🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Bác Hồ Ở Tân Trào Ebooks Nhóm Zalo LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam - đã suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Cùng với những sự kiện đó là những tên đất, tên người mãi mãi là niềm tự hào của đất nước. Tân Trào là vùng đất lịch sử gắn liền với những sự kiện trọng đại của dân tộc, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng và nhân dân ta chuẩn bị đứng lên lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và tay sai, 5 giành độc lập dân tộc. Các sự kiện lịch sử diễn ra ở Tân Trào trước Cách mạng Tháng Tám tuy chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 5 đến tháng 8-1945), nhưng có ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ mười ba cuốn sách Bác Hồ ở Tân Trào do đồng chí Ngô Quân Lập, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu Du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào sưu tầm, tuyển chọn. Cuốn sách là tập hợp những hồi ký của một số nhà lãnh đạo, tướng lĩnh, cán bộ và đồng bào đã từng ở bên Bác trong những ngày 6 Người cùng Trung ương Đảng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Thông qua nội dung cuốn sách, chúng ta càng hiểu rõ hơn về ý chí, nghị lực phi thường và phong thái giản dị của Bác trong những ngày đầy khó khăn, gian khổ của cách mạng; những quyết sách sáng tạo mà Bác đã đề ra trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua đó nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và nêu cao tấm gương đạo đức của Bác Hồ cho các thế hệ của quê hương Tân Trào và cả nước học tập. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Tháng 11 năm 2017 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 7 8 LỜI NÓI ĐẦU Tân Trào là một xã của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tân Trào trước kia có tên là Kim Long. Tên Tân Trào được đặt vào lúc cao trào kháng Nhật, cứu nước dâng lên mạnh mẽ. Do điều kiện địa lý thuận lợi, có núi Hồng, sông Phó Đáy che chở, có đường liên lạc đi nhiều ngả thuận lợi, đặc biệt, Tân Trào lại nằm trong vùng cơ sở cách mạng phát triển sớm, nên rất thuận lợi cho một trung tâm lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Tháng 5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây, dưới sự lãnh đạo của Người và Trung ương Đảng đã diễn ra những sự kiện trọng đại liên quan đến vận mệnh dân tộc trước Cách mạng Tháng Tám: Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng quyết định 9 Tổng khởi nghĩa, Quốc dân Đại hội thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, bầu ra Chính phủ lâm thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử. Sách Bác Hồ ở Tân Trào tập hợp những bài viết, hồi ký của một số nhà lãnh đạo, tướng lĩnh, cán bộ, đồng bào từng ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày Người ở Tân Trào trước Tổng khởi nghĩa. Năm 1997, cuốn sách đã được xuất bản và được đông đảo bạn đọc trong cả nước đón nhận, hoan nghênh. Đến nay, do yêu cầu ngày càng tăng của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, chúng tôi phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ mười ba cuốn sách trên. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Tân Trào, tháng 11 năm 2017 BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH LỊCH SỬ VĂN HÓA VÀ SINH THÁI TÂN TRÀO 10 GẶP BÁC Ở TÂN TRÀO*1 NGUYỄN LƯƠNG BẰNG ... Mùa hè năm 1945, chúng tôi lên Tân Trào. Tôi cùng đi với anh Trường Chinh, anh Hà Huy Giáp, và một số đại biểu đi dự Đại hội Mặt trận. Đi trong Khu giải phóng, thở hít không khí tự do, người thấy nhẹ nhàng. Liên lạc dẫn chúng tôi tới một cơ quan. Chúng tôi thấy lố nhố những anh chị em du kích, tự vệ, mang gươm, mang súng. Người thì đang làm nhiệm vụ canh * Trích trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr.46-51, 54-56. 11 gác, người đang họp bàn công tác. Từ người dân mất nước, trong tay không có một tấc vũ khí, nay đứng trước quang cảnh ấy, cả đoàn đại biểu đều cảm động, có người rưng rưng nước mắt. Tôi được tin Ông Cụ đã ở Tân Trào, nên quên cả mỏi mệt, định tiếp tục đi ngay, vì từ cơ quan này vào trong ấy cũng gần thôi. Nhưng một trận mưa to sập đến. Suối dềnh lên, đường bị nghẽn. Chúng tôi đành phải nghỉ lại đây. Suốt đêm tôi thao thức. Hết nghĩ đến Ông Cụ, lại ngắm nhìn những đồng chí du kích bố trí bảo vệ đoàn đại biểu. Lắng nghe thấy mấy đồng chí nói tiếng Tày Cao Bằng, tôi nghĩ ngày mai vào gặp Ông Cụ, chỗ ở chắc là còn nghiêm mật hơn thế này. Sớm hôm sau, cơm nước xong, chúng tôi vào Tân Trào. Tới nơi, anh Võ Nguyên Giáp cho chúng tôi biết Ông Cụ đang chờ, 12 nhưng ốm lắm. Mấy hôm trước, bệnh tình có vẻ nguy kịch, tưởng chết. Ông Cụ đã một lần cho gọi anh Phạm Văn Đồng và anh Võ Nguyên Giáp vào bàn các công tác như có ý giối giăng. Rồi anh Giáp dẫn chúng tôi đến chỗ Bác ngay. Qua cây đa Tân Trào, lội một con suối, tới chân đèo De, đi sâu vào chừng vài trăm thước. Tôi tiến vào một nhà sàn thấp, ngạc nhiên vì thấy việc bảo vệ gần như không có. Trong nhà sàn bên cạnh, chỉ có mấy đồng chí phụ trách máy vô tuyến điện. Bước vào cái lều Bác ở, tôi rất cảm động. Nhà trống hơ trống hoác, bốn phía không có phên che. Ngoài chiếc máy đánh chữ và một ít giấy, không có một thứ đồ đạc gì khác. Bấy giờ đã vào thu, lại sau những trận mưa liên miên, khí trời lành lạnh, Ông Cụ ngồi xổm một mình trên sàn. 13 Tôi nhận ra ngay Ông Cụ, nhưng Ông Cụ hom hem quá, khác hẳn đồng chí Vương hồi trước. Ông Cụ đã để râu, tóc lốm đốm bạc, hai má hóp lại. Đầu đội miếng vải túm lại như mũ nồi. Mình mặc áo cộc chàm, hai chân gầy khẳng khiu làm cho hai ống quần soóc càng rộng. Chỉ có đôi mắt là vẫn sáng như xưa. Chúng tôi hỏi thăm sức khỏe, hỏi về thuốc men, Bác nói: - Có một bà con thiểu số ở đây vào rừng lấy thuốc lá về cho mình uống. Uống mấy hôm nay đã đỡ. Bác bảo mọi người ngồi. Giọng nói không có gì đổi khác, vẫn từ tốn, đầm ấm như trước. Sau bao nhiêu năm bây giờ mới gặp lại Bác, tôi ngồi nghĩ liên miên, nghĩ chuyện ngày xưa, nhớ những lời Bác dặn dò, rồi tin Bác bị bắt, ho lao chết, rồi 14 bây giờ không ngờ lại trở về đây. Hôm ấy tôi không nói được chuyện riêng với Bác. Chúng tôi vào thăm Bác, và để bàn với Bác về công việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương. Khi bàn công việc, Bác vẫn minh mẫn, khẩn trương. Tôi nhớ khi ấy Thường vụ chưa ấn định dứt khoát ngày họp của Hội nghị Trung ương mở rộng. Bác nói: - Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội. Một mặt Thường vụ họp, một mặt Bác đề nghị một số đồng chí đi dự Hội nghị Trung ương phải về ngay địa phương, nắm lấy những ý kiến của Ban Thường vụ đem về mà thi hành. Ngày ấy, Nhật chưa đầu hàng Đồng minh. Bác nói: “Chỉ vài ngày nữa là nó hàng, và hàng không điều kiện”. 