tưng tưng theo trò chơi và phóng lên, mắc vào bộ đèn chùm. Giờ thì máy trò chơi đang lủng la lủng lẳng trên bộ đèn. Rồi đến trái banh. Trông nó thế nào? Một quả bóng da mềm màu trắng. Ngửi thấy mùi da mới chứ? Quả bóng nảy liên hồi trên chiếc thảm màu xanh giữa tiền sảnh, rồi em cuộn thảm lại, gói quả bóng bên trong như một cuốn chả khổng lồ. Còn chiếc máy ảnh thì sao? Em mở hộp đồng hồ ra, treo máy ảnh vào quả lắc. Chiếc máy ảnh đung đưa qua lại, va đập vào hai bên vách hộp đồng hồ. Tiếng đồng hồ tích tắc xen lẫn với tiếng va đập nghe thật lạ tai! Góc ôn luyện Nào! Phần còn lại dành cho em đấy. Còn sáu vật cần phải ghi nhớ, hãy dùng trí tưởng tượng để liên kết chúng với những vật khác trong Lâu đài Hồi tưởng. 3. Dựa vào hình dạng để ghi nhớ con số Công cụ tiếp theo là dùng hình dáng con số để “neo” lại những gì cần nhớ. Cũng như Lâu đài Hồi tưởng, khi muốn nhớ thông tin nào đó, em cần liên kết thông tin ấy với các con số. Cũng như các công cụ hỗ trợ ghi nhớ khác, công cụ này cũng rất hiệu quả vì vận hành dựa vào trí tưởng tượng và sự liên tưởng, hai “ngôi sao” của trí nhớ. Hình dạng sẽ giúp ghi nhớ nhanh hơn Hãy nhìn qua trang bên để xem những con số và hình ảnh đi kèm. Trông chúng khá giống nhau phải không? Hãy dành ra vài phút để tìm hiểu và ghi nhớ những hình ảnh đi cùng những con số. Vẽ một Bản đồ Tư duy với mỗi nhánh chính tương ứng với một con số. Trên nhánh chính sẽ viết số và trên nhánh phụ sẽ viết (vẽ) hình ảnh tương ứng. Cứ thế xem đi xem lại Bản đồ Tư duy để thực sự ghi nhớ sự tương quan giữa số và hình. Nào, hãy luyện tập thôi. Số điện thoại di động của em là số mấy? Hãy viết ra giấy nhưng nhớ dùng các hình ảnh đồng dạng để thay thế. Thế còn ngày sinh nhật? Cũng vậy luôn. Và khi đã quen rồi, em có thể áp dụng cách này để ghi nhớ mọi thứ, đặc biệt là: - Danh sách đồ vật theo thứ tự - Ngày sinh nhật, những ngày tháng cần ghi nhớ trong môn Lịch sử - Số điện thoại - Thời gian, chẳng hạn như: giờ chiếu phim, giờ bắt đầu trận bóng đá… Giờ thì hãy bày trò vui với những con số nào. Sau đây là danh sách những điều em cần nhớ: 0 Cho cá ăn 1 Ván trượt 2 Bánh pizza 3 Mũ lưỡi trai 4 Chìa khóa 5 Đĩa CD 6 Ba-lô 7 Giày đá bóng 8 Bài tập về nhà 9 Quà sinh nhật cho Gran 10 Đi tắm Những gì em cần làm là tăng tốc cho cỗ máy tưởng tượng và hình dung ra một khung cảnh chung để liên kết các sự vật/sự việc và con số lại với nhau. Em sẽ rất ngạc nhiên khi biết việc nhớ danh sách tất cả các thứ theo đúng thứ tự dễ đến mức nào! Vậy thì làm cách nào để liên hệ các vật/ việc trong danh sách với hình ảnh những con số? 0 Với việc cho cá ăn, em có thể hình dung cảnh mình đang thả chiếc bánh vòng vào bể cá, rồi đàn cá liền bơi đến đớp lấy đớp để chiếc bánh. 1 Với tấm ván trượt, em có thể tưởng tượng cảnh cậu bạn của mình đang trượt trên đường, huơ huơ cái cọ vẽ lớn trong tay rồi quẹt nguệch ngoạc lên mọi thứ trên đường đi. 2 Để nhớ về cái bánh pizza, em có thể hình dung cảnh bầy thiên nga trong hồ đang bu lại rỉa chiếc bánh pizza ai đó vô tình đánh rơi. 3 Em tưởng tượng mình đang ở trong một cửa tiệm, mải mê nhìn ngắm chiếc mũ lưỡi trai in hình trái tim hồng. 4 Thuyền buồm chuẩn bị cập bến, nhưng thay vì thả neo, người thủy thủ lại ném nhầm chiếc chìa khóa của mình xuống. 5 Em đang đi câu. Có thứ gì đó vướng vào móc câu nên em gắng sức kéo lên. Hóa ra là chiếc đĩa CD. 6 Em đeo ba-lô đi chơi cùng bạn bè trong công viên, nhưng khi đi qua khu nuôi voi, một chú voi tinh nghịch đã dùng vòi quắp lấy chiếc ba-lô của em. Giờ thì ba-lô đang treo lủng lẳng trên vòi voi. 7 Em ném đi chiếc bu-mê-răng đầy màu sắc, và khi nó quay trở lại thì mang theo về cho em một đôi giày đá bóng. 8 Em nhờ gã người tuyết với chiếc mũi cà rốt, hai con mắt làm từ hai cục than đen nhánh làm giúp em bài tập về nhà. 9 Để nhớ mua quà sinh nhật cho Gran, em có thể hình dung cảnh Gran cắm lá cờ trên đỉnh “núi quà” phủ giấy gói sáng lấp lánh. Lá cờ bay phần phật trong gió. 10 Cú đập bóng của em khiến cho cả gậy và bóng đều bay qua cửa thông gió nhà tắm, rơi ngay vào bồn nước nóng. Nước và bọt xà phòng văng tung tóe khắp sàn, thế là em phải đi tắm thôi – vừa tắm vừa dọn dẹp “bãi chiến trường”! Một lần nữa, hãy xem đi xem lại những hình ảnh liên tưởng này để có thể nhớ lâu! 4. Dùng từ đồng âm Công cụ này cũng gần giống như việc dùng hình ảnh tương tự để ghi nhớ số thôi. Nhưng thay vì dùng hình ảnh thì giờ em dùng âm thanh để liên kết. Em có thể dùng những từ đồng âm với các từ chỉ số. Đây cũng là một cách giúp nhớ tốt các từ vựng tiếng Anh. Hãy đọc to các con số và từ đồng âm sau!