15 Vài hôm nay, trong khi Hội nghị Trung ương đang họp, chúng tôi được tin phát xít Nhật đầu hàng. Bác tuy ốm yếu, nhưng dự họp suốt từ đầu tới cuối với Ban Thường vụ. Ngày 13, 14, 15-8-1945, Hội nghị Trung ương lần thứ chín họp. Những quyết định của Hội nghị này có một tầm quan trọng rất lớn đối với vận mệnh của dân tộc ta. Cuộc thảo luận ở Hội nghị Trung ương thật là sôi nổi và hào hứng. Bàn nhiều nhất là hai khả năng của cách mạng. Khả năng thứ nhất là ta lấy lại được nước, nắm được chính quyền, tức là có cương vị nói chuyện với Đồng minh. Khả năng thứ hai là lực lượng chủ quan của ta yếu, không thừa được thời cơ thuận lợi mà giành lấy chính quyền trước khi Đồng minh kéo vào - mà Đồng minh là có Pháp ở trong, - thì 16 tức là phải đặt vấn đề đàm phán với Pháp, đòi quyền tự do, dân chủ, nắm lấy đấy mà tuyên truyền, giác ngộ quần chúng nhân dân, đẩy mạnh phong trào cách mạng hơn nữa để tiếp tục đấu tranh với Pháp cho đến thắng lợi cuối cùng. Tôi nhớ khi bàn đến khả năng Pháp có thể trở lại, có đồng chí uất quá nói: nó vào thì cứ đánh, dù lực lượng nhỏ đến đâu cũng đánh. Đấy là những lời tâm huyết, biểu lộ một tấm lòng nhiệt tình yêu nước. Nhưng khách quan mà nhìn nhận vấn đề, thì đánh Pháp lúc ấy phức tạp là vì nó núp sau danh nghĩa Đồng minh. Vì điều kiện sức khỏe, Bác không dự Hội nghị Trung ương được suốt. Nhưng Bác góp rất nhiều ý kiến. Bác rất sáng suốt và bình tĩnh. Bác phân tích tình hình một cách rõ ràng và khoa học. Bác nhận 17 định cách mạng là một cuộc đấu tranh lâu dài, làm cách mạng phải chiến đấu hết keo này đến keo khác. Trước mắt là phải nỗ lực phát động một cao trào khởi nghĩa, đã có Khu giải phóng rồi phải mở rộng Khu giải phóng ra khắp nơi trong nước, dù lực lượng còn nhỏ cũng lập Khu giải phóng, trước khi Đồng minh vào. Tích cực thì nắm được thời cơ. Không tích cực thì thời cơ không chờ mình... Hội nghị quyết định phát động một cao trào khởi nghĩa suốt từ Bắc chí Nam. Ai nấy đều bừng bừng phấn khởi. Ngày nay ta đã có một khối nhân dân đoàn kết, giác ngộ và lớn mạnh, có một chính quyền vững chắc, có một quân đội chiến thắng, nhưng ngày nay nghĩ lại những ngày trứng nước của cách mạng, ta mới càng thấy hết những khó khăn của thời bấy giờ, mới 18 càng thấy thắng lợi ngày ấy thật là to tát. Nhân dân ta khi ấy chưa thạo bắn súng. Lực lượng vũ trang có vẻn vẹn vài nghìn khẩu súng gồm rất nhiều kiểu Pháp, Anh, Đức, Nhật, và súng kíp, súng hỏa mai của ta, mà lực lượng địch thì hùng hậu, vũ khí thì hiện đại, Liên Xô thắng Đức, Nhật là một viện trợ tinh thần rất lớn, nhưng Liên Xô xa lăng lắc. Quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vẫn là do sự lãnh đạo khôn khéo, kiên quyết của Đảng và do lòng yêu nước và tinh thần quật khởi của nhân dân ta. Càng thấy dân tộc mình anh dũng thật. ..... * * * Ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội khai mạc ở đình Tân Trào. Bác được bầu vào 19 trong Đoàn Chủ tịch. Từ khi trở về nước, đây là lần đầu tiên Bác tiếp xúc với một đại hội đại biểu nhân dân. Hôm ấy, Ban tổ chức giới thiệu Bác là Cụ Hồ Chí Minh, một nhà lão thành cách mạng. Nhiều đại biểu không khỏi ngạc nhiên vì chưa nghe thấy tên Hồ Chí Minh bao giờ. Nhưng một số người cũng đã thì thầm bàn tán về Bác mà người ta gọi là Ông Ké Tân Trào. Mấy đại biểu kháo nhau: Cụ Nguyễn Ái Quốc đấy. Hồi ấy, chưa có tục vỗ tay. Nhưng khi nghe giới thiệu Bác, các đại biểu đều rất hân hoan. Bác hỏi thăm sức khỏe mọi người, niềm nở mời các đại biểu vào làm việc. Các đại biểu vừa phấn khởi vừa bồi hồi. Đại hội họp ở một gian bên. Gian chính giữa triển lãm những vũ khí lấy được của Nhật. Gian bên kia là chỗ ăn uống của đại biểu. Suốt ngày hôm ấy, Bác điều khiển 20 Hội nghị. Đại biểu nào cũng chú ý lắng nghe những ý kiến của Bác. Anh Trường Chinh đọc báo cáo trước Đại hội, nêu ra hai vấn đề lớn để Đại hội thảo luận: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc. Ngoài ra, còn có các bản báo cáo về phong trào công nhân của anh Hoàng Quốc Việt, về tình hình Nông hội của anh Trần Đức Thịnh, về văn hóa của anh Nguyễn Đình Thi. Đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đem gạo, đem bò, đem gà đến mừng Đại hội, một ông già người Tày dắt một con bò đến tặng. Đồng bào ta đã bị chiến tranh bòn mót đến xương tủy, ai nấy đều tiều tụy, rách rưới. Đáng thương nhất là các em bé thiểu số gầy gò, vàng vọt. Chúng nó ở truồng tồng ngồng, theo người lớn đến chào Quốc dân Đại hội. Bác đến gần các cháu, chỉ vào chúng và nói với các đại biểu: 21 - Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, có áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi thế này. Chúng tôi đều cảm động. Câu nói ấy, về sau này Bác thường nhắc nhở luôn luôn. Quốc dân Đại hội quyết định lệnh Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc mà Bác làm Chủ tịch. Bác tổng kết Đại hội lịch sử này, động viên các đại biểu trở về địa phương nỗ lực phấn đấu, giành lấy thời cơ thuận lợi có một không hai để đưa cách mạng đến thành công. Sáng ngày 17, Ủy ban Giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ. Tôi được cử đi đón Bác. Mấy hôm ấy trời mưa, đường lội. Bác đi chân đất. Gần tới đình Tân Trào, Bác xuống suối rửa chân. Suối sâu, đường trơn và dốc. Thấy Bác chưa được khỏe, tôi chạy lại đỡ, Bác gạt đi và bảo: “Không sao, chú cứ đi”. 22 Khi Bác từ dưới suối lên, các vị trong Ủy ban đã đứng ở trước đình chờ sẵn. Bác bước tới và đứng vào giữa. Bác thay mặt Ủy ban, hướng lên lá cờ đỏ sao vàng dựng trước đình, đọc lời tuyên thệ. Lời thề rất ngắn, nhưng rất súc tích, như mọi câu nói, mọi bài viết của Bác. Tôi không nhớ được lời văn, chỉ nhớ đại ý như sau: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”. Giọng Bác trang nghiêm, lời thề dõng dạc, biểu lộ cái khí phách kiên cường, dũng 23 cảm, quật khởi của dân tộc ta. Chúng tôi thấy rạo rực trong người, và giơ tay theo kiểu chào bình dân, hô một cách mạnh mẽ: “Xin thề!”. Du kích bắn mấy loạt súng chào mừng Ủy ban Giải phóng dân tộc... NGUYỄN HUY TƯỞNG ghi 24 TỪ PÁC BÓ ĐẾN TÂN TRÀO*1 Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP Tôi cùng anh Vũ Anh lên Pác Bó. Những ngày qua đã được tin chắc chắn Bác thoát khỏi tù ngục của bọn Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch, và đã trở về nước. Nhưng trên đường đi vẫn hồi hộp. Khi được nhìn thấy Bác ở trong căn lán nhỏ trên sườn một quả đồi, mới thực tin là sự thực. Bác vẫn như xưa với bộ quần áo chàm của đồng bào Nùng. Nhìn lâu, thấy Bác có * Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.138-151, 210-213, 223-229. 25 gầy và già hơn trước. Không biết lấy gì so sánh với nỗi mừng khi được gặp lại Bác. Hai năm trước đây, Bác lấy danh nghĩa là người đại diện của Việt Nam Độc lập Đồng minh sang Trung Hoa để gặp nhà đương cục Quốc dân Đảng, nhưng thật ra là Bác đi gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dọc đường, bọn Quốc dân Đảng khám xét, thấy đồng chí Trung Quốc đi cùng Bác không có giấy tờ, chúng bắt cả hai người. Chúng buộc cho Bác tội Hán gian. Trong hơn một năm trời rơi vào tay bọn Tưởng, chúng đã chuyển Bác qua hàng chục nhà giam, bắt Bác phải chịu đựng mọi sự hà khắc của chế độ nhà tù Quốc dân Đảng. Có thời gian mắt Bác mờ đi, chân bước không vững. Sau nhờ những kinh nghiệm đấu tranh dày dạn của Bác, kết hợp với phong trào đấu tranh của các 26 đoàn thể trong nước và của Việt kiều, bọn Tưởng cũng không tìm được chứng cớ gì để buộc tội, đành phải trả lại tự do cho Bác. Từ Liễu Châu, Bác tìm cách trở về nước. Những chuyện về thời kỳ Bác bị bắt, sau này chúng tôi mới biết nhiều, lúc đó Bác chỉ kể qua rồi hỏi ngay về tình hình cách mạng ở trong nước. Anh Vũ Anh báo cáo về phong trào trong liên tỉnh, nói rõ những khó khăn rất lớn trong việc liên lạc với Trung ương ở miền xuôi, và ngay cả với khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, sau đó báo cáo về nghị quyết vũ trang khởi nghĩa của Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Tôi cũng báo cáo tình hình con đường Nam tiến bị gián đoạn, rồi trình bày về tình hình đấu tranh chống khủng bố trong thời gian qua, cơ sở đảng, cơ sở quần chúng, cơ sở vũ trang lúc đó. 27 Chúng tôi báo cáo xong, Bác nói: “Phong trào lên, địch khủng bố là chuyện tất nhiên, nhưng có phần vì ta bộc lộ lực lượng”. Bác nhắc lại những cuộc duyệt binh huy động đến hàng ngàn người. Sau đó, Bác nhận xét nghị quyết của Liên tỉnh: “Chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao - Bắc - Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong cả nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục. Trong điều kiện bây giờ, nếu phát động ngay nhân dân nhất tề nổi lên đánh du kích theo quy mô và phương thức đã định trong nghị quyết, thì sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể còn khó khăn hơn thời kỳ bị khủng bố vừa rồi. Bởi vì, các địa phương khác trong toàn quốc tuy phong trào cách mạng đang lên cao nhưng hiện chưa nơi 28 nào có điều kiện vũ trang chiến đấu để sẵn sàng hưởng ứng: tình hình khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai ra sao, cũng chưa nắm được. Quân khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng đơn độc dấy lên, nhất định đế quốc sẽ mau chóng tập trung lực lượng đàn áp. Riêng về mặt quân sự, thì cũng không theo đúng nguyên tắc tập trung lực lượng; cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”. Những nhận xét của Bác đã giúp chúng tôi nhìn rõ vấn đề. Thực ra, trong những ngày qua, tiến hành chuẩn bị phát động chiến tranh du kích, tuy mọi người đều phấn khởi, nô nức, nhưng cũng đã thấy xuất hiện khá nhiều câu hỏi quan trọng chưa giải đáp được. Cho đến nay, cuộc đàn áp của binh lính địch vẫn nhằm chủ yếu vào những người hoạt động cách mạng và 29 những người chúng nghi có liên quan với cách mạng; nói chung, trong khi chúng khủng bố, nhân dân vẫn ở lại làng bản làm ăn. Nhưng nếu phát động chiến tranh du kích toàn dân, chúng sẽ tiến công vào từng làng, từng bản, từng địa phương, khi đó sẽ giải quyết vấn đề bảo vệ nhân dân, tản cư nhân dân ra sao? Nếu đưa nhân dân vào rừng thì tổ chức cuộc sống mới tại đây như thế nào? Làm cách nào để nhân dân có thể tiếp tục tăng gia sản xuất nếu cuộc khủng bố kéo dài ngày?... Những vấn đề này tại Hội nghị Liên tỉnh đều chưa được bàn bạc kỹ lưỡng và chưa đề ra những giải pháp cụ thể. Bác nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng 30 hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Nếu phát động đấu tranh mà mỗi khi địch đến, nhân dân lại phải tản cư vào rừng núi, thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Phải làm sao, cứ hoạt động vũ trang mà dân ở đâu cứ ở đấy sản xuất, chỉ cần tăng cường canh gác đề phòng không để địch bắt, hại những người hoạt động...”. Rồi Bác đề ra một cách giải quyết: “Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại phân tán quá. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những 31 vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, do đó mà mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập Đội quân Giải phóng...”. Ngay trong buổi họp đó, tôi được chỉ định đảm nhiệm công tác này. Rồi Bác hỏi: - Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không? Tôi đáp: - Có thể được. Tôi trình bày cơ sở chính trị và vũ trang tại vùng giáp giới hai tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn, từ Nguyên Bình đến Ngân Sơn, Chợ Rã, từ Tĩnh Túc, Phia Uắc đến Phia Bioóc. 32 Cơ sở quần chúng tại vùng này rất tốt, qua suốt thời khủng bố của địch vẫn vững vàng, cơ sở lực lượng vũ trang cũng tốt. Trước khi quyết định, Bác hỏi: - Có thể tìm được một căn cứ “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không để địch tiêu diệt, có thể như thế được không? Tôi đáp: - Có thể. Nhất định quân địch không thể tiêu diệt ta được. Khi trả lời Bác như vậy, tôi đã nghĩ đến sức mạnh vô cùng to lớn của đồng bào, nghĩ đến lòng yêu nước tha thiết, có thể hy sinh tất cả vì Tổ quốc, của những người dân đã được Đảng giác ngộ. Lòng yêu nước và tinh thần hy sinh đó, tôi càng thấy rõ hơn sau những ngày khủng bố đẫm máu của quân thù. 33 Đêm hôm ấy, chúng tôi nằm nghe Bác nói chuyện rất khuya. Trên núi cao, cái rét của mùa đông đến sớm hơn. Trong căn lều lạnh giá, không đèn đóm, Bác và chúng tôi, mỗi người gối đầu lên một khúc gỗ cứng. Bác phác ra những nét chính về Đội Việt Nam Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động, và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược. Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch. Bác dặn đi dặn lại nhiều lần: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy chi bộ đảng làm hạt nhân lãnh đạo”. Chuyện trò hào hứng đến hai, ba giờ sáng. Sáng hôm sau, tôi cùng anh Lê Quảng Ba lên mỏm núi sau cơ quan trao đổi kế hoạch. Chúng tôi thấy lúc đầu nên tổ chức 34 ra một trung đội gồm ba tiểu đội. Lực lượng sẽ rút ra từ các đội vũ trang các châu Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình. Chúng tôi trao đổi từng tên các chiến sĩ. Phần lớn các học sinh quân ở Trung Quốc sắp về cũng sẽ được đưa vào Đội. Cán bộ phụ trách thì chọn trong các đội vũ trang châu và học sinh quân. Những hoạt động đầu tiên của Đội sẽ nhằm đánh vào một vài đồn địch, cướp súng đạn của giặc, phải đánh thắng thật giòn giã để khuếch trương thanh thế. Nguồn cung cấp sẽ dựa vào nhân dân. Buổi chiều, cuộc họp lại tiếp tục. Chúng tôi báo cáo lại kế hoạch đã dự thảo. Nghe xong, Bác nói: - Được. Tình hình quốc tế đang có nhiều điều kiện thuận lợi. Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi. 35 Đúng vào dịp này, anh chị Tống Minh Phương và bà con Việt kiều ở Côn Minh lại mới gửi về một số vũ khí: một khẩu tiểu liên Mỹ Sub machine gun và 150 viên đạn, sáu quả bom lửa, một hộp bom nổ chậm. Cùng với số vũ khí này, chúng tôi còn được nhận thêm 500 đồng để chi phí về quân nhu. Sau khi suy nghĩ, Bác đề nghị thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên Đội quân Giải phóng cho đúng với nhiệm vụ hiện tại của nó. Chúng tôi được giao trách nhiệm điều động tất cả 34 đội viên và cán bộ trong các đội vũ trang địa phương, hai khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường vừa giáp năm, giáp ba, vừa khai hậu và súng Tàu chế tạo, 14 khẩu súng kíp. Thế là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời. 36 Như vậy, trong toàn khu Cao - Bắc - Lạng sẽ có ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội chủ lực, các châu có đội vũ trang của châu, tại xã có những đội tự vệ nửa vũ trang. Chúng tôi có hỏi Bác: “Đội tuyên truyền hoạt động theo kế hoạch của Liên tỉnh, khi tới một địa phương thì quan hệ giữa đội chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương ra sao?”. Bác nói: “Thống nhất chỉ đạo cả chủ lực và địa phương. Ba lực lượng ấy đoàn kết phối hợp chặt chẽ với nhau. Đội chủ lực có nhiệm vụ dìu dắt, giúp đỡ các đội địa phương trưởng thành”. Điều Bác nói đó, chính là phương châm xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng, chúng ta đã thực hiện trong suốt cuộc kháng chiến lâu dài, gian 37 khổ của toàn dân và đã thấy được những hiệu lực vô cùng mạnh mẽ. Anh em trong cơ quan mấy ngày trước đã nghe ngóng thấy Bác không đồng ý với nghị quyết phát động chiến tranh du kích của Liên tỉnh ủy, kém phần phấn khởi, lúc này được biết quyết định mới của Bác, vui hẳn lên. Một buổi sớm đầu tháng chạp, chúng tôi từ giã Bác, trở về. Bác căn dặn chúng tôi một lần nữa: “Nhớ bí mật: ta ở đông, địch tưởng ta ở tây, lai vô ảnh, khứ vô tung”. Trong đầu chúng tôi đã hiện lên một viễn ảnh huy hoàng về tương lai của đội quân cách mạng, và thấy cần làm sao cho viễn ảnh đó sẽ trở thành sự thật chứ không phải chỉ là một hình ảnh nằm trong ước mơ. Dọc đường, tôi nghĩ đến những lời tuyên thệ Đội quân Giải phóng sẽ đọc dưới cờ. Tôi nhớ 38 tới những lời thề danh dự của đội du kích Pháp chống phát xít Đức do Đảng Cộng sản Pháp lãnh đạo. Qua Hà Quảng, ghé vào gặp đội vũ trang châu để điều động một số đồng chí theo kế hoạch đã định tại Pác Bó. Tại đây, chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Thái và một số học sinh quân mới từ Trung Quốc về nước. Những đồng chí được điều động rất phấn khởi. Anh em gặp nhau trong một khu rừng già. Chúng tôi ngồi cả trên một phiến đá lớn và phẳng, dưới một vòm cây cổ thụ, nói chuyện. Một đồng chí đi bắn mấy con khỉ, đem về làm thức ăn cho bữa cơm liên hoan. Số người đã hơi đông, đi cả đoàn không tiện, chúng tôi chia thành mấy nhóm nhỏ cùng về Liên tỉnh. Trong thời gian tiến hành công cuộc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, Liên tỉnh 39 cũng đã nhìn thấy những khó khăn, khi nghe chúng tôi phổ biến quyết định của cuộc họp tại Pác Bó, các đồng chí đều hoan nghênh và rất vui mừng. Chúng tôi cùng Liên tỉnh ủy trao đổi kế hoạch về việc điều động lực lượng. Liên tỉnh ủy lập tức ra chỉ thị cho các châu tích cực đóng góp, giúp đỡ mọi mặt trong việc xây dựng Đội tuyên truyền, và gấp rút điều tra tình hình các đồn địch tại địa phương. Khi chúng tôi về qua Lam Sơn, vào gặp Đội vũ trang để điều động một số đồng chí, thì các đồng chí ở đây biết tin từ trước, đã sẵn sàng đón đợi chúng tôi đến để cùng lên đường. * * * Chúng tôi trở về tổng Hoàng Hoa Thám. Các đồng chí đi trước đã chọn một địa điểm 40 trú quân tại trong rừng. Anh em làm cấp tốc mấy cái lán. Đồng bào địa phương giúp đỡ hoàn toàn về lương thực, cơm nước. Ba, bốn trạm đón tiếp được tổ chức trên mấy đỉnh núi, giáp giới Cao Bằng, Bắc Kạn để đón cán bộ, đội viên từ các châu tiếp tục về tập trung. Chi bộ đảng của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập, lúc đầu gồm các đồng chí: Xích Thắng, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái và tôi. Đồng chí Xích Thắng làm thư ký chi bộ. Ban Chỉ huy Đội được chỉ định: đồng chí Hoàng Sâm, đội trưởng; đồng chí Xích Thắng, chính trị viên. Để thi hành đúng chỉ thị của Bác: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội”. Chúng tôi họp bàn kế 41 hoạch tác chiến, và quyết định sẽ chiến đấu ngay sau khi thành lập Đội. Vấn đề đặt ra là đánh ở đâu? Có ý kiến nêu lên là không nên đánh vào những nơi có cơ sở của ta để tránh cho cơ sở bị địch khủng bố. Nhưng khi bàn, thấy đánh vào nơi không có cơ sở thì chuẩn bị sẽ rất khó khăn, không nắm được địch tình, khi đánh thiếu sự giúp đỡ của nhân dân, khó bảo đảm thắng lợi. Chúng tôi nhận thấy trận đánh đầu tiên chỉ có thể thành công nếu đánh vào những nơi có cơ sở nhân dân thật tốt, giúp đỡ cho bộ đội chuẩn bị thật chu đáo. Các đồng chí tại các địa phương có địch đóng, đều yêu cầu cứ đánh, còn đối với sự khủng bố của kẻ địch, chỉ cần có một kế hoạch đề phòng cho nhân dân. Một điều rất quan trọng khác phải bàn bạc là đánh cách nào? Trong trận đầu chúng ta 42 phải giành được thắng lợi mà không để bị tổn thất nặng nề về người cũng như về vũ khí. Lực lượng của ta trong thời kỳ trứng nước này còn rất mỏng manh. Vũ khí đã thiếu, đạn dược càng thiếu hơn. Mỗi khẩu súng trường chỉ có trung bình hai mươi viên đạn. Chỉ cần đánh một hai trận là sẽ bắn đến viên đạn cuối cùng, và khi đó khẩu súng trường, thứ vũ khí chủ lực của Đội, sẽ trở nên vô dụng. Khi bàn bạc thấy, nếu đánh phục kích các đội quân lưu động của địch thì tương đối dễ đạt thắng lợi và bộ đội cũng đỡ bị tổn thất. Nhưng cũng lại thấy, đánh phục kích thì chỉ có thể thu được một số súng mà không giải quyết được vấn đề đạn dược. Bọn chỉ huy người Pháp vốn không tin ở binh lính người Việt, khi đi tuần tiễu chúng chỉ phát cho mỗi tên lính từ năm đến mười viên đạn. Về vũ 43 khí lúc này, súng chưa quan trọng bằng đạn dược. Mặt khác, muốn đánh phục kích phải có thời gian mới gặp hoặc tạo nên được cơ hội, như vậy sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ trong vòng một tháng. Cuối cùng chúng tôi đi đến quyết định, trong mấy trận đầu phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mặc dầu đánh tập kích khó khăn hơn. Một số đồn trại địch đóng trên dưới một trung đội trong vùng Kim Mã và Cẩm Lý được chọn để tiến hành công tác điều tra: đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần. Các đồng chí Hồng Quân, Đức Long được phái đi trinh sát. Thực ra, các làng địch đóng đồn là quê của nhiều đồng chí trong Đội. Địch ở Phai Khắt đóng chính ngay tại nhà đồng chí Lạc. Anh em có thể vẽ lấy sơ đồ đồn địch, rồi phái một số đồng 44 chí đến nơi đối chiếu lại, là biết rõ địa hình. Việc khó khăn hơn là làm sao đột nhập đồn địch, điều tra cách bố trí, sắp đặt bên trong, và mọi quy luật hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của chúng. Người trinh sát đầu tiên của Đội lọt vào đồn là em bé Hồng. Hồng mới mười hai tuổi. Ngày ngày, em phải mang bánh và rượu vào cho tên quan Tây trong đồn. Em đã lân la trò chuyện với lính địch, xem kỹ kho lương, kho đạn, nơi ăn ngủ, nơi canh gác, giờ giấc sinh hoạt, tập họp của địch. Đêm đêm, em luồn ra khỏi lũy tre làng đến báo cáo với Đội. Căn cứ vào những quy luật hoạt động của địch tại vùng này, chúng tôi bàn nhau thấy có thể cải trang làm lính dõng để đột nhập đồn địch. Các đồng chí trung kiên dưới làng đi tìm gặp những hội viên là lính dõng hoặc trước 45 kia đã đi lính dõng, mượn ba chục bộ quần áo. Cũng phải tìm một số hội viên là cựu binh sĩ, mượn thêm mấy bộ quần áo kaki cải trang thành lính tập vì những đoàn lính dõng đi tuần bao giờ cũng có lính tập đi kèm. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị một số nón lính. Các chị ở dưới làng lên, mang theo vải chàm và kim chỉ để khâu áo nón. Nón của dõng bọc vải chàm, có viền vành trắng và điểm một miếng tròn trắng trên chóp. Khi qua cơ quan in báo Việt Nam độc lập, tôi đã mượn máy chữ ngồi đánh mấy tờ “Giấy đi tuần” giả. Các đồng chí tại cơ quan đã cắt củ khoai, trổ một con dấu rất khéo, đóng đỏ chót bên cạnh chữ ký. Hồi đó, những giấy giới thiệu đánh bằng máy chữ là loại giấy có giá trị. Ba chiếc lán bên sườn núi đã làm xong. Các đồng chí nhận lệnh điều động đã về 46 đầy đủ. Bà con hội viên ở dưới làng có nhiệm vụ đi lại nơi trú quân để giúp đỡ Đội, lần đầu thấy quân cách mạng tập trung đông đảo như vậy, súng ống lại nhiều, đều hết sức phấn khởi. Không khí tấp nập như ngày hội. Chúng tôi tiếp tục hoàn thành việc thảo những lời thề và những điều kỷ luật của Đội. Mọi việc chuẩn bị đã xong. Một ngày trước lễ thành lập Đội, chúng tôi nhận được một bức thư nhỏ của Bác đặt trong một bao thuốc lá. Giở ra, đó là chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. “1. Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân 47 sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực. Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. 48 2. Đối với các đội vũ trang địa phương: đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến. 3. Về chiến thuật: vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”1. * * * 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.3, tr.539-540. 49 Về đến Chợ Chu đúng vào ngày 1-5, chúng tôi dừng lại đây làm mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Một số tin mừng đến. Bên chiến trường châu Âu, phát xít Đức sắp hoàn toàn gục ngã trước Hồng quân Liên Xô và Đồng minh. Cũng lúc ấy, được tin Bác đi xa mới về, đang từ biên giới xuống với chúng tôi. Trước đó, có tin Bác định về dưới này, chúng tôi đã đề nghị Bác đi theo con đường Nam tiến Bác đã vạch ra cho Đội tuyên truyền ngày trước. Tôi vội vã đi đón Bác. Dọc đường, ngựa phóng nhanh quên nghỉ. Lên đèo De, qua Nghĩa Tá, tới Nà Kiên thì vừa gặp Bác đang đi về. Bác ngồi trên mình ngựa, có vẻ mệt sau một chặng đường xa, mặt võ, râu để dài, duy đôi mắt Bác vẫn tinh anh như bất cứ lúc nào. Từ ngày Bác giao nhiệm vụ xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân 50 đến bây giờ tôi mới được gặp lại Bác. Tôi không nén được xúc động, báo cáo với Bác: - Vùng giải phóng đã mở rộng... Tôi trình bày với Bác tình hình phong trào nhân dân trong những vùng rộng lớn mà chúng tôi đi qua, từ ngày Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Tôi báo cáo đã liên lạc được với Trung ương, đã gặp anh Trường Chinh và các anh, phong trào cách mạng ở miền xuôi đang lên mạnh. Bác chăm chú nghe, bình tĩnh, điềm đạm, trong đôi mắt Bác có ánh vui. Bác kể chuyện tình hình bên ngoài, thời cơ cũng đang có lợi cho ta. Bác nói, cần chọn ngay trong vùng Cao - Bắc - Lạng hoặc Tuyên Quang, Thái Nguyên một địa điểm có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung 51 tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài. Tôi trở về Kim Quan Thượng bàn với anh Song Hào. Chúng tôi nhận thấy nên chọn vùng Tân Trào. Tân Trào là một vùng rừng núi hiểm trở, giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên, rất xa đường cái lớn. Từ ngày các anh Song Hào, Tạ Xuân Thu... thoát ngục Chợ Chu, đã về đây cùng các đồng chí Dục Tôn, Lê Trung Đình... xây dựng cơ sở và thành lập chính quyền cách mạng. Nhân dân và cơ sở tại đây rất tốt. Bác về đến Tân Trào vào một buổi trưa, anh Song Hào cùng một số đồng chí cán bộ đón Bác trước đình Hồng Thái. Bác ở lại ít ngày tại một gia đình cơ sở xóm Kim Lộng rồi chuyển lên một chiếc lán nhỏ làm trên sườn một quả đồi. Tiếng đồn bay đi khắp nơi: “Có Ông Cụ đã cao tuổi, 52 sao mà nhanh nhẹn, tài giỏi, tốt đến thế. Dân mình lắm người tài, phen này nhất định lấy lại được nước”. Thời gian này anh Cả1 ở xuôi lên và anh Hoàng Quốc Việt ở nước ngoài mới về, cũng đến Tân Trào. Tôi báo cáo lại với Bác và các anh những nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Bác nhận xét Hội nghị tiến hành rất tốt, nhưng Bác nói: “Chia các tỉnh ra làm nhiều chiến khu như thế rườm rà quá, không lợi cho việc chỉ huy chung. Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là Khu giải phóng. Thống nhất các lực lượng vũ 1. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng. 53 trang lại là rất đúng, nên đặt tên là Quân Giải phóng”. Bác bàn với chúng tôi làm dự thảo nghị quyết về việc thành lập Khu giải phóng và quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác. Theo Nghị quyết của Hội nghị cán bộ ngày 4-6-1945, được triệu tập theo chỉ thị của Bác, Khu giải phóng phải trở thành một căn cứ địa vững chắc về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa để làm bàn đạp Nam tiến, giải phóng toàn quốc. Tân Trào được chọn làm Thủ đô của Khu giải phóng. Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng được thành lập. Tình hình cụ thể của các chiến khu, các địa phương trong Khu giải phóng bấy giờ rất khẩn trương. Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu chưa kịp họp lần nào. 54 Tôi được chỉ định làm thường trực của Ủy ban, một mặt giữ liên lạc với Trung ương dưới xuôi, với các anh Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh tại Bắc Giang, một mặt giữ liên lạc với Cao Bằng - Bắc Sơn. Trên đất nước còn mang đầy vết thương và những bóng đen ảm đạm sau gần một trăm năm bị đô hộ, đã xuất hiện hình ảnh tươi sáng của nước Việt Nam ngày mai. ..... Tôi làm việc ở dưới làng, hằng ngày vẫn lên cơ quan của Bác để báo cáo. Các đồng chí ở địa phương đã làm cho Bác một căn lán khá xinh xắn, náu kín trong khu rừng nứa ở sườn đồi. Lán chia làm hai gian nhỏ, một bên là nơi Bác nằm nghỉ, một bên vừa là chỗ làm việc, vừa là chỗ để tiếp khách. Bác làm việc không mấy lúc nghỉ ngơi. 55 Lần nào tôi lên cũng thấy Bác đang cặm cụi với công việc. Mọi giấy tờ, chỉ thị, Bác đều tự tay đánh máy và đánh số cẩn thận, rõ ràng. Cao trào kháng Nhật cứu nước bấy giờ đã cuồn cuộn từ Bắc chí Nam. Ngay ở các đô thị lớn, như ở Hà Nội, thợ thuyền, học sinh, các giới trí thức, người buôn bán đều tham gia rất đông đảo vào công cuộc kháng Nhật. Ảnh hưởng của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim ngày càng tiêu tan, không thể giúp Nhật ngăn cản phong trào. Toàn thể nhân dân đang hướng về Việt Minh, trông chờ một cuộc chuyển biến lớn. Phát xít Nhật ngày càng thua lụn bại. Không khí khởi nghĩa nóng rực. Trung ương đã quyết định cần tích cực chuẩn bị cho cuộc Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Bác 56 giục chuẩn bị cho kịp họp hai hội nghị quan trọng này từ tháng 7. Tình hình đã khẩn trương lắm. Bác nói: “Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp, nếu không thì không kịp được với tình hình chung”. Nhưng, dù chuẩn bị rất gấp, các đại biểu của Đảng và các đảng phái dân chủ trong Mặt trận Việt Minh ở toàn quốc vẫn không thể về đúng hẹn. Giữa lúc công việc bề bộn như thế, Bác bỗng bị mệt. Đã mấy hôm liền, Bác sốt nóng. Song, Bác vẫn gượng làm việc. Mỗi khi tôi tới thảo luận công việc, hỏi thăm sức khỏe, Bác chỉ nói: “Chú cứ xuống làm công tác, tôi không việc gì”. Nhưng tôi thấy Bác yếu nhiều, người hốc hác hẳn. Có hôm tôi đến, Bác đang lên cơn sốt, miệng toàn nói mê. Thuốc men chẳng có, chỉ kiếm được vài viên thuốc cảm và ký ninh, 57 Bác đã uống, mà không thấy đỡ. Thường khi, nếu không phải lúc nghỉ, không bao giờ Bác nằm, thế mà bây giờ Bác phải chịu nằm, lại mê sảng luôn. Bấy giờ, trong các đồng chí thường gần Bác, chỉ còn lại mình tôi ở Tân Trào. Hôm ấy Bác mệt lắm tôi rất lo. Tôi nói: “Hôm nay tôi cũng thong thả, xin ở lại với Bác đêm nay”. Bác mở mắt và hơi gật đầu. Đêm ấy, tôi nghỉ lại với Bác trên cái lán ở giữa rừng. Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Mỗi lúc nhớ ra điều gì, Bác lại dặn. Bác lúc ấy chắc cũng thấy mình yếu quá, có ý muốn dặn lại công việc. Chỉ có công việc! Bác nói về công tác củng cố phong trào: “Lúc nào cũng 58 phải chú trọng xây dựng chi bộ, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên và phần tử trung kiên. Trong chiến tranh du kích, lúc phong trào lên, ta phải hết sức phát triển, vừa phát triển vừa chú trọng xây dựng căn cứ cho thật vững chắc, để đề phòng lúc khó khăn mới có chỗ đứng chân được”. Suốt đêm ấy, Bác vẫn lúc tỉnh, lúc mê. Hôm sau, tôi viết thư hỏa tốc về Trung ương. Tôi lại tìm hỏi bà con địa phương xem có thứ thuốc men gì không. Bà con nói gần đây có một ông lang quen trị bệnh sốt nóng. Tôi cho người cưỡi ngựa đi đón ông thầy về. Ông cụ lang già người Tày xem mạch, sờ trán Bác, rồi đốt cháy một thứ củ vừa đào trong rừng về, hòa vào cháo loãng đưa Bác ăn. Sau đó Bác tỉnh. Hôm sau, Bác ăn thêm vài lần với cháo loãng nữa, cơn sốt nhẹ dần. Bác lại gượng dậy tiếp tục làm việc ngay. 59 Mặc dầu Bác đã chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu, nhưng vì đường sá trắc trở, liên lạc khó khăn, nhiều đại biểu đã cố gắng đi cho chóng, mà mãi tới 13, 14 tháng 8 mới lên tới Tân Trào. Có những đoàn đại biểu 16, 17, 18 mới đến kịp. Trung ương và Tổng bộ Việt Minh quyết định không thể đợi lâu hơn nữa. Ngày 11, 12, tin vô tuyến điện cho biết có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật. Ngày 13 tháng 8, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở hầu khắp các nơi đã ngừng chiến đấu. 11 giờ đêm 13, Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa cho nhân dân và bộ đội... 60 Nửa đêm nhận lệnh, bộ đội và nhân dân reo mừng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để thực hiện nhiệm vụ lớn. Các đơn vị Giải phóng quân đóng tại Chợ Chu, Tuyên Quang được lệnh chuyển gấp về tập trung tại Tân Trào. Ngày 14 tháng 8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp, Bác vừa dứt cơn sốt, gượng tới họp, người còn võ vàng, Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”. Hội nghị quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành quyền độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân, thi hành Mười chính sách lớn của Việt Minh, định chính sách ngoại giao đối với Đồng minh. Để đạt mục đích đó, phải huy động toàn thể nhân dân, gồm tất cả các giới, các đảng phái tham gia phong trào cứu quốc, phải gấp 61 rút vũ trang nhân dân chống Nhật và mở rộng Giải phóng quân Việt Nam. Hội nghị định ra nhiệm vụ quân sự cần kíp, những nguyên tắc của kế hoạch tác chiến, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Giải phóng quân Việt Nam; gấp rút củng cố và phát triển bộ đội, thống nhất biên chế, kỷ luật, tăng cường công tác chính trị; tổ chức đảng trong quân đội lấy trung đội làm đơn vị cơ sở; củng cố các tổ chức chiến đấu và tiểu tổ du kích để lập những đơn vị Giải phóng quân mới ở ngoài Khu giải phóng. Sáng ngày 15, được tin đích xác Nhật Hoàng đã ra lệnh cho quân đội Nhật đầu hàng, Hội nghị toàn quốc của Đảng đang họp quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam. 62 Một số chúng tôi ngừng họp và nhận nhiệm vụ mới. Tôi sẽ cùng Giải phóng quân tiến về phía nam. Anh Song Hào về phía Tuyên Quang cùng các đồng chí ở đấy lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền các tỉnh phía tây. Chiều 16 tháng 8, một đơn vị Giải phóng quân tập hợp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về Nam. Các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội đều có mặt dưới cây đa cổ thụ, cạnh ngôi nhà Hội đồng Cứu quốc xã Tân Trào để đưa bộ đội lên đường chiến đấu. Chưa bao giờ Tân Trào lại đón tiếp một đoàn người nhiều màu sắc như vậy. Cùng với màu chàm rừng núi quen thuộc, còn có màu nâu dày dạn của đồng bằng, và những màu sắc tươi sáng của đô thị. Những chiến sĩ Giải phóng quân, quần áo đủ kiểu, mang trên người dấu vết của những cuộc vật lộn 63 ác liệt với quân thù trên các nẻo đường rừng, trên các triền núi đá Việt Bắc, tề tựu nghiêm trang dưới cờ nghe đọc bản Quân lệnh số I1 của Ủy ban khởi nghĩa: “Hỡi quân dân toàn quốc! 12 giờ trưa ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật đã bị tan rã tại khắp các mặt trận. Kẻ thù chúng ta đã ngã gục. Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà! Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Ủy ban khởi nghĩa đã thành lập. 1. Quân lệnh số I của Ủy ban khởi nghĩa do anh Trần Huy Liệu khởi thảo. 64 Hỡi các tướng sĩ và đội viên Quân Giải phóng Việt Nam! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch; đánh chẹn các đường rút lui của chúng, tước võ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực, các bạn hãy kiên quyết tiến! Hỡi nhân dân toàn quốc! Dưới mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo Quân Giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn! 65 Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta! Ngày 13 tháng 8 năm 1945, 11 giờ đêm ỦY BAN KHỞI NGHĨA”1 Trong lòng chúng tôi khi đó rạo rực lạ thường. Trước mắt chúng tôi là lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ hào quang, xa xa là nền trời xanh cao lồng lộng, tươi sáng vô cùng của nước Việt Nam giải phóng. Đoàn quân Giải phóng, áo vải chân đất, rầm rập tiến về phía nam trước những bàn tay vẫy chào chúc mừng thắng lợi, cất cao lời ca hùng tráng. Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến! 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr.421-422. 66 Trời phương Nam, dân chúng đang ngóng chờ... Tại Tân Trào, lần đầu từ khi về, Bác ra mắt các đại biểu đồng bào Trung, Nam, Bắc. Quốc dân Đại hội đã lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc, chuẩn bị khi cần có thể trở thành Chính phủ nhân dân lâm thời. 67 TRƯỜNG QUÂN CHÍNH KHÁNG NHẬT Đại tướng HOÀNG VĂN THÁI ... Tôi được anh Văn đi họp Hội nghị quân sự Bắc Kỳ về phổ biến những vấn đề cốt lõi sâu sắc nhất và được nghe phân tích về phương châm tác chiến, chiến thuật của Quân Giải phóng và các lực lượng vũ trang địa phương như thế nào; cách mạng vận dụng vào hoàn cảnh hiện tại, nơi chúng tôi đang đảm nhiệm... Chúng tôi đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn, huy động nhân dân cả hai huyện 68 Chợ Đồn, Chợ Chu để biểu dương sự thống nhất và lớn mạnh của lực lượng vũ trang là Việt Nam Giải phóng quân và kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5; động viên quần chúng tham gia Tổng khởi nghĩa. ..... Hơn năm nghìn người tập trung trên sân vận động của Chợ Chu (huyện lỵ Định Hóa) dưới những lá cờ đỏ thắm và những khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Ủng hộ Việt Nam Giải phóng quân!”, “Đả đảo phát xít Nhật!”, “Tinh thần ngày Quốc tế Lao động muôn năm!”... Ít ngày sau, Bác về Tân Trào. Lúc đó tôi vẫn ở lại xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang ở hai huyện Chợ Đồn và Định Hóa. Sau khi hất cẳng Pháp, phát xít Nhật đã cho nhiều toán quân tuần tiễu do thám, từ 69 các tỉnh lỵ đột nhập vào vùng Giải phóng quân của ta. Chúng đã bị chặn đánh ở Phủ Truông (Bắc Kạn), Tĩnh Túc (Cao Bằng), Văn Lãng, Đèo Khế (Thái Nguyên)... và chúng đã tiến vào Chợ Chu với ý đồ lập bộ máy tay sai. Chúng tôi đã cùng Ủy ban cách mạng địa phương chỉ đạo, tổ chức thêm nhiều đội tự vệ chiến đấu và nhân dân canh gác bảo vệ vùng mới giải phóng. Nơi nào có quân Nhật tới thì thực hiện “vườn không nhà trống” tổ chức đánh tiêu hao và gây rối chúng. Nhật vào chiếm đóng Chợ Chu, nhân dân hầu hết đã sơ tán làm “vườn không nhà trống”. Chúng tôi bố trí đánh phục kích trên đường hành quân, bao vây bắn tỉa ở khu phố chợ. Nhiều lần quân Nhật vừa hành quân ra khỏi Chợ Chu là trống mõ đã rầm rầm chuyển đi toàn huyện và chúng bị tự vệ chiến đấu 70 bắn lén, chỉ sau một tuần lễ chúng đã phải rút quân. Từ hôm phát xít Nhật đến Chợ Chu, chính quyền địa phương đã tỏ ra là một cơ quan chuyên chính có hiệu lực. Tinh thần cảnh giác của nhân dân cao hơn, trị an tốt hơn. Nhất là việc quyên góp ủng hộ Mặt trận Việt Minh và vận động thanh niên tòng quân đã thực hiện có kết quả tốt. Hàng chục tấn thóc, gạo, mười con trâu và rất nhiều gà vịt của nhân dân Định Hóa ủng hộ đã được vận chuyển sang Tân Trào, số người xin gia nhập Quân Giải phóng không tiếp nhận hết. Cuối tháng 5, tôi nhận được chỉ thị bàn giao công việc lại cho địa phương để về ngay Tân Trào nhận công tác khác. Tân Trào, một bản người Tày, có chừng vài chục nóc nhà, là nơi Bác Hồ và cơ quan trung ương ở, là Thủ đô của Khu giải phóng. 71 Về đây, tôi được hiểu rõ hơn: tình hình biến chuyển rất khẩn trương. Phát xít Đức - Ý đã đầu hàng Hồng quân và quân Đồng minh, “trục tam cường” đã vỡ một mảng chủ yếu. Không lâu nữa, chắc chắn Hồng quân sẽ mở mặt trận đánh phát xít Nhật ở châu Á. Và cũng chắc chắn phát xít Nhật không tránh khỏi số phận như bọn phát xít Đức. Nếu như Nhật đầu hàng Đồng minh, sẽ là một thời cơ rất thuận lợi cho phong trào cách mạng Việt Nam. Phải chuẩn bị nắm lấy thời cơ, thực hiện Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Theo chỉ thị của Bác và Nghị quyết của Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, ta đã thành lập được Khu giải phóng và sẽ thành lập Bộ chỉ huy thống nhất. Bác nhấn mạnh việc khẩn trương, mở trường đào tạo cán bộ. Do đó, Trường Quân chính kháng Nhật đã được mở. 72 Tôi được giao nhiệm vụ tham gia vào công việc ở trường này với trách nhiệm là Hiệu trưởng kiêm chính trị viên. Khi bắt tay vào biên soạn bài vở huấn luyện, trên mặt bàn làm việc của tôi chỉ có một tài liệu duy nhất là cuốn: Điều lệ Việt Minh tóm tắt, còn nhiều bài học chính trị quân sự khác, đều dựa vào vốn kiến thức có chừng nào viết ra chừng ấy. Khóa một Trường Quân chính kháng Nhật đã mở cách Tân Trào khoảng hai kilômét. ..... Toàn trường sinh hoạt như một đơn vị chiến đấu. Từ cán bộ đến học viên đều tham gia lao động xây dựng trường sở: tự làm lán, gùi gạo, kiếm rau, nấu cơm... Chương trình học tập: phần cơ bản là giáo dục chính trị, xây dựng tư tưởng, rèn luyện đạo đức, tác phong cách mạng. 73 Bài học đầu tiên là Chương trình Mặt trận Việt Minh, tiếp đến bài Công tác chính trị trong quân đội cách mạng. Học xong được vận dụng ngay vào thực tế sinh hoạt công tác trong trường, như: kinh nghiệm công tác hoạt động quần chúng, điều lệ các đoàn thể cứu quốc, xây dựng Ủy ban cách mạng các cấp và công tác bí mật. Về quân sự: Học tập điều lệ đội ngũ, chiến thuật du kích, đánh mai phục, đánh úp và hành quân, trú quân, v.v.. Sau một thời gian, ngày bế mạc của khóa học đã diễn ra một trận diễn tập tình cờ và lý thú. Bọn thổ phỉ người Hoa xưng hùng xưng bá ở vùng Tam Đảo, thấy thanh thế của Việt Minh rộng lớn, chúng muốn lợi dụng để hành nghề. Chúng cũng tự xưng là quân cách mạng và cử người tới Khu 74 giải phóng liên lạc với ta để bàn kế hoạch đánh Nhật. Nếu được ta nhận lời chúng sẽ cử những thủ lĩnh tới Tân Trào. Cấp trên giao cho chúng tôi xử trí việc này. Chúng tôi thấy, nếu liên hệ với bọn thổ phỉ là tự phá vỡ uy tín của cách mạng, chi bằng nhân thời cơ này, tiêu diệt bọn đầu sỏ của chúng cũng là trừ bớt được một mối họa cho nhân dân. Một mặt, chúng tôi nhận lời tiếp xúc với bọn thủ lĩnh phỉ, mặt khác, bố trí quân mai phục sẵn chờ chúng đến, theo ám hiệu của tôi anh em sẽ xông ra bắt chúng đầu hàng. Kết quả, chúng tôi đã bắt sống ba tên thủ lĩnh và những tên phỉ đi bảo vệ thủ lĩnh. Khóa một Trường Quân chính kháng Nhật vừa kết thúc thì tôi lại được lệnh giao lại công việc của Trường Quân chính 75 cho anh Thanh Phong để ngày mai có thể đi Tuyên Quang. Vì có tin quân ta đã chiếm được Nghĩa Lộ, nhiều huyện thuộc Yên Bái, Tuyên Quang chính quyền cũ đã bỏ chạy, chính quyền cách mạng chưa có, nếu để lâu bọn phỉ dễ nổi lên gây rối. Ta phải nhanh chóng lập ngay chính quyền ở châu Lục Yên, huyện Yên Bình phía tây Tuyên Quang, nối sang Yên Bái... làm cho nó trở thành vùng giải phóng nối liền với Nghĩa Lộ, nơi đã có quân khởi nghĩa. Sau đó chọc qua Đồn Vàng, Thanh Thủy (Phú Thọ) để có thể về Hòa Bình, hoặc qua Thanh Thủy vượt sông Đà là ta đến đất Sơn Tây. Anh Văn cho tôi biết tất cả lực lượng bộ đội phải giành cho hướng chính, còn tôi đi tới đâu phải cùng các đồng chí ở địa phương lập chính quyền, đồng thời cùng 76 tổ chức lực lượng vũ trang ở đó. Phải làm thật khẩn trương. Vì có tin Hồng quân Liên Xô sắp khai chiến với Nhật ở Mãn Châu, quân Đồng minh đã mở mặt trận Thái Bình Dương. Nhất định phát xít Nhật sẽ thất bại rất nhanh. Nhật mà đầu hàng thì chắc chắn quân Đồng minh sẽ vào nước ta. Ta phải nhanh chóng xây dựng thực lực mạnh, để khi quân Đồng minh vào, họ thấy ta đã là một quốc gia thực sự. Nhận nhiệm vụ một mình một hướng, nơi chưa từng quen biết, sẽ có nhiều khó khăn, nhưng tôi rất tin vào tinh thần cách mạng của quần chúng. Khoảng mồng 4, mồng 5 tháng 8 tôi cùng hai chiến sĩ tự vệ người Tày rời khỏi Tân Trào. Chúng tôi đi tắt đường núi qua huyện Chiêm Hóa, qua Hàm Yên... Trên dọc đường đi dù dừng chân lại một nửa 77 ngày, tôi cũng cùng anh em địa phương tổ chức thành lập chính quyền cách mạng, tổ chức ngay một đường dây liên lạc về Tân Trào và tuyển số thanh niên hăng hái để thành lập một đơn vị. Ngày 12 tháng 8 đến Lục Yên, dưới sự chỉ huy của tôi đã có gần đủ một trung đội vũ trang. Từ mấy hôm trước chính quyền cũ của châu Lục Yên đã tan rã. Khi thấy lực lượng vũ trang cách mạng đến huyện lỵ, quần chúng kéo đến mỗi lúc một đông. Chúng tôi tranh thủ làm công tác tuyên truyền giải thích chính sách của Mặt trận Việt Minh. Ngay hôm sau, chúng tôi tổ chức chính quyền xã, lập chính quyền huyện và tổ chức ra một trung đội Quân Giải phóng thuộc huyện. Lập xong chính quyền Lục Yên, tôi đang chuẩn bị tiến về huyện Yên Bình thì nhận 78